🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Người Làm Chủ Số 1 Việt Nam Ebooks Nhóm Zalo Table of Contents Những người làm chủ số 1 Việt Nam Lời giới thiệu Phần 1. Những người làm chủ số 1 Việt Nam Trương Gia Bình Thái Tuấn Chí Cao Thị Ngọc Dung Phạm Đình Đoàn Nguyễn Hồng Lam Mai Kiều Liên Lý Ngọc Minh Đào Hồng Tuyển Đặng Lê Nguyên Vũ Giản Tư Trung Tái bút Phần 2. Nhìn ra thế giới Phần 3. Việt Nam Lời giới thiệu Đất nước chuyển mình cùng 27 năm Đổi mới. Kinh tế khấm khá hơn. Xã hội cởi mở hơn. Song vẫn còn đó biết bao khó khăn, thách thức phía trước. Nỗi trăn trở hôm qua, hôm nay vì mục tiêu phát triển vẫn day dứt chúng ta. Dòng chảy của những năm Đổi mới cũng phản ánh bức tranh trưởng thành của doanh nghiệp và cùng với đó là hai, ba thế hệ doanh nhân Việt Nam. “Những người làm chủ số 1 Việt Nam” có lẽ là một trong số ít cuốn sách mà tác giả dành trọn tình cảm của mình viết về những doanh nhân Việt. Mười doanh nhân – “những người làm chủ số 1”, có thể chưa đại diện đầy đủ cho cả sự va vấp và trưởng thành của các thế hệ doanh nhân Việt Nam trong suốt chiều dài Đổi mới. Song điều quan trọng là chúng ta được chiêm nghiệm không ít điều đáng quý từ chính cuộc đời và con đường kinh doanh của mười con người, mà đồng hành cùng nó là tình cảm rất chân thành và cũng rất nhiệt huyết của tác giả – một người còn rất trẻ. Đó là một Trương Gia Bình với FPT, công ty Công nghệ thông tin (CNTT) hàng đầu Việt Nam, là “câu chuyện lớn nhất của đời mình”, song vẫn ấp ủ ý tưởng lấy CNTT làm nền tảng đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến kịp và đi cùng thời đại. Đó là một Thái Tuấn Chí với tư duy đến cùng, “khăn khô cũng vắt”, song lại say mê “nhan sắc”, đưa cái đẹp và thơ vào gấm để thành công. Đó là một Cao Thị Ngọc Dung, “bà chúa nữ trang”, Top 5 Doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam 2012, một người phụ nữ rất “không thường tình” bởi xem việc tự hào mãi với quá khứ “đồng nghĩa với tự đào thải”. Đó là một Phạm Đình Đoàn với 20 năm lăn lộn thương trường cùng sự pha trộn giữa “khoa học và kinh doanh” để xây dựng một tập đoàn phân phối hàng đầu Việt Nam với giá trị “Phú quý – Thái bình”. Đó là một Nguyễn Hồng Lam làm nên thành công “lớn” với quả ô mai “nhỏ” và đưa tinh hoa Việt vào ngay cả trong thức “quà vặt”. Đó là một Mai Kiều Liên, một “bông hồng vàng” thuộc Top 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2012, không dừng ở việc làm nên một “blue chip” sáng giá, mà còn muốn đưa Vinamilk trở thành Tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh. Đó là một Lý Ngọc Minh, gốm sứ đã trở thành “niềm đam mê trọn đời” và luôn canh cánh về việc tạo ra những sản phẩm Minh Long chứa đựng “tinh hoa Việt” và vươn ra toàn cầu. Đó là một Đào Hồng Tuyển, với bản lĩnh của người lính “tàu Không số” dám đối mặt với bao mặt sau của tấm huân chương để “biến Tuần Châu thành Ngọc Châu”. Đó là một Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ kinh doanh thành công với hạt cà phê – từ con số không, mà còn muốn chinh phục thế giới bằng sự sáng tạo có trách nhiệm gắn với “tinh thần cà phê”. Đó là một Giản Tư Trung “không quan trọng làm chủ hay làm thuê” mà ở chỗ biết “quản trị cuộc đời” và đấy chính là cốt lõi trong sứ mạng phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam của anh. Mười con người, có thể khác nhau về tính tình, sở thích, về cách thức khởi sự kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Họ chắc cũng không phải hoàn hảo – có đúng, có sai, có cả khi thành công lẫn lúc thất bại. Song ở họ có những điểm chung. Trước hết là khát vọng, sự dấn thân. Tiếp nữa là tinh thần học hỏi, sáng tạo. Và trên hết là niềm tin vào mục tiêu và con đường tốt đẹp đã chọn. Cộng tất cả, kinh doanh không còn đơn thuần là nghề làm ra tiền mà trở thành cái NGHIỆP, là toàn bộ trái tim, khối óc và cuộc đời của những doanh nhân. Và tất cả họ đều muốn truyền ngọn lửa đam mê cái NGHIỆP đó cho các bạn trẻ. Khi bạn cháy bỏng với khát vọng, niềm tin và mãnh liệt với quyết tâm, hành động, thì như trong Thay lời kết của tác giả, bạn “rồi sẽ đến đích”. Tôi chỉ bổ sung: Cái đích đó, cao nhất, chính là HẠNH PHÚC, vì bạn đã làm điều có ích, có ý nghĩa cho mình, cho cuộc đời và cho đất nước. Hy vọng cuốn sách sẽ hấp dẫn và hữu ích đối với tất cả chúng ta, nhất là các bạn trẻ, ngay cả khi, như tác giả đã viết, “cũng có thể một ngày những nhân vật trong tuyển tập, họ không còn là số 1”. Hà Nội, tháng 10 năm 2013 TS. Võ Trí Thành Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương Đọc từ trang đầu cho đến trang cuối của cuốn sách, không hiểu sao tôi cứ bật cười mường tượng đến vóc dáng “mi-nhon” của tác giả khi đối diện những “người khổng lồ” cả về sự nghiệp kinh doanh và khả năng hùng biện, cỡ Trương Gia Bình, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đào Hồng Tuyển… Nhưng không hề rợn ngợp, Đàm Linh đã khéo xử lý để mỗi gương mặt với khoảng trên dưới 30 trang sách không sa vào lối kể chuyện người tốt, việc tốt sáo mòn, mà trở thành những tác phẩm ký chân dung nhiều sức gợi. Cuốn sách nói về “những người làm chủ số 1”. Nhưng tôi lại rất thích câu nói của Giản Tư Trung:“Làm chủ hay làm thuê, làm sếp hay làm lính, làm quan hay làm dân, làm thầy hay làm thợ, làm bánh mỳ hay làm máy bay, làm ở tỉnh hay làm ở phố – tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất…” Và khi tác giả cảm thấy “một niềm hân hoan khó tả” khi chắp bút viết những dòng cuối cùng, tôi lại hy vọng và chắc chắn rằng, cuốn sách chúng ta đang cầm trên tay không phải là cuốn cuối cùng trong dự án sách đầy ý nghĩa này. Goethe từng chiêm nghiệm, “chưa thử sức thì không bao giờ biết hết năng lực của mình”. Những doanh nhân trong cuốn sách này và cả tác giả đều đã thử sức, kể cả với những điều tưởng như vượt quá năng lực, và họ đã thành công. Còn tôi và các bạn thì sao? Phí Trọng Hiếu Phó ban Chứng khoán Báo Đầu tư Phần 1. Những người làm chủ số 1 Việt Nam FPT chính là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời tôi. — Trương Gia Bình Trương Gia Bình “Trên đường tìm con chim xanh” “Rốt cuộc, Con chim xanh cũng vỗ cánh bay đi. Nhưng các bạn trẻ của chúng ta đã hiểu rằng hạnh phúc chỉ nằm trong tầm tay với nếu chúng ta biết trân quý những điều tầm thường và giản dị trong cuộc sống.” (Con chim xanh - Georgette Leblanc) Trong câu hỏi về hạnh phúc, PGS.TS Trương Gia Bình nói với chúng tôi: Với anh, hạnh phúc cũng giống như câu chuyện của nữ nhà văn Pháp nọ, nó không hẳn là “con chim xanh”, mà là những trải nghiệm trên con đường tìm kiếm. Và tôi biết, một phần tư thế kỷ vừa qua, những “tìm kiếm” không mệt mỏi của anh đã “kiến tạo” nên một trong những câu chuyện hay nhất về “giấc mơ” của người Việt. Điểm đặc biệt là sức lan tỏa của giấc mơ ấy lại nằm ở chỗ, nó giản dị, nhưng thấm thía biết bao. Từ anh, ta học được những bài học về ước mơ, tình yêu cuộc sống và công việc ta làm; bài học về lòng dũng cảm và cách ta lựa chọn thái độ sống trước thời cuộc… Những bài học có thể khiến chúng ta, sau những bế tắc và “loanh quanh” thường nhật, sẽ lại thấy tin, thấy yêu và không thôi hy vọng về những “màu xanh”. Cũng như, về những con đường… Từ những câu hỏi“Tại sao?” “Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với một tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam là FPT. Tôi tin tưởng sự hợp tác này sẽ phát triển hơn nữa trong thời gian tới.” — Bill Gates - Microsoft 2012, FPT chạm mốc ¼ thế kỷ với những con số ấn tượng: Tổng doanh thu đạt 25.350 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.407 tỷ đồng, số lượng nhân viên đạt gần 15.000 người trải khắp 14 quốc gia trên toàn cầu và riêng tại Việt Nam là 46 tỉnh thành; FPT tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống; là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, Internet hàng đầu Việt Nam; là đơn vị quảng cáo trực tuyến số 1 Việt Nam với hơn 50% thị phần quảng cáo trực tuyến… Nhưng khi chia sẻ về động lực làm việc và cống hiến tại FPT, Trương Gia Bình chỉ (nhún vai) nói với tôi đơn giản: “Anh vẫn chưa hài lòng!” “Vậy tại sao?” Có lẽ, nó đã bắt đầu từ những câu hỏi mà Trương Gia Bình tự đặt ra cho chính mình. Nửa cuối thế kỷ XX với đủ những thăng trầm từ sự giao thoa của tàn dư phong kiến và thuộc địa, từ dư âm cuộc chiến tranh “thần thánh” của dân tộc đánh Pháp, đuổi Nhật, đương đầu Mỹ, từ tranh đấu sang hòa bình, từ khủng hoảng vươn mình ra đổi mới… cũng là giai đoạn mà Trương Gia Bình sinh ra và lớn lên. Chỉ riêng những khó khăn, phức tạp của đời sống cũng đủ khiến người ta phải loay hoay ít nhiều để tìm cách thích nghi và vượt lên. Nhưng với chàng thanh niên Trương Gia Bình lúc ấy, chỉ có khoa học và giấc mơ về những tấm gương Einstein, Newton… là quan trọng. Kể về những năm tháng tuổi trẻ, mắt anh lại sáng lấp lánh và đôi tay người lãnh đạo lại không thôi khua lên hào hứng. Trong ký ức của Trương Gia Bình, đó là những năm tháng say mê học, say mê chơi và với những người sinh ra trong chiến tranh thì cuộc chiến khốc liệt ấy, cứ như một điều tất nhiên, chẳng hề khiến các anh sợ sệt hay ngần ngại. Trương Gia Bình bảo, thế hệ cùng thời với anh, mọi người đều đi qua những năm tháng tuổi trẻ như thế, thấm thía khó khăn, nhưng niềm tin vào tương lai, đặc biệt vào tương lai đất nước hòa bình, thì luôn có. Ở đó, các trí thức trẻ được đào tạo bài bản, ai ai cũng mang trong mình nhiệt huyết sẽ được cống hiến tài năng bản thân vào công cuộc tái thiết và dựng xây đất nước. Một năm trước ngày đất nước thống nhất, Trương Gia Bình cùng nhiều bạn bè được học bổng du học. Gác lại những vần thơ Tố Hữu, những suy tư triết lý, những bữa cơm vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo, Trương Gia Bình chính thức nhập học Đại học Tổng hợp Moscow (MGU). Không ai có thể ngờ rằng, chàng sinh viên, sau này trở thành nghiên cứu sinh rồi Tiến sĩ khoa học ấy, lại có thể trở thành một trong những doanh nhân được ngưỡng mộ nhất tại Việt Nam, và nếu không quá là ở châu Á, với bằng chứng là Giải thưởng Nikkei Châu Á 2013 vừa rồi. Nhưng Moscow không chỉ mang đến cho Trương Gia Bình và bạn bè anh không gian của một “lâu đài tri thức”, mà nó còn mở ra trong anh những suy tư sâu xa khác. Những câu hỏi “Tại sao?” bắt đầu xuất hiện trong đầu chàng sinh viên giữa những buổi thơ thẩn vặt táo xanh trên đồi Lenin:“Điều gì khiến một dân tộc anh hùng như Việt Nam khi ra thế giới bị khinh thường tới vậy? Điều gì khiến người Hung, người Tiệp, người Nga, rồi người Đức… có thể ngang nhiên chửi rủa, thậm chí là đánh đập tàn nhẫn người Việt Nam, khi họ mua hàng gửi về nước? Và điều gì khiến người Việt, những con người vừa mới đây thắng Pháp, thắng Nhật, thắng Mỹ, phải chịu nhục, chịu hèn đến thế?” Đồng thời với những câu hỏi, là một cái gì đó dù chưa rõ ràng cũng bắt đầu manh nha trong đầu Trương Gia Bình: Phải rửa nỗi nhục nghèo hèn! Những lần gặp anh Nguyễn Văn Đạo – Viện phó kiêm Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lúc đó sang công tác với câu chuyện “xóa nghèo”từ những hợp đồng khoa học kỹ thuật, đã nhen nhóm lên hy vọng mới trong đầu óc chàng sinh viên Trương Gia Bình lúc ấy! 1985, sau mười một năm học tập và nghiên cứu khoa học, Trương Gia Bình và nhiều nghiên cứu sinh tốt nghiệp từ Liên Xô về nước, vẫn với niềm tin năm nào về một viễn cảnh tươi sáng, về việc đất nước đang cần họ, đất nước có chỗ cho họ cống hiến và đóng góp dựng xây. Thì ngay năm sau đó (1986), đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng. Lạm phát đạt mức “kỷ lục” 774,7% và kéo theo hàng loạt những hệ lụy nặng nề khác. Một trong những hệ lụy đó là nghịch lý những trí thức trẻ như Trương Gia Bình và nhiều bạn bè được đào tạo bài bản ở các trường đại học danh tiếng của Liên Xô, Hungary… về nước nhưng không thể nuôi nổi bản thân, và những tri thức khoa học cũng chưa thể ứng dụng vào thực tiễn… Nhưng có phải, nghịch cảnh chính là cơ hội tuyệt vời để nảy sinh những ý tưởng lớn lao? Tháng 06 năm 1986, do yêu cầu ký kết các hợp đồng kinh tế, nhóm Trao đổi Nhiệt Chất (TĐNC) thuộc Viện Cơ học được thành lập dưới sự chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Văn Đạo, GS.TS Nguyễn Văn Điệp, do anh Trương Gia Bình đứng đầu, cùng với sự tham gia của các anh Nguyễn Thành Nam, anh Đỗ Cao Bảo, anh Bùi Quang Ngọc... Thuở ban đầu, tại địa chỉ số 208D Đội Cấn – trụ sở Viện Cơ học, nhóm đã đưa ra mục tiêu: Thực hiện hợp đồng, kiếm được tiền nuôi nhau làm khoa học. Vào thời điểm năm 2013, nghe tới bát cơm B52, nồi hầm, chậu nhôm, quạt máy Liên Xô… nhiều người sẽ không thể nào tưởng tượng ra. Nhưng nếu là những năm cuối thập kỷ 80, tài sản quý giá nhất với những nhà khoa học từ Liên Xô trở về lại chính là những lần mua được nồi hầm, quạt tai voi, bàn là Liên Xô… mang về nước ấy. Để có tiền trang trải cho những “thương vụ đầu tiên” của nhóm TĐNC với đối tác ở khắp Việt Nam, không ít lần, Trương Gia Bình đã phải “bán hết va-li Gia Bình đi đánh Tây” – đem hết nồi hầm, bàn là… đi bán, nhờ máy bay quân sự đi Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đồng Nai, Thanh Hóa... Để rồi kết quả là nhiều hợp đồng với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt về tải nhiệt, lắp đặt hệ thống sấy lạnh nhà máy thuốc lá Đồng Nai, điều hòa ở nhà máy thuốc lá Thanh Hóa, lắp đặt nhà máy kem Bỉm Sơn... đã được ký kết. Với những kết quả ban đầu đó, Trương Gia Bình cùng những “đồng đội” của anh đã nỗ lực để chứng minh cho xã hội thấy rằng, giữa giai đoạn kinh tế bao cấp, những cán bộ nghiên cứu khoa học cơ bản không chỉ biết đọc sách và tranh luận những điều xa vời, họ còn biết đứng lên làm kinh tế – và chắc chắn, họ nuôi được chính bản thân mình! Nhưng nỗ lực để nuôi sống bản thân và chứng minh năng lực của một nhà khoa học trong làm kinh tế ở “buổi phôi thai” ấy, hẳn chưa phải tất cả những “giấc mơ” mà một người như Trương Gia Bình tìm kiếm. Trong anh, dường như những câu hỏi tại sao mới lại bắt đầu, quyết liệt hơn, lớn lao hơn. Và như thế, cuộc đời mở ra... Người dám làm lớn “Chỉ sau một năm có quyết định cho phép doanh nghiệp cùng cạnh tranh Internet, FPT đã chiếm được 30% thị phần. Tôi rất mừng và thở phào bởi từ lúc này, không ai có thể đóng Internet vì cả xã hội đã thấy được sức mạnh quá lớn của nó.” — Ông Mai Liêm Trực Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Nhiều người nói Trương Gia Bình say mê tới ngây thơ trước các ý tưởng mới, thậm chí đôi lúc thành cả tin. Nhưng chúng tôi băn khoăn tự hỏi, nếu không có cái say mê đôi khi hết sức “lãng mạn” ấy, liệu FPT có được như ngày hôm nay, hay đang đi ngang với những con số và kết quả an toàn, thực tế? Trương Gia Bình bồi hồi nhớ lại: Đầu năm 1988, trong bối cảnh Liên Xô vẫn còn chịu cấm vận, Viện sĩ Nguyễn Văn Đạo đã ký kết với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô một hợp đồng trao đổi thiết bị: Ta cung cấp máy tính hiện đại cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, để đổi lấy vật tư sắt thép thiết bị và phương tiện vận tải. Nhận thấy cơ hội nhóm TĐNC có thể được giao nhiệm vụ nêu trên cũng như thực tế nếu giữ nguyên hình thức tổ chức và phương thức hoạt động cũ thì sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, Trương Gia Bình, trên cương vị người đứng đầu nhóm, đã ngay lập tức suy nghĩ tới việc xây dựng một tổ chức độc lập, có tên riêng và tư cách pháp nhân phù hợp. Năm đó Trương Gia Bình vừa bước qua ngưỡng “tam thập nhi lập” của cuộc đời. Tới mùa hè năm 1988, sau Đại hội Tin học Việt Nam lần thứ nhất, Trương Gia Bình càng suy nghĩ nung nấu hơn về ý tưởng thành lập một công ty từ nhóm TĐNC. Sau khi thu hút được lực lượng và xây dựng bộ khung của công ty, ngày 13/09/1988, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đã ký Quyết định số 80-88 QĐ/VCN thành lập công ty lấy tên là Công ty Công nghệ thực phẩm và giao cho Trương Gia Bình làm Giám đốc. Mặc dù tên gọi và định hướng của công ty ban đầu là về công nghệ thực phẩm, nhưng ngay tại thời điểm đó, bộ khung của FPT đã được cơ cấu theo ba nhóm rõ ràng: Nhóm TĐNC, nhóm Cơ Điện Lạnh và nhóm Tin học. Số 13 bắt đầu gắn với FPT như một tín ngưỡng từ đó. Câu chuyện về cái tên FPT gắn với hai tiếng Food – Thực phẩm vẫn còn khiến nhiều người tò mò mãi. Nền kinh tế thị trường cởi mở đặc biệt từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 một lần nữa khiến cho nhiều người cảm thấy lạ lẫm với những khó khăn của nền kinh tế bao cấp những năm tám mươi của thế kỷ trước. Một đất nước thuần nông vừa chấm dứt chế độ bao cấp, nông nghiệp vẫn là mặt trận được ưu tiên hàng đầu, một công ty trên danh nghĩa thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia đang loay hoay tìm tên gọi, một tập thể nhân sự khao khát muốn được cống hiến nhiều hơn cho công nghệ mới? Vậy còn sự kết hợp nào “hợp lý” hơn cụm từ vừa có yếu tố “Thực phẩm” vừa có yếu tố “Công nghệ” xuất hiện trong thời kỳ mới mở cửa ấy? Và rất tự nhiên, theo xu thế đặt tên tiếng Anh để giao dịch quốc tế và đảm bảo yếu tố ngắn gọn, “The Food Processing Technology Company” đã được tóm tắt lại trong ba từ: FPT. Những ngày đầu, ít người biết để có thể tồn tại trong bối cảnh kinh tế mở cửa còn nhiều khó khăn, FPT đã phải làm tất cả các công việc: Từ làm thức ăn gia súc, buôn sắt thép, quần áo, ngoại tệ, thậm chí cả ô tô… để có tiền nghiên cứu công nghệ. Mười năm sau, tới năm 1998, FPT đón nhận Huân chương Lao động hạng Hai trong bối cảnh khủng hoảng tài chính Đông Á đang lan rộng ảnh hưởng của mình khắp các quốc gia trong khu vực… Thông thường sau những thành công như thế thì người ta bắt đầu hưởng thụ. Nhưng PGS.TS Trương Gia Bình thì chưa muốn dừng lại ở đó! Phát biểu tại Báo cáo công nghệ mười năm FPT, PGS.TS Trương Gia Bình cảm nhận được rằng, việc lặp lại kinh nghiệm của những năm tương đối may mắn vừa qua có thể dẫn công ty đi tới một thất bại chắc chắn và muốn đạt được thành công trong giai đoạn tiếp theo, FPT cần phải đổi mới toàn diện. PGS.TS Trương Gia Bình vẫn còn nhớ, một đêm tháng 11 năm 1998, anh với anh Nguyễn Thành Nam ngồi ăn mì tại sân bay Bangkok trong lúc chờ chuyến bay về Việt Nam. Cả hai im lặng, tha thẩn nhai. Sau tất cả những gì đã chứng kiến ở Bangalore, Ấn Độ, dường như họ vẫn chưa hết bàng hoàng: Một đất nước còn rất nghèo, nhưng đã hé lộ sẽ là một cường quốc công nghệ thông tin (CNTT) trong thế kỷ 21. Một lúc lâu sau, anh nói với anh Nguyễn Thành Nam: “Em lấy một đội và thử đi.” Anh Nam gật đầu đồng ý. Cuộc chiến toàn cầu hóa bắt đầu. Cũng phải nói thêm rằng, tại thời điểm 1998, khi anh Trương Gia Bình và anh Nguyễn Thành Nam có ý định “xuất khẩu phần mềm” cũng là lúc Internet mới vào Việt Nam được một năm (cuối 1997), và lúc đó mọi người mới bắt đầu công nhận sự hiện diện của CNTT. Vậy mà những người đứng đầu FPT như anh Bình, anh Nam đã “dám” tự tin cạnh tranh với những đối thủ CNTT sừng sỏ khác trên thế giới. Hẳn phải thấy một sự tự tin và quyết tâm “làm lớn” như thế nào. Tất cả chỉ với suy nghĩ đơn giản: Người Ấn Độ làm được thì mình cũng làm được! Cuộc chiến ấy được bắt đầu bằng những khẩu hiệu “Xuất khẩu phần mềm hay là chết”, với những phấn khích ban đầu và tất nhiên, không tránh khỏi những chia tay, bỏ cuộc, nghi ngờ của nhiều “chiến sĩ hậu phương”. Song vẫn còn quá nhiều những người mang quyết tâm sắt đá, quyết xuất khẩu trí tuệ Việt Nam, ghi tên Việt Nam lên bản đồ số thế giới. Và rồi, 611 ngày đêm chiến đấu, 450 chiến sĩ tham gia trận đánh, chuyển đổi 1.532 ứng dụng với giá trị 6,5 triệu đô la đã được ghi nhận bằng cái gật đầu của Petronas vào năm 2008 – Công ty dầu khí lớn thứ 4 Malaysia khi họ công nhận: “Đây là hợp đồng phần mềm đầu tiên đúng hạn.” FPT Software toàn thắng! Nhưng dường như PGS.TS Trương Gia Bình không chỉ “làm lớn”trong lĩnh vực CNTT và phần mềm sở trường của mình, anh trầm ngâm chia sẻ: Năm 1999, đoàn học sinh Việt Nam đi thi tin học quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ giành được thành tích xuất sắc chưa từng có. Cùng năm đó bóng đá Việt Nam giành giải nhì Seagames. Đất nước đã phát cờ, trải thảm, rải hoa đón chào các cầu thủ bóng đá. Còn các cầu thủ trí tuệ cũng được chào đón nhưng không có cờ hoa… “Những sự kiện này giúp chúng tôisuy nghĩ một cách hệ thống làm sao có thể giúp các em trở thành những người thành đạt nhất trong xã hội, những nhà lãnh đạo công nghệ quốc gia trong tương lai.” Và FYT (FPT Technology Center for Young Talents) – Trung tâm bồi dưỡng tài năng trẻ FPT được thành lập gần như ngay sau những trăn trở của PGS.TS Trương Gia Bình khi ấy minh chứng cho niềm tin và tình yêu của anh dành cho những trí thức của nước nhà. Nhiều giám đốc trẻ đã được đào tạo” từ FYT như Vương Vũ Thắng – Phó Tổng Giám đốc VCCorp, Nguyễn Hòa Bình – Tổng Giám đốc Peacesoft; Vương Quang Khải – Phó Giám đốc VNG … Tháng 09 năm 2006, lần đầu tiên một doanh nghiệp CNTT Việt Nam có trường đại học riêng của mình và tự chủ về đào tạo. Sáu năm sau, nơi ấy tiếp tục là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn 3 sao của QS Star, một trong ba chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới. Lại một lần nữa người ta nhắc tới tên công ty từng bắt đầu bằng lĩnh vực thực phẩm: FPT. Bây giờ thì Đại học FPT đã gây dựng được uy tín và chỗ đứng riêng. Nhưng cách đây vài năm, Đại học FPT từng là “hiện tượng” trong ngành giáo dục về một điển hình đào tạo xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và yêu cầu nhân lực của chính một doanh nghiệp chuyên ngành. Và chắc hẳn đại học FPT sẽ chưa dừng ở đây khi vị Chủ tịch Tập đoàn đang có tham vọng về một Đại học FPT với “vị thế toàn cầu”. 2012 là một năm ghi dấu nhiều thành tích của FPT, khi công ty lọt Top 100 Nhà Cung cấp Phần mềm và Dịch vụ Quy trình kinh doanh hàng đầu thế giới, Top 500 doanh nghiệp phần mềm hàng đầu thế giới. Hai sản phẩm Phần mềm Quản lý tổng thể eHospital và eGov của FPT đại diện Việt Nam tham gia Giải thưởng CNTT Asean 2012 (AICTA 2012) đã xuất sắc giành giải Vàng và Bạc, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thành tích tốt nhất tại AICTA. Đồng thời, FPT Telecom cũng đã xây dựng hạ tầng và nâng cấp băng thông quốc tế, mở rộng vùng phủ ra 46 tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục là một trong ba nhà cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng cố định lớn nhất tại Việt Nam… Khi độc giả đọc được những dòng về Trương Gia Bình ở đây, cũng là lúc anh và FPT đang lên kế hoạch phát triển những chú robot thông minh – smartoshin dựa trên nền tảng điện toán đám mây như một hướng phát triển chiến lược của FPT trong tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ thông minh (smart services) toàn cầu. Bên cạnh đó, năm 2012, Hội đồng quản trị FPT cũng đã quyết định dành ra 5% lợi nhuận trước thuế hàng năm cho công tác Nghiên cứu – Phát triển (R&D). Rõ ràng, “nhân vật Nikkei Asia 2013” của Việt Nam còn ấp ủ rất nhiều tham vọng cho những “một phần tư thế kỷ” tiếp theo của tập đoàn CNTT số một quốc gia này. Với nhiều người, dường như FPT đã trả lời được hàng loạt câu hỏi “Tạisao?” của “anh Sáu”(TG – biệt danh của Chủ tịch Trương Gia Bình tại FPT) – bằng một công ty CNTT-VT hàng đầu Việt Nam, doanh thu mỗi năm hơn một tỷ đô-la (không nhiều công ty tư nhân Việt Nam đạt được con số này); bằng tập thể lãnh đạo cốt cán là những “trí thức trẻ” gắn bó với công ty từ những ngày đầu gây dựng. FPT cũng đang cùng với nhiều thương hiệu Việt khác nỗ lực gây dựng uy tín quốc gia trên bản đồ thế giới. Nhưng có vẻ người đứng đầu tập đoàn FPT vẫn chưa muốn dừng lại. Bởi với anh, tất cả những gì FPT làm được đến thời điểm hiện tại vẫn còn quá nhỏ bé, “ra ‘đường lớn’ vẫn cảm thấy chưa bằng ai, chưa là gì với thế giới” và nhìn lên, Việt Nam vẫn đang “loay hoay” trong cái bẫy thu nhập trung bình thấp và phía trước vẫn còn mấy cái “bẫy” thu nhập trung bình, thu nhập trung bình khá… Trộm nghĩ, nếu ai cũng có được suy nghĩ như “anh Sáu”, không chịu dừng lại, hưởng thụ thành quả hiện tại mà luôn đặt ra thêm những mục tiêu mới cho bản thân và tập thể, thì cái giấc mơ “con rồng châu Á” hay “ngôi sao đang lên” của Việt Nam, biết đâu đã thành sự thật? Hãy giản đơn. Và thành thực! “Tôi không muốn nói về hiệu quả kinh tế mà FPT đã đạt tới từ hai bàn tay trắng, từ cái thuở ‘ra đi, ra đi áo quần không có’ với quyết tâm cao ‘ra đi, ra đi sạch bách mới thôi’ trong cuộc chiến giành giật quyết liệt trên thương trường, bởi vì mọi người đều đã rõ. Điều gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi chính là lớp cán bộ trẻ, giỏi, rất năng động luôn luôn ấp ủ trong mình những ước mơ lớn của FPT, những con người đã được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được rèn luyện trong các nhà trường của chế độ ta. Họ có những suy nghĩ, việc làm đáng nể trọng. Những bài học về họ tôi tin rằng rất bổ ích cho thanh niên ta trong lúc này.” — GS. Nguyễn Văn Đạo Nguyên Viện phó kiêm Tổng thư ký Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chắc hẳn sẽ có người thắc mắc, đọc câu chuyện về Trương Gia Bình, giống như đọc câu chuyện về FPT. Nhưng có một điều đơn giản hơn ở đây, một điều tưởng như cũ, nhưng dường như lúc nào cũng luôn đúng: Với PGS.TS Trương Gia Bình, “FPT chính là câu chuyện lớn nhất của cuộc đời anh!” Nhưng chúng tôi, với tâm thế của những người trẻ đi tìm lời giải cho cả những câu hỏi “Tại sao?”, lẫn những câu hỏi “Ai?”, “Cái gì?”… còn mong muốn bên cạnh việc được lắng nghe câu chuyện của anh, còn được nghe anh gửi gắm với thế hệ mình. Giọng anh đột nhiên chùng xuống và thoáng buồn. Anh bảo, ở đất nước mình, người trẻ từ bé đã được gieo vào đầu tư tưởng không cần làm gì cả, phấn đấu gì cả, “cởi truồng” nằm dưới sông cũng gặp công chúa. Với PGS.TS Trương Gia Bình, rõ ràng, không thể trở nên giàu có hay “gặp được công chúa” mà không chịu khó học tập, làm việc chăm chỉ. Ngay cả những tấm gương như Steve Jobs và Bill Gates, để có được thành công như ngày hôm nay, họ cũng đã phải bỏ ra không ít năm tháng lao động cật lực và khổ luyện. Vẫn là những điều giản đơn, nhưng chưa biết đánh đàn đã đòi đánh hay như NSND Đặng Thái Sơn, theo “anh Sáu”, thực quả vô lý lắm! Điều quan trọng hơn, bạn trẻ phải biết sống thành thật với ước mơ lẫn bản thân mình. Dù có thể ước mơ đó khác biệt, nhưng dẫu sao, chúng luôn quý giá và rất nên được gìn giữ, vì ước mơ là đại diện của tuổi trẻ. “Tôn chỉ của tập đoàn ngay từ những ngày đầu thành lập là: FPT muốn trở thành một tổ chức kiểu mới… Tạisao phải mới? – Mới là do bế tắc, không có đường nên phải cố gắng khác đi mà thôi.” PGS.TS Trương Gia Bình cũng mong bạn trẻ có thể hiểu rằng: Chính sự khác biệt, sự sáng tạo liên tục mới là điều kiện để tồn tại. Và trong cuộc chơi, cái TÔI chính là điểm cốt lõi tạo nên cuộc chơi ấy. Trong tương quan với quốc tế hiện tại và câu chuyện về cơ hội cho bạn trẻ, PGS.TS Trương Gia Bình cũng cho rằng đất nước Việt Nam hiện tại có cơ hội lớn hơn các nước khác, bởi mức cạnh tranh ở các nước khác đang rất cao. Ở Việt Nam có thể mở cửa hàng trong khi ở nước khác không dễ mở được: Làm bất cứ ngành nghề gì cũng phải có giấy phép, có bằng cấp, ví như cắt tóc cũng phải có bằng, phải đi thi. Dù những thăng trầm của nền kinh tế là khó tránh khỏi, nhưng lúc nào cũng luôn tồn tại cơ hội. Anh hóm hỉnh: “Ngày anh làm FPT chỉ có một vài công ty tin học, bây giờ có hàng trăm, hàng ngàn công ty. Giới trẻ bây giờ là sướng lắm đấy! Hoàn cảnh hiện tại của các bạn trẻ bây giờ là một trong những giấc mộng của các anh ngày xưa: Sách gì cũng có, trò chơi cao cấp nào cũng có… Ngày xưa các anh học máy tính ‘cực một cách vô tội vạ’: Viết lập trình bằng Code gốc, chuyển cộng từ ô này sang ô này, phép cộng phải viết thành lệnh, viết xong rồi nhờ ai đó đánh máy… Thủ công vô cùng!” Về những bạn trẻ có chí hướng, vị chủ tịch FPT đặt niềm tin tuyệt đối, rằng bao giờ, ở đâu cũng có những bạn đó, và các bạn đang có cơ hội tuyệt vời để bay. FYT của anh cũng ra đời từ kỳ vọng gìn giữ được những tài năng ấy, dù ở mức độ nhỏ bé. Và giờ đây, dường như anh đang định tiếp nối những gì mà thế hệ đi trước anh vì nhiều lý do thời cuộc, còn dang dở. Khi cuộc trò chuyện gần đi tới cuối, trong những trao đổi về thế hệ trẻ và tương lai quốc gia, Trương Gia Bình đưa tay lên đầu vò trán: “Một dân tộc từng đánh thắng Mỹ, dân số đứng 13 trên thế giới mà bây giờ lại trôi trong những thứ không tên như vậy sao? Có bao chuyện bê bối như vậy, mình chìm đắm và để bê bối cuốn mình theo sao?” Bởi theo Chủ tịch FPT, trong chính giai đoạn khủng hoảng này, nếu để ý và chịu khó nhìn khác đi, thì đây chính là cơ hội để sàng lọc những “giá trị bong bóng” và giữ lại những giá trị thật sự. Không có công thức chung nào hoàn toàn đúng trong thành công của mỗi người: Cách đây khoảng vài năm, các bạn sinh viên đổ xô theo học tài chính ngân hàng, ngân hàng cũng ào ạt tuyển người vào làm. Bây giờ, kinh tế đi xuống, không chỉ ngân hàng, nhiều ngành khác cũng đang thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm nhân sự. Cho nên, cách tốt nhất là sống thật, và hết mình với con người thật của mình. Bởi có không ít những con đường hay trên thế gian này cho các bạn trẻ lựa chọn. “Chỉ cần em không từ bỏ. Mà luôn giữ vững tinh thần và ham mê sống.” – “anh Sáu” quả quyết. “Cũng có người bảo ở FPT, Trương Gia Bình là nhân vật thường chỉ ‘tỏa sáng’ lúc khó khăn?” Anh trầm ngâm nhìn chúng tôi và mỉm cười: Đối với anh, trong điều kiện công ty hoạt động ổn định, anh hoàn toàn muốn mọi người có cơ hội tự do phát triển. Nhiệm vụ của người đứng đầu, không hẳn là “tỏa sáng”trong lúc công ty tự nó đã “tỏa sáng”, mà chính là ở chỗ biết đứng ra giải quyết trong lúc khó khăn. Thậm chí, ở FPT, chuyện mọi người góp ý “anh Sáu” là điều bình thường. Bởi anh quan niệm, những góp ý khách quan chỉ có thể là điều kiện giúp anh hoàn thiện tốt hơn. Cũng không né tránh việc thừa nhận đầu tư đa ngành là một bài học lớn, nhưng đối với PGS.TS Trương Gia Bình, điều đó không quá quan trọng, khi FPT bao gồm rất nhiều người, và FPT chắc chắn sẽ còn tiến lên, dẫu một ngày có thể anh không còn là “số 1” tại đây nữa. Ít nhất, khi “nghỉ hưu” tại FPT, Trương Gia Bình sẽ quay về làm một thầy giáo tại Đại học FPT, tiếp tục chở những “giấc mơ” của mình đi cùng với bạn trẻ! Chúng tôi đem tiếp những tò mò ra hỏi anh: “Vậy điều gì khiến anh đồng ý “đối thoại” với giới trẻ trong khi tâm lý chung mọi người thường né tránh việc cho đi những kinh nghiệm quý giá của bản thân?” Nụ cười tỏa sáng gương mặt “anh Sáu” khi nhắc tới câu chuyện “cho và nhận”: “Em có biết bí quyết kinh doanh của FPT là gì không? Là ‘đem cho’. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp. Trong Thiền cũng vậy, khi mình cho đi, khi mình ‘empty’ tức là rỗng thì mới có thể thu nạp cái mới.” Anh vừa nói vừa đốt thuốc, cái vẻ sảng khoái hiện rõ trên thần thái nhân vật đứng trước mặt chúng tôi. Phóng tầm mắt từ cửa kính tầng 13 – phòng Chủ tịch HĐQT của tập đoàn FPT, nắng xuân đang lấp lóa rải vàng một góc nhỏ Hà Nội ồn ào, sôi động. PGS.TS Trương Gia Bình sắp bước vào độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” – độ tuổi mà theo người xưa là đã đạt tới mức độ hiểu thấu mọi lẽ. Nhưng sao chúng tôi vẫn thấy ở anh lấp lánh một tinh thần trẻ trung lạ lùng, vẫn cứ say sưa trước tuổi trẻ và những điều mới mẻ? Phải chăng giống như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – “ông già vui tính” với nhiều tác phẩm hài hước đã viết: “Không có cái gọi là già, bởi vì khi 20-30 người ta còn quá trẻ, 30-40 đang trẻ, 40-50 hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng và trên 70 là… trẻ vĩnh viễn.” Và chúng tôi mạo muội tin rằng, dù thời gian trôi đi, nếu vẫn còn cái tinh thần ấy, PGS.TS Trương Gia Bình cũng vẫn cứ là… trẻ vĩnh viễn. *** 57 tuổi đời, 25 tuổi nghề cùng FPT, người đàn ông đứng trước mặt chúng tôi là sự pha trộn “đặc biệt” giữa một nhà khoa học và một nhà kinh doanh, một người anh hay cũng là một người bạn cởi mở, ham thích hội hè giao lưu, nhưng cũng là một người thầy vô cùng tận tâm và ưu ái giới trẻ. Anh không thích nói về mình, nhưng từ anh tỏa ra một điều gì đó hết sức lôi cuốn khiến người đối diện tò mò… Sẽ có những độc giả hoài nghi về tương lai, làm sao hai tiếng Việt Nam có thể cất cánh được, làm sao hành trang chỉ là những kiến thức phổ thông hoặc tấm bằng đại học thôi có thể là chiếc chìa khóa thần kỳ mở ra những chân trời mới? Thì hy vọng câu chuyện về một nhà khoa học bỏ ngang đi làm kinh doanh, rồi giờ đây giữa lúc công việc đang độ bộn bề nhất, anh vẫn không chịu nghỉ ngơi mà còn kiêm nhiệm thêm vai trò của một người thầy tại khoa Quản trị Kinh doanh – ĐH Quốc Gia Hà Nội và chính tại FSB – Viện Quản trị Kinh doanh FPT, lặng lẽ chở những “con thuyền mơ ước” tới nhiều hơn nữa với các bạn trẻ… sẽ đọng lại trong mỗi người một ý nghĩa nào đó. Để ta biết tự tin hơn vào cái gốc Việt Nam của mình, tự tin hơn vào tài sản con người của mình, rằng bằng ý chí, niềm tin, ta sẽ làm được hết! Box “riêng tư” Biệt danh ở FPT: “anh Sáu” Đi xe: Lexus (không nhớ số hiệu). Dùng điện thoại: iPhone 4S. Cuốn sách đọc gần nhất: “Start-Up Nation” Cuốn sách tâm đắc nhất: “Quan khí” Thích đọc thơ: Tố Hữu, Truyện Kiều… Hàng ngày: Dậy lúc 6 giờ sáng. Ngủ: 6 tiếng/ngày. Thực đơn hàng ngày: Cà phê buổi sáng, rau buổi trưa và cơm buổi tối. Khi sảng khoái: Hút thuốc. Công việc của một lãnh đạo: Họp hành, ký tá, đọc sách, suy nghĩ… Thời gian dành cho con cái: Không ít. Về bản thân: Không “để ý” việc mình có hấp dẫn hay không. Từng là học sinh Chuyên Toán Chu Văn An. Tiểu sử Trương Gia Bình Ngày sinh: 19/05/1956. Nơi sinh: Nghệ Tĩnh. Trình độ học vấn: - 1991: Phong hàm Phó Giáo sư tại Việt Nam. - 1982: Tiến sĩ Toán Lý, Đại học Tổng hợp Moscow (MGU) - CHLB Nga. - 1979: Cử nhân Toán học, Đại học Tổng hợp Moscow - CHLB Nga. Quá trình công tác: - 07/2013 - nay: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT; - 09/2012 - 07/2013: Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần FPT; - 2009 - 09/2012: Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT; - 2001 - nay: Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam; - 1998 - 2005: Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam; - 1995 - 2013: Chủ nhiệm khoa QTKD (HSB) thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội; - 1983 - 1985: Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Toán học Steclov - Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết; - 1982: Viện cơ học, Viện Khoa học Việt Nam. Thành tích: - 2013: Giải thưởng Nikkei 2013 Châu Á. - 2012: Top 50 Người Tiên phong - VnExpress. - 2010: Một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT trong giai đoạn 2000 - 2009 - CLB Nhà báo CNTT. - 2007: Một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển internet của Việt Nam. - 2001: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải do có nhiều thành tích trong phong trào Doanh nghiệp trẻ Việt Nam và quản lý điều hành Doanh nghiệp. Công ty cổ phần FPT Thành lập: 13/09/1988. - Tên công ty ngày đầu thành lập: Công ty Công nghệ Thực phẩm (The Food Processing Technology Company). - 27/10/1990: Đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (The Corporation for Financing and Promoting Technology); - 03/2002: Cổ phần hóa. Đổi tên thành Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT; - 13/12/2006: Chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh - HoSe. Mã cổ phiếu: FPT; - 19/12/2008: Đổi tên thành Công ty Cổ phần FPT (FPT Corporation). Nhà sáng lập: Trương Gia Bình. Trụ sở chính: Tòa nhà FPT, phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Lĩnh vực: Công nghệ thông tin - Viễn thông. Vốn điều lệ: 2.738.488.330.000 đồng (Cập nhật 31/12/2012). Cơ cấu tổ chức: - 9 công ty thành viên; - Hiện diện tại 46 tỉnh thành Việt Nam và 14 quốc gia trên thế giới: Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Lào, Campuchia, Myanma... - FPT Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh và Văn phòng Đại diện tại Đà Nẵng, Cần Thơ; Nhân sự: 14.912 người (Cập nhật 31/12/2012). Kết quả kinh doanh 2012: - Doanh thu: 25.350 tỷ đồng. - Lợi nhuận sau thuế: 1.985 tỷ đồng. Khẩu hiệu: Tiếp nguồn sinh khí. Điện thoại:(84-4) 7300 7300; Fax: 3768 9079; Website: http://fpt.com.vn Phụ lục Nguồn: Báo cáo thường niên FPT 2012 Phụ lục 2: Cơ cấu lợi nhuận FPT 2012 Nguồn: Báo cáo thường niên FPT 2012 Phụ lục 3: Tình hình ngành CNTT trên thị trường thế giới năm 2012 Đơn vị: tỷ đô-la Nguồn: Gartner.com Phụ lục 4: Fun facts • Tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn Việt Nam tính đến đầu 2013 của là 148,5 triệu (di động chiếm 93,3%). Toàn quốc có trên 31,2 triệu người sử dụng Inernet. (Báo cáo Tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông). • Sau năm 2012, Việt Nam đứng thứ 18/20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới (Thống kê của Trung tâm Internet Việt Nam). • Hiện nay, hàng điện tử Việt Nam đã được xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. (Thông tin thương mại Việt Nam). • Mỗi người sử dụng máy tính nháy mắt 7 lần/phút, ít hơn mức bình thường rất nhiều (20 lần/phút). • Chuột máy tính lần đầu tiên được phát minh bởi Doug Engelbart năm 1964 và được làm bằng gỗ. • 51% lưu lượng truy cập internet “không phải do con người” (31% được tạo nên từ các chương trình hack, kẻ gửi thư rác và lừa đảo nguy hiểm). • Máy tính đầu tiên cao gần 2,5m và nặng gần 30.000 kg - nặng hơn 600 lần so với một máy tính trung bình hiện nay. • Điểm chung của HP, Google, Microsoft và Apple: Bên cạnh việc họ là các công ty CNTT, tất cả đều bắt đầu từ garage ô tô. Trong cuộc sống của mỗi người, sự trống rỗng là đáng sợ hơn cả. — Bill Gates Thái Tuấn Chí Gấm, đẹp và thơ Một ngày Sài Gòn như bao ngày trên thành phố năng động 8 triệu người: Những chiếc xe máy, ô tô vẫn nối đuôi nhau tấp nập trên từng con đường, thành phố một thời được coi như “hòn ngọc Viễn Đông” giờ là mảnh đất cho những tòa cao ốc đua nhau mọc lên, nhưng cũng là nơi quy tụ của không ít người lao động miệt mài bên gánh hàng rong hay bên xấp vé số. Sức sống của một thành phố trẻ hiển hiện rõ trên gương mặt của những cư dân nơi đây, bất chấp khó khăn của một nền kinh tế đang vực dậy sau khủng hoảng. Tôi vừa kết thúc buổi phỏng vấn ba tiếng đồng hồ với Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn. Và thật lòng, tôi vẫn thấy quá đỗi bâng khuâng khi trở về từ cuộc trò chuyện với anh. Hóa ra, thế giới kinh doanh không khô khan và đơn điệu như tôi tưởng. Hóa ra, ẩn sâu bên dưới lớp tư duy sắc sảo của các doanh nhân, còn là những hoài cảm mênh mang về bản ngã, về con người, về cuộc đời... họ đau đáu mang trong tim. Mà suýt chút nữa, ta đã vô tình bỏ lỡ. “Hội chứng” Thái Tuấn Có một câu chuyện kể về một cậu bé, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Tp. Hồ Chí Minh. Gia đình cậu nghèo lắm, là một trong bốn gia đình nghèo nhất ở khu ven kênh rạch quận 4 (khu xóm Chiếu bây giờ). Có lẽ, ký ức về những ngày tháng ấy sẽ còn lâu nữa cậu mới quên được: Căn nhà thuê nhỏ xíu 30m2 là chỗ sinh hoạt của ba mẹ và 11 anh chị em, tường nhà được dựng bằng những tấm ván ép mỏng, mái nhà được lợp bằng những mảnh tôn mục nát mà cậu vẫn nhớ như in mỗi lần mưa xuống, căn nhà trũng nhất là nhà cậu lại ngập trong nước. Nước chảy nhiều tới mức, phải đợi mưa tạnh, cả nhà mới có thể tát bớt nước ra để sắp xếp chỗ ngủ cho mọi người. Tôi mạo muội nghĩ đó không phải là một khởi đầu “nên thơ”, dù là với bất kỳ ai... Nhưng nếu ráp nó với mảnh ghép của vài chục năm sau, khi “cậu bé” hôm nào trở thành ông chủ của một trong những công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, hay chính xác hơn là gấm; sản phẩm của công ty anh đang góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, hay theo những chuyến hàng tỏa ra khắp nơi trên thế giới, chở cả tham vọng toàn cầu của người doanh nhân, thì tôi lại vô cùng tin, đó là một kết thúc hết sức “có hậu”. Dù anh vẫn khiêm tốn nói với tôi rằng “câu chuyện của anh nhiều phần đã cũ”, kỳ lạ, tôi cứ luôn nghĩ sức sống của nó – sức sống của những câu chuyện rất thật ấy, sẽ như những tấm vải mang thương hiệu Thái Tuấn, bền bỉ đi theo năm tháng và thôi thúc không ít người tự viết nên câu chuyện với cái kết hoàn toàn do họ tạo ra... Thái Tuấn Chí sinh năm 1963, là người con thứ bảy trong gia đình lao động bình thường gồm 11 anh chị em. Cha anh làm nghề bốc thuốc đông y còn mẹ anh phụ trách công việc buôn bán nhỏ. Tuy cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng Thái Tuấn Chí lại rất ham học và say mê đọc sách. Một lần mượn được cuốn “Những cuộc đời danh nhân thế giới” của người anh họ, Thái Tuấn Chí đọc đi đọc lại nhiều lần và thực sự ngưỡng mộ Vua hài Charlot – một người cũng sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, sống trong những khu nhà tối tăm và ẩm thấp như anh. Câu chuyện về ý chí vượt khó của Charlot đã trở thành tấm gương vĩ đại trong suy nghĩ của anh. Từ đó, anh hun đúc quyết tâm không đầu hàng số phận, phải thoát khỏi cái nghèo bằng chính khối óc và bàn tay của mình. Năm 14 tuổi, Thái Tuấn Chí bắt đầu vừa đi học, vừa lăn lộn ngoài xã hội để kiếm sống bằng đủ mọi nghề mưu sinh. Trong một lần quan sát tại rạp chiếu phim, anh nhìn thấy nhiều người ra về với mồ hôi nhễ nhại. Ngay lập tức, một tia sáng chợt lóe lên trong đầu, Thái Tuấn Chí liền mua một chiếc vé vào xem để khảo sát và thấy trong rạp rất nóng, do chỉ có một vài quạt máy lớn không đủ làm mát cả rạp. Thế là anh nảy ngay ý định đem quạt cầm tay vào bán. Kết quả là sau mỗi buổi chiếu phim, anh được một vốn – tám lời. Thấy kiếm sống được, Thái Tuấn Chí kiên trì và đeo bám công việc trong nhiều tháng liên tục, vừa làm, vừa dành dụm để phụ giúp gia đình, vừa có tiền để duy trì việc học ở trường. Không dừng lại ở việc bán quạt, anh còn bán thêm xà phòng, mền chiếu... Việc bán dạo trong rạp chiếu phim chỉ là tức thời và ngày càng có nhiều người cùng vào rạp bán như anh. Thái Tuấn Chí hiểu rằng mình cần phải kiếm một việc làm khác ổn định và có thu nhập cao hơn. Vậy là anh tranh thủ thời gian ngoài giờ học đạp xe vào tận các cơ sở sản xuất để lấy dép về bỏ mối cho các sạp ở khắp các chợ thuộc khu vực Sài Gòn – Gia Định. Anh còn tìm gặp các sinh viên khoa Hóa Đại học Tổng hợp để hình thành tổ sản xuất sút (NaOH) gia đình, bỏ mối cho các cơ sở làm xà bông... Chỉ trong một thời gian ngắn, anh đã góp đủ tiền mua một chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Càng buôn bán, Thái Tuấn Chí càng tỏ ra là một người có khiếu kinh doanh. Từ chỗ chỉ buôn bán các mặt hàng giá trị thấp, anh chuyển qua buôn bán các mặt hàng có giá trị cao như vải, thuốc lá, mỹ phẩm... Học hết phổ thông thì Thái Tuấn Chí phải nghỉ học. Ba anh muốn anh theo học nghề thuốc nhưng anh lại thích giúp mẹ buôn bán. Được gia đình cho 5 chỉ vàng làm vốn, Thái Tuấn Chí đi học nghề kim hoàn. Với bàn tay khéo léo và tính kiên trì, thành phẩm của Thái Tuấn Chí làm ra bao giờ cũng được thầy khen. Tuy nhiên, khi học việc, Thái Tuấn Chí quan sát thấy nghề kim hoàn đòi hỏi mất nhiều thời gian và tốn kém, trong lúc đó gia đình anh mặc dù còn nghèo nhưng bữa ăn nào Thái Tuấn Chí cũng thấy chị em gái nói tới chuyện may mặc. Một ý tưởng vụt lóe lên trong đầu anh về kinh doanh vải, vừa sạch sẽ, gọn gàng, lại hoàn vốn nhanh. Bắt đầu bán vải từ năm 1994, Thái Tuấn Chí phát hiện nhu cầu về gấm trong nước là rất lớn, nhưng thị trường này lại đang bị thao túng bởi sản phẩm gấm của Nhật và Hàn Quốc. Hơn nữa, nguồn vải nhập hay thất thường và không ổn định. Trước bối cảnh đó, anh nung nấu ý tưởng sản xuất mặt hàng này tại Việt Nam để thay thế hàng ngoại nhập, góp phần làm đẹp cho phụ nữ Việt Nam bằng loại gấm do chính mình sản xuất. Sau nhiều suy tính, cuối cùng, anh đi đến quyết định: Phải xây dựng một nhà máy dệt với thiết bị hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, bởi nhà máy này sẽ giải quyết được ba vấn đề lớn: Ổn định kinh tế cho bản thân; góp phần giải quyết việc làm cho bạn bè, người thân và xã hội; thỏa mãn khát khao và hoài bão được đóng góp, cống hiến của cải vật chất cho xã hội. Nghĩ thì dễ, nhưng đến khi đi vào thực hiện thì khó khăn lại chồng chất khó khăn. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, thủ tục thành lập một công ty là vô cùng phức tạp, anh phải thuê đất ruộng làm nhà xưởng, xác định địa điểm đầu tư để đủ điều kiện xin giấy phép thành lập công ty. Nhưng còn về công nghệ kỹ thuật? Câu hỏi đặt ra là: Tại sao trong những năm 1970, Việt Nam có thể xuất khẩu vải mà nay phải nhập khẩu? Thái Tuấn Chí nhận ra rằng mấu chốt của vấn đề chính là kỹ thuật – yếu tố quyết định sự sống của một sản phẩm. Do đó, song song với việc mua máy móc thiết bị của nước ngoài, Thái Tuấn Chí đã mạnh dạn đặt chuyển giao công nghệ mới với giá thành rất cao. Không thể có ngay những người giỏi và có kinh nghiệm để vận hành hệ thống, anh mạnh dạn tuyển dụng những người trẻ, trung thực, có trình độ gửi ra nước ngoài để đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc. Vượt qua muôn vàn khó khăn và trở ngại trong quá trình đầu tư, tháng 04 năm 1996, Nhà máy Dệt Thái Tuấn được khánh thành và chính thức đi vào sản xuất. Cảm xúc nhìn thấy những mét vải đầu tiên xuất xưởng đối với Thái Tuấn Chí dường như vẫn còn vẹn nguyên niềm tự hào, phấn khởi và xúc động. Từ trước, vốn chỉ quen buôn đi bán lại, chưa bao giờ anh nghĩ mình có thể sản xuất những mét vải của riêng mình, mà lại là chất lượng cao. Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại nhập từ Nhật Bản, ngay từ đầu vải Thái Tuấn đã thắng thế trước công nghệ của Hàn Quốc – nước đang có sản phẩm gấm, lụa chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Điều thuận lợi rất lớn cho anh là vào thời điểm đó vải gấm trong nước chưa có ai làm, một mình một chợ nên chẳng bao lâu, vải Thái Tuấn đã “thắng” lớn. Tuy nhiên, số vốn ban đầu không nhiều nên Thái Tuấn Chí chỉ sản xuất vải mộc, sau đó đưa đi nơi khác nhuộm gia công. Chính vì thế, anh bị các đối tác o ép và quay lại cạnh tranh. Vì vậy, sau khi nhà máy dệt đã đi vào sản xuất ổn định, Thái Tuấn Chí tiếp tục tích lũy để có thể nhanh chóng đầu tư thêm một nhà máy nhuộm nhằm khép kín dây chuyền sản xuất. Mặc dù sản phẩm của Thái Tuấn đã đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập song anh vẫn ấp ủ hoài bão làm thế nào để “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”? Trong một lần đến Hàn Quốc, anh nhận thấy toàn bộ đồ dùng trong khách sạn của họ từ ti vi, tủ lạnh đến xà bông, bàn chải đánh răng… đều được sản xuất tại Hàn Quốc. Anh băn khoăn tự hỏi: Tại sao người dân nước này có tinh thần cao như vậy? Vì sao họ tự hào và trung thành với sản phẩm của mình đến gần như bài ngoại? Còn hàng của Việt Nam thì nhiều khi phải gắn mác ngoại để tiêu thụ, trong khi chất lượng không thua hàng ngoại? Sau chuyến đi, anh mất ngủ hơn hai tháng trời để tìm hướng đi cho sản phẩm Việt của mình. Qua khảo sát thực tế, anh nhận thấy hơn 70% tiểu thương không chấp nhận in nhãn hiệu Việt, 20% không có ý kiến và chỉ có 10% chấp nhận. Kết quả khảo sát hoàn toàn trái ngược với nghiên cứu ở các nước phát triển, khi người tiêu dùng ngày càng tìm đến với những sản phẩm có thương hiệu. Không nản lòng, anh lại trăn trở và ưu tư để tìm cho được nguyên nhân. Cuối cùng, anh rút ra được nhận định: người tiêu dùng thích hàng ngoại vì chất lượng tốt và mẫu mã luôn đổi mới. Từ đó, anh quyết định lấy chất lượng làm nền tảng xây dựng thương hiệu Thái Tuấn. “Tôi quyết định in nhãn hiệu của mình lên biên vải, vì tự ái dân tộc và vì thương hiệu của mình”, anh chia sẻ. Đây có thể coi là một đột phá về định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm vải Việt Nam, bởi đó là lần đầu tiên vải nội được in chữ Việt Nam lên trên biên vải. Bên cạnh những khó khăn vẫn luôn thách thức người doanh nhân ở phía trước, đối với Thái Tuấn Chí, có những kỷ niệm mà công việc kinh doanh mang lại khiến anh vừa cảm thấy thú vị, vừa cảm thấy tự hào vì mình đang theo đuổi một sự nghiệp mang nhiều ý nghĩa. Năm 1997, khi Thái Tuấn lần đầu tiên tham dự Hội chợ triển lãm tại Cần Thơ, Ban tổ chức đã đề nghị công ty tài trợ 20 triệu đồng. Thái Tuấn Chí đắn đo chưa quyết định luôn lúc đó. Với người kinh doanh, bỏ tiền ra, dù chỉ một đồng thôi cũng phải suy tính kỹ càng. Đặc biệt trong bối cảnh khái niệm về việc tài trợ hội chợ vẫn còn quá mới mẻ với các doanh nghiệp khi đó. Trên ô tô từ Cần Thơ về Sài Gòn, tình cờ anh đọc một bài báo nói về việc hãng Nike – một hãng chuyên cung cấp sản phẩm dành cho thể thao đã tài trợ cho một giải quần vợt 20 triệu đô-la. Thái Tuấn Chí đã suy nghĩ, người ta có thể bỏ ra hàng chục triệu đô-la để quảng bá thương hiệu, thì mình cũng có thể “đầu tư” 20 triệu VNĐ để giúp thương hiệu mình có sức lan tỏa hơn. Và anh quyết định đồng ý tài trợ 20 triệu cho hội chợ ngay lập tức. Kết quả thật xứng đáng, “tiếng lành đồn xa”, ở ngay giữa gian hàng tròn trong trung tâm khu vực là “ngợp trời” áo dài Thái Tuấn, khách hàng thì nườm nượp tới hỏi mua vải tới mức công ty hết sạch hàng. Sau này, báo Tuổi trẻ đã có một bài viết với nhận định, hiệu ứng mà Thái Tuấn tạo ra trong tuần lễ đó có thể coi như một “hội chứng”. Cuối năm 2008, Thái Tuấn Chí tham gia tháp tùng nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong chuyến công du Venezuela. Thái Tuấn là một trong ba doanh nghiệp cổ phần của Việt Nam được ký kết ý định thư, hợp tác liên doanh với Venezuela. Cuộc làm việc kéo dài từ 6 giờ chiều tới 2 giờ sáng. Khi Thái Tuấn Chí trình bày về sản xuất vải, Tổng thống Hugo Chavez tỏ ra rất chú ý. Ông nhìn cravat của anh rồi mở cravat của mình tỏ ý muốn trao đổi cravat với anh như “trao tình hữu nghị” với Việt Nam. Nhìn sang thấy Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đang mỉm cười, anh mới mở cravat của mình trao lại cho Tổng thống. Với những thước vải được Thái Tuấn làm ra bằng “cả tâm huyết và tự hào dân tộc”, tới Hội nghị Cấp cao ASEAN 17 diễn ra tại Hà Nội hồi cuối tháng 10 năm 2010 vừa qua, Thái Tuấn vinh dự được chọn để may trang phục cho các nguyên thủ quốc gia trong dạ tiệc bế mạc. Đối với ông chủ gấm Thái Tuấn, đó là một niềm vinh hạnh mà bất cứ doanh nhân nào cũng cảm thấy tự hào, khi có thể đem văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam giới thiệu với bạn bè năm châu. Và hôm nay, khi trông có vẻ thảnh thơi ngồi uống trà và “mạn đàm” với người viết về những chiêm nghiệm của mình, cũng là thời điểm Thái Tuấn Chí vừa trở về sau đợt công tác nước ngoài dài ngày với những tìm tòi để tiếp tục sáng tạo tại doanh nghiệp của mình. Anh hồ hởi chia sẻ, mơ ước ba năm tới của anh là những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới sẽ dùng đồ của Thái Tuấn. Riêng với đối tượng khách hàng “phái đẹp”, Thái Tuấn vẫn đang nỗ lực đem đến những sản phẩm vừa tôn vinh vẻ đẹp của họ, vừa tạo ra sự khác biệt, độc đáo cho người dùng. Chưa thấy tà áo dài nào lướt qua đây, nhưng lắng nghe chia sẻ của Thái Tuấn Chí, rõ ràng tôi cũng đang cảm thấy: Nắng Sài Gòn… em đi “mà chợt mát” . “Khăn khô cũng vắt” Mặc dù vì hoàn cảnh gia đình phải tự lập sớm, không có điều kiện học đại học, nhưng nếu được nghe Thái Tuấn Chí kể về quá trình “tầm sư học đạo” của anh, hẳn không ít người phải trầm trồ. Những năm đầu thành lập công ty, nhận thức rõ nếu tiếp tục chỉ dựa vào nỗ lực và sự bền bỉ của tập thể sẽ khó đảm bảo sự phát triển bền vững, Thái Tuấn Chí không ngại đầu tư tiền bạc, tham gia hàng loạt các hội thảo, khóa học về quản trị kinh doanh trong và ngoài nước. Anh vui vẻ nói với tôi, cái gốc của những thành quả hiện tại bây giờ, phần nhiều tới từ tinh thần học hỏi mọi lúc mọi nơi của anh. Còn nhớ câu chuyện về việc anh nghe được thông tin bên Singapore có một hội thảo với chuyên đề về sự phát triển của Đảo quốc Sư tử, mặc dù thời điểm đó trong nước chưa có phong trào tổ chức hội thảo sôi nổi như bây giờ, anh vẫn quyết định bỏ cả ngàn đô-la sang tham dự. Thư ký và cố vấn của anh đều đề nghị anh cân nhắc vì hội thảo là tập hợp của những diễn giả làm công việc viết sách, chủ làm bánh mì, nhà kinh tế học… toàn những chủ đề không liên quan tới Việt Nam hay lĩnh vực dệt may mà Thái Tuấn đang theo đuổi. Nhưng anh phân tích thấy hội thảo có nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu tham gia, thì rõ ràng phải tốt, phải chuyên nghiệp, nếu không học được nội dung thì cũng sẽ học tập được những phương pháp hữu ích từ họ. Và điều quan trọng Thái Tuấn Chí hiểu hơn ai hết, muốn học hỏi và phát triển, cần thiết phải đi ra ngoài thế giới. Sau khóa học, anh học được phương pháp áp dụng đồng hồ sinh học vào tổ chức một buổi hội thảo, buổi sáng, họ sắp xếp những chuyên gia trình bày nhẹ nhàng, sâu sắc, buổi chiều, ban tổ chức mời đến một diễn giả người Mỹ sôi nổi, khuấy động hội trường và khiến khách tham dự không bị buồn ngủ. Cuối buổi, Ban tổ chức mời tới nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu với bài trình bày vô cùng hấp dẫn để kết thúc và gây ấn tượng mạnh mẽ với các khán giả. Sau này về áp dụng, Thái Tuấn Chí cũng tuân thủ việc buổi sáng tập trung các công việc về tư duy, động não nhiều, buổi chiều tập trung cho họp hành, ký tá, trao đổi những cuộc họp nhỏ với đồng nghiệp, đảm bảo công việc vẫn hiệu quả và tận dụng triệt để khoảng thời gian tối ưu trong ngày. Ngồi trao đổi với tôi, anh cũng “khoe” bản đồ tư duy anh vừa vẽ trên đường tới văn phòng. Thái Tuấn Chí bảo, trong người anh lúc nào cũng sẵn một cái bút bi năm màu để phục vụ việc tạo sơ đồ tư duy (mind map). Nhận thấy đây là một phương pháp vô cùng hiệu quả, nghe thông tin buổi hội thảo dạy về mindmap của Tony Buzan dù học phí rất đắt, 2.500 đô la/người, anh vẫn không tiếc tiền bỏ ra và cử năm nhân viên của Thái Tuấn theo học. Theo Thái Tuấn Chí, quan trọng là phương pháp chứ không phải nội dung. Với phương pháp làm việc của mình, anh tin nó không chỉ đúng cho mình anh mà còn đúng cho nhiều người. Xử lý vấn đề từ gốc rễ và đi theo mạch logic từ “quá khứ – hiện tại – tương lai”thì vấn đề sẽ tự nhiên từ phức tạp trở thành đơn giản, nếu không nói từ không thể trở thành có thể. Cũng giống như điều Thái Tuấn Chí đúc kết được sau sáu tháng học ở Nhật Bản, quan điểm của người Nhật là “Khăn khô cũng vắt!”, nghĩa là trong quản lý thì tiết giảm chi phí, trong hoạt động thì phải luôn tư duy, đã làm hết cách chưa, còn cách nào khác không? Hay nói theo cách của Thái Tuấn Chí, trong từ điển của anh không có từ “khó”, chỉ có từ “chưa thể”. Thái Tuấn Chí đặt ra yêu cầu cho bản thân, khi làm cái gì, muốn hơn người khác, phải mới lạ, tiên phong. Lúc đầu mới có ý tưởng về buôn bán vải, trong rất nhiều mặt hàng khác nhau, anh đã quyết tâm phải kinh doanh mặt hàng gấm. Đơn giản thời đó gấm được coi như một mặt hàng cao cấp mà xưa kia chỉ có vua chúa quan lại mới được mặc, như câu nói “gấm vóc lụa là”, nghe lên đã thấy sự sang trọng tinh tế trong đó. Một cái chưa ai làm, Thái Tuấn Chí làm được, không chỉ thấy tự hào, mà còn đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp của mình. Hay câu chuyện về lúc xây dựng nhà máy dệt. Với hai bàn tay trắng, đã nhiều người nghĩ ý định của anh là hoang tưởng. Tiền không có, giấy phép thành lập công ty TNHH không dễ để xin, kỹ thuật và công nghệ chưa có bao nhiêu… Vậy mà đích thân Thái Tuấn Chí “chạy vạy”, gõ cửa các ngân hàng, không biết bao nhiêu nơi từ chối nhưng anh vẫn không nản lòng. May mắn sao có một ngân hàng thương mại cổ phần đã cho anh vay sau mười lần chờ đợi. Thời gian đó cũng là thời điểm chưa có tiền lệ cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhập khẩu trực tiếp máy móc và nguyên liệu từ nước ngoài về Việt Nam. Thái Tuấn Chí lại vào cuộc lần nữa. Anh đến xin phép Sở Thương mại, rồi trực tiếp gặp giám đốc Sở trình bày dự án và những mong muốn cống hiến cho xã hội bằng sản phẩm của mình, góp phần làm đẹp cho thành phố. Trước những lý lẽ táo bạo và bản lĩnh quyết tâm, dám làm dám chịu của Thái Tuấn Chí, cuối cùng lãnh đạo Sở Thương mại đã đồng ý. Và mặc dù đã là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Thái Tuấn Chí vẫn không ngừng học, anh không ngại thừa nhận, những năm gần đây “Thái Tuấn chưa phải là bứt phá”, và nếu không chịu khó học hỏi cải tiến, chuyện tụt hậu là không thể tránh khỏi. Ngoài kiến thức nền và tinh thần học hỏi, cốt lõi để duy trì một thành công bền vững, theo ông chủ gấm Thái Tuấn, là việc đừng bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Anh bộc bạch: “Tôi nghĩ, công ty nhỏ bé hôm nay chưa chắc là công ty nhỏ sau này, công ty lớn hôm nay chưa hẳn là công ty khổng lồ maisau.” Một phương pháp khác mà Thái Tuấn Chí cũng rất tâm đắc là phương pháp “Tái cấu trúc tư duy”. Trước đây, trong những năm đầu Thái Tuấn mới phát triển, nhiều người nhìn vào rồi đồn đại, Thái Tuấn có Đài Loan “hậu thuẫn”. Anh bảo, về mặt tâm lý thực sự là rất bực. Mình làm việc “thấy mồ”, làm ngày làm đêm mà lại bị đồn đại như vậy. Tuy nhiên sau khi “tái cấu trúc tư duy” và nghĩ lại, anh đã tìm ra lý do tại sao mọi người nói anh như vậy. Các công ty Đài Loan thời gian đó nổi tiếng nhờ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm tốt hơn Việt Nam. Vậy là người ta đang nghĩ anh giỏi, và thay vì buồn phiền Thái Tuấn Chí lại càng cảm thấy tự hào và có thêm động lực để phấn đấu hơn nữa. Sau nhiều trải nghiệm và thăng trầm trong cuộc sống, Thái Tuấn Chí rút ra rằng, thời gian của mỗi người trên cuộc đời là vô cùng ngắn ngủi, thay vì buồn phiền, dành thời gian tán gẫu, nói xấu người khác, mình nên dành thời gian quý giá đó để học hỏi, để cảm nhận. “Người ta không tốt với mình đồng nghĩa người ta cũng không tốt với người khác. Và mình cũng không gắn bó cả đời với họ để phải phiền muộn quá nhiều”, anh chia sẻ. 2009, trong lúc nhiều doanh nghiệp đang “vật lộn” với cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, với Thái Tuấn, đó là năm đạt thành tích cao nhất từ lúc bắt đầu hoạt động. Lý giải về lần “vượt vũ môn” ngoạn mục, Tổng giám đốc Thái Tuấn Chí vui vẻ chia sẻ, là do anh nắm chắc được “Quy luật chu kỳ xu hướng”. Anh quan niệm, khi nền kinh tế xấu gấp mấy đi nữa, sẽ vẫn tồn tại những ngành tốt, khi một ngành nghề có xấu đến mấy, vẫn sẽ có những công ty hoạt động hiệu quả. Nhu cầu may mặc là thiết yếu. Hàng chục năm “lăn lộn” với thị trường cho Thái Tuấn Chí kinh nghiệm, giúp anh nhìn thấy khả năng và những lỗ hổng của thị trường. Thái Tuấn đã góp phần làm thị trường đa dạng, phong phú hơn với rất nhiều mẫu mã, chủng loại sản phẩm, điển hình là các dòng sản phẩm lụa, Silk thun, phi thun, voan, chất liệu cao cấp dành cho nữ sinh mang nhãn hiệu LENCII, thời trang may sẵn cao cấp SILKI với các mẫu thiết kế trang phục gia đình và dạo phố dành cho các bạn gái trẻ và cả lứa tuổi trung niên được rất nhiều khách hàng biết đến cũng như tin dùng, đặc biệt là dòng sản phẩm cao cấp như In digital, thêu và tơ tằm. Bên cạnh đó, Thái Tuấn cũng vừa cho ra mắt nhãn hiệu thời trang công sở Ella – Elegant Lady trẻ trung. Không đâu xa, câu chuyện về thành công của khu đô thị Phú Mỹ Hưng chính là minh chứng sống động. Theo Thái Tuấn Chí, tập đoàn này nắm được xu hướng phát triển của kinh tế Việt Nam sau 20, 30 năm. Dù phát triển theo kiểu gì đi chăng nữa, cũng cần có một khu đô thị mới như Đài Loan. Và sự táo bạo, quyết liệt của họ đã đem lại kết quả. Phú Mỹ Hưng trở thành một trong những khu đô thị kiểu mẫu. Hoặc chính giữa đáy của thị trường bất động sản, vẫn có nhiều doanh nghiệp lựa chọn đúng phân khúc nhà với giá cả hợp lý, chấp nhận biên lợi nhuận thấp nhưng số lượng lớn hơn, và họ đang gặt hái không ít thành quả. Mục tiêu của Thái Tuấn là bắt đầu từ năm 2014, công ty sẽ tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế và năng lực cốt lõi để đầu tư sản xuất tạo giá trị lợi nhuận với nguồn tài nguyên thấp nhất và từ đó định hướng tổng quát tái cấu trúc toàn diện hệ thống từ thị trường, khách hàng cho tới sản phẩm. Không thích nói nhiều về những dự định khi chưa thực hiện xong, ông chủ gấm Thái Tuấn chỉ khẳng định ngắn gọn: “Sắp tới, diện mạo Thái Tuấn sẽ rất khác!” Còn khác biệt như thế nào, xin để thời gian trả lời bằng những kết quả và con số! “Trái tim anh còn nóng bỏng” Những người hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới nghệ thuật, ít nhiều sẽ có một lòng say mê “nhan sắc”. Điều đó nếu có cũng không quá khó hiểu. Với tò mò của người “ngoại đạo”, tôi đem câu hỏi của mình “giãi bày” với Thái Tuấn Chí, rằng tại sao tôi cứ cảm thấy anh “lãng mạn”? Anh mỉm cười! “Tuy anh tuổi đã trung niên nhưng trái tim anh còn nóng bỏng. Anh yêu sôi nổi, cuồng nhiệt, đặc biệt với những gì liên quan tới cái đẹp!” Những ngày đầu khởi nghiệp, để có thể có nhiều ý tưởng mới cho vải gấm, cứ ra đường là cặp mắt Thái Tuấn Chí lại dán chặt vào các cô gái, không phải ngắm các cô mà là ngắm chiếc áo trên người họ, để về nghiên cứu sáng tạo ra những mẫu mã mới. Có lần đang chạy xe trên đường, anh gặp một cô gái mặc chiếc áo có họa tiết khá lạ mắt. Nhận ra đây là mẫu vải sẽ được ưa chuộng, anh bèn lẽo đẽo đi theo. Cô gái tưởng anh là một “cây si chính hiệu”, lại càng kiêu kỳ ra mặt. Rồi anh cũng theo cô gái về được đến nhà, suýt bị ăn một trận mắng của người đẹp. Nhưng đến khi nghe “mục đích” chạy theo của anh chỉ là “Xin cô cho mượn chiếc áo đang mặc để tôi… nghiên cứu sản phẩm”thì người đẹp bật cười. Vậy là sau một thời gian, sản phẩm Thái Tuấn lại được bổ sung những mặt hàng mới lạ, hấp dẫn hơn. Sinh ra trong một gia đình có người cha làm thầy thuốc, từ nhỏ Thái Tuấn Chí đã được cha dạy phải luôn dùng thái độ nhân nghĩa để đối xử với người khác. Anh bảo anh tin vào thiện tâm, và tin rằng những việc thiện mình làm, không chỉ khiến mình thanh thản mà còn tu nhân, tích đức cho con cháu sau này. Chẳng thế khi mới thành lập công ty, chỉ sau ba tháng đầu tiên hoạt động có hiệu quả, Giám đốc Thái Tuấn Chí đã chủ động tới UBND quận 12, UBND thành phố, đề nghị ủng hộ hội bảo trợ bệnh nhân nghèo cũng như tham gia các hoạt động từ thiện khác. Và với những người lao động, dù họ ở tầng lớp nào, Thái Tuấn Chí đều dành cho họ một sự trân trọng thành tâm. Anh bùi ngùi: “Anh đi lên từ nghèo khó, nên anh rất hiểu và đồng cảm với những mảnh đời cơ cực.” Thái Tuấn Chí kể, hình ảnh những người bán vé số và những người ăn xin anh gặp mỗi lần đi đường cứ trở đi trở lại khiến anh băn khoăn, làm thế nào để giúp được họ một cách tốt nhất? Thế rồi anh nghĩ ra cách, thay vì cho họ một số tiền lớn hay mua giúp họ một vài tấm vé số, anh mua những tấm vé số ấy và trịnh trọng biếu lại họ, với hy vọng đơn giản: “Nếu tấm vé số đó trúng thưởng, thì đó là anh đã chia sẻ may mắn của anh với họ.” Triết lý sống của anh đơn giản, cả đời theo đuổi ba chữ “Nhân – Tâm – Đức”. Không ít lần, hành động nhân ái lặng thầm của anh bị người quen “bắt gặp”, nhưng điều đó không gì hơn việc hình ảnh Thái Tuấn Chí càng trở nên đẹp hơn trong mắt những người mến mộ anh. Không chỉ mang một tấm lòng nhân ái và sôi nổi với cuộc đời, Thái Tuấn Chí trong gia đình vẫn luôn là một người con hiếu đễ. Anh quan niệm, cha mẹ sinh mình ra, trước hết, mình phải lo đối xử cho tốt, để làm tròn bổn phận một người con có hiếu. Chứ mình giúp người khác nhằm tạo thanh danh nhưng gia đình mình lại chưa lo được thì chẳng có ý nghĩa gì. Dù công việc bận rộn cỡ nào, Thái Tuấn Chí vẫn dành thời gian ít nhất một lần trong tuần để ăn cơm, chuyện trò và đấm bóp cho mẹ anh. Chính đứa con trai 10 tuổi của anh, thấy ba mình làm như thế, cũng tới phụ ba đấm bóp cho bà nội. Không đúc kết những điều to tát, Thái Tuấn Chí chỉ giữ bên mình tôn chỉ đơn giản, với người thân “đừng làm cho buồn, nên làm cho vui”. Nhắn nhủ tới thế hệ sau, Thái Tuấn Chí cũng nghĩ đơn giản, bạn trẻ không cần phải vội vàng đặt ra những cái gì cao xa, ghê gớm. Trước hết, là đóng góp cho gia đình, người thân và ngay chính việc bản thân mình thành công cũng là một đóng góp không nhỏ cho xã hội rồi. Còn với nhân viên, điều giữ không ít người ở lại với Thái Tuấn đến ngày hôm nay, theo vị Chủ tịch HĐQT, một phần tới từ văn hóa tôn trọng tiếng nói của đồng nghiệp, tạo một môi trường thân thiện, cởi mở để họ phát huy sức sáng tạo của mình. Một điểm đặc biệt trong văn hóa doanh nghiệp tại Thái Tuấn là sự cởi mở, lãnh đạo sẵn sàng lắng nghe ý kiến phản biện của nhân viên trên tinh thần thẳng thắn, đặt hiệu quả làm đầu. Thậm chí, Thái Tuấn Chí còn có riêng một cố vấn gọi là “can gián đại phu”. Khi anh quyết định rồi nhưng nếu ý kiến của mọi người xác đáng vẫn có quyền can anh mà anh không “trách móc” hay “giận dữ” gì hết. Điều này khác biệt hẳn với văn hóa tại nhiều công ty khác – tiếng nói của người đứng đầu doanh nghiệp là tiếng nói cao nhất, khi đưa ra phải được quyết định luôn. Với Thái Tuấn Chí, một doanh nhân giỏi không phải là người làm tất cả mà người doanh nhân xuất sắc chính là người biết thu phục nhân tâm và biết dùng người giỏi hơn mình. Nhiều người, gắn bó từ khi Thái Tuấn Chí buôn bán ngoài rồi khi Thái Tuấn thành lập cũng vẫn ở lại với anh cho tới tận bây giờ, là một nguồn động viên không nhỏ với ông chủ gấm Thái Tuấn. Cũng đã lâu, Thái Tuấn Chí không xuất hiện nhiều trên truyền thông. Câu chuyện thi thoảng được “đổi gió” bằng những câu hỏi về bản thân nhân vật. Người đàn ông trước mặt tôi vừa bước qua tuổi 50, nhưng thần thái từ gương mặt anh toát ra vẻ trẻ trung tràn đầy. Khi đã bắt đầu cởi mở hơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn cũng pha trò, hóm hỉnh “Anh trẻ hơn tuổi 50 đâu, anh 51 tuổi rồi đó chứ” bằng vẻ mặt đủ khiến tôi luống cuống. Những ngày trước, Thái Tuấn Chí vẫn mơ mộng làm thơ, sẵn sàng thức trắng đêm để trăn trở với các kế hoạch cho tương lai doanh nghiệp. Nhưng hôm nay, vẫn là anh ngồi với tôi, điềm đạm “thưởng” từng ngụm trà và giảng giải cho tôi về công dụng của nước trà đối với những người hoạt động nhiều về trí óc. Anh mỉm cười ý nhị: “Nếu ngày nào cũng ngủ có 2, 3 tiếng như dạo trước, chắc gì còn sức ngồi với em hôm nay.” Bất chấp khoảng cách về tuổi tác, tôi phải thú nhận mình đang “ghen tị” với nhân vật chính trong câu chuyện này. Anh có một sự nghiệp thành công và về cuộc sống, anh đang điều khiển nó tương đối tốt, không phải “lao tâm khổ tứ”tới kiệt sức, mà ngược lại Thái Tuấn Chí rất biết cách tận hưởng và cân bằng mọi mặt để làm việc hiệu quả hơn. Tập yoga đã nhiều năm, mỗi buổi sáng, anh lại dành vài tiếng để khởi động một ngày mới sảng khoái bằng những bài tập đa dạng, phù hợp cho từng tâm trạng khác nhau. Trong giờ làm việc, luôn có sẵn ấm trà để kích thích tư duy hoạt động tốt. Anh cũng hạn chế dùng điện thoại, mọi việc xử lý tập trung và qua thư ký trước. Thời gian rảnh, Thái Tuấn Chí không quên dành cho việc đi biển vào cuối tuần, vì anh biết ở biển có những khoáng chất rất tốt cho cơ thể. Ngoài giải trí bằng nghe nhạc hòa tấu, đọc sách kinh tế, nghiên cứu phong thủy, anh vẫn đều đặn xem phim và xem kịch, đặc biệt thích thú với những thể loại phim hành động của Hồng Kông hay phim lịch sử của Trung Quốc, Hàn Quốc và những vở cải lương sâu lắng như Dạ cổ hoài lang... Qua những bộ phim, vở kịch như thế, anh biết thêm nhiều về văn hóa, lịch sử và con người của cả một dân tộc. Ngoài công việc và khoảng thời gian sống cho thế giới riêng tư, tình yêu lớn nhất với Thái Tuấn Chí hiện tại là cậu con trai 10 tuổi Minh Tú. Anh kể, ngay từ lúc con trai lọt lòng, anh đã đều đặn ghi chép không biết bao nhiêu tâm sự vào cuốn nhật ký dành cho con. Nhiều bài báo hay viết về bản thân, Thái Tuấn Chí đều cẩn thận mua về, cắt ra và dán vào sổ để sau này con tìm đọc. Nếu không có một tình yêu tha thiết và lớn lao, một doanh nhân lúc nào cũng “túi bụi” như Thái Tuấn Chí khó có thể làm những việc nhỏ đó, với tất cả yêu thương và trìu mến như thế. Thoáng chút buồn khi nhắc về gia đình, anh tự nhận lỗi về mình khi để chuyện “tan vỡ” xảy ra... Nhưng điều khiến Thái Tuấn Chí được an ủi, là anh và “người cũ” vẫn coi nhau như bạn bè và dành cho nhau những tình cảm trân trọng. Giờ đây, ngoài những tìm tòi và tham vọng trong sự nghiệp, Thái Tuấn Chí bảo, anh cũng đang trên đường tìm kiếm “một nửa” trong cuộc sống cho riêng mình. Dù đó hẳn không phải một cuộc “tìm kiếm” dễ dàng… Ở Việt Nam, có hai vị lãnh đạo mà Thái Tuấn Chí đặc biệt kính trọng là Bác Hồ và Chú Sáu Dân vì đức tính giản dị, khiêm cung của hai người. Anh bảo anh cũng đang cố gắng học hỏi những đức tính quý báu của những người đi trước để hoàn thiện mình và chính nhiều người gắn bó với anh lâu năm cũng phải công nhận, cái chất của Thái Tuấn Chí, cũng xuất phát từ cái gốc giản dị, khiêm cung đáng trọng. Còn nếu nói trên thế giới, anh ngưỡng mộ tình yêu của tỷ phú Bill Gates và vợ ông. Không giống như nhiều người, lựa chọn người yêu hay vợ phải đặt những tiêu chí về ngoại hình lên làm đầu, anh trân trọng cách Bill Gates dành tình cảm cho nữ đồng nghiệp của mình là Melinda Gates, và thời gian đã chứng minh tình cảm của họ dành cho nhau, cũng như tình yêu họ dành cho công việc từ thiện cao cả đang theo đuổi. … Tôi nói với anh, khi buổi trò chuyện gần đi về cuối, rất thật lòng: “Em tin một ngày sẽ có một ‘nhan sắc’ đến với anh, đủ tình yêu dành cho anh lẫn cho cậu con trai của anh, và đủ trải nghiệm để có thể đồng cảm với những trăn trở của anh.” Thái Tuấn Chí không đáp lại, chỉ im lặng mỉm cười. Mùi trà Nhật thoảng nhẹ trong căn phòng nhỏ, còn lòng tôi cứ vương vấn một nỗi buồn khe khẽ. Thật khó để nói về sự vô cùng của trời đất, hay sự vô cùng trong cuộc sống của mỗi người. Có lẽ thay vào đó, ta cứ kiên định niềm tin yêu và sống hết mình với những giấc mơ của mình. Để rồi một ngày, cái “hữu duyên thiên lý” sẽ đến. Tôi thật sự tin vào điều đó! “Thế giới là một cuốn sách mở” Rồi cuộc gặp gỡ nào cũng đến hồi phải khép lại, nhưng nếu được, tôi đã hy vọng có thể kéo dài nó ra mãi… Ngoài kia, những con đường Sài Gòn vẫn tấp nập và người Sài Gòn cũng vẫn thế, vội vã ngược xuôi với những lo toan thường nhật mà tôi chưa hiểu hết. Chỉ duy nhất một điều khiến tôi an tâm, nếu Thái Tuấn Chí bằng quyết tâm và niềm say mê cuộc đời nồng nhiệt của anh có thể viết nên câu chuyện về thương hiệu gấm Việt Nam – vừa đẹp vừa nên thơ, thì hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều câu chuyện không kém phần tự hào về những thương hiệu Việt Nam chất lượng, đẳng cấp toàn cầu. Tại sao không? Bởi thế giới này như một nhà văn nọ đã nói, đúng là một cuốn sách mở kia mà… Tiểu sử Thái Tuấn Chí Năm sinh: 10/08/1963. Trình độ học vấn: Năm 2010: Tham gia khóa “Phát triển kỹ năng lãnh đạo” tại Hoa Kỳ. Năm 2008: Hoàn tất chương trình Mini MBA tại Pháp. Năm 2002: Tu nghiệp Quản trị kinh doanh tại Nhật Bản. Quá trình công tác: Từ 2006 - 2011: Đại biểu Hội đồng nhân dân Tp. Hồ Chí Minh khóa VII; Năm 2010: Thành viên sáng lập Chương trình IPL; Từ 1995 - nay: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn; Từ năm 1991 - 1995: Công ty Thương nghiệp Dịch vụ quận 4. Thành tích: - Huân chương Lao động hạng Ba; - 03 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; - 05 bằng khen của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh; - Huy chương Vìsự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam; - Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu; - Danh hiệu Sao Đỏ dành cho Doanh nghiệp trẻ xuất sắc. Công ty cổ phần tập đoàn Thái Tuấn Thành lập: 1993. Nhà sáng lập: Thái Tuấn Chí. Trụ sở chính: 1/148 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh. Lĩnh vực: Dệt may. Định hướng: Trở thành tập đoàn cung cấp sản phẩm vải và dịch vụ thời trang hàng đầu châu Á. Vốn điều lệ: 113,1 tỷ đồng. Cơ cấu tổ chức: Tính đến cuối năm 2012, Thái Tuấn đã có 3 chi nhánh, 8 showroom, hơn 300 đại lý và trên 3.500 nhà phân phối trải đều trên toàn quốc. Nhân sự: 1.576 người Khẩu hiệu: Nền tảng cho sự thăng hoa Điện thoại: (08) 37194612 - 37194613; Fax: (08) 37194609; Website: thaituanfashion.com Thành tích: - Huân chương Lao động hạng Ba; - 03 Bằng khen của Thủ tướng; 02 Bằng khen của Bộ Tài chính; 01 Bằng khen của Bộ Thương mại; - Sao Vàng Đất Việt của Hội đồng các Nhà Doanh nghiệp trẻ trao tặng; - Hàng Việt Nam Chất lượng cao 8 năm liền (1999 - 2006); 06 Huy chương vàng chất lượng vải Gấm; - Đơn vị có sản phẩm được yêu thích nhất (do độc giả Báo Mực Tím bình chọn liên tục trong 3 năm 1998 - 1999 - 2000). Phụ lục Phụ lục 1: Thị trường dệt may thế giới Các nước có lượng xuất khẩu dệt may và quần áo lớn nhất thế giới năm 2011: Đơn vị: Tỷ đô-la Mỹ Nguồn: WTO International Trade Statistics 2011 Phụ lục 2: Thị trường dệt may Việt Nam Là mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu, năm 2012 kim ngạch hàng dệt may của Việt Nam đạt 15,1 tỷ đô-la, tăng 7,5% so với năm 2011, chiếm trên 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và cao hơn so với nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn thứ 2 (là điện thoại các loại & linh kiện) tới 2,38 tỷ đô-la. Trong năm 2012, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn đối tác lớn nhất nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Tổng kim ngạch hàng dệt may xuất sang 4 thị trường này đạt 12,96 tỷ đô-la, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước. Trong bốn thị trường chính nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, EU là thị trường duy nhất có mức suy giảm nhẹ trong năm 2012, đạt 2,5 tỷ đô-la, giảm 3,8% so với năm 2011. Ba thị trường Hoa Kỳ (đạt 7,5 tỷ đô-la), Nhật Bản (đạt 2,0 tỷ đô-la) và Hàn Quốc (đạt 1,1 tỷ đô-la) đều có mức tăng cao hơn mức tăng chung (7,5%) của nhóm hàng này, lần lượt là 8,7%, 22,2% và 17,6%. Từ nhiều năm qua, hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài (xuất gia công) và xuất hàng sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu (xuất sản xuất xuất khẩu). Năm 2012, tỷ trọng hai loại hình này chiếm hơn 96% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; trong đó, xuất gia công chiếm 75,3%, xuất sản xuất xuất khẩu chiếm 21,2%. Nguồn: Tổng cục Hải quan. Phụ lục 3: Fun facts Tằm là loài côn trùng biến thái hoàn toàn, vòng đời trải qua 4 giai đoạn phát dục khác nhau: trứng, tằm, nhộng, ngài. Mỗi giai đoạn phát dục đều có một vai trò quan trọng trong đời sống con tằm. Giai đoạn tằm: là giai đoạn ăn lá dâu để tích luỹ dinh dưỡng, cơ thể tằm trong giai đoạn này lớn lên rất nhanh, tằm sắp chín (đủ dinh dưỡng) lớn gấp 8.000 - 10.000 lần so với tằm mới nở. Giai đoạn ngài: là giai đoạn trưởng thành, con đực và con cái tìm nhau để giao phối và ngài cái đẻ trứng. Giai đoạn trứng: đối với trứng tằm đa hệ thì sau khi con cái đẻ trứng 8-10 ngày, ở 25 độ C trứng sẽ nở thành tằm con. Con tằm cái có thể có khoảng 400 trứng cùng một lúc. Tằm cái sẽ chết ngay sau khi đẻ hết trứng, còn tằm đực chỉ sống một thời gian ngắn sau đó. Người ta đã khám phá sản xuất sợi tơ tằm từ kén tằm cách đây hàng nghìn năm. Kén tằm mềm đi trong nước nóng và các sợi tơ có thể được kéo ra, sợi mảnh, chắc dai, có thể sản xuất ra vải đẹp và bền. Cần khoảng 2.000 đến 3.000 kén để có được một pound tơ. Một pound tơ có thể kéo thành ruột sợi chỉ tơ dài khoảng 1.600km. Trung Quốc vẫn là một trong những nước có ngành Công nghiệp dệt may lớn nhất thế giới trong vòng 100 năm qua. Vải cotton có chất liệu tốt nhất có xuất xứ từ Ai Cập Hàng năm có khoảng 232 nghìn người tham dự tuần lễ thời trang tại New York. Cậu bé của tôi, cậu sẽ cần nhiều can đảm hơn nữa nếu cậu kiên định trong việc thực hiện mục đích sống của mình. Nhưng hãy nhớ khi khó khăn đến, những người bình thường sẽ chỉ có sự khôn ngoan bình thường. Nghịch cảnh sẽ phát triển sự khôn ngoan của cậu. — Napoleon Hills Cao Thị Ngọc Dung “Bữa sáng” ở PNJ Bữa sáng ở Tiffany mở đầu bằng một khung cảnh rất thơ: Cô gái Holly Golightly có thói quen đặc biệt, thường buổi sáng, vào đúng giờ điểm tâm, nàng sẽ ăn mặc thật đẹp, đi tới cửa hiệu Tiffany, nhưng chỉ đứng bên ngoài, vừa gặm bánh mỳ vừa lặng lẽ ngắm những món đồ trang sức lộng lẫy bên trong cửa kính. Holly gọi thói quen của mình là: Bữa sáng ở Tiffany. Tiffany từ lâu đã là thương hiệu trang sức trứ danh mà cô gái Mỹ nào cũng muốn sở hữu một món đồ của nó. Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng là một thương hiệu trang sức Việt đã “đóng đinh”trong lòng khách hàng ấn tượng về sự tinh xảo, kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại trong từng sản phẩm. Nhưng “Bữa sáng” ở PNJ trong tôi lại không phải là câu chuyện về nàng Holly xinh đẹp, nhẹ dạ và con mèo không tên của cô, mà là ba câu chuyện nhỏ về người đứng đầu PNJ, với trái tim đầy tình yêu thương của chị cho cái đẹp, hẳn rồi, nhưng không thể thiếu lòng quả cảm của một người phụ nữ Việt Nam điển hình. Người phụ nữ ấy là Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PNJ. Câu chuyện số 1: Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời Không hiểu sao khi nghĩ về Cao Thị Ngọc Dung, tôi lại nhớ tới câu chuyện Bữa sáng ở Tiffany. Phải chăng cái cảm giác khao khát của Holly Golightly trước những món đồ Tiffany khiến tôi thấy mình đâu đó khi lướt qua con đường Phan Đăng Lưu – Sài Gòn… ở đó nằm không xa nhau là trụ sở của hai công ty “tầm cỡ” Việt Nam là Ngân hàng Đông Á và Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). Điều đặc biệt hơn nữa, CEO của hai công ty vừa là bạn học, vừa là bạn đời. Tôi nhớ có ai đó đã nói với mình rằng, đừng chỉ nhìn vào kết quả mà lãng quên quá trình trước đó. Rằng đừng chỉ thấy những thành công của Apple mà quên đi những năm tháng lượm vỏ chai coca, ngủ dưới sàn ký túc xá, nỗi đau bị “đá” khỏi chính công ty mình hay những năm tháng miệt mài đấu tranh với ung thư của “ngài Jobs”... Cũng đừng “bao biện” rằng NSND Đặng Thái Sơn có tài năng thiên bẩm, và thành công của anh là đương nhiên, để mà phủ nhận những tháng ngày anh nhẫn nại tập nhạc bằng phím đàn vẽ trên giấy, trên chiếc piano mục nát, bên trong chuột và rắn thi nhau làm tổ; để mà bỏ qua những năm tháng du học khó khăn, đi làm thêm tay ngâm hóa chất tới lột da của người nghệ sĩ… Rốt cuộc, so sánh sẽ khó tránh khỏi những khập khiễng. Nhưng một lần nữa, với Cao Thị Ngọc Dung, hẳn bên cạnh những kết quả và danh hiệu chị đạt được, đằng sau đó vẫn còn chất chứa rất nhiều những câu chuyện, mà đúng như nhà thơ Nga Evghenhi Aleksandrovich Evtushenko đã đúc kết: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” Sinh ra trong một gia đình mà từ ông nội cho tới cha mẹ đều là những doanh nhân có tiếng của miền Trung, kinh doanh đối với Cao Thị Ngọc Dung dường như đã trở thành máu thịt. Hết tiểu học, khi bạn bè cùng trang lứa đa phần vẫn còn đang độ tuổi ăn tuổi ngủ, thì cô gái trẻ đã biết kiểm kho, tính toán lỗ lời, ghi chép sổ sách giúp cha mẹ. Tới đại học, giữa lúc nền kinh tế còn nặng tư duy bao cấp, chị đã bắt đầu tập buôn bán kiếm tiền đi học. Và khi tốt nghiệp khoa Thương mại – Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh năm 1983 thì sự nghiệp kinh doanh dường như đã vận vào người phụ nữ với bề ngoài nhỏ nhắn này. Bằng khả năng và sự nhạy bén, cô nữ sinh Đại học Kinh tế được tin tưởng giao phó nhiều chức vụ quan trọng tại những công ty quốc doanh không nhỏ. Ban đầu là phòng Kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu quận 11. Rồi sau đó chị chuyển sang công tác tại Công ty Nông sản – Thực phẩm quận Phú Nhuận. Năm 1988, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch tại Công ty Nông sản – Thực phẩm, chị được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Mặc dù là công ty chuyên về vàng, nhưng vốn ban đầu lại vỏn vẹn chỉ có 7,4 lượng vàng và gần 20 nhân sự. Dẫu vậy, Cao Thị Ngọc Dung vẫn quyết tâm lựa chọn lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này để thử sức và gửi gắm niềm tin của mình. Sau khi đặt những viên gạch đầu tiên tại PNJ, với kinh nghiệm và tín nhiệm tạo dựng được, Cao Thị Ngọc Dung lại được Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh điều động đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia. Những tưởng đây là một bước thăng tiến xứng đáng với nỗ lực của chị. Nhưng không, nhiệm vụ của chị thậm chí còn nặng nề hơn khi phải giải quyết những đổ vỡ đang dần rõ nét ở Trung tâm này. Song song, chị vẫn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc tại PNJ. Thử thách đến cũng là cơ hội để cô gái trẻ có thêm nhiều kinh nghiệm với hoạt động điều hành kinh doanh. Sau khi giải quyết ổn thỏa ở Trung tâm Tín dụng Phú Gia, trả vốn cho dân, tự tin với tích lũy của mình, chị và một số thành viên khác đã mạnh dạn đứng ra thành lập Ngân hàng Đông Á, theo sự khuyến khích của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm. Thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng – Đông Á từ đó cũng trở thành một lựa chọn quen thuộc của người dân bên cạnh thương hiệu vàng miếng SJC. Mãi cho tới năm 2012, do chính sách của Ngân hàng nhà nước, vàng miếng Phượng Hoàng – Đông Á mới bị xóa sổ. Nhưng thương hiệu riêng về vàng miếng vẫn không phải là đích đến duy nhất của PNJ, cũng không phải là lối đi riêng mà “nữ tướng” đã chọn. Mặc dù việc xóa sổ vàng miếng mang thương hiệu Phượng Hoàng, Phượng Hoàng – Đông Á và việc thu hẹp lại cánh cửa kinh doanh vàng miếng đã khiến PNJ bị tác động, nhưng, trang sức vẫn là ngành thật sự tiềm năng. Bên cạnh việc duy trì truyền thống của một cửa hàng kinh doanh tiền thân, vị nữ tướng này đã nhìn thấy từ lâu lối đi có thể thành đại lộ, nếu PNJ mạnh dạn làm người khai phá, dẫn đầu. Cách đây khoảng 13 năm, những sản phẩm PNJ Silver đầu tiên xuất hiện với hình ảnh thương hiệu hồng tươi sáng và slogan ấn tượng “Lấp lánh ước mơ” đã thổi một làn gió mới vào mặt bằng thị trường đơn điệu thời gian đó. Những thiết kế tinh tế, thanh lịch đi cùng mức giá phải chăng đã nhanh chóng chinh phục phân khúc khách hàng nữ trẻ tuổi, thậm chí nhiều cánh mày râu khi băn khoăn lựa chọn một món đồ ý nghĩa tặng bạn gái, người yêu cũng đều lựa chọn bạc PNJ như một lựa chọn an toàn. Quan niệm né tránh sử dụng trang sức bạc trong quà tặng đã dần dần được xóa bỏ và việc sử dụng bạc trơn, bạc nõn trong trang sức cũng dần được thay thế. Tới nay, sau 13 năm, lại một lần nữa PNJ Silver nỗ lực thay đổi diện mạo với sắc tím chín chắn, như thông điệp cô gái PNJ Silver ngày nào giờ đã trưởng thành, đằm thắm, mặn mà hơn, nhưng vẫn không kém phần quyến rũ. Và khi nói về thị trường ngách của trang sức bạc, PNJ Silver sẽ còn là cái tên người ta phải nhắc tới! Trang sức bạc PNJ Silver (Nguồn: http://pnj.com.vn) Về trang sức vàng và trang sức cao cấp, PNJ cùng với DOJI cũng là những thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam, tính tới thời điểm cuối năm 2012, thị phần trang sức vàng PNJ và DOJI đã chiếm tới 20% (trong đó ở thị phần bạc, hai “đại gia” này nắm tới 70%). Cùng với chiến lược đầy tham vọng để giữ vững vị trí số 1 ở thị trường trang sức trong nước, công ty cũng ra sức phủ kín hệ thống bán lẻ với 151 cửa hàng, bao gồm 131 cửa hàng PNJ, 15 cửa hàng CAO và 7 cửa hàng Jemma cùng gần 3.000 khách sỉ trên khắp 56 tỉnh thành cả nước. Trong 2013, PNJ cũng tiếp tục kế hoạch mở 9 cửa hàng trang sức vàng và 21 cửa hàng trang sức bạc, tiến tới tốc độ mở mới 30-40 cửa hàng mỗi năm nhằm mục tiêu sở hữu 300 cửa hàng bán lẻ vào cuối năm 2013. Về kim cương, thương hiệu kiểm định Kim cương PNJ hiện cũng chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam, ngang bằng với thương hiệu số 1 quốc tế là GIA và được GIA đưa vào bảng xếp hạng toàn cầu của mình. Trên hết, PNJ cũng được tổ chức Plimsoll(Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 công ty trang sức lớn nhất khu vực Châu Á. Nhiều người biết tới Cao Thị Ngọc Dung với danh hiệu ngầm “bà chúa vàng nữ trang” và hình ảnh một CEO bản lĩnh, quyết đoán, say mê trong công việc. Nhưng không nhiều người biết rằng, trong chặng đường gắn bó tròn ¼ thế kỷ với các sản phẩm nữ trang, vị CEO PNJ cũng không ít lần cảm thấy nản lòng. Chỉ sau khi biết được thực tế, để có thể đạt tới thành công trong ngành này, nhiều nước khác đã mất hàng chục năm, và cả khi được Chủ tịch Hội đồng Vàng thế giới khu vực châu Á động viên: “Bà đang đi đúng đường thì cứ mạnh dạn bước đi”thì chị mới có thêm động lực để kiên trì với con đường của mình. Công việc quản lý bận bịu và áp lực, nhưng hễ có thời gian, là “bà chúa vàng nữ trang”lại tranh thủ đọc sách. Chị kể, khi còn trẻ, chị sẵn sàng thức cả đêm để đọc những quyển sách hay. Giờ đây, nhiều khi một ngày mới của chị cũng bắt đầu bằng những trang sách. Loại sách chị dành nhiều chú tâm thường thuộc chủ đề về rèn nhân tâm và luận về triết lý kinh doanh. Chị bảo: “Rất mừng là càng đọc, tôi càng nhận thấy bao nhiêu năm qua mình đã đi đúng hướng để điều hành PNJ.” Trong số những cuốn sách của mình, hai cuốn sách CEO PNJ tâm đắc nhất là Dẫn dắt sự thay đổi và Linh hồn của sự thay đổi của John P. Kotter. Hai cuốn sách này đã giúp Cao Thị Ngọc Dung có tư duy đúng đắn khi nói đến sự thay đổi: Với chị, thay đổi là vấn đề không chỉ của doanh nghiệp, mà của cả thế giới. Thế giới luôn thay đổi mà mình cứ đứng yên, ngủ quên trong chiến thắng thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Khi được hỏi điều gì khiến chị cảm thấy hài lòng nhất với PNJ, nữ CEO chia sẻ:“Tôi vui vì đã tạo được môi trường làm việc mà ở đó mọi người luôn có cảm giác như mình đang ở trong một đại gia đình...” Nữ CEO của PNJ cũng tâm sự, chị là người không quảng giao, ít bạn bè, nhưng đã chọn ai làm bạn thì sống hết lòng, tự nhiên nên không có gì phải e dè sợ sệt. “Làm việc cực lắm, nhưng khi nhìn vào ánh mắt mọi người, tôi thấy tình yêu thương tràn ngập dành cho mình, thấy người ta nói với mình những điều chân thành, đó là điều hạnh phúc nhất.” Tại PNJ, mọi nhân viên đều được đối xử thân tình như người trong một nhà. Ở đó, mọi người đều hiểu được mình đang ở đâu, làm gì và tương lai sẽ ra sao. Ngoài việc tạo nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, CEO Cao Thị Ngọc Dung còn là một tấm gương trong công việc và lối sống để cấp dưới noi theo. Luôn bình đẳng trong cư xử và không bao giờ nặng lời với bất cứ ai, đó là bí quyết thu phục nhân tâm của chị. Thành công nhưng Cao Thị Ngọc Dung vẫn không quên gia đình cũng như những trách nhiệm cộng đồng. Cùng với việc nuôi dạy các con thành đạt, chị luôn dành thời gian chia sẻ trách nhiệm, sự tương thân, tương trợ với chính những cán bộ công nhân viên trong đại gia đình PNJ, và những hoàn cảnh khó khăn ở ngoài xã hội. Những ngư dân đảo Lý Sơn, bà con nghèo khắp cả nước chắc chắn không quên những ân tình mà PNJ – DongABank, đằng sau là chị Cao Thị Ngọc Dung và chồng chị, anh Trần Phương Bình – Tổng giám đốc Đông Á Bank, dành cho họ. Hiện nay, Cao Thị Ngọc Dung đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, vị trí này chị đã giữ được gần 10 năm (từ năm 2004 đến nay). Cùng với đó, chị còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản trị ở những doanh nghiệp khác như Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á – chức vụ chị nắm giữ còn “thâm niên” hơn cả tại PNJ. Ngoài ra, trước đó nữa, chị còn đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí ở những công ty khác nhau. Được vinh danh trong Top 5 nữ CEO quyền lực, Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam trong Giải thưởng Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012 do VCCI phối hợp cùng Ernst & Young thực hiện, chặng đường thành công với những tham vọng đẹp của vị nữ hoàng ngành trang sức tưởng như vẫn đang vô cùng rộng mở. Câu chuyện số 2: “Nữ nhi” không… thường tình Nữ nhi, đặc biệt trong mắt đấng nam nhi “đại trượng phu”, dễ mang tiếng thường tình. Nhưng với Cao Thị Ngọc Dung, nếu để ý kỹ và sâu vào những bước đi của chị, dễ thấy, chị là nữ nhi, nhưng không hề… thường chút nào! Cao Thị Ngọc Dung quan niệm, không có ranh giới giữa đàn ông – đàn bà trong chuyện làm ăn, kinh doanh. Người ta thành công là nhờ tính cách bản thân, cũng như sự rèn luyện, nề nếp gia đình và bối cảnh xã hội. Một số nam doanh nhân còn nói vui với chị rằng tính chị… mạnh mẽ hơn đàn ông. Tại PNJ, chị được các nhân viên yêu quý, kính trọng (có khi là nể sợ) vì chị là người gây dựng PNJ ngay từ những ngày đầu khó khăn, từng lăn xả, làm mọi việc lớn nhỏ. Cái không “thường tình” còn thể hiện ở tầm nhìn xa và chiến lược của người phụ nữ này. Ngay từ những năm đầu thành lập PNJ, khi việc kinh doanh còn hạn chế với các doanh nghiệp tư nhân, thì nguồn thu nhập chính của công ty đến từ lĩnh vực kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, không vì những lợi ích ngắn hạn mà chị quên đi con đường dài của mình, với ấp ủ PNJ không đơn thuần là một cửa hàng. Hai năm sau ngày thành lập, tới 1990, cửa hàng đúng như mong đợi của Cao Thị Ngọc Dung được nâng cấp thành công ty Mỹ nghệ kiều hối Phú Nhuận, trực thuộc Ban tài chính quản trị Thành ủy. Chị cùng lãnh đạo công ty nhận thức rõ ràng rằng, kinh doanh vàng miếng phụ thuộc nhiều vào chính sách, và thị trường vàng miếng cũng có những năm rất trầm lắng. Bởi thế, PNJ không đặt nặng lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng mà luôn đề ra kế hoạch mở cho mảng này. Vàng trang sức mới là lĩnh vực chính của công ty, nên nếu kinh doanh vàng miếng không có thuận lợi thì cũng không ảnh hưởng tới tình hình chung. Xí nghiệp nữ trang PNJ tại Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh được xem là xí nghiệp nữ trang lớn nhất Việt Nam hiện nay (Nguồn: Internet) Năm 1992, khi được tiếp cận với các doanh nghiệp nước ngoài và công nghệ thông tin hiện đại, Cao Thị Ngọc Dung mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đưa cán bộ chủ chốt đi đào tạo ở nước ngoài và liên tiếp trong nhiều năm, thuê chuyên gia nước ngoài về đào tạo trong công ty. Cũng trong năm này, UBND Tp. Hồ Chí Minh chủ trương tính giá nhà bằng vàng SJC, giúp thương hiệu này bỗng nhiên có được lợi thế lớn như một phương tiện thanh toán chính thức. Chị phân tích: “Nếu lúc này PNJ cũng tập trung đầu tư vào vàng miếng, nhất định sẽ không thể cạnh tranh được với SJC. Vì thế, tôi quyết định dồn toàn lực sang hướng phát triển ngành vàng nữ trang, vàng miếng chỉ là thứ yếu.” Trang sức vàng PNJ Gold (Nguồn: http://pnj.com.vn) Không chỉ có tầm nhìn xa trong việc hoạch định chiến lược phát triển của công ty, chị cũng rất quyết liệt trong việc tận dụng tối đa nội lực của công ty. Trong lĩnh vực sản xuất vàng nữ trang, đa phần công ty khác đều chủ động hợp tác với các chủ tiệm vàng tư nhân để lấy kinh nghiệm. Riêng Cao Thị Ngọc Dung quan niệm, nếu dựa vào người khác sẽ khó lớn được, chị quyết định tự làm. Lúc đó, trong nước không có một trường lớp nào dạy về ngành vàng nữ trang, mọi thông tin đều phải tự mày mò. Chị lặn lội tìm những người quen của gia đình có kinh nghiệm kinh doanh ngành kim hoàn, thuê mướn kỹ thuật viên có tay nghề… để tự học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công tác hạch toán của ngành kinh doanh đặc biệt này cũng là một vấn đề khá rắc rối, phải giải bài toán làm sao để đảm bảo nguồn vốn bằng vàng và đạt được lợi nhuận, giá vàng lại tăng giảm hàng ngày hàng giờ khiến vị thủ lĩnh trẻ mất ăn mất ngủ khi tìm ra lời giải. Nhưng giai đoạn khó khăn nhất với Cao Thị Ngọc Dung lại không phải lúc bắt đầu phát triển mảng nữ trang. Giai đoạn khó khăn nhất với chị là lúc thực hiện ý tưởng đưa ngành nữ trang thủ công theo hướng công nghiệp hóa. PNJ được Tp. Hồ Chí Minh giới thiệu hợp tác với một công ty nước ngoài, nhưng vì thấy sự hợp tác này không có lợi nên một lần nữa, CEO PNJ quyết định tự đi lên bằng nội lực. Nhập khẩu dây chuyền máy móc thiết bị xong rồi, nhưng vấn đề là nhà xuất khẩu chỉ chuyển giao máy móc mà không chuyển giao công nghệ. Để khắc phục, Cao Thị Ngọc Dung lại phải tự tìm đến các nước có thế mạnh về ngành công nghiệp kim hoàn để học hỏi kinh nghiệm. “Nghề sẽ dạy nghề” – nữ tướng PNJ bộc bạch. Thử nghiệm cả năm trời PNJ mới tạo ra được những sản phẩm nữ trang đầu tiên sản xuất theo mô hình công nghiệp. Nhưng có sản phẩm rồi thì gặp vấn đề về thị trường tiêu thụ. Vì đây là sản phẩm nữ trang cao cấp, có độ nét cao nên tỷ lệ hao hụt lớn, khiến giá thành cũng cao hơn các thương hiệu khác. Chủ động xây dựng thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, quảng bá sản phẩm rộng rãi và xây dựng mạng lưới phân phối bán lẻ, nhìn lại, ít nhất Cao Thị Ngọc Dung có quyền tự hào vì PNJ đã trở thành một trong những cái tên người ta nghĩ tới đầu tiên khi lựa chọn đồ trang sức. Khủng hoảng toàn cầu, kinh tế khó khăn và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, công ty cũng linh động thực hiện nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng và thích ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, khác với trước đây, hiện nay sản phẩm nữ trang PNJ được sản xuất với trọng lượng nhẹ, mảnh, mỏng hơn, nhưng các thiết kế vẫn đảm bảo độ tinh xảo, sang trọng, đặc biệt, vẫn đáp ứng nhu cầu sản phẩm có kích thước lớn, nhưng trọng lượng rất nhẹ, giá trị hợp lý… Điều này đã thể hiện khá rõ trong kết quả kinh doanh năm 2012: lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chỉ chiếm khoảng 5% tổng lợi nhuận; doanh thu vàng trang sức vẫn tăng trưởng ổn định, đạt 3.647 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 254 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch của cả năm; tỷ lệ cổ tức đảm bảo ở mức 23%. Để đạt được sự thành công và quy mô phát triển như ngày hôm nay, Cao Thị Ngọc Dung cho rằng: Là nhà kinh doanh, khi nhìn thấy cơ hội thì phải biết đón bắt. Trong quá trình phát triển của PNJ, chị công nhận nếu chỉ có kinh doanh vàng, nữ trang thôi thì công ty cũng không thể phát triển lớn mạnh như ngày hôm nay. Nhiều năm trước PNJ cũng đầu tư vào gas, kinh doanh xe máy, ngân hàng, địa ốc, năng lượng… Điều quan trọng là phải có chiến lược và chiến thuật. Phải biết thế mạnh của mình, xây dựng một nền tảng vững vàng, biết được thời điểm, dự báo được thị trường và không sa đà vào quá nhiều thứ làm phân tán sức mạnh. Và cuối cùng, ngành nữ trang – vẫn là cái lõi lớn nhất, mạnh nhất mà PNJ đeo đuổi lâu dài. Tuy nhiên, nữ CEO của PNJ cũng cho rằng, nếu chỉ nhắc lại lịch sử hình thành của PNJ để tự hào, mà không biết kịp thời cập nhật kiến thức và chiến lược kinh doanh, thì khó có thể thành công. “Lịch sử chỉ là nền tảng. PNJ không mãi tự hào với quá khứ mà cần nhìn vào hiện tại và hướng tới tương lai, nên phải làm mới. Tôi không cho phép mình tự mãn bởi điều đó đồng nghĩa với tự đào thải.” – chị nói thêm. Mạnh mẽ, quyết liệt, tầm nhìn xa, rộng – đó là những tố chất hàng đầu làm nên thương hiệu Cao Thị Ngọc Dung. Nhưng cũng không thể không nhắc tới sự táo bạo của vị nữ CEO này mà nhiều doanh nhân trẻ cũng phải công nhận. Tích lũy được khối lượng kinh nghiệm đáng kể, nhưng Cao Thị Ngọc Dung cũng là một trong số ít những CEO vẫn liên tục học hỏi từ thị trường. Chị nhấn mạnh: “Tinh thần ham học hỏi giúp doanh nhân không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân. Học có thể bằng nhiều cách, ngoài chuyện học thuật, bạn có thể học từ thực tế công việc, từ các đồng sự, nhân viên của mình. Tôi hay nhắc nhân viên rằng còn ngồi làm việc thì càng phải học. Đôi khi, bạn có thể tìm thấy bài học hữu ích từ những bài viết trên báo hàng ngày.” Trong cuộc cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tri thức biến chuyển liên tục. Dù nhà quản lý có bề dày năng lực và kinh nghiệm, nhưng nếu tự cho rằng mình đã “sống lâu”, chủ quan thì sẽ dễ dàng bị tụt hậu. Bây giờ một sai sót nhỏ trong đường hướng kinh doanh sẽ dẫn đến chuyện lớn. Ngay từ thời điểm những năm 1995, Cao Thị Ngọc Dung đã là một trong những lãnh đạo dám dùng “tư vấn ngoại” từ Hội đồng Vàng thế giới để tư vấn cho hoạt động kinh doanh của PNJ. Tới 2006, chị lại là người tiên phong mời chuyên gia Richard Moore – Giám đốc sáng tạo của Công ty Richard Moore Associate (Mỹ) về giúp PNJ xây dựng thương hiệu nữ trang cao cấp CAO. Chị cũng là người tiên phong áp dụng ERP trong quản trị doanh nghiệp và liên tục học hỏi những kinh nghiệm quản trị mới… Không vội liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, mà chủ động phát triển bằng nội lực và tự tin thuê cố vấn nước ngoài về tư vấn cho doanh nghiệp của mình, những quyết định chắc chắn và hiệu quả của Cao Thị Ngọc Dung đã chứng minh phần nào bản lĩnh và tầm nhìn của một trong những CEO quyền lực. Hỏi về bí quyết thành công, chị chỉ cười đơn giản:“Chúng tôi luôn đặt chữ TÍN lên hàng đầu.” Cũng vì thế, chị rèn đội ngũ của mình phải luôn tạo và giữ niềm tin với khách hàng. Chị bảo, dòng đời sẽ trở nên vô vị nếu thiếu đi chữ tín, nhưng trong kinh doanh, nhất là ngành kim hoàn, thiếu chữ tín là chết. Định hướng phát triển của công ty do đó cũng gắn liền với phương châm: “Đặt lợi ích của khách hàng, của xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp.” Cao Thị Ngọc Dung cũng chia sẻ, chị rất tâm đắc với định nghĩa về “Tài năng” của giáo sư Dave Ulrich: Tài năng = Năng lực + Sự cam kết + Cống hiến. Với chị, để trở thành một người tài năng, phục vụ lợi ích cho quốc gia thì mình phải kiên trì, nỗ lực. Tại sao có những người không giỏi nhất nhưng lại luôn tỏa sáng và có đóng góp cho đất nước? Và không phải ai cũng có may mắn gặp được lãnh đạo biết sử dụng nhân tài. Trước khi gặp được lãnh đạo tốt thì bản thân mỗi người phải xây dựng được mục tiêu phấn đấu, phải nỗ lực không ngừng cho vị trí của mình và có thể cống hiến cho xã hội. Nhiều người không có mục tiêu phấn đấu thì trở nên lãng phí năng lực và không thể tỏa sáng được. Và như chị kết luận, cái quan trọng nhất làm nên sự khác biệt của mỗi người là bản lĩnh, chứ không phải là giới tính của họ. Khi muốn làm điều gì, các bạn trẻ phải xác định được mục tiêu rõ ràng rồi thiết lập con đường đi để chinh phục. Trên con đường ấy sẽ luôn gặp những khó khăn nhưng mình phải biết nhìn thẳng vào nó để vượt qua và thẳng tiến đến mục tiêu. Muốn thành đạt, người ta phải có mục tiêu, lý tưởng và dốc sức để đạt được điều đó. Câu chuyện số 3: “Để gió cuốn đi” Con người có những lựa chọn khác nhau khi đối diện với khó khăn, áp lực. Ayn Rand nói: “Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực, một vài người mặc nhiên đầu hàng, một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào… Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên…” Và tôi tin, Cao Thị Ngọc Dung thuộc số người đã lựa chọn không đầu hàng, mà đường hoàng dối diện với những khó khăn tưởng-không-thể-vượt-qua, để rồi trở nên bình tâm và tận hưởng cuộc sống của riêng chị, một cách trọn vẹn, cũng riêng chị… Kỷ niệm đầu tiên của Cao Thị Ngọc Dung là lúc chị mới “chân ướt chân ráo” ra trường nhận nhiệm vụ. Chị bảo, trong con mắt của cô nữ sinh Kinh tế khi ấy, cái gì cũng cao quý và đẹp đẽ, cái gì cũng được nhìn qua đôi mắt lý tưởng màu hồng. Nào ngờ, sự ti tiện của người đời ở đâu cũng có và thời nào cũng có. Khi đã ti tiện thì người ta có thể hại người bằng sự ganh ghét, đôi khi là với chính những người lãnh đạo mình. Năm 1989, giám đốc công ty Nông sản thực phẩm Phú Nhuận bị bắt vì lời tố cáo bâng quơ là tham nhũng, hối lộ. Chị bị kéo dính vào chiếc bẫy quay cuồng của phe cánh trong nội bộ triệt hạ lẫn nhau. Không còn ngơ ngác nhìn đời với cặp mắt lý tưởng màu hồng, đối diện với những lần bị điều tra như tội phạm, Cao Thị Ngọc Dung đã rất bình tĩnh, tự tin trả lời với một niềm tin sắt đá vào chính mình. “Tôi không có tội, tôi là người có học, tôi làm việc theo sự hiểu biết của chính mình. Ai cũng có lòng tự trọng, các anh với tôi là đồng chí, các anh không thể hành hạ tôi một cách vô cớ như thế!” May mà sự việc được xem xét cụ thể, rõ ràng. Người giám đốc cũ của chị vô can. Lúc đó năm 1990, danh dự và uy tín của Cao Thị Ngọc Dung được phục hồi, dù kể ra cũng chua chát. Nhưng thôi, chị tự nhủ hãy chọn lấy hoa hồng và để nước mắt chảy vào trong và đã hành động đúng như thế. Có cả những câu chuyện khác mà hẳn Cao Thị Ngọc Dung đã muốn “gió cuốn đi”theo thời gian, để ký ức về nó hoàn toàn thuộc về quá khứ, dù không dễ dàng. Chị bùi ngùi kể, vốn là học sinh giỏi của trường Đại học Kinh tế, vợ chồng chị được tổ chức, thầy cô, bạn bè khuyến khích đăng ký làm luận văn tiến sĩ. Luận án viết cũng đã được phản biện chỉ chờ ngày bảo vệ trước Hội đồng khoa học. Thế nhưng, anh chị buộc lòng phải đến trường xin thầy cô cho rút lại dự định. Biết bao ý kiến khuyên ngăn. Chi bộ thì kiểm điểm vì mình là Đảng viên không hoàn thành chỉ tiêu học tập đã đăng ký. Thầy cô thì trách móc. Con cái thì buồn và cả thất vọng mà chị không thể giải thích vì sao lại làm như vậy. Chỉ biết, chị vẫn hy vọng một ngày có thể sắp xếp thời gian để xứng đáng nhận tấm bằng danh giá đó. Hẳn lúc đó, gia đình chị sẽ vui lắm. Cũng có những nỗi đau khác chị đã định giấu kín. Nhưng rồi chính thời gian đã giúp chị có thể nhìn lại tất cả một cách thanh thản hơn... Chị bảo: “Ngày trước tính tôi nóng nảy, cũng sân si như người ta thường tình. Nhưng khi đứng giữa ranh giớisống – chết cách đây 10 năm vì căn bệnh ung thư, tôi đã thay đổi nhân sinh quan rõ rệt, từ đó biết chấp nhận cuộc sống.” Bên bờ tử sinh chị đã bình tĩnh đối diện, sắp xếp mọi thứ kể cả công việc của công ty để có thể chấp nhận khả năng xấu nhất xảy ra. Nhưng may mắn và nhờ trời thương nên cái xấu nhất ấy đã không đến. Hiện tại, đã vượt qua căn bệnh hiểm nghèo đó, Cao Thị Ngọc Dung không còn coi cuộc đời có điều gì là vĩnh viễn, hay quá quan trọng. Thậm chí, nếu ngày mai, cái chết đến hay một điều khủng khiếp nào khác xảy ra, chị cũng thấy... bình thường. Chị thường nói đùa với bạn bè rằng “trời kêu không dạ”, mình còn sống đến hôm nay là quá “lãi” rồi, phải biết làm việc gì tốt nhất cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Điều đó làm mình hạnh phúc. Bây giờ, chị sống cho từng ngày, sống nhẹ nhàng, trầm tĩnh hơn và cũng dễ tha thứ hơn… Chị cười, ánh mắt lấp lánh trong câu nói: “Thời gian đang đứng về phía tôi.” Cuộc sống kinh doanh phức tạp, ngoài những kỷ niệm được chị coi như “cú sốc”, cũng không ít những kỷ niệm mà với Cao Thị Ngọc Dung, nó đem lại cho chị cả những trải nghiệm và kinh nghiệm quý giá, dù đánh đổi không ít… Câu chuyện dài Minh Phụng – Epco là một kỷ niệm như thế. Vụ vỡ nợ của Minh Phụng – Epco làm cho nhiều ngân hàng điêu đứng, thậm chí có những ngân hàng bên bờ vực phá sản. Đông Á cũng không là ngoại lệ. Chống chọi với sự tác động dây chuyền này thật kinh khủng. Tỉnh táo không chưa đủ, còn phải có một bản lĩnh thép mới có thể tìm cách đưa khách hàng và ngân hàng mình qua được “cơn sóng nhồi”. May mắn (Cao Thị Ngọc Dung nghĩ vậy) là chị có đức tin. Quyền hành của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng rất lớn nhưng chị không hề có quan hệ gọi là “kinh tế ngầm” giữa các ngân hàng và doanh nghiệp, không dây dưa quyền lợi riêng. Mặt khác chị có ưu điểm là ứng phó nhanh, hiểu rõ những thủ đoạn thương trường, dự báo tốt và chính xác những biến cố có thể xảy ra. Đồng thời chị có được sự trợ giúp hữu hiệu ngay lập tức của Trần Phương Bình – người chồng sát cánh cùng chị trong dự án lập Ngân hàng Đông Á – sức mạnh này khó có thể đo đếm được. Anh Bình đang đi tu nghiệp về ngân hàng ở nước ngoài, dự tính 3 năm nhưng mới 6 tháng, sự cố xảy ra, anh bỏ học về giúp vợ lèo lái con thuyền Đông Á cho đến giờ. Vợ chồng Cao Thị Ngọc Dung – Trần Phương Bình (Nguồn: Internet) Tất nhiên trước cú ngã tín dụng trên đây, Đông Á đã đi trước một bước, đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể giúp các doanh nghiệp bán gấp phân bón và hàng hóa tồn kho. Trong chỉ đạo của chị, lúc đó chỉ có hai từ: “Thu hồi và thu hồi” nợ bằng mọi cách. Mọi việc của PNJ gác lại, Cao Thị Ngọc Dung tập trung hết thời gian xem xét hồ sơ từng khách hàng. Nhất là 10 khách hàng dư nợ lớn. Có những trường hợp chị đến tận nơi cùng với khách hàng giải quyết những vướng mắc cụ thể. Vạn Lộc, Lê Khương, Hoàng Lê… là những công ty điển hình Đông Á đã cùng họ xoay trở ổn thỏa. Tuy nhiên, cú sốc “bạc đầu” trong ngành tín dụng ngân hàng những năm đó đối với chị là một kỷ niệm, một dấu ấn khó quên. Rồi PNJ đối với chị là để yêu thương. Nhưng ngay khi công ty vừa cổ phần hóa xong, cũng có không ít lời ong tiếng ve trong việc định giá. Nhưng bây giờ mọi việc đã ổn thỏa. Cao Thị Ngọc Dung được các cổ đông tín nhiệm trao cho nhiệm vụ tiếp tục điều hành PNJ. Khi là công ty quốc doanh chị tự hứa là sẽ làm được tất cả những gì mà tư nhân làm được. Còn bây giờ áp lực không nhỏ bởi cạnh tranh gay gắt hơn. Nhưng Cao Thị Ngọc Dung bảo, chị tin PNJ có một tập thể vàng. Họ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cho từng vị trí. Họ cũng được giáo dục từ khi bước vào công ty rằng PNJ là niềm tự hào của họ. Khi đó không ai có quyền làm xấu hay ảnh hưởng đến công ty. “Hãy cho rồisẽ được nhận” – “lời tuyên thệ” ngầm ấy đều được tất cả nhân viên PNJ thuộc. Trước khi cổ phần hóa, PNJ đã bàn giao cho nhà nước hơn trăm tỷ đồng giá trị tài sản tự có của công ty. Anh em cũng có người chợt buồn. Nhưng rồi lại tỉnh ngay. Vật chất có mất đi đâu. Rồi mình sẽ làm ra. Anh em PNJ đã nói với nhau như vậy. Chất vàng của tập thể PNJ là chỗ đó. Huân chương Lao động hạng Nhất được tặng trao như một sự ghi nhận. Cao Thị Ngọc Dung cũng vậy, chị được trao Huân chương Lao động hạng Nhì. Mặc dù là người làm kinh doanh, nhưng với nữ tướng PNJ, tiền chỉ là phương tiện, chứ không phải là tất cả. Có nhiều tiền hay ít tiền không phải là vấn đề, mà việc mình sống thế nào, đã nỗ lực hết mình hay chưa, mới là điều quan trọng. Nhìn vào gia đình nhỏ của Cao Thị Ngọc Dung hiện tại, hẳn nhiều người sẽ không giấu nổi ghen tỵ: Chị có một gia đình riêng êm ấm, các con ngoan, học giỏi và tự lập tốt. Ba người con của chị đều giàu ý chí cầu tiến và đạt thành tích học tập cao ở những trường đại học danh giá tại Mỹ. Trong đó, người con gái đầu đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Harvard. Chồng chị, CEO Ngân hàng Đông Á, Trần Phương Bình đồng thời là bạn học của chị. Chị tự hào kể: Anh chia sẻ với chị mọi thứ. Gần 20 năm chung sống, trừ việc “thắng thua” trong công việc, anh chị chưa bao giờ nặng lời với nhau. “Đã có lúc tôi nghĩ, nếu không có ông xã giúp chắc tôi không được như ngày hôm nay. Ông ấy giúp tôi thêm tự tin, thực hiện những mục tiêu đề ra trong công việc.” Ngoài đam mê công việc, Cao Thị Ngọc Dung còn thích đi du lịch, nhưng cũng vì bận rộn công việc quanh năm suốt tháng mà chị ít có thời giờ ngao du đó đây. Chị cười nói, cuộc sống mỗi ngày của chị nếu nhìn vào thì có vẻ đơn điệu lắm. Rời văn phòng, chị về nhà, nấu món ngon cho chồng, nếu rảnh hơn thì đi đánh cầu lông. Chị cũng thích tự tay bài trí nhà cửa và tự tin mình có gu thẩm mỹ tinh tế. Sau tất cả những khắc nghiệt của cuộc sống, chị nhận ra, bất trắc thì luôn ập đến, nhưng nếu mình biết cách đi xuyên qua nó, biết chấp nhận nó, thì sẽ có thể tìm ra con đường mới. Trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, để giữ được sự bình tĩnh quả là rất khó, phải thực tập mỗi ngày mới tạo được nội lực. Chiến thắng chính mình và vượt qua nỗi sợ bao giờ cũng là chiến thắng lớn nhất. Và dù có điều gì xảy ra, tôi tin chị đang đồng cảm với những tâm niệm của cố nhạc sĩ họ Trịnh, rằng hãy “để gió cuốn đi” tất cả, bởi đâu khó để có thể: “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người Còn cuộc đời ta cứ vui.” Cuộc đời mở ra… Nghĩ về chị, chợt thấm thía những điều tưởng xa vời mà giản dị vô ngần, rằng: Đúng, nếu còn một cuộc đời phía trước, dù bộn bề, thì sao ta không chọn lấy niềm vui, và sống hết mình với nó? Và có thể ngây thơ, nhưng khi kết thúc những dòng này, tôi hồ như đang nghĩ đến kết cục, một ngày nào đó, sẽ có một bộ phim mới mang tựa đề “Bữa sáng ở PNJ”, và những món đồ trang sức PNJ sẽ đi vào nghệ thuật thứ bảy, vừa lấp lánh, vừa yêu thương như thế. Biết đâu được đấy? Hẳn Cao Thị Ngọc Dung sẽ lấy làm tự hào về điều đó. Tiểu sử Cao Thị Ngọc Dung Sinh ngày: 08/10/1957. Nguyên quán: Quảng Ngãi. Trình độ: Cử nhân Kinh tế thương nghiệp - Đại học Kinh tế T.P Hồ Chí Minh. Quá trình công tác: Từ 2004 - nay: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; Từ 2005 - 2011: Chủ tịch HĐQT Công Ty CP Năng lượng Đại Việt; Từ 2003 - nay: Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Đông Á; 1992 - 1997: Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á; 1991 - 1992: Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận; 1990: Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia; 1988 - 2003: Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; 1985 - 1987: Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Nông sản - Thực phẩm quận Phú Nhuận; 1984 - 1985: Phó phòng Kế hoạch Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận. Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ Thành lập: 28/04/1988. Trụ sở: 170E Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh. Vốn điều lệ: 600 tỷ đồng. Tiền thân: Cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận trực thuộc UBND quận Phú Nhuận. Lĩnh vực: - Dịch vụ kiểm định kim cương và đá quý; - Sản xuất, kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, vàng miếng, đồng hồ, phụ kiện thời trang; - Cho thuê nhà theo luật kinh doanh bất động sản. Quá trình hoạt động: - 1992: Chính thức mang tên Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; - 2004: PNJ chính thức cổ phần hóa, chuyển từ doanh nghiệp kinh tế Đảng thành Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận; - 2012: Khánh thành Xí nghiệp nữ trang PNJ - một trong những xí nghiệp chế tác nữ trang lớn nhất khu vực Châu Á với công suất chế tác 4 triệu sản phẩm/năm. Nhân sự: 2.500 người. Kết quả kinh doanh 2012: - Doanh thu: 6.428,4 tỷ đồng. - Lợi nhuận: 254,4 tỷ đồng. Website: http://pnj.com.vn/ Phụ lục Phụ lục 1: Ngành công nghiệp nữ trang thế giới Top 10 nước tiêu thụ vàng cho sản xuất trang sức lớn nhất thế giới năm 2012: Nguồn: Gold Demand Trends Full Year 2012 Phụ lục 2: Ngành công nghiệp nữ trang Việt Nam • Báo cáo mới đây của Hiệp hội vàng thế giới (WGC) cho thấy, tổng cầu vàng Việt Nam năm 2012 đạt 77 tấn, giảm 24% so với năm 2011. Trong đó lượng vàng miếng còn 65,6 tấn, giảm 25% so với năm trước. • Đối với vàng trang sức: Theo Hiệp hội Vàng thế giới, chỉ trong hai năm 2011 và 2012, tổng nhu cầu vàng Việt Nam đã lên đến gần chục tỷ đô-la. Trong đó, giá trị vàng nữ trang nhập đã lên đến con số gần 1,3 tỷ đô-la. Cụ thể, lượng vàng nữ trang Việt Nam nhập khẩu năm 2011 là 13 tấn, trị giá 634 triệu đô-la. Phụ lục 3: Fun facts • Những chứng tích đầu tiên về trang sức đã được tìm thấy ở Châu Phi. Đó là những hạt được đục lỗ, làm từ vỏ ốc biển có cách đây 75.000 năm trước. • Khoảng 7.000 năm trước, dấu hiệu đầu tiên của đồ trang sức bằng đồng được tìm thấy. • Sự ra đời của vật liệu mới, chẳng hạn như nhựa, kim loại quý Clay (PMC), kỹ thuật tô màu, đã dẫn đến tăng sự đa dạng trong phong cách thiết kế và chế tác đồ trang sức. Các tiến bộ khác, như sự phát triển công nghệ thu hoạch ngọc trai và sự phát triển của đá quý nhân tạo… đã khiến đồ trang sức trở thành một món hàng đắt giá. • Có 79 proton trong hạt nhân của một nguyên tử vàng. • 60% số lượng vàng đào được được dùng để chế tạo đồ trang sức. • Nhiệt độ bình thường của cơ thể người là 37 độ C, chính vì vàng có tính dẫn đặc biệt mà trang sức vàng có thể nhanh chóng hòa hợp với nhiệt độ cơ thể người. • Nhiều chuyên gia lịch sử cho rằng, nhẫn cưới có nguồn gốc từ châu Âu, khi đó con người xem vòng tròn như biểu tượng của sự hoàn hảo, cân bằng, viên mãn. • Theo tiếng Hán, chữ “nhẫn” trong chữ viết có hình tượng là con dao cận kề trái tim, thể hiện sự kiên trì, nhẫn nại. Từ đây, ý nghĩa của nhẫn cưới chính là vật nhắc nhở cặp vợ chồng mới kiên nhẫn, nhường nhịn nhau trong cuộc sống hôn nhân. • Vàng là một trong những nguyên liệu chế tác trang sức phổ biến nhất vì độ bóng, tuổi thọ và sự mềm mại của nó. • Bạc đã được sử dụng như một loại vật liệu sản xuất đồ trang sức trong hơn 6.000 năm qua. Tôi yêu cầu các bạn phải thành công. Và sẽ không chấp nhận bất cứ lời giải thích nào hết. — Donald Trump Phạm Đình Đoàn “Đừng lạc quan một cách tội nghiệp” Năm 2012, Báo cáo “Chỉ số hành tinh hạnh phúc”(HPI) của Quỹ Kinh tế mới (NEF) chỉ ra, Việt Nam xếp thứ nhì trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, bên cạnh các quốc gia Nam Mỹ và Trung Mỹ khác. Chỉ số được xây dựng dựa trên ba tiêu chí chính về mức độ hài lòng trong cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái. Năm 2013, trò chuyện với “ông chủ” của một trong những tập đoàn phân phối và bán lẻ hàng đầu Việt Nam, anh (TG - Phạm Đình Đoàn) nói với tôi, anh thấy lạ sao nhiều bạn trẻ hiện tại “lạc quan một cách tội nghiệp”? Tôi ngạc nhiên. Anh cười điềm đạm: “Kinh doanh phức tạp hơn em tưởng rất nhiều. Bằng chứng là câu chuyện 20 năm ‘lăn lộn’ thương trường của chính anh!” 3.000 đô-la chẵn và 20 năm bán lẻ Phòng làm việc của Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (PT Holdings – PTH) nằm trên tầng 18 của một trong những tòa nhà bề thế nhất trung tâm thủ đô, từ cửa sổ văn phòng nhìn xuống, có thể thấy một góc Hà Nội với những đặc trưng điển hình của một thành phố năng động, trẻ trung và đầy tiềm năng như nhận định của các tổ chức quốc tế. Báo cáo của tổ chức Euromonitor International cho biết, năm 2011, Việt Nam xếp thứ 23 trong top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Năm 2012, vị trí này tụt xuống thứ 32, nhưng điều này không làm giảm sự quan tâm của các thương hiệu lớn đã và đang đầu tư vào Việt Nam như Big C, Metro, Lotte… cũng như sự tăng tốc của các thương hiệu trong nước như Co.opmart, Maximart… Không đợi tới bây giờ, cách đây 20 năm, Phạm Đình Đoàn đã nhìn thấy điều này. Nằm trong số những sinh viên ưu tú của Đại học Bách Khoa, năm 1987 sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Đình Đoàn được phân về làm việc trong Viện Công nghệ Thực phẩm. Nền kinh tế còn mang nặng tư tưởng bao cấp và những khép kín với thế giới khiến đa phần mọi người nghĩ rằng, công việc ổn định của một công chức đã là “đích đến” ổn định cho anh cử nhân Hóa – Thực phẩm này. Chính Phạm Đình Đoàn lúc này cũng chưa hề có ý định về việc sẽ bứt phá ở một lĩnh vực mới nào: “Tôi cặm cụi bên chiếc bàn như một con ong và vẫn nghĩ, tương lai của mình sẽ là một nhà nghiên cứu khoa học thuần túy.” Ở môi trường mà so với nhiều sinh viên mới ra trường vẫn là mơ ước, Phạm Đình Đoàn nhanh chóng nắm bắt cơ hội, trở thành một cán bộ có chuyên môn giỏi và được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài hai lần. Lần đầu tiên vào năm 1989 theo tài trợ của Tổ chức Bánh mì thế giới với sáu tháng tu nghiệp tại Thái Lan, lần thứ hai vào năm 1993 với chín tháng tu nghiệp tại Pháp. Hai khóa học ngắn nhưng đủ giúp anh cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm có những phác họa đầu tiên về môi trường kinh doanh của những quốc gia tiên tiến tại khu vực Đông Nam Á lẫn châu Âu. Anh nhận ra, ở nước ngoài, không chỉ có môi trường nhà nước mới giúp con người ta phát huy được năng lực và cống hiến cho xã hội, mà ở môi trường tư nhân, nhiều cá nhân còn phát triển những tập đoàn quy mô không kém cạnh, thậm chí năng động hơn. Họ sở hữu cả một hãng sản xuất ô tô, một bệnh viện, hay một siêu thị lớn... Đặc biệt tại các siêu thị do tư nhân quản lý, việc phân phối hàng hóa được vận hành, phân phối rất chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không ai ngờ chính hai khóa học ngắn hạn này lại mở ra một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Phạm Đình Đoàn. “Thế rồi, như các anh thấy, bỗng nhiên tôi lại trở thành một nhà doanh nghiệp...” Vốn được đào tạo bài bản về nghiên cứu cơ bản và chuyên sâu, Phạm Đình Đoàn không khó để nhận ra tiềm năng của “ngách” thị trường mới mẻ này. Những câu hỏi bắt đầu xuất hiện, trở đi trở lại:“Tại sao Việt Nam chưa có những hệ thống phân phối chuyên nghiệp như vậy, để người cần bán biết bán cho ai, và người cần mua có địa chỉ tin cậy để tìm tới?” Tất nhiên, bản tính điềm đạm, chắc chắn của một nhà khoa học giúp anh chưa đưa ra bất cứ quyết định nóng vội nào. Bình tĩnh suy xét, anh nhận thấy, làm khoa học ở Việt Nam không có nhiều cơ hội phát triển. “Nói nôm na là để phát triển cần có năm yếu tố thì anh thấy thiếu cả năm.” Hơn nữa, nền kinh tế bắt đầu có những chuyển biến tích cực, mình chủ động “đi tắt, đón đầu” và chịu khó mày mò, tích lũy, thì hoàn toàn có thể nắm bắt được cơ hội. Sau nhiều cân nhắc kỹ càng, cuối cùng Phạm Đình Đoàn mới quyết định “ra riêng”. Mặc dù được ban lãnh đạo của Viện hết sức thuyết phục, Phạm Đình Đoàn vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Anh hoàn toàn tự tin ở môi trường tư nhân, anh còn có thể đóng góp và cống hiến được cho xã hội nhiều hơn. Cuối năm 1993, đầu năm 1994, với số tiền “dắt lưng” 3.000 đô-la mà Phạm Đình Đoàn chắt chiu và số lượng thành viên vỏn vẹn khoảng 10 người, Công ty TNHH Phú Thái ra đời. Lúc đó, Phạm Đình Đoàn vừa tròn 30 tuổi. Tên gọi công ty cũng xuất phát từ những tâm niệm giản dị của Phạm Đình Đoàn: “Phú Thái có ý nghĩa là phú quý và thái bình, luôn phấn đấu để đạt được những giá trị lớn cho cộng đồng.” Triết lý này đã không còn là của riêng anh, mà dường như đã trở thành tôn chỉ hoạt động của công ty trong suốt hai thập kỷ qua. 3.000 đô-la ban đầu được dùng để mở văn phòng nhỏ trên phố Ngô Sĩ Liên đồng thời dùng vào việc mua những mặt hàng đầu tiên như xà phòng và các mặt hàng tiêu dùng khác về phân phối. Dù đã phân tích và chuẩn bị nhiều mặt trước khi khởi sự, nhưng khó khăn là không thể tránh khỏi. “Tôi đã làm việc như một anh giao hàng” bên cạnh việc như một người quản lý, định hướng chiến lược kinh doanh, tìm bạn hàng, tính toán lỗ lãi, thu chi, marketing... anh vui vẻ nhớ lại. Những ngày khởi đầu ấy, không đếm được bao đêm anh đã phải thức trắng để trăn trở trước hàng loạt vấn đề trong kinh doanh. Bán lẻ, thoạt nhìn qua chỉ đơn giản là công việc mua đi bán lại, nhưng bản chất lại phức tạp hơn rất nhiều. Xây dựng một hệ thống đủ mạnh, đào tạo một đội ngũ đủ chuyên nghiệp để vừa chinh phục nhà cung cấp, đa phần là những đối tác nước ngoài, vừa am hiểu tâm lý khách hàng bản địa, để họ sẵn lòng mở hầu bao, không hề là một công việc dễ dàng. Tôi đem thắc mắc này đi hỏi Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam: “Anh học những kiến thức đó ở đâu, và như thế nào?” Câu trả lời nhận được lại một lần nữa hết sức súc tích:“Tự học từ thực tế kinh doanh.” Phạm Đình Đoàn cũng không ngại thừa nhận, với nền tảng chỉ về nghiên cứu khoa học, lại bắt đầu ở một lĩnh vực mới mẻ, cộng thêm điều kiện tri thức chưa phong phú như hiện tại, “thông thường mất 5 năm để chuẩn bị và xây dựng nền tảng kinh doanh, anh đã mất tới hơn 8 năm để vừa làm, vừa tích lũy như thế!” Tất nhiên, những trải nghiệm trong thời gian làm “thợ” thực thụ đó đã đem lại cho Phạm Đình Đoàn vốn kinh nghiệm quý giá mà như anh đúc kết “có thể giúp mình hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào”. Điều này hoàn toàn đúng khi nhìn ra thế giới, không ít những điển hình CEO của một công ty nước ngọt vẫn có thể điều hành một công ty về công nghệ, bởi ở cấp quản lý, có những nguyên tắc có logic về quản trị nhân sự, tài chính, kinh doanh tương đối giống nhau... Ông chủ Tập đoàn Phú Thái không quên bổ sung thêm. Chủ tịch PTH nhận định, thị trường bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và mảng thị trường “ngách” để doanh nghiệp khai phá. Vấn đề là: “Chiến lược nào để tồn tại và phát triển trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, từ đối thủ trong nước tới các đối thủ nước ngoài đang ngày càng tiến vào Việt Nam theo lộ trình hội nhập?” Sau những câu hỏi ban đầu về xây dựng hệ thống, Phạm Đình Đoàn lại trăn trở với những câu hỏi mới. Tại PTH, con người chính là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Anh không ngừng đầu tư các khóa đào tạo trong nước và quốc tế cho đội ngũ nhân viên, tạo cho họ một môi trường làm việc mà như anh vẫn nói “3 trong 1”, tức vừa là công ty, vừa là gia đình, vừa là trường học. Bên cạnh đó, không thể không kể đến vấn đề lựa chọn kỹ càng đối tác, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, cam kết gắn bó, tập trung vào thị trường mạnh và giữ uy tín với khách hàng... – đó là những yếu tố đảm bảo lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững của PTH trong suốt chặng đường vừa qua. Kinh qua đủ các vị trí từ “thợ” tới “thầy” trong lĩnh vực bán lẻ suốt 20 năm, không kể hết những khó khăn phải đối mặt, những buổi họp triền miên từ 8h30’ sáng hôm nay tới 2h30’ sáng hôm sau là chuyện thường, nhiều lúc mải việc quên ăn cả ngày... nhưng anh không thích kêu ca, vì “làm kinh doanh mà cứ kêu khó khăn thì không thể hiện bản lĩnh”. Đổi lại, Phạm Đình Đoàn tâm sự cái lớn nhất anh nhận được sau cùng là cảm giác mình gây dựng được một công ty, thay đổi cuộc sống bản thân và gia đình từ những ngày còn “nheo nhóc”, và đâu đó đã đóng góp phần nào cho cộng đồng. Sẽ có nhiều người thắc mắc, với tầm cỡ hàng đầu của Phú Thái, thì các hoạt động quảng bá, marketing cho thương hiệu tập đoàn phải mạnh mẽ lắm, nhưng Phú Thái lại không như vậy. Câu chuyện sẽ dễ hiểu hơn khi đi sâu vào bản chất, theo quan điểm của người đứng đầu công ty, đặc thù của phân phối và bán lẻ là khối lượng sản phẩm vô cùng phong phú, do đó, PTH không tập trung marketing tổng thể mà thay vào đó, tiếp thị trên những thương hiệu được phân phối, hoặc kết hợp với nhà sản xuất trong các chương trình khuyến mãi hướng tới khách hàng. Tuy nhiên, Phạm Đình Đoàn cũng khẳng định, trong thời gian tới, khi những thương hiệu chủ đạo trong hệ thống, đặc biệt các thương hiệu Phú Thái sở hữu đã đi vào ổn định, khách hàng sẽ thấy những hoạt động PR trên quy mô rộng của Phú Thái. Đó là điều chắn chắn! *** Bây giờ, Tập đoàn Phú Thái đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam trên lĩnh vực phân phối và bán lẻ với những đối tác nổi tiếng như P&G, Dutch Lady, Philips, Caterpillar..., tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động, quan hệ với hơn 200.000 đại lý trên toàn quốc và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài việc phân phối, PTH còn trực tiếp sở hữu chuỗi siêu thị Bi’s mart, sở hữu những thương hiệu thời trang lớn như Owen dành cho nam giới, Winny dành cho nữ giới hay những sản phẩm về thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y khác... nhưng bảo người đứng đầu công ty tự nhận xét về mình, Phạm Đình Đoàn chỉ cười: “Tôi vẫn là nhân viên lâu năm nhất tại đây!” Vị CEO và chiếc áo 200 ngàn đồng Các doanh nhân đa phần xuất hiện với hình ảnh giàu có, sang trọng, nhưng tôi thật sự bất ngờ khi được biết, ông Chủ tịch HĐQT đứng trước mình đang mặc một chiếc áo sơ mi trị giá 200 ngàn... đồng. Ở địa vị như Phạm Đình Đoàn, tôi không nghĩ anh cần phải “tô vẽ” thêm về bản thân, mặc dầu vậy, tôi vẫn muốn hỏi lại anh một lần nữa để xác minh. Anh cười hết sức... thản nhiên: “Nó đúng giá hơn 200 ngàn đồng thật, và là sản phẩm của Owen, công ty con của PTH.” Anh chia sẻ, từ nhỏ, xuất thân là nghiên cứu khoa học, anh chủ trương sắp xếp đời sống giản dị, không có nhu cầu nhiều cho bản thân. Sau nhiều năm kinh doanh, tích lũy được một số vốn tương đối lớn, vui có, nhưng không hiểu sao đôi khi anh vẫn thoáng buồn. Anh nhận ra, với bản thân, kinh doanh không chỉ đơn thuần là lợi nhuận nữa, mà là để khẳng định mình. Không phải qua nhà đẹp, xe đẹp, mà qua những gì mình cống hiến cho xã hội. “Ông Phan Văn Khải từng nói rằng không muốn làm thủ tướng của một nước nghèo. Doanh nhân cũng vậy thôi, ra nước ngoài không ai muốn bị người ta xem thường.” Đó là lý do vì sao anh chủ động tham gia vào nhiều Hiệp hội, Tổ chức, làm diễn giả trong các hội thảo kinh doanh, đề xuất nhiều sáng kiến không chỉ cho ngành của mình mà còn chung cho môi trường kinh doanh cả nước. Nhiều người có nói anh, có tiền rồi, thành công rồi, thì sao không tận hưởng cuộc sống an nhàn? Nhưng anh chỉ nghĩ đơn giản, hẳn mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Không ít lần anh tự bỏ tiền vé máy bay, không ngại đến với các hội thảo, chia sẻ những kinh nghiệm của mình mà chẳng đòi hỏi đáp lại. Thậm chí thấy những hội thảo bán vé 1 triệu đồng/khách, mời anh làm diễn giả, anh còn nói nếu được, các bạn giảm giá vé xuống 300 ngàn, để nhiều người có cơ hội đến hơn thì anh mới tham gia. Tính anh là vậy, thẳng thắn, thực tế, đặt hiệu quả làm đầu. Ở PTH từ trước tới nay cũng không có văn hóa nhân viên tặng quà sếp, anh nói với các bạn, thực tế “anh nhiều tiền hơn các em, các em làm việc tốt, tận tụy, đã là món quà lớn nhất với anh rồi”. Và hơn nữa, “nếu em đủ trải nghiệm, sẽ biết trân trọng đồng tiền cũng như quay về với những giá trị thật nhiều hơn”. Anh đã chia sẻ câu chuyện về những triệu phú nước ngoài mà anh gặp, họ tiêu xài vô cùng tiết kiệm, không bao giờ lãng phí thứ gì, dù nhỏ nhặt như thức ăn, và họ cũng không bỏ tiền triệu để uống rượu mấy chục năm như nhiều “đại gia” Việt. Lối sống giản dị, tiết kiệm của doanh nhân (Nguồn: Nhân vật cung cấp) Thông thường, việc phân phối giữa nhà sản xuất và trung gian được ký kết trên cơ sở pháp nhân công ty, nhưng anh còn nhớ kỷ niệm khi làm việc với Caterpillar, một trong những tập đoàn máy công nghiệp hàng đầu thế giới, khi ký hợp đồng, đối tác yêu cầu được ký với cá nhân Phạm Đình Đoàn, chứ không phải với Công ty Phú Thái, trong khi không chỉ PTH mà riêng anh chưa hề có một chút kinh nghiệm nào về việc phân phối các thiết bị công nghiệp. Khi anh đem thắc mắc này hỏi thì họ chỉ giải thích đơn giản là anh đáp ứng được một số tiêu chí của họ, và không giải thích gì thêm. Đến bây giờ anh vẫn chưa hiểu hết lý do của Caterpillar, nhưng có một điều chắc chắn, cá tính và uy tín nghề nghiệp của mỗi cá nhân cũng là một “tàisản” mà mỗi người phải nhận thức và giữ gìn không kém uy tín của công ty. Khi đã bớt lo toan cho những vấn đề của doanh nghiệp, có một thực trạng khiến Phạm Đình Đoàn đau đáu là tại sao ở Việt Nam, thấy vắng bóng những thương hiệu lớn của tư nhân, nếu có những cái tên nổi bật của nhà nước thì cũng còn tương đối yếu ớt. Trong khi ở nước ngoài, hầu hết những tên tuổi lớn như Wal-mart, Hyundai, Fords… đều xuất phát từ mô hình gia đình? Phải chăng, “trước mắt chúng ta là cả một núi khó khăn thật, chứ không hoàn toàn là những khó khăn đơn lẻ”? Nhiều năm tham gia lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ thành phố lẫn toàn quốc, Phạm Đình Đoàn nhận thấy một vấn đề “nổi cộm” trong cộng đồng doanh nhân là thực tế, còn quá nhiều rào cản mà các doanh nhân phải đương đầu, thậm chí là bươn chải, chưa có cơ hội phát triển tương xứng. Và nếu so với các doanh nhân nước ngoài, rõ ràng khoảng cách tụt hậu của doanh nhân Việt đang ngày càng bị nới rộng ra. “Tháng 10 năm 2013 này, anh đang làm việc với VCCI về đề án thành lập một tổ chức tập hợp 100 mô hình kinh tế hộ gia đình lại rồi phân tích, tìm hiểu nguyên do, chia sẻ nguyên nhân thành bại, giống như một hình thức nghiên cứu về dân tộc học.” Có cơ hội đi nhiều nước, Phạm Đình Đoàn vô cùng tâm đắc trước mô hình quốc gia của Nhật Bản, quê hương của những Sony, Honda, Toyota… với đặc trưng dân tộc sáng tạo, đoàn kết, năng động. Tại đây, sức mạnh quốc gia hẳn không nằm sâu trong lòng đất, dưới những mỏ dầu thô hay than đá, mà nằm ngay trong bộ óc của những công dân Nhật Bản. Trong khi, ở Việt Nam, ngay từ trong đào tạo, đã thấy một sự lệch lạc, không hẳn về định hướng đào tạo, khi sinh viên ra trường không làm đúng ngành nghề chuyên môn, gây sự lãng phí lớn, mà còn nằm ở cơ chế đầu ra chưa thật sự tạo điều kiện để phát huy khả năng của họ… Không chỉ dừng lại ở hoạt động cá nhân, ở những ý tưởng đề xuất lên trên, Phạm Đình Đoàn còn nung nấu ý định tham gia vào những công ty của các bạn khởi nghiệp, cố vấn ý tưởng và kinh nghiệm quản trị của mình, với tư cách một thành viên HĐQT độc lập, để giúp đỡ các bạn hạn chế những sai lầm không đáng có trong quá trình khởi sự… Anh bảo, tới thời điểm hiện tại, khi hệ thống đã tương đối ổn định, thực sự anh đã muốn nhường lại công việc điều hành trực tiếp của mình, để tập trung thực hiện những “ấp ủ” của bản thân. Dù sao, anh cũng đã “ngũ thập tri thiên mệnh” rồi, công việc kinh doanh căng thẳng, kỳ vọng mình sống tới năm 70 thôi (cười), thời gian có hạn, đành phải gấp gáp lên vậy. “Anh sẵn sàng trả trăm triệu cho ai có thể đứng ra giúp anh quản lý một mảng hoạt động của công ty, để anh có thể yên tâm gác lại công việc và cống hiến mình với những mục tiêu mới…” Lắng nghe tất cả những ấp ủ và trăn trở của vị doanh nhân này, tôi chợt nhớ tới câu trả lời của anh với VnExpress khi anh trở thành một trong 50 Người tiên phong 2012: ”Tôi và nhiều doanh nhân khác thực sự vẫn muốn tiếp tục. Ngoài chuyện kinh doanh, còn muốn làm nhiều điều khác cho đất nước. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ thấy kinh doanh không còn là lo kiếm tiền cho bản thân mình. Chúng tôi rất muốn tham gia những chương trình theo kiểu ‘từ thiện tri thức, từ thiện kinh nghiệm’ để giúp vực dậy tinh thần cho các bạn trẻ. Biết đâu trong số đó lại có không ít những người tiên phong sau này.” *** Ấn tượng ban đầu về Phạm Đình Đoàn là sự pha trộn rõ nét giữa một người làm khoa học và một nhà kinh doanh. Anh vừa có cái chắc chắn, giản dị của một nhà khoa học, vừa có cái sắc sảo và tư duy thẳng thắn tới mức ngạc nhiên. Không biết điều này có mối liên hệ nhiều với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 40%, thậm chí nhiều ngành mới lên tới 60% tại PTH hay không, nhưng một điều dễ thấy hơn, người ta có lẽ sẽ bắt đầu nhận ra, thành công của một doanh nhân, không chỉ thể hiện qua giá trị chiếc áo anh ta mặc, mà còn qua rất nhiều những khía cạnh khác, mà Phạm Đình Đoàn là một ví dụ. 5 gạch đầu dòng với bạn trẻ Là Chủ tịch HĐQT của một tập đoàn lớn, từng là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, thường xuyên tham gia trong những sáng kiến đột phá với VCCI, thành phố, quốc gia... về kinh doanh và thị trường, nhiều người dường như không còn để tâm tới việc Phạm Đình Đoàn từng xuất phát là một nhà khoa học thuần túy không liên quan gì tới kinh tế. Nhưng nếu thế, “kiến thức đào tạo ở đại học giúp ích anh ra sao?” “Những kiến thức nền tảng và tư duy cơ bản.” Phạm Đình Đoàn lúc nào cũng thế, thẳng thắn, ngắn gọn trước những câu hỏi và vấn đề nảy sinh. Anh giải thích thêm, không thể nói đại học đem lại cho mình tất cả “công cụ” để bắt đầu, bởi ngay cả những người học đúng chuyên ngành về lý thuyết, vẫn cần va đập thực tế. Nhưng không thể phủ nhận tầm quan trọng của những nền tảng này. Chủ tịch PTH cũng chia sẻ, hiện anh thấy có một xu hướng coi nhẹ vấn đề học tập ở đại học và đề cao tinh thần khởi nghiệp hay bỏ học như các doanh nhân trẻ trên thế giới. Nhưng có một thực tế mình cũng phải nhìn nhận lại, ở những quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... họ đi trước Việt Nam hàng chục năm, nếu không nói là hàng trăm năm về môi trường, về tư duy, ngay từ bậc phổ thông, tới đại học, các học sinh, sinh viên đã được trang bị nền tảng và va đập thực tế, còn ở Việt Nam, nên chăng có một sự học tập kỹ lưỡng và chuẩn bị chắc chắn thay vì đi theo phong trào. Phạm Đình Đoàn cũng thẳng thắn nhận định, theo anh, “ba năm đầu sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ hãy năng nổ ‘lăn lộn’, ‘quăng’ mình vào bất cứ môi trường khó khăn nào, để tích lũy kinh nghiệm” và “chưa nên khởi nghiệp trước 30 tuổi”. Anh thừa nhận không né tránh: Các bạn trẻ hôm nay giỏi hơn thời kỳ trước rất nhiều. Bằng tuổi các bạn bây giờ, thú thực anh còn “ú ớ” lắm. Nhưng tiếp xúc với không ít các bạn trẻ, anh thấy các bạn lạc quan một cách tội nghiệp. Các bạn giỏi, có nhiều cơ hội nhưng đồng nghĩa cạnh tranh cũng lớn hơn và chúng ta còn thua kém thế giới nhiều lắm. Đi bộ chưa chắc đã đuổi kịp người ta, thì phải tăng tốc, chạy theo mới kịp. Người ta làm việc 8 tiếng, mình phải làm việc 10 tiếng, thậm chí nhiều hơn. Một vấn đề lạ lùng nữa là rất nhiều em kêu mình bận rộn, không có thời gian, nhưng vẫn thấy các em cà phê, “trà đá vỉa hè”liên tục. “Hãy bớt thời gian cà phê đi, và bắt tay vào làm việc” – đó là lời nhắn nhủ của “Người tiên phong 2012” dành cho những “người tiên phong” tương lai mà Phạm Đình Đoàn kỳ vọng. Bản thân Phạm Đình Đoàn ở thời điểm này vẫn chưa bao giờ dừng công cuộc học tập, anh đã hoàn thành khóa MBA – Thạc sĩ Quản trị kinh doanh và sắp tới là khóa học về Ph.D, tiến sĩ. Tại công ty, anh đầu tư cho nhân viên có thể đào tạo năng lực qua thực tiễn lẫn các khóa học chuyên môn. Trong gia đình, anh cũng rất coi trọng và đề cao vấn đề học tập, 13 người cả con và cháu trong gia đình đều được quan tâm và tạo điều kiện học tập tốt nhất. Trong các tố chất anh đánh giá cao ở một người, thì sự trung thực, điềm đạm và trí tuệ được anh đặt lên hàng đầu. Theo Phạm Đình Đoàn, một người vừa có tri thức, vừa có đạo đức, lại khiêm tốn, cộng thêm quá trình rèn luyện và tích lũy, thì hoàn toàn có thể đạt được bất kỳ thành công nào bản thân kỳ vọng. Nói về những gửi gắm dành cho giới trẻ, Phạm Đình Đoàn cũng ngắn gọn tóm tắt bằng năm bài học. - Thứ nhất, thay vì “đa dạng hóa danh mục đầu tư”, các bạn trẻ hãy tập cách “bỏ nhiều trứng vào một giỏ”, tập trung đầu tư hết vào mặt mạnh nhất của mình. Nếu bắt đầu bằng hành chính nhân sự, thì hãy nỗ lực tối đa để có thể trở thành giám đốc nhân sự giỏi nhất Việt Nam, nếu ước mơ làm kế toán, thì bắt đầu bằng kế toán bình thường để vươn lên thành giám đốc tài chính. Chứ đừng vì những khó khăn ngắn hạn, học kế toán nhưng không tìm được việc, công ty tuyển dụng vị trí hành chính cũng xin vào làm, như thế là lãng phí. Ngay như bản thân anh, thông thạo hai thứ tiếng Anh và Pháp, học rất tốn thời gian, nhưng sau thời gian dài không sử dụng tiếng Pháp, dần dần nó cũng mai một đi. Thay vào đó, nếu bạn học thật giỏi chuyên môn của mình, trải nghiệm bằng thực tế đúng như nguyện vọng, thì cơ hội thành công sẽ có xác suất cao hơn rất nhiều. - Điều thứ hai cần ghi nhớ có thể nói tóm lược bằng tên gọi, nguyên tắc “20 trong 1”, để thành công trong bất kỳ một lĩnh vực nào, vấn đề nào, bên cạnh ý tưởng, kỹ năng, tâm huyết, kế hoạch khôn ngoan, còn là vô số những điều kiện khác mà một người trước khi bắt đầu phải nhận thức cao độ. Hai mươi điều kiện có thể khác nhau với riêng mỗi người, nhưng vẫn dựa trên những nền tảng là kiến thức, tinh thần, sức khỏe, tài chính, xã hội… mà mỗi người từ đó đề ra cho bản thân. Phạm Đình Đoàn đã chứng kiến không ít những thất bại, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, mà trong đa số các kế hoạch kinh doanh, nhiều bạn trẻ, “lạc quan một cách tội nghiệp”, nghĩ đơn giản chỉ cần có ý tưởng độc đáo là có thể nắm chắc thành công. Thương trường lúc nào cũng phức tạp và nghiệt ngã, để thành công, ngoài ý tưởng, còn biết bao yếu tố khác và từ ý tưởng đi tới thực tế là cả một quá trình dài mà chỉ có trải nghiệm mới có thể rút ra được. - Nguyên tắc thứ ba – không quá mới nhưng vẫn chưa bao giờ thôi hết giá trị, là nếu bạn muốn làm thầy người khác, hãy làm thợ trước tiên. Chỉ khi nắm rõ tất cả từ những chi tiết nhỏ nhất, bạn mới có thể tự tin mình hiểu về công việc và chỉ huy người khác. Để trở thành Phạm Đình Đoàn của ngày hôm nay, anh không chỉ bắt đầu bằng 3.000 đô-la, mà còn bắt đầu không khác gì một nhân viên giao hàng, một anh bán hàng, và rồi trải qua tất cả các vị trí để nắm bắt tất cả các khía cạnh kinh doanh. Nhiều bạn trẻ nhìn vào anh rồi tự ti, làm sao để em có thể thành công như anh? Như thế là khập khiễng. Phải so các bạn trẻ với anh khi anh ở thời điểm các bạn. Các bạn hoàn toàn có thể thành công như Phạm Đình Đoàn, hoặc hơn, nếu chịu khó, tận dụng mọi cơ hội để tự trang bị kinh nghiệm cho chính mình. Cá lớn nuốt cá bé (Nguồn: Internet) - Bài học thứ tư là tuổi trẻ, hãy nên tìm người đỡ đầu và dựa vào thế kẻ mạnh. Không cần thiết phải kiêu hãnh và tự tin một cách ảo tưởng về năng lực của bản thân. Dựa vào những người đi trước, chủ động học hỏi, áp dụng có điều chỉnh những bài học của họ luôn là lựa chọn khôn ngoan. Bản thân một doanh nghiệp lâu năm như PTH, cũng chưa bao giờ nặng nề chuyện “bắt tay” hợp tác hoặc dựa vào những tên tuổi lớn trên thế giới. Hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp lạc quan trước những cơ hội mới và tiềm năng thị trường là chuyện đương nhiên. Nhưng cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Riêng trong ngành bán lẻ, câu chuyện Wal-marts, hay những “đại gia” bán lẻ khác “tấn công”thị trường nội địa chỉ là vấn đề thời gian, các doanh nghiệp nội địa phải chuẩn bị như thế nào? Với PTH, thì bài toán này đã được giải bằng cách: Tiêu chuẩn hóa toàn bộ hệ thống của mình theo tiêu chuẩn ISO, chủ động sản xuất các mặt hàng của riêng công ty, lên kế hoạch xuất khẩu ra nước ngoài... Nhưng như thế vẫn chưa đủ! Bên cạnh những chiến lược trên, PTH cũng hết sức quan tâm tới vấn đề liên doanh liên kết với chính những “con cá lớn” trong ngành để cùng phát triển. Tham vọng, tự tin là cần thiết, nhưng một kỹ năng cũng quan trọng không kém là phải biết nhìn nhận đúng năng lực của mình để dựa vào đó có kế hoạch phát triển phù hợp. - Bài học thứ năm là câu chuyện biết cam kết với chính bản thân mình. Nguyên tắc tuyển người của PTH cũng đánh giá rất cao yếu tố này trong các ứng viên. Ngoài trung thực, say mê nghề nghiệp, điều không thể thiếu là ứng viên phải thể hiện được cam kết cao độ trước hết là với bản thân họ, sau là với công việc và môi trường mà họ gắn bó. Trước kia khi quyết định rời Viện Công nghệ thực phẩm, Phạm Đình Đoàn cũng đã tự nhủ dù khó khăn vẫn phải quyết tâm theo đuổi tới cùng với lựa chọn của mình, dù không chỉ gia đình mà cơ quan cũng ngăn cản. Tới nay gặp lại, chứng kiến những thành quả của Phạm Đình Đoàn và PTH đạt được, cô Viện phó ngày nào còn khuyên anh không nên ra riêng đã nói với anh rất chân tình: “Ngày đó, cháu ra khỏi Viện là đúng.” Có thể, những lựa chọn của bạn không nằm trong đa số, nhưng nên nhớ, những ý tưởng sáng tạo, đột phá bao giờ cũng nằm trong thiểu số. Và khi mình nắm giữ những “tài sản” vô hình này, phải biết cách đeo đuổi và cam kết, thậm chí là cam kết sống chết với nó. *** Trong phòng làm việc của ông chủ PTH, bên cạnh những bằng khen, cúp lưu niệm của công ty và một ít sổ sách, tôi chú ý tới một chữ “Nhẫn” được đóng khung treo rất to, trước bàn làm việc của Phạm Đình Đoàn. Cuối buổi phỏng vấn, tôi không kịp hỏi thêm anh vì biết thời gian của các doanh nhân lúc nào cũng hạn hẹp, đặc biệt với anh “Đoàn Phú Thái” mà mọi người vẫn nhận xét là một doanh nhân “ghiền việc quên ăn”… Nhưng nếu được, tôi muốn giữ lại ấn tượng sau cùng về Phạm Đình Đoàn, cũng như một chữ “Nhẫn” mang trong mình cả mũi dao, và trái tim - vừa kiên cường, nhưng không kém phần say mê, không chỉ với bản thân mình, không chỉ với công ty của anh, mà còn với cả thế hệ sau và cộng đồng như thế… “Anh muốn để ngỏ…” Cuộc nói chuyện với Phạm Đình Đoàn không ồn ào, sôi nổi mà điềm đạm, chậm rãi, nhưng thú thực có lúc tôi đã bị cuốn vào những câu chuyện của anh tới mức quên mất phải hỏi điều gì. Anh thẳng thắn, không né tránh bất kỳ khúc mắc nào, và luôn sẵn sàng chia sẻ những kiến thức lẫn kinh nghiệm mình học được. Anh quan niệm, thay vì giữ khư khư những gì mình tích lũy được, sao không chia sẻ cho mọi người, còn bản thân lại tiếp tục trau dồi để hoàn thiện chính mình hơn? Rồi những câu chuyện sẽ tới lúc phải khép lại. Khi được hỏi anh còn muốn nhắn nhủ điều gì với các bạn trẻ hay không, anh lại nhẹ nhàng, “anh muốn để ngỏ…”. Hy vọng, gấp trang sách với những câu chuyện và trăn trở của người doanh nhân này, chúng ta thay vì lạc quan tới “tội nghiệp”, thì có thể nhìn thẳng vào thực tế và tự vẽ nên những lối đi riêng của mỗi người, cũng như Đại thi hào Goethe đã từng nói: “Đừng ngồi mơ mộng, hãy bắt đầu đi!” Biết đâu, một đoạn kết như thế, lại tốt hơn. Tiểu sử Phạm Đình Đoàn Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Sinh năm: 1964. Nguyên quán: Hà Tây. 1982: Thi đỗ Khoa Hóa - Thực phẩm, ĐH Bách Khoa. 1987: Tốt nghiệp, công tác tại Viện Công nghệ thực phẩm. 1989: Theo học khóa học ngắn hạn 6 tháng tại Thái Lan. 1993: Theo học khóa học ngắn hạn 9 tháng tại Pháp. 1993 - nay: Làm việc tại Tập đoàn Phú Thái. 2005: Nhận Giải thưởng Sao Đỏ. 2012: Top 50 Người Tiên phong, VnExpress. Tập đoàn Phú Thái Thành lập: 1993. Tầm nhìn: Trở thành Tập đoàn Phân phối hàng đầu Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động: Thương mại (Phân phối và bán lẻ). Mạng lưới phân phối: 200.000 đại lý trên 30 tỉnh thành. Các dòng sản phẩm: Hóa mỹ phẩm, Thời trang, Mỹ phẩm, Đồ điện - Điện tử, Sản phẩm gia dụng, Sản phẩm thể thao, Sản phẩm cho trẻ em, Bánh kẹo & các chế phẩm từ sữa, Thực phẩm, Đồ uống, Vật liệu xây dựng và nội thất, Sản phẩm thú y và Thức ăn chăn nuôi, Vật liệu công nghiệp và Thiết bị công nghiệp,... Thành tích đạt được: - Huân chương Lao động hạng Nhì - 2013; - Huân chương Lao động hạng Ba - 2008; - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 2005; - Giải thưởng Sao vàng Đất Việt 2005 - 2007 - 2009... Số lượng nhân viên: khoảng 5.000 người. Địa chỉ: Trụ sở chính: Tầng 18, tòa nhà HCO, 44B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phụ lục Phụ lục 1: Thị trường bán lẻ thế giới Top 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, 2012 Nguồn: EIU Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, 2010 Đơn vị: Triệu đô-la Nguồn: Deloitte.com Phụ lục 2: Thị trường bán lẻ Việt Nam • Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và có tốc độ phát triển hàng năm khá cao trong khu vực (giai đoạn 2005 - 2011, bình quân tăng tới 27%/năm). • Theo tổ chức nghiên cứu thị trường Nielsen, dự báo doanh số bán lẻ trong giai đoạn 2013 - 2015 bình quân sẽ tăng khoảng 8,5%/năm. • Quy mô dân số đông, thu nhập bình quân vẫn tiếp tục tăng, kinh tế vẫn tăng trưởng, tiến trình đô thị diễn ra mạnh mẽ, cơ cấu dân số trẻ, môi trường du lịch hấp dẫn, tự do hóa thương mại và tiến trình triển khai thanh toán không tiền mặt tăng lên nhanh chóng… là những nhân tố hỗ trợ rất lớn cho sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. • Doanh thu bán lẻ tập trung chủ yếu ở khu vực cá thể và tư nhân, chiếm tỷ trọng 85% trên tổng doanh thu bán lẻ. Doanh thu từ khối Nhà nước năm 2010 chiếm 11% và từ khối doanh nghiệp FDI chiếm 3% doanh thu bán lẻ. • Thực phẩm là phân khúc quan trọng nhất của thị trường bán lẻ. Năm 2010, chi tiêu thực phẩm của Việt Nam chiếm 62,5% tổng chi tiêu bán lẻ; chi tiêu thực phẩm tại Việt Nam đạt trung bình hơn 4 triệu/người/năm. Theo dự báo của Tổ chức Giám sát • Doanh nghiệp quốc tế (BMI), tiêu dùng thực phẩm bình quân đầu người năm 2013 sẽ đạt khoảng 5,3 triệu đồng/người. • Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 130 trung tâm thương mại, 700 siêu thị, hơn 1.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, ba hệ thống chuỗi lớn nhất là Co.opmart, Big C và Metro. Nghiên cứu của Euromonitor dự tính, quy mô toàn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt xấp xỉ 34 tỷ đô-la vào năm 2016. Nếu bạn không dám mạo hiểm trên thương trường thì tốt nhất bạn nên gạt khỏi tâm trí của mình mong muốn về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Warren Buffett Nguyễn Hồng Lam Câu chuyện Ô mai “Hà Nội mùa này sấu chín chưa em? Hàng me Sài Gòn đang vào mùa thay lá Thoang thoảng vị chua khiến lòng anh nhớ quá Nhớ mùa sấu rụng phố Tràng Thi” (Mùa sấu đã đi qua - Lê Giang) Bao nhiêu mùa sấu đã đi qua, để lại trong thơ những nỗi nhớ. Cũng từng ấy mùa sấu đi qua, để lại trong lòng người ký ức về “tinh hoa quà Việt” - thứ quà vặt ngày nào giờ đã được nâng lên thành “tinh hoa” gắn với thương hiệu ô mai nức tiếng Hồng Lam. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau hai tiếng Hồng Lam giản dị kia, là cả một câu chuyện dài… Với Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam, “câu chuyện ô mai” của anh chắc chắn không chỉ là câu chuyện về anh lính bản lĩnh trong kinh doanh, kiên cường khi khó khăn hay luôn tiên phong trong “đại dương xanh” của mình… Mà nó còn thấm đẫm những bài học về kinh doanh lẫn cuộc sống anh dành cho mỗi người, đặc biệt cho thế hệ anh vô cùng yêu mến: Lớp trẻ! Ông Đại úy đi buôn Những năm 1970 là thời kỳ của “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa…” nhưng sau khi thi đỗ Bách Khoa và được Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) tuyển chọn, Nguyễn Hồng Lam lại quyết định trở thành sinh viên Học viện KTQS. Lý giải về quyết định này, anh cười bảo, hồi đó nếu muốn đỗ Bách Khoa chỉ cần có thành tích học tập tốt nhưng để đỗ Học viện KTQS, ngoài thành tích học tập, còn yêu cầu cả sức khỏe và lý lịch gia đình. Anh may mắn hội tụ đủ cả ba tiêu chuẩn này, lại có động lực từ gia đình khi bố anh cũng là quân nhân, nên lựa chọn làm sinh viên Học viện KTQS cũng như một lẽ đương nhiên. Ngày 30/09/1974 đánh dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời Nguyễn Hồng Lam khi anh nhập ngũ, trở thành sinh viên Học viện KTQS. Lúc đó, không ai có thể tưởng tượng sau này anh sẽ trở thành giám đốc một công ty chuyên về ô mai và mứt nức tiếng như bây giờ. Tại Học viện KTQS có nhiều lớp khác nhau, trong đó có một Đại đội được lập ra chuyên về đào tạo cho những người đi du học nước ngoài, gọi là Đại đội Đặc biệt. Đại đội Đặc biệt bao gồm những “hạt giống đỏ” của quân đội, lựa chọn từ những thành phần ưu tú nhất của thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ, như anh Hoàng Lê Minh, Huy chương Vàng Olympic Toán Quốc tế năm đó. Nguyễn Hồng Lam cũng may mắn là một thành phần trong số này. Sau gần một năm được đào tạo cùng Đại đội Đặc biệt, tháng 07 năm 1975, Nguyễn Hồng Lam lên đường sang Liên Xô du học. Anh kể vẫn còn nhớ như in cảm giác hãnh diện khi mới 18 tuổi, chưa một lần ra nước ngoài, giờ được đi du học tại một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về quân sự như Liên Xô. Càng tự hào hơn khi tại thời điểm ấy cả “Đại đội Đặc biệt” chỉ có 120 người được chọn và riêng Hà Nội chỉ có 60 người đủ tiêu chuẩn đi du học. Anh tâm sự, không giống như bây giờ, các bạn trẻ muốn đi du học có thể lựa chọn nước mình muốn, thậm chí trường mình muốn nhưng hồi các anh muốn đi du học chỉ có duy nhất học bổng của Chính phủ cộng viện trợ ít ỏi của một vài nước như Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… và sinh viên được cử vào trường nào là chỉ có thể học đúng trường đó, không có lựa chọn. Theo thông báo ban đầu, Nguyễn Hồng Lam được cử đi học về máy bay, xe tăng và pháo binh ở trường Quân Sự Đức, nhưng cuối cùng anh lại được phân sang học Đại học Điện ảnh tại Leningrad, Liên Xô. Nhưng dù là học về xe tăng, hay điện ảnh, dù học ở Đức, hay Liên Xô, thì Nguyễn Hồng Lam vẫn luôn quan niệm ngành học về kỹ thuật điện ảnh vẫn là một lĩnh vực vô cùng tiềm năng. Nếu trong chiến tranh kỹ thuật điện ảnh có thể được sử dụng như trinh sát, thì trong thời bình thậm chí còn phát triển hơn khi nghệ thuật, điện ảnh được chú trọng, rõ ràng thích hợp với một cuộc xây dựng lâu dài. Hồ hởi với niềm tin ấy, cộng thêm tâm thế háo hức trước một quốc gia phát triển, hiện đại như Liên Xô, anh hòa nhập môi trường rất nhanh và hoàn toàn bị cuốn vào việc học. Sáu năm học miệt mài bao gồm một năm học dự bị ở Minsk và năm năm học ở Leningrad qua nhanh như một chớp mắt. Nhắc về những năm tháng du học, anh say sưa kể về những người dân Nga đôn hậu và quý mến Việt Nam, cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng ai ai cũng sống kỷ luật, tiết kiệm và đoàn kết. Nhờ môi trường học tập thuận lợi, Nguyễn Hồng Lam phát huy tối đa khả năng của mình: Anh tốt nghiệp bằng Đỏ với 44/45 môn học đạt loại giỏi mà một nửa trong số đó là được miễn thi. Trong khi thông thường mọi người chỉ nhận hàm Thiếu Úy khi tốt nghiệp thì Nguyễn Hồng Lam nhận luôn hàm Trung Úy. Với thành tích xuất sắc này, anh cũng được nhà trường đề nghị ở lại làm nghiên cứu sinh. Nhưng thôi thúc muốn áp dụng ngay những kiến thức nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và khao khát được cống hiến cho đất nước vừa gượng dậy sau chiến tranh đã khiến anh quyết tâm trở về. Tạm biệt nước Nga, với hồ Baikal trong suốt vắt ngang đường đi trên những chuyến tàu liên vận, tạm biệt những tháng ngày xa xứ, mà mỗi khi nghe tiếng máy bay vẫn chui ngay xuống gầm giường tránh bom vì nhớ quê hương chiến tranh, anh bùi ngùi bảo: Sau này, anh thấy du học sinh Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thật sự, không phải nước nào cũng có được tình cảm nồng ấm, quý mến với người Việt Nam như người Nga. Và ngược lại. Năm 1981 Nguyễn Hồng Lam về nước, được giao nhiệm vụ tại Xưởng phim Quân đội, trực thuộc Tổng cục Chính trị. Công việc chính của anh là Kỹ sư kỹ thuật hình, chuyên về các thiết bị máy quay. Vẫn với tâm thế tràn trề nhiệt huyết và dựng xây, anh không nề hà một nhiệm vụ khó khăn nào. Hồi đó, việc lắp máy quay lên máy bay chiến đấu để quay từ trên không xuống được coi là một nhiệm vụ quá phức tạp, chỉ có người nước ngoài mới làm được còn người Việt Nam thì mặc định là không thể. Câu hỏi làm thế nào để lắp một thiết bị phức tạp lên máy bay và đảm bảo quay được phim, trong khi phi công vẫn có thể bay bình thường mà không ảnh hưởng vì thế bị bỏ ngỏ. Không chịu đầu hàng hoàn cảnh, Nguyễn Hồng Lam xung phong nhận nhiệm vụ. Nhiều người bất ngờ, có người còn cho rằng anh kiêu ngạo, tự phụ bởi thiết bị quay rất đắt, không thể đem ra thử nghiệm nhiều, tài liệu và internet thì không có, nước ngoài làm được thì họ lại coi như bí mật quốc gia nên không tiết lộ ra ngoài. Ai nhận nhiệm vụ này coi như cầm chắc phần thất bại. Nhưng anh kỹ sư Đại học Điện ảnh Leningrad thì nghĩ khác. Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Hồng Lam quyết tâm tìm bằng được lời giải. Chịu khó mày mò số tài liệu ít ỏi trên thư viện, cộng thêm những kiến thức đã được đào tạo bài bản ở Liên Xô, cuối cùng anh cũng tìm ra một lời giải khá đơn giản cho vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, anh bắt đầu nhận ra, sự ghi nhận của tập thể không giống như những gì bản thân kỳ vọng. Ở môi trường này, sẽ khó có sự đền đáp xứng đáng với công sức và trí tuệ của anh... Giai đoạn Nguyễn Hồng Lam công tác tại Xưởng phim Quân đội cũng là giai đoạn những năm đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, kinh tế rơi vào khủng hoảng, lạm phát phi mã kéo dài khiến đời sống đại bộ phận dân chúng vô cùng khó khăn. Và càng khó khăn, như một lẽ tất nhiên, người ta càng ít để tâm tới những ngành nghề nhỏ như Điện ảnh mà chỉ chú trọng vào những ngành nghề chủ chốt như Nông nghiệp, Công nghiệp… Tất cả khiến Nguyễn Hồng Lam vô cùng suy nghĩ. Anh bảo: “Em cũng biết, như một cái đòn bẩy, cùng một sức bẩy, đòn bẩy ngắn tí thìsức bẩy có lớn bao nhiêu cũng không đáng. Điện ảnh là nghề ‘kẹ’ của nền kinh tế, trong khi nghề kỹ thuật của điện ảnh còn ‘kẹ’ hơn, không giúp anh có thể phát huy hết khả năng sáng tạo và năng lực bản thân.” Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng tới năm 1990, anh quyết định “ra quân”. Từ trước khi “ra quân”, vì đồng lương sĩ quan không đủ sống, “Ông Đại úy” đã chủ động làm thêm đủ nghề, từ sửa ti vi, tủ lạnh, đến điều hòa, máy may… Ban ngày anh đi làm tại cơ quan, ban đêm về tranh thủ đến nhà mọi người sửa đồ. Rồi khi phong trào nhuộm vải, đan len, in hoa… phát triển, anh cũng dành tiền tổ chức cho mọi người mỗi nhà một phần rồi gom lại, đem ra chợ Đồng Xuân bán. Số tiền tích lũy được cũng tương đối, nhưng để hoàn toàn bắt đầu vào kinh doanh và thôi hẳn công việc nhà nước, hẳn không phải một việc dễ dàng với “Ông Đại úy”. Chính thức bắt tay vào kinh doanh từ năm 1990 nhưng thực tế con đường của anh cũng không thẳng tắp ngay từ đầu. Cả xã hội bắt đầu làm quen với việc kinh doanh, ai ai cũng loay hoay, bươn chải với những khái niệm mới. Nguyễn Hồng Lam cũng không ngoại lệ. Mỗi một ngành nghề lại có một thời hưng thịnh khác nhau, sau phong trào đan len, nhuộm vải, tới năm 1990 anh quay sang kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, nhận thấy nghề có nhiều bất cập như tham nhũng, gửi giá, đến năm 1992 anh bắt đầu kinh doanh tăm tre làm hương. Trong một lần xuất tăm tre sang Trung Quốc, anh gặp một người đặt trám khô. Thương vụ đầu tiên cung cấp trám khô cho biên giới phía Bắc mang về cho anh số tiền lãi một triệu đồng. Sau đó, anh còn tiếp tục chung vốn với một người anh mua một quầy hàng ở chợ Đồng Xuân, chủ yếu bán buôn từ chỗ này sang chỗ khác. Lần đầu tiên tiếp cận với lĩnh vực hoa quả khô, anh đã nhận ra ngay những tiềm năng của ngành nghề này: Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới ôn hòa, nhiều hoa quả tươi, Nhà nước cũng đang có những chính sách ưu tiên cho việc phát triển những ngành nghề liên quan tới hoa quả sau thu hoạch, và rõ ràng, sau nhiều năm chỉ kinh doanh theo phương thức buôn bán chứ chưa chủ động sản xuất, Nguyễn Hồng Lam đã nghiêm túc nghĩ tới vấn đề chủ động nguồn cung cho chính mình. Nhiều lúc nghĩ lại, anh vẫn tự hỏi: “Không biết nó là một cơ duyên may mắn hay vô tình?”, nhưng dù là may mắn hay vô tình, thì cái “duyên” đó cũng đã dẫn dắt tới mối gắn bó sâu sắc hơn 17 năm qua, và chắc còn kéo dài lâu nữa, giữa “Ông Đại úy” và món “quà Việt” tên gọi ô mai. Ô mai Hồng Lam (Nguồn: http://honglam.vn) Tuy nhiên như từ đầu chính Nguyễn Hồng Lam đã chia sẻ, “Câu chuyện ô mai” của anh là một câu chuyện dài, nên sẽ còn nhiều những thăng trầm, thử thách nữa… Đầu thập niên 90 đang có “mốt” đi buôn ở biên giới phía Bắc, buôn tàu viễn dương và lập doanh nghiệp Rồng Vàng tín dụng. Vì tích lũy được số vốn khá đáng kể, Nguyễn Hồng Lam cũng tham gia cho những đối tượng này vay tiền. Khi hết “mốt”, tín dụng Rồng Vàng sụp đổ, những người buôn tàu viễn dương và buôn đồ second hand người bị nhấn chìm ngoài biển, người bị bắt và vỡ nợ, anh cũng thành “mất nợ” theo. Không những mất sạch số tiền tích lũy mà còn mất tiền người khác cho anh vay, số tiền lên đến 20 cây vàng. Kể về những mất mát, thất bại trong quá khứ, giọng anh bình thản: “Nhiều người nói anh đi xiết nợ, anh bảo chẳng đáng là bao nhiêu, làm quá lên có khi còn tù tội, thay vào đó, anh nghiêm túc rút ra bài học cho riêng mình và quyết tâm làm lại từ đầu.” Mười sáu năm sống trong môi trường quân đội, ít nhiều cũng tôi luyện cho Nguyễn Hồng Lam một bản lĩnh vững vàng trước những khó khăn của cuộc sống. Anh kiên định, “công cuộc kinh doanh hiện tại của mình không thua, chỉ thua ở công cuộc kinh doanh với người khác, và dẫu vốn vật chất mất hết, nhưng còn vốn tri thức kinh doanh, vốn khoa học kỹ thuật, thì anh chắc chắn có thể làm lại được”. Thậm chí, từ chính những vấp váp ban đầu này, anh cũng nhanh chóng rút ra cho bản thân những bài học kinh doanh sâu sắc: Thứ nhất, phải luôn có đảm bảo tài chính ở các cấp độ khác nhau, đó là một nguyên tắc vô cùng quan trọng cần được tuân thủ. Giống như trong quân sự Mỹ, nhóm này tấn công thì phải có nhóm khác hỗ trợ. Thứ hai, không sử dụng đòn bẩy quá đà. Tại Hồng Lam từ lâu rồi anh không sử dụng đòn bẩy tài chính. Thứ ba, không cho vay mà không có tài sản thế chấp. Trong những năm Hồng Lam kinh doanh phát triển tốt, bạn bè rủ anh tham gia thị trường chứng khoán và bất động sản. Anh cũng có quan tâm nhưng chỉ dừng lại ở mức đầu tư dài hạn. Với anh, bất động sản một mặt là công cụ kinh doanh, một mặt là tài sản đảm bảo duy trì vị trí chiến lược. Còn vốn liếng, anh tập trung đầu tư cho sản phẩm chủ đạo: Ô mai. *** Bỏ quân ngũ, ra kinh doanh giữa thời điểm cả xã hội vẫn còn nặng quan niệm “sĩ, nông, công, thương”, kiến thức kinh doanh chỉ là những góp nhặt từ thực tế và còn táo bạo chọn “dấn thân” vào lĩnh vực khá “hẹp” là kinh doanh ẩm thực, nhưng những gì Ô mai & Mứt Hồng Lam đạt được ngày hôm nay lại chứng minh nghiêm túc rằng, “Ông Đại úy”làm kinh doanh được, thậm chí còn không thua kém bất cứ ai. Nhưng nếu vậy, thì điều gì đã giúp Nguyễn Hồng Lam biến những điều tưởng chừng như “không thể” kia trở thành “có thể”? Người đổi vàng lấy ô mai Ô mai Hồng Lam thành lập năm 1996. Tới nay, công ty sở hữu một nhà máy ở Khu công nghiệp Quang Minh rộng 2 hecta với hơn 100 lao động. Ngoài ra, công ty có 15 cửa hàng trực tiếp quản lý ở Hà Nội, Hải Phòng, 14 quầy mở trong BigC trải dài tới Hải Dương, Đà Nẵng, Huế,… Nhưng để đạt được những kết quả như hiện tại, Nguyễn Hồng Lam đã phải hy sinh và trả giá không ít lần. Lúc đầu, khi bày tỏ quyết định bỏ 16 năm cống hiến trong quân đội để “ra riêng”, anh gặp không ít phản đối của gia đình. Đất nước vừa mới hòa bình, quan niệm về kinh doanh và cái nhìn của xã hội về kinh doanh còn chưa đầy đủ, dù là những người thân thiết trong gia đình cũng khó có thể cảm thông. Hơn nữa, anh được gia đình tạo điều kiện ăn học kỹ lưỡng, đang đàng hoàng là sĩ quan quân đội, tương lai ổn định, chắc chắn, ra riêng kinh doanh với biết bao rủi ro, khốc liệt, không ai là không lo ngại cả. Nguyễn Hồng Lam nhớ lại, hồi đó, bố anh nhận lương hàm Đại tá cấp tướng là khoảng một chỉ vàng một tháng, trong khi anh vì cho vay thua lỗ mà mất tổng cộng mấy chục cây vàng, tức là gấp mấy trăm lần lương của bố, giờ lại tiếp tục theo đuổi công việc mà tương lai còn khó đoán định như thế, “ông cụ rất xót”. Nhưng anh chỉ nói đơn giản với mọi người, anh đã làm ra được số tiền đó, giờ nó mất, thì hoàn toàn có thể kiếm lại. Còn việc mất mát nó đã xảy ra rồi, tốt hơn hết là đứng dậy tìm phương án giải quyết, thay vì để mặc vấn đề ở đó. Vừa mất đi một số tiền lớn, trong khi công việc kinh doanh mới vẫn đang “vạn sự khởi đầu nan”, bản thân Nguyễn Hồng Lam cũng trăn trở rất nhiều. Nhưng ngay trong những lúc khó khăn như thế, anh nhận ra, chỉ có bình tĩnh mới có thể giải quyết được vấn đề, “chỉ có con voi mới kéo được con voi, chỉ có mình mới tự cứu được mình”. Anh thẳng thắn coi đó là một cái thua và chấp nhận làm lại từ đầu, dù không nhận được nhiều ủng hộ, điều vốn rất cần thiết trong bất cứ hoạt động nào của kinh doanh. Thêm vào đó, đành rằng đã từng có thể kinh doanh và tích lũy được số vốn không nhỏ, nhưng khi anh lựa chọn ô mai làm hướng đi lâu dài, mọi người cũng bày tỏ không ít băn khoăn. Từ trước đến nay, thị trường sản phẩm ô mai ổn định với quy mô nhỏ, gia đình, phù hợp như một thứ quà vặt ăn chơi, khó có thể mở rộng. Ngoài ra, so với các gia đình có lợi thế gia truyền hàng trăm năm ở Hàng Đường, Hàng Buồm, Hàng Điếu… hay nhiều nơi khác, rõ ràng Nguyễn Hồng Lam đang bắt đầu từ con số 0, lợi thế cạnh tranh không có nhiều. Nhưng nhiều lần chứng kiến vợ anh buôn hoa quả khô vất vả mà không được lợi nhuận bao nhiêu, lại bị các chủ buôn “bắt chẹt” quá, anh quyết tâm “Thôi để tôi về thử chế biến cho bà đi bán” với suy nghĩ hết sức đơn giản: “Nếu không phải thần phật, người ta làm được, thì mình làm được.” Nói là làm, anh bắt tay ngay vào nghiên cứu việc chế biến ô mai. Quyển sách “nhập môn” đầu tiên của anh là một quyển sách nữ công gia chánh mỏng dính, dạy về làm mứt ở nhà. Cứ thế, càng vào nghề, nghề lại càng quay lại dạy mình. Cộng thêm thói quen chịu khó mày mò suy nghĩ, anh cũng tìm đọc thêm nhiều sách và dần dần sáng tạo ra nhiều loại ô mai mới, ngon, thu hút được sự quan tâm của thị trường. Tuy vậy, càng đi sâu vào kinh doanh, Nguyễn Hồng Lam càng nhận thức rõ ràng, ô mai anh làm ra ngon bao nhiêu nhưng nếu muốn nhanh chóng quảng bá tới công chúng, chẳng có cách nào tốt hơn gắn cho nó một điểm chỉ dẫn dễ nhớ, ấn tượng. Ở Hà Nội, có ba phố nổi tiếng về ô mai là Hàng Buồm, Hàng Điếu và Hàng Đường, nhưng tựu chung lại, Hàng Đường là nổi bật nhất, có truyền thống lâu đời nhất. Anh nung nấu quyết tâm phải mua cho được một căn nhà trên Hàng Đường để “đóng đinh” Hồng Lam vào cùng với các thương hiệu ô mai truyền thống khác. Tới năm 2000, nghe có người quen mách số nhà 11 Hàng Đường đang rao bán với giá 430 cây vàng không bớt, anh kiên quyết mua bằng được. Nhiều người bàn ra tán vào, bỏ hàng trăm cây vàng vào một căn nhà phố cổ bé tí, tính ra còn bị hớ tận 50 cây vàng (sau này anh mới biết được lúc đầu bà chủ định bán giá 380 cây vàng)trong khi số tiền này có thể đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào. Đáp lại những phản hồi ấy, anh chỉ cười. Với Nguyễn Hồng Lam, không làm thì thôi, đã làm, phải lập nghiệp ở một trong những phố nổi tiếng nhất về ô mai, phải có điểm chỉ dẫn tốt nhất, mới xứng đáng. Sẽ chẳng chủ nhà nào đồng ý bán một căn nhà giá trị nếu khách mua không chịu trả hời. Dù thực tế anh cũng phải đi vay và thuyết phục gia đình ủng hộ quyết định của mình thêm nhiều lần. Mua nhà từ tháng 05 năm 2000 thì tới tháng 10 năm 2000, Nguyễn Hồng Lam được nhận nhà và cửa hàng bán lẻ đầu tiên của Hồng Lam chính thức được khai trương. Anh tiếp tục đấu giá mua lại cửa hàng tiếp theo để phục vụ khách hàng nhân dịp tết đến xuân về. Dần dà, chuỗi bán lẻ của Hồng Lam hiện nay đã có 15 cửa hàng trên cả nước. Đối tượng khách hàng chính của công ty là nữ giới, chiếm 72%. Trước câu chuyện của Nguyễn Hồng Lam, tôi cũng băn khoăn hỏi anh có bao giờ thấy tiếc vì những quyết định táo bạo của mình như vậy không. Anh chỉ cười bảo, không hề. “Trên thực tế anh chưa bao giờ hối hận với những quyết định quan trọng.” Khác với việc sản xuất ô mai theo cách truyền thống ở quy mô nhỏ, ngay từ năm 1996, Hồng Lam đã nghiêm túc đầu tư xây dựng một xưởng quy mô tại Làng Cót, Yên Hòa để phục vụ sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, sau khi quyết liệt đầu tư vào “điểm chỉ dẫn” 11 Hàng Đường, nhu cầu khi chạm đến một sản lượng nhất định thì diện tích 600m2 ở Làng Cót trở nên chật chội. Yêu cầu bức thiết phải có một nhà máy cũng như kho hàng lớn hơn được đặt ra, nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản như tính mùa vụ của hoa quả so với tính liên tục của sản xuất, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ đột biến trong những dịp lễ, Tết… Tới năm 2003, sau nhiều tính toán và cân nhắc, Ban lãnh đạo Công ty quyết định đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất quy mô Công nghiệp, đạt tiêu chuẩn Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VS ATTP) theo tiêu chuẩn HACCP và tiêu chuẩn ISO 9001 tại Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội. Một lần nữa, anh nhận được nhiều ý kiến góp ý về việc đầu tư Nhà máy trong bối cảnh sản phẩm chủ đạo chỉ là ô mai và triển vọng ngành không lớn là chưa thực sự tương xứng. Nhưng anh khẳng định, chính nhờ đổi mới khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp đã nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian chế biến cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng về tiềm năng phát triển rộng hơn, theo Nguyễn Hồng Lam, với người Việt nói riêng và người châu Á nói chung, việc thể hiện tình cảm qua những món quà vẫn luôn là một nét đẹp được duy trì từ lâu nên anh khá tự tin vào định hướng “tinh hoa quà Việt” của mình. Trên thực tế, doanh thu hiện tại của công ty mới chủ yếu đến từ các cửa hàng trong chuỗi và “dư địa” cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều. Năm 2007 đánh dấu mốc trưởng thành của Công ty khi Ban Lãnh đạo quyết định chuyển đổi thành lập Công ty chuyên chế biến, sản xuất, nghiên cứu, phát triển sản phẩm Hồng Lam để không những đạt những yêu cầu về VS ATTP cao nhất (cả trong nước và cả các yêu cầu khắt khe để phục vụ xuất khẩu) mà còn liên tục nghiên cứu và phát triển những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng và thị trường. Cuối năm 2009 đánh dấu mốc quan trọng thứ ba khi Ban lãnh đạo quyết tâm củng cố, tổ chức cơ cấu Công ty Hồng Lam tại Văn phòng Nguyễn Trường Tộ tương xứng và đủ năng lực đáp ứng các nghiệp vụ thương mại. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất lớn cho sản phẩm quà vặt không đơn thuần là vấn đề tài chính. Trong quá trình chủ động đi học chuyên môn về Quản trị kinh doanh cũng như trực tiếp tham gia lao động, Nguyễn Hồng Lam cũng nhận ra, muốn cạnh tranh thì nội tại doanh nghiệp phải có những chuyên biệt hóa, đổi mới về công nghệ và quy trình sản xuất. Từ trước tới nay mọi người làm thủ công, máy móc chưa chuyên về sản xuất ô mai, thì bây giờ anh điều chỉnh lại, cắt ra từng khúc đơn giản để công nhân của anh có thể nhanh chóng bắt kịp, rồi dần dần xây dựng hệ thống cho riêng mình. Không chỉ đổi vàng lấy chỉ dẫn địa lý, đầu tư không ít tiền bạc vào nhà xưởng, thiết bị, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, để quản lý và điều hành một cách trơn tru, ông chủ Hồng Lam cũng rất chủ động đầu tư vào mảng công nghệ thông tin của công ty. Cùng với đội ngũ nhân viên, tại Hồng Lam, mọi người tự xây dựng tài nguyên thông tin và quản trị đồng bộ trong nội bộ (thay vì mua của nước ngoài vừa đắt tiền vừa không tương thích). Thêm vào đó là hệ thống giám sát trực tuyến liên kết với máy chủ để đưa ra những chỉ đạo hợp lý, chính xác cho từng bộ phận hay ứng dụng sa bàn ảo giúp hỗ trợ việc giám sát mọi hoạt động trong sản xuất, quản lý kho hàng và chuỗi cửa hàng; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền chuỗi cửa hàng; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, hàng mỗi ngày. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng và liên tục thay đổi của thị trường, Hồng Lam cũng nỗ lực xây dựng văn hóa “Đồng sáng tạo tinh hoa quà Việt” để nhân viên cùng ban lãnh đạo quản trị đồng bộ. Tại Hồng Lam, con người được xem như tài sản quý giá nhất, vì thế, công ty luôn tạo mọi điều kiện để tất cả nhân viên có thể phát huy hết tiềm năng của mình và tin tưởng giao phó những trọng trách cao hơn, phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của từng nhân viên. Đồng thời, công ty cũng luôn tạo điều kiện để các cá nhân làm việc theo nhóm để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau đạt được kết quả tốt. Sự đóng góp và hợp tác của từng thành viên trong từng nhóm chính là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của cả công ty. Chưa dừng lại ở những đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, với Nguyễn Hồng Lam hiện tại, vấn đề làm anh trăn trở nhiều nhất chính là vấn đề phối hợp giữa vùng nguyên liệu, hệ thống phân phối cho tới tay người tiêu dùng: Quản lý dòng hoạt động của sản phẩm từ vùng nguyên liệu phải chuẩn hóa ra sao, xây dựng hệ thống chế biến như thế nào, hệ thống phân phối và chính sách với người tiêu thụ được xây dựng theo phương thức nào…, làm sao để có thể đo tính tương thích giữa giải pháp quà của Hồng Lam và nhu cầu xã hội để nếu có vấn đề thì xử lý được luôn. *** Nhìn lại những kết quả của Hồng Lam ngày hôm nay, anh vui vẻ chia sẻ, những người thân trong gia đình trước kia còn hoài nghi nay đã cảm thông và ủng hộ anh hơn, đóng góp nhiều ý kiến quý báu trong quá trình phát triển của công ty. Thậm chí, mọi người còn tự hào vì dòng họ có một thành viên gây dựng nên một thương hiệu uy tín, góp phần tôn vinh thứ sản vật nổi tiếng của quê hương là ô mai. Nhưng tất cả chưa khiến anh hài lòng mà ngược lại điều đó lại chính là động lực để Nguyễn Hồng Lam hiểu rằng, anh còn rất nhiều việc phải làm! Mở “Đại dương xanh” cho quà vặt Thành công của ô mai Hồng Lam, phần nhiều đến từ những mày mò nghiêm túc cũng như những quyết định sáng tạo của ông chủ Nguyễn Hồng Lam. Nhưng để trở thành thương hiệu dẫn đầu trong thị trường, còn cần tới những yếu tố cũng không kém phần quan trọng khác. Một trong những yếu tố phải kể đến ở đây là tư duy hiện đại của Nguyễn Hồng Lam trong việc tạo ra một “con đường xanh trong đại dương đỏ” cho sản phẩm của mình. Nguyễn Hồng Lam hoan hỉ nói: “Anh theo đuổi chiến lược Đại dương xanh, không muốn có va chạm, đối đầu với ai cả. Mà muốn theo đuổi chiến lược Đại dương xanh phải có hai định hướng: Dẫn đầu và khác biệt hóa, như mũi giáo” – điều đó thể hiện rất rõ trong những động thái tiên phong và khác biệt hóa của Hồng Lam trên thị trường sản phẩm mứt – ô mai. Trước Nguyễn Hồng Lam, hầu như chưa ai nghĩ tới việc làm ô mai – mứt bằng sấu bao tử. Khi đó mọi người đều có chung suy nghĩ ô mai phải là thứ đồ nấu chín, dẻo, còn anh khi bắt tay vào nghề lại đặt câu hỏi: “Tạisao không cho nó một tính chất, như giữ nguyên màu tươi, giữ độ giòn và tạo sự khác biệt cho ô mai?” Nghĩ thế anh bắt tay vào làm dựa theo những chỉ dẫn đơn giản của quyển sách nữ công gia chánh. Sấu bao tử Hồng Lam (Nguồn: http://honglam.vn) Là ông chủ của hàng trăm chủng loại ô mai – mứt ngon có tiếng nhưng không phải ngay lần đầu Nguyễn Hồng Lam đã tìm ra phương pháp làm ô mai ngon. Giám đốc Ô mai Hồng Lam nhớ lại, “sản phẩm” đầu tiên của anh từng không thể ăn được vì bị caramen hóa tới cháy đắng. Trung bình hiện tại để ra một mẻ ô mai cần khoảng 12 ngày thì khi đó, vì sốt ruột anh nấu có mấy tiếng đã xong. Lúc mới đầu anh cũng chỉ thử làm với sấu bình thường, có hạt cứng, ăn khó chịu. Chính vợ anh là người gợi ý sao không làm sấu không hạt, ăn giòn, ngon và tiện hơn. Nhiều sáng chế của anh xuất phát từ những câu hỏi khó mà chị luôn đặt ra như vậy. Nhưng để có được sản phẩm tiên phong giòn, ngon và tiện hơn, cũng là chấp nhận phải đối đầu với hàng loạt vấn đề: Sấu bao tử khó, non, mang về chậm là quả sấu táp, bị xém, không còn độ giòn, độ tươi, hơn nữa, sấu chỉ đang ở giai đoạn bao tử nên quả nhỏ, cạo vỏ khó. Quá trình chế biến cũng rất phức tạp, nhưng anh quan niệm phải quyết tâm giải quyết từng vấn đề một. “Giống như đàn ông theo đuổi phụ nữ, cảm thấy phải theo đuổi thìsẽ theo đuổi, chưa được cách này thì tìm cách khác, khi nào được thì thôi!”, anh hóm hỉnh nói. Vì được học rất kỹ về quy trình nghiên cứu khoa học nên Nguyễn Hồng Lam hiểu khá rõ về một quy trình cần làm trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu mới có kết quả. Do đó anh cứ bình tĩnh làm từ từ, tới khi nào đưa vợ anh nếm thử mà chị bảo được thì mới thôi! Trong lúc đó chị vẫn mua bán theo kiểu truyền thống, anh tiếp tục mày mò sáng chế. Mất hơn một năm “nấu đi nấu lại” từ lần caramen hóa đáng nhớ, một lần, sau khi nấu xong anh đưa thử cho vợ nếm, ăn xong, chị quá ngạc nhiên thốt lên: “Ô cái này ngon quá!” Anh thở phào, cuối cùng cũng đã có thể nhìn thấy cái “ngách” mà ô mai Hồng Lam có thể tiến vào. Khi vợ anh bắt đầu đưa sấu bao tử ra thị trường chào những bạn hàng lâu năm thì ai cũng thích thú và kéo nhau đặt hàng. Những bạn hàng khác cũng nghe tiếng, tới đặt mua về phân phối và tạo thành trào lưu. Sản phẩm thành công tới mức, một tiến sĩ trong ngành chế biến hoa quả còn nhận định, công trình của anh xứng đáng được công nhận tiến sĩ vì dám làm mới, có tính đột phá, có quy trình rõ ràng và được xã hội công nhận. Sau này, nhiều thương hiệu khác cũng sản xuất sấu bao tử tạo thành một món ô mai đại chúng, nhưng sự táo bạo, bền chí và “tiên phong” của Nguyễn Hồng Lam thì đã được đền đáp xứng đáng: Nhắc tới sấu bao tử, là nhắc tới Ô mai Hồng Lam. Tới tận bây giờ, bên cạnh sấu bao tử, Nguyễn Hồng Lam vẫn đang liên tục sáng tạo và cải tiến để cho ra thị trường những sản phẩm mới, đột phá, phù hợp với nhu cầu của đa số khách hàng. Và chính sản phẩm sấu bao tử cũng được anh liên tục hoàn thiện thêm. Tự nhận mình là người nhiều ý tưởng, một điểm đặc biệt nữa có thể coi là tiên phong của ô mai Hồng Lam là ở chỗ: Nếu theo cách bán hàng ô mai truyền thống, các cửa hàng chỉ thực hiện mua đứt bán đoạn, khách mua ô mai cũng khó có thể tham quan, lựa chọn trong gian hàng thì Hồng Lam chọn cách đi khác. Xuất phát từ chính khó khăn của số 11 Hàng Đường với mặt tiền quá bé, chỉ có 2,14m, lại ở ngay giữa phố chứ không phải đầu phố, rất khó cạnh tranh với các cửa hàng gia truyền lâu đời, Nguyễn Hồng Lam đã trăn trở tìm phương án giải quyết. Rồi anh nghĩ, “thiên thời, địa lợi” không thể làm chủ được, thì mình dùng “nhân hòa”, tạo ra sự khác biệt để thu hút khách hàng. Với mục đích tạo sự thân thiện gần gũi và cảm giác thoải mái, tin tưởng cho khách hàng, Hồng Lam là công ty có tư duy đầu tiên về văn hóa bán hàng mở: Khách hàng được tự do vào cửa hàng như siêu thị, được lựa chọn sản phẩm thoải mái, nếm thử cho tới khi thích mới mua. Thêm vào đó, các sản phẩm được niêm yết giá rõ ràng, sản phẩm nào cũng có hàng mẫu, được đóng trong bao bì dễ nhìn để khách hàng có thể cảm nhận rõ hơn về sản phẩm bên trong. Thời gian đầu cửa hàng mới mở, sau giờ làm việc ở xưởng, anh vẫn tranh thủ ra cửa hàng trò chuyện với khách hàng. Những kiến thức về điện ảnh trước kia được học, các am hiểu về văn hóa, đặc biệt văn hóa người Hà Nội giúp anh qua trò chuyện có thể thấu hiểu được tâm lý khách hàng. Chi phí bỏ ra cho việc để khách hàng nếm thử, đầu tư biển hiệu, bao bì, mẫu mã không hề nhỏ, nhưng Nguyễn Hồng Lam quan niệm, thay vì dùng tiền để quảng cáo, mình đầu tư vào khách hàng, ngược lại, chính khách hàng sẽ như những ví dụ sinh động thu hút thêm khách du lịch, khách vãng lai nhiều hơn. Và không chỉ có khách vãng lai, với người Việt Nam có tâm lý đám đông, việc các cô gái xúm lại thử ô mai tại một cửa hàng cũng tự nhiên trở thành một hình thức marketing truyền miệng nhanh nhạy. Cửa hàng mới mở nhưng đã rất đông khách là vì thế. Ngoài ra, phản ứng của khách hàng trước sản phẩm chính là những chỉ dẫn rất quý giá và thực tế với chủ cửa hàng. Nguyễn Hồng Lam chú ý quan sát và nhận thấy, khi nếm thử sản phẩm, hầu hết khách hàng thể hiện rất vô tư, sản phẩm nào thích hay không cũng ra mặt, từ đó, anh có thể điều chỉnh hương vị, mẫu mã, chủng loại cho sát và phù hợp hơn với nhu cầu khách hàng. Một điểm khác biệt nữa ở Ô mai Hồng Lam là ở chỗ, anh đem hồn dân tộc, hồn Việt Nam, với hình ảnh về phố cổ, về Hà Nội, về những giá trị truyền thống muôn đời của dân tộc vào sản phẩm. Như đúng tôn chỉ của công ty mà toàn thể nhân viên luôn lấy đó làm mục tiêu kinh doanh của mình: “Ô mai Hồng Lam là món quà truyền thống đậm đà chất Kinh kỳ. Được kết tinh bởi biết bao sản vật quả tươi trên mọi miền đất nước, với hàng trăm công thức gia giảm gia vị truyền thống như: Quả mơ, trám, mận của núi rừng, quả sấu, khế, chanh, me của đồng bằng, kết hợp vị mặn của muối biển, vị thơm cay nồng ấm của gừng, cay sâu của ớt, vị ngọt ngào của mật ong, đường mía, vị thơm mát trầm lắng của cam thảo, trần bì… Dựa trên bí quyết chế biến cổ truyền với công thức pha trộn gia vị hài hòa, hợp lý, dưới bàn tay khéo léo của người Kinh thành, đã tạo nên những món ô mai mứt đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực của người Tràng An.” Khi thưởng thức Ô mai Hồng Lam, ta có thể cảm nhận được các hương vị đan xen, hòa quyện trong từng sản phẩm. Như ô mai dầm tươi giòn có vị chua ngọt, thanh tao mát mẻ được ưa chuộng trong mùa hè oi ả. Ô mai xào có vị chua, cay, dẻo ngọt, nhẹ nhàng trong tiết thu se lạnh. Mùa đông đã có các vị nồng ấm của gừng, ớt, vị chua, mặn, ngọt đậm đà của đường, muối. Đặc biệt, các sản phẩm vẫn giữ được gần như nguyên vẹn hương vị đặc trưng của từng loại quả tươi. Thú thưởng thức ô mai này chứa đựng trong nó nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực truyền thống của người Kinh kỳ: Luôn hòa hợp cùng thiên nhiên. Những người sản xuất đã vô cùng khéo léo lồng ghép niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương và cả truyền thống nhân văn lâu đời của người Việt trong từng hộp ô mai “Tinh hoa quà Việt”, để niềm vui không chỉ tỏa ra từ người biếu cho tới người nhận, mà còn truyền ngược lại những người làm, bởi sứ mệnh “Phụng sự xã hội bằng gói giải pháp quà Việt” của họ đã được thực hiện trọn vẹn… Thời kỳ đầu, cũng giống như các thương hiệu ô mai khác, Hồng Lam chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm mà chưa đầu tư tương xứng vào mẫu mã, kiểu dáng… Dần dần, Hồng Lam cũng “đi tắt đón đầu” bằng việc chủ động học hỏi, tìm hiểu về thương hiệu và quyết tâm đầu tư bài bản, chuyên nghiệp với sản phẩm cốt lõi của mình. Từ logo, slogan, bao bì, mẫu mã tới hệ thống chuỗi cửa hàng đồng bộ, nhất quán giữa sản xuất và kinh doanh. Riêng trong ngành hẹp ô mai, công ty đã dẫn đầu về số lượng cửa hàng và chủng loại sản phẩm đa dạng. Bản thân chuỗi cửa hàng với nhiều địa điểm và biển hiệu đồng nhất chính là một phương tiện truyền thông cho công ty và là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với những đối thủ khác. Thú vị hơn nữa hình dáng của logo cũng giống như hình đồng xu cổ nhưng không có lỗ. Đây cũng là mong muốn làm ăn phát đạt, “không lỗ” của doanh nghiệp Hồng Lam gửi gắm trong hình ảnh giản dị mà sâu sắc này. 2007, Việt Nam gia nhập thế giới, nhận thức được việc những người tiêu dùng thông thái sẽ yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn về Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Nguyễn Hồng Lam nhanh chóng áp dụng những tiêu chuẩn cao nhất vào sản phẩm và lấy khẩu hiệu “Ngon – Sạch – Đẹp – Chu đáo – Thân thiện”làm tiêu chí hoạt động của mình. Hồng Lam cũng tuyển các kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa, kỹ sư vi sinh tham gia vào quá trình sản xuất. Định kỳ công ty đưa mẫu đến viện vệ sinh kiểm tra. Ngoài ra, Hồng Lam cũng trang bị nhiều phòng thí nghiệm hiện đại để kiểm nghiệm sản phẩm. Chính những bước đi tiên phong của Hồng Lam đã chinh phục khách hàng và đảm bảo thị phần ổn định, vững chắc cho thương hiệu Hồng Lam trên thị trường. Với tấm lòng yêu nghề và tâm huyết giữ gìn nghề truyền thống, cộng với sự đam mê tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo của chủ nhân, Ô mai Hồng Lam đã kết hợp được bí quyết chế biến cổ truyền với công nghệ hiện đại tiên tiến để tạo ra những sản phẩm ngày càng phong phú, chứa đựng nét quyến rũ, thanh tao của món quà dân gian truyền thống, đồng thời vẫn mang hơi thở của thời đại. Thêm vào đó, công ty cũng nỗ lực mở rộng và hướng những sản phẩm của Hồng Lam phát triển ra ngoài lĩnh vực ô mai, mứt – để mọi người khắp muôn nơi biết đến “Tinh Hoa Quà Việt” với nhiều những sản phẩm đa dạng và phong phú, đáp ứng sứ mệnh cung cấp “Gói giải pháp quà Việt”. Nguyễn Hồng Lam cũng chia sẻ thêm, tháng Năm vừa rồi, anh có tham gia một đoàn khảo sát sang Dubai dự định mở một trung tâm thương mại nông sản của Việt Nam. Nếu thành hiện thực, anh sẽ tham gia một quầy hàng để giới thiệu tinh hoa quà Việt đến bạn bè thế giới. Anh cũng thường xuyên đi khảo sát nhiều nước, tham quan các nhà máy thực phẩm để học hỏi, áp dụng đổi mới vào công ty. *** Một thầy giáo ở VJCC từng phỏng vấn Nguyễn Hồng Lam, rằng những kiến thức học tập tại trường Kỹ thuật Điện ảnh Liên Xô có liên quan và giúp ích gì cho những thành tựu của Hồng Lam hiện tại, bởi nhìn bề ngoài, có vẻ nó là hai lĩnh vực hoàn toàn trái ngược? Ông chủ Ô mai Hồng Lam đã rất tự tin trả lời, ngược lại, kiến thức ở Đại học Điện ảnh giúp ích anh không ít, những nền tảng cơ bản về tư duy logic, về quy trình nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu về mắt, về cảm thụ điện ảnh tổng hợp giúp anh hiểu được tiến trình phát triển của sản phẩm, hiểu rõ tâm lý khách hàng và nhìn nhận được khuynh hướng thị trường tương đối sát sao… Nhưng người viết thầm nghĩ, đó mới chỉ là những điều kiện cần, ông chủ của Hồng Lam chắc đã khiêm tốn không nhắc tới bản lĩnh và tìm tòi không ngừng của bản thân trong việc biến những lý thuyết kia thành thực tế kinh doanh trong “thương trường khốc liệt”- nơi mà “cơn bão” vừa qua đã đánh gục không chỉ những doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà cả rất nhiều các doanh nghiệp lớn và lịch sử lâu đời, đa ngành, đa nghề khác. “Câu chuyện ô mai” của Nguyễn Hồng Lam, thực đã khiến không ít người tin rằng, dẫu là “quà vặt”, nếu chịu khó tìm kiếm thì vẫn luôn có “ngách thị trường” riêng, vẫn hoàn toàn có thể làm nên “chuyện lớn”, làm nên “chuyện tinh hoa”. Lẽ giản đơn Sở hữu doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường ô mai với đội ngũ lao động sản xuất và mạng lưới bán hàng bao phủ nhiều tỉnh thành trên cả nước nhưng ông chủ Ô mai Hồng Lam cũng không ngại tiết lộ bí quyết quản trị sản xuất và quản trị kinh doanh của anh là xây dựng “sức mạnh mềm”, tức quản trị trên nền công nghệ thông tin. Anh chẳng giấu nhẹm những bí quyết mà sẵn sàng chia sẻ cho tất cả nhân viên với khẩu hiệu “Chia hiểu biết – nhân sức mạnh”. Mười bảy năm hoạt động, anh tuyển nhiều kỹ sư, cử nhân, ai anh cũng dạy hết, có nhiều người ra đi để làm việc cho gia đình của họ, có người làm việc gần giống, nhưng anh không coi đó là vấn đề lớn, bởi điều quan trọng, công thức, phương pháp có thể học được, nhưng những giá trị về tinh thần, văn hóa, và hệ thống đồng bộ tâm huyết của công ty, thì không dễ ngày một ngày hai có thể học được. Với các độc giả của Tuyển tập, anh cũng chia sẻ chân thành, anh đồng ý tham gia, cũng vì những lẽ giản đơn: Trước kia, anh bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, chủ yếu bằng mày mò, vấp ngã rồi đứng dậy và phải chấp nhận thử và sai khá lâu, thì bây giờ, hy vọng với những chia sẻ từ thực tế của anh, nhiều người sẽ có được những bài học cho riêng họ, và phát triển thêm nhiều những “tinh hoa” khác cho Việt Nam, cho chính bản thân mình. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của anh tại công ty, bởi “chia hiểu biết”, đâu phải sẽ làm “chia sức mạnh”, mà thực tế, sẽ làm “nhân sức mạnh”lên nhiều lần… Tiểu sử Nguyễn Hồng Lam Sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam Sinh năm: 1957. Nơi sinh: Hà Nội. 1974: Thi đỗ Học viện KTQS, nhập ngũ. 1975: Du học đại học Điện ảnh, Leningrad, Liên Xô. 1981: Về nước, công tác tại Xưởng phim Quân đội, Tổng cục chính trị. 1990: Ra quân, bắt đầu kinh doanh tự do. 1996: Mở xưởng sản xuất ô mai đầu tiên ở Làng Cót, Hà Nội. 2000: Khai trương cửa hàng ô mai đầu tiên tại 11 Hàng Đường. 2003: Đầu tư nhà máy tại KCN Quang Minh, Hà Nội. 2011: Ô mai Hồng Lam đoạt giải Top Vietnam Service Product 2011. Phụ lục: Fun facts Xét theo tên gốc Hán Việt, “ô” là màu đen, “mai” là quả mơ. “Ô mai” là loại quả màu đen, chế biến từ quả mơ. Ô mai, còn được gọi là xí muội, nguyên là một vị thuốc trong nền y học cổ truyền của một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc, tuy hiện nay ý nghĩa phổ biến hơn là một loại thực phẩm trong hệ thống các thực phẩm dạng mứt, kẹo. Hầu hết các vùng miền trong cả nước đều có thể có ô mai nhưng ô mai vẫn có thể được xem như một sản phẩm đặc trưng của người Hà Nội, với những con phố của ô mai như phố Hàng Đường, Hàng Điếu, Hàng Than… Theo y học cổ truyền, ô mai có tính mát, giảm ho, sinh tân dịch. Ô mai được dùng trong nhân dân làm thuốc giảm ho, chống khô họng, viêm họng, khản tiếng, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngậm. Hải Thượng Lãn Ông đã sử dụng kết hợp ô mai trong nhiều bài thuốc chữa đau họng hoặc ho lâu bị mất tiếng, ho lâu năm, ho nhiệt, khạc ra đờm có máu. Cách đơn giản nhất khi sử dụng ô mai là ngậm ô mai. Với nhiều công dụng về y học, ô mai được vận dụng trong bào chế các thuốc đông dược trị ho như thuốc ho Bảo Thanh. Ngoài chữa ho, ô mai me có tác dụng làm ấm bụng, kích thích tiêu hóa, cầm nôn. Chanh muối ngoài tác dụng giải khát còn là một phương thuốc hữu hiệu trị bệnh đường ruột mãn tính lâu năm và tiêu thực. Ta còn phải phấn đấu để cho ngọn cờ của công ty người Việt Nam phấp phới trên năm châu bốn biển, để cả thế giới biết đến tài trí của con người Việt Nam. — Bạch Thái Bưởi Mai Kiều Liên Vị nữ tướng và cuộc “Cách mạng trắng” Vinamilk chính thức thành lập năm 1976, một năm sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Nhưng không vì thế, “trận chiến”trên mặt trận mới trở nên dễ dàng. Gần 40 năm đồng hành cùng nền kinh tế Việt Nam, với nhiều cái tên đến rồi đi, nhiều cái tên thậm chí hoàn toàn biến mất, Vinamilk vẫn đứng vững, thậm chí càng khó khăn, càng khẳng định mình qua sự ghi nhận của quốc tế. Có nhiều yếu tố để tạo nên thành tích tuyệt vời này, trong đó không thể không nhắc tới đóng góp của vị nữ “thuyền trưởng” bản lĩnh Mai Kiều Liên. Có ai đó đã nói, cá tính của một người thể hiện rõ nét qua những sản phẩm họ làm. Điều này đúng với Mai Kiều Liên, nhìn vào Vinamilk, có thể thấy đâu đó hình ảnh của chị. Nhưng sẽ là thiếu, nếu không có thêm lát cắt Mai Kiều Liên và một thế giới ngoài Vinamilk, như bất cứ người phụ nữ Việt nào yên bình với mái ấm của họ, trọn vẹn. Để hiểu rằng, sẽ chẳng có gì là mâu thuẫn nếu ta bắt đầu mọi thứ, bằng nhiệt tâm… Vinamilk 2012, GDP Việt Nam đạt mức 138 tỷ đô-la. Cùng năm, Vinamilk cán mốc 1,3 tỷ đô-la, tương đương gần 1% GDP cả nước giữa bối cảnh kinh tế suy thoái và số lượng các doanh nghiệp phá sản vẫn tiếp tục kéo dài. Trên sàn chứng khoán, mã cổ phiếu VNM (Vinamilk) vẫn là một trong những “blue chip” sáng giá với các chỉ số tốt, tỷ lệ cổ tức cao và triển vọng ổn định. Nhưng cũng như “thuyền trưởng” của công ty đã nói: “Tôi cho rằng, sẽ chẳng doanh nghiệp nào có thể thành công được ngay, mà cần phải có quá trình phấn đấu, vươn lên”, câu chuyện về Vinamilk, hay cũng chính là câu chuyện của Mai Kiều Liên, tưởng như không đơn thuần chỉ bắt đầu với những con số... Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức: Ba của chị, bác sĩ Mai Văn Thông là học sinh Nam bộ du học tại Pháp, kết hôn với bà Nguyễn Kim Tòng, cũng là bác sĩ sang du học tại đây. Năm 1957, theo tiếng gọi Tổ quốc, nhiều trí thức ở Pháp tình nguyện về nước tham gia xây dựng đất nước, trong đó có ba mẹ Mai Kiều Liên. Tới năm 1970, sau khi tốt nghiệp chị được nhà nước phân công đi Liên Xô theo học ngành công nghệ chế biến thịt và sữa tại Moscow. Khi ấy, cô học sinh 17 tuổi chưa hề có khái niệm gì về ngành sẽ theo học – chế biến sữa và thực phẩm, nhất là khi thời điểm đó (1970), ngành sữa của Việt Nam chưa phát triển. Không được lựa chọn ngành học mà tất cả là theo sự phân công của nhà nước, triển vọng chưa nhìn thấy rõ ràng, lẽ thông thường, Mai Kiều Liên cũng rất trăn trở về tương lai sau khi tốt nghiệp về nước. Chủ tịch HĐQT Vinamilk hồi tưởng rất thành thực: “Đã có lúc tôi muốn chọn lại ngành, có thể là sư phạm hoặc bác sĩ như mong ước từ nhỏ.” Song ba chị, một người bác sĩ yêu con, cũng như yêu tất cả trẻ em lại cho rằng đây sẽ là ngành cải thiện được tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam khi đất nước hòa bình. Lời khuyên này giúp chị kiên định mục tiêu theo đuổi khóa học, song trong tâm trí vẫn chưa nghĩ rằng mình sẽ gây dựng nên một doanh nghiệp sữa lớn mạnh như hiện nay. Sau 5 năm miệt mài nghiên cứu chuyên môn tại một trong những quốc gia tiên tiến nhất thời bấy giờ là Liên Xô, tới 1975, Mai Kiều Liên về nước và đầu quân cho Xí nghiệp Liên hiệp sữa cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk bây giờ). Tại đây, trên cương vị kỹ sư sản xuất, chị trực tiếp tham gia vào các quy trình chế biến, đề xuất những sáng kiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Nhiệt tình của cô kỹ sư trẻ bước đầu được ghi nhận và gặt hái những kết quả đầu tiên. Tới 1977, Mai Kiều Liên được bầu làm Bí thư Đoàn thanh niên. Là “cây sáng kiến”, chị vừa giúp dây chuyền chế biến của mình tăng năng suất, chất lượng, vừa tạo nên phong trào thi đua cải tiến sản xuất sôi nổi. Với nhiệt huyết và tài năng đó, năm 1980 – 1982, Mai Kiều Liên được điều về phòng kỹ thuật. Đây là giai đoạn công ty gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng thiếu vốn, thiếu nguyên liệu. Năm 1983, chị được đề bạt chức Phó tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch công đoàn. Vừa làm vừa học, sau khi kinh qua khoa quản lý kinh tế của trường Đại học Kinh tế Leningrad (Nga), năm 1984, Mai Kiều Liên được bổ nhiệm Phó tổng phụ trách kinh tế. Năm 1992, chị được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và giữ vị trí đó cho tới tận bây giờ. Một loạt thành tích và dấu ấn của Vinamilk trên thương trường cả nội địa và quốc tế cũng bắt đầu từ đó! Mọi người trong Vinamilk đều khẳng định: “Những thành tựu gặt hái được trong sản xuất kinh doanh của Công ty sữa Việt Nam cho đến hôm nay đều gắn liền vớisự cống hiến và trưởng thành của Mai Kiều Liên.” 37 năm gắn bó với một công ty, đến nay đã bước vào độ tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” nhưng vẫn hăng say với hành trình sữa, dễ thấy ở Mai Kiều Liên không chỉ có tình yêu và sự đam mê, mà đằng sau đó còn là cả quá trình cống hiến bền bỉ. Nói về Vinamilk mà không nói về Mai Kiều Liên, hoặc ngược lại, đều là một sự khiếm khuyết lớn. Và mặc dù Mai Kiều Liên rất kiệm lời về bản thân, nhưng những thành tích cộng con số “biết nói” khác đã “nói” lên rất nhiều về cả Vinamilk và người đứng đầu của nó. Tổng doanh thu Vinamilk giai đoạn 2008 – 2012 (Nguồn: Báo cáo thường niên Vinamilk 2012) Năm 2012 tiếp tục là một năm biến động và nhiều thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất khi kinh tế chưa khởi sắc và sức mua chưa có sự phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, với nền tảng vững chắc của một doanh nghiệp đầu ngành và nỗ lực của tập thể gần 5.000 cán bộ, Vinamilk vẫn xuất sắc hoàn thành các chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận, vị thế và danh tiếng công ty cũng ngày càng được củng cố trên thương trường. Kết thúc năm 2012, Vinamilk đạt tổng doanh thu là 27.012 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ đô-la và tăng 23% so với năm 2011); tổng lợi nhuận trước thuế là 6.930 tỷ đồng tăng 39% so với 2011. Giá trị vốn hóa của công ty đạt 73.350 tỷ đồng (tương đương 3,52 tỷ đô-la và tăng 52,6% so với 2011). Trả lời phỏng vấn của BBC, Mai Kiều Liên đã bày tỏ tham vọng muốn “Vinamilk sẽ trở thành tập đoàn đa quốc gia và sẽ đạt doanh số 3 tỷ đô-la vào năm 2017. Sẽ có những trang trại lớn để 2017 sẽ tự túc 40% nguyên liệu từ bò trong nước, giảm bớt nhập khẩu nguyên liệu nước ngoài.” Xuất khẩu năm 2012 cũng chứng kiến những thành tựu đáng ghi nhận: Tỷ trọng xuất khẩu trong doanh thu đã chiếm đến 14% trong 2012. Không chỉ phát triển trong nước, để vươn tầm và khẳng định vị thế của người Việt với thế giới, sản phẩm sữa của Vinamilk đã vươn ra 16 nước trên thế giới trong đó có cả châu Phi và vùng Trung Đông. Năm 2012 cũng là năm Vinamilk bắt đầu thực hiện chiến lược tham gia phân khúc cao cấp bằng nhiều sản phẩm mới tiên phong đi đầu. Bên cạnh hơn 200 sản phẩm truyền thống ở các mảng sữa bột, sữa đặc, sữa nước, sữa chua, kem, phô mai, nước giải khát…, Vinamilk tiếp tục chú trọng phát triển các dòng sản phẩm mới nhằm cải thiện và tăng cường sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, có lợi cho sự phát triển thể chất và trí tuệ cộng đồng, như: Dòng sữa tươi tiệt trùng tách béo Vinamilk 100%, sữa chua Probeauty bổ sung collagen, sữa chua Susu bổ sung chất xơ hòa tan, sữa đậu nành Gold Soy… Hướng tới mục tiêu chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu, hiện tại, Vinamilk cũng đã sở hữu 05 trang trại bò sữa với tổng đàn là 8.200 con, quy mô mỗi trang trại từ 2.000 đến 3.000 con. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2012 – 2016, tổng đàn bò của các trang trại Vinamilk sẽ đạt 25.500 con vào năm 2015 và sẽ tăng lên 28.000 vào năm 2016. Thị phần các doanh nghiệp sữa năm 2012 (Nguồn: Euromonitor) Mặc dù thị trường Việt Nam hiện tại không thiếu những thương hiệu sữa tầm cỡ quốc tế nhưng thị phần của Vinamilk vẫn giữ được tỷ lệ rất cao và ổn định: Hiện sữa đặc của Vinamilk chiếm 75% thị phần cả nước, sữa chua là 90%, sữa tươi là 50% và sữa bột là 25,8% thị phần, đứng đầu thị trường. Theo Euromonitor International Unit, tính trung bình các mặt hàng, Vinamilk chiếm khoảng 45,5% thị phần toàn ngành sữa. Bấy nhiêu con số cũng thể hiện vai trò và mức độ phổ biến của Vinamilk tại thị trường nội địa. Tới thời điểm hiện tại, Vinamilk vẫn là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên được cổ phần hóa cũng như luôn nằm trong top những công ty có doanh thu, vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Từ khi thành lập vào 1976 cho đến nay, Vinamilk đã thực hiện nộp nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước hơn 13.770 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2009, số tiền thuế hàng năm Vinamilk nộp đã vượt mức 1.000 tỷ đồng/năm, riêng năm 2012 số tiền thuế mà Vinamilk đã nộp ngân sách là hơn 2.900 tỷ đồng. Cơ cấu vốn điều lệ Vinamilk (Nguồn: Báo cáo thường niên Vinamilk 2012) Không chỉ nhận được các danh hiệu cao quý của Nhà nước, Ủy ban chứng khoán, các tạp chí chuyên môn trong nước mà các tổ chức danh tiếng quốc tế như Nielsen Singapore, xếp Vinamilk đứng 3/10 trong số các thương hiệu được nhận biết nhiều nhất ở Việt Nam, điều đặc biệt là 8/10 thương hiệu còn lại là các công ty đa quốc gia, Việt Nam chỉ có hai đại diện là Vinamilk và Viettel; hay như Forbes, tờ báo chuyên xếp hạng các công ty và doanh nhân trên toàn cầu cũng dành rất nhiều ghi nhận đối với Vinamilk, tiêu biểu là danh hiệu top 200 công ty tốt nhất khu vực có doanh thu dưới 1 tỷ đô-la năm 2010. Vinamilk là công ty đầu tiên của Việt Nam đạt được danh hiệu này. *** Những con số “biết nói” đã thực hiện nhiệm vụ của nó, gây ấn tượng mạnh mẽ về một công ty với nền tảng vững chắc, hoạt động liên tục, phát biển bền vững và một điều đặc biệt nữa là giữa bối cảnh tín dụng tăng trưởng ồ ạt với những công bố về nợ vay khổng lồ của nhiều doanh nghiệp, thì một công ty lớn như Vinamilk lại hoạt động chủ yếu trên vốn tự có. Nói về những thành tựu của Vinamilk sau gần bốn thập kỷ chắc sẽ còn tốn nhiều bút mực nữa. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là, với người thuyền trưởng đứng đầu “con tàu” Vinamilk Mai Kiều Liên, điều gì đã làm nên quyền lực của chị? “Cú hích” Forbes Cựu chủ tịch Daewoo, Kim Woo Choong trong cuốn sách nổi tiếng của mình “Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm” có dành riêng những lời nhắn nhủ hết sức tâm huyết cho phụ nữ, rằng: “Trong những năm gần đây, phụ nữ đã cất cao tiếng về việc phân biệt giới tính trong xã hội trọng nam này. Nhưng tôi cảm thấy rằng chính phụ nữ thường muốn thể hiện sự phân biệt đó. Những câu thoái thác kiểu ‘Nhưng tôi là phụ nữ’ và ‘Làm sao phụ nữ làm được’ khiến người ta tin rằng thực sự chính các bạn không muốn có sự bình quyền.” Mai Kiều Liên là ví dụ sống động cho điều ngược lại. Chị chứng minh rõ ràng rằng, chị là phụ nữ, nhưng chị làm được, đúng như CEO Trung Nguyên – Đặng Lê Nguyên Vũ nhận xét, chị là “một tấm gương không chỉ với phụ nữ, mà đấng mày râu phải nể”. Năm 2012, Mai Kiều Liên lọt vào top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á theo bình chọn của Forbes Asia. Forbes là một tạp chí đã quá nổi tiếng trên toàn cầu với những lựa chọn kỹ lưỡng và phức tạp, nhưng tất nhiên, vô cùng danh giá về doanh nhân và doanh nghiệp. Điều đặc biệt hơn nữa là vị Chủ tịch Vinamilk là doanh nhân đầu tiên của Việt Nam đạt được danh hiệu này. Sau công bố của Forbes Asia, nhiều cơ quan truyền thông khác như Tạp chí Quản trị Châu Á cũng liên tiếp bình chọn chị là một trong 51 nhà quản trị doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á năm 2012. Chứng nhận Top 200 của Forbes (Nguồn: Internet) Từ trước, với văn hóa doanh nhân tương đối “khép kín”trong chia sẻ như ở Việt Nam, ngay cả với một doanh nghiệp lớn như Vinamilk, người ta cũng chủ yếu quan tâm tới hoạt động của công ty hơn là người thủ lĩnh của nó. Tuy nhiên, sau “cú hích”từ quốc tế mang tên Forbes, nhiều người nhìn lại, mới thấy một cách rõ ràng – không tự nhiên Mai Kiều Liên được nhận danh hiệu kia, và cũng rõ ràng hơn, ở Mai Kiều Liên có quá nhiều “tố chất” của quyền lực. Mai Kiều Liên (Nguồn: BBC Việt Nam) Điểm đầu tiên có thể nhận thấy trong “hồ sơ quyền lực” Mai Kiều Liên là cá tính quyết đoán và suy nghĩ cấp tiến của một trí thức được đào tạo từ môi trường bài bản. Những năm đầu Vinamilk mới thành lập, chưa được chủ động về sản xuất, nguồn ngoại tệ khan hiếm khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Ở cương vị Phó tổng giám đốc, chị đã cùng tập thể lãnh đạo công ty liên kết với các công ty xuất nhập khẩu, tiêu biểu là Seaprodex, xuất khẩu trong nước lấy ngoại tệ, thương thảo mua trực tiếp nguyên vật liệu từ các nhà sản xuất ở Ba Lan với giá rẻ hơn vài trăm đô-la/tấn. Nhờ đó sản lượng tăng đáng kể, vừa hoàn thành kế hoạch được giao, vừa sản xuất vượt chỉ tiêu, tăng tích lũy, mở rộng sản xuất cho những năm sau. Từ vài trăm triệu đồng, công ty đã nâng vốn tự có lên 20 tỷ năm 1987. Đời sống cán bộ công nhân được cải thiện, các nhà máy bắt đầu hồi sinh. Đây là cuộc cọ xát đầu tiên của Mai Kiều Liên nhưng cũng chứng tỏ sự quyết liệt và bản lĩnh của vị “nữ tướng” ngành sữa. Tới năm 1988, trước nhu cầu ngày càng tăng về sữa bột trẻ em và nạn suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam, Mai Kiều Liên đã cùng tập thể lãnh đạo Vinamilk lập kế hoạch phục hồi và quyết tâm đưa nhà máy sữa bột Dielac vào hoạt động. Nhà máy sữa Dielac chuyên sản xuất sữa bột trẻ em, được Vinamilk tiếp quản từ 1975 nhưng chưa được sử dụng. Sau khi khảo sát tình hình nhà máy, với tri thức được đào tạo chuyên về công nghệ sữa bột trẻ em, Mai Kiều Liên đã đề xuất phương án để đội ngũ cán bộ Việt Nam tự phục hồi, dù chị biết sẽ gặp không ít khó khăn do đất nước vẫn đang bị cấm vận về thiết bị kỹ thuật, chủ cũ của nhà máy Dielac đã mang theo tất cả hồ sơ, bản vẽ kỹ thuật và công nghệ về nước. Nhưng chị vẫn quyết tâm vì tin tưởng sâu sắc vào trình độ của đội ngũ kỹ sư Việt Nam có thể thực hiện được công việc này. Cuối cùng, với kinh phí bỏ ra chỉ 200.000 đô-la và chất xám của các nhà khoa học trong nước, nhà máy sữa Dielac đã được phục hồi và đi vào hoạt động trơn tru, so với việc bỏ ra từ 27 tới 3 triệu đô la để thuê chuyên gia nước ngoài. Từ đó đến nay, nhà máy sản xuất liên tục không xảy ra sự cố nào và mỗi ngày được hoàn thiện thêm. Trong giai đoạn đất nước chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, trước những thách thức, Vinamilk với sự dẫn dắt, điều hành của Mai Kiều Liên vẫn xác định được vị trí của mình trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để tồn tại và phát triển. Chị bồi hồi nhớ lại: “Nhờ có những năm tháng gian khổ ấy mà mình được tôi luyện, trưởng thành hơn, có nhiều hoài bão và niềm đam mê công việc hơn.” Những năm phong trào liên doanh với nước ngoài nở rộ, nhiều công ty sữa lớn của nước ngoài cũng đến mời chào Vinamilk liên doanh, nhưng Mai Kiều Liên với cá tính quyết liệt và lòng tự tôn dân tộc đã cùng lãnh đạo công ty thảo luận và quyết định chưa vội liên doanh. Với Mai Kiều Liên: “Cái gì chúng ta làm được thì chúng ta tự làm, thị trường Việt Nam trước hết là của chúng ta, hội nhập nhưng quyết không để lép vế, phụ thuộc.” Thực tế chứng minh những quyết định trên của Vinamilk là đúng đắn. Vinamilk đã tự mình phát triển và lớn mạnh, là doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất lợi nhuận cao nhất Bộ Công nghiệp. Và cho đến ngày hôm nay, Vinamilk vẫn chủ trương phát huy nội lực, phát triển ngành sữa Việt Nam trên quy mô toàn quốc, đồng thời sẵn sàng hợp tác liên doanh sòng phẳng với các bên (nước ngoài) nếu liên doanh đó có lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của nước nhà. Bên cạnh suy nghĩ cấp tiến và tính cách quyết liệt, để trụ vững trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng như hiện tại, vị CEO Vinamilk còn cho hay: “Một yếu tố mang tính sống còn là sự sáng tạo, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không theo xu hướng đám đông, thậm chí nhiều khi đi ngược với xu thế.” Với chị, muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo. Tới nay, 90% ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ chính “thuyền trưởng” Mai Kiều Liên. Chị cũng là tác giả “khai sinh” ra việc sản xuất theo phương pháp công nghiệp các mặt hàng: Sữa chua, sữa bột cho trẻ em, sữa tươi tiệt trùng, sữa đậu nành, nước ép trái cây, phomai… của Vinamilk và là người đi tiên phong xây dựng cuộc “cách mạng trắng”tại Việt Nam. Ghi nhận nỗ lực vượt bậc bền bỉ của Mai Kiều Liên, Tổ chức Sở hữu trí tuệ WIPO đã trao tặng chị bằng khen “Giải nhất lao động sáng tạo năm 2004”. Một “tố chất” cũng không thể không nhắc tới ở người phụ nữ quyền lực này là sự chủ động và hết mình trong công việc. Ngay từ những ngày đầu tiên tại Vinamilk trên cương vị lãnh đạo, Mai Kiều Liên đã có những chính sách quyết liệt trong việc chủ động tạo được nguồn nguyên liệu để tránh phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, phát triển hệ thống trang trại và đàn bò của riêng công ty, đầu tư nghiên cứu nhiều sản phẩm chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao và không quên liên tục mở rộng thị phần. Tổng giám đốc Vinamilk quả quyết: “Trong hội nhập kinh tế quốc tế, chúng tôi luôn cố gắng đi hai chân vững chắc, chiếm lĩnh cả thị trường trong nước và quốc tế.” Những người quan tâm đến hoạt động phát triển của ngành sữa Việt Nam còn nhớ sự kiện gây tiếng vang lớn của Vinamilk: Đầu tháng 10 năm 2005, lần đầu tiên một thương hiệu sữa Việt Nam là Vinamilk đã chiến thắng áp đảo trên thị trường Iraq, vượt qua 15 hãng sữa danh tiếng khác để trúng thầu hợp đồng xuất khẩu 15.000 tấn sữa bột trị giá hơn 51 triệu đô-la bằng các lợi thế về chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín với đối tác. Hợp đồng này đã giúp kim ngạch xuất khẩu năm 2005 của Vinamilk đạt hơn 137 triệu đô-la, tăng gấp 3 lần so với 2004. Tại thời điểm hiện tại, người lãnh đạo Vinamilk vẫn không ngừng tìm kiếm, tham khảo các thị trường mới để phát triển quy mô của Vinamilk hơn nữa bởi theo chị: “Nếu không lặn lội tìm kiếm, phát triển thị trường, thăm dò, tìm hiểu công nghệ, nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, ngành hàng mới… thìsẽ giậm chân tại chỗ. Theo quy luật thị trường, thì đó cũng chính là tự đào thải mình.” Ngành sữa vốn là một ngành nhạy cảm vì liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Chính vì thế, nhận thức được tác động của những cuộc khủng hoảng như sự kiện sữa Trung Quốc nhiễm Melamine, sữa New Zealand bị nhiễm khuẩn, Mai Kiều Liên đều chủ động đứng ra truyền thông và cam kết các sản phẩm của Vinamilk hoàn toàn không chứa độc tố hoặc khuẩn bằng các bằng chứng rõ ràng, minh bạch. Thông điệp nhanh chóng, kịp thời của vị lãnh đạo cấp cao nhất Vinamilk khi được truyền đi đã tạo một niềm tin mạnh mẽ và củng cố uy tín của Vinamilk trong lòng người tiêu dùng, tránh những hệ lụy không đáng có trong hoạt động kinh doanh. Trong hoạt động kinh doanh ổn định, sự chủ động đã là cần thiết, trong những tình huống bất thường, sự chủ động thông thường còn cần phải được kết hợp với những cân nhắc và xử lý hết sức tinh tế. Để làm được điều này, đòi hỏi một bản lĩnh không hề nhỏ. Trong công việc, Mai Kiều Liên cho rằng, làm việc phải luôn hết mình cả về cường độ, tinh thần lẫn ý chí. Chị bảo, chị rất ghét “sự nửa chừng”, lúc nào cũng thấy mình hết sức say sưa với kinh doanh. Và với chị, càng khó chị càng quyết tâm, sáng tạo nhiều hơn, không bao giờ nản chí và lo sợ. Với một tập thể gần 5.000 nhân viên – để có thể quản lý được hiệu quả và nhanh chóng, phong cách của chị là làm việc xuyên suốt, bàn bạc kỹ lưỡng, và khi đã thống nhất rồi thì “cứ thế mà làm không quay đầu”. Chị cũng không quên bổ sung thêm: “Khi xây dựng kế hoạch hàng năm, bao giờ tôi cũng nhìn lại những năm trước, rồi phân tích kỹ lưỡng vớisức mua của người tiêu dùng hiện nay thì phải biết mình hiện đang đứng ở đâu trong thị trường? Đối thủ của mình ra sao?…” Vinamilk đạt được nhiều thành tích, nhưng không vì thế mà Mai Kiều Liên không thẳng thắn thừa nhận những sai lầm của mình: “Cách đây khá lâu, nhiều ý kiến cho rằng, Vinamilk nên mở rộng đầu tư vào ngành hàng thực phẩm. Các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới cũng không chỉ sản xuất sữa, mà còn có đồ uống, bánh kẹo… Chính vì vậy, tôi nghĩ Vinamilk cũng có thể trở thành tập đoàn thực phẩm, chúng tôi đầu tư chế biến cà phê trong vòng hai năm, nhưng sau đó thấy không có triển vọng, chúng tôi bán mảng kinh doanh đó, không bị lỗ, nhưng việc này thể hiện là mình suy nghĩ chưa tới.” Rút kinh nghiệm từ những thất bại này, Mai Kiều Liên chỉ hướng tới duy nhất một lĩnh vực (sữa) và tập trung mọi nhân lực, vật lực. Thế nhưng, kể cả sản phẩm chủ lực là sữa, bản thân Vinamilk cũng không phải lúc nào cũng hoàn toàn thắng lợi. Vị lãnh đạo này cho biết tới nay đã có khoảng 10 sản phẩm không được thị trường đón nhận dù có sự chuẩn bị kỹ càng. Đơn cử như sữa chua gừng, nhắm tới thị trường miền Bắc, nơi có thời tiết lạnh, hanh khô, với ưu điểm giúp làn da khỏe, không bị khô nứt song mặt hàng này không bán chạy, khó thuyết phục người tiêu dùng. Mặc dù trước khi sản xuất, Vinamilk đã nghiên cứu, điều tra thị hiếu người tiêu dùng khá kỹ. Hỏi chị về tương lai của Vinamilk một ngày không còn Mai Kiều Liên, chị quả quyết:“Tôi quan niệm là, công ty không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Ai ra đi thì Vinamilk cũng vẫn phát triển bình thường.” Nhưng cũng như nhiều người, tôi tin, dấu ấn Mai Kiều Liên để lại tại Vinamilk đủ lớn để dù có nhiều thứ thay đổi đến đâu, người ta sẽ vẫn còn nhắc tới tên chị, với tất cả ngưỡng mộ và trân trọng! *** Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, vị Thủ tướng Anh duy nhất được nhận giải Nobel Văn học cho tới nay đã từng nói ngắn gọn: “Cái giá của sự vĩ đại là trách nhiệm.” Nhìn vào những hành động của người đứng đầu Công ty cổ phần sữa Việt Nam, càng thấm thía hơn rằng, tầm vóc của một con người đâu chỉ nằm ở chỗ, họ tạo ra những thành tích chói sáng, mà dường như nó còn nằm ở chỗ, họ bứt được ra khỏi những hào quang để dũng cảm thừa nhận việc mình làm, và từ đó đi tiếp sáng suốt, thẳng đường hơn. Với Mai Kiều Liên cũng thế, chị đạt được những thành tựu tiên phong và to lớn, nhưng cũng không ngần ngại thừa nhận những sai lầm của mình, chị là một trong 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á, là Anh hùng lao động, lãnh đạo một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, nhưng với chị, dù là “anh hùng” hay không, dù mọi người có biết tới chị hay không thì chị vẫn phải có trách nhiệm điều hành công ty cho tốt. Bởi đơn giản, điều quan trọng nhất với chị là: “Có lẽ thế hệ sau sẽ không biết nhiều về Mai Kiều Liên nhưng họ sẽ biết về Vinamilk. Bởi Vinamilk sẽ luôn phát triển cùng Việt Nam.” ... Và hoa hồng Nhiều người, có lẽ cả ở Việt Nam và trên thế giới, đã biết đến một Chủ tịch HĐQT Vinamilk quyền lực. Nhưng như đã nói từ đầu, bên cạnh hình ảnh người phụ nữ mặc vest xếp hạng 25/50 về quyền lực của Forbes Asia, tôi còn muốn viết về Mai Kiều Liên và những câu chuyện tưởng chừng chẳng bao giờ cũ về cuộc sống của chị. Vốn là “hạt giống đỏ” của miền Nam trên đất Bắc, Mai Kiều Liên từng là học sinh cấp III Trưng Vương, Hà Nội. Tính cách của chị được nhiều người tiếp xúc nhận xét là có sự pha trộn giữa tính kỹ càng của người Bắc và cái quyết đoán, nhanh nhạy của người miền Nam. Bốn mươi ba năm từ ngày quyết định gắn bó với việc học tập và cống hiến trong ngành sữa và gặt hái không ít thành công, thực chất, con đường của Mai Kiều Liên được bắt đầu với ước mơ của cha chị, một bác sĩ, và sau này đã được truyền vào chị, về quyết tâm cải thiện “tầm vóc” người Việt, bắt đầu từ những lứa măng non, đúng như slogan nổi tiếng của Vinamilk vì một thế hệ “mắt sáng, dáng cao”. Đó cũng là lý giải tại sao đa số các sản phẩm của Vinamilk lại tập trung chủ yếu vào trẻ em như thế. Không chỉ thể hiện trong việc đầu tư vào các sản phẩm cho trẻ em và nỗ lực tăng cường sản lượng để cung cấp cho thị trường, Vinamilk còn luôn luôn quan tâm tới các hoạt động cộng đồng thiết thực. Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam ra đời từ năm 2008 hướng tới các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước bằng hành động giản đơn nhưng hết sức ý nghĩa là trao tận tay các em những ly sữa bổ dưỡng để giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Đến nay, Quỹ đã trao cho hơn 273.000 trẻ em trên khắp Việt Nam gần 19 triệu ly sữa, với tổng giá trị khoảng 69 tỷ đồng. Tuy gặp không ít khó khăn, trở ngại, đặc biệt trong việc thực hiện chương trình ở những vùng sâu vùng xa, nhưng với trách nhiệm của một doanh nghiệp vì cộng đồng, mong muốn đồng hành với sự phát triển của trẻ em Việt Nam, Mai Kiều Liên chỉ tâm niệm đơn giản: “Chúng tôisẽ tiếp tục gắn bó với chương trình với mong muốn để ‘Mọi trẻ em Việt Nam đều được uống sữa mỗi ngày’, góp phần tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng của trẻ em Việt Nam, vì một Việt Nam luôn vươn cao.” Đánh giá về tác động của Chương trình này, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã Hội (LĐTB&XH) nhận định: “Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chưa được chăm sóc đầy đủ về mặt dinh dưỡng, rất ít được uống sữa hoặc thậm chí không biết đến sữa là gì dẫn đến việc phát triển về mặt thể chất và trí tuệ của các em còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, chương trình Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.” Cùng đó, Vinamilk còn có các chương trình như Quỹ học bổng Vinamilk Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam, chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”; tài trợ hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương (Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) … Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong top những quốc gia “thấp bé” nhất thế giới, tỷ lệ cận thị của nhiều học sinh vẫn ở con số đáng báo động và Mai Kiều Liên hiểu, chị “còn rất nhiều việc phải làm”. Bên cạnh việc quan tâm tới trẻ em, chủ trương được Vinamilk nhất quán là tạo mọi điều kiện cho người nông dân có được cuộc sống ổn định. Việc định giá sữa luôn cân nhắc sao cho người nông dân có lợi nhất mà không so đo với giá sữa thế giới khi giá sữa trên thị trường thế giới xuống thấp. Mặt khác, Vinamilk chuyển giao con giống, kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân để họ vững vàng trong chăn nuôi. Năm 1990 – 1991, đàn bò sữa chỉ mới có 3.000 con thì nay đã phát triển lên đến trên 107.000 con, cho sản lượng sữa trên 130 triệu lít/năm, chiếm 25% tổng số nguyên liệu sản xuất ở Vinamilk. Mai Kiều Liên cũng cho biết, khi Vinamilk cổ phần hóa năm 2006, người nông dân còn được ưu đãi mua cổ phần với giá chỉ bằng 70% mệnh giá. Những nông dân không có tiền mua cổ phần được Vinamilk bảo lãnh vay vốn để mua. Tính nhân văn của người đứng đầu doanh nghiệp cũng thể hiện ngay trong chiều sâu phát triển. Chương trình “Việt Nam vươn cao” (Nguồn: Vinamilk) Doanh thu 2013 đạt tới hơn 1,3 tỷ đô-la, nhưng lợi nhuận ròng của Vinamilk được nhiều chuyên gia đánh giá là còn khiêm tốn, chỉ đạt 290 triệu đô-la. Chia sẻ về thực tế này, vị nữ giám đốc tâm sự, chiến lược của Vinamilk là đạt sản lượng cao để phục vụ số đông và lấy doanh thu lớn, vì thế công ty định giá sản phẩm hết sức cạnh tranh, điều này không chỉ đơn thuần đem lại hiệu quả kinh doanh cho công ty, mà hơn hết là làm lợi cho người tiêu dùng, vì họ được mua những sản phẩm nội với chất lượng không thua kém sữa ngoại nhưng giá cả phù hợp. Nhờ thế, người nghèo cũng có cơ hội được uống sữa. Kỷ niệm 30 năm thành lập công ty, Vinamilk tiếp tục dành 7 tỷ đồng cho hoạt động từ thiện dành cho các em nghèo, khuyết tật trên toàn quốc và song song là chương trình khuyến mãi trị giá 12 tỷ đồng, như một lời chia sẻ, cảm ơn gửi đến người tiêu dùng cũng như toàn xã hội. Trong thời buổi mà nhiều công ty chỉ nghĩ tới việc chạy theo lợi nhuận, một lần nữa, tầm nhìn của Mai Kiều Liên và lãnh đạo Vinamilk bao hàm đầy đủ chiều sâu nhân văn của công ty sữa lớn nhất Việt Nam này. Mặc dù là người đứng đầu công ty với gần 5.000 nhân viên, mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 10 triệu sản phẩm với doanh thu 60-63 triệu đồng, nhưng sau giờ làm việc, Mai Kiều Liên vẫn dành thời gian đi chợ, nấu cơm và như chị nói vui “ở nhà tôi là ô sin”. Gia đình chị cũng không có người giúp việc, thay vào đó, mọi người chủ động cùng nhau chia sẻ công việc. Bao nhiêu năm nay, chị vẫn đi về ngôi nhà cũ cùng chồng, thi thoảng dành thời gian đi bơi, tập yoga. Chồng chị là anh Nguyễn Hiệp, hiện anh công tác tại Phân viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, trước kia anh cũng từng là bạn học của chị. Chia sẻ bí quyết để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, chị bảo:“Bí quyết của tôi là làm sao huy động cả ‘sân sau’ để giúp mình trong sự nghiệp, hóa giải mọi vấn đề khó khăn. Gia đình hơn ai hết phải hiểu khó khăn của mình, hiểu những cái mình cần phải vượt qua, và chia sẻ với mình những tình cảm ấm áp… Tính tôi rất kiên quyết, nhưng cũng dễ cảm thông, dễ chia sẻ, lắng nghe.” Với người bạn đời, người phụ nữ bận rộn này tâm niệm: “Vợ chồng phải luôn cần có nhau và luôn… biết sợ mất nhau.” Nhiều người không tin vẫn tiếp tục hoài nghi với Mai Kiều Liên, là phụ nữ, gánh trên vai một gánh nặng lớn đến như thế, làm sao có thể duy trì cuộc sống êm ấm, yên bình, bền vững được? Đáp lại, chị chỉ mỉm cười giản dị: “Có tình thương thìsẽ giải quyết được mọi vấn đề. Không lẽ, người thành công lại không thể hạnh phúc?” *** Khi độc giả đọc những dòng này cũng là lúc hai dự án Nhà máy sữa bột Việt Nam và Nhà máy sữa Việt Nam với diện tích lần lượt 6ha và 20ha của Vinamilk bắt đầu đi vào hoạt động ổn định tại hai khu công nghiệp trọng điểm của Bình Dương. Hai nhà máy đều được đầu tư công nghệ hiện đại và trình độ tự động hóa nằm ở mức cao nhất châu Á. Với bản thân Chủ tịch HĐQT nói riêng và tập thể Vinamilk nói chung, họ vẫn còn những cái đích đầy tham vọng phía trước để đi tới. Còn với những người mến mộ “bông hồng vàng” Mai Kiều Liên, rõ ràng thật vui và ấm lòng khi biết, giữa thời buổi “vàng thau” với nhiều giá trị đảo lộn như hiện tại, vẫn có những người phụ nữ, vừa quyền lực, bản lĩnh, vừa nhân ái, khiêm nhường như nữ doanh nhân trong câu chuyện này. Tiểu sử Mai Kiều Liên Sinh năm: 01/09/1953. Nguyên quán: Cần Thơ. Trình độ: - Đại học Chế biến thịt và sữa (1976); - Chứng chỉ Quản lý Kinh tế - Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad - Nga (1983); - Chứng chỉ Quản lý chính trị - Học viện chính trị Quốc gia. Quá trình công tác: - Từ ngày 14/11/2003: Được bầu vào HĐQT và tiếp tục được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Vinamilk qua ba nhiệm kỳ liên tiếp: 2003 - 2007; 2007 - 2011 và 2012 - 2016; - Từ tháng 12/1992: Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam; - Từ tháng 07/1984 đến tháng 11/1992: Phó Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam; - Từ tháng 09/1983 đến tháng 06/1984: Học Quản lý kinh tế tại Liên Xô; - Từ tháng 02/1982 đến tháng 09/1983: Trợ lý Giám đốc, Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Sữa Thống Nhất; - Từ tháng 08/1980 đến tháng 02/1982: Kỹ sư Công nghệ - Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp liên hiệp Sữa Cà phê Bánh kẹo I; - Từ tháng 08/1976 đến tháng 08/1980: Kỹ sư - Phụ trách khối Sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy Sữa Trường Thọ. Danh hiệu: - Top 50 Nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á (03/2013) - Forbes Asia; - Top 51 nhà Lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á 2012 - Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Châu Á; - Một trong những CEO xuất sắc nhất Châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư 2012 - Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Châu Á; - Top 50 Người tiên phong - VnExpress (12/2012); - Top 50 Nữ doanh nhân xuất sắc nhất Châu Á (03/2012) - Forbes Asia; - Huân chương Lao động hạng Nhất (2006). Chức vụ khác: - Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015. - Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2010 - 2015 tại - Công ty Miraka Limited, New Zealand. VINAMILK - Quá trình hoạt động - 1976: Tiền thân là Công ty sữa, cà phê Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp thực phẩm. - 1989: Nhà máy sữa bột Dielac đi vào hoạt động và sản phẩm sữa bột và bột dinh dưỡng trẻ em lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. - 1991: Cuộc “Cách mạng trắng” khởi đầu hình thành chương trình xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi. Lần đầu tiên giới thiệu sản phẩm sữa chua UHT và sữa chua tại thị trường Việt Nam. - 1992: Xí nghiệp liên hợp sữa cà phê và bánh kẹo I được chính thức đổi tên thành Công ty sữa Việt Nam. - 2003: Chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần vào tháng 11 năm 2003 và đổi tên thành Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam. - 2006: Vinamilk chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 19/01/2006. - 2009: Tháng 9, khánh thành trang trại bò sữa Nghệ An. Đây là trang trại bò sữa hiện đại nhất Việt Nam với quy mô trang trại là 3.000 con bò sữa. - 2010: Công ty thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài bằng việc liên doanh xây dựng một nhà máy chế biến sữa tại New Zealand với vốn góp 8,475 triệu đô-la, bằng 19,3% vốn điều lệ. Danh hiệu đạt được: - Thương hiệu Quốc gia 2012 - Bộ Công thương; - Top 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á năm 2010 - Forbes Asia; - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam - Fast 500; - Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam - Nhịp cầu đầu tư và Đại học Harvard; - Doanh nghiệp có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư tốt nhất 2012 tại Việt Nam - Vietstock Communication; - Bằng khen của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với thành tích 5 năm liền đạt giải Báo cáo thường niên tốt nhất 2008 - 2012 - Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Phụ lục Phụ lục 1: Tình hình sản xuất sữa trên thế giới Sản lượng sữa bò thế giới năm 2011: 606 triệu tấn. Mỹ là nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới, chiếm 14,7% sản lượng thế giới. Ấn Độ là nước đứng thứ hai, chiếm 8,7% sản lượng thế giới (Theo Báo cáo của FAO, 15/02/2013). Top 10 nước sản xuất sữa lớn nhất thế giới năm 2011: Nguồn: FAO Phụ lục 2: Tình hình sản xuất sữa tại Việt Nam Trong nước • Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường sữa Việt Nam năm 2012 có giá trị ở mức 40.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ đô-la Mỹ. • Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước có hơn 60 doanh nghiệp sữa với 300 nhãn hiệu nhưng tổng sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 20% - 25% nhu cầu. • Theo Cục Chăn nuôi, hiện Vinamilk dẫn đầu thị phần sản xuất sữa trên thị trường Việt Nam với 40%, kế đến là Dutch Lady chiếm 25%, Mộc Châu 10%, Công ty CP Sữa Quốc tế IDP 5%, Hanoimilk 5% và các công ty khác 15%. Thị trường sữa nước Việt Nam chỉ có khoảng 30% là sữa tươi, còn lại 70% là sữa hoàn nguyên. • Đoቷi với sản phaቻm sữa bột, sản lượng cả năm 2012 đạt hơn 75.000 taቷn, tăng 7,2% so với năm 2011. • Mức tiêu thụ sữa nước ở Việt Nam hiện tại vào khoảng 14l/người/năm (Theo Friesland Campina). Xuất nhập khẩu • Năm 2012, Việt Nam nhập khẩu sữa từ 14 thị trường trên thế giới, đứng đầu về kim ngạch là thị trường New Zealand với 222,4 triệu đô-la, chiếm 33,9% tỷ trọng, tăng 7,03% so với năm 2011. • Vinamilk là doanh nghiệp sữa duy nhất của Việt Nam xuất khẩu được sữa tươi ra thị trường thế giới. •Hiện nay các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt trên thị trường 26 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk năm 2012 đạt trên 180 triệu đô-la. Phụ lục 3: Sự ra đời của sữa • Sữa là một chất lỏng màu trắng đục được tạo ra bởi con cái của động vật có vú. Khả năng tạo ra sữa là một trong những đặc điểm phân định động vật có vú. • Thành phần chính xác của sữa tươi khác nhau giữa các loài nhưng thành phần chính của sữa gồm: chất béo, protein, đường lactose, vitamin, khoáng chất và nước. • Việt Nam vốn không có ngành chăn nuôi trâu bò sữa truyền thống nên không có các giống trâu bò sữa chuyên dụng đặc thù nào. Chăn nuôi bò sữa xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XX. Phụ lục 4: Tác dụng của sữa • Sữa có công dụng nhuận tràng, bôi trơn, rất tốt cho người bị táo bón; sữa kích thích túi mật bài tiết, phòng sỏi mật. • Sữa có tác dụng giảm cholesterol máu; chất sắt, đồng và vitamin A trong sữa giúp chống lão hóa. • Chất kali ở trong sữa có thể duy trì ổn định huyết áp, giảm bớt nguy cơ tai biến, bất tỉnh; chất can-xi trong sữa giúp giảm nguy cơ loãng xương. • Chất kẽm trong sữa giúp vết thương nhanh lành. • Vitamin A trong sữa giúp nâng cao thị lực; chất Tryptophan trong sữa giúp ngủ ngon. Phụ lục 5: Fun facts • Chỉ khi sinh ra bê con, bò cái mới có sữa. • Mỗi con bò trung bình sản xuất 90 ly sữa mỗi ngày tương đương khoảng 200.000 ly sữa trong suốt cuộc đời của nó. • Một bầu vú con bò có thể chứa từ 11,3 kg đến 22,7 kg sữa. • Sữa bò Tây Tạng có màu hồng. • Sữa lạc đà không bị đông. • Sữa bò có 2 phần: Kem và sữa không béo. Sau một thời gian, sữa và kem sẽ tách nhau ra vì kem nhẹ hơn nên sẽ nổi lên trên. Với tôi, gốm sứ là niềm đam mê trọn đời. — Lý Ngọc Minh Lý Ngọc Minh “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” Lần đầu tiên ngỏ lời mời ông chủ gốm sứ Minh Long tham gia cuốn sách Những người làm chủ số 1 Việt Nam qua cô trợ lý truyền thông, chúng tôi nhận được cái lắc đầu: “Sếp Minh bận lắm, và sếp cũng vừa tham gia bộ sách ảnh Tâm và Tài mới đầu năm nay rồi…” Lần thứ hai quyết định xuống thẳng trụ sở Minh Long ở Bình Dương, choáng ngợp trước vẻ bề thế của showroom Minh Sáng, chúng tôi vẫn chưa gặp được nhân vật và ngậm ngùi ra về tay không. Ra về tay không nhưng những tò mò thì cứ trở đi trở lại: “Rốt cuộc, Lý Ngọc Minh là ai? Điều gì làm những sản phẩm Minh Long đẹp và ám ảnh người ta đến vậy?” Câu trả lời từ Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Tuấn Quỳnh thì ngắn gọn: “Lý Ngọc Minh hả? Ông già đó dễ thương lắm!” chẳng đủ khiến chúng tôi vừa lòng. Thế là chúng tôi quyết tâm thuyết phục thêm lần nữa… Ngày hôm nay, tôi ngồi giữa phòng khách tại trụ sở Công ty TNHH Minh Long I, và trước mặt tôi là Tổng giám đốc công ty - anh Lý Ngọc Minh. Anh cười rất tươi và bảo, câu chuyện của anh cũng được nói nhiều rồi, giờ kể lại qua thôi và tập trung vào các bạn trẻ nhé! Tình yêu, cái đẹp và thơ Lịch sử của gốm sứ Minh Long I được bắt đầu từ 1970, mặc dù truyền thống làm gốm trước đó đã duy trì nhiều đời trong dòng họ Lý. Và nếu tính từ cột mốc ấy, thì cũng đã chính thức gần nửa thế kỷ vị doanh nhân Lý Ngọc Minh gắn bó với hai tiếng Minh Long, thế mà lúc nào anh cũng khiến cho người đối diện có cảm giác trong anh như có lửa. Lý Ngọc Minh sinh năm 1953 tại Bình Dương (Sông Bé cũ), chiếc nôi của gốm sứ miền Nam. Mặc dù cha mất sớm, nhưng hình ảnh người cha hàng ngày lọc men từ đêm hôm trước tới hôm sau cho lắng lại rồi tỉ mẩn chắt nước, quan sát độ chảy của men tới từng giọt nhỏ đã ám ảnh anh ngay từ bé. Hoàn cảnh không cho phép, ngay từ năm lớp ba, Lý Ngọc Minh đã phải tạm nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng tất cả những khó khăn ấy dường như chưa bao giờ khiến tình yêu gốm sứ trong anh nguội lạnh. Ngọn lửa ấy thậm chí còn bùng lên khi năm 12 tuổi, Lý Ngọc Minh được cha dượng dẫn đi xem một buổi triển lãm gốm sứ của bạn ông tại Lái Thiêu. Với một cậu bé từ trước tới nay chỉ quen mắt trước những sản phẩm gốm sứ đơn sơ, phần nhiều thô kệch tại địa phương, thì những chiếc chén Tân Hòa Phát tinh xảo, đẹp mắt và sáng láng ấy đã thực sự khiến anh mê mẩn. Mê mẩn và âm thầm nung nấu giấc mơ phải làm một cuộc “cách mạng” cho đồ gốm sứ quê hương mình... Mỗi lần kể về kỷ niệm này, Lý Ngọc Minh vẫn rưng rưng xúc động: “Cuộc đời tôi có những lúc run rủi may mắn, nhờ duyên thôi, không ai giỏi hơn ai. Sự tình cờ tham dự buổi triển lãm năm ấy theo tôisuốt bao năm.” Giấc mơ “cách mạng” được chắp cánh vào năm 1968, khi Lý Ngọc Minh được mẹ giao cho hai lượng vàng để khởi sự. Anh bùi ngùi kể, lúc đó anh mười sáu tuổi, không được đi học, nhà cửa cháy hết, chỉ có xó nhà vừa là chỗ ngủ cho năm mẹ con vừa là nhà kho để chén, vậy mà mẹ anh, một người không có học, dám bỏ ra một số tiền lớn cho anh đi học làm gốm… Cầm chặt hai lượng vàng mẹ giao trong tay, anh đóng cửa nhốt mình trong phòng thí nghiệm. Ban ngày mày mò nghiên cứu, ban đêm, màu men mịn sáng của những chiếc chén Tân Hòa Phát vẫn cứ ám ảnh, thôi thúc Lý Ngọc Minh cả trong giấc ngủ. Cùng với một cuốn sách mỏng viết về gốm sứ mượn của người hàng xóm, anh say sưa đọc và áp dụng. Khát vọng tạo ra những sản phẩm không thua kém và thật sự đẳng cấp cho gốm sứ quê hương cứ đau đáu trong anh khôn nguôi. Mất hai năm tập trung nghiên cứu, thí nghiệm, tới 1970, cùng với một người bạn, anh quyết định mở công ty lấy tên là Minh Long, ghép từ tên hai người, Lý Ngọc Minh và Dương Văn Long. Lúc đó là thời kỳ gốm sứ mỹ nghệ đang rất phát triển ở Bình Dương. Định mệnh với gốm sứ tưởng như gắn chặt với người đàn ông này từ đó! Khi chiêm ngưỡng những sản phẩm sứ Minh Long trong các showroom của công ty, hoặc khi mua một bộ đồ ăn, bộ ấm trà hay bình hoa của thương hiệu này, người ta sẽ cảm nhận trọn vẹn cái đẹp, giá trị thẩm mỹ cũng như trình độ kỹ thuật của các nghệ nhân ở đây. Về chất lượng, sản phẩm Minh Long nổi bật bởi độ trắng trong, sáng bóng, trơn láng, mỏng nhẹ và không có tạp chất. Về kiểu dáng hoa văn, với hơn 15.000 chủng loại, các hoa văn của Rồng Tiên, của chùa Một Cột, cầu Thê Húc, hay của chim Lạc, hoa sen, của núi rừng, đại dương, của làng quê thanh bình… từ sang trọng đài các tới dung dị, giản đơn, tất cả đều được chuyển tải đa dạng trên từng sản phẩm. Với người được đào tạo bài bản, điều đó đã là một thành công, thì với một người chỉ có vốn kiến thức chính quy là lớp ba như Lý Ngọc Minh, quả thực rất đáng ngưỡng mộ. Trong kinh doanh, người ta đã quen gọi anh là Tổng giám đốc Minh Long I – một trong những công ty hàng đầu về gốm sứ tại Việt Nam, chiếm 80% thị phần gốm sứ nội địa, doanh thu mỗi năm xấp xỉ 1.000 tỷ VND. Nhưng với nghệ thuật, cái duy mĩ của người doanh nhân này thực không thua kém bất cứ nghệ nhân nào. Sản phẩm sứ Minh Long dường như còn bao hàm giá trị của những tác phẩm nghệ thuật. Hình ảnh hoa văn ấy, kiểu dáng ấy, ta như đã bắt gặp đâu đó trong những câu ca dao, tục ngữ về một Việt Nam nên thơ, nên họa xa xưa. “Tôi muốn giới thiệu một Việt Nam thu nhỏ với bạn bè năm châu, một Việt Nam với vẻ đẹp hiền hoà, thiên nhiên hùng vĩ, con người nhân hậu và truyền thống văn hoá tốt đẹp...” – điều đó trở thành tôn chỉ của “ông vua gốm sứ Việt”trong hầu hết các sản phẩm về Việt Nam. Tỷ trọng xuất khẩu từng đạt 90% cho tới bây giờ ổn định ở mức 70% trên tổng số hơn 40 triệu sản phẩm hàng năm chứng minh rõ ràng vẻ đẹp và chất lượng của gốm sứ Minh Long I đã chinh phục không chỉ khách hàng nội địa mà cả những khách hàng khó tính của Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… Sản phẩm của Minh Long đẹp là vậy, nhưng chia sẻ về bí quyết tạo nên những sản phẩm vô cùng duy mĩ này, ông chủ gốm sứ Minh Long chỉ cười hiền hòa: Tình yêu với gốm sứ xuất phát từ trong huyết quản và trở thành động lực giúp anh liên tục sáng tạo, cống hiến. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh đã xác định mục tiêu làm việc của mình là vì đam mê chứ không phải vì kiếm tiền. Chính điều đó đã cho anh bản lĩnh và sự táo bạo trong mỗi quyết định đầu tư, phát triển của Minh Long I. Bộ trà Sơn Hà (Nguồn: http://minhlong.com) Lý Ngọc Minh bồi hồi kể, năm 1970 vừa khởi nghiệp, nhưng năm 1972, trong một lần dự hội chợ, khi chứng kiến chiếc bình hoa Đài Loan tuyệt đẹp dù giá tiền rất đắt, anh đã dám bỏ ra 200 đô-la tương đương 55 ngàn VNĐ (hồi đó một lượng vàng cũng chỉ 50 ngàn VNĐ) để sở hữu chiếc bình. Bỏ ra cả hơn lượng vàng chỉ cho một chiếc bình hoa, là một số tiền không nhỏ thời điểm đó. Lẽ thường, người ta chỉ quyết định bỏ một số tiền lớn trước những sự việc trọng đại. Nhưng với Lý Ngọc Minh, ngày mua chiếc bình hoa Đài Loan ấy thực sự là một sự kiện trọng đại trong đời mình. Anh muốn hàng ngày được ngắm nghía tác phẩm, để thôi thúc mình cũng phải sáng tạo ra những chiếc bình hoa, những sản phẩm gốm sứ “đẳng cấp” và “giá trị” như thế. Đến năm 1996, trong khi hầu hết cơ sở sản xuất gốm sứ trong nước còn sử dụng công nghệ lạc hậu thì Minh Long I đã mạnh dạn bỏ hàng triệu đô-la để nhập lò nung của Đức, đồng thời đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại mang tầm cỡ quốc tế. Nhà máy của Minh Long I hiện tại có vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, diện tích hơn 12.000m2 với quy trình sản xuất khép kín. Từ nguyên liệu thô, thiết kế, in ấn đến làm khuôn, tráng men… đều tự cung tự cấp, giúp Minh Long chủ động nguồn cung và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm ở mức tối đa. Và tới hôm nay, khi nhắc về showroom Minh Sáng – một trong những showroom gốm sứ lớn nhất thế giới, Lý Ngọc Minh vẫn không giấu nổi niềm tự hào. Anh bảo, xét về mặt kinh tế, nhiều người tỏ ra băn khoăn trước quyết định đầu tư có phần không tương xứng, thậm chí là tốn kém và chưa chắc mang lại hiệu quả nhanh chóng của anh. Nhưng với ông chủ Minh Long I, điều quan trọng hơn cả, lớn hơn tiền bạc, là ở đó, những sản phẩm gốm sứ tâm huyết của người thợ được tôn vinh, là nơi mà người xem có thể thấy được những chặng đường mà Minh Long đã đi qua, và phần nào đó, họ có thể “đọc” được tư tưởng lãnh đạo của anh… để đồng cảm, và sẻ chia. Không dừng lại ở đó, Lý Ngọc Minh còn dày công sưu tập hẳn một kho tư liệu về văn hóa Việt Nam để nghiên cứu và chuyển tải các thông điệp đó vào gốm sứ. “Thường thì doanh nhân tìm lợi nhuận, nghệ sĩ vị nghệ thuật. Còn tôi phải cáng đáng cả hai, vừa phải giữ cái đầu lạnh và hun đúc một trái tim nhiệt thành với gốm sứ”, anh vui vẻ bộc bạch thêm. Vẫn biết Chân – Thiện – Mĩ luôn là cái đích hướng tới của hầu hết mọi người, nhưng cái đặc biệt của “ông già dễ thương” này là ở chỗ, anh truyền được tình yêu với cái đẹp trong mình ra thành sản phẩm, thổi hồn cho nó, và rồi sau đó tiếp tục làm rung động những người đón nhận sản phẩm của anh. Những người làm nghề nghiêm túc nói để làm được điều đó, quả không hề dễ dàng. Nhắc tới những kỷ niệm xúc động về tình cảm khách hàng dành cho đồ gốm sứ Minh Long, anh cười kể câu chuyện có lần khoảng 2005 – 2006, hồi đó gốm sứ Minh Long có một văn phòng đại diện dưới Cần Thơ. Một hôm, người chủ đại lý ở đó gọi lên cho anh, nói rằng: Có một khách hàng khăng khăng muốn mua bộ trà sứ cao cấp Minh Long (bộ trà Quốc Sắc trị giá 16 triệu đồng), nhưng xin phép được trả trong 3 năm, và hỏi anh giờ có bán không? Anh hỏi ngược lại: “Thế anh có muốn bán không?”thì nhận được câu trả lời: “Điên sao không bán?” Nói để thấy rằng, đồ sứ Minh Long, hàng gia dụng đã tới với nhiều gia đình, nhưng hàng cao cấp, tương xứng với giá thành của nó, cũng là sở thích của rất nhiều tầng lớp khách hàng khác nhau, kể cả khách hàng bình dân. Còn câu chuyện những bà bán hàng rong, những anh xe ôm tằn tiện tiền tiết kiệm, mỗi lần mua một món đồ Minh Long cho tới khi đủ bộ thì anh đã chứng kiến không ít lần… Vượt lên trên đó, đồ sứ Minh Long vinh dự trở thành tặng phẩm cho các sự kiện ngoại giao cấp quốc gia, nhiều bộ trà, bình hoa Minh Long đã được Chính phủ Việt Nam trân trọng tặng cho Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Tổng thống Nga, Quốc vương Ả-rập Xê-út… Phu nhân Tổng thống Singapore Mary Tan trong chuyến thăm showroom Minh Sáng năm 2012 cũng dành nhiều lời khen ngợi và ghi nhận các sản phẩm gốm sứ Minh Long I hoàn toàn có thể tạo được vị thế trên thị trường quốc tế nhờ tính độc đáo và sáng tạo của nó. Cũng giống như Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE Giản Tư Trung từng nhận xét: “Phải đắm chìm vào công việc mình làm dữ lắm mới có thể tạo ra những sản phẩm gốm sứ vừa có giá trịsử dụng, và đầy ý nghĩa như thế!”, không có một tình yêu nghề tới thiết tha, sâu nặng, khó có thể đeo đuổi sự nghiệp gốm sứ từ lúc mới 12 tuổi cho tới tận bây giờ, và vẫn chưa chịu dừng lại như Tổng giám đốc Lý Ngọc Minh. … Trong bộ phim nổi tiếng Câu chuyện Đồ chơi – Toy Story của Pixar và Walt Disney, các nhà sản xuất đã sáng tạo nên câu chuyện về những đồ chơi biết nói chuyện, biết tâm sự với nhau, về cuộc đời, về những suy tư với thế giới xung quanh... Rồi, khi lặng lẽ theo dõi bộ phim “Đất của mẹ”trong Media Hall của Minh Sáng Plaza về những hạt bụi vàng bé nhỏ, tôi đã tự hỏi, có điểm gì chung giữa những người doanh nhân và nghệ sĩ ở đây không? Khi họ đều đưa những câu chuyện về sản phẩm của mình lên phim, thổi hồn vào chúng, sống động, ám ảnh khôn nguôi? Hoặc chưa cần lên phim, hàng ngày, nằm trong tủ kính, trong bữa ăn bình dị của gia đình, hay trong chén trà sen tiếp khách, trong chiếc vòng trên tay người thiếu nữ, trong nỗi nhớ nhà của người xa quê… những đồ vật mang thương hiệu Minh Long ấy, phải chăng tự nó đã toát lên những câu chuyện muốn sẻ chia với người đối diện? Sự học vô cùng Đối với Lý Ngọc Minh, tình yêu nghề là kim chỉ nam “dẫn dắt” anh đi tới cùng với gốm sứ, nhưng để tạo nên những đột phá trong công nghệ và kiểu dáng, không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc học tập và vận dụng tinh hoa nhân loại. Ngay từ lúc nhỏ, Lý Ngọc Minh đã nhận thức rõ ràng: “Để thoát khỏi đói nghèo, phải làm ra sản phẩm có chất lượng ngày càng cao.” Mà muốn làm ra sản phẩm chất lượng cao theo kịp xu hướng thị trường, tất yếu phải lựa chọn công nghệ tốt nhất, máy tốt nhất từ những quốc gia đi đầu như Pháp, Đức, Nhật Bản… Thời điểm 1994 – 1995, Minh Long I đang ở đỉnh cao về đồ xuất khẩu, nhưng anh vẫn lên đường “du học” khắp thế giới để tìm kiếm công nghệ mới nhất. Từ Pháp, Ý, Anh, Lý Ngọc Minh qua Đức và kết luận “công nghệ Đức là số 1”. Cuối cùng, sau quá trình tham khảo, anh chọn công nghệ nung của Đức và công nghệ tạo hình của Nhật Bản. Riêng với cái nôi của gốm sứ Trung Quốc, không nhiều người biết rằng những bí quyết, kinh nghiệm ngàn đời của họ trong thiết kế, cũng được Lý Ngọc Minh học hỏi và áp dụng chọn lọc vào các sản phẩm vẽ tay của Minh Long. Với trình độ công nghệ hiện đại mà Minh Long làm chủ hiện nay, Lý Ngọc Minh khiêm tốn nhận mình “may mắn”. Nhưng anh cũng đồng thời bổ sung thêm: “Để có được những may mắn này, tôi đã phải tính toán nhiều chứ không phải tự nhiên mà có.” Anh kể, lựa chọn được công nghệ nung tốt nhất của Đức rồi, nhưng khi đề xuất mua lò của hãng Reid Hammer thì họ lại yêu cầu anh phải đưa sản phẩm để họ nung thử rồi mới quyết định có bán lò hay không. Với các công ty đã có thương hiệu lớn, không phải cứ có tiền là mua được mà họ còn quan tâm tới việc khả năng mình sử dụng có phù hợp hay không. Các kỹ sư Đức đã rất ngạc nhiên khi đưa sản phẩm Minh Long I vào lò đốt đạt yêu cầu, không hề bị hỏng. Bằng khả năng tìm tòi và học hỏi vô cùng, Lý Ngọc Minh đã chứng minh rằng, kể cả chỉ học tới lớp ba, anh vẫn có thể chinh phục và làm chủ được công nghệ thế giới! Và thực tế, công nghệ nung ở nhiệt độ 1.3800C hiện tại chỉ có vài nước châu Âu và Minh Long I của Việt Nam làm được. (Trong khi tại châu Á, sản phẩm sứ thông thường chỉ được nung ở nhiệt độ 1.250 – 1.3200C, riêng Nhật Bản từ 1.320 – 1.3400C). Sản phẩm sứ được nung ở nhiệt độ cao nên mặt men cứng chắc, độ bóng cao, khó bám bẩn và không chứa độc chất, là những đặc tính thể hiện đẳng cấp của sứ Minh Long so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. “Nhìn đời” (Nguồn: http://minhlong.com) Không chỉ có sản phẩm đại trà được nung ở nhiệt độ rất cao, sản phẩm vẽ tay của Minh Long cũng được nung hoa trong men ở nhiệt độ cao không kém (trên 1.230 độ C và dường như là hãng duy nhất trên thế giới làm được điều này). Cái khó của kỹ thuật này là khi ở nhiệt độ cao, màu sắc của sản phẩm sẽ không còn được như lúc ban đầu, chúng sẽ biến đổi rất nhiều, người thợ phải biết làm sao vẫn giữ được màu sắc của sản phẩm mà vẫn có thể nung ở nhiệt độ cao giúp đảm bảo độ chắc, bền. Với các sản phẩm vẽ tay chìm dồn nhiều lớp, sản phẩm Minh Long đứng xa sẽ thấy đẹp, lại gần sờ thấy mịn màng, mát, còn sản phẩm vẽ tay của nước ngoài có thể đứng xa thấy đẹp nhưng lại gần sẽ thấy màu men bị đục, sờ vào thấy cộm. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ 3D tạo không gian ba chiều làm nền giúp màu sắc và hình ảnh trong sản phẩm thăng hoa. Tiêu biểu cho dòng sản phẩm vẽ tay trên công nghệ 3D, Lý Ngọc Minh nhắc tới bức ảnh cô gái với đôi mắt hút hồn khách xem hay chiếc bình Nhìn đời với hình ảnh chú ếch sống động như muốn nhảy ra khỏi nét vẽ. Một điểm tự hào về kỹ thuật nữa ở Minh Long là việc sở hữu những màu sắc lạ, đặc biệt khi nung ở nhiệt độ cao mà không nhiều hãng trên thế giới có được. Ví dụ như màu xanh dương mà Lý Ngọc Minh gọi là màu king blue, khi để trong phòng sẽ nhìn thấy màu xanh thẫm như bình thường, nhưng mang ra ngoài lại sáng thành màu thiên thanh vô cùng độc đáo. Hay màu đỏ ô-xít thiếc của Anh – không hề có sách vở nào đề cập vì nhà sản xuất giấu bí quyết lại đến với Lý Ngọc Minh như một “duyên nợ”: Nhiều ngày nghiên cứu tìm tòi không ra, anh nản lòng và lười biếng không dọn dẹp phòng thí nghiệm như mọi lần. Tình cờ, kiểm tra lại những màu sắc đang hòa lẫn lộn vào nhau, linh cảm mách bảo anh rằng trong số đó có thứ màu mà anh tìm kiếm. Và linh cảm của anh đã hoàn toàn đúng. Đáp lại sự thán phục xen lẫn tò mò của nhiều người, anh chỉ cười ý nhị: “Đơn giản là chúng tôi nắm vững và vận dụng một số kiến thức vật lý, và trong chừng mực nào đó biết cách làm ảo thuật – những nhà ảo thuật đều là những người giỏi vận dụng các kỹ thuật vật lý – để có thể đạt được những kết quả mà người khác không đạt được.” Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, nhưng với Lý Ngọc Minh, để đạt được hiệu quả, việc