🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Một Số Vấn Đề Pháp Lý Về Tài Sản Mã Hóa, Tiền Mã Hóa Ebooks Nhóm Zalo Chịu trách nhiệm xuất bản: Q. GIÁM ĐỐC - TỔNG BIÊN TẬP PHẠM CHÍ THÀNH Chịu trách nhiệm nội dung: ỦY VIÊN HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP - XUẤT BẢN TS. VÕ VĂN BÉ Biên tập nội dung: ThS. VĂN THỊ THANH HƯƠNG TS. HOÀNG MẠNH THẮNG TRẦN HÀ TRANG ThS. NGUYỄN VIỆT HÀ Trình bày bìa: Chế bản vi tính: Đọc sách mẫu: NGUYỄN MẠNH HÙNG PHẠM THU HÀ TRẦN HÀ TRANG BÙI BỘI THU Số đăng ký kế hoạch xuất bản: 1360-2020/CXBIPH/18-301/CTQG. Số quyết định xuất bản: 5011-QĐ/NXBCTQG, ngày 09/6/2020. Nộp lưu chiểu: tháng 6 năm 2020. Mã ISBN: 978-604-57-5671-3. Biªn môc trªn xuÊt b¶n phÈm cña Th− viÖn Quèc gia ViÖt Nam Phan ChÝ HiÕu Mét sè vÊn ®Ò ph¸p lý vÒ tµi s¶n m· hãa, tiÒn m· hãa / Ch.b.: Phan ChÝ HiÕu, NguyÔn Thanh Tó. - H. : ChÝnh trÞ Quèc gia, 2019. - 292tr. ; 21cm 1. Ph¸p luËt 2. Tµi s¶n m· ho¸ 3. TiÒn m· ho¸ 343.032 - dc23 CTK0212p-CIP TẬP THỂ TÁC GIẢ TS. Phan Chí Hiếu TS. Nguyễn Thanh Tú (chủ biên) TS. Phan Chí Hiếu TS. Nguyễn Thanh Tú PGS.TS. Phan Huy Hồng TS. Lưu Hương Ly TS. Đặng Minh Tuấn ThS. Vũ Đức Dũng ThS. Lê Ngọc Giang ThS. Nguyễn Tuấn Linh ThS. Nguyễn Huy Hoàng Nam ThS. Lê Thị Hoàng Thanh ThS. Nguyễn Kim Thoa CN. Đinh Thị Phương Hảo CN. Nguyễn Cảnh Thăng LỜI NHÀ XUẤT BẢN Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ và tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain)... đã làm xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ mới trên phạm vi toàn cầu, trong đó có tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền ảo, tiền mã hóa - các tài sản mới (tài sản phi truyền thống). Các giao dịch về tài sản ảo, tiền ảo ngày càng thu hút sự quan tâm, tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Làm thế nào để quản lý hiệu quả và hạn chế được rủi ro từ tài sản ảo, tài sản mã hóa, tiền ảo, tiền mã hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là bài toán đặt ra cho các nhà đầu tư, nhà quản lý, đặc biệt cho các nhà hoạch định chính sách, pháp luật. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa phân tích một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ thực tiễn pháp luật của một số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng như rà soát pháp luật và tìm hiểu thực tiễn ở Việt 5 Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam để quản lý, xử lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 7 năm 2019 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT 6 LỜI NÓI ĐẦU Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn biến rất nhanh, đã và đang thay đổi mạnh mẽ các phương thức quản trị, mô hình vận hành các hoạt động kinh tế truyền thống. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem đến những giải pháp hoàn toàn mới trong việc giải quyết các thách thức mà trước đây chưa có lời giải. Nếu tận dụng tốt, đây là cơ hội cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thực hiện các đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đem đến những thách thức không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà còn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định chính sách và đổi mới phương thức quản lý khi có nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới, chưa có tiền lệ được tạo lập. Trong đó, vấn đề quản lý, xử lý đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa đang ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng; các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, pháp lý; các chính phủ và tổ chức quốc tế. Cho đến nay, đã có một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và nước ngoài về tài sản mã hóa, 7 tiền mã hóa. Tuy nhiên, hầu hết các công trình này chủ yếu đề cập khía cạnh kinh tế hoặc công nghệ. Nhiều khía cạnh pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng để xử lý các vấn đề phát sinh, cần được đánh giá, phân tích đầy đủ, đặc biệt trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng như đảm bảo tính tương thích với các chuẩn mực quốc tế. Cuốn sách được xây dựng, phát triển dựa trên Báo cáo số 255/BC-BTP ngày 19/10/2018 của Bộ Tư pháp (do nhóm nghiên cứu của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế phối hợp với các chuyên gia chuẩn bị) về việc rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật, thực tiễn về tài sản ảo, tiền ảo trên thế giới và ở Việt Nam; nhận diện, đề xuất các định hướng hoàn thiện. Cuốn sách gồm bốn chương, tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong mối tương quan với các vấn đề kinh tế, công nghệ có liên quan thông qua việc phân tích kinh nghiệm quốc tế cũng như rà soát pháp luật và thực tiễn ở Việt Nam; từ đó đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam để quản lý, xử lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Chương I trình bày tổng quan và phân tích các vấn đề kinh tế, công nghệ và pháp lý liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Chương II giới thiệu kinh nghiệm quốc tế về tài sản mã hóa, tiền mã hóa thông qua việc phân tích các hướng tiếp cận đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa và khung pháp lý cụ thể cùng một số vụ việc liên quan của một số quốc gia trên thế giới. 8 Chương III tập trung rà soát và đánh giá một cách toàn diện thực trạng pháp luật và thực tiễn một số vụ việc liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa tại Việt Nam theo từng nhóm quy định pháp luật cụ thể. Trên cơ sở đó, Chương IV đưa ra một số đề xuất, khuyết nghị cũng như định hướng xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về tài sản mã hóa, tiền mã hóa ở Việt Nam. Những khuyến nghị này không tập trung vào việc xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà còn hướng tới cách thức tiếp cận, tư duy pháp lý cho việc ban hành và hoạch định các chính sách, pháp luật nói chung trong việc ứng dụng các phát minh và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới. Có thể nói, cuốn sách này là công trình đầu tiên ở Việt Nam phân tích, đánh giá một cách có hệ thống, đầy đủ các khía cạnh pháp lý liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Đây là vấn đề hết sức mới, rất phức tạp với nhiều thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ nên chắc chắn cuốn sách không tránh khỏi những sai sót. Tuy vậy, đây sẽ là tài liệu có giá trị với nhiều thông tin, lập luận hữu ích không chỉ cho các cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách mà còn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, luật sư cũng như những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ, kinh tế... trong bối cảnh Việt Nam đang khuyến khích thí điểm các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, nhất là trong những ngành, lĩnh vực ứng dụng 9 công nghệ cao nhằm tận dụng có hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các góp ý, thông tin, phản biện của rất nhiều đông nghiệp từ nhiều bộ, ngành liên quan; các cơ quan, tổ chức và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, nước ngoài trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Báo cáo nêu trên cũng như trong quá trình hoàn thiện cuốn sách này. Hà Nội, tháng 4 năm 2019 TS. Phan Chí Hiếu và TS. Nguyễn Thanh Tú 10 DANH MỤC CÁC THUẬT NGỮ VIẾT TẮT ASIC Ủy ban chứng khoán và đầu tư Ôxtrâylia AUSTRAC Trung tâm Phân tích và báo cáo các giao dịch Ôxtrâylia Blockchain Công nghệ chuỗi khối CBDC Tiền mã hóa mang tính chủ quyền quốc gia CFTC Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Hoa Kỳ CMCN 4.0 Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư DLT Công nghệ sổ cái phân tán CRA Cơ quan thuế Canada CSA Cơ quan quản lý chứng khoán của Canada ESMA Cơ quan quản lý chứng khoán và thị trường của Liên minh châu Âu EU Liên minh châu Âu FATF Lực lượng đặc nhiệm về hoạt động tài chính FINMA Cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ HKMA Cơ quan quản lý tiền tệ của Hồng Kông ICO (ITO) Phát hành (bán) tài sản (tiền/xu) mã hóa (lần đầu) ra công chúng IMF Quỹ Tiền tệ quốc tế 11 ISO Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa KYC Định danh khách hàng MAS Cơ quan quản lý tiền tệ của Xingapo Sandbox Khung pháp lý/Quy định thí điểm, thử nghiệm SEC Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ WB Ngân hàng thế giới 12 Chương I TỔNG QUAN VỀ TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA I. NHẬN THỨC CHUNG VỀ TÀI SẢN ẢO, TÀI SẢN MÃ HÓA VÀ TIỀN ẢO, TIỀN MÃ HÓA 1. Về tài sản ảo, tài sản mã hóa Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự bùng nổ của các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain)1... và việc ứng dụng các công nghệ này đã làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại, trong đó có tài sản ảo, tài sản mã hóa và tiền ảo, tiền mã hóa. Việc phát hành, lưu thông, trao đổi các loại tài sản ảo, tài sản mã _______________ 1. Xem Quyết định số 3685/QĐ-BKHCN ngày 03/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Danh mục các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0. 13 hóa cũng như tiền ảo, tiền mã hóa ngày càng được mở rộng về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của công chúng, các chuyên gia công nghệ, kinh tế, tài chính, pháp lý, các chính phủ và tổ chức quốc tế. Thế giới hiện nay chưa có định nghĩa thống nhất về tài sản ảo, cả về thuật ngữ và nội hàm, tuy nhiên, theo định nghĩa của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO)1, tài sản ảo (virtual asset hay virtual property) là biểu hiện của tài sản trong không gian mạng (cyberspace), tức là trong môi trường phức hợp được hình thành bởi sự tương tác của người sử dụng, phần mềm và các dịch vụ trên internet thông qua các thiết bị kỹ thuật và mạng lưới được kết nối. Tài sản ảo còn được hiểu là một dạng tài sản số (digital asset). Theo Luật Mẫu về tài sản số của Ủy ban thống nhất pháp luật Hoa Kỳ, tài sản số là bản ghi điện tử (electronic record) xác nhận quyền hay lợi ích của một người2. Dưới góc độ kỹ thuật, tài sản ảo là thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính trong một hệ thống công nghệ thông tin chuyên biệt. Các đoạn mã khác nhau trong các hệ thống khác nhau tạo nên những loại tài sản “ảo” khác nhau, có thể xác định được, có thể chuyển giao và có _______________ 1. ISO/IEC 27032:2012(en): Information Technology - Security Techniques - Guidelines for Cybersecurity, Mục 4.49. 2. Uniform Fiduciary Access to Digital Assets Act, Revised (2015), Điều 2(10). 14 giá trị trong một cộng đồng người sử dụng nhất định. Dưới góc độ kinh tế, các tổ chức, cá nhân có liên quan tạo ra, trao đổi tài sản ảo nhằm đáp ứng những kỳ vọng nhất định của mình1. Hầu hết tài sản ảo có tính lâu bền, có thể phân chia và có thể chuyển nhượng được; giá trị của các loại tài sản này chủ yếu do cộng đồng người sử dụng thừa nhận dựa trên tính khan hiếm về nguồn cung cũng như nhu cầu sử dụng trong cộng đồng này. Xét về bản chất, tài sản ảo cũng là một loại tài sản, là sản phẩm của trí tuệ, sức lao động của con người để phục vụ cho nhu cầu cụ thể nào đó của con người, có thể được thừa nhận giá trị trong cộng đồng người sử dụng. Dưới góc độ pháp lý, có thể có 03 nhóm quan hệ phát sinh liên quan đến tài sản ảo, gồm: (i) mối quan hệ giữa người sử dụng và nhà cung cấp chương trình phần mềm tạo ra tài sản ảo (thường dựa trên hợp đồng); (ii) mối quan hệ pháp lý giữa người sử dụng, “sở hữu” tài sản ảo với chính tài sản ảo đó (quan hệ sở hữu, sử dụng, định đoạt); và (iii) mối quan hệ giữa người sử dụng, “sở hữu” tài sản ảo với bên thứ ba. Người sử dụng trong không gian mạng có kỳ vọng chính _______________ 1. Các giao dịch liên quan đến tài sản ảo (theo nghĩa rộng) được thực hiện khá phổ biến, giá trị tài sản ảo trong một số trường hợp có thể tương đối lớn, như: tài khoản trò chơi trực tuyến đạt thứ hạng cao, một số “đồ vật” có công dụng đặc biệt trong trò chơi đó, một số trang web có lượng truy cập lớn, tên miền (domain name) độc đáo hay địa chỉ thư điện tử (email), tài khoản mạng xã hội (như facebook) nổi tiếng… hay tài sản mã hóa, tiền mã hóa như bitcoin. 15 đáng về việc xác lập lợi ích pháp lý gắn với tài sản ảo như họ kỳ vọng đối với tài sản hữu hình khác. Như vậy, về bản chất, tài sản ảo (như khái niệm của Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa hay khái niệm của Ủy ban thống nhất pháp luật Hoa Kỳ) suy cho cùng cũng tương tự như một tài sản thông thường khác. Với cách hiểu tài sản theo nghĩa rộng, pháp luật nhiều nước thừa nhận tài sản ảo cũng là một loại tài sản1. Trước đây, dữ liệu nói chung hay tài sản ảo nói riêng thường được lưu trữ (cất giữ) trong các hệ thống máy tính tập trung (centralized system). Ngày nay, nhờ ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán mà điển hình là công nghệ blockchain (công nghệ chuỗi khối) - với cơ chế hoạt động đặc trưng là sổ cái phân tán kết hợp kỹ thuật mật mã và cơ chế đồng thuận phi tập trung để lưu trữ thông tin - dữ liệu trong các khối thông tin được liên kết chặt chẽ với nhau, được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Thông tin được lưu trữ trên sổ cái phân tán rất khó bị thao túng hoặc thay đổi, vì vậy tạo nên sự tin tưởng về tính xác thực của thông tin2. Một số loại tài sản ảo được tạo lập trên cơ sở _______________ 1. Michaela MacDonald: The Case for Virtual Property, Queen Mary University of London, 2017, tr. 114, 216. 2. H. Natarajan, S. Krause, H. Gradstein: “Distributed Ledger Technology (DLT) and Blockchain”, FinTech Note No. 1, WB, 2017, tr. 5-9. 16 công nghệ này, thường được gọi là tài sản mã hóa (crypto assets) hay tiền mã hóa (crypto currencies), ngày càng thu hút được sự quan tâm nghiên cứu, đầu tư, kinh doanh của nhiều tổ chức, cá nhân do những kỳ vọng về ưu điểm vượt trội mà công nghệ blockchain đem lại - công nghệ được xem là một trong những công nghệ nền tảng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi kết hợp với với các công nghệ, kỹ thuật về mã hóa hay mật mã (cryptographic technology)1. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, 10% GDP toàn cầu sẽ được lưu trữ, tạo lập qua công nghệ blockchain vào năm 20272. Tùy theo từng ngữ cảnh cụ thể, trong một số trường hợp, khái niệm tài sản ảo (hay tài sản số) có thể được sử dụng để chỉ một phạm trù hẹp hơn là tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Ví dụ, ngày 13/5/2018, Chính phủ Thái Lan đã ban hành 02 nghị định, gồm Nghị định về hoạt động kinh doanh tài sản số (EDDABO) và Nghị định về sửa đổi Luật Thuế thu nhập (EDARC), có hiệu lực từ ngày 14/5/2018, để quản lý và đánh thuế thu nhập các tài sản số. Theo các _______________ 1. University of Malaysia: Malaysian Blockchain Regulatory Report, 5/2018, tr. 3-4; Vitalik Buterin, “Mechanism Design in Blockchain”, Bài thuyết trình tại Hội thảo quốc tế “Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề pháp lý đặt ra” do Bộ Tư pháp chủ trì, Hà Nội, ngày 16/9/2018. 2. WEF, Deep Shift Technology Tipping Points and Societal Impact, Survey Report 9/2015, tr. 16. 17 nghị định này, tài sản số (digital assets) được phân loại thành tiền mã hóa (cryptocurrency) và “xu” kỹ thuật số (digital token)1. Các phân tích dưới đây sẽ làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản ảo (đặc biệt là tiền ảo) với các loại tài sản mã hóa (gồm tiền mã hóa). 2. Về tiền ảo, tiền mã hóa 2.1. Nhận thức chung về tiền Sự xuất hiện và tiến hóa của tiền gắn liền với sự phát triển của các hình thái kinh tế. Trong thời kỳ sơ khai khi các quan hệ kinh tế, thương mại còn đơn giản, việc trao đổi (barter) hàng hóa, dịch vụ được thực hiện ở mức độ đơn giản với quy mô nhỏ và giữa các chủ thể cùng sinh sống, hoạt động trong một không gian nhỏ hẹp. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển cao hơn, các quan hệ kinh tế trở nên phức tạp, những nhược điểm của phương thức hàng _______________ 1. Theo 02 nghị định này, “tiền mã hóa” là một đơn vị thông tin điện tử được tạo lập trong một hệ thống điện tử với mục đích hướng đến là để sử dụng như một phương tiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc các quyền khác (bao gồm trao đổi với các tài sản số khác); “xu kỹ thuật số” được định nghĩa là một đơn vị thông tin điện tử được tạo lập trong một hệ thống điện tử với mục đích hướng đến là: (i) Xác định quyền của một người đã đầu tư vào một dự án hay hoạt động kinh doanh; hay (ii) Xác định quyền đối với hàng hóa, dịch vụ hay quyền khác theo thỏa thuận giữa người phát hành và người nắm giữ xu kỹ thuật số. 18 đổi hàng1 và các quan hệ thương mại trở nên phức tạp cần được điều chỉnh dựa trên quan hệ hợp đồng dẫn đến sự ra đời của tiền2. Do đây là một hiện tượng mang tính lịch sử nên pháp luật của hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam đều không định nghĩa cụ thể về tiền3. Dưới góc độ kinh tế, tiền theo nghĩa truyền thống có ba chức năng, bao gồm: đơn vị kế toán, phương tiện lưu trữ giá trị và phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các đồng tiền hiện nay không thể đáp ứng đồng thời các chức năng này một cách hoàn hảo, nhất là khi công nghệ làm thay đổi giá cả hàng hóa, dịch vụ nhanh chóng; khi _______________ 1. Như: tính đồng thời từ hai phía khi lựa chọn đối tác, bạn hàng (đồng thời thỏa mãn tất cả các yêu cầu về thời gian, địa điểm, loại hàng hóa và số lượng trao đổi); việc lưu trữ giá trị để trao đổi với các hàng hóa khác (nhiều loại hàng hóa sẽ bị hư hỏng, thối rữa và không thể giữ lại để trao đổi với các loại hàng hóa cần thiết khác). Xem: Jeffrey E. Glass: “What Is a Digital Currency?”, IDEA: The Law Review of the Franklin Pierce Center for Intellectual Property, Vol. 57, No. 3, 2017, tr. 462. 2. Dror Goldberg: “Legal Tender”, Department of Economic, Bar Ilan University, 2009, tr. 3&4 https://www.biu.ac.il/soc/ec/wp/2009- 04.pdf. 3. Khoản 3 Điều 55 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam. Nhà nước bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền quốc gia”; khoản 3 Điều 2 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: “thực hiện chức năng của Ngân hàng trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ”. 19 đó, việc kết hợp chức năng lưu trữ giá trị và đo lường giá cả của tiền về lôgic là rất khó vì giá cả thay đổi theo nhiều hướng và nhiều nhóm khách hàng khác nhau. Đồng thời, thực tế cho thấy tính không ổn định và tính không chắc chắn của tiền dưới khía cạnh kinh tế ngày càng cao; điều này ảnh hưởng đến chức năng phương tiện thanh toán và đòi hỏi cần có sự sáng tạo về tiền1. Dưới góc độ pháp lý, tiền là vấn đề chủ quyền quốc gia, theo đó, mỗi quốc gia sẽ có các quyền như: quyền phát hành tiền, bao gồm - tiền xu và tiền giấy là các loại tiền pháp định trên lãnh thổ quốc gia đó; quyền quyết định và thay đổi giá trị của tiền; quyền quy định việc sử dụng tiền quốc gia hoặc bất cứ loại tiền nào khác trong phạm vi quyền tài phán của mình2. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện thanh toán mới, tiền không chỉ tồn tại ở hình thức truyền thống là tiền giấy, tiền kim loại do cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia, vùng lãnh thổ phát hành mà còn có thể tồn tại dưới hình thức kỹ thuật số với nhiều phương thức thanh toán mới; trong đó, một hình thức đang được thừa nhận và _______________ 1. Harold James: “Lucre’s Allure: Throughout Time, New Currency Has Been Associated with Mystical Qualities, and Bitcoin is no Exception”, IMF Finance & Development, 6/2018, Vol. 55, No. 2, tr. 18. 2. Francois Gianviti: “Chapter 1: Currenlegal Aspects of Monetary Sovereignty”, Current Developments in Monetary and Financial Law, Vol. 4, 2008, tr. 3-16. 20 tiến tới sử dụng rộng rãi là tiền điện tử (e-money) hay tiền kỹ thuật số. Về bản chất, tiền điện tử (e-money) chỉ là biểu hiện dưới hình thức kỹ thuật số (hình thức điện tử) của tiền pháp định, được sử dụng để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định qua phương thức điện tử. Đó là giá trị được lưu trữ, trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng. Tiền điện tử có 05 đặc tính cơ bản: (i) được lưu trữ giá trị bằng phương tiện điện tử; (ii) được thể hiện bằng quyền truy đòi đối với tổ chức phát hành tiền điện tử; (iii) được phát hành dựa trên một khoản tiền pháp định; (iv) được sử dụng để thực hiện giao dịch thanh toán; và (v) được chấp nhận bởi cá nhân, pháp nhân không phải là tổ chức phát hành tiền điện tử. Như vậy, hiểu một cách đơn giản, tiền điện tử là hình thức thể hiện dưới dạng điện tử hay dạng số của tiền pháp định, là giá trị tiền tệ lưu trữ trong ví điện tử, thẻ trả trước, thiết bị điện tử di động...; có tỷ lệ quy đổi 1:1 với tiền pháp định (tiền giấy, tiền xu); có thể sử dụng cho mục đích trao đổi, thanh toán. 2.2. Khái niệm tiền ảo, tiền mã hóa Theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO)1, tiền ảo (virtual currency) là loại tài sản ảo có tính chất tiền tệ _______________ 1. ISO/IEC 27032:2012(en), Information Technology - Security Techniques - Guidelines for Cybersecurity, Mục 4.50. 21 (monetary virtual asset), tức là có thể được sử dụng làm phương tiện trao đổi hay một tài sản có giá trị trong một môi trường cụ thể như trong trò chơi điện tử (video game) hay trong một trò chơi mô phỏng giao dịch tài chính. Theo Chỉ thị số 2108/843 ngày 30/5/2018 của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố đã định nghĩa tiền ảo là một biểu hiện của giá trị dưới dạng số (digital representation of value). Loại tiền này không được một ngân hàng trung ương hay một cơ quan nhà nước nào phát hành hay bảo đảm, không gắn liền với một đồng tiền pháp định nào và không có địa vị pháp lý của tiền tệ, nhưng được chấp nhận thanh toán bởi cá nhân hoặc pháp nhân như là một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển đổi, lưu trữ hay giao dịch bằng phương thức điện tử1. Theo Lực lượng đặc nhiệm về hoạt động tài chính (FATF), tiền ảo là biểu hiện của giá trị dưới dạng số có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng như: (i) một phương tiện trao đổi; và/hoặc (ii) một đơn vị kế toán; và/hoặc (iii) một hình thức lưu trữ giá trị; nhưng không phải là tiền pháp định ở một quốc gia, vùng lãnh thổ nào; không được bất cứ một quốc gia, vùng lãnh thổ nào phát hành hoặc bảo đảm; các _______________ 1. Directive (EU) 2018/843 of the European Parliament and of the Council of 30 May 2018 amending Directive (EU) 2015/849 on the prevention of the use of the financial system for the purposes of money laundering or terrorist financing, and amending Directives 2009/138/EC and 2013/36/EU, OJ L 156/43 (điểm d Khoản 2 Điều 1). 22 chức năng trên chỉ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó1. Như vậy, có thể khẳng định, các loại tiền ảo hiện nay (dù được gọi dưới bất cứ thuật ngữ nào) thì đều không phải là tiền pháp định (legal tender), không phải là “tiền” theo nghĩa truyền thống. Tuy nhiên, khái niệm tiền ảo theo định nghĩa của ISO rất rộng; trong khi đó, khái niệm tiền ảo trong Chỉ thị số 2108/843 của EU hay của FATF tương đối giống nhau, có phạm trù hẹp hơn, đã loại bỏ khả năng tiền ảo được phát hành bởi một quốc gia, vùng lãnh thổ hay bởi một cơ quan nhà nước. Nhưng thực tiễn trên thế giới rất phong phú và không ngừng thay đổi về quan niệm, hướng tiếp cận về tiền ảo, tiền mã hóa trong quan hệ với tiền pháp định. Đầu năm 2018, Vênêxuêla đã phát hành đồng tiền mã hóa Petro được bảo đảm bằng tài sản dầu mỏ của Vênêxuêla2. Một số quốc gia khác cũng đang nghiên cứu khả năng phát hành tiền mã hóa mang tính chủ quyền quốc gia (central bank digital currency (CBDC) hay sovereign cryptocurrency)3. Xingapo cũng đã chính _______________ 1. Financial Action Task Force: Virtual Curency: Key Definitions and Potential AML/CFT Risks, 2014, tr. 4. 2. Petro White Paper, Financial and Technology Proposal, 20/2/2018. 3. Cộng hòa Mác San - một quốc đảo ở Thái Bình Dương - đã phát hành đồng tiền ảo SOV và thậm chí tuyên bố sử dụng như đồng tiền pháp định (xem: http://www.nydailynews.com/newswires/ news/business/marshall-islands-creates-virtual-money-pay-bills article-1.3852395). 23 thức công bố và phối hợp với một số ngân hàng, công ty công nghệ để triển khai dự án thử nghiệm đồng tiền CBDC dựa trên công nghệ sổ cái phân tán1. Tuy nhiên, các khái niệm tiền ảo nói trên vẫn rất rộng, có thể bao gồm cả các loại “xu”, “kim cương”, “tiền”, “vàng”... trong chương trình trò chơi trực tuyến hay “điểm thưởng” của các hệ thống siêu thị, điểm trong chương trình khách hàng thân thiết... Do đó, Luật Mẫu về kinh doanh tiền ảo của Ủy ban thống nhất pháp luật Hoa Kỳ2 được ban hành cuối năm 2017 đã định nghĩa tiền ảo là biểu hiện của giá trị dưới dạng số: (a) được sử dụng như một phương tiện thanh toán, đơn vị kế toán, hoặc lưu trữ giá trị; và (b) không phải tiền pháp định, dù có hay không việc được định giá bằng tiền pháp định; tuy nhiên, không bao gồm: (i) Một giao dịch mà trong đó thương nhân trao cho khách hàng trong chương trình khách hàng thân thiết, hoặc chương trình tích điểm thưởng, giá trị không thể đổi ra tiền pháp định, khoản tín dụng ngân hàng, hoặc tiền ảo với chính thương nhân đó; hoặc _______________ 1. Project Ubin: Central Bank Digital Money Using Distributed Ledger Technology, http://www.mas.gov.sg/Xingapo-Financial Centre/Smart-Financial-Centre/Project-Ubin.aspx. 2. Uniform Regulation of Virtual Currency Business Act (Uniform Law Commission Laws, 2017), khoản 23 Điều 102. 24 (ii) Một biểu hiện của giá trị dưới dạng số do nhà phát hành cung cấp (hoặc được cung cấp thay mặt nhà phát hành) và chỉ được sử dụng trong một trò chơi trực tuyến, chương trình trò chơi, hoặc một bộ các trò chơi do chính nhà phát hành bán hoặc được cấp trong cùng chương trình trò chơi. Định nghĩa tiền ảo như vậy đã được Bécmuđa (một lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Anh) đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh tiền ảo Bécmuđa, được Hạ viện Anh thông qua vào cuối tháng 4/20181. Như vậy, khái niệm tiền ảo nêu trên của Hoa Kỳ và Bécmuđa đã loại trừ các loại tiền ảo như vật phẩm ảo (trong các trò chơi trực tuyến) hay điểm thưởng (trong các hệ thống siêu thị, chương trình khách hàng thân thiết...), chỉ có mục đích sử dụng hạn chế, chủ yếu trong nội bộ chương trình, cộng đồng đó, không có ảnh hưởng hay có tác động đến kinh tế, xã hội; không tạo ra rủi ro lớn trong việc sử dụng vào các hoạt động phi pháp như lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trên thực tế, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, các thuật ngữ như “tiền kỹ thuật số” (digital currency), “tiền thay thế” (alternative currency), “tiền internet” (internet currency), “tiền mã hóa” (crypto _______________ 1. Bermuda Virtual Currency Business Act 2018, http://en.finance. sia partners.com/20180730/bermudas-virtual-currency-business-act analysis-key-points. 25 currency) hay thậm chí là “tài sản mã hóa” (crypto asset) được sử dụng với nghĩa tương đương1. Theo Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu vào tháng 4/2018 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), việc sử dụng thuật ngữ “tiền” trong “tiền ảo” hay “tiền kỹ thuật số” như vậy có thể gây nhầm lẫn, vì thực chất loại tài sản này có tiềm năng kết hợp lợi ích của tiền tệ và hàng hóa, cụ thể như sau: Thứ nhất, giống như tiền thật (tiền pháp định), chúng có khả năng được sử dụng để trao đổi với các loại tiền tệ khác, hoặc thậm chí được sử dụng để thanh toán (như hiện nay được cho phép sử dụng trong thanh toán tại Nhật Bản) và có thể lưu giữ giá trị. Mặc dù được “quảng bá” là một hình thức tiền tệ mới, loại “tiền” này vẫn còn khoảng cách rất xa để đáp ứng đầy đủ ba chức năng cơ bản của tiền tệ, bao gồm: đơn vị kế toán, phương tiện lưu trữ giá trị và phương tiện thanh toán. Nhiều quốc gia cấm sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán. Chúng có thể thỏa mãn chức năng lưu trữ giá trị; tuy nhiên, việc sử dụng như một phương tiện trao đổi vẫn còn hạn chế và việc biến động về giá trị đã hạn chế khả năng trở thành một đơn vị kế toán đáng tin cậy; Thứ hai, là sản phẩm đầu tư, chúng có thể giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư; tuy nhiên, khả năng này còn rất hạn chế do sự không chắc chắn về khía cạnh pháp lý, _______________ 1. University of Malaysia: Malaysian Blockchain Regulatory Report, 5/2018, tr. 16 & 133. 26 thị trường nhiều biến động, chứa đựng nhiều rủi ro.... Dưới góc độ kỹ thuật, “tiền ảo” hay “tiền kỹ thuật số” là loại tài sản ảo sử dụng công nghệ blockchain hay công nghệ sổ cái phân tán (DLT) cùng công nghệ mã hóa để tạo lập và xác thực giao dịch một cách minh bạch, bảo mật, đáng tin cậy. Chính vì vậy, Quỹ tiền tệ quốc tế sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa (crypto asset) để chỉ tiền mã hóa, tiền ảo hay tiền kỹ thuật số1. Thực tiễn cho thấy, việc gia tăng phi mã về giá của tài sản mã hóa vào năm 2017 và đầu năm 2018 đã làm dấy lên nhiều quan ngại về bong bóng đầu cơ, tuy nhiên giá trị vốn hóa của loại tài sản này còn tương đối thấp2. Các quốc gia trên thế giới đang có các hướng tiếp cận khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật đối với tiền ảo. Một số quốc gia hiện nay (như Hoa Kỳ) đang áp dụng pháp luật hiện hành để quản lý, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể song song với việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh tiền ảo hoặc một số _______________ 1. Tính đến ngày 03/01/2019, có 2.078 loại tài sản mã hóa (tiền mã hóa) khác nhau được giao dịch trên 16.156 sàn giao dịch với tổng vốn hóa trên thị trường trên 134 tỷ USD, trong đó Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) là hai tài sản mã hóa có giá trị vốn hóa lớn nhất. Mặc dù vậy, giá giao dịch của các tài sản mã hóa này thường xuyên thay đổi với biên độ rất lớn trong thời gian rất ngắn. Xem https://coinmarketcap.com. 2. IMF, Global Financial Stability Report: A Bumpy Road Ahead, 4/2018, tr. 21-23. 27 quốc gia (như Nhật Bản, Thái Lan) bước đầu ban hành khung pháp lý điều chỉnh tiền ảo. Tuy nhiên, thực chất các quốc gia này chủ yếu tập trung quản lý sự lưu thông, giao dịch của tài sản mã hóa. Trên thực tế, thuật ngữ tiền ảo trong các văn bản quy phạm pháp luật, các nghiên cứu về tiền ảo hoặc trong sách trắng (white paper) của người phát hành tiền ảo đều được sử dụng để chỉ loại tài sản mã hóa được phát triển, vận hành dựa trên công nghệ sổ cái phân tán (phổ biến hiện nay là công nghệ blockchain) kết hợp với công nghệ mã hóa. Những loại tài sản này có khả năng trao đổi trong môi trường kỹ thuật số như một phương tiện trao đổi với các loại tài sản khác hoặc với tiền pháp định1. Như vậy, tiền ảo có thể được tiếp cận dưới các khía cạnh khác nhau, với nhiều hình thức thể hiện đa dạng và không có một thuật ngữ chung thống nhất để định danh (thuật ngữ tiền ảo, tiền mã hóa, tài sản mã hóa đang được sử dụng đồng thời và có thể thay thế được cho nhau bởi nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác nhau mặc dù đều chỉ một đối tượng như nhau). Tuy nhiên, trên thực tiễn, nhiều đồng tiền ảo (tiền mã hóa, tài sản mã hóa) được tạo ra có xu hướng (thường được nêu trong sách trắng) nhằm thực hiện và tiến tới thay thế chức năng của tiền, đặc biệt là chức năng thanh toán giống như tiền pháp định. Đối _______________ 1. University of Malaysia: Malaysian Blockchain Regulatory Report, 5/2018, tr. 133. 28 với tài sản ảo không phải là tiền ảo như các vật phẩm trong các game trực tuyến, điểm thưởng của chương trình khách hàng thân thiết... chỉ là các tài sản được hình thành trên môi trường kỹ thuật số thông thường và cơ bản đã được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành (hoặc hợp đồng giữa nhà phát hành và người sở hữu), mặc dù mức độ thừa nhận và thiết chế bảo vệ các giao dịch có liên quan còn tương đối hạn chế và khác nhau tùy thuộc quốc gia, trường hợp cụ thể. Trên thực tế, các loại tài sản ảo này không thu hút được nhiều sự quan tâm, đầu tư rộng rãi của công chúng, doanh nghiệp hay tạo ra những ảnh hưởng hoặc hệ lụy lớn dưới góc độ kinh tế - xã hội trong hiện tại và tương lai ở cả tầm quốc gia và quốc tế như tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Về nguyên tắc, có thể vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến loại tài sản này, trong đó bao gồm: pháp luật dân sự, pháp luật về hợp đồng, pháp luật về giao dịch điện tử,... Vì vậy, khung pháp lý để quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo cần tập trung điều chỉnh các hoạt động liên quan đến loại tài sản là tài sản mã hóa, tiền mã hóa mà không phải là quản lý tài sản ảo nói chung như phân tích ở trên. Từ lý do nêu trên, cuốn sách này này tập trung nghiên cứu về “tài sản mã hóa”, bao gồm cả các loại xu (token) mã hóa và “tiền mã hóa”. Trong cuốn sách này, thuật ngữ “tài sản ảo” và “tài sản mã hóa” hay “xu mã hóa” hay “xu kỹ thuật số” được sử dụng tương tự; thuật ngữ “tiền ảo” và “tiền mã hóa” hay “xu thanh toán” có thể được sử dụng thay thế 29 lẫn nhau trong những ngữ cảnh cụ thể, trừ khi có sự phân biệt khác được giải thích rõ. Trong đó cần lưu ý thuật ngữ “tài sản mã hóa” (crypto asset) là tài sản có thể giao dịch, được tạo ra qua việc áp dụng công nghệ sổ cái phân tán mà phổ biến hiện nay là công nghệ blockchain kết hợp kỹ thuật mã hóa; các loại “xu mã hóa” được xác định là “tài sản mã hóa” bao gồm: xu chứng khoán (security token), xu thanh toán (payment token) và xu tiện ích (utility token). Cụ thể: (i) Xu chứng khoán (security token) là một loại tài sản mã hóa có các đặc trưng của chứng khoán theo pháp luật chứng khoán của từng quốc gia, là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của người phát hành; (ii) Xu thanh toán (payment token) hay “tiền mã hóa” là một loại xu mã hóa thuộc phạm vi tài sản mã hóa nhưng không phải là chứng khoán theo pháp luật chứng khoán quốc gia, được tin tưởng và có thể được sử dụng tương tự như phương tiện thanh toán trong một cộng đồng nhất định mà không cần qua trung gian tập trung;1 (iii) Xu tiện ích (utility token) hay xu tiếp cận (access token) là một loại xu mã hóa nhưng không phải là xu chứng khoán hay xu thanh toán như đã nêu ở trên, được sử dụng để tiếp cận và sử dụng một dịch vụ nhất định. _______________ 1. Kevin Werbach: Why Blockchain Isn’t a Revolution, 6/2018, https://www.weforum.org/agenda/2018/06/why-blockchain-isn-t-a revolution. 30 2.3. Phân biệt tiền mã hóa và tiền điện tử Như đã nêu ở trên, tiền điện tử chỉ là hình thức điện tử của tiền pháp định, được sử dụng để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định qua phương thức điện tử; có tỷ lệ quy đổi 1:1 với tiền pháp định. Trong khi đó, mặc dù tiền mã hóa (tài sản mã hóa) cũng thể hiện dưới dạng kỹ thuật số, nhưng nó không hoàn toàn gắn với hoặc không được bảo đảm quy đổi thành tiền pháp định bởi đơn vị phát hành hoặc ngân hàng trung ương. Hiện nay, chưa có tổ chức phát hành nào đảm bảo khả năng hoặc chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi tiền mã hóa thành tiền pháp định. Đặc điểm khác biệt giữa tiền điện tử và tiền mã hóa1 Tiền điện tử Tiền mã hóa Hình thức Điện tử (kỹ thuật số) Địa vị pháp lý Đơn vị đo lường Có địa vị đồng tiền pháp định; chịu sự quản lý, giám sát Đồng tiền truyền thống (như: Euro, Đô la Mỹ, Bảng Anh...) Không có địa vị của đồng tiền pháp định; cơ bản không chịu sự quản lý, giám sát Đồng tiền phát minh (như: Bitcoin, Ethereum...) _______________ 1. ECB: Virtual Currency Schemes, 2012, tr. 16; ECB: Virtual Currency Schemes - A Further Analysis, 2015, tr. 23-25. 31 Chấp nhận Người phát hành Được chấp nhận bởi cá nhân, pháp nhân không phải là nhà phát hành Pháp nhân được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Thông thường được chấp nhận trong một cộng đồng cụ thể trong không gian mạng Doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, không phải là một thiết chế tài chính Cung tiền Cố định theo nhu cầu và năng lực của đơn vị phát hành Không cố định (phụ thuộc vào quyết định của nhà phát hành) Khả năng được hoàn giá trị Các loại rủi ro Được đảm bảo (bằng mệnh giá) Chủ yếu là rủi ro hoạt động Không được bảo đảm Rủi ro pháp lý, tín dụng, thanh khoản và hoạt động, giá trị có thể biến động rất lớn trong thời gian ngắn... Như vậy, khác với tiền điện tử hay tiền pháp định, giá trị của tài sản mã hóa hay tiền mã hóa không được quốc gia hay ngân hàng trung ương nào bảo đảm. Về mặt lịch sử, ý tưởng của việc tạo ra tiền mã hóa (như Bitcoin) xuất phát từ mục đích thay thế cho tiền pháp định để lưu thông trong nền kinh tế. Ý tưởng này đã từng được đề xuất bởi nhà kinh tế học F.A. Hayek - 32 người được Giải thưởng Nobel kinh tế năm 1974. Đề xuất này trong một thời gian dài không thực sự được chú ý và chỉ mang tính gợi mở, thử nghiệm nhiều hơn là một ý tưởng có tính khả thi để áp dụng. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đã giúp cho ý tưởng này được một số tổ chức, cá nhân thử nghiệm (Bitcoin là một điển hình). Việc lưu thông và phát triển của tiền mã hóa đã, đang và sẽ dẫn đến những quan ngại và nhiều rủi ro (bên cạnh tiềm năng). Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với mỗi quốc gia trong việc nghiên cứu để có thể cung ứng tiền pháp định tốt hơn, thúc đẩy trao đổi của nền kinh tế nhằm “cạnh tranh” với tiền mã hóa, thay vì đơn giản cấm sử dụng tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán1. II. CÔNG NGHỆ LIÊN QUAN, CÁCH THỨC TẠO RA, SỞ HỮU VÀ PHÂN LOẠI TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA 1. Công nghệ liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa Dưới góc độ công nghệ, kỹ thuật, như đã đề cập, các tài sản mã hóa, tiền mã hóa hiện nay được hình thành _______________ 1. Jesús Fernández-Villaverde and Daniel Sanches: “On the Economics of Digital Currencies”, Federal Reserve Bank of Philadelphia Working Paper, WP 18-07, 02/2018, tr. 39. 33 dựa trên nền tảng công nghệ sổ cái phân tán mà phổ biến nhất là công nghệ blockchain kết hợp với việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật mật mã (cryptography)1. Trên cơ sở đó, cơ sở dữ liệu được lưu trữ phân tán trong các khối thông tin về các giao dịch được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, các thông tin trên mạng lưới phân tán được mã hóa mà chỉ có người nắm giữ khóa cá nhân mới truy cập được. Mỗi khối thông tin giao dịch đều có tiền tố chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó để chống lại việc thay đổi của dữ liệu (mỗi khi có sự thay đổi mã niêm phong sẽ bị sai lệch và hệ thống sẽ phát hiện ra hoặc sẽ mất liên kết); một khi dữ liệu đã được ghi thì sẽ không thể thay đổi được hoặc phải tốn một tài nguyên rất lớn để “đào” lại các khối giao dịch cho đến khi khối bị thay đổi. Về công nghệ blockchain, đây là một dạng cụ thể của công nghệ sổ cái phân tán (DLT) - một cách thức lưu trữ và đồng bộ dữ liệu (là các khối dữ liệu chứa thông tin của _______________ 1. Gồm ba công cụ: (i) Mã hóa khóa công khai (public key cryptography) để theo dõi các giao dịch trên mạng lưới; (ii) Hàm băm (hash function) để đảm bảo an toàn, chống lại việc thay đổi thông tin vào các khối trên mạng lưới; và (iii) Mã hóa khóa đối xứng (symmetric key cryptography) hay còn gọi là khóa cá nhân để bảo vệ việc lưu trữ (ví) của người sử dụng (người sở hữu), qua đó bảo đảm tính bí mật của người này. Xem: Pedro Franco: Understanding Bitcoin: Cryptography, Engineering and Economics, Wiley Publisher, 2015, tr. 52. 34 các giao dịch, sau khi được niêm phong bằng thuật toán băm SHA256 sẽ được móc xích với nhau qua mã định danh của khối trước đó) giữa các thành viên/địa chỉ lưu trữ trong đó mỗi thành viên/địa chỉ lưu trữ đều giữ các bản lưu giống hệt nhau. Blockchain sử dụng phương pháp ký số và các thuật toán niêm phong số bằng hàm băm SHA256 nhằm tạo ra và xác thực các giao dịch và xác thực các khối giao dịch mới liên tục mở rộng, trong đó thông tin được thêm vào cấu trúc dữ liệu hiện có và không thể bị xóa bỏ - đây là việc hình thành nên các khối giao dịch (transaction blocks). Hiểu một cách đơn giản, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số được phân tán; sổ cái luôn được niêm phong và móc xích giữa các khối và đồng bộ cho những người tham gia vào mạng lưới. Tất cả các bản sao này được cập nhật khi dữ liệu hoặc giao dịch mới được ghi vào blockchain thông qua một thuật toán đồng thuận của tất cả mọi người tham gia. Đây là một hệ thống ngang hàng (P2P), giảm thiểu sự tham gia của các khâu trung gian, tăng cường an ninh, tính minh bạch và sự ổn định, vì vậy, giảm thiểu chi phí và lỗi do con người gây ra1. _______________ 1. Đào Hoàng Thanh: “Blockchain - xu thế và cơ hội bứt phá: Mở cửa và kiểm soát thông qua ICO và sàn giao dịch”, Bài tham luận tại Tọa đàm “Các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo” tại Bộ Tư pháp, Hà Nội, ngày 12/6/2018. 35 Blockchain bao gồm 02 loại: Thứ nhất, blockchain mở (permissionless) hoặc công khai (public): theo đó một người có thể gia nhập và rời mạng lưới mà không cần bất cứ sự chấp thuận nào từ một thực thể quản lý trung tâm nào; chỉ cần một máy tính được cài đặt các phần mềm liên quan thì người này có thể gia nhập mạng lưới và thêm các giao dịch vào sổ cái; không có người sở hữu tập trung của mạng lưới và phần mềm này, thông tin của sổ cái được lưu giữ ở tất cả các nút (nodes) trong mạng lưới. Phần lớn các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa đang lưu hành được dựa trên blockchain mở (Bitcoin, Bitcoin Cash, Litecoin...); Thứ hai, blockchain đóng (permissioned): người xác nhận giao dịch (transaction validators) phải được lựa chọn từ trước bởi người quản trị mạng lưới (là người tạo ra các nguyên tắc của sổ cái) để được tham gia mạng lưới1. Điều này giúp cho các thành viên khác có thể dễ dàng xác thực định danh của người tham gia mới với điều kiện các thành viên phải tin tưởng vào thực thể điều phối trung tâm trong việc mở rộng thêm các nút (nodes) mới2. Giống như blockchain mở, giao dịch trên blockchain đóng có thể được _______________ 1. S. Shobhit: “Public, Private, Permissioned Blockchains Compared”, 4/2018, https://www.investopedia.com/news/public private-permissioned-blockchains-compared/. 2. H. Natarajan, S. Krause, H. Gradstein: “Distributed Ledger Technology (DLT) and Blockchain”, FinTech Note No. 1, WB, 2017, tr. 11. 36 thực hiện và xác nhận mà không cần có sự tham gia của người thứ ba, điều khác biệt là nó chỉ giới hạn quyền tạo ra và cập nhật các giao dịch mới cho người quản trị hoặc thành viên tham gia mạng lưới. Một số loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa (Ripple, NEO...) được phát triển trên công nghệ blockchain đóng1. Về lý thuyết, các nút trong mạng lưới blockchain có thể đề xuất để bổ sung thông tin mới cho mạng lưới hiện tại. Tuy nhiên, để xác thực các thông tin này có phù hợp hay không, các nút trong mạng lưới cần đạt tới một dạng thỏa thuận nhất định - được gọi là cơ chế đồng thuận (consensus mechanism). Có nhiều cách thức khác nhau để thiết lập nên cơ chế đồng thuận, hiện nay phổ biến nhất là bằng chứng công việc (proof of work), bằng chứng sở hữu (proof of stake) hay các bằng chứng tương tự2. Về các ứng dụng của công nghệ blockchain, mặc dù blockchain thường bị gắn với tài sản ảo, tiền ảo hay các sản phẩm, dịch vụ tài chính, thanh toán, nhưng về lý thuyết, công nghệ blockchain có thể được áp dụng rộng rãi _______________ 1. P. Witzig, V. Salomon: “Cutting out the Middleman: a Case Study of Blockchain-induced Reconfigurations in the Swiss Financial Services Industry”, Working Paper 1, 2018/E, the Circulation of Wealth, Université de Neuchâtel, tr. 6-7. 2. S. Jagati: “Ethereum’s Proof of Stake Protocol Under Review”, 4/2018, https://cryptoslate.com/ethereums-proof-of stakeprotocol-in-review/. 37 trên hầu hết các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thương mại, chăm sóc y tế, quản trị, bầu cử, đăng ký tài sản, công chứng...1. 2. Cách thức tạo ra tài sản mã hóa, tiền mã hóa Các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa được tạo ra để xử lý các vấn đề khác nhau2, chỉ cần một người sở hữu một máy tính có cấu hình đủ mạnh và có kiến thức đủ về công nghệ blockchain thì có thể tạo ra một tài sản mã hóa, tiền mã hóa mới; nhưng vấn đề quan trọng nhất là tài sản mã hóa, tiền mã hóa đó có được cộng đồng chấp nhận hay không. Về cơ bản, có hai cách để tạo ra tài sản mã hóa, tiền mã hóa: thông qua việc “đào” (mining) hoặc thông qua “phát hành”3: _______________ 1. Vitalik Buterin: “Mechanism Design in Blockchain”, Bài thuyết trình tại Hội thảo quốc tế “Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và một số vấn đề pháp lý đặt ra” do Bộ Tư pháp chủ trì, Hà Nội, ngày 16/9/2018; H. Natarajan, S. Krause, H. Gradstein: “Distributed Ledger Technology (DLT) and Blockchain”, FinTech Note No. 1, WB, 2017, tr. 21. 2. Arvind Narayanan et al.: Bitcoin and Cryptocurrency Technologies: A Comprehensive Introduction, Princeton University Press, 2016, tr. xx-xxiii; 27-50; University of Malaysia, Malaysian Blockchain Regulatory Report, 5/2018, tr. 7-13. 3. Tùy thuộc vào nền tảng được sử dụng và ý định của người sáng lập hay nhà phát hành, một số tài sản mã hóa bị giới hạn bởi số lượng đơn vị có thể tạo ra. 38 Thứ nhất, việc “đào” tài sản mã hóa (như đối với Bitcoin, Ethereum) là quá trình tạo nên các khối được thực hiện qua việc: (i) Sử dụng năng lực tính toán của máy tính nhằm giải các thuật toán để tạo ra các khối nhằm tìm ra mã định danh của khối giao dịch mới thỏa mãn điều kiện về độ khó. Ví dụ với Bitcoin, mã định danh của khối được sinh ra bằng thuật toán băm SHA256 sẽ là một số ngẫu nhiên có 77 chữ số thập phân, việc đào là tìm mã định danh sao cho nó phải nhỏ hơn ngưỡng khó tại thời điểm hiện tại. Bằng chứng công việc (proof of work) là thuật toán tạo và tìm mã định danh sao cho mã đó phải nhỏ hơn độ khó hiện tại, ví dụ 10 chữ số ban đầu phải bằng 0, nhưng việc này tiêu tốn nguồn lực máy tính (máy đào) và điện năng; trong trường hợp này, xác suất của một cá nhân sở hữu tài sản mã hóa thông qua phương thức “đào” thường tỷ lệ thuận với khả năng xử lý của máy tính được sử dụng và chi phí “đào” vì thế cũng tăng lên; hoặc (ii) Dựa vào tỷ lệ sở hữu (proof of work hay tương tự) trong mạng lưới để tạo ra các khối mà không phải tính toán và tiêu tốn nhiều nguồn lực máy tính cũng như điện năng1. Tài sản mã hóa được xác lập thông qua việc “đào” như vậy cơ bản không bị kiểm soát bởi một cá nhân hay tổ chức _______________ 1. Bằng chứng sở hữu (proof of stake) hay việc đáp ứng các điều kiện khác tùy thuộc vào thuật toán do người phát hành đặt ra. Tuy nhiên, cần lưu ý là một tỷ lệ nhất định tài sản mã hóa, tiền mã hóa có thể được lập trình tạo ra ngay từ đầu (pre-mined). 39 nào. Chúng được coi là tài sản mã hóa phi tập trung (decentralized). Tài sản mã hóa này thường được sử dụng như là tiền mã hóa (hay xu thanh toán) hoặc xu tiện ích như đã nêu ở trên; Thứ hai, đối với việc phát hành tài sản mã hóa (thường qua hoạt động chào bán tài sản mã hóa ra công chúng - ICO), đây cơ bản là cách thức huy động vốn để thực hiện một dự án ứng dụng công nghệ blockchain thông qua việc phát hành, bán một loại tài sản mã hóa (thường được gọi là “xu” hay “token”) với một số lượng cụ thể trên cơ sở hợp đồng thông minh (smart contract) để tự thực thi1. Tài sản mã hóa được xác lập qua việc phát hành như vậy phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức phát hành. Chúng được coi là tài sản mã hóa tập trung (centralized). Ngoài ra, một người có thể có được tài sản mã hóa khi chấp nhận việc trao đổi giữa hàng hóa, dịch vụ của mình lấy tài sản mã hóa theo một tỷ lệ được thỏa thuận. Bên cạnh đó, các chủ thể có thể trao đổi các loại tài sản mã hóa với nhau hoặc giữa tài sản mã hóa với tiền pháp định một cách trực tiếp hoặc thông qua trung gian là các sàn giao dịch để trao đổi. Tài sản mã hóa sau khi mua hoặc khai thác sẽ được lưu trữ trong một ví kỹ thuật số (e-wallet) trên máy tính của người dùng hoặc một dịch vụ ví trực tuyến được cung _______________ 1. S. Kim, A. Sarin, D. Virdi: “Crypto-Assets Unencrypted”, Journal of Investment Management, 2018. 40 cấp bởi một chủ thể khác. Mỗi ví sẽ có chìa khóa (mã hóa) riêng của người sử dụng, cho phép người sử dụng lưu giữ tài sản mã hóa1. Như vậy, có nhiều chủ thể liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa, bao gồm: người phát minh ra tài sản mã hóa, tiền mã hóa; người đào; người sử dụng; người cung cấp ví lưu trữ; sàn giao dịch; người chào bán tiền mã hóa, tài sản mã hóa lần đầu... Trong đó, người phát minh ra tài sản mã hóa, tiền mã hóa là tổ chức hoặc cá nhân phát triển các nền tảng kỹ thuật của một loại tài sản hoặc tiền mã hóa nhất định và xác lập các nguyên tắc ban đầu về việc sử dụng các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa này; người đào là các bên tham gia vào việc xác nhận các giao dịch trên mạng lưới blockchain thông qua việc giải các thuật toán mã hóa được đặt ra ở cơ chế đồng thuận như nêu ở trên2. 3. Về phân loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa Như đã giới hạn ở trên, khi xem xét khái niệm tài sản mã hóa, tiền mã hóa, dưới góc độ chức năng, mục đích kinh tế và khả năng chuyển đổi của tài sản mã hóa, tài sản mã hóa có thể được phân loại thành ba nhóm: _______________ 1. Pedro Franco: Understanding Bitcoin: Cryptography, Engineering and Economics, Wiley Publisher, 2015, tr. 39-40. 2. ECB: “Virtual Currency Schemes - a Further Analysis”, 02/2015, tr.7. 41 (i) Tương tự phương tiện thanh toán, tức xu thanh toán (payment token) hay tiền mã hóa (crypto currency): tài sản này có mục đích sử dụng trong hiện tại hay tương lai như là một phương tiện thanh toán để mua hàng hóa, dịch vụ hay phương tiện trao đổi giá trị; tuy nhiên, người sở hữu xu thanh toán hay tiền mã hóa không có quyền “truy đòi” người phát hành (nếu có)1; (ii) Tương tự như một tài sản tiện ích (cho một ứng dụng cụ thể), tức xu tiện ích (utility token): tài sản này được sử dụng để tiếp cận, sử dụng một dịch vụ hay ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng công nghệ blockchain trong phạm vi một cộng đồng (hệ sinh thái) nhất định; do đó còn có thể gọi là xu tiếp cận (access token); (iii) Tương tự như chứng khoán, tức xu chứng khoán (security token): theo đó, người sở hữu tài sản mã hóa này có quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành tương tự trái phiếu hay cổ phiếu. Ngoài ra, tài sản mã hóa có thể thuộc dạng kết hợp (hybrid) các nhóm trên. Ví dụ: xu tiện ích hay xu chứng khoán có thể được sử dụng như xu thanh toán, nhất là khi hệ sinh thái sử dụng xu tiện ích hay xu chứng khoán đó _______________ 1. Tuy nhiên, pháp luật một số quốc gia trên thế giới hiện hành (de jure) không cho phép sử dụng tài sản mã hóa như một phương tiện thanh toán, mặc dù trên thực tế (de facto) tài sản mã hóa đó được cộng đồng người sử dụng chấp nhận là phương tiện thanh toán. 42 trở nên phổ biến với một cộng đồng người sử dụng, chấp nhận đủ lớn1. III. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CỦA TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA Tài sản mã hóa, tiền mã hóa tuy có những rủi ro nhất định chủ yếu liên quan đến việc lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố (chủ yếu do tính ẩn danh khi các thông tin cụ thể được mã hóa và chỉ có người sở hữu khóa cá nhân mới truy cập được vào các thông tin này) nhưng nếu xử lý được vấn đề này (như thông qua việc giải pháp định danh khách hàng - KYC) thì có những ưu điểm vượt trội do tận dụng các ưu điểm của công nghệ dẫn đến việc giảm thiểu sự tham gia của các trung gian. Các ứng dụng của tài sản mã hóa, tiền mã hóa thể hiện qua các góc độ sau: 1. Dưới góc độ giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa Các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa trên hệ thống chuỗi khối đều được lưu lại và không thể thay đổi nhờ các biện pháp lưu trữ, bảo vệ dữ liệu giao dịch của công nghệ này. Do đó, về nguyên tắc, các giao dịch tăng _______________ 1. FINMA Guidelines for Enquiries Regarding the Regulatory Framework for Initial Coin Offerings (ICOs), 16/2/2018. 43 cường tính công khai, minh bạch trong việc quản lý các giao dịch tài sản mã hóa so với các giao dịch sử dụng tiền truyền thống (tiền pháp định) hay tài sản thông thường khác. Ngoài ra, do loại bỏ (giảm) sự tham gia xác nhận giao dịch thông qua các trung gian mà thực hiện kết nối, xử lý trực tiếp giữa các bên liên quan (peer-to peer), giao dịch bằng tài sản mã hóa trong một số lĩnh vực, trường hợp ứng dụng có thể giảm đáng kể thời gian, giảm chi phí giao dịch so với việc xử lý qua các hệ thống tập trung truyền thống1. Mặt khác, tài sản mã hóa bảo đảm tính bảo mật, khi đã được tạo lập thì cơ bản không bị làm giả, sao chép hay bị chiếm quyền kiểm soát, lấy cắp (hack)2. Vì vậy, hệ thống tài sản mã hóa, tiền mã hóa có tiềm năng thay thế hệ thống thanh toán bán lẻ _______________ 1. Trong các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay thường phải mất nhiều thời gian, có thể tới 1-2 ngày mới xác nhận thành công, do liên quan tới nhiều ngân hàng trung gian trong quá trình chuyển tiền; trong khi một số ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain, tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong chuyển tiền quốc tế đã rút ngắn thời gian xử lý giao dịch xuống chỉ còn 10 phút và chi phí cũng giảm đáng kể. 2. Một số trường hợp tài sản mã hóa bị chiếm đoạt trái phép trên thực tế hiện nay là do sàn giao dịch hoặc ví lưu trữ điện tử (tức các “vật” trung gian) bị hack, từ đó khiến cho tài sản mã hóa từ các sàn hoặc ví này thất thoát ngoài mong muốn của chủ sở hữu (các sàn giao dịch hoặc ví điện tử này không được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain mà vẫn theo phương pháp thông qua một máy chủ tập trung (centralized), do đó vẫn có khả năng bị hack nếu máy chủ này bị tấn công). 44 truyền thống nếu các vấn đề liên quan đến công nghệ được xử lý1. Bên cạnh các ưu điểm, lợi ích nêu trên, bản thân công nghệ blockchain nói riêng và các công nghệ liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa cũng còn chưa hoàn thiện và có thể có những rủi ro nhất định. Ví dụ, mạng lưới tài sản mã hóa, tiền mã hóa vẫn có thể bị tấn công vào một số điểm yếu, như: các ứng dụng ví lưu trữ tiền mã hóa, tài sản mã hóa; các sàn giao dịch tài sản mã hóa; việc sử dụng tài sản mã hóa đã có những biến tướng, bị lợi dụng cho những mục đích bất hợp pháp... Chẳng hạn, xuất phát từ tính ẩn danh tương đối cao và khả năng giao dịch xuyên biên giới nên tài sản mã hóa, tiền mã hóa có thể bị tổ chức, cá nhân lạm dụng, sử dụng cho các mục đích trái pháp luật, như: rửa tiền, tẩu tán tài sản, chuyển tiền trái phép, tài trợ khủng bố xuyên quốc gia... Đồng thời, mặc dù hiện nay chưa xảy ra, nhưng nếu việc sử dụng tiền mã hóa với tần suất thường xuyên với quy mô, mức độ lớn đến một lúc nào đó có thể ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng vai trò của đồng tiền pháp định2. _______________ 1. Jonathan Chiu, Thorsten V Koeppl: “The Economics of Cryptocurrencies - Bitcoin and Beyond”, 09/2017, SSRN, https://ssrn.com/abstract=3048124. 2. Yorick de Mombynes: “Quy định pháp luật của Pháp đối với đồng tiền mã hóa và chuỗi khối (blockchain)”, Bài tham luận tại Tọa đàm “Một số vấn đề pháp lý về tiền mã hóa” tại Bộ Tư pháp, Hà Nội, ngày 25/10/2018. 45 Để phòng, chống nguy cơ này, các quốc gia cũng đang tích cực đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo quản lý hiệu quả, phù hợp đối với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Chẳng hạn, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các công ty cung cấp phần mềm ví cá nhân hoặc các giải pháp công nghệ; việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với các sàn giao dịch tài sản mã hóa; nghiên cứu, thử nghiệm hoặc đã đưa vào thực tế các khung pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của từng quốc gia; đề xuất liên kết giữa các quốc gia thông qua các hiệp định song phương, đa phương nhằm ngăn chặn các tội phạm mang tính quốc tế lợi dụng tài sản mã hóa, tiền mã hóa; yêu cầu định danh khách hàng (KYC), đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CTF). 2. Dưới góc độ là công cụ huy động vốn, phát triển hệ sinh thái của doanh nghiệp khởi nghiệp Lấy ý tưởng từ cơ chế chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giải pháp chào bán tài sản mã hóa lần đầu ra công chúng (ICO/ITO) giúp các doanh nghiệp huy động vốn dựa trên nền tảng công nghệ blockchain để đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ. Quá trình ICO giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn tại thời điểm khá sớm trong quy trình triển khai dự án kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp này có nguồn lực tài chính để phát triển các dịch vụ và sản phẩm có tính sáng tạo cao. 46 Khi một công ty tiến hành huy động vốn thông qua hoạt động ICO, họ thường cung cấp các tài liệu đi kèm, trong đó có sách trắng (white paper). Sách trắng là văn bản giới thiệu các vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của dự án ICO, như lĩnh vực của dự án đó, hiệu quả hoặc ích lợi mang lại từ dự án, quy mô thực hiện, nhu cầu vốn cần thiết, số lượng tài sản mã hóa, tiền mã hóa mới được phát hành, phương thức phát hành, số lượng và các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa đã lưu hành (hay tiền pháp định) được chấp nhận thanh toán... Trong đợt mở bán ICO, nhà đầu tư sẽ dùng tài sản mã hóa (hay tiền pháp định) của mình để mua tài sản mã hóa được phát hành, thường là các xu (token) mã hóa (hay còn gọi là xu kỹ thuật số)1. Như đã nêu ở trên, các xu kỹ thuật số này có thể tương tự như: (i) Chứng khoán của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO); (ii) Một tiện ích để tiếp cận dịch vụ trong dự án, hệ sinh thái; hay (iii) Một dạng tương tự như phương tiện, công cụ thanh toán tùy từng dự án, mục đích của người phát hành. _______________ 1. Về lý thuyết, các nhà đầu tư có thể dùng tiền pháp định để mua các tài sản mã hóa, tiền mã hóa được phát hành này. Tuy nhiên, trong ICO thì tổ chức phát hành thường yêu cầu nhà đầu tư thanh toán bằng tiền mã hóa chủ chốt, có thanh khoản cao như Ethereum, Bitcoin chứ không nhận tiền pháp định với lý do chủ yếu là để tránh rủi ro, trách nhiệm pháp lý khi quy định pháp luật về tiền mã hóa, tài sản mã hóa ở nhiều nước còn khoảng trống. 47 Về nguyên tắc, ICO có thể được tiến hành bởi những nhà khởi nghiệp sáng tạo với quy mô và số vốn hạn chế để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. ICO có thể coi là cầu nối ngắn nhất giữa người có ý tưởng đột phá và nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào dự án mới, có triển vọng sinh lời cao. Tuy nhiên, hoạt động ICO tiềm ẩn hai nguy cơ. Thứ nhất, biến động về giá: tài sản mã hóa mới có thể sụt giảm giá đột ngột hoặc thậm chí trở nên vô giá trị; thứ hai, nguy cơ lừa đảo: thông tin trong sách trắng đưa ra không chính xác hoặc hoàn toàn mang tính lừa đảo, sau khi ICO thì không triển khai dự án như đã cam kết, tức dịch vụ (hay hàng hóa) được dự kiến đầu tư từ hoạt động ICO sẽ không được sản xuất hoặc triển khai trên thực tế. Thực tế cho thấy, nhiều dự án ICO đã và đang mang mục đích lừa đảo1. Người huy động vốn, sau khi phát hành ra tài sản mã hóa mới, hứa hẹn với các nhà đầu tư về quy _______________ 1. Theo một nghiên cứu của Satis Group LLC (một tập đoàn chuyên tư vấn cho các dự án ICO), khoảng 81% số lượng các ICO là các dự án lừa đảo, 6% số ICO thất bại, 5% không thể hiện thực hóa ngay từ giai đoạn đầu, và chỉ khoảng 8% trong số các ICO sau khi gọi vốn thành công có thể đưa lên niêm yết tại các sàn giao dịch tiền mã hóa. Cụ thể hơn, trong số 8% các ICO đã được đưa lên sàn giao dịch, có 1,6% được đánh giá là hứa hẹn, 3,8% thực sự đã thành công và 2,8% còn lại bắt đầu suy yếu. Xem: Nouriel Roubini: “Crypto is the Mother of All Scams and (Now Busted) Bubbles While Blockchain Is The Most Over-Hyped Technology Ever, No Better than a Spreadsheet/Database”, https://www.banking.senate.gov/imo/media/doc/Roubini%20Testimony% 2010-11-18.pdf. 48 mô, tầm cỡ, khả năng phát triển của dự án, khả năng thu hồi vốn nhanh, mức lãi được hưởng cao gấp nhiều lần số vốn đầu tư... Tuy nhiên, thông tin cần thiết về những dự án này (như thông tin về nhà phát hành, địa chỉ công ty...) lại rất hạn chế. Nhiều dự án thậm chí chỉ cung cấp địa chỉ trang web, mạng xã hội của công ty và đăng tải các tài liệu về dự án ICO qua các kênh này. Do đó, khi các nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo của dự án ICO thì thông thường, chủ của những dự án này đã biến mất cùng số tiền huy động được. Tóm lại, tài sản mã hóa nói chung hay tiền mã hóa nói riêng là ứng dụng của công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được kỳ vọng là phương tiện để thúc đẩy việc ứng dụng của các thành tựu công nghệ khác; chứa đựng nhiều tiềm năng mang tính đột phá nhưng cũng không ít rủi ro. Vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia cũng như cả cộng đồng quốc tế là phải tạo lập khung pháp lý để kiểm soát các rủi ro phát sinh từ tài sản mã hóa, tiền mã hóa nhưng phải thúc đẩy phát minh sáng tạo1. _______________ 1. Christine Lagarde: “A Regulatory Approach to Fintech”, Finance & Development, Vol. 55(2), 6/2018, tr. 9-10. 49 Chương II KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA I. TỔNG QUAN CÁC HƯỚNG TIẾP CẬN ĐỐI VỚI TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA Các vấn đề liên quan đến tài sản mã hóa (bao gồm tiền mã hóa) đã thu hút được sự quan tâm của các chính phủ, các định chế tài chính và các chuyên gia kinh tế, pháp lý. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại Davos vào cuối tháng 01/2018, nhiều nhà lãnh đạo đã thể hiện quan ngại về khả năng dễ sụp đổ của các tài sản mã hóa và nhất trí cần có cơ chế quản lý tài sản mã hóa, nhưng chưa chắc chắn về cách thức quản lý như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý tài sản mã hóa vì lo ngại về tội phạm liên quan đến tài sản mã hóa. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cũng khẳng định sự cần thiết phải quản lý Bitcoin và các dạng tài sản mã hóa khác trước khi loại tài sản này được sử dụng và trở nên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng việc quản lý cần đảm bảo không gây cản trở đến việc phát triển các công nghệ được sử dụng 50 trong các loại tài sản mã hóa này. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin khẳng định Hoa Kỳ khuyến khích áp dụng những sáng tạo trong lĩnh vực tài chính nhưng cần phải đảm bảo an toàn cho thị trường tài chính và đề xuất chuẩn hóa mô hình khung pháp lý chung cho toàn cầu nhằm đảm bảo không để các loại tiền này được sử dụng cho các hành vi bất hợp pháp1. Về vấn đề này, đại diện Nhật Bản cho rằng việc áp dụng các quy định chung đối với giao dịch tài sản mã hóa toàn cầu là không dễ dàng2. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sáng tạo liên quan đến công nghệ blockchain như Bitcoin là rất hữu ích, nhưng tính ẩn danh, thiếu minh bạch và cách mà nó che giấu, bảo vệ các hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động thương mại bất hợp pháp là không thể chấp nhận được. Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Cecilia Skingsley) khẳng định Bitcoin hoặc các phiên bản khác của tiền mã hóa hay tài sản mã hóa hoàn toàn khác với tiền do ngân hàng trung ương phát hành; hiện tại, tiền mã hóa không thực sự hiệu quả, không phải là phương tiện cất trữ ổn định hay phương tiện trao đổi vận hành tốt3. _______________ 1. https://www.theguardian.com/business/2018/jan/25/bitcoin wont-last-in-world-of-finance-warns-nobel-winning-economist. 2. https://www.euronews.com/2018/01/26/global-leaders-tackle bitcoin-in-davos. 3. https://www.weforum.org; http://www.euronews.com/ 2018/01/26/global-leaders-tackle-bitcoin-in-davos. 51 Tại Diễn đàn thường niên gặp gỡ vào mùa Xuân giữa Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được tổ chức tại Thủ đô Washington (Hoa Kỳ) vào cuối tháng 4/2018, chủ đề “Tiền mã hóa: cơ hội, rủi ro và khung pháp lý” là một trong các chủ đề nổi bật tại Diễn đàn này. Phiên thảo luận tập trung vào việc xác định bản chất của tiền mã hóa, quản lý sàn giao dịch, tác động của tiền mã hóa đối với hệ thống tài chính, xem xét khả năng các ngân hàng trung ương phát hành tiền mã hóa của mình và các khuyến nghị đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ và ổn định tài chính1. Kết quả của phiên thảo luận cho thấy tiền mã hóa có ít khả năng thay thế vai trò của tiền pháp định do các nhà nước phát hành; tuy nhiên, việc xuất hiện của tiền mã hóa đặt ra yêu cầu đối với các ngân hàng trung ương trong việc thích ứng với kỷ nguyên số và cần xem xét khả năng các ngân hàng trung ương phát hành đồng tiền mã hóa. Hội nghị cũng cho rằng công nghệ blockchain rất hữu ích trong việc cải thiện hiệu suất của các hoạt động tài chính thông qua việc loại bỏ nhiều hoạt động trung gian, giúp các giao dịch thực hiện nhanh hơn và rẻ hơn. Mặc dù vậy việc cung cấp các dịch vụ tài chính trên nền tảng phi tập trung như Bitcoin hoặc các công ty nước ngoài nơi việc tuân thủ pháp luật yếu sẽ dễ gây tổn _______________ 1. IMF & WB Spring Meetings 2018, 19-20/4/2018, https://www.imfconnect.org/content/dam/imf/Spring-Annual%20Meetings/ SM18/Fintech/FinTech%20Exchange%20at%20the%20iLab.pdf. 52 thương cho hệ thống tài chính toàn cầu. Đối với vấn đề khung pháp lý cho tiền mã hóa, mặc dù thừa nhận những tiềm năng nhất định và cần thiết phải có khung pháp lý điều chỉnh, Quỹ tiền tệ quốc tế không đưa ra được một khuyến nghị cụ thể nào ngoài những khuyến nghị mang tính chung. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới (G20) được tổ chức vào tháng 7/2018 tại Áchentina, vấn đề tài sản mã hóa cũng là một trong những chủ đề nổi bật được thảo luận. Thông cáo chính thức Hội nghị nhấn mạnh và thừa nhận những sáng tạo công nghệ, bao gồm công nghệ nền tảng của tài sản mã hóa có tiềm năng cải thiện hiệu suất và tính toàn diện của hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế. Mặc dù vậy, có những quan ngại nhất định đối với tài sản mã hóa liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng và nhà đầu tư, tính an toàn và công bằng của thị trường, nguy cơ lẩn tránh thuế, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Tài sản mã hóa không có các thuộc tính quan trọng của các loại tiền tệ do các quốc gia phát hành, ở thời điểm này, mặc dù tài sản mã hóa chưa gây ra rủi ro đối với tính ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu nhưng cũng cần phải cẩn trọng. Thông cáo cũng tuyên bố cam kết thực thi các tiêu chuẩn của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) thông qua việc áp dụng đối với tài sản mã hóa, đồng thời cũng rà soát lại các tiêu chuẩn này cho phù hợp và tái khẳng định việc hợp tác 53 toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro có liên quan đến tài sản mã hóa1. Ở tầm quốc gia, đến nay, có rất ít quốc gia trên thế giới ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng về tài sản mã hóa (như cách làm của Nhật Bản, Thái Lan). Một số quốc gia cấm hoàn toàn hoặc hạn chế sử dụng tiền mã hóa (như Trung Quốc, Angiêri...). Nhiều quốc gia khác đã hoặc đang xem xét thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các hành vi sử dụng, trao đổi tài sản mã hóa nhằm bảo vệ người sử dụng, chống gian lận, lừa đảo và các hành vi rửa tiền, tài trợ khủng bố... (như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Ôxtrâylia, Xingapo...). Tùy thuộc mỗi quốc gia, hiện nay về cơ bản có ba (03) cách tiếp cận trong việc đối xử, quản lý đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa mặc dù việc phân nhóm này chỉ mang tính tương đối do chính sách của nhiều quốc gia còn chưa hoàn thiện hoặc công bố chính thức, thậm chí có sự thay đổi về hướng tiếp cận ở từng thời điểm khác nhau; đồng thời nhiều trường hợp ranh giới giữa việc cấm hoặc thả nổi hoặc cho phép có quản lý chưa thực sự rõ ràng. Ba cách tiếp cận cụ thể là: (i) “Thả nổi”, chưa quản lý mặc dù có thể có một số khuyến cáo về các rủi ro liên quan2; _______________ 1. Communiqué G20 Finance Ministers & Central Bank Governors 21-23 July 2018, Buenos Aires, Argentina, đoạn 10, http://www.g20.utoronto.ca/2018/2018-07-22-finance-en.pdf. 2. Có khoảng 150 quốc gia cơ bản theo cách tiếp cận “thả nổi”. Xem: Jan Lansky: “Possible Approaches to Cryptocurrencies”, Journal of Systems Integration, Vol. 9(1), 2018, tr. 22-23. 54 (ii) Cấm sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như Trung Quốc, Angiêri, Bănglađét, Bôlivia, Êcuađo...); hoặc (iii) Cho phép sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, có hướng dẫn các vấn đề liên quan và thường quản lý chặt chẽ các trung gian cung cấp dịch vụ kinh doanh tài sản mã hóa, nhất là sàn giao dịch tài sản mã hóa (như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Ôxtrâylia, Xingapo, Thái Lan, Nga, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Thụy Sĩ, Canađa...). Thông thường, trong trường hợp tài sản mã hóa về bản chất thỏa mãn các đặc tính của chứng khoán thì thường được quản lý như chứng khoán. Đối với tài sản mã hóa phi chứng khoán (không có các đặc tính của chứng khoán), dưới góc độ thuế, tài sản mã hóa có thể được xem là một dạng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích đánh thuế giá trị gia tăng (hay thuế hàng hóa, dịch vụ) đối với giao dịch trao đổi tài sản mã hóa với tiền pháp định (như Xingapo); hoặc coi tài sản mã hóa tương tự như một phương tiện thanh toán và không đánh thuế giá trị gia tăng (hay thuế hàng hóa, dịch vụ) đối với giao dịch trao đổi (mua - bán) tài sản mã hóa với tiền pháp định (như các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ôxtrâylia). Lưu ý là trong nhóm này có các quốc gia trước đây cấm hoặc không công nhận một phần hoặc toàn bộ các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa nhưng đến nay đã từng bước thừa nhận (như: Thái Lan, Nga, Hàn Quốc...). 55 Đối với những quốc gia cho phép giao dịch tài sản mã hóa, các quy định pháp luật có liên quan của các nước này tập trung vào bốn nội dung chính sau đây: (i) Xác định bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa; (ii) Quản lý hoạt động ICO; (iii) Quản lý các sàn giao dịch và công ty trung gian liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa; (iv) Quản lý thuế đối với tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Mục tiếp theo sẽ tập trung phân tích các quy định pháp luật liên quan đến bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa; quản lý hoạt động ICO; quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa; và quản lý thuế của: (i) một số quốc gia thuộc Nhóm cho phép sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa và đã hoặc đang xem xét ban hành khung pháp lý quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, bao gồm: Nhật Bản, Thái Lan, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu (EU), Xingapo, Ôxtrâylia, Canađa, Liên bang Nga, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc; và (ii) Trung Quốc là quốc gia thuộc Nhóm cấm sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa. II. KHUNG PHÁP LÝ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI 1. Nhật Bản Nhật Bản đã ban hành Đạo luật điều chỉnh các vấn đề chính về tiền mã hóa là Luật Dịch vụ thanh toán (Payment Services Act), có hiệu lực từ ngày 01/4/2017. 56 1.1. Về bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa Theo Luật Dịch vụ thanh toán của Nhật Bản, tiền mã hóa (bản dịch tiếng Anh là virtual currency) là một loại phương tiện thanh toán nhưng không phải là tiền pháp định. Điều 2.5 Luật này chia tiền ảo hay tiền mã hóa thành hai loại: - Tiền ảo loại I là giá trị tài sản (property value) được lưu trữ trên thiết bị điện tử hoặc phương tiện khác thông qua các phương thức điện tử, không bao gồm tiền Nhật hay tiền nước ngoài và tài sản định giá bằng tiền..., có thể: (i) được sử dụng để thanh toán khi mua hàng hóa, dịch vụ hay thuê tài sản từ một người không xác định; và (ii) mua hay bán tiền ảo đó với một người không xác định bằng tiền pháp định; và có thể chuyển giao bằng cách sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu điện tử; - Tiền ảo loại II là giá trị tài sản có thể được sử dụng để trao đổi với tiền ảo loại I nêu trên với người không xác định thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử. Trong hai loại hình giao dịch tiền mã hóa hiện nay: (i) thông qua sàn giao dịch, và (ii) giữa các ví cá nhân với nhau, Nhật Bản chỉ quản lý giao dịch thông qua sàn và không quản lý đối với giao dịch giữa các ví cá nhân. Lý do là trong thực tế, việc chứng minh một cá nhân là chủ sở hữu của ví tiền mã hóa nào đó là rất khó khăn, phức tạp. Những hoạt động kinh doanh có dịch vụ trao đổi tiền mã hóa một cách thường xuyên sẽ phải đăng ký tại Cục Tài 57 chính địa phương (Local Finance Bureau), cơ quan được Thủ tướng Chính phủ trao quyền quản lý vấn đề này1. Đối với tài sản mã hóa không phải là tiền mã hóa (tiền ảo), nếu tài sản mã hóa hóa có các đặc tính của một khoản đầu tư như phân tích dưới đây, tài sản mã hóa đó có thể được coi là chứng khoán và phải tuân thủ pháp luật về chứng khoán (Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch)2. 1.2. Về quản lý hoạt động ICO Đối với hoạt động ICO, những đạo luật chính điều chỉnh vấn đề này tại Nhật Bản bao gồm: (i) Luật Dịch vụ thanh toán Nếu xu (token) được phát hành của một dự án ICO thỏa mãn những điều kiện tại Điều 2.5 Luật Dịch vụ thanh toán về định nghĩa tiền mã hóa thì sẽ được coi là tiền mã hóa; trong trường hợp này chỉ những nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa (các sàn giao dịch hoặc công ty trung gian) được Chính phủ thừa nhận mới được tiến hành các dự án ICO này3. Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định tại Điều 3.1 Luật Dịch vụ thanh toán, có thể xếp các loại “xu” tiện ích _______________ 1. Điều 104 Luật Dịch vụ thanh toán. 2. FSA: “Initial Coin Offerings (ICOs) - User and Business Operator Warning about the Risks of ICOs”, 27/10/2017, https://www.fsa.go.jp/policy/virtual_currency/07.pdf. 3. http://www.so-law.jp/wp-content/uploads/2017/07/ICO-under Japanese-laws_170803.pdf. 58 (không thỏa mãn khái niệm tiền mã hóa tại Điều 2.5) được phát hành từ hoạt động chào bán tiền mã hóa vào danh sách các công cụ thanh toán trả trước (prepaid payment instruments). Theo đó, công cụ thanh toán trả trước là các loại chứng chỉ (dưới dạng văn bản, thẻ, thiết bị điện tử...) lưu trữ một giá trị nhất định (một lượng xác định của hàng hóa hay dịch vụ được cung cấp). Chứng chỉ này được sử dụng để quy đổi giá trị tương ứng hoặc được bù trừ khi sử dụng hàng hóa hay dịch vụ đó. (ii) Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch Các quy định về quản lý quỹ đầu tư của Luật này sẽ áp dụng đối với hoạt động ICO thỏa mãn ba điều kiện của một dự án/quỹ đầu tư tập thể, bao gồm: - Dự án có mục đích thu nhận tiền từ các chủ thể khác; - Số tiền thu được dùng để đầu tư vào một hoạt động kinh doanh cụ thể; và - Dự án sẽ trả cổ tức cho các cổ đông theo mức đóng góp. Một ví dụ điển hình của hoạt động ICO thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch là việc nhà phát hành chào bán tiền mã hóa và quy ước chỉ nhận về tiền pháp định (trường hợp hoạt động ICO tiền mã hóa để thu về một đồng tiền mã hóa khác như Bitcoin hay Ethereum, Luật Dịch vụ thanh toán sẽ được ưu tiên áp dụng thay vì Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch, vì theo pháp luật Nhật Bản, các loại tiền mã hóa nói trên không phải là “tiền”). 59 (iii) Luật Giao dịch thương mại riêng biệt Nếu một dự án ICO không do hai đạo luật nói trên điều chỉnh thì các quy định của Luật Giao dịch thương mại riêng biệt được áp dụng chung cho các hoạt động mua bán token qua mạng internet1. (iv) Các đạo luật về bảo vệ người tiêu dùng Hiện nay, tại Nhật Bản, có hai đạo luật chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, bao gồm: Luật Người tiêu dùng (Basic Consumer Act) và Luật Hợp đồng tiêu dùng (Consumer Contract Act). Căn cứ vào các quy định này, các nhà đầu tư có quyền yêu cầu được giải thích thỏa đáng từ chủ dự án ICO, dù dự án đó thuộc lĩnh vực điều chỉnh của Luật Dịch vụ thanh toán, Luật Công cụ tài chính và sàn giao dịch hay Luật Giao dịch thương mại riêng biệt. 1.3. Về quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa Tại Nhật Bản, các sàn giao dịch tiền mã hóa và các công ty trung gian, môi giới cho hoạt động mua bán, trao đổi tiền mã hóa có thể coi là những ví dụ tiêu biểu cho các “Nhà Cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa” theo quy định của Luật Dịch vụ thanh toán. Chính phủ khuyến khích người dân giao dịch qua các sàn giao dịch, bởi các sàn này, để có thể hoạt động, đều _______________ 1. Chẳng hạn, các hình thức kêu gọi, kinh doanh đa cấp như vụ việc “Bitconnect” cũng được xác định thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo Luật này. 60 phải gửi hồ sơ đăng ký trực tiếp đến Thủ tướng Chính phủ (ủy quyền cho Cục Tài chính địa phương), và chỉ khi được Thủ tướng Chính phủ (Cục Tài chính địa phương) chấp thuận, các sàn giao dịch tiền mã hóa mới được hoạt động trong phạm vi Nhật Bản. Tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn trở thành một nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa tại Nhật Bản cũng phải được cấp phép như chủ thể trong nước. Một cá nhân, tổ chức muốn được cấp phép phải nộp đơn đăng ký bao gồm tên của đồng tiền mã hóa được mua bán; nội dung và phương tiện của dịch vụ giao dịch tiền mã hóa, và các nội dung chi tiết khác. Hồ sơ đăng ký bao gồm đơn đăng ký nộp kèm theo các tài liệu, bao gồm tài liệu chứng minh rằng không có cơ sở nào cho việc từ chối đăng ký, tài liệu tài chính và tài liệu giải thích việc thiết lập một hệ thống đảm bảo thực thi và cung cấp phù hợp, an toàn cho dịch vụ giao dịch tiền mã hóa (Điều 63.3 Luật Dịch vụ thanh toán). Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ giao dịch tiền mã hóa muốn thay đổi bất kỳ nội dung nào đã đăng ký (chẳng hạn, một sàn giao dịch muốn giao dịch một đồng tiền mã hóa mới ngoài những đồng tiền đã được đăng ký trước đó), nhà cung cấp đó cần báo cáo và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (Điều 63.6 Luật Dịch vụ thanh toán). 1.4. Về quản lý thuế Từ ngày 01/7/2017, các giao dịch dùng tiền mặt mua tài sản mã hóa/tiền mã hóa tại Nhật Bản đã không còn bị 61 đánh thuế tiêu dùng (tương tự thuế giá trị gia tăng). Việc miễn trừ này được quy định trong Lệnh của Nội các về sửa đổi Lệnh Thi hành Luật Thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, thu nhập từ các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa của nhà đầu tư vẫn phải chịu thuế thu nhập1. 2. Thái Lan 2.1. Về bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa Tháng 7/2013, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cấm việc sử dụng Bitcoin2. Tuy nhiên, đến tháng 9/2017, Ủy ban chứng khoán Thái Lan ủng hộ việc huy động vốn thông qua ICO, nhất là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và khẳng định trong một số trường hợp đặc biệt, tài sản mã hóa có thể là một loại chứng khoán và phải tuân thủ theo pháp luật chứng khoán3. Mặc dù vậy, tháng 02/2018, Ngân hàng Trung ương Thái Lan lại ban hành Thông tư cấm các tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động liên quan tới tài sản mã hóa do quan ngại những hoạt động không kiểm soát được, gồm, không được: _______________ 1. The Law Library of Congress: “Regulation of Cryptocurrency in Selected Jurisdictions”, 6/2018, tr. 57-58, https://www.loc.gov/ law/help/cryptocurrency/regulation-of-cryptocurrency.pdf. 2. Xem: https://www.telegraph.co.uk/finance/currency/10210022/ Bitcoins-banned-in-Thailand.html. 3. Cyberrius, ASEAN: Thailand ICO Market, 29/02/2018, tr. 4-5. 62 (i) Đầu tư hoặc giao dịch tài sản mã hóa; (ii) Trao đổi tài sản mã hóa; (iii) Tạo nền tảng cho giao dịch mua bán tài sản mã hóa; (iv) Cho phép chủ thẻ sử dụng thẻ tín dụng để mua tài sản mã hóa; và (v) Tư vấn khách hàng đầu tư hoặc mua bán tiền ảo mã hóa1. Tuy nhiên, ngày 13/5/2018, Chính phủ Thái Lan đã ban hành 02 nghị định khẩn cấp (Emergency Decree), gồm Nghị định về hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số (Digital Asset Business Operation B.E. 2561) với hơn 100 điều khoản và Nghị định về sửa đổi Luật Thuế thu nhập (Amendment of Revenue Code (No.19) B.E. 2561) có hiệu lực ngay ngày 14/5/2018 để quản lý và đánh thuế các tài sản kỹ thuật số (digital asset)2. Theo các nghị định này, tài sản kỹ thuật số được phân loại thành tiền mã hóa (cryptocurrencies) và xu kỹ thuật số (digital tokens)3. Hai nghị định này đã đưa ra các định nghĩa tương đối khái quát về tiền mã hóa và xu kỹ thuật số, theo đó: - Tiền mã hóa là một đơn vị thông tin điện tử được tạo lập trong một hệ thống điện tử với mục đích hướng đến là để sử dụng như một phương tiện trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc các quyền khác (bao gồm trao đổi với các tài sản kỹ thuật số khác); _______________ 1. https://news.bitcoin.com/bank-of-thailand-bans-banks-from cryptocurrency-activities/. 2. https://news.bitcoin.com/thailand-cryptocurrency-regulations/; https://news.bitcoin.com/thailand-approves-draft-decree-crypto/. 3. www.lawplusltd.com/2018/06/digital-asset-business. 63 - Xu kỹ thuật số là một đơn vị thông tin điện tử được tạo lập trong một hệ thống điện tử với mục đích hướng đến là: (i) xác định quyền của một người đã đầu tư vào một dự án hay hoạt động kinh doanh; hay (ii) xác định quyền đối với hàng hóa, dịch vụ hay quyền khác theo thỏa thuận giữa người phát hành và người nắm giữ xu kỹ thuật số. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) còn có quyền quy định bất kỳ một đơn vị dữ liệu điện tử nào khác có cùng mục đích như tiền mã hóa và xu kỹ thuật số là tiền mã hóa và xu kỹ thuật số. Như vậy, thực chất tài sản kỹ thuật số là tài sản mã hóa và về bản chất pháp lý được coi là tài sản vô hình1. Đáng chú ý là so với dự thảo ban đầu thì khái niệm “tài sản kỹ thuật số” đã được thu hẹp và không bao gồm các dữ liệu điện tử (electronic data) đơn thuần. Hai nghị định nêu trên mới dừng lại ở việc đưa ra những nguyên tắc chung đối với tài sản kỹ thuật số và các hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Thái Lan sẽ tiếp tục ban hành các văn bản hướng dẫn (nhất là về mặt thủ tục) để thi hành 02 nghị định này. Mục đích ban hành 02 nghị định trên là để quản lý một cách toàn diện tiền mã hóa và xu kỹ thuật số nhằm ngăn chặn tội phạm rửa tiền, lừa đảo, trốn thuế _______________ 1. https://pugnatorius.com/bitcoin-taxation/. 64 và các tội phạm khác1... Các quy định mới này của Thái Lan không cấm tiền mã hóa, ICO nói riêng và các giao dịch liên quan đến tài sản kỹ thuật số (tài sản mã hóa) và có mục đích tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động sử dụng tài sản kỹ thuật số một cách hợp pháp và bảo vệ nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trên cơ sở đó, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính Thái Lan đã ban hành một số thông tư hướng dẫn trong đó đưa ra các yêu cầu và thủ tục cấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số, chẳng hạn như Thông tư của Bộ Tài chính về việc cho phép hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số (B.E. 2561 (2018), có hiệu lực từ ngày 24/7/2018, trong đó quy định các tiêu chuẩn, điều kiện, phí cấp phép2. Ngày 01/8/2018, Ngân hàng Trung ương Thái Lan ban hành Thông tư cho phép các định chế tài chính (trong đó có các ngân hàng) hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số thông qua các công ty con, công ty liên kết sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận (Thông tư này thay thế Thông tư ban hành tháng 02/2018)3. _______________ 1. https://news.bitcoin.com/thailand-approves-draft-decree crypto/. 2. https://www.chandlermhm.com/thailand-digital-assets-law to-regulate-digital-tokens. 3. https://coingape.com/bank-of-thailand-allows-banks-invest in-cryptos/. 65 2.2. Về quản lý hoạt động ICO Việc ICO qua phát hành xu kỹ thuật số (digital tokens) chỉ có thể được thực hiện bởi công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập tại Thái Lan sau khi được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Thái Lan (SEC) trên cơ sở đệ trình thông tin, dữ liệu liên quan và cung cấp dự thảo Tài liệu công bố thông tin phát hành/sách trắng (draft White Paper). Việc chào bán đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị giới hạn đăng ký mua ở mức 300.000 Bạt Thái; các nhà đầu tư khác được mua không giới hạn1. Tổ chức phát hành xu kỹ thuật số phải nộp báo cáo lên Ủy ban Chứng khoán trong đó nêu rõ hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và bất kỳ thông tin nào khác có ảnh hưởng đến những người nắm giữ xu kỹ thuật số, đến quyết định đầu tư của họ hoặc dẫn tới sự thay đổi về giá, giá trị của xu kỹ thuật số. Ngoài ra, việc chào bán phải được thực hiện thông qua cổng thông tin ICO (ICO Portals) do Ủy ban Chứng khoán cấp phép. Điều hành cổng ICO phải là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần thành lập tại Thái Lan với số vốn điều lệ tối thiểu là 5 triệu Bạt Thái. Các cổng ICO này có trách nhiệm định giá ICO được đề xuất để xác định đặc tính của _______________ 1. https://medium.com/@OrionW_Law/thailand-regulates-initial coin-offerings-and-digital-asset-businesses-f331895a2d8d. 66 token số, phẩm chất của nhà phát hành, tính chính xác của các thông tin đăng ký, dự thảo bản cáo bạch và tất cả các thông tin khác được gửi đến nhà đầu tư thông qua cổng ICO1. Nghị định về hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số đưa ra một loạt quy định nhằm ngăn ngừa các hành vi bất hợp pháp nhằm bảo vệ nhà đầu tư liên quan tới giao dịch tài sản kỹ thuật số như công bố hoặc xác nhận thông tin sai lệch, gây hiểu lầm về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, các đặc tính hoặc giá của các tài sản kỹ thuật số. Việc sử dụng thông tin nội bộ để mua bán các xu kỹ thuật số (giao dịch nội gián) và thao túng thị trường bị nghiêm cấm2. Ngoài ra, các nhà phát hành xu kỹ thuật số tiếp tục có nghĩa vụ công bố thông tin tài chính và thông tin về mã nguồn mở được sử dụng để tạo ra xu kỹ thuật số. Nghị định kinh doanh tài sản kỹ thuật số đặt ra các mức phạt hành chính và hình sự có tính răn đe đối với việc vi phạm quy định tại Nghị định, các mức phạt này tương tự như quy định của pháp luật về chứng khoán. Cụ thể là, việc chào bán xu kỹ thuật số qua ICO không được sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán hoặc không sử dụng cổng _______________ 1. https://medium.com/@OrionW_Law/thailand-regulates-initial coin-offerings-and-digital-asset-businesses-f331895a2d8d. 2. http://www.nortonrosefulbright.com/knowledge/publications/ 168042/regulation-of-digital-assets-takes-effect-in-thailand. 67 thông tin ICO được phép sẽ bị phạt tù tới 02 năm hoặc phạt tiền bằng ít nhất 02 lần giá trị xu kỹ thuật số chào bán của tổ chức phát hành hoặc cả hai hình thức trên nhưng số tiền phạt không thấp hơn 500.000 Bạt (khoảng 350 triệu VNĐ)1. Việc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin thực tế lẽ ra phải được công bố trong quá trình nộp đơn xin thực hiện ICO hoặc trong dự thảo sách trắng nộp lên Ủy ban Chứng khoán có thể bị phạt tù tới 5 năm và bị phạt tiền bằng ít nhất 2 lần giá trị xu kỹ thuật số chào bán của tổ chức phát hành nhưng số tiền phạt không thấp hơn 500.000 Bạt. Phạt hành chính bao gồm phạt tiền, mức phạt do Ủy ban Chứng khoán Thái Lan quyết định, lệnh cấm giao dịch và lệnh cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp2... 2.3. Về quản lý sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa và tổ chức trung gian khác Hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số là các hoạt động kinh doanh về thiết lập sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số, môi giới tài sản kỹ thuật số và giao dịch mua bán tài sản kỹ thuật số và các hoạt động khác liên quan đến tài sản kỹ thuật số theo quy định của Bộ Tài chính trên cơ _______________ 1. https://bitlegal.io/2018/05/22/thailands-royal-decree-to regulate-cryptos/. 2. http://www.nortonrosefulbright.com/knowledge/publications/ 168042/regulation-of-digital-assets-takes-effect-in-thailand. 68 sở đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Chứng khoán Thái Lan. Ủy ban Chứng khoán Thái Lan được trao quyền ban hành các chính sách để thúc đẩy sự phát triển, quản lý, giám sát và kiểm soát các tài sản kỹ thuật số và các tổ chức có hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số. Các tổ chức kinh doanh tài sản kỹ thuật số (trong đó có các sàn giao dịch) phải xin giấy phép từ Bộ Tài chính Thái Lan. Bộ này sẽ cấp phép trên cơ sở đề nghị từ Ủy ban Chứng khoán Thái Lan và các tổ chức này phải đáp ứng các điều kiện về vốn, các biện pháp đảm bảo an ninh mạng, định danh khách hàng, và các biện pháp phòng chống rửa tiền. Các doanh nghiệp kinh doanh tài sản kỹ thuật số đang hoạt động trước ngày Nghị định có hiệu lực buộc phải có được giấy phép từ Bộ Tài chính trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định về hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số có hiệu lực (tức là trước ngày 14/8/2018)1. Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh tài sản kỹ thuật số đã được cấp phép vi phạm các quy định có liên quan hoặc có tình trạng tài chính hay hoạt động có thể gây thiệt hại cho xã hội thì Ủy ban Chứng khoán Thái Lan có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện biện pháp khắc phục, tạm đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trường hợp sau đó, doanh nghiệp vẫn _______________ 1. https://medium.com/@OrionW_Law/thailand-regulates-initial coinofferings-and-digital-asset-businesses-f331895a2d8d. 69 không khắc phục được hoặc tái vi phạm thì Ủy ban Chứng khoán Thái Lan có quyền kiến nghị Bộ Tài chính thu hồi giấy phép. Theo quy định của Nghị định về hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số thì các tổ chức kinh doanh tài sản kỹ thuật số và các cổng thông tin ICO được coi là “tổ chức tài chính” theo quy định tại Luật Phòng chống rửa tiền của Thái Lan và chịu sự điều chỉnh của Luật này nhằm đảm bảo rằng tài sản kỹ thuật số sẽ không bị lợi dụng cho mục đích rửa tiền1. Việc kinh doanh tài sản kỹ thuật số khi chưa được Bộ Tài chính cấp phép sẽ bị phạt tù tới 02 năm hoặc phạt tiền bằng ít nhất 02 lần giá trị của giao dịch hoặc cả hai hình thức trên nhưng số tiền phạt không thấp hơn 500.000 Bạt (khoảng 350 triệu đồng Việt Nam)2. Phạt hành chính bao gồm phạt tiền, mức phạt do Ủy ban Chứng khoán Thái Lan quyết định, lệnh cấm giao dịch và lệnh cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp3... _______________ 1. Summary of the Royal Decree on the Digital Asset Businesses B.E.2561, tháng 5/ 2018, tr. 4, xem tại https://www.sec.or.th/TH/SECInfo/LawsRegulation/Documents/Act_ Royal_Enactment/enactment_digital_2561_summary_en.pdf. 2. https://bitlegal.io/2018/05/22/thailands-royal-decree-to regulate-cryptos/. 3. http://www.nortonrosefulbright.com/knowledge/publications/168042/ regulation-of-digital-assets-takes-effect-in-thailand. 70 2.4. Về quản lý thuế Dưới góc độ của Cơ quan thuế Thái Lan, tài sản kỹ thuật số (tài sản mã hóa) là tài sản vô hình; do đó, về nguyên tắc, giao dịch liên quan đến tài sản kỹ thuật số sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất là 7%. Các giao dịch chịu thuế bao gồm giao dịch trao đổi giữa tài sản kỹ thuật số với tiền pháp định, giữa tài sản kỹ thuật số này với tài sản kỹ thuật số khác và giữa tài sản kỹ thuật số với các hàng hóa/dịch vụ. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng nếu họ mua bán tài sản kỹ thuật số thông qua các sàn giao dịch. Về thuế thu nhập, thu nhập từ hoạt động kinh doanh tài sản kỹ thuật số, kể cả giao dịch tại nước ngoài, sẽ chịu thuế thu nhập; trong đó thuế suất đối với thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, thuế suất đối với thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến (cao nhất là 35%). Ngoài ra, thuế suất thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn (withholding tax) là 15%1. 3. Hoa Kỳ 3.1. Về bản chất pháp lý của tài sản mã hóa, tiền mã hóa Mặc dù chưa có khung pháp lý thống nhất ở cấp liên bang về quản lý, xử lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa (cần lưu ý là trong nhiều trường hợp thuật ngữ “tiền ảo” được sử dụng phổ biến), các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đang _______________ 1. https://pugnatorius.com/bitcoin-taxation/. 71 căn cứ vào từng vụ việc cụ thể và hoạt động có liên quan (trao đổi, kinh doanh, phát hành, lưu trữ, sử dụng) để xác định bản chất pháp lý của từng loại tài sản mã hóa là chứng khoán, một dạng của công cụ thanh toán hoặc hàng hóa, tiện ích. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng đang vận dụng những quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có Luật Lưu thông tiền tệ, Luật Bảo mật ngân hàng, Luật Giao dịch chứng khoán, Luật Trao đổi hàng hóa..., để điều chỉnh các hoạt động cụ thể liên quan đến tài sản mã hóa phát sinh trong đời sống. Việc nhận diện bản chất pháp lý, xử lý các vụ việc cụ thể cũng như đề xuất xây dựng khung pháp lý liên quan đến tiền ảo, tiền mã hóa hay tài sản mã hóa được thực hiện bởi Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC), Ủy ban chứng khoán (SEC), Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... cũng như các Ủy ban thuộc Quốc hội Hoa Kỳ. Cụ thể: (i) Đối với Cơ quan phòng, chống tội phạm tài chính thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ (FINCEN): trong Hướng dẫn số FIN-2013-G001 ngày 18/3/2013 về áp dụng các quy định của FINCEN đối với việc quản trị, trao đổi và sử dụng tiền ảo (tài sản mã hóa), FINCEN định nghĩa tiền là tiền xu hoặc tiền giấy do Hoa Kỳ hoặc các quốc gia khác phát hành nhằm mục đích định rõ là tiền pháp định được lưu hành, được chấp nhận và sử dụng như phương tiện trao đổi ở nước phát hành. Trái với tiền pháp định, tiền mã hóa (tiền ảo) là một phương tiện trao đổi và hoạt động như tiền tệ trong một số môi trường nhưng không có đầy 72 đủ các thuộc tính của tiền pháp định. Cụ thể, tiền mã hóa không có địa vị pháp lý của tiền pháp định ở bất cứ quốc gia nào1. Tiền mã hóa ở đây chỉ các loại tiền ảo có khả năng chuyển đổi, là loại tiền mã hóa hoặc có giá trị tương đương với tiền thật, hoặc có thể hoạt động thay thế cho tiền thật2. (ii) Đối với Cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ (IRS): tại Hướng dẫn số IR-2014-21 về việc áp dụng các quy định về thuế hiện hành đối với các giao dịch sử dụng tài sản mã hóa (tiền ảo), IRS thừa nhận tài sản mã hóa có thể được sử dụng để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ hoặc nắm giữ nhằm mục đích đầu tư. Các định nghĩa về tài sản mã hóa và các chủ thể liên quan đến hoạt động của tài sản mã hóa được kế thừa từ Hướng dẫn số FIN-2013-G001 ngày 18/3/2013 về áp dụng các quy định của FINCEN đối với việc phát hành, trao đổi và sử dụng tài sản mã hóa như _______________ 1. FINCEN, FIN-2013-G001 trang 1, https://www.fincen.gov/ sites/default/files/shared/FIN-2013-G001.pdf. 2. Hướng dẫn này cũng xác định 03 đối tượng liên quan đến hoạt động chung của tiền ảo là: người sử dụng (user) - là một cá nhân sử dụng tiền ảo để mua hàng hóa hoặc dịch vụ; người giao dịch tiền ảo (exchanger) - là cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trao đổi tiền ảo với tiền thật, quỹ, hoặc các loại tiền ảo khác; người quản trị (administrator) là người tham gia vào hoạt động kinh doanh tiền ảo thông qua việc phát hành (đưa vào lưu hành) một loại tiền ảo hoặc rút khỏi việc lưu thông loại tiền ảo này thông qua việc mua lại toàn bộ các tiền ảo đã phát hành này. 73 nêu trên1. Hiện nay, Cơ quan thuế vụ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục áp dụng quan điểm về tài sản mã hóa nêu tại Hướng dẫn số IR-2014-21 để yêu cầu người nộp thuế khai báo các giao dịch liên quan. Người nộp thuế nếu không thực hiện khai báo thu nhập có được từ các giao dịch tài sản mã hóa có thể bị kiểm toán để áp dụng hình phạt tiền hoặc hình sự, tội trốn thuế có thể bị phạt tới 5 năm tù và 250.000 USD, khai báo gian dối có thể bị phạt tới 3 năm tù và 250.000 USD2. (iii) Đối với Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC): CFTC coi tài sản mã hóa là hàng hóa (commodity) giống như nhiều loại hàng hóa vô hình khác mà CFTC công nhận trong quá trình hoạt động của mình. Dưới góc độ hàng hóa, tài sản mã hóa, tiền mã hóa là đối tượng áp dụng của Luật Giao dịch hàng hóa và các quy định của CFTC. Thuật ngữ tài sản mã hóa (tiền ảo) được diễn dịch khá rộng, theo đó bao gồm bất cứ biểu hiện số của giá trị (một tài sản kỹ thuật số) có chức năng như phương tiện trao đổi, và bất cứ biểu hiện số của đơn vị kế toán được sử dụng như một dạng của tiền tệ. Tài sản mã hóa có thể được thể hiện dưới dạng đơn vị (unit), xu hoặc đồng tiền kỹ thuật số (token hoặc coin); tài sản mã hóa có thể được phân phối bằng các hợp đồng thông minh hoặc theo các _______________ 1. Notice IR-2014-21, Section 2, https://www.irs.gov/pub/irs drop/n-14-21.pdf. 2. Notice IR-2018-71, 23/3/2018, https://www.irs.gov/newsroom/ irs-reminds-taxpayers-to-report-virtual-currency-transactions. 74 cách thức khác1. Mặc dù vậy, CFTC cũng thừa nhận việc chưa thể có được một định nghĩa rõ ràng vào thời điểm này. Trong các phiên điều trần trước các Ủy ban của Quốc hội và một số vụ việc cụ thể, CFTC đều khẳng định thẩm quyền quản lý của mình đối với tài sản mã hóa khi coi tài sản mã hóa là hàng hóa. Đối với việc quản lý tài sản mã hóa, CFTC tập trung vào xử lý 06 nhóm vấn đề, gồm: (1) nâng cao năng lực của cán bộ quản lý; (2) cảnh báo người tiêu dùng; (3) hợp tác liên cơ quan; (4) thực hiện quyền lực; (5) tăng cường quản lý; và, (6) tăng cường việc rà soát, giám sát đối với việc tự xác định/định vị sản phẩm tài sản mã hóa của doanh nghiệp2. Thời gian qua, CFTC cũng đã tiến hành một loạt các vụ kiện đối với các đối tượng lừa đảo hoặc thao túng thị trường liên quan đến tài sản mã hóa. Trong các vụ việc này CFTC đều khẳng định tài sản mã hóa là hàng hóa3. (iv) Đối với Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (SEC)4: SEC không đưa ra bất cứ định nghĩa hoặc giải thích chính thức _______________ 1. Retail Commodity Transactions Involving Virtual Currency, 17 CFR Part 1, RIN 3038-AE62, tr. 9. 2. https://www.cftc.gov/PressRoom/SpeechesTestimony/opagiancarlo50. 3. Memorandum & Order 18-CV-361, United States District Court Eastern District of New York, tr. 17-19. 4. SEC hướng đến mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và minh bạch của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vốn thông qua việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến việc phát hành và chào bán chứng khoán, xử lý việc công bố thông tin lừa đảo hoặc gây hiểu lầm liên quan đến chứng khoán, quản lý các sàn giao dịch chứng khoán. 75 nào về tài sản mã hóa (tiền ảo). Tuy nhiên, SEC sẽ tiếp cận theo hướng, đối với từng loại tài sản mã hóa cụ thể, nếu đáp ứng các tiêu chí phân loại là chứng khoán thì tất cả các hoạt động có liên quan đến loại tài sản mã hóa này (từ phát hành, chào bán hoặc lập sàn giao dịch) đều phải tuân thủ quy định pháp luật về chứng khoán1. Trên thực tế SEC cũng đã tiến hành nhiều vụ kiện đối với các công ty, tổ chức, cá nhân đối với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa do vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán2. Tuy nhiên không phải tất cả tài sản mã hóa đều là chứng khoán. Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù chưa có quan điểm thống nhất về địa vị pháp lý của tài sản mã hóa (tiền ảo), bên cạnh việc không công nhận tài sản mã hóa là tiền pháp định, tài sản mã hóa được coi là một dạng tài sản, tùy theo trường hợp cụ thể, tài sản này có thể là hàng hóa hoặc chứng khoán. Bên cạnh đó, nhận thức được các tác động to lớn của tài sản mã hóa (tiền ảo) đối với đời sống kinh tế xã hội và _______________ 1. Virtual Currencies: The Oversight Role Of The SEC And the CFTC, the U.S. Senate Committee on Banking, Housing and Urban Affairs, 06/2/2018. 2. SEC khởi kiện: REcoin Group Foundation LLC ngày 29/9/2017, PlexCorps ngày 01/12/2017, AriseBank ngày 25/2/2018... Ở hầu hết các vụ kiện này, SEC xác định các loại tiền ảo được chào bán (ICO) là chứng khoán và cáo buộc bị đơn vi phạm các quy định về đăng ký phát hành chứng khoán. 76 việc cần thiết có một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, phù hợp điều chỉnh hoạt động này, các Ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều phiên điều trần và đưa ra một số báo cáo, đề xuất việc quản lý, xử lý đối với loại tài sản đặc biệt này. Trong đó, đáng chú ý là các Phiên điều trần: ngày 06/02/2018 với chủ đề “Tiền ảo: vai trò giám sát của SEC và CFTC”; ngày 14/3/2018 với chủ đề “Đánh giá thị trường tiền mã hóa và thị trường ICO” và ngày 11/10/2018 với chủ đề “Khám phá tiền mã hóa và hệ sinh thái blockchain”: Thứ nhất, Phiên điều trần của Ủy ban về ngân hàng, nhà ở và các vấn đề đô thị của Thượng viện Hoa Kỳ ngày 06/02/2018 về “Tiền ảo: Vai trò giám sát của SEC và CFTC”1: Phiên điều trần là dịp để Chủ tịch SEC và Chủ tịch CFTC bày tỏ quan điểm của mình. Phiên điều trần được tổ chức trong bối cảnh hai cơ quan này đang tăng cường hoạt động liên quan đến tiền ảo (tài sản mã hóa). Trong đó, đáng chú ý là SEC cho đến nay chưa chấp thuận bất cứ đăng ký chào bán tiền ảo nào và cũng không chấp thuận cho niêm yết hoặc trao đổi thương mại đối với các công ty sở hữu hoặc tài sản liên quan đến tiền ảo. Thay vào đó, SEC đã nhiều lần đưa ra các cảnh báo, nêu rõ hoạt động _______________ 1. https://www.banking.senate.gov/public/index.cfm/2018/2/virtual currencies-the-oversight-role-of-the-u-s-securities-and-exchange commission-and-the-u-s-commodity-futures-trading-commission 77 đầu tư vào tiền ảo có thể là phù hợp và hợp pháp nhưng có thể bị lạm dụng, SEC cũng đã ban hành hướng dẫn, cảnh báo và có các hành động ngăn chặn, cảnh báo cụ thể đối với một số vụ ICO với lý do vi phạm các quy định trong lĩnh vực chứng khoán tại Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, CFTC cũng đã thực hiện các hành động cụ thể chống lại các dạng gian lận cụ thể bao gồm mô hình tài chính lừa đảo đa cấp (ponzi scheme). Về thẩm quyền giám sát, tùy từng khía cạnh nhất định của từng hoạt động đối với tiền ảo, SEC và CFTC sẽ có thẩm quyền nhất định và hai bên sẽ hợp tác cùng nhau nhằm đảm bảo việc giám sát một cách hiệu quả các hành vi không phù hợp và đề cao việc chia sẻ thông tin cũng như các sáng kiến giáo dục cộng đồng. Hai cơ quan này đều công nhận những sáng tạo công nghệ hứa hẹn chuyển đổi thị trường tài chính một cách phù hợp với mục tiêu của hai cơ quan. Tuy nhiên cũng thể hiện thái độ cẩn trọng và cần phải có những quy định thích hợp đặc biệt về các vấn đề liên quan đến lưu ký, thanh khoản, thanh toán bù trừ và định giá1. Hai cơ quan cũng cho rằng các luật hiện hành được áp dụng với công nghệ mới này. Đối với việc xác định tiền ảo (tài sản mã hóa) chào bán lần đầu, SEC sử dụng kiểm định _______________ 1. https://www.sec.gov/divisions/investment/noaction/2018/cryptocurrency 011818.htm. 78