🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Người Thất Chí
Ebooks
Nhóm Zalo
Người Thất Chí
Hồ Biểu Chánh
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/ Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach
Mở đầu
Phóng tác từ Prestouplénié i nakazanié (1866) của văn hào Nga Fédor Mikhaïlovitch Dostoievski
... Ồ! Lương tâm! Ồ Trời Phật! Nếu bà Lợi chưa chết, thì bà làm hại thêm cho con nhà nghèo, chớ có ích gì. Bà chết đó là may mắn cho nhiều người lắm. Huống chi toa lấy bạc của bà chẳng phải toa lấy mà ăn xài, lấy đặng tấm gội cho những kẻ nhơ nhuốc, lấy đặng làm mạnh cho những kẻ đau ốm, lấy đặng giúp sống cho những kẻ nghèo đói, thế thì tội trộm cướp sát nhơn của toa có chỗ dung chế được. Ðã vậy, trọn 12 năm nay, toa đã phạt thân toa cực khổ mà chuộc tội rồi. Các cớ ấy há không đủ làm cho lương tâm an tịnh, đặng toa gần gũi má cho má vui, đặng toa kết tóc với cô Tâm cho cô phỉ tình ước nguyện hay sao? Còn toa sợ luật Trời, cái đó toa bậy lắm. Ðời nầy mà toa còn tin tưởng Trời Phật thì trái mùa quá. Nếu Trời Phật có luật và thi hành luật ấy hẳn hòi, thì làm sao những người biết nhơn nghĩa lại chịu nghèo khổ, còn những kẻ tham lam lại được giàu sang? Toa phải về, đừng cải nữa...
Chương 1
Trời gần tối Trinh mặc một bộ ka-ki vàng, quần may cụt ống, áo sơ-mi xanh, đầu đội kết(2) nỉ đen, chưn vấn ghết(3) vải xám, ở trong nhà bước ra tới cửa, rồi day lại nói với Phụng đi theo sau: „Ở đời chẳng nên thối chí. Làm trai mình phải có can-đảm, phải có nghị-lực cho đầy-đủ mà xông-lướt phong-trào nguy-khổn, chớ sao lại cứ thở-than rầu-rĩ hoài như đàn-bà vậy, Mỏa biểu toa đừng thèm buồn việc gì nữa hết. Toa cứ đi chơi cho thong-thả trí, đặng phấn-chấn mà tranh-cạnh với thiên-hạ. Thôi toa ở nhà, để mỏa về rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp“. Trinh bắt tay từ-giã Phụng rồi bước ra đại-lộ Galliéni(4), thủng-thẳng đi ra hướng chợ Bến thành. Ngoài đường đèn khí bựt cháy lên, nam-thanh nữ-tú qua lại dập-dều, xe kéo xe hơi nối nhau tốp chạy ra, tốp chạy vô coi không dứt.
Phụng ngó mông một hồi rồi xây lưng trở vô nhà. Chàng vặn đèn phía trước sáng lòa rồi lại bàn viết mà ngồi, chống tay trái mà đỡ cái trán, đầu nghiêng một bên, mắt ngó sững vô vách tường coi bộ bàng-hoàng tư-lự lung lắm.
Trong căn nhà của Phụng ở, bàn ghế dọn sơ-sàì, chớ không hực-hỡ như các căn khác trong dãy phố đó. Phía trước có một bộ ván gỗ nhỏ, với một cái ghế bố để nằm chơi, Chính giữa có một cái bàn vuông với một cái ghế để tiếp khách, một bên có một cái bàn viết chứa sách đầy chồng, sách Tây sách quốc-âm xốc lộn-xộn, không có thứ-tự. Còn phía trong thì chỉ có một cái giường để ngủ, với hai cái rương lớn để áo quần mà thôi; bàn rửa mặt thì để dưới nhà bếp, mà chẳng có nồi ơ, chén bát chi hết.
Trong nhà vắng hoe, khác với cảnh rần-rộ ngoài đường. Phụng cứ ngồi im-lìm cho đến chừng cái đồng-hồ nhỏ ở trên bàn viết chỉ 7 giờ, chàng mới đứng dậy, tắt đèn bước ra ngoài khóa cửa lại, rồi cầm chìa khóa đi lại nhà ông Phán Thành, ở cách đó năm căn mà ăn cơm tối. Ông Phán Thành hồi trước giúp việc tại sở Thương chánh kể đến 33 năm, ông mới được hưởng hưu-trí hồi năm ngoái. Vợ chồng ông không có con nhưng mà ông có một người con nuôi tên Tồn, đương làm việc trong một hãng buôn tại Sai-gòn. Vì vợ chồng không có vườn ruộng ở xứ nào hết, nên được hưu trí rồi ông cũng ở luôn tại Sài-gòn với con nuôi đặng hủ-hỉ cho vui. Bà Phán tuy đã trên 50 tuổi rồi, song bà còn mạnh khỏe bởi vậy mấy thầy chưa vợ ai muốn ăn cơm tháng thì bà sẵn lòng nấu giùm.
Phụng ở đậu tại nhà Trinh đặng kiếm việc mà làm; vì Trinh làm kiểm soát cho sở hỏa-xa, phải đi theo xe lửa đường Sài-gòn Nha trang, không thể ăn cơm nhà được, bởi vậy đã gần ba tháng nay Phụng phải ăn cơm tháng tại nhà ông Phán Thành.
Phụng bước vô đã thấy Tồn là con nuôi của ông Phán với thầy Giao, là người ăn cơm tháng, ngồi sẵn mà chờ đó rồi, bởi vậy vợ chồng ông Phán liền mời luôn lại bàn ăn. Ông Phán hỏi Phụng:
- Bữa nay tôi thấy có ông Trinh ở nhà phải hôn?
- Thưa, phải. Hôm qua tới bữa nhằm phiên ảnh nghỉ, ảnh mới đi làm hồi tối đây. - Ông làm kiểm-soát sở hỏa-xa, ăn lương thì lớn mà coi thế cực khổ tốn hao lung lắm. Đi xe hoài, ngủ không được, Có lẽ lâu ngày mệt chớ. Đã vậy mà ăn uống không chừng, khi ăn Sài-gòn, khi ăn Nha-trang, tự nhiên phải tốn tiền nhiều.
- Còn trẻ tuổi, dầu làm việc cực khổ chút đỉnh có hại gì. Cực mà được lương lớn thì cũng cầu mà chịu cực. Phận cháu đây, cháu muốn cực hết sức mà cực không được, cháu mới đáng buồn chớ. - Cậu bền chí mà kiếm việc làm, tự nhiên cũng sẽ có chớ.
- Cháu kiếm hết sức mà chưa được chỗ nào hết.
- Đời nầy thiệt khổ. Câu có đi học bên Tây mà kiếm việc làm không được, thế thì mấy cậu nhỏ học bên này làm sao có chỗ mà làm.
- Cháu không kén chọn chi hết, dầu làm ăn lương bốn năm chục một tháng cháu cũng làm nữa, miễn có cơm ăn thì thôi; ngặt gần hai tháng nay, cháu kiếm không được một chỗ nào hết, nên không biết làm sao. Cháu muốn trở về Cần-thơ đặng mướn ruộng mà làm, mà anh Trinh cứ theo cản hoài, biểu ở trên nầy rồi thủng thẳng sẽ có công việc làm, thủng thẳng đến chừng nào
không biết!
- Từ nhỏ chí lớn cháu đi học thì phải ở tại tỉnh thành mà làm việc, chớ không thạo cách làm ruộng, nếu trở về vườn cậu làm ruộng sao được.
- Nghề nào cũng vậy, thủng thẳng mình tập, lần lần rồi sẽ quen, có khó gì. Thầy Giao có tánh ít nói chuyện, nên nãy giờ thầy cứ ngồi ăn, không nói một tiếng nào hết. Bây giờ thầy mới xen vô mà nói: „Người ta hay nói: Hoàng thiên hữu nhãn. Theo tôi thì ông Trời không có con mắt. Nếu ổng có con mắt, sao M. Phụng đây muốn làm ăn hết sức, dầu cực khổ không nệ, mà ổng lại không cho có sở làm ăn. Còn có nhiều nhười khác họ biếng nhác, làm việc chi họ cũng làm cho có chừng, không biết lo-lắng, mà sao họ lại có công việc làm luôn luôn. Nghĩ thử coi có phải ông trời không có con mắt hay không?“.
Bà Phán cười và nói: „Mỗi người đều có mạng số riêng. Cực hay sướng đều tại mạng của mình, chớ nào có phải tại ông trời mà thầy trách ông. Ông trời công-bình lắm.“ Ông Phán chận mà hỏi bà:
- Bà có nói chuyện với ông trời hồi nào hay sao mà bà biết ổng công-bình? - Ông hỏi kỳ cục quá! Ông dám nghi ông trời không công-bình hay sao?
- Tôi nghi lắm.
- Già rồi, đừng có nói như vậy không nên. Nếu trời không công-bình, mà sao người làm lành lại được phước, còn kẻ làm dữ, lại bị tội.
- Ai nói với bà làm lành thì được phước, còn làm dữ thì bị tội? Thuở nay tôi thấy nhiều người làm lành mà có được phước gì đâu, còn có nhiều kẻ ở ác hết sức mà họ không có bị tội hồi nào hết. Đừng có chỉ ở đâu xa làm chi, kìa bà Lợi ở căn phố bìa kìa, bà cho vay bà cắt cổ thiên-hạ ngất ngư hết, cho l đồng bạc mỗi ngày ăn 1 cắc lời, cho 10 đồng 1 tháng ăn 4 đồng lời. Vì nghèo túng rồi nên phải tới bà. Bà thừa dịp người ta cần dùng tiền, bà cắt họng người ta như vậy đó, bà ở ác quá, mà bà làm giàu, chớ có bị tội gì đâu.
- Thuở nay bà Lợi cho vay như vậy, tại mình đến năn-nỉ mà vay thì mình chịu. Bà có ép buộc ai phảỉ vay của bà đâu mà nói bà cắt hầu cắt họng.
- Phải. Bà không ép buộc ai. Nhưng mà bà là người cho vay, hễ mình túng tiền xài thì tới bà, chớ biết đi đâu mà hỏi. Bà thừa cơ hội khốn đốn của mình mà buộc mình phải chịu tiền lời nặng, ác là tại chỗ đó.
- Cho vay ăn lời nặng, tôi tưởng chưa ác lắm. Lúc mình hụt tiền mua gạo, hoặc uống thuốc bà giúp cho mình, ấy là bà làm ơn. Cái ơn giúp đỡ lúc túng ngặt đó có lẽ cũng trừ với cái ác ăn lời nặng kia được. Có người không giúp đỡ cho ai hết mà lại còn bươi móc kiếm chuyện đặng lấy tiền lấy bạc của người ta, mấy người đó mới thiệt là ác.
- Thừa dịp người ta nguy khốn hay là kiếm cớ làm khó cho người ta đặng lấy tiền, đều có tội ác hết thảy. Theo ý tôi, như ông Trời của bà nóỉ hồi nãy đó mà thiệt công-bình, thì ông quét cho sạch những hạng người ấy, rồi dân nghèo mới hết hoạn-nạn.
- Nói như ông vậy, thì trên mặt đất nầy còn người ta nữa ở đâu!
- Sao lại không còn? Còn người tử-tế biết nhơn nghĩa, họ ở.
- Được bao nhiêu người như vậy!
- Bao nhiêu cũng được, đông làm gì. Đông mà lộn những hạng người không biết thương yêu ai hết, cứ lo cắt họng lật lưng người ta, thì càng khốn-nạn, chớ ích lợi gì, Thà là có ít, mà toàn là người tử-tế, thì mặt đất nầy trở ra thiên đàng, không khoái lạc hay sao?
- Những kẻ hung dữ, trộm cướp chém giết người ta, nếu ông muốn trời hại họ chết hết đi, thì cũng cho là phải được; chớ mấy người cho vay ăn lời nặng với mấy người kiếm chuyện đặng lấy tiền của người ta, mà ông cũng muốn cho họ chết nữa, thì ông gắt quá! - Kẻ hung bạo, trộm cướp hoặc chém giết người ta, thì toà chiếu luật mà bỏ tù hoặc đày họ. Họ khuấy rối xã-hội, thì sẵn có luật buộc họ phải đền tội. Ấy vậy hạng người đó ít hiểm cho bằng hạng người làm mặt quân-tử rồi cắt họng lật lưng người ta, mà không có luật, hoặc có luật mà không có đủ bằng cớ cho tòa trừng-trị họ. Tôi cho hai hạng người đó tội ác như nhau, thì tôi có nhơn nhiều lắm rồi; nếu lấy tâm-lý mà xét thì hạng người sau phải chịu hình phạt nặng hơn hạng người trước kia mới đáng.
Bà Phán hết lời mà cãi nữa.
Thầy Giao hỏi ông Phán:
- Người ta nói bà Lợi nhiều tiền lắm, phải như vậy hay không ông Phán?
- Phải chớ. Tôi ở dãy phố nầy đã gần 20 năm nay, bả cũng ở đó, tôi thấy bả cho vay luôn luôn. Bả ăn lời cắt cổ, 20 năm nay làm sao mà không nhiều tiền được.
- Theo ý ông thì bây giờ trong nhà bả có chừng bao nhiêu tiền?
- Tôỉ tưởng bả có hai ba ngàn đồng là số ít.
- Nhiều tiền quá! Bả không có con cháu chi hết, mà bả cắt họng người ta rồi để tiền cho ai ăn không biết.
- Người tham tiền thì họ cứ lo tính làm cho ra tiền nhiều mà thôi, họ có nghĩ tới sự dùng tiền ấy bao giờ đâu. Làm ra rồi để đó, không dùng về chỗ nào hết, chừng chết tiền ấy không đem theo được, thì cào cấu giành-giựt đặng có tiền cho nhiều làm chi không biết.
- Đời nầy có chi quí bằng đồng tiền. Nếu mình có nhiều thì mình được cao sang, được thiên-hạ kính-trọng, mà mình lại có thể làm ơn làm nghĩa được nữa. Còn nếu mình không có, thì thân mình phải cực-khổ hèn-hạ, đã không làm việc gì được, mà có khi còn phải chịu đói rách. Ấy vậy có tiền nhiều thì sướng lắm, có quấy chi đâu, nhưng mà phải dụng tâm dụng lực cho hiệp nghĩa hiệp nhơn mà làm ra tiền mới tốt, chớ cướp giựt cào cấu cho có tiền thì quấy lắm. Phụng lắc đầu cười và nói: „Làm nhơn-nghĩa thì làm sao có tiền nhiều cho được!“ Ăn cơm rồi, thầy Giao đi về liền, còn thầy Tồn thì xin phép ông Phán mà đi coi hát bóng. Phụng cũng từ-giã vợ chồng ông Phán mà về. Bà Phán nói: „Xin cậu ở lại cho tôi nói chuyện riêng một chút“.
Phụng kéo ghế mà ngồi. Ông Phán đi vô trong. Bà Phán bước lại gần mà nói nhỏ với Phụng: „Hôm tháng trước trong nhà hụt tiền xài, tôi có hỏi bà Lợi hết 10 đồng bạc tháng. Bữa nay tới tháng, bà đòi dữ quá. Nếu cậu có tiền xin cậu làm ơn cho giùm tiền cơm đặng tôi trả cho bà Lợi“.
Phụng biến sắc, ngồi trân-trân một hồi rồi thở ra mà đáp:
- Cháu ăn cơm đã gần hai tháng mà cháu chưa trả được cho bà đồng nào hết, thiệt cháu ái-ngại lung quá. Hôm qua cháu đã có viết thơ về xin tiền đặng trả cho bà. Vậy xin bà đợi vài bữa cháu được tiền cháu sẽ trả.
- Cậu chưa có việc làm mà tôi đòi tiền cơm, thiệt tôi cũng ái-ngại hết sức. Ngặt tôi vướng hết mười đồng bạc tháng của bà Lợi, nên cực chẳng đã tôi phải hỏi. Nếu không có như vậy, thì chừng nào cậu có sở làm rồi cậu trả cũng được. Tôi biết cậu là người tử-tế, mất mát gì đó mà sợ.
- Thiệt bây giờ cháu không có đồng nào hết. Xin bà chịu phiền đợi ít bữa, hễ bà già cháu gởi bạc lên thì cháu sẽ đưa cho bà liền.
- Thôi, tưởng cậu có sẵn nên tôi mới hỏi. Nếu cậu không có thì thôi, để ít bữa nữa cũng được. Để tôi năn nỉ với bà Lợi ráng để cho tôi một tháng nữa. Cha chả, mà phải chịu cho bà tới 3 đồng bạc lời.
- Dữ hôn!
- Vậy chớ sao. Tôi quen với bà nhiều lắm, nên bà cho ba đồng lời đó đa, chớ bà cho người khác bả ăn tới 4 đồng.
- Mắc quá! Thôi, tiền lời ấy để cháu chịu cho bà.
- Để cho cậu chịu sao phải? Nếu cậu không có tiền, vậy chớ mấy tháng nay cậu làm sao mà ăn xài.
- Cháu không có xài việc chi hết. Mấy tháng nay anh Trinh thường đưa tiền cho cháu, khi 10 đồng, khi 20, biểu cháu lấy mà xài. Lần nào cháu cũng từ chối, cháu nói cháu có tiền, cháu không chịu lấy.
- Ông Trinh ăn lương lớn, mà ông không có vợ con, ông xài tiền không hết, ông chia bớt cho cậu xài, có hại gì mà cậu ngại.
- Tuy cháu với anh Trinh làm anh em từ hồi còn nhỏ, qua bên Tây cũng gần-gũi nhau nữa, song cháu được ở đậu nơi nhà ảnh nghĩ cũng đã quá rồi, nếu cháu còn lấy tiền của ảnh mà xài thì cháu không an bụng. Vậy xin bà đừng nói cho ảnh biết sự cháu không có tiền. Nếu ảnh hay cháu không có tiền mà trả tiền cơm thì chắc ảnh trả liền. Mà hễ để cho ảnh làm như vậy thì cháu hổ quá, chắc cháu phải đi về xứ, không dám ở trên nầy nữa. Xin bà giấu dùm cho cháu. - Ai nói làm chi. Cậu nghèo mà cậu giữ liêm sỉ lung quá!
- Phải biết liêm sỉ mới đáng làm người chớ.
- Tội nghiệp quá! Người như cậu vậy mà ông Trời lại không cho giàu có chớ: hèn chi ông Phán
tôi ổng nghi ông Trời không công bình.
- Cháu khổ riết rồi cháu cũng nghi như ông Phán vậy đó bà.
- Đừng có nói như vậy không nên. Cậu còn nhỏ, cậu phải tin tưởng Trời, Phật, cậu mới đi ngay đường được.
Ông Phán ở trong bước ra và cười và nói:“Bà cứ giảng dạy luân-lý hoài! Nghe buồn quá!” Phụng đứng dậy từ vợ chồng ông Phán mà về. Bà Phán ngó theo và nói với chồng:“Người trẻ tuổi mà biết đều quá. Thế mà phải chịu mghèo, thiệt tội nghiệp hết sức.”
Chú thích:
(1-) phóng tác từ Prestouplénié i nakazanié (1866) của văn hào Nga Fédor Mikhaïlovitch Dostoievski
(2-)(tiếng Pháp: Caskette) = nón lưỡi trai, nón có rìa che nắng
(3-)(tiếng Pháp: guêtre) dây da hoặc vải đan chéo dùng bọc ống chân (bắp chuối)từ đầu gối đến ống giày, từ ngữ này đã được việt hóa.
(4-) Nay là đại lộ Trần Hưng Đạo
Chương 2
Nghe nói trên mấy vườn cao su người ta thường cần dùng người có học-thức để cai quản dân làm công trong sở, tuy làm việc nhiều giờ; ăn ở cực khổ, song lương bổng họ cho rộng rãi, Phụng mới đi tìm mấy ông chủ vườn cao su lớn ở trên Sài-gòn đặng năng-nỉ xin việc mà làm. Đi gần hết một buổi sớm mơi, may được gặp hai ông chủ, mà một ông thì nói trong sở có đủ người dùng, còn một ông chủ thì nói hôm tuần trước có cần dùng một người để đem lên sở trên Thủ-dầu-một, mà ngày hôm qua đã có người xin vô làm rồi.
Phụng thất vọng, nên trở về nhà thay đồ rồi nằm dài trên ghế bố, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim.
Nhà Chà-và đi phát thơ đem lại đưa một phong thơ. Phụng lấy thơ coi ngoài bao, thấy tuồng chữ của em thì biết thơ dưới nhà gởi nên trong lòng hồi-hộp, mừng được tin nhà, song không biết mẹ có gởi tiền đặng trả tiền cơm cho bà Phán Thành hay không.
Phụng đi lại bàn viết ngồi, rồi lấy dao thủng-thẳng rọc bao thơ mà rút cái thơ ra, không thấy măng-da(1), mặt biến sắc, tay run-rẩy, lòng lạnh ngắt. Chàng gượng mà coi thơ thì thấy nói như vầy:
“Cher anh Hai,
“Hôm qua má có tiếp được thơ của anh. Trong thơ anh xin má 30 đồng để trả tiền cơm cho người ta. Má biểu em viết thơ trả lời hay rằng bây giờ trong nhà không có tiền dư, nên xin anh đợi 15 tháng tới má lãnh tiền hưu-trí rồi má sẽ gởi lên cho anh.
“Anh Hai ôi, bởi nhà mình nghèo, nên anh học lỡ-dở, rồi bây giờ tấm thân trôi nổi vất-vả như vậy, em nghĩ tới phận anh, thiệt em đau lòng xót dạ biết tới chừng nào.
“Gia-đạo của mình anh đã biết rõ hết. Hồi ba còn sanh tiền, số tiền hưu-trí mỗi kỳ 3 tháng lãnh được 350 đồng, nên bề ăn xài trong nhà được rộng rãi. Từ ngày ba mất rồi, má lãnh còn có phân nửa, mỗi kỳ 3 tháng có 175 đồng, bởi vậy dùng không đủ, em phải làm bánh rồi sai bầy trẻ đi bán để kiếm lời mỗi bữa ít cắc bạc đặng phụ mà chịu tổn-phí trong nhà. “Mùa mưa nầy cái nhà hư dột nhiều chỗ. Rồi đây còn phải lo tu-bổ cái nhà, tốn hao chừng 100 đồng mới đủ.
“Anh Hai ơi, em buồn, em lo lung lắm, song em cứ làm vui, em không lộ sắc buồn cho má biết. Ngày anh xin phép má đặng đi kiếm công việc làm, em muốn cản anh hết sức, mà em không dám cản, là vì em nghĩ em không đủ sức nuôi anh, lại anh đi học tới bên Tây, nếu bây giờ anh ở
nhà thì sợ e thiên-hạ khinh-khi anh, họ chê anh học mà không dùng được. Tại như vậy đó nên em mới để cho anh đi.
“Má còn biểu nói cho anh việc nầy nữa: có thầy Bang-Biện Tịnh cậy mai nói với má xin cưới em. Thầy năm nay đã trên 40 tuổi, nhà giàu lớn, huê-lợi mỗi năm gần 30 ngàn giạ. “Thầy đã có vợ có con, song có con gái mà thôi, nên muốn cưới em làm bé họa may em sanh con trai cho thầy. Thầy chịu cưới một ngàn đồng bạc, lại hứa cất nhà lại chắc-chắn cho má với em ở.
“Bữa hổm má có hỏi ý em, má nói như em chịu thì má gả. Em nghĩ nhà mình nghèo, bây giờ chỗ giàu có sang-trọng có ai thèm cưới em đâu. Nếu em ưng thầy Bang-Biện Tịnh, thì bây giờ em giúp-đỡ trong nhà mình được, mà có lẽ ngày sau thân em cũng được sung-sướng. Ngặt vì em là con ông Phủ, mà đi làm bé người ta thì xấu hổ quá, xấu hổ cho thân em, mà cũng xấu hổ cho tông-môn nữa. Tại như vậy đó nên em lưỡng-lự, em xin má cho em suy nghĩ ít ngày. “Ba mất rồi, anh là lớn, anh phải chỉ đường cho em biết mà đi. Vậy nên em xin anh suy-nghĩ, rồi cho em biết coi em có nên ưng làm bé thầy Bang-Biện Tịnh hay không.
“Việc nầy không gắp gì. Anh suy nghĩ rồi tháng sau má lãnh tiền hưu trí rồi em đem tiền lên cho anh, chừng ấy anh sẽ trả lời với em cũng được. Hễ anh chịu thì em chịu, còn như anh không bằng lòng thì em thôi.
“Để gặp nhau rồi em sẽ nói chuyện dài, bây giờ em kính chúc cho anh được vạn sự như ý” Loan
Bái thơ
Phụng đọc thơ dứt rồi, thì vừa giận, vừa tức, vừa tủi, vừa buồn, nên cặp mắt đỏ au, ngực nhảy thình-thịch. Chàng xếp thơ bỏ vào túi rồi đi qua đi lại mà suy-nghĩ trót một giờ đồng-hồ. Đến 11 giờ rưỡi, chàng khóa cửa đi lại nhà ông Phán Thành mà ăn cơm. Chừng ăn cơm rồi, chàng đợi thầy Giao đi về, chàng mới nói với bà Phán:
- Thưa bà, bữa hổm cháu hứa với bà trong ít bữa bà già cháu gởi tiền lên rồi cháu sẽ trả tiền cơm cho bà. Bữa nay cháu có được thơ dưới nhà gởi lên nói 15 tây tháng tới, nghĩ là 20 ngày nữa, bà già cháu lãnh tiền hưu-trí rồi mới gởi cho cháu được. Cháu nói lỡ lời bây giờ thất ước với bà, thiệt cháu có lỗi nhiều quá.
- Hôm trước cậu nói trong vài ngày sẽ có tiền, tôi năn nỉ xin bà Lợi huỡn lại cho tôi 5 ngày. Bây giờ nói với bà tới 15 tây tháng tới chắc bà cằn-nhằn dữ lắm.
- Xin bà đừng phiền, tại cháu không tiền, chớ không phải cháu có mà không muốn trả cho bà. Số bạc bà vay của bà Lợi xin để cháu chịu tiền lời cho.
- Câu không có tiền thì tôi phải nói với bà Lợi để lại một tháng nữa rồi tôi sẽ trả chớ biết làm sao.
- Cháu làm cho bà phải nhọc lòng hết sức. Bà là người ơn của cháu, nấu cơm cho cháu ăn, mà cháu cù nhầy không trả tiền coi kỳ cục quá. Tại gặp hồi khốn đốn, nên mới lỗi với bà như vậy. Xin bà thương giùm thân phận của cháu, đừng phiền cháu tội nghiệp.
- Không, tôi không có phiền cậu đâu. Tôi với ông Phán thấy tánh nết của cậu thì thương cậu lung lắm chớ. Nếu vợ chồng tôi dư dã như người ta thì nuôi cơm cậu cũng được, ngặt vì vợ chồng tôi cũng nghèo nên mới hỏi tiền cơm đó đặng mua gạo, đi chợ, mà nấu cho cậu ăn. - Cháu xin bà đừng nghi-ngờ gì hết, thế nào cháu cũng trả cho bà.
- Không, tôi không có nghi điều chi đâu.
- Cám ơn bà. Cháu xin tỏ thiệt với bà một điều nầy nữa: cháu lên Sài-gòn ở kiếm việc mà làm đây là vì nhà cháu nghèo. Bà già cháu không có huê lợi gì hết, chỉ có số tiền hưu trí mỗi tháng lãnh không đầy 60 đồng bạc. Đã hai tháng rồi cháu kiếm không được việc làm. Nếu cháu ăn cơm với bà hoài, tự nhiên phải xin tiền nhà mà trả, làm như vậy thì bà già cháu còn tiền đâu mà xài cho đủ. Vậy cháu xin bà kể từ ngày nay cháu không lại ăn cơm nữa. Số tiền cơm hai tháng rồi, hễ 15 tây tháng tới bà già cháu gởi lên, thì cháu trả cho bà liền. - Cậu không ăn cơm ở đây nữa rồi cậu ăn ở đâu?
- Thưa không hại gì. Cháu mua bánh mì ăn sơ sài mỗi bữa cũng được.
- Ý! Ăn như vậy chịu sao nổi. Ăn thất thường lâu ngày phải mang bịnh chớ phải chơi đâu. - Thưa được.
- Mà tôi coi thế cậu không có tiền, cậu lấy gì mua bánh mì mà ăn?
- Cháu còn được ít cắc, chừng nào hết cháu sẽ mượn tiền của anh Trinh cháu xài.
- Tôi muốn cậu lại nhà tôi ăn cơm hoài. Chừng nào cậu có tiền rồi cậu sẽ trả, đừng ngại chi hết. - Bà thương cháu nên bà biểu như vậy, song cháu phải biết xét phận cháu, đâu dám làm như vậy.
- Tôi thấy thân phận của cậu tôi chịu không được. Tôi nghèo, thiệt tức quá! … Tôi biểu cậu ăn cơm như thường, đừng ái ngại chi hết; tuy nghèo song vợ chồng tôi có lẽ nuôi cậu được mà. - Thưa, cháu đâu dám làm nhọc lòng ông bà. Kể từ chiều nay, cháu xin bà đừng chờ cháu ăn cơm nữa.
Phụng rưng rưng nước mắt, liền đứng dậy từ bà Phán mà về. Bà Phán ngó theo, bà cảm động, nên cũng chảy nước mắt.
Bữa chiều ấy, Phụng đóng cửa lại mà ở trong nhà cứ đi qua đi lại từ trước ra sau, chớ không phải nằm mà nghỉ. Có lúc chàng ứa nước mắt, sắc mặt coi hầm hầm.
Đến tối, chàng khóa cửa bước ra ngoài đường đi thơ-thẩn, gặp một đứa nhỏ bán bánh mì, chàng mua một ổ ba xu, rồi thủng-thẳng đi xuống mé sông ngồi trên bực thạch mà ăn; ngó trời, ngó nước im lìm, ngó xe, ngó người náo-nức, mà chắc tại trong trí chàng đương bối-rối, nên không để ý đến vật chi hết. Có lẽ ăn bánh mì rồi khát nước, nên lối 8 giờ chàng bươn-bả trở về nhà. Chàng mở cửa vặn đèn, uống một hơi tới hai ly nước lạnh; rồi ngồi lại bàn viết lấy giấy mà viết. Viết tới 3 giờ khuya, chàng mới chịu đóng cửa tắt đèn đi ngủ.
Sáng bữa sau, gần tới 7 giờ, Phụng mới thức dậy. Vì bữa chiều hôm qua ăn không no, lại đêm ấy ngồi lâu viết nhiều, nên sắc diện của chàng coi nhầu nhè mệt nhọc lắm.
Chàng ngồi lại bàn viết mà đọc mấy trương giấy chàng viết hồi hôm, có khi ngừng mà suy nghĩ, có khi cầm cây viết mà sửa chữ.
Lốt 8 giờ, Trinh theo xe lửa Nha-trang về tới, bước vô nhà, anh em mừng nhau, rồi Trinh ngó Phụng mà hỏi:
- Bữa nay sao mỏa coi sắc mặt toa mệt dữ vậy?
- Mỏa khỏe như thương, có mệt đâu.
- Hứ! Toa nói dấu mỏa! Toa lấy kiếng soi mặt của toa mà coi có phải mệt hay không rồi toa mới hết chối. Chắc là hai bữa rày toa ở nhà, toa buồn râu không ăn không ngủ, nên toa mệt chớ gì.Phụng không trả lời, bỏ đi ra cửa mà đứng. Trinh vô trong buồng thay đổi quần áo, rửa mặt gỡ đầu rồi ra nằm trên bộ ván gõ mà nghỉ lưng. Thấy Phụng trở vô, Trinh liền nói:“Mỏa đã kiếm đủ cớ mà khuyên giải toa, mà toa cứ buồn râu hoài, mỏa không biết làm sao nói nữa. Buồn làm chi không biết! Đứng làm người, nhứt là đương lúc thanh niên, mình phải có cái hăng-hái, phải có cái óc cứng cỏi mà tranh đấu với đời, hễ tranh đấu thì tự nhiên có thắng hoặc bại. Nếu may mà có thắng thì mình chẳng nên kiêu căng mãn ý rồi ngừng lại, phải thừa thắng mà đi tới nữa, đi hoài, đừng thôi. Còn như rủi thất bại, thì mình phải hồi tâm định trí mà xem xét lại coi tại cớ nào mình thất bại, rồi sắp đặt phương-pháp khác để tranh đấu nữa, chớ đừng thấy thất bại ngã lòng thối chí, phải phấn chấn mà tranh đấu hoài, tranh đấu luôn luôn cho tới đắc thắng mới được”.
Phụng ngồi lặng thinh một hồi rồi thở dài đáp:
- Toa luận nghe phải lắm, ngặt vì mỏa quen tánh đa cảm nên hễ gặp việc trắc-trở thì buồn bực chịu không được.
- Toa biết đời nầy là đời khôn sống hống thác. Nếu muốn sống thì phải tập cho có cái óc thiệt hành, chớ không nên có cái óc đa cảm. Toa phải nghe lời mỏa mà sửa tánh ý toa lại. - Mỗi người đều có tánh riêng, dễ gì mà sửa cho được toa. Huống chi đường tương lai của mỏa coi mịt mù, mà việc nhà của mỏa càng ngày càng bối rối thêm hoài, làm sao mà mỏa vui-vẻ cứng cỏi như toa được.
- Mỏa đã có nói: toa cứ bền chí thì sớm muộn gì rồi cũng có công việc làm. Hồi ở bên Tây về, mỏa cũng như toa bây giờ vậy. Mỏa kiếm sáu bảy tháng trường mới có chỗ làm. Toa mới thất nghiệp có vài tháng mà thối chí nỗi gì. Còn việc nhà của toa tại sao mà bối rối, toa nói cho mỏa nghe thử coi.
- Việc riêng của mỏa, khó nói rõ ra cho được.
- Hứ! Hai đứa mình là bạn thiết, thương nhau cũng như ruột thịt. Việc của toa là việc của mỏa, tại sao toa nghi kỵ, không muốn nói cho mỏa biết? Toa có việc mà toa dấu mỏa, té ra toa cho mỏa không đáng làm người bạn thiết của toa hay sao?
- Mỏa biết toa thương mỏa lắm cũng như mỏa thương toa vậy, có lẽ nào mỏa nghi kỵ. - Nếu không nghi kỵ, thì có việc gì buồn phải nói thiệt cho mỏa hiểu mỏa mới khuyên giải toa được chớ.
- Toa vẫn biết tuy ông già mỏa hồi trước làm quan, song đến ngày hưu-trí không có dư đồng tiền nào hết.
- Làm quan thanh liêm nhơn đức thì dư tiền sao được. Ấy là sự kết quả của thái-độ người xưa, có lạ gì đâu.
- Từ ngày ông già mỏa mất rồi, thì bà già mỏa hưởng tiền hưu-trí được phân nửa thôi, không đủ tiền chi dụng trong nhà có đâu nuôi mỏa ở bên Tây mà học nữa cho được, bởi vậy mỏa còn có một năm nữa thì thi lấy bằng kỹ-sư mà mỏa phảì bỏ học mà trở về Mỏa thấy nhà ngheo, mỏa mới lên đây tính kiếm việc mà làm, dầu không giúp đỡ cho bà già mỏa được thì cũng khỏi tốn hao cho bà già mỏa. Nào dè ở đây đã 2 tháng rồi mà không làm được việc gì hết, phải nhờ cậy toa, lại cũng phải nhờ cậy dưới nhà nữa.
- Toa có nhờ mỏa chút gì đâu? Toa ở đây cũng như toa ở coi nhà giùm cho moả; nếu không có toa thì mỏa cũng phải trả tiền phố vậy.
- Toa đừng cãi, để mỏa nói hết cho toa nghe. Việc mỏa mới thuật đó là một cớ làm cho mỏa phải buồn rồi. Mà bà già mỏa vì nhà nghèo, muốn giải nguy, nên tính gả con em gái mỏa làm bé một người giàu đặng lấy tiền mà nuôi sự sống cho cả gia đình, bà già với em mỏa làm như vậy thì mỏa chịu sao nổỉ, mà toa biểu mỏa đừng buồn.
Phụng nói tới đó thì cảm động, chảy nước mắt, không nói được nữa.
Trinh châu mày mà hỏi:
- Ai nóỉ với toa sự bà Phủ muốn gả em toa làm bé nhà giàu?
- Em mỏa gởi thơ cho mỏa hay.
- Ạ! Thơ đâu? Toa đưa cho mỏa coi một chút được hay không? Có lý nào bà Phủ nỡ tính việc kỳ cục như vậy. Mỏa không thể tin. Phụng sơ tâm muốn nói đại khái việc nhà cho Trinh nghe mà thôi, chớ không chịu nói rõ, mà bị Trinh nói xóc, lại đương hồi uất-ức, trí không còn dè-dặt nữa nên vội-vã kéo hộc tủ bàn viết lấy phong thơ của cô Loan mà đưa cho Trinh.
Trinh ngồi đọc hết rồi trả thơ lại và nói:
- Mỏa trách toa lung lắm, vì toa không thiệt tình với mỏa. Hai tháng nay toa ăn cơm của bà Phán, toa không có tiền mà trả, sao toa không nói cho mỏa hay? Toa không có tiền, sao mấy lần moa đưa tiền toa lại không chịu lấy?
- Toa cho mỏa ở đậu trong nhà, mà mỏa còn lấy tiền của toa mà xài nữa, thì khó coi quá, mỏa lấy sao được.
- Toa khờ quá! Liêm sỉ! Liêm sỉ! Làm anh em với nhau, mỏa có tiền dư, còn toa không có, thì mỏa cho toa dùng, có gì đâu mà ái ngại? Đối vơi moa thì toa, giữ liêm sỉ, rồi toa day qua buồn, làm lo cho bà Phủ với em toa, thái độ như vậy đúng lắm hay sao? Á! Chú quân-tử nầy quê mùa quá! Thôi, tiền cơm đó để mỏa tính với bà Phán, toa khỏi lo. Toa cứ lại đó ăn cơm, mỏa đủ sức bao cho toa luôn luôn.
- Trưa hôm qua mỏa đã có nói dứt với bà Phán mỏa không ăn cơm nhà bả nữa. - Tại sao vậy?
- Mỏa chưa có việc làm, ăn cơm tiền đâu mà trả.
- Nếu toa không ăn cơm nhà bà Phán, rồi toa ăn ở đâu? Toa ăn chỗ khác lại khỏi trả tiền hay sao?
- Mỏa mua bánh mì ăn bậy bạ, miễn no bụng thì thôi.
- Ồ! Toa điên hay sao? Ăn bánh mì trừ cơm sao được?
- Sao không được? Vậy chớ hồi ở bên Tây cơm đâu mình ăn?
- Ăn bánh mì cũng phải có thịt cá, rau cải kèm vô mới bổ tỳ vị mà sống được chớ. - Thì mỏa mua thịt mà ăn. Trong xứ mình đồ ăn rẻ, mỗi bữa ăn tốn chừng một cắc bạc thì đủ no đủ bổ.
- Toa điên thiệt mà! … Thôi việc đó để lát nữa rồi sẽ đàm luận lại. Bây giờ mỏa hỏi toa vậy chớ em toa hỏi ý kiến của toa đó mà toa đã trả lời rồi hay hay chưa?
- Chưa.
- Toa phải trả lời liền và trong thơ toa phải dặn cô Loan, chừng bà Phủ lãnh tiền hưu-trí rồí, cô
đừng có gởi hoặc đem lên cho toa làm chi. Mà cô Loan hỏi toa như vậy, toa tính trả lời thế nào đâu, toa nói cho mỏa nghe thử coi.
- Để cho em mỏa hủy cái xuân xanh của nó và chịu nhục-nhã trọn đời đặng cứu gia đình, làm như vậy mỏa không thế chịu được. Mỏa sẽ nhiệt liệt ngăn cãn sự ấy.
Trinh ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nói:
- Sanh hoạt là một vấn đề. Cô Loan ưng làm vợ bé Bang-Biện Tịnh ấy là một cách giải quyết của vấn đề. Theo ý mỏa, nếu cô Loan vui lòng ưng thuận, thì có lợi chớ không có hại. - Về danh-dự mà toa luận lợi hại như buôn bán vậy sao được.
- Mỏa luận theo cái tôn chỉ thực-hành chớ. Đời nầy thiên-hạ kể gì danh-dự. Hễ có tiền nhiều thì cao sang. Phải tranh đấu làm cho có tiền nhiều thì mới có danh dự.
Phụng đứng dậy đi qua đi lại một hồi rồi ngó ngay Trinh mà nói:
- Mấy lời toa nói, mỏa nghĩ phải lắm. Nhưng mà thà mỏa gả em mỏa cho một tên nông-phu, chớ mỏa không nỡ để làm vợ bé một người giàu.
- Câu chuyện toa nói sao mâu thuẫn quá! Toa đã cho lời luận của mỏa là phải, mà sao toa lại không chịu cho em toa làm vợ bé của người giàu?
- Vì em của mỏa là con của một ông Phủ, nên thà nghèo sạch chớ không nên giàu mà dơ. - Toa bị cảm nhiễm giáo-dục xưa đã sâu quá, không thế nào đổi cáỉ óc của toa được. - Không! Mỏa sẽ đổi cho toa coi mà, song mỏa đổi cho mỏa chớ không chịu cho em mỏa đổi. - Toa làm thế nào đổi cái óc của toa?
- Để mỏa suy nghĩ ít bữa rồi mỏa sẽ trả lới câu hỏi đó.
- Nếu toa bỏ được cái óc đa-cảm của toa đó thì mỏa mừng lắm vậy.
- Mỏa sẽ gắng sưc.
Hai người đàm luận tới 11 giờ, Trinh biểu Phụng thay đồ rồi dắt nhau ra nhà hàng ăn cơm tây. Chiều bữa sau, Trinh sửa soạn đi làm việc. Chàng để 20 đồng bạc trên bàn nói với Phụng: - Toa cất tiền đây đặng ở nhà ăn cơm.
- Không, không, toa khỏi lo cho mỏa.
- Toa không ăn cơm tháng nhà ông Phán nữa, mà lại không có tiền: ở nhà toa lấy gì ăn cơm, mà biểu mỏa đừng lo?
- Mỏa kiếm ăn bậy bạ được.
- Toa đừng có cãi với mỏa mà. Kiếm ăn bậy bạ là nghĩa gì?
Trinh bỏ 20 đồng bạc trên bàn mà đi. Chừng ra tới cửa, chàng day lại nói vói: - Toa nhớ viết thơ dặn dưới nhà đừng gởi bạc lên. Mỏa đã trả tiền cơm cho bà Phán rồi. - Toa trả rồi hay sao?
- Rồi.
Phụng lắc đầu, Trinh đi tuốt.
Chú thích:
(1-)(tiếng Pháp: mandat) bưu phiếu.
Chương 3
Lối 3 giờ chều, trời đã dịu nắng. Phụng mặc y phục đàng-hoàng, rồi thủng-thẳng đi bộ ra đường Kinh Lấp(1). Chàng đi tới một căn phố lầu, trên cửa có một tấm bảng sơn màu đề mấy chữ lớn:
Tân Đợi
Báo xuất bản hằng ngày
Phụng đứng dụ-dự một chút rồi mới mạnh dạn bước vô cửa, móc túi lấy một tấm danh-thiệp
đưa cho người đi giấy ngồi tại đó mà cậy đưa cho ông Tổng-lý(2) nhựt báo. Chàng đứng chẳng bao lâu, thì người đi giấy trở ra mới chàng đi theo mà lên lầu. Chàng vừa tới cửa môt cái phòng thì ông Tổng-lý báo Tân-Đợi bước ra tiếp rước vui vẻ, nắm tay dắt vô phòng rồi kéo ghế mời chàng ngồi.
Ông Tổng-lý ngồi ngang mặt Phung, ông vừa cười vừa hỏi:
- Tôi muốn biết coi ông đến viếng tôi, ông có điều chi dạy bảo tôi chăng? - Tôi ở Sài-gòn mấy tháng nay, tôi nghe danh ông là người có chí tân tấn, quyết đánh đổ nền phong-hóa hủ bại, rồi xây một nền phong-hóa mới-mẻ, để cho xã-hội nương theo đó mà tấn bộ cho khỏi thua sút người ta. Tôi lấy làm ái mộ cái tôn chỉ quý báu ấy, và tuy tôi bất tài, song tôi muốn làm tay chơn cho ông đặng giúp ông chút ít cho mau đạt đến mục-đích. Hôm nay tôi đến đây là có ý xin ông nghĩ thử coi, ông có thể dùng vào chỗ nào được hay không. Tôi chảng nệ cao thấp, dầu viết bài để đăng báo hay là làm băng để gởi báo cũng được, miễn là tôi được giúp trong báo quán thì thôi.
Ông Tổng-lý châu mày, nhìn kỹ Phụng rồi mới trả lời:
- Ông có cảm tình với tờ báo của tôi, thiệt tôi cám ơn ông lắm. Nghe mấy lời ông nói dường như tôi được nước mát xối xuống trong lòng tôi. Những lời ấy có tánh-chất thúc giục tôi phài hăng-hái mà đuổi theo cái mục-đích của tôi định mà bọn thủ cựu họ ghét lắm. Có lẽ trước khi đến đây, ông vẫn biết tờ báo của tôi mới lập, nên số người mua chưa được đông. Đã vậy mà tôn chỉ của tờ báo không thích-hợp với trí ý của hạng lão-thành trong xứ, nên họ cứ vận động phá tôi hoài. Tại hai cớ ấy mà bề tài chánh của bổn báo không được phát-đạt. Còn người giúp việc trong báo quán thì hiện nay đủ dùng. Ông sẵn lòng giúp tôi, mà tôi không thế nạp-dụng được, thiệt đáng tiếc lắm…Ông học ở trường nào mà xuất thân?
- Tôi ở bên Pháp 6 năm. Có bằng Tú-tài rồi tôi học trường bá-nghệ được 1 năm. - Ạ! Ông có học bên Pháp?
- Phải.
- Nếu trong tòa soạn có được ông thì quí biết chừng nào. Thuở nay ông có phụ bút cho tờ báo nào hay chưa?
- Chưa.
- Ông có viết một bài luận rồì đăng báo chơi hay không?
- Tôi mới viết thử một bài nhưng mà không biết có đáng đăng cho công chúng đọc hay không nên tôi chưa dám cho đăng.
- Ông viết bài luận về vấn-đề gì đó?
- Bài tôi luận về sự khờ-khạo của người mê nhơn-đức.
- Húy! Cha chả! Ông luận như thế mấy ông lão thành đạo-đức họ càng ghét nhiều hơn nữa. Ông có thể gới bài ấy lại cho tôi xem thử hay không?
- Tôì có đem theo trong túi đây.
- Ạ! Nếu được vậy thì may lăm. Xin ông cho tôi đọc sơ một chút.
Phụng móc trong túi lấy ra một tờ giấy ngồi viết đêm nọ mà trao cho ông Tổng-lý. Ông Tổng-lý dở ra mà đọc:“Nhơn đức nghĩa là ngu dại.” Ông ngó Phụng rồi cười mà nói:“Nội thấy chữ tựa cũng đủ làm cho bon lão thành nhảy nhởm. Viết báo phải viết như vậy, phải chọc giận độc-giả họ mới chịu đọc”. Ông ngồi coi trọn bài từ đầu chí cuối. Chừng coi hết rồi ông nghiêm sắc mặt mà nói:
- Ông nói ông chưa viết báo mà ông viết như vậy dầu nhà nghề cũng khó bì kịp. Hay quá! Hay mà lại thích hiệp với tôn chỉ của tờ báo “Tân-Đợi” lắm.
- Ông khen tôi quá, ông làm cho tôi ái ngại khó chịu hết sức…
- Không. Tôi khen thiệt, chớ không phải vị tình. Luận như vậy mà không khen sao được. Tôi lấy làm tiếc trong tòa soạn có đủ người …Tôi xin lỗi ông, tôi tính như vầy, không biết ông có vui lòng hay không …
- Ông tính thế nào ông cứ nói rõ ra, chẳng cần phải ái-ngại.
- Tôi muốn xin ông có rảnh ông viết bài gởi lại cho tôi đăng báo. Tôi sẽ trả tiền công từ bài để ông uống cà phê mà viết. Làm như vậy tuy ông không ngồi trong tòa soạn, song ông cũng có thể giúp cho tờ báo “Tân-Đợi” được. Tôi tính như vậy ông có vui lòng hay không? - Được. Mà tôi xin nói trước với ông, tôi là người thất chí, nên tư-tưởng của tôi trái với phong hóa của xã-hội hiện thời lắm. Tôi sợ e lời luận của tôi có thể làm hại cho tờ báo của ông chăng.
- Xin ông đừng ngại chỗ đó. Tôn-chỉ của tờ “Tân-Đợi” là đánh đổ nền phong-hóa cũ rồi xây nền phong-nóa mới. Ông công-kích phong-hóa cũ thì hiệp lắm, chớ có hại chỗ nào đâu. - Tôi phải nói trước cho ông rõ trí ý của tôi.
- Cám ơn. Ông có vui lòng cho phép tôi đăng báo bài nầy hay không?
- Tùy ý ông liệu định.
- Nếu vậy thì tôi sẽ đăng liền trong số báo ngày mai.
- Tôi sẽ viết bài khác mà đem lại cho ông nữa… Thôi, tôi xin từ mà về, để cho ông làm việc. - Xin ông chờ tôi một chút,
Ông Tổng-lý mở tủ lấy 3 đồng bạc mà đưa cho Phụng và nói:“Xin ông vui lòng lấy ít đồng bạc để uống cà-phê chơi. Nếu mỗi tuần ông viết cho tôi được hai hoặc ba bài thì tốt lắm”. Phụng lấy bạc bỏ túi mà trong lòng hổ thẹn hết sức. Chàng bắt tay ông Tổng-lý rồi xuống thang lầu mà đi.
Về tới chợ, mới Bến Thành, Phụng ngó đồng hồ gắn trên đầu chợ thì thấy đã 4 giờ rưỡi. Chàng mua một ổ bánh mì 4 xu với một cắc bạc thịt xá-xiếu, xin giấy gói lại kín đáo, rồi cầm đi qua đại-lộ Galliéni mà về nhà.
Chàng đi thủng-thẳng dựa lề đường, thấy phía trước mặt chừng 10 thước, có môt cô gái chừng 17, hoặc l8 tuổi mặc quần vải đen, áo vải trắng, quần áo cũ xì, dơ dáy, lại có vá mấy miếng, tay cô bưng một cái rổ, cũng đương đi một hướng với chàng. Khi gần tới ngã tư đường Galliéni gặp
đường (đường Nguyễn Thái Học), bỗng nghe phía sau lưng có tiếng kèn xe hơi, rồi một chiếc xe hơi thoát qua nghe một cái vù, mau như tên bắn. Lúc tới ngã tư, thình-lình thấy một chiếc xe hơi khác do đường chạy xuống phía Cầu Ông Lãnh.
Chiếc xe chạy đường Galliéni vì chạy mau quá, không kịp, nên sớp-phơ phải bẻ tay lái quẹo qua phía tay mặt đặng tránh chiếc xe kia. Chánh lúc ấy cô gái nọ bưng cái rổ đương đi lững-thững dựa bên lề đường, chỗ xe quẹo. Cô thấy xe muốn tuôn ngang mình cô, cô lật đật nhảy lên lề gọn-gàng, mà xe cũng theo cô leo lên lề, cái vè trước đụng cô té lăn cù, xe chạy luôn, quanh quẹo lộn xộn đến năm sáu chục thước đường mới ngừng được.
Tai nạn nầy xảy ra mau lẹ, như chớp nháng, song Phụng đi gần đó không đầy mười thước, lại sự rủi ở ngay trước mặt chàng, nên chàng ngó thấy rõ ràng. Cô gái nọ vừa té thì chàng vội-vàng chạy lại, đỡ cô ngồi dậy, mặt cô xanh dờn, đầu tóc xổ ra, nơi ống chư có vài giột máu, còn cái rổ thì văng xa với năm sáu lon sữa bò nằm tràn lan trên mặt đất.
Phụng đứng ngó quanh quất, thấy chiếc xe gây tai-nạn ấy nằm phía đường , sớp-phơ leo xuống rồi đi vòng chung quanh xe mà coi vè, coi bánh, không thèm để ý tới người mình đụng té, thì chàng nổi giận, nói với cô gái:“Cô ngồi đây đặng tôi đi kêu lính”.
Phụng dòm trước ngó sau không thấy lính, duy có những người đi đường áp chạy lại đứng bao chung qưanh cô gái. Phụng vẹt người ta mà đi lại chỗ xe gây tai-nạn; thấy sớp-phơ đương đứng lúc-lắc cái đèn xe thì nạt tằng:“Mầy chạy mau, tuôn lên lề cán người ta, rồi bây giờ mầy lo cái xe của mầy, mầy khồng kể mạng người hả?” Nói có mấy lời, kế thấy một người mặc âu phục, râu cá chốt, ngồi tỉnh queo trên xe, thì chàng càng thêm giận nên bỏ sớp phơ day qua nói với người ấy :“Chú dã-man lắm, không đáng ngồi xe hơi. Xe chú cán người ta, sao chú không lo cứu cấp, cứ ngồi đó? Leo xuống! Sớp phơ đem xe lại đặng chở người bịnh xuống nhà thương. A lê! Mau lên!
Người mặc âu-phục ríu-ríu leo xuống xe, mặt mày tái lét. Sốp phơ thụt xe trở lại chỗ cô gái ngồi.
Phụng thấy một thầy đội tuần cảnh đạp xe máy chạy lại thì nói:“Xin thầy đội làm vi-bằng giùm cho rõ-ràng. Thầy thấy hôn? Cô gái nầy đi trên lề, xe hơi leo lên mà cán cô trên lề chớ không phải giữa lộ”.
Trong đám đứng coi có một người nói lớn:“Vậy mà chủ xe với sớp-phơ muốn chạy luôn, không thèm cứu người ta chớ!”
Một người khác nói:“Chạy đâu cho khỏi. Hết thảy ai cũng thấy số xe, nếu đi luôn thì ở tù càng thêm nặng”.
Phụng choàn tay đỡ cô gái và hỏi:“Cô đứng dậy đi lại xe được hôn?” Cô nọ gật đầu. Phụng dìu dắt đem cô lên xe. Cô nói:“Ai đó làm ơn lấy cái rổ với mấy hộp sữa bò giùm cho tôi”. Có một người lượm hộp lon bỏ vô rổ rồi đem đê trên xe.
Phụng nắm cánh tay người chủ xe mà nói:“Chú leo lên xe đi. Phải chở người bịnh xuống nhà
thương coi bịnh tình thế nào rồi sẽ hay. Tôi cũng đi theo nữa”. Chàng lại nói với thầy đội:“Xín thầy đội biên số xe, tên chủ xe, tên sớp-phơ cho đủ đặng lập vi bằng”.
Xe hơi chở người bịnh với Phụng trở lại nhà thương thí trước Chợ Bến-thành. Quan thầy thuốc khám nghiệm rồi nói:“May quá, bịnh không có chi nặng, chỉ trầy đầu gối, bầm chã vai, chớ không có gãy một cái xương nào hết”. Ông thoa thuốc mấy chỗ trầy và bầm, rồi biểu bịnh nhơn về, khỏi nằm nhà thương.
Cô gái nhúc nhắc đi ra. Phụng nói với chủ xe:“Bây giờ phải đi xuống bót đặng khai với ông Cò cho ông lập vi-bằng rồi mới đi được”.
Người chủ xe nhỏ-nhẹ nói:“Rủi đụng cô em té, nên trầy trụa chút đỉnh, chớ không phải cán. Thôi, để tôi cho cô em 10 đồng bạc mà uống thuốc, tới cò bót lòng dòng thất công, chớ có ích gì”.
Phụng trợn mắt đáp:
- Được đâu! Ỷ có tiền chạy lên trên lề đặng cán người ta mà chơi, rồi cho 10 đồng bạc đặng huề hay sao?
- Ấy là việc tủi ro sốp phơ tránh chiếc xe kia, nên leo lên lề, chớ có lẽ nào nó cố ý chạy kỳ-cục như vậy.
- Không được. Việc nầy phải tới Tòa …Có tôi thấy rõ-ràng tôi sẽ làm chứng cho bịnh nhơn kiện đến cùng.
- Thôi, để tôi cho cô em 20 đồng.
Thầy đội hồi nãy cạy xe máy đã lại tới. Thầy nghe nói như vậy thì khuyên rằng:“Rủi đụng sơ sịa, chịu tiền cơm thuốc 20 đồng cũng vừa; xuống bót hay lên tòa cũng vậy, lòng dòng thất công, chớ có ích gì. Người ta chịu cho 20 đồng đó con em chịu huề hay không?” Cô gái gật đầu và chúm-chím cười và đáp:“Tôi chịu, mà phải đưa bạc liền bây giờ”. Thầy đội ngó Phụng mà nói:“Bịnh nhơn chịu rồi. Thôi thầy còn kêu nài chi nữa. Huề thì tốt hơn. Chủ xe đưa tiền đi, tôi làm chứng cho”.
Người chủ xe lộ sắc vui mừng, lật-đật móc bóp phơ ra lấy một tấm giấy bạc 20$ mà đưa cho cô gái bị nạn và nói: Em mua vài cắc bạc dầu em thoa, trong ít bữa lành mạnh có gì đâu”. Cô gái lấy tấm giấy bạc cầm trong tay, miệng chúm-chím cười.
Phụng rùn vai coi bộ không vừa lòng.
Người chủ xe dở nón chào, biểu sớp-phơ giao cái rổ lại cho cô nọ, rồi bước lên xe hơi mà đi, thầy đội cũng đi, tay dắt xe máy.
Phụng ngó cô gái mà hỏi:
- Nhà cô ở đâu?
- Em ở đường Galliéni.
- Ủa! Té ra cô ở một đường với tôi.
- Em ở dãy nhà lá gần trong ga d’ .
- Bây giờ cô đi bộ mà về nhà được hay không?
Cô gái đi nhúc-nhắc và nói:“Chưn em đau quá”.
Phụng biểu: Thôi, cô ngồi đây, để tôi kêu một cỗ xe thổ mộ tôi đưa cô về”. May lúc ây có một chiếc xe thổ mộ đương đi nghểu-nghến gần đó mà kiếm mối. Phụng kêu lại, trả giá 2 người một cắc rồi giúp với cô gái đem cái rổ đựng hộp lon lên xe mà đi. Ngồi chung trên xe, bấy giờ Phụng ngó cô nọ kỹ-lưỡng, mới thấy cô tuy y-phục rách-rưới, song mặt mày sáng rỡ, tay chân dịu dàng, mái tóc đen huyền, nước da trắng đỏ, miệng cười có duyên như hao vừa nở, mắt ngó có tình như mây mùa thu. Phụng bèn hỏi: - Cô tên chi?
- Em tên Tâm
- Cô ở với ai trong đường Galliéni?
- Em ở với ba em.
- Cô bưng hộp lon đi đâu mà bị xe đụng đó?
- Em đi kiếp hộp lon, em lượm đặng bán cho chệc lấy tiền mua gạo ăn.
- Trời ơi! Làm như vậy thế nào có tiền cho nhiều được!
- Bữa nào lượm được nhiều em bán tới một cắc, còn bữa nào ít thì năm bảy xu. Có thằng em của em nó cũng đi kiếm đồ nó lượm nữa.
- Ba của cô làm nghề gì?
- Hồi trước làm việc ở ngoài Catinat, mà lãnh coi kho hàng bên xóm chiếu. Từ hồi năm ngoái có bịnh nên ở nhà, không có đi làm việc được nữa.
- Xe chạy vô gần tới dãy nhà lá gần gare d’ Arras, cô Tâm kêu người đánh xe mà nói:“Tới nhà em rồi. Tới cây trụ đèn thứ nhì trước kia, anh nghe hông anh?”
Xe ngừng, Phụng nhảy xuống, móc túi lấy một cắc bạc đưa cho người đánh xe rồi đưa tay cho cô gái nọ vịn mà leo xuống. Một tay cầm tấm giấy bạc chặt cứng, một tay bưng cái rổ hộp lon, cô Tâm ngó Phụng mà cười và hỏi:“Còn nhà thầy ở đâu?”
Phụng chỉ tay ra phía Sài-gòn mà đáp:
- Tôi ở phía ngoài kia.
- Sao hồi nãy tới nhà thầy không ghé?
- Tôi muốn đưa cô về tới nhà. Nhà cô là nhà nào?
- Căn nhà ở bìa kia.
- Cô đi trước. Tôi sẽ đi theo mà đưa cô về tới nhà.
- Cám ơn thầy. Em vô một mình được. Thầy vô làm chi? Nhà em dơ dáy chật hẹp lắm. - Không hại gì, xin cô đừng ngại. Để tôi vô đặng tôi cắt nghĩa cuộc xe đụng rõ ràng cho ba cô hiểu.
- Thầy muốn vô thì vô, song nhà em dơ lắm, mà ba em lại có bịnh nữa.
Cô Tâm nhúc-nhắc đi trước, Phụng thủng-thẳng theo sau, đi vô tới một khúc bờ nhỏ rồi tới một dãy nhà lá mười mấy căn, căn nào cũng túm húm, trong nhà trống lỗng, trước sau hào vũng đọng nước dơ-dáy hết sức. Đi tới căn bìa, cô Tâm bước vô và nói :“Con bị xe đụng ba à!” Phụng đứng ngoài cửa dòm vô, thấy có một người đàn-ông mặc một cái áo lá vải trắng cũ mèm lại rách nát với một cái quần vải đen cũng rách, đương nằm trên một cái sạp, vừa nghe cô Tâm nói thì lồm-cồm ngồi dậy và hỏi:
- Trời đất ôi! Đụng ở đâu? Có sao không con?
- Đụng chỗ ngã tư đường xuống lò heo đó. Xe đụng con té lăn cù, mà không có sao hết, con bị bầm vai và trầy đầu gối mà thôi.
- May dữ hông! Ba thường dặn con đi đường phải coi chừng, đất nầy xe nhiều lắm. - Con đi trên lề chớ; tại xe tránh nhau nó leo lên lề nó đụng con đó.
Người đàn ông ấy ngó ra cửa thấy Phụng thì nói với con:
- Có ai kia.
- Thầy đó cứu con, đem con đi lại nhà thương cho quan thầy thuốc coi; quan thầy thuốc nói con không có gãy xương, không có bịnh chi hết, rồi thầy kêu xe thổ-mộ đưa con về đây. Cha của cô Tâm cứ ngồi trên sạp, chấp hai tay lại mà xá và nói:“Tôi cám ơn thầy. Tôi có bịnh, tôi đau bại đi đứng không được, lại nhà không có ván ghế chi hết mà dám mời thầy vô, xin thầy tha lỗi.”
Phụng dở nón mà chào rồi bước vô, tay cầm nón, tay cầm gói bánh thịt, thấy cha của tâm tóc râu xờm-xàm, thân thể ốm nhách, thì châu mày mà hỏi:
- Ông đau bại đã bao lâu rồi?
- Từ hồi năm ngoái, tôi ngồi một chỗ không đi đâu được hết.
- Ông bịnh không làm việc được, làm sao mà chi độ vợ con?
- Bởi vậy tôi nghèo dữ quá, cơm bữa đói bữa no, tôi nghiệp hết sức.
Ông nói tới đó nghẹn cổ, nước mắt chảy rưng rưng, nói không được nữa. Lúc ấy có 3 đứa nhỏ chừng năm bảy tuổi, đứa ở trần, đứa ở truồng, ở ngoài dắt nhau đi vô, thấy Phụng lạ nên ngó trân-trân.
Cô Tâm để cái rổ dựa vách rồi nói với cha:
- Ba đừng có buồn, ba. Con có 20$ đây.
- Bạc đâu mà có nhiều vậy?
- Nhờ thầy đây làm lung quá, biểu con phải xuống bót mà thưa rồi nài giải tòa, nên chủ xe hơi sợ, họ chịu cho con 20$ đặng uống thuốc. Ba cất đi ba, để con giữ con sợ làm mất mà mang khốn.
Cô Tâm đưa tấm giấy bạc cho cha.
Cha của cô Tâm mừng quá, ngó Phụng mà nói:
- Thầy giúp-đỡ con nhà nghèo như vậy, ơn của thầy trọng biết chừng nào. Nếu không có thầy thì chắc họ cho vài đồng bạc là nhiều.
- Hồi tôi thấy xe đụng, tôi lật đật chạy lại đỡ cô em dậy. Tôi thấy chưn có máu, tôi tưởng bịnh nặng lắm, nên tôi mới làm dữ. Té ra quan thầy thuốc khán nghiệm, nói trầy sưng sơ sài, tôi mới mừng. Mà hồi nãy tôi dặn chủ xe, tôi muốn làm khó, tôi không cho cô em huề. Thiệt, nếu tôi biết gia đình của cô em như vầy, chắc tôi xụi lơ, rồi họ cho 10 đồng chớ đâu tới 20. - Cám ơn thầy quá. Con nhỏ tôi bị xe đụng mà khỏi chết, lại được 20 đồng bạc thì may lắm. Nếu nó chết thì sắp em nó cũng phải chết hết. Từ ngày tôi có bịnh, tôi nhờ có nó cào-cấu(3) bươn chải mà nuôi cả nhà, chớ tôi đau có làm việc gì được đâu. - Còn bà ở đâu?
- Vợ tôi chết đã ba năm nay rồi, để lại cho tôi tới 5 đứa con. Con Tâm đây là lớn, còn một thằng nữa 13 tuổi, với 3 đứa con nhỏ lụn vụn(4) nầy đây. Con Tâm lãnh bánh ếch, bánh dừa và kiếm hộp lon, ve chai nó bán, còn thằng 13 tuổi thì làm ba-nhe (bagne: khổ cực) ngoài chợ, hai đứa
nó kiếm tiền mua gạo nuôi tôi với sắp nhỏ, có bữa kiếm không đủ thì nhịn đói. - Nếu vậy thì gia đình của ông khổ lắm.
Khổ lắm, thầy ôi! Hồi trước tôi làm việc ăn lương mỗi tháng tới 60 đồng, tôi khá lắm. Con người ta hễ tới nguy thì tai nạn dồn dập tới hoài. Vợ tôi chết làm tôi phải tốn hao mắc nợ. Chưa mãn tang vợ, kế tôi xán bịnh(5), uống htuốc tốn hao bạc trăm nữa. Bịnh không hết mà tiền lại hết. Không đi làm việc nữa được, tôi bán đồ đạc mà ăn lần lần, rồi bây giờ mới ra như vầy đây. Tôi nghĩ lại, thuở nay tôi có làm việc chi ác đâu không biết sao hành phạt tôi nặng nề quá. Phụng nghe mấy lời than ấy thì động lòng, nên thở dài rồi nói: „Rõ ràng ông trời không công bình“.
Phụng từ mà về. Cha của cô Tâm nói: „Xin thầy vui lòng cho tôi biết coi nhà thầy ở đâu, quí danh là chi, đặng tôi dặn con tôi nó nhớ mà cung kính thầy.“
Phụng lắc đầu đáp: „Không cần. Sự tôi giúp cô Tâm trong lúc tai nạn là tự nhiên, ai cũng phải làm như vậy, không có ơn nghĩa chi hết. Tôi chúc thánh thần trời phật, nếu có linh, thì làm cho ông lành mạnh đặng ông nuôi con. Nếu được vậy thì tôi vui hơn hết“.
Cha của cô Tâm chấp tay xá Phụng và nói: „Tôi là Nguyễn văn Khoa, 45 tuổi cũng cầu chúc trời phật thánh thần phò hộ cho thầy, biết thương con nhà nghèo, được bình an, mạnh giỏi, giàu có đời đời.“
Phụng thủng thẳng đi bộ trở về nhà. Trời đã tối rồi, chàng vặn đèn lên, vô buồng thay đồ rồi mở gói bành mì với thịt ra ngồi ăn. Ăn uống no rồi chàng nằm trên ghế bố mà nghỉ lưng, nhớ câu chuyện ông Tổng lý báo „Tân Ðợi“ rồi nhớ cảnh gia đình ông Nguyễn văn Khoa thì trong trí chàng bàng hoàng, thêm buồn, thêm tiếc. Chàng đứng dậy đi lại bàn viết, tính viết một bài luận đặng đăng báo. Chàng lấy một tờ giấy, viết tựa 5 chữ lớn: „Ông trời không công bình“. Chàng ngồi một hồi, chắc là định thần chưa được, nên đứng dậy đi qua đi lại mà kiếm tư tưởng.
Chú thích:
(1-) nay là đại lộ Nguyễn Huệ
(2-) chủ nhiệm
(3-) Vơ vét
(4-) vụn vặt, không đáng kể tới
(5-) ngã bịnh, nằm bịnh. (Mắc cây mưa, xán bịnh nằm vùi. CD)
Chương 4
Chúa nhựt, nhằm phiên Trinh nghỉ nên chàng ở nhà.
Buổi chiều chàng thấy Phụng đang nằm trên ghế bố mà coi sách, sợ nói chuyện rồi làm cho bạn lo ra, nên chàng đi lại bàn viết mà ngồi. Thấy có hai tờ nhựt trình “Tân Đợi” để trên bàn, chàng mới mở ra mà xem. Chàng chăm chỉ mà đọc, đọc tờ trước rồi lật tới tờ sau nữa. Chàng đọc một hồi rất lâu rồi day lại hỏi Phụng:
- Báo “Tân Đợi” có đăng hai bài: một bài đề tựa “Nhơn đức nghĩa là ngu dại” với một bài đề tựa “Ông Trời không công bình”, phải của toa đặt hay không?
- Tại sao mà hỏi như vậy?
- Hai bài ấy có ký tên “Linh-Phụng” thì là toa chớ ai.
- Phải. Hai bài ấy của mỏa.
- Trời ôi! Thuở nay toa tôn-trọng nền phong-hóa lung lắm, mà sao bây giờ toa luận như vậy, lại còn đăng báo cho công-chúng xem?
- Tâm-hồn của mỏa đã đổi rồi. Mỏa quyết đánh đổ nền phong hóa hủ bại của tổ tiên mình để lại, tồi gây một nền phong-hóa mới có đủ tánh-chất hùng-dũng cương-quyết tấn-thủ, đặng giúp cho đồng-bào mau tấn-hóa cho kịp dân-tộc khác.
Trinh ngó Phụng trân-trân rồi lắc đầu mà than:
- Chứng bịnh đa-cảm của toa đã lậm trong máu, trong xương rồi, không thể nào trị được! - Không! Mỏa có đa-cảm nữa đâu. Mỏa nghe lời toa, mỏa tập tánh thiệt hành, nên mỏa mới viết bài luận như vậy chớ.
- Không phải vậy, toa hiểu lầm, toa đi lạc. Tại cái óc của toa đa-cảm, lại đa-cảm thái quá nên toa mới luận như vậy, chớ có phải thiệt hành đâu. Để mỏa cắt nghĩa cho toa nghe. Người có trí ý thiệt hành, thì gặp cảnh thiên-hạ vui không biết vui, thấy thiên-hạ buồn không biết buồn, thấy thói tàn-ác không biết giận, gặp người cùng khổ không biết thương, nghĩa là hễ người mà có cái óc thiệt hành thì coi cuộc đời như một hí-trường, dầu vui, dầu buồn, dầu sướng, dầu cực đều là cảnh tạm hết thảy, không cần phải lưu tâm làm chi, cứ lo kiếm phương-pháp mà tránh sự buồn, sự cực, đặng hường sự vui, sự sướng.
- Người như vậy là người chán đời chớ có phải thiệt hành đâu.
- Toa muốn kêu là người gì cũng được. Nhưng mà theo ý chí của toa thì toa không phải thuộc về hạng người ấy. Toa nói toa đã bỏ cái thói đa-cảm, toa có bỏ đâu. Toa còn cảm nhiều thêm nữa chớ. Trước kia toa tôn-trọng phong-hóa, toa mê-mẩn thành-kiến, mà toa thấy cuộc đời trái ngược với chỗ toa sùng-bái nên toa sanh phiền-não trong lòng. Vì phiền-não thái quá toa chịu không được, nên sau nầy toa hồi-tâm trở lại toa oán những phong-hóa, ghét những thành kiến ấy, mà toa lại oán ghét thái quá, cũng như hồi toa sùng-bái đó vậy, cái thái-độ của toa dường ấy há không phải là thái-độ của người đa-cảm hay sao?
Phụng nằm lặng thinh không cãi nữa.
Trinh nói tiếp:“Cái trí ý đa-cảm của toa nó khiến cho toa phải phạm tôi “thái quá” luôn luôn, trước kia buồn-rầu thái quá, sau nầy tức giận thái quá. Toa vẫn biết, dầu việc gì cũng vậy, hễ thái quá thì không tốt. Hôm trước mỏa thấy toa buồn, mỏa khuyên toa đừng thèm buồn. Tại sao bây giờ toa lại đổi ý mà oán trời giận người như vậy? Toa cầm bút mà công kích nền đạo đức, toa cho người làm nhơn-đức là ngu dại, toa có tư-tưởng như vậy thì toa cách mạng tới trăm phần trăm rồi còn gì! Toa có suy nghĩ chỗ đó hay không?”
Phụng trợn con mắt và đứng dậy mà đáp:
- Bây giờ mỏa cách mạng tới ngàn phần trăm, chớ không phải trăm phần trăm mà thôi đâu. Đời kỳ cục quá, mà còn mê-mẩn phong-hóa, còn sùng bái trời phật làm chi nữa! - Ồ!
- Mỏa nói cho toa biết, từ rày sắp lên mỏa quyết đánh đổ phong-hóa, xé nát thành-kiến của xã hội mình hết thảy. Toa nghĩ coi, cha mỏa hồi trước làm quan, vì say mê cái phong-hóa mà sách vở khen là cao-thượng, nên gìn lòng chánh-trực, giữ chí thanh-liêm, đến ngày nay trời phật ban thưởng những gì đâu? Ban thưởng sự nghèo khổ cho vợ con, nghèo khổ rồi thiên-hạ khinh khi bỉ bạc. Còn nhiều người khác họ không thèm thanh-liêm chánh-trực mà trời phật nào có phạt họ, lại ban thưởng cho vợ con họ hưởng phú quí vinh hoa, được thiên-hạ kính trọng, kiêng nể. Cuộc đời như vậy, mà còn say mê phong-hóa, còn tin tưởng trời phật nữa làm gì. Để thủng thẳng rồi toa sẽ thấy, chẳng những là mỏa nghị-luận trên mặt báo mà thôi, có lẽ rồi đây mỏa còn thí thân của mỏa mà lật ngược xã-hội nữa cho mà coi.
- Bịnh đa-cảm của toa ngày nay biến chứng đến thế nầy biết dùng phương thuốc gì mà cứu chữa cho được! Tuy vậy mà mỏa cũng phải là hạnh-phước, còn nghèo khổ chẳng phải là tai nạn.
- Toa hay khoe với mỏa rằng toa là người có cái óc thủ cựu, chớ nào phải có cái óc thiệt hành. - Để mỏa nói cho hết ý, rồi toa sẽ cãi. Người thanh liêm nhơn đức thì làm sao giàu được. Tuy
vậy mà bình sanh mình đi đường ngay, mình làm việc phải, thì trí mình được bình tĩnh vui vẻ, đó là một phần thưởng quí vô giá, vườn ruộng bạc tiền không thế sánh kịp. Còn người tham lam tàn-bạo thì tự nhiên được giàu, nhưng mà lên xe xuống ngựa chớ trong lòng không an, bởi vì chặt đầu lột da người ta mà lấy của, đã phải sợ luật người, mà cũng phải sợ luật trời nữa. - Ô! Bây giờ toa nói nghe đạo đức quá! Hết thiệt hành rồi! Mỏa chẳng thèm biết luật người mà cũng chẳng tin luật trời. Có lẽ mỏa sắp lập luật riêng cho mỏa đặng mỏa tuân theo đó mà ở đời mới được.
Hai người cãi với nhau tới đó, kế thấy có một chiếc xe hơi ngừng ngay cửa, rồi có mộn người đàn-ông mở cửa xe bước xuống. Người ấy râu cá chốt, bịt khăn đen, mặc áo dài, mang giày tây, đứng ngó số nhà rồi xâm-xâm đi vô. Chừng vô tới cửa người ấy thấy Phụng với Trinh, thì cuối đầu chào và hỏi:“Xin lỗi ông, không biết phải cậu Phụng ở đây hay không?” Phụng không biết người khách đó là ai, song nghe hỏi tên mình thì đứng dậy mà đáp: - Ông muốn hỏi cậu Phụng nào?
- Cậu Phụng là con bà Phủ ở dưới Cần-thơ.
- Tôi đây. Xin ông cho tôi biết coi ông là ai mà hỏi tôi.
Người ấy cười rồi bước vô nhà kéo ghế mà ngồi như nhà của mình, không đợi chủ nhà mời. Phụng bất-bình trong lòng, nên châu mày đứng ngó, không thèm hỏi nữa. Người ấy lấy thuốc đốt một điếu mà hút rồi mới nói:“Tôi là Ban-Biện Tịnh dưới Cần-thơ. Tôi có dịp đi Sài-gòn tôi muốn biết cậu, nên hôm qua tôi hỏi thăm bà Phủ coi cậu ở đường nào đặng lại ghé mà thăm cậu. Nhờ có bà Phủ chỉ nên tôi mới biết mà lại đây”. Nãy giờ đàm-luận với Trinh, trí của Phụng đương xao-xuyến không an, bây giờ nghe khách xưng là Ban-Biện Tịnh, thì sự giận phấn-khởi trong óc như giông như bão, nên Phụng đáp: “Ông là Ban-Biện Tịnh hay là Ban-Biện Động cũng vậy, tôi không quen không biết ông, tôi có cần ông đến thăm tôi làm chi đâu”.
Ban-Biện Tịnh chưng-hửng, song không lộ sắc giận, miệng chúm-chiếm cười và nói: - Chưa biết nhau thì rồi đây tư-nhiên phải biết chớ gì. Xin cậu ngồi đặng tôi nói chuyện riêng với cậu một chút.
- Ông vô nhà tôi. Tôi không mời mà ông tự-tiện ông ngồi đại. Bây giờ ông trở lại ông mời tôi ngồi, ông làm như ông là chủ nhà. Ông có biết thái-độ như vậy đó là thái-độ của người thất giáo vô lễ hay không? - Anh em mà cậu bắt chặt bắt lỏng làm chi. Thôi, tôi có vô-lễ thì tôi xin cậu tha lỗi. Ban-Biện Tịnh day qua hỏi Trinh:“Còn ông đây là ai xin cho tôi biết”. Trinh cười và đáp:“Tôi là anh em bạn của M. Phụng.” Phụng nói tiếp:“Ông nói trễ quá! Người đó là chủ căn nhà nầy, đủ quyền mời ông đi ra khỏi nhà ông biết chưa?”
Bang-Biện Tịnh đứng dậy cúi đầu chào Trinh và nói:“Tôi không biết, xin ông tha lỗi.” Trinh khoát tay biểu ngồi rồi day qua khuyên Phụng:“Toa chẳng nên nóng nảy. Toa phải nhớ dầu thể nào ông Bang-Biện đây cũng là khách của mình. Thôi, để tôi bước ra ngoài cho hai ông nói chuyện.”
Trinh muốn đi ra đường, mà vừa bước qua khỏi cửa thì hồi tâm, nên đứng lại ngoài hàng ba, chống tay trên lan can ngó mông mà chơi.
Bang-Biện Tịnh thấy Phụng đi lại ghế bố mà nằm, tỏ dấu khinh-bỉ mình, bây giờ ông mới phiền nên ông nói:
- Tôi với cậu thuở nay chưa biết nhau. Vì nay tôi có việc riêng, nên tôi muốn kiếm cậu đặng nói chuyện. Mà việc tôi muốn tỏ với cậu đây, tuy có ích cho tôi, song tôi tưởng cũng có ích cho cậu nhiều. Tôi chẳng hiểu vì cớ nào vừa thấy mặt tôi thì cậu làm giận làm hờn, nãy giờ cậu nói nhiều lời đắng cay, cậu làm cho tôi buồn quá.
- Tôi chẳng biết chuyện gì nói với ông, mà tôi cũng không cần ông nói chuyện có ích cho tôi làm chi.
- Xin cậu đừng có nói vậy. Trước khi đến đây tôi có hỏi ý bà Phủ. Bà Phủ bằng lòng, nên tôi mới dám tới chớ. Bà Phủ nói việc tôi muốn kết tóc trăm năm với cô ba thì bà đã có gởi thơ mà hỏi ý cậu; bà đợi hổm nay mà không thấy cậu trả lời. Sẵn tôi có dịp đi Sài-gòn, bà biểu tôi ghé thăm cậu và hỏi coi việc tôi tính đo có hiệp ý cậu hay không, xin cậu viết thơ trả lời mau mau cho bà biết.
- Việc nhà của tôi, không cho ai được phép để lỗ mũi vào. Mà việc tôi bàn tính với má tôi, tôi
cũng không cần cậy ai làm trung-gian. Nếu tôi phải viết thơ cho má tôi, thì tôi tư-do mà liệu định ngày giờ, ông khỏi nhọc công nhắc nhở. Còn nếu tôi muốn nói chuyện với má tôi, thì tôi cũng tự do mà bày tỏ, ông chẳng được phép hỏi thăm ý tứ của tôi về sự ấy. - Nếu sự ấy không can-hệ đến tôi, thì tôi có hỏi làm chi. Tôi muốn biết ý cậu, là vì tôi tưởng dịp ấy thành sớm chừng nào càng tốt chừng nấy. Theo lời bà Phủ nói với tôi thì việc thành hay là bất thành đều tại nới cậu. Nếu cậu chịu, thì bà Phủ với cô ba chịu. Vậy tôi xin cậu vui lòng ưng thuận, đặng cho cô ba có chỗ nương dựa, khỏi phải làm bánh mà bán, coi thân hèn hạ quá. - Làm bánh mà bán sao ông lại cho là hèn hạ? Vậy chớ phải chặt đầu lột da người ta mà làm giàu thì mới cao sang hả?
- Tôi không muốn cãi với cậu … Thôi, tôi xin cậu cho tôi biết coi cậu có bằng lòng để cho bà Phủ gả cô ba cho tôi hay không?
- Tôi tưởng ông nên đi nhà thương Biên-hòa mà dưỡng bịnh, chớ không nên tính cưới vợ bé mà kiếm con trai, bởi vì ông có bịnh mà ông muốn sanh con, thì con ông nó sẽ nhiễm bịnh của ông lưu truyền, rồi nó cũng như ông vậy nữa thì càng hại cho xã-hội, cho gia đình, chớ có ích chi.
- Cậu cho tôi điên phải hôn?
- Tôi không phải lương-y, nên tôi không dám đoán quyết song nghe ông nói chuyện, tôi phải nghi chút đỉnh.
- Tôi sợ cậu điên, chớ không phải tôi đâu. Cậu nghĩ lại mà coi, cô ba là con quan. Tôi đây cũng là một viên quan cai-trị trong tổng. Cô ba ưng làm vợ tôi, thì xứng đáng quá, có hèn chỗ nào đâu. Huống chi tôi là người giàu có lớn, ưng làm vợ tôi thì sung sướng trọn đời, bây giờ tôi cất nhà cho mà ở, ngày sau nếu tôi thấy ở với tôi có tình có nghĩa, thì tôi sẽ mua ruộng, mua đất, tôi cho đứng bộ nữa. Tôi chẳng cần phải khoe-khoang, mà cậu cũng biết tôi là người có chức phận, có tiền nhiều, tôi muốn cưới con nhà ai lại không được, thiên hạ họ giành nhau mà ưng tôi làm cho tôi bối-rối không biết phải chọn ai, phải bỏ ai. Nếu tôi muốn cưới cô ba, ấy là vì tôi thấy cô ba là con nhà trâm anh, mà ngày nay suy sụp tôi thương, nền tôi tính kết tình và làm nghĩa luôn một lượt, đặng tôi cứu vớt giúp đỡ giùm cho gia-đình cậu. Tôi làm như vậy lẽ thì cậu phải cám ơn tôi, chớ sao cậu nói tôi điên. Cậu phải suy nghĩ lại. Tôi điên mới có lợi cho nhà cậu, chớ nếu tôi tỉnh thì không có ích chi hết.
- Tôi xin ông về cho mau. Ông ngồi cắt nghĩa dong-dài, tôi nghe tôi nhức đầu mà lại nổi chướng, rồi sợ sanh chuyện không tốt.
- Tôi nói như vậy không phải hay sao, mà cậu đuổi tôi? Tôi sợ cậu chê tôi, rồi sau ăn-năn. Cậu xét lại mà coi, bà Phủ nghèo không có sự-sản chi hết, con nhà giàu sang họ kiếm chỗ giàu có họ cưới, họ có chịu cưới cô ba đâu. Nếu bà Phủ không gả cô ba cho tôi, thì tôi chắc không gả cho ai hơn tôi được,
Phụng nổi giận nên vùng đứng dậy trợn mắt la lớn:“Chú không được phép khinh khi mẹ tôi, khinh khi em tôi. Chú phải ra khỏi nhà cho mau. Nếu chú còn nói thêm một tiếng nữa, thì tôi sẽ nắm cổ mà đẩy chú ra ngoài cửa. A lê, đi cho mau!”
Trinh ở ngoài lật đật bước vô đứng ngay trước mặt Phụng.
Bang-Biện Tịnh thủng thẳng đứng dậy và ra cửa và nói:“Tôi nói việc phải quấy, lợi hại cho mà nghe, lại nói tôi khinh khi! … Thiệt lạ đời quá! Thôi chào hai ông”.
Bang-Biện Tịnh bước ra đường. Phụng trợn mắt ngó theo mà nói:“Đồ khốn nạn!” - Toa nóng nảy quá!
- Không nóng sao được! Nó khinh rẻ người ta quá, ai chịu cho nổi.
- Nãy giờ mỏa đứng ngoài, mỏa lóng tai nghe hai người cãi với nhau không sót một lời. Những câu của thầy Bang-Biện nói đều hạp với nhơn tình hiện thời, chớ nào phải khinh rẻ toa đâu. Tại toa có trí ý đa cảm, toa đương giận đời, nên những câu chuyện thiệt hành không hợp với lỗ tai của toa chớ. Mỏa nói cho toa biết, thầy Bang-biện Tịnh đó là một vị đại-biểu đệ nhứt của phái thiệt hành đa toa.
- Mỏa là người thù số một của phái ấy.
- Mỏa sợ toa đi lạc đường …
- Mặc kệ.
- Tự ý toa … Thôi, tối rồi, thay đồ đặng đi ra nhà hàng ăn cơm.
Chương 5
Tối bữa nay tới phiên Trinh phải đi theo xe lửa. Mới 5 giờ chiều thì chàng đã thay đổi y phục gọn gàng; rồi thối thúc Phụng đi với chàng ra nhà hàng ăn cơm cho sớm đặng chàng làm việc bổn phận khỏi trễ.
Hai anh em thủng-thẳng đi ra nhà hàng Trung-Hoa, ở ngang chợ mới Bến-Thành, là chỗ thuở nay Trinh thường ăn cơm. Trời chiều mát mẻ, thiên-hạ dập-diều, hai người và đi và xem phố ngó người mà trao đổi ý tưởng về giá hàng hoặc cách ăn mặc.
Đi tới cửa nhà hàng Trung-Hoa, Phụng thấy tại cái bàn gần ngoài cửa có một cô gái mặc áo quần lụa trắng, dồi phấn thoa son rất sắc-sảo, đương ngồi uống rượu cười giởn với hai cậu trai y phục cũng đàng-hoàng. Phụng với Trinh bước vô; cô nọ vừa ngó thấy Phụng thì biến sắc, lật đật day mặt vô vách, không cười nói nữa.
Phụng châu mày, lựa một cái bàn ngay mặt cô nọ mà biểu Trinh ngồi, rồi chàng cứ ngó cô hoài. Hai cậu trai vẫn kiếm lời trây trúa mà nói với cô, song bây giờ cô cứ cúi mặt ngó xuống bàn, coi bộ buồn hiu, không cười giỡn như hồi nãy nữa.
Cách chừng 10 phút đồng-hồ, hai cậu trai kêu bồi lại trả tiền rượu, rồi dắt nhau mà đi, một cậu cặp tay cô nọ, mà cô vẫn cúi mặt hoài, dường như muốn tránh, không để cho Phụng nhìn biết cô vậy. Phụng ngó theo rồi lắc đầu nói với Trinh:
- Đời giả dối quá! Như thế nầy thì còn dám tin ai phải, còn dám cho ai quấy nữa được! - Toa muốn nói cái gì? Mỏa không hiểu.
- Toa có thấy cô gái mới đi ra với hai cậu trai đó hay là không?
- Sao lại không thấy, toa có quen với mấy người đó hay sao?
- Mỏa biết cô gái đó.
- Ở dưới Cần-thơ hả?
- Không, con gái của ông Nguyễn-văn-Khoa ở gần gare d’Arras. Hôm tuần trước mỏa đi đường Galliéni, mỏa gặp cô bị xe đụng. Mỏa dìu-dắt cô, đem cô đi nhà thương băng bó, mỏa làm dữ quá, chủ xe hơi năn-nỉ chịu cho cô 20 đồng bạc đặng cô uống thuốc. Mỏa kêu xe thổ mộ mà đưa cô về nhà. Gia đình của cô mỏa thấy thê-thảm hết sức không thể nói được. Cha của cô đau bại, ở trong cái chòi lá lúm-túm dơ-dáy, nghèo-khổ đáo-để mà có 5 đứa con. Cô Tâm nầy là lớn, lãnh bánh ếch, bánh dừa đi bán, hoặc kiếm ve chai, hộp lon, để đổi lấy tiền mua gạo mà nuôi cha với bầy em nhỏ. Cô được 20 đồng bạc coi bộ cô mừng cũng như người ta được một cái gia tài lớn. Mỏa thấy thân cô mỏa động lòng quá; mỏa có dè đâu mới mấy bữa rày mà cô đổi hình, đổi dạng, đổi tâm đổi tánh, vào làng buôn phấn bán hương như vầy. Mỏa lấy làm tiếc sự mỏa động lòng trắc ẩn hôm nọ quá; phải hôm nọ xe hơi cán cô chết phứt cho rồi. - Ồ! Sao toa rủa người ta?
- Thứ đồ như vậy để sống nó làm nhục cho xã-hội chớ có ích gì.
- Mỏa sợ toa nhìn lầm, người giống người chớ có lẽ nào mới mấy bữa rày mà cô nọ đổi tâm tánh mau như vậy.
- Không, mỏa có ngó kỹ. Phải cô Tâm chớ không lầm đâu … Toa nói như vậy, thôi để mỏa hỏi lại.
- Ừ, toa nên nghĩ lại cho chắc, nếu giận lầm thì bậy lắm.
Ăn cơm rồi, Phụng đưa Trinh lại gare xe lửa, anh em đứng nói chuyện một lát rồi Phụng từ-giã mà về.
Đi dọc đường, trong trí Phụng cứ nhớ cô Tâm nên chàng buồn mà lại giận. Về đến nhà, chàng đứng ngoài cửa suy nghĩ, rồi không mở cửa mà vô, chàng lại trở ra đường mà đi thẳng vô phía gare d’Arras, tính vô nhà Khoa mà hỏi coi cô gái gặp hồi chiều đó phải cô Tâm hay không. Vì còn sớm, nên trong dãy nhà lá ở gần gare d’Arras người ta còn thức, mỗi nhà đều có đốt một chông đèn leo lét, phía trước cửa con nít đang chơi la hét om sòm.
Phụng bước tới trước cửa nhà Khoa, tuy đèn lờ mờ, song thấy Khoa ngồi trên cái sập, có đứa nhỏ nằm ngủ một bên, còn mấy đứa kia đương chơi ngoài lộ, thấy Phụng vô nhà mình không
biết là ai nên áp chạy về đứng ngó, đứa nào đứa nấy thở hào hển. Khoa thấy Phụng bước vô bèn hỏi:“Thầy kiếm nhà ai? Có việc chi hay không?”
Phụng không đáp hai câu hỏi ấy, lại châu mày mà hỏi lại:
- Ông quên tôi hay sao? Tôi đưa con gái ông về nhà hôm cô bị xe hơi đụng đó. - Xin thầy tha lỗi, bị đèn leo lét nên tôi thấy không rõ … Cha chả nhà tôi không có ván ghế chi hết, bất tiện quá … Thôi xin mời thầy ngồi đỡ trên cái sập nầy.
- Xin ông đừng lo. Tôi đứng nói chuyện cũng được. Tôi hỏi thăm một chút mà thôi. - Thưa thầy muốn hỏi thăm việc chi?
Phụng đứng dụ dự một chút rồi hỏi:
- Tôi muốn hỏi việc cô Tâm, là con gái của ông. Cô có ở nhà hay không?
- Thưa không. Nó đi từ hồi chiều cho đến bây giờ mà chưa thấy nó về.
- Cô đi đâu?
Bây giờ tới phiên Khoa dụ dự ngồi lặng thinh một chút rồi mới đáp:
- Nó đi ra ngoài Sài-gòn.
- Cô đi chơi hay là đi có việc chi?
- Nó đi mà nó không nói, nên tôi không hiểu nó đi có việc chi. Thầy hỏi nó chi vậy? Thầy có việc muốn cần dùng nó hay sao?
- Không. Tôi hỏi cho biết vậy thôi, chớ không có cần dùng việc chi hết.
- Tôi không hiểu chừng nào nó mới về. Nếu thầy muốn gặp nó, thì xin ngày mai thầy trở lại chắc gặp được. Thầy lại giờ nào xin thầy cho tôi biết trước đặng tôi biểu nó ở nhà mà chờ. Phụng đứng ngó ra ngoài lộ, không nói chi nữa hết, Khoa không hiểu ý Phụng, nên không dám nói nhiều nữa, lết xê vô trong vách, và nói:“Nếu nhà tôi dơ dáy, mà thầy chiếu cố nên không nệ, thiệt tôi cám ơn hết sức”.
Phụng day lại gọn-gàng mà nói:“Tôi mới thấy một việc làm cho tôi phiền lắm, nên tôi mới đến đây. Hồi tối nầy tôi gặp cô Tâm đi chơi với hai cậu trai. Cô dồi phấn thoa son, bộ lả lơi lắm. Ông mới có 20 đồng bạc mấy bữa rày đây, ông làm việc gì hết đi mà biểu con phải làm việc tồi-bại như vậy?”
Khoa ngồi trân-trân, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má, mà dường như đau-đớn quá nên nói không được. Phụng thấy vậy, biết người mình nhìn hồi chiều là phải rồi, nên tức giận trợn mắt mà hỏi tiếp:
- Phải cô Tâm mặc quần bằng lụa trắng hay không?
- Thưa phải.
- Khốn-nạn lắm! Khốn-nạn lắm!
- Thiệt tôi khốn-nạn lắm thầy ơi! Song thầy biết rõ gia-đạo của tôi, thì chắc thầy không cười tôi, mà có lẽ thầy còn thương tôi nhiều hơn nữa.
- Tôi biết ông nghèo. Mà hôm trước bữa đói bữa no, sao ông giữ trong sạch, rồi bây giờ đã có 20 đồng bạc, tuy không nhiều song cũng đủ nuôi gia-quyến ông trong một hai tháng, sao ông lại không giữ trong sạch nữa?
- Để tôi nói hết cho thầy nghe mà thương cha con tôi. Hôm con tôi nó đưa cho tôi 20 đồng bạc cho tôi đó, thầy về rồi cha con tôi mới bàn tính với nhau. Tôi khuyên con tôi để số bạc ấy làm vốn, mua nồi ơ đóng gánh rồi nấu chè nấu cháo mà đi bán. Mỗi bữa xuất chừng 1 đồng mua đồ về nấu, thế nào cũng lời đôi ba cắc mua đủ gạo mua cá mà ăn. Con tôi nó khóc mà nói như vầy:
“Thân tôi bịnh hoạn, hễ ít ngày thì đau một lần. Thầy thuốc có nói nếu tôi có tiền uống thuốc cho hẳn-hòi, thì trong năm bảy tháng hoặc một năm có lẽ hai chơn tôi đi được. Sự lo của con tôi chẳng những là lo cho có đủ cơm gạo cho tôi với sắp em nó ăn mà thôi, mà lại còn lo có tiền cho tôi uống thuốc nữa. Hai chục đồng bạc không đủ cho tôi uống thuốc được. Còn nấu chè nấu cháo mà bán thì đã có làm hai ba lần rồi, lần nào cũng lỗ-lã rồi cụt vốn. Nó chắc số bạc ấy lâu lắm là năm bảy tháng rồi cũng phải hết. Nó mới năn-nỉ với tôi xin để bạc ấy cho nó sắm quần áo, mua khăn, mua giầy, nghĩa là sắm đủ đồ vận đặng đi kiếm tiền, nó sẽ rán kiếm mỗi đêm năm ba đồng đặng để dành cho tôi uống thuốc. Tôi không chịu, tôi nói thà là tôi chết, chớ không nỡ kéo sự sống thêm cho dài ngày mà con tôi phải làm việc xấu hổ như vậy. Con tôi khóc lóc mà nói sắp em nó còn khờ dại lắm, nếu tôi không sống mà nuôi mấy đứa nhỏ thì chúng nó phải xiêu lạc tội nghiệp. Con tôi tự quyết hy-sinh thân-thể dang-giá hết thảy đặng cứu vớt sắp em nó. Nếu tôi thương nó, thương sắp em nó thì cắn răng nhắm mắt để cho nó làm đặng tôi có
tiền uống thuốc, kéo dài sự sống mà dạy-dỗ sắp em nó. Nhà nghèo, thân bịnh hoạn, mà con tôi nó nói như vậy, biết làm sao … Tôi là người có học chút đỉnh, hồi trước tôi cũng làm việc hãng như người ta, lẽ nào tôi không biết tốt biết xấu … Con người ta hễ nghèo khổ quá rồi thì thế nào cũng phải chịu; còn kể gì là tốt xấu.
Khoa nói tới đó thì nước mắt tuôn dầm dề.
Ban đêm trời mát mà nghe tâm-sự của Khoa rồi thì Phụng đổ mồ hôi. Chàng lấy khăn ra lau mặt rồi mới nói:
- Tôi nói thiệt với ông, tôi thấy cô Tâm làm việc tồi bại, từ hồi chiều đến bây giờ tôi giận, tôi ghét cô lung lắm. Bây giờ tôi nghe ông cắt nghĩa rõ-ràng rồi, chẳng những là tôi hết giận mà tôi còn kính-trọng cô nhiều lắm vậy. Cô đi kiếm tiền đã bao lâu rồi?
- May áo quần rồi nó mới bắt đầu đi từ tối hôm kia.
- Cô đi mà coi bộ vui hay không?
- Vui làm sao được thầy! Nó đi đêm đầu, nó đem về đưa cho tôi 3 đồng bạc, nó vui cười như thường. Song một lát sắp em nó học lại với tôi, nói chị nó vô buồng thay đồ mà ngồi khóc rấm rứt. Phụng lắc đầu thở ra, thê thảm cho cuộc đời hết sức. Chàng muốn từ mà về, kế nghe mấy đứa nhỏ ở ngoài cửa la:“Chị hai về”.
Phụng ngó ra thì thấy một cô gái đương xâm xâm đi vô. Tuy ban đêm lờ mờ, song Phụng xem hình dạng cô ấy giống cô Tâm.
Thiệt quả cô Tâm! Cô bước vô nhà với sắc mặt buồn hiu. Cô thấy Phụng. cô chưng-hửng, cúi đầu chào Phụng, rồi bương-bả đi vô buồng, hai hàng nước mắt chảy dài xuống gò má vì thẹn thùa nên ửng đỏ.
Phụng thấy tình-cảnh đau-đớn khốn-nạn như vậy thì cảm-động chịu không nổi, nên chàng nói có hai tiếng;“Tôi về”, rồi xăng-xớm bước ra cửa, mắt đỏ au, lòng nóng hổi. Ra tới lộ, chàng thấy có một chiếc xe hơi đậu dưới bóng đèn khí, trên xe hơi có hai cậu trai hồi chiều đương ngồi nói chuyện và cười om-sòm.
Tâm-hồn bấn-loạn, Phụng như người mất trí cúi mặt thủng-thẳng đi trên lề đường, song không phải nhứt định đi đâu. Đi được một khúc đường, chàng gặp một nhóm người đương đứng bao chung quanh một khoảng trên bờ lề. Chàng bước lại gần mà xem thì thấy có một bà già nằm co trên đám cỏ, quần áo lang-thang, dựa bên mình có để một cái bị với một cây gậy. Một người trong đám đứng coi nói với mấy người khác:“Bà già nầy đi xin ăn, chắc bà có bịnh hay là nhịn đói nên nằm chết đây chớ gì!”
Mới thấy bức tranh đau-đớn ở nhà của Khoa rồi lại thấy bức tranh khốn-khổ như vầy nữa, cái tánh đa-cảm của Phụng làm cho chàng không thể chịu được, nên chàng lật-đật bước dang ra rồi nhắm hướng Sài-gòn mà trở về nhà.
Đêm ấy Phụng ở trong nhà, tuy cửa đóng chặt, song đền đốt sáng trưng, chàng cứ đi qua đi lại, trợn mắt châu mày, có khi chàng chảy nước mắt mà than:“Đời thê-thảm quá như vầy, thì còn sống làm chi nữa!” Có khi trợn mắt đấm ngực mà nói:“À! Nhơn-tình, à xã-hôi! Thế nầy thì phải phá-hoại, phải lật ngược hết thảy mới được! Hứ! Trời Phật! .. Đạo-đức!...”
Chương 6
Chiều bữa sau, Phụng ra chợ Bến-Thành đi nghểu-nghến một hồi rồi mua hai cây đèn cầy, một hộp quẹt, một ngọn dao phay, một ổ bánh mì với một cắc thịt quay gói lại hết rồi cầm mà về, bữa nay bộ chàng đi mạnh-dạn, sắc mặt quả quyết chớ không phải buồn thảm như trước kia nữa.
Đi ngang qua căn nhà đầu, là căn của bà Lợi ở, Phụng liếc mắt ngó vô thì thấy bà đương đứng tại cửa la hét om-sòm. Chàng nghe bà nói:“Tao biểu mầy xuống kéo lưng nó cho tao. Hỏi bạc của người ta, quá kỳ-hạn 3 bữa, không trả vốn mà cũng không đem tiền lời, còn hẹn giống gì
nữa. Hỏi nó muốn giựt hay sao? Đi cho mau.” Nghe như vậy rồi thấy có một người đàn-bà chừng 40 tuổi, mặt mày hung ác, ở trong nhà đi ra, lộ sắc giận nên coi càng dữ tợn hơn nữa. Phụng về nhà ngồi ăn bánh mì với thịt, ăn chẩm rải mà bộ suy-nghĩ lắm. Trời tối lần lần, nên trong nhà bây giờ lờ-mờ, Phụng không thèm đốt đèn, cứ ngồi ăn, mắt ngó ra đường. Chừng ăn rồi chàng mới chịu vặn đèn lên cho sáng đặng đi rửa tay và uống nước. Mới 7 giờ mà chàng đóng cửa kín mít, rồi ngồi lại bàn viết, lấy bức thơ của cô Loan hôm nọ mà đọc lại. Chàng đọc trầm-ngâm trót giờ rồi cất thơ, tắt đèn, lại nằm trên ghế bố. Chàng nằm im lìm cho đến khuya, ngoài đường hết nghe tiếng xe chạy nữa, chàng mới ngồi dậy đi vô buồng quẹt hộp quẹt mà đốt cây đèn cầy rồi thay quần áo mà mặc trên một cái áo thun, dưới một cái quần vắn, chơn mang vớ mà không mang giày, còn hai tay lại có mang bao tay. Thay đồ rồi chàng cầm cây đèn cầy đi ra phía trước, lại bàn viết mà coi đồng-hồ, thì thấy thiếu 10 phút nữa mới một giờ. Chàng trở vô buồng, đứng lóng tai nghe, thì tư bề đều im-lìm. Chàng nhẹ nhe đi mở cửa xuống bếp rồi mở luôn cửa sau. Chàng lấy luôn con dao phay mua hồi chiều mà cặp nách, rồi tắt đèn, bỏ cây đèn cầy với cái hộp quẹt vào túi quần, sẻ lén cửa sau đi mất. Đến ba giờ rưỡi, Phụng mới trở về, một tay cầm con dao phay, còn một tay có xách cái rương sắt vuông và nhỏ. Chàng nhẹ nhẹ đóng cửa lại, quẹt hộp quẹt mà đốt đèn cầy, đứng ngó cùng trong nhà bếp, rồi để cái rương sắt với con dao trên bếp, cổi hai bao tay ra. Bây giờ sắc mặt chàng xanh dờn, và bộ coi mệt nên thở lung lắm; chàng đứng ngó quanh quất rồi lấy con dao cạy hai tấm gạch, đào đất lên mà chôn cái rương sắt và đậy gạcg lại như cũ, đất dư thì bỏ vô lò nấu ăn.
Làm công việc xong xuôi rồi Phụng rửa tay rửa mặt và thay áo quần, thì đồng hồ đã chỉ 4 giờ 1 khắc. Chàng tắt đèn cầy rồi nằm lại trên ghế bố.
Đến sáng, ngoài đường xe chạy rần-rần, thiên hạ qua lại nói chuyện inh-ỏi, Phụng thức, nhưng mà chàng không chịu dậy mở cửa, cứ nằm lim-dim hoài. Gần 8 giờ chàng nghe tiếng giày bước vô cửa trước, rồi nghe tiếng gõ cửa cộp cộp. Chàng giựt mình, biến sắc, lồm cồm ngồi dậy, mắt ngó cái cửa, song không dám đi lại mở.
Ở ngoài có tiếng kêu lớn:“Phụng ạ! Phụng, mở cửa cho mỏa vô toa”.
Phụng biết tiếng Trinh nên hết ái-ngại dụ-dự nữa; chàng đứng dậy đi lãi mở cửa. Trinh bước vô nhà và hỏi lớn:“Ê! Làm giống gì mà ngủ trưa dữ vậy? Chắc hồi hôm toa thức viết bài nhựt trình khuya lắm phải hôn?”
Phụng lơ láo rồi gật đầu, chớ không nói tiếng chi hết.
Trinh nói tiếp:“Thôi, đi rửa mặt đi toa. Rửa mặt thay đồ rồi đi uống cà phê với mỏa. Mỏa chưa lót lòng; thấy xe về đúng giờ nên mỏa tính về dắt toa đi ăn với mỏa đặng nói chuyện chơi. Mỏa thèm hủ tiếu ngon quá; mỏa biết dưới Chợ-cũ có một tiệm nấu hủ tiếu ngon đặc biệt, để mỏa dắt toa xuống đó ăn một lần cho biết”.
Phụng đi rửa mặt và thay đồ. Trinh thọc tay túi quần đi qua lại, túm miệng hút gió theo bản đờn Madelon. Phụng thay đồ rồi, hai anh em mới lên xe kéo đi ăn lót lòng. Đi ngang nhà bà Lợi, Phụng thấy người đàn-bà mặt mày hung ác hôm qua đương ngồi trước thềm nhà mà nói lớn với một tên trai nhỏ:“Bữa nay sao bà ngủ trưa dữ vậy không biết. Để đợi một chút nữa coi”. Gần 10 giờ, Phụng với Trinh trở về, cũng ngồi xe kéo. Đi gần tới dãy phố chỗ mình ở, hai anh em ngó thấy có chừng vài chục người tựu trước căn nhà của bà Lợi ở, có ông Phán Thành đứng đó, lại có một viên biện Tây đương đấm cửa mà kêu trong nhà om sòm. Hai anh em biểu xe ngừng lại, bước xuống chào ông Phán Thành.
Trinh hỏi ông Phán:
- Có việc chi vậy ông Phán?
- Bà già Lợi sao bữa nay ngủ hoài không chịu dậy. Hai người ở với bà lại làm công việc nhà, chờ từ hồi sớm mai cho tới bây giờ mà không thấy bà mở cửa, họ nghi có việc chi nên xuống bót mà báo. Dưới bót sai một viên biện lên kêu cửa nãy giờ chớ có chi đâu.
- Bà già nầy ở có một mình hay sao?
- Bà có hai người đầy tớ, một người đàn-bà và một đứa trai, đang đứng sau viên biện Tây chỗ cửa đó. Ban đêm hai người ấy ai về nhà nấy, bà Lợi ngủ có một mình.
- Cha chả, già cả mà ngủ có một mình trong nhà thì hiểm nghèo lắm. Nửa đêm rủi đau ốm rồi làm sao.
- Bà Lợi chưa già gì lắm, bà còn mạnh lắm mà.
- Cũng trên 60 tuổi chớ.
- Phải. Nhưng mà tôi nghi không phải bà đau. Tôi sợ kẻ gian biết bà có tiền nhiều, ban đêm lẻn vô nhà làm bậy mà lấy tiền chớ.
- À, còn sợ nỗi đó nữa.
Trinh day lại thì thấy Phụng đương men men đi về nhà của mình. Chàng muốn bắt tay từ giã ông Phán đặng đi về, kế nghe viên biện Tây xô cửa một cái rầm; 2 cánh cửa mở bét ra rồi viên biện Tây với hai người tớ của bà Lợi đi vô nhà. Có một thầy đội tuần cảnh An-nam đứng ngoài chận cửa, nên không ai được vô nữa.
Bây giờ trẻ nhỏ với xa phu tựu lại càng đông hơn nữa, người lớn thì nghị-luận, con nít thì cười giỡn. Trinh với ông Phán Thành đứng chờ mà nghe coi coi công việc ra thế nào. Cách chẳng bao lâu, đứa tớ trai trong nhà đi ra, mặt mày xanh như chàm. Nó đứng nói với thầy đội tuần cảnh:“Bà tôi chết rồi”.
Ai nấy nghe mấy tiếng nói ấy đều chưng-hửng, đứng ngó nhau, sắc mặt không an. Trinh nói với ông Phán:
- Tôi nói già mà ban đêm ở nhà có một mình hiểm nghèo lắm mà! Chắc có nhiễm gió. nửa đêm không ai hay mà cứu nên bà chết chớ gì.
- Tôi sợ kẻ gian làm hại mà lấy tiền chớ. Bà cho vay thuở nay ăn lời nặng lại hay mắng nhiếc người ta, nên có nhiều người không ưa bà. Để đợi nghe coi tại sao bà chết rồi sẽ biết. - Tại sao bà có hai người tớ, mà ban đêm không biểu một người ở lại trong nhà với bà? - Bà gắt gao nên hay nghi người lắm. Có lẽ bà không tin hai người tớ, nên bà không cho ở chớ gì?
Viên biện Tây dắt người tớ đàn bà trở ra cửa, biểu ngồi tại thềm với đứa tớ trai, dặn thầy đội ít tiếng, rồi leo lên xe máy mà đi.
Ông Phán Thành kêu hỏi:
- Viên biện sao bỏ mà đi vậy thầy đội?
- Ổng về bót báo cho ông Cò hay. Ổng biểu tôi giữ hai người tớ của bà già, coi cửa đừng cho ai vô nhà.
Một người đứng coi kêu chị tớ đàn bà:
- Tại sao bà già chết vậy chị?
- Bà bị người ta nhét chéo mền trong họng lại cái mền bao trùng đầu kín mít nữa, nên chắc bà ngột mà chết.
- Hai tay có bị trói hay không? Nếu hai tay thong thả thì sao không tông cái mền, để chịu chết ngột?
- Hai tay buộc dính lại, mà tréo ra sau lưng, làm sao tông mền được.
- Buộc bằng dây hay bằng cái gi?
- Buộc bằng cái khăn rằn của bà.
- Nếu vậy thì chắc là ăn trộm vô nhà, bà hay rồi nó bắt trói bà và nhét khăn vô miệng đặng lấy đồ chớ gì. Có dấu phá cửa hay không vậy chị?
- Hồi nãy tôi dắt ông Cò đi coi thì thấy cái cửa lên nhà trên mở có dấu dao cạy, còn cái cửa nhà bếp mở ra đường mương sau thì đóng chặt như thường.
- Đồ đạc mất nhiều hay không?
- Biết đâu! Tôi thấy bà tôi chết tôi hết hồn, nên không còn biết việc gì nữa. Ông Phán ngó Trinh mà nói:“Tôi đoán giỏi hay không hử? Tôi nói kẻ gian nó lén vô nhà giết bà đặng lấy của mà. Chắc nó lấy tiền bạc nhiều lắm”.
Trinh mời ông Phán ghé nhà mình nói chuyện. Hai người bước vô thấy Phụng đang nằm trên ghế bố, thì Trinh nói:“Ê Phụng, ăn trộm vô nhà bà Lợi, nó trói bà rồi nhét mền vô họng nên bà chết ngột rồi toa. Thằng ăn trộm nào đó không có lương-tâm, lấy tiền của người ta đã quá rồi, còn giết người ta nữa là ác lắm”.
Phụng ngồi dậy, mặt mày xanh dờn không nói tiếng chi hết.
Ông Phán nói:“Bộ M. Phụng bịnh hay sao mà mặt coi mét quá”.
Trinh ngó Phụng rồi hỏi:
- Ừ, bữa nay sao coi toa xanh quá vậy toa? Vậy mà từ hồi sớm mơi đến bây giờ tôi không để ý chớ. Mỏa thường nói, nếu toa buồn quá thì chắc sanh bịnh. Bây giờ toa nghe trong mình toa thế nào?
- Khó chịu … Đi ăn lót lòng về nãy giờ sao chóng mặt quá.
- Có lẽ tại toa thức viết khuya quá, mà ban ngày lại không đi ra ngoài, nên mệt xác mà lại mệt trí nữa chớ gì. Buổi chiều nay toa phải đi đốc-tơ coi mạch đặng uống thuốc mới được. - Khó chịu chút đỉnh, có lẽ vài bữa sẽ hết cần gì phải đi đến đốc-tơ.
- Thôi thì toa phải nghỉ mà đi chơi, đừng có viết nữa. Toa muốn tối mai đi theo mỏa ra Nha Trang chơi hay không?
- Không. Đi thêm mệt chớ có ích gì.
- Toa dại! Đi chơi vui lắm, mệt cái gì! Mỏa đi luôn luôn mà mỏa có mệt đâu. Để tối mai mỏa bắt toa đi với mỏa.
Ông Phán nói:“M. Phụng nên đi chơi lắm chớ. Người ta nói ở Nha-trang gió tốt. Đâu thầy đi một chuyến thử coi”.
Phụng không cãi nữa.
Ông Phán bước ra đứng ngoài cửa mà ngó lại phía nhà bà Lợi rồi nói:“Bây giờ có ông Cò với lính lên đông dữ. Chắc lát nữa sẽ có quan Biện-lý đến khám nghiệm”.
Trinh cũng bước ra đứng mà ngó, Phụng thì nằm lại trên ghế bố, day mặt vô vách. Ông Phán đi về nhà. Trinh trở vô thay đồ rồi kiếm chuyện mà nói với Phụng, song Phụng cứ ừ hử cầm chừng, không muốn nói chuyện.
Gần 12 giờ trưa Trinh rủ Phụng đi ăn cơm, Phụng nói không đói nên không chịu đi. Trinh đi một hồi rồi đem về đưa cho Phụng một ổ bánh mì với một hộp cá mòi. Phụng lấy, mà nói không đói, nên đem để trên bàn viết chớ không chịu ăn.
Ông Phán Thành trở lại nói:“Bây giờ cò bót chở xác bà Lợi lên nhà mổ, đặng quan thầy thuốc khám nghiệm”.
Trinh hỏi ông Phán:
- Tòa tra xét rồi hay sao?
- Có lẽ tra xét rồi chớ. Từ hồi 10 giờ tới bây giờ có lẽ nào không rồi.
- Không biết có tìm được tông-tích đứa sát nhơn hay không?
- Nghe nói quan nhà hình có xuống chụp hình cùng trong nhà đặng kiếm dấu tay. Không biết họ tìm ra hay chưa, song hai người tớ của bà Lợi bị tình nghi đồng lõa với ăn trôm nên đã bị bắt giam dưới bót.
- Bà già ở một mình, nếu giam đầy tớ của bà hết rồi ai coi nhà cho bà?
- Có lính gác. Hồi nãy có một người cháu kêu bằng cô, ở trong Chợ-lớn, ra khóc dữ quá. Người đó bây giờ đi theo xác bà đó.
- Không biết người ta giết bà có lấy vàng bạc gì hay không?
- Hồi nãy tôi hỏi thăm thầy đội thì thầy nói trong nhà đồ-đạc còn y nguyên, cái tủ áo quần bằng cây cũng không có dấu cạy, chìa khóa còn ở trong túi bà Lợi. Mà theo lời khai của hai người tớ thì trong giường bà ngủ có để một cái rương sắt nhỏ. Cái rương ấy đâu mất. Có lẽ ăn trộm bưng một cái đó mà thôi.
- Chắc tiền bạc bà để trong đó chớ gì.
- Có lẽ … Cuộc đời thấy mà ngán. Gắt gao, bó buộc, chặt đầu lột da người ta đặng tích trữ tiền bạc cho nhiều rồi có ích gì đâu. Tiền bạc ấy làm hại mạng mình, mà dầu không hại, hễ mình nhắm mắt rồi thì cũng tan hết.
- Bởi vậy ở đời chẳng nên tham lam lắm, phải thì thôi, giàu mà làm chi.
Hai người đàm luận với nhau như vậy, mà Phụng làm lơ không xen vào tiếng chi hết. Ông Phán về, Trinh khép cửa mà nghỉ trưa.
Đến chiều mát. Trinh ép Phụng mà dắt đi chơi, rồi ghé nhà hàng ăn cơm luôn. Chừng trở về nhà, hai anh em thấy trong nhà bà Lợi người ta lộn xộn, đèn đưốc sáng trưng, cửa mở tác hoán. Ông Phán Thành đứng chơi trước cửa, thấy Trinh với Phụng về thì men lại nói:“Quan thầy thuốc khán nghiệm tử thi rồi nói bà Lợi bị ngột hơi mà chết. Chắc ăn trộm muốn làm cho bà đừng la được, chớ không cố tâm giết bà, mà chừng nó đi, nó quên mở cái mền, để lâu quá nên bà ngột hơi mà chết”.
Trinh cười mà nói:
- Mở mền rồi bà la lên mới chạy sao kịp.
- Phải lắm. Ăn trộm nó sợ cái đó.
- Còn đằng nhà bà bây giờ làm giống gì mà thấy người ta đông dữ vậy?
- Người cháu của bà xin xác đem về hồi tối. Bây giờ lo sắp đặt đặng sáng mai chôn. Nghe nói hồi chiều lính bắt hai ba người trong xóm nhà lá, vì nghi mấy người ấy giết bà Lợi. - Có ai khai hay sao?
- Không hiểu. Hai người tớ nghe nói còn bị giam dưới bót.
Phụng cứ lơ láo, chẳng hề nói tới bà Lợi chết, mà sắc mặt coi khô héo buồn bực lắm. Sáng bữa sau, người ta sửa soạn đi chôn bà Lợi. Thiên ha tựu coi rất đông. Trinh với ông Phán cũng ra cửa mà coi, mà Phụng cứ ở trong nhà không chịu ló ra.
Đến chiều, Trinh theo ép quá, Phụng không thể từ chối được nên phải thay đồ đi ăn cơm rồi theo Trinh đi xe lửa ra Nha-trang mà chơi.
Chương 7
Buổi sớm mai lối 9 giờ, Phụng nằm trên cái đi-van mà đọc sách, còn Trinh thì nằm trên ghế bố mà xem nhựt trình.
Thình lình Trinh nói:“Chuyện bà Lợi bị giết hôm nọ là một chuyện bí mật. Cò bót tìm hết sức mà không ra mối. Mấy người bị bắt đó Tòa đã thả hết cả rồi.
Phụng day qua mà hỏi:
- Sao toa biết mấy người bị bắt đã được thả?
- Nhựt trình nói đây nè.
- A! Toa thấy trong nhựt trình. Còn hai người tớ của bà?
- Cũng được thả rồi nữa. Theo ý-kiến của nhựt trình thì nên thám dọ những người nào ước mơ sự chết của bà Lợi, nghĩa là sự chết của bà có ích cho họ, thì hoặc may mới ra mối. Luận như vậy nghe có lý lắm. Toa nghĩ sao?
- Moa có biết đâu.
Hai người mắc nằm mà nói chuyện, nên bà Phủ Cao với cô Loan ngừng xe kéo ngoài cửa mà không ai hay hết. Chừng bà Phủ bước vô trong cửa, Phụng mới ngó thấy, lật đật chào mẹ, mừng em.
Trinh cũng buông tờ nhựt trình đứng dậy thi lễ. Phụng tiến dẫn Trinh với bà Phủ với cô Loan biết. Trinh lật đật nhắc ghế mời khách ngồi và cười và nói:“Xin bác với cô ba tha lỗi. Nhà chúng tôi không có dàn-bà, nên trầu nước cũng không có hết”.
Bà Phủ nói:“Cháu đừng lo. Bác uống nước rồi. Cháu làm anh em bạn với thằng Phụng mà cháu thương nhó như anh em ruột thịt, cháu nuôi nó mấy tháng nay, thiệt bác cảm tình không biết chừng nào”.
Trinh cười mà đáp:
- Thưa, cháu có nuôi anh Phụng đâu. Cháu làm việc khác hơn người ta, cháu đi hoài, trong một tháng đi tới 15 ngày, không có ở nhà, bởi vậy cháu cậy anh Phụng ở đây đặng coi nhà giùm cho cháu chớ. Bác với cô ba lên tới hồi nào?
- Xe mới lên tới, bác ghé khách-sạn mướn phòng để đồ rồi bác đi liền lại đây. - Ý! Bác có mướn phòng khách-sạn sao?
- Phải.
- Bác làm như vậy cháu buồn lắm! Bác lên đây thì phải ở nhà cháu, cháu ở ngoài khách-sạn coi sao được.
- Ở khách-sạn tiện hơn, nếu vô đây ở làm khách thì nhọc lòng cháu.
- Cháu mừng lắm, chớ có nhọc lòng đâu. Bác mướn phòng ở đâu?
- Tôi mướn phòng ngoài Sài-gòn khách lầu.
Trinh đứng suy nghĩ một chút rồi nói với Phụng:“Toa ở nhà hầu chuyện với bác và cô ba, để mỏa ra khách-sạn lấy đồ đem vô đây”.
Bà Phủ cản., Trinh nói:“Thưa bác, đàn-bà ở khách-sạn không tiện. Bác ở đây thong-thả hơn.
Chiều nay cháu phải đi, rồi anh Phụng ở nhà có một mình. Xin bác đưa chìa khóa cho cháu ra trả lại cho chủ khách-sạn và lấy đồ”.
Bà Phủ không thế từ chối đặng nên phải biểu cô Loan đưa chìa khóa cửa phòng cho Trinh. Trinh thay đồ rồi kêu xe kéo mà đi.
Bà Phủ mở bóp ra lấy 50 đồng bạc để trên bàn mà nói với Phụng rằng:“Má mới lãnh tiền hưu trí hôm qua. Má tính thôi để đem lên cho con đặng thăm con và nói chuyện nhà luôn thể nên má không gởi. Con lấy bạc đây để trả tiền cơm cho người ta”.
Phụng đứng trân, nước mắt rưng rưng chảy.
Cô Loan biết anh buồn tức, muốn phá tiêu vẻ buồn lúc mẹ con anh em hội-hiệp, nên cô cười và nói:“Bây giờ không có anh Trinh, vậy anh lấy bạc mà cất đi anh Hai. Em tính đi một mình đem lên cho anh rồi em về liền. Chiều hôm qua má nói thôi để má đi với em đặng thăm anh và mua đồ chút đỉnh luôn thể”.
Phụng đứng cúi mặt lặng thinh không lấy tiền.
Bà Phủ cười mà hỏi:
- Năm chục đủ trả cho người ta hay không? Thiếu bao nhiêu con nói đặng má đưa thêm cho. - Con không cần tiền.
- Ủa! Sao vậy? Con ăn cơm mấy tháng nay phải trả tiền cho người ta chớ. - Con ăn cơm hai tháng anh Trinh đã trả tiền hết rồi.
- Cháu Trinh cho con mượn tiền mà trả, thì con phải thối hồi lại cho cháu Trinh chớ. - Sợ ảnh không lấy.
- Sao lại không chịu! Anh em bạn cho con ở đậu trong nhà thì ơn nghĩa đã nhiều lắm rồi. Có lẽ nào con để cho người ta trả tiền cơm nữa. Tuy mình nghèo, song mình phải xử cho vuông tròn mới được con.
Phụng lau nước mắt, rồi ngồi trên ghế bố, không lấy tiền mà cũng không nói. Cô Loan nói:
- Bữa hổm thầy Bang-Biện Tịnh đi Sài-gòn có ghé thăm anh phải hôn?
- Phải.
- Anh tiếp rước rồi nói chuyện như thế nào mà thầy về thầy phiền với má dữ quá vậy? - Đồ khốn nạn, nói chuyện nghe ghét quá, nên qua(1) giận qua đuổi đi. Qua không bạt tai nó là may.
- Hèn chi …
Bà Phủ ngó Phụng rồi nghiêm sắc mặt mà nói:“Việc Bang-Biện Tịnh muốn cưới con Loan hôm trước má biểu con Loan viết thơ mà hỏi ý con. Má chờ hoài mà không tiếp được thơ con trả lời. Bang-Biện Tịnh có dịp đi Sài-gòn, muốn kiếm thăm con đặng nói chuyện đó. Con không bằng lòng thì thôi, sao con xô đuổi nặng lời làm chi”.
Phụng nổi giận, cặp mắt đỏ au, vùng đứng dậy mà nói lớn:“Nó ỷ giàu, nó nói giọng cao, nó khinh rẻ má, nó khinh rẻ em con, con không giận sao được! Thà con chết, chớ con không để cho em con hy-sanh cái xuân xanh, cái dang giá của nó, đặng giúp cho má với con no ấm”. Cô Loan châu mày nói:
- Hôm nọ em gởi thơ cho anh, em có nói việc ấy tự ý anh nhứt định; anh bằng lòng thì em mới ưng. Em có nói rõ ràng như vậy, nếu anh không bằng lòng thì trả lời cho em bỏ dẹp việc ấy đi. Tại anh nín khe, má không hiểu ý anh nên má mới chỉ chỗ anh ở cho Bang-Biện Tịnh lên kiếm
anh. Nếu anh không chịu thì nói phứt cho người ta biết, cần gì ngồi nói dông dài làm chi cho anh phải giận.
- Nó mới xưng tên thì qua đã ghét, qua tỏ ý khinh bỉ nó rồi. Tại nó không chịu đi, cứ ngồi nói hoài, nên qua mới nổi cáu chớ.
- Thôi, chuyện anh xua đuổi Bang-Biện Tịnh em muốn hỏi cho biết vậy thôi, chớ không quan hệ gì. Bây giờ em xin anh cho biết coi tại cớ nào mà anh không bằng lòng cho em ưng Bang Biện Tịnh. - Bằng lòng sao được. Thà má gả em cho một tên nông phu, chớ gả em làm vợ bé một người giàu có đặng nhờ nhõi thì xấu hổ quá, qua không thể xuôi thuận được.
- Em cũng biết làm bé người ta thì không tốt lành gì, nhứt là phận em, nếu em làm như vậy thì nhục-nhã lây tới vong hồn của ba nữa. Nhưng mà má đã già rồi, phần thì gia-đình của mình không có huê-lợi chi hết, em thấy trong nhà má túng rối, còn thân anh thì vất-vả, em chịu
không được. Em xin tỏ thiệt với anh, hôm thầy Bang-Biện Tịnh cậy mai nói em, em muốn lén anh mà ưng phứt cho rồi, không cần liêm-sỉ gì hết, ưng đặng người ta cất nhà lại tử-tế cho má ở, ưng đặng má lấy một ngàn đồng bạc làm vốn mà làm ăn, ưng đặng có chỗ em nương dựa mà nuôi má, nuôi …
Phụng khoát tay mà nói:“Thôi, em đừng nói nữa. Nếu em nói như vậy thì anh chết liền bây giờ đây”. Phụng dựa mình vào vách, hai tay ôm mặt mà khóc. Bà Phủ với cô Loan ngó nhau, mẹ con đều buồn hiu. Phụng khóc một hồi rồi nói:“Lẽ nào anh nỡ để em bán hình-hài, bán xuân xanh mà nuôi má, nuôi anh!”
Cô Loan chảy nước mắt mà đáp:“Giúp đỡ mẹ và anh, ấy là chỗ hy-vọng của em. Được như vậy em vui lòng lắm, không buồn đâu mà anh ngại. Dầu có phải đi làm đầy tớ cho người ta em cũng chẳng nại, lựa là vợ bé …”
Hai anh em nói tới đó, kế Trinh hăm hở bước vô, tay xách một hoa-ly, tay ôm mấy gói đồ kềnh càng. Chàng thấy Phụng khóc thì nói:“Ô! Toa cứ theo điệu đàn-bà con gái hoài, hễ buồn thì khóc! Có bác với cô ba lên thăm, toa phải làm vui chớ”. Chàng day qua nói với bà Phủ:“Anh Phụng có chứng bịnh đa cảm, thấy hay nghe việc gì ảnh cũng buồn, hoặc giận. Cháu can gián hết sức, biểu ảnh bỏ cái tật ấy, mà ảnh không chịu nghe lời. Cháu lấy cái hoa-ly của bác vô đây, để cháu đem thẳng vô trong buồng. Cháu với anh Phụng thường ngủ ngoài nầy, chớ ít nằn trong giường. Vậy bác với cô ba ở trong buồng tiện lắm”.
Trinh để mấy gói trên bàn, xách hoa-ly đem vô buồng, chạy ra xe kéo lấy thêm mấy gói nữa. Chàng làm lăng-xăng, miệng nói tía-lia:“Ê, Phụng, mỏa có mua một cái lò để nấu nước cho bác uống đây toa. Mỏa mua bình, mua tách, mua ấm đủ hết. Để mở ve rượu 90 chữ(2) đặng đốt lò nấu nước thử coi”.
Bà Phủ nói:
- Cháu mua làm chi đặng để tốn tiền. Vô ở nhà cháu làm rộn cho cháu quá. - Thưa, có vậy mới vui chớ. Ê Phụng, toa làm ơn mở cái ấm rồi đem ra sau súc cho sạch đặng nấu nước, toa. Để mỏa lo đốt cái lò.
Phụng cứ đứng trân-trân.
Cô Loan thấy vậy cô mới mở mấy gói của Trinh mới ôm về rồi sắp những ấm, bình, tách, dĩa lên bàn.
Bà Phủ nói với Phụng:“Thôi, con không bằng lòng gả em con thì thôi, có chi đâu mà buồn”. Trinh ngó cô Loan mà hỏi:“Ở nhà nãy giờ anh Phụng nói chuyện thầy Bang-Biện lên thăm ảnh bữa hổm phải hôn?”
Cô Loan gật đầu.
Trinh cười mà nói tiếp:“May hôm đó có tôi ở nhà, chừng ảnh nổi giận tôi cản ảnh, chớ không thì ảnh đánh thầy Bang-Biện đó rồi”.
Trinh đốt lò được rồi bèn lấy cái ấm tính đem ra súc. Cô Loan nài-nỉ xin để cô làm. Trinh phải đưa cái ấm lại cho cô, cô xách đi ra phía sau. Trinh góp tách, dĩa cầm đi theo, chỉ nước cho cô Loan súc cái ấm, còn chàng bỏ tách, dĩa vào cái thau mà rửa.
Thừa dịp không có Phụng và bà Phủ, Trinh mới hỏi cô Loan:
- Cô Ba, nãy giờ ở nhà cô nói chuyện với anh Phụng, cô coi trí ý của anh Phụng phải khác hơn hồi trước hay không?
- Thưa phải, khác xa lắm. Bây giờ anh hai em buồn-bực nóng-nảy, chớ không phải vui-vẻ hòa huỡn như hồi trước nữa.
- Tôi biết ảnh có bịnh, mà bịnh về trí. Xin cô lên thưa với bác chẳng nên nói chuyện buồn cho ảnh nghe. Để ảnh ở trên nầy rồi thủng thẳng tôi khuyên giải ảnh.
- Má em tính lên nói với ảnh, nếu kiếm không được việc làm thôi thì về dưới nhà mà ở. - Không nên đem ảnh về dưới. Về nhà ảnh buồn sợ bịnh càng thêm nặng. Tôi thương ảnh như anh em ruột. Xin cô thưa lại với bác vui lòng để ở trên nầy đặng tôi lập thế chữa bịnh cho ảnh, đừng ngại chi hết.
- Cám ơn anh.
Hai người xách ấm cầm tách trở ra phía trước. Trinh để ấm trên lò mà nấu. Còn cô Loan đem bình ra sau mà rửa nữa.
Trinh thấy xấp bạc để trên bàn thì hỏi bà Phủ:
- Thưa bác, bạc gì ai để đây?
- Bạc bác đưa cho thằng Phụng mà nó không chịu lấy đó.
- Nếu ảnh không lấy thì bác cất đi.
- Nó nói cháu cho mượn tiền mà trả tiền cơm rồi. Xưa rày nó mượn của cháu cả thảy là bao nhiêu, xin cháu cho bác biết, đặng bác trả lại cho cháu.
- Thưa, thôi. Chút đỉnh mà trả làm chi.
- Không trả sao được, cháu.
- Thôi, để chừng nào anh Phụng có sở làm rồi ảnh sẽ trả cho cháu.
- Biết chừng nào mới có sở làm.
- Chừng nào cũng được, không ngại gì. Xin bác đừng lo sự đó.
Nước sôi, Trinh chỉ bó trà mà cậy cô Loan bỏ trà vô bình rồi chàng chế nước rót trà ra tách mà mời bà Phủ với cô Loan. Trinh thấy Phụng ngồi chừ bự trên ghế bố, bèn vỗ vai chàng mà nói: “Gần 11 giờ rồi, bác đi xe hơi đường xa chắc là đói bụng. Vậy mình thay đồ rồi mời bác đi ra nhà hàng ăn cơm một chút đặng bác có giờ nghỉ trưa”.
Mấy người đều rửa mặt thay đồ rồi kêu xe kéo mà đi ăn cơm. Trinh vui vẻ bặt thiệp luôn luôn làm cho bà Phủ với Loan mới biết mà phải đem lòng yêu mến. Còn Phụng thì bơ lơ bảng lảng, ai hỏi thì trả lời cụt ngủn, coi bộ như trí mắc lo xa.
Ăn cơm rồi dắt nhau trở về nhà, Trinh mời bà Phủ với cô Loan nằm nghỉ, chàng lo nấu nước chế vô bình.
Tối bữa đó Trinh phải đi theo xe lửa. Buổi chiều chàng mời đi ăn cơm sớm rồi mấy mẹ con bà Phủ đưa chàng ra gare. Trinh lén đưa 20 đồng bạc cho Phụng mà nói nhỏ: - Toa lấy bạc đây để ở nhà mà xài.
- Mỏa có tiền. Hai chục đồng bạc toa đưa bữa hổm còn y nguyên.
- Toa không ăn cơm hay sao?
- Mỏa viết nhựt-trình đủ tiền ăn cơm.
- Thiệt như vậy sao?
- Mỏa nói dối toa làm chi.
Trinh bước lại thưa với bà Phủ:“ Vì chức nghiệp nên cháu không ở nhà mà hầu chuyện với bác được, xin bác tha lỗi. Nhà của cháu cũng như nhà của Phụng. Bác cứ ở chơi, đừng ái-ngại chi hết.
Bà Phủ đáp:“Cháu vui-vẻ, bác mến lắm. Ngặt vì ở nhà không có ai, nên sáng mai chắc bác phải về”.
Trinh tử giã cô Loan và nói nhỏ:“Xin cô Ba nhớ mấy lời tôi dặn hồi sớm”. Loan cúi đầu, miệng chúm-chím cười.
Trinh lên xe, mẹ con bà Phủ dắt trở lại chợ đi chơi một chút rồi thủng thẳng về nhà. Bây giờ trong nhà chỉ có ba mẹ con. Bà Phủ lại nói với Phụng:“Việc con Loan, nếu con không bằng lòng gả nó cho Bang-Biện Tịnh thì thôi. Để thủng-thẳng con coi chỗ nào xứng con muốn gả em con thì má sẽ gả. Bây giờ má nói với con như vầy; con ở trên nầy coi bộ con buồn qua, má muốn con trở về nhà mà ở đặng mẹ con hủ-hỉ cho vui, con bằng lòng hay không?” Phụng ngồi lặng thinh một hồi rồi rưng rưng nước mắt mà đáp:
- Con không thể thấy mặt má hay mặt em Loan nữa được. Con cũng không dám ngó cái bàn thờ của ba nữa!
- Tại sao vậy?
- Con phạm tôi lớn lắm má ôi! Con không đáng cho má kêu bằng con, không đáng cho em Loan kêu bằng anh nữa.
- Ủa, con phạm tội gì?
Phụng khóc rấm-rức, không nói nữa. Bà Phủ kéo ghế ngồi một bên con, tay vịn vai con mà hỏi nữa:
- Con phạm tội gì? Phạm hồi nào? Phải nói cho má biết.
- Con không thể nói được. Nếu con nói thì má đau đớn, má buồn rầu, chớ không ích gì. Vì con phạm tội thì để một mình con đền tội mà thôi.
- Con không tin tưởng má hay sao? Con giấu ai, chớ sao con giấu má?
- Ví con thương má nên con mới giấu, chớ không phải con không tin tưởng má. - Con là máu thịt của má. Dầu con phạm tội gì con vẫn là con của má, chẳng bao giờ má nỡ trách con. Con phải tỏ thiệt cho má biết một chút.
Phụng lắc đầu, không chịu nói, bà Phủ và cô Loan cật vấn hết sức mà không được. Đến khuya cô Loan thuật mấy lời của Trinh dặn cho mẹ nghe. Bà Phủ không ép Phụng về Cần-thơ nữa. Sáng bữa sau bà Phủ với cô Loan về.
Chú thích:
(1-) đại từ ngôi thứ nhứt, phát âm theo giọng Triều Châu của từ Hán Việt “ngã” = ta, tôi, anh, dùng xưng với nghĩa thân mật.
(2-) độ
Chương 8
Mấy ngày sau, Phụng cứ lững đững lờ đờ. Có Trinh ở nhà, Trinh dắt đi chơi, thì Phụng khuây lãng, nói chuyện chút đỉnh. Mà hễ Trinh đi rồi thì Phụng dàu dàu, cứ đóng cửa nằm trong nhà hoài, có bữa nhịn đói không chịu đi mua bánh mì mà ăn.
Một đêm, Phụng đưa Trinh ra xe lửa rồi, chàng trở về nhà, đóng cửa chặt chịa, song không nằm xuôi xị như mấy bữa trước, mà lại cứ đi tới đi lui, bộ hùng dõng quả quyết lắm. Chàng đi cho đến 11 giờ khuya rồi xuống nhà bếp dở hai tấm gạch, moi đất mà móc cái rương sắt chàng chôn hôm nọ đó lên. Chàng xách cái rương đem lên buồng lập thế cạy khóa mở rương ra. Húy chà! Trong rương sắp đầy giấy bạc! Phụng đổ trút cái rương trên giường. Giấy bạc nằm một đống, toàn giấy một trăm với giấy hai trăm, chớ không có giấy nhỏ. Phụng châu mày đứng ngó một hồi rồi xách rương không mà đem xuống nhà bếp chôn lại cho tử tế và sắp gạch lên như cũ. Chàng trở lên ngồi đếm bạc thì được 18 ngàn đồng. Chàng suy nghĩ rồi chia ra làm hai phần và lấy nhựt trình gói làm hai gói, mỗi gói 9 ngàn đồng. Mỗi gói chàng lại lấy dây nhợ cột thiệt chặt rồi bỏ hết vô cái rương cây lớn của chàng và tắt đèn đi ngủ. Qua ngày sau, vừa mới tối một chút, Phụng ôm gói bạc ra ngoài, khóa cửa lại rồi thủng thẳng đi vô phía gare d’Arras.
Tới dãy nhà lá bên tay mặt, chàng thấy đèn đốt leo heo, ngó ngoái lại phía sau lưng chẳng thấy ai đi theo mình, chàng ben bươn-bả đi riết vào căn nhà đầu, là nhà của cô Tâm, mà chàng đã có đến hai lần rồi.
Trước cửa mấy đứa nhỏ vẫn ngồi chơi, trong nhà vẫn có một chong đèn leo-lét, trên cái sập. Khoa cũng nằm trơ-trơ. Phụng ôm gói bạc vô. Hôm nay Khoa nhìn được, nên chống tay ngồi dậy, xá Phụng và nói:“Xin chào thầy. Thầy ghé hoài mà cũng không có chỗ ngồi”. Phụng ngó trước ngó sau rồi hỏi:
- Cô Tâm có ở nhà hay không?
- Thưa có. Nó ở trong buồng. Tâm a, có thầy lại thăm đây con. Ra chào thầy. - Tôi có chuyện kín muốn nói với ông và cô Tâm. Xin ông biểu sắp nhỏ đi ra lộ mà chơi đặng tôi nói chuyện một chút.
- Để tôi biểu nó … Tánh a, dắt em đi hết ra ngoài lộ mà chơi đi con. Đi cho xa nghe hôn. Có khách mà bây ở đó trửng giỡn rầy quá.
Sắp nhỏ dắt nhau đi ra lộ. Cô Tâm ở trong buồng ra chấp tay cúi đầu xá Phụng. Cô cũng mặc áo quần lụa trắng như lần trước, chắc cô sửa-soạn đặng đi.
Phụng đứng ngó cô Tâm rồi bước lại cửa đứng ngó ra lộ. Thình-lình chàng trở vô, xâm xâm đi lại đứng trước mặt cô Tâm mà hỏi:“Nghèo đến nỗi phải thí thân làm đĩ, trong đời chẳng có chi hèn-hạ hơn nữa, cô có hiểu như vậy hay không?”
Cô Tâm hơ-hải, một tay vịn cái sập gần chỗ cha ngồi, một tay cầm mu-soa(1) trắng mà chậm nước mắt không trả lời, không cụt cựa.
Phụng đưa gói bạc cho Khoa và nói:“Ông lấy gói bạc đây mua thuốc và làm vốn mua đất hoặc buôn bán mà nuôi gia-đình, đừng cho con làm điều tồi-bại như vậy nữa”.
Khoa run-rẩy đưa tay lãng gói và nói ú ớ:“ mô! … Trời Phật sai thầy cứu cha con tôi mà … mô! Tôi không ngờ được phước như vầy …”
Phụng khoát tay, không cho Khoa nói nữa rồi chàng bước lại đứng khít một bên mà nói nhỏ: “Ông nín mà nghe tôi dặn. Số bạc nầy lớn lắm, ông giấu lâu rồi sẽ đem ra mà dùng, chớ đùng có dùng gấp mà bị hại. Ông phải dè-dặt đừng cho ai biết có tiền nhiều. Ông phải nhớ mấy lời dặn đó. Thôi, để tôi về”.
Phụng muốn đi. Cô Tâm ngồi bẹp xuống đất cúi đầu lạy và nói:“Em không biết lấy chi mà đáp nghĩa cho thầy, vậy em xin thầy nhận cái lạy của em với lời em hứa chắc chắn từ nay em sẽ bỏ đường nhơ nhuốc mà trở lại đường trong sạch. Em xin thầy biết giùm cho em: vì cha bịnh hoạn, vì sắp em của em đói rách, nên em mới thí hình hài, thí danh giá mà cứu gia-đình chớ không phải em muốn làm đĩ”.
Phụng vói tay kéo cô Tâm đứng dậy và nói:
- Thôi, tôi biết rồi, vì tôi biết nên tôi mới cứu. Cô chẳng cần phải nói dài. Cô lo làm ăn mà nuôi cha, nuôi em là đủ.
- Em sẽ làm y như lời thầy dặn.
Phụng xây lưng muốn đi. Cô Tâm níu tay áo mà nói:
- Em biết thầy ở dãy phố phía ngoài đây, ở chung với ông làm kiểm soát cho sở xe lửa. Song thầy tên họ chi em chưa biết được. Xin thầy cho em biết đặng em ghi nhớ tên ân-nhân số một của em.
- Cô biết tên họ tôi không ích gì. Từ rày cô không còn gặp mặt tôi nữa đâu. - Dầu thầy không muốn cho em gặp mặt nữa, song trọn một đời của em chẳng có giây phút nào mà em quên thầy được. Em thề chắc đến ngày em nhắm mắt mà từ biệt cõi trần, em cũng sẽ thấy hình dạng của thầy một lần chót trong trí của em rồi mới thở hơi cuối cùng. Phụng châu mày ngó cô Tâm; cô Tâm cũng ngó ngay Phụng. Hai người nhìn nhau trước ngọn đèn lờ mờ, rồi Phụng bỏ đi ra cửa, cô Tâm đứng trơ trơ, hai giọt nước mắt thủng thẳng chảy dọc xuống gò má. Khoa thấy Phụng bước qua cửa thì nói vói:“Cha con tôi sẽ cầu nguyện Trời Phật Thánh Thần phò hộ mạng thầy đời đời bình an sung sướng”.
Phụng không trả lời, xâm xâm ra lộ rồi đi trở về hướng Sài-gòn.
Phụng về đến nhà, mở cửa vặn đèn lên, rồi đi tới đi lui suy nghĩ. Có lẽ nhờ làm được một việc nghĩa trong lòng thơ thới, nên bây giờ sắc mặt chàng bình tĩnh, không buồn bực như mấy bữa trước nữa.
Đi bách bộ trót một giờ đồng hồ rồi chàng đóng cửa, lại bàn viết mà ngồi và lấy giấy ra mà viết. Chàng viết luôn một giọt đến mấy trương giấy, rồi bỏ cây viết ngồi đọc lại, và đọc và chảy nước mắt ướt giấy, phải lấy giấy chậm mà chậm đến hai ba lần.
Gần sáng, đường xe điện Sài-gòn Chợ-lớn đã bắt đầu chạy mà thấy Phụng vẫn còn ngồi ở bàn viết.
Chú thích:
(1-)(tiếng Pháp: mouchoir)=khăn nhỏ
Chương 9
Buổi sớm mai, gần tới giờ xe lửa Nha-trang chạy về, tại nhà gare Sài-gòn quang-cảnh xem ra náo-nhiệt phi-thường. Ngoài đường, xe kéo, xe thổ mộ chen nhau đậu chật nức, cái nào cũng muốn giành lại gần cửa nhà gare đặng tiếp rước hành-khách làm cho lính tuần-cảnh nhiều khi phải can-thiệp, đưa tay trợn mắt la hét thị-oai đặng đàn-áp người sau ỷ lanh hoặc ỷ mạnh ăn hiếp kẻ trước.
Trong bến xe lửa người ta rải-rác tựu lại, đầu kia bọn cu-ly(1) chờ xe mà vác đồ, chòm-nhom nói dóc nghe inh-ỏi, phía nọ đám người chực rước bà con đi lên đi xuống nghểu-nghến.
Nghe tiếng súp-lê thổi vang phía chợ Đũi, ai nấy đều chong mắt mà ngó chừng, trên mặt mọi người đều lộ vẻ hân-hoan. Ông chủ nhà gare thủng thẳng đi ra bến xe, mắt đeo kiếng, mặt hòa huỡn; tay có cầm một gói giấy nhỏ, ông cứ cúi mặt mà đi, không để ý đến ai hết. Xe lửa chậm chậm đi tới rồi ngừng, đầu máy phun khói lên một lằn đen thui, bị gió đưa tỏa ra một vùng mù mịt rồi tản mất. Mỗi toa xe hành khách tuôn ra hai bên leo xuống, kẻ dắt con, người ôm gói bương-bả mà đi.
Trinh mặc y-phục gọn gàng trên xe nhảy xuống, miệng chúm chím cười, thấy ông chủ nhà gare bèn xâm xâm đi lại, dở kết chào ông. Ông đưa cái gói giấy ông cầm cho Trinh và nói:“Hồi nãy có một thầy đem gói nầy đưa cho tôi mà cậy tôi giao lại cho ông”.
Trinh tạ ơn, bắt tay ông chủ nhà gare rồi thủng-thẳng đi vô gare. Chàng mở cái gói ra thì có một cái chìa khóa, ấy là chìa khóa cửa nhà chàng, tưởng Phụng mắc đi đâu đó, sợ chàng về không có chìa khóa mà vô, nên đem lại nhà gare mà gởi, bởi vậy chàng không nghi-ngại chi hết. Chàng bỏ chìa khóa vô túi rồi đi bộ mà về. Mở cửa bước vô chàng thấy trên bàn giữa có một tờ giấy đề mấy chữ lớn như vầy: Coi thơ để trong hộc tủ bàn viết, phía bên tay mặt. Bây giờ Trinh có hơi nghi chút đỉnh, nên liền đi lại bàn viết kéo hộc tủ bên tay mặt ra thì thấy có một phong thơ ngoài bao đề tên họ chức nghiệp của chàng rõ-ràng, mà phong thơ ấy lại buộc díng với một cái gói lớn bao bằng giấy nhựt trình. Chàng ôm cái gói ra mà để trên bàn viết, lấy dao nhỏ trong túi cắt mối dây rồi rút phong thơ. Chàng mở bức thơ thấy tuồng chữ của Phụng viết, muốn biết liền coi Phụng nói chuyện gì, nên kéo ghế ngồi đọc thơ như vầy:
“Hỡi bạn yêu-mến ơi!
Tôi viết bức thơ nầy mà từ biệt bạn. Tôi phải từ biệt bạn là vì tôi không đáng làm bằng-hữu với bạn nữa, mà cũng không đáng làm con người chung lộn với xã-hội nữa.
Tôi tỏ thiệt với bạn, tôi giết bà Lợi chết đó, giết bà đặng lấy tiền. Thiệt chẳng phải tôi cố tâm giết bà, tôi chỉ muốn lấy tiền của bà mà thôi. Đêm đó tôi leo nhà bếp vô cạy cửa nhà trên rồi tính ôm cái rương sắt của bà mà đi. Bị động, bà giựt mình thức dậy, tôisợ bà la lên rồisự trôm của tôisẽ hỏng mà lại còn bị bắt, nên tôi phải nhét mền vào họng bà và trói tay bà lại. Chừng lấy được cái
rương rồi, tôi muốn mở bà ra, mà còn sợ nỗi bà la lên tôi chạy không khỏi, hoặc bà biết mặt tôi bà tố-cáo tôi phải bị tù tội, nên tôi phải nhẫn-tâm bỏ đi luôn. Lâu quá bà ngộp hơi bà mới chết. Tôi đem cái rương sắt về nhà, tôi cạy gạch dưới nhà bếp chôn. Thấy việc đã êm rồi đêm hôm qua tôi mới móc cái rương lên, mở ra mà coi thì được 18 ngàn đồng bạc. Tôi chia số ấy ra làm hai, phân nửa tôi đã cho cô Tâm là người vì nghèo, cha đau nên phải làm đĩ, mà tôi đã chỉ cho bạn hôm nọ ngoài nhà hàng Trung-Hoa đó, còn phân nửa thì tôi gói mà đính theo bức thơ nầy đây. Bạn ôi! Tôi là một thằng ăn trôm, một thằng sát nhân, không đáng xin ai thương yêu nữa hết, lẽ thì tôi phải có can-đảm chường mặt ra mà thú tội đặng cho pháp-luật trừng-trị, hoặc đày, hoặc chém mới phải. Tôi khiếp-nhược không dám ra thú tội, ấy là vì tôi thương mẹ, thương em của tôi quá, tôi lại thương cha con cô Tâm nữa. Nếu tôi thú tội, thìsố bạc 18 ngàn nhà nghèo không hưởng được, mà tôi bị tội thì mẹ tôi với em tôisẽ bị nhục-nhã buồn-rầu, mà vong hồn của cha tôi dưới cửu-tuyền cũng còn nhơ-nhuốc nữa.
Đã suy-sụp sa-ngã đến thế nầy, tôi chẳng dám mong bạn thương tôi nữa. Tôi chỉ xin bạn biết giùm một điều nầy : ngày nay tôi mà trở nên một đứa sát-nhân đây, ấy là tại tôi có cái tánh đa sầu đa-cảm thái-quá, thấy nhà nghèo, mẹ với em bị người ta khinh-rẻ, thì đau lòng tức trí chịu không được, thấy cảnh thảm-khổ của người khác lại động lòng rồi thù-oán xã-hội, nên tôi mới phạm tội đại-ác như vậy đó.
Thôi, tôi phạm tội, dầu tôi không dám chường mặt mà xin pháp-luật trừng-trị, song tôi cũng phải định cách thế nào mà đền bồi xã-hội cái tội ác đã mang. Cách thế ấy tôi đã quyết-định rồi. Tôi không tự-tử, bởi vì nếu chết thì làm sao mà chuộc tội ác của mình ở trên thế-gian nầy được. Tôi cũng không tu, bởi vì làm ác rồi đi tu, ấy là muốn trốn lánh cho khỏi đền tội. Tôi không chết, mà cũng không tu. Tôisẽ sống, song sống với cảnh đời không được hưởng vật gì của xã-hội hết thảy, sống mà không được phép gần người mình yêu, sống mà phải chịu buồn thảm cực khổ, nghĩa là sống đặng đền tội cho xã-hội, chớ không phảisống đặng chung vui với xã-hội. Trọn đêm hồi hôm, tôi ngồi viết thơ mà từ biệt mẹ và em tôi, mà viết rồi tôi nghĩ lại gởi không tiện, bởi vì mẹ với em tôi tuy thương tôi, song không hiểu thấu tâm chí của tôi được, bởi vậy viết rồi tôi
xé hết.
Bạn là người biết rõ lòng dạ tánh tình của tôi ; vậy nên tôi viết bức thơ nầy mà yêu cầu bạn nghĩ chút tình bằng hữu, nhận lời tôi xin trong mấy khoản dưới đây :
1) Liệu phương thế mà giao gói bạc đính theo thơ nầy đây lại cho em tôi, đặng nó để dành mà nuôi mẹ tôi ;
2) Thế cho tôi mà bảo bọc giùm mẹ với em tôi, ráng khuyên giải đừng để cho mẹ với em tôi vì tôi mà buồn rầu thái quá ;
3) Giấu biệt cái tội ác của tôi, đừng cho mẹ với em tôi biết; nếu có hỏi thì nói dối rằng tôi đã đi bên Tây hay là bên Tàu, kiếm công việc làm ăn, chừng nào khá tôisẽ trở về .
Tôi mong nhờ bạn làm y theo mấy lời tôi xin đó.
Trước khi từ biệt bạn, tôi còn phải tỏ cho bạn biết một việc nữa: cái rương sắt đựng bạc của bà Lợi, tôi còn chôn dưới nhà bếp, chỗ tôi có cạy hai tấm gạch lên đó. Vìsợ người ta nghi nên tôi không dám đem xa mà bỏ. Vậy ngày nào bạn muốn dời đi chỗ khác, thì trước khi dọn nhà, bạn phải lập thế lấy cái rương ấy lên mà bỏ cho biệt tích, chẳng nên để cho người khác lại ở họ thấy rồi bể chuyện mà phải nhọc lòng bạn.
Bạn không dè chuyện gì hết, mà bây giờ bạn cũng như người đồng lõa với tôi, nghĩ tới chỗ đó thiệt tôi ăn năn hết sức. Việc đã lỡ rồi, xin bạn nghĩ tình mà dung thứ cho người làm quấy mà đã biết tôi nên lo chuộc tội.
Thôi, tôi bắt tay từ biệt bạn và xin bạn tội nghiệp giùm chớ đừng có khinh thị”. Linh Phụng
Trinh đọc hết bức thơ rồi, tuy sớm mai trời mát-mẻ mà chàng đổ mồ hôi ướt áo. Chàng xếp thơ lại mà cầm chặt cứng trong tay, rồi đứng dậy đi tới đi lui châu mày suy nghĩ. Chẳng hiểu chàng nhứt định thế nào mà đi một lát rồi chàng trở lại bàn viết ngồi mở gói bạc ra đếm. Đếm xong rồi chàng gói lại lấy dây cột chặt-chịa và đem vô buồng mở rương bỏ vô mà cất, còn bức thơ thì chàng mởi bóp phơi đút vô cất kỹ lưỡng. Chàng xuống nhà bếp đứng ngó những gạch lót dưới đất, rồi trở lên thay đồ nằm gác tay qua trán, mắt nhắm lim dim. Phụng đi đâu?
Phải làm sao mà cứu Phụng?
Ấy là hai câu hỏi Trinh đương lập đi lập lại trong trí.
Chú thích:
(1-)(tiếng Pháp/Anh couli/cooly:) phu khuân vác
Chương 10
Mười hai năm sau.
Tiết tháng giêng, ở Sài-gòn thì trời đã bắt đầu nóng nực. Những người có tiền dư, hoặc muốn trốn nắng, hoặc muốn dưỡng sức đặng tranh đấu nới trường lợi danh cho đắc thắng trong năm mới, nên người đi ra mấy chỗ có bãi biển tốt ở nghỉ ngơi, kẻ thì đi đến mấy nơi có non cao rừng rậm ngao du mà hấp thanh khí.
Trong Nam-kỳ, nơi vùng Châu-đốc giáp ranh với Hà-tiên, có mấy dãy núi nằm ngang nằm dọc, người ta đặt tên chung là Thất-sơn, núi không cao lớn bằng ngoài Trung-kỳ, Bắc-ky, song sừng sựng đứng giữa một miền thấp thỏi, bằng thẳng rộng lớn minh-mông ngó mút mắt, mấy dãy núi ấy xem ra cũng có vẻ chớn chở.
Đã vậy mà trong những cụm núi ấy cũng có nhiều khe nước u ẩn đáng gợi tình thi-sĩ, có nhiều hòn đá làm khỏe mắt hiếu kỳ, tiếc vì khách du sơn ít để bước đến nầy, duy có người mộ Phật cầu tiên mới lui tới đặng cúng chùa nuôi sãi.
Một buổi sớm mơi, trên hòn núi Cô-Tô(1), nằm phía sau chợ Xà-Tón(2), sương còn bao phủ
mù mịt, dường như trùm cái mền xanh sậm đặng giấi giếm những cảnh thanh tịnh, bí mật của tạo-hóa lập ra riêng để cho bọn thất chí hoặc chán đời nương náu, chớ không muốn cho phường trục lợi tranh danh ghé mắt.
Thế mà có ba người đương lụi cụi do đường mòn mà leo lên núi.
Người đi trước là đàn-ông, mặc áo sơ mi xám, quần cụt cũng màu xám, tay chống một cây gậy, vai mang một cái máy chụp hình nhỏ treo lòng thòng sau lưng. Hai người đi theo sau lưng là đàn-bà. Đồng mặc áo thun màu xanh, quần vắn màu đen, chơn mang giày mềm, tay cũng chống gậy, mà vai chỉ mang một cái ống dòm mà thôi.
Đường nầy là đường lên mấy chùa, mấy am trên núi, bởi vậy mỗi ngày đều có người ta lên xuống thường. Tuy vậy mà có khúc dốc đứng phải bò mà lên, có chỗ bị hòn đá cản ngang, phải trèo mà qua mới được. Gặp mấy chỗ khó ấy thì người đàn-ông phải tiếp mà dắt hai người đàn bà ; dầu đi gay-go mệt nhọc, nhưng ba người đều vui cười hớn-hở. Tới mũi Hải, thấy có một thạch bàn bằng thẳng nằm dưới một lùm cây mát-mẻ, ba người mới ghé lại đó ngồi nghỉ chưn. Nói phứt ra cho rồi, 3 người khách du sơn nầy chẳng phải ai đâu lạ, ấy là Trinh với cô Loan và cô Tâm.
Trinh ngó cô Tâm rồi cười hỏi :
- Mình viếng núi Ông-Tô nầy nữa thì giáp vòng hết Thất-sơn. Cô Tâm tính qua sang năm đi miệt nào nữa?
- Có lẽ qua sang năm đi viếng núi Hà-tiên, như còn dư ngày thì mình đi thẳng lên Tà-Lơn. - Phải. Mình đã đi giáp hết những núi ở Tây-ninh, Baria, Vũng-Tàu, Phan-thiết, Nha-trang, Dalat, Thất-sơn thì chỉ còn có núi Hà-tiên với Tà-lơn nữa mà thôi. Tìm kiếm đã mười mấy năm rồi, song không công hiệu chi hết, thế mà cô chưa mòn chí hay sao?
- Không, em vẫn hăng-hái luôn-luôn, bởi vì cái linh tánh nó mách rằng em sẽ mãn-nguyện, nên trí em tin chắc có ngày sẽ gặp.
Cô Loan nghe như vậy bèn vịn vai cô Tâm mà nói : « Tôi khấn vái cái linh tánh của cô đó đừng dối gạt lòng cô ».
Nghỉ khỏe rồi, ba người đứng dậy mà đi nữa. Bây giờ mặt trời đã lên cao rồi, phá cái màn sương đã tan hết, dọi mấy khe nước trong kẹt đá chảy ra trắng nõn như bạc đổ. Xa xa nghe tiếng chuông chùa Phật dộng bon bon ; lấp ló thấy chim đứng trên nhành kêu chéo chét.
Đến trưa, ba người lên tới một chỗ trống trải kêu là Dâu Hội, gần trên đảnh, Trinh đói bụng, lại thấy có một tấm đá lớn nằm dưới một cây cổ thụ sum sê, dựa bên thêm có ngọn suối nước chảy ro re trong vắt. Trinh mời hai cô ghé đó mà ngồi, rồi mở túi ra lấy bánh mì, cá họp, thịt đùi mà ăn với nhau.
Trước mặt trông thấy cánh đồng Xà-Tón minh-mông tuyệt với, bên phía tay trái thì những ngọn núi Cấm (3), núi Bà Đội(4) nghênh-ngang che khuất cánh đồng Tà-keo, Cần-vọt. Tuy không có tâm hồn thi-sĩ, nhưng mà thấy cái quang cảnh từ núi cao xuống đồng thấp mỗi chỗ có vẻ khác nhau thì ba người đều cảm xúc trong lòng, nên ngồi ăn mà không nói chuyện chi hết. Ăn no bụng, ba người lại suối mà uống nước và rửa mặt, rồi cô Loan với cô Tâm nằm ngửa trên tấm đá mà nghỉ lưng, mắt lim dim nghe gió trông mây, trí vơ vẩn ngó rừng tưởng núi. Trinh mở máy ra mà chụp hình hai cô, chụp nằm trên hòn đá rồi chụp ngồi gốc cây. Cô Loan sung sướng trong lòng, nên cặp tay Trinh mà dắt đi thơ thẩn, khi thì vịn vai nhau mà nói, khi thì nhìn mặt nhau mà cười, hạnh phúc tràn trề, ân tình chan chứa, cô Tâm đứng ngó cặp ấy rồi tâm-hồn cô lơ-lửng, nước mắt nhểu phải lấy khăn mà lau.
Một thầy chùa mặc áo dài, vai mang gói, ở trên lững thững đi xuống. Trinh đón hỏi : - Xin thầy làm ơn nói giùm cho tôi biết coi đường đi trên đó là đường đi đâu? - Đó là đường đi lên đảnh.
- Khó đi hay dễ?
- Khó đi một chút, nhưng mà đi được.
- Trên đảnh có người ta ở hay không?
- Có một cảnh chùa Yết-ma Bạch-Phụng lập ra để ở tu trì với ông đạo nhỏ. Cô Tâm vừa nghe hai tiếng Bạch-Phụng thì biến sắc mà nói:“Chắc gặp rồi. Thôi, đi riết lên chùa coi”.
Ông thầy chùa không hiểu cô nói gặp là gặp ai, song ông đã không cần hỏi, liền xây lưng đi
xuống núi.
Trinh với hai cô mang đồ mà đi lên đảnh. Tới một cảnh chùa thấy có một người đạo nhỏ đương lum-khum hái rau, Trinh hỏi thăm thì thiệt quả chùa nầy là chùa Bạch-Phụng, có ông Yết-ma đương xem kinh trong chùa.
Cô Tâm nóng nảy nên bươn-bả đi riết vô chùa, không đợi hai người kia. Vừa bước vô, cô thấy một ông già bảy tám mươi tuổi, đầu trọc lóc, miệng móm xọm, mang mắt kiếng đương cầm cuốn kinh ngồi mà coi, thì cô thất vọng nên đứng trân-trân.
Trinh bước tới cúi đầu chào ông già và nói :
- Chúng tôi đi du-lịch, muốn ra mắt ông Yết-ma.
- Kính chào quí khách. Yết-ma là tôi đây. Quí khách lên cúng Phật hay là lên kiếm tôi có việc chi?
- Chúng tôi có một người bà con tên là Phụng, học Tây giỏi, niên-kỷ bằng tôi, vì uất tình đời nên cách 12 năm nay trốn mà đi tu. Chúng tôi tìm hết sức mà không gặp. Ông có biết trên núi nầy có ông đạo nào giống với người bà con của chúng tôi hay không?
- Trên núi Ông-Tô nầy có hai mươi mấy cảnh chùa, những ông đạo ở tu tôi biết hết thảy. Tôi không thấy người nào đáng nghi là người của quí khách đi tìm đó.
Trinh với hai cô đứng ngơ ngáo.
Cô Tâm hỏi ông Yết-ma:
- Tại đỉnh núi đây có đường đi xuống triền núi phía bên kia hay không?
- Có chớ. Ðưòng sau chùa đây là đường đi xuống triền núi phía bên kia.
- Dài theo đường ấy có chùa có am gì hay không?
- Không có chùa, duy có một cái chòi của một tên nông phu ở trồng khoai tỉa đậu thuở nay đó mà thôi.
- Xin ông cho biết con đường dễ đi hay không?
- Ðường đó tuy ít người đi song ít dốc, ít đá nên dễ đi hơn đường phía bên kia. Trinh cúng chùa một đồng bạc rồi từ ông Yết-ma dắt hai cô trở ra sân.
Cô Tâm để tay lên trán đứng suy nghĩ một hồi rồi nói: „Phải đi đường xuống triền núi bên kia. Bụng tôi nó giục tôi đi ruồng ngã đó“.
Ba người noi theo đường sau chùa mà đi nữa.
Ði xuống một chút, ngó mấy khoảng trống thì thấy biển Rạch-Giá và Hà-tiên, ở xa xa có Hòn đất. Hòn chông phân ranh đất với nước. Ðường đi thiệt dễ nên ba người vừa đi vừa ngắm cảnh và đàm luận. Thình lình có một đám đậu xanh trồng dựa bên đàng, lại thấy có một người tóc rối rấm, râu xồm xàm ở trần phơi lưng đen trạy, đang lum khum hái đậu. Trinh với cô Loan đứng mà ngó.
Người hái đậu vừa ngước mặt lên ngó thấy ba người kia thì biến sắc đứng trơ trơ, không nói mà cũng không cục cựa.
Cô Tâm la lớn: „Anh Phụng kìa kìa!“ rồi cô chạy tuôn qua đám đậu, riết lại ôm ngang lưng người nông phu nầy, vừa cười vừa chảy nước mắt mà nói: „Dữ quá! Em kiếm trọn 12 năm năm mới được gặp anh đây! Em đi kiếm cùng hết. Cái linh tính của em nó cho em biết rằng sớm muộn gì rồi em cũng tìm được anh. Thiệt quả vậy, cô Loan, tin cái linh tính của tôi hay chưa hử? Hồi sớm mai nầy, vừa bước chơn đi lên núi thì lòng em khoan khoái, em chắc sẽ gặp anh. Hồi nãy ông Yết-ma nói không có người nào giống anh mà ở trên nầy. Em không tin. Nếu em thối chí mà trở xuống, thì làm sao mà gặp được.“ Người nầy thiệt quả là Phụng, tuy hình dạng có hơi khác hẳn với Phụng hồi xưa, nhưng cô Tâm nhìn không lầm.
Cô Loan cũng vô tới. Ðứng ngó anh, nước mắt tuôn dầm dề, mừng tủi quá, không nói được một tiếng chi hết.
Trinh hân hoan trách Phụng: „Toa tệ quá! Toa muốn được phần toa, không kể đến người khác. Toa để bà già thương nhớ toa đêm ngày. Mỏa khuyên giải hết sức thì bà già bớt buồn chút đỉnh, chớ làm sao mà vui được.“ Phụng ngó Trinh, ngó Tâm rồi ngó Loan mà hỏi: „Năm nay chắc má già lắm phải hôn em?“ Cô Loan gật đầu đáp: „Má già song má mạnh . Duy có má nhớ anh lung lắm, nên năm nào cũng vậy, hễ qua tháng giêng thì vợ chồng em phải dắt nhau đi bậy đi bạ mà tìm anh. Phải đi kiếm thì má mới bớt buồn“ Phụng nghe nói mấy lời thì ngó Trinh và Loan.
Trinh hiểu ý kêu người mà nói:“ Toa gởi gấm bà già với cô ba cho mỏa, toa cậy mỏa bảo bọc.
Mỗi người ở một nơi làm sao mà bảo bọc cho được. Toa đi rồi thì mỏa phải tuốt xuống Cần thơ thưa với bà già mà xin cưới cô ba, rồi mỏa đem hết về Sài Gòn mà ở với mỏa. Phải làm như vậy mới bảo bọc được chớ.“ Phụng trợn mắt, bước lại nắm tay Trinh mà nói: „Toa làm như vậy à? Toa cưới em mỏa đặng nuôi mẹ với em mỏa? Cám ơn! Cám ơn lắm!“ Trinh nói: „Toa khỏi cám ơn. Mỏa muốn toa theo bọn mỏa mà về cho mau, đặng bà già mừng, làm như vậy thì hay hơn hết“.
Phụng khoát tay không cho Trinh nói nữa, rồi chỉ cô Tâm mà hỏi: „Còn cô Tâm sao lại nhập bọn chung với vợ chồng toa đây?“ Cô Tâm không cho Trinh trả lời, cô hớt mà đáp: „Ðêm nọ anh giấu tên họ, anh không chịu cho em biết. Cách ít ngày em kiếm anh Trinh em hỏi thăm, tự nhiên em biết có khó gì. Anh không muốn cho em gần anh thì em gần cô Loan, là em của anh, cũng vậy, phải hôn?“ cô nói tới đó rồi cô cười ngất.
Cô Loan bây giờ không khóc nữa, cô tiếp mà nói: „Cô Tâm chờ anh mười mấy năm nay đó. Năm nào cô cũng đi theo vợ chồng em mà kiếm anh. Cô nói nhờ anh mà ông già cô hết bịnh, cô làm giàu làm có, nên cô nhứt định đi kiếm cho được anh mà thôi, chớ cô không ưng chồng nào hết“. Phụng châu mày hỏi cô Tâm:
- Ông già cô hết bịnh rồi hay sao?
- Uống thuốc chừng một năm thì ông già em đi đứng được. Bây giờ em có tiệm lớn lắm, anh về rồi anh sẽ biết. Ông già em cầu trời khẩn Phật luôn luôn, vái cho em tìm được anh mà đền ơn đáp nghĩa anh.
Phụng cúi mặt xuống đất coi bộ bối rối trong trí lắm.
Trinh hỏi: „Toa ở đây với ai? Làm nghề gì mà ăn? Nhà cửa của toa ở chỗ nào đâu?“ Phụng đưa tay chỉ phía dưới triền núi mà đáp:
- Nhà mỏa ở dưới đây một chút. Mỏa ở có một mình trồng khoai trồng đậu để đổi gạo mà ăn chớ có làm nghề gì đâu?
- Toa có cất nhà đi tu hay không?
- Không. Tu làm gì?
- Thôi , toa dắt tụi moa xuống nhà toa coi, xuống sửa soạn rồi có về cho sớm. Phụng đứng trơ trơ không muốn đi, làm cho cô Tâm phải nắm tay mà kéo, chàng mới chịu bưng thúng đậu đi ra đàng mà đi xuống núi. Phụng đi trước, ba người đi theo sau. Ði được chừng 50 thước, tới một chỗ có hai tấm đá đứng trên có gát cây trải lá, Phụng chỉ chỗ đó mà nói: „Nhà của tôi đó“ Cô Loan với cô Tâm trông thấy mà ứa nước mắt. Cô Tâm không muốn cho Phụng thấy cô cảm động nên nắm tay cô Loan kéo đi và nói: „Tới nhà anh Phụng mà không vô thì ảnh nói mình khinh ảnh. Vậy thì chị em mình đi vô coi trong nhà, cách ăn ở thế nào?“ Phụng thấy hai cô đi vô trong kẹt đá chỗ mình trú ngụ thì hỏi nhỏ Trinh:
- Mỏa cậy toa mấy khoản, toa có làm y không?
- Mỏa làm y như toa muốn; mỏa thế cho toa mà nuôi dưởng bà già; mỏa giấu biệt tâm sự của toa, mỏa không cho ai biết hết.
- Ðến bây giờ mà bà già với em mỏa cũng chưa biết cái tội ác của mỏa hay sao? - Mỏa không nói thì làm sao mà biết được - Còn cô Tâm?
- Mỏa không hiểu; song mỏa biết cô thương toa lắm mà thôi, chớ không nghe cô nói tới chuyện gì khác.
- Mỏa còn cậy toa một việc nữa, toa có làm theo lời moa dặn hay không? - Mỏa cũng làm, song không làm giống như ý toa muốn được. Mỏa cưới cô ba rồi mỏa mới giao gói bạc 9 ngàn đó lại cho cô, mà mỏa không nói của toa gởi và cũng không chịu cho cô để dành mà nuôi bà già. Mỏa nói dối, mỏa có một người cô giàu có mà không có con. Khi cô mỏa tỵ trần có giao số bạc nầy cho mỏa và dặn ngày nào mỏa cưới vợ rồi thì phải đưa hết bạc ấy lại cho vợ của mỏa đặng nó thay mặt cho mỏa mà bố thí cho kẻ nghèo. Bố thí thì chẳng đặng cất chùa cất miễu, chẳng đặng cống hiến cho mấy hội gọi là hội phước thiện. Phải đi chơi trong mấy xóm nhà nghèo ở, thấy ai cùng khổ, hoặc bịnh hoạn thì lấy bạc mà cứu giúp, ai khổ nhiếu thì giúp nhiều, ai khổ ít thì giúp ít cho đến chừng nào hết số bạc ấy thì thôi. Cô ba làm theo cái hảo ý ấy, bố thí mới hết số bạc ấy hồi năm ngoái đây.
- Toa cao thượng quá, mỏa không bì kịp!
- Mỏa nuôi bà già thì đủ rồi. Cần gì phải dùng tiền ấy. Mà tiền như vậy mình dùng sao được. - Quân tử quá! …Còn cái rương sắt toa làm sao?
- Ồ, chuyện đó thì dễ ợt. Mỏa mua một cái thùng cây, mỏa bỏ vô. Một chuyến nọ đi Nha Trang mỏa chở theo xe lửa, khi xe qua khỏi sông Dinh mỏa quăng vô rừng rồi biệt tích, có khó gì đâu? - Cám ơn to quá… - Thôi, đừng cám ơn mà mất thì giờ. Kêu hai cô ra đặng về cho mau. Có xe hơi của mỏa đậu chờ bên kia.
Phụng suy nghĩ rồi lắc đầu mà nói:
- Thôi, mỏa cậy toa luôn nói giùm bà già cho mỏa. Mỏa không thể về được. - Tại sao vậy? Việc toa làm hồi trước duy có một mình mỏa biết mà thôi, chớ có ai biết đâu mà sợ. Mà dầu tới bây giờ có đổ bể ra đi nữa cũng không hại gì. Tội đại hình hễ quá 10 năm rồi thì tòa không có luật buộc tội toa nữa được.
Phụng ngước mặt lên rồi châu mày hỏi nho nhỏ:
- Dù không ai biết, còn lương tâm kia chi! … Dầu tránh khỏi luật người, còn luật Trời làm sao tránh được!
- Ồ! Lương tâm! Ồ Trời Phật! Nếu bà Lợi chưa chết, thì bà làm hại thêm cho con nhà nghèo, chớ có ích gì. Bà chết đó là may mắn cho nhiều người lắm. Huống chi toa lấy bạc của bà chẳng phải toa lấy mà ăn xài, lấy đặng tấm gội cho những kẻ nhơ nhuốc, lấy đặng làm mạnh cho những kẻ đau ốm, lấy đặng giúp sống cho những kẻ nghèo đói, thế thì tội trộm cướp sát nhơn của toa có chỗ dung chế được. Ðã vậy, trọn 12 năm nay, toa đã phạt thân toa cực khổ mà chuộc tội rồi. Các cớ ấy há không đủ làm cho lương tâm an tịnh, đặng toa gần gũi má cho má vui, đặng toa kết tóc với cô Tâm cho cô phỉ tình ước nguyện hay sao? Còn toa sợ luật Trời, cái đó toa bậy lắm. Ðời nầy mà toa còn tin tưởng Trời Phật thì trái mùa quá. Nếu Trời Phật có luật và thi hành luật ấy hẳn hòi, thì làm sao những người biết nhơn nghĩa lại chịu nghèo khổ, còn những kẻ tham lam lại được giàu sang? Toa phải về, đừng cải nữa.
- Phụng lắc đầu ủ mặt.
- Trinh nắm cánh tay Phụng mà lúc lắc và nói: „Thiệt toa không muốn về hả? Ðể moa nói cho hai cô khiêng cho toa về. Em Loan cô Tâm ra đây coi. Anh Phụng, anh không chịu theo mình về đây nè“ Hai cô nghe kêu thì ở trong cột đá đi ra. Cô Tâm cầm một cái áo rách trên tay, vừa đi vừa nói: „Sao không chịu về?“ Quần áo anh đâu anh Phụng? Kiếm cùng hết mà thấy có một giỏ khoai và một mủng đậu với cái áo rách đấy mà thôi“ Cô Tâm vui vẻ nhưng mà Phụng vẫn nghiêm nghị đáp rằng:
- Gia tài của tôi chỉ có bao nhiêu đó.
- Vậy hả? Thây kệ, thôi bận đỡ áo rách về trên Sài Gòn rồi em sẽ sắm đồ cho anh mặc. Sao anh nói với anh Trinh rằng anh không muốn về?
- Tôi không thể trở về được - Trời ơi, anh nói chơi sao chớ.
- Tôi nói thiệt. Không, đã đến chốn nầy mà trốn thì làm sao mà tính việc có vợ cho được. - Vậy chớ tại sao mà anh giục giặc không muốn về?
- Vì tôi đã phạm tội với xã hội, tôi không được phép ở chung với xã hội nữa. - Ạ… Em hiểu rồi!... Ôi mà em chẳng hiểu làm chi. Em chỉ biết anh là người có lòng thương xót con nhà nghèo, anh cứu vớt em trong lúc em vì nhà nghèo, cha bịnh mà phải sa ngã dưới bùn dưới vũng… Anh nói anh có tội… Hứ! Tội! Người như anh mà có tội gì. Anh phải có phước, chớ không phép có tội. Em nói anh có phước, anh phải tin em. Anh co phước thì anh phải hưởng phước, nghĩa là anh phải về đặng cho em thờ phượng anh, đặng cho em nựng nịu anh, đặng cho em phỉ tình hoài vọng mười mấy năm nay.
Câu sau cô Tâm nói nho nhỏ và nói và liếc mắt ngó Phụng rất hữu tình.
Phung ngơ ngẩn, đứng trơ trơ miệng nói lầm bầm: „Thế nầy thì trái với luân lý, lỗi với xã hội quá!“ Cô Tâm la lớn: „Ồ! Luân lý !.. Xã hội! Anh xưa quá! Ðời nầy mà còn nói luân lý chớ! Còn xã hội mà kể làm chi. Bà già ở nhà với anh em chúng ta, đây là xã hội của chúng ta. Bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Chúng ta thương nhau, yêu nhau, biết nhau mà thôi, chớ có ai thương, có ai biết chúng ta đâu mà phải kể họ. Thôi anh bận đỡ cái áo rách nầy đi, xuống tới xe hơi rồi em sẽ đưa cáo áo mưa của em cho anh bận ở ngoài » Phụng đứng xuôi xị.
Cô Tâm giũ cái áo mà bận cho Phụng Cô Loan bước lại tiếp gài nút. Trinh lén mở máy mà chụp hình hết ba người.
Chia sẽ ebook : http://downloadsachmienphi.com/
Tham gia cộng đồng chia sẽ sách :
Fanpage : https://www.facebook.com/downloadsachfree Cộng đồng Google : http://bit.ly/downloadsach