"Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo 1 Bố ạ, ở trường con vừa rồi xảy ra một chuyện ghê rợn vô cùng. Một thằng bên trường Kiến trúc vác súng sang bắn chết thầy hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế. Con chứng kiến. Ngay trước mắt. Nói cho chính xác thì thầy ấy không chết. Ai cũng tưởng thầy ấy đã chết nhưng đưa đi cấp cứu thì hóa ra không chết. Không chết nhưng đạn bắn toét người. Sống cũng thành dở người. Sinh viên phải quyên góp trợ giúp thầy. Ai cũng đóng góp. Con cũng phải đóng góp. Một khoản không hề nhỏ bố ạ. Bố chuyển tiền sớm cho con nhé. Ban đầu nó định viết là thầy hiệu trưởng chết, chết hẳn hoi, chết đứ đừ, làm sao để cho bố nó hoảng, bố nó rợn tóc gáy, bố nó tim đập chân run, từ đó mà cuống lên gửi tiền ngay. Nghĩ lại, thấy không nên để thầy giáo chết, nó viết thêm đoạn thứ hai, chính xác thì thầy ấy không chết. Nỗi kinh hoảng ở đoạn đầu tiên được dây dưa kéo dài sang đoạn thứ hai, đây chính là chỗ dành cho việc miêu tả chi tiết. Đạn bắn toét người. Không chết mà như thế thì mức độ cũng quá nghiêm trọng. Lại còn bình luận về tình trạng cuộc sống bi đát của thầy trong tương lai. Khơi gợi sự mủi lòng ở người đọc thư. Tất cả những điều nó viết ở trên rốt cục là dẫn đến việc nhắc nhở bố nó gửi tiền. Tiền. Tiền. Tiền. Và phải sớm. Kinh hoàng như thế. Ghê rợn như thế. Bi thảm như thế. Thế thì phải gửi sớm. Sớm. Sớm. Sớm. Đây là khoản tiền đột xuất. Chắc là bố mẹ nó đã quen với những bức thư xin tiền đột xuất kiểu này. Quen với những bức thư nhắc gửi tiền định kỳ ba tháng một lần. Du học nước ngoài, tiền học, tiền ăn ở, tiền sinh hoạt và các khoản phụ trợ, mỗi năm mấy chục nghìn đô la Mỹ. Mấy chục nghìn đô không gửi luôn một lần mà chia ra thành từng quý, mỗi năm gửi bốn lần. Nhưng không phải bốn lần mà xong. Thỉnh thoảng có những bức thư bất chợt như bức thư xin tiền đột xuất này. Quyên góp bất ngờ. Thầy giáo chết. Quên, thầy không chết mà chỉ bị thương be bét khắp khắp người. Lần khác thì bà cụ thân sinh của ông chủ nhà chết, phải đi cùng ông ấy về thị trấn quê hương cách vài trăm dặm. Lần khác thì một đứa bạn cùng lớp chết. Toàn là chết. Nó không ngại chết nhiều thế sẽ thành một lý do đáng ngờ. Chết đúng ra là lý do chí lý. Còn có gì đau buồn hơn. Còn có gì gây chấn động hơn. Còn có gì đáng mủi lòng hơn. Thực ra thì trong những bức thư trước, nó còn nêu những lý do khác nữa, nhưng người đọc cứ bình tĩnh, tuần tự rồi sẽ biết tất cả. Trở lại với bức thư điện tỏ lần này. Có chuyện một thằng bên trường Kiến trúc vác súng sang trường Nghiên cứu quốc tế thật. Có thật. Nhung nó sang bắn thầy hiệu trưởng bên này thì không đúng. Không có. Hoặc là chính xác nó bắn ai thì đang điều tra, chưa biết được. Chưa biết. Đúng lúc nó vác súng vào trường thì chú chàng nhà ta bị gọi lên phòng hiệu trưởng. Lên phòng thầy hiệu trưởng uống nước chè đã thành tục ngữ trong đám sinh viên. To take a cup of tea with the director. Ở đây người ta gọi thầy hiệu trưởng là giám đốc chứ không gọi là hiệu trưởng headmaster. Suốt cả năm học có khi chẳng bao giờ nhìn thấy mặt thầy hiệu trường, mà cũng chẳng cần nhìn thấy mặt thầy làm gì. Thình lình một ngày đẹp trời giáo viên chủ nhiệm bảo ta giờ ấy ngày ấy đến phòng thầy hiệu trưởng. Chả được cốc nước chè nào đâu. Lên đấy hoặc là nhắc nhở hoặc là răn đe hoặc là kỷ luật hoặc là buộc nghỉ học. Nói chung là lành ít dữ nhiều. Chè cà phê nước ngọt bia bọt, đừng có mơ. 2 Chưa cần gặp thầy hiệu trưởng, chú chàng đã biết chuyện gì rồi. Lần này chắc là bị thôi học. Chú đã nợ mấy môn. Môn thì lấy không đủ tín chỉ credit, không đủ điểm để qua. Môn thì càng học càng xương, xương mắc ngang cổ, tưởng nó là xã hội học toàn chuyện cuộc sống xã hội, nào ngờ đầy những lý thuyết đến tiếng Việt còn khó hiểu chứ chưa nói phải học bằng tiếng Anh. Hóc luôn. Môn thì hóc một cái là mất luôn cảm hứng, nghỉ nhiều, không đủ thời gian có mặt ở lớp, thầy gạch tên luôn. Ba môn như ba phát đạn kết liễu, còn gì là người. Ba môn không qua nổi, còn gì là đời. Đời sinh viên. Một khi không làm sinh viên nữa, sống trôi nổi kiểu gì mà chẳng sống được. Còn là sinh viên thì còn sống hợp pháp, không là sinh viên nữa, tự bỏ học hoặc bị đuổi học, thì sống luồn lách chui lủi, đời vẫn tươi. Bao nhiêu đứa đang bập bềnh trôi nổi kia thôi. Thầy gọi lên uống nước chè, thì lên. Chú chàng đã chuẩn bị sẵn vài phương án để mong thầy thương, gia hạn cho chú, coi như là câu giờ, kéo dài thêm thời gian được ở lại trường. Uống chè với hiệu trưởng à? Cốc trà thứ nhất là ngồi khóc. Chú mong sao bây giờ mình là con gái, là con gái thì cứ thế mà nước mắt tuôn ra như suối. Có nhiều đứa lên phòng thầy chẳng nói năng gì cứ thế mà khóc sướt mướt cả ra, có khi chẳng mang theo cả mùi soa, thầy phải chìa mùi soa của thầy ra, bét hạng thì rút cho mấy cái khăn giấy. Thầy cũng hoảng chứ. Nhỡ có ai bất chợt vào phòng thầy lại tưởng thầy làm cho nó có chửa. Hoặc là thầy gây oan khuất gì cho điểm số học hành của nó. Hoặc là đủ mọi thứ hoặc là. Còn nếu thầy đàng hoàng, thầy cây ngay không sợ chết đứng, thầy chẳng ngán gì cha con đứa nào, thì ít ra trong lòng thầy cũng có chút mủi lòng. Chỉ vì nợ môn học mà để cho nó khóc thế kia, sướt mướt thế kia, lã chã thế kia, tuôn trào thác lũ thế kia, nỡ lòng nào. Đã nhiều đứa con gái cứ thế mà thành công. Cốc trà thứ hai, thưa thầy nhà em nghèo. Bố mẹ em nửa năm nay không gửi tiền sang, em chỉ đủ trả tiền thuê nhà, còn thì tiền ăn uống dịch vụ công cộng em phải tự lo hết. Tất nhiên là bịa. Chú chàng thuộc diện xông xênh sung túc nhất trong đám sinh viên Việt ở thành phố này. Bịa tí thì đã sao. Bịa mà được thương thì nên bịa. Em phải đi làm thuê cho tiệm phở Việt, đi làm thuê cho siêu thị Á Đông, đi làm thuê cho tiệm neo rứt móng chân móng tay các quý bà quý cô. Neo là tiếng Mỹ còn xin lỗi thầy em xin phát âm nêu là tiếng Anh. Mà cũng không phải rút móng chân móng tay, xin lỗi thầy, sơn giũa móng chân móng tay manicurist. Nhà em nghèo, dân em nghèo, đất nước em nghèo. Em muốn đổi đời nên em mới đi học mới sang đến đây mới nhờ đến thầy. Đã có đứa nào thành công bằng cách giơ cái nghèo ra chưa nhỉ. Ở bên ta có thời cái nghèo được chìa ra như một thứ lý lịch đáng tin cậy. Nghèo đồng nghĩa với việc ở trong cùng một đội ngũ giai cấp. Nghèo đồng nghĩa với trong sạch trưng thực nhiệt huyết dũng cảm triệt để đấu tranh chống phong kiến thực dân đế quốc, kể cả cường hào ác bá đời mới. Nghèo đồng nghĩa với việc không chơi trèo, trên cơ, nẫng tay trên, không tự cao hơn người khác từ tầm mắt trở lên, không tự đại béo tốt hơn người khác từ vòng hai phình rộng sang hai bên. Có cái áo đẹp không dám mặc, hoặc phải mặc ở trong, trùm ra ngoài cái áo khoác bộ đội, cái áo đại cán, cái áo na tô kiểu xích lô xe ôm. Không phải người nhà quê mà có bà có cô từ nhà bước ra phố vẫn mặc áo cánh nâu cho ra dáng nông dân thời đại mới. Sang đến thời đổi mới, đổi mốt rồi, chuyển sang mốt khoe khoang cụ ba bốn đời là phú nông chúa đất một vùng, là tư sản thành thị sở hữu ba biệt thự và cả một dãy phố cổ. Đổi mốt. Quay ngược chiều kim đồng hồ. Ấy thế, hễ nói đến tài sản ngân khoản thì vẫn giấu bớt. Giấu không phải chỉ để trốn thuế. Giấu không phải chỉ để an toàn, bớt bị nhòm ngó, tránh trở thành đối tượng để xin đểu, từ quan trên đến dân đen đều xin, tránh bị bắt cóc tống tiền, tù vợ đến con đều có thể bị bắt cóc. Giấu bây giờ như một thứ phản ứng bản năng, cái bản năng hình thành từ thời bao cấp, bản năng hóa thạch rắn như kim cương, dùng búa đập không vỡ. Giấu bây giờ như một thứ lại gạo, cái bánh chưng để lâu ngày trở lại cứng như chưa luộc, từng hạt gạo cứng trở lại, rời rạc mỗi nơi một hạt. Hỏi lại, đã có đứa nào thành công bằng cách giơ cái nghèo ra chưa nhỉ. Lại còn giơ ra với Tây? ông thầy Tây sẽ bảo em nghèo thì em dùng cái tiền đi du học sang đây mà xóa đói giảm nghèo cho gia đình em cho cộng đồng em đất nước em. Em ở nhà mà xóa. Không, ông Tây tinh vi tế nhị không bao giờ ăn nói thách thức thế. Ông sẽ bảo, em nghèo à, có thể có loại trường phổ thông ưu tiên ưu đãi phổ cập kiến thức cho người thiệt thòi trong xã hội, nhưng giáo dục đại học bậc cao thì chưa có như thế. Không, ông Tây khôn khéo cũng không sơ hở chính trị như vậy. Ông sẽ bảo, em nghèo à, trường chúng tôi không ép buộc ai bước chân vào đây, ngược lại với hoàn cảnh, ngược lại với ý chí nguyện vọng của họ. Ông sẽ bảo, em nghèo à, nhưng trách nhiệm của tôi là mời em đến đây để thông báo quyết định của nhà trường, trách nhiệm của tôi không phải là nghe em trình bày hoàn cảnh ngay cả khi tôi có thể cảm thông chia sẻ với em. Nghèo. Lý do nghèo. Đã có nhiều đứa cả trai cả gái giở bài này mà không thành công. Cốc trà thứ ba, thưa thầy bố em mới chết. Nói trơn tru lưu loát cho thật đáng tin. Mắt hơi rưng rưng, rưng rưng thôi vì có phải nghệ sĩ ưu tú đâu mà khóc được. Lông mày hơi nhăn nhăn, nhăn nhăn thôi vì nhăn quá thì thành cau có như là vừa bị chửi vào mặt không bằng. Làm sao bảo đảm thầy nhìn mặt mà tin được. Bố em mới chết, ung thư tiền liệt tuyến. Bí đái không đái được, hoặc đái không hết, cứ són ra từng giọt, cứ lắt nhắt như một nốt nhạc luyến, nốt luyến lăn tăn lẩy bẩy một nốt thành bảy nốt. Chỉ cần nghẹn ngào nói đúng mấy lời ấy thôi. Bố em chết. Thông tin ngắn mà đủ giải thích toàn bộ những lý do vì sao em nợ môn, em thiếu học phần, em không đủ giờ đến lớp. Bố chết. Ai nghe mà chẳng mủi lòng. Thầy có bố không. Thôi bỏ bố. Nghĩ đến đây mới thấy có thể sơ hở. Thôi bỏ cha. Nhỡ mà bố thầy ruồng rẫy bỏ đi khi thầy còn trong bụng mẹ. Nhỡ mà bố thầy bạo hành gia đình, đánh cho thầy tơi tả suốt thời thơ âu. Thế thì nghe chuyện bố chết thầy không sướng rơn lên thì chớ bảo. Chết bớt đi, thầy sẽ nghĩ thầm. Nhưng mà một người cha đàng hoàng vẫn là xác suất cao hơn. Cứ vậy đi. Chú chàng quyết định chọn phương án bố chết. Coi như đặt cược cho một canh bạc. 3 Ở lối vào tòa nhà trường Quốc tế, chú chàng không theo lối mấy bậc đi lên mà bước lên theo dốc ngắn dành cho người đi xe lăn. Chú chàng thích cảm giác như leo dốc. Các tòa bin đinh khi xây dựng đều có dốc lên cho xe lăn, người tàn tật cũng phải được hưởng quyền lợi của mình ở mọi nơi. Giá có tòa nhà nào quên xây lối đi cho người ngồi xe lăn thì sẽ bị phạt cho sạt nghiệp, các tổ chức nhân quyền sẽ tổ chức biểu tình, chửi cho vuốt mặt không kịp. Đấy là nói giá như, chứ chẳng ai dám quên. Đúng vào chỗ chú chàng đang hơi chúi người về trước dấn bước trên dốc xe lăn, chú chạm vào một anh chàng đeo cái túi đựng vợt tennis. Cái túi lạch cạch va vào sườn chú. Chú vội sorry xin lỗi trong khi gã tóc vàng kia cũng sorry. Đồng thanh, hai cái mồm cùng một lúc sorry. Nhiều khi kẻ không phạm lỗi theo quán tính lại sorry trước cả kẻ gây lỗi. Văn hóa xin lỗi cảm ơn đã hóa thành phản ứng tự động rô bốt. Gã kia xoạc cẳng chân hươu vượt qua chú, bước nhanh vào qua cửa. Gã hấp tấp đi qua sảnh chính, chỗ có cái hốc tường đặt tượng bán thân ông Jackson là nhà tài trợ xây trường Quốc tế từ thế kỷ mười chín. Ở chỗ dán thông báo thông tin các loại, gã tan ngay vào đám sinh viên lượn lờ lố nhố. Đúng lúc ấy chú chàng bỗng có nhu cầu vào nhà vệ sinh. Không phải nhẹ. Nặng hẳn hoi. Sáng nào cũng phải làm vệ sinh trước khi đến trường. Một cơ thể nhẹ nhàng thanh thoát sẽ suốt một ngày không gây bận tâm. Sáng nay có lẽ cái việc bị hẹn đi uống nước chè với thầy hiệu trưởng đã có phần gây phân tâm, có nghĩa là phải thú thực với chính mình rằng cái hẹn cũng có phần gây hoang mang, gây bấn loạn. Chẳng mấy sinh viên được thông báo lên phòng hiệu trưởng mà thản nhiên không xao động. Quên này quên nọ. Chú chàng thì quên đi đại tiện. Sinh viên ở đâu cũng thế. Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Nhà vệ sinh sinh viên ở đâu cũng thế. Quê ta nhà tiêu nhà xí chuồng chồ và bãi cò bãi mìn bãi phục kích. Bên Tây có WC, Toilet, Rest Room, Loose, Latrine. Quê ta nhà vệ sinh sinh viên vỡ cửa, long bản lề, có khi mất hẳn cánh của toang hoang mời cụ xem, rồi thì dềnh nước tràn trề ẵm mùi trên quần áo nửa ngày không tan hết. Còn cái khu vệ sinh sinh viên này thì sạch sẽ khô ráo như một thứ hóa chất không mùi không vị. Đấy là một nét ưu việt. Quê ta trên tường nhà vệ sinh có dòng phấn trắng thơ ca theo kiểu con đò quay đít sang ngang xa xa có một cái làng thò ra, hoặc nét chữ viết bằng gạch non đờ mẹ thằng này đờ mẹ con kia kèm theo hình vẽ các bộ phận sinh dục. Ở chỗ chú chàng đang ngồi thì cả một kho kiến thức được sinh viên viết lên tường. Tường màu ghi, chất liệu nhựa tổng hợp ram ráp, khá ăn mực. Mực màu xanh dương, màu đen, màu đỏ. Đủ cả. Cũng đủ cả kiến thức từ triết lý bình dân, giai thoại kinh viện, cho đến ngụ ngôn. Ngồi ở một chỗ không mùi không vị, khung cảnh rất phù hợp cho trầm tư suy ngẫm, không khác gì ngồi cabin trong cái thư viện của trường hơn một triệu cuốn sách ngoài kia. Ngay từ mấy dòng đầu tiên, chú chàng đã phải mở cặp lấy cuốn sổ, rồi rút bút ra chép. Someone comes here to sit and think Other comes to shit and stink And I come here to scratch my balls And read the teachings on the wall. Tác giả không ngại ngùng cái chỗ chẳng hợp cho thơ ca một tí nào, tác giả sẵn sàng chen vào chỗ này để tạm dịch: Kẻ vào đây ngồi mà nghĩ suy/ Kẻ vào đây mà ị mà xì/ Ta vào đây gãi củ gãi cà/ Đọc trên tường những giáo huấn cao xa. Ái chà chà. Sướng. Có khi sướng mà quên cả mục đích chính khiến mình vào đây. Chép xong, chú chàng đọc sang một giai thoại. Chà cái này thì khó dịch, vì nó chạm đến đặc trưng ngôn ngữ tiếng Anh, khó chuyển dịch cho trọn ý sang tiếng Việt. Một ông nông dân đứng bên cánh đồng, đứng suốt ngày, cứ đứng mà nhìn thế thôi. Dân làng lấy làm lạ bèn hỏi ông đứng suốt ngày như thế làm gì? ông ta trả lời: Tôi muốn đoạt giải Nobel. Sao lại thế? Vì quy chế giải Nobel có ghi rõ là sẽ trao giải cho người “outstanding in his field”. Outstanding nghĩa đen là đứng bật hẳn ra ngoài, tức là nổi bật, nổi trội, là ngoại hạng ngoại diện, là xuất chúng. Đứng hẳn ra bên ngoài. Còn field thì vừa có nghĩa là cánh đồng, vừa là lĩnh vực. Xuất chúng trong lĩnh vực của mình. Lại vừa có nghĩa là đứng bên ngoài cánh đồng của bọ. Bọ nông dân kia đứng bên ngoài cánh đồng mà chờ giải Nobel là phải thôi. Ái chà chà. Sướng. Trong cái trường Đại học Tổng hợp này cũng có mấy giáo sư đầu ngành đang được đề cử giải Nobel. Trong trường Tổng hợp có vài chục trường chuyên ngành, có khi cũng đến từng ấy giáo sư đang chờ Nobel. Thêm một ông nông dân nữa là hai mươi mốt ông vậy. Cười khùng khục trong họng. Không dám cười to, dù hình như trong khu vệ sinh lúc này không có ai, lặng tanh như mồ. Cười nén kiểu này là một kiểu bí thượng phá hạ, giá mà bị táo bón thì cũng đẩy tuồn tuột ra bằng hết. Giai thoại chứ không phải là thơ, chú chàng không chép, thôi thì cố nhớ, về kể lại với lũ bạn cùng thuê nhà vậy. Giờ mới đọc sang những dòng chữ li ti mực đỏ. Truyện. Ngụ ngôn. Ngụ ngôn này thì dịch được. Một con chim đang bay thì rét cóng, rơi bịch xuống mặt đất phủ đầy tuyết. Ông nông dân đi qua nổi lòng thương, bèn nhặt con chim, dúi vào đống cứt bò còn đang nóng hổi. Lại xuất hiện vai trò nông dân, nông dân không chỉ có mặt trong giai thoại kinh viện Nobel mà còn cả trong ngụ ngôn loài vật. Con chim ấm dần lên, hồi tỉnh, bèn hót véo von. Một con mèo đi qua ngay lập tức vồ lấy nó mà ăn thịt. Những dòng chữ bên dưới vẫn li ti như thế. Lessons. Bài học rút ra: 1 - Không phải ai đẩy ta vào đống cứt cũng là kẻ xấu. 2 - Không phải ai lôi ta ra khỏi đống cứt cũng là người tốt. 3 - Một khi đang ở trong đống cứt thì đừng có to mồm. 4 Không chép được cả câu chuyện, nhưng chú chàng định chép lấy ba bài học ở bên dưới. Một lần đi đại tiện mà được những ba bài học, kèm thêm một bài thơ, kèm theo một giai thoại Nobel. Chưa hết. Còn thêm một câu đố nữa. Why Captain Cook went to the lady toilet? Tại sao thuyền trưởng Cook đi vào toilet nữ? Đố xong lại giải luôn. Because he wanted to go to a place where no man had left his footsteps. Tại vì ông ấy muốn đến một nơi chưa có người đàn ông nào đặt chân đến. Lại cười khùng khục trong cổ. Thuyền trưởng Cook là nhà thám hiểm, ông ấy chỉ hào hứng đến những nơi chưa có người khám phá. Nơi chưa có người đàn ông nào đặt chân đến thì đích thị là cái toilet nữ. Đúng lúc ấy có tiếng sột soạt ở bên ngoài, phía bồn rửa. Ai đó đang loạt soạt mở một cái túi. Tiếng vật gì đó rơi xuống nền nhà, như mấy hòn bi nảy cành cạch. Chắc là người kia đang cúi nhặt mấy hòn bi đánh rơi. Tiếng canh cách như bỏ mấy hồn bi trở lại một cái hộp sắt. Rồi tiếng kim loại giật lách cách đúng kiểu giật ổ đạn và quy lát trong phim hành động. Rồi tiếng cánh cửa mở ra hành lang. Rồi tiếng cửa tự động đóng lại. Không chép nữa. Hẹn lần sau. Lần sau đến trường không buồn đại tiểu tiện cũng sẽ vào đúng cái ô này để chép nguyên văn ba bài học. Người đọc biết thế để thấy rằng mình hiện đang may mắn, không phải chờ đến mấy trang cuối mới được đọc ba bài học ở trên. Bởi đúng lúc này thì chú chàng của chúng ta không còn bụng dạ nào mà ghi với chép. Lúc này chú mới thấy qua khe hở bên dưới cánh cửa phòng vệ sinh, ở góc bên trái, một viên đạn đồng. Vàng chóe. Loại đạn tiểu liên tự động, không chỉ bắn từng viên mà có thể xả hẳn một băng. Thì ra mấy viên vừa rơi vừa cành cạch ngoài kia là đạn rơi. Đạn chứ không phải bi. Hoảng. Chú chàng không đám xả nước. Chú rón rén đứng lên bệ xí. Chú từ từ nhô đầu lên khỏi ô vệ sinh. Bên ngoài quả thật không còn ai. Cái nguời ở bên ngoài quả thật đã đi lúc có tiếng cánh cửa mở ra đóng lại. Ở chỗ bệ đá có ba cái bồn rửa hình tròn là một cái túi đựng vợt tennis. Cái túi mở toang hoang, không kéo khóa đóng lại, bên trong hoàn toàn trống rỗng. Cái túi của gã tóc vàng va phải chú ở chỗ dốc xe lăn. Chú ra khỏi ô vệ sinh. Rón rén. Chú kéo cánh cửa khu vệ sinh mở ra hành lang. Khẽ khàng. Chú ngó đầu ra hành lang. Rất chậm. Bên phải vắng tanh. Bên trái, cũng vắng ngắt. Chỉ tận cuối hàng lang có một bóng người. Đúng là gã tóc vàng. Tay gã cầm khẩu tiểu liên. Gã lấc láo nhìn biển hiệu phía trên cửa một phòng học, rồi rẽ ngoặt sang trái, biến mất. Chắc gã đang đi tìm đối tượng của gã. Chú chàng chờ thêm một lát cho chắc. Chờ thêm tí nữa. Rồi chú chạy ù ra, ngược chiều với gã tóc vàng. Tức là chạy về bên phải. Một đoạn đường thôi mà sao xa thế, cũng chẳng biết là mình chạy đi đâu. Chạạạạạạạy. Qua được mấy cửa phòng thì mới nhớ chạy về bên phải thế này là đường cụt. Bản năng là chỉ cần chạy ngược chiều với gã tóc vàng cầm súng. Nhưng sẽ lao vào đường cụt. Gã kia mà quay lại thì cầm chắc ăn đạn của gã. Nhưng cũng ngay lập tức cứ như là có cứu tinh. Lập tức nhớ ra. Phòng thầy hiệu trưởng chính là ở phía bên phải này. Kia kìa. Cái biển có dòng chữ Hiệu trưởng ở ngay trên trán phòng. Năm bước. Một. Hai. Ba. Bốn. Năm. Đập cửa. Đập, nhưng đập khẽ. Thầy ơi. Đập tiếp cái nữa. vẫn đập khẽ. Thầy ơi. Gọi cũng khẽ. Mời vào. Tiếng thầy dõng dạc. Khẽ chứ thầy ơi. Chú chàng chỉ muốn nhắc thầy. Nhưng mà môi run lên, không nói được. Chú đẩy cửa xông vào. Chạy đi thầy ơi. 5 Không một thầy hiệu trưởng nào chờ một sinh viên ập vào phòng mình như thế. Mặt tái mét ra như thế. Nói năng run rẩy lập bập như thế. Lại còn rủ thầy bỏ chạy. Chạy đi thầy ơi. Thầy vẫn bình thản. Em ngồi xuống. Thầy bảo. Em đến muộn mười phút. Thầy bảo. Tôi sẽ thông báo rất nhanh thôi. Thầy bảo. Cái bình thản của thầy hình như có hơi lây sang trò một tí. Trò bớt lập bập hơn. Giọng nói rành rẽ bớt run rẩy hơn. Thưa thầy. Có một thằng. Một thằng cầm súng. Cầm súng vào trường. Đang đi tìm bắn. Chứng thực ngay. Một loạt đạn nổ vang. Chắc tít tận đầu bên kia hành lang. Nhưng trong tòa nhà bịt kín tiếng nổ vẫn vang rền. Hiệu trưởng giật mình. Nhưng cái giật mình chưa đủ đánh tan sự bình tĩnh. Ngay lập tức, thầy giật cánh cửa sổ mở ra vườn sau. Họ đang ở tầng dưới cùng, tầng mặt đất. Bệ cửa sổ chỉ cao hơn đất vườn khoảng hai mét, có thể nhảy nhẹ ra vườn. Nhưng tình thế hiểm nghèo bao giờ cũng đi kèm một sự cố. Cái chốt cửa sổ bị kẹt. Hình như rất lâu rồi thầy không mở cái cửa sổ ấy để hứng gió ở vườn sau. Chốt cửa đã gỉ. Kẹt cứng. Giật mấy cái đều không ăn thua. Không chần chừ được nữa. Chú chàng định bỏ thầy đấy, chú định chạy ra cửa trước, định chạy tiếp. Không thể trốn trong phòng hiệu trưởng thế này. Trốn ở đây là chờ thần chết đến. Rất có thể thằng cầm súng đang đi tìm phòng hiệu trưởng mà nã đạn. Nhưng chú nhón chân định chạy thì lại nhớ ra thầy. Thầy ở lại đây thì thầy chết. Chú quay ngoắt lại, túm vai áo thầy, kéo thầy chạy ra cửa. Lại kéo cửa, lại len lén thò đầu ra hành lang. Phía bên trái vẫn không một bóng người. Chú lôi thầy chạy về phía bên trái ấy. Hoặc là họ sẽ chạy thoát ra khỏi tòa nhà. Hoặc là giữa đường sẽ gặp thằng cầm súng và xơi đạn của nó. Lại một canh bạc. Lại đặt cược. Chú lôi thầy chạy. Không để ý rằng đang bóp cổ tay thầy rất chặt, cứ như bám chặt lấy một cái gì đó làm điểm tựa làm chỗ dựa. Bám vì sợ. Bám vì trong cơn hoảng hốt người ta cần bám vào một cái gì đấy. Được vài chục bước thì gặp lại phòng vệ sinh nam. Đúng lúc phía cuối hành lang lại vang lên một loạt đạn nữa. Tiếng người rú lên kèm theo tiếng chân chạy rầm rập. Chú lôi tuột thầy vào phòng vệ sinh nam. Chạy cho đến ô cuối cùng, chú đẩy thầy vào một ô, bản thân mình lao ngay vào ô bên cạnh. Chốt cửa. Lại mấy tiếng nổ. Lần này là từng viên. Đoàng. Đoàng. Đoàng. Lại mấy tiếng rú. Lần này là tiếng rú của đàn bà. Oooooooooh. Rồi tiếng rú của đàn ông. Aaaaaaah. Rồi tiếng rú đàn ông đàn bà trộn lẫn. Úi úi úi. Ối ối ối. Đoàng. Đoàng. Đoàng. Đanh. Gọn. Từng viên. Kể lại thì nhanh. Chứ mười phút trong toilet lúc ấy lâu như cả thế kỷ. Một thế kỷ chồng chất bạo lực và kinh hoàng. Mỗi phút là một thập kỷ hoang mang và bế tắc. Vào thập kỷ thứ năm hay thứ sáu gì đó, chú chàng phát hiện ra mình đã chạy vào đúng cái ô đại tiện lúc nãy. Trên tường vẫn những dòng mực xanh mực đỏ mực đen. Vẫn bốn câu thơ theo thể tứ tuyệt luận về việc đọc những dòng giáo huấn cao xa trên tường phòng vệ sinh, vẫn câu chuyện ngụ ngôn bằng mực đỏ với bài học thứ ba về việc một khi đang ở giữa cái nơi thối như cứt thì đừng có to cái mồm lên. Đúng. Không to. Không ai dại gì mà to. Càng không to lúc này. Đến thập kỷ thứ bày, chú mới nghĩ chạy trở lại phòng vệ sinh như thế này là dại. Cái túi đụng vợt tennis thực ra là đựng súng của thằng sát thủ còn vứt trên bệ rửa ngoài kia. Nó là nơi bắt đầu của trận địa và chiến binh khôn ngoan nhất sẽ quay lại ẩn nấp ở cái trận địa mà hắn đã từ bỏ. Có nghĩa là gã kia sau khi xả súng vô tội vạ, gã sẽ quay về ẩn nấp ở đây là nơi không đối thử nào của gã ngờ tới. Có nghĩa rằng thầy trò chú nấp vào đây là sắp thành con tin cửa gã sát thủ. Gã sắp trở lại. Thập kỷ thứ chín. Chú chàng trèo lên bệ xí, ngó đầu sang ô của thầy hiệu trưởng. Thầy ơi. Thầy đang kéo quần đứng đái. Hoang mang hồi hộp gây buồn tiểu. Tiểu cũng khó vì hoang mang hồi hộp. Cái này là nguyên nhân cho cái kia. A gây ra B rồi B gây ra A. Thầy đái như tiểu liên tắc cú, dái dắt, từng phát một chứ không thẳng băng được một tràng. Thầy ơi. Em có ý kiến này. Thập kỷ thứ mười. Kết thúc một thế kỷ trong nhà vệ sinh. Chú chàng nhất trí được với thầy rằng thầy trò cứ trốn mãi trong này tức là ngồi chờ chết. Phải mở đường máu mà thoát. Phải bắt đầu bằng cách mở cửa sổ phòng vệ sinh, cái cửa ấy có thể mở ra khuôn viên phía sau nhà. Cái cửa sổ mở ra dễ dàng. May. Không phải lúc nào trong cái rủi cũng gặp toàn cái rủi. Chú chàng chìa tay mời thầy trèo lên trước. After you. Không, em ra trước đi. Thầy lại bình thản như chưa hề hoang mang đến mức bị trò kéo xềnh xệch ra khỏi phòng làm việc mà chạy vào đây. Cũng có khi tiểu được một cái thì huyết áp hạ và adrenaline gây hồi hộp cũng hạ. Thầy còn đỡ mông cho chú trèo lên bệ cửa sổ. Từ đó chú nhảy như một con cóc xuống vườn sau. Thầy cũng leo lên, cũng nhảy xuống. Không như một con cóc mà như một con chuột túi kangaroo, bật hai chân sau lên cao hơn bệ cửa sổ rồi mới rơi xuống, tiếp đất như nhảy lò cò. Tại sao lại là một con kangaroo nước Úc thì chắc là có lúc tác giả sẽ phải giải thích. Nhưng mà để sau. Hai thầy trò chạy vào một cái khuôn viên nhỏ hình tròn. Giữa khu vườn rộng mênh mông có khuôn lại một khoảng hình tròn này, trồng một hàng giậu hình tròn bao quanh, bên trong đật mấy cái ghế gỗ, trên mấy cái ghế gỗ có những chiếc lá phong đỏ lá du vàng. Hàng giậu chỉ cao ngang ngực chú chàng, tức là chỉ mới ở tầm trên rốn thầy. Tầm giậu ấy khiến hai thầy trò phải lom khom chạy. Thẳng lưng mà bước ngẩng đầu mà chạy ư. Sẽ ngay lập tức thành bia di động cho thằng sát thủ đang nấp đâu đấy bên trong. Thầy trò chạy đến nấp trước bệ một pho tượng. Nấp đằng trước chứ không phải đằng sau. Vì pho tượng quay lưng về phía cửa sổ của cái nhà vệ sinh. Bây giờ lực lượng cảnh sát mới đến mới triển khai bao vây tòa nhà. Bây giờ thằng cầm súng mới trở lại cố thủ trong nhà vệ sinh. Đoán không sai. Nó không phải là sát thủ chuyên nghiệp, nhưng nó cũng biết nơi khó ai đoán ra chính là cái trận địa mà nó đã từ bỏ. Một thằng giết người sẽ gây ra một vụ ăn cắp vặt để được vào tù, nơi ấy khó ai ngờ và người ta không nghĩ phải đến đấy để tìm kẻ giết người. Thầy trò nấp dưới pho tượng, pho tượng lúc này lại ở vào chính giữa khoảng cách từ cửa sổ của thằng cầm súng ra đến lực lượng cảnh sát ở bên ngoài vườn. Nó ở trước mặt. Cảnh sát ở sau lưng. Nếu có đọ súng thì trong bắn ra ngoài bắn vào, các kiểu chéo cánh sẻ đường đạn đều phải xuyên qua hai thầy trò rồi mới đến mục tiêu. Chỉ có cách nằm ép mình xuống trước bệ tượng, nằm đấy mà chờ, chờ cho đến khi cuộc khủng hoảng súng ống này kết thúc. 6 Cuối cùng thì không có đọ súng. Không có bắt cóc con tin. Không có người chết và bị thương. Thằng cầm súng không bắn ai và cũng không kề súng vào cằm nó mà bóp cò xuyên lên đỉnh đầu. Nó đã xả hết hai băng đạn. Hai loạt bắn cày đất dưới chân hai toán sinh viên để dọa. Mấy viên bắn phát một để dọa hai nhân viên trong phòng giáo vụ. Còn nửa băng đạn, nó đi tìm thầy hiệu trưởng, may cho thầy đã trốn ra vườn cùng với chú chàng. Nó xả nốt số đạn còn lại trong phòng vệ sinh. Sau đó nó quăng khẩu súng xuống đất, trở ra hành lang, hai tay giơ cao, nó không bước xuống tam cấp, nó đi vòng sang bên theo cái dốc xe lăn người tàn tật mà đi xuống. Đúng cái lối nó đã lên và va phải chú chàng. Ngay trong bản tin chiều, nó khai rằng nó không biết mặt thầy hiệu trưởng trường bên này. Nó ở bên trường Kiến trúc. Nó đăng ký học phần một khóa văn hóa phương Đông bên trường Nghiên cứu quốc tế để lấy cho đủ tín chỉ. Nó muốn tìm hiểu văn hóa phương Đông để đối chiếu vào kiến trúc phương Đông mà nó thích. Nhưng kết quả bài thi của nó không đủ tín chỉ. Nó sẽ bị thôi học lần này. Thế là nó cầm súng sang. Nó chỉ dọa thôi. Trước hết là dọa thầy hiệu trưởng. Sau là dọa bất cứ ai nó gặp trong tòa nhà. Nó không định bắn ai. Đơn giản như không. Dễ dàng như không. Bắn hết hai băng đạn rồi giơ hai tay lên bước ra như không. Bị còng tay rồi thì kể chuyện lưu loát có ngọn có ngành như không. Cái túi đựng vợt tennis và súng ống vút lại trong toilet như không. Cái thằng như không ấy chẳng cần biết gì đến một thế kỷ dài dằng dặc của hai thầy trò chú trong nhà vệ sinh. Không cần biết hai thầy trò chúi mũi nằm ép mình phía trước bệ pho tượng. Thầy dúi đầu của trò xuống, ấn vai của trò xuống, ấn mông xuống cho khỏi cong tớn lên xơi đạn đồng như bỡn. Về sau mới biết thầy từng là lính chiến, thầy thành thạo kỹ thuật ẩn nấp ngụy trang trườn bò. Trong cái lúc thêm mấy thập kỷ ẩn nấp trước pho tượng, đã có lúc chú chàng hé mắt nhìn lên bệ đá hoa cương mà thấy dòng chữ ghi tên vị danh nhân được tạc tượng: EDVARD GRIEG (1843 - 1907) Chú đã đi qua cái vườn này nhiều lần. Đã thoáng thấy cái pho tượng trong khuôn viên hình tròn này nhiều lần. Nhiều lần nhưng chẳng biết tượng ai và cũng chẳng có nhu cầu biết. Giờ nhìn thấy tên của danh nhân thì cũng thấy thế chú biết là ai. Đạn thì lúc nào cũng có thể bay chiu chiu veo véo trên đầu. Sau này chú vào tìm kiếm trên mạng mới biết đó là nhà soạn nhạc người Na Uy, có một bài khá phổ cập bình dân trích ra từ một vở nhạc kịch lại khá kinh viện là Peer Gynt. Đấy là khi nhân vật nàng Solveig hát lên: cầu mong ở nơi xa anh vẫn sống yên vui thanh bình và những giấc mơ em bên mình, cầu mong cầu mong cầu mong. Chú chưa biết đến khúc hát của nàng Solveig, chú chưa biết đến Grieg, nhưng lúc ấy chắc là lời cầu mong đã bay lượn vương vấn trên đầu hai thầy trò. Nó đã tránh cho họ tên bay đạn lạc. Nó đã tránh được thảm kịch xả súng trong trường. Cầu mong ở nơi xa anh vẫn sống yên vui thanh bình... 7 Về sau nghĩ lại, chú không khỏi có lúc băn khoăn, tại sao khi được tin phải lên gặp thầy hiệu trưởng nghe thông báo thôi học, chú không nghĩ ra việc xách súng vào trường như thằng tóc vàng kia. Thằng kia thoạt trông đã biết ngay là một đứa con nhà, thuộc đẳng cấp WASP, White Anglo-Saxon Protestant, dòng giống da trắng nguồn gốc Anglo-Saxon theo đạo Tin lành. Nó mà ở Mỹ thì nó là vốn quý thượng đẳng của Hợp chúng quốc chứ nó ở châu Âu này thì nó là cái đinh. WASP ở đây thì hơi bị sẵn hơi bị ế hàng. WASP đã có gan xách súng vào trường nhưng không oanh liệt xơi tái vài nhân mạng, rốt cục lại vứt súng giơ hai tay cao quá đầu đi ra. Đi vào cầm súng đi ra tay trắng không một chiến công. Nhưng nó thành công tạo ra một cuộc tranh luận trên báo chí và trong các cuộc hội thảo. Một cuộc biểu tình chưa từng thấy, phản đối đạo luật cho phép bày bán vũ khí công khai. Có đâu như vậy hay không, súng đạn bày bán như bán bánh nóng mới ra lò. Ai muốn mua thì mua, ai muốn bắn thì bắn, thích giết ai thì giết, thích giết mình càng tốt, cứ giết. Người lương thiện không sao tự vệ được. Phe ủng hộ mua bán súng phản đòn ngay. Lý sự hay nhỉ, sao lại không có gì để tự vệ. Mua súng mà bắn lại nó chứ. Nhờ có súng đạn bày bán công khai, người tử tế khi bị uy hiếp có thể dùng súng bắn lại kẻ tấn công mình. Hạ gục nó ngay. Hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Ừ nhỉ, lúc ấy chú có súng chú sẽ hạ thằng tóc vàng kia. Định mang súng đi hạ thầy hiệu trưởng vì tội buộc chú thôi học, thì chú gặp đúng lúc thằng tóc vàng xách súng vào, chú sẽ bắn bỏ. Chú lập công. Trường sẽ xét công trạng ấy mà giữ chú lại học tiếp, đưa đi kể chuyện chiến công và trả lời phỏng vấn báo chí truyền hình. Sao chú không nghĩ ra cách ấy mà chỉ loanh quanh với lý do bố em mới chết. Chú ngừng ngắn rồi nói tiếp. Ung thư tiền liệt tuyến. Sẽ có người bảo, chết bớt đi. Nghĩ đến đày, chú xóa bức thư điện tử vừa viết chưa gửi đi rồi viết một thư khác. Bố ơi, Bố sớm gửi tiền bổ sung cho con nhé. Thực ra tiền quý vừa rồi cũng đã đủ. Nhưng ở trường vừa mới xảy ra một việc kinh hoàng. Một thằng da trắng tóc vàng có thù với thầy hiệu trưởng. Nó xách tiểu liên vào trường thề sẽ cho thầy hiệu trưởng ăn kẹo đồng và làm cỏ đám sinh viên. Tình cờ con có mặt ở đấy, máu anh hùng chống ngoại xâm nổi lên, con xông vào giằng co khẩu súng với thằng sát thủ. Chẳng may cho nó, đạn nổ trong lúc hai bên giằng giật, bay mất cái chỏm đầu. Một màng da đầu tóc vàng bay tung lên dính bết lên trần nhà. Con được nhà trường tuyên dương, được tổ chức kể chuyện trước toàn thể sinh viên, được tham dự một số cuộc tiếp tân của thị trưởng. Nhìn chung là lên tột đỉnh vinh quang nhưng vinh quang thì phải tốn kém cũng như ăn chơi thì phải tốn kém. Phải ăn mừng với bạn bè ở khu vực thuê nhà, ăn mừng với bạn học cùng lớp cùng khoa. Khoản chi đột xuất không hề nhỏ. Mừng cho con thoát chết. Mừng chiến công vẻ vang làm rạng danh cho cộng đồng xứ sở. Bố nhớ sớm chuyển tiền cho con. Chỉ có hai điều thực tế: một, bố chuyển tiền sớm – hai, mừng cho con thoát chết. Chú chàng đọc lại bức thư và lấy làm hài lòng. Cái thư này nhiều kịch tính hơn. Người đọc thư tim sẽ giật đánh thót một cái, rồi sau đó lại thở phào một cái, sẽ sẵn lòng thò tay vào túi để rồi dễ dàng xia tiền ra. Chú chàng đọc lại lần nữa xem có gì đáng ngờ hay không. OK. ổn rồi. Chú bấm vào ô Send. Gửi. 8 Cái lý do bố em chết không cứu được chú chàng. Thực ra thì thầy hiệu trưởng cũng muốn cứu chú. Cái thế kỷ dài đằng đẳng hai thầy trò chia sẻ với nhau trong nhà vệ sinh, cái thế kỷ hai thầy trò nằm sấp, dán thủ dán khu xuống đất ngay trước bệ tượng nhà soạn nhạc, chờ nghe tiếng đạn sẽ bay trên đầu chiu chiu veo véo, hai thế kỷ chẳng biết sống chết thế nào khiến thầy có cảm tưởng số phận hai thầy trò chắc là sẽ gắn với nhau từ đây. Thầy thú thật rằng lúc ấy thầy thoang thoáng nghe bên tai và ở phía trên đầu, ông soạn nhạc Grieg bỗng hát khúc ca của nàng Solveig bằng giọng nam cao tenor của ông. Cầu mong ở nơi xa anh vẫn sống yên vui thanh bình và những giấc mơ em bên mình, cầu mong cầu mong cầu mong. Và hai thầy trò đã thoát. Thầy nhớ truyện ngắn Lẵng quả thông của nhà văn Nga Konstantin Paustovsky là viết về nhà soạn nhạc Na Uy này. Có lần nhạc sĩ gặp cô bé con gái người gác rừng, ông hứa sẽ tặng cô một món quà, nhung phải mười năm sau mới có. Một món quà mà người ta phải mất công làm lâu đến như vậy hay sao. Có lẽ cô bé cũng đã quên rồi cho đến khi thành thiếu nữ, một lần cô đến nhà hát và nghe người ta xướng tên cô. Bản nhạc này là dành cho cô bé con người gác rừng nhân dịp cô mười tám tuổi. Đó chỉ là lời đề tặng bản nhạc, còn nhạc sĩ Grieg thì đã mất từ trước đó mấy năm. Một món quà mà phải mất đến mười năm mới làm ra được, hay nói cho chính xác thì phải mười năm sau nó mới được trao, món quà ấy không dành cho trẻ con. Còn bây giờ thì sao. Thầy hiệu trưởng muốn. Nhưng thầy biết tặng gì cho chú sinh viên sắp phải thôi học. Thầy định nói với ông trưởng khoa cho chú sinh viên thêm một cơ hội nữa. Trong học kỳ gồm ba tháng tới, trong cái quarter ấy, thầy sẽ động viên chú lấy tín chỉ cho một môn nào đó tùy chú chọn. Sự cố gắng ấy của chú sẽ được ghi nhận và khoa sẽ để cho chú trả nợ dần các môn trong thời gian tiếp theo. Như vậy có thuyết phục được hội đồng nhà trường không nhỉ. Nhưng thầy không kịp giúp. Chính thầy phải ra đi. Vụ xả súng trong trường tưởng đã lắng xuống thì có kẻ khơi lại. Chất vấn. Thầy đã ở đâu khi gã Kiến trúc đi tìm thầy để xả súng. Thầy đã bảo vệ sinh viên bằng cách nào. Hay là thầy phải trèo qua cửa sổ nhà vệ sinh để chạy ra vườn sau. Hay là thầy đã phải nằm sấp trong khuôn viên vườn hoa Grieg, nằm đúng tư thế lăn lê bò toài lính chiến, nằm ép mặt ép chim xuống đất, nằm chờ trong khi sinh viên bên trong tòa nhà sống chết mặc bay. Cái lý không sai nhưng chỉ thuần lý. Một xã hội pháp quyền chỉ lấy lý làm nền tảng cơ bản. Một xã hội pháp quyền khiến bất cứ ai cũng phải hổ thẹn khi làm sai lý, mà lương tâm cùng phát xuất từ lý. Chỉ thế thôi cũng đủ cho thầy thấy hổ thẹn mà từ chức. Đã đến lúc thầy cũng muốn ra đi rồi. Muốn từ trước khi vụ nổ súng xảy ra cơ. Lý do gì thì ta sẽ tìm hiểu sau. Mà có khi cũng chẳng cần tìm hiểu. Với chú sinh viên, thầy chỉ nói đơn giản, em có thể đến tạm trú ở nhà tôi. Đấy là tất cả những gì thầy có thể làm cho một sinh viên Á Đông bị buộc phải thôi học, bố mới chết, tình trạng tài chính có thể đang rất lay lắt. Đấy là tất cả những gì thầy có thể dùng để bày tỏ lòng biết ơn một chú chàng coi như đã cứu thầy vào cái ngày hiểm nghèo ấy. Thầy không biết, hay là thầy quên, hay là thầy bất chấp, hay là gộp tất cả ba thử ấy, rằng sinh viên ngoại quốc đã bị thôi học thì từ nay thuộc diện cư trú bất hợp pháp. Chú chàng đang đau đầu về việc này. Cuốn gói về nước thì không còn việc gì phải đau đầu, nhưng thế thì đơn giản quá. Chú muốn ở lại cơ. Mà ở lại ngay chính căn nhà thuê lâu nay thì có thể sớm bị cớm chộp và trục xuất về nước. Đang nghĩ cách chuyển nhà đi nơi khác. Đang nghĩ. Đang tìm nhà. Đang thế thì thầy mời đến nhà thầy. Còn gì bằng. Hôm cuối cùng đến trường, chú chàng ghé vào nhà vệ sinh nam. Không có nhu cầu. Chỉ là để chép lại ba bài học viết bằng chữ đỏ trên tường. Nó đã biến mất. Biến hoàn toàn. Thì ra hôm ấy thằng tóc vàng xách súng trở lại đầy và nó đã xả nốt nửa băng đạn vào cái ngăn toilet này. Cái ngăn trong cùng, áp sát vào bức tường, ngay bên cạnh cửa sổ mở ra vườn. Bức tường toét cả ra. Ngay sau vụ việc, quản tri trường đã cho sửa sang thay mới toàn bộ các vách ngăn toilet. Một bài thơ, một giai thoại về cách đoạt giải Nobel theo kiểu nông dân và ba bài học về cứt đái cũng theo đấy mà mất tăm luôn. 9 Hóa ra thầy hiệu trưởng sống độc thân. Một mình một căn nhà hai tầng, thêm một căn phòng áp mái, trên mặt bằng một trăm năm mươi mét vuông. Vườn trước vườn sau thêm ba trăm mét nữa. Căn nhà bốn trăm nghìn đô trả góp trong ba chục năm và thầy đã trả xong. Nhà ở phía tây thành phố, gần chân núi Rainer. Gọi là Rainer chắc là vì nó nhiều mưa. Bao giờ ở đây cũng mưa sớm hơn so với những quận khác trong thành phố. Và mưa nhiều hơn. Chẳng có gì đáng phàn nàn, nếu như không có chuyện lái xe từ trung tâm về, đường đang khô đang ráo, về đến đây thì lại gặp mưa, xe lên sườn núi gập phải đường trơn. Trơn trượt một tí. Hóa ra thầy là cựu chiến binh. Bây giờ thầy định cư ở châu Âu này nhưng ngày trước thầy sang Việt Nam trong đội quân đánh thuê của Úc vào năm cuối của cuộc chiến. Chưa kịp đánh đấm gì nhiều thì giẫm mìn nát bét cả người. Thầy kéo áo cho chú thấy cả nửa thân trên sẹo chồng lên sẹo. Kinh. May mà từ cổ trở lên không sẹo, mặc áo vào thì ai cũng tưởng là ngon lành. Nằm viện luôn mười tám tháng trời tưởng là không cứu được. Từ bệnh viện ở Việt Nam sang bệnh viện Thái Lan, sang Úc. Một cô y tá người Nam Hàn đọc truyện cho thầy nghe suốt mấy tháng nằm liệt. Y tá Nam Hàn, bệnh nhân người Úc, không phải bệnh nhân người Anh The English Patient. Cô đọc sách cho nghe, mở nhạc cho nghe. Thế thầy mới biết câu chuyện về lẵng quả thông và món quà phải chuẩn bị mất mười năm của Grieg. Thế mới nghe đến trích đoạn của nàng Solveig trong cả vở nhạc kịch dài. Đến lúc làm hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế, có nhà hảo tâm đề nghị đóng góp dựng một pho tượng, thầy đặt tượng Grieg. Người độc thân thường có nhu cầu nhận con nuôi. Mấy ông bà Úc Mỹ mấy ông bà Âu Tây thường sang châu Á, nhận đám trẻ con đầu đen mũi tẹt da vàng da nâu. Chẳng phải con mình mang nặng đẻ đau mà cũng hôn hít xuýt xoa cũng ôm trước bụng cũng địu sau lưng cũng che ô che nắng của đau con xót. Sốt ruột. Các ông các bà ơi, nhận con nuôi sơ sinh được thì nhận con nuôi đã trưởng thành cũng được. Hãy nhận tôi làm con nuôi. Nhận tôi làm con nuôi, cho tôi cu trú hợp pháp ở đây, rồi ông bà bảo làm gì tôi cũng làm, đã nuôi thì nuôi hẳn hoi con trai đã trưởng thành, còn chả hơn phải hầu cứt đái cho lũ oắt con mà tông giông rất đáng ngờ kia ư. Một tối trở trời. Vùng núi Rainer mưa nhiều bỗng nhiên khô không khốc. Độ ẩm đột ngột tụt hẳn xuống, dưới mức bốn mươi phần trăm, mức dễ chịu là bốn mươi đến bảy mươi phần trăm. Gió khô thốc phần phật vào cửa sổ. Thế là trở trời, thế là khác thường. Những cái xương gẫy vỡ phải nẹp kim loại trong người thầy bỗng nhức buốt. Những vết sẹo vá chằng vá đụp làm cho làn da không hô hấp được cũng đồng loạt tổng tấn công nóng ran lên. Chú chàng phải lấy túi chườm điện nóng quấn quanh người cho thầy. Khăn mặt ướt lạnh chườm lên trán thầy. Cho thầy uống thuốc giảm đau và trông cho thầy ngủ. Ngày hôm sau thì đọc sách cho thầy nghe. Hồi ức về một anh chàng định trốn lính sang Canada bằng cách nhờ người chở qua một dòng sông tên là dòng sông Mưa Rainy River. Thầy nói cô y tá ngày trước đọc sách cho thầy nghe trong một bệnh viện ở Úc giờ sống ở Hàn Quốc. Chú chàng hỏi thầy có bao giờ nghĩ đến việc nhận con nuôi hay không? Không. Thầy lắc đầu làm rơi cái khăn lạnh trên trán xuống. Thầy tự nhặt nó lên đặt lại chỗ cũ và lại lắc đầu nhưng nhẹ hơn. Sao lại phải nuôi. Thầy hỏi ngược lại trò, sao không có ai nhận nuôi cái thằng bé năm mươi tám tuổi này nhỉ. Lúc ấy chú chàng chỉ muốn ngay lập tức hóa thành một ông già tám mươi để nhận nuôi thầy. Nuôi thầy để mà được phép ở lại đây cư trú hợp pháp. Một cha một con như thế mà lại hay. Chú ở với thầy được hơn một tháng thì thầy xách túi đi. Thầy dặn chú chăm nom xén tia hàng giậu và tưới bón cho mấy khóm hoa trong vườn. Thầy đi bao lâu. Chưa biết được. Thầy đi đâu. Hàn Quốc. Hơn nửa năm chú chàng ở trong nhà thầy. Thầy cứ đi lại về, về lại đi. Như là bật cái công tắc điện. On and off, off and on. Cho đến một lần thầy lại đi, đi Hàn Quốc, đi Hồng Kông hay một xứ nào đó bên Đông Á. Bệnh nhân người Úc đi tìm lại cảm giác cũ với y tá Nam Hàn hay y tá Hồng Kông Thái Lan gì đó. Thầy đang vắng nhà thì chú chàng bị chộp lúc đang đi mua mấy thứ đồ trong siêu thị ở trung tâm. Chỉ trong vòng nửa ngày là xong mọi thủ tục trục xuất kẻ cư trú bất hợp pháp. Hai cảnh sát kèm hai bên, kè kè bên sườn cho đến khi đẩy được chú qua cửa kiểm tra an ninh vào phòng cách ly để bay chuyến sớm nhất về Hà Nội. 10 Bố ơi, Con nghĩ là bố sẽ gửi tiền định kỳ quý này cho con đúng hẹn thôi, nhưng con vẫn phải nhắc. Ngân sách thì cố định trong khi chi tiêu luôn luôn bất ngờ, đột ngột, thình lình. Chuyện thình lình đột ngột lần này của chúng con là cả lớp được đi một chuyến thực địa field trip về miền nam, ở gần Vịnh Sừng. Gọi là Vịnh Sừng Horn Bay bởi vì ở chỗ nó đâm vào bờ nó cong tếu và lượn vòng cung như một cái sừng bò. chúng con về một cái làng trồng táo, hàng ngày đi thu hoạch táo cùng với nông dân. Tiền thu hoạch táo được góp vào quỹ cho người vô gia cư, còn chi phí toàn bộ cho chuyến đi thì mỗi sinh viên phải tự túc. Con hy vọng là bố thấy hài lòng với việc con trai có thêm hiểu biết về đời sống nông dân bản địa, hiểu hơn giá trị của lao động và hoạt động từ thiện. Bố nhớ gửi tiền cả quý cho con và nếu bố gửi thêm một khoản bất ngờ đột ngột thình lình thì con không từ chối. Thư này chú chàng ngồi ở Hà Nội mà viết. Vịnh Sừng nào đâu, thu hoạch táo nào đâu, quỹ vô gia cư từ thiện nào đâu. Thư điện tử, cả mấy dòng chữ đều tăm tắp. Giá phải viết thư theo kiểu cầm bút như ngày trước, chắc chữ nghĩa sẽ xiên xẹo lệch hàng nhòe nhoẹt mực. Chú vừa viết vừa phải đáp lại những cái hôn xia vào của cô bạn ngồi bên cạnh. Ở bên ấy sinh viên có đi thực tế thật há anh. Chút một cái. Có cái vịnh tên là Vịnh Sừng thật hả anh. Chít một cái. Vừng ấy có trang trại táo thật hả anh. Chùn chụt chùn chụt. May, thư điện tử. ông bô nhận được thư không nghe không thấy những chút chít chùn chụt. Chú đang ở trong một ngôi nhà thuê phía gần chợ Mơ. Bố chú đang ở trong ngôi biệt thự bên Hồ Tây. Bức thư điện tử gửi đi giữa một khoảng cách mười lăm cây số. Nó không thẳng đường chim bay mà từ chợ Mơ nó lao vút lên không trung tít trên cao, xuyên qua một cái vệ tinh nào đổ rồi mới được gửi ngược trở xuống, rơi tõm xuống Hồ Tây, đúng hơn là không rơi tõm mà sắp chạm mép nước thì nó vòng trở lại, chui tọt vào cái máy tính của ông Kễnh bố chú. Tưng một cái, cái laptop xách tay báo có thư. Bố chú mở thư. Thư quý tử thư nào cũng chỉ là bẻm mép xin tiền. Có khi vài tháng không thấy thư, bố có gửi thư hỏi thăm nó cũng chẳng trả lời, đấy là khi tiền trong túi nó vẫn còn rủng rỉnh. Rồi bất ngờ thình lình đột ngột, tưng một cái, cái máy tính báo, âm thanh tưng tưng cứ như thư xin tiền là tin vui. Tưng một cái. Thấy thư thằng con là biết nó đã hết tiền, hoặc chưa hết tiền thì nó cần một khoản bất ngờ thình lình đột ngột. Người đời bảo con gái sinh ra để cha mẹ lo, con trai sinh ra để cha mẹ sợ. Ông muốn đổi một tí, con gái sinh ra để ta hồi hộp, con trai sinh ra để ta đau tim. Nhưng xin tiền thì chưa phải là chuyện đau tim. Gửi được con đi du học rồi, chỉ có định kỳ phải gửi tiền cho con, thỉnh thoảng gửi thêm những khoản phụ trội, vợ chồng ông thấy yên tâm hơn là cái thời nó còn ở nhà. Bố mẹ chú vẫn yên tâm là chú đang học gần hết năm thứ hai hệ cử nhân BA ở bên ấy, phương ngữ Nam Bộ gọi là ở bển. Họ làm sao biết được ở bển chú đã cố lắm mới hết năm thứ nhất, sang năm thứ hai thì chú học hành lê lết như tật nguyền không có xe lăn. Lê lết. Bê bết. Nợ môn đầm đìa. Họ làm sao biết được chú học ít chơi nhiều, gái gú bài bạc nhậu nhẹt. Tưng bừng cả lên. Tung tóe cả ra. Phờ phạc cả ra. Học hành gì. Bị buộc thôi học, sống lẩn lút mà vẫn nhậu vẫn chơi vẫn tụ bạ, tá túc trong nhà thầy mà vẫn ngày ngày lái xe vào thành phố làm việc này việc nọ chơi con này con kia đàn đúm với thằng này thằng khác. Ở lại. Bằng mọi cách phải ở lại. Giàu có nhà quê chẳng bằng ngồi lê thành phố. Nhà quê là xứ sở quê hương của chú đàng sau kia. Thành phố là chốn đang tung tẩy chơi bời ngay chỗ này. Chỗ kia chẳng bằng chỗ này. Phải ở lại. Bằng mọi giá không thể quay về. Ở lại mỗi quý được cha mẹ cấp mười nghìn đô. Quay về Hà Nội là cắt, cắt hết, mỗi tháng may ra được quăng cho vài tờ xanh tiêu vặt. Không thể về. Đấy chính xác là ý nghĩ của chú khi bị cảnh sát bản địa tóm về ngồi trong đồn chờ làm thủ tục trục xuất. Lão trưởng đồn ngồi bên trong căn phòng ngăn cách bằng bức tường kính kia, gương mặt buồn rầu đôn hậu. Giá mà cái buồn rầu ấy là vì vợ chồng lão không con cái. Thì đây, hãy nhận tôi làm con nuôi, hoặc nhận tôi vào làm giúp việc cũng được, gì cũng được, miễn là cho tôi ở lại đất này. Giá mà cái vẻ đôn hậu kia của lão khiến lão đi ra hỏi han gia cảnh của chú chàng. Chú sẽ sửa một bộ mặt rầu rầu mà nói rằng bố chú vừa chết, chú chẳng còn ai để mà về. Nhưng cả vẻ buồn rầu lẫn vẻ đôn hậu của lão trưởng đồn cũng không cứu được chú. Lão chỉ bước ra hỏi chú bây giờ cần đưa về đâu để lấy đồ đạc. Ông ơi, cháu chẳng có gì đáng giá. Cháu một thân một mình, bố cháu vừa mới chết. Tôi rất lấy làm tiếc. Lão chỉ nói thế rồi quay vào ngồi sau bức tường kính, để cho cấp dưới tiếp tục làm việc với chú. Chả dại mà quay về nhà thầy lúc này lấy cái máy tính xách tay và quần áo, phiền phức cho thầy. Thôi, bỏ lại luôn. Cũng chả cần phải khai rằng chú có cái xe cọc cạch đang ở trong bãi đỗ xe gần siêu thị trung tâm. Thôi, cũng bỏ lại luôn. Cái xe ấy xe cũ, chú mua lại có vài nghìn đô, tha hồ quăng quật, bây giờ vứt đấy thành xe vô chủ. Tài khoản của chú thừa tiền mua vé máy bay một chiều về Hà Nội. Người ta đặt vé ngay, vé có ngay, bốn tiếng sau chú được dẫn ra sân bay. Chú đã kịp gọi về Hà Nội từ trước, lệnh cho một cô bạn thuê ngay cho một căn nhà nhỏ. Chú không thể xách túi về nhà. Chẳng nhẽ thình lình bước vào nhà mà nói với bố mẹ rằng lớp con tạm thời giải tán mấy tháng, thầy chủ nhiệm vừa mới chết. Bất ngờ thình lình đột ngột. Chết bớt đi. Không. Không về nhà. Chú sống giữa lòng Hà Nội, nhưng bố mẹ vẫn phải tiếp tục gửi tiền như chú đang học bên châu Âu. Kinh phí theo mức sống châu Âu sẽ được áp dụng cho mức chi tiêu ở Hà Nội. Ô hô, lãi. Không ngờ lãi thế. Thế là may chứ rủi ro gì. Thế mới ra chuyện ngồi ở Hà Nội mà viết thư điện tử gửi cho Hà Nội. Vừa viết vừa có gái kè kè bên sườn chút chít chùn chụt. Cái thư nảy đánh tưng một cái hiện ra trong máy tính của ông bố. Tưng. Toàn chuyện lành thôi, không hẳn như trước kia ông bà vẫn nghĩ con gái sinh ra để ta hồi hộp, con trai sinh ra để ta đau tim. 11 Thời nó đang học phổ thông thì thỉnh thoảng bố mẹ cũng hơi đau tim. Người đời bảo con gái như quả bom nổ chậm trong nhà, con trai như quả đạn pháo trực chiến, sẵn sàng lắp vào ổ đạn bất cứ lúc nào. Lại bảo con trai như cái gậy của thằng mù, nó khua nó khoắng nó chọc vào bất cứ một ngóc ngách nào. Nói thế thì chắc là nhằm vào thằng con ông. Chỉ mới ba năm học phổ thông, nó đã ngủ với hơn chục đứa con gái bị gia đình chúng phàn nàn khiếu nại đe dọa, kèm thêm năm đứa phải nạo thai bị gia đình chúng bắt đền bắt bồi. Cấp dưới của ông Kễnh phải giải quyết hết, trực tiếp và gián tiếp. Dẹp yên. Người Na Uy có câu tục ngữ nói về láng giềng Thụy Điển: người Thụy Điển, cái dân Swede ấy, chim thì ngắn chỉ được mỗi cái hận thù thì dai, dai huyền dài. Thằng con ông Kễnh thì trái ngược, chỉ được mỗi cái chim dai huyền dài, bao nhiêu trí tuệ minh mẫn khéo léo xảo quyệt dồn hết vào đấy, còn lại cái bộ óc thì ngắn. Học hành chẳng ra đâu vào đâu, được thầy phổ thông cho đủ điểm chẳng qua là vì thầy nhìn vào ông Kễnh, nhìn bố mà nâng điểm cho con. Mỗi lần giải quyết một vụ việc là mỗi lần vợ ông lại rên lên đủ cho chồng nghe: thật là con nào cha ấy. Đủ cho ông Kễnh nghe thôi. Bà được cái đức của bà vợ ông Clinton, có gì xử lý chồng trong nhà, còn khi ra với đời thì giơ ra vẻ mặt vợ chồng đồng tâm nhất trí hạnh phúc viên mãn đủ đầy. Cha nào con ấy. Ông biết thừa cái dai huyền dài ấy là gien của ông. Ông vẫn thích thú ngấm ngầm rằng thằng con có thể không giống mình ở nét mặt nhưng chỉ có cha mẹ nó mới biết nó đích thực là con ông, chính xác là ở cái dai huyền dài. Đàn ông Á Đông số liệu chính thức cho biết độ dài trung bình là tám phẩy hai xentimet. Bố con ông ngoại hạng so với đàn ông Á Đông, độ dài ở trạng thái nghĩ đã xấp xi mười bảy xentimet, vượt xa số liệu trung bình của các ông thực dân Pháp. Kể ra cũng là một niềm kiêu hãnh của dòng tộc. Nó hết phổ thông, ông đẩy nó đi du học. Tự túc. Mình tự bỏ tiền ra chứ học lực như vậy ai chịu cấp học bổng cho. Cho nó đi đi. Nó mà ở lại thì còn phải tiếp tục giải quyết chuyện gái gú phát mệt. Gái gú bên ấy sẵn, ê hề nhan nhản chi chít, có làm sao cũng chẳng bị bắt đền bắt bồi như ở đây. Nhầm. Ếch ngồi đáy giếng nhìn trời cũng trông bé. Gái bên ấy tưởng dễ thì thành ra dễ, nhưng giá mà có muốn hành sự với nó thì phải hỏi han xin phép sòng phẳng. Hỏi trước. Xin trước. Dạm trước. Được nhất trí đồng ý ô kê thì mới gọi là xong. Chứ không hỏi trước mà xông vào nấm tay vuốt lưng ôm eo hít hà, tất sẽ như ông đạo diễn điện ảnh An Nam kia, vừa mới sang dự liên hoan phim hôm trước, hôm sau đã suýt bị kiện phải thu xếp cho bay chuyên sớm nhất về nhà, bỏ của chạy lấy người. Trong buổi tiếp tân khai mạc, anh ta thích ngay một con Tây, anh ta nhớ cái huyền thoại truyền nhau ở chôn nhà quê quê nhà rằng gái Tây nó dễ lắm, cầm lấy tay nó là xơi được ngay, như xơi cái bánh dầy bánh khúc bánh xèo bánh bột lọc mà thôi. Thì anh xơi. Ôm eo vuốt lưng vuốt luôn xuống dưới lưng, như không. Chẳng ngờ con kia thuộc loại con nhà gia giáo rất kiêu hãnh về dòng giông da trắng Anglo-Saxon theo đạo Tin lành. Cô mày đây giống phượng giống công, cô mày đây không phải mèo mả gà đồng. Mày chưa hỏi han xin phép mày đã vuốt, cô mày kiện cho mày mất mặt, mày rũ tù. Con kia giãy lên đành đạch như vịt cắt tiết. Con kia đòi kiện bị quấy rối. May cán bộ đại sứ quán có mặt. Dàn xếp nhẹ nhàng để con kia dịu xuống ngậm mồm im đi. Hứa sẽ đuổi ngay anh đạo diễn kia về nước chứ ngày mai không có bước một bước nào lên thảm đỏ liên hoan phim. Mãi rồi mới xong. Bố mẹ chú chàng cũng như chín mươi chín phần trăm dân ta không biết chuyện ấy, cứ đồn nhau bọn Tây nó dễ lắm, nó như đồ ăn từ thiện miễn phí bày ở góc phố cho dân nghèo đến xơi. Bố chú gửi con sang Tây cho con đi khuất, sang đấy tha hồ dùng cái dai huyền dài mà sờ ơi xơi. Rồi thêm nữa, người ta quy kết nó về đạo đức mà người ta không biết nguyên nhân là tại cái môi trường này. Ra nước ngoài, gặp môi trường tốt nó sẽ tốt. Người ta bảo nó học dốt mà người ta không biết là tại nền giáo dục này. Ra nước ngoài, trường tốt thầy tốt nó sẽ tốt. Đúng như cái huyền thoại rằng tôi nghèo là tại vì tôi sống ở một nước nghèo, ra nước ngoài, nơi vỉa hè lát bằng vàng, thì túi tôi sẽ lấp lánh ánh kim. Thôi, chẳng nói dài, ai cũng biết đây chỉ là huyền thoại, chỉ là đồn đại, chỉ là ảo tưởng, chỉ là nhầm lẫn, chỉ là ngộ nhận. Con sãi ở chùa lại quét lá đa. Ra nước ngoài thì vẫn quét lá phong lá sồi. Thực hư là thế nào, mấy chú du học tự túc cùng thuê nhà với chú chàng đều thuộc diện thiếu gia học không được bảo không được nên cha mẹ gửi đi. Người có chí quyết tâm đi học, có đầu óc phân tích giải thích sẽ thuê nhà chung với bạn bản địa để thực hành ngoại ngữ thường xuyên. Đằng này mấy chú Việt bám dính lấy nhau, đi học thì thôi, về nhà thì tụ bạ đánh bài nhậu nhẹt, thực hành tiếng Việt liên hồi đúng kiểu yêu quê hương qua từng âm tiết nhỏ. Khá nhiều chú du học tự túc thành tài, nhưng rất nhiều chú du học tự túc thành thần bài. Bài bạc. Ăn chơi thành thần. Lang thang vẩn vơ vô mục đích thành thần. Nói dối thành thần. Bị đuổi học rồi vẫn viết thư về nói với cha mẹ con đã lên năm thứ ba, kết quả xuất sắc. Chưa bị đuổi học cũng tự ý bỏ học, biết chắc trước sau gì cũng bị đuổi, bỏ học trước đi cho thành khẩn, nhưng viết thư về vẫn nói con vừa được nhà trường tuyên dương. Lang thang kiếm việc này việc nọ mà làm, thu nhập cũng đủ sống rong chơi qua ngày đoạn tháng. Thêm tiền ông bô bà bô chu cấp thường xuyên thì sống xông xênh sung túc. Đến thế ai thèm nghĩ chuyện về nước. Có mà điên. Sát phạt nhau trên chiếu bạc ở nhà trọ. Thế vẫn chưa đã. Nửa đêm bốn chú chui hết vào một xe của chú chàng dai huyền dài, phóng lên sòng casino lớn nhất thành phố. Hai thằng thiếu gia máu me lao ngay vào chơi bài phé poker sau đó sang chơi thẻ Baccarat và Blackjack sau đó chuyển sang quay Roulette. Thằng con giám đốc sở giao thông miền núi Tây Bắc chỉ một đêm thua mười một nghìn bốn trăm đô la Mỹ. Thằng con đại gia có mấy đầm nuôi tôm nước mặn ở tận cùng đất mũi chỉ một đêm thua mười ba nghìn hai trăm. Chắc rồi ngày mai chúng sẽ tìm ra lý do để viết thư rút tiền từ hầu bao của ông bô bà bô. Hai thằng quay ra sắc mặt thản nhiên như không, chẳng tái dại hoảng hốt, chẳng tím ngắt thù hận, chẳng đỏ bầm tức tối, chẳng vàng nghệ sợ hãi. Như không. Lại còn xúi chú chàng và anh bạn họa sĩ của chú vào chơi thử xem sao, cờ bạc chiều tay mới. Chú chàng có bao nhiêu thủ đoạn bao nhiêu hứng thú dồn hết vào cái dai huyền dài rồi, chú chẳng có cảm hứng với cờ bạc. Anh bạn họa sĩ mới nhận được thẻ công dân thì chỉ có cảm hứng sinh sản, anh đã có ba đứa con gái và sắp sửa thêm gái thứ tư. Đã gái thì thờ ơ cờ bạc, đã chè chén hút hít thì thờ ơ cờ bạc, đã mê danh mê quyền thì thờ ơ cờ bạc. Tất nhiên vẫn có kẻ đã mê bằng ấy thứ mà vẫn mê cờ bạc, nhưng đấy là thiểu số, không nói đến sô ít ở đây. Chú chàng với anh bạn họa sĩ lắc đầu, sài lắc, thôi thôi thôi, Hai thiếu gia vừa thua bạc bảo tay mới cứ xông vào đi, cờ bạc chiều tay mới, biết đâu gỡ lại toàn bộ chỗ hai thằng này vừa mất. Lúc bắt đầu bước chân vào sòng, chú chàng đã tâm niệm không vào đây để chơi, vào đây chỉ để ăn đêm, nghe nói đồ ăn miễn phí trong sòng này thuộc loại hảo hạng. Cái ẩm thực hảo hạng của sòng là để nhử người có tâm hồn ăn uống, vào ăn rồi sẽ nghĩ đến đánh bạc. Nghe nói nhạc sống của sòng cũng thuộc loại ngon tai, thuê hẳn những ban nhạc bình dân đang nổi. Cái ngon tai nịnh tai là để nhử những tăm hồn văn nghệ, vào nghe rồi sẽ nghĩ đến chơi bài. Chú và họa sĩ luợn lờ vào phòng nhạc sống. Rồi lượn lờ sang phòng ẩm thực, có đủ ăn Á, ăn Âu Continental, ăn Mễ Tây Cơ Mexico, kể cả món ăn châu Phi Ethiopia thập cẩm trong một cái máng gỗ chềnh ềnh ở giữa bàn. Lúc mới bước vào sòng, chú khai tên là John, họa sĩ khai là Jack, hai cái tên bịa cho nhân viên dùng bút đen viết lên bảng trắng, rồi John và Jack mỗi người nhận một cái tích kê như đồng xu bằng nhôm, vật làm bằng cho kẻ vào đánh bạc và hưởng mọi tiêu chuẩn miễn phí. Hai kẻ không mê bài bạc nghe xúi bẩy thì tặc lưỡi, tự ra chi tiêu, mình chỉ bỏ ra mỗi đứa năm chục đô, thử tay mới xem nó ra làm sao, đánh hết năm chục đô dù thắng dù thua cũng thôi, sẽ phắn sang phòng ẩm thực. Ẩm thực mới là mục tiêu của hai kẻ này. Gần sáng, hai chú cống xong số tiền vào sòng bài, mỗi chú năm chục. Cả bọn kéo sang phòng bên ăn gỡ. Hai chú coi như hòa vốn năm chục bằng hai suất ăn Á Wonton vằn thắn Chowmein miến xào Dumpling bánh nhồi thịt. Hai chú thiếu gia kia chắc phải ăn mấy nghìn bữa như thê này mới hòa vốn. Vẫn như không. Kết thúc bữa ăn, bên tách trà xanh còn có cái bánh bột rán hình tai lợn, bóp vỡ cái bánh ra bên trong có mẩu giấy in một câu châm ngôn hoặc đoán định hậu vận. Fortune Cookie. Cái bánh vận may. Hai thiếu gia giở ra xem, đánh vần tiếng Anh mất một lúc lâu, đến lúc hiểu ra thì vo viên tờ giấy ném toẹt xuống gầm bàn, theo lối ném giấy ăn xuống gầm bàn ở quê cháu. Ném xong thì mặt vẫn như không. Chú mở cái tờ giấy trong ruột bánh. Văn vẻ đúng là ngôn ngừ của thầy bói. You’ll have a good time with your partner. Nôm na hiểu thì mày sẽ có lúc được vui vẻ với bồ của mày. Bói thế cũng được. Dù chưa biết ngày mai sẽ có con nào rơi vào tay cái thằng dai huyền dài này. 12 Bức thư điện tử đầu tiên ngồi ở Hà Nội viết cho bố cũng ở Hà Nội, chú chàng kể chuyện đi thực tế trang trại, đi thu hoạch táo thực ra cũng chẳng ngoa lắm. Lúc ấy chú nhớ đến thời gian đi làm dịch vụ tưới cây chăm sóc cây cho một trang trại ở phía tây thành phố. Từ trung tâm, đi qua Bến Cảng Tròn Round Quay rồi men theo đường Aqua Drive chạy bên bờ biển đi khoảng nửa giờ xe hơi là đến trang trại. Chủ trại quy định phải gửi xe ở bãi đỗ một siêu thị rồi đi bộ thêm mười phút đến chỗ làm. Tuyệt đối không được lái xe xông thẳng đến nhà. Phải đi bộ mà đến. Căn nhà ở bìa rừng như là nhà nghỉ cuối tuần của một gia đình trung lưu. Cũng không hẳn là rừng. Một công viên dầy đặc cổ thụ, sồi cổ thụ, phong cổ thụ, du cổ thụ, trắc bá cổ thụ. Công viên vắng vẻ quanh năm, nhiều nơi dường như chẳng bao giờ có dấu chân người. Người Việt trong nước thấy thế sao cũng bảo bọn tư bản bỏ phí đất, tấc đất tấc vàng. Chỉ biết tiếc cho cái bất động sản mà quên ràng những cánh rừng công viên như thế là lá phổi cho thành phố hít thở. Hít lấy cái ô xy trong lành không bệnh tật lại chẳng hơn cái lợi xây chung cư cao tầng chia bôi lợi nhuận. Chú mua một cái sandwich trong siêu thị có bãi đỗ xe, vừa đi vừa chén mười phút ngang qua cánh rừng rải đầy lá du vàng lá phong đỏ. Khu trại thuộc diện kín cổng cao tường, cổng sắt, bao quanh là hàng rào sắt, tất cả đều đấu thẳng vào nguồn điện. Trồng hoa thì việc gì hàng rào phải cao ngất và đấu thẳng vào nguồn điện cho đứa nào táy máy sờ vào đứa ấy chết. Lại thêm năm con chó đốm to như con bê lẳng lặng quẩn chân. Chó sủa thì không cắn. Chó cứ lẳng lặng thâm hiểm như thế sao cũng có cú đợp bất thình lình. Chó ấy chẳng phải để làm cảnh, chó ấy nuôi là để tấn công người, tất nhiên là người lạ. Không bao giờ gặp chủ nhà. Đến cổng thì bấm mã ở cổng, cửa sẽ tự động mở ra. Một mình vào trong, cho chó ăn, thịt bò và thức ăn lương khô tổng hợp ưa thích của lũ chó. Sau đó mới vào việc chính. Hai dẫy nhà kính nấp dưới đám sồi đám phong cổ thụ, tán cây um tùm đủ che cho mái nhà kính nếu như có kẻ bên ngoài trèo cây giương ống nhòm nhìn vào. Có nhòm cũng bị tán lá che khuất. Nhòm cũng chẳng thấy. Đấy là sau này nghĩ lại, chú mới hiểu. Còn ban đầu chỉ biết vào hai dãy nhà kính, lấy phân hóa học pha vào một cái thùng phuy hai trăm lít, rồi xách bình tưới đi tưới cho khoáng hai trăm chậu cây cảnh. Nghe nói hoa của nó rất đẹp, nhưng chú chưa nhìn thấy nó ra hoa. Có khi cũng chẳng bao giờ ra hoa. Những chiếc lá dài nhọn, từ trên ngọn tỏa tròn ra như hình pháo hoa nổ, tóe thành những tia lá tạo ra hình tròn. Hai trăm ngọn cây như hai trăm phát pháo hoa hình tròn. Hai trăm ngọn cây đã cao đến ngang ngực chú. Mỗi ngày bật điện mười hai tiếng cho cây đủ ánh sáng mà quang hợp. Không cớm không còi không cằn không lụi. Đủ ánh sáng thì tươi hơn hớn. Phát triển bình thường. Phát triển tự nhiên. Mười hai tiếng chia đều cho hai ca. Ca đầu từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Ca sau từ ba giờ chiều đến chín giờ tối. Chú thường đi ca đầu, cho anh họa sĩ đi ca sau. Họa sĩ ngủ dậy muộn, có khi chín giờ sáng mới bình minh. Anh là người rủ chú nhận đi chăm sóc cây ở cái trang trại này. Mỗi ngày làm sáu tiếng, mỗi tiếng cũng được vài chục đô. Anh có một đống con gái phải nuôi. Chú thì có một đống gái phải bao. Chú không thiếu tiền đi bao, chú đi làm cho đỡ buồn chân buồn tay như một cách thể dục, một cách tham gia hoạt động xã hội, một khi đã không còn trường mà đến nữa. Tưới xong cây, kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng, cháy cái bóng nào thay cái bóng ấy. Xong xuôi chú rảo một vòng trong cái khuôn viên um tùm gần hai chục nghìn mét vuông. Xách theo một khẩu súng được phát. Súng cưa nòng. Ái chà, loại súng này gặp đứa nào đột nhập chi cho một phát. Không nổ đùng đoàng. Chỉ nghe đánh tẹt một cái. Như pháo tép. Thế là một cuộc đời đi qua. Hoa hoét gì mà phải đấu điện vào hàng rào sắt, phải nuôi năm con chó canh gác, phải trang bị súng cưa nòng. Hai anh em hỏi nhau. Hoa hoét gì. Hay trang trại là nơi cất giữ hàng lậu. Hay trang trại là nơi chôn giấu vũ khí bí mật. Hay trang trại là đảo giấu vàng, chủ trại mua đất giữ đấy, tìm cách khai quật sau. Hoa hoét gì. Cho đến một hôm chú chàng vào mạng tìm kiếm, tình cờ thế nào thấy cái ảnh cây cần sa. Marijuana. Lá tỏa tròn quanh thân. Lá trên ngọn bung ra từ tâm như một phát pháo hoa. Trong đầu chú cũng như có một phát súng. Nhớ đến khẩu súng cưa nòng ngày nào cũng cầm đi rảo trong khuôn viên. Hoa hoét gì. Cây cảnh gì. ông chủ nhà trọ có lần mang sang biếu năm chú sinh viên thuê nhà một đĩa bánh. Ông nói thẳng rằng bánh tự tay ông nướng và trong ấy có một chút cần sa, không sao đâu, chỉ có điều ăn xong đừng lái xe ra đường. Năm chú hào hứng bốc bải xem bánh ngon ra làm sao. Phê phê một tí. Tê tê một tí. Tây tây một tí. Quay quay một tí. Năm thằng cầm tay ôm eo nhau nhảy nhót một tí như năm thằng tính dục đồng giới. Như năm thằng rồ. Đúng nghĩa là thử cho biết thế thôi, chú chàng không khoái cái trò hút hít. Có vứt cả túi bột trắng ra trước mật chú cũng chẳng ham. Như ta đã nói với nhau ở trên. Đã gái gú thì thờ ơ hút hít, đã gái gú thì thờ ơ cờ bạc, đã gái gú thì thờ ơ tiến thân công danh địa vị. Tất nhiên vẫn có kẻ xơi đủ bằng ấy thứ nhưng trời đất công bằng, tham thì thâm, tham rẻ vơ hết sao cũng có lúc bị trời đất giật lại, đã bị trời đất giật lại thì thường là cuộc thanh toán ghê rợn thảm khốc. 13 Chú chàng và anh họa sĩ bảo nhau cứ tiếp tục đi chăm cây cảnh. Không phải cây cảnh kệ nó. Không phải hoa hoét kệ nó. Không phải kỳ hoa dị thảo kệ nó. Kệ nó. Họa sĩ vẫn phải làm để nuôi lũ con gái. Chú vẫn làm để cho vui cho giao lưu xã hội cho thể dục chân tay. Lái xe vi vu bên bờ vịnh nhìn trời nhìn biển cũng là một cái thú. Bàn nhau thế, kệ nó, đúng lúc chủ trại bảo từ nay mỗi ngày chỉ cần một ca chiều. Chú nhường anh họa sĩ đi làm hai ngày thì chú mới làm một ngày. Anh cần tiền thật sự. Hai ngày mới đến phiên chú. Đến bấm mã số ở cửa mà cửa không mở. Quái lạ, hỏng hóc gì đây. Bấm đi bấm lại vài lần mới nghĩ ra hay là chủ trại đã thay mã số. Không có số điện thoại chủ trại để mà hỏi. Có số điện thoại của họa sĩ nhưng không được hỏi. Quy định là vào đến đày thì không được dùng điện thoại di động nửa. Bấm thêm một lần mã số cổng mới nghĩ ra có thể trong nhà đang có người. Bấm chuông. Y như rằng, một giọng con gái hỏi ra, khọt khẹt từ loa trong hộp mã số. Dám chắc gái kia đang quan sát chú qua camera trên cổng. Hỏi han vài câu, quan sát vài tí, xong rồi cửa mở ra. Một cô mắt xanh tóc vàng đón chú ở lối vào nhà. Năm con chó đốm ngoe nguẩy quanh chân cô. Chó đã kịp quen cô hoặc chính họ đã quen nhau từ lâu, cô là con gái cháu gái chủ trại chẳng hạn. Cô gái bảo từ tuần này cô ăn nghỉ tại đây. Được thuê. Chẳng phải con gái cháu gái nào hết. Ăn nghỉ tại đây, à đó chính là lý do khiến chủ trại cắt bớt một ca trực hàng ngày của hai anh em. Một tia chớp lóe lên trong đầu. Sét đánh. Ngay từ cái nhìn đầu tiên. Không phải là tình yêu sét đánh mà là một tính toán sét đánh. Da trắng tóc vàng mắt xanh chứng tỏ nó là người bản địa. Cặp với nó lấy nó thì mình có thể được cấp thẻ công dân. Nào bây giờ cô muốn gì tôi cũng chiều. Một trai một gái cứ thế mà ríu ra ríu rít suốt cả buổi chiều sang buổi tối. Hòa hóa chất vào phuy nước để tưới cây, bật đèn chiếu sáng bảo đảm mỗi ngày mười hai tiếng có ánh sáng cho cây quang hợp. Dẫn theo lũ chó đi tuần trong khuôn viên trang trại. Có chỗ lũ chó dừng lại hít hít mặt đất, lấy chân cào cào mặt đất. Hay là có vàng chôn giấu dưới này. Nàng bảo. Hay là có xác người chôn dưới này. Chàng bảo. Khiếp cái mồm anh. Nàng bảo. Thêm một cái xác thì trong trại này nhóm chúng mình có ba người. Chàng bảo. Chỉ có thế mà cười phá lên với nhau, đánh mắt đưa mày với nhau, thêm mấy câu ẩn ý ngụ ý với nhau. Vào sửa soạn bữa tối ăn uống với nhau, Đấy là cô nàng mời chứ lâu nay chú không có nấu nướng gì trong cái nhà này. Lâu nay hết ca chiều lúc chín giờ, chú đi bộ ra bãi gửi xe, phóng về phố Tàu Tiểu Trung Hoa Little China ăn một đĩa mì xào hoặc một bữa cơm gọi món. Bây giờ thì cô nàng hỏi anh có muốn ăn tối với em để em nấu. Tội gì không ăn. Chú đứng bên cạnh cô nàng trong bếp. Gạt giúp cô mấy sợi tóc xõa xuống trước mắt trong khi cô đang tay dao tay thớt. Chỉ lát nữa thôi, sau bữa ăn tối, chú có thể lên giường với cô nàng này. Lên giường trước, thẻ công dân sau. Ăn trước, lên giường sau. Hay là lên giường trước, nâu nướng ăn uống sau. Bây giờ cô nàng mà nứng mà đòi trước thì chú chàng cũng chiều. Tất cả vì cái thẻ công dân. Hay là mình chủ động hói xem cô nàng muốn thế nào. Sống ở châu Âu hai năm rồi, chú đã biết là chuyện gì cũng phải hỏi. Mời người ta uống rượu uống bia thì cũng phải hỏi xem người ta thích loại nào. Nước ngọt cũng phải hỏi thích loại nào. Đấy là nhân quyền. Không hỏi mà cứ ép người ta uống rượu uống bia uống nước ngọt theo ý mình là vi phạm nhân quyền. Muốn ngủ với con nhà người ta cũng phải hỏi trước, hỏi thẳng thắn. Sẽ được trả lời là tôi không thích, trả lời thẳng thắn. Hoặc sẽ được trả lời là hay quá, em cũng đang định hỏi anh câu ấy, trả lời thẳng thắn. Được phép rồi, được ô kê rồi, được bật đèn xanh rồi, cái máy húc khi ấy mới cứ thế mà húc thẳng vào. Cái máy húc đang băn khoăn có nên hỏi vào lúc nấu nướng này hay không nhỉ. Nhỡ đâu cô nàng đang thèm mà chú không hỏi thì chú bỏ lỡ một cơ hội gây thiện cảm. Thiện cảm. Nói thực lòng chú không có cảm tình với loại gái mũm ma mũm mĩm này lắm. Nó như búp bê béo. Nó như búp bê xấu. Không xấu nhưng nó là gu của cánh đàn ông ăn no vác nặng quê cháu. Nhưng vì đang cần cái thẻ cư trú mà chú bất chấp mọi sở thích mọi tiêu chuẩn mọi gu. Chú sẵn lòng làm một anh ngố bumpkin nhà quê để săn đón chờn vờn quanh cô búp bê béo này. Sẵn lòng, sẵn lắm rồi. Đúng lúc anh máy húc toan tính băn khoăn thì cô nàng chợt nói về món ăn cô đang nấu. Đây là món xúp của xứ Albania quê em. Gì. Em không phải người bản địa ở đây à. Đấy là ước mơ của em, ước mơ làm người bản địa, không phải chui lủi trốn tránh đi phun tưới cần sa như thế này. Bản địa. Đấy là ước mơ của em. Đấy cũng là ước mơ của anh. Hai kẻ cùng một ước mơ thì phải chiến đấu một mất một còn. Chỉ có một suất. Cô được duyệt thì chú mất suất. Chú được duyệt thì cô cuốn xéo hồi hương. Kẻ này làm giảm bớt một cơ hội của kẻ kia. Hai kẻ kình địch không thể cùng ngồi ăn một bàn, không thể trèo lên một giường. Có mày thì không có tao. Không hiểu bằng cách nào mà chú có thể kiên nhẫn đứng nghe cô nàng kể về gia cảnh. Mẹ cô bị mất một chân trong cuộc nội chiến. Một mảnh đạn lạc lúc bà liều lĩnh ra phố đi mua thục phẩm. Lại thực phẩm. Lại miếng ăn. Chết vì miếng ăn. Nhưng có ai không chết vì miếng ăn. Cái chân giả cũng là loại rẻ tiền, trục trà trục trặc, mẹ rất đau mà phải cắn răng chịu, chưa đủ tiền để thay cái chân giả chất lượng cao. Phải vay nợ, phải bán tống bán táng những gì đáng giá, lo lót đủ mười tám nghìn đô mới sang được đến xứ này. Có những đoạn đường biên giới đám vượt biên phải lấy dây treo người dưới gầm xe tải, mình mẩy bầm giập phủ một lớp bụi dầy. Có cô bạn đến nơi mới thấy cái đầu dưới gầm xe đã vỡ toác, nó đập vào hòn đá lồi lên trên mặt đường. Trùm đưa người hứa hẹn sau một năm sẽ gỡ lại được tiền vốn. Ước mơ của cô ư? Lấy được một anh chồng bản địa, không bản địa thì cũng có thẻ công dân như chú chàng. Chú chàng chẳng việc gì phải nói ra rằng chú cũng đang mơ lấy một cô nàng để có cùng một cái thẻ ấy. Hai kẻ chung một ước mơ lúc này không thể đội trời chung. Cũng chẳng muốn ngồi ăn chung nữa. Về. Về luôn. Cũng đã gần chín giờ tối. Thế mà suýt nữa chú định qua đêm ở đây. Rốt cuộc đành ngồi lại ăn bữa tối. Món xúp Albania đắng ngắt. Vừa ăn vừa tự hỏi hay là cứ ngủ với nó, gỡ gạc lại cái hồi hộp tính toán suốt cả chiều cả tối nay. Lại nhớ lời dặn của một anh chàng tay chơi An Nam từng bê bết với suốt lượt gái Tây. Đừng có qua đêm với gái Tây gái Phi. Nó quần cho suốt đêm, tơi bời tan nát, tưởng là xong việc rồi thì được ngủ, nó lại bắt làm tiếp nữa, muốn ngủ yên lành không được mà muốn chết cũng không được. Tay chơi kia kết luận ngủ với chúng nó thì cứ chọn ban ngày, tạt qua phòng nó vài giờ, hoặc đưa nó về phòng mình vài giờ, xong việc là em đi đường em tôi đường tôi tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Suốt chiều tối nay chú đã nghĩ liều, sắp tối đến nơi rồi, thôi thì qua đêm cũng được. Không còn lựa chọn nào khác. Đã đến nước này thì cứ qua đêm, coi như một trận chiến có liều thân, không liều lấy đâu chiến thắng vinh quang. Bây giờ thì chú đành kết luận. Về. Về thôi. Không đáng. Năng lượng để dành lát nữa trên đường về ghé vào nhà một cô bồ nào đó lâu lâu chưa gặp. Không trút vào cái con búp bê béo chưa có thẻ công dân này. Phí. 14 Búp bê béo đến chưa được bao lâu thì trại cần sa bị tập kích. Đúng vào ca chiều của anh họa sĩ. Hôm ấy chẳng rõ búp bê béo biến đi đâu. Chỉ biết khi họa sĩ đến nhận ca chiều thì hệ thống đèn chiếu sáng vẫn sáng như thể nó đã như thế suốt từ đêm hôm trước. Trong nhà ngoài vườn chẳng thấy cô ta đâu cũng chẳng thấy đồ đạc gì bỏ lại. Hay là cô ta đã nghỉ việc mà chủ trại chẳng cần báo cho anh biết. Cần gì phải báo. Việc ai người ấy làm thôi. Đúng lúc ấy thì cảnh sát ập vào. Loa gọi nheo nhéo ra lệnh mở cổng nếu chống lệnh thì đối tượng phải chịu hoàn toàn hậu quả. Chẳng dại mà chống lệnh cảnh sát. Họa sĩ cuống cả lên. Có cái gì phải giấu trước khi cớm xông vào hay không. Hai trăm cây cần sa trong chậu cây cảnh, có trời mới giấu nổi. Thôi thì mở cửa cho xong. Đón cớm vào nhà như đón khách đến chơi. Cớm hỏi cây gì đây. Dạ tôi được thuê tưới nước cho cây cảnh tôi không biết nó là hoa gì. Hoa cái con mẹ ông. Cớm văng. Rồi cớm bảo anh có quyền giữ im lặng, mọi lời nói có thể dùng để chống lại anh trước tòa, anh có quyền thuê luật sư hoặc tòa sẽ cấp cho anh một luật sư. Xong, cớm bảo anh chìa tay ra, đóng cái còng số tám vào kêu đánh rốp, rồi tất cả nhẹ nhàng yên lặng ra xe. Nửa tháng sau chú đến trại tạm giam thăm họa sĩ. Chú đã biết là anh chẳng khai ra tên ai. Anh chỉ gập chủ trại ở bến cảng trung tâm Round Quay, ông ta cho anh địa chỉ, đến trang trại chỉ việc bật đèn tưới cây, mỗi giờ hai chục đô, ngày làm sáu tiếng, hết giờ thì có một người đến đổi ca, chẳng ai nói gì với ai, chẳng ai có số điện thoại cửa ai, cứ một tuần lại có một phong bì tiền công để sẵn trên mặt bàn trong phòng khách, cứ thế cầm lấy mà đi về. Họa sĩ đã khai chính xác, chỉ có không khai ra người cộng sự hoặc người đổi ca. Anh đã có thẻ công dân từ lâu, coi như anh nhận đỡ cho người khác. Chú chàng đến thăm anh, như đồng hương đồng khói đi thăm nhau lúc hoạn nạn. Hồi ấy chú chưa bị đuổi học, thẻ tạm trú của chú vẫn còn giá trị, chú còn đang đi lại ngang nhiên. Anh bên kia cửa kính em bên này cửa kính. Cái tăng âm cỡ chiếc cúc áo gắn trên lớp kính khiến hai bèn nghe thấy tiếng của nhau. Chú đọc thấy trong mắt anh ánh nhìn ân hận. Ân hận vì mình đã dính vào cái việc này, lại còn lôi thêm thằng đàn em kia vào, may mà chỉ một mình anh bị chộp. Trại tạm giam chỉ giam mỗi một loại tù bị bắt vì tội trồng cần sa. Trước cổng trại ngày nào cũng có mấy chục người biểu tình chống luật cấm cần sa. Biểu ngữ giương lên: cần sa không phải ma túy. Chìa ra: Hãy trao tính hợp pháp cho cần sa. Dí vào mặt cảnh sát: Con người có quyền lựa chọn kể cả chọn cần sa. Hoặc rất đơn giản chỉ giương lên một chữ: Cần sa. Nhắc lại ba lần với ba cái chấm than: Marijuana! Marijuana! Marijuana! Lại còn đồng ca váng lên: cần sa yêu thương, cần sa hãy đi cùng ta. Đám này thuộc phong trào đấu tranh cho tính hợp pháp của cần sa. Nghe đâu nghị viện đã bắt đầu xuôi xuôi với dự luật công nhận quyền sử dụng và trồng cần sa. Chẳng biết họa sĩ còn phải đợi bao lâu nữa trong tù cho đến ngày dụ luật chính thúc được phê chuẩn thành luật. Hãy đợi đấy. Có khi rất nhanh mà có khi cũng dài dằng dặc rũ tù. Chú chàng gặp họa sĩ lúc mới sang đến bên này được vài tháng. Chú đi bộ từ trường Nghiên cứu quốc tế xuyên qua trường Nhân chủng học thì gặp trường Mỹ thuật. Ở đấy chú gặp họa sĩ. Không phải đang ôm tập ký họa, không phải đang dụng giá vẽ lắp khung vải lên để vẽ ngoài trời. Anh ta đang cầm một cái vòi phun nước, đầu vòi lắp cái lẫy xì nước thành tia như cái vòi rửa xe. Anh ta đang xì nước phun nước rửa mấy chục pho tượng đồng của Rodin. Chú chàng đứng lại xem mấy chục pho tượng khỏa thân lần đầu tiên nhìn thấy. Trường Đại học Tổng hợp dựng trên một diện tích rộng cỡ bàng một quận trong thành phố. Trong trường có hai mươi hai trường trực thuộc, chia theo từng chuyên ngành, ví như trường Mỹ thuật này, trường nghiên cứu Điện ảnh và Sân khấu bên kia, trường Xã hội học bên kia nữa. Chú thường đến trường từ cổng phía đông, xuyên qua khuôn viên cổ thụ đầy những cây sồi và cây phong đồ sộ, qua cái nhà thờ riêng của trường, qua khu vực nhà hát rạp chiếu phim sân vận động của trường. Hôm nay chú mới vào theo cửa phía nam, ngang qua trường Mỹ thuật. Một lúc sau thì hai người làm quen với nhau. Người đứng ngắm tượng và người rửa tượng. Hóa ra đều là dân nói tiếng Việt cả. Họa sĩ đến định cư ở thành phố này được chín năm rồi, đã kịp lấy ngay một cô vợ bản địa và kịp đẻ ba đứa con gái, sắp sửa có đứa con gái thứ tư. Anh bảo anh dốt đủ mọi nghề kể cả nghề vẽ, chỉ giỏi mỗi nghề đẻ con gái. Ngay cả đến đái ngồi cũng chỉ một mình anh không biết, trong khi cả vợ cả ba đứa con gái đều rất thành thạo. Tóm lại anh dốt tất cả những gì mà mọi người đều giỏi. 15 Nói thì bảo là đùa, nhưng họa sĩ đến thành phố châu Âu này được chín năm rồi, cộng thêm bảy năm trước đó lang thang ở mấy thành phố khác, cộng thêm hai năm trước nữa trong một trại tỵ nạn Đông Nam Á, chuyến đi tổng cộng mười tám năm thực ra bắt đầu bằng một đêm ngủ với gái trên bãi biển Vũng Tàu. Nằm ôm nhau trên bãi cát phía sau một ghềnh đá. Gió biển hổn hển vào tai như một cái băng ghi âm những câu kích dục gợi hứng. Gần sáng chú chàng mót tiểu, chú vòng ra phía trước ghềnh đá, định bắc chim đứng đái thử xem sức gió biển tạt mạnh đến đâu. Chú gặp một nhóm người đang lúi húi khuân vác đồ đạc lên một chiếc tàu nhỏ. Chuyện trò một lát, họ túm lấy chú, lôi xềnh xệch chú lên tàu ra khơi luôn. Những thành phố thị trấn vệ tinh của các đô thị, Vũng Tàu Đà Lạt Nha Trang đối với Sài Gòn, Tam Đảo Sa Pa Đồ Sơn Sầm Sơn đối với Hà Nội, các vệ tinh ấy đều là điểm ngoại tình của đô thị. Ngày nghỉ ngày lễ người ta rầm rập kéo nhau đến đấy. Không ngày nghỉ ngày lễ thì tình nhân cũng kéo nhau đến đấy. Đấy là điểm hẹn điểm chơi. Đã gọi là chơi thì chỉ chốc lát khơi khơi chuồn chuồn đạp nước, nhanh nhanh chóng chóng rồi rút rồi phắn rồi chuồn. Không ai đến đấy mà ăn đời ở kiếp. Gọi là điểm ngoại tình là như vậy. Đôi bạn này thì không ngoại tình. Chàng nàng đều mười tám tuổi, cặp díp với nhau từ năm lớp mười, bây giờ vừa hết mười hai vừa mới thi đại học đang chờ kết quả. Chàng nàng quyết định chấm dứt thời kỳ yêu chay nằm mộng. Phóng xe máy chở nhau đi Vũng Tàu một trăm hai mươi cây sổ. Lần đầu tiên thuê nhà nghỉ qua đêm. Nhưng đêm đến thì không ngủ trong nhà nghỉ. Dẫn nhau lang thang bên biển đường qua bãi Dứa đường đến bãi Dâu, qua những bãi biển nhơn nhớt dầu loang lổ dầu. Tìm được một chỗ vắng vẻ kín đáo sau một ghềnh đá. Cứ thế mà rào rào sầm sập như biển suốt đêm. Gần sáng cô nàng mở mắt thì không thấy chú chàng đâu nữa. Tìm suốt một ngày qua khắp bãi Dứa bãi Dâu và các loại bãi loang lổ dầu. Tìm suốt một ngày qua các đường phố như chơi trò trốn tìm không tuyên bố. Năm ấy chàng nàng đều chưa có điện thoại di động, giá như có điện thoại di động thì ra khỏi vùng lãnh hải cũng ngoài vùng phủ sóng, không ngoài vùng thì đám di tản cũng giật điện thoại ném xuống biển. Cô nàng còn tìm kiếm anh chàng suốt mấy tháng sau đó ở Sài Gòn. Có giời tìm. Đến bố mẹ anh chàng còn không biết con trai biến đi đâu. Không, hắn không phải là Sở Khanh xong việc thì quất ngựa truy phong biên sắc biến. Có một điều gì bí ẩn ở đây. Bố mẹ chàng nghi con bạn gái biết chàng đi đâu làm gì nhưng con ấy giấu. Cô bạn gái nghi lão bố mụ mẹ biết con trai họ trốn đi đâu làm gì nhưng cặp ấy giấu. Bên này nghi bên kia đến vài năm cho đến khi ông bà bô nhận được thư con trai gửi về từ một trại tỵ nạn Đông Nam Á. Một cú đi ra sau ghềnh đá mà đi tuốt một mạch mười tám năm đến giờ. Đám người đang mang vác lên tàu giữa những giọng Nam có lẫn vào mấy giọng cầu tõm quê cháu ở ngoài Bắc. Giọng đồng chiêm trũng, đất phèn chua, giọng nói cũng đai ra biến âm đặc trưng. Chàng nghe thấy mấy tiếng mịa chúng nó, bác cho iem xiem với, vân vân. A, đúng quê cháu đây rồi. Chàng đái xong chạy ra hỏi chuyện đôi câu, nhận đồng hương đồng khói, xin hút ké một mồi thuốc lào từ cái ống điếu badôka. Hút xong thì đồng hương lẫn không đồng hương túm lấy cổ áo chàng lôi theo luôn lên tàu. Nó mà ở lại, nó khai hết ra những gì mắt thấy tai nghe với công an. Bắt nó theo luôn. Thế là không mất tiền mất vàng, không phải lén lút lập kế hoạch mua tàu sắm thực phẩm, mà vẫn đuợc đi di tản, đuợc làm thuyền nhân khét tiếng thế giới thời ấy. Boat people. Một chuyến đi thuận buồm xuôi gió không bị bắt lại không bị cướp biến. Không say sóng nôn ọe đánh chém nhau róc thịt nhau để ăn. Một tuần sau tàu dạt vào bờ biển một nước có trại tỵ nạn. Hai năm sau chàng được sang châu Âu. Cái xứ đã chìa bàn tay từ thiện ra đón nhận lại làm tiếp một việc từ thiện nữa là cho chàng vào đại học. Chàng chọn mỹ thuật là ngành đã tâm đắc sẵn từ thời ở nhà. Học xong chàng chuyển về thành phố bên bờ biển này, xin vào làm trợ lý trong phòng giáo vụ của trường Mỹ thuật. Trợ lý thôi, mà lại trợ lý trong phòng giáo vụ, chưa được trợ giảng, chưa được mon men đến chuyên ngành mỹ thuật đã học được. Mật ít ruồi nhiều. Bao nhiêu kẻ tốt nghiệp ra vẽ vời nặn tượng nhiều năm vẫn chưa có nổi cái danh, chưa ma nào biết đến, nữa là mình đây. Được làm trợ lý phòng giáo vụ có đồng lương còm là may mắn lắm rồi. 16 Ở trên đã kể, khuôn viên trường Mỹ thuật có một cái vườn tượng. Toàn bộ là tượng của Rodin. Những phiên bản bằng đồng đen, cỡ người thật, phần lớn là những vóc dáng đàn ông những tư thế đàn ông. Khom người, cong người, cúi người hoặc ngồi tay chống cằm suy tư hoặc bật đứng dậy ngơ ngác. Chàng được trường cho đi rửa tượng. Giúp đỡ thu nhập cho cậu trợ lý giáo vụ nghèo. Vài ba ngày một lần mang vòi nước vào vườn, phun nước rửa sạch bụi cho mấy chục pho tượng. Xèèèèèèèo. Rửa từ đầu đến chân. Xèèèèèèèo. Từ cổ xuống lưng xuống mông. Xèèèèèèèo. Từ ngực xuống bụng xuống chim xuống đầu gối mắt cá. Xèèèèèèèo. Tắm cho tượng, ông Rodin ở nước Pháp từ cuối thế kỷ mười chín chủ ý không mặc quần áo cho tượng. Anh chàng ở cuối thế kỷ hai mươi phải sục vào các hang hốc ngóc ngách mà ông tạo ra để phun nước. Xèèèèèèèo. Xèèèèèèèo. Xèèèèèèèo. Phun nước xong thì xì hơi cho sạch, nước sót lại bám vào nách vào háng sẽ tạo gỉ xanh. Xììììììì. Xììììiìì. Xììììììì. Anh thuộc hết từng đường gân thớ thịt, đúng kiểu nhà điêu khắc nghiên cứu cơ thể người, những cơ bắp chỗ nào thả lỏng chỗ nào gồng lên chỗ nào săn chắc chỗ nào đã nhão. Anh thuộc hết. Người đứng người nằm người ngồi trong cái cánh cổng địa ngục mà Rodin lấy cảm hứng từ Thần khúc của nhà thơ Ý Dante. The Gates of Heil. Xèèèèèèèo. Xììììììì. Cái thế ngồi của pho tượng người suy tư, tay chống cằm ngồi khom lưng, ngồi tư duy mà thế thì giống dáng ngồi bệ xí bệt. Anh phát hiện ra vậy sau cả năm trời phun rửa xì xèo. Anh gặp cô vợ tương lai trong vườn tượng. Anh vừa lôi cái máy khí nén xì hơi và cuộn ống nước ra chuẩn bị rửa tượng thì hai cô gái bước vào vườn. Họ có vẻ là du khách chứ không phải là sinh viên trong trường. Sinh viên hiếm thấy cô nào vào xem tượng, ngày nào họ chẳng phải đi bộ cắt qua đây mà đến trường của mình. Sinh viên hiếm có cô nào vào xem tượng lại còn chụp ảnh. Giơ máy ảnh lên bấm tanh tách, rồi luân phiên chụp cho nhau. Cô tóc vàng nghiêng người tựa vào đám tượng đàn ông không một manh quần áo. Cô ngả đầu tì vào đầu một anh chàng trần truồng. Cô tạo dáng miệng chúm chím ghé vào môi một anh chàng trần truồng khác. Hai cô cười toe toét khanh khách với nhau. Vừa lúc có hai bà già đi tập thể dục ngang qua. Cư dân trên Đại lộ Đại học University Avenue vẫn đi bộ sáng chiều trong khuôn viên trường. Một bà kém mắt không tin vào mắt mình, hỏi con đĩ kia nó đang làm gì thế hả bà. Bà bạn trả lời nó đang cầm chim Rodin bà ạ. Có một pô ảnh như thế thật, về sau này đã thành vợ chồng, chán chường với cuộc hôn nhân của mình, hễ nhìn thấy bức ảnh cô vợ cầm chim Rodin, anh lại hối hận cho cái giây phút ấy cho cuộc gặp gỡ định mệnh ấy. Con đĩ kia, bà già đã dùng chính xác một từ như thế. That slut. Giờ thì hối chứ lúc ấy anh hơi nóng mặt. Anh chỉ muốn cảnh báo bà già kia rằng anh mà ghi âm được lời bà thì bà sẽ phải ra tòa vì tội thóa mạ. Bênh. Tự dưng anh đứng về phía con đĩ kia. Tự dưng anh thấy vui vui hay hay với con đĩ kia. Chuyện trò làm quen. Em chụp được mấy tấm ảnh độc rồi, xong rồi, anh tắm cho tượng thì cứ tắm đi. Tắm. Cô dùng từ tắm. Em cũng muốn tắm luôn với mấy anh chàng này nhưng không mang theo quần áo để thay. Hôm sau anh nhé, hôm sau em quay lại, anh tắm cho tượng và tắm cả cho em. Không bao giờ anh tắm cho cô cùng với đám đàn ông trần truồng của Rodin. Nhưng anh tắm cho cô trong phòng tắm nhà anh. Nhờ thế mà anh biết cô có một khiếm khuyết trên thân thể. Ở phía dưới hai bầu vú có một vết lang ben loang lổ như hình Địa Trung Hải. Cả một cái biển hồng hồng tràn lan xuống đến bụng dưới. Dám chắc gã trai nào cởi được áo cô ra thì ngay lập tức giật mình, cái giật mình nhẹ thôi nhưng đủ thun chim lại. Khiếm khuyết về cơ thể. Đầy đủ áo quần thì trông cô rất ổn, nhưng cởi được ra thì cái Địa Trung Hải làm người ta giật thót rụt lại ngập ngừng. Cứ như sợ chết đuối trong cái biển ấy. Còn thêm khiếm khuyết cả về hành vi nhân cách. Nhưng cái khiếm khuyết trong tâm hồn thì phải sau cuộc hôn nhân cấp tốc chàng họa sĩ mới biết được. Nó cũng khiến anh giật thót. Nhưng chuyên ấy kể sau. Mà thôi, đã kể thì kể luôn một thể. Cái đầu tiên khiến anh giật mình là tiếng cười của cô. Nó không rinh rích, nó không khúc khích, nó không hi hi hì hì, nó không nắc nẻ khanh khách, nó không cao vóng ha ha ha khi không kiềm chế được nữa. Tưởng ha ha ha đã là đỉnh cao hiếm hoi của loại con gái mà không hề yểu điệu thục nữ. Không. Còn hơn thế. Chính xác là còn khác thế. Rất khác. Cười sướng, cô cứ khà khà khà. Đúng giọng của nữ ca sĩ giọng khàn. Khà khà khà. Đúng giọng của đàn ông nghiện thuốc lào ở cầu tõm quê anh. Đàn bà quê anh vất vả lao lực, mỗi người một cái giậm trên vai đi từ ruộng nước này sang ao đầm khác, đi rồng rắn thành hàng, suốt ngày bán mặt cho nước bán lưng cho trời. Đàn bà đi đánh giậm. Đàn bà là lao động chính ra với thiên hạ. Đàn ông ngồi nhà ôm con và đánh bạc. Đánh bạc thì kèm thuốc lào. Khà khà khà. Hồi đang yêu, anh hơi chợn trước cái giọng khà khà khà nhưng lại thấy là lạ thinh thích. Sang hồi anh đã lấy cô làm vợ, suốt ngày cô than thân trách phận kêu ốm kêu đau, anh sợ cái khà khà khà bất thường. Bất thường vì không phải lúc nào cô cũng cười nữa, hiếm hoi lắm, nhưng đã cười thì cứ khà khà khà. Rồi sẽ có lúc anh đưa cô về vùng cầu tỏm quê anh cho cô ngồi với bọn đàn ông đánh bạc hút thuốc lào vặt. Biết đâu nhờ thế mà cô sẽ bớt than phiền, chỉ số thu nhập GDP không cao nhưng chỉ số hạnh phúc HPI sẽ tăng vọt. Cô không giống đàn bà châu Âu ở cái cười. Cô cũng không giống đàn bà châu Âu ở cái sợ đẻ. Cô không sợ. Lấy nhau chín năm cô đã đẻ tuồn tuột ra ba đứa con gái, sắp sủa đứa thứ tư, siêu âm rồi, cũng con gái nốt. Đúng hệt một mẹ sề ở vùng cầu tõm quê anh. Như một cái máy đẻ. Lại còn triết lý đúng kiểu Á Đông rằng trời sinh voi trời sinh cỏ. Lại còn triết lý đúng kiểu châu Âu ngoan đạo rằng nạo thai là có tội. Bao nhiêu tội nợ đổ sang cho chồng. Việc đi kiếm cỏ cho voi đổ sang cho chồng. Ba con voi con và một con voi mẹ cứ thế mà ăn rào rào, việc đi kiếm miếng ăn là việc của kẻ nô lệ da vàng mà cô may mắn bắt được. Thời buôn bán nô lệ Bắc Mỹ có khái niệm nô lệ da đen. Thời nay trong nhà anh xuất hiện khái niệm nô lệ da vàng. Có thời gian anh họa sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật phải đi rửa bát nhà hàng, thu gom xe đẩy ở siêu thị, sắp xếp xe hơi vào bãi để xe. Còng lưng nuôi vợ và một lũ lĩ con gái. Rồi được nhận làm trợ lý giáo vụ, được đi rửa tượng Rodin và làm bao nhiêu thứ tạp vụ, sáng sớm đã đi làm tối mịt mới trở về, lúc đi con còn ngủ, lúc về con đã ngủ, cả tháng không được nói chuyện với con. Chỉ có cô vợ như cái loa phường. Đúng như cái câu đố của người Việt: con gì ăn lắm nói nhiều, mau già lâu chết miệng kêu tiền tiền. Đố là con gì. Con vợ. Khu phố anh đang ở, trị an vừa phải, hễ cả nhà đi vắng, người ta phải để có tiếng đài ở trong nhà, làm như trong nhà đang có người, trộm cắp ngại. Cô vợ nói nhiều của anh ở nhà là thay cho cái đài an ninh. Suốt ngày than thân trách phận lấy phải chồng đụt. Than thân trách phận đau đầu đau lưng. Nhức răng nhức xương. Không chịu đi làm chỉ ngồi kêu than. Giục năm lần bảy lượt, xin được mấy lần phỏng vân vào cơ quan này văn phòng khác, cô đều không chịu đi. Hiếm thấy phụ nữ châu Âu không chịu đi làm, cứ thập thò trong hang ngồi nhà làm nội trợ. Nội trợ cũng chẳng tròn việc, nhà của cứ lộn xộn bày bừa, tìm cho được một cái áo đã giặt cũng khó. Việc gì rồi cũng phải làm, nhưng trước khi làm cô cứ kêu ca than vãn cái đã. Kêu xong rồi mới chùng chình nhấc chân nhấc tay lên. Anh không thấy cô có bệnh gì, nhưng lúc nào cô cũng làm như còi xương thiếu dinh dưỡng gần kề miệng lỗ. Ở trên đã nói anh phát hiện ra cô có khiếm khuyết về thân thể khi lần đầu anh tắm cho cô. Ở dưới là chuyện anh càng ngày càng nhận ra những khiếm khuyết về tính cách về hành vi. Bạn bè anh bảo gái Tây như thế, nó không lấy được Tây nó mới lấy mình. Kiểu gì thì cũng phải là loại người lập dị hâm hấp chập cheng, không thì cũng quái đản khác người, không thì cũng tự kỷ, không thì cũng cao ngạo vô lối, thế giới có bảy kỳ quan, kỳ quan thứ tám là nàng này đây. Các nàng Âu Tây ấy thường thích những thứ khác người của văn hóa phương Đông, cứ như kiếp trước họ sinh ra bên dòng sông Nile sông Hằng sông Mekong hay Hoàng Hà. Kiếp trước họ là mấy cô công chúa bị đày ải của những vương triều lộng lẫy phương Đông. Bây giờ họ khác thường, họ bơ vơ, họ lạc lõng, ngay trong xã hội phương Tây của họ. Họ không thích giai Tây mà giai Tây có các vàng cũng không lấy họ. Nói ra lại bảo một quan điểm cố tình gây tổn thương nhưng là sự thật khó bác bỏ. Thì cũng thế với những người Á lây Tây như anh. Biết đâu anh cũng có những cái lập dị tư duy khác người mà anh không tự nhận thức được. Anh có ở lại chốn quê nhà thì những người anh thích cũng không thích anh, những cô anh yêu cũng chẳng yêu anh. Định mệnh là anh phải lấy cô khà khà khà. Kiếp trước anh trót lẻn vào ăn cắp cái ti vi của nhà cô nên kiếp này anh phải còng lưng làm nô lệ da vàng trả nợ cho cô. Phải nghe cô than thở số phận hẩm hiu lấy chồng đụt, chỉ nhìn mặt chồng là phát ốm phát bệnh. Kêu ốm kêu đau nhưng lên xe là cô phóng. Phóng bạt mạng luôn. Cái xe đang đỗ bên này đường, cô muốn quay đầu xe, cô cho xe chạy lùi bằng cách cua một vòng thật rộng. Cái xe rồ lên lùi bắn sang sát vỉa hè bên kia. Cua một vòng bán nguyệt. Một trăm tám mươi độ. Rú lên rồ lên. Đám trẻ con và lũ chó mèo bên ấy chạy dạt. Rồ lên một cái nữa cái xe mới quay đầu lao như tên bắn. Mấy bà hàng xóm thót tim lại được dịp rủa xả con đĩ kia con đĩ kia. 17 Ngồi nhà mãi. Nấu nướng những món ăn nhạt nhẽo lõng bõng mãi. Thinh thoảng cô có cái thú lái xe đưa các con đi dọc theo đường liên tỉnh. Xuống thăm bà mẹ cô ở một tỉnh phía nam thủ đô. Một trăm năm chục cây số cô phóng mất một tiếng mười lăm phút. Voi mẹ và ba voi con sang xơi cỏ miễn phí nhà bà ngoại. Bà ngoại nấu ăn ngon hơn. Bà ngoại không bày bừa, nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ. Chỉ thế cũng đủ lý do để thỉnh thoảng bốn mẹ con lại rủ nhau sang nhà bà ngoại. Có năm anh bảo ngày mai là Tết Nguyên Đán, làm một bữa ăn Á coi như cá nhà vui Tết với nhau. Anh vào phố Tàu mua hai cái bánh chưng và một ít mứt dừa mứt bí của Việt kiều. Đắn đo một lúc trước quầy tạp phẩm, anh mua thêm một cành đào một cành mai bằng giấy. Không có đào thật mai thật. Anh là người gốc xứ cầu tõm hoa đào nhưng sống nhiều năm ở xứ hoa mai. Hớn hở mang bằng ấy thứ về nhà thì thấy vườn không nhà trống. Đúng chiến lược chống ngoại xâm, ngoại xâm có đến thì trong vườn trong nhà cũng chẳng còn gì mà sử dụng. Anh là ngoại xâm trong nhà chúng nó. Tết là Tết của anh chứ không phải của chúng nó. Chẳng việc gì chúng nó phải ngồi nhà vui vầy cùng anh. Voi mẹ và ba voi con đã kéo nhau đi thăm bà ngoại. Lần này chắc là chúng quyết đi lâu lâu nên chúng đi xe khách, xe hơi chúng bỏ lại nhà. Có nghĩa là anh được một mình trong ba ngày Tết. Ừ thì Tết của riêng anh. Mình bỏ xứ đi gần hai chục năm rồi, có lúc thấy con cái đầy đàn, nhưng ngày Tết nhìn đi nhìn lại chỉ thấy mỗi một mình. Nghĩ đi thì trách. Nghĩ lại thì hận. Hận cái định mệnh. Mình chưa bao giờ có ý định bỏ xứ ra đi. Định mệnh đã đẩy anh vào cái đêm về sáng ấy để bị lôi xềnh xệch lên một con tàu di tản. Không ý hướng gì từ trước, không dự tính không kế hoạch. Chỉ định đi đái một bãi mà đi luôn một mạch sang trời Tây. Giờ thì ngày Tết ngồi đây, một mình. Ngày Tết. Một mình. Anh lấy đất sét nguyên liệu làm tượng ra, nặn những miếng tròn dẹt như quả mứt hồng. Đưa lên miệng hà hơi một cái rồi quật miếng đất sét xuống nền nhà. Phẹt một cái. Ném cái nữa. Phẹt. Mấy cái nữa. Phẹt phẹt phẹt. Trò chơi thời trẻ con ở đồng bằng Bắc Bộ quê anh. Pháo nổ pháo nang. Những miếng đất đập bẹp xuống nền gạch, nứt toét ra ở chính giữa. Mỗi miếng đất hình tròn vỡ toác ra một lỗ ở chính giữa. Nổ to được coi là tài. Nút to được coi là lợi. Cái đứa chơi sau phải lấy đất của nó dán bù vào chỗ nứt toác của đứa chơi trước, rồi mới đến lượt nó quặt miếng đất của nó xuống. Pháo nổ pháo nang, cả làng chịu chứa? Bán nhà bán cửa, mà đền pháo tôi. Anh nhặt những miếng đất hình tròn, mỗi miếng bị toét một lỗ ở giữa, gắn vào mấy tấm gỗ dán, đem hong khô ngoài vườn. Rồi anh dựng những tấm gỗ lên, đặt ngay trước hiên nhà. Một triển lãm sắp đặt. Chất liệu đất sét trên nền gỗ. Những tác phẩm mỹ thuật mới của họa sĩ Á Đông trong ngày Tết nhớ nhà. Những cái pháo nổ pháo nang bây giờ mới thực sự lộ hình dạng. Những cái rắm. Nổ bung ra không kiềm chế. Nổ toét mông đít sảng khoái tự do. Pháo nổ pháo nang sao người Việt không ai thấy nó là tượng hình của những cái trung tiện không kìm giữ. Ngày Tết ở đây phải vào phố Tàu mới có thể nghe đôi ba tiếng pháo tép thách thức cớm. Anh ngồi nhà có cái pháo nổ pháo nang của riêng mình. Anh đã tìm ra ý tưởng cho cuộc triển lãm sắp tới. Sẽ toàn là pháo nổ pháo nang, trên mỗi bảng gỗ sẽ là những sắp xếp bố cục khác nhau. Vài chục cái bảng gỗ pháo nổ pháo nang như vậy. Người ta sẽ đọc tờ rơi giới thiệu triển lãm về một trò chơi ở vùng cầu tõm xa xôi. Người ta sẽ đọc lời bình của một số họa sĩ tên tuổi, tán tụng tác phẩm độc đáo. Những miếng đất hình cầu nứt toác ra ở chính giữa là những con mắt vỡ. Hàng chục con mắt thao láo đã đánh mất điểm nhìn. Hàng chục cái bát Á Đông vỡ ngay từ trong lò gốm chưa ra được với đời. Hàng chục khát vọng tròn đầy viên mãn còn dang dở. Mặc. Nói gì thì nói. Tha hồ cho họ bình tán. Chỉ có anh mới biết nó thực sự là cái gì. Nó là những cái rắm mà anh muốn chổng mông bóp bụng đánh phèn phẹt vào những gì khiến anh uất giận. Vợ đi được dăm ba ngày thì mẹ vợ gọi điện lên. Anh bảo chúng nó về đi chứ. Không thì anh xuống mà đón chúng nó về chứ. Tôi chỉ có lương hưu. Tôi nuôi nó đến mười tám tuổi là tôi tròn trách nhiệm, sau đó nếu bù chì thêm được tí nào là phần lãi suất may mắn của nó mà thôi, lời ăn lỗ chịu. Vợ không chịu đi làm là cái lẽ làm sao. Chồng không bảo được vợ đi làm là cái lẽ làm sao. Chồng không lo được tài chính cho gia đình là cái lẽ làm sao. Lâu lâu chúng nó lại kéo nhau đến nhà bà, bày bừa cả ra. Ba đứa con gái lôi hết xống áo khăn quàng của bà ra bện thành búp bê. Chúng giày xéo vườn hoa nhà bà. Chúng lấy kéo cắt đuôi con lợn cảnh mà bà vẫn dắt đi dạo chơi. Bà chỉ có một thân một mình, bà thương con lợn cảnh ấy như con nuôi. Thế mà chúng nó tàn bạo. Nòi nhà nó, thế nào rồi ba đứa con gái cũng lên xe là rồ máy rú máy như mẹ nó. Nghe bà nói một lúc mới càng hiểu tại sao người Âu Mỹ chuyên đời có chuyện tiếu lâm xung đột mẹ vợ chàng rể. Như là chuyện mẹ chồng nàng dâu ở quê anh. Vài ngày sau, bà mẹ vợ tự tay lái xe chờ cả lũ cháu gái con gái về nhà trả cho anh. Một trăm năm mươi cây số, bà đi mất một tiếng rưỡi. Bà không phóng, bà đi chậm hơn vợ anh mười lăm phút. Nói cho chính xác, bà chỉ có ý định chở chúng nó từ nhà bà ra bến xe khách. Nhưng đến bến xe bà lại nghĩ, nhỡ đâu chúng nó đi được một chặng rồi tự nhiên lại lên cơn thích nhà bà, chúng nó rủ nhau quay lại lần nữa. Chúng nó sẽ giẫm nát vườn hoa và lấy kéo cắt đuôi con lợn của bà. Thế là bà tặc lưỡi tiện tay chở chúng nó về nhà luôn, một trăm rưởi cây số chẳng mùi gì. Ăn chắc. Cũng như bà đã ăn chắc và sòng phẳng đẩy được đứa con gái đi khi cô ta đủ tuổi công dân, bà thừa biết là nó lười biếng, luôn luôn tìm cơ hội để dựa dẫm vào bà. Anh nghe bà già nói chuyện trên trời dưới đất về thời tiết cỏ cây để bà lảng tránh cái chuyện thực chất. Anh ừ anh hử. Rồi anh ngồi thần ra một lúc. Rồi như phản ứng máy móc, anh ra dựng lại mấy tấm sắp đặt pháo nổ pháo nang. Chĩa tất cả ra trước cửa nhà. Như chổng mông ngang nhiên. Như thách thức. Pháo nổ pháo nang. 18 Chính lúc ngồi đối diện với họa sĩ trong trại tạm giam, nhìn nhau qua một bức tường bằng kính trong suốt, nghe nhau nói qua một cái thiết bị tăng âm như cúc áo khoác, chính lúc ấy chú chàng tưởng như trên mặt tường kính là những cái pháo nổ pháo nang. Bằng đất sét. Dính bẹt lên mặt kính. Những cái lỗ nứt toét ra như những cái rắm. Chổng mông vào tất cả. Anh họa sĩ Á Đông đang ngồi kia. Nhưng bây giờ anh không nói chuyện vẽ vòi nặn tượng. Hỏi han mấy câu về vợ con thì đã xong. Chúng nó chưa đến thăm anh. Vợ chưa đến thì không có ai mang con đến. Tết chúng đã để anh một mình. Tù chúng cũng để anh một mình. Chú chàng đàn em này mà không đến thì anh hoàn toàn một mình. Anh không nhìn thấy nhưng cũng đoán ra giờ này vợ đang ngồi nhà than vãn khóc lóc cho số phận hẩm hiu lấy phải chồng đụt. Thêm đụt lại còn vi phạm pháp luật đi trồng cần sa. Sắp tới biết lấy gì nuôi con. Cô ta làm sao chứng minh được khả năng tài chính để có quyền nuôi con. Cô ta làm gì có thu nhập. Cô ta chưa bao giờ nhìn được xa hơn quãng đuờng một trăm rưởi cây số. Cô ta sẽ phải ngồi yên giương mắt ra mà nhìn người ta bắt ba đứa con gái vào trường từ thiện. Còn một đứa trong bụng nữa. Cô ta cứ việc ngồi đấy mà khà khà khà. Thôi, thăm nhau trong tù, nói làm gì những chuyện bế tắc. Chú chàng có kể với anh rằng hai tuần qua chú đến thăm vợ con anh được hai lần. Mỗi lần để lại cho họ một nghìn đô. Chú không kể chú đã viết thư cho bố xin tiền để bù vào hai khoản này. Vài dòng thư lâm li kể chuyện một anh bạn bị đi tù oan, con cái nheo nhóc, nhìn thấy thế chú không thể không giúp. Nhưng chú tự nhủ cũng chẳng giúp mãi được. Đúng như cô vợ họa sĩ vẫn lý sự theo kiểu phương Đông, trời sinh voi trời sẽ sinh cỏ. Rồi chuyện chuyển sang hướng khác. Chú có nhớ cái ông nhà văn Việt Nam sang dự liên hoan nhà văn quốc tế mà anh em mình đã gặp ở gần bến cảng Round Quay không, ông ấy đấy. Anh vừa đọc một cuốn tiểu thuyết của ông ấy. Ngoài kia anh có bao giờ đọc sách. Thì giờ đâu. Vào đây mới đọc sách của ông ấy. Sách ở đâu ra ư. Một ông nghị sĩ đề xướng chương trình mang sách đến cho tù nhân. Tù nhân nước nào thì ông ấy mang sách tiếng nước ấy đến. Có sách tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Đức tiếng Tây Ban Nha. Có sách tiếng Arab tiếng Trung tiếng Hindi. Có sách tiếng Việt cho anh. Ông mượn sách từ thư viện tổng hợp thành phố và chở đến phát cho tù mượn. Anh đọc cuốn sách của ông nhà vãn mà anh đã gặp trên bến cảng thành phố này. Anh muốn bây giờ được gặp lại ông ở đây, nói với ông về những điều mà cuốn sách gợi cho anh muốn nói. Giá mà lúc này có ông ở đây. Văn chương là thứ không giúp gì được cho anh lúc anh đang tự do thì lúc không còn tự do nó lại khiến anh ngẫm nghĩ, khiến anh làm một cái gì đó, khiến anh muốn bày tỏ một điều gì đó. Nghe anh nói mà tò mò. Chú chàng về thư viện trường tìm được cuốn sách mà anh họa sĩ vừa đọc. Nó nằm trong khu vực sách Đông Nam Á, ở chỗ giá sách tiếng Việt, ông ấy viết về một cõi người bấn loạn, đầy nhầm lẫn và ngộ nhận. Ba thằng thanh niên định hiếp định giết một cô gái nhưng chúng lần lượt chết bằng chính cái cách mà chúng định làm với cô kia. Thằng định siết cổ cô thì chẳng hiểu sao chết với sợi dây treo cổ lủng lẳng giữa phòng tắm. Thằng định dùng xe máy đâm cô thì chết cùng chiếc xe máy tan tành. Cuối cùng anh chàng thứ tư định đi trả thù cho ba đứa kia đã phát hiện ra một điều bí ẩn. Hành trình đi trả thù trở thành hành trình sám hối và ăn năn. Chú chàng chưa bao giờ đọc một cuốn tiểu thuyết. Chú thấy ông nhà văn đã viết ra những điều mà ai cũng có thể viết. Hoặc là tưởng rằng ai cũng có thể viết. Chú có thể viết được như thế và hơn thế. Chú đã định đến hỏi anh họa sĩ có điều gì trong cuốn sách ấy đã khiến anh tạm quên được những giây phút ngồi tù, khiến anh tạm không hỏi xem vợ con anh ngoài cõi người kia mỗi lần cầm tạm của chú một nghìn đô đã nghĩ ngợi ra sao. Khi chú bị trục xuất trở về Hà Nội, chú thuê nhà ở riêng, bí mật ngay cả với bố mẹ. Nhưng với một người thì chú phải lộ mặt ra. Chính xác thì lộ danh tính ra trên điện thoại. Trước đó chú gửi thư điện tử cho ông nhà văn. Địa chỉ xin được nhờ chat chit với những người không quen trên mạng. Một người nghe chú hỏi, thì đính kèm ngay bản chụp một trang sách. Chính xác là trang bìa lót có bút tích của nhà văn. Dòng chữ nhà văn ghi thân mến tặng một chị tên là ĐT. Chú không nhắc lại chính xác tên người ấy làm gì. Cuốn sách nằm trong cái thúng của bà đồng nát được một công dân mạng mua lại. Công dân này bình luận với chú: chỉ một việc có văn hóa mà không làm được, ấy là trước khi vứt sách thì xé bỏ cái trang có lời đề tặng đi. Mấy người khác tức khắc suy đoán: có thể không phải cái bà ĐT vứt sách đi mà là chồng con bà ấy dọn nhà, tự ý quẳng ra cho đồng nát. Mà chính bà ấy vứt đi thì cũng đã sao. Nhưng đúng là nên xé cái trang người ta ghi tặng mình. Mà nó vào thúng sách cũ cũng có cái hay, nhờ vậy mà chính bạn đã tìm được nó trong cái thúng đấy thôi. Sách lại tìm được người cần đến nó. Chú xông vào khoang chat chit hỏi ngay công dân này có biết địa chỉ cái ông viết lời đề tặng hay không. Mấy người khác vào ngay, người cho số phôn, người cho địa chỉ thư điện tử. Mười lần quăng lưới sao cũng bắt được con cá. Chú viết thư cho nhà văn: cháu xin được gặp chú. Chưa viết đã biết trước câu trả lời, đúng in câu trần tình ông nói trước công chúng trên bến cảng Round Quay năm trước. Tôi không bao giờ gặp gỡ người đọc. Biết trước nên chú chàng cũng nói luôn trong thư. Cháu thì chẳng bao giờ cần gặp nhà văn làm gì, chẳng qua bạn cháu đang ngồi tù ở hải ngoại, cái anh họa sĩ đã gặp chú ở liên hoan năm trước, anh ấy muốn cháu đến đưa cái thư của anh ấy cho chú và mong chú trả lời. Người gặp năm trước thì chưa chắc ông nhà văn đã nhớ, lại gặp ở tận bên trời Tây. Độc giả thì ông không bao giờ muốn gặp. Nhưng đây là độc giả đang ngồi tù. Có thể ông nhà vần đã nhận lời nhờ chữ ngồi tù ấy. 19 Ban đầu họa sĩ và chú chàng định rủ nhau đi ăn tối. Lâu lâu chua ăn hải sản, ra Bến Cảng Tròn Round Quay uống bia ăn cua bể một bữa. Ra đến bến cảng, bỏ xe trong bãi đỗ, đi bộ qua khu vực cầu tàu thì thấy nó đã được che bạt dựng sạp trở thành một địa điểm liên hoan. Liên hoan nhà văn quốc tế. Sách bày ra bạt ngàn. Người ra vào nườm nượp. Hầu như ai cũng ôm một túi sách vừa mua, mặt mũi hớn hở cứ như được nhận quà miễn phí. Dân ở đây ngồi trên tàu điện trên xe buýt trên máy bay lúc nào cũng thấy giở sách ra đọc. Đến địa điểm liên hoan này mới thấy có lẽ toàn bộ đám đọc sách trên tàu trên xe kia trong khoảnh khắc đã dồn hết về đây. Cái phông to tướng trên bến cảng vẽ hình một chiếc bút lông ngỗng màu trắng. Chiếc bút vẽ lèn cái phông màu xanh nước biển hai nét đơn giản trông như hai cánh buồm mà cũng như hai trang sách đang mở ra. Hai anh em ghé lại, đọc cái pa nô chương trình thì thấy có một nhà văn Việt Nam sẽ đọc sách trước công chúng. Reading. Từ mười chín giờ đến hai mươi giờ. Hội trường số bảy. Hội trường số bảy ở đâu. A, ngay kia thôi, góc quảng trường bên lề bến cảng. Hai gã không bao giờ đọc sách rủ nhau vào xem buổi đọc sách. Xem. Chưa hẳn để gặp nhà văn. Chưa hẳn để nghe. Chưa hẳn vì tiện sắp đến giờ bắt đầu. Chưa hẳn vì đó là một người Việt mới từ trong nước sang. Nhưng chắc hẳn là có cả bằng ấy lý do. Sân khấu trang trí như một xa lông văn học. Một bộ sofa màu huyết dụ. Trên mặt bàn đặt ba cuốn sách chồng lên nhau. Sách của nhà văn đang đối thoại với công chúng. Chùm ánh sáng từ phía trên đầu chiếu xuống làm lọ hoa pha lê trên mặt bàn long lanh chuyển sang màu hồng ngọc. Nhà văn Việt Nam ngồi đối diện với nhà văn bản địa Peter Moore. Hai anh em không biết gì về cả hai nhà văn ta và Tây. Nhà văn ta đọc hai mươi phút đoạn trích từ bản dịch tiếng Anh tác phẩm của mình. Bốn mươi phút còn lại, ông đối thoại với nhà văn Tây. Tây hỏi những câu liên quan đến nghệ thuật và kỹ thuật văn chương. Ta trả lời. Tây hỏi những câu về thế giới về đời sống, hỏi như nhân danh người đọc mà hỏi. Ta trả lời. Ở nước ông, ông có phải là nhân vật của công chúng không, người ta có nhận ra ông ở nơi công cộng không. Không, không hề, tôi luôn từ chối xuất hiện trên truyền hình trên mạng trực tuyến, cho nên tôi không bao giờ bị nhận ra giữa đám đông. Một vài cái ảnh tôi có đăng trên báo chí, nhưng phải nói thật, bạn khó mà bị nhận ra từ một tấm ảnh. Ông có thể giải thích lý do được không. Giải thích thì được. Bạn có thể lội xuống bên bờ hồ trung tâm để xem một con rùa nổi lên mà không bị nguy cơ sẽ có người chụp cái ảnh ấy đưa lên báo chí truyền hình rằng nhà văn bất ngờ bị chập cheng hâm hấp, bạn có thể đứng trên vỉa hè ăn kem một cách tự nhiên mà không có nguy cơ một người nhân danh bạn đọc chen ngang cái kem mà hỏi bạn thường viết những điều có thật hay bịa đặt. Bạn cũng chẳng cần được anh cảnh sát nhận ra và miễn phạt sau khi nhỡ vượt đèn đỏ. Tây lại hỏi. Ta lại trả lời. Vậy thì tại sao ông lại chấp nhận xuất hiện trong cái liên hoan có hàng nghìn người và chấp nhận ra mắt trong một hội trường vài trăm người này. Tại sao ư, nếu tôi không nhận lời thì làm sao tôi có cơ hội để đến được với đất nước của các bạn như một chuyến du lịch miễn phí, tôi chỉ đến đây dăm bảy ngày rồi về, tôi không sợ bị nhận ra ở nơi công cộng. Tây lại hỏi. Ta lại trả lời. Liệu có thể suy luận rằng ông không thích gặp người đọc bởi vì ông sợ làm cho người đọc thất vọng hay không. Đúng quá đi rồi, hãy để cho người đọc dựa theo sách mà tưởng rằng tác giả cao lớn hào hoa phong nhã tinh tế lịch lãm, hoặc họ có quyền tưởng rằng tác giả râu ria xồm xoàm, sẹo đầu sẹo cổ, thẳng thừng trắng trợn mạnh mẽ, đúng là đừng để cho họ thất vọng về nhà văn. Ngùng một lát, nhà văn ta nói tiếp. Nhưng cuộc gặp gỡ ấy thực ra cũng có thể làm cho nhà văn thất vọng về độc giả chứ, nhà văn chúng tôi cũng phải có quyền tưởng tượng rằng độc giả của mình cùng xinh đẹp duyên dáng, cũng mạnh mẽ ngang tàng, cũng lịch thiệp tinh tế, cũng thông minh sắc sảo uyên bác, chúng tôi cũng phải được có cái quyền không bị vỡ mộng. 20 Sáu mươi phút trôi qua. Buổi đọc sách và giao lưu kết thúc. Vài trăm người ra khỏi hội trường trừ lại khoảng dăm chục người mua sách xếp hàng chờ nhà văn ký lưu niệm. Họa sĩ và chú chàng bảo nhau ở lại. Hình như vì cả mấy lý do khiến họ tiện chân ghé vào đây. Cũng mua mỗi người một cuốn sách, không bảo nhau nhưng đúng là như động lòng trắc ẩn, mua sách ủng hộ một nhà văn đồng hương mới từ trong nước sang. Hai cuốn ấy về sau mang về nhà cũng chẳng đọc, chẳng biết đã bị ai đó tha lôi đi đâu đó, chẳng biết có rơi vào tay một độc giá mọt sách nào hay không, chẳng biết có còn nguyên chữ ký lưu niệm mà ném vào hiệu sách cũ hay không. Họa sĩ chẳng đọc cho đến khi vào tù, được một ông nghị sĩ Tây mang sách vào tận nơi cho mượn, bản tiếng Việt hẳn hoi chứ không phải bản dịch tiếng Anh. Chú cũng chẳng đọc cho đến khi tù nhân họa sĩ làm chú nổi lòng tò mò. Người ngồi trong tù, kẻ ngồi ngoài tù lúc ấy mới đọc. Hai chú xếp cuối hàng. Đứng trước họ là một ông trông giống người Hoa. Kính lão, mũ phớt, hết giao lưu rồi, trong hội trường đội mũ cũng được, không bị coi là bất lịch sự. Khi chỉ còn lại ba người mua sách cuối cùng với nhà văn thì hóa ra ông kính lão mũ phớt cũng là người gốc Việt. Kính anh, xin anh chữ ký. Ông nói giọng Bắc năm tư. 1954 là năm một cộng đồng người Bắc di cư vào Nam. Họ giữ nguyên giọng Bắc không pha tạp cho đến năm bảy lăm. 1975 họ một lần nữa di cư sang Âu Mỹ, mang nguyên cái thổ âm ấy sang xứ sở mới. Họ là cái bảo tàng sống lưu giữ nguyên vẹn một ngôn ngữ, một âm điệu, một cách phát thanh. Bảo thủ. Bảo thủ cùng lúc có cái hay hay và cái dở dở. Ít nhất nhờ nó hay mà lúc này ông nhà vân nhận ra ngay cách phát âm đồng hương Hà Nội, dù cách phát âm ấy người Hà Nội bây giờ coi là lỗi thời, là giọng quê. Nhà văn chào lại bằng tiếng Việt, giọng Hà Nội của sáu mươi năm sau đáp lại giọng Hà Nội năm tư. Rồi ông đặt bút. Ký. Ký. Ký. Ba chữ ký cuối cùng, ông Bắc năm tư đề nghị nhà văn hãy viết tên tôi, đầy đủ, tôi còn phải đem khoe con cháu tôi nữa. Vâng, tên tôi là Lê Tư Rinh. Nhà văn hỏi lại, Tư Dinh phải không bác, dê đê D chứ không phải e rờ R phải không bác. Ông Năm tư kiên định, không, tên tôi viết cho đúng phải là Rinh. RRRRRRRinh. Ông uốn lưỡi lên cho nó rung bần bật. RRRRRRRinh. Nhà văn gật gù, tất nhiên tôi sẽ viết đúng như bác yêu cầu, nhưng chính tả thời nay thì Dinh mới có nghĩa, dinh là dinh thự, tư dinh là cái dinh thự riêng của ai đó. Chữ Rinh thì bác khó mà tìm thấy trong từ điển, tôi không muốn nói là nó không có nghĩa, đúng ra thì thổ âm thổ ngữ miền Trung có chữ rinh, đấy là một động từ chỉ hành động ta khiêng vác bưng bê một cái gì đó. Rinh cho tôi cái ghế ra đây. Bác là người Bắc chứ đâu phải người Trung. Bắc cùng lắm chỉ có chữ rinh trong động tính từ rung rinh. Chuyện trò về lời lẽ ta để lại sau đã, ông Năm tư nói. Ông mời nhà văn và tiện đây người Việt gập nhau, ông mời cả hai chú độc giả xếp cuối hàng đi ăn tối. Tiệm ăn của ông ớ cách đây chỉ mười lăm phút đi bộ. Tôi nay ông nhà văn cũng không còn chương trình nào khác với ban tổ chức, ông nhận lời. Họa sĩ và chú chàng nhận lời, nào thì đi. Từ bến cảng họ đi bộ khoảng hai mươi phút đến tiệm ăn của ông. Tiệm ăn Việt và ăn Tàu. Vietnamese and Chinese Restaurant. Kinh nghiệm của thực khách là tiệm ăn chuyên một món bao giờ cũng ngon hơn là bán hai ba món cùng lúc. Chính ông nói vậy. Chính ông lại giải thích luôn rằng nhưng tuy nhiên ở mấy cái phố Tây không sành đồ ăn Á Đông này, phải vừa ăn Việt vừa ăn Tàu mới nhiều khách hơn. Nhưng tuy nhiên. Đã nhưng lại còn tuy nhiên. Chắc đó là cách nói của cái thời người Hà Nội còn phát âm Dinh là Rinh. Nhà văn và hai chú chàng Bắc đều gọi ông chủ tiệm là Dinh. Ô không, xin các anh nói cho đúng, Rinh nhé. RRRRRRRinh. Lưỡi uốn cong lên, đầu lưỡi chạm lên trên hàm ếch rồi bật mạnh ra phía cửa miệng, đẩy mạnh một luồng hơi ra. RRRRRRRinh. Vui chuyện, ổng chủ tiệm kể những chuyện tình bốn chục năm ông đến xứ này. Ông rời Sài Gòn từ năm bảy ba, trước khi Sài Gòn sụp đổ hai năm. Sang đây đi học, ông cặp với mấy con Tây mấy con Á mấy con Phi. Cặp bồ, dan díu, lòng thòng tình dục với nhau, ông gọi là răng rện. Nhà văn phải giải thích cho hai thanh niên rằng răng rện thực ra là phát âm của giăng giện, hay là giăng nhện, con nhện chăng tơ để bắt mồi như giai giăng bẫy bắt gái. Giăng giện là một từ khá là cổ khá là địa phương của xứ Bắc. Nhưng phát âm theo kiểu ông Rinh thì phải là răng rện. Phải là rrrăng rrrện nhé. Nào uốn cái lưỡi lên, các vị phát âm như thế không ra giọng Hà Nội. Họa sĩ phải vào cuộc, bác ơi, cháu quê vùng cầu tõm cách Hà Nội tám mươi cây số, quê cháu vẫn phát âm đúng như bác đang nói đấy, chính vì thế mà cháu đi đâu cũng bị cười cái giọng nhà quê, vào Nam rồi, đi đâu gặp phải người Bắc cũng bị họ cười giọng nhà quê. Chú chàng nhớ lại chuyện này lúc ngồi đối diện anh bạn họa sĩ qua bức tường kính ở trại tạm giam. Họa sĩ đang rầu rầu nói cái giọng cầu tõm quê anh. Chú mày ạ, Mỹ nó chỉ có một cái rại khi nó can thiệp vào Việt Nam. Còn anh mày đời có mấy cái rại, cái rại thứ nhất là chịu theo con bồ nó rủ xuống Vũng Tàu. Cái rại thứ hai là mon men ra trước ghềnh đá hút thuốc lào với mấy thằng nhận là đồng hương cầu tõm để nó đùn lưng bắt đi vượt đại rương. Cái rại thứ ba là lấy mụ vợ cầm chim Rodin. Cái rại nữa là rích rắc kiếm tiền trồng hoa trồng hoét để mà rung răng rung rẻ vào đây. Càng nghĩ anh càng thấy mình toi một đời vì mình rại rột, rại rột quá. Nhưng lúc ngồi trong tiệm ông Rinh thì chưa xảy ra câu chuyện rại rột. Họa sĩ quê cầu tõm chỉ uốn lưỡi đưa ra mấy cái ví rụ để chúng minh rằng ông Rinh có thể đang nói rọng Hà Nội năm tư, nhưng cái rọng ấy bây giờ sẽ làm cả Hà Nội cười lăn cười bò ra. Rọng ấy bèn bẹt khê khê, trịnh trọng khách khí, nó thiếu cái sinh sắc linh hoạt tân kỳ, đúng y rọng mấy ông bà em xi trong những chương trình ca múa nhạc văn nghệ hải ngoại. Nó lỗi thời rồi, lạc hậu rồi, cũ rích rồi, không còn ai thích răng rện với nó nữa. Rưng mà. Rưng mà chỉ là chê nhau. Người xưa người nay chê nhau. Người xưa như ông Rinh thì bảo rọng Hà Nội bây rờ chiu chiu như chim hót nghe chẳng ra làm sao. Thôi, chuyển sang chuyện khác. Ông Rinh bảo như mọi người Việt có truyền thống thơ ca, ông cũng làm thơ, thơ cho mình thôi, ông chưa mặt rày đến mức thơ sổ tay của mình mà lại đem in thành tập. Ông cũng không mặt rạn mày rày mượn cớ mời người khác ăn tối mà tranh thủ xuất bản miệng tra tấn cái lỗ nhĩ của người ta. Chỉ một bài thôi, vì đây là bài thơ ông kể chuyện ông là người Hà Nội. Nhà tôi xưa ở ngõ Hàng Lọng chuyên bán lọng che, Ở bên kia tàu hú còi ga Hàng Cỏ. Tuổi lên mười tôi theo sau thầy bám sau váy mẹ. Từ Hải Phòng con tàu vào Nam dập vùi say sóng. Tôi nhớ trước cửa nhà có cây hoàng lan. Bốn mươi năm sau tôi về lại ngõ xưa để ngồi xuống sờ gốc cây hoàng lan. Người và cây già thêm bốn mươi tuổi nhưng bàn tay sờ gốc cây là của đứa trẻ lên mười. Đọc xong bài thơ, ông Rinh đi sang phía một cái bàn ăn cách đấy không xa, mời bằng được bà mệnh phụ bên ấy sang để giới thiệu. Quý bà đây là dân biểu của người gốc Việt ở quận này, bà là khách quen của tiệm tôi, bà cũng thuộc một gia đình Bắc năm tư như tôi, nhưng bà còn trẻ, bà sau tôi một thế hệ. Còn đây là ba ông người Bắc rặt, Bắc thật thà, Bắc không rung rinh, ông phạm húy, dùng từ rung rinh có tên mình trong ấy. Chú chàng há miệng nghe ông nói mà thầm nghĩ ông phạm húy chứ ông không để ý từ ngữ nữa. Bà dân biểu quận ngồi xuống, mắt ươn ướt kể chuyện mới hôm qua con mèo của bà chạy ngang đường bị xe hơi đâm chết làm bà khóc mất một ngày. Dần dần (rần rần, theo cách phát âm của ông Rinh) bà kể chuyện trong quận của bà, bà đã cho dẹp khá triệt để nạn người Việt đi làm dịch vụ trồng cần sa, dẹp cả nạn ma cũ rủ ma mới đi hút hít tiêm chích, cứ rủ được thêm hai đứa hút hít thì đứa đi rủ sẽ được ông bầu cho dùng thuốc miễn phí. Bà dẹp được. Các loại ông trùm mafia đang gọi bà là nữ quái. Nữ quái mà có con mèo chết cũng khóc ti ti một ngày. Bây giờ mắt bà đã khô lại. ông Rinh tiện thể đọc lại bài thơ sờ gốc hoàng lan cho một mình bà dân biểu nghe. Ba người kia thì nghe lại, nghe lần thứ hai, không sao. vì thơ ấy không giả dối, có thể nghe lại được mà không buồn nôn. Quả nhiên. Bài thơ làm bà dân biểu mắt đã khô lại bắt đầu ươn ướt như lúc trước. Dân dấn (rân rấn) nước mắt. Cùng một lúc mà hai nỗi buồn nối tiếp nhau như thế có thể là hơi nhiều với bà. Bà chuyện trò thêm một lát nữa rồi xin phép về trước, bà đã ngồi ở đây khá lâu, từ trước khi ông Rinh dẫn ba người khách vào tiệm, ông Rinh cảm động. Bà dân biểu đã suýt khóc khi nghe thơ ông. Chu đáo như với mọi thực khách quen, ông hỏi trước khi bà rời bàn của họ, thái độ quan tâm lịch sự chân tình. Quý bà, quý bà có nhu cầu chuồng xí không. Ba ông khách không ai dám cười. Chuồng xí. Trời ơi, Hà Nội bây giờ ai mà dùng từ chuồng xí nữa. Có thể đâu đó nông thôn Bác Bộ vẫn có người dùng. Giống như họa sĩ quê cháu vẫn còn câu đồng dao lũ trẻ rêu rao khắp làng, nhảy chuồng chồ vồ bãi cứt. Chuồng chồ chuồng xí. Nhưng Hà Nội thì không, giới thị dân thì không, với các quý bà lại càng không. Ông Rinh đã rinh cái chuồng xí ấy đi từ năm năm tư cho đến năm bảy ba ông rinh tiếp nó sang cái xứ răng rện này. 21 Chú chàng về đến Hà Nội không có bố mẹ ra đón. Tất nhiên. Với ông bô bà bô, chú vẫn đang là một sinh viên con ong chăm chỉ ở tận bên trời Tây, vừa hết năm thứ hai chuẩn bị lên năm thứ ba. Về Hà Nội chú phải đi thuê nhà ở nơi khác. Tất nhiên. Mò về nhà bây giờ trong cơn kinh hoàng của mẹ và sự giận dữ của cha tức là tự dẫn thân vào hang cọp. Ở bên kia, trong đồn cảnh sát, cả khi ra đến sân bay, có lúc cảnh sát đã tỏ vẻ quan tâm mà hỏi chú rằng gia đình có ai đón chú ở đầu Hà Nội không. Chú đã lạnh lùng mà rằng bố chú chết rồi. Người Việt kỵ nói, rằng người thân của mình ốm đau chết chóc trong khi họ vẫn khỏe mạnh tung tăng. Phi phui cái mồm. Nói thế quá bằng mong cho người ta chết. Nói thế rất dễ biến lời nói tưởng gió bay thành sự thật. Nhưng chú đây không kiêng không kỵ. Chết bớt đi. Lúc nói với cảnh sát chú thản nhiên, nói chuyện chết với ai chú cũng thản nhiên. Với bất kỳ ai, khi cần một lý do vớ vẩn thôi, chú sẵn sàng lôi ra chuyện bố chết mẹ chết, thậm chí ông bà nội ngoại chết, ngay cả khi ông bố thực sự đã chết từ lâu. Sao em không tham gia chương trình vận động sinh viên nếp sống lành mạnh good temper ngày hôm qua. Thưa thầy, hôm qua em nhận được tin bà nội em chết. Cậu hẹn nộp bản thuyết trình đề tài sáng nay mà, văn bản của cậu đâu. Ôi, mình không còn đầu óc nào mà viết lách, hôm qua mình được tin mẹ mình bị ung thư, có lẽ không qua khỏi, lúc này mình chỉ muốn bay ngay về nhà. Cứ kiểu ấy mà nói. Thâm tâm không tin rằng mình và người thân của mình sẽ chết. Ai đó bất kỳ ở đâu đó bất kỳ mới chết. Người nhà mình thì không. Mình thì không. Lúc nói với cảnh sát, thâm tâm chú cũng chờ một điều thần kỳ. Câu bố chết biết đâu có thể động lòng trắc ẩn của một người cảnh sát vô sinh hiếm muộn thèm có con chẳng hạn. Ra đón chú ở sân bay có hai người. Cô bồ cũ thời năm cuối phổ thông. Thêm một anh dáng vẻ như một anh thợ điện cao to khá đẹp trai. Cô bồ giới thiệu đó là anh giúp việc cô thuê riêng để trông nom căn nhà mới thuê, chính anh là người đã đi thuê nhà và sẽ thường xuyên có mặt giúp việc hàng ngày. Hai người ra đón, hai con người sẽ kè kè bên chú trong thời gian chú lẩn lút trốn tránh cha mẹ. Kể ra chú chẳng phải sợ ai, chú cứ dẫn xác về nhà với bố mẹ cũng được. Cơn sốc ban đầu rồi cũng phải qua đi. Sóng gió chốc lát rồi cũng phải qua đi. Cha mẹ nào cũng phải chấp nhận con cái như cái bình gốm lấy ra từ khuôn trong lò nung, không nặn lại cho tròn cho méo khác đi được. Chấp nhận thôi. Nhưng về nhà ngay lúc này giống như chú chàng vội vàng thừa nhận thất bại. Thừa nhận với chính mình. Cũng chẳng dại gì ló mặt ra để bị cắt phăng một khoản kinh phí chỉ đành cho đứa con du học ở trời Tây. Chẳng dại. Về đến nhà mới, việc đầu tiên là dằn ngay cô bồ ra. Anh giúp việc bê một cái va li và một túi xách tay vào lảng ngay đi đâu đấy lên tầng ba. Chỉ còn lại anh ả. Cô ả hồi lớp mười hai đã phải một lần chú chở đến bệnh viện xê để nạo thai. Những cô ả khác thì chú chẳng chịu như thế. Chứng tỏ rằng cô ả này có một cái gì đó khiến chú phải cư xử khác. Điều ấy cũng khiến cho chàng nàng trở thành cặp vợ chồng trẻ trong mắt nhân viên bệnh viện. Lũ con gái đến đây thường là đi với mẹ hoặc chị hoặc bạn gái hoặc phải đi một mình. Cô này thì có một thằng chồng mặt non choẹt dẫn vào, rồi ngồi chờ bên ngoài, mặt mày có vẻ xót xa khi nghe thấy tiếng đàn bà con gái rú rít vọng ra. Cô này khá kiên cường. Cô tự trèo lên mặt bàn nạo thai, tự giạng chân ra cho bác sĩ thao tác. Xong xuôi cô đi cà nhắc tập tễnh ra hành lang cho gã chồng non choẹt dìu đi. Không rên ri kêu than khóc lóc. Không. Có khi thế mà làm cho chú chàng có ấn tượng. Cho nên khi biết chắc chắn mình bị trục xuất, chú lập tức nhớ ra ngay cô nàng trong đám gái mà chú đã ngủ thời phổ thông. Chú rút điện thoại di động gọi ngay cho cô nàng. Thuê cho anh một căn nhà, có biết chỗ nào kha khá không, trong ngõ à, trong ngõ kín đáo lại càng tốt. Thuê cho một người giúp việc nữa, có ngay à, tuyệt vời, anh đã biết chỉ cần gọi cho em là xong ngay mà, em là người phụ nữ Việt Nam trên đỉnh cao tuyệt vời đấy. Đĩ mồm. Nói xong một lúc mà chú vẫn còn cố nhớ xem cô nàng này thường kêu rên kiểu gì. Đi nạo thai thì không kêu thét, tỏ ra rất kiên cường bất khuất. Nhưng trên giường thì cô rên ri. Những cô ả khác kẻ thì im thin thít như em chờ xem anh còn giở trò gì nữa ngay cả khi trò đã kết thúc, kẻ thì rú lèn như gặp thằng bị bệnh mào tinh, luồng chất lỏng như một con dao găm cắm phập vào, kẻ thì hờ hờ như khóc vì vừa mất ví tiền trong chợ. Riêng cô nàng này thì rên ri, rên nho nhỏ, như bị đứt tay. Nhớ ra rồi, như bị đứt tay. Cô bị đứt tay ở với chú đến mười một giờ đêm thì ra về. Con gái con đứa vừa nghe nói bạn trai cũ hồi hương là xông ngay đến, nhưng đêm thì cũng phải quay về nhà với ông bô bà bô có gia phong. Chút chít chùn chụt cắt ngang những dòng thư điện tử chú viết trên máy tính. Vừa về đến nhà là phải viết thư ngay cho ông bô để nhắc nhở gửi tiền vào tài khoản của chú. Chút chít chùn chụt trên xe chú đưa cô nàng về nhà. Anh giúp việc kiêm luôn lái xe. Cái xe này anh ta đã kịp thuê để ra sân bay đón chú và sẽ sử dụng trong thời gian tới. Chút chít chùn chụt. Anh hoàn toàn im lặng, thái độ của anh cứ như là chẳng có ai ngồi ở đằng sau. Hóa ra anh giúp việc cũng ở luôn trong căn nhà cô bạn thuê cho chú. Hợp đồng với cô có quy định anh phải ở luôn trong nhà. Một người giúp việc kiêm đầu bếp kiêm lái xe chắc chắn phải ở luôn trong nhà với chủ. Hon ba giờ sáng, chú nhận được tin nhắn của một thằng bạn, mày có thể ra đường bây giờ được không. Nửa đêm, chắc có việc khẩn mới nhắn bạn ra khỏi nhà, có khi tai họa gì hay trục trặc gia đình. Thì ra đường, thôi thì nhân tiện làm cho một đêm trường đỡ tẻ nhạt. Chạy lên phòng anh giúp việc ở tầng trên, dựng anh dậy. Ngủ li bì khoanh tròn như một con trăn, gọi một lúc mới tỉnh, nhưng bảo đi với em ra đường là bò dậy, đánh xe ra khỏi cổng là tỉnh. Anh có đặc điểm khi lái xe là tỉnh như sáo. Nhưng bất kể khi nào, bảo ngồi sang bên cạnh để cho chú lái thì anh lại ngủ li bì như trăn. Ra khỏi nhà, chú mới móc di động a lô cho thằng bạn hỏi xem có chuyện gì bất thường giữa đêm hôm thế này. Gì, có chuyện gì mà nửa đêm dựng con người ta dậy. Không phải mày vừa nhắn tao ra đường ngay bây giờ hay sao. Gì, trời ơi, cái tin ấy tao nhắn lúc bảy giờ tối, định rủ mày ra ăn tối với vợ chồng tao, không thấy mày trả lời tướng mày bận, tin bây giờ mới đến à, mạng di động Việt Nam thế đấy, bây giờ tao mà bò dậy ra đường báo đi với mày thì vợ tao nó cắt chim, nó chẳng tin đâu. Điện thoại thế đấy. Nhắn chập tối mà nửa đêm về sáng tin mới đến. Chỉ còn biết trách nhà mạng. Đã ra đường giờ này mà quay về thì phí. Hai anh em bèn thẳng đường đến quán Đêm Màu Xanh uống vài ly cốc tây. Hai ông đực rựa lúc nửa đêm ngồi uống và nhìn nhau, trong mắt dân tình là nhìn nhau đắm đuối, cứ như hai gã đồng giới sắp rủ nhau lên giường. Được một lúc, anh trăn gục xuống mặt bàn mà ngủ, ngủ rất yên, im lìm như con trăn. Chú chàng đỡ cho anh nằm xuống cái sofa kê sát tường, còn chú trở lại ngồi đối diện, uống một mình. Trong mắt dân tình, một gã nằm ngủ trên sofa, một gã ngồi uống là sự tình làm sao nhỉ. Kệ, chú chưa bao giờ quan tâm dân tình nghĩ gì về mình. Chú chỉ nghĩ về anh trăn. Thoáng nghĩ hay là anh trăn yêu chú thật. Ba mươi sáu tuổi mà chẳng yêu đương bồ bịch gì, cứ nhất nhất cung phụng một thằng không phải là bạn không phải là họ hàng thân thích. Không nề hà. Có buổi chiều một cô bạn gái khác mò đến, chú chàng được bữa ăn vụng. Cô này thì cứ ôi ôi ôi như xe nảy tưng tưng qua một loạt ổ gà trên đường. Ôi ôi ôi. Anh trăn biến mất vào một phòng nào đấy trong nhà hoặc có khi đã ngủ như trăn trên phòng anh ở tầng ba. Ôi ôi ôi xong thì cả đôi tự nhiên tán chuyện thèm ăn lẩu ếch. Thèm nhưng ngại đi ra đường, lại nghĩ quán lẩu mùa hè khói tỏa ngùn ngụt. Bàn nhau như thế trước mặt anh trăn. Anh bảo để anh lên quán lẩu ếch hồ Trúc Bạch mua toàn bộ một nồi nước dùng, đầy đủ thành phần măng ếch gia vị, mang về nhà anh ả ngồi ăn tha hồ mát. Nói là lái xe đi luôn. Không quản ngại. Không ô sin nào làm được như thế. Không thằng bạn nào làm được như thế. Không anh em nào làm được như thế. 22 Anh trăn lại còn cứu chú khỏi một trận đánh ghen rất có thể là kinh hoàng. Kinh hoàng và ầm ĩ. Nhưng may mắn là nó không xảy ra. Nhờ anh. Ngồi một mình buồn buồn tê tê, chú chàng mới cầm máy gọi cho một cô bạn cũ. Cùng là bồ cũ, đã vui chơi có thưởng từ ngày học phổ thông nhưng chưa phải vào viện xê. Bảo anh mới về nước, anh em mình lại có dịp hội ngộ, đến đây ngay nhé, mang theo laptop, lấy bộ ảnh từ máy anh sang, lưu giữ kỷ niệm vẻ đẹp thân thể thời trai trẻ của anh. Chú chàng đã bỏ đi vài ba năm rồi, ấy thế mà vừa mới đánh tiếng trở lại, cô ả đã lon ton đến ngay, mang theo máy tính xách tay đúng như chú bảo. Con gái con đứa thế đấy. Cái vụ thằng thanh niên cắt cổ con bồ cũ xảy ra chưa lâu, thế mà chẳng con nào rút kinh nghiệm. Thằng kia bỏ con kia đã lâu, rồi một ngày nó cần tiền, nó mới gọi con kia đến, bảo mang theo laptop. Đã hận đã giận đã điên lắm rồi, nhưng được nó vời đến một cái là quên hết, đến ngay, mang theo máy tính đến ngay. Thế là thằng kia cắt cổ con kia, cái đầu cho vào túi du lịch, đi xe khách chất lượng cao xuống vùng biển ném cái đầu xuống biển. Cái máy tính bán đi được mấy triệu giải quyết nhu cầu bức thiết. Đang nói chuyện cô ả không rút kinh nghiệm, không sợ hãi mảy may, mang máy tính đến luôn. Hai anh chị nhảy lên giường luôn. Khúc kha khúc khích. Nhịp nhàng nhịp nhàng. Khúc kha khúc khích. Sau đó anh ả mới bò dậy xem bộ ảnh nuy của chú, chú đã nhờ anh họa sĩ chụp để lưu giữ hình thể thời thanh xuân một đi không trở lại. Sắp sửa sang thời một đống mặt một đống bụng, lúc ấy chụp ảnh chó nó xem. Anh họa sĩ đã quen nhìn tướng đàn ông cởi truồng, cả một vườn tượng anh phải đi phun rửa xì xèo đây thôi. Anh chẳng ngán gì chụp ảnh cho chú. Anh còn dựa vào bộ ảnh ấy vẽ cho chú một bức sơn dầu. Chú đã có lời thì anh chẳng ngán. Anh ả xem ảnh chim vào lúc ở dưới tầng một, anh trăn đang ở trong bếp. Anh giở miếng thịt gà ra định nấu cho anh ả bát miến. Nhịp nhàng khúc khích xong rồi là thèm ăn một bát gì đó nong nóng. Anh đang định bắc nồi luộc thịt gà thì thình lình cô nàng đứt tay đã đứng ngay sau lưng anh. Cô nàng có chìa khóa tự mở vào nhà, cô lại đi nhẹ nhàng như một con cún Nhật. Phải người khác chắc đã giật mình đánh đổ cái nồi nước. Nhưng anh trăn thản nhiên như không. Lại cũng lặng lẽ như bản tính con trăn của anh. To đùng dài thượt, nuốt mồi cả con hươu vào bụng mà vẫn lẳng lặng như không. Cô nàng nói cười vô tư hồn nhiên bảo anh có linh tính hay sao mà định nấu sẵn miến gà cho em ăn. Anh trăn thầm nghĩ linh tính cái con khỉ. Miến gà này là của cái con đang ở trên tầng hai. Miến gà này hai con tranh nhau một bát thì sao cũng có rạch mặt đổ máu. Miến gà sẽ thành cuộc chiến của con khúc khích và con đứt tay. Cũng có khi trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết. Chú chàng kia sẽ gặp hạn mà thành ruồi muỗi chịu tai họa của hai con trâu bò này. Phải cứu. Phải liều mình cứu chúa. Anh trăn ngủ nhiều li bì trì độn cả ra nhưng khi cần thì nhanh trí. Anh bảo cô đứt tay rằng chú chàng đã đi uống rượu với đám bạn trên vùng Phủ Tây Hồ. Cô nàng có đi lên đấy thì anh đánh xe đưa đi. Rồi anh bấm điện thoại gọi chú ngay, a lô, em bé vừa mới đến đây này. Chú ở quán nào thì anh sẽ đưa em đến quán ấy, còn ngồi lâu à, thế thì cứ ở yên đấy, sẽ đến ngay. Báo động đến như thế thì chú chàng với cô khúc khích đang ở ngay tầng trên im thin thít, có đốt lửa hun khói vào hang cũng chẳng chịu ló đầu ra. Anh trăn lừa cô đứt tay ra khỏi nhả. Anh đưa cô đi lên tận Hồ Tây, quãng đường hơn mười cây số, rồi đi tiếp một vòng quanh Hồ Tây mười bảy cây số, tìm mãi mới thấy địa chỉ cái quán nọ. Thời gian đi vòng đủ cho chú chàng dắt cô khúc khích ra đường bắt tắc xi mà trần văn biến. Trả cô về nhà toàn thây, không bị cắt đầu, không bị mất máy tính xách tay. Lại còn hẹn hò hôm sau gặp lại, lần sau không xem ảnh của chú nữa mà xem ảnh của cô. Tất nhiên phải là ảnh đáng xem. Ảnh nuy. Nuy toàn phần. Sau đó chú chàng mới đến một quán bánh tôm bún ốc ở Phủ Tây Hồ, ngồi chễm chệ chờ anh trăn đưa cô đứt tay đến. Con gái vốn tinh, đánh hơi ra ngay một cái hơi lạ trên người gã trai của mình, cảm thấy ngay cái vẻ khang khác của gã trai nào nói dối. Nhưng con gái này đi ba chục cây số qua những đường phố Hà Nội tắc đường ngay cả khi không phải là giờ cao điểm. Đi qua một lớp sương mù hỗn hợp của bụi và khói xăng và khói than tổ ong lúc nào cũng dày đặc. Đi qua những rừng mặt người sốt ruột hung hãn mất bình tĩnh bất cú lúc nào. Ngay cả ngồi trong xe hơi mà phải đi qua mấy thứ như thế thì không còn đâu sự tinh tế nhạy cảm. Gặp lại chàng chẳng đánh hơi ra được mùi gì, chẳng linh tính cảm thấy cái vẻ khang khác gì. Lao ngay vào vòng tay chú chàng mà chút chít chùn chụt. Sau đấy thì bánh tôm nước mắm bún ốc mắm tôm đánh tan mọi hơi hướm tinh vi nếu như nó còn sót lại chút gì trên người chú chàng. 23 Càng ngày chú chàng càng thấy gắn bó với anh trăn. Không ai có thể so sánh với anh được. Đấy là đang nói về tiêu chuẩn một người giúp việc. Một cô ô sin không thể lái xe. Một cô ô sin không thể nửa đêm đưa ta ra khỏi nhà để đến điểm hẹn uống rượu với lũ bạn. Một cô ô sin khó mà trèo lên sửa hệ thống điện bị chập cháy, hoặc thay mấy cái vòi nước bị hỏng, hoặc thụt cái cống bị tắc. Một cô ô sin khó mà liều mình cứu chúa, cứu một bàn thua ghê rợn giữa hai nữ cầu thủ tranh nhau một quả bóng như đã kể ở trên. Anh trăn làm tất. Tất cả bằng ấy thứ. Làm xong thì im thin thít, không một cầu kể công kể lênh, không một lời bình phẩm cho con này chết cho thằng kia toi. Không. Làm xong chỉ lăn ra ngủ. Cứ như đời anh sinh ra để ngủ. Lên phòng anh ở tầng ba đập anh dậy thì thấy anh nằm khoanh tròn. Thân hình gần mét tám thườn thượt khoanh tròn lại hiền lành im phăng phắc. Đời sẽ còn được ngủ một giấc nghìn năm mà anh, ta chỉ được đến thế gian này có một trăm năm đời người mà thôi. Sao vội ngủ thế. Sao đi ngủ sớm thế. Xong rồi lại nghĩ, anh không ngủ như một con trăn, anh ngủ như một con ma ngủ, nó mà dậy thì nó quấy quả nó làm cho người này kêu thét lên người kia kinh hoàng vỡ tim. Ngủ như ma. Con ma mượn cái thân xác anh, bỏ thân xác anh lại đấy trên giường, còn nó thì bay lang thang đâu đó quấy rối ai đó. Đã ngủ thì còn biết gì trời đất xung quanh, về đến ngôi nhà thuê này tới ngày thứ hai, chú chàng nhận ra đã thuê sai chỗ. Đúng kiểu thuê phải một căn nhà ngày trước có người uống thuốc ngủ tự tử, chết thối ra trong nhà mấy ngày làm thối inh cả một phường. Cả phường đều biết, nhưng chỉ một người mới đến thuê nhà không biết. Cứ hồn nhiên vô tư chuyển đến ở. Thì cái nhà này có phần giống, nhưng có khía cạnh khác. Không ai chết trong ấy. Nhưng nó có nhược điểm khiến nhiều người thuê trước đã phải dọn đi. Sáng sớm ngày thuê nhà thú hai, chú chàng bị đánh thức bất chợt. Mấy tiếng cười ré lên. Mấy tiếng cười khành khạch. Ré lên là mấy bà già. Khành khạch là mấy ông già. Tiếng vợt cầu lông quật vùn vụt. Tiếng nhảy nhót giậm chân lạch bạch. Tiếng đếm thể dục một hai ba bốn, hai hai ba bốn. Tiếng đối đáp tán tỉnh ỡm ở. Cứa sổ tầng hai mở xuống một cái sân khoảng ba trăm mét vuông. Chú nhổm dậy khỏi giường, ló đầu ra cửa sổ nhìn xuống. Một nhóm khoảng hai chục ông bà già, cỡ trên dưới bảy mươi. Hai ông và hai bà đang đánh đôi. Họ đã kịp mắc lưới cầu lông vào hai đầu cột và quật vun vút. Bên góc sân là một nhóm chục bà tay cầm quạt, mặc đồng phục bà ba xa tanh bóng lộn đủ mấy màu quang phổ, đỏ da cam vàng lực lam chàm tím. Quạt cũng là loại quạt Tàu lòe loẹt choe choét. Đang múa may một thứ chẳng biết là thể dục hay vĩnh xuân hay thái cực, một thứ thể dục thời thượng phe phẩy phò phạch gì đó. Đã thôi một hai ba bốn thì các bà chuyển sang mở cái đầu đĩa CD mang theo. Tết Tết Tết Tết đến rồi. Còn lâu mới đến Tết. Cho em một ngày một ngày thôi. Còn lâu mới cho. Và mùa xuân hiếp em hiếp em, và chờ anh giết em giết em. Ghê rợn chưa. Chú mới ở Tây về, chú không biết lời thật của bài này, ca sĩ lại hát không rõ lời, hoặc rõ lời nhưng lúc năm giờ sáng nhập nhoạng, mắt nhắm mắt mở thì chú nghe ra như vậy. Ghê quá. Giá có cái chậu hoa trên cửa sổ, chú đã vớ lấy mà ném xuống giữa cái đám ông bà già hiếp em giết em. Điên cả người. Cuối cùng chịu thua, đành nằm xuống mà không ngủ được. Đám ông bà dưới kia thôi mở nhạc, thôi hô một hai ba bốn, thì chuyển sang tán tỉnh nhau. Giọng bà già, mận hỏi thì đào xin thưa vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào. Giọng ông già, giời đất ơi, lối ấy thì có cả trăm đứa nó vào rồi cô nàng ơi. Đúng theo kiểu đố thanh mà giảng tục. Thế mà bà già kia cười khúc khích như gái tơ, cứ như câu đáp mặn mà đậm đà duyên dáng lắm. Rồi một bà khác hát, dân ca hẳn hoi, anh sai đường thì em không chịu nổi. Một ông khác, hay vẫn là cái ông kia, bình giảng luôn, sai đường rồi, nhầm lối vào rồi thì con gái nhà người ta chịu sao cho nổi chứ. Lại đố thanh giảng tục. Thế mà mấy bà lại rinh rích hi hí cười như gái non. Phải gió cái nhà ông này, đang chuyện nọ xọ chuyện kia. Muốn thơ à, vậy có thơ rằng, tuần trước hội người cao tuổi chúng tớ tổ chức đi du lịch Tam Đảo vào chiều thứ bảy. Lên đến nơi thì gặp ngày cao điểm, cháy phòng, thiếu phòng, giá phòng vọt lên trời. Định quay về Hà Nội nhưng cuối cùng bàn nhau đà trót lên đến nơi rồi thì ở lại hưởng cái lạnh trên núi cao cái không khí trong lành núi cao. Thế là mỗi phòng đôi phải nhồi vào bốn cụ. Mấy ông trong đoàn máu me thơ phú, các ông ấy mới ứng tác tập thể tức cảnh mà ra thơ thế này: không đi không biết Tam Đao, đi thì chẳng biết chỗ nào mà ngu, một phòng nó nhét bốn cu, thôi thì đành đợi đến chu nhật về. Mấy bà cầm quạt lại ré lên cười, cười đúng kiểu thiếu nữ bị chọc ngón tay vào bụng vào nách. Phải gió cái nhà ông này. Có mà ông chưa hiểu ấy. Tam Đảo bị nói chệch thành Tam Đao, ngủ thì thành ngu, bốn cụ thì thành bốn cu, chủ nhật thì thành chu nhật. Thơ ép vần mà. Thình lình có tiếng một bà thét từ trên cao xuống. Lũ khốn nạn, có câm đi cho người ta ngủ không, đây là chỗ hẹn hò giai gái của chúng mày đấy phỏng. Im lặng được một lúc. Chỉ còn tiếng cầu lông bay vùn vụt. Rồi thì đám giai già gái già lại không nhịn được. Tuổi già không nhịn tiểu được lâu. Tuổi già không nhịn nói nhịn tán tỉnh ỡm ở được lâu. Lại rộ lên. Lại giọng ông già thơ phú kia. Thơ mới. Ông tôi ra đứng bờ đê, băn khoăn ông hỏi ca ve là gì. Câu tiếp theo giải thích cho ông cụ biết định nghĩa ca ve là gì, câu này ông đọc thơ xuống giọng nên chú chàng nằm mà tự đoán. Tiếp. Ca ve là gì. Ung dung ông vuốt râu cười, món này ông biết từ hồi bên Tây. Chú chàng cùng biết từ hồi bên Tây. Trước cả hồi đi Tây nữa. Nhưng chú không thể cười rinh rích như mấy bà già dưới sân. Mất ngủ khó chịu bố ai mà cười. Chú mới ngủ được ba tiếng thì bị đám già kia khua dậy. Chịu được một buổi sáng sớm. Chịu thêm một buổi sớm nữa. Giờ ăn sáng chú hỏi anh trăn anh nghĩ thế nào về đám giặc già kia. Giặc già nào, anh ngơ ngác hỏi lại. Phải rồi anh ngủ như thế, hồn ma đã thoát khỏi thân xác anh, anh biết làm sao được. Nửa đêm về sáng thứ ba, đám ông bà già kia đến và mở lại bài hiếp em giết em, chú chạy lên tầng ba dựng anh trăn dậy. Nghe thấy chưa. Nhìn thấy chưa. Anh trăn dụi mắt chạy xuống bảo các bác ơi, đây không phải là sân chơi của phường, đây là sân chung của mấy nhà xung quanh, giờ này cũng không phải là giờ chơi. Hình như lại ông già thơ phú kia cười khành khạch rồi ứng tác. Con đừng có trách các cu, rồi ta sẽ được thiên thu ngủ nằm. Thơ phú ghê chưa. Nôm na ra là chúng tao với mày rồi sẽ chết hết, rồi sẽ được ngủ cả nghìn năm. Lại còn ngủ nằm, để phân biệt với ngủ ngồi ngủ đứng ngủ đi, đi lang thang mộng du. Anh trăn thua. Nhưng anh không chịu thua mãi. Anh chắp tay sau đít đi một vòng quanh sân. Cái sân này khi đến thuê nhà ai cũng thích vì đánh xe vào xe ra đều rất tiện, không như những cân nhà trong ngõ hẻm, có khi phải gửi xe bên ngoài đi bộ vào. Sân chỉ là sân chung của nhà anh thuê với hai căn nhà bên cạnh. Đám ông bà già kia ở đâu đấy phường bên cạnh sáng sáng đi thể dục qua rồi phát hiện ra chỗ có thể tập tành tán tỉnh. Họ không phải người phường này. Đã thế côn không biết ý biết tứ, cứ quàng quạc ồn ã từ lúc chua rõ mặt người. Xua đi. Xua đi hết. Anh phát hiện ra trên hai bức tường gạch đã có những dòng chữ nguyền rủa. Ai đó đã viết lên đấy như chửi như xua. Nhung mà viết bằng gạch non và bằng than. Nó mờ mờ, thành ra tiếng chửi có vẻ ấp úng khẽ khàng rón rén. Nó thiếu cái rõ ràng đanh sắc sa sả dõng dạc. Anh đi mua một hộp sơn trắng rồi một mình anh đúng lúi húi tô đậm mấy dòng chữ. Lũ giặc già Động mồ động mả Lũ giặc già Muốn sống cút về nhà Thơ phú đáp trả bằng thơ phú. Dòng chữ to, nổi bật, rền vang, đầy hào khí. Sáng sớm, đám già kéo đến, hơi sững lại một tí. Nhưng thơ phú thì mấy dòng khuyết danh trên tường làm sao đọ được với tổ thơ phường quận. Một ông bật lên cười khành khạch. Ông lấy viên gạch non viết lên tường hai dòng lục bát. Mãi đến giữa buổi sáng, đám già đã cuốn gói từ lâu, anh trăn mới phát hiện ra hai câu ông ta để lại. Một lời nhắn gửi. Con ơi kính mẹ nhường cha, bằng không tai nạn cửa nhà thành tro. Nhắn nhử mà có cả đe dọa trong ấy. Thật là cứng cỏi vững vàng bản lĩnh. Sớm hôm sau đám già đến sớm hơn, mới khoảng bốn rưỡi sáng, như một sự thách thức. Xách theo mấy cái đèn điện tự sạc, đủ cho các ông bà đánh cầu lông và múa quạt một tiếng trước khi sáng rõ mặt người. Đèn bật sáng thì mấy bà rú lên. Ở chỗ có hai cái cột cho các ông bà hàng ngày chăng lưới cầu lông bây giờ chăng ngang một sợi dây, trên dây lủng lẳng xác hơn chục con chuột. Chuột chết. Chuột bao giờ cũng làm ghê sợ. Chuột sống đã ghê. Chuột chết càng ghê. Chuột chết như tỏa ra từ nó cái chết chóc, cái hôi thối dịch bệnh, cái tử khí hồn ma. Ấy thế, vẫn có hai ông già tỏ chí anh hào. Hai ông tháo dây cắt dây, mang cái dây chuột chết ấy giăng hàng ngay dưới chân tường, chỗ có dòng chữ chửi đám giặc già. Một đời xông pha đánh đông dẹp bắc, mấy cái xác chuột mùi mẽ gì. Anh trăn thất bại trận thứ hai. Chỗ chuột ấy anh phải chi tiền cho một lũ trẻ đi thu gom rồi mang về cho anh. Nửa bao tải chuột. Tiếc tiền, tiếc công, tiếc cái ý tưởng độc. Đối thủ của anh quả là già đời già giơ già dái già hột. Nhưng anh không nản chí, anh chuẩn bị đánh tiếp trận thứ ba. Sáng sớm, đám già lại đến như mọi bận. Đang mờ nhạc hiếp em giết em thì thình lình từ trên cao ập xuống một trận âm thanh rền rĩ khóc lóc. Ôi ông ơi là ông ơi, trời xanh mây trắng không nắng không mưa cơm không cặn canh không thừa miếng ngon ông bỏ lại con ngoan cháu dại địa ngục ông đi. Ôi bà ơi là bà ơi, bà vội ra đi cháu còn đang thi ngồi chờ kết quả mà nay bà hóa cháu có vinh quy cháu mong đến kỳ tìm bà báo đáp. Vui ơi là vui, vui bỏ chị vui đi. Sướng ơi là sướng, em bỏ anh em đi. Bài này như dân gian vẫn nói, là bài khóc hai người tên là Vui và Sướng mới chết. Khóc ầm ĩ mà mồm vẫn vui ơi là vui sướng ơi là sướng. Bản thân ngôn từ không có gì ghê rợn. Cái ghê rợn là giọng khóc mướn chuyên nghiệp, rền rĩ tang thương quặn lòng đứt ruột. Kèn trống đệm theo mới ghê, cả một phường bát âm réo rắt thê lương. Anh trăn đã mất mấy ngày đi tìm mua cái đĩa CD khóc mướn này. Anh để hai cái loa thùng chõ ra từ cửa sổ tầng ba, rùng rợn vang vọng, mà lại không biết chính xác nó phát ra từ phòng nào. Một đại nhạc hội âm thanh và ánh sáng. Gala. Son et lumière. Không chỉ âm thanh, mà bất đồ lửa bùng lên sáng rực ở hai góc sân. Hai đống vàng mã đã vun sẵn ở đấy từ bao giờ bốc lửa cháy rừng rực. Những miếng vàng mã cháy dở được hơi nóng đẩy lên bay lả tả. Anh trăn đã tẩm dầu hai đống vàng mã từ ban đêm. Anh để đồng hồ báo thức dậy trước khi đám già đến. Từ trên tầng cao, anh bắn hai mũi tên đầu có giẻ tẩm dầu xuống hai đống vàng mã. Cứ thế mà cháy đùng đùng lên. Lửa cháy lên soi rõ những cái bùa yểm dán đầy trên các bức tường. Dán cả dưới những dòng nguyền rủa đám giặc già lẫn hai dòng thơ đám già đe lại. Bùa yểm xanh đỏ tím vàng lấp lánh trên tường. Tuổi già sợ nói chuyện chết. Ai nhắc chuyện chết chóc là phi phui cái mồm. Tuổi già đi đám ma về, thấy mặt ông bà đồng niên qua ô kính quan tài, phấn son choe choét, thấy ròng rọc hạ quan tài xuống huyệt, đất ném xuống lịch bịch, chỉ thấy thế mà về nhà có khi xuống mã tái mét mất ba ngày, ốm nữa là khác. Người già vì thế ngại đi đám ma. Không đừng được mới phải cất bước ra đi, chứ chỉ nghe nói bà kia mới chết tuần trước, ông kia mới chết hôm qua là đã rã rời chân tay. Vừa mới tụ tập nhau đấy mà cứ rụng lên rụng xuống như bị bắn tia. Xếp theo thứ tự tuổi các cụ trong tổ thơ phường, tuổi cao xếp trên tuổi ít xếp dưới. Tuổi cao là mặt tiền, tuổi thấp hơn coi như trong ngõ trong ngách. Quy luật là mặt tiền phải đi trước, sau đấy ngõ mới đôn ra mặt tiền, ngách mới đón ra ngõ. Tuần tự mà tiến. Ấy thế, mình mới hôm nào còn trong ngách, vậy mà mấy cụ mặt tiền rủ nhau đi liên hồi, ngoảnh đì ngoảnh lại mình đã bị đôn thẳng lên mặt tiền, bỏ qua giai đoạn quá độ. Mấy ông bà già có thể bất khuất trước những lời chửi rủa. Mấy ông bà già có thể kiên cường trước đống xác chuột. Nhưng đám già hoàn toàn suy sụp về tinh thần lẩy bẩy về thể xác trước trống phách bát âm, trước tiếng khóc não nùng thê thảm, trước vàng mã bay lượn trong khói tỏa, trước bùa yểm đập phần phật trên tường. Sợ. Run. Huyết áp lên. Nhịp tim lên. Lẩy bẩy. Run rẩy. Xây xẩm mặt mày. Rút. 24 Bố ạ, hôm nay con đưa ba sinh viên mới đi thực tập, thầy trưởng khoa giao cho con đưa đi. Thời gian trôi nhanh thật, mới hôm nào con nhập học sinh viên năm thứ nhất mà nay đã kết thúc năm thứ hai, lại được nhà trường tin cậy giao phó dẫn ba em sinh viên mới đi tìm hiểu thực tế fact finding. Một ngày khá mệt nhưng mà cũng vui. Con đưa chúng nó trả về ký tức xá rồi vừa mới về và ăn tối lúc mười giờ bốn lăm. Bố nhớ gửi tiền cho con. Chuyện đi thực tế bên trời Âu nhưng vẫn chỉ ngồi ở Hà Nội mà viết mà kể. Còn biết ngồi đâu khác. Sau một vài ngày vào mạng kiểm tra xem tiền đã chuyển vào tài khoản chưa. Thường là không chậm. Ông Kễnh khá chu đáo trong việc chuyển tiền cho quý tử. Không hẳn là chu đáo, ông làm như một việc mặc nhiên phải làm, như là nó đã được mã hóa, được lập trình hóa, khi nào có một cái lệnh, send chẳng hạn, thế là ông bấm con trỏ vào đấy, sending. Gửi. Tiền gửi đi. Ngay lập tức. Không hẳn là chu đáo. Cha con nhiều khi đối với nhau như khách. Thật là xã giao, thật là lịch sự, thật là kín nhẽ. Chỉ có điều thằng con khi nổi cơn xin tiền thì trở nên thảo mai, tán tỉnh nhăng cuội thêm vài câu, làm thân, cầu lợi, cầu tài. Có tiền rồi thì nó lặn luôn mấy tháng cho đến khi lại nổi cơn xin tiền. Thời gian đầu bố gửi tiền cho con qua đường dây chuyển tiền, ông trao mười lăm nghìn đô cho một người ở Hà Nội buổi sáng. Buổi trưa đã có người ở đầu đường dây bên châu Âu mang tiền đến trao tận tay quỷ tử. Không gửi iurô mà gửi đô. Được gần một năm như vậy, quý tử đề nghị từ nay quý tử sẽ lập tài khoản bên ấy rồi từ Hà Nội ông Kễnh chỉ việc chuyển tiền qua ngân hàng. Hà Nội, bố gửi tiền cho con, không phải ra ngân hàng, chỉ việc ngồi tại nhà dùng máy tính mà gửi tiền trực tuyến. Bên Âu, con nhận tiền bố gửi, không phải ra ngân hàng, chỉ việc ngồi tại nhà dùng máy tính mà kiểm tra tiền đã rót vào tài khoản hay chưa. Ông Kễnh thích cách chuyển tiền qua đường dây hơn. Cách ấy không ai kiểm chứng được mỗi quý mỗi năm ông gửi cho quý tử bao nhiêu tiền. Cái thằng dai huyền dài ấy tiêu tiền hơi bị nhiêu huyền nhiều. Gửi trực tuyến vào tài khoản, ông phải chia nhỏ mỗi khoản tiền, có khi phải gửi từ những tài khoản mới lập thêm, tránh bị mang tiếng là gửi nhiều hơn mười """