🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nhà Nước Kiến Tạo Phát Triển Với Đảng Chính Trị Và Các Tổ Chức Xã Hội (Nghiên Cứu Điển Hình Một Số Nước Đông Á Và Gợi Mở Cho Việt Nam) Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PGS.TS. PHẠM MINH TUẤN Chịu trách nhiệm nội dung ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ Biên tập nội dung: VĂN THỊ THANH HƯƠNG NGUYỄN THỊ HẢI BÌNH NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH NGUYỄN VIỆT HÀ Trình bày bìa: PHẠM THUÝ LIỄU Chế bản vi tính: LÊ MINH ĐỨC Đọc sách mẫu: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH BÍCH LIỄU Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 2266-2021/CXBIPH/13-23/CTQG. Số quyết định xuất bản: 425-QĐ/NXBCTQG, ngày 29/6/2021. Nộp lưu chiểu: tháng 7 năm 2021. Mã ISBN: 978-604-57-6898-3. Biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị và các tổ chức xã hội (Nghiên cứu điển hình một số nước Đông Á và gợi mở cho Việt Nam) / Đậu Công Hiệp, Mai Thị Mai (ch.b.), Hà Thị Phương Trà, Lê Thị Hồng Hạnh. - H. : Chính trị Quốc gia, 2021. - 196tr. ; 19cm ISBN 9786045766262 1. Nhà nước 2. Đảng chính trị 3. Tổ chức xã hội 320.1 - dc23 CTL0247p-CIP TẬP THỂ TÁC GIẢ ThS. Đậu Công Hiệp - ThS. Mai Thị Mai (Đồng chủ biên) ThS. Đậu Công Hiệp (viết chung Chương I, II, III) ThS. Mai Thị Mai (viết chung Chương II) ThS. Hà Thị Phương Trà (viết chung Chương III) ThS. Lê Thị Hồng Hạnh (viết chung Chương I) LỜI NHÀ XUẤT BẢN Nhà nước kiến tạo phát triển là một hình thức nhà nước có vai trò to lớn trong việc dẫn dắt, thúc đẩy phát triển kinh tế ở tốc độ cao, được nhiều quốc gia vận dụng. Việc nghiên cứu mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển nói chung và mối quan hệ giữa nó với đảng chính trị cũng như các tổ chức xã hội nói riêng ở các nước Đông Á có nét văn hóa tương đồng như Nhật Bản, Hàn Quốc,... có ý nghĩa tham khảo cho việc thúc đẩy quá trình xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam hiện nay. Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu cho bạn đọc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị và các tổ chức xã hội (nghiên cứu điển hình một số nước Đông Á và gợi mở cho Việt Nam) của tập thể tác giả do ThS. Đậu Công Hiệp và ThS. Mai Thị Mai đồng chủ biên. Cuốn sách tập trung làm rõ đặc điểm, lịch sử hình thành, vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển; chỉ ra mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển và đảng chính trị, giữa Nhà nước kiến tạo phát triển và các tổ chức xã 5 hội ở một số nước Đông Á và đưa ra những gợi mở cho Việt Nam trong việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo và phát triển, liêm chính, hành động”. Tuy các tác giả đã rất cố gắng nhưng đây là một vấn đề mới, có thể có những ý kiến khác nhau. Nhà xuất bản và các tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của độc giả. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 4 năm 2021 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 LỜI NÓI ĐẦU Nhà nước kiến tạo phát triển là một chủ đề tương đối nóng ở Việt Nam, đặc biệt là sau những phát biểu mang tính chính trị gần đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về “chính phủ kiến tạo, liêm chính” và nhu cầu hoàn thiện về mặt lý luận liên quan tới vấn đề này. Thực tế cho thấy, mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển đã và đang được vận dụng với rất nhiều thành quả đạt được ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v.. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang bước qua một giai đoạn mới sau khi đạt mức thu nhập trung bình, vấn đề tìm một hướng đi về cả mặt chính sách lẫn thể chế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là hết sức cần thiết. Vì vậy, tìm tới Nhà nước kiến tạo phát triển như một mô hình thành công đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn lịch sử là điều hoàn toàn hợp lý trong việc đổi mới hệ thống chính trị nói chung cũng như nhà nước nói riêng. Lần đầu tiên được đề cập trong cuốn sách “MITI và sự thần kỳ Nhật Bản: Chính sách tăng trưởng công nghiệp 7 giai đoạn 1925-19751”, xuất bản năm 1982, cho đến nay, trong hành trình hơn 30 năm của khái niệm này, rất nhiều nội dung đã được làm rõ xoay quanh Nhà nước kiến tạo phát triển. Nhiều khía cạnh nghiên cứu đã dần được lấp đầy nhằm làm sáng tỏ vấn đề này cũng như mở rộng phạm vi ứng dụng của Nhà nước kiến tạo phát triển. Trong bối cảnh đó, việc phát triển các nghiên cứu ở Việt Nam về Nhà nước kiến tạo phát triển không những góp phần bổ sung thêm tư liệu nghiên cứu mà còn là một bước cập nhật hóa nghiên cứu trên thế giới đến với Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam đã có những công trình tiếp cận vấn đề Nhà nước kiến tạo phát triển dưới những góc độ cơ bản như khái niệm, đặc trưng, nhu cầu, v.v.. Tuy nhiên, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị và tổ chức xã hội hiện vẫn chưa được quan tâm nhiều. Bên cạnh ý nghĩa về mặt khoa học trong việc bổ sung những khía cạnh mới về Nhà nước kiến tạo phát triển, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển và đảng chính trị, tổ chức xã hội còn có những ý nghĩa thực tiễn như sau: - Đáp ứng được nhu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về 1. Chalmers Johnson: MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975, Stanford University Press, 1982. 8 hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, Nghị quyết đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế: Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Tăng cường lãnh đạo việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội. Như vậy, Đảng tiếp tục duy trì vai trò quan trọng trong lãnh đạo Nhà nước thực hiện các chính sách và chiến lược kinh tế. Trong bối cảnh Nhà nước kiến tạo phát triển, vai trò của Nhà nước sẽ trở nên tích cực theo hướng thúc đẩy thị trường phát triển theo đúng quy luật của nó. Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng cũng cần có những chuyển đổi phù hợp nhằm đáp ứng những thay đổi này. - Việt Nam là một nước duy trì chế độ chính trị một đảng, với vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được hiến định. Thực tế cho thấy, mô hình chính trị này rất tương thích với việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển bởi nó bảo đảm sự tập trung và nhất quán trong chỉ đạo điều hành, đặc biệt là với các chính sách kinh tế lớn. Ngược lại, với các nước tổ chức theo mô hình đa đảng, tam quyền phân lập, vai trò của Nhà nước mờ nhạt hơn nhiều so với tư nhân; chủ nghĩa tự do được đề cao và thị trường tự vận hành theo nguyên lý “Bàn tay vô hình”. Như vậy, triển vọng của việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển 9 là rất rõ ràng trong hoàn cảnh thể chế chính trị một đảng ở Việt Nam luôn ổn định. - Đối với khía cạnh tổ chức xã hội, có thể thấy sự phát triển của các tổ chức xã hội ở Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới, cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động. Sự phát triển của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức do người dân tự lập nên được xác định như một xu thế không thể đi ngược khi quá trình dân chủ hóa diễn ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhà nước kiến tạo phát triển, vai trò của nhà nước gia tăng khiến các tổ chức xã hội cần phải có sự thích ứng để có thể tồn tại và phát huy vai trò của mình. Thực tiễn cho thấy ở các nhà nước kiến tạo phát triển giai đoạn đầu, sự điều hành của nhà nước thường khiến cho các tổ chức xã hội trở nên chậm phát triển. Tuy nhiên, gần đây xu hướng xuất hiện các nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ (democratic developmental state) đã cho thấy sự dung hòa giữa mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển nguyên bản với xu hướng dân chủ hóa. Đây có thể xem như một hướng đi cần thiết cho Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa đáp ứng xu hướng phát triển của các tổ chức xã hội. Nhìn chung, thông qua việc nghiên cứu mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị và các tổ chức xã hội, chúng ta có thể thấy được xu hướng phát triển của mô hình này. Một mặt, Nhà nước kiến tạo phát triển cần có sự dẫn dắt và thống lĩnh của Đảng lãnh đạo, 10 với xu hướng tập trung cao; mặt khác, sự tăng trưởng kinh tế mà Nhà nước kiến tạo phát triển mang đến lại thúc đẩy dân chủ hóa và sự tham gia của các tổ chức xã hội. Như vậy, để tìm được điểm cân bằng trong chính sách của Nhà nước kiến tạo phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang bước đầu vận dụng mô hình này, cần quan tâm điều chỉnh nhằm hài hòa cả hai mối quan hệ trên của Nhà nước kiến tạo phát triển. Đây sẽ là một phương hướng quan trọng, cần được làm rõ trong quá trình xây dựng Nhà nước kiến tạo ở Việt Nam. Cuốn sách này ra đời nhằm đáp ứng một phần những nhu cầu về mặt lý luận nói trên. Nhóm tác giả đã tập trung nghiên cứu vào các hình mẫu tiêu biểu của Nhà nước kiến tạo phát triển, đặc biệt ở khu vực Đông Á để làm rõ điều đó. Tuy nhiên, với một mức độ phức tạp trong các đối tượng mà nghiên cứu này hướng tới, chắc chắn cuốn sách sẽ còn những hạn chế nhất định, rất mong sẽ nhận được sự phản hồi và bổ túc từ quý độc giả. Nhóm tác giả 11 Chương I MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN Nhà nước kiến tạo phát triển là một vấn đề đang được quan tâm, đặc biệt là sau những phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam1. Xét từ góc độ thực tiễn, các quốc gia được cho là theo đuổi và xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển đã trở thành hình mẫu của một nền kinh tế mà ở đó vai trò của nhà nước thực sự là hết sức nổi bật. Vì vậy, trong một thời gian dài từ khi khái niệm “Nhà nước kiến tạo phát triển” được nhắc tới, các học giả đã cố công nghiên cứu và khái quát những vấn đề lý luận xung quanh nó. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu lý luận về Nhà nước kiến tạo phát triển có hai ý nghĩa quan trọng: (1) Đáp ứng nhu cầu về nhận thức trong giai đoạn Việt Nam đang cần có sự học tập những mô hình phát triển kinh tế thành công; (2) Bổ sung thêm những góc độ 1. http://www.nhandan.com.vn/hangthang/chinh-tri/ item/31846702-nha-nuoc-kien-tao-phat-trien.html, http://thutuong. chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-dat-hang-Hoc-vien-Chinh-tri-quoc gia-Ho-Chi-Minh/20179/27046.vgp. Truy cập ngày 26/02/2019. 13 lý luận về nhà nước mà cách tiếp cận truyền thống dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin chưa đề cập nhiều. I. KHÁI NIỆM NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN Được đề cập lần đầu tiên trong cuốn sách “MITI và sự thần kỳ Nhật Bản: Chính sách tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 1925-1975”1, xuất bản năm 1982, cho đến nay, trong hành trình hơn 30 năm của khái niệm này, rất nhiều nội dung đã được làm rõ xoay quanh Nhà nước kiến tạo phát triển. Nhiều khía cạnh nghiên cứu đã dần được lấp đầy nhằm làm sáng tỏ vấn đề này cũng như mở rộng phạm vi ứng dụng của Nhà nước kiến tạo phát triển. Hiện đã có định nghĩa được đặt ra để mô tả Nhà nước kiến tạo phát triển như: “Nhà nước kiến tạo phát triển có thể được hiểu là Nhà nước ưu tiên cho phát triển kinh tế, tăng năng suất và khả năng cạnh tranh về mặt công nghệ và về mặt quản trị, nó được dẫn dắt bởi nhóm chức nghiệp ưu tú có năng lực quản lý lãnh đạo thông qua việc hoạch định chính sách công nghiệp và nhóm này được hệ thống chính trị hỗ trợ bằng việc tạo ra một khoảng tự do cần thiết để sáng tạo”2. Nói chung, khi đề 1. Chalmers Johnson: MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-1975, Stanford University Press, 1982. 2. Yin Wah Chueds: The Asian developmental state, Reexaminations and new departures, Palgrave Macmillan, 2016, tr. 1. 14 cập khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển thì không thể không nói tới khía cạnh phát triển, bởi thuật ngữ tiếng Anh gốc được sử dụng là Developmental state chỉ nhắc tới yếu tố phát triển, còn việc chuyển ngữ bổ sung thêm từ kiến tạo là nhằm tránh gây nhầm lẫn với một khái niệm cũng thường được sử dụng, đó là Nước phát triển (Developed country)1. Nhìn chung, mặc dù khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển được đề cập tương đối muộn, và đặc biệt là gắn với thực tiễn của các nhà nước ở Đông Á, nơi chứng kiến sự phát triển thần kỳ trong những năm hậu chiến; nhưng chủ thuyết cho sự tồn tại của nó đã được hình thành sớm hơn, với chủ thuyết phát triển (developmentalism) trong kinh tế học. G. Myrdal đã lên án các nước kém phát triển ở Nam Á là Nhà nước mềm (soft state), ít có vai trò thúc đẩy nền kinh tế và nhấn mạnh việc cải cách thể chế để đạt được điều này2. Nhìn chung, cả trong lý thuyết của chủ nghĩa phát triển lẫn trong thực tiễn của một số nước Đông Á, vai trò can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế là điểm cần thiết cho sự phát triển. 1. Vũ Công Giao: Nhà nước kiến tạo phát triển: mô hình và triển vọng, http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/38326/Nha_ nuoc_kien_tao_phat_trien_mo_hinh_va_trien_vong. Truy cập ngày 26/02/2018. 2. A. Gélédan: Lịch sử tư tưởng kinh tế, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996, t. 2, tr. 561. 15 Như vậy, vấn đề cốt lõi trong việc hình thành khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển - đó là sự can thiệp của nhà nước. Để thấy rõ hơn về khái niệm này, theo nhóm tác giả phải đi sâu vào nguồn gốc của nó, nghĩa là nghiên cứu xem sự can thiệp của nhà nước có thể ảnh hưởng tới những khái niệm như thế nào. Nhà nước ở đây được xem xét với tư cách một chủ thể có khả năng can thiệp và tác động sâu sắc tới nền kinh tế và từ đó mà các khái niệm như “Nhà nước tối thiểu”, “Nhà nước phúc lợi”, “Nhà nước kiến tạo phát triển” và “Nhà nước chỉ huy” được đặt ra nhằm mô tả các xu hướng và mức độ can thiệp của nhà nước đối với kinh tế. Nói chung, mỗi cách tiếp cận hay mỗi hệ quy chiếu về Nhà nước sẽ tạo ra những khái niệm liên quan đến nhau (Xem Bảng 1). Bảng 1. Khái niệm nhà nước từ các hệ quy chiếu Hệ quy chiếu Các khái niệm liên quan Kiểu nhà nước Nhà nước chủ nô, Nhà nước phong kiến, Nhà nước tư sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa Hình thức chính thể của nhà nước Nhà nước cộng hòa (và các biến dạng của nó như Nhà nước cộng hòa quý tộc, Nhà nước cộng hòa dân chủ), Nhà nước quân chủ (và các biến dạng của nó như Nhà nước quân chủ chuyên chế, Nhà nước quân chủ hạn chế) Hình thức cấu trúc của nhà nước Nhà nước liên bang, Nhà nước đơn nhất 16 Tôn giáo và Nhà nước Nhà nước thế tục, Nhà nước thần quyền, Nhà nước tôn giáo - dân sự, Nhà nước tôn giáo - dân tộc1 Mức độ can thiệp của nhà nước Nhà nước tối thiểu, Nhà nước phúc lợi, Nhà nước kiến tạo phát triển, Nhà nước chỉ huy Việc nghiên cứu một khái niệm về Nhà nước, do đó sẽ phải gắn với việc nghiên cứu các khái niệm khác cùng nằm trong một hệ quy chiếu với nó. Ở đây, nhóm tác giả trình bày một cách khái quát về các khái niệm còn lại trong hệ quy chiếu “Mức độ can thiệp của nhà nước” trước khi rút ra những kết luận cuối cùng về Nhà nước kiến tạo phát triển. - Về Nhà nước tối thiểu: Không chỉ được quan tâm bởi các nhà kinh tế học mà còn được nhiều nhà tư tưởng đề cập2, quan niệm về 1. Đỗ Quang Hưng: Về xây dựng Nhà nước pháp quyền về tôn giáo, Tạp chí Mặt trận, ngày 16/8/2018. 2. Có thể kể tới nhà tư tưởng Robert Nozick tác giả cuốn sách Anarchy, State and Utopia, hay nữ nhà văn Ayn Rand trong các phát biểu của bà. Xem thêm: Jonathan Wolff: Robert Nozick: Property, Justice and the Minimal State, John Wiley & Sons, 2013. Nguyên văn: “a minimal state, limited to the narrow functions of protection against force, theft, fraud, enforcement of contracts, and so on.” và Edward P. Stringham, Anarchy and the Law: The Political Ecomomy of Choice, Transaction Publishers, 2011, tr. 522. Nguyên văn: “The objectivists, headed by Ayn Rand, may be viewed as a variant of minarchism. Not only do they advocate a minimal state but, also like the minarchists, oppose taxation as a form of involuntary servitude.” 17 Nhà nước tối thiểu hướng tới việc Nhà nước phải giới hạn cả về phạm vi lẫn cường độ những hoạt động của mình và nhường lại cho sự chủ động của cá nhân, công dân và các tổ chức xã hội. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước tối thiểu, “hay còn được biết đến như một “nhà nước canh đêm” (nightwatchman state), một Nhà nước cảnh sát, là một nhà nước chỉ thực hiện chức năng bảo vệ, duy trì hòa bình, trật tự, bảo đảm mạng sống và sự tự do của cá nhân”1. Điểm mấu chốt về lý thuyết Nhà nước tối thiểu chính là ở tính đúng đắn của nhà nước tối thiểu. Đầu tiên, lý thuyết Nhà nước tối thiểu chống lại chủ nghĩa vô chính phủ (Anachism) và khẳng định tính cần thiết và hợp lẽ phải của nhà nước. Sự tồn tại của nhà nước là bắt buộc, bởi theo John Locke sẽ không bao giờ có được sự yên ổn vô tổ chức bởi con người là khác biệt về khả năng, quan điểm và đầy mâu thuẫn nên cần có một tổ chức bảo đảm cho quyền lợi chung2. Tiếp theo đó, đứng trên nền tảng lý luận về bản chất của con người là tự do, lý thuyết Nhà nước tối thiểu được 1. M. J. Vinod, Meena Deshpande: Contemporary political theory, PHI Learning Pvt. Ltd, 2013, tr. 251. Nguyên văn: “It is also known as a “nightwatchman state”, a police state. The state performs only the protective functions. Maintenance of peace and order, protecting the lives and liberties of the individuals are considered the main functions of the state”. 2. John Locke: Khảo luận thứ hai về chính quyền, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 146. 18 bảo vệ với lập luận rằng, tất cả mọi sự mở rộng cả về quy mô quyền lực lẫn phạm vi ảnh hưởng của nhà nước sẽ có xu hướng xâm phạm tới quyền tự do của cá nhân. Bên cạnh đó, xã hội và đặc biệt là thị trường có khả năng tự điều tiết về mặt lợi ích và do đó tự hướng tới thịnh vượng và sự cân bằng. Lý luận trên được củng cố bởi lý thuyết “Bàn tay vô hình” của Adam Smith1 và “Trật tự tự phát” của Hayek2 và chống lại việc nhà nước can thiệp sâu vào đời sống xã hội, đặc biệt là kinh tế. Tiếp cận dưới góc độ tính hiệu quả, có thể thấy, một nhà nước hiệu quả phải đạt được sự “tối đa về lợi nhuận và tối thiểu về chi phí”. Nói về một nhà nước công chính và bền vững, Bastiat cho nó là: “một chính phủ cực kỳ đơn giản, dễ được chấp nhận, không tốn kém, nhỏ gọn”3. Bởi theo ông, ở một nhà nước ít sự can thiệp như vậy, mọi người sẽ có quyền tự do làm mọi điều mình muốn, họ không phải cảm ơn nhà nước vì thành công của mình và cũng sẽ không thể phàn nàn nhà nước khi họ thất bại. 1. Trong tác phẩm Bàn về của cải của các quốc gia, Adam Smith đã gọi sự tự điều chỉnh của thị trường nơi mọi cá thể đều hướng tới sự tối đa hóa lợi nhuận là “Bàn tay vô hình”. 2. Theo quan niệm của Hayek, thị trường tồn tại một dạng trật tự khách quan đó - là sự tổng hợp và tự điều chỉnh của tất cả cá thể tham gia vào thị trường. 3. Claude Federic Bastiat: Luật pháp, Phạm Nguyên Trường dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 47. 19 - Nhà nước chỉ huy: Ngược lại với lý thuyết Nhà nước tối thiểu là những dòng tư tưởng đòi hỏi Nhà nước phải mở rộng sự can thiệp của mình, thậm chí không dừng lại ở nền kinh tế. Một trong những trào lưu đưa tư tưởng này lên đến cực điểm đó chính là chủ nghĩa xã hội (socialism) và trên thực tế khái niệm Nhà nước chỉ huy cũng thường gắn chặt với chủ nghĩa xã hội. Bằng những lý luận triết học duy vật biện chứng, kinh tế chính trị học, C. Mác đã vạch ra một con đường cho sự tồn tại của Nhà nước xã hội chủ nghĩa sau này. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác cho rằng, sự tiến hóa của xã hội xảy ra bởi động lực là sự tiến hóa về kinh tế, và cụ thể là của lực lượng sản xuất với hệ quả là các phương thức sản xuất lần lượt thay thế nhau và cuối cùng đạt tới hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong cuốn Chống Đuyrinh, Ph. Ăngghen đã tổng kết: “đại công nghiệp đã phát triển những mâu thuẫn trước đây vẫn còn ngái ngủ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa thành những sự đối lập quá rõ rệt đến mức có thể nói rằng người ta có thể sờ thấy được cái ngày sụp đổ đang đến gần của phương thức sản xuất đó”1. Vai trò của nhà nước đối với nền kinh tế cũng được phát triển rất nhiều bởi 1. C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.369. 20 Lênin. Một cách tổng quát, quan điểm của Lênin về kinh tế xã hội chủ nghĩa có thể được trình bày như sau: “phải phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất lao động… thực hiện nghiêm ngặt chế độ hạch toán kinh tế, quản lý nền kinh tế theo kế hoạch, thống nhất, tập trung trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân”1. Ở đó, ảnh hưởng của nhà nước là bao trùm lên đời sống kinh tế, bao gồm tất cả việc tổ chức, điều phối sản xuất bởi Nhà nước. Xã hội đó được Lênin mô tả trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng nổi tiếng như sau: “toàn thể công dân thành người lao động và nhân viên của một “xanh-đi-ca” lớn duy nhất, tức là toàn bộ nhà nước”2. Ở xã hội đó, không có sự phân biệt giữa đời sống xã hội và đời sống chính trị, mà chúng lại hòa nhập với nhau theo hướng nhà nước kiểm soát toàn bộ xã hội. Nhà nước theo quan niệm của Lênin, là bộ máy chuyên chính của giai cấp vô sản, được thiết lập trên nền tảng là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Luận cứ mang tính chất kinh tế nhằm củng cố cho việc nhà nước phải can thiệp và điều hành toàn diện nền kinh tế đó là do nhu cầu xây dựng quan hệ sản xuất tiên tiến dựa trên chế độ sở hữu công về tư liệu sản xuất. 1. Mai Ngọc Cường: Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1996, tr. 121. 2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 33, tr. 120. 21 Thậm chí, có thể khẳng định chức năng phát triển lực lượng sản xuất nhằm sớm xây dựng chủ nghĩa cộng sản là “chức năng quan trọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa, quan trọng hơn cả việc đập tan sự phản kháng của giai cấp tư sản”1. Trên thực tế, các nhà nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô (cũ) và một số nước khác trong giai đoạn đầu, đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh lạnh thường được coi là một hình mẫu của Nhà nước chỉ huy2. - Nhà nước phúc lợi: Một khái niệm mang tính ảnh hưởng lớn về Nhà nước phúc lợi được Asa Briggs trình bày như sau: “Nhà nước phúc lợi là một nhà nước mà ở đó quyền lực được sử dụng nhằm cải biến cuộc chơi của các thế lực thị trường theo một cách phi tự do. Đầu tiên là bằng việc bảo đảm mức thu nhập của cá nhân và gia đình dù không quan tâm đến giá trị thị trường của công việc và tài sản của họ. 1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 429. 2. Chẳng hạn theo một số nghiên cứu như: Lê Thị Thu Mai: Nhà nước kiến tạo phát triển từ lý luận đến thực tiễn, http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/nha-nuoc-kien-tao phat-trien-tu-ly-thuyet-den-thuc-tien-9929.html. Truy cập ngày 24/02/2018. Ngô Huy Đức, Nguyễn Thị Thanh Dung: Nhà nước kiến tạo phát triển - khái niệm và thực tế, Tạp chí Lý luận chính trị, số 11/2016. 22 Thứ hai là bằng cách thu hẹp sự mất an toàn với việc cho phép các cá nhân và gia đình được hưởng những “dự phòng xã hội” nhất định như khi ốm đau, già cả và thất nghiệp. Và thứ ba là bằng cách bảo đảm rằng tất cả công dân bất chấp sự khác biệt về giai cấp và hoàn cảnh được hưởng những dịch vụ xã hội tiêu chuẩn”1. Định nghĩa về Nhà nước phúc lợi phản ánh rõ nét sự can thiệp của nhà nước vào đời sống và nền kinh tế. Nhà nước phúc lợi có xu hướng sử dụng quyền lực và nguồn lực của mình vào việc cải biến những khía cạnh nhất định của xã hội. Đây là điều hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa tự do vốn đề cao sự tự chịu trách nhiệm của cá nhân, đặc biệt trong việc chấp nhận những người “không làm mà vẫn có ăn”. Mặc khác, sự can thiệp của Nhà nước phúc lợi cũng có giới hạn trong phạm vi nhất định. Do vậy, một số tác giả thường tránh đề cập việc nhấn mạnh vào sự can thiệp của nhà nước mà chỉ cố gắng liệt kê những điểm tốt đẹp của nhà nước này. Chẳng hạn ở hai khái niệm sau: “Nhà nước phúc lợi dùng để chỉ Nhà nước với các chính sách được thiết kế để bảo vệ các mối nguy thông thường mà phần lớn xã hội hay gặp phải”, hay “nhà nước phúc lợi là nhà nước tập trung các chức năng của mình vào lĩnh 1. Dẫn theo Jochen Clasen, Nico A. Siegel: Investigating Welfare State Change: The “dependent Variable Problem” in Comparative Analysis, Edward Elgar Publishing, 2007, tr. 25. 23 vực giáo dục, y tế, nhà ở, cứu trợ đói nghèo và bảo hiểm xã hội”1. Về tính hợp lý của Nhà nước phúc lợi, nghiên cứu nổi bật của Robert E. Goodin2 chỉ ra nguy cơ bất công xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương và quyền của họ trong việc được thụ hưởng các giá trị bình đẳng. Còn về mặt kinh tế và phát triển, những lý lẽ tồn tại của nhà nước phúc lợi có thể kể tới như: (1) An sinh xã hội có thể tạo nên một thị trường lao động tích cực. Vì vậy, an sinh xã hội có thể coi là một khoản đầu tư có lợi nhuận; (2) Việc chú trọng đến giáo dục là tiền đề cho phát triển bền vững. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài và hiệu quả; (3) Chăm sóc sức khỏe cho gia đình và trẻ em là cần thiết cho tương lai. Đây cũng là sự bảo đảm cho một thị trường lao động lành mạnh, hiệu quả và nhân bản3. Nói chung, các khái niệm về Nhà nước từ hệ quy chiếu “Mức độ can thiệp của nhà nước” đều hình thành trên nền tảng các lý thuyết tương ứng. Mỗi lý thuyết lại tìm cách cổ vũ và lý giải cho một mức độ khác nhau của sự can thiệp đó. Nếu Nhà nước tối thiểu cho rằng cần 1. Dẫn theo Artur Ursanov, Eline Chivot: Beyond the Welfare State, The Hague Centre for Strategic Studies, tr. 17. 2. Robert E. Goodin: Reasons for Welfare, The Political Theory of the Welfare State, Princeton University Press, 1988. 3. Đinh Công Tuấn: Một số bài học rút ra từ mô hình phát triển Bắc Âu, Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 1/2012. 24 hạn chế tối đa sự can thiệp của nhà nước thì Nhà nước chỉ huy lại cần một nhà nước can thiệp và chi phối xã hội tuyệt đối. Còn nếu Nhà nước phúc lợi cần sự bổ sung và bù đắp về phúc lợi xã hội từ phía Nhà nước thì Nhà nước kiến tạo phát triển lại sử dụng nguồn lực và chính sách cho phát triển kinh tế. Ở góc độ kinh tế học, việc nghiên cứu mức độ can thiệp của nhà nước luôn gắn với hiệu năng của nền kinh tế hay cụ thể hơn là mối quan hệ giữa hai đại lượng này khi chúng thay đổi. Sơ đồ sau1 cho thấy sự biến thiên trong mối quan hệ đó: Sơ đồ 1. Mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế 1. Đinh Tuấn Minh: Nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối: tại sao không?, Kỷ yếu hội thảo: Những khía cạnh triết học trong nền tảng kinh tế thị trường tại Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 95. 25 Trong hình này, trước hết cần chú ý vào hai đường biểu thị cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng tự do chính thống là hai tư tưởng nền tảng cho Nhà nước chỉ huy và Nhà nước tối thiểu; còn tư tưởng tự do phi chính phủ ủng hộ cho tình trạng không nhà nước ở đây không bàn tới. Mô hình Nhà nước hỗn hợp tối ưu chính là một biểu hiện của Nhà nước kiến tạo phát triển. Cụ thể, khi xem xét hai đường này với tư cách hai hàm số biểu thị cho mối quan hệ giữa hai đại lượng “Mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế” và “Hiệu năng của nền kinh tế”, cần khảo sát tính đơn điệu của chúng trên những khoảng nhất định. Với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, dễ thấy đây là một đường đồng biến. Theo đó, khi mức độ can thiệp của nhà nước càng tăng thì hiệu năng của nền kinh tế cũng tăng theo, và khi đạt tới mức cao nhất thì có thể gọi đó là trạng thái Nhà nước chỉ huy. Đường biểu thị tư tưởng tự do chính thống lại phức tạp hơn. Trong đoạn đầu tiên, từ trạng thái vô chính phủ, hiệu năng của nền kinh tế tăng dần đến mức tối ưu khi nhà nước ở trạng thái Nhà nước tối thiểu, với mức độ can thiệp tương đối thấp. Sau đó hàm số trở nên nghịch biến, tức là hiệu năng của nền kinh tế sẽ giảm dần khi nhà nước gia tăng mức độ can thiệp. Riêng đối với đường miêu tả tư tưởng kinh tế học dòng chính, hay tương ứng với nó là Nhà nước kiến tạo phát triển, về tính đơn điệu và 26 hình thức, nó giống với Nhà nước tối thiểu nhưng có xu hướng tịnh tiến về bên phải. Tức là nó cho rằng sự can thiệp của nhà nước phải ở mức tương đối lớn hơn so với Nhà nước tối thiểu nhưng cũng không thể quá lớn như Nhà nước chỉ huy, nếu không sẽ phản tác dụng. Tổng kết lại, mức độ can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế chính là một hệ quy chiếu giúp chúng ta tạo ra khá nhiều khái niệm thú vị về nhà nước. Chẳng hạn, Nhà nước tối thiểu luôn có gắng duy trì mức can thiệp thấp nhất còn đối với Nhà nước chỉ huy thì lại ngược lại hoàn toàn. Đối với trường hợp Nhà nước phúc lợi và Nhà nước kiến tạo phát triển, để so sánh mức độ can thiệp của nhà nước cần phải xem xét sâu sắc hơn về những khía cạnh can thiệp cụ thể của chúng. Esping Anderson1 cho rằng, Nhà nước phúc lợi tồn tại chủ yếu ở những nước có nền tảng kinh tế đã phát triển, dân trí cao và chính sách phúc lợi tương đối ổn định. Ngược lại, các nhà nước kiến tạo phát triển đa phần gắn với giai đoạn 1. Dẫn theo Edward Webster, Khayaat Fakier: From welfare state to development state: an introduction to the debates on the labour market and social security in South Africa, ICDD Research Cluster 4.2. Work, Livelihood and Economic Security in the 21 century 1st Workshop - Kassel - April 2010. https://www.uni-kassel. de/einrichtungen/fileadmin/datas/einrichtungen/icdd/Research/ Webster/1stWorkshop_Kassel_Fakier_and_Webster.pdf. Truy cập ngày 27/02/2018. 27 công nghiệp hóa, đòi hỏi nhà nước thường xuyên thay đổi, cập nhật về chính sách sao cho phù hợp với sự chuyển biến của thị trường. Mặt khác, các chính sách lớn của Nhà nước phúc lợi vốn không tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến tổng sản lượng của nền kinh tế như các chính sách công nghiệp, xuất - nhập khẩu, tiền tệ mà Nhà nước kiến tạo phát triển chú trọng. Vì vậy, có thể khẳng định mức độ can thiệp của Nhà nước kiến tạo phát triển là cao hơn so với Nhà nước phúc lợi. Tóm lại, nếu so sánh dựa trên mức độ can thiệp thì Nhà nước tối thiểu là ít nhất, sau đó là Nhà nước phúc lợi, lớn hơn là Nhà nước kiến tạo phát triển và cuối cùng cao nhất là Nhà nước chỉ huy. Điều này thể hiện ở sơ đồ sau: Sơ đồ 2. Khái niệm về nhà nước nhìn từ mức độ can thiệp 28 Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu các lý thuyết về Nhà nước từ góc độ kinh tế nói chung và Nhà nước kiến tạo phát triển nói riêng có nhiều ý nghĩa. Đặc biệt sau những năm vận hành nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước khởi đầu của quá trình đổi mới với việc nhận diện “tình trạng tập trung quan liêu còn nặng”1 và phải “thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới nhằm khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế để phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân”2. Từ đó đến nay, vấn đề cải cách thể chế kinh tế và tương ứng với nó là một thể chế chính trị tương xứng vẫn còn rất thời sự. Đây không phải là việc riêng của Việt Nam mà nhìn chung, như Francis Fukuyama3 đã chỉ ra, quy mô của nhà nước như thế nào vẫn là một cuộc tranh cãi dai dẳng, trong khi đó quy mô của nhà nước ở các nước đang phát triển thường là quá lớn. Thực tế cho thấy, yếu tố quy mô của nhà 1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc thời kỳ đổi mới (Khóa VI, VII, VIII, IX, X), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 21. 3. Dẫn theo Huỳnh Thế Du: Luận giải về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Cambridge, 2013, http:// viet-studies.info/kinhte/201329_HuynhTheDu.pdf. Truy cập ngày 27/02/2018. 29 nước cũng luôn phải xem xét cùng với yếu tố hiệu quả can thiệp của nhà nước. Dù ở quy mô lớn hay nhỏ, quan trọng nhất, dù Nhà nước can thiệp như thế nào thì cũng phải phù hợp với yêu cầu và quy luật của thị trường1. Nhìn chung, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn là một hướng đi và mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới, với những khuyến nghị cụ thể như: bảo đảm các quyền tài sản, bảo đảm cạnh tranh và quan trọng là chuyển đổi nhà nước từ vị thế một “nhà sản xuất” sang một chủ thể điều tiết là hỗ trợ2. Điều này là rất gần với một tư duy về Nhà nước kiến tạo phát triển đã được trình bày ở trên. II. NỀN TẢNG VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN Về lý luận cũng như thực tiễn, một số yếu tố được coi 1. Nguyễn Hồng Sơn, Phạm Thị Hồng Điệp, Nguyễn Anh Thu, Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Nhận thức và những vấn đề đặt ra, Tạp chí Cộng sản, 14/4/2017. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory. aspx?distribution=44415&print=true. Truy cập ngày 27/02/2018. 2. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam: Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ - Báo cáo tổng quan, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 116-118. 30 là nền tảng cho sự tồn tại và thành công của Nhà nước kiến tạo có thể kể tới như: - Trước tiên là những yếu tố nội tại của các nước Đông Á. Một trong những điều cần quan tâm đó chính là nhu cầu phát triển kinh tế của các quốc gia ở khu vực này. Dĩ nhiên là tất cả các nền kinh tế đều có nhu cầu phát triển nhưng một điều cần phân biệt đó là động lực phát triển của các nước Đông Á là rất to lớn, và trong đó yếu tố dân tộc chủ nghĩa là một tác nhân thúc đẩy cho động lực này càng trở nên mạnh mẽ hơn. Thật vậy, về mặt bối cảnh, Nhật Bản là một nước thua trận sau chiến tranh và chịu sức ép của việc phải tái thiết đất nước cũng như đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia có vị thế về kinh tế. Theo Michael Schuman, động lực đem lại những thành quả kinh tế thần kỳ của Nhật Bản chính là do chủ nghĩa dân tộc và tâm lý thua trận này1. Là một nhân chứng của thời kỳ này, nhà văn Nhật Bản Murakami thuật lại những năm 1960 là một thời kỳ “nghèo nhưng giàu lý tưởng”, khi mà tất cả mọi người “đều chăm chỉ làm việc và tin tưởng ngày mai trời sẽ rạng”2. Đối với 1. Theo https://iapss.org/2015/07/18/the-japanese developmental-state-a-review-of-the-miracle/ 2. Sinda Gregory, Toshifumi Miyawaki: Haruki Murakami: Tôi tự tạo ra quy tắc cho mình, bài phỏng vấn trên tờ The Review of Contemporary Fiction, Vol. XXII, No. 2, 2003. 31 Hàn Quốc, xuất phát điểm của quốc gia này vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX được xác định là ngang với Cônggô - một nước rất nghèo ở châu Phi, và thậm chí ở thời điểm đó, nhiều người cho rằng Hàn Quốc sẽ không bao giờ sánh được với Philíppin1. Căng thẳng liên Triều khiến chính quyền quân sự Hàn Quốc phải nỗ lực hết sức để chạy đua về mặt kinh tế và đồng thời là về mặt vũ trang để có đủ khả năng chống lại sự uy hiếp của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Vì thế, quá trình công nghiệp hóa ở đất nước này được coi trọng hàng đầu và thực tế đã đem lại một sự phát triển ngoạn mục. Nói tóm lại, yếu tố đầu tiên phải quan tâm đó là một động lực phát triển kinh tế cao độ cùng với chủ nghĩa dân tộc tạo nên một xã hội vận hành một cách thống nhất vì mục tiêu phát triển. Trong một bối cảnh mà tất cả xã hội đều chung nhau một lý tưởng phát triển kinh tế như vậy thì những gì được coi là cản trở cho điều này cũng có thể bị gạt bỏ dù chúng là những giá trị cốt lõi và tốt đẹp. Điển hình là vấn đề quyền con người. John Minns chỉ ra rằng quá trình công nghiệp hóa ở Hàn Quốc có một mặt xấu và bi kịch của nó, chính là sự bóc lột thậm tệ tầng lớp 1. Bộ môn Luật Hiến pháp và Luật hành chính, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội: Mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển qua nghiên cứu của các học giả nước ngoài, tài liệu tham khảo, 2017, tr. 193. 32 lao động1. Sự bóc lột này thể hiện một phần ở chỗ, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động cũng như những phong trào cổ vũ cho điều đó bị kìm kẹp với rất nhiều vụ bắt bớ (lên tới 30.000 người và trong đó có 11.000 công đoàn viên) cũng như ám sát (hơn 1.000 người)2. Còn giáo sư Choe Hyondok thì lý giải rằng, những người chống lại chính sách của nhà nước và đòi hỏi dân chủ đều bị quy kết là “cộng sản” và tước các quyền tồn tại trong xã hội3. Tóm lại, việc đưa yếu tố phát triển kinh tế lên hàng đầu có thể mở đường cho Nhà nước kiến tạo phát triển tồn tại và vận hành với mức độ chuyên chế cao, kéo theo đó là việc lơ là hay thậm chí cản trở nền dân chủ cũng như quyền con người khi những giá trị đó bị gạt đi để tập trung vào phát triển kinh tế. Phải nói rằng, việc thiếu dân chủ và tôn trọng quyền con người là một cái giá phải trả của sự phát triển kinh tế theo xu hướng của Nhà nước kiến tạo phát triển. Ziya Onis - Giáo sư kinh tế 1. John Minns: Of miracles and models: the rise and decline of the developmental state in South Korea, Third World Quartely, Vol. 22, No. 6, 2001. 2. Bruce Cumings: Origins of the Korean War, Vol. 1: Liberation and the Emergence of Separate Regimes, 1945-1947 (Studies of the East Asian Institute), Princeton Unviversity Publishing house, 1981, tr. 379. 3. Choe Hyondok, Xã hội dân sự và kinh tế thị trường ở Hàn Quốc. Nguyên lý “công tính” trong bối cảnh chủ nghĩa tự do mới, tạp chí Triết học, số 4/2009. 33 chính trị Đại học Manchester lý giải rằng từ bản chất, Nhà nước kiến tạo dẫn tới những sự quan tâm hơn bình thường tới các nhóm kinh tế cá biệt thuộc cả công lẫn tư, điều mà khó có thể chấp nhận với một nền tự do và dân chủ theo đa số1. Trong nền kinh tế thị trường, có lúc phải chấp nhận sự thật rằng động lực và tác nhân chính đưa nó phát triển chỉ từ một nhóm nhỏ. Đôi khi sự đòi hỏi quyền dân chủ của quần chúng nhân dân chính là một trở lực ngăn cản đất nước phát triển. Vì vậy, nhà nước, trong một số trường hợp, cần phải chấp nhận hy sinh quyền lợi của một bộ phận xã hội nhất định. - Về các yếu tố bên ngoài hay là bối cảnh cho sự tồn tại của Nhà nước kiến tạo phát triển, chúng ta cũng cần phải chú ý tới những vấn đề sau. Đầu tiên là bối cảnh chính trị thời kỳ Chiến tranh lạnh, với xu hướng phân chia thế giới thành hai cực bao gồm chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Á đều nằm trong khối tư bản chủ nghĩa và được hưởng lợi rất nhiều từ điều này. Đối với Hàn Quốc, bên cạnh viện trợ từ Mỹ, đất nước này cũng được hưởng lợi từ chiến tranh Việt Nam khi thị trường sản xuất công nghiệp ngày càng mở rộng. Việc đưa quân vào chiến trường Việt Nam đã giúp tăng nguồn ngoại tệ cho đất 1. Ziya Onis: The Logic of the Developmental State, Comparative Politics, Vol. 24, No. 1 (Oct., 1991), tr. 119. 34 nước này1. John Minns cũng chỉ ra rằng việc Hàn Quốc là một đồng minh quan trọng của Mỹ có một giá trị cực kỳ to lớn khi Chính phủ Hàn Quốc đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay nước ngoài (chủ yếu là từ Mỹ và các nước thuộc khối tư bản) để các tập đoàn lớn có đủ vốn đầu tư2. Tương tự như vậy, ở Nhật Bản, một mặt Kế hoạch Marshall giúp tái thiết phần nào đất nước này thời hậu chiến, mặt khác, quốc gia này được quyền tiếp cận các thị trường quan trọng ở châu Âu và Bắc Mỹ trong khi không phải mở cửa thị trường của mình và duy trì kiểm soát hệ thống tài chính trong nước3. Sự ưu đãi này khiến Nhật Bản có thể tập trung đầu tư vào xuất khẩu mà không cần lo lắng vào việc phải đối phó với dòng chảy nhập khẩu ngược lại về phía mình. Một yếu tố khác góp phần tạo nền tảng cho sự tồn tại của Nhà nước kiến tạo phát triển là sự tồn tại của chủ nghĩa bảo hộ. Trào lưu tự do hóa kinh tế thời kỳ này vẫn chưa thực sự nở rộ và ngược lại, các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Á vẫn tận dụng tốt chính sách bảo hộ để phần nào giúp 1. Hoàng Văn Hiển, Lê Nam Trung Hiếu: Tác động của chiến tranh Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế Hàn Quốc (1965 - 1971), Tạp chí Khoa học và công nghệ, Đại học Khoa học Huế, tập 3, số 2/2005. 2. John Minns, tlđd. 3. Mark Beeson: Developmental States in East Asia: A comparison of the Japanese and Chinese Experiences, Asian perspective 33(2):5-39, January 2009. 35 nền kinh tế còn yếu ớt của mình chống lại sức ép từ bên ngoài. William Mass và Hideaki Miyajima chỉ ra rằng, để đạt được bước phát triển ngoạn mục về kinh tế, Nhật Bản đã tập trung vào bảo hộ và bao cấp chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp nặng và hóa chất1. Các chính sách bảo hộ thể hiện ở những khoản trợ cấp, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, điều phối và bảo vệ các đầu tư công nghệ. Tóm lại, việc chủ nghĩa bảo hộ được chấp nhận chính là một yếu tố giúp các nhà nước kiến tạo phát triển thực hiện và duy trì chính sách của mình. Tất nhiên là, bên cạnh đó thì yếu tố người thực thi các chính sách cũng vô cùng quan trọng. Tóm lại, các yếu tố được coi là nền tảng cho sự tồn tại của Nhà nước kiến tạo phát triển bao gồm: (1) Động lực phát triển kinh tế kết hợp với chủ nghĩa dân tộc; (2) Trật tự thế giới lưỡng cực và những lợi ích từ khối tư bản; và (3) Chủ nghĩa bảo hộ được chấp nhận. Cả ba yếu tố trên đều tạo nên nền tảng cho một nhà nước có vai trò to lớn trong việc dẫn dắt nền kinh tế. Nó cũng góp phần tạo ra những đặc trưng của Nhà nước kiến tạo phát triển. Nói đến đặc trưng của Nhà nước kiến tạo phát triển, có thể 1. William Mass, Hideaki Miyajima: The organization of the developmental state: fostering private capbilities and the roots of the Japanese miracle, Business and Economic History, Vol. 22, No. 1, (Fall 1993). 36 thấy các học giả khá đồng tình với việc xác định những yếu tố đặc thù của mô hình này. Bảng sau chỉ ra những điểm chung trong quan niệm của Chalmers Johnson1, Adrian Leftwich2 và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP)3 xung quanh vấn đề này. Bảng 2. Một số quan niệm về đặc trưng của Nhà nước kiến tạo phát triển Chalmers Johnson Adrian Leftwith UNDP Có các quy tắc quản trị ổn định và vững chắc do giới tinh hoa chính trị - quan liêu lập nên. Có một tầng lớp quan liêu tinh hoa gần gũi với Nhà nước. Các chính sách phát triển chịu ảnh hưởng của giới này. Giới lãnh đạo mạnh mẽ, có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng và có cam kết lớn. 1. Chalmers Johnson: Political Institutions and Economic Performance: The Government-Business Relationship in Japan, South Korea, and Taiwan, in Asian economic development: Present and future, Cornel University Press, 1985, tr. 73-89. 2. Adrian Leftwich: Bringing politics back in: Towards a model of the developmental state, The Journal of Development Studies, Volume 31, 1995 - Issue 3. 3. UNDP: Democratization in a Developmental state: The case of Ethiopia - Issues, Challenges and Prospects, 2012, tr. 7. http://www.et.undp.org/content/dam/ethiopia/docs/ Democratization%20in%20a%20Developmental%20State.pdf. Truy cập ngày 26/02/2018. 37 Nhà nước có vị thế tương đối tự chủ trước các sức ép chính trị từ xã hội mà có thể gây trở ngại đến các chính sách kinh tế. Nhà nước có tính độc lập tương đối trước áp lực của các giai cấp, tầng lớp, nhóm xã hội và đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của các nhóm này. Bộ máy quan liêu không bị chính trị hóa, được tách biệt và không bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử và các áp lực kinh doanh. Có một chính phủ mạnh, thậm chí chuyên chế. Chính quyền mạnh và kiểm soát chặt xã hội ở thời kỳ đầu. Bộ máy quan liêu mạnh. Nhà nước đầu tư mạnh vào giáo dục, y tế và thực hiện các chính sách công bằng xã hội. Các quyền dân sự bị hạn chế nhưng được người dân ủng hộ nhờ phân phối tương đối công bằng những lợi ích từ sự phát triển. Tập trung vào nâng cao năng lực con người bằng cách đầu tư vào các chính sách xã hội để thúc đẩy giáo dục, sức khỏe, nhà ở. Nói chung, chúng ta cần chú ý đến một số vấn đề như: - Nhà nước kiến tạo phát triển đạt được mục tiêu của mình dựa trên việc thiết lập một nhà nước mạnh, có sức can thiệp lớn do đội ngũ tinh hoa lãnh đạo. - Các kế hoạch và hoạt động điều phối kinh tế được thực hiện trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước và khối tư nhân với đa số là giới doanh nhân. 38 - Bộ máy nhà nước có tính chuyên chế tương đối cao với sự kiểm soát xã hội mạnh nhưng lại duy trì sự ủng hộ bằng cách đầu tư nhất định những thành quả phát triển vào các chính sách an sinh xã hội. Những điều trên phần nào ảnh hưởng tới nội dung lớn mà chúng ta đang xem xét, tức là mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị và các tổ chức xã hội. Điều đó thể hiện ở những điều sau: Thứ nhất, đội ngũ lãnh đạo Nhà nước kiến tạo phát triển phải đạt đến một trình độ tinh hoa nhất định, và để có thể duy trì được sự lãnh đạo của mình, họ cũng cần có những sách lược linh hoạt, được tổ chức một cách đoàn kết, có một phương thức lãnh đạo hiệu quả. Điều này thể hiện trong mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng chính trị. Thời kỳ cầm quyền dài của một đảng chính trị cũng là một biểu hiện cho thấy các nhà nước kiến tạo phát triển có liên hệ chặt chẽ với đảng cầm quyền. Việc duy trì một hệ thống chính sách ổn định và thống nhất là nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế bởi trong bối cảnh một nền kinh tế non yếu và kiệt quệ, những biến động về chính trị có thể tác động lớn tới các thành tố của nền kinh tế đó. Thứ hai, với một bộ máy chuyên chế như vậy, nhà nước có thể gây dựng một đội ngũ kỹ trị để tách quản lý ra khỏi chính trị. Vai trò của giới tri thức tinh hoa là 39 rất lớn bởi họ phải tự tìm một con đường riêng cho sự phát triển đất nước1. Nhờ vậy nhà nước không những kiểm soát chặt mà còn tác động sâu vào kinh tế, thậm chí đến từng doanh nghiệp. Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Nhật Bản (MITI) thậm chí đã gây sức ép khiến hãng General Motor của Mỹ phải thỏa thuận lại với hãng Isuzu theo hướng cho phép Isuzu tự chủ hơn khi hợp tác2. - Thứ ba, mức độ chuyên chế của nhà nước kết hợp với việc nhà nước đó có mối liên hệ chặt chẽ với một thiểu số giàu có dễ khiến nhà nước trở nên mất dân chủ. Một trong những biểu hiện của điều đó là đời sống hội đoàn, với trọng tâm là các tổ chức xã hội tự nguyện do người dân lập nên bị đè nén. Với những tổ chức mang tính “vô thưởng vô phạt”, không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của nhà nước hay giới cầm quyền, điều mà họ nhận được là sự thờ ơ từ phía chính quyền, hay thậm chí là bị từ chối bởi vì sự tồn tại của họ làm phân tán sự quan tâm của nhà nước. Còn với những tổ chức cạnh tranh với quyền lợi của nhà nước, hay thậm chí đi ngược lại với quyền lợi đó 1. Viện Phát triển quốc tế Harvard: Việt Nam cải cách kinh tế theo hướng rồng bay, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 78. 2. Nasir Tyabji: Japanese Miracle: Review Article of Chalmers Johnson MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy, 1925-75, Social Scientist, Vol. 12, No. 4 (Apr., 1984), tr. 85. 40 (như các công đoàn chẳng hạn) thì nhà nước sẵn sàng đàn áp và tiêu diệt chúng. Tóm lại, trong những bối cảnh kinh tế, chính trị, văn hóa nhất định, Nhà nước kiến tạo phát triển đã tồn tại với tư cách vừa là một xu hướng khách quan của thời đại, vừa là một sản phẩm chủ quan do những nước Đông Á tạo ra. Nếu không có chủ nghĩa dân tộc kết hợp với bảo hộ đặt trong một trật tự thế giới lưỡng cực, chắc hẳn Nhà nước kiến tạo phát triển đã không thể tồn tại. Nếu thiếu những đặc trưng này, có thể khẳng định rằng Nhà nước kiến tạo phát triển cũng không thể tồn tại và mang lại nhiều thành quả đến vậy. III. VAI TRÒ VÀ QUY LUẬT TỒN TẠI CỦA NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN Nhìn từ góc độ kinh tế học thể chế mới (new institutional economics), nhà nước được coi là một hệ thống song hành và bổ trợ lẫn nhau cùng với thị trường và xã hội. Ở đó, vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển là tạo dựng các thể chế bổ trợ cho các khiếm khuyết của thị trường và xã hội chứ không phải thay thế và kiểm soát chúng1. Bên cạnh đó, Nhà nước kiến tạo phát triển biểu hiện sự thích ứng cao của nhà nước đối với nhu cầu 1. Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh: Từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2017, tr. 17. 41 phát triển của nền kinh tế, điều mà có sự thay đổi rất nhanh chóng. Do đó, thích nghi với bối cảnh và tăng cường năng lực thể chế là hai yêu cầu rất quan trọng đặt ra cho Nhà nước kiến tạo phát triển. Kinh tế học thể chế với cách tiếp cận năng lực (capability approach) của Armatia Sen1 nhấn mạnh vào tính hiệu quả của nhà nước trong phát triển. Để làm rõ vấn đề này, một nghiên cứu đã chỉ ra, vào những năm 60 của thế kỷ XX, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nước Đông Á và các nước Nam Xahara châu Phi chỉ ở dưới mức 1.000 tỷ đôla Mỹ nhưng đến năm 1992, sự chênh lệch này đã lên mức hơn 3.000 tỷ đôla Mỹ. Trong đó, mức chênh được tạo ra do các chính sách rơi vào khoảng 800 tỷ đôla Mỹ và do năng lực của nhà nước vào khoảng 500 tỷ đôla Mỹ 2. Rõ ràng rằng, vấn đề năng lực quản trị của nhà nước có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn và đây luôn là một đại lượng được quan tâm khi đánh giá sự phát triển của một nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước kiến tạo phát triển tồn tại dựa trên những nền tảng nhất định, bao gồm cả những 1. Nguyễn Thị Lê: Phát triển con người trên thế giới: khái niệm và đo lường, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 1/2014. 2. Ngân hàng Thế giới: Báo cáo về tình hình phát triển thế giới 1997 - Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 48. 42 yếu tố nội tại cũng như ngoại tác. Chúng là cơ sở tạo nên những thành công cũng như đặc trưng của hình mẫu này ở các nước Đông Á. Nhưng cần phải thấy rằng, những yếu tố trên cũng không bất biến mà trái lại chúng luôn thay đổi theo một chiều hướng rõ rệt. Điều này làm cho các nhà nước theo hình mẫu này cũng phải có những chuyển đổi tương ứng. Qua việc khảo sát những thay đổi này, chúng ta có thể rút ra những vấn đề mang tính quy luật trong sự vận động của Nhà nước kiến tạo phát triển. - Thứ nhất, một xu hướng không thể tránh khỏi đó là trào lưu dân chủ hóa. Động lực quan trọng nhất của quá trình dân chủ hóa chính là sự phát triển của nền kinh tế và có thể lý giải với 5 luận điểm1: (1) Kinh tế phát triển sẽ làm hình thành tầng lớp trung lưu với vai trò là chỗ dựa cho dân chủ; (2) Kinh tế phát triển sẽ thay đổi tư duy của xã hội theo hướng tôn trọng tự do cá nhân và quyền tự quyết; (3) Kinh tế phát triển giúp nâng cao dân trí và ý thức của người dân về quyền làm chủ; (4) Kinh tế phát triển làm giàu khu vực tư và hoạt động độc lập với Nhà nước; và (5) Kinh tế phát triển thúc đẩy mở cửa và hội nhập với nền dân chủ thế giới. Trong khi đó, Nhà nước kiến tạo phát triển là một hình mẫu hướng 1. Lê Thị Thu Mai: Dân chủ hóa ở Hàn Quốc, Nhật Bản và những giá trị tham khảo đối với Việt Nam, Luận án tiến sĩ Chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2016. 43 tới sự phát triển kinh tế dựa trên một bộ máy quản lý có phần chuyên chế. Như vậy, ở đây có một mâu thuẫn nội tại xảy ra khi mà hệ quả của một Nhà nước như vậy lại đóng vai trò như một tác nhân làm triệt thoái đi một đặc trưng cơ bản của nó là tính chuyên chế cao. Trên thực tiễn, có thể thấy những mầm mống dân chủ hóa đã bắt đầu nảy sinh trong các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Á ngay trong giai đoạn phát triển hoàng kim của nó. Ở Nhật Bản, những năm cuối thập niên 60 và đầu 70 của thế kỷ XX đã chứng kiến sự bùng nổ của những phong trào phản kháng của sinh viên vốn chịu ảnh hưởng nhiều từ phong trào dân quyền ở Mỹ và hình mẫu nhà cách mạng Che Guevara1. Còn ở Hàn Quốc, phong trào dân chủ cũng nhen nhóm và gặp phải sự đàn áp từ phía chính quyền quân sự với đỉnh điểm là năm 1980 khi đụng độ giữa quân đội với dân thường đã khiến hàng trăm người chết2. Nói chung, nhu cầu dân chủ hóa tăng cao từ xã hội đã phần nào khiến nhà nước phải chuyển biến và thích nghi theo hướng tôn trọng hơn các quyền con người, đặc biệt là các quyền chính trị như tự 1. http://chimviet.free.fr/vannhat/nguyennamtran/ GiaoTrinhLSNhatBan/NNT_GTLichSuNB_4_ch07.htm 2. Nguyễn Trung Hiếu: Mô hình “chính phủ kiến tạo” của Hàn Quốc và bài học cho Việt Nam, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng thuộc VEPR. https://broadeneconomics.org/2018/07/02/mo hinh-chinh-phu-kien-tao-cua-han-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam nguyen-trung-hieu/ 44 do lập hội1. Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì tiến trình dân chủ hóa còn được thúc đẩy bởi một động lực khác đó là nhu cầu minh bạch hóa nhằm chống tham nhũng. Tom Ginsburg nhận định các nhà nước Đông Á thời kỳ này “mang tính xơ cứng, tham nhũng và kém minh bạch”2. Quay trở lại một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước kiến tạo phát triển, đó là sự liên kết chặt chẽ giữa giới tinh hoa chính trị và giới tư nhân. Đây có thể coi là mầm mống cho tham nhũng có thể nảy sinh. Thực tế mối liên kết này có tác dụng ở chỗ, nó khiến cho chính sách kinh tế của nhà nước có thể phát huy hết sức trong việc thúc đẩy một vài đơn vị kinh tế tư nhân hàng đầu phát triển nhưng nguy cơ tham nhũng cũng sinh ra từ đây. Ở Nhật Bản, thập niên 70 của thế kỷ XX chứng kiến sự phơi bày của tham nhũng với những sự kiện như Thủ tướng Tanaka Kakuei phải từ chức vì nhận tiền bất hợp pháp. Tệ nạn tham nhũng tràn lan đến độ người ta gọi nó dưới tên “kim quyền chính trị” (kinken seiji)3. Bộ máy 1. Xem thêm Đậu Công Hiệp: Bàn về mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển và xã hội dân sự, Tạp chí Pháp luật và phát triển, số 4/2018. 2. Tom Ginsburg: Dismalting the “developmental state”? Administrative procedure reform in Japan and Korea, American journal of comparative law, Vol. 49, No. 4, 2001. 3. http://chimviet.free.fr/vannhat/nguyennamtran/ GiaoTrinhLSNhatBan/NNT_GTLichSuNB_4_ch07.htm 45 nhà nước ở Nhật Bản cũng như ở Hàn Quốc cũng có những mối liên hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế lớn với tên gọi keiretsu ở Nhật Bản và chaebol ở Hàn Quốc1. Nguy cơ tham nhũng xuất phát từ các tập đoàn này rất lớn và thực tế đã có nhiều vụ việc được điều tra, xử lý. Vấn đề chống tham nhũng, tăng cường quản trị và dân chủ hóa có liên hệ chặt chẽ với nhau, ở đó, hiện tượng tham nhũng tràn lan chính là động lực để xu hướng đòi hỏi dân chủ hóa, minh bạch hóa diễn ra. Và khi đó, nhà nước sẽ không thể tiếp tục duy trì một mức độ chuyên chế cao như trước nữa bởi áp lực từ xã hội là rất lớn. Thứ hai, sự suy thóai của các nhà nước kiến tạo phát triển trong bối cảnh kinh tế, chính trị mới. Như đã trình bày, có rất nhiều yếu tố mang tính chất chính trị tác động đến sự thành công của các nhà nước Đông Á. Tuy nhiên, những yếu tố này đang dần có sự thay đổi. Shigehisa Kabahara chỉ ra rằng, sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, chính sách của Mỹ bắt đầu có sự thay đổi theo hướng “gia tăng chỉ trích, thực thi áp lực” đối với đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc2. Điều này có nghĩa 1. Vũ Hoàng Nam: Kinh nghiệm phát triển tập đoàn kinh tế ở một số nước trong khu vực, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, 11/2013. 2. Shigehisa Kasahara: The Asian developmental state and the flying geese paradigm, United Nation conference on trade and development, November 2013. 46 là các chính sách đối ngoại của Mỹ đã không còn khoan dung mà dần định hướng mối quan hệ kinh tế giữa các nước theo hướng tự do hóa. Bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa về kinh tế khiến chủ nghĩa bảo hộ bị suy yếu. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và sau này là khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 khiến một lần nữa người ta phải nhìn nhận lại vai trò của nhà nước. Ở Hàn Quốc, chính từ việc nhà nước cho phép các chaebol vay nợ quá nhiều mà khi khủng hoảng tài chính năm 1997 xảy ra, rất nhiều khoản nợ trong số đó đã trở thành thảm họa. Việc Quỹ tiền tệ quốc tế vào cuộc giải cứu cho kinh tế Hàn Quốc đi kèm với một điều kiện: Hàn Quốc phải mở cửa hoàn toàn thị trường cho hàng hóa và nhà đầu tư nước ngoài, mô hình bảo hộ sụp đổ hoàn toàn1. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu hóa, theo đó là hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết với nhiều điều kiện khác nhau cũng phần nào thay đổi các điều kiện cơ bản cho sự can thiệp sâu của nhà nước. Xu hướng toàn cầu hóa làm cho vai trò của nhà nước trở nên kém quan trọng và thay vào đó là vai trò của các đại công ty xuyên quốc gia2. Cụ thể, việc nhà nước tận dụng những quy 1. John Minns, Tlđd. 2. Trịnh Quốc Toản, Vũ Công Giao: Nhà nước kiến tạo phát triển - Lý luận, thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr. 64. 47 định mang tính bảo hộ để đem lại ưu thế cho các công ty, doanh nghiệp trong nước là điều không thể chấp nhận được trong bối cảnh một sân chơi tự do kinh tế toàn cầu. Thứ ba, sự biến đổi hướng đến những hình mẫu an toàn với phúc lợi xã hội ngày càng cao hơn. Trước những sự biến đổi của ngoại cảnh, các nhà nước vốn áp dụng hình mẫu kiến tạo phát triển nay đã có những sự thay đổi và thích nghi nhất định. Các quốc gia cụ thể lại lựa chọn một hướng đi và xu thế khác nhau. Chẳng hạn, hiện nay Hàn Quốc đã chuyển dần theo hướng “nhà nước điều tiết”1. Trong đó, một “nhà nước điều tiết” (Regulatory state), theo David Levi-Faur là một nhà nước quản trị cấp tiến, ở đó nhà nước sử dụng hệ thống quy tắc để duy trì và thực thi chính sách ở tầm vĩ mô mà ít có sự can thiệp trực tiếp2. Tuy nhiên, một điểm chung của các nhà nước Đông Á khi chuyển mình đó là đều theo hướng gia tăng phúc lợi xã hội. Có thể thấy, đây cũng là một vấn đề mang tính quy luật bởi sự phát triển kinh tế luôn kéo theo nhu cầu phân chia một phần thành quả này cho 1. Ngô Huy Đức, Trương Thị Thanh Dung: Nhà nước kiến tạo phát triển - khái niệm và thực tế, Tạp chí Lý luận chính trị, tháng 06/2017. 2. Davi Levi-Faur: States making & market building for the global South: The developmental state vs. The regulatory state, Jerusalem Papers in Regulation and Governance, Working paper No. 44, July 2012. 48 an sinh xã hội. Điều đó có thể tóm tắt như một phương châm: “tăng trưởng trước, phân phối sau”1. Việc gia tăng phúc lợi đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt nó thể hiện vai trò của nhà nước đối với xã hội. Dựa trên quy luật này, chúng ta thấy rằng, mặc dù Nhà nước kiến tạo là một hình mẫu tốt đẹp nhưng vẫn cần tham khảo những điểm mấu chốt của các lý thuyết khác về Nhà nước đã được trình bày ở phần đầu tiên. Chẳng hạn, đối với lý thuyết Nhà nước tối thiểu, lý tưởng bảo đảm quyền tự do của công dân gắn với sự hạn chế can thiệp của nhà nước là rất quan trọng. Vì vậy, dù xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển nhưng không nên duy trì sự can thiệp của nhà nước với cùng một mức độ trong mọi hoàn cảnh mà cần điều tiết theo hướng: khi thị trường tự điều chỉnh được thì nhà nước tối giản hóa sự can thiệp, khi thị trường mất cân bằng thì nhà nước can thiệp theo hướng thận trọng2. Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng Việt Nam vừa chuyển đổi theo hướng thoát ra khỏi hình bóng của một Nhà nước chỉ huy. Điều này cũng có lợi cho việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, bởi di sản của nó là một hệ thống chính trị nhất nguyên, 1. Phạm Thị Hồng Điệp: Mô hình nhà nước phúc lợi kiểu Đông Á và những gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế và kinh doanh, số 4/2014. 2. Trịnh Quốc Toản, Vũ Công Giao, Sđd, tr. 422. 49 tập trung, nhất quán và có tính bền vững cao1. Thực tế, đội ngũ chính trị tinh hoa, có uy tín và thời gian lãnh đạo dài của Nhà nước chỉ huy có thể trở thành trụ cột cho việc hình thành chủ nghĩa phát triển. Điển hình như ở Trung Quốc, theo phân tích của tác giả Trần Văn Thọ, giới lãnh đạo từ Đặng Tiểu Bình với phương châm: “Thực tiễn là thước đo chân lý” thể hiện qua câu nói nổi tiếng: “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột” đã khước từ những lý luận giáo điều để khởi đầu cho cải cách phát triển2. Đây là một quan điểm có giá trị tham khảo. Thứ tư, lý thuyết Nhà nước phúc lợi cũng để lại cho chúng ta những bài học đáng quý. Có thể khẳng định, phát triển và phúc lợi phải song hành với nhau. Đó là biểu hiện của việc công bằng hóa trong phân bổ thành quả phát triển, tránh sự tích tụ vào các lợi ích nhóm. Hiện các nhà nước kiến tạo phát triển ở Đông Á có mức chi tiêu cho phúc lợi xã hội thấp hơn so với các quốc gia ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Cụ thể trong giai đoạn 1970-2000, mức chi tiêu cho phúc lợi xã hội của khu vực Đông Á chỉ 1. Vũ Công Giao: Những thuận lợi và thách thức với việc xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, Tạp chí Công thương, số 7/2017. 2. Trần Văn Thọ: Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2016, tr. 63. 50 chiếm 6,2% GDP và 29,6% chi ngân sách thì con số tương ứng của khu vực Tây Âu là 20,3% và 55,8%1. Tuy nhiên, nhìn vào cách thức chi tiêu thì tỷ trọng phúc lợi của các nước ở Đông Á chủ yếu là dành cho giáo dục và y tế, còn lao động, việc làm thì ở mức thấp hơn. Điều đó cho thấy rằng, rõ ràng Nhà nước kiến tạo phát triển không thể có mức độ phúc lợi như Nhà nước phúc lợi bởi nó phải phân bổ nguồn lực để thúc đẩy phát triển, nhưng hoạt động an sinh xã hội không vì thế mà bị lơ là, thậm chí còn có sự tập trung vào một số yếu tố nhất định. Việc xác định Nhà nước kiến tạo phát triển với tư cách là cột mốc đứng giữa Nhà nước tối thiểu và Nhà nước chỉ huy, xét về mặt mức độ can thiệp của nhà nước là vấn đề rất quan trọng về mặt lý luận giúp chúng ta nhận thức ra được vai trò của hình mẫu này. Trên thực tế thì các mô hình thử nghiệm của cả Nhà nước tối thiểu lẫn Nhà nước chỉ huy đều gặp thất bại khi cố gắng duy trì tính cực đoan của mình. Tác giả Barry Buzan đã chỉ ra rằng, hai xu hướng này nếu được đẩy đến mức cực đoan thì đều thất bại và gây ra rối loạn cho xã hội. Ông viết: Một sự rối loạn có thể chỉ ra mức độ xa cách giữa công dân và chính phủ ngày càng gia tăng khi một Nhà nước tối đa đã theo đuổi lợi ích của mình quá mức và 1. Phạm Thị Hồng Điệp: Mô hình Nhà nước phúc lợi kiểu Đông Á và những gợi ý cho Việt Nam, Tlđd, tr. 31. 51 tổn hại đến lợi ích của cá nhân. Thật không may, điều này cũng có thể xảy ra khi Nhà nước tối thiểu thất bại trong việc ngăn chặn mâu thuẫn giữa công dân trong nước mình”1. Điều đó cho thấy rõ ràng rằng, nếu coi Nhà nước tối thiểu và Nhà nước chỉ huy là hai điểm cực thì ở giữa nó sẽ có những điểm khác cân bằng hơn. Hiếm có nhà nước nào trong thực tế đạt tới sự tối thiểu tuyệt đối cũng như chỉ huy tuyệt đối. Một ví dụ khá gần gũi là ở chính Việt Nam trong thời kỳ xóa bỏ kinh tế thị trường để thiết lập kinh tế kế hoạch hóa tập trung, hay vẫn được gọi nôm na là “thời bao cấp”, thì trên thực tế thị trường vẫn tồn tại dưới dạng “chợ đen”2. Hay ngược lại, ở Mỹ dù thị trường tự do phát triển nhưng trước nguy cơ khủng hoảng, năm 1933, Quốc hội đã ban hành Đạo luật Glass-Steagall để can thiệp vào hệ thống ngân hàng và bảo hiểm nhằm tránh các doanh nghiệp này lao vào các 1. Barry Buzan: People, states, and fear: The national security problem in international relations, University of North Carolina Press, 1983, tr. 23. Nguyên văn: “Such disorder could well indicate a degree of falling out between citizens and government arising where a maximal state had pursued its own interests to the excessive detriment of the mass of individual interests within it. Unfortunately, it could also indicate the failure of a minimal state to contain the contradictions among its citizens.” 2. Đời sống thời bao cấp (bài 7): Chợ đen. https://thethaovanhoa. vn/van-hoa-giai-tri/doi-song-thoi-bao-cap-bai-7-cho den-n20140611153441454.htm. Truy cập ngày 24/02/2018. 52 khoản đầu tư đầy rủi ro1. Nói chung, mức độ can thiệp của nhà nước vào đời sống xã hội, trong đó có nền kinh tế, không cố định mà luôn có sự thay đổi nhằm thích nghi với sự phát triển của xã hội. Nếu lấy Nhà nước tối thiểu và Nhà nước chỉ huy làm hai điểm cực thì ở giữa chúng vẫn còn những trạng thái khác khả dĩ trở thành sự lựa chọn cho một đất nước trong những điều kiện nhất định, mà trong đó Nhà nước kiến tạo phát triển là một điểm đáng lưu ý. IV. NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN TRONG BỐI CẢNH CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HIỆN NAY Mặc dù chưa có một cơ sở chính trị vững chắc (thể hiện qua chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cho sự thiết lập Nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam nhưng chúng ta cũng cần có những sự đối chiếu cần thiết giữa lý thuyết này với những gì đang diễn ra ở Việt Nam để có được những nhận định hợp lý. Có thể là quá sớm để đưa ra một chứng minh rằng, Nhà nước kiến tạo phát triển là một hình mẫu cần thiết và 1. https://vi.talkingofmoney.com/how-did-glass-steagall act-affect-commercial-and-investment-banking. Truy cập ngày 24/02/2018. 53 là cách thức duy nhất cho Việt Nam, nhưng chắc hẳn việc nghiên cứu lý thuyết về nó sẽ là vô bổ nếu không có những đối chiếu cần thiết với thực trạng đất nước chúng ta. Như đã trình bày, Nhà nước kiến tạo phát triển được khái niệm hóa dựa trên mức độ can thiệp của nhà nước, và theo nhóm tác giả điều này là gần gũi nhất với vấn đề chức năng của nhà nước. Khoa học pháp lý Việt Nam nhìn nhận chức năng của nhà nước là các phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước và thường phân chia nó thành chức năng đối nội và đối ngoại. Ở đây, nói đến chức năng đối nội, Nhà nước Việt Nam hướng tới sự quản lý tập trung đối với nhiều lĩnh vực. Điều này được cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ quản lý trên nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, xã hội. Dưới góc nhìn của nhóm tác giả, sự can thiệp và tác động của nhà nước đối với xã hội Việt Nam hiện nay thể hiện ở một số điểm sau: - Thứ nhất, Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hầu hết các mặt của xã hội. Điều này thể hiện: Nhà nước thường xuyên thực hiện thẩm định, cấp phép, kiểm tra, thanh tra các hoạt động trên nhiều mặt như kinh tế, văn hóa, thể thao, v.v.. Nhìn chung, ở trong bất kỳ khía cạnh nào, sự kiểm soát của Nhà nước đối với các hoạt động của người dân đều rất chặt chẽ. - Thứ hai, Nhà nước tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội với tư cách một chủ thể. Điều 54 này thể hiện qua việc, Nhà nước thành lập các cơ quan, tổ chức thực hiện các vai trò tương tự như các thiết chế của thị trường, như các công ty, tập đoàn kinh tế, hãng phim truyện, đoàn nghệ thuật, nhà xuất bản nhà nước, bệnh viện công, v.v.. Dưới góc độ này, Nhà nước trực tiếp tham gia bỏ vốn đầu tư, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ của thị trường. - Thứ ba, Nhà nước thường xuyên vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô thông qua các công cụ kinh tế như thuế, lương, tiền để điều chỉnh hướng phát triển của nền kinh tế. Các chính sách này được coi như một công cụ để chống lại khủng hoảng nhưng cũng có nguy cơ đi ngược lại các quy luật khách quan của thị trường. Trong quá trình thực hiện những sự can thiệp nêu trên của Nhà nước Việt Nam, có một số yếu tố bất cập đã nảy sinh như: - Sự kiểm soát quá mức cần thiết của Nhà nước sinh ra một hệ thống hành chính công phức tạp và cồng kềnh. Đây là một bất cập lớn hiện nay bởi vì nền hành chính như vậy mang lại nhiều trở lực cho sự phát triển. Trước hết là nó tạo ra một bộ máy tốn kém, thiếu hiệu quả với chi phí cho nguồn nhân lực vận hành bộ máy trở thành một gánh nặng cho ngân sách. Thứ hai, về cơ bản nền hành chính Việt Nam vẫn là một nền hành chính 55 truyền thống1, tức là nặng về tư duy quản lý ôm đồm. Điều này phần nào làm giảm bớt sự tự chủ của người dân khi phải xin phép, báo cáo, chờ thẩm định quá nhiều. Cuối cùng, các thủ tục hành chính quá nhiều và phiền hà khiến cho nền kinh tế phần nào bị giảm hiệu quả. Có thể nói, những hạn chế bất cập của nền hành chính Việt Nam là do Nhà nước đã kiểm soát xã hội quá chặt chẽ. Thậm chí, trong hoạt động hoạch định và xây dựng chính sách, chủ yếu chúng ta vẫn còn tiếp cận dựa trên nhu cầu, và đặc biệt là nhu cầu quản lý2 mà chưa có sự ứng dụng của các phương pháp tiếp cận tiên tiến như tiếp cận dựa trên quyền. Điều này phần nào cũng phản ánh tư duy nặng về bao cấp của cả một hệ thống các cơ quan nhà nước ở Việt Nam. - Việc Nhà nước dùng nhiều nguồn lực của mình để tham gia trực tiếp vào thị trường không mang hiệu quả như mong muốn. Thực tế cho thấy, việc tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước dùng nguồn vốn nhà nước chủ yếu từ tiền thuế của ngân sách để đầu tư kinh tế không những không mang lại hiệu quả mà còn gây rất nhiều thiệt hại. 1. Theo Lê Như Thanh: Những thách thức đối với nền hành chính công Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 10/2014, tr. 20. 2. Xem thêm Vũ Công Giao, Ngô Minh Hương (Đồng chủ biên): Tiếp cận dựa trên quyền - Lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016, tr. 15. 56 Theo một báo cáo (tháng 7/2016) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho thấy một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thua lỗ và gây tổn thất tới hàng chục nghìn tỷ đồng1. Bên cạnh đó, trong các lĩnh vực văn hóa, giải trí, khoa học, xã hội, sự tham gia của Nhà nước cũng thiếu hiệu quả, đơn cử như các bộ phim truyện do các hãng phim nhà nước làm ra không có người xem2, hay các đề tài khoa học do Nhà nước đầu tư nghiệm thu xong chỉ để “xếp ngăn kéo”3, v.v.. Những bất cập nói trên không chỉ gây ra tổn thất và lãng phí về mặt kinh tế, không những gây ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn xã hội nói chung mà phần nào còn làm giảm đi niềm tin của người dân vào Nhà nước đối với việc sử dụng tiền từ ngân sách. - Về các chính sách kinh tế vĩ mô, sự vận dụng của Nhà nước Việt Nam trong thời gian gần đây chủ yếu hướng tới việc giải quyết ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới và ổn định lại những sự sụp đổ của thị trường sau một giai đoạn phát triển nóng ở nửa cuối thập kỷ trước. Được đánh giá là có nhiều thành công 1. Xem thêm tại: http://nld.com.vn/kinh-te/tap-doan-nha-nuoc thua-lo-chon-von-ca-chuc-ngan-ti-dong-20160711100646857.htm. Truy cập ngày 24/9/2016. 2. Theo http://dantri.com.vn/van-hoa/vi-sao-phim-nha-nuoc do-tien-nhieu-van-chet-20160422141417008.htm. 3. Theo http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/nghien-cuu-khoa hoc-de-xep-ngan-keo-20150612233339071.htm. 57 trong việc ổn định nền kinh tế những các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn các yếu tố thuộc về lợi ích nhóm1, đó là chưa kể đến các nguy cơ đến từ việc nợ công tăng cao và đồng tiền mất giá. Thực tế cho thấy, sự can thiệp về mặt chính sách của Nhà nước chỉ cần thiết và phù hợp khi xảy ra sự thất bại của thị trường mà điển hình là tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế. Còn trong trường hợp thị trường đã ổn định, Nhà nước cần giảm bớt những ảnh hưởng không cần thiết của mình để tạo nên một thị trường tự do cho các chủ thể kinh doanh có thể thực hiện công việc của mình một cách thuận lợi. Tóm lại, có thể đánh giá mức độ can thiệp của Nhà nước đối với thị trường và xã hội ở Việt Nam hiện nay tuy đã có những chuyển biến tích cực song Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu chưa thực sự phù hợp với xu hướng của mô hình kinh tế thị trường hiện tại. Chức năng của Nhà nước, trong đó trực tiếp nhất là chức năng đối nội vẫn còn ảnh hưởng của tính bao cấp. Nguyên nhân do Nhà nước không chỉ thắt chặt quản lý, điều khiển nền kinh tế, xã hội mà còn trực tiếp tham gia vào thị trường. Do vậy, sự chuyển hướng từ tư duy đến thực tiễn về chức năng của Nhà nước là một thử nghiệm rất cần thiết. 1. Theo: http://vneconomy.vn/thoi-su/loi-ich-nhom-va-cai-cach the-che-20120831112155300.htm. 58 Trong bối cảnh một nền kinh tế chuyển đổi, điều không chỉ thấy ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung của các nước châu Á, thì việc xây dựng thị trường tự do và con đường “từ chính phủ kiểm soát đến thị trường chi phối”1 đang là lựa chọn cần thiết và đúng đắn. Rõ ràng rằng việc giới hạn bớt sự can thiệp của Nhà nước đối với xã hội, trong đó có thị trường, là một nhu cầu vô cùng cấp thiết. Điều đó nằm ở tư duy xây dựng nhà nước theo hướng giảm bớt các chức năng của nó, đặc biệt là đối với chức năng kinh tế, xã hội chứ không phải tư duy theo hướng tăng cường quản lý, giám sát. Sự chuyển biến vai trò của Nhà nước từ một bộ máy điều hành sang một thiết chế kiến tạo phát triển là một hướng đi mà ở đó việc thu hẹp các chức năng, cắt bỏ các nhiệm vụ không cần thiết là một điều đúng đắn. Sau 30 năm đổi mới, đời sống của Nhân dân ngày càng được tăng cao, kéo theo nhu cầu đảm bảo tự do cá nhân, tự do sáng tạo, tự do mưu sinh đặt ra yêu cầu nhà nước phải chuyển đổi vị thế từ “dẫn đường” sang “mở đường”, trong đó cần đặc biệt coi trọng việc tạo điều kiện cho động lực cá nhân được phát huy. Bên cạnh đó, cùng với những thách thức về kinh tế do hội nhập mang lại, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, cũng đòi 1. John Naisbitt: Tám xu hướng phát triển của châu Á đang làm thay đổi thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 196. 59 hỏi Nhà nước phải đảm bảo phúc lợi, cắt giảm đầu tư kém hiệu quả. Việc không ngừng đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động chắc chắn sẽ đưa Việt Nam tới gần Nhà nước kiến tạo phát triển hơn nữa. * * * Tóm lại, qua nghiên cứu lý luận về Nhà nước kiến tạo phát triển, chúng ta có thể nhìn nhận ra một số ý sau đây: - Khái niệm Nhà nước kiến tạo phát triển trước hết được xây dựng trên nền tảng các lý thuyết về sự can thiệp của nhà nước. Trong đó, Nhà nước kiến tạo phát triển là một hình mẫu mà ở đó nhà nước dành một sự tác động tương đối lớn đối với xã hội và đặc biệt là nền kinh tế, nhất là trong việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển dựa vào cách ủng hộ và định hướng cho một bộ phận nhất định của nó. - Với sự ủng hộ và định hướng đó, Nhà nước kiến tạo phát triển tạo nên một mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nước với khối tư nhân, thông qua sự lãnh đạo của đội ngũ tinh hoa và phần nào kiểm soát chặt chẽ những bộ phận của xã hội có tiếng nói trái chiều. Để có thể làm được điều đó, Nhà nước kiến tạo khích lệ tinh thần dân tộc, bám chặt chủ nghĩa bảo hộ và tận dụng trật tự thế 60 giới lưỡng cực với sự ủng hộ từ nền kinh tế hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ. - Bằng chính sách trên, Nhà nước kiến tạo phát triển đã tạo nên những kỳ tích kinh tế với sự phát triển vượt bậc. Thành quả của nó được đem ra tái đầu tư cho xã hội thông qua phúc lợi và qua đó làm gia tăng mức sống cho người dân. Với việc người dân ngày càng giàu lên, ý thức về quyền dân chủ của họ cũng tăng theo. Chính điều này cùng với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế quốc tế đã làm cho Nhà nước kiến tạo phát triển phải chuyển mình theo hướng từ bỏ chuyên chế. Những dấu ấn của nó cũng dần phai nhạt đi và gần như đã chuyển sang một hình mẫu mới. - Việc Việt Nam đang có những điều chỉnh theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Trong quá trình đó, việc quan tâm tới hình mẫu Nhà nước kiến tạo phát triển là hoàn toàn cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhu cầu phát triển kinh tế đang hết sức bức thiết như ngày nay. 61 Chương II MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN VỚI ĐẢNG CHÍNH TRỊ Với tư cách lực lượng lãnh đạo nhà nước, đảng chính trị (hay còn gọi là chính đảng) tồn tại như một hiện tượng phổ biến ở các quốc gia. Xét một cách tổng thể, đảng chính trị là một đoàn thể được lập ra với mục đích thu hút phiếu của cử tri cho đảng viên và sau đó đưa vào khuôn phép hàng ngũ những đảng viên nào đã đắc cử1. Trong một thể chế dân chủ, người dân được quyền lựa chọn lãnh đạo thông qua bầu cử tự do. Bên cạnh đó, những người có cùng quan điểm chính trị và đường lối lãnh đạo có thể tập hợp với nhau thành một chính đảng để hỗ trợ lẫn nhau. Có thể nói, dân chủ là môi trường cho đảng chính trị tồn tại bởi vì mặc dù trong thể chế quân chủ, các phe phái chính trị vẫn có thể tồn tại nhưng chắc chắn không thể có một hình hài và đời sống sinh động như các chính đảng trong thể chế dân chủ. Nhìn chung, vai trò của các đảng chính trị với nhà nước thể hiện ở 1. Lê Đình Chân: Luật Hiến pháp khuôn mẫu dân chủ, Tủ sách Đại học, Sài Gòn, 1975, t. 2, tr. 92. 62 chỗ1: (1) thu nạp, chỉ định và vận động tranh cử để bầu lên các quan chức; (2) xây dựng đường lối, chính sách cho chính phủ nếu họ là đảng nắm đa số; (3) chỉ trích hoặc đề xuất các chính sách thay thế nếu họ là đảng đối lập; (4) huy động các nhóm lợi ích ủng hộ các chính sách chung; giải thích cho công chúng về những vấn đề công; (4) xây dựng cơ cấu và nguyên tắc tiến hành tranh luận chính trị trong xã hội. Nói chung, mối quan hệ giữa nhà nước và đảng chính trị chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có cả cách thức tổ chức bộ máy nhà nước2 lẫn xu hướng vận động của nhà nước. Với một Nhà nước kiến tạo phát triển, sự ổn định về chính sách và lực lượng lãnh đạo, vai trò cầm quyền của giới tinh hoa được coi trọng, nhà nước 1. Tóm lược dân chủ (Democracy in Brief), Ấn phẩm của Chương trình thông tin quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tr. 31. https://photos. state.gov/libraries/vietnam/8616/ebook/democracy-in-brief-vn.pdf. 2. Nhìn từ góc độ tổ chức bộ máy nhà nước, ở những nước theo mô hình cộng hòa đại nghị, đảng nắm đa số ghế trong Nghị viện đồng thời lãnh đạo chính phủ nên gần như nhà nước nằm dưới sự lãnh đạo của một đảng chính trị. Còn trong những nước theo mô hình cộng hòa tổng thống, với việc áp dụng triệt để nguyên tắc phân chia quyền lực, các nhánh quyền hành pháp và lập pháp có thể thuộc về các đảng khác nhau và do đó không đảng nào thực sự nắm quyền chỉ huy toàn bộ nhà nước. Ở mô hình cộng hòa lưỡng tính, ảnh hưởng chính trị của các đảng phái dường như lại được điều hòa hơn. Xem thêm Phan Trung Lý, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Sỹ Dũng (Chủ biên): Một số vấn đề cơ bản của hiến pháp các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012. 63 có mức độ chuyên chế tương đối cao, chắc chắn mối quan hệ giữa nhà nước đó với đảng chính trị sẽ có những điểm đặc sắc. Trong phần này, nhóm tác giả nghiên cứu vấn đề đó từ lý luận đến thực tiễn trước khi đưa ra một góc nhìn tham khảo cho việc vận dụng ở Việt Nam. I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC KIẾN TẠO PHÁT TRIỂN VÀ ĐẢNG CHÍNH TRỊ Một trong những yếu tố đặc trưng thường được nói tới của Nhà nước kiến tạo phát triển là có một chính quyền mạnh, thậm chí chuyên chế1. Bằng một bộ máy có tính chất như vậy, Nhà nước kiến tạo phát triển có thể tập trung vào việc thiết lập và triển khai một cách thống nhất các chính sách kinh tế quan trọng của mình. Và rõ ràng, để có được một bộ máy như thế thì nhà nước phải được thiết lập dựa trên một thể chế chính trị ít có bất đồng, ổn định và tập quyền cao, với các dạng thức có thể 1. Chalmers Johnson: Political Institutions and Economic Performance: The Government-Business Relationship in Japan, South Korea, and Taiwan, in Asian economic development: Present and future, Cornel University Press, 1985, tr. 73-89. Adrian Leftwich, Bringing politics back in: Towards a model of the developmental state, The Journal of Development Studies, Volume 31, 1995 - Issue 3. UNDP, Democratization in a Developmental state: The case of Ethiopia - Issues, Challenges and Prospects, 2012, p. 7. 64 nhắc tới như chế độ độc đảng (single-party regime), hay chế độ đảng cầm quyền (dominant-party rule)1. Thông thường mà nói, ở các nhà nước kiến tạo phát triển Đông Á, sự tồn tại của nhiều đảng phái chính trị là được chấp nhận. Vì vậy, dưới chế độ đảng cầm quyền có thể phân chia các đảng chính trị hoạt động ở các quốc gia này thành hai loại: đảng cầm quyền và đảng đối lập. Trong đó, đảng cầm quyền được hiểu là đảng có ưu thế và nắm đa số quyền lực trong việc vận hành nhà nước còn đảng đối lập được hiểu là đảng thiểu số và ít có ảnh hưởng tới các hoạt động của nhà nước. Dưới đây sẽ phân tích và lý giải mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với từng bộ phận trên của đảng chính trị. 1. Nhà nước kiến tạo phát triển và đảng cầm quyền Nói đến mối quan hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng cầm quyền, một giả thiết có thể được đặt ra dựa trên những đặc trưng của nó - đó là Nhà nước sẽ bị đảng cầm quyền chi phối một cách tối đa. Vấn đề là sự chi phối này diễn ra ở những góc độ nào và với 1. Edward Webb: Totalitarianism and Authoritarianism, trích trong John T. Ishiyama and Marijke Breuning, 21st Century Political Science, A Reference Handbook, Thousand Oaks, CA: SAGE Publications, 2011, tr. 249 - 257. 65 mức độ cụ thể như thế nào. Để giải quyết vấn đề này có thể dựa vào cách thức lãnh đạo Nhà nước của một đảng cầm quyền, với những phương diện cụ thể như sau: (1) Đảng quyết định các vấn đề lớn về tổ chức bộ máy Nhà nước và nhân sự; (2) Đảng đề ra đường lối, chủ trương và phương hướng lớn về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; (3) Đảng đưa các chủ trương, chính sách thể chế hóa thành pháp luật của nhà nước; và (4) Đảng theo dõi, kiểm tra hoạt động của các cơ quan Nhà nước1. Cụ thể, mối quan hệ này được thể hiện trên một số khía cạnh như sau: - Về tổ chức và nhân sự: Nhìn từ góc độ chung nhất, đó là hình thức chính thể, mặc dù các nhà nước kiến tạo phát triển chứng kiến sự đa dạng về mặt hình thức chính thể2, nhưng chúng lại có một điểm chung là không nước nào áp dụng một cách triệt để nguyên tắc phân chia quyền lực như Hoa Kỳ. Ở đây, có thể giải thích dựa trên một trong những điểm yếu của chính thể tổng thống, đó là ở chỗ nó rất dễ rơi vào tình thế bế tắc của chính quyền, khi quốc hội 1. Xem Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016, tr. 361. 2. Đối với Hàn Quốc, Xingapo, hình thức chính thể của các nước này là cộng hòa lưỡng tính, trong khi đó Nhật Bản là một nước quân chủ đại nghị. 66 và tổng thống có quan điểm trái ngược nhau do chúng thuộc về các đảng khác nhau1. Ấy là chưa kể việc nguồn gốc quyền lực của các nhánh quyền cũng có sự độc lập với nhau khiến cho sự gắn bó theo hướng thân tình giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp rất khó xảy ra. Trong điều kiện Nhà nước kiến tạo phát triển theo đuổi một hệ chính sách mang tính nhất quán, sẽ rất khó khăn để triển khai nó nếu thiếu sự đồng lòng giữa các cơ quan Nhà nước. Thậm chí, sự kiểm soát đối với nhánh tư pháp của nhà nước cũng không kém phần chặt chẽ. Cơ quan tư pháp được kỳ vọng như một cơ chế chống lại sự bất công không những gây ra bởi cá nhân mà còn từ cả Nhà nước nữa2. Vì thế, việc các đảng cầm quyền trong Nhà nước kiến tạo phát triển tìm cách chi phối nhánh tư pháp chính là cách để ngăn ngừa việc người dân tìm đến tòa án nhằm chống lại những hành vi bất công từ phía chính quyền. Bảng dưới đây3 cho thấy phần nào tình hình này 1. Xem Nguyễn Đăng Dung: Sự hạn chế quyền lực nhà nước, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2013, tr. 145. 2. Xem Nguyễn Đăng Dung: Ý tưởng về một nhà nước chịu trách nhiệm, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2007, tr. 329. 3. Theo David Kar Wor Ma: Explaining judicial independence in the east asian developmental states: the case of Taiwan, A thesis submitted to the faculty at the University of North Carolina at Chapel Hill in partial fulfillment of the requirements for the degree of Doctor of Philosophy in the Department of Political Science of the College of Arts & Sciences, 2015, p. 45. 67 ở Đài Loan (Trung Quốc), nơi mà Nhà nước kiến tạo phát triển đạt cực thịnh vào giai đoạn cuối những năm 80 đến cuối những năm 90 thế kỷ XX. Bảng 3. Lãnh đạo Tư pháp viện Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 1987 Tên Nhiệm kỳ Đảng Nền tảng Thâm niên Năng lực Lin Yang kang 1987- 1994 KMT1 Kiêm nhiệm x Shih Chi yang 1994- 1999 KMT Kiêm nhiệm, Giáo sư luật x x Weng Yue sheng 1999- 2007 Không Giáo sư luật x Lai In-jaw 2007- 2010 Không Kiêm nhiệm, Giáo sư luật x Rai Hau min 2010- 2016 Không Luật sư x Dựa vào bảng trên có thể thấy, trong thời kỳ theo đuổi hình mẫu Nhà nước kiến tạo phát triển, Quốc dân đảng ở Đài Loan (Trung Quốc) đã đưa người của mình vào ghế lãnh đạo tòa án và việc lựa chọn này hầu hết dựa vào thâm niên cũng như vị trí của họ trong đảng. Sau đó, 1. Tức Kuomintang, hay là Quốc dân đảng. 68 những người không đảng phái, không có nền tảng kiêm nhiệm chức danh trong nhánh hành pháp mới được lựa chọn hoàn toàn dựa trên năng lực. Thực tế này phần nào phản ánh việc các nguyên tắc cơ bản của một nền pháp quyền, đó là sự phân chia quyền lực và độc lập tư pháp đã không thực sự được coi trọng ở các nhà nước kiến tạo phát triển1. Điều này có một phần nguyên nhân từ việc đảng cầm quyền ở các nhà nước này mong muốn kiểm soát một cách chặt chẽ Nhà nước, tránh mất đi quyền lợi chính trị của mình. Về vấn đề nhân sự, một trong những đặc trưng của Nhà nước kiến tạo phát triển đó là việc sử dụng đội ngũ tinh hoa. Trên thực tế, các đảng chính trị thường tập hợp đội ngũ dựa trên một đường lối hay một ý thức hệ nào đó. Đối với các nhà nước kiến tạo phát triển, chủ thuyết phát triển đã tạo nên một sự đồng thuận lớn của các trí thức tinh hoa2. Đội ngũ tinh hoa được chiêu nạp và sử dụng dưới một đường lối duy nhất, đó là hướng tới sự 1. Riêng Đài Loan (Trung Quốc) theo đuổi một nguyên tắc tổ chức đặc biệt với tên gọi “Ngũ quyền hiến pháp” chứ không phải mô hình tam quyền phân lập thông thường. Xem thêm Tô Văn Hòa, Đậu Công Hiệp: Tư tưởng “ngũ quyền hiến pháp” của Tôn Trung Sơn và sự vận dụng trong Hiến pháp Đài Loan năm 1946, Tạp chí Luật học, tháng 12/2016. 2. Pauline Debanes, Sébastien Lechevalier: Resurgence of the Concept of the Developmental State: Which Empirical Reality for Which Theoretical Revival?, Critique internationale, No. 63, 2014. 69 phát triển. Nguyên nhân khiến cho đảng cầm quyền ở các nhà nước kiến tạo phát triển dễ dàng tìm kiếm được sự ủng hộ của giới tinh hoa có thể tóm lại trong vài ý như sau: (1) Chủ nghĩa tập thể được đề cao trong khi chủ nghĩa cá nhân bị coi là một điều xấu1 phần nào làm tăng cường sự gắn kết của giới tinh hoa khi họ được quy tụ dưới một bộ máy lãnh đạo biết lắng nghe và sử dụng mình; (2) Giới tinh hoa được quy tụ và sử dụng bởi một đội ngũ lãnh đạo mạnh và có sức ảnh hưởng lớn2 và (3) Giới tinh hoa được tạo một môi trường làm việc và thăng tiến hợp lý. Một điển hình cho sự thành công trong chính sách nhân sự là ở Xingapo, trong giai đoạn đầu, Đảng Hành động nhân dân (PAP) đã thông qua các mối quan hệ gần gũi của Viện Raffle cũng như qua các cá nhân để kết nối những người xuất sắc, có tư tưởng giống nhau và phần lớn là gốc Hoa để tạo nên nhóm thân cận với lãnh tụ Lý Quang Diệu3. Thực tiễn cho thấy, chính sách dùng người của các nước có sự khác biệt nhất định (điều này 1. Điển hình như ở xã hội Nhật Bản, xem thêm M. Y. Yoshino: Hệ thống quản lý của Nhật Bản - Truyền thống và sự đổi mới, Viện Kinh tế thế giới, Hà Nội, 1987, tr. 85. 2. Điển hình như các nhà lãnh đạo ở Xingapo (Lý Quang Diệu), Hàn Quốc (Park Chung Hee). 3. Kum Byung Kook, Ezra F. Vogel: Kỷ nguyên Park Chung Hee và quá trình phát triển thần kỳ của Hàn Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 816. 70 sẽ được làm rõ hơn ở phần sau) nhưng tất cả đều hướng tới sự gắn kết và tổ chức hiệu quả nhất năng lực của đội ngũ tinh hoa xã hội nhằm mục đích cuối cùng là tạo nên một bộ máy nhà nước có thể thực thi một cách nhanh gọn và chính xác các chính sách phát triển. - Về chủ trương, đường lối của đảng cầm quyền và sự thể chế hóa của chúng: Phải nói rằng, đặc trưng của các nhà nước kiến tạo phát triển là ở các chính sách thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, không có mẫu số chung nào cho các chính sách này mà chúng được hình thành một cách rất đa dạng tùy theo thực tế các nước. Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp thì Xingapo lại chọn cách mở cửa cho các công ty đa quốc gia còn Đài Loan (Trung Quốc) lại hỗ trợ tập trung vào các công ty vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ. Bản thân mỗi nước trong từng giai đoạn, từng quá trình phát triển lại có những chính sách đa dạng khác nhau. Chúng có thể là chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới nổi, chính sách tỷ giá, v.v. nhưng phải nói rằng, sự vận dụng một cách chính xác và phù hợp của mỗi chính sách trong từng giai đoạn mới là mấu chốt cho sự thành công của các nhà nước này. Để có được sự vận dụng đó, vấn đề đặt ra là bằng cách nào Nhà nước có thể nắm bắt và sớm đề ra được những chính 71 sách đúng đắn nhất. Chìa khóa không chỉ nằm ở năng lực của đội ngũ kỹ trị mà chủ yếu là nằm ở sự gắn kết giữa Nhà nước với giới doanh nghiệp. Linh hồn của phát triển là doanh nghiệp và đây cũng là nơi xuất phát các chính sách kinh tế bởi các chính sách này phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và phục vụ cho nhu cầu đó một cách tốt nhất. Chính các doanh nghiệp được ưu ái và hỗ trợ sẽ phải nắm bắt cơ hội mà Nhà nước có thể tạo ra cho mình. Vì vậy, thông qua mối liên hệ giữa giới doanh nghiệp với các nhà chính trị, những chính sách thích hợp có thể được đề ra và thi hành nhanh chóng. Một ví dụ điển hình, đó là ở Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 80 của thế kỷ XX có Văn phòng Phát triển công nghiệp (IDB) bao gồm khoảng 200 kỹ sư, chuyên gia, nhà kinh tế. Họ phải đến giám sát các doanh nghiệp trong ngành mà mình quan tâm ít nhất vài ngày trong một tháng. Mục đích của việc giám sát này là để tìm kiếm các chính sách và biện pháp hành chính phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp1. Có một đặc thù trong mối quan hệ phức tạp giữa các chính trị gia, công chức với doanh 1. Robert H. Wade: Bringing the State Back In: Lessons from East Asia’s Development Experience, This article is published simultaneously in the book Towards a prosperous wider Europe. Macroeconomic policies for a growing neighborhood, edited by Michael Dauderstädt, Friedrich-Ebert-Foundation, Bonn, 2005. 72 nghiệp trong Nhà nước kiến tạo phát triển đó là tính kỷ cương rất cao1. Mặc dù duy trì một mối liên hệ thân cận với doanh nghiệp nhưng điều đó không có nghĩa là giới chính trị biến các doanh nghiệp thành sân sau và phục vụ tham nhũng. Nhà nước thưởng cho doanh nghiệp quản lý tốt và trừng phạt doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, xét về bản chất, mối quan hệ này vẫn giữ được mức độ trong sáng, lành mạnh nhất định và tham nhũng không bùng phát quá mức. Các chính sách cấp phép, cho vay là cách thức chủ yếu mà Nhà nước sử dụng để kích thích doanh nghiệp. Xét về vấn đề thể chế hóa và thực thi chính sách, việc đảng cầm quyền nắm trong tay bộ máy Nhà nước, đặc biệt là nhánh lập pháp và hành pháp là con đường thuận tiện nhất để thực hiện điều này. Quá trình cầm quyền lâu dài của một đảng lại khiến cho gần như đảng và Nhà nước hợp nhất với nhau. Với điều này, chính sách của đảng cầm quyền sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành pháp luật và thực thi tốt hơn. Nền tảng về chính trị vững chắc chính là một trong những yếu tố làm tăng tính hiệu quả của các chính sách công nghiệp. Mặc dù để ra đời các chính sách, một vấn đề không thể tránh khỏi đó là những tranh cãi trong nội bộ đảng, điển hình như 1. Ziya Onis: The Logic of the Developmental State, Comparative Politics, Vol. 24, No. 1 (Oct., 1991). 73 là về trật tự công nghiệp ở Nhật Bản trong những năm 601 của thế kỷ XX, nhưng một khi đã được thể chế hóa, chúng sẽ được thực thi nghiêm túc. Đây cũng chính là một điểm mạnh trong mô hình quản trị của Nhà nước kiến tạo khi nó được một đảng cầm quyền kiểm soát và vận hành một cách chặt chẽ. 2. Nhà nước kiến tạo phát triển và đảng đối lập Ở các nhà nước kiến tạo phát triển châu Á, hiện tượng liên minh các đảng phái để hình thành chính phủ thường không xảy ra do ưu thế quá lớn của một đảng cầm quyền liên tục. Vì vậy, tính chất “đối lập” của các đảng thiểu số lại càng thể hiện rõ ràng. Hiện tượng các đảng nhỏ liên minh hay thỏa hiệp với đảng lớn như vẫn xảy ra ở các nước Italia, Đức2 là không nhiều và phần nào khiến cho mâu thuẫn giữa các đảng đối lập với đảng cầm quyền trở nên gay gắt hơn. Nhà nước, do bị kiểm soát bởi đảng cầm quyền, cũng trở nên cứng rắn hơn với các lực lượng mang tính đối lập này. Vai trò của đảng đối lập với một Nhà nước nói chung thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản, đó là kiềm chế và cộng tác. Mặt kiềm chế thể hiện các đảng 1. Ryotaro Komiya, Masahiro Okuno, Kotaro Suzumura: Chính sách công nghiệp Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 107. 2. Trường Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật hiến pháp nước ngoài, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 182. 74 đối lập có thể làm được những việc như: (1) Đưa ra các ý kiến phủ nhận và vạch ra những điều sai trái của chính quyền; (2) Tăng cường sự minh bạch của chính quyền khi gây sức ép buộc họ phải công khai tranh luận; (3) Hỗ trợ cho nguyên tắc phân chia quyền lực thông qua việc tận dụng xu thế kiềm chế, đối trọng giữa các cơ quan; và (4) Tạo nên môi trường cạnh tranh chính trị, qua đó làm lành mạnh hóa các hoạt động chính trị. Mặt cộng tác thể hiện ở: (1) Giúp chính quyền thu lượm được những dấu hiệu về niềm tin của công chúng dành cho mình; (2) Tạo nên không khí đoàn kết nhờ sự đồng thuận với chính quyền trong những trường hợp tối cần thiết; và (3) Cho phép một đất nước xoay chiều, đổi hướng mà không làm tổn thương đến sự liên tục của sinh hoạt chính trị1. Dựa vào những khía cạnh trên, chúng ta có thể thấy mối liên hệ giữa Nhà nước kiến tạo phát triển với đảng đối lập được biểu hiện như sau: - Thứ nhất, việc Nhà nước kiến tạo phát triển thường không ủng hộ các đảng đối lập có thể được giải thích một cách dễ hiểu. Trước hết các đảng đối lập có xu hướng chống lại sự lãnh đạo của đảng cầm quyền với Nhà nước. Khi các đảng cầm quyền đã nắm giữ Nhà nước quá lâu và quen dần với việc đó, họ sẽ dần tìm cách làm yếu đi sự 1. Nguyễn Văn Bông: Luật hiến pháp và chính trị học, Sài Gòn, 1967. 75 cạnh tranh của đảng đối lập. Mỗi quốc gia, mỗi thời kỳ lại có những cách thức khác nhau để kiềm chế sự cạnh tranh của phe đối lập, và cách thức để kiềm chế đối lập đơn giản nhất là không cho chúng tồn tại và chặn tiếng nói của chúng. Chẳng hạn ở Xingapo, Lý Quang Diệu đã tìm cách duy trì sự lãnh đạo của PAP thông qua thao túng các khu vực bầu cử và kiểm soát hệ thống báo chí chính thống. Ông giải thích cho điều này như sau: “Tự do báo chí, tự do truyền thông tin tức đều phải lệ thuộc vào nhu cầu bảo vệ sự toàn vẹn của Xingapo” 1. Hệ quả của một hệ thống chính trị mà Nhà nước gắn bó khăng khít với đảng cầm quyền đồng thời có xu hướng kiềm tỏa đối lập là sự tồn tại lâu dài của chính quyền đơn đảng. Để bảo vệ cho điều này, các học giả cũng như chính trị gia trình bày những quan điểm mang màu sắc của thuyết vị lợi (utilitarianism)2, chẳng hạn như là hệ thống đa đảng có thể làm chậm quy trình ra quyết định và sự nhanh nhạy khi điều hành đất nước vượt qua một môi 1. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/quoc-te/2015-03-24/ liem-chinh-trung-thuc-va-nhung-di-san-khong-lo-cua-ly-quang dieu-19112.aspx 2. Thuyết vị lợi hay chủ nghĩa vị lợi là một đường lối đề cao việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết trước mắt và có xu hướng lãng quên những giá trị xa vời. Xem thêm: Đỗ Minh Hợp, Trần Thanh Giang, Chủ nghĩa vị lợi nhìn từ góc độ đạo đức học, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010, tr. 149-155. 76 trường và thế giới luôn biến động1. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các nhà nước kiến tạo phát triển có sự gắn bó sâu sắc với giới doanh nghiệp, những yêu sách của đảng đối lập có thể tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới quyền lợi kinh tế của họ. Vì thế nên Nhà nước lại càng có xu thế chống lại tiếng nói đối lập một cách mạnh mẽ hơn. Một sự thật khách quan đó là với một hình mẫu theo đuổi sự phát triển dựa vào việc hỗ trợ cho một thiểu số chủ tư bản, tiếng nói đối lập lại càng có khả năng gia tăng vì những bất công mà Nhà nước đó gây ra. Vì vậy, Nhà nước lại càng e ngại những sự vạch trần bất công mà các lực lượng đối lập có thể gây ra. Phản ứng của các đảng đối lập cũng rất đa dạng, có thể là tổ chức các phong trào biểu tình như ở Hàn Quốc hoặc đơn giản là tẩy chay bầu cử bằng cách kêu gọi cử tri không đi bầu như ở Xingapo2. - Thứ hai, sự tác động ngược lại của các đảng phái chính trị đối lập tới Nhà nước kiến tạo phát triển cũng thể hiện những điểm rất đặc biệt. Cần phải thấy rằng, 1. Multi-party political system could ruin Singapore: Ong Ye Kung, TODAY, ngày 24/01/2017. 2. Một cách trái ngược, sự tẩy chay của các đảng nhỏ đối lập tại Xingapo như Đảng xã hội chủ nghĩa Barisan, Liên đoàn người Mã Lai.v.v. lại không mang lại thành công mà còn khiến cho PAP giữ vị trí lãnh đạo của mình một cách liên tục trong nhiều năm. Theo Stephanie Ho, History of general elections in Singapore, singaporeinfopedia, http://eresources.nlb.gov.sg/infopedia/articles/ SIP_549_2004-12-28.html 77 mầm mống của sự đối lập luôn luôn tồn tại trong mọi xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội đó bị cai trị bởi một Nhà nước có xu hướng can thiệp và chấp nhận sự bất công (ít nhất là trong kinh tế). Vì vậy, thực sự các nhà nước không thể nào dập tắt được sự đối lập mà ngược lại, các đảng đối lập luôn tìm cách để vươn lên và vượt qua mọi thử thách. Thực tế cho thấy, các đảng đối lập ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã dần thay thế các đảng cầm quyền truyền thống trong thời gian thóai trào của hình mẫu Nhà nước kiến tạo phát triển. Điều này có thể được giải thích như sau: (1) Các đảng cầm quyền bị mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo đất nước sau khi trào lưu tự do hóa kinh tế bắt đầu và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 nổ ra1; (2) Các phong trào đối lập đòi hỏi dân chủ hóa, bình đẳng trong chính sách kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội ngày càng gây nên sức ép tới sự lãnh đạo của các đảng chính trị truyền thống. Các đảng đối lập thường tận dụng sự ủng hộ từ những thành phần có xu hướng đòi hỏi dân chủ và chống bất công xã hội như sinh viên, nhà báo, công nhân để thực hiện các phong trào nhằm giành lấy chính quyền. Quá trình này đôi khi gây ra những biến động xã hội to lớn và phần nào khiến 1. Theo Carlos Aguiar de Medeiros: The Political Economy of the Rise and Decline of Developmental States. Panoeconomicus, 2011, vol. 58, issue 1, pp. 43-56. 78