🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mười Hai Sứ Quân Ebooks Nhóm Zalo C Tựa uối thời kỳ Bắc thuộc lần thứ ba, Ngô Quyền ở Đường Lâm hưng binh rửa hận cho nhạc phụ là Dương Diên Nghệ, giết phản tướng Kiều Công Tiễn, thừa thắng nương vào sóng nước Bạch Đằng giang mà phá tan quân Nam Hán, mở ra cho “nước ta” thời đại tử chủ đầu tiên. Vận nước vừa mới sáng đã lại mờ, Ngô Vương ở ngôi chỉ được 6 năm, qua đời năm Giáp Thìn (944), để lại đằng sau Vương cả một thời đại hỗn loạn. Năm sau, Ất Tỵ (945), Giao Châu thực sự đại loạn. Khắp nơi giặc cướp nổi lên, cường hào chiêu mộ binh lính mạnh ai người ấy chiếm giữ một vùng. Lớn và mạnh hơn cả có mười hai nhân vật xưng hùng, sử gọi là “Mười Hai Sứ Quân”, trong số đó có cả Tướng cũ của Triều Ngô, và một “vị Vua” bỏ triều đình cùng với thiên hạ tranh hùng. Loạn Mười Hai Sứ kéo dài đến 23 năm mới cáo chung (Mậu Thìn, 968) với những trận đại thắng của “Động chúa Hoa Lư là Đinh Bộ Lĩnh”. Thời đại này, cách đây trên một nghìn ba mươi năm về trước, mờ mịt với những biến động hết sức khốc liệt, nhưng sử tích lại hết sức hiếm hoi coi như chẳng còn gì. Hai mươi ba năm đại loạn, Giao Châu mù mịt lầm than, các sứ quân tranh hùng xâu xé nhau, một thời gian khá dài mà ta chẳng thấy mối nguy phương Bắc nhòm ngó tới Giao Châu, ấy là một điều thật may mắn, vì đâu có cái may ấy, và cái may này sẽ bền được bao lâu? Ta cần nhìn qua tình hình phương Bắc. Sau khi họ Khúc (Thừa Mỹ) nhận chức Tiết Độ Sứ của nhà Lương, không thần phục nhà Nam Hán, thì năm Quý Mùi (923) Hán chúa sai Đại Tướng Lý Khắc Chính đem quân Nam phạt, bắt Khúc Thừa Mỹ, sai Lý Tiến giữ chức Thứ Sử Giao Châu, cuộc nội thuộc Bắc phương xem ra chưa có gì là vượt thoát được. Phải đợi đến chín năm sau, Tân Mão 931, tướng cũ của Khúc Hạo là Dương Diên Nghệ hưng binh đuổi Lý Tiến và Lý Khắc Chính; rồi đến Ngô Quyền phá Nam Hán năm Mậu Tuất 938, mới kết thúc được lần Bắc thuộc thứ ba. Sau khi Ngô Quyền lên ngôi, các biến động ở Giao Châu chưa phải là hết hẳn; ngược lại, mọi biến động càng xảy ra thật dồn dập, nhưng phương Bắc vẫn không điều binh đánh chiếm phương Nam nữa, ấy cũng bởi nước Tàu hồi ấy còn đang rối bời với loạn Thập quốc đời Ngũ Đại: Dương Hành Mật dựng nước Ngô; Vương Tiến dựng Tiền Thục; Tiền Cù dựng Ngô Việt; Mã Ân dựng Sở; Vương Trần Tri dựng mân; Lưu Ẩn dựng Nam Hán; Cao Bảo Dung dựng Nam Bình; Mạnh Tri Tường dựng Hậu Thục; Lưu Sùng dựng Bắc Hán. Mười nước đánh nhau liên miên, sau có Triệu Khuông Dẫn lật đổ được Đại Lương lập ra nhà Tống, lên ngôi báu xưng là Thái Tổ, ra tay quét sạch Thập Quốc thì nước Tàu mới dần dần tạm yên. Nhờ các biến động nội bộ khốc liệt, mà phương Bắc không nhòm ngó Giao Châu. Thời Giao Châu có loạn Mười Hai Sứ là thế! Giả sử, loạn Mười Hai Sứ ở Giao Châu tiếp tục kéo dài thêm nữa, không có “chàng mục đồng ở Động Hoa Lư” vốn mang trong người sẵn máu “anh hùng thủa nhỏ” đứng lên quét sạch, thì làm gì còn có việc Lý Nhân Tông sai hai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản mang binh đánh Tống (Ất Mão 1075) được nữa? Mười Hai Sứ tranh hùng, quả thật đã đưa Giao Châu vào cái thế nguy hiểm vô cùng, mà việc Bộ Lĩnh đứng lên tiêu diệt được cả cũng lại là một kỳ tích của Sử nước ta. Đinh Bộ Lĩnh mất cha từ nhỏ, lang thang trong đám mục đồng, lấy rong chơi làm lẽ sống, tại sao lại có được cái chí “khuất phục chúng anh hùng trong thiên hạ”, tại sao lại có được hành vi tráng liệt “phất cờ dựng nước”, một tay mục đồng tại sao lại có thể có được cái kho hùng tài thao lược ở trong lòng để mà ra binh dàn trận, tung hoành như ở chỗ không người giữa Mười Hai Sứ có đủ binh tướng cầm cự với nhau lâu đến như vậy được? Một trí óc mục tử, tại sao lại có thể thực hiện được lần đầu tiên trong lịch sử nước ta một “quốc gia” thực sự với những triều nghi triều chính? Đằng sau kỳ mục tử ấy, tất phải có người đại tài phù trợ. Nhìn lại lịch sử nước ta, ta thấy: bên cạnh một cánh tay kiệt hiệt giỏi nghề cầm gươm cưỡi ngựa, bao giờ cũng có ít ra là một “văn quan” giúp đỡ cho việc về “trí óc”. Có những cuộc phối hợp văn – võ vẹn toàn mới thành công, mới làm nên sự nghiệp. Với trường hợp Đinh Bộ Lĩnh cũng thế, không thể không có một “văn sĩ” bày mưu tính kế giúp cho Bộ Lĩnh thấy được cái thế của đất Giao Châu, nhìn rõ được vị trí của mỗi Sứ Quân, dàn xếp mọi việc tiến thoái, biến cải thiên nhiên sông núi cỏ cây trở thành nhân tố để tạo thành Thế, dựng thành Thời, đổi mọi hoàn cảnh không ghi dấu vết gì của con người ấy, kể cả dấu vết của Công Dự, ngưới chú tài trí hơn người của Đinh Bộ Lĩnh. Về Mười Hai Sứ Quân, giòng dõi vương giả thì có Ngô Xương Xí, Ngô Nhật Khánh, tướng cũ của triều Ngô có Đỗ Cảnh Thạc, phú hào thì như Trần Lãm, Phạm Phòng Át,... những người ấy cầm cự với nhau lâu như vậy ắt hẳn cũng có tướng tài giúp sức, mưu sĩ túc trí phụ trợ. Lịch sử cũng lại chẳng còn dấu vết gì của Mười Hai Sứ sinh hoạt ra sao, đánh nhau thế nào, rồi mỗi Sứ quân kết thúc ra sao, chính sử cũng không ghi chép chút nào. Lịch sử chỉ ghi thật vắn tắt: “… Lúc bấy giờ, trong nước có cả thảy mười hai Sứ Quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn hai mươi năm. Mười Hai Sứ Quân là: - Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều; - Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động Giang; - Trần Lãm, xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu; - Kiều Công Hãn, xưng là Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu; - Nguyễn Khoan, xưng là Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái; - Ngô Nhật Khánh, xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm; - Lý Khuê, xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại; - Nguyễn Thủ Tiệp, xưng là Nguyễn Lịch Công, giữ Tiên Du; - Lữ Đường, xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang; - Nguyễn Siêu, xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt; - Kiều Thuận, xưng là Kiều Lịch Công, giữ Hồi Hồ; - Phạm Bạch Hổ, xưng là Phạm Phòng Át giữ Đằng Châu”. Ngoài ra, không còn gì ghi trong chính Sử nói về Mười Hai Sứ này nữa. Vậy thì, bây giờ muốn lấy lịch sử để viết tiểu thuyết, vận dụng văn nghệ để làm cho văn hóa phải hiện lên rõ ràng, biết dựa vào đâu? Chúng tôi đã bỏ ra nhiều năm, trước hết là đi tìm một tấm bản đồ cũ, đem đối chiếu với các bản đồ hành chính, giao thông, chính trị, xã hội quân sự của thời Pháp thuộc, rồi lục tìm trong các cổ thư để lấy lại các tên cổ địa danh và giới hạn các vùng đất ấy, đinh lại trên bản đồ vị trí giang sơn của Mười Hai Sứ. Chúng tôi lại nhờ các cổ thư, như Đại Việt Sử Kí Toàn Thư (Ngoại Kì) của Ngô Sĩ Liên và các Sử thần đời Lê, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống Chi phần các tỉnh liên hệ đến thời Mười Hai Sứ, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sĩ, Quốc Hiệu Nước Ta của Bửu Cầm, Connaissance du VietNam của Pierre Huard et Maurice Durand, Tableau Chronologique des Dynasties của L.Cardiere, đặc biệt trong tài liệu của trường Viễn Đông Bác Cổ, các tài liệu nghiên cứ của Societe Des Etudes Indochinoises. Với các tài liệu ấy chúng tôi tìm lại được các tên cũ của địa lý, biết được khá nhiều về các chi tiết hoạt động cửa Mười Hai Sứ, như cái chết của Sứ quân Kiều Công Hãn, Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, việc Phạm Phòng Át đầu hàng, Ngô Nhật Khánh bại binh bị nhục khiến sau mới có việc Ngô Nhật Khánh đưa quân Chiêm về phục hận. Ngô Xương Xí tan rã... như thế nào. Các thành quách, hồ lạch, cầu đò, cùng một lúc được nghiên cứu đến mức cuối cùng của “khả năng có thể” của chúng tôi, cốt trình bày cho được sự sống động của những gì có thật. Khía cạnh địa lý nhân văn, khí hậu và các đặc tính hoạt động của từng địa phương (về khía cạnh nhân chủng học) cũng được theo dõi luôn luôn để cho sự thật không bị sai lạc, thể hiện được nét đặc biệt của địa phương. Các nguyên tắc về quan sát thiên văn hiện đại, được vận dụng phối hợp với quan niệm thiên thượng nhìn theo kinh nghiệm của tổ tiên ta, để giúp cho các nhân vật trong truyện có điều kiện dàn xếp lợi dụng các yếu tố thiên nhiên để vào cuộc tranh hùng nơi chiến địa. Trên lãnh vực Y học, các nguyên tắc căn bản của Bệnh Lý Y học hiện đại được trộn lẫn với các phương pháp định bệnh và chữa thuốc cổ truyền theo kinh nghiệm của tổ tiên ta. Một vài hình thức huyền bí Đông Phương chúng tôi cũng giữ lại cho phù hợp với tâm hồn và phép hành xử của người xưa... Dĩ nhiên là các sách về lịch sử chúng tôi cũng chú trọng rất nhiều, chú trọng để đối chiếu giữa các thời đại của nước ta với nước Tàu, mong tìm ra căn bản cho mọi biến động, với việc đối chiếu sử và tìm căn bản biến động này, chúng tôi không đồng ý với một vài Sử gia, đem cái quan điểm của mình mà biện giải biến động lịch sử xa xưa; chúng tôi cũng lại không đồng ý về điểm “Lịch sử lên xuống, hết trị tới loạn” của một vài người để giải quyết hiện tượng lịch sử. Chúng tôi nhận thấy: từ thời Hồng Bàng khởi đi (2879 - 258 trước Tây lịch), nước ta chưa bao giờ có được một khoảng thời gian thái bình lâu dài để mà nỗ lực tạo dựng cho mình “một cái gì riêng biệt”. Sự lập quốc của tổ tiên ta triền miên trong thế chống trả họa diệt vong từ phương Bắc đổ xuống, vài ba lần bị các lực lượng không phải Bắc phương tiến đánh, rồi cận đại lại phải liên tục chống trả Tây phương. Trong suốt chiều dài ấy, cuộc đấu tranh của dân tộc ta nhất định là phải hùng liệt vô cùng, những vẻ vang chiến thắng ngoại xâm đối với một dân tộc nhỏ bé và lận đận như dân tộc ta, thật chưa một nước nào trên thế giới có được! Như vậy thời lịch sử còn non trẻ ấy, việc Mười Hai sứ quân nổi lên, nên được xem là nguyên nhân và cơ hội để cho dân tộc ta bừng tỉnh, đứng dật lập quốc đúng với những đòi hỏi của một dân tộc còn đang ở chặng đầu dựng nước. Mười Hai Sứ tiêu biểu cho sự khắc khoải, ôm ấp giấc mộng độc lập của dân tộc ta, nhưng giấc mộng ấy mới chỉ tượng hình chứ chưa có hướng đi nhất định, và sự loanh quanh đã làm cho dân tộc ta lầm than một phần tư thế kỷ, sau mới tiến tới được cái thế hợp quy. Sự hợp quy này, chính là trọng điểm của lịch sử dân tộc, chỉ bao giờ nó thể hiện được thì lúc ấy dân tộc ta mới toàn thắng. Chiều dài lịch sử nước ta, vô cùng súc tích với những thăm trầm làm rung động lòng người. Ngày nay, chúng tôi viết Mười Hai Sứ không ngoài mục đích khơi động các nỗ lực hùng liệt của dân tộc. Chỉ khi nào mỗi người dân nước ta đều thuộc làu lịch sử, hiểu rõ được cuộc đấu tranh vĩ đại và liên tục của tổ tiên ta, dù chỉ được hiểu bằng tiểu thuyết, thì lúc ấy mới hi vọng đem được tinh thần yêu nước đánh lui được hết thảy mọi hiện tượng vong thân, nô lệ. Chúng tôi lấy văn nghệ để thể hiện văn hóa, đem lịch sử để dựng thành tiểu thuyết, cố gắng đưa sử tích vào các sự việc tưởng tượng, bám vào căn bẩn lịch sử để cho tiểu thuyết không thành hoang đường mị hóa. Như thế, thì cái “không có” vẫn chứa đựng “những cái có thật”, sự kê cứu lịch sử giúp chúng tôi có yếu tố để làm việc, đồng thời giúp chúng tôi vượt thoát những khó khăn đòi hỏi chỉ dành riêng cho các Sử gia. Ở đây, chúng tôi làm công việc viết tiểu thuyết trên căn bản của việc xưa, vì vậy cũng lại không thể đem văn mới mà thuật việc ngàn năm trước được. Ở khía cạnh ngôn ngữ học, chúng tôi không thể vận dụng đến danh từ, dụng từ địa phương để diễn đạt lời lẽ của mỗi nhân vật trong truyện, vì như thế e làm hỗn loạn tính chất đồng nhất của ngôn ngữ nước ta, làm khó cho người đọc tìm hiểu nghĩa. Chính nhà viết tiểu thuyết lịch sử Pháp Alexandre Dumas, cũng đã phải cố tránh điểm này, và ông nói: “Lấy kim văn để thuật cổ sự, là một điều chướng tai, nhưng chồng chất các tiếng cổ địa phương cũng lại làm người đọc vất vả chán nản...”. Tất cả những gì chúng tôi làm để viết Mười Hai Sứ Quân, là như vậy. Những khiếm khuyết chúng tôi hy vọng được lượng thứ. Vũ Ngọc Đĩnh —ooOoo— Mục Lục Tựa Mục Lục Hồi Thứ Nhất Kim Tinh Bắc Đẩu ở nơi phong cảnh kì tú Giữ chợ bắt gái, Huyện Quan bị mổ bụng cắt đầu Hồi Thứ Hai Bàn chuyện tìm minh chúa, anh em bất đồng Nổi lửa đốt nhà, hào kiệt đôi ngả chia tay Hồi Thứ Ba Hai hồ một giang san, Kiều Sứ quân mở trận Thế yếu phải dụng mưu, Điền Bạc hiến kế lạ Hồi Thứ Tư Mưu định vừa xong, tin sực đến Uốn ba tấc lưỡi tạo thời cơ Hồi Thứ Năm Mở hội giữa Thu, Chúa tôi bẻ chuối bóp hồng làm mật kế Bàn mưu tính kế, hẹn đập chén làm hiệu giết người Hồi Thứ Sáu Vào hang hùm, Điền Bạc múa lưỡi tranh tài Phóng hai gươm, Thẩm Chu Bình lừng danh Tam Đái Hồi Thứ Bẩy Ngắm cảnh đêm thu, Rồng Nước trúng mưu Điền Bạc Vào Phủ Sứ quân, tướng Trấn Giang dò xét lòng người Hồi Thứ Tám Lửa cháy trên sông, rồng thiêng xuôi Nam tìm lánh nạn Đường về quê cũ, Điền Bạc rong ruổi giữa rừng gươm Hồi Thứ Chín Đường ra biên ải, Thẩm Chu Bình gặp tướng Cổ Loa Xua quân phạt Bắc, Nguyễn Khoan bỏ lỡ thế môi răng Hồi Thứ Mười Nguyễn Khoan nhận tin dữ, xuất quân phạt Bắc cuối mùa Đông Điền Bạc ra kế lạ, sai người tay cứng xuống phương Nam Hồi Thứ Mười Một Trống đánh, tin truyền, Nguyễn Khoan cuốn cờ về Nam gấp Nhật Khánh xem quân, Thủy chiến Duy Hưng mù một mắt Hồi Thứ Mười Hai Ngàn dặm xuống Nam, Lê Thảo vào Hoa Lư động Vừa báo tin xong, binh Cổ Loa đã vào bờ cõi Hồi Thứ Mười Ba Cổ Loa ba mặt giáp công Đánh trận đầu Hoa Lư đại bại Hồi Thứ Mười Bốn Cự Lượng lui binh về Hoa Lư Phúc Hải tỉnh rượu xem trận thế Hồi Thứ Mười Lăm Nam Tấn Vương dàn trận vây Hoa Lư Đoàn Phúc Hải dâng nhựa đốt lương địch Hồi Thứ Mười Sáu Hoa Lư náo động, ba mặt dàn quân ứng chiến Ra tài thao lược, Lê Thảo hiến kế giải nguy Hồi Thứ Mười Bảy Cự Lượng cưỡng lệnh bị chế ngự Phạm Hạp kịp về giải thế nguy Hồi Thứ Mười Tám Phúc Hải lĩnh mệnh trình Động chúa Lê Thảo lui binh khích Tấn Vương Hồi Thứ Mười Chín Nam Tấn Vương bị đàn ma trêu ghẹo Binh Triều dàn thế đánh Hoa Lư Hồi Thứ Hai Mươi Động chúa nhận kế, ngăn Sinh Khuyết Trịnh Tú lĩnh mệnh chặn Sào Long Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Cự Lượng chạy dài về Đa Giá Nguyễn Bặc bóp chết tướng Loa Thành Hồi Thứ Hai Mươi Hai Binh Triều bị Hoa Lư đánh úp Đình Bảo trúng tên chết trên sông Hồi Thứ Hai Mươi Ba Tấn Vương quyết ra binh phục hận Đinh động chúa phong ấn Quân sư Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Vì Động chúa, quân sư định kế Cứu Cự Luợng hổ tướng lập công Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Núi Bích Sơn Hoa Lư đại bại Cứu Lê Hoàn, Trịnh Tú xông pha Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Phạm Cự Lượng trúng tên hấp hối Quách Xử Sĩ đi cầu Thần y Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Vì tham, họ Quách làm hỏng việc Thần y đòi lễ vật gấp đôi Hồi Thứ Hai Mươi Tám Thân y vội vã đi chữa bệnh Cường đồ chờ mổ bụng vợ yêu Hồi Thứ Hai Mươi Chín Thần y ra tài chữa bệnh Hoa Lư mừng được thần tiên Hồi Thứ Ba Mươi Quân sư định kế lên phương Bắc Thầy chùa khua mõ trước doanh vua Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Thiền sư phá kế Quân sư Phúc Hải tin về Ngọc Lũ Hồi Thứ Ba Mươi Hai Hồi Chúc Tiên Nương thử tài sứ Vượt sông dài Lê Thảo tới Đằng Châu Hồi Thứ Ba Mươi Ba Lê Thảo khoe cưỡi mây gọi gió Bịa chuyện xưa nghi hoặc Đằng Châu Hồi Thứ Ba Mươi Bốn Người hiền phải có hung tinh phò tá Đất hiền phải có sát tinh yểm trợ Hồi Thứ Ba Mươi Năm Tướng Đằng Châu ra tài khoe sức Sứ Hoa Lư thách thức anh hào Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Quân ba nghìn mang về dàn trận Hẹn gió mưa đánh phá binh Triều Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Nước lặng ra binh là điểm mất nước Khóc Đồng Châu, Phạm Thị liều mình Hồi Thứ Ba Mươi Tám Phúc Hải lĩnh mệnh đi liên lạc Quân sư dàn trận đánh Tấn Vương Hồi Thứ Ba Mươi Chín Sợ trễ quân, Phúc Hải chém tướng Truyền xong lệnh trở lại Trung quân Hồi Thứ Bốn Mươi Binh Triều hai mặt giáp công Quân Hoa Lư lui về Ngọc Lũ Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Ngọc Lũ bén lửa tên Cổ Loa Động chúa giao tranh cùng Tịch Mịch Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Đinh Điền đập chết tướng Cổ Loa Đánh Ngọc Lũ thiền sư bày trận Hồi Thứ Bốn Mươi Ba Động chúa trên giường mở cẩm nang Cổ Loa dàn quân vây Ngọc Lũ Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Cổ Loa Sợ kế “không thành” Thiền sư suýt nguy tính mạng Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Cổ Loa đánh mặt phía Bắc Quân sư cưỡi ngựa vào thành Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Phúc Hải tử trận nát người Hoa Lư để tang chiến hữu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Động chúa khóc trên vọng lâu Thiền sư dưới thành mắng chửi Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Quân sư đợi sẵn ngoài thành Động chúa chạy lên mạn Bắc Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Chín Rồng hỏa thiêu Ngọc Lũ Tịch Mịch hóa độ trên thành Hồi Thứ Năm Mươi Tha Tấn Vương bảo toàn thế lớn Nghe quân sư cử sứ điều đình Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Quân sư chỉ kế bắt ngựa Mậu Đại đâm tướng rửa thù Hồi Thứ Năm Mươi Hai Đinh Liễn đi sứ gặp Vua Quân sư dựng đài tấu nhạc Hồi Thứ Năm Mươi Ba Vào doanh Đinh Liễn nghị hòa Thế cùng Tấn Vương treo sứ Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Động chúa truyền bắn Đinh Liễn Quân sư ra lệnh tiến quân Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Tiễn sứ cờ mở trống rong Sang sông kết bè lau sậy Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Tấn Vương đánh úp Đằng Châu Quân sư cầm quân đuổi địch Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Đằng Châu đốt lửa đuổi vua Quân sư ra tài đảo Vũ Hồi Thứ Năm Mươi Tám Tấn Vương lui binh bại chiến Quân sư nói việc lâu dài Hồi Thứ Năm Mươi Chín Binh Hoa Lư tế mồ Phúc Hải Luận việc đời, Lê Thảo định mưu Hồi Thứ Sáu Mươi Quân sư định kế phân thiên hạ Đằng Châu đánh tiếng viếng Hoa Lư Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Cảnh Thạc tiến đánh Đường Lâm Nguyễn Siêu hội quân định kế Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Tế Giang xâm phạm Phù Liệt Bình Kiều bàn việc xuất quân Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Đằng Châu nhòm ngó Phù Liệt Bình Kiều xuất chiến vượt sông Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Tế Giang phá binh Phù Liệt Bình Kiều thiệt tướng hại quân Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Lê Hiền ra tài thao lược Tướng Hoa Lư đánh tráo mật thư Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Địch Hồng Hà vây hãm Đồng Lư Mạc Cương Hồng xem quân, uống rượu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Văn Bích Kiều cầm quân ra trận Bạch Khai Thành theo lệnh giả thua Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Chém ba gươm mở hận kì tình Rượu một cuộc ra tài vượt chúng Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồng Hà cho lệnh tiến quân Khai Thành nguy trong trận đá Hồi Thứ Bảy Mươi Hiệu trận trên vách núi cao Quái quyền lừng danh họ Bạch Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Phù Liệt bại binh thiệt tướng Địch Hồng Hà tử trận Đồng Lư Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Ân Phú tiến đánh Đan Phượng Đinh lão khiển kế Quân sư Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Mộc Đường dàn trận thủy quân Hoa Lư trói thuyền Đỗ Động Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn Thủy chiến sôi dòng Bạch Hạc Tam Sở trúng tên tử trận Hồi Thứ Bảy Mươi Lăm Tiểu thần tiên xem lá đoán việc Kim Ân Phú chém tướng trả thù Hồi Thứ Bảy Mươi Sáu Ba tướng xé xác Thúc Đạt Công đường thầy tu giảng pháp Hồi Thứ Bảy Mươi Bảy Lữ Đường lui binh đoạn chiến Thủ Tiệp tế tác điểm quân Hồi Thứ Bảy Mươi Tám Siêu Loại tiến đánh Bồ Sơn Ngọc Kỳ đốt thành chạy trốn Hồi Thứ Bảy Mươi Chín Thành Đản chê người phản bội Ngọc Kỳ chém tướng dâng thành Hồi Thứ Tám Mươi Tiên Du, Bồ Sơn bất hòa Khắc Tịnh ra kế bắt tướng Hồi Thứ Tám Mươi Mốt Một côn san bằng Cổ Tiểu Hai quân giữ thế tranh đua Hồi Thứ Tám Mươi Hai Tiên Du, Siêu Loại lui binh Lục Hồ nhức đầu đợi sáo Hồi Thứ Tám Mươi Ba Dị nhân giảng về tiếng địch Hải Tang trong ngục hòa tiêu Hồi Thứ Tám Mươi Bốn Siêu Loại bàn việc lớn lao Hoa Lư được tin phương Bắc Hồi Thứ Tám Mươi Lăm Thần Tiêu giữ yên bờ cõi Định kế thu phục Bình Kiều Hồi Thứ Tám Mươi Sáu Nam Tấn Vương trúng tên thiệt mạng Bạch Hổ mượn binh trị Đằng Châu Hồi Thứ Tám Mươi Bảy Xuyên Ngư mưu sát Sứ quân Bạch Hổ quy hàng Động chúa Hồi Thứ Tám Mươi Tám Phù Liệt quyết đánh Hoa Lư Động chúa xuất chinh mở trận Hồi Thứ Tám Mươi Chín Hoa Lư chiếm ba thành Phù Liệt Đinh Liễn thất thế phải lui quân Hồi Thứ Chín Mươi Đinh Liễn thất thế lui quân Tuổi già Đinh lão về trời Hồi Thứ Chín Mươi Mốt Động chúa đưa quân lên phía Bắc Hoa Lư định kế ra mặt Đông Hồi Thứ Chín Mươi Hai Quân sư lên đường tới Tế Giang Động chúa dạo thuyền gặp mỹ nhân Hồi Thứ Chín Mươi Ba Kế Quân sư: Động chúa lên Bắc Gặp nguy cơ: tìm thế liên minh Hồi Thứ Chín Mươi Bốn Mạnh Khanh uốn lưỡi thuyết Sứ Cảnh Thạc nói việc mưu gian Hồi Thứ Chín Mươi Lăm Giữa tiệc Sứ quân chém Sứ Thế cùng tiên nữ ra quân Hồi Thứ Chín Mươi Sáu Đinh Liễn bắt sống Linh Diên Nguyễn Siêu chạy vào sông Bái Hồi Thứ Chín Mươi Bảy Định kế thu phục Tế Giang Ra tay diệt trừ hoa lạ Hồi Thứ Chín Mươi Tám Đánh hỏa công giết tướng Tế Giang Bàn diệu kế ngăn chặn binh ngoài Hồi Thứ Chín Mươi Chín Phấn độc biển bức hại người Trận huyền nhiệm Áo Ly hiến kế Hồi Thứ Một Trăm Quân sư luận kế lấy Phục Tượng Bắt tướng địch giết xong yêu quái Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Một Ngưu ma trận đả bại Lê Hoàn Kế thần đấu trí triệt ngoại nhân Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Hai Xuân Lâm xua trâu vào trận Giết Áo Ly, bắt hết trâu thần Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Ba Mắng Thành Đức thu hàng hàng tướng giỏi Đem hỏa Vân đốt cháy Cự Linh Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Bốn Ôn Thao trúng kế đầu hàng Vượt Thiên Ma, Lục Hồ bị bắt Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Năm Siêu Loại tàn vong, Sứ quân chiến tử Thủ Tiệp muốn làm Vương, Hoa Lư bàn thế trận Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Sáu Chiến thư lập trận Cờ tiên Giảng trăm bước thu thành Bát Vạn Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Bảy Đổng Thừa nghe nhạc chịu hàng Cùng đường, Sứ quân tự ải Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Tám Sơ Hạ bàn việc chinh Tây Giết Sứ, liên minh không thành Hồi Thứ Một Trăm Lẻ Chín Kế Điền Bạc, Phong Châu hùng mạnh Cướp thời cơ phá Đỗ Động giang Hồi Thứ Một Trăm Mười Hai trại tan, Sứ quân bị hại Hồi Hồ nguy, bàn việc giải nguy Hồi Thứ Một Trăm Mười Một Trường Kì kể việc chiêm tinh Phu nhân muốn hàng Động chúa Hồi Thứ Một Trăm Mười Hai Hồi Hồ loạn, phu nhân tự sát Phá tửu trận, Quân sư vào ải Hồi Thứ Một Trăm Mười Ba Thạch trận tan, tửu luận dâng thành Kể việc đời, Mộc Đường nộp ải Hồi Thứ Một Trăm Mười Bốn Hồi Hồ hỗn loạn, Vương mở hội Dàn quân mở trận, lập hôn nhân Hồi Thứ Một Trăm Mười Lăm Điềm trời hiện, Hồi Hồ định việc Hoa Lư chiến, hủy diệt hung tàn Hồi Thứ Một Trăm Mười Sáu Giết nhiều người, quân sư lâm bệnh Phao tin đồn, Lê Thảo dựng mưu Hồi Thứ Một Trăm Mười Bảy Luận tướng diện, Minh quân xuất thế Hội trăng rằm, chờ đón vua ra Hồi Thứ Một Trăm Mười Tám Cùng đường, Nguyễn Khoan thọ tử Định kế thu phục Phong Châu Hồi Thứ Một Trăm Mười Chín Hỏa công Tam Đảo mở trời đất Dao ngà kết thúc loạn Sứ quân Mấy lời cuối truyện Hồi Thứ Nhất Kim Tinh Bắc Đẩu ở nơi phong cảnh kì tú Giữ chợ bắt gái, Huyện Quan bị mổ bụng cắt đầu L úc ấy là vào thời Ngô. Thiên hạ đại loạn, triều chính nát bét không có minh quân trị vì, ngoài dân gian nhan nhản hạng quan lại tham nhũng thi nhau đục khoét, hành hạ trăm dân, nhà nhà sống trong tình cảnh khổ cực chưa từng thấy, giặc cướp không đâu là không có. Cuối năm Mậu Thân (948), trời bỗng đổi thời tiết, khác hẳn với mọi năm, năm ấy rét mướt lại nhiều mưa to, gió lớn vật ngã cả cây đại thụ ở bến đò Bồ Điền, ai cũng cho là điềm xấu, dân tình chắc còn khổ nhiều. Cuối năm tuy đói khổ giặc cướp, dân gian cũng cố chạy tiền lo gạo, những tưởng được yên ổn đón Xuân sang, hy vọng ở ngày mai thanh bình. Nào ngờ, huyện quan Bồ Điền vốn là đứa vô hạnh bất tài, nhưng đem bạc vàng ra mua quan tìm chức, nay được trấn nhậm tại nơi đất lành, dân tuy không giàu nhưng cũng dư ăn, thừa mặc. Liền thả cửa đục khoét, dân tình oán thán đã nhiều. Có lần huyện quan đi tuần thị giữa ban ngày qua chợ, gặp nàng con gái nhà họ Phạm có sắc đẹp, huyện quan nổi lòng tà dâm truyền lính bắt thiếu nữ về, ngày đêm giở trò loạn dâm, khiến cho ai nghe biết chuyện cũng không khỏi căm lòng uất hận. Huyện quan có lệ: bất luận dân gian chẳng kể sang hèn, hễ có việc đến cửa quan đều lấy bạc vàng làm phép phân xử, bạc vàng càng lớn thì phép nước càng nhẹ về phía kẻ bỏ ra nhiều bạc, không bạc vàng thì trăm tội đều phải giưo đầu chịu cả. Kể từ khi các vua Ngô tranh giành ngai vàng với nhau, làm mất kỉ cương, loạn nhaan luân, cường hào nổi lên như nấm gặp mưa, mỗi người xưng hùng một phương, đánh giết lẫn nhau khiến bá tính đã khốn khổ càng lầm than thêm, thì huyện quan Bồ Điền tên gọi Phạm Đình Ngọc càng được thể, thôi thì trên chẳng cần phải sợ đến vua, dưới chẳng còn ai hơn được mình, liền tự do vơ vét, thỏa tình hút máu của dân, khiến cho một vùng Bồ Điền dọc sông Lớn trước kia sầm uất như thế, nay ngày đêm vắng hoe như đang giữa lúc có tin giặc về. Bá tính ngửa cổ chỉ thấy trời cao lặng lẽ, nhìn lại chung quanh toàn thấy người đồng cảnh khốn cùng, biết kêu vào đâu cho được. Nhà nào còn có tí máu mặt, chẳng khác nào tự chuốc lấy tội vào thân. Ở đâu có con gái đẹp, chẳng khác nào tìm khổ vào mình, huyện quan Đình Ngọc trước sau cũng đến viếng mà thôi! Ở phía Bắc huyện, có một vùng phong cảnh kì tú: phía Tây là sông Lớn, Bắc có gò cao, Nam có núi che chở, Đông là cả một giải ruộng đồng màu mỡ, nơi đây từng sinh ra lắm bậc hiền tài thủa trước. Vùng này thường được các thầy địa lý gọi là “chốn phục long, tàng hổ”, lúc loạn thì xuất hiện danh tướng, lúc nước trị văn quan ra đời, chưa đời nào lại thiếu hiền tài ở đất lạ này. Hồi ấy, trong vùng có gia đình họ Lê, cha mẹ mất sớm, nay chỉ còn hai anh em sống bằng nghề cày ruộng, vào rừng săn thú bắt về đổi lấy vật dụng, xuống sông bắt cá quẫy lộn sóng nước cho thỏa chí. Cuộc sống của anh em họ Lê như chẳng vướng vào hệ lụy xã hội, như dứng riêng hẳn một góc trời. Dân trong vùng thường thấy hai anh em cặm cụi đọc sách trong những buổi chiều tà, múa gươm dưới ánh trăng, đêm đem nhìn trời quan sát thiên văn có khi suốt cả đêm không biết mệt. Cả vùng ai cũng kính nể anh em họ Lê là người hiền hậu, hiểu biết quán cổ đạt kim, nhưng thật ra chưa ai biết tài học của anh em họ Lê như thế nào, chỉ biết rằng dân trong vùng ai có việc gì nhờ vả thì anh em họ Lê bao giờ cũng mau mắn giúp đỡ, việc khó cũng thành dễ như trở bàn tay, việc bí cũng khai thông trong chớp mắt, dân trong vùng gọi anh em họ Lê là Kim Tinh Bắc Đẩu. Người anh tên gọi Lê Hiền, mặt chữ Điền, đôi mắt long lanh, tóc cứng, môi dày, minh cao sáu thước, tướng đi như hổ vờn trăng, tiếng nói như sấm vang đầu ghềnh, rõ ràng là dũng tướng mưu trí. Người em, tên gọi Lê Thảo vóc dáng mảnh mai, mặt trắng đẹp như con gái, cặp mắt với hàng mi dài mà cong êm như nước hồ thu, Thảo có cặp môi đỏ như môi con gái ăn trầu, hai má trắng hồng đẹp khôn tả, nên người đời thườn gọi đùa là Mỹ - quân tử, Lê Thảo có tài sử dụng cây đàn ba dây kết bằng tơ dứa dại. Mỗi khi Thảo đánh đàn, bao giờ cũng chọn những đêm trăng tròn, trời không gợn mây, gió không thổi mạnh, lúc ấy mới tấu lên những khúc đàn kì lạ có mãnh lực huyền diệu sai khiến con người ta theo ý muốn. Ai cũng bảo là Lê Thảo hạnh ngộ thần tiên trong chốn rừng sâu và học được những khúc đàn huyền diệu, Lê Thảo nghe nói chỉ mỉm cười. Thảo ưa đọc sách hơn múa gươm, ngẫm nghĩ việc thiên hạ như nghĩ đến việc riêng tư hàng ngày. Một hôm, hai anh em vừa cuốc xong mảnh ruộng hoa màu, xuống sông rửa tay chân, sực thấy một đoàn sáu chiếc thuyền tuần la hét om sòm, phía sau có chiếc thuyền con lẽo đẽo đuổi theo, từ trong thuyền con có tiếng khóc lóc kêu van. Đoàn thuyền đến đúng chỗ hai anh em họ Lê đang rửa tay chân, thì trên thuyền tuần có người bị quăng xuống sông, nháy mắt mặt nước khép lại như cũ. Đoàn thuyền tuần giương hết buồm bọc gió Bắc vùn vụt đổ xuống phía Nam, thoáng lát đã mất dạng. Dân chúng đổ ra xem, thì chiếc thuyền con cũng vừa ghé lại bờ. Trên thuyền hai vợ chồng ngư phủ khóc lóc thảm thiết, kể rằng: xế trưa, đang bỏ lưới ở mạn trên, chẳng may gặp phải thuyền tuần của huyện quan Bồ Điền Phạm Đình Ngọc. Huyện quan thấy con gái vợ chồng ngư phủ có chút nhan sắc, động lòng tà dâm, truyền bắt đưa sang thuyền quan hầu hạ. Vợ chồng ngư phủ khóc than van nài, suốt từ xế trưa đến bây giờ sắp về chiều, thuyền quan vẫn thong thả trẩy trên mặt nước, đến khúc này thì vợ chồng ngư phủ bàn nhau đánh liều gắng đẩy mái chèo, cố bắt kịp thuyền quan để xin tha cho con gái. Thuyền quan liền mở rèm ném nàng con gái xuống sông, rồi bỏ đi mất. Kể xong, vợ chồng ngư phủ càng khóc lóc thảm thiết, vạch đất kêu trời hỏi có thấu cho nỗi uất hận này không. Trên trời, chỉ có mây bạc cuối năm, dưới đất chỉ có dòng sông lặng lờ chảy. Hai hôm sau, xác người con gái bất hạnh nổi lên, tấp vào mạn Lục Tảo, dân bên sông vớt thi thể cô gái lên, mới biết cô bị lột trần, chắc là bị huyện quan hãm hiếp chán chê rồi ném xuống sông cho mất tích. Ai nghe chuyện cũng không khỏi xót xa cảm khái. Chiều hôm nay, hai anh em họ Lê không đi thăm ruộng nữa, tiết Đại Hàn đưa những đợt gió Bắc thổi về từng cơn lạnh cắt da, lại thêm mưa phùn như rây bột đổ xuống, làm cho cái lạnh càng thêm thấm thía. Anh em họ Lê nhóm lửa giữa nhà, đem vò rượu cuối cùng ra uống với kẹo mạch nha. Vừa uống, hai anh em vừa bàn bạc. Lê Hiền nói: - Này chú Thảo, cuộc đời hai anh em mình không có gì ràng buộc, đất ruộng là nhà ta, trăm họ là anh em. Bây giờ trăm họ lầm than, nước ta tan nát, anh em ta sống mãi thế này được sao? Lê Thảo sụp mi mắt èm buồn xuống, hớp nốt hớp rượu, chậm rãi nói: - Em không nghĩ như thế, việc gì em cũng tin là sẽ đến thời của nó. Nay, em thấy thời đã đến rồi, chỉ còn đợi anh em ta ra tay nữa mà thôi. - Chú định ra tay như thế nào? - Ý anh như thế nào đã? - Anh nghĩ: tài sức anh em ta, trong thiên hạ này tuy chưa phải là chót đỉnh, nhưng chắc chắn phải hơn vạn kẻ. Nay, thiên hạ đại loạn, các thổ hảo không phục triều đình, mỗi người nổi lên hùng cứ một nơi, tại sao anh em ta không cùng đứng lên, trước giết huyện quan, sau giành lấy quyền chăm sóc trăm dân, lần lần mở rộng bờ cõi, dựng lên nghiệp lớn, như thế lại chẳng hợp lòng người, thuận lẽ trời sao? - Giết huyện quan, đấy là việc trước sau anh em ta cũng phải làm, là để rửa hận cho trăm họ, bớt đi một đứa hại dân hại nước. Còn cướp đất, mưu đồ dựng vương nghiệp, em xét thấy khó lòng thành tựu được. - Tại sao lại khó lòng? Chú sợ ta không đủ tài đủ sức ư? - Tài sức thì không sợ, nhưng không phải tài sức của riêng anh em ta đã là đủ, làm sao để phục được lòng người tránh được tiếng phản loạn, em sợ rằng lại bị thiên hạ chê cười xếp mình vào hạng các Sứ quân mà thôi... - Vậy là khoanh tay... - Cũng không phải thế. Em nghĩ rằng: chúng ta không cầu danh lợi, nhưng cần được thỏa sức bình sinh, tìm được nơi để dụng võ, thấy được minh chúa để mà thờ. Lúc nào công thành, ta lui về rừng xanh cho tên tuổi nhạt dần trong trí nhớ thế gian, có phải là hơn không, lận đận trong vòng danh lợi vương gia mà làm gì. - Em nói phải, mới đầu anh muốn dựng nghiệp cũng chỉ vì nóng lòng nhìn thiên hạ. Trời đất rộng, người đông như thế, vậy mà xem ra được mấy người tài, chẳng lẽ ta khuất thân đi nhờ kẻ bất tài thiếu đức! - Chúng ta không khuất thân thờ ai cả, nhưng góp thân này để cứu nước cứu dân mà thôi. - Hay! Quả là tinh thần của bực thần tiên. Anh xin bái phục! Hai anh em họ Lê lại nghiêng vò nát rượu. Đêm càng về khuya bên ngoài càng lạnh, nhưng hào khí trong phòng lại càng ngất cao. Lê Hiền dần mạnh chén rượu xuống mặt bàn gỗ mộc, giọng trầm hẳn xuống. - Bây giờ chú nghĩ anh em mình nên phải làm gì? Cặp mắt Lê Thảo nhìn thật xa xôi, hun hút như cả chiều dài của ngày mai trên đất nước. Giây lâu, chàng đáp: - Chúng ta không nên ở lại đất này. Đất này chỉ có tham quan lại nhũng, chứ không có lực để quật cường, vả lại minh chúa không hiện ra ở đây... - Vậy anh em ta sẽ ra đi. Nhưng trước khi đi, anh em ta cũng nên để lại cho dân ở đây một kỉ niệm nào chứ. - Đã hẳn là thế. Kỉ niệm thì cuộc sống của anh em ta với người trong vùng, ai không cảm mếm. Nay trước lúc lên đường, em nghĩ: anh em ta gắng giết tên huyện quan tham tàn, bêu đầu nó trước chợ, như thế bá tánh mới hởi lòng hởi dạ được. - Phải, ta sẽ ra tay. Nhưng ta ra tay vào lúc nào? - Nếu ta hành thích nó về đêm, tất việc dễ như trở bàn tay, có khó khăn gì. Nhưng làm như vậy, cũng không hơn gì hành vi của kẻ đạo tặc. Tội của huyện quan nặng như núi Thái Sơn, xả thây nó ra trăm mảnh cũng chưa nguôi được. Vậy, em nghĩ... - Em nghĩ sao? - Huyện quan Phạm Đình Ngọc có thói quen: cứ vào giờ Mùi mỗi ngày lại lên kiệu ra xem kẻ chợ, nhất là vào lúc cuối năm Tết sắp đến nơi. Huyện quan ngày nào cũng du hành có ý tìm cách đục khoét dân gian, hẳn cũng có ý rình xem có gái đẹp thì bắt về chứ chẳng đi không. Vậy, anh em ta đón đường nó giữa nơi kẻ chợ ra tay chém đầu mổ bụng nó bêu tại chợ, như thế là rửa được hận cho mọi người. - Chú nói thì dễ, thế bộ bọn lính tiền vệ của nó đứng im cho ta ra tay chắc? - Anh đừng lo. Em... Em... Lê Thảo bỗng bẽn lẽn, men rượu ngà ngà, hai má chàng hồng như hai quả đào chín còn ở trên cành. Chàng tiếp giọng thật êm... - Em sẽ giả gái, để cho tên tham dâm nó chú ý. Thế nào nó cũng sẽ bắt em về huyện đường. Anh đi theo, đợi đến khi nào nó lôi em lên kiệu, em sẽ ra tay. Tới lúc ấy, em hô lên thì anh phải mau tay áp đảo bọn lính. Em sẽ giúp anh đánh lui bọn lính ấy. - Chú ngồi trên kiệu với tên tham quan êm ái như vậy, thì làm sao giúp anh được. Không phải là anh sợ địch không nổi mấy tên lính, vạn tên cũng chẳng coi ra gì, nhưng anh không muốn giết hại chúng làm gì... - Em sẽ giúp anh, anh cứ thế mà hành động, thế nào cũng thành công. Vào ngày rằm tháng chạp năm ấy, gió lạnh bớt thổi về từng loạt, nắng ấm vào xuân đẹp vô ngần. Trăm họ như tạm quên nỗi khổ cực, tấp nập sắm sửa để mừng ngày trọng đại. Vào khoảng cuối giờ Mùi, huyện quan Phạm Đình Ngọc đi kiệu tiến ra phía kẻ chợ. Huyện quan truyền vén rèm để ngài được thấy rõ dân tình. Đám lính ra sức hò hét, nạt nộ, đẩy gạt người qua kẻ lại để lấy lối cho kiệu quan đi. Kiệu quan đến bên cầu Lục Tảo thoàng thấy ả con gái mặt đẹp như hoa, da mịn như phấn, gánh gánh rượu bước vào bên lộ. Từ trên kiệu, huyện quan Phạm Đình Ngọc giật mình ngơ ngẩn, tại sao ở chốn này lại có người đẹp đến như vậy mà mãi đến bây giờ quan mới thấy được thấy! Lập tức, quan truyền lệnh dừng kiệu sai lính gọi gấp ả bán rượu lại. Lính hùng hổ nạt nộ người đẹp, thẳng tay lôi cô bán rượu lại bên kiệu quan. Huyện quan Phạm Đình Ngọc như tỉnh như mê, lập bập: - Ơ... nàng... ơ... Quan muốn mua rượu... Cô bán rượu run sợ, khẽ đưa tay khép vạt áo nâu gụ giơ bàn tay nhỏ nhắn kéo thấp vành nón xuống thêm chút nữa. Huyện quan vừa tỉnh cơn mê, lòng dạ tên quan tham tàn xảo quyệt chợt tỉnh lại, y quyết ra tay bắt cho được con mồi trăm năm dễ gặp được mấy lần như thế này! Huyện quan không muốn để cho người kẻ chợ tò mò nhìn ngó, vì kiệu quan dừng lại quá lâu. Quan truyền bảo cô bán rượu lại sát bên kiệu cho quan hỏi. Gã lính tiền vệ chắn hẳn đã quá thạo nghề, liền mau tay đẩy cô hàng lại sát kiệu. Quan vừa nháy mắt ra hiệu, ả bán rượu đã bị những bàn tay của đám lính hổ bôn nhấc bổng lên kiệu chẳng kịp la một tiếng. Rèm buông xuống, kiệu chạy nhanh như gió rẽ cỏ hướng về phía huyện đường. Người kẻ chợ còn ngơ ngẩn chưa hết bàng hoàng, nhưng nếu ai để ý thấy phía sau kiệu còn có một gã tiều phu vai vác cái rìu xăm xăm rảo bước theo thật sát. Kiệu chạy chưa xa, vừa qua khỏi cầu Lục Tảo, trên kiệu tiếng quan run rẩy truyền lính dừng bước, hạ kiệu. Gã tiều phu lướt đến như bão táp, cán rìu đưa ngang đánh bắn một tên lính hổ bôn còn đang ngơ ngác. Rèm kiệu vén lên huyện quan mặt tái nhợt, đám lính chưa hiểu ra sao thì gã tiều phu đã hoa lưỡi rìu lên quát: - Lui cả lại, chậm ta chém chết hết! Đứa nào nhúc nhích là chết ngay! Bây giờ, mọi người mới nhận rõ gã tiều phu là hiền sĩ ở Bắc Bồ Điền. Cũng vừa lúc ấy, huyện quan từ trong kiệu bước ra, hai đầu gối như muốn khụy xuống, ả bán rượu mặt vẫn đẹp như hoa khoác chặt tay hiện quan. Chiếc áo bào của quan rộng thùng thình, vải phủ lên tay cô bán rượu, người ngoài không thấy có ngọn chủy thủ đang ấn chặt vào sườn quan. Cô gái cất tiếng lạnh như dao, âm thanh rắn rỏi tràn đầy uy dũng chẳng giống như tiếng con gái chút nào: - Hỡi anh em trong huyện, tên quan tham tàn hung ác này từng hại dân biết bao nhiêu, kể không hết được. Hôm nay trời cao nhưng có mắt, đất rộng nhưng không phải chẳng có rào cản, anh em tôi quyết vì dân trả hận, rửa thù, trừ tên tham tàn hại nước hại dân này. Vậy đám lính kia hãy mau mau về đi thì anh em ta tha chết cho, trái lời ta thì quan của bay chết trước đấy... Dân chúng hởi lòng nức dạ, tụ lại thật đông, bỏ cả việc bán buôn để cùng nhau la hét rủa xả tên quan tham tàn. Đám lính kinh hoàng bỏ chủ chạy về. Huyện quan run lật bật. Gã năn nỉ: - Trăm lạy hảo hán, xin tha mạng cho tôi, từ nay tôi xin tu tỉnh. Lê Hiền múa cây rìu loang loáng trước mặt quan huyện, gã tưởng đã rụng đầu rồi tự nhiên hai đầu gối khụy xuống. Lê Hiền quát lớn: - Bớ huyện quan, mi tham tàn hại dân hại nước, tội chất cao bằng núi, hờn của dân phải đến trăm năm mới nhạt được. Đầu mi chứa toàn mưu mô độc ác, tim ruột mi chất chứa toàn điều ác hại dân. Còn có ai ở đất này chưa phải là người bị mi làm cho khốn đốn. Còn gia đình nào ở đất này mi chưa có nợ máu xương? Hôm nay, đến lượt anh em ta phải bỏ nơi thôn dã, về kẻ chợ để vì trăm dân trừ mối họa. Đầu mi phải bị treo ở thành cầu Lục Tảo, xác mi phải bị mổ ruột moi gan bêu dưới dạ cầu cho chim muôn rỉa rói! Người kẻ chợ la hét tưng bừng, trong lúc anh em Lê Hiền, Lê Thảo xuống tay chặt đầu, mổ bụng huyện quan Phạm Đình Ngọc. Xong việc, Lê Hiền ném rìu xuống sông cười ngất khoác tay cô bán rượu, tức chàng Lê Thảo, vượt qua cầu tiến về phía Bắc mất dạng. Đầu lâu huyện quan treo ở đầu cầu, ai đi qua cũng phỉ nhổ, xác huyện quan vứt ở dạ cầu, được mấy hôm thì phát mùi hôi thối chịu không nổi, dân đem hất xuống sông cho khuất mắt. Ngay trong chiều hôm ấy, giữa vùng phong cảnh kì tú, anh em Lê Thảo – Lê Hiền đóng chặt cửa bàn chuyện bỏ quê hương, lên đường tìm minh chúa. —ooOoo— Hồi Thứ Hai Bàn chuyện tìm minh chúa, anh em bất đồng Nổi lửa đốt nhà, hào kiệt đôi ngả chia tay L ê Hiền bảo: - Hôm nay, anh ta làm chuyện tày đình. Việc thế nào cũng đến tai Sứ quân Nguyễn Thái Bình, vùng Tam Đái này không còn là đất ẩn thân cho anh em mình được nữa rồi. Thế nào chúng ta cũng phải đi. Đất trời rộng bao la, nay ta định tính về đâu bây giờ? - Ngoài Tam Đái, đất Phong Châu với sứ quân Kiều Tam Chế cũng không phải là đất cho anh em ta nương náu. Chỉ còn có nước bỏ hẳn nơi này mà đi. Bốn biển là nhà, hào kiệt sá gì sương gió giang hồ. Nhưng có điều: Minh chúa trong thời đại này là ai, đáng để anh em ta tìm đến thờ đây! Lê Hiền trầm ngâm, đoạn cất tiếng: - Lúc này nước đại loạn, giặc cướp không đâu là không có, anh em ta chắc chắn không thể nhập bọn với phường đạo tặc lưu manh được. Nay chỉ có cách chọn lấy một Sứ quaan mà nương thân, đem tài sức góp dựng việc lớn mới xong. Ý chú thế nào? Lê Thảo chưa vội đáp lời, chàng suy nghĩ giây lâu, cặp mày thanh tú nhíu lại, cong như cặp nguyệt kiếm treo cao, lát sau, chàng thở dài hỏi lại: - Ý anh như thế nào đã? - Hiện giờ Mười hai Sứ quân chia nhau tranh hùng, không ai chịu ai. Mười hai Sứ quân ấy có người là kẻ tầm thường, có người vốn là quan chức của triều đình bỏ Cổ Loa xưng vương xưng bá, cũng có người vốn dòng dõi Ngô Vương, đục trong lẫn lộn, hùng thế không ai giống ai vì vậy anh phân vân chưa biết hướng về đâu. Lê Thảo cả cười: - Nếu Sứ quân là những kẻ tầm thường, nhất thời xưng hùng một phương, nhưng chí lớn lại không có, như thế chẳng qua cũng chỉ hơn phường giặc núi cướp rừng một bậc chứ là bao! Vậy, việc gì anh em ta phải bận tâm với những Sứ quân ấy nữa... - Thế còn thành Cổ Loa với Vương nghiệp của Ngô Quyền, nay thế nào? Chẳng lẽ cũng chỉ hơn loài giặc cướp núi có một bực thôi ư? - Các vua Ngô ngày nay không vào hàng giặc rừng cướp núi, nhưng cũng không phải là bậc hùng tài, có sức khai sáng một triều đại được. Như vậy, anh em ta làm sao thờ cho được. Hùng tài không ở đất này đâu... Lê Hiền nhíu mày: - Chú nói cũng chưa phải là sai, những cũng chưa hẳn đúng cả. Anh thiết nghĩ, Ngô triều do tiên vương khai sáng, oanh liệt cả một cõi Giao Châu, vận nước vừa mới tỏ đã lại lu mờ, ấy cũng tại triều đình không có tay lương đống, nước chẳng có minh quân. Nay, vương thân Ngô Xương Xí trấn ở Diên Châu, thế tuy không hơn các Sứ quân khác, nhưng giòng dõi vương triều cũng là điều căn bản cho cuộc bình thiên hạ mai sau. Vả lại, địa thế núi sông như hang hổ đầm rồng, anh tài cũng không thiếu, thế tất một mai xứng đáng là người gây dựng lại cơ đồ, anh tưởng cũng đáng để cho anh em mình khuất thân phò tá đấy. Lê Thảo lại cười vang: - Em không dám nói rằng: một khi vương thân Ngô Xương Xí phất cờ gióng trống lại không chiêu tập được hiền tài. Nhưng thử hỏi: ngoài những hư danh của tiên vương để lại, Ngô Xương Xí còn lại được những gì? Chẳng qua cũng chỉ là một Sứ quân trong đám Sứ quân chứ làm sao dựng thành nghiệp lớn gồm thiên hạ được. Nếu cứ lấy quá khứ làm vinh, đặt nền tảng ở vinh quang thủa trước, thì mười tám đời Hùng Vương tại sao lại tàn, sức phấn đấu của họ Khúc tại sao cũng bại vong, cờ Nương tử họ Trưng chẳng dựng được lâu, sông Bạch Đằng chưa lại mùi máu giặc sao nhà Ngô đã tàn lụi? Như thế, thì quá khứ chưa chắc đã là căn bản cho ngày mai, nhưng quá khứ chỉ nên xem là gương cũ để dành soi, chứ không thể làm đà tiến cho ngày nay được. Hùng tài ngày nay, phải biết nhìn vào thời thế, vững niềm tin ở ngày mai thành đạt, chứ không thể cứ mơ màng với quá khứ được... Lê Hiền cắt ngang: - Đã đành kẻ anh hùng dựng nên thời thế, viết thành lịch sử, nhưng cũng không thể chẳng hợp lòng người thuận lẽ trời, gìn giữ lấy căn bản của đương triều để hưng khởi đất nước. Anh quả quyết: vương thân Ngô Xương Xí xứng đáng để gây dựng lại cơ đồ, chỉ cần anh em ta giúp thêm một tay cũng như hổ thêm móng vuốt, rồng thêm vây, đại nghiệp thế nào cũng dựng thành. Lê Thảo cười nghi ngờ: - Em không tin như thế. Ngô Xương Xí thân ở lợi thế, khởi nghiệp không do bàn tay trắng, mà nhờ vào ân huệ của tiên vương biết là bao, thế mà sự nghiệp cũng chẳng giữ được, thử hỏi làm sao còn gây dựng được việc lớn nữa! Em dám quyết Ngô Xương Xí không phải là bậc anh hùng, không đáng để anh em ta phò tá. Lê Hiền cười khan: - Vậy chứ chú cho ai là kẻ anh hùng thời nay, đáng để anh em ta khuông phò nào? Lê Thảo trầm ngâm, rồi đĩnh đạc: - Hàng đêm, anh em ta thường xem thiên tượng, tất anh chưa quên việc sao Đẩu bước vào cung Càn hồi chính Sửu, ngày Ích Hậu, năm ngoái tháng Tiểu Tuyết, sao Đẩu át Hùng Hỏa ở cung Chấn, rồi lướt thẳng tới chính thiên sáng rực. Như thế, ứng vào điềm phương Nam có anh hùng xuất hiện, chỉ tiếc một điều là sao Đẩu chuyển muộn, tuấn kiệt hiệp rồi tan trong khoảnh khắc, minh vương ra đời nhưng chẳng vững được bao lâu. Nhân vật ấy, mới chính là kẻ để anh em ta phò tá đấy anh ạ. Lê Hiền trầm tư lung lắm, lát sau chàng thẫn thờ nói nhẹ như làn gió thoảng: - Anh hùng xuất hiện ở phương Nam! Đại nghiệp tự phương Nam nhưng chẳng bền, như thế thì quê hương ta sao có thể vững bền được! Nếu nghiệp lớn đã không bền, thì chính mệnh thiên tử cũng chưa hẳn ứng vào nhân vật phất cờ gióng trống ở phương Nam... Rồi chàng cất cao giọng: - Này em ạ, anh sợ em nhận định có điều không đúng. Nếu bảo rằng mây trời buồn bã cuối năm nay là mây trời cho cả bốn mùa quanh năm, hết năm này sang năm khác, thì sao gọi là đúng được? Như vậy, anh kiệt hiện ở phương Nam, nhưng thoảng qua rồi tắt mất, có khác gì như cụm mây lớn giữa trưa nắng gắt, mây qua thì nắng lại đổ xuống, anh kiệt một thời hiện rồi tan thì quả là căn bản cũ vẫn còn, căn bản ấy là điều ta nên bảo trợ đấy! - Em không nghĩ như thế. Thiên hạ không của riêng ai, cuộc đời không phải là trường cửu với núi sông được. Nay nước ta đại loạn, Mười hai Sứ quân thi nhau tranh bá đồ vương, đẩy trăm họ vào lầm than cùng khổ. Mười hai Sứ quân, có ai là kẻ nhìn vào thế lâu dài của muôn dân để dựng nghiệp lớn đâu, có kẻ nào nghĩ đến hạnh phúc hay đau khổ của lê dân đâu, hay chỉ có những kẻ mưu đồ lợi riêng, lấy con dân làm tôi tớ để canh gác cho cuộc sống uy quyền giàu sang riêng mình? Việc ngày nay, là phải quét sạch các Sứ quân, thu giang sơn về một mối đã, từ đấy mới lập được kỷ cương lâu dài, tìm hành phúc trăm dân. Lê Hiền mỉm cười: - Như vậy thì vương thân Ngô Xương Xí vẫn xứng đáng là người quét sạch các Sứ quân, vương thân Ngô Xương Xí có bao giờ xưng là Sứ quân đâu, nhưng thế đành phải ẩn thân đợi thời đấy mà thôi... - Em không tin như thế. - Vậy chú tin rằng anh kiệt nào sẽ xuất hiện ở phương Nam? Phía Nam, có những Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Nhật Khánh, Nguyễn Siêu, Phạm Phàng Át, Trần Lãm, những kẻ ấy là minh quân chăng? - Em không nói thế. Đám Sứ quân ấy chẳng qua chỉ là những kẻ nên xem là quốc tặc thì hơn, làm sao gọi là minh quân cho được! Anh không nghe thiên hạ bàn nhiều đến nhân vật Đinh Bộ Lĩnh ở Động Hoa Lư hay sao? Lê Hiền cười ngất: - Té ra là tên vũ phu tham dâm, thằng mục tử ăn cắp trâu năm xưa đấy chứ gì? - Quả đúng thế. Đinh Bộ Lĩnh tung hoành ở Động Hoa Lư, trên không thờ ai, dưới chiêu mộ anh tài, lăm le ra tay tạo đại nghiệp, sao gọi là kẻ vũ phu được? - Đinh Bộ Lĩnh tuy chưa đến nỗi là kẻ cướp chợ, nhưng hành vi của một đấng quân tử đâu có phải là như gã được! Em quên những chuyện ầm ĩ trong chốn tửu sắc của gã hay sao mà lại toan tính đi thờ gã chứ? - Thế anh cũng quên chuyện gần trong hậu cung nhà Ngô hay sao? Những chuyện ấy, đâu có sá gì với một bậc anh tài. Nghiệp lớn không thể đem tiểu tiết để ngăn cản được! Lê Hiền suy nghĩ giây lát, rồi hỏi: - Thôi, thế ý định chú thế nào? Lê Thảo trịnh trọng: - Anh em ta, nay cũng không còn trẻ dại gì nữa nhưng cũng chưa gọi là đã già. Nằm ở chốn thôn dã khuất mình, tự cho là hiểu việc đời, biết việc trời, nay đất nước gặp buổi đại loạn, trăm dân rên siết lầm than, anh ba mươi sáu tuổi rồi, còn em mới chỉ hai mươi bảy, nhờ anh dạy dỗ em cũng thành người biết nghĩ. Bây giờ, anh em ta gây việc bạo, nhưng còn trăm vạn tên cường bạo khác vẫn đang đầy đọa dân ta, anh em ta quyết phải tìm minh chúa mà thờ tìm cơ hội ra tài cho thỏa chí cứu dân. Em nhất định xuống phía Nam, trước là tận mắt xem xét dân tình, sau thử thách xem anh tài có phải là Đinh Bộ Lĩnh không, nếu đúng em sẽ theo về với họ Đinh. Lê Hiền cười buồn vô hạn. Lê Thảo không dám nói thêm, chàng lặng lẽ đợi anh nói. Lát sau, Lê Hiền giọng buồn bã: - Như thế, anh em ta cùng chí lớn, nhưng lại chẳng chung một đường hành động. Anh thấy cần giữ lấy cái nền tảng cũ, nương theo nền tảng ấy để gây dựng lại cơ đồ, lấy chính nghĩa sẵn có để thu phục thiên hạ cứu lấy trăm họ. Còn em, em nhất định đi tìm lẽ hành động mới. Đấy cũng là điều hay, nhưng anh e rằng như thế tất cuộc tranh giành sẽ phải náo nhiệt, trăm dân còn chìm trong bể khổ chưa biết đến bao giờ mới hết! Hai anh em im lặng. Chiều cuối năm không trăng không sao tối đen như thoa phấn than. Gió lạnh lùa qua liếp cửa lay động ngọn lửa nhựa thông, xa xa có tiếng chó tru buồn vô tận. Hồi lâu, Lê Hiền nói: - Thôi thế là đủ, anh em ta không thể nán ná lại đây lâu được nữa. Sứ quân Nguyễn Khoan nghe tin tên huyện quan Phạm Đình Ngọc bị anh em ta giết, tất thế nào nó cũng sai quân đến bắt anh em ta để rửa thù cho tôi tớ của nó. Ngày mai, anh em ta sửa soạn hành trang, rồi lên đường ngay. Chú nghĩ thế nào? - Em cũng nghĩ như vậy. Nhanh lắm phải đến trưa ngày kia Sứ quân Nguyễn Khoan mới kéo quân tới đây được. Vậy ngày mai, anh em ta đem trâu bò đổi lấy ngựa mà cưỡi rồi chờ đêm xuống thì phóng lửa thiêu cho sạch vết tích nơi ẩn thân này, từ đây anh em ta tuyệt tích cũng là điều hay. - Chú nói phải. Cha mẹ ta còn không còn, họ hàng ta cũng chẳng có, chỉ tiếc một điều là hai anh em ta không cùng đường đi. Nhưng trời cao lồng lộng, đất rộng bao la, ở đâu anh em ta cũng đem sức ra phò trợ cho đại nghĩa, như thế thì xa nhau cũng hóa gần, vắng mặt nhưng chẳng khác gì vẫn hằng ngày tụ họp. Tình cảm ruột thịt, nay thay bằng tình thương dân tộc, nghe em! Thôi, anh em ta đi nghỉ đi thôi. Hôm sau hai anh em họ Lê đem trâu bò đổi lấy ngựa tốt, thu thập vật dụng cần thiết gói làm hai túi hành trang nhỏ chờ đến đêm xuống ngó lại mái tranh sơ sài lần chót, gạt nước mắt phóng lửa thiêu rụi, lại đốt luôn cả sách vở áo quần, không cần phải mang theo. Lửa ngút cháy trong đêm tối mịt, như đốt lên ngọn lửa dẫn đường cho cuộc đấu tranh mai sau. Chờ cho ngọn lửa tàn lụi, anh em họ Lê mới kéo cương giục ngựa sải nhanh về phương Nam. Từ đấy biệt tích, việc thiên hạ như nước chảy mây trôi, không ai còn biết đâu nữa. —ooOoo— Hồi Thứ Ba Hai hồ một giang san, Kiều Sứ quân mở trận Thế yếu phải dụng mưu, Điền Bạc hiến kế lạ Đ ây lại nói về Sứ quân Kiều Công Hãn ở đất Phong Châu, khi vừa nghe tin huyện quan ở Bồ Điền bị giết, thì cả mừng hội chúng tướng lại bàn. Kiều Sứ quân nói: - Một vùng Phong Châu, không lấy gì làm rộng cả. Nay, một mình ta tung hoành sợ còn chưa đủ chỗ, ấy vậy mà lại mất một Tam Đái vào tay thằng nhà quê Nguyễn Khoan, hỏi làm sao hùm thiêng có đủ rừng rậm núi cao để ngang dọc thét trăng quát gió! Nay, Bồ Điền có loạn, huyện quan bị mổ bụng cắt đầu, lòng người không phục Nguyễn Khoan nữa. Ta muốn nhân cơ hội này trước là mở rộng nhà cửa, sau là chiếm lấy nốt những nơi trọng yếu để lo việc lớn mai sau. Các ngươi nghĩ thế nào? Kiều Công Hãn là kẻ hung bạo, ít khi chú trọng đến các tình tiết của cơ mưu trí xảo. Dưới trướng cũng có được một số dũng tướng, năm bảy mưu sĩ. Hãn ưa cưỡi ngựa, cầm cung, hơn là đàm luận để nghe đến việc chữ nghĩa, bởi thế có ý trọng bọn võ tướng hơn là các mưu sĩ áo xanh, đầu đội khăn vải. Lúc Hãn hỏi ý văn sĩ, võ tướng, mọi người còn chưa có ý kiến gì, chợt có người xô ghế đứng dậy, oang oang: - Nguyễn Khoan dưới trướng có được vài nghìn lính không có áo mặc, gươm giáo toàn là đồ sứt mẻ, hoen gỉ, sá gì gã nhà quê ấy. Nay Tướng công muốn mở rộng nhà cửa, thu giang sơn về một mối, thì tôi dù chẳng có tài đuổi theo gió, chẳng có sức vật ngã voi, cũng xin được lãnh ấn tiên phong đi bắt bọn Nguyễn Khoan về đây để lập công! Mọi người nhìn lại, té ra là Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng, Hùng có sức mạnh hơn người, hai tay có thể xách nổi ngàn cân, quen sử dụng ngọn thiết tiên chín đốt gọi lầ cửu huyền thiết tiên. Lúc xung trận, Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng múa ngọn roi sắt chín khúc nhanh như gió, phát ra tiếng kêu vù vù như bầy ong bay, dù có tạt nước cũng không lọt vào tới người Hùng được. Tính tình Đặng Nhất Hùng thật ngay thẳng, hết sức nóng nảy, cứ nghe ai nói đến chữ nghĩa văn sách hay mưu mẹo gì thì chỉ câu trước câu sau là Đặng Nhất Hùng đã ngáp dài, tỏ ra chối tai lắm rồi. Vì vậy, thiên hạ đặt cho y ngoại hiệu là Trung Hỏa Tướng, có ý nói: Ông tướng trong lòng có lửa cháy. Hùng từng lập được nhiều công với Sứ quân Kiều Công Hãn, được Hãn yêu lắm. Nghe Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng dứt lời, Kiều Sứ quân gật gù có phần khoái chí lắm. Lúc ấy, lại có người lên tiếng: - Nguyễn Khoan cậy có đất đai phì nhiêu, kho tàng sung túc, ngựa ba nghìn cỗ, quân được vài nghìn, thành cao hào rộng, chiếm đất của chúa công ta một giải Tam Đái, thường huyênh hoang tự đắc, thật đáng ghét. Nay lòng người quả thật không phục gã nhà giàu quê mùa ấy, ta nên thừa cơ hội ra quân tiễu trừ, đúng là việc phải lắm! Kẻ vừa nói, chính là Thanh Diện Ma Vương Lý Sùng Bang, Bang là người cao chín thước, hai mắt lồi ra to bằng hai nắm tay, da mặt xanh biếc như nhuộm chàm, cho nên mới có ngoại hiệu là Ma Vương Mặt Xanh. Bang tính tình cực hung ác, nhưng không phải là kẻ gan dạ, chỉ giỏi nghề dựa hơi đón gió, tâng bốc Trung Hỏa Tướng, thường xem thường chúng tướng nên không ai phục, nhưng vì sợ Trung Hỏa Tướng nên các tướng không dám nói năng gì. Được thế, Thanh Diện Ma Vương Lý Sùng Bang hay có những hành vi hung ác, có bữa đi việc quan gấp dọc đường gặp chợ đông, Bang cứ thúc ngựa chạy bừa vào chợ chứ không chịu tránh, khiến ngựa giẫm chết mất nhiều dân lành, ai cũng oán hận. Bang không giỏi võ nghệ, nhưng giỏi nghề bợ đỡ, khéo hầu hạ Trung Hỏa Tướng mà được trọng dụng cho làm việc ở dưới trướng. Lúc nghe Bang lớn tiếng phục họa với Trung Hỏa Tướng, nhiều người phát ghét, không ai nói gì. Kiều Sứ quân càng thêm đắc chí, gật gù hoài không thôi. Hồi lâu, Sứ quân mới nói: - Vô tướng muốn nhân cơ hội này đẹp yên cái hóa Nguyễn Thái Bình, đấy cũng là ý của ta. Còn các vị khác, thì thế nào? Mọi người chưa dám đáp ra sao. Sứ quân lại nói tiếp. - Vả lại, việc xuất chinh là điều quan trọng, võ tướng chịu xông pha đã đành, còn ý các mưu sĩ thì thế nào? Dưới trướng Sứ quân cũng có một số mưu sĩ nhưng chỉ là hạn thổi thêm gió vào lửa, dội thêm nước xuống sông, chứ không phải là bậc quáng kiến có thể trông cậy được. Kiều Sứ quân thường nói rằng: “Mưu đồ việc lớn, mà không đủ bộ văn quan võ tướng, chẳng khác nào như cọp thiêng không có rừng già núi cả để tung hoành, ruộng tốt mà không có nước để cấy cày”. Vì vậy, Sứ quân cũng bắt chước thiên hạ bày đặt ra việc chiêu tập các mưu sĩ, nhưng kì thực thì chưa lần nào Sứ quân tin cẩn và nghe được lời bàn xác đáng của đám mưu sĩ dưới trướng. Nhưng Kiều Sứ quân vẫn thường lưu ý đến một người trong đám mưu sĩ, người ấy ít nói, hai mắt lúc nào cũng như buồn ngủ, ngồi không bao giờ tay chân cục cựa, hai tai lên cao quá đuôi mắt; thỉnh thoảng mưu sĩ này có đưa lời bàn, nhưng không lấy gì làm đặc biệt cho lắm, tuy thế những lời y nói ra thường không phải là những lời về hùa với chúng tướng hay bọn mưu sĩ ăn hại, y tên gọi là Trường Miên Quân Điền Bạc, ngoại hiệu có ý nói: “Gã Ngủ Triền Miên”. Hỏi xong, Kiều Tam Chế từ từ hướng mắt nhìn đám thuộc hạ, có ý dò hỏi từng người. Đám mưu sĩ vẫn không ai nhúc nhích. Giây lâu, mưu sĩ Điền Bạc mới chậm rãi nói: - Tướng công ý muốn ra quân, các võ tướng cũng muốn thế, thì hà tất còn phải bàn luận gì nữa. Chúa công cứ việc hành động đi. Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng đứng bật dậy, nói như sấm nổ: - Việc nước đang lúc thuận lợi, chúng tướng sẵn sàng xả thân vì chúa công, việc ra binh là nhất định rồi, còn phải hỏi đám mưu sĩ “hay ngủ” làm gì nữa để mà nghe những lời bàn bạc như vậy chứ! Kiều Sứ quân cả cười: - Nhà ngươi đừng nóng! Ấy là ta hỏi thế thôi! Nhưng việc quân cũng nên bàn kĩ mới được. Ta hỏi: nếu ra quân, thì ngươi tính nên hành động như thế nào? Trung Hỏa Tướng đáp: - Bẩm Chúa công, việc binh là nhập trận, chém tướng địch, đoạt thành địch, lấy máu địch mà rửa mặt lúc rạng đông, lấy gan địch làm cơm ăn buổi xế chiều. Binh là như vậy, có gì còn phải bàn nữa! Trong đám mưu sĩ có tiếng cười nhạt. Ai nấy giật mình, Trung Hỏa Tướng hai mắt tròn xoe muốn rách cả khóe, Thanh Diện Ma Vương mặt càng xanh thêm, hai mắt như tóe lửa nhìn đám mưu sĩ. Kẻ cười nhạt, chính là Trường Miên Quân Điền Bạc. Bạc cười xong, vẫn ngồi lim dim như đang ngủ, thân hình cứng nhắc như tượng gỗ. Sứ quân lấy làm lạ, bật hỏi: - Miên quân đang ngủ, mơ thấy chuyện gì mà cười nhạt thế? Điền Bạc hai mắt mở choàng, hai tay nhấc vội vành khăn mưu sĩ khoan thai đặt ngay xuống dưới đất, ngay trước ghế ngồi, rồi khom mình vái Sứ quân một vái đáp: - Ngu hạ ngồi nghe bàn quốc sự, đầu óc ngu tối nên ngủ mê đi. Bỗng thấy có con trâu cổ mình đen bóng, hai sừng lớn cong như hai vành nia, con trâu hùng hục đuổi theo cơn lốc đang xoắn đất cát mà lên sườn núi. Lên đến sườn núi cao, con trâu càng ráng sức đuổi theo gió, gió sườn núi bay vào trong vực, con trâu cổ sừng cong cắm đầu chạy theo bị rơi xuống vực mà chết. Ngu hạ thấy con trâu ngu quá, nên cười nhạt trong giấc mơ hóa ra xúc phạm đến Sứ quân cùng các đại tướng, các mưu sĩ. Vậy ngu hạ xin bỏ khăn để tạ tội! Chúng tướng nét mặt giận trông thấy, các mưu sĩ khẽ liếc mắt nhìn nhau không dám nói gì. Kiều Sứ quân mỉm cười hỏi lại: - Có phải là Điền quân muốn khuyên can ta đừng hành động như con trâu cổ đấy không? Điền Bạc vội đứng lên đáp: - Ngu hạ không dám ví Chúa công với con trâu cổ, thật quả giấc mơ có như vậy. Còn về việc ra quân, thì Trung Hỏa Tướng đã bảo là chỉ việc chém địch, cướp thành, như thế là phải, duy có điều lầ cần phải xét kỹ mới được. Thanh Diện Ma Vương Lý Sùng Bang vặn lại: - Thế ông mưu sĩ đã có kế gì hay chưa, việc binh tất ông không cầm được gươm, ngựa ông không cưỡi được, có phải “nên xét kỹ cái chỗ đó” của ông đấy chăng? Điền Bạc đáp: - Đã dành là sức trâu cổ lên được non, đuổi được gió, nhưng có làm được như gió sứt mẻ chút nào đâu, cuối cùng trâu cổ phải táng mạng ngu đàn đến như vậy! Nay Chúa công đã hỏi, các võ tướng cũng đã quyết, nếu có bàn thì cũng chỉ xin được nghe kế hoạch “đuổi gió, lên non” của các Tướng mà thôi. Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng nổi giận không thể tức thì xé xác Trường Miên Quân Điền Bạc cho hả, liên xô ghế đứng bật dậy: - Ông nói như vậy, chẳng hóa ra rủa tôi chết như con trâu của ông đấy ư? Bọn mềm lưỡi bao giờ cũng chỉ làm rộn mà thôi, chứ có được việc gì đâu! Nếu ta được quyền, tất thế nào cũng bắt bọn mềm lưỡi giữ chân tắm ngựa trận ta mới hả được giận! Kiều Sứ quân vỗ bàn: - Đặng Nhất Hùng ngươi không được lỗ mãng như thế? Việc quân bàn bạc ai cũng được quyền nói ý mình ra. Đành rằng ta nhất định ra quân, nhưng cũng cần có kế hoạch rõ ràng. Vậy ra hỏi Điền quân, ông có mẹo gì hay chăng? Điền Bạc nghiêm trang: - Ngu hạ xin được nghe cao kiến của chư vị trước đã. Kiều Sứ quân nói: - Thế Đặng tướng quân định liệu ta phải tiến quân như thế nào? Đặng Nhất Hùng đáp: - Phàm việc quân, tướng phải rõ địch tình, hiểu rõ chiến trường, định rõ tiến thoái. Nay địch tình rối loạn, huyện quan bị giết, thế tức là lòng người biến loạn, quân sự của địch không vững. Nếu ta đưa quân xuống Nam chinh phục Sứ quân Nguyễn Khoan, tức là vào kho lúa gạo, đoạt lấy nốt giải sông hồ cửa ngõ xuống phía Nam, lại thêm tranh thủ được nhân tâm toàn cõi Phong Châu, làm thế lâu dài lập nghiệp lớn. Nếu tiến quân, phải phân lưỡng đạo Đông Tây, một tiến theo ngả Trung Mẫu, xuống Tam Lộng vào Bình Xuyên, bít kín cửa ngõ trọng yếu của kho lúa gạo; một mặt, đưa thủy quân theo đường sông, tràn xuống đánh lấy Bồ Điền; hai đạo quân giằng co giúp nhau, thì chỉ phất cờ gióng trống cũng đủ đoạt thành, cướp đất của địch được rồi. Chúng tướng nghe bàn, thảy đều khâm phục, duy có Điền Bạc vẫn lim dim cặp mắt, chẳng lộ vẻ gì là bài bác hay tán thành cả. Kiều Sứ quân lại hỏi: - Thế ý kiến của Điền quân như thế nào? Lúc ấy, Điền Bạc mới mở choàng hai mắt, trịnh trọng nói: - Đặng tướng quân nói như vậy cũng không phải là không có lý. Nhưng ra quân như vậy chẳng khác nào lội sông mà không sắm bè, vào sa mạc mà không lo để dành nước... Trung Hỏa tướng vặn lại: - Ông nói thế là nghĩa làm sao? Điền Bạc ung dung: - Tướng quân biết phải đánh nơi nào của địch, nhưng lại quên không biết sức địch thế nào, phỏng có khác gì việc “biết phải lội sông, mà không biết cách sang sông; biết phải vào sa mạc, mà chẳng biết quang cảnh sa mạc ra sao” đấy ư? Kiều Sứ quân bảo: - Điền quân nói đúng lắm. Vậy muốn lội sông, vào sa mạc, ta phải làm thế nào đây? Điền Bạc hai mắt lại lim dim, đây là lần đầu tiên mưu sĩ “ngủ nhiều” được nghe Sứ quân hỏi kế một cách thành khẩn như thế. Mưu sĩ Điền Bạc trong lòng không khỏi nôn nao cảm động, ông nói: - Bẩm Sứ quân, đành rằng ta sẽ thanh toán Nguyễn Khoan, nhưng cũng lại phải biết sức Khoan mới được. Nay, Khoan tuy giữ vững đất đai Tam Đái nhỏ bé hơn đất của ta, nhưng lại có nhiều cái lợi về địa thế lẫn sức lực. Về địa thế, phía Bắc, Khoan không phải lo cái họa Kiều Lịnh Công ở Hồi Hồ, Khoan cũng còn có thể tạm gác tay ngủ yên không lo ta xâm chiếm, đấy cũng là một điểm không lợi của ta... Điền Bạc nói chưa hết, Sứ quân nét mặt đã tỏ ra không vui, Trung Hỏa Tướng thì hầm hầm: - Ông nói vậy, chẳng hóa ra ta không bằng Nguyễn Khoan, nên y mới gác tay ngủ yên được, có phải không? Điền Bạc nói: - Phàm đã vào việc quân, cần phải hiểu rõ sức mình sức người, ta không thể tự ái không đâu mà tự dối mình, không biết người! Tại hạ không nói rằng Nguyễn Khoan hơn ta, nhưng quả quyết rằng Nguyễn Khoan không sợ ta... Kiều Sứ quân hỏi: - Nếu không hơn ta, sao y lại không sợ ta? Điền Bạc đáp: - Bẩm Sứ quân, đấy là điều ta cần biết rõ. Thực ra, sức mạnh của Đặng Tướng quân thừa để phá thành đoạt đất của Nguyễn Khoan đấy, nhưng sức ấy nhất định không hơn được những cái Nguyễn Khoan dựa vào đó để không sợ ta... Đặng Nhất Hùng nghe Điền Bạc nói sức mình thừa sực đoạt thành cướp đất của đich, lấy làm hoan hỉ lắm, thành ra cơn giận mười phần cũng giảm được đến phân nửa, liền dịu giọng lại hỏi: - Thế địch dựa vào đâu để không sợ sức mạnh của ta? Điền Bạc ung dung đáp: - Cái thế phòng thủ của Đông Ngô thời Tam Quốc như thế nào, chắc các vị còn nhớ rõ. Nguyễn Khoan cũng vậy, Tiến thì không có đà để đánh ta, ngó về phương Nam cũng chẳng dám gây sự với Ngô Nhật Khánh; nhưng Thủ thì thế vạn đại vững vàng. Đất Tam Đái phía Tây có sông rộng chạy xuống phía Nam thì lại đổi hướng về phía Đông, làm cho mảnh giang sơn Tam Đái phân nửa có sông bao bọc, nhìn ra được cả hai phía chẳng khác nào như đứng trên mỏm núi cao nhìn xuống vùng ruộng đồng phì nhiêu, thấy rõ được cả động tĩnh của địch ở hai mặt Tây Nam. Phía Bắc, Nguyễn Khoan có cái lợi cùng chia với ta vùng đất bao la nhưng trống trải, trông suốt được mọi bề, đất ấy không phải là đất dụng binh mà là đất để đoạt lòng người, thu nạp nhân lực, tích trữ lương thảo, nuôi dưỡng sức mạnh. Về phía Đông, từ Cung Thương lên đến Trung Mẫu, đường không dài cũng không ngắn, tiến thì hậu quân liên lạc được với tiền quân, lui thì ba mặt Bắc Tây Nam cùng hợp sức bảo vệ, khó lòng quân ngoài vào được giữa lòng Tam Đái. Nguyễn Khoan có cái lợi là: nhìn lên phía Đông Bắc, cả một giải núi cao sẵn sàng như dành cho Khoan nơi ẩn nấp, nếu cùng đường Khoan có thể liên kết quy hàng Cổ Loa, thế là tự nhiên biến thành mối họa tim óc ở ngay sát nách ta. Binh dụng chưa được, có khi mang họa thêm nữa là khác. Chúng tướng im lặng, bọn mưu sĩ cũng không có ý kiến ra sao. Kiều Sứ quân trầm ngâm giây lát, rồi giọng có phần buồn buồn hỏi: - Như vậy, ta không làm sao thu được đất Tam Đái mà lại còn phải lo cái họa Tam Đái liên kết với Cổ Loa nữa đấy? Hừ!... Trung Hỏa Tướng cau mày hỏi: - Nói như vậy, thì chẳng phải là Điền mưu sĩ làm cho quân chưa ra trận đã nản lòng rồi hay sao? Việc quân mà cứ bàn bạc lôi thôi mãi, thì chỉ làm rối thêm tình thế chứ chẳng được ích gì. Tôi thiết nghĩ, ta cứ đổ quân thật nhanh xuống phía Nam, theo ngả Trung Mẫu xuống tới Bình Xuyên, Cung Thương, là chặn được đường của Khoan liên lạc với Cổ Loa, chứ việc gì phải lo lắng mãi... Điền Bạc cười nhạt, hai mắt vẫn không mở ra: - Thế Tướng quân quên rằng Khoan lấy cớ phòng giữ Cổ Loa tiến đánh, nên lập cả một loạt các ổ tế tác suốt từ sông Cà Lồ lên đến tận Suối Bạc, ngày đêm lảng vảng khắp nơi dò la tin tức Cổ Loa là gì? Nay ta động binh liệu có trừ ngay được các ổ tế tác ấy hay không? Nếu không thì đường về Cổ Loa liệu mấy ngày thì tới? Thảng hoặc, lúc nguy cấp Nguyễn Khoan vượt sông xuống Yên Lãng, thì việc liên kết với Cổ Loa nào có xa xôi gì nữa. Lúc ấy, sức ta có chống được với Kiều Lịnh Công, địch với Nhật Khánh ở bên kia sông, chống với binh Cổ Loa, đỡ được Nguyễn Siêu, Đỗ Cảnh Thạc kéo binh Nam lên không? Tướng quân muốn lấy sức mạnh của “trâu cổ” để bắt gió, liệu có tránh được cái nạn rơi xuống vực sâu mà chết hay không? Trung Hỏa Tướng cứng họng, mặt nhợt nhạt như gà bị cắt tiết, Thanh Diện Ma Vương nín thinh, bọn mưu sĩ kẻ sửa lại vành khăn, người xếp lại tà áo, vó vẻ hài lòng vì “phe te” hơn đám võ tướng! Kiều Sứ quân vẻ mặt trầm trọng, hỏi: - Điền quân nói rất chí lí, nay ý ta nhất định đánh Nguyễn Khoan thì phải làm thế nào? Bản đường xin được nghe cao kiến! Chúng tướng cũng như đám mưu sĩ thảy đều im lặng, ai cũng có vẻ nóng lòng muốn nghe xem Điền Bạc bàn thế nào. Điền Bạc từ lúc bỏ khăn bây giờ ngồi không nhúc nhích, nay hơi cục cựa có vẻ áy náy, hai mắt Điền Bạc hết lim dim lại mở rộng, ngập ngừng hồi lâu mới đứng lên trịnh trọng: - Bẩm Sứ quân, tại hạ đã có sẵn kế trong lòng, nhưng... nhưng... Điền Bạc lim dim cặp mắt, bộ điệu lúng túng. Kiều Sứ quân chợt tỉnh ngộ, vỗ bàn truyền: - Phải lắm! Phải! Việc nước chỉ nên bàn, không nên lộ bí mật. Điền quân hãy khoan nói đã. Các tướng, các mưu sĩ cứ trở về, ai lo việc nấy, ta nhất định nghe lời can của Điền Quân chưa vội tiến binh. Các ngươi hãy đợi lệnh ta, đừng có trễ nải! Mọi người vái tạ lục tục ra về, mỗi người mang một ý nghĩ trong lòng không yên. Lúc ấy, trong đại sảnh phủ đường Kiều Sứ quân, chỉ còn có mưu sĩ Điền Bạc ngồi lại, Sứ quân đợi mọi người ra hết, mới ngồi xuống ân cần hỏi Điền Bạc: - Bây giờ thì Chế này xin được nghe cao kế đây! Điền Bạc sửa lại tà áo, trịnh trọng: - Việc ra quân, trước sau cũng phải làm rồi. Từ ngày Sứ quân chiếm giữ Phong Châu, cưỡng lệnh của Cổ Loa, cùng với anh hùng khắp nơi mỗi người giữ một giang sơn, đến nay đã được bốn năm, sức không đủ mạnh để phá Bắc, dẹp Đông, đỡ Nam, chiếm Tây, nay muốn trút quân đánh nhau với Sứ quân Nguyễn Khoan, việc lo trước nhất là phải làm sao phá vỡ được cái thế yên ổn của Khoan, đem được cái “thịnh” của Khoan làm cái “thịnh” của mình, đẩy được Khoan vào chỗ nguy để mình được yên mà không làm cho bốn phương náo động, tức là thanh toán được Khoan mà không làm cho Sứ quân khác động binh. Điền Bạc luận một thôi một hồi, Kiều Công Hãn như sực tỉnh, dần dần ra khỏi được giấc mê. Sứ quân cả mừng: - Trời cho ta được Điền Quân, chẳng khác nào đại hạn gặp mưa, ta còn lo gì đại nghiệp chẳng thành nữa? Điền Bạc vội lạy tạ: - Bẩm Sứ quân, Điền Bạc này đâu dám thế. Anh hùng hào kiệt trong thiên hạ không phải là hiếm, nay khuông thờ Sứ quân thì quyết dốc hết sức hèn tài mọn ra báo đáp. Việc nay đến như vậy, làm sao Điền Bạc này còn dám “ngủ nhiều” nữa. Kiều Sứ quân cả cười: - Hay lắm! Vậy Điền Quân định kế như thế nào? Điền Bạc luận: - Không phải chỉ có lúa nhiều mà Nguyễn Khoan yên ổn, không phải chỉ có ba nghìn ngựa, muôn quân mà Nguyễn Khoan được yên, không phải có nhiều quân tế tác tinh khôn ở biên giới mà thông được hết việc thiên hạ, Nguyễn Khoan yên được ở bên trong, hòa được ở bên ngoài, vững được thế thủ mà không vững được thế công, ấy là nhờ cả vào một người... Kiều Sứ quân vội hỏi: - Nguyễn Khoan nhờ vào ai mà được như thế? - Nguyễn Khoan nhờ vào nhà sư Không Trí Thiền Sư ở Yên Lạc nên được như ngày nay. - Không Trí Thiền Sư là người thế nào? - Không Trí ở Yên Lạc là một Phật gia chính phải, chủ trương bi trí giúp cho việc tổ chức nội bộ của Nguyễn Khoan được vững chắc, bày cho Nguyễn Khoan phép trị ngoại được hòa hoãn. Thiền sư dưới tay có ba trăm đệ tử, có nhiều người tài. Gần đây, tại hạ được biết: Thiền sư không bằng lòng các hành vi của huyện quan Bồ Điền, nhiều lần khuyên Nguyễn Khoan phải bãi chức huyện quan, thay bằng người có tài có đức. Nhưng huyện quan Bồ Điền vốn là tên lưu mạnh hiếu sắc, liền vận động với Nguyễn Khoan, dâng gái đẹp, đút bạc vàng, khiến Nguyễn Khoan mờ mắt. Huyện quan Bồ Điền lại còn mua chuộc được vị Sư coi về Hóa Pháp Đường chùa Yên Lạc, kéo bè kết đảng nội bộ chia rẽ với Thiền Sư Không Trí. Việc này, Thiền Sư không phải là không biết, nhưng chưa có thời giờ để chấn chỉnh nội bộ thì xảy ra vụ huyện quan Bồ Điền bị giết. Nay, tại hạ vừa được tin: Chùa Yên Lạc nghi kị lẫn nhau, Nguyễn Khoan cũng hoang mang chưa định, nhân cơ hội này, ta... Điền Bạc đứng lên, lại bên Sứ quân, ghé sát miệng vào tai Sứ quân thì thầm hồi lâu, càng nghe vẻ mặt Sứ quân càng rạng rỡ. Cuối cùng, Điền Bạc nhắc lại: - Sứ quân cứ thế..., cứ thế... là thành công đấy! - Chế này xin nghe lời Điền Quân, nhất định phải thi hành diệu kế này mới được! Sứ quân vừa dứt lời, bên ngoài phủ đường có tiếng huyên náo. Điền Bạc còn ngồi lim dim trên ghế, Sứ quân ngơ ngác không hiểu việc gì, sực có quân canh vào phi báo... Muốn biết việc gì, xin xem rồi sau sẽ rõ. —ooOoo— Hồi Thứ Tư Mưu định vừa xong, tin sực đến Uốn ba tấc lưỡi tạo thời cơ S ứ quân Kiều Công Hãn cao giọng truyền: - Có gì ồn ào quá vậy? Tướng Đặng Nhất Hùng ào vào như gió lốc, vòng tay thưa: - Bẩm Sứ quân, tiểu tướng xin ra quân ngay là hợp lắm. Bây giờ, vừa có tin bên Đái gửi về, nếu ta chậm là mất thế thuận lợi hiếm có đấy. Sứ quân ngạc nhiên: - Tin gì vậy? Ngươi hãy nói rõ ra chứ! Tướng Đặng Nhất Hùng với tay mở cửa, gọi ra: - Ngươi vào trình Sứ quân rõ mọi việc đi! Từ ngoài, một kỵ sĩ vận bộ trường hành bào màu lam bám đầy bụi, chân đi dép đăng sơn, bước vào sụp lạy Sứ quân rồi vòng tay thưa: - Bẩm Chúa công, ngu hạ ở chặng tế tác chót về đây, tin từ biên giới gửi về trình lên Chúa công rằng: bên Tam Đái, chùa Yên Lạc bất hòa, Không Trí Thiền Sư giận Hóa Pháp Đường đại tăng xúi giục Nguyễn Khoan những việc sằng bậy, nên đóng cửa chùa không đi lại với Nguyễn Khoan nữa. Hóa Pháp Đường Đại Tăng Tịnh Nhật được thể bỏ Chùa ra ở hẳn trong phủ Nguyễn Khoan, gây ra nhiều việc ân oán, khiến cho mưu thần Khúc Đồng Kim cáo quan về ở ẩn rồi bị giết chết bí mật. Trấn Giang Đại Tướng Cao Duy Hưng bất mãn lớn, án binh không tuần phòng, chúng tướng lòng dạ hoang mang không biết nghe lệnh ai, có ý đợi lệnh Trấn Giang tướng Cao Duy Hưng là có thể nổi lên làm loạn. Vậy tin cấp trình lên Chúa công định liệu. Sứ quân ngẩn người, hồi lâu mới phán được một câu: - Được, ngươi lui đi! Kỵ sĩ “dạ” một tiếng, đứng dậy vòng tay bái rồi lui ra. Cửa mở, bên ngoài thấy lố nhố bọn mưu sĩ và chúng tướng, thì ra bọn họ vẫn chưa ra khỏi phủ, còn bàn bạc với nhau ở tiền sảnh thì có tin tế tác chạy về, nên lại kéo nhau vào cả trong phủ. Bên trong, Kiều Sứ quân đi đi lại lại, trước văn án, bộ điệu gay cấn lắm. Tướng họ Đặng vênh váo đứng đợi, chỉ có mưu sĩ Điền Bạc vẫn lim dim ngồi như đang ngủ. Sứ quân quay lại hỏi tướng Đặng: - Việc như thế nào? Ngươi nói rõ ta nghe. Trung Hỏa Tướng thưa: - Ngay khi huyện quan Bồ Điền bị sát hại, mưu thần của Nguyễn Khoan là Khúc Đồng Kim nhân dịp hết lời khuyên Khoan hãy nên tu sửa nội bộ, xa lánh phường xu nịnh, chấn chỉnh uy danh, bảo vệ lấy thế đứng của mình hòng chống đỡ với các Sứ quân khác, Nguyễn Khoan còn đang lưỡng lự, sực có tin Đại tăng Tịnh Nhật chủ tọa Hóa Pháp Đường chùa Yên Lạc tới thăm, liền mời vào. Đại tăng Tịnh Nhật khuyên Khoan phải cứng rắn hành động, ngăn chặn ngay những mầm mống phản loạn nhất là bọn tướng sĩ. Khoan cho là phải, từ đấy có ý nghi ngờ bọn tướng sĩ, bắt ngày đêm đồn trại ở xa, không lúc nào được ngừng tuần phòng, cốt ý làm cho chúng tướng sĩ mệt mỏi không còn thì giờ nghĩ việc khác, không có dịp gặp nhau để bàn bạc được việc gì nữa. Không Trí Thiền Sư biết tin, hiểu việc các tướng sĩ bất mãn, lòng mưu sĩ hoang mang, liền ra mặt trách cứ Tịnh Nhật đem lời thẳng thắn khuyên Khoan hãy xa lánh kẻ xu nịnh, vỗ về tướng sĩ, nghe lời bàn của Khúc Đồng Kim. Đại tăng Tịnh Nhật vốn là kẻ cường đồ, từng can dự vào nhiều vụ tàn hại lương dân, sau nhân tình đại loạn bọn tăng lữ được trọng dụng, liền bỏ nghề giặc cướp khoác áo nhà tu, nhờ cửa Phật để giao du với các người quyền thế, thi hành những mưu mô lợi hại để vơ vét thao túng địa phương. Khuông Trí là một chân tu, tình thế không thể dừng được phải dung dưỡng Tịnh Nhật nhưng trong lòng vẫn lo một mai họa từ trong nhà phát khởi tất khó trành được tai biến. Nay thấy Tịnh Nhật xúi Nguyễn Khoan làm điều xằng bậy, thì quyết một lần nữa ra mặt chống lại. Tịnh Nhật có nhiều tay chân bộ hạ, chia nhau khắp nẻo vây kín Nguyễn Khoan, đem gái làm Khoan mờ mắt, lựa những lời đẩy đưa làm đẹp lòng Khoan khiến Khoan nhìn việc như người mơ ngủ. Mưu sĩ Khúc Đồng Kim vốn dòng dõi Khúc Thừa Hạo năm xưa, thấy vận nước nguy nan chẳng thể ở yên một chỗ tìm cảnh vui thú ruộng vườn, liền dâng lời ngay thẳng lên Sứ quân Nguyễn Khoan thật thống thiết, xin Khoan hãy trừ bỏ Đại tăng Tịnh Nhật trước, sau vỗ về tướng sĩ, hết sức cứu dân mới mong tránh được loạn lớn. Tịnh Nhật biết được, liền gièm pha nói xấu Kim, khiến Kim bị Nguyễn Khoan ra mặt lạnh nhạt, Khúc Đồng Kim buồn bã, bỏ ra về. Ra tới cổng phủ Sứ quân, Kim ngửa mặt lên trời khóc to ba tiếng lại cười ba tiếng, rồi rũ áo thẳng phía Nam, toan trở về quê cũ bên bờ sông để ở ẩn. Lúc Kim đi, dân chúng thương cảm xúm nhau lại tiễn đưa, có nhiều kẻ khóc lóc như sắp mất cha ông, rồi kéo nhau đi tiễn Kim xa hàng dặm đường mới chịu trở lại. Lúc ấy, điềm lạ lại xảy ra! Số là, Sứ quân Nguyễn Khoan rất ghét chim chóc, nhất là loài quạ đen thường hay tụ tập ở các chỗ sông hồ, Khoan truyền lệnh phải đuổi hết loài chim quanh phủ đường, cấm không được để cho loài quạ lai vãng gần phủ. Vì thế, cả một vùng rộng lớn chu vi quanh phủ, từ lâu không còn thấy bóng quạ đen. Nay, lúc Kim lên đường về ở ẩn, dưới đất trăm dân tiền đưa khóc lóc, trên cao quạ đen ở đâu xuất hiện bay rợp trời, cất tiếng kêu thật bi thiết, rồi đua nhau bay cả về Nam. Tin bay về phủ, Sứ quân Nguyễn Khoan triệu bọn mưu sĩ lại hỏi, thì Đại tăng Tịnh Nhật bàn: - Quạ đen là tin xấu, lâu nay bị Sứ quân cấm không được lai vãng, nay Kim từ quan lấy cớ về dưỡng già mà quạ đen xuất hiện, chẳng phải Kim với quạ là một thì còn gì nữa! Kim đi về Nam, quạ cũng bay về Nam, như thế lòng dạ quân phản trắc đã rõ rệt. Biết đâu Kim chẳng tìm cách sang sông, về với Kiều Thuận hay Nhật Khánh, lúc ấy tất Kim đem hết việc nội bộ của ta kể cho hai sứ ấy biết, có khác gì ruột gan ta bị Kim móc ra cả. Sứ quân nên bí mật cho người đi giết Kim, đừng để Kim thoát được qua sông e họa lớn khó lường được đấy! Nguyễn Khoan cho là phải, sai người hành thích Khúc Đồng Kim tại gò Thần Tiên, gần Cẩm Khê. Từ đấy, Đại tăng Tịnh Nhật ra tay thao túng, kéo bè kết đảng xúi giục Khoan đủ điều. Một mặt, Tịnh Nhật ngày đêm dựa vào Phật sự, hết sức ru ngủ trăm dân, nay trở lễ chay đàn, mai mở lễ khi Kinh liên miên không hết, cốt ý tỏ ra là bậc chân tu trọng đạo, hòng lôi kéo tín ngưỡng trăm dân. Trăm dân bề ngoài tỏ ra trọng Phật, nhưng trong lòng không khỏi chán ghét ác tăng, việc loạn chỉ còn chờ cơ hội là xảy ra. Sứ quân Kiều Công Hãn khi nghe rõ hết mọi chuyện, lại hỏi Đặng Nhất Hùng: - Ý tướng quân định thế nào? Nhất Hùng hăng hái: - Bây giờ nội bộ Nguyễn Khoan lục đục, bên ngoài trăm dân oán thán, chùa Yên Lạc đòng cửa ấy là lúc ta nên mở cửa thành ra quân. Chỉ một trận là giang sơn này thu về một mối, đừng nên chậm trễ. Sứ quân cả mừng, truyền: - Nay ta quyết định khai quân. Tướng quân phải chuẩn bị sẵn sàng để đợi lệnh. Trung Hỏa Tướng “dạ” to một tiếng, vẻ vui mừng không sao che giấu được. Thầy trò Sứ quân Kiều Công Hãn xem ra hài lòng lắm. Chợt mưu sĩ Điền Bạc lại cười nhạt một tiếng làm cho Sứ quân cũng như tướng Nhất Hùng chưng hửng. Điền Bạc đứng lên trịn trọng thưa: - Bẩm Chúa công, Nguyễn Khoan sắp chết, vì quạ đen đưa tiễn Khúc Đồng Kim, loạn sắp dấy lên ấy cũng bởi binh tướng mạnh mà không có đầu óc, tại sao Chúa công lại còn bắt chước Khoan để tìm chỗ nguy, bỏ cái thắng của mình như thế? Sứ quân ngạc nhiên; Trung Hỏa Tướng giận tím mặt vội thưa: - Bẩm Chúa công, quân ta chưa ra khỏi thành, mưu sĩ đã đem những lời lẽ chẳng ra gì để rủa ta, như thế sao có thể là kẻ đáng tin cẩn được? Điền Bạc dõng dạc: - Tướng quân nóng lòng muốn vì Chúa công ra binh, xông pha chiến trận, khí phách ấy thật đáng khâm phục! Nhưng thử hỏi: nội bộ Khoan tuy lục đục, nhưng chưa phải là tan rã, làm sao ta có thể chỉ một trận mà thành công được? Vả lại, Nguyễn Khoan còn có Trấn giang Đại tướng Cao Duy Hưng thường được người đời gọi là Thủy Thượng Giao Long, con rồng thiêng vẫy vùng trên sóng nước, hết sức giỏi nghề thủy chiến, lại thêm có tướng Lâm Huy Chung là tay giỏi chiến trận chẳng kém các danh tướng đời xưa. Nếu ta hấp tấp ra quân, hồ đồ vào đất địch, tất các tướng ấy phải tạm quên việc nội bộ để đối phó với ta, lúc ấy có phải là tự nhiên ta bỏ cái “an” của mình mà rước lấy cái “nguy” của kẻ viễn chinh hay không. Liệu sức tướng quân làm được gì trong tình thế ấy? Trung Hỏa Tướng hai mắt như tóe lửa, quai hàm bạnh ra, nhưng cứng họng không biết đáp ra sao. Lúc ấy, chúng tướng và bọn mưu sĩ cũng ngấp nghé ở cả ngoài cửa, ai cũng nghe rõ hết những lời bàn bạc ở trong. Sứ quân băn khoăn giây lát, rồi truyền: - Tất cả mọi người vào đây. Ta nghị sự thêm lần nữa xem sao! Mọi người lại lục tục kéo nhau vào hội sảnh, phân ngôi an tọa. Sứ quân nói: - Việc bên Tam Bái, ai cũng biết. Một bên, tướng quân Nhất Hùng muốn ra quân ngay để chiếm phần lợi, dựa vào cái thế “ta gắn bó mà địch rã rời” để thủ thắng, một mặt Điền mưu sĩ lại bảo ta đừng bỏ cái “an” của mình mà chọn cái “nguy” của địch. Vậy, ai có ý kiến gì nữa? Chợt có người đứng bật dậy thưa: - Bẩm Chúa công, việc quân là của tướng, tướng đã chủ trì việc ra quân, tất là ý hay đã định, mưu sĩ chỉ chuyên bàn lý sự, không hiểu phép chém tướng đoạt thành, ngồi chỗ yên mà tưởng tượng ra việc ở xa, làm sao sáng suốt được? Lúc nãy khi còn ở ngoài phủ, khi được tin gửi về hết thảy các tướng đều muốn ra quân ngay, nhiều mưu sĩ cũng cho là phải, vậy Chúa công nên quyết định tiến quân, trước là để làm cho hừng trí các tướng sĩ, sau là mở ra giai đoạn “rồng thiêng vượt khỏi đầm lầy”, đừng nên trì hoãn nữa. Mọi người nhìn ra, hóa ra kẻ vừa phát ngôn là Quân Lương tướng Trần Bảo Điền chuyên coi về việc quân lương, nhưng lại bất lương hay ăn cắp của công. Điền vóc dáng vừa phải, nhưng cằm hơi lệch, và cặp mắt hay nhìn xuống, nên tướng gian khó che đậy được. Mưu sĩ Điền Bạc nghe Trần Bảo Điền nói vậy, liền xẵng giọng: - Tôi được nghe bên Tam Đái có thằng hay ăn cắp lẻo mép, theo hầu nhà sư Tịnh Nhật, lúc vào chùa Yên Lạc hay có thói táy máy tay chân nên Không Trí Thiền Sư phải đánh xích sắt cột các đồ cúng tế vào bàn thờ mới không bị mất trộm. Sau thằng ăn cắp ấy theo Tịnh Nhật đại tăng ra ở phủ Nguyễn Khoan, lại giở nghề cũ bị Khoan bắt gặp, nó liền nói rằng: Cất giúp Sứ quân các đồ quý, kẻo bị mất trộm. Sứ quân giận nhưng không thèm chấp, thằng ăn cắp được thể làm tới. Nhiều người thấy nó có nhiều đồ quý hơn cả Nguyễn Khoan, nó sợ quá liền đem nộp cả lại Sứ quân, Nguyễn Khoan cười mà hỏi rằng: thế ngươi không cất giúp hộ ta nữa à? Thằng ăn cắp xấu hổ quá từ đấy không dám nhìn mặt Khoan nữa... Điền Bạc kể chuyện bên Tam Đái, khiến chúng tướng cũng như bọn mưu sĩ cười ồ lên, Trần Bảo Điền biết Điền Bạc chửi chéo mình, vừa ngượng vừa giận quá, đành câm miệng ngồi im. Sứ quân Kiều Công Hãn hỏi: - Thôi, việc thằng ăn cắp bên Tam Đái xong rồi, thế bây giờ Điền Quân có ý kiến như thế nào? Điền Bạc lại trịnh trọng đứng dậy: - Lúc nãy, tại hạ có đặt mưu kế, Chúa công cho là phải, nay vừa định xong kế lại có tin bên Tam Đái gửi về, kế của ta lại thêm cơ hội để thành công lớn. Ta chỉ cần thêm ít vận dụng nữa là thế nào cũng xong, ta cũng phải nên tạm nén lòng hăng hái vội vàng, để đợi cho mưu kế của ta thành tựu, lúc ấy chỉ giơ tay ra là đoạt được Tam Đái mà không e sợ gì cả. Trung Hỏa Tướng nóng lòng hỏi: - Thế mưu của ông như thế nào? Điền Bạc ung dung đáp: - Mưu thì Chúa công đã biết, nay ta chỉ cần thêm một chút nữa vào mưu kế ấy là xong. Bên Tam Đái, Trấn Giang Đại tướng Cao Duy Hưng là người có ảnh hưởng về binh bị lớn hơn cả. Cao lại đang bị Tịnh Nhật gièm pha quân sĩ hoang mang. Ta phải nhân cơ hội đánh kế ly gián, làm cho Cao bỏ Khoan mà đi, nếu Cao bỏ đi, tất thế nào tướng Lâm Huy Chung cũng phải chạy nốt, lúc ấy Tam Đái có khác gì con hổ bị cắt hết gân, con lươn bị rão xương sống, ta làm gì mà chẳng được! Sứ quân cả mừng khen lớn: - Hay, kế hay lắm! Nhưng ta làm sao để thi hành kế ly gián được đây? Điền Bạc thưa: - Lúc nãy tại hạ đã dâng lên Chúa công kế ấy nay chỉ cần thêm phần ly gián, bởi chính mưu kế ấy ta đang mong muốn thành tựu thì tự nó đã thành tựu rồi. Chùa Yên Lạc chia rẽ, Không Trí Thiền Sư đóng cửa không giao du với Nguyễn Khoan, có khác nào lòng trời tựa ta, ta mong ước là được. Nguyễn Khoan lai nghi kỵ bọn tướng sĩ, khiến lòng người hoang mang, nay ta nương theo cơ hội ra tay để quyết một việc, là nội bộ Nguyễn Khoan phải tự tan rã... Kiều Sứ quân lại vội hỏi: - Nguyễn Khoan tan rã vì sao? Điền Bạc thưa: - Việc lớn kỵ nhất là vua nghi ngờ tướng sĩ bề tôi; nay Nguyễn Khoan nghi ngờ chúng tướng có khác nào tự chặt tay chân. Nay ta chỉ cần làm sao cho cái nghi kỵ ấy trở thành mối lo sinh tử của chúng tướng bên Tam Đái, khiến cho họ phải tự cứu bằng cách bỏ Khoan mà đi, thế là ta thành công. Sứ quân hỏi thêm: - Ta làm sao để hành động như vậy được đây? Tướng sĩ ngoảnh đi ngoảnh lại nhìn nhau, mà chẳng có ai có ý kiến ra sao. Mưu sĩ Điền Bạc thì vẫn cứ lim dim cặp mắt. Hồi lâu, Sứ quân có ý nản lòng, hỏi vớt lần nữa: - Ta làm thế nào để thi hành mưu kế được đây? Mọi người im lặng hồi lâu, lúc ấy Điền Bạc mới cất tiếng: - Bẩm Chúa công, nay ta phải cử người sang Tam Đái, tìm cách để liên lạc với các tướng bên ấy, rồi lựa lời mà nói: Sứ quân vặn lại: - Ai đi được công việc khó như vậy? Ai dám vì ta mà lên đường vào chỗ nguy hiểm được đây? Chúng tướng và bọn mưu sĩ nín thinh, lần này Sứ quân tỏ ra chán nản ra mặt. Hồi lâu, Điền mưu sĩ mới bước ra trịnh trọng sửa lại tà áo, nghiêm trang nói: - Bẩm Chúa công, không phải các tướng hay các mưu sĩ của ta không có đủ tài để vào nơi nguy hiểm, nhưng nơi nguy hiểm mà thận trọng trước khi bước vào là điều đáng khen. Các tướng xông pha trận mạc nguy hiểm không cùng mà chẳng sợ, đâu có phải là các tướng nhát sợ gì. Các mưu sĩ tính kế bày mưu, ra tài để dựng nước, đấy cũng là thái độ can đảm mà không cần phải xông pha trận mạc. Nay, các tướng, các mưu sĩ không ai nhận sứ mạng đi Tam Đái, ấy cũng vì mỗi người hiểu rõ công việc của mình, mọi hành động nhất nhất đều có ảnh hưởng đến sự nguy vong hay an toàn của ta, nên mới có sự im lặng như vậy... Lời nói của Điền Bạc êm mà vững như bàn thạch. Cả hội sảnh im lặng đến con ruồi bay cũng nghe rõ tiếng cánh đập. Điền Bạc nói chưa hết, đám các tướng và bọn mưu sĩ bỗng có nhiều người thở dài nhẹ nhõm. Thì ra các tưởng chỉ chuyên việc cưỡi ngựa cầm gươm, lấy cái khỏe của kẻ ngu phu ra tung hoành. Còn bọn mưu sĩ vốn là bọn thích về hùa a-dua, hay lựa lời tâng bốc chủ nhân hơn là hết lòng giúp chủ, nay vào dịp lớn làm sao dám ngửa tay nhận việc. Mọi người ngượng nghịu thì nghe Điền Bạc lên lời, mới đầu đã tưởng là Điền Bạc lại sắp xỏ xiên kể nọ móc họng kẻ kia, ai cũng có ý lo, nhưng nào ngờ Điền Bạc lại hết lời biện luận bệnh vực cho, chẳng khác nào như kẻ đi đêm sợ ma bỗng gặp được quán trọ đông người có đèn sáng. Mọi người mừng ra mặt. Sứ quân cũng hởi dạ hỏi: - Vậy Điền quân định liệu thế nào? Điền Bạc vẫn ung dung: - Tại hạ dâng kế, thì xin Chúa công cho tại hạ được thi hành kế. Nếu Chúa công không nghĩ rằng tại hạ kém cỏi, thì tại hạ xin vượt đường xuống Tam Đái một phen. Kiều Sứ quân cả mừng: - Hay lắm, ta có Điền quân đích thân lo việc ấy, thì còn sợ gì nữa! Sứ quân vừa dứt tiếng, có kẻ sực nói: - Mạt tướng chữa vững gươm, cưỡi ngựa vạn dặm chưa nổi, cũng xin đem thanh gươm gỉ con ngựa ốm theo hầu Điền mưu sĩ xuống Tam Đái, xin Chúa công đừng từ chối! Tiếng nói nghe như sóng vỗ bờ đá, vang mà hùng vô kể khiến mọi người đều giật mình nhìn ra, thì đó là tướng có nhiệm vụ canh phòng ngoại vi phủ đường Sứ quân, tên gọi Thẩm Chu Bình, chức Truy Phong tướng. Thẩm thường ít nói, nhưng có thực tài, rất được mọi người yêu mến. Tài của Thẩm thật ra chưa có cơ hội để biểu dương đến tuyệt mức, nay nghe Thẩm xin theo hầu Điền Bạc, Sứ quân bằng lòng ngay, nhưng còn hỏi lại Điền Bạc: - Ý túc hạ thế nào? Điền Bạc khẽ liếc Thẩm Chu Bình một cái, Bình hồi hộp chờ đợi, Điền Bạc nói: - Nếu được ông Thẩm đi cùng, thì tại hạ mừng lắm, còn phải nói gì nữa? Lúc ấy, Trung Hỏa Tướng Đặng Nhất Hùng lại nói: - Bẩm Chúa công, việc Điền mưu sĩ xuống Tam Đái, chẳng khác nào vào chốn hang hùm hầm rắn, tại hạ nghĩ mình nên được đi theo bảo hộ cho Điền mưu sĩ mới đúng. Sứ quân cả cười: - Hay lắm, ai cũng muốn vào hang hổ hầm rắn, thế mảnh giang san này lấy ai gìn giữ đây? Điền Bạc nói tiếp theo: - Đặng tướng quân chẳng khác nào cây trụ của đất Phong Châu này, nay bỏ mà đi sao được! Tại hạ nghĩ rằng tướng quân nên ở lại phò trợ Sứ quân, lo liệu không cho rắn lọt vào, hổ tới quấy, có phải hơn không. Vả lại, chuyến đi Tam Đái tuy lành dữ thế nào chưa biết, nhưng tại hạ quyết chắc là sẽ không đến nỗi nào. Xin tướng quân cứ yên lòng... Sứ quân mừng lắm hỏi thêm: - Thế bao giờ thì Điền quân định sẽ lên đường đây? Điền Bạc lẩm nhẩm tính toán: - Bây giờ là bắt đầu vào Hạ, giữa Thu đất Tam Đái có lệ mở hội mừng trăng. Cũng trong hội này, Trấn Giang Đại tướng Cao Duy Hưng năm nào cũng vâng lệnh Nguyễn Khoan mở cuộc thao diễn thủy quân, biểu dương lực lượng, phô trương thanh thế để đe dọa các Sứ quân khác; mười ba ngày của tiết Thu phân là hội tết của Tam Đái, Nguyễn Khoan hay mở cửa Phủ tiếp khách. Nhân dịp này, tôi xin vào gặp Nguyễn Khoan, dâng đồ lễ của Chúa công, nói là Chúa công sai xuống Tam Đái giao hảo. Rồi tôi sẽ lựa dịp gặp gỡ Tướng Trấn Giang, tìm cách li gián hắn với Khoan là được. Sứ quân càng nghe Điền Bạc nói, mặt mày càng khởi sắc vui tươi, rồi truyền dọn tiệc để Chúa tôi thù tạc, mừng việc lớn sắp đặt được đâu vào đó, đợi ngày Điền Bạc lên đường xuống Tam Đái. Việc thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ. —ooOoo— Hồi Thứ Năm Mở hội giữa Thu, Chúa tôi bẻ chuối bóp hồng làm mật kế Bàn mưu tính kế, hẹn đập chén làm hiệu giết người Đ ây lại nói về chuyện Tam Đái. Hồi ấy đang buổi sắp trăng tròn, mùa Thu ở đất Tam Đái có tiếng là đẹp. Một dải sông dài như dòng bạc quấn quanh hai mặt Tây Nam Tam Đái. Dân chúng dù ở xa xôi như Bình Xuyên, Cung Thương vũng về Tam Đái để chực chờ xem hội Trung Thu trên sông. Tại phủ đường Sứ quân Nguyễn Khoan, đèn treo la liệt, hội hè yến ẩm kéo dài từ sáu ngày nay, Chúa tôi say sưa không ngớt. Chiều hôm nay, Sứ quân mở đại tiệc, đãi hai mươi sáu huyện lệnh, hào mục, tất cả đều thuộc quyền sai khiến của Tam Đái. Trăng vừa nhô cao, tiệc bắt đầu náo nhiệt. Sứ quân Nguyễn Khoan mặt vuông chằn chặn, hai mắt lớn như hai quả táo, môi dày mà thâm, ngồi ghế chủ tiệc lộ vẻ vui mừng không ngớt. Sứ quân bảo: - Mùa hội năm nay, ta vui hơn những năm trước, Nay, các tướng, các hào về đây đông đủ, trước hãy vui với hội hàng năm, sau ta có điều muốn bàn tới. Chúng tướng, các huyện lệnh hào mục đều dạ ran. Tiệc vui, từ đấy xen lẫn lo âu, bồn chồn đợi chờ của mọi người. Sứ quân làm như không có gì xảy ra, thản nhiên vô cùng. Mãi sau Sứ quân chợt hỏi: - Này quan lênh Bồ Điền, thế từ ngày “cô hàng rượu” bị bắt hụt đến nay, quan lệnh có gặp lại cô nàng hay không? Hỏi xong, Sứ quân cười ha hả, huyện quan Bồ Điền lúng túng không biết nói sao. Sứ quân nói tiếp: - Rõ thật là rượu độc không chết, lại chết vì chén nước mưa ngọt ngào! Này chư quan chư tướng, các vị hãy xem gương huyện quan Bồ Điền trước mà lo thân liệu việc nước. Nay “nước mưa ngọt” ngập đầy đồng, rượu độc chì là điều nghe trong chuyện kể, vậy là đại cuộc trong thiên hạ sắp sôi nổi, các vị phải hết sức cẩn trọng mới được! Sứ quân truyền quân hầu chuốc đầy rượu, lấy thêm mười vò rượu mai chín nữa rồi truyền cho quân hầu lui hết, lại ra lênh cho chức Phòng Đường Tướng phải cẩn mật tuần liễu nơi phủ đường không cho người vào cũng không cho ai ra. Xong rồi Sứ quân trịnh trọng bảo: - Này các vị, nay ta có việc hệ trọng trước là kể cho mọi người biết, sau ta muốn cùng mọi người bàn định kế hoạch đối phó. Sứ quân nâng ly rượu giơ cao, giọng sang sảng: - Trước khi nghe kể, các vị hãy cùng ta một hơi cạn chén, tỏ lòng gắn bó trăm người như một. Rượu tuy không trích huyết, nhưng cũng là hẹn ước một lòng với nhau, ai bỏ ai trời xanh sẽ tru diệt! Sứ quân một hơi cạn chén, các tướng, các lệnh quan, lệnh hào cũng đều một loạt uống cạn. Sứ quân đặt chén, mắt quắc như sao sáng nhìn khắp mọi người trên bàn tiệc một lần, có người chịu không nổi cái nhìn dữ dội ấy run lên bần bật, Sứ quân cả cười: - Giang sơn ta một dải Tam Đái, sức mạnh ta đủ đứng trong trời đất này, nhưng tiếc thay trong bắp thịt hùng mạnh của ta lại có căn bệnh nhức nhối nó tàng ẩn... Sứ quân lại rót rượu, giọng cười bi thiết lại vang vang, cả bàn tiệc im lặng ghê gớm, thật nặng nề. Sứ quân nói thật êm: - Uống nữa đi, các người, đừng ngập ngừng gì cả, có thế mới thật lòng với nhau, ai không say là kẻ muốn phản lại ta đấy! Sứ quân dứt lời, cả bàn tiệc nhao nhao thi nhau rót rượu, vui lo lẫn lộn, ai cũng cố làm ra vẻ tự nhân, hết lòng trung thành với Sứ quân. Chờ cho rượu rót xong, Sứ quân lại bảo: - Các vị uống cạn đi, rồi nghe ta nói chuyện. Cả bàn tiệc như những thây ma không hồn, nghe theo lệnh của phù thủy, nâng chén cạn liền. Sứ quân lúc ấy mới thung dung nói: - Tiệc vui hôm nay, không có Trấn Giang Đại Tướng tham dự cũng không có cả Lâm Huy Chung, cả các thuộc tướng của Trấn Giang Tướng cũng không ai tới. Trấn Giang Đại Tướng lấy cớ phải sửa soạn đại hội trên sông, nên khước từ không dự tiệc được. Những năm về trước, có năm nào đất Tam Đái lại không mở hội trên sông, có lần nào Tướng Trấn Giang lại không đến cùng ta uống rượu mừng trăng tròn? Đấy tất phải có sự tình gì đây? Ai có thể cho ta biết được nào? Cả tiệc im phăng phắc, ai cũng lộ vẻ bồn chồn, lo âu. Sứ quân lại nói tiếp: - Tam Đái ta trong thời gian gần đây không được yên ổn, cửa Phật có những chuyện không vui, bên ngoài liên tiếp có chuyện không hay. Ta biết giữa Trấn Giang Đại Tướng với Tịnh Nhật Đại Tăng có điều bất hòa, rồi giữa Tịnh Nhật với Không Trí Thiền Sư cũng lại có điều không ổn. Tới việc tên phản phúc Khúc Đồng Kim bị giết thì ta thấy rõ ràng là Tướng Trấn Giang tỏ vẻ hục hặc, chuyện phản động thế tất khó tránh được sau này. Mọi người có ý kiến ra sao? Mưu sĩ Hàn Đồng người thân cận của Tịnh Nhật Đại Tăng liền lên tiếng: - Bẩm Sứ quân, việc bất hòa giữa Đại Tăng Tịnh Nhật với Trấn Giang Tướng, quả thật là có. Nguyên nhân cũng bởi Trấn Giang Tướng ghen ghét với kẻ tu hành, thấy Sứ quân nghe theo lời hay lẽ phải của Đại Tăng, nên Trấn Giang Tướng mới hục hặc. Nay, theo tôi được biết, thì hình như Trấn Giang Tướng có bí mật giao thiệp với Phong Châu, toan tính điều phản nghịch thì phải... Sứ quân Nguyễn Khoan cả cười, cả bàn tiệc lặng thinh không ai thốt một tiếng, ai cũng cảm thấy việc hôm nay thật nghiêm trọng đến nỗi không dám thở mạnh. Sứ quân nói: - Ấy cũng chỉ vì việc Trấn Giang Tướng với Phong Châu, mà ta mới cần hỏi mọi người hôm nay đây. Hàn quân nói đúng, quả thật có việc như vậy, nhưng Hàn quân còn biết những gì nào? Hàn Đồng vốn là kẻ gian ác, chỉ lăm le tìm cách hãm hại người hiền tài, nay được Sứ quân khen thì sướng như mở cờ trong bụng. Y trịnh trọng: - Bẩm Sứ quân, việc lớn kẻ hèn chỉ được biết phong phanh như vậy, còn đang mong được Sứ quân chỉ dạy mới có thể góp lời thô kệch được. Sứ quân vụt hỏi: - Này Phúc Nghiệp Trình, giả sử phải đương đầu với Tướng Trấn Giang liệu ngươi có đủ sức cầm chân y không? Phúc Nghiệp Trình vốn là một bộ tướng lợi hại của Sứ quân, rất giỏi bộ chiến, có tài rong ruổi liên miên trên lưng ngựa không cần ngủ, xông pha trận mạc một mình một cây Yểm Nguyệt Đao có tài lấy đầu tướng địch như lấy đồ vật trong túi, Phúc lại là kẻ thận trọng, khôn ngoan, rất được lòng người, ba quân đều phục tài cảm đức. Phúc năm nay được bốn mươi bảy tuổi, nhưng vóc dáng oai hùng ít ai sánh kịp. Nghe Sứ quân hỏi, Phúc Nghiệp Trình chậm rãi đáp: - Bẩm Sứ quân, đương đầu với Tướng Trấn Giang là một điều khó làm được ở trên sông nước. Tiểu tướng không phải là địch thủ của Tướng Trấn Giang. Nhưng nếu giao chiến trên bộ, thì Tiểu Tướng có thể đương cự được... Sứ quân mỉm cười: - Ấy là ta hỏi thế, chớ làm gì đã có việc giao tranh. Này các vị, trong hàng Tướng sĩ của ta, giỏi nghề thủy chiến có Cao Duy Hưng, bộ chiến có Lâm Huy Chung, Phúc Nghiệp Trình. Quân lương tướng có Đinh Cao Lãm, văn quan có thiếu gì người tài; đất của ta phong phú, người của ta đông, sức ta mạnh, Sứ quân nào không biết! Chỉ buồn một nhẽ, nội bộ ta nay đang lục đục, có thể mất một vài tướng tài. Đấy là điều ta buồn không ít! Sứ quân nói xong mặt lộ vẻ buồn vô hạn, nhưng cặp mắt không ngớt long lanh sáng quắc. Cả bàn tiệc như ngồi trong nhà mồ, lặng thinh. Sứ quân tiếp: - Ta vừa được tin: Phong Châu cho mưu sĩ Điền Bạc xuống Tam Đái này để mừng hội giữa Thu của ta. Các người có ý kiến thế nào về việc này? Hàn Đồng lên tiếng trước: - Bẩm Sứ quân, Điền Bạc có tiếng là ngụy biện. Nay y xuống Tam Đái đúng vào lúc nội bộ ta có vài điều không ổn, tất có ý dòm ngó nội bộ ta, vả lại mấy lúc gần đây, Sứ quân Kiều Công Hãn có ý muốn động binh, chắc Điền Bạc đi phen này cũng có ý muốn xem sức mạnh của ta đây! Sứ quân bảo: - Hay lắm! Ta cũng nghĩ như thế. Vậy phải đối phó ra sao? Hàn Đồng hứng chí, thao thao: - Điền Bạc dám xuống Tam Đái, tất không phải làm dám cậy mạnh mà đi, nhưng ỷ tài biện luận để vào hang hùm đây. Chúa công cứ nhân việc huyện quan Bồ Điền, rồi đổ