🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Kế Sách Xây Dựng Đất Nước Của Cha Ông Ta
Ebooks
Nhóm Zalo
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Q. GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP
PHẠM CHÍ THÀNH
Chịu trách nhiệm nội dung:
ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ
Biên tập nội dung: ThS. PHẠM NGỌC BÍCH TS. HOÀNG MẠNH THẮNG
ThS. VŨ QUANG HUY
NGUYỄN THỊ HƯƠNG
ThS. NGUYỄN VIỆT HÀ
Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Đọc sách mẫu:
PHẠM THÚY LIỄU NGUYỄN QUỲNH LAN VŨ QUANG HUY
BÍCH LIỄU
Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 892-2020/CXBIPH/11-295/CTQG. Số quyết định xuất bản: 4876-QĐ/NXBCTQG, ngày 16/04/2020. Nộp lưu chiểu: tháng 5năm 2020.
Mã ISBN: 978-604-57-5553-2.
G
5
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
ần một nghìn năm của chế độ phong kiến tự chủ Việt Nam, từ thời Lý (thế kỷ XI) đến thời Nguyễn
(thế kỷ XIX) đã chứng minh một quy luật rằng, thế nước thịnh hay suy, mạnh hay yếu phụ thuộc phần lớn vào đường lối trị nước của các bậc vua chúa, vào đội ngũ quan lại triều đình có thực sự đưa ra được những quốc sách, kế sách phù hợp với sự phát triển các mặt đời sống của đất nước, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân, vì mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước hay không. Bởi, chỉ có đưa ra được những kế sách đúng mới vạch ra được đường lối đúng, phù hợp với sự
phát triển của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số tầng lớp nhân dân, phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc. Điều đó cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của những kế sách đúng, kế sách hay đối với sự phát triển đất nước trong lịch sử.
Nhằm mục đích "ôn cố tri tân", hiểu xưa để ngẫm nay, đồng thời cung cấp thêm cho bạn đọc một tư liệu quý nghiên cứu về những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta trong thời kỳ phong kiến, từ đó rút ra những kinh
6 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta do PGS.TS. Bùi Xuân Đính sưu tầm và biên soạn.
Cuốn sách tập hợp hơn 60 kế sách của các vị quan yêu nước ở các vị trí quan trường khác nhau của các vương triều. Đó là những tờ sớ, tờ khải, bản điều trần đề cập tới không chỉ những vấn đề quan trọng của đất nước, mà cả những khía cạnh bình thường của đời sống nhân dân và đưa ra những đề nghị, sáng kiến cải cách, được chép trong các bộ sử cũ của nước nhà. Với vốn kiến thức sâu rộng, đa ngành, tác giả không chỉ tập trung trình bày nội dung của từng kế sách mà còn đưa ra những nhận định chủ quan về các kế sách, luận giải về ý nghĩa của từng kế sách đối với xã hội đương thời, đồng thời rút ra các bài học quý cho xã hội chúng ta hôm nay.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo có giá trị đối với các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, đồng thời mang tới nhiều điều thú vị, bổ ích cho các độc giả.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 10 năm 2017
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
L
7
LỜI GIỚI THIỆU
ịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, kể từ thời Lý (thế kỷ XI) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX), trải qua
các thời kỳ đều nổi lên một hiện tượng khá độc đáo. Đó là, bộ phận trí thức tiến bộ bao gồm các quan lại, văn thân, sĩ phu giàu lòng yêu nước, thương dân, có tinh thần trách nhiệm cao với dân, với nước, đã chủ động đóng góp các ý kiến xây dựng với các nhà cầm quyền, nhằm mục đích làm cho dân được giàu, nước được mạnh trong thời bình; cũng như để gấp rút canh tân đất nước, khả dĩ đủ lực lượng đánh bại giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc trong thời loạn.
Cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta của tác giả Bùi Xuân Đính tập hợp hơn 60 tờ sớ, tờ khải, lời tâu, bản điều trần, có khi chỉ là những lời can ngăn vua chúa của các quan lại ở những vị trí quan trường khác nhau, từ thời Trần đến những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XIX, khi đất nước ta đã rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp. Với lòng say mê khoa học và bản tính cần cù của mình, kết hợp với những kiến
8 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
thức về lịch sử nhà nước và pháp luật thời phong kiến, về làng xã tích lũy được trong hơn 25 năm nghiên cứu, Bùi Xuân Đính đã tra cứu tỉ mỉ hơn 40 cuốn sách, với trên hai vạn trang để có được một danh mục kế sách giới thiệu với bạn đọc trong công trình này. Bạn đọc dễ
nhận thấy điểm nổi bật của cuốn sách là tác giả không thiên về giới thiệu các bản đề nghị cải cách về nhiều mặt đời sống nước nhà của nhiều vị quan từng nổi tiếng trên vũ đài lịch sử Việt Nam, mà chú trọng phản ánh các kế sách của một bộ phận đông đảo các vị quan lại mà tên tuổi, sự nghiệp, tài năng chưa được nhiều người biết đến. Phần lớn các kế sách đó chỉ bàn đến những lĩnh vực nhỏ của các ngành, hoặc liên quan đến một hai địa phương, nhưng nội dung rất thiết thực và vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Rất nhiều kế sách lần đầu tiên được giới thiệu, từng kế sách được nêu tương đối đầy đủ bối cảnh ra đời, sơ lược tiểu sử người đề xuất, nội dung và kết quả thực thi, từ đó đưa ra một vài nhận xét chủ quan về ý nghĩa đối với xã hội đương thời và cả với xã hội chúng ta hôm nay.
Công cuộc đổi mới mà Đảng và nhân dân ta đang ra sức thực hiện nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó, xây dựng một Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, cải cách các thủ tục hành chính, đổi mới
LỜI GIỚI THIỆU 9
nếp nghĩ và phong cách làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức ở những cương vị công tác khác nhau là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để giải quyết được nhiệm vụ đó, ngoài việc xem xét kỹ đặc điểm từng mặt của cuộc sống để đề ra các chính sách, các giải pháp phù hợp, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của quá khứ, rút ra từ di sản văn hóa pháp lý của cha ông những mặt tốt, mặt tích cực còn phù hợp.
Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta của Bùi Xuân Đính đã đáp ứng được một phần yêu cầu lịch sử đó, vì vậy, cuốn sách mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhất định, đã cung cấp những tư liệu và những bài học lịch sử quý giá.
Chính vì thế, tôi vui mừng giới thiệu cuốn sách Những kế sách xây dựng đất nước của cha ông ta với đông đảo bạn đọc xa gần; đồng thời cũng rất mong bạn đọc chỉ giáo cho những điều khiếm khuyết và sai sót của cuốn sách để tác giả có điều kiện chỉnh sửa, bổ
sung khi tái bản.
Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2004
Đinh Xuân Lâm
Giáo sư Sử học, Nhà giáo nhân dân
Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
10
L
11
LỜI TÁC GIẢ
ịch sử gần nghìn năm của chế độ phong kiến Việt Nam đã trải qua những buớc thăng - trầm, suy -
thịnh khác nhau. Như một quy luật, những thời kỳ "suy" chủ yếu do các vua chúa mải ăn chơi, không quan tâm đến triều chính; trong khi phần đông quan lại chỉ lo vun vén cá nhân, tranh giành, vơ vét của công, bòn vét của dân. Còn những thời kỳ “thịnh’’ là do các bậc vua chúa anh minh đưa ra được các quốc sách phù hợp với các mặt đời sống của đất nước; đội ngũ quan lại, nhất là quan đại thần yêu nước thương dân, một lòng lo cho vận mệnh của dân nước; đề xuất các kế sách, vạch ra được hướng chung cho con đường đi lên của đất nước, cũng như cho từng mặt của đời sống nước nhà. Các kế sách đó được thể hiện rất đa dạng: từ những bản điều trần dài đến những tờ sớ, tờ khải ngắn, có khi chỉ là một lời tâu hay một lời khuyên hoặc lời can ngăn vua. Phần lớn các kế sách là của từng cá nhân, song không ít kế sách là những điều trăn trở, suy ngẫm, đồng thuận của nhiều vị quan. Có vị
12 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
quan là đại thần trọng trách, từng nổi tiếng trong sử sách, trên văn đàn; song cũng không ít người chỉ là quan nhỏ, ít tên tuổi, do gần gũi với đời sống của dân, từ thực tế cuộc sống ở địa phương mà thấy được những mặt bất cập của các chủ trương, chính sách của triều đình cần phải sửa đổi, nên đã đề ra kế sách. Nhiều kế sách đề cập tổng hợp các mặt, trong đó có nhiều mặt hệ trọng của đời sống đất nước, nhưng cũng có kế sách chỉ bàn đến một mặt, thậm chí một việc rất nhỏ của đời sống. Có kế sách được dâng lên khi vận nước đang thịnh; song không ít kế sách ra đời trong bối cảnh thế nước, hay thế của vương triều đang suy, do vậy, chúng có số phận khác nhau. Rất nhiều kế sách được các bậc vua, chúa chấp thuận, khen ngợi và cho thi hành, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về nhiều mặt hay từng mặt được đề ra. Tuy nhiên, không ít kế sách bị các bậc vua, chúa chối bỏ, người đưa ra kế sách còn bị giáng phạt, cách chức, thậm chí có nguời bị tước quan tịch, đuổi về quê. Song, dù có nội dung toàn diện hay từng mặt, dù người đề xướng kế sách là cá nhân hay tập thể quan lại và dù đuợc chấp nhận hay chối bỏ, những kế sách đó đều thể hiện tấm lòng của các vị quan, ưu lo cho vận mệnh của dân của nước, mong muốn dân được cường, nước được thịnh; cũng thể hiện tính thực tế, sâu sát của các vị quan ở mỗi thời kỳ lịch sử.
LỜI TÁC GIẢ 13
Cuốn sách này tập hợp các bản điều trần, tờ sớ, tờ khải, lời tâu, lời khuyên của các vị quan từ thời Trần (thế kỷ XIV) đến thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX) được chép trong các bộ sử cũ của nước nhà. Ngoài việc tập trung trình bày nội dung của từng kế sách, mỗi câu chuyện về các kế sách được dành ít dòng để giới thiệu bối cảnh ra đời, sơ lược tiểu sử của các vị quan đề ra kế sách cũng như việc tiếp thu, tiếp nhận của các bậc vua chúa đối với các kế sách đó. Một số trường hợp, sau khi trình bày các mặt trên, tôi đưa ra một vài nhận xét chủ
quan. Một số bản điều trần có nội dung khá dài được tóm lược lại. Một số lời văn cổ được chỉnh lại cho phù hợp và dễ hiểu (việc tóm lược và điều chỉnh này không làm thay đổi nội dung, bản chất, ý nghĩa của các kế sách cũng như tấm lòng của các vị quan đề ra kế sách đối với vận dân, vận nuớc). Bên dưới mỗi trang là vài dòng giải thích một cách ngắn gọn chức quan của các nhân vật được nêu.
Biên soạn cuốn sách này, tôi hy vọng góp thêm tiếng nói vào việc tuyên truyền kiến thức sử học, để mọi người thêm hiểu, thêm yêu lịch sử nước nhà, hiểu thêm nhân cách của các bậc vua chúa, quan lại ở mỗi thời kỳ lịch sử đất nước và điều quan trọng hơn là, từ
"hiểu xưa" để "ngẫm nay". Đương nhiên, từng kế sách được nêu trong cuốn sách này có bối cảnh ra đời riêng, có kế sách chỉ có giá trị hay mang ý nghĩa ở thời điểm
14 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
xuất hiện, ngày nay chỉ còn là tư liệu lịch sử của quá khứ; song có nhiều kế sách mà nội dung của chúng khi đọc lên, ta thấy vẫn còn "phảng phất" đâu đây trong nhiều mặt của đời sống hôm nay, mỗi người có thể suy ngẫm, chắt gạn từ những câu chuyện của quá khứ, từ
di sản văn hóa pháp lý của cha ông những bài học kinh nghiệm vào cuộc sống hôm nay, khi đất nước ta đang đẩy nhanh công cuộc đổi mới toàn diện, nhất là trên lĩnh vực nhà nước và pháp luật, xây dựng một Nhà nước pháp quyền, dân chủ, tạo cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp và văn minh.
Sau khi cuốn sách mỏng này được công bố, tôi nhận được nhiều ý kiến góp ý của đông đảo bạn đọc xa gần, từ các nhà nghiên cứu đến những người bình thường, từ những bậc có tuổi đến những sinh viên trẻ, từ những người thân quen đến cả những người tôi chưa một lần gặp mặt. Tôi cẩn thận ghi những ý kiến góp ý đó để sửa chữa và bổ sung những khi rỗi rãi, theo hướng:
- Rà soát lại các nguồn tư liệu; bổ sung nhiều kế sách mà trước đây, vì nhiều lý do khác nhau chưa được đưa vào;
- Tăng cường các lời bình cho hầu hết các kế sách được nêu trên cơ sở vận dụng tối đa các kiến thức liên ngành (Sử học, Dân tộc học và Nhân học, Luật học,
LỜI TÁC GIẢ 15
Hành chính học) tích lũy được qua quá trình nghiên cứu. Lời bình của một số kế sách còn được liên hệ với những vấn đề thời sự của đất nước hiện nay. Các lời bình có độ dài, ngắn, sâu, nông khác nhau, vì nhiều lý do, trước hết, phụ thuộc vào nội dung của các kế sách gắn với bối cảnh lịch sử của đất nước ở từng thời điểm; hoặc vì trình độ cá nhân, một số kế sách phải gấp rút biên soạn cho kịp tiến độ nên việc đầu tư bình luận còn nhiều hạn chế.
- Một điểm được sửa chữa, bổ sung khác của cuốn sách này là phần giải thích từ ngữ về các cơ quan nhà nước phong kiến, chức quan của các vị quan cũng như một số khía cạnh khác có liên quan đến các kế sách được xem xét thận trọng và được chuyển thành một nội dung ở cuối sách, không để ở chân trang như bản sách xuất bản lần đầu. Đây là các từ được xuất hiện nhiều lần trong sách và xếp theo cụm từ liên quan đến một cơ
quan hoặc một khía cạnh của đời sống để bạn đọc tiện theo dõi; còn các từ chỉ được nhắc một, hai lần sẽ được chú thích ở chân trang.
Hoàn thành được cuốn sách này, tôi nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nhà khoa học: PGS. TS. Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) giúp làm rõ một số từ ngữ về các cơ quan, chức quan; TS. Nguyễn Hữu Tâm (Viện Sử học) đã giúp chú giải và thẩm định một số chú giải về các sự kiện và nhân vật liên quan
16 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
đến lịch sử cổ đại Trung Quốc được phản ánh trong nội dung nhiều kế sách; PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) giúp thẩm định chú giải một số địa danh vùng Thuận Hóa. Tôi xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học.
Đặc biệt, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Đinh Xuân Lâm - người Thầy kính mến đã chỉ cho tôi những điều cần thiết trong biên soạn sách và đọc bản thảo, viết Lời giới thiệu khi sách được công bố lần đầu; chỉ cho tôi nhiều việc cần phải tiếp tục làm sau khi sách ra mắt bạn đọc. Khi tôi đang nỗ lực, tranh thủ thời gian để hoàn thành cuốn sách này thì Thầy đã đi về cõi vĩnh hằng (ngày 28 tháng Chạp năm Bính Thân, tức 25 tháng 01 năm 2017). Xin thắp nén tâm hương để tỏ lòng biết ơn vô hạn với Thầy.
Tôi cũng bày tỏ sự tri ân với một số tờ báo, tạp chí, chương trình truyền hình và phát thanh, như báo Pháp luật Việt Nam, chương trình "An ninh và cuộc sống" (VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam), chuyên mục "Phổ
biến kiến thức" (VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam) đã cho tôi được công bố thử nghiệm nhiều bài viết trong cuốn sách. Đặc biệt, Tạp chí Kiểm tra (thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) từ tháng 9-2010 đã dành nhiều số để đăng bài của tôi về khía cạnh này.
Cuối cùng, tôi xin bày tỏ sự tri ân tới Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã ủng hộ trong việc xuất bản
LỜI TÁC GIẢ 17
cuốn sách này, tới các biên tập viên Chu Văn Khánh, Vũ Quang Huy đã theo dõi sát sao tiến độ biên soạn cuốn sách và có nhiều cuộc trao đổi khoa học hữu ích trong quá trình biên tập.
Dù tôi đã có nhiều cố gắng trong biên soạn, song cuốn sách này chắc chắn không thể tránh khỏi những hạn chế, sai sót. Tôi mong tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý, phê bình của đông đảo bạn đọc để lần tái bản sau, cuốn sách được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, tháng 7 năm 2017
Tác giả
18
19
TỪ KHO TÀO THƯƠNG
ĐẾN QUỸ NGHĨA THƯƠNG
S
ách Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, 2004, trang 622) chép: "Tháng 91, năm Khai Hựu thứ chín (năm Đinh Sửu - 1337), lấy Nguyễn Trung Ngạn làm An phủ sứ (1)2 Nghệ An, kiêm Quốc
sử viện Giám tu quốc sử (43), Hành (78) Khoái Châu lộ Tào vận sứ (47). Nguyễn Trung Ngạn kiến nghị lập tào thương chứa thóc tô để chẩn cấp dân bị đói. Xuống chiếu cho các lộ (1) bắt chước thế mà làm".
_____________
1. Các tháng trong sách này viết bằng chữ hoa là tháng theo lịch âm (tháng mười một viết là "tháng Một", tháng mười hai viết là "tháng Chạp"); tháng viết theo số Arập là tháng theo lịch dương. Tháng viết bằng con số nhưng dẫn nguyên văn trong chính sử
cũng là tháng theo lịch âm.
2. Trong sách này, các số để trong dấu ngoặc đơn dùng để giải thích các từ chỉ các đơn vị hành chính, cơ quan nhà nước, chức quan… Các số thứ tự 1, 2, 3,... dùng để giải thích đoạn văn hay ý nghĩa của tình tiết câu chuyện.
20 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Một sự kiện nhỏ, được sử cũ chép vẻn vẹn hai dòng, song phản ánh một ý tưởng, một việc làm có tầm nhìn xa, trông rộng rất lớn của một vị quan có lòng lo cho cuộc sống của dân. Ông là Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370), hiệu (88) là Giới Hiên, người làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi (nay là thôn Thổ Hoàng, thị
trấn Ân Thi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Sử cũ chép lại, Nguyễn Trung Ngạn từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Ông đỗ hoàng giáp (81) khoa thi Thái học sinh (81) năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long, đời vua Trần Anh Tông (năm 1304), khi mới 16 tuổi. Về sau, ông làm quan đến chức Nhập nội đại Hành khiển (34), tước Thân Quốc công (53), từng đi sứ sang nhà Nguyên năm Giáp Dần - 1314.
Trở lại vấn đề trên. Kiến nghị của Nguyễn Trung Ngạn đề cập một trong những mặt hệ trọng của đời sống thời phong kiến. Như nhiều người đã biết, xã hội Việt Nam từ xa xưa dựa trên cơ sở kinh tế chính là nền nông nghiệp lúa nước, được thực hiện bằng lao động thủ công, kỹ thuật cơ bắp, lại diễn ra trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa với bao biến cố bất thường luôn xảy ra: hạn hán, bão lụt, sâu bệnh, dịch bệnh, gây mất mùa, đói kém như là một căn bệnh có tính "chu kỳ". Chỉ điểm lại 36 năm từ đầu thế kỷ XIV, đến thời điểm Nguyễn Trung Ngạn đề xuất việc lập kho công để chẩn cấp cho dân bị đói nêu trên cũng cho thấy điều đó. Trong 36 năm, sử cũ chép có đến 5 năm bị đói gắn liền
TỪ KHO TÀO THƯƠNG ĐẾN QUỸ NGHĨA THƯƠNG 21
với các hiện tượng thiên tai (năm Tân Sửu - 1301: hạn hán, đói to; năm Đinh Mùi - 1307, vỡ đê Đam Đam, đói; năm Canh Tuất - 1310: nước to, đói; năm Canh Thân - 1320: đói; năm Quý Dậu - 1333: đói to). Các năm còn lại có đến ba năm, tuy sử cũ không ghi là bị đói, nhưng lại ghi bị hạn hán vào tháng Sáu, sâu cắn lúa vào tháng Chín, tháng Mười (năm Ất Mão - 1315), hay bị hạn hán, sâu bọ, trâu bò gia súc chết rất nhiều (năm Giáp Tý - 1324), hoặc từ tháng Hai đến tháng Sáu không mưa (năm Bính Dần - 1326); chỉ duy nhất có một năm, lúa chiêm được mùa to (năm Tân Dậu - 1321), song vào lúc giáp hạt của vụ này, giá gạo đắt đỏ, một thăng nhỏ (38 lít) giá đến một quan tiền.
Trong bối cảnh trên, việc cứu trợ khi mất mùa đói kém là yêu cầu cấp thiết, không chỉ với từng cộng đồng cư dân Việt, mà với cả nhà nước phong kiến, nhằm bình ổn đời sống nông dân, tránh những xáo động về
mặt xã hội.
Trong tình hình đó, Nguyễn Trung Ngạn đề xuất việc lập các tào thương - kho chứa thóc tô để chẩn cấp cho dân bị đói là một sáng kiến, vì thế được vua Trần Hiến Tông lệnh cho các lộ theo đó mà làm.
Chắc chắn, việc lập các kho tào thương đã có tác dụng hữu hiệu trong việc cứu đói, ổn định đời sống nhân dân, nên các triều sau đều duy trì hình thức này. Sử cũ ghi lại, năm Canh Thìn (năm 1460), ngay sau khi lên ngôi, vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) đã xuống
22 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
chiếu cho các nhà giàu nộp thóc vào quỹ công để dùng vào việc chẩn cấp, đồng thời ban chức tước cho họ, tùy theo số thóc nộp vào. Các triều vua sau đều duy trì loại thóc công dùng vào việc nhân đạo này, gọi là xã thương.
Các làng xã cũng lập ra loại quỹ công gọi là nghĩa thương. Hiện nay, chưa có tư liệu khẳng định trong hai loại quỹ xã thương và nghĩa thương, loại nào xuất hiện trước. Quỹ nghĩa thương của làng xã tồn tại dưới hai hình thức: thóc và tiền, trong đó thóc là chủ yếu. Nghĩa thương được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, tùy tập tục từng làng: hoặc trích một số ruộng công để cả làng cùng cày cấy, hoa lợi (thóc) thu được đem trữ vào kho; hoặc phụ thu ruộng tư, mỗi sào phải nộp thêm một lượng thóc nhất định (ngoài thuế) để nộp vào quỹ
công. Lại có làng, nghĩa thương do các nhà giàu có ủng hộ và được làng trả cho một vị trí ngôi thứ trong đình. Dù được hình thành từ nguồn nào, thì nghĩa thương được đặt dưới sự quản lý của cả làng, dùng vào việc nghĩa, tức chẩn cấp khi mất mùa, đói kém (người trong làng tùy theo mức độ đói mà được cấp một lượng thóc). Khi bị dịch bệnh thì dùng quỹ nghĩa thương để mua thuốc cấp cho mọi người. Nếu không gặp mất mùa, dịch bệnh thì nghĩa thương dùng để cho người nghèo vay với lãi suất thấp để phát triển sản xuất. Để bảo quản tốt vốn quỹ này, các làng chọn người có đạo đức, có uy tín trông giữ. Chính vì mục đích nghĩa thiện thiết
TỪ KHO TÀO THƯƠNG ĐẾN QUỸ NGHĨA THƯƠNG 23
thân này mà dân các làng, nhất là những người nghèo khổ rất quan tâm bảo vệ quỹ nghĩa thương, chống lại sự hà lạm của những chức dịch, kỳ mục thoái hóa, biến chất, hình thành tính dân chủ trong việc xây dựng và bảo vệ quỹ. Chẳng hạn, ở làng Đề Cầu thuộc tỉnh Bắc Ninh cũ, nay thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, từ thời Tự Đức (1848 - 1883) đã lập ra khoán ước về quỹ
nghĩa thương, với các điều khoản tỉ mỉ về nguyên tắc lập và sử dụng quỹ, bảo vệ nguồn quỹ...; ai vi phạm bị xử phạt rất nặng1.
Dưới thời Nguyễn, nhà nước đã nhận thấy tác dụng to lớn của quỹ nghĩa thương nên đã khuyến khích các làng lập ra loại quỹ này. Năm Canh Thân - 1860, vua Tự Đức đã ra lệnh lập quỹ nghĩa thương (bằng cả thóc và tiền) trên phạm vi cả nước. Từ đây, thứ quỹ công này gồm hai loại: nghĩa thương (quỹ bằng tiền và thóc), do tư nhân đóng góp và xã thương (bằng thóc), trích từ hoa lợi ruộng công của làng và lúa sương túc2. Bên cạnh đó, triều Nguyễn còn lập các kho thường bình, là kho _____________
1. Xem Phan Kế Bính: Việt Nam phong tục, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1997, tr.140-143.
2. Lúa sương túc (còn gọi là lúa bờ): lúa do tuần phiên (những người làm nhiệm vụ bảo vệ trị an làng xã thời phong kiến) thu khi bắt đầu vụ gặt đối với ruộng tư, thường mỗi sào thu một hoặc hai lượm (tùy quy định của từng làng). Tuần phiên phải nộp một phần số lúa sương này vào quỹ công của làng, phần còn lại họ được hưởng.
24 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
thóc được đong vào (bằng công quỹ của nhà nước) khi thóc gạo hạ giá và bán ra thị trường với giá rẻ hơn, nhằm ổn định giá cả.
Với đạo dụ này của vua Tự Đức, quỹ công làng xã đã có sự chỉ đạo và kiểm soát một phần của nhà nước, giúp cho hầu hết các làng hình thành được nguồn quỹ, từ đó, giúp cho nhà nước có thêm điều kiện và nguồn lực trong dân để cứu tế, điều chỉnh giá cả, hạn chế nạn đầu cơ khi mất mùa đói kém. Việc hình thành quỹ nghĩa thương cũng góp phần củng cố tinh thần dân chủ, tính cộng đồng làng xã, đề cao tính tự chủ của các làng. Chính vì thế, các làng xã đã hưởng ứng việc xây dựng loại quỹ này. Sách Đại Nam thực lục
cho biết, vào năm Tự Đức thứ 28 (năm Ất Hợi - 1875), 8 xã của một huyện thuộc tỉnh Khánh Hòa có nguồn quỹ nghĩa thương dồi dào nên xin được trích nộp vào kho công 3.900 hộc (91) thóc và 2.500 quan tiền, trong đó xã nộp nhiều thóc nhất là xã Đại Điền (2.000 hộc) và 2 xã nộp tiền và thóc là xã Phú Lợi (1.500 quan tiền và 300 hộc thóc) và xã Đại Mỹ (1.000 quan tiền và 500 hộc thóc)1.
Từ sáng kiến của Nguyễn Trung Ngạn, quỹ nghĩa thương hình thành và có tác dụng to lớn đối với đời
_____________
1. Xem Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, bản dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập Tám, tr.122.
TỪ KHO TÀO THƯƠNG ĐẾN QUỸ NGHĨA THƯƠNG 25
sống làng xã và đất nước trong một thời gian dài, trên 600 năm, cả trong những năm tháng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), nhiều làng xã ở vùng châu thổ Bắc Bộ và Thanh - Nghệ
vẫn duy trì quỹ nghĩa thương để phục vụ các công việc của kháng chiến (nuôi tự vệ và du kích chiến đấu, dân công, trợ cấp cho cán bộ xã và đóng góp ra chiến trường...). Trong thời gian làm việc tại thôn Hậu Ái (nay thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) từ ngày 26-11 đến ngày 3-12-1946, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã viết Lời kêu gọi đồng bào nông dân thành lập nghĩa thương1 để chuẩn bị kháng chiến.
Đáng tiếc, sau khi hòa bình lập lại trên miền Bắc (tháng 10-1954), do nhiều nguyên nhân và những điều kiện riêng, các làng đã bỏ quỹ nghĩa thương. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm tỉnh Thái Bình (tháng 10-1958) đã phê bình các cán bộ địa phương xóa bỏ quỹ
nghĩa thương và hương ước.
Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội cho đất nước, tạo ra nguồn lực vật chất dồi dào hơn trước để Nhà nước ta chỉ đạo xây dựng nhiều nguồn quỹ khác nhau ở
tất cả các địa phương, các cấp, các ngành trong cả nước, _____________
1. Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.514.
26 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
như Quỹ xóa đói giảm nghèo, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ khuyến học, Quỹ nạn nhân chất độc da cam..., có tác dụng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần giúp các đối tượng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên ngang bằng với mặt bằng của xã hội.
Tuy nhiên, đến nay, đất nước ta còn rất nhiều vùng nghèo, lại thường xuyên chịu hậu quả của thiên tai, đặc biệt, chịu tác động xấu của biến đổi khí hậu. Vẫn còn bao gia đình vì nhiều hoàn cảnh khác nhau đang phải chật vật với miếng cơm manh áo thường ngày. Nhiệm vụ cứu trợ, tương trợ các làng quê, các vùng đói nghèo, thường xuyên hứng chịu thiên tai vẫn luôn thường trực đối với cả Nhà nước, các làng xã, các tổ chức xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy các thành quả của việc xây dựng các nguồn quỹ này, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
Từ kho tào thương theo sáng kiến của Nguyễn Trung Ngạn thời Trần, đến quỹ nghĩa thương, xã thương thời Lê, thời Nguyễn và các loại quỹ đa dạng như hiện nay là một vệt dài của lịch sử về sáng kiến huy động các nguồn lực của xã hội, của cộng đồng phục vụ cho việc cứu tế, cứu trợ xã hội.
27
MONG THÁNH ĐỨC
CỦA VUA THÊM NGỜI SÁNG
P
han Thiên Tước (chưa rõ năm sinh, năm mất), người huyện Võ Giàng (nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), từng giúp Bình Định vương Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân xâm lược Minh. Sau khi Lê Lợi lên ngôi (Lê Thái Tổ), Phan Thiên Tước làm quan ở Ngự sử đài (13). Sử cũ ghi nhận ông là người cương trực, gặp việc dám nói thẳng; từng dâng sớ hặc tội một loạt quan đại thần, đứng đầu là Lê Thụ đang giữ chức Tiền quân Tổng quản (49) đảm đương cả chức Tể tướng đã lợi dụng chức quyền bắt quân lính
về làm việc riêng cho mình, xây nhà cao cửa rộng, tổ chức cho người nhà ra nước ngoài buôn lậu. Hơn thế nữa, Phan Thiên Tước còn dám can ngăn vua bỏ những thói hư tật xấu, khuyên vua chăm lo việc triều
chính, chấn chỉnh phong cách làm việc. Đó là vào tháng Giêng năm Ất Mão, niên hiệu Thiệu Bình (khoảng tháng 2-1435), vua Lê Thái Tông (1423 - 1442)
28 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
lên ngôi mới được hơn một năm, Phan Thiên Tước thấy vua còn trẻ, trong cách cư xử có nhiều điểm không có tư thế và phong cách của bậc đế vương, nên đã cùng các quan Ngôn quan (13) Lương Thiên Phúc, Nguyễn Chiêu Phủ dâng sớ (76) chỉ ra sáu điều "không phải" của vua:
1. Đại thần tiến cử quan thiếu bảo hữu bật (60) vào hầu giảng sách mà vua lại đứng dậy không nghe. 2. Người bảo mẫu mà Tiên đế1 đã chọn làm thầy để dạy bảo vua mà vua lại khinh rẻ, mắng chửi. 3. Thần phi, huệ phi là bậc dì của vua vào cung răn bảo mà vua lại sai đóng cửa không cho vào. 4. Vua không tìm người tài giỏi, biết nói thẳng, trong khi lại đùa giỡn với bọn hoạn quan và ban thưởng cho họ.
5. Con em công thần vào hầu hạ vua đọc sách mà vua lại lánh xa họ, trong khi lại nô đùa với bọn người hầu ở trong cung.
6. Người quản lĩnh thị vệ (41) thấy vua không đọc sách mà cầm cung đi bắn chim, bèn hết lời khuyên can thì vua lại lấy cung bắn vào người đó.
Tiếp đó, Phan Thiên Tước khuyên vua nên lưu ý đến học thuật, tìm nhân tài để trị nước, kính trọng kẻ
_____________
1. Tiên đế ở đây là vua Lê Thái Tổ (1385 - 1433).
MONG THÁNH ĐỨC CỦA VUA THÊM NGỜI SÁNG 29
đại thần, úy lạo người có công, nghe lời nói thẳng, mở đường ngôn luận, thông hiểu tình kẻ dưới, mới có thể nối được vương nghiệp thuở trước.
Vua Lê Thái Tông xem xong tờ sớ rất giận, vặn hỏi và sai các quan đến nhà Phan Thiên Tước buộc ông phải "xưng" tên những người đã nói ra các việc nêu trong tờ sớ. Phan Thiên Tước khẳng khái tâu rằng: "Bọn thần muốn yêu vua nên làm hết chức trách, dù chết cũng không sợ". Hôm sau, ông lại vào chầu và dùng các điển tích lịch sử Trung Quốc để nói với vua: "Ngu Thuấn1 là bậc thánh nhân mà Bá Ích2 vẫn lấy việc chơi bời, trễ nải của vua để can ngăn, Đường Thái Tông3 là bậc hiền chúa mà Ngụy Trưng4 vẫn dâng sớ nói mười điều chưa đúng của vua để ngăn ngừa. Bọn thần chỉ sợ nhà vua có lỗi lầm nên hết lòng ngu dại khuyên can. Bệ hạ nhận cho thì dẫu kẻ kiếm củi, làm nghề cũng trổ hết
_____________
1. Ngu Thuấn: Thuấn là vua nước Ngu, một nước tồn tại khoảng thế kỷ XXII - XXI trước Công nguyên, xã hội được coi là "thái bình, thịnh trị" nhất trong lịch sử cổ trung đại Trung Quốc.
2. Bá Ích: nhân vật lịch sử sống vào thời Ngu Thuấn và Hạ Vũ. 3. Đường Thái Tông (599 - 649): làm vua nhà Đường từ năm 623 đến năm 650, đưa nhà Đường đạt đến "cực thịnh". 4. Ngụy Trưng (580 - 643): nhà chính trị và sử học đầu thời nhà Đường (618 - 905), được coi là vị gián quan nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
30 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
khả năng mà thánh đức của bệ hạ càng thêm ngời sáng". Ông còn tâu: "Sinh ra đã biết, ai bằng Nghiêu, Thuấn, vậy mà vẫn lấy Quản Trù, Thành Chiêu1 làm thầy. Từ xưa, các bậc đế vương muốn trau dồi đức tốt, đều do bọn học giỏi mà ra. Nay bệ hạ tuổi đã lớn, đạo trị nước xưa nay chưa biết rõ hết, bọn đại thần kén chọn nho thần vào hầu bên cạnh cũng là muốn bệ hạ được như Nghiêu, Thuấn, sao bệ hạ lại có thể coi thường tôn xã mà phụ lòng trung thành của các bề tôi như vậy. Xin bệ hạ nên nghĩ đến lời gửi gắm của tiên vương thì phúc cho bốn biển và bệ hạ cũng sẽ được hưởng cái lộc sống lâu của bậc đại hiếu".
Nguồn: Sách Ngô Sĩ Liên và sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2004, t.2, tr.140-141.
Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t.1, tr.237-238.
Lời bàn
Trên đây chỉ là lời can ngăn của Ngôn quan Phan Thiên Tước, song thể hiện rất rõ quan điểm của ông về tư cách của một vị quân vương và trách nhiệm của nhà
_____________
1. Quản Trù và Thành Chiêu: không tra được, chắc chắn là các quan thời Nghiêu, Thuấn.
MONG THÁNH ĐỨC CỦA VUA THÊM NGỜI SÁNG 31
vua đối với ngôi báu của mình, cũng là trước vận mệnh của dân, của nước. Đó là, chăm lo tu dưỡng, sửa đức, có tư cách của bậc đế vương và có thái độ đúng mực đối với người thân trong hoàng tộc, với quan lại trong triều, với thần dân; chú trọng tới học thuật, tức đường lối cai trị đất nước, tìm và sử dụng nhân tài, có chính sách đãi ngộ với các công thần, cho phép quan lại và thần dân nói thẳng, hiến kế trị nước, v.v..
Câu chuyện cho thấy Phan Thiên Tước thể hiện sự dũng cảm, can đảm của người làm quan, vì người can vua, nếu vua không nghe thì đồng nghĩa với chịu tội, thậm chí có thể dẫn đến cái chết, mà trong trường hợp đang bàn, Lê Thái Tông tuy nhỏ tuổi nhưng đã thể hiện rõ là vị quân vương đầy cá tính, một "khí phách" rất mạnh mẽ của người lớn, hơn nữa lại rất nóng tính, sẵn sàng "trảm" ngay bất kỳ vị quan nào có "lời ngang ý trái". Song, Phan Thiên Tước đã không sợ "đầu rơi", dũng cảm can vua để làm lợi cho triều đình, cho đất nước.
Câu chuyện cũng cho thấy, Lê Thái Tông dù ở ngôi vua, có "quyền sinh quyền sát" và còn ít tuổi, nhưng vẫn biết lắng nghe để sửa lỗi. Về sau, ông trở thành bậc vua tài của triều Lê sơ (1428 - 1527).
Cho hay, một vương triều, một đất nước muốn ổn định và tiến lên thì không chỉ phải có "vua sáng", mà
32 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
còn phải có "tôi hiền", tức những vị quan có "trí" (trí tuệ) và "dũng" (dũng cảm, can đảm nói ra sự thật của thể chế, triều đình và cả của vua, dù khi nói ra những điều đó có thể bị thiệt, thậm chí bị họa về mình). Nếu không, chỉ có "hôn quân, hôn quan" (vua thì độc đoán, lộng quyền; quan chỉ biết u mê, nịnh bợ để giữ ghế và tìm cách ngoi cao) thì đó chỉ là triều đình "ba phải", ẩn chứa đầy mầm mống rối ren, đất nước sẽ trì trệ, dân chúng chỉ được "hưởng" lầm than mà thôi.
33
LỜI TÂU CỦA VỊ QUAN LƯƠNG ĐỐNG
H
oàng Thanh (1411 - 1463) người làng Đa Sĩ, huyện Thanh Oai (nay là làng Đa Sĩ thuộc phường Kiến
Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội), làm quan trải bốn đời vua Lê: Thái Tổ (1428 - 1433), Thái Tông (1433 - 1442), Nhân Tông (1442 - 1459) và Thánh Tông (1460 - 1497), lần lượt giữ các chức vụ: Tham tri Bạ tịch Nam đạo (9), Nội mật viện (32). Tháng Mười năm Kỷ
Mão (tháng 11-1459), ông cùng các quan đại thần Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đổ, Nguyễn Nghiêu Tư đi sứ sang nhà Minh nộp cống và xin bỏ việc mò ngọc trai.
Sử cũ ghi chép về Hoàng Thanh không nhiều, nhưng qua những đoạn ngắn ngủi đó, người đời sau biết được, ông là vị quan trung thành, đem hết tài năng thờ vua giúp nước. Khi ông mất, Lương Nhữ Hộc làm bài tán (76) đề vào bức chân dung của ông:
"Hồi trẻ được Thái Tổ biết đến,
Trưởng thành được Thánh Tông tin,
Thể toàn mà dụng đủ,
34 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Con hiếu lại tôi trung,
Trải thờ bốn đời,
Trước sau một tiết".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng Tư năm Nhâm Ngọ đời triều vua Lê Thánh Tông (tháng 5-1462), Hoàng Thanh được lấy làm Môn hạ sảnh Hữu ty Lang trung (31), Tham tri Hải Tây đạo quân dân Bạ tịch, Kỵ
Đô úy (24). Bấy giờ, nhân có tai biến về mưa đá và sấm gió, vua xuống chiếu (76) cầu lời nói thẳng. Hoàng Thanh bèn dâng sớ có nội dung bảy điểm: 1. Thuận âm dương để đón khí hòa.
2. Gần Kinh diên (21) để tôn chính học.
3. Chọn con nối để vững gốc nước.
4. Tiết kiệm của dùng để chi cho kinh phí.
5. Thận trọng chức thú lệnh (63) để chăm dân. 6. Thường xuyên huấn luyện để nghiêm võ bị. 7. Đặt đồn điền để chứa lương cho biên giới.
Nguồn: Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.254-255.
Lời bàn
Bảy điều trong tờ sớ trên đây của Hoàng Thanh đề cập những vấn đề lớn của đất nước lúc bấy giờ. Một là, giữ gìn sự cân bằng môi trường (thuận âm dương để đón khí hòa), vì theo quan niệm của người xưa, sự cân bằng của môi trường không chỉ ảnh hưởng lớn
LỜI TÂU CỦA VỊ QUAN LƯƠNG ĐỐNG 35
đến sức khỏe con người, đến sản xuất, đến nguồn sống của dân mà còn tác động đến các vấn đề chính trị - xã hội, đến lòng người.
Hai là, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục (gần Kinh diên để tôn chính học), vì giáo dục là để đào tạo con người, bồi dưỡng nhân tài, bởi "hiền tài là nguyên khí của quốc gia".
Ba là, chọn người kế vị, vì ngôi báu dễ là ngọn nguồn của những tranh chấp giữa các hoàng tử, các phe phái; khi ngôi báu sớm được xác lập và tìm chọn đúng người sẽ định hướng được dư luận và thế ứng xử của triều thần, các hoàng tử, ngăn ngừa âm mưu nổi loạn của các hoàng tử và đằng sau họ là nhiều vị quan trong triều, thậm chí là cả quan đại thần có thế lực.
Bốn là, thực hành tiết kiệm, vì tiết kiệm là quốc sách. Năm là, chọn quan (phủ - huyện, châu) giỏi để chăn dắt trăm dân, vì huyện là cấp gần sát dân nhất, là cấp chỉ đạo trực tiếp các chủ trương, chính sách của triều đình xuống xã - đơn vị hành chính cuối cùng của nhà nước phong kiến.
Sáu là, tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ đất nước, với các biện pháp cụ thể là chú trọng huấn luyện quân đội và lập các đồn điền để quân lính tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, nhất là ở vùng biên giới để phòng khi có biến cố xảy ra có thể chủ động đối
36 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
phó kịp thời, hiệu quả vì biên giới ở xa kinh đô, điều kiện kinh tế, giao thông rất khó khăn.
Những điều đó rất cần kíp và thiết thực cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh đương thời. Chính vì vậy, khi tờ sớ dâng lên, được vua Lê Thánh Tông nhận lời, "chọn lấy những điều cần thiết cho thực thi".
37
TƯ TƯỞNG CHỐNG THAM NHŨNG QUA MỘT BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI
V
ũ Kiệt (1453 - ?) quê ở làng Yên Việt (làng Vít), huyện Siêu Loại (nay là thôn Cửu An, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), đỗ trạng nguyên (81) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1472), khi ông chưa đầy 20 tuổi; làm quan trải các chức: Tả Thị lang (2), Đông các Hiệu thư (15). Người đời sau coi ông là bậc hiền tài không chỉ vì ông đạt học vị cao nhất của trường thi Nho học, mà còn vì ông đã làm bài văn sách (81) có nội dung tổng hợp, đề ra nhiều giải pháp liên quan tới nhiều mặt trọng yếu của đất nước buổi đương thời, trong đó có vấn đề chống tham nhũng; thể hiện một tầm nhìn sâu rộng của một vị tân khoa mới bước vào tuổi hai mươi và chưa một ngày làm quan.
Theo thể lệ xưa, các sĩ tử sau khi vượt qua được kỳ thi Hội (81) ở kinh đô rồi mới được vào thi Đình (81). Đây là kỳ thi có nhiều điểm đặc biệt. Trước hết, kỳ thi
38 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
được tổ chức ở sân rồng, trong cung điện của nhà vua nên còn gọi là thi Điện, vua trực tiếp làm chủ khảo. Điều đặc biệt thứ hai là trong phạm vi một ngày, thí sinh phải làm bài văn sách (khoảng trên 3.000 chữ) hoặc trả lời các câu hỏi (theo thể thức của một bài văn sách) do vua trực tiếp ra đề, hỏi, nên còn gọi là bài Văn sách đình đối hay Đình đình đối. Nội dung của đề thi thường hỏi về một vấn đề hệ trọng, thời sự nóng hổi nhất của đời sống đất nước mà triều đình và cả nước đang quan tâm. Thời gian làm bài còn bị xen vào các nghi thức trang trọng, làm người thi dễ bị căng thẳng và phân tán tư tưởng. Và điều đặc biệt cuối cùng của kỳ thi này là vua trực tiếp phê duyệt, lấy đỗ và xếp những người đỗ theo các hạng học vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa (81), v.v.. Để vượt qua được kỳ thi đặc biệt này, nhất là để đạt được danh hiệu học vị trạng nguyên, thí sinh không chỉ phải có vốn kiến thức sâu rộng về Hán học, sử học và văn học mà còn phải có nhãn quan chính trị, cùng những hiểu biết sâu sắc về tình hình chính trị - xã hội của đất nước khi đó và đề ra các giải pháp, các kế sách để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống mà đề thi hỏi đến. Chẳng hạn, như ngày nay, vấn đề hệ trọng, nóng hổi nhất của đất nước là công nghiệp hóa và hiện đại hóa, chống tham nhũng, cải cách hành chính, xây dựng - chỉnh đốn Đảng, v.v. thì đề thi sẽ hỏi đến các vấn đề này.
TƯ TƯỞNG CHỐNG THAM NHŨNG QUA MỘT BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI 39
Tại kỳ thi Đình khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1472), Vũ Kiệt đã vượt qua một cách xuất sắc bằng bài văn sách với hơn mười nghìn chữ, thuộc loại có dung lượng lớn nhất trong số các bài văn sách thi Đình thời Lê sơ còn lưu được đến ngày nay. Điều quan trọng hơn, bài văn sách đề cập rất nhiều mặt đời sống của nước nhà, như: quân sự, giáo dục, bảo vệ phong hóa, tuyển chọn và sử dụng quan lại, v. v., thể hiện tư duy "Kinh bang tế thế" của ông.
Một trong những chủ đề được Vũ Kiệt đề cập trong bài văn sách này là các giải pháp "tẩy trừ" nạn tham nhũng, liên quan đến các thói hư tật xấu của đội ngũ quan lại các cấp; xây dựng được đội ngũ quan lại trong sạch, vững mạnh cho triều đình1.
Mở đầu phần thi này là trả lời câu hỏi của vua Lê Thánh Tông: vạch ra nguyên nhân của tệ tham nhũng cùng các biện pháp chống lại và khả năng thực hiện, Vũ Kiệt dẫn lại câu trong Kinh Thi (82) "Thói tham bại loại"
_____________
1. Chúng tôi sử dụng bản dịch của nhóm tác giả Nguyễn Văn Thịnh, Đinh Thanh Hiếu, trong bản thảo Nguyễn Văn Thịnh (Chủ biên): Văn sách thi Đình Thăng Long Hà Nội, Nxb. Hà Nội, t.3, đang chuẩn bị ấn hành. Xin chân thành cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh và Thạc sĩ Đinh Thanh Hiếu (khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội).
40 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
và Truyện Xuân Thu (82): "Sự thành bại của quốc gia là do các quan gian tà hay liêm chính. Quan lại thất đức, việc hối lộ sẽ rõ rệt". Vũ Kiệt cho rằng, gần đây, trong thời Thái Hòa, Diên Ninh1, mạng lưới cấm ngăn có phần sơ suất; nên quan lại coi chuyện móc ngoặc là công khai, hối lộ thành thường lệ, khoe khoang hia dép quần áo, thói xấu tích tụ thành quen, điềm nhiên cho đó là chuyện thường. Tuy bệ hạ đã nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tin cẩn biểu dương người tốt, nhưng đám tiểu nhân vẫn chưa thay đổi.
Nguyên nhân của tình hình đó, theo Vũ Kiệt là do quan lại mang những thói xấu chung của con người là tính tham lam và khi không làm chủ được sự tham muốn đó sẽ sinh ra loạn. Ông dẫn lại lịch sử Trung Quốc, thời Nghiêu, Thuấn xưa kia vẫn có thói tham lam ăn uống, trong thời Thành Chu2 vẫn không thể không có bọn hà khắc, huống hồ đời sau. Chính vì vậy, trong xã hội nước Đại Việt thời Lê Thánh Tông, dù nhà vua đã đặt chức quan Đình úy (12) để xét tra kẻ gian phi,
_____________
1. Thái Hòa (hay Đại Hòa): niên hiệu thời vua Lê Nhân Tông, từ năm Quý Hợi (năm 1443) đến năm Quý Dậu (năm 1453). Diên Ninh niên hiệu của vua Lê Nhân Tông, tồn tại từ năm Giáp Tuất (năm 1454) đến năm Kỷ Mão (năm 1459). 2. Nghiêu, Thuấn và Thành Chu là thời được coi là "thịnh trị, thái bình" trong lịch sử cổ đại Trung Quốc.
TƯ TƯỞNG CHỐNG THAM NHŨNG QUA MỘT BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI 41
ban thưởng các quan lại liêm khiết để khuyến khích người tốt, thế nhưng, vẫn không tránh khỏi được cái tệ nạn quan không trong sạch, nha lại tham ô.
Để khắc phục và tẩy trừ tệ hại trên đây, Vũ Kiệt cho rằng, trước hết phải vạch trần bộ mặt của đám tiểu nhân (tức quan lại tham tang), tức là đưa chúng ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật, vì "khi quan lại thất đức, ăn hối lộ được đưa ra ánh sáng thì thói tham lam không thể phát triển mãi được".
Trong việc dẹp trừ quan lại tham tang, Vũ Kiệt cho rằng, phải chấn chỉnh trước hết hệ thống quan lại cấp cao, những người nắm giữ quyền bính và nguồn của cải của triều đình vì, người làm quan lớn thường lấy của công để ban ơn; hoặc rêu rao danh vị của mình để quan lại dưới quyền cầu cạnh; mỗi khi sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh, họ đều làm trái với lẽ phải, khinh trọng thì thiên lệch...; khi tìm được chỗ hở thì lạm dụng, vơ vét. Vũ Kiệt cũng cho rằng, nếu đại thần giữ phép tắc thì tiểu thần sẽ liêm chính, nghĩa là mọi việc làm của quan lại cấp trên thường được cấp dưới nghe ngóng và noi theo. Việc chấn chỉnh các vị quan to này hoàn toàn thực hiện được vì "bọn tiểu lại, trộm cướp còn thay đổi trước sự giáo hóa, huống hồ là bọn thuộc lại và các bậc quan trên".
Trên tinh thần chung này, Vũ Kiệt đưa ra hai biện pháp cơ bản để khắc phục:
42 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Một là, tuyển chọn những người công minh, trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị mà trao trọng trách cho họ. Đây là biện pháp căn bản, hàng đầu.
Hai là, đề cao liêm khiết, nghiêm trị tham ô bằng cách, một mặt kiểm soát và khích lệ, biểu dương những quan liêm khiết, nêu từng việc để các quan và dân chúng biết được sự liêm khiết của họ; mặt khác, với các viên quan thuộc "hạng ô lại" thì phải nêu rõ ràng, chính xác cái ô lại của họ. Người nào liêm khiết thì ân thưởng, hậu đãi và trưởng quan (tức quan cấp trên của người đó) cũng được ban thưởng; kẻ nào tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà bị xử phạt. Làm được như vậy thì con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.
Vũ Kiệt cũng nêu lên trách nhiệm phải gương mẫu của quan lại cấp trên như một "nguyên lý tự nhiên" cho toàn bộ hệ thống quan lại. Ông cho rằng, "Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà lại muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch thì chẳng khác nào nước trên đầu nguồn đục mà lại mong nước ở dưới nguồn trong".
Nguồn: Sở Văn hóa Thông tin Bắc Ninh: Văn hiến Kinh Bắc, 1998, t.1.
Bản thảo Văn sách thi Đình Thăng Long - Hà Nội, t.3.
Một phần bài văn sách Đình đối trên đây của Vũ Kiệt động chạm đến một vấn đề hệ trọng của đất nước
TƯ TƯỞNG CHỐNG THAM NHŨNG QUA MỘT BÀI VĂN SÁCH ĐÌNH ĐỐI 43
mà ngày nay chúng ta gọi là "quốc nạn". Đó là nạn tham nhũng mà cội nguồn là đội ngũ quan lại, trong đó quan lại cao cấp là "đầu trò". Các giải pháp của ông cũng mang tính khả thi rất cao, trong đó chú trọng đến việc tuyển chọn đội ngũ quan lại, biểu dương quan lại thanh liêm, trị tội nghiêm khắc quan lại vi phạm. Dù còn chưa qua hẳn kỳ thi và còn rất trẻ (khi đó Vũ Kiệt mới 19 tuổi), chưa từng ra làm quan, nhưng với bài văn sách đầy tính triết lý và hùng biện trên đây, Vũ Kiệt chứng tỏ ông không chỉ là người tài ba, có kiến thức toàn diện về Hán học, sử học, văn học và chính trị học, có tầm nhìn xa trông rộng, có vốn sống thực tế, mà còn là vị nho sinh bản lĩnh, có ý thức trách nhiệm rất cao trước vận mệnh đất nước.
Gần 550 năm đã qua đi, tư tưởng của Vũ Kiệt về chống tham nhũng với việc chỉ ra ngọn nguồn của "quốc nạn" đó cùng những giải pháp cụ thể, sát thực vẫn là bài học thời sự, có giá trị tham khảo đối với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong xã hội chúng ta hiện nay.
44
ĐẶNG THIẾP
VÀ NĂM ĐIỀU GÂY LỢI CHO ĐẤT HÓA CHÂU
Đ
ặng Thiếp (1429 - ?), còn có tên là Đặng Chiêm, người làng Mạo Phổ, huyện Sơn Vi (nay thuộc xã
Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ); quê gốc ở làng Nhâm An (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); đỗ hoàng giáp (81) khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa, đời vua Lê Nhân Tông (năm 1453). Ông là hậu duệ của Đặng Tất - vị quan nhà Hồ, danh tướng nhà Hậu Trần, có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh đầu thế kỷ XV. Sau khi thi đỗ, Đặng Thiếp làm quan đến chức Thừa tuyên sứ ty, Tham nghị (62) Hóa Châu. Các con ông đều đỗ đại khoa là Đặng Tòng Củ (Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức - năm 1484), Đặng Minh Khiêm và Đặng Tán (Tiến sĩ cùng khoa Đinh Mùi thuộc niên hiệu Hồng Đức - năm 1487).
Tháng Chạp năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang Thuận (khoảng tháng 1-1468), khi đang giữ chức
ĐẶNG THIẾP VÀ NĂM ĐIỀU GÂY LỢI CHO ĐẤT HÓA CHÂU 45
Tham nghị Hóa Châu Thừa tuyên sứ ty Thuận Hóa1, Đặng Thiếp dâng sớ (76) lên vua Lê Thánh Tông trình bày năm điều nhằm gây lợi cho vùng này: 1. Dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung.
2. Lấp cửa Eo.
3. Đào kênh Sen.
4. Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn.
5. Chiêu mộ những kẻ lưu vong đến khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính.
Sử cũ ghi, "khi sớ dâng lên, vua [Lê Thánh Tông] chấp nhận hết".
Nguồn: Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.293.
Sở dĩ Lê Thánh Tông "chấp nhận hết" các điều trong tờ sớ của Đặng Thiếp, vì tuy ngắn gọn, nhưng chúng là những biện pháp tổng hợp và rất cụ thể đối với việc ổn định và phát triển của một vùng đất có vị trí rất quan trọng với đất nước vào giữa thế kỷ XV.
Trước hết, đối với việc dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung. Cửa biển này tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện, nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay; là cửa biển thông đầm Cầu Hai _____________
1. Hóa Châu, tức châu Hóa, là vùng đất thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và một phần các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam hiện nay.
46 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Thời Lý, cửa biển này được chính sử nhắc đến với tên "cửa Ô Long". Đời vua Lê Nhân Tông (1442 - 1459) đổi thành "cửa Tư Dung". Thời Mạc, vì kiêng tên Mạc Đăng Dung nên gọi là "cửa Tư Khách"; song nhà Lê vẫn dùng tên "Tư Dung". Đến đời Thiệu Trị (1841 - 1847) đặt là "Tư Hiền". Tại khu vực này có núi - rừng Bạch Mã và các núi Túy Vân, Linh Thái..., cách không xa các biển Lăng Cô và Chân Mây về hướng nam của Tư Dung, giữ vị trí trọng yếu trong phòng thủ, nhất là ngăn chặn các cuộc tấn công của hải quân Chiêm Thành khi đó.
Thứ hai, đối với việc lấp cửa Eo. Cửa này còn được gọi là cửa Nộn, đời Minh Mệnh (1820 - 1841) đổi thành cửa Thuận An, là cửa biển quan trọng ở tỉnh Thừa Thiên Huế (ngày nay), là thủy lộ chính thông với sông Hương qua phá Tam Giang ra Biển Đông. Vì là nút giao thông nối liền vùng cận duyên và lưu vực sông Hương, cửa Thuận An đóng vai trò trọng yếu về mặt quân sự1, cũng như kinh tế, nhất là về thương mại. Có thể lúc đó, đây là nơi hải quân Chiêm Thành lấy làm mũi tập kết
_____________
1. Năm Quý Dậu - 1813, tại đây, triều đình Gia Long cho xây đồn Trấn Hải phòng ngự cửa biển; đời sau bố trí thêm tổng cộng 99 cỗ súng đại bác trên pháo đài.
ĐẶNG THIẾP VÀ NĂM ĐIỀU GÂY LỢI CHO ĐẤT HÓA CHÂU 47
chính để đánh vào lãnh thổ Đại Việt, vì thế, theo tư duy quân sự hồi đó, Đặng Thiếp đề nghị lấp bỏ cửa này. Thứ ba, về việc đào kênh Sen. Kênh Sen thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện nay. Kênh dài khoảng 7 km, về phía bắc nối với phá Hạc Hải qua một con hói (tên cũ gọi là Đâu Giang) và nối với vùng Vĩnh Linh của Quảng Trị (nay thuộc huyện Vĩnh Linh) ở phía nam. Hiện nay, dấu vết của kênh vẫn còn nối từ phía nam xã Hưng Thủy, đi qua toàn bộ xã Sen Thủy (nên gọi là kênh Sen), gần như song song với quốc lộ 1A. Con kênh có giá trị về giao thông đường thủy Bắc - Nam, đồng thời còn lấy nước tưới cho vùng đông nam huyện Lệ Thủy. Trên con đường thiên lý Bắc - Nam, phải qua sông Nhật Lệ ở phá Hạc Hải. Tại điểm này, ghe thuyền rẽ phải lên thượng nguồn phía tây để vào sông Kiến Giang, rẽ trái qua con hói đi vào kênh để đi về phía nam...
Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 2, mục "tỉnh Quảng Bình" cho biết, kênh Sen có tên chữ là Liên Cảng, ở cách huyện Lệ Thủy 37 dặm về phía nam, nước từ kênh Lai Cách tỉnh Quảng Trị chảy về phía bắc 37 dặm vào kênh Dương Xá1. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thêm, năm Khai Đại thứ hai (năm Giáp Thân - 1404), Hồ Hán Thương sai đào Liên Cảng, từ phủ Tân Bình
_____________
1. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, t.2, tr.43.
48 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
đến địa giới Thuận Hóa, song vì bùn cát đùn lên nên việc đào không thành1.
Chắc chắn, Đặng Thiếp đã thấy được vị trí và địa thế quan yếu về giao thông, quân sự, kinh tế của kênh Sen nên đã đề xuất đào kênh này với ba mục đích: Một là, làm nơi bố trí quân thủy, kết hợp với quân bộ ngăn chặn những cuộc tấn công của quân đội Chiêm Thành2; hai là, để tiện cho việc tập kết, vận chuyển quân, lương phục vụ cho việc Nam chinh; ba là, phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống của dân chúng. Vẫn theo sách Đại Nam nhất thống chí, trong cuộc tấn công Chiêm Thành vào tháng Mười một năm Canh Dần (tháng 12-1470), quân đội nhà Lê đã dừng chân ở đây và dùng nước ở kênh Sen để uống.
Thứ tư, về việc bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn, nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại được lưu thông dễ dàng.
Thứ năm, là việc mở rộng khai hoang ở châu Bố Chính. Sử sách cho biết, Bố Chính vốn là một châu
_____________
1. Theo Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.1, tr.740.
2. Theo Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.312, vào tháng Tám năm Canh Dần, niên hiệu Hồng Đức (tháng 9-1470), vua Chiêm huy động 10 vạn quân đánh ra Hóa Châu.
ĐẶNG THIẾP VÀ NĂM ĐIỀU GÂY LỢI CHO ĐẤT HÓA CHÂU 49
của vương quốc Chiêm Thành; gồm các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Minh Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình ngày nay. Năm Kỷ Dậu - 1069, sau trận chiến với Đại Việt, vua Chăm là Chế Củ bị Lý Thánh Tông bắt đem về Thăng Long; sau đó phải dâng ba châu phía bắc Chămpa cho Đại Việt mà Bố Chính là một trong ba châu đó. Đến thời Lê, châu này chia làm hai châu là Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính, lấy sông Gianh làm ranh giới. Chắc chắn, vì đây là vùng mới thu nhận, đất đai còn nhiều hoang hóa nên Đặng Thiếp đề xuất chiêu tập dân lưu vong đến khai khẩn, nhằm mục đích thêm đất, thêm người, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước Đại Việt.
Năm điều đề nghị trên đây của Đặng Thiếp tập trung vào việc mở mang giao thông, phát triển thủy lợi, khai hoang lập làng, xóa bỏ tình trạng ngăn sông cấm chợ, v.v., nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho dân chúng vùng Thuận - Quảng, một vùng đất giữ vị trí trọng yếu về nhiều mặt đối với nước Đại Việt nửa sau thế kỷ XV. Với các đề nghị này, Đặng Thiếp thể hiện là vị quan sâu sát với địa phương, có tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của địa phương trong sự phát triển chung của đất nước.
50
ĐỂ KINH SƯ LÀ GỐC CỦA BỐN PHƯƠNG
Q
uách Đình Bảo (1440 - ?), người làng Phúc Khê, huyện Thanh Quan (nay là thôn Phúc Khê Tiền,
xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Tương truyền, tổ tiên ông trả lại vàng cho người đánh rơi nên được hậu đãi. Ông đỗ thám hoa (81) khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1463), làm quan đến Thượng thư Bộ Lại (2) kiêm Đô Ngự sử (13). Năm đầu niên hiệu Hồng Đức (năm Canh Dần - 1470), ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Ông còn được vua Lê Thánh Tông giao trông nom toàn bộ công việc dựng loạt bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (42), ghi danh các tiến sĩ từ
khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo (năm 1442) đến khoa Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức (năm 1484), cùng Thân Nhân Trung soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập1. Ông là _____________
1. Thiên Nam dư hạ tập: bộ sách được biên soạn theo loại sách hội yếu, thông điển, gồm 100 quyển, ghi chép về điển chế, luật lệ, thi văn, chính sự... Hiện nay, bộ sách đã tàn khuyết gần hết, chỉ
ĐỂ KINH SƯ LÀ GỐC CỦA BỐN PHƯƠNG 51
người sâu sát với thực tế. Điều ấy thể hiện qua câu chuyện dưới đây.
Tháng Bảy năm Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức (khoảng tháng 8-1481), trong triều đình diễn ra cuộc bàn luận khá căng thẳng: một số quan phụ trách Kinh thành Thăng Long (khi đó gọi là phủ Phụng Thiên) tự
tiện ra lệnh đuổi hết dân ở các nơi đến trú ngụ ở phố phường để buôn bán về quê. Việc được tâu lên vua Lê Thánh Tông và vua đưa sự việc ra bàn định trước triều thần. Khá đông quan lại trong triều tán đồng chủ
trương trên của các quan phủ Phụng Thiên. Riêng Thám hoa Quách Đình Bảo khi đó là Phó Đô Ngự sử (13), kiêm Tả Xuân phường Tả Trung doãn (45) lại có
cách nhìn khác. Ông tâu với vua Lê Thánh Tông rằng: "Kinh sư là gốc của bốn phương, tiền của trao đổi buôn bán tất phải lưu thông cho đủ dùng, không nên để thiếu thốn. Trước đây, dân cư phủ Phụng Thiên, trừ những người quê quán ở phủ đó, gián hoặc có người quê không phải ở đó, nhưng có cửa hiệu, thuế ngạch và nộp thuế, chịu sai dịch dưới bản phường. Nay quan phủ Phụng Thiên lại không hỏi xem dân tạp cư ở đó có cửa hiệu, thuế ngạch hay không, đuổi hết cả về nguyên
_____________
còn lại 10 tập chép tay, viết về các mảng quan chế, điển lệ, điều luật, bản đồ, thơ văn, địa lý, lịch sử..., từ thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) trở về trước.
52 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
quán, e rằng như thế thì nơi kinh sư sẽ buôn bán thưa thớt, không còn sầm uất phồn thịnh nữa, không những người làm nghề buôn bán sẽ thất nghiệp, mà chợ búa e sẽ trống rỗng, ngạch thuế sẽ có thể thiếu hụt, có phần không tiện. Vì thế tâu xin: ngoài những kẻ vô loài tạp cư
nên đuổi đi, còn những người nguyên có hàng chợ, cửa hiệu trước đây đã biên vào thuế ngạch thì hãy cho được cư trú để buôn bán sinh nhai, cho bản phường nộp thuế theo lệ cũ".
Vua Lê Thánh Tông đã y theo lời của Quách Đình Bảo.
Nguồn: Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.381-382.
Sự kiện trên đây cho thấy, Quách Đình Bảo là người rất am hiểu Kinh đô Thăng Long, từ vị thế chính trị, kinh tế, đến các đặc điểm về dân cư, kinh tế, xã hội. Ông khẳng định "Kinh sư là gốc của bốn phương", trước hết về phương diện chính trị: là nơi đóng trung ương, triều đình, nhu cầu hàng tiêu dùng của vua quan, các tầng lớp cư dân rất lớn. Từ vị thế chính trị, Thăng Long trở thành trung tâm kinh tế của cả nước. Vì thế, "tiền của trao đổi buôn bán tất phải lưu thông cho đủ dùng, không nên để thiếu thốn". Trên thực tế, từ trước thế kỷ XI, thành Đại La đã là đô thị sản xuất và buôn bán sầm uất. Sau khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư
ĐỂ KINH SƯ LÀ GỐC CỦA BỐN PHƯƠNG 53
ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long (năm Canh Tuất - 1010), kinh tế Thăng Long càng có điều kiện phát triển. Đặc điểm nổi bật về kinh tế của đô thị - kinh đô này là có sự kết hợp chặt chẽ giữa làm nghề thủ
công và buôn bán, sự gắn bó giữa phố và chợ. Hầu hết các gia đình đều có cửa hàng hoặc cửa hiệu, kết hợp làm hàng với bán hàng, từ đó hình thành hệ thống các phường với các phố nghề, phố chợ. Mỗi phố hoặc phường này gắn với một hoặc hai nghề, tạo ra một sản phẩm riêng. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (soạn năm Ất Mão - 1435) ghi chép khá tỉ mỉ về các nghề thủ công ở các phường, như phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài, mâm, võng, gấm trìu và dù lọng, các phường Thụy Chương, Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa; phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Tả Nhất làm quạt... Hệ thống phố - chợ đáp ứng được nhu cầu hàng tiêu dùng của vua quan, các tầng lớp cư dân và cả bán ra nước ngoài.
Đặc điểm kinh tế trên đây kéo theo sự đa tạp về dân cư của Thăng Long. Ngoài cư dân "gốc" có hoạt động mưu sinh rất đa dạng, có cửa hàng cửa hiệu, song cũng có không ít người buôn bán tự do ngoài chợ, trên phố, Thăng Long còn thu nhận một bộ phận đông người từ
các làng quê ở bốn đạo bao quanh (sau này gọi là trấn) lên lập nghiệp, nên gọi là "Thăng Long tứ trấn". Một bộ phận đông các hộ gia đình sau khi ổn định được công
54 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
việc đã đưa họ hàng, người làng cùng lên Kinh đô làm ăn. Số đông những người "nhập cư" này ban đầu chưa có nơi làm nghề, buôn bán ổn định, phải mưu sinh ở các chợ, các con phố. Dù mưu sinh theo hình thức nào thì họ đã tạo ra một lượng hàng hóa phong phú, đảm bảo đời sống gia đình và đóng góp phần thuế vào nguồn thu của nhà nước; góp phần tạo cho Thăng Long sự sầm uất bậc nhất về kinh tế của cả nước, được dân gian đúc kết "Thứ nhất Kinh kỳ...".
Thành phần dân cư đa tạp, hoạt động mưu sinh đa dạng tạo ra sự khác biệt về lối sống, phong tục, tập quán; dẫn đến sự không đồng bộ về giờ giấc sinh hoạt, làm việc, từ đó ảnh hưởng đến trật tự an ninh, đến quản lý xã hội. Ngoài ra, như ở bất kỳ địa phương nào, Thăng Long cũng có hiện tượng bên cạnh những người làm ăn chăm chỉ, lương thiện, cũng có không ít kẻ lười biếng, du thủ du thực, "kiếm ăn" bằng trộm cắp, cướp giật, lừa đảo ở chợ, ở phố phường; càng ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đến quản lý xã hội. Rất nhiều trường hợp những kẻ xấu trà trộn trong những người "tạp cư" làm ăn, buôn bán ở chợ, đường phố để "hành nghề".
Vì lý do trên đây, các quan phủ Phụng Thiên đã đề nghị "đuổi hết cả dân tạp cư về nguyên quán". Đây là cung cách quản lý "không quản được thì cấm", chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, nhất thời, mà không thấy được
ĐỂ KINH SƯ LÀ GỐC CỦA BỐN PHƯƠNG 55
những cái lợi lâu dài; không đi tìm ngọn nguồn, gốc rễ của những khó khăn, phức tạp để có hướng và biện pháp tháo gỡ hợp lý, hữu hiệu. Các quan đứng đầu Kinh đô đã quy ngọn nguồn của việc mất trật tự trị an ở Thăng Long từ những người ở các địa phương về làm nghề, buôn bán, không thấy được những lợi ích về nhiều mặt mà "những người không có quê quán ở Thăng Long" mang lại, nên đã đưa ra đề nghị đuổi tất cả họ về quê.
Quách Đình Bảo đã thấy được tác hại to lớn của quyết định tả khuynh đó, vì nếu đuổi tất cả những người dân có nguồn gốc không phải Thăng Long về quê thì buôn bán sẽ thưa thớt, người làm nghề buôn và cả người làm nghề thủ công sẽ thất nghiệp, chợ búa sẽ trống vắng, nguồn thuế sẽ thiếu hụt; cho nên phải để họ ở lại Thăng Long làm ăn, chỉ đuổi "những kẻ tạp cư vô loài", sống bằng những "nghề" bất chính. Quách Đình Bảo thấy rõ Thăng Long là nơi đô hội, nên bên cạnh các mặt tốt, tích cực, cũng không ít những hiện tượng xấu, tiêu cực; quản lý xã hội ở Thăng Long không thể chỉ là ngăn cản, cấm đoán. Người quản lý phải chấp nhận những hiện tượng đó, xem xét thận trọng ngọn nguồn của từng hiện tượng để đề ra giải pháp sát hợp.
Câu chuyện trên đây cho thấy, Quách Đình Bảo có cái nhìn rất khách quan, thận trọng và khá cởi mở, hiểu
56 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
rõ mối quan hệ mật thiết giữa tự do cư trú để phát triển kinh tế, giữa trật tự an ninh với việc bảo đảm cho buôn bán phát triển, tránh được những biện pháp tả khuynh, ảnh hưởng tới việc làm ăn, buôn bán của nhân dân; từ
đó đưa ra biện pháp quản lý sát thực. Đặt điều này trong bối cảnh thời vua Lê Thánh Tông - ông vua nổi tiếng sùng Nho, "trọng nông ức thương", mới thấy hết tầm nhìn của Quách Đình Bảo.
Câu chuyện cũng cho thấy, quản lý đô thị, nhất là các đô thị lớn, đô thị là kinh đô - thủ đô rất phức tạp, đòi hỏi người quản lý phải hết sức thận trọng khi đưa ra một quyết định, nhất là quyết định liên quan đến đời sống của các tầng lớp cư dân, không thể duy ý chí, theo ý muốn chủ quan của mình, theo kiểu "không quản được thì cấm".
Chuyện xảy ra đã hơn 500 năm, nhưng vẫn có ý nghĩa thời sự với việc quản lý đô thị, nhất là các đô thị lớn, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước - như Thủ đô Hà Nội, hay của vùng, như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế... hiện nay.
T
57
ĐỂ VIỆC NHÀ NÔNG ĐƯỢC TIỆN LỢI
rần Nhữ Vi (chưa rõ năm sinh, năm mất và con đường làm quan). Ông chỉ được sách Đại Việt sử
ký toàn thư ghi lại một chi tiết nhỏ, nhưng rất đáng lưu ý. Đó là ngày 21 tháng Tư năm Hồng Đức thứ 17 (ngày 24-5-1486), khi đang làm Tri huyện (68) Thư Trì, phủ Kiến Xương (nay thuộc huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Trần Nhữ Vi có tờ tâu (76) lên vua Lê Thánh Tông rằng:
"Đồng ruộng các xứ trong nước cao thấp khác nhau, ruộng mùa ruộng chiêm lúc bận, lúc rỗi khác nhau. Ruộng mùa tháng Năm, tháng Sáu cấy; ruộng chiêm thì cày cấy vào tháng Một, tháng Chạp. Thế là ruộng chiêm thì cần kíp về cuối mùa đông. Nay hữu ty (20) gặp có công việc gì, không xét tới thuận lợi cho việc làm ruộng, cứ nhất luật cho tới cuối mùa đông là lúc rỗi việc đồng áng, thế là chỉ tiện riêng cho dân làm mùa mà dân làm đồng chiêm thì có trở ngại. Cúi xin từ nay trở đi, nếu có các việc đào đắp thì hai ty phải điều tra xem xứ nào làm
58 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
ruộng mùa thì khởi công vào cuối mùa đông, xứ nào làm ruộng chiêm thì làm vào những tháng xuân để tiện lợi cho việc của dân".
Vua Lê Thánh Tông sau khi đọc tờ tâu đã thuận nghe và ra lệnh "định các việc xây đắp vào lúc rỗi việc nông".
Nguồn: Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.405.
Lời bàn
Lời tâu ngắn gọn trên đây của Trần Nhữ Vi lộ ra nhiều khía cạnh về đặc điểm nền sản xuất nông nghiệp của người Việt và một trong những đặc điểm của nền hành chính thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497).
Trước hết, đó là cung cách điều hành các công việc (cụ thể là việc xây dựng các công trình cơ bản) của các cơ quan nhà nước các cấp đầy quan liêu, tắc trách, thiếu khoa học, không căn cứ đến thực tế đời sống kinh tế đang diễn ra, nên đã gây nhiều ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp.
Ai cũng biết, từ ngàn xưa, nông nghiệp là ngành sản xuất chủ đạo, tạo ra cơ sở kinh tế lớn nhất cho xã hội nước ta. Nông thôn là địa bàn và nông dân là đối tượng chính yếu để thực thi các chủ trương, chính sách của nhà nước. Nông dân không chỉ nộp thuế (thuế ruộng đất, thuế thân) - nguồn thu chủ đạo cho ngân sách của nhà nước phong kiến, mà còn cung cấp nguồn
ĐỂ VIỆC NHÀ NÔNG ĐƯỢC TIỆN LỢI 59
nhân công để xây dựng các công trình công cộng ở các cấp, các địa phương.
Do địa hình không bằng phẳng, nên từ xưa, vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ hình thành các dạng cảnh quan khác nhau, trong đó, có hai dạng quy định diện mạo nền sản xuất là đồng cao và đồng trũng; từ đó tạo ra hai thình thái nông nghiệp là đồng chiêm và đồng mùa. Đồng chiêm là các vùng trũng, chỉ gieo cấy được một vụ, từ tháng Chín (tháng 10 dương lịch) bắt đầu gieo mạ, tháng Mười (tháng 11 dương lịch) làm đất (cày bừa) để tháng Một, Chạp (tháng 12 và tháng 1 dương lịch) cấy lúa; sau thời gian chăm sóc đến tháng Tư và đầu tháng Năm thu hoạch. Đồng mùa là các làng ở thế cao, đầu tháng Năm (tháng 6 dương lịch) bắt đầu gieo mạ, kết hợp làm đất, tháng Sáu (tháng 7 dương lịch) cấy lúa, đến cuối tháng Chín, đầu tháng Mười thu hoạch. Dù là đồng chiêm hay đồng mùa thì nền sản xuất có đặc điểm nổi bật là được thực hiện trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, tính chất thời vụ rất cao. Một số khâu hay công đoạn sản xuất phải được thực hiện trong khung thời vụ sát hợp nhất, tốt nhất, nếu không sẽ ảnh hưởng xấu tới năng suất cây trồng. Chẳng hạn, với vụ chiêm, phải cấy từ đầu tháng Một đến khoảng 20 tháng Chạp (trước Tết Nguyên đán), để lúa đủ thời gian sinh trưởng, kịp chín và gặt vào giữa tháng Tư, trước khi lúa tiểu mãn về; nếu cấy muộn,
60 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
những trận mưa lớn bắt đầu xuất hiện cùng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về, các cánh đồng chiêm trũng sẽ nổi trắng nước, công sức gieo trồng, chăm sóc cả vụ rất dễ bị ngập trắng sau một cơn mưa lớn, vì thế người đồng chiêm thường ví việc cấy trồng, thu hoạch của mình là "chiêm bao". Với vụ mùa, người nông dân phải tập trung cấy từ tiết Tiểu thử (đầu tháng Sáu) và hoàn thành vào trước tiết Lập thu (đầu tháng Bảy). Cấy chậm ngày nào, năng suất lúa sẽ suy giảm rõ rệt, vì cây lúa không đủ thời gian quang hợp cần thiết. Câu ngạn ngữ "Nhất thì nhì thục" và câu ca "Ơn trời mưa nắng phải thì" xuất phát từ đặc điểm này. Chính vì vậy, vào thời điểm gieo cấy (dân gian gọi là thời kỳ "tháng công, đồng vụ"), mọi gia đình, cả cộng đồng làng xã phải huy động các nguồn lao động có thể, làm việc không kể ngày đêm, dồn sức để cắm cho được cây mạ xuống ruộng vào khung thời vụ tốt nhất, để hy vọng có một mùa bội thu; mọi công việc ngoài cấy lúa phải gác lại, chỉ có thể triển khai sau khi cây lúa đã phủ kín đồng, tức thời kỳ nông nhàn.
Trong bối cảnh trên, chính quyền các địa phương lại sức cho các làng xã huy động nhân lực để đi xây dựng các công trình của nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều gia đình có lao động trong độ tuổi đóng góp nghĩa vụ phải bỏ việc đồng áng để đi làm "việc quan". Việc điều động nhân lực vào thời điểm này chẳng
ĐỂ VIỆC NHÀ NÔNG ĐƯỢC TIỆN LỢI 61
những ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ của sản xuất nông nghiệp, mà "việc quan" thực hiện chắc chắn cũng thiếu hanh thông, vì những người bị điều không an tâm ra đi và không toàn tâm toàn ý cho "việc quan", khi việc đồng áng của gia đình mình còn bề bộn. Rõ ràng, việc các cơ quan nhà nước "không xét tới thuận lợi cho việc làm ruộng" trong điều động nhân lực nông thôn đi làm việc quan là một bất hợp lý rất lớn.
Và Trần Nhữ Vi đã đề nghị sửa đổi lại việc điều hành các việc xây dựng ấy cho phù hợp với mùa vụ sản xuất ở đồng đất từng địa phương, để dân làm ăn được tiện lợi. Ông đã nhìn thấy lợi ích của người nông dân trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước, giữa việc dân và việc quan. Ông cũng thấy rõ, các cơ quan nhà nước "nhất luật" điều động nhân lực đi làm "việc quan" vào cuối mùa đông chỉ thuận tiện cho cư dân đồng mùa, trong khi gây trở ngại cho cư dân đồng chiêm và chỉ nhằm mục đích "hoàn thành nhiệm vụ cuối năm" của các cơ quan đó. Đó cũng chính là tính quan liêu, mệnh lệnh của các cơ quan công quyền thời Lê Thánh Tông.
Tuy chỉ là một chi tiết nhỏ được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng đã cho thấy Trần Nhữ Vi là một vị quan đứng đầu cấp huyện - cấp trực tiếp sát dân nhất, rất sâu sát với dân, hiểu sâu sắc đời sống của dân và thật sự thương dân. Chính vì vậy, khi lời tâu của ông được đưa lên, vua Lê Thánh Tông đã chấp thuận và
62 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
lệnh cho các cơ quan định lại việc điều động nhân lực ở nông thôn đi phục vụ các công việc của nhà nước cho sát với tình hình sản xuất nông nghiệp. Câu chuyện cho thấy, Lê Thánh Tông là vị vua cầu thị, tuy chỉ là ý kiến của một viên tri huyện, song ông đã xem xét kỹ, thấy hợp lý và cho định lệnh thi hành.
Câu chuyện trên đây cho thấy, các cơ quan hành chính hay cơ quan chuyên môn nhà nước ở bất kỳ cấp nào khi đề ra các chủ trương, chính sách hay các quy định đều phải có cái nhìn vừa sát thực tế, vừa xa rộng, tổng thể, thấy được mối quan hệ lợi ích của ngành mình với ngành khác, giữa các bộ phận dân cư; không thể chỉ vì lợi ích của cơ quan, ngành mình, hay của nhóm mình; càng không thể ban hành các chủ trương, chính sách, quy định từ "phòng lạnh", từ "salông" như một số cơ quan, ban, ngành hiện nay, khi ban hành xuống không thể thực hiện được, vì chúng khác xa so với điều kiện thực tế của đời sống.
L
63
LƯƠNG ĐẮC BẰNG
VÀ 14 KẾ SÁCH TRỊ NƯỚC
ương Đắc Bằng (1472 - ?), người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hóa, nay thuộc xã Hoàng Phong,
huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đỗ bảng nhãn (81) khoa Kỷ Mùi (năm 1499), niên hiệu Cảnh Thống, đời vua Lê Hiến Tông. Ông làm quan trải ba triều vua Lê: Hiến Tông, Uy Mục và Tương Dực (khoảng từ
năm Kỷ Mùi - 1499 đến tháng Tư năm Bính Tý - 1516), chức quan cao nhất là Thượng thư Bộ Lại (2) kiêm Đông các Đại học sĩ (15), Tri (78) Kinh Diên (21), tước Đôn Trung bá (53). Con ông và cháu ông đều đỗ
tiến sĩ (81).
Sử cũ ghi lại, Lương Đắc Bằng là người có tài, nhưng đáng tiếc, trong ba triều vua mà ông thi thố tài năng chỉ có giai đoạn trị vì của vua Lê Hiến Tông (1497 - 1504), đất nước còn "giữ vận thái bình", còn hai triều Uy Mục (1504 - 1509) và Tương Dực (1509 - 1516)
64 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
bị sử cũ gọi là "vua quỷ, vua lợn" với chính sách cai trị đã làm cho "trăm họ oán giận", "việc thổ mộc bừa bãi, nhân dân thất nghiệp, trộm cướp nổi dậy...", cơ đồ nhà Lê bắt đầu suy vong. Chính trong bối cảnh đó, Lương Đắc Bằng đã trăn trở nhiều về con đường đi lên của nước nhà.
Tháng Mười năm Canh Ngọ (khoảng tháng 11-1510), sau khi hết hạn chịu tang, Lương Đắc Bằng trở lại triều và được khởi phục chức Tả Thị lang Bộ Lại (2). Trước tình hình đất nước đang rối ren khi Tương Dực vừa đem quân về Thăng Long giết Uy Mục, tự lập làm vua, Lương Đắc Bằng đã dâng lên Tương Dực tờ sớ (76) gồm 14 điều về kế sách trị nước.
Mở đầu tờ sớ, Lương Đắc Bằng chỉ rõ, thánh quân ngày xưa không cho là thiên hạ đã thịnh trị mà quên lòng răn ngừa; hiền thần ngày xưa không thấy vua đã thành công mà quên lòng can gián. Vì thế, thời Ngu Thuấn đã thịnh trị mà Bá Ích vẫn can vua "chớ ham nhàn rỗi, chớ đắm vui chơi, không trễ không lười, để công việc quốc gia bê trễ". Đế Thuấn nghe lời răn này mà ngăn ngừa những việc đáng răn, do đó đã trở thành bậc thánh lớn. Đời Văn Hán Đế1, dân đã giàu có đông đúc
_____________
1. Văn Hán Đế: vua nước Hán, ở ngôi từ năm 179 đến năm 163 trước Công nguyên.
LƯƠNG ĐẮC BẰNG VÀ 14 KẾ SÁCH TRỊ NƯỚC 65
rồi mà Giả Nghị1 vẫn dâng kế sách nói rằng, đất nước đang ở tình trạng "để lửa gần củi". Văn Đế nghe lời can này mà lo nghĩ việc đáng lo, do đó đã nên bậc vua hiền.
Huống chi - Lương Đắc Bằng vạch tiếp, đất nước từ khi (vua) lên ngôi, "khí hòa thuận chưa điều tiết, việc binh đao chưa dẹp yên, triều cương chưa cất nhắc, quân chính chưa sửa sang, tai dị thường xuất hiện, đạo trời chưa được thuận, đạo đất chưa được yên; kẻ gian phi lén phát, bọn nghịch tặc manh lòng, lòng người chưa yên ổn. Trước nạn nước đó, là bề tôi mà không dám nói, chỉ
tiến lui theo chiều, hèn kém như người khác để dựa dẫm lấy lộc, thì đạo trung hiếu của người làm tôi đôi đường đều thiếu cả, lấy gì để báo đáp ơn đức của bệ hạ, mà hết chức vụ của kẻ làm tôi. Thần mỗi khi nghĩ đến thì sợ, suốt đêm không ngủ, đến bữa không ăn".
Những điều trên đây là lý do để Lương Đắc Bằng dâng lên vua 14 điều về kế sách trị nước. Nội dung cụ thể của 14 điều đó như sau:
1. Hết lòng răn sợ để dập tắt biến cố tai dị; 2. Dốc lòng làm điều hiếu thảo để khuyến khích lòng trung hậu;
_____________
1. Giả Nghị (201 - 169 trước Công nguyên), làm quan đời Tây Hán ở Trung Quốc, chủ trương cải cách, nhưng bị gian thần bài xích nên bị giáng làm Thái phó Trường Sa Vương (nay là tỉnh Hà Nam). Ông là người giỏi làm các bài phú nghị luận.
66 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
3. Xa bỏ con hát, sắc đẹp để giữ vững căn bản lòng người;
4. Trừ bỏ kẻ gian nịnh để nguồn gốc phong hóa được trong sạch;
5. Dè sẻn trong việc ban đặt quan chức để cẩn thận việc khuyên răn;
6. Công bằng trong việc bổ dụng để trong sạch đường làm quan;
7. Tiết độ trong việc dùng tiền tài để khuyến khích thói kiệm phác;
8. Khen thưởng người tiết nghĩa để trọng đạo cương thường;
9. Cấm ăn của đút để trừ bỏ thói tham ô;
10. Sửa võ bị để nước mạnh thế chống giữ; 11. Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài (13) để cổ vũ chí khí những người mạnh dạn, dám nói lời ngay thẳng;
12. Giảm nhẹ việc lực dịch để nuôi dưỡng sức dân; 13. Ban hành pháp luật đúng đắn để thống nhất tâm chí bốn phương;
14. Cẩn thận pháp độ để mở đời thịnh trị thái bình. Cuối tờ sớ, Lương Đắc Bằng lưu ý vua Tương Dực câu nói của cổ nhân: "Lời nói của kẻ cắt cỏ kiếm củi, thánh nhân cũng chọn lấy", vậy nên, vua cần soi xét tới các kế sách trên, "chọn lấy vài điều để làm, răn những điều đáng răn, lo những điều đáng lo", để
LƯƠNG ĐẮC BẰNG VÀ 14 KẾ SÁCH TRỊ NƯỚC 67
"đạo trời có thể thuận, đạo đất có thể yên, đạo người có thể ổn, đất nước được thái bình".
Nguồn: Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.2, tr.520-523.
Mười bốn điều trên đây của Lương Đắc Bằng thực chất là những giải pháp bao quát toàn diện các mặt đời sống để ổn định đất nước. Đó là, cải cách bộ máy hành chính, chọn lọc đội ngũ quan lại, tăng cường hiệu lực của pháp luật, chống tham ô, hối lộ và các tệ nạn xã hội khác, thực hành tiết kiệm, chăm lo đời sống nhân dân, mở rộng quyền cho thần dân, trong đó có quyền được nói thẳng, củng cố tiềm lực quốc phòng, v.v..
Những giải pháp của Lương Đắc Bằng đưa ra rất thích hợp với tình hình đất nước lúc đó. Chính vì vậy, sử cũ ghi lại rằng, "Vua (Tương Dực) đã nghe theo", tức tiếp thu những đề nghị này của Lương Đắc Bằng và cho thực hiện. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua (Tương Dực) khi mới lên ngôi, ban hành giáo hóa, cẩn thận hình phạt, cũng đáng gọi là có làm", chắc chắn có dựa trên những đề nghị này của Lương Đắc Bằng. Điều đáng tiếc là những việc "có làm" này của Tương Dực chỉ được một phần rất nhỏ, vì ông vua này "ham chơi mà không quyết đoán", làm cho tình hình đất nước tiếp tục rơi vào trạng thái bất ổn, cơ đồ nhà Lê từ đó bắt đầu suy vong.
68 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Dù các giải pháp mà Lương Đắc Bằng đưa ra trong tờ sớ của mình không được thực hiện triệt để, nhưng qua đây chứng tỏ, ông là vị quan có lòng khẳng khái, một lòng lo cho vận mệnh của đất nước, mong muốn có những cải cách kịp thời và triệt để các mặt trì trệ của triều chính, của đất nước.
Hơn 500 năm đã trôi qua, tinh thần của những đề nghị cải cách đất nước của Lương Đắc Bằng vẫn mang những ý nghĩa thời sự và có giá trị tham khảo đối với công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước của chúng ta hôm nay.
69
CHO CHÍNH HÓA RỘNG KHẮP
VÀ NƯỚC THỊNH, DÂN YÊN
G
iáp Hải (1507 - 1586), còn có tên là Giáp Trưng, hiệu là Tiết Trai, người làng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn, nay thuộc xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Có thuyết nói ông quê ở làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm (nay thuộc thành phố Hà Nội), mẹ là người làng Đan Nhiễm (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Khi ông sinh ra thì bố đã mất. Năm lên hai tuổi, ông bị một nhà buôn làng Dĩnh Kế bắt về nuôi, cho ăn học và đỗ trạng nguyên (81) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính, đời vua Mạc Đăng Doanh (năm 1538), làm quan đến Thượng thư Bộ Lại (2) kiêm Đô Ngự sử (13), tước Sách Quận công (53). Ông nổi tiếng thời bấy giờ không chỉ vì thông minh, tài giỏi mà còn vì cương trực, dám vạch ra những sai trái của vua Mạc. Năm đầu niên hiệu Diên Thành đời vua Mạc Mậu Hợp (năm Mậu Dần - 1578), khi đang làm Thượng thư Bộ Lại
70 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
kiêm Đô Ngự sử, nhân thấy sao chổi nhiều lần xuất hiện, ông đã dâng tờ sớ (76) lên vua Mạc.
Mở đầu tờ sớ, Giáp Hải chỉ rõ, theo quan niệm của người xưa, sao chổi xuất hiện thường liên quan đến việc chính sự. Dựa vào lời của các bậc cổ nhân, lời chép trong các điển sách cũ, bằng lối so sánh tinh tế và cách lập luận chắc chắn, Giáp Hải đã chỉ ra "sáu điều đáng sợ của nền chính trị nước nhà" có quan hệ đến việc sao chổi hiện ra. Đó là:
1. Lễ tiên tổ thịt xôi đơn bạc, lễ vật kính dâng cẩu thả, không kính cẩn, đó là điều đáng sợ thứ nhất, vì theo Kinh thư (82), "Phụng thờ thượng đế, thần kỳ, xã tắc, tôn miếu, chỗ nào cũng phải kính cẩn".
2. Những người bên cạnh vua quen thói nịnh hót, dỗ dành chơi bời để cầu hợp ý vua; cung cấm là chỗ rất nghiêm mà nay ra vào không cấm; tuyên bố mệnh lệnh và thu nạp lời can là việc rất cẩn thận mà nay che lấp không thông. Đó là hai điều đáng sợ.
3. Quan lại các cấp mười phần thì số không hám danh lợi chỉ được hai ba, còn lại đều đắm đuối về lợi, nào chiếm đoạt ruộng đất, nào các quan phiên trấn sách nhiễu và mua rẻ của dân, không việc gì là không làm. Đó là ba điều đáng sợ, vì theo Mạnh Tử (82), "trên dưới tranh lợi lẫn nhau thì nước tất sẽ nguy".
4. Quan lại trong ngoài, những người là chính đáng thì chỉ độ hai, ba phần; còn lại đều gian tà cả; khi có sắc
CHO CHÍNH HÓA RỘNG KHẮP VÀ NƯỚC THỊNH, DÂN YÊN 71
chỉ truyền việc gì thì quan lại dựa vào đó để sách nhiễu, có kiện cáo thì đòi tiền đút lót, không biết đến đâu là cùng. Đó là bốn điều đáng sợ, vì theo Tả truyện1 "nước hỏng là bởi quan lại gian tà".
5. Người dân hễ có các công việc tư cần đến công quyền đều bị sách nhiễu khổ sở, khó lòng sống được. Đó là năm điều đáng sợ, vì theo Đường sử2, "nước mạnh phải nương tựa vào dân".
6. Tướng súy trái ngược nhau, mỗi người mỗi ý. Đó là sáu điều đáng sợ, vì theo Tả truyện, "đánh trận mà thắng, cốt các tướng phải hòa đồng".
Ngoài ra, theo Giáp Hải, còn nhiều điều trái ngược đạo lý không thể kể xiết được, bởi thế ông chỉ rõ, sao chổi ra tai, điềm tai dị không phải tình cờ. Từ đó, Giáp Hải xin vua Mạc "tự răn, lo sợ, thay đổi việc chính sự
thối nát để lòng dân được thuận hòa; khi đó sẽ hợp ý trời. Còn nếu chỉ say đắm về sự yêu vui, không chịu răn chừa, sửa đổi thì sẽ có ngày đến nguy vong, không sao giữ được".
_____________
1. Tả truyện hay Tả thị Xuân Thu là tác phẩm sớm nhất của Trung Quốc viết về lịch sử nước này giai đoạn Xuân Thu, từ năm 722 đến năm 468 trước Công nguyên.
2. Đường sử: thường để chỉ bộ sách Đường thư hay còn gọi là Cựu Đường thư, do Lưu Húc và Trương Chiêu Viễn biên soạn, hoàn thành năm Khai Vận thứ 2 (năm 945), gồm 200 quyển, viết về lịch sử triều Đường (618 - 907), sau được đưa vào bộ Nhị thập tứ sử của Trung Quốc.
72 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Đáng tiếc, những đề nghị của Giáp Hải đã không được Mạc Mậu Hợp nghe theo, nên khi vua Mạc thăng chức Thiếu bảo (60), Giáp Hải đã chối từ, song vua Mạc vẫn không để ông về hưu.
Năm sau (năm Kỷ Mão - 1579), ông lại được thăng Chưởng Lục bộ (5) kiêm Đông các Đại học sĩ (15), Nhập thị Kinh Diên (21). Bấy giờ, chính sự nhà Mạc ngày càng kém, tai dị thường xảy ra, ông đều dâng sớ để nói lên mối liên quan giữa chính sự với các hiện tượng thiên tai. Khi xảy ra bão lớn, ông dâng sớ chỉ rõ, đấy là do "giặc cướp chưa yên, binh dịch tần phiền, lính tráng nay tha mai bắt, sưu thuế thêm từng đấu, thu từng thúng, mảy lông cũng vét hết trơn..., làm cho khánh kiệt của cải, dân tình nheo nhóc, cơ hồ không thể sống được". Từ đó, Giáp Hải đề nghị Mạc Mậu Hợp lấy sự biến của trời là đáng sợ, coi chỉnh đốn nhân sự là việc cần phải làm, kính lòng giận của trời thì không dám chơi vui, kính tai biến của trời thì không nên phóng túng. Hãy tuyệt đường nịnh hót để mong được yên; hãy đóng cửa tham lợi, dạy bảo các quan, chấn chỉnh những công việc đã bỏ, ra sắc lệnh cho các triều thần bàn bạc, thi hành mọi điều khoan tuất cho dân; ban ra những ân dụ để tha những dân vô tội bị ức hiếp, đặc biệt sai quan sở tại thăm nom giúp đỡ luôn. Có thế thì ơn của trên ban xuống mới thấm đến kẻ dưới, lòng người sẽ vui, tai dị sẽ hết.
CHO CHÍNH HÓA RỘNG KHẮP VÀ NƯỚC THỊNH, DÂN YÊN 73
Tuy nhiên, Mạc Mậu Hợp vẫn không nghe theo các đề nghị của Giáp Hải. Mặc dù vẫn được vua Mạc hậu đãi, song Giáp Hải cảm thấy mình cần phải làm được một việc cần thiết nhưng vẫn chưa làm được và không biết làm sao được, nên mấy lần ông xin về hưu nhưng không được chấp thuận.
Mùa thu năm Diên Thành thứ tám (năm Ất Dậu - 1585), lấy cớ tuổi già, Giáp Hải lại dâng sớ xin về hưu. Trong tờ sớ, ông mong Mạc Mậu Hợp "giữ đạo trung, mưu việc lớn, lấy việc kính trời làm chỗ tựa, lấy khiêm cung làm đầu; chăm đường chính học, thân bậc chính nhân thực ý, ngay lòng; ngăn điều trái, bớt lòng dục; không gần tiếng hay sắc đẹp, không ham của cải, không say sưa rượu chè, không đắm đuối chỗ vui chơi; ngăn kẻ nịnh hót, răn việc du đãng; để cho chính hóa rộng khắp, dân yên nước thịnh, tiến tới trị bình", để "dẫu yên nghỉ nơi ruộng vườn cũng được dự hưởng phúc thái bình".
Song, Mạc Mậu Hợp vẫn giữ Giáp Hải ở lại. Tháng sau, Giáp Hải lại tiếp tục xin về, nhưng vẫn không được vua Mạc chấp thuận. Đến tháng Một cùng năm, ông lại dâng sớ xin về hưu lần nữa với lời lẽ rất thống thiết. Lần này, Mạc Mậu Hợp buộc phải cho ông về, ban cho lá cờ thêu cùng đôi câu đối:
Trạng đầu, Tể tướng, Đẩu Nam tuấn,
Quốc lão, Đế sư, thiên hạ tôn.
74 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
Dịch nghĩa:
Đỗ trạng nguyên, làm tể tướng, danh cao tựa sao Đẩu trời Nam,
Đã Quốc lão, lại Đế sư1, cả nước suy tôn.
Nguồn: Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, t.1, tr.255-258.
Lời bàn
Nội dung các tờ sớ của Giáp Hải đề cập một loạt vấn đề hệ trọng của đất nước thời Mạc, cũng là của các vương triều phong kiến nói chung. Đó là:
- Ban bố chính sách, chính lệnh liên quan đến đời sống của nhân dân;
- Tuyển chọn và chấn chỉnh đội ngũ quan lại các cấp; - Cải cách bộ máy hành chính và xây dựng thể chế làm việc;
- Củng cố sự đoàn kết và thống nhất của quân đội; - Đặc biệt là xây dựng tư cách, nhân cách của vua - người thay trời trị dân, trị nước: phải luôn chăm lo chính sự, bớt vui chơi, xa thanh sắc, thận trọng trong việc ban hành chính lệnh và chính lệnh ban hành phải chú ý đến quyền lợi của dân, nhất là của người nghèo... Giáp Hải cũng vạch rõ mối quan hệ "vô hình" mà "hữu thực" giữa chính sự của người đứng đầu với các
_____________
1. Quốc lão: bậc già lão có uy tín, tôn kính của quốc gia; Đế sư: thầy của vua.
CHO CHÍNH HÓA RỘNG KHẮP VÀ NƯỚC THỊNH, DÂN YÊN 75
hiện tượng thiên nhiên. Chính sự tốt, hay thì thiên nhiên thuận hòa; chính sự dở, tồi thì sẽ xảy ra những hiện tượng thiên nhiên bất thường, điều tai dị, như hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh, sao chổi,...
Những tư liệu trên cho thấy, Giáp Hải là vị quan một lòng lo cho vận mệnh của dân, của nước, không màng đến danh lợi bản thân. Đáng tiếc, những đề nghị cải cách, chấn chỉnh của ông không được vua Mạc nghe theo. Sự bảo thủ của vua Mạc phải chăng là một trong những nguyên nhân chính làm cho nhà Mạc bị thất bại sau đó chỉ mấy năm, phải rút khỏi Thăng Long và vùng châu thổ Bắc Bộ, kết thúc một vương triều tồn tại trong hơn 65 năm (1527 - 1593)?
76
LỜI TÂM HUYẾT
CỦA VỊ ĐẠI THẦN XIN VỀ HƯU
T
hời xưa, mỗi khi trong thiên nhiên, trời đất xảy ra một hiện tượng bất thường (hạn hán, bão lụt,
dịch bệnh diễn ra trầm trọng, động đất...), người ta thường gắn chúng với những bất ổn của xã hội để từ đó quy trách nhiệm cho những người cầm đầu chính thể. Vì thế, vào những dịp này, nhiều vị quan đại thần có tâm huyết thường dâng lên các bậc vua chúa những tờ sớ, tờ khải, hoặc lời tâu (76), xin các bậc cầm quyền lưu ý đến những bất cập của xã hội mà đề ra những biện pháp khắc phục. Dưới đây là tờ sớ
và lời tâu của một vị quan thời Mạc ra đời trong bối cảnh đó.
Tác giả của tờ sớ và lời tâu này là Trần Văn Bảo (sau đổi là Trần Văn Nghi (1524 - 1586)), người làng Cổ Chử, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đỗ trạng nguyên (81) khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Lịch, đời vua Mạc Phúc Nguyên (năm 1550), làm quan đến chức Thượng thư
LỜI TÂM HUYẾT CỦA VỊ ĐẠI THẦN XIN VỀ HƯU 77
Bộ Lại (2), Nhập thị Kinh Diên (21), tước Nghĩa Sơn bá (53), từng được cử đi sứ sang nhà Minh.
Vào năm Tân Tỵ niên hiệu Diên Thành (năm 1581), chính sự nhà Mạc ngày càng đi xuống, ông không nhận chức mà dâng sớ (76) lên vua Mạc Mậu Hợp về chính sự nước nhà. Tờ sớ mở đầu bằng việc vạch rõ mối quan hệ giữa chính sự với các hiện tượng thiên nhiên: chính sự tốt thì ứng với điềm hay, chính sự dở thì ứng với điều gở. Tiếp đó, Trần Văn Bảo vạch rõ, chính sự hiện thời của nhà Mạc có nhiều điều làm thương tổn đến đạo lý. Đình thần dâng sớ vạch ra những thiếu sót, nhưng vua vẫn chưa lượng rộng để tiếp thu lời can. Có vị quan nào tâu lên, vua tuy có khen lời tâu đó đáng dùng được, nhưng không cho thực thi ngay. Có việc đã qua nhiều lần bàn, đáng châm chước phải làm nhưng vẫn chưa cho làm ngay. Những sự chậm chễ đó, hoặc do ý của vua, hoặc do bị quyền thần che lấp, mê hoặc. Tất cả đều trái với chính thể. Vì thế, ở chốn triều đình, thể thống ngày càng rối, công luận ngày càng vắng, trong nước không có chính sự tốt, nên trời đã có điềm răn bảo, như sao chổi hiện ra, núi lở, nhật thực, nguyệt thực; việc quái dị xảy ra luôn, mưa nhiều, gió nhiều, chốn kinh sư phải chịu sự trời phạt. Thực là biến lớn vậy.
Tiếp đó, Trần Văn Bảo lấy các điển cố của lịch sử Trung Hoa để khuyên vua, ví như Cảnh Công
78 NHỮNG KẾ SÁCH XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC CỦA CHA ÔNG TA
nước Tề1 chỉ một lời nói hay mà sao dữ lùi xuống độ khác; nước Trịnh2 có chính sự tốt mà không có tai dị về sau. Đấy là sự hiệu nghiệm người thắng trời, lấy đức mà tiêu trừ tai biến, đủ làm tấm gương sáng cho ngày nay. Từ đó, Trần Văn Bảo xin vua kính theo ý trời đã răn, sửa sang đức chính, sắc cho Phụ chính (38) Ứng vương (Mạc Đôn Nhượng), cố gắng sửa mình, một lòng sáng suốt giúp đỡ để yên cơ nghiệp, càng phải trọng dụng người đại thần, tin dùng người nói thẳng, không mối tệ nào là không đổi hết, không việc gì là không làm nên. Việc người làm trọn thì lòng trời cũng hồi lại, thiên hạ ngày bước lên thịnh trị. Nếu không làm thế thì nguy vong đến nơi, khó lòng tránh khỏi.
Cuối tờ sớ, Trần Văn Bảo khẳng khái viết rằng, ông không xứng đáng với chức vụ, tự hặc mình, đáng truất bãi, xin đến cửa khuyết đợi lệnh.
Mạc Mậu Hợp đọc tờ sớ, biết mình sai và thấy Trần Văn Bảo là người ngay thẳng, bèn an ủi ông và khuyên ông lưu lại chức vụ.
_____________
1. Tề Cảnh Công: tên thật là Khương Chử Cữu (547 - 490 trước Công nguyên), là vị vua thứ 26 của nước Tề ở Trung Quốc, trị vì từ năm 548 đến năm 490 trước Công nguyên.
2. Trịnh là một trong các nước chư hầu mạnh nhất đầu thời Xuân Thu, giữ vị thế bá chủ đầu tiên, hùng cường nhất dưới thời Trịnh Trang Công (trị vì từ năm 743 đến năm 701 trước Công nguyên).