" Máu Mực - Cornelia Funke PDF EPUB 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Máu Mực - Cornelia Funke PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo MÁU MỰC Cornelia Funke Making Ebook Project BOOKAHOLIC CLUB Tên sách: MÁU MỰC Tác giả: Cornelia Funke Nguyên tác tiếng Đức: Tintenblut (Inkspell) Dịch giả: Kiều Hoa Nhà xuất bản: Trẻ Năm xuất bản: 2007 Số trang: 1.008 (2 tập) Khổ sách: 13 x 19 cm Giá bìa: 119.000 đồng (2 tập) Đánh máy: Minh Khuê, Quỳnh Trang, Thanh Tâm, Hồng Điệp, Phương Lan, Cường, Duyên, Trần Thị Kim Chi, Minh Huy, Ngọc Nở, Thùy Ty, Phương Lan, Hải Vân, Cẩm Nhung Kiểm tra: Thu Hằng, Huỳnh Lộc, Hồng Nhung, Duyên Ảnh bìa: Đào Nhật Long Chế bản ebook: Thảo Đoàn Ngày thực hiện: 14/08/2012 Making Ebook Project #265 - www. BookaholicClub. com Bạn đang đọc ebook MÁU MỰC của tác giả Cornelia Funke do Bookaholic Club chế bản theo Dự án chế bản Ebook (Making Ebook Project). Mong rằng ebook này sẽ mang đến cho bạn một tác phẩm Văn học hay, giàu giá trị biểu cảm và nhân văn, với chất lượng cao. Chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chế bản ebook tốt nhất, nếu trong quá trình chế bản có lỗi sai sót nào mong bạn góp ý và cho chúng tôi biết những ebook mà đang mong muốn. Making Ebook Project của Bookaholic Club là một hoạt động phi lợi nhuận, nhằm mục đích mang đến những chế bản ebook hay, có giá trị với chất lượng tốt nhất mà chúng tôi có thể với Cộng đồng đọc - người Việt. Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng xin hãy đọc tác phẩm này bằng sách trước hết vì lợi ích cho Nhà xuất bản, bản quyền tác giả và góp phần phát triển xây dựng nền Văn hóa đọc. Hãy chỉ đọc chế bản này trong điều kiện bạn không thể tìm đến ấn phẩm sách. MỤC LỤC GIỚI THIỆU TÁC GIẢ LỜI ĐẦU SÁCH TẬP I Những câu chữ theo đơn đặt hàng Nước mắt cá sấu Ngày trở về của Ngón Tay Bụi Con gái của Lưỡi Thần Farid Quán rượu của dân diễn trò Quyết định của Meggie Cô diễn viên Meggie đọc Thế Giới Mực Đi xa Những vị khách không mời mà tới Fenoglio Hoàng Tử Đen Những tiếng động lạ trong đêm lạ Chỉ một lời nói dối Một món quà cho Capricorn Cú trả thù của mụ Mortola Buổi sáng ngày sinh nhật Khách đến từ phía ác của rừng Ông Vua Thở Dài Mười năm Lạnh và trắng Trong tầng hầm nhà cô Elinor Khu trại trong rừng Kế hoạch của ông Fenoglio Violante Những ngôn từ không thích hợp Chủ nhân mới Cosimo Elinor Người bị tưởng lầm Cái Chết Của Cô Tiên Lá thư của Vũ Công Mây Thuốc mực TẬP II Tiếng la thét Rơm vấy máu Fenoglio được yết kiến nhà vua Thêm một sứ giả nữa Vô hy vọng Đoàn tù nhân Một gương mặt thân quen Giấy và lửa Thân cây bốc cháy Meggie tội nghiệp Tiếng gõ cửa Roxane Lũy Thành bên bờ biển Cối xay Đêm tốt nhất của những đêm tốt nhất Những câu chữ thích hợp Gã Orpheus nổi giận Ông thầy thuốc Schleierkauz Trong nhà ngục của Lũy Thành Đêm Một lá thư của Fenoglio Những câu văn đi lạc Lửa và nước Vô hình như ngọn gió Gã Đầu Rắn Lửa trên tường Trong ngọn tháp của Lũy Thành Đêm Làm gì đây? Hang Chồn Mất hết Ông chủ của câu chuyện Những tờ giấy trắng trong Nhân từ và độ lượng Khách thăm Đêm hôm trước Ngòi bút và cây kiếm Chỉ là một giấc mơ Tráo đổi Chim Giẻ Cùi Niềm hy vọng của Farid Còn lại một mình Một nhà văn mới Đi đâu PHỤ LỤC Về cuốn sách Máu Mực GIỚI THIỆU TÁC GIẢ Cornelia Caroline Funke là một nhà văn người Đức dành rất nhiều giải thưởng trong lĩnh vực văn học cho trẻ em. Funke được biết đến nhất với bộ ba Inkworld; bản dịch tiếng Anh của tập thứ 3 Inkdeath đã được phát hành vào 6 tháng 10 năm 2008. Các tác phẩm của bà phần lớn thuộc thể loại giả tưởng, phiêu lưu và rất nhiều trong số đó đã được dịch sang tiếng Anh. Hiện bà đang sống tại Los Angeles, California. Cornelia Funke đã bán được hơn 10 triệu bản sách trên toàn thế giới. Cornelia Funke sinh năm 1958 tại thị trấn Dorsten nước Đức, là con của Karl-Heinz và Helmi Funke. Lúc còn nhỏ, bà muốn trở thành một phi hành gia hoặc phi công, nhưng sau đó đã quyết định theo học ngành sư phạm tại Đại học Hamburg. Sau khi hoàn thành việc học, Funke làm nhân viên xã hội trong 3 năm, tập trung chủ yếu vào những đứa trẻ có hoàn cảnh thiếu thốn. Cornelia Funke có một công việc minh họa sách, nhưng bà đã sớm bắt đầu viết những tác phẩm của riêng mình, được truyền cảm hứng từ những câu chuyện đã hấp dẫn lũ trẻ nghèo khổ mà bà làm việc cùng. Vào cuối những năm 80 và thập kỷ 90, Funke đã gây dựng tên tuổi tại Đức với 2 loạt truyện cho trẻ em có hơi hướng giả tưởng là Gespensterjäger (Ghosthunters) và Wilde Hühner (Wild Chicks). Tiểu thuyết giải tưởng Kỵ sĩ rồng (1996) là bước đột phá quốc tế của bà. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách Sách bán chạy nhất của tờ New York Times trong 78 tuần, và sau đó là The Thief Lord (Vua Trộm) (2000, dịch sang tiếng Anh năm 2002), đã leo lên vị trí thứ 2 trong danh sách này trong 19 tuần và bán được 1.5 triệu bản. Tiểu thuyết tiếp theo của Cornelia Funke là Inkheart (2003) đã giành giải thưởng BookSense Book of the Year Children's Literature năm 2004. Inkheart (Tim Mực) là phần đầu tiên của bộ ba Inkworld, tiếp đó là Inkspell (Máu Mực) (2005) đã tiếp tục giành giải BookSense Book of the Year Children's Literature năm 2006. Bộ ba được kết thúc với Inkdeath (xuất bản tại Đức năm 2007, phát hành bản tiếng Anh vào năm 2008, bản Mỹ vào mùa thu 2008). Trên trang chủ của mình, Cornelia Funke phát biểu rằng điểm khởi đầu sống còn cho một quyển sách hay là “ý tưởng”, và nếu ý tưởng đó có giá trị thì hãy nghiên cứu những chủ đề thú vị để phục vụ nó và tìm kiếm những địa điểm và nhân vật thích hợp. Bà nói về những ý tưởng: “chúng đến từ mọi nơi và chẳng từ đâu cả, cả trong lẫn ngoài. Tôi có rất nhiều và không thể viết hết chúng trong một cuộc đời này được.” Cornelia Funke cũng nói về các nhân vật của mình: “Hầu hết bọn họ bước vào phòng viết của tôi và sống động đến mức tôi phải tự hỏi bản thân, rằng họ từ đâu đến. Dĩ nhiên, một vài nhân vật là kết quả của suy nghĩ kỹ lưỡng, thêm vào tính cách, cử chỉ..., nhưng những người khác đều sống từ ngay giây phút đầu tiên họ xuất hiện”. Bà cũng cho biết Dustfinger trong “Inkheart” là một trong những nhân vật sống động nhất đã từng nảy ra trong đầu bà. Đối với những người đang mơ ước trở thành nhà văn, Funke khuyên: “Đọc - và hãy tò mò. Nếu có ai đó nói với bạn: ‘Mọi thứ là như vậy. Bạn không thể thay đổi được’ - thì đừng tin một lời nào.” LỜI ĐẦU SÁCH Trẻ thơ muốn đọc sách. Các em đòi hỏi những câu chuyện lớn lao và không cần những mẩu thức ăn dễ tiêu. Ít nhất thì đó cũng là ấn tượng được gây nên bởi những phong trào đọc sách trong mấy năm gần đây. Ý tôi không chỉ nói đến cậu học trò phù thủy Harry Potter hoặc Molly Moon, cô gái với ánh mắt thôi miên, mà cũng muốn đề cập tới cả thành công của tủ sách pháp thuật Bartimäus của Jonathan Stroud (Anh) và các tập Eragon từ công viên rồng của nhà văn trẻ tuổi người Mỹ Christopher Paolini… Đặc biệt đáng chú ý là những cuốn sách đan quyện một thế giới tưởng tượng với thế giới thực, chặt chẽ tới mức độc giả dễ dàng lướt qua lướt lại giữa hai nơi. Những tiểu thuyết đó mang lại cho dòng văn học tưởng tượng một thứ như là một mảnh đất nền tảng. Thế giới trong Máu Mực của Cornelia Funke mang không khí của một chợ phiên thời Trung Cổ: dòng hoạt động nhộn nhịp, thợ thủ công làm những nghề đã từ lâu sa vào quên lãng, trẻ em ồn ào, những lề thói thô bạo và những mối nguy hiểm lớn lao. Trong phần hai này của Tim Mực, những nhân vật được đưa vào một vương quốc được làm bằng câu chữ - vào cuốn sách. Họ bị đọc vào đây bởi giọng nói của những người đọc sách tài năng, những người không chỉ thổi sức sống vào trang sách theo nghĩa bóng. Ngón Tay Bụi, người lúc đầu được xuất hiện trong thế giới thực vì nhầm lẫn, nay quay trở lại chốn cũ và thấy mình không còn dễ sống như trước nữa. Còn Meggie, vốn chỉ muốn chạy vào, ngó qua Thế Giới Mực chút đỉnh, lại không thể thoát ra được. Cô cảm thấy thân thiết với thế giới này, bởi mẹ cô cũng đã từng bị biến vào đây, thời Meggie còn nhỏ. Nhưng giờ thì cả cha cô cũng bị kéo vào đó, và không ít kẻ muốn lấy mạng ông. Với Máu Mực, Cornelia Funke đã chứng minh rằng bà thật sự có được một hơi văn dài, đã được báo trước khi phần một kết thúc trong lời hứa hẹn tiếp nối. Cũng vẫn chính là các nhân vật đã quen thuộc, nhưng Cornelia Funke kể tiếp câu chuyện trong những điều kiện khác hẳn. Nếu trong phần một, chị dệt ra một cuộc kiếm tìm cuốn sách bí hiểm, cuốn Tim Mực đã nhả ra chàng Ngón Tay Bụi thông minh và cả một loạt những gương mặt u tối, với quầng hào quang của tình yêu sách vở còn phần nào quen thuộc với ta, thì cú nhảy vào trong sách cũng có nghĩa là một cuộc di chuyển tới một địa hình xa lạ. Nữ văn sĩ Cornelia Funke, thuở đầu còn bị trách móc vì viết quá nhanh (mặc dù không tác phẩm nào của chị thiếu ý tưởng), ở đây đã chú ý rất kỹ đến chi tiết. Người đọc hiểu cách Ngón Tay Bụi gọi cho lửa múa; người đọc nhìn thấy vẻ buồn rầu của ông Vua, cảm thấy những ánh mắt tò mò của lũ trẻ. Và mỗi lần đổi cảnh là mỗi lần một bầu không khí lạ lùng kỳ ảo được tạo ra. Cuốn sách hấp dẫn tới phút chót. Cornelia Geißle (Tạp chí Berlin) TẬP I h g Tặng Brendan Fraser, với giọng đọc làm nên trái tim cuốn sách, xin hàm ơn anh vì những hứng khởi đam mê. Không có anh, Mo không tới phòng làm việc của tôi - và câu chuyện này sẽ không bao giờ được kể Tặng Rainer Strecker, Vừa là Lưỡi Thần, vừa là Ngón Tay Bụi, Từng từ từng từ trong sách này khao khát chờ mong được anh đọc thành lời. Và dĩ nhiên, luôn được nhắc tới sau cùng nhưng không hề nhẹ ký hơn, tặng Anna, Anna tuyệt vời, cô bé đã nghe câu chuyện trong biết bao cuộc dạo chơi, khích lệ, khuyên nhủ và cho tôi hiểu, thứ gì đã tốt, thứ gì còn phải tốt hơn. (Hy vọng nhiều lắm lắm, rằng câu chuyện về Meggie và Farid giờ sẽ không còn là quá ngắn) h g h g Nếu tôi biết, những bài thơ từ đâu tới, tôi sẽ đi đến nơi đó. Michael Longley h g Những câu chữ theo đơn đặt hàng h g Từng dòng từng dòng Sa mạc của riêng tôi Từng dòng từng dòng Thiên đường của tôi MARIE LUISE KASCHNITZ, Một bài thơ h g Trời đã chạng vạng mà Orpheus[1]vẫn chưa tới. Tim Farid đập nhanh hơn, như mọi lần, khi ngày bỏ cậu cô đơn trong bóng tối. Đầu-Phô-Mai đáng nguyền rủa! Gã ở đâu? Trong tàng cây những con chim đã im tiếng, chết ngạt vì màn đêm đang kéo lên, và những dãy núi gần đó chuyển đen như đã bị mặt trời lặn đốt thành tro. Chỉ chút nữa thôi là toàn thế giới sẽ đen như quạ, kể cả lớp cỏ dưới đôi chân trần của Farid, và những con ma sẽ lại bắt đầu thì thào. Farid chỉ biết một nơi duy nhất mang lại cho cậu cảm giác an toàn trước lũ ma ấy: là chỗ ngay sát phía sau Ngón Tay Bụi, sát đến cảm nhận được hơi ấm của chú ấy. Ngón Tay Bụi không sợ đêm, anh yêu nó. “Sao, cháu lại nghe thấy tiếng quỷ ma rồi hả?”, anh hỏi khi Farid chen đến sát bên. “Chú cần phải nói với cháu bao nhiêu lần nữa? Thế giới này không có ma. Đó là một trong rất ít những ưu điểm mà nó có.” Người đàn ông đứng tựa lưng vào một thân sồi và nhìn dọc con đường dốc quạnh hiu. Anh nhìn lên phía trên kia, nơi một cây đèn đang rọi sáng xuống nền nhựa đường nứt nẻ, nơi các ngôi nhà cúi rạp mình trước những ngọn núi thẫm màu, chưa đầy một tá, chụm sát bên nhau, sợ hãi màn đêm y hệt như Farid. Ngôi nhà của Đầu-Phô-Mai là cái đầu tiên bên phố. Phía sau một khuôn cửa sổ đang có ánh đèn. Ngón Tay Bụi nhìn chăm chăm vào đó nãy giờ đã hơn một tiếng. Không biết đã bao lần Farid gắng sức đứng bất động như thế, nhưng đơn giản là chân tay cậu chẳng chịu ở yên lâu. “Để cháu tới chỗ đó, xem gã ấy đi đâu rồi!” “Đừng!” Nét mặt Ngón Tay Bụi vẫn vô cảm như mọi khi, nhưng giọng nói để lộ tâm trạng anh. Farid nghe thấy rõ nỗi nóng nảy bồn chồn… và niềm hy vọng không muốn chết, dù đã biết bao lần bị lừa. “Cháu có chắc là anh ta đã nói “Thứ Sáu”?” “Vâng! Mà hôm nay là thứ sáu, đúng không nào?” Ngón Tay Bụi chỉ gật đầu và vuốt mớ tóc dài tới ngang vai ra khỏi mặt. Farid cũng đã gắng sức để tóc dài y như thế nhưng tóc cậu xoăn lên và cuộn tít vào nhau một cách bướng bỉnh, thế rồi cuối cùng cậu phải dùng dao cắt ngắn đi. “ ‘Thứ sáu, chờ chỗ dưới làng, bốn giờ’, gã ta đã nói như vậy. Trong khi con chó của gã gầm gừ với cháu dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống thằng bé da nâu!” Gió lùa vào dưới lớp áo len mỏng của Farid, cậu vừa rùng mình vừa xoa hai cánh tay. Một đống lửa nhỏ ấm áp, đúng thế, đó là thứ bây giờ cậu thích, nhưng gió thổi như thế này thì dù chỉ châm một que diêm thôi Ngón Tay Bụi cũng chẳng cho. Bốn giờ… Vừa buột miệng khẽ phun ra một câu rủa, Farid vừa nhìn trời. Chẳng cần đồng hồ thì cậu cũng biết là đã muộn hơn như thế từ lâu rồi. “Cháu nói thật với chú đấy, gã cố tình bắt ta đợi, cái đầu kiêu ngạo ngu xuẩn.” Vành miệng mỏng của Ngón Tay Bụi nhếch lên trong một nụ cười. Càng ở bên nhau Farid càng dễ làm cho anh cười hơn. Rất có thể vì vậy mà anh hứa sẽ mang cậu theo, nếu Đầu-Phô-Mai thật sự đưa được anh quay trở lại. Quay trở lại với thế giới của anh, được tạo nên từ giấy và mực in và những câu chữ của một người đàn ông già nua. Vớ vẩn!, Farid nghĩ. Tại sao tên Orpheus này lại làm được thứ mà tất cả những người khác không làm nổi? Đã biết bao người thử điều đó… gã Nói Lắp, ông Ánh Mắt Vàng, bà Lưỡi Quạ… Tất cả chỉ là một lũ bịp bợm, lừa họ lấy tiền… Ánh đèn sau cửa sổ nhà Orpheus tắt đi, và Ngón Tay Bụi thoắt đứng thẳng dậy. Tiếng cửa sập. Tiếng bước chân xuyên qua bóng tối, những bước chân vội vàng, lộn xộn. Thế rồi Orpheus hiện ra trong ánh sáng của ngọn đèn đường lẻ loi - Đầu-Phô-Mai, như cách mà Farid thầm đặt tên vì làn da nhợt nhạt của gã, và vì gã đổ mồ hôi xối xả dưới ánh mặt trời như một tảng phô-mai. Vừa thở hào hển gã vừa đi dọc con đường dốc xuống, cạnh gã là con chó địa ngục, gớm guốc như linh cẩu. Khi thấy Ngón Tay Bụi bên rìa đường, gã đứng lại và vẫy tay về phía anh, miệng ngoác một nụ cười. Farid bám lấy cánh tay Ngón Tay Bụi. “Chú nhìn điệu cười xem. Giả dối như nước mắt cá sấu!”, cậu thì thầm với anh. “Làm sao mà chú lại tin gã!” “Có ai nói là chú tin gã đâu? Cháu làm sao thế? Cháu cựa quậy không yên. Hay cháu muốn ở lại đây? Ô tô, hình ảnh động, nhạc có sẵn trong máy, những bóng đèn điện xua đuổi bóng đêm” - Ngón Tay Bụi bước qua bức tường cao ngang gối chạy dọc hai bên đường. “Cháu thích tất cả những thứ đó mà. Đến nơi mà chú tới chắc chắn cháu sẽ buồn chán đấy.” Chú ấy nói cái gì thế? Cứ làm như không biết rất rõ, Farid chỉ mong muốn một điều duy nhất: được ở bên chú ấy. Bực bội, cậu đã muốn đưa ra một câu trả lời, nhưng một tiếng gãy, sắc nhọn, như tiếng ủng đạp trên cành cây, khiến cậu xoay phắt lại. Ngón Tay Bụi cũng nghe thấy. Anh đứng lại, lắng tai. Nhưng chú cháu họ không phát hiện ra điều gì giữa cây rừng, chỉ có những cành lá đung đưa trong gió và một con bướm đêm nhợt nhạt như ma vỗ cánh bay vào mặt Farid. “Xin lỗi! Tôi đến muộn một chút!”, Orpheus kêu về phía họ. Farid vẫn không sao hiểu nổi, tại sao một giọng nói như thế lại phát ra từ một cái miệng như thế. Họ đã nghe kể về giọng nói này trong vài ngôi làng, và Ngón Tay Bụi đã ngay lập tức lên đường tìm kiếm. Nhưng mãi cách đây gần một tuần lễ họ mới gặp được Orpheus, trong một thư viện, đang ngồi đọc truyện cổ tích cho vài đứa bé. Đám trẻ chắc chắn không hề nhận thấy có một chú lùn đột ngột chui ra từ phía sau một ngăn kệ đựng đầy những cuốn sách rách tươm. Nhưng Ngón Tay Bụi đã nhìn thấy chú lùn đó, đã chặn đường Orpheus khi gã ta muốn bước lên ô tô, rồi cuối cùng đã chìa cho gã thấy cuốn sách, cuốn sách mà Farid nguyền rủa hơn mọi thứ trên đời. “Ô đúng, tôi biết cuốn này!”, Orpheus thở hắt ra. “Và anh” - người đàn ông thêm vào, hầu như ngưỡng mộ, và nhìn Ngón Tay Bụi như muốn dùng ánh mắt trân trân mà lột những vết sẹo ra khỏi má anh - “tôi biết cả anh nữa. Anh là thứ tốt nhất trong sách. Ngón Tay Bụi! Vũ Công Lửa! Ai đã đọc anh về đây, vào cái câu chuyện u tối buồn đau nhất trong mọi câu chuyện u tối buồn đau? Thôi đừng nói gì cả! Anh muốn quay trở lại, đúng không? Nhưng anh không tìm được cánh cửa nằm giữa các câu chữ! Chẳng sao hết. Tôi có thể làm cho anh một cánh cửa mới, bằng những câu từ trau chuốt được cắt gọt riêng cho anh! Với một cái giá bạn bè thôi - nếu thật sự anh là người tôi tưởng!” Giá bạn bè! Nói thế mà cũng nói được. Họ đã phải hứa cho gã ta hầu như tất cả số tiền mà họ có, sau đó lại còn phải đứng đợi hàng tiếng đồng hồ liền trên mảnh đất mà Chúa Trời ruồng bỏ, trong một buổi tối gió lồng lộn thổi, một buổi tối bốc mùi quỷ ma. “Anh có mang con chồn theo không?” Orpheus chĩa đèn pin vào ba lô của Ngón Tay Bụi. “Anh biết đấy, con chó của tôi không thích nó.” “Không, nó đang đi kiếm mồi.” Ánh mắt Ngón Tay Bụi lần xuống cuốn sách mà Orpheus đang kẹp dưới cánh tay. “Sao? Anh đã… xong chưa?” “Dĩ nhiên!” Con chó địa ngục nhe răng, nhìn Farid chằm chằm. “Đầu tiên các câu chữ tỏ ra khó bảo. Có lẽ vì tôi quá hồi hộp. Nhưng như tôi đã nói với anh ở lần gặp gỡ đầu tiên của chúng ta: Cuốn sách này -”, Orpheus vuốt tay trên bìa sách, “- là cuốn mà tôi yêu thích nhất hồi bé. Tôi đọc nó lần cuối năm lên mười một. Sau đó cuốn sách đã bị ăn cắp ra khỏi cái thư viện tồi tàn mà tôi thường tới mượn nó về nhà. Đáng tiếc là tôi quá hèn, không đủ gan ăn cắp, nhưng tôi không bao giờ quên cuốn sách. Nó đã dạy cho tôi nhớ cả đời rằng người ta có thể nhờ vào câu từ mà thoát khỏi thế giới này dễ dàng biết bao! Rằng người ta có thể tìm được bạn bè giữa những trang sách, những người bạn tuyệt vời! Những người bạn như anh, Chàng Phun Lửa, những người khổng lồ, những cô tiên…! Anh có biết, tôi đã khóc biết bao nhiêu nước mắt khi đọc tới cái chết của anh? Nhưng anh còn sống, và mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp! Anh sẽ kể mới câu chuyện đó…” “Tôi ư?”, Ngón Tay Bụi cắt ngang bằng một nụ cười mỉm chế nhạo. “Không, tin tôi đi, kẻ làm chuyện đó là những người hoàn toàn khác.” “Thôi thì, có thể!”, Orpheus hắng giọng, như ngượng vì đã thổ lộ nhiều tình cảm tới thế. “Dù sao tôi cũng lấy làm bực là không đi được cùng anh”, người đàn ông vừa nói vừa tiến về phía bức tường viền bên đường với một dáng đi vụng về đến kỳ quặc. “Người đọc chuyện phải ở lại, đó là quy tắc bất di bất dịch. Tôi đã thử mọi cách để tự chui được vào sách, nhưng không làm nổi.” Buông ra một tiếng thở dài, Orpheus đứng lại, thọc tay vào phía trong lớp áo weston được cắt may tồi tệ và rút ra một tờ giấy. “Thế - đây, những gì mà anh đã đặt hàng”, người đàn ông nói với Ngón Tay Bụi. “Những câu chữ tuyệt vời, dành riêng cho anh, một con đường bằng từ ngữ, sẽ dẫn anh quay trở lại. Đây, đọc đi!” Ngón Tay Bụi chần chừ cầm lấy tờ giấy. Phủ trên đó là những chữ viết thanh mảnh nghiêng nghiêng, uốn lượn như chỉ khâu. Ngón Tay Bụi chầm chậm vuốt dọc những câu từ, như phải chỉ cho mắt mình thấy từng chữ từng chữ một, trong khi Orpheus đứng nhìn anh như một học sinh đứng chờ thầy giáo cho điểm. Mãi rồi, khi Ngón Tay Bụi ngẩng đầu lên, giọng anh ngập tràn bất ngờ. “Anh viết hay lắm! Những câu văn tuyệt vời…” Đầu-Phô-Mai đỏ lựng như vừa bị đổ nước dâu tằm vào mặt. “Anh thích thì tôi rất vui!” “Đúng, tôi rất thích! Tất cả như những gì mà tôi đã miêu tả. Chỉ có điều nghe còn hay hơn.” Trong một nụ cười ngượng ngùng, Orpheus lấy lại tờ giấy từ Ngón Tay Bụi. “Tôi không thể hứa là ngày giờ bên ấy trùng khớp với bên này”, người đàn ông hạ giọng nói. “Nghề của tôi là một nghệ thuật cao siêu, nhưng hãy tin tôi, không một ai biết nhiều về nó hơn tôi! Ví dụ, người ta chỉ nên thay đổi hoặc viết tiếp một cuốn sách bằng cách sử dụng chính những từ ngữ đã có trong nó. Nếu dùng quá nhiều từ lạ, sẽ chẳng có gì xảy ra, hoặc sẽ xảy ra những thứ ta không hề mong muốn! Rất có thể chuyện sẽ khác đi, nếu chính ta là tác giả…” “Thề có tất cả các cô tiên trên đời, trong đầu anh còn chứa nhiều chữ hơn cả một thư viện lớn!”, Ngón Tay Bụi nóng nảy ngắt lời. “Sao, bây giờ anh bắt đầu được chưa?” Orpheus nín, đột ngột như vừa nuốt mất lưỡi của mình. “Được chứ”, người đàn ông nói, giọng nhuốm màu phật ý. “Anh sẽ thấy. Với sự giúp đỡ của tôi, cuốn sách sẽ lại đón anh như người ta đón một đứa con trai lưu lạc quay về. Nó sẽ hút anh vào như giấy hút mực!” Ngón Tay Bụi chỉ gật đầu và nhìn dọc con đường hoang vắng. Farid cảm nhận rõ, chú ấy muốn tin tên Đầu-Phô-Mai kia biết bao - và chú ấy cũng sợ biết bao cái cảnh phải thất vọng lần nữa. “Thế còn cháu thì sao?”, Farid chen đến bên anh. “Anh ta cũng viết về cháu, đúng không? Chú đã xem lại chưa?” Orpheus ném cho cậu một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. “Trời ạ!”, người đàn ông nói với Ngón Tay Bụi trong vẻ chế nhạo. “Nó có vẻ yêu anh thật đấy! Anh nhặt nó ở đâu ra? Bên một đoạn rìa đường hả?” “Không hẳn”, Ngón Tay Bụi trả lời. “Nó đã bị hái ra khỏi câu chuyện của mình bởi chính người đàn ông đã ban vinh dự nọ cho tôi.” “Cái ông… Lưỡi Thần?” Orpheus phun cái tên đó ra trong vẻ khinh thị, như không tin có ai xứng đáng được gọi như vậy. “Đúng. Anh ấy tên như thế. Làm sao mà anh biết?” Sự ngạc nhiên của Ngón Tay Bụi lộ rất rõ. Con chó địa ngục cúi xuống ngửi những ngón chân trần của Farid - và Orpheus nhún vai. “Sớm hay muộn người ta cũng sẽ được nghe kể về tất cả những ai có thể dạy cho câu từ biết thở.” “Thế sao?” Giọng Ngón Tay Bụi lộ rõ vẻ không tin, nhưng anh không hỏi tiếp. Anh chỉ nhìn trân trân xuống tờ giấy được phủ bởi những câu từ của Orpheus. Nhưng Đầu-Phô-Mai vẫn nhìn Farid. “Mày chui ra từ cuốn nào?”, người đàn ông hỏi. “Và tại sao mày không muốn quay trở lại câu chuyện của mày, thay vì vào một nơi chẳng liên quan gì đến mày cả?” “Liên quan gì đến ông?”, Farid đáp lại trong vẻ thù địch. Mỗi lúc cậu một không ưa Đầu-Phô-Mai hơn. Gã ta quá tò mò - và quá tinh ranh. Nhưng Ngón Tay Bụi chỉ cười khẽ. “Câu chuyện của nó ư? Không, Farid chẳng nhớ câu chuyện đó chút nào. Cậu chàng này có khả năng thay đổi câu chuyện như rắn thay da.” Farid thoáng nghe thấy cả một chút ngưỡng mộ trong giọng nói đó. “Thế à, nó làm được à?” Orpheus lại một lần nữa nhìn Farid bằng vẻ khinh thị đến mức cậu chỉ muốn đá vào hai cái đầu gối cục mịch của kẻ kia, nếu không có con chó địa ngục vẫn nhìn cậu chằm chằm bằng cặp mắt đói khát. “Thôi, được rồi”, Orpheus vừa nói vừa ngồi xuống bờ tường. “Mặc dù vậy, tôi vẫn phải cảnh báo anh! Đọc cho anh quay trở lại là chuyện nhỏ, nhưng thằng bé đó không có chỗ trong câu chuyện đâu! Tôi không được phép nêu tên nó. Chỉ viết về một cậu bé, như anh đã thấy đấy, tôi không thể đảm bảo rằng chuyện này sẽ có kết quả. Và ngay cả khi có kết quả chăng nữa, thì nó cũng chỉ mang lại lộn xộn rối rắm. Có thể thậm chí còn mang tai họa đến cho anh!” Gã khốn kia đang nói gì thế? Farid nhìn Ngón Tay Bụi. Làm ơn!, cậu nghĩ. Ô, làm ơn đi! Đừng nghe lời gã! Mang cháu theo đi. Ngón Tay Bụi đáp lại ánh mắt cậu. Và mỉm cười. “Tai họa ấy hả?”, anh hỏi, và giọng nói cho người ta hiểu, không ai phải kể cho anh nghe thêm về tai họa. “Vớ vẩn. Thằng bé mang may mắn đến cho tôi. Ngoài ra, nó là một tay phun lửa tài ba. Nó sẽ đi với tôi. Và cái này cũng thế.” Trước khi Orpheus kịp hiểu ra thì Ngón Tay Bụi đã chộp lấy cuốn sách mà Đầu-Phô Mai để trên bậu tường. “Anh chắc không cần tới nó nữa, và tôi sẽ ngủ ngon hơn nếu nó nằm trong tay tôi.” “Nhưng mà…” Orpheus sửng sốt. “Tôi đã nói với anh, nó là cuốn tôi quý nhất! Tôi rất muốn giữ nó.” “Cha, tôi cũng thế”, Ngón Tay Bụi chỉ đáp có vậy và đưa cuốn sách sang cho Farid. “Đây. Giữ cho kỹ.” Farid ấn cuốn sách vào ngực và gật đầu. “Gwin”, cậu nói. “Ta phải gọi con Gwin về.” Nhưng đúng khi cậu rút một mẩu bánh mì khô ra khỏi túi quần và muốn cất giọng gọi Gwin thì Ngón Tay Bụi áp tay bịt miệng cậu. “Để Gwin lại đây!”, anh nói. Nếu Ngón Tay Bụi có tuyên bố, anh muốn để lại đây cánh tay phải của mình thì Farid cũng không thể ngỡ ngàng hơn. “Sao cháu nhìn chú như thế? Sang đến bên kia ta sẽ bắt một con chồn khác, một con ít cắn càn hơn.” “Cha, ít nhất thì về chuyện này anh cũng tỏ ra khôn ngoan”, Orpheus nói. Gã nói chuyện gì vậy? Nhưng Ngón Tay Bụi né ánh mắt dò hỏi của Farid. “Bắt đầu đọc đi chứ!”, anh sừng sộ với Orpheus. “Hay còn phải đứng ở đây cho tới khi mặt trời mọc?” Orpheus nhìn anh một lúc lâu, như còn muốn nói thêm điều gì đó. Nhưng rồi người đàn ông hắng giọng. “Đúng”, anh ta bảo. “Đúng, anh có lý. Mười năm trời ở nhầm câu chuyện là một thời gian dài. Ta đọc thôi.” Câu, và từ. Câu từ đổ đầy màn đêm như làn hương của những nụ hoa vô hình. Những câu từ trau chuốt, được chắt lọc từ cuốn sách mà Farid đang ôm thật chặt, và được đôi tay nhợt màu bột mì của Orpheus sắp thành nghĩa mới. Chúng kể về một thế giới khác, về một thế giới đầy những điều kỳ diệu cùng những nỗi kinh hoàng. Và Farid lắng nghe mà quên đi thời gian. Cậu thậm chí không cảm nhận rằng còn một thứ như thời gian. Chỉ còn lại giọng đọc của Orpheus, cái giọng nói hoàn toàn chẳng muốn giống với khuôn miệng nơi nó đang bay ra. Giọng nói làm mọi thứ biến đi, con đường lỗ chỗ ổ gà và những ngôi nhà nghèo nàn hai bên, ngọn đèn đường, đoạn tường mà Orpheus đang ngồi trên, đúng thế, cả mặt trăng phía trên những tàn cây đen thẫm. Và không khí đột ngột bốc lên mùi xa lạ, ngọt ngào… Gã ta làm được, Farid nghĩ, gã ta thật sự làm nổi, trong khi giọng đọc của Orpheus khiến cậu trở thành mù và điếc đối với tất cả những gì không được tạo nên từ chữ viết. Và khi Đầu-Phô-Mai đột ngột ngưng lại, thì cậu bối rối nhìn quanh, chòng chành trong nhịp ngân nga của những câu từ. Tại sao vẫn còn đây những ngôi nhà và ngọn đèn đường đã gỉ sét vì gió mưa? Cả Orpheus cũng ở đây cùng con chó địa ngục. Chỉ một người biến mất. Ngón Tay Bụi. Bản thân Farid thì vẫn đứng trên con đường hoang vắng đó. Trong thế giới lầm lạc. Nước mắt cá sấu h g Một gã độc ác như Joe - cái đó thì họ quá hiểu - chắc chắn đã phải bán mình cho Quỷ Satan, và việc đối đầu với một thế lực như thế có thể sẽ trở thành thảm họa. MARK TWAIN, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer h g “Không!”, Farid nghe rõ sự kinh hãi trong giọng mình. “Không! Ông đã làm gì thế? Chú ấy đâu rồi?” Orpheus vụng về nhỏm đứng lên từ bờ tường, mảnh giấy khốn kiếp vẫn trong tay, miệng mỉm cười. “Về nhà. Chứ còn đi đâu nữa?” “Thế sao? Thế còn tôi thì sao? Đọc tiếp đi! Đọc đi chứ!” Mọi thứ mờ nhòa sau màn nước mắt. Cậu chỉ còn lại một mình, một thân một mình, như trước đây, trước khi tìm được Ngón Tay Bụi. Farid bắt đầu run, run cầm cập, đến độ cậu hoàn toàn không nhận thấy là Orpheus đã rút cuốn sách ra khỏi tay cậu. “Và thêm một lần nữa được chứng minh!”, cậu nghe tiếng gã lẩm bẩm. “Ta xứng đáng với danh hiệu đó. Ta là bậc thầy của tất cả các câu chữ, những câu chữ được viết cũng như các câu chữ được nói. Không một ai đọ tài được với ta.” “Bậc thầy hả? Ông nói cái gì thế?” Farid la to đến mức con chó địa ngục cũng chùn người xuống. “Nếu ông tài giỏi đến thế, vậy thì tại sao tôi vẫn còn ở đây? Nào, đọc lần nữa đi! Và trả lại cuốn sách cho tôi!” Cậu chộp tới, nhưng Orpheus né sang bên với vẻ lanh lẹ đến kinh ngạc. “Cuốn sách hả? Tại sao tao phải đưa nó cho mày? Chắc là mày thậm chí không biết đọc. Tao nói cho mày nghe điều này! Nếu tao muốn mày đi cùng với Bụi, thì bây giờ mày đã ở chỗ đó rồi, nhưng mày không có chỗ trong câu chuyện của anh ấy, vì thế tao đã không đọc những câu văn viết về mày. Hiểu chưa? Và bây giờ thì cút đi, trước khi tao thúc con chó nhảy lên cổ mày. Hồi con chó còn bé, chính những thằng nhãi như mày đã ném đá vào nó, và từ đó nó rất thích săn những đứa như mày!” “Đồ con của chó cái! Đồ dối trá! Đồ lừa đảo!” giọng Farid cao vói lên. Có phải cậu không biết trước đâu? Có phải cậu không nói cho chú Ngón Tay Bụi nghe đâu? Tên Đầu-Phô-Mai này giả dối như nước mắt cá sấu. Có cái gì đó chen lách giữa hai chân cậu, một thứ lông xù và mũi tròn, với hai cái sừng bé tí xíu giữa cặp tai. Con chồn. Chú ấy đi rồi, Gwin!, Farid nghĩ. Chú Ngón Tay Bụi đi rồi. Bọn mình không bao giờ còn gặp chú ấy nữa! Con chó địa ngục cúi đầu to xù xuống và chần chừ bước một bước về phía con chồn, nhưng Gwin nhe ra hai hàm răng nhọn như kim khiến con chó khổng lồ ngạc nhiên chun mũi lại. Cơn sợ hãi của nó khiến Farid dũng cảm hơn. “Trả lại nó cho tao, trả đây!” Cậu thúc nắm đấm gầy gò vào ngực Orpheus. “Tờ giấy và cuốn sách! Hay tao sẽ rạch bụng mày ra như rạch bụng cá chép. Đúng, tao sẽ làm đấy!” Cơn nức nở bất chợt nổi lên, khiến những từ ngữ không gây được lấy một nửa ấn tượng mà cậu định có. Orpheus một tay vuốt ve đầu con chó, một tay dắt sách vào cạp quần. “Ô, nghe muốn sợ quá đi, đúng không, Cerberus?” Gwin ép mình vào chân Farid. Cái đuôi nó lo lắng giật từ bên này sang bên kia. Farid ngỡ nguyên nhân là con chó, cậu vẫn còn nghĩ như thế cả khi con chồn nhảy lên tường, rồi biến vào giữa những hàng cây bên kia đường. Đúng là vừa mù vừa điếc!, sau này cậu tự xỉ vả mình như vậy. Mù và điếc, Farid. Nhưng Orpheus thì mỉm cười vẻ thấu hiểu. “Mày biết gì không, anh bạn trẻ của tao”, gã nói. “Tao thật sự đã sợ gần chết khi Ngón Tay Bụi đòi lại cuốn sách. Cũng may mà anh ấy đưa nó cho mày, nếu không thì tao không thể làm gì được cho anh ấy cả. Thuyết phục chủ hợp đồng bỏ ý định giết anh ấy đã là quá khó khăn, nhưng rồi họ đã phải hứa với tao. Chỉ với điều kiện đó, tao mới nhận làm con chim mồi… con chim mồi cho cuốn sách, bởi nó mới là câu chuyện chính ở đây, nói cho mày hiểu, nếu mày vẫn còn chưa biết. Chỉ cuốn sách mới là đáng kể, không một thứ gì khác. Đúng, họ đã hứa không làm cong một sợi tóc của Ngón Tay Bụi, nhưng tiếc là không ai thèm nhắc đến mày.” Trước khi Farid kịp hiểu Đầu-Phô-Mai nói chuyện gì thì cậu đã cảm thấy lưỡi dao bên cổ - sắc như ống sậy và lạnh hơn hơi nước giữa những tàng cây. “Cha cha, ai đây thế nhỉ?”, một giọng nói không đời nào quên nổi thì thào vào tai cậu. “Có phải lần cuối tao nhìn thấy mày ở chỗ Lưỡi Thần? Chắc là mày đã giúp Ngón Tay Bụi ăn cắp sách, đúng không? Chà, mày đúng là một thằng bé dễ thương.” Lưỡi dao cứa vào da Farid, và hơi thở mùi bạc hà vuốt qua mặt cậu. Nếu không nhận ra Basta qua giọng nói, chắc chắn cậu cũng nhận ra gã qua hơi thở. Con dao và lá bạc hà - Basta luôn có cả hai thứ đó bên mình. Gã nhai lá bạc hà rồi nhổ xuống chân người ta. Gã nguy hiểm như một con chó điên, và không mấy thông minh, nhưng làm sao gã tới được đây? Làm sao gã tìm được họ? “Cha, mày thấy con dao mới của tao thế nào?”, gã gừ vào tai Farid. “Tao rất muốn cho nó làm quen với Thằng Ăn Lửa, nhưng Orpheus lại thích nó. Mà cũng chẳng sao, rồi tao sẽ tìm ra thằng Ngón Tay Bụi. Tìm ra nó và cả Lưỡi Thần và đứa con gái phù thủy của nó. Tất cả lũ chúng nó sẽ phải trả giá…” “Trả giá cho cái gì?”, Farid phun ra. “Trả giá vì họ đã cứu mày thoát khỏi Cái Bóng phải không?” Nhưng Basta chỉ ấn con dao vào cổ cậu. “Cứu ấy hả? Chúng nó đã mang xui xẻo cho tao, chỉ toàn xui xẻo!” “Trời đất, cất con dao đi chứ!”, Orpheus chen vào, giọng lộ rõ vẻ ghê tởm. “Nó chỉ là một đứa bé thôi mà. Để cho nó đi đi. Tôi có cuốn sách đây rồi, như đã thỏa thuận, vậy thì…” “Cho nó chạy đi ấy hả?”, Basta cười, nhưng tiếng cười đột ngột mắc lại trong cổ họng. Có tiếng gừ vang lên từ dải rừng sau lưng gã, con chó địa ngục dỏng tai. Basta xoay phắt về. “Quỷ quái gì thế? Đồ ngu khốn nạn! Mày vừa cho thứ gì bò ra từ cuốn sách hả?” Farid không muốn biết. Cậu chỉ cảm nhận vòng tay siết của Basta lỏng ra một chút. Thế là đủ. Cậu cắn mạnh vào tay gã, mạnh đến nỗi máu chảy vào miệng cậu. Basta la lớn, buông dao. Farid thúc khuỷu tay lại phía sau, vào vòng ngực gầy gò của gã - và nhao đầu chạy. Cậu quên phắt mất bức tường viền rìa đường. Cậu vấp vào đó và ngã, đập thật mạnh đầu gối xuống và phải há mồm ra mà thở. Khi nhỏm dậy, cậu nhìn thấy tờ giấy nằm trên lớp nhựa đường, cái tờ giấy đã đưa Ngón Tay Bụi đi xa. Chắc gió đã thổi nó lên mặt đường. Những ngón tay nhanh như chớp của Farid tóm tới. Vì thế mà tao đã không đọc những câu văn về mày. Hiểu chưa?, giọng Orpheus chế nhạo vang trong đầu cậu. Farid ép tờ giấy vào ngực và chạy tiếp, vọt qua mặt đường, vọt tới những thân cây thẫm tối đang chờ bên kia. Đằng sau cậu, con chó địa ngục gầm gừ, rồi sủa, rồi tru dài. Lại có cái gì đó thở gừ ra, nghe hoang dã dữ tợn đến mức Farid chỉ còn biết chạy nhanh hơn. Orpheus thét lớn, sợ hãi khiến giọng gã sắc sói và gớm guốc. Basta chửi bới, rồi lại tiếng gừ đó, hoang dã như tiếng gừ của những con hổ to trong thế giới cũ của Farid. Đừng ngoái lại!, cậu nghĩ. Chạy đi, chạy đi!, cậu ra lệnh cho đôi chân. Để con hổ ăn con chó địa ngục, để nó ăn thịt lũ chúng, Basta và cả gã Đầu Phô-Mai, chạy đi! Giữa những thân cây là lớp lá rụng ẩm ướt, nó giảm bớt tiếng chân cậu, nhưng nó trơn và khiến cậu bị trượt trên sườn đất dốc xuống. Farid tuyệt vọng tóm vào một gốc cây, run rẩy ép mình vào đó và dỏng tai nghe vào màn đêm. Nhỡ Basta nghe được tiếng thở hào hển của cậu? Một tiếng nấc vụt thoát ra khỏi lồng ngực. Cậu áp cả bàn tay lên miệng. Cuốn sách, Basta và cuốn sách! Chẳng phải chính cậu đã nhận nhiệm vụ canh giữ nó - và làm thế nào tìm lại được chú Ngón Tay Bụi? Farid vuốt tay trên tờ giấy chứa những câu chữ của Orpheus, tờ giấy mà cậu vẫn còn ép vào ngực. Nó ẩm ướt và bẩn thỉu, nhưng là toàn bộ niềm hy vọng của cậu. “Này, thằng con hoang cắn càn!”, giọng Basta xuyên qua màn đêm tĩnh lặng. “Cứ việc chạy đi, rồi tao sẽ tóm được mày, nghe chưa? Tao sẽ tóm được mày, và cả Thằng Ăn Lửa, cả Lưỡi Thần cùng đứa con gái của nó cũng như cái thằng già đã viết nên những câu chữ khốn nạn! Tao sẽ giết tất cả lũ chúng mày. Lần lượt từng đứa một! Giống như tao vừa mổ bụng con quái vật chui ra từ cuốn sách.” Farid như không dám thở. Tiếp tục!, cậu nghĩ. Nào! Chạy tiếp đi. Basta không nhìn thấy mình! Cậu run rẩy sờ tìm thân cây gần đó, tìm chỗ bám và cảm ơn ngọn gió đang dứt kéo những chiếc lá trên cao và phủ lấp bước chân cậu bằng tiếng xào xạc. Chú cần phải nói với cháu bao nhiêu lần nữa? Thế giới này không có ma. Đó là một trong rất ít những ưu điểm mà nó có. Cậu nghe tiếng Ngón Tay Bụi, như thể chú ấy đang đi sau cậu. Chốc chốc Farid lại nhẩm lại những câu nói đó, trong khi nước mắt hối hả lăn trên mặt và những cái gai sắc xẻ đứt chân cậu. Không có ma, không có ma! Một cành cây đập vào mặt cậu, mạnh đến mức suýt chút nữa cậu thét lên. Phải chúng đang đuổi theo? Cậu không nghe thấy gì cả, chỉ có tiếng gió. Thêm một lần nữa cậu trượt chân, lảo đảo dọc một triền đất dốc xuống. Lá tầm ma đâm gai cháy bỏng vào chân cậu, quả ngưu bàng giắt vào tóc cậu. Và có cái gì đó nhảy về phía cậu, xù lông và ấm áp, thục mũi vào mặt cậu. “Gwin?” Farid vuốt cái đầu bé nhỏ. Đúng thế, chúng đây rồi, hai cái sừng con con. Cậu áp mặt vào lần lông chồn mềm mại. “Basta đã quay trở lại, Gwin!”, cậu thì thầm. “Và gã giữ cuốn sách! Thế nhỡ Orpheus đọc gã sang đó? Chắc chắn rồi gã cũng sẽ quay trở lại đó, mày cũng nghĩ thế, đúng không? Bây giờ mình làm thế nào để cảnh báo được cho chú Ngón Tay Bụi?” Trên đường trốn chạy, Farid còn hai lần nữa đụng phải con đường nhựa ngoằn ngoèo dẫn xuống núi, nhưng Farid không dám đi theo đường đó, mà tiếp tục băng qua những bụi rậm tua tủa gai. Chẳng bao lâu, mỗi hơi thở là một lần đau nhói, và cậu phải đứng lại. Chỉ tới khi những tia nắng mặt trời đầu tiên đã sờ soạng qua tàn cây mà không có Basta nhô ra từ phía sau lưng, thì Farid mới biết là cậu ta đã thoát. Làm gì đây?, cậu nghĩ trong khi nằm thở hổn hển trên lớp cỏ khô. Làm gì đây? Và đột ngột cậu nhớ tới một giọng đọc khác, giọng đọc đã đưa cậu sang thế giới này. Lưỡi Thần. Dĩ nhiên rồi. Chỉ chú ấy mới giúp được cậu, chú ấy hoặc con gái chú ấy. Meggie. Bây giờ họ đang ở chỗ Bà Ăn Sách, đã có lần Farid cùng Ngón Tay Bụi tới chỗ nọ. Từ đây đi là một quãng đường dài, lại càng dài với đôi chân đầy vết cứa. Nhưng cậu phải tới đó trước Basta… Ngày trở về của Ngón Tay Bụi h g “Cái gì thế”, con báo nói, “cái gì vừa đen quá mức lại vừa chứa đầy những đốm sáng nho nhỏ thế kia?” RUDYARD KIPLING, Làm cách nào con báo có đốm h g Trong một thoáng, Ngón Tay Bụi cảm giác như anh chưa bao giờ đi xa - như anh vừa qua một giấc mơ tồi tệ, và nỗi nhớ về nó để lại trên lưỡi một cảm giác ôi ngái, phủ một vệt tối xuống tim anh, chỉ vậy thôi… Đột ngột mọi thứ lại có đây, những tiếng động, thân quen tới thế và không bao giờ quên lãng, những mùi vị, những thân cây loang lổ ánh ban mai, những bóng lá in trên mặt anh. Một số lá đã ngả màu sặc sỡ, giống như lá cây trong thế giới kia, kể cả ở đây mùa thu cũng sắp tới rồi, nhưng không khí vẫn còn ấm áp. Không khí bốc mùi dâu chín mọng, mùi hoa đang dần héo, cả ngàn loại hoa và hơn thế nữa, hương thơm của chúng khiến giác quan mê mẩn - những nụ hoa sáng màu óng ánh trong bóng những tàn cây, những ngôi sao xanh ngắt trên những cái cuống mảnh như hơi thở, dịu dàng đến mức anh kìm bước để không dẫm lên chúng. Những cây sồi, cây tiêu huyền, cây hoa tulip bao quanh anh… hãy nhìn chúng với lên tới tận trời kìa! Anh hầu như đã quên rằng cây cối có thể đồ sộ tới mức nào, thân cây có thể cao và to đến đâu, tán lá xòa rộng đủ che cho cả một đoàn kỵ sĩ trú mưa. Những dải rừng của thế giới kia trẻ trung quá. Chúng luôn khiến anh cảm thấy mình già nua, già nua khủng khiếp, tấm thân đã bị năm tháng phủ muội lên. Ở đây anh trẻ trung trở lại, chẳng mấy già hơn những cái nấm đang mọc giữa những rễ cây, chẳng mấy cao hơn những bụi cúc gai và tầm ma. Nhưng cậu bé đâu rồi? Ngón Tay Bụi nhìn quanh tìm kiếm, gọi tên cậu, nhắc đi nhắc lại. “Farid!” Cái tên trong những tháng qua đã trở thành thân quen, hầu như tên của chính bản thân anh. Nhưng không một ai trả lời. Chỉ có giọng anh vọng lại giữa những thân cây. Vậy là chuyện đó đã xảy ra. Cậu bé ở lại. Rồi nó sẽ biết làm gì, chỉ có một thân một mình? Cha, biết làm gì? Ngón Tay Bụi vừa nghĩ vừa uổng công đưa mắt nhìn quanh lần cuối. Thằng nhỏ sẽ xoay xở ở đó giỏi hơn mình rất nhiều. Sự ồn ã, vẻ nhanh lẹ, trò chen lấn đông đúc, cậu chàng vốn yêu những thứ đó. Mà ngoài ra mình đã dạy cho nó không ít thứ, giờ cậu ta chơi với lửa đã khéo gần bằng mình. Đúng thế, thằng bé rồi sẽ xoay xở rất suôn sẻ. Mặc dầu vậy, trong một thoáng, niềm vui vẫn rủ xuống trong lồng ngực Ngón Tay Bụi như một trong những nụ hoa dưới chân anh, vá ánh mặt trời ban mai, vừa mới chào đón anh, sao đột ngột biến thành mờ nhạt và mất hết sinh khí. Thế giới kia lại một lần nữa lừa anh. Đúng thế, nó thật sự đã thả anh ra sau suốt những năm tháng đó, nhưng nó đã giữ lại thứ duy nhất gần gũi với trái tim anh ở đấy… Cha, vậy thì lần này mình học được điều gì?, anh vừa nghĩ vừa quỳ xuống với lớp cỏ đẫm sương. Hãy khóa trái tim mình cho kỹ hơn, Ngón Tay Bụi. Anh nhấc lên một chiếc lá, sáng rực như lửa đỏ giữa thảm rêu thẫm màu. Thế giới kia không có những cái lá như thế này, đúng không? Mà nghĩ lẩn thẩn gì thế? Anh bực bội đứng thẳng dậy. Này, Ngón Tay Bụi! Mày đã quay trở lại! Trở lại!, anh mắng mỏ bản thân. Hãy quên thằng bé đi, đúng thế, mày đã lạc mất cậu ta, nhưng thay vào đó, mày có lại thế giới của mày, cả một thế giới. Mày đã có lại thế giới đó. Tin vào điều này đi! Hãy tin đi chứ! Giá mà nó đừng khó đến như vậy. Tin vào bất hạnh mới dễ dàng hơn biết bao so với tin vào hạnh phúc. Anh phải sờ vào từng bông hoa, phải chạm vào từng thân cây, phải mân mê đất giữa các ngón tay và phải cảm nhận cú muỗi chích đầu tiên trên da mình, sau đó anh mới tin nổi. Đúng thế, anh đã quay trở lại. Anh đã thật sự quay trở lại. Sau biết bao năm tháng. Và đột ngột, cảm giác hạnh phúc bốc lên đầu anh bừng bừng như một cốc vang nặng ngọt. Kể cả suy nghĩ về Farid cũng không thể làm vẩn đục nó nữa. Cơn ác mộng kéo dài mười năm trời đã qua đi. Anh thấy mình nhẹ bỗng, nhẹ như một trong những chiếc lá đang rơi từ trên cây thành một trận mưa vàng. Hạnh phúc. Hãy nhớ lại đi, Ngón Tay Bụi, cảm giác đó là như thế này đây. Cảm giác hạnh phúc. Orpheus thật sự đọc được anh quay trở lại đúng nơi anh đã miêu tả cho anh ta nghe. Kia là cái ao, lóng lánh giữa những tảng đá xám trắng, bao quanh là những cây trúc đào nở hoa, và chỉ cách bờ ao vài bước chân là cây tiêu huyền được những cô tiên lửa lựa chọn. Những cái tổ của họ trên thân cây sáng màu hình như còn treo xúm xít đông đúc hơn so với những gì anh ghi nhớ. Người không quen chắc sẽ cho đó là tổ ong, nhưng thật ra tổ họ nhỏ hơn và sáng màu hơn đôi chút, sáng màu gần như những vành vỏ đang bong ra từ thân cây cao lớn. Ngón Tay Bụi nhìn quanh và thêm một lần nữa hít thật sâu vào ngực thứ không khí anh đã mong nhớ ròng rã một chục năm trời. Những hương thơm hầu như đã bị quên lãng trộn lẫn với những hương thơm mà thế giới kia cũng biết. Ở đó người ta cũng có thể tìm thấy những loài cây đang mọc bên bờ ao đây, dù cho chúng nhỏ hơn và trẻ trung hơn rất nhiều: cây bạch đàn và cây trăn xà cành thấp, như muốn nhúng lá xuống ao cho mát. Ngón Tay Bụi thận trọng len lách giữa cây cùng lá, cho tới khi anh đến đứng sát bờ ao. Một con rùa đủng đỉnh bò đi khi cái bóng của anh hắt xuống mai nó. Khi trèo lên một tảng đá, con rùa bắn cái lưỡi ra ngoài rồi rút về, nuốt chửng một cô tiên lửa. Họ đang bay thành từng đàn đông đúc trên mặt nước - với tiếng rầm rì tuy khẽ khàng mà luôn luôn thịnh nộ. Đã tới lúc cần ăn cắp của họ một món. Ngón Tay Bụi quỳ trên một hòn đá ẩm ướt. Phía sau anh có tiếng loạt soạt, và trong một thoáng, anh bắt quả tang mình đang mong tìm thấy mái tóc thẫm màu của Farid và cái đầu mọc sừng của Gwin, nhưng đó chỉ là một con thằn lằn đang trườn mình trên lá rụng và trèo lên một tảng đá, kiếm chỗ nằm phơi trong nắng thu. “Đồ ngu!”, anh vừa lẩm bẩm vừa cúi về phía trước. “Hãy quên thằng bé đi, còn con chồn, nó chắc chắn chẳng nhớ mày đâu. Ngoài ra, mày hoàn toàn có lý do để bỏ nó ở lại đó, những lý do chính đáng nhất.” Bóng anh run run trên lớp nước thẫm màu. Vẫn gương mặt đó, cả những vết sẹo, dĩ nhiên rồi, nhưng ít nhất là không có một sự hủy hoại mới nào xuất hiện, không một cái mũi bị ấn tẹt, không một cái chân khập khiễng như Cockerell, tất cả đều ở đúng vị trí của nó. Thậm chí giọng nói cũng vẫn còn… Tay Orpheus này thật sự là kẻ lành nghề. Ngón Tay Bụi cúi thấp hơn xuống mặt nước. Họ ở đâu? Liệu họ đã quên anh chưa? Những cô tiên màu xanh dương thường chỉ sau vài phút là đã quên mặt người. Các cô tiên nước thì sao? Mười năm là cả một khoảng thời gian dài, nhưng liệu họ có đếm năm đếm tháng? Làn nước lung linh nhè nhẹ, và hình ảnh của anh trộn lẫn với một gương mặt khác. Một cặp mắt ếch nhìn anh từ một gương mặt gần giống mặt người, mái tóc dài dập dềnh trong nước như cỏ, cũng xanh và cũng mịn như thế. Ngón Tay Bụi rút tay mình ra khỏi làn nước lạnh, và một bàn tay khác duỗi lên, thon mảnh mịn màng như tay trẻ em, được phủ kín bởi vô vàn những cái vảy nhỏ xíu, nhỏ đến mức người ta thật khó nhận ra. Một ngón tay ẩm ướt, lạnh như nước ao nơi nó vừa nhô lên, ngón tay sờ vào mặt anh, vuốt dọc những vết sẹo. “Đúng thế, thật khó mà quên được mặt anh, phải không?” Ngón Tay Bụi nói thật khẽ, giọng như tiếng thì thào. Các cô tiên nước không thích người ta lớn tiếng. “Vậy là em vẫn nhớ những vết sẹo. Em có còn nhớ những gì mà anh luôn xin bọn em, mỗi khi anh tới đây?” Cặp mắt ếch nhìn anh, màu vàng trộn lẫn màu đen, thế rồi cô tiên biến mất, chìm thẳng xuống dưới như thể cô chỉ là một hình ảnh tưởng tượng. Vài tích tắc sau có một nhóm ba cô tiên trồi lên trong làn nước thẫm màu. Những bờ vai sáng như cánh huệ ánh lên mờ mờ dưới nước, những cái đuôi óng ánh vẩy như bụng cá pecca ve vẩy dưới sâu, hầu như không nhìn thấy. Đám muỗi nhỏ tí xíu ban nãy nhảy nhót trên mặt nước giờ xúm nhau châm vào mặt vào cánh tay Ngón Tay Bụi, như thể chúng tụ tập ở đây chỉ để chờ anh, nhưng người đàn ông hầu như không cảm nhận được những cú chích. Những cô tiên nước đã không quên anh, không quên gương mặt anh và cũng không quên thứ mà anh cần ở họ để gọi lửa. Họ duỗi những bàn tay lên khỏi mặt nước. Những chiếc bong bóng bé xinh trồi lên, mang theo nụ cười của họ, những nụ cười lặng lẽ như mọi thứ khác của loài tiên này. Họ cầm tay anh, vuốt trên cánh tay, vuốt trên mặt và vuốt trên cần cổ để trần, cho tới khi da anh hầu như cũng lạnh như da họ, được phủ bởi cùng một lớp bùn trong suốt mỏng như hơi thở đang bảo vệ vảy tiên. Cũng đột ngột như khi tới, ba cô tiên nước lại biến đi. Những gương mặt chìm xuống trong bóng tối khoảng ao, và lại như bao lần trước, Ngón Tay Bụi tưởng rằng anh chỉ vừa nằm mơ thấy họ, nếu không có cảm giác lành lạnh trên da, nếu không có nét óng ánh trên tay và cánh tay. “Cảm ơn!”, anh thì thầm, mặc dù giờ đây chỉ còn lại gương mặt anh đang run rẩy trên nước, thế rồi người đàn ông đứng dậy, len lách qua những bụi trúc đào bên bờ ao và nhẹ nhàng đi về phía Cây Lửa. Nếu có Farid ở đây, chắc chắn cậu chàng sẽ hồi hộp nhảy cẫng trên lớp cỏ ẩm ướt như một chú ngựa con… Những mạng nhện ẩm ướt đẫm sương dán trên quần áo Ngón Tay Bụi khi anh đứng lại trước cây tiêu huyền. Mấy cái tổ dưới cùng được treo thấp đến mức anh có thể dễ dàng thọc tay qua miệng tổ. Những cô tiên lửa đầu tiên giận dữ bay tới khi những ngón tay phủ nước tiên thò vào trong tổ, nhưng anh xoa dịu họ bằng tiếng hát khe khẽ. Khi anh chọn đúng âm thanh, tiếng vỗ cánh bực bội chỉ chút nữa sẽ biến thành những đường lượn bay chòng chành, buồn ngủ trong tiếng rì rầm và trong tiếng mắng mỏ của chính họ, buồn ngủ tới mức họ đậu xuống hai cánh tay anh, và những thân hình nóng rẫy bé xíu sẽ đốt da anh. Dù đau tới mức nào, anh cũng không được giật về, không được xua họ đi, anh phải thọc những ngón tay vào sâu hơn trong tổ, sâu hơn nữa, cho tới khi thấy được thứ anh kiếm: mật lửa của họ. Ong thì chích, tiên lửa đốt da ta thủng lỗ, nếu làn da trước đó không được các cô tiên nước chạm vào, và cho dù có lớp bảo vệ này thì người ta cũng không nên quá tham lam khi ăn cắp. Chỉ cần lấy nhiều một chút, họ sẽ bay vào mặt ta, đốt cháy da cùng tóc và không cho phép kẻ cắp chạy đi, cho tới khi gã gục xuống mà quằn quại vì đau đớn. Nhưng Ngón Tay Bụi không bao giờ tham đến mức khiến các cô tiên phật lòng. Anh chỉ lấy ra khỏi tổ một cục mật bé xíu, lớn cỡ móng tay cái, hiện thời anh chỉ cần có vậy. Người đàn ông vẫn tiếp tục hát lẩm nhẩm, trong khi quấn món chiến lợi phẩm dính nhằng của mình vào một chiếc lá cây. Ngay khi anh ngưng hát, những cô tiên lửa tỉnh trở lại. Họ bay vòng quanh anh mỗi lúc một nhanh hơn, nhanh nữa và nhanh nữa, và giọng họ trào lên như tiếng một đàn ong thịnh nộ. Mặc dù vậy, họ không tấn công anh. Người ta chỉ không được phép nhìn họ, phải làm ra vẻ không hề để ý thấy họ, trong khi thong thả quay người, rồi bước đi thật chậm, thật thật chậm. Họ còn theo Ngón Tay Bụi cả một đoạn dài, nhưng cuối cùng thì họ cũng dừng lại, còn anh đi theo con suối nhỏ, con suối bắt ra từ khoảng ao của những nàng tiên nước và chầm chậm chảy đi, len lách giữa những cây liễu gai, cây trăn và lau sậy. Anh biết con suối sẽ dẫn anh về đâu: ra khỏi Dải Rừng Không Có Đường Đi, nơi người ta hầu như không gặp đồng loại, nó dẫn lên hướng Bắc, nơi dải rừng thuộc về con người, nơi lớp gỗ của nó nhanh chóng gục xuống dưới lưỡi rìu, khiến cho đa phần cây cối chết đi trước khi tán lá đủ lớn để che chở cho duy nhất một kỵ sĩ. Con suối sẽ dẫn anh đi theo một thung lũng chầm chậm rộng dần ra, len lách giữa những quả đồi chưa từng có người đặt chân tới, bởi nơi đó là nhà của những người khổng lồ, của loài gấu và của những thực thể chưa được đặt tên. Tới một lúc nào đó thì bên các triền đồi sẽ hiện ra những túp lều đầu tiên của đám thợ đốt than, sẽ hiện ra vệt đất trụi trọc đầu tiên trong màu xanh dày đặc, và Ngón Tay Bụi sẽ lại chẳng chỉ nhìn thấy các cô tiên cũng như các cô tiên nước, mà hy vọng cũng sẽ gặp lại vài người đã lâu lắm rồi chưa gặp. Anh cúi xuống khi một con chó sói buồn ngủ nhô ra giữa hai thân cây ở phía xa. Đứng bất động, anh chờ cho tới khi cái mõm màu xám đi khuất. Đúng thế, gấu và chó sói - anh phải học lại cách nghe bước chân chúng, cảm nhận sự hiện diện của chúng, trước khi chúng nhìn thấy anh, lại càng không được quên những con mèo to và hoang dại, lông lốm đốm như những thân cây trong nắng, rồi những con rắn xanh mướt như cụm lá nơi chúng giấu mình. Chúng thò từ trên cành cây xuống, còn khẽ khàng hơn cả bàn tay anh nhặt một chiếc lá ra khỏi bờ vai. Cũng may mà đám người khổng lồ đa phần chỉ ở trên những đỉnh đồi của họ, ở nơi mà cả anh cũng chưa một lần dám tới. Chỉ trong mùa đông họ mới thỉnh thoảng đi xuống dưới này. Nhưng ngoài ra còn những thực thể khác, không dịu dàng như những cô tiên nước mà cũng không thể được xoa dịu bởi tiếng hát khe khẽ như những cô tiên lửa. Đa phần chúng không lộ ra, được che giấu rất tốt giữa cây cối và bụi rậm, nhưng không phải vì thế mà kém nguy hiểm: Người Vỏ Cây, Kẻ Chộp Lỗ, Ma Xó Đen, Ác Mộng Đêm… Một số trong bọn chúng nhiều khi dám mò xuống tận dãy đồi của những người thợ đốt than. “Thế đấy, phải cẩn thận hơn!”, Ngón Tay Bụi thì thầm. “Mày đâu có muốn ngày đầu tiên về nhà cũng là ngày cuối cùng của mày.” Cơn say ngày trở về chầm chậm bay đi, cho anh suy nghĩ tỉnh táo hơn. Nhưng cảm giác hạnh phúc thì ở lại trong tim, mềm mại và ấm áp như một nhúm lông của chim non. Anh dừng lại bên một con suối, cởi quần áo ra, rửa sạch lớp bùn nước của tiên cá, vết muội của tiên lửa và bụi bẩn của thế giới kia. Thế rồi anh lại chui vào bộ quần áo đã mười năm nay không mặc. Anh đã gìn giữ thật cẩn thận, vậy mà lớp vải đen vẫn có vài lỗ nhậy cắn, còn những tay áo thì đã bị bung chỉ từ khi anh gập chúng lại vì thế giới kia. Tất cả đều mang màu đen và đỏ, sắc màu của người phun lửa, giống như những người biểu diễn trên dây luôn mặc màu xanh dương của bầu trời. Anh vuốt trên nền vải thô, mặc chiếc áo bó có hai cánh tay rộng thùng thình và vắt chiếc áo choàng thẫm màu lên vai. Cũng may mà mọi thứ còn vừa vặn, may quần áo mới ở đây là một trò đắt đỏ, ngay cả khi người ta làm theo cách dân diễn trò và để bộ cũ lại cho người thợ may, để anh ta cắt lấy vải may đồ mới. Khi trời choạng vạng, anh đi kiếm một chỗ ngủ an toàn. Mãi rồi anh cũng tìm được một cây bần bị ngã, chùm rễ của nó giơ cao lên trời, rất thích hợp làm một mái che. Cây bần nằm vắt ngang như một bức tường, vậy mà phần rễ dưới vẫn tiếp tục cắm sâu xuống đất, như không muốn buông cho sự sống bay đi. Trong tàn lá của cái cây đổ đã lại mọc ra những nụ non, mặc dù chúng đã từ lâu không còn với lên trời, mà với xuống đất. Ngón Tay Bụi khéo léo trèo dọc thân cây đồ sộ, thọc ngón tay vào lớp vỏ thô xù. Khi anh lên tới trên, giữa những rễ cây chĩa vào không khí như tìm thấy thức ăn giữa trời, có vài cô tiên vừa càu nhàu vừa bay vọt lên, chắc họ đến đây tìm đồ xây tổ. Dĩ nhiên rồi, trời đã dần sang thu và đã tới lúc người ta cần một chỗ ngủ chắc chắn hơn. Những cô tiên xanh chẳng cố gắng mấy nhiều với những cái tổ mà họ xây nên trong mùa xuân, nhưng ngay khi chiếc lá đầu tiên ngả vàng là họ bắt tay vào sửa tổ, độn thêm bằng lông thú và lông chim, đan thêm những cọng cỏ và cành cây nhỏ vào vách tổ rồi dùng rêu trộn nước bọt tiên đắp cho tổ kín. Có hai thực thể xanh dương bé xíu không vỗ cánh bay khi thấy anh. Họ thèm thuồng nhìn trân trân vào mái tóc màu lông cáo của anh, trong khi ánh trời chiều lọt qua những cành cây nhuộm đỏ đôi cánh họ. “À đúng, dĩ nhiên!”, Ngón Tay Bụi cười khẽ. “Các em muốn một chút tóc để làm tổ.” Dùng dao, anh cắt ra một lọn. Với những bàn tay bé như tay bọ dừa, một cô tiên cầm lấy món quà rồi vội vã đập cánh bay. Cô tiên kia, nhỏ tí xíu, chắc vừa chui ra từ một quả trứng màu ngọc trai, vỗ cánh bay theo. Anh đã nhớ họ biết bao nhiêu, cái đám tí hon xanh ngắt láo lếu này, nhớ biết bao nhiêu. Dưới chân anh màn đêm đang tràn vào giữa cây cối, dù trên đầu anh mặt trời hoàng hôn còn nhuộm đỏ những ngọn cây như đám chút chít trên một bãi cỏ mùa hạ. Chỉ một chút nữa thôi các cô tiên sẽ vào ngủ trong tổ của họ, đám chuột và thỏ ngủ trong hang của chúng, những con thằn lằn sẽ bị cái lạnh của bầu trời đêm làm cho chân cứng đờ ra và những con thú đi săn sẽ lên đường, giương những cặp mắt như những đốm lửa vàng trong màn tối. Cha, ta hy vọng chúng không thèm ăn thịt một tay phun lửa, Ngón Tay Bụi vừa nghĩ vừa duỗi dài chân trên thân cây đổ. Anh cắm con dao vào lớp vỏ cây nứt nẻ bên mình, phủ lên vai tấm áo choàng đã mười năm nay không mặc và nhìn trân trân lên lá cây đang mỗi lúc một thẫm màu hơn. Một con cú dang cánh lượn ra từ một cây sồi đá và lướt đi, lặng lẽ như cái bóng giữa các cành cây. Khi ngày tắt, có một tàng cây thì thầm trong giấc ngủ, những ngôn từ tai người không tài nào hiểu nổi. Ngón Tay Bụi nhắm mắt và lắng nghe. Anh đã trở về nhà. Con gái của Lưỡi Thần h g Chả lẽ chỉ có một thế giới mơ đến những thế giới khác? PHILIP PULLMAN, Con dao thần h g Meggie căm thù những cuộc cãi cọ với ba Mo. Sau mỗi lần như vậy, mọi thứ trong người cô cứ rung lên mãi không nguôi, và không một thứ gì có thể an ủi được, cho dù đó là vòng tay ôm ấp của mẹ, dù là những chiếc bánh cam thảo mà bà Elinor đút vào túi cô sau khi nghe giọng cha con họ vẳng xuống tận khu thư viện, dù là ông Darius với lòng tin vào hiệu ứng thần kỳ của món sữa trộn mật ong đun nóng trong những trường hợp như thế. Chẳng có gì an ủi nổi cô. Lần cãi cọ này thật sự trầm trọng, bởi Mo thật ra chỉ muốn đến gặp con gái để chia tay. Đang có một hợp đồng mới chờ ông, vài cuốn sách bị bệnh, quá già nua và quá quý giá để có thể gửi đến cho ông bác sĩ sách. Ngày trước Meggie sẽ đi cùng cha, nhưng lần này cô quyết định ở lại với bà Elinor và mẹ mình. Tại sao ông lại bước vào phòng cô đúng lúc cô đang đọc những cuốn sổ ghi chép của mình? Vì những cuốn sổ ghi chép này mà cha con đã cãi nhau khá nhiều lần trong thời gian qua, mặc dù Mo cũng căm thù trò cãi cọ y như cô. Thường là sau đó ông biến vào xưởng, nơi làm việc áp sau nhà mà bà Elinor đã cho xây riêng cho ông, rồi tới một lúc thì Meggie cũng bước theo, bởi cô không chịu được lâu cảnh giận ba. Mo không bao giờ ngẩng lên khi cô lẻn qua khe cửa, và Meggie im lặng ngồi bên ông, ngồi xuống cái ghế luôn chờ sẵn cô ở đó, im lặng nhìn ông làm việc, như cô đã im lặng nhìn như thế kể từ khi còn chưa biết đọc. Cô say mê ngắm nhìn đôi bàn tay ông khi chúng giải phóng một cuốn sách ra khỏi lớp váy đã rách tươm, khi chúng tách rời những trang giấy ố vàng, cắt những sợi chỉ cuối cùng của một sập sách đã bị hỏng, hoặc ngâm mềm một tờ giấy trắng đã rách để lấy bột vá víu cho những trang bị sâu mọt ăn nham nhở. Ba Mo không bao giờ để cô phải chờ lâu, chỉ một chút sau là ông sẽ xoay sang và hỏi cô một câu gì đó: rằng cô có thích màu sắc của vải lanh mà ông chọn để bọc ngoài bìa, hoặc theo cô thì món bột giấy mà ông vừa khuấy lên để vá sách có bị thẫm màu quá không. Đó là cách xin lỗi của ba: Ta đừng cãi nhau nữa, con gái, ta hãy quên đi những gì đã nói… Nhưng ngày hôm nay sẽ không như thế. Bởi ông không vào xưởng mà đã bỏ đi xa, đến chỗ một nhà sưu tầm sách nào đó, để kéo dài mạng sống cho kho báu được in mực của anh ta. Lần này ông sẽ không đến với cô và mang theo món quà giảng hòa là một cuốn sách được phát hiện thấy trong một cửa hàng đồ cổ, hay một miếng đánh dấu sách được trang điểm bằng lông chim giẻ cùi mà ông tìm thấy trong vườn của bà Elinor… Tại sao cô đã không đọc một cuốn sách khác đúng vào lúc ông vào phòng cô? “Trời đất, Meggie, trong đầu con không còn một thứ gì ngoài mấy cuốn sổ ghi chép đó!”, ông đã la vào mặt cô như thế, như mỗi lần ông gặp cô trong tình trạng nọ trong những tháng vừa qua - nằm trên thảm trải phòng, điếc và mù đối với mọi thứ xung quanh, hai con mắt bị hút chặt vào những câu chữ do chính cô vẽ nên, ghi lại những gì Resa đã kể - về những gì mẹ cô đã sống qua “ở nơi đó”, như cách ba cay đắng gọi. Ở nơi đó. Thế Giới Mực, Meggie gọi địa điểm đó như vậy, cái thế giới ba Mo luôn nói đến bằng vẻ khinh thị và mẹ cô thỉnh thoảng lại nói tới trong khao khát nhớ nhung… cô đặt tên cho địa điểm đó là Thế Giới Mực, đặt theo cuốn sách đã kể về nó: Tim Mực. Cuốn sách đã đi xa, nhưng những hồi ức của Resa quá sống động, như thể chưa một ngày nào trôi qua kể từ khi mẹ cô ở đó - trong cái thế giới được làm từ giấy và mực in, nơi có những cô tiên và các ông vua, tiên nước, tiên lửa và cây cối mọc cao đến tận trời. Đã biết bao ngày đêm Meggie ngồi bên cạnh mẹ, ghi lại những gì mẹ cô kể bằng tay. Để lại giọng nói của mình trong Thế Giới Mực, thế nên Resa chỉ còn biết kể cho con gái nghe hoặc bằng giấy bút hoặc với đôi bàn tay, kể về những năm tháng đó - Những Năm Tháng Diệu Kỳ Khủng Khiếp, theo cách cô gọi. Thỉnh thoảng Resa cũng vẽ lại những gì mắt đã nhìn thấy nhưng không miêu tả được bằng ngôn từ: Những cô tiên, những con chim, những nụ hoa kỳ lạ, được quyến rũ lên mặt giấy chỉ bằng vài nét vẽ, sống động đến nỗi Meggie hầu như tin rằng chính cô đã nhìn thấy chúng. Đầu tiên Mo còn tự tay đóng nên những quyển vở ghi chép đó, nơi Meggie giữ lại những hồi ức của Resa, cứ cuốn sau lại được ông đóng đẹp hơn cuốn trước. Nhưng rồi tới một lúc thì Meggie nhận ra rằng, ánh mắt ông nhìn cô âu lo biết bao mỗi khi cô lật giở những trang giấy và chìm thật sâu vào trong những bức tranh cùng ngôn từ nọ. Dĩ nhiên cô hiểu nỗi băn khoăn thấp thỏm của ông, suy cho cùng thì ông đã bị mất vợ suốt bao nhiêu năm tháng vào cái thế giới được làm bằng chữ và giấy. Làm sao ông có thể yên tâm về việc con gái mình hầu như không còn nghĩ đến một thứ gì khác? Đúng thế, Meggie hiểu ba rất rõ, vậy mà cô vẫn không làm nổi những gì ông yêu cầu: khóa kín những cuốn sổ ghi chép vào một nơi và quên Thế Giới Mực trong một thời gian. Rất có thể nỗi nhớ mong khao khát của cô sẽ không lớn đến như thế, nếu tất cả những cô tiên và những chàng tiểu quỷ vẫn còn ở nơi này, những thực thể kỳ lạ mà họ đã đưa từ ngôi làng bị nguyền rủa của Capricorn về đây. Nhưng chẳng một ai sống sót trong khoảng vườn của bà Elinor. Những tổ tiên rỗng không vẫn dán trên thân cây, cả những cái hang mà đám tiểu quỷ đào nên cũng vẫn còn, nhưng người sống trong đó đã biến mất. Đầu tiên bà Elinor cứ tưởng họ đã chạy đi chỗ khác, họ đã bị ăn cắp, hay một lý do gì tương tự - nhưng rồi Meggie tìm thấy những đống tro. Cô đã phát hiện ra chúng, mịn màng như bụi trong lớp cỏ ngoài vườn, những nhúm tro nhỏ màu xám, xám y hệt như màu của Cái Bóng ngày nào đã gục xuống cho những vị khách xa lạ của bà Elinor bước ra với thế giới này. Và Meggie hiểu rằng không có con đường quay về từ cái chết, cả đối với những thực thể chỉ được làm từ câu chữ. Bà Elinor không chấp nhận được suy nghĩ đó. Bướng bỉnh và tuyệt vọng, bà đã một lần đi xe quay trở lại ngôi làng của Capricorn - để chỉ tìm thấy ở đó những ngõ hẻm trống không, những ngôi nhà cháy rụi, không một thực thể sống duy nhất. “Cô biết không, Elinor”, Mo đã nói như thế khi thấy bà quay trở lại với khuôn mặt đẫm nước mắt, “cháu đã e ngại như thế. Cháu không thể thật sự tin rằng, trên đời này có những câu chữ đủ mạnh để đưa người chết quay về. Mà ngoài ra - nếu cô thành thật - cô cũng phải công nhận là họ không thích hợp với thế giới này.”. “Cô cũng đâu có nghĩ thế!”, bà Elinor chỉ trả lời có vậy. Trong những tuần sau đó, có những tối Meggie lẻn vào thư viện để lấy một cuốn sách ra đọc, cô đã nghe có tiếng nức nở vọng ra từ phòng bà Elinor. Đã nhiều tháng trôi qua từ ngày đó, họ đã sống cùng nhau gần một năm trong ngôi nhà rộng lớn này, và Meggie có cảm giác là Elinor không còn thích ở một mình với đám sách. Bà nhường cho họ những căn phòng đẹp nhất. (Bộ sưu tập sách học cũ cũng như vài tập thơ không còn được bà chủ yêu chuộng đã vì gia đình họ mà phải kéo lên ở trên tầng áp mái.) Từ khuôn cửa sổ của phòng Meggie có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết, và từ phòng ngủ của cha mẹ cô thì nhìn được xuống con hồ với mặt nước lóng lánh từng đã biết bao lần rủ rê các cô tiên bay xuống. Chưa bao giờ ba Mo bỏ đi theo cách như thế. Không một lời chia tay. Không giảng hòa… Có lẽ mình nên xuống dưới và giúp ông Darius trong thư viện!, Meggie nghĩ, khi cô ngồi đó và giơ tay chùi nước mắt. Cô không bao giờ khóc trong lúc tranh luận với ba Mo, những giọt nước mắt bao giờ cũng chỉ đến sau đó… Và khi thấy cặp mắt cô sưng lên vì khóc, ba lần nào cũng nhìn đầy hối hận. Nhất định mọi người trong nhà đều nghe thấy cha con họ cãi nhau! Ông Darius chắc lại đã đặt nồi nấu món sữa mật ong, và bà Elinor sẽ lại bắt đầu la mắng ngay khi mình thò đầu vào căn bếp, bà sẽ mắng mỏ ba Mo và tất cả đàn ông trên đời này. Không, tốt hơn là mình nên ở lại phòng mình. Trời ơi, ba. Ba đã giật khỏi tay cô cuốn sổ ghi chép cô đang đọc và mang nó theo. Đó chính là cuốn sổ có ghi những ý tưởng cho những câu chuyện của riêng cô, những đoạn mở đầu không tiến thêm được, những từ đầu tiên, những câu văn bị gạch xóa, tất cả những gắng gỏi uổng công… Tại sao ông có thể đơn giản lấy nó đi của cô? Meggie không muốn ba Mo đọc cuốn sổ đó, không muốn ông thấy rằng cô đã vất vả biết bao khi gắng sức sắp xếp những câu chữ lại với nhau, những câu chữ đã đi qua lưỡi cô dễ dàng mà mạnh mẽ biết bao khi cô đọc, gắng sức đến thế mà chỉ uổng công. Đúng vậy, Meggie có thể viết những gì mà mẹ cô kể, cô có thể đổ đầy từ trang giấy này sang trang giấy khác với những gì Resa miêu tả. Nhưng ngay khi cô tìm cách dùng những thứ đó dệt nên một chút gì mới mẻ, một câu chuyện có đời sống riêng, thì đơn giản cô không nghĩ ra được bất cứ một chút nào. Từ ngữ như rời bỏ đầu cô mà bay đi - như những bông tuyết, chỉ còn lại một vệt ẩm ướt trên làn da ngay khi người ta chìa tay ra hứng chúng. Có ai gõ cửa phòng Meggie. “Mời vào!”, cô xỉ mũi và lục tay vào túi quần tìm chiếc khăn mùi xoa kiểu cổ mà bà Elinor đã tặng. (“Đây là khăn của chị bà đấy. Tên chị ấy cũng bắt đầu bằng một chữ M như tên cháu. Chữ M được thêu vào góc dưới, cháu thấy chưa? Bà nghĩ, để cháu dùng vẫn hay hơn là để bọn nhậy cắn.”) Mẹ cô thò đầu qua khe cửa. Meggie gắng mỉm cười, nhưng thất bại thảm thương. “Mẹ vào được không?”, ngón tay mẹ Resa vẽ chữ trong không khí nhanh hơn cả ông Darius nói qua môi, và Meggie gật đầu. Bây giờ cô hiểu ngôn ngữ cử chỉ của mẹ hầu như cũng đương nhiên như những chữ cái của bảng Alphabet - tốt hơn Mo và ông Darius, lại càng tốt hơn bà Elinor rất rất nhiều - bà Elinor thường tuyệt vọng gọi Meggie lại giúp mỗi khi ngón tay Resa nói quá nhanh. Resa đóng cửa lại và ngồi xuống với con gái trên bậu cửa sổ. Meggie luôn chỉ gọi mẹ bằng tên, Resa, như người ta gọi bạn, có thể bởi cô đã đơn giản không có mẹ từ mười năm qua, mà cũng có thể từ cùng một nguyên nhân không ai hiểu nổi đã khiến cho cô luôn gọi ba mình chỉ là Mo. Ngay lập tức Meggie nhận ra cuốn sổ ghi chép mà Resa đặt vào lòng cô. Đó chính là cuốn Mo đã lấy đi. “Nó nằm trước cửa phòng con”, bàn tay Resa nói. Meggie vuốt tay trên lần bìa in hình. Vậy là Mo đã mang nó quay trở lại. Tại sao ông không vào phòng? Vì ông vẫn còn giận hay ông thấy đau lòng? “Ba muốn con bỏ đám sổ ghi chép này lên tầng áp mái. Ít nhất là trong một thời gian.” Meggie đột ngột thấy mình bé thơ đến lạ. Mà đồng thời cũng già nua đến lạ. “ ‘Có lẽ tôi cần phải biến thành một người thủy tinh’, ba bảo như thế, ‘hay đi nhuộm da thành màu xanh, bởi con gái và vợ tôi rõ ràng đã nhớ những cô tiên và đám người thủy tinh hơn là nhớ tôi.’ ” Resa mỉm cười và vuốt ngón tay trỏ trên sống mũi Meggie. “Vâng, con biết, dĩ nhiên là ba không thật tin như thế! Nhưng lần nào ba cũng nổi đóa lên khi thấy con ngồi ghi ghi chép chép...” Resa nhìn qua khuôn cửa sổ mở rộng, ra khoảng vườn bên ngoài. Khu vườn thật rộng, rộng đến mức không nhìn thấy giới hạn, chỉ những thân cây cao vút và những bụi đỗ quyên già nua bao quanh ngôi nhà của Elinor như một dải rừng nguyên thủy. Ngay sát phía dưới cửa sổ phòng Meggie là một bãi cỏ, nằm bên rìa một con đường hẹp trải sỏi. Bên rìa bãi cỏ có để một chiếc ghế dài. Meggie còn nhớ rõ cái đêm cô ngồi trên ghế đó và nhìn Ngón Tay Bụi phun lửa. Bãi cỏ chiều nay vừa được ông thợ làm vườn suốt ngày cáu kỉnh quét cho sạch lá rụng. Ở giữa bãi, người ta vẫn còn nhìn thấy vệt đất trọc trụi, nơi đám tay chân của Capricorn đã đốt những cuốn sách đẹp nhất của bà Elinor. Ông thợ làm vườn không ngưng thuyết phục bà chủ Elinor cho trồng cây hay cỏ mới lên chỗ đó, nhung lần nào bà cũng quả quyết lắc đầu, và còn ra lệnh cho ông để nguyên đám cây cỏ thi đã đâm lên tua tủa bên rìa vệt đất bị đốt cháy đen, như muốn dùng những nụ hoa lá phẳng dẹt nhắc cho người ta nhớ lại cái đêm những đứa con được in trên giấy của bà bị lửa nuốt chửng. Mặt trời đang xuống phía sau những dãy núi gần đó, đỏ tựa như nhắc đến đống lửa đã tắt từ lâu, và một ngọn gió lành lạnh thổi từ bên ngoài vào khiến Resa rùng mình. Meggie đóng cửa sổ. Ngọn gió thổi tới vài cánh hồng héo. Vàng nhạt và trong suốt, những cánh hồng dán vào lần kính cửa sổ. “Con đâu có muốn cãi nhau với Mo”, cô thì thầm, “ngày trước con không bao giờ cãi nhau với Mo, vâng, hầu như không bao giờ...” “Có lẽ ba con có lý.” Mẹ cô vuốt tóc ra sau. Tóc Resa cũng dài như tóc Meggie, nhưng sậm màu hơn, như có một cái bóng phủ lên trên. Resa thường dùng cặp túm gọn mái tóc. Meggie dạo này cũng thường để tóc kiểu đó, và thỉnh thoảng, khi nhìn qua tấm gương bên tủ quần áo, cô có cảm giác như không phải mặt mình, mà là một hình ảnh trẻ trung hơn của mẹ cô. “Chỉ thêm một năm nữa là con cao quá đầu em”, thỉnh thoảng Mo lại trêu chọc Resa như thế, còn ông Darius cận thị thì đã nhiều lần nhầm Meggie với mẹ cô. Resa vuốt ngón tay trỏ dọc mảng kính cửa sổ, như muốn vẽ theo đường nét của những cánh hồng dính phía ngoài. Thế rồi đôi bàn tay của người mẹ lại bắt đầu nói, ngập ngừng, giống như cặp môi người thỉnh thoảng cũng ngập ngùng: “Mẹ hiểu ba con, Meggie”, những ngón tay cất tiếng, “nhiều khi mẹ cũng nghĩ rằng, hai chúng ta nói chuyện quá nhiều về thế giới đó. Bản thân mẹ cũng không hiểu tại sao mẹ cứ luôn bắt đầu nói về nó. Và mẹ luôn chỉ kể cho con nghe về những gì đẹp đẽ, thay vì những thứ khác: cảnh bị giam cầm, những hình phạt của mụ Mortola, cảm giác đau buốt trong đầu gối và bàn tay khi phải làm việc quá nhiều, đau đến mức mẹ không ngủ được... tất cả những sự tàn nhẫn mẹ đã nhìn thấy nơi đó... Đã có bao giờ mẹ kể cho con nghe về cô hầu đã chết vì sợ, bởi một con Ác Mộng Đêm đã lén vào phòng của bọn mẹ?” “Có, mẹ có kể!”, Meggie ngồi thật sát vào mẹ cô, nhưng đôi bàn tay Resa im lặng. Chúng vẫn còn thô xù vì những năm tháng mẹ cô phải làm hầu gái, đầu tiên hầu cho Mortola, sau đó hầu cho gã Capricorn. “Mẹ đã kể cho con nghe tất cả”, Meggie nói, “cả những chuyện tồi tệ, nhưng Mo không muốn tin!” “Bởi ba con cảm nhận rằng, mẹ con mình mặc dù vậy vẫn luôn chỉ mơ mộng về những chuyện diệu kỳ mà thôi. Cứ như thể mẹ đã gặp quá nhiều chuyện tốt lành.” Resa lắc đầu. Những ngón tay lại im lặng suốt một lúc lâu, trước khi được Resa tiếp tục cho cất tiếng. “Mẹ đã phải ăn cắp từng chút thời gian cho riêng mình, từng giây, từng phút, cũng có khi được cả một tiếng đồng hồ vô giá trong những lần bọn mẹ được phép vào rừng tìm cây cỏ cho Mortola, đủ các loại để mụ chế ra đồ uống đen độc của mụ.” “Nhưng còn những năm tháng mẹ được tự do! Những năm mẹ mặc giả đàn ông và làm nghề viết thuê trên chợ”. Giả làm đàn ông... không một bức tranh nào được Meggie vẽ ra trong đầu thường xuyên như bức đó: hình ảnh mẹ cô, tóc ngắn, trong chiếc tạp dề của một người viết thuê, ngón tay dính đầy mực và thứ chữ đẹp nhất có thể tìm thấy trong Thế Giới Mực. Resa đã kể cho cô nghe như thế. Mẹ cô đã kiếm ăn bằng cách đó, trong một thế giới không hề dễ dàng với phụ nữ. Ngay lúc này đây Meggie cũng chỉ muốn nghe lại câu chuyện đó thêm một lần nữa, dù cô biết nó có một kết thúc đau buồn, bởi sau đó là những năm tháng tồi tệ. Nhưng chẳng phải kể cả trong những năm tháng đó cũng đã xảy ra những chuyện diệu kỳ? Ví dụ bữa đại tiệc trên lũy thành của ông Vua Mỡ, bữa tiệc mà mụ Mortola đã mang các cô hầu của mụ tới dự, nơi đó Resa đã nhìn thấy ông Vua Mỡ, nhìn thấy Hoàng Tử Đen cùng con gấu của chàng ta và người diễn trò đi trên dây, người được gọi là Vũ Công Mây... Nhưng Resa đâu có vào đây để kể lại điều đó lần nữa. Mẹ cô im lặng. Và khi những ngón bắt đầu cất tiếng thì chúng chậm hơn hẳn ngày thường. “Hãy quên Thế Giới Mực đi, Meggie”, chúng nói. “Ta hãy cùng nhau quên nó đi, ít nhất là cho một thời gian. Vì ba con... và vì bản thân con. Nếu không thì tới một lúc nào đó con sẽ trở nên mù lòa trước những vẻ đẹp xung quanh con.” Thêm một lần nữa mẹ cô lại nhìn ra bên ngoài, nhìn hoàng hôn đang phủ xuống. “Mẹ đã kể cho con nghe tất cả”, bàn tay của Resa nói. “Tất cả những gì mà con đã hỏi.” Đúng, mẹ cô đã làm điều đó. Và Meggie đã đặt ra cho Resa rất nhiều câu hỏi, cả ngàn câu rồi lại thêm cả ngàn câu nữa: Đã bao giờ mẹ nhìn thấy một người khổng lồ? Mẹ mặc quần áo thế nào? Lũy thành trong rừng trông ra sao, nơi mụ Mortola đã mang mẹ tới, và cái ông vua mà mẹ kể đó, ông Vua Mỡ, lũy thành của ông ấy có lớn và tráng lệ như Lũy Thành Đêm? Hãy kể cho con nghe về con trai ông ấy, về chàng Cosimo Xinh Đẹp, hãy kể cho con nghe về tên Đầu Rắn và bọn lính Bọc Sắt của gã. Có phải trong lũy thành của gã mọi thứ đều được làm bằng bạc? Con gấu luôn đi bên Hoàng Tử Đen to đến cỡ nào, và những cây cối nơi đó ra sao, có thật chúng biết nói không? Hãy kể cho con nghe về người đàn bà già nua mà tất cả mọi người đều gọi là Nessel? Có phải bà ấy thật sự biết bay? Resa đã trả lời tất cả các câu hỏi đó, nhưng dù là cả một ngàn câu trả lời thì vẫn chưa đủ để ghép lại thành mười năm trời, và có những câu hỏi Meggie chưa bao giờ đặt ra. Ví dụ cô chưa bao giờ hỏi về Ngón Tay Bụi. Nhung mẹ cô vẫn kể về người đàn ông đó: rằng ai trong Thế Giới Mực cũng biết tên anh ta, ngay cả khi anh đã biến mất rất nhiều năm, rằng người ở đó gọi anh là Vũ Công Lửa và Resa vì thế đã ngay lập tức nhận ra khi gặp anh ta lần đầu tiên trong thế giới này... Còn một câu hỏi nữa mà Meggie không nói thành lời, mặc dù nó thường xuyên lẩn khuất trong đầu cô, bởi đó là câu hỏi mà Resa không trả lời nổi: Chuyện gì xảy ra với ông Fenoglio, người viết nên một cuốn sách đầu tiên đã hút mẹ cô, sau đó hút luôn cả người tạo ra nó vào giữa những trang giấy? Đã trên một năm kể từ khi giọng đọc Meggie khiến những câu chữ của Fenoglio dệt quanh chính ông - dệt tròn dệt tròn cho tới khi ông biến hẳn vào giữa chúng, như bị chúng nuốt chửng. Thỉnh thoảng Meggie lại nằm mơ thấy gương mặt nhăn nheo, nhưng cô không bao giờ biết là ánh mắt ông trong đó hạnh phúc hay buồn thương. Ở ngoài đời người ta cũng đã khó biết được điều đó trên gương mặt nhăn nheo như mặt rùa của ông Fenoglio. Một đêm nọ, khi cô lại một lần nữa tỉnh dậy từ một trong những cơn mơ như thế và không ngủ lại được, cô đã bắt đầu viết, tả lại cảnh Fenoglio gắng sức tìm đường về nhà, về với những đứa cháu của ông, và về với ngôi làng, nơi Meggie đã gặp ông lần đầu. Nhưng cô không viết được quá ba câu văn, giống như với tất cả những câu chuyện khác mà cô đã bắt đầu. Meggie lật lật trong cuốn sổ ghi chép mà Mo đã lấy đi của cô - rồi gập nó lại. Resa đặt tay dưới cằm cô, và nhìn vào mặt cô. “Đừng giận ba con.” “Con chẳng bao giờ giận ba được lâu! Và ba biết như thế. Ba sẽ đi xa bao lâu?” “Mười ngày, có thể lâu hơn.” Mười ngày trời! Meggie nhìn sang kệ sách đứng cạnh giường cô. Chúng đứng ở đó, gọn gàng: Những Cuốn Sổ Độc Ác - về sau này cô đã gọi chúng như thế - được đổ đầy những câu chuyện của Resa với những người thủy tinh và những cô tiên nước, tiên lửa, những con Ác Mộng Đêm, những Người Đàn Bà Trắng và tất cả những thực thể kỳ quặc mà mẹ cô đã miêu tả. “Thôi được. Con sẽ gọi điện cho ba. Con sẽ nói với ba là khi trở về đây, con muốn ba đóng một cái hòm để đựng chúng. Nhưng chìa khóa của cái hòm đó thì con sẽ giữ.” Resa tặng cô một nụ hôn lên trán. Thế rồi người mẹ thận trọng dùng bàn tay vuốt trên cuốn sổ ghi chép nằm trong lòng Meggie. “Trên đời này có ai đóng sách đẹp hơn là ba con?”, những ngón tay cất tiếng hỏi. Miệng mỉm cười, Meggie lắc đầu. “Không có ai”, cô thì thầm. “Không trong thế giới này và không trong mọi thế giới khác.” Khi mẹ Resa đã xuống dưới để giúp ông Darius và bà Elinor làm bữa tối, Meggie vẫn ngồi trên bậu cửa sổ, nhìn cảnh bóng tối dần đổ đầy khoảng vườn của bà Elinor. Khi có một con chồn giương thẳng cái đuôi xù lông nhảy qua bãi cỏ, cô bất giác nghĩ đến Gwin, con chồn của chú Ngón Tay Bụi. Kỳ lạ làm sao, giờ đây cô đã hiểu được nỗi khao khát mà cô thường nhìn thấy trên gương mặt sẹo của ông chủ nó. Đúng thế, chắc là ba Mo có lý. Cô đã nghĩ quá nhiều đến thế giới của Ngón Tay Bụi, quá quá nhiều. Chẳng phải chính cô đã vài lần đọc lên thành tiếng những câu chuyện của Resa, mặc dù cô biết, giọng đọc của mình cùng chữ viết có thể trở thành nguy hiểm đến mức nào? Chẳng phải chính cô - nếu cô có thể thành thật, thành thật quá mức bình thường - đã không ít lần ngầm ấp ủ mối hy vọng rằng những câu chữ sẽ cho cô lẻn sang bên kia? Mo sẽ làm gì nếu ông biết về những thử nghiệm đó? Liệu ông có mang những cuốn sổ ghi chép vào vườn mà chôn hoặc ném xuống hồ, như lời đe dọa mà thỉnh thoảng ông lại đưa ra với lũ mèo hoang lẻn vào xưởng thợ của ông. Đúng. Mình sẽ khóa chúng lại!, Meggie nghĩ thầm khi những ngôi sao đầu tiên đã lấp lánh ngoài trời. Ngay khi Mo đóng cho mình một cái hòm mới. Chiếc hòm mà Mo đóng cho những cuốn sách cô yêu sách nhất giờ đây đã đầy ắp. Chiếc hòm màu đỏ như hoa anh túc, và vừa mới được ba Mo quét lại lần sơn bên ngoài. Hòm đựng những cuốn sổ ghi chép này phải được sơn bằng một màu khác, tốt nhất là màu xanh lục như Dải Rừng Không Có Đường Đi mà Resa đã biết bao lần miêu tả. Chẳng phải những người lính của ông Vua Mỡ cũng mặc áo choàng màu xanh lục đó sao? Một con bướm đêm đập mình vào cửa sổ, nhắc cho Meggie nhớ tới những cô tiên xanh ngắt và nhớ tới câu chuyện đẹp nhất mà Resa đã kể về họ: những cô tiên đã chữa lành gương mặt của chú Ngón Tay Bụi sau những nhát dạo rạch của Basta, để cảm ơn cho chuyện chú ấy thường xuyên giải phóng chị em họ ra khỏi những chiếc lồng bằng dây thép, thứ mà đám con buôn dùng để nhốt tiên và mang ra chợ bán làm vật cầu may. Ở thật sâu trong Dải Rừng Không Có Đường Đi, chú ấy đã... Thôi đi! Meggie tựa trán vào lớp kính lành lạnh. Thôi đi. Mình sẽ mang tất cả vào phòng làm việc của ba Mo, cô nghĩ thầm, ngay bây giờ. Và khi ba quay trở lại, mình sẽ xin ba mua cho mình một cuốn sổ ghi chép mới, dành cho những câu chuyện của thế giới này. Meggie đã bắt đầu viết vài câu chuyện như thế: về khoảng vườn của bà Elinor và về thư viện của bà, về lũy thành bên dưới bờ hồ kia. Thuở trước đã có những tên cướp đến ở trong đó, bà Elinor đã kể về chúng, theo cái cách riêng của bà là tô vẽ thêm những chi tiết đẫm máu, đến mức ông Darius nghe mà quên cả chuyện sắp xếp sách và đôi mắt đằng sau cặp kính cận dày cộm cứ mở to ra mãi vì kinh hoàng. “Meggie, ăn tối thôi!” Giọng bà Elinor vang qua khu cầu thang. Bà có chất giọng rất khỏe và lớn. Lớn hơn còi báo động của tàu Titanic, Mo luôn nói như thế. Meggie trượt từ trên bậu cửa sổ xuống. “Cháu xuống ngay!”, cô nói vọng ra hành lang. Thế rồi cô chạy trở lại phòng mình, rút những cuốn sổ ghi chép ra khỏi kệ, từng cuốn từng cuốn một, cho tới khi cánh tay trĩu xuống dưới đám giấy dày nặng, rồi cô chòng chành vác chúng đi theo hành lang sang căn phòng mà Mo dùng làm văn phòng. Ngày trước nó vốn là phòng Meggie, cô đã ngủ trong đó vào lần cùng Mo và Ngón Tay Bụi đến đây, nhưng khuôn cửa sổ của nó chỉ cho thấy khoảng đường trải sỏi trước nhà, những cây thông, một cây hạt dẻ đồ sộ và chiếc xe Kombi màu xám, cái xe đứng ở đó trong mọi trời mưa nắng, (bà Elinor cho rằng, ô tô mà được người ta chiều chuộng bằng garage thì chỉ gỉ sét nhanh hơn mà thôi). Lần này, khi họ quyết định ở lại nhà bà Elinor, Meggie đã tỏ ý muốn được ở một phòng khác có cửa sổ nhìn ra vườn. “Meggie, cháu ở đâu thế?” giọng nói đã bắt đầu nóng nảy. Thời gian gần đây bà Elinor thường bị đau nhức các khớp tay chân, nhưng bà không muốn đến bác sĩ. (“Đến mà làm gì?”, đó là lời nhận xét duy nhất của cô. “Họ đã phát minh ra thứ thuốc chống lại tuổi già chưa?”) “Cháu xuống ngay đây!”, Meggie vừa kêu lớn vừa cẩn thận đẩy những cuốn sổ ghi chép lên bàn viết của Mo. Có hai cuốn rơi ra khỏi sập và suýt nữa đẩy đổ cái bình đựng những bông hoa thu mà mẹ cô đặt trước cửa sổ. Meggie còn kịp tóm được trước khi nó đổ nước lên những biên lai tính tiền công và những biên lai mua xăng. Đúng lúc cô đứng ở đó, tay còn giữ bình cắm hoa, những ngón tay dính nhớp vì bụi hoa rơi xuống, thì cô nhìn thấy dáng người nọ nhô ra giữa những thân cây, ở đoạn dốc lên của con đường dẫn từ đường nhựa vào nhà. Tim cô bắt đầu đập mạnh và cái bình hoa thêm một lần nữa suýt trượt ra khỏi những ngón tay cô. Thế là đã được chứng minh: Mo nói đúng. “Meggie, con phải rút đầu con ra khỏi đám sổ này, nếu không chẳng bao lâu nữa con sẽ không phân biệt được đâu là những gì con tưởng tượng và đâu là hiện thực ở đây!” Đã biết bao lần ông nói điều đó với cô, và bây giờ thì chuyện đó xảy ra. Có phải cô vừa nghĩ đến chú Ngón Tay Bụi - và bây giờ thì cô nhìn thấy một người đứng ở ngoài đêm, y hệt như trong đêm hôm đó, khi người đàn ông ấy chờ trước nhà cha con cô, bất động như dáng người bây giờ ở ngoài kia... “Meggie, trời ơi, còn phải gọi cháu bao lần nữa hả?” Bà Elinor phì phò thở vì vừa phải leo cầu thang. “Tại sao cháu đứng đờ ra như mọc rễ thế? Cháu không nghe thấy gì à? - ma quỷ thật, ai thế?” “Cô cũng nhìn thấy bạn ấy sao?” Meggie thấy nhẹ nhõm, đến mức cô muốn nhao lên ôm cổ bà Elinor. “Dĩ nhiên” Dáng người kia động đậy. Nó chạy trên lớp sỏi sáng màu. Nó không đi giày. “Đây là cậu bé đó mà!”, giọng bà Elinor nghe đầy ngỡ ngàng. “Chính là đứa đã giúp cho gã ăn diêm lấy cắp cuốn sách của ba cháu. Cha, dám tới đây thì thật là táo gan. Trông nó khá thảm. Chả lẽ nó nghĩ cô sẽ cho nó vào nhà? Rất có thể gã ăn diêm cũng còn ở đây.” Mặt đầy lo âu, bà Elinor bước lại gần cửa sổ hơn, nhưng tới đó thì Meggie đã ra khỏi phòng. Cô nhảy theo những bậc cầu thang xuống và chạy qua căn sảnh. Mẹ cô nhô ra từ khoảng hành lang dẫn vào bếp. “Resa!”, Meggie kêu về phía mẹ. “Farid ở đây. Farid!” Farid h g “Cậu ta bướng bỉnh như một con lừa, tinh ranh như một con khỉ và nhanh như một con thỏ.” LOUIS PERGAUD, Cuộc chiến giữa những cái cúc áo h g Resa đưa Farid vào bếp và băng bó cho đôi chân của cậu. Trông thật khủng khiếp, đôi chân cậu nham nhở vết cứa và máu rỉ ra khắp nơi. Trong khi Resa rửa ráy và dán băng, Farid bắt đầu kể lại mọi chuyện, cái lưỡi đờ đẫn vì kiệt sức. Meggie cố hết sức để không nhìn chằm chằm vào cậu quá lâu. Cậu thiếu niên bây giờ vẫn cao hơn cô một chút mặc dù cô đã lớn lên nhiều trong năm qua, kể từ khi họ gặp nhau lần cuối... trong cái đêm cậu cùng Ngón Tay Bụi bỏ đi, cùng Ngón Tay Bụi và cuốn sách... Cô đã không quên khuôn mặt cậu cũng như không quên cái ngày Mo đọc cậu ra khỏi câu chuyện của cậu. Một ngàn lẻ một đêm. Cô chưa quen một bạn trai nào có cặp mắt đẹp như thế, gần như mắt con gái và cũng đen như mái tóc của cậu, tóc cậu bây giờ để ngắn hơn thuở đó; kiểu tóc khiến cậu trông người lớn hơn. Farid. Meggie cảm nhận rõ, lưỡi cô đang ngân nga nhấm nháp tên cậu - và nhanh lẹ đưa ánh nhìn đi nơi khác, khi cậu ngẩng đầu lên nhìn cô. Bà Elinor cũng nhìn cậu trân trân, nhưng không một chút ngượng ngùng, với cùng một cung cách thù địch mà bà đã săm soi Ngón Tay Bụi khi người đàn ông ngồi bên bàn bếp và cho con chồn ăn bánh mì cùng thịt hun khói. Bà không cho phép Farid mang con chồn vào nhà. “Cứ liệu hồn, nếu nó ăn một con chim trong vườn của tôi!”, bà đã nói như thế khi họ nhìn con chồn chạy nhanh thoăn thoắt trên lớp sỏi sáng màu, rồi bà đóng kín cửa, như thể Gwin có khả năng mở những cánh cửa khóa kín, dễ dàng như chủ nhân của nó. Farid vừa nghịch nghịch một hộp diêm vừa kể chuyện. “Nhìn kìa!”, bà Elinor thì thào vào tai Meggie. “Y hệt như gã ăn diêm. Cháu có thấy là trông nó cũng đã giống gã rồi không?” Nhưng Meggie không trả lời. Cô không muốn bỏ qua một lời kể nào của Farid. Cô muốn nghe tất cả về chuyến trở về của chú Ngón Tay Bụi, về người đọc sách và con chó địa ngục của anh ta, về cái thứ gì đã gầm gừ đầy đe dọa, thứ rất có thể là một con hổ vừa bước ra từ Dải Rừng Không Có Đường Đi - và những gì mà Basta đã la về phía Farid: Cứ việc chạy đi, rồi tao sẽ tóm được mày, nghe chưa? Tao sẽ tóm được mày, và cả Thằng Ăn Lửa, và cả Lưỡi Thần cùng đứa con gái của nó cũng như cái thằng già đã viết nên những câu chữ khốn nạn! Tao sẽ giết hết cả nhà chúng mày. Lần lượt từng đứa một! Trong khi Farid kể chuyện, ánh mắt Resa chốc chốc lại lần về với tờ giấy bẩn thỉu mà cậu đặt trên mặt bàn bếp. Người phụ nữ nhìn như thể cô sợ nó; như thể những câu chữ kia cũng có thể kéo cả cô sang bên đó. Sang với Thế Giới Mực. Khi Farid nhắc lại những lời đe dọa của Basta, Resa vòng tay ôm lấy vai con gái và siết chặt. Còn ông Darius im lặng ngồi bên bà Elinor nãy giờ thì đột ngột giơ hai tay che lấy mặt. Farid không kể nhiều về chuyện cậu làm cách nào đến được đây với đôi chân trần chảy máu. Khi Meggie hỏi, cậu chỉ lẩm bẩm loáng thoáng về một chiếc xe chở hàng đã cho cậu đi nhờ. Cậu đột nhiên kết thúc bản báo cáo như thể kho từ đột ngột cạn, và khi cậu ngưng nói thì không gian trong bếp trở thành im lặng, rất im lặng. Farid đã mang tới một vị khách vô hình. Nỗi sợ. “Darius, đun cà phê mới đi!”, bà Elinor yêu cầu và sầm mặt quan sát chiếc bàn đã bày bữa tối mà không được ai để ý đến. “Chỗ cà phê ở đây lạnh như đá rồi.” Darius ngay lập tức nhao vào việc, hăm hở nhanh lẹ như một con chồn đeo kính cận, trong khi bà Elinor săm soi Farid bằng tia mắt băng giá, như bản thân cậu có lỗi vì những thông điệp tồi tệ mà cậu mang tới. Meggie còn nhớ rất rõ, ánh mắt này thuở trước đã khiến cô sợ hãi đến mức nào. “Người đàn bà với cặp mắt đá cuội”, hồi ấy cô đã thầm gọi bà Elinor như thế. Thỉnh thoảng, cái cách gọi này vẫn đúng. “Chuyện mới hay làm sao!”, bà Elinor phun ra trong khi Resa xoay sang giúp Darius. Bản báo cáo của Farid rõ ràng đã khiến ông bối rối đến mức ông không đo nổi lượng cà phê cho vừa. Khi Resa dịu dàng rút chiếc thìa đo ra khỏi tay Darius, cũng là lúc ông vừa bắt đầu đếm lại lần thứ ba số thìa cà phê bột được đổ vào túi lọc. “Vậy là Basta đã quay trở lại, với một con dao mới tinh và cái mồm đầy lá bạc hà, tôi đoán như thế. Khốn nạn!” bà Elinor rất thích rủa xả mỗi khi lo lắng hay bực bội. “Cứ làm như thể trong ba đêm lại có một đêm tôi thức dậy mình đẫm mồ hôi vì phải nhìn thấy cái mặt xấu xí của nó trong cơn mơ vẫn còn chưa đủ, đấy là chưa nói đến con dao. Nhưng ta hãy gắng bình tĩnh! Việc là như thế này: mặc dù Basta biết tôi sống ở đâu, nhung chắc chắn là nó chỉ đi tìm mọi người chứ không đi tìm tôi. Vậy là nếu ở đây, mọi người sẽ được an toàn như ở trong tòa lâu đài của Abraham. Suy cho cùng thì hắn hầu như không thể biết là mọi người đã chuyển đến ở hẳn với tôi, đúng không?” Hể hả như thể với lời nhận định đó, bà vừa có được một suy nghĩ cứu mạng tất cả, Elinor nhìn Resa và Meggie. Nhưng Meggie lại làm cho mặt bà một lần nữa sầm xuống. “Farid cũng biết như thế”, cô bé nhận định. “Đúng vậy!”, Elinor gầm gừ, ánh mắt lại chĩa về phía Farid. “Cậu cũng biết. Làm sao mà biết?” Giọng bà gay gắt đến mức Farid bất giác rụt đầu vào. “Có một người đàn bà lớn tuổi kể cho chú ấy và cháu nghe”, cậu trả lời bằng giọng bối rối. “Chúng cháu đã quay trở lại ngôi làng của Capricorn một lần nữa, sau khi những cô tiên mà chú Ngón Tay Bụi mang theo đã biến thành tro. Chú ấy muốn xem, liệu những người khác có bị chết như vậy không. Cả ngôi làng trống rỗng, không một người nào hết, cả một con chó đi lạc cũng không. Chỉ có tro thôi, chỗ nào cũng là tro xám. Vậy là hai chú cháu đã sang làng bên cạnh để hỏi han xem chuyện gì đã xảy ra, và... ở đó, ở đó chúng cháu đã nghe kể rằng có một người đàn bà to béo có nói về những cô tiên bị chết và nói rằng cũng may mà những người về sống với bà ấy không bị chết...” Bà Elinor cáu kỉnh cụp mắt xuống và dùng ngón tay vun những vụn bánh trên đĩa ăn. “Khốn kiếp”, bà lẩm bẩm. “Đúng, có lẽ bà đã nói quá nhiều trong cái cửa hàng mà bà gọi điện cho bọn cháu. Lúc đó bà bối rối quá, sau khi ra khỏi ngôi làng trống không! Làm sao biết được rằng, đám đàn bà lắm mồm lại kể cho chính gã ăn diêm về bà? Đám phụ nữ lớn tuổi nói chuyện với một gã như thế từ bao giờ vậy?” Hoặc là nói chuyện với một gã như Basta, Meggie thầm nghĩ thêm. Nhưng Farid chỉ nhún vai và bắt đầu tập tễnh đi lại trong căn bếp rộng mênh mông với cặp chân đã được băng. “Đằng nào thì chú Ngón Tay Bụi cũng nghĩ là tất cả mọi người ở đây”, cậu nói. “Đã có lần hai chú cháu về đây thật, bởi chú ấy muốn xem cô ấy sống có ổn không.” Cậu gật đầu về hướng Resa. Bà Elinor thở phì ra, vẻ khinh thị. “Cha, ra là gã muốn vậy? Dễ thương thật đấy.” Bà chưa bao giờ ưa nổi Ngón Tay Bụi, và chuyện người này ăn cắp cuốn sách của Mo trước khi biến đi càng khiến cho bà không ưa anh ta nữa. Nhưng Resa thì mỉm cười khi nghe Farid nói như thế, dù đã gắng che giấu điều đó trước ánh mắt Elinor. Meggie còn nhớ rất rõ một buổi sáng khi ông Darius mang lại cho mẹ cô một cuộn đồ nho nhỏ kỳ quặc, thứ mà ông tìm thấy trước cửa nhà - một cây nên, vài cây bút chì và vài hộp diêm, được buộc với những nhánh rau thủy đang nở hoa xanh ngắt. Meggie ngay lập tức biết món quà đó là của ai, và Resa cũng thế. “Còn bây giờ!”, bà Elinor vừa nói vừa chọc chọc con dao xuống đĩa ăn. “Ta rất mừng là cái gã ăn diêm đó lại biến về nơi của gã. Cứ tưởng tượng đến cảnh gã rình mò quanh ngôi nhà của tôi vào ban đêm! Chỉ đáng tiếc là gã không mang Basta theo về bên ấy.” Basta - khi Elinor nói cái tên này ra, Resa đột ngột đứng dậy, chạy ra ngoài hành lang và quay trở lại với một chiếc điện thoại. Cô đưa nó về phía Meggie ra ý yêu cầu, và dùng bàn tay còn lại hối hả nói, đến mức Meggie vất vả lắm mới đoán nghĩa được những kí hiệu mà người mẹ vẽ vào không khí. Nhưng cuối cùng thì cô con gái cũng hiểu hết. Cần phải gọi điện cho Mo. Dĩ nhiên. Phải cả một vĩnh hằng chờ đợi, ông mới bước tới điện thoại. Chắc ông đang mải làm việc. Mỗi khi đi xa, Mo thường làm việc đến khuya, để nhanh chóng được trở về nhà. “Meggie?” giọng ông nghe ngạc nhiên. Rất có thể ông nghĩ cô gọi vì chuyện cãi cọ giữa hai cha con, nhưng bây giờ còn ai quan tâm đến trò ngu xuẩn đó nữa? Phải một lúc lâu sau ông mới hiểu được những từ ngữ hối hả của cô. “Nói chậm thôi, Meggie!”, chốc chốc ông lại nhắc. “Chậm thôi.” Nhưng chuyện đó nói ra thì dễ còn làm thì khó, khi tim đang đập lên đến tận cổ họng người ta và Basta rất có thể đang lại đứng rình trước cổng vườn nhà. Meggie không dám nghĩ tiếp nữa. Nhưng Mo bình tĩnh đến kỳ quặc - hầu như ông đã chờ đợi rằng quá khứ sẽ một lần nữa đuổi kịp họ. “Các câu chuyện không bao giờ kết thúc, Meggie”, đã có lần ông nói với cô như thế, “ngay cả khi những cuốn sách vốn lừa ta như vậy. Những câu chuyện tiếp diễn, chúng đâu có kết thúc với câu văn cuối cùng, cũng như đâu có bắt đầu với câu văn đầu tiên.” “Bà Elinor bật hệ thống báo động lên chưa?”, ông hỏi. “Rồi ạ.” “Bà ấy báo cho cảnh sát chưa?” “Chưa. Bà ấy bảo đằng nào bọn họ cũng chẳng tin.” “Mặc dù vậy, vẫn cứ nên gọi điện cho cảnh sát. Và cần phải miêu tả kỹ ngoại hình của Basta. Mấy bà cháu còn miêu tả được hình dáng của gã, đúng không?” Câu hỏi mới kỳ quặc! Meggie đã gắng sức quên đi gương mặt Basta, nhưng chắc chắn nó phải hằn vào trí não cô cho đến những năm tháng cuối đời, rõ ràng sắc nét như một tấm ảnh chụp. “Cẩn thận, Meggie!” Có thể Mo không hoàn toàn bình tĩnh như vẻ ngoài. Giọng ông nghe khác mọi khi. “Đêm nay ba sẽ về nhà. Hãy nói cho Elinor và mẹ con biết. Muộn nhất đến sáng mai là ba lại đứng trước cửa. Hãy đóng mọi cửa ra vào và đóng tất cả các cửa sổ, hiểu chưa?” Meggie gật đầu - và quên mất là Mo không thể nhìn thấy điều đó qua điện thoại. “Meggie?” “Vâng, con hiểu rồi.” Cô cũng gắng sức nói bằng giọng bình tĩnh, dũng cảm. Ngay cả khi cảm giác trong cô không như vậy. Cô sợ, sợ lắm. “Hẹn con đến sáng mai, Meggie!” Giọng ông cho cô biết: ông sẽ lên đường ngay lập tức. Và đột ngột cô nhìn thấy con đường đêm, con đường đêm dài dằng dặc, và trong cô xuất hiện một suy nghĩ mới, một suy nghĩ khủng khiếp. “Còn ba thì sao?”, cô la lên. “Mo! Thế nhỡ Basta rình mò ba?” Nhưng ba cô đã đặt máy xuống từ lâu. Bà Elinor quyết định đưa Farid tới nơi Ngón Tay Bụi ngủ ngày trước: căn phòng áp mái, nơi những chồng sách xúm xít đứng quanh cái giường nhỏ, cao đến mức người nào nằm trong đó chắc cũng phải mơ rằng bị thứ giấy in chữ kia đè chết. Meggie được trao nhiệm vụ chỉ đường cho Farid. Khi cô chúc cậu ngủ ngon, cậu bạn chỉ lơ đãng gật đầu. Ngồi trên cái giường hẹp, trông cậu thật cô đơn và thảm thương, tuyệt vọng như vào cái ngày Mo đã đọc ra cậu trong ngôi nhà thờ của Capricorn, một cậu bé gầy gò không tên với dài khăn Turban trên mái tóc đen. Trong đêm hôm đó bà Elinor kiểm tra dàn báo động nhiều lần nữa trước khi đi ngủ. Ông Darius lôi ra cây súng săn mà thỉnh thoảng bà Elinor dùng để bắn lên trời, khi bà nhìn thấy mèo hoang rình bên dưới một tổ chim trong vườn. Khoác trên mình chiếc áo choàng trong nhà màu cam quá rộng được Elinor tặng trong dịp Noel vừa qua, ông Darius ngồi trong chiếc ghế bành trong sảnh, đặt khẩu súng vào lòng, nhìn trân trân cửa ra vào với nét mặt quả quyết. Nhưng khi bà Elinor xuống xem lại dàn báo động lần thứ hai thì ông đã ngủ thật sâu. Mãi sau đó Meggie vẫn chưa ngủ. Cô nhìn khoang kệ vốn là chỗ để đám sổ ghi chép, vuốt tay trên những miếng ván gỗ trống trơn, cuối cùng cô quỳ xuống trước chiếc hòm sơn đỏ mà Mo đã đóng cho cô cách đây rất lâu để đựng những cuốn sách cô ưa thích. Đã nhiều tháng nay cô chưa mở nó ra. Người ta không thể để thêm một cuốn sách nào vào đây, và bây giờ thì nó đã quá nặng, không thể mang theo trong những chuyến đi. Vì thế mà bà Elinor đã tặng cô một chiếc tủ đựng sách, dành cho những cuốn ưa thích mới. Tủ sách ngay bên giường của Meggie, với những khoảng cửa kính và những hình chạm trổ uốn lượn lan ra trên nền gỗ thẫm màu, như những lá những cành đó không hề quên rằng đã có thời lần gỗ này sống động. Những khoang tủ sau lớp kính trông đã khá đầy đặn, bời bây giờ không chỉ có Mo tặng Meggie sách, mà còn có thêm mẹ Resa và bà Elinor. Cả ông Darius cũng thỉnh thoảng mang đến cho cô một cuốn. Nhưng những người bạn cũ, những người bạn sách mà Meggie đã thân quen từ trước khi cô đến ở trong nhà bà Elinor thì vẫn tiếp tục chiếm chỗ trong cái hòm nọ, và khi cô mở nắp hòm nặng trĩu ra, Meggie có cảm giác như những giọng nói hầu như đã bị lãng quên lại chen chúc phả về phía cô, như thể cô đang nhìn những gương mặt thân quen. Tất cả chỗ sách này mới được đọc nhiều làm sao… “Con có thấy kỳ lạ không, một cuốn sách được đọc nhiều có thể dày lên đến bao nhiêu?”, Mo đã hỏi như thế khi hai cha con thăm lại đám bạn sách trong ngày sinh nhật gần đây nhất của Meggie. “Như thể cứ sau mỗi lần đọc là lại có cái gì mới mẻ được dán thêm vào giữa những trang giấy. Tình cảm, suy nghĩ, âm thanh, mùi vị... và nếu sau này nhiều năm trời con lại giở trang trong cuốn sách, thì con sẽ phát hiện thấy bản thân mình trong đó, một chút trẻ trung hơn, một chút khác biệt, như cuốn sách đã gìn giữ con giống cách gìn giữ một bông hoa ép khô, vừa thân quen vừa xa lạ.” Một chút trẻ trung hơn, đúng vậy. Meggie cầm lên tay một trong những cuốn sách nằm trên cùng và lật trang. Cô đã đọc nó ít nhất một tá lần. Đây là những đoạn văn, những cảnh kịch được cô yêu thích nhất hồi lên tám, còn đây là những câu, đoạn được cô gạch chân hồi lên mười, bằng một cây bút màu đỏ, bởi cô thấy gạch chân bằng màu đỏ đẹp tuyệt. Cô vuốt ngón tay dọc những đường kẻ ngoằn ngoèo - ngày đó không có Resa, không có Elinor, không có Darius, chỉ một mình Mo... không có nỗi khao khát về những cô tiên xanh ngắt, không có hồi ức về một gương mặt sẹo, không có con chồn với cặp sừng và một cậu Farid luôn đi chân trần, không có một gã Basta cùng lưỡi dao của gã. Đã có một cô bé Meggie khác đọc trong cuốn sách này, khác quá đi... và cô Meggie đó sẽ ở lại giữa những trang giấy, được gìn giữ như một kỷ vật. Thốt ra một tiếng thở dài, Meggie gập cuốn sách lại và đặt nó về với những cuốn khác. Phòng bên có tiếng chân Resa đang đi đi lại lại. Có phải cũng giống như Meggie, chốc chốc mẹ cô lại nhớ đến lời đe dọa mà Basta đã la theo bước chân Farid? Mình phải sang với mẹ, Meggie nghĩ. Ngồi bên nhau thì nỗi sợ hãi có lẽ chỉ còn một nửa. Nhưng đúng khi cô nhỏm dậy thì tiếng bước chân Resa câm bặt, phòng bên trở thành yên ắng, yên ắng như giấc ngủ. Có lẽ ngủ không phải là một ý kiến tồi bây giờ. Mo chắc chắn sẽ không về sớm hơn chỉ bởi vì Meggie thức chờ ông. Giá mà cô có thể gọi điện cho ông, nhưng ông luôn quên bật điện thoại di động của mình lên. Meggie đóng hòm sách thật nhẹ nhàng, như sợ tiếng động sẽ đánh thức Resa, rồi tắt những cây nến mà cô đã châm lên vào buổi tối, bất chấp bà Elinor luôn ngăn cấm. Đúng lúc cô vừa tuột chiếc áo thun qua đầu thì có tiếng gõ vào cửa phòng cô - thật khẽ khàng, thật khẽ. Cô mở cánh cửa, trong lòng tin chắc sẽ nhìn thấy mẹ, bởi Resa không ngủ được, nhưng đó lại là Farid - một cậu Farid mặt đỏ lựng lên khi thấy cô chỉ mặc áo lót. Cậu lắp bắp một lời xin lỗi và trước khi Meggie kịp đáp lời thì cậu đã tập tễnh nhao đi trên cặp chân trần được dán băng. Suýt nữa thì Meggie quên mặc lại áo thun trước khi đuổi theo cậu. “Có chuyện gì thế?”, cô lo lắng thì thào khi vẫy cậu cùng cô quay trở lại phòng. “Bạn nghe thấy cái gì bên dưới kia sao?” Nhưng Farid lắc đầu. Cậu cầm trong tay mẩu giấy đó, tấm vé tàu quay trở lại của Ngón Tay Bụi, theo cách mà bà Elinor đặt tên trong đay nghiến. Cậu chần chừ bước theo Meggie vào phòng cô. Cậu nhìn quanh như một người luôn thấy thấp thỏm khi ở trong một không gian đóng kín. Chắc là kể từ khi Ngón Tay Bụi biến mất không dấu vết, cậu thường xuyên ở ngoài trời, ngày cũng như đêm. “Xin lỗi!”, cậu vừa lắp bắp vừa cúi nhìn những ngón chân trần của mình. Có hai dải băng bị tuột ra. “Đã quá muộn rồi, nhưng mà - “ lần đầu tiên cậu nhìn thẳng vào mắt Meggie và đỏ lựng mặt lên. “Orpheus có nói rằng, anh ta không đọc hết”, cậu chần chừ nói tiếp. “Anh ta đã bỏ qua những câu văn có thể đưa tôi sang đó. Anh ta đã chủ tâm làm như thế, nhưng tôi phải cảnh báo cho chú Ngón Tay Bụi, và vì vậy...” “Và vì vậy thì sao?” Meggie đẩy về phía cậu chiếc ghế vốn luôn đứng bên bàn viết, còn bản thân cô ngồi lên bậu cửa sổ. Farid ngồi xuống ghế, cũng chần chừ như khi cậu bước vào phòng cô. “Bạn hãy đọc tôi sang bên đó, làm ơn đi!” Cậu lại chìa mảnh giấy bẩn thỉu đó ra với vẻ nài nỉ tha thiết trong hai con mắt đen nhánh, tha thiết đến mức Meggie không biết phải nhìn đi đâu. Làn mi cậu mới rợp dài làm sao, mi cô chắc không đẹp được bằng một nửa. “Làm ơn! Chắc chắn là bạn làm được!”, cậu lắp bắp. “Đêm ấy... trong làng của gã Capricorn... tôi còn nhớ rất rõ - bạn cũng chỉ có một tờ giấy thôi!” Ngày ấy trong ngôi làng của gã Capricorn. Mãi đến hôm nay tim Meggie vẫn còn đập lồng lên mỗi lần cô nghĩ tới nó: cái đêm mà cô đã đọc Cái Bóng sang đây để rồi vẫn không thể ra lệnh cho nó giết Capricorn - cho tới khi Mo nhảy vào làm giúp cô. “Orpheus đã viết những câu này, chính gã đã nói như thế! Gã ấy không đọc chúng lên thôi, nhưng mà chúng ở đây, trên giấy này! Dĩ nhiên trên đó không có tên tôi, nếu ghi tên tôi thì chuyện sẽ không có kết quả.” Farid nói mỗi lúc một hối hả hơn. “Orpheus nói rằng, đó mới chính là bí mật: Người ta phải gắng chỉ dùng những từ cũng có trong cuốn sách, nếu muốn thay đổi câu chuyện của nó.” “Anh ta nói như thế sao?” Tim Meggie gần như ngừng đập, như thể nó vừa va phải những lời Farid nói. Người ta phải gắng chỉ dùng những từ cũng có trong cuốn sách... có phải vì thế mà cô không thể đọc được ra một thứ gì, tuyệt đối không một thứ gì từ những câu chuyện của Resa, bởi cô đã dùng những câu chữ không có trong Tim Mực? Hay nguyên nhân chỉ nằm ở chỗ là cô chưa hiểu về nghề viết văn? “Đúng. Orpheus rất tự kiêu về tài đọc sách của gã.” Farid nhổ cái tên đó ra như người ta nhổ hạt mận. “Nhưng thật ra gã đọc không hay bằng một nửa bạn và ba bạn, nếu bạn hỏi thật tôi.” Có lẽ thế, Meggie nghĩ, nhưng chính anh ta đã đưa được Ngón Tay Bụi quay trở lại. Và anh ta đã tự viết nên những câu chữ cho chuyện này. Kể cả Mo lẫn mình đều không làm được điều đó. Cô cầm lấy tờ giấy của Farid với những dòng chữ của Orpheus. Chữ viết rất khó đọc, nhưng đó là một thứ chữ đẹp, uốn lượn đến kỳ quặc và rất độc đáo. “Ở vị trí nào thì chú Ngón Tay Bụi đã biến mất?” Farid nhún vai. “Mình không biết”, cậu chán nản lầm bầm. Dĩ nhiên, cô đã quên mất là cậu không biết đọc. Meggie dùng ngón tay lần theo câu văn đầu: Ngón Tay Bụi quay trở lại vào một ngày tràn ngập hương dâu rừng và hương nấm. Trầm ngâm, cô hạ tờ giấy xuống. “Không được”, cô nói. “Chúng ta thậm chí không có được cuốn sách. Không có sách thì làm sao mà làm nổi?” “Nhưng Orpheus có dùng sách đâu! Chú Ngón Tay Bụi đã lấy đi của gã cuốn sách trước khi gã đọc tờ giấy này!” Farid đẩy ghế ra sau và bước đến bên cô. Sự gần gũi làm Meggie thấy chòng chành, cô khăng khăng không muốn hiểu lý do. “Không thể thế được!”, cô lẩm bẩm. Nhưng rõ ràng chú Ngón Tay Bụi đã biến mất. Chỉ vài câu văn được viết bằng tay đã mở ra cho chú ấy cánh cửa giữa những câu chữ, cánh cửa mà Mo đã bao lần rung lắc nhưng chỉ uổng công. Mà đâu phải ông Fenoglio, tác giả của cuốn sách, đã viết nên những câu chữ đó, mà là một người lạ... một người lạ với cái tên kỳ quặc. Orpheus. Meggie biết nhiều hơn đa phần những người khác về những gì đang chờ đằng sau các câu từ. Bản thân cô cũng đã mở ra các cánh cửa, đã gọi ra những thực thể sống từ những trang sách đã ngả màu vàng - và đã chứng kiến cảnh ba cô đọc ra Farid, người hiện giờ đang đứng bên cô, từ một câu chuyện cổ tích xứ Ả Rập. Nhưng có vẻ như ông Orpheus nọ còn biết nhiều hơn cô, nhiều hơn rất nhiều, nhiều hơn cả Mo, người mà Farid đến giờ vẫn gọi là Lưỡi Thần... và đột ngột Meggie thấy sợ những câu chữ được viết trên tờ giấy đó. Cô đặt nó lên bàn viết như thể nó vừa đốt cháy tay cô. “Làm ơn! Ít nhất bạn cũng thử một lần đi!” Giọng Farid nghe như lời cầu xin. “Thế nếu Orpheus đã lại đọc Basta sang bên đó rồi thì sao? Phải báo cho chú Ngón Tay Bụi biết là cả hai ở cùng một nơi! Giờ đây chắc chú ấy cứ tưởng đã được an toàn trong thế giới của mình, không phải e ngại Basta nữa!” Meggie vẫn còn nhìn trân trân xuống những câu chữ của Orpheus. Trông chúng thật đẹp, đẹp mê li. Meggie cảm nhận đầu lưỡi cô đang muốn nếm chúng. Chỉ thiếu một chút là cô đã bắt đầu đọc. Hoảng hốt, cô đưa tay áp miệng. Orpheus. Dĩ nhiên cô biết cái tên này cùng câu chuyện bao quanh nó như một tấm lưới dệt từ bao nụ hoa và cây gai. Bà Elinor đã cho cô cuốn sách kể lại câu chuyện đó tài tình nhất. Hỡi Orpheus, người đang được than khóc đớn đau bởi những đàn chim đàn thú hoang, bởi những triền đá hoang vu và dải rừng đã bao lần bước theo giọng ca anh. Cây trút lá xuống, để đầu trần tiếc thương anh. Cô nhìn Farid. “Anh ta bao nhiêu tuổi?” “Orpheus?”, Farid nhún vai. “Hai mươi, hai mươi lăm, làm sao mình biết được? Rất khó đoán. Trông mặt gã ta như mặt trẻ con.” Trẻ đến thế ư? Những câu chữ trên giấy này không ra vẻ là tác phẩm của một người đàn ông trẻ tuổi. Chúng vang lên như thể hiểu biết nhiều. “Làm ơn!” Farid vẫn còn nhìn cô. “Bạn sẽ thử, đúng không?” Meggie nhìn ra ngoài. Cô bất chợt phải nghĩ đến những tổ tiên trống rỗng, những người thủy tinh đã biến mất và nhớ đến một thứ mà Ngón Tay Bụi đã nói với cô trước đây cả một thời gian dài: Thỉnh thoảng, vào buổi sáng khi ta ra giếng rửa mặt, có những cô tiên nhỏ tí teo bay lượn trên mặt nước, chẳng lớn hơn chuồn chuồn của các anh là bao nhiêu và xanh ngả màu tím của hoa violet. Họ rất thích bay vào tóc ta, thỉnh thoảng họ còn nhổ vào mặt ta nữa. Họ vốn không phải là những kẻ thân thiện dễ thương, nhưng tối đến thì cả đàn óng ánh như đom đóm. “Được”, cô nói, giọng nghe xa lạ như một người khác đang trả lời Farid. “Được, mình sẽ thử. Nhưng đầu tiên chân bạn phải lành lại đã. Cái thế giới mà mẹ mình kể không phải là nơi dành cho người đi khập khễnh đâu.” “Ngớ ngẩn, chân mình ổn mà!” Farid đi đi lại lại trên nền thảm mềm mại như để chứng minh. “Theo mình thì bạn cứ thử ngay bây giờ!” Nhưng Meggie lắc đầu. “Không!”, cô quả quyết khẳng định. “Đầu tiên mình phải học cách đọc nó sao cho trôi chảy. Chữ này không dễ đọc, mà còn bị nhòe một số chỗ, nên chắc mình sẽ phải chép lại. Người tự xưng là Orpheus đó không nói dối đâu. Anh ta có viết một chút về bạn, nhưng mình chưa tin chắc rằng như vậy là đủ. Mà ngoài ra...”, cô gắng sức giữ giọng như nói chuyện vặt, “... nếu mình làm thế, thì mình cùng muốn đi cùng.” “Cái gì?” “Đúng thế! Tại sao không?” Meggie không thể ngăn được, giọng nói lộ rõ, ánh mắt kinh hoàng của cậu khiến cô bực bội đến mức nào. Farid không trả lời. Chẳng lẽ cậu không hiểu là cô cũng muốn nhìn thấy tất cả thứ đó, những thứ mà chú Ngón Tay Bụi và mẹ cô đã kể trong giọng nói hay nét mặt mềm ra vì khao khát nhớ nhung: những đàn tiên bay trên cỏ, những thân cây cao tít tắp đến mức người ta tin rằng mây vướng vào cành chúng, Dải Rừng Không Có Đường Đi, những người diễn trò, lũy thành của ông Vua Mỡ cũng như những tháp canh bằng bạc của Lũy Thành Đêm, phiên chợ tại Ombra, những lưỡi lửa biết nhảy múa, những cái ao biết thì thầm với những gương mặt tiên nước nhìn lên... Không, Farid không hiểu. Chắc là cậu chưa từng một lần có cảm giác đó, cảm giác khao khát về một thế giới hoàn toàn khác, cũng như cậu chưa từng có cảm giác nhớ nhà, cảm giác xé nát trái tim Ngón Tay Bụi. Farid chỉ muốn một điều: Cậu muốn đến với Ngón Tay Bụi, muốn cảnh báo chú về lưỡi dao của Basta và muốn ở lại bên người đàn ông đó. Cậu là cái bóng của Ngón Tay Bụi. Đó là vai kịch cậu muốn diễn, dù là trong câu chuyện nào. “Quên đi! Bạn không đi cùng được!” Không nhìn cô, cậu tập tễnh đi lại chiếc ghế mà Meggie đã đẩy sang cho cậu, ngồi lên đó và gỡ ra khỏi chân những miếng băng mà Resa vất vả lắm mới dán lên được. “Chẳng ai có thể tự đọc mình vào một cuốn sách. Kể cả Orpheus cũng không làm nổi! Gã đã kể điều đó cho chú Ngón Tay Bụi nghe: Gã đã thử rất nhiều lần, nhưng không được.” “Thế sao?” Meggie gắng sức giữ một giọng nói tự tin, tự tin hơn so với tâm trạng cô lúc này. “Chính bạn đã nói, tôi đọc truyện hay hơn anh ta. Rất có thể tôi làm được!” Nhưng mình đã không biết viết như anh ta, cô thêm vào trong suy nghĩ. Farid ném cho cô một cái nhìn băn khoăn, trong khi tay đút đám băng dán vào túi quần. “Nhưng ở đó nguy hiểm”, cậu nói. “Đặc biệt là cho một cô thiếu...” Cậu không nói hẳn từ đó ra. Thay vào đó, cậu săm soi những ngón chân chảy máu của mình. Ngu ngốc. Meggie cảm nhận rõ nỗi bực bội để lại vị đắng trên lưỡi cô. Cậu ta nghĩ cái gì mới được chứ? Chắc chắn là cô biết về thế giới đó nhiều hơn cậu, cái thế giới mà cô cần phải đọc cậu sang. “Tôi biết chỗ đó nguy hiểm”, cô cáu kỉnh nói. “Và hoặc tôi sang cùng hoặc tôi không đọc. Cân nhắc đi. Và bây giờ thì để cho tôi ở một mình. Tôi phải nghĩ đã.” Farid ném cái nhìn cuối cùng xuống tờ giấy có chứa những câu chữ của Orpheus, sau đó đi ra cửa. “Bao giờ thì bạn muốn thử?”, cậu hỏi trước khi bước ra hành lang. “Ngày mai?” “Có thể”, Meggie chỉ trả lời như thế. Thế rồi cô đóng cửa và chỉ còn lại một mình cùng những câu chữ của Orpheus. Quán rượu của dân diễn trò h g “Cảm ơn”, Lucy nói, mở hộp và rút ra một que diêm. “Tất cả chú ý đây!” cô la lên. Giọng cô vang thật lớn. “CHÚ Ý ĐÂY! HẸN KHÔNG BAO GIỜ GẶP LẠI, HỠI NHỮNG HỒI ỨC TỒI TỆ!” PHILIP RIDLEY, Dakota Pink h g Ngón Tay Bụi cần tới hai ngày trời mới ra khỏi Dải Rừng Không Có Đường Đi. Anh gặp rất ít người, chỉ vài chàng thợ đốt than mặt mũi đen nhèm muội, một tay săn thú rừng quần áo rách tả tơi, vai khoác hai con thỏ và nét mặt lộ rõ vẻ đói khát, một đoàn canh rừng được trang bị tới tận chân răng, những kẻ chắc chắn đang đi tìm một anh chàng tội nghiệp nào đó đã lén bắn một con nai lấy thịt cho đàn con đói khát. Không ai trong số họ nhìn thấy Ngón Tay Bụi. Anh biết cách làm cho mình thành vô hình, và chỉ tới đêm thứ hai, khi nghe tiếng một đàn chó sói hú trong các dãy đồi gần đó, anh mới liều lĩnh gọi lửa lên. Lửa. Lửa trong thế giới này thật khác với trong thế giới kia. Được nghe lại giọng lách tách thì thầm của nó mới sung sướng làm sao. Và được trả lời nó nữa. Ngón Tay Bụi gom một ít cành khô nằm la liệt giữa những thân cây, lấp dưới những cây hoa sáp và cỏ xạ hương, mở ra viên mật mà anh đã lấy của những nàng tiên lửa quấn trong chiếc lá cây luôn giữ cho nó ẩm ướt và mềm mại, rồi đưa một miếng nhỏ xíu vào miệng. Anh đã sợ biết bao trong lần đầu nếm thứ mật này! Sợ món chiến lợi phẩm vô giá sẽ đốt cháy lưỡi anh, đốt lâu đến mức anh mất giọng nói. Nhưng té ra anh lo chỉ uổng công. Mật tiên cháy nóng trên lưỡi như than hồng, nhưng cảm giác đau sẽ biến đi khi ta chịu đựng đủ lâu, và sau đó ta có thể nói chuyện với lửa, cho dù con người vốn chỉ có một cái lưỡi thôi. Năm, sáu tháng trời, nhiều khi gần một năm, chỉ một chút xíu mật mà hiệu ứng lâu tới thế. Chỉ một lời thì thầm khe khẽ trong ngôn ngữ của lửa, một cái búng tay và thế là những tia lửa lách tách bùng lên từ gỗ khô và gỗ ẩm, kể cả từ đá. Thoạt tiên lửa cất lên chần chừ lâu hơn so với thuở trước - như thể nó đã quên âm giọng của anh, và không thể tin rằng anh đã thật sự quay trở lại. Nhưng sau đó nó bắt đầu thì thầm chào đón, mỗi lúc một hớn hở hơn, cho tới khi anh phải kiềm chế những lưỡi lửa vụt ra hoang dã bằng cách giả tiếng lách tách của nó, mãi rồi đám lửa mới gù lưng lại như một con mèo hoang gừ gừ nằm xuống, miễn người ta vuốt ve lần lông của nó cho đủ thận trọng. Trong khi sức lửa ăn gỗ và ánh lửa giữ chó sói ở xa, Ngón Tay Bụi lại thêm một lần nữa nghĩ tới cậu bé. Anh không thể đếm được những đêm anh tả cho Farid nghe cái cách anh nói chuyện với lửa, bởi vốn cậu xưa nay chỉ biết những lưỡi lửa câm nín và cáu kỉnh. “Coi kìa!” Anh vừa lẩm bẩm vừa sưởi tay bên lớp than mơ ngủ. “Ra mình vẫn còn nhớ cậu ta!” Và anh lấy làm mừng rằng ít nhất vẫn còn con chồn ở bên, giúp cậu bé chống lại những con ma mà cậu luôn nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Đúng thế, Ngón Tay Bụi thấy nhớ Farid. Và cả những người khác mà anh đã nhớ suốt mười năm qua, nhớ nhiều lắm, nhiều đến mức tim anh giờ vẫn còn rỉ máu vì tất cả những khao khát đó. Vì họ mà bước đi của anh bây giờ mỗi lúc một nóng nảy hơn, cứ sau mỗi tiếng đồng hồ là anh đến gần rìa rừng hơn và cũng gần với những gì đợi bên kia dải rừng - thế giới của con người. Đúng thế, không phải chỉ riêng nỗi nhớ các cô tiên, những người thủy tinh và những cô tiên nước đã hành hạ anh trong thế giới kia. Có một số người anh thấy khát khao thương mến, số họ không nhiều, nhưng vì thế mà nỗi nhớ càng đậm sắc. Anh đã gắng sức hết mình để quên họ đi, kể từ khi anh đứng trong trạng thái suýt chết đói trước cửa nhà Lưỡi Thần và người kia nói cho anh nghe rằng, anh không có đường quay trở lại... Đúng, thuở đó anh đã hiểu ra rằng, anh cần phải chọn lựa. Hãy quên họ đi, Ngón Tay Bụi! Anh đã biết bao lần tự nhủ như vậy. Nếu không mình sẽ phát điên vì chuyện đã mất tất cả những người đó. Nhưng trái tim anh không nghe lời. Những hồi ức, vừa ngọt tới thế vừa cay đắng tới thế... chúng đã gặm ruỗng anh ra trong suốt những năm tháng đó mà cũng đồng thời nuôi nấng anh. Cho tới một lúc kia, chúng bắt đầu nhạt màu, bắt đầu mờ nhòa, mịt mùng, chỉ còn là nỗi đau mà ta phải nhanh lẹ gạt sang bên, bởi nó cắt vào tim ta. Suy cho cùng thì việc cứ nhớ mãi những thứ đã mất đâu có mang lại lợi ích gì? Tốt nhất là cả bây giờ mình cũng không nên nhớ lại!, Ngón Tay Bụi tự nhủ, trong khi cây cối bao quanh anh mỗi lúc một trở nên tươi non hơn và mái lá trên đầu anh mỗi lúc một thưa hơn. Mười năm là cả một thời gian dài, một số thứ có thể mất đi. Những túp lều của người đốt than mỗi lúc một xuất hiện thường xuyên hơn giữa các thân cây, nhưng Ngón Tay Bụi không để những người đàn ông mặt đen đó nhìn thấy anh. Phần lớn những người sống ngoài rừng đều nói về họ với vẻ khinh thị, bởi những người đốt than sống trong những dải rừng sâu mà đa phần người ta không dám bước chân vào. Thợ thủ công, nông dân, thương gia và vua chúa, tất cả đều cần than củi, nhưng họ không muốn nhìn thấy hình ảnh những người làm ra than trong thành phố cũng như trong các ngôi làng. Ngón Tay Bụi thích những người đốt than, họ biết về rừng cũng nhiều như anh, mặc dù ngày nào họ cũng biến cây cối thành kẻ thù. Đã không biết bao lần anh cùng ngồi ăn với họ bên những đống lửa và lắng nghe những câu chuyện của họ, nhưng sau từng ấy năm trời xa cách, giờ anh muốn nghe những câu chuyện khác, câu chuyện về những gì xảy ra bên ngoài dài rừng này, và những câu chuyện như thế người ta chỉ có thể nghe được ở một nơi: tại một trong những quán rượu nằm dọc con đường. Ngón Tay Bụi đang nhắm tới một mục tiêu cụ thể. Nó nằm bên rìa rừng hướng bắc, ngay nơi con đường hiện ra giữa những tàn cây và bắt đầu ngoằn ngoèo trèo dọc những triền đồi lên trên, đi ngang qua vài trang trại cô đơn cho tới khi nó dẫn tới cánh cổng vào thành phố Ombra, đến với những ngôi nhà nằm dưới bóng phủ của lũy thành Vua Mỡ. Những quán trọ cô đơn bên đường, nằm ngoài thành phố lẫn làng mạc, xưa nay vốn là điểm gặp gỡ của dân diễn trò. Đó là nơi họ tụ về để nhận lời diễn thuê cho những thương gia giàu có, những người bán hàng và thợ thủ công, cho đám cưới cũng như đám ma, cho những bữa tiệc được tổ chức để chào mừng một người đi xa mới về hoặc mừng sự ra đời của một đứa bé. Đổi lấy vài đồng xu, đám dân diễn trò mang lại âm nhạc, những câu pha trò cục mịch và những tiết mục xiếc, cho người xem quên đi những buồn phiền lớn bé, và nếu Ngón Tay Bụi muốn biết tất cả những chuyện gì đã xảy ra trong những năm tháng qua, những năm tháng mà anh ở xa, thì tốt nhất là anh phải đến hỏi Đám Dân Lắm Sắc Màu. Dân diễn trò chính là mặt báo của thế giới này. Không một ai biết những chuyện đang xảy ra trong thế giới này tốt hơn họ, những kẻ không có nhà ở bất kỳ đâu. Ai mà biết được?, Ngón Tay Bụi nghĩ thầm khi đôi chân anh rời những hàng cây cuối. Nếu gặp may, có lẽ thậm chí mình sẽ gặp ngay được người quen cũ. Con đường đầy bùn và la liệt những vũng nước. Bánh xe ngựa hằn thành rãnh sâu và dấu móng của ngựa của bò ngập nước mưa. Vào kỳ này trong năm, nhiều khi mưa dầm dề suốt mấy ngày liền, giống như hôm qua, và lúc đó anh đã mừng biết bao khi được ở dưới những tàn cây, nơi mái lá dày đến mức giơ đón hết nước mưa trước khi chúng kịp làm anh ướt vào tới xương. Tối hôm đó lạnh, quần áo anh ẩm buốt, bất chấp đống lửa mà anh đã nhóm lên bên chỗ ngủ, và thật sung sướng khi thấy bầu trời hôm nay quang đãng, chỉ có vài dải mây mỏng manh đang trôi phía trên những quả đồi. Cũng may mà anh tìm thấy trong đống quần áo cũ của mình mấy đồng tiền xu. Hy vọng chúng đủ cho vài đĩa súp. Ngón Tay Bụi không mang theo bất kỳ thứ gì từ thế giới kia. Anh biết làm gì ở đây với đám giấy in chữ, thứ mà người ta dùng để trả tiền ở đó - ở đây, nơi chỉ vàng, bạc và những xu đồng ngân nga mới có giá trị, tốt nhất là những đồng tiền có mang hình ông vua trong vùng? Ngay sau khi tiêu hết chỗ tiền này, chắc anh sẽ phải đi tìm một phiên chợ, tại Ombra hoặc một nơi khác. Cái quán trọ nơi anh tìm tới chẳng thay đổi gì nhiều trong thời gian anh đi vắng, không tốt lên mà cũng chẳng tồi xuống. Nó vẫn bụi bặm bẩn thỉu y như thế với chỉ vài khuôn cửa sổ, chỉ đáng được coi là những cái lỗ đục vào lớp tường đá xám. Trong thế giới đã thống trị anh tới cách đây ba ngày chắc sẽ không một vị khách nào thèm bước chân qua một ngưỡng cửa bẩn thỉu đến như thế, nhưng ở đây thì nó là nơi ẩn nấp cuối cùng trước dải rừng, cơ hội cuối cùng để có một bữa ăn ấm áp và một chỗ ngủ không ẩm ướt vì sương hoặc nước mưa... Và chắc chắn người ta còn nhận được thêm vài con rận con rệp làm bạn đường!, Ngón Tay Bụi vừa nghĩ vừa giơ tay mở cửa ra. Không gian đằng sau cánh cửa tối đến mức đầu tiên anh phải căng mắt lên cho quen với thứ ánh sáng mờ mờ. Cái thế giới kia đã làm anh hư hỏng với mọi thứ đèn điện và ánh sáng nhấp nháy, những thứ biến đêm nơi đó thành ngày. Chúng đã khiến cho mắt anh quen với cảnh mọi thứ đều hiện ra thật rõ ràng, rằng ánh sáng là thứ mà người ta có thể bật công-tắc mà tắt hay mở, sẵn sàng bất cứ lúc nào. Nhưng bây giờ thì đôi mắt anh lại phải xoay xở trong một thế giới của mờ mờ và bóng tối, của những đêm dài đen thẫm như gỗ bị đốt thành than, trong những ngôi nhà chặn hoàn toàn ánh nắng, bởi mặt trời ở đây thường quá nóng. Thứ duy nhất tỏa sáng trong quán là vài tia nắng đang lách vào qua những lỗ cửa sổ. Vô vàn hạt bụi nhảy múa trong tia nắng như một đàn tiên bé xíu. Trong lò sưởi đang có lửa cháy bên dưới một cái chảo đen lồi lõm. Thứ mùi từ đó bốc lên chẳng mấy hấp dẫn, kể cả với cái bụng đang rỗng không của Ngón Tay Bụi, nhưng điều này không khiến anh ngạc nhiên. Quán này chưa bao giờ có một ông chủ hiểu biết đôi chút về nấu nướng. Một cô bé, chỉ khoảng mười tuổi, đang đứng cạnh cái chảo và dùng gậy gỗ khuấy trong đó. Chừng ba mươi vị khách ngồi trong bóng tối, trên những chiếc ghế dài được đẽo gọt rất thô sơ, hút thuốc, lẩm bẩm, uống rượu. Ngón Tay Bụi đi thong thả tới một chỗ còn trống và ngồi xuống. Anh kín đáo đưa mắt nhìn quanh, tìm một gương mặt quen quen, tìm vài cái quần sặc sỡ mà chỉ dân diễn trò mới mặc. Một người chơi đàn luýt ngồi ngay bên cửa sổ, anh ta đang thương thuyết với một người đàn ông ăn mặc sang trọng hơn hẳn, chắc là thương nhân giàu có. Dĩ nhiên rồi, cánh nông dân nghèo nàn đâu có đủ tiền để thuê người diễn trò. Khi một chàng nông dân muốn có nhạc cho đám cưới của mình, anh ta phải tự tay với đến cây đàn vĩ cầm. Thậm chí đối với cả hai người thổi sáo đang ngồi bên cửa sổ này anh ta cũng không đủ tiền để trả. Bên chiếc bàn cạnh đó đang có một nhóm diễn viên to mồm cãi cọ, chắc là xoay quanh vai diễn tốt nhất trong vở kịch mới. Một người trong số họ còn đeo mặt nạ, thứ mà anh ta dùng để che mặt khi biểu diễn trên các bãi chợ phiên. Giữa những người khác, trông anh ta xa lạ như một tên tiểu quỷ, nhưng dù với mặt nạ hay không có mặt nạ - tất cả bọn họ đều là kẻ lạ, dù họ hát hay nhảy múa, kể những câu chuyện tiếu lâm cục mịch trên những sân khấu làm bằng gỗ hay phun lửa. Và điều này cũng đúng cho những người đi cùng họ - những người cắt tóc dạo, người vá xương, người cắt đá, người chữa bệnh bằng phép lạ, tất cả đều nhờ đám diễn trò hút khách tới. Những bộ mặt già, những bộ mặt trẻ, hạnh phúc và đau khổ, mỗi thứ đều có một chút trong căn phòng ngập khói, nhưng không một gương mặt nào Ngón Tay Bụi thấy quen. Cả anh cũng bị người ta săm soi nhìn ngó, anh cảm nhận thật rõ, nhưng chuyện đó anh vốn đã quen. Đi tới đâu thì gương mặt sẹo của anh cũng hút mọi tia nhìn về phía nó, và thứ quần áo anh đang mặc sẽ góp phần còn lại - bộ quần áo của người phun lửa, đen như muội, đỏ như lửa, những lưỡi lửa mà người khác thì e sợ còn anh thì chơi giỡn. Trong một thoáng, anh thấy mình xa lạ đến kỳ quặc trong dòng chảy nhốn nháo ngày nào thân quen tới thế, như thể thế giới kia vẫn còn dán vào người anh, hiện thật rõ ràng, tất cả những năm tháng dài vô tận, những năm tháng đã qua đi kể từ khi Lưỡi Thần hái anh ra khỏi câu chuyện của anh và đánh cắp cuộc đời anh, dù là vô tình như khi người ta dẫm nát ngôi nhà của một con ốc sên trong khi đi dạo. “Nhìn tôi xem nào!” Một bàn tay nặng trịch đặt lên vai anh, và một người đàn ông cúi sát, nhìn thẳng vào mặt anh. Tóc anh ta màu xám, khuôn mặt tròn và không râu, người nghiêng ngả chòng chành đến mức Ngón Tay Bụi thoắt nghĩ, người này say nặng rồi. “Cha, nếu tôi mà không quen gương mặt này!”, người đàn ông phun ra đầy ngỡ ngàng, tóm lấy vai anh thật chắc, như muốn kiểm tra có thật đây là Ngón Tay Bụi bằng xương bằng thịt. “Ở đâu chui ra thế này, chàng ăn lửa già, vừa từ thế giới bên kia trở về hả? Chuyện gì thế, có phải những cô tiên đã đánh thức anh sống lại? Từ xưa đến nay họ vốn mê anh như điên, cái lũ quỷ bé xíu màu xanh.” Có vài người đàn ông xoay về phía họ, nhưng không gian ngột ngạt và tối mò ồn ào đến mức chẳng mấy người quan sát những gì xảy ra xung quanh. “Vũ Công Mây à!” Ngón Tay Bụi nhỏm dậy và ôm lấy người kia. “Anh khỏe chứ?” “Ah! Tưởng anh quên tôi rồi!” Vũ Công Mây cười thật rộng, nhe ra hai hàm răng lớn màu vàng. Ồ không, Ngón Tay Bụi không quên anh - dù cũng đã gắng quên đi, như cách anh làm với những người khác vì anh thấy quá nhớ mong. Vũ Công Mây - người khiêu vũ trên dây tài năng nhất đã từng bước đi giữa những mái nhà nơi đây. Ngón Tay Bụi nhận ra anh ngay lập tức, bất chấp mái tóc đã đổi màu xám và cái chân bên trái giờ lệch sang bên một cách kỳ quặc. “Đi nào. Cái này phải uống mừng mới được. Chẳng phải ngày nào người ta cũng gặp lại một người bạn đã chết.” Người đàn ông nôn nóng kéo Ngón Tay Bụi theo, đến một chiếc ghế dài bên dưới một trong những khuôn cửa sổ có nắng hắt vào. Thế rồi anh ta vẫy cô bé vẫn còn loay hoay quậy trong chảo, và gọi hai ly vang. Cô bé nhìn say mê một hồi vào những vết sẹo trên mặt Ngón Tay Bụi, rồi nhào ra đằng sau quầy, nơi có một người đàn ông béo phị đang đứng và quan sát đám khách khứa của mình bằng ánh nhìn ảm đạm. “Trông anh đẹp đấy!” Vũ Công Mây nhận xét. “Có vẻ no đủ, không có tóc bạc, quần áo không có lỗ. Cả đến hai hàm răng vẫn còn nguyên. Anh đã đi đâu thế? Rất có thể tôi cần phải đến chỗ đó, có vẻ như ở đó dễ sống.” “Quên đi. Ở đây tốt hơn.” Ngón Tay Bụi vuốt lọn tóc ra khỏi trán và nhìn quanh. “Nói về tôi thế là đủ rồi. Tình hình của anh ra sao? Anh có tiền uống rượu vang, nhưng tóc anh lại bạc, còn bên chân trái...” “Phải, chân trái.” Cô bé mang rượu lại. Trong khi chờ Vũ Công Mây loay hoay tìm trong túi ra đồng tiền xu thích hợp, cô bé lại thêm một lần nữa tò mò nhìn trân trân Ngón Tay Bụi, tò mò đến mức anh cọ những đầu ngón tay vào nhau và thì thầm vài câu của ngôn ngữ lửa. Rồi anh duỗi dài ngón tay trỏ ra, mỉm cười với cô bé và thổi nhè nhẹ lên đầu ngón tay. Ngọn lửa nhỏ tí xíu, quá yếu ớt để có thể châm lên thành đống lửa, nhưng lại đủ sáng để in hình trong ánh mắt cô bé con, nó bốc lên từ móng tay anh và phun những chấm vàng tí xíu xuống mặt bàn bẩn thỉu. Cô bé đứng đờ ra như bị hóa phép, cho tới khi Ngón Tay Bụi thổi tắt ngọn lửa đi và chọc ngón tay trỏ vào ly vang mà Vũ Công Mây đã đẩy về phía anh. “A ha, vậy là anh vẫn còn thích chơi với lửa”, Vũ Công Mây nói, trong khi cô bé ném cho ông chủ quán béo phị một cái nhìn lo âu rồi vội vã quay trở lại với chảo thức ăn. “Cha, đáng tiếc là trò chơi của tôi đã kết thúc rồi.” “Đã xảy ra chuyện gì vậy?” “Bị ngã từ trên dây xuống, giờ tôi không còn là Vũ Công Mây nữa. Một tay nhà buôn, chắc bực tức bởi tôi được khách hàng của gã chú ý quá nhiều, đã ném một cái bắp cải về phía tôi. Cũng may mà tôi ngã xuống cái lều của một người bán vải. Vì thế mà chỉ gãy một bên chân và vài dẻ xương sườn, mà không bị gãy cổ.” Ngón Tay Bụi trầm ngâm nhìn bạn. “Không leo dây nữa thì anh sống bằng nghề gì?” """