🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Nốt Nhạc Trầm
Ebooks
Nhóm Zalo
NHỮNG NỐT NHẠC TRẦM --- ---
Tác giả: Thụy Đỗ
Nhà xuất bản Tuổi Hoa
Loại: Hoa Tím
Nguồn text: Tusachtuoihoa Đóng gói: @nguyenthanh-cuibap
CHƯƠNG 1 N
ắp valise đã đậy rồi me lại mở ra, đôi mắt me tần ngần nhìn vào những chiếc quần áo xếp ngay ngắn. Mấy viên long não bốc mùi thơm dìu dịu, chiếc hộp nhỏ đựng kim chỉ và các đồ vật linh tinh nằmmột góc. Tay me vuốt nhẹ lên lần vải của chiếc áo trên cùng, em thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, nước mắt chỉ muốn trào ra. Me ngồi yên lặng, đầu cúi xuống valise mở rộng như muốn thu hết những hình ảnh vào lòng me. Em nói nhỏ giọng nghẹn lại :
- Thôi me.
Me thở dài khe khẽ ngước mắt nhìn em, mắt me sao buồn thế, như có cả một biển nước mắt long lanh sâu thẳm. Em gần muốn khóc khi nhìn thấy khuôn mặt me. Thôi me. Thôi me. Nắp valise được đậy lại, me kéo hai cái chiếc fermeture sát vào nhau bảo em :
- Khánh, con đưa khóa đây me khóa lại cho.
Em đưa cho me ổ khóa bé tí cùng với chiếc chìa mầu bạc xinh xắn. Me vặn khóa thật êm, khi trao lại cho em chiếc chìa khóa me giữ lấy tay em, giọng me thương xót :
- Con nhớ giữ cho cẩn thận nhé, bỏ vào ví nhỏ ấy, không biết còn quên cái gì nữa không. Me lo quá, lên trên ấy nhỡ thiếu thốn gì thì sao đây.
Me làm như em sắp đi vào một hoang đảo nào không bằng. Thiếu gì nữa, mấy hôm nay me lo sửa soạn hành lý cho em từng li từng tí. Từ lọ dầu nóng đến mẩu bông gòn, từ cây kim sợi chỉ, từ viên thuốc nhức răng, từ ống pommade trị phỏng. Me biết em mỗi lần làm bếp thế nào cũng bị phỏng, không có ống pommade không xong. Tính em vụng về, xa em me lo lắm. Thôi thế là hết, từ nay không ai làm bếp cho me nữa, dù làm làm bếp thì cơm khê, canh mặn, cá cháy. Mắt em cay khi nghĩ đến những ngày sắp tới sẽ không còn vòi vĩnh nữa. Rồi me ở một mình làm sao, em Vũ nhỏ giúp gì được me. Em bặm môi rưng rưng nước mắt :
- Me.
Me nhìn em, giọng me ngọt dịu :
- Gì thế Khánh ?
Em cúi gầm mặt xuống đấy, nghẹn ngào :
- Thôi con không đi nữa đâu me, nhớ me lắm.
Me cười nhẹ, nụ cười hiền dịu mà buồn tênh, me nói khẽ :
- Sao con lại nghĩ thế, lên trên ấy với bác con được đi học không thích sao. Ở đây với me làm gì, me muốn cho con học nên người. Bác thương nên mới gọi con lên, trên ấy có anh Khải, anh Hoàng, chị Hân dạy con học, buồn gì.
- Con không đi đâu, con muốn ở lại với me cơ.
Giọng me nghiêm lại, nửa thương xót, nửa nhẫn nhục :
- Khánh, con đừng cãi me. Để con đi me không xót hay sao – giọng me nghẹn lại – nhà có ba me con … Khánh, me không đủ sức nuôi con học me tủi lắm. Con rán đi, lên trên ấy con chịu khó ngoan ngoãn cho vừa lòng bác. Me muốn con được lên bậc Đại Học, ở đây với me thiếu thốn, me không đành lòng.
Thiếu thốn, me, thiếu thốn gì bằng thiếu me hở me, con sắp sửa thiếu một tình thương đã ấp ủ con mười sáu năm nồng nàn yêu dấu. Bỗng nhiên con bị rứt ra khỏi đôi cánh tay me, rứt ra khỏi cái tổ ấm nhỏ bé đơn sơ này làm sao không nhớ. Nước mắt em trào ra :
- Me, con chịu thiếu thốn, con ở với me.
- Khánh, nghe me nói, rồi con sẽ quen, ở với me con sẽ không bao giờ được học cao bằng người, con sẽ tiếp tục đời sống nghèo nàn như me bây giờ. Trí óc của con sẽ hẹp hòi, kiến thức của con sẽ nhỏ bé. Con không ngoi lên nổi giữa xã hội nếu con khư khư giữ ý định đó. Can đảm lên đi Khánh của me. Me ước thấy con một ngày thành công rực rỡ trở về với me. Me không ước thấy con nhỏ bé, thấp hèn mãi trong tay me. Không ai ở với bố mẹ hoài bao giờ. Khánh, nghe me đi, tương lai của con sẽ sáng sủa. Đừng ở với me, tăm tối lắm.
- Con không muốn xa me.
Me thở dài, dịu dàng :
- Thế con không muốn me sung sướng hay sao, con đi học, mỗi năm sẽ về thăm me. Vài năm nữa con học xong, con có thể về cạnh me mãi mãi. Me muốn thấy đời sống con được bảo đảm. Khánh, đừng làm me buồn.
Em nhìn me, mắt me cũng rướm nước mắt, khuôn mặt me đắm chìm trong vẻ buồn xa xăm. Con phải can đảm hở me, can đảm để có một tương lai tươi sáng cho me vui phải không me. Em gượng cười, môi còn mặn nước mắt :
- Me, con hiểu rồi, con không khóc đâu.
Nhưng thực sự thì nước mắt đã chảy dòng trên đôi má em. Me quàng lấy thân hình em vỗ về : - Me biết, Khánh …
Em cắn môi, giọng sũng nước mắt :
- Em Vũ còn ngủ hở me ?
- Ừ, em còn ngủ, gần đến giờ con đi chưa ?
- Con không biết, me.
Me nói nhẹ nhàng :
- Chắc cũng sắp, để me xem đồng hồ.
- Sáu giờ kém mười lăm. Me kêu lên.
- Khánh, thôi xách valise đi thôi, muộn rồi con.
Em tần ngần đứng bên giường nhìn Vũ ngủ say, mắt em khép kín, có hai hàng mi cong thật đẹp, đẹp hơn mắt con gái. Vũ ngủ bình thản. Em nghẹn ngào nghĩ đến lát nữa đây khi thức giấc Vũ sẽ gọi chị Khánh ầm ĩ lên, chị xa Vũ rồi Vũ ơi. Căn nhà bé nhỏ thân yêu quá, một bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường cho ba mẹ con. Một góc là bếp, phòng khách ngăn đôi bằng một tấm màn kẻ hoa tím. Nước mắt em lại ứa ra khi nghĩ một chút nữa thôi là em đã rời bỏ nơi này, bỏ me, bỏ Vũ thui thủi hiu quạnh. Chưa đi mà đã nhớ đã thương
quá me ơi.
Me đến gần em nhỏ nhẹ bảo :
- Đi thôi Khánh.
Em cúi xuống hôn lên má Vũ một cái hôn nhẹ rồi theo me ra ngoài. Me xách valise, em cầm hai chai mật ong để biếu bác. Một chiếc cyclo chạy qua, me vẫy. Người phu ngừng lại trước cửa, me trả giá rồi đặt valise vào xe, bảo em :
- Lên đi Khánh.
Em ngập ngừng nhìn me rồi leo lên xe, chiếc xe rộng quá đối với thân hình nhỏ nhắn của em. Me đứng đó yên lặng trong vẻ mờ mờ của buổi sáng. Em nhìn me thốt kêu lên nghẹn ngào : - Me.
Me nghiêng người vào lòng xe nắm chặt lấy tay em. Bàn tay me lạnh giá, đôi mắt me sâu thẳm. Me. Em gọi một lần nữa và bật khóc thút thít. Qua làn nước mắt em thấy khuôn mặt me tái xanh, đau đớn, me thốt lên bằng giọng hoảng hốt :
- Khánh, me đi với con.
Người phu xích lô sửa soạn đẩy chiếc xe ra đường bỗng ngừng lại, giọng ngạc nhiên : - Ủa, bà cũng đi nữa hả, thì lên nhanh đi.
Me đứng sững, em thấy vẻ tuyệt vọng trong đôi mắt me. Me nửa như muốn bước tới, nửa đứng chôn chân một chỗ. Em lắc đầu cắn môi nói bằng vẻ xúc động :
- Me, thôi me, đừng đưa con đi. Me ở nhà lo cho em Vũ.
Người phu xích lô hỏi lại :
- Bà có đi không ?
Me từ từ lắc đầu, trông me tội nghiệp quá. Người phu đẩy chiếc xe hướng ra đường, em quay đầu nhìn me kêu lên :
- Me, con đi.
- Khánh.
Em nghe tiếng kêu của me như một tiếng vọng thê thảm. Giọng me tắt nghẹn. Em giấu mặt trong những ngón tay để mặc nước mắt tha hồ tuôn chảy. Nhịp bánh xe lăn đều trên đường. Tiếng chuông kêu loong coong khua động sự yên tĩnh của buổi sáng. Chiếc valise lắc lư dưới chân em, em nghe trong nỗi nhớ rất thầm cái se thắt ngấm ngầm đau đớn.
° ° °
Chuyến bay Ban Mê Thuột – Đà Lạt cất cánh lúc bảy giờ rưỡi, sớm hơn giờ ghi mười phút. Em tựa vào ghế, lắng nghe tiếng động ì ầm nổ, thân hình chao đi chao lại trong lòng ghế, em thấy choáng váng. Máy bay đang chạy trên phi đạo, một chút nữa thôi là nó sẽ tung lên không, mang theo em rời xa miền đất đỏ. Em nhắm mắt tưởng tượng đến me giờ này chắc đã sửa soạn đi làm, em Vũ đang hỏi me chị Khánh đâu. Nước mắt em lại muốn chảy ra, me ơi, nhớ quá me ơi.Người thiếu phụ trẻ ngồi cạnh em kẽ chạm nhẹ vào tay, em mở mắt. Người nữ tiếp viên hàng không tay bưng khay kẹo lẫn bông gòn nhìn em chờ đợi. Em ngơ ngác nhìn, cô gái nhắc em, mời em lấy đi. Em cầm chiếc kẹo mầu xanh với vẻ bỡ ngỡ. Người thiếu phụ trẻ nói :
- Chắc em chưa đi máy bay lần nào phải không ?
- Dạ.
Thiếu phụ cười mỉm, bà đưa cho em một mẩu gòn :
- Em nhét vào tai đi, đỡ nhức đầu hơn.
- Cám ơn bà.
Người thiếu phụ lại cười, thân ái :
- Tôi quen đi máy bay nhưng nhiều khi cũng mệt lắm. Em ở Đà Lạt ?
- Dạ không, em ở đây.
- Em lên Đà Lạt chơi ?
- Em đi học.
Thiếu phụ gật gật đầu :
- À phải, tôi quên là sắp tựu trường, em học trường nào ?
Em bối rối :
- Dạ, em cũng chưa biết, em chưa đi Đà Lạt lần nào.
Giọng người thiếu phụ đầy vẻ ngạc nhiên :
- Thế là sao ?
Em lúng túng giải thích :
- Em có người bác ở Đà Lạt, gọi em lên học, em chưa biết gì cả.
Người thiếu phụ tỏ vẻ hiểu, bà nói :
- Thế à ? Không ai đưa em đi hay sao ?
Câu hỏi làm em nhớ đến me, em bậm môi nhịn một giọt nước mắt chực rơi xuống, lắc đầu. Người thiếu phụ vô tình hỏi tiếp :
- Sao em không học ở đây với ba má, em bao nhiêu tuổi rồi ?
Em quay mặt ra khung cửa kính nghẹn ngào đáp :
- Em mười sáu.
Tiếng động cơ nổ lớn mà em lại nói nhỏ nên người thiếu phụ nghe không rõ, bà nghiêng người qua hỏi lại :
- Em nói gì cơ ?
- Dạ, em nói em mười sáu tuổi.
- Mười sáu, em có vẻ như mới mười bốn hay mười lăm là cùng.
Em không trả lời người thiếu phụ, đầu em nhức bưng lên, em ôm lấy mặt. Người thiếu phụ nói bên tai em :
- Em mệt phải không, em nên ngủ một chút.
- Dạ, cám ơn bà.
Em nhắm mắt thật chặt, có những đốm sáng mờ nhẩy múa trong đôi mắt. Máy bay nhồi lên nhồi xuống làm ruột gan em nhiều lúc tưởng chừng dâng lên tận mồm, cảm giác trống rỗng chơi vơi thật khó chịu, emcắn chặt đôi môi giữa hai hàm răng đến tê dại. Tiếng động ù ù làm em thấy tai lùng bùng, cả người mệt như qua một cơn sốt. Con người ta là những cánh chim, nay ở nơi này mai ở nơi khác. Chỉ có nửa giờ bay mà
xa cách trùng trùng. Giờ này chắc me cũng se thắt cả lòng nghĩ đến đứa con yêu. Nước mắt em ứa ra bên khóe, thương ơi là thương thành phố em đã bỏ đi. Thành phố có những con đường nhỏ bụi mù, có những khóm hoa quỳ vàng mướt. Thành phố xanh ngát lá cây; thành phố có con đường dẫn đến ngôi trường đầy hoa muồng vàng, thành phố của những cây sầu đau, soan, thành phố của hoa gạo đỏ, của bông gòn bay trắng xóa trời mùa gió. Thành phố có ấp ủ ngôi nhà bé nhỏ của ba mẹ con em. Ngôi nhà gỗ vách ván mái tôn, mùa Đông lạnh buốt, mùa hạ nóng thiêu. Ngôi nhà nghèo nàn với mảnh sân con lấm tấm cỏ dại với hoa móng tay tím hồng với những bụi tử la lan thơm ngát, với cây đào lông tội nghiệp gầy guộc vì đất khô cằn. Ngôi nhà với ba mẹ con lúc nhúc bên nhau, với me ngày hai buổi đi làm công sở lương thánh ít oi, với emVũ như con sơn ca vui múa, với em loay hoay trong bếp nhỏ, chật vật kho cá nấu canh. Với những nụ cười, với dòng nước mắt. Thôi thế từ nay là cái tổ ấm đã mất đi một con chim nhỏ. Con chim chưa đủ lông đủ cánh đã rời đôi cánh mẹ. Và mưa, và gió, và những gì của ngày mai còn mù mờ xa lạ.
Em hình dung lại con đường mờ sương buổi sáng dẫn ra phi trường. Những dây hoa leo tim tím mọc trên hàng kẽm gai của phi trường L19 rầu rầu nở giữa đám lá xanh, những dây hoa kẽm gai như em thường gọi. Và những vườn cao su xanh ngát, những đám cỏ dại mọc cao, những thân muồng thẳng đứng, những bụi quỳ san sát hoa vàng. Hoa dại nghiêng ngả trên bờ cỏ, xe qua chùa Dược sư, qua hai vườn cây xanh đường cây số năm, qua trường Nông Lâm Súc, qua vườn ương cây, qua làng Hòa Bình. Em đã ứa nước mắt khi nhìn thấy tấm bảng « Ban Mê Thuột tiễn chào quý khách » dựng bên đường. Em khóc thầm, tường chừng như đang làm một chuyến đi vĩnh viễn. Ban Mê Thuột tiễn chào quý khách. Nhưng em có phải là quý khách đâu. Em chỉ là một cô gái nhỏ bị bứt khỏi đôi cánh tay người mẹ, bị đẩy ra khỏi thành phố thân yêu, lòng em nào đâu muốn thế. Trái tim nhỏ của em run rẩy lên tiếng phản đối. Xe ca đi nhanh, vụt cái rồi tấm bảng biến mất nhưng lòng em đã tựa như có một mũi gai đau nhói đâm vào. Rồi qua, rồi xa, nửa giờ ngồi đợi ở phòng đợi của phi trường Phụng Dực màu đỏ thắm, nhìn người ta tiễn nhau, nhìn người ta cười nói bên nhau, nhìn những cô gái cùng tuổi cười tươi với chuyến du lịch sắp đến, em tưởng như lòng em vỡ nát ra được. Hết những buổi trưa ngồi chờ mẹ về bên bữa ăn thanh đạm. Hết những buổi chiều ôm cặp lững thững về trên con đường rậm bóng cây. Hết những buổi tối hai chị em ngồi nghe mẹ kể chuyện, nhìn mẹ mạng lại chiếc áo sờn, xếp lại mớ đồ cũ. Rồi lăn vào lòng me tranh với em Vũ câu con thương me hơn, me ơi. Biết có là sung sướng hay không cho những ngày sắp đến, me đã muốn thế, Khánh của me phải làm thế. Nhưng ăn cơm không có me, đi ngủ không có me, sáng thức giấc một mình, ai âu yếm, ai săn sóc bằng me đây. Và anh Khải, anh Hoàng, chị Hân, những cái tên hãy con xa lạ ở đầu môi thì tấm lòng còn xa bao nhiêu hở me ?
Có một vật gì được dúi vào lòng em, em giật mình mở choàng mắt, hạt lệ đọng ở mi tự do lăn xuống má. Tiếng người thiếu phụ trẻ nói dịu dàng :
- Thức ăn điểm tâm, em ăn đi.
Mẩu sandwich nằm gọn trong hộp giấy, thêm một trái chuối nữa. Em tần ngần nhìn, người thiếu phụ nói :
- Em ăn đi, buổi ăn sáng của máy bay đó.
Tay em chạm vào lớp bánh nguội, em nhớ đến bát cháo hoa bốc khói me nấu buổi sáng. Em ưa ăn cháo với muối, Vũ ưa ăn cháo với đường. Nhà ít tiền, sáng sáng me cho ăn cháo hay ăn cơm rang lại buổi tối.
Quà sáng phải mua là điều khổ cho me, tiền bạc xuống giá, mười đồng ăn sáng không thấm thía gì với hai cái dạ dầy đang tuổi ăn của em và Vũ. Nhiều hơn thì me lo không nổi, thôi ăn cháo cho xong. Em cũng ăn được cháo hòa với đường nhưng ít khi em ăn, để cho Vũ, ăn với muối cũng ngon. Đường bây giờ lên giá vùn vụt, em ăn một bát tốn một bát. Để hộp đường cho mình Vũ ăn đủ tháng. Vũ nhỏ cần ăn nhiều cho mau lớn hơn em. Em lớn rồi còn gì, con gái ăn nhiều mập xấu. Me thường kêu em gầy quá, mảnh như sậy. Embảo thế giống me, đẹp. Em nheo mắt cười khi nhấn mạnh chữ đẹp. Me đẹp lắm, dịu dàng ẻo lả như hoa cúc (em ưa cúc lắm). Em chưa thấy ai đẹp như me. Mẹ của lũ bạn em chả bà nào đẹp bằng, bà mập như thùng tô-nô, bà cao lớn như đàn ông, bà nào đẹp lắm thì trông thường thường thôi, chả bà nào đẹp bằng me emhết. Tóc me dài, tối ngủ xõa đầy gối, em kêu tóc me liêu trai ác, me cười, mắt me sâu thăm thẳm lúc nào cũng long lanh nước. Mắt thế khổ lắm, em vẫn nghe me bảo thế.
Người thiếu phụ hỏi bằng giọng ái ngại :
- Sao em không ăn, em nhớ nhà hả, nín đi nào, có gì mà khóc.
Em ngẩng nhìn bà, ở người thiếu phụ này giọng nói miền Nam thật dễ yêu khác hẳn với những giọng Nam mà em đã nghe. Ban Mê Thuột là thành phố của dân tứ xứ, em được nghe giọng nhiều miền ở đó, Nam, Trung, Huế, Quảng … Với em, chỉ có giọng miền Bắc là nhất nhưng bây giờ em phải chịu là em có thành kiến sai. Người thiếu phụ cạnh em có giọng Nam rất dễ thương, tiếng nói trong trẻo, non nớt như giọng trẻ con. Nếu đừng nhìn mặt bà có lẽ em nghĩ là cũng bằng tuổi em là cùng. Em ngượng ngùng đưa tay lên chùi mắt khi nghe câu hỏi, đầu lắc nhẹ :
- Em đi xa lần đầu hay sao ?
- Dạ.
- Em nhớ nhà ?
Em chớp chớ mắt, những hạt lệ nóng lại muốn trào ra khỏi viền mi.
- Dạ.
Người thiếu phụ yên lặng nhìn em, ánh mắt thương hại rõ rệt. Em cúi gầm đầu xuống nhìn hai bàn tay mình. Hai bàn tay nhỏ với những ngón thuôn dài trên vạt áo xanh. Máy bay lắc một cái thật mạnh làm chao người hẳn lại, hộp bánh rơi xuống sàn. Em lúng túng với chiếc thắt lưng buộc bụng sát vào ghế không cúi xuống được, người thiếu phụ cúi xuống nhặt giùm em, em ngửi thấy mùi phấn và nước hoa ngọt dịu phảng phất khi bà nghiêng sát về em. Em nhận lấy hộp bánh lý nhí cám ơn, người thiếu phụ cười mỉm :
- Sao em không ăn ?
- Dạ, em không đói.
Yên lặng một chút, em bỗng thấy muốn nói chuyện, em hỏi bằng giọng rụt rè :
- Chắc bà ở Đà Lạt ?
- Không, nhưng có một người con gái nội trú ở đó.
- Bà đi nhiều nơi lắm phải không bà ?
Một nụ cười làm tươi sáng khuôn mặt người thiếu phụ, bà nói hồn nhiên :
- Không nhiều gì, chỉ loanh quanh thăm mấy người quen, tôi có chị ở Ban Mê Thuột. Bà Q. ở đường Huyền Trân Công Chúa, em biết chớ ?
- Dạ không, em biết ít lắm.
- Chị Q. tôi theo chồng lên đó đã năm sáu năm rồi, tội nghiệp chị ở cái thành phố gì mà vắng hiu vắng ngắt. Tôi ở mấy bữa phát buồn. Không hiểu sao chị ấy chịu được.
Thế còn những người ở thành phố ấy cả đời thì sao. Em cười một nụ cười buồn bã, ở bất cứ nơi nào, cái đẹp còn ở lòng người và tình người. Như em, em muốn suốt đời ở thành phố hiu quạnh với mẹ, nhưng chả bao giờ được, cuôc đời có quá nhiều khúc rẽ.
- Bà ở đâu ạ ?
- Sài Gòn. Em đã về Sài Gòn lần nào chưa ?
- Dạ chưa, em có nghe nói.
- Tôi ở Sài Gòn, con gái tôi thích Đà Lạt, tôi chịu, khí hậu lạnh của Đà Lạt không thích hợp với tôi. - Bà đi thăm con gái trước khi về Sài Gòn phải không ạ ?
- Tôi vẫn đi hoài em ạ, mỗi tháng một lần. Tháng này Đà Lạt bắt đầu lạnh rồi. Em có mang theo áo len ?
Em nghĩ đến chiếc áo len màu đỏ sậm me đan từ năm kia đã ngắn. Đó cũng may là em không lớn bao nhiêu nên còn tạm mặc được. Giọng em buồn thiu :
- Dạ có, em có một chiếc áo len.
- Sao em không lấy ra mặc. Lên đến Đà Lạt lạnh lắm, không như Ban Mê Thuột đâu. Một cái áo len thấm gì, tôi phải quấn khăn, mang găng tay, khoác manteau ngoài mà vẫn lạnh đó. Em cắn môi nghe thiếu phụ vô tình nói. Trời ơi, bao nhiêu thứ ấy làm sao em có được. Chiếc áo len cũ hai năm chưa thay được chiếc mới. Manteau, găng tay, khăn quàng ấm là những thứ vô cùng xa xỉ với em. Em cố nhịn nỗi nghẹn ngào dâng lên. Nhưng đã trót là con gái nhà nghèo, hãy cam chịu những gì mình có đi, Khánh ạ. Cái sưởi ấm em nhất là đôi cánh tay me em đã xa rồi, còn có gì để làm ấm áp được tấm lòng thơ nhỏ.
Mây trắng nõn bay thênh thang ngoài cửa kính, những đám mây mịn trắng xóa như bông gòn. Em tưởng tượng đến vẻ mát dịu, mềm mại của mây khi được hốt, được ôm mây vào lòng. Mây bay cuồn cuộn nổi vân nổi sóng đẹp tuyệt vời. Em nghĩ đến lúc mình bước ra ngoài máy bay dẫm chân lên đám mây trắng tuyệt vời đó. Chắc chân mình sẽ dẫm thủng mây và rơi ngay xuống đất, tan xác là cái chắc. Mây mềm mại dịu dàng thế kia thân xác nặng nề của em làm gì chịu nổi. Chỉ có những nàng tiên áo trắng có đôi cánh bay lượn la đà khắp nơi mới ngự trị được thôi.
Em chớp mắt thở dài, mơ ước vẫn là mơ ước thôi. Nếu em hốt được một đám mây về may áo nhỉ. Áo mây tinh khiết, áo mây kiêu sa, đẹp quá thôi là màu mây của trời cao.
Em quay sang người thiếu phụ bên cạnh, bà mang một đôi kính xanh nhạt lên mắt tựa vào ghế nghĩ ngợi. Hai bàn tay ôm nhẹ quyển sách có móng màu hồng phớt. Nhìn nghiêng bà có vẻ đẹp của những tượng điêu khắc, thanh và nổi rõ khác hẳn vẻ đẹp tròn và thuần hậu của những người đàn bà miền Nam khác emđã nhìn thấy. Em nghĩ thầm, con gái bà chắc cũng phải đẹp lắm. Nhìn vẻ kiêu sa quý phái của bà em se sẽ thở dài. Me chẳng bao giờ có được chiếc áo dài đẹp như thế kia. Me chẳng bao giờ được nhàn nhã du lịch từ xứ này sang xứ khác thăm các con me. Cuộc đời me nhỏ bé thu hẹp với việc làm của người công chức ở sở, với ngày hai bữa cơm, lo âu, suy nghĩ cho ngày mai. Hết đi làm lại lo dọn dẹp nhà, bàn tay me mấy khi rỗi rảnh đê tô màu hồng màu đỏ. Mùi hương phấn nhẹ thoảng từ người thiếu phụ làm em nhớ hương tóc me,
người me thơm thơm mỗi tối em nằm cạnh me. Em lại muốn bật khóc, sao em hay khóc quá đỗi, me bảo khóc nhiều khổ, nhưng nếu trời đã sinh thế thì người khổ phải khóc. Nếu không khổ người ta đã không có tính hay khóc. Me bảo co ngái me chả giống gì me, toàn giống bố, chỉ có đôi mắt là của em. Giống gì chả giống lại giống đôi mắt, đôi mắt long lanh nước lúc nào cũng như sắp khóc. Mắt khổ quá đi con me ạ.
Máy bay tiếp tục bay, chao lắc dữ dội. Nửa giờ sao lâu quá là lâu. Em lại nhìn ra cửa kính, những cụmmây trắng nõn đã được thay thế bằng nền trời xám đục, dầy đặc mịt mờ. Trời hết đẹp. Mưa giăng những hạt nhỏ trên mặt kính. Mưa không rơi theo chiều thẳng đứng mà lại rơi theo chiều nghiêng, gần như nằm ngang theo chiều lướt của máy bay. Những sợi mưa dài đứt đoạn trên mặt kính tròn nối nhau xuất hiện và biến mất đều đều. Em cảm thấy lạnh, thời tiết của Đà Lạt đã chớm thoáng đâu đây.
Người thiếu phụ ngồi thẳng dậy tự lúc nào, bà mở kính khỏi mắt lo âu nhìn ra ngoài trời xám ngắt. Bà xem đồng hồ tay, lắc đầu :
- Gần một tiếng rồi, thời tiết này máy bay khó mà đáp xuống phi trường được.
Thảo nào mà em thấy lâu thế, nửa giờ qua đã lâu. Em hỏi bằng giọng lo âu :
- Sao máy bay lâu đến thế hở bà ?
Người thiếu phụ lắc đầu nhẹ nhàng đáp :
- Chắc có sương mù phi cơ không xuống được. Phi trường Đà Lạt hay gặp phải nạn này lắm. - Rồi làm sao bây giờ hở bà ?
- Thì bay quầng trên trời chờ đáp xuống, có khi sương mù nhiều quá phải trở về nơi khởi hành hay đáp xuống một phi trường khác.
- Bà biết nhiều quá, chắc bà gặp trường hợp này nhiều lần ?
Người thiếu phụ bình thản trả lời :
- Không, tôi chỉ bị một lần thôi, đó là trường hợp rủi ro lắm mới bị. Em đừng lo. - Em không lo, em còn muốn máy bay phải quay về nữa.
Đôi mắt người thiếu phụ mở to kinh ngạc :
- Em điên à ?
Em muốn nói rằng em không điên, nhưng bây giờ máy bay không xuống được phải quay về, để em xách valise trở lại ngôi nhà nhỏ, ngó em Vũ cười, thay quần áo lúi húi thổi cơm trưa chờ me về, khóc với me, cười với me một lần, sung sướng biết bao. Rồi mai em đi, rồi mốt em đi, hôm nào em đi cũng được, ôi chao, em câu cho sương mù thật nhiều ngăn đường để em còn một lần nữa về ủ trong đôi tay me. Máy bay lắc mạnh một cái rồi hạ thấp đột ngột, em bưng lấy mồm, ruột gan em muốn vọt ra ngoài. Em cố nuốt nước bọt, cổ em khô, bụng em rỗng, nôn nao khó chịu. Người thiếu phụ bên cạnh hơi nhăn mặt nói khẽ :
- Trời này thì lại bị nhồi đến mệt đừ, biết giờ nào mới hạ được cánh, chọn nhầm chuyến bay xui quá. Mưa vẫn giăng từng sợi mỏng ngoài khung cửa, máy bay nghiêng ngả, nhồi lắc như con tàu giữa bão tố. Em vịn tay vào thành ghế ngả hẳn người ra phía sau thôi nhìn trời. Cảm giác ớn lạnh lan tràn khắp thân thể, em rùng mình liên tiếp mấy cái. Người thiếu phụ nói :
- Em lấy áo len mặc đi, đến Đà Lạt rồi, trời lạnh lắm đó. Chắc lát nữa nắng lên máy bay mới đáp xuống được.
- Vâng, cám ơn bà.
Valise đã khóa, em khó lòng lấy áo len ra, mỗi lúc em càng thấy lạnh. Đầu em choáng váng, mắt hoa, em cắn răng để khỏi thốt ra những tiếng kêu. Chuyến bay mới quái ác làm sao. Em nghe một chút nước chua ý trong mồm khó chịu. Rùng mình, em gắng nuốt trở lại dạ dày, cổ em khô đắng. Em luồn hai tay vào mái tóc áp sau tai lấy một chút hơi ấm, da mặt em cứng lại. Tiếng động ì ầm của máy bay mỗi lúc một làmem mệt thêm, em có cảm tưởng tất cả các mấu xương đều lỏng lẻo, gẫy vụn, người em nhũn ra, lả đi. Mắt nhắm kín, em bị quay trong cơn lốc sảng sốt, có tiếng người thiếu phụ mơ hồ bên tai em :
- Lát nữa có ai đón em không ?
Em không đủ sức trả lời nữa, vẫn nhắm mắt em lắc đầu yếu ớt. Một hạt nước mắt nóng ứa ra từ cuối khóe mi chầm chậm lăn. Me, đó, cơn bão thứ nhất đón bước chân con rồi đó me, me biết không, me biết con đang quay trong kinh sợ không. Trời lạnh, trời lạnh, em cắm chặt môi. Nỗi tủi thân làm trái tim em se thắt lại. Máy bay vẫn lượn trên trời mù sương thành phố Đà Lạt chìm khuất ở dưới đôi cánh, lạnh lẽo. Emmuốn kêu lên, kêu lên bất cứ điều gì thật lớn.
CHƯƠNG 2 T
rời mù mù sương ngoài khung cửa kính, có lẽ còn sớm lắm. Em đứng nhìn ra ngoài, hơi lạnh se sắt buốt trên da thịt. Không mấy khi tay chân em ấm áp, lúc nào nó cũng giá băng như phiến nước đá. Đêm ngủ, lỡ chạm phải chân chị Hân là thế nào chị cũng hét lên, thức giấc. Tay áp lên mặt, lạnh lẽo như tay vừa lấy trong frigidaire ra, em hà hơi vào lòng bàn tay cho ấm. Nhưng cũng chỉ một tí thôi rồi hơi ấmtan đi, vẻ lạnh lẽo lại còn nguyên, tê cứng. Em có thể ngủ muộn hơn nữa, bảy giờ, tám giờ, chín giờ tùy ý , ở Đà Lạt không ai muốn thức giấc sớm làm gì, nhà lại có người làm. Nhưng em có thói quen dậy sớm từ lâu, dậy không làm gì cũng dậy. Buổi sáng yên lặng, quạnh hiu lạ lùng. Chị Hân vẫn còn ngủ say, ít khi chị
thức giấc trước bảy giờ rưỡi. Giấc sáng là giấc ngon và dễ chịu nhất của một đêm dài. Sương mù bao phủ cả hàng cây xanh chạy vòng quanh con đường trước hồ. Mặt hồ trắng lạnh lẽo tưởng chừng như là một khối mù sương đặc. Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đây em đã thấy cái đẹp thầmlặng, quạnh hiu của miền cao nguyên. Cái đẹp đều đặn, lạnh lùng của cây xanh của sương trắng. Ngôi nhà của bác Khanh nằm trên một con dốc song song với đường viền quanh hồ Xuân Hương. Nhà xa thành phố, yên tĩnh. Em biết lý do tại sao bác Khanh gọi em lên học. Người cha quá cố của em là đứa em bác yêu quý nhất, và em, em giống ba. Với nữa, bác cũng ít con, anh Khải anh Hoàng đã lớn, chị Hân là con gái út, chị thèm có một cô em để sống chung cho vui. Nhà có mỗi mình chị là con gái, chị hay than buồn chết được. Cả nhà đều yêu chị Hân, gọi chị là công chúa. Ngọc Hân Công Chúa. Mà chị Hân cũng đẹp thật, xứng làmcông chúa lắm. Má chị trời lạnh thế nào cũng vẫn hồng, môi nhỏ, mũi thẳng, viền mắt nâu to lóng lánh. Ngày em đến chị vui mừng ríu rít. Anh Khải bảo thế là từ nay công chúa có bạn rồi nhé. Em cười, nói emlàm tỳ nữ cho công chúa Ngọc Hân, chị la lên bảo em nói bậy, chị là công chúa chị thì em là công chúa em. Rồi chị chu môi bảo mà thôi chả thèm làm công chúa làm gì, chỉ tổ cho các anh trêu ghẹo. Em ở chung phòng với chị Hân, chị là con gái mà có nhiều nét con trai ghê đi, chị có nhiều nghệ sĩ tính nữa chứ. Phòng chị, tủ sách, băng nhạc, đàn, thi ca xếp tùm lum. Cái gì chị Hân cũng thích, chị học đàn, học hát, làm thơ, viết văn, vẽ. Chị biết đánh cờ tướng với anh Hoàng, biết ngâm thơ với anh Khải. Chị không từ môn thể thao nào của hai ông anh, quần vợt, vũ cầu, thậm chí đá banh chị cũng đòi tham dự nốt. Hai bác Khanh đều dễ chịu, thương con cái. Đôi khi hòa mình vào nếp sống hạnh phúc ấy em không khỏi ngậm ngùi nhớ đến me. Bữa ăn nhà bác đầy đủ món ngon, em nhớ hình ảnh em vất vả với cái bếp nhỏ, món cá kho thường bị khét, món canh rau ăn với cà muối chua nhạt nhẽo vụng về. Nuốt miếng cơm, nhiều lần em nghẹn ngào muốn khóc. Me cho con đi để con sung sướng. Buổi sáng điểm tâm bằng bánh nướng, bằng trứng, bằng bơ với café em lại nhớ bát cháo hoa với muối bốc khói ngày nào, nỗi nhớ nhung me dâng đầy ắp, em Vũ, có bao giờ em được ăn một thứ gì ngon cho thật vừa lòng đâu.
Em lấy khăn len quấn quanh cổ sửa soạn ra ngoài. Chị Hân cho em thật nhiều quần áo cũ của chị. Tuy
nói là cũ, thật ra nó còn mới nguyên. Chị Hân may sắm khá nhiều, quần áo mặc chưa cũ chị đã lớn, đã đổi ý thích mua sắm cái khác. Vóc người chị và em cũng mảnh khảnh như nhau, em mặc hơi rộng một chút nhưng không sao, thế cũng đủ rồi. Áo len, manteau, khăn quàng của chị có hàng chục, chị nói em muốn mặc chiếc nào cứ lấy nhưng em còn nỗi ngại ngần và tự trọng chính mình nên em không đụng chạm gì đến, trừ những thứ chị cho hẳn em, buộc em phải lấy.
Gió lạnh lùa bay tung tóc khi em bước hẳn ra ngoài ngôi nhà. Trời lạnh gấp mấy lần lúc đứng trong phòng. Em thọc tay vào chiếc túi manteau cắn môi suýt soa đi. Em không hiểu vì sao mình lại có nhiều ý thích kỳ cục thế. Hơi lạnh chui vào mũi em lạnh buốt, cỏ bên vệ đường trĩu sương ướt đẫm. Hàng cây vẽ thành hình vòng cung chạy dài trước mắt em. Chỉ có hai màu xanh và trắng lạnh lùng. Em vừa đi vừa hát nhỏ một bài hát cũng lạnh và buồn không kém : « Sương lam buông rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu, khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ … ».
Hôm qua chị Hân hỏi em Khánh có thích âm nhạc không. Em có thích nhạc không, cái đó chắc khỏi cần trả lời, ở nhà me thường gọi em là con sơn ca bởi em hát véo von cả ngày. Em yên lặng một chút rồi trả lời chị Hân :
- Em thích.
Chị Hân reo lên sung sướng :
- Hay quá, vậy chị với Khánh đi học nhạc nhé, có lớp dạy mà chị đi một mình buồn lắm. Em nghĩ đến tiền học phí ngay lập tức. Điều ấy có vẻ phũ phàng nhưng không thể không nghĩ đến. Emlên đây học, phiền nhiễu bác nhiều rồi, có đâu lại để bác phải tốn kém vì em thêm nữa, mà chắc đâu bác đã cho đi. Em lắc đầu nói :
- Em không thích học nhạc đâu chị Hân ạ.
Mắt chị Hân mở to :
- Sao vậy ?
Em nói trớ đi :
- Ở nhà có anh Khải giỏi classique, anh Hoàng đàn hay đâu kém ai, chị đi học ở ngoài làm gì. Chị Hân cười :
- Ừ, vậy mà anh em học nhau không được, học người ngoài lại được. Với lại chị đâu có học đàn mà học ở nhà. Chị muốn học hát kìa, anh Khải anh Hoàng đâu có dạy được cái đó.
Em im lặng cúi đầu xuống, ở địa vị chị Hân chị ấy có quyền như thế, còn em, em phải biết thân phận mình là người sống gửi, đừng nghĩ mình như chị Hân.
Chị Hân lại hỏi em :
- Sao, Khánh đi không ?
Em bối rối tìm một câu trả lời cho khỏi phật ý chị :
- Dạ, để em nghĩ đã, em cũng chưa định.
- Chưa định gì, đi với chị cho vui, Khánh.
Để khỏi trả lời chị, em vờ chạy ra ngoài kêu lên :
- Chết, em quên quần áo còn phơi ngoài dây, không khéo mưa ướt hết.
Chị Hân có vẻ hơi buồn nhưng rồi chị thôi không nhắc đến chuyện ấy nữa. Em biết, âm nhạc làm
phong phú đời sống, em lại yêu nó nữa. Nhưng em đâu có thể làm theo ý em. Me đưa em lên đây, me dặn con phải rán học, me ước thấy con thành công rực rỡ, me không ước thấy con me nhỏ bé thấp hèn. Nước mắt em ứa ra bờ mi.
Đứng ở đầu con dốc nhìn xuống mặt đường, những cành thông trơ trọi vươn lên trong màn sương trắng, lưng chừng dốc ngôi nhà màu hồng của bác Khanh nổi hẳn lên vẻ xinh xắn. Em ưa nhất hàng hiên tròn với những thân cột trắng. Ở đó, hàng ti-gôn hồng leo quấn quýt tràn lên cả mái nhà rêu xám ấm áp lạ thường. Tương lai em bắt đầu từ ngôi nhà đó, hạnh phúc em bắt đầu từ ngôi nhà đó. Học và rán học. Như anh Khải đã thành giáo sư, như anh Hoàng sắp ra trường, như chị Hân năm nay bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Còn em, hỡi Khánh nhỏ bé và hèn mọn, Khánh tội nghiệp và nghèo nàn, hãy vươn lên đi, như loài cỏ non đâm chồi vào mùa xuân rạng rỡ.
Gió thổi lộng vạt áo bay, em thở hơi trắng hòa lẫn vào không gian tan loãng. Chầm chậm, buồn rầu emquay về đường cũ. Những bông hoa bươm bướm ẻo lả nghiêng trong gió. Mầu tím đậm mướt như làn nhung mềm. Em khom người ngắt lấy mấy đóa, chút nữa chúng sẽ nằm trong cốc thủy tinh nhỏ trên bàn học của em. Lá cây còn trĩu hạt sương, em trút lấy một giọt vào lòng tay, trong không khí buổi sáng em ngửi thấy cả mùi đất ấm, mùi sương thơm tho rất thầm.
Ngôi nhà đã mở cửa, chị Hai đang lau nền gạch bằng cây lau dài. Em bước về phòng với mấy bông hoa tím trong tay, chị Hân vẫn còn ngủ. Không khí trong phòng ấm áp hẳn lên so với bên ngoài; em vẫn mãi mặc nguyên áo choàng và khăn len loay hoay cắm mấy bông hòa vào chiếc cốc nhỏ. Thân hoa ẻo lả quá cứ nghiêng ngã hoài làm em không vừa ý. Có đến mười phút sau em mới tạm hài lòng đặt cốc hoa vào góc bàn học, em nhẹ nhàng lấy vở ra để chị Hân khỏi thức giấc. Buổi sáng học hành rất tốt vì đầu óc qua một đêmngủ thoải mái rất sáng suốt. Mở quyển vở ra rồi nhưng em chưa học vội, mắt em còn bận ngắm cánh hoa tím đậm nuột nà trên làn thủy tinh trong suốt. Mầu tím u buồn biết bao nhiêu. Em ngó một lát rồi cắm đầu vào vở, thôi rán học cho xong, còn thiếu gì ngày giờ để ngắm hoa.
Sáng nay em học Việt Văn, môn học tương đối dễ chịu và khá nhất của em. Còn mấy bài Cổ Văn phải bình và một bài thuyết trình dài ngoằng chưa làm xong nữa. Em thở ra một hơi dài, vớ lấy cây bút với quyển vở nháp hí hoáy viết. Mấy bài văn điển tích tùm lum, học mệt quá chừng. Phải nhận rằng từ lúc lên Đà Lạt em học khá hẳn ra. Bớt làm việc, có đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh em học rất nhanh, em nghĩ thầmnhư thế không trách nhà bác Khanh ai cũng giỏi hết.
Đang cắm đầu vào mấy quyển vở em không nghe tiếng gõ nhẹ ở cửa phòng cứ say mê nghiên cứu mấy câu thơ hoài. Mãi đến lúc cửa mở tung ra, anh Hoàng vừa cười vừa la lên với cây đàn trong tay em mới giật mình ngó lại :
- Trời ơi, Khánh, hai chị em làm gì giờ này còn rúc trong phòng gõ cửa mãi không thấy ra làm anh tưởng hai cô bất đắc chí tự tử rồi chớ, may quá chưa cô nào dại dột chết cả.
Em mỉm cười nói se sẽ :
- Anh Hoàng chỉ nói tếu là giỏi, chị Hân ngủ chưa dậy anh đừng làm chị ấy thức bây giờ. Năm ngón tay anh Hoàng búng thoăn thoắt trên các phím đàn, âm thanh nghe vang ầm trong phòng, anh cười ha hả :
- Giờ này ai cho ngủ nữa mà ngủ, Ngọc Hân dậy đi, con gái gì mà ăn bơ làm biếng thế. Dậy lau nhà
quét sân dọn bàn ghế ly tách đi thôi.
Chị Hân mở đôi mắt chẳng có vẻ gì là mới ngủ dậy lườm anh Hoàng một cái. Chị nằm nguyên trên giường môi chu lại :
- Ai cho phép anh vào đây, lau nhà rửa bát là phận sự của anh cơ mà, đi ra ngoài cho người ta ngủ không ?
Anh Hoàng la lên :
- Giời ơi, con gái thế thì có ai dám rước về nhà không. Dậy mau đi, thiên hạ đang chờ coi mắt cô ngoài kia kìa :
Chị Hân bĩu môi rất dễ thương :
- Phiền anh ra nói là Hân ngủ chưa dậy, mắt còn xấu xí vì chưa rửa không đáng coi đâu. - Không sao, không sao, dù là mắt cô còn dính ghèn đi nữa cũng được kia mà, dậy mau đi. - Không !
Anh Hoàng bước đến lôi chiếc chăn của chị Hân đi :
- Xem cô có dậy không cho biết.
Chị Hân cũng không vừa, chị quay mình cuộn tròn kín mít cả đầu lẫn chân, nom chị buồn cười như đang ở trong bao tải.
- Không.
Anh Hoàng đổi chiến thuật, anh buông chăn quay sang em :
- Mình đi vậy Khánh, sáng nay điểm tâm có trứng chiên bơ với mứt ngon ác liệt, mình ăn mau kẻo hết. Chị Hân nói vọng từ trong chăn ra ngoài :
- Ai mà thèm, hôm nào cũng điểm tâm bằng mấy thứ đó, chán ngấy.
Anh Hoàng tỉnh bơ như không nghe, anh nói tiếp :
- Xong rồi tám giờ mấy thằng bạn anh đến chở đi picnic trong rừng, có các cô với chương trình nấu ăn hòa nhạc hấp dẫn vô cùng. Sáng đi chiều về. Đi ăn điểm tâm rồi thay áo nhanh đi Khánh. Chị Hân la lên một tiếng, gì chớ đi chơi thì chị mê nhất trên đời, chị đi suốt ngày không biết mệt. Anh Khải thường nói chân chị có bánh xe lăn hoài, đứng một chỗ thì té chết. Câu nói của anh Hoàng quả nhiên đã khơi đúng nhược điểm của chị Hân. Chị tung chăn bật dậy như lò xo.
- Xong rồi, Hân đi ngay, anh Hoàng khỏi phải lôi kéo cũng đi. Đồ ác, thế mà không báo trước để Hân sửa soạn.
Anh Hoàng cười hà hà, đôi mắt nheo lại :
- Giá cô chịu thức sớm một chút thì đâu có lật đật.
Chị Hân lườm anh, giọng đanh đá :
- Hân không thèm cãi với anh, rồi Hân mách anh Khải anh là người không biết điều. - Anh Khải nào mà bênh người hư như cô.
Chị Hân bĩu môi đi ra khỏi phòng, anh Hoàng nhìn theo chị vừa cười vừa lắc đầu nói một mình : - Con bé thế thì thôi, nghe đến đi chơi là sáng mắt, hỏng.
Anh quay sang em với nụ cười tươi tắn :
- Phải thế không Khánh ?
Em mỉm cười không nói đầu vẫn cúi vào trang sách, em biết anh chỉ nói để mà nói vậy thôi, chị Hân lúc nào lại chả được cưng nhất. Bên tai em tiếng đàn anh Hoàng vẫn nhẹ nhàng reo, sáng nay, dây đàn chỉ lựa những cung bậc reo vui.
° ° °
Uống hết ly chocolat phần mình em đứng dậy rời khỏi bàn ăn, anh Khải nhìn em cười hóm hỉnh : - Vội đi chơi thế à, các cô thì lúc nào cũng nhắng lên quần với áo, càng tốt, thế anh đỡ phải chờ. Em cười nhẹ không đính chính, anh Khải ngỡ em nôn đi chơi nên ăn nhanh. Sự thật không phải thế. Ở
nhà bác Khanh các bữa ăn thương kéo dài, em không muốn ngồi lại nói chuyện vu vơ. Tính em ít nói, emcũng không ưa nghe chuyện nên thường em là kẻ rời bàn sớm nhất. Câu chuyện đi chơi giữa chị Hân và anh Khải anh Hoàng đang đến hồi sôi nổi. Chị Hân hoạch định chương trình theo ý mình và hăng say bênh vực nó. Em mặc kệ ai nói gì thì nói cứ lẳng lặng trở về phòng.
Nắng đã làm tan bớt lớp sương mù dầy đặc, qua khung kính trông hàng cây xanh hiện rõ hơn, con đường nằm uốn khúc theo vòng bờ hồ vắng lặng bóng người. Em đứng ngẩn một chút rồi ngồi vào bàn giở lại bài học dang dở. Không khí yên lặng dễ chịu, em dồn hết tâm trí vào bài vở, thích thú với những điều hiểu biết mới lạ. Một lúc lâu cửa phòng mở ra thật mạnh rồi chị Hân bước vào bằng những bước hối hả, chị la lên :
- Rồi chưa Khánh, xong chưa. Trời ơi, giờ này mà cắm đầu vào mấy quyển sách à. Em ngừng bút ngước mắt nhìn chị :
- Em không đi đâu, chị Hân thay áo một mình đi.
Đôi mắt chị Hân tròn lại :
- Sao lại không ?
Em mỉm cười không nói cúi xuống quyển vở, chị Hân giữ tay em lại :
- Đi chơi với chị, Khánh.
- Em bận học.
- Học gì, hôm nay chúa nhật.
- Chúa nhật cũng phải học, bài nhiều lắm chị Hân.
- Đi chơi rồi về làm.
- Thôi, em không thích đi đâu.
Đôi môi chị Hân hơi mím, vòng môi dưới biu bĩu ra thật xinh :
- Khánh lúc nào cũng học với học, đi chơi thôi.
- Không, chị Hân thay áo đi không muộn.
- Khánh khó nói quá.
Em hơi nhíu mày yên lặng nhìn xuống, em không thích ồn ào như chị Hân, em xa lạ với đám bạn sang trọng và náo nhiệt của chị. Lẫn lộn trong lớp người đó em thấy mình bị lạc loài thua kém. Chị Hân thường kéo em đi chơi chung với chị. Em sợ mình sẽ bị lôi cuốn bởi sự phù phiếm rong dài của lớp bạn bè chị. Không bao giờ em quên me gửi em lên Đà Lạt để chăm chỉ học hành chứ không phải để em tập tành một đời sống xa hoa. Em sợ khi em bị quyến rũ với nếp sống dư dật quen thói khi trở về cạnh me nghèo nàn và em Vũ tội nghiệp em không còn là em nữa. Không, em muốn em bao giờ cũng là em, là Khánh yêu quý của
me. Khánh tầm thường và bình lặng.
Anh Khải thò đầu vào hỏi lớn :
- Rồi chưa, hai cô nhỏ ?
Mặt chị Hân chừ bự :
- Khánh không đi.
Anh Khải bước hẳn vào phòng :
- Sao Khánh lại không đi, còn Hân, giờ này mà mặt mũi tóc tai thế kia à, tụi nó đến rồi, nhanh lên. Chị Hân nói dấm dẳn :
- Khánh nó nói mắc học không đi.
Anh Khải ngó em, em cúi đầu im lặng trước cái nhìn của anh, anh hỏi :
- Khánh không muốn đi hay bận học thật ?
Em gật đầu một cái không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Chị Hân như giận em, chị đi thay áo mà mặt mũi buồn xo, chị không thèm nói thêm tiếng nào nữa hết. Anh Khải đứng tựa bàn, tay cầm một ống sáo dài, anh thổi sáo hay và buồn dễ sợ. Hôm nay chắc là vui, cây đàn của anh Hoàng, tài thổi sáo của anh Khải và giọng hát của chị Hân hẳn phải nổi bật. Một nỗi xao xuyến dâng lên trong lòng em, thật sự em cũng phải kìm hãm ý muốn của mình đi, vui thật đấy nhưng em cố gắng giữ lòng đừng ham muốn, em không nên và không có quyền ham muốn như thế. Có lẽ em khắc nghiệt với chính mình, dù sao, đó cũng là một điều có ích cho em.
Chị Hân chải tóc xong không buồn nhìn em chị nói cụt ngủn :
- Mình đi anh Khải.
Anh Khải ngập ngừng nhìn hai chị em, bỗng anh nói bằng giọng dịu dàng :
- Khánh nó có ý thích của nó, Hân.
Chị Hân lãnh đạm :
- Hân có nói gì đâu.
Anh Khải hơi gật đầu, anh nói với em khi chị Hân lạnh nhạt bước ra khỏi phòng : - Anh hiểu em, Khánh, như thế cũng tốt. Nhưng em không nên ép mình quá. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Hân với em khác nhau.
Anh mỉm cười :
- Dù sao, em có ý chí như vậy rất hay. Em chắc là sẽ không buồn sáng nay chứ.
- Dạ không, nếu em thích ở nhà thì làm sao em lại buồn được.
Anh Khải lại cười :
- Em hay lắm, thôi rán mà học, anh đi đây.
- Dạ.
Không hiểu sao khi anh Khải ra khỏi phòng em bỗng buông bút nghĩ ngợi. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Anh muốn ví em là một con sò. Bỗng nhiên em thở dài se sẽ, trong nhà anh Khải là người hiểu em và hợp tính với em hơn cả. Điềm đạm, khoan dung, đó là những đức tính tốt của anh. Anh nói đúng, có lẽ em ép mình. Nhưng làm sao bây giờ hở anh Khải. Hãy tự ép buộc mình hơn là một ngày nào đó sẽ bị người ép buộc còn khổ sở hơn. Điều đó có đúng hay chăng, có lẽ, câu trả lời không
còn xa lắm nữa.
CHƯƠNG 3 "T
ất nhiên là Khánh phải đi rồi, đến Nha Trang mà suốt ngày cứ ru rú ở trong nhà thì thà ở lại Đà Lạt còn hơn, phải không Khánh ?
Em mỉm cười thay câu trả lời, anh Hoàng thêm :
- Xin quý vị chớ quên rằng chúng ta chỉ có ba ngày ở đây thôi đấy, đừng có làm điệu để rồi phải ân hận đấy nhé.
Mọi người bật cười khanh khách, chị Hân là người đứng dậy trước hơn ai hết, chị nói liếng thoắng : - Không có lôi thôi gì hết, nào đi, ai muốn đi thì đứng dậy, ai không muốn đi thì cứ ngồi lại đó. Anh Khải cười :
- Tất nhiên không đi là ngồi yên rồi, cô rõ nói thừa.
Chị Hân lườm anh Khải một cái rồi bỏ ra phòng khách. Anh Khải, anh Hoàng cười nhìn em : - Thôi mình đi Khánh, không thôi có người lạc đường khóc hu hu lên bây giờ.
Chị Hân nghe loáng thoáng được câu nói quay phắt lại sừng sộ :
- Cái gì, anh nói ai lạc đường ?
- Ai thì người đó biết ấy.
- Anh làm như anh thông thạo đường phố Nha Trang lắm đấy.
- Không hơn ai nhưng hơn cô được rồi.
- Chưa chắc.
Anh Hoàng cười cười :
- Thôi cô ơi, đấu khẩu không lại đâu, giả tỉ như đây là Sài Gòn thì tôi chịu thua cô đấy. Nhưng rất tiếc đây lại là Nha Trang mói đau khổ chứ.
Hai má chị Hân vốn dĩ đã đỏ lại càng đỏ thêm vì câu nói của anh Hoàng. Không hẹn mà nên tất cả mọi người đều nhìn nhau mỉm cười chế nhạo làm chị Hân mắc cở. Ai cũng biết là anh Huy, hôn phu của chị Hân đang học Luật năm thứ ba ở trường Luật Khoa Sài Gòn. Vụ nghỉ Quốc Khánh ba ngày này nhà chia ra làm hai phe đi chơi. Một phe đi Nha Trang gồm anh Khải anh Hoàng. Phe kia là chị Hân. Em đứng trung lập bởi vì em đi nơi nào cũng được cả, ai hỏi em, em cũng lắc đầu không biết. Lần này hai ông anh của chị Hân nhất định không chiều chị nữa. Đi Sài Gòn gì mà đi hoài, đi Nha Trang thôi, lâu quá không thăm Nha Trang, nhớ lắm. Chị Hân chịu thua bởi chị không muốn bị chế nhạo là lúc nào cũng tương tư Sài Gòn hết.
Bốn anh em ra xe, em muốn ngồi sau với anh Hoàng, nhưng chị Hân không chịu, chị nói Khánh lên phía trước đi, cạnh anh Khải. Anh Hoàng cười, le lưỡi :
- Hân muốn ngắt véo hay cãi nhau với anh nữa cho tiện phải không ?
- Ai thèm.
Anh Khải lái xe đi, anh vừa cười vừa bảo :
- Cô Hân thì ai mà nói lại, bây giờ đi đâu nào ?
- Ra biển.
Chị Hân nói liền, nhưng anh Hoàng phản đối :
- Gì mà ra biển, quê thấy mồ, đi một vòng phố đi anh Khải.
- Phố đi hết chiều hôm qua rồi, anh bảo anh thông thạo đường phố Nha Trang thì còn đòi đi phố làmgì.
Anh Khải quay sang em :
- Thôi để Khánh ưu tiên chọn, Khánh là khách của Nha Trang mà, bọn anh thì quen quá rồi. Khánh muốn đi đâu ?
Em lắc đầu cười nhỏ :
- Em đâu biết gì mà nói, anh Khải chở đi đâu cũng được.
- Khánh chọn đi chứ.
Em chỉ lắc đầu và lắc đầu, anh Khải yên lặng cười :
- Thôi được, để anh cho Khánh nghe mấy ban nhạc hay của Nha Trang. Cam đoan là Khánh sẽ chịu ngay.
- Ở đâu anh Khải ?
Anh Hoàng ngó chị Hân cười chế nhạo :
- Cô hỏi làm gì, cô thạo thành phố Nha Trang mà.
- Em có hỏi anh đâu.
Anh Hoàng đặt lưỡi vào hai hàm răng trên :
- Sao cô hiền thế, hở ?
Xe ngừng trước một ngã tư, anh Khải tắt máy xe.
- Thôi đừng cãi nhau nữa, Hân muốn biết ở đâu thì nhìn đi là biết ngay.
Anh Hoàng đẩy tấm cửa kính trong suốt nhường chỗ cho em vào trước. Em ngập ngừng một chút không dám bước, em vẫn chưa quen với không khí và lối sống mới của gia đình bác Khanh. Chị Hân hiểu ý bước lên nắm tay em đi vào. Em thích một chiếc bàn trong góc, luôn luôn em thích ngồi những nơi như thế. Thu hình và chìm lỉm giữa đám đông. Anh Khải hỏi khi chú bé hầu bàn đến :
- Khánh, Hân uống gì ?
Em lại lắc đầu, thực tình em cảm thấy mình quê mùa xa lạ với những tiệm nước như thế này. Em không dám và cũng không biết gọi gì vì sợ để cái dốt của mình ra.
Anh Khải nói :
- Sao mà Khánh thích lắc đầu thế, nói đi chứ.
- Em không biết, anh Khải gọi gì cũng được.
- Sao lại gì cũng được.
Em cười bẽn lẽn cảm thấy đôi má mình nóng bừng lên vì thẹn. Anh Khải nhìn chị Hân : - Hân thì sao, lại cái gì cũng được phải không ?
Chị Hân mím môi không nói, anh Hoàng dịu dọng bảo :
- Để anh giới thiệu với Khánh môn sữa tươi ở đây, cam đoan là rất ngon.
Anh Khải gật đầu :
- Sữa tươi ở đây được lắm. Anh thích nhất cafe sữa, chưa có nơi nào làm anh vừa ý bằng cafe nơi này. Em biết tính anh Khải, anh uống cafe thật khó tính, cafe pha cho anh mà không đậm, không sánh thì anh thà uống sữa không còn hơn. Anh đã khen cafe ở đây thì chắc chắn là cafe phải ngon không sai chạy. Anh Hoàng gọi :
- Cho hai phin sữa đá và một sữa tươi.
Anh quay sang chị Hân :
- Hân sao, sữa tươi luôn chứ ?
- Không.
Hai mắt anh Hoàng tròn lại :
- Vậy chứ cô muốn gì ? Cam vắt ?
Môi chị Hân chu lại bướng bỉnh :
- Em uống phin sữa đá.
Anh Hoàng cười nhẹ :
- Giỏi, cô muốn uống anh cho uống.
Em với anh Khải ngồi ngó chị Hân với anh Hoàng cười. Trong nhà chỉ có anh Hoàng là hay trêu tức chị Hân nhất. Hai anh em cãi nhau tối ngày, nhưng cũng chính vì thế mà chị Hân đối với anh Hoàng thân mật hơn anh Khải. Có chuyện gì chị cũng thủ thỉ kể cho anh nghe. Dẫu sao chị với anh Hoàng cũng sát tuổi nhau hơn với anh Khải. Một lý do nữa để chị Hân gần anh Hoàng hơn là vì anh Huy là bạn của anh Hoàng.
Chú nhỏ bưng ra một khay ly tách, anh Hoàng đặt trước mặt em ly sữa trắng muốt. Anh Khải nói : - Uống sữa không ngon hơn.
Anh Hoàng cãi :
- Em thích « bào chế » hơn là để nguyên chất.
Em ngồi ngó ly sữa tươi của mình, màu sữa trắng thật trắng, em nghĩ đến màu trắng của đôi cánh thiên nga trong những chuyện thần tiên.
Anh Hoàng cầm chiếc muỗng dài và sáng bóng lên, anh nói :
- Để anh sẹc via cho Khánh, cam đoan là anh pha rất ngon.
Anh Khải lắc đầu :
- Để tùy ý cho Khánh nó muốn uống sao thì uống.
Em không muốn làm phật ý anh Hoàng nhất là khi anh đã cầm chiếc muỗng của em lên rồi. Em chỉ cười và nhìn anh thôi. Anh Hoàng cho vào ly một muỗng đường trắng cùng hai viên đá nhỏ, anh trả muỗng lại cho em :
- Khánh uống thử xem.
Sữa có mùi béo và thơm ngát dừa, em mỉm cười ngó anh Hoàng :
- Ngon lắm.
Anh Hoàng cười rất trẻ con :
- Anh mà.
Chị Hân chúm môi nguýt :
- Thôi đi ông.
Anh Khải không nói gì chỉ lẳng lặng với tách cafe của anh. Tiếng đá chạm vào thành ly nghe lanh canh êm êm, tự nhiên em thấy lòng mình êm ả khác thường. Buổi sáng tiệm còn vắng ngắt, băng nhạc mở thật dịu, em lắng tai nghe âm thanh của bản Reverie u buồn rơi trong không gian. Bài hát này anh Khải thường hay đánh những buổi tối. Ngồi từ phòng chị Hân học khuya em vẫn thường nghe những nốt nhạc buồn bã thoảng bên tai. Có những người đánh đàn thật buồn như anh Khải, dù là bản vui trong âm thanh vẫn xen nét buồn phảng phất. Anh Hoàng thì ngược lại, dù nhạc buồn mà qua tay anh âm điệu cũng thành rộn rã ngay. Nhiều lần anh Hoàng than, anh muốn đánh buồn một tí cho có vẻ mà không tài nào được, kỳ cục ghê đi.
Em tự nhiên gõ nhẹ chiếc muỗng vào thành ly, tiếng vĩ cầm kéo dài sao mà buồn quá chừng. Cúi xuống ly sữa thơm em mơ màng tưởng như hình ảnh đẹp của những câu hát nằm phơi trong mầu sữa trắng. Tiếng vĩ cầm vẫn kéo dài thanh thoát lạ thường.Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ, bóng đêm về đó trời sầu tưởng nhớ và lòng nặng mong chờ …Bất giác em sẽ lẩm bẩm theo tiếng đàn một mình. Âm nhạc bao giờ cũng làm êm ái lòng người.
Khi ngẩng lên em nhìn thấy anh Khải nhìn em đăm đăm, ánh mắt anh biểu lộ một sự cảm thông và khoan dung. Em ném trả lại một tia nhìn đồng ý và chúng em cùng mỉm cười một lượt. Cái mỉm cười ngầmhỏi bằng lòng không Khánh của anh Khải và cái mỉm cười chấp thuận của em. Tiếng ngân nga của nốt nhạc cuối cùng vừa dứt thì một điệu nhạc khác nối tiếp thật trong sáng, bản Sérénade, anh Khải nói nhẹ :
- Băng nhạc của những bài tình ca bất tử.
Em gật nhẹ đầu không trả lời, em hiểu vì sao anh Khải ưa thích đến đây. Cánh cửa trong suốt bỗng mở ra, em thấy một người con trai bước vào. Đôi mắt hắn thật ngỗ nghĩnh và linh động, em cảm thấy trong đôi mắt ấy có một cái gì thật lạ lùng. Người con trai không nhìn em, hắn đi ngang bàn để tiến vào sâu bên trong. Em cúi mặt xuống, bỗng nhiên em thấy ngượng ngập. Một nỗi ngượng ngập thật lạ kỳ và vô cớ.
Em nghe tiếng anh Hoàng reo lên :
- Hùng, ê Hùng, đi đâu thế.
Người con trai quay nhanh lại, đôi mắt mở ra trong dáng ngạc nhiên :
- A …
Anh Hoàng đứng dậy, anh thân mật nắm tay người con trai đẩy vào chiếc ghế của anh vừa ngồi : - Ngồi đây đã, mày đi đâu mà lạc ra đây, tao tưởng giờ này mày đang tà tà Sài Gòn chứ. Đôi môi người con trai nở một nụ cười, em suýt kêu lên, trời ơi, cái răng khểnh bên trái của hắn ngộ quá chừng :
- Nhớ Nha Trang thì ra, sao bọn mi cũng ở đây ?
Anh Hoàng cười quay sang hai cặp mắt đầy vẻ tò mò lẫn ngạc nhiên của em và chị Hân. - Ngọc Hân, em ruột tao. Kim Khánh, em họ. Còn đây tên này là Hùng, Trần Mạnh Hùng, bạn anh. Hùng lại mỉm cười rất tươi sau khi gật đầu chào chị Hân và em :
- Mày giới thiệu kỹ thế.
Giọng miền Bắc của Hùng ấm và trầm, xưa nay em vốn có cảm tình với miền Bắc trong trí tưởng, emluôn luôn mơ một ngày trở về miền Bắc thăm quê mẹ, quê ba.
Anh Hoàng nói với một chút chế diễu :
- Thế mà gọi là kỹ à, mi nhớ Nha Trang, hay nhớ cái gì ở Nha Trang ?
- Cái đó còn xét lại.
- Xét lại làm sao ?
Ánh mắt người con trai vẻ ranh mãnh :
- Trước khi ra Nha Trang thì tao nghĩ rằng tao nhớ Nha Trang, còn sau khi đi thì hình như điều đó có phần sai lạc.
- Nghĩa là … ?
- Có thể tao sẽ nhớ một cái gì không thuộc về Nha Trang nhưng ở Nha Trang.
Anh Hoàng bật cười khanh khách :
- Mày vẫn như thuở nào, vẫn ăn nói vòng vo nhăng nhít. À quên, mày dùng gì ?
Hùng nhìn một vòng những ly tách trên mặt bàn, cái răng khểnh lại lộ ra dễ thương : - Có một cái ly đặc biệt …
Em thấy nong nóng ở má, em hiểu là Hùng muốn nói ly sữa tươi của em lạc loài với ba ly café sữa của các anh chị. Anh Khải cười hiền lành trong khi anh Hoàng hiểu ngay :
- Mày muốn uống ly đặc biệt đó hả, dễ quá mà, nhưng tao tưởng mày đã hết thời kỳ thèm sữa rồi chứ. Hùng đặt một tay lên mặt bàn, những ngón tay thuôn và mảnh dẻ gõ nhẹ :
- Không, mới bắt đầu thời kỳ thèm sữa chứ.
Ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt em làm em ngượng ngùng cúi xuống. Em chưa từng có bạn trai và anh Khải, anh Hoàng là những người con trai đầu tiên dắt em đi chơi. Băng nhạc đang dạo đoan giữa của bản Sérénade, em nghe tiếng Hùng trầm ấm nói khẽ :
- Vẫn bản Sérénade cũ, không lần nào đến Nha Trang mà tao đừng đến đây.
- Mày ra bao giờ ?
- Chiều hôm qua.
- Chừng nào về ?
Người con trai lắc đầu, môi hơi cười :
- Không biết.
Những nốt nhạc nối tiếp nhau lướt đi, trong và cao nghe buồn bã trong không gian vô cùng. Một đoạn bi thảm và đau buồn. Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu, cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau. Em bất giác cắn nhẹ môi, không dưng mà lòng em cũng buồn theo những nốt nhạc xa xưa. Anh Khải vẫn ngồi trầm ngâm cạnh ly café của anh. Chị Hân thỉnh thoảng nói xen vài câu vào câu chuyện giữa Hùng với anh Hoàng. Em cứ cúi đầu yên lặng nhấm nháp từng muỗng sữa giữa hai hàm răng. Băng nhạc chuyển sang một bài hát lạ em không biết tên, nhưng em vẫn cảm thấy hơi buồn bã liên miên thoát ra không ngừng. Một vài lúc ngẩng lên bất chợt em nhìn thấy tia nhìn của Hùng có vẻ chế diễu. Em cảm thấy khổ sở, tưởng chừng như nét quê mùa của mình lộ ra hết cả mặt mũi tay chân. Câu chuyện giữa ba người không hề có em hay anh Khải tham dự. Đôi lúc anh Khải nhìn em, anh có vẻ như muốn hỏi sao Khánh buồn vậy, emlắc đầu.
Thật lâu, khi tiệm đã bắt đầu đông khách, anh Khải mới hỏi với giọng bình thản :
- Đi chưa ?
Em hơi nghiêng đầu tỏ vẻ đồng ý, chị Hân, anh Hoàng và Hùng đều nói thôi đi phố một vòng. - Và đi ăn trưa luôn, sẽ chọn một cái chỗ nào đó ở gần biển. Mày đi luôn chứ Hùng ? Hùng mỉm cười :
- Nếu mày cho phép
- Úi, sao hôm nay mày lịch sự thế, không cất nó ở túi quần sau nữa à.
Hùng không nhìn anh Hoàng mà lại hướng về em, nói lơ lửng :
- Đôi khi.
Chúng em rời tiệm, em lúng túng nấp sau chị Hân khi phải đứng dậy. Mỗi bước chân của em đều như bị vướng vấp khó chịu. Em đưa khăn tay lên môi ngậm thấy má mình nóng bừng. Hơi nóng bên ngoài hắt vào mặt khi vừa bước ra, em giờ tay lên che nắng. Lưng em nhột nhạt khó chịu vì cảm tưởng Hùng đang chăm chăm theo dõi từng cử chỉ của mình. Mồ hôi dính trên mái tóc em, em đưa khăn tay lên chùi trong dáng bối rối.
Trời gần trưa, nắng vàng trải chói chan suốt con đường khô vắng.
CHƯƠNG 4 M
e yêu quý !
Con trả lời lá thư mới nhất của me đây, me yên tâm con đã viết me hàng chục lần rồi là con không sao cả, con ăn và lớn như thổi đấy me ạ. Hai bác Khanh vẫn thương con, cả anh Khải, anh Hoàng và chị Hân nữa.
Đà Lạt tháng này không lạnh bao nhiêu, vâng, thưa me, con dạo này hơi bận rộn vì phải sửa soạn thi đệ nhị lục cá nguyệt. Thi xong là tha hồ mà rảnh rỗi. Như thế là không còn mấy tháng nữa con sẽ về rồi me ơi. Chị Hân với anh Hoàng thì lại mới về Saigon được vài ngày nay. Chị có rủ con đi mà con từ chối, sắp thi rồi, vả lại theo chị Hân đi chơi hoài con thấy ngượng ngùng, có phải thế không hở me. Bây giờ chỉ có anh Khải và con ở nhà thôi, nhớ me ơi là nhớ, nhớ cả em Vũ nữa. Em dạo này còn khóc nữa không me. Me ơi, con có nhiều quà cho em Vũ lắm, làm bằng mấy trái thông khô ấy mà mẹ. Mỗi lần đi chơi đồi con lại nhặt một ít về, anh Khải dạy con làm mấy con thú bằng thông xinh lắm cơ me ạ.
Tối hôm qua ngủ một mình con sợ ma quá chừng, đến khuya vẫn còn nghe anh Khải thổi sáo buồn kinh khủng, sao mà anh ấy thổi sáo buồn thế không biết. Con nghe me nói thổi sáo thì có ma làm con sợ thêm. Nhưng mà sợ thì sợ con cũng thích nghe anh Khải thổi sáo lắm, nhất là thổi bài Khối tình Trương Chi thì thật là tuyệt diệu. Con muốn học thổi sáo về thổi cho me nghe mà chắc là học không được đâu. Con thì bận học mà anh Khải cũng bận đi dạy, soạn bài chấm bài hoài. Con cũng thích học đánh đàn me ạ, chị Hân đang đòi học piano. Nhà bác Khanh giàu sướng me nhỉ. Con chả dám đi chơi, chả dám nghĩ vơ vẩn chỉ sợ học tuột đi thì me buồn.
Ở nhà bác Khanh thì đầy đủ thật đấy, nhưng mà nhiều khi nhớ me kinh khủng. Con thèm về ăn cháo hoa me nấu với củ cải muối, thèm cá kho mặn với rau luộc. Nhớ thật nhiều vậy đó me. Hôm nào con về me nấu cơm cho con ăn nghe me, me nấu canh rau đay với mướp và cà muối chua nghe me. Trời ơi, sao con muốn chạy ngay về nhà ghê me ạ. Về chui vào lòng me, ngửi mùi thơm thơm của tóc me, của người me. Ở đây chả có ai hỏi han săn sóc con hết, ai cũng tốt nhưng không ai cho con những âu yếm của me, me ạ. Thôi con không thèm than thở nữa, để me nghe me sốt ruột chết. Con sắp về vói me rồi mà, ba tháng nữa thôi me, tha hồ mà làm nũng với me, me chịu không ?
Học có anh Khải chỉ dạy khá lắm me, có gì không hiểu con lại mang đến nhờ giảng. Nhà chỉ có anh Khải là điềm đạm và hiểu con hơn hết. Anh Hoàng thì không nói gì, chị Hân cứ hay kêu con sao cứ chui đầu vào mấy quyển vở hoài thế, chị nói học lắm chỉ già người, chị vừa học vừa chơi. Nhưng mà me à, con không thích đi chơi thì làm sao. Mỗi lần chị Hân gọi đi chơi mà con không đi thì chị bảo có phải năm thi đâu mà Khánh học lắm thế. Học thong thả qua năm sẽ gạo sau cũng được. Thực tình thì con không thích đi chơi thật me ạ, ở nhà lại buồn, chỉ có học và đọc sách là thú thôi. Me xem con gái
me có ngoan không.
Con định viết thật dài me ạ, nhưng bây giờ thì con quên tịt hết mọi chuyện định kể với me rồi, tệ quá. Chắc lần sau con phải thảo một bản chi tiết trước khi viết thư cho me thì mới nhớ hết được, phải thế không hở me.
Thôi, vì bây giờ con quên hết rồi, me chịu khó chờ lần sau nhé, rồi thì con sẽ viết thật dài cho me khỏi kêu sao Khánh lười thế, viết thư nào cũng ngắn ngủn như đuôi con vịt, nhé me. Tuần sau … Có tiếng gõ cửa phòng nhẹ nhàng, em ngừng viết ngẩng lên nhìn, giọng anh Khải dịu dàng vọng vào : - Khánh.
- Dạ.
Em vừa đáp vừa buông viết đứng lên mở cửa, anh Khải bước vào với một nụ cười : - Khánh làm gì đó, lại học phải không ?
- Dạ không.
Anh Khải đưa mắt nhìn một vòng bàn học của em, môi thoáng nét cười :
- Viết thư ?
Em cũng mỉm cười theo :
- Dạ.
Anh Khải tiến lên mấy bước nữa, anh nói :
- Cô thì lúc nào cũng thế, chỉ thấy ngồi ở bàn học cả ngày.
Anh giơ tay ra cho em xem :
- Đây, anh cho Khánh đóa hoa, Khánh thích cắm hoa lắm phải không ?
Đóa hoa thật lạ, em chưa từng thấy bao giờ, cánh hoa dài mướt thon nhỏ như một que tăm gỗ chuốt mỏng. Cánh tua ra đều ngoài một vòng nhụy hơi hồng. Trông nó mỏng manh và yếu ớt lạ thường. Hoa có màu cam nhạt, một màu rất dịu và thanh hiếm thấy. Cái cuống, có lẽ dài đến nửa thước, thẳng tắp không một chiếc lá. Trông hoa có vẻ quý phái và dễ vỡ lạ lùng. Em ngẩn người nhìn bông hoa và buột miệng kêu :
- Hoa đẹp dễ sợ, anh Khải tìm ở đâu ra thế ?
Mắt anh có những tia hài lòng, anh cười :
- Anh nghĩ là thế nào Khánh cũng chịu mà, anh mới xin ở nhà người bạn đấy.
- Sao anh không giữ lấy cắm ở phòng mình ?
- Thật à ? Nhưng anh nghĩ nó thích hợp với Khánh hơn chứ, cho Khánh đấy.
Em đỡ lấy đóa hoa một cách thận trọng, cánh hoa tưởng chừng như sắp vỡ ra, gãy xuống. Anh Khải ngó chiếc ly cắm hoa của em lắc đầu :
- Không được, phải cắm bằng loại lọ nhỏ, trong và cao hơn mới đẹp.
Em hơi ngơ ngác nhìn anh :
- Nhưng em làm gì có chiếc lọ nào như thế.
- Anh có, để chút nữa anh mang cho Khánh.
Em cắm tạm bông hoa vào cốc thủy tinh trước mặt, cuống hoa dài quá vượt hẳn lên trên mấy bông hồng nhỏ, trông ngạo nghễ như một bà hoàng. Cả hai anh em cùng lui ra xa ngắm nghía, anh Khải nói :
- Đặc điểm của hoa là thay màu hoài, lúc chớm ở thì trắng phớt, bây giờ màu cam nhạt chừng nở hoàn toàn và để càng lâu thì nó càng có màu hồng rất xinh.
- Màu hồng phấn ?
Anh Khải gật đầu :
- Phải rồi, hồng phấn, hoa hồng phấn rất hiếm thấy trong các loại hoa, Khánh có thấy thế không ? Em ngắm những cánh hoa thuôn dài, nhọn như đầu lá thông, hỏi anh :
- Nó tên là gì hở anh Khải ?
Anh lắc đầu :
- Anh cũng không biết nữa, Khánh thử đặt cho nó một cái tên xem sao.
Em cười khẽ vuốt nhẹ cuống hoa, màu hoa thật đẹp, hoa cũng lạ nữa nhưng chẳng thơm gì cả. Em cúi đầu nói với một nụ cười :
- Hoa chỉ có sắc mà không hương.
- Chứ vừa sắc vừa hương thì thiên hạ chết cả còn gì.
Em ngó anh Khải một lúc rồi cười cười đề nghị :
- Gọi nó là hoa Hữu Dung Vô Hạnh đi.
Anh Khải bật cười :
- Có vẻ hay nhưng hơi tàn nhẫn, mình bớt đi hai chữ, gọi là hoa Hữu Dung thôi.
- Hai chữ sau hiểu ngầm.
- Nên hiểu ngầm, cái tên có vẻ hay lắm.
Hai anh em cùng yên lặng một chút, anh Khải trầm ngâm cúi đầu xuống, những ngón tay đan vào nhau với vẻ lơ đãng.
- Khánh ở đây nhớ nhà không ?
- Dạ nhớ.
- Có buồn không ?
Em giấu vẻ xúc động trả lời nho nhỏ :
- Dạ, không phải lúc nào em cũng buồn hết.
- Anh thấy Khánh có vẻ học chăm lắm.
- Em chỉ cố gắng hết sức em thôi.
- Khánh đáng khen lắm, me Khánh sau này sẽ hãnh diện vì cô con gái của mình.
Em cắn cắn ngón tay út, ngập ngừng :
- Em thương me.
- Anh biết.
Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi thêm :
- Khánh có cần gì không, anh sẽ dạy thêm, hay Khánh muốn học thêm cours ngoài cũng được. Em nhìn anh Khải biết ơn, em đáp :
- Cám ơn anh, em không dám để hai bác phiền vì em nhiều quá. Nếu em không hiểu bài em sẽ nhờ anh giảng cũng được.
Giọng anh Khải nghiêm nghị :
- Khánh, em không nên nghĩ như thế, ở đây ai cũng xem em là em ruột trong nhà. Em chăm học ngoan ngoãn như thế anh không phiền điều gì được cả. Em nên bỏ cái mặc cảm ăn nhờ ở đậu của em đi. Em lặng im, em biết là gia đình bác Khanh đối xử với em tử tế không khác gì con ruột nhưng em tự thấy mình không có quyền lạm dụng sự thương yêu quá đáng. Me gửi em lên đây coi như ký thác luôn cho hai bác nuôi, me biết là me không trả nổi bác công nuôi em ăn học, không thể nào trả nổi hết. Và dù me có gắng xoay xở đi nữa thì hai bác cũng không đời nào chịu nhận. Trên đời này những người có lòng tốt với họ hàng nghèo như gia đình bác Khanh là điều hiếm hoi. Trong thâm tâm em thấy mình mắc một món nợ lớn. Khó thể trả nổi lòng tốt hôm nay của hai bác và các anh chị, chỉ có một cách là em phải gắng học cho đàng hoàng để khỏi mất mặt me và cho hai bác đừng phiền trách.
Anh Khải nói tiếp, giọng thong thả, khoan dung :
- Anh hiểu những ý nghĩ của Khánh, Khánh luôn luôn mặc cảm tự ti, tự coi mình là người ngoài gia đình anh. Anh thấy Khánh từ chối những lần Hân nó rủ đi chơi và anh biết Khánh phải can đảm để làm điều đó. Khánh còn nhỏ để có thể cương quyết như thế. Anh đọc thấy vẻ ao ước muốn chạy nhảy vô tư trong lòng Khánh. Khánh tự kiềm chế mình để chuyên chú vào việc học. Anh không khuyên Khánh xao lãng học hành nhưng Khánh đừng đặt nó lên tầm quan trọng quá như thế. Ép mình quá Khánh sẽ lớn trước tuổi, sẽ mất những ngày vô tư của Khánh đi.
- Em biết anh Khải thương em như em ruột, nhưng em không thể quên địa vị của em trong nhà này, em…
- Em nói nhảm, Khánh, em cứ xem như đây là gia đình em. Ba má anh có thể nuôi em ăn học thong thả đến hết Đại học. Em còn gì để lo nghĩ nữa chứ.
- Em nghĩ rằng em đã xen vào gia đình và đã làm hai bác tốn kém vì em.
Anh Khải ngước nhìn thẳng vào mặt em, nghiêm nghị :
- Khánh, anh không muốn em nghĩ như thế, đó là việc ba má anh phải nghĩ đến, em đừng quên ba em là em ruột của ba anh.
Em làm thinh không nói, ở địa vị của anh Khải thì anh ấy có quyền nói thế và nghĩ thế, em phải nhận là em may mắn hơn những người bạn khác. Em biết có những cô bạn em lên Đà Lạt trọ học như em ở nhà họ hàng vừa phải trả tiền vừa phải làm việc nhà mệt nhọc chứ đâu rảnh rỗi như em, đã được học đàng hoàng lại còn được đưa đi chơi đủ thứ. Tuy nhiên chừng đó điều không làm lấp được nỗi bứt rứt của em. Cứ nghĩ rằng mình ở đâu đến làm rầy rà người khác là em đã áy náy. Anh Khải nói đúng, em nhiều khi không phải là không thích đi chơi. Nhưng mỗi lần đi như thế em cảm thấy như đã vương thêm một chút nợ nần với hai bác. Me chỉ có thể gửi chút ít tiền cho em đủ chi dụng cần thiết mà chị Hân mỗi lần lôi em đi phố là cứ khen cái này khen cái kia rủ em mua và trả tiền tất cả. Em ngượng vô cùng vì mình cứ nhận quà của chị hoài. Lúc đầu em còn nể chị Hân nên đi, về sau em viện cớ học từ chối, chị có vẻ giận lắm. Thực ra, emcũng như chị, thích được mặc những hàng áo đẹp, thích được chọn những quyển sách hay mà không phải e dè nghĩ đến số tiền phải trả, thích có những gì mà các cô con gái nhỏ cùng tuổi với em ưa thích. Nhưng emkhông là chị Hân nên em phải từ chối, thế thôi. Em không thể quên được em chỉ là một đứa con của một gia đình nghèo nàn, với người mẹ ngày hai buổi đến công sở trong những chiếc áo dài cũ kỹ, với đứa em nhỏ tội nghiệp chỉ thèm muốn mà chẳng bao giờ giữ được các thứ ao ước bao giờ. Và những khi em nghĩ đến
me em như thế em cảm thấy việc em ở với bác, ăn ngon mặc đẹp tha hồ là điều lầm lỗi, lòng em lại bứt rứt không thôi.
Anh Khải gỡ cây đàn của chị Hân treo trên tường xuống. Nhà có ba người là ba cây đàn. Cây của chị Hân mới nhất, đẹp nhất trái với cây đàn phong trần đầy dấu khắc tên và hình quái gở của anh Khải và các bạn anh. Mọi khi anh Khải anh Hoàng thường chê đàn của chị Hân thiếu tính chất nghệ sĩ vì nó sạch sẽ không dấu vết gì cả. Em ngồi nhìn năm ngón tay anh Khải nhẹ nhàng lướt trên các phím đàn. Những tiếng nhạc rơi thanh thót mà thật buồn. Tiếng đàn của anh Khải không bao giờ vui nổi, nó cũng như vẻ mặt lặng lẽ và tính tình trầm mặc ít nói của anh.
Anh đàn đi đàn lại mấy lần một khúc độc tấu thật buồn đó rồi thôi. Năm ngón tay lơ đãng đặt trên thùng đàn. Bàn tay anh Khải có ngón vô danh thật dài, cao gần bằng ngón giữa. Ngón vô danh của nghệ sĩ tính. Em hỏi anh khi chờ hoài không thấy anh đàn nữa :
- Sao anh Khải lại thôi ?
Anh mỉm cười, nụ cười phảng phất vẻ buồn bã :
- Khánh thích lắm sao ?
Em gật đầu :
- Dạ, khúc nhạc anh vừa đánh xong là bài gì vậy ?
Anh Khải đáp khẽ :
- Romance.
Em ngập ngừng nhìn anh một lát rồi chỉ thở dài :
- Anh Khải đánh đàn buồn quá.
- Khánh thích học không ?
Em toan đáp là muốn nhưng rồi em cắn môi lắc đầu.
- Không, em bận học. Nhưng em thích nghe anh đàn lắm.
Anh Khải nhìn em lắc đầu nhè nhẹ, anh trả cây đàn trở lại chỗ cũ :
- Anh đi lấy cho Khánh lọ thủy tinh cắm hoa.
Em đứng lên đi theo anh :
- Để em đến lấy khỏi mất công anh trở lại.
- Cũng được.
Hai anh em lững thững xuyên hành lang qua phòng khách. Phòng riêng của anh Khải nằm gần như biệt lập ngó ra một góc sân đầy hoa, rất hợp với bản tính yên lặng của anh. Đứng ở phòng khách nhìn ra mặt đường uốn theo một chiều vòng cung đi dần xuống bờ hồ. Con dốc thoai thoải làm mỏi chân những người khách đến thăm và cũng rất dễ dàng cho chủ nhân nhìn thấy họ từ đầu mút cuối đường của dốc. Em nhìn thấy màu xanh lá cây đậm bóng quen thuộc của chiếc xe anh Hoàng đang từ từ bò lên. Em đứng dừng lại, reo khẽ :
- A, xe anh Hoàng về anh Khải ơi.
Anh Khải điềm đạm nhìn về hướng con dốc :
- Thế à, sao chúng nó về sớm thế nhỉ ?
Chiếc xe chỉ trong một thoáng đã lên đến đầu dốc chạy vòng vào sân. Trong xe lố nhố nhiều bóng
người, anh Khải nói bình thản :
- Thằng Hoàng lại khều được mấy đứa bạn của nó lên rồi.
Những cánh cửa xe bật mở, anh Hoàng ra trước tiên, một người con trai lạ mặt bận áo xanh nhạt cùng đi với chị Hân. Và cuối cùng là … Hùng. Trái tim em bỗng đập rộn rã trong lồng ngực, em thấy thẹn, bất giác em lính quýnh thụt lùi ra sau lưng anh Khải. Anh không chú ý đến nỗi bối rối của em. Nắm tay em, anh Khải vừa đi vừa nói :
- Đi Khánh, mình xem có quà gì hay không chứ.
Em bước những bước chân ngượng ngùng, thực sự lòng em chỉ muốn chạy biến ngay về phòng riêng mà thôi. Chị Hân là người lên tiếng trước nhất, chị nói như la lên :
- Khánh, uổng ghê chưa, bảo Khánh cùng đi mà Khánh không đi, vui quá chừng Khánh ơi. Hai má em nóng lên trước cái nhìn của hai người con trai mới đến, em mỉm cười bẽn lẽn. Người con trai mặc áo xanh nhạt vui vẻ nắm tay anh Khải :
- Anh vẫn không thay đổi chút nào.
Anh Hoàng nói mà mắt nhìn chị Hân chế nhạo :
- Lôi được thằng Huy lên đây là nhờ công trình của « người ta » đấy anh Khải ạ.
Huy. Em ngẩng nhìn người con trai, hai má chị Hân bỗng hồng thêm một chút. Anh Khải lắc đầu : - Tốn bao nhiêu nước mắt hả, Ngọc Hân ?
Không đợi chị Hân trả lời anh quay sang em :
- Huy, em rể tương lai của anh đó Khánh.
Anh Huy mỉm cười :
- Cô Khánh mà Hân hay nhắc đó phải không ?
Em luống cuống nép sau anh Khải không biết trả lời sao, chị Hân đỡ :
- Khánh đó, anh thấy dễ thương không ?
Anh Huy cười và gật gật đầu làm em muốn chui xuống đất. Em chỉ cúi gầm đầu xuống di di chân, emnghe thấy tiếng Hùng trầm trầm vang lên :
- Ơ hay, vào nhà thôi chứ, tiếp khách gì mà kỳ thế.
- Ừ nhỉ.
Chị Hân vừa reo vừa nhảy chân sáo vào nhà :
- Mời quý vị vào thôi, vào thăm bàn ghế rồi sẽ tính.
- Chỉ có bàn ghế thôi à ?
- Tủ lạnh hay bếp nữa, nếu quý vị muốn.
Mọi người bật cười vui vẻ rồi cùng bước vào nhà, anh Khải hỏi :
- Hùng cũng rảnh rỗi đi theo thằng Hoàng nữa à ?
Hùng cười nhỏ :
- Không rảnh cũng phải đi.
- Lý do ?
Anh Hoàng cười bí mật :
- Chưa thể tiết lộ.
Anh Khải nhún vai se sẽ như không lưu ý, em để mặc mọi người vui đùa âm thầm rút về phòng mình. Đứng phân vân trước tủ sách em nhìn một loạt bìa mạ chữ vàng rực rỡ sáng. Nhìn để mà nhìn thôi chứ emkhông biết sẽ phải lấy quyển gì và làm sao. Đầu óc lơ đãng em cho tay lướt qua những gáy sách cứng. Emthấy nao nao, buồn buồn và cũng thấy hình như có một chút gì vui len vào lòng xao xuyến. Em không diễn tả được lòng em.
CHƯƠNG 5 M
ặt hồ êm êm gợn sóng dưới nhịp cầu, em ôm vở thong thả đi viền theo thành cầu phía trên bậc cao. Những tà áo mầu, áo len vui vẻ tạo thành một sắc thái ấm và rộn rã. Con đường men theo hồ Xuân Hương êm ả nằm dưới những bóng cây xanh. Sau lưng em là đường vòng của một dốc cao vút. Em đứng ngần ngừ một chút rồi đi theo dọc hồ nước. Lúc nãy khi nghỉ hai giờ sau em có ý định đi dạo một chút trên con đường có nhiều bóng cây, ở đó, đỉnh nhà thờ với mấy nét vòng cung trầm lặng và cổ kính. Nhưng bây giờ em bỗng đổi ý. Hai ba hôm nay lòng em mang mang kỳ lạ, buồn đó, vui đó bất chợt, ý kiến cũng đổi hoài không nhất định. Bóng mấy cây dịu dàng trải xuống mặt đường, chiều ở nơi yên tĩnh dễ chịu lạ thường. Em bỗng nhớ đến hai câu thơ êm ái mà em rất thích – Không dưng lòng mang mang sầu. Không dưng
lòng nhẹ như mầu khói bay (L.T.K.). Những cái không dưng quả là khó hiểu như lòng em bây giờ. Em bước vu vơ theo con đường đầu nghĩ lung tung, gió quấn mấy sợi tóc rối mơn man gò má. Chân emđi không theo sự điều khiển của bộ óc. Em nhìn thấy con dốc rẽ lên nhà nằm phơi dưới mầu nắng. Những bông hoa bươm bướm ẻo lả nghiêng mình. Em đi qua, lòng em nhủ sẽ trở về nhà nhưng chân em cứ bước đều, mắt em đăm đăm nhìn về phía trước nhưng tựa hồ như em không trông thấy gì cả. Em chỉ cảm thấy dễ chịu khi đi một mình như thế này. Đầu em như trống rỗng như đầy ắp. Em không biết là em sẽ đi đến đau, em không nghĩ được gì minh bạch cả.
Em cứ lủi thủi đi men theo vòng hồ thật lâu khi nhìn thấy mầu nắng bắt đầu dịu lại em mới dừng chân dưới một gốc thông đưa tay lên vén tóc. Gió thổi vạt áo dài rung nhẹ nhàng. Em bỗng quay lại trong một cảm giác hoảng hốt. Nụ cười trên môi người con trai nở một cách dễ thương. Trái tim em trong phút chốc như ngừng lại, môi em lắp bắp không thành tiếng. Hùng bước lại gần em hơn, giọng miền Bắc vẫn êm và quyến rũ lạ thường.
- Khánh đi đã mỏi chân chưa ?
Em luống cuống lùi lại một bước, mấy quyển vở chừng như sắp rơi, mặt nóng bừng em ấp úng : - Anh Hùng không đi chơi sao ?
- Có chứ.
Hùng mỉm cười, khóe môi lõm xuống thật xinh :
- Tôi nhìn thấy Khánh đi qua khi đứng trên đầu dốc nhìn xuống. Khánh không thích về nhà ? Em đứng sựng không biết trả lời thế nào cho phải, mắt em ngó quanh hết cái này đến cái khác. Mấy cụm mây trôi lang thang trên nền trời, chòm cây xanh những đám cỏ mượt. Giọng người con trai đều đặn như dỗ dành :
- Tôi đi theo Khánh, cứ thấy Khánh chăm chỉ bước, hình như Khánh buồn. Chúng ta đi một vòng nữa chứ ?
Em nghĩ rằng mặt em bây giờ phải đỏ lắm, em thu hết can đảm để lắc đầu nói lí nhí : - Không, Khánh phải về thôi, anh Hùng đi một mình đi.
- Tôi về với Khánh.
Em lẳng lặng ôm vở đi ngược lại con đường vừa qua không nói thêm một lời nào. Em không dám ngó Hùng đi bên cạnh em nữa, mỗi lúc em lại lùi dần vào bờ đường hơn để tạo một khoảng cách. Hùng nói : - Sao Khánh nhút nhát quá vậy ?
- Dạ.
Một người thiếu nữ vượt qua mặt hai đứa, cô ta bỗng quay lại nhìn em mỉm cười. Em không hiểu nụ cười của cô ta có hàm ý gì, bất giác em đánh rơi một quyển vở xuống mặt cỏ. Cố tình bước chậm lại để nhặt vở cho Hùng vượt em nhưng Hùng cũng dừng bước. Hai bàn tay cũng chạm vào quyển vở một lượt. Em rụt tay về, Hùng cười nhìn em :
- Khánh đưa vở đây tôi ôm giùm cho.
Em ngượng chín người :
- Cám ơn anh, Khánh giữ được rồi.
Người con trai trả lại em quyển vở :
- Tùy ý Khánh vậy.
Em đỡ lấy quyển vở nhập chung vào những quyển khác. Những cảm giác xúc động làm em choáng váng. Mặt hồ nước vẫn dịu dàng gợn sóng. Em kéo tóc che nửa mặt, chân tay em ngượng ngùng như thể tia nhìn của Hùng đốt nóng chúng lên. Hùng bỗng dừng bước lại, em tiếp tục đi, trái tim em bỗng như hụt một nhịp khi bước đều về phía trước. Đi cạnh Hùng thì em bối rối, nhưng Hùng đứng lại em có cảm giác vừa đánh mất một cái gì. Em không dám quay lại, tưởng tượng Hùng đang đứng nhìn theo làm chân em lấp vấp không nên. Vòng hồ uốn quanh theo những gốc cây. Em nép vào chúng để bớt ngượng, tự nhiên em thấy giận em quá chừng. Nhưng lại có tiếng giầy nhẹ nhàng khua sau lưng em rồi tay Hùng chìa ra một mẩu bánh ngọt :
- Khánh ăn ?
Em đứng lại tròn mắt nhìn Hùng. Người con trai dễ thương, lịch thiệp, sống quen nếp trưởng giả tưởng chừng không bao giờ đặt chân đến những nơi tầm thường là gì mà cũng ăn ngoài đường nữa. Hùng ngó đôi mắt em, có vẻ chế nhạo :
- Khánh mắc cở ? Tôi nhìn thấy người bán hàng đẩy xe bên đường cạnh chúng ta, tự nhiên tôi muốn mời Khánh một chút, Khánh ăn chứ ?
Em do dự nhìn mẩu bánh nằm trong tay Hùng, em biết rõ loại bánh này. Chị Hân với tính vô tư bất cần thường lôi em đi dạo chiều chiều mua bánh của người bán hàng. Loại bánh mà một lần chị Hân hỏi bánh gì đó ông, người bán hàng trả lời bằng ba bốn thứ tiếng thật tếu kể tên bánh. Em chỉ nhớ được một tên bằng tiếng Pháp là gâteau de coco. Bởi đó là thứ bánh làm bằng trứng gà có kẹp dừa ăn hay hay. Dĩ nhiên đó cũng chẳng phải là cái tên đàng hoàng. Người bán hàng chừng như trước kia cũng là người có học hành khá bị sa sút phải bán bánh nên ông ta nói chuyện rất ngộ nghĩnh không như những người đồng nghiệp khác. Bao giờ ông ta cũng chọn cho em và chị Hân chiếc bánh nóng nhất lấy từ khuôn ra với một nụ cười. Và hai chị em cắn ăn ngay không nệ hà gì đến chuyện ăn ngoài đường. Chị Hân lại có cái thích đụng đâu ăn đó
chứ vào tiệm ngồi đàng hoàng chị lại không ưa. Hùng vẫn đưa cho em mẩu bánh, cái răng khểnh cứ lộ hoài dưới khóe môi, đôi mắt tròn lóng lánh và ngỏ ý năn nỉ. Em ngại ngùng cầm lấy, dẫu sao để Hùng đưa như thế là một điều bất tiện.
- Cám ơn anh.
Hùng tự nhiên cắn phần bánh của mình, mỉm cười :
- Tôi phải cám ơn Khánh vì nếu Khánh không nhận thì tôi không biết phải làm sao đây. Em cúi mặt để giấu một nụ cười không trả lời Hùng. Hình như lúc nào con đường về cũng ngắn hơn lúc đi thì phải. Em đã trông thấy con đường dốc mờ mờ hiện trước mặt, bất giác em dừng chân lại : - Anh Hùng đừng đi chung với Khánh nữa.
Mắt người con trai mở to, ngạc nhiên :
- Sao thế ?
Em bối rối :
- Khánh không biết, anh Hùng đừng đi nữa. Khánh sợ …
- Khánh sợ gì ?
- Khánh sợ … Khánh …
- Khánh nói đi.
Em quay mặt sang nơi khác :
- Khánh không muốn mọi người thấy Khánh đi với anh.
Người con trai nhìn em với một cái nhìn khó hiểu, ánh mắt trầm lại, lặng lẽ giây lâu rồi gật đầu : - Tôi hiểu. Tại sao Khánh lại sợ làm gì ?
Em không trả lời, Hùng gọi bằng giọng nghiêm trang :
- Khánh.
Em ngẩng lên nhìn Hùng, ánh mắt người con trai có vẻ buồn rầu :
- Mặc cảm làm cho Khánh sống nhút nhát, Khánh luôn luôn lẩn trốn mọi người. Tôi lên đây gần một tuần lễ không thấy Khánh vui cười bao giờ. Khánh giống như một con ốc chỉ thích thu hình trong lớp vỏ cứng nhắc.
Em lặng người ngó Hùng, sao ai cũng ví em như một con ốc vậy. Anh Khải đã nói đời sống em nhỏ bé như thế, bây giờ đến Hùng. Em mở lớn hai mắt nhìn người con trai như muốn tìm thấy hình ảnh mình trong hai đồng tử đen tròn lóng lánh đó. Giọng Hùng dịu lại nhưng đối với em giống như những làm roi quất :
- Sao Khánh không vui đùa như mọi người, tuổi của Khánh đâu phải tuổi của lo âu và suy nghĩ. Khánh chỉ cắm đầu vào sách vở suốt ngày. Học hành chi phối Khánh, làm Khánh cách biệt mọi người. Khánh không nghĩ đến tuổi trẻ của Khánh sao ?
Nước mắt em ứa ra trên bờ mi, nhưng tại sao Hùng lại có thể nói với em những câu như thế được chứ. Dưới mắt mọi người em đạo mạo như một mụ già, em nghiêm trang như người lớn, em không phải là Khánh mười sáu tuổi, Khánh bé nhỏ và tội nghiệp của me hay sao? Tuổi trẻ của em, em nghĩ chứ, nhưng tuổi trẻ là để học hành, mai mốt lớn trăm nghìn chuyện khác chi phối làm sao học được. Em đâu phải chị Hân, đâu phải anh Hoàng, đâu phải Hùng. Em không là con nhà giầu sẵn của tiêu dùng, em cũng không thể tự mình kiếm tiền ra để lo cho thân chứ đừng nói là làm gì nữa. Vậy em có thể làm gì ngoài việc học khi
sống giống như một loài tầm gởi. Hùng có lý của Hùng, lý của những người con may mắn sinh trưởng trong nhà quyền quý. Có lý nào em lại có thể so sánh với Hùng, sống được đời sống của Hùng hay sao. Hùng nhìn mấy giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt em, dịu dàng :
- Xin lỗi Khánh, tôi không có ý làm cho Khánh buồn.
Em lắc lắc đầu cho những hạt nước trôi xuống viền má, em không có quyền trách móc ai hết, môi em tê đau giữa hai hàm răng.
- Anh Hùng có lý, nhưng Khánh thích sống như thế, Khánh mong anh đừng làm Khánh phải thoát khỏi đời sống của con ốc hèn mọn, Khánh thích thế, Khánh thích thế.
Em gần như la lên mấy tiếng sau cùng và vùng bỏ chạy về trước mặt. « Khánh ! » Hùng gọi theo một tiếng ngắn nhưng em không quay lại, có cái gì đổ vỡ, vừa rã tan trong lòng em. Nước mắt em chảy dàn dụa trên má. Con dốc trước mặt em nhòa nhạt như cao lên làm em muốn hụt hơi. Em chạy với những bước chân hốt hoảng dường như có ai đang rượt đuổi theo mình. Khánh không nghĩ đến tuổi trẻ của Khánh sao ? Embặm môi, lòng em rã rời, đau nhói.
CHƯƠNG 6 N
iên học đệ Tam ở Đà Lạt của em đã chấm dứt. Kết quả cuối năm thật không làm em hổ thẹn với hai bác và các anh chị. Phần thưởng hạng nhất rực rỡ ôm trong tay em vui đến chảy nước mắt, sự cố gắng của em đã được đền bù. Anh Khải, chị Hân, anh Hoàng ai cũng khen và dắt đi chơi với cho đủ thứ. Chị Hân bảo :
- Bây giờ hết niên học rồi thì không có viện lý do gì để trốn ở nhà nữa nghe cô nương. Em cười dạ nhỏ, nhưng em không ở lâu, chỉ một tuần sau khi nghỉ hè em thu xếp hành lý xin trở về với me, phải tranh đấu hết sức em mới có thể đi được vì ở nhà bác Khanh ai cũng muốn giữ em lại hết. Chị Hân là người nóng hơn cả, chị nói như la lên :
- Từ từ Khánh về không được sao, ở lại với chị vài hôm nữa đã.
Em ngó chị Hân điềm tĩnh :
- Em đã ở đây cả một niên học rồi.
Chị Hân dậm chân xuống đất :
- Nhưng Khánh ở chỉ cắm đầu vào mấy quyển sách thôi, bây giờ nghỉ hè thì lại về. - Em không thể ở lại được, em nhớ me em.
Cuộc tranh chấp không mang lại thắng lợi cho chị Hân, em trở về Ban Mê Thuột vào ngày chủ nhật bằng chuyến bay sớm nhất trong ngày. Chuyến về gặp nhiều may mắn hơn lần đi. Hết ba mươi lắm phút bay em hồi hộp nhìn màu đỏ của phi trường Phụng Dực nổi bật giữa khoảng trống với những viền cây xanh. Xe ca đưa hành khách trở về thành phố nhẹ nhàng lướt. Những đóa hoa quỳ vàng không nở cùng với mùa hè, chỉ có phượng vỹ và muồng lấm tấm rơi trên mặt đất. Em bấu tay vào thành xe đăm đăm ngó ra ngoài. Con đường từ phi trường về thành phố có những đoạn toàn cây cao phủ bóng hết mặt đường. Café chưa ra hoa tháng này, nếu không mọi người sẽ được ngửi mùi thơm hơi gắt tỏa ra từ những khuôn viên café dầy đặc mọc ven đường. Lòng em rộn lên nỗi khó tả khi nhìn thấy tấm bảng « Ban Mê Thuột chào mừng quý khách » bên đường. Cũng tấm bảng ấy, lần đi nhìn mặt bên kia em đã ứa nước mắt ra.
Xe ca về đến trạm Air VN em vội vã leo xuống gọi xích lô về nhà. Bụi hoa móng tay đã nẩy thêmnhiều chồi mới. Em nhìn thấy những đóa hoa trắng đơn sơ nổi lên cạnh màu hồng và màu tím. Ngày em đi hoa móng tay không có loại màu trắng, có lẽ me đã gây giống thêm. Chả khó khăn gì, loài hoa này vốn dễ sống dễ trồng. Hai cánh cửa rào khép hờ, em đẩy vào dễ dàng. Bẩy tám tháng xa cách em tưởng chừng như mới hôm qua, màu hoa tím vẫn thế. Me đang lúi húi thu dọn đồ đạc trong nhà quay lưng về em. Chiếc áo me mặc có những đóa hoa tím nhã nhặn in trên nền xanh và xám của vải. Trông me hình gầy thì phải. Emném chiếc valise nhỏ xuống nền ciment xanh bóng kêu lên :
- Me !
Me thảng thốt quay lại, đôi mắt me mở ra với tia nhìn sửng sốt và đậm đà thương yêu. Em chạy lên mấy bước rơi vào hai cánh tay me mở ra chờ đón, cảm giác rưng rưng tràn ngập trong lòng. Me nói dịu dàng :
- Khánh của me đã về.
Bàn tay me nhẹ nhàng nâng cằm em lên, me hơi lùi lại một chút, em đọc thấy trong mắt me tràn ngập những tia âu yếm và hãnh diện. Giọng me reo vui :
- Con lớn quá, không gầy nữa và xinh hẳn ra.
Em bẽn lẽn dấu mặt vào tay, hai má nóng lên :
- Me, chưa chi me đã trêu con rồi.
Me mỉm cười lắc đầu :
- Me cứ đoán thế nào con cũng về trong hôm nay, me ngóng mãi, con đi chuyến mấy giờ? - Dạ, bảy giờ me ạ, em Vũ đâu hở me ?
- Me sai em đi mua cuộn chỉ để me khâu lại ít màn cửa. Phải lo sửa soạn lại nhà cửa đón con đấy chứ. Em nhìn quanh mọi vậy quen thuộc trong nhà lắc đầu se sẽ :
- Như thế này cũng là gọn gàng sạch sẽ rồi mà me.
- Thật sao, me nghĩ là quen với nếp sống và khung cảnh của nhà bác Khanh con sẽ chê me đó chứ. Em ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mắt me lòng em chợt se lại. Me nói có vẻ nghiêm trang nhưng trong mắt me lại bao dung và môi me thoáng một nụ cười. Giọng em khô lại :
- Me nghĩ thế hở me ?
Me dịu dàng đặt tay lên mái tóc em vuốt nhè nhẹ, me nói tự nhiên và hiền hòa :
- Me nghĩ là con gái me thương me.
Em cắn đôi môi thật mạnh và bám lấy me, vùi mặt vào bờ vai mảnh dẻ thơm mùi da thịt cũ. Một cuộn chỉ tung vào vai em hơi đau. Tiếng rơi của trục gỗ xuống sàn nhà nẩy lên và lăn tròn cùng một lượt với tiếng gọi trong thanh của Vũ :
- A ha, chị Khánh về, chị Khánh làm nũng với me.
Em quay mặt lại để thấy Vũ cười tươi tắn, trông Vũ có vẻ cứng cáp hơn ngày xưa, cao hơn, rắn rỏi hơn.
- Vũ.
Em gọi tên đứa em yêu quý, Vũ chạy đến nhào luôn vào tay em, miệng cười khanh khách : - Ơ, má chị Khánh hồng ghê, quà của em đâu hở chị Khánh ?
Em ôm lấy Vũ và hai chị em nằm trong đôi tay nhỏ của me. Em cúi đầu sát bên mái tóc Vũ thủ thỉ : - Có, chị Khánh có mua cho Vũ quà, chị Khánh có làm nữa, mà ở nhà có ngoan không, Vũ có làm me buồn không ?
Giọng Vũ liến thoắng :
- Đâu có chị Khánh, em ngoan lắm, me nói em phải ngoan chị Khánh mới thương. Em không ngoan chị không về nhà, me nói vậy đó phải không chị Khánh ?
Em ừ ừ nhỏ trong miệng, sao mà em mau nước mắt thế không biết, vui cũng khóc mà buồn cũng khóc. Em hít mạnh một hơi dài để ngăn cảm xúc. Em thấy hạnh phúc luôn luôn chiều đãi em. Vũ bỗng tuột khỏi
tay em tíu tít :
- Đâu, chị lấy quà cho em đi chị Khánh, em mong chị muốn chết à, me cũng mong nữa đó. Me nhìn hai chị em nói :
- Để cho chị Khánh thay quần áo rửa mặt đã con, chị mệt.
Em bất giác cúi nhìn y phục của mình, quần cigare nâu, áo pull vàng. Bỗng nhiên em cảm thấy ngượng ngùng. Vũ ngó em nói như reo lên :
- Chị Khánh mới may quần áo me ơi, áo chị Khánh đẹp quá, đẹp hơn áo con.
Hai má em nóng bừng, em có cảm tưởng tội lỗi khi mặc loại y phục đắt tiền và thời trang này khi ở trong ngôi nhà đơn giản của me. Bộ cigare này em ưa nhất, chị Hân đã cho em một bộ khi cùng đi mua vải. Đôi khi em không cưỡng được lòng ham muốn bình thường của mình. Em cúi mặt để tránh tia nhìn của me lướt trên người em. Giọng me vẫn bình thường :
- Đi thay quần áo rồi nghỉ Khánh, me đi chợ về nấu cơm cho, hôm nay con muốn ăn món gì ? Vũ nhẩy lên, reo mừng :
- Me nấu bún riêu đi me, me hứa chừng chị Khánh về me sẽ nấu đó.
Em gật đầu với một nụ cười :
- Phải đó me, lâu quá không ai cho con ăn bún riêu hết.
Me ngó em âu yếm, giọng me vui :
- Ừ, thì me nấu.
Vũ vỗ tay cười sung sướng.
- Ơ, thích quá chị Khánh ơi, nhất chị đó nghe.
Em đứng lên, ngó me làm nũng :
- Me cho con đi chợ với me.
- Con không mệt à ?
- Con thích đi với me.
Me cười hiền hậu :
- Đi thì đi.
Vũ kêu lên :
- Con không ở nhà đâu me, con cũng đi.
- Thì ba mẹ con đi hết.
Vũ bắt đầu mở valise của em ra lục, những món quà be bé được lôi ra với tiếng cười. Em bỏ đi rửa mặt. Nắng chiều hồng trên thành cửa, em ngửa mặt nhìn một cụm mây trắng từ từ trôi trên nền trời xanh biếc như cuộn bông gòn khổng lồ. Em dừng tay, hỏi vọng vào trong :
- Me à, bây giờ con bông gòn bay không hở me ?
Me nói dịu dàng :
- Làm gì còn con, mùa bông gòn bắt đầu từ cuối tháng ba, bây giờ tháng sáu rồi còn gì. Em nghĩ đến những đám bông gòn trắng xóa mỗi lần gió mạnh lại tung khỏi các trái gòn khô như một đàn chim trắng nhỏ dày đặc. Những nụ gòn có dính một hạt đen tròn như hạt tiêu sọ phất phới bay đầy trời như những bông tuyết rơi. Nhất là trời chiều nhìn đẹp không tưởng. Em gọi tháng tư là mùa của những đóa
gòn bay. Em nói bằng giọng tiếc rẻ :
- Uổng quá me ơi, con hụt nhìn bông gòn bay rồi.
Me cười :
- Con gái me lại muốn làm thi sĩ, bông gòn bay trời gió bẩn bắt chết, chỉ mệt me quét sân thôi. - Nhưng mà đẹp, me ạ.
Em cúi mặt suy nghĩ một hồi rồi nói tiếp, buồn xo :
- Mà từ nay về sau con chẳng được nhìn bông gòn bay nữa rồi. Tháng ba năm sau con lại đang ở Đà Lạt.
Me ngó em, mắt me chớp chớp rồi me nói lảng sang chuyện khác :
- Thôi muộn rồi Khánh ạ, nhanh lên mẹ con mình đi chợ thôi, trễ quá hết cua là khỏi ăn bún riêu đấy nhé.
Em muốn cười với me nhưng sao mắt em rưng rưng muốn khóc, và lẳng lặng cúi mặt, em cố nhịn một tiếng thở dài.
CHƯƠNG 7 Đ
ến một tuổi nào đó thì người ta mới thực sự lớn và chừng nào thì có quyền nghĩ đến tình yêu ? Giờ nào để học hành và giờ nào để mơ mộng ? Con người nào trong Khánh tầm thường có thể không lo âu nghĩ riêng về trái tim nhỏ bé của mình ? Tại sao với khối óc thật bình thường trong một xác thân người ta
lại có thể phân chia ra nhiều tư tưởng và nhiều con người trong một con người như thế nhỉ ? Những lọn mây đứng im trên nền trời không bay nữa, em khép mắt nhìn xuống bàn. Nhìn lâu nền mây mắt em thấy tối lại, hơi nhức nhối. Có cái gì nhoi nhói trong trán em khó chịu quá chừng. Mấy tờ giấy trắng và cây bút vẫn nằm nguyên trên mặt bàn. Em muốn viết thư cho chị Hân nhưng em không viết được chữ nào cả. Chị Hân gọi em trở về Đà Lạt nhanh nhanh, chị nói tuần rồi Hùng và anh Huy có lên Đà Lạt một lần nữa. Cái tin làm tim em bỗng đập hụt một nhịp trong lồng ngực, cảm giác tê lặng còn mang đâu đây. Embỗng dưng có ý nghĩ hối hận đã không ở cạnh chị Hân lúc Hùng lên. Thâm tâm em tự trách, mày nhỏ mọn thế hở Khánh, mày không yêu me với em Vũ sao. Trở về Ban mê ngay là phải. Thế nhưng một tiếng nói khác thầm lặng kêu gọi trong em, nỗi tiếc nhớ và buồn vu vơ ngấm ngầm nổi dậy. Em sợ hãi hỏi thầm chẳng lẽ mình lại bị chi phối bởi người con trai mới quen biết đó sao. Đầu em cứ nghĩ hoài về đôi mắt tròn, khóe môi cười mỉm thật sâu với chiếc răng khểnh. Quên đi, quên đi, Khánh. Lo mà học, đừng để bất cứ điều gì ngăn trở bước đi. Bao nhiêu lần em nhủ lòng không nhớ nữa mà vẫn thế. Giọng nói miền Bắc trầm trầm, ánh mắt lạ kỳ. Em bặm môi nhớ đến những câu nói của Hùng hôm nào khi theo em về. Nhớ để mà cố thù ghét con người đó, nhưng lạ, em không thể nào ghét được. Lòng em kêu lên, hắn là một tên tầm thường, kiêu hãnh chẳng đáng gì cho mình nghĩ và càng ngày em càng thấy hốt hoảng thêm khi nhận ra Hùng xâmchiếm ý nghĩ em quá nhiều.
Sau buổi chiều đó em cứ lánh mặt Hùng mãi mãi cho đến khi Hùng và anh Huy trở về Sài Gòn. Chị Hân mải mê man trong nỗi vui nên không nhìn thấy sự thay đổi của em. Vốn dĩ xưa nay chị hời hợt trong vấn đề tình cảm thầm kín, tính nết thẳng thắn và ngang ngược không tạo cho chị sự tế nhị bao nhiêu. Chỉ có anh Khải là thoáng hiểu em, anh lặng im như không hề biết gì. Em thầm cám ơn anh về điều đó, nếu anh đặt vấn đề ra hỏi chắc em không giải thích được tại vì sao. Ngày từ giã về Sài Gòn, Hùng có tìm cách gặp emriêng một lần để nói chuyện. Chị Hân thì quấn quýt bên anh Huy, anh Hoàng bận tiếp một người bạn, anh Khải luôn luôn tế nhị để Hùng có cơ hội gặp em. Em đã trốn ra sao khoảng cây lá dại sau nhà ngắm những cụm mây lang thang để khỏi tiễn mọi người ra phi trường vậy mà Hùng cũng tìm ra được. Lần thứ hai bị đối diện riêng rẽ trong phạm vi nhà bác Khanh em run lên nhưng cố giữ vẻ bình thản ngồi lặng lẽ chơi với những lá cỏ dại không nói gì. Hùng đứng nhìn em một lúc lâu rồi mới nói bằng giọng buồn tênh :
- Khánh ghét tôi lắm phải không ?
Em nhìn ra xa nói khẽ :
- Tại sao Khánh lại ghét anh, anh làm gì để Khánh ghét ?
Hùng im lặng một lúc lâu rồi tiến lên mấy bước ngồi trước mặt em, giọng ấm áp : - Tại sao Khánh lạnh nhạt thế, Khánh không giống bất cứ cô gái nào tôi đã gặp. Khánh không thể coi tôi là một người bạn thân được sao ?
Em ngó thẳng Hùng, nghiêm giọng :
- Khánh xem anh như một người anh, như anh Huy, anh Hoàng.
- Đời sống Khánh có quá nhiều chiều sâu.
- Khánh còn nhỏ, vụng về và nông cạn lắm.
- Chiều sâu của tâm hồn không tùy thuộc tuổi tác.
Em ngắt một cọng cỏ vò nát, sao Hùng cứ hay ưa thích lý luận như thế nhỉ :
- Tùy anh, Khánh không biết.
Hùng ngó em với đôi mắt buồn buồn không nói thêm một lời nào cả. Sự lặng im làm đứng cả thời gian. Em cúi đầu suy nghĩ lan man những chuyện đâu đâu. Hùng ngồi nhìn em một lúc rồi đứng lên nói nhẹ nhàng :
- Tôi về Khánh ạ.
Em ngẩng lên, một câu nói vụt thốt ra máy móc :
- Vâng, anh về.
Mắt Hùng nhìn em như oán trách, Hùng lắc đầu :
- Khánh ác lắm.
Em chờ đợi ở Hùng một câu nói khác cho em nhưng Hùng chỉ lẳng lặng bước đi. Trái tim em vụt đau nhói, em ngó theo Hùng, cổ họng em khô lại. Em muốn gọi anh Hùng quay lại đi. Khánh không muốn anh đi như thế. Em mong Hùng quay lại nhìn em, quay lại thôi là em kêu lên, em sẽ không im lặng nữa, không nhút nhát, không e dè nữa. Nhưng Hùng đi không hề ngó lại, và em ngồi đó, hai giọt nước mắt ứa đầy trên mi không buồn che giấu.
Và chỉ ngắn ngủi, thầm lặng như thế cho tấm lòng còn dại dột của em.
Nỗi buồn phiền chỉ mới bắt đầu nguôi ngoai từ khi em trở về cạnh me và em Vũ. Được săn sóc bởi bàn tay người mẹ và sự hồn nhiên của đứa em nhỏ em thấy vô tư trở lại. Không ai nói em đạo mạo, không ai bắt ép em đi chơi. Bên cạnh cuộc đời êm đềm và bình thản của me em chợt thấy những ngày sống cạnh chị Hân là phù phiếm không chừng, và yêu là tội lỗi không bao giờ em nên nghĩ đến.
Nhưng bức thư của chị Hân là một viên đá làm vẩn đục mặt ao tù. Lòng trong sạch của em bị xao xuyến, đảo lộn. Em chạnh nhớ đến con đường xanh mướt lá cây, nhó mặt hồ dịu dàng gợn sóng, nhớ đôi mắt theo đuổi đến kỳ lạ. Âm thanh những câu nói của Hùng cứ như còn vang bên tai em, có lúc em vui, có lúc em buồn muốn khóc.
Đã là cái gì đâu mà nhớ với thương, em chỉ là con bé tầm thường và hèn mọn. Ở địa vị như Hùng, hàng chục cô gái bằng tuổi em và hơn em gấp mười lần đang mong muốn được làm thân với người con trai đó. Nhà nghèo như em, em không có tham vọng kết bạn với những người giàu. Mặc cảm đầy ứ trong em, em sợ người ta sẽ khinh rẻ. Những người con trai thường chóng quên, em không muốn khi tình cảm đã đi quá xa sẽ ôm tiếc nhớ. Dẫu sao, em còn phải học, vốn liếng kiến thức của em chẳng có bao nhiêu. Em
chẳng muốn bị ném ra đời với hai bàn tay trắng và trí óc hẹp hòi. Em không thể đứng ngang hàng với mọi người về điểm giàu sang nhưng em quyết không để xếp hạng thấp hèn về học hành và tư cách. Hãy nhẫn nhục, chịu đau khổ một thời gian còn hơn suốt cả đời đắm trong bùn không bao giờ ngoi lên được vì một chút tự ái bốc đồng của tuổi trẻ. Bây giờ em chịu làm con nhộng tầm thường trong kén tối tăm để ngày mai em sẽ trở thành loài bướm vô cùng đẹp đẽ.
Tự nhiên một nỗi bực tức vô lý bỗng ứ đầy trong em. Em ném mạnh cây bút xuống đất, vò luôn tờ giấy trắng nằm vô duyên trên mặt bàn, em muốn hét, muốn la lớn cho những nỗi dồn nén được tự do thoát ra. Hơi trong ngực em như làm nghẹn thở, em ao ước khóc được thật lớn, thật nhiều. Em chống tay lên cằmngó đăm đăm ra ngoài, tưởng như Hùng đang thong thả bước vào sân đất qua cánh cổng nhỏ. Mấy đóa hoa móng tay khẽ rung động trong gió, em nhớ nụ cười Hùng, cái răng khểnh thật xinh. Nhưng đừng nghĩ nữa, đừng nghĩ nữa, - em la thầm trong lòng. Mắt em mỏi vì căng ra, em khép mắt lại và bỗng nhiên thấy tối sầm, những đốm xanh đỏ lướt bay rối loạn đến choáng váng. Em bưng lấy đầu giữa hai tay. Một lúc rồi embỏ vào giường nằm. Em cảm thấy khổ sở, tuyệt vọng. Chưa bao giờ em muốn khóc cho bằng bây giờ.
° ° °
- Khánh.
Em mở choàng mắt ra và hốt hoảng khi thấy khuôn mặt me lo lắng cúi xuống. Me mặc áo dài, em lấy lại trí nhớ rất nhanh và kêu lên :
- Me đi làm về rồi sao, chết, con ngủ quên thổi cơm rồi.
Me lắc đầu :
- Thôi, me tưởng con đau, con không đau đấy chứ ?
Em lắc đầu thay câu trả lời, em muốn ngồi dậy nhưng sự lười biếng đè nặng thân thể em. - Vũ đâu me ?
- Em đứng đây chứ đâu chị Khánh.
Vũ lên tiếng trả lời em, thằng nhỏ đứng ngay cạnh me mà em không thấy. Em hỏi Vũ : - Sao Vũ không gọi chị Khánh dậy thổi cơm ?
Vũ lắc đầu rất trẻ con :
- Em thấy chị Khánh ngủ ngon quá, mà chị Khánh lại khóc nữa nên em không dám gọi. Em giật mình đưa tay sờ lên mặt, hai má em vẫn bình thường, em khóc hồi nào nhỉ ? Vũ nói : - Chị Khánh vừa ngủ vừa khóc, Vũ thấy nước mắt chị chảy ra nè, có một tí thôi, sao vậy chị Khánh ? Em ngó Vũ không biết trả lời sao, em không hiểu mình đã nằm mơ gì và tại sao lại khóc. Em chống tay ngồi dậy, cúi mặt nói nhỏ :
- Để con đi thổi cơm me ạ.
Me ngăn lại :
- Thôi muộn rồi Khánh, hôm nay mẹ con mình đi ăn tiệm một bữa.
Em hơi ngẩn người ra nhìn me trong khi Vũ nhẩy lên reo mừng :
- A ha, thích quá me dắt đi ăn tiệm, dậy thay quần áo đi chị Khánh.
Me ngó em cười :
- Gì mà nhìn me dữ thế Khánh ?
- Sao me không thổi cơm nhà cho đỡ tốn hở me ?
- Lâu lâu mẹ con mình làm sang một hôm không được sao. Me mới có lương chiều nay xong. Khánh không thích à ?
Em gượng cười :
- Ở đâu có me là con thích rồi.
- Vậy thì sửa soạn đi thôi.
- Vâng, thưa me.
Tiệm ăn nhỏ và khá sạch sẽ, ba mẹ con ngồi khuất trong một góc nhỏ. Me nói hôm nay cho Khánh và Vũ ăn tha hồ. Em ngó me hơi ngạc nhiên nhưng không nói. Bữa ăn so với Vũ thì lạ và ngon nhưng em đã quen rồi. Những bữa ăn ở nhà bác Khanh, những tiệm ăn sang trọng lần lượt anh Khải hay chị Hân đã đưa em vào so với nơi đây còn hơn rất xa. Em không cảm thấy mùi vị của thức ăn, em mải lo nghĩ đâu đâu. Emlơ đãng đến nỗi me phải ngạc nhiên kêu lên sao Khánh ăn ít thế, em chỉ lắc đầu cười gượng không nói.
Hình như khi người ta yêu thì bất cứ điều gì cũng làm quấy động, cũng nhắc nhở cho nhau đến người yêu dấu. Khung cảnh bàn ăn làm em nhớ đến hôm nào anh Khải rủ cả bọn cùng đi. Những món ăn sang chưa biết cách ăn làm em đỏ mặt vì thẹn. Anh Khải, anh Huy, anh Hoàng, chị Hân và Hùng đều thành thạo cách dùng muỗng nĩa, chỉ có em là ngơ ngác tội nghiệp. Mấy tháng ở Đà Lat chưa rũ bỏ trong em nét quê mùa và nghèo hèn của một con bé. Hùng ngồi đối diện em, điềm đạm « xec via » giùm một cách tự nhiên em muốn chín nhừ người vì thẹn, vì thấy mình cách biệt quá với nếp sống sang trọng của mọi người. Em ăn thật ít và chỉ ngồi nhìn Hùng. Ở trong con người Hùng nét nào cũng dễ thương, từ ánh mắt nhìn đến nụ cười trẻ con. Em thích nhìn lúc Hùng ăn hơn lúc nào hết, những lúc đó Hùng hồn nhiên và ngộ nghĩnh không cùng.
Me cứ nhìn em hoài làm em phải cười nói đùa với em Vũ mấy câu, nhưng tự thâm tâm em vẫn cảmthấy cái gì gượng gạo và giả dối, em hổ thẹn đã không thành thật với chính mình. Thỉnh thoảng em bắt gặp trong tia mắt của me có điều khác lạ, em hơi xao xuyến trong lòng vội vã nói cười, song, hình như me đã nhận ra rồi.
Không dưng mà em bỗng nhớ đến nhà bác Khanh, ngôi nhà màu hồng nằm cuối con dốc cao vời. Thèmmuốn được đứng ở đó nhìn con đường vòng quanh hồ im dưới bóng cây xanh. Lần thứ nhất em tự hỏi, sao me mình không giàu, sao gia đình lại không sống thư thả và ung dung như bất cứ người giàu sang nào. Cái mặc cảm nghèo hèn mỗi lúc một dâng đầy thêm. Nước mắt bỗng muốn ứa ra bờ mi em, em cúi vội đầu chớp mạnh đôi mi giữ cho đừng khóc. Khi ngẩng lên em thấy đôi mắt me u buồn nhìn em. Đôi mắt lúc nào cũng long lanh như ướt nước. Em cắn mạnh môi mình, lòng buốt đau, se thắt.
Buổi tối đi chơi không vui tí nào cả, me lặng lẽ dẫn hai chị em về nhà. Vũ vẫn vô tư cười nói vì được me mua cho gói bánh lớn. Me có vẻ buồn hơn, me im lặng suốt con đường về nhà. Em muốn khơi chuyện gì đó nói cho me vui nhưng sao em cảm thấy lười biếng nói quá chừng. Đường vắng, mùi hương dạ lý từ những hàng cây của dãy nhà hai bên bốc ra nồng nàn. Em không ưa mùi thơm của dạ lý, em thấy nó có vẻ đĩ thõa. Bất giác em lại nhớ mùi dịu dàng của những đóa hoa hồng sau vườn nhà bác Khanh. Sao mình tệ thế, em tự nhủ, đầu óc mình bị sự xa hoa xâm chiếm mất rồi. Trong đêm tối tiếng chân của ba mẹ con gõ nhịp rõ rệt, hơn lúc nào hết, em cảm thấy nỗi buồn vô cùng thấm thía.
Me về đến nhà, giúp em Vũ rửa tay chân thay quần áo rồi đi ngủ. Em ái ngại nhìn nét mặt buồn bã của me. Em tưởng me sẽ đi nghỉ luôn nhưng rồi me lại lục soạn trong thùng đồ may lấy vải ra đến bàn máy âmthầm làm việc. Em muốn ngủ cho đầu óc bình thản nhưng hai mắt em mở to, lì lợm hơn bao giờ hết. Đầu óc em căng thẳng khó chịu. Em đến bên bàn học mở sách vở ôn lại mấy bài toán hy vọng sẽ quên đi được những viễn tượng xa vời. Những bài toán về quỹ tích, về không gian đảo lộn trong đầu em. Em mở tung cửa sổ trước mặt, buộc hai giải màn hoa tím lại. Nền trời đen lấp lánh đầy sao. Em thở dài, cảm thấy mình bất lực vô cùng. Quyển sách mở rộng trước mặt, em chỉ nhìn thấy khoảng không gian tối tăm trước mắt. Trời ơi, em phải làm gì bây giờ. Tiếng máy may của me kêu đều đều trong đêm vắng, em thấy bứt rứt quay lại nhìn me. Khuôn mặt me lấp sau mái tóc dài, sóng mũi thanh, viền mi đậm. Me đẹp. Tại sao người đẹp như me lại khổ thế nhỉ ? Em nhoài người qua đầu tủ với lấy chiếc radio nhỏ loay hoay tìm đài. Bây giờ là mấy giờ, mười, mười một hay nhiều hơn không chừng. Tiếng hát trong và cao của người nữ ca sĩ nhẹ nhàng vang giữa đêm, chương trình nhạc khuya luôn luôn hay và buồn. Em thu cả hai chân lên ghế ngồi bó gối lắng tai nghe. Bản Tristesse của Chopin có những âm lảnh lót thê thảm. Vương sầu nơi nao, ý thắm tàn mau, chưa nguôi yêu dấu mắt đã hoen màu thương đau, khóc lúc đêm thâu. Ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt ngày nào …. Hơi thở em gượng nhẹ lại khi trái tim xiết đau, vương sầu nơi nao, vương sầu nơi nao, ôi tiếng lòng lơ láo đón làn nước mắt … Sao tiếng hát buồn quá đỗi, đớn đau quá đỗi. Em gần như muốn nhịn thở mà nghe từng nốt rơi đều thảm thiết. Bản nhạc ngừng, giọng đàn ông ấm và trầm, giọng nói chỉ có người miền Bắc mới có êm ái giới thiệu một đoạn tình ca khác. Chương trình chủ đề với những tình ca bất tử. Lại những tình ca bất tử, em lặng người, ngẩn ngơ nhìn mà không thấy gì hết. Những bài hát bi thiết lần lượt được trình bày. Sombre Dimanche, Rêverie, Sérénata, và rồi cuối cùng là Sérénade. Emtưởng chừng như mình đang ngồi ở quán nhạc xưa cũ của Nha Trang ngày nào. Cũng chính bản nhạc này, ngày hôm ấy em đã gặp Hùng lần đầu tiên. Phải chi đừng có lễ Quốc Khánh ác nghiệt, phải chi em về phe với chị Hân để về Sài Gòn lần ấy thì đâu đến nỗi. Em khép mắt nghe lại những lời hát cũ, lòng vẫn thấy nhói đau và rung động như thuở nào. Những giọt nước mắt bất giác ứa đầy trên đôi má nóng hổi khi giọng hát vẫn tiếp tục ngân cao. Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu, cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau. Em rùng mình, không phải vì lạnh, tự nhiên em cảm thấy khó chịu trong người thế thôi. Bản nhạc tưởng không bao giờ dứt được rồi cũng hết. Em nghe nỗi hối tiếc tràn ngập lòng. Những giọt nước mắt lăn dài không ngừng. Gió đêm nhè nhẹ lướt trên mái tóc, em có cảm tưởng thân thể mình chợt cứng lại như tượng đá.
Chiếc bóng đậm của me in xuống mặt bàn làm tối lại, tay me dịu dàng vén tóc em về gọn sau vai, giọng me hiền :
- Sao con khóc, Khánh ?
Em ngồi im không nhúc nhích, em muốn trả lời me lắm nhưng lời nói không thoát khỏi đôi môi. Me nhìn em nửa nghiêm khắc nửa hiền dịu :
- Con thay đổi rồi Khánh, từ hôm bắt đầu ở Đà Lạt về. Con buồn chuyện gì ?
Em lắc mạnh đầu, me hỏi lại :
- Con muốn trở về Đà Lạt hay sao ?
Em nghe trong câu nói me có ẩn chứa nỗi tủi nhục và buồn rầu. Bất giác em òa lên khóc trong cánh tay
me.
- Không, me.
Me yên lặng ôm em. Em nghe cả nhịp tim me chậm chạp đập trong lồng ngực. Me nói giọng ưu phiền : - Tại sao thế, Khánh ?
Em vừa nói vừa khóc :
- Con buồn quá me ơi, con không muốn làm gì nữa hết.
- Tại sao con buồn ?
- Con không biết.
- Không phải con không biết, con biết nhưng con không dám nghĩ là con biết, phải không Khánh ? Em khóc không trả lời me. Me thở dài :
- Me không nghĩ là con lớn nhanh đến thế.
Em ngẩng khuôn mặt đầm đìa nước mắt nhìn me :
- Me nói như thế là sao ?
Me lẳng lặng buông em ra đứng lên :
- Con khóc được là dễ chịu rồi, suốt từ tối đến giờ me thấy con ngơ ngẩn như mất hồn. Con nên đi ngủ đi.
- Con chưa buồn ngủ.
- Vào giường con sẽ muốn ngủ.
Giọng me nghiêm nghị quá em không dám cãi lời me. Nước lạnh làm em tỉnh táo đôi chút, hai con mắt đã thấy mọng lên, cưng cứng khó chịu. Em chui vào màn nằm duỗi thẳng chân tay, mắt ngước nhìn đỉnh màn trắng xóa. Me tiếp tục cặm cụi bên chiếc máy, dáng me nhẫn nhục và chịu đựng. Em nằm im một lúc, embiết mình không thể nào ngủ được hết. Tiếng kéo của me lách cách chạy trên mặt bàn, vải cắt nghe sắc tiếng đến ớn lạnh. Em thở dài vùng ra khỏi giường :
- Sao me không đi ngủ me, khuya rồi.
Me cắm cúi may, không trả lời, em nhắc lại :
- Me, khuya rồi.
Me ngẩng đầu nhìn em :
- Sao Khánh không ngủ đi ?
Em nghẹn ngào nhìn me :
- Con không muốn ngủ, con không ngủ được.
- Con sẽ ngủ được, nghe lời me vào màn đi.
Giọng me nghiêm khắc quá đỗi, em tưởng chừng như đó không phải là người mẹ dịu hiền của em bấy lâu nay. Em muốn òa lên khóc thật lớn :
- Me đi ngủ thôi.
Me chăm chỉ gấp một đường viền áo, lãnh đạm :
- Me phải may nốt chiếc áo cho xong. Khánh ngủ đi, me muốn thế.
- Me.
- Khánh đừng cãi me.
Em cắn môi, nước mắt chạy quanh, đáng lý trở vào giường em lại mở cửa bước ra sân. Gió lạnh hắt vào mặt, trời lấm tấm đầy sao. Ngôi sao nào của em. Hình như me biết em bỏ đi nhưng me vẫn thản nhiên. Thái độ của me làm em thấy tủi thân. Em ngồi xuống phiến đá vỡ trong sân ôm mặt khóc lặng lẽ. Mùi hương của những đóa Tử La Lan nồng nàn thơm trong bóng tối. Mầu tím sậm của hoa chìm vào mầu đêm. Em buồn, buồn đến có thể chết được. Sự vắng lặng của đêm tối gieo vào lòng em nỗi tuyệt vọng không cùng. Đột nhiên em cảm thấy thấy thấm thía nỗi tủi hổ của mình. Không phải em sợ yêu là điều tội lỗi như em tưởng mà chính vì bức tường giai cấp đã ngăn em lại. Em không nghĩ Hùng có thể yêu em được khi emchỉ là một cô gái nhỏ, nghèo hèn và thua kém. Lòng em chùng, tim em đau, em muốn vò ngấu hết tất cả, bóp vỡ hết cả để em trở lại là Khánh ngày nào vô tư bên cạnh me và em Vũ.
Sương đêm chầm chậm ẩm vai áo em, em ước mình hóa thành một phiến đá không còn tri giác. Những vì sao không ngớt long lanh sáng trên nền trời, giống như vạt áo thướt tha của tiên nữ. Em ngồi nghĩ tẩn mẩn, giá bây giờ em là một nàng tiên có đầy đủ quyền hạn với chiếc đũa thần thì mọi chuyện dễ thương biết bao. Nhưng nếu em là một tiên nữ thì em có yêu không nhỉ. Tiên nữ đâu biết yêu, và em cũng chẳng cần Hùng làm gì. Nếu vậy, em thành tiên làm gì nhỉ ? Em mơ đến những tương lai tuyệt vời, hạnh phúc nhỏ nhoi biết bao và xa vời biết bao.
Tiếng một con côn trùng nào bất chợt kêu lên làm em ngẩn người một chút. Quanh em bóng đêm tràn ngập, chạm lại với thực tế em lại thấy buồn rầu. Ước mơ chợt rã tan, biến mất cùng nỗi xót xa chợt đến. Nước mắt em lại ứa ra, thầm lặng chảy dài trên đôi má. Tại sao không có ai hiểu em, an ủi em, xoa dịu nỗi đau đớn cho em hết thế.
Khóc được, em cảm thấy lòng vơi bớt phần nào buồn bã, sự mệt mỏi bắt đầu xâm chiếm cơ thể, emthấy lạnh, chân tay em dường như cứng lại. Tiếng gọi của me nhẹ và thanh như tiếng chạm của thủy tinh : - Khánh.
Em thảng thốt quay lại, bóng me in đậm giữa khoảng không. Đôi mắt đầy bóng tối : - Khánh đã thấy nguôi chưa ?
Em mở to mắt nhìn me không nói. Me bước thêm mấy bước sát cạnh em, thở dài : - Vào thôi Khánh.
Em chầm chậm đứng lên, hai chân em run muốn ngã. Me nắm cánh tay em nhẹ nhàng dắt vào nhà. Emthấy khuôn mặt me xanh xao dưới ánh đèn. Me nói khẽ :
- Ngủ đi Khánh, sáng mai con sẽ quên hết mọi chuyện.
Em xiêu theo tầm đẩy của me ngã vào giường, em mệt không muốn nhúc nhích. Me khép màn dắt cẩn thận xuống mé chiếu rồi quay đi, em thốt kêu lên nho nhỏ :
- Me.
Me đứng dừng lại.
- Me đừng đi, me ở đây với con.
Im lặng, em nghe một hơi thở nhẹ và dài thoát ra từ nơi me, me êm ái bước lại gần : - Khánh ngủ đi chứ.
Em xoay người gối tay lên đầu, lười biếng :
- Me đừng may nữa, me vào ngủ với con đi.
Me quay mặt ra ngoài :
- Để me khép cửa và dọn dẹp đã.
- Nhanh nhanh nghe me.
Có tiếng then cửa cài lách cách, me khép hờ cửa sổ, tắt ngọn đèn lớn. Ánh sáng mờ dịu dàng hắt từ bên ngoài tạo một vẻ êm mát trong nhà. Me vào màn xõa mái tóc dài ra rũ rũ, trông dáng me u buồn lạ lùng. Em mở mắt to ra nhìn me, cơn buồn ngủ không chịu đến.
- Sao Khánh chưa ngủ đi.
Em nắm lấy bàn tay mềm mại của me, thành khẩn :
- Me không giận con hở me ?
Đôi mắt me đầy bóng tối, sâu thẳm :
- Tại sao me lại giận con gái của me được, me hiểu …
- Me hiểu ?
Giọng mẹ chùng lại, u uẩn :
- Có những lúc người ta tưởng chừng như có thể chết được nhưng rồi theo thời gian mọi việc đều nguôi ngoai.
- Me.
- Khánh, me nghĩ con còn nhỏ, đừng nghĩ gì ngoài việc học, con nhớ, me chỉ có con. Em nghẹn ngào :
- Con vẫn cố học, con cố quên. Me …
- Con hãy tự chủ lấy mình.
- Con không tự chủ được.
- Ngày xưa me cũng thế, me cũng nghĩ là me không thể tự chủ được bao giờ.
- Me muốn nhắc đến điều gì thế ?
Tiếng me khẽ như một làn gió thoảng nhẹ :
- Me nghĩ đến Ba, đến cha con.
Em lặng người nghe một nỗi buốt đau chạy dài trong cơ thể. Me nói tiếp, thầm lặng : - Me tưởng, me có thể chết được ngày ba con chết.
Em thốt một tiếng kêu đau đớn, ngắn ngủi :
- Me.
Me nói giọng chịu đựng, xót xa :
- Nhưng me vẫn sống, và me biết, sự tự chủ có sẵn trong lòng mỗi người. Họ không biết đem nó ra đấy thôi.
Hai má em lại ướt nước, me nhìn em, thở dài :
- Con lại khóc nữa đấy à ?
Em mím môi lắc đầu lấy tay chùi mạnh những giọt nước đang ứa ra từ khóe mắt : - Con không khóc nữa, con ngu si quá, bồng bột quá, chẳng đáng là gì cả.
- Đừng nói thế Khánh, con còn nhỏ quá để hiểu. Một ngày nào đó con sẽ nhìn xuống cuộc đời sáng suốt hơn, bao dung hơn. Bây giờ con nên làm ngơ, con nên quên hết, cơ hội mà bác Khanh dành cho con
không phải ai cũng có được. Con gái me, hãy can đảm, kiên nhẫn và chịu đựng.
Can đảm, kiên nhẫn, chịu đựng. Em lặp lại những tiếng đó trong đầu. Can đảm dứt bỏ những hình ảnh xa vời, kiên nhẫn tạo cho mình một con đường học sáng sủa, và, lạy trời, cho em đủ sức để chịu đựng tất cả những gì em sẽ phải chịu đựng. Ngay từ bây giờ, hãy cố mà quên, hãy cố mà hủy diệt. Em nằm im, hai mắt khép kín, mặc những ý nghĩ lẩn quẩn trong đầu óc ta, mặc những hình ảnh nhung nhớ trong tim ta. Cố mà ngủ một giấc dài, ngày mai, coi như chỉ là một giấc mộng dữ mà thôi.
Em nghe hơi thở của me đều đặn bên tai, em biết là me chưa ngủ. Bỗng nhiên em nghe thương me vô cùng. Mặt em áp vào cánh tay me, ngửi hương thơm thơm bốc ra từ da thịt. Trong giây lát em thấy lòng dịu lại. Em vẫn còn có một hạnh phúc nhỏ nhoi trong tầm tay.
Me nghiêng người, dịu dàng ôm lấy em gọi khẽ Khánh. Em không nhúc nhích, không trả lời. Êm ái trong vòng tay me, em bỗng thấy mình trở thành Khánh bé nhỏ ngày nào. Rất thầm, một giọt nước mắt rơi xuống môi em mằn mặn.
CHƯƠNG 8 E
m trở về Đà Lạt.
Thành phố cũ vẫn không có gì thay đổi, những rặng thông vẫn xanh, sương vẫn mù trong thung lũng buổi sáng. Mặt hồ nằm im chứng kiến những chuyện quanh mình. Ngôi nhà xinh xắn của bác Khanh vẫn có một chỗ bé nhỏ cho em. Giàn ti-gôn hồng nở đều với những chiếc lá xanh mướt. Tất cả đều thầmlặng, yên tĩnh như lòng em yên lặng. Mỗi xúc động đã phôi pha theo thời gian, ngày tháng trôi qua chầmchậm mà nhanh chuỗi sống không có gì khác lạ. Chị Hân, anh Hoàng, anh Khải không thay đổi chút nào.
Em chăm học hơn ngày xưa, những câu nói của me còn âm vang trong đầu em hôm nào buộc em phải chuyên chú vào việc học. Tết qua, bây giờ em thêm một tuổi, lên một lớp. Em sắp sửa lo thi đệ nhị lục cá nguyệt để cuối năm còn lo cho kỳ thi Tú tài một. Mảnh bằng đầu tiên trong đời em phải chiếm bằng trí óc và tất cả cố gắng của mình.
Em đi sang phòng anh Khải ôm theo một chồng sách vở, em đang định nhờ anh giảng cho một ít mẫu toán khó hiểu. Kỳ thi đệ nhất vừa rồi em chiếm giải nhất, em không muốn thứ hạng của em phải tuột xuống trong kỳ thi đệ nhị này.
Anh Khải không có ở trong phòng, em ngơ ngác đứng nhìn không biết anh đi đâu. Vừa định quay về phòng mình thì anh Hoàng đi đến, anh cười cười :
- Con nhỏ mọt sách đi tìm anh Khải đó phải không ?
- Dạ.
Anh Hoàng nheo mắt, chỉ về cuối vườn :
- Ra đó, anh ấy đang học làm vườn.
Em mỉm cười :
- Cám ơn anh Hoàng.
- Lấy cám trả ơn đó.
Em cười đi thẳng ra ngoài tay vẫn ôm chồng sách vở. Anh Khải đang lúi húi xới đất, anh ngẩng lên khi nhìn thấy bóng em :
- Khánh đấy hả ?
- Dạ.
Anh Khải ngừng tay xới lại :
- Đi đâu mà ôm vở cả đống thế kia ?
- Dạ, em định nhờ anh giảng toán, mà anh bận thì để lúc khác cũng được.
Nụ cười làm khuôn mặt anh tươi lên :
- Được, để anh trồng xong mớ hạt giống này rồi sẽ giảng cho Khánh.
- Anh khải trồng hoa gì thế ?
- Đố Khánh biết đấy ?
- Khánh chịu thôi.
Anh Khải mỉm cười :
- Hoa Hữu Dung.
Em reo lên :
- A, hoa Hữu Dung, thứ hoa có màu hồng phấn ấy à ?
- Phải rồi, anh nhất định trồng cho bằng được thứ hoa ấy, Khánh sẽ thấy là nở trên cỏ hoa đẹp hơn lúc cắm trong bình nhiều lắm.
- Có lẽ thế, hoa tự nhiên cùng với đất vẫn hơn.
Anh Khải nhìn em bằng tia nhìn hơi chế nhạo, anh nói :
- Anh tưởng Khánh chỉ biết cắm đầu vào đống sách vở thôi chứ, không ngờ cô em tôi cũng thi sĩ đến thế.
Em đỏ mặt nhìn anh Khải :
- Thi sĩ gì đâu, anh chỉ thế.
Anh Khải lại cúi xuống tiếp tục công việc xới đất, em dứng yên ngó hai bàn tay trắng và dài của anh lẫn vào lớp đất nâu đỏ. Bàn tay anh Khải đẹp nhất nhà, những ngón tay thuôn thuôn, dài thật dài. Em yêu nhất ngón vô danh của anh, ngón tay xinh lạ lùng. Lệ thường tay chỉ đẹp ở ngón út hay ngón trỏ, nhưng tay anh Khải thì em lại thích ngón vô danh. Cái ngón tay đầy tính chất nghệ sĩ.
Có tiếng anh Hoàng gọi từ xa lại :
- Khánh, Khánh.
Em quay người lại nhìn. Anh Hoàng thò đầu ra cửa sổ phòng khách vẫy vẫy. Em nói với anh Khải : - Em vào xem anh Hoàng gọi gì nhé.
Anh Khải không ngừng tay đáp :
- Ừ, Khánh vào đi.
Em đi vòng cửa trước vào phòng khách, tà áo màu hồng phấn thấp thoáng qua khung kính làm em hơi ngỡ ngàng. Em đẩy cửa bước vào, người con gái vụt đứng lên gọi mừng rỡ :
- Khánh.
Em thốt lên một tên quen thuộc :
- Ủa, Ni La.
Ni La cười rất tươi, viền môi hồng kẻ nét thật xinh xắn :
- Ngạc nhiên dữ vậy à ?
Em bước đến gần Ni La lắc đầu :
- Giờ này mà đi chơi, không lo gạo bài thi sao ?
Ni La mỉm cười :
- Học nhiều quá nhức đầu, định đến rủ Khánh đi chơi một lát.
Em nhìn đăm đăm Ni La, cô bạn gái thân nhất và duy nhất của Em lúc nào cũng có vẻ bình thản ung dung. Ni La học không chăm nhưng thông minh hơn em nhiều. Cô bạn xem chuyện học dễ dàng, không đặt
nó vào tầm quan trọng. Em yêu Ni La nhất ở đức tính tự tin, bao giờ Ni La cũng xét đoán rất vững vàng. Đôi khi em thèm sự tự tin đó. Em, lúc nào em cũng nhút nhát và không tin ở chính mình. Tên thật của Ni La là Thúy Cúc, nhưng ở nhà Ni La và các bạn thân thích vẫn gọi là Ni La. Theo tiếng Ấn, Ni La có nghĩa là mặt trăng. Em nghĩ Ni La xứng với cái tên đó. Ni La tươi sáng như mặt trăng, dịu dàng và hiền hòa. Emchưa bao giờ thấy Ni La nổi giận hay to tiếng lần nào. Ôn nhu, điềm đạm, Ni La có cái phong cách của giòng dõi quý phái vọng tộc mặc dù gia đình Ni La chỉ bình thường thôi, chưa nằm vào hàng thượng lưu nhưng hơn trung lưu một chút. Em có lúc thầm so sánh và tự thẹn thấy mình không thể bằng một nửa Ni La được. Từ dáng dấp, cốt cách của Ni La đều thoát ra vẻ thanh tao nhàn nhã. Không cần biết xem tướng emcũng nghĩ là suốt cuộc đời Ni La sẽ không biết buồn khổ là gì. Ni La không đẹp nhưng có hồn, nhìn vào Ni La là thấy sự thanh khiết khiến sinh lòng mến và nể trọng. Đó cũng là điều tại sao em làm bạn với Ni La, chỉ với một mình Ni La mà thôi.
Ni La nhìn em, đôi mắt tròn thật tròn :
- Sao Khánh ?
- Hở ?
- Khánh mơ ngủ đấy à, đi chơi chứ ?
Khó lòng mà từ chối khi Ni La mời, em hay mềm lòng trước đôi mắt và nụ cười Ni La. Cắn môi, emcúi xuống suy nghĩ :
- Để Khánh xem đã.
Ni La đứng dậy lững thững đi một vòng quanh phòng khách, bước chân êm không phát ra tiếng động nào, giọng Ni La thanh :
- Cả ngày Khánh chỉ học, và học, nghĩ gì nữa ?
- Không học thì làm gì ?
Không có tiếng Ni La trả lời, em ngẩng lên nhìn, Ni La đang áp mặt vào khung kính nhìn ra ngoài, rồi một câu nói reo vui, ấm áp thốt lên :
- Khánh xem, Khánh sắp có khách này.
Em hơi nhíu mày rồi bật cười :
- Nhảm, Khánh làm gì có bạn ngoài Ni La, khách khứa gì ?
- Thật mà, một anh chàng, coi ngộ nghĩnh lắm.
Em chạy vội đến khung cửa. Quả thật Ni La không nói dối. Thấp thoáng một bóng áo màu marron sậmđang tiến lên theo con dốc viền cỏ xanh. Chiếc túi Pan Am đep một bên tay. Em phải bám vào nắm cửa để đứng vững, mắt em muốn tối sầm lại. Hùng, lại Hùng. Em cứ ngỡ là em đã quên rồi không ngờ lòng emkhông phai nhạt chút nào. Chỉ là một lớp tro ủ than hồng còn nồng chỉ chờ khơi dậy.
Ni La nói hồn nhiên :
- Dáng anh chàng xinh quá hở, bạn Khánh hở Khánh ?
Các thớ thịt trên mặt em như căng ra, em cười gượng, giọng nghẹn lại :
- Không, bạn của anh Hoàng đấy, thôi mình vào phòng Khánh chơi đi, để cho anh Hoàng tiếp khách. Ni La ngoan ngoãn theo em về phòng, chị Hân đi chơi vắng. Em nói Ni La ngồi chơi ở bàn học, tâmthần em hoang mang ngơ ngác. Ni La nói vui vẻ :
- Sao Khánh không gọi anh Hoàng, hình như anh chàng là khách ở xa đến mà.
Em miễn cưỡng đáp :
- Bạn thân của anh Hoàng ấy mà, anh ấy thuộc hết đường lối và coi đây như nhà anh ấy, không sao đâu. Ni La lắc lắc mái tóc môi tròn lại :
- Hai bác của Khánh phóng khoáng ghê.
Em ngồi thừ người trên ghế chẳng biết nói năng gì, Ni La nhìn em ngạc nhiên :
- Khánh sao thế, mặt Khánh tái xanh.
Em thấy choáng váng thật, Ni La cuống quýt bước đến cạnh em :
- Chắc Khánh đau rồi, Khánh lên giường nghỉ đi, Ni La không rủ Khánh đi chơi nữa đâu. Em cố gượng một nụ cười :
- Khánh không sao đâu mà.
- Khánh nằm nghỉ đi.
- Để mặc Khánh.
Ni La đỡ em lên giường thủ thỉ :
- Ni La ở đây chơi với Khánh nhé, không cần ra phố nữa, Khánh không thích thì thôi. Đôi mắt của Ni La tròn to, trong suốt ngơ ngác như mắt nai lạc. Em nhìn hoài đôi mắt thanh khiết, càng nhìn càng thấy dễ thương. Bỗng nhiên em thấy mình nhỏ mọn thấp hèn không biết ngần nào cạnh Ni La. ° ° °
Cánh cửa mở ào như một cơn lốc, chị Hân gần như chạy vào chứ không phải đi. Em mở to mắt nhìn chị, lúc nào chị Hân cũng ồn ào hết. Chị nói vui vẻ :
- Ủa, Ni La cũng ở đây à, Khánh sao thế. Dậy đi chơi chứ, anh Hùng lên đấy, Khánh biết chưa ? Em nằm im trong khi Ni La nhỏ nhẹ đáp :
- Khánh mệt chị Hân ạ.
Chị Hân nói ríu rít như một con chim :
- May ghê, suýt tí nữa là chị hụt đi chơi rồi, mấy ông ấy sửa soạn kéo nhau ra phố. Dậy nhanh đi chơi Khánh ơi.
- Thôi chị Hân đi, em nhức đầu.
- Có anh Hùng mà, Khánh đã gặp anh Hùng chưa ?
- Em chưa gặp.
Ni La đứng lên :
- Chắc chiều rồi, Ni La đi về đây.
Em giữ Ni La lại :
- Ở đây với Khánh chút đã.
- Ni La đến suốt buổi chiều rồi còn gì.
- Tí nữa Ni La hãy về.
Chị Hân xen vào câu chuyện :
- Ni La chờ một chút rồi sẵn xe ra phố chị đưa Ni La về luôn. Ni La đi bộ phải không ? - Dạ, nhưng chị để Em về một mình được rồi.
- Về làm gì, ở đây một lát chị đưa về.
Em nói giọng buồn thiu :
- Chút về với chị Hân đi Ni La.
Ni La ngó em, ái ngại :
- Ừ, thì Ni La về với chị Hân.
Chị Hân lục tủ thay quần áo khác, chị bỏ quần cigare với áo pull hồng để mặc jupe màu xám với chemise trắng. Bộ áo nhã nhặn rất dễ thương với chị Hân. Chị vừa chải lại tóc vừa nhìn em. - Khánh không đi thật à ?
Giọng nói em đã bắt đầu có nước mắt.
- Khánh không đi.
Chị Hân nói :
- Vậy lát nữa chị đi phố về mua kẹo cho Khánh, Khánh ở nhà vậy.
Chị Hân xem em không khác gì đứa trẻ con, chị tốt nhưng vô tư, thiếu cái tế nhị của người con gái. Đáng lý chị Hân là con trai mới phải.
Nghiêng người xuống khuôn mặt em chị Hân thì thầm :
- Ở nhà đừng buồn nghe nhỏ.
- Em không buồn đâu mà.
- Thôi mình đi, Ni La.
Ni La nói êm ái :
- Ni La đi nghe.
Em nở Một nụ cười buồn thảm :
- Ừ, Ni La về.
Cánh cửa khép lại, tiếng giầy của chị Hân mỗi lúc một xa. Em lăn người một vòng vào tận vách, dúi đầu vào gối, em muốn nghẹt thở. Chỉ một lát, tiếng nói cười rộn rã dưới phòng khách đã vang đến tai em. Những gót giầy dẫm mạnh mẽ rộn rang, tiếng anh Hoàng cao và đầy ngạc nhiên :
- Ủa, Khánh không đi à ?
Câu trả lời không được nghe thấy vì nói nhỏ, rồi cửa phòng khách mở ra, khép lại. Em bỗng vùng dậy như cái lò xo vội vã chạy ra bên cửa sổ nhìn. Ở từ đây ngó ra em có thể thấy một nửa mặt sân trước nhà, tiếp giáp với đầu dốc. Những màu áo chen lẫn nhau, anh Khải đi trước, chị Hân với anh Hoàng có vẻ đang cãi nhau điều gì. Ni La đi sau hết với Hùng. Màu áo vàng nhạt có pha rêu sát vào tà áo hồng phấn của Ni La. Dáng Ni La nhỏ nhắn dễ thương bên cạnh vẻ cao lớn của Hùng. Em thốt nghĩ, họ có vẻ là một đôi tình nhân. Lòng em vụt đau nhói. Sao mình lại có thể nghĩ như thế được nhỉ. Em nhìn thấy Hùng mở cửa xe cho Ni La, Ni La quay lưng về em, mái tóc chấm vai đen huyền dưới mầu nắng. Em lui vội một bước khi thấy Hùng bất chợt ngẩng đầu lên nhìn về cửa sổ phòng em. Chắc chắn là Hùng không thể nhìn thấy em được. Hùng bước vào xe ngồi cạnh Ni La, cánh cửa được đóng lại. Chiếc xe từ từ bò xuống triền dốc, em đứng lặng ngó theo, những giọt nước mắt tự do lăn trên má không biết từ hồi nào. Em muốn gọi tên một người nào đó, cổ nghẹn lại. Em mở rộng hai cánh cửa nhìn trân trối ra ngoài, nơi những người thân yêu vừa đứng. Lòng em dâng lên nỗi chua xót. Ni La xứng với Hùng hơn em nhiều, em chẳng đáng gì cả. Phải quên, cố mà
quên. Em thấy em già dặn quá, tầm thường quá, thua kém quá. Trời ơi, em muốn được nhận chìm cho mất tăm vào đâu đó.
CHƯƠNG 9 X
ếp xong quyển vở cuối cùng lên bàn cho ngay ngắn, em vào toilette sửa soạn thay quần áo. Ngày mai là bắt đầu thi đệ nhị lục cá nguyệt. Cả tháng nay em bù đầu lo học, hôm nay em cảm thấy mệt mỏi. Emmuốn ra phố cho khuây khỏa đồng thời mua một ít đồ dùng cần thiết. Từ lâu rồi em không có cái thú nhàn du trên những con đường vắng và đẹp của Đà Lạt như trước.
Em chọn màu áo xanh nhạt, rất dịu. Chiếc áo hơi cũ nhưng em ưa thích nó hơn bất cứ chiếc áo nào hết. Không phấn son, không trang sức, em ôm mấy quyển vở cùng chiếc ví đựng bút mở cửa ra ngoài. Thói quen của em là luôn luôn cầm một cái gì ở tay khi đi đường, để hai bàn tay trống rỗng em thấy hổ thẹn, ngượng ngùng làm sao.
Nhà có hai lối để ra ngoài, em tránh đi cửa phòng khách nên vòng ra hành lang sau để đi từ vườn ra. Ngay khi tay em chạm vào nắm cửa có tiếng nói ấm áp từ phía sau vọng lại :
- Khánh sắp đi chơi ?
Em quay hẳn người lại, Hùng ngó em mỉm cười, hai khóe môi dễ yêu lạ lùng. Em lắp bắp : - Không... không.
Đôi mắt Hùng chăm chú dò xét, em thở không nổi, bao nhiêu lần em tự trách em vì sao cứ run sợ trước mặt Hùng mà chứng nào tật nấy vẫn còn nguyên. Em ấp úng giải thích :
- Khánh ra phố... Khánh...
Hùng lại mỉm cười :
- Tôi đi với Khánh được chứ ?
Hai má em nóng lên, em mở mắt nhìn Hùng im lặng không nói. Nửa em muốn từ chối, nửa em muốn gật đầu. Hùng bình thản mở cửa, êm ả nói :
- Chúng ta đi thôi.
Như cái máy, em bước theo Hùng trên những lá cỏ xanh mướt. Hùng đi chậm lại chờ em. Đôi giầy nhỏ tội nghiệp của em vấp váp hoài vì bối rối. Hùng nói :
- Khánh ra phố làm gì thế ?
Em lẳng lặng cúi đầu giây lát rồi mới đáp :
- Khánh cần một vài thứ lặt vặt.
Một khoảng thời gian im lặng, Hùng dịu dàng :
- Khánh có vẻ ít nói quá chừng.
- Bao giờ Khánh cũng thế.
- Khánh có thấy cô độc không ?
- Sao cơ ạ ?
- Tôi nói, Khánh không thấy cô độc sao ?
Em cười một nụ vô nghĩa :
- Khánh không nghĩ gì cả.
- Khánh khó tính.
- Không phải thế. Khánh kém xã giao, vụng về nên không dám phô cái dở của mình ra, thế thôi. Hùng nói đột ngột :
- Tôi mến Khánh lắm.
Em ngẩn người ngó Hùng giây lát rồi quay mặt đi; Hùng cũng im không nói gì thêm nữa. Em thở dài nhìn về những đỉnh cây xanh mướt lòng rối bời. Bỗng nhiên một câu nói thốt trên môi em không nghĩ ngợi : - Anh Hùng có vẻ nhàn nhã quá nhỉ ?
- Khánh thấy thế ?
- Có lẽ. Anh lên Đà Lạt chơi hoài, lần này anh đã ở gần mười ngày rồi phải không ? - Khánh không thích tôi ở đây ?
Em vụng về lắc đầu :
- Không phải thế, Khánh...
Hùng nhìn xa xăm, môi thoáng một nét cười buồn bã :
- Tôi là con út của một gia đình giàu có...
Em thoáng nghe lòng rung động trước vẻ thành khẩn của Hùng. Chưa bao giờ Hùng có vẻ buồn như chiều nay.
- Anh có hạnh phúc và sung sướng.
- Khánh nhầm.
-... ? !
- Nếu hạnh phúc Khánh vừa nói là vật chất thì có, tinh thần, không !
- Khánh không hiểu.
Hùng cười lặng lẽ :
- Không ai hiểu được ai cả, chính mình đôi khi cũng không hiểu mình nốt.
- Anh thiếu điều gì ?
- Tôi cũng không hiểu nữa. Nhưng Khánh nên biết một điều. Tôi không thường lên đây như Khánh tưởng. Từ sau chuyến đi Nha Trang...
Hùng im lặng một chút rồi tiếp, ngắn ngủi và khó hiểu :
- Có thể không bao giờ nữa.
Em ngẩn người :
- Anh Hùng nói gì thế ?
- Tôi nói điều đó tùy ở Khánh.
-... ? ? !
Hùng khẽ thở dài, êm đềm nói :
- Chúng ta đừng nhắc đến chuyện đó nữa, Khánh ạ.
- Khánh xin lỗi.
Hùng cười bâng quơ, em thích nhìn chiếc răng khểnh của Hùng xinh xắn lộ ra nơi khóe môi. Nhưng ít khi Hùng cười tươi cho em thấy. Thường thì em chỉ được ngắm hai khóe môi lúm sâu ngộ nghĩnh của Hùng với nụ cười nhẹ. Hùng nói như nói một mình :
- Cô bạn của Khánh ấy, cô ta xinh ghê nhỉ, từ hôm ấy đến giờ không thấy cô ta đến nữa. Ni La, Hùng muốn nhắc đến Ni La, phải chăng mục đích của Hùng theo em chiều nay là muốn dò hỏi về cô gái xinh xắn dễ thương đó. Em cảm thấy như trái tim bị xiết lại một cái thật đau, môi em phác nụ cười gượng gạo :
- Ni La ấy hở. Ít khi bọn Khánh đến nhà nhau lắm. Hôm ấy anh Hùng may mắn, Ni La hiền lắm. - Sao lại may mắn ?
- Vì gặp được Ni La.
- Chỉ là ý nghĩ của Khánh thôi.
Hùng tiếp, giọng trầm và nhẹ.
- Tôi chỉ nghĩ đến màu áo hồng phấn của cô ấy, Ni La cái tên dễ thương ghê.
Mầu của những bông hoa Hữu Dung. Nhưng Ni La, xứng đáng được gọi là một đóa Hữu Dung, Hữu Hạnh. Em lẩm bẩm một mình : hoa Hữu Dung.
- Khánh bảo gì cơ ?
- Không.
Chân em lơ đãng dẫm trên mặt đường, hai mắt ngơ ngác nhìn về phía trước mà chẳng thấy gì. Quanh em, người qua lại tựa như những chiếc bóng mờ nhạt. Hùng chỉ nghĩ đến Ni La, nào Hùng có thương emnhư em nghĩ. Đừng trèo cao thế Khánh ơi.
Lòng em chợt giá lạnh, em lạnh nhạt bước đi không nói. Em quên là mình đang đi đâu và dự định sẽ làm gì cũng trôi hết cả. Những cửa hiệu, những con đường, những bậc thang lên xuống dài dặc không làmem thoát khỏi cơn ảo mộng. Em giống như người đang mộng du.
Hùng nói bằng giọng ấm áp :
- Khánh.
Em giật mình ngó lại Hùng :
- Gì cơ ?
Đôi môi người con trai phớt một nụ cười :
- Khánh có vẻ đang mơ ngủ, Khánh không thấy gì thật à ?
- Anh Hùng bảo sao ?
- Có phải cô Ni La kia không Khánh ?
- Ồ.
Em thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên, quả thật bên kia đường Ni La đang cười với em. Hôm nay Ni La mặc áo vàng đầy vẻ kiêu sa. Thốt nhiên em thấy khuôn mặt Hùng hình như tươi sáng hơn, đôi mắt lóng lánh những tia vui mừng thích thú.
- Chúng ta sang chứ, Khánh ?
Em không đáp lẳng lặng bước qua đường với Ni La, hai má cô bạn gái đỏ hồng. Sao tự nhiên em thấy Ni La xinh quá đỗi. Ni La cười :
- Tưởng Khánh còn ôm sách vở nằm nhà. Mai thi mà hôm nay Khánh đi chơi à ?
Em lắc đầu :
- Khánh cần một vài thứ lặt vặt.
Thấy đôi mắt Ni La nhìn em và Hùng như cười, em bối rối, em thấy cần giải thích cho Ni La rõ : - Khánh gặp anh Hùng... Khánh... không phải Khánh đi chơi...
Ni La cười hồn nhiên :
- Vậy mà Ni La tưởng Khánh phá lệ chứ. Khánh mua gì thi đi đi, Ni La cũng về thôi. - Đừng Ni La...
Đôi mắt Ni La mở tròn xoe :
- Ủa, sao thế ?
Em đứng ngẩn người ra nhìn hết Ni La đến Hùng không biết phải nói sao. Hùng mỉm cười, dịu giọng : - Ni La cùng đi cho vui, chắc Ni La không cần thiết phải về nhà đấy chứ ?
Ni La cười :
- Không đâu, Ni La làm chủ được thì giờ của mình.
- Vậy thì mình đi chung.
Em biến thành con hến khi đoạn đường được tiếp tục. Ni La nói, Hùng nói. Hai người có vẻ rất tương đồng trong nhiều vấn đề. Thỉnh thoảng Ni La hay Hùng hỏi em vài câu, em trả lời bằng những cái lắc và gật hoặc nói ngắn ngủi vài tiếng. Tự nhiên em lười biếng nói vô cùng. Một vài lần em làm rớt vở xuống đất phải cúi xuống nhặt và vờ lùi lại phía sau ngắm Hùng với Ni La. Hai người có vẻ xứng đôi và dễ thương vô cùng. Em vừa ngấm ngầm đau khổ và nhận thấy mình không thể nào oán ghét Ni La được. Ni La xinh quá, thanh khiết quá, tự nhiên quá để cho em có thể nghĩ xấu xa về Ni La được.
Tiếng cười của Ni La trong trẻo dễ thương cứ vang hoài bên cạnh em. Đi một đoạn ngắn nữa Ni La đòi về, em và Hùng giữ lại. Ni La lắc đầu :
- Thôi Ni La về.
- Sao vậy ?
- Vì Ni La thích về.
Em ngó Hùng khi ngừng lại trước một đoạn rẽ, về phía tay phải là nhà Ni La và rẽ trái là ra phố. - Anh Hùng đưa Ni La về nhé.
Ni La kêu lên :
- Không, Ni La về một mình được rồi.
Em cắn mạnh môi mình, quay mặt đi nói nhanh :
- Ni La để anh Hùng đưa về, Khánh phải ra phố...
Em nghĩ một chút rồi mím môi nói tiếp :
- Khánh... có hẹn. Chắc trễ giờ rồi, Khánh phải đi...
Đôi mắt Hùng nhìn em, xoáy buốt :
- Thế à, sao Khánh không nói từ khi ở nhà ?
Em lặng lẽ cúi đầu không trả lời Hùng, Ni La nói :
- Anh Hùng khỏi đưa Ni La, Ni La lớn mà, không sợ me mìn đâu.
Hùng bật cười thành tiếng :
- Nhưng bây giờ tôi nhất định đưa Ni La về thì sao ?
Em ngẩng lên nở một nụ cười tê đau tận cùng mạch máu mình.
- Anh Hùng với Ni La về nhé, Khánh đi.
Rồi không để Hùng nói gì, em cắm cổ bước như chạy về ngã rẽ trước mặt. Em sợ đứng thêm một chút nữa Hùng sẽ thấy những giọt nước mắt không nhịn được của em òa chảy. Những giọt nước nóng hổi nhỏ xuống tay em, nhỏ xuống vạt áo dài bay bay. Em cắn môi, cố đừng khóc nữa. Những người đi đường nhìn em với vẻ tò mò. Em đi không ngừng, không quay lại, không thấy gì ngoài mặt đường mà đôi chân em dẫmlên như một người mất trí. Ni La, Hùng. Một giọt nước mắt lăn xuống môi em. Những giọt khác rơi xuống mặt đường, vỡ nát. Em nhớ đến một câu văn nào đó đã đọc được : Trái tim như cũng lăn theo mặt đường, dưới những bước chân.
CHƯƠNG 10 "T
ôi biết Khánh không có hẹn ai buổi chiều hôm ấy. Tôi nhìn thấy Khánh đi lang thang trên đường một mình. Tôi thấy Khánh vào nhà thờ quỳ cầu nguyện trước Mẹ Maria cả giờ. Khánh làm sao thế ? Em nhìn đăm đăm vào khoảng không xa vời, lạnh nhạt đáp :
- Vì Khánh trễ hẹn nên người bạn bỏ về, có gì cho anh thắc mắc.
- Khánh nói dối.
- Nếu đó là một câu nói dối thì anh thiệt thòi gì ?
- Khánh.
- Anh không nên tìm hiểu Khánh làm gì.
Hùng bứt nát những cọng cỏ quanh mình môi mím lại :
- Tại sao Khánh phải hành động như thế ?
- Khánh thích.
- Khánh nói dối.
Em cười lạnh lùng :
- Khánh không cần anh tin.
- Khánh ghét tôi đến thế à ?
- Khánh không ghét ai cả.
- Sao Khánh sống trói buộc thế, gò bó thế, tầm thường thế.
Em mở lớn hai con mắt nhìn Hùng, lòng đau như ai vừa quất một làn roi :
- Anh có quyền nói thế ?
Vẻ mặt Hùng dịu lại, giọng nói âu sầu, nhẫn nhịn :
- Xin lỗi Khánh, đáng lý tôi không nên nói thế.
- Nói những lời mình muốn nói có gì phải đáng xin lỗi.
- Khánh.
Em giấu một tiếng thở dài nghẹn ngào :
- Anh còn cần nói gì với Khánh nữa không ? Đang ở tuần lễ thi, Khánh không có nhiều thì giờ. - Khánh không thể quên mớ sách vở và công thức của Khánh đi trong một vài giờ sao ? - Không.
- Khánh giống như sỏi đá.
- Không phải giống, Khánh là đá, là sỏi.
Hùng nói gần như la lên; lần đầu tiên em thấy Hùng lớn tiếng :
- Tôi có cần năn nỉ Khánh không. Học, học, lúc nào Khánh cũng nghĩ đến học, lúc nào Khánh cũng lo
đến tương lai, Khánh không ngớt nhắc đến sách vở, Khánh không nghĩ đến việc giữ cho mình một chút hạnh phúc nhỏ nhoi nào.
Em nói lạnh băng, tàn nhẫn :
- Anh không cần phải lo cho Khánh, vì Khánh không phải là con nhà giàu sẵn tiền của ăn chơi, sẵn tiền của mua bằng, sẵn ngày tháng để phung phí. Hạnh phúc của Khánh là học, là những ngày còn được cắp sách đến trường. Khánh không cần một thứ hạnh phúc nào khác hơn.
Hùng nói đau đớn :
- Khánh nhầm.
- Khánh bằng lòng nhầm lẫn như thế.
- Khánh học, phải chăng cố để tạo một nếp sống sang giàu ?
- Có lẽ.
- Hạnh phúc không ở đó đâu Khánh, nó có ngay chính trong lòng chúng ta.
- Đó là lý luận của anh.
Em cười nhạt, tiếp tục tàn nhẫn nói :
- Bởi vì anh là con út của một gia đình giàu có. Còn Khánh, Khánh là con trưởng của một gia đình nghèo hèn.
- Tôi không tin Khánh nói thành thật như thế.
- Khánh đã nói rồi, Khánh không cần anh phải tin.
Em thốt ra câu nói đó một cách máy móc trong khi lòng em nhói đau.
Thực ra, anh Hùng ạ, Khánh không chỉ học để tạo một nếp sống giầu sang như thế đâu. Khánh mong anh hiểu Khánh, tin Khánh nhưng Khánh không làm gì khác được. Nhỏ nhoi như Khánh, làm thế nào một sớm một chiều có được địa vị như người. Khánh còn đang sống như một loài tầm gửi, như một thứ ký sinh. Khánh cố để quên, anh hãy để Khánh quên.
Đôi mắt Hùng nhìn em đăm đăm như cố tìm hiểu trong lòng thầm kín em nghĩ gì. Em cắn răng, cương quyết đứng lên :
- Khánh phải ôn lại một số bài học.
Hùng nói nhẹ như một hơi gió :
- Khánh không thể nán lại một chút sao ?
- Không.
Ánh mắt người con trai long lanh sâu thẳm :
- Tôi muốn nói với Khánh một điều, Khánh hãy ngồi lại.
- Anh nói đi.
- Tôi không thể nói nếu Khánh giữ mãi thái độ đó.
Lòng em run nhưng môi em cười lơ là :
- Nếu thế, Khánh về học bài vậy.
- Khánh.
Em vờ như không nghe tiếng Hùng cứ bước thẳng về phía trước. Giọng người con trai vọng theo, bi thiết :
- Khánh, tôi ước ao được phá hoại tan tành mớ sách vở của Khánh, được hủy đi những tàn tích học hành trong đầu Khánh, Khánh đã nhầm rồi Khánh ạ.
Mặc, em cứ đi, ừ thì em nhầm, ừ thì em điên, ừ thì em là sỏi đá. Em bằng lòng hết. Là sỏi đá có lẽ còn sung sướng hơn vì không biết rung động, không biết đau khổ. Nhưng Hùng theo em làm gì thế, Ni La để làm gì. Hình ảnh Hùng với Ni La đi song song dưới hàng cây lại hiện ra trước mặt em. Không, em nhầm. Em chẳng là gì cả. Me đã nói rồi, em chưa đủ lớn. Em chưa đủ để nhìn đời bao dung. Em khắt khe, em khô cằn, mọi người đều phiền trách em. Đôi khi em nghi ngờ. Học có phải là một cái tội hay không ? Em tưởng em đủ can đảm về đến phòng nhưng em gần quỵ khi men vào hành lang sau nhà. Ôi, can đảm lên Khánh. Em đứng tựa lưng vào tường, lặng câm, chua xót.
CHƯƠNG 11 C
hị Hân nói :
- Thi rồi Khánh không đi chơi à ?
- Em không thấy thích thú đi chút nào cả.
- Thì có bao giờ Khánh thích đi đâu.
Em ngó lại chị Hân, nói khẽ :
- Sao chị Hân lại nghĩ thế ?
- Thì đó là sự thật mà. Khánh xem, trước khi thi Khánh bảo bận học, sau khi thi Khánh nói không thích. Em thở dài :
- Có lẽ chị Hân nói đúng.
- Khánh ở gần chị cả hai năm mà không ảnh hưởng chị chút nào.
- Em cũng không biết nữa.
- Khánh có lập trường vững ghê gớm.
- Em không nghĩ như thế.
- Dạo này chị thấy Khánh có vẻ gầy và xanh hơn trước. Khánh nên bỏ bớt sách vở vui chơi cho thoải mái.
Em nhìn xuống mặt bàn buồn tênh :
- Em có học được gì nữa đâu chị Hân. Tháng bảy này thi Tú một, chị nói em đừng học nữa sao được. - Chị không biết Khánh học cái gì, tháng nào cũng nhất, thi lục cá nguyệt kỳ nào cũng chiếm ưu hạng, vậy mà Khánh còn sợ cái gì nữa, đầu Khánh lúc nào cũng toàn công thức với chữ nghĩa không. Em hỏi với vẻ hơi gay gắt :
- Tại sao ai cũng có vẻ phiền trách em về điều đó hết thế. Em nghĩ nếu em thích học thì đó là quyền của em chứ.
Chị Hân nói nhẹ nhàng :
- Khánh có vẻ như không được bình tĩnh.
Em đứng lên đi đi lại lại trong phòng, môi mím lại :
- Đôi khi, em nghĩ việc em muốn học là điều lầm lẫn.
- Khánh điên rồi.
- Em không điên.
- Khánh nên rút bớt chữ trong đầu Khánh ra, chúng nó làm cho Khánh mất thăng bằng. Em dậm khẽ chân trên mặt đá hoa, kêu lên :
- Chị Hân không hiểu em, chẳng ai hiểu em cả.
- Khánh có hiểu Khánh không ?
Em im lặng trước câu nói của chị Hân, đôi khi chi không quá hời hợt như em nghĩ. Em thấy bực tức chỉ muốn hét lên, khóc lên cho hả bớt sự dồn nén trong lòng. Chị Hân bình thản nằm duỗi dài trên giường, chị nói :
- Khánh nên ra vườn dạo chơi một chút, không khí buổi sáng sẽ làm Khánh dễ chịu hơn. - Cám ơn chị Hân.
Em đứng suy nghĩ một chút rồi lặng lẽ mở cửa bước ra. Chị Hân có lý, hình như em không được bình thường. Nắng buổi sáng chưa làm tan hết sương đọng trên lá cỏ. Hai chân em lạnh và ướt vì dẫm trên lớp cỏ làm thảm xanh mướt. Em đi loanh quanh trên những lối đi vô định. Hoa hồng nở tỏa hương dịu dàng trong gió sớm, em thấy dễ chịu lại. Cây Mimosa có lá trắng bạc như óng ánh sáng, em thích ngó những nụ hoa bé tí, vàng mướt, trông có vẻ hay hay. Ở tận cuối vườn, sát bìa rào có một gốc bưởi già, mùa này bưởi đã hết ra hoa, những hoa bưởi trắng và thơm nồng. Nhưng em chỉ thích ngửi hương hoa bưởi mà không thích nhìn hoa bưởi. Trông nó có vẻ thô kệch. Ni La có lần đã ví nó như một cô gái quê mùa, không đẹp đẽ nhưng có sự trong sạch, và Ni La thêm :
- Dù sao, Ni La cũng thích nó hơn những thứ hoa chỉ có sắc mà không hương.
Nghĩ đến Ni La bất giác lòng em lại thấy rầu rầu, em lững thững bước về nơi có gốc bưởi quen thuộc. Những buổi chiều em thường hay mang sách vở ra gốc bưởi ngồi học. Mùi hoa bưởi dễ chịu vô cùng. Em bỗng giật mình muốn lùi lại, nhưng đã muộn, người con trai ngồi dưới gốc bưởi đã ngẩng nhìn thấy em, giọng nói quen thuộc khẽ gọi :
- Khánh.
Em đứng chết trân một chỗ, muốn bỏ đi mà người không nhúc nhích. Ánh mắt nhìn làm em cuống quýt, em hỏi một câu ngớ ngẩn :
- Anh Hùng cũng ra đây chơi sao ?
- Khánh nghĩ là chỉ có Khánh yêu gốc bưởi này thôi à ?
Em bối rối đứng yên không trả lời. Hùng bình thản đứng lên dịu dàng :
- Khánh đừng lo, Khánh sẽ không sợ tôi chiếm chỗ của Khánh. Tôi chỉ giữ nó ngày hôm nay nữa thôi. - Anh Hùng nói …
Giọng người con trai vẫn ấm và dễ thương :
- Ngày mai tôi từ giã Đà Lạt.
Em cảm thấy tối mắt lại, lòng xiết đau. Ngày mai sao, vội vàng gì thế.
- Sao anh Hùng lại về ?
- Đã đến lúc phải về. Để Khánh khỏi thấy là tôi nhàn nhã quá.
- Anh Hùng giận Khánh ?
- Không, dù không giận Khánh tôi cũng phải về. Gần hai mươi ngày ở Đà Lạt, Khánh không thấy quá nhiều sao ?
Em nghẹn ngào :
- Ngày mai anh Hùng đi ?
- Mai tôi đi.
Em nói máy móc, nói như ai nói chứ không phải em nói :
- Anh đã từ giã Ni La chưa ?
- Vì sao Khánh lại hỏi thế ?
- Anh sẽ từ giã Ni La chứ, đừng để Ni La buồn.
Hùng nói chầm chậm có pha lẫn chút gay gắt nhẹ :
- Tôi không từ giã Ni La, nhưng nếu Khánh muốn, tôi sẽ đến gặp cô ấy.
- Anh nên đến.
Nụ cười Hùng nở không hết trên môi :
- Quả tim Khánh bằng đá.
- Anh Hùng quên Khánh là đá, là sỏi.
- Là kim cương.
- Khánh không đáng thế.
- Tôi muốn nói, kim cương cứng hơn sỏi đá.
Em cúi đầu không trả lời.
- Ngày mai tôi trở về Sài Gòn, chắc lâu lắm mới gặp lại Khánh.
- Lâu ?
- Tôi cũng sắp bỏ Sài Gòn.
- Anh bỏ Sài Gòn ?
Hùng mỉm cười buồn bã :
- Khánh cũng nên biết vì ngày mai tôi đã đi rồi. Tôi sẽ sang Anh Quốc.
Em mở to mắt nhìn Hùng, sửng sốt lẫn tê đau :
- Sang Anh ?
- Chuyện đó đâu làm Khánh quan tâm ?
Môi em bỗng bật tiếng cười :
- Có lẽ. Vậy anh càng nên đến gặp Ni La.
- Tôi sẽ đi.
Người con trai lắc đầu, tiếp :
- Không đáng là gì cả.
Em quay mặt nhìn ra xa, nhịn nỗi đau xót, cười nói :
- Khánh chúc anh đi hạnh phúc.
- Hạnh phúc ở trong lòng, không giữ được nó thì thôi Khánh, đi nghìn dặm cũng thế thôi. Em đáp lơ đãng :
- Đó là anh nghĩ thế.
- Đôi lúc tôi nghĩ, không biết Khánh có một trái tim trong lồng ngực không ?
Em mỉm cười mà muốn rơi nước mắt :
- Chắc là không.
Hùng thở dài vẻ đăm chiêu :
- Tôi dành hết thời gian còn lại ở Việt Nam cho Đà Lạt, Khánh hiểu vì sao lần này tôi ở lại đến gần
hai mươi ngày.
Giọng nói Hùng nhỏ lại, buồn bã :
- Nhưng rốt cuộc thì mối hy vọng cũng tiêu tan, tôi mong là tôi sẽ quên được khi bỏ đi. Trái tim em đau thắt lại, em muốn nói một câu gì thật dịu dàng, thật đầm ấm cho Hùng hiểu em nhưng em lại thốt ra một câu trái ngược :
- Khánh mong anh sẽ thế.
Câu nói vừa thốt ra em đã hối hận ngay. Lỡ rồi, vì sao lý trí em lại không điều khiển nổi ý thức lời nói của em được kìa. Em lặng câm nhìn sững Hùng, người con trai cười xa xôi, đau buồn : - Tôi cũng mong thế, Khánh ạ.
Hùng nhìn về đầu dốc cao rực rỡ nắng, bỗng nói :
- Khánh có lý, tôi nên đi.
Em ngơ ngác :
- Đi ?
- Đến thăm Ni La.
Em nghe nhói đau trong lòng. Hùng đăm đăm nhìn em, nói như cho chính mình :
- Nhưng có bao giờ Khánh thấy là Khánh tàn nhẫn không Khánh ?
Em mở to mắt nhìn vào đôi mắt tròn của Hùng, hai đồng tử tròn lấp lánh. Hùng khẽ lắc đầu rồi bỏ đi. Lần thứ nhất khi chỉ có hai đứa nói chuyện Hùng là kẻ bỏ đi. Em đứng sững sờ ngó theo dáng Hùng khuất dần dưới viền cây xanh. Sao em lại tự hắt hủi lấy hạnh phúc của em thế. Em nhớ lại những lời nói của Hùng hôm nào. Sao Khánh sống trói buộc thế, gò bó thế, tầm thường thế. Em muốn khóc. Không phải Khánh muốn thế, không phải thế anh Hùng ạ.
Nắng lên rực rỡ trong vườn, lá cây xanh mướt, những đóa hoa nở tung lộng lẫy thơm ngát. Một ngày đẹp. Bỗng nhiên em òa khóc nức nở.
CHƯƠNG 12 N
gồi từ hàng hiên cuối của ngôi nhà, khuất sau hàng cột trắng với những dây Ti-gôn màu hồng em có thể nhìn thấy nền cỏ xanh mướt của một khoảng vườn. Lưng em quay về hướng con dốc cao. Nền đá hoa xanh mát vừa được lau chùi buổi sáng bóng bảy dưới chân em, phản chiếu với màu hồng nhạt của bộ quần áo em đang mặc. Sự yên lặng của khung cảnh làm em có cảm tưởng thời gian đang đứng dừng lại. Nắng vàng rải đều trên những ngọn lá non mềm mại. Đà Lạt vào những tháng gần hè khí hậu ấm áp hơn và nắng cũng rực rỡ hơn.
Giờ này chắc Hùng đã rời xa Đà Lạt, chị Hân, anh Khải, anh Hoàng đưa Hùng đi đã lâu. Buổi sáng anh Hoàng hỏi em « Khánh cũng đưa anh Hùng ra bến xe chứ ? », em lắc đầu nói em còn phải đi học. Mặt em lúc ấy lạnh lùng và thản nhiên lắm hay sao mà em thấy anh Hoàng có vẻ lạ lùng không hỏi nữa. Bữa ăn sáng trở nên khô khan và khó nuốt. Em rời bỏ bàn ăn trước nhất sau khi uống được nửa ly chocolat và một mẩu bánh nhỏ. Em không muốn ngồi lâu để nhìn ai nữa hết. Nhất là Hùng, em thấy hai con mắt u buồn phản lại chiếc miệng đang cười nói vui vẻ với chị Hân và anh Hoàng anh Khải. Khi em đi ngang phòng ăn một lần nữa để ra vườn hái hoa em nghe loáng thoáng tên mình được nhắc đến, em hơi ngừng lại để nghe. Giọng anh Hoàng ngạc nhiên :
- Hình như Khánh nó không thích Hùng thì phải ?
Chị Hân đáp :
- Em không biết, Khánh nó kín đáo và lạnh lùng lắm.
- Thật lạ, anh thấy Hùng rất được, con gái theo nó không phải ít. Hình như Hùng thích Khánh. - Khánh còn nhỏ, nó không nghĩ gì đâu.
- Tiếc quá.
Có tiếng chị Hân cười trong trẻo :
- Anh Hoàng chỉ hay vớ vẩn :
Em vội vã bước đi khi nghe tiếng đẩy ghế trong phòng. Ra đến vườn em thấy anh Khải và Hùng đang lững thững đi. Em vội vã ngắt lấy một đóa hồng rồi quay ngay vào nhà. Tính em xưa nay vẫn thích những cái gì lẻ, hoa cắm cũng vậy. Đóa hồng vừa hàm tiếu cánh còn ngậm sương trông dễ yêu lạ lùng. Em sửa soạn tập vở đi học. Một lúc, chị Hân cũng về đến, chị vừa sửa soạn y phục vừa hỏi :
- Khánh không đi đưa Hùng thật à ?
- Em phải đi học.
- Thi rồi, nghỉ một hôm không được sao, gần hè rồi học gì mà học.
- Em không muốn nghỉ.
Chị Hân làm thinh đi thay quần áo rồi trở ra phòng khách. Trời hãy còn sớm. Ngoài phòng khách vang
lên những tiếng cười đùa rồi mọi người kéo nhau ra xe. Em đứng trong cửa sổ nhìn ra chiếc xe màu xanh đậm từ từ lăn bánh. Trong phút giây em chợt hối hận đã không đưa tiễn Hùng. Kìm hãm lòng mình gì khe khắt thế hở Khánh ? Lòng em đau khi nghĩ rằng Hùng đang từ từ vuột khỏi tầm tay em mãi mãi. Chiếc xe khuất bóng lâu mà em vẫn đứng lặng người nhìn. Hùng không gặp em, không nói thêm một lời nào nữa hết sau câu chuyện hôm qua. Và rồi sáng nay đi, lặng lẽ, bình thản như một người chưa từng quen biết. Emđứng sững sờ hồi lâu rồi mở cửa bước ra phòng khách, ngó lại những đồ vật quen thuộc bằng đôi mắt xa lạ. Rồi như có một sức mạnh vô hình nào điều khiển em bước về phòng anh Hoàng. Hai mươi ngày ở Đà Lạt Hùng ở cùng phòng với anh mặc dù có dư phòng riêng cho Hùng ở.
Cửa phòng không khóa, em lặng lẽ mở cửa bước vào. Sách vở trên bàn còn nằm ngổn ngang, em khép nhẹ cánh cửa. Đây là lần đầu tiên em vào phòng anh Hoàng một mình gần như lén lút. Trái tim em đập mạnh trong lồng ngực, em đứng tựa lưng vào cửa hồi hộp nhìn một vòng. Dấu vết bừa bãi của những ông con trai còn đây. Em không hiểu vì sao em lại đến nơi đây, tìm gì ở đây. Cây đàn của anh Hoàng nằm trên mặt nệm trắng, em đến gần cúi xem. Một tập nhạc mở dở dang nằm hờ ở dưới. Chiếc đàn đã đứt một dây, nửa sợi đứt còn mắc trong thân đàn cuốn lại cong queo. Bài nhạc đang mở dở dang là bà Sérénade của Schubert. Em nghe nỗi đau lại len lén chảy trong từng dòng máu. Chỉ có khi nào thật sự mình đã mất mát mình mới thấy là mình đã dại khờ đánh mất và cái mà mình đã đánh mất bỗng trở nên quý giá mười phần.
Đêm qua, lần đầu tiên em nghe Hùng hát và biết là Hùng biết đánh đàn. Đánh rất có hồn, rất buồn bã. Âm điệu tiếng đàn của Hùng cũng như tiếng đàn của anh Khải, sao mà bi thiết quá chừng. Em đi lang thang trước sân nghe từ hàng hiên tiếng đàn vọng ra thanh thót. Anh Khải và Hùng cùng ngồi im lặng ở đó. Tuy là bạn anh Hoàng nhưng hình như Hùng và anh Khải có nhiều nét tương đồng hơn. Em cứ ngỡ Hùng không biết đánh đàn vì không bao giờ Hùng cầm đến đàn hay mở miệng nói chuyện nhạc.
Không ngờ rằng Hùng đánh đàn không thua gì anh Khải. Có những bản rất lạ em chưa từng nghe bao giờ. Suốt một buổi tối Hùng chỉ ngồi đánh hết bài này sang bài khác. Em nghe với tất cả sự rung động nhưng đã lỡ, hãy rán nén lòng đi thôi. Càng nhìn thấy Hùng nhiều điểm hơn người em càng thấy mình thua kém không xứng đáng. Nỗi mặc cảm ứ đầy, chỉ thấy mỗi ngày một thêm chứ không bớt chút nào.
Trước kia em nghĩ Hùng cũng chỉ như anh Hoàng thôi. Khi nghe Hùng hát em biết là em lầm. Tiếng hát và tiếng đàn phơi bày được tính nết con người. Giọng hát Hùng ấm, rền âm thật buồn và ngọt. Hùng chỉ hát độc nhất một bài Sérénade rồi thôi. Bài hát có một câu suốt đời không bao giờ em quên được. Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau …. Tiếng hát nghe thật buồn, em muốn ứa nước mắt ra vì lời hát. Duyên nợ gì với bài hát buồn thảm đó ngay từ ngày đầu. Lòng em chùng lại, em bỏ về phòng nằm úp mặt xuống gối, muốn được ngủ yên vĩnh viễn.
Em cúi xuống kéo thẳng sợi dây đàn ra, sợi dây đứt là sợi mong manh nhất, dễ thương nhất. Đêm qua tiếng đàn vang âm mãi đến khuya thật khuya lúc em mơ màng ngủ vẫn còn. Dây đàn đứt là điều không nên, em nghe mất mát trong lòng khi nhìn sợi dây đứt. Âm thầm, em gỡ đoạn dây còn lại ra khỏi thùng đàn nắmchặt trong tay. Lòng em hỗn loạn, nghẹn ngào. Phải như sợi dây đàn đã đứt này không hở ? Gian phòng như còn phảng phất tiếng nói, tiếng cười, còn đâu đây đôi mắt tròn lóng lánh, hai khóe môi sâu với chiếc răng khểnh dễ thương. Em úp mặt vào đôi tay, nghe ký ức nhắc nhở lại từng hình ảnh đằm thắm dịu dàng, từng câu nói của người con trai đã đi. Khánh lầm rồi, Khánh ạ.
Em nấc lên một tiếng và bỏ chạy ra khỏi căn phòng, vội vàng, sợ hãi. Bước chân em vang trên nền đá hoa lạnh lùng. Em về phòng, kiệt quệ, sáng nay em không đi học được rồi. Em đã trễ học từ khi ở lại nhìn theo chiếc xe mang Hùng đi mất. Em không có can đảm đi học sáng nay. Lần thứ nhất em bỏ giờ. Không, mọi người đều lầm cả, em không là gỗ đá, em có một quả tim. Em đặt sự học lên trên hết để khỏi thấy mình nhỏ nhoi hơn, thấp kém hơn với Hùng. Nhưng có phải chăng em đã lầm, em đã lầm.
Em không nghe thấy tiếng giầy dẫm nhẹ trên mặt sỏi dẫn vào nhà. Lòng em mang mang những ý nghĩ hỗn loạn, giá chuyến xe đừng chạy, giá Hùng đổi ý kiến, giá bây giờ em lại thấy Hùng quay trở về, điềmđạm ung dung như mới đi dạo buổi sáng để câu chuyện chỉ là một cơn mộng mà thôi.
Có một con chim nhỏ nhẩy chuyền tung tăng trên ngọn cây hoa đỏ. Sao em lại không thể vô tư như con chim nhỏ được kìa. Bỗng nhiên em có cảm giác như ai đang đứng sau lưng, em quay phắt người lại : Anh Khải bình thản hỏi :
- Khánh không đi học ?
Em chùi vội ngấn nước mắt, cười gượng đáp :
- Em hơi mệt, anh về một mình sao, chị Hân với anh Hoàng đâu ?
- Chúng nó đưa anh về xong lại ra phố rồi. Khánh mệt sao không nằm nghỉ lại ra ngoài ngồi ? - Em thích ngồi ngoài này, em …
Anh Khải ngồi xuống đối diện em, phía một cây cột tròn phủ đầy Ti-gôn hồng, đôi mắt anh nhìn em với vẻ dị kỳ. Em tưởng chừng như anh đọc thấy tất cả ý nghĩ của em.
- Khánh buồn lắm phải không ?
Em cười gượng :
- Không, em vẫn thế.
Anh Khải vẫn giữ vẻ điềm đạm, anh nhìn thẳng vào đôi mắt em :
- Khánh kín đáo lắm. Nhưng Khánh giấu được anh Hoàng và chị Hân chứ không giấu được anh đâu. Cổ họng em nghẹn lại :
- Anh Khải
- Anh hiểu, nhưng anh để mặc Khánh xử sự. Khánh khá can đảm, Khánh có lý của Khánh. Em bỗng òa khóc, câu nói của anh Khải như một vết dao cứa lại vết thương chưa kín miệng. Em khóc không cần che giấu, em cần khóc, em muốn khóc. Anh Khải dịu dàng :
- Khánh cứ khóc đi, rồi sẽ nguôi. Anh nghĩ sáng nay Khánh không thể đi học được đâu nên anh quay về. Khánh hối hận à ?
Nước mắt rơi vào môi em mằn mặn, em nghẹn ngào :
- Có, anh Khải, em có hối hận.
- Đó là cái cảm tưởng khi Khánh bị mất mát. Nếu bây giờ Hùng trở về liệu Khánh có hối hận nữa không hay Khánh vẫn giữ nguyên lập trường của Khánh ?
Em ngẩng lên ngó anh Khải, nước mắt chảy dài :
- Em không biết.
- Khánh cầm gì trong tay thế ?
Em mở lòng bàn tay, nửa sợi dây đàn cuộn nhỏ nằm gọn ở đó. Anh Khải nói :
- Dây đàn à, Khánh lấy đâu ra thế ?
- Trong cây đàn của anh Hoàng.
Anh Khải gật gật đầu :
- Khánh có nhiều lãng mạn và tư tưởng dị kỳ hơn anh tưởng.
Em bỗng cười mà mặt còn đầm đìa nước mắt :
- Hùng nói em không có một quả tim trong lồng ngực.
Giọng anh Khải ấm và vỗ về :
- Có chứ, Khánh có tim, ai cũng đều có một quả tim cả.
Em đổi thế ngồi tựa vào tường, hai chân duỗi dài trên nền đá, em cảm thấy dễ chịu lại đôi chút. Mây từng đám lặng lờ lướt ngang qua vòm trời, nắng chói trên những vầng mây trắng nõn. Em hơi khép mắt, nói mơ màng :
- Khánh muốn ngủ một giấc anh Khải ạ, ngủ để khi thức giấc Khánh thấy mọi chuyện chỉ là một giấc mộng dài.
- Khánh ngủ đi.
Em nhắm mắt lại, tưởng mình có thể ngủ ngay được nhưng rồi em lại mở choàng mắt cười ngây ngô : - Hạnh phúc ở đâu hở anh Khải ?
- Ở ngay trong trái tim mình, Khánh ạ.
- Vậy sao mình không giữ được nó hở anh ?
- Có, Khánh vẫn giữ được đấy chứ.
Nước mắt em lại nhỏ dòng xuống hai má :
- Khánh không có hạnh phúc, Khánh đánh mất rồi, Khánh không giữ được gì cả.
Anh Khải nói êm ái, dỗ dành :
- Khánh không mất gì cả. Nghe anh đi, nếu Khánh muốn Khánh có thể đi lại từ đầu. Em nhắm mắt lại, mệt mỏi :
- Khánh muốn quên hết, anh Khải.
- Ừ, Khánh hãy quên những gì đáng quên và nhớ những gì đáng nhớ.
Em mở bàn tay, vuốt ve sợi dây đàn đứt đoạn :
- Sợi dây này đứt rồi anh Khải ạ.
- Khánh hãy tìm một sợi khác.
- Tìm ở đâu ?
- Khánh nghĩ xem Khánh phải tìm ở đâu ?
- Khánh không biết.
- Có, Khánh biết.
Em ngồi im không nói, anh Khải ngó ra xa, anh nói nhẹ nhàng :
- Khánh đi xem những mầm hoa Hữu Dung với anh không nào, chắc hôm nay chúng đã bắt đầu lớn. - Hoa Hữu Dung hở ?
- Ừ, hoa Hữu Dung.
Em chầm chận đứng lên theo anh Khải, cỏ non mềm dưới chân, hoa Ti-gôn nở hồng giữa đám lá xanh
nuột nà. Luống hoa Hữu Dung đã bắt đầu nhú xanh, em quỳ xuống nền đất, nói như nói với điều vô hình nào đó :
- Rồi chúng sẽ lớn lên, phải không ?
Anh Khải ngó thẳng khuôn mặt em, êm ái :
- Ừ, nếu Khánh biết giữ dìn.
Em mỉm một nụ cười xa lạ, lòng em nhẹ nhõm, rỗng không. Em nói :
- Anh Khải ạ, Khánh không cảm thấy điều gì cả, lòng Khánh rỗng.
- Anh biết.
- Khánh không nhớ gì hết.
- Ừ, Khánh không nhớ, anh cũng biết điều đó nữa.
Nắng tràn ngập trên mảnh sân cỏ. Mùi thơm của lá, của sương, của cỏ non và các thứ hoa pha trộn man mác trong gió. Em thở mùi hương dịu dàng đầy trong không gian đó. Hai con mắt anh Khải nhìn em đămđăm, môi anh như mỉm cười. Em ngó vào đôi mắt của anh, em thấy một khuôn mặt khác, khóe môi mỉmcười với chiếc răng khểnh, ánh mắt có chiều sâu thăm thẳm. Em nghe cả âm vang tiếng hát còn trầm ấm bên tai với bản Sérénade muộn phiền.
Em mỉm cười, nhưng từ khóe mắt em những giọt lệ long lanh nhỏ xuống đầy hai má. THỤY ĐỖ