🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Như Mây Bình Thản, Như Nước Thong Dong
Ebooks
Nhóm Zalo
TÁC GIẢ
Akira Uenishi sinh năm 1947 tại Tokyo. Sau khi tốt nghiệp đại học Gakushuin, ông từng làm việc cho Shiseido. Ông là Tác giả của nhiều cuốn sách best seller tại Nhật Bản và nhiều nước khác nhau. Các bạn có thể tham khảo thêm cuốn sách Tôi trồng cỏ bốn lá – 9 thói quen kiến tạo vận may của Tác giả.
Lời nói đầu
Lão Tử có câu, “Thượng thiện nhược thủy”, nghĩa là cách sống tốt nhất, đem lại hạnh phúc bậc nhất cho con người là sống như nước. Vậy sống như nước là cách sống như thế nào?
Trong cuốn Đạo Đức kinh, sống như nước được thuật lại ở rất nhiều góc độ, đầu tiên tôi xin liệt kê một vài ví dụ tiêu biểu.
Ban hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Không tranh giành với người khác mà hãy dung hòa.
Khiêm tốn, đặt mình ở vị trí thấp.
Không làm trái tự nhiên mà hãy thuận theo nó.
Giữ tâm bình thản, suy nghĩ thật sâu.
Thể hiện sự mạnh mẽ đúng lúc.
Ở cuốn sách này, tôi vừa tham khảo tư tưởng của Lão Tử trong cuốn Đạo Đức kinh vừa giải thích một cách dễ hiểu về sống như nước theo quan điểm của con người thời hiện đại. Bởi lẽ tôi nghĩ rằng, ngày nay người ta luôn làm việc quá sức, khổ sở và ôm lấy những căng thẳng mệt mỏi, vậy thì sống như nước là cách sống giúp chúng ta được giải phóng khỏi cuộc sống bế tắc ấy.
Đối với những người trong xã hội hiện đại - những người dễ tức giận, cáu bẩn - thì cách sống như nước còn giúp ta tìm về với sự bình thản. Vì vậy, trong cuốn sách này, bên cạnh tư tưởng của Lão Tử, tôi cũng sẽ viết thêm những suy nghĩ của cá nhân mình, đồng thời tổng hợp, tóm tắt quan điểm của Thiền và Tâm lý học.
Lão Tử là một vĩ nhân, một người chính trực, phẩm đức cao thượng.
Đạo Đức kinh là cuốn sách nói về tư tưởng của Lão Tử, ghi lại những kiến giải của ông về đạo đức. Tác phẩm này được cho là hoàn thành vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Khổng Tử, triết gia nổi tiếng với cuốn Luận Ngữ, cũng sống trong thời kỳ này.
Nhắc đến thế kỷ VI trước Công nguyên cũng là nhắc đến thời đại Jomon của Nhật Bản. Từ đó có thể thấy, tuy những tư tưởng này có từ xa xưa, nhưng cách nghĩ sống như nước trong Đạo Đức kinh vẫn còn hàm chứa rất nhiều gợi ý cho con người hiện đại chúng ta.
Akira Uenishi
Chương 1
Sống thuận theo dòng
Sống chậm rãi, phóng khoáng như dòng sông lớn
Trong Đạo Đức kinh - một cuốn sách về tư tưởng của Trung Quốc cổ đại có viết: “Sống như nước là cách sống đem lại hạnh phúc bậc nhất cho con người.”
Từ nước ở đây mang đúng nghĩa đen của nó, đồng thời cũng có hàm ý chỉ sông. Do đó, sống như nước còn có thể hiểu là sống như sông. Vậy thì, sống như sông sẽ khiến ta liên tưởng đến những gì? Đối với người Nhật, chắc hẳn sẽ có nhiều người liên tưởng tới hình ảnh những con suối róc rảnh chảy qua các vùng đồi núi hay những con sông nhỏ vắt qua những làng làm nghề nông.
Đạo Đức kinh là một cuốn sách của Trung Quốc. Thế nên sống trong sống như sông nhắc tới những dòng sông hùng vĩ như sông Trường Giang, Hoàng Hà chảy khắp lục địa Trung Quốc.
Bởi vậy, sống như sông hàm chứa ý nghĩa “sống một cách chậm rãi, phóng khoáng”, không bị lay động bởi những điều nhỏ nhoi. Vì rằng đâu rồi cũng sẽ có đó nên không vội vàng, tức giận mà sống thật bình thản, hào hiệp. Lối sống đó chính là sống như nước, và có thể coi là lý tưởng bậc nhất.
Không vội vàng, tức giận mà hãy sống thật phóng khoáng
Sống như mây, như nước, thuận theo dòng chảy
“Không cố gắng quá sức.”
“Bảo vệ khoảng không gian của mình và sống chậm rãi.”
“Sống thật bình thản.”
Tôi cho rằng, đó cũng là những điều tâm đắc giúp bạn sống hạnh phúc. Trong thiền có câu, “hành vân, lưu thủy”. Hành vân nghĩa là những đám mây đang trôi trên bầu trời. Lưu thủy nghĩa là những con sông chảy qua khắp các miền đất.
Mây thả mình theo làn gió, lờ lững trôi trên bầu trời bao la. Nước sông cũng thế, thay đổi theo địa hình mà thong dong chảy khắp các miền đất rộng lớn.
Trong thiền ngôn có câu, “Niềm hạnh phúc bậc nhất đối với con người là không đi ngược lại tự nhiên mà giống như mây, như nước kia, sống thuận theo dòng chảy”. Thế nên các thiền sư còn được gọi là vân thủy. Nói một cách chính xác, cách sống lý tưởng của các thiền sư là “hành vân lưu thủy”, diễn giải theo một cách dễ hiểu hơn thì là không cố gắng quá sức mà sống thuận theo dòng chảy.
Trong xã hội ngày nay, do làm việc quá sức mà nhiều người đang tự rước lấy những căng thẳng, mệt mỏi. Cũng có nhiều người vì cố gắng quá mà ngược lại, khiến mình suy nghĩ tới những điều đau khổ.
Tôi cho rằng câu “hành vân, lưu thủy” sẽ đem đến cho họ những gợi ý để sống thanh thản hơn.
Không cố gắng quá sức mà hãy sống một cách bình thản
Sống như nước, không chia cao thấp, không phân trước sau
Người xưa có câu, “lưu thủy bất tranh tiên”. Lưu thủy mang nghĩa nước đang chảy trong dòng sông. Câu này có nghĩa là nước không tranh nhau đi trước, không cố gắng để mình phải là người dẫn đầu. Giữa nước với nước vốn dĩ không có sự tranh đấu, chúng hòa làm một thể, tạo thành dòng chảy trong con sông lớn.
Câu nói này cũng đưa ra một câu hỏi: “Vậy thì, con người chúng ta đang sống như thế nào?” Con người chúng ta:
“Muốn nhanh chóng nổi trội hơn người khác.”
“Muốn chìm đắm trong cảm giác được chú ý hơn.”
“Muốn có được nhiều của cải hơn người khác.”
Chúng ta chỉ luôn tranh đấu với những người xung quanh. Vì thế mà xa rời cuộc sống an lành. Ta không thể chế ngự được cảm xúc tức giận, chỉ một sự việc nhỏ nhoi cũng có thể khuấy đảo cảm xúc trong ta. Khi ta thắng trong những cuộc tranh đấu, chắc hẳn ta sẽ nổi trội hơn, được đắm mình nhiều hơn trong sự chú ý của mọi người xung quanh, nhưng tinh thần ta chỉ toàn sự căng thẳng mệt mỏi, điều đó cũng khiến cuộc sống của ta không thể được coi là hạnh phúc.
Nếu như vậy, việc sống “không chia cao thấp” giống như nước sẽ là một quyết định sáng suốt. Vừa điều chỉnh mình phù hợp với những người xung quanh, vừa sống chậm rãi, thuận theo dòng chảy trong không gian của riêng mình sẽ khiến tinh thần thoải mái hơn, để ta được sống một cách an lạc hơn.
Tôi nghĩ rằng, đối với những người hay căng thẳng, lựa chọn cách sống này là một giải pháp hay.
Thay vì đua tranh với những người xung quanh, hãy hòa mình với họ.
Cách sống “có từ bỏ mới có thành công”
Đôi lúc, dù chúng ta có làm thế nào cũng không thể thoát khỏi tình cảnh khó khăn. Đương nhiên, khi ấy ta sẽ sốt ruột, nóng nảy và tức giận. Và vì đầu óc hỗn loạn, nên chúng ta không biết phải làm thế nào mới tốt.
Những lúc như thế, vứt hết suy nghĩ phải làm một điều gì đó và thả mình theo dòng chảy cũng là một biện pháp hay. Khi đó, dù ta có làm gì thì sự việc cũng không khá lên được, vậy thì chi bằng thả mình theo dòng chảy tự nhiên.
Có câu nói, “có từ bỏ mới có thành công”. Khi sắp sửa chết đuối trong sông hay biển, càng giãy giụa, ngụp lặn thì ta sẽ càng gặp nguy hiểm và chìm xuống sâu hơn. Trong trường hợp ấy, đôi khi thả mình theo dòng nước lại giúp ta trôi đến vùng nước nông, giữ được tính mạng.
Cuộc sống cũng vậy. Khi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, dù có ra sức giãy giụa thế nào cũng không thể thuận lợi, hãy nghĩ rằng “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” và hoàn toàn thả mình theo dòng chảy. Điều này sẽ giúp cảm xúc của ta lắng lại, để ta tìm về sự điềm tĩnh và khả năng phán đoán. Thế rồi sự việc sẽ được đưa về trạng thái bình thường.
Vì thế, khi bạn thả mình theo dòng chảy, bạn sẽ nhanh chóng thoát khỏi tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nghĩ rằng “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” và sự điềm tĩnh sẽ quay trở lại
Thả mình trôi trên mặt nước, không đi ngược số phận
Trang Tử - một nhà tư tưởng của Trung Hoa cổ đại sống trong khoảng thế kỷ IV và thế kỷ III trước Công nguyên nói, “cuộc sống này giống như kiếp nổi trôi”. Nổi trôi ở đây có nghĩa là nổi lên trên mặt nước. Câu này nghĩa là cách sống tốt nhất đối với con người là nổi trên nước và thuận theo dòng nước. Dòng nước mà tôi nói tới ở đây mang ý nghĩa vận mệnh cuộc đời.
Chẳng hạn, trường hợp chúng ta tự ý quyết định, không chuyển tới bộ phận khác trong công ty theo lệnh của cấp trên. Chắc hẳn sẽ có những người bất mãn với lãnh đạo của công ty hay cấp trên trực tiếp của mình. Nhưng chắc chắn không một công ty nào chấp nhận những yêu cầu cá nhân của ta, và cũng chẳng có chỗ nào đồng ý cho ta chỉ làm việc mình thích. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ tạo ấn tượng xấu rằng mình là một người ích kỷ mà lại chẳng thay đổi được kết quả.
Trong trường hợp ấy, dù có bị thuyên chuyển đến một bộ phận không đúng với kỳ vọng của bản thân, thì cũng đừng phản kháng mà hãy chấp nhận điều đó. Hãy quyết định nổi lên trên nước và thuận theo dòng chảy, đón nhận số phận của mình, cố gắng hết sức làm việc ở bộ phận mới, cho mọi người thấy sự chuyên tâm, nỗ lực của ta. Sau khi tạo được cho cấp trên và những người khác ấn tượng tốt rằng ta là một người nhiệt tình, chăm chỉ, chúng ta mới nên thể hiện mong muốn của bản thân rằng “tôi muốn làm công việc mà tôi đang kỳ vọng”.
Đó chính là cách sống nổi trên nước.
Cho dù số phận không đúng với kỳ vọng của mình thì đầu tiên hãy cứ chấp nhận chúng đã.
Sống vui vẻ và chân thành
Trong Đạo Đức kinh, “Sống như nước là cách sống đem lại hạnh phúc bậc nhất cho con người”. Điều này được cụ thể hóa với phương pháp “tầm quan trọng của việc không cư xử thừa thãi”.
Tôi xin diễn giải ý nghĩa của “cư xử thừa thãi” theo các ý sau đây: Nếu cứ cố gắng cho người khác thấy ưu điểm của mình và định làm những điều vượt quá năng lực của bản thân thì cuối cùng sẽ chỉ nhận lấy thất bại ê chề và cảm thấy xấu hổ.
Nếu vội vàng đưa ra kết luận, bước ngay lên bậc thang phía trước thì cuối cùng, ta sẽ vấp ngã ở đâu đó, và quan trọng hơn cả là không thể tiến lên phía trước nữa.
Những người luôn tự huyễn hoặc rằng “mình thông minh, mình có khả năng phán đoán tốt” mà không chịu nhìn vào thực tế thì chắc chắn sẽ phạm phải sai lầm lớn.
Có những người luôn khăng khăng rằng “tôi đang làm những điều đúng đắn”, nhưng nhiều khi điều họ đang làm lại là những điều sai lầm. Những người chỉ luôn tự mãn về thành tích của bản thân sẽ tạo ấn tượng xấu, làm xấu đi hình ảnh của mình trong lòng những người xung quanh. Những người luôn tự đánh giá cao tài năng và tri thức của bản thân, đồng thời tự mãn về điều đó sẽ không thể làm được gì và mọi thứ sẽ dần tan biến.
Tóm lại, tất cả những điều trên đều chỉ ra rằng “đừng cố gắng quá sức, hãy sống thật chân thành”. Sống chân thành và không cư xử thừa thãi sẽ làm
lòng bạn thanh thản hơn, điều này cũng liên quan đến lối sống như nước.
Hãy đón nhận sự chân thành của bản thân.
Quá tự phụ sẽ gặp nguy hiểm
Ai trong chúng ta cũng có suy nghĩ “muốn thể hiện nhiều ưu điểm của bản thân”. Đây là điều hết sức bình thường và không xấu. Chính bởi “muốn thể hiện nhiều hơn những điểm tốt của bản thân”, ta luôn cầu tiến, nỗ lực trở thành một con người lý tưởng. Tuy vậy, khi những mong muốn đó trở nên quá mạnh mẽ, lại có nhiều vấn đề khác nảy sinh.
Vì lòng tự phụ, ta sẽ quyết thử thách mình với những điều vượt quá năng lực của bản thân và kết quả đa phần là thất bại. Ngay lập tức, họ sẽ bị những người xung quanh nhìn bằng con mắt dè bỉu, khinh thường. Khi đó, họ đương nhiên sẽ không cầu tiến nữa, mà ngược lại còn có xu hướng mất đi lòng tin vào bản thân.
Để không trở nên như vậy, nắm rõ năng lực thực sự của bản thân là điều rất cần thiết. Đừng khiêu chiến với những thứ vượt xa năng lực của mình. Việc đặt ra mục tiêu “nỗ lực từng chút một và ta sẽ đạt được” là điều quan trọng, bởi nó có nghĩa là ta sẽ dần dần đạt được mục tiêu một cách vững chắc, cố gắng từng chút một để khiến mình trưởng thành mà không bị quá sức.
Trong Đạo Đức kinh, việc thử thách bản thân với những điều quá sức được ví von bằng câu nói “đứng bằng mũi chân”. Bởi lẽ khi cố gắng vươn tay tới những thứ ngoài tầm với, hay khi làm một tư thế quá sức như đứng lên bằng đầu ngón chân, chắc chắn ta sẽ mất thăng bằng và ngã.
Nếu cố gắng từng chút một, chúng ta sẽ dần đạt được mục tiêu và từ từ vươn lên.
Vội vàng đưa ra kết luận sẽ chuốc lấy thất bại
Có câu “ấm to sôi chậm”. So với việc đun nước bằng một chiếc ấm nhỏ thì hiển nhiên đun sôi một chiếc ấm to đầy nước sẽ cần nhiều thời gian hơn. “Ấm to” cũng được dùng để chỉ những công việc to lớn. Nếu là việc nhỏ, ta có thể hoàn thành một cách dễ dàng mà không tốn nhiều thời gian. Nhưng những việc lớn lao thì khác, bản thân việc ấy đòi hỏi ta phải dành nhiều thời gian hơn.
Nếu chỉ nỗ lực ngày một, ngày hai thì không làm được việc lớn. Ta chỉ có thể làm được khi tiến lên vững chắc từng bước một và sự nỗ lực được tích lũy theo từng ngày, từng tháng.
Sôi chậm là từ được dùng để chỉ việc mất nhiều thời gian. Nhưng đôi lúc cũng có người nghĩ rằng mình sẽ cố gắng làm việc lớn trong thời gian ngắn. Và khi những cảm xúc “muốn nhanh chóng có kết quả, muốn nhanh chóng nhận được đánh giá” lấn át lý trí, ta sẽ trở nên hấp tấp, cảm thấy áp lực. Nếu để xảy ra điều này, chắc chắn chúng ta sẽ tự chuốc lấy thất bại.
Trong Đạo Đức kinh, việc vội vàng, muốn nhanh chóng có được kết quả rồi vì thế mà trở nên hấp tấp được thể hiện thông qua hình ảnh “bước đi bằng sải lớn”. Khi cố gắng quá sức, sải những bước chân thật dài, ta sẽ mất thăng bằng và ngã nhào.
Tóm lại, điều đó cũng có nghĩa là khi hấp tấp, ta sẽ chịu những thất bại cay đắng.
Bản thân những điều lớn lao cũng cần có thời gian mới có thể được tạo thành một cách vững chắc.
Một giọt nước cũng góp phần làm nên đại dương
Có câu nói, “một giọt nước đọng lại cũng có thể trở thành đại dương”. Một giọt nước ở đây dùng để chỉ sự nỗ lực nhỏ bé. Nó biểu thị cho một bước chân nhỏ tiến về phía trước. Cho dù là những nỗ lực nhỏ đi chăng nữa, nếu cứ tích lũy từng chút một, thì sẽ có ngày chúng trở thành những thành quả lớn.
Dù chỉ là một bước chân nhỏ, nhưng nếu ta vẫn cứ tiến lên phía trước, đi mãi đi mãi, thì rồi cuối cùng ta vẫn sẽ tới nơi mình muốn tới. Tôi cho rằng quan điểm này có thể được liên hệ với cách sống như nước.
Tóm lại, những thành quả lớn không thể vội vàng có ngay được, hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc tích cóp dần dần những “nỗ lực nhỏ bé”, những “bước chân nhỏ bé”.
Ở một mức độ nào đó, thành quả ta đạt được có liên quan tới thái độ sống thoải mái, chẳng hạn như suy nghĩ tích cực rằng, “nếu cứ tiếp tục nỗ lực dù chỉ là chút ít, thì một lúc nào đó ta sẽ đạt được một điều gì đó”. Chính nhờ điều này mà ta có thể sống vui vẻ, thanh thản chứ không phải mệt mỏi vì ôm đồm nhiều thứ, lúc vui lúc buồn. Và những cảm xúc như bực bội hay cáu giận sẽ rời xa ta, để ta được sống yên ổn.
Đừng quan trọng hóa tương lai xa xôi mà hãy tận tâm hết mình cho những điều nên làm ở hiện tại.
Điều cần thiết nhất là dù chỉ là những nỗ lực hay bước chân nhỏ bé thì hơn tất thảy, ta hãy cứ tập trung và dốc toàn bộ sức lực cho nó.
Ngày hôm nay, hãy cố hết sức làm những việc cần làm.
Tóm tắt Chương 1
✔ Không lay động bởi những điều nhỏ nhoi, sống một cách chậm rãi, bình thản.
✔ Không cố gắng quá sức, sống thả mình theo dòng chảy.
✔ Thay vì đua tranh với những người xung quanh, hãy hòa mình với họ, đồng thời giữ lấy không gian của riêng mình.
✔ Khi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, hãy nghĩ rằng mọi chuyện “đâu rồi sẽ có đó”.
✔ Khi xảy ra những chuyện không theo ý mình, hãy chấp nhận vận mệnh. ✔ Không cư xử thừa thãi mà hãy sống thật chân thành.
✔ Hãy lập mục tiêu như là “Chỉ cần nỗ lực từng chút một là ta có thể đạt được”.
✔ Nếu cứ muốn nhanh chóng đạt được kết quả, ta sẽ phải chịu thất bại ê chề.
Chương 2
Sống mềm dẻo
Đối nhân xử thế một cách linh hoạt và uyển chuyển như nước
Có câu nói rằng, “thủy tùy phương viên”. Phương ở đây có nghĩa là góc cạnh, là hình vuông, còn viên là hình tròn. Có nhiều cách giải thích cho câu nói trên, một trong số đó giải thích rằng “việc sống như nước là điều quan trọng”. Tóm lại, câu nói trên ngụ ý nước không có hình dạng cố định mà thay đổi theo hình dạng của vật chứa, khi là hình vuông, khi là hình tròn.
Tương tự, đối với con người, việc mang những đặc tính mềm dẻo của nước vào cuộc sống cũng là một điều cần thiết. Chẳng hạn như trong quan hệ xã hội. Xã hội có rất nhiều kiểu người, mỗi người lại có những ý kiến khác nhau. Để có thể tạo lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người, xử sự mềm dẻo là điều vô cùng quan trọng.
Ví dụ, trong trường hợp bạn thấy một người đang do dự, phân vân thì bạn hãy cố gắng khích lệ, động viên họ; hay khi bạn thấy một người đang bất an, lo lắng thì bạn hãy đưa ra những lời động viên, làm người đó yên tâm. Đây chính là cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt theo từng đối tượng.
Có thể gọi những người uyển chuyển, linh hoạt như thế là những người giỏi giao tiếp.
Hãy suy nghĩ xem làm thế nào để xây dựng quan hệ và hòa hợp với tính cách của đối phương.
Những người cứng nhắc thường dễ bế tắc, còn người mềm dẻo thì không
Trong cách ngôn của người Do Thái có câu, “Hiền nhân suy xét một cách linh hoạt, còn kẻ ngu ngốc từ đầu đến cuối vẫn khăng khăng theo ý mình.” Nói một cách dễ hiểu, “khăng khăng theo ý mình” chính là ngoan cố, cứng nhắc.
Có những người dù mọi người xung quanh hết lòng khuyên nhủ rằng, cứ dùng cách này chắc chắn lúc nào đó sẽ bế tắc, còn có cách khác tốt hơn, người ấy vẫn cứ phớt lờ, khăng khăng rằng “không, tôi sẽ làm theo cách này cho đến cùng”, để rồi cuối cùng gặp bế tắc đúng như mọi người đã nói.
Trong câu cách ngôn của người Do Thái nêu trên, “kẻ ngu ngốc” chính là để chỉ những người cứng đầu, cố chấp như vậy. Trái lại, hiền nhân là những người có lối suy nghĩ mềm dẻo, linh hoạt.
Nếu có thể hiểu ra rằng lời khuyên của người khác là đúng đắn và làm theo, chắc chắn ta sẽ có cách làm, cách nghĩ linh hoạt hơn. Những người có lối suy nghĩ mềm dẻo thường ít khi gặp phải bế tắc, cho dù có gặp bế tắc thì cũng có thể nhanh chóng thoát khỏi tình trạng ấy. Do vậy, họ thường có suy nghĩ lạc quan về tương lai, dẫu có chuyện gì thì vẫn có thể cố gắng tiến về phía trước. Trái lại, những người ngoan cố thường ở mãi trong bế tắc, không thể nào tiến lên phía trước được nữa.
Người có thể linh hoạt tiếp thu ý kiến của người khác sẽ không gặp bế tắc.
Những người càng có lối suy nghĩ mềm dẻo thì càng có sức sáng tạo phong phú
Để phát huy khả năng sáng tạo độc lập, hoặc để đưa ra những ý tưởng độc đáo mang tính đột phá, sở hữu tư duy linh hoạt là điều vô cùng cần thiết. Những người không thể có những suy nghĩ mới mẻ, bị bó buộc bởi lề thói thông thường, tư duy theo lối mòn sẽ không thể phát huy khả năng sáng tạo phong phú.
Vậy, để có thể sáng tạo và suy nghĩ một cách mềm dẻo, ta nên làm thế nào?
Có một phương pháp, đấy chính là “viết ra những gì mình nghĩ”. Khi chúng ta giải quyết một vấn đề nào đó, trước hết hãy viết ra tất cả những ý tưởng, suy nghĩ của mình như là “có một ý tưởng thế này”, “cách làm này thật thú vị”, “cách này khả thi”...
Có một mẹo nhỏ cho phương pháp này, đấy là đừng mang những nghi hoặc như “liệu chuyện này có thật sự thuận lợi không” về các ý tưởng mình nghĩ ra, cũng đừng vội vàng đánh giá rằng “không chắc chắn cách này sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp”, mà hãy cứ tiếp tục.
Và rồi, một lúc nào đó, khi bạn đã liệt kê ra gần như tất cả các ý tưởng, hãy sắp xếp lại chúng, kiểm tra, suy nghĩ lại một lần nữa rồi lựa chọn ý tưởng mà bạn cho là tốt nhất.
Khi có những vấn đề cần giải quyết trong công việc hay trong cuộc sống hằng ngày, hãy áp dụng phương pháp này, và bạn sẽ suy nghĩ một cách linh hoạt, mềm dẻo hơn.
Hãy thử viết ra những ý tưởng mà bạn nghĩ tới.
Tăng cường khả năng suy nghĩ linh hoạt bằng Phương pháp Brainstorming
Khi giải quyết một vấn đề nào đó, bạn đừng dựa vào một biện pháp duy nhất, hãy nâng cao khả năng suy nghĩ linh hoạt bằng việc đầu tiên là cho ra thật nhiều ý tưởng. Đương nhiên, việc một mình ghi ra hết những ý tưởng cũng là một phương pháp tốt, nhưng còn một phương pháp khác là nhiều người cùng suy nghĩ và đưa ra ý kiến. Phương pháp này được gọi là Brainstorming.
Brain là bộ não. Storming bắt nguồn từ từ Storm (cơn bão) trong tiếng Anh, nghĩa là mưa gió bão bùng, cơn phong ba.
Tóm lại, Brainstorming là phương pháp nhiều người cùng suy nghĩ và thoải mái đưa ra những điều hiện lên trong đầu mình, từ đó thúc đẩy lẫn nhau. Phương pháp này chú trọng vào việc nhiều người cùng đưa ra ý tưởng. Nhờ những ý kiến của người khác, bản thân ta cũng sẽ có được rất nhiều ý tưởng mới mẻ.
Tuy vậy, khi tiến hành cũng cần lưu ý vài điều sau: không phê phán, đánh giá cũng như nghi ngờ ý tưởng, suy nghĩ của người khác. Trước hết, hãy thúc đẩy nhau và cùng đưa ra thật nhiều ý tưởng. Cuối cùng, hãy sắp xếp tất cả những ý tưởng đã được đưa ra rồi lựa chọn ý tưởng mà ta cho là tốt nhất.
Trong các mối quan hệ gia đình hay với đồng nghiệp trong công ty, phương pháp này chắc hẳn là một biện pháp tốt để nâng cao khả năng suy nghĩ.
Khi có nhiều người, ta sẽ vừa tương trợ được lẫn nhau, vừa cùng đưa ra được nhiều ý tưởng.
Cách suy nghĩ đại khái giúp ta có thể sáng tạo một cách linh hoạt
Trong Tâm lý học, để tăng cường khả năng tư duy linh hoạt, suy nghĩ đại khái ở một góc độ tích cực cũng được coi là một điều quan trọng. Chẳng hạn, ta thường có những suy nghĩ kiểu như: “Nếu thử áp dụng phương pháp này, liệu doanh thu có tăng lên không?” “Có thể giải quyết hết những vấn đề đang phát sinh bằng phương pháp này hay không?” Tuy nhiên, có những trường hợp chúng ta không thể đảm bảo nó có đem lại hiệu quả hay không. Trong những tình huống đó, một người cực kỳ nghiêm túc thường có xu hướng suy nghĩ rằng, “Nếu không bảo đảm thì không thể thực hiện. Liệu có một phương pháp nào đảm bảo chắc chắn vụ việc sẽ tiến triển tốt đẹp không?” Và khi không thể nghĩ ra được cách gì “bảo đảm chắc chắn”, họ sẽ có xu hướng lo âu, nghĩ ngợi linh tinh.
Thực tế, những điều đó đã trở thành nguyên nhân gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ linh hoạt của ta. Thay vào đó, việc suy nghĩ đại khái một cách tích cực kiểu như “tuy không thể chắc chắn mọi chuyện có trở nên tốt đẹp hay không, nhưng dù sao đi nữa mình cũng sẽ thử”, hay thử quyết định rằng “nếu sự việc đi theo hướng không tốt lắm thì mình thử phương pháp khác cũng không sao”, sẽ giúp ta suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt hơn, và rất có thể cuối cùng sẽ nảy ra những ý tưởng và phương pháp tốt.
Nếu có thể áp dụng phương pháp “suy nghĩ một cách đại khái” vào cuộc sống hằng ngày ở mức độ thích hợp, chắc chắn tư duy của ta sẽ linh hoạt hơn.
Dù không biết chắc mọi chuyện có tiến triển tốt đẹp hay không cũng hãy làm thử.
Những người càng dễ bị trói buộc, càng dễ bế tắc giữa chừng
Trong Tâm lý học có nhắc đến từ trói buộc để chỉ “trạng thái tâm lý khi bị gắn chặt vào một lối nghĩ duy nhất mà không cách nào suy nghĩ theo hướng khác.” Tóm lại, đó là trạng thái mà đầu óc trở nên khô cứng, không thể suy nghĩ một cách linh hoạt.
Ví dụ, bạn dự toán sẽ phải cần khoảng một triệu yên để tiến hành một dự án. Tuy nhiên, do tình hình công ty mà hạn ngạch bị giảm xuống còn tám trăm nghìn yên. Trong trường hợp ấy, có nhiều người sẽ bị trói buộc vào suy nghĩ “nếu không có một triệu yên thì dự án này không thể thực hiện được”. Và cứ thế, họ sẽ không chịu suy nghĩ đến chuyện dù chỉ có tám trám nghìn yên vẫn có khả năng thành công, cứ khăng khăng rằng, “phải có một triệu yên thì mới thực hiện được”. Nếu công ty không chịu đưa cho người đó số tiền một triệu yên như dự toán, thì người đó sẽ chẳng thiết tha làm việc nữa.
Dù trong công việc hay trong cuộc sống, có những thứ tưởng chừng đã được định sẵn lại tự dưng bị thay đổi là điều bình thường. Trong trường hợp đó, ai dễ bị trói buộc vào một lối nghĩ, nói cách khác là những người ương ngạnh, cứng đầu, sẽ thường gặp bế tắc. Những lúc như thế, hãy vứt hết những trói buộc, suy nghĩ mọi chuyện một cách linh hoạt, như vậy, tình hình mới được giải quyết.
Hãy suy nghĩ linh hoạt, mềm dẻo trước những sự thay đổi đột ngột.
Nghĩ linh hoạt bằng việc “tự hỏi, tự trả lời”
Trong Tâm lý học, có một cụm từ là “self-monitoring”. Monitoring có nghĩa là giám sát. Nói một cách dễ hiểu, cụm từ nêu trên có nghĩa là tự mình giám sát mình. Tôi cho rằng, lý giải nó thành “tự hỏi, tự trả lời” cũng không sai. Và những người có thể suy nghĩ một cách linh hoạt, mềm dẻo như nước là những người có thói quen “self-monitoring”.
● Hiện tại, bản thân bạn có đang bị trói buộc theo một suy nghĩ nào đó hay không?
● Nếu bạn đang bị trói buộc thì chẳng phải bạn nên cởi bỏ hết những ràng buộc về mặt tâm lý hay sao?
● Sẽ ra sao nếu bạn xóa hết mọi thứ và bắt đầu như một tờ giấy trắng, thử suy nghĩ kĩ lại từ đầu?
Nếu trong công việc và cuộc sống hằng ngày, ta luôn tự đặt ra cho mình những câu hỏi đó thì sẽ tránh khỏi việc bị bế tắc và không bị bó buộc theo một phương pháp duy nhất. Không những thế, ta còn có thể tìm ra những phương pháp tốt hơn nữa, nâng cao sức sáng tạo của bản thân.
Tôi cho rằng, chính vì luôn bị giới hạn bởi tư duy theo lối mòn rằng “nếu không như vậy thì không thể thực hiện được” nên ta không thể thực hiện các hoạt động sáng tạo.
Hãy tạo thói quen tự hỏi tự trả lời bằng những câu hỏi như “thế này đã được chưa?”.
Kiến thức và kinh nghiệm sẽ là rào cản của tư duy linh hoạt
Mọi người thường hay nói rằng, “người càng có tuổi, càng bảo thủ”. Điều này không hẳn là do não bộ trở nên lão hóa. Trải qua bao năm tháng, người ta càng lớn tuổi thì càng tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Tất nhiên đây là một việc tốt, bởi lẽ kiến thức và kinh nghiệm đã ăn sâu trong đầu sẽ là hành trang vô cùng hữu ích đưa con người đến với thành công và hạnh phúc. Nhưng đôi khi, chính những thứ đó lại trói buộc ta. Hay nói cách khác, đó chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng “bảo thủ”.
Những người lớn tuổi thường dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của mình để đoán biết sự việc, ví dụ như “trong trường hợp này thì nên làm thế này, nếu làm như thế kia thì sẽ thất bại...” Và trong vô thức, họ bị trói buộc bởi những suy nghĩ ấy.
Mọi thứ luôn đổi khác cùng với sự thay đổi của thời đại. Có nhiều trường hợp, những cách làm lúc trước không còn phù hợp nữa. Và chúng ta sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều sự thay đổi nằm ngoài dự đoán. Nhưng những người bị trói buộc bởi kinh nghiệm và kiến thức trong quá khứ thường không thể thích ứng với những thay đổi như vậy.
Để tránh trường hợp đó, đôi khi ta cần gạt đi những kiến thức và kinh nghiệm lúc trước, dẫu biết đó là những thứ quan trọng. Việc xử lý sự việc một cách linh hoạt, mềm dẻo là điều rất cần thiết.
Hãy gạt đi những kinh nghiệm về kiến thức trong quá khứ, ứng phó linh hoạt, uyển chuyển với những thay đổi trong hiện tại.
Người càng thích thú với những thứ mới mẻ lại càng có tư duy linh hoạt
Những người có thể sống một cách linh hoạt có một điểm chung là họ thường có khuynh hướng dễ dàng tiếp nhận cái mới một cách thích thú. Có thể nói rằng, họ là người ưa những điều mới mẻ. Nếu có một trào lưu mới xuất hiện, họ sẽ muốn biết cụ thể về nó.
Tôi cũng luôn muốn được thử cảm giác cuồng nhiệt với những thứ mới mẻ như các bạn trẻ, thử cảm giác mỗi lần biết có hàng hóa hay dịch vụ mới xuất hiện là lại thấy hào hứng. Họ ngày càng dành nhiều sự quan tâm cho những thứ mới lạ được tung ra nhằm đáp ứng sự thay đổi của thời đại.
Những người có tính cách mạnh mẽ như vậy thì dù trong công việc hay trong cuộc sống, họ đều có thể suy nghĩ và xử lý vấn đề một cách mềm dẻo, linh hoạt. Ngay cả khi xảy ra những thay đổi lớn, họ cũng hiếm khi rơi vào trạng thái bối rối, không biết phải làm sao. Họ cũng không bị trói buộc bởi kiến thức và kinh nghiệm lúc trước. Họ có thể áp dụng những thứ mới mẻ vào trong suy nghĩ một cách tích cực, thử thực hiện những điều trước nay chưa từng có.
Tất nhiên, việc “sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ một cách tích cực” cũng còn phụ thuộc vào tính cách của từng người. Tuy vậy, ta vẫn có thể thay đổi bản thân để trở nên thích thú với những điều mới mẻ một cách có ý thức.
Thêm nữa, việc luôn ghi nhớ rằng mình muốn có được sự tò mò hơn nữa, thay vì ghét bỏ sự thay đổi cũng là điều cần thiết.
Có hứng thú với những điều mới mẻ, biến nó thành thói quen nhờ việc tạo ra những kinh nghiệm mới.
Chuẩn bị sẵn tinh thần để luôn bình tĩnh dù có bị dồn vào chân tường
Có một nguyên nhân lớn gây cản trở suy nghĩ linh hoạt, đó là “thiếu bình tĩnh”.
Khi công việc sắp đến hạn chót, đa phần mọi người cho rằng “thời gian không còn nữa, không thể thong thả nữa”. Lúc ấy, ta sẽ thấy áp lực nặng nề, và đôi khi nó khiến chúng ta trở nên mất bình tĩnh. Ngoài ra, việc ôm đồm nhiều điều phiền muộn trong các mối quan hệ xã hội cũng khiến cho chúng ta không kiểm soát được bản thân.
Trong bất kỳ trường hợp nào, khi ta đánh mất sự bình tĩnh, dù chỉ một điều nhỏ nhoi cũng có thể khiến ta trở nên bi quan và nghĩ rằng “thôi, hỏng hết rồi”. Rồi cứ thế, ta sẽ bị trói buộc trong chính nhũng cảm xúc ấy, không thể nghĩ theo chiều hướng tích cực hơn như: “không, vẫn còn hy vọng, có lẽ mình sẽ tìm ra một ý tưởng khác”, và rồi dễ trở nên bế tắc.
Để không mất đi sự điềm tĩnh vào lúc cần thiết, việc sống thong thả, bình tĩnh trở thành điều vô cùng quan trọng.
Tuy vậy, sẽ có đôi lúc ta bị áp lực về mặt thời gian dồn vào chân tường, hay thấy mệt mỏi khi phải mang quá nhiều phiền muộn về các mối quan hệ xã hội. Chắc chắn khi ấy ta sẽ cảm thấy áp lực nặng nề, tưởng chừng như sắp bị nó nghiền nát. Khi đó, hãy dành ra cho mình một khoảng lặng để nghỉ ngơi, thư giãn, thỏa sức làm những điều mình thích.
Nhờ đó, chúng ta có thể bình tình trở lại để giải quyết mọi chuyện.
Dù có bận rộn đến cỡ nào cũng đừng quên dành thời gian để mình nghỉ ngơi.
Thói quen suy nghĩ “Mitate” để nuôi dưỡng khả năng tư duy linh hoạt
Từ trước đến nay, người Nhật vốn dĩ luôn có suy nghĩ vô cùng linh hoạt. Trong Trà đạo, có một cụm từ là Mitate, nghĩa là ứng dụng một thứ vào lĩnh vực khác hoàn toàn với mục đích sử dụng vốn có của nó. Chẳng hạn như Sen no Rikyu (1522-1591), ông tổ của nghệ thuật trà đạo, đã sử dụng hồ lô để đưa vào trang trí trong nghệ thuật này. Thời bấy giờ, hồ lô chỉ được dùng làm bình đựng nước và việc cắm hoa vào đó không phải ai cũng nghĩ ra. Nhưng Rikyu đã nghĩ rằng “thử dùng thứ này để cắm hoa chẳng phải là sẽ rất thú vị hay sao?” và ông nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng ấy. Nếu không có tư duy linh hoạt, chắc chắn sẽ không thể nghĩ được như vậy. Nếu cứ nghĩ rằng hồ lô chỉ có thể dùng để đựng nước, thì ý tưởng dùng hồ lô để cắm hoa đã chẳng được sinh ra.
Hiện nay, cũng có rất nhiều người dùng vỏ lon rỗng để xây dựng nên các công trình nghệ thuật như thành trì, lâu đài... Tôi cho rằng, đó cũng chính là Mitate. Bởi lẽ, ta luôn có xu hướng suy nghĩ theo quan niệm cố hữu rằng vỏ lon là thứ bỏ đi, là những đồ không có tác dụng gì. Nếu không có tư duy linh hoạt, ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện sử dụng chúng để tạo ra các công trình nghệ thuật và biến ý tưởng này thành sự thật.
Cứ như vậy, việc tạo thói quen suy nghĩ theo nhiều hướng khác nhau về sự vật xung quanh, kiểu như “nếu thử sử dụng nó vào một mục đích khác thì chắc hẳn sẽ rất thú vị” cũng là một cách giúp ta nuôi dưỡng khả năng tư duy linh hoạt.
Hãy thử suy nghĩ xem, “liệu sử dụng cái này cho mục đích khác có cho ra điều gì thú vị hay không?”
Tóm tắt Chương 2
✔ Hãy hòa hợp với đối phương và thay đổi cách ứng xử cho phù hợp. ✔ Để suy nghĩ một cách linh hoạt, hãy viết ra tất cả những ý tưởng mình nghĩ tới.
✔ Hằng ngày, hãy áp dụng cách nghĩ đại khái một cách vừa phải và tích cực.
✔ Tạo thói quen suy nghĩ theo kiểu “tự hỏi, tự trả lời”.
✔ Thay vì dựa dẫm vào những kinh nghiệm và kiến thức trong quá khứ, hãy sẵn sàng ứng phó với những thay đổi của hiện tại.
✔ Hãy cố gắng khiến mình trở nên thích thú với những điều mới mẻ. ✔ Bất kể có bận rộn đến đâu, hãy dành thời gian để mình thư giãn hoặc thỏa sức theo đuổi đam mê, sở thích.
✔ Tạo thói quen suy nghĩ theo kiểu Mitate.
Chương 3 Sống tử tế
Sống tử tế khiến cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn
“Vô vi tự nhiên” là cụm từ tóm tắt về quan điểm của Lão Tử trong Đạo Đức kinh. Cụm từ này có nghĩa là chúng ta không nên suy nghĩ, cố gắng quá sức mà hãy thuận theo tự nhiên. Ví dụ, “nước” luôn chảy từ trên cao xuống dưới thấp theo quy luật của tự nhiên. “Nước” không đi ngược lại quy luật đó, không bao giờ tự ý ngược dòng. Điều ấy cũng có nghĩa là, nếu con người chúng ta sống như nước như vậy thì thật tốt, hay nói một cách dễ hiểu hơn thì là việc sống tử tế.
● Không suy nghĩ rối rắm, không quanh co lòng vòng.
● Không đi ngược lại suy nghĩ của mình bởi đó là quan điểm, mong muốn của cá nhân ta.
● Không tô vẽ cho bản thân mà hãy sống chân thành.
● Không huyễn hoặc về sức mạnh của bản thân mà hãy thừa nhận những yếu kém của mình.
● Sống ôn hòa, không bận tâm tranh đấu với người khác. ● Không gian dối, lúc nào cũng thành thật.
● Không giấu đi những cảm xúc của mình mà hãy bộc lộ một cách thẳng thắn, thật lòng.
● Chân thành lắng nghe ý kiến của mọi người.
● Hãy nói lời cảm ơn khi cần.
Như vậy, Vô vi tự nhiên cũng có nghĩa là sống tử tế, và chắc chắn chúng ta sẽ có một cuộc sống tuyệt vời hơn.
Hãy thử sống như nước, sống tử tế hơn.
Người biết chấp nhận thất bại là người cầu tiến và sẽ trưởng thành
Có những người không bao giờ chịu thừa nhận thất bại của mình. Họ cố gắng lờ đi và bao biện rằng không phải lỗi của tôi. Cũng có người đùn đẩy trách nhiệm sang cho người khác bằng việc nói rằng, “chính vì người đó nên chuyện mới thành ra thế này”. Trong số ấy, có cả những người sẵn sàng che giấu sự thật của việc thất bại. Nhưng làm vậy hoàn toàn không giúp được gì cho bản thân cả. Nếu che giấu không khéo, chắc chắn hành động này sẽ để lại ấn tượng xấu trong lòng những người xung quanh, mà dù có che giấu thế nào thì sớm muộn gì cũng sẽ bị phát hiện. Việc đổ lỗi cho người khác cũng vậy, nó chỉ làm cho mọi người đánh giá bạn thấp hơn mà thôi.
Lúc ấy, chắc chắn chúng ta sẽ bị truy cứu trách nhiệm. Nếu vậy, việc nhận lỗi ngay từ đầu hiển nhiên là một quyết định sáng suốt hơn.
Nhà sáng lập Công ty Thiết bị điện Matsushita (nay là tập đoàn Panasonic), Matsushita Konosuke (1894-1989) đã nói rằng, “Những người dễ dàng nhận ra sai lầm của bản thân, rộng lòng đón nhận nó, cho rằng đó là những trải nghiệm quan trọng, là bài học quý giá sẽ trở thành những người thành công và tiến bộ hơn qua từng ngày.”
Đầu tiên, hãy thành thực chấp nhận thất bại của mình, sau đó biến chúng thành những “bài học quý báu” hay những “trải nghiệm quan trọng” đối với bản thân. Và rồi ta sẽ tận dụng được những kinh nghiệm đó, tiến bộ hơn và phát triển hơn nữa.
Quả nhiên, việc sống tử tế, thừa nhận những sai lầm của bản thân sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong tương lai. Và điều này cũng có liên quan đến cách sống như nước.
Vì bản thân, hãy thừa nhận những sai lầm của mình.
Càng là người tử tế, càng nhanh chóng trưởng thành
Tôi luôn nghĩ như vậy, bất kể trong học tập, làm việc, hay bất cứ điều gì khác. Có thể nói rằng, những người tử tế thường nhanh chóng trưởng thành. Khi vào công ty làm việc với tư cách là một nhân viên mới, những người ngoan ngoãn nghe theo lời chỉ dạy của tiền bối hay cấp trên, thẳng thắn thừa nhận sai lầm của bản thân và rồi rút ra bài học từ đó là những người có thể trưởng thành một cách nhanh chóng.
Trái lại, có những người cho dù nhận được những lời hướng dẫn, chỉ bảo từ cấp trên hay tiền bối cũng không ngoan ngoãn làm theo hoặc chỉ nghĩ làm sao để vặn lại. Cũng có người cho dù có thất bại cũng không thẳng thắn nhận lỗi của bản thân.
Còn có những người luôn tin tưởng mù quáng vào cách nghĩ hay cách làm của bản thân, viện ra những thứ lý lẽ dở tệ chỉ để đem lại lợi ích cho mình mà không hề rút kinh nghiệm từ thất bại.
Nhiều người trong số đó có thể là những người nói như rồng leo, làm như mèo mửa, trưởng thành rất chậm chạp. Họ sẽ bị những người xung quanh đuổi kịp, vượt qua và dần dần bị bỏ xa. Kết quả là họ sẽ trở nên hờn dỗi, mất đi động lực làm việc.
Dù là trong công việc hay học hành, nghĩ ra những ý tưởng hay cách làm độc đáo của riêng mình là một điều quan trọng. Nhưng làm điều đó sau khi tích lũy những kinh nghiệm cần thiết cũng không muộn.
Những người mới vào làm hãy cứ ngoan ngoãn tiếp thu lời chỉ bảo, dạy dỗ của người đi trước về những điều quan trọng. Hãy đối diện một cách thẳng thắn với cái tôi non trẻ, thiếu chín chắn của mình. Nếu bạn muốn mình có thể nhanh chóng trưởng thành, sống tử tế, thuận theo tự nhiên giống như nước là điều rất quan trọng.
Hãy ngoan ngoãn lắng nghe và tiếp thu những điều quan trọng người khác chỉ dạy ta.
Không nói dối, không lừa lọc, mà hãy truyền đạt một cách chân thực những cảm xúc của bản thân
Trong các mối quan hệ xã hội, việc “truyền đạt chân thực cảm xúc tới đối phương” trở thành một điều quan trọng. Nhưng nó không có nghĩa là ta giữ nguyên cảm xúc của mình mà nói thẳng với đối phương những điều mình thấy không ưa, rằng “tôi ghét cậu”. Đừng nói những lời làm tổn thương người khác.
Khi bạn không hề tự tin rằng mình có thể làm được, hãy thẳng thắn giãi bày điều đó chứ đừng khoa trương nói với đối phương rằng “không sao, cứ giao việc đó cho tôi”. Ngoài ra, bạn cũng không nên nói dối hay lừa phỉnh ai đó điều gì.
Tóm lại, nếu như bạn có bất kỳ lo lắng nào, hãy bày tỏ một cách chân thực, thẳng thắn tới những người xung quanh. Bởi suy cho cùng, việc truyền đạt chân thực cũng là vì bản thân mỗi chúng ta mà thôi.
Nếu không truyền đạt một cách chân thực, mà cứ kiêu ngạo khoa trương, nói dối hay lừa lọc, chắc chắn bản thân ta sẽ phải nhận lấy cay đắng. Sẽ có lúc ta rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, không biết nên giải quyết như thế nào. Nếu vậy, việc truyền đạt những cảm xúc của mình một cách thẳng thắn, chân thực ngay từ đầu là một thượng sách. Làm như thế, chắc chắn những người xung quanh sẽ cứu nguy giúp ta trong lúc cần kíp.
Khi nói những điều dối trá, tự bản thân ta sẽ trở nên đau khổ.
Nói lời cảm ơn chân thành
Có những người không thể nói ra lời cảm tạ, cảm ơn chân thành. Họ thường thuộc nhóm người có lòng tự tôn thái quá, theo hướng tiêu cực. Họ hầu như không bao giờ thừa nhận một thực tế rằng mình đã nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Bởi họ cho rằng, thừa nhận điều đó đồng nghĩa với việc thể hiện rằng mình là người kém cỏi, không có năng lực. Dù có được người khác giúp đỡ hay đối xử tốt, họ cũng luôn mang thái độ không tốt, cho rằng, “bản thân mình cũng làm được, việc họ làm thật thừa thãi”. Vì thế, họ dần bị cô lập, bị những người xung quanh xa lánh.
Đôi khi, những người không thể truyền đạt một lời cảm ơn chân thành tới chính mình cũng sẽ tự ghét bản thân.
Chúng ta không chỉ sống một mình và sống cho riêng mình. Dù là ai cũng sẽ có những thiếu sót, yếu kém. Do đó, mỗi người chúng ta sống là để hỗ trợ, bù trừ cho nhau. Vì thế, việc thừa nhận một thực tế rằng “bản thân chúng ta cũng có những thiếu sót”, hay nói cách khác là thẳng thắn thừa nhận cả nhược điểm của mình là điều cần thiết. Và sau đó, hãy chấp nhận sự thật rằng, “những điều mà bản thân ta không làm được thì không còn cách nào khác, ta sẽ cần nhờ đến sự giúp đỡ của người khác”. Khi ấy, chắc chắn ta có thể nói ra lời cảm ơn chân thành thật tự nhiên và dễ dàng. Từ đó, các mối quan hệ xã hội của ta sẽ trở nên thuận lợi, tốt đẹp hơn.
Lời cảm ơn chân thành sẽ giúp những mối quan hệ của ta cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy ý thức và cảm tạ rằng “con người ai cũng được sống”
Trong Phật giáo có một khái niệm gọi là “giác ngộ”. Theo cách lý giải của tôi, từ này nghĩa là dự đoán những khó khăn trong tương lai và chuẩn bị tâm lý để sẵn sàng chấp nhận chúng.
Nhưng trong Phật giáo, nó lại được lý giải theo cách khác. Giác là “nhận thức được chân lý”. Ngộ là “hiểu ra chân lý”. Cả giác và ngộ đều dùng để chỉ việc “lý giải chân lý”. Vậy thì chân lý là gì? Phật giáo có vô vàn cách giải thích về chân lý, trong đó cũng có một cách giải thích rất hay, rằng “chân lý là việc con người ai cũng được sống”.
Con người không chỉ đơn thuần sống bằng sức mạnh của chính mình. Chúng ta được sống còn là nhờ sự tương hỗ với những người xung quanh. Chúng ta được sống vì có sự ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Thêm nữa, chúng ta được sống vì có bầu không khí, ánh sáng mặt trời, đồ ăn, nước uống... Bởi vậy, quan điểm này trong Phật giáo đề cao tầm quan trọng của lối sống biết ơn với vạn vật.
Nhân đây tôi cũng nói thêm, việc chúng ta chắp hai tay khi lễ cũng mang ý cảm tạ.
Nhận thức và hiểu được quan điểm “được sống” của Phật giáo cũng chính là duyên lành giúp ta có thể gửi lời cảm ơn tới người khác một cách chân thành. Rộng hơn, có thể thấy rằng quan điểm này cũng có liên quan với việc “sống chan hòa như nước”.
Hãy gửi lời cảm ơn tới tất cả những gì hỗ trợ cho cuộc sống của ta.
Ý nghĩa thực sự của câu nói “Itadakimasu” trước mỗi bữa ăn của người Nhật
Người Nhật có một truyền thống là trước khi bắt đầu bữa ăn sẽ nói Itadakimasu. Một trong số các ý nghĩa của từ này là “nhận”, là “ăn”. Cụ thể hơn, nó mang ý nghĩa “tôi xin nhận từ người làm ra những món ăn này, nhận công sức của những người nấu món ăn này, và tôi xin được ăn”. Nó còn có một nghĩa là “ngẩng đầu”. Đây cũng chính là hành động biểu hiện sự biết ơn. Trong lễ biểu dương, người ta thường ngẩng đầu khi nhận thưởng, nhận quà... Đó chẳng phải là biểu hiện của sự cảm tạ hay sao?
Thêm nữa, trong các nghi lễ của Thần đạo và Phật giáo cũng có động tác “ngẩng đầu” khi ăn. Tóm lại, “ngẩng đầu” chính là hành động biểu thị sự biết ơn của bản thân tới tất thảy những gì đã hỗ trợ cho cuộc sống của mình.
Ngày nay, từ Itadakimasu vẫn được sử dụng để thể hiện sự biết ơn với những ý nghĩa nguyên bản. Tôi cho rằng, ẩn sâu trong từ Itadakimasu còn là ý nghĩa “con người được sống”. Nó thể hiện rằng cảm tạ những điều đã giúp đỡ cho cuộc sống của ta là điều quan trọng.
Việc hiểu ra ý nghĩa của từ Itadakimasu cũng là gợi ý giúp ta có thể sống và cảm tạ chân thành.
Hãy sống và đừng quên nói lời cảm tạ Itadakimasu.
Những người không thể nói lời cảm tạ khéo léo thường do có sự kháng cự trước khi nói ra
Có những người dù trong thâm tâm rất muốn bày tỏ nhưng vì tính cách e thẹn, hay xấu hổ nên không thể nói ra lời cảm ơn chân thành. Nhưng nếu cứ như thế mãi thì nó sẽ khiến ta ngày càng có cảm giác kháng cự việc nói ra lời cảm ơn.
Nó cũng giống như chuyện tỏ tình vậy, bạn rất muốn bày tỏ lòng mình với người yêu, nhưng cứ mỗi khi đến thời điểm thích hợp là lại ngại ngần rồi trốn chạy, để rồi không truyền đạt được tình cảm của mình.
Bởi vậy, nếu bạn có những tình cảm, lòng biết ơn muốn gửi tới ai, hãy nói lời cảm ơn trước khi nảy sinh sự kháng cự. Càng làm sớm bao nhiêu thì sự kháng cự càng giảm bớt bấy nhiêu. Mà càng chần chừ thì lại càng kháng cự. Hãy quyết ý gửi đi lời cảm ơn. Làm như vậy sẽ giúp bạn trong những lần sau, bất kể là với ai, bạn cũng sẽ dễ dàng truyền đạt lòng biết ơn của mình một cách chân thành mà không hề có chút lưỡng lự. Và chắc chắn rằng từ đó trở đi bạn có thể gửi lời cảm ơn đến nhiều người hơn nữa.
Hãy để lời cảm ơn của bạn đến với nhiều người hơn nữa.
Hãy chân thành và vui mừng khi được người khác cảm ơn
Ai cũng sẽ rất vui mừng khi nhận được lời cảm ơn từ người khác. Đó chính là niềm vui chân thành với suy nghĩ rằng: “Thật tuyệt vì mình đã giúp ích được cho người khác.” Bởi lẽ, để nhận được lời cảm ơn từ những người xung quanh, ta cần chia sẻ và trao cho mọi người những cảm xúc ấy. Đó là một điều vô cùng tự nhiên.
Tuy vậy, cũng có những người không đón nhận một cách chân thành lời cảm ơn của người khác.
Họ luôn bẻ cong sự thật, có những suy nghĩ méo mó như: “Dù gì thì nó cũng chỉ là một lời phỉnh nịnh mà thôi” hoặc “Chẳng ai thật lòng cảm ơn ai bao giờ”. Những người luôn đón nhận lòng biết ơn của người khác theo cách lệch lạc như thế cũng là những người không thể gửi lời cảm ơn chân thành tới người khác. Kể cả họ có nói ra những lời cảm tạ đi chăng nữa thì nó cũng là những câu nói hời hợt, không thật lòng.
Do đó, điều quan trọng là ta hãy luôn đón nhận lời cảm ơn của người khác bằng niềm vui sướng chân thành. Như vậy, ta cũng sẽ không có những suy nghĩ méo mó, sai lệch. Có thế ta mới có thể gửi đi lời cảm ơn thật lòng, kèm theo cả tấm lòng chân thành đến những người khác.
Những người suy nghĩ chân thành, vui vẻ sẽ nói được lời cảm ơn chân thành.
Nói lời cảm ơn chân thành giúp ta được đánh giá cao hơn
Ai không nói được lời cảm ơn chân thành cũng không thể nói được lời xin lỗi tử tế. Có những người gây phiền hà cho người khác, họ biết và nhận ra điều ấy nhưng lại không ý thức được rằng đó là lỗi của mình. Kiểu người này cũng bị ảnh hưởng bởi cái tôi tự tôn thái quá, ích kỷ. Họ cho rằng một khi nói ra lời xin lỗi, họ sẽ bị những người khác khinh nhờn, từ đó trở nên kháng cự việc xin lỗi.
Nhưng thực tế lại cho ta thấy điều ngược lại. Những người không thể xin lỗi một cách tử tế là những người bị đánh giá thấp, bị cho là “không hề chín chắn, trưởng thành”.
Chính vì thế, việc xin lỗi một cách chân thành khi làm sai là điều nên làm và đúng đắn.
Nhà nghiên cứu Quan hệ xã hội người Mỹ, người đã có rất nhiều tác phẩm về đối nhân xử thế, Dale Carnegie (1888-1955) đã nói rằng, “người có thể thẳng thắn nhận lỗi là người có thể chuyển họa thành phúc. Nếu thừa nhận sai lầm của mình, ta không chỉ được những người xung quanh xem xét lại, mà bản thân ta cũng có thể đánh giá và nhìn nhận lại chính mình.”
Nhưng để thừa nhận sai lầm của bản thân thì cần có lòng can đảm. Khi dũng cảm nói ra lời xin lỗi một cách chân thành, chắc chắn những người xung quanh sẽ đánh giá ta là người trưởng thành. Khi ấy, chắc chắn rằng chúng ta có thể tự hào về bản thân.
Khi bản thân làm sai, hãy chân thành nói lời xin lỗi.
Tóm tắt Chương 3
✔ Khi thất bại, đừng trốn tránh hay đổ thừa cho người khác, hãy thành thật thừa nhận nó.
✔ Những người có thể lắng nghe lời chỉ dạy của người khác một cách chân thành, biết học tập từ đó là những người có thể nhanh chóng trưởng thành.
✔ Không nói dối, khoa trương hay dối lừa người khác.
✔ Chấp nhận một thực tế rằng, “những điều mà bản thân ta không làm được thì không còn cách nào khác là phải nhờ sự giúp đỡ của người khác”. ✔ Nếu muốn bày tỏ lòng biết ơn, hãy nói lời cảm ơn chân thành ngay lập tức.
✔ Tự hiểu ra rằng, ta không chỉ sống bằng mỗi năng lực của riêng mình. ✔ Chân thành vui sướng khi nhận được lời cảm ơn.
✔ Nếu dũng cảm nói lời xin lỗi, chắc chắn ta có thể tự hào về bản thân.
Chương 4
Sống ban phước lành
Trở thành người có lòng biết ơn
Nước ban phát phước lành cho muôn loài, không bao giờ ganh đua đối kháng.
Câu nói này có thể đặt trong các mối quan hệ xã hội của con người. Nói cách khác, “ta hãy ban phước lành cho tất cả mọi người chứ đừng chống lại nhau”. Đó chính là cách sống như nước hay cũng là cách sống lý tưởng của con người.
Việc ban phước lành cho người khác có nghĩa là “làm những điều vì người khác”, “đem đến niềm vui cho người khác”, “mang những cảm xúc dịu dàng dành cho người khác”.
Tuy nói vậy nhưng ta không cần phải nghĩ đến những điều quá to tát, lớn lao. Nếu thử suy nghĩ, ta sẽ thấy rằng, “nước” không phải là một thứ đắt tiền, cao cấp, cũng chẳng phải thứ mang lại cho ta nhiều chất dinh dưỡng phong phú, càng không phải cao lương, mỹ vị. Nhưng nếu thiếu nước, con người sẽ không thể sống được. Thiếu nước, con người sẽ trở nên khốn cùng, khổ sở. Chính vì có sự tồn tại ấy mà mọi thứ mới tốt đẹp.
Tương tự, không cần quá kiểu cách, cầu kỳ, chỉ cần có thể suy nghĩ một cách tự nhiên rằng “nếu thiếu người đó, ta sẽ gặp rắc rối” cũng đã đủ rồi.
Những người sống như nước theo cách đó chắc chắn sẽ là những sự tồn tại vô cùng quý giá trong cuộc đời.
Không cần làm những điều kiểu cách, to tát, hãy biết ơn tất cả những điều đã đi qua đời ta.
Những người được tín nhiệm luôn hơn hẳn những người có tài
Mizuhara Shigeru (1909-1982), một người được biết đến với tư cách cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp và là huấn luyện viên danh tiếng đã nói rằng: “Khi có vấn đề phát sinh, người được coi là cần thiết không phải là người thông minh mà là người được tín nhiệm.”
“Không phải là người thông minh” có thể hiểu là “không cần là người có tài năng gì đặc biệt”, “không cần phải là người có thể cho ra những ý tưởng xuất sắc”, “không cần là một kẻ được ban cho những tài năng hơn người”.
“Người được tín nhiệm” nói cách khác là “người trung thực, giữ lời hứa với người khác”, hay “luôn nhiệt tình muốn làm việc vì người khác”, “cho dù không cần làm những điều lớn lao cũng đem lại đầy ắp tinh thần hứng khởi cho người khác”. Những người như thế sẽ được người khác mưu cầu khi cần kíp.
Để trở thành “người được coi là cần thiết”, ta không cần phải có điều gì đặc biệt. Chỉ cần có lòng nhân ái, hướng tới những người xung quanh và là người thành thật thì chắc chắn ta sẽ trở thành người được tín nhiệm. Và nếu như có thể tận tâm, nỗ lực vì người khác, ta cũng có thể trở thành người cần thiết của nhiều người. Chính xác hơn, cho dù không có năng lực hay tài cán gì đặc biệt, chỉ cần ban phát phước lành đến cho mọi người giống như nước thôi đã là đủ rồi.
Chắc chắn câu nói trên của Mizuhara Shigeru cũng có liên quan đến triết lý của Lão Tử.
Hãy ưu tiên cho việc tận tâm tận lực vì người khác và hướng tới người khác bằng những điều dịu dàng.
Trở thành người làm “công việc cảm thông”
Mục sư người Mỹ Joseph Murphy (1898-1981) đã xuất bản rất nhiều cuốn sách nói về triết lý thành công. Ông từng nói rằng, “tạo ra cho bản thân những công việc cần thiết là điều quan trọng”. Những công việc cần thiết với bản thân được nói tới ở đây có nghĩa là thông qua công việc mà ta có thể ban phát phước lành đến cho nhiều người, trở thành người sống vì những người xung quanh, mang lại niềm vui cho mọi người. Khi ta làm việc vì nhiều người, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tin tưởng ta, sẽ nhờ vả ta trong những lúc cần kíp. Sự tồn tại của bản thân ta cũng được nhiều người chấp nhận, và có thể trở thành một người cần thiết.
Cách nghĩ của Murphy hay tư tưởng “sống như nước, ban phát phước lành cho muôn loài” đều là cách sống lý tưởng của con người.
Và tôi cũng cho rằng, “công việc” mà Murphy đề cập ở đây không phải điều gì to tát, kiểu cách. Trong từ “công việc” này đương nhiên cũng sẽ bao gồm cả ý nghĩa làm việc ở công ty. Thông qua công việc của bản thân, nếu ta có thể đem những điều tốt đẹp đến cho đồng nghiệp ở công ty, đối tác hay khách hàng thì chắc chắn đó cũng là điều vô cùng quý giá.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, khi có đồng nghiệp tâm trạng không tốt, buồn bã, chán nản, chỉ cần bạn cất tiếng hỏi thăm một câu đơn giản, chẳng hạn như “anh làm sao đó” để an ủi, động viên người đó thôi cũng đã là một “công việc ban phát phước lành” tuyệt vời rồi.
Tôi nghĩ rằng, chắc chắn cả những “công việc” cảm thông, suy nghĩ cho người khác cũng có liên quan đến cách sống như nước.
Có rất nhiều công việc khiến ta được coi là cần thiết với mọi người.
Sở hữu khả năng phán đoán chính xác
Mọi người vẫn thường hay nói về tầm quan trọng của bản thân. Đó là những khao khát của bản thân mỗi người về việc mong muốn mình được cho là cần thiết, được mọi người nghĩ rằng sự tồn tại của mình là cần thiết...
Những người đề cao tầm quan trọng của bản thân là những người có thể sống vui vẻ. Thêm nữa, họ cũng là những người tích cực hướng tới tương lai. Quan hệ xã hội với những người xung quanh cũng sẽ trở nên trôi chảy, dễ dàng hơn.
Phương pháp để nâng cao suy nghĩ tầm quan trọng của bản thân không hề khó. Trong cuộc sống hằng ngày, chỉ cần gửi đến thật nhiều người những lời cảm ơn chân thành đã là được rồi.
Tuy nhiên, để làm được điều đó cũng cần có một bí quyết nhỏ. Đó chính là sở hữu khả năng phán đoán “hiện tại, người đó cần ta làm gì?”. Chắc hẳn sẽ có những người nghĩ rằng, “mình muốn có ai đó để giãi bày những điều băn khoăn, trăn trở”. Hay có những người trăn trở “vì không biết làm nên muốn ai đó giúp đỡ”. Đối với những người đó, bạn hãy xác định xem đối phương đang muốn mình giúp họ điều gì và lên tiếng đưa ra lời đề nghị giúp đỡ. Khi đưa ra cho họ những lời khuyên hữu ích, hợp lý, chắc chắn ta sẽ nhận được lời cảm ơn chân thành từ đối phương.
Cứ như vậy, khi bạn nhận được thật nhiều lời cảm ơn chân thành, thì cảm nhận về tầm quan trọng của bản thân cũng được nâng cao. Và một điều chắc chắn là bạn có thể sống bằng những cảm xúc tươi sáng và mới mẻ hơn. Đây cũng chính là cách thực hiện phương châm “sống như nước ban phát phước lành đến cho mọi người” như trong Đạo Đức kinh.
Hãy đáp ứng những điều người khác cần thiết, kỳ vọng.
Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác
“Người ấy đang cần gì? Có phải người đó đang muốn mình làm việc gì đấy cho anh ta không?”
Có một cách để đoán trúng được tâm lý của đối phương. Đó chính là đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Đó chính là việc thử hoán đổi lập trường của mình với người khác, đứng từ lập trường của người khác để suy nghĩ.
Chẳng hạn, khi một đồng nghiệp bị cấp trên mắng, nếu ta không đứng từ lập trường của người đồng nghiệp bị mắng kia, chắc chắn ta sẽ không thể hiểu được sự chán nản của người đó.
Khi không hiểu được trạng thái cảm xúc, tâm lý của người đó, ta sẽ không thể đưa ra những lời an ủi hay động viên, khích lệ phù hợp. Và bởi không hiểu được, nó hoàn toàn trở thành chuyện của người khác, không hề liên quan đến mình, ta sẽ trở nên thờ ơ, không quan tâm. Chắc chắn việc này trái với phương châm “sống như nước ban phát phước lành đến cho mọi người” như trong Đạo Đức kinh.
Vì thế, trong các tình huống như vậy, việc thử tưởng tượng rằng “nếu mình cũng bị sếp mắng giống như cậu đồng nghiệp đó, mình sẽ có cảm giác thế nào?” là một điều vô cùng quan trọng. Chính vì đứng từ lập trường của đối phương, tưởng tượng cảm giác của đối phương, mà ta nhận ra được mình có thể làm gì cho người đó. Cách thức hướng tới đối phương bằng sự sẻ chia, đồng cảm chính là cách mang những điều tốt đẹp đến cho đối phương.
Cuối cùng, chắc chắn ta sẽ nhận được sự mến mộ từ nhiều người và trở thành người được mọi người coi là cần thiết.
Hãy thử đứng ở lập trường của đối phương và tưởng tượng cảm giác của họ.
Ghi nhớ trong tâm “không đua tranh với người khác” để trở nên nhân đức
Đạo Đức kinh có đưa ra hai điểm khi nói về cách sống như nước. ● Trở thành người ban phát phước lành cho người khác. ● Sống không đua tranh.
Trong Đạo Đức kinh, khi nói về ý thứ hai, “sống không đua tranh”, tác giả có đưa ra một câu nói thế này: “Bất tranh tạo đức”. Câu này nghĩa là, sống không đua tranh với người khác sẽ làm nên một con người nhân đức, cao quý. Điều đó được lý giải trong thực tế rằng, dù có nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng ý kiến với người khác, ta cũng không cần phải phân bua rõ ràng để xem ai đúng ai sai. Cho dù ý kiến của đối phương có sai khác thế nào, thì điều quan trọng là luôn giữ tâm thái ôn hòa để nói chuyện nhẹ nhàng với họ. Thêm nữa, khi ta tiếp nhận ý kiến của đối phương, ta cũng sẽ cởi mở hơn với họ và có thể xây dựng mối quan hệ sâu sắc sau này. Ngay cả đối với đồng nghiệp tại nơi làm việc, ta cũng đừng cố gắng tranh đấu hơn thua, tài giỏi, mà hãy ưu tiên trước nhất cho việc cùng nhau hợp tác và nỗ lực.
Cứ như thế, nếu cố gắng theo phương châm “sống không đua tranh”, chúng ta có thể trở thành những con người đức độ, nhân từ. Ta sẽ được người xung quanh đánh giá cao, được cho là một người nhân đức.
Kết quả lớn nhất mà lối sống này đem lại là những mối quan hệ xã hội của ta sẽ trở nên tốt đẹp hơn và ngay cả bản thân ta cũng có thể sống thanh thản, yên bình hơn. Việc không đua tranh với người khác sẽ dần đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc tràn đầy trong tim.
Dù ý kiến có khác, hãy cởi mở với đối phương.
Người biết cảm nhận cảm giác của đối phương sẽ sống không đua tranh
Position change là yếu tố quan trọng trong việc thực hiện theo cách sống “không đua tranh với người khác”. Đó chính là việc “đặt mình vào địa vị của đối phương và cảm nhận cảm giác của họ”.
Sự đua tranh giữa người với người trong nhiều trường hợp đều là do không thấu hiểu cảm giác của đối phương, chỉ chăm chăm làm theo ý mình. Nếu hiểu được cảm giác của đối phương thì chắc chắn, trong nhiều trường hợp, mọi chuyện sẽ không trở thành một trận chiến mà sẽ kết thúc trong êm đẹp.
Chúng ta thường thấy những câu chuyện về xung đột mẹ chồng - nàng dâu trong các gia đình. Chẳng hạn, mẹ chồng hay cưng nựng, chiều chuộng cháu, khi cháu vòi vĩnh mua đồ thường dễ dàng đồng ý. Người con dâu thấy thế liền đem những cảm xúc khó chịu, giận dữ mà nói với mẹ chồng: “Bà đừng chiều chuộng cháu như thế nữa. Bà biến cháu nó thành đứa ích kỷ mất.” Người mẹ chồng cũng không chịu thua kém, đáp trả: “Có bấy nhiêu thôi thì có làm sao.” Cứ như thế, trận khẩu chiến của mẹ chồng - nàng dâu sẽ chẳng bao giờ đến hồi kết.
Nhưng nếu trong trường hợp ấy, hai bên đặt mình vào vị trí của đối phương, mọi chuyện sẽ thay đổi. Cô con dâu sẽ nghĩ: “Nếu mình trở thành bà, chắc mình cũng sẽ cưng nựng, chiều chuộng cháu giống thế.” Hay người mẹ chồng sẽ nghĩ: “Con dâu muốn nuôi dạy cháu trai thành một người tuyệt vời nên mình cần chấn chỉnh lại bản thân.” Dù là người con dâu hay mẹ chồng thì