🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Nghệ thuật chết
Ebooks
Nhóm Zalo
Ebook nầy là miển phí. Nếu muốn, quý vị có thể cúng dường để giúp chúng tôi tiếp tục phụng sự. Nguyện cho quý vị được hạnh phúc.
Để cúng dường vui lòng tham khảo:
www.pariyatti.org
PARIYATTI
867 Larmon Road Onalaska,
Washington 98570 USA
Tel: 360.978.4998
www.pariyatti.org
Pariyatti là một tổ chức phi lợi nhuận với chủ đích là làm cho thế giới phong phú hơn qua việc :
❖ Phổ biến rộng rãi những lời dạy của Đức Phật ❖ Bổ túc kiến thức cho những người tìm kiếm con đường giải thoát
❖ Soi sáng con đường này cho người hành thiền
NGHỆ THUẬT CHẾT
THE ART OF DYING
THIỀN SƯ VIPASSANA S. N. GOENKA VÀ NHIỀU TÁC GIẢ
Sưu tầm và biên soạn nguyên tác Anh ngữ Virginia Hamilton
Vipassana Research Publications
Vipassana Research Publications
an imprint of
Pariyatti Publishing
www.pariyatti.org
© 2019 Ontario Vipassana Foundation
Sách có bản quyền, không được sử dụng hoặc in lại bất cứ phần nào trong sách dưới bất cứ hình thức nào nếu không có sự cho phép bằng văn bản của nhà xuất bản, trừ trường hợp các trích dẫn ngắn dùng trong các bài phê bình hoặc điểm sách.
ISBN: 978-1-681722-69-6 (Softcover)
978-1-681722-70-2 (PDF)
978-1-681722-71-9 (ePub)
978-1-681722-72-6 (Mobi)
NỘI DUNG
Kính dâng...............................................................................9 Lời dẫn .................................................................................11 Đôi nét về Ngài S. N. Goenka.............................................13
Một ngày qua.......................................................................15 Đôi dòng về sách này..........................................................17 Về pháp thiền Vipassana ...................................................19
Sự ra đi trong Chánh pháp của mẹ tôi - S. N. Goenka............21 Tuệ giác Phật.......................................................................25 Hiện hữu như thật - đã và đang - Graham Gambie..................31 Sự ra đi của Graham - Anne Doneman ....................................37 Điều gì xảy ra lúc chết? - S. N. Goenka...................................43 Paṭicca Samuppāda - Nguyên lý duyên khởi - S. N. Goenka ....51 Một cái chết mẫu mực - S. N. Goenka.....................................57 Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần I:
Hộ niệm những người thân yêu lúc sắp chết .....................59
Chỉ khoảnh khắc hiện tại - Virginia Hamilton.............................67 Nghiệp - Sự thừa kế đích thực - S. N. Goenka .......................89 Một cái chết hoan hỷ - Evie Chauncey .....................................97 Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần II:
Chuẩn bị cho cái chết của chính mình .............................105
5
Sống và chết trong Chánh Pháp - Vipassana Newsletter ........ 111 Bình tâm đối mặt bệnh nan y - S. Adaviappa ........................115 Dòng nước mắt - C.A.F. Rhys Davids ......................................119 Cái chết của con cái ..........................................................121 Quà tặng vô giá - Gabriela Ionita ............................................123 Mãi mãi tri ân .....................................................................127 Hãy tu tập để tự cứu mình - S. N. Goenka ............................139 Lẫn tránh tuệ giác vô thường............................................149 Bài kệ của Ambapālī - Amadeo Solé-Leris...............................150 Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần III:
Những câu hỏi y đức dành cho y học hiện đại.................157
Đối diện cái chết - Virginia Hamilton........................................159 Bảy mươi năm đã qua - S. N. Goenka...................................171 Nghệ thuật sống: Thiền Vipassana - S. N. Goenka ..............177 Thực hành nuôi dưỡng tâm từ
trong thiền Vipasssanaa - S. N. Goenka................................187 Lời cảm tạ ..........................................................................191
Bảng chú giải thuật ngữ.................................................195
6
Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce paduṭṭhena,
bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ dukkhamanveti,
cakkaṃva vahato padaṃ.
Manopubbaṅgamā dhammā,
manoseṭṭhā manomayā;
Manasā ce pasannena,
bhāsati vā karoti vā;
Tato naṃ sukhamanveti
chāyāva anapāyinī.
—Dhammapada 1.1-2
Tâm ý dẫn đầu các pháp,
Tâm ý là quan trọng nhất.
Bất kỳ điều gì ta trải qua trong cuộc sống,
Không gì khác hơn là sản phẩm của chính tâm ý mình. Nếu ta nói năng hay hành động với tâm ý ô nhiễm, Khổ đau sẽ theo sau,
Giống như bánh xe phải theo sau con bò kéo xe.
... ... Nếu ta nói năng hay hành động với tâm ý thanh tịnh, Hạnh phúc sẽ theo sau, như hình với bóng không tách rời.
Kinh Pháp Cú, Phẩm thứ nhất, Kệ số 1 và 2.
Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình.
Bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
7
8
Kính dâng
Tuyển tập này gồm những câu chuyện, bài giảng và
thơ văn nói về cái chết và sự chuẩn bị cho cái chết thông qua thiền tập Vipassana, xin kính dâng lên Ngài S. N. Goenka. Ngài đã sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm từ bậc thầy Sayagyi U Ba Khin để truyền dạy pháp thiền Vipassana ra khắp thế giới và hoan hỷ chia sẻ Phật pháp với tấm lòng rộng mở.
Tập sách này cũng xin kính dâng lên những con người đã đối diện với cái chết của chính mình hoặc của người thân yêu mà chuyện kể về các vị luôn gợi nguồn hứng khởi để chúng tôi phấn chấn và chuyên cần tu tập theo lời Phật dạy.
9
10
Lời dẫn
Mặc dù chúng tôi luôn cố gắng để nội dung sách này
được dễ hiểu với tất cả mọi người, nhưng thỉnh thoảng có nhiều từ ngữ tiếng Pāli và tiếng Hindi vẫn phải được dùng đến. Những thuật ngữ này sẽ được định nghĩa ở lần đầu tiên xuất hiện và sau đó đưa vào Bảng thuật ngữ ở cuối sách. Vài thuật ngữ quan trọng cũng được giải thích ngay dưới đây.
Tiếng Pāli là một ngôn ngữ cổ xưa của Ấn Độ được sử dụng để ghi chép lại những lời Phật dạy. Những cứ liệu về mặt lịch sử, ngôn ngữ học và khảo cổ học đều cho thấy đây là ngôn ngữ được sử dụng ở miền bắc Ấn Độ vào thời đức Phật hoặc gần lúc đó. Những tham chiếu về các bài kệ tiếng Pāli trong sách này được lấy từ Tam tạng Pāli (Pāli Tipiṭaka) theo bản in của Viện Nghiên cứu Vipassana (Vipassana Research Institute).
11
Dhamma (Sanskrit:1 Dharma) gồm các nghĩa:
- Tất cả các hiện tượng
- Đối tượng của tâm ý
- Thế giới tự nhiên
- Luật tự nhiên, quy luật vận hành tất nhiên
- Nguyên lý giải thoát, Giáo pháp, nghĩa là lời dạy của một bậc giác ngộ, [khi làm theo đúng sẽ được giải thoát].
Doha (những câu thơ kệ có vần điệu), là thể loại thi ca có từ thời sơ khai của văn học Ấn Độ. Các bài doha trong sách này được thầy Goenka biên soạn và ngâm tụng bằng tiếng Hindi, được thiền sinh lắng nghe trong giờ nghỉ của thời khóa thiền buổi sáng tại các trung tâm thiền Vipassana ở Ấn Độ.
1 Tiếng Sanskrit gọi là Bắc Phạn và là nguồn Kinh điển Bắc truyền, được chuyển dịch hầu hết sang Hán tạng. Tiếng Pāli gọi là Nam Phạn và là ngôn ngữ ghi chép Kinh điển Nam truyền, đã được Hòa thượng Thích Minh Châu và một số vị sau này chuyển dịch sang Việt ngữ. Tiếng Pāli và tiếng Sanskrit thường khá giống nhau nhưng có nhiều khác biệt về cách viết.
12
Đôi nét về Ngài S. N. Goenka
S. N. Goenka (1924-2013)
Ngài Satya Narayan Goenka (thường được các thiền
sinh kính mến gọi là Goenkaji)1 là một thiền sư Vipassana theo truyền thống của ngài Sayagyi U Ba Khin ở Miến Điện.
Mặc dù Goenkaji là người Ấn Độ, nhưng ngài sinh ra và lớn lên tại Miến Điện. Trong thời gian này, ngài may mắn gặp được ngài U Ba Khin và theo học phương pháp thiền Vipassana. Sau khi theo học với thầy 14 năm, ngài Goenkaji sang định cư ở Ấn Độ và bắt đầu dạy thiền Vipassana từ năm 1969. Trong một đất nước vẫn còn sự chia cách sâu sắc bởi những khác biệt về giai
1 Trong tiếng Miến Điện, chữ “ji” được thêm vào sau tên người để tỏ ý kính trọng.
13
Nghệ thuật chết
cấp và tôn giáo nhưng những khóa thiền do Goenkaji tổ chức đã thu hút hàng ngàn người từ đủ mọi thành phần xã hội khác nhau. Thêm vào đó còn có nhiều người trên khắp thế giới cũng tìm đến tham gia các khóa thiền Vipassana.
Goenkaji đã dạy thiền cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa học ở Ấn Độ và các nước khác, Đông phương cũng như Tây phương. Năm 1982, ngài bắt đầu bổ nhiệm các thầy cô phụ giảng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm các khóa thiền. Những trung tâm thiền được thiết lập dưới sự hướng dẫn của ngài ở Ấn Độ, Canada, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Nhật, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Nepal và nhiều nước khác.
Kỹ thuật thiền do Goenkaji giảng dạy tiêu biểu cho một truyền thống cổ xưa từ thời đức Phật. Những gì đức Phật dạy không mang tính cách tín ngưỡng, tôn giáo. Ngài dạy Dhamma - con đường giải thoát - phổ biến cho tất cả. Cũng trong truyền thống đó, những giảng dạy của Goenkaji hoàn toàn không mang tính giáo phái. Vì vậy, sự giảng dạy của ngài có sự thu hút cực kỳ mạnh mẽ đối với nhiều người thuộc những tầng lớp khác nhau, thuộc mọi tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng và từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Trong cuộc đời mình, Goenkaji đã từng nhận rất nhiều sự vinh danh nhưng ngài luôn nhấn mạnh rằng tất cả những sự vinh danh đó thật sự là dành cho Dhamma.
S. N. Goenka trút hơi thở bình yên cuối cùng vào chiều Chủ nhật ngày 29 tháng 9 năm 2013 tại nhà riêng ở Mumbai, Ấn Độ. Đó là năm ngài 90 tuổi và đã phụng sự cả nửa cuộc đời trong vai trò một thiền sư Vipassana. Di sản của ngài sẽ còn tiếp tục lưu truyền khi nhân loại trên thế giới này vẫn còn tìm cầu giáo pháp giải thoát.
14
Một ngày qua
Dưới đây là ghi chép mô tả cách thức Shri Satya Narayan Goenka đối diện với những giây phút cuối cùng của ngài vào Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2013.
Đôi khi sự kết thúc của một cuộc đời cũng êm ả như một ngày trôi qua.
Vào những tháng cuối cùng của đời mình, Goenkaji buộc phải dùng xe lăn và đối diện với sự đau đớn ngày càng gia tăng. Tuy vậy, ngài vẫn nỗ lực để tiếp tục nếp sống bình thường như trước. Ngài thường nhắc lại việc đức Phật đã giáo hóa như thế nào cho đến những giây phút cuối cùng. Rõ ràng là Goenkaji có ý muốn noi theo tấm gương vĩ đại của đức Phật. Ngài tiếp tục gặp gỡ khách viếng thăm và quan tâm chặt chẽ đến các pháp sự.
Vào ngày cuối cùng, lúc ăn sáng Goenkaji đã hỏi con trai là Shriprakash về tiến trình xây dựng ở Global Vipassana Pagoda. Shriprakash đáp rằng hôm nay anh sẽ đến Global Vipassana Pagoda và khi trở về sẽ có một báo cáo đầy đủ.
Trong ngày hôm đó, Goenkaji đã duyệt lại một tuyển tập gồm 500 bài doha (thi kệ) của ngài để chuẩn bị cho việc xuất bản. Bao giờ cũng vậy, ngài luôn yêu thích công việc này.
Vào lúc ăn trưa, Goenkaji nói: “Ta không cần đến các bác sĩ nữa.” Vợ ngài, bà Mataji không liên tưởng đến ý nghĩa đặc biệt nào của câu nói này. Bà cho là ngài đang nói đến vị bác sĩ gần đây đã đến khám. Tuy nhiên, rõ ràng là Goenkaji muốn có một ngày thật yên tĩnh, không bị quấy rầy.
Sau giờ uống trà, Goenkaji xem qua những tin chính trên báo, như ngài vẫn quen làm như vậy mỗi ngày. Sau đó, ngài ngồi thiền trên ghế trong phòng riêng. Ngài đến bàn ăn để ăn
15
Nghệ thuật chết
tối nhưng giữ yên lặng suốt buổi và rồi đi thẳng về phòng ngay sau đó.
Ngài tiếp tục ngồi một lúc rồi nhờ người giúp nằm xuống giường. Ngay khi vừa nằm xuống, ngài bắt đầu thở nhanh hơn. Mataji nhận ra điều này khi vừa bước vào phòng nên bà gọi Shriprakash đến ngay. Goenkaji mở mắt nhìn và nhận ra con trai nhưng không nói gì. Shriprakash gọi điện cho bác sĩ gia đình. Và rồi một bác sĩ sống trong cùng tòa nhà ấy đã đến ngay lập tức.
Nhưng mọi việc diễn ra và kết thúc quá nhanh. Hơi thở ngài đi vào, đi ra rồi dừng lại. Quả tim đã ngừng đập. Không có dấu hiệu nào của sự đau đớn hay căng thẳng trên khuôn mặt Goenkaji. Bầu không khí trong phòng thật thanh thản và bình yên.
Lúc đó là 10 giờ 40 phút tối, một ngày đã trôi qua và cũng vừa vặn kết thúc một cuộc đời dài sống trong Chánh pháp.
16
ĐÔI DÒNG VỀ SÁCH NÀY
Trong nhiều năm qua, tôi và chồng tôi đều là biên tập viên
của Bản tin Vipassana (Vipassana Newsletter). Điều này giúp chúng tôi có một cơ hội độc đáo được nghe biết và gặp nhiều câu chuyện đầy hứng khởi về các thiền giả, những người đã ra đi vĩnh viễn trong sự dũng cảm và bình thản, với tràn đầy tuệ giác từ công phu thiền tập của họ. Chúng tôi cũng được xem qua những trường hợp kể lại về cái chết của cha hoặc mẹ, vợ hoặc chồng, con cái và bè bạn... Thông thường, khi chứng kiến người thân của mình ra đi trong sự mãn nguyện và bình tâm, những người hiện diện liền cảm thấy tràn ngập một niềm hạnh phúc bất ngờ chính trong lúc trải qua sự mất mát không gì thay thế được.
Đức Phật từng nói: “Ta chỉ giảng dạy hai điều: Khổ đau và con đường thoát khỏi khổ đau.” Tuyển tập này gồm những bài giảng của Goenkaji về Phật pháp, những kệ tụng trích từ Kinh Phật, những thi kệ kể chuyện về các vị tăng ni vào thời đức Phật, những chuyện kể về các vị thiền giả. Tập sách được ra đời từ sự chấp nhận sự thật khổ đau. Trong sách trình bày tấm gương điển hình của những người đạt được sức mạnh và hương vị giải thoát thông qua công phu tu tập và minh họa một cách thuyết phục hiệu quả của con đường Đạo, lối thoát khỏi khổ đau.
Tôi sưu tập những câu chuyện này không chỉ để giúp các thiền giả Vipassana chính thức có thể duy trì và củng cố con đường tu tập, mà cũng để khuyến khích những ai đang tìm kiếm sự bình an và hiểu biết hãy thực sự rèn luyện khả năng “tự nhận biết chính mình”, trên bình diện thực nghiệm, để phát triển tuệ giác của chính họ.
Cầu mong quý vị thể nghiệm được kết quả của con đường tu tập theo lời Phật dạy: thoát khỏi mọi khổ đau mà ta luôn phải đối mặt trong suốt cuộc đời mình.
Virginia Hamilton
Tháng Một - 2014
17
18
VỀ PHÁP THIỀN VIPASSANA
Vipassana – có nghĩa là nhìn mọi sự việc đúng thật như
chúng đang hiện hữu - là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất của Ấn Độ. Cách đây hơn 2500 năm, đức Phật Thích-ca Mâu-ni tái phát hiện pháp thiền này và mang ra giảng dạy như một phương thức trị liệu phổ quát dành cho những căn bệnh phổ quát - một “nghệ thuật sống”.
Pháp thiền không phân biệt tông phái này nhằm mục đích tẩy trừ hoàn toàn những bất tịnh trong tâm và đạt được niềm hạnh phúc cao nhất của sự giải thoát trọn vẹn. Mục tiêu của pháp thiền không chỉ là chữa trị bệnh tật, mà là một phương pháp thiết yếu để chữa lành đau khổ của kiếp người.
Vipassana là một phương pháp tự chuyển hóa thông qua tự quán sát, đặt trọng tâm vào sự tương quan giữa tâm và thân. Mối liên kết tâm-thân này có thể được kinh nghiệm trực tiếp bằng tâm chuyên chú có rèn luyện, hướng đến những cảm giác vốn tạo thành đời sống của thân thể và cũng liên tục chế định đời sống của tâm. Chính lộ trình dựa trên sự quán sát và tự khám phá hướng đến cội nguồn chung của tâm và thân sẽ làm tan rã những bất tịnh trong tâm, dẫn đến một tâm quân bình tràn ngập yêu thương và bi mẫn.
Các định luật khoa học làm nền tảng cho những tư tưởng, cảm xúc, phán đoán và cảm giác của chúng ta ngày nay đã được hiểu rõ. Chúng ta phát triển hay suy thoái theo cách như thế nào, vì sao ta tạo ra khổ đau hay tự mình thoát khỏi khổ đau, những điều này sẽ được nhận hiểu rõ qua kinh nghiệm trực tiếp. Từ đó, đặc trưng của đời sống sẽ là sự tăng thêm mức độ tự kiểm soát bản thân, luôn tỉnh giác, không vọng tưởng và sống thật an vui.
Source: www.dhamma.org
19
Yogā ve jāyatī bhūri,
ayogā bhūrisaṅkhayo.
Etaṃ dvedhāpathaṃ ñatvā,
bhavāya vibhavāya ca;
Tathāttānaṃ niveseyya,
yathā bhūri pavaḍḍhati.
—Dhammapada 20.282
Quả thật, từ nơi thiền trí tuệ khởi sinh.
Không có thiền, trí tuệ diệt mất.
Biết rõ con đường nào dẫn đến thành tựu hay mất mát, Ta phải tự mình tu tập sao cho trí tuệ được tăng trưởng.
—Kinh Pháp cú, Phẩm 20, kệ số 282
Tu Thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả,
Ðưa đến hữu, phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu1
1Trong sách này, những bài kệ tụng trích từ kinh Pháp Cú sẽ được chúng tôi đưa kèm theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu để độc giả tham khảo. Do Hòa thượng đã dịch trực tiếp từ tiếng Pali nên khi chúng ta so sánh với bản Việt dịch từ tiếng Anh, vốn cũng được dịch từ tiếng Pali, sẽ được sáng tỏ ý nghĩa hơn.
20
Sự ra đi trong Chánh pháp của mẹ tôi
Năm 1985, một thiền sinh thưa hỏi Goenkaji rằng liệu có thể nào nhận biết được những cảm giác vào thời điểm chết. Để đáp lại, thầy đã kể câu chuyện sau đây về cái chết người mẹ nuôi của thầy. (Câu chuyện này trước đây được xuất bản trong Bản tin Vipassana, số tháng 4 năm 1992.)
Tôi là một trong sáu người con trai. Tôi được chú
thiếm tôi, ông Dwarkadas và bà Ramidevi Goenka, nhận làm con nuôi từ khi tôi còn nhỏ. Ông bà có sáu người con gái nhưng không có con trai.
Mẹ nuôi tôi là một đệ tử nhiệt thành của thầy tôi, ngài Sayagyi U Ba Khin. Bà đã có tiến triển rất lớn trong những năm thực hành thiền Vipassana dưới sự hướng dẫn của ngài Sayagyi và thầy rất thương mẹ tôi. Theo như được biết cho đến nay, mẹ là người học trò duy nhất đã qua đời trước sự chứng kiến của thầy.
Năm 1967, khi mẹ tôi khoảng 70 tuổi, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối.1 Trong gia đình, chúng tôi không biết được bà đã chịu đựng bao lâu vì bà chẳng bao giờ than phiền. Chỉ một tuần trước khi chết, bà mới tình cờ nói về những cơn đau trong vùng gan. Khi người con dâu (tức là vợ tôi, bà Goenka) bảo bà mô tả cơn đau, bà nói: “Ừ, cơn đau này cũng tương tự như cơn đau lúc sinh con của người phụ nữ vậy, chỉ khác là nó liên tục không ngắt quãng.”
Vào lúc đó, bà đã thiền tập rất nghiêm túc qua bảy năm rồi. Bà đến trung tâm thiền mỗi khi có khóa thiền, cho dù là 10 ngày, một tháng hoặc bất kể là bao lâu. Túi hành lý của bà luôn
1 Nguyên tác dùng “advanced stage of liver cancer”. Theo Trung tâm Trị liệu Ung thư Hoa Kỳ (Cancer Treatment Centers of America) thì “advanced liver cancer” thuộc giai đoạn IV, tức giai đoạn cuối cùng trong sự phát triển của căn bệnh này. (www. cancercenter.com)
21
Nghệ thuật chết
sẵn sàng. Bà cũng tự hành thiền ở nhà. Mặc dù xuất thân từ gia đình sùng đạo Hindu,1 bà không còn quan tâm đến các nghi thức tế lễ. Bà đã từ bỏ tất cả.
Từ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cho đến khi bà mất vào bảy ngày sau đó, bà không cho phép ai nói với bà về căn bệnh. Bà nghiêm khắc yêu cầu chỉ các thiền sinh Vipassana mới được phép vào phòng bà, và cũng chỉ để ngồi thiền mà thôi. Họ có thể ngồi thiền trong nửa giờ, một giờ hoặc nhiều giờ, rồi phải rời đi một cách lặng lẽ.
Theo tập tục trong cộng đồng Hindu, bạn bè thân quen của một người sắp chết phải đến nhà thăm viếng để tỏ lòng kính trọng. Mẹ tôi là người quen biết rất nhiều và có nhiều người muốn đến thăm bà trong giai đoạn bệnh tật cuối cùng này. Đối với những người không phải thiền sinh, bà dặn dò hoan nghênh họ đến thăm nhưng không cho vào phòng bà. Họ có thể đến ngồi im lặng bên ngoài cửa phòng.
Mẹ tôi không quan tâm đến việc trị bệnh, nhưng làm con tôi có bổn phận phải lo việc điều trị cho bà. Mỗi ngày, bác sĩ gia đình của chúng tôi và một bác sĩ chuyên khoa đều đến thăm bệnh cho bà. Khi họ hỏi bà về những cơn đau, bà nói: “À, có đau đấy. Nhưng có sao đâu? Anissa, anissa.” (Bà phát âm chữ anicca trong tiếng Pāli, nghĩa là vô thường, theo âm Miến Điện.) Chuyện đó với bà không có gì quan trọng cả.
Một buổi sáng, vị bác sĩ chuyên khoa sợ rằng cơn đau của bệnh ung thư có thể làm bà mất ngủ. Ông hỏi: “Đêm qua bà ngủ có ngon không?” Bà đáp: “Không, cả đêm tôi không ngủ.” Ông liền kê toa mấy viên thuốc ngủ để bà uống đêm đó. Hôm sau, vị bác sĩ đến và hỏi xem bà có ngủ không, và bà đáp “Không”. Một lần nữa, ông hỏi lại vào ngày thứ ba và bà vẫn đáp: “Không.”
Mặc dù bà không than phiền gì, nhưng vị bác sĩ lo lắng rằng bà không ngủ do quá đau đớn. Vì tình trạng khan hiếm thuốc lúc đó, vị bác sĩ không biết loại thuốc nào đang có sẵn ở tiệm
1 Tức Ấn Độ giáo.
22
Sự ra đi trong Chánh pháp của mẹ tôi
thuốc nên liền kê toa ba liều thuốc ngủ mạnh khác nhau, với dụng ý chỉ cần mua một trong số đó. Tuy nhiên, cả ba loại đều có sẵn và được mua đủ, rồi do sự hiểu lầm, mẹ tôi được trao cho liều thuốc ngủ với đủ ba loại thuốc đó. Buổi sáng hôm sau, một lần nữa bà lại báo với bác sĩ rằng, mặc dù mí mắt bà có trĩu nặng, nhưng suốt đêm bà vẫn không ngủ.
Khi ấy tôi nhận ra rằng vị bác sĩ đã không hiểu được vấn đề. Đối với một thiền sinh Vipassana, giấc ngủ không quan trọng, đặc biệt là khi người bệnh sắp chết. Bất chấp tác dụng của thuốc, ý chí mạnh mẽ của mẹ tôi đã giữ bà tỉnh thức. Bà đã thực hành thiền Vipassana trong từng giây phút. Tôi giải thích với vị bác sĩ rằng dùng thuốc ngủ cũng chẳng ích gì, nhưng ông ấy không thể hiểu được. Ông nói: “Tôi đã cho bà ấy uống liều thuốc mạnh thế này mà vẫn không giúp bà ấy ngủ được. Điều này nhất định cho thấy bà ấy đang cực kỳ đau đớn.” Tôi nói: “Không phải do cơn đau, mà chính là thiền Vipassana đã giữ bà ấy trong trạng thái tỉnh thức, nhận biết mọi cảm giác của mình.”
Khi chúng tôi rời phòng bà, vị bác sĩ nhận xét: “Có điều gì đó rất đặc biệt ở mẹ ông. Người phụ nữ cùng tuổi bà ấy ở nhà bên cạnh cũng bị ung thư gan. Bà ấy đau khổ vô cùng và kêu thét lên khi đau đớn. Chúng tôi rất tiếc phải nhìn thấy bà trong tình trạng khủng khiếp đó, nhưng không thể giúp xoa dịu được gì. Còn ở đây thì mẹ ông lúc nào cũng mỉm cười khi gặp chúng tôi.”
Vào đêm mẹ tôi qua đời, một số người trong gia đình cùng ngồi thiền với bà. Khoảng 11 giờ khuya, bà bảo chúng tôi: “Muộn lắm rồi, mọi người đi ngủ cả đi.” Đến khoảng nửa đêm, cô y tá trực nhận thấy không còn mạch đập ở cổ tay bà. Cô bắt đầu lo sợ và nghĩ rằng bà sắp chết nên nói: “Cháu sẽ gọi các con bà dậy nhé?” Mẹ tôi đáp ngay: “Không, không. Vẫn chưa đến giờ bà đi đâu. Khi nào đến giờ, bà sẽ cho cháu biết.” Đúng 3 giờ sáng, bà bảo cô y tá: “Đến giờ rồi, gọi hết mọi người trong nhà dậy. Bà phải đi rồi đây.”
23
Nghệ thuật chết
Và thế là tất cả chúng tôi được đánh thức. Chúng tôi đến và nhận ra ở nhiều phần trên thân thể mẹ không còn mạch nhảy. Chúng tôi gọi điện cho ngài Sayagyi và vị bác sĩ gia đình. Cả hai đều nhanh chóng đến nơi. Khi bác sĩ đến, ông nói rằng mẹ tôi chỉ còn sống được mấy phút nữa thôi.
Ngài Sayagyi đến ngay sau đó. Mẹ tôi đang nằm trên giường, cổ tay bà không còn mạch đập, hệt như đã chết. Nhưng ngay khi vừa nhìn thấy vị thầy, bà lập tức có đủ sức mạnh để đưa hai tay lên và chắp lại để tỏ lòng cung kính thầy.
Khoảng năm phút trước khi mất, bà nhìn tôi và nói: “Mẹ muốn ngồi dậy.” Tôi quay sang hỏi ý bác sĩ, ông nói: “Không được, chỉ vài phút nữa bà ấy sẽ chết, hãy để bà ấy chết êm ái. Nếu ông giúp cử động, bà ấy sẽ phải chết trong đau đớn. Bà ấy cũng đã đau đớn lắm rồi, hãy để yên như vậy.” Mẹ tôi nghe rõ lời bác sĩ, nhưng vẫn bảo tôi lần nữa: “Không, hãy đỡ mẹ ngồi dậy.” Tôi nghĩ: “Đây là ý muốn cuối cùng của mẹ. Mẹ không quan tâm đến cảm giác đau đớn, cho nên những gì bác sĩ nói không quan trọng. Mình nhất định phải giúp mẹ ngồi dậy.” Tôi kê mấy cái gối dưới lưng bà. Với một nỗ lực gượng mạnh, bà ngồi thẳng dậy trong tư thế ngồi thiền với hai chân tréo nhau và nhìn khắp thảy chúng tôi. Tôi hỏi bà: “Mẹ có nhận biết cảm giác không? Có nhận biết anissa (vô thường) không?” Bà đưa tay chạm lên đỉnh đầu và nói: “Có, có, anissa.” Bà mỉm cười... và trong chừng nửa phút, bà tắt hơi.
Khi còn sống, khuôn mặt bà luôn sáng tươi rạng rỡ. Lúc chết cũng vậy, có một quầng sáng rạng ngời trên khuôn mặt bà.
—S.N. Goenka
Không bao lâu sau cái chết của mẹ, Goenkaji rời Miến Điện để mang lời Phật dạy trở về Ấn Độ, nơi đức Phật đản sinh. Và từ Ấn Độ, với sự góp sức của hàng ngàn học trò Goenkaji, Giáo pháp này đã truyền rộng ra khắp thế giới.
24
Tuệ giác Phật
Đức Phật đã dạy Tứ thánh đế, hay bốn sự thật, áp
dụng cho tất cả mọi người. Thánh đế thứ nhất chỉ ra rằng, mầm mống của sự không thỏa mãn vốn đã sẵn có trong mọi sự việc và tất yếu phải dẫn đến khổ đau, cả về tinh thần lẫn vật chất.
Đức Phật nhận biết rằng, sở dĩ như vậy là vì vạn pháp trong vũ trụ đều thay đổi, luôn trong trạng thái không ngừng luân chuyển, không thường còn và không chắc thật. Không có gì giữ nguyên không đổi dù chỉ trong chốc lát.
Trên bình diện cá nhân ở mức độ nào đó, chúng ta cũng nhận biết được sự thật thứ nhất này: Đó là cảm giác trong ta như mọi thứ đều không ổn, như thiếu thốn một điều gì, hoặc nếu đạt được rồi thì không thể nắm giữ. Mọi tình huống thay đổi theo thời gian, những gì trước đây ta mong muốn, giờ không còn quan trọng nữa. Sự kiểm soát của ta nếu thật có cũng hết sức thất thường. Những thú vui phù phiếm không mang lại sự thỏa mãn lâu bền. Sự hài lòng thực sự dường như xa xôi, khó nắm bắt và chóng tàn, vuột ngoài tầm tay ta.
Cảm giác không an toàn này thúc đẩy chúng ta tìm kiếm một điều gì đó thường hằng, đáng tin cậy và an toàn – một điều gì đó vui thú và sẽ bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu. Tuy nhiên, vì vạn vật đều không ngừng biến đổi nên một sự tìm cầu như vậy trên căn bản là vô nghĩa.
Thực tế chúng ta không ngừng khao khát được thỏa mãn những tham muốn, đó là Thánh đế thứ hai.
Thông qua những nỗ lực phi thường, đức Phật nhận ra được Thánh đế thứ ba: Có thể chấm dứt những khổ đau ta đang trải qua trong cuộc sống.
Thánh đế thứ tư là Bát thánh đạo, con đường dẫn đến an
25
Nghệ thuật chết
bình thực sự và giải thoát chân thật. Đạo lộ này có ba phần: sīla (giới, đạo đức), samādhi (định, sự tập trung hay làm chủ tâm ý) và paññā (tuệ, trí tuệ hay sự thanh lọc tâm).
Giới hạnh là sự rèn luyện nhằm kiềm chế mọi hành vi - từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm - có thể gây tổn hại đến người khác hay chính mình. Nỗ lực sống hiền thiện là cơ sở thiết yếu để học làm chủ tâm ý. Phần thứ hai của Đạo lộ này là phát triển sự chú tâm, một sự rèn luyện chuyên sâu hơn để tâm tĩnh lặng và tập duy trì sự nhất tâm. Phần thứ ba của Đạo lộ là sự chứng đắc trí tuệ, đạt được thông qua thiền Vipassana, kỹ thuật mà Đức Phật đã khám phá, để loại trừ hoàn toàn sự điều kiện hóa và những khuôn mẫu thói quen làm gia tăng sự bất hạnh và không thỏa mãn của chúng ta.
Đức Phật nói rằng, sự thanh lọc tâm là một con đường dài, có thể phải trải qua nhiều kiếp sống mới hoàn tất. Ngài dạy rằng chúng ta đã từng trải qua vô số kiếp sống, vô số lần sinh ra rồi chết đi, không thể tính đếm – có những kiếp sống đầy hạnh phúc, hoặc đầy thống khổ, tất cả đều hòa quyện giữa tốt và xấu, dễ chịu và khó chịu, tất cả đều là sống trong sự mù quáng phản ứng với thực tại bên trong ta.
Nếu chúng ta đủ duyên may để nghe biết về Vipassana, nếu chúng ta sẵn sàng học hỏi, để tạo ra những thay đổi trong cuộc đời ta, chúng ta có thể thực hành thật nghiêm túc và bắt đầu phá vỡ dần những khuôn mẫu phản ứng bị chế định bởi vô minh. Rồi chúng ta nhận ra dường như mình hạnh phúc hơn, vững chãi hơn, ít phản ứng và bao dung hơn với người khác. Ta muốn học hỏi thêm. Ta bắt đầu chia sẻ Giáo pháp với mọi người. Nhưng những câu hỏi chung luôn còn đó: Tôi sẽ như thế nào vào lúc chết? Liệu tôi có thanh thản chăng? Liệu tôi có đủ mạnh mẽ để đối diện cái chết một cách bình thản?
Cái chết, sự kết thúc không sao tránh khỏi của cuộc đời, làm cho gần như tất cả mọi người đều sợ hãi. Cái chết thường bao trùm trong đau đớn và khổ não, cả về thân và tâm. Tuy nhiên,
26
Tuệ giác Phật
đức Phật dạy rằng chết là khoảnh khắc quyết định trên con đường giải thoát mọi khổ đau.
Tại thời điểm chết, một saṅkhāra (tâm hành) rất mạnh mẽ sẽ khởi lên trong ý thức. Saṅkhāra này tạo sự thúc đẩy cần thiết cho thức mới khởi sinh trong đời sau, một thức mang những phẩm tính của saṅkhāra này. Nếu đặc trưng của saṅkhāra này là sự bất hạnh hay tiêu cực, thức mới sẽ khởi sinh với sự bất hạnh và tiêu cực tương tự. Và ngược lại, nếu saṅkhāra này tràn đầy đức hạnh và sự mãn nguyện, thì sự tái sinh này sẽ có nhiều khả năng là tốt đẹp và hạnh phúc.1
Việc phát triển sự tỉnh giác quân bình trong từng khoảnh khắc về tính chất vô thường của những cảm giác nơi thân trong cuộc sống hằng ngày, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất, cũng tạo ra những saṅkhāra rất sâu đậm – những saṅkhāra tích cực. Nếu saṅkhāra của sự tỉnh giác với nhận hiểu về anicca (vô thường, bản chất liên tục thay đổi của tất cả sự vật) được củng cố và phát triển, thì saṅkhāra này sẽ khởi lên vào lúc chết để tạo một lực đẩy tích cực vào đời sống tiếp theo. Những sức mạnh tinh thần ngay vào khoảnh khắc chết này sẽ mang chúng ta đi, như Goenkaji nói là “thu hút một cách mạnh mẽ”, vào một kiếp sống kế tiếp mà ta có thể tiếp tục thực hành thiền Vipassana.
Bước đi trên con đường Bát thánh đạo là một nghệ thuật sống. Sống một đời trong Chánh pháp - một đời sống đức hạnh, tỉnh giác và bình tâm - không chỉ làm tăng phẩm chất cuộc sống hằng ngày của chúng ta, mà còn giúp ta chuẩn bị cho thời điểm chết và cho đời sau. Một sự an nhiên tỉnh giác về lẽ vô thường vào lúc lâm chung là thước đo tiến bộ trong sự am tường nghệ thuật sống và tiến bộ trên con đường an tịnh, con đường hướng đến Niết-bàn.
1 Dù ta có tin vào sự tái sinh hay không, thực hành thiền Vipassana cũng giúp cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống. Chúng ta học cách giữ tâm thăng bằng và điều này trở thành một khuôn mẫu thói quen mạnh mẽ, giúp ta vượt qua tất cả những thử thách cuộc đời, ngay cả cái chết.
27
Nghệ thuật chết
Āo logoṅ jagata ke,
caleṅ Dharama ke pantha.
Isa patha calate satpuruṣha,
isa patha calate santa.
Dharma pantha hī śhānti patha.
Dharma pantha sukha pantha.
Jisane pāyā Dharma patha,
maṅgala milā ananta.
Āo mānava-mānavī,
caleṅ Dharama ke pantha.
Kadama-kadama calate hue,
kareṅ dukhoṅ kā anta.
—Hindi dohas from Come People of the World,
S.N. Goenka
Hãy đến đây, nhân loại thế gian này!
Hãy cùng bước trên đường Chánh Pháp.
Con đường của những bậc hiền nhân;
Con đường của những bậc thánh giả.
Con đường Chánh Pháp là con đường bình an;
Con đường Chánh Pháp là con đường hạnh phúc.
Bất kỳ ai đến với con đường Chánh pháp,
sẽ đạt được hạnh phúc vô biên.
Hãy đến đây, nam giới và nữ giới!
Hãy cùng bước trên đường Chánh Pháp.
Tu tập qua từng bước, từng bước,
Chúng ta hãy chấm dứt mọi khổ đau.
-Thi kệ (doha) Hindi,
trích từ Hãy đến đây, nhân loại thế gian này,
của S. N. Goenka.
28
Tuệ giác Phật
Yathāpi vātā ākāse vāyanti vividhā puthū;
Puratthimā pacchimā cāpi, uttarā atha dakkhiṇā.
Sarajā arajā capi, sītā uṇhā ca ekadā;
Adhimattā parittā ca, puthū vāyanti mālutā.
Tathevimasmiṃ kāyasmiṃ samuppajjanti vedanā;
Sukhadukkhasamuppatti, adukkhamasukhā ca yā.
Yato ca bhikkhu ātāpi, sampajaññaṃ na riñcati;
Tato so vedanā sabbā, parijānāti paṇḍito.
So vedanā pariññāya diṭṭhe dhamme anāsavo;
Kāyassa bhedā dhammaṭṭho, saṅkhyaṃ nopeti vedagū. —Paṭhama-ākāsa Sutta, Saṃyutta Nikāya 1.260
Nhiều ngọn gió khác nhau thổi qua bầu trời,
Gió đông, gió tây, gió bắc và gió nam,
Gió mang đầy bụi bặm hay gió trong lành,
gió lạnh cũng như gió nóng,
bão tố khốc liệt hay gió nhẹ mát lành –
Rất nhiều cơn gió thổi qua.
Cũng vậy,
những cảm giác khởi sinh trong thân này,
dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
Khi một hành giả thực hành tinh tấn,
không xao lãng khả năng chứng ngộ hoàn toàn,
bậc trí giả như thế sẽ nhận biết hoàn toàn mọi cảm giác. Và khi biết rõ hoàn toàn mọi cảm giác,
ngay trong đời sống này sẽ thoát khỏi mọi bất tịnh. Và khi đời sống chấm dứt, một người như thế,
đã vững vàng trong Chánh pháp
và hiểu rõ hoàn toàn mọi cảm giác,
sẽ đạt đến cảnh giới bất khả tư nghì.
Kinh Paṭhama-ākāsa, Tương Ưng Bộ Kinh, 1 .260
29
GRAHAM GAMBIE
(1937-1986)
30
Hiện hữu như thật - đã và đang
Vào ngày 27 tháng 6, 1986, Thiền sư phụ tá Vipassana, ông Graham Gambie qua đời sau khi mang bệnh một thời gian ngắn.
Graham là một trong số những đệ tử Tây phương sớm nhất của S. N. Goenka. Sau khi tham dự khóa tu Vipassana đầu tiên ở Bodhgaya vào năm 1971, ông tiếp tục ở lại Ấn Độ. Từ sau khi Trung tâm Dhamma Giri được mua lại vào tháng 11 năm 1974, ông đã sống, phục vụ, và thiền tập tại đó trong 5 năm tiếp theo. Ông là một trong những thiền sư phụ tá đầu tiên do thầy Goenka chỉ định. Sau khi trở lại Australia năm 1979, ông làm việc không mệt mỏi để giúp phát triển Trung tâm Dhamma Bhūmi. Đây là trung tâm Vipassana đầu tiên ở khu vực Australia và New Zealand.
Graham được nhiều thiền sinh khắp thế giới biết đến. Nhiều người trong số này nhận được cảm hứng từ tuệ giác và nhiệt huyết của ông. Dưới đây là một đoạn hồi ký ngắn của Graham về sự trưởng thành của ông trong Dhamma.
Chợt nhớ lại, đã gần 12 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên
tôi run rẩy đến Ấn Độ với lo âu hồi hộp. Mười hai năm. Thật khó để hiểu được tất cả mọi chuyện đã xảy ra như thế nào, hay thậm chí là những gì đã thực sự xảy ra - nhưng có một điều chắc chắn, và đó là mọi chuyện quả thật đã xảy ra. Mười hai năm rồi.
“Con người” đi đến [Ấn Độ] lúc đó là ai? “Con người” mà đã từng điên khùng bởi lối sống kinh khủng của phương Tây và bởi sự hiện hữu không tình thương của chính mình, với quá nhiều những nỗi thất vọng, quá nhiều những cuộc tình đổ vỡ, với sự cao ngạo tự tôn chót vót và tích tụ đồ sộ những hồi ức cùng sợ hãi? Điều gì đã xảy đến với “con người” ấy? Câu hỏi này thường hiện lên. Dường như “con người” đó không thể là
31
Nghệ thuật chết
đã biến mất. Đó hẳn là một mong muốn vượt ngoài thực tế. Khả năng hợp lý hơn là “con người” đó chưa từng hiện hữu ngoài một mớ những khổ đau và bao điều hy vọng hão. Những gì thực sự đã biến mất là khổ đau của hôm qua, và những gì còn lại là đau khổ của hôm nay: sự suy sụp khi vào tuổi trung niên, sự mất khả năng thích nghi với thực tại, gánh nặng tồi tệ từ những tham vọng không đạt được, những nỗi đam mê, sự ba hoa lắm lời.
Nhưng bản chất không tên của những khổ đau này liệu có dễ chấp nhận hơn chút nào qua năm tháng – để thấy rằng con người hiện tại cũng hư ảo như cái “con người” vô nghĩa trong ta trước đó? Ồ, không. Ai là người sẵn sàng giết chết bản ngã của chính mình? Ai có thể mỉm cười buông bỏ bóng ma ấy không chút chống cự? Có lẽ đó là lý do vì sao có quá ít tình thương trong cuộc đời này. Tất cả những gì ta biết đến chỉ là hai bóng ma, “người khác” và “ta”, chứ không phải sự tan rã hoàn toàn của cả hai thứ đó, vốn chính là tình thương.
Không thể nói chắc rằng trong 12 năm qua tình thương và niềm vui đã chế ngự được hoàn toàn tâm thức quá nhiều nhiễm ô - như nó vốn vậy - với đầy những tiêu cực này. Nhưng chắc chắn là rất nhiều căng thẳng đã tự giải tỏa, nhiều thiêu đốt của hận thù đã lắng xuống, và nhiều nỗi lo sợ ẩn khuất trong tâm đã biến mất.
Đã có năng lực tạo ra bất ổn thì tất nhiên cũng có quyền áp dụng phương thức giải quyết bất ổn đó. Và phương thức duy nhất để giải quyết mọi xáo động là sự tĩnh lặng. Nhìn lại quá khứ, dường như cuộc hành trình thật sự không phải đi từ nước này đến nước khác, mà là từ xáo động đến tĩnh lặng; từ chỗ làm hết thảy mọi việc mà chẳng đạt được gì đến chỗ chẳng làm gì cả và để yên cho mọi việc diễn ra. Việc càng đơn giản thì càng khó hiểu. Chỉ có tâm tĩnh lặng mới có thể nhìn mọi sự việc đúng thật như chúng đang hiện hữu, và đây là bước đầu tiên, cũng là bước cuối cùng. Chỉ có một và duy nhất một việc để làm: để yên mọi việc như bản chất tự nhiên của chúng.
32
Hiện hữu như thật - đã và đang
Trải qua quá nhiều năm chỉ để ngồi càng yên tĩnh càng tốt, thể nghiệm sự tích lũy kinh khiếp của những cảm giác, những mộng tưởng, những bám víu, những sợ hãi mà bằng cách nào đó đã làm khởi sinh ý niệm về “cái tôi”. Những ai chưa từng thiền tập có thể tưởng tượng việc ngồi thiền là để tạo ra đủ mọi loại cảm giác tuyệt vời, những linh ảnh, sự tỏa sáng và mọi thứ ghi chép đầy trong sách vở. Nhưng bình an thực sự chính là giảm trừ sự nhạt nhẽo đáng sợ của cuộc sống hằng ngày, giảm trừ sự ưa thích và ghét bỏ vụn vặt, giảm trừ những đối thoại triền miên không dứt trong tâm tưởng, giảm trừ những ao ước, những mất mát, những buông thả phóng túng.
Và sau tất cả những điều đó... còn có gì vượt xa hơn? Có đấy: một cuộc sống đơn giản trở nên đơn giản hơn - một người bình thường tìm được bình an và hạnh phúc thực sự ở nơi anh ta chưa bao giờ chú ý đến trước đây: trong những điều bình thường của cuộc sống. Thật ra, cuộc sống không có điều gì “bình thường” cả. Thức tỉnh từ những giấc mơ, bạn nhận ra điều bình thường là vô cùng kỳ diệu và điều kỳ diệu rất bình thường. Chỉ khi đó bạn mới nhận ra, như một nhà thơ đã nói, rằng bạn đang sống trong cuộc tìm kiếm sự sống.
Không có ảo thuật hay phép mầu nào vượt hơn sự tỉnh giác đơn thuần. Có gì mầu nhiệm hơn một tâm thức trong suốt như pha lê, bất động, tịch tĩnh? Có gì kỳ diệu hơn là vượt trên sự tìm cầu dục lạc hay trốn chạy sợ hãi? Nhiều người cho rằng các màn ảo thuật chỉ có thể thực hiện trên sân khấu hay bởi những bậc thầy ảo thuật râu tóc rậm rạp, mà không hiểu rằng chính tự thân họ là sự kỳ diệu, là ảo thuật gia, là sân khấu, là khán giả, và vì thế cũng là cả thế giới này.
Có người nào đang sống mà thoát được những khổ đau và lạc thú của cái thế giới vừa xấu ác vừa đầy hoan lạc này? Sao còn tìm kiếm sự an ổn trong một thế giới mà mọi thứ đều trôi qua, mọi thành quả sau cùng đều chỉ là một nắm tro bụi? Sao còn phí công tìm cầu? Điều gì không thể thay đổi, ta buộc phải chấp nhận. Sự chọn lựa ở đây là: sẵn sàng hay miễn cưỡng chấp
33
Nghệ thuật chết
nhận. Cuộc đời bạn sẽ thay đổi biết bao nhiêu nếu bạn có thể mỉm cười với hết thảy mọi việc!
Vì thế, thiền cũng giống như tình thương, không phải là điều gì đó có thể bóp nặn cho phù hợp với sự độc đoán xấu xa của cái “tôi”. Thiền mang lại nhiều kết quả thực tiễn, nhưng cũng như tình thương, kết quả cuối cùng của thiền là sự tan biến của cái “tôi” và ngục tù giam hãm nó, tức là thế giới này. Cứu cánh của thiền là thiền, cũng như phần thưởng của tình thương chính là tình thương. Những thành quả, thành công, uy tín cho đến sự cứu vớt thế giới, tất cả đều nằm trong sự thống trị của cái “tôi”, vốn mong muốn quá nhiều mà khả năng làm được lại quá ít.
Một cái nhìn cạn cợt về cuộc đời chỉ có thể thấy được những khổ đau tạo sự bi quan, hay những niềm vui tạo cảm giác lạc quan. Nhưng hồi tưởng lại thì những khổ đau của tâm ta dường như quý giá nhất, vì chính nhờ có nỗi đau đớn không chịu đựng nổi thì ta mới bắt đầu tìm kiếm phương cách chữa trị. Những niềm vui cũng hữu ích: do bản chất thoáng qua và không thể thỏa mãn của chúng, ta mới khởi lên sự khao khát một liều thuốc trị liệu, cho dù là thuốc đắng. Vượt trên hy vọng và sợ hãi là Chân lý. Và dần dần, hết sức chậm chạp, ta nhận hiểu được rằng căn bệnh chỉ nằm trong tâm thức.
Phải quy trách về ai tất cả những gì đã xảy ra? Đối với những điều không thể tránh khỏi thì ta có thể ngợi khen hay oán trách ai đây?
Quy luật của Chân lý là một đứa trẻ mồ côi không nhà, có thói quen quấy nhiễu xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, hoàn toàn không mời mà đến, trang phục trong sự mạnh mẽ của nhu hòa, đinh tai nhức óc trong sự tĩnh lặng, bách chiến bách thắng mà không sở hữu gì cả. Đứa trẻ đó là bạn và tôi.
Và bây giờ phải làm gì? Từ nơi đây đi về đâu? Đâu là phía trước, đâu là phía sau? Phải làm gì với tất cả những khả năng có thể này, và với ngày mai? Khi chúng ta rõ ràng không thể chịu
34
Hiện hữu như thật - đã và đang
đựng thêm nữa, có tiếp tục nhận chịu nữa chăng? Khi nào đến lúc phải dừng lại? Bao giờ ta sẽ dừng lại để lắng nghe thi sĩ hát lên bài ca cuối cùng:
Trong ánh sáng bừng lên,
Hãy thức dậy cùng những người tỉnh thức.
Hay tiếp tục mơ tưởng đến bờ kia
của đại dương vốn không bờ bến?
(Thơ Pablo Neruda, “Bài ca cuối cùng trên sóng nước” - The Watersong Ends)
35
Ahaṅkāra hī janma kā,
jarā mṛityū kā mūla.
Ahaṅkāra mite binā,
miṭe na bhāva-bhaya śhūla.
- Hindi doha, S. N. Goenka
Chấp ngã chính là gốc rễ của sinh, già và chết,
Nếu không loại bỏ được bản ngã,
Thì những thống khổ và sợ hãi của hiện hữu
sẽ không chấm dứt.
—Thi kệ (doha) Hindi, S.N. Goenka
36
Sự ra đi của Graham
Câu chuyện này do người vợ góa của Graham Gambie, bà Anne Doneman kể lại, cho thấy sự bình tâm được trải nghiệm bởi một thiền giả đã gặt hái nhiều lợi lạc từ Dhamma. Đây là trích đoạn từ câu chuyện dài hơn ban đầu được đăng tải trong Realizing Change - Vipassana Meditation in Action, do Viện nghiên cứu Vipassana xuất bản tháng 7 năm 2003, trang 168.
Chúng tôi trở về nhà ở Australia vào tháng Hai và
hướng dẫn một khóa thiền 10 ngày vào tháng Năm. Graham dường như trong trạng thái sắp ngã quỵ lúc bắt đầu khóa tu. Trong thiền đường, anh gần như không còn tỉnh táo lúc trên bục, và khi đưa ra lời hướng dẫn, anh không thể đặt câu chính xác. Buổi tối, hơi thở anh gần như không thể nghe được. Chúng tôi càng lúc càng lo lắng hơn và đã gọi điện thoại cho một bác sĩ thần kinh ở Sydney để sắp xếp cuộc hẹn vào ngày cuối khóa tu, dự tính sẽ bay đi New Zealand vào ngày kế tiếp.
Thật may mắn, vào ngày thứ 10 Graham hoàn toàn tỉnh táo và hồi phục rõ rệt. Sau khóa tu, chúng tôi đến Sydney gặp vị bác sĩ khoa thần kinh. Thoạt đầu, ông cho rằng sự suy sụp rất có thể chỉ là chứng mất trí nhớ ngắn hạn đôi khi xảy ra cho những người làm việc văn phòng. Tuy nhiên, ông vẫn yêu cầu chụp CT não. Trong khi chờ đợi kết quả, Graham và tôi đã thưởng thức một bữa trưa đặc biệt. Chúng tôi quay trở lại gặp bác sĩ. Ông không nói một lời nào, chỉ rút những tấm phim từ hồ sơ ra, đặt lên máy chiếu. Ông chỉ ra một khối u dường như chiếm hết 50% bán cầu não trái. Trên đỉnh khối u là một u nang rất lớn.
Tôi chết điếng cả người, không còn nhận biết được gì nữa cả. Đúng rồi, hẳn là chúng tôi phải hủy bỏ vé máy bay đi New Zealand. Đúng rồi, có lẽ chúng tôi phải đưa Graham thẳng vào
37
Nghệ thuật chết
bệnh viện chiều hôm đó. Rồi nỗi đau tê điếng vỡ òa thành nước mắt khi tôi gọi điện thoại để thu xếp chỗ ở với những người bạn thân ở Sydney. Tôi không nói rõ được với họ chuyện gì đã xảy ra, nên Graham cầm lấy điện thoại và tự thu xếp mọi việc. Anh bình tĩnh và tự chủ.
Trong khi đưa Graham vào bệnh viện, để chắc chắn là anh được thoải mái, tôi gắng giữ vẻ ngoài vui tươi. Nhưng ngay lúc vừa rời anh là tôi lại rơi nước mắt. Buổi tối đó, trong khi ngồi thiền, một cảm giác bình an sâu sắc khởi sinh. Cảm giác này sẽ ở lại với tôi suốt thời gian Graham chịu khổ nạn. Đó không phải là sự bình an đến từ tư duy hay lý trí, mà chỉ là một điều gì đó “đột phát tự nhiên”.
Hai ngày sau, Graham trải qua phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật không thể loại bỏ toàn bộ khối u và do đó tiên lượng không tốt. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh cho chúng tôi biết, vì tính chất của khối u thuộc loại tế bào hình sao (astrocytoma), anh chỉ có thể sống tối đa là 5 năm - và cuối cùng anh sẽ phải sống đời thực vật.
Thật là tin thảm khốc, nhưng anh vẫn điềm tĩnh đón nhận. Có một lần, tôi nghe anh nói với khách đến thăm: “Làm sao tôi có thể bám víu vào tấm thân và khối óc này khi chúng không ngừng thay đổi? Không có gì để nắm giữ cả.” Những người bạn ký giả, đồng nghiệp, cảnh sát liên lạc và những người anh quen biết qua thiền tập đã đến thăm anh. Một bạn đồng nghiệp nêu nhận xét: “Tôi tưởng rằng đến đây để thăm một người bệnh nằm liệt giường và an ủi anh. Thay vì vậy, cuối cùng tôi lại kể lể với anh đủ thứ rối rắm của mình và quên mất vấn đề của anh.”
Nhiều ngày trôi qua, và tôi cảm thấy thật biết ơn vì mỗi ngày được ở bên cạnh anh. Anh được bệnh viện cho về, nhưng phải trở lại trong vòng 10 ngày. Anh gặp khó khăn với đôi chân đã trở nên quá yếu ớt gần như không thể bước đi.
Vào sáng ngày 27 tháng 6, sáu tuần sau khi khối u được chẩn đoán, tôi đến bệnh viện. Trong đầu tôi chỉ có một ước
38
Sự ra đi của Graham
muốn là được kề cận bên anh ngày hôm đó - nhất định không chạy lăng xăng đi lo những việc khác. Chúng tôi đã có được những giây phút trìu mến bên nhau, và buổi tối đó trong lúc chia tay, tôi cảm thấy muốn được gần anh hơn nữa. Tôi lên ngồi một bên giường và bắt đầu thoa son. Anh hỏi: “Sao vậy?” Tôi trả lời là tôi muốn anh thấy tôi đẹp trong mắt anh. Thế là anh tiếp tục nói những lời ngọt ngào rằng tôi đã là một người vợ tuyệt vời như thế nào và anh cảm thấy thế nào. Tôi thấy mình hạnh phúc và anh cũng hạnh phúc. Chúng tôi nói lời từ biệt.
Sau buổi ăn tối hôm đó, tôi đang tận hưởng ngụm cuối cùng của ly sô-cô-la nóng. Tôi hít vào một hơi, cảm nhận sâu sắc sự bình an và tĩnh lặng hoàn toàn trong giây phút đó. Chuông điện thoại reo, một cô y tá phụ gọi hỏi tôi có thể đến ngay được không? Graham đang bị một cơn nhồi máu cơ tim (sau đó được biết là do một cục máu đông làm nghẽn mạch). Nhưng rõ ràng là không cần phải vội vã nữa. Anh đã ra đi.
Đó là ngày thứ Sáu, những phút cuối ngày. Khi tôi đến bệnh viện, những ngọn đèn neon sáng rực và nhiều người đang ra ngoài tản bộ, mua sắm, ăn uống. Cảm giác sợ hãi và yếu đuối bỗng sinh khởi. Bức tranh bất chợt của cuộc sống như thế không thể tin vào được. Những gì dường như rất thật, rất thường hằng, chỉ là ảo ảnh. Tất cả chúng ta đang bước trên lớp băng bề mặt rất mỏng, không thấy được sự thật là ta có thể sụp ngã xuyên qua đó bất cứ lúc nào.
Tôi đến bệnh viện và leo cầu thang lên phòng, nơi chúng tôi vừa trò chuyện chỉ vài giờ trước đó. Phòng trống không, nhưng ngay lập tức tôi bị lay chuyển bởi những rung động trong không gian. Hoàn toàn chắc chắn là không có ai ở đây. Mặc dù thân xác Graham còn nằm trên giường, nhưng trông giống như một chiếc áo choàng bị vất đi, không còn dùng được. Đó là tất cả những gì còn lại của một con người tôi vừa được chia sẻ bốn năm vô cùng đặc biệt trong cuộc đời mình.
Anh đã sống một cuộc đời tuyệt vời biết bao! Tôi nhận được những lá thư từ nhiều người đã biết anh trước đây, mỗi
39
Nghệ thuật chết
người nhắc lại một điều gì đó Graham đã từng giúp họ. Tôi nghe những mô tả về anh, như khi đến Ấn Độ anh sẵn sàng trao đồng rupee cuối cùng của mình cho ai đó cần đến, anh cho những trẻ em đường phố ăn với số tiền anh nhận được từ một khoản đầu tư ít ỏi của mình. Khi tôi hiểu ra anh đã yêu thương và giúp đỡ mọi người nhiều như thế nào trong suốt thời gian chúng tôi có nhau, thật hiển nhiên là những hành động tốt đẹp tuyệt vời anh đã từng làm giờ cũng đi theo cùng anh.
Không còn nước mắt nữa. Sao có thể khóc chứ? Mối quan hệ yêu thương đã đến hồi kết trọn vẹn. Không có gì chưa nói ra hay chưa giải bày. Quả thật, đó là điều khó nhất tôi đã từng làm, nhưng kết quả thật quá nhiều và quá tuyệt vời. Tôi thật sự may mắn được chia sẻ một phần ngắn ngủi trong đời mình với một người như vậy.
Trong tang lễ anh, những dãy ghế ngồi đều chật kín và người ta xếp hàng dọc theo bờ tường. Họ đã đến từ những tín ngưỡng khác nhau, từ mọi tầng lớp khác nhau trong xã hội, mỗi người có một lý do riêng để viếng tang anh. Thật lạ lùng khi quay về nhà nhìn thấy quần áo anh chỉ như anh vừa mới cởi ra và biết rằng không còn ai là chủ sở hữu nữa.
- Anne Doneman
40
Phuṭṭhassa lokadhammehi,
cittaṃ yassa na kampati,
asokaṃ virajaṃ khemaṃ;
etaṃ maṅgalamuttamaṃ.
—Maṇgala Sutta, Sutta Nipāta 2. 271
Khi đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống, Vẫn giữ được tâm kiên định,
Vượt thoát những sầu đau, bất tịnh hay sợ hãi.
Đó chính là hạnh phúc cao cả nhất.
- Kinh Hạnh phúc, Kinh Tập, Tiểu Bộ Kinh 2. 271
41
Handadāni, bhikkhave, āmantayāmi vo,
vayadhammā saṅkhārā,
appamādena sampādetha.
—Mahāparinibbāna Sutta, Dīgha Nikāya 2. 185
Này các tỳ-kheo, ta thúc giục các ông:
Hết thảy các pháp hữu vi đều mang bản chất hư hoại. Hãy nỗ lực tinh cần.
—Kinh Đại Bát Niết-bàn, Trường Bộ Kinh (2. 185)
42
Điều gì xảy ra lúc chết?
Luận văn này của Goenkaji ban đầu được đăng trên tạp chí Sayagyi U Ba Khin của Viện nghiên cứu Vipassana (Vipassana Research Institute) vào tháng 12 năm 1991, và sau đó đăng lại trên Bản tin Vipassana vào tháng 4 năm 1992.
Để hiểu những gì xảy ra vào lúc chết, trước hết chúng
ta phải hiểu được chết là gì? Cái chết giống như một khúc quanh trên dòng sông tương tục của sự hiện hữu. Cái chết rất có vẻ như là sự chấm dứt của một tiến trình hiện hữu – và tất nhiên là đúng vậy trong trường hợp của một vị A-la-hán (vị đã hoàn toàn giác ngộ) hay một vị Phật – nhưng với một con người bình thường thì dòng tương tục của sự hiện hữu vẫn tiếp tục ngay cả sau khi chết.
Cái chết chấm dứt những hoạt động của một kiếp sống và ngay thời điểm tiếp đó bắt đầu một đời sống mới. Một bên là thời điểm cuối cùng của kiếp sống này và bên kia là thời điểm đầu tiên của đời sống kế tiếp. Cũng giống như mặt trời mọc lên [ở một nơi] ngay khi nó lặn xuống [một nơi khác], không hề có khoảng cách tối tăm ở giữa. Điều này cũng giống như thời điểm chết là đóng lại một chương sách của sự hiện hữu và một chương sách tiếp theo của hiện hữu liền mở ra ngay thời điểm tiếp theo.
Mặc dù không có sự so sánh nào có thể diễn tả hoàn toàn chính xác tiến trình chết, nhưng người ta có thể nói rằng dòng tương tục hiện hữu này giống như một chiếc tàu hỏa chạy trên đường ray. Tàu chạy đến “ga chết” và sau khi giảm nhẹ tốc độ một lúc lại chạy đi với cùng vận tốc như trước đó. Tàu không dừng hẳn lại ở ga dù chỉ một tích tắc. Đối với những người chưa
43
Nghệ thuật chết
chứng quả A-la-hán, “ga chết” không phải ga cuối mà là một giao lộ, từ đó chia ra các đường ray khác nhau. Ngay khi đến ga này, chuyến tàu phải lập tức chuyển vào đường ray này hay đường ray khác và tiếp tục chạy. Chuyến tàu nhanh của sự hiện hữu này chạy với điện năng của nghiệp lực trong quá khứ, tiếp tục đi từ ga này đến ga khác, trên đường này hay đường khác, một hành trình liên tục không dừng nghỉ.
Sự chuyển đổi “đường ray” xảy ra hoàn toàn tự động. Giống như băng tan thành nước và nước gặp lạnh đông lại thành băng, hoàn toàn theo quy luật tự nhiên. Cũng vậy, sự chuyển đổi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác được kiểm soát bởi một loạt những quy luật tự nhiên. Theo các luật này, chuyến tàu không chỉ tự chuyển đổi đường ray, nó cũng tự thiết lập đường ray cho hành trình tiếp theo.
Đối với chuyến tàu của sự hiện hữu, giao lộ cái chết nơi thay đổi đường ray là cực kỳ quan trọng. Tại đây, kiếp sống hiện tại bị từ bỏ, trong tiếng Pāli gọi là cuti (sự biến mất, cái chết). Sự chết của thân thể diễn ra, và ngay lập tức đời sống tiếp theo bắt đầu, một tiến trình được gọi là paṭisandhi (sự thụ thai, hay bắt đầu đời sống mới). Thời điểm của paṭisandhi là kết quả của thời điểm chết; thời điểm chết tạo ra thời điểm thụ thai. Vì mỗi một thời điểm chết đều tạo thành thời điểm sinh ra tiếp theo sau, cho nên chết không chỉ là chết mà cũng đồng thời là sinh ra. Ở lúc giao thời này, đời sống chuyển thành cái chết và cái chết chuyển thành sinh ra.
Như vậy, mỗi một đời sống là sự chuẩn bị cho cái chết sắp tới. Nếu người khôn ngoan, họ sẽ sử dụng đời sống này sao cho tốt nhất và chuẩn bị cho một cái chết tốt đẹp. Cái chết tốt đẹp nhất là cái chết cuối cùng, không phải một giao lộ nữa mà là một ga cuối: cái chết của một vị A-la-hán. Ở đây sẽ không còn đường ray nào nữa để chuyến tàu có thể chạy tiếp. Nhưng trước khi đạt đến một ga cuối như thế, người ta ít nhất cũng phải nắm chắc được rằng cái chết sắp tới đây sẽ dẫn đến một tái sinh tốt đẹp và rằng “ga cuối cùng” sẽ đạt đến vào một thời điểm thích
44
Điều gì xảy ra lúc chết?
hợp. Tất cả đều phụ thuộc vào chúng ta, vào những nỗ lực của chính ta. Chúng ta là người tạo ra tương lai của chính mình. Chúng ta tạo ra hạnh phúc hay đau khổ cũng như sự giải thoát của chính mình.
Bằng cách nào mà chúng ta là người tạo ra những đường ray đón nhận chuyến tàu của sự hiện hữu đang lao nhanh đến? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu được kamma (hành động, nghiệp) là gì.
Mọi sự tác ý, cho dù là khéo léo hay vụng về, đều là nghiệp. Bất kỳ ý niệm hiền thiện hay bất thiện nào khởi sinh trong tâm đều là nguồn gốc của mọi tư tưởng, lời nói hay hành động. Thức (viññāṇa) khởi sinh do sự tiếp xúc ở một cửa ngỏ giác quan, rồi sự nhận biết và phân biệt (saññā - tưởng) đánh giá kinh nghiệm đó, cảm giác (vedanā – thọ) sinh khởi và một sự tạo tác nghiệp (saṅkhāra - hành) diễn ra.
Những tác ý tạo nghiệp này rất đa dạng. Một số giống như đường vẽ lên mặt nước, lập tức biến mất ngay sau đó. Một số khác giống như đường vẽ trên mặt cát, mờ nhạt đi sau một quãng thời gian. Một số khác nữa giống như vết khắc trên đá, tồn tại trong thời gian rất lâu. Nếu tác ý là hiền thiện, hành động sẽ hiền thiện và kết quả là lợi lạc. Nhưng nếu tác ý là bất thiện, hành động sẽ bất thiện và sẽ mang lại những hậu quả khổ đau.
Không phải tất cả nghiệp quả đều dẫn đến một đời sống mới. Một số quá cạn cợt đến nỗi chúng không tạo một kết quả đáng kể nào. Một số khác hơi sâu sắc hơn, nhưng sẽ bị xóa nhòa đi trong đời sống này và không mang theo vào đời sống tiếp theo. Một số khác nữa, khắc sâu hơn nữa, tiếp tục với dòng chảy của đời sống này rồi đi vào đời sống tiếp theo, và cũng có thể được nhân lên gấp nhiều lần trong đời này và đời sau.
Tuy nhiên, có rất nhiều nghiệp hữu (bhāva-kamma) hay hành hữu (bhāva-saṅkhāra), là những nghiệp dẫn đến tái sinh, dẫn đến một đời sống mới. Mỗi nghiệp làm khởi sinh một tiến
45
Nghệ thuật chết
trình hiện hữu và mang theo một trường lực hòa hợp với những xung động của một cảnh giới hiện hữu nhất định. Những xung động của nghiệp hữu đó và những xung động của cảnh giới (bhāva-loka) thu hút lẫn nhau và cả hai sẽ cùng hợp nhất theo các quy luật phổ quát về nghiệp lực.
Ngay khi một trong những nghiệp hữu này được tạo ra, “chuyến tàu của sự hiện hữu” được lôi cuốn về phía một trong 31 “đường ray” tại “ga chết”. Trong thực tế, những đường ray này chính là 31 cảnh giới hiện hữu: 11 kāma loka - cảnh giới thuộc cõi Dục (Dục giới, gồm 4 cảnh giới thấp và cảnh giới con người cùng với 6 cảnh trời cõi Dục), 16 rūpa-brahma loka - cảnh trời thuộc cõi Sắc (Sắc giới, nơi thân thể thanh tịnh vẫn tồn tại) và 4 arūpa-brahma loka - cảnh trời thuộc cõi Vô sắc (Vô sắc giới, nơi chỉ có tâm thức tồn tại).
Vào thời điểm cuối cùng của kiếp sống này, một hành nghiệp (bhāva-saṅkhāra) cụ thể sẽ khởi lên. Hành nghiệp này có năng lực dẫn sinh một đời sống mới, sẽ nối kết với những xung động của cảnh giới có tương quan. Ngay vào thời điểm chết, tất cả 31 cảnh giới hiện hữu đều mở ra. Hành nghiệp [cuối cùng] khởi lên sẽ quyết định “đường ray” nào “chuyến tàu” chạy tiếp. Cũng giống như việc chuyển dịch con tàu vào một đường ray, năng lực của nghiệp tạo một sức đẩy khiến dòng tâm thức đi vào đời sống kế tiếp. Chẳng hạn như, một hành nghiệp của sân hận hay ác ý, với các đặc tính là nóng nảy, bực dọc, sẽ nối kết với một cảnh giới thấp nào đó. Tương tự, một hành nghiệp như mettā (tâm từ, lòng bi mẫn), có những xung động an hòa, dịu mát, chỉ có thể nối kết với một cõi trời. Đây là quy luật tự nhiên, và những quy luật này vận hành quá hoàn hảo đến mức không bao giờ có bất kỳ sai sót nào. Tất nhiên, phải hiểu rằng không có hành khách nào trên “chuyến tàu”, ngoại trừ năng lực của hành nghiệp đã tích lũy.
Nói chung, vào thời điểm chết, một hành nghiệp mãnh liệt nào đó sẽ khởi lên. Đó có thể là thiện hoặc bất thiện. Chẳng hạn
46
Điều gì xảy ra lúc chết?
như, nếu một người trong đời này đã giết cha hay giết mẹ, hoặc giết một vị thánh, thì ký ức về sự kiện đó sẽ khởi lên vào thời điểm chết. Cũng theo cách đó, nếu một người đã tu tập phát triển thiền định sâu xa thì trạng thái tâm tương tự như [trạng thái thiền định] sẽ khởi lên.
Nếu không có hành nghiệp nào mãnh liệt như thế, thì một nghiệp có cường độ nhẹ hơn sẽ khởi lên. Bất kỳ một ký ức nào được khơi dậy đều sẽ hiện hành như một nghiệp. Người ta có thể nhớ lại một nghiệp lành như cúng dường thức ăn lên một vị thánh, hoặc một nghiệp xấu ác như đã làm tổn hại ai đó. Những hồi ức về các nghiệp trong quá khứ như thế có thể khởi lên. Nếu không, những đối tượng liên quan đến các nghiệp ấy có thể khởi lên, như đĩa thức ăn đã mang cúng dường hoặc loại hung khí đã dùng để hại người. Những điều này được gọi là nghiệp tướng (kamma-nimitta - những dấu hiệu, hình ảnh).
Hoặc cũng có thể một dấu hiệu hay biểu tượng của đời sống tiếp theo sẽ hiện ra. Đây gọi là nghiệp triệu (gati-nimitta). Những nghiệp triệu này tương ứng với cảnh giới mà dòng chảy [tâm thức] được lôi cuốn đến. Đó có thể là mùi hương của một cõi trời, hoặc có thể là cảnh giới súc sinh. Người sắp chết thường trải nghiệm một trong những dấu hiệu này như điềm báo trước, giống như ngọn đèn pha của con tàu chiếu sáng lên đường ray phía trước. Những xung động của các nghiệp triệu này tương đồng với những xung động của cảnh giới tái sinh.
Một thiền sinh Vipassana tu tập tốt có khả năng tránh được những con đường dẫn đến các cảnh giới thấp. Người ấy hiểu rõ các quy luật tự nhiên và tu tập để sẵn sàng cho cái chết đến bất cứ lúc nào. Nếu là người đã lớn tuổi thì càng có lý do để duy trì sự tỉnh thức trong mọi giây phút.
Chúng ta nên chuẩn bị những gì? Chúng ta thực hành Vipassana bằng cách duy trì sự bình tâm đối với bất kỳ cảm xúc nào khởi sinh trong cơ thể, do đó dứt trừ được thói quen phản ứng với các cảm giác. Như vậy, tâm thức vốn thường tạo
47
Nghệ thuật chết
tác những hành nghiệp xấu ác mới, giờ đây phát triển được thói quen bình tâm.
Vào thời điểm cận tử, có rất nhiều khả năng người ta phải chịu đựng những cảm thọ cực kỳ khó chịu. Già, bệnh và chết đều là đau khổ (dukkha), do đó thường tạo ra những cảm thọ khó chịu rõ rệt. Nếu ta không thuần thục trong việc quan sát những cảm giác này với sự bình tâm, ta rất có thể sẽ phản ứng bằng sự lo sợ, tức giận, buồn rầu hay bực dọc, tạo cơ hội cho những hành nghiệp có xung động tương ứng khởi sinh. Tuy nhiên, trong trường hợp những thiền sinh tu tập đã có công phu cao, họ có thể nỗ lực để tránh không phản ứng với những cảm thọ cực kỳ đau đớn bằng cách duy trì sự bình tâm vào thời điểm chết. Như vậy, ngay cả những hành nghiệp liên quan nằm sâu trong vô thức cũng sẽ không có cơ hội sinh khởi.
Vào thời điểm chết, một thiền sinh sẽ rất may mắn nếu có được những người thân hay bạn hữu thực hành thiền Vipassana bên mình và tạo ra những xung động từ ái lợi lạc, có thể hình thành một bầu không khí Chánh pháp an bình, tránh khỏi những sự than khóc, buồn rầu đau đớn.
Một người bình thường sẽ duy trì trạng thái sợ hãi, thậm chí là kinh khiếp vào thời điểm chết, và như thế sẽ để cho những hành nghiệp sợ sệt hiện hành. Cũng vậy, những đau buồn, khổ sở, phiền muộn, thất vọng... và nhiều cảm giác khác có thể khởi sinh khi nghĩ đến việc phải chia lìa với những người thân yêu, và những hành nghiệp liên quan sẽ khởi sinh, chế ngự tâm thức.
Bằng cách quan sát mọi cảm giác với sự bình tâm, một thiền sinh Vipassana làm suy yếu những hành nghiệp này để chúng không sinh khởi vào lúc chết. Sự chuẩn bị thực sự cho cái chết chính là phát triển một thói quen liên tục quan sát các cảm thọ hiện hành trong thân và tâm, với sự bình tâm và với sự hiểu biết về lẽ vô thường.
Vào thời điểm chết, thói quen mạnh mẽ của sự bình tâm sẽ tự động khởi lên và “chuyến tàu hiện hữu” được chuyển vào
48
Điều gì xảy ra lúc chết?
“đường ray” dẫn đến một kiếp sống mới có điều kiện để thực hành thiền Vipassana. Bằng cách này, chúng ta tự cứu mình khỏi việc tái sinh vào những cảnh giới thấp và sinh về một trong những cảnh giới cao hơn. Bởi vì Vipassana không thể thực hành ở những cảnh giới thấp nên điều này rất quan trọng.
Đôi khi một người không tu thiền cũng đạt được tái sinh tốt đẹp nhờ sự hiện khởi vào lúc chết của một hành nghiệp hiền thiện, chẳng hạn như sự bố thí hào phóng, đức hạnh hay những phẩm tính hiền thiện mạnh mẽ khác. Nhưng thành tựu đặc biệt của một thiền sinh Vipassana vững chãi là tái sinh về một cảnh giới có thể tiếp tục tu tập thiền Vipassana. Như vậy, bằng cách dần dần giảm bớt những hành nghiệp đã tích lũy, chúng ta rút ngắn được cuộc hành trình hiện hữu và sớm đạt đến mục tiêu giải thoát hơn.
Chúng ta gặp được Chánh pháp trong đời này là nhờ vào những công đức lớn lao đã làm trong quá khứ. Hãy làm cho kiếp người này được thành tựu bằng cách thực hành thiền Vipassana, để khi cái chết đến thì tâm thức ta hoàn toàn bình thản, nắm chắc được một tương lai tốt đẹp.
—S. N. Goenka
49
Kāmayogena saṃyuttā,
bhāvayogena cūbhayaṃ;
Ditthiyogena saṃyuttā,
avijjāya purakkhatā.
Sattā gacchanti saṃsāraṃ,
jātimaraṇagāmino.
—Aṅguttara Nikāya 4.10
Ràng buộc bởi tham ái, trói chặt với sự chuyển sinh, giam hãm bởi xích xiềng tà kiến,
bị dẫn dắt bởi vô minh, xoay vòng luân chuyển.
Do vậy, chúng sinh lang thang trong luân hồi,
chết đi chỉ để rồi lại sinh ra lần nữa.
—Tăng Chi Bộ Kinh, 4.10
50
Paṭicca Samuppāda -
Nguyên lý duyên khởi
Đức Phật dạy rằng, hiện tại của chúng ta là kết quả của
những ý tưởng, lời nói, việc làm trong quá khứ. Vì thế, trong từng khoảnh khắc, tương lai của chúng ta được hình thành bằng những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động trong hiện tại. Thông điệp này của Đức Phật thật là thâm diệu. Khi thực hành nghiêm túc, ta nhận ra được sự thật không thể né tránh trong thông điệp này, chạm mặt với sự thật này trong những lúc hành thiền cũng như trong cuộc sống thường nhật. Ta sẽ thấy rõ ràng rằng chính ta chịu trách nhiệm về tương lai của mình , và khi làm chủ được tâm, ta có thể định hình được tương lai. Nhận hiểu và chấp nhận định luật này – được gọi là nguyên lý duyên khởi - paṭicca samuppāda – sẽ giúp chúng ta có được bình an trong tâm thức và mở ra cánh cửa giải thoát.
Đức Phật đã trải qua vô lượng kiếp tu tập để phát triển những phẩm tính cần thiết cho việc đạt đến giải thoát viên mãn, để học được con đường thoát khổ. Với lòng từ bi vô hạn, đức Phật trao truyền tuệ giác này đến tất cả chúng sinh đang đau khổ vì sợ hãi, sân hận, tham lam, cô thế, tuyệt vọng, già, bệnh, chết, để họ cũng có thể tự mình thoát khổ.
Đây là con đường lâu dài và khó khăn. Việc bám chặt vào thói quen xưa cũ, thà chấp nhận những mô thức đau đớn và khổ não ta đã quen thuộc, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải đối mặt với những đổi thay khó chịu của sự tu tập rèn luyện tâm.
Đời sống của chúng ta thật khó khăn. Có nhiều hôm ta thấy mệt nhoài, căng thẳng. Thay vì đối diện với nguồn gốc khổ đau trong tâm, ta mê mải tìm cách giải khuây, thụ hưởng; và vì thế việc hành thiền trở thành một việc rất là thứ yếu. Việc phá bỏ thói quen cố hữu sâu đậm mê thích những cảm giác dễ chịu và né tránh những cảm giác
51
Nghệ thuật chết
khó chịu gần như là không thể được. Nhưng khi ta sẵn sàng nỗ lực, đức Phật sẽ cung cấp cho ta một phương thức hoàn hảo để tạo ra sự thay đổi cốt yếu.
Sau đây là giảng giải của Goenkaji về nguyên lý duyên khởi (paṭicca samuppāda) được trích từ Pháp thoại ngày thứ 5 trong những khóa thiền 10 ngày, in trong sách Tóm lược các bài giảng (The Discourse Summaries).
Những khổ đau của cuộc đời - bệnh tật, già suy, chết chóc, đau đớn cả thân lẫn tâm - là những hệ quả rõ ràng không thể tránh được sau khi sinh ra đời. Nhưng vì lý do gì ta sinh ra? Dĩ nhiên, nguyên nhân gần của sinh (生, jāti) là do sự kết hợp thể xác của cha mẹ, nhưng trong một toàn cảnh rộng hơn thì có sinh ra là do tiến trình hiện hữu (有, bhāva) bất tận với sự liên quan đến toàn thể vũ trụ. Ngay cả vào lúc chết, tiến trình này cũng không dừng lại: thân xác tiếp tục hoại diệt, tan rã, trong khi tâm thức bắt đầu kết nối với một cấu trúc vật chất khác và tiếp tục lưu chuyển – hiện hữu.
Và tại sao có tiến trình hiện hữu này? Đức Phật đã thấy rõ nguyên nhân là do ta nuôi dưỡng sự bám chấp. Do bám chấp, hay thủ (取, upādāna), ta phát sinh những phản ứng mạnh mẽ, tức saṅkhāra (hành nghiệp), tạo thành những ấn tượng sâu đậm trong tâm thức. Vào lúc chấm dứt đời sống, một trong những saṅkhāra này sẽ khởi lên trong tâm thức và tạo ra một sức đẩy để dòng tâm thức tiếp tục lưu chuyển.
Vậy những gì là nguyên nhân của thủ hay sự bám chấp này? Đức Phật nhận ra rằng, sự bám chấp khởi sinh vì những phản ứng ưa thích, ghét bỏ trong từng khoảnh khắc. Ưa thích phát triển thành thèm khát, hay tham ái (愛, taṇhā, tṛṣṇā), ghét bỏ phát triển thành sân hận, một dạng phản chiếu của tham ái, và cả hai đều chuyển thành sự bám chấp.
Tại sao những phản ứng ưa thích, ghét bỏ lại khởi sinh trong từng khoảnh khắc? Bất cứ ai quán sát tự thân đều sẽ thấy các phản ứng này xảy ra do những cảm giác, hay thọ (受, vedanā)
52
Paṭicca Samuppāda - Nguyên lý duyên khởi
nơi thân. Bất cứ khi nào một cảm giác dễ chịu khởi sinh, ta liền ưa thích và muốn nó được kéo dài, tăng thêm. Bất cứ khi nào một cảm giác khó chịu khởi sinh, ta liền thấy ghét bỏ và muốn xua đuổi đi.
Điều gì tạo ra những cảm giác này? Rõ ràng những cảm giác phát sinh là do có sự tiếp xúc (觸, phassa, sparśa) giữa một trong những giác quan với đối tượng của giác quan đó: tiếp xúc giữa mắt với hình sắc, giữa tai với âm thanh, giữa mũi với mùi hương, giữa lưỡi với vị nếm, giữa thân với vật xúc chạm và giữa ý với tư tưởng. Ngay khi có sự tiếp xúc thì chắc chắn sẽ có một cảm giác nảy sinh: hoặc dễ chịu, hoặc khó chịu, hoặc trung tính.
Vì lý do gì lại có sự tiếp xúc? Quá rõ ràng, cả vũ trụ này tràn ngập những đối tượng của giác quan. Chừng nào mà sáu giác quan, hay lục căn (六根, saḷāyatana, ṣaḍāyatana) – năm giác quan của thân cộng với ý – còn hoạt động thì chắc chắn chúng phải gặp các đối tượng của chúng.
Và tại sao sáu giác quan này hiện hữu? Rõ ràng chúng là những phần không tách rời của dòng tâm thức và vật chất, hay danh sắc (名色, nāma-rūpa); chúng khởi sinh ngay khi sự sống bắt đầu.
Vậy thì tại sao dòng chảy của sự sống này, dòng chảy của tâm thức và vật chất, hay danh sắc, xuất hiện? Đó là do sự trôi chảy liên tục của thức (識, viññāṇa, vijñāna) từ sát-na này sang sát-na khác, từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Và tại sao có dòng tâm thức này? Đức Phật nhận thấy dòng thức này sinh khởi là do các hành (行, saṅkhāra, saṃskāra), những phản ứng của tâm. Mỗi một phản ứng đều tạo ra một lực thúc đẩy dòng chảy của thức. Dòng chảy này tiếp tục bởi nguồn lực được cung cấp từ các phản ứng.
Và tại sao các phản ứng này xảy ra? Đức Phật thấy rằng các phản ứng này khởi sinh vì vô minh (無明, vijjā, avidyā). Người ta không biết những gì mình đang làm, không biết mình đang
53
Nghệ thuật chết
phản ứng ra sao, và vì thế tiếp tục tạo ra những saṅkhāra. Khi vô minh vẫn còn thì vẫn còn khổ đau.
Nguồn gốc của tiến trình khổ đau, nguyên nhân sâu xa nhất, chính là vô minh. Chuỗi sự kiện qua đó con người tạo ra hàng núi khổ đau cho chính mình khởi đầu từ vô minh. Nếu vô minh có thể được diệt trừ, đau khổ sẽ được diệt trừ.
Làm sao ta có thể diệt trừ vô minh? Làm sao ta có thể cắt đứt chuỗi sự kiện [12 nhân duyên khởi đầu từ vô minh]? Dòng chảy của sự sống, của tâm thức và vật chất, vốn đã khởi đầu. Tự tử [để chấm dứt cuộc sống] không giải quyết được vấn đề, chỉ tạo thêm những đau khổ mới. Người ta cũng không thể hủy hoại các giác quan mà không tự hủy hoại chính mình. Chừng nào các giác quan còn hiện hữu, sự tiếp xúc giữa chúng với các đối tượng tương ứng chắc chắn phải xảy ra, và bất cứ khi nào có sự tiếp xúc thì một cảm giác chắc chắn sẽ nảy sinh trong cơ thể.
Và chính nơi đây, từ mối liên hệ với cảm giác mà chúng ta có thể cắt đứt chuỗi [12 nhân duyên khởi đầu từ vô minh]. Trước đây, mỗi một cảm giác làm khởi sinh một phản ứng ưa thích hay ghét bỏ rồi phát triển thành sự thèm khát mạnh mẽ hay ghê tởm - cực kỳ khổ đau. Nhưng giờ đây, thay vì phản ứng với cảm giác, bạn học cách chỉ quán sát với sự bình tâm, nhận hiểu rằng: “Điều này rồi cũng sẽ thay đổi.” Bằng cách này, cảm giác chỉ làm khởi sinh tuệ giác, khởi sinh sự hiểu biết về anicca (vô thường). Ta dừng lại được bánh xe khổ đau đang quay và bắt đầu chuyển hướng quay ngược lại, hướng về sự giải thoát.
Bất kỳ khoảnh khắc nào ta không tạo ra một saṅkhāra mới thì một trong những saṅkhāra cũ sẽ trồi lên trên bề mặt tâm thức, và cùng với nó, một cảm giác sẽ khởi sinh trong thân thể. Nếu ta giữ được sự bình tâm, cảm giác này sẽ mất đi và một phản ứng cũ sẽ trồi lên thế chỗ. Ta tiếp tục bình tâm trước những cảm giác nơi thân và những saṅkhāra cũ tiếp tục trồi lên, mất đi, hết lần này đến lần khác. Nếu vì vô minh ta phản ứng với những cảm giác, ta sẽ làm tăng gấp bội các saṅkhāra, làm tăng gấp bội
54
Paṭicca Samuppāda - Nguyên lý duyên khởi
khổ đau của ta. Nhưng nếu ta phát triển tuệ giác và không phản ứng với các cảm giác, thì các saṅkhāra lần lượt được tiêu trừ, hết lần này đến lần khác, và khổ đau được tiêu trừ.
Toàn bộ lộ trình này là phương thức tiêu trừ khổ đau. Nhờ thiền tập, ta sẽ thấy rằng mình đã ngừng không tạo thêm những gút thắt mới, và những gút thắt cũ được tự động hóa giải. Dần dần bạn sẽ tiến đến một trạng thái mà tất cả các saṅkhāra dẫn đến tái sinh - và vì thế cũng là dẫn đến những đau khổ mới - đều đã được diệt trừ: Giai đoạn giải thoát hoàn toàn, giác ngộ viên mãn.
Để khởi sự tu tập, trước tiên ta không nhất thiết phải tin là có tiền kiếp và tái sinh. Trong sự hành thiền Vipassana, hiện tại là quan trọng nhất. Tại đây, trong đời sống này, chúng ta đang tạo tác những saṅkhāra mới và tiếp tục làm khổ chính mình. Tại đây và lúc này, ta nhất thiết phải đoạn trừ thói quen này và bắt đầu vượt thoát khổ đau. Nếu bạn tu tập, chắc chắn sẽ có một ngày bạn có thể nói rằng mình đã đoạn trừ được tất cả các saṅkhāra cũ, đã ngưng không còn tạo tác bất kỳ một saṅkhāra mới nào, và như thế là đã tự giải thoát mình khỏi mọi khổ đau.
- S. N. Goenka
55
Không có nhân nào không có quả và không có quả nào không có nhân. Luật về nghiệp lực là tối thượng và không thể né tránh. Những gì bạn có trong hiện tại là kết quả của những gì đã làm trong quá khứ. Chừng nào bạn chưa đoạn trừ vĩnh viễn nghiệp lực do mình tạo tác, chưa chứng đắc Niết-bàn tối hậu, thì chắc chắn trong suốt thời gian còn hiện hữu bạn sẽ còn phải chịu đựng những bất ổn dạng này hay dạng khác, phải dùng đến sức mạnh của [tuệ giác về] anicca (vô thường). [Tuệ giác về] vô thường sẽ vượt thắng những bất ổn và bạn sẽ luôn vững chãi bất chấp tất cả những khó khăn này. [Tuệ giác về] vô thường là sức mạnh. Chông gai trên đường là không tránh khỏi. Vận dụng sức mạnh của tuệ giác về vô thường với sự chuyên cần, bạn sẽ được an lành.
- Sayagyi U Ba Khin
Mỗi đời người là một sự chuẩn bị cho cái chết kế tiếp. Người có trí sẽ vận dụng tốt nhất cuộc sống này để chuẩn bị cho một cái chết tốt đẹp.
- S. N. Goenka
56
Một cái chết mẫu mực
Bài viết dưới đây lần đầu tiên xuất hiện trong Bản Tin Vipassana (Vipassana Newsletter), phiên bản Dhamma Giri tháng 4 năm 1997.
Bác sĩ Tara Jadhav tham dự khóa thiền Vipassana đầu
tiên năm 1986. Sự tìm kiếm của bà đến đây kết thúc. Bà đã tìm thấy con đường tinh khiết của Dhamma và cảm thấy không cần phải thăm dò thêm bất kỳ phương pháp hay con đường nào khác. Với quyết tâm hoàn toàn, bà bắt đầu dấn bước trên con đường tu tập này.
Vì Tara không còn bổn phận nào khác, bà dành hầu hết thời gian của bà cho việc tu tập trong Chánh pháp. Với một tích lũy tràn đầy pāramitā (ba-la-mật, những phẩm hạnh cao quý) trong quá khứ, bà có thể thực hành Vipassana dễ dàng. Như con cá trong nước không cần học bơi, Tara không cần đến bất kỳ sự huấn luyện đặc biệt nào. Chẳng nghi ngờ gì, bà đã bước đi trên con đường Chánh Pháp trong rất nhiều kiếp trước.
Bà có kỹ thuật cũng như sẵn có phương tiện cho việc tu tập, và bà chú tâm hoàn toàn vào việc tận dụng tốt nhất thời gian của mình. Nhờ những phẩm hạnh mettā (tâm từ) và karuṇā (tâm bi) cùng với khả năng cống hiến quên mình đã phát triển tốt, bà được chỉ định làm thiền sư phụ tá vào năm 1989 và thiền sư phụ tá cao cấp vào năm 1995. Bất chấp tuổi già, bà vẫn tiếp tục phục vụ Chánh Pháp với sự tận tâm cao quý. Trong khi hướng dẫn thiền sinh Vipassana, bà cũng không ngừng phát triển mạnh hơn pāramitā dāna (bố thí ba-la-mật) của mình.
Ở độ tuổi chín muồi 82, bà đến Dhamma Giri tham dự khóa thiền tự luyện dành cho các thiền sư phụ tá. Vào buổi sáng ngày 2 tháng 12 năm 1996, khóa thiền bắt đầu với thiền ānāpāna
57
Nghệ thuật chết
(quán niệm hơi thở) như thường lệ. Bà thực tập chuyên chú suốt ngày. Sau khi thiền tập trong thiền thất từ 6 đến 7 giờ chiều, bà đến Thiền đường nghe Pháp thoại.
Vào khoảng 7 giờ 30 chiều, ngay khi Pháp thoại bắt đầu, bà quỳ gối, đầu cúi xuống chạm sàn trên bàn tay để ngửa với lòng tôn kính. Một lần, hai lần, và sau khi chạm đầu xuống sàn lần thứ ba, bà không ngẩng lên nữa. Bà đã trút hơi thở cuối cùng trong tư thế đảnh lễ của Giáo pháp theo truyền thống.
Những thiền sinh nữ ngồi gần đó ngạc nhiên khi thấy bà lạy như vậy, bởi vì sự tôn kính thường được thể hiện ba lần chỉ vào cuối buổi Pháp thoại mà thôi. Tại sao bà lại thể hiện lòng tôn kính vào lúc bắt đầu buổi Pháp thoại? Trong cả ba lần, khi cúi người xuống bà đều lặp lại khe khẽ: “Anicca, anicca, anicca” - những lời cuối cùng của bà. Làm thế nào họ có thể biết được đó là lời chào cuối cùng của bà trong đời này?
Tất cả những thiền sinh nghiêm túc đều được dạy rằng đừng bao giờ tỏ lòng tôn kính một cách máy móc. Chỉ khi tâm an bình, thể nghiệm được sự vô thường của những cảm giác tại đỉnh đầu, thì sự đảnh lễ mới có ý nghĩa. Tara đã luôn luôn cúi đầu đảnh lễ với chủ tâm này. Lần đảnh lễ cuối cùng của bà còn nhiều chủ tâm và ý nghĩa hơn nữa.
Tara hẳn muốn nói với các chị em cùng thực hành Pháp rằng: “Trong đoạn cuối của cuộc đời, tôi chỉ có một mong muốn: Tôi sẽ xả bỏ tấm thân này trong lúc hành thiền trên mảnh đất Chánh Pháp này.” Thệ nguyện mãnh liệt của bà đã được thành tựu. Tu tập vững chãi trong Vipassana, bước trên con đường giải thoát, bà đã sống một cuộc đời Chánh Pháp và cuối cùng thành tựu một cái chết mẫu mực.
- S. N. Goenka
58
Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần I
Hộ niệm những người thân yêu lúc sắp chết
Câu hỏi của thiền sinh
Dường như mettā (tâm từ) có hiệu nghiệm, bởi vì trải nghiệm thông thường là khi ta gặp một con người thánh thiện, ta cảm thấy tốt hơn. Vậy khi ta chia sẻ mettā đến một người đã mất, liệu người đó có cảm thấy tốt hơn không? Cũng vậy, có người tin rằng khi cúng dường nhân danh người đã mất, ông bà hay bạn bè, việc lành đó sẽ lợi lạc cho họ. Niềm tin đó có phù hợp với Chánh pháp (Dhamma) không?
Goenkaji trả lời
Khi quý vị nói tâm từ “có hiệu nghiệm”, điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là, nếu tâm quý vị thanh tịnh và đang thực hành mettā, đó là quý vị đang tạo ra những rung động của mettā. Những rung động này có thể đi đến bất cứ nơi đâu - đến cảnh giới này hay cảnh giới khác, đến một cõi thấp hơn hay cao hơn, bất cứ nơi đâu. Khi những rung động mettā của quý vị tiếp xúc với những người quý vị hướng đến, người ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc vì đó là những rung động của Chánh pháp, của bình an, của hòa hợp.
Khi quý vị hiến tặng nhân danh người đã khuất và nói “Nguyện cho công đức hiến tặng của tôi đến với người này...” Rõ ràng, bất kỳ những gì quý vị hiến tặng sẽ không đến với người đó, nhưng ý nguyện giúp đỡ là một từ tâm (mettā) và những rung động đó sẽ hướng đến cha ông hay bạn bè của quý vị, và các vị ấy sẽ cảm nhận được niềm hoan hỉ từ đó. Vì những rung động này có nền tảng là Chánh pháp nên sẽ có một điều gì đó xảy ra để giúp các vị ấy hướng về Chánh pháp trong kiếp
59
Nghệ thuật chết
này hay kiếp sau. Đó là cách chúng ta giúp đỡ những người đang ở trong những cảnh giới thấp hơn, hay thậm chí ở những cảnh giới cao hơn.
Và như vậy, quý vị nên hiến tặng gì? Quý vị hiến tặng điều quý nhất mà quý vị có - sự thiền tập của quý vị. Do đó, vào cuối mỗi giờ thiền tập hay cuối khóa tu thiền, quý vị nên hướng tâm đến tất cả những người thân thiết hay những người đã mất và nguyện: “Tôi xin chia sẻ công đức thiền tập của tôi đến với quý vị.” Đó chính là tâm từ (mettā) của quý vị. Vì quý vị đã thực hành thiền, những rung động đến với người đó là những rung động mạnh mẽ của Chánh pháp. Quý vị đang chia sẻ công đức thiền tập với người đó. Đương nhiên là điều đó rất hữu ích.
Câu hỏi
Con lo sợ rằng những người đang già đi theo năm tháng sẽ tiếp tục đi trong luân hồi sinh tử bởi những bám chấp của họ - như mẹ con, người suốt đời không ngớt lo âu, và một cụ bà bạn gần đất xa trời luôn cảm thấy bà đã bị xử tệ trong suốt cuộc đời. Liệu có thể làm được
điều gì [để giúp họ]? Có lẽ lòng từ có thể giúp chăng?
Trả lời
Đúng vậy. Là tâm từ (mettā). Thêm vào đó, hãy tiếp tục giải thích luật tự nhiên: quý vị càng lo buồn càng có hại cho chính quý vị. Và có một kỹ thuật có thể giúp quý vị thoát khỏi sự lo buồn ấy.
Không ai có thể nói chắc, nhưng có thể những người này đã có hạt giống Chánh pháp từ trong quá khứ. Nếu họ nhận được thêm những lời khích lệ, có thể họ sẽ đến với Chánh pháp và học cách tự giải thoát mình khỏi khổ đau.
Câu hỏi
Nếu cha mẹ của con đã mất, con có thể làm lợi lạc cho họ bằng cách nào chăng?
60
Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần I
Trả lời
Vâng, quý vị có thể làm được. Sau mỗi lần ngồi thiền, quý vị hãy nghĩ đến họ và chia sẻ công đức với họ: “Tôi xin chia sẻ bất kỳ công đức nào tôi có được với cha mẹ. Nguyện cho cha mẹ được bình an và hạnh phúc.” Những rung động đó sẽ đến với cha mẹ quý vị dù họ đang ở bất kỳ nơi nào. Không phải những rung động ấy tự nó sẽ làm được điều kỳ diệu nào cho họ; đúng hơn, cha mẹ quý vị sẽ được hướng về Chánh pháp, và biết đâu nhờ vậy họ có thể tìm được chánh đạo. Đây là cách duy nhất: hãy chia sẻ công đức của quý vị.
Câu hỏi
Làm thế nào có thể giúp người thân trong gia đình vào lúc cận tử?
Trả lời
Nếu những thành viên trong gia đình là người hành thiền Vipassana thì điều đó luôn mang lại lợi ích cho người sắp mất. Cần sắp xếp để có mặt với người sắp ra đi để hành thiền và chế tác tâm từ. Khi mọi người bình tĩnh và yên lặng thì đó là một sự hỗ trợ tuyệt vời cho người sắp chết, và cũng sẽ giúp cho người ấy giữ được tâm an bình, thanh thản lúc từ trần.
Câu hỏi
Những người sắp mất phải chịu nhiều đau đớn thường được cho dùng những loại thuốc giảm đau rất mạnh như là morphine. Đối với một thiền sinh, cố gắng chịu đựng cơn đau để giữ tâm tỉnh giác vào lúc chết có phải là điều tốt hơn không?
Trả lời
Điều đó còn tùy thuộc việc thiền sinh ấy có thể chịu đau đến mức nào vào lúc đó. Nếu vì quá đau, người ấy phản ứng với sân hận: “Ôi, đau quá không chịu nổi!” thì không chắc gì người ấy sẽ ra đi với sự bình tâm. Do đó, hãy để người ấy dùng thuốc giảm đau.
61
Nghệ thuật chết
Tuy nhiên, nếu thiền sinh này giải quyết được nỗi đau với sự bình tâm, muốn quán sát mọi thứ đúng thật, thì đừng áp đặt bất kỳ điều gì. Khi một thiền sinh lúc lâm chung có thể quán sát nỗi đau một cách điềm nhiên mà không cần đến thuốc men, thì đó là sự chọn lựa của người ấy.
Lúc mẹ tôi sắp mất, bà không vui khi chúng tôi trao bà những viên thuốc ngủ, thường làm mắt bà trĩu nặng. Thậm chí sau khi uống thuốc, bà vẫn không ngủ. Bà nói: “Mẹ hoàn toàn vui dù không ngủ. Sao các con lại muốn cho mẹ ngủ?” Bà nghĩ rằng, thuốc giảm đau không cần thiết và gây trở ngại cho việc thiền tập của bà.
Đồng thời, có một bà cụ hàng xóm cũng sắp ra đi vì bệnh ung thư. Cơn đau đối với bà ấy là không thể chịu nổi. Phòng bà ở lầu bốn nhưng ở lầu một cũng có thể nghe tiếng la khóc của bà. Vì vậy, tất cả đều tùy thuộc vào thái độ của người bệnh.
Câu hỏi
Nếu người sắp mất là một thiền sinh, chúng ta có thể giúp như thế nào?
Trả lời
Điều này thật tuyệt vời. Hãy cùng thiền với người ấy. Hãy chia sẻ tâm từ. Cùng lắng nghe lời kinh tụng. Vì người ấy là một thiền sinh nên những điều này có thể thực hiện dễ dàng.
Quý vị có thể nhắc nhở người ấy thực hành ānāpāna (quán hơi thở), hay nếu họ có thể ghi nhận cảm giác, hãy chú tâm đến những cảm giác đó. Tương tự như vậy, hãy nhẹ nhàng giúp họ duy trì sự tỉnh giác về anicca (vô thường). Là một thiền sinh nên người ấy sẽ tiếp nhận, vì thế hãy hướng dẫn họ ngay cả trong lúc hành thiền. Một thiền sinh có thể giúp làm việc này, trong khi những người khác có thể ngồi thiền. Cùng lắng nghe một đoạn kinh tụng nào đó, âm thanh nhỏ vừa đủ nghe, đừng quá lớn. Ngay cả với một thiền sinh nhiều kinh nghiệm thì âm thanh
62
Hỏi Đáp với Thầy Goenkaji – Phần I
lớn quá vẫn có thể làm căng thẳng. Bài kinh Từ bi (Karaṇīya mettā Sutta) và bài kinh Hạnh phúc (Maṅgala Sutta) hẳn sẽ mang lại nhiều lợi lạc.
Nếu không được vậy, hãy giữ yên lặng. Những thành viên trong gia đình, ngay cả khi họ không phải thiền sinh, cũng sẽ cảm nhận được thế nào là thiền. Họ sẽ biết rằng một thiền sinh Vipassana sắp lìa đời, và họ nên tránh tạo ra một không khí buồn thảm hay sầu đau có thể làm người sắp ra đi nhuốm thêm ưu phiền. Mọi người phải hết sức cẩn thận.
Câu hỏi
Nếu người sắp mất không phải là thiền sinh, ta có thể đơn phương đưa ra lời khuyên Chánh pháp khi người này trong quá khứ đã không quan tâm đến Chánh pháp hay không?
Trả lời
Không nên. Nếu người ấy vẫn không có chút niềm tin nào đối với Chánh Pháp mà quý vị đưa ra lời khuyên, người ấy có thể phát sinh phản ứng tiêu cực – “Những người này đang nói cái quái gì vậy?” - và việc này sẽ rất có hại. Đó là lý do vì sao ngay cả trong các khóa tu, chúng ta không giảng pháp trừ phi có người thỉnh cầu. Chánh pháp chỉ có thể trao cho những ai sẵn sàng tiếp nhận mà thôi. Nếu người ấy chưa sẵn sàng tiếp nhận, có nghĩa là người ấy không thỉnh cầu Chánh pháp và do vậy ta đang áp đặt. Vào lúc hấp hối, nếu quý vị cố áp đặt điều gì, những tiêu cực sẽ phát sinh trong tâm người ấy, như vậy là quý vị đang bắt đầu làm hại họ. Tuy nhiên, nếu quý vị cảm thấy người ấy có ý hướng tích cực hướng đến Chánh pháp, dù họ chưa từng tham gia khóa thiền, và họ có thể trân trọng những gì quý vị nói thì quý vị có thể chia sẻ đôi điều về Chánh Pháp.
Hỏi
Một thiền sinh Vipassana có thể giúp được bạn bè và người thân sắp mất không?
63
Nghệ thuật chết
Trả lời
Nếu người sắp mất là một thiền sinh Vipassana, thì những thiền sinh khác có thể ngồi cạnh và hành thiền Vipassana. Điều này giúp làm cho bầu không khí có thêm những rung động tinh khiết mang tình yêu thương, lòng từ đến cho người bạn hay thân nhân này. Như vậy giúp cho người này giữ được tâm thanh tịnh lúc lâm chung. Điều này đã được chứng kiến nhiều lần. Cho dù người sắp ra đi không phải là một thiền sinh Vipassana, việc hành thiền vẫn giúp cho bầu không khí quanh người ấy được tinh khiết hơn, nhưng rõ ràng là sẽ không được hiệu quả như đối với một thiền sinh.
64
Jātipi dukkhā,
jarāpi dukkhā,
byādhipi dukkho,
maraṇampi dukkhaṃ,
appiyehi sampayogo dukkho,
piyehi vippayogo dukkho,
yampicchaṃ na labhati tampi dukkhaṃ,
saṇkhittena pañcupādānakkhandhā dukkhā.
- Dhammacakkappavattana Sutta,
Saṃyutta Nikāya 5.1081
Sinh là khổ.
Già là khổ.
Bệnh là khổ.
Chết là khổ.
Nhận chịu cảm thọ khó chịu là khổ.
Mất đi cảm thọ dễ chịu là khổ.
Không đạt được điều mong cầu là khổ.
Tóm lại, năm uẩn bám chấp là khổ.
- Kinh Chuyển Pháp Luân,
Tương Ưng Bộ Kinh, 5.1081
65
Susan Babbitt
66
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
Susan Babbitt là giáo sư tại Đại học Queen ở thành phố Kingston, Ontario, Canada từ năm 1990. Cô tham dự khóa thiền Vipassana đầu tiên vào năm 2004 và từ đó đến nay đã phục vụ một khóa tu 10 ngày, hoàn thành một khóa tu 20 ngày. Cuộc phỏng vấn đầu tiên [dưới đây] diễn ra vào năm 2006 và lần thứ hai vào năm 2007. Susan vẫn tiếp tục giảng dạy ở Đại học Queen, thiền tập hằng ngày và đã dừng được căn bệnh ung thư từ năm 2013.
Bà Virginia: Cô có thể cho biết làm thế nào cô biết đến Vipassana và khóa tu đầu tiên của cô như thế nào?
Cô Susan: Tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạng cấp tính vào tháng Tám năm 2003. Cho đến thời điểm đó, cả đời tôi chưa bao giờ bệnh tật hay phải dùng thuốc men gì. Tôi thậm chí là chưa từng bị cảm cúm. Kết quả chẩn đoán ung thư là một đòn tấn công tàn khốc vào nhận thức của tôi về chính bản thân mình: Tôi là ai? Đột nhiên, tôi trở thành một người bệnh nghiêm trọng. Tôi tìm mọi cách để vượt qua kinh nghiệm này. Ban đầu, có người giới thiệu với tôi một phương pháp gọi là “hướng tâm quán tưởng”. Đây là một dạng tưởng tượng những suy nghĩ tích cực. Tôi đã cố gắng thực hành trong nhiều tháng như một cách để trốn chạy nỗi sợ hãi về những gì đang diễn ra. Tôi đã sử dụng các băng ghi âm hướng dẫn.
Sau đó, Maureen, một người bạn tôi cũng mắc bệnh ung thư và có tiến triển tốt sau điều trị, nhưng đã qua đời. Tôi đột nhiên hiểu ra rằng, cách duy nhất để tôi có thể chung sống với ung thư là chấp nhận sự thật: sống hay chết hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của tôi. Nhiều người đã nói với tôi: “Điều này sẽ không xảy ra với cô đâu! Trường hợp của cô thì khác.”
67
Nghệ thuật chết
Nhưng tôi không thể thấy được khác biệt giữa tôi và Maureen như họ nói. Tôi biết rằng những gì đã xảy ra cho cô ấy cũng có thể xảy đến cho tôi. Phương pháp “suy nghĩ tích cực” làm người ta tin rằng mình có một phần khả năng kiểm soát, và tất nhiên ta quả thật có kiểm soát được một phần nào đó, nhưng kết quả cuối cùng không nằm trong sự kiểm soát của ta.
Tôi thấy rõ rằng tôi phải có khả năng nhìn thẳng vào những gì xảy ra cho tôi như nó vốn là như vậy, để chấp nhận rằng cái chết là điều thực sự có thể xảy ra. Tôi quyết định phải có khả năng chờ đón tình huống xấu nhất và chung sống với nó. Nghĩa là, tôi phải sống với ý thức rõ ràng về những gì rất có thể xảy đến với tôi. Về mặt thực tiễn, dường như đây là điều hợp lý nhất. Lúc đó, tôi chưa biết gì về thiền hay Vipassana. Tôi từng đọc đâu đó, trong những sách về ung thư, nói rằng thiền là một phương pháp tốt mà những bệnh nhân ung thư nên học. Nhưng tôi không biết cách thiền như thế nào và khi tôi thử làm thì thất bại.
Không lâu sau cái chết của Maureen, các bác sĩ đề nghị tôi tiến hành hóa trị, điều mà tôi không mong đợi. Tôi ghét cái ý tưởng hóa trị này. Tôi đã từng phải phẫu thuật chân rồi sau đó xạ trị. Những điều này tôi có thể chịu đựng được, nhưng mọi thứ về hóa trị thật khủng khiếp với tôi, cứ nghĩ đến việc tôi sẽ lâm bệnh, rằng dáng vẻ tôi trông bệnh hoạn, rằng mọi người đều sẽ thấy biết tôi bị bệnh, rằng việc này sẽ kéo dài từ tháng Ba đến tháng Tám, trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 2004, 5 tháng dài... Tôi giận dữ và tức tối, tự nhủ: “Làm sao mình có thể qua được 5 tháng này chứ?”
Tôi thực không muốn trải qua những tháng trị liệu này với tâm trạng giận dữ và tức tối như thế, nên tôi đã đến gặp một nhân viên xã hội tại Trung tâm Ung bướu Khu vực Kingston và hỏi: “Cô có giải pháp gì cho tôi không?” Cô ta đưa tôi một quyển sách về Phật giáo và tôi bắt đầu đọc. Sách nói về lòng bi mẫn và tâm từ, nhưng sau khi đọc khoảng bốn chương tôi mang sách đến trả lại. Tôi hỏi: “Về mặt thực tiễn, những điều
68
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
này làm sao giúp tôi vượt qua 5 tháng hóa trị?” Tôi thất vọng vì không có một hướng dẫn thiết thực nào.
Song tôi vẫn nghĩ về thiền và sực nhớ đến khóa thiền Vipassana mà tôi từng được nghe qua. Tôi nghĩ, đúng rồi, nếu tôi muốn học cách thiền, có lẽ tôi cũng phải học cho đến nơi đến chốn; ta chỉ có thể học thiền bằng cách thực hành thôi.
Tôi tìm được một mẫu đơn và ghi danh vào khóa tu. Tôi không biết gì về khóa tu, ngoại trừ việc đó là khóa dạy thiền. Thế rồi, tôi tự cam kết dành ra 10 ngày, từ ngày 24 tháng Ba đến ngày 4 tháng Tư năm 2004, bắt đầu chỉ vài ngày sau đợt hóa trị đầu tiên.
Khóa tu đã cực kỳ khó khăn đối với tôi, và trong 3 ngày đầu tiên, tôi tự hỏi mình đang làm gì ở đây. Vào ngày thứ 4, khi Vipassana được giảng dạy, tôi bắt đầu có hứng thú hơn. Vào lúc Maureen qua đời, bằng cách nào đó tôi đã hiểu được rằng tôi cần có khả năng nhìn thẳng vào mọi sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu, có khả năng nhìn vào thực tiễn cái chết có thể đến và phải sống đối diện với nó. Tôi đã không còn muốn tô điểm cho mọi thứ có vẻ tốt đẹp hơn bản chất của chúng – cứ mãi hy vọng viển vông về những tin tốt lành, cứ mãi lo sợ về tin xấu. Khi ấy tôi đã quyết định rằng tôi không thể sống theo cách luôn tìm kiếm những phương cách để tách mình ra khỏi những người xấu số.
Với bệnh ung thư, ít nhất là với loại ung thư tôi mắc phải, không thể nào trở lại với cuộc sống như trước. Bạn phải đi chụp CT mỗi vài tháng và mỗi lần như vậy đều thực sự có khả năng nhận được tin xấu. Tôi không muốn đánh mất cuộc đời mình trong nỗi sợ hãi. Tôi hiểu rằng nếu tôi không đối diện và chấp nhận thực tế cái chết có thể đến, thì nỗi sợ sẽ luôn lẩn khuất quanh tôi, sẵn sàng để hạ gục và làm tôi kiệt sức bất kỳ khi nào có những chỉ dấu rằng mọi việc không diễn ra như tôi mong muốn. Tôi quyết định phải có khả năng đối diện với thực tại của mình và chấp nhận nó như vốn là như vậy, để sống chung với nó.
69
Nghệ thuật chết
Vì vậy, tôi ngạc nhiên khi biết rằng Vipassana chính xác là sự thực hành quan sát thực tại của bạn như chính nó đang hiện hữu, chứ không phải theo như bạn mong muốn. Đó là sự quan sát toàn bộ kinh nghiệm thân và tâm của bạn từ giờ này sang giờ khác một cách có hệ thống. Nhờ đó bạn sẽ đạt được một hiểu biết thực nghiệm ngày càng gia tăng về bản chất đích thực sự hiện hữu của mình, xét đến cùng là không thường tồn. Không có chuyện biến xấu thành tốt như quá nhiều người dường như cố làm với bệnh tật và cái chết. Thay vào đó, bạn nhìn sự vật theo đúng cách thức chúng đang hiện hữu, chính là cách thức [vận hành] của toàn thể vũ trụ: không ngừng thay đổi. Và khi bạn đạt được sự tỉnh giác như thế, vốn nhất thiết phải được thể nghiệm, nghĩa là một sự tỉnh giác được cảm nhận, thì thật vô nghĩa khi đồng hóa bản thân mình với điều tốt hay điều xấu để rồi trở nên suy sụp bởi hy vọng quá độ hay lo sợ không cùng.
Thật kỳ lạ là bằng cách nào đó, qua trực giác, tôi nhận ra rằng tôi không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi bệnh tật và cái chết, trừ phi tôi có thể nhìn sự trải nghiệm căn bệnh ung thư của mình theo cách tồi tệ nhất có thể có và sống được với điều đó. Tôi không có ý là chỉ để chịu đựng căn bệnh, mà là để sống đối mặt với thực tại đó, với sự tỉnh giác hoàn toàn về bản chất tạm bợ trong sự hiện hữu của tôi, thậm chí nhìn thấy được vẻ đẹp của bản chất huyền bí không ngừng thay đổi đó.
Tôi học được từ khóa thiền Vipassana rằng đây là những gì đức Phật đã giảng dạy, không phải một tín ngưỡng, mà là một phương pháp thực tiễn để luyện tâm, nuôi dưỡng sự tự do thoát khỏi những mong đợi bao trùm, vốn dẫn dắt ta đến chỗ nghĩ rằng cuộc sống luôn phải diễn ra theo một cách nào đó – những mong đợi làm ta khổ đau khi không đạt được, mà sự không đạt được đó gần như là chắc chắn.
Dĩ nhiên tôi vẫn còn giận tức về căn bệnh ung thư vì lẽ ra không nên xảy đến với tôi. Thế mà nó đã xảy ra, và tôi biết rằng tôi không thể xua đuổi nó đi. Tôi cũng biết rằng tôi phải thoát ra khỏi tầm kiểm soát của những mong đợi vô căn cứ, rằng cuộc sống của tôi phải như thế nào, và dấn bước với sự tỉnh giác
70
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
hoàn toàn. Tôi khám phá ra rằng, sự thực hành đơn giản chú tâm vào thực tại hiện hữu của chính cơ thể mình và ý thức rõ về bản chất của nó – một ý tưởng quá đơn giản - chính là phương tiện tôi cần đến để trải qua hóa trị và nhiều thứ khác nữa.
Một điều cụ thể tôi học được từ khóa tu đầu tiên đã thật sự lôi cuốn tôi trong thực hành Vipassana là phương pháp này hoàn toàn thiết thực. Tôi không nhất thiết phải tin vào bất kỳ thực thể hay sức mạnh vô hình nào, không phụ thuộc vào bất kỳ ai hay bất kỳ thứ điều gì bên ngoài chính tôi: không có biểu tượng, không trang phục đặc biệt, không nghi lễ hoặc nghi thức. Vipassana là một công cụ thiết thực để rèn luyện tâm. Tôi ý thức rõ mình đã phí biết bao thời gian trong đời khi buông thả tâm không kiểm soát, lang thang đi nơi khác, sống lại những hồi ức xưa hay quẩn quanh vô ích trong cùng những bất ổn và những nỗi lo sợ cũ. Vipassana dạy cách kiểm soát tâm thức để chúng ta có thể sống trọn vẹn trong thế giới này như nó đang hiện hữu, thay vì mãi mãi trốn chạy vào vọng tưởng hay bực tức.
Như thế, Vipassana đã giúp tôi vượt qua giai đoạn hóa trị khủng khiếp cùng với những hệ quả của nó. Tôi không phải cố gắng nhìn việc hóa trị như một điều tốt đẹp. Kỳ thực, tôi thấy kinh nghiệm hóa trị đó là không thể chấp nhận. Nhưng tôi cũng có thể nhìn nó một cách khách quan trong chừng mực nào đó và nói: “Đây là những gì đang xảy ra trong hiện tại.” Tôi đã chấp nhận nó như là thực tại của tôi vào lúc đó, như nó vốn là như vậy, và sẽ khởi đầu lại từ chỗ đó mà không hối tiếc hay thất vọng.
Sau khi xong đợt điều trị, tôi tham dự khóa tu Vipassana thứ hai vào cuối năm 2004. Mặc dù lúc đó không phải đối đầu với ung thư, tôi cũng có nhiều thứ khác phải lo liệu. Khóa thứ hai này hầu như khó khăn hơn khóa đầu tiên, ngoại trừ việc lần này tôi hiểu được tại sao tôi làm những gì đang làm. Khóa này có nhiều đau đớn về thể chất. Tôi không cần tham vấn với thiền sư vì tôi biết tôi cần phải làm gì và tôi cũng biết điều mà thiền sư sẽ nói với tôi. Tôi chỉ nhìn vào cơn đau hết lần này đến lần khác và thực hành sự bình tâm.
71
Nghệ thuật chết
Vào cuối khóa, thiền sư gọi tôi ra nói chuyện và bảo: “Cô đã hành trì đến cùng, chấp nhận thực tại với sự tỉnh giác; đó là tất cả những gì cô có thể làm. Nhiệm vụ của cô là hãy luôn tỉnh giác, ngay cả khi phải kinh nghiệm những điều không dễ chịu.”
Khóa tu đó thật quan trọng vì tôi nhận ra mình có rất nhiều việc khác phải đương đầu bên cạnh căn bệnh ung thư. Ung thư chỉ là một chuyện trong đời tôi và thậm chí có lẽ không phải là nguyên nhân quan trọng nhất của những điều tiêu cực, vì vậy tôi có động lực để tiếp tục tu tập.
Bà Virginia: Chuyện gì đã xảy ra sau khóa tu thứ hai của cô?
Cô Susan: Đến mùa hè năm 2005, cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường. Tôi đã sử dụng lại được đôi chân mình và hoàn toàn trở lại với công việc. Tôi đang chuẩn bị nghỉ phép thì vào tháng Chín, chân tôi bị liệt trở lại. Vào ngày 1 tháng Mười, khi kỳ nghỉ phép ba tháng của tôi thực sự bắt đầu, tôi nhận thấy một khối u khác trên chân. Tôi biết đó là ung thư tái phát, thậm chí trước cả khi các bác sĩ biết được. Cả tháng Mười ấy đã cực kỳ khó khăn vì tôi biết là ung thư tái phát nhưng không biết nó có di căn đến đâu không. Hơn nữa, các bác sĩ đã không xác nhận việc ung thư tái phát và tôi thực sự không thể nói với mọi người về việc này. Phải chờ đến ngày 28 tháng Mười họ mới có thể chụp CT để xem liệu ung thư có di căn hay không.
Bốn tuần đó thật là địa ngục! Tôi biết ung thư tái phát nhưng không biết sự lan rộng của nó. Tôi sắp phải trải qua toàn bộ mọi việc một lần nữa. Công việc của tôi sẽ một lần nữa bị gián đoạn và tôi chắc rằng lần này tôi có thể bị mất đôi chân. Bạn làm gì với tất cả những ý nghĩ này? Tất cả những gì bạn có là tâm thức của bạn và nỗi sợ cứ ám ảnh không thôi. Bạn đi đâu để trốn chạy tâm mình? Tôi nghĩ, nếu tôi không học thiền chắc tôi điên lên mất. Tôi có thể dễ dàng ngã vào hố sâu tuyệt vọng và không ai có thể chê trách tôi, bởi điều đó hoàn toàn hợp lý.
Thay vì vậy, tôi thường ngồi xuống giữa những cảm xúc mạnh mẽ đang làm suy sụp mình, tập trung tâm ý và kiên nhẫn
72
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
quan sát những cảm giác, đôi khi gần trọn đêm, và cuối cùng những nỗi sợ mất đi ảnh hưởng của chúng. Tôi nhận ra rằng tôi có thể sống chung với những nỗi sợ và buồn đau, giống như nhìn thẳng vào bóng tối, và cuối cùng cảm thấy chút bình an, biết rằng sự việc phải như vậy, ít ra là vào lúc này. Tôi thực sự thu xếp để làm được một việc gì có ích vào tháng đó. Tôi giúp mẹ chuẩn bị cho chuyến đi Ireland của bà và tôi đã làm được những việc khác mà tôi cần phải làm, tương đối một cách bình thường.
Tôi tìm cách để suy ngẫm về cái chết có thể đến. Ai đó đưa cho tôi quyển sách của một vị sư Phật giáo người Việt. Những tư tưởng về sống chết của ông có ý nghĩa đối với tôi, chỉ ra rằng chúng ta như những con sóng trong biển cả. Những con sóng dâng trào và biến mất nhưng biển vẫn còn đó. Mỗi người đều có quyền sống cuộc đời như một con sóng, nhưng chúng ta cũng cần sống cuộc đời mình như nước. Cuộc sống không mất đi, nó chỉ thay đổi dạng thức, giống như nước trong đại dương, không ngừng lưu chuyển. Tôi cũng đọc nhà thơ Rumi, người Ba Tư, nói lên nhiều điều tốt đẹp về sự chấp nhận. Tuy nhiên, khi gần đến ngày 28 tháng 10, tôi thấy rằng tất cả những tư tưởng tốt đẹp kia không làm được gì để xoa dịu nỗi lo sợ rằng chụp CT có thể cho tôi biết ung thư đã di căn.
Thế là vào ngày đó, khi sẵn sàng cho buổi hẹn, tôi nhận ra mình quay lại hành thiền Vipassana, bằng cách thể nghiệm đơn thuần sự sinh diệt về mọi mặt giác quan trên toàn bộ cấu trúc thân thể. Trong Vipassana, bạn thể nghiệm, thông qua việc quan sát các cảm thọ, bản chất đích thật của mọi sự tồn tại – chuyển động, tạm thời, nhưng rất thực. Khi bạn kinh nghiệm thực tại của mình như thế, làm sao bạn còn có thể lo sợ? Vì khi bạn nhận thức bản thân mình như một phần cấu thành của hiện tượng tự nhiên lớn hơn không ngừng trải rộng, thì điều không chắc chắn không còn đe dọa hay quá đáng sợ nữa. Giờ đây nó được sẵn sàng đón nhận, không xa lạ, và vì vậy dễ dàng hơn để sống với nó. Tôi đã bình tĩnh khi đến bệnh viện và thậm chí còn
73
Nghệ thuật chết
nói chuyện với một sinh viên về luận văn của em ấy khi đang chờ chụp CT. Hóa ra hôm đó tôi nhận được tin tốt lành.
Thật quá đỗi ngạc nhiên khi nhận ra rằng trước đây tôi đã không nghĩ nhiều về khác biệt giữa sự hiểu biết bằng lý trí và hiểu biết qua kinh nghiệm. Tôi luôn cố tìm cách chuẩn bị đón nhận những tin chẳng lành bằng cách trang bị cho mình nhiều ý tưởng. Cuối cùng, tôi khám phá ra rằng, tất cả những ý tưởng hữu ích mà tôi đã thu thập chỉ cho tôi một số hiểu biết mang tính tri thức mà thôi, nhưng không giúp xoa dịu được nỗi sợ hãi. Sự hiểu biết bằng tri thức thường không phải là hiểu biết thực sự. Sau cùng, tôi phải trực nhận sự thật về sự sống và cái chết thông qua sự tỉnh giác với các cảm thọ trên thân. Chính sự tỉnh giác thực tiễn được cảm nhận này, chứ không phải những lý thuyết thuần tri thức, đã giúp tôi vượt qua khó khăn ngày hôm đó.
Bà Virginia: Nhận thức đó có giúp cô thêm tự tin trong tiến trình tu tập của mình hay không?
Cô Susan: Vâng, đúng vậy. Tôi nhận ra sai lầm của mình là cứ luôn tìm kiếm một sự hiểu biết mang tính lý thuyết về cái chết, và không một sự hiểu biết nào đơn thuần bằng lý trí về cái chết có thể giúp tôi đối diện với nó. Tất cả chúng ta biết rằng, về mặt lý thuyết, ta có thể chết bất kỳ lúc nào, nhưng ta không tin rằng sự thật này thực sự đúng với mình. Điều này rất trừu tượng. Chúng ta tin vậy, nhưng không cảm nhận được sự thật mà chúng ta tin. Vì vậy niềm tin này không đóng vai trò thực sự nào trong cách sống của chúng ta. Đó là một sự thật chẳng có gì quan trọng đối với cuộc đời ta. Thiền là sự thể nghiệm bản chất bất định của hiện hữu từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ giờ này sang giờ khác. Và thông qua sự thể nghiệm như thế, cái chết không còn là trừu tượng, vì thực thể của nó hiển hiện rõ ràng trong mỗi khoảnh khắc với chánh niệm.
Tôi đã bắt đầu xạ trị tại bệnh viện Princess Margaret ở Toronto. Tôi ở lại khu nội trú của bệnh viện khoảng 5 tuần, đi đến bệnh viện mỗi ngày 2 lần để làm xạ trị, rất đau đớn. Tôi
74
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
cảm giác mình không có chút cân bằng nào suốt khoảng thời gian này. Tôi rất đau đớn và không muốn xa nhà. Tôi cảm thấy thể chất mình suy nhược và mất hết hy vọng. Ta rất dễ rơi vào tuyệt vọng khi cảm thấy thể chất mình quá tồi tệ.
Vào lúc đó, tâm không mấy an ổn, nhưng tôi nhớ lời một trong những người hướng dẫn Vipassana đã nói với tôi: “Nếu bạn không duy trì được sự quân bình nơi tâm trí, chỉ cần nhận biết rõ là tâm trí bạn đang mất quân bình và rồi hãy tiếp tục hành trì.” Đây là một phần giáo huấn hết sức hiệu quả của Đức Phật. Sự thành tựu không đến ngay lập tức. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ, tôi vẫn có thể nhìn vào thực tại của tôi như nó thật là, nhận biết rõ bản chất rốt cuộc là vô thường của nó, và khởi sự trở lại ngay từ chỗ đó.
Ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và cứu lấy chân tôi đã kéo dài 13 tiếng đồng hồ và sự hồi phục rất khó khăn. Cuối cùng, tôi trở về nhà và bắt đầu vật lý trị liệu. Lúc này là tháng Tư năm 2006. Ung thư đã qua rồi, mùa xuân cũng đã đến và tôi đã bắt đầu đi đứng được trở lại. Nhưng chỉ một tuần sau khi xuất viện, họ báo rằng ung thư đã di căn vào trong phổi. Đây là một tin khủng khiếp vì khi ung thư đã di căn thì tiên lượng rất xấu. Họ nói tôi có 20 phần trăm cơ hội sống được 5 năm nữa, và tất nhiên là điều này quá khó chấp nhận.
Tôi bấn loạn vì điều này trong khoảng ba, bốn ngày và cũng như hồi tháng 10 năm 2005, tôi lại nhận ra rằng tôi phải nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi và sự thất vọng, rồi chờ đợi. Một lần nữa, tôi rất biết ơn vì có được một phương pháp để đương đầu với tình huống này, để đối diện với tâm tôi và sự vây hãm của sợ hãi. Người khác sẽ cố gắng giúp đỡ trong những trường hợp như thế này nhưng cuối cùng bạn cũng bị bỏ lại với tâm của bạn. Bạn cô đơn trong sự bấp bênh và thống khổ. Tôi thường ngồi thiền giờ này qua giờ khác và cuối cùng tôi thấy mình có thể bình yên với nỗi khổ. Tôi có thể nói về khả năng mình sắp chết và thậm chí đùa cợt về điều đó, thật đáng kinh ngạc.
75
Nghệ thuật chết
Khi tôi chấp nhận được tình huống, tôi nhận ra rằng cái khó chấp nhận của ý nghĩ về cái chết không phải ở chỗ tôi sẽ chết sớm, ở tuổi 53 thay vì là 83 như tôi luôn mong muốn, mà là ở chỗ thế nào tôi cũng phải chết. Không phải việc chết sớm là khó chấp nhận, mà chính là tự thân cái chết. Tôi nhận ra chính cái chết mới là điều tôi nghĩ sẽ không bao giờ xảy ra với tôi, chứ không phải chuyện chết sớm hay chết vì ung thư.
Một trong những tư tưởng mà tôi đã dựa vào để cố chấp nhận cái chết là điều Albert Einstein từng nói: “Chúng ta sợ chết vì chúng ta bám vào ý tưởng ta là cá biệt, nhưng nếu ta có thể thấy được mình là một phần trong sự hiển bày của vũ trụ, tuyệt vời trong sự phức hợp và huyền bí của nó, chúng ta sẽ không quá sợ hãi.” Đây là điều mà thiền tập cho phép tôi thực hiện bằng trải nghiệm, để thấu hiểu chính tôi như một phần trong sự hiển bày của vũ trụ, tuyệt vời trong sự huyền bí của nó. Điều mà chúng ta làm khi thiền tập là trải nghiệm, giờ này qua giờ khác, sự sinh và diệt, sự vô thường, của tất cả cảm giác trên thân. Thực tại của tôi, toàn bộ cấu trúc thân tâm, là vô thường, biến chuyển không ngừng từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, giống hệt như toàn thể vũ trụ. Mọi thứ tôi thuộc về cũng luôn thay đổi, từng khoảnh khắc, và hơn nữa nhờ vậy mà tuyệt vời. Vào cuối đời, Einstein nói rằng cái chết phải được tiếp cận một cách trang trọng. Đó là, không sợ hãi cái mà ta không thể trốn chạy. Bản chất sự hiện hữu của chúng ta là, mỗi chúng ta là một phần cấu thành trong sự hiển bày mầu nhiệm của vũ trụ.
Chính nhờ thông qua thực hành thiền tôi nhận ra rằng tôi có thể thể nghiệm bản thân như một phần trong sự hiển bày huyền bí và phức hợp của vũ trụ. Bây giờ tôi nghĩ rằng cái chết sẽ không quá khó khăn nếu tôi duy trì sự tỉnh giác liên tục về bản chất biến đổi không ngừng của toàn bộ cấu trúc thân tâm. Điều này phải được luyện tập. Thomas Merton nói: “Yên lặng là sự chế ngự cái chết.” Ông ta có ý chỉ sự tĩnh tâm. Yên lặng là sự chế ngự cái chết, bởi vì chính khi tâm bạn yên lặng thì bạn có
76
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
thể nhận biết rõ bản chất sự tồn tại của mình. Trong những lúc đó, nỗi sợ hãi mất đi ảnh hưởng của nó.
Bà Virginia: Cô có thời gian còn lại trong đời mình, nhưng cô không biết là bao lâu; cô có mục tiêu đi dạy lại như một triết gia. Sự giảng dạy của cô đối với sinh viên có từng thay đổi theo như kinh nghiệm bản thân cô hay không?
Cô Susan: Truyền thống triết học mà chúng tôi giảng dạy trong các trường đại học ở Canada và Mỹ không đặt nặng tầm quan trọng của sự hiểu biết qua kinh nghiệm. Không phải không có những triết gia bàn luận về vấn đề này, nhưng về cơ bản chúng tôi giảng dạy cách phân tích, phân biệt các khái niệm, định nghĩa rõ ràng các thuật ngữ, lập luận và biện bác các luận cứ. Nếu khái niệm về hiểu biết qua kinh nghiệm có tồn tại trong các truyền thống triết học phương Tây thì nó cũng không quan trọng. Tôi muốn dùng hai môn học tôi đang dạy để giúp sinh viên thấy được tầm quan trọng của sự hiểu biết qua kinh nghiệm.
Thomas Merton nói rằng khảo nghiệm lớn nhất đối với sự tự do của chúng ta là cái chết. Tất cả chúng ta đều sẽ chết vào một lúc nào đó, nhưng lối tiếp cận mà chúng ta dùng để hướng đến cái chết có thể biến cái chết thành một sự lựa chọn cho sự sống, không phải cho cái chết. Tôi sẽ không bao giờ thấy vui về cái chết của mình, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy tự tại trong lúc không vui ấy. Tôi có thể tự do nhìn vào sự không vui ấy và chấp nhận nó, an ổn với nó.
Bây giờ, tôi đang trong tình trạng cố gắng sống cuộc đời mình với cái chết đe dọa mỗi ngày. Tôi thức dậy với thực tế là cuộc đời tôi có thể kết thúc rất sớm và tôi đã nhận ra là tôi có thể sống với điều này nếu tôi có thể duy trì sự tỉnh giác về bản chất sự hiện hữu của tôi. Tôi có thể sống không sợ hãi nếu tôi không hoàn toàn chỉ dựa vào sự hiểu biết lý trí mà dựa trên sự trải nghiệm, trên sự thật được cảm nhận.
Vì vậy, tôi muốn thách thức sinh viên của tôi suy nghĩ về tự do cùng với những gì tự do đòi hỏi, và làm cho các em thấy
77
Nghệ thuật chết
rằng chúng cũng nhất thiết phải tìm cầu loại trí tuệ là kết quả từ kinh nghiệm sống. Triết học là cái học yêu quý trí tuệ. Đó là ý nghĩa của từ “triết học”. Nhưng phải là trí tuệ có được từ kinh nghiệm. Tôi e rằng những gì chúng ta đang dạy thậm chí không phải triết học. Đó không phải là dạy về trí tuệ. Chúng ta không dạy người ta sống, kinh nghiệm sự thực cuộc sống của họ. Thay vì vậy, chúng ta dạy họ quan sát chính đời sống của họ và để hài lòng với khả năng kể một câu chuyện hay, một câu chuyện khôn ngoan, nhất quán một cách hợp lý về họ là ai và họ đã làm được những gì. Tôi muốn yêu cầu sinh viên suy nghĩ tại sao các nguồn tri thức của chúng ta lại thường vô ích để hiểu được những điều như cái chết, vốn cũng là hiểu về sự hiện hữu và được tự do có ý nghĩa gì.
Cuộc phỏng vấn tiếp theo, tháng Mười Hai năm 2007
Bà Virginia: Lần cuối chúng ta nói chuyện là cuối mùa xuân năm 2006. Năm đó cô đã phải phẫu thuật tiếp theo và rồi thêm nữa vào năm 2007. Làm thế nào cô có thể vượt qua những điều đó và trở lại giảng dạy – và điều gì đã xảy ra sau đó?
Cô Susan: Vào tháng Tư năm 2006, tôi biết rằng ung thư đã lan rộng và tiên lượng bệnh của tôi rất xấu, nhưng các bác sĩ không nói với tôi rằng căn bệnh không thể chữa trị được nữa. Trong một trường hợp bướu thịt, họ điều trị di căn phổi một cách tích cực bằng phẫu thuật, và một số trường hợp quả thật có sống sót. Tuy nhiên, bác sĩ nói rằng cơ hội của tôi rất mong manh. Họ thực hiện ca phẫu thuật phổi đầu tiên cho tôi vào tháng Năm năm 2006 và đã loại bỏ 7 khối u ác tính. Rồi gần như ngay sau đó, vào tháng Sáu, có thêm các bướu nhỏ xuất hiện trong hình chụp CT. Họ không đề nghị mổ lần nữa vào mùa hè đó, nên tôi trở lại với việc giảng dạy vào mùa thu.
Tôi hạnh phúc với việc trở lại giảng dạy, mặc dù tôi ý thức rõ bệnh tình của mình. Gần đây, một người bạn và là đồng
78
Chỉ khoảnh khắc hiện tại
nghiệp hỏi tôi tại sao tôi muốn đi dạy trở lại, dù biết rằng cuộc đời tôi rất có thể kết thúc sớm. Tôi nói với cô ta là thật ra có một khoảng thời gian vào mùa hè năm 2006, tôi đã nghĩ có lẽ tôi nên làm gì đó đặc biệt cho phần đời còn lại ngắn ngủi của tôi bây giờ – có thể là đi du lịch đến một vài chỗ mới lạ hoặc viết một quyển sách quan trọng nào đó. Nhưng rồi tôi ngẫm lại và thấy ý tưởng này thật buồn cười.
Tôi không hối tiếc khi mất đi cuộc đời mình vì những điều lẽ ra tôi đã làm hay đạt được, hay phải chi tôi đã sống. Tôi hối tiếc khi mất đi cuộc đời bởi chính cuộc đời ấy, với kinh nghiệm trong từng khoảnh khắc của nó.
Có lần tôi nghĩ thật thú vị trước câu hỏi tôi sẽ làm gì nếu biết mình chỉ còn một vài tháng để sống. Nhưng khi tình huống đó thực sự xảy ra, đó không còn là câu hỏi nữa: Tất cả những gì tôi muốn làm là những điều bình thường hằng ngày mà tôi vẫn luôn làm. Tôi không thể nói rằng tôi đi đến kết luận này vì thực hành thiền Vipassana, bởi tôi biết những bệnh nhân ung thư khác cũng có cùng kết luận này dù không hành thiền. Thế nhưng tôi nghĩ, kết quả của việc thực hành Vipassana là sự thật này quá dễ dàng để chấp nhận và áp dụng cho những gì còn lại của đời tôi. Và tôi chắc chắn rằng nhờ Vipassana mà không có gì để buồn phiền về tình trạng này. Có điều gì đó cuốn hút trong ý tưởng rằng cái chết phải đầy kịch tính, và phải làm hay nói ra điều gì đó trọng đại để đánh dấu biến cố này, như thể để nhấn mạnh “ý nghĩa” của nó. Thế nhưng tất cả những gì tôi muốn cho quãng đời còn lại rất đỗi thường tình của tôi là sự tỉnh giác hoàn toàn trong tĩnh lặng về các khía cạnh tầm thường nhất của cuộc sống – không thêm thắt những trò vui hay kích động và chắc chắn là không có những màn cường điệu hay ướt át. Những cái bình thường chính là kỳ diệu hơn cả khi cái chết đến gần. Đây là sự thật tôi đã kinh nghiệm qua công phu thực hành Vipassana.
Vậy là tôi trở lại giảng dạy và thấy dễ dàng chưa từng có. Tôi đang làm những gì tôi phải làm, những gì tôi vẫn luôn làm,
79
Nghệ thuật chết
và những gì tôi tin tưởng, nhưng tôi không còn quan ngại về tầm quan trọng của nó nữa. Nói vậy không có ý là nó không quan trọng. Những gì tôi đang làm và giảng dạy là quan trọng và có ý nghĩa đối với tôi, như từ trước đến nay vẫn vậy, nhưng tôi không còn xem việc nó có ý nghĩa và quan trọng là điều quan trọng nữa. Điều này có nghĩa là tôi thấy rằng tôi đang sống mà không cần để ý cách mình sống, không cần thêu dệt trong đầu những chuyện tôi phải sống thế nào và tại sao. Bằng cách nào đó, mối quan hệ giữa tôi với sinh viên trở nên dễ dàng hơn và thẳng thắn hơn.
Tôi kết thúc học kỳ mùa thu và có thêm những cuộc phẫu thuật vào mùa đông năm 2006-2007. Đây là một quãng thời gian khó khăn vì một trong những tiến trình phẫu thuật bị sai lệch và kết quả là tôi đau đớn kinh niên và đi lại khó hơn. Nhưng đến mùa thu, tôi trở lại giảng dạy, một lần nữa tự hỏi liệu tôi có qua nổi học kỳ này không.
Sau đó, vào giữa tháng Mười vừa rồi, gần như ngay sau khi tôi được thông báo bởi bác sĩ điều trị ung thư là mọi thứ đã ổn, thì tôi nhận được tin mới là có một khối u lớn gần tim. Tin tức đến từ một báo cáo X-quang. Họ đã bỏ sót nó trong 2 lần chụp trước. Một vài tuần sau đó, các bác sĩ báo với tôi rằng khối u không thể giải phẩu được, nhưng họ có thể thử một phương pháp hóa trị nào đó. Tuy nhiên, chỉ có thể giảm nhẹ thôi, nghĩa là tạm thời ngăn chặn các triệu chứng và có thể cho tôi thêm thời gian. Đó là tin tức tôi nhận được vào đầu tháng Mười Một năm 2007.
Bà Virginia: Khi bác sĩ nói với cô là chỉ có thể điều trị giảm nhẹ thôi, cô cảm thấy gì? Những mong đợi của cô là gì?
Cô Susan: Tôi đã nói chuyện với bác sĩ điều trị ung thư qua điện thoại vào chiều ngày 5 tháng Mười Một và ông ta bảo tôi rằng tôi có thể chỉ sống ba đến sáu tháng nữa nếu hóa trị không thành công – và không có nhiều khả năng nó sẽ thành công. Tôi ngạc nhiên là mình đã có thể đối thoại với bác sĩ một cách rất bình tĩnh. Tôi cố gắng thu thập càng nhiều thông tin như có
80