🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình Ebooks Nhóm Zalo Tác phẩm: Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình Nguyên tác: What We Talk About When We Talk About Love Thể loại: Truyện ngắn Tác giả: Raymond Carver Dịch giả: Nguyễn Hạnh Quyên & Dương Tường Nhà phát hành: Nhã Nam Nhà xuất bản: Hội Nhà Văn Năm xuất bản: 2016 Dự án Ebolic #68 Chụp sách: Lãng Khách Đánh máy: Đức Anh, Uyen Vo, Tuấn Hoàng, Minh Trang, Mitsbly, Quyptit Soát lỗi: Minh Trang, Tornad Điều hành & xuất bản: Tornad Ngày hoàn thành: 8/10/2018 Ebolic là dự án chế bản ebook do Bookaholic thực hiện. Chúng tôi hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận và dựa trên tinh thần tự nguyện, với mục đích mang đến cho độc giả những đầu sách hay và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích độc giả mua sách in, và chỉ nên tìm đến ebook này khi không thể tiếp cận ấn phẩm sách. Liên hệ với Ebolic qua: Email: [email protected] Group: Facebook.com/groups/ebolic Fanpage: Facebook.com/EbolicEbook MỤC LỤC SAO KHÔNG NHẢY ĐI? KÍNH NGẮM NGÀI CÀ PHÊ VÀ NGÀI SỬA CHỮA VỌNG LÂU TÔI THẤY ĐƯỢC NHỮNG THỨ NHỎ NHẶT NHẤT TÚI QUÀ TẮM BẢO BỌN ĐÀN BÀ LÀ CHÚNG MÌNH ĐI CHƠI SAU ĐỒ JEANS BIẾT BAO NHIÊU NƯỚC Ở NGAY GẦN NHÀ CHUYỆN THỨ BA GIẾT CHẾT CHA TÔI MỘT CUỘC NÓI CHUYỆN NGHIÊM TÚC THANH THẢN CƠ KHÍ DÂN DÃ MỌI THỨ DÍNH VÀO ÔNG MÌNH NÓI CHUYỆN GÌ KHI MÌNH NÓI CHUYỆN TÌNH MỘT ĐIỀU NỮA THÔI Vài lời về tác giả RAYMOND CARVER sinh năm 1939 ở Clatskanie, bang Oregon, Hoa Kỳ. Sau đó, ông chuyển tới Port Angeles, bang Washington và ở đây đến khi tạ thế vào ngày 2/8/1988. Ông từng giành học bổng Guggenheim Fellow vào năm 1979 và hai lần đoạt giải thưởng của Quỹ học bổng quốc gia Hoa Kỳ cho lĩnh vực nghệ thuật. Năm 1983, Carver nhận được giải thưởng uy tín Mildred and Harold Strauss Living Award và giải thưởng Levinson do tạp chí Poetry trao tặng vào năm 1985. Năm 1988, Carver được chọn là thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và văn chương Hoa Kỳ, sau đó nhận bằng tiến sĩ Văn chương tại Đại học Hartford. Ông nhận được giải thưởng Brandeis Citation cho tiểu thuyết vào năm1988. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. “Một trong những bậc thầy đích thực của thời đại.” – ROBERT TOWERS, The New York Review of Books “Liệu còn có nhà văn đương đại nào viết truyện ngắn hay hơn Raymond Carver? Có lẽ cũng vài người viết rất khá, nhưng không ai hơn đuợc ông. Gần 200 năm trước, Wordsworth và Coleridge đã tạo ra một cuộc cách mạng khi họ tuyên bố mục tiêu là viết ra được ‘thứ ngôn ngữ thực sự được con người sử dụng’. Không ai trong hai người ấy gần như đạt được điều đó. Nhưng [trong tuyển tập này], Raymond Carver đã làm được. Và ở mức đáng kinh ngạc.” – ROBERT HOUSTON, The Nation “Trong những truyện ngắn của Raymond Carver, thậm chí cất tiếng cũng là nguy hiểm. Trò chuyện tức là hoàn tất những thương tổn mà người ta đã lặng lẽ gây cho nhau. Phát biểu một câu hoặc thậm chí thốt ra một tên người, cũng không an toàn… Nói ‘Duane’ hay ‘Holly’ là phát âm ra một sự đày đọa khác. Đó là thứ hư cấu do Carver viết nên và tôi chưa từng thấy cái gì có sức mạnh hơn thế…” – DENIS DONOGHUE “Quả là bậc thầy… Ấn tượng đầu tiên mà các truyện ngắn này tạo ra là sắc sảo nhưng không logic. Chỉ về sau, khi kết cấu của từng truyện không ngừng khua động trong tâm trí ta, thì trí lực dụng tâm của nhà thiết kế ra chúng mới trở nên hiển hiện.” – MEREDITH MARSH, NEW REPUBLIC “Tôi điên lên vì những truyện mới của Raymond Carver. Chúng thật như những cửa tiệm giảm giá, đồng hồ đo thời gian, nhượng quyền kinh doanh ở những thành phố nhỏ, những cuộc hôn nhân tệ hại. Những người đàn ông nhàu nát và những người đàn bà tả tơi của ông khiến con tim bạn tan nát.” – STANLEY ELKIN “Một cuốn sách ngụ ngôn cho cả thập kỷ này.” – JAYNE ANNE PHILLIPS, NEW YORK. SAO KHÔNG NHẢY ĐI? TRONG bếp, ông rót một ly nữa và nhìn đồ đạc phòng ngủ ở sân trước. Đệm đã bị lột vỏ, mấy tấm ga kẻ sọc nằm cạnh hai chiếc gối trên tủ com mốt. Trừ những cái đó, mọi thứ trông vẫn hệt như cách họ sắp xếp phòng ngủ – bàn đầu giường và đèn đọc sách phía ông, bàn đầu giường và đèn đọc sách phía cô. Phía ông, phía cô. Ông ngẫm nghĩ chuyện đó khi nhấp ngụm whiskey. Tủ com mốt đứng cách chân giường một mét. Buổi sáng đó ông đã bỏ sạch mọi thứ trong các ngăn kéo vào thùng carton, và hiện chúng đang nằm trong phòng khách. Một cái lò sưởi xách tay nằm cạnh tủ commốt. Một ghế mây có gối tựa đứng bên chân giường. Bộ tủ bếp bằng nhôm đánh bóng chiếm một phần lối xe vào. Một tấm vải muslin vàng, to quá mức, một món quà, trải trên bàn và rủ xuống bốn góc. Một cây dương xỉ trồng trong chậu nằm trên bàn, cùng với hộp dao nĩa bạc và một máy quay đĩa, cũng là quà. Một tivi to kiểu đặt sàn nằm trên bàn uống cà phê, và cách đó chừng một mét là một cái sofa, ghế tựa và một cái đèn để sàn. Bàn được đẩy sát vào cánh cửa gara. Một vài dụng cụ đặt trên bàn, cùng với đồng hồ treo tường và hai bức ảnh lồng khung. Ở lối xe vào còn có một thùng carton đựng tách, ly và đĩa, mỗi thứ đều được bọc báo. Buổi sáng đó ông đã dọn sạch mọi thứ trong kho ra, và trừ ba thùng carton ở phòng khách, tất cả đồ đạc đều được cho ra ngoài. Ông chằng thêm dây ra ngoài đó và tất cả có điện. Mọi thứ đều ổn, không khác gì khi ở trong nhà. Thảng hoặc một chiếc ôtô chạy chậm qua và mọi người dòm dòm. Nhưng không ai dừng lại. Ông chợt nghĩ, ông cũng chẳng dừng. “HẲN là bán hạ giá đồ nhà,” cô gái nói với chàng trai. Cô gái này và chàng trai này đang trang bị đồ đạc cho một căn hộ nhỏ. “Để xem họ muốn bán cái giường bao nhiêu,” cô gái nói. “Cả cái tivi nữa,” chàng trai nói. Chàng trai ngoặt vào lối xe rồi đỗ lại trước cái bàn ăn. Họ ra khỏi xe và bắt đầu xem xét các thứ, cô gái sờ tấm vải muslin, chàng trai cắm phích cái máy xay và bật công tắc sang chế độ XAY NHUYỄN, cô gái cầm một cái đĩa bị mẻ lên, chàng trai bật tivi và chỉnh. Anh ngồi xuống sofa xem tivi. Anh châm thuốc, nhìn quanh, búng que diêm ra bãi cỏ. Cô gái ngồi lên giường. Cô cởi giày rồi nằm xuống. Cô nghĩ mình nhìn thấy một ngôi sao. “Lại đây, Jack. Nằm thử cái giường này đi. Mang một trong những cái gối kia lại nhé,” cô nói. “Thấy thế nào?” anh nói. “Nằm thử đi,” cô nói. Anh nhìn quanh. Ngôi nhà tối. “Anh thấy là lạ,” anh nói. “Tốt hơn là xem có ai ở nhà không.” Cô nhún nhún trên giường. “Nằm thử trước đã,” cô nói. Anh nằm xuống giường và nhét gối dưới đầu. “Thấy thế nào?” cô nói. “Cứng phết,” anh nói. Cô quay sang và áp tay lên mặt anh. “Hôn em đi,” cô nói. “Mình dậy thôi,” anh nói. “Hôn em đi,” cô nói. Cô nhắm mắt lại. Cô ôm anh. Anh nói, “Để anh xem có ai ở nhà không”. Nhưng anh chỉ ngồi dậy và ở yên đó, vờ đang xem tivi. Các ngôi nhà dọc con phố lên đèn. “Có buồn cười không nếu,” cô gái vừa nói vừa cười nhăn nhở và không nói hết câu. Chàng trai bật cười, nhưng không vì lý do cụ thể nào. Chẳng vì lý do cụ thể nào, anh bật cái đèn đọc lên. Cô gái xua một con muỗi đi, và rồi chàng trai đứng dậy nhét áo vào quần. “Để anh xem có ai ở nhà không,” anh nói. “Xem chừng không có ai ở nhà. Nếu có, anh sẽ hỏi giá mấy thứ.” “Dù họ có đòi bao nhiêu, trả bớt đi mười dollar nhé. Đó luôn là một ý hay,” cô nói. “Và, hơn nữa, hẳn là họ đang tuyệt vọng lắm.” “Cái tivi khá tốt,” chàng trai nói. “Hỏi họ giá bao nhiêu,” cô gái nói. NGƯỜI đàn ông đi dọc vỉa hè ôm một túi đồ mua ở chợ. Ông mua sandwich, bia, whiskey. Ông nhìn thấy xe ôtô ở lối vào và cô gái nằm trên giường. Ông nhìn thấy tivi đang bật và chàng trai ở ngoài hiên. “Xin chào,” người đàn ông nói với cô gái. “Cô thấy cái giường đấy. Nó tốt lắm.” “Xin chào,” cô gái nói, và ngồi dậy. “Tôi chỉ đang nằm thử thôi.” Cô đập đập lên giường. “Cái giường này tốt phết.” “Giường tốt mà,” người đàn ông nói, bỏ túi xuống rồi lấy bia và rượu whiskey ra. “Bọn tôi cứ tưởng không có ai ở đây,” chàng trai nói. “Chúng tôi khá thích cái giường và có lẽ cái tivi nữa. Có thể cả cái bàn. Ông muốn bán cái giường bao nhiêu?” “Tôi đang nghĩ cái giường năm mươi dollar,” người đàn ông nói. “Bốn mươi được không?”, cô gái hỏi. “Bốn mươi được”, người đàn ông nói. Ông lấy cái ly ra từ thùng carton. Ông gỡ tờ báo bọc ly. Ông phá xi trên chai whiskey. “Cái tivi thì giá thế nào?” chàng trai nói. “Hai mươi lăm.” “Mười lăm được không?” cô gái nói. “Mười lăm được. Tôi có thể chấp nhận mười lăm,” người đàn ông nói. Cô gái nhìn chàng trai. “Hai cô cậu, muốn uống chứ,” người đàn ông nói. “Ly trong hộp kia. Tôi ngồi xuống đây. Tôi ngồi xuống sofa.” Người đàn ông ngồi trên sofa, ngả người ra sau, rồi giương mắt nhìn chàng trai và cô gái. CHÀNG trai tìm được hai cái ly và rót whiskey. “Thế được rồi,” cô gái nói. “Có lẽ cần cho thêm nước vào ly của em.” Cô kéo ghế ra và ngồi ở bàn bếp. “Có nước ở vòi đằng kia,” người đàn ông nói. “Mở cái vòi đó.” Chàng trai quay lại cầm theo rượu whiskey pha nước. Anh hắng giọng và ngồi xuống chỗ cái bàn bếp. Anh toét miệng cười. Nhưng anh không uống chút gì từ ly của mình. Người đàn ông dán mắt vào tivi. Ông đã uống hết và bắt đầu một ly khác. Ông vươn người tới bật đèn để sàn lên. Chính lúc đó điếu thuốc ông hút tuột khỏi tay rơi vào giữa đám gối tựa. Cô gái đứng dậy giúp ông tìm điếu thuốc. “Vậy em muốn mua gì?” chàng trai nói với cô gái. Chàng trai lấy quyển sổ séc ra rồi ngậm vào môi như thể đang nghĩ ngợi. “Em muốn cái bàn,” cô gái nói. “Cái bàn bao tiền?” Người đàn ông phẩy tay trước câu hỏi ngớ ngẩn này. “Cho một cái giá đi,” ông nói. Ông nhìn họ khi họ ngồi ở bàn. Dưới ánh đèn, khuôn mặt họ có vẻ gì đó. Hiền hay dữ. Không rõ được. “TÔI sẽ tắt tivi và bật một đĩa hát,” người đàn ông nói. “Cái máy quay đĩa này cũng bán đấy. Rẻ thôi. Trả cho tôi một giá đi.” Ông rót thêm whiskey và mở một chai bia. “Bán tất,” người đàn ông nói. Cô gái chìa ly ra và người đàn ông rót. “Cám ơn,” cô nói. “Ông tử tế quá,” cô nói. “Chuếnh choáng đấy,” chàng trai nói. “Anh chuếnh choáng rồi đây.” Anh giơ ly lên, lắc nhẹ. Người đàn ông uống hết ly của mình và rót ly nữa, rồi ông tìm thấy hộp đựng đĩa hát. “Chọn một đĩa đi,” người đàn ông nói với cô gái, và chìa mấy cái đĩa cho cô. Chàng trai đang ghi séc. “Đây,” cô gái nói, chọn thứ gì đó, chọn thứ bất kỳ, bởi cô không biết những cái tên ghi trên mấy cái nhãn này. Cô đứng dậy khỏi bàn rồi ngồi xuống lại. Cô không muốn ngồi yên một chỗ. “Tôi sẽ chuyển thành tiền mặt,” chàng trai nói. “Đồng ý,” người đàn ông nói. Họ uống. Họ nghe đĩa. Rồi người đàn ông bật một đĩa khác. Sao hai cô cậu không nhảy đi? ông quyết định nói, và rồi ông nói. “Sao cô cậu không nhảy đi”. “Chắc không đâu,” chàng trai nói. “Nhảy đi,” người đàn ông nói. “Sân của tôi mà. Cô cậu có thể nhảy nếu muốn.” TAY choàng qua nhau, thân ghì sát, chàng trai và cô gái di chuyển trên lối xe vào. Họ đang khiêu vũ. Khi đĩa nhạc hết, họ bật lại, và khi lần này cũng hết, chàng trai nói, “Anh say rồi.” Cô gái nói, “Anh không say.” “Ồ, anh say rồi mà,” chàng trai nói. Người đàn ông bật lại cái đĩa và chàng trai nói, “Anh say.” “Nhảy với em,” cô gái nói với chàng trai rồi với người đàn ông, và khi người đàn ông đứng dậy, cô đi lại phía ông, hai tay dang rộng. “MẤY người ở kia, họ đang nhìn kìa,” cô nói. “Không sao,” người đàn ông nói. “Đây là nhà của tôi,” ông nói. “Cứ để họ nhìn,” cô gái nói. “Phải,” người đàn ông nói. “Họ nghĩ họ nhìn thấy mọi thứ ở đây. Nhưng họ không nhìn thấy thế này, phải không?” ông nói. Ông cảm thấy hơi thở của cô trên cổ ông. “Tôi hy vọng cô thích cái giường,” ông nói. Cô gái nhắm rồi mở mắt ra. Cô ngả đầu lên vai người đàn ông. Cô kéo người đàn ông lại gần hơn. “Ông hẳn là đang tuyệt vọng lắm,” cô nói. VÀI tuần sau, cô nói: “Cái ông đó tuổi khoảng trung niên. Tất cả đồ đạc của ông ấy ở ngay đây, trong cái sân này. Không nói dối đâu. Bọn tôi say mềm và nhảy. Trên lối xe vào. Ôi, Chúa ơi. Đừng cười. Ông ấy bật những đĩa nhạc này cho chúng tôi. Nhìn cái máy quay đĩa này đi. Ông già ấy cho bọn tôi cái đó. Và tất cả những cái đĩa dở tệ này. Anh nhìn cái của khỉ này mà xem?” Cô cứ nói mãi. Cô kể với mọi người. Còn có thứ gì đó hơn nữa mà cô cứ cố nói ra bằng lời. Sau một thời gian, cô thôi không cố nữa. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch KÍNH NGẮM MỘT người đàn ông cụt bàn tay đến tận cửa bán cho tôi một bức ảnh căn nhà của tôi. Trừ hai cái móc bằng crôm, gã là một người trông bình thường trạc khoảng năm mươi tuổi. “Ông làm sao mà bị mất tay thế?” tôi hỏi sau khi gã nói muốn gì. “Đó là chuyện khác,” gã nói. “Ông có muốn bức ảnh này hay không?” “Vào đi”, tôi nói. “Tôi vừa pha cà phê.” Tôi cũng vừa làm một ít Jell-O. Nhưng tôi không nói với gã tôi đã làm. “Tôi dùng toilet của ông được chứ,” người đàn ông cụt tay nói. Tôi muốn nhìn xem gã cầm tách thế nào. Tôi biết cách gã cầm máy ảnh. Đó là một cái Polaroid cũ, to và đen. Gã buộc chặt nó vào những cái đai da thắt lại thành vòng qua vai rồi chạy khắp lưng, và chính nhờ thế đã siết chặt cái máy ảnh vào ngực gã. Gã sẽ đứng trên vỉa hè trước nhà bạn, định vị căn nhà trong kính ngắm, đẩy cần kéo xuống bằng một trong hai cái móc của gã và bụp, tấm ảnh của bạn xuất hiện. Tôi đã đứng ở cửa sổ quan sát, bạn thấy đấy. “ÔNG bảo cái toilet ở đâu ấy nhỉ?” “Ở dưới kia, rẽ phải.” Cúi, gập cong người, gã tự tháo mình ra khỏi mấy cái đai. Gã đặt máy ảnh lên sofa và vuốt thẳng áo khoác. “Ông có thể xem khi tôi đi.” Tôi cầm lấy bức ảnh từ gã. Có một bãi cỏ hình chữ nhật nhỏ, lối xe vào, nhà để xe, thềm trước, cửa sổ lồi ra ngoài, và cửa sổ chỗ tôi đứng quan sát từ trong bếp. Vậy tại sao tôi lại muốn có một bức ảnh thảm kịch này? Tôi nhìn gần hơn và thấy đầu tôi, đầu tôi, ở đó, bên trong cửa sổ bếp. Nó khiến tôi suy nghĩ, nhìn thấy chính mình như thế. Tôi nói với bạn, điều đó khiến một con người suy nghĩ. Tôi nghe tiếng giật nước toilet. Gã tiến tới trên hành lang, vừa kéo khóa vừa mỉm cười, một cái móc giữ thắt lưng của gã, cái kia ẩn trong áo sơ mi. “Ông nghĩ sao?” gã nói. “Được không? Cá nhân tôi thì thấy nó ra hình ổn. Chẳng lẽ tôi lại không biết mình đang làm gì ư? Chấp nhận đi, phải là một tay chuyên nghiệp đấy.” Gã giật mạnh đũng quần. “Cà phê đây,” tôi nói. Gã nói, “Ông ở một mình, phải không?” Gã nhìn vào phòng khách. Gã lắc đầu. “Vất vả, vất vả,” gã nói. Gã ngồi cạnh máy ảnh, ngả người ra sau thở dài, và mỉm cười như thể biết một điều gì đó mà sẽ không nói cho tôi. “Uống cà phê đi,” tôi nói. TÔI đang cố nghĩ ra điều gì đó để nói. “Có ba đứa nhỏ đến đây muốn sơn địa chỉ nhà tôi lên lề đường. Bọn nó muốn một dollar cho việc đó. Ông không biết tí gì về chuyện đó sao?” Đây là một câu thăm dò. Nhưng tôi quan sát thấy gã không hề biến sắc. Gã khệnh khạng vươn người tới trước, cái tách thăng bằng giữa hai cái móc. Gã đặt xuống bàn. “Tôi làm việc một mình,” gã nói. “Trước đây luôn thế, sau này luôn vậy. Ý ông là gì?” gã nói. “Tôi chỉ liên hệ sự việc thôi,” tôi nói. Tôi bị đau đầu. Tôi biết cà phê không tốt, nhưng thỉnh thoảng Jell-O có tác dụng. Tôi cầm bức ảnh lên. “Lúc đó tôi ở trong bếp,” tôi nói. “Thường tôi ở sau nhà.” “Chuyện thường ấy mà,” gã nói. “Bọn nó lớn rồi bỏ ông đi, phải không? Giờ ông thấy rồi đấy, tôi làmviệc một mình. Vậy ông thấy sao? Ông muốn bức ảnh chứ?” “Tôi sẽ lấy”, tôi nói. Tôi đứng dậy và cầm hai cái tách lên. “Biết mà,” gã nói. “Tôi, tôi có một phòng ở khu buôn bán. Ổn thôi. Tôi lấy xe buýt đi, và sau khi làmviệc ở những khu lân cận, tôi đến khu buôn bán khác. Ông hiểu tôi đang nói gì chứ? Này, tôi cũng từng có con. Cũng như ông,” gã nói. Tôi đợi, tay vẫn cầm hai cái tách và nhìn gã vật lộn đứng lên từ cái sofa. Gã nói, “Chúng là thứ đã cho tôi cái này.” Tôi chăm chú nhìn những cái móc. “Cám ơn vì đã cho uống cà phê và dùng nhờ toilet. Tôi rất đồng cảm.” Gã giơ lên hạ xuống những cái móc. “Thế nào,” tôi nói. “Chứng minh ông đồng cảm thế nào đi! Chụp thêm hình tôi và nhà tôi đi.” “Chẳng ích gì,” người đàn ông nói. “Bọn nó không về lại đâu.” Nhưng tôi giúp gã đeo mớ quai ấy vào. “Tôi cho ông một cái giá,” gã nói. “Ba cái một dollar.” Gã nói, “Nếu lấy thấp hơn, tôi khó sống.” CHÚNG tôi ra ngoài. Gã điều chỉnh lá chắn sáng. Gã chỉ chỗ đứng cho tôi, và chúng tôi đến chỗ đó. Chúng tôi đi vòng quanh ngôi nhà. Theo trình tự. Lúc tôi chụp nghiêng. Lúc tôi chụp thẳng. “Đẹp,” gã nói. “Đẹp lắm,” gã liên tục nói, cho đến khi chúng tôi đi một vòng quanh nhà và lại quay về mặt trước. “Hai mươi tấm. Đủ rồi.” “Không,” tôi nói. “Trên mái nhà”, tôi nói. “Chúa ơi,” gã nói. Gã nhìn căn nhà hết lượt trên dưới. “Được rồi,” gã nói. “Ông nói đấy nhé.” Tôi nói, “Tất tần tật. Chúng mang đi hết rồi.” “Nhìn đây!” người đàn ông nói, và một lần nữa giơ những cái móc của mình lên. TÔI vào trong lấy một cái ghế. Tôi đặt nó lên trên nóc nhà để xe. Nhưng vẫn không tới. Vì vậy tôi lấy một cái sọt và đặt cái sọt trên cái ghế. Chẳng có gì không ổn khi ở đó trên mái nhà. Tôi đứng thẳng lên và nhìn xung quanh. Tôi vẫy tay, và người đàn ông cụt tay vẫy lại bằng những cái móc của gã. Chính lúc đó tôi thấy chúng, những hòn đá. Như thể có một tổ đá nhỏ trên tấm lưới chắn ngang ống khói. Bạn biết bọn nhỏ rồi đấy. Bạn biết bọn nó ném đá lên thế nào, nghĩ sẽ làm một hòn rơi xuống ống khói nhà bạn. “Sẵn sàng chưa?” tôi la lên, và nhặt một hòn đá. Rồi tôi đợi cho đến khi gã đưa được tôi vào kính ngắm. “Được rồi” gã la lại. Tôi đưa tay ra sau và hét, “Bắt đầu!” tôi ném viên đá chết tiệt ấy đi xa hết mức có thể. “Tôi không biết,” tôi nghe gã hét. “Tôi không chụp ảnh động.” “Lại đi,” tôi gào, và nhặt một hòn đá khác. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch NGÀI CÀ PHÊ VÀ NGÀI SỬA CHỮA TÔI nhìn thấy vài thứ. Tôi đến nhà mẹ ở lại vài đêm. Nhưng ngay khi tôi bước lên đầu cầu thang, tôi thì nhìn còn bà thì đang ngồi trên sofa hôn một gã. Bấy giờ là mùa hè. Cửa mở toang. Tivi đang bật. Đó là một trong những thứ tôi nhìn thấy. Mẹ tôi sáu mươi lăm tuổi. Bà tham gia câu lạc bộ độc thân. Dù thế, cũng khó. Tôi đứng tay đặt trên lan can nhìn gã hôn bà. Bà hôn lại gã, và tivi đang bật. Giờ mọi thứ ổn hơn. Nhưng hồi đó, khi mẹ tôi hứng tình, tôi thất nghiệp. Con tôi điên, và vợ tôi điên. Nàng cũng hứng tình. Gã được hưởng tình là một kỹ sư hàng không thất nghiệp nàng gặp tại AA1. Hắn cũng điên. Hắn tên là Ross và có sáu con. Hắn đi khập khiễng vì bị thương sau phát súng cô vợ đầu của hắn tặng cho. Tôi không biết hồi đó bọn tôi nghĩ gì. Cô vợ thứ hai của hắn đến rồi đi, nhưng chính cô vợ đầu mới là người bắn hắn vì không trả đủ tiền chu cấp. Tôi mong giờ hắn ổn. Ross. Tên hay thế! Nhưng lúc đó thì khác. Hồi đó tôi nhắc đến súng. Tôi nói với vợ mình, “Anh nghĩ anh sẽ mua một khẩu Smith&Wesson.” Nhưng tôi không bao giờ làm thế. Ross là một gã nhỏ con. Nhưng không nhỏ lắm. Hắn để ria và luôn vận áo len cài khuy. Một cô vợ từng cho hắn vào tù. Là cô thứ hai. Tôi nghe con gái tôi bảo vợ tôi đã đóng tiền bảo lãnh. Con gái tôi, Melody, cũng chả thích thú gì hơn tôi. Chuyện bảo lãnh ấy. Không phải Melody trông chừng gì tôi. Nó chả trông chừng ai trong hai bọn tôi cả, mẹ nó hay tôi, không tất. Chỉ vì có một chuyện quan trọng liên quan đến tiền bạc và nếu tiền để cho Ross, thì Melody sẽ bị hụt đi. Vì vậy Ross nằm trong danh sách của Melody. Ngoài ra, nó không thích mấy đứa con của hắn, mà hắn thì có quá nhiều con. Nhưng nói chung Melody nói Ross cũng tạm. Thậm chí có lần hắn đoán số cho nó. TAY Ross này dành thời gian sửa chữa các thứ, khi mà giờ hắn chẳng có việc gì ổn định, Nhưng tôi đã nhìn thấy nhà hắn từ bên ngoài. Một đống hổ lốn. Đồng nát khắp xung quanh. Hai chiếc Plymouth hỏng chỏng chơ ngoài sân. Trong thời gian đầu diễn ra chuyện giữa họ, vợ tôi bảo gã kia sưu tầm xe hơi cổ. Đó là từ của nàng, “xe hơi cổ.” Nhưng chúng chỉ là đống sắt vụn. Tôi có số của hắn. Ngài Sửa chữa. Nhưng bọn tôi có điểm chung, Ross và tôi, không chỉ là việc chung một người đàn bà. Tỉ dụ như, hắn không thể sửa tivi khi nó lên cơn điên và bọn tôi bị mất hình. Tôi cũng không sửa được. Bọn tôi nghe thấy tiếng, nhưng không có hình. Nếu muốn tin tức, bọn tôi phải ngồi vây quanh cái màn hình mà nghe. Ross và Myrna gặp nhau khi Myrna cố gắng tỉnh táo. Nàng đi đến các buổi gặp gỡ, đâu như ba hay bốn lần một tuần. Tôi thì cứ cai nghiện rồi lại tái nghiện suốt. Nhưng khi Myrna gặp Ross, tôi đã cai được và mỗi ngày chỉ còn uống bằng một phần năm lúc trước. Myrna đi gặp gỡ, và rồi nàng đến nhà Ngài Sửa chữa nấu nướng cho hắn và dọn dẹp. Còn hắn không giúp gì trong việc này. Không ai chịu động tay trong nhà Ngài Sửa chữa, trừ vợ tôi khi nàng ở đó. TẤT cả những chuyện này xảy ra cách nay không lâu lắm, khoảng ba năm. Hồi đó điều này còn có ý nghĩa gì đó. Tôi để lại mẹ tôi với gã kia trên sofa nhà bà và chạy xe lòng vòng một lúc. Khi tôi về nhà, Myrna pha cà phê cho tôi. Nàng vào bếp pha còn tôi đợi cho đến khi nghe tiếng nàng vặn nước chảy. Rồi tôi với tay xuống dưới gối đệm lấy cái chai. Tôi nghĩ có lẽ Myrna yêu gã kia thực lòng. Nhưng hắn cũng có một thứ nho nhỏ bên cạnh – hai mươi hai tuổi tên Beverly. Một kẻ nhỏ con vận áo len cài khuy như Ngài Sửa chữa mà làm ăn thế kể cũng khá. Khi sạt nghiệp, hắn ngoài ba mươi tuổi. Mất việc và nâng chai lên. Tôi thường chế nhạo hắn khi có dịp. Nhưng giờ tôi không chế nhạo hắn nữa. Chúa ban phước và phù hộ anh, Ngài Sửa chữa. Hắn bảo Melody hắn từng làm cật lực để phóng tàu lên mặt trăng. Hắn bảo con gái tôi hắn là bạn bè thân thiết với các phi hành gia. Hắn bảo sẽ giới thiệu nó với các phi hành gia ngay khi họ đến thành phố. Ngoài đó là một nơi hiện đại, cái không gian vũ trụ mà Ngài Sửa chữa đã từng làm việc ấy. Tôi đã thấy nó. Những người xếp hàng tự phục vụ, phòng ăn riêng, và những người như Ngài Cà phê ở mọi văn phòng. Ngài Cà phê và Ngài Sửa chữa. Myrna bảo hắn quan tâm đến thuật chiêm tinh, hiện tượng hào quang, bói quẻ dịch – kiểu thế. Tôi không nghi ngờ gì. Ross khá sáng láng và thú vị, như hầu hết những người bạn cũ của chúng tôi. Tôi bảo Myrna tôi chắc chắn nếu hắn không thế thì nàng đã chẳng quan tâm đến hắn. CHA tôi chết trong khi ngủ, say xỉn, tám năm trước. Đó là buổi trưa thứ Sáu và ông năm mươi tư tuổi. Ông từ xưởng cưa về nhà, lấy từ tủ lạnh ra vài cây xúc xích cho bữa sáng, và khui một chai Four Roses. Mẹ tôi ngồi cùng chiếc bàn bếp đó. Bà đang cố viết một lá thư cho chị gái ở Little Rock. Xong xuôi cha tôi đứng dậy đi ngủ. Mẹ tôi bảo ông không bao giờ nói chúc ngủ ngon. Nhưng dĩ nhiên lúc đó là buổi sáng. “Em yêu,” tôi bảo Myrna đêm nàng về nhà. “Mình ôm nhau một lúc rồi em dọn cho bọn mình bữa tối thật ngon nhé”. Myrna nói, “Anh rửa tay đi”. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch VỌNG LÂU SÁNG đó nàng rót Teacher’s lên bụng tôi rồi liếm hết. Chiều đó nàng cố nhảy ra ngoài cửa sổ. Tôi nói, “Này Holly, chuyện này không thể tiếp tục. Chuyện này phải chấm dứt.” Chúng tôi đang ngồi trên sofa trong phòng suite trên lầu. Có nhiều phòng trống ở đủ các tầng để chọn. Nhưng chúng tôi cần phòng suite, nơi để đi lại và có thể nói chuyện. Vì vậy sáng hôm đó chúng tôi khóa văn phòng khách sạn lại rồi lên lầu vào phòng suite. Nàng nói, “Duane, thế này em chết mất.” Chúng tôi đang uống Teacher’s cùng đá với nước. Chúng tôi đã ngủ một chập từ sáng đến chiều. Rồi nàng ra khỏi giường và đe nhảy ra khỏi cửa sổ trong bộ đồ lót. Tôi buộc phải giữ chặt nàng lại. Chúng tôi chỉ cách mặt đất hai tầng. Nhưng kể cả như vậy. “Đủ rồi,” nàng nói. “Em không thể chịu đựng thêm được nữa.” Nàng đặt tay lên má và nhắm mắt lại. Nàng vật vã giật đầu lên xuống và rền rĩ như thế. Cứ nhìn nàng thế này tôi chết mất. “Chịu đựng cái gì?” Tôi nói, mặc dù dĩ nhiên tôi biết. “Em không cần phải đánh vần từng chữ lại cho anh lần nữa,” nàng nói. “Em đã mất kiểm soát. Em đã mất kiêu hãnh. Em từng là một phụ nữ kiêu hãnh.” Nàng là một phụ nữ gợi cảm mới ngoài ba mươi. Nàng cao, tóc đen dài, mắt xanh, người phụ nữ mắt xanh lá cây duy nhất mà tôi từng biết. Hồi xưa tôi thường nói nhiều điều về đôi mắt xanh của nàng, và nàng bảo tôi nhờ thế nàng biết mình được sinh ra để dành cho một điều đặc biệt. Và chẳng lẽ tôi không biết sao! Tôi thấy vô cùng kinh khủng hết chuyện này sang chuyện khác. Tôi nghe thấy tiếng điện thoại đổ chuông trong văn phòng dưới tầng. Nó cứ đổ rồi tắt suốt ngày. Ngay cả khi lơ mơ ngủ tôi cũng nghe thấy. Tôi thường mở mắt nhìn trần và nghe tiếng chuông, tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với chúng tôi. Nhưng có lẽ tôi nên nhìn xuống sàn. “Tim em tan nát,” nàng nói. “Nó biến thành một mảnh đá. Em không tốt. Điều đó tệ như mọi thứ khác, chuyện em không còn tốt nữa ấy.” “Holly ơi,” tôi nói. KHI lần đầu dọn xuống đây và làm vai trò quản lý, chúng tôi nghĩ đã hết cơn bĩ cực rồi. Không phải trả tiền thuê phòng và tiền sử dụng đồ đạc cộng thêm ba trăm một tháng. Không chê vào đâu được nữa. Holly quản lý sổ sách. Nàng giỏi làm việc với những con số và nàng tính toán tiền thuê cho hầu hết các phòng. Nàng yêu quý mọi người, và mọi người yêu quý lại nàng. Tôi trông coi vườn tược, xén cỏ và giẫy cỏ dại, giữ bể bơi sạch, sửa chữa vặt vãnh. Năm đầu mọi thứ đều ổn. Tôi làm thêm một việc khác vào buổi tối, và chúng tôi trên đà thành đạt. Chúng tôi có nhiều kế hoạch. Rồi một sáng, tôi không biết. Tôi vừa lát gạch phòng tắm cho một phòng thì ả hầu phòng người Mexico nhỏ bé đến lau dọn. Chính Holly thuê ả. Tôi không thể thực sự nói rằng trước đó tôi có để ý đến tạo vật nhỏ bé này, dù bọn tôi có nói chuyện khi gặp nhau. Ả gọi tôi, tôi nhớ, là Ông. Dù sao thì, chuyện này dẫn đến chuyện khác. Thế là sau buổi sáng đó tôi bắt đầu để ý. Ả là một tạo vật nhỏ nhắn gọn gàng với hàm răng trắng đẹp. Tôi thường nhìn miệng ả. Ả bắt đầu gọi tôi bằng tên. Một sáng tôi đang sửa cái gioăng cho một vòi nước phòng tắm thì ả vào và bật tivi như mấy cô hầu phòng vẫn làm. Khi họ dọn dẹp, thế đấy. Tôi dừng tay và bước ra khỏi phòng tắm. Ả ngạc nhiên khi thấy tôi. Ả mỉm cười và gọi tên tôi. Ngay sau khi ả gọi tên tôi, bọn tôi nằm xuống giường. “Holly, em vẫn là một phụ nữ kiêu hãnh,” tôi nói. “Em vẫn là số một. Thôi nào, Holly.” Nàng lắc đầu. “Thứ gì đó đã chết trong em,” nàng nói. “Phải mất một thời gian dài mới thế, nhưng nó đã chết. Anh đã giết cái gì đó, giống như anh cho nó một rìu. Giờ mọi thứ đã thành tro bụi.” Nàng uống nốt ly rượu. Rồi nàng bắt đầu khóc. Tôi làm như ôm nàng. Nhưng chẳng ích gì. Tôi rót rượu mới cho cả hai và nhìn ra ngoài cửa sổ. Hai chiếc xe hơi gắn biển số không phải ở bang này đậu trước văn phòng, và lái xe đang đứng ở cửa, nói chuyện. Một trong hai vừa nói xong điều gì đó với người kia, đang nhìn quanh quất khách sạn, bóp cằm. Cũng có một người phụ nữ ở đó, và mặt cô ta áp lên kính, tay che mắt, nhòm vào bên trong. Cô ta thử gọi cửa. Điện thoại tầng dưới bắt đầu đổ chuông. “Ngay cả cách đây ít lâu khi mình đang làm chuyện đó, anh cũng nghĩ đến ả,” Holly nói. “Duance, như thế gây tổn thương lắm.” Nàng cầm ly rượu tôi đưa nàng. “Holly à,” tôi nói. “Đúng thế, Duane ạ,” nàng nói. “Đừng tranh cãi với em,” nàng nói. Nàng đi đi lại lại trong phòng vận chiếc quần lót và áo ngực, tay cầm ly rượu. Holly nói, “Anh đã ngoại tình. Chính lòng tin là thứ anh đã giết chết.” Tôi quỳ gối và bắt đầu cầu xin. Nhưng tôi lại đang nghĩ đến Juanita. Thật kinh khủng. Tôi không biết chuyện gì sắp xảy đến với tôi hay bất kỳ ai khác trên thế giới này. Tôi nói, “Holly, em yêu, anh yêu em” Trong bãi đậu xe, ai đó tì vào cái còi, thôi, rồi lại tì. Holly lau nước mắt. Nàng nói, “Làm cho em một ly. Cái này loãng quá. Cứ để bọn nó bóp mấy cái còi mắc dịch của chúng. Em không quan tâm. Em sẽ chuyển đến Nevada.” “Đừng chuyển đi Nevada,” tôi nói. “Em đang nói chuyện điên rồ,” tôi nói. “Em không nói chuyện điên rồ,” nàng nói. “Nevada chẳng có gì điên rồ cả. Anh có thể ở lại đây với cô ả lau dọn của anh. Em chuyển đến Nevada. Hoặc đến đó, hoặc tự tử.” “Holly!” tôi nói. “Không Holly gì hết”, nàng nói. Nàng ngồi trên sofa và co chân lên tì gối dưới cằm. “Làm cho tôi ly khác, đồ chó đẻ,” nàng nói. Nàng nói, “Kệ mẹ bọn bóp còi kia. Để bọn nó làm chuyện bẩn thỉu của chúng trong Travelodge2ấy. Đó có phải là nơi giờ ả lau dọn của anh đang lau dọn không? Làmcho tôi ly khác, đồ chó đẻ!” Nàng mím môi và quăng cho tôi ánh mắt đặc biệt của nàng. UỐNG rượu thật kỳ lạ. Khi tôi ngẫm lại, tất cả những quyết định quan trọng của bọn tôi đều được đưa ra khi uống rượu. Ngay cả khi nói đến chuyện phải uống bớt đi, bọn tôi cũng ngồi ở bàn bếp hoặc bàn tiệc ngoài trời với một két bia hay một chai whiskey. Khi quyết định chuyển xuống đây và nhận công việc quản lý này, bọn tôi ngồi nhâm nhi trong vài đêm, cân nhắc thiệt hơn. Tôi rót nốt chỗ Teacher’s vào ly bọn tôi, cho thêm vài cục đá và ít nước. Holly rời khỏi sofa và duỗi chân nằm ngang giường. Nàng nói, “Anh có làm nó trên giường này không?” Tôi không có gì để nói. Tôi có cảm giác cạn lời tự bên trong. Tôi đưa ly cho nàng rồi ngồi xuống ghế. Tôi uống ly của tôi và nghĩ sẽ chẳng bao giờ còn như cũ nữa. “Duane?” nàng nói. “Holly?” Tim tôi đập chậm lại. Tôi đợi. Holly là tình yêu đích thực của tôi. CHUYỆN với Juanita là năm ngày một tuần từ mười đến mười một giờ. Ở bất cứ phòng nào ả có mặt khi đi lau dọn. Tôi chỉ bước vào nơi ả đang làm việc và đóng cửa lại sau lưng. Nhưng hầu hết là ở phòng 11. 11 là phòng may mắn của bọn tôi. Bọn tôi ngọt ngào với nhau, nhưng mau lẹ. Cũng ổn. Tôi nghĩ Holly có thể vượt qua chuyện này. Tôi nghĩ việc nàng phải làm là thực sự cho nó một cơ hội. Còn tôi, tôi vẫn làm việc đêm. Một con khỉ cũng có thể làm việc đó. Nhưng mọi chuyện ở đây xuống dốc nhanh. Bọn tôi không còn tâm huyết cho nó nữa. Tôi thôi lau bể bơi. Nó ngập ngụa cặn bã xanh rêu nên khách không xuống bể nữa. Tôi không sửa vòi nước, lát gạch hay sơn sửa gì nữa. Mà, thật ra là cả hai bọn tôi đều đang cố hết sức vượt qua chuyện này. Uống cho say cũng mất kha khá thời gian và sức lực nếu bạn muốn làm cho tử tế. Holly cũng không quản lý khách cho đúng đắn. Nàng có khi bắt khách trả quá nhiều, có khi lại quên thu tiền lẽ ra phải thu. Thỉnh thoảng nàng sắp xếp ba người vào một phòng có mỗi một giường, hay nàng cho một người vào phòng có giường cỡ lớn. Nói thật với bạn, có lời phàn nàn, và thỉnh thoảng cả lời qua tiếng lại. Dân tình khoác hành lý lên rồi đi chỗ khác. Tiếp theo, mấy người quản lý cấp trên gửi một lá thư. Rồi một cái khác, xác nhận lại. Có điện thoại gọi. Có người từ thành phố xuống. Nhưng bọn tôi đã thôi quan tâm, sự thật là thế. Bọn tôi biết mình sắp tiêu tùng. Bọn tôi đã bóp nghẹt đời mình và bọn tôi sẵn sàng nhận một cú thúc. Holly là người phụ nữ thông minh. Nàng biết chuyện ngay từ đầu. RỒI sáng thứ Bảy đó bọn tôi thức giấc sau một đêm ngâm cứu tình huống. Bọn tôi mở mắt và quay người trên giường nhìn nhau kỹ càng. Khi đó bọn tôi đều hiểu. Bọn tôi đã đi tới điểm nút của một thứ, rồi việc cần làm là tìm ra chỗ nào mới để bắt đầu. Bọn tôi ngồi dậy và mặc quần áo, uống cà phê định bắt đầu cuộc nói chuyện này. Không gì cắt ngang. Không điện thoại. Không khách khứa. Đó là khi tôi lấy chai Teacher’s. Bọn tôi khóa cửa và lên lầu mang theo đá, ly, chai rượu. Thoạt tiên, bọn tôi xem tivi màu và giỡn đôi chút, cứ để điện thoại dưới lầu reo. Đồ ăn, bọn tôi ra ngoài lấy bánh pho mát từ máy. Khi nhận ra mọi chuyện thế là đã xảy ra, chúng tôi có cảm giác kỳ cục rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra được. “Khi bọn mình còn trẻ trước khi lấy nhau?” Holly nói. “Khi bọn mình đầy những kế hoạch và mộng ước lớn? Anh nhớ không?” Nàng ngồi trên giường, tay bó gối, cầm ly rượu. “Anh có, Holly ạ.” “Anh không phải người đầu tiên của em, anh biết đấy. Người đầu tiên của em là Wyatt. Tưởng tượng xem. Wyatt. Còn tên anh là Duane. Wyatt và Duane. Ai biết trong suốt những năm qua em đã để lỡ những gì? Anh là mọi thứ của em, như lời cái bài hát đó.” Tôi nói, “Em là một phụ nữ tuyệt vời, Holly ạ. Anh biết em có nhiều cơ hội.” “Nhưng em không tóm lấy chúng!” nàng nói. “Em không thể ngoại tình.” “Holly, xin em,” tôi nói. “Đừng tiếp tục thế, em yêu. Đừng hành hạ nhau nữa. Mình nên làm thế nào đây?” “Nghe này,” nàng nói. “Anh nhớ lần mình chạy xe tới cái nông trang cũ bên ngoài Yakima, qua cả Terrace Heights không? Lần mình cứ thế chạy xe loanh quanh ấy? Mình lái xe trên con đường nhỏ bụi bặmấy, trời thì nóng và bụi ấy? Mình cứ thế chạy xe rồi đến cái nhà cũ đó, và anh hỏi xin một miếng nước? Anh có tưởng tượng nổi giờ mình lại làm thế không? Tới một ngôi nhà và hỏi xin miếng nước?” “Mấy người già đó giờ hẳn là mất rồi,” nàng nói, “nằm cạnh nhau trong một nghĩa địa đâu đó. Anh nhớ họ mời mình vào nhà ăn bánh không? Rồi sau đó họ dẫn mình đi ngó nghiêng quanh nhà? Và có một cái vọng lâu ở ngoài nhà đằng sau? Đằng sau dưới mấy cái cây ấy? Nó có cái mái nhỏ nhọn hoắt còn sơn thì tróc hết rồi, và cỏ dại mọc lan lên tận bậc thềm. Và cái bà đó bảo hàng bao năm trước đây, ý em là lâu lắmrồi, đàn ông thường đến chơi nhạc ở đó vào ngày chủ nhật, và mọi người sẽ ngồi nghe. Lúc đó em nghĩ khi về già mình cũng sẽ như thế. Cao quý. Chỉ ở một nơi. Và mọi người sẽ đến nhà mình.” Tôi không mở miệng nói nổi một lời. Rồi tôi nói, “Holly à, những chuyện này, rồi mình cũng sẽ nhìn lại chúng. Mình sẽ nói, ‘Có nhớ cái nhà nghỉ có bể bơi đầy rác là rác không?’ ” Tôi nói, “Em hiểu anh đang nói gì không, Holly?” Nhưng Holly chỉ ngồi đó trên giường, tay cầm ly rượu. Tôi có thể thấy nàng không hiểu. Tôi bước lại chỗ cửa sổ nhìn ra ngoài từ sau tấm rèm. Ai đó đang nói gì đó bên dưới và gõ lách cách cửa văn phòng. Tôi đứng đó. Tôi cầu mong Holly tỏ dấu hiệu gì đó. Tôi cầu Holly biểu lộ với tôi. Tôi nghe tiếng xe khởi động. Rồi chiếc khác. Chúng bật đèn lên chiếu vào tòa nhà và, nối đuôi nhau, chúng chạy đi, hòa vào dòng xe. “Duane,” Holly nói. Chuyện này nữa, nàng cũng đúng. NGUYỀN HẠNH QUYÊN dịch TÔI THẤY ĐƯỢC NHỮNG THỨ NHỎ NHẶT NHẤT TÔI đang nằm trên giường thì nghe tiếng cổng. Tôi dỏng tai lên. Tôi không nghe thấy gì khác nữa. Nhưng tôi nghe thấy nó. Tôi cố đánh thức Cliff dậy. Hắn ngủ mê mệt. Vậy nên tôi ngồi dậy bước lại chỗ cửa sổ. Một vầng trăng to tướng lơ lửng trên rặng núi chạy quanh thành phố. Mặt trăng màu trắng và chi chít sẹo. Bất kỳ thằng khờ mắc dịch nào cũng có thể tưởng tượng ra một khuôn mặt trên đó. Trời đủ sáng nên tôi thấy được mọi vật trong sân – vài cái ghế xếp, thân liễu, dây phơi quần áo chăng giữa hai cột, cây dã yên thảo, hàng rào, cổng mở toang. Nhưng không người vảng vất. Không bóng hình đáng sợ. Mọi vật nằm dưới ánh trăng, và tôi thấy được những thứ nhỏ nhặt nhất. Tỉ dụ như mấy cái kẹp quần áo trên dây phơi. Tôi giơ tay lên kính để che khuất mặt trăng. Tôi nhìn ngắm thêm một lát nữa. Tôi lắng nghe. Rồi tôi vào lại giường. Nhưng tôi không ngủ được. Tôi cứ trở mình mãi. Tôi nghĩ đến cánh cổng mở toang. Như một lời thách thức. Tiếng Cliff thở nghe rất kinh khủng. Miệng hắn há hốc ra, còn tay thì đặt trên khuôn ngực xanh xao. Hắn choán hết phần giường bên hắn và gần như cả phần của tôi. Tôi đẩy rồi lại đẩy hắn. Nhưng hắn chỉ mỗi rên. Tôi nằm im thêm một lúc rồi quyết định là không ích gì. Tôi ngồi dậy xỏ chân vào dép. Tôi xuống bếp, pha trà, rồi ngồi bên bàn bếp với tách trà. Tôi rít một điếu thuốc không lọc của Cliff. Đêm đã khuya. Tôi không muốn xem giờ. Tôi nhấp trà và hút điếu nữa. Một lát sau, tôi quyết định ra ngoài đóng cổng lại. Vì vậy tôi khoác áo choàng. Trăng rọi sáng mọi vật – nhà cửa và rặng cây, cột dây phơi và đường dây điện, cả thế giới. Tôi chămchú nhìn quanh sân sau trước khi bước xuống khỏi hiên. Một làn gió nhẹ thổi qua khiến tôi quấn sát chiếc áo choàng. Tôi tiến lại chỗ cái cổng. CÓ tiếng động ở hàng rào ngăn cách giữa nhà chúng tôi và nhà Sam Lawton. Tôi nhíu mắt nhìn. Samđang tì tay lên hàng rào nhà y, ở đó có hai hàng rào để tì lên. Y giơ nắm tay lên miệng và ho khan một tiếng. “Chào buổi tối, Nancy,” Sam Lawton nói. Tôi nói, “Sam, anh làm tôi sợ.” Tôi nói, “Anh làm gì mà thức khuya thế?” “Anh có nghe thấy gì không?” tôi nói. “Tôi nghe tiếng ai mở khóa cổng nhà tôi.” Y nói, “Tôi chả nghe thấy gì cả. Cũng chả nhìn thấy gì. Có lẽ là gió thôi.” Y đang nhai thứ gì đó. Y nhìn cái cổng mở toang và nhún vai. Tóc y óng ánh như bạc dưới ánh trăng và dựng đứng trên đầu. Tôi có thể thấy cái mũi dài của y, những nét trên khuôn mặt to tướng buồn thảm của y. Tôi nói, “Anh làm gì mà thức khuya thế, Sam?” và dịch lại gần hàng rào. “Muốn xem cái này không?” y nói. “Tôi sẽ sang,” tôi nói. Tôi bước ra ngoài và đi bộ một đoạn. Cảm giác hơi kỳ kỳ khi đi vẩn vơ bên ngoài mà trên người vận váy ngắn và áo choàng. Tôi nhủ thầm mình nên nhớ lại chuyện này, đi vơ vẩn bên ngoài như thế này. Sam đứng bên hông nhà, bộ pyjama y vận dài đến tận mấy ngón chân vừa-trắng-vừa-nâu của y. Một tay y cầm đèn pin, còn tay kia cầm hộp gì đó. Sam và Cliff hồi xưa là bạn bè. Rồi một đêm hai gã uống say. Lời qua tiếng lại. Tiếp đó, Sam dựng một cái hàng rào và rồi Cliff cũng dựng một cái. Đó là sau khi Sam mất Millie, lại kết hôn, và lại thành ông bố trong chớp mắt. Millie vốn là bạn bè rất tốt của tôi mãi đến khi chết. Khi ấy, cô mới bốn mươi lăm tuổi đầu. Trụy tim. Nó bập vào cô ngay khi cô chuẩn bị ngoặt xe vào lối vào. Cái xe cứ thế chạy rồi lao xuyên qua phía sau nhà để xe. “Nhìn này,” Sam nói, kéo ống quần pyjama lên rồi ngồi xổm xuống. Y soi đèn pin xuống mặt đất. Tôi nhìn thì thấy vài thứ gì uốn éo như sâu cuộn mình trên miếng đất. “Sên đấy,” y nói. “Tôi vừa cho chúng một liều cái này,” y nói, giơ cái hộp gì đó trông như bột thuốc phiện lên. “Chúng đang chiếm hết chỗ này,” y nói, và nhai nhai cái của khỉ gì đấy trong miệng. Y nghiêng đầu sang một bên và nhổ ra thứ có lẽ là thuốc lá, “Tôi cứ phải thế này để có thể thức đêm gần được như chúng.” Y rọi đèn pin vào một cái bình chứa đầy những thứ đó. “Tôi đặt mồi nhử, rồi bất cứ khi nào có dịp tôi lại ra ngoài này với cái thứ này. Bọn đểu đó tràn lan khắp. Bọn nó có thể gây nên tội ác chứ chẳng chơi. Nhìn đây này,” y nói. Y đứng dậy. Y nắm tay tôi rồi kéo lại chỗ khóm hồng. Y chỉ cho tôi những lỗ thủng nhỏ trên lá. “Sên đấy,” y nói. “Ban đêm nhìn đâu quanh chỗ này cũng thấy. Tôi đặt mồi nhử rồi ra bắt chúng,” y nói. “Một tạo vật kinh tởm, loài sên ấy. Tôi giữ chúng lại trong cái bình để kia.” Y rọi đèn pin xuống dưới khóm hồng. Một chiếc máy bay lướt qua đầu. Tôi mường tượng những người trên đó ngồi trong ghế thắt đai an toàn, một vài đang đọc sách, một vài đang trân trân nhìn xuống sàn máy bay. Sam này,” tôi nói, “mọi người khỏe chứ? “Khoẻ cả,” y nói, và nhún vai. Y tiếp tục nhai cái của khỉ y đang nhai. “Clifford thế nào?” y nói. Tôi nói, “Vẫn thế.” Sam nói, “Thảng hoặc khi ở ngoài này bắt bọn sên, tôi đưa mắt nhìn qua nhà cô.” Y nói, “Tôi ước giá gì tôi và Cliff lại đánh bạn được với nhau. Giờ nhìn kia kìa,” y nói, và hít mạnh một hơi. “Có một con chỗ kia. Thấy nó không? Ngay chỗ đèn pin rọi ấy.” Y rọi ánh sáng lại ngay chỗ đất dưới khóm hồng. “Xemđây,” Sam nói. Tôi khoanh tay trước ngực và cúi xuống chỗ y đang rọi đèn. Thứ kia thôi nhúc nhích và xoay đầu từ bên này sang bên kia. Rồi Sam bước lại với hộp bột, rắc bột xuống. “Đồ nhớt,” y nói. Con sên oằn oẹo bên này bên kia. Rồi nó cuộn lại và duỗi thẳng ra. Sam nhặt cái xẻng đồ chơi, hốt con sên lên, thả vào bình. “Tôi đã từ bỏ, cô biết đấy,” Sam nói. “Phải thế thôi. Có một dạo nó cứ xảy ra và tôi không biết phải trái gì nữa. Chúng ta vẫn giữ nó quanh nhà, nhưng tôi chẳng thấy nó còn gì quan trọng nữa.” Tôi gật đầu. Y nhìn tôi và cứ thế nhìn mãi. “Tôi nên về thôi,” tôi nói. “Ừ,” y nói. “Tôi sẽ làm tiếp việc đang làm và rồi khi xong, tôi cũng sẽ vào nhà.” Tôi nói, “Chúc ngủ ngon, Sam.” Y nói, “Nghe này.” Y thôi nhai. Bằng cái lưỡi, y đẩy cái thứ của khỉ ấy xuống nằm sau môi dưới. “Bảo Cliff tôi gửi lời chào nhé.” Tôi nói, “Tôi sẽ bảo anh ấy anh bảo vậy, Sam ạ.” Sam luồn tay vào mái tóc óng ánh bạc như thể định bắt bọn tóc xẹp xuống vĩnh viễn, và rồi y dùng tay để vẫy. TRONG phòng ngủ, tôi cởi áo choàng, gấp lại, đặt trong tầm với. Không nhìn giờ, tôi kiểm tra cho chắc chắn là đồng hồ đã lên dây. Rồi tôi chui vào giường, kéo chăn lên, nhắm mắt lại. Khi đó tôi mới nhớ ra mình quên cài cổng. Tôi mở mắt ra và nằm đó. Tôi lay nhẹ Cliff một cái. Hắn hắng giọng. Hắn nuốt khan. Thứ gì đó mắc kẹt và nhỏ dãi dớt trong ngực hắn. Tôi không biết. Nó khiến tôi nghĩ đến những thứ Sam Lawton rắc bột lên Trong một phút tôi nghĩ đến thế giới bên ngoài ngôi nhà này, thế rồi tôi không còn nghĩ thêm gì nữa ngoại trừ việc phải khẩn trương ngủ. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch TÚI QUÀ THÁNG Mười, một ngày ẩm ướt. Từ cửa sổ khách sạn tôi có thể nhìn thấy khá rộng quang cảnh thành phố vùng Trung Tây Hoa Kỳ này. Tôi thấy đèn bật lên ở vài tòa nhà, khói từ mấy ống khói cao bốc lên thành từng đụn dày đặc. Tôi ước giá mình không phải nhìn. Tôi muốn kể cho bạn một câu chuyện cha tôi kể tôi nghe khi tôi tạt qua Sacramento hồi năm ngoái. Nó liên quan đến vài sự kiện từng liên quan đến ông hai năm trước đó, tức là trước khi cha mẹ tôi ly dị. Tôi làm nghề bán sách. Tôi làm đại diện cho một tổ chức nổi tiếng. Chúng tôi bán sách giáo khoa, và có trụ sở chính ở Chicago. Phạm vi tôi phụ trách là Illinois, một vài khu ở Iowa và Wisconsin. Tôi nảy ra ý định tạt qua chỗ cha một vài giờ khi đang tham dự hội nghị của Hiệp hội Xuất bản Sách miền Tây ở Los Angeles. Tôi không gặp ông từ hồi ông li dị, bạn hiểu đấy. Vì vậy tôi lấy từ ví ra địa chỉ ông và đánh điện cho ông. Sáng hôm sau tôi gửi đồ đạc về Chicago và đáp máy bay đi Sacramento. TÔI mất một lúc mới nhận ra ông. Ông đứng chỗ mà ai cũng đứng – sau cánh cổng, chính thế – tóc trắng, đeo kính, quần Sta-Prest nâu. “Cha, cha khoẻ không?” tôi nói. Ông nói, “Les.” Chúng tôi bắt tay và tiến về phía cửa ra. “Mary và bọn trẻ thế nào?” ông nói. “Mọi người khỏe cả,” tôi nói, thực ra không phải thế. Ông mở một túi bánh kẹo trắng. Ông nói, “Cha lấy một ít thứ con có thể cầm về cùng. Không nhiều lắmđâu. Một ít hạnh nhân Roce cho Mary, và kẹo dẻo cho bọn trẻ.” “Cám ơn cha,” tôi nói. “Khi về đừng quên nhé,” ông nói. Chúng tôi tránh đường cho hai ba bà chạy đến khu vực lên máy bay. “Làm ly rượu hay tách cà phê nhé?” tôi nói. “Sao cũng được,” ông nói. “Nhưng cha không có xe đâu,” ông nói. Chúng tôi đến chỗ phòng chờ, gọi đồ uống, châm thuốc. “Vậy là mình ngồi đây rồi,” tôi nói. “Ừm, phải,” ông nói. Tôi nhún vai nói, “Vâng.” Tôi ngả người ra sau ghế và rít một hơi dài, hít vào cái tôi cho là không khí thống khổ quanh đầu ông. Ông nói, “Cha nghĩ sân bay Chicago to gấp bốn lần ở đây.” “Còn hơn thế,” tôi nói. “Tưởng cái này lớn cơ,” ông nói. “Cha đeo kính từ khi nào thế?” tôi nói. “Cách đây ít lâu,” ông nói. Ông nuốt nước bọt đánh ực, rồi đi thẳng vào vấn đề. “Cha muốn chết vì chuyện đó,” ông nói. Ông đặt cánh tay nặng nề ở hai bên ly rượu. “Con là người được học hành tử tế, Les ạ. Con sẽ là người hiểu được.” Tôi nghiêng cái gạt tàn để đọc xem bên dưới viết gì: CÂU LẠC BỘ HARRAH’S/ RENO VÀ HỒ TAHOE/ MỘT NƠI PHÙ HỢP ĐỀ GIẢI TRÍ. “Cô ấy là người của hãng Stanley Products. Người nhỏ nhắn, tay chân nhỏ và tóc đen nhánh. Cô ấy không phải là tạo vật đẹp nhất trên thế gian. Nhưng ở cô ấy toát ra vẻ hay hay. Cô ấy ba mươi và có con. Nhưng cô ấy là một nguời phụ nữ đứng đắn, dù gì xảy ra đi nữa. “Mẹ con luôn mua hàng của cô ấy, nào chổi, nào giẻ lau nhà, nào bột nở làm bánh. Con biết mẹ con đấy. Một ngày thứ Bảy, và cha ở nhà. Mẹ con đi đâu đấy. Cha không biết mẹ ở đâu. Bà không đi làm. Cha đang ở phòng trước đọc báo và uống một tách cà phê thì có tiếng gõ cửa và đó là người phụ nữ nhỏ nhắn đấy. Sally Wain. Cô ấy bảo có vài thứ cho bà Palmer. ‘Tôi là ông Palmer,’ cha nói. ‘Bà Palmer giờ không có nhà,’ cha nói. Cha mời cô ấy vào nhà, con biết đấy, và cha trả tiền cho đồ của cô ấy. Cô ấy không biết liệu có nên vào hay không. Cứ đứng đó cầm cái túi giấy nhỏ và hóa đơn đi kèm. “ ‘Đây, tôi sẽ lấy đồ’, cha nói. ‘Sao cô không vào nhà và ngồi xuống một phút đợi tôi xem có thể tìm ít tiền không.’ “ ‘Không sao đâu,’ cô nói. ‘Ông nợ cũng được. Tôi có rất nhiều khách hàng làm thế. Không sao cả.’ Cô mỉm cười cho cha biết rằng không sao cả, con thấy không. “ ‘Không, không,’ cha nói. ‘Tôi có đây. Tốt hơn là tôi trả luôn giờ. Cô đỡ phải quay lại, tôi đỡ phải nợ nần. Vào nhà đi,’ cha nói, và cha giữ cửa chớp mở. Để cố ấy đứng ngoài đó không lịch sự cho lắm.” Ông húng hắng ho và lấy một điếu thuốc của tôi. Ở sau quầy bar đằng kia một phụ nữ cười ré lên. Tôi nhìn ả và rồi tôi đọc cái gạt tàn một lần nữa. “Cô ấy bước vào và cha nói. ‘Xin cô chờ một chút thôi,’ và cha vào phòng ngủ tìm ví. Cha tìm trên bàn phấn, nhưng không thấy. Cha thấy ít tiền xu, diêm, và lược, nhưng không thấy ví. Cả sáng hôm đó mẹ con đã lau chùi dọn dẹp cái bàn, con thấy đấy. Vì thế cha ra lại phòng trước và nói, ‘Này, tôi sẽ đi tìm ít tiền.’ “ ‘Thôi, xin đừng phiền,’ cô ấy nói. “ ‘Phiền gì đâu,’ cha nói. ‘Dù sao tôi cũng phải tìm ví. Cô cứ tự nhiên như ở nhà nhé.’ “ ‘Ồ, tôi ổn,’ cô ấy nói. “ ‘Nghe này,’ cha nói. ‘Cô có nghe nói vụ cướp có vũ khí lớn ở dưới miền Đông không? Tôi vừa đọc tin đó.’ “ ‘Tôi có xem trên tivi tối qua,’ cô nói. “ ‘Bọn chúng chuồn không để lại dấu vết,’ cha nói. “ ‘Nhẵn như chùi,’ cô ấy nói. “ ‘Một tội ác hoàn hảo,’ cha nói. “ ‘Không nhiều người thoát được như thế,’ cô ấy nói. “Cha không biết nói gì nữa. Cha và cô ấy cứ đứng đó nhìn nhau. Rồi cha ra ngoài hiên tìm quần trong giỏ mây, cha nghĩ ra mẹ con đã bỏ nó ở đó. Cha tìm thấy ví ở túi sau và vào lại phòng kia, hỏi cha cần trả bao nhiêu. “Ba hay bốn dollar gì đó, và cha trả cô ấy. Rồi, cha không hiểu tại sao, cha hỏi cô ấy sẽ làm gì nếu cô ấy có nó, tất cả số tiền mà bọn kia đã cướp đi. “Cô ấy cười phá lên và cha thấy răng cô ấy. “Cha không hiểu khi đó cha bị cái gì ám, Les a. Năm mươi nhăm tuổi. Con cái lớn hết rồi. Cha phải hiểu mọi sự hơn chứ. Người phụ nữ này nhỏ bằng nửa tuổi cha, có con nhỏ đi học. Cô ấy làm việc cho hãng Stanley vào những giờ bọn nhóc đến trường, chỉ để có thứ khiến mình luôn tay. Cô ấy không phải làm việc. Họ có đủ tiền sinh sống. Chồng cô ấy, Larry, anh ta là lái xe cho Consolidated Freight. Kiếm khá. Lái tải, con biết đấy.” Ông ngừng lời, chùi mặt. “Ai cũng có thể phạm sai lầm mà,” tôi nói. Ông lắc đầu. “Cô ấy có hai đứa con trai, Hank và Freddy. Cách nhau chừng một tuổi. Cô ấy cho cha xem vài tấmhình. Mà dù sao, cô ấy vẫn cười phá lên khi cha nói về vụ tiền cướp kia, bảo rằng cô ấy nghĩ sẽ thôi không bán hàng cho Stanley Products nữa và chuyển tới Dago, mua một căn nhà. Cô ấy bảo có họ hàng ở Dago.” Tôi châm một điếu nữa. Tối nhìn đồng hồ. Tay pha chế rượu nhướng lông mày còn tôi giơ ly lên. “Vậy là giờ cô ấy ngồi trên sofa và hỏi cha có thuốc lá không. Bảo cô ấy bỏ thuốc trong cái ví khác, và chưa hút điếu nào từ lúc rời nhà. Bảo rằng cô ấy ghét mua thuốc từ máy bán hàng trong khi có cả thùng ở nhà. Cha đưa cho cô ấy một điếu và cầm diêm châm giúp. Nhưng cha có thể nói với con, Les ạ, tay cha run run.” Ông dừng lời và nhìn mấy chai rượu một lúc. Ả kia đã thôi cười, tay siết chặt cánh tay hai gã bên cạnh. “MỌI chuyện sau nhạt nhòa. Cha nhớ đã hỏi cô ấy có muốn uống cà phê không. Bảo rằng cha vừa pha một bình xong. Cô ấy bảo phải về. Cô ấy bảo có đủ thời gian uống một tách. Cha vào bếp và đợi cà phê nóng lên. Cha nói với con Les ạ, cha sẽ thề trước Chúa, cha chưa một lần phản bội mẹ con trong suốt thời gian cha và bà ấy là vợ chồng. Không một lần. Rất nhiều lần cha cảm thấy muốn và có cơ hội. Cha nói với con, con không hiểu mẹ con bằng cha đâu.” Tôi nói, “Cha không việc gì phải nói mọi chuyện theo hướng đó.” “Cha lấy cà phê cho cô ấy, và lúc này thì cô ấy đã cởi áo khoác ra rồi. Cha ngồi xuống đầu kia sofa và bọn cha nói chuyện riêng tư hơn. Cô ấy bảo có hai con học trường tiểu học Roosevelt, còn Larry, anh ta là tài xế và thỉnh thoảng đi làm xa một hai tuần. Lên tận Seattle, hay xuống L.A., có khi lại đến Phoenix. Luôn là nơi nào đó. Cô ấy bảo cô gặp Larry hồi còn học cấp ba. Bảo cô ấy tự hào với việc đã trải qua tất cả mọi chuyện đến giờ. Rồi, lúc sau cô ấy cười chuyện gì đó cha nói. Đó là điều có thể hiểu theo hai kiểu. Sau đó cô ấy hỏi cha có biết chuyện một người đi bán giày rong gọi một bà góa đến không. Bọn cha cười chuyện đó, rồi cha kể cho cô ấy nghe chuyện còn tệ hơn. Thế là cô ấy cười lăn lộn và châm điếu khác. Chuyện này dẫn đến chuyện kia, chính là thứ đang xảy ra, con có hiểu không. “Rồi, lúc đó cha hôn cô ấy. Cha ngả đầu cô ấy ra sofa và hôn cô ấy, và cha cảm thấy lưỡi cô ấy ở sẵn ngoài đó chỉ chực xông vào miệng cha. Con hiểu cha đang nói gì không? Người đàn ông có thể suốt một thời gian tuân thủ mọi luật lệ và rồi điều đó cóc có ý nghĩa quái gì nữa. Hoàn cảnh cứ đẩy đưa thôi, con hiểu không? “Nhưng mọi chuyện kết thúc chớp nhoáng. Và sau đó cô ấy nói, ‘Hẳn ông nghĩ tôi là một ả điếm,’ và rồi cứ thế cô ấy đi. “Cha đã rất phấn khích, con hiểu không? Cha chỉnh lại sofa, lật lại nệm. Cha gấp lại cả đống báo, thậmchí còn rửa cả tách mà cha và cô ấy đã dùng. Cha đổ sạch bình cà phê đi. Suốt thời gian cha chỉ nghĩ một điều duy nhất là sẽ phải đối mặt với mẹ con sao đây. Cha sợ. “Rồi, chuyện đó bắt đầu như thế. Mẹ con và cha vẫn hòa thuận như bình thường. Nhưng cha bắt đầu gặp người phụ nữ kia thường xuyên.” Ả trong bar kia xuống khỏi ghế. Ả tiến vài bước ra giữa sàn và bắt đầu nhảy. Ả lắc đầu bên này bên kia, bật ngón tay tanh tách. Tay pha chế rượu ngừng tay pha. Ả giơ tay lên trên đầu và dịch chuyển theo một vòng tròn nhỏ ở giữa sàn. Nhưng rồi ả dừng lại và tay pha chế tiếp tục làm việc. “Con thấy cái này rồi?” cha tôi nói. Nhưng tôi không nói một lời nào cả “VẬY là mọi chuyện cứ thế tiếp diễn,” ông nói. “Larry có lịch làm việc, và cha tới chỗ đó bất cứ khi nào có cơ hội. Cha bảo mẹ con là đi chỗ này chỗ kia.” Ông cởi kính ra và nhắm mắt lại. “Cha chưa từng kể chuyện này cho ai cả.” Không có gì để đáp lại lời ông. Tôi nhìn ra cánh đồng bên ngoài rồi nhìn đồng hồ. “Nghe này,” ông nói. “Mấy giờ con bay? Con đáp một chuyến khác được không? Để cha gọi thêm một ly nữa, Les ạ. Gọi cho hai cha con mình hai ly nữa. Cha sẽ nói nhanh thôi. Cha sẽ nói hết trong vòng một phút. Nghe này,” ông nói. “Cô ấy để một tấm hình của anh ta trong phòng ngủ cạnh giường. Ban đầu cha thấy bận lòng. Vì cứ thấy ảnh của anh ta ở đó, kiểu thế. Nhưng rồi sau một thời gian cha cũng quen đi. Con hiểu một người đàn ông quen với mọi thứ thế nào đấy?” Ông lắc đầu. “Khó tin. Rồi, mọi chuyện đi đến chỗ kết thúc tồi tệ. Con biết điều đó. Con biết tất cả chuyện đó.” “Con chỉ biết những điều cha kể cho con,” tôi nói. “Cha sẽ kể cho con, Les ạ. Cha sẽ kể cho con chuyện gì là quan trọng nhất liên đới ở đây. Con biết đấy, có nhiều việc. Những việc quan trọng hơn việc mẹ con bỏ cha. Giờ, con nghe đây. Một lần bọn cha ở trên giường. Chắc là khoảng giữa trưa. Bọn cha chỉ nằm đó, trò chuyện. Có khi cha đang mơ màng. Kiểu nửa tỉnh nửa mơ thì buồn cười thế nào, con biết đấy. Nhưng cũng cùng lúc đó, cha tự bảo lòng tốt hơn nên nhớ rằng chả mấy chốc nữa cha phải ngồi dậy mà đi về. Chuyện đang như thế thì cái ôtô đó tiến vào lối xe chạy, rồi một người ra khỏi xe và sập cửa lại. “ ‘Chúa ơi,’ cô ấy thét lên. ‘Larry đấy!’ “ “Hẳn lúc đó cha đã phát điên. Cha nhớ hình như đã nghĩ nếu mình chạy ra cửa sau, anh ta sẽ ghim chặt cha lên cái hàng rào lớn ở trong sân và có khi còn giết cha. Sally đang phát ra tiếng rất kỳ quặc. Như thể cô ấy không thở nổi. Cô ấy đã khoác được áo choàng vào, nhưng nó không quấn khít lại, và cô đứng trong bếp lắc đầu. Tất cả những chuyện này xảy ra đồng thời ngay lập tức, con hiểu không. Còn cha đứng đó, gần như trần như nhộng, tay cầm quần áo, và Larry đang mở cửa bước vào. Và, cha nhảy. Cha nhảy ngay vào giữa cửa kính lớn nhà họ, ngay đó, xuyên qua kính. “Cha có trốn kịp không?” tôi nói. “Anh ta không đuổi theo cha à?” Cha nhìn tôi như thể tôi bị điên. Ông đăm đăm nhìn cái ly không. Tôi nhìn đồng hồ, duỗi tay chân. Tôi hơi bị nhức đầu, chỗ sau mắt. Tôi nói, “Con nghĩ tốt hơn là phải ra ngoài đó sớm thôi.” Tôi đưa tay lên cằm và vuốt thẳng cổ áo. “Cô ấy vẫn ở Redding phải không, người phụ nữ ấy ấy?” “Con không biết gì cả, phải không?” cha tôi nói. “Con chả biết gì sất. Con không biết gì ngoài việc bán sách.” Đã sắp đến giờ phải đi. “À, Chúa ơi, cha xin lỗi,” ông nói. “Anh ta tan nát cõi lòng, việc là thế. Anh ta sụm người xuống sàn, khóc. Cô ấy đứng trong bếp. Cô ấy khóc trong đó. Cô ấy quỳ gối xuống và cầu Chúa, to và rõ ràng để người đàn ông có thể nghe được.” Cha tôi định nói thêm điều gì đó nữa. Nhưng rồi ông chỉ lắc đầu. Có lẽ ông muốn tôi nói gì đó. Nhưng rồi ông nói, “Thôi, con bắt chuyến bay đi.” Tôi giúp ông mặc áo khoác và chúng tôi ra ngoài, tay tôi níu lấy khuỷu tay ông dắt đi. “Con sẽ gọi taxi cho cha,” tôi nói. Ông nói, “Cha sẽ tiễn con.” “Thôi được rồi,” tôi nói. “Để lần sau.” Chúng tôi bắt tay. Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông. Trên đường về Chicago, tôi nhớ mình đã bỏ quên túi quà của ông ở quán bar. Cũng vậy cả thôi. Mary không cần kẹo, hạnh nhân Roca hay bất cứ thứ gì khác. Đó là năm ngoái. Giờ cô ấy càng chả thiết gì chúng. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch TẮM CHIỀU thứ Bảy bà mẹ chạy xe đến cửa hàng bánh trong trung tâm thương mại. Sau khi lật xem một tập catalog gồm những trang rời kẹp lại với nhau dán ảnh chụp bánh, bà đặt bánh chocolate, loại đứa con thích. Cái bánh bà chọn trang trí hình tàu vũ trụ và một bệ phóng dưới những ngôi sao trắng lấm tấm. Tên SCOTTY sẽ được viết bằng kem màu xanh lá cây như thể đó là tên con tàu. Người làm bánh chăm chú lắng nghe khi bà mẹ bảo Scotty sắp tám tuổi. Ông ta đã lớn tuổi, người làmbánh này, và đeo một cái tạp dề kỳ dị, một thứ nặng nề có dây đeo chạy dưới cánh tay và vòng sau lưng, rồi lại chéo trước ngực, ở đây chúng được thắt lại thành nút dày cộp. Ông liên tục chùi tay vào phía trước tạp dề trong khi nghe người phụ nữ nói, đôi mắt ươn ướt nhìn theo môi bà khi bà vừa nhìn các mẫu bánh vừa nói. Ông để cho bà nhẩn nha. Ông chẳng đi đâu mà vội. Bà mẹ quyết định làm cái bánh tàu vũ trụ, rồi cho người làm bánh tên và số điện thoại. Cái bánh sẽ xong vào sáng thứ Hai, còn rất nhiều thời gian cho bữa tiệc chiều thứ Hai. Đây là tất cả những gì người bán bánh sẵn lòng nói. Không một câu hài hước, chỉ lời trao đổi nhỏ này, thông tin vắn tắt nhất, không một điều không cần thiết. SÁNG thứ Hai, thằng bé đi bộ đến trường. Nó đi cùng một thằng bé khác, hai thằng bé chuyền tay nhau một túi khoai tây rán giòn. Thằng bé sinh nhật hôm đó đang cố lừa thằng kia nói ra sẽ tặng quà gì. Ở ngã tư, không nhìn, thằng bé sinh nhật bước xuống lề đường, và ngay lập tức bị một chiếc ôtô đâm. Nó ngã xuống, đầu trong rãnh nước, chân trên đường chuyển động như thể đang leo tường. Thằng bé kia đứng ôm túi khoai tây rán giòn. Nó băn khoăn không biết nên ăn nốt hay là tiếp tục đi đến trường. Thằng bé sinh nhật không khóc. Nhưng nó cũng không muốn nói gì nữa. Nó không trả lời khi thằng kia hỏi bị xe tông cảm giác thế nào. Thằng bé sinh nhật đứng dậy và quay về nhà, cũng lúc đó thằng kia vẫy tay tạm biệt và đi tới trường. Thằng bé sinh nhật kể mẹ nó chuyện xảy ra. Hai người ngồi cùng nhau trên sofa. Bà nắm tay nó đặt trên đùi mình. Bà đang làm thế thì thằng bé rút tay lại và nằm ngả xuống. DĨ nhiên, tiệc sinh nhật không bao giờ diễn ra. Thay vào đó thằng bé sinh nhật vào bệnh viện. Bà mẹ ngồi cạnh giường. Bà đang đợi thằng bé tỉnh lại. Ông bố vội vã từ văn phòng đến. Ông ngồi cạnh bà mẹ. Vậy giờ cả hai đợi thằng bé tỉnh lại. Họ đợi hàng giờ liền, và rồi ông bố về nhà đi tắm. Ông bố chạy xe từ bệnh viện về nhà. Ông chạy xe trên đường nhanh hơn lẽ thường. Cuộc sống ổn thỏa cho đến bây giờ. Có công việc, làm cha, gia đình. Người đàn ông đã may mắn và hạnh phúc. Nhưng sợ hãi khiến ông muốn đi tắm. Ông lái xe vào lối dành cho xe. Ông ngồi trong xe cố bắt chân cử động. Đứa trẻ đã bị xe đâm và nó nằmtrong bệnh viện, nhưng nó sẽ không sao. Người đàn ông ra khỏi xe và bước lại chỗ cửa. Con chó đang sủa và điện thoại đang đổ chuông. Nó tiếp tục reo khi người đàn ông mở khoá cửa và dò dẫm trên tường tìmcông tắc đèn. Ông nhấc ống nghe. Ông nói, “Tôi vừa mới vào nhà!” “Có một cái bánh chưa được đến lấy.” Đây là điều mà giọng nói ở đầu dây bên kia nói. “Ông đang nói gì thế?” ông bố nói. “Cái bánh,” giọng nói nói. “Mười sáu dollar.” Người chồng giữ ống nghe ở tai, cố hiểu. Ông nói, “Tôi không biết gì về chuyện đó cả.” “Đừng có nói thế với tôi,” giọng nói nói. Người chồng dập điện thoại. Ông vào bếp và rót cho mình một ly whiskey. Ông gọi đến bệnh viện. Tình trạng của đứa bé vẫn như cũ. Khi nước chảy vào bồn, người đàn ông xoa bọt và cạo râu. Ông đang ở trong bồn thì lại nghe tiếng điện thoại. Ông bước ra ngoài và vội chạy qua nhà, nói, “Ngu xuẩn, ngu xuẩn,” vì ông sẽ không làm thế này nếu ở lại bệnh viện. Ông nhấc ống nghe lên và hét, “Alô!” Giọng nói nói, “Nó xong rồi.” ÔNG bố quay lại bệnh viện sau nửa đêm. Người vợ đang ngồi ở ghế cạnh giường. Bà nhìn lên người chồng rồi nhìn xuống đứa con. Từ bộ thiết bị trên giường treo một cái chai có ống chạy xuống đứa trẻ. “Cái gì đây?” ông bố nói. “Glucose,” bà mẹ nói. Người chồng đặt tay lên đằng sau đầu người đàn bà. “Con sẽ tỉnh lại,” người đàn ông nói. “Em biết,” người đàn bà nói. Một lúc sau người đàn ông nói, “Về nhà đi, để anh trông cho.” Bà lắc đầu. “Không,” bà nói. “Thật mà,” ông nói. “Về nhà một lúc đi. Em không phải lo. Con đang ngủ, thế thôi.” Một y tá đẩy cửa vào. Cô gật đầu với họ khi bước lại giường. Cô nhấc cánh tay trái từ dưới chăn ra và đặt ngón tay mình lên cổ tay thằng bé. Cô đút cánh tay lại vào dưới chăn rồi viết lên cái bảng gắn ở giường. “Nó thế nào?” bà mẹ nói. “Ổn định,” y tá nói. Rồi cô nói, “Bác sĩ sẽ đến ngay thôi.” “Tôi đang bảo có lẽ bà ấy nên về nhà nghỉ ngơi một chút,” người đàn ông nói. “Sau khi bác sĩ đến.” “Bà ấy nên làm thế,” y tá nói. Người phụ nữ nói, “Mình sẽ xem bác sĩ nói gì.” Bà đưa tay lên mắt và gục đầu về phía trước. Y tá nói, “Dĩ nhiên.” ÔNG bố đăm đăm nhìn con trai, ngực nhỏ phập phồng dưới chăn. Giờ ông càng sợ hơn. Ông bắt đầu lắc đầu. Ông tự nhủ lòng thế này. Thằng bé không sao. Thay vì ngủ ở nhà, nó ngủ ở đây. Ngủ thì ở đâu cũng như nhau. BÁC sĩ vào. Ông bắt tay người đàn ông. Người phụ nữ đứng dậy khỏi ghế. “Chào bà Ann,” bác sĩ nói và gật đầu. Bác sĩ nói, “Xem thử thằng bé thế nào.” Ông tiến lại chỗ giường và sờ cổ tay thằng bé. Ông vạch một mí mắt lên rồi mí kia. Ông đắp chăn lại và nghe nhịp tim. Ông nhấn tay lên chỗ này chỗ kia trên người thằng bé. Ông đi xuống cuối giường và đọc biểu đồ. Ông ghi giờ, viết vội vào biểu đồ, rồi nhìn bà mẹ và ông bố. Bác sĩ này là một người bảnh bao. Da ông ẩm và rám nắng. Ông vận một bộ comlê đủ lệ bộ đeo cà vạt sặc sỡ, trên áo sơ mi là khuy măng sét. Bà mẹ đang tự nhủ lòng thế này. Ông ta vừa từ đâu đó có khán giả về. Họ đã tặng ông ta một mề đay đặc biệt. Bác sĩ nói, “Chưa có gì để ăn mừng, nhưng cũng không có gì phải lo. Thằng bé sẽ tỉnh lại ngay thôi.” Bác sĩ nhìn thằng bé lần nữa. “Chúng ta sẽ biết rõ hơn khi có kết quả kiểm tra.” “Ôi, không,” bà mẹ nói. Bác sĩ nói, “Đôi khi bà gặp chuyện này.” Ông bố nói, “Ông không gọi đây là hôn mê chứ?” Ông bố đợi và nhìn bác sĩ. “Không, tôi không muốn gọi thế,” bác sĩ nói. “Nó đang ngủ. Đang hồi phục. Cơ thể đang làm việc phải làm.” “Nó bị hôn mê,” bà mẹ nói “Một dạng hôn mê.” Bác sĩ nói, “Tôi sẽ không gọi thế.” Ông cầm tay người phụ nữ và vỗ vỗ. Ông bắt tay người chồng. NGƯỜI phụ nữ đặt tay lên trán đứa trẻ và để đó một lúc. “Ít ra nó không bị sốt”, bà nói. Rồi bà nói, “Em không biết nữa. Sờ trán nó xem.” Người đàn ông đặt tay lên trán thằng bé. Người đàn ông nói, “Anh nghĩ chắc là nó phải thế này.” Người phụ nữ đứng đó một lúc, cắn môi liên tục. Rồi bà bước lại ghế ngồi xuống. Người chồng ngồi ghế cạnh bà. Ông muốn nói gì đó khác. Nhưng không có gì hợp lẽ để nói cả. Ông cầmtay bà đặt lên đùi mình. Thế khiến ông cảm thấy dễ chịu hơn. Thế khiến ông thấy mình đang nói gì đó. Họ ngồi như thế một lúc, nhìn thằng bé, không nói năng. Thỉnh thoảng ông lại siết chặt tay bà cho đến khi bà rút tay ra. “Em đang cầu nguyện,” bà nói. “Anh cũng thế,” ông bố nói. “Anh cũng đang cầu nguyện.” MỘT y tá vào lại và kiểm tra dịch truyền từ cái chai. Một bác sĩ vào và nói tên. Vị bác sĩ này đi giày lười. “Chúng tôi sẽ đưa cháu xuống lầu chụp thêm,” ông nói. “Vì chúng tôi muốn tiến hành chụp cắt lớp.” “Chụp cắt lớp?” bà mẹ nói. Bà đứng giữa vị bác sĩ mới và cái giường. “Không có gì cả đâu,” ông nói. “Chúa ơi,” bà nói. Hai hộ lý bước vào. Họ đẩy một thứ giống giường. Họ tháo cái ống khỏi thằng bé và chuyển nó sang thứ có bánh xe. SAU khi mặt trời mọc họ đưa đứa bé sinh nhật ra ngoài. Bà mẹ và ông bố theo sau hộ lý vào thang máy lên phòng bệnh. Một lần nữa, ông bố bà mẹ ngồi vào chỗ cạnh giường. Họ đợi cả ngày. Thằng bé không tỉnh lại. Bác sĩ lại đến và lại kiểm tra thằng bé rồi đi sau khi lại nói những điều tương tự. Y tá vào. Kỹ thuật viên vào lấy máu. “Tôi không hiểu chuyện này,” bà mẹ nói với kỹ thuật viên. “Lệnh của bác sĩ,” kỹ thuật viên nói. Bà mẹ bước lại chỗ cửa sổ nhìn ra bãi đậu xe. Ôtô đã lên đèn chạy ra chạy vào. Bà đứng ở cửa sổ tay đặt lên bậu cửa. Bà tự nhủ lòng thế này. Chúng mình giờ đang gặp chuyện, một chuyện khó khăn. Bà sợ. Bà nhìn thấy một chiếc ôtô dừng lại và một người phụ nữ vận áo choàng dài vào xe. Bà giả vờ mình là người phụ nữ đó. Bà giả vờ mình đang lái xe rời khỏi đây đến một nơi nào đó. BÁC sĩ vào. Trông ông rám nắng và khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Ông bước lại giường xem xét thằng bé. Ông nói, “Dấu hiệu của nó ổn. Mọi thứ tốt.” Bà mẹ nói, “Nhưng nó vẫn ngủ.” “Vâng,” bác sĩ nói. Người chồng nói, “Bà ấy mệt mỏi. Bà ấy đói cồn cào.” Bác sĩ nói, “Bà ấy nên nghỉ ngơi. Bà ấy nên ăn. Ann ạ,” bác sĩ nói. “Cám ơn ông,” người chồng nói. Ông bắt tay bác sĩ và bác sĩ vỗ vỗ vai họ rồi đi. “ANH nghĩ một trong hai chúng ta nên về nhà kiểm tra mọi thứ,” người đàn ông nói. “Con chó cần được ăn.” “Gọi hàng xóm ấy,” người vợ nói. “Ai đó sẽ cho nó ăn nếu anh nhờ.” Bà cố nghĩ xem ai. Bà nhắm mắt lại và cố nghĩ bất cứ điều gì. Sau một lúc bà nói, “Có lẽ em sẽ làm vậy. Có lẽ nếu em không ở đây nhìn, nó sẽ tỉnh lại. Có lẽ bởi vì em nhìn mà nó không tỉnh.” “Có thể lắm,” người chồng nói. “Em sẽ về nhà, tắm một cái và mặc đồ sạch vào,” người phụ nữ nói. “Anh nghĩ em nên làm thế,” người đàn ông nói. Bà cầm ví lên. Ông giúp bà mặc áo khoác vào. Bà tiến ra cửa và nhìn lại. Bà nhìn đứa trẻ, rồi bà nhìn ông bố. Người chồng gật đầu và mỉm cười. BÀ đi qua phòng y tá và xuống cuối hành lang, rồi bà rẽ và thấy một phòng chờ nhỏ, một gia đình đang ở đó, tất cả đều ngồi ở ghế mây, một người đàn ông vận áo kaki, mũ lưỡi trai đội ngược trên đầu, một người phụ nữ to lớn vận đồ ở nhà, chân đi dép lê, một cô gái vận quần jeans tóc tết thành cả chục bím xoăn, cái bàn bừa bãi những giấy gói mỏng, hộp đựng thức ăn bằng bọt biển, gói cà phê, gói muối và tiêu. “Nelson,” người phụ nữ to lớn nói. “Có phải có tin về Nelson không?” Người phụ nữ mở to mắt. “Nói cho tôi ngay, bà ơi,” người phụ nữ to lớn nói. “Có phải về Nelson không?” Người phụ nữ ấy đang cố đứng dậy khỏi ghế. Nhưng người đàn ông vòng tay níu tay bà lại. “Ngồi đây, ngồi đây,” người đàn ông nói. “Tôi xin lỗi,” bà mẹ nói. “Tôi đang tìm thang máy. Con trai tôi đang ở trong bệnh viện này. Tôi không tìm được thang máy.” “Thang máy ở cuối lối này,” người đàn ông nói, và ông chỉ ngón tay về phía bên phải. “Con trai tôi bị xe đâm,” người mẹ nói. “Nhưng nó sẽ không sao. Giờ nó đang bị sốc, nhưng có thể cũng là một dạng hôn mê. Đó là điều khiến chúng tôi lo, hôn mê ấy. Tôi sẽ ra ngoài một lúc. Có lẽ tôi sẽ đi tắmmột cái. Nhưng chồng tôi ở bên nó. Anh ấy theo dõi. Có khả năng mọi thứ sẽ thay đổi khi tôi đi. Tên tôi là Ann Weiss.” Người đàn ông nhấp nhổm trong ghế. Ông ta lắc đầu. Ông ta nói, “Nelson của chúng tôi.” BÀ tạt ôtô vào lối xe chạy. Con chó từ sau nhà chạy ra. Nó chạy vòng tròn trên cỏ. Bà nhắm mắt lại và tì đầu lên vô lăng. Bà lắng nghe tiếng tíc tắc của động cơ. Bà ra khỏi xe và đi lại chỗ cửa. Bà bật đèn lên và đun nước pha trà. Bà mở một hộp thức ăn và cho chó ăn. Bà ngồi xuống sofa tay cầm trà. Điện thoại reo. “Vâng!” bà nói. “Alô!” bà nói. “Bà Weiss,” một giọng đàn ông nói. “Vâng,” bà nói. “Tôi là bà Weiss đây. Có phải chuyện Scotty không?” bà nói. “Scotty,” giọng nói nói. “Chuyện về Scotty,” giọng nói nói. “Phải liên quan đến Scotty chứ, đúng thế.” NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch BẢO BỌN ĐÀN BÀ LÀ CHÚNG MÌNH ĐI CHƠI BILL Jamison xưa nay vẫn là bạn hẩu nhất với Jerry Roberts. Họ cùng lớn lên ở miền Nam, gần những khu hội chợ cũ, cùng qua các bậc tiểu học và trung học, rồi cùng vào trường cao đẳng kỹ thuật Eisenhower, tại đó, họ cố gắng thu xếp để học cùng thầy cùng khóa càng nhiều càng tốt, mặc chung sơ mi, áo len, quần ống côn, cả đến bồ bịch cũng chung nhau, sang tay cho nhau, đương nhiên là gặp gì dùng nấy. Mùa hè, họ cùng đi làm thêm – hái đào hoặc anh đào, thu hoạch hublông, bất cứ công việc gì họ có thể làm được miễn là kiếm thêm tí tiền mà không bị một ông chủ ngầy ngà hạch sách. Và rồi họ mua chung một chiếc xe hơi. Mùa hè trước năm hết cấp, họ góp tiền mua một chiếc Plymouthe đời 54 màu đỏ với giá 325 dollar. Họ dùng luân phiên. Xe chạy tốt. Nhưng Jerry lấy vợ trước khi kết thúc học kỳ I và bỏ học để đi làm hẳn ở siêu thị Robby. Dạo xưa, Bill cũng đã từng hẹn hò bồ bịch với cô gái đó. Cô tên là Carol và cô với Jerry thành một cặp uyên ương tâm đầu ý hợp và Bill hễ có dịp là lại đến thăm họ. Việc có bạn đã yên bề gia thất khiến Bill cảm thấy mình già đi. Anh thường đến chơi ăn trưa hoặc ăn tối với họ cùng nghe những bài hát của Evils hoặc Bill Haley và nhóm Comets. Nhưng đôi khi Carol và Jerry quay ra âu yếm nhau ngay trước mũi Bill khiến anh phải đứng dậy kiếmcớ cáo từ và cuốc bộ ra trạm xăng Dezorn làm một lon Coke vì căn hộ của họ chỉ có mỗi cái giường âmtrong tường ngả xuống phòng khách. Hoặc đôi khi Jerry và Carol kéo nhau vào toilet, thế là Bill lại phải rút vào bếp giả vờ quan tâm đến tủ bát đĩa và tủ lạnh, cố bỏ ngoài tai những tiếng động nọ. Thành thử anh ít đến thăm hơn; đến tháng sáu, tốt nghiệp xong, anh nhận việc ở trại sữa Darigold và xung vào đội Cận vệ Quốc gia. Một năm sau, anh đã có mối kinh doanh sữa riêng và thường xuyên cặp kè với Linda. Thế rồi Bill và Linda lại năng đến Jerry và Carol uống bia và nghe nhạc. Carol và Linda trở nên hợp cạ và Bill khoái chí khi Carol nói riêng với anh rằng Linda “quả là oách”. Jerry cũng thích Linda. “Cô ấy tuyệt,” Jerry nói. Khi Bill và Linda cưới, Jerry là phù rể. Dĩ nhiên tiệc cưới đặt ở khách sạn Donnelly, Jerry và Bill cùng cắt bánh, họ ngoắc tay nhau nốc hàng lô rượu pha chanh. Nhưng có lúc, giữa cuộc vui ấy, Bill chợt nhìn Jerry và thấy bạn mình sao mà già, già hơn bao nhiêu so với với cái tuổi hai mươi hai của cậu ta. Hồi ấy, Jerry đã là ông bố hạnh phúc của hai nhóc và đã được thăng chức lên làm trợ lý giám đốc siêu thị Robby còn Carol lại có bầu lần nữa. THỨ Bảy và Chủ nhật nào họ cũng gặp nhau, có khi còn thường xuyên hơn nếu vào dịp nghỉ. Nếu trời đẹp, họ kéo nhau đến nhà Jerry nướng xúc xích trên bếp lửa ngoài vườn và thả cho bọn trẻ bì bõm trong cái bể cạn mà, cũng như bao thứ đồ khác, Jerry đã mua với giá gần như cho không ở siêu thị của mình. Jerry có một ngôi nhà xinh xắn. Nó nằm trên một ngọn đồi nhìn xuống sông Naches. Xung quanh cũng có những nhà khác nhưng không gần lắm. Jerry làm ăn khá. Những lần hai cặp vợ chồng gặp nhau, bao giờ cũng là ở chỗ Jerry vì ở đó có bếp nướng barbecue ngoài trời, có đĩa hát và đỡ phải tha lũ nhóc đi theo. Vậy là chuyện xảy ra vào một ngày Chủ nhật ở chỗ Jerry. Cánh phụ nữ đang thu dọn ở trong bếp. Hai đứa con gái của Jerry chơi ngoài sân vừa la hét vừa némmột quả bóng nhựa vào cái bể cạn rồi lội vào vớt trở lại. Jerry và Bill ngồi trên ghế tựa dài trong hiên nhà, uống bia và thư giãn. Hầu như chỉ một mình Bill nói về những người quen chung, về Darigold, về chiếc xe Pontiac Catalina bốn cửa mà anh đang tính mua. Jerry thì đang dán mắt vào cái dây phơi quần áo hay chiếc Chevy 68 có mui đóng mở nằm trong gara. Thấy bạn chỉ trân trân nhìn mọi vật hầu như không hé răng, Bill nghĩ: thằng cha này sắp trở nên thâm trầmđến nơi rồi. Bill nhổm người trên ghế và châm một điếu thuốc lá. Anh nói, “Có chuyện gì không ổn hả? Cậu hiểu ý mình chứ?” Jerry uống nốt chỗ bia, rồi bóp bẹp cái lon. Anh nhún vai. “Cậu lạ gì,” anh nói. Bill gật đầu. Rồi Jerry nói, “Ta lượn một tua chăng?” “Nghe được đấy,” Bill nói. “Tớ sẽ bảo bọn đàn bà là chúng mình đi chơi”. HỌ theo xa lộ dọc bờ sông Naches đến Gleed, Jerry lái. Trời nắng ấm, gió luồn qua cửa xe. “Ta đi đâu?” Bill hỏi. “Làm ván bi-a đi.” “Nhất trí,” Bill nói. Anh cảm thấy nhẹ nhõm hẳn khi thấy Jerry tươi tỉnh dần. “Đàn ông không thể cứ ru rú xó nhà,” Jerry nói, mắt nhìn Bill. “Cậu hiểu ý mình chứ?” Bill hiểu. Anh thích cùng các bạn trong xí nghiệp đi chơi bowling tối thứ Sáu. Anh thích, mỗi tuần hai lần, sau giờ làm việc, rủ Jack Broderick đi làm vài lon bia. Anh biết một gã đàn ông không thể cứ ru rú trong nhà. “Vẫn hoạt động,” Jerry nói khi rẽ vào con đường rải sỏi dẫn đến trước cửa trung tâm Giải trí. Họ đi vào trong, Bill giữ cửa cho Jerry, Jerry khi đi qua khẽ hích bụng vào Bill. “Này!” Đó là Riley. “Dạo này làm ăn thế nào, các cậu?” Từ sau quầy, Riley tươi cười bước tới. Đó là một gã ục ịch. Gã mặc một chiếc sơ mi Hawaii ngắn tay buông thõng ngoài quần jeans. Riley nói, “Vậy chứ các cậu làm ăn ra sao?” “Ô, tạnh đi và cho chúng tớ hai lon bia Oly,” Jerry nói, nháy mắt với Bill. “Còn cậu, có khỏe không Riley?” Jerry nói. Riley nói, “Thế các cậu thế nào? Các cậu biến đâu bấy lâu nay? Ăn mảnh với em nào hẳn? Jerry, lần cuối cùng mình gặp cậu, bà già cậu đã mất được sáu tháng.” Jerry đứng im một lúc, mắt hấp háy. “Bia Oly của bọn tớ đâu?” Bill nói. Họ ngồi trên những chiếc ghế đẩu cao gần cửa sổ. Jerry nói, “Cái nơi này là cái quái gì mà chiều Chủ nhật cũng chả có một em nào cả, Riley?” Riley cười. Gã nói, “Tớ đoán các em đang ở nhà thờ cầu nguyện cho cái khoản ấy. “ Đôi bạn uống mỗi người năm lon bia và chơi ba ván rotation và hai ván snooker, Riley nghễu nghện trên một chiếc ghế đẩu vừa nhìn họ chơi vừa nói chuyện, Bill không ngừng nhìn đồng hồ, rồi quay sang nhìn Jerry. Bill nói, “Cậu nghĩ thế nào, Jerry? Mình muốn nói, cậu tính thế nào bây giờ?” Bill nói. Jerry uống cạn lon bia, bóp bẹp rồi đứng im một lúc, xoay xoay chiếc lon rỗng trong tay. TRỞ lại xa lộ, Jerry tăng tốc độ – nhảy dần lên đến 120 rồi 140 km. Vừa vượt qua một chiếc xe tải nhỏ cũ kỹ chở đồ đạc thì họ trông thấy hai cô gái. “Nhìn kìa!” Jerry nói, hãm chậm lại. “Tớ sẵn sàng dùng một quắn đấy.” Jerry cho xe chạy khoảng hơn một cây số nữa rồi dẹp vào bên đường. “Ta quay lại đi,” Jerry nói. “Thử một cái xem.” “Lạy Chúa,” Bill nói. “Tớ không biết”. “Tớ muốn dùng tí ti,” Jerry nói. Bill nói, “Hừm, nhưng mà tớ không dám chắc.” “Chúa ơi!” Jerry nói, hơi sốt ruột. Bill nhìn đồng hồ rồi đảo mắt nhìn ra xung quanh. Anh nói, “Cậu bắt chuyện nhá. Tớ phải cái kém mồmmép.” Jerry bấm còi, hơi sốt ruột. Anh hãm chậm lại khi đến gần ngang tầm các cô gái, tạt chiếc Chevy vào lề đường ngay trước mặt họ. Các cô gái vẫn đạp xe đi tiếp nhưng họ nhìn nhau phá lên cười. Cô đi bên trong tóc nâu, cao, thon thon mình liễu. Cô kia tóc sáng màu và thấp hơn. Cả hai đều mặc soóc và yếm hở vai và lưng. “Đồ đĩ điếm,” Jerry nói. Anh đợi cho mấy chiếc xe hơi vượt qua để cua một vòng chữ U. “Tớ nhắm con tóc nâu,” anh nói. “Con nhỏ hơn phần cậu.” Bill dựa lưng vào ghế trước và đưa tay chỉnh gọng kính. “Bọn nó không chịu đâu,” Bill nói. “Bọn nó sẽ ở bên phía cậu đấy,” Jerry nói. Anh đánh xe ngang đường rồi lùi lại. “Chuẩn bị nhé,” Jerry nói. “Chào hai em,” Bill nói khi các cô gái đạp xe tới. “Tên anh là Bill.” “Tên hay đấy,” Tóc-Nâu nói. “Các em đi đâu vậy?” Bill nói. Không trả lời. Cô nhỏ con cười khúc khích. Họ vẫn tiếp tục đạp và Jerry tiếp tục lái theo. “Thôi nào, các em đi đâu đấy?” Bill nhắc lại. “Chẳng đâu cả,” Nhỏ-Con nói. “Chẳng đâu cả là đâu?” Bill nói. “Anh muốn biết ư,” Nhỏ-Con nói. “Anh đã khai tên anh,” Bill nói. “Còn em tên gì? Bạn anh đây tên là Jerry.” Hai cô nhìn nhau và phá lên cười. Một chiếc xe hơi từ đằng sau đi tới. Người lái xe bóp còi. “Im đi!” Jerry quát trả. Anh né một tí cho chiếc xe kia qua. Rồi anh lùi lại xuống ngang tầm cô gái. Bill nói, “Bọn anh sẽ cho các em đi nhờ xe. Bọn anh sẽ đưa các em đến chỗ các em muốn. Bọn anh hứa vậy. Các em đạp xe thế chắc đã thấm mệt. Trông các em có vẻ mệt rồi. Tập quá sức không tốt đâu. Nhất là đối với con gái.” Hai cô cười rinh rích. “Đồng ý không?” Bill nói. “Bây giờ thì cho bọn anh biết tên đi.” “Em là Barbara, cô ấy là Sharon,” Nhỏ-Con nói. “Tốt!” Jerry nói. “Bây giờ hỏi cho ra bọn nó đi đâu.” “Thế hai em đi đâu?” Bill nói. “Barb?” Barbara cười “Chẳng đâu cả,” cô nói “Ngay phía cuối đường thôi.” “Cuối đường chỗ nào?” “Cậu có muốn mình nói cho các anh ấy biết không?” cô hỏi cô kia. “Mình bất cần,”cô kia nói. “Nói cũng chẳng sao,” cô nói. “Dù thế nào mình cũng chẳng đi đâu với bất kỳ ai,” cô gái tên là Sharon nói. “Các em đi đâu?” Bill nói. “Chắc là đến Picture Rock hả?” Lại cười rúc rích. “Đúng là bọn nó đến đấy,” Jerry nói. Anh dấn ga vượt lên và lái sát vào lề đường để các cô gái đi lên bên phía mình. “Đừng giữ kẽ thế nữa,” Jerry nói. “Thôi nào, chúng ta đã tự giới thiệu với nhau rồi mà.” Các cô gái chỉ lặng lẽ đạp tiếp. “Anh đâu có thịt các em!” Jerry hét to. Tóc-Nâu ngoái nhìn lại. Jerry có cảm giác nhìn kiểu ấy là cô đã cắn câu. Nhưng ai mà dám chắc các cô gái! Jerry đánh xe trở lại giữa xa lộ, tăng tốc, đất và sỏi bắn tung tóe từ dưới những bánh xe. “Hẹn gặp lại nhé!” Bill kêu to khi xe vượt nhanh qua các cô. “Ăn chắc rồi,” Jerry nói. “Cậu có thấy cái con hĩm ấy nó nhìn mình như thế nào không?” “Mình không biết,” Bill nói. “Có lẽ chúng mình nên quay về nhà thì hơn.” “Ăn chắc rồi”, Jerry nói. ANH đánh xe tạt vào dưới rặng cây. Chỗ này, điểm Picture Rock, xa lộ rẽ đôi, một đường đi Yakima, đường kia Naches, Enumclaw, đèo Chinook, Seattle. Cách đường cái khoảng một trăm mét là một mỏm đá cao, xám đen, dốc, thuộc một dãy đồi chi chít những đường mòn và hang hốc, đây đó, ta thấy những hình vẽ của người Indian trên vách hang động. Trên vách mỏm đá nhìn ra xa lộ, đầy những dòng chữ khắc đại loại như Naches 67 – Lời chào của lũ Mèo – Jesus Chúa Cứu Thế – Đánh bại Yakima – Hãy sám hối ngay từ giờ. Họ ngồi trong xe hút thuốc lá. Muỗi bay vào tấn công tay họ. “Ước gì có một lon bia!” Jerry nói. “Tớ sẵn sàng đổi nhiều thứ lấy một lon bia lúc này”, anh nói. Bill nói. “Tớ cũng thế,” và nhìn đồng hồ. KHI thấy các cô gái xuất hiện, Jerry và Bill ra khỏi xe. Họ tựa vào cái cản sốc đằng trước. “Nhớ đấy,” Jerry nói, tách ra khỏi xe. “Con tóc nâu là của tớ. Phần cậu con kia.” Hai cô gái ngả xe đạp xuống đất và bắt đầu leo lên theo một con đường mòn. Họ khuất sau một khúc quành rồi lại xuất hiện ở cao hơn một chút. Họ đứng đó và nhìn xuống. “Các anh theo bọn tôi làm gì vậy?” Tóc-Nâu hỏi vọng xuống. Jerry lẳng lặng đi lên theo con đường mòn. Các cô gái quay đi và rảo bước leo tiếp. Jerry và Bill vẫn đều bước rượt theo. Bill đang hút một điếu thuốc lá chốc chốc dừng lại để rít một hơi dài. Đến một chỗ quành, anh ngoái lại và nhìn thấy chiếc xe. “Nhanh lên nào!” Jerry nói. “Mình tới ngay đây,” Bill nói. Họ tiếp tục leo. Nhưng rồi Bill phải dừng lại để lấy hơi. Lúc này anh không nhìn thấy chiếc xe nữa. Anh cũng không nhìn thấy xa lộ. Tít bên dưới, mé tay trái, anh thấy một đoạn sông Naches lấp lánh như một dải nhôm. Jerry nói, “Cậu vòng bên phải, tớ tiến thẳng. Chúng mình sẽ chặn đường hai con làm ngứa dái này.” Bill gật đầu. Anh không còn đủ hơi để trả lời. Anh leo lên một đoạn nữa rồi con đường bắt đầu ngoặt xuống phía thung lũng. Anh nhìn quanh và trông thấy các cô gái. Anh thấy họ nấp sau một mô đất. Có lẽ các cô đang tủm tỉm cười. Bill rút một điếu thuốc. Nhưng anh không châm được. Rồi Jerry đột ngột xuất hiện. Sau đó, chẳng có gì đáng kể nữa. Bill chỉ muốn làm một phát cho vui mà thôi. Hoặc thậm chí chỉ cần được thấy họ trần truồng. Mặt khác, ngay cả nếu không ăn thua gì cũng chẳng sao. Anh chẳng biết Jerry muốn gì. Nhưng sự thể bắt đầu và kết thúc bằng một hòn đá. Jerry sử dụng cùng một hòn đá cho cả hai – thoạt tiên là cô gái tên là Sharon rồi đến cô bảo là dành cho Bill. DƯƠNG TƯỜNG dịch SAU ĐỒ JEANS Edith Packer đút tai nghe vào tai, và nàng đang hút một điếu thuốc của hắn. Tivi đang bật không cho tiếng, còn nàng quỳ chân trên sofa, lật vài trang tạp chí. James Packer bước ra từ phòng dành cho khách, phòng hắn đã sửa lại thành phòng làm việc, và Edith Packer gỡ sợi dây ở tai ra. Nàng dụi điếu thuốc vào gạt tàn và ngỏng chân lên, ngọ nguậy ngón chào. Hắn nói, “Chúng mình có định đi không đây?” “Em đi đây,” nàng nói. Edith Packer thích nhạc cổ điển. James Packer không. Hắn là kế toán đã nghỉ hưu. Nhưng hắn vẫn làmbáo cáo thuế cho vài khách hàng cũ, và hắn không thích vừa nghe nhạc vừa làm. “Nếu định đi thì đi thôi.” Hắn nhìn tivi, rồi bước lại tắt đi. “Em đi đây,” nàng nói. Nàng gập tạp chí lại, đứng dậy. Nàng rời phòng đi ra sau. Hắn theo nàng để chắc cửa sau đã khóa và đèn hành lang cũng đã bật. Rồi hắn đứng đợi, đợi mãi trong phòng khách. Từ đây đến trung tâm giải trí cộng đồng mất chừng mười phút chạy xe, thế nghĩa là họ sẽ lỡ mất lượt chơi đầu tiên. Ở chỗ James luôn đậu xe đã có một chiếc xe tải cũ dán đầy nhãn, vì thế hắn cho xe chạy đến cuối dãy. “Tối nay lắm xe ghê,” Edith nói. Hắn nói, “Sẽ không nhiều thế nếu mình đúng giờ.” “Cũng nhiều thế thôi. Có điều mình sẽ không thấy.” Nàng cấu tay áo hắn, trêu. Hắn nói, “Edith, nếu định đi chơi bingo, mình phải tới đây đúng giờ.” “Thôi nào,” Edith Packer nói. Hắn tìm thấy một chỗ đậu xe trống và ngoặt vào. Hắn tắt máy và đèn. Hắn nói, “Anh không biết tối nay mình có cảm giác hên không. Lúc đang làm thuế cho Howard thì chắc anh có cảm thấy mình hên. Nhưng bây giờ chắc anh không cảm thấy mình hên. Hên sao được khi phải khởi sự đi bộ cả nửa dặm chỉ để chơi.” “Bám càng em,” Edith Packer nói. “Anh sẽ thấy hên.” “Anh chưa thấy hên,” James nói. “Khóa cửa bên em lại.” GIÓ thổi lạnh. Hắn kéo khóa áo gió lên tận cổ, còn nàng quấn áo khoác quanh người chặt hơn. Họ nghe thấy tiếng sóng vỡ tan trên đá dưới chân vách núi sau tòa nhà. Nàng nói, “Em lấy một điếu thuốc của anh trước đã.” Họ dừng bước dưới đèn đường ở góc. Đó là một cây đèn đường hỏng, phải chằng thêm dây thép đỡ. Dây thép chuyển động trong gió, tạo ra những bóng đen trên vỉa hè. “Khi nào em mới thôi?” hắn nói, châm điếu của mình sau khi châm cho nàng. “Khi anh thôi,” nàng nói. “Em sẽ thôi khi anh thôi. Cũng như hồi anh thôi uống. Như thế. Như anh.” “Anh có thể dạy em khâu vá,” hắn nói. “Một thợ khâu vá trong nhà là đủ rồi,” nàng nói. Hắn khoác tay nàng và họ tiếp tục bước. Khi đến lối vào, nàng thả điếu thuốc, xéo lên. Họ bước lên bậc thềm vào sảnh. Trong sảnh có một sofa, một bàn gỗ, ghế gấp chất đống. Trên tường treo nhiều ảnh thuyền câu cá và chiến hạm hải quân, một tấmtrong đó chụp một cái tàu lật úp, một người đàn ông đứng trên sống tàu, vẫy tay. Nhà Packer đi qua sảnh, James khoác tay Edith khi họ bước vào hành lang. VÀI nữ hội viên ngồi bên lối ra vào phía xa ghi tên mọi người khi họ bước vào hội trường, một lượt mới đang chơi trong đó rồi, các con số được một phụ nữ đứng trên sân khấu hô to lên. Nhà Packer vội vã đến chỗ bàn mọi khi của mình. Nhưng một đôi trẻ đã chiếm chỗ thường lệ của nhà Packer. Cô ả vận đồ jeans, gã tóc dài đi cùng ả cũng vậy. Ả đeo nhẫn, dây chuyền và hoa tai khiến cả người ả lấp lánh dưới ánh sáng màu trắng đục. Ngay lúc nhà Packer tiến tới, ả quay sang tay đi cùng và chọc ngón tay vào con số trên bảng số của gã. Rồi ả cấu tay gã. Gã để tóc vuốt ngược ra sau rồi cột túm lại dưới gáy, và nhà Packer còn thấy một thứ gì đó nữa – một cái khuyên vàng xuyên qua dái tai gã. JAMES dắt Edith sang bàn khác, quay lại nhìn lần nữa trước khi ngồi xuống. Thoạt tiên hắn cởi áo gió rồi giúp Edith cởi áo khoác, rồi đăm đăm nhìn cái đôi đã chiếm chỗ của họ. Cô ả đang xem bảng số của mình lúc số được hô, nhoài người tới để xem bảng số của gã kia – như thể, James nghĩ, tay kia không đủ tri giác mà để ý số của gã vậy. James cầm một xấp bảng bingo đã được xếp sẵn trên bàn. Hắn chia một nửa cho Edith. “Chọn vài bảng thắng ấy nhé,” hắn nói. “Vì anh sẽ lấy ba bảng ngay trên cùng này. Anh chọn bảng nào không quan trọng. Edith ạ, tối nay anh không cảm thấy hên.” “Đừng để ý làm gì,” nàng nói. “Chúng chả làm hại ai. Chúng còn trẻ, thế thôi.” Hắn nói, “Đây là đêm bingo thứ Sáu thường lệ cho người trong cộng đồng này.” Nàng nói, “Đây là một xứ tự do.” Nàng đưa lại cho hắn xấp bảng số. Hắn bỏ sang một bên bàn. Rồi họ tự lấy hạt đánh dấu từ bát. JAMES rút ra tờ một dollar từ cuộn tiền hắn dành cho những đêm bingo. Hắn đặt tờ dollar cạnh bảng số. Một nữ hội viên, một người đàn bà gầy gò tóc xanh nhạt và có một vết chàm trên cổ – nhà Packer chỉ biết bà ta là Alice – ngay tắp lự đến mang theo lon cà phê. Bà sẽ thu tiền xu và giấy, trả lại tiền thừa từ cái lon. Người đàn bà này hoặc một người khác sẽ trả tiền cho người thắng. Người phụ nữ trên bục hô “I-25”, và một người trong hội trường hét, “Bingo!” Alice lách mình giữa mấy cái bàn. Bà cầm bảng số thắng lên và giữ trong tay khi người phụ nữ trên bục xướng lớn những con số thắng cuộc. “Đúng là bingo,” Alice khẳng định. “Bingo này, thưa quý ông và quý bà, trị giá mười hai dollar!”, người phụ nữ trên bục tuyên bố. “Xin chúc mừng người chiến thắng.” NHÀ Packer chơi năm lượt nữa không ăn thua gì. Bảng số của James một lần suýt được. Nhưng rồi nămsố được hô lần lượt, không số nào hắn có, số thứ năm còn tạo bingo cho bảng số một kẻ khác. “Lần đó suýt nữa anh được,” Edith nói. “Em xem bảng số anh mà.” “Bà ta đang đùa anh,” James nói. Hắn nghiêng bảng số và để cho các hạt đổ vào tay mình. Hắn nắm tay lại thành nắm đấm. Hắn lắc hạt trong nắm tay. Có điều gì đó về một thằng nhóc ném hạt qua cửa sổ nảy ra trong đầu hắn. Ký ức đến với hắn từ một khoảng cách diệu vợi, và khiến hắn thấy cô độc. “Có lẽ nên đổi bảng số,” Edith nói. “Không phải đêm của anh,” James nói. Hắn ngoái nhìn đôi trẻ kia lần nữa. Chúng đang cười chuyện gì đó mà gã kia nói. James có thể thấy chúng không để ý đến bất kỳ ai trong hội trường. ALICE đến thu tiền lượt kế, và ngay khi số đầu tiên được hô, James thấy gã quần jeans đặt một hạt xuống bảng số mà y không mua. Một con số nữa được hô, và James thấy y lại làm thế. James sững sờ. Hắn không tài nào tập trung được vào bảng số của mình. Hắn cứ ngước lên xem gã quần jeans kia đang làm gì. “James, nhìn vào bảng số của anh ấy,” Edith nói. “Anh nhỡ N-34 kìa. Tập trung vào chứ.” “Thằng lỏi ngồi chỗ bọn mình đang ăn gian. Anh không tin nổi vào mắt mình,” James nói. “Nó ăn gian thế nào?” Edith nói, “Nó chơi bảng số mà nó không mua,” James nói. “Ai đó nên tố nó.” “Không phải anh, cưng ạ,” Edith nói. Nàng nói chậm rãi và cố nhìn vào bảng số của mình. Nàng thả một hạt xuống một số. “Thằng kia đang ăn gian,” James nói. Nàng lấy một hạt đánh dấu trên lòng bàn tay ra đặt xuống một số. “Chơi bảng số của anh đi,” Edith nói. Hắn nhìn lại bảng số mình. Nhưng hẳn biết dù gì hắn cũng thua lượt này thôi. Không biết hắn đã lỡ bao số rồi, hắn đã bị tụt lại sau bao xa rồi. Hắn siết đám hạt trong nắm tay. Người phụ nữ trên bục hô, “G-60.” Có người hét, “Bingo!” “Chúa ơi,” James Packer nói. MƯỜI PHÚT giải lao được thông báo. Trò sau giờ nghỉ sẽ là trò Blackout3, một dollar một bảng số, người thắng giành tất, tuần này phần thưởng là chín mươi tám dollar. Có tiếng huýt sáo và vỗ tay. James nhìn cặp kia. Gã kia đang vừa sờ khuyên tai vừa trân trối nhìn trần nhà. Cô ả đặt tay trên đùi gã. “Em phải vào phòng vệ sinh,” Edith nói. “Đưa em bao thuốc.” James nói, “Còn anh sẽ đi mua cho bọn mình bánh quy nho và cà phê.” “Em vào phòng vệ sinh đây,” Edith nói. Nhưng James Packer không đi lấy bánh và cà phê. Thay vì thế, hắn ra đứng sau ghế gã đồ jeans. “Tao biết mày đang làm gì,” James nói. Gã kia quay lại. “Sao cơ?” gã nói, gườm gườm. “Tao làm gì?” “Mày thừa biết,” James nói. Đứa con gái ngậm miếng bánh cắn dở. “Người khôn nói ít hiểu nhiều,” James nói. Hắn bước về bàn mình. Hắn run lẩy bẩy. Khi Edith quay lại, nàng đưa hắn bao thuốc rồi ngồi xuống, không nói gì, không vui vẻ như mọi khi. James nhìn nàng soi mói. Hắn nói, “Edith, có chuyện gì à?” “Em lại bị ra máu,” nàng nói. “Ra máu?” hắn nói. Nhưng hắn hiểu ý nàng nói gì. “Ra máu,” hắn nói lần nữa, rất khẽ. “Ôi, cưng ơi,” Edith Packer nói, cầm vài bảng số lên và chọn lựa. “Anh nghĩ mình nên về nhà,” hắn nói. Nàng tiếp tục chọn bảng số. “Không, ở lại đi,” nàng nói. “Chỉ là ra máu, thế thôi.” Hắn chạm vào tay nàng. “Mình sẽ ở lại,” nàng nói. “Sẽ không sao cả.” “Đây là đêm bingo tệ nhất trong lịch sử,” James Packer nói. HỌ chơi Blackout, James nhìn gã quần jeans. Tay này vẫn làm thế, vẫn đang chơi bảng số mà gã không trả tiền. Hết lần này tới lần khác, James nhìn xem Edith thế nào. Nhưng không có dấu hiệu gì. Nàng mímchặt môi lại. Thế có thể mang bất kỳ nghĩa gì – kiên quyết, lo lắng, đau đớn. Hay có khi nàng chỉ thích mímmôi kiểu thế khi chơi trò này. Hắn còn ba số nữa trên một bảng số và năm số trên một bảng khác, và tuyệt đối không một cơ hội ở bảng thứ ba khi cô ả đi cùng gã đồ jeans kia bắt đầu ré lên: “Bingo! Bingo! Bingo! Tôi được bingo!” Gã kia vỗ tay và hét lên với ả. “Cô ấy được bingo! Cô ấy được bingo, bà con ơi! Một bingo!” Gã quần jeans tiếp tục vỗ tay. Đích thân người phụ nữ trên bục xuống tận bàn để để so bảng số của cô ả với danh sách của người cầmtrò. Cô nói, “Cô này được một bingo, và phần thưởng là chín mươi tám dollar! Mọi người hãy vỗ tay nào! Ở đây có bingo! Một Blackout!” Edith vỗ tay cùng mọi người. Nhưng James vẫn đặt tay trên bàn. Gã quần jeans ôm cô ả khi người phụ nữ trên bục trao tiền mặt cho chúng. “Chúng sẽ nướng hết số tiền đó vào thuốc phiện thôi,” James nói. HỌ ở lại cho đến hết các trò. Họ ở lại cho đến khi trò cuối cùng được chơi. Đó là trò tên là Progressive4, phần thưởng tăng dần theo từng tuần nếu không ai bingo trước khi các số được hô lên nhiều hơn mức định sẵn. James đặt tiền xuống và chơi mà không hy vọng thắng. Hắn đợi gã quần jeans hô “Bingo!”. Nhưng không ai thắng, và phần thưởng được chuyển sang tuần sau, phần thưởng lớn hơn bao giờ hết. “Buổi Bingo tối nay tạm dừng ở đây!” người phụ nữ trên bục công bố. “Cảm ơn các bạn đã tham dự. Chúa phù hộ các bạn và chúc ngủ ngon.” Nhà Packer ra khỏi hội trường cùng với những người khác, bằng cách này cách khác cố tụt sau gã quần jeans và cô ả của gã. Họ nhìn thấy ả tự vỗ túi mình. Họ thấy ả vòng tay ôm eo gã. “Để hai đứa kia đi trước mình,” James nói vào tai Edith. “Nhìn chúng anh không chịu nổi.” Edith không đáp lại gì. Nhưng nàng nấn ná lại để đôi kia kịp vượt lên. Bên ngoài, gió mạnh lên. James nghĩ chắc mình có thể nghe tiếng sóng vỗ át tiếng khởi động xe. Hắn nhìn đôi kia dừng lại ở chiếc xe tải. Phải rồi. Lẽ ra hắn phải đoán được từ đầu chứ. “Đần độn,” James Packer nói. EDITH vào phòng tắm và đóng cửa lại. James cởi áo gió ra, vắt sau sofa. Hắn bật tivi lên, ngồi xuống đợi. Một lúc sau, Edith từ phòng tắm bước ra. James chăm chú nhìn tivi. Edith vào bếp và xả nước. James nghe tiếng nàng vặn khóa vòi. Edith vào phòng và nói, “Chắc sáng mai em phải đi gặp bác sĩ Crawford. Em nghĩ thực sự có gì đó đang xảy ra dưới đó.” “Xui gớm,” James nói. Nàng đứng đó lắc đầu. Nàng nhắm mắt lại dựa vào người hắn khi hắn bước tới vòng tay ôm nàng. “Edith, Edith thân yêu của anh,” James Packer nói. Hắn thấy sống sượng và khiếp hãi. Hắn đứng tay vòng hờ ôm vợ. Nàng ngẩng lên tìm mặt hắn và hôn môi hắn, rồi nàng chúc ngủ ngon. HẮN lại gần tủ lạnh. Hắn đứng trước cửa mở, vừa uống nước cà chua vừa ngắm nghía mọi thứ bên trong. Khí lạnh thổi vào người hắn. Hắn nhìn những gói nhỏ và hộp đựng thức ăn trên giá, một con gà gói trong nilông, những vật trưng bày gọn gàng, được bảo vệ. Hắn đóng tủ lạnh và nhổ ngụm nước ép cuối cùng vào bồn rửa. Rồi hắn súc miệng và pha cho mình cốc cà phê hòa tan. Hắn mang nó vào phòng khách. Hắn ngồi xuống trước tivi và châm thuốc. Hắn hiểu rằng chỉ cần một thằng điên và một cái đuốc là hủy hoại được mọi thứ. Hắn rít thuốc và uống nốt cốc cà phê, rồi hắn tắt tivi. Hắn đến cửa phòng ngủ và nghe ngóng một lúc. Hắn thấy không đáng phải nghe, không đáng phải đứng. Sao không phải là ai khác? Sao không phải là bọn người tối nay? Sao không phải là cái bọn người bay trong đời tự do như chim ấy? Sao không phải chúng mà là Edith? Hắn dịch khỏi cửa phòng ngủ. Hắn nghĩ nên đi bộ. Nhưng gió giờ vần vũ, và hắn có thể nghe tiếng cành cây xào xạc trên thân bulô sau nhà. Hắn lại ngồi trước tivi. Nhưng hắn không bật lên. Hắn rít thuốc và nghĩ đến cái dáng nhơn nhơn, khệnh khạng của hai đứa đi ngay trước. Giá như chúng biết. Giá như chỉ một ai đó thôi nói cho chúng biết. Chỉ một lần thôi! Hắn nhắm mắt lại. Hắn sẽ dậy sớm và làm bữa sáng. Hắn sẽ đi với nàng tới gặp Crawford. Giá như chúng cũng phải ngồi cùng hắn trong phòng đợi! Hắn sẽ bảo chúng nên trông đợi cái gì! Hắn sẽ chỉnh ngay hai đứa đĩ điếm kia! Hắn sẽ bảo chúng việc gì sẽ đợi chúng sau quần jeans và khuyên tai, sau sờ soạng nhau và cờ gian bạc lận. HẮN đứng dậy vào phòng dành cho khách, bật đèn cạnh giường lên. Hắn liếc nhìn giấy tờ, sổ sách kế toán của mình và cái máy tính trên bàn. Hắn tìm bộ pyjama trong một ngăn tủ. Hắn lật lớp chăn trên giường ra. Rồi hắn lại bước quanh nhà, tắt đèn và kiểm tra cửa nẻo. Trong một lúc hắn đứng nhìn cái cây bên ngoài cửa sổ bếp đang run rẩy dưới sức mạnh của gió. Hắn để đèn hiên sáng rồi vào lại phòng dành cho khách. Hắn đẩy cái giỏ đồ đan qua một bên, ôm giỏ đồ thêu lên, rồi thả mình xuống ghế. Hắn mở nắp giỏ lấy ra khung thêu kim loại. Một lớp vải lanh trắng tinh căng ra trên khung, cầm cái kim nhỏ xíu hướng về ánh đèn, James Packer xỏ một sợi chỉ lụa dài màu xanh da trời qua lỗ kim. Rồi hắn bắt đầu làm việc, thêu hết mũi này sang mũi khác – giả vờ mình đang vẫy tay như người đàn ông đứng trên sống tàu. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch BIẾT BAO NHIÊU NƯỚC Ở NGAYGẦN NHÀ CHỒNG tôi ăn có vẻ rất ngon lành. Nhưng tôi không nghĩ anh ấy đói. Tay đặt trên bàn, anh vừa nhai vừa đăm đăm ngó về phía cuối phòng. Thi thoảng anh liếc nhìn tôi rồi lại ngoảnh đi ngay. Anh lấy khăn bàn chùi mồm. Nhún vai và lại tiếp tục ăn. “Tại sao em lại nhìn anh trừng trừng thế?” anh nói. “Chuyện gì vậy?” anh đặt chiếc dĩa xuống, hỏi. “Em nhìn anh trừng trừng ư?”, tôi nói và lắc đầu. Chuông điện thoại réo. “Đừng trả lời,”anh nói. “Có thể là mẹ anh gọi,” tôi nói. “Để xem xem,” anh nói. Tôi nhấc máy, nghe. Chồng tôi ngừng ăn. “Đã bảo mà,” anh nói khi thấy tôi đặt ống nghe xuống. Anh lại bắt đầu ăn. Rồi, vứt khăn ăn lên đĩa. Anh nói: “Mẹ kiếp! Tại sao mọi người không yên phận ai biết việc người nấy thôi nhỉ? Anh đã làm gì sai trái, nói anh nghe xem! Đâu phải chỉ có một mình anh ở đó. Bọn anh đã bàn nhau và cùng quyết định. Bọn anh không thể lộn lại: bọn anh ở cách chỗ đậu xe những chín cây số. Đừng có lên giọng phán xử bọn tôi. Nghe chưa?” “Anh thừa biết,” tôi nói. Anh nói, “Tôi biết cái gì, Claire? Nói thử tôi nghe, tôi cần phải biết cái gì nào? Tôi chẳng biết gì ngoài một điều.” Anh đưa mắt nhìn tôi với vẻ đầy hàm ý. “Cô ta đã chết,” anh nói. “Và tôi cũng ân hận như bất cứ ai. Song biết làm sao, cô ta chết rồi.” “Đó là vấn đề,” tôi nói. Anh giơ hai tay lên trời. Anh đẩy chiếc ghế lùi khỏi bàn. Anh lấy thuốc lá, cầm một lon bia đi ra sau nhà. Tôi thấy anh ngồi xuống ghế xếp và lại cầm tờ báo lên. Tên anh ở đó trên trang nhất. Cùng với tên các bạn anh. Tôi nhắm mắt lại và bíu lấy thành bồn rửa bát. Rồi gạt tay một cái, hất tất cả bát đĩa xuống đất. Anh không nhúc nhích. Tôi biết là anh đã nghe thấy. Anh nghển đầu như vẫn lắng tai. Nhưng ngoài ra không có cử động nào khác. Cũng chẳng buồn ngoảnh lại. ANH và Gordon Johnson, Mel Dorn và Vern Williams thường cùng chơi bài poker, bowling và câu cá với nhau. Hằng năm, họ câu cá suốt mùa xuân sang đầu hạ trước khi bị ngáng trở bởi những cuộc thăm hỏi của họ hàng bà con. Họ là những người đứng đắn, chu đáo với gia đình cũng như trong công việc. Họ có con trai, con gái cùng học một trường với Dean, con trai chúng tôi. Thứ Sáu tuần trước, mấy ông chủ gia đình rủ nhau về mạn sông Naches. Họ để xe ở chân núi và đi bộ đến chỗ định câu cá. Họ mang theo túi ngủ, đồ ăn thức uống, bài và rượu whiskey. Họ bắt gặp cô gái trước khi dựng lều. Mel Dorn phát hiện thấy cô. Trần truồng. Mắc kẹt giữa những cành cây từ bờ sông chòi ra là là mặt nước. Mel gọi những người kia tới xem. Họ bàn nhau xem nên làm thế nào. Một người trong bọn – ông chồng Stuart của tôi không nói đích danh là ai – đề nghị quay về nhà ngay lập tức. Những người khác dụi dụi mũi giày vào cát, chần chừ không muốn. Họ viện cớ nào là mệt, nào là đã muộn, vả lại, cô ta chả đi đâu mất mà sợ. Cuối cùng họ cứ tiếp tục dựng lều. Họ đốt một đống lửa và uống whiskey. Khi trăng bắt đầu lên, họ bàn chuyện cô gái. Một người nêu ý kiến là chỉ phải giữ cho cái xác khỏi trôi đi. Họ lấy đèn pin và trở lại chỗ bờ sông. Một người – hình như là Stuart – lội xuống tận nơi. Anh túm lấy ngón tay cô ta kéo vào bờ. Anh lấy một đoạn thừng nilông cột vào cổ tay cô và quấn đầu kia vào một gốc cây. Sáng hôm sau, họ làm bữa điểm tâm, uống cà phê và whiskey rồi mỗi người một ngả kiếm chỗ câu. Tối đến, họ nấu cá, nấu khoai tây, uống cà phê, uống whiskey rồi mang nồi xoong bát đĩa xuống sông rửa ở chỗ cô gái. Sau đó, họ đánh bài. Có lẽ chơi đến lúc không nhìn thấy nữa. Vern Williams đi ngủ. Nhưng những người kia tiếp tục trò chuyện. Gordon Johnson nói là mẻ cá hồi họ câu được khí rắn vì nước lạnh ghê gớm. Hôm sau, họ dậy muộn, uống whiskey, câu một lát, hạ lều, cuộn túi ngủ, thu xếp đồ rồi lên đường trở về. Họ dừng xe ở trạm điện thoại công cộng đầu tiên. Chính Stuart cầm máy nói chuyện trong khi những người kia đứng ngoài nắng, nghe. Chồng tôi cho quận trưởng cảnh sát biết tên từng người. Họ chẳng có gì phải giấu. Họ không xấu hổ. Họ nói họ sẽ chờ đến khi có người tới để chỉ dẫn cụ thể và ghi lời khai của họ. KHI Stuart về đến nhà, tôi còn đang ngủ. Nhưng tôi thức giấc khi nghe tiếng anh ở trong bếp. Tôi thấy anh dựa vào tủ lạnh, tay cầm một lon bia. Anh quàng cánh tay nặng nề ôm tôi, xoa xoa lưng tôi. Vào giường, anh vuốt ve tôi rồi chững lại như mải nghĩ một điều gì khác. Tôi quay lại với anh và dạng chân ra. Sau đó, anh vẫn thức, tôi nghĩ thế. Sáng hôm sau, anh dậy trước tôi. Tôi đồ rằng để xem có gì trong báo không. Ngay sau tám giờ, chuông điện thoại bắt đầu reo. “Quỷ tha ma bắt!” tôi nghe thấy anh la. Điện thoại lại reo. “Tôi chẳng có gì bổ sung thêm vào những điều tôi đã nói với quận trưởng cảnh sát!” Anh dập ống nghe xuống. “Có chuyện gì thế?” Tôi hỏi. Bấy giờ anh bèn kể cho tôi nghe những gì tôi vừa kể lại với các bạn. TÔI quét dọn chỗ bát đĩa vỡ rồi ra ngoài. Lúc này, anh đang ngả lưng trên cỏ, tờ báo và lon bia nằmtrong tầm tay. “Stuart, chúng mình lái xe đi dạo một tí, nên chăng?”, tôi nói. Anh xoay người nhìn tôi. “Chúng mình mang theo ít bia nhé”, anh nói. Anh đứng lên và xoa mông tôi khi đi ngang qua. “Đợi anh một chút”, anh nói. Chúng tôi đi qua thành phố không nói gì với nhau. Anh dừng xe ở một siêu thị ven đường và lấy bia. Tôi thấy một chồng báo lớn ngay bên trong cửa. Ở bậc trên cùng, một bà béo vận váy hồng đang chìa một que kẹo cam thảo cho một bé gái. Rồi chúng tôi qua Everson Creek và rẽ vào khu cắm trại. Dòng suối chảy dưới chân cầu và đổ vào một con hồ rộng cách đó vài trăm mét. Tôi có thể thấy họ ở đó. Tôi có thể thấy họ đến đó câu cá. Biết bao nhiêu nước ở ngay gần nhà. Tôi hỏi, “Tại sao các anh phải đi xa thế?” “Đừng làm anh cáu”, anh nói. Chúng tôi ngồi trên một chiếc ghế băng ngoài nắng. Anh mở hai lon bia cho anh và tôi. Anh nói, “Thư giãn đi, Claire.” “Chúng nói là chúng vô tội. Chúng còn nói là chúng đã bị điên đầu.” Anh nói, “Ai?” Anh nói, “Em đang nói chuyện gì vậy?” “Anh em nhà Maddox. Chúng giết một cô gái tên là Arlene Hubly ở nơi em lớn lên. Chúng cắt đầu cô ta vứt xác xuống sông Cle Elum. Chuyện xảy ra hồi em còn là một thiếu nữ.” “Em sắp làm anh cáu đấy”, anh nói. Tôi nhìn dòng suối. Tôi nằm ngay đó, mắt mở, mặt úp xuống, trừng trừng nhìn lớp rêu dưới đáy, chết cứng. “Anh không hiểu em bị làm sao”, anh nói trên đường về nhà. “Em càng lúc càng làm anh phát cáu.” Tôi không biết trả lời anh ra sao. Anh cố tập trung chú ý vào con đường xa lộ. Nhưng mắt cứ liếc hoài tấm gương chiếu hậu. Anh thừa biết. STUART ngỡ rằng anh đã để tôi ngủ sáng nay. Nhưng tôi đã dậy từ trước khi đồng hồ báo thức réo. Tôi nằm sát tận mép giường, cách xa đôi chân lông lá của anh, nghĩ ngợi miên man. Anh đưa Dean đi học rồi cạo râu, mặc đồ và đi làm. Hai lần anh ngó vào trong phòng ngủ và hắng giọng. Nhưng tôi vẫn nhắm nghiền mắt. Trong bếp tôi thấy mảnh giấy anh để lại. Ký: Yêu em. Tôi ngồi trong góc bếp ăn điểm tâm, uống cà phê và in lại một vệt tròn trên mảnh giấy. Tôi cầm tờ báo, xoay dọc xoay ngang trên bàn. Rồi tôi kéo lại gần và đọc xem nó nói gì. Cái xác đã được nhận dạng, và trao trả cho gia đình. Nhưng người ta đã khám nghiệm tử thi, nhét vào một số thứ, cắt, cân, đo, rồi lại nhét vào khâu lại. Tôi ngồi hồi lâu, tay cầm tờ báo, ngẫm ngợi. Rồi gọi điện dành một ghế ở hiệu làm đầu. TÔI ngồi dưới chiếc máy sấy tóc, một quyển họa báo để trong lòng và để Marnie làm móng cho tôi. “Mai tôi phải dự một đám tang”, tôi nói. “Nghe mà buồn”, Marnie nói. “Đó là một vụ giết người”, tôi nói. “Chết kiểu ấy là bất hạnh nhất”, Marnie nói. “Tôi với nạn nhân không phải là chỗ thân thích”, tôi nói. “Nhưng chị biết đấy.” “Tôi sẽ làm cho chị kiểu phù hợp”, Marnie nói. Đêm hôm ấy, tôi ngủ trên sofa và sáng hôm sau, tôi dậy trước tiên. Tôi pha cà phê và chuẩn bị bữa điểmtâm trong khi anh cạo mặt. Anh hiện ra ở chỗ cửa bếp, khăn mặt vắt trên vai trần, nhìn đăm đăm. “Cà phê đây”, tôi nói. “Trứng sẽ xong ngay trong vòng một phút nữa.” Tôi đánh thức Dean dậy và ba chúng tôi ăn. Hễ Stuart nhìn tôi là tôi lại quay sang hỏi Dean còn muốn thêm sữa, thêm bánh mì, vân vân… nữa không. “Trong ngày hôm nay anh sẽ gọi điện cho em”, Stuart vừa mở cửa vừa nói. Tôi nói, “Có lẽ hôm nay em không có nhà đâu.” “Thôi được”, anh nói. “Không sao.” Tôi chọn trang phục thật cẩn thận. Tôi đội thử một cái mũ và ngắm mình trong gương. Tôi viết mấy dòng cho Dean: Con yêu, chiều nay mẹ mắc chút việc, sẽ về muộn. Con cứ chơi trong nhà hoặc ở sân sau cho đến khi nào bố hoặc mẹ về nhé. Yêu con, Mẹ. Tôi nhìn dòng cuối và tôi gạch đít hai chữ Yêu con. Rồi tôi thấy hai chữ sân sau. Không biết có gạch nối ở giữa không nhỉ? TÔI lái xe về vùng nông thôn, qua những cánh đồng lúa mì, củ cải, qua những vườn táo, qua những đámgia súc đang gặm cỏ. Rồi cảnh vật thay đổi, nông trại nhường chỗ cho lều lán, những đống gỗ thế chỗ những vườn cây. Rồi núi và mé tay phải, mãi tít bên dưới, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy dòng sông Naches. Một chiếc tải nhỏ màu xanh lá cây xuất hiện đằng sau tôi và cứ bám theo tôi suốt mấy cây số. Mấy lần tôi đột ngột hãm cho xe đi chậm lại, hy vọng hắn sẽ vượt lên. Rồi tôi tăng tốc độ. Nhưng cũng không đúng lúc. Tôi siết chặt vô lăng đến đau tay. Đến một đoạn đường thẳng và vắng, hắn vượt lên. Nhưng hắn đi sóng đôi với tôi một quãng, gã húi tóc “cua”, mặc áo lao động màu xanh lơ. Chúng tôi đưa mắt sang nhìn nhau. Rồi hắn vẫy tay, bấm còi và phóng vượt lên trước. Tôi hãm chậm lại, tìm một nơi đỗ. Tôi cho xe chạy lại đó và tắt máy. Tôi có thể nghe thấy nước sông chảy dưới hàng cây. Rồi tôi nghe thấy tiếng chiếc xe tải nhỏ quay lại. Tôi khóa cửa xe và cho kính lên. “Cô không sao chứ?” hắn nói. Hắn gõ vào cửa. “Ổn chứ?” Hắn tì tay vào cửa xe và áp mặt vào kính. Tôi trừng trừng nhìn hắn. Tôi còn biết làm gì khác. “Mọi sự trong đó ổn cả chứ? Làm sao mà cô phải khóa chặt cửa cố thủ vậy?” Tôi lắc đầu. “Hạ kính cửa xe xuống.” Hắn ngoắt đầu nhìn xa lộ rồi lại nhìn tôi. “Hạ kính cửa xe xuống nào!” “Làm ơn,” tôi nói, “tôi phải đi.” “Mở cửa ra,” hắn nói, làm như không nghe thấy tôi nói gì. “Khéo không chết ngạt trong ấy đó.” Hắn nhìn xoáy vào ngực tôi, chân tôi. Rành là thế. “Này cưng,” hắn nói. “Anh đây chỉ muốn giúp cưng thôi mà.” QUAN tài đã đậy nắp và phủ đầy những vòng hoa. Tôi vừa kiếm được chỗ ngồi xuống thì đại phong cầm bắt đầu cử. Mọi người tiếp tục vào và tìm chỗ ngồi. Có một chú bé mặc quần đỏ chói và áo sơmi vàng cộc tay. Một cánh cửa mở và tang quyến vào, đi thành tốp tiến đến một chỗ che rèm bên cạnh. Mọi người ngồi xuống, những dãy ghế cọt kẹt. Liền đó, một người đàn ông đẹp trai tóc vàng trong bộ đồ đen đẹp đứng lên yêu cầu chúng tôi cúi đầu. Ông đọc kinh cầu nguyện cho chúng tôi, những người còn sống, và sau đó đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người vừa quá cố. Cùng với những người khác, tôi tiễn qua áo quan. Rồi tôi đi ra những bậc thềm trước cửa trong ánh nắng chiều. Một bà đằng trước tôi tập tễnh bước xuống các bậc thềm. Đến vỉa hè, bà ta ngoái lại. “Ừm, họ tóm được nó rồi”, bà nói. “Nếu đấy có thể là một niềm an ủi. Họ bắt được nó sáng nay. Tôi nghe đài thông báo tin này trước khi đến đây. Một thằng ở ngay trong thành phố này.” Chúng tôi đi mấy bước nữa trên vỉa hè nóng bỏng. Nhiều người đã khởi động xe. Tôi đưa tay bíu lấy cột thu tiền đậu xe. Những cái mui xe bóng loáng, những cái chắn bùn bóng loáng. Đầu tôi quay cuồng. Tôi nói, “Bọn sát nhân ấy, chúng có bè có bạn. Chẳng biết thế nào mà lường.” “Tôi biết con nhỏ này từ hồi nó còn bé xíu”, bà kia lại nói. “Nó thường sang bên tôi và lần nào tôi cũng nướng bánh cho nó vừa xem tivi vừa ăn”. VỀ đến nhà, tôi thấy Stuart ngồi ở bàn với một ly whiskey trước mặt. Trong một phút hoảng loạn, tôi ngỡ có điều gì đã xảy đến với Dean. “Nó đâu rồi?” tôi hỏi. “Dean đâu?” “Ngoài kia”, chồng tôi đáp. Anh cạn ly và đứng dậy. Anh nói, “Anh nghĩ anh biết em đang cần gì.” Anh quàng một cánh tay ôm ngang eo tôi, bàn tay kia bắt đầu cởi khuy áo khoác rồi anh tiếp tục cởi khuy áo sơ mi của tôi. “Cái gì trước làm trước”, anh nói. Anh còn nói một điều gì khác. Nhưng tôi không cần nghe. Làm sao tôi có thể nghe được cái gì khác khi mà tai tôi bao nhiêu nước chảy? “Đúng thế”, tôi nói, tự tay cởi nốt khuy áo. “Trước khi Dean trở vào. Nhanh lên.” DƯƠNG TƯỜNG dịch CHUYỆN THỨ BA GIẾT CHẾT CHA TÔI TÔI sẽ kể bạn nghe chuyện gì đã làm cha tôi tắc tử. Chuyện thứ ba là Khờ, Khờ chết. Chuyện đầu tiên là Trân Châu Cảng. Và chuyện thứ hai là chuyển đến trang trại của ông tôi gần Wenatchee. Đó là nơi cha tôi kết thúc ngày tháng đời mình, trừ việc là tháng ngày đời ông chắc hẳn đã kết thúc từ trước đó. Cha tôi đổ vì vợ Khờ mà Khờ chết. Rồi ông đổ là do bọn cá. Và cuối cùng ông đổ lỗi cho chính mình – vì ông là người cho Khờ xem quảng cáo ở sau tạp chí Field and Stream về cá vược đen sống giao hàng mọi nơi trên đất Mỹ. Sau khi nhận bọn cá thì Khờ bắt đầu cư xử khác thường. Bọn cá làm đổi thay toàn bộ cá tính của Khờ. Cha tôi nói thế. TÔI chưa bao giờ biết tên thực của Khờ. Nếu có ai biết, tôi cũng chưa bao giờ nghe. Khi xưa là Khờ, và giờ tôi nhớ lão với cái tên Khờ. Lão là một gã nhăn nheo nhỏ thó, đầu hói, lùn tịt nhưng tay chân rất khỏe. Khi nhăn nhở cười, hiếm khi thế, môi lão bành ngược lên trên hàm răng vàng khè mẻ lỗ chỗ. Khiến lão trông xảo trá. Đôi mắt kèm nhèm nhìn trân trối vào miệng bạn khi bạn nói chuyện – còn nếu bạn không nói chuyện, chúng sẽ tìm đến chỗ nào kỳ quặc trên cơ thể bạn. Tôi không nghĩ lão điếc thật. Ít nhất cũng không điếc như lão tỏ ra. Nhưng lão chắc chắn không nói được. Cái này thì chắc. Điếc hay không, Khờ cũng từng sống như mọi công nhân bình thường khác ở xưởng cưa từ những năm1920. Đây là Công ty Gỗ xẻ ở Yakima, Washington. Những năm tôi biết lão, Khờ làm lao công. Và trong hết thảy những năm đó, tôi chưa bao giờ thấy lão vận gì khác. Nghĩa là một mũ phớt, áo lao động kaki, jacket jean bên ngoài bộ bảo hộ lao động áo liền quần. Lão bỏ vài cuộn giấy vệ sinh ở túi trên, bởi một trong các công việc của lão là lau dọn toilet và cung cấp giấy vệ sinh. Việc đó khiến lão bận rộn, việc trông chừng cái kiểu bọn người làm ca đêm sau mỗi lần viếng thăm WC lại bước ra cùng một hoặc hai cuộn giấu trong hộp đồ ăn trưa ấy. Khờ mang theo một cái đèn pin, mặc dù lão làm việc ban ngày. Lão cũng mang cả cờ lê, kìm, kìm vặn đinh ốc, băng dính điện, và mọi thứ y như đám thợ xây vẫn mang. Vậy là, việc đó khiến chúng chòng Khờ, cái kiểu lão, lúc nào cũng mang theo đủ thứ. Carl Lowe, Ted Slade, Johnny Wait, chúng là những kẻ chòng ghẹo xấu xa nhất trong những kẻ chòng Khờ. Nhưng Khờ bỏ qua tất. Tôi nghĩ lão đã quen với chuyện đó. Cha tôi không bao giờ chòng Khờ. Ít nhất tôi chưa bao giờ thấy vậy. Cha là một người vai rộng, mình lớn, tóc cạo sát, cằm chẻ, và một cái bụng to oành. Khờ luôn nhìn đăm đăm cái bụng ấy. Lão đến phòng giữa nơi cha tôi làm việc, và lão ngồi trên ghế đẩu nhòm cái bụng cha tôi khi ông dùng bánh mài lớn để mài cưa. KHỜ có một ngôi nhà cũng tử tế như nhà mọi người khác. Một căn lợp giấy dầu ven sông, cách thị trấn chừng năm, sáu dặm. Nửa dặm sau ngôi nhà, cuối đồng cỏ, có một hố sỏi lớn mà bang đã đào khi họ lát đường quanh đó. Ba cái hố to tướng đã bị đào rỗng, năm tháng qua, chúng ngập nước. Rồi với thời gian, ba cái ao nhập với nhau làm một. Sâu. Nhìn đen ngòm. Khờ có một bà vợ, và một ngôi nhà. Thị là một phụ nữ trẻ hơn lão rất nhiều, và nghe đồn hay qua lại với bọn Mexico. Cha bảo cái ngữ lúc nào cũng thích xắn quần lội vào đời tư người khác mới nói thế, những kẻ như Lowe, Wait và Slade. Thị là một phụ nữ đẫy đà nhỏ xương, mắt ti hí lấp lánh. Lần đầu tiên nhìn thị, tôi thấy ngay đôi mắt. Đó là lần tôi đi cùng Pete Jensen, bọn tôi đạp xe tạt qua nhà Khờ xin cốc nước. Khi thị mở cửa, tôi bảo thị mình là con trai của Del Fraser. Tôi nói, “Cha tôi làm việc với…” Rồi tôi nhận ra. “Cô biết đấy, chồng cô. Bọn cháu đang đạp xe và nghĩ có thể xin cô miếng nước được.” “Đợi đó,” thị nói. Thị quay lại, mỗi tay một cốc nước nhỏ bằng thiếc. Tôi ực một ngụm là cạn sạch. Nhưng thị không cho thêm. Thị đứng nhìn chúng tôi không nói gì. Khi chúng tôi leo lên xe, thị lại chỗ men hiên. “Mấy chú nhỏ mà có ôtô bây giờ, chị bám càng ngay.” Thị ngoác miệng cười. Răng thị trông to quá cỡ so với mồm. “Đi thôi,” Pete nói, và bọn tôi đi. Ở PHẦN bang chúng tôi, không có nhiều nơi câu được cá vược lắm. Chủ yếu là hồi cầu vồng, một ít hồi suối Brook và hồi Dolly Varden ở mấy con suối trên núi cao, và hồi bạc ở Hồ Blue và Hồ Rimrock. Nhiều nhất là thế, trừ đợt đàn hồi đầu thép và hồi da cam từ đại dương trở về bơi vào một số dòng sông cuối thu. Nhưng nếu là dân câu cá, thế cũng đủ khiến bận bịu. Không ai câu cá vược. Rất nhiều người tôi quen chưa từng nhìn thấy cá vược, trừ trên ảnh. Nhưng cha tôi từng thấy hàng đống cá loại này hồi ông lớn lên ở Arkansas và Georgia, và ông nuôi hy vọng lớn sẽ được làm gì đó với cá vược của Khờ, Khờ với tư cách một người bạn. Ngày cá đến, tôi đi bơi ở bể thành phố. Tôi nhớ mình đã về nhà rồi lại đi nhận chúng vì cha sẽ giúp Khờ một tay – ba hộp bưu kiện từ Baton Rouge, Louisiana. Chung tôi vào xe tải của Khờ, cha, Khờ và tôi. Ba cái hộp này hóa ra là thùng tròn, thực thế, cả ba đều bằng gỗ thông ghép. Chúng nằm trong bóng râmbên ngoài phía sau kho chứa hàng trên tàu, và phải cả cha và Khờ mới bê được một thùng vào xe tải. Khờ lái rất cẩn thận qua thị trấn và cũng cẩn thận thế suốt đường về nhà. Lão chạy thẳng qua sân không dừng lại. Lão tiếp tục đi cho tới khi cách bờ ao vài buớc. Khi đó trời đã sẩm tối, vì thế lão để đèn pha sáng, lấy búa và dụng cụ móc lốp từ dưới ghế xe, rồi hai người họ vần ba cái thùng ra sát mép nước, bắt đầu khui cái đầu tiên. Bên trong cái thùng đó được bọc bằng vải bao bì, trên nắp có những cái lỗ to cỡ đồng năm xu. Họ kéo nó ra và Khờ rọi đèn pin vào. Trông như triệu con cá vược con đang ve vẩy vây bên trong. Đó là cảnh tượng kỳ khôi nhất, thảy những vật sống bận rộn trong đó, như một đại dương nhỏ đã đi tàu hỏa đến. Khờ vần cái thùng đến sát mép nước rồi trút ra. Lao lấy đèn pin soi xuống ao. Nhưng không còn gì mà thấy nữa. Có tiếng ếch kêu, nhưng ta có thể nghe chúng kêu bất cứ khi nào mới sập tối. “Để tôi hai cái kia,” cha tôi nói, và ông với tới như thể để lấy cái búa từ bộ quần áo bảo hộ của Khờ. Nhưng Khờ lùi lại, lắc đầu. Lão tự mình khui hai cái thùng còn lại, để rơi những giọt máu đen trên nẹt gỗ, lão bị đứt tay khi làm. TỪ đêm đó trở đi, Khờ đổi khác. Khờ giờ không cho ai tới chơi nữa. Lão dựng hàng rào bao đồng cỏ, rồi lão rào ao lại bằng hàng rào thép gai điện. Người ta bảo cái hàng rào ấy ngốn sạch tiền tiết kiệm của lão. Dĩ nhiên, sau đó cha tôi không còn dính gì đến Khờ nữa. Không hề kể từ khi Khờ đuổi cha tôi. Không phải đuổi không cho câu, xin nói thêm thế, vì khi đổ bọn cá vược vẫn chỉ là cá con. Mà ngay cả đến gần ngó một phát cũng không. Một tối hai năm sau, khi cha làm muộn và tôi mang thức ăn cho ông kèm một bình trà đá, tôi thấy ông đứng nói chuyện với Syd Glover, tay thợ xay. Ngay khi bước vào, tôi nghe cha nói, “Ông hẳn sẽ cho là lão ngốc đó đã kết hôn với đám cá, cứ theo cái kiểu lão cư xử thì biết.” “Theo tôi nghe được,” Syd nói, “tốt nhất lão nên dựng hàng rào quanh nhà luôn đi.” Khi đó cha nhìn thấy tôi, và tôi thấy ông ra hiệu cho Syd Glover bằng mắt. Nhưng một tháng sau, rốt cuộc cha tôi buộc Khờ làm thế. Điều ông đã làm là, ông bảo Khờ loại bỏ những con yếu ra để giữ những con khỏe còn lại là việc cần thiết đến mức nào. Khờ đứng đó giật tai và trân trân nhìn xuống sàn. Cha bảo, Phải, mai ông sẽ phải bắt tay làm ngay vì nhất thiết phải thế. Khờ không nói đồng ý, thực ra là thế. Lão chỉ không nói không, thế thôi. Tất cả những gì lão làm là giật tai thêm chút nữa. KHI cha về nhà hôm đó, tôi đã xong xuôi và đợi sẵn. Tôi bày mồi giả cũ dùng để câu cá vược của ông ra và đang dùng ngón tay thử lưỡi ba móc. “Con xong chưa?” ông gọi tôi, nhảy ra khỏi xe. “Bố vào toilet, con mang đồ ra xe đi. Con có thể lái xe đưa hai ta ra đó nếu muốn.” Tôi xếp gọn mọi thứ ở băng ghế sau và đang thử vô lăng thì ông lại quay ra, đội mũ đi câu và cầm một góc bánh bằng cả hai tay mà ăn. Mẹ đang đứng ở cửa, nhìn. Bà là một phụ nữ da trắng nhợt, mái tóc vàng của bà búi gọn sau đầu, ghimchặt bằng một chiếc trâm giả kim cương. Tôi băn khoăn không biết hồi những ngày hạnh phúc đó, bà có lần nào đi đâu loanh quanh, hay có thực sự làm gì không. Tôi nhả phanh tay. Mẹ nhìn cho đến khi tôi sang số, rồi vẫn không cười, vào nhà. Đổ là một buổi chiều đẹp trời. Chúng tôi hạ hết cửa sổ xuống cho không khí tràn vào. Chúng tôi băng qua cầu Moxee và tạt sang hướng Tây vào đường Slater. Những cánh đồng Alfala nằm cách xa hai bên đường, và tiếp nối xa hơn nữa là đồng ngô. Cha thò bàn tay ra ngoài cửa sổ. Ông để mặc gió thổi bạt nó lại. Ông đang bồn chồn, tôi có thể thấy thế. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đỗ xịch trước nhà Khờ. Lão ra khỏi nhà, đội chiếc mũ của lão. Vợ lão nhìn ra từ cửa sổ. “Chuẩn bị chảo rán sẵn sàng chưa?” Cha hò gọi Khờ, nhưng Khờ chỉ đứng đó nhìn cái xe. “Này, Khờ!” cha hét. “Này, Khờ, cần của ông đâu, Khờ?” Khờ giật giật đầu lên xuống. Lão chuyển trọng tâm người từ chân này sang chân kia, hết nhìn đất lại nhìn chúng tôi. Lưỡi lão lè ra trên môi dưới, và lão bắt đầu thục chân vào đất. Tôi khoác giỏ câu lên vai. Tôi đưa cho cha cần của ông rồi lấy cần của mình. “Đi được chưa?”, cha nói. “Này Khờ, đi được chưa?” Khờ cởi mũ ra và, vẫn bằng tay đó, đưa cổ tay quệt qua đầu. Lão đột ngột quay người, và chúng tôi theo lão qua đồng cỏ ướt sũng. Cứ khoảng sáu mét lại có một con giẽ giun bay vút lên từ đụn cỏ ở rìa mỗi luống cày cũ. Cuối đồng cỏ, mặt đất hơi dốc xuống và trở nên cằn cỗi, lổn nhổn đá, rải rác đây đó vài bụi tầm ma và sồi bụi. Chúng tôi rẽ phải, theo một lối mòn cũ do xe chạy, đi qua cánh đồng cây bông tai cao đến tận hông, những cái kén khô ở đầu cuống giận dữ lạo xạo khi chúng tôi chen qua. Lúc này, tôi thấy nước lóng lánh trên vai Khờ, và nghe cha rú lên, “Ôi Chúa ơi, nhìn kìa!”. Nhưng Khờ đi chậm lại và cứ giơ tay lên, xoay đi xoay lại cái mũ trên đầu, rồi lão đứng khựng lại. Cha nói, “Nào, ông nghĩ sao, Khờ? Chỗ nào cũng tốt như nhau? Ông bảo tụi mình nên tới chỗ nào?” Khờ liếm môi dưới. “Ông làm sao thế, Khờ?”, cha nói. Đây là ao nhà ông mà, chẳng phải sao?” Khờ nhìn xuống và phủi một con kiến khỏi bộ bảo hộ. “Ôi trời,” cha nói, thở hắt ra. Ông lôi đồng hồ ra. “Nếu ông thấy không sao, chúng ta sẽ khởi sự trước khi trời quá tối.” Khờ nhét tay vào túi, quay lưng lại ao. Lão lại bắt đầu bước đi. Chúng tôi lếch thếch theo sau lão. Giờ chúng tôi có thể thấy toàn bộ cái ao, nước lăn tăn khi cá lên. Thảng hoặc một con vược nhảy vút lên khỏi mặt nước rồi lao xuống lại, nước bắn tung tóe. “Chúa ơi,” tôi nghe cha nói. CHÚNG tôi đến được ao ở một chỗ rào mở, một bãi sỏi, kiểu thế. Cha ra hiệu cho tôi rồi ngồi sụp xuống. Tôi cũng thụp xuống. Ông đang hé mắt vào mặt nước phía trước chúng tôi, và khi nhìn, tôi thấy điều gì đã khiến ông vậy. “Thực lòng với Chúa,” ông thì thầm. Một đàn cá vược đang dạo chơi, hai mươi, ba mươi con, không con nào dưới một cân. Chúng lượn đi, rồi chúng đảo lại, dày đặc đến nỗi trông như đang đâm sầm vào nhau. Tôi thấy những cặp mắt to, sùm sụp mí nhìn chúng tôi khi chúng bơi qua. Chúng lại vụt đi mất, rồi lại quay về. Chúng đang xin điều đó. Dù chúng tôi ngồi xổm hay đứng lên thì cũng chả khác gì. Bọn cá không nghĩ gì về chúng tôi. Tôi bảo bạn nhé, đây là một cảnh tượng để ngắm nhìn. Chúng tôi ngồi đó khá lâu, ngắm đàn cá vược ấy hồn nhiên làm việc thường ngày của chúng, suốt thời gian đó Khờ vặn vẹo tay nhìn quanh như thể lão đang chờ ai xuất hiện. Khắp trên ao đàn cá vược trồi lên dụi mõm vào nước, hoặc nhảy vọt lên rồi rơi tõm trở lại, hoặc lao lên mặt nước bơi dọc theo ao, sống lưng nhô hẳn lên. CHA ra dấu, và chúng tôi đứng dậy quăng. Tôi bảo bạn, tôi phấn khích đến run rẩy. Tôi hầu như không tài nào gỡ được mồi ra khỏi cái phao bần trên cần mình. Chính vào lúc đang cố lấy lưỡi câu ra, tôi cảmthấy bị Khờ tóm lấy vai bằng những ngón tay lớn tướng. Tôi nhìn, và đáp lại, Khờ hất cằm về phía cha. Điều lão muốn đã đủ rõ, không được hơn một cần. Cha cởi mũ ra, đội lại rồi tiến đến chỗ tôi đứng. “Câu tiếp đi, Jack,” ông nói. “Không sao, con – con làm ngay đi.” Tôi nhìn Khờ ngay trước khi quăng câu. Mặt lão đanh lại, trên cằm có một vệt dãi nhỏ. “Giật thật lực vào khi con mõm trâu đó quẫy,” cha nói. “Bọn chó đẻ này miệng cứng như nắm đấm cửa ấy.” Tôi đẩy cái chỉnh dây rồi giật mạnh tay lại. Tôi quăng ra chừng mười hai mét. Nước sủi sùng sục ngay cả trước khi tôi kịp thu đoạn dây chùng lại. “Giật đi!” cha hét. “Giật con cá khốn kiếp đó! Giật chết mẹ nó đi!” Tôi chật vật lùi lại, hai lần. Tôi bắt được, ổn rồi. Cái cần trĩu xuống, giật lên giật xuống. Cha liên tục hét phải làm gì. “Thả đi, thả đi! Cho nó chạy! Cho nó thêm dây! Giờ cuộn đi! Cuộn đi! Không, để nó chạy! Cha chả! Nhìn mà xem kìa!” Con vược nhảy múa quanh ao. Mỗi lần nó vọt lên trên mặt nước, nó lắc đầu mạnh đến nỗi ta có thể nghe tiếng mồi giả kêu tanh tách. Rồi nó lại lao lên. Nhưng càng lúc tôi càng dần cho nó thấm mệt và kéo nó lại gần. Trông nó khổng lồ, chừng hai, ba cân. Nó nằm nghiêng một bên, quẫy, miệng ngáp ngáp, mang phập phồng. Đầu gối tôi rủn ra cơ hồ không đứng nổi. Nhưng tôi vẫn giữ cần dựng, dây căng. Cha đi cả giày lội ra. Nhưng khi ông bắt được con cá giơ lên, Khờ bắt đầu lắp bắp, lắc đầu, khua tay. “Giờ ông lại bị cái quái gì thế, hả Khờ? Thằng nhỏ tóm được con vược bự nhất tôi từng thấy, và nó sẽ không ném trả lại đâu, vì Chúa!” Khờ vẫn cứ tiếp tục và chỉ về phía cái ao. “Tôi sẽ không thả con cá của thằng nhỏ đi. Ông nghe tôi chứ, Khờ? Nếu ông nghĩ tôi sẽ làm thế thì ông nghĩ lại đi.” Khờ với dây câu của tôi. Trong khi đó, con vược hồi phục ít sức mạnh. Nó lật mình lại và khởi sự bơi. Tôi hét rồi tôi quẫn trí giật mạnh để nhả cái hãm trên guồng dây và bắt đầu cuốn. Con vược chơi một cú chạy cuồng loạn cuối cùng. Thế đấy. Dây đứt. Tôi gần như ngã ngửa. “Dậy đi, Jack,” cha nói, và tôi thấy ông với lấy cần của ông. “Dậy đi, thằng ngu trời đánh, không thì tự tao sẽ cho nó chết.” THÁNG Hai đó sông tràn nước. Những tuần đầu tháng Chạp tuyết rơi khá dày, và đến trước Giáng sinh thì trời trở rét ngọt. Mặt đất đóng băng. Tuyết rơi xuống đâu ở nguyên chỗ ấy. Nhưng đến cuối tháng Giêng thì gió ấm Chinook tràn về. Một sáng tôi dậy nghe căn nhà đang chao đảo và mưa phùn từ trên mái nhà đều đều chảy xuống. Gió thổi năm ngày, và vào ngày thứ ba nước sông bắt đầu lên. “Nó lên tới hơn bốn mét rưỡi,” một tối cha tôi nói, xem báo. “Quá mức nước lụt gần một mét rồi. Lão Khờ sẽ mất hết người tình cho xem.” Tôi muốn xuống cầu Moxee xem nước lên cao cỡ nào. Nhưng cha không cho tôi đi. Ông bảo nước lụt có gì mà xem. Hai ngày sau sông lên tới đỉnh lũ, rồi sau đó nước bắt đầu xuống. Orin Marshall, Danny Owens và tôi đạp xe tới nhà lão Khờ buổi sáng một tuần sau. Bọn tôi bỏ xe đạp và đi qua đồng cỏ bao quanh đất nhà lão Khờ. Đó là một ngày mưa tầm tã, gió dữ dội, mây đen ngòm và vỡ tan nát bay vùn vụt trên trời. Mặt đất sũng nước và chúng tôi liên tục xéo phải những vũng nước chỗ mấy đám cỏ dày. Danny vừa mới học chửi tục, và nó vung vít đầy trời những từ hay ho nhất nó biết mỗi lần thụt giày xuống nước. Chúng tôi có thể thấy con sông phồng lên ở cuối đồng cỏ. Nước vẫn cao và tràn khỏi bờ, ngập quanh khắp các thân cây và nuốt dần đất đai. Tận giữa dòng, nước lớn và chảy xiết, thỉnh thoảng một bụi cây bập bềnh trôi qua, hay một cái cây đầy cành chòi lên. Chúng tôi tới chỗ hàng rào của lão Khờ thì thấy một con bò treo mình trên dây thép gai. Ả bò trương phồng lên, da bóng, xám ngoét. Đó là con vật chết đầu tiên trong số các con vật thuộc đủ mọi kích cỡ mà tôi từng thấy. Tôi nhớ Orion nhặt một cái que và chọc vào đôi mắt mở thô lố. Chúng tôi đi dọc hàng rào, về phía con sông. Chúng tôi sợ lại gần hàng rào thép gai vì nghĩ vẫn có điện. Nhưng ở gần mép của thứ trông giống như một con kênh sâu, hàng rào kết thúc. Đất ở đây đã chìm hết trong nước, và hàng rào đi cùng nó. Bọn tôi băng qua và đi theo con lạch mới cắt xuyên qua đất của lão Khờ, tiến thẳng đến cái ao của lão, chạy theo chiều dọc, tự mở lối thoát ra ở đầu kia, rồi chảy ngoằn ngoèo cho đến khi nhập vào con sông ở đoạn xa hơn. Chẳng còn ngờ vực gì chuyện hầu như cá của lão Khờ đã bị cuốn đi sạch. Còn những con chưa bị cuốn đi thì thoải mái đến rồi đi. Rồi tôi nhìn thấy lão Khờ. Nhìn thấy lão khiến tôi sợ. Tôi ra hiệu cho mấy thằng kia, và chúng tôi đều thấp người xuống. Lão Khờ đang đứng ở một bên ao gần chỗ nước chảy ra. Lão chỉ đứng đó, người đàn ông buồn bã nhất tôi từng thấy. “THỰC lòng tôi thấy thương cho lão Khờ,” cha tôi nói trong bữa tối vài tuần sau. “Mà thật ra thằng cha tội nghiệp tự rước vào mình thôi. Nhưng mình không khỏi cứ lo lắng cho lão.” Cha nói tiếp rằng George Laycock đã thấy vợ Khờ ngồi trong câu lạc bộ Sportsman với một thằng Mexico to con. “Và chuyện đó mới chỉ một phần…” Mẹ đánh ánh mắt sắc lạnh nhìn lên cha rồi tôi. Nhưng tôi cứ tiếp tục ăn như thể không nghe thấy gì. Cha nói, “Mẹ kiếp chứ, Bea, thằng nhỏ đủ tuổi rồi!” Lão thay đổi rất nhiều, lão Khờ ấy. Lão chẳng bao giờ quanh quẩn với bất cứ ai nữa, chừng nào còn tránh được là lão tránh. Cũng không ai muốn đùa với lão, kể từ khi lão cầm cái dầm gỗ dài gần ba mét rượt Carl Lowe sau khi Carl hất mũ của Khờ xuống. Nhưng tệ nhất là giờ một tuần Khờ nghỉ việc một hai ngày, và nghe bóng gió lão bị đuổi việc. “Lão đó rất hay nổi điên,” cha nói. “Rõ là điên ngoại hạng nếu lão không cố kiềm chế.” Rồi một chiều Chủ nhật ngay trước sinh nhật tôi, cha và tôi dọn gara. Hôm đó trời ẩm, lặng gió. Có thể thấy cả những hạt bụi lơ lửng trong không khí. Mẹ đến cửa sau và nói, “Del, điện thoại của anh. Em nghĩ đó là Vern.” Tôi theo cha vào rửa ráy. Khi nói xong, ông đặt điện thoại xuống và quay ra chúng tôi. “Chuyện Khờ,” ông nói. “Dùng búa giết vợ rồi tự trầm. Vern vừa nghe ở phố.” KHI chúng tôi ra đó, xe hơi đỗ kín chung quanh. Cánh cổng mở ra đồng cỏ mở toang, và tôi thấy những vết lốp xe đến tận ao. Cửa chắn được chống hé lên bằng một cái hộp, và có một người đàn ông gầy còm, mặt rỗ, vận quần âu và áo thể thao, đeo bao súng ngắn trên vai. Hắn nhìn cha và tôi ra khỏi xe. “Tôi là bạn của ông ấy,” cha nói với hắn. Hắn lắc đầu. “Không cần biết ông là ai. Nếu không có việc gì ở đây thì biến đi.” “Tìm thấy ông ấy chưa?” cha nói. “Họ đang kéo,” hắn nói, chỉnh súng cho phù hợp với hắn. “Bọn tôi xuống đó được không? Tôi biết ông ấy khá rõ.” Gã kia nói, “Cứ thử đi. Họ sẽ rượt chết, đừng kêu không báo trước.” Chúng tôi băng qua đồng cỏ, men theo cùng con đường hôm chúng tôi đi câu. Xuồng máy chạy trên ao, màn khói thải bẩn thỉu treo lơ lửng phía trên. Có thể thấy những chỗ bị dòng lũ xén mất đất, cuốn sạch cây cối đá sỏi. Hai cái xuồng chở mấy người mặc đồng phục chạy qua chạy lại, một người lái, người kia cầmsợi thừng và lưỡi câu. Xe cấp cứu đợi ở bãi sỏi nơi chúng tôi lần đầu quăng câu con cá vược của lão Khờ. Hai người đàn ông mặc đồ trắng uể oải ngồi dựa vào sau xe, rít thuốc. Một chiếc xuồng máy dừng lại. Tất cả bọn tôi nhìn lên. Người đàn ông ngồi sau đứng dậy và bắt đầu kéo sợi thừng. Sau một lúc, một cánh tay chòi lên khỏi mặt nước. Có vẻ như mấy cái móc đã câu vào bên người lão Khờ. Cánh tay lại rớt xuống và rồi lại chòi lên, cùng với một bọc thứ gì đó. Không phải lão ấy, tôi nghĩ. Thứ gì khác đã ở đó bao năm qua. Người đàn ông ở phía trước xuồng chuyển chỗ ra sau, và cả hai người cùng nhau lôi cái thứ nhỏ nước tong tong đó lên qua mạn xuồng. Tôi nhìn cha. Mặt ông kỳ quặc theo kiểu nó cấu tạo thế. “Đàn bà,” ông nói. Ông nói, “Chọn nhầm đàn bà có thể làm cho mình thế đấy, Jack ạ.” NHƯNG tôi không nghĩ cha thực sự tin thế. Tôi nghĩ ông chỉ không biết phải đổ lỗi cho ai hay phải nói gì. Tôi thấy dường như sau đó với cha mọi thứ ngoặt sang một ngã tồi tệ. Hệt như lão Khờ, ông không còn là người như trước nữa. Cánh tay đó trồi lên rồi lại chìm xuống nước, như thể nói rằng đã tốt đẹp quá lâu rồi, giờ thì nói xin chào với điều tồi tệ đi. Vì chẳng có gì ngoài tồi tệ suốt bao nhiêu năm sau khi lão Khờ tự trầm ở dòng nước đen ngầu đó. Đó có phải là thứ xảy ra khi một người bạn chết? Vận rủi xảy tới với bạn bè mà kẻ đó bỏ lại? Nhưng như tôi nói đấy, Trân Châu Cảng và chuyển về nơi ông nội tôi sống cũng chẳng mang lại được chút gì tốt lành cho cha tôi cả. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch MỘT CUỘC NÓI CHUYỆN NGHIÊM TÚC XE Vera nằm đó, không xe ai khác, và Burt cảm ơn vì thế. Gã ngoặt vào lối xe, đỗ cạnh cái bánh gã làmrơi đêm trước. Nó vẫn nằm đó, cái chảo nhôm lật úp, một quầng bánh bí đỏ trên vỉa hè. Đó là hôm sau Giáng sinh. Gã đến thăm vợ con vào Giáng sinh. Vera đã cảnh cáo gã trước. Nàng cho gã biết thực tế. Nàng nói gã phải về trước sáu giờ vì bạn nàng và con hắn sẽ đến ăn tối. Họ ngồi trong phòng khách và long trọng mở quà Burt mang đến. Họ đã mở gói của gã trong khi những hộp bọc giấy gói quà khác vẫn nằm chất đống dưới cây đợi đến sau sáu giờ. Gã nhìn mấy đứa trẻ mở quà, đợi trong khi Vera tháo ruy băng trên quà của nàng. Gã thấy nàng xé toạc giấy gói, mở nắp hộp, lấy cái áo len cashmere ra. “Đẹp lắm,” nàng nói. “Cảm ơn anh, Burt.” “Mẹ mặc thử đi,” con gái gã nói. “Mẹ mặc vào đi,” con trai gã nói. Burt nhìn con trai, biết ơn vì nó ủng hộ mình. Nàng mặc thử thật. Vera vào phòng ngủ rồi bước ra với chiếc áo trên mình. “Đẹp lắm,” nàng nói. “Em mặc thì đẹp,” Burt nói, và cảm thấy thứ gì đó trào lên trong ngực. Gã mở quà của mình. Quà của Vera, một phiếu quà ở cửa hiệu Sondheim dành cho đàn ông. Của con gái, một cái lược và bàn chải đồng bộ. Của con trai, một cái bút bi. VERA mời soda, và họ trò chuyện một ít. Nhưng hầu như họ chỉ nhìn cái cây. Rồi con gái gã đứng dậy, bắt đầu dọn bàn ăn, còn con trai gã về phòng. Nhưng Burt thích nơi mình đang ngồi. Gã thích ở trước lò sưởi, ly trong tay, nhà của gã, tổ ấm của gã. Rồi Vera vào bếp. Hết lần này lượt khác con gái gã vào phòng ăn mang một thứ bỏ lên bàn. Burt ngắm nó. Gã ngắm nó gấp khăn ăn bằng vải lanh cho vào ly rượu. Gã ngắm nó đặt lọ hoa thon thả vào giữa bàn. Gã ngắm nó cho hoa vào lọ, vẫn luôn cẩn trọng như thế. Một miếng sáp nhỏ và súc mùn cưa cháy trên ghi lò sưởi. Một thùng đựng năm súc nữa nằm sẵn trước lò. Gã đứng dậy khỏi sofa, bỏ hết số đó vào lò sưởi. Gã ngắm cho đến khi chúng bén lửa. Rồi gã uống nốt soda và tiến tới cửa trượt dẫn ra vườn. Trên đường, gã nhìn thấy bánh xếp trong tủ bát. Gã chất hết lên tay mình, cả sáu cái, mỗi cái ứng với mười lần nàng từng phản bội gã. Trên lối xe trong bóng tối, gã để rơi một cái khi dò dẫm mở cửa xe. CỬA trước bị khóa vĩnh viễn từ cái đêm chìa khóa của gã bị gãy trong ổ. Gã đi vòng ra sau. Trên cửa trượt treo một vòng hoa. Gã gõ vào kính. Vera đang vận áo choàng tắm. Nàng nhìn ra về phía gã, cau mày. Nàng hé cửa. Burt nói, “Anh muốn xin lỗi em chuyện tối qua. Anh muốn xin lỗi cả bọn trẻ nữa.” Vera nói, “Chúng không có nhà.” Nàng đứng ở ngưỡng cửa còn gã đứng trên hiên cạnh cây ráy thơm. Gã bứt mấy sợi chỉ thừa trên tay áo. Nàng nói, “Tôi không chịu nổi nữa. Anh đã định thiêu rụi cái nhà này.” “Anh không có.” “Anh có. Mỗi người ở đây đều là một nhân chứng.” Gã nói, “Anh vào nhà nói chuyện được không?” Nàng khép cổ áo choàng lại rồi vào trong. Nàng nói, “Một tiếng nữa tôi phải đi một chỗ này.” Gã nhìn quanh. Cái cây sáng nhấp nháy. Có một đống khăn giấy màu và hộp sáng lóa cả một đầu sofa. Một con gà tây nằm trên đĩa giữa bàn ăn, da vẫn còn trong lớp ngò tây như thể trong một cái ổ tệ hại. Một núi tro đầy lò sưởi. Trong đó có cả vài lon cola Shasta rỗng nữa. Một vệt muội khói ám trên gạch lên tận mặt lò sưởi, nơi có miếng gỗ chặn khói cháy sém đen. Gã quay lại và bước vào bếp. Gã nói, “Đêm qua mấy giờ bạn em về?” Nàng nói, “Nếu anh khơi chuyện kiểu đó thì về luôn bây giờ đi.” Gã kéo ghế ra, ngồi xuống bàn bếp trước cái gạt tàn lớn. Gã nhắm mắt lại rồi mở ra. Gã kéo rèm qua một bên và nhìn ra ngoài sân sau. Gã thấy một chiếc xe đạp không bánh trước nằm lật ngửa. Gã thấy cỏ dại mọc theo chân hàng rào gỗ đỏ. Nàng lấy nước vào nồi. “Anh nhớ lễ Tạ ơn không?” nàng nói. “Khi đó tôi nói rằng với chúng ta, đó là ngày lễ cuối cùng anh hủy hoại. Ăn thịt xông khói và trứng chứ không phải gà tây vào mười giờ đêm.” “Anh biết mà,” gã nói. “Anh đã nói xin lỗi.” “Xin lỗi thôi không đủ.” Đèn mồi bếp lại hỏng. Nàng đứng ở bếp lò cố cho lửa cháy dưới nồi nước. “Khéo bỏng,” gã nói. “Đừng để bị lửa bén.” Gã nghĩ tới cảnh áo choàng của nàng bén lửa, gã nhảy bật ra khỏi bàn, vật nàng xuống sàn và lăn nàng một mạch vào phòng khách, ở đó gã sẽ lấy thân mình che cho nàng. Hay gã nên chạy vào phòng ngủ lấy chăn nhỉ? “Vera?” Nàng nhìn gã. “Em có gì uống không? Sáng nay anh muốn uống gì đó.” “Có ít vodka trong tủ lạnh đấy.” “Từ khi nào em bắt đầu trữ vodka trong tủ lạnh thế?” “Đừng hỏi.” “Được rồi,” gã nói, “anh sẽ không hỏi.” Gã lấy vodka ra rót một ít vào cái tách gã tìm thấy trên bệ bếp. Nàng nói, “Anh cứ thế mà uống, bằng tách à?” Nàng nói, “Chúa ơi, Burt. Mà anh muốn nói gì? Tôi đã bảo anh tôi phải đi chỗ này. Tôi học thổi sáo lúc một giờ.” “Em vẫn học sáo?” “Tôi vừa bảo xong. Thế chuyện gì? Nói tôi nghe anh nghĩ gì, rồi tôi còn phải đi chuẩn bị.” “Anh muốn nói là anh xin lỗi.” Nàng nói, “Anh nói rồi.” Gã nói, “Nếu em có nước hoa quả, anh sẽ pha với vodka này.” Nàng mở tủ lạnh và lục lọi vài thứ. “Có nước táo hòa nam việt quất,” nàng nói. “Thế cũng được,” gã nói. “Tôi vào phòng vệ sinh,” nàng nói. Gã uống một tách nước táo hòa nam việt quất với vodka. Gã châm thuốc rồi ném que diêm vào cái gạt tàn to luôn nằm trên bàn bếp. Gã nhìn mấy đầu lọc thuốc trong đó. Vài cái là loại Vera hay hút, vài cái không. Vài cái thậm chí có màu hoa oải hương. Gã đứng dậy đổ sạch vào bồn rửa. Cái gạt tàn thực ra không phải là cái gạt tàn. Nó là một cái đĩa gốm đá to họ mua từ một thợ gốm râu ria xồm xoàm trong một cửa hiệu ở Santa Clara. Gã xối nước rửa rồi hong khô. Gã đặt lại trên bàn. Rồi gã dụi điếu thuốc của mình xuống đó. NƯỚC trên bếp lò bắt đầu sủi tăm thì điện thoại réo. Gã nghe tiếng nàng mở cửa phòng tắm và gọi gã qua phòng khách. “Nghe đi! Tôi sắp đứng dưới vòi rồi.” Điện thoại bếp ở trên bệ trong góc sau cái nồi đang đun. Gã dịch cái nồi đang đun sang, nhấc ống nghe. “Charlie có đó không?” giọng đó nói. “Không,” Burt nói. “Okay,” giọng nói nói. Trong khi gã đang xử lý món cà phê, điện thoại lại réo. “Charlie à?” “Không có đây,” Burt nói. Lần này gã để kênh máy. VERA vào lại nhà bếp vận quần jeans và áo len, chải tóc. Gã cho thìa cà phê hòa tan vào cốc nước nóng rồi đổ ít vodka vào. Gã mang tách lại bàn. Nàng nhắc điện thoại lên, nghe. Nàng nói, “Gì thế này? Ai gọi?” “Chả ai cả,” gã nói. “Ai hút thuốc màu kia?” “Tôi.” “Anh không biết là em có hút đấy. “ “Thì tôi có hút.” Nàng ngồi đối diện với gã, uống cà phê. Họ hút thuốc và dùng cái gạt tàn. Có vài điều gã muốn nói, những điều đau đớn, những điều an ủi, những điều kiểu thế. “Tôi hút ba bao một ngày,” Vera nói. “Ý tôi là, nếu anh thực sự muốn biết mọi chuyện ở đấy thế nào.” “Trời ơi,” Burt nói. Vera gật đầu. “Anh không đến đây để nghe chuyện đó,” gã nói. “Vậy anh đến đây nghe chuyện gì? Anh muốn nghe căn nhà đã bị thiêu rụi?” “Vera,” gã nói. “Giáng sinh. Anh đến vì thế.” “Ngày sau Giáng sinh rồi,” nàng nói. “Giáng sinh đã đến rồi đi,” nàng nói. “Tôi không bao giờ muốn thấy một Giáng sinh nữa.” “Thế anh thì sao?” gã nói. “Em nghĩ anh trông chờ ngày nghỉ à?” ĐIỆN thoại lại réo. Burt nhấc máy. “Có người muốn gặp Charlie,” gã nói. “Sao?” “Charlie,” Burt nói. Vera cầm lấy điện thoại. Nàng xoay lưng lại phía gã khi nói chuyện. Rồi nàng quay sang gã, nói, “Tôi sẽ nghe điện thoại trong phòng ngủ. Vậy anh làm ơn gác máy sau khi tôi nhấc trong đó được không? Tôi biết đấy nên hãy gác máy khi tôi bảo.” Gã cầm lấy ống nghe. Nàng ra khỏi bếp. Gã gí ống lên tai, nghe. Gã không nghe thấy gì. Rồi gã nghe tiếng một người đàn ông hắng giọng. Rồi gã nghe Vera nhấc cái điện thoại kia. Nàng hét, “Okay, Burt! Tôi nhấc rồi, Burt!” Gã dập điện thoại và đứng nhìn nó. Gã mở ngăn kéo đựng dao nĩa bạc và xào xáo mọi thứ bên trong. Gã mở ngăn khác. Gã nhìn vào bồn rửa. Gã vào phòng ăn lấy con dao lạng thịt. Gã dứ nó vào nước nóng cho đến khi mỡ tan ra và chảy hết. Gã chùi lưỡi dao lên tay áo. Gã đi tới điện thoại, chập đôi dây lại, cứa phăng mà không mảy may khó khăn. Gã xem đầu dây. Rồi gã ném cái điện thoại lại vào góc sau cái nồi đang sôi. NÀNG bước vào. Nàng nói, “Điện thoại tịt rồi. Anh vừa làm gì cái điện thoại?” Nàng nhìn điện thoại rồi cầm từ bệ lên. “Đồ chó đẻ!” Nàng gào lên. Nàng gào, “Cút, cút, về nơi của anh ấy!” Nàng lắc cái điện thoại gí vào gã. “Thế đấy! Tôi sẽ xin lệnh cấm tiếp xúc, tôi sẽ xin cái đó!” Điện thoại kêu choang một cái khi nàng dộng nó xuống bệ bếp. “Tôi sẽ sang hàng xóm gọi cảnh sát nếu anh không biến khỏi đây ngay bây giờ!” Gã cầm cái gạt tàn lên. Gã cầm ở gờ. Thế gã cầm nó giống một người chuẩn bị ném đĩa. “Xin anh,” nàng nói. “Đó là cái gạt tàn của chúng mình.” Gã đi ra qua cửa trượt. Gã không chắc, nhưng gã nghĩ gã đã chứng minh được một điều. Gã hy vọng đã nói một điều gì rõ ràng, vấn đề là, chẳng chóng thì chầy họ sẽ phải nói chuyện nghiêm túc. Có những việc cần phải nói chuyện, những việc quan trọng cần bàn thảo. Họ sẽ nói chuyện lại. Có thể sau khi kỳ nghỉ kết thúc và mọi thứ trở lại bình thường. Gã sẽ bảo nàng cái gạt tàn mắc dịch kia là một cái đĩa mắc dịch, tỉ dụ thế. Gã bước quanh cái bánh trên lối xe rồi vào xe. Gã nổ máy và cài số lùi. Rất khó điều khiển xe chừng nàogãchưabỏcáigạttànxuống. NGUYỄNHẠNHQUYÊNdịch THANH THẢN TÔI đang cắt tóc. Tôi ngồi trên ghế và ba người đàn ông ngồi sát tường đối diện với tôi. Hai trong ba kẻ đang đợi ấy tôi chưa từng gặp. Nhưng một trong ba tôi nhận ra, mặc dù chính xác là ai thì chưa. Tôi cứ nhìn hắn khi tay thợ cắt tóc tôi. Hắn đang đẩy qua đẩy lại một cái tăm trong miệng, một gã lực lưỡng, tóc ngắn quăn. Và rồi tôi thấy hắn đội mũ lưỡi trai và vận đồng phục, đôi mắt nhỏ đầy cảnh giác ở tiền sảnh một ngân hàng. Trong hai người còn lại, một già hơn rõ, tóc quăn bạc cả đầu. Lão đang hút thuốc. Người thứ ba, dù không già bằng, trên đỉnh đầu gần như hói sạch, nhưng tóc hai bên lại phủ xuống tai. Tay này đi đôi ủng lao động, quần sáng bóng lên vì dầu máy. Thợ cắt tóc đặt một tay lên đỉnh đầu tôi mà xoay để nhìn tốt hơn. Rồi y nói với tay bảo vệ, “Anh bắt được con hươu của anh chưa, Charles?” Tôi thích tay thợ cắt này. Chúng tôi không quen thân đến độ có thể gọi tên nhau nhưng khi tôi đến cắt tóc, y biết tôi. Y biết tôi thường đi câu. Vì vậy chúng tôi nói chuyện câu cá. Tôi không nghĩ y đi săn. Nhưng y có thể nói bất cứ chuyện gì. Về khía cạnh này, y là một tay thợ cắt tóc giỏi. “Bill này, chuyện đó buồn cười lắm. Cực kỳ đấy”, tay bảo vệ nói. Hắn bỏ cái tăm ra và để xuống gạt tàn. Hắn lắc đầu. “Vừa được vừa không được. Vì vậy vừa có vừa không cho câu hỏi của anh.” Tôi không thích giọng của gã này. Với một người bảo vệ, giọng này không hợp. Đó không phải là giọng ta chờ đợi. Hai gã kia ngẩng lên. Lão già đang lật một tạp chí, hút thuốc, còn gã kia đang cầm một tờ báo. Họ đặt thứ đang xem xuống, quay sang nghe chuyện tay bảo vệ. “Kể tiếp đi, Charles,” tay thợ nói. “Kể chúng tôi nghe nào. “ Tay thợ xoay đầu tôi lần nữa, rồi tiếp tục ủi tông đơ. “BỌN tôi đang ở trên ngọn Fikle. Ông già tôi, tôi và thằng nhỏ. Bọn tôi săn mấy con thú quyến rũ đó. Ông già tôi phục chặn đầu một con, còn tôi và thằng nhỏ phục chặn một con khác. Thằng nhỏ bị đau đầu vì nốc quá chén, cái thằng mắc dịch. Thằng nhỏ, nó xanh lè như tàu lá và uống nước suốt, của cả tôi lẫn nó. Lúc đó chiều rồi mà bọn tôi thì đi từ khi mờ đất. Nhưng bọn tôi vẫn hy vọng. Bọn tôi đoan chắc mấy tay thợ săn ở dưới sẽ khiến một con hươu chạy về phía bọn tôi. Vì vậy bọn tôi đang ngồi sau một khúc gỗ mà quan sát thì nghe tiếng súng nổ ở dưới thung lũng.” “Dưới đó có vườn cây ăn quả,” gã cầm tờ báo nói. Gã đang rất sốt ruột, cứ vắt chân này lên chân kia, lắc lắc ủng một lúc rồi lại vắt ngược lại. “Bọn hươu hay lảng vảng chỗ khu vườn đó.” “Đúng thế,” tay bảo vệ nói. “Cứ đêm là bọn nó vào vườn, bọn mất dạy, và ăn mấy quả táo xanh còn bé tí. Thế đấy, bọn tôi nghe tiếng súng nổ và chỉ đang ngồi khoanh tay thì cái con hươu già ấy chòi ra từ bụi cây cách đó chưa tới ba mươi mét. Dĩ nhiên thằng nhỏ nhìn thấy cùng lúc với tôi, nó lao ra và bắt đầu bắn. Thằng đầu đất. Không hề hấn gì với con hươu già kia. Từ thằng nhỏ thì không, hóa ra thế. Nhưng con hươu không biết súng bắn từ chỗ nào. Nó không biết phải nhảy lối nào. Rồi tôi bắn. Nhưng vì hỗn loạn, tôi chỉ làm nó choáng váng.” “Làm nó choáng váng?” tay thợ hỏi. “Anh biết đấy, làm nó choáng váng”, tay bảo vệ nói. “Bắn không suy nghĩ. Chỉ khiến nó choáng váng thôi. Nó gục đầu xuống và bắt đầu run bần bật. Toàn thân nó run bần bật. Thằng nhỏ vẫn bắn. Còn tôi, cứ có cảm giác như quay lại hồi ở Triều Tiên. Vì vậy tôi bắn phát nữa nhưng trượt. Rồi Ngài Hươu già lủi lại vào bụi cây. Nhưng lúc đó, nhờ trời, nó chẳng còn chút sức lực nào nữa. Thằng nhỏ đã nã sạch đạn trong khẩu súng mắc dịch của nó mà chả được tích sự gì. Nhưng tôi bắn trúng phóc. Tôi đã nã ngay bụng nó. Ý tôi khi nói làm nó choáng váng là thế.” “Rồi sao?”, gã cầm tờ báo hỏi, đã cuộn báo lại và đang đập đập vào đầu gối mình. “Rồi sao? Anh hẳn phải rượt theo nó. Bọn hươu luôn tìm một nơi rất hiểm để chết.” “Nhưng anh rượt nó chứ?”, lão già hỏi, mặc dù không hẳn là câu hỏi cho lắm. “Tôi rượt. Tôi và thằng nhỏ, bọn tôi rượt nó. Nhưng thằng nhỏ không đỡ được gì mấy. Khi rượt theo nó bị nôn, làm bọn tôi bị lỡ lại. Cái thằng đầu bò đó”. Giờ thì tay bảo vệ không nhịn được cười khi ngẫm lại cảnh huống đó. “Nốc bia và săn gái suốt đêm, rồi bảo là mình săn được hươu. Giờ thì nó hiểu đời hơn rồi, nhờ Chúa. Nhưng đúng là bọn tôi có rượt con hươu. Rượt bám ghê lắm. Máu trên mặt đất và máu trên lá. Máu khắp nơi. Chưa bao giờ gặp con hươu già nào mà lắm máu đến thế. Tôi không hiểu sao cái con mắc dịch đó cứ chạy miết. “ “Có khi bọn hươu sẽ chạy mãi”, gã cầm tờ báo nói. “Bọn nó luôn tìm cho mình một nơi rất hiểm để chết.” “Tôi đay nghiến thằng nhỏ vì bắn trượt, và khi nó cáu um lên với tôi, tôi cho nó một cái bạt tai thật lực. Ngay chỗ này.” Tay bảo vệ chỉ vào một bên đầu và cười toe toét. “Tôi nện thật lực vào cái tai mắc dịch của nó, cái thằng phải gió. Nó chưa lớn lắm. Nó cần phải bị thế. Mà vấn đề là, trời tối quá rồi không rượt được nữa, rồi thằng nhỏ nằm lại nôn mửa và đủ thứ nữa chứ.” “Mà giờ chắc bọn chó sói thịt con hươu đó rồi,” gã cầm báo nói. “Bọn nó, rồi quạ và bọn ó.” Gã giở tờ báo đang cuộn ra, vuốt thẳng, rồi để hẳn qua một bên. Gã lại bắt chân lên. Gã đưa mắt nhìn khắp lượt bọn tôi rồi lắc đầu. Gã lớn tuổi hơn đã quay người trong ghế nhìn ra ngoài cửa sổ. Lão châm thuốc. “Tôi nghĩ thế”, tên bảo vệ nói. “Cũng tội. Đó là một cơn hươu già mắc dịch to con. Vậy nên để trả lời câu hỏi của anh, Bill ạ, tôi vừa săn được con hươu, vừa không. Nhưng kiểu gì thì trên bàn bọn tôi vẫn có thịt thú săn. Vì ông già tôi cùng lúc đó đã hơi bị xuất thần. Đã mang con hươu về lều rồi, treo lên và làmruột sạch bong, gan, tim, thận đã gói lại bằng giấy nến bỏ vào thùng đá rồi. Xuất thần. Chỉ nhờ may thôi. Nhưng ông già tôi thì, ông ấy sướng rơn.” Gã bảo vệ nhìn quanh tiệm như thể đang nhớ lại điều gì. Rồi gã nhặt cây tăm lên cho lại vào miệng. Tay lớn tuổi hơn dập điếu thuốc rồi quay sang gã bảo vệ. Lão hít một hơi rồi nói, “Lẽ ra anh giờ này nên ở ngoài kia mà tìm con hươu đó chứ đâu lại ngồi đây cắt tóc.” “Ông đừng có nói cái giọng đó,” tay bảo vệ nói. “Ông già thối. Tôi gặp ông chỗ nào rồi. “ “Tôi cũng gặp anh rồi,” lão già nói. “Các anh, đủ rồi. Đây là tiệm cắt tóc của tôi,” người thợ nóỉ. “Anh nên tự bạt tai chính mình đi,” lão già nói. “Ông nên làm thì có,” tay bảo vệ nói. “Charles,” người thợ nói. Người thợ bỏ lược và kéo lên kệ rồi đặt tay lên vai tôi, như thể y nghĩ tôi đang cân nhắc có nên nhảy ra khỏi ghế lao vào sự vụ kia không. “Này Albert, hàng bao năm nay tôi cắt tóc cho Charles, và cả con cậu ấy. Tôi mong ông bỏ qua chuyện này.” Người thợ nhìn hết người này đến người kia, tay vẫn đặt trên vai tôi. “Ra ngoài chiến,” gã cầm báo nói, mặt đỏ lên và mong đợi điều gì đó. “Đủ rồi đấy,” người thợ nói. “Charles, tôi không muốn nghe thêm bất cứ gì về chuyện này nữa. Albert, tới lượt ông. Bây giờ.” Người thợ quay sang gã cầm tờ báo. “Tôi không biết anh là thằng cha căng chú kiết nào, quý anh ạ, nhưng tôi sẽ rất lấy làm cảm kích nếu anh không chõ mõm vào.” TAY bảo vệ đứng dậy. Gã nói, “Tôi nghĩ sẽ quay lại cắt tóc sau. Ngay bây giờ thì tình hình không có vẻ khả quan mấy.” Tay bảo vệ đi ra và đóng sập cửa lại, thật lực. Tay già ngồi hút thuốc. Lão nhìn ra ngoài cửa sổ. Lão săm soi thứ gì trên mu bàn tay. Lão đứng dậy đội mũ. “Tôi xin lỗi, Bill,” tay già nói. “Tôi có thể đợi vài ngày nữa.” “Thế cũng được, Albert,” người thợ nói. Khi tay già ra ngoài, người thợ bước lại cửa sổ nhìn lão đi. “Albert sắp chết vì bị khí thũng,” người thợ nói từ chỗ cửa sổ. “Bọn tôi thường đi câu với nhau. Ông ấy dạy tôi tất tần tật về tuốt lươn. Đàn bà nữa. Bọn họ thường chê ông ấy đủ điều. Mà ông ấy cũng hay nổi cáu. Nhưng thực lòng mà nói, có bị khiêu khích thì mới cáu.” Tay cầm tờ báo không ngồi yên nổi. Gã đứng lên đi đi lại lại, dừng săm soi mọi thứ, giá treo mũ, ảnh chụp Bill và bạn bè, lịch do hãng đồ gia dụng tặng mỗi tháng trong năm một cảnh. Gã lật từng tờ. Gã còn đi xa tới mức đến đứng lom lom dòm giấy phép cắt tóc của Bill được đóng khung treo trên tường. Rồi gã quay lại nói, “Tôi cũng đi đây,” và bước ra đúng như gã nói. “Nào, thế ông có muốn tôi cắt nốt hay là thôi?” người thợ nói với tôi như thể tôi là người gây ra mọi chuyện. NGƯỜI thợ quay chiếc ghế tôi ngồi sao cho đối diện với gương. Y lần lượt đặt tay lên hai bên đầu tôi. Y chỉnh tôi lần cuối cùng, rồi cúi đầu xuống cạnh tôi. Bọn tôi cùng nhau nhìn vào gương, tay y vẫn ôm đầu tôi. Tôi đang nhìn mình, và y cũng đang nhìn tôi. Nhưng nếu có thấy gì đó, người thợ cũng không lên tiếng nhận xét. Y luồn tay vào vuốt tóc tôi. Y vuốt chậm, như thể nghĩ đến một điều khác. Y vuốt tóc tôi. Y lần tay dịu dàng, như người tình. Đó là ở Crescent City, California, gần biên giới với Oregon. Chả bao lâu sau tôi dời đi. Nhưng hôm nay tôi lại nghĩ đến nơi đó, đến Crescent City, đến việc tôi đã định sống một cuộc đời mới với vợ mình thế nào, và trên chiếc ghế của người thợ cắt tóc sáng hôm đó, tôi đã nhất quyết từ bỏ ra sao. Hôm nay tôi nghĩ đến sự thanh thản tôi cảm thấy khi nhắm mắt lại và để cho những ngón tay của người thợ lùa vào tóc, sự ngọt ngào của những ngón tay ấy, những sợi tóc đã bắt đầu mọc. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch CƠ KHÍ DÂN DÃ SÁNG SỚM hôm ấy, thời tiết chuyển và tuyết tan thành nước bẩn. Những vệt nước chảy ròng ròng từ khung cửa sổ nhỏ cao ngang tầm vai nhìn ra sân sau. Xe hơi chạy soàn soạt ngoài phố đang tối dần. Ở trong nhà cũng tối. Trong phòng ngủ, người đàn ông đang xếp đồ vào vali thì chị ta hiện ra ở khung cửa. Tôi lấy làm mừng thấy anh sửa soạn ra đi! Tôi lấy làm mừng đấy! chị ta nói. Anh nghe thấy không? Anh vẫn tiếp tục xếp đồ vào vali. Đồ khốn! Anh đi là tôi rất mừng đấy! Chị bắt đầu khóc. Thậm chí anh không dám nhìn thẳng vào mặt tôi nữa hử? Rồi chị nhận thấy tấm ảnh đứa bé trên giường và cầm lên. Anh nhìn chị và chị lau nước mắt, trân trân nhìn lại anh trước khi quay ngoắt đi về phía phòng khách. Trả lại đây, anh nói. Anh soạn đồ rồi cuốn gói đi cho sớm, chị nói. Anh không đáp. Anh đậy chặt vali, mặc áo choàng, nhìn quanh phòng ngủ trước khi tắt đèn. Rồi đi ra phòng khách. Chị đứng ở cửa bếp, tay ẵm bé. Tôi muốn mang con đi, anh nói. Anh điên à? Không, nhưng tôi phải mang con đi. Tôi sẽ cho người đến lấy đồ của nó sau. Anh không được đụng đến thằng bé. Đứa bé bắt đầu khóc và chị hé tấm chăn bao quanh đầu nó. Âu, âu, chị nói, mắt nhìn đứa bé. Anh tiến về phía chị. Lạy Chúa! chị nói. Chị lùi một bước vào trong bếp. Tôi muốn mang con đi. Cút ra khỏi đây! Chị quay phắt và tìm cách đặt đứa bé vào một góc đằng sau bếp lò. Nhưng anh sấn tới. Anh với tay qua bếp lò và nắm chặt lấy đứa bé. Buông nó ra, anh nói. Cút đi, xéo đi! chị kêu lên. Thằng bé, mặt đỏ lựng, kêu thét lên. Trong khi tranh giành, họ xô đổ một lọ hoa treo sau bếp lò. Anh dồn chị vào tường, cố gỡ tay chị ra. Anh níu lấy đứa bé và đẩy bằng toàn bộ trọng lượng của mình. Buông nó ra, anh nói. Thôi đi, chị nói. Anh làm thằng bé đau đấy, chị nói. Tôi đâu có làm thằng bé đau, anh nói. Cửa sổ bếp không để lọt chút ánh sáng nào. Trong bóng tối nhập nhoạng, một tay anh cố gỡ những ngón tay nắm chặt của chị, tay kia túm lấy tay đứa bé đang gào thét, chỗ gần vai. Chị cảm thấy mấy ngón tay mình bị bẻ oặt ra. Chị cảm thấy đứa bé rời khỏi mình. Không! Chị thét lên khi thấy tay mình lỏng ra. Chị phải giành lấy đứa bé. Chị túm lấy cánh tay kia của nó. Chị nắm được cổ tay nó và kéo về phía mình. Nhưng anh không chịu buông. Anh cảm thấy đứa bé buột khỏi tay mình và dồn hết sức kéo thật mạnh. Và vấn đề được định đoạt theo cách ấy. DƯƠNG TƯỜNG dịch MỌI THỨ DÍNH VÀO ÔNG CÔ ở Milan nghỉ Giáng sinh và muốn biết hồi cô còn nhỏ thì thế nào. Nói con nghe, cô nói. Nói con nghe hồi con còn nhỏ thế nào. Cô nhấp Strega, đợi, nhìn sát mặt ông. Cô là một cô gái hấp dẫn, mảnh mai, tính hay, hoàn hảo từ đầu đến chân. Hồi đó lâu lắm rồi. Hồi đó cách nay hai mươi năm, ông nói. Bố nhớ mà, cô nói. Tiếp đi. Con muốn nghe gì? ông nói. Bố còn biết kể con nghe gì nữa? Bố có thể kể con nghe chuyện xảy ra hồi con còn nhỏ. Có liên quan đến con, ông nói. Nhưng chỉ tí ti thôi. Kể con nghe, cô nói. Nhưng trước tiên bố rót thêm cho bố con mình đã, để bố khỏi phải ngưng lại giữa chừng. Ông từ bếp ra tay cầm rượu, yên vị trong ghế, mở lời. KHI lấy nhau, chúng vẫn còn là trẻ con, nhưng yêu nhau điên dại, cái thằng nhỏ mười tám và con nhỏ mười bảy ấy. Chẳng bao lâu sau, chúng có con gái. Đứa bé ra đời cuối tháng Mười một trong một đợt rét trùng với đỉnh mùa chim nước. Thằng nhỏ thích đi săn, con thấy không, Một phần là thế. Thằng nhỏ và con nhỏ, chồng và vợ, cha và mẹ. Chúng sống trong một căn hộ nhỏ dưới một phòng khámnha khoa. Tối tối chúng lau chùi chỗ nha sĩ bên trên thay cho trả tiền thuê nhà và vật dụng. Mùa hè, chúng phải chăm bãi cỏ và hoa. Mùa đông, thằng nhỏ xúc tuyết và rải muối đá lên đường đi. Con vẫn nghe đấy chứ? Con có hình dung được không? Con có, cô nói. Được rồi, hắn nói. Thế rồi một ngày tay nha sĩ phát hiện ra chúng dùng giấy in sẵn tên và địa chỉ của lão để thư từ cá nhân. Nhưng đó là chuyện khác. Hắn đứng dậy khỏi ghế, nhìn ra cửa sổ. Hắn thấy những mái ngói và tuyết đều đều rơi xuống chúng. Kể tiếp chuyện đi bố, cô nói. Đôi trẻ yêu nhau thắm thiết. Mà trên hết, chúng tham vọng lớn. Chúng luôn nói về những chuyện chúng định làm và những nơi chúng định tới. Giờ thằng nhỏ và con nhỏ ngủ trong phòng ngủ, còn đứa con ngủ ở phòng khách. Phải nói là, đứa bé mới được gần ba tháng và chỉ mới bắt đầu ngủ trọn đêm. Một đêm thứ Bảy sau khi xong việc trên tầng, thằng nhỏ ở lại phòng khám và gọi điện cho một người bạn săn cũ của cha nó. Chú Carl à, nó nói khi người đàn ông nhấc máy, chú tin hay không thì tùy, nhưng cháu làm bố rồi. Chúc mừng, Carl nói. Vợ cháu thế nào? Cô ấy khỏe, chú Carl. Mọi người khỏe cả. Tốt quá, Carl nói, nghe thế chú mừng. Mà nếu cháu gọi vì chuyện đi săn, chú sẽ bảo cái này. Bọn ngỗng đang bay rợp trời. Cả đời chắc chú chưa từng nhìn thấy nhiều đến thế. Hôm nay được năm con. Sáng mai lại đi, vì thế nếu cháu muốn thì đi cùng. Cháu muốn, thằng bé nói. Thằng nhỏ gác điện thoại rồi xuống tầng bảo con nhỏ. Con nhỏ nhìn thằng nhỏ sắp xếp mọi thứ. Áo khoác săn, túi đeo hông, bốt, tất, mũ săn, quần lót dài, súng hơi. Mấy giờ anh về? con nhỏ nói. Chắc tầm trưa, thằng nhỏ nói. Nhưng cũng có khi muộn tới tận sáu giờ. Thế có muộn quá không? Không sao, con nhỏ nói. Con và em sẽ ổn thôi. Anh đi chơi vui nhé. Khi anh về, mình sẽ mặc đồ đẹp cho con rồi đi thăm Sally. Thằng nhỏ nói, Nghe hay đấy. Sally là chị con nhỏ. Cô này rất hấp dẫn. Không biết con đã thấy ảnh cô ấy bao giờ chưa. Thằng nhỏ hơi yêu Sally, cũng như hơi yêu Betsy, một bà chị nữa của con nhỏ. Thằng nhỏ thường nói với con nhỏ, Nếu mình không lấy nhau, anh sẽ theo Sally. Betsy thì sao? con nhỏ thường nói. Em ghét phải thừa nhận, nhưng em thực sự cảm thấy chị ấy xinh hơn Sally và em. Betsy thì sao? Cả Besty nữa, thằng nhỏ thường nói. SAU bữa tối thằng nhỏ nhóm lò sưởi và giúp con nhỏ tắm cho đứa con. Nó lại kinh ngạc khi thấy đứa bé mang một nửa đặc điểm của nó, nửa của con bé. Nó thoa phấn lên cơ thể nhỏ xíu. Nó thoa phấn giữa kẽ tay, chân. Nó đổ nước tắm vào bồn rửa rồi lên tầng xem thời tiết. Trời nhiều mây và lạnh, cỏ ở nơi chúng mọc trông như vải bạt, cứng đờ và xám xịt dưới ánh đèn đường. Tuyết nằm thành đống bên lối đi. Một chiếc xe chạy qua. Thằng nhỏ nghe tiếng cát dưới lốp. Nó để mình mường tượng ngày mai sẽ thế nào, ngỗng đập cánh phầm phập trong không trung trên đầu nó, súng săn tì chắc vào vai nó. Rồi nó khóa cửa và xuống lầu. Chúng cố đọc trên giường. Nhưng cả hai đều ngủ quên, con bé trước, để tạp chí rơi xuống chăn. TIẾNG đứa con khóc đánh thức thằng nhỏ. Ở ngoài đó điện sáng, và con nhỏ đứng cạnh nôi ru đứa con trong tay. Con nhỏ đặt đứa bé xuống, tắt đèn, rồi vào lại giường. Thằng nhỏ nghe tiếng đứa bé khóc. Lần này con nhỏ nằm yên. Đứa bé khóc ngặt nghẽo rồi thôi. Thằng nhỏ lắng nghe, rồi thiếp đi. Nhưng tiếng khóc của đứa bé lại khiến thằng nhỏ tỉnh. Đèn phòng khách sáng chói. Nó ngồi dậy bật đèn bàn. Em không biết nó làm sao, con nhỏ nói, ôm đứa bé bước tới lui. Em thay tã cho nó, cho bú, nhưng nó cứ khóc mãi. Em mệt quá, em sợ đánh rơi nó mất. Em vào ngủ lại đi, thằng nhỏ nói. Anh sẽ bế nó một lúc. Nó đứng dậy bế đứa bé, con nhỏ vào nằm xuống lại. Chỉ cần ru vài phút thôi, con nhỏ nói vọng ra từ phòng ngủ. Có lẽ nó sẽ ngủ lại được. Thằng nhỏ ngồi trên sofa bế con. Nó rung rung con trên đùi, đến khi mắt đứa nhỏ nhắm lại là mắt thằng nhỏ nhắm lại ngay theo. Nó cẩn trọng đứng dậy đặt đứa nhỏ vào lại nôi. Bốn giờ kém mười lăm, nó còn được bốn mươi lăm phút nữa. Nó bò vào giường và ngủ lăn. Nhưng vài phút sau đứa bé lại khóc, và lần này cả hai cùng thức dậy. Thằng bé làm một việc tồi tệ. Nó chửi thề. Vì Chúa lòng lành, anh bị làm sao thế? con nhỏ nói với thằng nhỏ. Biết đâu con ốm hay sao thì sao. Biết đâu lẽ ra mình không nên tắm cho con. Thằng nhỏ bế đứa bé lên. Đứa bé đá chân và nhoẻn cười. Nhìn này, thằng nhỏ nói, anh thực chẳng nghĩ nó bị làm sao cả. Làm sao anh biết được? con nhỏ nói. Đây, để em bế con. Em biết mình nên cho con uống cái gì đó, nhưng em chả biết là cái gì. Con nhỏ lại đặt đứa bé xuống nôi. Thằng nhỏ và con nhỏ nhìn đứa bé, và đứa bé bắt đầu khóc. Con nhỏ bế đứa bé. Con ơi, con ơi, con nhỏ nói nước mắt lưng tròng. Chắc bụng nó bị làm sao, thằng nhỏ nói. Con nhỏ không trả lời. Nó tiếp tục ru đứa bé, không để mắt tới thằng nhỏ. THẰNG nhỏ đợi. Nó vào bếp đun nước pha cà phê. Nó kéo quần lót len lên ngoài quần đùi và áo phông, cài khuy lại, rồi mặc quần áo vào. Anh làm gì thế? con nhỏ nói. Đi săn, thằng nhỏ đáp. Em nghĩ anh không nên đi, con nhỏ nói. Em không muốn bị bỏ lại một mình với con thế này. Carl đã tính là anh có đi, thằng nhỏ nói. Bọn anh đã lên kế hoạch. Em không cần biết anh và Carl kế hoạch gì, con nhỏ nói. Mà em cũng không quan tâm đến Carl. Emthậm chí còn không biết Carl. Em gặp Carl rồi còn gì. Em biết chú ấy, thằng nhỏ nói. Ý em nói gì khi bảo không biết chú ấy. Vấn đề không phải chỗ đó và anh thừa biết, con nhỏ nói. Thế vấn đề là gì? thằng nhỏ nói. Vấn đề là bọn anh đã lên kế hoạch. Con nhỏ nói, em là vợ anh. Đây là con anh. Nó ốm hay sao đó. Nhìn con đi. Tại sao nó lại khóc chứ? Anh biết em là vợ anh, thằng nhỏ nói. Con nhỏ bắt đầu khóc. Nó đặt đứa bé vào lại nôi. Nhưng đứa bé lại ọ ẹ. Con nhỏ dùng tay áo váy ngủ chùi mắt rồi bế đứa bé lên. THẰNG nhỏ cột dây bốt. Nó mặc áo sơ mi, áo len, áo khoác vào. Ấm nước reo trên lò trong bếp. Anh sẽ buộc phải chọn, con nhỏ nói. Carl hay em và con. Em nói thật đấy. Ý em là sao? thằng nhỏ nói. Anh nghe rồi đấy, con nhỏ nói. Nếu anh muốn một gia đình, anh sẽ buộc phải chọn. Chúng trân trối nhìn nhau. Rồi thằng nhỏ cầm đồ đạc đi săn lên, ra ngoài. Nó khởi động xe. Nó đi vòng tới cửa sổ xe và hì hục gạt băng đi. Nó tắt động cơ và ngồi một lúc. Rồi nó ra khỏi xe, vào lại trong nhà. Đèn phòng khách sáng. Con nhỏ ngủ trên giường. Đứa con nằm ngủ cạnh nó. Thằng nhỏ cởi bốt. Rồi nó cởi mọi thứ khác. Đi mỗi tất và bộ đồ lót dài, nó ngồi trên sofa, đọc báo Chủ nhật. Con nhỏ và đứa bé ngủ. Sau một lát, thằng nhỏ vào bếp khởi sự rán thịt xông khói. Con nhỏ vận váy ngủ bước ra choàng tay qua người thằng nhỏ. Này, thằng nhỏ nói. Em xin lỗi, con nhỏ nói. Không sao mà, thằng nhỏ nói. Em không định thốt ra như thế. Lỗi của anh, nó nói. Anh ngồi đi, con nhỏ nói. Bánh quế với thịt xông khói nhé? Nghe tuyệt lắm, thằng nhỏ nói. Con nhỏ lấy thịt xông khói ra khỏi chảo và nhào bột bánh. Thằng nhỏ ngồi xuống bàn và ngắm từng cử động của con nhỏ trong bếp. Con nhỏ đặt một đĩa thịt xông khói và bánh quế trước mặt nó. Nó phết bơ và rót xirô. Nhưng khi bắt đầu cắt, nó đánh đổ cái đĩa xuống đùi mình. Không thể tin nổi, nó nói, đứng bật dậy khỏi bàn. Trông anh kìa, con nhỏ nói. Thằng nhỏ nhìn xuống mình, mọi thứ dính vào đồ lót của nó. Anh đói run, thằng nhỏ nói, lắc đầu. Anh đói run, con nhỏ nói, cười phá. Thằng nhỏ lột bộ đồ lót len ra quẳng vào cửa phòng tắm. Rồi nó dang tay ra và đứa con gái nhào vào. Chúng mình sẽ không cãi nhau nữa, con nhỏ nói. Thằng nhỏ nói, Sẽ không cãi nữa. ÔNG đứng dậy khỏi ghế và rót đầy ly cho hai bố con. Thế đấy, ông nói. Hết chuyện. Bố thừa nhận là chuyện không ra chuyện lắm. Con rất thích, cô nói. Ông nhún vai, cầm ly lại cửa sổ. Lúc này trời đã tối nhưng tuyết vẫn rơi. Mọi thứ đổi thay, ông nói. Bố không biết cụ thể thế nào. Nhưng chúng thật sự đổi thay mà con không nhận ra hay không muốn thế. Phải, thế thật, chỉ là… Nhưng cô không nói nốt câu. Cô thôi không nói nữa. Nhìn vào hình phản chiếu trên kính cửa sổ, ông thấy cô săm soi móng tay. Rồi cô ngẩng đầu lên. Giọng vui vẻ, cô hỏi vậy sau rốt ông có dẫn cô thăm thú thành phố được không. Ông nói, Dận bốt vào và đi thôi. Nhưng ông vẫn đứng ở cửa sổ, nhớ. Chúng đã cười. Chúng đã ngả vào nhau mà cười cho đến khi nước trào lên khóe mắt, còn mọi thứ khác – cái rét, và nơi ông sắp đưa mình đến – dù sao thì, trong lát nữa, cũng vẫn ở ngoài kia. NGUYỄN HẠNH QUYÊN dịch MÌNH NÓI CHUYỆN GÌ KHI MÌNH NÓI CHUYỆN TÌNH BẠN tôi, Mel McGinnis, đang nói. Mel McGinnis là bác sĩ khoa tim, và điều đó đôi khi cho anh quyền được diễn giảng. Bốn chúng tôi ngồi quanh bàn bếp nhà anh, uống rượu gin. Từ khung cửa sổ lớn đằng sau bồn rửa bát đĩa, ánh sáng ùa vào tràn ngập gian bếp. Có Mel, tôi và Teresa – bọn tôi gọi là Terri vợ thứ hai của anh, Laura, vợ tôi. Dạo ấy, chúng tôi ở Albuquerque. Nhưng quê bọn tôi đều ở nơi khác. Trên bàn có một xô đá. Rượu gin và tonic được chuyền quanh từ người nọ sang người kia và chẳng biết thế nào mà câu chuyện lại chuyển qua đề tài tình yêu. Mel cho rằng tình yêu chân chính phải bắt nguồn từ tâm linh. Anh nói anh đã ở một chủng viện năm năm trước khi theo học trường y. Anh nói, đến giờ nhìn lại, anh vẫn coi thời kỳ ấy là những năm quan trọng nhất trong đời anh. Terri nói người đàn ông sống với cô trước khi cô sống với Mel yêu cô đến độ y đã suýt giết cô. Rồi Terri nói, “Một đêm, anh ta đánh tôi. Anh ta túm hai mắt cá chân tôi lôi sềnh sệch quanh phòng khách. Anh ta cứ luôn miệng, ‘Tao yêu mày, tao yêu mày, đồ đĩ.’ Anh ta tiếp tục kéo tôi quanh phòng khách. Đầu tôi liên tục va vào mọi thứ.” Terri nhìn quanh bàn. “Các người nghĩ sao về cái thứ tình yêu như vậy?” Cô là một phụ nữ mảnh người nhỏ xương, với khuôn mặt xinh xắn, mắt đen và tóc nâu xõa xuống sau lưng. Cô thích đeo vòng ngọc lam và hoa tai dài toòng teng. “Trời, đừng có ngớ ngẩn, cái đó không phải là tình yêu, em thừa biết thế,” Mel nói. “Tôi không biết các bạn gọi đó là gì, song tôi dám chắc các bạn không thể gọi đó là tình yêu.” “Anh muốn nói gì thì nói, nhưng em biết chắc đó là tình yêu mà,” Terri nói. “Anh có thể cảm thấy nó điên rồ, nhưng dù sao nó vẫn là chân thật. Mỗi người một khác, Mel ạ. Cố nhiên, đôi khi anh ta có thể hành động điên rồ. Em công nhận. Nhưng anh ta yêu em. Có thể là theo cách riêng của anh ta, song đúng là anh ta yêu em thật. Trong tất cả những cái đó, vẫn có tình yêu, Mel ạ. Anh đừng có phủ nhận.” Mel thở dài. Anh cầm ly quay về phía Laura và tôi. “Hắn đã dọa giết tôi,” Mel nói. Anh đã cạn ly và với tay lấy chai gin. “Terri là người lãng mạn. Terri thuộc trường phái hãy-nện-em-để-chứng-tỏ-tình-yêu. Terri, cưng à, đừng có lườm thế.” Mel với tay qua bàn và vuốt má Terri. Anh nhoẻn miệng cười với cô. “Bây giờ anh ấy muốn làm lành đấy,” Terri nói. “Làm lành cái gì?” Mel nói. “Có gì mà phải làm lành? Tôi biết rành những điều mình biết. Có thế thôi.” “Loanh quanh thế nào mà chúng mình lại lái sang chuyện này nhỉ?” Terri nói. Cô nâng ly lên uống. “Mel lúc nào cũng nghĩ đến chuyện tình yêu,” cô nói. “Phải thế không cưng?”. Cô mỉm cười và tôi bèn nghĩ, chắc đến đây là chấm dứt. “Anh dứt khoát không thể gọi hành vi của Ed là tình yêu được. Anh chỉ nói có thế thôi mà, cưng,” Mel nói. “Còn các cậu nghĩ thế nào?” Mel quay sang Laura và tôi. “Các cậu có cho đó là tình yêu không?” “Cậu hỏi nhầm người rồi,” tôi nói. “Thậm chí mình không hề quen biết anh ta. Mình chỉ loáng thoáng nghe nhắc đến tên anh ta thôi. Mình mù tịt. Cũng phải biết cụ thể mới có ý kiến được. Nhưng theo mình hiểu thì cậu cho rằng tình yêu phải tuyệt đối.” Mel nói, “Phải, thứ tình yêu mình đang nói đến là tình yêu tuyệt đối. Mà yêu cách đó thì không có chuyện định giết nhau.” Laura nói, “Tôi không biết gì về Ed, cũng chẳng biết gì về tình cảnh lúc bấy giờ. Nhưng ai có quyền phán xét tình cảnh của người khác chứ?” Tôi chạm nhẹ vào mu bàn tay Laura. Nàng thoáng mỉm cười với tôi. Tôi cầm bàn tay Laura lên. Bàn tay ấm, móng đánh màu, trau chuốt hoàn hảo… Tôi riết năm ngón tay quanh cổ tay tròn trĩnh của nàng. “KHI tôi bỏ đi, anh ấy đã uống thuốc chuột,” Terri nói. Hai bàn tay cô riết chặt hai cánh tay. “Họ đưa anh ấy đến bệnh viện ở Santa Fe. Dạo ấy bọn tôi ở mạn này, cách thành phố chừng mười dặm. Anh ấy được cứu sống. Nhưng hậu quả là lợi anh ấy bị loét hết. Ý tôi là tuột khỏi răng. Thành thử răng anh ta chìa ra như nanh thú. Lạy Chúa,” Terri nói. Cô đợi một lát rồi buông tay và nâng ly lên. “Có gì mà con người không làm được chứ!” Laura nói. “Bây giờ hắn ta đã ra rìa,” Mel nói. “Hắn ta chết rồi.” Mel đưa đĩa chanh cho tôi. Tôi lấy một miếng vắt vào ly của mình và dùng ngón tay khuấy những cục đá. “Tình trạng càng ngày càng tệ,” Terri kể tiếp. “Anh ta tự bắn một phát vào miệng. Nhưng cả cú này nữa, anh ta cũng làm hỏng bét. Tội nghiệp Ed,” Terri vừa nói vừa lắc đầu. “Tội nghiệp quái gì,” Mel nói. “Hắn ta thật nguy hiểm.” Mel bốn mươi lăm tuổi. Người cao, tóc xoăn mềm. Mặt và hai cánh tay ngăm ngăm do chơi quần vợt. Những lúc tỉnh táo không uống rượu, từng cử chỉ, từng động tác của anh đều thận trọng, rất chính xác. “Dù sao anh ta cũng đã yêu em thật, Mel. Hãy thừa nhận với em điều đó,” Terri nói. “Em chỉ yêu cầu có thế thôi, không hơn. Anh ấy không yêu em theo cách của anh. Em không nói vậy. Nhưng anh ấy có yêu em. Anh có thể thừa nhận điều đó được không?” “Cô bảo anh ta làm hỏng bét nghĩa là thế nào?” tôi hỏi. Laura ngả người về đằng trước. Nàng chống cùi chỏ lên bàn, cầm chặt ly rượu của mình bằng cả hai tay. Nàng đưa mắt từ Mel sang Terri và chờ đợi với một vẻ ngỡ ngàng lồ lộ trên gương mặt, như thể kinh ngạc không hiểu nổi làm sao những điều như vậy lại có thể xảy đến với những thân hữu của mình. “Anh ta làm hỏng bét cuộc tự sát như thế nào?” tôi hỏi. “Để tôi kể đầu đuôi cho các bạn nghe,” Mel nói. “Hắn ta lấy khẩu súng lục 22 hắn mua ra dọa Terri và tôi. Ồ, tôi nói thật đấy, thằng cha bao giờ cũng dọa dẫm. Các bạn nhẽ ra phải thấy ngày ấy bọn tôi sống thế nào. Như những kẻ lẩn trốn vậy. Thậm chí chính tôi cũng phải mua một khẩu súng. Các bạn có tin không? Một thằng cha như tôi đây? Nhưng mà thật thế đấy. Tôi mua một khẩu súng để tự vệ và luôn để trong ngăn đựng găng tay trên xe. Đôi khi tôi phải ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm. Để đến bệnh viện mà, các bạn biết đấy? Hồi đó Terri và tôi chưa cưới, mụ vợ trước của tôi được quyền sử dụng ngôi nhà và nuôi bọn trẻ, cả con chó, còn Terri và tôi ở căn hộ này. Đôi khi, như tôi vừa nói, nửa đêm có điện thoại gọi, thế là tôi phải đến bệnh viện vào lúc hai, ba giờ sáng. Ngoài khu đậu xe tối thui, tôi sợ toát mồ hôi ngay cả trước lúc mò tới được xe mình. Biết đâu hắn lại chả từ bụi rậm hoặc từ sau một chiếc xe nào đó xông ra nổ súng. Các bạn nên nhớ là thằng cha điên khùng thật sự. Hắn có thể làm cả một trái bom hoặc giở bất cứ trò gì. Hắn thường gọi đến sở tôi vào bất kỳ giờ nào, nhắn là cần nói chuyện với bác sĩ, và khi tôi gọi lại, hắn liền bảo, ‘Đồ chó đẻ, mày đến ngày tận số rồi!’. Đại loại như vậy. Thú thật là tôi sởn da gà.” “Em vẫn thấy tội nghiệp anh ấy,” Terri nói. “Nghe như một cơn ác mộng,” Laura nói. “Nhưng đích xác thì điều gì đã xảy ra khi anh ta tự bắn vào miệng?” Laura làm nghề thư ký pháp lý. Hai chúng tôi gặp nhau với tư cách đồng nghiệp. Quyến luyến nhau lúc nào không biết. Nàng ba lăm, kém tôi ba tuổi. Không những yêu nhau, hai chúng tôi còn rất tâm đầu ý hợp như đôi bạn tri kỷ. Laura là người dễ gần. “ĐIỀU gì đã xảy ra?” Laura hỏi. Mel nói, “Hắn ta tự bắn vào miệng trong phòng riêng. Có người nghe thấy tiếng nổ, liền đi báo người quản lý nhà. Họ dùng chìa khóa đặc biệt mở cửa vào phòng, thấy rõ sự tình và gọi xe cấp cứu. Tình cờ thế nào tôi lại có mặt ở bệnh viện khi họ mang hắn ta đến trong tình trạng thoi thóp nhưng vô phương cứu chữa. Hắn ta sống thêm được ba ngày. Đầu hắn trương lên gấp đôi một cái đầu bình thường. Tôi chưa từng thấy một cái gì giống như vậy, và tôi hy vọng sẽ không bao giờ thấy lại một cái gì tương tự. Khi biết tin, Terri muốn vào thăm và ngồi bên hắn. Hai chúng tôi đã cãi nhau về chuyện ấy. Tôi nghĩ Terri không nên thấy hắn ta trong tình trạng như vậy. Phải, tôi nghĩ là không nên tí nào, đến bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy.” “Thế cãi nhau ai thắng?” Laura hỏi. “Em đã ở trong phòng bệnh khi anh ấy hấp hối,” Terri nói. “Anh ấy không tỉnh lại lần nào. Nhưng emngồi bên giường anh ấy suốt. Anh ấy còn có ai nữa đâu.” “Hắn là người nguy hiểm,” Mel vẫn khăng khăng. “Nếu em muốn gọi cái đó là tình yêu thì anh xin nhường.” “Đó là tình yêu,” Terri nói. “Đành rằng dưới con mắt người ta thì nó có bất bình thường thật. Nhưng anh ấy tự nguyện chết vì tình yêu ấy. Và quả là anh ấy đã chết vì nó.” “Dứt khoát không đời nào anh gọi đó là tình yêu,” Mel nói. “Tôi muốn nói là không ai biết chắc được tại sao hắn lại làm thế. Tôi đã thấy hàng lô cuộc tự sát, và tôi có thể nói là chẳng ai biết được lý do tại sao.” Mel đặt hai tay ra sau gáy và ngả ghế ra sau. “Tôi không quan tâm đến thứ tình yêu ấy,” anh nói. “Nếu các người gọi đó là tình yêu thì đấy tôi xin nhường.” Terri kể, “Dạo ấy, bọn em sợ nhá. Thậm chí Mel đã thảo di chúc và viết thư cho ông anh trai cựu binh Mũ Nồi Xanh ở California. Mel dặn dò nơi tìm văn bản đó nếu có chuyện gì xảy đến với anh.” Terri uống một hớp. Cô nói, “Nhưng Mel nói đúng – bọn em đã sống lẩn sống lút. Bọn em sợ mà. Mel sợ lắm, có phải không, cưng? Có hôm em đã phải gọi cảnh sát, nhưng họ chẳng giúp gì được. Họ bảo họ không thể can thiệp nếu Ed không có hành động gì cụ thể. Thế có buồn cười không?” Terri nói. Cô rót nốt những giọt rượu gin cuối cùng vào ly mình và khua khua cái chai rỗng. Mel đứng dậy khỏi bàn, ra tủ buýp phê. Anh lấy xuống một chai khác. “RIÊNG tôi và Nick, chúng tôi biết thế nào là tình yêu,” Laura tuyên bố. “Tôi muốn nói là giữa hai chúng tôi.” Nàng khẽ hích đầu gối vào đầu gối tôi. “Bây giờ đến lượt anh nói gì đi chứ,” Laura nói, quay về phía tôi mỉm cười. Thay cho câu trả lời, tôi cầm lấy tay Laura đưa lên môi. Tôi hôn tay nàng ra kiểu phường tuồng. Tất cả cười ồ. “Bọn mình may mắn,” tôi nói. “Các người,” Terri nói. “Thôi đi nào. Các người làm tôi phát ớn. Các người còn đang trong tuần trăng mật, vì Chúa. Hãy đợi đấy. Các người đã ở với nhau bao lâu rồi? Cuộc sống chung kéo dài được bao lâu rồi? Một năm? Hơn một năm?” “Sắp được một năm rưỡi,” Laura nói, mỉm cười, đỏ mặt. “A thế,” Terri nói. “Đợi một lát nhé.” Cô cầm ly lên nhìn thẳng vào mắt Laura. “Em chỉ đùa tí thôi mà,” Terri nói. Mel mở chai gin và đi quanh bàn rót rượu vào các ly. “Này các bạn,” anh nói. “Ta hãy nâng cốc. Mình đề nghị nâng cốc. Chúc cho tình yêu. Tình yêu chân chính,” Mel nói. Chúng tôi chạm cốc. “Chúc cho tình yêu,” chúng tôi nói. BÊN ngoài, trong sân sau, một con chó bắt đầu sủa. Những chiếc lá dương vèo qua cửa sổ, chạm vào ô kính. Nắng chiều lọt vào phòng như một hiện diện của ánh sáng bao la, quảng đại và thoải mái. Tưởng như chúng tôi đang ở một nơi nào huyền diệu. Chúng tôi lại nâng cốc và mỉm cười với nhau như những đứa trẻ vừa đi đến nhất trí với nhau về một điều cấm kỵ. “Mình sẽ nói cho các bạn nghe thế nào là tình yêu chân chính,” Mel nói. “Có nghĩa, mình sẽ đưa ra một thí dụ điển hình. Sau đó các bạn sẽ tự rút ra kết luận.” Anh rót thêm gin vào cốc của mình, bỏ thêm một cục đá và một lát chanh. Chúng tôi nhấm nháp từng hụm nhỏ, đợi. Laura và tôi lại cụng đầu gối. Tôi đặt tay lên đùi ấm của nàng và cứ để thế. “Có đứa nào trong bọn ta thật sự biết gì về tình yêu?” Mel nói. “Mình thấy bọn ta chỉ mới võ vẽ trong lĩnh vực này. Chúng mình nói chúng mình yêu nhau và đúng là thế, mình không nghi ngờ gì về điều đó. Mình yêu Terri và Terri yêu mình, và hai bạn cũng thế. Các cậu biết mình đang nói về loại tình yêu nào. Tình yêu vật thể, cái niềm xung động nó đẩy ta đến với một con người đặc biệt, cũng như tình yêu mà ta cảm thấy đối với bản thể của con người ấy, căn cốt của người ấy, có thể nói thế. Tình yêu xác thịt và… ờ, thì cứ gọi là tình yêu tình cảm, những gắn bó hàng ngày đối với người kia. Nhưng đôi khi mình thấy thật khó giải thích điều này: hẳn là mình đã từng yêu người vợ trước của mình. Nhưng mà đúng thế, mình biết. Cho nên mình nghĩ là mình cũng giống như Terri trong quan hệ với Ed.” Mel ngừng lại ngẫm nghĩ rồi lại nói tiếp. “Đã có một thời mình nghĩ mình yêu người vợ trước của mình hơn cả bản thân cuộc sống. Nhưng bây giờ thì mình ghét cay ghét đắng cô ta. Thật vậy. Các cậu giải thích điều đó như thế nào? Cái gì đã xảy đến với tình yêu ấy, đó chính là điều mình muốn biết. Giá có ai mách cho mình hay! Rồi lại còn trường hợp của Ed nữa. Okay, thì ta hãy quay lại trường hợp của Ed. Anh ta yêu Terri đến nỗi định giết cô ấy và rồi cuối cùng tự giết mình.” Mel dừng lại và ực một tợp rượu. “Hai bạn đã chung sống với nhau mười támtháng và vẫn yêu nhau. Điều đó lộ rõ. Nét mặt các bạn ngời ngời. Nhưng mỗi bạn đều đã từng yêu người khác trước khi gặp nhau. Cả hai đều đã từng kết hôn, cũng như chúng tôi. Và thậm chí trước nữa, có khi các bạn đã yêu người khác cũng nên. Terri và mình đã sống chung năm năm, chính thức thành vợ chồng được bốn năm. Và điều kinh khủng – phải, kinh khủng nhưng mặt khác lại tốt, có thể nói là ân sủng cứu rỗi nữa – là nếu như, phỉ phui, một trong hai chúng tôi có mệnh hệ nào – xin lỗi về lời nói gở – phải, nếu như ngày mai có chuyện gì xảy đến với một trong hai chúng tôi, thì người kia chắc sẽ đau buồn mất một thời gian, mình nghĩ thế, nhưng rồi người còn sống sẽ lại chơi nhởn, lại yêu đương và chẳng bao lâu sẽ lại cặp với một người khác. Và tất cả những cái đó, tất cả những gì liên quan đến thứ tình yêu chúng ta đang bàn sẽ chỉ còn là ký ức. Có khi thậm chí cũng chẳng còn trong ký ức nữa kia. Mình nói có trật không? Mình có lạc đề không? Mình muốn các cậu uốn nắn cho mình nếu mình nói trật. Mình muốn biết đích xác. Bởi vì mình chẳng biết gì hết, và mình là người đầu tiên thừa nhận điều đó.” “Lạy Chúa, Mel!” Terri nói. Cô với tay nắm lấy cổ tay chồng. “Anh say đấy ư? Cưng? Anh có say không đấy?” “Anh chỉ bàn chuyện thôi mà, cưng,” Mel nói. “Được chứ? Có cần gì phải say mới nói ra những điều mình nghĩ. Đây chỉ là một cuộc bàn luận thôi, phải không?” Mel nói. Anh nhìn thẳng vào mắt Terri. “Anh yêu, em đâu có ý phê phán,” Terri nói. Cô nhấc ly lên. “Hôm nay anh không trực,” Mel nói. “Anh xin nhắc em điều đó. Anh không trực,” anh nói. “Mel, tất cả chúng tôi đều yêu anh,” Laura nói. Mel nhìn Laura. Anh nhìn như thể không nhận ra nàng, như thể nàng không phải là người đàn bà anh vẫn biết. “Mình cũng yêu cậu, Laura,” Mel nói. “Cả cậu nữa, Nick. Các cậu hiểu không? Các cậu là bạn cánh hẩu của chúng mình mà,” Mel nói. Anh nhấc ly lên. MEL nói, “Mình sẽ kể cho các cậu nghe một câu chuyện. Đúng ra mình muốn chứng minh một điểm. Chuyện này xảy ra cách đây mấy tháng, nhưng hiện vẫn còn tiếp diễn, nghe chuyện này, chúng ta ắt phải xấu hổ vì đã nói cứ như là biết rành lắm là chúng mình nói gì khi nói chuyện tình yêu.” “Thôi đi,” Terri nói. “Đừng có nói như người say nếu anh không say.” “Chí ít một lần trong đời, em hãy im đi,” Mel nói rất điềm tĩnh. “Em hãy làm ơn im đi một phút cho anh nhờ, được không? Vậy nhé, có một cặp vợ chồng già bị tai nạn xe hơi trên xa lộ. Một thằng nhãi đâm vào xe họ nát tươm và chẳng có ai giúp họ trong cơn nguy kịch.” Terri nhìn chúng tôi rồi lại đưa mắt về phía Mel. Cô có vẻ lo sợ, nhưng có lẽ chữ ấy hơi quá. Mel chuyền chai rượu quanh bàn. “Đêm đó là phiên trực của tôi,” Mel nói. “Bấy giờ vào quãng tháng năm hay tháng sáu gì đó. Terri và tôi vừa ngồi vào bàn ăn tối thì bệnh viện gọi. Đó là về vụ tai nạn trên xa lộ. Thằng nhỏ say mèm lao chiếc xe tải nhỏ của cha nó vào chiếc xe cắm trại của đôi vợ chồng già. Hai ông bà vào quãng bảy lăm bảy sáu gì đó. Thằng nhỏ – độ mười tám mười chín gì đó – chết trước khi đến bệnh viện. Bị tay lái đánh giập xương ức. Đôi vợ chồng già thì còn sống, nhưng chỉ thoi thóp thôi, các cậu hiểu không. Họ lãnh đủ. Gãy xương nhiều chỗ, chấn thương nội tạng, xuất huyết, tụ huyết, những vết rách toạc, chẳng thiếu thứ gì, và cả hai ông bà đều bị chấn thương sọ não. Tình trạng họ hết sức nguy kịch, tin tôi đi. Mà lại thêm tuổi già nữa. Bà lão có khi còn nặng hơn chồng. Ngoài những thương tích khác, bà còn bị giập lá lách. Cả hai xương bánh chè vỡ nát. Mà đấy là họ đã thắt dây lưng an toàn cẩn thận, nhờ đó còn sống sót, chí ít là cho đến nay. “Thưa quý vị,” Terri nói, “đây là đoạn quảng cáo An Toàn Giao Thông do người phát ngôn của Hội đồng Quốc gia, bác sĩ Melvin R. McGinnis, thực hiện.” Terri cười rũ. “Mel,” cô nói, “đôi khi anh hơi quá lố đấy. Nhưng mà em yêu anh, cưng à,” cô nói. “Miu con, anh yêu em,” Mel nói. Anh nhoài người qua bàn. Terri cũng ngả mình về phía anh. Họ hôn nhau. “Terri nói đúng,” Mel nói sau khi ngồi trở lại. “Phải cài dây lưng an toàn chứ. Nhưng quả thật tình trạng hai ông bà già ấy đến là gay. Khi mình đến thì thằng nhỏ đã chết, như mình vừa kể. Nó được đặt trong một góc trên một chiếc cáng có bánh xe đẩy. Mình xem qua đôi vợ chồng già và bảo nữ y tá phòng cấp cứu gọi một bác sĩ chuyên khoa thần kinh, một chuyên gia chỉnh hình và hai bác sĩ phẫu thuật đến ngay lập tức.” Anh uống một ngụm. “Mình sẽ cố nói cho ngắn gọn,” anh nói. “Thế là bọn mình đưa hai ông bà lên phòng mổ và làm việc như điên gần suốt đêm. Hai con người này có sinh lực dự trữ dồi dào đến mức khó tin. Họa hoằn mới gặp một trường hợp như vậy. Thế, chúng tôi làm tất cả những gì có thể làm, và đến gần sáng chúng tôi đem lại cho họ một cơ may 50/50 qua khỏi, có lẽ ít hơn đối với bà vợ. Vậy là đến sáng hômsau họ vẫn còn sống. Chúng tôi bèn chuyển họ sang khu chăm sóc đặc biệt, ở đó cả hai ráng sức điều trị trong suốt hai tuần, mỗi ngày một khá hơn về mọi mặt. Do vậy, chúng tôi chuyển họ về cùng phòng.” Mel ngừng nói. “Thôi,” anh nói, “uống nốt cái thứ rượu gin rẻ tiền này. Rồi ta đi ăn tối, được không? Terri và tôi biết một chỗ mới. Chúng ta sẽ đến đấy, đến cái nơi bọn mình mới phát hiện. Nhưng trước hết phải thanh toán cái thứ rượu gin chết tiệt, rẻ tiền này đi đã.” Terri nói, “Thực ra bọn này cũng chưa ăn ở đấy. Nhưng xem ra có vẻ oách. Nhìn từ bên ngoài, các cậu biết đấy.” “Mình thích đánh chén,” Mel nói. “Nếu phải làm lại từ đầu, mình sẽ làm đầu bếp, các cậu ạ. Phải không, Terri?” Mel nói. Anh cười. Anh lấy ngón tay khuấy viên đá trong ly của mình. “Terri biết đấy,” Mel nói. “Terri có thể làm chứng. Nhưng mình xin được ngỏ một điều này nữa. Nếu mình có thể trở lại sống một cuộc đời khác, vào một thời khác và trong một điều kiện khác thì các bạn có biết mình muốn được là gì không? Một hiệp sĩ. Mặc trên mình cả bộ áo giáp thì an toàn xiết bao. Trước thời thuốc súng và các loại súng được phát minh, cánh hiệp sĩ chả phải sợ gì cả.” “Mel ước được cưỡi ngựa và cầm giáo,” Terri nói. “Và đi đâu cũng mang theo một chiếc khăn quàng phụ nữ,” Laura nói. “Hoặc chính một phụ nữ,” Mel nói. “Rõ xấu hổ chửa!” Laura nói. Terri nói, “Giả dụ anh đầu thai trở lại thành nông nô. Vào thời ấy, nông nô chẳng có gì béo bở.” “Nông nô thì có bao giờ béo bở,” Mel nói. “Nhưng anh nghĩ, ngay cả hiệp sĩ cũng phải làm sư hầu cho một ai đó. Có phải sự đời là như thế không? Có nghĩa bất kỳ ai cũng phải làm sư hầu cho một người nào khác. Đúng không, Terri? Song điều anh thích ở các hiệp sĩ – ngoài các mỹ nương của họ – là cái bộ áo giáp ấy, em biết không, chẳng dễ gì đả thương được họ. Thời ấy làm gì có xe hơi. Cũng chẳng có những thằng nhóc say mèm lao xe bừa vào mình.” “CHƯ hầu,” Terri nói. “Cái gì?” Mel nói. “Chư hầu,” Terri nói. “Người ta gọi là chư hầu, chứ không phải sư hầu.” “Chư hầu với sư hầu,” Mel nói, “thì khác quái gì nhau. Dù sao em cũng hiểu anh định nói gì. Phải,” Mel nói. “Tôi dốt chữ. Tôi chỉ học nghề của tôi. Tôi là một bác sĩ mổ tim, rành vậy, song tôi chỉ là một cha thợ máy. Tôi thục vào, tôi khoắng loạn lên, rồi tôi vá víu. Cục cứt!” Mel nói. “Đức khiêm tốn chả hợp với anh đâu,” Terri nói. “Cậu ta chỉ là một cha đồ tể quèn,” tôi nói. “Nhưng này Mel, đôi khi họ muốn chết ngột trong bộ áo giáp ấy. Thậm chí họ còn lên cơn đau tim nếu nóng quá, và họ quá mệt, quá kiệt sức. Mình đọc thấy ở đâu đó là có khi họ ngã ngựa không đứng dậy nổi vì quá mệt với cả mớ áo giáp ấy trên mình. Đôi khi họ còn bị ngựa của chính mình giẫm lên nữa.” “Thật kinh khủng,” Mel nói. “Thật là một điều kinh khủng, Nick ạ. Chắc là họ cứ nằm đấy đợi ai đến xả họ ra làm thịt xiên nướng.” “Đợi một sư hầu nào khác,” Terri nói. “Đúng thế,” Mel nói. “Một chư hầu nào đó sẽ đi qua và, vì tình thương yêu cao cả hóa kiếp cho gã con hoang nọ bằng một mũi giáo. Hoặc vì bất cứ mục tiêu phấn đấu nào của họ thời ấy.” “Giống như mục tiêu phấn đấu của chúng ta bây giờ,” Terri nói. Laura nói: “Chả có gì thay đổi cả.” Má Laura vẫn đỏ ửng. Mắt nàng sáng long lanh. Nàng nâng ly rượu lên môi. Mel tự rót cho mình ly nữa. Anh nhìn kỹ nhãn rượu như đang nghiên cứu một dãy con số. Rồi chậm rãi đặt chai rượu xuống bàn và chậm rãi với tay lấy lon nước tonic. “CÒN đôi vợ chồng già ra sao?” Laura nói. “Anh không kể nốt câu chuyện bỏ dở.” Laura loay hoay mãi không châm được điếu thuốc lá. Diêm cứ tắt hoài. Ánh nắng lọt vào căn phòng lúc này đã khác đi, thay đổi, nhạt hơn. Nhưng lá cây bên ngoài cửa sổ vẫn lấp lánh và tôi ngắm những hình chúng phóng chiếu trên các ô kính và trên mặt foocmica tủ buýp phê. Dĩ nhiên chúng cũng thay đổi. “Hai ông bà già ra sao?” Tôi nói. “Càng lớn tuổi càng hiểu biết thêm,” Terri nói. Mel lừ mắt nhìn cô. Terri nói, “Anh cứ kể tiếp đi. Em chỉ đùa thôi mà. Rồi sao nữa?” “Terri, đôi khi em thật…” Mel nói. “Thôi em xin, Mel,” Terri nói. “Đừng có nghiêm nghị suốt ngày thế. Anh không biết đùa sao?” “Có cái gì đáng cười đùa cơ chứ?” Mel nói. Tay cầm ly rượu, anh trừng trừng nhìn vợ. “Rồi sao nữa?” Laura nói. Mel nhìn Laura đăm đăm. Anh nói: “Laura này, nếu tôi không có Terri và nếu tôi không yêu Terri đến thế và nếu Nick không phải là thằng bạn tốt nhất của tôi thì chắc tôi đã mê tít cô rồi. Phải, chắc tôi đã cuỗmcô đi rồi, cưng ạ,” anh nói. “Kể nốt câu chuyện của anh đi,” Terri nói. “Rồi chúng ta sẽ đến chỗ tiệm ăn mới, okay?” “Okay,” Mel nói. “Đến đâu rồi nhỉ?” anh nói. Anh nhìn trân trân xuống bàn rồi bắt đầu kể tiếp. “Ngày nào tôi cũng ghé thăm hai ông bà, có ngày hai lần nếu tiện đường trong khi đi thăm những bệnh nhân khác. Cả hai đều phải bó bột, quấn băng suốt từ đầu đến chân. Giống như trong xinê ấy. Thật vậy, hệt như trong phim. Chỉ chừa những lỗ nhỏ để hở mắt, mũi, mồm. Bà vợ còn phải treo chân lên nữa chứ. Chà, ông chồng bị suy sụp tinh thần một thời gian dài. Kể cả sau khi biết là vợ mình có khả năng qua khỏi, ông vẫn rất rầu rĩ. Tuy nhiên, không phải vì vụ tai nạn. Mình muốn nói vụ tai nạn là một chuyện, nhưng ấy không phải là tất cả. Có lần tôi ghé tai vào cái lỗ thông với miệng ông, ông liền bảo thực ra không phải tại vụ tai nạn mà chính là vì nỗi ông không thể nhìn thấy bà qua hai cái lỗ nhỏ ngang tầm mắt. Ông nói đó chính là điều khiến ông khổ não đến thế. Các người có thể tưởng tượng được không? Tôi đang nói với các người rằng trái tim ông ta tan nát vì nỗi không thể quay cái đầu chết tiệt đặng nhìn thấy bà vợ chết tiệt của mình.” Mel nhìn quanh bàn và lắc đầu như để nhấn mạnh điều sắp nói. “Tôi muốn nói: lão Khốt có thể chết vì nỗi không thể nhìn được mụ Khốt.” Cả bọn chúng tôi nhìn Mel. “Các người có hiểu tôi nói gì không?” Mel nói. CÓ LẼ đến lúc đó bọn tôi đều đã hơi say. Tôi nhớ là nhìn mọi thứ đã thấy nhòe nhòe. Ánh sáng đã rút khỏi căn phòng qua cửa sổ nơi nó lọt vào. Tuy nhiên, chẳng ai buồn nhúc nhắc để đứng lên bật ngọn đèn điện trên đầu. “Nghe này,” Mel nói. “Ta làm nốt chỗ rượu gin chết tiệt này đi. Còn đủ một tuần nữa cho tất cả đấy. Xong rồi đi ăn. Chúng mình sẽ đến tiệm ăn mới.” “Anh ấy xìu rồi,” Terri nói. “Mel, sao anh không uống một viên thuốc đi?” Mel lắc đầu, “Anh đã uống mọi thứ trên đời.” “Tất cả chúng ta thỉnh thoảng đều cần một viên thuốc,” tôi nói. “Có những người mới sinh ra đã cần thuốc,” Terri nói. Cô lấy ngón tay di di một vết gì trên bàn. Rồi cô ngừng lại. “Có lẽ tôi phải nói chuyện điện thoại với bọn nhóc nhà tôi,” Mel nói. “Mọi người không phiền chứ? Tôi sẽ gọi cho các con tôi đây,” anh nói. Terri nói, “Ngộ nhỡ Marjorie trả lời máy thì sao? Anh chị đã nghe bọn này nói chuyện về Marjorie rồi, phải không? Anh yêu, em biết là anh không muốn nói chuyện với Marjorie mà. Điều đó chỉ làm cho anh thêm phiền não thôi.” “Tôi không muốn nói chuyện với Marjorie,” Mel nói. “Nhưng tôi muốn nói chuyện với các con tôi.” “Không có ngày nào mà Mel không nói là anh cầu sao cho chị ta lấy một người chồng mới. Hoặc là chết quách đi,” Terri nói. “Vì một điều,” Terri nói, “chị ta làm bọn tôi khánh kiệt. Mel bảo, chị ta không tái giá cốt là để trêu gan Mel. Chị ta có một gã bồ cùng ở luôn với chị ta và lũ trẻ, thành thử Mel phải nuôi cả bồ của chị ta nữa.” “Mụ ấy dị ứng với ong,” Mel nói. “Nếu tôi không cầu cho mụ tái giá thì tôi cầu cho mụ bị một đàn ong đốt đến chết.” “Nói thế mà không biết xấu hổ,” Laura nói. “Vvvè-vvvè,” Mel xòe những ngón tay giả làm ong kêu vè vè tấn công vào cổ họng Terri. Rồi buông thõng cả hai tay xuống thở dài. “Mụ ta thật hiểm độc,” Mel nói. “Đôi khi tôi đã toan đóng giả một tay nuôi ong để đến đó. Các cậu biết cái loại mũ có mạng bảo vệ mặt với đôi găng to tướng, cái áo bông chần chứ? Tôi sẽ gõ cửa và thả một bầy ong vào nhà. Nhưng dĩ nhiên, trước hết tôi phải biết chắc là bọn trẻ không có nhà đã.” Anh vắt chân chữ ngũ. Dường như anh phải mất một lúc mới làm được động tác đó. Rồi anh thả cả hai chân xuống sàn, ngả người về phía trước, chống cùi chỏ lên bàn, hai tay đỡ cằm. “Xét cho cùng, có lẽ tôi cũng chẳng nên gọi bọn nhóc làm gì. Xem ra đó cũng chẳng phải là một ý gì hay ho lắm. Có lẽ ta nên đi ăn thôi. Các bạn nghĩ thế nào?” “Mình thấy nghe được đấy,” tôi nói. “Ăn hay không ăn. Hoặc tiếp tục uống. Mình sẵn sàng lao ra trong hoàng hôn.” “Anh nói thế nghĩa là thế nào, anh yêu?” Laura nói. “Nghĩa là thế,” tôi nói. “Nghĩa là anh sẵn sàng tiếp tục. Có thế thôi.” “Thế thì chính em cũng sẵn sàng ăn chút gì,” Laura nói. “Em có cảm giác như cả đời chưa bao giờ đói thế này. Có cái gì nhấm nháp được không?” “Để em dọn ra chút pho mát và bích quy,” Terri nói. Nhưng rồi Terri vẫn ngồi nguyên đó. Cô không đứng dậy lấy bất cứ cái gì. Mel úp ly xuống. Anh đổ rượu tràn ra bàn. “Hết cả gin rồi,” anh nói. Terri nói, “Giờ thì sao?” Tôi có thể nghe thấy tiếng tim mình đập. Tôi có thể nghe thấy tiếng tim mọi người đập. Tôi có thể nghe thấy cái tiếng-động-nhân-sinh phát ra từ mấy đứa chúng tôi ngồi đấy, ngồi nguyên không ai động đậy, ngay cả khi căn phòng chìm vào bóng tối. DƯƠNG TƯỜNG dịch