🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Những Bài Viết Của Bác Hồ Trên Báo Nhân Dân Tập 1 (1951-1954) Ebooks Nhóm Zalo Mãsố: 3K5H CTQG-2015 CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN THUẬN HỮU TỔ CHỨC NỘI DUNG LÊ QUỐC KHÁNH PHAN HUY HIỀN ĐINH NHƯ HOAN PHẠM SONG HÀ NGUYỄN NGỌC THANH TỔ CHỨC BẢN THẢO PHÒNG TƯ LIỆU - THƯ VIỆN, TRUNG TÂM THÔNG TIN BIÊN SOẠN HUY THẮNG, VŨ KIM, THẠC HÙNG THU HÀ, PHƯƠNG MAI, NGÔ NHUNG, HẢI THANH, LAN HƯƠNG, VIỆT HƯNG 5 LỜI NHÀ XUẤT BẢN Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969) là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa lớn của thế giới, người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam... Người để lại cho chúng ta một di sản quý giá với hệ thống quan điểm tư tưởng lý luận toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có nhiều bài báo sâu sắc, giàu tính chiến đấu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết trong tác phẩm: Hồ Chí Minh - một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp: “Hồ Chí Minh là nhà chiến lược, nhà lãnh đạo, nhà tổ chức, đồng thời là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ lớn. Người đã mở đầu và góp phần quan trọng hiện đại hóa ngôn ngữ và câu văn Việt Nam. Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí, với một văn phong đa dạng nhiều sắc thái mà nổi bật lên tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian, dễ hiểu, đi sâu vang vọng trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ bình dị giầu hình tượng, nói được điều lớn bằng chữ nhỏ”1. Với nhiều bút danh khác nhau, nhà báo Hồ Chí Minh đã viết hàng nghìn bài báo với phong cách đa dạng, phong phú, ngôn ngữ uyển chuyển, linh hoạt thể hiện một trí tuệ uyên bác, một ý chí chiến đấu mạnh mẽ, một cái tâm rộng lớn. Những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải trên nhiều báo chí cách mạng trong _______________ 1. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.207. 6 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN nước và quốc tế, trong đó có Báo Nhân Dân - cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ năm 1951 đến năm 1969, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài báo của Người thể hiện tầm nhìn chiến lược, những chủ trương đối nội, đối ngoại của Người và Đảng ta. Mỗi bài báo của Người là vũ khí sắc bén kêu gọi tinh thần yêu nước, thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm, dốc toàn sức toàn lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để đi đến thắng lợi cuối cùng; ca ngợi tinh thần đoàn kết đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, sự giúp đỡ, tinh thần quốc tế vô sản trong sáng của Liên Xô, Trung Quốc...; vạch rõ những âm mưu, thủ đoạn đen tối của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương. Nhằm giúp bạn đọc có thêm tư liệu về các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân trong những năm 1951 - 1969, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản bộ sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân. Bộ sách tuyển chọn những bài viết của Bác đăng trên Báo Nhân Dân từ năm 1951 đến năm 1969 và được chia thành 3 tập: Tập 1 bộ sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân, gồm 360 bài viết, được sắp xếp theo thứ tự thời gian đăng trên Báo Nhân Dân từ năm 1951 đến năm 1954. Ngoài những bài viết đã được công bố trong bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, từ tập 7 đến tập 9 (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản năm 2011), cuốn sách giới thiệu 130 bài viết của Bác đăng trên Báo Nhân Dân với nhiều bút danh khác nhau, lần đầu được sưu tầm, tuyển chọn, công bố. Tuy đã có rất nhiều cố gắng, nhưng cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, mong bạn đọc góp ý để lần xuất bản sau được hoàn chỉnh hơn. Tháng 3 năm 2016 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA - SỰ THẬT 7 LỜI GIỚI THIỆU Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, ngày 11-3-1951, Báo Nhân Dân - Cơ quan Trung ương của Đảng ta ra số đầu tiên. 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Báo Nhân Dân luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí nước ta; cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người bạn tin cậy của đồng bào và chiến sĩ cả nước và là cuốn biên niên sử của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, là Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt 19 năm (từ năm 1951 đến 1969) Bác Hồ dành cho tờ báo của Đảng sự quan tâm rất đặc biệt. Người chú ý theo dõi và đọc báo Đảng hàng ngày, nhắc nhở phê bình khi báo có thiếu sót, khuyết điểm, động viên khen ngợi lúc báo có thành tích và chỉ rõ: "Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn thiết thực và rộng khắp. Nó dạy chúng ta những điều cần biết làm tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta". 8 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Thống kê bước đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng gần ba mươi bút danh để viết hơn 1.200 bài đăng trên báo Đảng. Với lối viết ngắn gọn và đại chúng; sinh động và sâu sắc; hiện đại và giản dị, đậm nét tư duy biện chứng hòa quyện nhuần nhuyễn với bản sắc văn hóa Việt Nam, những bài báo của Người không chỉ thu hút sự quan tâm của bạn đọc qua các thời kỳ, có tính tôn chỉ, định hướng của tờ báo mà còn giúp Báo Nhân Dân trở thành tờ báo thể hiện hệ thống những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, hành động của Đảng, của Bác Hồ ở mọi thời kỳ cách mạng. Những bài viết của Người với văn phong giản dị song lại có tác động trực tiếp đến hoạt động tổ chức và lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phản ánh đúng thực tiễn đời sống chiến đấu, lao động hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta. Trước những thời điểm mang tính bước ngoặt lịch sử, Báo Nhân Dân lại được đăng những bài viết quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm của Đảng cầm quyền với những vấn đề mới và trọng đại của đất nước; về Đảng và công tác xây dựng Đảng; về đường lối lãnh đạo kháng chiến; về phong trào thi đua yêu nước; về những tấm gương anh hùng và chiến sĩ thi đua tiêu biểu trong kháng chiến nhằm huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện, khẳng định niềm tin vào khối đại đoàn kết toàn dân; về sự ủng hộ của các nước dân chủ nhân dân và bạn bè thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta; về phong trào giải phóng dân tộc ở các thuộc địa... Với tầm nhìn chiến lược, những bài viết của Người như vũ khí tấn công trực diện vạch trần tội ác, âm mưu thủ đoạn đen tối của kẻ thù và bọn tay sai; đồng thời, phân tích một cách biện chứng về thế thua tất yếu của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ trên chiến trường ba nước Đông Dương... Chào mừng thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và hưởng ứng Cuộc vận động Học tập và làm theo LỜI GIỚI THIỆU 9 tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; nhân kỷ niệm 65 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-2016) và bày tỏ lòng biết ơn của các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Nhân Dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; Ban Biên tập Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản bộ sách Những bài viết của Bác Hồ trên Báo Nhân Dân. Bộ sách tuyển chọn những bài viết nhằm giới thiệu với bạn đọc một cách hệ thống trên cơ sở có xuất xứ để đảm bảo tính xác thực của các tài liệu, tư liệu hình ảnh. Với mục tiêu cung cấp và khai thác có hiệu quả những giá trị của khối tài liệu, tư liệu, hình ảnh gốc đã và đang được lưu giữ tại Báo Nhân Dân; đồng thời, tham khảo đối chiếu và sưu tầm, bổ sung những tư liệu hình ảnh có liên quan ở một số bảo tàng và các cơ quan lưu trữ quốc gia. Hy vọng bộ sách sẽ là nguồn tư liệu bổ ích cho việc nghiên cứu và phát huy di sản tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong quá trình soạn thảo không tránh khỏi sơ suất, mong quý bạn đọc góp ý, phê bình. Xin trân trọng cảm ơn! THUẬN HỮU ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TỔNG BIÊN TẬP BÁO NHÂN DÂN 10 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN 11 1951 PHONG TRÀO MUA CÔNG TRÁI Phong trào mua công trái lại là một dịp để chứng tỏ lòng nồng nàn yêu nước của đồng bào ta. Như ở Tuyên Quang, vì cán bộ chính quyền và đoàn thể khéo tuyên truyền, giải thích, cổ động và tổ chức, cho nên đồng bào người giàu cũng như người nghèo, đều hiểu rõ và hăng hái thi đua mua công trái. Trong dịp này, đồng bào có những cử chỉ rất cảm động. Vài thí dụ: Hai em nhi đồng bán báo đã đưa hết cả số tiền tích trữ được trong mấy năm để mua công trái, một em mua 8.000đ, một em mua 12.000đ. Một bà cụ ở mướn, đã dốc tất cả số tiền mồ hôi nước mắt từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay để mua công trái. Ông Hồi Xuân Viện đã mua gần hai triệu đồng (2.000.000đ); cô Liên Phương hơn triệu đồng (1.000.000đ), v.v.. Vì vậy đồng bào tỉnh Tuyên đã được Hồ Chủ tịch khen ngợi. Ở Tuyên Quang như thế, chắc ở các tỉnh khác, chắc khắp cả nước đều như thế. Vì đồng bào đã hiểu thấu lời của Hồ Chủ tịch: Mua công trái là một việc đã ích cho nước (giúp kháng chiến), lại lợi cho nhà (Chính phủ sẽ trả vốn và lãi). 12 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Cán bộ địa phương cần ghi nhớ lời Hồ Chủ tịch dạy: "Phải cố gắng thi đua mua công trái. Nhưng đồng thời chớ để cạn vốn tăng gia sản xuất của nhân dân". Mong rằng các tỉnh nhớ gửi dần dần kết quả việc bán công trái để đăng lên báo Nhân Dân. C.B. - Báo Nhân Dân, số 1, ngày 11-3-1951, tr.8. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật Hà Nội, 2011, t.7, tr.52. 13 NGƯỜI ĐẢNG VIÊN ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM PHẢI THẾ NÀO? Thế nào mới xứng đáng là người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam? Tuyên ngôn của Đảng đã trả lời rõ câu ấy: Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mệnh nhất. Nó sẽ gồm những người kiên quyết phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự lao động, những người chí công vô tư, làm gương mẫu trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Như thế là rõ. Ai mà không như thế, thì không xứng đáng là người đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Làm gương mẫu thế nào? Nói chung, thì người đảng viên ở bất kỳ đâu, bất kỳ làm việc gì, bất kỳ địa vị nào và hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn: - Đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. - Phải ra sức tham gia công việc kháng chiến. - Phải gần gũi dân chúng, thương yêu, giúp đỡ dân chúng, tổ chức và lãnh đạo dân chúng. - Phải giữ vững đạo đức cách mệnh, là chí công vô tư. 14 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Nói riêng từng người, thì đảng viên quân nhân: - Phải luôn luôn giữ gìn kỷ luật, và quý trọng, tiết kiệm của công. - Phải ra sức học tập chính trị và quân sự. - Phải thương yêu anh em trong đội và dân chúng. - Phải thi đua giết giặc, lập công. Đảng viên công nhân: - Phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và trau dồi kỹ thuật. - Phải thi đua tiết kiệm nguyên liệu, tăng năng suất. - Phải giúp anh em cùng tiến bộ. Đảng viên nông dân: - Phải cố học tập chính trị và văn hóa. - Phải ra sức hoạt động trong nông hội và ở địa phương mình. - Phải thi đua tăng gia sản xuất, làm cho quân và dân ta no cơm ấm áo. Đảng viên trí thức: - Phải gần gũi, học tập và giúp đỡ quần chúng công nông. Phải "công nông hoá". - Phải cố thực hiện và giúp anh chị em thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Nói tóm lại: Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng. Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo. Mà muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình, thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải NGƯỜI ĐẢNG VIÊN ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM... 15 thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu. Thế là làm cho dân tin Đảng, phục Đảng, yêu Đảng và làm theo chính sách của Đảng và của Chính phủ. Đảng viên nào không được dân tin, dân phục, dân yêu thì chưa xứng đáng là một người đảng viên của Đảng Lao động Việt Nam. Vì vậy, mỗi đảng viên phải luôn luôn cố gắng. C.B. - Báo Nhân Dân, số 2, ngày 25-3-1951, tr.3. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.54-55. 16 ĐỂ HIỂU CHIẾN LƯỢC Điều thứ 1 trong Chính cương của Đảng là: Kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Để kháng chiến thắng lợi hoàn toàn, trước hết tất cả đảng viên, cán bộ, bộ đội và nhân dân đều phải luôn luôn ghi nhớ rằng: Kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng cũng nhất định phải trường kỳ và gian khổ. Hiểu thấu như thế, thì mọi công việc mới làm đúng, và tránh khỏi những xu hướng sai lầm như: cầu an, chủ quan, khinh địch, v.v.. Đồng thời, mọi người cần phải hiểu chiến lược của ta. Cuộc kháng chiến của ta có nhiều chỗ giống cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống Nhật, chống Tưởng ngày trước. Vì vậy, ta có thể tùy điều kiện thiết thực của ta mà áp dụng chiến lược của nhân dân Trung Quốc (tức là chiến lược Mao Trạch Đông). Chiến lược ấy gồm có 10 điểm như sau: 1. Trước đánh bọn địch lẻ tẻ và yếu. Sau đánh bọn địch tập trung và mạnh. 2. Trước chiếm lấy những thành thị nhỏ và vừa vừa, và những làng mạc to. Sau lấy những thành thị to. 3. Mục đích chính của ta là tiêu diệt sinh lực của địch, ĐỂ HIỂU CHIẾN LƯỢC 17 chứ không cốt tranh lấy hoặc đóng giữ các thành thị và các địa phương. Đánh chiếm hoặc đóng giữ thành thị và địa phương là kết quả của sự tiêu diệt sinh lực địch, cho nên thường phải đánh đi đánh lại mấy lần, cuối cùng mới giữ được hoặc chiếm được. 4. Trong mỗi trận đánh, ta phải tập trung binh lực của ta gấp 2, gấp 3, gấp 4, có khi gấp 5, gấp 6 binh lực của địch; bao vây tứ phía địch, cốt tiêu diệt hết địch, không để thoát tên nào. Khi gặp tình hình đặc biệt, thì tập trung toàn lực của ta đánh mặt chính và một bên hoặc hai bên sườn của địch, để tiêu diệt một bộ phận và đánh tan một bộ phận của địch, đặng ta có thể mau chóng chuyển sang đánh bộ phận khác của địch. Phải tránh những trận lợi không bù hại, hoặc được thua ngang nhau. Như vậy, xem chung (nói về số quân) thì thế ta yếu. Nhưng xem riêng từng mỗi chiến dịch, thì thế ta rất mạnh, nhất định ta thắng. Rồi dần dần ta sẽ chuyển thành thế mạnh chung, cho đến khi tiêu diệt hết địch. 5. Không chuẩn bị đầy đủ, thì không đánh. Không chắc thắng, thì không đánh. Mỗi lần đánh, ắt phải chuẩn bị, ắt phải nắm chắc thắng lợi khi đã so sánh điều kiện của địch và của ta. 6. Phải nâng cao trong bộ đội cái tinh thần dũng cảm, không sợ khó nhọc, không sợ hy sinh, chiến đấu dẻo dai. (Trong một thời gian ngắn, tiếp tục đánh luôn mấy trận). 7. Ra sức đánh vận động để tiêu diệt sinh lực địch. Đồng thời cũng chú trọng đánh trận địa, để tranh lấy cứ điểm và thành thị của địch. (Ở ta hiện nay, phát triển du kích rộng rãi là nhiệm vụ chủ yếu. Dần dần mới theo đúng như Trung Quốc được). 8. Ở những cứ điểm và thành thị, sức địch yếu, thì ta kiên 18 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN quyết đánh lấy cho kỳ được. Những nơi sức địch vừa vừa, thì ta chọn dịp tốt mà đánh lấy. Những chỗ địch giữ gìn kiên cố, ta phải chờ điều kiện chín muồi mới đánh lấy. 9. Dùng toàn bộ vũ khí và nhân viên của địch mà bổ sung cho ta. Cái nguồn chính về sức người và sức của cho ta, là ở mặt trận. (Tức là chiếm lấy của địch mà dùng). 10. Phải khéo lợi dụng những ngày giờ giữa chiến dịch này đến chiến dịch khác, để nghỉ ngơi, chỉnh đốn và huấn luyện bộ đội. Không nên nghỉ ngơi quá lâu. Không nên để cho địch lấy lại được hơi thở. (Song cố nhiên quân ta cũng phải có thì giờ mà thở). Chiến lược ấy xây dựng trên nền tảng nhân dân chiến tranh, quân và dân đoàn kết nhất trí, cán bộ và binh sĩ đoàn kết nhất trí, đẩy mạnh địch vận để làm tan rã quân địch, đẩy mạnh công tác chính trị trong bộ đội. Ta phải học tập tư tưởng chiến lược Mao Trạch Đông và khôn khéo áp dụng vào hoàn cảnh nước ta. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ thắng. C.B. - Báo Nhân Dân, số 4, ngày 15-4-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.60-62. 19 HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN CỦA PHỤ NỮ NGÂN SƠN Từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, phụ nữ Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã góp được 2.230 ống gạo tiết kiệm. Mỗi ống là 7 lạng. Thế là mỗi tháng, phụ nữ Ngân Sơn đã góp được 1.061 kilô gạo. Thành tích ấy đã được Hồ Chủ tịch ban khen. Nhiều nơi khác cũng có hũ gạo tiết kiệm, nhưng kết quả không được mấy. Thí dụ ở Bắc Kạn, các huyện: Chợ Rã chỉ được 132 kilô. Chợ Đồn - 138 - Bạch Thông - 304 - Thành tích ít là vì cán bộ phụ nữ - không biết giải thích rõ ràng cách làm và ý nghĩa của hũ gạo kháng chiến để ai cũng hiểu rõ và vui lòng làm. - không kiên gan, không chịu khó, "đánh trống bỏ dùi", làm được ít lâu lại bỏ. - không thường xuyên khuyến khích nhắc nhở các gia đình. Thậm chí có khi lười không đi thu, để gạo mốc hỏng, hoặc bị chuột ăn, cho nên các gia đình không vui lòng tiếp tục. - cán bộ thanh niên và Hội Nông dân cứu quốc không giúp cán bộ phụ nữ làm việc đó. 20 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Ý NGHĨA CỦA HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN Đó là một cách thực hiện chữ Kiệm mà Hồ Chủ tịch luôn luôn dạy bảo chúng ta. Do hũ gạo kháng chiến mà mỗi ngày, mỗi bữa, nhân dân nhớ đến bộ đội, bộ đội nhớ đến nhân dân, cảm tình giữa quân và dân càng thêm mặn mà. Đó là một cách giúp cho tăng gia sản xuất. Riêng ở Bắc Bộ, nếu 185 huyện đều làm được như Ngân Sơn, thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được 2.500 tấn gạo, đủ nuôi 125.000 người trong một tháng. Nếu các cơ quan và bộ đội cũng đều có hũ gạo kháng chiến, thì sẽ đủ nuôi 200.000 người trong một tháng. Do đó, mỗi năm Chính phủ sẽ tiết kiệm được mấy trăm triệu đồng về lương thực, và thêm số tiền ấy vào những việc ích lợi chung cho quân đội và nhân dân. Thế là hũ gạo kháng chiến sẽ giúp ích nhiều cho kháng chiến và kiến quốc. CÁCH LÀM HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN 1- Trước hết, cán bộ phải giải thích cho mọi người (nhất là chị em phụ nữ) hiểu thật rõ ý nghĩa và lợi ích của hũ gạo kháng chiến. 2- Cán bộ và mọi người phải hiểu rõ đó là một việc giản đơn, dễ làm, nhưng phải làm lâu dài, bền bỉ, làm hàng ngày, hàng tháng, hàng năm. Thí dụ: Nhà có hai người ăn, thì mỗi bữa khi cho gạo vào nồi, chỉ bớt lại nửa cốc (cốc nhỏ uống nước), bỏ vào một cái hũ hoặc một cái ống (chứ không phải lấy gạo ở bồ). HŨ GẠO KHÁNG CHIẾN CỦA PHỤ NỮ NGÂN SƠN 21 Nhà 4 người thì bớt một cốc. Nhà 6 người thì bớt một cốc rưỡi, v.v.. Mỗi nhà, mỗi bữa chỉ cần tiết kiệm một số gạo rất ít, không thấm vào đâu, cho nên dễ làm. Nhưng "góp gió thành bão", nhà nào cũng làm cho nên số gạo cộng lại khá nhiều. Mấy điểm cần phải chú ý là: - Cán bộ đi thu gạo phải đúng ngày. - Cất đặt phải cẩn thận, chớ để gạo hỏng. - Việc dùng gạo phải rất minh bạch, tuyệt đối tránh lạm dụng, tránh bừa bãi. - Mỗi cơ quan, bộ đội, mỗi địa phương, mỗi tháng tiết kiệm được bao nhiêu, phải báo cáo cho quần chúng biết. Việc làm hũ gạo kháng chiến rất giản đơn mà ích lợi thì to lớn. Mong rằng các cơ quan, bộ đội và địa phương đều cố gắng thi đua làm hũ gạo kháng chiến như đồng bào Ngân Sơn. C.B. - Báo Nhân Dân, số 5, ngày 22-4-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.63-65. 22 ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỚI LAO ĐỘNG TRÍ ÓC Tuyên ngôn của Đảng nói: "Đảng Lao động Việt Nam sẽ gồm những công nhân, nông dân và lao động trí óc yêu nước nhất, hăng hái nhất, cách mạng nhất". Và: "Lao động trí óc cần được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng". Hai câu ấy đủ đập tan những lời bịa đặt đê hèn của bọn đế quốc và lũ phản động. Chúng thường vu rằng: Những đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin xem khinh trí thức. Thật ra, chính bọn chúng lợi dụng trí thức, nô dịch trí thức và áp bức trí thức. Những người đại trí thức, thí dụ như ông Quyri (Curie)* bị Chính phủ Mỹ "tẩy chay", bị Chính phủ Pháp cất chức. Đó là chứng cớ rõ ràng. Chỉ có giai cấp công nhân mới thật yêu chuộng trí thức. Những người lao động trí óc được đặc biệt trọng đãi ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới. Đó cũng là chứng cớ rõ ràng. Lao động trí óc là ai? Là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy, v.v.. _______________ * Pierre Curie: Nhà vật lý người Pháp. Năm 1903, ông cùng vợ là Marie Curie và Henri Bequerel nhận giải Nobel về vật lý (BT). ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM VỚI LAO ĐỘNG TRÍ ÓC 23 Nhiệm vụ của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam hiện nay là kháng chiến và kiến quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ ấy, ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khoẻ của dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v.. Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội. Ở đây, cũng nên nêu một điểm: Chúng ta có quyền tự hào rằng: Những người lao động trí óc ở Việt Nam đều đứng trong hàng ngũ kháng chiến. Khác hẳn với Pháp trong thời kỳ bị Đức xâm chiếm: Trong số 32.026 Pháp gian bị xử án, một bộ phận lớn là trí thức. (Hiện nay trong tầng lớp trí thức Pháp, nhiều người đã giác ngộ, đứng vào hàng ngũ dân chủ và nhân dân. Họ tỏ thái độ rất trung thành, kiên quyết đấu tranh cho hòa bình và độc lập của nước Pháp). Ngày nay, chúng ta phải làm hai việc nhằm một mục đích: Một là đào tạo những trí thức mới trong công nông. Hai là cải tạo những trí thức hiện có. Dùng hai chữ "cải tạo" thì không khỏi mếch lòng những bạn trí thức quá giàu lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: Về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song vì ngày trước, anh chị em đã bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến, cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng 24 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN của thực dân và phong kiến. Điều đó không phải lỗi tại anh chị em. Dù sao, thoát khỏi cái xiềng xích của ảnh hưởng ấy thì tài năng của trí thức ta sẽ tiến bộ vượt bực, sẽ rất ích lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì nó sẽ hợp với nhiệm vụ mới, tinh thần mới, xã hội mới của nước ta. Muốn đạt mục đích ấy, trí thức ta cần cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc. Đào tạo trí thức mới. Cải tạo trí thức cũ. Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông. Đó là nhiệm vụ chung và cần kíp, mà chúng ta phải cùng nhau cố gắng làm cho kỳ được. C.B. - Báo Nhân Dân, số 6, ngày 1-5-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.71-73. 25 KINH TẾ LIÊN XÔ THÀNH CÔNG LỚN Ngày 9 tháng 5 năm 1945 là ngày Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, chấm dứt chiến tranh ở châu Âu. Để kỷ niệm ngày 9 tháng 5, chúng tôi nói qua những thành tích xây dựng kinh tế hòa bình của Liên Xô từ sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Trước khi nói đến kinh tế Liên Xô, nên nói qua kinh tế của phe đế quốc, để so sánh cho dễ. Bọn đế quốc mong dùng chiến tranh để tránh kinh tế khủng hoảng. Song kinh tế khủng hoảng lại càng sâu sắc, vì chúng chuẩn bị chiến tranh. Vài thí dụ: MỸ - Trong 5 năm sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ tiêu hết 125.000 triệu đồng về binh bị (đổ đồng mỗi năm 25.000 triệu). Năm nay, tiêu hết 48.200 triệu (so với năm trước chiến tranh, gấp 50 lần). Từ nửa năm nay đến nửa năm sau: 71.600 triệu, tức là 83 phần trăm tổng ngân sách Mỹ. Mỗi người dân Mỹ, bất kỳ già trẻ, gái trai, mỗi năm phải gánh vác 471 đôla, trong lúc mỗi người công nhân thường ở Mỹ mỗi tháng chỉ được 140 đôla tiền công. Thế là mỗi năm, mỗi công nhân Mỹ phải nộp cho Chính phủ gần ba tháng rưỡi tiền công. 26 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Đầu năm nay, Tổng thống Mỹ đã phải nhận rằng: “Từ nay, nhân dân Mỹ phải làm nhiều việc hơn nữa, phải nộp thuế nặng hơn nữa”. Sự thật là nhân dân ngày càng khổ, vì giá sinh hoạt ngày càng cao. ANH - Về tình hình kinh tế nước Anh, chỉ lấy việc sau này đủ chứng tỏ: Hạ tuần tháng 4 vừa qua, ba bộ trưởng Chính phủ Anh từ chức. Một bộ trưởng nói: “Vì theo chính sách chiến tranh của Mỹ mà Chính phủ Anh tiêu về binh bị quá nhiều tiền, nhân dân Anh sẽ gánh vác không nổi. Chính sách ấy rất tai hại cho kinh tế nước Anh...”. Một bộ trưởng khác nói: “Hiện nay, ở nước Anh, nguyên liệu ngày càng thiếu. Đồ dùng ngày càng hiếm. Năng suất ngày càng giảm. Thời giờ làm việc ngày càng dài. Mức sinh hoạt ngày càng thấp”. Các báo chí cũng nói: “Năm nay là năm bi đát nhất cho nước Anh, kinh tế đang bước vào khủng hoảng”. Hiện nay, mỗi tuần, 10 người Anh chỉ được phép mua chừng 1 cân thịt. Các thức ăn khác cũng bị hạn chế. PHÁP - Năm nay, Pháp tiêu về binh bị 850.000 triệu, tiêu cho cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam 236.000 triệu. Thế là nhân dân Pháp, từ trẻ con mới đẻ đến người già bạc đầu, mỗi người đều phải góp 21.250 phrăng cho phí tổn binh bị, đó là chưa kể các thứ thuế khác. Sinh hoạt ngày càng khó, thuế má ngày càng nặng. Vì vậy, tháng 3 vừa rồi, nhiều học sinh Pháp đã bãi khóa, và công nhân đã bãi công. Tình hình kinh tế Liên Xô khác hẳn. Cuối năm 1950, Liên Xô đã hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ tư. Kế hoạch này chỉ 4 năm và 3 tháng đã làm xong. KINH TẾ LIÊN XÔ THÀNH CÔNG LỚN 27 Chẳng những kế hoạch làm sớm được 9 tháng, mà tính đổ đồng, đã làm quá mức 2 phần trăm. Sau đây là những thành tích: CÔNG NGHIỆP - So với năm 1949, thì công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ tăng hơn 23 phần trăm. KỸ THUẬT - Do sáng kiến công nhân, năm 1950, Liên Xô đã chế tạo ra hơn 400 thứ máy móc mới. Nhờ đó mà tiết kiệm được rất nhiều nguyên liệu, năng suất tăng cao, và nhiều công việc nặng nhọc do máy móc làm thay cho người. NÔNG NGHIỆP - Lúa rất được mùa. Bông được 3.700.000 tấn. Đất trồng trọt hơn năm 1949 là 6.600.000 mẫu tây. Các nông trường có hơn 1.926.000 máy cày, máy gặt. 9 phần 10 ruộng đất cày bằng máy, 5 phần 10 gặt bằng máy. Các nông trường có: 57.200.000 trâu bò, 24.100.000 lợn, 99.000.000 cừu, 13.700.000 ngựa. SỐ CÔNG NHÂN - Vì kinh tế phát triển mạnh, số công nhân tăng thêm. So với năm 1949, thì năm 1950, số công nhân tăng thêm 2 triệu người. Tổng cộng là 39.200.000 công nhân. 494.000 thanh niên đã tốt nghiệp ở các trường công nghiệp và thương nghiệp. 7.000.000 công nhân đã tham gia các lớp học để nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. So với năm 1949, năng suất lao động đã cao thêm từ 12 đến 19 phần trăm. VĂN HÓA, XÃ HỘI - Năm 1950, các trường tiểu học và trung học có 37.000.000 học sinh và 1.600.000 giáo viên. 28 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Trong 880 trường đại học có 1.247.000 học sinh (tính cả những người lấy bài về nhà học). 21.000 nhà khoa học đã thành danh, sau một thời gian nghiên cứu thêm ở các viện khoa học. Nhà thương, rạp hát, công viên, nhà ở, nơi nghỉ mát, vân vân cũng tăng thêm nhiều. Năm 1950, hơn 39 triệu công nhân và công chức được đi nghỉ hè, ít nhất là hai tuần lễ; trong thời gian nghỉ vẫn được ăn lương. SỰ TIÊU THỤ CỦA NHÂN DÂN - Từ ngày 1 tháng 3 năm 1950, Liên Xô lại giảm giá các thứ hàng hóa từ 15 đến 45 phần trăm. Từ sau ngày chiến tranh, giảm giá lần này là lần thứ ba. Nhờ giá rẻ, sự tiêu thụ của nhân dân tăng rất nhiều, thí dụ: Các thức ăn tăng 35 phần trăm. Vải vóc tăng 36 phần trăm. Máy hát tăng 45 phần trăm. Máy chụp ảnh tăng 40 phần trăm. Xe đạp tăng 44 phần trăm. * Năm 1946, khi bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ tư, đồng chí Xtalin kêu gọi nhân dân Liên Xô: “Trong một thời gian ngắn, chúng ta phải hàn gắn những vết thương mà quân địch đã làm hại nước ta, phải khôi phục sự phát triển của kinh tế quốc dân ngang với mực trước chiến tranh để trong tương lai gần đây, vượt qua mực ấy rất nhiều”. Toàn dân Liên Xô đã thi đua hưởng ứng lời kêu gọi ấy. Chẳng những hoàn thành kế hoạch, mà còn hoàn thành sớm và vượt quá mực đã định. KINH TẾ LIÊN XÔ THÀNH CÔNG LỚN 29 Trong khi kinh tế của phe tư bản đế quốc do Mỹ cầm đầu đang đi đến chỗ “sơn cùng thủy tận”, thì kinh tế của chủ nghĩa xã hội ngày càng phát triển, càng vững chắc. Đó là một chứng cớ tỏ rõ bên nào suy, bên nào thịnh. Kinh tế Liên Xô thịnh vượng, chẳng những nhân dân Liên Xô sung sướng, mà lại có ảnh hưởng lớn khắp thế giới. Liên Xô thịnh vượng tức là thành trì cách mạng, thành trì dân chủ và hòa bình thế giới càng vững chắc. Liên Xô thịnh vượng thì càng khuyến khích lòng tự tin và chí hăng hái của nhân dân các nước dân chủ mới, gồm cả Việt Nam ta. Do sự thành công vẻ vang của kế hoạch 5 năm lần thứ tư, nhân dân Liên Xô đã cho ta thấy rằng: Toàn dân hăng hái thi đua, thì nhất định thắng lợi. Chúng ta thành thật chúc mừng nhân dân Liên Xô, đồng thời chúng ta cố gắng theo gương thi đua của nhân dân Liên Xô, và chúng ta chắc rằng: Kháng chiến nhất định thắng lợi. Kiến quốc nhất định thành công. C.B. Báo Nhân Dân, số 7, ngày 7-5-1951, tr.3. 30 TỰ PHÊ BÌNH Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế. TỰ PHÊ BÌNH LÀ GÌ? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa. Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị. Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng. Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn. Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng. TỰ PHÊ BÌNH 31 Khổng Tử nói: "Có lỗi, thì chớ sợ sửa đổi". Tăng Tử (học trò Khổng Tử) nói: "Mỗi ngày tôi tự kiểm thảo ba lần". Mác, Ăngghen, Lênin, Xtalin dạy chúng ta rằng: "Tự phê bình là một thứ vũ khí sắc bén nhất của cách mạng". Làm cách mạng mà không dùng cái vũ khí sắc bén nhất của cách mạng, hoặc chỉ dùng nó một cách qua loa, thì cách mạng thế nào? * * * Thật thà tự phê bình chẳng những giúp cho mình sửa chữa, giúp cho mình tiến bộ, mà còn giúp cho người khác biết để mà tránh. Một thí dụ: Đảng ta có mấy chục vạn đảng viên. Nếu đồng chí A phạm một điều sai lầm, liền thật thà tự phê bình, thì các đảng viên khác đều biết mà tránh, không phạm sai lầm ấy nữa. Trái lại, nếu đồng chí A không thật thà tự phê bình, để cho các đảng viên khác cũng phạm khuyết điểm ấy, thì cả Đảng cộng lại thành mấy chục vạn khuyết điểm! Như vậy, đồng chí A chẳng những dối mình, mà lại dối Đảng, là có tội với cách mạng, có tội với Đảng, có tội với Tổ quốc, với nhân dân. Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ, cho nên phải thật thà, phải triệt để, mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức, thì vô ích. Vừa rồi, cán bộ vài nơi ở Liên khu IV đã phạm những bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Hồ Chủ tịch viết thư tự phê bình và bảo cán bộ các cấp phải thật thà tự phê bình trước nhân dân. Những nơi cán bộ làm đúng như lời Hồ Chủ tịch, thì nhân dân rất vui vẻ hăng hái, và cũng tự phê bình. Cán bộ và nhân dân đều tiến bộ, càng đoàn kết, mà công việc càng chạy. Song cũng có nơi cán bộ tự phê bình qua loa, hình thức. 32 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Thậm chí khi đọc thư của Hồ Chủ tịch trước nhân dân, họ chỉ đọc những chỗ phê bình dân, còn những câu phê bình cán bộ thì họ không đọc. Thế là những cán bộ ấy đã không thật thà tự phê bình, đã dối trên, lừa dưới. Mà nào có lừa dối được ai! Vì chính nhân dân đã trực tiếp báo cáo với Hồ Chủ tịch cái thái độ không xứng đáng của các cán bộ đó. Mong rằng, những cán bộ ấy mau mau sửa đổi, kịp thời và thật thà tự phê bình. Mong rằng các cán bộ các cấp khu, cấp tỉnh chú ý đến việc đó. Mong rằng cán bộ và đảng viên khắp nơi noi theo bức thư của Hồ Chủ tịch mà gây một phong trào tự phê bình và phê bình thật thà, thiết thực, rộng khắp, thường xuyên. TỰ PHÊ BÌNH PHẢI THẾ NÀO? Ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm. Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không. Tự phê bình phải thật thà. Khi tự mình kiểm điểm cũng như khi tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? Và phải kiên quyết sửa chữa. Tự phê bình và sửa khuyết điểm có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khăn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy, người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm. TỰ PHÊ BÌNH 33 Mấy điểm chung mà tất cả mọi đảng viên phải tự hỏi để tự phê bình: - Hôm nay, ta đã làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho ta chưa? - Ta đã làm được gì ích lợi cho kháng chiến? - Ta đã làm được gì trong công cuộc thi đua ái quốc? Mỗi người lại phải tùy theo công việc của mình mà tự phê bình những điểm riêng. Thí dụ: Binh sĩ thì phải tự hỏi: Đã chấp hành đầy đủ mệnh lệnh cấp trên, giữ gìn kỷ luật, kính trọng nhân dân, tiết kiệm đạn dược, diệt được nhiều địch chưa? v.v.. Công nhân thì phải tự hỏi: Ta đã nâng cao kỹ thuật, tăng gia sản xuất chưa?... Nông dân thì phải tự hỏi: Ta đã chăm lo cày bừa, ra sức thi đua thực hiện "vụ mùa thắng lợi" chưa?... Cán bộ chính quyền và Đảng thì phải tự hỏi: Ta đã tẩy sạch bệnh quan liêu mệnh lệnh chưa? Đã thực hiện cần kiệm liêm chính chưa? Đã làm chu đáo những công việc Chính phủ và Đảng giao phó cho ta chưa?... Lao động trí óc thì phải tự hỏi: Ta đã phát minh, sáng tác gì ích lợi cho đồng bào, cho kháng chiến? C.B. - Báo Nhân Dân, số 9, ngày 20-5-1951, tr.2, 3. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.80-83. 34 HIỆN TÌNH THẾ GIỚI AI MƯU GÂY CHIẾN TRANH? Ai cũng biết, đó là phe đế quốc do Mỹ cầm đầu, Anh và Pháp là vây cánh chính. Bị lâm vào kinh tế khủng hoảng, Mỹ mong dùng chiến tranh để cướp bóc các dân tộc, làm chúa thế giới và nhờ đó cứu vãn tình thế nguy ngập của mình. Kế hoạch Mácsan đã làm cho kinh tế các nước Tây Âu phụ thuộc vào tư bản Mỹ. Khi các nước Tây Âu đã mắc vào tròng, Mỹ bèn đặt ra khối Đại Tây Dương, làm cho chính trị và quân sự các nước ấy cũng phụ thuộc vào Mỹ nốt. Mỹ lại vũ trang Tây Đức và Nhật Bản để làm căn cứ cho chúng ở Tây Âu và ở Đông Á. Mặc dầu vũ trang Tây Đức là đặt một con dao kề cổ Pháp, vũ trang Nhật Bản là giáng một đòn nặng vào kinh tế Anh, Chính phủ phản động Pháp và Anh vẫn cúi đầu mà chịu. Nay Mỹ đang hoạt động ráo riết để lôi kéo các chính phủ phản động châu Á vào khối Thái Bình Dương, và ra sức giúp bọn phản quốc như Bảo Đại, Tưởng Giới Thạch, Lý Thừa Vãn, hòng phá hoại phong trào dân tộc giải phóng ở Đông Á. Chúng tăng số lính lên rất nhiều. Thí dụ: Đến tháng 6 năm ngoái, quân đội Mỹ chưa đầy 1.500.000 người, hiện nay tăng đến 3.000.000 người. HIỆN TÌNH THẾ GIỚI 35 Chúng tăng số tiền về binh bị lên rất to, như: Mỹ - Trước đây, mỗi năm tiêu độ 25 ngàn triệu đôla về binh bị, năm nay tăng đến ngoài 60 ngàn triệu. Về vũ trang, từ nửa năm ngoái đến nửa năm nay là 26 ngàn triệu. Mà từ nửa năm nay đến nửa năm sau là 58 ngàn triệu. Trước ngày gây chiến tranh ở Triều Tiên, Mỹ cấp cho các nước phản động 420 triệu đôla vũ khí; 6 tháng gần đây, tăng đến 1.900 triệu. Anh - Ngân sách binh bị năm 1950 là 800 triệu bảng (tiền Anh). Năm nay tăng đến 1.490 triệu bảng. Pháp - Ngân sách binh bị năm 1950 là 420 ngàn triệu (sự thực là 684 ngàn triệu). Năm nay tăng đến 740 ngàn triệu (sự thực là 1.000 ngàn triệu). Về mặt tinh thần - Các chính phủ phe Mỹ cấm không cho Hội đồng hòa bình thế giới hoạt động ở các nước ấy. Trái lại, chúng ra sức tuyên truyền chiến tranh. Bấy nhiêu con số và bấy nhiêu sự thực đủ chứng tỏ: Mỹ, Anh, Pháp là thủ phạm gây chiến tranh thế giới. AI GIỮ GÌN HÒA BÌNH? Liên Xô là lực lượng lãnh đạo phe hòa bình, gồm các nước dân chủ mới và nhân dân các nước trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, Anh, Pháp. Liên Xô đã nhiều lần đề nghị với các nước giảm bớt binh bị, cấm bom nguyên tử, 5 nước (Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ) cùng nhau ký công ước hòa bình. Nhưng Mỹ, Anh, Pháp cứ từ chối đây đẩy. Liên Xô chẳng những đề nghị những cách thiết thực để tránh chiến tranh mà còn tự mình xung phong làm gương mẫu: Đại chiến thứ hai vừa kết thúc, thì Liên Xô liền giải ngũ quân 36 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN đội. Đến năm 1949, tất cả các lớp binh sĩ cũ ở Liên Xô đều giải ngũ hết. Trong lúc các đế quốc giảm số chi tiêu về văn hóa, xã hội, kinh tế để tăng ngân sách binh bị, thì Liên Xô tăng chi tiêu về văn hóa, xã hội, kinh tế, mà giảm bớt ngân sách binh bị rất nhiều. Thí dụ: Pháp - Số chi về văn hóa, xã hội năm ngoái là 8,5 phần trăm tổng ngân sách. Năm nay giảm xuống còn hơn 7 phần trăm. Ngân sách binh bị năm ngoái là 684 ngàn triệu quan, năm nay là 1.000 ngàn triệu, mà ngân sách để xây dựng kinh tế quốc dân chỉ có 680 ngàn triệu. Liên Xô - Ngân sách binh bị năm 1940 là 32 phần trăm tổng ngân sách, mà năm nay chỉ chiếm 23 phần trăm. Đồng thời, chi tiêu về văn hóa, xã hội chiếm 27 phần trăm và xây dựng kinh tế thì gần 40 phần trăm tổng ngân sách. Trong lúc các đế quốc tìm mọi cách gây tâm lý chiến tranh, Liên Xô và các nước dân chủ mới nghiêm cấm tuyên truyền chiến tranh. Liên Xô lại đặt giải thưởng rất to cho những chiến sĩ đặc biệt đắc lực trong phong trào gìn giữ hòa bình thế giới (giải thưởng Xtalin). Tóm tắt mấy điểm đó đủ chứng tỏ Liên Xô là thành trì hòa bình thế giới. MẶT TRẬN THỐNG NHẤT THẾ GIỚI Trong kế hoạch gây chiến, phe Mỹ chẳng qua chỉ lập lại kế hoạch cũ của Hítle. Trung tâm của kế hoạch đó là tuyên truyền chống cộng. Nhưng phe Mỹ quên rằng: Ngày nay lực lượng và uy tín của Liên Xô đã to thêm nhiều, các nước Đông Âu đã thành dân chủ mới, cách mạng Trung Quốc đã thắng, nhiều HIỆN TÌNH THẾ GIỚI 37 nước thuộc địa đã thoát khỏi hoặc đang đấu tranh để thoát khỏi ách đế quốc, nhân dân thế giới đã giác ngộ và chán ghét chiến tranh. Tất cả những lực lượng ấy đã đoàn kết thành Mặt trận thống nhất thế giới. Trước khi gây ra chiến tranh thế giới, bọn phát xít cũ "thực tập" chiến tranh ở Abixini, ở Tây Ban Nha, ở Mãn Châu. Bọn phát xít mới hiện nay đang "thực tập" chiến tranh ở Việt Nam, ở Triều Tiên, ở Mã Lai. Nhưng Mỹ đã sa lầy ở Triều Tiên. Tính đến đầu tháng 5, quân đội tinh nhuệ của phe Mỹ đã chết và bị thương hơn 250.000. Tổng tư lệnh quân đội ấy là Mác Áctơ đã bị cách chức. Anh đang mắc kẹt ở Mã Lai. Và trong một trận đánh ở Triều Tiên đầu tháng 5, một tiểu đoàn 600 binh sĩ Anh chỉ còn 50 tên sống sót. Pháp đang thất bại ở Việt Nam. Nguyên Thủ tướng Pháp là Rênô công khai nhận rằng: Đến cuối năm 1950, quân đội thực dân Pháp đã chết và bị thương 40.486 tên (Rênô chỉ nhận một phần ba tổng số chết và bị thương). Đại tướng Gioăng nhận rằng mỗi năm Pháp hao tới 400 ngàn triệu trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đờ Tátxinhi rất có thể sẽ theo vết xe của tướng Mác Áctơ, hoặc sẽ bị mất mạng như viên Tổng chỉ huy không quân Pháp là Háctơman vừa rồi. Mới chiến tranh với ba nước nhỏ, mà phe Mỹ đã giập đầu gãy cánh, thì nếu chúng liều mạng mà gây chiến tranh thế giới, chúng sẽ nát thịt, tan xương. Mặt trận thống nhất thế giới, tức là mặt trận hòa bình thế giới hoạt động rất mạnh và ngày càng phát triển. Trong cuộc Đại hội hòa bình thế giới cuối năm ngoái, hơn 2.000 đại biểu, gồm các xu hướng chính trị và tôn giáo, thay mặt cho nhân dân 81 38 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN nước lớn nhỏ, đã nhất trí thông qua bản chính cương gồm những điểm: - Cấm tuyên truyền chiến tranh, coi chiến tranh là một tội ác lớn đối với nhân loại. - Cấm dùng bom nguyên tử. - Trung Quốc nhân dân phải được tham gia Liên hợp quốc. - Các nước thuộc địa phải được tự do, độc lập. - Phải chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên bằng cách hòa bình. - Mỹ không được can thiệp đến Đài Loan, v.v.. Trong cuộc hội nghị vào hạ tuần tháng 2, Hội đồng hòa bình thế giới ra tuyên ngôn kêu gọi nhân dân thế giới ký tên đòi năm nước (Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc) ký công ước hòa bình. Chưa đầy ba tháng mà hơn 240 triệu người khắp các nước đã ký tên ủng hộ bản tuyên ngôn ấy, và phong trào ký tên đang sôi nổi khắp nơi. Thế nghĩa là hơn 240 triệu người phản đối chiến tranh, tán thành hòa bình. Phe đế quốc bịa đặt rằng phong trào hòa bình là phong trào cộng sản. Sự thật tổng số đảng viên cộng sản trên thế giới hiện nay chỉ có hơn 20 triệu người, tức là chưa đầy một phần mười số người ký tên. Hơn nữa, Công giáo các nước cũng hăng hái ủng hộ phong trào này. Thí dụ: Vừa rồi (14-5), các nhà thờ ở Anh đã gửi thư cho Liên hợp quốc tỏ ý chí ủng hộ hòa bình, và kịch liệt phản đối vũ trang Tây Đức. Công giáo tiến bộ và đại hội học sinh của phong trào Cộng hòa bình dân (Công giáo) ở Pháp kịch liệt phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Tục ngữ ta nói: "Vỏ quýt dày (phe đế quốc) thì có móng tay nhọn (phe dân chủ hòa bình)". HIỆN TÌNH THẾ GIỚI 39 NƯỚC TA VỚI HIỆN TÌNH THẾ GIỚI Một bên là Mỹ và Anh giúp thực dân Pháp xâm lược nước ta, giúp bọn bù nhìn phản quốc chia rẽ nhân dân ta. Một bên, phe dân chủ ủng hộ cuộc kháng chiến của ta, Đại hội hòa bình thế giới đòi Pháp chấm dứt chiến tranh phi nghĩa ở nước ta; nhân dân Pháp hăng hái đấu tranh đòi quân đội thực dân phải rút khỏi nước ta. Ngoài các lý do khác, đó là những lý do giản đơn, gần gũi khiến cho nhân dân ta phải hăng hái ủng hộ phong trào hòa bình thế giới. Ta ủng hộ hòa bình thế giới bằng cách gì? Bằng cách làm cho lũ đế quốc gây chiến yếu đi tức là bằng cách ra sức kháng chiến để tiêu diệt thực dân Pháp, và đánh đổ bọn can thiệp Mỹ. Bằng cách ra sức đẩy mạnh thi đua ái quốc. Mỗi binh sĩ tiêu diệt thêm một tên địch, mỗi công nhân sản xuất thêm một viên đạn, mỗi nông dân sản xuất thêm một cân thóc, mỗi trí thức có thêm một phát minh, một sáng tác, đều là thêm một đòn nặng vào đầu thực dân. Mỗi cán bộ thực hành đúng tài chính thống nhất, đúng chính sách biên chế, đúng cần kiệm liêm chính, tức là làm kháng chiến tiến mau thêm một bước, thắng lợi đến sớm thêm một ngày. Như thế tức là nhân dân ta ủng hộ hòa bình thế giới một cách thiết thực. * * * Vì gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai, mà phát xít cũ bị tiêu diệt. 40 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Nếu bọn phát xít mới liều mạng gây Chiến tranh thế giới thứ ba thì chúng cũng sẽ bị tiêu diệt như bọn phát xít Đức - Ý - Nhật cũ. Trước đây 80 năm, Mác đã dự đoán: Đồng minh của các tầng lớp lao động các nước sẽ tiêu diệt chiến tranh. Cách đây ba tháng, Thống chế Xtalin nói: "Cuộc đấu tranh giữa lực lượng gây chiến và lực lượng hòa bình có thể kết liễu bằng sự củng cố và duy trì hòa bình, nếu nhân dân các nước tự mình đảm đang lấy sự nghiệp duy trì và bảo vệ hòa bình đến cùng...". Mác và Xtalin không nói sai. Nguy cơ chiến tranh thế giới tuy to, nhưng chúng ta cố gắng, nhân dân toàn thế giới cố gắng, thì lực lượng gây chiến phe Mỹ sẽ thua, lực lượng dân chủ hòa bình phe ta chắc thắng. C.B. - Báo Nhân Dân, số 10, ngày 27-5-1951, tr.3, 4. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.85-90. 41 ĐẠO ĐỨC CỦA MỸ Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa. Còn đế quốc Mỹ thì: Đạo đức là giết người. Nếu ai tưởng tôi nói vu cho Mỹ, thì xin nghe những lời của vài lãnh tụ Mỹ sau đây: Tổng tham mưu trưởng Mỹ nói: Tính đến 18-5, quân đội Mỹ ở Triều Tiên chết và bị thương hơn 142.000 tên. Nghe vậy, cựu Tổng thống Mỹ tên là Táp nói: "Nên dùng lính ngoại quốc đi đánh, dù tốn kém một chút cũng còn rẻ hơn dùng lính Mỹ, và người Mỹ đỡ phải chết" (20-5-51). Tướng Mặt Ác-tệ1 nói: "Một viên đạn may ra chỉ giết một người Trung Quốc, một băng súng máy giết được 10 người, một quả bom giết 100 người, một bom nguyên tử giết vài ngàn người thôi. Nếu phá hoại cơ quan lương thực, thì có thể làm cho 50 triệu người chết đói trong một lúc". Vì vậy, hắn đề nghị bao vây kinh tế Trung Quốc. Tên Kinhxlây (Kingsley) nhận rằng: Từ ngày Mỹ đổ bộ đến nay, hơn 3 triệu người Triều Tiên tan nhà nát cửa, và hơn 1 triệu người chết vì bom đạn. _______________ 1. Tức Mác Áctơ (Mac Arthur) (BT). 42 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Để gây chiến tranh thế giới đặng phát triển "đạo đức" ấy, chỉ trong 6 tháng năm ngoái, Mỹ đã giúp cho bè lũ tay sai 350.000 tấn bom đạn. Đó, bà con thấy chưa? C.B. - Báo Nhân Dân, số 12, ngày 14-6-1951, tr.4. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 95-96. 43 LIÊN XÔ VĨ ĐẠI Mười năm trước đây, hôm 22-6-1941, phát xít Đức bất thình lình ào ạt tiến công Liên Xô. Sau khi đánh bẹp Pháp và làm chúa phần lớn lục địa châu Âu, Đức phát xít dốc hầu hết sức người và sức của đánh Liên Xô. Trên mặt trận dài 1.500 cây số, Đức dùng đến 257 sư đoàn. Có những nơi, trong một cây số, Đức dùng gần 150 xe tăng và 200 súng lớn. Song, "vỏ quýt dày, có móng tay nhọn". Quân và dân Liên Xô kháng chiến cực kỳ dũng cảm, với một tinh thần quyết thắng, Mạc Tư Khoa, Lêningrát, Xtalingrát, v.v., là những gương chói sáng đến muôn thu và khắp thế giới tinh thần kháng chiến vĩ đại của Liên Xô. Lêningrát bị vây chặt từ mùa Thu 1941. Suốt ngày đêm, máy bay và súng lớn địch bắn phá không ngừng. Nhà cửa tan tành. Nhân dân đói, rét, chết. Nhưng càng gian khổ, chí khí của quân và dân càng hăng. Kết quả là mùa Xuân 1944, Lêningrát được giải phóng. Ngoại ô Lêningrát trở thành một bãi tha ma chôn vùi lũ Đức xâm lăng. Mạc Tư Khoa bị 51 sư đoàn Đức bao vây. Toàn dân Mạc Tư Khoa, gái trai già trẻ, đều tham gia việc giữ thành chống giặc. 12 vạn thanh niên nam nữ vào đội tự vệ thành, cùng Hồng quân đánh giặc. Ngày 2-10-1941, Hítle tuyên bố đến 7-11 (ngày kỷ niệm 44 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Cách mạng Tháng Mười), hắn sẽ duyệt binh trong Mạc Tư Khoa. Song đến ngày ấy, Hítle và quân đội Đức bị đánh lui, và quân dân Mạc Tư Khoa thắng trận, biểu tình trước Thống chế Xtalin. Đêm lẫn ngày, 1.500 súng lớn và hàng trăm máy bay Đức giội bom đạn vào Xtalingrát. Thành bị đào sâu hóa ra hào. Hào bị lấp cao hóa ra thành. Sau khi giải phóng, tính lại ở đó, Hồng quân đã hy sinh 46.700 người. Quân địch chết 147.200 tên, bị bắt 110.000 tên, trong đó có cả viên tư lệnh Đức là Thống chế Phôn Pôluýt (Von Paulus) và 26 tướng Đức khác. Con số ấy đủ tỏ cuộc chiến đấu gay go thế nào, và quân dân Liên Xô anh dũng thế nào. Trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, du kích Liên Xô đã giữ một địa vị vẻ vang và đã làm tròn nhiệm vụ của họ: Luôn luôn làm cho địch ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn quấy rối chúng, tiêu diệt chúng, phá hoại chúng. Ngoài những anh hùng du kích như Kốppác (Kovpak), Phêđêrốp (Féderov), v.v., có những nữ anh hùng như Dôia (Zoia), thiếu nhi anh hùng như Sêkalin (Chékaline), mà quân địch nghe tên đã rùng mình, nhân dân cả nước đều khen ngợi. Ở hậu phương, với phong trào thi đua, công nhân và nông dân đã hăng hái tăng gia sản xuất, cung cấp đầy đủ vũ khí, và lương thực cho bộ đội. Ngoài công lương, công trái, nông dân còn quyên giúp bộ đội hơn 20.000 triệu đồng rúp và nhiều quà khác. Trong phong trào thi đua và quyên giúp, thường thường phụ nữ và thanh niên là người xung phong. Những người lao động trí óc thi đua phát triển khoa học để phụng sự kháng chiến. Ngành thuốc thì có những chiến sĩ như ông Buốcđencô (Bourdenko), công nghiệp như ông Bácđin (Bardine), nông nghiệp như ông Lítxencô (Lyssenko), văn nghệ như ông Erenbua (Erhenbourg), v.v.. LIÊN XÔ VĨ ĐẠI 45 Sau 4 năm kháng chiến anh dũng, ngày 2-5-1944, Hồng quân chiếm Béclanh, Thủ đô nước Đức. Thế là Liên Xô hoàn toàn thắng lợi. Năm 1918 - 1920, khi cách mạng mới thành công, Liên Xô đã đánh thắng quân đội 14 đế quốc liên kết với lũ Nga gian. Nhờ hơn 20 năm xây dựng, Liên Xô lại toàn thắng trong cuộc chiến tranh to nhất và khủng khiếp nhất của lịch sử loài người từ trước tới nay. Liên Xô đạt được thắng lợi ấy là vì: 1- Chế độ chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội của Liên Xô rất vững chắc. 2- Quân và dân Liên Xô rất kiên quyết dũng cảm, rất đoàn kết, nhất trí. 3- Sự lãnh đạo của Thống chế Xtalin và Đảng Cộng sản Liên Xô rất sáng suốt. 4- Nhân dân lao động toàn thế giới nhiệt liệt đồng tình với Liên Xô. Ngay sau cuộc kháng chiến, Liên Xô bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ 4 mà hiện nay, đã hoàn thành vượt mức. Lực lượng và uy tín của Liên Xô ngày càng to lớn, làm cho phe dân chủ hòa bình thế giới ngày càng mạnh thêm. Sáu năm trước, phe phát xít Đức đã bị tiêu diệt. Ngày nay, nếu phe phát xít Mỹ lăm le mở Chiến tranh thế giới thứ ba để xâm phạm Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân, diễn lại ngày 22-6, thì Liên Xô và phe dân chủ nhất định sẽ có lại ngày 2-5. C.B. - Báo Nhân Dân, số 13, ngày 21-6-1951, tr.1, 4. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 99-101. 46 EM BÉ TRIỀU TIÊN Nhân dân nước Hung gửi thuốc tặng quân và dân Triều Tiên. Các đồng chí tài xế Trung Quốc và Triều Tiên chở thuốc đi. Xe đi đến một địa phương. Mấy hôm trước, địa phương này bị máy bay Mỹ tàn phá. Anh đội trưởng đi khắp làng chỉ gặp một em bé sống sót và đói gần chết. Anh liền bế em bé về chỗ xe đỗ, cho em ăn uống, em khoẻ lại ngay. Vừa lúc đó, máy bay Mỹ đến. Anh đội trưởng ra lệnh: "Chết cũng phải cứu lấy thuốc!". Các đồng chí tài xế không quản bom đạn, đều xung phong mang giấu những hòm thuốc vào hầm hố. Máy bay Mỹ đi rồi, anh em xem lại, thì thấy em bé dang hai tay nằm che lấy hai hòm thuốc, lưng em bị 5 viên đạn xuyên qua, máu chảy lai láng. Em bé đã hy sinh để cứu hai hòm thuốc. Thuốc của nhân dân nước Hung. Công của chiến sĩ Trung Quốc. Máu của em bé Triều Tiên. Ba thứ ấy hòa lẫn, thành một tấm gương tinh thần yêu nước kết hợp với tinh thần quốc tế. Em bé Triều Tiên thật là anh hùng. Em bé Việt Nam, các cháu Bác Hồ, cũng nhiều em anh hùng. EM BÉ TRIỀU TIÊN 47 Trẻ con anh hùng chứng tỏ cả dân tộc anh hùng. Với chí khí anh hùng do lòng yêu nước và tinh thần quốc tế hun đúc, nhất định đánh tan được bọn đế quốc tham tàn. Kháng chiến Triều Tiên nhất định thắng lợi. Kháng chiến Việt Nam nhất định thắng lợi. Vì hai dân tộc đều anh hùng. C.B. - Báo Nhân Dân, số 13, ngày 21-6-1951, tr.4. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.97-98. 48 PHÒNG GIAN TRỪ GIAN Vì đế quốc Mỹ và Tưởng Giới Thạch tung ra nhiều mật thám, nên hiện nay ở Trung Quốc có phong trào phòng gian trừ gian rất sôi nổi. Đó là một phong trào quần chúng, toàn thể nhân dân tham gia. Từ thành thị đến thôn quê, nhân dân tự động tổ chức những ủy ban phòng gian trừ gian. Hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân chăng thành những bức "thiên la địa võng", nên lũ mật thám không sao thoát được. Có những em bé, những cụ già, những phụ nữ đã nổi tiếng anh hùng phòng gian trừ gian, vì đã giúp công an tóm được những tên mật thám đầu sỏ. Có người đã phát giác lũ mật thám, dù chúng là bà con của họ. Như thế là rất đúng, vì lũ mật thám đã có hại cho nước, tức là hại cho làng, hại cho nhà. Chúng đã phản quốc, thì chúng còn kể gì đến bà con dòng họ. Có kết quả ấy, là nhờ công an theo đúng đường lối nhân dân, biết dựa vào sức nhân dân, tổ chức và giáo dục nhân dân, làm cho mọi người hiểu rõ phòng gian là nhiệm vụ chung của công dân, là một công việc ái quốc. Ngày nay ở Việt Nam ta, giặc Pháp gần đến chỗ chết, nên chúng tung nhiều mật thám ra, hòng phá hoại ta. Nhân dân ta và công an ta cần học kinh nghiệm Trung Quốc để ngăn ngừa và tiêu diệt bọn mật thám phản quốc. PHÒNG GIAN TRỪ GIAN 49 Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng cho công cuộc kháng chiến. C.B. - Báo Nhân Dân, số 14, ngày 28-6-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.53. 50 THI ĐUA ÁI QUỐC, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI VẺ VANG CỦA NƯỚC TA Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua. Ai làm việc gì, nghề gì cũng thi đua làm cho nhanh, cho tốt, cho nhiều. Chiến sĩ thì thi đua diệt giặc lập công, đồng bào thì thi đua tăng gia sản xuất. Sau một thời kỳ tìm tòi và chuẩn bị, và mặc dầu gặp nhiều khó khăn, thi đua ái quốc của ta đã có kết quả đầu tiên. Kết quả tuy còn nhỏ, nhưng nó như con én báo hiệu mùa Xuân. Nó là cái đà cho kết quả to lớn sau này. Về bộ đội, thi đua đã đem lại những trận thắng lợi ở Biên giới, ở Trung du, ở Bình Trị Thiên, ở Liên khu III, v.v.. Về nông nghiệp, thi đua đã làm cho đồng bào ta tránh khỏi nạn đói. Ta đã có những chiến sĩ nông nghiệp kiểu mẫu. Về công nghiệp, thì trong đợt thi đua để chúc thọ Hồ Chủ tịch, mừng Mặt trận Liên - Việt và Đảng Lao động Việt Nam (đợt đầu của phong trào thi đua sản xuất, lập công, đề cao chiến sĩ), anh chị em công nhân đã đạt được nhiều thành tích. Những thành tích đó, xem qua có vẻ khô khan, nhưng xem THI ĐUA ÁI QUỐC, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI VẺ VANG... 51 kỹ thì rất thú vị. Như một cái vườn mênh mông, tươi tốt, mới có một vài nụ hoa chớm nở, song chắc rồi đây vườn sẽ khai hoa kết quả đầy cả góc trời. Trong 19 xí nghiệp, năng suất chung đã tăng từ 11,35% đến 80%. Riêng từng ban, thì có ban tăng đến 260%. Tính từng người, thì có người tăng đến 290%. Theo lời anh chị em công nhân, sở dĩ được như vậy là: - Nhờ có kế hoạch thiết thực và có kiểm điểm hằng ngày, phê bình và bổ khuyết kịp thời. - Vì cố gắng, biết xếp đặt công việc ngăn nắp, chịu khó tìm tòi, có sáng kiến. Những điều đó, cố gắng làm thì được, chứ đâu phải như chuyện "đội đá vá trời". Dưới đây, xin kể vài thí dụ: Anh Nguyễn Khắc Chỉnh, biết xếp lại nồi hơi, công việc đã dễ dàng hơn, mỗi ngày lại tiết kiệm được 200 cân than. Anh Hồ Bá Cương, dùng cào sắt thay cào gỗ, mỗi ngày tiết kiệm được 15 cân vôi. Anh Đỗ Văn Trị, thợ rèn, biết cách sắp đặt, công việc cả ban khi trước phải làm 32 giờ, nay chỉ cần 12 giờ. Chị Hạnh, thợ giấy, biết hợp lý hóa việc xeo giấy, trước kia 5 động tác, nay chỉ cần 3, trước kia một ngày được 700 tờ, nay được 1.594 tờ. Xưởng dệt Độc Lập, ban mắc, trước kia một ngày được 216 thước, nay được 318 thước. Ban cắt xưởng quân nhu, nhờ tính toán kỹ lưỡng, dôi được bốn phần trăm vải cho bộ đội. Nói tóm lại: Vì sự cố gắng của các nam nữ chiến sĩ lao động, mà tiết kiệm được vật liệu, tiết kiệm được thời giờ, đỡ được khó nhọc, đồng thời sản xuất được nhiều lương thực, nhiều súng ống, nhiều 52 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN vải, nhiều giấy cho bộ đội và nhân dân. Đó chẳng phải là hiện tại và tương lai tốt đẹp ư? Nếu mọi người đều cố gắng thi đua, thì công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi. Trong phong trào thi đua này, anh em công chức, giáo viên, học sinh các nơi như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, v.v., đều hăng hái tham gia việc sửa đường, đào kênh và đã có thành tích khá. Thế là trí thức lao động hóa. Đó là một điều đáng khen ngợi và nên khuyến khích cho phát triển thêm. Trong thành công, ta vẫn thấy còn khuyết điểm. Những khuyết điểm chính là: Hướng dẫn thiếu thống nhất. Chương trình còn nhiều nơi chưa sát. Kế hoạch thiếu chu đáo, tỉ mỉ. Biết làm nhanh, nhưng chưa biết làm tốt. Thi đua nơi thì thiếu bền bỉ, nơi thì làm quá sức, nơi thì chưa tự động. Đó là vì tư tưởng thi đua chưa thấm nhuần, thấu suốt mọi người, vì cán bộ giải thích kém. Chúng ta phải sửa chữa ngay những khuyết điểm ấy, để đẩy phong trào thi đua lên cao hơn nữa, rộng khắp hơn nữa, và đạt những kết quả to lớn và tốt đẹp hơn nữa. C.B. - Báo Nhân Dân, số 15, ngày 5-7-1951, tr.1. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.108-110. 53 DÂN CHỦ CŨ DÂN CHỦ MỚI Dân chủ mới là dân chủ cho toàn dân, trừ bọn phản quốc ra ngoài. Dân chủ cũ là của số ít nhóm thống trị. Cuộc tổng tuyển cử ở Pháp vừa rồi là một thí dụ rõ rệt. Vì luật tuyển cử gian lậu của bọn thống trị, mà Đảng Cộng sản với hơn 5 triệu phiếu, chỉ được 104 đại biểu Quốc hội. Đảng Đờ Gôn với hơn 4 triệu phiếu mà được 117 đại biểu. Phong trào cộng hòa bình dân với hơn 2 triệu phiếu mà được 86 đại biểu. Thế là nhiều phiếu mà được ít đại biểu, ít phiếu lại được nhiều đại biểu. Phong trào cộng hòa bình dân có hơn 2 triệu phiếu mà được 86 đại biểu (1 triệu phiếu được 40 đại biểu) thì đáng lẽ Đảng Cộng sản phải được 200 đại biểu, thế mà chỉ được 104. Nghĩa là 3 triệu cử tri tán thành cộng sản đã bị mất quyền cử 100 đại biểu Quốc hội của mình. Dân chủ cũ là một thủ đoạn ích kỷ của bọn phản động. Tuyển cử như thế, việc khác cũng như thế. Ở Pháp như thế, ở các nước tư bản khác cũng như thế. C.B. Báo Nhân Dân, số 15, ngày 5-7-1951, tr.2. 54 PHÊ BÌNH Bài trước nói về tự phê bình. Bài này nói về phê bình. Vì chúng ta phải "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". "Thuốc đắng thì dã tật, nói thật thì được việc". Nói thật tức là phê bình. Khuyết điểm cũng như một chứng bệnh. Phê bình là thuốc để chữa các bệnh khuyết điểm. Thí dụ: Tôi có vết nhọ ở trán, tự tôi không trông thấy. Đồng chí bảo cho tôi biết. Thế là đồng chí phê bình tôi. Mục đích của đồng chí là muốn cho mặt tôi sạch sẽ, chứ không phải để mỉa mai tôi. Vì vậy đồng chí phải nói cho rõ ràng, thiết thực: Vết nhọ to hay nhỏ? Nó ở phía nào? v.v.. Và khi nói, nên có thái độ đúng mực. "Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa tai nhau". Về phần tôi, khi đã biết có vết nhọ thì phải lo rửa sạch. Nếu đồng chí đã bảo, mà tôi không vui lòng rửa sạch, (thậm chí còn oán trách đồng chí), tức là tôi cố ý mang vết nhọ suốt đời. Hai điều ấy đều vô lý. Ý nghĩa phê bình, giản đơn là như vậy. Chúng ta vì dân, vì nước mà làm cách mạng. Muốn cách mạng thành công, ắt phải đoàn kết và tiến bộ. Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa PHÊ BÌNH 55 chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình. Mục đích phê bình là cốt lợi cho công việc chung. Nguyên tắc phê bình là phải nhằm vào tư tưởng và công tác. Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm. Thí dụ: Vì thiếu quan điểm quần chúng (tư tưởng), nên trong công tác mắc bệnh mệnh lệnh, quan liêu. Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên "trước mặt không nói, xoi mói sau lưng". Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ. Cấp dưới có quyền phê bình cấp trên. Nhân dân có quyền phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, Đảng và các đoàn thể. Mọi người có quyền phê bình nhau để cùng nhau tiến bộ. Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình. Song phê bình phải đường hoàng, chính đáng, quyết không nên "thầm thì thầm thụt", viết thư giấu tên, như một vài cán bộ ở T.N. đã làm. Đảng viên và cán bộ, Đảng, các đoàn thể nhân dân và chính quyền cần phải hoan nghênh và khuyến khích nhân dân phê bình. Nếu phê bình sai, thì phải giải thích. Phê bình đúng, thì phải công khai thừa nhận và sửa chữa. Dìm phê bình hoặc phớt phê bình là khinh rẻ ý kiến nhân dân, là trái với dân chủ, và rất có hại, cũng như có bệnh mà từ chối uống thuốc. 56 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Phê bình và tự phê bình là công việc thường xuyên. Ngừng phê bình và tự phê bình tức là ngừng tiến bộ, tức là thoái bộ. Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như người ta cần không khí. Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. C.B. - Báo Nhân Dân, số 16, ngày 12-7-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.113-115. 57 DÂN MỸ CHỐNG CHIẾN TRANH Đế quốc Mỹ ra sức gây chiến. Song nhân dân Mỹ thì muốn hòa bình. Vài thí dụ: Các đại biểu Quốc hội Mỹ như các ông Cáppơha (Capehart), Pho (Ford), Thai (Thyé), Đugla (Douglas), v.v., tuyên bố rằng 9 phần 10 cử tri ở các tỉnh đều chống chiến tranh xâm lược Triều Tiên. Báo Tập tin tức Mỹ điều tra ý kiến của dân, kết quả thấy 9 phần 10 đòi rút quân Mỹ ra khỏi Triều Tiên. Báo Công nhân Mỹ đăng nhiều thư của bạn đọc. Một phụ nữ viết: "Nếu để cho lũ tướng tá tếu kia tự đi đánh, thì chiến tranh sẽ không kéo dài, mà con em chúng ta sẽ được ở nhà...". Một phụ nữ khác viết: "Ai bảo chúng ta đi đánh nửa thế giới này để bảo vệ nửa thế giới kia? Mà nửa thế giới kia có nhờ, có muốn ta bảo vệ đâu? Đó chỉ là cố ý đưa con em chúng ta đi chết đó thôi". Một bà viết thư cho Tổng thống Mỹ: "Ông nói rằng nhân dân ủng hộ chính sách chiến tranh của ông... Tôi đã nói chuyện với nhiều hạng người, song không một ai tán thành chiến tranh ở Triều Tiên cả. Thưa ông, chúng tôi, dân thành phố cũng như dân thôn quê, đều muốn hòa bình ngay". 58 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Ý dân là ý trời. Đế quốc Mỹ làm trái ý dân, ý trời, cho nên chúng sẽ thất bại. C.B. - Báo Nhân Dân, số 17, ngày 19-7-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.119. 59 THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT HIỂU BIẾT TIẾN LÊN LÝ LUẬN LÝ LUẬN LÃNH ĐẠO THỰC HÀNH Tháng 7-1937, đồng chí Mao Trạch Đông viết tập Thực tiễn luận, bàn về lý luận và thực hành, biết và làm. Sau đây là tóm tắt nội dung tập Thực tiễn luận, nói theo cách Việt Nam cho dễ hiểu. Có một số đồng chí không chịu nghiên cứu kinh nghiệm thực tế của cách mạng Việt Nam. Họ không hiểu rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh. Vì vậy, họ chỉ học thuộc ít câu của Mác - Lênin, để lòe người ta. Lại có một số đồng chí khác chỉ bo bo giữ lấy những kinh nghiệm lẻ tẻ. Họ không hiểu rằng lý luận rất quan trọng cho sự thực hành cách mạng. Vì vậy, họ cứ cắm đầu nhắm mắt mà làm, không hiểu rõ toàn cuộc của cách mạng. Hai khuynh hướng ấy đều sai lầm. Sai lầm nhất là khuynh hướng giáo điều, vì nó mượn những lời của Mác, Lênin, dễ làm cho người ta lầm lẫn. Chủ nghĩa Mác chỉ rằng: Hoạt động sản xuất là nền tảng của thực hành, nó quyết định tất cả các hoạt động khác. 60 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Do sự sản xuất vật chất mà người ta hiểu biết dần dần các hiện tượng, các tính chất, các quy luật và mối quan hệ giữa người với giới tự nhiên. Lại do hoạt động sản xuất mà dần dần hiểu rõ mối quan hệ giữa người này với người khác. Đời xưa, khi chưa có giai cấp, thì mỗi người lấy tư cách một phần tử trong xã hội mà góp sức với những người khác, gây thành một thứ quan hệ sản xuất để giải quyết vấn đề sinh hoạt của loài người. Khi xã hội đã có giai cấp, thì các giai cấp ấy lại gây thành một thứ quan hệ sản xuất khác để giải quyết vấn đề sinh hoạt của loài người. Hoạt động sản xuất là nguồn gốc của sự phát triển hiểu biết của loài người. Ngoài hoạt động sản xuất, sự thực hành của người ta còn có: giai cấp đấu tranh, sinh hoạt chính trị, hoạt động khoa học và nghệ thuật, v.v.. Tóm lại, tất cả mọi ngành hoạt động trong xã hội đều do người của xã hội tham gia. Vì vậy, ngoài sinh hoạt vật chất, người ta còn do sinh hoạt chính trị, văn hóa (dính dáng khăng khít với sinh hoạt vật chất) mà hiểu biết các thứ quan hệ giữa người với người. Giai cấp đấu tranh ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự hiểu biết của người. Trong xã hội có giai cấp, mỗi người đều sinh hoạt trong một giai cấp nhất định, và các thứ tư tưởng đều có tính chất giai cấp. Hoạt động sản xuất của xã hội phát triển từng bước, từ thấp đến cao. Vì vậy, sự hiểu biết của người ta (về giới tự nhiên, cũng như về xã hội) cũng phát triển từng bước, từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ một mặt đến toàn diện. Trước kia, người ta chỉ hiểu một mặt của lịch sử. Đó là vì giai cấp bóc lột thường hay làm sai lịch sử của xã hội. Lại vì sản THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 61 xuất hãy còn trong khuôn khổ nhỏ hẹp, nên nó hạn chế tầm con mắt người ta. Chỉ đến khi có công nghiệp to, sản xuất lớn, có giai cấp vô sản, sự hiểu biết lịch sử mới phát triển đến toàn diện, sự hiểu biết xã hội mới thành một khoa học. Đó là duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Chỉ có thực hành mới là mực thước đúng nhất cho sự hiểu biết của người về thế giới. Chỉ do quá trình thực hành (quá trình sản xuất vật chất, giai cấp đấu tranh, khoa học thực nghiệm), người ta mới đạt được kết quả đã dự tính trong tư tưởng, và lúc đó sự hiểu biết mới được chứng thực. Muốn như thế, tư tưởng nhất định phải hợp với quy luật khách quan. Không hợp thì trong lúc thực hành sẽ bị thất bại. Trải qua thất bại, người ta học được kinh nghiệm, để sửa đổi tư tưởng cho hợp quy luật khách quan, rồi đổi thất bại ra thành công. "Đứt tay, hay thuốc" là như vậy. Duy vật biện chứng đã đặt thực hành lên trên hết. Sự hiểu biết không thể rời thực hành. Lênin nói rằng: "Thực hành cao hơn sự hiểu biết (lý luận), vì nó đã có tính chất phổ biến, lại có tính chất thực tế cụ thể". Duy vật biện chứng của Mác có hai đặc điểm: Một là tính chất giai cấp, nói rõ duy vật biện chứng là để phụng sự giai cấp vô sản. Hai là tính chất thực hành. Nói rõ thực hành là nền tảng của lý luận và lý luận lại phụng sự thực hành. Chỉ có thực hành mới là tiêu chuẩn của sự thật. Quan điểm thực hành là quan điểm chính của duy vật biện chứng. Thế nào là thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết trở lại phụng sự thực hành? Trong quá trình thực hành, ban đầu người ta chỉ thấy hiện 62 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN tượng và thấy mối quan hệ bên ngoài của mỗi việc. Thí dụ: Có người đến thăm vùng tự do. Mấy hôm đầu, họ thấy núi sông, đường sá, nhà cửa. Họ gặp các hạng người. Họ xem các tài liệu. Họ dự các cuộc mít tinh. Họ nghe người này nói chuyện này, người khác nói chuyện khác. Họ thấy hiện tượng và quan hệ bên ngoài của vùng tự do. Đó là giai đoạn cảm giác và ấn tượng của sự hiểu biết. Trong giai đoạn thứ nhất ấy, họ chưa có một khái niệm sâu sắc, chưa có một kết luận hợp với lý luận. Nếu họ cứ tiếp tục thực hành xem xét, ấn tượng và cảm giác của họ lặp đi lặp lại nhiều lần, thì trong quá trình hiểu biết của họ có một sự đột biến, do đó họ có một khái niệm. Khái niệm không phải là hiện tượng lẻ tẻ, là quan hệ bên ngoài nữa. Khái niệm là đã nắm được cái bản chất, cái toàn diện, và quan hệ bên trong của mọi việc. Cứ như thế mà tiến mãi, dùng cách xem xét và phán đoán, thì sẽ tìm được một kết luận hợp với lý luận. "Đi mãi thì đến, tìm mãi thì gặp" là thế. Đó là giai đoạn thứ hai. Khi đã có đủ các tài liệu, đã suy xét, họ sẽ phán đoán rằng: Chính sách toàn dân đoàn kết, trường kỳ kháng chiến là đúng. Nếu họ thật thà muốn đoàn kết cứu nước, thì họ sẽ tiến lên một bước nữa mà kết luận rằng: Mặt trận dân tộc thống nhất mạnh mẽ thì trường kỳ kháng chiến nhất định thành công. Giai đoạn khái niệm, phán đoán và lý luận là giai đoạn hiểu biết bằng lý trí. Nó rất quan trọng trong quá trình hiểu biết. Từ cảm giác tiến đến tư tưởng, đến sự hiểu biết những mâu thuẫn nội bộ của mọi sự vật, hiểu biết quy luật của nó, hiểu biết quan hệ bên trong của quá trình này với quá trình kia, nghĩa là hiểu biết tiến dần thành lý luận, đó là nhiệm vụ của hiểu biết. Trước kia, chưa ai biết rõ rằng lý luận duy vật biện chứng, THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 63 lý luận hiểu biết, dựa vào thực hành, từ thấp tiến đến cao. Đến Mác mới giải quyết được vấn đề ấy. Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu rõ hai đặc điểm của hai giai đoạn trong quá trình hiểu biết. Đặc điểm trong giai đoạn thấp là cảm giác. Đặc điểm trong giai đoạn cao là lý luận. Hai giai đoạn ấy tuy khác nhau, nhưng không tách rời nhau. Nó thống nhất trên nền tảng thực hành. Cái gì ta mới cảm giác, ta vẫn chưa hiểu biết nó một cách sâu sắc: Chỉ khi nào ta hiểu biết nó, ta mới cảm giác nó một cách sâu sắc. Cảm giác chỉ giải quyết vấn đề hiện tượng. Lý luận mới giải quyết vấn đề bản chất. Nếu không thực hành thì không thể nào giải quyết được những vấn đề thiết thực ấy. Muốn hiểu biết việc gì, phải thiết thực tiếp xúc với việc ấy. Trong xã hội phong kiến, không thể nào hiểu biết được quy luật tư bản, vì hồi đó chưa có tư bản. Lý luận Mác chỉ có thể sinh ra trong xã hội tư bản. Mác lại không thể đoán trước một cách đầy đủ quy luật của chủ nghĩa đế quốc, vì hồi đó chủ nghĩa tư bản chưa đến giai đoạn đế quốc. Chỉ có Lênin và Xtalin mới vạch rõ được quy luật của chủ nghĩa đế quốc. Chẳng những vì Lênin và Xtalin có thiên tài, mà trước hết là vì hai ông đã thực hành việc lãnh đạo giai cấp đấu tranh và thực nghiệm khoa học. Nếu không thực hành thì dù tài giỏi mấy cũng không thành công được. Muốn hiểu biết một việc gì, một vật gì, thì phải tham gia vào cuộc đấu tranh và biến đổi của việc ấy, vật ấy. Có như thế mới thấy được hiện tượng của nó, và tiến tới hiểu biết bản chất của nó. Đó là con đường thực tế, ai muốn hiểu biết cũng phải trải qua. Có người chỉ nghe lỏm, chỉ biết đôi chút mà đã vênh váo, tự cho mình là hiểu biết nhất trong thiên hạ. Thế là dại. Hiểu biết là một vấn đề khoa học, không có gì đáng kiêu ngạo. Trái lại, càng hiểu biết, thì càng phải khiêm tốn. 64 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Muốn biết mùi quả cam, phải bổ quả cam mà nếm. Muốn biết tính chất quả cam thế nào thì phải dùng vật lý học và hóa học mà xét, rồi mới có thể thay đổi tính chất của quả cam. Muốn hiểu biết lý luận và phương pháp cách mạng, phải thực hành tham gia cách mạng. Tất cả mọi hiểu biết, đều do kinh nghiệm trực tiếp hoặc kinh nghiệm gián tiếp mà có. Kinh nghiệm gián tiếp là kinh nghiệm người xưa để lại và kinh nghiệm các nước ngoài. Nếu những hiểu biết, những kinh nghiệm ấy hợp với điều kiện khách quan thì nó đúng và có thể tin. Nếu không, thì không thể tin. Vì vậy, sự hiểu biết của mỗi người có hai bộ phận: kinh nghiệm trực tiếp và kinh nghiệm gián tiếp. Và kinh nghiệm gián tiếp của ta tức là kinh nghiệm trực tiếp của người. Cho nên, nói chung, sự hiểu biết nào cũng không thể tách rời kinh nghiệm trực tiếp. "Không vào hang, không bắt được cọp". Câu tục ngữ ấy là một sự thật cho thực hành, cũng là một sự thật cho hiểu biết. Không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết. Do thực hành mà hiểu biết, là hiểu biết theo duy vật biện chứng. Thí dụ: Ở giai đoạn đầu tiên, giai đoạn vô sản tự động đấu tranh, phá hoại máy móc, thì vô sản mới hiểu biết chủ nghĩa tư bản bằng cảm giác, họ mới thấy một phía của hiện tượng, và mối quan hệ bên ngoài của chủ nghĩa tư bản. Lúc đó vô sản chỉ là "giai cấp tự nhiên"1. Đến giai đoạn thứ hai, vô sản đấu tranh về kinh tế, chính trị một cách có ý thức, có tổ chức, nhờ có kinh nghiệm thực hành; khi Mác và Ăngghen đã dùng phương pháp khoa học tổng kết những kinh nghiệm ấy lại mà đúc thành lý luận Mác, thì vô sản _______________ 1. “Giai cấp tự nhiên” là giai cấp chưa có tổ chức, chưa hiểu rõ quyền lợi, nhiệm vụ của mình, chưa có kinh nghiệm, v.v.. (TG). THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 65 mới hiểu biết bản chất của chủ nghĩa tư bản, hiểu biết quan hệ giai cấp bóc lột, hiểu biết nhiệm vụ của mình. Lúc đó, vô sản trở nên "giai cấp vì mình"1. Cách thức nhân dân Việt Nam hiểu biết thực dân Pháp cũng như thế. Giai đoạn đầu chỉ hiểu biết bằng cảm giác. Nó biểu hiện ra ở các cuộc khởi nghĩa của những nhóm Cần Vương, và những nhóm tiểu tư sản cách mạng. Giai đoạn thứ hai mới là hiểu biết theo lý trí. Ta thấy rõ những mâu thuẫn bên trong và bên ngoài của đế quốc Pháp, ta thấy rõ chúng dùng bọn phong kiến phản động Việt Nam để áp bức nhân dân ta. Giai đoạn ấy bắt đầu từ năm 1925 - 1930 (Thời kỳ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội bắt đầu tuyên truyền và tổ chức nhân dân). Về chiến tranh cũng thế. Một người chỉ huy chưa có kinh nghiệm quân sự, chưa hiểu quy luật chiến tranh, lúc đầu ắt bị thất bại nhiều trận. Nhờ những kinh nghiệm (kinh nghiệm thắng trận, nhất là kinh nghiệm thua trận), người chỉ huy hiểu rõ quy luật của chiến tranh, nắm vững chiến lược và chiến thuật. Lúc đó thì họ sẽ lãnh đạo một cách chắc chắn. Có đôi đồng chí sợ phụ trách công việc. Họ nói: "Tôi nắm không vững". Tại sao nắm không vững? Vì họ chưa hề thực hành những công việc ấy, họ chưa hiểu quy luật bên trong và hoàn cảnh bên ngoài của những việc ấy. Khi đã phân tách rõ ràng tình hình và hoàn cảnh của công việc ấy cho họ hiểu thì họ dần dần nắm vững và dám làm. Trải qua một thời kỳ học tập kinh nghiệm nếu họ là những người thật thà cầu tiến, thì họ sẽ tiến bộ mau. _______________ 1. “Giai cấp vì mình” là giai cấp đã hiểu rõ quyền lợi và nhiệm vụ của mình, đã có tổ chức, có lãnh đạo, có lý luận soi đường (TG). 66 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Những người mắc bệnh chủ quan, không xem xét hoàn cảnh thực tế, không xem xét toàn thể công việc, không nghiên cứu bản chất của công việc, không xét rõ quan hệ của việc này với việc khác, mà chỉ biết dùng mệnh lệnh, thì nhất định sẽ thất bại. Có hai điểm rất quan trọng cần nhắc lại một lần nữa: Một là sự hiểu biết bằng lý trí phải dựa vào sự hiểu biết bằng cảm giác. Nếu không có cảm giác, thì lý trí như một dòng nước không có nguồn, một chòm cây không có rễ; mà như thế là chủ quan. Kinh nghiệm cảm giác là bước đầu tiên trong quá trình hiểu biết. Chỉ do thực hành, người ta mới hiểu biết; chỉ do tiếp xúc với sự vật khách quan, người ta mới có kinh nghiệm, cảm giác. Nếu nhắm mắt, bịt tai, không nghe, không thấy sự vật khách quan bên ngoài thì làm gì có hiểu biết. Kinh nghiệm là bước đầu tiên của hiểu biết. Đó là hiểu biết theo chủ nghĩa duy vật. Hai là hiểu biết phải tiến hóa sâu sắc, từ giai đoạn cảm giác đến giai đoạn lý trí. Đó là hiểu biết theo phương pháp biện chứng. Chỉ cảm giác thôi không đủ. Muốn hiểu biết toàn bộ một sự vật, hiểu biết bản chất và quy luật nội bộ của nó, thì phải suy xét kỹ lưỡng, gom góp những cảm giác phong phú lại, rồi chọn lọc cái nào thật, cái nào giả, cái nào đúng, cái nào sai, từ ngoài đến trong, để tạo thành một hệ thống khái niệm lý luận. Đó là hiểu biết do thực hành mà có và được cải tạo trong thực hành. Hiểu biết ấy sâu sắc hơn, đúng hơn, phản ảnh sự vật một cách hoàn toàn hơn. Những người chỉ trọng kinh nghiệm mà khinh lý luận thì không hiểu rõ toàn bộ quá trình khách quan, thiếu phương châm vững chắc, chỉ biết một mà không biết mười. Nếu những người ấy lãnh đạo cách mạng thì sẽ thất bại. Đối với một công tác cũng như đối với một xã hội hay một THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 67 cuộc cách mạng, sự hiểu biết đều phải do cảm giác tiến đến lý trí (lý luận). Nhưng hiểu biết như thế chỉ mới là hiểu biết một nửa. Vì theo chủ nghĩa Mác thì chẳng những cần hiểu biết quy luật thế giới để giải thích thế giới, mà còn phải dùng sự hiểu biết ấy để cải tạo thế giới. Lý luận rất quan trọng. Lênin nói: "Không có lý luận cách mạng thì không thể có vận động cách mạng". Lý luận sở dĩ quan trọng là vì nó dạy ta hành động. Nếu đưa một lý luận rất đúng ra nói, rồi xếp nó lại một xó, không đưa ra thực hành, thì lý luận ấy thành lý luận suông. Hiểu biết do thực hành mà ra. Hiểu biết lại trải qua thực hành mà thành lý luận. Lý luận ấy lại phải dùng vào thực hành. Sự tiến tới của hiểu biết chẳng những ở chỗ từ cảm giác tiến đến lý luận, mà cốt nhất là từ lý luận tiến đến thực hành cách mạng. Đã nắm được quy luật thế giới, thì phải dùng nó vào thực hành cải tạo thế giới, thực hành tăng gia sản xuất, thực hành giai cấp đấu tranh, dân tộc đấu tranh. Đó là quá trình liên tiếp của hiểu biết. Muốn biết lý luận đúng hay không, thì phải dùng nó vào thực hành, xem nó có đạt được mục đích đã định hay không. Chủ nghĩa Mác - Lênin đúng là vì nó được chứng minh là đúng trong thực hành cách mạng giai cấp và cách mạng dân tộc. Duy vật biện chứng là đúng, vì sự thực hành nào cũng không thể thoát ra khỏi phạm vi của nó. Nếu có lý luận không đầy đủ hoặc sai lầm thì cần phải trải qua thực hành mà sửa chữa, làm cho nó đầy đủ hơn, đúng hơn. Cho nên, có thể nói "thực hành là kích thước của sự thật, là nền tảng của hiểu biết". 68 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN Đồng chí Xtalin nói: "Lý luận tách rời thực hành là lý luận suông. Thực hành tách rời lý luận là thực hành mù quáng". Từ cảm giác tiến đến lý luận, từ lý luận tiến đến hành động có kết quả, quá trình hiểu biết đến đó có thể gọi là hoàn thành. Song, vì quá trình hiểu biết cứ tiến mãi, nên nói chung vẫn là chưa hoàn thành. Bất kỳ trong giới tự nhiên hay trong xã hội, mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ cứ tiến mãi, phát triển mãi. Sự hiểu biết cũng phải tiến tới mãi, phát triển mãi. Cho nên người lãnh đạo cách mạng phải khéo sửa đổi khi có những sai lầm trong tư tưởng, lý luận, kế hoạch và nghị quyết của mình. Đồng thời, khi giai đoạn này phát triển lên giai đoạn khác, thì sự hiểu biết của người lãnh đạo và chiến sĩ cách mạng cũng phải tiến theo. Nghĩa là phải đề ra nhiệm vụ mới và phương pháp mới hợp với tình hình mới của cách mạng. Trong thời kỳ cách mạng, tình hình biến đổi rất mau. Nếu sự hiểu biết không theo kịp thì khó mà đưa cách mạng đến thắng lợi. Thường có khi tư tưởng không theo kịp thực tế. Đó là vì sự hiểu biết của người ta bị điều kiện xã hội hạn chế. Phải phản đối những người khuynh hữu. Tư tưởng của họ không theo kịp sự biến đổi của tình hình khách quan. Tình hình đã tiến lên, mà sự hiểu biết của họ cứ ở chỗ cũ, vì tư tưởng của họ xa rời thực hành. Họ cũng như những người không đi trước xe để hướng dẫn, lại chạy sau xe và trách xe chạy mau quá. Họ muốn gò xe lại, làm cho xe thụt lùi. Lại cần phản đối những người khuynh tả. Họ chỉ biết nói cho sướng miệng. Tư tưởng của họ nhảy qua những giai đoạn phát triển nhất định. Họ cho ảo tưởng là sự thật. Họ xa rời sự thực THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 69 hành của đại đa số nhân dân. Họ không thiết thực. Họ hành động một cách liều mạng. Những bệnh duy tâm, máy móc, mạo hiểm, chủ quan, v.v., đều vì tách rời điều kiện khách quan với chủ quan, tách rời lý luận với thực hành mà có. Chủ nghĩa Mác - Lênin kiên quyết chống những sai lầm ấy. Chủ nghĩa Mác - Lênin nhận rằng: Trong cả tổng quá trình phát triển tuyệt đối của toàn thể vũ trụ thì những quá trình phát triển cụ thể chỉ là tương đối. Do đó, những sự hiểu biết của người ta trong từng giai đoạn nhất định chỉ là những sự thật tương đối trong cái sự thật tuyệt đối to lớn. Vô số sự thật tương đối họp lại thành sự thật tuyệt đối. Sự phát triển của quá trình khách quan chứa đầy mâu thuẫn và đấu tranh. Sự phát triển của hiểu biết cũng đầy mâu thuẫn và đấu tranh. Công việc xã hội phát sinh, phát triển và tiêu diệt là vô cùng. Sự hiểu biết phát sinh, phát triển cũng là vô cùng. Cứ tiến lên mãi, thì sự hiểu biết cũng sâu sắc thêm mãi. Sự biến đổi trong thế giới không bao giờ hết, cho nên sự hiểu biết trong thực hành cũng không bao giờ hết, chủ nghĩa Mác - Lênin luôn luôn mở rộng đường hiểu biết sự thật trong thực hành, chứ không hạn chế nó. Chủ quan và khách quan, lý luận và thực hành, biết và làm, là thống nhất. Chúng ta chống sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, vì nó trái với điều kiện lịch sử. Giai cấp vô sản và Đảng của vô sản phải gánh cái trách nhiệm hiểu biết thế giới và cải tạo thế giới. Ở Việt Nam cũng như trong thế giới, sự thực hành cải tạo 70 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN thế giới đã đi đến một thời kỳ mới mẻ và lớn lao, tức là biến đổi Việt Nam và thế giới đen tối thành Việt Nam và thế giới quang vinh. Trong cuộc đấu tranh để cải tạo Việt Nam và thế giới, giai cấp vô sản và nhân dân cách mạng phải cải tạo thế giới khách quan1, đồng thời phải cải tạo thế giới chủ quan2 của mình, cải tạo tư tưởng, tình hình và sự hiểu biết của mình. Cải tạo mối quan hệ giữa thế giới chủ quan và thế giới khách quan. Một phần sáu địa cầu đã thực hành cải tạo như thế. Đó là Liên Xô. Liên Xô đang đẩy mạnh quá trình cải tạo ấy. Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới cũng đang đi vào con đường cải tạo ấy, hoặc ít hoặc nhiều. Trong thế giới khách quan đang được cải tạo, có cả những người chống lại việc cải tạo ấy. Họ phải trải qua giai đoạn bị bắt buộc, sau họ mới tiến đến giai đoạn tự giác. Đến lúc mọi người đều tự giác cải tạo mình và cải tạo thế giới, thì thế giới sẽ là thế giới cộng sản. Do thực hành mà tìm ra sự thật. Lại do thực hành mà chứng thực sự thật và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết. Lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng. Và nội dung của thực _______________ 1, 2. Thế giới khách quan là như bọn thực dân, đế quốc, bù nhìn, v.v.. Thế giới chủ quan là như lực lượng của mình: bộ đội, chính phủ, nhân dân, cán bộ, sự ủng hộ của các nước dân chủ, v.v.. Nói tóm lại: Cái gì không phải ở mình là khách quan, cái gì ở mình là chủ quan (TG). THỰC HÀNH SINH RA HIỂU BIẾT... 71 hành và hiểu biết lần sau cao hơn lần trước. Đó là nội dung vấn đề hiểu biết trong duy vật biện chứng. Đó là quan điểm biết và làm thống nhất của duy vật biện chứng. C.B. - Báo Nhân Dân, số 17, ngày 19-7-1951, tr.3, 4. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.120-130. 72 PHỤ NỮ KIỂU MẪU Vài mẩu chuyện rất bình thường, mà rất vĩ đại. Bà cụ Mán ở Lào Cai có 4 con trai đều là du kích. 3 người đã hy sinh cho Tổ quốc. Trước ngày Lào Cai được giải phóng, bà cụ bị Tây theo dõi. Nhà nghèo, bà cụ phải đi đào củ rừng để ăn. Ngày nào bà cụ cũng ăn một phần rất ít, để phần nhiều lại giúp cán bộ bí mật. Ở Khu 3, bà cụ Hảo, 62 tuổi, săn sóc thương yêu bộ đội và thương binh như mẹ đối với con. Chị Loan, 17 tuổi, cũng hết sức săn sóc bộ đội và thương binh như em đối với anh ruột. Chị Phương, cán bộ dân công, gặp lúc trời mưa to, nước đến ngực. Chị xung phong đội gạo lội sang suối, rồi giúp đỡ và cổ động mọi người đều sang. Nhờ vậy mà bộ đội khỏi thiếu ăn. Phải chăng vì danh, vì lợi, vì địa vị mà họ làm như vậy? Không phải. Đó là vì lòng nồng nàn yêu nước. Đó là lòng chí công vô tư mà chúng ta đều phải học theo. C.B. - Báo Nhân Dân, số 18, ngày 26-7-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.134. 73 MỸ THẤT BẠI Ở TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? Thắng lợi to nhất của Nhân dân giải phóng quân là đã đánh tan mưu mô và lực lượng Mỹ ở Trung Quốc. Chúng ta chỉ cần trích những lời khai báo của bọn thống trị Mỹ đã đăng trong quyển "Sách trắng" (ngót 1.195 trang do Bộ Ngoại giao Mỹ xuất bản ngày 5-10-1949) cũng đủ thấy Mỹ đã thất bại nặng nề ở Trung Quốc1. Mỹ dùng Tưởng Giới Thạch làm bù nhìn. Trong thời gian chống Nhật (1937 - 1945), Mỹ giúp Tưởng 1.101 triệu đôla. Sau chiến tranh chống Nhật, Mỹ giúp Tưởng hơn 2.007 triệu để chống Cộng. Mỹ bán rẻ cho Tưởng những quân nhu, quân dụng. Mỹ lại cho không Tưởng rất nhiều đạn dược do lính Mỹ để lại. Bộ đội Mỹ giúp Tưởng chiếm giữ những địa phương và những đường giao thông quan trọng để chuẩn bị đánh cộng sản. Hơn 1.000 cố vấn quân sự Mỹ, do tướng Ba (Barr) chỉ huy, huấn luyện cho 39 sư đoàn quân Tưởng, trong số đó có 20 sư đoàn cơ giới do Mỹ vũ trang. Ngoài ra, Mỹ lại giúp Tưởng một đội máy bay 1.000 chiếc, và 271 chiếc tàu chiến. Mỹ dùng máy _______________ 1. Chú ý: những con số trong cuốn “Sách trắng” tất nhiên còn dưới sự thực nhiều (TG). 74 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN bay và tàu thủy chở 50 vạn quân Tưởng đến các vùng Đông và Bắc để chiếm đóng các thành phố to như Bắc Kinh, Nam Kinh, Thượng Hải, v.v.. Trong lúc đó, 10 vạn lính Mỹ đến giữ các cửa bể, các đường xe lửa, các mỏ than. Từ giữa năm 1945 đến giữa năm 1946, Mỹ huấn luyện và cung cấp vũ khí cho 3 triệu quân Tưởng. Lúc đó, Nhân dân giải phóng quân chỉ có độ 60 vạn quân chính quy và 40 vạn du kích. Tháng 7-1946, vâng lệnh Mỹ, Tưởng tổng tấn công Nhân dân giải phóng quân. Song... Cán bộ của Tưởng đều mất tinh thần, vô liêm sỉ. Bọn lãnh tụ đều chán nản, bất lực, tham lam. Tướng Mácsan nhận rằng: "Nếu công khai nói thật những nguyên nhân thất bại của Tưởng, thì nó sẽ rất tai hại cho quân Quốc dân Đảng và sẽ giúp ích cho quân cộng sản. Vì vậy cứ phải làm thinh, và cứ phải giúp Tưởng, để cho lúc Mỹ nắm hẳn hành chính, quân sự, kinh tế của Trung Quốc". Tướng Oétđơmâye (Wedemeyer) làm Tổng tham mưu trưởng cho Tưởng cũng đề nghị cải tổ hoàn toàn chính phủ, các cơ quan và quân đội Tưởng, dưới sự kiểm soát của Mỹ. Nói tóm lại, quyển "Sách trắng" chứng tỏ rằng Mỹ muốn dùng Tưởng để chiếm Trung Quốc làm một thuộc địa. Nhưng Mỹ quá chủ quan. Mỹ đã quên tính đến lực lượng nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Nhân dân giải phóng quân Trung Quốc. Tuy vậy, tướng Mácsan cũng phải nhận rằng: Lãnh tụ cộng sản là những người trong sạch. Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc hồi đó đã viết: "Những người cộng sản có một lòng tin tưởng không bờ bến. Họ làm cho công nhân, nông dân và bộ đội của họ tin tưởng vào chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng của họ". MỸ THẤT BẠI Ở TRUNG QUỐC NHƯ THẾ NÀO? 75 Mặc dầu Mỹ hết sức nâng đỡ, mặc dầu 3 triệu binh sĩ có đủ vũ khí và được Mỹ huấn luyện, sau 3 năm nội chiến, Tưởng đã thất bại nặng nề, phải cút sang Đài Loan, bao nhiêu bộ đội, bao nhiêu vũ trang Mỹ cho, đều lọt vào tay Giải phóng quân. Thế là Mỹ tiền mất tật mang! Đã bị một vố đau như vậy, Mỹ vẫn không biết "đứt tay, hay thuốc". Mỹ vẫn giúp bù nhìn Tưởng Giới Thạch hiện ở Đài Loan, vẫn ra sức giúp bù nhìn Lý Thừa Vãn ở Triều Tiên, bù nhìn Bảo Đại ở Việt Nam. "Đến chết nhưng nết không chừa", cho nên đế quốc Mỹ sẽ thất bại đến chết mới thôi. C.B. - Báo Nhân Dân, số 19, ngày 2-8-1951, tr.3. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.150-152. 76 EM BÉ TRUNG QUỐC LƯU HỒ LAN Người Trung Quốc ai cũng biết tên em Lưu Hồ Lan. Em là nhi đồng ở Sơn Tây. Tuổi nhỏ mà gan to. Lúc 13, 14 tuổi, em đã tham gia cách mạng. Ngày 12-1-1947, lũ giặc Tưởng bắt em cùng 6 nông dân du kích. Chúng tra khảo, rồi chặt đầu từng người và dỗ em: “Mày có sợ chết không? Mày khai đi, thì sẽ không bị chặt đầu như thế”. Em Lan mạnh dạn nói: “Chết thì chết, tao không sợ. Nhi đồng cộng sản quyết không khuất phục, không đầu hàng!". Bọn giặc Tưởng nổi giận, chặt đầu em. Khi Sơn Tây được giải phóng, Mao Chủ tịch truy tặng em 6 chữ: “Sống vẻ vang, chết oanh liệt”. Nhi đồng Việt Nam cũng nhiều em anh hùng, oanh liệt. Ở vùng tự do, các em thi đua về mọi mặt theo sức của các em. Ở vùng tạm bị chiếm, các em giúp các đội du kích và các cuộc đấu tranh chống giặc Pháp, chống bù nhìn. Bất kỳ ở đâu, các em đều cố gắng xứng đáng là cháu Bác Hồ, và góp phần vào cuộc kháng chiến cứu nước. C.B. - Báo Nhân Dân, số 19, ngày 2-8-1951, tr.2. - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.153. 77 BỆNH CÁ NHÂN ĐỊA VỊ* ... Ban Thường vụ Tỉnh ủy hồi ấy có ba người: đồng chí bí thư và hai ủy viên (đồng chí X. và tôi). Đồng chí bí thư sắp được điều động lên khu. Người có thể thay không ngoài đồng chí X. và tôi. Riêng tôi rất hy vọng... Thế rồi liên khu ủy có nghị quyết chỉ định đồng chí X. làm bí thư, chứ không phải tôi. Hy vọng của tôi tan vỡ. Tôi rất buồn và bất mãn. Tôi tự nghĩ xứng đáng làm bí thư hơn đồng chí X. về nhiều mặt: về tuổi Đảng, tôi không kém; tôi lại tham gia ban tỉnh ủy trước một năm. Về năng lực, tôi trội rõ rệt: tôi là một thanh niên hoạt bát, tháo vát, có văn hóa, lý luận, còn đồng chí X. thì kém văn hóa, chậm chạp, làm việc luộm thuộm. Công tác dân vận mà đồng chí X. phụ trách không tiến _______________ * L.T.S. - Trên Báo Nhân Dân, chúng tôi đã đăng một số bài về xây dựng Đảng do đồng chí Lê Văn Lương viết, bàn về ý thức phục vụ Đảng và nhân dân, lập trường và quan điểm giai cấp, đường lối quần chúng, và ý thức tổ chức. Để giúp bạn đọc đi sâu vào những vấn đề đó và giúp ích cho phong trào phê bình và tự phê bình đang sôi nổi trong Đảng, chúng tôi chọn và trích đăng những bản tự kiểm thảo của một số học viên trường Đảng. Sau đây là bản tự kiểm thảo của đồng chí V.K., làm sau khi học xong vấn đề xây dựng Đảng. Trong bài này, đồng chí V.K. vạch rõ sự thiếu sót của mình về ý thức phục vụ Đảng và nhân dân, và ý thức tổ chức. 78 NHỮNG BÀI VIẾT CỦA BÁC HỒ TRÊN BÁO NHÂN DÂN bộ bao nhiêu so với công tác chính quyền của tôi. Tôi cho là vì đồng chí bí thư cũ cảm tình riêng với đồng chí X. và không ưa tôi, nên mới đề nghị với liên khu ủy quyết định như thế. Tôi càng thắc mắc, băn khoăn và khó chịu với đồng chí X. Tôi tự bảo: phải làm sao cho ban tỉnh ủy và cán bộ toàn tỉnh thấy mình xuất sắc hơn đồng chí bí thư mới. Tôi nghĩ cách chăm lo thúc đẩy cho bộ phận công tác chính quyền mà tôi phụ trách tiến vượt bậc. Việc tham gia công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi có làm nhưng chiếu lệ. Thí dụ như tổ chức một cuộc hội nghị chính quyền, thì tôi chú ý từ việc lớn đến việc nhỏ. Còn về tổ chức hội nghị cán bộ của Tỉnh ủy thì tôi cố ý để đồng chí bí thư làm nhiều hơn. Đối với bản đề án tôi phụ trách làm thì tôi gọt rũa từng ly từng tí. Còn các đề án khác, tôi chỉ có ý kiến qua loa, mặc dầu biết trong đó có những vấn đề đồng chí bí thư không được thạo. Trong thâm tâm, tôi có ý nghĩ để sau này các đồng chí trong tỉnh so sánh xem giữa đồng chí bí thư và tôi, ai tổ chức hội nghị giỏi hơn, ai trình bày đề án rõ ràng, súc tích hơn. Tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm cho mọi người thấy tôi trội hơn đồng chí bí thư. Nhưng tôi lại khéo léo bề ngoài, không bao giờ có thái độ bài xích hoặc công kích đồng chí bí thư. Tôi coi thường đồng chí bí thư, không chú ý đến lời chỉ bảo của đồng chí ấy. Ý của tôi là thoát ra ngoài sự kiểm soát của đồng chí ấy. Vì đâu mà tôi bất mãn? Chẳng có gì lạ, chỉ vì đầu óc tôi mang nặng bệnh cá nhân địa vị, anh hùng. Tôi vào Đảng không phải để phụng sự lợi ích của Đảng, lợi ích của nhân dân mà là mưu cầu địa vị... Tôi thích vượt lên đầu lên cổ người khác, thích chỉ huy lãnh đạo người, không chịu sự chỉ huy lãnh đạo của