🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Momo Ebooks Nhóm Zalo VH-ebook Project (VH-eP) xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chế bản ebook MOMO của tác giả MICHAEL ENDE. ––oOo–– Đây là một trong những dự án chế bản ebook mà VHProject (VH-P) muốn gửi đến tất cả những bạn yêu thích sách, đặc biệt là những người không có điều kiện đọc những ấn phẩm sách thông thuờng. Tuy nhiên trong khả năng có thể, hãy mua và thưởng thức sách như một sự tôn trọng với các nhà xuất bản. Ebook được thực hiện bởi thành viên VH-P, với mong muốn mang đến những tác phẩm văn học có giá trị nghệ thuật, nhân văn và giải trí cho tất cả những người yêu sách. VH-ebook project là nhóm chế bản ebook của VH-P, hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, mục đích muốn chia sẻ niềm đam mê sách với tất cả những người cùng sở thích. Với Tính mở rộng và tương tác cao, hoạt động trên nguyên tắc: Khi bạn là thành viên của VH-eP bạn sẽ làm chủ cho dự án sách riêng của mình với sự góp sức chế bản của tất cả các thành viên trong nhóm. Chỉ cần bạn có nguồn sách hãy tham gia với chúng tôi. Ebook này sẽ được VH-P đăng tải trên các diễn đàn văn học mạng. Bất kỳ hình thức sao lưu, sử dụng làm bài viết, tư liệu hay đăng trên các diễn đàn, yêu cầu giữ nguyên nội dung cũng như ghi rõ nguồn cung cấp và nhóm chế bản ebook như một sự tôn trọng đối với những người thực hiện. VHProject rất mong các bạn tham gia và đóng góp ý kiến để chúng tôi có hoàn thiện hơn trong các dự án tiếp theo. VHProject luôn luôn chào đón bạn gia nhập thành viên, để cùng nhau mang đến những chế bản ebook hay cho mọi người. VHProject Giới thiệu về nội dung: Cuốn tiểu thuyết mang màu sắc ngụ ngôn và cổ tích tuyệt diệu của Michael Ende đã thành công trên khắp thế giới, trở thành thánh thư của cả một thế hệ. Momo sống ở rìa một thành phố lớn trong một nhà hát lộ thiên đổ nát. Cô bé không có gì ngoài những thứ mình tự tìm được hay mọi người tặng cho, và một khả năng kỳ lạ: cô bé luôn có thời gian và khả năng lắng nghe người khác. Một ngày kia, những gã màu xám bắt tay vào thực hiện một kế hoạch. Chúng cầm giữ thời gian quý báu của con người và Momo là người duy nhất còn có thể ngăn chặn được chúng… Có một bí mật to lớn nhưng ai cũng hết sức giản dị. Tất cả mọi người đều có phần, ai cũng biết đến nó, nhưng lại rất ít người suy nghĩ về nó. Hầu hết mọi người chỉ đơn giản nhận lấy nó và chẳng ngạc nhiên một chút nào. Điều bí mật ấy là thời gian. Thời gian là cuộc sống, và cuộc sống ở trong trái tim… Đôi nét về tác phẩm: Momo hay còn có tên đầy đủ Momo hay Câu chuyện kỳ lạ về những kẻ ăn cắp thời gian và một cô bé giành lại được cho con người thời gian đã mất, được xuất bản lần đầu vào năm 1973 tại Đức. Ngoài ra tác phẩm còn có các tên gọi khác là Những quý ông màu xám hay Bọn người mặc đồ xám. Là tác phẩm nổi tiếng thứ hai của Michael Ende sau Chuyện dài bất tận, Momo đã đem về cho tác giả vô số giải thưởng văn học thanh thiếu niên của Đức và Châu Âu, được dịch ra 40 thứ tiếng với tổng số ấn bản lên tới bảy triệu. Michael Ende coi Momo là một món quà dành tặng cho đất nước và con người Italy và là bản tuyên ngôn về tình yêu thương. Ebook miễn phí tại : www.Sachvui.Com Đôi nét về tác giả Michael Ende: Michael Andreas Helmuth Ende (12/11/1929 - 29/8/1995) là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Đức. Có thể coi ông là một trong những tiểu thuyết gia toàn tài vì bên cạnh sách dành cho thiếu nhi, ông còn viết sách cho người lớn, sáng tác nhiều vở kịch và thơ. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim và sử dụng cho sân khấu, truyền thanh, truyền hình. Ende là con trai của nhà họa sĩ siêu thực Edgar Ende. Ende sống những năm đầu tiên tại München, đầu tiên trong quận Pasing và sau đó trong quận Schwabing. Từ năm 1940 Ende học trường phổ thông trung học Maximmilian (Maximiliansgymnasium). Ba năm sau đó trường bị di tản và cùng với chương trình gửi trẻ em về làng quê Ende đã trở về quê quán của ông. Khi bị gọi đi “bảo vệ quê hương” chỉ vài tuần trước khi chiến tranh chấm dứt, ông đã đào ngũ và gia nhập tổ chức Hành động Tự do Bayern (Freiheitsaktion Bayern). Chỉ đến năm 1948 Ende mới có thể học xong phổ thông tại trường Waldorf tại Stuttgart. Ngay sau đó ông học trường Fackelberg cho đến năm 1950. Sau khi tốt nghiệp Ende làm việc cho nhiều nhà hát cho đến 1953, trong đó nhiều tháng tại nhà hát bang Schleswig Holstein. Trong thời gian này Ende đã viết lời cho nhiều cabarett chính trị. Giữa 1954 và 1962 ông cũng đã là nhà phê bình phim cho Đài phát thanh và truyền hình Bayern. Thế nhưng Ende không thành công với những tác phẩm ca kịch (thường là bi kịch) của riêng ông. Sau khi 12 nhà xuất bản từ chối bản thảo quyển “Jim Knopf und Lukas der Lokomotivführer” (Jim Knopf và Lukas người lái tàu hỏa) của ông, quyển sách văn học thiếu niên này được nhà xuất bản Thienemann phát hành và từ đó trở thành một thành công lớn. Vì nhiều nhà phê bình phê phán là Ende đã “chạy trốn thế giới”, đặc biệt là vì Jim Knopf, và hạ thấp ông như là một văn sĩ quèn cho trẻ em, Ende đã cùng vợ qua Ý và định cư tại phía nam của Roma, trong “Villa Gentano”. Quyển tiểu thuyết mang tính cổ tích “Momo” của ông hình thành ở đấy. Qua việc cộng tác chặt chẽ với nhà soạn nhạc Mark Lothar, tác phẩm Libretto cho bản opera “Momo và kẻ cắp thời gian” đã ra đời. Buổi biểu diễn đầu tiên được tiến hành trong nhà hát tiểu bang Coburg. Năm Trong năm 1985, Ende cũng là một trong nhiều tác giả của kịch bản cho cuốn phim “Momo” do đạo diễn Peter Heusch thực hiện. Ende đã đóng một vai phụ nhỏ trong phim này. Từ 1978 ông cộng tác với nhà soạn nhạc Wilfried Hiller. Nhiều tác phẩm ca kịch đã hình thành từ sự cộng tác này, như “Der Gogolori” năm 1985. Tác phẩm đầu tiên của Ende “Denn die Zeit drängt”, một ca kịch về việc ném quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, đã không được biểu diễn cũng như các ca kịch khác trước khi ông bắt đầu viết sách cho trẻ em. Nhà văn Michael Ende mất vào ngày 28/8/1995 lúc gần 66 tuổi tại Filderstadt-Bonlanden gần thành phố Stuttgart vì ung thư bao tử. Nơi an nghỉ cuối cùng của ông là nghĩa trang gần München. Viện lưu trữ văn học Đức (Deutsche Literaturarchiv) hiện quản lý di sản văn học của ông. (Theo Wikipedia) Những đánh giá về cuốn sách: “Thời gian là cuộc sống, và chúng ta cảm nhận cuộc sống bằng con tim. Càng tiết kiệm thời gian thì càng có ít cuộc sống hơn.” - Momo “Tiểu thuyết của Michael Ende còn hơn cả một thánh thi” - Báo Người Stuttgarter “Một truyện cổ tích dành cho trẻ em cũng như người lớn” - Die Welt (Thế giới) MỤC LỤC: PHẦN I: MOMO VÀ CÁC BẠN Chương 1 Một thành phố lớn và một cô gái nhỏ. Chương 2 Một cá tính độc đáo và một cuộc cãi vã thường tình Chương 3 Một cơn bão tưởng tượng và một trận mưa rào có thật Chương 4 Một ông lão kiệm lời và một anh chàng khéo ăn khéo nói Chương 5 Chuyện kể cho mọi người và chuyện kể cho một người PHẦN II. NHỮNG GÃ MÀU XÁM Chương 6 Tính toán lọc lừa mà vẫn trúng mánh Chương 7 Momo đi tìm bạn và bị kẻ thù tìm đến Chương 8 Nhiều mộng mơ, đôi chút băn khoăn Chương 9 Một cuộc họp tốt lành không xảy ra, một cuộc họp xấu xa - lại xảy ra Chương 10 Một cuộc săn đuổi dữ dội và một cuộc tháo chạy nhẹ nhàng Chương 11 Khi bọn người xấu muốn chuyển bại thành thắng Chương 12 Momo tới nơi khởi nguồn thời gian PHẦN III NHỮNG BÔNG HOA –GIỜ Chương 13 Nơi đó một ngày Nơi này một năm Chương 14 Quá nhiều đồ ăn, quá ít câu trả lời Chương 15 Tìm thấy rồi lại mất Chương 16 Quá nhiều gian truân Chương 17 Sợ rất nhiều nhưng can đảm nhiều hơn Chương 18 Khi chỉ ngó trước mà chẳng nhìn sau Chương 19 Những kẻ bị bao vây phải quyết định Chương 20 Cuộc săn đuổi của những kẻ săn đuổi. Chương 21 Một kết thúc, nơi chuyện mới bắt đầu PHẦN I: MOMO VÀ CÁC BẠN Chương 1 Một thành phố lớn và một cô gái nhỏ. Thời xưa, xưa lắm, khi con người còn nói những thứ ngôn ngữ khác hẳn bây giờ thì tại những vùng đất ấm áp đã từng có nhiều đô thị tráng lệ với biết bao lâu đài nguy nga của các bậc vua chúa công hầu, với những phố lớn thênh thang lẫn những phố nhỏ và ngõ ngách quanh co, với những đền đài uy nghi đầy các pho tượng thần được tạc bằng vàng hay cẩm thạch, với những khu chợ bán đủ mặt hàng từ mọi nước, với nhiều quãng trường đẹp đẽ rộng rãi là nơi người dân tụ họp để bình luận tin tức, để diễn thuyết hoặc nghe diễn thuyết. Song, đặc biệt là các thành phố này có nhiều nhà hát lớn. Các nhà hát này trông cũng tương tự như các rạp xiếc thời bấy giờ, chỉ khác là ghế ngồi lẫn khán giả đều được ghép bằng đá tảng. Các dãy ghế cho khán giả được dựng cao dần lên theo hình bậc thang, giống như trong một cái phễu khổng lồ. Từ trên nhìn xuống thì một số công trình này hình tròn, một số khác hình bầu dục, một số khác nữa hình bán nguyệt. Người ta gọi chúng là nhà hát lộ thiên. Có những nhà hát lộ thiên lớn bằng cả sân bóng đá, lại cũng có những nhà hát lộ thiên nhỏ hơn, chỉ đủ chứa vài trăm khán giả. Có nhà hát lộ thiên nguy nga với những cột trụ và những tượng điêu khắc công phu, lại có nhà hát lộ thiên đơn sơ giản dị. Những nhà hát lộ thiên này đều không có mái che, tất cả diễn ra dưới bầu trời rộng mở. Vì thế ở những nhà hát lộ thiên nguy nga có căng những tấm thảm thêu kim tuyến bên trên thềm đá ngồi để bảo vệ khán giả khỏi nắng cháy hay những trận mưa bất chợt. Tương tự, ở những nhà hát lộ thiên bình dân người ta dùng thảm cói hay thảm rơm. Nói tóm lại là: tiền nào của nấy! Nhưng dù sang hay hèn, mọi người đều có cùng sở thích, vì họ đều say mê nghe hát và xem diễn kịch. Khi lắng nghe những tình tiết mủi lòng hay khôi hài diễn trên sân khấu thì, lạ lùng sao, họ cảm thấy cuộc đời được dàn dựng kia còn thật hơn cuộc sống thường nhật của họ. Thế là họ liền toàn tâm toàn ý lắng nghe cái sự thật khác lạ ấy. Nhiều nghìn năm đã qua đi từ đó. Những thành thị lớn xưa kia nay đã điêu tàn; các đền đài, cung điện nguy nga xưa đã sụp đổ. Những khối đá xưa đã bị gió mưa, thời tiết nóng lạnh xói mòn đục ruỗng. Những nhà hát lộ thiên xưa nay chỉ còn là những phế tích đổ nát hoang tàn với tiếng ve sầu nỉ non khúc nhạc buồn đơn điệu, nghe như trái đất đang thở dài trong giấc ngủ. Nhưng một vài thành thị cổ xưa này vẫn tiếp tục là những thành phố lớn cho đến tận ngày nay. Tất nhiên cuộc sống ở đây đã khác xưa rồi. Nay người dân đi ô-tô hay xe điện, dùng điện thoại để trò chuyện và đèn điện để chiếu sáng. Nhưng đây đó, giữa những tòa nhà mới, vẫn còn thấy sót lại đôi ba cột trụ, một cổng thành hoặc một mảng tường hay một nhà hát lộ thiên thời xa xưa ấy. Chuyện cô bé Momo diễn ra tại một thành phố như thế đấy. Ở rìa hướng nam thành phố lớn này, nơi xưa nay vẫn lô nhô những thửa ruộng và những ngôi nhà nghèo xơ nghèo xác không khác nào những túp lều, có một nhà hát lộ thiên nhỏ hoang tàn nằm khuất trong một cánh rừng thông. Ngay từ xa xưa nó vốn đã không phải thứ nhà hát lộ thiên huy hoàng mà thuộc loại bình dân. Đến thời chúng ta, nghĩa là thời bắt đầu câu chuyện của Momo, phế tích kia hầu như bị quên lãng hoàn toàn. Chỉ dăm ba vị giáo sư khảo cổ học còn biết đến nó, nhưng họ cũng chả quan tâm mấy, vì ở đó không còn gì để họ nghiên cứu nữa. Mà so với những danh lam thắng cảnh trong thành phố lớn này thì nó làm sao bì nổi. Thành ra họa hoằn lắm mới có dăm ba du khách lạc bước đến đây, leo lên những bệ đá cỏ rậm rêu phong, đi loanh quanh ồn ào cười nói, chụp vài tấm ảnh lưu niệm rồi bỏ đi, trả lại nhà hát lộ thiên tròn xây bằng đá này sự tĩnh lặng và rồi lũ ve sầu lại tiếp tục tấu khúc nhạc sầu muôn thuở của chúng, khúc nhạc nào cũng giống hệt nhau. Thật ra chỉ những cư dân quanh đấy mới biết đến công trình tròn trịa lạ lùng này. Ở đó họ thả cho dê ăn cỏ, còn đám trẻ dùng cái bãi tròn ngay chính giữa làm sân đá bóng; thỉnh thoảng mới lại có dăm ba cặp tình nhân dùng làm nơi hò hẹn. Nhưng rồi một ngày nọ người ta kháo nhau rằng mới có một kẻ đến ở tại khu phế tích này. Một đứa nhỏ. Một cô bé thì phải. Tuy nhiên không ai dám nói chắc, vì nó ăn mặc hơi lạ lùng nên chẳng rõ gái hay trai. Nó tên là Momo hay na ná như thế. Quả thật bề ngoài Momo hơi khác thường, có thể khiến cho những người ưa sạch sẽ và ngăn nắp phải giật mình kinh hãi. Momo nhỏ thó, gầy gò khiến không ai dám nói chắc cô bé mới tám tuổi hay đã mười hai. Tóc cô đen nhánh và bù xù như chưa từng biết lược hay kéo là gì. Đôi mắt cô cũng đen nhánh, to tròn thật đẹp, còn đôi bàn chân cũng đen đúa vì cô hầu như toàn đi chân đất. Chỉ mùa đông cô mới đi giày, nhưng cọc cạch và rộng rinh. Bởi Momo chẳng có gì khác nữa, ngoài những thứ cô nhặt nhạnh được hoặc người ta cho. Cái váy của cô may chằng may đụp từ bao miếng vải đủ màu, dài tận mắt cá chân. Cô khoác thêm một chiếc áo khoác đàn ông rộng thùng thình xắn đến cổ tay mà Momo không muốn cắt bớt phòng khi còn lớn nữa. Vả lại, biết chừng nào cô mới có được chiếc áo khoác đẹp, tiện dùng nhiều túi thế này. Phía dưới sân khấu cỏ mọc um tùm của nhà hát hoang phế này có đôi ba khoảng trống đã sụp lở gần hết, nhưng vẫn có thể chui ra chui vào được qua một lỗ hổng ở vách tường ngoài. Momo đã biến chỗ đó thành nơi cư ngụ. Một buổi trưa nọ, có mấy người ở quanh đấy tìm đến hỏi han. Momo sợ hãi nhìn họ, vì lo sẽ bị đuổi đi. Nhưng cô thấy rằng họ là những người tử tế. Họ cũng nghèo và từng trải. “Vậy là em thích chỗ này?” Một người trong bọn hỏi. “Vâng.” Momo đáp. “Và em muốn ở lại đây?” “Vâng, em rất muốn.” “Nhưng chẳng lẽ không có ai chờ em về sao?” “Không.” “ Ý ta muốn hỏi: chẳng lẽ em không phải về nhà ư?” “Đây là nhà em mà,” Momo vội vàng cả quyết. “Thế em từ đâu đến vậy, hở cô bé?” Momo huơ tay tỏ ý đến từ một nơi xa xôi nào đó. “Thế bố mẹ em là ai?” Người nọ hỏi tới. Cô bé bối rối nhìn ông ta và mọi người , khẽ nhún vai. Họ nhìn nhau thở dài. “Em không việc gì phải sợ,” người nọ nói tiếp, “bọn ta không đuổi em đâu. Chỉ muốn giúp em thôi.” Momo lặng lẽ gật đầu, nhưng chưa thật tin. “Em nói rằng em tên Momo đúng không?” “Vâng.” “Cái tên đẹp lắm, nhưng ta chưa từng được nghe. Ai đặt tên cho em vậy?” “Chính em đấy,” Momo đáp. “Em tự đặt tên cho mình thế à?” “Vâng.” “Thế em sinh năm nào?” Momo ngẫm nghĩ rồi đáp: “Theo như em nhớ thì em sinh ra từ thời não thời nào rồi.” “Em không có cô dì, chú bác, ông bà , không có gia đình để cùng ở hay sao?” Momo chỉ im lặng nhìn ông nọ, rồi lẳm bẳm: “Đây là nhà em mà.” “Thôi được,” người đó nói, “nhưng em còn nhỏ dại – em bao nhiêu tuổi rồi?” “Một trăm,” Momo ngập ngừng đáp. Mọi người cười ồ, cho rằng cô đùa. “Hỏi thật mà, em bao nhiêu tuổi?” “Một trăm lẻ hai,” Momo đáp, hơi lúng túng. Mãi sau mới vở lẽ rằng cô chỉ nghe lõm bõm đâu đó mấy con số nọ, song chẳng hiểu gì, vì chưa từng được ai dạy đếm. “Này em,” nguời nọ nói sau khi đã bàn bạc với những người khác, “em có muốn bọn ta báo cảnh sát chuyện em ở đây không? Người ta sẽ đưa em vào trại mồ côi, rồi em sẽ được nuôi ăn, có giường ngủ đàng hoàng, được học làm tính, học đọc, học viết và học nhiều điều nữa. Em nghĩ sao nào?” Momo hoảng hốt nhìn ông ta. “Không,” cô lẩm bẩm, “em không muốn vào trại đâu. Em đã từng ở đó. Với nhiều trẻ khác nữa. Ở đó cửa sổ gắn song sắt. Ngày nào cũng bị đòn – mà toàn oan. Một đêm nọ em mới vượt tường trốn ra. Thành ra em không muốn trở về đó nữa đâu.” “Ta hiểu,” một ông lớn tuổi gật đầu nói. Những người khác cũng gật gù vẻ cảm thông. “Thôi được,” một người đàn bà nói, “nhưng cháu còn nhỏ. Phải có ai lo cho cháu chứ.” “Cháu tự lo được mà,” Momo đáp, lòng khấp khởi yên tâm. “Cháu lo được thật không đấy?” Người đàn bà nọ hỏi. Momo im lặng một lúc rồi khẽ đáp: “Cháu đâu cần gì nhiều.” Mọi người lại nhìn nhau thở dài rồi gật đầu. “Momo này,” người đàn ông đã mở đầu buổi trò chuyện lên tiếng, “bọn ta nghĩ rằng em có thể đến ở với một người trong bọn ta đây. Tuy nhà cửa của bọn ta chẳng rộng rãi gì, đa số lại còn phải nuôi cả bầy con, nhưng bọn ta nghĩ thêm một người nữa cũng chẳng đáng bao nhiêu. Em nghĩ sao?” “Em cảm ơn,” Momo đáp, lần đầu tiên cô mỉm cười, “cảm ơn! Nhưng xin cứ để em ở đây có được không?” Nhóm người kia bàn qua tán lại thật lâu, rồi họ đồng ý. Vì, theo họ thấy, sống ở đây cũng giống như sống với một người trong số họ thôi. Còn họ sẽ cùng nhau săn sóc Momo, vì chung nhau gánh vẫn dễ hơn là chỉ riêng một người lo. Trước mắt, họ liền ra sức dọn dẹp, sửa sang căn phòng tường đã xiêu vẹo Momo đang trú ngụ. Thậm chí một người trong bọn, vốn là thợ nề, đắp ngay cho Momo một bếp lò bằng đá. Anh còn xoay được cả một ống thông khói han gỉ nữa. Một bác thợ mộc già lấy ván thùng đóng một chiếc bàn con và hai cái ghế. Sau hết, mấy bà khiêng đến một một khung giường sắt phế thải trang trí hoa văn với một tấm nệm chỉ mới hơi sờn và hai cái chân. Thế là cái hang hốc bằng đá dưới nền sân khấu hoang tàn đã biến thành một căn phòng nhỏ ấm cúng. Cuối cùng, anh chàng thợ nề kiêm họa sĩ kia lại còn vẽ lên tường một bức tranh hoa, với đủ cả khung ảnh lẫn đinh treo. Rồi đám con cái cái của nhóm người ấy mang đến cho Momo những món gia đình chúng nhịn bớt được: đứa mang thỏi pho-mát, đứa mang ổ bánh mì nhỏ, đứa mang ít trái cây, và nhiều thứ khác nữa. Chúng đông lắm, nên chiều hôm ấy chúng đã cùng nhau mừng Momo một buổi tiệc “tân gia” nho nhỏ nhưng thịnh soạn. Một bữa tiệc thật vui của người nghèo. Mối giao hảo thân tình giữa cô bé Momo và những người láng giềng đã bắt đầu như thế đấy. Chương 2 Một cá tính độc đáo và một cuộc cãi vã thường tình Từ đó cuộc sống của Momo dễ chịu hẳn, ít ra là theo cô. Từ đó, lúc nào cô cũng có chút gì đấy để ăn, khi nhiều khi ít, tùy hàng xóm láng giềng có gì và nhường bớt được bao nhiêu. Cô đã có một ‘mái nhà’ che nắng che mưa, giường nệm hẳn hoi; khi gặp trời lạnh, cô bé cũng đã có lò sưởi. Nhưng điều quan trọng nhất là: cô có nhiều bạn tốt. Ta có thể nghĩ rằng vì Momo may mắn nên mới gặp được những con người tốt bụng như thế. Chính Momo cũng nghĩ y vậy. Nhưng ngay cả hàng xóm láng giềng của cô cũng sớm nhận thấy rằng họ may mắn chẳng kém gì cô. Ai cũng thắc mắc không hiểu sao hồi chưa quen biết cô họ đã có thể chung sống hòa thuận với nhau. Để rồi họ nghiệm ra rằng càng chung sống lâu với Momo thì họ càng không thể thiếu cô. Họ thấy cần Momo. Họ cần Momo đến nỗi luôn nơm nớp lo sợ một ngày nào đó cô sẽ bỏ đi biệt tăm biệt tích. Vì thế mà Momo luôn có nhiều người đến thăm. Hầu như lúc nào cũng có người tìm đến nói chuyện nghiêm túc với cô. Ai không tự đến được thì nhờ người mời Momo. Còn ai chưa thấy cần Momo sẽ được nghe mọi người bảo: “Đến gặp Momo đi!”. Câu này dần dà trở thành một thứ thành ngữ quen thuộc của những người sống quanh nhà hát lộ thiên cổ. Giống như ta nói: “May mắn nhé!” hay “Ăn ngon nhé!” hay “Có Trời biết!” thì họ toàn nói: “Đến gặp Momo đi!”. Sao thế nhỉ? Phải chăng Momo thông minh ngoài sức tưởng tượng khiến cô có thể cho bất cứ ai một lời khuyên tuyệt hảo? Hay cô luôn tìm được lời lẽ thích hợp cho những ai cần được an ủi? Hay cô biết cách phân xử sáng suốt và công bằng? Không! Giống như mọi đứa trẻ khác, Momo không có những khả năng ấy. Vậy chắc Momo có tài vặt khiến người ta trở nên vui vẻ? Hay cô hát tuyệt hay? Hoặc cô biết chơi một nhạc cụ nào chăng? Hay cô biết múa nhào lộn như trong gánh xiếc? Không, cũng không phải như thế. Hay là Momo có tài phù phép? Chẳng hạn cô biết một câu thần chú bí ẩn nào đấy xua được mọi nỗi lo âu và quẫn bách chăng? Hay cô biết xem chỉ tay, biết bói đoán tương lai hậu vận hên xui, may rủi? Cũng không luôn. Điều Momo làm được, khác hẳn mọi người, đó là: biết lắng nghe. Thế có gì đặc biệt đâu nào, hẳn một số bạn đọc sẽ nói. Ai mà chẳng biết lắng nghe! Nhầm to! Chỉ một số người biết cách lắng nghe thôi. Còn cách Momo lắng nghe thì trên đời này chỉ có một là thôi! Momo biết cách lắng nghe khiến ngay cả những kẻ ngốc nghếch cũng đột nhiên nảy ra ý nghĩ khôn ngoan. Không phải vì cô biết cách trò chuyện, hỏi han khiến họ có được những ý kiến ấy, không, cô chỉ ngồi lắng nghe thôi, chăm chú lắng nghe với đầy thiện cảm. Lúc đó cô mở đôi mắt to đen thẫm nhìn người đang trò chuyện với mình, thế là người ấy chợt thấy tư tưởng trào dâng, những tư tưởng mà người ấy không ngờ nổi rằng vốn sẵn có trong tâm trí mình. Momo biết lắng nghe đến nỗi những kẻ vốn luôn hoang mang do dự cũng đột nhiên biết rõ mình muốn gì. Hay những kẻ nhút nhát bỗng cảm thấy thoải mái, mạnh dạn hẳn. Hay những người đau khổ, trở nên vui vẻ lạc quan. Hoặc có ai đó nghĩ rằng đời mình kể như bỏ đi, mình chẳng nên trò trống gì, mình chỉ là một trong hàng triệu người, chẳng có gì đáng kể, không khác một cái nồi thủng bỏ đi lúc nào cũng được; người đấy chỉ cần đến tìm Momo, kể hết sự tình, thì ngay trong lúc đang kể lể, lạ lùng sao, người ấy liền cảm thấy rõ rằng mình đã nhầm to, rằng trong muôn người mới có được độc nhất một người như mình thôi; thế là người ấy, hiểu theo cách của mình, sẽ thấy mình quan trọng hẳn đối với thế giới này. Momo biết cách lắng nghe như thế đấy! Một ngày nọ có hai người đàn ông đến tìm cô trong nhà hát lộ thiên. Họ đã cãi nhau kịch liệt và, tuy là láng giềng, không còn muốn nói chuyện với nhau nữa. Mọi người đã khuyên họ đến tìm Momo đi, vì láng giềng mà thù hận nhau thì thật không nên. Mới đầu họ khăng khăng không chịu, nhưng rồi miễn cưỡng làm theo. Giờ đây họ ngồi trong nhà hát lộ thiên, mỗi người một góc trên hàng ghế đá, mặt mày sưng sỉa nhìn tận đâu đâu, câm lặng và thù địch. Một người là anh chàng thợ nề đã đắp cái bếp lò và sáng tác bức tranh hoa cho ‘phòng khách’ của cô. Anh tên là Nicola, khỏe như vâm, có bộ ria mép đen vểnh lên như sừng bò. Người kia tên là Nino, gầy còm, lúc nào cũng mệt mỏi. Nino thuê lại quán rượu nhỏ sát ngoại ô mà phần lớn khách là dăm ba ông lão luôn ngồi suốt buổi tối bên cốc rượu duy nhất, khề khà kể lể những kỷ niệm xa xưa của họ. Nino và chị vợ to béo của anh ta cũng là bạn của Momo. Họ vẫn thường hay mang cho cô nhiều món ngon lành. Thấy hai người giận nhau nên mới đầu Momo không biết nên đến với ai trước để họ khỏi phật ý; cuối cùng cô đã ngồi lên gờ sân khấu, cách đều cả hai, rồi hết nhìn người này lại ngó người kia, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều chuyện cần thời gian. Mà thời gian là thứ duy nhất Momo thừa thãi. Ngồi chán chê rồi, chợt Nicola đứng lên nói: “Thôi, anh về. Anh đến đây là đã chứng tỏ thiện chí lắm rồi. Nhưng Momo ạ, như em thấy đấy, hắn ngoan cố. Anh còn chờ thêm làm gì nữa?” Rồi anh ta quay đi thật. “Ừ, xéo đi cho khuất mắt!” Nino gọi với theo. “Lẽ ra mày chẳng nên đến đây làm gì. Tao không làm hòa với phường gian manh!” Nicola liền quay phắt, mặt phừng phừng lửa giận, đỏ như mặt gà chọi. “Ai gian manh nào?” Anh ta vừa hùng hổ hỏi vừa đi trở lại. “Có giỏi nói lại xem nào!” “Mày muốn tao nói bao nhiêu lần thì tao sẽ nói bấy nhiêu cho mà nghe!” Nino quát. “Mày cậy khỏe và hung tợn thì không ai dám nói toạc sự thật vào mặt mày à? Nhưng mà tao, tao sẽ nói cho mày và tất cả những ai muốn nghe điều đó! Phải, có giỏi cứ lại đây giết tao đi như mày đã có lần muốn!” “Phải chi tao giết mày được!” Nicola gầm lên, hai tay nắm chặt. “Momo, em thấy đấy, hắn đúng là đồ nói láo ngậm máu phun người! Anh chỉ nắm cổ áo, lẳng hắn vào chậu nước rửa sau cái quán rượu tồi tàn của hắn thôi. Đến một con chuột nhắt rơi vào đấy cũng không chết đuối được.” Rồi anh ta quay qua Nino hét: “Đáng tiếc rằng mày vẫn còn sống nhăn như thế kia!” Hai người không ngớt hùng hổ chửi bới mà Momo không hiểu chuyện gì đã khiến họ gay gắt với nhau đến thế. Dần dà mới hé ra: sở dĩ Nicola làm cái chuyện hành hung đáng xấu hổ kia chỉ vì trước đó Nino đã bạt tai anh ta trước mặt vài người khách. Và trước nữa lại vì Nicola định đập phá hết ly tách, chén đĩa trong quán của Nino. “Làm gì có chuyện đó!” Nicola phùng mang trợn mắt nói. “Tao chỉ ném một ly cối duy nhất lên tường, mà cái ly đó đằng nào cũng đã nứt rồi!” “Nhưng đó là ly của tao, đúng không?” Nino vặn lại. “Thành ra mày đâu có quyền ném!” Nhưng Nicola lại nhất quyết rằng mình có quyền, vì Nino đã xúc phạm đến danh dự thợ nề của anh ta. “Em có biết hắn nói gì về anh không?” Anh ta nói với Momo. “Hắn bảo anh không xây nổi bức tường nào cho thẳng thớm, vì anh say sưa tối ngày. Hắn còn bảo cụ tổ của anh đã như thế rồi, rằng cụ đã cùng xây ngọn tháp nghiêng của thành phố Pisa[1]!” “Ơ hay, Nicola,” Nino đáp, “đó chỉ là đùa thôi mà!” “Thế mà gọi là đùa được à!” Nicola gầm gừ. “Tớ không chịu được lối đùa nhả như thế.” Hóa ra Nino chỉ muốn trả miếng một trò đùa nhả của Nicola thôi. Chuyện như thế này: một buổi sáng kia Nino phát hiện trên cửa quán mình có mấy dòng chữ đỏ rực như sau: “Không nên trò trống gì thì mới làm chủ quán.”[2]Và Nino lại thấy câu đùa này chẳng hài hước chút nào. Cả hai liền ra sức tranh biện trước mặt Momo xem câu đùa nào ý nhị hơn, để rồi lại cùng sửng cồ. Nhưng đột nhiên họ chấm dứt cãi nhau. Momo mở to mắt nhìn họ và cả hai người đều không hiểu cô nghĩ gì. Cô cười thầm họ chăng? Hay cô buồn? Gương mặt cô không biểu hiện điều gì. Nhưng cả hai anh chàng bỗng dưng có cảm giác như vừa nhìn thấy khuôn mặt mình trong gương và họ liền lấy làm xấu hổ. “Đúng,” Nicola nói, “lẽ ra tớ không nên viết câu ấy lên cửa quán của cậu Nino ạ. Nhưng nếu hôm đó cậu chịu bán cho tớ một ly rượu vang, một ly duy nhất thôi, thì tớ đã không làm thế. Đằng này cậu từ chối, không rót rượu cho tớ; thế là không phải, đúng không nào? Tớ luôn trả tiền sòng phẳng mà, đâu có lý do gì để cậu đối xử với tớ như thế?” “Sao lại không!” Nino đốp lại. “Chẳng lẽ cậu đã quên vụ bức ảnh thánh Antonius rồi sao? Đấy, cậu biến sắc rồi kìa! Vụ ấy cậu đã lừa tớ hết nước hết cái, làm sao tớ chịu được.” “Tớ mà lừa cậu à?” Nicola nổi cáu, bứt đầu bứt tai nói lớn. “Ngược lại thì có! Cậu muốn bịp tớ mà không được đấy thôi!” Hóa ra chuyện như thế này: trong cái quán nhỏ của Nino có một bức tranh vẽ hình thánh Antonius. Đó là bức hình màu Nino đã cắt từ một tờ họa báo nào đó rồi lồng khung, treo trên tường. Một ngày nọ Nicola gạ mua bức tranh, bảo rằng thấy nó đẹp. Nino đã khéo mặc cả để Nicola chịu đổi chiếc radio của anh ta lấy bức tranh. Họ đồng ý trao đổi. Nino khoái trá cười thầm, và dĩ nhiên Nicola bị lỗ to. Nào ngờ giữa bức tranh và bìa sau có một tờ giấy bạc mà Nino không biết. Bỗng dưng bị người khác chơi gian nên Nino đâm cáu. Anh ta đòi Nicola trả lại tờ giấy bạc, vì nó không thuộc vào món hàng trao đổi. Nicola không chịu, thế là Nino không bán rượu cho anh ta nữa. Họ cãi vã nhau vì thế. Sau khi đã đi lần về tới gốc rễ của câu chuyện như thế thì cả hai liền lặng thinh một hồi lâu. Rồi Nino hỏi: “Nicola, bây giờ hãy nói cho tớ biết một lần trung thực: trước khi hai ta đổi chác cậu có biết về tờ giấy bạc ấy không?” “Dĩ nhiên là có, nếu không tớ đã chẳng đổi.” “Vậy cậu phải nhận rằng đã lừa bịp tớ.” “Tại sao? Chẳng lẽ cậu không biết gì về tờ giấy bạc ấy thật à?” “Không, tớ thề danh dự.” “A! Rõ ràng là cậu muốn lừa tớ rồi. Bằng không thì sao lại đem cái mảnh giấy lộn đổi lấy radio của tớ, hả?” “Thế tại sao cậu biết về tờ giấy bạc kia?” “Tại hai ngày trước đấy tớ thấy một ông khách đã nhét vào đó cúng thành Antonius.” Nino cắn môi. “Nhiều không?” “Bằng giá cái radio của tớ thôi, không hơn không kém,” Nicola đáp. “Bọn mình cãi nhau,” Nino trầm ngâm nói, “hóa ra chỉ vì ông thánh Antonius mà mình đã cắt từ báo ra.” Nino gãi đầu. “Đúng thế thật,” anh lẩm bẩm, “tớ sẵn sàng trả lại nếu cậu muốn, Nino.” “Đâu có được!” Nino long trọng đáp. “Đổi là đổi! Người quân tử đã bắt tay nhau đồng ý rồi là xong.” Cả hai người cùng chợt cười ồ. Họ leo những bậc đã xuống gặp nhau giữa bãi đất tròn mọc đầy cỏ dại. Họ ôm nhau, vỗ lưng nhau, ôm cả Momo nữa. Họ cùng nói: “Cảm ơn em gái!” Lát sau, khi họ ra về, Momo còn bịn rịn vẫy theo mãi. Cô hài lòng thấy hai người bạn của mình lại thân mật như trước kia. Lần khác có cậu bé đem đến một con chim hoàng yến không chịu hót để nhờ Momo. Cô thấy việc này thật khó hơn nhiều. Cô đã phải lắng nghe suốt một tuần lễ thì chim mới lại ríu rít líu lo. Momo lắng nghe tất cả, từ chó mèo đến dễ và cóc nhái, thậm chí lắng nghe cả tiếng mưa gió trên cây. Mỗi loài đều có cách riêng của nó để trò chuyện với cô. Có nhiều đêm, khi bạn bè đã ra về hết cả, cô vẫn còn ngồi một mình thật lâu trong nhà hát lộ thiên lớn hình tròn bằng đá này, dưới vòm trời lấp lánh sao, lắng nghe sự tĩnh lặng mênh mông. Lúc ấy cô cảm thấy như ngồi trong một vỏ sò thật lớn, thả hồn lắng nghe thế giới của các vì sao. Momo như nghe thấy một khúc nhạc dịu dàng mà mãnh liệt, khiến lòng cô bồi hồi khác lạ. Trong những đêm như thế cô luôn mơ những giấc mơ tuyệt vời. - Và bây giờ nếu ai đó vẫn còn nghĩ rằng lắng nghe chẳng có gì đặc biệt thì xin mời, bạn hãy cứ thử xem có làm được như Momo không. Chương 3 Một cơn bão tưởng tượng và một trận mưa rào có thật Tất nhiên khi lắng nghe mọi người tâm sự thì Momo hoàn toàn không phân biệt giữa người lớn và trẻ con. Nhưng lũ trẻ thích đến nhà hát lộ thiên cổ này còn vì một lý do khác nữa: từ khi Momo đến đó ở thì chúng đùa vui nhiều hơn bao giờ hết. Không còn một khoảnh khắc nhàm chán nào. Không phải vì Momo có những gợi ý hay. Không, chỉ vì Momo cùng chơi đùa với chúng, thế thôi. Chính vì thế - mà không ai hiểu tại sao – lũ trẻ đã nảy ra những sáng kiến tuyệt vời nhấy. Ngày nào cũng chũng nghĩ ra trò chơi mới hay hơn, hấp dẫn hơn. Có lần, vào một ngày oi ả, ngột ngạt có những chừng, mười một đứa trẻ ngồi trên bậc đá chờ Momo về. Cô thỉnh thoảng vẫn đi chơi lòng vòng đâu đó. Bầu trời nặng trĩu mây đen. Chắc sắp có giông tới nơi. “Tớ đi về đây.” Một em gái bế em nói, “tớ sợ sấm sét lắm”. “Thế ở nhà” một cậu bé đeo kính hỏi, “chẳng lẽ cậu không sợ sấm sét à?” “Sợ chứ” cô đáp. “Thế thì cậu ở đây cũng thế thôi,” cậu bé nói. Cô bé nhún vai gật đầu. Lát sau cô nói: “Những có lẽ Momo không về rồi.” “Thì sao?” Mọt cậu bé khác ăn mặc hơi nhếch nhác nói xen vào. “Không có Momo thì tụi mình vẫn chơi được mà.” “Chơi được, nhưng chơi gì?” “Tớ không biết nữa. Nhưng chơi bừa gì mà chẳng được.” “Đâu có chơi bừa được. Ai có sáng kiến?” “Tớ” có một cậu bé mập mạp giọng nói thanh như con gái nói, “tụi mình hãy coi toàn khu phố phế tích này là một con tàu lớn. Tụi mình đi tàu tới vùng biển lạ, vượt qua bao cuộc phưu lưu mạo hiểm. Tó là thuyền trưởng, bạn này là hoa tiêu thứ nhất, bạn này là nhà khảo cứu thiên nhiên – một giáo sư đang đi du khảo, các bạn hiểu không? Các bạn khác là thủy thủ.” “Thế còn đám con gái chúng tớ?” “Các bạn là nữ thủy thủ. Đây là một chiếc tàu của tương lai.” Nghe hấp dẫn quá! Chúng liền chơi thử, nhưng vì thiếu mất một vị trí nên cứ luôn vấp váp, không mấy suôn sẻ. Chỉ một lúc sau chúng đã chán nản, ngồi thừ trên các bệ đá chờ đợi. Rồi Momo trở về. Sóng vỗ ào ào trước mũi tàu. Con tàu thám hiểm Argo[3]hơi chòng trành trong lúc nhẹ nhàng chạy hết tốc lực tiến vào biển San hô phía nam. Từ thủa có trời đất, không chiếc tàu nào dám bén mảng tới vùng biển nguy hiểm này, vì nơi đây đầy dẫy những bãi cạn, những đảo san hô ngầm và nhiều loài thủy quái lạ. Nhất là luôn bị “Cơn bão bất tuyệt, một cơn lốc xoáy không bao giờ ngưng nghỉ đe dọa. Không khác một động vật tinh ranh, nó luôn di chuyển trên vùng biển này để săn ‘mồi’. Không ai lường trước được hướng nó di chuyển. Hễ đã bị những móng vuốt khổng lồ của cơn bão này tóm được rồi thì chỉ sau khi bị bóp nát như que diêm rồi mới được buông tha. Tất nhiên, con tàu thám hiểm Argo được trang bị đặc biệt phòng khi đụng độ với con cuồng phong di động này. Nó hoàn toàn bằng thép Alamont[4]xanh, mềm và dẻo như một lưỡi gươm, được đúc nguyên khối bằng phương pháp chế tạo đặc biệt, không có một mối hàn nào. Tuy vậy, một thuyền trưởng, và đoàn thủy thủ khác chưa chắc đã đủ can đảm đối đầu với những nguy hiểm ghê gớm nhường này. Còn thuyền trưởng Gordon thì thừa can đảm. Ông đứng lên trên đài chỉ huy, tự hào nhìn xuống đoàn thủy thủ nam nữ, toàn là những chuyên gia đã được tôi huấn luyện trong lĩnh vực chuyên môn của họ. Đứng cạnh thuyền trưởng là hoa tiêu thứ nhất Don Melú, một thủy thủ già điển hình lão luyện đã từng trải qua một trăm hai mươi bảy trận bão. Phía sau, trên boong tàu cao nhất, là giáo sư Eisenstein[5], dẫn đầu chuyến du khảo cùng với hai nữ phụ tá Maurin và Sara có trí nhớ tuyệt vời thay thế được cả một thư viện lớn. Cả ba người vừa đứng cúi nhìn các dụng cụ chính xác của họ vừa khẽ trao đổi bằng những thuật ngữ phức tạp. Cách xa một chút là cô nàng thổ dân Momosan[6]xinh đẹp đang ngồi xếp bằng. Thỉnh thoảng nhà khảo cứu lại lên tiếng hỏi cô về đặc điểm của vùng biển này, và cô líu lo đáp lại ông giáo sư bằng thổ ngữ Hula mà chỉ mình ông hiểu được. Mục đích của chuyến du khảo là tìm nguyên nhân gây ra cơn cuồng phong di động và nếu được thì xóa sổ hẳn, chúng để mọi tàu bè qua lại an toàn trên vùng biển này. Nhưng hiện giờ thì vùng biển vẫn yên tĩnh, chưa thấy chút dấu hiệu nào của cơn bão cả. Chợt tiếng kêu thất thanh của người thủy thủ trên đài quan sát cắt đứt luồng suy nghĩ của viên thuyền trưởng. “Thuyền trưởng!” Anh ta khum hai tay lại làm loa gọi xuống, “hoặc là tôi điên, hoặc là tôi thật sự thấy một hòn đảo bằng thủy tinh phía trước!” Thuyền trưởng và Don Melú ngó ngay vào ống nhòm. Giáo sư Eisenstein và hai nữ trợ tá của ông cùng chạy tới với đầy vẻ quan tâm. Riêng cô thổ dân xinh đẹp kia vẫn bình thản ngồi yên. Phong tục lạ lùng của dân tộc cô cấm không được hé lộ vẻ hiếu kì. Chỉ lát sau con tàu đã chạm vào hòn đảo thủy tinh. Vị giáo sư liền theo sợi dây thang thòng bên mạn tàu xuống vùng đất trong suốt kia. Đất trơn trượt, khiến giáo sư Eisenstein phải gắng gượng lắm mới đứng được. Hòn đảo tròn vành vạch, đường kính ước độ hai mươi mét, thoai thoải nổi gồ lên ở chính giữa tựa như một vòm. Khi lên tới điểm cao nhất, giáo sư Eisenstein thấy có rõ một luồng sáng rung động nhịp nhàng trong lòng hòn đảo. Ông thông báo điều này cho mọi người đang căng thẳng đứng chờ sau lan can tàu. “Như thế thì đây hẳn là một con Oggenmumpf bistrozinalis,” nữ trợ tá Sara nói. Giáo sư Eisenstein đứng thẳng người, đẩy lại kính đeo mắt, gọi với tên: “Theo thôi thì chúng ta gặp một biến thế của loài Strumplus quitschiensus quen thuộc. Nhưng chúng ta chỉ có kết luận dứt khoát sau khi nghiên cứu phần bụng của nó.” Thế là ba nữ thủy thủ đã mặc sẵn áo lặn – vốn nổi tiếng thế giới về môn lặn thể thao – liền nhảy ùm xuống biển, mất hút trong làn nước xanh thăm thẳm. Mãi một lúc lâu chỉ thấy bong bóng sủi trên mặt biển, chợt cô tên Sandra trồi lên hổn hển nói: “Đó là một con sứa khổng lồ! Hai người kia kẹt cứng trong những vòi của nó, không thoát ra nổi. Phải cứu ngay, kẻo không kịp!” Nói rồi cô lại lặn mất tăm. Tức thì cả trăm người nhái nhào xuống biển, dưới sự chỉ huy của đội trưởng Franco, có biệt hiệu là ‘Cá heo’. Một cuộc hỗn chiến diễn ra khốc liệt dưới mặt nước, khiến biển ngầu bọt nước. Nhưng ngay cả những người nhái này cũng không giải thoát nổi hai cô gái khỏi những cái vòi bám chặt khủng khiếp. Con sứa khổng lồ này khỏe ghê gớm! “Hình như trong vùng biển này có những gì đó khiến các sinh vật ở đây phát triển đột biến!”. Ông giáo sư cau mày nhăn trán nói với hai phụ tá, “thú vị thật!” Trong lúc đó thuyền trưởng Gordon và hoa tiêu thứ nhất Don Melú đã bàn bạc và đi đến quyết định. “Quay lên!” Don Melú gọi, “ mọi người lên tàu! Chúng ta phải xẻ con quái vật này ra làm hai, bằng không sẽ không cứu được hai cô kia.” Đội trưởng ‘cá heo’ và đoàn người nhái đều leo lên tàu. Con tàu Argo lùi lại một chút, rồi nhằm vào con sứa khổng lồ xả hết tốc lực xông tới. Mũi con tàu thép này sắc như dao cạo. Nó xẻ đôi con sứa khổng lồ - êm ru, hầu như không chút tròng trành. Như thế không phải là không nguy hiểm cho hai cô gái đang kẹt trong vòi con sứa, nhưng hoa tiêu Don Melú đã tính toán chính xác vị trí của họ và con tàu xuyên qua ngay chính giữa. Những cái vòi ở hai nửa thân con sứa liền nhũn ra, rũ lòng thòng và hai cô gái thoát ra được. Cả tàu nồng nhiệt đón mừng họ. Giáo sư Eisenstein lại gần hai cô nói: “Lỗi tại tôi. Lẽ ra tôi không được để các cô xuống dưới đó. Xin thứ lỗi cho tôi đã khiến các cô gặp nguy hiểm!” “Đâu có gì để giáo sư phải xin lỗi” một cô tươi cười đáp, “chúng tôi đi theo chỉ để làm những chuyện cần thiết như thế mà” Cô kia nói thêm: “Nghề nghiệp của chúng tôi vốn nguy hiểm mà.” Nhưng họ không còn thì giờ để chuyện vãn thêm. Vì bận cứu người nên thuyền trưởng và đoàn thủy thủ quên không quan sát mặt biển. Thành ra bây giờ, vào phút chót, họ mới nhận thấy rằng trong khi đó cơn cuồng phong di động đã xuất hiện nơi chân trời và đang ào ào cuốn về phía tàu Argo. Con sóng đầu tiên tóm lấy con tàu thép đẩy lên cao, lật nghiêng rồi tống nó xuống đáy sông sâu năm mươi mét. Gặp đoàn thủy thủ kém dày dạn và không được dũng cảm như đoàn của tàu Argo thì chỉ cú nhồi đầu tiên chắc chắn đã khiến một nửa văng xuống biển, nửa còn lại ngất xỉu hết. Nhưng thuyền trưởng Gordon đứng vững vàng trên đài chi huy như chẳng có chuyện gì xảy ra, đoàn thủy thủ của ông cũng thản nhiên không kém. Riêng cô thổ dân xinh đẹp Momosan không quen với những chuyến sóng gió nhường ấy đã chịu vào nấp bên trong một chiếc thuyền cấp cứu. Chỉ trong vài giây cả bầu trời đã đen như hắc ín. Lốc xoáy gào rú trên con tàu, hất tung nó lên thật cao rồi ném nó xuống tận đáy sâu. Cơn bão không ngớt lồng lộn như điên giận vì hoàn toàn bất lực trước con tàu thép Argo. Thuyền trưởng điềm tĩnh ra lệnh, được hoa tiêu dõng dạc truyền đi. Ai nấy giữ vững vị trí của mình. Ngay cả giáo sư Eisenstein và hai người phụ tá cũng không rời các khí cụ của họ. Họ đang tính toán xem mắt bão ở đâu, vì con tàu phải đi tới đó. Thuyền trưởng Gordon thầm khâm phục sự điềm tĩnh của các nhà khoa học, vốn không quen lắm với biển khơi như ông và đoàn thủy thủ. Một tia chớp đầu tiên lóe lên đánh vào con tàu thép. Dĩ nhiên con tàu liền bị nhiễm điện[7]. Chạm đâu cũng bị điện giật. Nhưng mọi người trên tàu Argo đầu đã được rèn luyện hàng tháng ròng. Thành ra chẳng ai hoang mang hết. Hiềm một nỗi những chi tiết mỏng mảnh của con tàu như dây cáp và các đoạn ống thép cháy đỏ rực như dây tóc bóng đèn cản trở công việc của đoàn thủy thủ, tuy họ đã mang găng tay chống lửa. Cũng may đám cháy nhanh chóng được dập tắt nhờ một trận mưa xối xả chưa ai từng trải qua - trừ hoa tiêu Don Melú. Mưa ken dày đến nỗi không còn không khí để thở. Đoàn người trên tàu phải đeo mặt nạ lặn hay máy thở. Sấm chớp liên tục! Giông bão gào rú liên hồi! Sóng cao như cả tòa nhà lớn và nước thì ngầu trắng những bọt! Con tàu Argo chạy hết tốc lực, lấn từng thước, chống lại sức mạnh thiên nhiên kinh hồn của cơn bão lớn. Những thợ máy và thợ đốt lò dưới hầm tàu quả đã hết sức phi thường. Họ tự cột mình bằng dây chão để khỏi bị lắc lư hay chao đảo hất vào những lò lửa mở toang hoác dưới các nồi xúp-de. Cuối cùng con tàu đã tiến vào được trung tâm của cơn lốc. Cảnh tượng hiện ra trước mắt họ mới kinh ngạc xiết bao! Trên mặt biển phẳng như gương - vì mọi con sóng đều bị lốc đè giạt hết - một quái vật khổng lồ đang nhảy múa. Nó đứng trên một chân. Thân nó càng lên cao càng phình tướng ra nom hệt như một con quay to như quả núi. Con quái vật quay tít khiến không nhận ra nổi những chi tiết trên thân thể nó. “Một con Schum-Schum gummilastikum[8]!” Ông giáo sư phấn khởi reo lên, tay giữ chặt gọng kính đang không ngớt trượt trên sống mũi, vì ướt nước mưa. “Thầy có thể giảng giải thêm cho chúng tôi được không ạ?” Hoa tiêu Don Melú ồm ồm nói. “Chúng tôi chỉ là thủy thủ và…” “Xin ông hãy để yên cho giáo sư nghiên cứu,” cô phụ tá Sara ngắt lời. “Đây là cơ hội ngàn năm có một, Quái vật hình con quay này hẳn phải có từ thời mới khai thiên lập địa. Tuổi nó chắc chắn đã hơn một tỉ năm. Hiện nay chỉ còn một ít biến thái của nó thôi nhưng dưới dạng li ti, như thỉnh thoảng ta thấy trong xốt cà chua-hay hiếm hơn nữa-trong mực xanh. Lớn cỡ này chắc chỉ còn độc nhất vô nhị thôi.” “Nhưng chúng ta tới vùng biển này, “Viên thuyền trưởng nói lớn trong tiếng gió lốc gầm rú, “để hóa giải nguyên nhân gây ra ‘Cơn bão bất tuyệt’. Giáo sư cần cho chúng tôi biết làm cách nào khiến con vật kia ngừng quay!” “Tôi cũng chịu không biết” ông giáo sư đáp. “Khoa học chưa từng có dịp nghiên cứu chuyện này”. “Được,” viên thuyền trưởng nói, “trước tiên chúng ta sẽ bắn nó xem sao!” “Hoài của!” Nhưng khẩu đại bác đã chĩa vào con quay khổng lồ kia. “Bắn!” Viên thuyền trưởng ra lệnh. Một tia lửa xanh lè dài một cây số phụt ra từ hai nòng súng. Dĩ nhiên không có tiếng nổ, vì ai cũng biết loại đại bác này bắn bằng đạn Protein. Quả đạn rực bay tới con Schum-Schum, nhưng bị cơn lốc kinh hồn kia hướng chệch đi, quay vòng mấy lần quanh con vật nọ kia hướng chệch đi, quay vòng mấy lần quanh con vật nọ, càng lúc càng nhanh hơn, để rồi cuối cùng bay vọt lên trời cao, biến mất tăm trong đám mây đen. “Thế này thì không được rồi!” Thuyền trưởng Gordon lớn tiếng kêu lên. “Mình bắt buộc phải tới gần nó hơn nữa!” “Không gần hơn nữa được!” Don Melú lớn tiếng đáp lại. “Máy đã chạy hết công suất rồi, mà cũng chỉ đủ để khỏi bị lốc thổi lùi lại thôi đấy” “Giáo sư có sáng kiến gì không?” Viên thuyền trưởng hỏi. Nhưng giáo sư chỉ nhún vai. Hai cô phụ tá của ông cũng đành chịu bí. Xem chừng họ phải bỏ dở chuyến du khảo này mất thôi. Chợt có ai kéo tay áo ông giáo sư. Hóa ra là cô nàng thổ dân xinh đẹp. “Mulumba!” Cô nói với vẻ duyên dáng. “Mulumba oisitu sono! Erweini samba insaltu lolobrinda. Kramuna hue beni sadogau.” “Babalu?” Ông giáo sư sửng sốt hỏi. “Đii mâh feinosi intu gedoinen malumba?” Cô nàng thổ dân xinh đẹp gật đầu liên tục đáp: “Đô um aufu schulamat wawada” “Oi-oi,” ông giáo sư đáp rồi trầm tư gãi cằm. “Cô ta nói gì vậy?” Viên hoa tiêu hỏi. “Cô bảo rằng,” ông giáo sư giải thích, “dân tộc cô lưu truyền một bài hát cổ xưa, có thể ru ngủ ‘cơn bão lang thang’ này được, nếu có ai đó đủ can đảm hát lên.” “Thật khôi hài! Don Melú lầm bầm. “Một bài hát mà ru ngủ bão tố! Thật khôi hài!” “Giáo sư thấy sao?” Cô phụ tá Sara hỏi. “Có được không?” “Ta không nên thành kiến,” giáo sư Eisenstein đáp. “Truyền thuyết của các thổ dân thường tiềm tàng cốt lõi thật. Biết đâu chừng một âm điệu nào đó có tác dụng với con Schum-Schum. Chúng ta còn biết quá ít về điều kiện sinh sống của nó.” “Không hại gì hết,” viên thuyền trưởng quyết định. “Ta cứ thử xem. Giáo sư bảo cô ấy hát đi!” Ông giáo sư quay qua nói với cô nàng thổ dân xinh đẹp: “Malumba di-li oisafal huna. Wawadu?” Momosan gật đầu và bắt đầu hát ngay một điệu nhạc khác thường, lặp đi lặp lại chỉ vài ba thanh âm: “Eni meni allubeni wanna tai susura teni!” Cô vừa hát vừa vỗ tay, vừa nhảy quanh theo nhịp vỗ. Điệu nhạc đơn giản dễ thuộc, nên có mấy người hát theo, để rồi mọi người trên tàu đều vỗ tay, hát và nhảy theo. Ngạc nhiên biết mấy khi cả người thủy thủ già lão luyện Don Melú và cuối cùng là giáo sư Eisenstein cũng hát, vỗ tay, nhảy múa theo, như thể họ là những đứa trẻ trên bãi chơi. Mà đúng vậy! Điều mọi người không tin đã xảy ra! Con quay khổng lồ kia quay chậm dần, cuối cùng dừng lại và chìm mất tăm. Nước biển đồ ầm ầm lên nó. Cơn bão đột nhiên dịu hẳn, mưa tạnh, bầu trời trở nên trong xanh, sóng biển lặng dần. Con tàu Argo lặng lẽ phơi mình trên mặt nước lung linh, như thể vùng biển này xưa nay vẫn thanh bình. “Các bạn,” thuyền trưởng Gordon nhìn từng người tỏ vẻ khen ngợi, “coi như chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ!”. Ai cũng biết rằng ông không bao giờ nói nhiều. Thành ra khi ông nói thêm: “Tôi rất tự hào vì các bạn!” thì điều này lại càng ý nghĩa. “Mưa thật rồi” cô bé bế em nói, “tớ ướt nhẹp rồi đây này” Quả thật trong khi ấy trời đã đổ mưa lớn. Cô bé bế em ngạc nhiên vì lúc còn ngồi trên con tàu thép kia cô đã quên cả sợ sấm sét. Chúng còn bàn tán một thôi một hồi nữa về chuyến thám hiểm vừa qua; chúng kể cho nhau nghe thật nhiều chi tiết điều mình đã cảm nhận. Rồi chúng chia tay, ai về nhà nấy hoặc kiếm chỗ trú cho khô áo quần. Riêng một đứa không thật hài lòng với cuộc chơi. Đó là cậu bé đeo kính. Khi chia tay cậu bé nói với Momo: “Tụi mình phải nhận chìm con Schum Schum gummilastikum thật uổng biết mấy! Con duy nhất còn sót lại đấy! Phải chi tớ được nghiên cứu nó kỹ hơn!” Nhưng chúng vẫn nhất trí một điều: không nơi nào chúng chơi đùa thú vị như ở chỗ Momo. Chương 4 Một ông lão kiệm lời và một anh chàng khéo ăn khéo nói Khi ta có nhiều bạn thì thế nào trong số đó cũng luôn có vài người đặc biệt gần gũi và thân thiết với ta nhất. Đối với Momo cũng thế. Cô có hai người bạn thân nhất; ngày nào họ cũng đến thăm viếng, chia sẻ mọi chuyện buồn vui với Momo. Một người trẻ và một người đã có tuổi. Momo không thể nói được ai thân hơn ai. Người lớn tuổi tên là Beppo - Phu quét đường. Đúng ra họ của ông không phải là Phu quét đường, nhưng vì ông làm nghề này và vì mọi người gọi ông như thế, nên ông cũng xưng như vậy luôn. Ông Beppo - Phu quét đường ở gần Nhà hát lộ thiên, trong một cái chòi do ông tự dựng lên bằng gạch, tôn lá, mái che bằng giấy thùng cứng. Người ông thấp bé khác thường, dáng đi lại hơi gù nên đứng chỉ cao hơn Momo một chút ít. Cái đầu to với chỏm tóc bạc ngắn dựng đứng luôn hơi nghiêng về một phía. Cặp kính nhỏ luôn nằm trên sống mũi. Một số người cho rằng đầu óc ông Beppo - Phu quét đường không bình thường. Ấy là vì khi người ta hỏi thì ông chỉ mỉm cười vui vẻ chứ không đáp ngay. Ông còn bận ngẫm nghĩ. Rồi khi thấy không cần thiết trả lời thì ông im lặng luôn. Nhưng khi thấy cần trả lời thì ông ngẫm nghĩ thật kĩ. Thành ra đôi khi sau hai ba tiếng đồng hồ, cũng có khi sau cả ngày trời ông mới trả lời. Khi ấy thì người ta đã quên bẵng điều đã hỏi nên thấy câu trả lời của Beppo mới kì quặc và lạc lõng làm sao. Chỉ Momo là có thể chờ đợi thật lâu và hiểu được điều ông nói. Cô biết rằng ông nghĩ lâu để đừng bao giờ nói ra những điều không đúng. Theo ông thì mọi bất hạnh trên đời đều do bao điều dối trá gây ra, đó là cố ý; nhưng cũng do vô tình nữa, chỉ vì người ta vội vã nên thiếu suy nghĩ thật chín chắn. Hàng ngày, tuy còn lâu mới sáng nhưng ông đã lọc lọc đạp chiếc xe cũ rích vào phố, đến một tòa nhà lớn, cùng các đồng nghiệp đứng ở sân, chờ người ta phát cho một cây chổi, một cái xe đẩy và phân công con đường phải quét. Beppo thích khoảng thời gian trước khi trời sáng này, lúc thành phố còn say ngủ. Ông yêu và tận tâm với công việc của mình, vì ông biết nó hết sức cần thiết. Khi quét đường, ông quét chậm rãi nhưng liên tục. Cứ bước một bước ông lại thở một hơn, cùng với hơi thở là một nhát chổi. Bước một bước - thở một hơi - một nhát chổi. Bước một bước - thờ một hơi - một nhát chổi. Thỉnh thoảng ông lại ngừng một lúc, ngẫm nghĩ và nhìn mãi đâu đâu. Rồi lại tiếp tục. Bước một bước - thở một hơi - một nhát chổi… Trong lúc đi tới như thế, trước mặt là đoạn đường còn bẩn thỉu và sau lưng là đoạn đường đã quét sạch sẽ, ông thường có nhiều ý tưởng hay ho. Nhưng đó là những ý tưởng không lời, khó giãi bày, tương tự một mùi thơm ta chỉ còn thoáng nhớ hay một màu sắc ta đã thấy trong mơ. Xong việc, ngồi bên Momo, ông giải thích cho cô bé những ý tưởng hay ho của mình. Và vì Momo chăm chú nghe theo cách đặc biệt của cô nên Beppo đâm ra nói năng lưu loát. “Cháu thấy không, Momo,” chẳng hạn ông nói, “thế này nhé: đôi khi ta thấy một con đường thật dài trước mắt. Ta liền nghĩ dài thế này thì chẳng bao giờ quét xong nổi.” Ông lặng im nhìn xa xăm một chặp rồi nói tiếp: “Rồi ta liền vội vàng. Cứ vội vàng hơn nữa. Mỗi lần nhìn lên lại thấy đoạn đường trước mặt không ngắn đi. Ta liền gắng sức thêm, ta đâm ra sợ, cuối cùng ta thở dốc, chịu thua. Mà đoạn đường vẫn còn sờ sờ ngay trước mắt. Không làm thế được đâu.” Ông ngẫm nghĩ một lúc rồi nói tiếp: “Ta không nên nghĩ đến cả con đường luôn một lúc, cháu hiểu không? Chỉ nên nghĩ đến bước chân kế tiếp thôi, tới hơi thở kế tiếp, tới nhát chổi kế tiếp. Lúc nào cũng chỉ nên nghĩ đến bước kế tiếp thôi.” Ông ngừng lại ngẫm nghĩ rồi nói thêm: “Như thế làm việc mới vui. Quan trọng lắm, cháu ạ. Như thế mới làm việc tốt được. Nên như thế.” Rồi ông lại ngừng một lúc lâu trước khi nói tiếp: “Bỗng dưng ta nhận ra: à, thế là ta đã từng bước quét sạch con đường. Ta không để ý đó thôi, nhưng rõ ràng ta không thở dốc.” Ông gật đầu kết luận: “Điều đó quan trọng lắm, cháu ạ.” Hoặc một lần khác Beppo đến ngồi im lặng cạnh Momo. Cô thấy ông đăm chiêu, như có điều gì khác thường muốn nói. Đột nhiên ông nhìn vào mắt Momo: “Chú đã nhận ra hai chú cháu mình.” Rồi mãi một lúc sau ông mới rủ rỉ nói tiếp: “Thỉnh thoảng - buổi trưa - tất cả say giấc nồng - Thế giới trong suốt - Như một dòng sông, cháu hiểu không? - Nhìn thấy tận đáy được.” Ông gật gù, im lặng một lúc rồi nói khẽ hơn: “Dưới đây là những thời đại khác.” Rồi ông lại ngẫm nghĩ thật lâu cố tìm cho đúng lời. Nhưng có vẻ như tìm chưa ra nên ông nói với giọng hoàn toàn bình thường: “Bữa nay chú quét cạnh bức tường thành cổ. Chú thấy trong bức tường có năm tảng đá khác màu. Đấy, cháu hiểu không?” Rồi ông đưa ngón tay vạch trên lớp bụi một chữ T[9]to. Ông nghiêng đầu ngắm nghía rồi thì thầm: “Chú đã nhận ra được mấy tảng đá đó.” Lát sau ông ngập ngừng nói tiếp: “Những thời đại, hồi xây bức tường, khác hẳn bây giờ. Bao người đã làm việc ở đấy. Nhưng có hai người đã đặt những tảng đá này vào đấy. Đó là dấu hiệu, cháu hiểu không? Chú đã nhận ra được nó.” Ông đưa tay dụi mắt. Rồi như phải cố sức lắm ông mới nói được, vì nghe có vẻ khó nhọc: “Hồi đó hai người này trông khác hẳn.” Rồi ông bật ra như tức giận: “Nhưng chú nhận ra chính là hai chúng ta: hai chú cháu mình. Chú nhận ra!” Thành ra không thể trách người ta đã cười nhạo khi nghe Beppo - Phu quét đường nói năng những điều đại loại như thế. Có người còn lén đưa ngón tay chỉ đầu[10]nữa chứ. Nhưng Momo rất quý ông và ghi nhớ mọi điều ông nói trong tâm khảm. Người bạn thân kia của Momo còn trẻ và khác hẳn Beppo - Phu quét đường về mọi mặt. Gã xinh trai, có đôi mắt mơ màng và cái miệng liến thoắng, lúc nào cũng sẵn trong đầu một câu đùa, thậm chí cợt nhả, động một tí là cười khiến ai cũng phải cười theo. Tên gã là Girolamo, gọi tắt là Gigi. Vì chúng ta đã đặt họ cho ông già Beppo theo nghề nghiệp của ông thì chúng ta cũng cứ thế mà đặt cho Gigi, tuy rằng gã không có nghề ngỗng gì thật sự. Thôi thì chúng ta hãy cứ gọi gã là Gigi - Hướng dẫn viên du lịch đi. Nhưng như đã nói, hướng dẫn du lịch chỉ là một trong bao thứ nghề gã làm khi gặp dịp thôi, chứ gã không phải nhân viên Sở du lịch. Thứ duy nhất cần thiết mà gã có được cho công việc này là một cái mũ lưỡi trai. Hễ thấy đôi ba khách du lịch lạc bước trong vùng, gã liền chụp ngay cái mũ kia lên đầu, rồi nghiêm trang tiến lại gần, đề nghị hướng dẫn khách đi tham quan và giải thích tường tận mọi điều. Khi khách đã như cá mắc câu thì gã liền liến thoắng kể toàn những chuyện vớ vẩn không đâu vào đâu. Gã bịa ra đủ thứ dữ kiện, tên tuổi, năm tháng trong lịch sử khiến các vị khách du lịch đáng thương rối tinh đầu óc. Có người biết bị mắc lừa liền bực bội bỏ đi, nhưng phần đông cứ tin là thật nên trả tiền cho y đã hướng dẫn, khi Gigi ngửa cái mũ lưỡi trai vào phút chót. Người trong vùng thường chỉ cười về mánh lới của Gigi, nhưng đôi lúc họ cũng băn khoăn rằng gã bịa chuyện mà lại nhận tiền của khách như thế là không ổn. “Nhà văn, nhà thơ nào cũng đều làm thế cả thôi,” Gigi đáp. “Vả lại chẳng lẽ những khách du lịch kia không nhận được tí gì tương xứng với đồng tiền họ đã bỏ ra sao? Tôi nói cho các người biết: họ đã nhận được đúng những thứ họ muốn đấy! Còn những thứ ấy có trong sách vở hay không thì đã sao nào? Ai dám nói chắc với các người rằng những chuyện ghi chép trong sách vở uyên thâm không phải bịa đặt? Chẳng qua không còn ai biết rằng chúng được bịa đặt đấy thôi.” Hay một lần khác gã nói: “Trời đất ơi, đúng hay sai nghĩa là sao mới được chứ? Ai biết được một nghìn năm hay hai nghìn năm trước ở đây đã xảy ra chuyện gì? Chẳng lẽ các người biết chắc chắn à?” “Không,” mọi người nhìn nhận. “Thấy chưa!” Gigi - Hướng dẫn viên du lịch reo lên. “Vậy làm sao các người dám bảo rằng những chuyện tôi kể là bịa đặt? Có thể đúng như thế lắm chứ. Nghĩa là tôi chỉ kể toàn sự thật thôi!” Thật khó mà cãi lại gã. Đúng thế, về khoản liến thoáng thì khó có ai địch nổi Gigi. Nhưng tiếc thay họa hoằn lắm mới có khách du lịch muốn tham quan Nhà hát lộ thiên, thành thử Gigi thường phải làm nhiều nghề khác: gác công viên, làm chứng hôn lễ, dắt chó đi dạo thuê, chuyển thư tình, khóc mướn cho các đám tang, bán hàng lưu niệm, bán thực phẩm cho mèo và nhiều nghề khác nữa. Nhưng Gigi mơ sẽ có một ngày nổi tiếng và giàu sang. Gã sẽ ở trong một tòa nhà đẹp như trong truyện cổ tích, chung quanh là vườn rộng. Gã sẽ ăn bằng đĩa mạ vàng, ngủ gối đầu trên gối lụa. Choáng ngợp trước ánh hào quang danh vọng chói lọi sẽ đến trong tương lai, gã thấy mình như mặt trời mà những tia nắng của nó, tạm gọi là từ xa, đã sưởi ấm gã ngay trong lúc cơ hàn này. “Tôi sẽ đạt được như ý nguyện cho mà xem!” Gã nói to khi mọi người cười nhạo những ước mơ của gã, “rồi các người sẽ nhớ đến lời tôi!” Nhưng làm gì để đạt được như ý nguyện thì gã chịu không biết. Vì gã không mấy thích quần quật làm ăn chăm chỉ và những việc nặng nhọc. “Như thế quá dễ,” gã nói với Momo, “ai thích thì cứ việc theo đó mà làm giàu. Em hãy nhìn những kẻ bán cả cuộc đời và linh hồn đổi lấy chút ít phồn vinh ấy xem mặt mũi họ như thế nào! Không, anh không làm theo họ. Không! Cho dù lắm khi anh không có tiền mua một tách cà-phê, nhưng Gigi vẫn là Gigi!” Chắc ai cũng đều nghĩ rằng hai người khác tính khác nết, khác cả quan niệm về xã hội và cuộc đời đến thế, như Gigi - Hướng dẫn viên du lịch và Beppo - Phu quét đường, thật không thể nào kết bạn với nhau được. Ấy thế mà họ là bạn của nhau đấy. Mà lạ thay, người duy nhất không hề trách Gigi về tính hời hợt của gã lại chính là ông già Beppo. Và cũng thật lạ lùng không kém rằng gã Gigi liến láu là người duy nhất không bao giờ nhạo báng ông già Beppo kì cục. Hẳn đó cũng là do cô bé Momo biết lắng nghe cả hai người ấy. Nhưng không ai trong bộ ba này lại ngờ được rằng một bóng đen sắp trùm lên tình bạn của họ. Không chỉ thế, nó còn trùm lên khắp cả vùng này. Bóng đen ấy, lạnh lẽo và âm u, không ngừng lan nhanh và ngay bây giờ đây đang trải khắp trên thành phố rộng lớn này. Ngày ngày nó lặng lẽ âm thầm lấn chiếm. Không ai chống lại nó, vì chẳng ai thật sự chú ý tới nó. Thế thì kẻ âm thầm lấn chiếm kia là ai? Ngay cả ông già Beppo, xưa nay vốn vẫn thấy những điều người khác không thấy, cũng không để ý đến những gã màu xám đang càng ngày càng đi lại đông hơn, khắp trong thành phố rộng lớn này. Họ làm việc không mệt mỏi. Mà hoàn toàn không phải là họ vô hình. Người ta nhìn họ, thế mà không thấy họ, vì họ tránh trở nên lộ liễu rất giỏi, khiến chẳng ai buồn chú ý đến diện mạo của họ, hoặc có thấy thì cũng quên ngay. Chính vì thế nên họ có thể hoạt động âm thầm. Bởi không ai chú ý đến họ nên dĩ nhiên cũng không ai thắc mắc họ từ đâu tới. Họ mỗi ngày một đông hơn. Họ lái những chiếc xe ô-tô xám hảo hạng trên đường phố, họ đi vào mọi ngôi nhà, họ ngồi trong mọi nhà hàng. Và họ thường ghi ghi chép chép gì đấy trong quyển sổ tay nho nhỏ của họ. Họ là những gã đàn ông mặc toàn một màu xám như màu mạng nhện. Ngay cả mặt mũi họ cũng xám như tro. Họ đội mũ cứng tròn hình quả dưa và hút loại xì-gà nhỏ màu xám tro. Người nào cũng kè kè cắp theo một chiếc cặp màu xám chì. Cả Gigi - Hướng dẫn viên du lịch cũng không để ý rằng đã vài lần rồi nhiều gã màu xám này đi khắp vùng quanh Nhà hát lộ thiên cổ, vừa đi vừa cần mẫn ghi chép vào sổ tay của họ. Chỉ riêng Momo là đã để ý đến họ, vào một buổi chiều nọ khi những cái bóng xám sẫm của họ xuất hiện trên bờ đá trên cùng của khu phế tích. Họ ra hiệu với nhau rồi ngồi chụm đầu lại như bàn bạc. Không thể nghe được họ bàn bạc gì, nhưng Momo chợt ớn lạnh, song đây là thứ lạnh khác thường cô chưa từng trải qua. Momo kéo chặt chiếc áo khoác rộng thùng thình mà cũng không đủ ấm, vì đó không phải thứ lạnh bình thường. Rồi những gã màu xám kia bỏ đi; từ đó không thấy họ xuất hiện trở lại nữa. Tối hôm ấy Momo không nghe được tiếng nhạc êm ái mà mãnh liệt như mọi khi. Nhưng rồi hôm sau cuộc sống lại tiếp tục như bình thường và Momo không còn bận tâm nữa về những người khách lạ lùng kia. Cô cũng đã quên họ luôn rồi. Chương 5 Chuyện kể cho mọi người và chuyện kể cho một người Gigi - Hướng dẫn viên du lịch càng ngày càng cảm thấy không thể thiếu được Momo. Gã yêu mến - nếu ta có thể nói được như thế về một gã trẻ tuổi, lông bông và vô tư - cô tóc bù xù này quá; nếu được thì đi đâu gã cũng sẵn sàng dẫn cô theo. Kể chuyện, như chúng ta đã biết, là nỗi đam mê của gã. Và gã đã cảm thấy có một sự đổi khác rõ rệt từ khi quen Momo. Trước kia, những câu chuyện gã kể đôi lúc vẫn còn hơi nghèo nàn. Đơn giản vì gã không nghĩ ra được gì hấp dẫn hơn. Nên đôi khi gã cứ phải xào lại chuyện đã kể rồi hoặc góp nhặt từ một cuộn phim nào đó để xem hay từ những chuyện gã đã đọc trên báo. Có thể nói rằng những câu chuyện của gã chẳng có gì đặc biệt. Nhưng từ khi quen biết Momo thì chuyện của gã như đột nhiên được chấp cánh. Sự thể là như thế. Nhất là khi có cả Momo lắng nghe thì trí tưởng tượng của gã khác nào một bãi cỏ non đầy hương sắc giữa mùa xuân. Trẻ con lẫn người lớn xúm quanh gã. Lúc ấy gã có thể kể những câu chuyện nhiều kỳ kéo dài nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Trí tưởng tượng của gã như không hề cạn. Và chính gã cũng căng thẳng lắng nghe chuyện mình kể, vì gã không biết sự tưởng tượng kia sẽ đưa mình tới đâu. Một lần nọ lại có khách muốn tham quan Nhà hát lộ thiên (Momo đang ngồi khuất một nơi trên thềm đá), gã liền mở đầu như thế này: “Thưa quý bà và quý ông! Hẳn quý vị từng biết rằng nữ hoàng Strapazia Augustina đã phải tiến hành không biết bao nhiêu cuộc chiến tranh để bảo vệ vương quốc của bà trước những cuộc tấn công liên tục của người Zittern và Zagen[11](11). Sau khi, một lần nữa, đánh bại hai tộc này, nữ hoàng căm tức việc họ không ngừng quấy rối nên đe dọa sẽ tận diệt, trừ khi vua Xaxotraxolus của họ chịu chấp nhận dâng hiến con cá vàng của ông ta. Thời bấy giờ, thưa quý bà quý ông, cá vàng còn là vật lạ ở nước chúng ta. Tuy nhiên nữ hoàng Strapazia đã được nghe một người khách du lịch kể rằng vua Xaxotraxolus kia có một con cá nhỏ, khi lớn lên sẽ lập tức biến thành vàng ròng. Nữ hoàng nhất định phải chiếm bằng được con cá quý hiếm kia. Vua Xaxotraxolus cười thầm trong bụng. Ông ta giấu con cá vàng có thật kia dưới gậm giường, rồi đem dâng nữ hoàng một con cá voi con thả trong liễn xúp đính ngọc ngà chau báu. Nữ hoàng hơi ngạc nhiên khi thấy cá lớn nhường ấy, vì bà nghĩ cá vàng nhỏ hơn nhiều. Nhưng bà tự nhủ rằng càng lớn càng tốt vì cuối cùng cá sẽ cho nhiều vàng hơn. Có điều bà băn khoăn vì con cá vàng này chẳng óng ánh vàng chút nào hết. Sứ thần của vua Xaxotraxolus liền tâu rằng chỉ khi cá lớn mới biến thành vàng, lúc nhỏ thì chưa. Chính vì thế không được làm phương hại đến sự tăng trưởng của nó. Nữ hoàng Strapazia rất vui dạ. Con cá non kia mỗi ngày một lớn, nuôi tốn không biết bao nhiêu là thức ăn. Nhưng nữ hoàng Strapazia đâu nghèo hèn gì, nên cá ngốn bao nhiêu đều được cung phụng bấy nhiêu. Nó lớn như thổi và liễn xúp trở thành quá nhỏ. “Càng lớn càng tốt,” nữ hoàng Strapazia phán rồi cho chuyển nó sang bồn tắm của bà. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn bồn tắm cũng trở thành quá chật. Cá mỗi ngày một lớn thêm. Nó liền được chuyển sang hồ bơi của nữ hoàng. Việc chuyên chở khá phức tạp vì cá đã nặng bằng con bò. Một gã nô lệ có nhiệm vụ kéo cá đã trượt chân ngã; kẻ xấu số này liền bị nữ hoàng ra lệnh ném ngay vào chuồng sư tử, vì con cá là tất cả niềm hạnh phúc của bà. Ngày ngày bà ngồi hàng giờ bên hồ bơi nhìn cá lớn lên. Bà chỉ còn nghĩ đến thật nhiều vàng, vì ai cũng biết bà sống rất xa hoa nên bao nhiêu vàng cũng không đủ. “Càng lớn càng tốt,” bà luôn miệng lẩm bẩm một mình. Câu nói này được ban bố như là phương châm chung cho mọi chuyện và được khắc thành những chữ sắt trên mọi công thự. Cuối cùng thì cả hồ bơi của nữ hoàng cũng thành quá chật đối với con cá. Nữ hoàng Strapazia liền cho dựng một tòa nhà mà phế tích của nó quý bà và quý ông thấy ở đây, ngay trước mắt quý vị. Đó là một hồ cá hình tròn khổng lồ, đầy nước tới tận rìa, để con cá được thoải mái duỗi hết thân mình. Bấy giờ nữ hoàng đích thân ngày đêm ngồi ở chỗ kia kìa để quan sát con cá khổng lồ xem nó biến thành vàng chưa. Bà không còn tin bất cứ ai, dù là nô lệ thân tín hay họ hàng; bà sợ người ta lấy trộm mất con cá của bà. Cho nên bà cứ ngồi đó, gầy mòn dần vì âu lo, không ngủ để canh chừng con cá, còn nó thì cứ tung tăng nhởn nhơ không chịu nghĩ đến chuyện biến thành vàng. Và nữ hoàng Strapazia càng ngày càng lơ là việc triều chính. Các tộc Zittern và Zagen chỉ chờ có thế. Dưới sự lãnh đạo của vua Xaxotraxolus họ mở một chiến dịch cuối cùng, chiếm toàn vương quốc như trở bàn tay. Họ không hề gặp một người lính nào của đối phương, còn với người dân thì ai cai trị cũng thế thôi. Cuối cùng, khi rõ sự thật, nữ hoàng Strapazia đã thốt lên câu nói nổi tiếng: “Khốn khổ thân ta, bởi ta đã…” Tiếc thay phần cuối của câu nói này đã bị thất truyền. Song chắc chắn là bà đã đâm đầu xuống hồ, chết đuối bên con cá - nấm mộ vùi chôn mọi hy vọng của bà. Vua Xaxotraxolus cho làm thịt con cá voi để ăn mừng chiến thắng. Toàn dân đã được ăn phi-lê cá rán suốt tám ngày. Thưa quý bà, quý ông! Như quý vị thấy, lòng nông nổi có thể đưa đến hậu quả nhường nào!” Gigi kết thúc buổi hướng dẫn bằng những lời này, và khách du lịch đều rất ấn tượng. Họ nhìn khu phế tích với đôi mắt tôn kính. Chỉ có một người hòai nghi, hỏi: “Chuyện đó xảy ra hồi nào?” Nhưng Gigi không bao giờ lúng túng, đáp ngay: “Nữ hoàng Strapazia, như đã biết, là người cùng thời với triết gia nổi tiếng Noiosius - già.[12]. Người khách hòai nghi kia dĩ nhiên không muốn thú nhận rằng mình ù ù cạc cạc, không biết triết gia nổi tiếng Noiosius - già đã sống thời nào nên chỉ ậm ừ: “Ra thế, xin cám ơn.” Hết thảy khách du lịch đều cực kì hài lòng nói rằng chuyến thăm quan này thật bõ công, rằng có lẽ chưa ai trình bày sống động và hấp dẫn đến thế về cái thời xa xôi ấy. Gigi khiêm nhường ngửa mũ lưỡi trai và mọi người đều bày tỏ lòng hào phóng. Ngay cả người khách hòai nghi kia cũng bỏ vào mũ mấy đồng kẽm. Đặc biệt là từ khi quen biết Momo, Gigi không bao giờ lặp lại chuyện cũ. Phải lặp lại như thế thì chán lắm. Khi có Momo trong đám thính giả thì gã thấy như lòng được mở ngỏ, chuyện cứ thế không ngừng tuôn ra như nước chảy, chẳng hề mất công động não. Ngược lại, gã còn thường phải tìm cách hãm bớt để khỏi bị hố như lần hướng dẫn hai bà già người Mỹ sang trọng. Lần đó gã đã khiến hai bà nọ thất kinh vì đã kể như sau: “Thưa quý bà, dĩ nhiên ở tận nước Mỹ tự do xinh đẹp hẳn quý bà cũng được biết rằng bạo chúa Marxentius Communus đã có ý đồ biến đổi cả thế giới thời bấy giờ theo đầu óc tưởng tượng của ông ta. Nhưng dù ông ta làm gì đi nữa thì con người vẫn tạm gọi là cứ như cũ, không chịu biến đổi. Thành thử khi về già Marxentius Communus đã phát điên. Bấy giờ, dĩ nhiên như quý bà cũng biết, chưa có bác sĩ tâm thần điều trị những chứng bệnh như thế. Thành ra người ta đành phải để bạo chúa tha hồ nổi cơn. Trong cơn điên Marxentius Communus nảy ra sáng kiến phó mặc thế giới sẵn có muốn ra sao thì ra, còn ông ta xây dựng thế giới hoàn toàn mới. Ông ta liền ra lệnh dựng quả địa cầu to y như trái đất cũ, trên quả địa cầu mới này phải đựng đầy đủ nhà cửa, cây cối, núi non, biển cả, sông hồ y hệt như trên trái đất cũ. Cả lòai người thời bấy giờ bị ép buộc phải tham gia vào công trình ghê gớm này, ai trốn tránh sẽ bị xử tử. Trước hết người ta dựng một cái bệ đỡ quả địa cầu khổng lồ nọ. Và phế tích của cái bệ đó, thưa quý bà, quý bà thấy ngay trước mắt. Sau đó người ta tự tay tiến hành việc tạo dựng quả địa cầu, một quả cầu khổng lồ y như quả đất cũ. Xong xuôi, người ta phải cẩn trọng mô phỏng trên đó mọi thứ y hệt trên quả đất cũ. Tất nhiên người ta cần rất nhiều vật liệu cho quả địa cầu mới và không thể tìm vật liệu này ở đâu khác hơn chính quả đất cũ. Thành ra trái đất cũ cứ nhỏ dần đi, còn quả địa cầu mới cứ phình thêm ra. Sau hết, người ta phải lấy nốt hòn sỏi cuối cùng của quả đất cũ cho thật khớp để hoàn thành thế giới mới. Và dĩ nhiên mọi người đều phải dọn sang quả địa cầu mới, vì quả đất cũ đã tiêu mất rồi. Nhưng khi Marxentius Communus thấy rằng mọi sự vẫn chẳng khác xưa tí nào thì ông ta liền trùm kín đầu trong chiếc Toga[13]rồi bỏ đi mất dạng. Ông đi đâu, không ai biết. Quý bà hãy xem đây, chỗ trũng hình cái phễu ta vẫn nhận thấy được ở phế tích này xưa kia chính là cái móng mà quả địa cầu tì trên mặt đất cũ đấy. Quý bà phải hình dung mình xoay đầu lại thì mới tưởng tượng ra được.” Hai bà già Mỹ sang trọng tái mặt, rồi một bà hỏi: “Thế quả địa cầu mới đâu rồi?” “Bà đang đứng trên chính nó đấy!” Gigi đáp. “Thế giới ngày hôm nay, thưa quý bà, chính là quả địa cầu mới đấy.” Hai bà già Mỹ sang trọng kia liền rú lên kinh hoàng rồi bỏ chạy. Còn Gigi ta hòai công ngửa mũ. Nhưng Gigi thích kể chuyện cho cô bé Momo nhất, khi không có ai khác cùng nghe. Thường là chuyện cổ, vì Momo thích nghe chuyện cổ nhất, và hầu như toàn là những chuyện mà Gigi và Momo là các nhân vật chính. Đó là những chuyện dành riêng cho hai đứa, khác hẳn những chuyện Gigi kể cho mọi người. Vào một buổi tối đẹp và ấm áp kia Gigi với Momo ngồi im lặng bên nhau trên thềm đá trên cùng. Bầu trời đã bắt đầu lấp lánh ánh sao và mặt trăng to tròn ánh bạc đã lơ lửng trên rặng thông đen. “Kể chuyện em nghe, được không?” Momo khẽ yêu cầu. “Dễ thôi,” Gigi đáp, “về ai mới được chứ?” “Em thích nhất là chuyện về Momo với Girolamo,” Momo đáp. Gigi ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi: “Chuyện tên gì đây?” “Tên là ‘Chuyện tấm gương thần’ nhé?” Gigi gục gặc đầu ngẫm nghĩ. “Nghe được đấy. Hai đứa mình sẽ xem thử chuyện ra sao, nhé.” Gã đặt một tay lên vai Momo rồi bắt đầu: “Ngày xửa ngày xưa có một cô công chúa xinh đẹp tên là Momo. Cô sống trên nhung lụa, trong một tòa lâu đài bằng kính muôn màu, chót vót trên một đỉnh núi cao tuyết phủ. Cô muốn gì có nấy, ăn toàn cao lương mỹ vị, uống tòan rượu ngọt rượu ngon. Cô ngủ trên gối bọc tơ, ngồi trên ghế ngà. Cô không thiếu thức gì, nhưng cô lại rất cô quạnh. Mọi thứ quanh cô: nô tì, thị nữ, chó mèo, chim muông, thậm chí cả hoa nữa, đều chỉ là những hình ảnh trong gương. Ấy là vì công chúa Momo có một tấm gương thần to và tròn bằng bạc ròng. Mỗi ngày, mỗi đêm cô đều phái tấm gương xuống thế giới bên dưới. Tấm gương bay qua các nước, các biển cả, các thành phố và ruộng đồng. Nhìn thấy nó người ta không ngạc nhiên mà chỉ nói: “Mặt trăng kìa.” Lần nào quay trở về tấm gương cũng đổ ra cho nàng công chúa những hình ảnh nó thu được trong chuyến viễn du. Đủ loại hình đẹp, xấu, thú vị lẫn nhàm chán. Có gì thu nấy thôi. Công chúa lựa ra những hình cô thích, còn lại cô đổ cả xuống suối. Những hình được trả tự do kia nhẹ nhàng lướt trên sông nước của trái đất về với chủ cũ của chúng, nhanh hơn ta tưởng nhiều. Chính vì thế mà bất cứ lúc nào nhìn vào giếng hay soi mình trên vũng nước ta đều thấy hình mình trong đó. Anh quên chưa kể rằng công chúa Momo bất tử. Cô chưa từng nhìn vào trong gương thần kia. Bởi hễ ai thấy hình mình trong gương thì người ấy không còn bất tử nữa. Công chúa Momo biết rõ như thế nên đã không nhìn vào gương. Thành ra cô sống với biết bao hình ảnh kia, chơi đùa với chúng. Cô hòan toàn hài lòng. Nhưng rồi một ngày nọ tấm gương thần đã đem về cho cô một hình ảnh mà cô quý hơn mọi hình ảnh khác. Đó là hình ảnh một ông hoàng trẻ. Khi nhìn thấy hình nọ, cô khao khát được gặp chàng đến nỗi cô nhất quyết đi tìm chàng cho kì được. Nhưng tìm sao đây? Vì cô không biết chàng ở đâu, là ai, ngay cả tên chàng cô cũng không biết. Túng kế, bấy giờ cô quyết định nhìn vào tấm gương thần, vì cô nghĩ: có thể tấm gương sẽ đem hình ảnh cô tới ông hoàng kia. Biết đâu chừng khi tấm gương bay qua trên bầu trời và chàng tình cờ ngước nhìn lên thì chàng sẽ thấy hình cô. Biết đâu chàng sẽ dõi theo tấm gương và tìm thấy cô ở đây. Thế là cô liền nhìn thật lâu vào tấm gương thần rồi gửi nó mang theo hình cô bay xuống thế giới. Song cũng chính vì thế mà cô không còn bất tử nữa. Em sẽ được nghe tiếp về nàng công chúa. Còn bây giờ anh kể về ông hoàng kia đã. Chàng tên là Girolamo. Chàng trị vì một vương quốc mênh mông do chính chàng tạo dựng nên. Vương quốc đó ở đâu? Nó không ở quá khứ, cũng không ở hôm nay, mà luôn luôn ở một ngày sau hôm nay - nghĩa là trong tương lai. Vì thế nó có tên là ‘Vương quốc ngày mai’. Thần dân nước ấy thảy đều yêu quý và khâm phục chàng. Một ngày nọ các thượng thư tâu với ông hoàng trẻ kia rằng: ‘ Muôn tâu, bệ hạ phải theo phép nước mà tính chuyện trăm năm chứ.” Ông hoàng Girolamo không phản đối, thế là những phụ nữ xinh đẹp nhất ‘Vương quốc ngày mai’ được đưa vào hoàng cung để ông hoàng kia tuyển chọn lấy một người. Cô nào cô nấy ra sức điểm trang thật đẹp, vì tất nhiên ai cũng muốn được chàng chọn. Trong dám phụ nữ kia có một nàng tiên ác trà trộn vào. Dòng máu trong huyết quản của ả không đỏ và nóng, mà xanh và lạnh. Không ai nhận thấy được, vì ả đã trang điểm cực kì xảo diệu. Đến khi ông hoàng của ‘Vương quốc ngày mai’ bước vào đại ngự sảnh bằng vàng để chọn vợ thì ả nọ lầm rầm đọc thần chú, khiến ông hoàng Girolamo đáng thương kia chỉ thấy ả thôi, chứ không thấy ai khác. Ông hoàng thấy ả đẹp tuyệt trần nên liền hỏi ả có ưng làm vợ ông không. “Thiếp rất vui lòng,” ả tiên ác kia rít lên, “nhưng với một điều kiện.” “Ta sẽ đáp ứng,” ông hoàng Girolamo đáp ngay không suy nghĩ. “Thế thì,” ả tiên ác cười đáp ngọt ngào đến nỗi ông hoàng bất hạnh kia bủn rủn cả chân tay, “suốt một năm ròng bệ hạ không được ngước nhìn lên tấm gương bạc bay lơ lửng trên trời. Nếu trái lời, bệ hạ sẽ phải chịu hình phạt như sau: quên hết ngay tại chỗ những gì là của bệ hạ. Bệ hạ sẽ phải quên mình là ai, sẽ phải đến ‘Vương quốc hôm nay’ không một ai quen biết, sống kiếp một kẻ nghèo hèn khốn khổ. Bệ hạ có đồng ý không?” “Nếu chỉ có thế thì dễ quá!” Ông hoàng Girolamo reo lên. Trong lúc đó chuyện gì xảy đến với công chúa Momo? Cô mỏi mòn chờ đợi mà ông hoàng kia không tới. Cô bèn quyết định sẽ đích thân xuống tìm. Cô trả lại tự do cho hết thảy những hình ảnh vẫn sống quanh cô. Rồi cô xỏ đôi dép mỏng, một thân một mình rời tòa lâu đài kính muôn màu, vựơt ngọn núi tuyết xuống thế giới dưới kia. Qua bao đất nước cô mới đến được ‘Vương quốc hôm nay’. Lúc ấy đôi dép đã mòn tã, cô phải đi chân đất. Nhưng tấm gương thần mang hình ảnh cô vẫn tiếp tục lơ lửng bay trên vòm trời. Một tối kia ông hoàng Girolamo ngồi trên sân thượng lâu đài vàng, chơi cờ Đam[14]với ả tiên máu lạnh và xanh. Chợt một giọt nước nhỏ xíu rơi trên bàn tay ông. “Mưa rồi đấy,” ả tiên máu xanh nói. “Đâu có,” ông hoàng đáp, “làm sao mưa được, trời quang thế này.” Rồi ông ngước lên, nhìn đúng vào tấm gương thần lớn bằng bạc đang lơ lửng trên cao. Bấy giờ ông mới thấy hình công chúa Momo, thấy cô đang khóc và một giọt nước mắt rơi trên bàn tay ông. Cùng lúc, ông nhận ra đã bị ả tiên kia lừa, rằng đúng ra ả không đẹp và máu ả xanh. Công chúa Momo mới chình là người ông thương yêu. “Ngươi đã bội thề,” ả tiên máu xanh nói, gương mặt ả biến dạng thành như mặt rắn, “thì ngươi sẽ phải trả giá đắt!” Ả vươn những ngón tay dài ngoẳng xanh lè móc vào ngực ông hoàng Girolamo đang ngồi như hóa đá, thắt một nút nơi trái tim ông. Tức thì ông quên mình là ông hoàng của ‘Vương quốc ngày mai’. Đang đêm ông len lén như một tên trộm rời khỏi hoàng cung và vương quốc. Rồi cứ thế ông đi thật xa, đến tận ‘Vương quốc hôm nay’, sống kiếp vô dụng nghèo hèn vô danh, chỉ dám lấy tên là Gigi. Ông chỉ mang theo được một thứ duy nhất, đó là bức hình trên tấm gương thần. Từ đó, tấm gương trở thành trống không. Trong lúc đó nhung lụa trên thân nàng công chúa Momo cũng đã thành như xơ mướp. Cô đành phải mang một cái áo khoác đàn ông cũ rộng quá khổ, cái váy chắp vá từ bao mụn vải đủ màu. Cô ở trong một phế tích hoang tàn. Rồi một ngày nọ ông hoàng và công chúa gặp nhau. Nhưng công chúa không nhận ra ông hoàng ‘Vương quốc ngày mai’, vì hiện giờ ông chỉ là một gã nghèo hèn khốn khổ. Gigi cũng không nhận ra công chúa, vì cô chẳng ra dáng công chúa tí nào. Nhưng hai người đã kết thân và an ủi lẫn nhau, do cùng bất hạnh. Một tối kia, khi tấm gương thần - nay đã trống không - lại lơ lửng trên khung trời, Gigi móc tấm hình vẫn giữ bên mình cho Momo xem. Tuy hình đã nhàu nát và mờ nhạt song công chúa vẫn nhận ra ngay đó là tấm hình cô gửi đi ngày nọ. Và công chúa cũng nhận ra ông hoàng Girolamo - dưới lốt gã Gigi nghèo hèn khốn khổ, người cô không ngừng tìm kiếm bấy lâu nay và vì ông mà cô không còn bất tử nữa. Cô liền kể hết mọi chuyện. Nhưng Gigi chỉ buồn bã lắc đầu: “Anh không hiểu em nói gì, vì tim anh bị thắt nút mất nên anh không còn nhớ gì hết.” Nghe thế, công chúa Momo liền đưa tay nhẹ nhàng gỡ nút thắt trên ngực ông. Ông hoàng Girolamo liền biết mình là ai, quê quán ở đâu. Rồi ông nắm tay cô đi mãi tới phương trời xa, về nơi ‘Vương quốc ngày mai’. Gigi kể xong, họ còn ngồi im một lúc, đoạn Momo hỏi: “Rồi họ có thành chồng vợ không?” “Anh nghĩ là có,” Gigi đáp, “sau này.” “Họ chết rồi à?” “Không đâu,” Gigi khẳng định, “tình cờ mà anh được biết rất rõ điều này. Người ta chỉ thành không bất tử khi một mình nhìn vào tấm gương thần kia. Còn khi cả đôi nhìn vào thì lại thành bất tử. Mà hai người kia đã cùng làm như thế.” Mặt trăng to như dát ánh bạc lung linh trên rặng thông tối thẫm khiến những tảng đá cổ xưa của khu phế tích ngời sáng đầy bí ẩn. Momo và Gigi ngồi im lặng bên nhau, ngước nhìn lên thật lâu. Cả hai cảm thấy rõ rằng mình bất tử trong giây phút ấy. PHẦN II. NHỮNG GÃ MÀU XÁM Chương 6 Tính toán lọc lừa mà vẫn trúng mánh Có một điều bí ẩn diễn ra hàng ngày mà ai cũng biết. Ai cũng đều dự phần, đều biết nó là gì, nhưng không mấy ai bận tâm nghĩ về nó. Phần lớn người ta cứ chấp nhận nó là như thế mà không hề thắc mắc chút nào. Điều bí ẩn này là thời gian. Người ta có lịch và đồng hồ để đo thời gian, nhưng điều này chẳng có nghĩa gì mấy, vì ai cũng biết một giờ có thể dài vô tận song đôi khi chỉ thoảng qua như một nháy mắt, tuỳ theo điều gì xảy đến với ta trong một giờ này. Vì thời gian là cuộc sống. Mà ta cảm nhận cuộc sống bằng con tim. Không ai biết rõ điều này bằng bọn người màu xám. Không ai biết bằng họ về giá trị một giờ, một phút, thậm chí một giây duy nhất của cuộc sống. Dĩ nhiên họ am tường về thời gian như loài đỉa rành về máu. Và họ hành động theo kiểu của những con đỉa. Họ có những toan tính về thời gian của con người. Đó là những toan tính lâu dài, được chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng nhất đối với họ là không để bị ai chú ý đến việc họ làm. Họ thầm lặng bám rễ vào cuộc sống thị thành và của người dân ở đấy. Rồi ngày ngày, từng bước một, họ thâm nhập và chế ngự con người mà chẳng ai hay biết. Họ biết rành mạch ai là người đáng được lưu ý trong những toan tính của họ, biết từ lâu lắn rồi, trong khi chúnh đối tượng lại chẳng biết gì sất. Thành ra họ chỉ còn chờ đúng dịp để chụp lấy đối tượng. Và chính họ góp phần thúc đẩy cái dịp ấy mau tới. Lấy ví dụ ông thợ hớt tóc Fusi. Tuy không phải thợ hớt tóc trứ danh, nhưng ông có uy tín trên con đường ông đặt cửa tiệm. Ông không giàu cũng chẳng nghèo. Cửa hiệu của ông ở ngay trung tâm thành phố, nhỏ thôi và có một cậu học nghề phụ việc. Một bữa kia ông Fusi đứng ở cửa tiệm chờ khách. Hôm ấy cậu học nghề được nghỉ, trong tiệm chỉ có mình ông Fusi. Nhìn mưa rơi xối xả trên đường mà lòng ông Fusi cũng rầu rĩ như bầu trời. “Đời mình rồi sẽ qua đi theo tiếng kéo, theo bọt xà phòng cạo râu và những chuyện gẫu với khách hàng thôi,” ông thầm nghĩ, “chứ nào mình có được hưởng quái gì đâu! Một mai nhắm mắt xuôi tay thì cũng tựa như chưa hề có mình trên thế gian này.” Thật ra ông Fusi không ghét gì chuyện tán gẫu. Thậm chí ông còn rất thích tranh luận dông dài với khách để được biết họ nghĩ gì. Ông cũng không hề ghét tiếng kéo hay thù xà phòng cạo râu. Ông rất yêu thích công việc của mình và ông biết rằng mình làm tốt. Nhất là cạo râu cằm từ dưới cổ cạo lên thì không dễ gì ai hơn được ông. Nhưng có những lúc ông chợt thấy trên đời chẳng có gì quan trọng cả. Ai mà chẳng có lúc nghĩ như thế. “Mình đã phí hoài cả cuộc đời,” ông Fusi nghĩ. “Chứ đã nên vương nên tướng gì nào? Chỉ thành nổi một tay phó cạo tầm thường. Nếu như mình có thể quyết định được con đường đời mình muốn đi thì nay mình đã là một con người hoàn toàn khác rồi!” Nhưng làm thế nào có được một cuộc đời cho ra trò thì ông Fusi không rõ. Ông chỉ hình dung nó như một cái gì đó nổi tiếng, cái gì đấy xa hoa, cái gì đấy ta luôn thấy trên các hoạ báo. “Nhưng mà,” ông cau có nghĩ, “công việc của mình đâu có được rảnh rỗi cho những chuyện ấy. Vì muốn sống cho ra hồn cũng cần phải có thì giờ chứ. Phải rảnh rỗi chứ. Mà mình thì cả đời kẹt cứng với tiếng kéo, với những mẩu chuyện gẫu và xà phòng cạo râu mất rồi còn đâu.” Đúng lúc ấy một chiếc ô-tô sang trọng màu xám tro xịch tới dừng trước tiệm hớt tóc của ông Fusi. Một gã màu xám xuống xe, bước vào tiệm. Hắn đặt chiếc cặp màu xám chì lên cái bàn trước tấm gương, treo cái mũ cứng hình quả dưa lên móc, ngồi vào ghế rồi móc túi lấy sổ tay, vừa lật tới lật lui vừa luôn miệng bập bập điếu xì-gà nhỏ màu xám. Ông Fusi lật đật khép cửa, vì chợt cảm thấy lạnh khác thường trong cái tiệm hớt tóc nhỏ hẹp của mình. “Thưa, ông muốn gì ạ?” Ông Fusi lúng túng hỏi, “cạo râu hay cắt tóc ạ?” Rồi liền thầm trách mình sao quá vô ý vô tứ, vì đầu ông khách hói bóng như gương. “Không cạo râu cũng chẳng cắt tóc,” người khách màu xám không cười mà lầm lì đáp với một giọng lạ kỳ không có trọng âm, ta tạm gọi là thứ tiếng màu xám tro. “Tôi là đại lý số NYQ/384/b của Quỹ Tiết kiệm Thời gian. Chúng tôi được biết ông muốn mở một chương mục tiết kiệm ở Quỹ của chúng tôi.” “Đâu ccó chuyện ấy,” ông Fusi càng lúng túng tợn. “Thú thật, cho đến nay tôi chưa hề biết có một Quỹ như thế nữa cơ.” “A, nhưng bây giờ thì ông biết rồi đấy,” tay đại lý đáp gọ lỏn. Rồi hắn lật lật quyển sổ tay nói tiếp: “Ông tên là Fusi, làm nghề hớt tóc, phải không nào?” “Chính phải, chính là tôi,” ông Fusi đáp. “Vậy là tôi đến đúng chỗ rồi,” người khách màu xám tro vừa gập sổ tay vừa nói. “Ông là người dự tuyển ở Quỹ của chúng tôi.” “Ông nói sao ạ?” Ông Fusi hỏi lại, vẫn chưa hết sửng sốt. “Ông Fusi này”, tay đại lý nói, “ như ông thấy: ông phí hoài cuộc đời với tiếng kéo, những câu chuyện gẫu và xà phòng cạo râu. Một mai ông nhắm mắt thì coi như chưa từng có ông trên cõi đời này. Nếu như ông có thì giờ để sống cho ra sống thì ông sẽ là một con người khác hẳn. Thành ra cái mà ông cần là thời gian. Tôi nói đúng không?” “Về điều này thì tôi cũng nghĩ tới hồi nãy,” ông Fusi lẩm bẩm trong lúc cảm thấy ớn lạnh, vì tuy đã khép cửa rồi mà sao vẫn cứ lạnh thêm. “Đây, ông thấy chưa!” Người khách màu xám đáp rồi rít xì gà ra dáng hài lòng. “Nhưng người ta lấy thời gian từ đâu mới được chứ? Chỉ có cách duy nhất là tiết kiệm thôi! Ông Fusi ạ, ông đã phí phạm thời gian một cách rất vô trách nhiệm. Tôi muốn chứng minh điều này qua một con tính nhỏ cho ông thấy. Một phút có 60 giây. Một giờ có 60 phút. Ông hiểu ý tôi chứ?” “Dạ, hiểu ạ,” ông Fusi đáp. Tay quản lý số XYQ/3844/b liền viết những con số này trên tấm gương với một cây bút nỉ màu xám. “60 nhân 60 là 3600. Nghĩa là một giờ có 3600 giây. Một ngày có 24 giờ, 24 nhân 3600 giây thành 86400 giây. Vị chi một ngày có 86.400 giây. Một năm, như ta biết, có 365 ngày, vị chi là 31.536.000 giây. Nghĩa là 315.360.000 giây trong mười năm. Ông Fusi theo ông đoán thì ông thọ được bao năm?” “À, à…,” ông Fusi lúng túng lắp bắp đáp, “tôi hy vọng nếu được Chúa thương thì 70, 80 năm.” “Được,” vị khách màu xám đáp, “ta cứ tạm coi như 70 năm đi. Thế nghĩa là 315.360.000 nhân 7. Sẽ được hai tỉ năm trăm lẻ bảy triệu năm trăm hai mươi ngàn giây.” Rồi hẳn viết con số 2.207.520.000 này lên tấm gương. Đoạn hắn gạch dưới mấy lần rồi mới nói tiếp: “Ông Fusi, có nghĩa đây là khoản thời gian mà ông có được.” Ông Fusi đưa tay lên trán, miệng nuốt khan. Con số kia khiến ông choáng váng. Ông không ngờ mình lại giàu đến thế. “Chà,” tay đại lý gục gặc đầu rồi lại rít điếu xì-gà nhỏ màu xám, “thật là một con số đầy ấn tượng, nhỉ? Nhưng ta thử tính tiếp xem nào. Năm nay ông bao nhiêu tuổi rồi, ông Fusi?” “Thưa, bốn mươi hai ạ,” ông lắp bắp như thể có lỗi vì đã khai gian. “Trung bình mỗi tối ông ngủ mấy tiếng đồng hồ?” Người khách màu xám tiếp tục cật vấn. “Khoảng 8 tiếng ạ,” ông Fusi thú thật. Tay đại lý tính toán nhanh như chớp. Chiếc bút nỉ chạy ken két trên mặt gương khiến ông Fusi nổi gai ốc. “42 năm, mỗi ngày 8 tiếng, chưa chi đã mất hết 441.504.000 giây. Con số mà ta có quyền coi như đã mất thật rồi. Ông Fusi, mỗi ngày ông phải bỏ ra bao lâu cho công việc. “Cũng khoảng 8 tiếng đâu đó,” ông Fusi lí nhí đáp. “Thế nghĩa là chúng ta lại phải ghi cũng bấy nhiêu đó vào bên chi,” tay đại lý tiếp tục một cách nghiệt ngã. “Rồi ông phải bỏ ra một số thì giờ cần thiết cho chuyện ăn uống nữa chứ. Ông mất bao nhiêu thời gian cho mấy bữa trong ngày?” “Tôi không biết chắc,” ông Fusi lo lắng đáp, “khoảng 2 tiếng chăng?” “Tôi thấy như thế là hơi ít đấy,” tay đại lý nói, “nhưng thôi cứ coi như thế đi, vị chi trong 42 năm hết 110.376.000. Ta làm tính tiếp! Theo như chúng tôi biết thì ông sống với bà mẹ già. Hàng ngày ông dành cho cụ bà một giờ chẵn, nghĩa là ông ngồi trò chuyện với cụ, dù cụ điếc đặc chẳng còn nghe thấy gì nữa. Đúng là thời gian bỏ đi: 55.188.999 giây. Ngoài ra ông còn một con hoàng yến hoàn toàn không cần thiết mà mỗi ngày ông mất 15 phút săn sóc, tính ra thành 13.797.000 giây.” “Nhưng mà…,” ông Fusi khẩn khoản nói xen vào. “Đừng cắt ngang lời tôi!” Tay đại lý quát, trong lúc vẫn tiếp tục tính toán nhanh như chớp. “Ông Fusi, vì mẹ ông không đi lại được nên ông phải tự tay đảm trách một phần công việc nhà. Ông phải đi chợ, đánh giày hoặc những chuyện phiền toái lẩm cẩm khác. Mỗi ngày hết bao lâu?” “Khoảng 1 tiếng, nhưng mà…” “Ông Fusi, thế là ông mất thêm 55.188.000 giây. Chúng tôi còn biết thêm là mỗi tuần ông đi xem phim một lần, mỗi tuần tham gia hát một lần trong ca đoàn, hai lần đi đến quán nước quen, còn những tối khác thì ông gặp bạn bè hoặc lâu lâu đọc sách. Nói gọn, ông phí thì giờ vào những việc vô bổ, mỗi ngày khoảng 3 tiếng, nghĩa là 165.564.000 giây. Ông Fusi, ông không được khoẻ hay sao vậy?” “Đâu có,” ông Fusi lúng búng, “tôi xin lỗi, nhưng mà…” “Sắp xong rồi,” người khách màu xám nói: “Nhưng chúng ta còn phải nói về một chương đặc biệt trong cuộc đời của ông nữa đấy. Ông còn một chút bí mât. Ông hiểu mà.” Răng ông Fusi đánh lập cập. Ông lạnh đến như thế đấy. “Chuyện ấy mà ông cũng biết cả ư?” Ông lẩm bẩm không ra hơi. “Tôi cứ tưởng ngoài tôi và cô Daria…” “Trong thế giới hiện đại của chúng ta,” tay đại lý số XYQ/384/b ngắt lời, chẳng còn gì là bí mật cả. Ông Fusi này, ông hãy nhìn sự vật cho khách quan và thực tế. Ông hãy trả lời tôi câu hỏi này: ông định lấy cô Daria ư?” “Không,” ông Fusi đáp, “chuyện này không được…” “Đúng thế,” người khách màu xám nói tiếp, “vì cả đời cô Daria dính vào xe lăn, do hai chân cô bị tàn phế. Nhưng hàng ngày ông mang hoa cho cô, thăm viếng cô nửa tiếng đồng hồ. Để làm gì?” “Lần nào cô ấy cũng rất mừng,” ông Fusi đáp mà suýt ứa nước mắt. “Nhưng, ông Fusi ạ, tỉnh táo mà xét,” tay đại lý nói, “đó là thứ thì giờ phí phạm. Tổng cộng đã lên tới 27.594.000 giây. Nếu bây giờ phải tính thêm rằng ông có thói quen mỗi tối trước khi đi ngủ ngồi 15 phút trước cửa sổ ngẫm nghĩ về chuyện trong ngày thì chúng ta lại phải khấu trừ đi 13.797.000 giây nữa. Nào, ông Fusi ạ, bây giờ ta hãy xem thử ông còn dư được những gì nhé.” Trên tấm gương đã ghi thế này: Ngủ 441.504.000 giây Làm việc 441.504.000 “ Ăn uống 110.376.000 ” Mẹ 55.188.000 “ Chim hoàng yến 13.797.000 “ Đi chợ v..v… 55.188.000 “ Bạn bè, ca hát v..v… 165.564.000 “ Chuyện bí mật 27.594.000 “ Nghĩ vẩn vơ bên cửa sổ 13.797.000 “ Tổng cộng: 1.324.512.000 giây “Đây,” người khách màu xám vừa nói vừa liên tục gõ bút thật mạnh lên tấm gương nghe không khác tiếng súng lục, “đây là tổng cộng khoảng thời gian ông đã mất cho đến nay. Ông Fusi, ông nghĩ sao?” Ông Fusi không mở miệng nổi. Ông buông phịch người xuống ghế trong góc phòng, lấy khăn lau trán, vì ông vẫn toát mồ hôi dù người ông lạnh toát. Người khách màu xám gục gặc đầu ra vẻ nghiêm trọng. “Đây, ông thấy rất rõ,” hắn nói, “đã hết quá nửa số thời gian ông được sở hữu rồi đấy, ông Fusi ạ. Bây giờ ta xem thử rằng 42 năm qua của ông còn được gì nhé. Một năm là 31.536.000 giây, như ông biết. Nhân 42 thành 1.324.512.000 giây.” Hắn viết con số này dưới con số tổng cộng thời gian đã mất. 1324512000 giây 1324512000 “ 0000000000 giây Hắn giắt bút vào túi, rồi ngồi im một lúc để những con số 0 kia tác động lên ông Fusi. Và hắn đã thành công! “Đó,” ông Fusi vô cùng nản chí thầm nghĩ, “hoá ra đó là bản quyết toán cuộc đời ta đến giờ.” Con tính cực kì chi li kia đã khiến ông quá đỗi ấn tượng, đến nỗi đành cắn răng cam chịu. Mà con tính kia đúng thật. Đó là một trong những mánh lới mà bọn người màu xám kia lừa bịp mọi người cả nghìn lần. “Ông Fusi,” tay đại lý số XYQ/384/b dịu dàng nói tiếp,” ông thấy rằng không thể tiếp tục làm ăn như thế được nữa rồi chứ? Ông có định bắt đầu tiết kiệm chưa nào?” Ông Fusi lặng lẽ gật đầu. Đôi môi ông đã lạnh tím cả. “Phải chi,” cái giọng nói màu tro của tay đại lý vang bên tai ông Fusi, “từ hai mươi năm trước ông bắt đầu dành dụm mỗi ngày chỉ một tiếng đồng hồ thôi, thì bây giờ ông đã có được vốn liếng là 26.280.000 giây rồi. Nếu dành dụm được 2 giờ mỗi ngày thì số vốn sẽ gấp đôi, nghĩa là 52.560.000 giây. Thưa ông Fusi, hai tiếng đồng hồ nhỏ nhoi nào có nghĩa gì so với con số vừa nói này?” “Chẳng thấm thía gì cả!” Ông Fusi nói lớn, “chỉ là một con số quá ư vụn vặt!” “Tôi rất mừng vì ông đã vỡ lẽ ra được,” tay đại lý thản nhiên nói tiếp. “Tính thử trong cùng điều kiện xem ông sẽ tiết kiệm được bao nhiêu trong 20 năm nữa thì chúng ta đạt một con số đáng tự hào là 105.120.000 giây. Đây là số vốn mà ông đã được tự do sử dụng vào năm ông 62 tuổi.” “Tuyệt vời!” Ông Fusi trố mắt lắp bắp. “Chưa hết,” người khách màu xám nói tiếp, “còn hay hơn nhiều nữa cơ. Chúng tôi, nghĩa là Quỹ Tiết kiệm Thời gian, không chỉ giữ số thời gian tiết kiệm này cho ông mà còn trả lãi nữa. Nghĩa là, trong thực tế ông sẽ có nhiều hơn.” “Nhiều hơn bao nhiêu ạ?” Ông Fusi thều thào hỏi. “Cái đó tuỳ ở ông,” tay đại lý giải thích, “tuỳ theo ông tiết kiệm bao nhiêu và gửi tiết kiệm chết ở Quỹ chúng tôi bao lâu.” “Gửi chết,” ông Fusi hỏi, “nghĩa là sao ạ?” “Dễ hiểu lắm,” người khách màu xám đáp. “Nếu ông không đòi lại số thời gian tiết kiệm trước 5 năm thì chúng tôi sẽ trả thêm cho ông ngần ấy năm. Cứ sau 5 năm thì số thời gian của ông sẽ gấp đôi, ông hiểu chứ? Sau 10 năm sẽ là gấp 4 số vốn ban đầu, sau 15 năm là gấp 8. Và cứ thế tiếp tục. Nếu ông bắt đầu từ 20 năm trước, và mỗi ngày chỉ tiết kiệm có 2 giờ thôi, thì khi ông 62 tuối, nghĩa là sau tổng cộng 40 năm, ông sẽ có được 256 lần số thời gian ông tiết kiệm được để sử dụng. Nghĩa là 26.910.720.000 giây.” Hắn lại lấy cây bút xám ra viết con số này lên tấm gương. “Ông Fusi, ông thấy đó,” hắn nói và lần đầu tiên khẽ nhếch mép mỉm cười, “sẽ là gấp hơn mười lần cả đời ông. Mà mới chỉ là tiết kiệm mỗi ngày có 2 tiếng đồng hồ thôi đấy. Ông thấy sao, có đáng không nào?” “Đáng quá đi chứ!” Ông Fusi kiệt sức đáp. “Thật chẳng còn nghi ngờ gì nữa! Tôi đúng là số con rệp nên đã không lo tiết kiệm từ sớm. Mãi bây giờ tôi mới mở mắt ra. Và thú thật… tôi tuyệt vọng quá!” “Ấy chết,” người khách màu xám dịu dàng đáp, “đâu có gì mà phải tuyệt vọng. Chẳng bao giờ quá muộn cả. Nếu ông muốn thì tiết kiệm ngay từ bây giờ vẫn kịp chán. Ông sẽ thấy đáng đồng tiền bát gạo lắm.” “Còn phải nói!” Ông Fusi kêu. “Thế, tôi phải làm gì bây giờ ạ?” “Thưa ông,” tay đại lý nhướng đôi mày đáp, “nhất định ông sẽ thấy cần tiết kiệm thời gian bằng cách nào! Chẳng hạn ông phải làm việc nhanh hơn, bỏ hết mọi chuyện thừa thãi. Ông dành cho một người khách 15 phút thôi thay vì nửa giờ. Ông bỏ những chuyện phiếm tốn thì giờ đi. Ông giảm một thời giờ ở với cụ bà xuống còn 30 phút thôi. Tốt nhất ông đưa cụ bà vào một nhà dưỡng lão tốt và rẻ; cụ được chăm sóc và ông dôi ra được mỗi ngày nửa tiếng đồng hồ. Ông bỏ con chim hoàng yến vô bổ kia đi! Và nếu bắt buộc thì hai tuần thăm cô Daria một lần thôi. Ông nên bỏ 15 phút kiểm điểm chuyện trong ngày, nhất là đừng nên thường xuyên phí thời giờ quý báu cho việc ca hát, đọc sách hay gặp những người gọi là bạn. Ngoài ra tôi khuyên ông nên treo trong cửa tiệm một cái đồng hồ thật to, chạy đúng để có thể kiểm tra chính xác công việc của mấy cậu nhóc học nghề.” “Được thôi,” ông Fusi nói, “tôi giải quyết được hết, nhưng tôi phải làm gì với số thời gian tiết kiệm được bằng cách này? Tôi phải bỏ vào Quỹ à? Ở đâu? Hay tôi phải tự giữ nó? Các chuyện này phải giải quyết như thế nào?” “Chuyện này,” người khách màu xám lại nhếch mép cười lần thứ hai, “ông không cần phải lo. Đã có chúng tôi lo hết. Ông cứ tin chắc rằng không một tí ti nào trong số thời gian ông tiết kiệm bị thất thoát. Ông sẽ thấy chúng không lòi ra chỗ nào được cả.” “Được rồi,” ông Fusi bối rối đáp, “tôi tin vào điều ông nói.” “Ông cứ yên tâm đi,” tay đại lý vừa nói vừa đứng lên. “Vậy là tôi xin phép chào mừng, ông là thành viên mới trong cộng đồng đông đảo của những người tiết kiệm thời gian. Ông Fusi, giờ đây ông thật sự là người tiết kiệm hiện đại và tiến bộ. Xin chúc mừng ông!” Rồi hắn cầm lấy mũ và cặp. “Khoan đã!” Ông Fusi nói. “Chúng ta không phải làm hợp đồng gì hết à? Tôi không phải kí gì hết sao? Tôi không có một hồ sơ gì à?” Tay đại lý số XYQ/384/b quay người lại ở ngưỡng cửa, chăm chú nhìn ông Fusi với vẻ không mấy hài lòng. “Để làm gì mới được chứ?” hắn hỏi. “Chuyện tiết kiệm thời gian này không so sánh được với bất cứ kiểu tiết kiệm nào khác. Đây là chuyện hoàn toàn tin cậy giữa hai bên! Chúng tôi chỉ cần ông đồng ý là đủ. Không hồi lại được đâu. Chúng tôi sẽ lo cho khoản tiết kiệm của ông. Còn tiết kiệm bao nhiêu là hoàn toàn ở nơi ông. Chúng tôi không ép uổng gì ông hết. Xin chào ông Fusi!” Rồi tay đại lý leo lên chiếc xe xám sang trọng phóng ào đi. Ông Fusi xoa trán nhìn theo. Người ông từ từ ấm hơn nhưng ông thấy yếu ớt như nhuốm bệnh. Làn khói xanh của điếu xì-gà vẫn còn đặc trong phòng, chưa chịu tan. Chỉ sau khi tan hết khói thuốc ông Fusi mới thấy đỡ. Mà khói thuốc tan bao nhiêu thì những con số trên tấm gương cũng mờ đi chừng nấy. Rồi khi những con số biến sạch thì người khách màu xám kia cũng biến mất luôn khỏi kí ức ông Fusi. Chỉ người khách đó thôi, chứ quyết định nọ thì không! Vì ông nghĩ rằng nó là quyết định của riêng ông. Ý định từ nay sẽ tiết kiệm thời gian để một lúc nào đó trong tương lai có thể bắt đầu một cuộc đời khác bám chắc vào tâm hồn ông như một cái ngạnh. Rồi người khách đầu tiên trong ngày đến tiệm. Ông Fusi cau có tiếp khách. Ông bỏ hết mọi chuyện không cần thiết, chỉ lẳng lặng làm và quả thật chỉ sau hai mươi phút là xong, thay vì nửa tiếng. Từ đó trở đi khách nào cũng đều vậy cả. Dĩ nhiên, khi làm thế thì ông không còn thấy hứng thú trong công việc, nhưng điều này không quan trọng gì nữa. Ngoài cậu học việc ra ông còn thuê thêm hai người phụ nữa và kiểm soát gắt gao để họ không phung phí một giây nào. Mỗi một động tác đều được quy định bài bản chi li. Trong cửa hiệu của ông Fusi giờ đây treo một tấm biển mang dòng chữ: THỜI GIỜ TIẾT KIỆM GIÁ TRỊ GẤP HAI! Ông viết một bức thư ngắn gọn gửi cô Daria mói rằng ông rất tiếc không thể đến thăm cô được nữa, vì thì giờ eo hẹp. Ông bán con chim hoàng yến cho một cửa hàng buôn thú. Còn bà mẹ thì ông tống vào một Viện dưỡng lão tốt nhưng rẻ tiền và mỗi tháng đến thăm mẹ một lần. Còn thì ông làm theo mọi lời khuyên của người khách màu xám kia mà giờ đây ông coi là những quyết định của riêng ông. Càng ngày ông càng nóng nảy và bất an, vì có một điều lạ thế này: quả thật ông không hề có chút được nào dư từ số thời giờ dành dụm được. Chúng biến mất sạch một cách bí hiểm. Ngày tháng của ông cứ ngắn dần, mới đầu còn không nhận ra nhưng càng lúc càng thấy rõ. Chưa chi mà đã hết một tuần, một tháng, một năm, lại một năm, thêm một năm nữa. Lẽ ra khi không còn nhớ đến chuyến viếng thăm của người khách màu xám kia thì ông phải khẩn thiết tự hỏi thời gian của mình biến đi đâu hết. Nhưng ông cũng như mọi người tiết kiệm thời gian khác, chẳng ai buồn thắc mắc cả. Ông cứ như bị cuồng si, thế thôi. Thảng hoặc ông có hốt hoảng thấy thời gian qua vùn vụt thì ông lại càng gồng người tiết kiệm tợn hơn nữa. Đã có nhiều người trong thành phố lớn này cũng cảnh ngộ y chang như ông Fusi. Và càng ngày thêm nhiều người nữa bắt đầu làm cái chuyện họ gọi là “tiết kiệm thời giờ”. Mà họ càng đông thì lại càng thêm nhiều người bắt chước, vì ngay những kẻ không muốn làm theo cũng không còn cách nào khác hơn. Hàng ngày trên radio, truyền hình và báo chí người ta quảng bá và tán tụng những ưu điểm của các trang thiết bị mai này sẽ cống hiến cho con người đời sống “thật sự”. Trên tường nhà và các cột dán áp phích nhan nhản những tấm quảng cáo để ai nấy thấy được về mọi hình ảnh khá thể của hạnh phúc. Bên dưới là những hàng chữ sáng ngời: NGƯỜI TIẾT KIỆM THỜI GIAN CÀNG NGÀY CÀNG KHẤM KHÁ HƠN! Hay là: TƯƠNG LAI THUỘC VỀ NHỮNG NGƯỜI TIẾT KIỆM THỜI GIAN! Hay là: ĐỂ SỐNG NGON LÀNH HƠN – HÃY TIẾT KIỆM THỜI GIAN! Nhưng thực tế lại khác hẳn. Tuy những người tiết kiệm thời giờ ăn mặc bảnh bao hơn những kẻ sông quanh Nhà hát lộ thiên thật: họ kiếm được nhiều tiền hơn nên chi tiêu cũng rộng rãi hơn thật. Nhưng mặt mũi họ khinh khỉnh, mệt mỏi và cau có và mắt họ không thân thiện. Dĩ nhiên họ không hề biết câu nói kiếu “Đến với Momo!” Họ không có ai chịu lắng nghe để họ được trở nên chín chắn, hoà dịu và thậm chí vui vẻ. Mà ngay cả nếu khu họ ở có được một người như thế thì cũng hoàn toàn không chắc họ chịu tìm đến với người ấy, trừ khu người ấy có thể giải quyết những vấn đề của họ trong vòng năm phút. Bằng không họ sẽ coi như mất thì giờ. Ngay cả thì giờ rảnh, như họ nghĩ, cũng phải được tận dụng. Chúng phải nhanh chóng đem lại cho họ thật nhiều lạc thú và thoải mái. Thành ra họ không còn biết tiệc tùng thật sự là gì nữa, dù tiệc vui hay nghiêm trang. Với họ thì mơ mộng cũng gần như tội ác. Nhưng sự tĩnh mịch là điều họ khó chịu nổi hơn cả. Trong sự tĩnh mịch họ bị nỗi sợ chế ngự, vì họ linh cảm điều xảy ra với cuộc đời họ trong thực tế. Thành thử họ làm huyên náo, mỗi khi phải đối diện với sự tĩnh mịch. Nhưng đó không phải là sự huyên náo vui vẻ như ở bãi chơi của trẻ con, mà một sự ồn ào giận dữ và bất mãn ngày ngày tràn ngập các thành thị. Anh có ưa thích, ham mê công việc không, điều đó không quan trọng. Mà ngược lại, vì yêu thích và ham mê chỉ sinh ra trễ nải. Điều quan trọng duy nhất là: làm được thật nhiều trong khoảng thời gian ngắn nhất. Cho nên tại các hãng xưởng lớn và trong các văn phòng đều treo những tấm biển, viết: THỜI GIỜ RẤT QUÝ - ĐỪNG ĐỂ MẤT! Hay: THỜI GIỜ LÀ TIỀN BẠC – HÃY TIẾT KIỆM! Những tấm biển tương tự cũng đặt trên bàn các ông chủ, treo phía trên đầu các giám đốc, trong phòng khám bệnh của các bác sĩ, trong các hiệu buôn, quán ăn, siêu thị, thậm chí trong cả các trường học và vườn trẻ. Không ai, không nơi đâu là ngoại lệ. Để rồi thành phố cũng càng ngày càng thay đổi diện mạo. Những khu phố cổ bị phá đi, nhà mới được xây nên, người ta bỏ hết những gì bị coi là thừa thãi. Không hơi đâu xây nhà phù hợp ý thích người sống trong đó, vì sẽ phải xây nhiều kiểu nhà khác nháu. Còn xây nhà nào cũng giống nhà nào thì vừa rẻ hơn, lại vừa tiết kiệm được thời gian hơn. Phía bắc thành phố đã có những khu nhà mới trải rộng bát ngát, với cơ man những dãy nhà cao tầng cho thuê giống nhau y hệt. Và vì nhà nào cũng như nhà nấy nên dĩ nhiên phố xá cũng giống nhau mọc lên, trải dài thẳng tắp tới tận chân trời. Thật là một sa mạc ngăn nắp! Cuộc đời của những con người sống ở đây cũng y như thế: thẳng tắp tới tận chân trời! Vì ở đây mọi thứ, từng xăng-ti-mét và từng khoảnh khắc, đã được tính toán và hoạch định chi li. Không ai ngờ được rằng khi mình tiết kiệm thời gian thì thật ra lại đã tiết kiệm một thứ hoàn toàn khác hẳn. Không ai chịu nhận rằng cuộc sống của mình ngày càng một nghèo nàn hơn, ngày một đơn điệu hơn và ngày một lạnh lẽo hơn. Nhưng lũ trẻ cảm thấy điều này rõ rệt, vì nay không còn ai có thì giờ cho chúng nữa. Mà thời gian là cuộc sống. Mà ta cảm nhận cuộc sống bằng trái tim. Càng tiết kiệm thời gian thì lại càng có ít cuộc sống hơn. Chương 7 Momo đi tìm bạn và bị kẻ thù tìm đến “Không hiểu sao,” một ngày nọ Momo nói, “cháu cảm thấy là các bạn cũ của chúng ta bây giờ càng ngày càng ít đến đây chơi. Có mấy đứa lâu lắm rồi cháu không hề gặp.” Gigi - Hướng dẫn viên du lịch và Beppo – Phu quét đường đang ngồi ngắm nhìn mặt trời lặn bên cạnh cô trên bậc đá lún phún cỏ hoang của Nhà hát lộ thiên. “Ừ,” Gigi trầm ngâm đáp, “anh cũng thấy thế thật. Càng ngày càng ít người chịu nghe anh kể chuyện. Không như trước kia nữa. Hẳn là có chuyện gì đây.” “Nhưng chuyện gì mới được chứ?” Momo hỏi. Gigi nhún vai, đăm chiêu phun nước bọt xóa mấy chữ cái gã viết nguệch ngoạc trên tấm bẳng cũ bằng phiến thạch. Tấm bảng này ông già Beppo nhặt được trong thùng rác mấy tuần trước rồi đem về cho Momo. Dĩ nhiên nó không còn mới nữa, ở giữa nứt một đường to, nhưng dùng vẫn tốt chán. Từ hôm ấy ngày ngày Gigi dạy Momo tập viết chữ cái này chữ cái nọ. Vì có trí nhớ tốt nên cô đã dần dần đọc rất khá. Riêng, chuyện tập viết thì cô chưa thật rành. Beppo – Phu quét đường, sau khi ngẫm nghĩ về điều Momo vừa hỏi, chậm rãi gật gù: “Ừ, đúng thế thật. Nó sắp tới rồi. Nó đã có mặt khắp nơi trong thành phố này. Chú đã nhận thấy từ lâu rồi.” “Chú nói chuyện gì vậy?” Momo hỏi. Beppo lại ngẫm nghĩ một lúc rồi mới đáp: “Chuyện không hay.” Lát sau ông nói thêm: “Lạnh thật thôi.” “Có gì đâu!” Gigi choàng tay lên vai Momo an ủi, “bù lại càng thêm nhiều trẻ con tới đây chơi.” “Phải, chính vì thế,” Beppo lẩm bẩm, “chính vì thế.” “Chú nói về chuyện gì mới được chứ ?” Momo hỏi. Beppo ngẫm nghĩ thật lâu rồi đáp: “Đám trẻ đến đây không phải để chơi với bọn ta đâu. Chúng chỉ tìm một chỗ trú ẩn đấy thôi.” Ba chú cháu cùng nhìn xuống vạt cỏ hình tròn giữa Nhà hát lộ thiên, nơi lũ trẻ đang chơi một trò chơi bóng mà chúng mới nghĩ ra chiều nay. Trong đám này có vài đứa đã từ lâu là bạn của Momo: cậu bé đeo kính Paolo, cô bé Maria với thằng em Dedé, thằng Massimo mập ú giọng như con gái và thằng Franco lúc nào trông cũng nhếch nhác. Ngoài ra còn mấy đứa nữa mới nhập bọn từ vài ngày nay và một cậu bé mới đến đây hồi chiều. Có lẽ Gigi nói đúng: càng ngày càng thêm nhiều trẻ con đến đây. Lẽ ra thì Momo vui lắm cơ. Nhưng đáng tiếc là phần lớn đám trẻ này không biết cách chơi. Chúng chỉ rầu rĩ buồn chán ngồi nhìn Momo và các bạn của cô. Đôi khi chúng lại còn cố ý phá đám làm mất cả vui. Thành ra không mấy khi tránh khỏi cãi vã. Nhưng dĩ nhiên chỉ cần Momo xuất hiện là chúng liền hòa giải ngay; rồi chúng lại nghĩ ra nhiều trò chơi độc đáo và thú vị. Hầu như ngày nào cũng có thêm những đứa trẻ mới khác tìm đến đây, có nhiều đứa đến từ những khu phố xa. Thành ra mọi trò chơi cứ phải thường xuyên lặp lại từ đầu vì, như ta biết, chỉ cần một kẻ phá đám thôi là đủ làm hỏng hết tất cả. Lại thêm chuyện này nữa mà Momo không thể hiểu rõ nguyên do. Cũng mới gần đây thôi; càng ngày lũ trẻ càng mang đến lắm thứ khó chơi thoải mái được, chẳng hạn một chiếc xe tăng điều khiển được từ xa, cho chạy loanh quanh, thế là hết chuyện, chứ ngoài ra không làm gì hơn được nữa. Hay là một chiếc hỏa tiễn gắn vào đầu cây que chỉ bay quanh được theo hình tròn, chứ không thể chơi cách khác được. Hay một một người máy tí hon bước chập chững, đầu lắc lư, mắt sáng ngời, ngoài ra không dùng được vào chuyện gì khác. Dĩ nhiên đó là những đồ chơi rất đắt tiền mà các bạn của Momo chẳng đời nào có nổi, huống chi Momo. Tất cả những món này lại thật hoàn chỉnh đến từng chi tiết nhỏ, khiến chúng chẳng cần phải tưởng tượng gì hết mà vẫn chơi được. Bởi vậy nên đám trẻ thường ngồi hàng giờ nhìn như bị thôi miên – nhưng thật nhàm chán – vào một món đồ chơi chỉ biết hoặc chạy ào tới hoặc đi chập chững hoặc bay quanh theo hình tròn. Nhưng chúng không nảy ra được một sáng kiến nào hết. Vì thế mà cuối cùng chúng quay trở lại với những trò chơi quen thuộc, chỉ cần vài ba hộp giấy, một tấm khăn bàn te tua, một gò chuột chũi hay một nắm sỏi là đủ. Vừa chơi chúng vừa nghĩ ra đủ trò, đủ cách. Trò chơi của đám trẻ chiều hôm nay chẳng hiểu sao cũng không được suôn sẻ. Hết đứa này nghỉ chơi đến đứa khác. Cuối cùng chúng ngồi xúm quanh Gigi. Beppo và Momo. Chúng mong rằng có thể sẽ được nghe Gigi kể chuyện gì đấy, nhưng Gigi không kể. Có một thằng nhỏ, mới đến đây lần đầu, xách theo cái radio. Nó ngồi hơi cách biệt với mọi người, mở máy thật to. Một chương trình quảng cáo. “Mày không vặn cái máy ngu ngốc của mày nhỏ hơn được à?” Thằng Franco nhếch nhác hỏi với giọng dọa nạt. “Mày nói gì tao không hiểu,” thằng nhỏ lạ mặt kia ngoác miệng cười đáp, “radio của tao kêu to quá.” “Vặn nhỏ lại ngay1” Franco vừa lớn tiếng vừa đứng lên. Thằng nhỏ kia hơi tái mặt nhưng vẫn ngang ngạnh: “Mày không có quyền gì để ra lệnh cho tao. Không ai có quyền cả. Tao muốn vặn lớn bao nhiêu tùy thích.” “Nó nói đúng,” Ông già Beppo nói, “chúng ta không cấm nó được. Chỉ có thể yêu cầu thôi.” Franco liền ngồi xuống. “Nó xéo đâu khuất mắt đi cho xong,” Franco cau có nói, “suốt cả buổi chiều nay nó toàn phá đám tụi cháu.” “Hẳn là nó phải có lí do chứ,” Beppo đáp rồi thần mặt chăm chú nhìn thằng bé qua đôi mắt kính nhỏ. “Nhất định nó phải có lí do.” Thằng nhỏ lạ mặt kia ngồi im. Lát sau nó vặn nhỏ lại rồi ngó qua hướng khác. Momo lại gần, lặng lẽ ngồi xuống cạnh nó. Nó liền tắt máy. Mọi người im lặng một lúc. Rồi một đứa trong đám trẻ mới tới đây lần đầu yêu cầu : “Anh Gigi kể chuyện đi”. “Phải đấy, anh Gigi kể đi,” những đứa khác hùa theo, “kể chuyện vui! – Không, chuyện kích động cơ! – Không, chuyện cổ tích cơ! – Không, chuyện phiêu lưu cơ!” Nhưng Gigi không kể. Đó là lần đầu tiên gã không chiều ý tụi nhỏ. “Anh muốn,” gã nói, “các em kể anh nghe về các em, về gia đình các em, các em làm gì và vì sao tìm đến đây chơi.” Lũ trẻ ngồi im như hến. Mặt đứa nào cũng bỗng dưng buồn bã và khép kín. “Nhà em mới tậu một chiếc ô-tô thật đẹp,” cuối cùng một đứa lên tiếng. “Thứ bảy, khi bố mẹ em rảnh thì bố mẹ em đem xe ra lau rửa. Nếu em ngoan thì em được bố mẹ cho rửa xe ké. Mai sau lớn lên em cũng muốn có một cái xe như thế.” “Còn em,” một bé gái nói, “nếu muốn thì mỗi ngày em đều được đi xem phim. Đó là bố mẹ em đền bù cho em, vì bố mẹ em không có thì giờ chơi với em.” Ngừng một lúc cô nói thêm: “Em không muốn được đền bù. Vì thế em lén tới đây, còn tiền mua vé thì em để dành. Khi nào đủ tiền em sẽ mua vé xe đến thăm bảy chú lùn.” “Cậu lẩn thẩn quá!” Một đứa khác kêu lên, “làm gì có bảy chú lùn.” “Có chứ!” cô bướng bỉnh cãi. “Tớ đã từng thấy trong các tờ quảng cáo du lịch rồi.” “Em đã có được mười một đĩa nhựa kể chuyện cổ rồi,” một cậu bé nói, “em muốn nghe bao nhiêu cũng được. Hồi trước, đi làm về, tối tối bố em vẫn thường kể chuyện cổ tích cho em nghe. Thích lắm. Bây giờ bố em chẳng bao giờ có nhà. Còn nếu có nhà thì bố em hoặc là mệt hoặc không thích kể chuyện cho em nữa.” “Thế mẹ cậu?” Cô bé Maria hỏi. “Bây giờ mẹ tớ cũng đi vắng suốt ngày.” “Ấy,” Maria nói, “nhà em cũng thế. May mà em có bé Dedé.” Nó cúi hôn đứa em đang bế trong lòng rồi kể tiếp: “Đi học về em hâm món ăn cho hai chị em. Rồi em làm bài. Rồi…,” nó nhún vai, “rồi chúng em chạy chơi rông cho tới tối. Thường thì tụi em tới đây.” Những đứa kia gật đầu; hoàn cảnh của chúng ít nhiều đều giống như thế cả. “Đúng ra em rất vui,” Franco nói nhưng mặt nó lại chẳng vui chút nào, “khi bố mẹ em không có thì giờ cho em. Vì nếu có thì giờ thì hai ông bà luôn cãi vã nhau, còn em toàn bị hứng đòn.” Chợt thằng nhỏ với chiếc radio xách tay kia chõ miệng nói: “Còn em được nhiều tiền tiêu vặt hơn hẳn trước đây!” “Rõ ràng rồi!” Franco nói, “các ông bố bà mẹ làm như thế là để thoát khỏi chúng ta! họ không thương chúng ta nữa. Mà chính họ cũng không còn thương nhau nữa. Họ chẳng còn thích gì hết thảy. Em nghĩ thế đấy.” “Không đúng!” Thằng nhỏ lạ mặt kia giận dữ lớn tiếng cãi. “Bố mẹ tớ rất thương tớ. Nhưng bố mẹ tớ không phải chịu trách nhiệm vì không còn thì giờ rảnh nữa. Tại hoàn cảnh mà. Vì thế bố mẹ đã cho tớ cái radio xách tay này. Đắt tiền lắm đấy. Nó chứng minh rằng bố mẹ rất thương tớ, đúng không?” Cả đám ngồi lặng thinh. Bỗng dưng thằng nhỏ cả chiều nay phá đám òa lên khóc. Nó cố nín, đưa hai bàn tay bẩn thỉu lau mắt, nhưng nước mắt cứ tuôn trào để lại những vệt trắng trên đôi má lấm lem của nó. Lũ trẻ nhìn nó đầy cảm thông hoặc ngó xuống đất. Bây giờ thì chúng hiểu nó rồi. Vì thật ra đứa nào cũng đều cảm thấy, đã bị bố mẹ bỏ rơi, như thằng bé kia. “Ừ,” một lúc lâu sau ông già Beppo nói, “lại lạnh đấy.” “Có lẽ tớ sắp không còn được phép tới đây nữa đâu,” Paolo – thằng nhỏ đeo kính – nói. “Sao thế?” Momo ngạc nhiên hỏi. “Bố mẹ tớ bảo các bạn toàn là lũ lười biếng ăn cắp vặt.” Paolo đáp. “Các bạn ăn cắp thời gian của Chúa, bố mẹ tớ bảo thế. Vì thế mà các bạn thừa thãi thời gian. Chính vì có quá nhiều hạng người như các bạn nên người khác càng ngày càng ít thời gian. Bố mẹ tớ bảo thế. Tớ không được đến đây nữa, kẻo sẽ trở thành y như các bạn.” Có vài đứa đã được nghe người lớn nói những điều tương tự liền gục gặc đầu. Gigi nhìn từng đứa một rồi nói: “Các em cũng tin những điều người ta nói như thế về bọn anh ư? Mà sao các em vẫn cứ tới đây?” Franco lên tiếng sau một lúc im lặng: “Ai nói gì cứ nói, còn em mặc kệ. Bố mẹ em vẫn bảo mai sau đằng nào em cũng thành quân cướp đường. Em đứng về phía các anh.” “Thế à?” Gigi nhướng mày hỏi, “các em cũng xem các anh đây là quân ăn cắp ngày đấy?” Lũ trẻ bối rối nhìn xuống đất. Cuối cùng Paolo nhìn xoáy vào mặt Beppo. “Bố mẹ cháu đâu có nói dối,” nó khẽ nói. Rồi nó hỏi – còn khẽ hơn nữa: “Các chú không phải quân ăn cắp ngày chứ?” Người phu quét đường già liền đứng thẳng lên trong vóc dáng không mấy cao lớn, chĩa ba ngón tay lên trời nói: “Trong đời, chú chưa hề - chưa hề nhé – ăn cắp của Chúa kính yêu hay của một đồng loại chút xíu thời gian nào gọi là có. Chú thề có Chúa chứng giám” “Tớ cũng thề luôn!” Momo nói. “Anh cũng vậy!” Gigi nghiêm trang nói. Lũ trẻ im lặng, thán phục. Không đứa nào hoài nghi lời thề của ba người bạn kia. “Đã thế thì bây giờ anh có điều muốn nói với các em,” Gigi nói tiếp. “Trước đây mọi người luôn thích tìm đến Momo để được cô lắng nghe họ tâm sự. Qua đó họ tìm thấy chính mình, nếu các em hiểu anh nói gì. Nhưng mà bây giờ họ không có nhu cầu ấy nữa. Trước kia người ta thường thích đến nghe anh kể chuyện. Họ nghe đến quên mình luôn. Bây giờ họ cũng không có nhu cầu nữa. Họ bảo rằng không có thì giờ cho những chuyện như thế. Thì giờ cho các em họ cũng không có luôn. Các em có nhận thấy điều lạ lùng này không: họ không có thì giờ vì chuyện gì mới được chứ?” Gã nheo mắt gục gặc đầu, rồi nói tiếp: “Mới đây anh gặp ông thợ hớt tóc Fusi, một người quen cũ trong thành phố. Đã lâu rồi mới được gặp nên tí nữa anh không nhận ra. Ông ta đổi khác quá: nóng nảy, cau có. Trước kia ông ta rất vui tính và dễ thương, hát hay lắm và thường có những ý nghĩ độc đáo về nhiều chuyện. Nay bỗng dưng ông ta không còn thì giờ cho những chuyện ấy nữa. Ông ta chỉ còn là bóng ma của của ông Fusi ngày trước, các em hiểu chứ? Nếu chỉ một mình ông ta như thế thôi thì hẳn anh sẽ cho rằng ông ta hơi dở người. Đằng này nhìn đâu cũng toàn thấy những người giống như thế. Mà ngày một nhiều hơn. Thậm chí ngay những người bạn cũ của bọn anh cũng bắt đầu giống như thế luôn rồi! Anh tự hỏi có thứ bệnh điên truyền nhiễm không?” Ông già Beppo gục gặc đầu. “Chắc chắn,” ông nói, “hẳn phải là một thứ bệnh truyền nhiễm rồi.” “Thế thì chúng ta phải giúp họ ấy chứ!” Momo hốt hoảng nói. Tối hôm ấy ông già Beppo, Gigi, Momo và cả đám bạn của cô còn bàn bạc rất lâu xem có thể làm được gì. Nhưng tuyệt nhiên chẳng ai ngờ tới những gã màu xám và những hoạt động không mệt mỏi của họ. Hôm sau và những ngày kế tiếp Momo đi tìm mấy người bạn cũ hỏi xem đã có chuyện gì khiến họ không đến chơi với cô nữa. Trước hết cô tìm đến anh thợ nề Nicola. Cô biết rõ ngôi nhà anh ta ở trọ, trong một căn phòng nhỏ sát mái. Nhưng anh không có nhà. Người trong nhà chỉ biết hiện nay Nicola làm việc ở khu phố mới, tận đầu kia thành phố và kiếm được bộn tiền. Bây giờ anh ta thảng hoặc mới về nhà và thường là rất khuya. Anh ta lại thường không mấy tỉnh táo nên không trò chuyện được ăn ý như xưa nữa. Momo quyết định ngồi ở cầu thang ngay trước cửa phòng chở Nicola về. Trời tối dần và cô thiếp đi. Khi cô bị tiếng chân rầm rầm và tiếng hát khàn khàn làm cho thức giấc thì chắc đã khuya lắm rồi. Chính là anh thợ nề Nicola đang loạng choạng leo cầu thang. Thấy cô anh ta liền bối rối đứng khựng lại. “Ơ, Momo!” Anh ta lầm bầm, lúng túng vì gặp cô trong tình huống như thế này. “Tưởng không còn gặp em nữa chứ! Em tìm ai ở đây?” “Tìm anh,” Momo rụt tè đáp. “Thật là quá sức!” Nicola lắc đầu quầy quậy cười. “Té ra giữa khuya cô đến đây tìm bạn cũ Nicola đấy! Chà, lẽ ra anh phải đến thăm em từ lâu rồi cơ, nhưng anh không có thời giờ nữa cho … những chuyện riêng tư như thế này.” Anh ta bồn chồn vung tay rồi nặng nề ngồi xuống bậc thang, cạnh Momo. “Theo em thì bây giờ anh ra sao nào? Không còn như xưa nữa đâu! Thời buổi đã thay đổi rồi. Chỗ anh làm việc bây giờ theo một tốc độ khác hẳn. Như bị ma đuổi. Mỗi ngày bọn anh phải đập nát cả một tầng nhà; đập hết tầng này đến tầng kia. Mà công việc khác hẳn xưa kia! Mọi chuyện đều được tổ chức hết, từng động tác một, em hiểu không, cho tới động tác cuối cùng…” Nicola nói tiếp, còn Momo lắng nghe. Cô càng lắng nghe thì anh ta càng bớt sôi nổi. Thình lình anh ta ngừng lại, đưa đôi bàn tay chai sạn vuốt mặt. “Anh nói toàn chuyện vớ vẩn đâu đâu,” bỗng dưng anh ta rầu rĩ. “Momo, em thấy đấy, anh lại quá chén rồi. Đúng thế. Hiện nay anh thường hay quá chén. Nếu không thì anh không chịu nổi những việc bọn anh làm ở đó. Nó trái với lương tâm người thợ nề chân chính. Vữa trộn quá nhiều cát, em hiểu không? Như thế chỉ chịu nổi chừng bốn, năm năm; rồi khi có người ho là đổ sụp ngay. Mọi việc đều cẩu thả, cực kỳ cẩu thả! Nhưng đó chưa phải là tệ nhất đâu. Tệ nhất là những ngôi nhà bọn anh đã xây kia! Đó không thể gọi là nhà được, mà là những cái kho… chứa linh hồn! Thấy mà buồn nôn! Nhưng liên quan gì tới anh?Anh lĩnh tiền, thế là xong. Thì đã bảo thời thế đổi thay mà. Trước đây anh khác hẳn, anh tự hào về công việc của mình, khi bọn anh xây được chút gì đáng trân trọng. Còn bây giờ… Đến một lúc nào đó, khi kiếm được đủ tiền, anh sẽ giải nghệ, làm nghề khác.” Anh ta cúi gầm, rầu rĩ nhìn mông lung. Momo không nói gì hết, chỉ lắng nghe. “Có lẽ,” Nicola khẽ nói sau một lúc lâu, “một lúc nào đó anh phải tìm đến em mới được, để kể em nghe hết mọi điều. Phải đấy! Ngay ngày mai, được không? Hay em muốn ngày kia hơn? Ừ, để xem anh sắp xếp thế nào. Nhưng chắc chắn anh sẽ đến. Đồng ý không?” “Đồng ý,” Momo vui sướng đáp. Rồi Momo chia tay Nicola, vì cả anh thợ nề lẫn cô bé đều đã mệt nhoài. Nhưng ngày kia Nicola không đến, cả hôm sau nữa cũng không. Hoàn toàn không đến. Có lẽ anh ta không có thời giờ thật. Rồi Momo đến thăm anh chàng chủ quán Nino và chị vợ phục dịch của anh ta. Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ với lớp tường vôi loang lổ nước mưa và giàn nho trước cửa nằm ven thành phố. Như mọi lần, Momo đi vòng tới cửa bếp sau nhà. Cửa không đóng nên ngay từ xa Momo đã nghe thấy Nino và chị vợ Liliana đang to tiếng với nhau. Liliana đang bận rộn với xoong chảo trên bếp. Khuôn mặt béo tốt của chị nhẫy mồ hôi. Nino đang khoa chân múa tay thuyết phục vợ. Còn đứa con nhỏ của họ khóc ré trong nôi ở một góc bếp. Momo khẽ khàng ngồi xuống bên cạnh, ôm đứa bé vào lòng, nhẹ nhàng đung đưa cho tới lúc nó nín. Hai vợ chồng ngừng cãi nhau nhìn về phía đứa nhỏ. “A, Momo đấy à,” Nino khẽ nhếch mép cười. “Gặp lại em thật là quý hóa.” “Muốn ăn gì không?” Liliana hỏi cộc lốc. Momo lắc đầu. “Vậy em muốn gì mới được chứ?” Nino nóng nảy hỏi. “Lúc này vợ chồng anh quả thật không có thì giờ cho em đâu.” “Em chỉ muốn hỏi là sao lâu lắm rồi anh chị không đến chơi với em nữa?” Momo khẽ đáp. “Anh cũng không biết tại sao!” Nino bực bội đáp. “Hiện giờ anh chị có chuyện khác để lo.” “Đúng thế,” Liliana vừa đáp vừa khua xoong chảo, “bây giờ anh ấy bận tâm chuyện khác! Chẳng hạn làm cách nào tống cổ những ông khách già thân quý. HIện nay đó là chuyện anh ấy bận tâm! Momo, em còn nhớ những ông khách già trước đây vẫn luôn ngồi ở cái bàn trong góc kia không? Anh ấy đã xua đuổi họ đấy! Anh ấy đã tống cổ họ đấy!” “Anh không hề làm thế!” Nino cãi. “Anh đã lễ phép yêu cầu họ tìm một quán nào khác. Là chủ quán anh có quyền chứ.” “Quyền với hành!” Liliana nổi nóng. “Không làm thế được. “Như thế là bất nghĩa và đê tiện. Anh biết rõ rằng họ không tìm được một quán nào khác. Ở đây họ chẳng làm phiền ai cả!” “Dĩ nhiên họ chẳng làm phiền ai hết!” Nino kêu lên. “Nhưng chẳng có vị khách hàng đàng hoàng nào chịu trả tiền để vào quán của mình chừng nào những lão già râu ria không cạo này vẫn còn ngồi lỳ ở đó. Em nghĩ là khách hàng thích như thế à? Rồi mỗi lão già chỉ mua đúng một ly vang đỏ rẻ tiền để ngồi suốt buổi tối thì chúng mình lãi ở đâu! Cứ thế thì chúng mình sẽ chẳng bao giờ làm nên trò trống gì?” “Cho đến nay vợ chồng mình vẫn sống đầy đủ,” Liliana đáp lại. “Phải, cho đến nay!” Nino gay gắt. “Nhưng em biết rất rõ rằng không thể tiếp tục như thế được nữa. Chủ nhà đã tăng tiền thuê. Bây giờ phải trả hơn trước một phần ba. Mọi thứ đều đắt đỏ hơn. Đào đâu ra tiền, nếu anh biến cái quán này thành nơi tạm trú cho những ông già run lẩy bẩy khốn khổ kia? Tại sao anh lại phải quan tâm đến người khác? Trong khi chẳng ai thèm quan tâm đến anh cả.” Chị Liliana núng nính giằng mạnh chảo lên bếp. “Em nói cho anh biết,” chị chống hai tay trên cái hông to kềnh, lớn tiếng. “Trong số những ông già run lẩy bẩy khốn khổ kia, như anh gọi đó, có cả chú Ettore của em! Và em không cho phép anh hạ nhục gia đình em! Chú ấy là một người tốt và đàng hoàng, cho dù chú không được nhiều tiền như khách hàng của anh!” “Chú Ettore cứ việc tới đây!” Nino khoát rộng tay nói. “Anh có nói như thế với chú rồi. Chú muốn ngồi bao lâu cũng được. Nhưng chú không chịu.” “Dĩ nhiên chú không chịu, nếu thiếu các ông bạn của chú! Anh tưởng sao nào? Chẳng lẽ chú ấy chịu ngồi thui thủi một mình một góc à?” “Anh không làm khác được!”Nino gào lên. “Dẫu sao anh cũng không muốn làm chủ một cái quán tồi tàn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ vì phải quan tâm đến ông chú Ettore của em! Anh muốn cái quán này ăn nên làm ra! Anh muốn làm được chút gì từ cái quán này! Anh làm đâu phải chỉ vì anh. Anh làm vì em và con chúng ta nữa. Chẳng lẽ em không hiểu nổi ư, Liliana?” “Không,” Liliana gay gắt đáp, “nếu chỉ bằng sự nhẫn tâm, nếu đã bắt đầu như thế rồi, thì không có em! Rồi sẽ có ngày em bỏ đi cho mà xem. Anh muốn làm gì, tùy anh!” Rồi chị ôm lấy đứa bé đang khóc mếu trở lại trong lòng Momo, chạy ra khỏi nhà bếp. Nino không nói gì một lúc thật lâu. Anh châm điếu thuốc rồi vân vê giữa những ngón tay. Momo nhì anh chăm chú. Cuối cùng anh nói: “Ừ, thì họ toàn là những ông già dễ mến cả. Anh cũng mến họ lắm. Em biết không, Momo, anh rất tiếc đã … nhưng anh biết làm sao đây? Thời thế đổi thay rồi.” Anh ngừng một lúc rồi nói tiếp: “Có thể chị Liliana có lý. Từ khi những ông già kia bỏ đi thì anh thấy cái quán này khác lạ làm sao ấy. Anh thấy nó lạnh lẽo, em hiểu không? Ngay chính anh cũng không ưng. Anh thật không biết nên làm gì. Nhưng ngày nay ai cũng đều thế cả. Tại sao riêng anh phải khác chứ? Hay là theo em anh nên làm khác?” Momo gật đầu rất nhẹ. Nino chăm chú nhìn cô rồi cũng gật đầu. Rồi cả hai anh em cùng mỉm cười. “Em đến chơi thật hay quá,” Nino nói. “Anh quên béng rằng trước kia, mỗi khi gặp chuyện tương tự anh chị luôn nói: “Đến gặp Momo!” – Anh sẽ lại đến gặp em đấy nhé, có cả chị Liliana nữa. Ngày kia quán đóng cửa nghỉ hàng tuần thì anh chị sẽ đến. Nhé?” “Đồng ý,” Momo đáp. Rồi Nino đưa cô một túi đầy cam táo. Momo ôm túi quà về nhà. Đúng ngày hẹn Nino và chị vợ núng nính đến thật. Họ đem theo cả đứa bé với một giỏ đầy những món ngon lành. “Em nghĩ xem, Momo,” Liliana rạng rỡ nói, “anh Nino đã đến gặp chú Ettore và các cụ già, xin lỗi từng người và yêu cầu họ lại đến quán anh chị.” “Đúng thế,” Nino gãi tai cười nói thêm, “các cụ ấy đều trở lại quán rồi. Quán anh chị chắc rằng sẽ chẳng phất nổi đâu, nhưng anh lại thấy vui.” Anh cười, còn chị vợ nói: “Anh Nino, vợ chồng mình sống được mà.” Chiều hôm ấy thật vui. Cuối cùng, khi ra về, họ hứa sẽ sớm trở lại. Cứ thế, Momo hết tìm gặp người bạn này đến người bạn khác. Momo đến gặp anh thợ mộc trước đã đóng giúp cô cái bàn con với những cái ghế từ ván thùng. Cô tìm đến các bà đã khiêng cho cái giường. Nói tóm lại: Momo đi gặp hết thảy những người trước đây cô vẫn chăm chú nghe họ tâm sự, khiến họ trở nên chín chắn, kiên quyết hay vui vẻ. Ai nấy đều hứa sẽ lại đến thăm cô. Có người không giữ hay không thể giữ được lời hứa, vì không có thời giờ. Nhưng quả thật, nhiều người đã đến thăm cô, không khác gì ngày trước. Thành ra vô tình mà Momo đã cản trở bọn người màu xám đó. Và họ không thể nào chấp nhận được. Chẳng bảo lâu sau đó, vào một buổi trưa cực kỳ oi bức, Momo nhặt được trên thềm đá khu phế tích này một con búp bê. Lũ trẻ vẫn thường bỏ quên những món đồ chơi đắt tiền mà không dễ chơi. Nhưng Momo không nhớ đã từng thấy có đứa bạn nào chơi con búp bê này. Nếu có thì chắc chắn cô sẽ nhớ ra ngay, vì đây là một con búp bê khác lạ. Nó lớn gần bằng Momo và y như thật khiến ai cũng sẽ nghĩ đó là một con người vóc dáng bé nhỏ. Trông nó không giống trẻ nít mà lại như một thiếu nữ thanh lịch hay một búp bê người mẫu. Nó mặc váy ngắn, áo đỏ, đi giày quai da cao gót. Momo say mê nhìn sững con búp bê nọ. Một lúc sau khi cô đưa tay sờ nhẹ, con búp bê chớp mắt ba bốn bận, mấp máy môi rè lên như tiếng điện thoại: “Chào bạn, Tôi là con búp bê toàn hảo, tên Bibigirl.” Momo hết hồn nhảy lùi lại, nhưng rồi tự động đáp: “Chào bạn, tớ tên là Momo.” Con búp bê lại mấp máy môi nói: “Tôi là của bạn. Ai cũng ganh tị với tôi cả.” “Tớ không nghĩ rằng bạn là của tớ,” Momo đáp. “Chắc ai đó đã quên bạn ở đây thôi.” Cô cầm con búp bê giơ lên cao. Nó liền mấp máy môi nói: “Tôi muốn có nhiều thứ hơn nữa.” “Vậy à?” momo trâm ngâm đáp. “Tớ không biết có thứ gì thích hợp với bạn không. Đợi chút xíu, tớ sẽ cho bạn coi đồ chơi của tớ, xem bạn có ưng không nhé.” Momo ôm con búp bê chạy xuống, chui qua hốc tường vào phòng. Cô lôi một cái hộp đựng mấy món đồ quý giá dưới gầm giường ra, đặt trước mặt Bibigirl. “Đây,” Momo nói: “đây là tất cả những gì tớ có được. Thích thứ nào bạn cứ nói.” Rồi cô chìa cho con búp bê xem một cái lông chim sặc sỡ, một viên đá có vân rất đẹp. một cúc áo màu vàng, một miếng kính đủ màu. Con búp bê lặng thinh, Momo liền huých nhẹ nó. “Chào bạn. Tôi là con búp bê toàn hảo, tên Bibigirl.” “Biết rồi, Bibigirl ạ,” Momo nói. “Nhưng bạn muốn kiếm chọn đồ chơi mà. Chẳng hạn tớ có một vỏ sò màu hồng rất đẹp. Đây này. Bạn thích không?” “Tôi là của bạn,” con búp bê đáp, “ai cũng ganh tị với tôi cả.” “Ừ, điều này bạn đã nói rồi mà,’ Momo nói. “Nếu bạn không thích mấy món đồ của tớ thì chúng mình chơi đùa với nhau nhé?” “Tôi muốn có nhiều thứ hơn nữa,” con búp bê lặp lại. “Tớ không có nhiều thứ hơn nữa đâu,” Momo đáp, rồi ẵm búp bê leo trở ra. Cô đặt con búp bê toàn hảo Bibigirl xuống đất rồi ngồi đối diện nó. “Tụi mình chơi trò bạn đến thăm tớ nhé,” Momo đề nghị. “Chào bạn,” con búp bê nói, “tôi là con búp bê toàn hảo, tên Bibigirl.” “Cô đến thăm tôi, thật là quý hóa quá!” Momo đáp. “Thưa cô , cô ở đâu tới vậy ạ?” “Tôi là bạn,” con búp bê lại nói, “ai cũng ganh tị với tôi cả.” “Ấy…ấy…,” Momo nói, “nếu bạn cứ nói đi nói lại mãi có bấy nhiêu thì tụi mình không chơi gì được đâu.” “Tôi muốn có nhiều thứ hơn nữa,” con búp bê nhấp nháy hai hàng mi đáp. Momo thử một trò chơi khác, thấy không được, cô lại thử một trò khác rồi một trò khác nữa. Nhưng chẳng trò chơi nào được hết. Giả thử con búp bê đừng mở miệng nói gì hết thì Momo còn đáp thay nó được, và như thế sẽ có một buổi trò chuyện tuyệt vời. Nhưng chính vì Bibigirl lên tiếng thành ra nó đã cản trở khiến không đối thoại được. Lát sau Momo liền có một cảm giác trước nay cô chưa từng có. Vì nó hoàn toàn mới lạ nên mãi một lúc Momo mới hiểu được đó là sự buồn tẻ. Momo đành chịu thua. Cô chỉ muốn bỏ mặc xác con búp bê toàn hảo, chơi trò gì khác, nhưng không hiểu sao lại không bỏ nó được. Nên Momo cứ đành ngồi nhìn sững con búp bê, ngược lại nó cũng nhìn sững Momo bằng đôi mắt thủy tinh xanh, như thể thôi miên lẫn nhau. Cuối cùng Momo quyết rời mắt khỏi con búp bê, quay mặt đi. Và rồi cô giật thót người: một chiếc xe hơi sang trọng màu xám tro đến đậu gần đấy hồi nào mà cô không hay. Ngồi trong xe là một gã trang phục màu mạng nhện, đội mũ quả dưa cứng màu xám, hút điếu xì-gà nhỏ màu xám. Khuôn mặt hắn cũng xám như tro. Chắc là hắn đã quan sát Momo một lúc lâu rồi, vì cô thấy hắn mỉm cười gật đầu chào. Buổi trưa hôm ấy nóng đến độ không khí như bị rang trong lò lửa, vậy mà Momo chợt ớn lạnh. Bấy giờ người nọ mở cửa xe bước xuống, lại gần Momo. Tay hắn ôm một cái cặp đựng hồ sơ màu xám chì. “Em có con búp bê xinh quá là xinh!” hắn nói với một giọng không có trọng âm kỳ quái. “Các bạn của em hẳn đều ganh tị với em cả thôi.” Momo chỉ hơi nhún vai, không đáp. “Chắc đắt tiền lắm nhỉ?” người khách màu xám nói tiếp. “Em không rõ,” Momo lúng túng đáp, “em tìm thấy nó mà.” “Thế đấy!” Người khách màu xám nói. “Tôi thấy em đúng là quá may mắn.” Momo lại im lặng. Cô kéo chặt cái áo khoác đàn ông thùng thình vì thấy lạnh hơn. “Nhưng tôi có cảm tưởng rằng em không thích gì mấy,” người khách màu xám nhếch mép cười. “Phải thế không, cô bé?” Momo khẽ lắc đầu. Cô bỗng dưng cảm thấy mọi niềm vui biến đâu mất sạch cả - không, phải nói là như chưa từng có niền vui. Và mọi điều cô ngỡ rằng đã thấy đều chỉ là tưởng tượng hết. Nhưng đồng thời cô lại cảm thấy có điều gì đó đang cảnh báo mình. “Tôi đã quan sát em khá lâu rồi đấy,” người khách màu xám nói tiếp, “và tôi có cảm tưởng rằng em không biết cách chơi với một con búp bê tuyệt vời thế này. Tôi chỉ em cách chơi nhé?” Momo gật đầu, sững sốt nhìn hắn. “Tôi muốn có nhiều thứ hơn nữa,” con búp bê chợt ré lên. “Cô bé thấy chưa,” người khách màu xám nói, “chính con búp bê tự nói với em đấy. Không thể chơi với một con búp bê tuyệt vời thế này như với bất cứ con búp bê vớ vẩn nào khác được, dĩ nhiên rồi. Người ta làm ra nó đâu phải để chơi như với bất cứ con búp bê vớ vẩn nào khác. Nếu không muốn chán ngán thì phải có gì mời mọc nó mới được. Nhìn xem này!” Rồi hắn quay ra mở cốp xe. “Trước hết,” hắn nói, “con búp bê cần nhiều quần áo. Chẳng hạn đây là một bộ dạ phục tuyệt vời.” Hắn lấy ra rồi quăng cho Momo. “Còn đây là một chiếc áo lông chồn quý. Còn đây là bộ khoác ngoài áo ngủ bằng tơ lụa. Còn đây là bộ đánh vợt. Đây là bộ trượt tuyết. Đây là bộ áo tắm. Đây là bộ để cưỡi ngựa. Đây là bộ đồ ngủ. Đây là áo ngủ. Một cái khác. Một cái khác nữa. Lại một cái khác nữa. Nữa…” Hắn không ngừng quẳng giữa Momo và con búp bê, dần dần chất thành một đống. “Đấy,” hắn lại nhếch mép cười, “vậy là em chơi được một lúc rồi đấy, phải thế không, cô? Nhưng em nghĩ chỉ sau vài ngày sẽ lại nhàm chán chứ gì? Ấy, bấy giờ em phải có nhiều thứ cho con búp bê của em thôi.” Rồi hắn khom người trên cốp xe, quẳng đồ cho Momo. “Chẳng hạn đây là một xách tay nhỏ hẳn hoi, bằng da rắn, với một thỏi son môi nhỏ xíu và hộp phấn con. Đây là một máy ảnh nhỏ. Đây là cây vợt ten-nít. Đây là máy truyền hình cho búp bê, chạy đàng hoàng. Đây là vòng tay, xuyến, hoa tai, súng lục, vớ lụa, mũ lông, mũ mùa xuân, gậy đánh gôn, sổ chi phiếu, lọ nước hoa, muối tắm, thuốc xịt khử mùi hôi của cơ thể…” Hắn ngừng lại, thăm dò nhìn Momo đang ngồi như tê liệt trên nền đất, giữa bao nhiêu món. “Em thấy đấy.” người khách màu xám nói tiếp, “đơn giản lắm. Cứ luôn có thêm nhiều thứ thì chẳng bao giờ nhàm chán hết. Có thể em nghĩ rằng một ngày nào đó con búp bê Bibigirl hoàn hảo có hết mọi thứ rồi sẽ nhàm chán chăng. Không đâu, cô đừng lo! Lúc ấy chúng ta sẽ có một người bạn thích hợp hơn cho nó.” Rồi hắn lôi ra từ hòm xe một con búp bê khác, cũng to y Bibigirl, cũng tuyệt hảo như thế, chỉ khác đây là một búp bê trai. Người khách màu xám đặt nó ngồi cạnh Bibigirl-hoàn-hảo nói: “Đây là Bubiboy! Nó cũng có cả lô hàng. Chơi chán rồi thì có một bạn gái của Bibigirl với một loạt đồ trang bị riêng. Bubiboy cũng có một bạn trai. Cậu này lại có thêm nhiều bạn trai bạn gái nữa. Em thấy đấy: đừng bao giờ lo nhàm chán, vì sẽ tiếp tục hết thứ này đến thứ khác, mà thế nào cũng sẽ có thứ để em ao ước cho mà xem.” Hắn vừa nói vừa lôi hết con búp bê này đến con búp bê khác từ cái cốp xe chừng như vô tận kia, đặt quanh cô bé Momo vẫn đang ngồi bất động và chừng như đang hốt hoảng nhìn hắn. “Sao?” Hắn phun một cụm khói dày, hỏi: “em đã hiểu phải chơi với búp bê loại này bằng cách nào chưa?” “Rồi,” Momo đáp. Cô bắt đầu run rẩy vì lạnh. Người khách màu xám rít điếu xì-gà, gật đầu hài lòng. “Bây giờ hẳn là em muốn giữ những thứ này chứ gì? Được thôi, tôi tặng em đấy! Em sẽ có tất cả - dĩ nhiên không phải hết một lần, mà từng món một - và còn nhiều thứ nữa. Em chẳng cần phải làm gì hết. Em chỉ cần chơi như tôi đã giải thích thôi. Em thấy sao?” Người khách màu xám mỉm cười khấp khởi nhìn Momo, nhưng khi thấy cô chỉ lặng thinh, đăm đăm nhìn hắn, thì hắn liền vội vã nói thêm: “Thế là em sẽ không cần phải có bạn bè gì nữa, em hiểu chứ? Em sẽ có đủ mọi thứ để giải trí, một khi tất cả những thứ đẹp đẽ này thuộc về em và em sẽ vẫn còn nhận được thêm nhiều nữa, đúng không nào? Mà em muốn thế, phải không nào? Em muốn con búp bê tuyệt vời này chứ gì? Em muốn có nó bằng được, đúng không?” Momo lờ mờ cảm thấy sắp phải đương đầu với một cuộc đấu tranh cam go, không, phải nói là cô đang đang chiến đấu mới đúng. Nhưng cô không biết tranh đấu về chuyện gì, với ai. Vì càng nghe vị khách này nói thì Momo càng cảm thấy sao giống như con búp bê hồi nãy: cô nghe rõ âm thanh, nhưng không nghe thấy người nói âm thanh ấy. Cô lắc đầu. “Sao, sao?” Người khách màu xám nhướng cao mày hỏi. “Thế mà em vẫn không đủ hài lòng ư? Trẻ con thời buổi này thật đòi hỏi nhiều quá! Em có thể nói cho tôi biết con búp bê hoàn hảo này có chỗ nào khiến em không hài lòng nào?” Momo cúi nhìn xuống đất, ngẫm nghĩ. “Em nghĩ rằng,” cô khẽ đáp, “người ta không thể nào yêu thương nổi nó.” Người khách màu xám lặng thinh một lúc, cặp mắt vô hồn giống như mắt con búp bê kia nhìn sững đâu đâu. Rồi hắn mệt nhọc gắng sức đáp, giọng lạnh như băng. “Chuyện đó thì dính dáng gì.” Momo nhìn vào mắt hắn, thấy sợ, nhất là sợ ánh mắt lạnh lẽo của hắn. Nhưng lạ lùng sao cô cũng lại thấy tội nghiệp hắn mà không thể nói được tại sao. “Nhưng mà,“ Momo nói, “em yêu mến các bạn của em.” Người khách màu xám nhăn mặt như chợt bị đau răng. Nhưng hắn trấn tĩnh ngay được và liền nhếch mép mỉm cười. “Tôi nghĩ rằng,” hắn dịu dàng đáp, “chúng ta nên nói với nhau một lần cho ra đầu ra đũa, em bé ạ, để em biết chuyện này ý nghĩa thế nào.” Rồi hắn móc túi lấy ra một quyển sổ nhỏ, lật mãi cho tới chỗ muốn tìm. “Em tên là Momo, phải không?” Momo gật đầu. Người khách màu xám cất sổ vào túi rồi khẽ thở hổn hển ngồi xuống cạnh Momo. Hắn im lặng một lúc lâu, trầm ngâm bập bập điếu xì-gà xám nhỏ. “Momo này, em nghe cho kỹ điều tôi nói nhé!” Cuốn cùng hắn lên tiếng. Thì Momo vẫn cố lắng nghe từ nãy đến giờ đấy chứ. Nhưng lắng nghe hắn thật khó hơn lắng nghe mọi người khác từ trước đến nay nhiều. Với mọi người thì có thể nói là Momo đi guốc trong bụng họ, hiểu họ nghĩ gì và thật lòng tới đâu. Còn với vị khách này thì Momo đành chịu thua. Cô đã thử nhiều lần mà lần nào cũng đều có cảm tưởng như rơi vào bóng tối trống rỗng, như thể hắn không có thật. Momo chưa từng gặp chuyện như thế bao giờ. “Điều chính yếu duy nhất ở đời,” người khách màu xám nói tiếp, “là ta làm nên chuyện gì đó, thành một người nào đó, có được gì đó. Ai tiến xa hơn, ai nổi tiếng hơn, ai có được nhiều hơn thì tự khắc sẽ có mọi điều: tình bạn, tình yêu, danh dự và nhiều thứ khác nữa. Em bảo rằng em yêu mến các bạn của em. Ta hãy thử khách quan xét xem thế nào nhé.” Người khách màu xám nhả khói thành hình vào con số không. Momo co hai bàn chân trần dưới váy, cố hết sức thu người lại trong cái áo khoác rộng thùng thình. “Câu hỏi đầu tiên đặt ra là,” người khách màu xám nói tiếp, “có em thì các bạn của em được gì? Có em thì các bạn em lợi lộc gì không? Không. Có em thì các bạn em tiến thân hơn, thu nhập nhiều hơn, thành đạt hơn chăng? Rõ ràng là không. Em giúp được họ tiết kiệm thời gian chăng? Không, ngược lại thì có. Em cản trở họ! em là gánh nặng cho họ, em phá hoại bước tiến của họ! Momo à, có thể từ trước đến nay em không biết điều này, nhưng sự hiện hữu của em đã làm hại bạn bè của em. Đúng thế, vô tình em đã thành kẻ thù của họ! Vậy mà em bảo như thế là yêu mến họ được ư?” Momo không biết trả lời sao. Cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này, nên băn khoăn rằng biết đâu người khách màu xám này có lý. “Chính vì thế,” người khách màu xám nói tiếp, “bọn ta mới định che chở cho các bạn em trước ảnh hưởng tai hại của em. Nếu em thật lòng yêu mến họ thì em hãy giúp bọn ta trong chuyện này. Bọn ta muốn rằng họ thành đạt. Bọn ta là những người bạn chân chính của họ. Bọn ta không thể đành lòng im lặng nhìn em cản trở họ trước những chuyện quan trọng. Bọn ta sẵn lòng làm tất cả miễn là em để họ yên. Chính vì thế mà bọn ta tặng em những món đồ đẹp đẽ này đây.” “Ông nói ‘bọn ta’ là ai mới được chứ? Momo run run đôi môi hỏi. “Bọn ta là người của Quỹ tiết kiệm Thời gian ấy mà,“ người khách màu xám đáp. “Tôi là đại lý số BLW/553/c. Tôi đây thật lòng nghĩ tốt cho em, chứ không đùa với Quỹ tiết kiệm Thời gian được đâu.” Tức thì Momo nhớ tới điều mà chú Beppo – Phu quét đường và Gigi đã nói về việc tiết kiệm thời gian và về sự lây nhiễm. Cô hết sức lo vì cảm thấy người khách màu xám này liên quan tới chuyện kia. Chưa bao giờ Momo thấy cô đơn đến thế. Nhưng cô quyết không sợ Momo tập trung hết sức lực và cam đảm lăn xả vào bóng tối âm u và sự trống rỗng là hai thứ bình phong mà người khách màu xám này đã dùng để che đậy trước mặt cô. Trong khi đó thì hắn liếc mắt quan sát Momo. Những thay đổi trên nét mặt cô bé không lọt qua khỏi mắt hắn. Hắn mỉm cười chế nhạo trong lúc dùng mẩu xì-gà xám mồi điếu mới. “Đừng phí công, cô bé ạ,” hắn nói, “cô không địch nổi bọn ta đâu.” Momo không chịu thua. “Không có ai thương yêu ông sao?” Cô thì thầm hỏi. Người khách màu xám ủ rũ co rúm người lại. Rồi hắn trả lời bằng giọng màu xám tro: “Quả thật ta chưa từng gặp phải người nào như em. Thật đấy. Mà em nên nhớ rằng ta biết khối người nhé. Giả thử có nhiều người như em thì bọn ta đến phải đóng cửa Quỹ tiết kiệm sớm, rồi sẽ phải tự tan biến mất tăm. Vì bọn ta sẽ sống bằng gì?” Viên đại lý ngừng nói, đăm đăm nhìn Momo có vẻ như hắn đang chống chọi lại điều gì đó mà hắn không đủ sức và không hiểu nổi. Khuôn mặt hắn lại càng xám hơn. Rồi khi hắn lên tiếng trở lại thì như thể miễn cưỡng, như thể cứ tuôn ra ồng ộc không ngăn lại được, còn khuôn mặt hắn không ngớt méo mó vì kinh hãi về chuyện hắn đang gặp phải. Bấy giờ Momo mới nghe được giọng nói thật của hắn: “Bọn ta phải giấu kín tung tích,” cô nghe như từ đâu đó xa lắm, “không ai được biết rằng có bọn ta và việc bọn ta làm… Bọn ta phải làm sao để không ai nhớ rằng có bọn ta… Chỉ giữ kín được tung tích thì bọn ta mới có thể dấn thân được vào công việc… bòn rút của đời người từng giờ, từng phút, từng giây… quả thật là một công việc khó nhọc… vì thời gian họ tiết kiệm được thật ra sẽ mất trắng… Bọn ta sẽ giằng giật lấy nó… bọn ta tích trữ nó… bọn ta cần nó… bọn ta thèm khát nó… Chặc, loài người không biết thời gian là gì!… Nhưng bọn ta biết rất rõ, nên ra sức bòn rút thời gian của loài người tới tận xương tủy… Bọn ta cần nhiều hơn nữa… nhiều hơn nữa… vì chính bọn ta cũng ngày một đông hơn… ngày một đông hơn… ngày một đông hơn…” Những lời cuối này người khách màu xám bật ra như khò khè, rồi hắn đưa hai tay bụm miệng. Đôi mắt hắn lòi ra, ngó Momo trừng trừng. Một lúc sau hắn như vừa tỉnh cơn mê. “Ta đã… ta đã nói những gì thế?” Hắn lắp bắp. “Cô đã lục vấn ta! Ta bệnh rồi! Cô đã làm ta bệnh rồi!” Rồi hắn nói như khẩn khoản: “Ta chỉ toàn nói vớ vẩn, cô bé ạ. Quên đi! Em phải quên ta như mọi người đã quên bọn ta vậy! Em phải quên! Em phải quên!” Rồi hắn vồ lấy Momo, lắc lia lắc lịa. Momo mấp máy môi nhưng không nói nên lời. Chợt người khách màu xám nhảy dựng lên, nhìn quanh như bị ma ám, chộp cái cặp màu xám chì rồi chạy ào ra xe. Một chuyện hết sức lạ kỳ liền xảy ra: cả đám búp bê với những thứ đang nằm ngổn ngang bỗng dưng – như bị vụ nổ trong một đoạn băng quay ngược – bay vọt trở lại vào hòm xe, rồi hòm xe tự đóng sầm lại. Rồi chiếc xe phóng ào đi khiến đất đá văng tới tấp. Momo vẫn còn yên ngồi tại chỗ thật lâu. cố gắng hiểu những điều vừa mới nghe được. Dần dần chân tay đã bớt lạnh, bớt lạnh chừng nào thì cô thấy mọi sự sáng tỏ hơn chừng nấy. Cô không quên gì hết. Vì rõ ràng cô đã nghe được giọng nói thật của người khách màu xám. Trước mặt cô, trên thảm cỏ héo khô, một bụm khói nhỏ bốc lên. Nơi ấy có một mẩu xì-gà màu xám bị giẫm bẹp đang tỏa khói và cháy thành tro. Chương 8 Nhiều mộng mơ, đôi chút băn khoăn Xế trưa hôm ấy Gigi và Beppo – Phu quét đường đến chơi, thấy Momo ngồi dưới bóng bức tường, trông xanh xao và có vẻ hoang mang. Họ liền ngồi ngay xuống bên cạnh cô, lo lắng hỏi han. Momo ấp úng kể lại chuyện đã xảy ra, thuật lại từng lời buổi trò chuyện với người khách màu xám nọ. Trong lúc ấy ông già Beppo chăm chú quan sát cô bé, với vẻ mặt ưu tư. Trán ông hằn sâu những nếp nhăn. Momo đã kể xong rồi mà ông vẫn lặng thinh. Gigi, ngược lại, càng lắng nghe chuyện Momo kể thì gã càng thấy hồi hộp hơn. Đôi mắt gã long lanh, như vẫn thường thấy khi gã kể chuyện đến lúc cao hứng. “Momo ơi,” gã đặt tay lên vai cô bé, “thời cơ của chúng mình đã tới rồi đấy! Em đã phát hiện được một điều mà cho đến nay chưa ai biết! Bây giờ chúng mình không chỉ ra tay cứu bạn bè của chúng mình, không, chúng mình còn cứu cả thành phố này nữa! Cả ba chúng mình, anh, chú Beppo và em, Momo ạ!” Gã đứng bật dậy, giơ hai tay lên trời. Gã tưởng tượng trước mắt là cả một đám đông đang hò reo hoan hô gã, cứu tinh của họ. “Hay lắm.” Momo ngơ ngác đáp, “nhưng bằng cách nào mới được chứ?” “Em nói sao?” Gigi bực mình gắt. “Em muốn nói rằng,” Momo giải thích, “làm cách nào chúng mình thắng nổi những gã màu xám ấy?” “Ừ… à…,” Gigi đáp, “dĩ nhiên tạm thời anh cũng chưa rõ phải làm sao. Nhưng điều này là dứt khoát: chúng mình đã biết là có những gã màu xám và việc họ làm, thì chúng mình phải đấu tranh chống lại họ, hay là em sợ?” Momo bối rối gật đầu. “Em tin rằng họ không phải là người bình thường như mình đâu. Em thấy người khách màu xám đến đây khác lạ thế nào ấy. Mà lạnh lắm cơ. Nếu họ đông thì thật nguy hiểm lắm đấy. Em sợ.” “Sợ quái gì!” Gigi hào hứng nói to. “Chuyện đơn giản lắm! Bọn người màu xám này chỉ làm được cái chuyện đen tối của họ khi chưa bị phát giác thôi. Chính ông khách của em đã tự tiết lộ như thế mà. Thành thử chúng mình chỉ cần làm thế nào khiến mọi người nhận biết họ là xong. Vì ai đã từng có lần biết họ rồi ắt sẽ nhớ, mà đã nhớ thì sẽ nhận ra họ ngay thôi! Thành ra họ không thể làm hại chúng ta được. Chúng ta là bất khả xâm phạm mà!” “Anh nghĩ thế à?” Momo hỏi, vẫn còn hoài ngghi. “Dĩ nhiên!” Gigi đáp, mắt sáng lên. “Nếu không thì ông khách của em đã chẳng chạy vắt giò lên cổ như thế. Họ run sợ trước chúng mình mà!” “Nếu vậy,” Momo nói, “thì có lẽ chúng mình không tìm thấy họ đâu nhỉ? Có khi họ trốn mất rồi.” “Có thể lắm,” Gigi công nhận. “Lúc ấy chúng mình đành phải nhử họ ra khỏi chỗ ẩn núp thôi.” “Bằng cách nào, hở anh?” Momo hỏi. “Theo em thấy thì họ tinh ranh lắm.” “Dễ ợt!” Gigi cười lớn. “Chúng mình nhử họ bằng chính điều họ thèm khát. Ta dùng mỡ để bẫy chuột thì ta sẽ bẫy những kẻ ăn cắp thời gian bằng thời gian. Chúng mình có thừa thời gian mà! Chẳng hạn em ngồi đây làm mồi nhử họ tới. Hễ họ tới thì chú Beppo và anh sẽ từ chỗ nấp vọt ra, tóm gọn.” “Nhưng họ đã biết em mất rồi,” Momo cãi. “Em không tin họ sẽ mắc lừa đâu.” “Ừ nhỉ,” Gigi đáp trong lúc liên tục nghĩ hết kế này đến kế khác, “thì mình làm cách khác vậy. Gã màu xám đó có nói về Quỹ Tiết kiệm Thời gian; nhất định nó phải là một tòa nhà ở đâu đó trong thành phố này. Mình chỉ cần tìm cho ra nó thôi. Nhất định mình sẽ tìm ra, vì anh tin chắc rằng nó phải là một tòa nhà rất đặc biệt: xám xịt, đáng sợ, kín mít không cửa sổ với một cái két khổng lồ bằng bê-tông! Anh như đang thấy nó ngay trước mắt. Tìm thấy nó rồi, bọn mình sẽ xông vào đấy. Mỗi người trong bọn mình lăm lăm hai tay hai khẩu súng lục to. Anh sẽ hô: ‘Giao ngay toàn bộ thời gian các người đã ăn cắp ra đây!’…” “Nhưng chúng mình làm gì có súng,” Momo băn khoăn ngắt lời. “Thì không cần súng luôn,” Gigi hùng dũng đáp. “Họ sẽ lại càng khiếp sợ hơn. Chỉ cần chúng mình xuất hiện cũng đủ khiến họ sợ hết hồn rồi.” “Theo em thấy,” Momo nói, “để làm việc này thì nếu đông nữa sẽ tốt hơn, chứ đừng chỉ ba người chúng ta thôi. Ý em muốn nói rằng nếu có thêm nhiều người khác cùng tìm thì chúng mình dễ phát hiện ra Quỹ Tiết kiệm Thời gian kia hơn.” “Thật là một ý kiến rất hay,” Gigi đáp. “Cần huy động hết các bạn bè của chúng mình. Thêm cả đám trẻ vẫn hay đến chơi đây nữa. Anh đề nghị ba chúng ta chia nhau đi ngay, báo tin càng được nhiều người càng tốt. Rồi họ lại báo tin tiếp cho người khác nữa. Chiều mai mọi người hợp nhau ở đây vào lúc ba giờ để cùng bàn bạc!” Ba người lên đường tức thì. Momo đi một hướng, còn Beppo và Gigi đi hướng khác. Đi được một quãng thì Beppo – từ nãy đến giờ vẫn im lặng – bỗng đứng lại. “Gigi này,” ông nói, “chú thấy lo lắm.” Gigi quay nhìn ông già. “Chú lo chuyện gì chú?” Beppo nhìn gã bạn trẻ một lúc rồi đáp: “Chú tin lời Momo.” “Rồi sao?” Gigi ngạc nhiên hỏi. “Chú muốn nói rằng chú tin những gì Momo kể là có thật.” Beppo đáp. “Vâng, rồi sao nữa?” Gigi lại hỏi vì không hiểu Beppo muốn nói gì. “Cháu biết không,” Beppo giải thích, “nếu điều Momo nói là sự thật thì chú cháu mình phải suy tính cho kĩ chuyện mình cần làm. Nếu quả đó là một băng tội phạm bí mật thì mình không thể nào tự dưng gây chuyện với chúng được đâu, cháu hiểu chứ? Nếu tự dưng ta thách thức chúng thì có thể khiến cho Momo gặp nguy hiểm. Về hai chú cháu mình thì chẳng cần nói làm gì, nhưng nếu bây giờ kéo cả đám trẻ con vào nữa thì có thể không hay cho chúng. Mình phải suy nghĩ thật kĩ mới được.” “Ối giời!” Gigi cười lớn, “chú lúc nào cũng lo với lắng! Càng đông người tham gia càng tốt chứ sao.” “Theo chú thấy,” Beppo nghiêm giọng nói, “thì cháu không tin những gì Momo kể là có thật.” “Thế nào là có thật?” Gigi đáp. “Chú thật là thiếu đầu óc tưởng tượng, chú Beppo ạ. Cả thế giới này là một câu chuyện dài bất tận, mọi người cùng thủ vai trong đó. Chú Beppo ạ, cháu tin chứ, cháu tin hết mọi điều Momo kể, hệt như chú vậy!” Beppo không biết trả lời sao, nhưng câu trả lời của Gigi không làm ông thấy bớt lo tí nào. Rồi họ chia tay nhau mỗi người đi một hướng để báo tin cho bạn bè và lũ trẻ con về buổi gặp ngày mai. Beppo rất lo, còn Gigi cứ tỉnh bơ.