" Những nghịch lí trong lịch sử Trung Hoa 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những nghịch lí trong lịch sử Trung Hoa Ebooks Nhóm Zalo NHỮNG NGHỊCH LÝ TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA By Đông A Sáng Copyring Đông A Sáng Smashwords Edition. QUYỂN 1 (1 - 10) QUYỂN 2 (11 - 20) QUYỂN 3 (21-30) QUYỂN 4 (31-40) QUYỂN 5 (41-50) QUYỂN 6 (51- 64) SÁCH THAM KHẢO MỤC LỤC AUTHOR QUYỂN 1 (1-10) 1. CHÍNH TRỊ VÀ ĐẾ VƯƠNG Phản kinh cho rằng, làm vua không thể tự mình làm hết mọi việc, cho nên phải thực hành vô vi nhi trị (không làm nhưng làm tất cả), bằng cách thiết lập chế độ quan lại, tuyển người hiền năng, phân phó chức vụ, làm cho dân giàu, không nên vơ vét của dân. 1. Thực hành vô vi nhi trị : Lão tử cho rằng, dùng phương pháp bình dị để trị nước, dùng kì mưu để dụng binh, dùng vô vi để thu phục thiên hạ. 2. Thiết lập quan chế, phân phó chức vụ: Tuân tử quan niệm, bậc quân chủ phải giỏi quản lí tài năng của người khác, kể cả tài năng của của những người bình thường. Phó Huyền cho rằng, quân chủ phân phó chức trách cho các sĩ đại phu, bên ngoài giao quyền cho các vua chư hầu, để các quan bậc tam công tham nghị triều chính, thì ngôi vị vững vàng. Chẳng hạn, vua Nghiêu cho Vũ làm chức Tư đồ, Khiết làm chức Tư mã, Hậu Tắc coi về nông nghiệp, Quỳ coi về lễ nhạc, Thùy coi về xây dựng, Bá Di lo việc tế lễ, Cao Đào coi về tư pháp, Ích coi về việc thuần hóa dã thú. Tuy là đế vương mà Nghiêu không trực tiếp làm một công việc nào. Vì vua Nghiêu giỏi dùng người, phân phó cho các đại thần quản lí công việc đất nước. Các đại thần nhận lãnh trách nhiệm, làm tròn được trách nhiệm. Cho nên, vua Nghiêu thành công trong việc thống trị thiên hạ. 3. Chọn và dùng người tài: Lưu Bang, thời Tây Hán, nói : " Nơi màn trướng mà vận trù sách lược quyết thắng ngoài ngàn dặm, ta không bằng Trương Lương. An định an bang, vỗ về bách tính, cung ứng quân nhu, vận chuyển lương thực, ta không bằng Tiêu Hà. Thống lĩnh đại quân trăm vạn, đánh tất thắng, ta không bằng Hàn Tín. Ba người ấy là tinh anh, có tài năng kiệt xuất. Ta biết dùng ba người ấy, đó là nguyên nhân ta giành được thiên hạ”. Sách Nhân vật chí luận rằng : “ Một quan chức được bổ nhiệm như dùng một vị để điều hòa ngũ vị (1) người chấp chính đất nước như dùng vô vị mà điều hòa ngũ vị. Sở dĩ, một bề tôi tài năng chỉ đảm đương được một công việc; còn quốc quân giỏi dùng người, là dùng những người tài năng trong nhiều công việc. Bề tôi giỏi là bộc lộ tài năng của mình; quân chủ giỏi, là biết lắng nghe, quan sát và sử dụng được tài năng của bề tôi. Bề tôi đem hết sức lực mình để chứng minh tài năng; quân chủ là người biết thưởng phạt đúng công lao mà bề tôi đã làm. Tài năng của mỗi người khác nhau, quốc quân là người biết dùng những tài năng ấy vào công việc thích hợp. Người ta cho rằng, đạo của vua là biết người; đạo của tôi là biết việc. Vô hình là chủ tể, là gốc của vạn vật; trống không thuộc về ngũ âm (1) nhưng lại thống lĩnh ngũ âm. Tương tự, vua không ở trong hàng văn võ nhưng lại cai quản bách quan ”. Sách Hoài Nam tử viết, người thợ xây dựng cung thất, cái gì hình tròn thì dùng thước tròn, cái gì vuông thì dùng thước vuông, muốn ngay thẳng thì dùng giây dọi. Khi cung thất đẹp đẽ được xây xong, thì những công cụ như thước tròn, thước vuông, giây dọi được cất đi, người ta không biết người thợ đã dùng các dụng cụ như thế nào ? Đó là ví dụ về công việc của bậc quân chủ. Tuân tử cho rằng, bắn trăm phát trăm trúng, không ai bằng Hậu Nghệ, đánh xe đi cả ngàn dặm, không ai bằng Vương Lương. Cho nên, bậc quân chủ muốn trị lí thiên hạ, thì dùng người có đủ đức đủ tài, vận dụng tài trí của người làm tài trí của mình. Quân chủ sẽ bớt lao tâm lao lực, mà công danh, sự nghiệp thành tựu rất lớn. Thân tử cho rằng, tiến cử hiền năng là chức trách của bề tôi, giỏi dùng hiền năng là chức trách của nhà vua. 4. Làm giàu cho đất nước và dân chúng không độc chiếm tài vật của thiên hạ Chu Vũ vương đem quân đánh bại nhà Thương, lấy đất đai, tài vật của nhà Thương, ban phát cho con em, ban thưởng cho các công thần, khiến những người trong nước trên dưới vui vẻ, thần phục. Tuân tử nói : “ Sở dĩ gọi là vua, là người năng sửa sang lễ giáo; củng cố việc cai trị làm cho đất nước lớn mạnh; giỏi thu phục nhân tâm, xã hội an định; nếu chỉ lo vơ vét của dân thì sẽ mất nước ”. Một nước, làm cho trăm họ trở nên giàu có, là vương đạo; làm cho võ sĩ trở nên giàu có, là bá đạo; làm cho đại phu giàu có, là nước ấy đang sống ngắc ngoải chờ ngày tiêu vong; vị quốc quân giàu có, kho lẫm đầy ắp, là nước sớm muộn cũng bị diệt vong. Có tình huống gọi là trên tràn, dưới chảy (thượng doanh hạ lậu), tức là ở trên tầng lớp thống trị giàu có; ở dưới, trăm họ bần cùng. Tuân tử còn nói : “ Thiên tử không nên nói chuyện giàu có, chư hầu không nên nói chuyện lợi hại, đại phu không nên bàn chuyện được mất ”. Ví dụ 1: Chu Lệ vương, sủng ái, tin dùng đại thần Vinh Di Công. Quan đại phu Nhuệ Lương can gián Chu Lệ vương không nên dùng Vinh Di Công : - Giàu có sinh ra từ vạn vật, vì trời đất năng chở vạn vật. Người nào độc chiếm sự giàu có, người ấy sẽ gặp tai ương. Giàu có sinh ra từ trời đất, để mọi người cùng hưởng, không nên độc chiếm để hưởng thụ một mình. Nay, Vinh Di Công hám lợi chuyên vơ vét của cải của dân, tự tung tự tác, khiến trời giận, dân oán, không thể tồn tại lâu dài.Chu Lệ vương không nghe. Rút cuộc, Chu Lệ vương bị người trong nước truất phế và đuổi đi. Ví dụ 2: Thời Chiến quốc, nghe tin kho lẫm bị bốc cháy, Ngụy Văn Hầu, mặc áo trắng chạy ra khỏi điện kêu la, quần thần cũng chạy theo khóc lóc. Công tử Thành Phụ thấy thế, chạy theo và nói : - Tôi nghe rằng, thiên tử giàu có là do gom góp của thiên hạ, chư hầu giàu có là do thu gom ở đất được phong. Kho lẫm của nhà vua đầy ắp là do thu gom của dân trong nước, là kho chứa tai họa. Nay, kho chứa tai họa bốc cháy là điều đáng mừng. Sao nhà vua và các người lại khóc lóc làm gì ? Khổng tử nói : “ Trăm họ nên giàu có, còn quốc quân thì không nên giàu có ”. Bậc quân vương thánh minh dùng đất đai phân phong cho các chư hầu, dùng tài vật để tưởng thưởng cho công thần, không nên tranh đoạt lợi ích với trăm họ, đó là thông hiểu đạo làm vua, biết đem thân ra ngoài ngoại vật, nhưng lại biết lợi dụng tài nguyên để làm giàu cho bách tính. Nói chung, cách làm chính trị của quốc quân là thiết lập quan chế, phân phó chức vụ, ủy nhiệm cho quan lại, đốc thúc các quan; tinh thông mưu lược, chăm lo việc chính trị không mệt mỏi; khoan dung đại độ; thu phục dân tâm; kiên nhẫn với chức trách, không hiển lộ tài năng ra ngoài. Nhà vua có những ưu điểm nêu trên, quần thần mới kính sợ, yêu mến và tận tụy với chức trách. Đó là điều căn bản của nhà vua trong việc xây dựng và thành tựu sự nghiệp. (1)Ngũ vị : Chua, cay, mặn, ngọt, đắng. (2) Ngũ âm : Cung, thương, giốc, chủy, vũ. 2. NGUYÊN TẮC VÀ NGHỆ THUẬT DÙNG NGƯỜI Phản kinh cho rằng, việc dùng người vừa là nguyên tắc, vừa là nghệ thuật, biết người và giỏi dùng người thì sự nghiệp thành công. 1. Đặc điểm : Y Doãn, khi xây dựng một công trình, ông dùng những người cường tráng, cao to để vác gỗ, gánh đất; dùng những người khuyết tật một mắt để đẩy xe, người bị gù lưng thì phụ trách việc sơn quét. Tức là Y Doãn dựa vào đặc điểm của từng người để giao công việc. 2. Đúng sở trường : Quản Trọng nói với Tề Hoàn Công : - Không phải sức một cây gỗ mà làm nên một cái nhà lớn, không phải sức của một dòng nước mà làm nên một cái bể lớn, nếu chúa công có chí làm nghiệp bá, thì nên dùng năm người kiệt sĩ. Tề Hoàn công hỏi : - Năm kiệt sĩ là ai ? Quản Trọng đáp : - Có tài giao thiệp, biết giữ lễ phép, tôi không bằng Thấp Bằng, xin cho Thấp Bằng làm Đại tư hanh. Có tài khai khẩn, biết cách trồng trọt, tôi không bằng Ninh Việt, xin cho Ninh Việt làm Đại tư điền. Có tài luyện tập quân sĩ, khiến cho người ta quên chết, tôi không bằng Thành Phủ, xin cho Thành Phủ làm Đại tư mã. Có tài xử đoán hình ngục, khiến cho người ta khỏi oan, tôi không bằng Tân Tu Nô, xin cho Tân Tu Nô làm Đại tư lí. Có tính cương trực, thấy điều gì trái tất nói ngay, không sợ những người quyền quý, tôi không bằng Đông Quách Nha, xin cho Đông Quách Nha làm Đại gián quan. Chúa công muốn nước cường thịnh thì dùng năm người ấy. Tề Hoàn công nghe theo. Sau này, Tề Hoàn công thành nghiệp bá. 3. Tính tình : Hoàng Thạch Công cho rằng, người giỏi dùng người, không chỉ biết dùng người mưu trí, người có dũng khí, mà kể cả những người tham lam và những kẻ ngu đần. Khiến cho những người có mưu trí ra sức lập công, khiến cho những người có dũng khí toại chí, làm cho những người có tính tham làm trở nên giàu có, làm cho những kẻ ngu đần hi sinh mà không tiếc thân. Căn cứ vào tính tình của mỗi người mà sử dụng, đó chính là vi diệu của người quyền mưu. 4. Sự thích hợp : Sách Hoài Nam tử viết : Trong thiên hạ có nhiều cây cỏ có chất độc, nhiều cây thuốc độc. Nhưng người thầy thuốc lỗi lạc biết hái cây cỏ độc, thu gom những cây thuốc độc và biết dùng nó thì nó sẽ trở nên hữu ích và có giá trị rất cao. 5. Sở trường và sở đoản : Về vật, con hoẵng ở trên núi thì chạy nhảy nhanh nhẹn, không ai đuổi kịp, nhưng khi nó chạy lạc xuống đồng bằng, thì đứa trẻ chăn trâu cũng đuổi kịp và bắt được nó. Về đi lại, người Hồ dùng ngựa và cưỡi ngựa rất giỏi; người Việt thì dùng thuyền và chèo thuyền rất tài. Kĩ năng, tài năng của người Hồ và người Việt đều do đời sống và phương tiện giao thông hình thành. Nếu bắt người Việt cưỡi ngựa, bắt người Hồ chèo thuyền, thì chắc họ sẽ không thi thố được tài năng. Mỗi người đều có sở trường và sở đoản khác nhau; muốn dùng người thì phải biết sở trường sở đoản của mỗi người. 6. Đức hạnh và tài năng : Tào Tháo cho rằng : “ Người có chí tiến thủ, không nhất thiết là người có đức hạnh. Người có đức hạnh chưa chắc đã có chí tiến thủ. Chẳng hạn, Trần Bình là người thiếu đức hạnh (1) nhưng Trần Bình đưa ra nhiều kì kế, giúp Lưu Bang tranh hùng với Hạng Vũ, tóm thâu được thiên hạ, Trần Bình là người có tài năng. Tô Tần là người không giữ chữ tín, tráo trở vô thường (2), nhưng Tô Tần làm tướng sáu nước liên minh chống Tần, khiến cho nước Yên, trước đó là một nước nhỏ yếu, sau nhờ Tô Tần, nước Yên có vị trí trong liên minh và được coi trọng. Xưa nay, nói về trí mưu (nơi chiến trận) phải nhắc đến Hàn Tín, nói về lập thuyết thì không ai bằng Đổng Trọng Thư, nói về du thuyết phải nhắc đến Lục Giả. Sở dĩ họ được lưu danh, là nhờ được trọng dụng và dùng đúng sở trường “. 7. Thời thế: Hoàn Phạm, người nước Ngụy, cho rằng : “ Nguyên tắc dùng người của các bậc đế vương là phải xem xét thời thế để sử dụng nhân tài. Thời chiến, trước tiên phải dùng những người có tài thao lược. Thời bình, trước tiên phải trọng dụng các trung thần, nghĩa sĩ. Ví dụ Tấn Văn công, khi lưu vong thì cùng với Tử Phạm, người nhiều mưu kế, để hành sự. Lúc lên ngôi, Tấn Văn công tưởng thưởng cho Tử Phạm nhưng lại dùng những trọng thần khác để cai trị đất nước. Lúc sinh thời, Hán Cao tổ tin dùng mưu kế của Trần Bình nhưng trước khi lâm chung lại ủy thác giang sơn cho Chu Bột. Người xưa có nói : Thời bình nên cử những người có phẩm đức cao thượng ở những chức vị cao quý. Thời chiến, phải trọng thưởng cho những người lập được chiến công. 8. Nhân vô thập toàn: Gia Cát Lượng cho rằng : “ Lão tử rất giỏi về đạo dưỡng sinh nhưng không có tài để giải quyết những chuyện khó khăn, nguy hiểm. Thương Ưởng, có biệt tài về pháp trị, nhưng không giỏi về giáo hóa đạo đức cho nhân dân. Tô Tần, Trương Nghi có tài du thuyết nhưng không giỏi về việc dựa vào liên minh. Bạch Khởi có tài về công thành, phá lũy nhưng không giỏi về việc đoàn kết dân tâm. Ngũ Tư Tư (3) giỏi về mưu lược để thôn tính nước địch, nhưng không có tài để bảo vệ được bản thân. Vĩ Sinh (4) giữ chữ tín nhưng không biết tùy cơ ứng biến. Vương Gia biết đền ơn sự tri ngộ của minh chúa, nhưng không biết phò tá hôn quân. Hứa Thiệu (5) có biệt tài phẩm bình tài năng cao thấp của người khác nhưng thuyết phục được nhân tài. Cho nên, biết dùng sở trường của mỗi người là một nghệ thuật trong thuật dùng người ”. 3. PHÂN LOẠI CON NGƯỜI Phản kinh nêu những cách phân loại con người theo truyền thống Trung Hoa, để dùng người. 1. Dung nhân, sĩ nhân, quân tử, hiền nhân và thánh nhân: Khổng tử cho rằng có năm loại người là dung nhân, sĩ nhân, quân tử, hiền nhân và thánh nhân. Dung nhân (kẻ tầm thường) : Kẻ không có lòng tin, xử thế có trước không sau, hữu thỉ vô chung. Không chịu tu dưỡng. Miệng nói thao thao bất tuyệt nhưng không có chân tài, không có thực học. Gặp việc thì lúng ta lúng túng chẳng xong bề nào. Thích gần gũi bọn tiểu nhân, tránh xa người quân tử. Thấy lợi nhỏ đã vội quên nghĩa. Xử sự một cách tùy tiện, gió chiều nào thì theo chiều ấy. Sĩ nhân (kẻ sĩ): Người có lòng tin, tuân thủ nguyên tắc. Tuy không nắm được căn bản về thiên đạo và nhân đạo nhưng am hiểu được triết học nhân sinh. Xử sự tuy chưa được vẹn toàn, tận thiện, tận mĩ nhưng chí thú với công việc. Tuy không đa mưu, túc trí nhưng có thể tinh thông một số công việc. Ngôn luận không nhiều nhưng có chủ trương. Sự nghiệp thành tựu không nhiều nhưng cũng có thể làm nên những sự kiện. Tài trí hơn người, nói năng phải phép, nhận chân được sự việc, tố chất bên trong hòa hợp với hành vi bên ngoài, tính mệnh và hình thể là một. Phú quý không lấy đó mà vênh vang, bần tiện cũng không lấy làm xấu hổ. Quân tử : Người trung thành, giữ chữ tín, lòng dạ rộng rãi. Trọng nhân nghĩa, khiêm tốn, không khoe khoang. Trí mưu hơn người, thấu tình đạt lí, lời nói cử chỉ ôn hòa, nhã nhặn. Lòng tin vững vàng, làm theo chính đạo, tự cường không nghỉ. Là một con người bình thường nhưng cao cả. Tuân tử cho rằng : Người quân tử có phẩm đức cao cả nhưng không mong người khác tôn trọng mình. Nói về tín và nghĩa nhưng không cầu người khác phải tin mình. Giỏi hành động nhưng cũng không mong người khác tôn trọng. Bởi vì, người quân tử không lo tu thân là điều đáng sỉ nhục, nhưng bị người khác gièm pha, không cho đó là điều đáng sỉ nhục. Người quân tử không giảng về tín nghĩa là điều đáng sỉ nhục, nhưng khi người khác không tín nhiệm mình, không cho đó là điều sỉ nhục. Người quân tử không có năng lực là điều đáng sỉ nhục, nhưng có năng lực mà không được người khác dùng, không lấy đó làm điều sỉ nhục. Không bị mê hoặc bởi vinh dự, không oán hận khi bị gièm pha, thực hành theo chính đạo, giữ được bản chất, đó là người quân tử. Hiền nhân (người hiền) : Đạo đức hợp với pháp độ (chế độ, luật pháp), hành vi chuẩn mực. Lời nói và việc làm có thể trở thành hiệu lệnh thiên hạ nhưng không phương hại đến mình, dùng đạo đức để giáo hóa trăn họ nhưng không tổn hại cho quốc gia. Làm cho trăm họ, thiên hạ, ai cũng trở nên giàu có nhưng không tích cóp cho riêng mình. Vui làm điều thiện, mong giải thoát trăm họ và thiên hạ ra khỏi cảnh khổ. Thánh nhân : Đạo đức và phép tắc của tự nhiên, trời đất hợp thành một thể; có thể giải quyết những biến hóa của thế sự, thông đạt mọi phương diện, tri thức vô cùng vô tận. Hiểu thấu sự bắt nguồn của vũ trụ vạn vật, cuộc sống của thiên hạ và sinh linh và giải quyết theo quy luật của tự nhiên. Đạo đức sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng, biến hóa vận hành như thần minh, người đời không biết được, không đo lường được phẩm đức của bậc thánh nhân cao cả, vĩ đại, thâm sâu đến nhường nào ? 2. Anh, tuấn, hào, kiệt: Sách Linh kinh (1) cho rằng có 4 loại người là anh, tuấn, hào và kiệt, goiï chung là anh hùng hào kiệt. Anh : Đạo đức đầy đủ, tên tuổi vang xa, khiến cho người ở phương xa mến mộ mà theo về; kiến thức bác cổ, rút tỉa kinh nghiệm của người xưa, tài năng tuyệt thế, vượt xa người cùng thời đại, gọi là anh. Tuấn: Dùng lí luận để giáo dục con người, hành vi phù hợp với quy phạm đạo đức, có lòng nhân ái được nhiều người ủng hộ, làm tấm gương sáng cho thuộc hạ noi theo. Hào : Có trí tuệ, có tài quyết đoán khi gặp nguy hiểm, có thể làm cho những kẻ tham lam, keo kiệt hoặc những người khác tập quán, phong tục, kính nể. Kiệt: Người có nhân cách, tiết tháo, có nghĩa cử cao đẹp, bị người gièm pha mà không hề oán hận, nhường nhịn người mà không hề miễn cưỡng, thấy lợi ích mà không tùy tiện giành lấy phần mình. 3. Thanh tiết, pháp phù, thuật gia, quốc thể và khí năng : Ngoài hai cách phân loại của Khổng tử và sách Linh kinh, còn có cách phân loại khác, chia làm 5 loại là thanh tiết, pháp phù, thuật gia, quốc thể và khí năng. Thanh tiết: Đức hạnh cao, mẫu mực trong lời nói và cử chỉ. Như Án Anh, Lý Quát. Pháp phù : Đặt ra luật pháp, quy định chế độ làm cho nước mạnh, dân giàu. Đó là Quản Trọng, Thương Ưởng. Thuật gia : Mưu trí xuất thần nhập hóa, kế sách kì diệu. Như Phạm Lãi, Trương Lương. Quốc thể : Đức hạnh có thể làm thay đổi những phong tục không còn hợp thời, dùng pháp độ để chấn chỉnh thiên hạ, dùng quyền thuật để trị quốc anh bang. Như Y Doãn, Lữ Vọng. Khí năng : Phẩm đức đầy đủ, tiêu biểu cho quốc gia, quy định pháp luật để trị lí hương ấp, dùng quyền thuật để chỉnh lí chính sự. Như Tử Sản, Tây Môn Báo. 4. Những ưu khuyết của thanh tiết, pháp phù và thuật gia : Thanh tiết : Những người được xếp vào loại thanh tiết, thì không thể đòi hỏi ở họ về sự khoan dung, đại lượng, giỏi biện luận phải trái, mong việc gì cũng tận thiện tận mĩ. Như Tử Hạ. Pháp phù : Pháp phù hoặc pháp gia, không cần mưu sâu, không cần nhìn xa trông rộng, lúc đương quyền, đương chức, thực hành nhiều chuyện đa đoan. Như Trương Thượng, Lý Quãng Hán. Thuật gia : Thuật gia không sáng chế những gì để lại cho hậu thế, trong thời động loạn, chỉ chuyên về dùng quyền mưu; đầy đủ quyền thuật, mưu trí nhưng thiếu sự công chính. Như Trần Bình, Hàn An Quốc. 5. Một vài loại khác : Những người giỏi lập thuyết, viết sách, truyền cho hậu thế như Tư Mã Thiên, Ban Cố. Những người tuy không tham gia vào việc trị nước, nhưng có công xiển dương công nghiệp của thánh nhân. Như các Nho sĩ thời Hán. Biện luận hợp với đạo nghĩa, ứng đối mẫn tiệp, có khẩu tài. Như Nhạc Nghị, Tào Khâu Sinh. Gan dạ, tài trí hơn người, có trí có mưu. Như Hàn Tín, Bạch Khởi. (1) Linh kinh : Còn gọi là Ngọc Linh kinh. 4. PHÂN LOẠI NHÂN TÀI VÀ SẮP ĐẶT CHỨC VỤ Thiên này nêu các phân loại nhân tài, gọi là lượng tài, mục đích để phân phó chức vụ để sử dụng hết tài năng và kết giao. 1. Lượng tài và phân loại : Phân biệt tài năng mỗi người để sử dụng, gọi là lượng tài. Phó Huyền phân nhân tài thành 9 loại : Có đức hạnh là căn bản trụ cột của quốc gia, gọi là tài lương đống. Có tài vận trù sách lược trong màn trướng, gọi là lí tài. Giỏi chính trị, giúp nước trị dân, gọi là chính tài. Giỏi nghiên cứu học thuật, gọi là học tài. Giỏi chỉ huy quân đội, gọi là vũ tài. Có tài về nông nghiệp, dạy dân trong việc cày cấy, gieo trồng, gọi là nông tài. Giỏi chế tạo các công cụ, máy móc, gọi là công tài. Giỏi buôn bán kinh doanh, làm cho bản thân và đất nước giàu có, gọi là thương tài. Giỏi can gián nhà vua, biện luận nghị luận trong triều đình, gọi là biện tài. 2. Tài năng và những chức vụ cao : Tam công : Y Doãn cho rằng, người thông đạt đạo trời đất, biết được sự biến hóa của đất trời, của vạn vật, điều tiết được âm dương, thuận dụng được bốn mùa, lamø cho mưa thuận, gió hòa, thì có thể tiến cử làm đến chức Tam công (1). Hán Văn đế hỏi Tả thừa tướng Trần Bình về việc hình ngục, tiền, lương. Trần Bình trả lời : - Đã có các quan chuyên trách. Hán Văn đế hỏi : - Ai chuyên trách ? Trần Bình thưa : - Bệ hạ hỏi việc hình ngục thì xin hỏi quan đình úy. Về tiền, thóc, thì xin hỏi quan trị túc nội sử. Hán Văn đế hỏi : - Nếu mọi việc đã có quan phụ trách cả rồi, thì ông làm gì nhỉ ? Bình xin lỗi nói : - Thần rất lấy làm sợ hãi ! Bệ hạ không chê thần ngu lậu, cho thần được ở ngôi Tể tướng. Nhiệm vụ của tể tướng, trên là giúp thiên tử điều lí âm dương, thuận dụng tứ thời; dưới thì trông nom vạn vật được yên ổn, thoải mái; ngoài thì trấn trị vỗ về bốn rợ và các nước chư hầu; trong thì giúp đỡ trăm họ, khiến cho các quan khanh, đại phu người nào cũng được thi hành chức vụ người ấy. Hán Văn đế khen phải. Hy Hòa :Sách Thượng thư viết, Chu Dịch có nói, trời đất thuận ứng với tự nhiên mà biến hóa, nên mặt trăng, mặt trời vận hành không sai chạy, bốn mùa tuần tự lại qua. Vậy, bậc thánh nhân phải ứng với thời thế mà làm ra luật pháp, thì luật pháp rõ ràng, thì vạn dân phục tùng. Trời đất biến hóa là do âm dương, có âm dương thì có mặt trăng, mặt trời, vật nào theo vật đó, nhưng lại tương quan với nhau. Bậc quân chủ thánh minh, theo đạo trời, thuận dụng bốn mùa để nuôi dân, nên phải đặt ra quan Hy Hòa (2). Ngoài ra, mọi hành vi của quân chủ phải hợp với phép tắc, thuận hòa âm dương; tất mặt trời, mặt trăng sáng rõ, mưa thuận, gió hòa, nóng lạnh thích nghi; như vậy, tai họa sẽ không sinh, dân chúng mạnh khỏe, vui vẻ. Tất cả đều do việc điều lí âm dương. Cửu khanh : Ứng với bốn mùa, tinh thông địa lợi, làm cho bế tắc thành lưu thông, chuyển hóa những nhân tố bất lợi thành thuận lợi, thì có thể tiến cử làm chức Cửu khanh (3). Tố chất của chức Cửu khanh là đức hạnh. Đại phu : Thông hiểu nhân sự, hành vi hợp với quy phạm, biết địa hình, địa lợi trong thiên hạ, làm cho kho lẫm của đất nước sung túc, có thể tiến cử làm chức Đại phu. Gia Cát Lượng, nước Thục, cho rằng : Ngồi mà luận đạo, gọi là Tam công, còn làm những việc sự vụ, gọi là Ngự đại phu. Liệt sĩ : Trung thành, chân chính, chí công vô tư, hết lòng can gián, dù phạm đến nhà vua, có thể cử làm Liệt sĩ, tố chất của liệt sĩ là nghĩa (khí). 3. Những chức vụ khác : Có phẩm đức, khí tiết thanh cao, thì làm Sư biểu. Có tài pháp gia, thì quản lí Tư pháp. Có tài thuật gia, có thể dâng kế sách, hoạch định kế sách cho quân chủ. Có tài bình luận, khen chê, thì làm thầy. Có tài khéo, có tay nghề, thì phụ trách việc xây dựng, kiến trúc, chế tạo. Có tài Nho học, thì phụ đạo cho thái tử. Có tài văn chương thì tuyển, tu chỉnh quốc sử. Dũng cảm, kiêu hùng, thì làm tướng. 4. Tài năng và quản lí : Khương Thái công phân biệt 9 hạng người để phân phó chức vụ như sau: Một, người có tính nói nhiều, mở miệng ra chuyên nói điều ác, ai nấy đều ghét; cho người này quản lí chợ búa, đường phố, hang cùng ngõ hẽm, để phát hiện kẻ gian, đề phòng tai hoạ. Hai, người thích những quản lí những việc phức tạp, tuế toái, thức khuya, dậy sớm, thức khuya dậy sớm, loại người này chỉ coi sóc việc nhà, vợ con. Ba, lòng dạ thẳng ngay, miệng mồm lanh lợi, dễ gần gũi, bình thời không nói nhiều, không chiếm tài vật, có thể cử làm tiểu đầu mục, cai quản 10 người. Bốn, hay lo lắng nhưng thần thái nghiêm trang, không nghe lời can gián, thường dụng hình, đổ máu, không bênh vực thân thích; có thể cai quản được một trăm người. Năm, thích biện luận, hiếu thắng, xem cái ác như kẻ thù, thích dùng hình phạt, xác lập quyền uy; có thể cai quản được một ngàn người. Sáu, bên ngoài khiêm tốn, nói năng cẩn thận, biết người no đói, thị sát được kẻ dưới; có thể làm tướng, cai quản được một vạn người. Bảy, lúc nào cũng thận trọng, nghiêm cẩn, gần gũi hiền nhân, thường hiến sách lược, khí tiết, nói năng khiêm tốn cung kính, biết sỉ nhục; có thể làm tướng, cai quản mười vạn người. Tám, ôn hòa, lương thiện, đôn hậu, dụng tâm chuyên nhất, cử người hiền, tín nhiệm người tài năng, thi hành luật pháp công chính; có thể làm tướng, cai quản một trăm vạn người. Chín, nhiều công lao, tên tuổi vang dội, ra vào cửa các nhà hào phú nhưng thân cận với trăm họ, thành tín, khoan dung, biết đạo trị lí thiên hạ, biết cứu vãn lúc bại vong, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, xem trăm họ bốn biển thân thiết như vợ con của mình; là anh hùng, có thể làm chủ thiên hạ. 5. Thầy, bạn, quan sử và đầy tớ : Sách Linh kinh, chia làm bốn loại : Người có trí năng như nguồn nước suối, hành động có hiệu quả cao, nên tôn làm thầy. Người có trí năng, do tôi luyện mà thành, có thể giúp người khác, được nhiều người kính nể, nên kết làm bạn. Người biết tôn trọng luật pháp, trung thành, biết giữ chức vụ, nên phong làm quan sử. Người chỉ thấy cái vui trước mắt, thấy chủ thì khép nép, chỉ cho làm đầy tớ (nô tài). Bậc quân chủ, trên có thầy giúp đỡ, giữa có bạn trợ giúp, dưới có quan sử giúp việc, lúc nguy vong có nô tài đỡ đần. 6. Luận thành bại qua chủ tướng : Tôn tử cho rằng : Nếu xét hai bên, bên nào quân chủ có đạo nghĩa, bên nào có chủ tướng tài năng; bên quân chủ không giữ đạo nghĩa, chủ tướng không có tài năng; thì đã biết ai thắng ai bại ? Ví dụ 1: Tào Tháo đọc thư Viên Thiệu muốn mượn lương, lời lẽ kiêu ngạo. Tháo hỏi Quách Gia : - Viên Thiệu láo ! Ta muốn sang đánh, ngặt vì sức ta không nổi, nên làm thế nào ? Quách Gia thưa : - Lưu Bang không địch được với Hạng Vũ, thế mà Hạng Vũ bị bắt, vì Lưu Bang có nhiều mưu trí. Nay, Viên Thiệu có mười điều thua, còn ông có mười điều được, do đó quân của Viên Thiệu tuy mạnh nhưng không đáng sợ. Tính Thiệu hay vẻ vời nghi lễ; ông thì dễ dãi tự nhiên, thế là được về đạo. Thiệu hành động trái lẽ; ông thuận lẽ phải, thế là được về nghĩa. Từ thời Hoàn, Linh đến giờ, triều chính đổ nát quá khoan rộng, thế mà ông lại đưa vào quy cũ, thế là được về chính trị. Viên Thiệu bên ngoài khoan hòa, mà trong lòng nghi kị, lại dùng những người thân thích; ông thì ngoài giản dị, trong lòng sáng suốt, dùng toàn nhân tài, thế là được về độ lượng. Thiệu thì nhiều mưu mà ít quyết đoán; ông được mưu hay là làm ngay, thế là được về mưu lược. Thiệu hiếu danh; ông thì lấy thực bụng đão người, thế là được về đức. Thiệu nghĩ chồ gần, quên chỗ xa; ông thì nghĩ đâu cũng khắo, thế là được về nhân. Thiệu hay nghe dèm pha, ngờ vực người; ông thì không tin những đứa sàm nịnh, thế là được về sự sáng suốt. Thiệu thì phải trái hồ đồ; ông thì phép tắc phân minh, thế là được về văn. Thiệu thích hư trương thanh thế nhưng không biết cách dùng binh; ông thì lấy ít đánh nhiều, dùng binh như thần, thế là được về võ. Ông được mười điều ấy, đánh thắng Thiệu thì có khó gì ? Ví dụ 2: Nghe tin Viên Thiệu cất quân, Tào Tháo bèn họp các mưu sĩ bàn việc nghênh địch. Khổng Dung thấy thế, vào nói với Tào Tháo rằng : - Viên thiệu thế to, không nên đánh nhau, nên hòa thì hơn. Tuân Úc nói : - Viên Thiệu là người vô dụng, hòa với nó làm gì ? Dung lại nói : - Viên Thiệu có đất rộng, dân mạnh, bộ hạ như bọn Hứa Du, Quách Đồ, Thẩm Phối, Phùng Kỉ đều là những người mưu trí; Điền Phong, Thư Thụ đều là trung thần; Nhan Lương, Văn Sú sức khỏ hơn ba đội quân; còn như Cao Lãm, Trương Cáp, Thuần Vu Quyền toàn là những danh tướng đời nay. Sao lại bảo Thiệu là vô dụng ? Úc cười nói : - Thiệu binh nhiều mà không nghiêm chỉnh; Điền Phong cương trực mà hay phạm người trên; Hứa Du tham mà không khôn, Thẩm Phối tự cho mình là phải nhưng không có mưu mẹo, Phùng Kỉ tính quả quyết nhưng không làm được việc. Mấy người ấy không ưa nhau, tất rồi sẽ sinh nội biến. Nhan Lương, Văn Sú tuy khỏe nhưng chỉ là đồ thất phu, chỉ đánh một trận là bắt được; còn như những đồ tầm thường nhung nhúc, dẫu có trăm vạn cũng chẳng kề vào đâu. Khổng Dung ngồi nín lặng. Tháo cười to nói: - Đều không ra ngoài tính toán của Tuân Văn Nhược (Tuân Úc). (1) Tam công : Thời Chu gọi chung các chức Tư mã, Tư đồ, Tư không là Tam công. Thời Tần – Hán, gọi chung các chức Thừa tướng, Thái úy, Ngự sử là Tam công. (2) Hy Hòa : Theo truyền thuyết, là chức quan coi việc thiên văn thời cổ. (3) Cửu khanh : Chức quan coi về việc hành chính ngày xưa. 5. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP KHẢO SÁT CON NGƯỜI Thiên này nêu những phương pháp khảo sát con người, để dùng người và quan hệ với người. 1. Biết người rất khó : Tục ngữ có câu : Tâm con người bị che bởi da bụng, tức là không thể thấy được lòng con người. Hoặc, vẽ cọp, vẽ được da cọp, không thể vẽ được xương con cọp; biết người, biết mặt, không thể biết lòng (Họa hổ, họa bì, nan họa cốt; tri nhân, tri diện, bất tri tâm). Nam hoa kinh, Trang tử cho rằng Khổng tử nói : “ Lòng người ta sâu hiểm hơn sông núi, khó biết hơn trời nữa. Vì trời còn có những hiện tượng đúng kì là Xuân, Hạ, Thu, Đông, sáng và tối, còn con người ta, bên ngoài thì kín đáo mà trong lòng thì sâu thẳm ”. Sách Nhân vật chí cho rằng : “ Có người bên ngoài xem như nhiều tài, nhiều nghề (đa tài, đa nghệ), thực tế là thiếu chân tài, thực học. Có người rất nhiệt tình hăng hái, nhưng thực tế đó cũng chỉ là ngọn lửa rơm, không giữ được lâu dài. Có người có vẻ trung thành nhưng lại trí trá đa đoan. Những nhà chính trị lớn, ta thường cho là kẻ gian trá nhưng có người lại làm nên sự nghiệp lớn. Có người bên ngoài có vẻ ngu độn nhưng thực ra là bậc đại trí. Có người lơ là khi nghe những chuyện về chính trực, về lời nói thẳng nhưng thực tế là rất chí thành. Con người trong cõi đời thực thực, giả giả, hư hư ảo ảo, nếu không tinh tường thì rất khó phân biệt ”. Khương Thái công thì cho rằng : “ Có người nhìn bên ngoài rất trịnh trọng, trang nghiêm, thực tế không phải là kẻ danh môn chính phái, là loại bàng môn tả đạo. Bên ngoài có vẻ đứng đắn nhưng thực ra là kẻ tiểu nhân. Bên ngoài có vẻ ôn hậu, lương thiện, thật ra là kẻ đầu trộm, đuôi cướp. Bên ngoài tỏ vẻ cung kính, thật ra là kẻ kiêu căng hợm hĩnh. Bên ngoài có vẻ chuyên tâm, chuyên nhất, nhưng thực sự là kẻ ba phải. Bên ngoài có vẻ hăng hái, lăng xăng nhưng làm nhưng chẳng làm xong một việc gì. Bên ngoài có vẻ quyết đoán nhưng thực tế là người do dự, thiếu quyết đoán. Bên ngoài có vẻ hồ đồ nhưng thực ra là người chất phác, thật thà. Bên ngoài có vẻ lúng ta lúng túng, nhưng thật ra là người được việc. Bên ngoài có vẻ hùng hùng hổ hổ nhưng thực ra là kẻ khiếp nhược. Bên ngoài có vẻ bất tài vô tướng nhưng thật ra là người có tài năng xuất chúng, chỉ có bậc thánh nhân mới biết được. Cho nên, con người bình thường không đoán được con người, chỉ có những người có con mắt tinh đời, có huệ nhãn mới có thể đoán được con người ”. Sách Hoàn phạm viết : “ Giữa hiền tài và kẻ ngu độn khác nhau như cây quỳ và cây cải. Người ta có thể phân biệt được giữa quỳ và cải nhưng khó phân biệt được giữa hiền tài và kẻ ngu độn. Mạ (lúa) khác cỏ khác nhau như phải với trái, nhưng phân biệt được mạ và lúa thì dễ, nhưng đôi khi phân biệt phải với trái thì không dễ chút nào ”. Dương Hùng cũng cho rằng : “ Ai cũng biết phân biệt giữa núi Thái to lớn với con muỗi nhỏ bé, ai cũng phân biệt được biển lớn với lạch nước nhỏ. Nhưng khó phân biệt được người trung và kẻ gian. Vì khó đo lòng người, nên những người tài trí đôi khi dùng lầm người, bị người mê hoặc, lừa dối. Nhiều vị vua mất nước, thân bại, danh liệt, cũng không biết được lòng người và dùng nhầm người. Chẳng hạn, Tề Hoàn công vốn là bá chủ nhưng chết thảm dưới tay bọn Dịch Nha, Khai Phương và Thụ Điêu. Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, nổi tiếng là ông vua anh minh nhưng vẫn bị Bàng Manh mê hoặc. Tào Tháo, nổi danh là biết người, biết dùng người nhưng cũng bị mắc lừa Trương Mạo ”. Tuy biết người là khó, nhưng qua kinh nghiệm lịch sử, người ta cũng đã có nhiều phương pháp để đo lòng người sau đây : 2. Phương pháp khảo sát : Đưa ra vấn đề sâu kín, khúc mắc để khảo sát năng lực ngôn ngữ. Đưa ra những vấn đề gay go để khảo sát năng lực ứng biến. Đưa ra những âm mưu bí mật để khảo sát sự thành thực. Đưa ra những vấn đề có tính nguyên tắc để khảo sát phẩm đức. Đưa cho họ đến những vị trí, chức vụ những nơi có thể kiếm được tiền, đế khảo sát sự liêm khiết. Dùng gái đẹp để khảo sát sự trung trinh, tiết tháo. Đưa vào nơi nguy hiểm để khảo sát sự dũng cảm. Cho uống rượu say để quan sát thần thái. Trang tử cho rằng : “ Phái người ta đến nơi xa xôi để khảo sát sự trung thành. Giao cho công việc lớn để khảo sát sự cung kính và cần mẫn. Giao cho việc phức tạp để khảo sát năng lực tổ chức. Giao cho những việc bất ngờ để khảo sát năng lực phản ứng. Giao cho công việc có định kì để khảo sát chữ tín ”. Sách Lã thị xuân thu cho rằng : “ Tạo điều kiện thuận lợi, để khảo sát sự tôn kính. Cho chức quan cao để xem cách dùng người. Tạo cuộc sống giàu sang để xem cách nuôi người. Nghe lời nói, xét việc làm, để biết người thiện lương, nhân nghĩa, hay là kẻ bất lương, bất nhân, bất nghĩa. Xem người ta gần gũi với những hạng người nào, cũng có thể biết người ta tốt hay xấu. Đưa đến chỗ bần cùng, để khảo sát đức hạnh và tiết tháo. Đưa đến chỗ thật vui để biết được tính cách (đắc ý, tự cao hay khiêm tốn). Đưa đến chỗ khoái lạc để biết được giữ giữ gìn hay buông thả. Chọc giận để khảo sát việc tự tiết chế. Đưa đến chỗ bi ai để biết lòng nhân ái, cảm thông. Đưa vào chỗ gian khổ khảo nghiệm ý chí ”. 3. Phương pháp quan thành: Sách Kinh, nêu phương pháp quan thành : “ Muốn dùng người nên xét người xa xỉ hay không xa xỉ ? Khi thất bại về chính trị, xem họ phản bội hay trung thành ? Sống vinh hoa phú quý, xem họï khoa trương hay không khoa trương ? Cho họ sống nơi lặng lẽ, thâm u để xem họ sợ hãi hay không sợ hãi ? Thanh thiếu niên, xem xét sự về hiếu học hay không hiếu học, và tôn kính hay không tôn kính người trên ? Tráng niên, xem xét về sự liêm khiết hay không liêm khiết; chí công vô tư hay không chí công vô tư; suy tư, lo lắng, cẩn thận hay không cẩn thận, tận tâm tận lực hay không tận tâm, tận lực ? Đối với cha mẹ, có hiếu hay bất hiếu; đối với anh em có hòa thuận hay không hòa thuận; đối với những người trong làng xóm, quê hương có giữ chữ tín hay không ? Vua đối với tôi có lòng nhân ái hay không ? Tôi đối với vua, xem có trung thành hay không trung thành ? ”. Những phương pháp vừa nêu, gọi là quan thành. 4.Phương pháp kiểm nghiệm, thực nghiệm : Phó Huyền cho rằng, lúc đàm luận cũng có thể biết được sơ lược về học phái của họ. Chẳng hạn : “ Người thường nói đến lẽ tự nhiên, coi trọng huyền diệu, hư vô, tức là người theo Đạo gia. Người hay bàn về lễ nghĩa, bàn về coi trọng công bằng, chính trực; là người theo Nho gia. Người hay bàn về quyền thuật, quyền biến, coi trọng việc cải cách; là người thuộc phái Tung hoành. Người hay nêu ra những chủ trương khác nhau, nêu ra những cách hành xử khác nhau; là người học Bách gia, chư tử. Nhưng đó cũng chỉ là bề ngoài, thực sự khó biết được người đó thật hay giả, chân hay ngụy. Vì có người, miệng nói đạo nghĩa, trích dẫn kinh điển, thực chất là để biện giải cho những âm mưu gian trá. Miệng luôn tự cho mình phẩm đức cao thượng, thực chất là theo gió bẻ măng, ti tiện, biển lận. Miệng nói liêm khiết nhưng thực chất là kẻ tham lam vô độ. Miệng nói nhân từ nhưng thực chất là tàn hại sinh linh. Miệng nói anh dũng phi phàm, thực tế là nhu nhược, không có năng lực. Miệng nói chữ tín, thực tế là gian trá, bất tín. Miệng nói đạo đức, trinh tiết, thực tế là phường háo sắc, dâm đãng. Những hạng người vừa nêu, gọi là ngụy quân tử, chúng dùng miệng lưỡi, dùng kĩ xảo lấy giả làm thật, còn gọi là giả tượng, để mê hoặc quân chủ”. Hàn Phi tử cho rằng : “ Khi người ngủ thì không phân biệt được người mù người sáng; khi im lặng thì chẳng biết ai là người câm. Lúc người ta tỉnh dậy, lúc nói năng, mới biết ai là mù, ai là sáng, ai là câm. Xem răng ngựa, lông ngựa mà biết ngựa hay hoặc ngựa dở, trên đời chỉ có Bá Nhạc. Đối với bình thường, cho ngựa kéo xe, cho chạy, mới biết được ngựa hay hoặc ngựa dở. Nhìn sắc kiếm, mũi kiếm mà biết là bảo kiếm, chỉ có Âu Dã tử. Đối với người bình thường phải dùng kiếm để chém chó, chém ngựa, tìm giao long dưới nước để chém thì may ra mới biết kiếm thường hay bảo kiếm. Cho nên, việc thực nghiệm, kiểm nghiệm mới biết được tốt xấu, cũng là một trong những phương pháp biết người “. 5. Quan sát khí sắc theo ngũ hành: Theo thuyết âm dương ngũ hành : Khí huyết là do âm dương hòa hợp mà thành tính mệnh; do năm yếu tố kim, mộc, hỏa, thổ, thủy cấu thành tính mệnh. Thân thể con người, theo ngũ hành, xương thuộc mộc, gân thuộc kim, khí thuộc hỏa, thịt thuộc thổ, máu huyết thuộc thủy. Sách Sách Nhân vật chí cho rằng, dựa trên đặc điểm của ngũ hành có 5 loại người : Xương cốt cứng, dẻo dai, gọi là hoằng mạo (hoằng : to lớn), thuộc về nhân. Xương cốt thuộc mộc, thẳng âm nhu, là cơ bản của nhân. Khí rõ ràng, cao khiết, mát mẻ gọi là văn lí, thuộc về lễ. Khí thuộc về hỏa, lửa chiếu sáng, là cơ bản của lễ. Hình thể (thịt) rắn chắc, ngay thẳng, gọi là trinh cố, thuộc chữ tín. Hình thể, thịt, thuộc thổ, đất nuôi dưỡng vạn vật, là cơ bản của sự thành tín. Gân cứng dẻo dai và tinh thuần, gọi là dũng cảm, thuộc về nghĩa. Gân thuộc về kim, mũi nhọn, quả đoán, nghĩa khí, là cơ bản của dũng cảm. Huyết lưu thông, bình hòa, gọi là thông vi, thuộc về trí huệ. Huyết là thuộc về thủy, nguồn nước, có nguồn trí năng mới sinh trí huệ, tắt nguồn hoặc bị bế tắc, không thông thì không có trí huệ. Năm tính chất trên, thường hằng, bất biến, nên gọi là ngũ thường. Xương thẳng mà không dẻo dai là quá cương trực. Khí rõ ràng, cao khiết nhưng không mát mẻ, thì dễ bị xung động. Hình thể (thịt), rắn chắc mà không ngay thẳng, thì trở thành ngu độn. Gân cứng dẻo dai mà không tinh thuần, thì dễ biến dạng. Huyết lưu thông mà không bình hòa, dễ dẫn đến phóng đãng. 6. Phương pháp nghe khí (thính khí): Triết học và y học Trung Hoa quan niệm : Thần là chủ tể của trí, thần khí bình hòa thì thẳng thắn vô tư, thần ngưng trệ thì khí chất trở thành quanh co khuất lấp. Tinh là căn bản của tâm, tinh mát mẻ thì vui vẻ sáng suốt, tinh đục thì sầu não, tối tăm. Tinh khí bộc lộ ra bên ngoài gọi là khí. Quan sát khí có thể hiểu tính cách của con người, gọi là thính khí : Thẳng thắn vô tư hay quanh co, khuất lấp là do thần. Vui vẻ, sáng suốt hay sầu não, tối tăm là do tinh. Dũng cảm hay khiếp nhược là do gân cốt. Vui sướng hay khổ sở là do khí sắc. Nóng nảy hay bình tỉnh là do khí huyết. Suy nhược hay cứng mạnh thường biểu hiện ở dáng vẻ. Thái độ biến hóa hiện ra ở sắc mặt. Tình tự, nóng gấp hay chậm rãi thường biểu hiện ở ngôn ngữ. Tâm tính chất phác, thuần khiết thì điềm đạm, bình hòa. Nội tâm thông tuệ thì tâm tính cởi mở. Gân cốt cường kiện thì âm thanh rõ ràng, khí sắc tươi nhuận. Tâm tính thô bạo thì âm thanh nặng nề, tản mạn. Tâm khì khoan hòa, nhu thuận thì âm thanh ôn hòa, tròn trịa. Tính khí ôn hòa thì ý khí thư thái. Hòa khí thì dễ đi đến tùy tiện. Người có dũng khí biểu ở sự hùng tráng. 7. Phương pháp quan sát sắc diện (sát sắc): Sách Nhân vật chí cho rằng : “ Người có cái tâm trong sáng, phong thái, thần sắc, anh hùng, cứng cáp. Người tâm bình, khí hòa, phong thái, thần sắc, anh nhàn tự tại. Người có lòng nhân ái, phong thái, thần sắc, chính trực, đoan trang. Người dũng cảm, phong thái, thần sắc nhanh nhẹn, mạnh mẽ. Người lo lắng, thần sắc mệt mỏi, khô khan. Người đang gặp cảnh khốn cùng, mặt ủ mày chau. Người vui vẻ, thần sắc vui tươi, hoạt bát. Người giận giữ, thần sắc tiêu tán. Người gặp cảnh ngộ khó khăn chưa tìm ra được lối thoát, thần sắc hoang mang hoảng hốt “. 8. Phương pháp khảo chí : Thông qua đàm thoại người ta có thể khảo sát được tâm chí của con người : Khi trò chuyện thường cho rằng, kiến thức của mình còn nông cạn, cần người khác bổ túc, khiêm cung nhưng không dua nịnh, là người có khí chất khoan hậu, ôn hòa. Lúc nói chuyện thường khoa trương, coi thường người khác, chẳng qua là muốn che đậy sự thiếu năng lực, thiếu kiến thức, là người có khi chất kiêu căng. Khi nói chuyện thường tôn trọng sự công chính, không thiên vị, không che dấu khuyết điểm của mình, bộc lộ những ưu điểm của mình, là người chất phác, thận trọng. Án tử cho rằng : “ Kẻ gần bên quân chủ, khi nói năng chứng tỏ mình là người có vai vế, là kẻ gian nịnh. Bên ngoài, nói năng luôn tỏ vẻ thành thực, trung thành, để được nhà vua tin cậy, thực chất là kẻ đại gian, đại ác, loại này khó mà quan sát, thăm dò được tâm địa của chúng”. Tuân tử cho rằng : “ Kẻ nói năng, hành động không hợp với đạo nghĩa, thường giương tự đắc, tất là gian nịnh, tiểu nhân. Người nói năng, hành động hợp với đạo nghĩa, vui với công việc là bậc chính nhân, quân tử ”. Có sách cho rằng : Người bị sự kích thích của ngoại giới nhưng nhưng vui buồn không lộ ra nét mặt; gặp những chuyện phiền nhiễu tuế toái, vẫn giữ được bình tĩnh; không bị lôi cuốn bởi lợi lộc; bị uy hiếp nhưng không sợ hãi; là người tiết tháo. Người bị kích thích của ngoại giới, vui buồn hiện ra nét mặt; gặp những chuyện phiền nhiễu, tuế toái, tinh thần hoảng loạn; thấy lợi thì tối mắt chạy theo; là kẻ biển lận. Gặp những hoàn cảnh khác nhau, tùy cơ ứng biến, đưa ra sách lược, quyết đoán, là người thông minh, trí huệ. Gặp những hoàn cảnh khác nhau, không biết biến thông, không có kế sách, thiếu quyết đoán, cố chấp, là người ngu độn. Không biết nghe lời hay lẻ phải của người khác, tự tư tự lợi, nói năng cưỡng từ đoạt lí; là kẻ ngông cuồng, đố kị. Ngoài ra, người ta cũng có thể xem lời nói, cử chỉ, sắc diện, khí chất mà đoán người. Ví dụ 1: Thời Tam quốc, có một người khách đến thăm Lưu Bị, hai người nói chuyện say sưa. Bỗng thấy Gia Cát Lượng đến, người khách vội vàng đứng dậy xin cáo từ. Gia Cát Lượng nói với Lưu Bị : - Người ấy không phải gian tế, thì cũng là thích khách. Lưu Bị hỏi : - Làm sao tiên sinh đoán được ? Gia Cát Lượng đáp : - Tôi nhìn thấy lông mày của người ấy có sắc diện khác thường, tức tinh thần có ý sợ hãi, khi nói chuyện mắt cứ nhìn xuống, tròng mắt đảo lung tung, nếu không có gian tâm, thì cũng có tà tâm vậy. Tôi đoán, hắn là người của Tào Tháo sai đến. Lưu Bị cho người đuổi theo, người ấy đã trèo tường trốn thoát. Ví dụ 2: Thời Tam quốc, có ba người là Hà Yến, Hạ Hầu Huyền và Đặng dương là tay chân của Tào Sảng, có chức có quyền ở trong triều, ba người muốn kết thân với Phó Giả (có sách gọi là Phó Hỗ). Phó Hỗ tránh xa, có người trách, tại sao không làm thân với kẻ có chức có quyền, ít nhất cũng ấm thân hoặc thêm danh giá. Phó Giả nói: - Hạ Hầu Huyền có chí lớn mà tài mọn, có hư danh mà không có thực tài. Hà Yến thích đàm luận cổ kim nhưng là người hư ngụy, không có thành ý, là người lấy mồm mép để làm loạn chính sự. Đặng Dương là người hữu thủy vô chung, thích danh lợi, a dua bề trên mà bài xích người khác, nặng lòng đố kị. Ba người ấy là hạng người bại hoại, nên tránh xa không kịp, nói chi là kết thân với họ. Quả nhiên, sau này ba người đều bị Tư Mã Ý tru di cả ba họ. 8. Phương pháp trắc ẩn: Sách Nhân vật chí nêu : “ Làm người, tinh thần phải sâu kín, khí chất cao thượng, chí hướng phải lớn lao; tâm thế phải khiêm hư. Tinh thần sâu kín thì có thể hòa nhập vào cảnh giới thần diệu; khí chất cao thượng thì mới giữ được đạo đức và tiết tháo; chí hướng có lớn lao mới đảm nhiệm được trọng trách lớn; tâm thế có khiêm hư thì mới cẩn thận khi làm việc ”. Sở dĩ, Kinh thi ca tụng Chu Văn vương, vì Văn vương luôn cánh cánh bên lòng việc trị dân, mong cho gió thuận mưa hòa, tức là cẩn thận. Khi nhà vua nổi giận, thì sai tướng bình định thiên hạ, là chí hướng lớn lao. Cho nên cần phân biệt : Có chí lớn (đại chí) nhưng rất cẩn thận (tiểu tâm) là thánh nhân. Có tấm lòng rộng rãi (tâm đại) lớn, có chí lớn (đại chí) là anh hùng, hào kiệt. Lòng tham muốn lớn (tâm đại) nhưng chí nhỏ (chí tiểu), là người kiêu ngạo, cuồng vọng. Lòng dạ hẹp hòi (tâm tiểu), chí nhỏ (tiểu chí), là kẻ khiếp nhược, không có năng lực. Nhiều kẻ rất giỏi ngụy trang, ngụy trang dưới nhiều hình thức : Ngụy trang người chân thực, trong sâu xa là người được phần ít, nhưng muốn chiếm lấy thật nhiều, no bụng, đói con mắt, bỏ lợi nhỏ chạy theo lợi lớn. Giả người nhân từ, thương người, giàu lòng trắc ẩn, chẳng qua là để mua danh, bán tiếng. Ngụy trang người có học thức, thông kim bác cổ, lắm mưu nhiều kế nhưng đụng vào thực tế chẳng nghĩ ra được mẹo gì ! Khoác áo liêm chính, dũng cảm, thật sự là kẻ gian trá, khiếp nhược. Giả cung phụng quân vương, phụng dưỡng cha mẹ, ngụy trang dưới hai chữ hiếu trung hiếu, dùng trung để cầu danh vọng, mưu lợi, dùng hiếu để che mắt thế gian. Sách Nhân vật chí cho rằng, người cao cả, bên trong và bên ngoài là một, bên ngoài không cần ngụy trang. Kẻ giả dối sức bên ngoài những vật quý như ngọc ngà, châu báu nhưng bên trong là một tâm hồn bại hoại, hư nát. Lời nói không đi đôi với việc làm là nội tâm với diện mạo bên ngoài, giả bộ danh tiết để mê hoặc người ta, làm cho người ta tin, tức là cái chí của người này đã hỏng bét (hủy chí). Sách Nhân vật chí viết : Người chuyên môn công kích người khác với ác ý là người thiếu công chính và mất nhân tính. Người tự cho mình là thông đạt đạo lí, thực tế là không thông đạt đạo lí, kiêu ngạo, quay lưng với lễ tiết. Những người thông qua việc chè chén mà kết thân, thường là người muốn lợi mình, hại người, muốn mưu cầu lợi ích vật chất, là loại người tham và ti tiện. Khương Thái công cho rằng : Quân chủ không nên thân cận và tín nhiệm người quả cảm không sợ chết và những người tham tước lộc. Người không sợ chết là người có lòng tham vô đáy. Người quá coi trọng tước lộc, chỉ lo chạy theo chữ lợi, không đếm xỉa đến việc lớn. Đây là hạng người bại hoại ý chí. Người khôn vặt, không có đại học vấn, chỉ có tài mọn không làm được việc lớn, thấy lợi nhỏ quên cả đạo lí, gọi là người phù hoa. Văn tử cho rằng : Mỗi con người đều có sở đoản, nhưng phải giữ gìn khí tiết, tuy có sai lầm nhỏ nhưng không làm hỏng việc lớn. Nhưng đã mất khí tiết, thì sẽ trở nên kẻ ti tiện, làm hỏng mọi việc. 9. Phương pháp suy đoán phẩm đức (quy đức) : Ngôn ngữ trung thực, hành vi ổn định, không thay đổi, ý chí vững vàng, chí công vô tư, làm ơn không mong được báo đáp, trung hậu, xét việc rõ ràng, tính tình an tĩnh. Là người có lòng nhân. Có tài xử lí những lúc gay go, trong nguy hiểm tìm ra đường sống, ra sức lập công nhưng không kể công. Là người trí. Phú quý, danh vọng hiển hách nhưng vẫn cung kính, khiêm tốn mà không mất vẻ uy nghiêm, không kiêu ngạo. Là người có đức hạnh. Gặp lúc bần hàn cũng không lo buồn, sống cảnh giàu sang cũng không xa xỉ, công lao to lớn nhưng chẳng cậy công, lúc giận giữ cũng như lúc vui vẻ những vẫn tiết chế được tình cảm. Là người tiết tháo. Cúc cung phụng sự quân chủ, hiếu với cha mẹ, hòa hợp với mọi người, tận tâm tận lực với công việc. Là người trung hiếu. 9. Tính toàn diện : Sách Hoàn phạm cho rằng : “ Lịch sử chứng minh, những bậc đế vương làm nên sự nghiệp là biết dùng những người hiền năng, những vị vua mất nước, mất nhà, mất mạng thường là do không biết dùng người hiền năng, chỉ dùng những kẻ gian tà, dua nịnh ”. Sách Nhân vật chí viết : “ Việc chọn người phải đề ra nhiều tiêu chuẩn, không nên theo cứng nhắc một vài tiêu chuẩn. Nếu đề cao người chính trực, chọn người chính trực, thì sẽ hoài nghi cho rằng những người có pháp thuật là những kẻ trí trá. Nếu đề cao và lấy mưu lược làm chuẩn, chỉ chọn người mưu lược, sẽ bỏ quên những người có kế sách bình thường, bỏ quên những người tuân theo luật pháp, chế độ. Nếu đề cao và lấy quyền thuật làm chuẩn, chỉ chọn người quyền thuật, sẽ bỏ qua những người có tài giáo hóa quần chúng. Nếu đề cao và lấy khẩu tài, miệng lưỡi, làm chuẩn, chỉ chọn người nói hay, biện luận giỏi, sẽ bỏ quên những người có kĩ năng kĩ xảo. Cho nên, cần phải biết nhiều loại nhân tài, phân nhiều dòng nhân tài, thì mới thu hút được nhân tài trong thiên hạ”. Sở dĩ, chúng ta ca ngợi những bậc thánh hiền là thông minh, vì thánh hiền biết người, biết phát hiện người tài, biết chọn những người tài, bố trí họ vào những vị trí thích hợp, để họ phát huy được sở trường, thực hiện được những công việc mà thánh hiền giao cho họ. Có người cho rằng, trong việc tuyển chọn một nhân tài toàn diện, trở thành rường cột của quốc gia, ít nhất phải mất ba ngày. Ngày thứ nhất, bàn luận về đạo đức. Ngày thứ hai, luận bàn về pháp chế. Ngày thứ ba, luận bàn về mưu lược. Nếu không còn nghi ngờ một điều gì thì mới tuyển chọn. Vì sao phải chọn người toàn diện ? Khổng tử đã dạy các đệ tử rằng, có 6 tệ đoan. Chẳng hạn, người nhân là quý, người tín là tốt. Nhưng người nhân thường hay do dự, thiếu quyết đoán, đó là tệ đoan của nhân. Người tín vì khư khư giữ tín, nên không thể bảo mật, đó là tệ đoan sinh ra từ chữ tín. Cho nên, khi chọn người chỉ thiên một mặt nào đó, phiến diện, sẽ thiếu nhân tài toàn diện. 6. TƯỚNG THUẬT Thuật xem tướng, tướng thuật, có từ lâu đời và đã trở thành bộ phận văn hóa truyền thống của Trung Quốc. Thuật xem tướng thường căn cứ vào tướng mặt, ngũ quan, xương cốt, khí sắc, thể hình, chỉ tay, ngôn ngữ (thanh âm), tinh thần … để dự đoán con người sang hay hèn, cao quý hay bần tiện, họa hay phúc. Tướng thuật được áp dụng khá rộng rãi trong nhiều lãnh vực và việc tuyển người, đề bạt quan chức. 1. Tướng thuật và những kinh nghiệm lịch sử : Ví dụ 1: Sách Tả truyện kể, quan nội sử Thúc Phục, thuộc vương thất nhà Chu, đến nước Lỗ. Công tôn Ngạo biết Thúc Phục là người giỏi xem tướng, liền đem hai người con trai là Cốc và Nan cho Thúc Phục xem giúp. Thúc Phục xem qua, nói : - Cốc có thể phụng dưỡng ông còn Nan có thể mai táng ông. Cốc trán đầy, nhất định sẽ làm cho nước Lỗ hưng thịnh. Sau này, đúng như lời đoán của Thúc Phục. Ví dụ 2: Trịnh Giản công mở yến tiệc mời Triệu Mạnh đến dự và xem tướng. Trong tiệc có 7 người rất giỏi làm thơ, trong đó có hai người là Tử Triển và Ấn Đoạn ra đề thơ. Tử Triển ra đề là trùng cỏ (thảo trùng), còn Ấn Đoạn ra đề là con dế (tất suất). Triệu Mạnh nghe đề thơ liền đoán : - Tử Triển sẽ được dân chúng ủng hộ. Còn Ấn Đoạn cần xem xét lại hành vi của mình, nếu không sẽ gặp tai họa. Sau này, gia đình Ấn Đoạn bị diệt vong. Nguyên nhân, Ấn Đoạn rất mê âm nhạc, chìm đắm trong âm nhạc. Âm nhạc có thể làm cho con người thư thái, an định trăm họ, nhưng âm nhạc cũng có thể hủy hoại và nhận chìm con người. Sở dĩ, Triệu Mạnh xem đề thơ, nghe thơ, mà đoán được vận mệnh, do thơ thường nói lên cái chí hướng của con người (thi dĩ ngôn chí). Sách Hán thư kể, Hán Cao tổ phong cho Lý Tỵ làm Ngô vương. Lễ phong kết thúc, Hán Cao tổ nói với Lý Tỵ : - Ngươi có tướng phản, vì vậy phải cẩn thận. Nếu năm mươi năm sau, ở phương Nam có đại loạn thì ngươi cũng không được làm phản, vì ta với ngươi là người một nhà. Lý Tỵ khiếp sợ, vâng dạ. Tướng kinh viết : Ở trên lông mày, có hai khối xương u lên quá cao, gọi là cửu phản cốt là người mưu phản. Từ trên trán có một đường dọc xuống Thiên trung, rồi có một đường sắc vàng chạy đến huyệt Thái dương hoặc xương trên lông mày hiện sắc vàng hoặc huyệt Thiên mục chạy thẳng xuống sống mũi có sắc vàng, là người có tướng quý, làm đến chức tam công. Người có tướng xương bần tiện, có thể là kẻ giết cha, giết cha. Ví dụ 3 : Sách Tả truyện kể, Sở Thành vương muốn lập Thương Thần làm thái tử, hỏi ý kiến Lệnh doãn tử. Lệnh doãn tử nói : - Thương Thần, hai mắt như mắt con ong, tiếng nói (âm thanh) như sài lang, tính tình rất tàn nhẫn, không nên lập làm thái tử. Sở Thành vương không nghe. Sau này, Thương Thần làm phản, đem quân ở Đông cung thái tử bao vây Sở Thành vương, bắt ông ta phải tự ải. Ví dụ 4: Quan tư mã nước Sở là Tử Lương có con trai tên là Việt Tiêu. Anh của Tử Lương là Tử Văn nói : - Đứa bé này, tướng như hùm như gấu, tiếng nói như sài lang. Dân gian nói là lòng lang dạ sói, là tướng phản, nên giết nó đi, nếu nó lớn không, cả nhà sẽ mang họa diệt tộc. Tử Lương không nghe, cho rằng giết con cũng chẳng khác nào lang sói. Kết cuộc, Việt Tiêu làm phản, đem quân vây Sở Trang vương bị Sở Trang vương đánh bại, giết và diệt tộc. Ví dụ 5: Hàn Tuyên tử, nước Tấn, đi sứ sang nước Tề. Quan đại phu nước Tề là Tử Nhã, nhờ Hàn Tuyên tử xem tướng cho con là Tử Kì. Hàn Tuyên xem xong nói : - Tướng mạo của cháu không ôn hòa, nhu thuận, khó mà giữ gìn được sự nghiệp của cha ông. Tử Nhã không tin. Mười năm sau, Tử Kì phạm tội phải chạy trốn ra nước ngoài. Ví dụ 6: Chu Linh vương có người em tên là Đan Lý, con Đan Lý là Đan Quát, khi Đan Lý chết, Đan Quát chỉ thở dài. Công tử Khiên Kì nghe tiếng thở dài của Đan Quát, liền vào tâu với Chu Linh vương : - Đan Quát, cha chết mà không khóc, chứng tỏ tham vọng không nhỏ, hắn lại thường nóng nảy bất an, chứng tỏ là muốn tiến xa hơn. Không giết người này, sẽ có hại cho đất nước. Chu Linh vương nói : - Nó còn trẻ người non dạ, để ý làm gì. Sau khi Chu Linh vương mất, Đan Quát âm mưu lập Hầu Phu lên làm vương tử. Vương thất nhà Chu không chịu, đồng loạt đứng lên chống và đuổi Hầu Phu. Hầu Phu và Đan Quát phải chạy trốn ra nước ngoài. Ví dụ 7: Đại phu nước Tề là Thôi Trữ đem quân đi đánh nước Lỗ. Lỗ Ai công rất lo lắng. Công tử Trác nói với Ai công : - Mưu đồ của Thôi Trữ rất lớn, chuyện đánh nước ta là chuyện nhỏ, không bao lâu hắn sẽ rút quân về để thực hiện mưu đồ của hắn. Hơn nữa, kỉ luật quân đội của Thôi Trữ thiếu nghiêm minh, lộn xộn, không thể đánh bại nước Lỗ. Quả nhiên, Thôi Trữ kéo quân về. Không lâu, Thôi Trữ giết Tề Trang công. Ví dụ 8: Nước Lỗ, nước Sở và các nước chư hầu hội họp để liên minh. Công tử Vi (đại diện vua nước Sở) đem nghi trượng, cờ xí, phục trang, rút khỏi liên minh và đi qua nước Vệ. Đại phu nước Lỗ là Thúc Thích hỏi công tử Vi, tại sao rút khỏi liên minh ? Công tử Vi nói : - Công tử nước Sở rất oai phong, chắc chắn sẽ làm vua nước Sở rồi ! Liên minh để làm gì ? Một năm sau, công tử nước Sở đoạt quyền và soán ngôi vua Sở. 2. Một số phương pháp của tướng thuật: Sắc diện :Các nhà tướng thuật cho rằng, phú quý hiện ra ở xương cốt, buồn vui hiện ra ở sắc mặt. Tướng kinh cho rằng, có năm màu sắc : Màu xanh chủ về ưu sầu, màu trắng chủ về khóc lóc, màu đen chủ về bệnh tật, màu đỏ chủ về lo sợ, màu vàng chủ về vui sướng. Căn cứ vào năm màu sắc và 4 mùa để phán đoán: Ba tháng mùa Xuân, màu xanh làm vua ; màu hồng là tướng; màu trắng là tù; màu vàng, màu đen là tử. Ba tháng mùa Hạ, màu đỏ là vua; màu trắng, màu vàng là tướng; màu đen là tù; màu xanh là tử. Ba tháng mùa Thu, màu trắng là vua; màu đen là tướng; màu xanh, màu vàng là tù; màu đỏ là tử. Ba tháng mùa Đông, màu đen là vua; màu xanh là tướng; màu vàng, màu đỏ là tù; màu trắng là tử. Nếu nhan sắc phù hợp với mùa làm vua, làm tướng là tốt; nhan sắc không phù hợp với mùa, gặp tù, tử, là điềm xấu của vua, của tướng. Ví dụ: Có lần, anh Quản Lộ tiếp hai người khách. Hai khách về, Quản Lộ nói với anh : - Hai người này, ngực và tai đều có khí dữ (hung khí), sẽ gặp tai họa, hồn phách lênh đênh trên biển, còn xương thịt thì đem về nhà. Không lâu, hai người đó bị chết đuối. Tướng kinh viết : Quyết định, cao quý hay bần tiện do xương cốt; tuổi thọ ngắn dài, do tinh khí hư hay thực. Sách còn cho rằng : Con người sống nhờ hít thở, hít – thở tương đương, dài thư thái, là tuổi thọ cao; hít thở gấp gáp, vào ra không bằng nhau, tuổi thọ ngắn. Xương thịt cứng rắn, trường thọ nhưng đời sống ít vui; xương thịt mềm mại, tuổi thọ ngắn nhưng đời sống lại vui vẻ. Ví dụ 1: Đại phu Tương Trọng, nước Lỗ, đi sứ nước Tề về kể : - Tôi ở nước Tề, có lần thấy vua Tề vừa ăn vừa nói, vừa nhai vừa nuốt, sớm muộn cũng chết. Quả nhiên, không lâu vua Tề chết. Ví dụ 2: Trịnh Điệu công đến nước Tấn để liên minh. Trong lúc cử hành lễ dâng ngọc bích, Trịnh Điệu công có vẻ hoảng hốt, lúng túng, không xứng đáng với người tế lễ. Đại phu Trinh Bá, nước Tấn thấy vậy nói : - Ánh sáng của mắt tán loạn, chân bước không vững, e rằng, vua Trịnh chẳng còn sống được bao lâu ! Quả nhiên, Trịnh Điệu công chết trong năm đó. Ví dụ 3: Chu Giản công sai Lưu Khang công và Thành Túc công đem quân đánh nước Tần. Lúc ở miếu thổ địa, dâng tiến thịt, thái độ của Thành Túc không được cung kính, lễ lược sơ sài. Lưu Khang công nói : - Tôi nghe, con người bẩm thụ khí của trời đất mà sinh ra, gọi là mệnh. Hành vi của con người phải tuân theo chuẩn tắc, lễ nghĩa; theo lễ nghĩa để củng cố vận mệnh của mình; theo chuẩn tắc thì phúc lộc mới dồi dào. Nay, là việc lớn của quốc gia, tế lễ là nghi thức không thể thiếu, không thể sơ sài, trước khi chiến trường. Ông ta, tế lễ mà thiếu cung kính, dâng thịt lại sơ sài, là coi thường tính mệnh của mình, e rằng sẽ rước lấy nguy hiểm. Tháng 5, năm ấy, Thành Túc công chết trên đất khách. Ví dụ 4: Tống Nguyên công mở tiệc mời Đại phu Thúc Tôn Chiêu đến dự; hai người uống rượu, nói chuyện, vui cười, rồi khóc lóc. Quan bồi yến là Nhạc Kì thấy vậy, rời chiếu và nói với người khác : - Tôi nghe người ta nói, bi ai dẫn đến vui vẻ khoái lạc, hoặc vui vẻ khoái lạc dẫn đến bi ai; con người không tự chủ được, tức là mất tâm chí rồi. Tôi đoán, nhà vua và đại phu không thể sống lâu. Năm sau, người chết trước, kẻ chết sau. Ví dụ 5: Chu Ân công và Lỗ Định công bái kiến lẫn nhau. Ân công cầm ngọc khuê cao lên, mặt ngấc lên. Còn Lỗ Định công cầm ngọc khuê thấp, mặt cúi xuống. Tử Cống thấy vậy, nói với quan Thái tễ họ Ngô rằng : - Một vị thì ngước mặt lên cao, biểu thị sự kiêu ngạo, kiêu ngạo thì gần với hôn ám, loạn lạc. Một vị thì cúi gầm mặt xuống, tức là tinh thần quá suy sụp; tinh thần suy sụp thì gần với bệnh tật. Đó là điềm chết chóc hoặc mất nước. Lời đoán của Tử Cống rất chính xác và ứng nghiệm. 3. Tướng thuật và quan chức : Tướng xương mặt : Thời cổ, quan chức được phân làm 9 bậc (cửu phẩm), theo tướng thuật, thì mỗi bậc, tướng mặt của quan chức có đặc trưng như sau : Cửu phẩm : Xương lưỡng quyền cao, da thịt tươi nhuận. Bát phẩm : Phụ cốt (phần xương ở giữa trán và lông mày) lộ ra, mũi thẳng. Thất phẩm : Xương phụ và phần tóc ở trán có góc cạnh, cằm ngay thẳng. Lục phẩm : Trán cao đầy đặn, lông mày ngay thẳng. Ngũ phẩm : Phục tê cốt (tức có xương từ trán chạy xuống sống mũi, giống con tê giác); góc xương phụ đầy đặn. Tứ phẩm : Trán rộng, đầy đặn, bên ngoài huyệt Thái dương đầy đặn. Tam phẩm : Phụ tê cốt (xương phụ như con tê giác) hoặc long giác (sừng của con rồng). Nhị phẩm : Đỉnh đầu cao, có xương long giác đẹp hoặc xương phu như con tê giác. Nhất phẩm : Các xương cốt hoàn mĩ, không có khuyết điểm, khí chất, tinh thần đầy đủ. Tướng xương, quan hệ đến chức nghiệp và chức vụ: Tướng xương như rồng là thuộc văn, sử làm chức tam công. Tướng xương như hổ, thuộc võ, làm chức tướng quân. Tướng xương như con trâu, làm đến chức tễ phụ. Tướng xương như con ngựa, làm đến chức vũ sử. Tướng xương như con chó, là thanh quan, làm đến chư hầu. Tướng xương nhu con chuột là rất giàu sang. Tướng các bộ vị trên mặt, căn cứ những bộ vị trên mặt để tuyển chọn hoặc bổ nhiệm quan chức : Thiên trung chủ về quý khí, nếu thiên trung đầy đặn, có thể làm quan. Thiên đình chủ về khí thừa tướng, nếu đầy đặn, có thể làm đến thượng công. Tư không chủ về khí tam công, nếu đầy đặn có thể làm chức tam công. Trung chính chủ về khí quần chính, nếu đầy đặn có thể trở thành nhân vật nổi tiếng, chuyên bình phẩm người trong thiên hạ. Ấn đường chủ về ấn (tín) thiên hạ, nếu đầy đặn có thể làm quan coi việc ấn tín. Sơn căn, ngang bằng nhưng có xương lạ gồ lên, có thể làm quan hoặc quan hệ với hoàng thất. Cao quảng, đầy đặn có thể làm phương bá (bá chủ một cõi). Vũ khố đầy đặn, có thể làm quan chủ vền binh giáp, giấy tờ, kho quân đội. Phụ giác tốt có thể làm quan xa, chức thứ sử các châu quận. Biên địa tốt có thể làm quan ở các châu. Nhật giác tốt làm đến công hầu. Phòng tâm tốt có thể làm quan coi về xe ngựa của nhà vua. Dịch mã tốt, làm quan coi về việc tật bệnh. Ngạc giác tốt làm đến chức khanh. Thượng ngự, chủ về đế và khanh. Hổ mi, lông mày giống cọp, có thể làm đại tướng. Ngưu giác tốt, chỉ làm quan nhỏ dưới trướng của tướng quân. Huyền giác tốt, có thể làm tướng quân. Dương xích tốt, có thể làm quan phụ tá ở các châu. 5. Tướng làm giặc : Có sáu loại tướng làm giặc (lục tặc tướng). Đầu nhỏ, thân lớn, phát dục không đều; là đệ nhất tặc tướng. Mắt không có ánh sáng, ngực lưng lép xẹp; là đệ nhị tặc tướng. Cử động lực bất tòng tâm, mặt khô khốc, thanh âm quái dị, thần sắc lờ đờ; là đệ tam tặc tướng. Mũi không đều đặng, đầu mũi xệ xuống, mắt lé ti hí; là đệ tứ tặc tướng. Chân dài, lưng ngắn, môi át cả mũi; là đệ ngũ tặc tướng. Miệng mồm méo mó, môi nhỏ lại dài, nhiều lời, ít tin; là đệ lục tặc tướng. 7. Ngũ hành, tứ thời, ngũ tạng, ngũ quan và ngũ thường: Ngũ hành là mộc, hỏa, kim, thủy, thổ. Tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Ngũ tạng là gan, tim, phổi, thận, tì. Ngũ quan là mắt, lưỡi, mũi, tai, lưỡi. Ngũ thường là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Giữa ngũ hành, tứ thời, ngũ tạng, ngũ quan và ngũ thường, có mối quan hệ như sau : Mộc chủ mùa Xuân, Xuân chủ gan, gan chủ mắt, mắt chủ nhân. Hỏa chủ mùa Hạ, Hạ chủ tim, tim chủ lưỡi, lưỡi chủ lễ. Kim chủ mùa Thu, Thu chủ phổi, phổi chủ mũi, mũi chủ nghĩa. Thủy chủ mùa Đông, Đông chủ thận, thận chủ tai, tai chủ trí. Thổ chủ mùa Hạ, Hạ chủ tì, tì chủ môi, môi chủ tín. Chẳng hạn, tóc mượt mà, môi hồng là người rất giỏi về kĩ thuật. Mũi nhỏ như thu lại, là người, đầu mũi tẹt, là người keo kiệt bủn xỉn. Tai nhỏ, răng nhỏ dày, là người hay gièm pha, nịnh nọt. Ví dụ 1: Phạm Lãi nhìn tướng Câu Tiễn và nói : Việt vương cổ dài, mỏ như mỏ quạ, là người có thể sống chung khi hoạn nạn, không thể sống chung lúc an vui. Khi Câu Tiễn đánh thắng nước Ngô, Phạm Lãi từ quan và trốn đi Ngũ hồ để tránh họa. Ví dụ 2: Úy Liêu cho rằng :“ Tần Thủy Hoàng sống mũi cao, tròng mắt dài, ngực như ngực con chim ưng, tiếng nói như sài lang, là người ít thi ân, ít tin ai, tâm địa như lang sói. Lúc khó khăn thì sẵn sàng hạ mình đồng cam cọng khổ với người dưới, nhưng khi đã lên đỉnh vinh quang thì giết người như nghóe. Hạng người như vậy, không nên giao thiệp dài lâu ”. Ví dụ 3: Quan đại phu nước Tấn tên là Thúc Hướng muốn lấy con gái đẹp nổi tiếng của của một vu quan (quan chuyên về bói toán). Bà mẹ khuyên rằng : Ngày xưa, có cô gái da ngăm đen rất đẹp, tên là Huyền, lấy một ông quan coi về âm nhạc tên là Quỳ. Sau sinh được người con trai tên là Bá Phong, tâm địa tham lam độc ác, người ta gọi là con heo. Sau này, bị Hậu Nghệ giết chết. Ông quan coi về âm nhạc, tên là Quỳ, không được dự trong những buổi tế lễ. Từ Hạ, Thương, Chu những ông vua mất nước, trong đó có một phần mê gái đẹp. Thiên hạ có nhiều gái đẹp, nếu đẹp mà có đức hạnh thì tốt, người đẹp không có đức hạnh thì quả là tai họa. Thúc Hướng nghe lời mẹ, không có ý lấy con gái đẹp của vu quan nữa. Ví dụ 4: Ngụy An Hỷ hỏi Tử Tòng : - Ta thấy tính cách của Mã Hồi rất thẳng thắn, cương trực, khí tiết, ta muốn cho ông ta làm tể tướng, có được không ? Tử Tòng thưa : - Mã Hồi mắt nhỏ mà dài, trông giống mắt lợn, tướng dài tuy ngay thẳng, cương trực, khí tiết, nhưng trong lòng gian trá. Tôi xem tướng, ngàn người chỉ sai một. Riêng, trường hợp Mã Hồi, tôi đoán không sai. Ví dụ 5: Bình Nguyên quân xem tướng Bạch Khởi, rồi tâu với Ngụy vương rằng : - Bạch Khởi, đầu nhỏ cằm (hạ ba) bạnh, hai tròng mắt đen trắng rõ ràng, mắt nhìn không chuyên chú. Đầu nhỏ cằm bạnh, biểu thị hành động quả quyết; hai tròng mắt đen trắng phân minh, là năng lực quan sát mạnh; nhìn không chăm chú, là ý chí kiên định. Người này chỉ nên dùng trong cuộc chiến đấu lâu dài, không nên cho làm tiên phong trong những trận đối kháng. Ví dụ 6: Có người xem tướng Vương Bôn và cho rằng : Mắt như mắt lợn, đầu như đầu chim ưng, miệng như miệng cọp, tiếng nói như sài lang, thích ăn thịt người thế nào cũng bị người giết chết. Quả nhiên, Vương Bôn chuyên quyền, đoạt chính quyền nhà Tây Hán, sau thất bại, bị giết chết. 8. Ích lợi của tướng thuật: Các nhà tướng thuật cho rằng, tướng mạo và vận mệnh của con người có mối quan hệ đặc biệt, như âm với vang. Sách Tả truyện viết : “ Không lo lắng tức bi ai sẽ đến, nếu lo lắng niềm vui sẽ đến ”. Tâm lí và thần chí con người thường có những dự cảm về tương lai của mình và về tương lai của người khác. Nhà tướng thuật là người có dự cảm cao hơn người khác. Chẳng hạn, Biển Thước thấy Sái Hoàn công bị bệnh cần phải chữa trị. Sái Hoàn công kiêu căng, không nghe lời dự cảm của Biển Thước, nên bệnh xâm nhập vào tạng phủ, không còn chữa chạy được nên phải chết. Nhiều người, đang ở ngôi vị cao quý, lên xe xuống ngựa, ăn toàn cao lương mĩ vị nhưng cuối đời lại chết đói ở đầu đường xó chợ, chẳng qua là không lo lắng, không dự cảm được vận mệnh của mình. Nhưng cũng có người, thời niên thiếu bần hàn, bện giày dệt chiếu để sinh nhai, nhưng dự cảm được tương lai, tự cường, nỗ lực sau trở thành những anh hùng vô địch hay trở thành những vị đế vương. Trên những ngã đường sinh nhai, nhiều thầy bói toán đã dùng tướng thuật làm cần câu cơm, lừa bịp người ta, khiến cho tướng thuật bị coi thường, nghi ngờ, đôi khi bị xếp vào loại mê tín, hoặc thuật của bọn bàng môn tả đạo. Thật ra, những nhà tướng thuật chân chính, có tài năng, đã giúp con người tránh được tai họa, tránh điều dữ, làm điều lành. Đặc biệt, trong việc dùng người, chọn người. 7. LUẬN VỀ KẺ SĨ Phản kinh cho rằng, muốn hoàn thành sự nghiệp vương bá thì phải chiêu mộ, vơ vét, hết anh hùng hào kiệt trong thiên hạ. Thiên này, luận về kẻ sĩ, nêu những cách chiêu hiền đãi sĩ và cách dùng kẻ sĩ của các bậc vua chúa. 1. Nhân tài và quốc gia : Hoàng Thạch công cho rằng : “ Quy định của thời thái bình là chư hầu có hai đội quân, phương bá có ba đạo quân, thiên tử có sáu đội quân. Trong thời loạn, ân trạch của thiên tử không được ban ra khắp chốn, quy định và tổ chức này tan vỡ, các thế lực liên minh với nhau để mong đè bẹp các thế lực khác. Để cân bằng hoặc phân cao thấp về lực lượng và chính trị, các thế lực ra sức chiêu mộ nhân tài, anh hùng, hào kiệt. Nếu được nhân tài, anh hùng, hào kiệt thì hưng thịnh, mất nhân tài, anh hùng, hào kiệt thì suy vong ”. Vì thế, Tề Hoàn công cho gọi một vị quan nhỏ có tài tên là Tắc, một ngày gọi ba lần nhưng Tắc không đến. Tề Hoàn công nói : - Kẻ sĩ có tài năng coi thường tước vị, bỗng lộc, tất nhiên là coi thường nhà vua. Nhưng ta là không thể coi thường nghiệp bá và xem thường kẻ sĩ. Tề Hoàn công đã đích thân năm lần đến nhà Tắc. Sách Thượng thư cho rằng, nếu được người hiền năng để bái làm thầy, thì có thể xưng vương trong thiên hạ. 2. Trọng sĩ, thượng hiền : Tề Tuyên vương triệu Nhan Xúc. Nhan Xúc đến. Tề Tuyên vương nói : - Xúc lại đây ! Nhan Xúc cũng nói : - Vua lại đây ! Tuyên vương không vui. Kẻ tả hữu nói : - Vua là bậc quân thượng. Xúc là bề tôi. Vua bảo Xúc lại đây ! Xúc cũng bảo Vua lại đây ! Như vậy có hợp lẽ không ? Xúc đáp : - Vua bảo Xúc lại đây ! Mà Xúc lại thì Xúc là kẻ mộ quyền thế. Xúc bảo Vua lại đây ! Mà vua lại, thì vua là người chuộng kẻ sĩ. Để cho Xúc này mang tiếng là kẻ mộ quyền thế, không bằng để cho nhà vua được tiếng là chuộng người hiền sĩ. Tuyên vương giận lắm, nói : - Vua quý hay kẻ sĩ quý ? - Kẻ sĩ quý chứ vua đâu có quý ! - Có chứng cứ gì không ? Xúc đáp : - Có chứ ! Xưa, nước Tần tiến đánh nước Tề, nhà vua ra lệnh : Trong khoảng năm chục bước, chung quanh mộ Liễu Hạ Huệ, ai dám vào đốn củi, bị tội chết, không tha. Vua lại ra lệnh : Ai mà chặt được đầu của vua Tề thì được phong làm vạn hộ hầu, thưởng ngàn nén vàng. Vậy, xét cái đầu của ông vua sống, không bằng nấm mồ kẻ sĩ đã chết. Nhan Xúc lí luận một hồi, Tuyên vương phục lắm, liền phong làm thầy. 3. Thời nào cũng có người tài : Sách Nhan ngữ viết : “ Tắm rửa không nhất thiết phải đến sông lớn, đến biển khơi, có thể tắm nơi nước sạch. Ngựa không nhất thiết con nào cũng như con thiên lí mã, miễn sao nó đủ sức lực để người ta dùng nó. Kẻ sĩ cũng không nhất thiết, ai ai cũng hiền đức, chỉ mong họ thông hiểu đạo lí khi hành động. Cũng không mong tất cả mọi người xuất thân từ gia đình cao quý, mà chỉ mong họ trung trinh là tốt ”. Ví dụ 1: Thuần Vu Khôn nói với Tề Tuyên vương : - Người xưa thích ngựa quý, đại vương cũng thích ngựa quý; người xưa thích ăn cao lương mĩ vị, đại vương cũng thích của ngon vật lạ; người xưa mên gái đẹp, đại vương cũng mê gái đẹp. Chỉ khác, người xưa chuộng kẻ sĩ, thì nhà vua không chuộng kẻ sĩ. Tề Tuyên vương nói : - Thời bây giờ làm sĩ có kẻ sĩ, nếu có thì ta đã mời họ đến rồi ! Thuần Vu Khôn thưa : - Ngày xưa, có ngựa kì, ngựa kí; ngày nay tuy không có ngựa kì ngựa kí nhưng chuồng ngựa của đại vương vẫn có nhiều con ngựa tốt. Ngày xưa, có những món ăn quý hiếm; ngày nay có thể không có, nhưng mâm thức ăn của đại vương lúc nào cũng có những món ăn ngon. Ngày xưa, có những người đẹp nổi tiếng như Mao Tường, Tây Thi; ngày nay có thể không có những người như Mao Tường, Tây Thi nhưng ở trong cung của đại vương có vô số người đẹp phơi phới. Ngày xưa, vua Nghiêu, vua Vũ, vua Thang có rất nhiều hiền sĩ; ngày nay, có thể không có thể không có người giỏi như thời vua Nghiêu, vua Vũ, vua Thang, nhưng chắc chắn có rất nhiều kẻ sĩ. Chẳng qua, đại vương không có đức tính yêu hiền sĩ như vua Nghiêu, vua Vũ, vua Thang mà thôi ! """