🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Điều Cần Biết Về Công Tác Dự Báo Khí Tượng Hải Văn Biển Đông Ebooks Nhóm Zalo HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN Chủ tịch Hội đồng Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương LÊ MẠNH HÙNG Phó Chủ tịch Hội đồng Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật PHẠM CHÍ THÀNH Thành viên TRẦN QUỐC DÂN NGUYỄN ĐỨC TÀI NGUYỄN NGUYÊN NGUYỄN HOÀI ANH 2 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Biển Đông là vùng biển có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị đặc biệt quan trọng, từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc biển khác trên thế giới. Đối với nước ta, Biển Đông có vị trí địa - chính trị trọng yếu, có ý nghĩa sống còn đối với nền an ninh, quốc phòng và xây dựng đất nước. Hướng ra biển đang là xu thế tất yếu để tìm kiếm, phát triển các tiềm năng về nguyên liệu, tài nguyên môi trường, năng lượng, thực phẩm và không gian sinh sống trong tương lai. Vì vậy, công tác điều tra cơ bản khí tượng thủy văn nói chung và khí tượng thủy văn biển nói riêng luôn luôn được coi trọng. Nằm trong hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn, mạng lưới các trạm khí tượng hải văn đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập số liệu khí tượng thủy văn biển phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác phục vụ nghiên cứu đánh giá mực nước biển dâng do biến đổi 5 khí hậu, bảo đảm chủ quyền lãnh hải và an ninh quốc phòng trên biển. Số liệu khí tượng hải văn là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển; dự báo, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ biển gây ra. Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam xuất bản cuốn sách Những điều cần biết về công tác dự báo khí tượng hải văn Biển Đông nhằm cung cấp thông tin cơ bản về công tác dự báo khí tượng Biển Đông cho cán bộ ngành quan trắc khí tượng, cũng như cho bạn đọc hiểu thêm về các vùng biển, đảo, hải đảo của nước ta. Mặc dù nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót trong quá trình biên soạn. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc, nhất là cán bộ trong ngành quan trắc khí tượng, để nội dung cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau. Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc. Tháng 9 năm 2018 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 Chương I KIẾN THỨC VỀ BIỂN, ĐẢO 1. Kiến thức về biển, đảo 1.1. Tìm hiểu về biển a) Khái niệm về biển? Biển là phần đại dương bị giới hạn bởi mép lục địa, các đảo và vùng cao của đáy đại dương, có diện tích nhỏ hơn nhiều so với đại dương. Biển có chế độ thủy văn riêng, và có những khác biệt nhất định so với chế độ thủy văn của phần đại dương tiếp liền với biển đó. Biển cũng khác với đại dương về chế độ nhiệt, độ muối, tính chất thủy triều, các điều kiện sinh thái, hệ thống dòng chảy biển (hải lưu),... Trên Trái Đất có rất nhiều biển với diện tích đa dạng, như biển Bering (diện tích khoảng 2.261.060 km2), biển Caribbean (diện tích khoảng 2.514.878 km2), Biển Đông (diện tích khoảng 3.500.000 km2), biển Địa Trung Hải (diện tích khoảng 2.510.000 km2), biển Đen (diện tích khoảng 422.000 km2),... Biển được phân loại thành nhiều loại khác nhau, như: biển nội địa, biển ven lục địa, biển kín, biển nửa kín,... Ngoài ra, tùy vào số eo biển nối liền với đại dương hay với các biển khác mà có thể phân chia thành biển một eo (như biển Trắng, biển Azop, 7 biển Đỏ, biển Adriatic,...), biển hai eo (biển Đen, biển Marmara, biển Địa Trung Hải,...) hay biển nhiều eo. b) Biển nội địa Biển nội địa là vùng biển nằm sâu trong lục địa và được nối với đại dương bởi một vài eo biển hẹp. Chế độ thủy văn của các biển nội địa khác nhiều so với chế độ thủy văn của các vùng đại dương lân cận. Biển nội địa còn được phân chia thành biển trong lục địa (tiêu biểu là biển Trắng, biển Baltic, biển Đen...) và biển giữa các lục địa (tiêu biểu là biển Địa Trung Hải, biển Caribbean,...). c) Biển ven lục địa Biển ven lục địa nằm ở phần kéo dài dưới nước của lục địa, trong một số trường hợp có thể nằm ở đới chuyển tiếp, thường không ăn sâu vào lục địa và được phân cách với đại dương bởi các đảo lớn hay một dãy các đảo. Biển Okhotsk, biển Coral, biển Tasman, biển Bering, biển Nhật Bản,... được coi là biển ven lục địa. Trong đó, biển Bering, biển Nhật Bản nằm ở đới chuyển tiếp, được phân cách với Thái Bình Dương bằng các chuỗi đảo liên tiếp. Chế độ thủy văn ở các biển này có phần gần gũi, tương đồng với chế độ thủy văn của các phần đại dương kế cận hơn so với chế độ thủy văn của biển nội địa. Theo cách phân loại biển dựa vào số eo biển nối liền với đại dương hay với các biển khác thì đa số các biển ven lục địa và biển giữa các đảo thuộc loại biển nhiều eo. 8 d) Biển khơi Biển khơi thường được hiểu là vùng biển mở rộng, nằm sâu ở phía ngoài thềm lục địa, có sự sống nhưng số lượng loài giảm dần theo độ sâu. Quần thể sinh vật ở biển khơi được phân chia thành sinh vật nổi, sinh vật bơi, sinh vật đáy. Trầm tích đáy ở vùng biển khơi ít có những loại vật liệu được mang từ lục địa ra mà chủ yếu là xác sinh vật, bùn núi lửa, bùn đỏ đại dương,... Cho đến nay, khoảng 83% các loài đã biết được tìm thấy ở độ sâu 100 m hoặc nông hơn, và con người vẫn hầu như chưa biết có những loài sinh vật gì đang sinh sống ở độ sâu hơn 1.000 m dưới mặt nước biển. đ) Biển kín và biển nửa kín Biển kín và biển nửa kín được quy ước là vùng biển có các quốc gia bao quanh và nối liền với một biển khác hay đại dương bằng một đường hàng hải hẹp hoặc bị vây quanh bởi lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước, ví dụ như: biển Baltic, biển Địa Trung Hải, biển Đen,... e) Biển tiến, biển lấn và biển lùi Biển tiến là hiện tượng biển tràn sâu vào lục địa, vượt xa ranh giới đường bờ biển cũ. Nguyên nhân của biển tiến phần nhiều là do lục địa lún chìm, nhưng cũng có khi do khối nước đại dương tăng lên (như khi băng tan trong thời kỳ băng hà). Hiện tượng biển tiến xảy ra khá nhiều trong lịch sử địa chất. Có thể nhận biết biển tiến qua nghiên cứu cổ địa lý, nghiên cứu sự biến đổi các lớp đá trầm tích,... Dấu hiệu của 9 quá trình biển tiến trong lịch sử địa chất được xác định khi có lớp đá trầm tích biển phủ trên trầm tích lục địa, các lớp đá thay đổi từ dạng thô sang dạng mịn theo trình tự từ dưới lên trên. Trong lịch sử địa chất của Trái Đất, quá trình tách giãn đáy biển kéo dài suốt kỷ Creta đã tạo ra bồn Đại Tây Dương tương đối nông, làm giảm khả năng chứa của bồn đại dương trên thế giới, khiến cho mực nước biển dâng lên trên toàn cầu. Do hậu quả của nước biển dâng, các đại dương xâm nhập hầu hết phần miền Trung khu vực Bắc Mỹ và tạo ra đường biển nội địa phía tây (Western Interior Seaway) kéo dài từ vịnh Mexico đến Bắc Băng Dương. Biển lấn là hiện tượng biển tràn vào đất liền nhưng chỉ ngập đến các thung lũng và đồng bằng ven biển. Biển lấn có thể coi là dạng biển tiến quy mô nhỏ, không kèm theo những biến đổi lớn về quá trình trầm tích và biến đổi kiến tạo. Biển lùi là hiện tượng biển rút khỏi đất liền do lục địa được nâng cao hơn hoặc lượng nước đại dương bị giảm (như trong các thời kỳ băng hà). Trong lịch sử địa chất, hiện tượng biển lùi xảy ra rất nhiều, diễn ra rất chậm chạp và có thể nhận biết được qua những nghiên cứu cổ địa lý, nghiên cứu trình tự phát triển các lớp đá trầm tích,... Trong suốt thời kỳ băng hà thuộc kỷ Pleistocene, hầu hết nước trong các đại dương được tích tụ ở những vùng đất đóng băng quanh năm, làm cho mực nước trong đại dương hạ thấp xuống mức 120 m so với bờ biển hiện tại, lùi 10 xa làm lộ ra vùng cầu đất Bering nối giữa Alaska (châu Mỹ) và châu Á. g) Biển nông, biển sâu và biển thẳm Biển nông được hiểu là vùng biển có độ sâu không quá 200 m và thường tương ứng với vùng thềm lục địa, nên cũng thường được gọi là biển thềm lục địa (Shelf Sea). Vùng biển này thường giàu các loài sinh vật đáy và có nhiều loại vật liệu được đưa từ lục địa tới trong trầm tích đáy. Biển Barents, biển Trắng, biển Baltic, biển Bắc,... được coi là tiêu biểu cho loại hình biển nông, hay biển thềm lục địa này. Biển sâu là vùng biển có độ sâu lớn hơn so với vùng thềm lục địa, có thể sâu từ vài trăm đến hàng nghìn mét, tương ứng với khu vực sườn lục địa. Ở vùng biển này, các loài sinh vật đáy rất nghèo nàn, trầm tích đáy chủ yếu là các loại bùn sét, bùn vôi,... Biển thẳm thường được hiểu là vùng biển và đại dương có độ sâu 3.000-6.000 m, tương ứng với đáy nhiều đại dương, nơi ánh sáng tự nhiên không xuyên tới được. Sinh vật ở vùng biển thẳm có tính thích nghi đặc biệt với điều kiện thiếu ánh sáng và áp suất cao. Trầm tích đáy chủ yếu là các loại bùn sinh vật, bùn đỏ đại dương, bùn núi lửa,... h) Biển động và biển gió Biển động là trạng thái mặt biển xao động do sự giao thoa của nhiều hệ thống sóng. Trong điều kiện lý tưởng, khi không có gió và các tác nhân khác, mặt biển phẳng lặng như mặt gương. Khi có gió cấp 1-2, trên mặt biển sẽ hình thành các gợn sóng nhỏ; gió 11 càng lớn thì sóng càng to; khi gió từ cấp 5-6 trở lên, mặt biển có sóng lớn, sóng bạc đầu. Khi biển động dữ dội sẽ làm cản trở giao thông trên biển, khiến cho nhiều tàu thuyền nhỏ phải ngừng hoạt động. Biển gió là trạng thái một bộ phận của mặt biển xao động do gió có tính chất địa phương gây ra. Tại một vùng xác định, khi gió thổi với cường độ không đổi trong một thời gian dài, có thể là 24 giờ, tạo ra trên mặt biển một năng lượng nhất định tạo thành hệ thống sóng. Sóng này phát triển liên tục để đạt đến một độ cao cực đại theo cường độ của gió, lúc này nước biển được dâng cao lên. Mặt biển xao động do nhiều hệ thống sóng có chu kỳ, độ cao khác nhau. i) Vịnh Điều 10 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 quy định như sau: Vịnh cần được hiểu là một vùng lõm sâu rõ rệt vào đất liền mà chiều sâu của vùng lõm đó so sánh với chiều rộng ở ngoài cửa của nó đến mức là nước của vùng lõm đó được bờ biển bao quanh và vùng đó lõm sâu hơn là một sự uốn cong của bờ biển. Tuy nhiên, một vũng lõm chỉ được coi là một vịnh nếu như diện tích của nó ít nhất cũng bằng diện tích một nửa hình tròn có đường kính là đường thẳng kẻ ngang qua cửa vào của vùng lõm (khoản 2). Diện tích của một vùng lõm được tính giữa ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển của vùng lõm và đường thẳng nối liền các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên. Nếu do có các 12 đảo mà một vùng lõm có nhiều cửa vào, thì nửa hình tròn nói trên có đường kính bằng tổng số chiều dài các đoạn thẳng cắt ngang các cửa vào đó. Diện tích của các đảo nằm trong một vùng lõm được tính vào diện tích chung của vùng lõm (khoản 3). Nếu khoảng cách giữa các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên một vịnh không vượt quá 24 hải lý, thì đường đóng cửa vịnh có thể được vạch giữa hai ngấn nước triều thấp nhất này, và vùng nước ở phía bên trong đường đó được coi là nội thủy (khoản 4). Khi khoảng cách giữa các ngấn nước triều thấp nhất ở các điểm của cửa vào tự nhiên của một vịnh vượt quá 24 hải lý, thì được kẻ một đoạn đường cơ sở thẳng dài 24 hải lý ở phía trong vịnh, sao cho phía trong của nó có một diện tích nước tối đa (khoản 5). 1.2. Tìm hiểu về sóng a) Sóng vỗ bờ Sự giảm bước sóng đồng thời với tăng độ cao sóng sẽ làm tăng nhanh độ dốc sóng, đến khi độ dốc đạt tới giá trị giới hạn, ngọn sóng bị phá hủy, tạo thành sóng vỗ bờ. Riêng sóng vỗ bờ ở bờ sát thoải lại có nguyên nhân là sự biến dạng của sóng. Sự đổ nhào các con sóng không chỉ diễn ra ở ngay mép nước sát bờ mà cả ở ngoài xa. Độ sâu ngọn sóng đổ nhào phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bước sóng, độ dốc sóng, độ dốc sườn đáy biển, hướng gió đối với bờ, dòng chảy,... 13 b) Sóng thần Sóng thần (Tsunami) là loại sóng dài truyền trên mặt biển, được tạo thành do động đất ngầm dưới nước, sự phun trào núi lửa dưới đáy biển, hiện tượng sụt đất, và trong thời gian gần đây còn do sức mạnh của các loại bom nguyên tử nổ trên đại dương. Thuật ngữ Tsunami bắt nguồn từ tiếng Nhật Bản: “Tsu” nghĩa là cảng, “nami” là sóng. Sóng thần chủ yếu xảy ra ở vùng ven bờ, có sức tàn phá lớn, gây thiệt hại, làm tổn thất cho các hải cảng và những vùng ven bờ. Phần lớn sóng thần phát sinh ở các vực sâu ven lục địa Thái Bình Dương. Sóng thần có thể chuyển động với tốc độ 1.000 km/h. Thời gian diễn ra từ 15-60 phút. Ở ngoài khơi đại dương, sóng thần chỉ cao từ 0,5-1 m, nhưng khi vào bờ thì độ cao có thể tăng lên gấp nhiều lần. Trong số hơn 350 trận sóng thần được quan sát và ghi lại trong lịch sử nhân loại thì có hơn 300 trận xảy ra ở Thái Bình Dương, còn ở Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải mỗi nơi chỉ có hơn 20 trận. c) Sóng gió Sóng hình thành chủ yếu do gió, nên còn được gọi là sóng gió. Tuy nhiên, sóng cũng có thể hình thành do nhiều tác nhân khác như động đất, núi lửa phun dưới nước,... Thủy triều cũng là một dạng của sóng. Khi tốc độ gió nhỏ dưới 1 m/s thì trên mặt biển phẳng lặng sẽ hình thành sóng lăn tăn, được gọi là sóng mao dẫn. Khi gió mạnh lên, những sóng lớn hơn 14 xuất hiện gọi là sóng trọng lực. Khi tốc độ gió đạt 7-8 km/s, trên đỉnh sóng sẽ bắt đầu xuất hiện sóng bạc đầu. Sóng gió lan truyền trên mặt biển có dạng nhấp nhô như những trái núi, liên tiếp hết đợt này đến đợt khác. Sóng gió phần nhiều có dạng ngắn, dốc và cao.Sóng gió có thể coi là loại sóng đang ở giai đoạn phát triển, với một số yếu tố hay tất cả các yếu tố sóng đang lớn dần lên và còn giới hạn trong vùng tạo sóng. d) Thủy triều Thủy triều là sự lên xuống vào những khoảng thời gian nhất định của mực nước biển ở dọc ven bờ hoặc vùng biển khơi. Do biến chuyển thiên văn, ở phần lớn các bờ biển, một con nước triều này có thể được thay thế bằng một con nước khác trong khoảng thời gian trung bình là 12 giờ 25 phút. Tuy nhiên, ở một số nơi khác, chu kỳ dao dộng của thủy triều có thể lớn hơn, ví như tại bờ vịnh Mexico, chu kỳ này đạt tới 24 giờ 50 phút. Trong quá trình quan sát sự dâng lên và hạ xuống của mực nước biển ở vùng gần bờ được tạo ra bởi những sóng dài thì nước lớn là đỉnh sóng, nước ròng là chân sóng. đ) Chế độ sóng của vùng biển Việt Nam Vùng biển ngoài khơi và ven biển Việt Nam tồn tại hai chế độ sóng được tạo thành bởi hai chế độ gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Vào mùa đông, vùng biển Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng gió và sóng lừng hướng Đông Bắc, các giá trị trung bình về độ cao và chu kỳ sóng mùa này khá lớn, với độ cao sóng khoảng 15 2-3 m và chu kỳ khoảng 10-11 giây. Trong suốt mùa đông, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc, ở vùng ven biển ngoài khơi lại có sóng lớn gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động giao thông hàng hải và khai thác hải sản. Những đợt gió mùa thường kéo dài khoảng 5-7 ngày, đôi khi dài 10-15 ngày, sóng phát triển khá lớn, hướng sóng ở ngoài khơi cho đến ven bờ tương đối trùng nhau. Về mùa hè, cường độ và tần suất sóng gió hướng Tây Nam yếu hơn sóng gió hướng Đông Bắc, nhưng giá trị độ cao và chu kỳ sóng còn khá lớn với độ cao sóng khoảng 1-2 m và chu kỳ khoảng 8-10 giây. Do ảnh hưởng của địa hình và những sự xáo trộn khí quyển (như bão, áp thấp nhiệt đới,...), ở phía bắc vùng ven bờ từ vĩ tuyến 150 Bắc trở ra, sóng phần nhiều có hướng Nam và hướng Tây Nam, trong đó tần suất sóng gió và sóng lừng hướng Tây Nam ở vùng này chiếm trên 80%. Riêng ở vịnh Bắc Bộ, các sóng hướng Đông Nam phổ biến hơn và chiếm ưu thế, khoảng 60-70%. Trong mùa hè, do ảnh hưởng của các hình thế khí áp phức tạp xảy ra trên biển, hầu như không có sự đồng nhất về hướng sóng giữa vùng ngoài khơi và ven bờ. 2. Vị trí, vai trò của biển trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa Việt Nam 2.1. Sự phân chia vùng biển Việt Nam theo khu vực địa lý Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, 16 vùng biển Việt Nam có thể phân chia thành bốn khu vực về mặt địa lý, gồm: - Biển Đông Bắc (một phần vịnh Bắc Bộ): nằm ở phía đông bắc Việt Nam và tiếp giáp với Trung Quốc (đảo Hải Nam). - Biển Bắc Trung Bộ (một phần khu vực giữa Biển Đông): nằm ở phía đông Việt Nam. - Biển Nam Trung Bộ (một phần khu vực giữa Biển Đông): nằm ở phía đông nam Việt Nam. - Biển Tây Nam (một phần vịnh Thái Lan): nằm ở phía tây nam Việt Nam, tiếp giáp với Campuchia và Thái Lan. 2.2. Tiềm năng của biển Việt Nam Tiềm năng, lợi thế biển Việt Nam đa dạng và phong phú, gồm nhiều tài nguyên khác nhau, như nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển và ven biển, những mỏ sa khoáng chứa các nguyên tố hiếm và vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí và băng cháy ở vùng thềm lục địa,... Với bờ biển chạy dọc theo chiều dài đất nước, Việt Nam có những lợi thế đặc biệt để phát triển mạnh về lĩnh vực giao thông, vận tải, du lịch biển, đảo và xây dựng các công trình đô thị ven biển. Đây chính là những lợi thế hiếm có mà Việt Nam được thiên nhiên ban tặng. Trong số các tiềm năng kinh tế biển của nước ta, trước hết phải kể đến tiềm năng khai thác nguồn năng lượng dầu khí. Trên vùng biển rộng hơn 1 triệu km2 và nằm trong vùng triển vọng có dầu khí, trữ lượng dầu khí ngoài khơi miền Nam Việt Nam 17 chiếm khoảng 25% trữ lượng dầu dưới đáy Biển Đông, cho khả năng khai thác từ 30.000-40.000 thùng/ngày. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn, đã đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghiệp dầu khí. Bên cạnh dầu, Việt Nam có nhiều tiềm năng khí đốt với trữ lượng cho khả năng khai thác khoảng 3.000 tỷ m3/năm. Ngoài ra, trữ lượng băng cháy chưa được xác định đầy đủ, nhưng dự đoán là rất lớn. Nguồn tài nguyên sinh vật biển của Việt Nam phong phú. Đến nay đã phát hiện hơn 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc về 6 vùng đa dạng sinh học biển và nhiều loại động vật quý hiếm khác. Rạn san hô là hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình không chỉ có ở vùng biển phía bắc Việt Nam, mà còn là một trong những vùng biển có trữ lượng san hô đa dạng cao trên thế giới, với khoảng 350 loài thuộc 72 giống san hô,... Các thảm cỏ biển có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với nhiều loài sinh vật biển. Trữ lượng cá toàn vùng biển Việt Nam ước tính khoảng 4,2 triệu tấn, với ngưỡng khai thác ổn định 1,4-1,7 triệu tấn/năm. Nuôi trồng thủy sản nước lợ cũng là một thế mạnh của biển Việt Nam, vừa đem lại nguồn lợi vừa tạo việc làm (hơn 1 triệu lao động đánh bắt thủy, hải sản trực tiếp và 500.000 lao động dịch vụ liên quan) cho dân cư sống ven biển. Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt của biển, đảo Việt Nam, mở ra triển vọng lớn để khai thác và phát triển tổng hợp. Dọc bờ biển Việt Nam 18 có hàng trăm bãi tắm có chiều dài trung bình từ 1-2 km, trong đó nhiều bãi tắm lớn có chiều dài từ 15-18 km là điều kiện rất quan trọng để khai thác, phát triển du lịch biển. Ngoài ra, biển Việt Nam nằm ở vị trí giao thương huyết mạch và là con đường giao lưu thương mại quốc tế quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Những tiềm năng biển kể trên của Việt Nam đã và đang tạo cơ hội lớn để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tích cực đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế biển, đảo, nhằm biến tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo trở thành những giá trị đích thực góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội, thiết thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. a) Tiềm năng khoáng sản biển ở Việt Nam Dầu thô và khí là những nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú ở khu vực biển Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời cũng là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù nước ta bắt đầu công tác thăm dò dầu khí từ những năm 60 thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 1975 khi Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập, và năm 1987 khi Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành thì lĩnh vực hoạt động này mới thực sự được đẩy mạnh với quy mô lớn và có được sự hợp tác từ các công ty dầu khí quốc tế. Đến năm 2008, với trữ lượng dầu khí đứng thứ ba Đông Nam Á (sau Inđônêxia và Malaixia), Việt Nam đã đứng thứ 44 trong cộng đồng các quốc gia khai thác 19 dầu mỏ trên thế giới và đứng thứ 4 về xuất khẩu dầu mỏ ở Đông Nam Á. Nhiều bể trầm tích đang được khai thác trên thềm lục địa Việt Nam có tiềm năng dầu khí lớn. Trong đó, theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bể Cửu Long chủ yếu phát hiện dầu, gồm các mỏ Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng,... Bể Nam Côn Sơn phát hiện cả dầu lẫn khí, gồm mỏ dầu Đại Hùng và mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ, cùng các mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch,... Bể sông Hồng chủ yếu phát hiện khí, như mỏ khí Tiền Hải “C”. Bể Malay - Thổ Chu có cả dầu và khí với các mỏ dầu và khí, như Bunga Kekwa - Cái Nước, Bunga Raya, Bunga Seroja nằm trên vùng chồng lấn được Việt Nam và Malaixia cùng khai thác. Số liệu từ Tổng hội Địa chất Việt Nam cho thấy các bể Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá là có điều kiện khai thác thuận lợi và trữ lượng dầu khí dồi dào nhất, ước lượng hơn 4,3 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khí được phát hiện là 1,208 tỷ tấn và trữ lượng dầu khí có khả năng thương mại là 814,7 triệu tấn dầu quy đổi. Tính đến năm 2011, các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại cũng đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đưa vào khai thác, bao gồm khu vực thềm lục địa ngoài cửa vịnh Bắc Bộ, khu vực thềm lục địa Tư Chính,... Cùng với dầu - khí, trong các bể trầm tích ở thềm lục địa nước ta còn có trữ lượng than rất đáng kể. Ngoài ra, theo các chuyên gia Nga, khu vực biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng lớn về tài nguyên 20 “băng cháy”. Đây là loại nhiên liệu mới, không gây ô nhiễm môi trường và được các nhà địa chất phát hiện trong thời gian gần đây. Trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang bằng với trữ lượng dầu khí, có mặt ở dưới đáy của nhiều vùng biển trên thế giới và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai gần. Hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện chương trình nghiên cứu và thăm dò tiềm năng về băng cháy. Chương trình này được chia thành hai giai đoạn, nằm trong Đề án Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Các loại sa khoáng ven bờ hiếm, quý ở vùng biển Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Riêng tiềm năng quặng sa khoáng ở ven biển Bắc Trung Bộ đã lên đến 16,2 triệu tấn, trong đó có các loại quặng kim loại hiếm như titan, zircon, monazit. Các loại khoáng sản chính ở ven biển nước ta như cát thủy tinh được phân bố rải rác từ Bắc vào Nam dọc theo đường bờ biển, tổng trữ lượng thăm dò ước tính đến 584 triệu tấn và được tìm thấy nhiều ở các mỏ cát có chất lượng cao như mỏ Vân Hải (Quảng Ninh), mỏ Ba Đồn (Quảng Bình), mỏ Cam Ranh (Khánh Hòa),... Mỏ Thạch Khê ven bờ biển Hà Tĩnh có trữ lượng 532 triệu tấn là mỏ sắt lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, còn một khối lượng lớn vật liệu xây dựng (cát, sạn, sỏi cho xây dựng hoặc san lấp) khổng lồ có thể được khai thác ở các vùng nước nông, cửa sông, ven biển, đáy biển để thay thế cho nguồn vật liệu đang cạn kiệt dần trên lục địa. 21 Bao quanh quần đảo Trường Sa, trên sườn lục địa - chân lục địa (chủ yếu ở độ sâu 2.000-4.000 m) và đáy biển sâu còn có tiềm năng về kết hạch sắt - mangan, bùn đa kim. Nguồn tài nguyên khoáng sản trong khối nước biển có trữ lượng lớn nhất là muối với trữ lượng rất lớn, nước ta có ưu điểm nổi bật về đường bờ biển dài hơn 3.200 km. Đây là loại khoáng sản dễ khai thác phục vụ cho công nghiệp và đời sống rất thiết thực, với sản lượng muối thu hoạch vào khoảng 800.000 tấn mỗi năm. Thủy triều, sóng và gió cũng là nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng trên các vùng biển, đảo Việt Nam. Theo số liệu của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, chỉ tính riêng dải duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ đã có khả năng sản xuất điện tới 5 x 109 KWh/năm. * Tiềm năng giao thông của biển Việt Nam ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp Vùng biển Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển giao thông - vận tải biển, thúc đẩy nền thương mại quốc gia. Phát triển vận tải biển thúc đẩy quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá, là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trong nước. Trong sản xuất công nghiệp, chi phí cho vận tải nguyên vật liệu, hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn, nhất là khi phải vận chuyển xa từ quốc gia này đến quốc gia khác, thậm chí từ châu lục này tới châu lục khác. Vận tải bằng đường biển hầu như chỉ tốn chi phí xây dựng cảng và mua sắm phương tiện vận tải. Điều này khiến cho chi phí vận tải giảm rất nhiều. 22 Với khoảng 3.260 km bờ biển, Việt Nam có tiềm năng về cảng biển hết sức to lớn. Hệ thống cảng biển Việt Nam bao gồm hơn 90 cảng biển lớn nhỏ, trong đó có một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng, như các cảng Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ,... Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Trong những năm qua, các cảng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và phía nam, một số cảng chuyên dùng (như bến thứ nhất của cảng tàu Dung Quất, cảng Nghi Sơn (cảng chuyên dùng cho công nghiệp xi măng), cảng Cát Lát (cảng chuyên dùng cho công nghiệp xi măng và vận chuyển container), một số cảng ở khu công nghiệp Gò Dầu, Hiệp Phước,...) đã được mở rộng và nâng cấp. Chính nhờ có hệ thống giao thông biển mở rộng gắn liền với hệ thống cảng biển, các trung tâm công nghiệp lớn của đất nước đã hình thành và phát triển, trong đó khu vực kinh tế trọng điểm Nam Bộ gắn liền với cụm cảng Sài Gòn, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn liền với cụm cảng Hải Phòng. Chính nhờ có hệ thống cảng biển này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, nhất là xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong nền kinh tế của Việt Nam. * Giá trị của khoảng không mặt biển Việt Nam trong sự phát triển giao thông hàng hải Vùng biển, đảo Việt Nam nằm hoàn toàn trong vùng nhiệt đới, có diện tích rộng khoảng 1 triệu km2, 23 quanh năm nước không đóng băng. Đây chính là điều kiện quan trọng để giao thông - thương mại phát triển. Biển Việt Nam nói riêng, Biển Đông nói chung nằm ở vị trí có nhiều tuyến đường biển quan trọng của khu vực và thế giới, giữ vai trò to lớn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thương mại, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực. Biển Việt Nam nối thông với nhiều hướng giao thương hàng hải lớn. Từ các hải cảng ven biển của Việt Nam có thể thông qua eo biển Malacca để đi đến Ấn Độ Dương, Trung Đông, châu Âu, châu Phi. Cũng từ các hải cảng ven biển nước ta có thể thông qua eo biển Bashi để đi vào Thái Bình Dương, đến các cảng của Nhật Bản, Liên bang Nga, các quốc gia thuộc Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Từ biển Việt Nam có thể trực tiếp đi qua các eo biển giữa Philíppin, Inđônêxia, Xingapo thẳng đến Ôxtrâylia và Niu Dilân,... Đây là điều kiện rất thuận lợi để ngành giao thông vận tải biển nước ta phát triển, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa nước ta với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Đáp ứng thời cơ mở rộng, phát triển giao thương trên biển, Việt Nam đã xây dựng hệ thống gồm hơn 90 cảng lớn nhỏ do trung ương và địa phương quản lý (không kể các cảng cá), với tổng năng lực thông qua cảng là 35 triệu tấn/năm. Ngoài ra, bờ biển Việt Nam dài, vùng biển có nhiều vịnh biển kín, nhiều vũng đậu tàu và cửa sông phân bố khá dày từ Bắc 24 xuống Nam cho phép Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống ba cảng biển nối tiếp nhau với tổng công suất trên 500 triệu tấn/năm. Trung bình cứ 30 km bờ biển Việt Nam lại có một cảng biển, trong đó các cảng quan trọng nhất là Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn, Nha Trang, Vân Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải, Sài Gòn, Cần Thơ,... Số lượng hàng hóa vận chuyển qua các cảng biển đã không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Đây chính là những điều kiện nội sinh đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng và phát huy giá trị của khoảng không mặt biển để phát triển các hoạt động vận tải và thương mại biển. b) Tiềm năng kinh tế du lịch biển của Việt Nam Tài nguyên du lịch biển của Việt Nam cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh, nhanh, bền vững cho nền kinh tế Việt Nam. Các bãi biển của Việt Nam phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng hơn 100 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch, với bãi tắm thoải, khí hậu ôn hòa và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Hiện nay, hơn 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác du lịch biển. Một số địa danh du lịch biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, gần đây đã trở thành một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Vịnh Nha Trang được coi là một trong những vịnh đẹp nhất hành tinh. Bãi 25 biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu chọn là một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất thế giới. Theo các chuyên gia du lịch, biển Việt Nam rất đẹp và thích hợp cho du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng. Trải dài suốt từ Móng Cái (Quảng Ninh) cho đến mũi Cà Mau (Cà Mau) rồi vòng lên Kiên Giang có hàng ngàn cây số bờ biển thu hút, hấp dẫn du khách bởi bãi biển đẹp, cát trắng, cát vàng sạch sẽ, nước biển trong xanh, phong cảnh hữu tình. Trong đó, những khu vực biển có tiềm năng lớn đã đầu tư phát triển là Trà Cổ - vịnh Hạ Long; Hải Phòng - Cát Bà; Sầm Sơn - Cửa Lò; Nhật Lệ - Cửa Tùng - Cửa Việt; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Quảng Ngãi - Quy Nhơn; Vân Phong - Đại Lãnh - Nha Trang; Ninh Thuận - Phan Thiết - Mũi Né; Vũng Tàu - Long Hải - Cần Giờ - Côn Đảo; Hà Tiên - Phú Quốc,... Sự có mặt của các tập đoàn quản lý khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam như: Furama, General, Accor, Starwood, Marriot,... càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam. Ngoài ra, nhiều hình thức du lịch mới như lướt sóng, đua thuyền buồm, du lịch lặn biển,... hay việc đón các chuyến tàu du lịch quốc tế đến Huế, Nha Trang, Đà Nẵng,... trong thời gian gần đây đã đem lại nhiều triển vọng cho du lịch văn hóa biển Việt Nam. Theo một số tài liệu thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây, vùng ven biển đã thu hút hằng năm hơn 73% số lượt khách du lịch quốc tế đến các địa phương trong lãnh thổ Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trung 26 bình khoảng 31%/năm. Năm 1997, số khách du lịch quốc tế đến vùng ven biển đạt 2.127.000 lượt. Đến năm 2002, số khách du lịch quốc tế đến vùng ven biển đã đạt gần 5,3 triệu lượt và năm 2008, các tỉnh ven biển đón khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với tỷ lệ cao số lượng khách du lịch, thu nhập xã hội từ du lịch của các địa phương ven biển luôn chiếm tỷ lệ lớn (trên 70%) trong tổng thu nhập xã hội từ du lịch của cả nước. Có thể thấy du lịch biển đã mang về nguồn thu lớn cho nền kinh tế Việt Nam. * Địa hình bờ biển và hải đảo trong sự phát triển kinh tế biển Việt Nam Địa hình bờ biển của nước ta rất đa dạng và độc đáo do được phát triển trên các loại đất đá khác nhau trong điều kiện khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo chiều Bắc - Nam. Trên bờ biển của Việt Nam lại có nhiều mũi đá nhô ra sát biển tạo thành các dãy núi nằm cắt ngang như đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả,... hay như địa hình “karst”* phát triển trên nền đá vôi ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Đỏ (Ninh Thuận),... và các vách đá hùng vĩ ở mũi Đá Vách, mũi Đại Lãnh, đèo Hải Vân, “gành đá đĩa” phát triển trên đá bazan ở Phú Yên,... Đường bờ biển của nước ta rất khúc khuỷu, lại được các đảo ven bờ che chắn (như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long,...), có nhiều vũng, vịnh * Địa hình “karst” là địa hình của các kiểu phân rã đặc trưng thông thường được đánh dấu bởi hệ thống thoát nước theo hang động ngầm dưới đất. 27 (Vũng Áng, vịnh Đà Nẵng, An Hòa, Dung Quất, Quy Nhơn, Xuân Đài, Vũng Rô, Vân Phong,...) và nhiều cửa sông lớn đổ trực tiếp vào Biển Đông: Căn cứ vào vị trí địa lý so với bờ biển có thể phân chia biển, đảo Việt Nam thành các đảo, quần đảo gần bờ (nằm trong phạm vi từ vùng tiếp giáp lãnh hải trở vào) và các đảo, quần đảo xa bờ (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế). Các đảo và quần đảo gần bờ có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước và bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển và bờ biển nước ta. Còn các đảo và quần đảo xa bờ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh - quốc phòng và chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia (quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, đảo Thổ Chu,...). Ngoài ra, thành tạo địa hình bờ biển và hải đảo như trên có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác - chế biến hải sản, giao thông - vận tải đường biển, du lịch - thể thao - nghỉ dưỡng,... Ngoài ra, một số thành tạo địa hình có giá trị cảnh quan còn được sử dụng trực tiếp trong dịch vụ du lịch. *Những vịnh đẹp, nổi tiếng trên biển Việt Nam Trải dài trên khoảng 3.260 km bờ biển, Việt Nam sở hữu một số vịnh đẹp, nổi tiếng, trong đó nổi bật gồm: - Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh): Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã hai lần công nhận vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. 28 Năm 2003, vịnh Hạ Long được “Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới” xếp là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Ngày 11-11-2011, vịnh Hạ Long chính thức được bình chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do tổ chức New7Wonders tổ chức. - Vịnh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế): Năm 2009, vịnh Lăng Cô đã trở thành thành viên thứ 30 của “Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới”. - Vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa): Năm 2003, vịnh Nha Trang chính thức được “Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới” công nhận và xếp hạng là một trong 29 vịnh đẹp nhất trên thế giới. - Vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). - Vịnh Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). - Vịnh Ninh Vân (tỉnh Khánh Hòa). - Vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa). - Vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận). - Vịnh Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). - Vịnh Xuân Đài (tỉnh Phú Yên). (...) *Những bãi biển đẹp, nổi tiếng trên vùng biển Việt Nam Vùng biển Việt Nam rộng, ven bờ biển có nhiều cửa ngõ thông thương tạo điều kiện phát triển các loại hình vận tải, dịch vụ hàng hải, rất thuận lợi cho các hành trình giao lưu quốc tế. Đồng thời, khí hậu và sinh thái là những điều kiện lý tưởng để phát triển hình thái du lịch ven biển và du lịch biển, đảo của nước ta. Với đặc thù này, dọc theo bờ biển từ Bắc vào 29 Nam có rất nhiều bãi biển đẹp và nổi tiếng, trong đó đặc biệt phải kể tới: - Bãi biển Trà Cổ (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). - Bãi biển Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng). - Bãi biển Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng). - Bãi biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An). - Bãi biển Thiên Cầm (tỉnh Hà Tĩnh). - Bãi biển Nhật Lệ (thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). - Bãi biển Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị). - Bãi biển Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế). - Bãi biển Hoàng Hậu (tỉnh Bình Định). - Bãi biển Đại Lãnh (tỉnh Khánh Hòa). - Bãi biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). - Bãi biển Mũi Né (tỉnh Ninh Thuận). - Bãi biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). (...) c) Nguồn lợi sinh vật vùng biển, đảo Việt Nam Cùng với các nghiên cứu tổng thể về hệ sinh vật biển, các nhà khoa học cũng đã có những nghiên cứu cơ bản để đánh giá tiềm năng tài nguyên sinh vật biển. Cho đến nay đã xác định được danh mục gần 12.000 loài sinh vật biển Việt Nam, bao gồm cả động vật và thực vật. Các nghiên cứu đã chứng minh nguồn lợi hải sản Việt Nam phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng trên 2.000 loài cá, gần 6.000 loài động vật đáy, 653 loài tảo, 5 loài rùa, 12 loài rắn biển,... 30 Trong đó, một số nhóm sinh vật biển có giá trị kinh tế quan trọng như cá, tôm, mực,... đã được xác định khu vực phân bố, trữ lượng và khả năng khai thác. Trữ lượng cá đáy và cá nổi khoảng 3-3,5 triệu tấn (chưa kể cá nổi di cư xa, cá sống ở ven các đảo,...), với khả năng khai thác cho phép khoảng 1,5-1,7 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu đa dạng hóa về sản phẩm biển đang là hướng đi rất tích cực, nhằm giảm bớt áp lực lên các đối tượng khai thác truyền thống. Các loài thân mềm (ngao, nghêu, tu hài, hàu, vẹm, ốc hương,...) đang được coi là đối tượng khai thác, nuôi trồng chỉ xếp sau các loài cá. Đặc biệt, trong một số năm gần đây, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tìm được nhiều chất có giá trị dược liệu quý từ các loài hải miên, da gai, san hô, sứa biển,... Đây là hướng đi rất tích cực trong nghiên cứu, sử dụng hợp lý nguồn lợi sinh vật biển phục vụ phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc thường xuyên nghiên cứu, biên tập Sách Đỏ Việt Nam cũng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển. Đặc biệt, nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học biển nhằm bảo vệ tài nguyên biển đã đạt được những kết quả khả quan. Một số biện pháp sử dụng các loài sinh vật có ích để bảo vệ môi trường cho từng khu vực hẹp đã bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, có thể kể đến biện pháp nuôi cấy các chủng vi sinh vật phân hủy dầu, làm sạch dầu trên các bãi triều của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và 31 Công nghệ Việt Nam, nuôi ghép các loài hai mảnh vỏ (vẹm xanh) với nuôi tôm làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thức ăn dư thừa của tôm,... Các chế phẩm vi sinh làm sạch môi trường cho các ao, đầm nuôi thủy sản cũng đã trở thành sản phẩm thương mại của Việt Nam. d) Giá trị hệ sinh thái đối với sự phát triển kinh tế biển Việt Nam Các nhà nghiên cứu cho rằng giá trị cụ thể của lượng vật chất khai thác từ biển mà con người vẫn cân, đong, đo, đếm như từ xưa đến nay là quá nhỏ bé so với giá trị thực của biển. So với những gì mà người dân ven biển đang “nhặt nhạnh” được hằng ngày như hiện nay, giá trị chức năng sinh thái của các vùng biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập cho con người cao hơn hàng chục lần, thậm chí hàng nghìn lần. Cách đây hơn 50 năm, các chuyên gia xếp đất rừng ngập mặn thuộc dạng đất hoang và giá trị đất đai không đáng kể. Ngày nay, chỉ với giá trị mặt bằng, rừng ngập mặn đã được các chuyên gia định giá khoảng 160-530 USD/ha/năm. Các nguồn lợi khai thác và nuôi trồng hải sản, du lịch,... đã làm tăng giá trị của rừng ngập mặn lên khoảng 95.000-98.000 USD/ha/năm. Riêng giá trị chức năng sinh thái của hệ rừng ngập mặn có thể nói là vô giá. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học trong dự án “Đánh giá giá trị kinh tế - sinh thái của các rạn san hô Đông Nam Á”, kết quả bước đầu cho biết giá trị tính ra đôla Mỹ trên diện tích 1 km2 của hệ sinh thái 32 san hô Hòn Mun tại vịnh Nha Trang, Khánh Hòa (nơi có đa dạng sinh học san hô cao nhất Việt Nam hiện nay là 350 loài) như sau: giá trị do khai thác cá là 36.207 USD, giá trị do thu từ du lịch là 15.000 USD, còn giá trị chức năng sinh thái, bảo vệ bờ biển là 60.145 USD, tổng cộng là 111.352 USD/km2. Đây là con số gây nhiều ấn tượng, nhưng cũng chỉ bằng 37,9% so với tổng thu nhập từ hệ sinh thái rạn san hô ở Maricanban của Philíppin (đạt đến 293.796 USD/km2). Các giá trị kinh tế của những hệ sinh thái ở các vùng khác nhau sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Các giá trị này dao động trung bình khoảng từ 3 đến 159 lần. Do đó, khi đề cập giá trị kinh tế thực của các hệ sinh thái cụ thể thì phải xác định rõ địa chỉ chính xác, cũng như xác định các đối tượng định giá là giá trị hàng hóa hay giá trị chức năng. 2.3. Các ngư trường chính trên vùng biển Việt Nam Ngư trường khai thác là nơi có các quần thể cá (hay hải sản khác) tập trung tương đối ổn định, luôn đạt sản lượng cao trong khai thác. Sự xuất hiện các quần thể cá tại ngư trường thường mang tính mùa vụ, với chu kỳ dài ngắn khác nhau, tùy thuộc các yếu tố sinh thái tự nhiên. Dựa vào đặc điểm vị trí địa lý và địa hình, vùng biển Việt Nam được phân chia thành bốn ngư trường khai thác chính, gồm: - Ngư trường vịnh Bắc Bộ. - Ngư trường miền Trung. 33 - Ngư trường Đông Nam Bộ. - Ngư trường Tây Nam Bộ. Trên bốn ngư trường này, chế độ gió mùa đã tạo nên sự thay đổi cơ bản các điều kiện hải dương sinh học, làm cho sự phân bố cá (và các loài hải sản khác) mang tính chất mùa vụ rất rõ rệt. a) Sự phân bố luồng cá ở ngư trường vịnh Bắc Bộ Ngư trường vịnh Bắc Bộ nằm trong vùng biển vịnh Bắc Bộ. Trong thời gian gió mùa Đông Bắc thổi, kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, cá tập trung ở vùng nước sâu khu vực giữa vịnh. Trong thời gian gió mùa Tây Nam thổi, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hằng năm, cá lại di cư vào vùng nước nông ven bờ đẻ trứng. Thời kỳ này có các loài cá nổi tập trung nhiều nhất ở vùng gần bờ, sau đó giảm đi rõ rệt. Trong khi đó, sản lượng cá đáy ở vùng biển gần bờ đạt cao nhất từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. b) Sự phân bố luồng cá ở ngư trường miền Trung Ngư trường miền Trung nằm trong vùng biển từ Đà Nẵng đến Mũi Dinh (Ninh Thuận), có địa hình đáy dốc, khu vực nước nông dưới 50 m rất hẹp, lưu lượng nước sông ít nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của vùng nước ngoài khơi. Vì vậy, sự phân bố luồng cá thể hiện tính chất mùa vụ rõ rệt hơn. Trong đó, ở vùng gần bờ, cá thường tập trung từ tháng 3 đến tháng 9 hằng năm, chủ yếu là các loài cá nổi di cư vào bờ đẻ trứng, trong đó có nhiều loài cá đại dương như cá thu, cá 34 ngừ, cá chuồn,... Sự phân bố của cá đáy ở ngư trường này lại không thay đổi nhiều theo mùa. Riêng vùng nước nông ven bờ từ Quy Nhơn (Bình Định) đến Nha Trang (Khánh Hòa) có mật độ cá đáy tập trung tương đối cao. c) Sự phân bố luồng cá ở ngư trường Đông Nam Bộ và ngư trường Tây Nam Bộ Ngư trường Đông Nam Bộ và ngư trường Tây Nam Bộ có nhiều đặc điểm khá tương đồng, nằm trong vùng biển từ 11°30’ vĩ Bắc trở xuống, nơi bờ biển chuyển hướng Bắc - Nam sang Đông - Nam. Trong thời gian gió mùa Đông Bắc thổi, cá nổi tập trung ở vùng gần bờ nhiều hơn thời gian gió mùa Tây Nam thổi. Những khu vực tập trung chính trong các ngư trường này là Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Phan Thiết (Bình Thuận) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Thời gian gió mùa Tây Nam thổi, cá phân tán khiến cho mật độ cá trong toàn vùng giảm, có xu hướng hướng ra xa bờ và không có những khu vực tập trung lớn. Ở các khu vực đẻ trứng gần bờ, số lượng đàn cá tăng lên, trong đó có nhiều đàn lớn, nhiều lúc di chuyển nổi lên tầng nước mặt. Sản lượng cá đáy vùng gần bờ phía Tây Nam Bộ nhìn chung cao hơn vùng biển phía Đông Nam Bộ. Ở vùng biển Đông Nam Bộ có sản lượng khai thác vào thời gian gió mùa Đông Bắc thổi cao hơn so với thời gian gió mùa Tây Nam thổi, còn ở vùng biển Tây Nam Bộ thì ngược lại. 35 2.4. Cảng biển Việt Nam a) Vai trò của cảng biển trong khai thác nguồn lợi kinh tế biển, đảo Việt Nam Lịch sử của ngành đường biển thế giới cho thấy kinh tế biển luôn được coi là ngành mũi nhọn, trong đó vai trò chủ đạo là cảng biển. Nơi nào có cảng biển thì nơi đó sẽ nhanh chóng trở thành đô thị với kinh tế, công nghiệp và giao thương phát triển. Cảng biển càng phồn vinh thì kinh tế biển càng mạnh. Việt Nam nằm trong khu vực hoạt động hàng hải có việc khai thác cảng năng động bậc nhất thế giới. Rất nhiều các cảng xếp dỡ container hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á như cảng trung chuyển container quốc tế Hồng Kông (Trung Quốc), cảng PSA (Xingapo), cảng Pusan (Hàn Quốc), cảng Kaohsiung (Đài Loan),... Hiện nay, các nhà khai thác cảng và nhiều hãng vận tải biển hàng đầu của thế giới đang có mặt ở Việt Nam để đầu tư và cùng các doanh nghiệp hàng hải Việt Nam kinh doanh xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp hàng hải của Việt Nam học hỏi kinh nghiệm vươn ra thị trường lớn của thế giới. Đồng thời cũng là cơ hội để thu hút hàng hóa của các nước trong khu vực trung chuyển qua Việt Nam. Bờ biển Việt Nam dài, có nhiều vị trí thuận lợi, đặc biệt có nhiều vũng, vịnh kín sóng gió, nước sâu, gần tuyến đường hàng hải quốc tế, có nhiều cửa sông lớn thuận tiện cho xây dựng cảng biển hiện đại và 36 khai thác vận tải biển. Trên thực tế, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được nhiều cảng biển hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, chính là cơ sở để phát triển toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam. Bên cạnh nhiều thuận lợi đáng kể, thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải vượt qua chính là đào tạo và cung cấp đủ nguồn lực để phục vụ sản xuất và phục vụ công tác quản lý khai thác cảng biển, đội tàu vận tải và dịch vụ với chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cần phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với xu thế của thời đại và đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước, xây dựng và phục vụ ban hành các chính sách cụ thể để thúc đẩy kinh doanh có hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành hàng hải. Khai thác những tiềm năng to lớn của đất nước, chớp lấy thời cơ đang đến, ngành hàng hải Việt Nam cần phải cố gắng bắt kịp xu thế thời đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành, quản lý khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển nhằm đưa ngành hàng hải Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. b) Phân loại cảng biển Việt Nam theo quy mô, chức năng, nhiệm vụ Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24-12- 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt 37 Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng biển ở Việt Nam được quy hoạch thành 6 nhóm như sau: Nhóm 1: Nhóm cảng biển phía bắc, bao gồm các cảng biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Ninh Bình. Nhóm 2: Nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ, bao gồm các cảng biển từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Hà Tĩnh. Nhóm 3: Nhóm cảng biển Trung Trung Bộ, bao gồm các cảng biển từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ngãi. Nhóm 4: Nhóm cảng biển Nam Trung Bộ, bao gồm các cảng biển từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Bình Thuận. Nhóm 5: Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ, bao gồm các cảng biển trong vùng Đông Nam Bộ, bao gồm cả Côn Đảo và trên sông Soài Rạp, Long An, Tiền Giang,... Nhóm 6: Nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm các cảng biển trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả Phú Quốc và các đảo Tây Nam. c) Phân loại cảng biển Việt Nam theo vùng lãnh thổ Theo Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24-12- 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hệ thống cảng biển ở Việt Nam được phân loại theo quy mô, chức năng, nhiệm vụ thành ba nhóm cảng như sau: 38 - Nhóm cảng tổng hợp quốc gia: là các cảng chính trong hệ thống cảng biển Việt Nam, bao gồm cảng trung chuyển quốc tế: Vân Phong - Khánh Hòa; cảng cửa ngõ quốc tế: Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu; cảng đầu mối khu vực: Hòn Gai - Quảng Ninh, Nghi Sơn - Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Dương, Vũng Áng - Hà Tĩnh, Dung Quất - Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Bình Định, Nha Trang, Ba Ngòi - Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ. - Nhóm cảng địa phương: có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương (tỉnh, thành phố). - Nhóm cảng chuyên dùng: phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù chuyên biệt về hàng hóa và hành khách qua cảng (dầu thô, sản phẩm dầu, than, quặng, xi măng, clinke, hành khách,...) và là một hạng mục trong tổng thể cơ sở công nghiệp mà cảng đó phục vụ. 2.5. Rừng ngập mặn ven biển Việt Nam a) Rừng ngập mặn Rừng ngập mặn là loại rừng ở những cửa sông lớn ven biển, nơi nước mặn hòa lẫn với nước ngọt. Khi nước triều lên, rừng cây sẽ bị ngập một phần, hay có khi toàn phần trong nước biển. Khi nước triều xuống, rừng lại hiện ra trên bãi đất. Với các đặc tính của mình, cây ngập mặn vẫn có thể sống và sinh trưởng tốt trong những điều kiện khắc nghiệt đó. 39 b) Sự phân chia rừng ngập mặn theo khu vực Người ta thường dựa vào vị trí địa lý để phân loại rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn Việt Nam có thể chia ra làm bốn khu vực (và có thể phân chia chi tiết hơn thành 12 tiểu khu): - Khu vực 1: Rừng ngập mặn ven biển Đông Bắc, từ mũi Ngọc (Quảng Ninh) đến mũi Đồ Sơn (Hải Phòng). - Khu vực 2: Rừng ngập mặn ven biển đồng bằng Bắc Bộ, từ mũi Đồ Sơn (Hải Phòng) đến mũi Lạch Trường (Thanh Hóa). - Khu vực 3: Rừng ngập mặn ven biển Trung Bộ, từ mũi Lạch Trường (Thanh Hóa) đến mũi Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu). - Rừng ngập mặn ven biển Nam Bộ, từ mũi Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến mũi Nai (Kiên Giang). c) Những khu rừng ngập mặn nổi tiếng ven biển Việt Nam Ở ven biển Việt Nam có rất nhiều rừng ngập mặn. Trong đó, rừng Quốc gia U Minh, gồm hai phần là U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), là rừng ngập mặn được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam. Năm 2002, rừng U Minh được công nhận là vườn quốc gia với diện tích 8.053 ha, thuộc bộ phận của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), và khu vực bán đảo Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Đây được đánh giá là vườn quốc gia có giá trị độc nhất về kiểu rừng ngập mặn của Việt Nam và thế giới. 40 Một rừng ngập mặn nổi tiếng khác là Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), với sự đa dạng, phong phú đặc sắc về quần thể - thực vật. Ngày 21-01-2000, khu rừng này đã được Chương trình con người và sinh quyển (MAB) của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. d) Tác dụng phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường ven biển của rừng ngập mặn Việt Nam Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, hằng năm hứng chịu trung bình 5-8 cơn bão và nhiều áp thấp kèm theo mưa lớn. Các cơn bão thường kết hợp với triều cường gây ra lũ lụt. Trước kia, ở nhiều địa phương ven biển, mặc dù đê bao chưa được bê tông hóa nhưng mái đê có lớp cỏ cây và dây leo phủ kín, các dải rừng ngập mặn như những bức tường xanh vững chắc bảo vệ nên đê ít khi bị xói lở hoặc bị vỡ khi mưa bão. Vào cuối thế kỷ XX, do tác động của sự bùng nổ về dân số và yêu cầu xuất khẩu, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở miền Bắc đã bị phá để lấy đất trồng cói làm nguyên liệu chế biến hàng xuất khẩu. Ở miền Nam, rừng ngập mặn bị phá để làm đầm nuôi tôm, hay khai thác kiệt quệ để lấy gỗ tròn, hầm than xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc phá rừng ngập mặn phòng hộ để sản xuất nông nghiệp, làm nơi đổ xỉ than, xây dựng cảng, khu dân cư, khu du lịch,... cũng góp phần đáng kể trong việc hủy hoại rừng ngập mặn. Hậu quả của những hoạt động kinh tế vì lợi ích trước mắt hoặc 41 cục bộ đã dẫn tới sự hoành hành ngày càng tăng của các loại thiên tai, khiến cho cuộc sống của cộng đồng ven biển luôn bị đe dọa. Thực tế đã cho thấy, nơi nào phục hồi và bảo vệ tốt rừng ngập mặn thì khi có bão, kể cả những cơn bão lớn với tốc độ gió cấp 10, 11, 12 như trong năm 2005, hệ thống đê vẫn an toàn. Trong khi đó, ở nhiều nơi mà hệ thống đê được phủ bê tông vững chắc nhưng không có rừng ngập mặn phòng hộ, như ở Cát Hải, Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn có thể bị sạt lở nặng, một số đoạn bị vỡ trong cơn bão số 2 năm 2005. Điều đó cho thấy rừng ngập mặn Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường ven biển. Đồng thời, việc phục hồi các dải rừng ngập mặn, nghiên cứu các loài cây trồng thích hợp để giảm thiểu tác hại do thiên tai là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. 3. Biển Đông 3.1. Giới thiệu về Biển Đông Biển Đông là một biển nửa kín nằm ở rìa phía tây Thái Bình Dương, có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 3o đến 26o vĩ Bắc và từ 100o đến 121o kinh Đông, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 600 hải lý, độ sâu trung bình là 1.140 m, độ sâu lớn nhất là 5.416 m. Vùng có độ sâu trên 2.000 m chiếm khoảng 1/4 diện tích Biển Đông. Vùng thềm lục địa với độ sâu dưới 200 m chiếm phần lớn diện tích Biển Đông. 42 Ranh giới của Biển Đông ở phía đông bắc là đường nối điểm cực Bắc đảo Đài Loan kéo vào bờ lục địa Trung Quốc, ranh giới phía nam là khối nâng giữa các đảo Sumatra và Kalimantan. Bốn phía của Biển Đông đều có đường nối thông ra các biển và đại dương xung quanh. Luồng phía bắc Biển Đông nối thông sang biển Hoa Đông qua eo biển Đài Loan và thông sang Thái Bình Dương qua eo biển Bashi. Luồng phía đông Biển Đông nối thông sang biển Sulu và vượt sang biển Celebes qua eo biển Balabac. Luồng phía nam Biển Đông nối thông sang biển Java qua các eo biển Kalimantan và Legaspi. Luồng phía tây Biển Đông nối thông sang biển Andaman trước khi đến Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Đường thông luồng phía tây này cũng chính là con đường thông thương chính từ các nước châu Á sang các vùng khác của thế giới. Biển Đông cũng là một trong những biển rìa lớn nhất của Thái Bình Dương và là một trong sáu biển lớn nhất trên thế giới. Bao bọc xung quanh Biển Đông có Việt Nam và chín quốc gia, vùng lãnh thổ khác là: Brunây, Campuchia, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo, Thái Lan, Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông nằm ở phía nam đại lục Trung Hoa nên được cộng đồng quốc tế gọi tên là The South China Sea (biển Nam Trung Hoa). Theo quy định của Ủy ban quốc tế về biển của Liên hợp quốc, tên của biển rìa thường dựa vào địa danh của lục địa lớn gần 43 nhất hoặc mang tên của nhà khoa học đã phát hiện và mô tả biển đó. Do vậy, tên gọi biển Nam Trung Hoa không có nghĩa là biển sẽ thuộc quyền sở hữu về quốc gia mà biển đó mang tên. Tên gọi nhiều biển, đại dương vốn căn cứ vào vị trí của chúng so với các vùng đất gần đó cho dễ tra cứu, không nói về chủ quyền, mọi vấn đề có liên quan đến chủ quyền về biển đều phải tuân theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Tại Việt Nam, phần lớn lãnh thổ hướng chính ra biển là hướng Đông nên tên gọi Biển Đông được nhân dân Việt Nam gọi theo thói quen như là một danh từ riêng. Biển Đông là biển nằm ở phía đông của lãnh thổ Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Biển Đông xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, đã ghi dấu ấn trong các câu tục ngữ: “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, hay câu thành ngữ: “dã tràng xe cát Biển Đông”. Biển Đông là một tên gọi thuần Việt mang đậm nét văn hóa bản địa của cộng đồng dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Vùng biển của Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nối liền giữa Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Đại Dương với khu vực Trung Đông. Đây là điều kiện rất thuận lợi để mở rộng giao lưu quốc tế, phát triển nghề biển. Khí hậu vùng biển Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, thuận lợi cho sinh vật biển phát triển tốt, đây là nguồn tài nguyên sinh vật phong phú, đa dạng và quý hiếm. 44 Phần đất liền của Việt Nam tiếp giáp với Biển Đông ở hai phía là phía đông và phía nam với đường bờ biển dài 3.260 km tính từ tỉnh Quảng Ninh ở phía đông bắc đến tỉnh Kiên Giang ở phía tây nam. Như vậy, cứ 100 km2 diện tích đất liền ở Việt Nam thì có 1 km bờ biển. Trong vùng biển Việt Nam có khoảng 4.000 đảo lớn, nhỏ ở gần bờ và xa bờ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực giữa Biển Đông. Hoàng Sa thuộc phạm vi quản lý hành chính của thành phố Đà Nẵng và Trường Sa thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh Khánh Hòa. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước phồn vinh. 3.2. Vị trí chiến lược của Biển Đông trong sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nước ta Biển Đông là vùng biển có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị đặc biệt quan trọng, từ lâu đã là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế không chỉ của các nước xung quanh Biển Đông mà còn của một số cường quốc biển khác trên thế giới. Hiện nay, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Xingapo,... có nền kinh tế phụ thuộc ngày càng nhiều vào con đường Biển Đông. Hằng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và 45% hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, khoảng 60% khối lượng hàng hóa 45 xuất nhập khẩu của Trung Quốc,... được vận chuyển bằng con đường này. Nền kinh tế Xingapo phụ thuộc rất lớn vào Biển Đông. Việt Nam nằm ở rìa Biển Đông. Bờ biển Việt Nam có lợi thế là nằm gần một số tuyến hàng hải chính của quốc tế qua Biển Đông, trong đó có tuyến đi qua eo biển Malacca là một trong những tuyến giao thương có lượng tàu thuyền qua lại nhiều nhất thế giới. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển giao thương quốc tế của Việt Nam, trong bối cảnh tích cực hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Hiện nay, hầu hết khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và một phần giao lưu nội địa của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển trên Biển Đông. Trong một vài thập niên tới, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của các nước trong khu vực, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp nhiều lần hiện nay. Khi đó, Biển Đông nói chung, vùng biển Việt Nam nói riêng càng có vai trò to lớn trong thương mại khu vực và thế giới, có cơ hội trở thành cầu nối quan trọng để phát triển thương mại quốc tế, mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. 3.3. Thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông a) Sự hình thành của thềm lục địa tự nhiên Các thềm lục địa chiếm khoảng 6% diện tích của đại dương thế giới và được hình thành từ khá sớm. Vào khoảng 18.000-20.000 năm trước đây, trên Trái Đất tồn tại các lục địa băng lạnh giá có chứa một 46 lượng nước lớn khiến mực nước biển lúc đó thấp hơn hàng chục mét so với ngày nay. Trong thời kỳ đó, thềm lục địa là một phần của đất liền. Về sau, các lục địa băng tan dần đã làm mực nước biển dâng lên, khiến cho các vùng thềm lục địa bị ngập dưới nước. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến cho rằng thềm lục địa được hình thành do sự xâm thực của sóng, hoặc là sản phẩm của các trầm tích. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, đối với diện tích thềm lục địa lớn như vậy thì không có ý kiến nào kể trên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tất cả các vùng thềm lục địa trên Trái Đất. Khả năng hài hòa và được chấp nhận rộng rãi nhất chính là một số vùng của thềm lục địa hình thành do kết quả xâm thực của sóng, còn những vùng khác là nhờ trầm tích, đồng thời, cũng có những vùng thềm lục địa được tạo thành do cả hai nguyên nhân là sự xâm thực và trầm tích. b) Cách tính thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông: Theo Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 12-5-1977, “thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không 47 đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó”. Điều 17 Luật biển Việt Nam năm 2012 quy định rõ: “Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 m”. c) Sự phân chia thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông Thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông được phân chia thành bốn khu vực cơ bản cụ thể như sau: Hình thái thềm lục địa Bắc Bộ: Thềm lục địa Bắc Bộ bao gồm toàn bộ đáy vịnh Bắc Bộ kéo dài xuống tới vĩ độ 16000’ Bắc ngang với vùng biển thuộc thành phố Đà Nẵng. Thềm lục địa ở đây có dạng một lòng chảo chạy ép sát về phía đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có sườn máng dốc hơn về phía Việt Nam. Độ sâu ở trung tâm vịnh đạt tới 70-80 m, vùng cửa vịnh có độ sâu khoảng 100 m và ở rìa thềm lục địa sâu khoảng 200 m. 48 Hầu hết diện tích thềm lục địa Bắc Bộ có góc dốc 2-5’. Mức độ chia cắt sâu nhỏ. Các dạng địa hình âm dạng máng trũng đan nhau kiểu phân nhánh chiếm ưu thế, có hướng dốc về phía vịnh Bắc Bộ và là dấu vết của các thung lũng cổ. Nơi gặp nhau của các máng này là những hồ trũng, đôi khi sâu đến 108 m (như ở phía ngoài khơi đảo Cồn Cỏ, cách 120 km về phía đông bắc). Ngoài ra, các dạng địa hình dương thường là những mỏm đá ngầm, những vết lộ của các cồn đá cổ còn sót lại. Các dạng này phân bố chủ yếu ở ven bờ và quanh các đảo như Bạch Long Vĩ. Hình thái thềm lục địa Trung Bộ Thềm lục địa Trung Bộ bao gồm dải thềm lục địa từ khu vực phía nam vùng biển thành phố Đà Nẵng kéo dài đến vùng biển thuộc Bình Thuận. Rìa thềm lục địa chạy dọc theo hướng kinh tuyến men theo đường đẳng sâu 140 m. Đây là khu vực thềm lục địa hẹp nhất Việt Nam và phát triển dựa trên khung cấu trúc - kiến tạo định hướng Bắc - Nam. Bề mặt thềm lục địa dốc, các đường đẳng sâu từ 20-100 m nước chụm sát vào nhau. Ven bờ nhiều đá dốc, đá ngầm và các san hô. Riêng từ vùng biển thành phố Đà Nẵng đến phía bắc đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), địa hình thềm lục địa Trung Bộ có tính phân bậc rõ, có thể chia thành ba bậc: (1) Bậc 0-50 m: Bề mặt đáy có góc dốc từ 2-10’ và đôi chỗ đến 10-30’; mật độ chia cắt sâu nhỏ, trung 49 bình là 10 m; các dạng địa hình phân bố theo hướng Tây Bắc - Đông Nam hoặc Đông Bắc - Tây Nam. (2) Bậc 50-100 m: Bề mặt đáy có góc dốc 30’-20; mật độ chia cắt rất yếu và các dạng địa hình phân bố hầu hết theo hướng gần kinh tuyến. (3) Bậc >100 m: Bề mặt đáy có góc dốc trung bình 10-300; mật độ chia cắt sâu lớn (thường là từ 10-20 m); các dạng địa hình dương liên quan đến các điểm lộ đá có độ tuổi lớn. - Ngoài ra, các dạng địa hình dương và địa hình âm trong khu vực thềm lục địa Trung Bộ thường phân bố dạng tuyến song song và theo hướng bờ biển. Ranh giới giữa các bậc địa hình thềm lục địa mô tả trên là các “sườn dốc” chuyển tiếp xen giữa. Các sườn dốc này cũng có hướng song song với bờ biển và được coi là dấu vết của đường bờ cổ. Hình thái thềm lục địa Đông Nam Bộ + Thềm lục địa Đông Nam Bộ bao gồm dải thềm lục địa từ khu vực vùng biển của tỉnh Bình Thuận kéo dài về phía nam đến vùng biển mũi Cà Mau thuộc tỉnh Cà Mau. Đây là khu vực thềm lục địa mở rộng và chịu ảnh hưởng ít nhiều của hệ thống sông Cửu Long. + Khu vực phía bắc Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) có địa hình đáy phức tạp, độ chia cắt mạnh, mật độ chia đáy dày, trung bình khoảng 0,2-0,3 km/km2, thuộc loại lớn nhất của thềm lục địa Việt Nam. Ở đây có độ chia cắt sâu lớn, trung bình từ 10-20 m. Những nơi tiếp cận với mũi nhô như Ba Kiềm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Côn Đảo 50 (Bà Rịa - Vũng Tàu) có độ chia cắt sâu vượt quá 20 m. Ở khu vực thềm lục địa có độ chia cắt sâu nhỏ hơn 70 m, ưu thế lại thuộc về các dạng địa hình âm, có hướng tương đồng với hệ thống thung lũng sông trên lục địa. + Ở thềm lục địa Đông Nam Bộ, địa hình dương gồ ghề phân bố từ ngang Cà Ná (Ninh Thuận) đến Hàm Tân (Bình Thuận), xung quanh đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và kéo dài theo hướng Đông Bắc đến bãi cạn Royalbishop và dọc theo mép thềm lục địa từ vĩ độ 7000’ Bắc đến 9030’ Bắc. + Ngoài ra, loại địa hình bằng phẳng hoặc phổ biến dạng địa hình âm có kích thước lớn, độ sâu nhỏ, đáy rộng phân bố chủ yếu ở khu vực phần trước châu thổ sông Cửu Long, phía đông nam của Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và đông bắc đảo Phú Quý (Bình Thuận). Hình thái thềm lục địa Tây Nam Bộ Thềm lục địa Tây Nam Bộ bao gồm dải thềm lục địa từ vùng biển ngang mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) kéo dài về phía nam và phía tây tới vùng biển Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), bao gồm toàn bộ phần thềm lục địa vịnh Thái Lan thuộc Việt Nam. Thềm lục địa Tây Nam Bộ thuộc loại thềm lục địa có chiều rộng lớn. + Vùng thềm lục địa ở gần trung tâm vịnh Thái Lan khá bằng phẳng, hơi nghiêng về phía tây với góc nghiêng địa hình trung bình 1-3’. Riêng khu vực gần đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có địa hình đáy bị chia 51 cắt phức tạp do tồn tại nhiều rãnh ngầm và đồi ngầm. Độ sâu đáy trung bình nhỏ, thường là 30-40 m, chỗ sâu nhất cũng chỉ 80-90 m. Phía xa ngoài bờ (thường bắt đầu từ độ sâu 30 m), thềm lục địa có địa hình đáy biển đặc trưng bởi kiểu xâm thực lục địa trước đây với các dạng “âm” trũng hướng Đông Bắc - Tây Nam và Đông - Tây. Trên bình đồ đáy biển, thềm lục địa Tây Nam Bộ tạo nên dạng “cành cây” phân nhánh giống mạng lưới thung lũng sông cổ. 4. Các đảo, huyện đảo và quần đảo của Việt Nam 4.1. Khái quát chung a) Đảo Theo quy ước trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Luật biển Việt Nam năm 2012, đảo được quan niệm là “một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”, và quần đảo là “một tập hợp các đảo, bao gồm cả bộ phận của các đảo, vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan chặt chẽ với nhau”. Như vậy, đảo có thể được hiểu là một vùng đất tự nhiên được bao bọc xung quanh bởi nước, nhô cao lên so với mặt nước và không bị ngập khi mực nước triều lên cao nhất. Nguồn gốc hình thành đảo khá đa dạng, có thể là một phần của lục địa do quá trình tách dần và lún xuống gây ra (như các đảo thuộc Nhật Bản, Malaixia, Inđônêxia, Xri Lanka, Mađagaxca,...), hoặc do hoạt 52 động núi lửa dưới đáy biển tạo thành (như các đảo thuộc quần đảo Hawaii,...). Đảo có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau, từ đảo san hô đến đảo lục địa, các đảo có thể đứng tách riêng đơn độc hay tụ họp thành quần đảo, hoặc kéo dài thành vòng cung đảo. Ngoài ra còn có các đảo nhân tạo do con người tạo ra. Trong những điều kiện xác định, một hòn đảo có thể có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa như các lãnh thổ đất liền khác. Chế độ pháp lý của các đảo phụ thuộc vào vị trí của đảo, có thể được xác định là nằm ven bờ hay ngoài khơi. Trong trường hợp đảo nằm gần bờ thì có thể lấy đường cơ sở làm mốc, vùng nước ở giữa biển và đảo được gọi là nội thủy. Trường hợp đảo nằm ngoài khơi (trừ những đảo dạng đá hoang không thích hợp cho con người đến ở) thì sẽ có các quy định quốc tế cụ thể. b) Đảo san hô Đảo san hô là loại hình đảo được tạo thành từ san hô. Trong quá trình tạo thành, san hô tụ hợp lại với nhau, tiết ra chất đá vôi tạo nên những cây san hô không ngừng sinh sôi, nảy nở. Sóng gió, chấn động có thể làm vỡ một bộ phận của chúng, nhưng những mảnh vụn đó lại lấp đầy các khoảng trống trong “rừng san hô” làm cho chúng càng thêm chắc chắn. Cùng với xương của các loài sinh vật khác, chúng tích tụ lại thành những tảng đá ngầm và hòn đảo mọc đứng thẳng trong biển. Mặc dù diện tích của các đảo san hô không lớn, độ cao nhô lên mặt biển cũng có hạn, 53 thường chỉ từ một vài mét đến vài chục mét, nhưng chúng vẫn có thể tồn tại vững vàng giữa đại dương. San hô cư trú ở những vùng nước biển ấm, trong và có hàm lượng muối thích hợp. Chúng chỉ có thể sống ở những vùng nước nông, có độ sâu trong khoảng vài chục mét. San hô cần được bám vào đáy biển có đá để mọc lên, vì thế rất nhiều đảo san hô được phân bố tại đường giáp giới với lục địa. c) Sự phân bố các đảo trên vùng biển Việt Nam Ở Biển Đông, Việt Nam có khoảng 4.000 đảo lớn, nhỏ, trong đó có khoảng 2.779 hòn đảo ven bờ, phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở vùng biển Đông Bắc (vịnh Bắc Bộ), vùng biển Tây Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở khu vực giữa Biển Đông. Căn cứ vào các điều kiện tự nhiên, kinh tế, dân cư và vị trí chiến lược, các đảo và quần đảo có thể được phân chia thành các nhóm đảo và quần đảo như sau: Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, các đảo Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Côn Đảo, Phú Quốc, Chàng Tây,... Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu như đảo Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Thổ Chu,... Các đảo nằm gần ven bờ có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ để bảo vệ an ninh, trật tự trên biển và vùng ven biển, bao gồm các đảo 54 thuộc huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng), huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). d) Các hòn đảo và quần đảo biển Việt Nam Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km và có khoảng 2.773 đảo ven bờ hợp thành một hệ thống với tổng diện tích khoảng 1.720 km2. Do đặc điểm kiến tạo, các đảo này phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở hai khu vực là vùng biển Đông Bắc (hơn 3.000 đảo) và vùng biển Tây Nam1. Trong số khoảng 2.773 hòn đảo trong vùng biển Việt Nam có 82 đảo có diện tích lớn hơn 1 km2, chiếm 92% tổng diện tích các đảo của Việt Nam. Trong đó, 23 đảo có diện tích lớn hơn 10 km2, 3 đảo có diện tích lớn hơn 100 km2 (gồm đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có diện tích 593 km2; đảo Cái Bầu, tỉnh Quảng Ninh có diện tích 200 km2; đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng có diện tích 149 km2) và khoảng 1.400 đảo nhỏ chưa chính thức được đặt tên. Mặc dù các đảo phân bố không đều nhưng tất cả các vùng biển ven bờ Việt Nam đều có các đảo che chắn ở mức độ khác nhau. 1. Trần Đức Thạnh (Chủ biên), Lê Đức An, Nguyễn Hữu Cử, Trần Đình Lân, Nguyễn Văn Quân, Tạ Hòa Phương: Biển đảo Việt Nam - Tài nguyên vị thế và những kỳ quan địa chất, sinh thái tiêu biểu, Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2012. 55 Ngoài ra, Việt Nam còn có hai quần đảo xa bờ là quần đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). đ) Các huyện đảo ở Việt Nam Việt Nam là một quốc gia có vùng biển rộng lớn. Trên Biển Đông có rất nhiều đảo và quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong hệ thống đơn vị quản lý hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, bên cạnh các huyện, thị xã trong đất liền còn có những huyện đảo ngoài biển. Hiện nay, nước ta có 12 huyện đảo thuộc các tỉnh, thành phố kéo dài suốt dọc vùng biển Việt Nam từ Bắc vào Nam, gồm: - Huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh); - Huyện đảo Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh); - Huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng); - Huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng); - Huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị); - Huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi); - Huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng); - Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa); - Huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận); - Huyện đảo Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); - Huyện đảo Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang); - Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). e) Những giá trị quan trọng nhất của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm là An Vĩnh và Trăng Khuyết. Về mặt quân sự, đảo Hoàng Sa 56 là đảo chính của quần đảo, dù không phải là đảo lớn nhất nhưng được cho là có vị trí quan trọng nhất, hơn cả đảo Phú Lâm trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trong thời gian chính quyền Sài Gòn quản lý, ở đảo này có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng, miếu Bà, cầu tàu và bia chủ quyền,... Quần đảo Hoàng Sa chỉ gồm một số đảo nhỏ giữa Biển Đông nên trong suốt thời kỳ dài của lịch sử đã không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt Nam ra khai thác theo mùa các tài nguyên như phân chim, tổ yến, san hô, đánh cá trong hàng thế kỷ. Cùng với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền, lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển, nhất là dầu khí,... các quốc gia có tiềm lực và tầm nhìn xa bắt đầu “nhòm ngó” quần đảo này như một cơ sở khí tượng thủy văn; quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần và là căn cứ quân sự chiến lược có khả năng khống chế Biển Đông, đường giao thông trên biển và cả trên không trong khu vực, một cơ sở pháp luật để bành trướng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên phần lớn Biển Đông nhằm khai thác các tài nguyên biển, nhất là dầu mỏ và khí tự nhiên. Trong khi đó, quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường 57 huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau biển Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua Biển Đông, trong đó có 15-20% tàu lớn trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo đã có đèn biển, có luồng vào, trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền tránh giông bão. Tuy nhiên, việc điều động tàu vẫn rất khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi khiến cho tàu thuyền ra vào thường phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày. Trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loại hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển và các loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa Biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải và đánh bắt hải sản. Đồng thời quần đảo này còn có tiềm năng trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Trong một vài thập niên tới, với tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo trung bình khoảng 7%/năm), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua Biển Đông sẽ tăng gấp 2-3 lần hiện nay, khi đó Biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt, ngay sau khi kênh Kra được xây dựng xong 58 (Thái Lan) sẽ thu hút thêm một lượng tàu biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội cho chúng ta chia sẻ thị phần vận tải quốc tế. Khi đó, vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển quần đảo Trường Sa nói riêng sẽ trở thành “cầu nối” cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo của quần đảo Trường Sa tạo thành lá chắn quan trọng phía trước vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía đông của đất nước, tạo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế, từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao. 4.2. Một số đảo, huyện đảo lớn của Việt Nam a) Huyện đảo Phú Quốc Đặc điểm tự nhiên huyện đảo Phú Quốc Huyện đảo Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất Việt Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km2, xấp xỉ diện tích đảo quốc Xingapo những năm 1960 khi chưa san lấp lấn biển. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện đảo Phú Quốc được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đảo Phú Quốc thuộc huyện đảo Phú Quốc, là hòn đảo lớn nhất nước ta, có hình dạng gần giống một cái 59 nêm nằm theo hướng Bắc Nam trong vịnh Thái Lan, đỉnh nhọn quy về xích đạo với chiều dài khoảng 50 km, chiều rộng từ 3 km đến 25 km, chu vi 120 km và diện tích tự nhiên 593 km2. Đảo Phú Quốc nằm cách mũi Nai (thị xã Hà Tiên) 45 km, cách thị xã Rạch Giá 120 km, xung quanh đảo có nhiều đảo nhỏ, trong đó lớn nhất là quần đảo An Thới nằm ở phía nam của đảo. Núi và rừng chiếm phần lớn diện tích của đảo. Địa hình cao ở phía bắc và phía đông, thấp dần về phía nam và phía tây. Lớn nhất là dãy núi Hàm Ninh, chạy dài trên 30 km dọc theo bờ biển phía đông, vòng cánh cung sâu vào trong nội địa. Dãy núi này phân chia thành nhiều nhánh, chia cắt địa hình nửa phần phía bắc đảo, với những đỉnh núi cao đáng kể, như: núi Chúa cao 630 m, núi Võ Quắp - 478 m, núi Ông Thày - 438 m, núi Đá Bạc - trên 400 m, núi Điện Tiên - 207 m. Phía bắc đảo có núi Ông Chao cao 307 m, chân núi nhô ra biển thành mũi Trâu nằm ở phía đông và mũi Đá Bạc phía tây. Kế đến là dãy núi Hàm Rồng chạy theo hướng Bắc - Nam dài 10 km nhô ra biển, tạo thành mũi Hàm Rồng ở phía bắc của đảo. Sát bờ phía tây bắc là dãy núi Bãi Dài, cao trung bình 250-300 m, gồm nhiều ngọn núi kế tiếp nhau và nhô ra biển thành mũi Gành Dầu, mũi Đá Toại, mũi Giải Đá, mũi Dẩn Xây, mũi Gió Trai. Lui về phía nam có dãy núi Bảy Rồng với nhiều đỉnh có độ cao từ 200 đến 300 m như núi Mặt Quỷ, núi Dương Tơ, núi Vô Hương. Ngoài ra còn có một số ngọn núi lẻ nằm dọc theo bờ biển phía tây, như: núi Khu Tượng, núi 60 Ông Lang, núi Bà Tân, núi chùa, núi Điện Tiên, núi Ông Phụng,... Do vậy, người ta còn gọi Phú Quốc là “xứ 99 ngọn núi”. Khí hậu ở Phú Quốc là vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình. Nhiệt độ trung bình năm khoảng từ 27ºC đến 27,5ºC biên độ nhiệt độ năm chỉ khoảng 2ºC-3ºC, trong khi biên độ nhiệt ngày khoảng 7ºC-10ºC. Ở Phú Quốc không hình thành mùa nhiệt. Phú Quốc là nơi có số giờ nắng cao, trung bình khoảng 2.400 giờ/năm. Tại Phú Quốc không có sự phân chia mùa nhiệt. Mùa mưa hình thành rõ rệt, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa năm trung bình tại Phú Quốc khoảng 3.000 mm, tập trung chủ yếu trong những tháng mùa mưa. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 8 (trung bình khoảng 500 mm), các tháng mùa khô ít mưa, tháng mưa ít nhất là tháng 2. Tương ứng với hai mùa mưa và mùa khô là gió mùa mùa hạ (hướng chủ yếu là hướng Tây Nam) và gió mùa mùa đông (hướng chủ yếu là hướng Đông Bắc). Sông ngòi trên đảo Phú Quốc gồm bốn hệ thống chính đó là: Rạch Cửa Cạn, Rạch Dương Đông, Rạch Cái Lắp và Rạch Trâm. Trùm lên toàn đảo là những cánh rừng rộng lớn với tổng diện tích khoảng 50.000 ha, chiếm gần 70% diện tích đảo, trong đó rừng đặc dụng chiếm đến 9.500 ha với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Ở Phú Quốc bao gồm tất cả hệ sinh thái rừng ở Việt Nam 61 như hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng nham, rừng cỏ tranh, rừng thứ sinh và rừng nguyên sinh. Theo thống kê chưa đầy đủ vườn Quốc gia Phú Quốc có gần 530 loài thực vật bậc cao, 365 loài chim, 150 loài động vật gồm 120 chi, 96 họ khác nhau và gần đây còn phát hiện thêm một số loài quý hiếm như Sói Rừng, Khỉ Bạch, do đó bảo vệ rừng ở đây là giữ gìn cho cả nước một “bảo tàng rừng”. Nguồn tài nguyên trong lòng đất Phú Quốc khá dồi dào với đá mài, cao lanh, mănggan, sắt, đồng đen, than đá, than nâu, đặc biệt là còn có đá Huyền Phách, một loại đá quý hiếm. Bên cạnh đó vùng biển Phú Quốc cũng là một trong những ngư trường phong phú, giàu có nhất của vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc có khoảng 75.000 dân cư ngụ trên địa bàn 8 xã, 2 thị trấn, với đặc điểm địa lý tự nhiên rất độc đáo, với khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nắng lắm, mưa nhiều. Phong cảnh thiên nhiên đẹp đã đem lại cho đảo Phú Quốc tiềm năng kinh tế to lớn, đặc biệt là du lịch. Đến Phú Quốc du khách có thể tắm biển, tắm suối, tắm sông, leo núi, vào hang, lên rừng và ra biển,... Chính vì vậy người ta còn gọi Phú Quốc là “hòn đảo ngọc”. Điều kiện tự nhiên của đảo Phú Quốc khá thuận lợi, ít bão tố lại có một vùng ngư trường giàu có với 100 loài hải sản. Với tiềm năng đó, cộng với sự đầu tư thích đáng, Phú Quốc trở thành trung tâm khai thác và chế biến hải sản lớn của khu vực. Rừng trên đảo Phú Quốc còn được giữ khá nhiều, tạo được cảnh 62 quan thiên nhiên và môi trường tốt. Phú Quốc không có nhiều khu di tích lịch sử có thể bị ảnh hưởng khi khai thác tiềm năng phát triển kinh tế; có điều kiện phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế. Đặc biệt, Phú Quốc có thế mạnh về du lịch, nếu biết khai thác đúng mức, có thể biến hòn đảo này thành địa danh nổi tiếng về du lịch. Cơ sở phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo Phú Quốc Đề án “Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 05-10-2004 tại Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, xác định: “Đảo Phú Quốc ở vào vị trí tiền tiêu phía tây nam vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, vừa có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước”. Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg được xem là mốc khởi điểm quan trọng của Phú Quốc, tạo tiền đề cho huyện đảo lớn nhất Việt Nam này trở thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao. Đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, Phú Quốc đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể: + Tăng trưởng tổng thu nhập nội bộ đảo Phú Quốc duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 - 2013 đạt hơn 22%/năm. + Lượng khách du lịch bình quân hằng năm tăng 13%/năm. Sáu tháng đầu năm 2018, Phú Quốc có 63 407.010 lượt khách quốc tế đến tham quan du lịch, đạt 81,4% kế hoạch năm. + Sản xuất công nghiệp tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Sáu tháng đầu năm 2018, ước giá trị sản xuất đạt 2.816 tỷ đồng, tăng 8,98%. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, ước giá trị sản xuất thủy sản đạt 2.062 tỷ đồng, đạt 50,11% kế hoạch, tăng 16,5%. + Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sáu tháng đầu năm 2018 ước giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 14,42 tỷ đồng, lũy kế đạt 112,67 tỷ đồng, đạt 49,64% so với kế hoạch. Thu ngân sách tập trung khai thác tốt các nguồn thu, tổng thu ngân sách trong sáu tháng đầu năm 2018 là 2.090 tỷ đồng, đạt 54,12% dự toán. + Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư, hoàn thiện đưa vào khai thác sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, hệ thống giao thông đường bộ và một số dự án hạ tầng khác. + Thu ngân sách bình quân hằng năm tăng 36%, năm 2012 đạt 681 tỷ đồng - tương đương thu ngân sách của một số đô thị loại I Việt Nam. Trên cơ sở các quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển chủ yếu, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt của đảo Phú Quốc, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội huyện đảo mà trọng tâm là phục vụ tốt phát triển du lịch và bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vì vậy, đồng thời với 64 việc phát triển mạng lưới giao thông, cung cấp điện, mạng lưới viễn thông,... vấn đề cung cấp nước sạch là một trong những nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra trên hết. Núi, rừng và biển là đặc trưng về địa hình, địa mạo của đảo Phú Quốc. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, lượng nước mưa hằng năm ở đây từ 2.500 mm đến 3.000 mm. Lượng mưa hằng năm cao chính là nguồn nước quan trọng bổ sung cho nước ngầm, là nguồn nước mặt cung cấp cho các con sông, suối nhỏ của đảo Phú Quốc, trong đó phải kể đến hai con suối lớn là suối Cửa Cạn và suối Dương Đông. Cũng chính hai con suối này đã đem lại sự trù phú cho nhân dân xã Cửa Cạn và thị trấn Dương Đông. Thiên nhiên đã dành cho Phú Quốc nhiều ưu ái, nhưng không phải là vô tận, hơn nữa khó khăn đặt ra cho sự phát triển kinh tế - xã hội Phú Quốc là hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực tại chỗ. Việc khai thác tiềm năng phục vụ Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc phải ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái đúng theo quan điểm của Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg. Phú Quốc có nguồn nước mưa dồi dào (lượng mưa trung bình hằng năm trên 3.037 mm), nhưng phân bố không đều trong năm, lượng mưa tập trung chủ yếu trong mùa mưa (khoảng 80%). Mặt khác địa hình đảo Phú Quốc lại có độ dốc lớn, khả năng tập trung nước và tiêu thoát ra biển cũng rất nhanh, lượng nước ngọt 65 trữ lại không nhiều. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa có số liệu cho phép đánh giá, xác định trữ lượng nước mặt, nguồn nước dưới đất chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, phục vụ tính toán cân bằng nước để giải quyết bài toán cung cấp nước sạch một cách cơ bản cho đảo Phú Quốc. Hiện nay, ở Phú Quốc mới có một trạm khí tượng hải văn Phú Quốc tại thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc. - Yếu tố đo đạc: số liệu khí tượng hải văn tại trạm khí tượng hải văn Phú Quốc từ năm 1957, tuy nhiên số liệu không liên tục, không đồng bộ, từ năm 1977 cho đến nay số liệu khí tượng hải văn mới có liên tục bao gồm: khí áp, gió, nhiệt, ẩm, nắng, mưa, bốc hơi, nhiệt độ đất, mực nước biển, sóng, độ mặn nước biển. - Thiết bị đo đạc tại trạm: từ trước năm 2005 sử dụng các máy, thiết bị của Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Từ đầu năm 2005, trạm được trang bị các thiết bị đo hiện đại hơn như: máy gió Young (của Mỹ), máy đo mưa (chao lật của Nhật), máy đo sóng tự động (của Mỹ). - Số liệu chất lượng nước: Số liệu về chất lượng nước mặt hầu như không có, chỉ đo nhiệt độ và độ mặn nước biển tại trạm khí tượng hải văn Phú Quốc thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ. b) Huyện Côn Đảo Đặc điểm tự nhiên Vị trí địa lý Huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là 66 một quần đảo nằm ở Đông Nam bán đảo Đông Dương, có tổng diện tích tự nhiên là 76,72 km2, bao gồm diện tích của 16 đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Côn Sơn là lớn nhất với diện tích 61,52 km2 (chiếm gần 80% tổng diện tích của huyện đảo). Huyện Côn Đảo nằm cách thành phố Vũng Tàu 185 km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 230 km và có khoảng 200 km bờ biển. Côn Đảo nằm trong tọa độ: 106o31’-106o45’ kinh độ Đông và 8o34’-8o49’ vĩ độ Bắc. Côn Sơn là nơi tập trung chủ yếu dân cư, kinh tế, chính trị, văn hoá của huyện đảo. Huyện Côn Đảo được thành lập sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, là nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, rừng và biển còn nguyên sơ, có vịnh kín gió tự nhiên và nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Quanh đảo là ngư trường đánh bắt hải sản rộng lớn của phía nam, lại là trung tâm khai thác dầu khí lớn nhất của cả nước, là cửa ngõ của Việt Nam với các nước ASEAN và gần đường hàng hải quốc tế từ châu Âu sang châu Á. Côn Đảo còn là khu di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng với khu nhà tù lớn nhất nước ta được bảo tồn và gìn giữ. Để tạo điều kiện cho huyện đảo phát triển, ngày 25-10-2005, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 264/2005/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020” với mục tiêu: Phát triển Côn Đảo trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2011, Chính phủ đã ký 67 Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05-9-2011 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng Côn Đảo bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá, bảo vệ hệ sinh thái rừng - biển, bảo đảm an ninh - quốc phòng theo hướng phát triển hiện đại và bền vững. Khó khăn của Côn Đảo trong phát triển kinh tế - xã hội còn rất nhiều, nhưng khó khăn nhất vẫn là vấn đề cấp nước. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho tiến hành đề tài khoa học nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp phát triển, khai thác, sử dụng và quản lý tổng hợp tài nguyên nước huyện Côn Đảo” là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Báo cáo chuyên đề “Nghiên cứu tính toán trữ lượng tài nguyên nước mặt huyện Côn Đảo” là chuyên đề quan trọng của đề tài này. Hiện đề tài này đã được nghiệm thu và đưa vào thực tế thực hiện. Mục đích chính của chuyên đề là: nghiên cứu tính toán đánh giá được trữ lượng tài nguyên nước mặt bằng các phương pháp hiện hành cho toàn huyện đảo nói chung và cho một số lưu vực sông suối nói riêng nhằm mục đích đề xuất các giải pháp công trình khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này, phục vụ cho dân sinh và phát triển kinh tế của huyện Đảo. Đặc điểm khí tượng thủy văn Côn Đảo * Đặc điểm khí hậu Vị trí địa lý và điều kiện địa hình là nhân tố chủ 68 yếu quyết định việc hình thành khí hậu của huyện Côn Đảo. Do nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, với các đặc trưng là quanh năm nóng và ẩm, chịu ảnh hưởng luân phiên của hai mùa gió chính là gió mùa mùa đông hướng Đông - Bắc và gió mùa mùa hạ hướng Tây - Nam, trong năm có sự phân hoá sâu sắc giữa hai mùa. - Chế độ nhiệt Nhiệt độ trung bình năm tại Côn Đảo là 27,4oC, cao hơn trong đất liền tại Vũng Tàu 0,1oC. Trong năm, các tháng 4, 5 là các tháng có nhiệt độ cao nhất, nhiệt độ trung bình đều đạt trên 28oC; và các tháng có nhiệt độ thấp nhất là các tháng 12, 1, 2, nhiệt độ trung bình chỉ đạt từ 25-26oC. Nhiệt độ không khí cao nhất tuyệt đối đo được tại Côn Đảo là 35,5oC (năm 1983), tại Vũng Tàu là 36,7oC (2001), nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối tại Côn Đảo là 17,7oC (năm 1983), tại Vũng Tàu là 18,1oC (năm 1993). - Chế độ ẩm Độ ẩm trung bình năm tại Côn Đảo là 81%, Vũng Tàu là 79,3%. Các tháng 12, 1 là các tháng có độ ẩm thấp nhất, độ ẩm trung bình các tháng này chỉ đạt 78% tại Côn Đảo, còn tại Vũng Tàu lại rơi vào các tháng từ tháng 1 đến tháng 4: trên dưới 76%. Độ ẩm cao nhất tuyệt đối đạt 85% tại Côn Đảo, 90% tại Vũng Tàu; độ ẩm thấp nhất tuyệt đối đạt 21% tại Côn Đảo và 30% tại Vũng Tàu. - Chế độ bốc hơi Lượng bốc hơi đo bằng ống Piche cho thấy tổng 69 lượng bốc hơi hằng năm tại Côn Đảo khoảng 1.168 mm, thấp hơn so với trong đất liền tại Vũng Tàu: 1.280 mm. Trong năm, lượng bốc hơi trung bình các tháng mùa khô gấp gần 2 lần các tháng mùa mưa, lượng bốc hơi tháng lớn nhất gấp hơn 3 lần tháng thấp nhất. Nguyên nhân do trong những tháng này nắng nhiều, nhiệt độ cao, độ ẩm thấp, gió mạnh. Đặc biệt, trong tháng 12 và tháng 1 tại Côn Đảo lượng bốc hơi tháng đều đạt 116-117 mm, trong khi đó tại Vũng Tàu lượng bốc hơi tháng lớn nhất lại rơi vào tháng 3, tháng 4 đạt 142-143 mm. Trong các tháng mùa mưa lượng bốc hơi giảm đi đáng kể chỉ còn 71-87 mm tại Côn Đảo và 75-76 mm tại Vũng Tàu (xem Bảng 1.1). Bảng 1.1. Lượng bốc hơi trung bình tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu Đơn vị: mm Tháng 1 2 3 4 5 6 Côn Đảo 117,3 101,0 100,5 95,0 92,2 90,7 Vũng Tàu 126,0 122,9 143,2 143,8 118,6 99,1 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Côn Đảo 96,1 101 87,8 71,6 98,4 116,3 1.168 Vũng Tàu 93,7 89,0 76,6 75,4 86,7 105,4 1.280 - Số giờ nắng Tổng số giờ nắng trung bình hằng năm tại Côn Đảo là 2.328 giờ, trong khi đó số giờ nắng trung bình hằng năm trong đất liền tại Vũng Tàu lên tới 2.700 giờ. Số giờ nắng bình quân trong ngày là 6,4 giờ. Trong các tháng mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5, số 70 giờ nắng bình quân tháng tại Côn Đảo lên tới 238- 246 giờ, tức 7,7-8,2 giờ/ngày, còn tại Vũng Tàu 231- 290 giờ. Các tháng trong mùa mưa ít nắng hơn nhưng cũng đạt trị số khá cao. Tháng có số giờ nắng thấp nhất tại Côn Đảo là tháng 12: 144 giờ, trung bình 4,6 giờ/ngày, trong khi đó tại Vũng Tàu lại rơi vào tháng 9: 186,4 giờ tức trung bình 6,2 giờ/ngày. - Chế độ gió Cũng như các vùng khác của miền Đông Nam Bộ, hằng năm Côn Đảo chịu ảnh hưởng của hai luồng gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Mùa đông (thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm sau). Côn Đảo chịu ảnh hưởng chủ yếu của gió mùa Đông Bắc. Sau khi di chuyển trên một chặng đường dài đi sâu xuống phía nam, khối không khí bị biến tính trở thành nhiệt đới hoá, thường khô và tương đối ổn định, làm cho mùa đông ở đây ấm áp và khô hạn. Mùa hạ, huyện đảo chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam từ vịnh Bengan vào đầu mùa và từ Nam Thái Bình Dương vào giữa và cuối mùa. Những luồng gió này thường mang theo những khối không khí có độ ẩm cao, khi di chuyển qua đảo gặp điều kiện địa hình núi cao dễ gây mưa và đây cũng là mùa mưa chính của đảo. Tốc độ gió bình quân hằng năm trên đảo khoảng 2,9 m/s. Tốc độ gió bình quân lớn nhất thường rơi vào tháng 12 và tháng 1 đạt 4,2 m/s tại Côn Đảo và tại Vũng Tàu đạt 3,9-4,2 m/s nhưng rơi vào các tháng 2 71 và tháng 3. Tốc độ gió lớn nhất có thể đạt trên 27 m/s (tháng 10-2007) với hướng Bắc - Tây Bắc và thường xuất hiện khi chịu ảnh hưởng của bão. Tốc độ gió trung bình và lớn nhất đã quan trắc được tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu xem Bảng 1.2 và Bảng 1.3. Bảng 1.2. Tốc độ gió trung bình tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu Đơn vị: m/s Tháng 1 2 3 4 5 6 Côn Đảo 4,2 3,5 2,7 1,8 1,7 2,4 Vũng Tàu 3,2 3,9 4,2 3,8 2,8 3,1 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Côn Đảo 2,6 3,1 2,4 2,7 3,5 4,2 2,9 Vũng Tàu 3,1 3,1 2,6 2,4 2,6 2,5 3,1 Bảng 1.3. Tốc độ gió lớn nhất tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu Đơn vị: m/s Tháng 1 2 3 4 5 6 Côn Đảo 22 Đông Bắc 23 Tây 17 Đông Đông Bắc 15 Đông Đông Bắc 23 Tây Bắc 23 Tây Bắc Vũng Tàu 15 15 15 14 20 20 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Côn Đảo 25 Tây Tây Bắc 25 Tây Bắc Bắc 22 Tây Tây Bắc 27 Tây Bắc Bắc 19 Đông Bắc Tây 21 Đông Bắc 27 Tây Bắc Bắc Vũng Tàu 22 20 20 14 20 14 22 72 - Chế độ mưa Lượng mưa trung bình hằng năm tại trạm Côn Đảo khoảng 2.085 mm, trong khi đó lượng mưa trong đất liền tại Vũng Tàu chỉ khoảng 1.394 mm. So với lượng mưa trên toàn quốc, mưa ở Côn Đảo thuộc loại tương đối cao. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phục vụ cấp nước cho dân sinh và phát triển các ngành kinh tế của huyện đảo. Lượng mưa bình quân tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo, Vũng Tàu được thể hiện tại Bảng 1.4. Bảng 1.4. Lượng mưa bình quân tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu Đơn vị: mm Tháng 1 2 3 4 5 6 Côn Đảo 8,7 6,0 14,4 51,1 214,5 298,7 Vũng Tàu 2,1 1,0 4,6 32,3 191,6 217,1 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Côn Đảo 302,5 307,7 313 357 162,4 48,4 2.085 Vũng Tàu 224,1 188,9 220,1 222,9 69,0 20,4 1.394 - Biến động lượng mưa năm Số liệu quan trắc được tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu cho thấy rằng: sự biến động lượng mưa năm không cao, lượng mưa năm lớn nhất cũng chỉ gấp hơn 2 lần lượng mưa năm nhỏ nhất (xem Bảng 1.5). 73 Bảng 1.5. Lượng mưa năm lớn nhất, nhỏ nhất tại hai trạm Côn Đảo, Vũng Tàu Đơn vị: mm Trạm Số năm quan trắc Lượng mưa lớn nhất Năm xuất hiện Lượng mưa nhỏ nhất Năm xuất hiện Lượng mưa lớn nhất/ Lượng mưa nhỏ nhất Côn Đảo 91 2.844 1975 1.341 1968 2,12 Vũng Tàu 60 1.970 1999 851 1973 2,21 - Biến động lượng mưa mùa Mùa mưa trùng với thời kỳ gió mùa Tây Nam và thông thường bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 (tuy nhiên có những năm mùa mưa đến sớm hơn, vào tháng 4 nhưng cũng kết thúc sớm hơn vào tháng 10 như năm 1961, 1999; và có những năm mùa mưa bắt đầu muộn từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 12 như năm 2005 và năm 1972). So với trong đất liền tại Vũng Tàu, mùa mưa ở Côn Đảo kéo dài hơn khoảng 1 tháng (mùa mưa kéo dài 7 tháng), lượng mưa chiếm tới 94% (ở trạm Vũng Tàu chỉ chiếm 90,7%) tổng lượng mưa năm. Nhìn chung, trong các tháng đầu mùa và các tháng cuối mùa, lượng mưa thường nhỏ và không ổn định; còn trong các tháng giữa mùa, lượng mưa ổn định hơn, lượng mưa tháng trong các tháng này qua các năm chỉ biến động trong khoảng từ 6-10% (xem Bảng 1.6). 74 Bảng 1.6. Bảng thống kê lượng mưa lớn nhất, nhỏ nhất tháng, năm tại trạm Côn Đảo Đơn vị: mm Tháng 1 2 3 4 5 6 Xmax 108,6 121,4 87,6 303,2 454,2 617 Năm 1967 1972 1952 1999 1978 1955 Xmin 0,0 0,0 0,0 0,0 42,9 145,8 Năm nhiều năm nhiều năm nhiều năm nhiều năm 1993 2009 Tỷ lệ 10,6 4,2 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Xmax 661,9 591,5 556,8 632,8 496,0 252,4 2.844 Năm 1966 1979 1962 1964 1970 1972 1975 Xmin 69,0 97,1 97,6 136,8 13,7 0,0 1.341 Năm 1955 1972 2004 1990 1991 nhiều năm 1968 Tỷ lệ 9,6 6,1 5,7 4,6 36,2 2,12 Mùa khô kéo dài 5 tháng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tổng lượng mưa 5 tháng chỉ đạt trên 100 mm, chiếm khoảng 6% lượng mưa năm. Các tháng từ tháng 1 đến tháng 3 lượng mưa trung bình hằng năm chỉ đạt từ 6-15 mm, thậm chí có nhiều năm không mưa gây khó khăn trong việc cấp nước. Tỷ lệ lượng mưa hai mùa tại hai trạm Côn Đảo, Vũng Tàu (xem Bảng 1.7). 75 Bảng 1.7. Tỷ lệ lượng mưa mùa mưa và mùa khô so với tổng lượng mưa năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu TT Trạm N Lượng mưa mùa mưa (mm) Tỷ lệ % năm Lượng mưa mùa khô (mm) Tỷ lệ % năm 1 Côn Đảo 60 1.596 (từ tháng 5 - tháng 11) 94 129 (từ tháng 12 - tháng 4) 6 2 Vũng Tàu 90 1.265 (từ tháng 5 - tháng 10) 90,7 129 (từ tháng 11 - tháng 4) 9,3 Côn Đảo nằm trong vùng ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, là những loại hình thời tiết thường gây mưa lớn, trên diện rộng. Bởi vậy, lượng mưa ngày trên đảo nhìn chung không lớn. Lượng mưa ngày lớn nhất trung bình khoảng 118 mm. Tuy nhiên, trong những trường hợp ảnh hưởng của bão hoặc các nhiễu động thời tiết khác, lượng mưa ngày lớn nhất có thể đạt trị số cao hơn 200 mm. Lượng mưa ngày lớn nhất đã quan trắc được tại Côn Đảo là 276.4 mm, vào ngày 01-11-1986. Còn tại Vũng Tàu, lượng mưa 1 ngày lớn nhất đã quan trắc được là 271,4 mm, vào ngày 28-4-1994. Theo thống kê tại trạm Côn Đảo: + Số ngày có lượng mưa 1 ngày lớn nhất đo được từ 50-100 mm trong thời gian từ năm 1948 đến năm 2010 (56 năm có gián đoạn) là: 22/56 năm; + Số ngày có lượng mưa 1 ngày lớn nhất từ 100- 200 mm là: 32 năm; 76 + Số ngày có lượng mưa 1 ngày lớn nhất trên 200 mm ít xảy ra. Trong chuỗi năm quan trắc chỉ có 3 năm đó là: 222,6 mm (ngày 27-11-1970), 220,2 mm (ngày 11-10-1985) và 276,4 mm (ngày 01-11-1986); Lượng mưa 1 ngày lớn nhất thường xảy ra vào mùa mưa chính vụ từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Số ngày mưa Hằng năm, Côn Đảo có khoảng 143 ngày mưa, từ tháng 6 đến tháng 11, Vũng Tàu chỉ có khoảng 123 ngày, chủ yếu tập trung vào các tháng mùa mưa, trung bình mỗi tháng trên dưới 20 ngày mưa, trong khi đó các tháng mùa khô chỉ từ 1 đến 6 ngày. Số ngày mưa trong các tháng mùa mưa chiếm tới 87% tổng số ngày mưa trong năm, còn các tháng mùa khô chỉ chiếm có 13% (xem Bảng 1.8). Bảng 1.8. Số ngày mưa trung bình tháng, năm tại hai trạm Côn Đảo và Vũng Tàu Tháng 1 2 3 4 5 6 Côn Đảo 2,3 0,9 2,9 6,6 16,4 17,3 Vũng Tàu 0,9 0,3 0,7 2,8 14,7 18,4 Tháng 7 8 9 10 11 12 Năm Côn Đảo 19,3 20,1 18,3 21,5 11,7 5,6 143 Vũng Tàu 19,5 19,3 19,1 16,7 7,3 3,3 123 77