🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhật Ký Mùa Hạ Ebooks Nhóm Zalo Tên eBook: Nhật Ký Mùa Hạ Tác giả : Di Li Thể loại: Tản văn, Truyện ngắn, Văn học Việt nam Công ty phát hành: Phương Đông Nhà xuất bản: NXB Văn Học Trọng lượng vận chuyển: 500 g Kích thước: 13 x 20.5 cm Số trang: 480 Ngày xuất bản: 08/2013 Hình thức: Bìa Mềm Giá bìa: 110.000 ₫ Ebook: Đào Tiểu Vũ eBook - http://www.dtv-ebook.com Giới thiệu: "51 câu chuyện có thật của tôi từ lúc tiểu học đến năm thứ nhất đại học được sắp xếp 3 phần theo thứ tự thời gian và tôi luôn cố gắng trung thành với sự thật từ lời thoại, cảm xúc cho đến từng chi tiết nhỏ cho dù giá thử tôi bịa thêm tí chút thì có thể câu chuyện sẽ hấp dẫn hơn. Mặc dù cuốn sách được viết cho lứa tuổi teen, nhưng tất cả các bạn đều đã đi qua tuổi học trò kia mà, các bạn cũng đang sở hữu vô số những hồi ức. Và khi đọc cuốn sách này, nếu có lúc nào đó bạn thoáng mỉm cười hoặc cay nơi khóe mắt, ấy là tôi đã chia sẻ được với các bạn và các bạn cũng đã đồng cảm với tôi. Tất cả những người đọc Nhật ký mùa hạ từ lúc còn bản thảo luôn nói rằng họ thích nhân vật cô gái trong truyện, và sau khi đọc, họ cảm thấy gần gũi và yêu quý tôi hơn . Tôi cũng hy vọng, sau khi đọc cuốn sách này, tôi sẽ trở nên thân thiết và gần gũi hơn với các bạn. Lần đầu tiên tôi viết cho tuổi teen và tôi đang rất lạc quan về kết quả của cuốn sách. Sự lạc quan này là phụ thuộc vào các bạn, những độc giả vẫn luôn ủng hộ tôi từ cuốn sách đầu tay cho đến giờ. Hơn 4 năm qua, tôi đã làm việc cật lực để thử nghiệm nhiều thể loại và điều may mắn nhất là tôi luôn tìm được sự ủng hộ nhiệt thành của các bạn. Khi độc giả luôn ở bên tác giả, đó chính là nguồn cổ vũ lớn lao nhất cho người sáng tạo." Mời các bạn đón đọc Nhật Ký mùa Hạ của tác giả Di Li. Con hãy xin lỗi đi Mẹ bảo tôi sinh ra đã bướng bỉnh và hung hãn. Hồi hơn một tuổi, mới chỉ biết ngồi chứ chưa biết đi, không biết tôi hư sao đó mà bà mắng tôi một trận. - Con xin lỗi mẹ đi. - Không. – Tôi lắc đầu. Hơn chục lượt “Con xin lỗi mẹ đi” – “Không” thì bà điên tiết mang tôi tít ra ngoài bãi bóng. Bà đặt tôi xuống đất. - Bây giờ con xin lỗi mẹ đi rồi mẹ bế về, nếu không mẹ sẽ để con ở đây. - Không. - Xin lỗi mẹ đi. - Bố. – Tôi mếu máo chỉ ra phía đường đê cầu cứu. - Bố đi suốt ngày. Bố về đây mẹ sẽ đánh cho một trận. - Không… Phải chiều… - Tôi lắp bắp. - Không chiều gì hết. Cả bố cả con hư là mẹ đánh cho một trận. Nào, xin lỗi mẹ đi. - Không. Lần này thì bà hết chịu nổi. Bà đứng phắt dậy rồi bỏ đi thật. Sân bóng rộng mênh mông. Gió mùa hun hút thổi. Mùa đông không có ai ra sân tập nên tôi ngồi nhỏ thó như một chấm bi giữa nền trời xám nhạt. Chừng rất lâu sau khi đã làmxong một vài việc, bà mới quay lại đón tôi. Nhìn con gái ngồi tròn xoe im lặng như cục bông nhồi giữa bãi bóng, bà quên hết những chuyện vừa rồi và muốn ôm chặt con vào lòng. Nhưng vẫn cố giữ nét mặt thản nhiên, bà nghiêm giọng: - Bây giờ con xin lỗi mẹ đi rồi mẹ bế về. - Không. – Tôi ngước đôi mắt đen trên hai gò má đã đỏ ửng vì lạnh. - Xin lỗi mẹ đi nào. – Giọng bà hầu như đã chuyển sang năn nỉ. - Không. Tất nhiên nếu lúc ấy mẹ không nhượng bộ thì khéo cho đến giờ tôi vẫn ngồi ở ngoài bãi bóng. Bà kể đi kể lại câu chuyện này ngót vài chục lượt đến mức tôi phát thuộc lòng. Có lần tôi tò mò hỏi về lý do tôi đã làmgì nên tội để khiến bà kiên quyết bắt tôi phải xin lỗi. Bà nói tôi… vô số tội, và cái tội hôm đó như một giọt nước làmtràn li. Tỉ như đang chơi vui trong công viên mà bà phải cho tôi về vì đã đến giờ cơm chiều thì lập tức tôi phản đối bằng cách lăn xả vào mà cấu xé ngực áo mẹ. Tỉ như đang đứng giữa sân ngắm chiếc máy bay bay qua bầu trời rồi thoắt cái đã không còn thấy nó đâu nữa thì tôi khóc cả tiếng đồng hồ chỉ vì “Máy bay bay đi mất rồi”. Mẹ nhắc lại câu chuyện này bằng giọng vẫn còn tức anh ách cho dù bao nhiêu năm đã trôi qua “Nó lại bắt đền mình vì máy bay bay đi mất. Thế có vô lý không”. Tuy nhiên mẹ cũng nói rằng tôi có lòng tự trọng từ năm… một tuổi. Lần nọ mẹ cho tôi sang nhà ngoại chơi. Bà ngoại có một quầy bánh kẹo nho nhỏ. Mẹ con tôi ngồi trông hàng cho bà đi chợ. Tôi lặng im nhìn những lọ thủy tinh đựng đủ loại bánh kẹo hấp dẫn, rồi rất lâu sau, chừng như hết chịu đựng nổi, tôi ngước lên nhìn mẹ: - Mẹ ơi, bánh kẹo này không phải của nhà mình đâu nhỉ. Sau này, để bảo vệ lòng tự trọng và kiêu hãnh của mình thì tôi cũng khiến cho mẹ phát khổn khổ. Đại loại như một lần đang chơi trong ngõ, tôi đùa cái Thư một câu gì đó khiến nó nổi khùng lên vả tôi một cái. Ngay lập tức tôi rút chiếc guốc gỗ sơn xanh đỏ định tấn công trở lại. Một đứa trẻ 10 tuổi dễ dàng tước chiếc guốc trong tay đứa trẻ 5 tuổi. Tôi tức giận chạy về nhà tìm một loại vũ khí khác hữu dụng hơn. Tôi vào bếp, nhìn thấy cây đòn gánh dùng để quẩy nước liền thốt lên thành tiếng “Đây rồi”. Mẹ nhìn thấy tôi vác đòn gánh ra ngõ, nhất là nhìn vẻ mặt dữ tợn của tôi liền thất kinh. - Con vác đòn gánh đi đâu đấy? Tôi không nói gì, vẫn hầm hầm tức giận lôi đòn gánh ra đầu ngõ. Mẹ vội vã đi theo. Nhìn thấy tôi lao vào cái Thư, mẹ cuống quýt giằng đòn gánh lại rồi lôi tôi về nhà. Lúc ấy tôi mới bật khóc gào lên “Mẹ lại bênh nó à”. Ngõ 77 Đại Cồ Việt nhiều trẻ con, từ lít nhít 3, 4 tuổi đến cỡ 13, 14. Song dường như chưa có đứa trẻ nào tránh được cuộc đụng độ với tôi. Và cha mẹ tôi phát ngượng lên vì thi thoảng lại có một bậc phụ huynh lôi con mình đến trước cửa réo con ông bà đánh con tôi bầm tím thế này. Tôi mới chừng 4, 5 tuổi và cái đứa “bầm tím thế này” đôi khi còn lớn hơn cả tôi nữa. Nhìn những vết đỏ hằn năm đầu ngón tay còn nguyên trên hai gò má bầu bĩnh trắng nõn của đứa bé, hàng xóm xúm đông xúm đỏ xem rồi bình luận, rồi nhìn tôi bằng ánh mắt của người dân lương thiện nhìn kẻ côn đồ. Cha tôi mẹ tôi cuống quýt suýt xoa đứa trẻ hàng xóm rồi bắt tôi phải xin lỗi bạn. Tất nhiên khi một tuổi tôi kiên quyết thà bị bỏ rơi chứ không chịu xin lỗi thì nămtuổi sao có thể làm được việc ấy, cho dù bị cả xóm tẩy chay thì cũng thế thôi. Cha mắng tôi một thôi một hồi, xoa vết đau cho đứa trẻ, xin lỗi những người hàng xóm rồi tất cả giải tán ai về nhà nấy. Nhưng chỉ được vài hôm thì lịch sử lặp lại. Lại lục tục có người dẫn con đến bắt đền. Cũng có lần chính tôi cũng bị “bầmtím”. Ấy là khi tôi trêu chọc thằng Lộc hàng xóm khiến nó điên tiết thụi cho tôi một phát vào cánh tay. Thế là chiến tranh nổ ra. Thằng Lộc con ông bà Thường, da đen xì, người gày gò nhưng chắc nịch. Nó hơn tôi hai tuổi, lại là con trai nên khỏe hơn rất nhiều. Tôi thua cuộc. Nhưng lần sau vẫn không chừa, và có lẽ ở trong xóm ấy, kẻ mà tôi xích mích nhiều nhất là thằng Lộc vì nó ở ngay sát vách nhà tôi. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, chơi với nhau hàng ngày và cũng thụi nhau hàng ngày. Những ngày đầu tiên vào lớp 1, tôi được xếp ngồi bàn hai, cạnh một thằng bé trắng trẻo cũng lại tên là Lộc. Một bữa nọ, đang trong giờ tập viết, tôi hứng chí ngoạch một gạch bút chì vào sách Tiếng Việt của thằng Lộc. Tức thì nó thụi một cái vào cánh tay tôi đau điếng. Tôi thụi lại nó. Nó thụi lại tôi. Qua lại như thế đến vài chục bận thì tôi chịu thua. Nắm đấm của nó mạnh hơn nắm đấm của tôi nhiều. Tôi ứa nước mắt, không phải vì đau mà vì ấm ức không đánh lại được thằng Lộc. Tuy nhiên cô Loan đã nhìn thấy vụ ẩu đả. Cô lại gần hỏi xem có chuyện gì. Thằng Lộc gân cổ tố cáo “Bạn ấy vẽ bẩn vào sách của em”. Cô Loan cau mày: - Vẽ vào sách của bạn là sai rồi, lại còn khóc nỗi gì. Cũng giống như những người hàng xóm, cô Loan đương nhiên không đứng về phía tôi. Người ta không quen nhìn thấy một đứa con gái nhỏ hành động như thế. Ngay cả nếu thằng Lộc có sai, nó là kẻ đánh tôi trước cho dù tôi chẳng gây nên tội lỗi gì thì tôi cũng phải ngồi imnhỏ lệ, hoặc chạy lên mách cô. Cô sẽ trừng phạt kẻ có tội, rồi ôm tôi vào lòng an ủi. Đằng này tôi cũng thượng cẳng chân hạ cẳng tay chẳng kém gì một thằng con trai gấu biển. Chưa kể tôi còn là kẻ trêu chọc trước. Tôi luôn là kẻ trêu chọc trước. Đây không phải chuyện đùa. Chúng tôi mới vào lớp 1, phải có nền nếp và giáo dục, không thể cư xử hoang dã như những đứa trẻ lang thang được. Cô cần phải chấn chỉnh ngay chuyện này để răn đe những trò khác. Cô nghiêm sắc mặt. - Em xin lỗi bạn đi. Tôi không thể nói “Không” như lúc còn ở nhà với mẹ, nên đành giữ im lặng, mặt cúi gằm ngắm nhìn ngón chân cái đang di mãi trên nền đất. - Em có lỗi, quay sang xin lỗi bạn đi. Tôi vẫn im lặng. Cả lớp im lặng. Cuối cùng cô cũng im lặng tống cổ tôi ra góc lớp bắt đứng úp mặt vào tường. Tuần đầu tiên đi học lớp 1 tôi đã bị phạt đứng úp mặt vào tường vì tội gây gổ đánh lộn và chống đối cô giáo. Tất nhiên mẹ tôi không biết câu chuyện không vui ấy, nếu như tôi không viết lại trên giấy trắng mực đen này. Những ngày đi học đầu tiên của tôi, không phải để học chữ, vì tôi đã có thể đọc báo từ năm bốn tuổi rưỡi rồi kia, mà là để học cách xin lỗi, một điều tôi luôn cảm thấy khó khăn khi phải mở lời… cho đến tận mãi mãi sau này. Đêm pháo hoa Tối nay trên Bờ Hồ có bắn pháo hoa. Mẹ thông báo như thế từ sáng sớm. Đó là ngày 2.9.1982. Cha đi vắng nên chiều hôm ấy mẹ nấu cơm sớm rồi đưa tôi lên hồ Hoàn Kiếm. Tôi chưa được nhìn thấy pháo hoa bao giờ. Pháo hoa là những chùm li ti rực rỡ lóe sáng trên nền trời đen thẫm. Còn pháo sáng to như chiếc bóng đèn. Nó có màu xanh lá, đỏ cam và tím hoa cà. Sau mỗi tiếng nổ lại một chùm hoa cà hoa cải bay lên bầu trời. Chúng nở xòe rồi thi nhau lao xuống mặt hồ như dường những chấm sao có thể vụn ra trên tóc tôi. Những tiếng pháo dồn dập cuối cùng kết thúc cũng là lúc các quầng sáng đan vào nhau huy hoàng chói lọi. Xung quanh tôi người ta ồ lên thán phục. Tiếng pháo lác đác ngớt dần rồi lịm tắt. Những đốm sáng cuối cùng còn leo lét cũng tắt hẳn trả lại bầu trời đêm tối mò như cũ. Đúng lúc ấy thì xảy ra chuyện. Những tiếng la hét nổi lên. Rồi người ta xô đẩy, chen lấn, thúc cùi chỏ để thoát ra khỏi đám đông. Cái gì thế? Mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt kinh ngạc. Bà vẫn bế tôi trên tay, nhưng cánh tay siết chặt hơn như sợ tôi rơi mất. Người ở đâu ra mà lắmthế. Thậm chí còn đông hơn cả lúc xempháo hoa. Chúng tôi không thể vượt qua được chỗ này. Mẹ tôi nhích dần từng bước. Người ta vẫn la hét như thế. Có vẻ như có người bị chen đến bẹp ruột. Tiếng trẻ con khóc thảm thiết. Tiếng phụ nữ van xin thôi đừng chèn ép. Tiếng mắng chửi. Tiếng quát lác. Tôi lắp bắp “Dép… dép”. Là đôi dép lê tôi bị người ta quẹt vào chân sắp rơi đến nơi rồi. - Thôi vứt dép đi. – Mẹ tôi rít lên. Nhưng tôi tiếc đôi dép mới. Vẫn ngồi trên sườn mẹ, tôi vừa cúi xuống vừa giơ chân lên để rút chiếc dép. Nghiêng từng bên một rồi cuối cùng cũng cầm được đôi dép trên tay. Mới đầu chúng tôi đứng ở góc đường Hàng Khay, chỗ đối diện Bách Hóa tổng hợp (nay là Tràng Tiền Plaza), loay hoay thế nào bị dồn tít lên tận đền Bà Kiệu, kẹt cứng trong đámđông đến hàng tiếng đồng hồ, trong khi lẽ ra phải quay hướng ngược lại để rẽ vào đường Bà Triệu hay phố Huế mới về đến nhà. Tôi đã từng nhìn thấy cảnh đông người một lần rồi. Ấy là hôm cha tôi cho lên Hàng Mã ngày Trung Thu, người cũng chen cứng, nhưng không xô đẩy thế này. Ông mua cho tôi cái trống rồi kiệu tôi lên cổ. Tôi ngồi chễm chệ trên ấy, an lành và thoải mái, vừa gõ trống vừa ngắm đoàn người đang rồng rắn bên dưới. Nhưng mẹ thì không biết kiệu lên cổ. Mẹ chỉ biết bế cắp nách, và ghì rất chặt, sườn vẹo hẳn sang một bên, vì rõ ràng chỉ cần mẹ sơ ý hoặc bị đẩy mạnh khiến tôi rơi xuống đất thì tôi sẽ bị cả ngàn bàn chân dẫm đạp lên người. Mà mẹ đã bế tôi hơn tiếng đồng hồ rồi, cánh tay bà có lẽ không thể trụ lâu hơn được nữa. Đámđông vẫn ào lên điên cuồng và hỗn loạn. Không khí ngột ngạt, tù bức không thể chịu nổi. Mẹ tôi trở nên kinh hoảng. Bà quay sang một người đàn ông trẻ mặc áo kẻ sọc vừa vượt lên bên cạnh và nói bằng giọng van xin. - Chú ơi, chú thương mẹ con tôi. Chú đưa mẹ con tôi ra ngoài với… Người đàn ông tốt bụng liền đỡ tôi từ tay mẹ rồi tiến lên trước mở đường, và chỉ mươi phút sau đã dẫn mẹ tôi ra một khoảng trống. Không khí trong lành mát mẻ thổi lên từ lòng hồ rười rượi. - Ôi, cảm ơn chú. – Mẹ chỉ líu ríu được có thế rồi cuống cuồng bế tôi rẽ sang hướng khác như thể đám đông điên cuồng kia lại sắp ào lên đến nơi. Người dẫn đường của chúng tôi cũng lặng lẽ biến mất vào một con phố tối tăm trong khu phố cổ. Lúc này bà mới nhìn sang tôi ngạc nhiên. - Con vẫn còn dép cơ à? Bà bế rịt tôi trên tay vì sợ rơi mất con gái, còn tôi giữ khư khư đôi dép nhựa vì sợ rớt xuống thì mất dép. Mẹ tôi thì đã bị mất dép từ lâu. Lúc này bà đi chân trần. Gấu quần phăng đen rộng thùng thình kéo lê trên nền đất. Lúc chúng tôi ra đến phố Huế, có một người phụ nữ cũng đang cõng một thằng bé trạc tuổi tôi. Thằng bé khắp người bẩn thỉu, lịm đi trên lưng mẹ nó. Mẹ tôi hốt hoảng. - Cháu có bị làm sao không chị? Nhưng người mẹ kia dường như đang hoảng loạn. Bà ta cứ bước thẳng mà không nói năng gì. Vẻ mặt của bà ấy khiến tôi kinh sợ. Không cần phải hỏi han nhiều chúng tôi cũng hiểu rằng người đàn bà đã làm rớt con xuống đất trong lúc bị dồn ép quá thể. Có lẽ rất nhiều đứa trẻ như thế trong đêm pháo hoa huy hoàng vừa rồi. Mãi khi về đến nhà mẹ tôi mới hoàn hồn. Bà cho rằng bọn đạo chích đã lợi dụng đêm pháo hoa để dồn ép gây hoảng loạn nhằm móc ví tiền của khách đến xem. Tôi không ấn tượng nhiều về cảnh tượng lộng lẫy của bầu trời pháo hoa đêm hôm ấy, chỉ nhớ mãi nỗi hãi hùng trên mặt đất, và khuôn mặt của người đàn bà có đứa con bị rơi xuống đất. Những buổi trưa hè Nơi ở đầu tiên mà tôi từng nhìn thấy trong đời là một ngôi nhà lợp mái ngói, cửa ra vào đã bị long bản lề, ban ngày cứ để mở thế, ban đêm bê cánh cửa che tạm vào, coi như quy ước đấy là một barrier để người lạ cấm xâm nhập tư gia mà không được phép. Hàng xóm xung quanh ngõ 77 Đại Cồ Việt đều như vậy, rất ít nhà có cửa cho tử tế. Hoặc có cửa thì đêm họ cũng mở ra cho mát. Chẳng ai lo trộm. Nhà tôi cũng không lo trộm. Chúng tôi chỉ có một tủ quần áo, ít chăn màn, xoong nồi, chạn bát, thùng đựng gạo và thứ giá trị nhất trong nhà là hai tủ sách của cha tôi. Rất nhiều sách. Cho dù chúng có in bằng giấy đen, mất bìa, thiếu trang, long gáy, xơ nát thì vẫn cứ là có giá trị hơn chăn màn và xoong nồi. Giá trị với cha tôi chứ không giá trị với trộm. Nhưng rồi một đêm nọ, cả xóm nháo nhác lên vì có tiếng hô trộm. Trộm mò vào nhà bà Thường. Không hiểu sao trộmlại mò vào nhà bà Thường. Bà Thường ở ngay sát vách. Nhà bà nền đất chứ không lát đá hoa giống nhà tôi. Ông bà Thường có đến gần chục người con nhưng nghèo nhất xóm. Đêm đến họ ngủ cả trong ngôi nhà lợp giấy dầu bé tí tẹo. Trộm vào nhà tôi đã thấy thất vọng, chui vào nhà bà Thường dễ chừng muốn khóc. Nhưng sáng hôm sau cả xóm quây lại để nghe bà Thường kể chuyện trộm. Đấy là một “con trộm”, bà Thường bảo thế. “Con trộm” chít khăn xanh, che gần kín mặt. Nó lò dò đi lại bên giường. Bà Thường giật mình tỉnh giấc mới hét lên. “Con trộm” liền chạy mất. Mẹ tôi sợ lắm, bảo nếu mẹ mà nhìn thấy trộm đi lại bên giường thế chắc không dám kêu. Tôi cũng sợ trộm, không phải sợ trộm lấy đi đồ quý mà sợ nó chít khăn xanh đi đi lại lại bên giường trong bóng đêm. Sau rồi cha tôi cũng lắp lại bản lề. Cửa ra vào đã có thể đóng lại được. Ngôi nhà đầu tiên của tôi còn có cả một khu vườn phía sau. Ven bờ mương ngập đầy bèo tây đã trồng sẵn một cây chuối và vài thứ cây dại. Còn trên bờ dậu ngăn cách với nhà hàng xóm leo đầy râm bụt. Chỗ ấy mẹ tôi kê chiếc chuồng gà. Những trưa mùa hè là thời khắc yên tĩnh và tuyệt vời nhất trong ngày. Khi ấy, mẹ tôi ngủ trưa, cả xóm ngủ trưa, cả thành phố ngủ trưa, còn tôi tha thẩn một mình trong vườn. Tôi có thể làm bất cứ điều gì mà không bị rầy la. Đầu tiên tôi tìm thấy một chiếc đinh và loay hoay cố tìm cách đóng nó lên tường. Tôi dồn hết sức mình giáng búa vào đinh. Được ba phát như thế thì đinh chuội ra khỏi lớp vữa tường, bàn tay cầm đinh trở thành đích ngắm của búa. Tôi điếng người rơi cả đinh lẫn búa, đành ngồi trên bậu cửa sụt sịt chịu đau. Nhưng cũng chỉ được một lúc, tôi lại tìm thấy một tảng thịt heo trong bếp. Tôi chật vật lôi chiếc thớt gỗ nghiến nặng gần bằng người ra giữa sân, đặt tảng thịt lên mặt thớt rồi dùng dao phay miệt mài băm thịt. Chừng nửa tiếng sau mẹ tôi đã có món thịt băm trộn lẫn cả đất cát và mùn thớt. Có bận tôi bắc ba viên gạch nhỏ làm ông đầu rau. Lại kiếmlá khô làm củi. Tôi thái nhỏ lá cây râmbụt cho vào chiếc nồi đồ chơi bằng nhựa rồi chế thêm nước vào. Cuối cùng là bắc bếp, nổi lửa. Tôi ngồi nhìn lửa bắt lá khô nỏ cháy đùng đùng và kinh ngạc khi thấy chiếc nồi nhựa trong nháy mắt đã tan chảy vào trong đống lửa. Mất chiếc nồi, tôi lại tìm được một thứ khác để giải trí cho hết buổi trưa. Một trưa mùa hạ năm 1983, mẹ tôi chạy đi đâu đó trong xóm. Tôi lại một mình trong khu vườn sát bờ mương. Đang loay hoay thái lá cây cho vào nồi nấu canh, đột nhiên tôi thấy đất dưới chân mình chao đảo, cả tôi nữa, cũng chao đảo, như thể đang lơ lửng trong không khí. Tôi quẳng cả nồi lẫn ông đầu rau giữa sân rồi vội vã chui tọt lên giường nằm đắp chăn bông trong lúc trời còn đang nóng đến phát sốt. Tôi nghĩ tôi bị ốm. Ốm thì phải đắp chăn. Nhưng lại nghĩ những lần trước tôi ốm không giống như thế này. Đây là một cảm giác kỳ lạ chưa từng gặp bao giờ. Ngay cả khi đang nằm trong chăn bông, cái giường dưới lưng tôi cũng đung đưa như một chiếc thuyền. Tôi nghĩ mình sắp chết. Mãi lâu sau mẹ mới chạy về. Nhìn thấy tôi nằm đắp chăn bông giữa trời nóng nực, bà nghĩ rằng đó lại là một trò chơi mới của tôi. - Vừa động đất đấy con ạ. Động đất? Chiếc giường và mặt đất đã không còn lúc lắc nữa. Giờ tôi chỉ thấy khắp mình toát mồ hôi như lúc chui vào chăn xông nước lá sau kỳ lên sởi. Ngày hôm đó cả xóm bàn tán ồn ã về vụ động đất. Có người nói động đất làmđổ sập cả một khu tập thể năm tầng. Nhưng kể từ đó cho đến giờ, tôi chưa thấy mặt đất ở thành phố này rung chuyển thêm lần nào nữa. Chú thích Năm 1983, trận động đất ở đông bắc Tuần Giáo (Lai Châu) có cường độ 6,8 richter đã khiến Hà Nội bị rung chấn lên cấp 6 Món bánh caramen Suốt những năm tháng rất dài, món ăn yêu thích nhất của tôi luôn là bánh caramen. Mẹ tôi có thể làm loại bánh này. Nếu không thế, những năm đầu thập niên 80 cũng khó tìm thấy một cửa hàng bán thứ đồ dessert ngon và sang trọng nhường ấy. Mẹ biết làm nhiều món ăn độc đáo vì thời Pháp, bà ngoại tôi có một cửa hàng ăn và ông ngoại là người nếu không sành ăn nhất thì cũng nhì, không nhì thì… cũng ba ở đất Hà thành. Vì thế món bánh caramen có tính gia truyền, làm nó khá là cầu kỳ, nhưng nguyên liệu thì đơn giản, chỉ cần sữa đặc, trứng gà và đường kính. Có vậy thôi nhưng chẳng mấy khi tôi được ăn caramen. Chúng tôi luôn luôn không đủ nguyên liệu. Một sáng nọ, mẹ bảo tôi. - Hôm nay mẹ làm bánh caramen. Cả ngày hôm ấy lòng tôi dậy lên một niềm vui âm ỉ. Từ sáng đến chiều nước miếng ứa ra liên tục trong miệng tôi. Vui chán rồi lại đâm lo. Nhỡ đâu chiều nay nhà tôi có khách. Họ sẽ đến đúng lúc mẹ đang làm bánh caramen và chúng tôi không thể không đem bánh ra đãi họ. Rồi ai thì cũng thích caramen cả. Họ cho rằng trẻ con 5 tuổi chẳng nên ăn nhiều đồ ngọt. Họ sẽ ăn hết bánh của tôi mất. Sau bữa cơm trưa, mẹ bắt đầu túc tắc chuẩn bị nguyên liệu. Chúng tôi có một quả trứng gà, một ít sữa đặc ông Thọ dính ở đáy hộp. Vậy là đủ để làm bánh. Đầu tiên mẹ sẽ hớt lòng đỏ, đánh tan thật bông lên như kem. Sau đó pha nước sôi với sữa. Mẹ trưng nước hàng đổ xuống đáy nắp phích, rồi sau rốt trộn kem trứng với sữa đổ lên trên. Cái nắp phích ấy sau khi hấp cách thủy sẽ thành món bánh caramen có khuôn hình tròn. Bánh được đặt trong tủ lạnh vài giờ rồi đổ ra đĩa một cách dễ dàng. Giờ sẽ là chiếc bánh thơm ngậy vị sữa, thơm bùi vị trứng gà và thơm lựng vị đường trưng hơi đắng. Nó còn có hai tầng màu vàng và nâu sẫmrất đẹp mắt. Ngắm mãi thì thật thèm mà ăn thì thật tiếc. Nhà không có tủ lạnh nên tôi không được ăn bánh caramen ướp lạnh bao giờ, nhưng cho dù có tủ lạnh thì tôi cũng khó lòng mà đợi được đến lúc ấy. Tôi luôn ăn caramen nóng hôi hổi, vừa ăn vừa thổi phù phù. Mẹ bảo chỗ nguyên liệu này chỉ đủ làm hai chiếc caramen nhỏ, nhưng mẹ sẽ nhường cho tôi cả hai. Mẹ bắt đầu đánh tan kem trứng rồi đổ tất cả vào lon sữa bò, lại đánh tiếp cho trứng sữa quyện với nhau thật kỹ. Xemmẹ làm bánh cũng đem lại niềm vui sướng có lẽ chỉ kém lúc ăn bánh một chút thôi. Tôi nhảy chân sáo xung quanh mặc cho mẹ phàn nàn rằng tôi nên ngồi yên một chỗ, rồi sẽ nhanh có bánh, đi đi lại lại thế mẹ sốt ruột lắm. Trộn trứng sữa xong, mẹ để lon sữa bò sang một bên để pha đường trưng. Thế là xong một nửa công đoạn rồi. Giờ chỉ còn đổ bánh vào hấp cách thủy nữa thôi. Tôi vẫn lượn như đèn cù, miệng lặp đi lặp lại một câu duy nhất. - Bánh sắp được chưa hả mẹ? Bánh sắp được chưa hả mẹ? Bạn đã bao giờ nghe nhắc đến từ “Bước chân định mệnh” chưa? Những bước chân định mệnh luôn xuất hiện đúng vào lúc khó ngờ nhất, ngay cả khi chúng ta chẳng hề mong chờ nó. Trong lúc phấn khích vì bị dạ dày kích động, cái cẳng chân quen thuộc của tôi đã sút trúng vào lon sữa bò khiến nó đổ lăn kềnh. Trứng sữa thi nhau nối đuôi bò ra giữa sàn theo hình dáng một vũng nước. Tôi đứng khựng lại như tức thì bị hóa đá. Mẹ phát vào mông tôi rõ đau và mắng vài câu gì đó mà tôi không thể nghe rõ nữa. Khuôn mặt tôi lúc ấy người ta có thể dùng được nhiều từ để miêu tả: thộn mặt, thuỗn mặt, ngẩn mặt, đần mặt hay nghệt mặt. Chọn cách nào cũng phù hợp cả. Mẹ đứng lên đi tìm giẻ lau để thu dọn món bánh caramen. Vừa dọn mẹ vừa lẩmbẩm. - Thôi, mất ăn. Câu này thực còn đau hơn cái phát mông vừa rồi. Đã nhiều năm trôi qua và mỗi lần ăn một chiếc bánh caramen, không khi nào tôi thôi không nhớ lại lon sữa bò bị đá lăn lông lốc lúc ấy. Và cũng chưa khi nào tôi thấy người ta làm bánh ngoài tiệm ngon hơn mẹ làm cho tôi trong một chiếc nắp phích đã ngả màu. Đồng tiền vàng Ở trong xóm, đứa trẻ giàu có nhất là cái Thanh con nhà chú Hồng. Nó giàu có vì trong khi tất cả chúng tôi mặc quần chữa lại từ quần áo cũ của người lớn thì nó được mặc váy. Trong khi món quà vặt ngon nhất đời của chúng tôi là nước pha với đường kính thì nó có hẳn một chiếc kẹo cao su. Hôm đó nó kiêu hãnh nhai kẹo cao su trước một đám trẻ con xúmđông xúm đỏ xung quanh. Ngần ấy con mắt dán vào đôi môi mỏng dính của cái Thanh mà trong ấy rõ ràng có một chiếc kẹo rất thần kỳ, chỉ có thể nhai mà không được nuốt. - Nó như thế nào, có dai không? - Thằng Lộc hỏi. - Không, mềm lắm, rất ngon. – Cái Thanh vừa đung đưa hai bên hàm vừa lúng búng trả lời. - Kẹo có vị gì? – Cái Hà tròn mắt hỏi. Cái Hà là cháu gọi tôi bằng cô, vì cha tôi gọi ông nội nó bằng anh. Chúng tôi vừa là hàng xóm vừa là những người họ hàng xa. - Thơm mùi bạc hà, lại cay cay nữa. - Lỡ nuốt vào bụng thì làm sao? - Thì chết người đấy, bụng sẽ nổ tung ra. Tôi lắc đầu quay đi vẻ chán nản. - Nhai thế thì mỏi miệng chết. - Ừ, chả thích… Thà uống nước đường thì đỡ phải nhai, lại còn nuốt được. Những đứa khác phụ họa trong khi mắt vẫn không rời khỏi chiếc kẹo cao su đang được nhai nhịp nhàng bởi hàm răng thưa đáng ghét. Kỳ thực trước đó chúng tôi đã yêu cầu cái Thanh chuyển kẹo cho chúng tôi nhai thử một tí nhưng nó từ chối. Lát sau chừng như đã chán nhai kẹo, nó dính chiếc kẹo vào thân cột trước cửa nhà cái Thư rồi bỏ về. Chúng tôi cũng tản đi sau một hồi xem nó nhai kẹo. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra cái Chi lén dứt một ít kẹo đang dính chặt lên thân cột rồi… bỏ vào miệng nhai. Một tối mùa đông, mẹ cho tôi đi theo đến nhà bác Tiến bạn thân của cha để bàn một công chuyện gì đó. Trước khi mẹ con tôi ra về, bác Tiến chợt nhớ ra điều gì. Bác vào nhà trong rồi quay trở ra đưa cho tôi một thanh kẹo, chỉ một thanh thôi. Nó nhỏ xíu và mỏng dính, có vỏ bọc màu xanh lá, hai đầu thòi ra lớp giấy bạc gói trong. Tất nhiên tôi nhận ra đó là thanh kẹo cao su thần kỳ mà cái Thanh từng làm cho lũ chúng tôi nhỏ dãi vì chết thèm. Tôi nhét thanh kẹo vào túi áo rét. Trên đường về thỉnh thoảng lại thò tay vào túi kiểm tra xem nhỡ đâu nó có rơi mất. Sau thấy vẫn chưa yên tâm, tôi để hẳn tay trong túi cho đến tận khi về đến nhà. Tối hôm ấy đi ngủ, tôi đặt chiếc kẹo trước mũi và hít hà mùi thơm của nó. Kẹo này là kẹo quý, không thể một lúc mà ăn hết được. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu ăn mẩu kẹo đầu tiên. Tôi cẩn thận bóc lớp giấy bọc ngoài rồi bẻ một mẩu bé bằng đầu ngón tay út cho vào miệng. Kẹo ngọt và cay, nhưng chỉ được vài phút là đã nhạt thếch. Chẳng ngon như tôi tưởng, lại còn không được nuốt, nhưng rất thú vị. Nó thú vị vì tôi là đứa trẻ thứ hai trong xóm được ăn kẹo cao su. Tôi gói phần kẹo còn lại vào trong giấy bạc rồi cứ thế ăn dè đến tận cuối ngày. Mỗi lần chỉ bẻ một miếng tí xíu. Một thời gian sau, cha tôi thỉnh thoảng lại vào miền Nam. Mỗi lần trở ra ông xách theo một con gà trống, vài sọt nho tươi, nhiều quần áo người lớn trẻ con và khăn bông bay. Rất đông người đến nhà tôi chọn mua những thứ ấy. Mẹ mang nho ra chợ san lại cho các cửa hàng bán lẻ, còn đâu mẹ ngâm rượu và tặng hàng xómmỗi nhà một ít. Trước đó tôi cũng đã từng được ăn nho một lần. Ấy là bận tôi bị sốt cao, khắp người nóng hầm hập. Mẹ mua cho tôi vài quả nho rụng, rửa sạch rồi cho vào chiếc nắp phích để đầu giường. Cổ họng tôi khô khốc, nóng gắt và quả nho thì trở nên mát lịm, ngon ngọt tuyệt vời. Tôi không thể ăn gì nhưng đã chén sạch cái nắp phích đựng nho. Giờ nho đựng trong sọt. Dễ có đến vài yến nho xếp ở góc nhà. Thật lạ lùng, nhìn những sọt nho tím ngắt ấy tôi đã không còn cảm giác thèm nho nữa. Mẹ bảo tôi mang một đĩa nho sang biếu bà Thường. Tôi bê đĩa nho trên tay, trịnh trọng như sứ thần ôm báu vật, kiêu hãnh vì biết rõ giá trị đang nằm trên cái đĩa này. Vừa nhìn thấy tôi và đĩa nho xuất hiện ở bậu cửa, thằng Lộc đang nằm khểnh trên chiếc giường xi măng ba hoa gì đó vội ngồi bật dậy. Mắt nó dán vào chiếc đĩa. Nhà bà Thường nhộn nhịp hẳn lên. Họ cảm ơn tôi rối rít, rồi nhờ tôi chuyển lời cảm ơn bố mẹ. Rồi lại sau một chuyến đi Nam, cha có vài thứ đặc biệt cho tôi. Đấy là một bộ đồ hàng có đầy đủ xoong chảo, mâm, bát, ba đôi đũa, môi múc canh… Tất cả đều được làm bằng gang. Đó là một bộ đồ hàng độc nhất vô nhị, đẹp chưa từng thấy. Lại thêm cả một túi kẹo đủ vị, bên trong mỗi chiếc kẹo có một chiếc nhẫn bằng nhựa nhiều màu sắc. Một ngày tôi cố gắng chén hết vài chục cái kẹo để còn lấy nhẫn. Những món đồ quý hóa của tôi được trẻ con cả xóm chiêm ngưỡng và ghen tị. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi đã trở thành một đứa trẻ giàu có nhất xóm. Nhưng một ngày nọ, tôi nhìn thấy một vật kỳ lạ thuộc sở hữu của cái Thanh. Nó gọi đấy là đồng tiền vàng. Đồng tiền vàng tròn xoe lấp lánh, trên dập nổi hình mặt người, cành lá (ô liu) và cả một dòng chữ viền theo vòng tròn. Nhưng bên trong nó là kẹo sô cô la. Đồng tiền vàng thì tôi biết. Lão chủ rạp múa rối Caraba Baraba đã cho Buratino 5 đồng tiền vàng thay vì đốt cậu bé gỗ để nướng chín con thỏ và hai con gà. Cũng chỉ vì những đồng tiền vàng mà Buratino bị cáo Alisa thọt chân và mèo Badilio mù dở lừa hết lần này đến lần khác. Nhưng sô cô la thì tôi chưa nghe nói đến bao giờ. Đồng tiền vàng đã quý, sô cô la lại được bọc bằng đồng tiền vàng thì còn quý hơn. Tôi cứ chờ mãi cái Thanh bóc vỏ ngoài của đồng tiền vàng ra để xem sô cô la là cái thứ gì nhưng nó bảo nó cứ để thế chơi thôi chứ không ăn. Vì sô cô la nó ăn mãi rồi. Ngon tuyệt. Vừa ngọt vừa béo vừa thơm nức vị… sô cô la. Nhưng ngon mấy thì ngon, ăn mãi rồi cũng chán. Giờ nó giữ đồng tiền vàng này để làm đồ chơi. Nó có cho tôi cầm thử đồng tiền vàng một tí. Đồng tiền vàng thật đẹp, thật xứng đáng là đồng tiền vàng. Cái Thanh bảo người ta mang ở nước ngoài về cho nó, chứ ở Việt Nam không có thứ đồ quý này. Bạn có bao giờ giống như tôi, luôn liên tưởng đồng tiền vàng với những câu chuyện cổ tích ly kỳ? Và một sáng đầu đông lạnh giá, tôi đã gặp câu chuyện kỳ lạ có thật. Ấy là ngay khi vừa thức dậy, khi vừa cựa mình để chuẩn bị tụt xuống giường, tôi thấy từ ngực áo rơi ra một đồng tiền vàng. Tôi mặc một áo len bên ngoài chiếc sơ mi lót trong, và đồng tiền vàng này kẹp giữa lớp áo len và áo sơ mi. Ôi, lão Caraba Baraba nhét tiền vàng vào ngực áo cho tôi hay sao? Nhưng Buratino còn vô tình biết được bí mật của chiếc chìa khóa vàng, tôi thì có thứ gì cho lão ngoài một bộ đồ hàng bằng gang và dăm chiếc nhẫn nhựa cứng? - Mẹ ơi, con có đồng tiền vàng. – Tôi hét lên, tay giơ cao đồng tiền vàng lấp lánh. - Ừ. - Mẹ gật đầu không mấy ngạc nhiên. - Tối hôm qua bác Hiền đến nhà chơi. Bác mới đi Ba Lan về có mang cho con chiếc kẹo. Lúc ấy con ngủ rồi nên mẹ nhét vào đấy. Thì ra là thế, bác Hiền chứ không phải lão tiến sĩ khoa múa rối có bộ râu xồmdài quét đất Caraba Baraba. Và tôi cũng giống cái Thanh, cứ giữ mãi đồng tiền vàng để làm đồ chơi, mặc dù tôi chưa được nếm thử sô cô la bao giờ. Tờ báo đầu tiên Một ngày đầu thu năm 1983, tôi ngồi sau yên xe của cha. Ông đạp xe ra Bờ Hồ rồi dừng lại trước một tòa nhà có cánh cửa gỗ màu xanh trên đường Lê Thái Tổ. Ông dựng xe đạp sát bờ tường và bảo tôi đứng chờ cạnh chiếc xe. Khuất sau cánh cửa gỗ xanh cao ngất một hồi lâu, lát sau ông quay trở lại với vẻ mặt vui vẻ và một tờ báo trên tay. - Bố đặt báo cho con đấy. Ông chỉ bảo thế, đưa cho tôi tờ báo rồi sau đó chúng tôi quay về nhà. Đó là một tờ báo kỳ lạ mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Bởi vì nó không toàn chữ như báo Nhân dân mà lại có nhiều hình vẽ miêu tả câu chuyện về một con sóc. Ngoài màu đen còn có thêm cả màu da cam nữa. Tờ báo này vẫn liền một khổ to tướng, muốn đọc phải tự rọc ra rồi lấy kim chỉ khâu lại ở giữa thành cuốn tập, khổ to hơn quyển vở năm hào hai. Đầu tiên cha làm cho tôi, rồi những lần sau tôi lấy dao tự rọc, lấy kim chỉ tự khâu. Tờ báo này có tên Nhi đồng, số 1. Tôi đã biết đọc được vài tháng nay rồi nên chỉ trong vòng một tiếng là đọc hết sạch. Đọc rồi tiếc rẻ đọc lại lần nữa, rồi lại thêm lần nữa, lần nữa… Đọc đi đọc lại đến hàng chục lần đến phát thuộc lòng. Ít lâu sau có bác bưu tá mang đến cho tôi tờ Nhi đồng số 2. Lại hào hứng rọc, khâu, đọc, vuốt ve, nâng niu. Sau vài tháng thì tôi có cả một bộ sưu tập báo Nhi đồng. Tất cả đều do bác bưu tá mang đến. Nhiều lúc tôi vẫn tiếc rẻ giá như mình còn giữ được tờ báo cho đến bây giờ, cái tờ báo xứng đáng được cho vào viện bảo tàng ấy, tờ báo dành cho nhi đồng đầu tiên sau ngày giải phóng. Chuỗi hạt xoàn của bà ngoại Ông ngoại mất khi tôi còn nhỏ xíu. Lúc ấy mẹ bế tôi trên tay nhưng tôi vẫn nhớ rõ như in hình ảnh ông nằm bất động trên giường. Tôi khóc òa lên, khóc vì nhìn thấy một người họ hàng đứng đằng sau le lưỡi trêu dọa chứ không phải khóc vì ông ngoại mất. Một đứa trẻ hai tuổi chưa có khái niệm về sự mất mát. Tuy nhiên mọi người đều suýt xoa “Con bé ngoan chưa kìa, thương ông nên khóc đấy.” Cuối cùng tôi chỉ còn bà ngoại. Phần nhiều hồi ức của tôi là về quãng thời gian ngắn ngủi được gặp bà. Bà ngoại tôi là một “bà ngoại điển hình”, nghĩa là với chiếc áo bà ba trắng, quần đen, dáng người hơi mập, mái tóc bạc trắng như cước, hàm răng nhuộm đen và khuôn mặt già nua phúc hậu thì ngay cả khi chưa cần miêu tả, một cậu trẻ nít cũng đã có thể hình dung mà vẽ ra chân dung Bà ngoại. Bà ít nói. Hầu như bà chẳng nói chuyện với tôi bao giờ, suốt ngày chỉ lụi cụi khâu vá và làm việc nọ việc kia. Nhưng bà rất chiều tôi, như phần đông những người bà khác hay chiều cháu ngoại. Chiều đến nỗi phát hư. Trẻ con và các động vật cảnh giống nhau một điểm rằng hễ nhận ra người nào có thể bắt nạt được là bắt nạt ngay. Mà chúng cảm nhận được điều đó rất nhanh, có lẽ chỉ sau vài giây đầu tiếp xúc với một người nào đó. Tôi cũng vậy, không nhớ từ lúc nào tôi lờ mờ cảm thấy rằng mình có thể bắt nạt được bà ngoại, nhưng rõ ràng là tôi cứ hay đòi hỏi bà điều nọ điều kia, lại còn chẳng sợ bà. Bà ở với con trai cả là bác Ngọc, nhà bác ngay gần lớp học nên buổi sáng mẹ hay đưa tôi qua đó chơi rồi sau bữa trưa bà sẽ dẫn tôi ra lớp. Hôm ấy cũng vậy, cả buổi sáng tôi chơi với lũ trẻ hàng xóm, còn bà lại lụi cụi ngồi vá cho tôi chiếc ô xanh lá cây có viền hoa nhỏ xíu. Đầu giờ chiều bà nhắc “Đến giờ đi học rồi cháu.” Đang chơi vui, tôi nói với lại mà không nhìn bà. - Hôm nay cháu được nghỉ học. - Sao lại thế? – Bà dừng tay ngạc nhiên. – Thế sao mẹ đưa cháu lên đây? - Mẹ bảo cháu lên đây chơi với bà cho mẹ còn làm việc. Cháu được nghỉ học ở nhà không ai chơi với cháu. – Tôi liến thoắng một hồi rồi chạy vụt đi. - Thế à? Bà lại yên tâm cúi xuống vá tiếp vài vết rách. Tôi chơi thỏa thích đến chiều, chẳng mảy may nghĩ gì đến bài vở trường lớp. Nhưng giữa buổi mẹ đã xuất hiện. Mẹ ngạc nhiên khi thấy tôi đang nhảy nhót mặt đỏ lựng trên vỉa hè. Rồi mẹ cau mày. - Sao bà lại không đưa cháu đi học? - Nó nói hôm nay được nghỉ học mà. – Bà ngơ ngác. - Nghỉ học thì con đưa nó đến đây làmgì. Sao bà lại đi nghe lời nó? – Mẹ cáu kỉnh nhưng không phải cáu tôi mà cáu vì bà đã ngần ấy tuổi rồi lại còn để một đứa trẻ 6 tuổi lừa. - Thế mà nó lại bảo tôi là hôm nay được nghỉ học đấy. – Bà làu bàu như người có lỗi rồi nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bực. Còn tôi vẫn nhênh nháo nhìn bà chẳng sợ hãi rồi nhảy chân sáo đi chơi tiếp. Bà cũng hay đến nhà các con gái để làm giúp việc này việc kia. Tôi lờ mờ cảm thấy bà thương mẹ tôi hơn những người con khác. Là tôi đoán thế vì hay thấy bà nhặt nhạnh mỗi nhà một tí rồi mang đến cho mẹ con tôi. Bà đến chơi, khi thì cho củ khoai ăn được lấy từ nhà bác Ngọc, khi thì mấy mẩu vải vụn tìmđược trong đống vải thừa nhà bác Yến. Bà cắt những mẩu vải ca rô ấy thành hình vuông rồi vắt sổ hoặc khâu viền bốn cạnh cho tôi làm khăn mùi xoa. Từ khăn mùi xoa ấy lại gấp được ra con búp bê bằng vải. Ba con búp bê vải nằm sắp hàng trong giỏ tre thành nhà trẻ, mà tôi là cô giáo, bà là phụ huynh. Lần nào bà cũng có quà. Tôi đâm thành thói quen, cứ nhìn thấy bà từ cửa ngõ là đã hò hét vui sướng rồi lôi chiếc túi da nâu cũ kỹ của bà ra lục lọi. Trong ấy luôn có đủ thứ kim chỉ và hàng trăm món đồ lặt vặt vô cùng thú vị. Hôm ấy bà không có quà. Tôi lục mãi, vọc tay xuống tận đáy mà vẫn chỉ thấy kim kim chỉ chỉ. Cha tôi nhìn thấy hành vi bất nhã ấy của con gái tức thì nổi cơn lôi đình. Ông mắng tôi một thôi một hồi vì cái tội thấy bà đến chưa chào hỏi đã vội lục lục lọi lọi. Mà lục lọi là một tính rất xấu. Đồ của ai phải để yên đấy không được đụng vào, kể cả của người rất thân. - Dạy nó bao nhiêu lần rồi mà vẫn cứ thế. – Ông vừa mắng tôi vừa liếc mắt nhìn bà như thanh minh. Bà vẫn cứ im im như từ lúc tôi mở mắt lọt lòng đã thấy bà như thế, chẳng bênh tôi một lời nào. Thực ra tôi chưa bị mắng mỏ vì tội lục đồ của người khác bao giờ. Ở nhà tôi vẫn lục lọi khối. Lục lọi gầm giường. Lục lọi máy khâu. Lục lọi chạn bát. Lục lọi tủ quần áo. Lục lọi khắp các xó xỉnh trong vườn, từ gốc cây chuối ngoài bờ mương cho đến chuồng gà sát bờ dậu. Tất cả những thứ ấy có phải của tôi đâu. Đồ của tôi chỉ thu lu một giỏ đồ chơi biết hết cả rồi đâu còn gì đáng lục. Lục lọi những thứ chưa biết mới thực là thú vị. Mà những thứ chưa biết ấy lại thường không phải của mình. Nhưng cái túi da nâu cũ kỹ của bà thì cũng coi như của tôi chứ. Cái gì bà chẳng cho tôi. Tôi có muốn xin cả cái túi ấy bà cũng cho. Chẳng bị mắng vì tội lục lọi túi bà bao giờ (cũng là vì cha tôi đi tối ngày nên chưa bao giờ được chứng kiến cảnh mà ông cho rằng không mấy đẹp mắt ấy), hôm nay lại bị mắng trước mặt người mình hay bắt nạt. Xấu hổ quá. Tôi xịu mặt. Tôi rơm rớm nước mắt vì ấm ức. Chả hiểu đâu nguồn cơn lại như thế. Chỉ tại bà xuất hiện nên mới ra nông nỗi bị mắng thế này. Tôi dỗi, đứng im thít bên bậu cửa thông ra vườn. Lưng tựa vào mặt gỗ rồi hai chân nhịp nhịp bên nọ bên kia như đang bận rộn lắm với việc cọ cửa. Bà không nói gì, lẳng lặng đi nhặt rau, nhặt xong lại ra vườn làm các việc lặt vặt. Lát sau bà quay lại. Cái bậc cửa rất cao mà chân bà thì đau, việc bước lên bước xuống là cả một nỗ lực. Bà đứng ngoài bảo đứa cháu ngoại đang bận rộn với việc cọ cửa bằng lưng áo. - Lấy hộ bà rổ rau. Tôi vênh váo quay phắt lên trần nhà. - Rau… – Bà nói nhỏ xíu hầu chỉ mình bà nghe thấy, tay bà chỉ rổ rau, mắt nhìn tôi chờ đợi sự giúp đỡ. - Kìa, lấy cho bà rổ rau. – Cha tôi lại nổi khùng lên trước đứa con gái cứng đầu. - Thôi thôi, để tôi lấy. – Bà lập cập vịn tay vào thành cửa rồi khó khăn lắm mới nhấc được chân phải lên trước. - Sao càng ngày nó lại càng khó bảo đến thế chứ. – Cha tôi lẩm bẩm, vẫn chưa thôi tức giận. Món quà cuối cùng của bà là một chuỗi hạt. Hôm đó bà xuất hiện với khuôn mặt đỏ lựng mồ hôi nhưng cực kỳ vui vẻ. Bà kể rằng bà đang đi bộ trên đường NamBộ* đúng khi tàu chạy qua. Người ta buôn hàng từ Nam ra Bắc, đến đó nhảy tàu, quăng hàng xuống chắc là để trốn thuế, trốn vé chi đó. Lúc ấy có một túi hàng bị thủng vì quăng ra quá mạnh. “Mấy cái hạt này cứ thế văng ra, tôi nhặt về cho cái Tí Con xâu chuỗi hạt”. Bà lôi từ trong túi một nắm hạt nhựa tròn gói trong khăn mùi xoa. Tôi thích chí lắm. Tôi hớn hở nhảy nhót xung quanh giục bà lấy kim chỉ xâu hạt cho tôi, mặc cho mẹ cằn nhằn “Để yên cho bà còn nghỉ ngơi uống nước cái đã.” Nhưng bà không nghỉ ngơi, từ lúc gặp bà ở trên đời, tôi chưa khi nào thấy bà nghỉ ngơi cả. Bà xuyên chỉ vào kim để xâu hạt cho tôi. Xâu xong bà vòng lên cổ tôi buộc cố định hai đầu lại. Tôi chưa bao giờ có thứ đồ trang sức đẹp đến thế này. Tôi gọi đó là hạt xoàn. Những hạt đen nhánh tròn trịa bao quanh cổ tôi thật xinh xắn, cho dù chúng trơn nhẵn bề mặt chứ chẳng óng ánh tẹo nào. Chuỗi hạt không có móc cài nên tôi cứ đeo mãi như thế chẳng thể cởi ra được, mà tôi cũng không đời nào muốn cởi ra. Bẵng đi một dạo không thấy bà đến chơi nữa. Mẹ bảo rằng bà đang đi về quê. Rồi bỗng một tối nọ, có một người lạ mặt đến tìm mẹ tôi. Ông ta không vào nhà, chỉ nói ngắn gọn vài điều gì đó qua song cửa rồi bỏ đi mất. Lúc quay vào, tôi thấy mặt mẹ méo đi, mắt mẹ ứa nước, giọng mẹ nghẹn lại. - Bà mất rồi con ạ. Tôi ngơ ngác. Nhưng tôi chẳng khóc. Tôi chỉ nhìn mẹ trân trối. Tôi hiểu từ “mất” nghĩa là “chết”, “chết” nghĩa là tôi không bao giờ còn gặp lại bà nữa. Tôi chưa hình dung được ra điều ấy. Tôi chưa hình dung được cảm giác mãi mãi không bao giờ còn có thể gặp lại một người đã vô cùng thân thiết có nghĩa là thế nào. Người ta bảo bà mất ở quê. Bà bị ngã, rồi cứ thế ngủ yên vĩnh viễn. Người ta an ủi mẹ tôi rằng âu như thế cũng là hạnh phúc. Bà ra đi khi đang về chơi nhà, tất cả chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc, chẳng chút gì đau đớn. Nhưng dường như điều đó chẳng làm dịu đi nỗi đau đớn của mẹ tôi tẹo nào. Mẹ buồn phiền rằng bà ra đi mà chẳng được gặp các con, chẳng được nhìn thấy ai bên cạnh trong giây phút cuối cùng, lại còn bị ngã rất đau nữa. Rồi mẹ cằn nhằn như thể bà đang còn ngồi trước mặt rằng tất cả cũng chỉ tại bà cứ không chịu ngồi yên một chỗ, đang yên đang lành lại về quê làmchi. Rất lâu sau khi bà mất, tôi cũng không hề khóc. Thỉnh thoảng quên mất tôi vẫn cứ ngóng mãi ra cửa chờ bà đến mang theo chiếc túi da nâu cũ kỹ quen thuộc. Nếu tôi gặp lại bà bây giờ, tôi sẽ không bắt nạt bà nữa. Chắc chắn thế. Bà có bảo tôi lấy hộ bà thêm chục rổ rau, trăm rổ rau, nghìn rổ rau, ức vạn rổ rau nữa tôi cũng lấy. Một hôm rất xa sau ngày bà mất, mẹ dẫn tôi ra chợ. Trên đường về, sợi chỉ xâu chuỗi hạt có lẽ lâu ngày mủn quá nên vừa mắc phải thứ gì đó đã chợt đứt tung ra. Lúc ấy đang là giữa trưa, nắng lên quá đỉnh đầu chói chang nhói bức. Những hạt nhựa màu đen văng tung tóe trên nền đất rát bỏng. Tôi vội vàng ngồi xụp xuống nhặt từng hạt. Mẹ tôi thốt lên. - Thôi con ạ. - Không, đây là chuỗi hạt xoàn của bà. – Tôi vẫn cắm cúi nhặt mà không ngước nhìn mẹ. Giờ thì tôi đã biết cảm giác cúi nhặt từng hạt giữa trời gay gắt khi bà vui mừng nhìn thấy những hạt nhựa văng ra từ túi hàng buôn lậu bên đường ray tàu hỏa. Mẹ đành kiên nhẫn đứng đợi tôi bên vỉa hè nắng cháy. Tôi bò tới lui trên nền đất cho đến khi chắc chắn không còn hạt nào sót lại lẫn trong đám cát sỏi. Tôi đứng lên, một tay nắm lấy bàn tay mẹ, tay kia vẫn nắm chặt những hạt xoàn nhỏ xíu của bà ngoại, như sợ đâu nó sẽ rơi lần nữa và biến mất vĩnh viễn vào lòng đất lạnh lẽo kia. Chú thích * Đường Nam Bộ giờ là phố Lê Duẩn Đường về nhà Lên lớp 2 tôi mới được chuyển về trường chính. Trường tiểu học Tây Sơn rất hẹp. Sân trường nhỏ tí xíu. Giờ ra chơi cả sân mù mịt một màn bụi. Bụi chui vào mắt, vào mũi, vào những cái miệng đang cười đùa, hò hét. Bụi bámvào những que kem, miếng sấu dầm mua cuống cuồng qua song sắt cổng trường. Bụi phủ đen bờ những ống chân thoăn thoắt nhảy dây, đá cầu. Mẹ bảo rằng trước đây trường là một tòa biệt thự. Sau ngày giải phóng, các biệt thự của những gia đình tư sản giàu có bị thu hồi và trưng dụng làm cơ quan, trường học. Tuy nhiên, chủ nhân ngôi biệt thự này vẫn được chính phủ cho ở lại tầng trên cùng của tòa nhà. Tôi đã nhìn thấy bà ấy một lần. Đó là hôm chúng tôi chào cờ thứ hai đầu tuần. Bà đi từ bậc tam cấp tầng hai xuống, mình mặc bộ nhung the đen, vai khoác thêm chiếc khăn the hoa sậm màu, mái tóc bạc vấn cao, môi đỏ son mỉmcười nhìn xuống như thể một bà hoàng đang vẫy chào thần dân ngơ ngác. Tôi chưa từng nhìn thấy người nào có dáng vẻ sang trọng lộng lẫy như thế bao giờ. Mẹ tôi bảo đấy là một người đàn bà tư sản. Xung quanh ngôi trường tiểu học nhỏ xíu này có nhiều chuyện li kỳ. Cũng lại mẹ tôi kể rằng trước đây khu vực hồ Ha le (Halais – hồ Thiền Quang) toàn là các biệt thự của Pháp. Riêng phố Nguyễn Gia Thiều ngày xưa mang tên Ôn Như Hầu có ngôi nhà số 7 là trụ sở của Quốc dân Đảng. Quốc dân Đảng cấu kết với thực dân Pháp bắt cóc nhiều người vào ngôi nhà ấy tra tấn, giết chết rồi vùi xuống hố chôn tập thể. Nhiều xác chết bị chúng vứt xuống hồ Ha-le. Sau này người ta hút cạn nước ở hồ thấy vô số xương người dưới ấy. Tôi chẳng hiểu Quốc dân Đảng là gì nhưng cái từ đó gợi lên trong tôi nỗi hãi sợ vô cớ. Hãn hữu đi qua phố Nguyễn Gia Thiều, tôi tránh nhìn lên ngôi nhà số 7 sơn trắng ba tầng gác, âm u và tĩnh lặng sau cánh cổng sắt xanh lục luôn đóng kín bưng. Những biệt thự cổ trên đường Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Hồ Xuân Hương dù không phải là trụ sở của Quốc dân Đảng nhưng đều có vẻ gì đó khiến tôi không yên tâm. Ngôi nhà nào cũng có cổng sắt và sân trong um tùm cây lá. Bạn bè tôi nhiều đứa sống trong những ngôi nhà ấy, mà giờ đã bị chia năm sẻ bảy cho những hộ gia đình khác nhau. Chúng cũng kể lại những câu chuyện kỳ lạ xảy ra hàng ngày khiến cả bọn sợ chết khiếp. Hồi học lớp 1, có lần một cô bạn học cùng lớp rủ tôi về nhà cô ấy ở phố Hồ Xuân Hương, cũng là một ngôi biệt thự cổ. Gần một phần ba lớp có mặt tại đó. Chúng tôi đọc truyện tranh, kể chuyện ma và xem các món đồ chơi chưa từng được nhìn thấy bao giờ. Khi chuẩn bị ra về thì trời đổ mưa ào ạt. Những đứa bạn khác có bố mẹ đến đón, còn tôi sẽ tự đi bộ về nhà bác Ngọc và ngồi chờ mẹ ở đó. Cô bạn tiễn tôi ra tận cửa, không quên dặn: - Ấy nên bám dọc theo những bức tường này mà đi, không được đi tách ra khỏi tường. - Tại sao thế? - Tớ không biết. Nhưng bố tớ bảo những cô tiên nước sẽ xuất hiện khi cơn mưa đến. Sợ lắm. Ấy phải đi sát vào tường. Tôi không hiểu những cô tiên nước và việc đi bám tường có liên quan gì đến nhau nhưng vẫn nép sát vào tường mà đi bộ ra hồ. Từ phố Quang Trung về nhà bác tôi ở Vũ Lợi, những mảng tường bị cắt đứt bởi hồ Ha-le. Mưa sầm sập và trời đã sẩm tối. Tôi lủi thủi đi dọc bờ hồ, với hy vọng nếu có xuất hiện thì tôi thà nhìn thấy những cô tiên nước còn hơn các bóng ma leo lên từ dưới đáy hồ. Chỉ nội trong trường thôi cũng đã vô số chuyện. Trường Tây Sơn tuy nhỏ nhưng rất ngoắt ngoéo, chỗ nọ thông ra chỗ kia. Riêng phòng chờ giáo viên nằm ở tầng một, khuất sâu dưới gầm cầu thang lúc nào cũng âm u tối. Một đứa kể rằng có lần anh nó quên cuốn tập ở lớp nên phải quay lại lấy. Lúc ấy trời đã tối. Anh nó tìm được cuốn tập thì chuẩn bị ra cổng để đi về. Ngang qua phòng chờ giáo viên thấy cửa vẫn hé mở, lại còn có cả ánh sáng, mới ngạc nhiên ghé vào xem. Khi vừa mở cửa phòng, đầu tiên nhìn thấy một đôi chân đi giày tất thể thao đàng hoàng đang chuyền một quả bóng dưới gầm bàn, nhưng ngó lên chẳng thấy ai cả. Anh nó liền ù té chạy đến đứt hơi. Hình như đứa nào cũng sợ phòng chờ giáo viên. Không phải sợ các cô giáo mà sợ những giá móc treo quần áo, các phù hiệu, bằng khen có thể chuyển động và nhảy múa bất cứ lúc nào từ khắp các xó xỉnh tối tăm. Trường chật quá nên các lớp 1 thuê tạm nhà dân ở khu vực xung quanh để làm phòng học. Lớp 2 mới được chuyển về trường nằm giữa phố Trần Nhân Tông, sát cạnh hồ Thiền Quang và đối diện công viên Lê nin. Những ngày đầu lớp 2, mẹ vẫn đưa tôi đến trường, còn khi tan học tôi có thể tự về nhà một mình được. Nhà chỉ có một chiếc xe đạp duy nhất nên những hôm đã đến giờ đi học mà cha tôi vẫn chưa về, hai mẹ con lại cuốc bộ dọc theo ngõ tắt Vân Hồ thẳng lên phố Nguyễn Đình Chiểu. Nhiều lần, thương tôi đi bộ mọi chân, mẹ hay đứng chờ những người tình cờ đạp xe qua. - Chú ơi, chú có đi qua trường Tây Sơn không, chú làm ơn cho cho cháu nhà tôi quá giang lên đấy? Chẳng ai nỡ từ chối một đứa trẻ 7 tuổi có chiếc cặp to đùng trên lưng, tay còn toòng teng lọ mực. Tôi leo lên yên xe của một người xa lạ. Chiếc xe đi xa dần, thẳng hướng trường Tây Sơn. Khi ngoái lại, thấy mẹ vẫn còn đi bộ đằng sau. Lần nào cũng vậy, mẹ sẽ theo tôi đến tận trường, thấy tôi ngồi trong lớp học rồi mới yên tâm ra về. Lúc tan học, tôi không bao giờ về qua lối Vân Hồ. Tôi sẽ đi quá lên hồ Thiền Quang rồi rẽ vào cổng chính công viên Lênin, men theo hồ Bảy Mẫu ra cổng sau mặt phố Đại Cồ Việt, sang đường là về đến nhà. Rõ ràng cảnh đẹp trong công viên bao giờ cũng thú vị hơn những ngôi nhà lụp xụp ảm đạm của ngõ Vân Hồ. Đường về nhà rất dễ dàng, chỉ có một trở ngại duy nhất: Tôi không biết sang đường. Tuy nhiên tôi chỉ phải sang đường hai lần. Một lần qua phố Trần Nhân Tông và lần thứ hai ở đường Đại Cồ Việt. Khi về nhà, tôi có thể đứng từ bên này đường gọi mẹ sang đón, còn ở cổng trường, tôi phải nhờ một người lớn dẫn sang (mẹ tôi dặn như vậy). Nhưng tôi chưa bao giờ nhờ ai cả. Tôi thường đứng đợi những học sinh khác sang đường với bố mẹ thì sẽ nhân đó đi nép vào chúng mà sang cùng. Một hôm, khi tan học, tôi gặp chị My con bác Cầu ở cổng trường. Bác Cầu là bạn thân của cha tôi (Hiện vẫn có tiệmảnh Nguyên Cầu nổi tiếng trên đường Bà Triệu). Bác có một xưởng in tráng ảnh tại nhà trong chùa Quang Hoa. Tôi chưa từng nhìn thấy ai lại có nhà ở ngay trong chùa nên rất thích được đến đó chơi. Ngôi nhà rất đẹp, lối vào lát gạch quanh theo lưng chùa thơm nức mùi hoa đại, mặt sau sát mép hồ Thiền Quang, sân còn có hai tòa tháp nho nhỏ mà mẹ tôi bảo đấy là ngôi mộ của các sư trụ trì chùa Quang Hoa. Bác Cầu có hai con gái là chị Quỳnh và chị My. Chị Quỳnh đã lớn nên tôi hay chơi với chị My. My chỉ hơn tôi hai tuổi và cũng học trường Tây Sơn. Chúng tôi thường cùng lũ trẻ con hàng xóm chạy vào tận các ngóc ngách trong chùa. Những hôm sẩm trời, sân chùa tối thui kích thích cảm giác vừa sợ hãi vừa phấn khích. Đến nỗi một ni cô phải chạy ra nhắc nhở chúng tôi đừng la hét nữa ảnh hưởng đến việc tụng kinh niệm Phật của nhà chùa. Lần này nhìn thấy chị My, tôi vô cùng mừng rỡ. Tôi tiến lại gần chị. - Chị My dẫn em sang đường. - Ừ, đi cùng bọn chị qua hồ rồi chị dẫn sang. Đằng nào cũng vậy. Tôi sẽ còn phải đi bộ đến tận cổng công viên Lê nin kia mà. Đi bên này đường hay bên kia đường thì có gì khác nhau. Tôi đồng ý. Chúng tôi