"
Mấy Chàng Trai Thế Hệ Trước PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mấy Chàng Trai Thế Hệ Trước PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
Tên sách : MẤY CHÀNG « TRAI-THẾ-HỆ… » TRƯỚC
Tác giả : DƯƠNG THIỆU THANH
Nhà xuất bản : XUÂN THU
Năm xuất bản : 1969
------------------------
Nguồn sách : tusachtiengviet.com
Đánh máy : linhtt, kimduyen, blacktulip161, lovelysnake289, lolyoshi, yeuhoatigone, vqsvietnam, thaogmail
Kiểm tra chính tả : Tào Thanh Huyền, Vũ Minh Anh, Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Văn Nghĩa, Phạm Phương Trinh, Nguyễn Xuân Huy, Trần Trung Hiếu
Biên tập ebook : Thư Võ
Ngày hoàn thành : 24/12/2019
1
Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả DƯƠNG THIỆU THANH và nhà xuất bản XUÂN THU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.
2
MỤC LỤC
TẠI SAO TÔI GHI HỒI-KÝ ?.......................................................................... 6 PHẦN I : NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN ............................................................. 7 1) PHONG-TRÀO ĐÔNG DU......................................................................... 10 2) PHONG-TRÀO TÂY DU ............................................................................ 11 3) VÀI NÉT VỀ BÁO CHÍ MIỀN BẮC… ............................................................ 12
4) NGUYỄN-VĂN-VĨNH, CAN-ĐẢM, DỨT KHOÁT ĐẾN MẠO HIỂM TRONG SỨ MẠNG BÁO CHÍ TRUYỀN-BÁ ÂU-TÂY TƯ TƯỞNG ...................................................... 14
PHẦN II : TẬP ĐOÀN HOÀNG-TÍCH-CHU..................................................... 16 1) HOÀNG-TÍCH-CHU................................................................................. 18 Hoàng-tích-Chu : Cây Bút Mới .................................................................. 23 Xuất-Bản Báo « Đông Tây »..................................................................... 24 2) ĐỖ-VĂN ............................................................................................... 28 Ra Báo – In Bích Chương......................................................................... 28 Khía cạnh con người đặc-biệt của Đỗ-Văn .................................................. 29 3) ĐẶNG-TRỌNG-DUYỆT............................................................................. 30 4) TẬP ĐOÀN HOÀNG-TÍCH-CHU TAN VỠ...................................................... 34 PHẦN III : NHÓM DÂN MỚI ....................................................................... 44 1) THAU’S COCKTAIL ................................................................................. 47 2) TỪ CHẦU PHỞ ĐẾN CHẦU HÁT CÔ ĐẦU ĐỐC SAO MỪNG QUAN HUYỆN HÀM .. 49 3) CLUB DES XV........................................................................................ 51 4) PHONG-TRÀO PHIẾM.............................................................................. 54 5) TỪ BÚT CHIẾN ĐẾN ĐẤU GƯƠM............................................................... 59 6) CHỢ PHIÊN BẠCH-YẾN ........................................................................... 63 7) TỪ HỘI-NGHỊ QUỐC-TẾ ĐẾN CHỢ PHIÊN BẠCH-YẾN................................... 65 8) CHỢ PHIÊN BÁCH-THẢO......................................................................... 69 Cái đinh của nhóm Ch. Mau’s ................................................................... 70 9) DẠ-HỘI THỎA-HIỆP ............................................................................... 72 10) DẠ HỘI THỜI-TRANG ........................................................................... 74
PHẦN IV : TỪ ẢNH-HƯỞNG MÃNH-LIỆT VÀ TRỰC-TIẾP CỦA TẬP ĐOÀN HOÀNG TÍCH-CHU XUỐNG NHÓM NGUYỄN-DOÃN-VƯỢNG ...................................... 76
1) NGUYỄN-NHƯỢC-PHÁP........................................................................... 77 2) NGUYỄN-TUÂN...................................................................................... 78
3
3) NGUYỄN-DOÃN-VƯỢNG.......................................................................... 80 4) VŨ-BẰNG ............................................................................................. 85 PHẦN V : NHỚ BẠN XA............................................................................... 91 1) TRƯƠNG-VĨNH-ĐẰNG ............................................................................ 92 2) ĐÀO-VĂN-TỴ ........................................................................................ 93 3) TRẦN-LÂM-ĐẶNG .................................................................................. 94 4) DUC DE HỒ .......................................................................................... 95 5) NGUYỄN-THIỆN-CHI .............................................................................. 97 6) NGUYỄN-GIANG .................................................................................... 99 PHẦN VI : TÌM BẠN CŨ ............................................................................ 103 1) LÃNG-NHÂN ........................................................................................104 2) BÁC-SĨ DƯƠNG-TẤN-TƯƠI.....................................................................107 Cười là gì ? ...........................................................................................107 3) ĐẶNG-TRỌNG-DUYỆT............................................................................112 4) B.S. PHẠM-VĂN-PHÁN...........................................................................115 5) B.S. HOÀNG-GIA-HỢP...........................................................................120 6) ĐÀM-QUANG-THIỆN..............................................................................122 Cá nhân Đàm-quang-Thiện .....................................................................122 7) JIM SAO..............................................................................................124 8) KỊCH-SĨ BẨY-NHIÊU .............................................................................126 9) PIERRE ĐỖ-ĐÌNH .................................................................................136 Pierre Méditerranéenne ..........................................................................137 10) CHU MẬU ..........................................................................................140 PHẦN VII : CHUYỆN THÂN TÌNH .............................................................. 151 1) NHỚ BẠN LÀM TẦU BIẾT VÕ TẦU ............................................................152 2) ÔNG BẠN LÀM TẦU BẢNH TRAI...............................................................154 3) BƯỚC ĐẦU TRÊN ĐẤT PHÁP ...................................................................155 4) GỌI BẠN LÀ BỒ....................................................................................158 5) LÚC NÀO CŨNG 20 TUỔI XUÂN CHUYỆN VUI KẾT THÚC HỒI-KÝ ..................159 Thuyết về ý-tưởng.................................................................................161
4
DƯƠNG THIỆU THANH
MẤY CHÀNG « TRAI-THẾ-HỆ… » TRƯỚC SAIGON 1969
5
TẠI SAO TÔI GHI HỒI-KÝ ?
Người viết tự đặt câu hỏi và xin trả lời : Ngày 17-9-1968, vì đọc một bài báo tố « Tham Nhũng » của « Chính Luận », bỗng nhiên nhớ ngược lại dòng thời gian 40 năm trở về trước, suy ngẫm từ cái xã hội quan lại hủ lậu, thối nát của ngày đó… đến ngày nay.
Do đó mới có những trang sau đây : Xin nói rõ, người ghi hồi ký, không có xu hướng Chính-trị, Đảng phái, cũng không phải là nhà Văn, nhà Báo.
Nhớ sao ghi vậy, xin các bạn trong thế hệ tuổi 60 có đọc đến, thông cảm mà tha-thứ trước cho, nhất là rất mong những bạn có liên quan đến phong trào Tây du và Tập đoàn Hoàng-tích-Chu cũng nên rộng lượng về những điều sai lầm thiếu sót, bởi sự việc đã lâu năm rồi, khó mà nhớ lại cho đúng hẳn.
Là người ngoại cuộc, chúng tôi cố gắng viết với cây bút khách quan, thực tình cảm mến những người có tâm huyết muốn duy tân, xây-dựng đất nước.
TRÚC SƠN
6
PHẦN I : NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN
Trong 40 năm khói lửa, xã hội Việt-Nam đã tiến đến đâu và đi về đâu ?
Không dám so sánh với Nhật-Bản, một nước toàn thánh nhân với siêu nhân, chỉ trong 30 năm duy tân (Meiji 1866) và sau ngày thất trận (1945) có 20 năm xây-dựng, đã đưa nước Nhật trở nên hùng cường hơn xưa và hiện đứng vào hạng thứ ba trong những cường quốc trên thế-giới.
Trong thời gian ấy, Việt-Nam vẫn chậm tiến, vẫn chia rẽ trầm-trọng, vẫn tham nhũng !…
Ai cũng rõ : người Nhật đã sửa soạn tổ-chức cho nếp sống quốc-gia năm 2000 từ mấy năm nay rồi.
Thế hệ ngày nay : thế hệ hợp tác quốc tế, thế hệ liên hành tinh của thời-đại nguyên-tử. Vậy mà Việt-Nam hình như cứ đi ngược lại, thành ra đã chậm tiến lại chậm tiến thêm ! Không tiến tức là lùi, để ngày nay, 1968, phải chịu nhục « Quốc Sỉ ».
Những luận điệu : nắm chủ quyền hay mất chủ quyền, được nêu lên trong khi Việt-Nam cầu cứu viện trợ kinh tế, quân sự của các nước đồng minh bạn… rất chính đáng, hợp tình, hợp cảnh, hợp lý, ngán thay, lại được mang ra mị dân, che đậy những ẩn ý riêng tư :
« Vụ nhà Đèn với những bê bối mọi mặt của nó, đã làm dư luận sôi nổi và phẫn nộ. Chứng cớ cụ thể là hồi 15 giờ ngày 15-9-1968, phân bộ Điện Lực đã hội thảo và tố sát ván ông Nhà Đèn và đòi giải tán Saigon Điện Lực, do 7 ông lớn đứng tên với tư cách cá nhân. Đây là một thái-độ của những kẻ có quyền… ngồi trên luật pháp, mưu toan thôn-tính một phần tài-sản của Điện-Lực Việt-Nam, và định để chìa tay ra nhận số tiền viện-trợ khổng lồ 32 triệu Mỹ-kim mà chính-phủ Mỹ đã dự định viện-trợ cho Việt-Nam để cung-cấp điện cho dân-chúng ». (Chính Luận 17-6- 68).
Cũng may việc bị lộ đúng lúc, nên mưu-đồ không đạt được. Chậm một chút, một số Mỹ-kim trong số 32 triệu viện-trợ rất có thể đã thành « những Vô Danh Cổ Phiếu » để ở Thụy-Sĩ hay do những công-ty quốc-tế chuyên-môn việc mua bán và xử lý những cổ-phiếu vô danh có đại-diện ở khắp nơi trên thế giới.
Mỗi khi có những việc tương-tự như vậy, các ông có tài hùng-biện, chính-trị
7
cao (!), hành-chánh giỏi (!) dùng những tiểu-xảo ra bênh-vực lập-trường, nêu cao quyền-lợi quốc-gia để che đậy âm-mưu đen tối. Các cố-vấn Mỹ phải chịu thua vì người Mỹ trọng Nhân-quyền và Chủ-quyền. Các cố-vấn Mỹ còn có bổn-phận tận dụng số viện-trợ của niên-khóa, nên thường giao ngay cho xong chuyện, cho khỏi bị thượng-cấp khiển-trách. Mưu-đồ chia tiền, nấp dưới lời tuyên-bố « ái-quốc, ái quần », vỗ ngực bênh-vực chủ-quyền Việt-Nam chính đáng như vậy, thì hỏi : người Mỹ làm sao biết được chỗ ma ăn cỗ ?
Cũng gần đây, lời phê-bình của báo chí đã làm cho chúng tôi suy ngẫm rất nhiều :
- Một cây bút trẻ viết : « …Thực chất các cụ đại trí-thức khoa bảng không thể lãnh-đạo Việt-Nam độc-lập được… »
- Cây bút trẻ khác viết : « …Các cụ như núi cao, các cụ cao quá, xa dân quá… »
Đại ý như vậy.
Phần riêng chúng tôi nhận thấy, nếu không lầm, hai cây bút trẻ cho rằng : các cụ có thừa học-thức, thừa tài-năng để phục-vụ trong thời-kỳ Pháp-thuộc, nay trong hoàn-cảnh khác « Việt-Nam độc-lập », các cụ lại thiếu khả-năng lãnh-đạo, bởi các cụ cao như núi, xa dân như núi xa mặt đất…
Từ đó đến nay, trên mặt báo, chúng tôi chưa nghe tiếng chuông nào khác có thể làm dịu phần nào ý-nghĩa sâu-sắc của hai cây bút trẻ.
Quyết Tiến, ngày 11-11-1968 của nữ phóng-viên Bích-Phượng Thụy-Linh :
« …Các ngài trùm mền trong những căn phòng có máy lạnh đắt giá, tha hồ xổ tưới hạt sen và đả-kích lung tung hết Mỹ tới Nga, hết Nga tới Tầu, hết Tầu tới hành-pháp, hết hành-pháp tới lập-pháp. Toàn là chê bai và chửi đổng. Trúng cũng chửi, trật cũng chửi. Tưởng như các ngài có tài kinh bang tế-thế, giá đưa các ngài vào thế chỗ ở các vị-trí đó là có ngay hòa-bình, chẳng cần tốn hao một viên đạn. Các cụ làm như các cụ nằm ngay trong bộ Tổng Tham-Mưu của quân-lực Hoa-Kỳ kế cạnh Tổng Dôn… Hằng ngày dân Đà-Nẵng thường thấy các cụ lấp ló ở cổng Trung-tâm Nhập ngũ số 1, đường Đống-Đa, để chạy chọt vận-động hoãn dịch cho các cậu ấm nhà, hoặc lái xe hơi phom phom đến các sở Kinh-Tế của Mẽo, rù rì rủ rỉ, nhỏ to trù-tính những chuyện làm ăn không được thơm tho sạch sẽ cho lắm… »
*
8
Thiểu số « trùm mền » thường đặt câu hỏi : Ai có thể nói chuyện được với Hồ-chí-Minh, Võ-nguyên-Giáp ? Đặt câu hỏi ấy có nghĩa là « chỉ có các ông ấy mới đủ tài đủ sức, thích-đáng để đấu tố với C.S. », nhưng rất tiếc là quý ông lại trùm mền… làm cao.
Dường như quý ông có mặc cảm non kém tội-lỗi trước C.S. và Thực-dân (complexe d’infériorité, de culpabilité) các ông trốn trách-nhiệm, trùm mền lên đầu. Nhưng các ông lại có thừa thông-minh để hiểu rằng : Trong lúc này tiêu-cực, vô trách-nhiệm là hèn nhát, nên các ông gỡ-gạc, phát-biểu ý-kiến nửa kín, nửa hở : khen C.S., bênh thực-dân, công-kích chính-quyền hiện hữu… để tỏ ra : có ta đây ! Các ông còn thừa hiểu rằng nếu sống dưới chế-độ C.S. thì cái quyền này cũng không có nữa…
9
1) PHONG-TRÀO ĐÔNG DU
Phong-trào Đông du có thể nói là bị ngừng lại, khi thực-dân Pháp bắt cụ Phan bội-Châu, người lãnh-đạo phong-trào, từ Thượng-Hải đưa về xử trước tòa-án Hà- Nội. Việc này làm rung động dư-luận trong nước, vì vậy thực-dân Pháp đã dùng thủ-đoạn chính-trị xảo-quyệt, cử viên Toàn-quyền Varenne thuộc Đảng Xã-hội sang Đông-Dương ân xá cho cụ, rồi đưa cụ về an-trí tại Huế, với mục-đích xoa dịu dư-luận phần nào.
Thực-dân còn lợi dụng tuổi già của nhà cách-mạng đã thấm mệt trong nhiều năm bôn ba hải-ngoại, để đưa ra thuyết « Pháp-Việt Đề-Huề ».
Làm thế nào mà có sự hợp-tác đề-huề giữa người đi cầy cầm roi và con trâu đang phải kéo cầy ?
Sau đường lối chính-trị xảo-quyệt mềm dẻo, thực-dân chấm dứt phong-trào Đông du bằng một thủ-đoạn ác liệt : Vụ Yên-Bái.
Cũng nên nhớ lại, sau vụ này, Louis Roubaud, một nhà văn Pháp đã sang thăm Việt-Nam, viết hai cuốn sách, nhan đề là « Le Dragon s’éveille và Việt Nam ! » cũng không ngoài mục-đích đánh lạc hướng, xoa dịu dư-luận sôi nổi trong nước hồi đó.
Trước đó, phong-trào Đông du còn bị đường lối ngoại-giao của Pháp vận-động tại Nhật, tại Trung-Hoa, tại Xiêm, để các nước này bắt giao trả cho Pháp, hoặc trục-xuất những phần-tử cách-mạng Việt-Nam sang đó.
Thực-dân đã thành công trong việc vận-động này, vì nước Pháp ngày đó là một cường-quốc Tây-phương, các chính-phủ Nhật, Trung-Hoa hay Xiêm cần có sự bang-giao quốc-tế tốt đẹp và chính-thức với Pháp.
Còn dân-chúng Nhật, hay dân-chúng Trung-Hoa, vì tình đồng chủng, có muốn giúp đỡ các phần-tử cách-mạng Việt-Nam, chỉ là hành-động theo cảm-tình riêng mà thôi.
10
2) PHONG-TRÀO TÂY DU
Dư-luận trong nước thấy rằng : xuất ngoại sang Nhật, sang Trung-Hoa không mang lại kết-quả mong muốn. Dư-luận trong nước còn thấy rằng : thực-dân thống trị Việt-Nam rất chặt-chẽ với những đường lối chính-trị xảo-quyệt khó mà ta thoát ly được.
Muốn chống thực-dân, phải tìm hiểu thực-dân ngay trên nước Pháp. Tìm hiểu địch để chống địch.
Phong-trào Tây du, nói đúng hơn, phong-trào trốn đi Pháp, bắt nguồn từ đó. Thanh-niên có tinh-thần cách-mạng lúc bấy giờ hướng cả về phương Tây. Nhờ lòng nghĩa-hiệp của một số anh em làm tầu mà phong-trào trốn nhà đi Tây du học đã gây bao hào-hứng trong giới thanh-niên, học-sinh lúc bấy giờ (1920-1925).
Trong số thanh-niên trốn đi Pháp, theo chí-hướng người Nhật thời Meiji để về xây dựng đất nước, có tập đoàn Hoàng-tích-Chu được kể lại trong Hồi ký này.
Muốn đạt được cái mộng Duy-tân, Xây-dựng đất nước theo gương người Nhật, phải có số anh em đồng-chí nhận trách-nhiệm, mỗi người một việc cùng nhau hiệp lực thực-thi cải-cách trong mọi lãnh-vực văn-hóa, kinh-tế, xã-hội…
Như vậy, phải phân chia nhiệm-vụ cho mỗi người về mỗi ngành để một khi đến nước Pháp, sẽ chuyên học ngành ấy.
Năm 1928, số người về nước (trong tập đoàn H.T.C.), có thành công được phần nào trong vài lãnh-vực, nhưng đáng tiếc, nhóm Chu quá cấp-tiến hăng-say đến thành mơ hồ không tưởng : như dự-định mở Ngân-hàng ; tập đoàn H.T.C. quả đã quên tình-trạng đất nước còn bị Pháp đô-hộ với chính-sách hạn-chế kinh-tế, thì hỏi làm sao mở được ngân-hàng để phát-triển kinh-tế quốc-gia ?
11
3) VÀI NÉT VỀ BÁO CHÍ MIỀN BẮC…
Trước khi nhắc đến tập đoàn Hoàng-tích-Chu – mà có người đã kêu là « đợt sóng mới của thế-hệ cũ » – chúng tôi xin phép nêu ra đây vài nét về :
- Báo chí miền Bắc từ khởi thủy.
- Ảnh-hưởng tinh-thần của Nguyễn-văn-Vĩnh đối với tập đoàn Hoàng-tích Chu.
*
Nói đến báo chí theo nghĩa chính-xác của danh-từ « báo chí », thì trước thời kỳ Pháp-thuộc, nước ta chưa có báo chí. Phải chờ đến khi người Pháp sang Việt Nam, người Việt mới bắt đầu ý-thức nghề làm báo, nghề ấn-loát.
Phương-pháp La-tinh hóa tiếng Việt của Alexandre de Rhodes đã khai sinh ra báo Việt-ngữ :
- Gia-định báo, 1865
- Đại-Nam Đồng-Văn nhật báo 1892
- Nông cổ mín đàm, 1901
- Đăng cổ tùng báo, 1905
- Đại-Việt tân báo, 1905.
Những tờ báo trên đều mang 2 thứ tiếng, Pháp-ngữ và Việt-ngữ hay Hoa-ngữ và Việt-ngữ (Ai cũng biết thời bấy giờ ít người biết tiếng Pháp, văn-hóa Trung-Hoa từ ngàn năm ảnh-hưởng rất sâu rộng vào đời sống của người dân Việt).
Năm 1913, Đông-Dương Tạp-chí xuất-hiện với Nguyễn-văn-Vĩnh, có thể nói là tờ báo đầu tiên hoàn-toàn bằng chữ quốc-ngữ, hoàn-toàn do người Việt biên soạn, quy tụ hầu hết tài danh tân cựu học đương thời.
Sau năm 1913, tức là sau Đông-Dương tạp chí, Nguyễn-văn-Vĩnh lại cho xuất bản thêm vào khoảng 1914-1918 nhật báo Trung-Bắc Tân-văn. Tiếp đến những báo khác :
- Nam Phong, 1917
- Học Báo, 1919
- Thực Nghiệp, 1920
- Khai Hóa, 1921
- Hữu Thanh, 1921
12
- Annam Tạp-Chí, 1927
- Hà-Thành Ngọ Báo, 1927
- Nông Công Thương, 1929
- Đông Phương, 1929
- Đông Tây, 1930-31
- Phụ-Nữ Thời Đàm, 1930
- Dân Mới, 1930
- Khoa-Học Tạp-Chí, 1931
- Nhân-Loại
- Annam Nouveau, 1931
- La Patrie Annamite, 1931
- Chớp Bóng, 1931-1932
- Đông Pháp, 1932
- Duy Tân, 1932
- Cri de Hanoi, 1931-1932
- Tiểu-Thuyết Thứ Bảy, 1933
- Phong-Hóa, 1933
- Tân Việt-Nam, 1934
- Nhật Tân, 1934
- Le Travail, 1937
- Tiểu-Thuyết Thứ Năm, 1937
- Trung-Bắc Chủ Nhật, 1939.
(Xin cáo lỗi trước, nếu thiếu sót nhiều, các năm tháng cũng có thể không đúng hẳn).
Xuyên qua số lượng, báo chí Bắc-Hà mỗi ngày thêm tiến-bộ, đọc qua những tên báo, cũng đã thấy ngay báo chí càng ngày càng phong phú và điểm quan trọng hơn hết bắt đầu từ tờ Đông Tây của Hoàng-tích-Chu, tức là bắt đầu từ năm 1931, tất cả những gì mới mẻ nhất của báo chí Tây-phương về nội-dung, hình thức, thể văn, trình bầy tranh ảnh, kỹ-thuật in, Hoàng-tích-Chu, Đỗ-Văn đã mang về áp-dụng tại Hà-Nội, sau khi du học tại Paris. Tóm lại, Đông Tây, loại báo tranh đấu xuất-hiện đầu tiên, mở đầu cho cuộc cách-mạng báo chí Bắc-Hà, 1931-1932.
13
4) NGUYỄN-VĂN-VĨNH, CAN-ĐẢM, DỨT KHOÁT ĐẾN MẠO HIỂM TRONG SỨ MẠNG BÁO CHÍ TRUYỀN-BÁ ÂU-TÂY TƯ TƯỞNG
Thời-kỳ nào cũng có người lãnh-đạo của nó, phong-trào nào cũng có thần tượng của nó.
Có trường-hợp người lãnh-đạo ra ánh sáng và được tôn-sùng công khai, nhưng cũng có trường-hợp không biết người chỉ đạo của một phong-trào là ai. Hình như, đường lối đã có người kẻ sẵn rồi, phong-trào cứ theo chiều-hướng ấy mà đi, như tự mình kẻ lấy đường cho mình. Đó là đường lối của những người chỉ phục
tùng chủ-nghĩa, chứ không phục-tòng cá-nhân nào.
Cái kiêu-hãnh chính đáng của người trí-thức có sẵn lý-tưởng đấu tranh, tự- do kết đoàn, là trường-hợp của Hoàng-tích-Chu, nặng ảnh-hưởng của Nguyễn-văn Vĩnh, mà chính tập đoàn không biết, Nguyễn-văn-Vĩnh cũng không hay.
Nói như vậy có nghĩa là về đại cục : tập đoàn Hoàng-tích-Chu tiếp chí-hướng và đường lối của Nguyễn-văn-Vĩnh :
- Hướng về văn-hóa Tây-phương, nhất là văn-hóa Pháp
- Học hỏi Pháp để cầu tiến
- Chấp nhận văn-hóa Tây-phương, bảo-tồn văn-hóa dân-tộc
- Chống chính-sách thực-dân Pháp
- Phân tích bạn và thù
- Có hiểu địch mới chống được địch.
*
Trong dầu sôi lửa bỏng buổi giao thời, phong-trào Văn thân, Đông Kinh Nghĩa Thục vừa bị tan rã bởi thực-dân, người bị bắt, người bị đầy, người đang trốn, Nguyễn-văn-Vĩnh lãnh trách-nhiệm đứng lên thu phục tất cả đồng-chí Văn thân, cho xuất bản tờ Trung Bắc Tân Văn, để có một cơ-quan ngôn luận hợp pháp diễn tả nỗi lòng uất hận, đạo đạt lên chính-quyền nguyện-vọng và yêu-sách của người Việt.
Song song với việc xuất bản nhật báo Trung Bắc Tân Văn, phong-trào truyền bá Âu Tây tư-tưởng cũng được phát động mạnh mẽ : Nguyễn-văn-Vĩnh là người dịch Pháp-văn ra Việt-văn tài nhất, dịch nhiều tác-phẩm nhất…
14
Nhật hoàng mở cửa đón nhận giao thương với Mỹ, cả nước Nhật thán phục là sáng suốt.
Pétain thành-lập chính-phủ Vichy là can-đảm. Khi bị ra tòa, hồ-sơ về vụ Pétain gồm trên 2.000 trang đánh máy, Pétain chỉ trả lời một câu : « Je répondrai devant les tribunaux de Dieu ». Tòa-án của loài người khép tội Pétain. Rồi cả nước Pháp phải và đã phục hồi mọi quyền công-dân của Pétain.
Sáng suốt của Nhật hoàng, can-đảm của Pétain, cũng như chiều hướng tranh đấu và tinh-thần ái quốc của Nguyễn-văn-Vĩnh, khi dứt khoát chấp nhận văn-hóa Tây-phương, lãnh-đạo báo chí Bắc-Hà, bảo-tồn văn-hóa dân-tộc trong phạm-vi tương đối khiêm-tốn hơn, ấy đều là những thái-độ lịch-sử vô cùng tế-nhị trong hoàn-cảnh riêng của mỗi nước lúc bấy giờ.
Mà đến năm 1968, ai cũng công nhận là thái-độ hoàn-toàn đúng, bởi sự hiểu biết nhau hơn, bởi sự sát lại gần nhau giữa các dân-tộc trên trái đất để cùng đi xa hơn. Ngay hiện-tại, tỷ-dụ như vấn-đề chấp nhận viện-trợ Mỹ của thế-giới tự-do (trừ Cộng-sản) cũng là một thái-độ đúng.
15
PHẦN II : TẬP ĐOÀN HOÀNG-TÍCH-CHU
16
Ảnh : HOÀNG NGỌC PHÁCH, HOÀNG TÍCH CHU, NGUYỄN PHO (Hà-nội 1922).
17
1) HOÀNG-TÍCH-CHU
Hoàng-tích-Chu con nhà nho, theo Hán học từ thủa nhỏ, có tiếng thông-tuệ nhất nhì trong tỉnh. Kỳ thi năm cuối cùng đã vào tam trường, cùng khóa với Đào trinh-Nhất và Ngô-thúc-Địch.
Cụ thân sinh ở nhà yên trí Chu sẽ có tên trên bảng vàng, đã sắm sửa đủ để khao làng. Khi được tin Chu trượt, cụ xúc-động đến ngất xỉu.
Từ đấy, hoạn-bộ của cụ lẹt-đẹt, suốt đời tri huyện hoàn tri huyện. Trong khi ấy, người em họ cụ bước thang mây lên như diều, năm 1928, vinh thăng Tổng đốc. Về tài-sản, cụ Tổng-đốc có hàng dãy phố, và tự lấy tên mình đặt cho tên phố : về chuyện này, Chu có đăng một bài trên báo. Theo quan-niệm Chu, dù cha chú làm quấy cũng phải công-bình mà nói. Cũng vì bài báo ấy, Chu bị khép vào tội phạm thượng, bất hiếu, dám bêu xấu cha chú, và hai chi đồng tông không ngồi chung với nhau một chiếu nữa. Chu rất buồn, nhưng lại coi bổn-phận của người cầm bút đối với xã-hội lớn lao hơn đối với gia-đình.
Chu dù theo nho học, dù xuất thân trong gia-đình quan lại, nhưng vốn là con người cấp-tiến, nên khi thi Nam trượt, Chu chẳng ngần ngại bỏ bút lông dùng bút sắt. Chu được mời ngay làm báo Nam Phong. Nam Phong là một tạp-chí có giá-trị nhất lúc bấy giờ. Ở đây, Chu kết giao thân-thiết với Hoàng-ngọc-Phách. Song tinh thần bất khuất của Chu chống lại những ý-kiến bất đồng trong nội-bộ Nam Phong, nên ít lâu sau Hoàng-tích-Chu bỏ Nam Phong sang làm chủ bút tờ Khai Hóa và cũng lại vì một bài báo đả kích ông chủ-nhiệm báo này về đám cưới con đi bằng tầu bay để trưng danh, nên một lần nữa, Hoàng-tích-Chu lại bị mời về…
Sau khi rũ áo ra đi, Chu cương-quyết theo đuổi chí-hướng của mình, đi khắp Trung Nam Bắc tìm tri-kỷ và đồng-chí, với mộng hồ hải ấp-ủ trong bút hiệu Hoàng Hồ.
Đây cũng là một câu chuyện vui : Chu đã đoạn tuyệt với văn-chương, nhưng lại bị bắt buộc phải làm thơ, vì có làm được mới được xuống tầu sang Pháp. Số là một ông làm tầu, hẹn gặp ở Lăng Ông, muốn thử tài Chu nên yêu-cầu Chu vịnh một câu. Chu ứng khẩu :
« Đất nước ông bà, muôn năm còn mãi đó
Non sông Hồng Lạc, mấy thủa biết bao quên ».
18
Chu được xuống tầu. Ông làm tầu nghĩa hiệp tiếp đãi rất ân-cần, đài thọ cho cả. Đưa Chu lên Paris, đến nhà Tụ Nghĩa ở 125, rue Parc Montsouris Paris 14e, do Nguyễn-thượng-Khoa, con cụ Nguyễn-thượng-Hiền, quản trị. Khoa có nhiệm-vụ hướng-dẫn những người mới đến. Lương-thực cần-thiết : gạo, nước mắm, cá khô, những nghĩa-sĩ làm tầu tiếp-tế đầy đủ. Những ai chưa tìm được công ăn việc làm, có chỗ tạm trú để sống.
Chu xuất ngoại với mục-đích học hỏi, khảo-cứu báo chí Pháp, tìm một thể văn mới, giản-dị bằng những câu ít chữ mà đúc kết được ý-tưởng trong một bài ngắn để người đọc dễ hiểu, một thể văn mạnh, thể văn đấu-tranh có thể phổ-biến sâu rộng tư-tưởng trong đại chúng. Chu đã tìm thấy ở báo « L’Œuvre » của G.Téry, một thể văn chiến đấu mang mầu sắc xã-hội. Chu còn thích viết như Léon Bailby trong báo « L’Intransigeant » ra buổi chiều (chạy nhất trong thời bấy giờ ở Paris). Mỗi ngày có một bài ngắn đóng khuôn, hành văn ngắn, gọn. Chu vẫn ước mong có một tờ báo như « L’Œuvre » đứng đắn, không quá khích, thuộc loại chính-trị.
Hồi Chu còn làm chủ bút báo Khai Hóa của nhà doanh-nghiệp tỷ phú Bạch thái-Bưởi, anh chuyên viết những bài xã luận, dưới bút hiệu Hoàng-Hồ, hay Kế Thương. Sau khi ở Pháp về lần thứ hai, Chu bắt liên-lạc với một chủ báo còn trẻ tuổi và tân-tiến : Bùi-xuân-Học, chủ-nhiệm tờ Hà-Thành Ngọ Báo, xuất-bản có hai
trang, giá bán một xu một tờ do Tam-Lang Vũ-đình-Chí làm Tổng thư-ký toà soạn, in tại Trung Bắc của nhà báo lão thành Nguyễn-văn-Vĩnh. Hà-Thành Ngọ Báo rất đông bạn đọc, mỗi ngày in hàng vạn số. Nhà in không đủ máy in hai tờ báo, bèn không in thuê cho tờ Hà-Thành Ngọ Báo nữa.
Học đang lo nơi in cho báo mình thì cơ-hội tốt vừa đến với anh : Hoàng-tích Chu tìm đến điều-đình cộng-tác. Chu bàn với Học nên cho Báo ra 4 trang hàng ngày với hình-thức và nội-dung hoàn toàn cải-tiến. Vốn là một ký-giả sẵn tinh thần cầu tiến, lại mộ tiếng Hoàng-tích-Chu, Tam-Lang đã có một cử-chỉ đẹp : khiêm nhượng mời Hoàng-tích-Chu điều-khiển ban biên-tập tờ Hà-Thành Ngọ Báo thay mình.
Đến việc tổ-chức nhà in, vấn-đề này cũng được giải-quyết dễ-dàng vì sát cánh Chu, sẵn có kỹ-sư Đỗ-Văn, chuyên về ngành ấn-loát. Chỉ sau một tuần lễ hoạch định chương-trình, công việc bắt đầu tiến-hành. Trong vòng hơn hai tháng, tờ Hà- Thành Ngọ Báo đột nhiên rời trụ-sở, từ cái chật hẹp của nhà Trung-Bắc ở phố Hàng Bông đến một căn nhà rộng tọa lạc ngay trước Hồ Hoàn-Kiếm, có phòng chủ nhiệm, phòng chủ bút, phòng biên-tập, phòng quản-lý, với 24 kệ chữ, một phòng
19
rửa ảnh, một lò đúc bản kẽm và 6 dàn máy in mới tinh.
Tất cả đều do tay của Chu và Tam-Lang xếp đặt, riêng về nhà in là một công trình qui-mô của Đỗ-Văn. Trên 24 kệ chữ, đặt song hàng, mắc 12 chiếc quạt trần, thêm những máy nói interphone để tòa soạn gọi xuống các phòng, khỏi mất thì giờ xê dịch. Hàng trăm bóng đèn có chao đặt theo lối phản chiếu, có ánh sáng dịu mát cho khỏi chói mắt.
Trong cơ xưởng ấy, hàng trăm công-nhân vận đồng phục chăm chú làm việc. Đỗ-Văn chỉ-huy cũng mặc đồng phục.
Có thể cho rằng đây là nhà in gương mẫu đầu tiên của người mình mà chúng ta không hổ thẹn khi có một du khách ngoại-quốc nào đến thăm báo quán. Đó là câu mà Đỗ-Văn thường hãnh-diện nhắc đến, và anh em ai cũng phải công-nhận. Về hình-thức, nhờ kỹ-thuật ấn-loát của Đỗ-Văn, tờ Ngọ Báo có bộ mặt mới, trẻ, đẹp, không thua gì tờ báo nổi tiếng ở Paris là tờ Le Quotidien.
Về nội-dung thì ngoài sự mau lẹ trong việc thông tin, lối hành văn đặc-biệt ngắn gọn, rành mạch, của Hoàng-tích-Chu với mục « Phim hàng ngày » ký chung tên PHARR, bút hiệu của bộ ba Tam-Lang, Thạch, Bính, mục « Mặt Trái Đời » của Dương-mầu-Ngọc, bút hiệu Nhị-Lang, tờ Ngọ Báo ngày càng khởi sắc thêm, vượt xa tất cả các báo khác.
Phê-bình lối hành văn mới của Hoàng-tích-Chu, tờ Nhật báo bằng Pháp-ngữ « Le Courrier d’Haiphong » đã suy-tôn anh là nhà cải-cách Việt-ngữ, lời của chính chủ-nhiệm kiêm chủ bút báo này, văn-sĩ René le Gac.
Vì sự bất đồng ý-kiến trong nhóm Ngọ Báo, nói rõ hơn sự tranh-chấp nội-bộ giữa phe mới (Chu, Văn) và phe cũ (Bùi-xuân-Thành, thân-phụ Bùi-xuân-Học), nên Chu và Văn nhất quyết ra đi trong sự mến tiếc, ái-mộ của toàn-thể nhân-viên và công-nhân.
Bọn Tam-Lang được Bùi-xuân-Học điều-đình riêng ở lại, nhưng Tam-Lang cùng toàn-thể ban biên-tập rời Ngọ Báo theo Chu. Trong một bài phi-lộ, có chữ ký của toàn-thể ban biên-tập Ngọ Báo, từ biệt độc-giả, Chu đã nêu lên nỗi chua chát và ái ngại cho những anh em nhà văn, nhà báo làm thuê, viết mướn. Tờ Ngọ Báo phát hành trưa hôm đó đã làm chấn động dư-luận Hà-Thành.
Hoàng-tích-Chu đứng xin giấy phép xuất-bản tờ Đông Tây và thúc đẩy Chu Mậu ra tờ Dân Mới, Đặng-trọng-Duyệt ra tờ Nhân-Loại, cùng lấy việc cổ xúy phong-
20
trào tân sinh hoạt làm lý-tưởng.
Năm 1930, Hoàng-Hồ thuyết-phục được một số bạn trẻ, thành-lập ban biên tập báo Đông Tây với năm cây bút biên tập :
- Hoàng-tích-Chu, bút hiệu Văn Tôi
- Phùng-tất-Đắc, bút hiệu Lãng-Nhân
- Vũ-đình-Chí, bút hiệu Tam-Lang
- Phùng-bảo-Thạch
- Tạ-đình-Bính.
Và một số văn nghệ sĩ có tiếng :
- Vũ-đình-Tường
- Dương-mậu-Ngọc
- Đặng-phục-Thông
- Đái-đức-Tuấn.
Một số bạn trẻ :
- Nguyễn-Toại
- Đào-văn-Tỵ
- Nguyễn-bỉnh-Nam
- Trương-cam-Khuyến, v.v…
Nhờ sự ủng-hộ tích-cực của một số bạn trẻ thích mới, Chu đã thắng cử nghị- sĩ một cách vẻ vang : giới trẻ Tây du, đã hoạt-động rầm rộ, gần như trong thời-kỳ tranh cử tại các nước tiền-tiến. Thật là khác hẳn lối tranh cử mua bán phiếu, hát cô đầu, hút thuốc phiện vẫn là lối vẫn thịnh-hành ở Hà-Nội hồi đó.
Thực-dân đã tặng dân ta bài thuốc an-thần « Tứ Khoái » : R.O. (thuốc phiện) ; R.A. (rượu) ; ĐĨ ; CỜ BẠC.
Các cụ ứng-cử viên hồi đó cứ thế áp-dụng cho đúng, là « Ăn Tiền ».
Hoàng-tích-Chu có tài lôi cuốn thính-giả nhất là giới trẻ trong những buổi đàm thoại, hay trong những buổi diễn thuyết, gây hứng thú vui nhộn cho người nghe. Với điệu bộ một kịch-sĩ phong-lưu công-tử, Chu đã gây được cảm-tình trong mấy buổi nói chuyện ở Hội Khai-Trí Tiến Đức.
Chu đưa đám kỳ-cựu « nhóm Nam Phong » ra làm đối-tượng để đả-kích hào hứng.
21
Trên tờ Đông Tây, dưới bút hiệu « Văn Tôi », Chu theo đúng thể văn mới của báo L’Œeuvre, lấy khổ trang của báo này, nhỏ hơn cỡ thường cho khác những báo thời bấy giờ và lại còn in nhãn báo bằng chữ đỏ nữa. Khi Chu viết tiếng Việt thành thể văn mới, buổi đầu người đọc chưa quen, gọi chế-diễu Văn Tôi là Văn Cụt.
Về vấn-đề phiên âm ngoại ngữ ra tiếng Việt, Chu đã phản-đối việc dịch tên Pháp qua âm Tầu, cho là vô ý-thức : Christophe Colomb thành ra Kha Luân Bố ; Brésil thành Ba Tây.
Quốc-ngữ đã dùng chữ ro-manh (romain). Việc phiên âm ra tiếng Việt rất dễ : Christophe Colomb thành ra Kí-tốp Cô Lông ; Brésil thành ra Bê-Zin.
Việc mà Chu phản-đối 40 năm trước đến ngày nay đã được áp-dụng.
Tất cả các báo bấy giờ còn nặng ảnh-hưởng Hán-văn, mang nhiều từ-ngữ, điển tích Trung-quốc. Câu văn tràng giang đại hải lại quá bác học, chỉ dành cho thiểu-số trí-thức đọc trong lúc trà dư, tửu hậu. Nhóm thiểu-số trí-thức ấy thường dùng chữ, chơi chữ để chửi nhau… nhiều hơn là để viết những gì đứng-đắn, ích quốc lợi dân. Họ lấy thơ phú xỏ-xiên, chế-diễu nhau :
« Bốn chữ sắc phong Hàm Cụ Lớn
Trăm năm danh tiếng của Bà to ! »
(Hàm cụ lớn đối với Của Bà to).
« Hoàng trùng đi
Vi-trùng lại
Suy đi xét lại
Vi hại hơn Hoàng ».1
Hồi đó, một quan huyện tự cho mình là hay chữ, gặp năm con đê tại huyện vỡ, làm tờ trình lên công-sứ, kết-luận bằng thơ lục bát đổ lỗi cho thiên-tai, trường hợp bất khả kháng :
« Thực ra, đê vỡ trong khi ông huyện còn đánh tổ tôm, lính lệ vào báo : Bẩm cụ lớn, đê vỡ. Đúng lúc bốc chi chi, quan huyện ù « chi chi nảy ».
Công-sứ xem tờ trình, khen ông huyện hay chữ. Quan huyện yên trí là thơ mình đã lòe được ông sứ, nhưng mấy tháng sau, quan phải đổi đi thượng-du…
Còn việc dịch tiếng Pháp ra tiếng Việt, Chu cũng chẳng ngần ngại dùng những 1 Lãng-Nhân, Chơi Chữ, trang 20.
22
tiếng nôm na, ví dụ như « Autour de l’affaire », Chu dịch là : « chung quanh việc đó ».
Phái cổ nho còn mang nặng ảnh-hưởng Hán-tự, bàn cãi rất nhiều về những chữ dịch của Chu. Họ cho rằng : theo văn-phạm thì không thể nói : chung quanh việc đó. Chữ chung quanh chỉ có thể dùng khi nói : chung quanh nhà, chung quanh một địa-điểm…
Trái lại, giới thanh-niên Tây học hưởng-ứng, cho là mới. Thơ mới cũng phát xuất từ ngày đó.
Văn Tôi đã thành công phần nào trong nhiệm-vụ, đã góp công đầu khai-thác một thể văn mới cho báo chí, cho tiếng Việt-Nam thêm phong-phú, và cũng nhờ có nhiều người, nhiều nhóm kế-tiếp nhau suốt 40 năm không ngừng khai hóa cho mỗi ngày thêm tiến-bộ.
Thật là điều đáng mừng ! Và nếu trong lãnh-vực khác cũng có sự tiếp tay như nghề báo, thì rất có thể Việt-Nam đã tiến hơn nhiều !
*
Trên đây chỉ là một tiếng chuông nhẹ đánh lên trong nội bộ về cá-nhân Hoàng-tích-Chu, và nặng trong tình-cảm giữa bạn và bạn. Sao tránh được những hảo ý gần như thiên kiến dù muốn vô-tư cũng khó mà làm theo ý muốn, bởi tình bè bạn lớn mạnh hơn ý muốn riêng tư nhiều ! Chúng tôi xin thú thật như vậy, và
thú thật như vậy không có nghĩa là nói xấu ra tốt, nói đen ra trắng.
Chúng tôi thành thật, khiêm-tốn, tuyệt-đối không có cao vọng góp phần xây dựng lịch-sử báo chí Bắc-Hà của một thời-kỳ đã qua…
Nên dưới đây, chúng tôi xin phép được nêu ra tiếng chuông khác : trích bài của Tế-Xuyên, trên báo Phổ-Thông số 64 và 65, để mở rộng phạm-vi nhận xét…
*
Hoàng-tích-Chu : Cây Bút Mới
Khoảng 30 năm trước, làng báo Bắc-Hà còn chịu ảnh-hưởng của phái Nho học Hoàng-tăng-Bí, Dương-bá-Trạc, Nguyễn-đỗ-Mục, v.v… chịu ảnh-hưởng về lề-lối viết văn, kỹ-thuật làm báo thì hình như không có gì, tờ nào cũng ấn loát sơ sài, miễn là có giấy trắng mực đen làm « đèn thiên-hạ » rồi.
Nhóm Hoàng-tích-Chu muốn mang cả kỹ-thuật làm báo, cả lối hành văn trong
23
báo chí Ba-Lê mà áp-dụng tại Việt-Nam, cách-mạng lề-lối làm báo cổ-hủ của lớp ký-giả đang hành nghề.
Lúc mới về nước, Hoàng-tích-Chu được tờ « Ngọ Báo » mời làm chủ bút. Anh cải-tổ tờ báo hoàn-toàn hình-thức đến nội-dung. Tờ « Ngọ Báo » có bộ mặt mới, trình bầy sáng sủa, với những tin-tức quan-trọng đặt nơi chương nhứt và tin-tức xen lẫn với bài chớ không tập trung vào một mục để nơi chương trong như trước.
Độc-giả thấy bộ mặt lạ của tờ báo, không tán thành vì họ đã quen với lối trình-bầy theo thể-thức cũ : chia ra từng mục, đặt thành từng khu. Họ lại bất bình hơn nữa khi đọc thứ « văn mới » vắn tắt, ít chữ mà họ gọi là « văn Hoàng-tích Chu ». Bấy lâu đã quen với những câu văn biền ngẫu, dài thườn-thượt, nay thấy những bài báo ngắn nửa cột, với lối « Văn mới » thì làm sao mà không phản-đối. Những… tờ báo bảo thủ như tờ « Nông Công Thương » đã mở một cuộc đả-kích gắt-gao « Văn Hoàng-tích-Chu » mà họ cho là « Văn khấp-khểnh » cụt chân và có lần hạ bút mạt-sát là « Văn cứt dê » nữa, vì H.T.C. lắm khi viết câu ngắn chỉ có 2, 3 chữ.
Bên cạnh đa số đồng-nghiệp và độc-giả phản-đối, cũng có một số người tiến bộ hưởng-ứng, song số này quá ít.
Hoàng-tích-Chu còn bắt chước báo Pháp gởi đặc phái viên đi các tỉnh để điều tra các việc lớn mới xẩy ra ở địa-phương, trong khi các báo bấy lâu nay thông tin một cách dễ-dàng, tắc trách : Đến quận cảnh-sát xin tin thành phố và đến sở xen đầm xin đi các tỉnh. Những tin đặc-biệt mà đặc phái-viên của H.T.C. đi tỉnh điều tra về viết đăng lên báo được đề dưới cái tựa : « Ngọ-Báo đi Nam-Định » chẳng hạn. Cái tiêu tựa này ngày nay nghe quen tai rồi không có gì kỳ dị hết, song hồi đó nó đã gây sóng gió trong làng. Một tờ báo đối-lập với Hoàng-tích-Chu đã chê họ Hoàng là dốt và viết bất thành cú : Ngọ Báo chỉ là vật vô tri, vô giác, có chân đâu mà đi tới Nam-Định, phải viết là ký-giả của Ngọ Báo đi Nam-Định mới đúng.
*
Xuất-Bản Báo « Đông Tây »
Giai-đoạn Hoàng-tích-Chu ở Pháp về Hà-Nội làm báo đã ghi một trang sử mới trong làng báo Việt-Nam.
Phương-pháp làm báo mới mà họ Hoàng thí-nghiệm ở Ngọ-Báo năm 1929- 1930 lại được đem qua sử-dụng tiếp ở tuần báo Đông Tây sau tiến thành nhật báo.
24
Hoàng-tích-Chu lại nỗ lực binh vực lối văn gãy gọn, khúc chiết sáng sủa của mình. Anh viết bài cổ xúy cho lối văn mới ấy mà anh nói không phải của riêng anh mà chỉ là do sự bắt chước văn-chương Âu Mỹ. Sau văn H.T.C. bành trướng ở nhiều báo, đem cho anh một phần thưởng tinh-thần.
Hoàng-tích-Chu lúc kêu tôi về cộng sự trong Tòa soạn « Đông Tây » đã đưa cho tôi cuốn sách nhỏ « Le journalisme en 20 leçons » và khuyên tôi đọc. Anh chỉ cho tôi một đoạn nói về lối làm báo của Bertrand de Jouvenel, chủ bút tờ báo lớn ở Paris. Mỗi khi có ai đến xin làm ký-giả thì Jouvenel chỉ hỏi một câu : « Anh có sáng kiến gì không ? Nói tôi nghe ». Ông không cần hỏi bằng cấp.
Hoàng-tích-Chu rút bài học kinh-nghiệm ở Jouvenel và nói với tôi :
« Kẻ viết báo muốn thành công phải có sáng kiến, phải luôn luôn tìm ra cái mới, ngày hôm nay không phải ngày hôm qua, luật tiến-hóa bắt ta phải đổi mới cho hợp thời, không thể nào bo bo giữ mãi những thành-kiến cũ, những phương pháp cũ mà làm báo được ».
Hồi đó Chu chừng 32 hay 33 tuổi, đang cái tuổi hăng hái và bắt đầu chín chắn để xây-dựng sự-nghiệp. Tuy nổi tiếng mà anh vẫn ân-cần chỉ bảo cho tôi từng mánh khóe trong nghề, từng kinh-nghiệm anh học được ở ngoại-quốc.
Anh thường đưa sách cho tôi đọc và vài hôm sau lại hỏi khéo : « Cuốn sách ấy có hay không ? Nội-dung nói những gì ? » Anh dụng ý bắt tôi đọc thêm và đóng vai giám khảo kín đáo để khảo sát và xem tôi có học tập để cầu tiến không. Ngày nay ghi lại hình ảnh của người ký-giả thủa trước ấy tôi lại bùi-ngùi cảm-động nhớ
ơn một người vừa là Thầy vừa là Bạn, đã dìu dắt tôi trong bước đầu tập tễnh trong nghề. Sau này, tôi tập được cái tánh ham mua sách, đọc sách, sưu-tầm tài-liệu, đó cũng là nhờ ngay bước đầu, tôi đã học được những bài học « cầu tiến » ở Hoàng tích-Chu :
« Anh cứ đọc sách đi, đọc bất cứ sách gì, môn gì, vì một người viết báo cần phải học quảng bác lắm. Cái gì cũng phải biết, dầu không triệt thấu cũng phải biết đại-cương. Kẻ viết báo đọc sách đến già cũng chưa gọi là đủ vì nghề của mình đòi hỏi một cái vốn học-vấn vô hạn định ».
Những lời khuyên đại-ý như thế, tôi ghi mãi vào đầu óc, nhớ tới ngày nay. Hoàng-tích-Chu còn khuyên tôi một câu mà tôi suy nghiệm thấy rất đúng :
« Kẻ viết báo không bao giờ tránh cuộc bút chiến chơn-chánh, bút chiến vì
25
một vấn-đề hay một lý-tưởng. Léon Daudet, cây bút thép của báo « Action » bên Pháp đã nói : « Một ký-giả cừ-khôi là một kẻ bút chiến có tài ». Đời làm báo nếu ưa tĩnh, cầu an thì không tiến được. Đời là động. Kẻ viết báo cũng phải sống động, chớ không phải cứ ngồi trong văn-phòng, gọt nặn ra một bài luận « Đại cà sa » để
than trách nhơn tình thế thái được. Đời sống hàng ngày của nhân-dân là cả kho tài-liệu phong-phú cho kẻ viết báo sử-dụng ».
Ấy cũng vì sống động và cũng vì ham bút chiến mà Hoàng-tích-Chu đã vô tình giết mất tờ báo « Đông Tây » của anh.
Hồi ấy đâu là năm 1930… ký-giả Pháp Pierre Mille ghé Hà-Nội có phỏng vấn Phạm-Quỳnh về thanh-niên Việt-Nam. Nhà học-giả chủ bút Nam Phong vốn là người sống trong tháp ngà với một cuộc đời trưởng giả, phong kiến, rất có ác-cảm với phe thanh-niên mà ông cho là ngỗ-nghịch. Có lần ông đã bị sinh-viên cao đẳng đuổi theo ông trước nhà in Lê-văn-Phúc ở phố Hàng Gai. Chỉ vì ông đã thóa mạ
thanh-niên.
Sẵn có ác-cảm với thanh-niên nên khi đáp câu hỏi của Pierre Mille, ông Phạm Quỳnh đã có những lời xét-đoán nông cạn, chê đám thanh-niên Việt-Nam là những bộ óc trống rỗng mất cỗi rễ… Ông ám-chỉ mấy nhà tân-học miền Nam đi Pháp nói tiếng Pháp giỏi mà không có nền cổ học như ông.
Sau khi bài phỏng vấn của Pierre Mille đăng lên báo Pháp, Hoàng-tích-Chu bèn trích đăng vào báo Đông Tây và gây bút chiến với Phạm-Quỳnh, kêu gọi thanh niên tỏ bày ý-kiến đối với những lời mạt sát của chủ bút Nam Phong. Chủ-nhiệm báo Đông Tây tính gây ra một cuộc tranh luận hào-hứng trên mặt báo.
Nhưng anh không tính đến khía cạnh chánh-trị của việc anh làm. Anh đã động đến một nhân-vật mà Tổng Giám-Đốc Liêm-Phóng Đông-Dương Louis Marty bảo vệ. Chính Louis Marty đã trợ-cấp cho Nam Phong để tuyên-truyền cho văn-hóa Pháp, cổ-võ giới thượng-lưu trí-thức có cảm-tình với Pháp. Bỗng nhiên có tờ báo dám động đến người mà Marty che-chở : muốn hạ uy-tín của người ấy thì thôi rồi đời tờ báo.
Tờ Đông Tây chưa nhận được bài nào của độc-giả thanh-niên trả lời cho Phạm Quỳnh thì đã nhận được thơ của Phủ Thống-sứ Bắc-Kỳ đóng cửa báo.
Sau khi Đông Tây bị rút giấy phép, H.T.C. khai thác tờ « Thời Báo » của một người bạn anh là Phùng-văn-Long, nhưng chỉ được một tháng thì báo này cũng chung số phận với Đông Tây.
26
Hoàng-tích-Chu không hoạt-động gì, nằm chờ lúc thuận tiện hơn để tiếp-tục sứ mạng trên đường văn trận bút, song anh không còn trở lại làng báo nữa vì mấy tháng bệnh hoạn liên miên đã cướp anh về thế-giới khác vào đúng hôm 29 Tết năm anh mới 33 tuổi xuân.
*
Tác-giả lại tự hỏi, trong hàng ngũ đồng-chí của Hoàng-tích-Chu, cũng còn nhiều người ở Saigon, sao những cây bút sắc bén một thời lại không có ai nhắc đến tập đoàn Hoàng-tích-Chu của họ ?
Có thể họ không muốn nói đến tập đoàn Hoàng-tích-Chu, bởi nói đến tập đoàn này là họ phải nói đến họ, đến cá-nhân mình, và đó là điều mà họ muốn tránh…
Như vậy, các tay bỉnh-bút tờ Đông Tây xưa đã vô tình nhường lời cho tác-giả những dòng này, là người chưa làm văn, chưa viết báo, không có chân trong tập đoàn, mà chỉ là bạn có cảm-tình đặc-biệt với tập đoàn.
Tập đoàn Hoàng-tích-Chu thất bại bởi mưu-mô xảo-quyệt của thực-dân « Gậy ông đập lưng ông », và cũng bởi thiếu tổ-chức, thiếu xây-dựng, chỉ mới trong thời kỳ chuẩn-bị… Nghiêm-chỉnh nhận xét, ta thấy rằng tập đoàn Hoàng-tích-Chu đã không làm được việc gì lớn lao, nhưng cũng không nên quên : tập đoàn Hoàng tích-Chu đã có đường lối táo bạo, đã muốn, đã dám nói, dám viết, dám làm những gì mà từ năm 1928 đến 1968 vẫn còn là mới, bởi vẫn là vấn-đề thời-sự nóng bỏng sau 40 năm qua ! tới đây 35
27
2) ĐỖ-VĂN
Được nhà cho sang Pháp để trở thành tiến-sĩ văn-khoa, Đỗ-Văn đã được Hoàng-Hồ thuyết-phục bỏ văn-chương học nghề ấn-loát.
Nghệ-thuật in có liên-quan mật-thiết với nền văn-hóa dân-tộc, vậy mà vẫn chưa thấy nhóm sinh-viên du học nào lưu-ý đến. Trong khi ấy thời các nước chậm tiến khác đã xuất-bản được những ấn-loát phẩm chẳng thua gì Nhật-Bản và mãi đến mấy năm gần đây mới thấy có nhà in Kim Lai.
Ông Nguyễn-văn-Vĩnh có óc kinh-doanh, không cố chấp như những báo đả- kích Hoàng-tích-Chu và Đỗ-Văn, đã nhận thấy thực tài thực học của Văn, mời Văn hợp-tác để cải tiến nhà in Trung Bắc và tờ Trung Tân-Văn. Nhưng tiếc rằng năm 1929-30, kinh-tế khủng hoảng, ông Vĩnh phá sản rồi mấy năm sau chết ở Lào. Khi ấy ông Vĩnh đang tổ-chức khai thác mỏ vàng ở Tchépone. Tuy nhiên Đỗ-Văn cũng đã phát-huy được tài-nghệ của mình trong thời-gian ở nhà in Trung Bắc.
Tiện đây cũng nên nhắc đến kỹ-sư Nguyễn-Thiều, chủ hiệu Vũ-văn-An. Biết Nguyễn-Thiều có óc cấp-tiến, được coi như Mạnh-thường-Quân thời ấy, một người bạn chung đã điều-đình với Thiều mua lại nhà in Taupin để Đỗ-Văn điều-khiển.
Vấn-đề tiền bạc đã thu-xếp xong, nhưng việc bất thành, cũng vì một bài báo của Văn đăng trong báo Nhật-Tân đả-kích một nhân-vật có thế-lực lúc bấy giờ. Người ấy nhất quyết phá việc mua nhà in Taupin nên việc mua không thành.
*
Ra Báo – In Bích Chương
Ban kinh tài của tập đoàn đã có dư tiền để thực thi những cao-vọng của tập đoàn. Với sự cộng-tác của Lãng-Nhân, Đái-đức-Tuấn và Đặng-trọng-Duyệt, nhóm Dân Mới cho xuất-bản tờ Dân Mới. Đỗ-Văn lại có dịp thi-thố tài-nghệ về nghề in.
Với những máy móc quá xưa của nhà in Trung Bắc, Đỗ-Văn đã in được những bích chương cỡ lớn 2m×3m mà từ 1929 đến nay (1968) chưa có tờ bích chương nào cỡ lớn in đẹp được như vậy : kỳ công đáng kể của Đỗ-Văn.
Vừa mới dán tờ bích chương khổng lồ ở câu-lạc-bộ Dân Mới tại phố Hàng Gai, « Dân Mới với những cây bút mới », in ra không đủ bán, nhà in đã phải dùng một đoàn thợ riêng để in thêm.
*
28
Khía cạnh con người đặc-biệt của Đỗ-Văn
Sinh trưởng trong một gia-đình quý-phái miền Trung, Văn có dáng người mảnh khảnh, cao, cười nói êm đềm, cử-chỉ đường-hoàng.
Khi Văn còn trẻ, học ở Cao-đẳng Sư-phạm Hà-nội cũng như khi ở Paris, phái phụ-nữ đều khen Văn có duyên, và những phút vui Văn tỏ ra rất phiếm. Trong những năm điều-khiển nhà in Trung-Bắc, Văn được nhân-viên cộng-sự, nhất là anh em thợ in mến yêu thật sự, bởi cá-tính bình-dân của Văn. Chính nhờ điểm này, nhân-viên cộng-sự và anh em nhân-công nhà in Trung-Bắc đã tận-tâm học hỏi nghề in và rất tiến-bộ trong nghề in.
Nói rằng Chu đã thuyết-phục Văn học nghề ấn-loát thì cũng không đúng hẳn, vì Văn mang trong người giòng giống của một gia-đình đại nho, nên sang Pháp, học thêm nghề in, mà vẫn không bỏ văn-chương. Văn chỉ từ bỏ lề-lối học khoa bảng, chứ suốt đời lúc nào Văn cũng phụng-sự văn-hóa.
29
3) ĐẶNG-TRỌNG-DUYỆT
Năm 1929, trước khi trở lại Paris để theo đuổi chí nguyện, Duyệt đã nhiều lần gặp lại Lãng-Nhân và Hoàng-tích-Chu ở tòa báo Đông Tây, phố Nhà Thờ Hà-Nội. Chu đang thực-hành cải-cách nghề làm báo lúc bấy giờ, liền có ý nhờ Duyệt làm đặc phái viên của báo Đông Tây ở Paris, vì Chu đang sửa soạn cho báo xuất-bản hàng ngày. Lúc đó, làng báo Việt-Nam, từ Bắc chí Nam, đã có tờ báo nào (ngay cả
báo Pháp) dám gửi một đặc phái viên đi ngoại-quốc. Làm báo không lỗ vốn là may, đâu có tiền thuê phóng-viên ở ngoại-quốc. Trước đây gần 40 năm, nhật báo xuất bản được 5.000 số có thể nói bằng 200.000 số hiện nay.
Vì cùng chí-hướng canh-tân nghề báo, Duyệt hăng hái nhận làm đặc-phái viên cho Đông Tây ở Paris. Báo Le Petit Parisien gửi Louis Roubaud, Andrée Viollis sang Việt-Nam, thì báo Đông Tây đã đáp lễ gửi Duyệt sang Ba-Lê.
Như vậy Duyệt là đặc phái viên đầu tiên của báo Việt-Nam tại ngoại-quốc. Và báo Đông Tây là báo Việt-Nam đầu tiên có đặc phái viên ở kinh-đô Paris. Lần này Duyệt lại ở Paris từ 1929 đến 1932 mới trở về nước.
Duyệt đã giúp các nghị-sĩ cực tả bênh-vực lập-trường chống đối thực-dân của Việt như Vaillant Couturier, Cachin, Berthon, Marty, và đã viết bài gửi về cho báo Đông Tây. Duyệt đã giúp Louis Roubaud dịch nhiều tài-liệu của VNQDĐ mà nhà phóng-sự lừng danh đó đã thâu thập được để trình-bầy trong cuốn Việt-Nam. Với tư-cách là đặc phái viên của báo Đông Tây, anh đã dự thính nhiều buổi họp với các cuộc tranh-luận sôi nổi, ở Hạ nghị-viện Pháp.
*
Năm 1931, có cuộc hội chợ đấu xảo quốc-tế, chính-phủ thuộc-địa đã gửi sang đó một đoàn hát cải-lương (gánh Phước-Cương) với cô Năm Phỉ, kép Bẩy Nhiêu để tượng-trưng cho nghệ-thuật Việt-Nam. Thâm-ý của chính-phủ Pháp lúc bấy giờ là cốt để cho thế-giới hiểu là dân-tộc Việt-Nam còn ấu-trĩ, chưa đủ tiến-bộ để độc lập, nên đối xử với các phái-đoàn tượng-trưng đó như với một dân-tộc còn chậm tiến. Đáng lẽ phải săn-sóc cho xứng đáng để ở hôtel sang-trọng, họ lại cho ăn ở ngay trong khu đấu xảo, trong những gian nhà không đủ tiện-nghi, Duyệt đến thăm và phỏng-vấn. Gặp Tư Cương, đã nêu lên vấn-đề thể-diện quốc-gia, phản đối ban tổ-chức và đòi được ở hôtel nên sau đó, đoàn hát được đối-đãi rất xứng đáng. Duyệt đã bị ban tổ-chức hội chợ cho hiến-binh trục-xuất, lấy cớ là anh vào
30
tuyên-truyền cách-mạng…
1933, khi về nước, Duyệt đã nhiều lần gặp ông De la Pommeraye, giám-đốc hãng IFEC, để trình-bầy một chương-trình sản-xuất phim Việt-Nam. Nhưng ý-định cộng-tác không thành, vì chương-trình của anh là sản-xuất phim tuyên-truyền, mà thời bấy giờ, người Pháp đâu có chịu cho mình lợi-dụng cơ-sở và vốn của họ, để
mình tuyên-truyền. Mà tự làm lấy một mình thì vốn bạc triệu kiếm đâu ra ? Còn gọi công-ty, cũng không ai hưởng-ứng : những người có tiền đều cho là chuyện phiếm.
Nếu bấy giờ được viện-trợ, chắc anh đã thành-công một phần nào rồi, và kỹ- nghệ sản-xuất phim của người Việt bắt đầu từ trên 30 năm nay, không đến nỗi lẹt đẹt như bây giờ.
Không nản lòng, Duyệt lại quay về xin sự giúp đỡ của chính-phủ. Anh lại đưa chương-trình sản-xuất phim (nói trệch là tuyên-truyền cho du-lịch ở Việt-Nam) cho Millies Lacroix, chánh văn-phòng du-lịch và tuyên-truyền của cựu Toàn-quyền Pasquier, để xin giúp đỡ về tài-chánh và máy móc. Lẽ tự-nhiên chương-trình của anh chỉ được ngợi khen và hứa-hẹn, rồi sau cũng bị ném vào sọt giấy.
*
Không có điều-kiện để sản-xuất phim, anh nghĩ đến chuyện cho xuất-bản một tờ báo chuyên-môn về điện ảnh và kịch-trường, ngõ hầu làm cơ-quan để truyền bá cái ý-kiến mới mẻ của anh, nâng giá-trị và tư-cách của giới tài-tử mà xã-hội vẫn cho là xướng ca vô loài. Thời bấy giờ trong giới nữ-lưu trí-thức, quý-phái, nôm na gọi là con nhà tử tế, chưa ai dám mạnh dạn bước chân lên sân khấu. Các sinh viên, các hội thiện, các cơ-quan xã-hội, thỉnh thoảng có tổ-chức một buổi diễn kịch nào, đều phải chọn nữ diễn-viên trong các chị em ở giới hồng lâu, hay các nữ tài tử hát bội nhà nghề.
Xuất-bản một tờ báo chuyên về điện ảnh hồi năm 1932, trong lúc nước mình không có nền kỹ-nghệ điện ảnh, không có tài-tử điện ảnh, thực là một ý-kiến điên rồ, táo bạo đi đến chỗ phá sản. Duyệt hiểu rõ như thế. Vì in một tờ báo điện ảnh tất nhiên phải có nhiều hình, in trên giấy láng, phải tìm được một nhà in đầy đủ
kỹ-thuật mới in nổi, giá in rất đắt, mà báo in ra phải bán rẻ mới mong phổ-thông được. Chưa xuất-bản báo đã trông rõ sự thất-bại về tài-chính rồi. Nhưng phải dám làm, dám hy-sinh để đánh lên một tiếng chuông, để có tiếng ngân về sau cho người khác làm. Duyệt muốn trình-bầy tờ báo như thế nào để có thể theo kịp các
31
tờ báo chuyên-môn về điện ảnh của Pháp như tờ « Pour Vous », « Cinémonde »…
Duyệt đã đặt cho tờ báo của anh một tên rất nôm-na, tờ « Chớp Bóng ». Ngoài nhóm H.T.C., Đỗ-Văn, Lãng-Nhân khuyến-khích ở trong, anh còn được nhóm họa-sĩ nổi danh ở trường Kỹ-thuật như Tô-ngọc-Vân, Mai-trung-Thứ, Lê-Phổ, Nguyễn-cao-Luyện, ủng-hộ hết mình.
Anh Tô-ngọc-Vân đã vẽ cho một cái bích chương nhiều mầu, hoàn toàn mới lạ và các anh Đỗ-Văn, Nguyễn-doãn-Vượng đã tự tay làm và săn-sóc cho hoàn mỹ.
Rồi khắp các phố ở Hà-Nội, ở các tỉnh, chỗ nào cũng đều dán tờ bích chương quảng-cáo cho tờ Chớp Bóng sắp ra đời. Báo số ra đầu, bìa in hình cô Hoàng-thị- Thế, con gái Đề Thám, nữ minh-tinh thứ nhất Việt-Nam trên màn ảnh, đóng vai Ly-Ty trong phim « Một Bức Thư » do hãng Paramount sản-xuất ở phim trường Joinville Paris. Báo in trên giấy láng với các hình ảnh thật rõ ràng, có thể nói là một kỳ công của Đỗ-Văn, một sự tiến-bộ rất xa trong làng báo. Báo xuất-bản buổi trưa, đến chiều tối, trẻ con đã bán hết mấy nghìn số, và anh Văn đã phải huy-động cả nhà in để in thêm gửi đi các tỉnh. Sự thành-công đã hoàn toàn quá ước-vọng của Duyệt. Một tờ báo Nhật-Bản, tờ Eigakyuku, xuất-bản ở Tokyo, đã đăng hình tờ Chớp Bóng với một bài xã-thuyết khen sự tiến-bộ của nghề làm báo Việt-Nam. Báo Chớp Bóng bán rất chạy, vốn in gần 2 đồng một số, mà bán có 2 hào nên báo càng chạy, lại càng lỗ vốn, mặc dầu Duyệt đã tự mình đi xin lấy được một ít quảng
cáo rất đắt tiền (gấp 19 lần các báo hàng ngày) của hai hãng sản-xuất phim ở bên Mỹ và Nhật : Paramount, Metro-Goldwyn Mayer và Shochiku.
Sự thất-bại về tài-chính của tờ Chớp Bóng là điều trông thấy rõ. Lại thêm vào cái nạn nhiều đại-lý bán báo quịt tiền. Sau khi xuất-bản được 6 tháng, anh bị phá sản, phải đóng cửa.
Ngày nay, tất cả các báo, không có một báo nào là không có một trang kịch trường, và trang kịch trường là trang ăn khách nhất đối với độc-giả thanh-niên và đại-chúng.
Duyệt đã đi trước thế-hệ 40 năm. Anh bị quên lãng, nhưng anh có thể tự hào là người đầu tiên trong làng báo Việt-Nam đã mở mục điện ảnh và kịch-trường và là người đầu tiên muốn và dám nâng cao đời sống và thể-diện của giới kịch-sĩ. Bây giờ, chính-phủ mới nghĩ đến chuyện gửi các đoàn văn-nghệ đi các nước để biểu
diễn và tuyên-truyền cho văn-hóa dân-tộc Việt-Nam.
32
*
Sau khi đình bản tờ Chớp Bóng, Duyệt đã được bạn Phước Gorges (Bạch công tử) mời vào Nam để tính chuyện sản-xuất phim và cho tái-bản tờ Chớp Bóng ở Saigon. Nhưng thời-thế chưa thuận-tiện, vấn-đề tài-chánh cũng bị khó khăn, anh lại trở về Hà-Nội để hoạt-động với nhóm Tây du trong mọi lãnh-vực :
- Thành-lập câu-lạc-bộ Dân Mới
- Nhận dàn cảnh và đạo diễn trong ban kịch Dân Mới
- Hoạt-động rất đắc lực trong việc mở bar, restaurant, salon Dân Mới - Viết báo Dân Mới với các anh Lãng-Nhân, Tchya…
Báo Dân Mới bị đóng cửa, anh lại xin phép xuất-bản tờ báo hàng ngày lấy tên là Nhân Loại. Báo hướng về cải-cách xã-hội, kinh-tế và đăng những hí họa trào phúng và châm biếm. Ngoài nhóm bạn cũ, bộ biên-tập lại thêm các anh Trúc-Đình, Vũ-trọng-Phụng, vẽ thì có các anh Tô-ngọc-Vân, Mai-trung-Thứ, Trần-quang-Trân (Ngym). Mỗi lần Duyệt ra báo lại có một chuyện mới lạ. Trước hết, anh in tờ Nhân Loại ở nhà in Viễn-Đông. In chữ mới luôn luôn. Lại bích chương lớn 5 mầu do Tô ngọc-Vân vẽ và Đỗ-Văn trình-bầy. Báo ra 8 và 10 trang lớn, giấy tốt, đúng như tờ tuần báo Le Monde ở Pháp cả về nội-dung và hình-thức. Lại được các báo Việt từ Bắc chí Nam khen ngợi và giới-thiệu, đem so sánh với các tuần báo khổ giấy lớn ở Pháp thời đó như « Candide », « Gringoire », « Le Monde »…
33
4) TẬP ĐOÀN HOÀNG-TÍCH-CHU TAN VỠ
Sau ngày Hoàng-tích-Chu chết, mạnh ai nấy sống. Còn lại một số anh em tự an ủi bằng câu : « Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên ». Mộng lớn, mộng nhỏ đều tan vỡ như bong bóng xà-phòng.
Xã-hội thời bấy giờ mất hết cương-kỷ, phong hóa suy đồi. Lắm bà mệnh phụ đem thân ngà ngọc để cầu danh cho chồng. Nhiều quan trẻ sống bộ ba (2 ông 1 bà), quan chồng ngồi phía trước cầm tay lái, quan bà ngồi ghế sau tiếp khách. Quan lớn cho thế là xã giao Tây-phương, là xử thế kiểu Âu, Mỹ !
Trước cảnh trái tai, gai mắt… nhóm Tây du ra báo chửi cho bõ ghét : quan lại thối nát, mệnh phụ đĩ điếm… Thấu mới ở Pháp về. Nhóm Tây du giúp anh xuất bản báo Duy-Tân. Lãng-Nhân đứng chủ bút : cây bút sâu sắc nhất của Đông Tây viết một loạt bài đả-kích, bài đầu có giọng như sau :
« Đống phân đem phủ một lần tro, cánh bèo để tụ lại từng đám, trông đống tro xam-xám, đám bèo xanh-xanh, ta cho chúng nó là những đồ vô tội. Có hay đâu dưới đó nhung nhúc những bọ cũng giòi ! Khơi chúng lên, đánh chúng ra, cho nắng trời tiêu-diệt chúng ».
Lãng-Nhân rút vào hậu trường, sau khi báo Duy-Tân đã ra được số 12 và đã có đường lối tranh đấu rõ rệt. Mạt sát quan lại là con cưng của thực-dân, vậy mà báo Duy-Tân sống được, thì cũng nên đánh cái dấu hỏi. Có lẽ lúc ấy, bởi say mê trong cuộc, nhóm Duy-Tân không thấy rõ mưu thuật của thực-dân, nhưng về sau tất phải khám phá ra : thực-dân đâm bị thóc, thọc bị gạo, dùng đòn sóc hai đầu, bật đèn xanh cho đám này hạ đám kia, do đó báo Duy-Tân được thả cửa chửi công khai bọn quan lại.
Báo Duy-Tân chết sau khi sống được 24 số. Thấu tổ-chức một đám ma cho báo, đặt bàn thờ tại trụ-sở để các độc-giả trung thành đến viếng ; nhà đòn Louis Chức cho mượn xe tang để đưa đám tờ Duy-Tân từ đường Thành đến nhà hàng Đông-hưng-Viên ở hàng Buồm. Một cuộc diễu hành im-lặng qua mấy phố.
Trong khi ấy, Phòng Nhì tuyên truyền rỉ tai : nhóm Duy-Tân chính là tay sai của chúng và đổ lỗi cho quan lại thối-nát nên mới có vụ Yên-Bái, chứ không phải lỗi của thực-dân thống-trị. Tuyên-truyền như vậy, thực-dân muốn gì ? Thực-dân muốn chia mà trị, dung túng cho các nhóm trí-thức chửi bới lẫn nhau, gây xáo trộn dư-luận và tất cả có nghĩa là thực-dân muốn để mọi người quên… vụ Yên-Bái. Mưu
34
thuật rất cao : riêng đối với nhóm Duy-Tân, thực-dân dung túng để nhóm này được thể phá hoại rồi tự dẫn mình đến chỗ tan rã mà không biết. Đó là đòn phép « Gậy ông đập lưng ông ». Chính-trị quỷ-quyệt. Nếu không có hoàn-cảnh do đệ-nhị thế chiến tạo nên, thì không biết đến bao giờ ta mới thoát được.
Báo Duy-Tân chào đời đầu năm 1931, rồi lìa đời ngay cuối năm ấy. Song phong-trào chống hủ-bại thối nát không chết theo : năm 1933, báo Phong-Hóa xuất-hiện, cùng một chủ-trương nhưng thiên về trào-lộng, rồi đến 1937, Vũ-Bằng tung Vịt-Đực ra làm náo-động một hồi, cũng sống-sượng như Duy-Tân.
*
Tập đoàn H.T.C. đã lui vào quá-khứ từ lâu ; những chàng trai thế-hệ 40 năm về trước nay đã tùy hoàn-cảnh và khả-năng, mà tự tạo địa-vị trong các giới ; vài người còn trung-thành với nghiệp văn, viết báo hay sáng tác sách. Báo chí thì tản mát theo thời-gian, ít khi còn người lục ra để tra cứu, sách vở họa may còn tồn-tại là khi đã vượt được thử-thách của thời-gian.
Tôi ôn lại chuyện này tự nhiên lại nhớ đến mấy câu thơ của một thi-sĩ Pháp thời cận-đại, tả cảnh tàn-tạ của những ngày huy-hoàng, kết bằng những câu :
« …Ces ruines pour nous seront un fier décor,
Et si près du foyer où le froid nous rassemble
Quelques livres d’amis peuvent nourrir encore
La flamme où nos vieux os se chaufferont ensemble ! »
Tạm dịch :
« Hoang-tàn mà vẫn thấy kiêu sa
Sum họp quanh lò bọn chúng ta
Lần giở bạn xưa trang sách cũ
Ấm lòng, ấm cả nắm xương già… »
Nói đến viết sách là nhắc đến Tam-Lang, Lãng-Nhân.
Tam-lang Vũ-đình-Chí ưa viết văn phóng sự, vạch trần những cảnh áp-bức, những nỗi đau thương của lớp dân nghèo, những cái đài các rởm của dân giầu. Vũ ngọc-Phan trong quyển Văn-Học Hiện-Đại đã nhận xét rằng cây bút của Tam-Lang là cây bút tả chân và châm biếm, nhạo đời để răn đời mà không bao giờ có giọng độc ác. Trong thời-kỳ tiền-chiến Tam-Lang đã xuất-bản :
- Tôi kéo xe (1932)
35
- Đêm sông Hương (1938)
- Một đêm trước (1938)
- Lọng cụt cán (1939)
- Người ngợm (1940)
Lãng-Nhân, từ một thanh-niên gầy gò nay đã là một tráng niên đậm người, tóc điểm sương với cặp nhãn kính. Thôi làm báo, chuyển sang ngành ấn-loát, điều khiển một nhà in lớn tại Saigon, Lãng-Nhân đã lập ra Nam-Chi Tùng-Thư, ấn-loát các sách của bạn và cũng của mình. Sách của Lãng-Nhân đã xuất-bản :
- Trước Đèn (in lại năm 1960)
- Chơi Chữ (1960)
- Chuyện Vô Lý (1960)
- Hán Văn Tinh Túy (1965)
- Giai Thoại Làng Nho toàn tập (1967)
- Thơ Pháp Ngữ Tuyển Dịch (1968)
- Chuyện Cà Kê (1969)
Với óc ưa phân-tích, Lãng-Nhân đem những chuyện xẩy ra trong xã-hội, bình phẩm và xét lại, với giọng mỉa-mai kín-đáo, như thúc giục người đọc quan tâm đến mọi việc chung quanh mình, mà đặt lại vấn-đề nhân-sinh, để tìm một lối thoát, một lối sống.
Ba quyển : « Trước đèn », « Chuyện vô lý », « Chuyện cà kê », đem những chuyện xẩy ra hàng ngày để suy-luận. « Trước đèn » và « Chuyện vô lý » đã ra đời ngoài 30 năm nay, mới in lại hồi 1960, nhưng vẫn đúng với thời-sự về nhiều khía cạnh. « Chuyện cà kê » xuất-bản cuối năm 1968 gồm 28 truyện trên ngót ba trăm trang giấy nêu ra rất nhiều vấn-đề « thời-sự » tỷ dụ như « Thời thượng » với cái váy dài thủa xưa, váy cộc thời nay, « Nhất quỷ nhì ma » với giới tuổi trẻ phóng đãng, « Trong tòa án », « Một người lai » với sự va chạm Âu Mỹ Việt, « Thực thi dân-chủ », « Nơi nghị-trường » với những hoàn-cảnh mới, mà cũ, trong giới ấy, « Cái tay bánh », « Bên lề sân-khấu » với những kẻ tài hèn đức mọn muốn làm ra bộ quan-trọng, « Giấc mơ Chiêu-Lỳ », « Ngất trời sát khí » với những ý-nghĩ vươn ra từ chỗ tối đen tới một bầu không khí sáng sủa, v.v…
« Thơ Pháp tuyển dịch » là một tập « cảo thơm » thơ Pháp từ thế-kỷ thứ XIV đến nay dịch ra thơ Việt không những rất sát nghĩa, mà còn lưu loát, nhiều khi giữ được nguyên thể, thoát được cái ngây ngô thường xẩy ra khi đem lời hay ý người
36
Âu chuyển sang tiếng Việt. Trong bản « Lời phát đoan » Lãng-Nhân đã tỏ bày ý nghĩ : « Nay cuộc chung đụng (với Trung-Hoa và Pháp) đã chấm dứt, Việt-Nam tự tạo nên một nền văn-hóa mãnh liệt. Nhưng không phải vì thế mà nền tảng cũ không còn… » và đã phác họa tuy giản dị nhưng khúc chiết sự tiến-triển của thi ca Pháp qua các thời-đại.
Âu cũng là một quan-điểm « gạn đục khơi trong ».
*
Tập-san của trường Đông-Phương Bác-Cổ, xuất-bản tại Paris, số đầu năm 1969, có đăng bài phê-bình hai cuốn Hán Văn Tinh Túy và Giai-thoại Làng Nho. Chúng tôi xin in lại nguyên-văn, để gióng lại tiếng chuông từ hải-ngoại vọng về :
37
BULLETIN DE l’École Française D’EXTRÊME-ORIENT TOME LV
38
39
40
41
42
43
PHẦN III : NHÓM DÂN MỚI
Tập đoàn Hoàng-tích-Chu ra báo Đông Tây với đường lối đấu-tranh rõ-rệt, một hình-thức, nội-dung, thể văn hoàn toàn mới, là một cuộc cách-mạng trong làng báo chí Bắc-Hà thời bấy giờ. Một số anh em khác cũng trong tập đoàn tách riêng ra thành-lập nhóm Dân Mới cũng ra báo, lấy tên là « Dân Mới ». Bích chương cổ-động báo này có ghi rõ : Báo Dân Mới không phải của Hoàng-tích-Chu. Sở-dĩ Dân Mới đứng tách riêng ra như vậy, vì nhóm Dân Mới còn mở Bar, mở Restaurant, thành-lập Club, tổ-chức diễn kịch. Việc lớn lao, vấn-đề chuyên-môn đòi hỏi sự góp công của một số trí-thức người Pháp trẻ, mới, muốn cộng-tác với bạn Việt.
Câu nói « Pháp Việt đề-huề » vẫn coi là câu nói chính-trị mỉa-mai thì nay tương-đối có ý-nghĩa đứng-đắn hơn và có thể coi là thành-thật giữa đôi bên. Còn việc nghi kỵ, thì ai cũng có quyền nghi kỵ, và nếu đã hợp-tác với nhau, thì ít nhất đôi bên cũng phải tin cậy nhau, có như vậy mới là hợp-tác.
Bar Dân Mới, Restaurant Dân Mới, Club Dân Mới : Pháp Việt lui tới hàng ngày trong bầu không-khí vui-vẻ, thân-thiện, bình-đẳng.
Trước đà tiến của nhóm Dân Mới, nhà cầm quyền e ngại uy-thế Dân Mới, có thể mỗi ngày thêm lớn mạnh trong dư-luận, nên viên đốc-lý đã mời quản-lý Chu Mậu ra điều-đình để bóc hết những bích chương khổng-lồ, đập vào mắt, đã dán khắp Hà-Nội. Nếu Chu-Mậu không bóc sẽ bị đưa ra tóa-án vì vi-phạm luật-lệ báo chí. Dân Mới ra đến số 3, thì có lệnh đóng cửa, báo bị tịch thu.
Thế là nhóm Dân Mới mất cơ-quan ngôn-luận. Độc-giả cũng mất một tờ báo xứng ý để đọc. Nhóm Dân Mới vẫn hăng say hoạt-động dưới hình-thức khác : dùng sân khấu để phản ảnh xã-hội hủ lậu thời đó. Đó cũng là một hình-thức đấu-tranh của những người dám nói, dám làm. Kế-hoạch đã được dựng lên với đầy đủ chi tiết, nhất là về vấn-đề xuất quỹ, ban kinh tài đảm nhận thành-lập Ban Kịch Dân Mới để trình-diễn vở kịch đầu tay : KIM SINH, gồm có :
- Soạn giả : Bác-sĩ Vũ-đình-Tường
- Thực-hiện : Chu-Mậu
- Dàn cảnh Đạo-diễn : Đặng-trọng-Duyệt
- Cố-vấn : Declerc Junior
- Trang trí : Họa-sĩ Jordan
- Trang sức và y-phục : Ch. Mau’s
44
Đào kép chính đã được tuyển : Bà Chánh Giá, cô Thụy-An, ông Trương-đình Thi, ông Trần-văn-Bút.
Trong khi mọi công việc cần thiết để thực-hiện chương-trình đã hoàn-tất, đào, kép đang được tuyển mộ thêm và đang tập dượt tại câu-lạc-bộ Dân Mới, thì có lệnh cấm, quả là thực-dân nhất định bóp chết nhóm Dân Mới.
Câu-lạc-bộ Dân Mới cũng theo đó bị đóng cửa.
Hồi Pháp-thuộc, làm báo, lập nhóm, tổ-chức câu-lạc-bộ khó khăn, tốn-kém và nguy-hiểm như thế đấy. Bị phá sản, vào tù như chơi !
Rất tiếc vở kịch Kim Sinh không được ra mắt khán-giả. Những người Hà-Nội yêu sân-khấu mất dịp thưởng-thức tài-nghệ trang-trí của họa-sĩ Jordan ở Paris mới sang, muốn làm quà cho bạn Việt những mầu sắc, những ánh sáng huy-hoàng, mỹ-thuật mới mẻ nhất của sân-khấu kinh-đô hoa-lệ. Kép chính Trần-văn-Bút đóng vai công-tử trong vở kịch. Bà Chánh Giá vốn là hoa-khôi, vợ của một công-sứ Pháp, đóng vai một mệnh-phụ đương thời, có thể nói là vai của đời bà. Bạn Trương-đình
Thi, nhà văn có tên tuổi hồi đó, đã nổi tiếng trong vở kịch « Nặng Nghĩa Tớ Thày », đóng vai Kim Sinh. Cô Thụy-An, ký-giả tự ý đến xin đóng vai chính. Chưa nói đến bác-sĩ Vũ-đình-Tường tiếc công sáng-tác ra vở kịch và Chu-Mậu mất công, mất của.
Ban kịch Dân Mới bị cấm, chính vì đó, phong-trào kịch nổi lên rầm-rộ tại Hà Nội trong giới sinh-viên trường thuốc lúc bấy giờ. Bác-sĩ Phạm-văn-Phán cho diễn liên-tiếp hai vở kịch xã-hội : vở « Đời Thiếu-Niên » và vở « Đời Mới », tại nhà hát lớn Hà-Nội với thành-phần diễn-viên toàn là nam nữ sinh-viên, mà hiện nay các bạn đó đã trở thành bác-sĩ hay dược-sĩ có danh tiếng, như bác-sĩ Hoàng-cơ-Bình đóng vai chính trong vở kịch « Đời Thiếu-Niên », một anh chàng thư-sinh tha thiết yêu người tình lý-tưởng của mối tình đầu, phóng-tác theo cuốn Trà Hoa Nữ của A. Dumas.
Tiếp theo là vở kịch Đời Mới, cũng thuộc loại xã-hội, đả phá thành-kiến hẹp hòi, lạc hậu, ngăn cách giai cấp. Trong vở này, bác-sĩ Nguyễn-văn-Liêm, hiện nay trong nhóm Pasteuriens của viện Pasteur Saigon thủ vai chính. Đái-đức-Tuấn, tức Tchya, bác-sĩ Dương-tấn-Tươi, bác-sĩ Hoàng-gia-Hợp là đạo-diễn, dàn cảnh và cố-
vấn.
Hai vở kịch này đã mang lại kết-quả vượt mức. Tất cả Hà-thành nhất là phái đẹp, đã đến coi kịch đông như đi hội chùa Hương. Quý cô muốn kén chồng, kén
45
các ông bác-sĩ trẻ tương-lai, đều có mặt đông đủ, có thể ví như đời xưa các nàng công-chúa mở hội hoa đăng tung cầu, kén phò mã… : « Đời Mới », « Đời Thiếu Niên ».
Bác-sĩ Phạm-văn-Phán, anh là ai ? Sẽ được trình-bầy trong mục chuyện thân tình của Hồi-ký này.
46
1) THAU’S COCKTAIL
Ban kịch Dân Mới bị cấm. Câu-lạc-bộ Dân Mới biến thành bar. Nguyễn-đình Thấu ở Paris vừa về, làm barman. Thấu trẻ, khỏe, bảnh, cao 1 th 75, « chịu chơi », con tổng-đốc, quán quân thi xe hơi Hà-nội, Tam-Đảo, trưng sướng : có huy-chương vàng tại Festival-Nice về khoa pha cocktail. Không ai được trông thấy huy-chương của Thấu, và cũng không ai biết thưởng-thức Thau’s cocktail ngon hay không, nhưng được biết mỗi ly cocktail của Thấu, có một trái vải tiến vua của Hà-Nội ngon ví như xoài cát của Saigon. Thau’s cocktail được quảng-cáo trên báo Việt, Pháp, và còn được in thành bích chương mầu dán trên tường kính của bar và ngoài cửa.
Một buổi chiều, hai lính lê-dương vô bar, gọi luôn 6 ly. Uống xong, to tiếng :
« Les cocktails, ce truc, ce bluff américain… ça me connaît… c’est de la cochonnerie… Qui-est-ce Thấu, ce mandarin, ce Mit parisien à la mangue… à la noix de coco… J’suis boxeur moi… y a longtemps. J’perds l’habitude de payer… J’m’en fous et J’m’en contrefous… Suis de Paname moi, Paname n’est pas Paris et Paris, un patelin de Paname… Boy, dis à ton patron qu’il est C… et pas Parisien pour un sou ».
Gặp boxeur thật, Thấu ở bên trong nghe rõ không dám ra mặt, nhưng dám đánh võ miệng với giọng Parigot :
« D’acc. Tout ça sur mon compte, c’est la tournée du Patron, sommes compatriotes de Pigalle… J’suis C… comme tu le dis, mais C… de Paname, un comte rencontre un autre comte, ils se racontent des histoires de Comte… Ah qu’elle est belle la tour Eiffel, qu’il est beau le Trocadéro et quand on a là quelque chose qui n’est pas de bois, ça fait tout de même plaisir de revoir Paname… »
Hai lính lê-dương vốn là nhãi ranh ở Paris, có lẽ trốn quá-khứ, đã xé căn-cước nhập đạo binh lê-dương, nghe Thấu nói cảm thấy như đàn gảy trái tim, chạnh lòng nhớ đến quê-hương, nhớ Belleville, nhớ Clichy, liền ôm lấy Thấu hôn, khóc, nói :
« T’me tape un direct sur les sentiments. Suis knock out, t’es vainqueur, T’mon frère pour la vie et un jour. Trois cocktails encore, je paye royalement avec ma solde de sans culotte, c’est la tournée des Grands Ducs décavés ».
Dữ đó, hiền đó, vui tính, láu lỉnh, ranh mãnh, thành thật là dễ cảm, đấy là cá-tính của dân nhãi Ba-lê :
47
« Paris est grand, mais le monde est petit. Ça fait de la nostalgie à tous qui sommes ici, qui l’eût cru ? »
Đó là chuyện thật.
48
2) TỪ CHẦU PHỞ ĐẾN CHẦU HÁT CÔ ĐẦU ĐỐC SAO MỪNG QUAN HUYỆN HÀM
Hai chữ Chầu Phở có lẽ phát sinh từ đó, bởi trước đây người ta chỉ nói Chầu Hát, chưa ai nói đến Chầu Phở bao giờ !… Gốc-gác chữ Chầu Phở như thế này :
Một bạn trong nhóm Dân Mới nhận được điện-tín của người anh họ và cũng là người anh lớn đã hướng-dẫn bạn trong khi còn dậy học ở trường tổng… Ông này cũng là đồng hương của Hoàng-tích-Chu, nên trở thành người bạn chung của nhóm : toàn thể anh em ra ga đón ông khách quý, bởi ông đã Nam tiến từ lâu và hồi đó đã làm chủ-nhân một nhà buôn lớn ở Saigon.
Nhóm Dân Mới muốn đãi ngộ xứng đáng người anh Nam tiến về thăm quê hương, nên đã dành biệt-thự tiếp tân Fraternité và dự định đặt một đại tiệc tại nhà hàng Métropole.
Khi xe lửa tới ga Hà-Nội, ông khách quý vui tươi thấy anh em nhóm Dân Mới ra đón… rồi rất tự nhiên ông tuyên-bố :
« Xin cảm-tạ các bạn trẻ, tôi về quê-hương chuyến này để ăn khao chức Huyện hàm, bước tiến trên đường danh-vọng của tôi, phép vua thua lệ làng mà… »
Sặc mùi hủ lậu và quê một cục như một trái bom nổ lên đầu nhóm Dân Mới ra đón, ông Huyện hàm lại nói tiếp : Xin nhận bữa tiệc ngày mai và xin kiếu cái phòng tại biệt-thự tiếp tân, vì tôi phải đến ở dinh cụ Tổng-đốc là chú vợ tôi. Cụ là đại quan nhất phẩm triều-đình, đương nhiên cụ đứng trên ông thủ chỉ làng. Tôi sẽ
có dịp trình bày tại tư dinh cụ mọi chi-tiết lễ-nghi, về lễ ăn khao huyện hàm của tôi…
Lại một viên đạn ân huệ giết chết cảm-tình của nhóm Dân Mới đối với ông huyện hàm…
*
Nhưng nghĩ đi rồi lại nghĩ lại, ông huyện hàm có tội tình gì, con người của ông nó như thế nào, xã-hội hồi đó nó như thế, ai đi ngược ông, có nghĩa là đả phá, ai theo ông tức là có lập-trường xây-dựng !
Hơn nữa ông tuyên-bố rất thành-thực và cởi mở, dụng ý làm vui lòng mọi người. Ông có quên quê-hương đâu, và quê-hương là các bạn, nào phải ai đâu ! Ông cởi mở và thành thật rất đáng kính, ông có ngờ đâu câu chuyện của ông lại
49
làm cho anh em nhóm Dân Mới khó chịu đến như thế.
Không nhớ rõ ai đề-xướng ra, hôm sau đúng giờ đã hẹn trước, ba cái xe hơi đưa đông đủ anh em nhóm Dân Mới đến đón quan huyện hàm từ dinh cụ tổng-đốc đến khách-sạn Métropole dự tiệc.
Đoàn xe đến dinh cụ tổng-đốc, quan huyện hàm muốn tỏ ra là quan tân-thời đã Nam tiến từ lâu, nên mặc bộ đồ Smoking, đứng đợi và lên xe đi liền với tất cả tấm lòng thành. Đoàn xe vùn vụt đi đến Métropole, nhưng chỉ xiết phanh ngừng lại một giây, rồi lại xoay bánh chậm-rãi ra đi… đến trước cửa hiệu phở « Phở Hàng Đồng » mới ngừng hẳn. Mọi người xuống xe đi vào hiệu, ông huyện hàm bỡ ngỡ cũng phải theo vào.
Bữa tiệc chỉ có phở tái, rượu Tưởng-giới-Thạch 2. Bàn không khăn phủ, các bình hoa toàn là hoa cỏ lợn mầu đỏ, trông đẹp mắt nhưng mùi hôi. Lại có phường xẩm túc trực, kéo nhị gảy đàn hát những bài nôm na răn đời : Tránh cạm bẫy của vinh-hoa.
Khi hết ngạc-nhiên ông huyện hàm đã nhanh trí đứng lên vui vẻ đáp từ, ông đã nói :
« Tôi chân thành cảm ơn các bạn, nhất là chú Mậu về bữa « Phở có Hát Xẩm » quốc hồn quốc túy hôm nay. Đối với riêng tôi, đối với chú Mậu, Chầu Phở này đáng quý hơn bữa tiệc dự định tại nhà hàng Métropole, mà chú Hợp đã báo trước cho tôi biết… »
Sau Chầu Phở, tiếp theo là Chầu Cô Đầu. Tại nơi đây, sâm-banh nổ bôm bốp, hoa quả đầy mâm, các cô áo xanh, áo đỏ trẻ như như măng, đẹp như mộng, cười như pháo, tiếp đón lịch-sự, đó là nề-nếp của nhà Bà Đốc Sao. Ở đây, quan huyện hàm được các cô kính cẩn : Thưa quan, bẩm quan (Khách hát cô đầu đều được gọi là quan cả : quan viên)
Quan huyện hàm thấy chỉ có riêng mình được xưng hô là quan, nên vui như Tết… Đến lúc ra về, quan huyện hàm tranh nhận lấy phần chi và chi rất « sộp » !
2 Theo tục-lệ Tầu, mỗi khi có tiệc, phải có rượu, nhưng tổng-thống Tưởng-giới-Thạch đã khao quân bằng nước thiên nhiên của Trời cho tức nước mưa, và từ đây người Tầu cố theo gương Tưởng thống-chế, bỏ cả trà, và thường đãi khách bằng nước đun sôi.
50
3) CLUB DES XV
Số đoàn-viên trong tập đoàn Hoàng-tích-Chu còn lại chia làm hai nhóm : Nhóm DUY-TÂN, với những hoạt-động riêng biệt vừa kể ; Nhóm DÂN MỚI lập CLUB DES XV.
Club des XV không hẳn là nhóm chính-trị dưới hình-thức một hiệp hội thân hữu riêng của 15 người sáng lập. Club des XV cũng không phải là nơi tụ họp của số người trước đây trong tập đoàn Hoàng-tích-Chu, nay vì tập đoàn tan rã nên tổ- chức ăn chơi.
Club des XV chống thực-dân, nhưng không có đường lối rõ rệt, bởi chưa ai có thể đứng ra thay thế được người anh cả đã qua đời. Do đó có thể cho rằng Club des XV là hội của một số người bất đắc chí đã đi học ngoại-quốc, thấm nhuần tinh thần tự-do dân-chủ, mà khi về đến nước nhà thì thấy khác hẳn với những điều hay đã học hỏi được, lại bị gò bó về tinh-thần cũng như về vật-chất trong một xã-hội hủ lậu, thối nát, cho nên quá uất ức như cái lọ bịt hơi, càng ép hơi bịt kỹ bao nhiêu, thì có ngày phụt ra mạnh bấy nhiêu. Hơi bị ép phụt ra, đó là khía cạnh hoạt-động của phi công-thức.
Phong-trào này lôi cuốn cả một số người Pháp trẻ mới hành nghề tự-do tại Hà-Nội, đủ mọi thành-phần, xuất thân ở Đại-học Paris. Số bạn trẻ Pháp này không để ý đến chính-trị, chính em gì hết. Họ vào Club để cùng phá tụi Tây thuộc-địa mà họ coi là Tây thực-dân, không còn là Tây chính cống nữa. Tụi chân đen, chân vàng (pieds jaunes, pieds noirs) quê một cục mà ! Số bạn Pháp cũng tân-tiến muốn
ủng-hộ nhóm bạn trẻ Việt mà phần đông đều là bạn học của họ, hoặc ở Lycée Albert Sarraut, hoặc tại các ngành đại-học Paris.
Tóm lại, sự hợp-tác giữa người Pháp và người Việt trong Club des XV hoàn toàn trong tình-cảm, không mang mầu sắc chính-trị nào hết. Thế mà hồi đó, có dư-luận cho rằng Club des XV có người Pháp tham-dự là mưu-đồ của thực-dân, là chính-sách Pháp-Việt đề-huề của Pháp. Nói như thế là nhận xét phiến diện, vì thực ra lúc nào Pháp cũng muốn mua chuộc số thanh-niên du học ở ngoại-quốc về, nhưng nhóm trí-thức ấy có bị lừa gạt đến chỗ làm tay sai cho chúng hay không, lại là việc khác.
Mấy năm sau Ch. Mau’s bị phá sản, câu chuyện này không còn nữa, và người ta biết rõ địa-vị của số bạn trẻ người Pháp này trong xã-hội và hành-vi bất vụ lợi
51
của họ.
Thành-phần Club des XV gồm những người trẻ có sự-nghiệp, làm nhiều tiền, và tụi Tây đều là dân chưa vợ nên một tháng 30 ngày thì 29 ngày ở Khâm-Thiên, và cứ hai ngày tiệc lớn, ba ngày tiệc nhỏ, không kể những tiệc tiếp tân, thương mại của Nguyễn-Toại và Ch. Mau’s.
Taverne Royale là nơi tụ-họp hàng ngày. Hôtel Métropole và nhà hàng cơm Tàu Asia đều dành buồng riêng cho Club.
Jean, chủ hôtel Métropole, dành phòng lịch-sự nhất cho Club và cho những du khách hoặc thương khách ở Pháp đến với sự đồng-ý của hai bên, để sự liên-lạc ngoại-giao của Club được rộng mở, nhất là về thương-mại.
Nói đến thành-phần Club des XV, người viết hồi-ký đã gặp bạn P.L., người trẻ nhất trong Club, hiện ở Saigon, có nhắc đến chuyện xưa và hỏi ý-kiến thì được bạn P.L. trả lời : Hiện người Pháp lúc này không muốn ai nói đến, dù là nói tốt, và riêng tôi chỉ muốn « Pour vivre heureux, vivons cachés ».
Vì vậy, chỉ nêu rõ nghề-nghiệp của họ để hiểu biết họ, với tên viết tắt. Ban sáng-lập hội-viên của Club des XV gồm 7 hội-viên người Pháp :
- Y. de l’Hortet : Chủ ngân-hàng
- René Pierre : Đại-diện thương-mại Á-châu
- Jordan : Họa-sĩ sang khảo-cứu về rồng, phượng
- F.V. : Tùy-viên báo chí
- J.Y. : Bác-sĩ
- De flers : Kỹ-sư
- Paul Leroy : Sinh-viên
Và 8 hội-viên người Việt :
- Chu-Mậu : Thương-gia
- Đặng-trọng-Duyệt : Chủ báo Nhân-Loại, Chớp Bóng
- Trương-vĩnh-Đằng : Chánh-án
- Đào-văn-Tỵ : Sinh-viên dược-khoa
- Đinh-mạnh-Triết : Chủ đồn-điền Gia-Lâm
- Đặng-phục-Thông : Kỹ-sư
- Nguyễn-bỉnh-Nam : Đại-diện bảo-hiểm
- Nguyễn-Toại : Thương-gia
52
Club des XV không nhận Tây thuộc-địa và quan lại. Khi Georges Phước ra Bắc, được toàn-thể Club đón tiếp, anh xin vào hội và được hội đề-cử làm đại-diện ở Saigon để kết-nạp anh-tài. Ngay hồi ấy Georges Phước, Tư Cương, Chu-Mậu, Đặng-trọng-Duyệt đã có ý-định thành-lập ban kịch gồm nghệ-sĩ Nam-Bắc.
Sau vài nét chính về thực chất Club des XV, xin nói đến linh-hồn của nhóm. Nói đến linh-hồn của Club des XV là nói đến một dị-nhân xuất-hiện.
Hội Golfeur Club Chi nhánh Thể thao của « Club des XV » thành lập năm 1929. Tại Saigon ngày nay người ta được thấy Môn Thể thao này tại sân cỏ rộng lớn bên Đường Võ Duy Nguy – Phú Nhuận nối dài… mà 40 năm trước đây Môn Thể thao quý phái của Hoàng-Gia Anh được Club des XV tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam tại Bãi cỏ Trường Đua Ngựa Hanoi.
HÌNH TRÊN : Từ trái sang phải : Chu Mậu, Nguyễn Toại, Thau’s, Paul Leroy Jordan, Yves de l’Hortet, René Pierre.
53
4) PHONG-TRÀO PHIẾM
Ch. Mau’s phiếm, nhưng là cái phiếm của một dị-nhân, trẻ và mới, hạng quốc tế : Đứng-đắn để đùa giỡn và đùa giỡn để đứng đắn.
Trước hết cái tên Ch. Mau’s đã làm cho hầu hết mọi người hồi đó không hiểu là thế nào cả. Thật ra tên Ch. Mau’s chẳng có gì lạ, nó cũng như một tên Pháp, hay Anh, hay Mỹ nào đó, mà Chu-Mậu đã tự đặt ra cho mình, in thành carte, bắt đầu từ khi mở tiệm may lưu-động tại xóm La-tinh (Quartier Latin). Sau đến cách ăn mặc, Ch. Mau’s quan-niệm rằng : mình hành nghề để cho mọi người ăn mặc lịch-sự, và muốn lịch-sự kiểu quốc-tế, thời phải cóp kiểu nào cao nhất cho đúng, chứ không nửa chừng.
Do đó Ch. Mau’s luôn luôn ăn mặc kiểu công hầu bá tước của Pháp, phong nhã quý tộc của Anh. Ch. Mau’s đội nón melon, cầm dù, đi giầy có cổ, ba đờ xuy cổ nhung đen. Như thế mà bát bộ ở Hà-Nội năm 1928 thì quả là một dị nhân xuất hiện.
Một buổi chiều thứ bảy đi qua nhà hàng Coq d’Or, nơi tụ họp dành riêng cho thực-dân hạng sang, một số Tây trẻ tại đó đứng dậy chào : Prince, jet e salue ! có ý chế-diễu, nhưng cũng có vẻ hơi e nể, vì biết Ch. Mau’s mới ở Paris về, và điều chắc-chắn là Ch. Mau’s ăn mặc kiểu Parisien 100%, mà các ông Tây thuộc-địa mới được thấy lần đầu, bởi chính họ bấy giờ cũng còn quê một cục.
Tuy là Tây, nhưng số đông ngồi ở nhà hàng Coq d’Or dễ thường chưa biết Paris bao giờ. Sau lời chào cợt : Prince, jet e salue, Ch. Mau’s cù không cười, đến tận bàn biếu mỗi người một cái carte : « Maître Ch. Mau’s. Tailleur des Champs Elysées. PARIS. Carte in tại Paris ».
Đến một bàn có mấy anh Tây trẻ mới nhận ra nhau là bạn học cũ ở Lycée Albert Sarraut. Champagne nổ tung trong bầu không khí vui nhộn, dịp cho Ch Mau’s làm quảng-cáo.
Hai ngày sau, một ông công-sứ đã đứng tuổi, đến may một lúc 5, 7 bộ quần áo và dặn : Tôi muốn ăn mặc đúng như anh. Anh để lại cho tôi cái dù và cái mũ melon, vì ở Hà-Nội không có bán.
Hồi ấy có thể nói là tất cả Tây Hà-Nội đều là khách hàng của nhà may Ch. Mau’s.
54
Câu chuyện vui trên tỏ ra Ch. Mau’s không những là được khách hàng tin cậy, mà còn được coi là nhà cố-vấn chuyên-nghiệp về y-phục, trọng-tài mỹ-điệu về thời-trang.
Nhờ đó Ch. Mau’s làm ra tiền. Có tiền bỏ ra tiêu không tiếc, làm những công chuyện tầy đình, coi trời bằng vung.
*
Trước khi nói đến công việc của Chu-Mậu khi về nước, cũng nên nhắc lại vài nét về cá-nhân Chu-Mậu.
Mậu theo học tại Lycée Albert Sarraut Hà-Nội. Người ta đến thư-viện để đọc sách, Mậu đến thư-viện để khảo-cứu về sự ăn mặc. Thần tượng của Chu-Mậu là Prince de Galles, và Adolphe Menjou, kép xi-nê ăn mặc lịch-sự nhất của màn bạc thời đó.
Phong-trào Tây du đã gây cho Chu-Mậu bao hoài-bão, mất ăn, mất ngủ. Biết nhà không đủ đài thọ cho đi du học, Mậu chỉ còn một đường là tìm liên-lạc với các ông làm tầu. Hè năm 1923, Ngọc (cóc tía) mới ở Pháp về, bạn học cũ, hiện làm tầu đi đường Địa-Trung-Hải. Ngọc đưa Mậu xuống Hải-Phòng xin được sổ ghi danh hàng-hải. Với sổ ấy, có thể xin làm ở dưới tầu, khỏi phải đi trốn. Mậu theo Ngọc vào Saigon để dễ bề liên-lạc, có nhiều cơ-hội xuống tầu.
Đến Saigon, gặp bạn của Ngọc làm thư-ký ở tầu André Lebon. Anh này muốn xin nghỉ ở nhà ít tháng, nên nhường chỗ cho Chu-Mậu. Mậu xuống tầu được hai ngày thì bị công-an bắt lên bờ, rồi lại giải xuống tàu Onéroque giao trả về Hải Phòng. Thì ra vì bỏ học không xin phép, nhà trường báo cho gia-đình biết, nên mới có chuyện đi trình công-an tìm bắt hộ.
Năm sau, nhờ có Chu ở Pháp về, và nhờ Chu thuyết-phục được các cụ, nên Chu-Mậu được phép đi Pháp. Nhà chỉ có thể cấp 100$ mỗi tháng.
Sang đến Pháp, Chu-Mậu một năm sau đã kết thân với Georges Phước (Bạch công-tử). Chu-Mậu hóa thân thành một hào hoa công-tử quốc-tế, một triệu-phú ăn chơi nhưng túi không xu. Mà đúng vậy, hàng ngày Mậu chỉ có đủ tiền trả một tách cà-phê với một bánh sữa và tiền giặt cái gi-lê trắng mặc với Habit. Đêm nào cũng phải thay quần áo, mặc Habit vào để đi những hộp đêm ở Champs Elysées hay Montmartre.
Đây là chương-trình ăn chơi của nhóm Bạch công-tử tại Paris :
55
- Georges Phước ăn ở buồng ngủ (một đầu bếp đưa ở Saigon sang, riêng chỉ để nấu bữa cơm trưa).
- 4 giờ đến café họp bạn. Hai cái bàn đã được để dành riêng cho nhóm. - 5 giờ đi trà vũ cho đến 7, 8 giờ.
- Cơm chiều xong đi nhảy đến 1 giờ đêm.
- Ăn khuya xong, về buồng thay quần áo, mặc Habit hay Smoking, sau 1 giờ đi hộp đêm đến sáng.
- 6 giờ sáng đi chợ (halles) ăn soupe d’oignons (có tiếng trong giới chơi đêm).
- Ăn xong, đi dạo rừng Boulogne, chèo xuồng (canotage) giải lao, và lấy lại sức suốt đêm mệt nhọc của khách chơi đêm, rồi mới về hôtel ngủ đến 2, 3 giờ trưa dậy ra phố hay vườn hoa đi bách bộ để hít chút không khí tốt lành của buổi trưa cho khoan-khoái thân xác một chút.
- Còn 6 tháng đi nghỉ hè : 3 tháng hè xuống bể ; 6 tháng lạnh lên núi.
Tất cả các bãi biển và những nơi trượt tuyết ở Âu-châu đều được nhóm Bạch công-tử đặt chân tới. Cứ thế Chu-Mậu đã mất 18 tháng với Phước. Nhưng nhờ năm trước, Chu-Mậu đã học xong khóa may cắt, nên không mất lý-trí, vẫn theo đuổi nghề-nghiệp, vẫn yêu nghề, quý nghề. Kể cả trong thời-gian ăn chơi, Chu-Mậu cũng không quên chí-hướng của mình, nhờ đó giáo-sư James York dạy may cắt ở
Champs Elysées có cảm-tình đặc-biệt với Mậu, giới-thiệu Ch. Mau’s vào làm phụ- cắt cho một hiệu may ở Versailles.
Ở đây, Chu-Mậu liên-lạc được với những thợ may khéo, những hãng cung cấp len, dạ cho những hiệu may lớn ở Paris như : Dormeuil, Minnis…
Trong thời-gian Phước về Saigon lập hai gánh hát cải lương Phước-Cương và Huỳnh-Kỳ, thì Chu-Mậu ở Paris mở một nhà may lưu-động và được một số bạn bè đặt may. Người khách đầu tiên của Ch. Mau’s là H. M. Giác, sau đến Ngô-Quyền (ngày ấy mới là sinh-viên dược-khoa và y-khoa) rồi đến tác-giả, sau đến Đặng
phục-Thông (sinh-viên trường Hầm-mỏ) và tụi sinh-viên trường này do Thông đưa lại.
Mỗi chủ nhật, nhà may lưu-động Ch. Mau’s độc nhất ở Paris chỉ dám nhận có 2 bộ cắt và thử ngay ở buồng ngủ Chu-Mậu. Với hai bộ, Chu-Mậu có đủ tiền đài thọ cho hai ngày ăn chơi ở Paris. Mỗi sáng thứ hai, 5 giờ sáng đã phải ra ga để về
56
Versailles làm việc ở hiệu may.
*
Hoàng-tích-Chu ở báo Combat, tiếp-xúc với Varenne, một đảng-viên xã-hội được cử sang làm Toàn-quyền Đông-Dương. Chu, Đỗ-Văn, tưởng cơ-hội đã đến, rủ nhau về nước để hoạt-động. Cụ thân-sinh ra Chu-Mậu cũng vừa mới mất, nên tháng 10, 1928, Chu-Mậu cũng về.
Tầu đến Saigon, Mậu đi tìm Phước, nhưng không gặp, vì Phước đi lưu diễn ở lục tỉnh. Bộ tham-mưu của Phước thường-xuyên đóng ở Mỹ-Tho trên một du thuyền. Mãi đến mấy năm sau, Bạch công-tử với gánh Phước-Cương mới Bắc du và tới Hà-Nội, được Chu-Mậu tổ-chức tiếp đón rất ân-cần. Chính Mậu đã tặng bộ đồ Habit cho Bảy Nhiêu là kép đầu tiên mặc Habit trên sân khấu trong vở « Áo Người Quân Tử ». Sau này, ngày ông Triệu-văn-Yên đưa Chim, Giao ra Hà-Nội biểu-diễn quần vợt, Mậu tiếp đón trọng thể ở câu-lạc-bộ Dân Mới, và có tặng một giải « Coupe Ch. Mau’s ».
Về nước, Chu-Mậu đã làm những gì ?
- Xuất-bản tờ Dân Mới, in bích chương để bạn Đỗ-Văn trưng danh tài-nghệ, làm quảng-cáo không công cho nhà Trung-Bắc.
- Mở câu-lạc-bộ Dân Mới để có chỗ cho anh em tụ họp.
- Mở bar Dân Mới, mở Auberge Dân Mới kiểu Montparno-Saint Germain des Prés, tức là mở phòng xã-giao để anh em văn-nghệ-sĩ lui tới. Nói đến Montparno Saint Germain des Prés, phải nhắc đến Maître Đỗ-Đình. Hồi đó người Việt-Nam đầu tiên và có thể nói là người độc nhất trong đám du học thường lui tới các Salons ở Montparnasse và Saint Germain des Prés là Pierre Đỗ-Đình. Trong thời-gian 40 năm tận tụy theo đuổi nghiệp văn, Đỗ-Đình đã trở nên nhà văn có danh tiếng được nhận vào Société des Gens de Lettres tại Pháp và được giới văn-nghệ-sĩ Pháp mến phục và kính nể. Người viết đã chứng-kiến Maître Đỗ-Đình cắt băng khai mạc một cuộc triển-lãm quốc-tế tranh sơn dầu tại Paris. Đỗ-Đình còn được báo Life mời đi du-lịch vòng quanh Trung-Hoa.
- Cho xuất-bản báo Cri de Hanoi, để làm cơ-quan ngôn luận cho Club des XV, để đồng-chí người Pháp có báo bày tỏ lập-trường của người Pháp tiến-bộ.
Thực-hiện những việc trên, Ch. Mau’s bị vỡ nợ mà vẫn vui như thường. Có người hảo tâm bảo Ch. Mau’s thiếu đạo-đức, mở quán Dân Mới gây phong-
57
trào nhảy đầm, ăn chơi, phiếm đãng. Cũng đúng !
Lại có người cho rằng : Ch. Mau’s chả ra cái gì cả, chỉ là anh lập dị, vô thưởng, vô phạt, không hại ai, mà chỉ hại mình đến cho phá sản. Cũng lại đúng nữa.
Sự thực tế-nhị và phức-tạp hơn, bởi trong Chu-Mậu có hai người : một thương-gia có địa-vị và một tay ăn chơi có sách. Mỗi người có thể tìm hiểu Chu Mậu theo quan-niệm của mình, theo cảm nghĩ hay cảm-tình của mình dành riêng cho Chu-Mậu.
Chính kẻ viết cũng chỉ xin nhắc đến cái phiếm của Ch. Mau’s không hơn, không kém.
58
5) TỪ BÚT CHIẾN ĐẾN ĐẤU GƯƠM
Hai hoạt-động đáng được kể nhất của nhóm Dân Mới bởi độc đáo và cũng bởi đến ngày nay vẫn còn như mới toanh ! Tuy nhiên, chúng tôi cũng liệt nó vào hạng Phiếm, nhưng phân-vân bởi thấy trong cái phiếm đó, có cái gì làm lẫn lộn ý-nghĩa xây-dựng và phá-hoại.
Từ khẩu chiến đến bút chiến
Từ bút chiến đến đấu gươm.
- Dân Mới mạt-sát quan lại. Thực-dân muốn bênh vực con cưng, bật đèn xanh, dung dưỡng phản-ứng của nhóm này, tấn công Dân Mới.
- Cơ-quan ngôn-luận của họ là báo Phổ-Thông do một thương-gia chủ-nhiệm. Việc này có dụng ý : để nhà buôn chống nhà buôn. Bọn quan lại nấp đằng sau.
- Họ làm như vậy để đánh lạc dư-luận đó, không phải phản-ứng của quan lại đâu, và chính của tụi con buôn với nhau.
- Đối phương của nhóm Dân Mới có tổ-chức, có kế-hoạch, có chiến-lược rõ rệt. Chúng cho mở chiến dịch chửi. Chửi đều, chửi tục, nêu tên bố tên mẹ ra để chửi, phát-động chiến dịch chửi trên báo Phổ-Thông là đợt 1 của kế-hoạch, còn đợt 2 là bắn tin dọa nạt : Nếu không hàng sẽ bị ăn đòn, ném đá, ném cứt và còn có thể bị đâm chém một mất một còn… Họ còn gửi thư nặc danh, thuê người phao tin, v.v… và chỉ đích danh Chu-Mậu.
- Tài-chánh thừa, thế-lực sẵn, tay sai cầm bút cũng nhiều, em út cầm dao cũng lắm. Bọn quan lại điều-khiển báo Phổ-Thông đả kích riêng cá-nhân Chu-Mậu với cái thế mạnh và ác.
- Ngày hai buổi, tiếng nói bí-mật, gọi điện-thoại chơi kiểu Ba Giai, Tú Xuất chửi, và tuần nào cũng có thư không ký dọa nạt, trong khi ấy báo Phổ-Thông đăng bài hàng ngày chửi Chu-Mậu, bài cuối cùng nêu cả tên bố mẹ. Tất cả đều để nuôi dưỡng chiến dịch chửi, chiến dịch này tràng kỳ chứ không chửi một bài rồi thôi !
Trước những thủ-đoạn hạ cấp của đối phương, Dân Mới họp bàn để đối phó. Trong buổi họp, Lãng-Nhân thuyết-trình :
« Phải dụng quỷ để trị quỷ. Phải dùng vi-trùng giết vi-trùng, đó có thể là thượng sách, nhưng nếu ta tự hạ mình xuống để làm như họ, thì ta lại giống họ sao ? Đành rằng ta chấp-nhận trên nguyên-tắc, phải có quỷ kế, nhưng ta dùng
59
quỷ kế sao cho mã thượng, chớ không thèm ném đá giấu tay như họ… »
Chu-Mậu liền nhắc lại những vụ đấu gươm, đấu súng của một vài nhân-vật của báo Action Française bên Pháp như Léon Daudet, cây kiếm bảo hoàng, chống đối-phương là một nhà văn hay nhà báo thiên tả, và cho đó là anh-hùng mã thượng.
Chu-Mậu vốn đã tập môn thể-thao Kiếm này từ khi còn ở Paris và về Hà-Nội vẫn thường tập dượt fleurets tại Cercle với P.L. là một sinh-viên Pháp có hy-vọng đoạt chức vô địch Đông-Dương thời bấy giờ.
Về luật-lệ đấu gươm : phải công khai tuyên chiến đàng hoàng. Phải có hai người làm chứng. Phải có sự thỏa thuận của đôi bên, phải tôn-trọng luật-lệ đấu gươm, theo ý-kiến de l’Hortet : Thách đấu gươm sau vụ bút chiến có nghĩa là cả đôi bên muốn chấm dứt một sự tranh chấp trên báo chí. Kết-quả tinh-thần của sự tranh chấp sẽ phụ thuộc vào kết-quả cuộc đấu gươm. Tất cả cái hay cái đẹp trong vụ đấu gươm ở chỗ người thua, người được, người bỏ cuộc, người từ chối không chịu đấu, v.v… không quan-trọng lắm. Điểm quan-trọng là cả đôi bên đều có dịp bênh-vực được danh-dự riêng của mình. Như vậy, bút chiến có thể chấm dứt bởi đã được giải-quyết bằng vụ đấu gươm, nếu không cả đôi bên sẽ đi vào con đường bế tắc, không biết đến bao giờ mới có lối thoát, mà hậu-quả chỉ làm hoen ố làng báo Bắc-Hà.
Nhớ lại trước đây tại Việt-Nam, Clémenti, chủ báo Argus thách Albert Sarraut đấu kiếm. Sarraut từ chối kiểu đàn anh kẻ cả, nói rằng :
« Toàn-quyền Đông-Đương, đại-diện cho nước Pháp không có quyền đấu gươm với ai hết ».
Câu nói hợp-lý hợp pháp này đã bảo-vệ được danh-dự của cá-nhân Sarraut và Clémenti cũng vẫn được tiếng dám công-khai thách Toàn-quyền đấu kiếm.
Sau đó từ chuẩn-bị đến thực-hành : Chu-Mậu thảo chiến thư, yêu-cầu gặp chủ báo Phổ-Thông và hai người làm chứng đến nhà hàng Taverne Royale và thông báo đối phương biết tên hai người làm chứng của Mậu là :
- Ông Bùi-xuân-Học, chủ-nhiệm Hà-Thành Ngọ-Báo
- Ông Tế-Xuyên, báo Ami du Peuple.
Buổi gặp-gỡ này có mục-đích để hai bên gặp tận mặt, nhìn thẳng nhau, để cùng ấn-định ngày, giờ, địa-điểm đấu gươm trước mặt bốn người chứng của cả đôi
60
bên.
Chiến thư đã được đưa trước 48 giờ đồng hồ. Đúng ngày, giờ, tất cả phe Dân Mới và hai nhân chứng đã có mặt tại nhà hàng Taverne Royale chỉnh-tề.
Đối-phương khiếm diện. Chu-Mậu thất vọng, bèn gọi dây nói đến phản-đối chủ-nhiệm báo Phổ-Thông, đồng thời hẹn hôm sau đúng 15 giờ, sẽ tới tận trụ-sở báo Phổ-Thông để gặp.
Nói là làm, biết tự-trọng là trọng danh-dự lời nói của mình và trọng đối phương. 15 giờ 1 phút, 5 chiếc xe hơi từ từ tiến vào đậu ngay trước cửa trụ-sở báo Phổ-Thông. Chu-Mậu cùng anh em bước xuống, rất bình-tĩnh, không một ai có ác ý hay có vẻ hung-dữ.
Tại trụ-sở Phổ-thông cửa đóng, bạn P.L. đi trước đẩy cửa tiến vào, rồi tất cả mọi người lên lầu vào phòng giấy ông chủ-nhiệm, rất nghiêm-chỉnh. « Họ chuồn cửa sau cả rồi ». Đó là câu nói duy nhất trong bầu không-khí im lặng của căn phòng. Toàn-thể anh em không một ai phá phách, đụng chạm chi hết, nhà vắng chủ, khách đến có lễ-độ và tất cả anh em đã có cử-chỉ lịch-sự, một tờ giấy ở trên bàn cũng vẫn nguyên như cũ. Riêng lúc ra thấy cửa đóng lại, bạn trẻ P.L. người Pháp, vì tay cầm fleurets, nên mở cửa bằng chân, cái then cửa bị gãy, có thế thôi.
Chu-Mậu tuyên-bố thắng, bởi đối-phương bỏ trốn sau khi đã nhận chiến thư, kể cả cú điện-thoại. Vụ này giá chấm dứt nơi đây thì thật đẹp. Ông chủ-nhiệm Phổ- Thông coi như thua. Mà thực ra được thua có nghĩa gì. Cái nghĩa là ở nơi hai bên giải-quyết song phương một vụ chửi do một bên gây ra, mà đáng lẽ kẻ bị chửi có thể đưa ra tòa.
Lúc đầu, nhóm Dân Mới cũng đã muốn bỏ qua : chó sủa, khách lữ-hành cứ tiến bước. Nhưng rất tiếc, chủ-nhiệm Phổ-Thông không hiểu như thế bởi kiêu-hãnh và ngoan-cố, đã vô đơn kiện : « Xâm nhập gia-cư, mang võ-khí bất hợp-pháp ».
Cảnh-sát tống đạt đòi Chu-Mậu và P.L. người cầm fleurets.
Chu-Mậu khai đầy-đủ chi-tiết. P.L. nhận có mang hai thanh kiếm nhưng là kiếm tập dượt, đâm không thủng chỉ định rỡn chơi. Viên cảnh-sát Pháp cười, rồi mời về cả… Sau đó cho mời cụ thân-sinh của bạn P.L. để trình bày sự việc, bởi P.L. lúc đó còn là sinh-viên.
Cụ đã đến và phản-ứng bất ngờ làm cho viên cảnh-sát phải ngạc-nhiên. Cụ đập bàn và to tiếng :
61
« Tôi kiêu-hãnh thấy con tôi biết đánh gươm, và tôi ủng-hộ Ch. Mau’s vì đã biết tuốt gươm để bảo-vệ danh-dự ».
Viên cảnh-sát lại cười, rồi kính-cẩn tiễn cụ ra đến tận cửa.
Vụ chửi đểu trên báo chí làm dơ bẩn làng báo Bắc-Hà hồi đó, Chu-Mậu đã đơn phương chấm dứt bằng cách thách đấu kiếm, vụ này trước đó chưa từng thấy tại Hà-Nội.
62
6) CHỢ PHIÊN BẠCH-YẾN
Một buổi họp của nhóm Dân Mới. Chương-trình nghị-sự : Ra báo Pháp-ngữ ; Tạo hoàn-cảnh để phát khởi số đầu ; Linh-tinh.
Chu-Mậu khai hội, tuyên-bố lý-do :
« Đã đến lúc phải ra báo Pháp-ngữ, các bạn trí-thức Pháp có cơ-quan ngôn luận bênh-vực lập-trường chống Tây thuộc-địa… »
Lãng-Nhân đề-nghị lấy tên là « Cri de Hanoi ».
Nguyễn-bỉnh-Nam :
« Như vậy ta rập theo loại tuần báo châm-biếm, kèm tranh hí-họa kiểu Canard enchaîné, với khuôn khổ và đường lối trình-bày, cách-thức lập luận khác thường của nó : « Nói có như không. Nói không như có. Nói thật như giả. Nói giả như thật ». Viết được như vậy rất là khó, tôi tự xét chỉ đáng là học trò của Lafouchardière ». (Bạn N.B.N là cây bút số 1 về loại văn này, nhưng bạn rất khiêm tốn)
Chủ bút Lãng-Nhân :
« Đúng, có thể tờ Cri de Hanoi là học trò của tờ Canard enchaîné trong phạm vi thuần-túy báo chí, và ông thày là cây bút số 1 viết văn vào bực thày là lẽ tất nhiên, nhưng một cây bút có lý-tưởng đấu-tranh, nhất là có lửa, sẽ tiến-bộ không ngừng, biết đâu rồi với thời-gian, nghề nghiệp chuyên-môn và mọi vấn-đề khác chẳng sẽ đạt được không bằng thày thì cũng bén gót thày ? Muốn đi thì phải bước, và đây là bước đầu. 10 năm, 20 năm nữa, chúng ta cũng sẽ đứng dừng trong hoàn cảnh này, nếu không có ai bắt đầu cất chân lên từ bây giờ ».
Toàn thể anh em nhất-quyết ra báo, tài-chính sẽ được bàn sau (Pháp-ngữ đã được dùng trong buổi hội họp này, bởi phân nửa là anh em bạn trẻ Pháp trí-thức tới dự buổi họp).
Đặng-phục-Thông :
« Hoan-nghênh ý-kiến của Lãng-Nhân. Tôi nhận thấy ra tờ Cri de Hanoi là việc có thể làm được, nhưng còn việc làm thế nào cho tờ tuần báo ấy sống được, cũng phải đồng thời nghĩ đến, nhất là phải làm thế nào có hoàn-cảnh thuận-tiện để phát-hành số đầu ».
63
Đỗ-Văn :
« Lo xa là phải rồi, nhưng ta cứ làm đến đâu hay đến đó, còn hoàn-cảnh đặc biệt để cho chú ý đến báo, ta sẽ tạo nó ra ngay ngày mai, có khó gì ».
Đến đây, hội-nghị bàn kín : làm một cái gì bí-mật, với sự cộng-tác mật-thiết của số bạn trẻ Pháp. Bí-mật này đến phút chót mới bật mí. Cũng xin nhắc lại điểm quan-trọng nhất trong buổi họp này, toàn-thể anh em Việt Pháp « Club des XV » bầu Lãng-Nhân làm chủ nhiệm.
64
7) TỪ HỘI-NGHỊ QUỐC-TẾ ĐẾN CHỢ PHIÊN BẠCH-YẾN
Hai sự việc quan-trọng đang diễn ra tại Hà-Nội : Việc thứ nhất, hội-nghị kinh tế giữa các đại-diện ngoại-quốc và chính-quyền bảo-hộ sẽ được khai-mạc trong ngày ; việc thứ hai là chợ phiên Bạch-Yến giúp quỹ xã-hội thành phố cũng được cắt băng đúng lúc.
Nguyên là ở hội-đồng thành-phố, các quan nghị có lẽ vì gật đầu nhiều quá nên mệt, muốn làm cái gì cho vui, bèn đề-nghị cùng quan đốc-lý Tây cho mở chợ phiên để vừa mua vui vừa gây quỹ.
Muốn tô điểm cho chợ phiên thêm hương sắc, các quan nghị có sáng kiến mời hoa khôi Bạch-Yến vào ban tổ-chức, đại-diện cho giới phụ-nữ. Cô Bạch-Yến không đại-diện cho ai cả, và chức hoa-khôi của cô ấy cũng chỉ là danh-từ do mấy ông nghị khen tặng cô (Cô có cái đẹp của người lai).
Thôi thì đít-cua đít-cáy lung tung beng, ban tổ-chức rồn rập ra vẻ lắm, nhưng dân-chúng không hưởng-ứng mấy. Vắng tanh, cái trò chợ phiên đã nhàm rồi. Bạch Yến ngáp dài, buồn ơi là buồn !
Hai việc trên là một cơ-hội độc-nhất vô song để Đỗ-Văn hiến kế : kiếm đề tài, khai thác hình ảnh, phát-hành tuần báo Cri de Hanoi. Họa-sĩ Jordan mới ở Paris sang, chưa ai biết mặt, nhận đóng vai thanh-tra mật-thám chính-thức đến báo cho Ban tổ-chức chợ phiên :
« Ông Hoàng Ấn-Độ cùng quý phu nhân sẽ vi hành ghé thăm chợ phiên vào hồi 15 giờ. Hơn nữa, sẽ có nhiều nhân-vật quan-trọng Pháp và ngoại-quốc cùng sĩ quan người Xiêm tháp tùng… »
Tin này làm cho chợ phiên đang vắng như chùa bà Đanh, bỗng nhiên tấp nập : dân-chúng kéo đến như nước lũ ! Lạ thật, tin đồn không cánh mà bay, có mấy tiếng đồng hồ sau đó mà chợ phiên đông như ngày hội « cát tó » !
Toàn-thể ban tổ-chức chuẩn-bị nghênh-tiếp vị quốc-khách. Hoa-khôi Bạch Yến tô son điểm phấn lần chót, cầm sổ vàng túc trực. Số cảnh-binh được tăng cường, các em nhỏ nữ-sinh đứng thành hai hàng rào, lối cửa vào. Năm cô xinh nhất cầm sẵn bó hoa để tặng thượng khách. Đặc-biệt là hai cụ bác-sĩ và kỹ-sư nghị-sĩ oai vệ trong dáng điệu chỉ-huy. Đợi đến 15 giờ 25 phút, tức là quá 25 phút rồi mà chưa thấy gì cả. Đột nhiên một ông thanh-tra mật-thám Pháp lái chiếc xe
65
hơi lớn và bóng nhoáng ghé vào cửa, nói : Ông Hoàng cáo lỗi, và sẽ đến vào hồi 16 giờ, sẽ đi xe này, rất có thể phu-nhân không đến được vì đi đường xa còn mệt.
Tất cả mọi người đều vui vẻ đứng chờ. Ông kỹ-sư (lớp cũ) ở Pháp về, thạo Pháp-văn, nói trào-lộng : « L’exactitude est la politesse des Rois ! » Rất đắc ý về câu nói, ông kể tiếp : Vua Louis XIV ngày xưa đến dự một buổi lễ. Khi đến, thì đã quá giờ chính thức từ lâu rồi, vua bèn hỏi quần thần đứng đón : Các khanh đợi từ lâu rồi phải không ? Các quan đồng thanh trả lời : Tâu hoàng thượng, chúng thần vừa mới tới. Vua liền quay lại nói nhỏ với quan hầu : « J’ai failli attendre. L’exactitude est la politesse des rois ».
Câu nói ấy có nghĩa là : vua và quan đều đến đúng giờ, nếu vua đến sớm một tí thì vua có lẽ đã phải đợi. Câu chuyện chơi chữ của nghị-sĩ kỹ-sư lớp cũ thạo tiếng Pháp, nó tế-nhị quá, nó Tây quá, rất khó hiểu, nên chả ai cười.
Đứng lâu, mọi người đều mệt… Một xe hơi lớn và mới tiến vào cửa chợ phiên. Người Pháp cầm lái, bên cạnh có hai sĩ-quan Xiêm. Phía ghế sau, ông Hoàng Ấn Độ, cái mũ như cái đấu đỏ, ngồi giữa, hai bên là hai nhân-vật người Pháp hay ngoại-quốc (?) Nhóm cảnh-binh xếp hàng giữ trật-tự, hô chào quân cách.
Cô Bạch-Yến bảo các em nữ-sinh : Bà Hoàng mệt nên không đến, vậy đợi chị ra hiệu, sẽ dâng hoa lên ông Hoàng.
Xe ngừng lại, người Pháp bẻ lái xuống trước mở cửa, đứng thẳng người như gỗ. Ông Hoàng và hai nhân-vật nghiêm chỉnh lần lượt xuống xe. Các em dâng hoa, ông Hoàng đón nhận trao lại cho tùy-tùng.
Ông trưởng-ban tiến lên cúi chào ông Hoàng, rồi hướng dẫn ông Hoàng đi thẳng vào phía trong dự tiệc Lunch. Lúc đó mặt trời hướng tây chiếu lóa mắt cả mọi người. Champagne nổ, kẹo bánh, hoa đầy bàn. Cô Bạch-Yến tay cầm sổ vàng, lăm le đợi lệnh ông trưởng-ban để tiến lên xin chữ ký, cho ông Hoàng có dịp chiêm ngưỡng hương sắc của cô.
Thế rồi, không hiểu vì đâu, tại sao, chính cái ông nghị kỹ-sư vẫn đứng sát ông Hoàng từ phút đầu, tự nhiên mặt xám như chàm, hét lớn như điên : Chính thằng Ch. Mau’s đây, chẳng phải ông hoàng nào cả ! Chúng ta bị nhóm Dân Mới nó lừa rồi. Cảnh-sát đâu túm lấy chúng nó, đưa lũ mọi ra tòa…
Ông ấy điên hay sao, chứ cảnh-binh nào dám dụng đến hai sĩ-quan Siam 100% và ba nhân-vật tháp tùng là người Pháp ? Ch. Mau’s giả ông Hoàng ư ? Thì
66
có ai biết ông Hoàng thật thế nào mà bảo Ch. Mau’s là ông hoàng giả ?
Nếu cảnh-sát tuân lời ông trưởng-ban chợ phiên, thì chuyện này đã trở thành chuyện lớn phương hại đến vấn-đề ngoại-giao không biết chừng, vì sự hiện diện của hai sĩ-quan Siam 100%.
Lúc đó, người chụp hình của nhóm Dân Mới chụp lia lịa và không biết ai đốt pháo nổ tung, dân-chúng trẻ già cười vui như Tết, mọi người bao quanh Ch. Mau’s ngắm nghía thích thú cái mũ đỏ chà và, coi thực ngộ và lạ mắt. Lúc đó cũng không hiểu dân-chúng thích hay không thích, có lẽ chưa ai có một ý-thức phản-ứng nào rõ rệt, vì sự việc mới mẻ và lạ lùng quá. Nó không phải là việc hay, mà cũng không phải là việc dở, nó thế nào ấy, nó đến bất ngờ và nhanh quá. Khi chưa ai kịp nghĩ gì cả, thì có đám trẻ là thật tình vui sướng nhất, tiến bừa lên bắt tay ông Hoàng Ấn-Độ.
Câu chuyện đùa dai này của nhóm Dân Mới được kết-thúc bằng cách mở cửa sau cho Ch. Mau’s chuồn… do ông cẩm Tây tiếp tay, điểm chót của kế-hoạch Đỗ Văn với sự cộng-tác của một số bạn trẻ nhận cộng-tác công khai và bí-mật rất khó khăn và nguy-hiểm, như việc đóng giả thanh tra mật-thám, như việc đánh lừa hai sĩ-quan Siam thực đi tháp tùng, coi thường luật-pháp.
Tuần báo Cri de Hanoi ra mắt ngay hôm sau, trang bìa có bức hí-họa vẽ Ch. Mau’s đội mũ chà cầm bút, dưới đề bốn câu :
« Laissant mètre et ciseaux
Fier de la tâche qu’il assume
Contre les femmes et les sots
Aujourd’hui Mau’s prend la plume ».
Trong những trang ruột có tin vịt, thật giả giả thật và nhất là có hình cô Bạch Yến dâng hoa cho ông hoàng, khiến báo in ngày đêm không xuể bán đắt như tôm tươi. Mấy hôm sau, khi cơn tức giận đến một cách đột ngột rồi đi cũng đột ngột, ông kỹ-sư trưởng-ban trước đó thốt ra nhiều câu không đẹp, nay tỏ ra rất thông minh, bỏ qua và nghĩ lại : Cười trừ còn hơn mếu dở. Đó là câu an-ủi của kẻ bị mọc sừng.
67
68
8) CHỢ PHIÊN BÁCH-THẢO
Năm ấy phủ thống-sứ Hà-Nội ấn-định cho mở chợ phiên lấy tiền làm việc nghĩa. Số người hưởng-ứng cho đó là việc hay của chính-quyền bảo hộ. Số người khác không ưa bảo rằng : Bầy trò ra để bòn tiền dân, dân đã nghèo, lại nghèo thêm. Nói xuôi nghe ngược, nói ngược nghe xuôi nói thế nào cũng được. Việc gì cũng vậy, như nghe xuôi nói thế nào cũng được. Việc gì cũng vậy, nhất là một cái gì có tính-cách nghĩa-cử, còn hơn không làm gì cả.
Không rõ ai đề-cử, phủ thống-sứ cho mời Ch. Mau’s đến và giao-phó tất cả mọi công việc tổ-chức. Ông thống-sứ Chatel muốn tức là lệnh rồi, hơn nữa là việc nghĩa, Ch. Mau’s không có lý-do từ chối.
Mọi người đều rõ chợ phiên nào cũng thế, cũng bấy nhiêu trò chơi, cũng bấy nhiêu gian hàng. Nếu được phép đánh bạc trá hình hay công khai như chơi xóc đĩa, tài sỉu thì tiền vào như nước. Trái lại nếu cấm, thì thu bất cập chi. Biết rõ như vậy, Ch. Mau’s phải tìm một cái « đinh » thật hấp dẫn. Hồi chính-phủ Diệm, B.S. họ Lý bay sang Nhật để mộ đoàn Music-hall về biểu-diễn tại chợ phiên Thị-Nghè, dân
chúng rất hoan-nghênh khi cô đào Nhật hát bài Nắng Chiều, khi đoàn vũ-nữ Nhật nhảy các vũ-điệu Anglo-saxon, Sud-américain, Negro, biểu-diễn cả bộ-môn Danse sur la pointe là vũ-điệu khó nhất của Tây-phương phải luyện từ khi còn nhỏ. Kết quả tinh-thần rất lớn, nhưng ít người để ý đến số tiền khổng-lồ bỏ ra thuê 100 diễn-viên, bao nhiêu tấn y-phục và tranh cảnh, tiền tầu bay từ Tokyo về Saigon.
Trước B.S. họ Lý 40 năm, Ch. Mau’s cũng hiểu rõ như thế, và Ch. Mau’s lại không có hoàn-cảnh, phương-tiện như B.S. họ Lý sau này, nên hồi đó Ch. Mau’s phải tự tìm kiếm một cái « đinh » cây nhà lá vườn. Cái đinh ấy là đại nhạc vũ trường.
Tổ-chức dạ hội, rất thích-hợp với những người ăn chơi có sách, là một dịp cho Ch. Mau’s thi-thố khả-năng và sở-trường. Vốn là người không vụ lợi, chỉ thích chơi, nên Mậu giao phó các bộ-môn thường-xuyên của chợ phiên cho người chuyên môn, chỉ dành riêng cho mình việc tổ-chức cái đinh, làm thế nào cho thực vĩ-đại.
Hồi đó, có dư-luận cho rằng Ch. Mau’s quá ngây thơ, không biết lợi dụng cơ hội để làm tiền, hơi đâu ăn cơm nhà vác ngà voi ! Sở dĩ Ch. Mau’s thành công được chuyến này là nhờ nhóm Tây du, số bạn trẻ đó cũng bất vụ lợi, giúp để lấy tiếng chơi cho đỡ buồn, buồn vì mới ở Pháp về như biển vào ngòi và buồn thì chơi cho
69
vui, có thế thôi.
*
Cái đinh của nhóm Ch. Mau’s
Kiến-trúc sư Võ-đức-Diên đã mất cả tháng để xây cất vũ-trường Lolo trên đỉnh núi Nùng. Lolo là tên cô nàng Thái Trắng Lạng-Sơn mà trước kia đã có nhà khảo cổ Tây phương bảo là thuộc giống Aryenne, giống mà Hitler dành riêng cho người Đức quốc xã. Lời tuyên-bố ấy đứng đắn hay không, ai mà biết được ! Còn núi Nùng ngự-trị trong vườn Bách-Thảo, cùng với sông Nhị, là ngàn năm văn vật đất Thăng-Long ! Còn Võ-đức-Diên, kiến-trúc sư có thực-tài lại là nghệ-sĩ đã làm bầu nhiều gánh hát và điều khiển nhiều ban kịch.
Đinh-mạnh-Triết chủ đồn-điền Gia-Lâm, phụ-trách giám-đốc vũ-trường. Con người quý-phái miền Nam hạng quốc-tế ấy lịch-sự có thừa, chịu chơi số dách.
Tất cả phần soạn thảo chương-trình truyền-đơn quảng cáo thuộc lãnh-vực của bạn Nguyễn-bỉnh-Nam, một cây bút Pháp văn độc-đáo, tung chữ như bay, dùng chữ như gảy đàn. Dư-luận người Pháp hồi đó đã công-nhận rằng : Mít viết văn Pháp như rứa, thì Pháp chính cống cũng thua.
Như vậy sau một tháng trời, mọi công việc xây cất và chuẩn-bị đã hoàn-tất đúng như dự-định : ngày đại hội bắt đầu. Đêm chính-thức đầu tiên mở vào hồi 20 giờ :
- Thống-sứ Chatel bận lễ-phục đến chủ-tọa theo đúng nghi-lễ.
- Tổng-đốc trẻ và vui tươi V.V.Đ. với « Ba mươi và ba mươi » tuổi xuân đến khai hội với một hoa khôi Thượng-Hải, đẹp như bức tranh Tầu.
Bà giáo Lộc hướng-dẫn 20 nữ-sinh trường Hàng Cót ăn mặc đồng phục Lolo đúng như 20 cô nường Thái Trắng, phụ-trách bán hoa và gắn phù-hiệu.
Có thể nói rằng : tất cả thanh lịch Việt, Pháp tại Hà-Nội và các tỉnh miền Bắc đều có mặt tại Buổi chính thức khai-mạc đại hội. Đại hội đó lấy tên là « Bal des Fleurs ».
Tại sao lấy tên Bal des Fleurs ? Như ở bên Pháp, hàng năm thường có Bal des Petits Lits Blancs, có nghĩa là giúp bệnh-viện và bệnh-nhân. Nếu bỏ chữ viết mà đọc miệng thì sẽ là « Bal des Petits Lys Blancs », tức là dạ hội của những bông huệ, xinh xinh và trắng trắng… mầu hoa phù hợp với cảnh vũ-trường. Do đó nhóm
70
D.M. đặt tên cho buổi đầu chính thức đó là Bal des Fleurs. Quả thật vậy, toàn hoa là hoa. Quý bà, quý cô và nhất là những cô nường Thái Lolo miệng cười như hoa, hoa cài mái tóc, trăm hoa ganh đua mầu sắc để làm việc nghĩa.
Tổ-chức thi hoa (trình bày bó hoa) là những phút đẹp mắt nhất của buổi dạ hội. Nhiều bó hoa được trình bầy bởi những bàn tay mỹ-thuật, khéo léo vô cùng. Bó hoa được giải nhất là bó hoa mang mầu sắc quốc-kỳ, đã được thống-sứ mua với giá 10.000$, tức là trên 1 triệu đồng bây giờ.
Trước mầu sắc tươi thắm của muôn ngàn bông hoa, một số quý phu-nhân ngoại quốc đặt câu hỏi : sao Hà-Nội lại có thể có nhiều hoa hơn Paris, hơn Monaco được ? Tại quý phu-nhân chưa rõ đó thôi. Địa-điểm vũ-trường Lolo nằm trong vườn Bách-Thảo, chung quanh vườn Bách-Thảo là trại hàng hoa, và tất cả các làng chung quanh đều sinh sống về nghề trồng hoa. Buổi dạ hội đã cho họ một dịp hái ra tiền.
Sáng hôm sau, tờ báo Pháp tại Hà-Nội đã cho ra mấy dòng chữ về lời tuyên bố tại chỗ của thống-sứ Chatel : Kết-quả tinh-thần của đại hội vượt qua sự mong ước của chính quyền.
71
9) DẠ-HỘI THỎA-HIỆP
Đêm thứ hai là Dạ-hội Thỏa-hiệp. Đây là cái Đinh của cái Đinh Ch. Mau’s. Trong nhóm Club des XV, anh em Pháp Việt bàn tán, có lẽ Mậu xuất-hiện hôm nay để hứng lấy sự thành công của mình, nhưng xuất-hiện vào giờ nào, ai mà biết được, vì mấy hôm trước Ch. Mau’s đóng cửa không tiếp khách và đi về giữ rất bí
mật. Lại có người cho có lẽ anh ta bị bệnh vì làm việc quá nhiều. Vì là người đứng tổ-chức toàn cục, nên không có in trong chương-trình là phải xuất-hiện giờ nào, hay đêm nào.
Trong khi vũ-trường đang im lặng, nghe nhạc đệm đợi nhảy đầm thì bỗng một hồi trống nổi lên. Mọi người ngơ ngác hỏi nhau : thống-sứ Chatel đã đến chủ tọa hôm qua rồi, hôm nay nhân-vật quan-trọng nào đến đây mà trống dong cờ mở ? Rồi tất cả mọi người nhìn ra cửa, nhìn xuống phía chân núi, một vài bà đầm quý-phái lấy ống nhòm ra nhòm.
Ai đến ? Chưa ai biết cả, phút hồi-hộp đợi chờ. Từ ngoài cửa tiến vào, với những bước nhẹ nhàng, khoan thai, có mực thước, người ta thấy một người mặc Habit, đội Haut de forme (claque), tay cầm gậy mun bịt ngà, choàng áo Cape lót satin trắng, thiếu-nữ đi kèm là một hoa-hậu lai đen, mặc áo dạ hội bằng mousseline của nhà may tên Gris-Mauve, do một phụ-nữ Nga trắng làm chủ (phụ-
nữ trắng ấy là vợ của cây bút Pháp văn Nguyễn-bỉnh-Nam).
Phải chăng đôi tài-tử điện ảnh từ Hồng-Kông mới sang ? Nhất định là thế rồi, Hà-Nội có ai mặc Habit như rứa ! Ai cũng nhìn, ai cũng đợi, ai cũng muốn rõ, trong khi ấy trống vẫn nổi lên và xướng ngôn viên không giới-thiệu gì hết. Phút hồi-hộp vẫn còn.
Cặp khách lạ tiến vào vũ-trường, cũng chưa ai biết rõ là ai, ngọn đèn phare bật lên. Ai ? Ai ? Như một trái bom nổ, Ch. Mau’s đây, chứ nào phải ai đâu. Các bạn Pháp trong Club des XV nói lớn : C’est bien lui, en chair et en os. Ch. Mau’s người thẳng như cành trúc, ép mũ claque vào ngực phía trái tim, kính-cẩn chào mọi người, điệu-bộ uyển-chuyển tự nhiên, phong-lưu mã thượng. Các bạn Pháp trong Club des XV lại nói lớn : Comme une fleur ! Cả vũ-trường nổi sóng, bởi sự
bất ngờ đã đến hợp tình, hợp cảnh nhất là đúng thời khắc, khi sự bất ngờ lên đến tột đỉnh của nó ! Do đó không ai kìm chế được sự bồng-bột tự nhiên, tất cả ồ-ạt tràn vào vũ-trường, hoan-hô cặp Ch. Mau’s như sóng cồn. Nếu không nói là nhất
72
dạ đế-vương của Ch. Mau’s thì cũng có thể cho đó là những phút thần-tiên của một cuộc đời ông Hoàng giả tạo, mà chính Ch. Mau’s luôn luôn đùa cợt, coi nhẹ tất cả những gì thời đó trọng hay khinh…
73
10) DẠ HỘI THỜI-TRANG
Đêm thứ ba hướng về mỹ-thuật nhiều hơn, nhất là về trình-bầy cải-cách y phục dạ hội của phụ-nữ Việt-Nam do Ch. Mau’s và họa-sĩ Lemur sáng tạo. Bạn Jim Sao (Phang Gine Sao) lịch-thiệp và hoạt-bát, làm xướng ngôn viên, dùng 3 thứ tiếng Tầu, Pháp, Anh. Riêng tiếng Việt, bạn Jim Sao dùng cả giọng Nam và Bắc, hiện giờ người ta gọi là giọng thời-đại. Quả danh bất hư truyền, bạn Jim Sao, giáo sư Anh-ngữ có thực học và thực tài. Sau khi một bạn trẻ mặc Habit trắng mới ở Pháp về trình-diễn điệu nhảy Charleston, « con gà tức nhau tiếng gáy », Jim Sao cũng mặc Habit, cũng ra đồng diễn và cả hai đều được vỗ tay hoan-hô nhiệt-liệt.
Sau cuộc trình-bầy y-phục được bắt đầu : các cô mặc y-phục Việt-Nam lần lượt qua cầu ánh bạc không kém gì các cô kiều-mẫu của Paris hoa-lệ. Hai giải nhất về cả nhà may Gris-Mauve :
- Kiểu áo dài Việt-Nam dạ hội của Lemur vẽ.
- Kiểu áo dạ hội đen trắng của đào đi cặp với Ch. Mau’s.
Đặc-biệt là cái áo dài của cô nữ-sinh trường Lycée Albert Sarraut mặc mầu vàng hồng. Thiếu-nữ này hao hao giống người đẹp la-tinh, tóc đen, mắt đen, có ánh xanh, thoạt trông có thể tưởng lầm là người gốc Ý, hay Nam-Mỹ. Nhưng không, chính là một ái-nữ của vị bác-sĩ Pháp gốc Việt.
Đêm nay được kết-thúc bằng một bản nhạc dành riêng chào mừng một du khách ngoại-quốc. Bạn Đinh-mạnh-Triết giới-thiệu vị thượng-khách đã mua cái áo dài Việt-Nam do cô nữ-sinh mặc bán đấu giá kiểu Mỹ.
Bạn Đinh-mạnh-Triết và bạn Jim Sao hướng-dẫn cô nữ-sinh đến bàn vị thượng-khách. Nàng tiên cởi áo giao tận tay vị du-khách, chiếc áo dài quý giá ấy từ từ được cởi ra thì bạn Triết đã quàng lên vai cô nữ-sinh cái áo choàng…
Ông khách đã mua cái áo dài Việt-Nam không biết giá bao nhiêu, có lẽ vô giá !
74
Đây là bức hí họa đã làm cho « Đông Tây, Duy Tân, Cri de Hanoi » bị đóng cửa (Hí-họa in ra năm 1931, năm 1933 sự việc mới thể-hiện sau khi vua Bảo-Đại hồi loan, nhà văn sĩ đi lọng).
75
PHẦN IV : TỪ ẢNH-HƯỞNG MÃNH-LIỆT VÀ TRỰC-TIẾP CỦA TẬP ĐOÀN HOÀNG-TÍCH-CHU XUỐNG NHÓM NGUYỄN-DOÃN-VƯỢNG
- Các nhân-vật và hoạt-động của nhóm Nguyễn-doãn-Vượng.
- Linh-hồn của nhóm : Nguyễn-doãn-Vượng.
- Đoàn-viên đáng kể : Nguyễn-nhược-Pháp, Phạm-huy-Thông, Nguyễn-Tuân.
Đã là phong-trào do một đoàn-thể phát động, thì ngay hai chữ tên gọi của nó, cũng đủ cho ta thấy phong-trào nào cũng có thời-gian, giới-hạn của nó. Điểm căn-bản là nó đã gây ảnh-hưởng ra sao, nó đã đến, nó đã đi, hay lùi về nghỉ, hoặc biến hình thế nào.
Tập đoàn Hoàng-tích-Chu đã đến rầm rộ bằng cửa chính như một làn sóng mới của thế-hệ cũ, và nó đã đi, nhường chỗ cho các làn sóng khác tiếp tay, trẻ hơn.
Bộ ba Chu, Đắc, Văn đã làm một cuộc cách-mạng thực sự trong làng báo, nghề in Bắc-Hà, các nhóm thanh-niên hồi đó, dù ít dù nhiều, đã mang ảnh-hưởng của họ.
Chúng tôi muốn nói đến nhóm tiếp tay cho họ : nhóm Nguyễn-doãn-Vượng là nhóm đáng kể nhất. Không hiểu việc này có làm vừa lòng bạn Vượng không ? Nhưng hồi-ký này được ghi chép không ngoài tinh-thần ưu-ái, cảm mến toàn thể giới văn-nghệ-sĩ có công xây-dựng nền văn-hóa nước nhà 1928-1968, một sự kiện ai khó tính đến đâu cũng phải công-nhận.
76
1) NGUYỄN-NHƯỢC-PHÁP
Nguyễn-nhược-Pháp và Phạm-huy-Thông là những người đầu tiên của thế-hệ Thơ Mới. Pháp là con cụ Nguyễn-văn-Vĩnh, đã mất khi tuổi chưa đầy 25. Để giới thiệu một thi-sĩ trời sinh ra để làm thơ, làm thơ xong rồi ra đi, không trở lại nữa, xin trích vài vần trong tập « Ngày Xưa » của tác-giả :
« … … …
Thày me ra đi đò,
Thuyền mấp mênh bên bờ,
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô
… … …
Dòng sông nước đục lờ
Ngâm-nga chàng đọc thơ
Thày khen : hay, hay quá !
Em nghe rồi ngẩn ngơ.
… … …
Em nghe bỗng rụng rời
Nhìn ai luống nghẹn lời :
Giờ vui đời có vậy,
Thoảng ngày vui qua rồi ».
Xin thú thật : Trái tim kẻ viết rung động theo từ, theo nhịp điệu, từng chữ, từng câu, không thừa, không thiếu của mấy vần thơ trên.
Phạm-huy-Thông và Nguyễn-nhược-Pháp cũng là hai người đầu tiên của thế hệ Kịch Thơ. Phạm-huy-Thông đỗ thạc-sĩ văn-chương triết-lý đại học-đường Pháp. Hai vở kịch thơ « Anh Nga » và « Huyền-Trân Công Chúa » của Phạm-huy-Thông, và vở kịch xã-hội « Người Học Vẽ » của Nguyễn-nhược-Pháp, đều bị cấm, chưa diễn lần nào.
77
2) NGUYỄN-TUÂN
Tác-giả cuốn « Một Chuyến Đi », kể lại cuộc xuất ngoại từ Hải-Phòng sang Hồng-Kông đóng phim của nhóm Nguyễn-doãn-Vượng, ghi những phút nhục, vinh, phản bội, kiêu-hãnh, ti-tiện, ích-kỷ của một chuyến đi. Kẻ viết chỉ xin đưa ra đây vài đoạn trong nội-dung cuốn sách mà kẻ viết nhận thấy, nếu không lầm, mang ít nhiều ảnh-hưởng của số nhà văn Nga trong thời-kỳ tiền cách-mạng vô sản.
(Trang 10) : « …Nhưng chuyến đi vừa rồi, kéo nhau đến một hòn cù lao vẽ râu, kẻ mày, mượn đến công việc một anh tài-tử màn ảnh, chỉ là một cái cớ để thỏa-mãn một thói tật giang hồ cũ, tôi đã thấy cái tầng sâu nơi lòng tôi và ở nơi lòng những người cùng thuyền… Nói ra thời khi phụ đến cái tình tri-ngộ của hai ông bạn Đàm-quang-Thiện và Nguyễn-doãn-Vượng, nhưng sự thật thì lúc đáp tầu qua Hoa-Nam làm phim, tôi không lấy gì làm nặng lòng. Tôi chỉ biết đây là một cơ hội giang hồ… »
(Trang 24) : « Đối với tôi, sự đổi chỗ trong không gian là một cái thoát-ly mầu nhiệm nhất, thoát-ly khỏi hoàn-cảnh của cuộc đời đứng yên mãi mãi một chỗ, thoát-ly khỏi sự trói buộc bần-tiện của cuộc đời hàng ngày, dạy mãi cho đời những thói quen nô-lệ… »
(Trang 31) : « Đến rồi, riêng tôi thì ngơ-ngẩn nhớ tiếc cái gì quý giá đã tan mất. Cái gì quý giá đó tức là thi-vị ngụ trong sự đi mà không bao giờ ngừng… »
(Trang 93) : « Những luồng khói ấy tự-do trên những khoảng trời vô hạn, còn có những thứ khói bị bó buộc trong phòng chật hẹp kín bưng như khói thuốc lá, khói thuốc phiện, khói lư trầm. Rộng, hẹp, cao, thấp có khác nhau, nhưng tất cả khói đều cảm tôi một cách thấm thía… Khói gợi cho người ta cái hình ảnh thoát-ly và gây một lý-tưởng cho kẻ bực dọc với hiện-tại mong đi gấp đến chỗ tận thiện, tận mỹ… Khói muôn năm… »
(Trang 96) : « Khan tiền… thiếu thuốc… từ chối bạn Kim điếu thuốc… thấy thẹn lòng… Lòng vị-kỷ là một giọt dầu cứ thấm mãi… Điếu thuốc đã xui người ta ăn gian nói dối cả với bạn hiền… nói ra thương tâm lắm, nếu ông không phải là người nghiện thuốc lá, đã có đêm không đọc nốt một cuốn sách vì chưng hết thuốc !… thì nên ngừng lại, coi cái thiên chuyện này là không có – và đừng đọc tiếp ».
(Trang 202) : « Nếu thực vinh-quang, đã phải mua bằng cực nhục và một số
78
nhiều người đeo chiến-công bội-tinh là mang lấy vết sẹo di-tích những ngày chiến bại… Đêm qua thấy sự rời rạc, ghẻ lạnh trong đoàn, tôi có tặng tôi một câu : Ơi ta-ơi là ta ơi ! Viết đến đây, tôi nghĩ tôi nói xấu cả tôi và làm quảng-cáo cho sự ti tiện ».
(Trang 207) : « Tầu cập bến Hải-Phòng… Vụt nhớ đến phận làm cha, làm chồng của tôi ở mái nhà kia, gần hai tháng nay thiếu một người so đũa bên mâm hàng ngày. Mái nhà kia trong phút này, đã là tượng-trưng của tin yêu và chẳng gì, ít ra nó cũng là một bệnh-viện tạm thời cho người ốm ».
Luận điệu mác-xít sẽ phê-bình đoạn này mang nặng tình-cảm-gia-đình… cũng như đã phê-bình một nhà văn khác viết : « Em bé chăn trâu thấy bông hoa bên bờ cỏ, em bé nhẹ nhàng hái mang về, tìm cái lọ cũ, rửa sạch, đổ nước vô rồi cắm hoa vào đó. Em ngồi một mình nhìn ngắm bông hoa như thế… » là có tư-tưởng sai lệch, chưa gột sạch được đầu óc tiểu-tư-sản…
79
"""