" 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Mattia Pascal Quá Cố PDF EPUB Ebooks Nhóm Zalo LUIGI PIRANDELLO MATTIA PASCAL QUÁ CỐ Tiểu thuyết Trần Dương Hiệp dịch NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN LỜI ĐỀ TỪ ột trong số ít những điều, hay nói đúng hơn là điều duy nhất mà tôi biết chắc chắn, đó là tên mình: Mattia Pascal. Và tôi thường lợi M dụng cái câu đó. Thi thoảng có bạn bè hay người quen, tâm trạng rối bời tới chỗ tôi để hỏi xin một vài lời khuyên hay gợi ý. Tôi chỉ khẽ nhún vai, lim dim đôi mắt và đáp rằng: – Tên tôi là Mattia Pascal. – Cảm ơn bạn thân mến. Điều này thì tôi biết. – Và anh thấy điều đó chẳng có nghĩa lý gì hay sao? Thú thực là ngay cả với tôi nó chẳng có ý nghĩa gì mấy. Thế nhưng tôi mặc kệ việc người ta biết hay không, mặc kệ dù người ta chẳng biết trả lời thế nào. Và như vừa nãy, mỗi khi không có câu trả lời thích đáng, tôi sẽ nghiêm giọng bảo: – Tên tôi là Mattia Pascal. Người ta sẽ thông cảm cho tôi (điều đó chẳng tốn nhiều công sức), khi họ nghĩ tới nỗi thống khổ tột cùng của một kẻ thảm hại bỗng dưng nhận ra rằng… vâng, mình chẳng có gì sất: không cha, không mẹ, không biết cả ngày sinh tháng đẻ lẫn nơi chôn rau cắt rốn. Thậm chí họ cũng sẽ căm phẫn (điều này còn tốn ít công sức hơn nữa) trước những truyền thống suy đồi, những thói hư tật xấu đáng buồn của thời đại này, nguyên cớ cho biết bao nỗi thống khổ của một kẻ ngây thơ đến tội nghiệp. Tốt thôi, xin cứ tự nhiên. Nhưng nghĩa vụ của tôi là phải báo cho họ biết sự tình chẳng hề như vậy. Thực tế là nếu cần thiết, tôi có thể vẽ ra ngay đây cây phả hệ, tổ tiên đời đời kiếp kiếp của tôi và từ đó chứng minh rằng, tôi không chỉ biết cha mẹ mình là ai, mà cả tổ tiên và những hành trạng của họ xuyên suốt dòng thời gian dài dằng dặc (mặc dù không phải tất cả đều đáng tự hào.) Vậy thì sao? Vậy thì đây: câu chuyện của tôi là một câu chuyện thực lạ lùng và khác biệt, lạ lùng và khác biệt tới mức tôi buộc lòng phải kể lại. Chuyện là khoảng hai năm về trước, tôi chẳng rõ mình đang làm một thằng đuổi chuột hay thủ thư của một thư viện đi nữa. Thư viện ấy vốn thuộc về một Đức ông tên Boccamazza. Năm 1803, trong những ngày tháng gần đất xa trời, Đức ông ấy đã có ý muốn hiến tặng thư viện lại cho thị trấn chúng tôi. Hẳn Đức ông biết rất ít về bản chất cũng như thói quen của những người đồng hương; hoặc giả Đức ông đã hy vọng rằng cho tới một hoàn cảnh và thời điểm thích hợp, di sản mình để lại sẽ thắp sáng lòng hiếu học trong tâm hồn của họ. Nhưng tôi có thể làm chứng rằng cho tới nay, lòng hiếu học ấy vẫn chưa được thắp sáng: và tôi nói vậy là có ý ngợi khen những người đồng hương của mình. Chính quyền thị trấn thậm chí cũng chẳng tỏ lòng biết ơn mấy với Đức ông Boccamazza về món quà này, đến một bức tượng bán thân để tưởng nhớ ông, họ cũng không thèm dựng. Những cuốn sách nằm lại mốc meo hết năm này qua năm khác trong một nhà kho hoang vắng và ẩm ướt mà chẳng ai màng tới. Một thời gian sau, chính những cuốn sách ấy (trong tình trạng thế nào thì các bạn thử nghĩ xem) lại được chuyển đến nhà thờ Santa Maria Liberale, một nhà thờ bị bỏ hoang mà tôi chẳng biết vì sao lại bị hoàn tục. Và chính tại nơi đây, trên danh nghĩa từ thiện, Chính quyền thị trấn sẵn sàng ủy thác những cuốn sách ấy cho bất cứ kẻ vô công rỗi nghề nào, với đồng lương hai lire mỗi ngày. Kẻ đó chỉ việc trông coi hay cũng chẳng cần phải trông coi chúng, miễn là hắn ta chịu được vài tiếng giữa cái mùi hôi hám và ẩm mốc của những thứ đồ thải loại. Và cái món trời ơi đất hỡi ấy cuối cùng cũng đến tay tôi. Từ ngày đầu tiên nhận việc, tôi đã thấy chán ghét cùng cực những cuốn sách, dù là bản in hay bản viết tay (dẫu người ta bảo một số quyển cũ rích lại có giá trị liên thành) đến mức tôi thề là từ nay về sau sẽ không bao giờ viết lách, như tôi đã nói, nếu tôi không cho rằng câu chuyện của mình quả thực rất lạ kỳ và chừng ấy có thể phục vụ cho một số độc giả tò mò nào đó, vì máu thám hiểm mà tình cờ xuất hiện trong thư viện này và làm thỏa tâm nguyện xưa của Đức ông Boccamazza tốt bụng. Tôi sẽ gửi lại đây bản thảo câu chuyện của mình nhưng kèm theo một yêu cầu bắt buộc rằng bất cứ ai muốn khám phá cuốn sách sẽ phải chờ đến nửa thế kỷ sau cái chết lần thứ ba, cuối cùng và vĩnh viễn của tôi. Bởi tại thời điểm này, tôi đã chết (và chỉ có Chúa mới biết tôi đau đớn đến nhường nào). Thực vậy. Những hai lần. Nhưng lần đầu là nhầm lẫn, còn lần thứ hai… rồi các bạn sẽ thấy. LỜI ĐỀ TỪ THỨ HAI (TRIẾT LÝ) VỚI MỘT CHÚT LÝ DO tưởng, hay nói đúng hơn, lời khuyên viết ra câu chuyện của mình đến với tôi từ người bạn đáng kính, don Eligio Pellegrinotto. Hiện Ý thời, ông là người trông coi những cuốn sách của Đức ông Boccamazza và cũng là người mà tôi sẽ gửi gắm câu chuyện của mình ngay khi nó hoàn thành, nếu ngày ấy thực sự tới. Tôi viết câu chuyện của mình tại đây, trong nhà thờ hoàn tục nhỏ bé, dưới ánh sáng của chiếc đèn lồng từ mái vòm trên cao rọi xuống. Chính tại nơi đây tôi viết, trong hậu đường dành riêng cho thủ thư, gói gọn trong một hàng rào bằng cột gỗ, trong khi don Eligio vẫn đang nỗ lực hết mình vì sứ mệnh lập lại chút trật tự cho khu vườn treo Babylon đầy rẫy sách vở này. Sứ mệnh ấy tôi e rằng bất khả. Trước ông, chẳng có kẻ nào để tâm đến việc lướt qua gáy sách để biết chí ít một cách khái quát những di sản mà Đức ông nọ để lại hậu thế thuộc thể loại gì. Người ta cho rằng tất cả, hay hầu như tất cả những cuốn sách ấy đều nói về tôn giáo. Giờ thì ông bạn Pellegrinotto của tôi đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi khám phá ra một lượng sách khổng lồ thuộc đủ thể loại khác nhau trong thư viện của Đức ông. Chẳng bút nào tả được sự hỗn loạn trong thư viện, khi mà những cuốn sách cứ được đưa qua đưa lại trong nhà kho, để rồi vì tiện tay mà bị xáo trộn lung tung. Giữa những cuốn sách ấy tồn tại những tình bạn vượt qua cả khái niệm về sự đặc biệt: ví như, có lần don Eligio Pellegrinotto kể với tôi rằng ông đã tốn không ít công sức để tách cuốn chuyên luận diễm tình Nghệ thuật tán tỉnh phụ nữ, cuốn sách thứ ba của Anton Muzio Porro viết vào năm 1571 khỏi cuốn Cuộc đời và cái chết của Faustino Materucci dòng Benedictine ở Polirone, mà nhiều người cho là cao cả, cuốn tự truyện xuất bản tại Mantova vào năm 1625. Vì ẩm ướt mà bìa của hai cuốn dính chặt với nhau. Đáng chú ý là cuốn sách thứ hai của tập chuyên luận vô liêm sỉ kia còn bàn về cuộc đời và những chuyến du ngoạn của các thầy tu. Trên chiếc thang dùng để thắp đèn trong thư viện, don Eligio Pellegrinotto đã câu được trên giá sách biết bao cuốn sách bí hiểm và thú vị hết đỗi. Mỗi khi thấy một cuốn như vậy, từ trên cao, ông duyên dáng quăng nó xuống một chiếc bàn to oành đặt chính giữa phòng. Nhà thờ cũ nát đã lâu lại rung lên mỗi bận như vậy; hai hay ba con nhện sợ sệt tỏa ra từ lớp bụi. Những lúc như vậy, tôi sẽ tức tốc từ hậu đường nhảy vượt qua hàng rào. Thoạt tiên tôi sẽ cầm chính cuốn sách kia mà đuổi lũ nhện đang lúc nhúc trên mặt bàn phủ đầy bụi; sau rồi, tôi giở cuốn sách ra và bắt đầu gặm nhấm từng con chữ. Dần dà tôi trở nên thích thú với kiểu đọc như vậy. Don Eligio khuyên tôi nên viết theo mẫu của những cuốn sách mà ông khai quật được trong thư viện, vì mỗi cuốn đều mang hương vị riêng của mình. Nhún vai, tôi đáp rằng điều ấy chẳng có gì khó cả. Thế nhưng điều gì đó kìm tôi lại. Don Eligio trèo xuống cầu thang, mình đầy mồ hôi và bụi bặm. Ông bước ra hít đầy một hơi cái không khí trong vườn rau mà bằng cách nào đó ông đã trồng được sau hậu đường, rào gai cọc từng vòng, từng vòng xung quanh. – Này, ông bạn đáng kính của tôi ơi, – tôi ngồi bệt xuống nền nhà, tựa cằm vào đầu cây ba toong của mình; và trong lúc ông đang săn sóc đám rau diếp, tôi cất lời. – Bây giờ chẳng phải lúc để viết lách đâu, ngay cả khi viết để giải trí. Còn về văn học, cũng như tất cả những thứ khác, tôi buộc phải nhai lại cái câu nhàm chán này: Quỷ tha ma bắt Copernicus1! – Này này này, Copernicus thì liên quan gì? – Don Egilio rướn mình, mặt mũi bừng bừng dưới cái mũ rơm xấu xí mà thốt lên. – Liên quan chứ, don Eligio. Bởi vì, cái thời mà trái đất không quay… – Thôi nào! Nhưng trái đất vẫn luôn quay cơ mà! – Chẳng phải vậy đâu. Ngày trước, con người không biết điều ấy, vậy thì cũng giống như trái đất không quay thôi. Thậm chí đối với nhiều người bây giờ, trái đất cũng không quay. Hôm kia, tôi đã kể với một lão nông dân chuyện trái đất quay, và ông biết lão ấy đã trả lời thế nào không? Lão đáp rằng đó chỉ là lời ngụy biện của bọn say xỉn. Vả lại, thứ lỗi cho tôi, ngay cả ông cũng chẳng thể tranh cãi được việc Joshua đã dừng mặt trời lại2. Nhưng chúng ta hãy quên chuyện này đi. Tôi đang nói về cái thời mà trái đất không quay, con người ăn vận theo lối Hy Lạp hay La Mã đẹp đẽ, vô cùng tự tin và mãn nguyện với phẩm giá của chính mình. Lúc ấy tôi tin chắc rằng con người ta có thể dễ dàng chấp nhận một câu chuyện đầy rẫy những tiểu tiết chẳng đâu vào đâu. Cũng giống như chính những điều ngài đã từng dạy tôi về Quintilianus3 đó thôi, rằng lịch sử nhằm mục đích kể lại chứ đâu phải để kiểm chứng? – Tôi không phủ nhận điều đó, – don Eligio đáp, – thế nhưng sự thật là chẳng có sách vở nào viết chi tiết như thế, thậm chí… như ngài nói, kể từ khi trái đất bắt đầu quay. – Được thôi! Ngài Bá tước bật mình trở dậy, vào tám rưỡi đúng… Bá tước phu nhân bận một bộ váy tím hồng với một mớ ren quanh cổ… Teresina quằn quại vì cơn đói… Lucrezia đắm chìm trong tình ái… Hỡi Chúa nhân từ! Còn ông, ông muốn tôi trân trọng điều đó hay sao? Rằng chúng ta đang ngồi trên một con quay vô hình mà đón nhận những tia nắng mặt trời nóng bỏng, trên một hạt cát điên rồ cứ quay, quay và quay, mà chẳng biết tại sao, chẳng biết số phận mình rồi sẽ thế nào. Cứ như thể chúng ta thích quay như vậy để đôi lúc thấy nóng một chút, thấy lạnh một chút và cũng để chết đi sau năm mươi hay sáu mươi vòng quay, thường là khi nhận thức ra bản thân đã phạm phải một loạt những điều nhỏ nhặt ngu xuẩn. Copernicus, don Eligio của tôi ơi, chính Copernicus đã hủy hoại nhân loại một cách chẳng thể vãn hồi. Giờ đây, tất cả chúng ta đã dần quen với cái khái niệm mới, rằng chúng ta vô cùng nhỏ bé, thậm chí gần như chẳng là gì trong Vũ trụ, bất chấp những khám phá hay phát minh vĩ đại của chúng ta. Vậy thì tin tức, ý tôi không phải tin tức về những thứ vụn vặt tầm thường, mà là về thiên tai đại họa kia, phỏng còn có nghĩa lý gì? Câu chuyện của chúng ta giờ thực ra chỉ là câu chuyện của những loài giòi bọ. Ông đã đọc về cái thảm họa nho nhỏ ở Antilles4 hay chưa? Chẳng có gì cả. Trái đất, thật tội nghiệp, nàng mệt mỏi vì cứ phải quay mòng mòng không rõ mục đích như lời lão thầy tu người Ba Lan kia. Rốt cục, nàng cựa mình mất kiên nhẫn và thở ra chút lửa từ một trong số rất nhiều cái miệng của mình. Chẳng rõ cơn giận dữ của nàng đã tàn phá những gì đi nữa. Có chăng sự ngu độn của loài người chưa bao giờ nhàm chán như bây giờ cả. Đủ rồi. Vài ngàn con giòi bọ bị nướng lên thôi. Và rồi chúng ta lại lùi về phía trước. Còn ai nhắc đến chuyện đó nữa đâu? Thế nhưng, don Eligio lại chỉ cho tôi thấy rằng, dù cho chúng ta có gắng sức thế nào nhằm một mục tiêu cay đắng là dỡ bỏ và phá hủy những ảo ảnh mà thiên nhiên thông thái đã ưu ái ban tặng, chúng ta cũng chẳng thể nào làm nổi điều ấy. May mắn thay, loài người thực dễ xao nhãng. Thực vậy. Vào những đêm được lên lịch trước, Chính quyền thị trấn chúng tôi sẽ chẳng cho thắp đèn, và nếu trời có mây thì thường chúng tôi sẽ bị bỏ mặc trong bóng tối. Điều đó có nghĩa là xét cho cùng, ngay cả thời bây giờ chúng ta vẫn tin rằng mặt trăng chẳng có nhiệm vụ nào khác trên bầu trời ngoài việc thắp sáng, cũng như mặt trời vào ban ngày, còn các vì sao cũng chỉ như một màn trình diễn mỹ lệ. Hẳn vậy. Và rồi chúng ta thường hay sẵn lòng quên đi rằng bản thân chỉ là những phân tử nhỏ bé đến cùng cực, chỉ để tôn trọng và ngưỡng mộ lẫn nhau. Chúng ta có khả năng đấu tranh chỉ để giành lấy một mảnh đất nhỏ bé hay vật vã vì một vài việc nào đó, mà nếu chúng ta thực sự biết mình là ai, những điều ấy sẽ trở thành muôn vàn những chuyện vặt vãnh. Dẫu vậy, bên cạnh tính chất lạ lùng trong câu chuyện của tôi, nhờ có sự xao nhãng thiên định kể trên, tôi sẽ thuật lại cuộc đời mình, nhưng bằng một cách ngắn gọn nhất có thể. Nói cách khác, tôi sẽ chỉ đưa ra những thông tin mà bản thân cho là cần thiết. Tất nhiên, có một vài chi tiết chẳng khiến tôi lấy làm vinh dự gì; thế nhưng giờ đây tôi đã rơi vào một tình cảnh chẳng giống ai, mà ở đó tôi có thể tự coi mình nằm ngoài sự sống; vậy nên tôi chẳng có bất cứ ràng buộc hay ngần ngại gì cả. Hãy bắt đầu thôi. 1. Copernicus (1473 – 1543): nhà thiên văn học người Ba Lan, cha đẻ của thuyết Nhật tâm. 2. Theo Kinh Cựu ước (Joshua 10:12-14): Joshua đã cầu Chúa cho mặt trời dừng lại để quân Israel có thể truy đuổi quân thù và có được chiến thắng toàn vẹn. 3. Quintilianus (35 – 100): nhà hùng biện người La Mã. 4. Antilles: quần đảo thuộc vùng biển Caribe. Chương 1 NGÔI NHÀ VỚI CON CHUỘT CHŨI ồi nãy, tôi đã vội nói rằng tôi biết rõ cha mình. Tôi chẳng biết ông là ai. Khi ông mất tôi mới có bốn tuổi rưỡi. Ông lái một chiếc H thuyền trabaccolo1 của mình tới đảo Corse, nơi ông làm một vài thương vụ, và rồi chẳng trở lại nữa. Ông mắc bệnh và chết ở tuổi ba mươi tám, sau ba ngày sốt dịch. Thế nhưng, ông cũng để lại một gia tài cho vợ và hai con: Mattia (sẽ là tôi, và đã từng là tôi) và Roberto, người anh trai hơn tôi đôi tuổi. Một vài lão già trong thị trấn vẫn thích thú kể lại về số của cải của cha tôi, mà nguồn gốc của chúng có thể nói là bí hiểm (trong khi số của cải này chẳng thể làm vấy bẩn ký ức về ông được nữa, bởi chúng đã bị xé lẻ và rơi vào tay kẻ khác mất rồi). Họ kể rằng ông đã thắng được số của cải ấy nhờ chơi bài với tên thuyền trưởng một thuyền buôn của Anh ở Marseille. Sau khi thua sạch số tiền mang theo bên người, mà ấy là một khoản chẳng hề nhỏ, lão cược tiếp một lượng lớn lưu huỳnh tải trên thuyền từ Sicilia xa xôi, tài sản của một tay lái buôn người Liverpool đã thuê thuyền chở (họ biết cả chuyện này! Thế còn tên hắn thì sao?). Sau rốt, lão thuyền trưởng nhổ neo trong tuyệt vọng, chỉ để trầm mình giữa biển cả mênh mông. Chiếc thuyền cuối cùng cũng cập bến Liverpool, khoang thuyền nhẹ đi vì thiếu bóng lão thuyền trưởng. May mắn thay, những người đồng hương của tôi vẫn lấp đầy con thuyền ấy bằng lòng ghen ăn tức ở. Chúng tôi có đất và có nhà. Máu phiêu lưu và sáng suốt, cha tôi chẳng bao giờ buôn bán vững bền ở một chỗ: ông luôn lái chiếc trabaccolo của mình tới những nơi mà ông thấy tốt hơn, rồi mua vào một cách hợp lý và lập tức bán ra các mặt hàng đủ chủng loại. Và cũng bởi ông chẳng bao giờ bị cám dỗ bởi những thương vụ quá lớn hay mạo hiểm, ông đầu tư khoản lợi nhuận của mình từng chút từng chút một vào nhà và đất, ngay tại đây, trên quê hương bé nhỏ của mình, nơi mà ông hy vọng sẽ sớm được thảnh thơi với những thành quả mà bản thân đã khó nhọc giành lấy, hạnh phúc và bình yên bên người vợ và những đứa con của mình. Ông thâu tóm một mảnh đất có tên Đôi bờ, đầy rẫy ô liu và dâu tằm, rồi cái trang trại Lồng gà, cả nơi đây cũng được ưu ái vô cùng với một khoảnh ao nhỏ xinh, và rồi được dựng thêm một cối xay bột. Ông mua cả một quả đồi Cựa sắt với vườn nho bậc nhất khu vực, và sau cùng là khu San Rocchino, nơi ông xây lên một tòa biệt thự tuyệt hảo. Trong thị trấn, ngoài ngôi nhà chúng tôi ở, ông còn tậu thêm hai ngôi nhà khác và mấy khoảnh đất hoang, giờ đây đã bị san phẳng để dựng quân xưởng. Cái chết gần như chẳng ai ngờ tới của ông đã giáng cho chúng tôi một đòn trí mạng. Bất lực trước khối di sản, mẹ tôi phải cậy nhờ một kẻ vì đã chịu biết bao ơn huệ của cha tôi mà đổi đời, một kẻ ít nhất sẽ cảm thấy chút biết ơn, một kẻ mà ngoài lòng tận tâm và trung thực, lão chẳng phải hy sinh bất cứ thứ gì nhờ có những khoản bù đắp hậu hĩnh. Mẹ tôi quả như một vị thánh! Bản tính nhút nhát và ngại va chạm, bà thực có ít kinh nghiệm về đời và về người! Nghe bà nói, tôi những tưởng một đứa trẻ. Bà nói giọng mũi và bởi vậy, bà cũng cười bằng mũi. Mỗi khi xấu hổ vì nụ cười, bà sẽ mím chặt môi lại. Mẹ tôi thanh mảnh vô cùng, vậy nên trông bà ngày càng héo hon sau cái chết của cha tôi; thế nhưng bà chẳng bao giờ than phiền về bệnh tật, và tôi tin rằng bà cũng chẳng bận tâm về nó bởi đã chấp nhận bệnh tật tựa hồ một hệ quả tất yếu của số mệnh đen đủi. Có thể bà cũng đang chờ đợi ngày ra đi vì đau buồn tột độ. Vậy nhưng bà vẫn phải cảm tạ Chúa trời đã giữ mình lại trần thế, dù cho bà có đớn đau vật vã đến nhường nào, vì lợi ích của hai đứa con trai. Bà dành cho chúng tôi tình thương gần như ám ảnh, tràn đầy cảm xúc và âu lo: bà luôn muốn ở gần, tựa như sợ mất cả chúng tôi vậy, và bà thường sai kẻ hầu người hạ lùng khắp căn nhà rộng lớn mỗi khi chúng tôi rời xa bà đôi chút. Trước đây, bà đã mù quáng phó mặc số phận mình cho người chồng; giờ thiếu ông, bà bỗng thấy lạc lõng giữa thế gian. Bà chẳng ra ngoài trừ những sáng Chủ nhật để đi Thánh Lễ ở một nhà thờ lân cận. Bà sẽ dẫn theo hai người hầu, những người mà bà đối đãi như thể họ hàng. Cũng chính trong ngôi nhà chúng tôi ở, bà chỉ sống trong ba phòng, bỏ mặc các phòng còn lại cho những người hầu mà họ chẳng mấy lưu tâm, và dĩ nhiên cho cả chúng tôi với mấy trò quỷ của mình. Trong những căn phòng ấy, từ hết thảy những thứ đồ mang dáng vẻ cổ kính, những chiếc rèm bạc màu đều toát lên một thứ mùi xưa cũ, tựa như hơi thở từ một thời đại khác. Tôi nhớ có lần đã nhìn quanh với nỗi buồn man mác, giữa những vật dụng cũ kỹ im lìm, bất động, từ nhiều năm đã nằm đó vô dụng, và vô hồn. Trong những người thường xuyên đến thăm mẹ tôi có bà cô bên nội, một bà gái già cáu kỉnh với đôi mắt liến láu, làn da nâu và vóc người cao lớn. Bà tên Scolastica. Khoảng thời gian mỗi lần bà tới chơi đều rất ngắn, bởi đương khi nói chuyện, bà đột nhiên tức tối, đùng đùng bỏ đi không một lời từ biệt, khiến từ tấm bé, tôi đã hãi bà biết bao. Tôi mở to mắt mà quan sát bà, nhất là những khi bà bật dậy, đằng đằng sát khí. Tôi nghe tiếng bà thét vào mặt mẹ tôi, bàn chân đầy giận dữ giậm xuống nền nhà: – Chị không thấy mấy lỗ hổng sao? Là con chuột chũi! Con chuột chũi! Bà ám chỉ lão Malagna, lão quản gia và cũng là kẻ đã âm thầm đào rỗng ngôi nhà của chúng tôi. Cô Scolastica (về sau tôi mới biết) bằng mọi giá mong muốn rằng mẹ tôi sẽ đi bước nữa. Thường thường, những người chị em nhà chồng sẽ chẳng có cái ý tưởng này, cũng như sẽ chẳng đưa ra những lời khuyên kiểu vậy. Thế nhưng bà cô tôi tự cảm thấy cái bổn phận khắc nghiệt và khó chịu, rằng bà phải đòi lại công lý; chắc chắn vì lý do này hơn là vì tình yêu dành cho chúng tôi. Bà không chấp nhận việc lão ta cứ tiếp tục cướp của chúng tôi như vậy, không thể tiếp tục thế này nữa. Bấy giờ, vì sự bất lực tuyệt đối và mù quáng của mẹ, bà cô tôi thấy chẳng còn cách giải quyết nào khác ngoài việc kiếm cho bà người chồng thứ hai. Bà cô tôi thấy cái sứ mệnh ấy ở một người đàn ông tội nghiệp tên là Gerolamo Pomino. Ông ta góa vợ và có một đứa con sống tới tận bây giờ, cũng tên Gerolamo giống cha, đồng thời là người bạn vô cùng thân thiết của tôi. Thậm chí còn hơn cả một người bạn, như tôi sẽ kể sau này. Từ ngày bé hắn hay cùng cha tới nhà chúng tôi, và hắn chính là cái gai trong mắt tôi và anh Berto. Hồi còn trẻ, ông bố đã trường kỳ gian khổ để chinh phục cô Scolastica, thế nhưng bà chẳng mảy may đoái hoài tới, cũng như đối với những kẻ khác. Lý do chẳng phải vì bà cảm thấy mình không sẵn sàng yêu thương ai đó, mà chỉ bởi mối nghi ngờ dù cho có mơ hồ đến thế nào đi chăng nữa, rằng một người đàn ông bà yêu thương có thể phản bội lại bà ngay cả khi chỉ trong tâm tưởng. Mối nghi ngờ ấy – bà bảo – có thể khiến bà phạm phải tội ác. Đối với bà, đàn ông tuyền là những tên phản bội vô lại. Ngay cả ông Pomino hay sao? Không, riêng ông Pomino thì không. Thế nhưng tới lúc bà nhận ra thì đã quá trễ. Trong tất cả những kẻ đã cầu hôn bà mà về sau thành gia lập thất, bà phát hiện và hể hả chiêm ngưỡng đôi lần phản bội của bọn họ. Chỉ có ông Pomino, chẳng vấn đề gì cả; hay nói trắng ra thì ông Pomino đã tận tụy hy sinh vì vợ mình. Vậy thì tại sao bây giờ, chính bà không chịu lấy ông ta? Trời ạ, chỉ vì ông ấy góa vợ. Ông ấy đã từng thuộc về một người đàn bà khác, và biết đâu, sẽ có những lần ông nhớ nhung người đàn bà kia. Vậy thì tại sao… Quá đủ rồi! Đứng xa cả trăm dặm cũng nhận ra, bất chấp cái vẻ ngại ngùng của ông: ông ta đang yêu, đang yêu… ai đó rõ rành rành, ông Pomino tội nghiệp! Hiển nhiên là mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp thuận. Đối với bà, hôn sự này thể như một sự bôi nhọ thanh danh. Mà tội nghiệp thay, mẹ tôi cũng chẳng tin rằng cô Scolastica đang nói nghiêm túc. Bà bật cười theo cách riêng của mình trước những cơn thịnh nộ của cô em chồng, trước sự ngỡ ngàng của ông Pomino tội nghiệp, lúc ấy cũng có mặt, trước tất cả những lời ngợi ca bay bổng nhất mà cô tôi ném về phía ông. Tôi tưởng ra không biết đến bao lần ông ta giãy giụa trên ghế hệt như bị tra tấn mà thốt lên rằng: – Hỡi ôi! Nhân danh Chúa lòng lành! Ông là một người thấp bé, gọn gàng, đôi mắt hẹp màu thiên thanh trầm lặng. Và tôi tin là ông ta có trang điểm, thậm chí có sở thích điệu đà là đánh chút son, chỉ chút chút, và thoa một lớp phấn lên đôi má. Chắc hẳn ông ta rất đỗi tự hào vì vẫn lưu giữ được mái tóc vào tuổi xế chiều, được chải chuốt và liên tục dùng tay chỉnh trang lại. Tôi chẳng biết câu chuyện của chúng tôi sẽ ra sao, nếu như mẹ tôi, chắc chắn chẳng phải vì bản thân bà mà vì tương lai của hai cậu con trai, nghe lời cô Scolastica và cưới ông Pomino. Hiển nhiên rằng mọi thứ không thể tệ hơn so với lúc này, khi gia đình tôi đang phải phó mặc cho lão Malagna (con chuột chũi!). Khi anh Berto và tôi trưởng thành, đúng thực là phần lớn gia sản của chúng tôi đã tan thành mây khói. Thế nhưng chí ít thì chúng tôi cũng vớt vát lại được từ móng vuốt của lão trộm ấy một vài thứ, tuy chẳng nhiều nhặn nhưng chắc chắn cũng đủ đáp ứng cho chúng tôi một cuộc sống mà chẳng phải thiếu thốn thứ gì. Chúng tôi thực là hai thằng lông bông. Chúng tôi chẳng quan tâm tới bất kì điều gì, bởi hồi nhỏ thế nào, lớn lên chúng tôi vẫn tiếp tục sống như vậy, cũng như người mẹ của chúng tôi. Mẹ thậm chí còn chẳng thèm cho chúng tôi đến trường. Một lão tên Pinzone tới làm gia sư cho hai bọn tôi. Tên thật của lão là Francesco, hay Giovanni, Del Cinque gì đó; thế nhưng mọi người đều gọi lão là Pinzone, đến mức bản thân lão cũng quá quen và bắt đầu ngộ nhận ấy là tên mình. Lão gầy đến phát sợ, cao lêu đêu, và Chúa ơi, hẳn sẽ còn cao nữa, nếu như cái nửa thân trên của lão chẳng quá mỏi mệt khi phải ngất ngưởng ở phía trên mà gục xuống, tạo thành một cục bướu nho nhỏ. cổ lão khó nhọc vươn ra, thảm hại hệt một con gà trụi lông, với cái yết hầu trố lồi to bự cứ vươn lên hạ xuống. Pinzone thường cố hết sức giữ lấy hàm răng của mình sau đôi môi, như để cắn lấy chúng, để trừng phạt và che giấu một nụ cười sắc lạnh, nụ cười đặc trưng của lão. Vậy nhưng lão cố thế nào cũng vô ích, bởi chẳng an phận bị cầm tù sau đôi môi, nụ cười này cứ thoát ra từ đôi mắt tinh đời và chua cay của lão. Bằng đôi mắt ấy hẳn lão đã nhìn thấy biết bao đồ đạc trong nhà chúng tôi, những thứ mà ngay cả mẹ lẫn chúng tôi đều chẳng thấy. Thế nhưng lão chẳng hé răng nửa lời về những thứ ấy. Có chăng lão cho rằng đó chẳng phải phận sự của mình, hoặc giả -theo tôi nghĩ thì khả năng này có lý hơn – lão đang âm thầm khoái trá một cách độc địa. Chúng tôi muốn làm gì lão thì làm; lão cứ mặc kệ chúng tôi. Nhưng rồi có lẽ bởi muốn giữ cho lương tâm mình thanh thản, lão sẽ chơi lại một vố ngay khi chúng tôi ít ngờ tới nhất. Ví như ngày nọ, mẹ sai lão tháp tùng chúng tôi đến nhà thờ. Lễ Phục sinh đang tới gần, và chúng tôi phải xưng tội. Sau buổi xưng tội là một chuyến thăm chóng vánh tới người vợ bệnh tật của lão Malagna, xong xuôi lập tức trở về nhà. Thực vui sướng hết chỗ nói! Ngay khi vừa ra ngoài, hai chúng tôi bắt đầu gạ lão Pinzone để trốn đi: chúng tôi sẽ trả lão hẳn một lít rượu vang nếu thay vì đến nhà thờ và nhà lão Malagna, lão sẽ để cho chúng tôi đến Lồng gà chơi. Pinzone vô cùng sung sướng mà thuận lời. Lão xoa xoa hai bàn tay, đôi mắt loé sáng. Lão uống; rồi chúng tôi bộ hành đến trang trại. Lão làm đủ trò điên loạn với chúng tôi khoảng ba tiếng đồng hồ, đỡ chúng tôi trèo lên cây, và cả lão cũng trèo lên. Nhưng buổi tối, lúc trở về nhà, ngay khi mẹ hỏi lão rằng chúng tôi đã xưng tội và tới thăm nhà lão Malagna hay chưa thì lão đáp, vẻ mặt nghiêm trọng nhất trần đời: – Đây, tôi sẽ kể cho bà nghe… – Thế rồi lão thuật lại cho mẹ nghe từng chi tiết tất cả mọi việc mà chúng tôi đã làm. Mấy ngón trả thù của chúng tôi thật chẳng xứng với sự phản bội của lão. Thế nhưng đó cũng chẳng phải là mấy trò đùa vô hại. Thể như một tối nọ, biết rằng lão vẫn thường gà gật trên một chiếc ghế dài đặt ngay tiền sảnh trong lúc chờ bữa tối, tôi và anh Berto nhẹ nhàng chuồn ra khỏi giường. Trước đó, hai bọn tôi đã bị phạt phải đi ngủ sớm hơn thường lệ. Chúng tôi kiếm được một chiếc ống dài khoảng hai bàn tay dùng để thụt hậu môn, rồi đổ vào trong đó đủ thứ nước xà phòng lấy từ chậu giặt. Trang bị sẵn sàng, hai chúng tôi thận trọng áp sát, dí chiếc ống vào hai lỗ mũi lão – hắt xì! - lão nhảy cẫng lên đến trần nhà. Chúng tôi có thể học được gì từ một lão gia sư như vậy, thực chẳng khó để tưởng tượng ra. Thế nhưng lỗi không hoàn toàn ở Pinzone. Khi dạy chúng tôi học, lão chẳng động đến bất kỳ phương thức hay kỷ luật gì cả, và lão giành lấy sự tập trung của chúng tôi bằng hàng ngàn mưu mẹo. Lão thường thành công với tôi, bởi bản chất tôi vốn nhạy cảm. Ấy thế nhưng lão cũng có một vốn kiến thức khá đặc biệt, độc đáo và kì lạ. Ví dụ như, lão đặc biệt am hiểu về hiện tượng điệp âm: lão thuộc thơ của Camillo Scroffa, Teofilo Folengo, Burchiello, Ludovico Lepòreo2 và thường trích ra hiện tượng điệp âm điệp vần, các trích đoạn tương quan, tương thích hay những bài thơ cổ hủ của bất kỳ tay nhà thơ rỗi hơi nào, và cũng không ít lần chính lão tự ngâm những vần thơ cổ quái. Tôi nhớ có ngày, ở khu San Rocchino, lão bắt chúng tôi nhìn ra ngọn đồi phía trước mặt mà lặp lại không biết bao lần bài Tiếng Vọng của lão: Trong trái tim người phụ nữ, tình yêu kéo dài được bao lâu? – (Vài giờ) Và nàng chẳng bao giờ yêu ta nhiều như ta yêu nàng hay sao? – (Không bao giờ) Ngươi là ai, hỡi kẻ đang than thở cùng ta? – (Tiếng vọng)3 Và rồi lão bắt chúng tôi kể lại hết những Câu đố theo thể thơ Tám câu4 của Giulio Cesare Croce5, những bài thơ theo thể Mười bốn câu6 của Moneti7 và những bài thơ khác cùng thể loại của một kẻ biếng nhác đã cả gan núp dưới cái tên Cato Trẻ8. Lão dùng mực thuốc chép lại những bài ấy vào một tập giấy ngả vàng. – Hãy nghe đây, hãy nghe đây. Đây là một câu đố khác của Stigliani9. Thực tuyệt vời! Câu trả lời sẽ là gì đây? Hãy nghe xem: Cùng một lúc ta là một, và hai thứ, Hai thứ mà trước kia là một. Một thứ mà con người dùng năm ngón tay, Cắt xén bất kể thứ gì họ muốn. Toàn thể ta là một cái miệng được nắm trong những ngón tay họ, Và ta cắn được mà chẳng cần răng. Ta có hai lỗ rốn ở hai phía trái ngược Đôi mắt ta có chân, và thường ngón tay người đặt trên mắt ta.10 Tôi tưởng như vẫn còn thấy hình bóng lão đang ngâm thơ với khuôn mặt bừng lên niềm vui sướng, đôi mắt khép hờ, ngón tay vẽ lên những cử chỉ vô hình. Mẹ tôi tin rằng mọi điều Pinzone chỉ bảo là tất cả những gì chúng tôi cần; thậm chí mỗi khi nghe chúng tôi ngâm lại những vần thơ của Croce hay Stigliani, bà những tưởng trình độ chúng tôi phải cao siêu lắm. Thế nhưng cô Scolastica lại chẳng ngây thơ như vậy. Thất bại trong việc tác thành cho mẹ tôi và ông Pomino khả ái, bà bắt đầu chuyển qua đàn áp anh Berto và tôi. Thế nhưng được sự bao bọc của mẹ, hai chúng tôi chẳng thèm quan tâm đến những gì bà nói. Và thế là máu nóng bà nổi lên cuồn cuộn, tới nỗi nếu có thể làm cách nào để không bị người khác nhìn hay nghe thấy, bà sẽ đánh chúng tôi đến trầy da tróc vảy. Tôi vẫn nhớ có lần, đương bỏ đi giữa những cơn giận dữ thường nhật, bà bắt gặp tôi tại một trong những căn phòng bỏ hoang. Bà nắm lấy cằm tôi và thít những ngón tay thật chặt rồi nói: – Đáng yêu làm sao! Đáng yêu! Đáng yêu! - Bà vừa áp sát tôi, vừa chầm chậm nói, mặt thêm đối mặt, mắt đối mắt, cho tới khi bà khịt một tiếng và thả tôi ra, miệng thét lên: – Đồ mặt chó! Bà đặc biệt căm ghét tôi mà chẳng quan tâm gì đến Berto, cũng bởi tôi hay chú tâm vào những lời dạy quái đản của lão Pinzone. Nhưng ắt hẳn nguyên nhân là do gương mặt bình thản và khó chịu của tôi, cộng thêm cặp kính tròn vĩ đại dùng để giữ một con mắt vốn phải nhìn thẳng phía trước. Thế nhưng, chẳng hiểu lý do vì sao mà con mắt ấy cứ tự thân mà nhìn đi chỗ khác. Đối với tôi mà nói, cặp kính ấy thực là một sự tra tấn. Bất kì lúc nào có thể, tôi đều vứt cặp kính sang một bên, cho con mắt thỏa lòng nhìn bất cứ chỗ nào nó muốn. Dù có nhìn được thẳng, con mắt ấy cũng chẳng thể làm tôi đẹp lên. Thế nhưng con người tôi tràn đầy sức sống, và với tôi vậy là đủ. Năm mười tám tuổi, mặt tôi bị xâm chiếm bởi một bộ râu hung hung đỏ và xoăn tít, báo hại cái mũi nho nhỏ của tôi, nó lọt thỏm giữa bộ râu và vầng trán vĩ đại. Có thể, nếu con người ta được quyền lựa chọn một chiếc mũi phù hợp cho khuôn mặt mình, hoặc giả khi nhìn thấy kẻ nào đó có chiếc mũi phát tướng trên một gương mặt xương xẩu, ta có thể bảo hắn: “Cái mũi này hợp với ta, ta sẽ lấy nó”; nếu có thể như vậy thì tôi sẵn sàng đổi cho hắn cái mũi của mình, hay con mắt, hay vô vàn các bộ phận khác trên cơ thể. Thế nhưng hiển nhiên điều đó là không thể, vậy nên tôi đành an phận với những đường nét của riêng mình, và hầu như chẳng bận tâm nhiều đến chúng nữa. Berto thì ngược lại, với khuôn mặt và thân hình khả ái (ít nhất là so với tôi), lúc nào anh cũng kè kè lấy cái gương mà ngắm nghía, chải chuốt. Anh phung phí không biết bao tiền cho những chiếc cà vạt mới cứng, những lọ nước hoa tinh tế bậc nhất, cho những bộ đồ lót và đủ loại phục trang. Có hôm, để chọc Berto, tôi thó ở tủ quần áo của anh một chiếc áo đuôi tôm mới toanh, một chiếc ghi lê lịch lãm làm bằng nhung đen và một chiếc mũ xếp rồi cứ thế mà đi săn. Trong lúc ấy, lão Batta Malagna11 sẽ đến khóc than với mẹ chúng tôi về những năm tháng còm cõi khổ cực, khiến lão phải đi vay những khoản nợ lớn vô cùng để dùng vào việc trang trải cho chi phí sinh hoạt quá độ của hai đứa tôi và việc tu bổ những căn nhà khác ở vùng quê. – Chúng ta lại có một vấn đề khác nữa rồi! – Mỗi lần đi vào lão thường nói. Sương mù ngăn cản việc trồng ô liu ở khu Đôi bờ; hay lũ rệp rễ nho đã phá hủy vườn nho ở khu Cựa sắt, phải trồng loại nho Mỹ có sức kháng bệnh. Vậy là nợ chồng thêm nợ. Lão khuyên chúng tôi bán ngôi nhà ở khu Cựa sắt để giải phóng bản thân khỏi mấy tay chủ nợ đang nhăm nhe khu đất ấy. Và thế là Cựa sắt bị bán đầu tiên, rồi Đôi bờ và San Rocchino. Chỉ còn lại mấy căn nhà với cái trang trại và cối xay ở Lồng gà. Mẹ tôi sợ rằng một ngày nào đó lão sẽ đến báo tin cả mạch nước ở đó cũng đã khô cạn. Quả thực, chúng tôi là hai kẻ phá gia chi tử, tiêu xài vô độ. Thế nhưng cũng đúng thực rằng sẽ chẳng thể xuất hiện một tên trộm ranh ma hơn lão Batta Malagna trên cõi đời này nữa. Đó là những từ nhẹ nhất mà tôi có thể nói về lão, khi xét đến cái quan hệ mà rốt cục tôi buộc phải thiết lập với lão. Lão có cái nghệ thuật khiến cho chúng tôi chẳng bao giờ phải thiếu thốn bất cứ thứ gì chừng nào mẹ tôi còn sống. Thế nhưng lão để chúng tôi hưởng thụ sự sung túc, sự tự do đến bại hoại ấy chỉ để che giấu cái vực sâu thăm thẳm mà một khi mẹ tôi mất, nó sẽ nuốt chửng chỉ mình tôi; bởi được số phận ưu ái, anh trai tôi đã may mắn chèo kéo được một cuộc hôn nhân có lợi. Còn cuộc hôn nhân của tôi, thay vào đó… – Tôi có nhất thiết phải nói về cuộc hôn nhân của mình không, hả don Eligio? Đương ngất ngưởng đằng kia, trên chiếc thang dùng để thắp đèn, don Eligio Pelligrinotto đáp: – Sao lại không chứ? Chắc chắn rồi. Một cách trung thực đấy… – Trung thực gì kia chứ! Ông biết rõ là… Don Eligio cười vang. Nhà thờ nhỏ bé hoàn tục như cũng cùng ông cười vậy. Thế rồi ông khuyên tôi: – Nếu tôi là ông, Pascal ạ, trước tiên tôi sẽ nghiền ngẫm một vài truyện ngắn của Boccaccio12 hay Bandello13 đã. Để có được âm điệu, có được âm điệu… Don Eligio thực có niềm đam mê với cái âm điệu. Ôi! Tôi sẽ viết y những gì đã xảy ra. Vậy thì, can đảm lên nào; tiến lên! 1. Thuyền trabaccolo: một loại thuyền dùng để đánh cá hoặc chở hàng, đặc trưng của vùng Trung và Thượng biển Adriatic. 2. Camillo Scroffa, Teofilo Folengo, Burchiello, Ludovico Lepòreo: một số nhà thơ tiêu biểu của Italia thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. 3. Từ cuối của câu đầu tiên là “amore” (tình yêu) và lập tức tiếng vọng phát ra là “ore” (vài giờ), có hiện tượng lặp âm “ore”. Tương tự, trong câu thứ hai từ cuối cùng là ‘Tamai” (ta yêu nàng) và tiếng vọng là “mai” (không bao giờ), lặp âm “mai” và trong câu thư ba “meco” (cùng ta) và “eco” (tiếng vọng), lặp âm “eco”. 4. Thể thơ Tám câu (Ottava rima): một thể thơ có nguồn gốc từ Italia, thường được sử dụng cho các bài thơ có chủ nghĩa anh hùng. 5. Giulio Cesare Croce (1550 – 1609): nhà văn Italia. 6. Thể Mười bốn câu (Sonnetto): thể thơ bao gồm mười bốn câu trong một bài, tương truyền do Giacomo da Lentini sáng tạo. 7. F. Moneti (1635 – 1712): nhà thơ Italia. 8. Cato Trẻ (95 TCN-46 TCN): chính trị gia của Cộng hòa La Mã. 9. Tommaso Stigliani (1573 – 1661): nhà thơ, nhà văn Italia. 10. Câu đố của Stigliani, câu trả lời là “cây kéo”. 11. Batta Malagna: tên gọi tắt của nhân vật Giambattista Malagna. 12. Giovanni Boccaccio (1313 – 1357): nhà văn, nhà thơ người Italia, tác giả cuốn Mười Ngày (Decamerone). Boccaccio cùng với Dante Alighieri và Francesco Petrarca là một trong ba cột trụ của nền văn học Italia. 13. Matteo Bandello (1480 – 1562): nhà văn, chiến binh, tu sĩ người Italia. Chương 2 LÀ THẾ ĐẤY ột hôm, đang trên đường đi săn, tôi dừng lại, ngơ ngác đến lạ lùng trước một ụ rơm to bè thấp thấp, chóp đỉnh có úp một cái nồi. M – Ta biết ngươi, – tôi bảo nó, – ta biết ngươi… Và rồi đột nhiên tôi thốt lên: – Ngươi! Batta Malagna. Tôi nhặt một cái bồ cào ở dưới đất lên rồi đâm lủng bụng lão với niềm khoái lạc cực độ. Được một lúc mà cái nồi úp trên đỉnh vẫn chẳng chịu rơi. Chính là lão, Batta Malagna, đầu đội chiếc mũ đang tản bộ, mình đẫm mồ hôi, miệng hổn hển. Thế rồi tất cả đổ sập: nào lông mày, nào mắt rụng rơi lả tả khỏi khuôn mặt to bự; chiếc mũi lủng lẳng giữa hàng ria mép vĩ đại và bộ râu dê; đôi vai rời ra khỏi cổ; cái bụng ỏng, phệ xệ xuống gần chạm đất, đè nặng lên đôi chân ngắn cụt lủn. Bằng cách nào đó mà lão thợ may đã thiết kế được chiếc quần vô cùng thoải mái cho đôi chân ngắn ngủn ấy. Từ đằng xa, trông lão Malagna hệt như chỉ mặc mỗi một chiếc áo vét, bụng thì gần như chấm đất. Giờ thì, với bộ mặt cũng như cái thân hình kiểu vậy, làm thế nào mà lão Malagna trở thành một tên trộm bất lương, tôi cũng chẳng rõ. Tôi thiết nghĩ, ngay cả lũ trộm cũng phải có cái dáng người nhất định nào đó, không như lão Malagna. Lão bước đi chậm rãi với cái bụng phệ, tay vắt ra sau lưng, mỏi mệt thở ra cái giọng lè nhè, như rên rỉ. Tôi thực lòng muốn biết lão tự vấn lương tâm kiểu gì, sau biết bao lần lão ăn trộm của chúng tôi. Như tôi đã nói, lão chẳng có nhu cầu phải đi ăn trộm, vậy thì ít nhất lão phải có một lý do để thỏa hiệp với lương tâm mình. Tôi thiết tưởng có lẽ lão làm cái việc trộm cắp ấy chỉ để cho khuây khỏa, lão già tội nghiệp. Thế nhưng trong thâm tâm, hẳn lão phải chịu đựng ghê gớm lắm một trong những mụ vợ mà nhiệm vụ duy nhất trong cuộc đời là khiến người khác tôn trọng. Lão đã phạm cái sai lầm là chọn cho mình một mụ vợ có xuất thân cao hơn lão, trong khi bản thân lão chẳng cao sang gì. Nếu rước được cho mình một tấm chồng môn đăng hộ đối, hẳn người đàn bà này đã chẳng khó chịu đến thế. Giờ ở với lão, mụ đương nhiên tìm đủ mọi cơ hội dù là nhỏ nhặt nhất để nhắc cho lão biết mụ xuất thân từ một gia đình quyền quý và rằng ở nhà mụ, mọi chuyện phải làm thế này thế kia. Thế là lão Malagna ngoan ngoãn làm thế này thế kia, hệt như lời mụ vợ – để tỏ ra mình cũng là một quý ông. – Thế nhưng lão phải trả giá rất đắt! Người lão lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Kết hôn được một thời gian, quý bà Guendalina mắc phải một chứng bệnh vô phương cứu chữa. Hoặc giả, để vượt qua cơn bệnh này, mụ phải chịu một sự hy sinh vượt quá khả năng của mình: từ bỏ đống bánh ngọt làm từ nấm cục, thứ luôn khiến mụ nhểu nước miếng, cả những đồ ăn béo ngậy tương tự và trên hết là rượu vang. Mụ uống không nhiều; tôi cam chắc! Mụ xuất thân cao quý mà: thế nhưng mụ cũng chẳng uống ít ỏi gì cho cam, vậy đó. Hồi còn trẻ, tôi và Berto đã vài lần được mời đến nhà lão Malagna dùng bữa trưa. Cảnh tượng thực thú vị. Lão vừa ân cần nhắc nhở mụ vợ phải kiềm chế, vừa liên tục tọng vào mồm cơ man nào là cao lương mỹ vị: – Tôi không đồng tình, – lão nói, – với việc ta phải chịu khổ nguyên cả ngày trời, chỉ để thỏa mãn cái hứng thú nhất thời mà ta cảm thấy trước một đống đồ ăn, ví dụ như này này (và rồi lão nuốt trọn cả miếng thức ăn). Nước sốt gì đây? Chắc chắn một lúc nữa thôi tôi sẽ cảm thấy đau đớn dữ dội cho mà xem. Rosina! – (lão gọi cô người hầu) - Lấy cho tôi ít nữa. Sốt mayonnaise này ngon quá! - Mayonnaise! - Mụ vợ lồng lộn thét lên. – Đủ rồi! Tôi chỉ ước Chúa cho ông biết cảm giác đau dạ dày là như thế nào. Ông sẽ học được cách yêu thương vợ mình ngay. – Sao cơ, Guendalina! Tôi không thương mình sao? – Lão Malagna vừa rót rượu vừa thốt lên. Để trả lời câu hỏi, mụ vợ đứng dậy, giật phăng cái cốc từ tay lão mà quăng thẳng ra ngoài cửa sổ. – Tại sao? – Lão rên rỉ nhưng vẫn ngồi yên. Mụ vợ nói: – Bởi vì đối với tôi thì rượu là thuốc độc! Ông mà thấy tôi rót chút rượu, cứ giật lấy rồi quăng ra ngoài cửa sổ, như tôi vừa làm ấy, biết chưa? Lão sững sờ, rầu rĩ. Rồi lão nhoẻn miệng, cười một chút với Berto, một chút với tôi, một chút với cái cửa sổ, một chút với cái cốc rượu. Thế rồi lão nói: – Chúa ơi, bà có phải trẻ con nữa đâu? Với tôi, bạo lực như thế mà được à? Đừng thế, vợ yêu quý của tôi ơi. Chính bà mới phải kiềm chế đi chút ít… – Gì cơ? – Mụ vợ gào lên. – Kiềm chế khi mà ở ngay trước mắt tôi, ông uống thùng uống vại, rồi ông lại nhấm nháp tí một, ông đưa cốc lên trước sáng mà ngắm nghía, ông hành hạ tôi? Đừng hòng! Nếu là một người chồng khác, để tôi không phải chịu khổ thì ông ta đã… Ấy vậy nên lão Malagna đã đi tới quyết định: lão bỏ rượu, để làm tấm gương giúp mụ vợ kiềm chế và cũng để khỏi giày vò mụ thêm nữa. Nhưng rồi – lão đi ăn trộm… Hẳn rồi! Lão cần phải làm cái gì đó. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, lão phát hiện ra mụ Guendalina uống vụng sau lưng lão. Cứ như thể chỉ cần ông chồng không biết thì mụ sẽ chẳng ốm đau gì cả. Và thế là cả lão cũng bắt đầu uống rượu trở lại, chỉ là lão không uống ở nhà để tránh làm mụ vợ tổn thương. Lão vẫn tiếp tục trộm, đó là sự thực. Thế nhưng tôi biết lão vẫn hy vọng bằng cả trái tim mình rằng một ngày kia mụ sẽ đền bù cho lão vì những đau khổ vô bờ mà mụ gây ra. Lão mong mỏi rằng vào một ngày đẹp trời, mụ sẽ sinh cho lão một thằng cu con. Đó! Thói trộm cắp của lão lúc ấy sẽ có mục đích, có lý do. Người ta đâu có từ bất cứ thứ gì vì con cái mình? Thế nhưng mụ vợ cứ héo dần héo mòn theo năm tháng, làm lão Malagna chẳng dám hé lộ cái ao ước cháy bỏng của mình. Có thể mụ bẩm sinh đã chẳng thể có con. Để chữa chứng ấy, hẳn mụ sẽ phải được chăm sóc kĩ càng. Nhỡ đâu Chúa khiến mụ chết khi đang lâm bồn?… Và rồi cả nguy cơ mụ sẽ chẳng cho nổi đứa con ra đời. Vậy nên lão buông xuôi. Lão thật lòng hay chăng? Khi mụ Guendalina chết, chẳng phải lão đã thể hiện đủ tấm lòng thành ấy. Đúng là lão khóc thương mụ, hỡi ôi, lão khóc thương mụ vô vàn. Lão vẫn nhắc tới mụ với lòng kính trọng tận hiến, rằng lão chẳng muốn một người đàn bà khác thay thế vị trí của mụ – Ôi! Ôi! – Hẳn mụ sẽ yên lòng về lão, khi lão đã giàu có như bây giờ. Nhưng rồi lão cưới con gái một ông nông dân, một cô nàng khỏe mạnh và vui tươi. Chỉ có như vậy lão mới có thể đảm bảo chắc chắn rằng sẽ có được những đứa con mà lão hằng mong muốn. Nếu lão có vội vàng đôi chút thì có sao… cần phải biết rằng lão chẳng còn trẻ trung gì, và thời gian không đứng về phía lão. * Lão cưới Oliva, con gái của Pietro Salvoni, một lão nông ở Đôi bờ. Tôi biết rõ nàng từ ngày còn bé. Chẳng rõ lý do vì sao mà mẹ tôi những tưởng tôi đã tỉnh ngộ và hứng thú với cái công việc đồng áng. Vì quá đau buồn mà mẹ tôi chẳng hiểu gì cả. Thật tội nghiệp! Thế nhưng một ngày nọ, cô Scolastica tồi tệ khiến mẹ tôi trắng mắt: – Bà chị ngu muội của tôi ơi, chị không thấy là nó suốt ngày chạy đến khu Đôi bờ hay sao? – Chị biết, để thu hoạch ô liu mà. – Chỉ một quả ô liu1 thôi, một quả ô liu duy nhất mà thôi, bà chị ngu muội ạ! Nghe vậy, mẹ tôi bụng dạ sục sôi mà lên lớp tôi một tràng dài, rằng tôi nên biết rõ mình sắp phạm phải tội lỗi chẳng thể dung thứ, dụ dỗ nàng bằng niềm ham muốn và mãi mãi đánh mất một cô bé đáng thương, vân vân và vân vân… Thế nhưng vốn chẳng có nguy hại gì cả. Oliva là cô gái đứng đắn, một sự đứng đắn bất khả xâm phạm đã ăn sâu bén rễ trong lương tâm nàng trước điều tồi tệ đang diễn ra. Chính cái lương tâm ấy đã gột bỏ cho nàng những sự ngại ngùng giả dối, khiến cho nàng được mạnh mẽ và tự do. Hỡi ôi nụ cười của nàng! Đôi môi tựa hoa anh đào. Và hàm răng nữa! Thế nhưng từ đôi môi ấy tôi chẳng nhận được bất kỳ nụ hôn nào. Từ hàm răng, vâng, thực là tôi có nhận được một vài vết cắn, khi nàng trừng phạt tôi vì cứ níu tay nàng, chẳng để nàng xa rời nếu không cho tôi chí ít được hôn lên mái tóc. Chẳng có gì khác nữa. Giờ đây, xinh đẹp như vậy, trẻ trung và tràn đầy sức sống tới vậy, nàng trở thành vợ lão Batta Malagna… Hỡi ôi! Có ai đủ dũng khí mà quay lưng lại với cái gia tài thế kia? Mà ấy là khi Oliva đã biết rõ lão giàu lên bằng cách nào! Có hôm nàng đã kể xấu lão với tôi nhiều biết bao nhiêu; và rồi cũng chính vì sự giàu có ấy mà nàng cưới lão. Đám cưới trôi qua một năm, rồi hai năm, chẳng có đứa con nào chào đời. Từ lâu lão Malagna đã tin rằng chỉ vì cái bệnh vô sinh và những trận ốm triền miên của bà vợ đầu tiên mà lão chẳng thể có con. Giờ lão chẳng thể nhồi nhét vào đầu cái ý tưởng dù chỉ nhỏ nhất, rằng mọi tội lỗi đều tự lão mà ra. Lão bắt đầu mặt nặng mày nhẹ với Oliva: – Vẫn chẳng có gì sao? – Vẫn chẳng có gì. Lão chờ thêm một năm nữa. Năm thứ ba: vô vọng. Lão công khai mạt sát nàng. Và cuối cùng, thêm một năm nữa trôi qua, lão chìm trong tuyệt vọng. Khi giận dữ lên tới đỉnh điểm, lão chẳng mảy may thương tiếc mà đánh đập nàng, thét vào mặt nàng rằng bằng cái nét tươi trẻ hiển hiện kia, nàng đã lừa lão, lừa lão, lừa lão; và rằng chỉ vì mong muốn có một đứa con mà lão đặt nàng vào địa vị của một quý bà, một quý bà đích thực và nếu chẳng vì cái sự chẳng thể có con thì lão đã không làm cái việc sai trái đó khi ký ức về người vợ trước hãy còn vẹn nguyên. Oliva đáng thương chẳng đáp nổi. Nàng chẳng biết nói gì. Nàng thường tới nhà tôi để giãi bày với mẹ tôi. Những lúc ấy, mẹ tôi sẽ an ủi nàng với những lời nói có cánh, rằng nàng vẫn nên hy vọng, bởi nàng còn trẻ, quá trẻ: – Con mới hai mươi? – Hai mươi hai ạ… Vậy thì chẳng có gì mà phải lo nghĩ! Đã có biết bao trường hợp phải chờ đến mười năm, thậm chí mười lăm năm sau ngày cưới để đón một đứa con chào đời. – Mười lăm năm? Thế còn ông ấy? Ông ấy đã có tuổi rồi, và nếu… Từ năm đầu tiên, Oliva đã nghi ngờ rằng giữa lão và nàng -nói thế nào nhỉ? – nguyên nhân sự việc là lỗi tại lão nhiều hơn là lỗi tại nàng, bất chấp việc lão luôn phủ nhận điều đó. Thế nhưng làm thế nào để chứng minh được? Cưới lão, Oliva đã thề với lòng sẽ giữ cho mình trong sạch. Nàng chẳng muốn phải phá vỡ lời thề ấy, ngay cả vì đem lại sự bình yên cho gia đình mình. Làm thế nào mà tôi biết được những chuyện này? Ôi trời, thế nào mà tôi lại biết được!… Tôi đã bảo rằng nàng thường tới nhà tôi để giãi bày với mẹ tôi, và rằng tôi đã biết nàng từ hồi nàng còn là một cô bé. Giờ đây, khi thấy nàng phải khóc lóc vì cái cách hành xử thô bạo với lời buộc tội gay gắt và xuẩn ngốc của lão già thối tha ấy, và… Tôi còn phải kể tất cả ra à? Thế nhưng, nàng từ chối tôi; và mọi chuyện chấm dứt. Tôi chẳng bận tâm được lâu. Tôi có, hoặc tôi tin là mình có (cũng như nhau cả thôi) thực nhiều thứ chiếm trọn cả tâm trí. Tôi có chút tiền, và tiền – cộng thêm những thứ khác nữa – tạo cho bạn những ý tưởng mà nếu không có tiền, bạn hẳn đã không nghĩ tới chúng. Gerolamo II Pomino đã giúp tôi tiêu xài cái khoản tiền mà hắn chẳng bao giờ có đủ, âu cũng vì sự cần kiệm thông thái của ông bố. Mino tựa như cái bóng của chúng tôi. Khi thì hắn theo tôi, khi lại theo Berto. Mino thực hành cái tài bắt chước tuyệt đỉnh của hắn với Berto và tôi. Khi dính lấy Berto, hắn lập tức trở thành một công tử; và ông bố hắn, vốn coi trọng sự tinh tế, nới hầu bao ra thêm chút. Thế nhưng Berto chẳng chịu được hắn lâu. Khi thấy hắn bắt chước đến cả cách bước đi, Berto lập tức mất kiên nhẫn, có lẽ vì cảm thấy lố bịch. Anh đã đối xử tàn tệ với hắn và đuổi hắn đi. Vậy là Mino quay sang bám dính lấy tôi, còn ông bố thì thắt hầu bao lại. Tôi kiên nhẫn với hắn hơn, bởi tôi sẵn sàng đón nhận sự tôn trọng của hắn. Sau đó tôi hối hận. Tôi nhận ra rằng vì hắn mà có đôi lần tôi đã quá đà, gắng thể hiện bản thân chỉ để làm hắn choáng ngợp, thế rồi khiến hắn gặp phải rắc rối và dĩ nhiên là tôi cũng phải gánh chịu hậu quả. Một hôm trong lúc đi săn, khi tôi đang kể cho hắn nghe về lão Malagna và những chiến công của lão với vợ, Mino rỉ tai tôi rằng hắn đang để ý đến một người con gái, hẳn là con gái của em họ lão Malagna. Vì nàng, hắn sẵn sàng làm những trò ngu ngốc đần độn nào đó. Hắn dám lắm, và cũng bởi có vẻ như nàng chẳng ngại ngần gì. Chỉ có điều hắn chẳng biết bằng cách nào để có thể bắt chuyện với nàng. – Cái thằng nhát cáy! – Tôi vừa cười vừa nói. Mino chối. Thế nhưng mặt hắn đỏ dừ khi phủ nhận. – Tao đã nói chuyện với bà người hầu nhà ấy, – hắn nhanh nhảu nói tiếp. – Và tao biết được kha khá chuyện rồi đấy, mày biết không? Bà ấy bảo tao rằng chính cái lão bệnh tật2 của mày suốt ngày xuống nhà ấy. Nghe đồn lão đang tính toán cái gì đó với mụ em họ. Mụ này là một loại phù thủy già. – Tính toán cái gì? – Bà người hầu kể lão xuống mà khóc thương cho cái số phận hẩm hiu của lão, rằng lão chẳng thể có con. Mụ già kia nghiêm nghị mà nói rằng lão chẳng phải lo lắng gì về bản thân cả. Có vẻ như lúc vợ đầu của lão Malagna chết, mụ già này tính kế và làm mọi cách ghép đôi cho lão với chính con gái mình. Sau đấy, vì thất vọng, mụ rêu rao khắp nơi khắp chốn rằng lão là một tên béo ị ngu đần, kẻ thù của người thân trong gia đình, kẻ phản bội chính dòng máu mình, vân vân và vân vân… Mụ cũng mạt sát đứa con gái ra trò vì đã không quyến rũ được ông bác. Bây giờ, khi lão đã hối hận vì chẳng làm tới với đứa cháu gái, ai mà biết được mụ già kia có thể nghĩ ra bao trò quỷ quyệt hơn nữa. Tôi lấy tay bịt chặt tai mà gào lên với Mino: – Im đi! Suy cho cùng thì hồi ấy tôi quá ngây thơ, dù cho bây giờ tôi không như thế nữa. Thế nhưng – bản thân tường tận những gì đã và đang xảy ra tại nhà lão Malagna – tôi thiết nghĩ sự nghi ngờ của bà người hầu nhà ấy là có cơ sở. Vì muốn tốt cho Oliva, tôi muốn thử xem mình có thể kiểm chứng được điều gì hay chăng. Tôi hỏi Mino địa chỉ nhà mụ già kia. Mino nhắc tôi rằng cô con gái là của hắn. – Chớ có lo, – tôi đáp. – Chết tiệt, tao sẽ để dành nàng cho mày. Ngay ngày hôm sau, với một tờ giấy ghi nợ mà tình cờ sáng hôm ấy mẹ tôi nhắc đã đáo hạn, tôi chạy đi lùng lão Malagna ở nhà mụ góa Pescatore. Tôi chạy xồng xộc vào nhà, người nóng bừng bừng, ướt đẫm mồ hôi: – Ông Malagna, tờ giấy ghi nợ! Nếu như chưa biết cái lương tâm của lão chỉ để chó gặm, tôi hẳn sẽ biết ngay lúc ấy. Lão bật dậy, mặt trắng bệch, biến dạng hẳn đi. Lão lắp bắp: – Giấy… giấy nợ… giấy ghi nợ nào? – Tờ này này, hôm nay đáo hạn. Mẹ sai tôi tới. Bà đang lo lắm! Batta Malagna ngồi phịch xuống ghế. Cùng với tiếng thở hắt ra cái âm “a” tưởng như vô tận, mọi nỗi lo sợ trong giây phút trước của lão hoàn toàn tan biến. – Xong rồi!… Tôi liệu xong hết rồi!… Thật là, cậu làm tôi hết hồn đấy… Tôi đã gia hạn, ba tháng là trả hết cả lãi. Cậu chạy một mạch xuống đây chỉ vì chút chuyện cỏn con đấy sao? Rồi lão cười nắc nẻ, cái bụng phệ rung lên bật xuống. Lão mời tôi ngồi, rồi lão giới thiệu tôi. – Mattia Pascal. Còn đây là Marianna Dondi, góa phụ nhà Pescatore, em họ tôi. Romilda, cháu gái tôi. Thấy tôi khát khô cổ vì chạy tới, lão muốn cho tôi uống chút gì đó. – Romilda, nếu cháu không phiền… Cứ như nhà lão vậy. Romilda đứng dậy rồi quay qua bà mẹ để dọ hỏi cách hành xử đúng đắn. Thế rồi một lúc sau, bất chấp những lời phản đối của tôi, nàng quay lại với một cái khay, trên đó đựng một chiếc cốc với một chai Vermouth. Bà mẹ lập tức bật dậy, cáu kỉnh nói với đứa con gái: – Không! Không! Đưa đây! Mụ giật ngay cái khay của đứa con gái rồi đi ra ngoài. Một lúc sau mụ quay lại với một cái khay khác, sơn véc-ni mới cứng, trên đó là một chai Rosolio: một con voi bằng bạc, trên lưng cõng một cái thùng với vài cái chén đính xung quanh kêu vui tai. Tôi thích chai Vermouth hơn. Tôi uống chai Rosolio. Cả lão Malagna và bà mẹ cũng uống. Romilda chỉ ngồi đó. Lần đầu tiên gặp mặt đó, tôi kiềm chế không ngồi lâu để có cớ quay lại: tôi bèn bảo rằng mình phải tức tốc trấn an mẹ tôi về cái khoản nợ kia và vài ngày nữa tôi sẽ quay lại để có thể thoải mái bầu bạn cùng quý bà và quý cô đây. Chừng như Marianna Dondi, mụ góa Pescatore chẳng mặn mà mấy với thông tin tôi sẽ trở lại lần nữa: mụ chìa tay ra, bàn tay lạnh băng, khô khốc, thô ráp và vàng vọt; mắt mụ hạ thấp và môi mím chặt. Con gái mụ bù đắp cho tôi bằng một nụ cười trìu mến, một nụ cười hứa hẹn sự đón tiếp nồng hậu, và một ánh nhìn từ đôi mắt kia, ngọt ngào nhưng phảng phất ánh buồn xưa cũ, đã hớp hồn tôi ngay tức thì: mắt nàng có màu xanh lục thực lạ, trầm tối, được hàng lông mi dài thướt tha che chắn; đôi mắt của buổi đêm, dưới làn tóc rẽ ngôi đen óng tựa gỗ mun, xoăn xoăn lượn sóng, buông dài qua trán và thái dương làm nổi lên màu trắng tinh khôi của làn da nàng. Ngôi nhà thực khiêm nhường; thế nhưng giữa những đồ đạc cũ kỹ đã xuất hiện những thành viên mới bắt mắt, khoe mẽ đến kệch cỡm. Ví như hai chiếc đèn bàn lớn bằng sành vẫn còn nguyên vẹn, hình thù kỳ dị, được đặt trên một cái giá bằng đá cẩm thạch thấp tịt đã ố vàng. Ngự trị trên chiếc giá ấy là một chiếc gương xám xịt có khung tròn, đôi chỗ rạn nứt, hiện ra giữa căn phòng tựa như một cái miệng đang ngáp vì đói ăn. Ngoài ra còn có một chiếc bàn nho nhỏ trước cái đi văng xập xệ, bốn chân bịt vàng, mặt làm bằng sứ với màu sơn sinh động. Rồi thì trên tường gắn một chiếc tủ được trang hoàng bằng sơn Nhật, vân vân và vân vân… Đôi mắt lão Malagna dừng lại trên những đồ vật mới mẻ này với một sự thích thú hiển hiện, cũng như mụ góa Pescatore với chai Rosolio của mình. Những bức tường trong phòng được khoác lên mình những tấm giấy dán tường cũ nhưng tuyệt nhiên không hề xấu xí. Lão Malagna cho tôi chiêm ngưỡng đôi tấm, ba hoa rằng ấy chính là tuyệt tác của Francesco Antonio Pescatore, em họ lão, một thợ in tài hoa vô hạn (lão chầm chậm kể rằng ông Pescatore phát điên mà chết ở Torino). Lão cũng cho tôi xem cả chân dung của ông em nữa. – Bức tự họa được chính tay ông ấy thực hiện trước gương. Bấy giờ tôi mới nhìn Romilda và bà mẹ. Trước đó tôi đã thầm nghĩ rằng: “Hẳn nàng giống bố!”. Chiêm ngưỡng bức tự họa của ông bố xong, tôi chẳng còn gì phải băn khoăn nữa. Tôi chẳng muốn đánh liều mà đặt ra những giả thiết quá đáng, đúng vậy, dù cho tôi nghĩ rằng Marianna Dondi, góa phụ nhà Pescatore, là một người đàn bà có khả năng làm đủ mọi chuyện. Thế nhưng làm thế nào mà một người đàn ông, thậm chí là điển trai, có thể đem lòng yêu mụ? Trừ phi ông chồng là thằng điên nhất trong những thằng điên. Tôi thuật lại cho Mino chi tiết chuyến viếng thăm đầu tiên ấy. Tôi kể về Romilda với vẻ hồ hởi và ngưỡng mộ, khiến hắn mặt rạng mày ngời hẳn ra. Hắn vui sướng khi thấy ngay cả tôi cũng cảm mến nàng đến vậy và có được sự ủng hộ của tôi. Tôi bèn dò hỏi dự định của hắn: bà mẹ đích thực có cái khí chất của một mụ phù thủy; thế nhưng tôi dám thề rằng người con gái nhất mực thánh thiện. Mục tiêu đen tối của lão Malagna thì chẳng còn gì phải bàn cãi. Vậy thì bằng mọi giá, và sớm nhất có thể, ta phải giải thoát người con gái. – Bằng cách nào? – Pomino hỏi tôi, nín thở chờ đợi câu trả lời. – Bằng cách nào ư? Xem nào. Trước tiên phải xác nhận một số thứ đã; phải đi đến tận cùng; tìm hiểu cho ra nhẽ. Mày phải hiểu là đưa ra một quyết định võ đoán trong trường hợp này là không ổn. Cứ để tao: tao sẽ giúp mày. Tao đặc biệt khoái những câu chuyện phiêu lưu tình ái kiểu này. – Ừm… nhưng… – Pomino lên tiếng. Hắn ngại ngùng, bắt đầu thấy ngứa ngáy khi tôi tỏ ra hào hứng như vậy. – Mày nói xem, tao sẽ phải cưới nàng à? – Giờ tao chẳng thể nói gì được. Hay là mày sợ? – Không, sao lại sợ? – Sao mày cứ vội vàng thế làm gì. Bình tĩnh lại mà ngẫm nghĩ xem. Nếu biết được đích xác nàng giống với những gì ta nhận định: xinh đẹp, thông minh, tiết hạnh (xinh đẹp thì khỏi phải nói, mày thích nàng mà, không phải sao?) – Ôi! Vậy ta sẽ cho nàng biết rằng nàng đang đứng trước một hiểm họa khôn lường, một vũng lầy không đáy, chỉ vì cái sự gian giảo của bà mẹ cũng như của lão già hạ cấp kia. Lúc ấy mày sẽ trốn tránh nhiệm vụ giải cứu thánh thiện đó hay sao? – Tao thì không… Không! – Pomino đáp. – Nhưng… còn bố tao thì sao? – Ông ấy sẽ phản đối ư? Vì lý do gì? Vì của hồi môn, có phải không? Chẳng còn lý do gì khác cả! Sao lại là nàng, mày biết không? Nàng là con gái một nghệ nhân, một thợ in tài hoa. Nói chung là ông ấy chết rồi, ở Torino… Thế nhưng bố mày giàu, mà ông ấy chỉ có độc mày là đứa con duy nhất để chăm lo: thế nên mày cứ vui lên đi, đừng có lo nghĩ gì về chuyện của hồi môn! Mà kể cả khi với những lý do cao cả, mày vẫn không thể thuyết phục được bố. Vậy thì có sao? Mày biến khỏi nhà một thời gian là mọi chuyện sẽ đâu vào đấy ngay thôi. Pomino, yên tâm chưa? Pomino cười. Thế rồi tôi giải thích hai năm rõ mười với hắn rằng hắn sinh ra đã là chồng, như một vài kẻ sinh ra đã là nhà thơ vậy. Tôi dùng những ngôn từ có cánh, sống động mà cuốn hút để mô tả cho hắn cuộc sống vợ chồng với Romilda, sự trân trọng, tình yêu thương, lòng biết ơn của nàng đối với vị cứu tinh của đời mình là hắn. – Mày đó, – tôi kết luận, – phải tìm cách nào để làm nàng để ý tới mày, để có thể bắt chuyện hay viết thư cho nàng. Mày xem, vào thời điểm này, lá thư của mày biết đâu lại là điểm tựa tình thần cho nàng giữa cái mớ bòng bong mà nàng đang mắc phải ấy. Trong lúc đấy, tao sẽ thường ghé thăm nhà nàng. Tao sẽ xem xét, tìm cơ hội để giới thiệu mày. Hiểu chưa? – Hiểu rồi. Cớ sao tôi lại nóng lòng ghép đôi cho Romilda đến vậy? -Chẳng vì sao cả. Tôi xin nhắc lại: vì tôi muốn làm Pomino choáng ngợp. Tôi cứ nói và nói, thế rồi tất cả các khó khăn đều như tan biến đi hết thảy. Tôi là một loại bốc đồng, tôi coi mọi chuyện nhẹ tựa lông hồng. Có lẽ vì điều này mà phụ nữ yêu tôi, bất chấp con mắt hiếng hay thân hình cục mịch của tôi. Thế nhưng, lần này thì – tôi phải nói rằng – lòng nhiệt thành của tôi xuất phát từ mong muốn phá tan cái mạng nhện thảm hại của lão già chết giẫm kia để cho lão sáng mắt ra; và cũng bởi tôi nghĩ cho Oliva tội nghiệp; và cũng vì – tại sao không chứ – cái hy vọng được làm chút điều tốt đẹp cho người con gái đã để lại trong tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc kia. Thử hỏi tôi có lỗi gì nếu Pomino quá ngại ngần mà không dám theo đuổi những gì tôi khuyên bảo? Tôi có lỗi gì nếu Romilda, thay vì đem lòng yêu Pomino, lại phải lòng tôi, ngay cả khi tôi chỉ toàn ba hoa về hắn? Và rốt cục tôi có lỗi gì nếu như sự quỷ quyệt của Marianna Dondi, mụ góa Pescatore, làm tôi tin rằng bằng nghệ thuật đặc trưng của mình mà chẳng mấy chốc tôi có thể vượt qua rào chắn lạnh lùng của mụ và tạo nên điều kỳ diệu: làm mụ nở nụ cười bằng mấy câu bông đùa quái đản nào đó. Tôi sẽ khiến mụ dần dần buông bỏ khí giới; tôi sẽ được đón tiếp nồng nhiệt. Tôi thiết nghĩ, nếu có một chàng trai trẻ giàu có trong nhà (tôi vẫn tin bản thân mình giàu có), mà việc chàng trai ấy đem lòng yêu con gái mình là chẳng thể chối cãi, mụ sẽ từ bỏ cái ý tưởng xảo quyệt kia đi, nếu thực lòng mụ đã từng nghĩ qua cái ý tưởng ấy. Đó: thậm chí tôi còn bắt đầu nghi ngờ rằng có thực là mụ có cái ý tưởng ấy hay không nữa. Đáng lẽ tôi phải để ý rằng tôi sẽ chẳng thể cứ đi tìm lão Malagna ở nhà mụ mãi được, và rằng không dưng mà mụ chỉ tiếp tôi vào buổi sáng. Thế nhưng ai mà biết được? Mọi chuyện với tôi vẫn bình thường, bởi có đôi lần, để được thoải mái hơn, tôi đề xuất một chuyến đi dạo quanh vùng đồng quê, và mọi người sẽ vui vẻ mà đồng ý. Thế rồi ngay cả tôi cũng đem lòng yêu Romilda, trong khi miệng suốt ngày nhắc đến Pomino. Tôi yêu điên dại đôi mắt long lanh, chiếc mũi nhỏ xinh, cái miệng ấy, tôi yêu tất thảy, thậm chí yêu cả cái mụn hột cơm nho nhỏ đằng sau gáy nàng, vết sẹo tưởng như vô hình trên bàn tay nàng, đôi bàn tay mà tôi hôn lên, hôn lên… vì Pomino, đáng tiếc thay. Thế nhưng sẽ chẳng có gì nghiêm trọng nếu không phải vào một buổi sáng (chúng tôi đang ở khu Lồng gà và bỏ mặc bà mẹ nàng ngắm nghía cối xay bột), Romilda bỗng dưng im bặt câu bông đùa dai dẳng về người tình nhút nhát xa xăm của mình. Nàng chợt rung mình lên mà khóc, hai tay quàng lấy cổ tôi, khẩn khoản cầu xin tôi hãy thương lấy nàng mà đem nàng đi thật xa, xa khỏi ngôi nhà kia, xa khỏi bà mẹ tồi tệ, xa khỏi tất cả mọi người, ngay lập tức, ngay lập tức, ngay lập tức… Xa ư? Làm thế nào mà tôi có thể đưa nàng đi xa ngay lập tức cho được? Vâng, vài ngày sau, lòng vẫn tràn đầy say mê, tôi quyết tâm tìm phương pháp giải quyết tất cả mọi chuyện một cách trung thực nhất. Tôi đã dần hé lộ cho mẹ về cái đám cưới cận kề của tôi, bấy giờ không thể thoái lui được nữa, cốt để giữ lấy lương tâm thanh thản. Thế nhưng tôi chẳng biết lý do tại sao mà một ngày nọ, Romilda viết cho tôi một bức thư khô khốc mà nói rằng tôi chẳng phải bận tâm gì tới nàng, rằng tôi đừng tìm đến nhà nàng nữa, và mối quan hệ của chúng tôi coi như vĩnh viễn chấm dứt. Vậy là sao? Sao lại thế được? Xảy ra chuyện gì rồi? Cũng ngày hôm ấy, Oliva chạy đến nhà tôi mà khóc lóc với mẹ tôi rằng nàng là người phụ nữ bất hạnh nhất trần gian, và rằng tổ ấm bình yên của nàng đã mãi mãi bị phá hủy. Người đàn ông của nàng đã chứng minh được lão vẫn có cái khả năng sinh con; lão đã đường hoàng mà tuyên bố với nàng như vậy. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng ấy. Làm thế nào mà tôi kiềm chế được bản thân mình, tôi chẳng biết nữa, có chăng vì lòng tôn kính đối với mẹ. Cảm giác giận dữ, buồn nôn chiếm trọn lấy bản thân. Tôi trốn một mình trong phòng, vò đầu bứt tóc tự hỏi tại sao sau bao chuyện xảy ra giữa hai chúng tôi, Romilda có thể làm được trò đáng khinh bỉ như thế! Hỡi ôi, thực là mẹ nào con nấy! Hai mẹ con nhà này chẳng những đã lừa gạt không thương tiếc lão già kia, mà luôn cả tôi, cả tôi! Cũng giống như bà mẹ, cả cô nàng cũng đểu giả mà lợi dụng tôi vì cái mục đích bẩn thỉu, vì cái mong muốn tham lam kia! Trong khi ấy, Oliva tội nghiệp! Thảm hại, thực thảm hại… Tôi ra khỏi phòng trước khi trời tối, toàn thân vẫn còn run rẩy. Tôi đến thẳng nhà Oliva với bức thư của Romilda trong túi. Oliva thu dọn đồ đạc, khuôn mặt tràn đầy nước mắt. Nàng muốn trở về với bố mình. Vì thận trọng nên cho tới giờ, nàng vẫn chưa kể cho ông về những gì bản thân phải chịu đựng. – Bây giờ em vẫn phải tiếp tục mối quan hệ này hay sao? -Nàng bảo tôi. – Tất cả đã kết thúc rồi! Nếu ít nhất lão ấy ăn nằm với người phụ nữ khác, có thể… – A, vậy là em biết, – tôi dò hỏi, – lão đã ăn nằm với ai sao? Nàng cúi đầu giữa những tiếng nấc nghẹn, giấu mặt giữa đôi bàn tay. – Một đứa con gái! – Nàng giơ tay mà thốt lên – Còn bà mẹ! Bà mẹ! Bà mẹ! Bà mẹ đồng ý, anh hiểu chưa? Chính bà mẹ đồng ý! – Em còn nói với tôi điều ấy hay sao? – Tôi đáp. – Đây, cầm lấy mà đọc đi. Tôi đưa nàng bức thư. Oliva ngây dại nhìn bức thư; thế rồi nàng nhận lấy và hỏi: – Thế này là sao? Nàng chẳng biết đọc mấy. Nàng dò hỏi qua ánh mắt tôi xem liệu trong thời khắc ấy, nàng có nhất thiết phải nỗ lực đến vậy hay không. – Em đọc đi. – Tôi yêu cầu. Thế rồi nàng lau khô mắt. Nàng giở tờ giấy ra mà chầm chậm đánh vần, luận từng chữ từng chữ một. Được vài từ đầu tiên, đôi mắt nàng vụt chạy xuống phần chữ ký. Nàng nhướng mắt nhìn tôi: – Vậy chính là anh ư? – Đưa đây, – tôi nói với nàng, – tôi sẽ đọc cho em nghe tất cả. Thế nhưng nàng ôm chặt tờ giấy vào ngực mình: – Không! – Nàng thét lên – Em sẽ không trả lại anh đâu! Bây giờ em cần cái này! – Em cần nó để làm gì? – Tôi cười chua xót mà hỏi. – Em muốn cho lão xem ư? Thế nhưng trong cả bức thư chẳng có lấy một từ có thể khiến lão chồng em tin tưởng hơn những gì lão ấy đang hạnh phúc mà tin tưởng. Thôi đi. Bọn chúng lừa em một vố đẹp rồi. – A, đúng thật! Đúng thật! – Oliva rên rỉ. – Vậy mà lão đã đánh em mà thét rằng em nên biết điều, đừng nghi ngờ danh dự của cháu gái lão. – Vậy thì sao? – Tôi vừa nói vừa cười cay đắng. – Em thấy chưa? Em có tung hê hết tất thảy thì phỏng có ích lợi gì. Em phải biết điều! Em phải nói rằng đúng, lão có thể có con, điều ấy là không thể chối cãi… Em hiểu chưa? Giờ thì cớ sao mà sau một tháng, lão Malagna lại giận dữ mà đánh vợ thậm tệ, rồi miệng sùi bọt mép mà chạy đến nhà tôi, kêu gào đòi hỏi một sự bù đắp thỏa đáng vì tôi đã cướp mất danh dự, đã đảo lộn cuộc sống cháu gái lão, một đứa trẻ mồ côi cha tội nghiệp? Lão còn nói thêm rằng trước đó, chỉ vì không muốn gây tai tiếng nên lão đã định im lặng. Vì lòng thương với đứa cháu gái tội nghiệp trong khi bản thân lão lại chẳng có con, lão đã quyết sẽ đón cái sinh vật ấy về khi nó chào đời và nuôi nấng nó như thể con ruột mình vậy. Thế nhưng giờ Chúa đã rủ lòng thương mà cho lão một đứa con ruột của lão, đứa con mà chính vợ lão sinh ra, thì trong thâm tâm, lão không thể nào nhận nuôi thêm cả đứa con của cháu lão nữa. – Mattia phải chịu trách nhiệm! Mattia phải bù đắp! – Lão bừng bừng giận dữ mà nói nốt. – Ngay lập tức! Hãy nghe lời tôi ngay lập tức! Đừng để tôi phải nói nhiều thêm nữa, đừng để tôi phải làm điều gì đáng tiếc. Đến điểm này của câu chuyện, chúng ta hãy cùng lý luận một chút. Tôi đã trải qua nhiều chuyện với đủ thể loại người. Việc bị coi là một tên đốn mạt hay tệ hơn thế nữa, đối với tôi chẳng hề gì. Xin nhắc lại là tôi đã đứng ngoài vòng xoay của sự sống, chẳng thiết gì nữa cả. Vậy nên nếu đến điểm này, tôi muốn lý luận, âu cũng chỉ vì cái tính logic của nó thôi. Tôi xét thấy hiển nhiên rằng Romilda đã chẳng làm gì ghê tởm, chí ít là trong màn lừa gạt ông bác. Nếu không, lão Malagna làm sao có thể nhục mạ Oliva vì sự phản bội của nàng và buộc tội tôi trước mặt mẹ tôi vì đã đi quá giới hạn với cháu gái lão? Thực ra, Romilda kể rằng chỉ ít lâu sau chuyến đi dạo của chúng tôi ở Lồng gà, khi nghe được lời thú nhận tình yêu khăng khít giữa hai chúng tôi từ chính miệng nàng, bà mẹ đã nổi trận lôi đình, thét vào mặt nàng rằng mụ sẽ không bao giờ để nàng cưới một thằng phá gia chi tử đang bên bờ vực thẳm. Bấy giờ, trong khi nàng đã tự rước cho mình sự tồi tệ nhất trong các sự tồi tệ, một bà mẹ cẩn trọng chỉ còn cách tính toán làm sao để được lợi nhất từ tình hình này. Vậy đâu là cách dễ dàng nhất để thoát khỏi mớ bòng bong này, mụ hiển nhiên biết rõ. Cứ đúng vào giờ bình thường mà lão Malagna hay ghé, mụ sẽ kiếm cớ ra ngoài, để mặc đứa con gái một mình với ông bác. Romilda kể rằng nàng đã rỏ những giọt nước mắt nóng hổi, phủ phục dưới chân lão mà giãi bày cái tình thế nan giải của mình và những gì mà bà mẹ đã yêu cầu nàng tuân phục. Nàng khẩn khoản cầu xin lão cứu giúp, xin lão hãy cho mẹ nàng những lời khuyên chân thành, bởi nàng đã thuộc về một người đàn ông khác và nàng muốn giữ mình trong sạch với kẻ đó. Lão Malagna động lòng – nhưng chỉ tới một mức độ nào đó. Lão nhắc rằng nàng hẵng còn vị thành niên, chịu sự bảo hộ của bà mẹ. Nếu muốn, mụ ta hoàn toàn có thể lấy luật pháp mà gây khó dễ cho tôi. Vả khi đối diện với lương tâm, lão cũng sẽ không chấp thuận đám cưới của nàng và một tên hư hỏng như tôi, một kẻ tiêu xài vô độ không biết nghĩ, vậy nên lão cũng không thể khuyên bà mẹ nàng đồng ý được. Rồi lão bảo rằng để phản đối lại quyền tự nhiên vốn có của bà mẹ, nàng phải chấp nhận hy sinh một thứ gì đó để đổi lại số phận đang chờ nàng phía trước. Sau cùng, lão kết luận rằng bản thân chẳng thể làm gì khác ngoài việc chu cấp – nếu mọi thứ được giữ kín tuyệt đối – chu cấp cho đứa con sắp chào đời của nàng và nhận nó làm con, đó, cũng bởi lão chẳng có con cái gì mà từ lâu lão đã thèm khát một đứa. Có thể nào, – tôi tự hỏi, – mọi thứ lại công bằng tới vậy? Đó: mọi thứ lão cướp của người cha, lão sẽ trả lại cho người con sắp chào đời. Nếu kẻ vô ơn là tôi muốn phá vỡ cái niềm hạnh phúc của lão, thử hỏi lão còn tội lỗi gì? Lão phải nuôi hai đứa con ư, không! Hai đứa, chắc chắn không, chết tiệt! Đối với lão như vậy là quá nhiều. Như tôi đã nói, Roberto được ưu ái một hôn sự có lợi, vậy nên lão tính rằng anh chẳng làm lão tổn hại gì nhiều đến mức phải kéo anh vào chuyện này. Suy cho cùng – giữa bao con người tốt đẹp thế này – thành thử mọi tội lỗi có vẻ như đều tự tôi mà ra. Và tôi phải đền bù cho những tội lỗi ấy. Lòng tự trọng bị tổn thương, tôi từ chối. Thế nhưng, trước những lời thỉnh cầu của mẹ, khi bà đã thấy gia đình tôi bị đảo lộn và hy vọng rằng bằng cách cưới cháu gái của kẻ thù, tôi sẽ cứu vớt được chính mình, tôi buông xuôi và làm đám cưới. Cơn giận của Marianna Dondi, mụ góa nhà Pescatore, hẵng còn treo lơ lửng trên đầu tôi. 1. Trong tiếng Italia, tên cô gái Oliva cũng có nghĩa là quả ô liu. 2. Ám chỉ Malagna vì malanno (bệnh tật) đồng âm với Malagna. Chương 3 TRƯỞNG THÀNH ụ phù thủy già chẳng bao giờ chịu yên: M – Mày nghĩ sao? – Mụ chất vấn tôi. – Mày vẫn chưa thấy hài lòng à? Mày lẻn vào nhà bà như một tên trộm, dụ dỗ con gái bà và rồi hại đời nó. Mày thấy thế vẫn chưa đủ hay sao? – Không đâu, thưa mẹ vợ yêu quý! – Tôi đáp. – Bởi, nếu con chỉ dừng lại ở đó, sẽ như thể con gia ơn cho nhà mẹ vậy… – Mày nghe thấy chưa? – Mụ quay sang hét vào mặt con gái. – Nó còn dám khoe khoang, thậm chí tự hào vì đã làm cái việc vĩ đại ấy với cái con… – Và tiếp theo là cả một tràng dài những từ ngữ miệt thị Oliva. Thế rồi, hai tay chống hông, khuỷu tay khuỳnh ra phía trước, mụ nói: – Mày đã được lợi lộc gì? Mày đã hủy hoại chính đứa con của mày rồi. Thế nhưng đối với nó thì phỏng có quan trọng gì? Cả đứa bé kia cũng là con của nó, của nó nữa… Mụ chẳng bao giờ thiếu những lời nanh nọc như vậy, trong khi mụ biết rõ những lời ác độc ấy có ảnh hưởng thế nào với Romilda. Bản thân nàng vốn ghen tức với đứa con của Oliva, nó được sinh ra trong nhung lụa; trong khi đứa con của nàng sẽ chào đời trong cảnh thiếu thốn, với một tương lai vô định, giữa bao tranh chấp kia. Sự ghen tức này chẳng hề thuyên giảm khi có một quý bà tốt bụng nào đó vờ như không biết gì mà đến chỗ nàng, thuật lại tường tận sự sung túc, vui sướng của “bác gái” Malagna: Cuối cùng Chúa cũng đã rủ lòng thương tới nàng ấy; Oliva bung nở thể như bông hoa buổi sớm. Trong khi đó, nàng thì chết dí trên ghế xô pha, lúc nào cũng chực như muốn nôn mửa. Nàng xuống sắc, tiều tụy và trắng bệch, chẳng có một giây phút thảnh thơi, chẳng muốn chuyện trò hay thậm chí mở mắt nhìn đời thêm nữa. Đấy cũng là lỗi của tôi chăng? Có vẻ là vậy. Nàng chẳng muốn nhìn hay nghe tôi nói gì nữa. Tồi tệ hơn là khi chúng tôi buộc phải bán hết các căn nhà để cứu lấy trang trại Lồng gà với cối xay bột, người mẹ tội nghiệp của tôi chẳng có cách nào khác ngoài việc chuyển đến sống trong căn nhà thể như hỏa ngục của tôi. Rõ rành rành rằng bán những căn nhà ấy đi cũng chẳng được ích lợi gì. Đứa con sắp chào đời khiến lão Malagna bấy giờ chẳng chùn tay. Lão làm điều duy nhất có thể: thỏa thuận với bọn cho vay nặng lãi và chính lão mua lại những căn nhà với giá rẻ mạt mà chẳng phải tính toán gì nhiều. Những khoản nợ đang đè nặng lên khu Lồng gà hầu như đã được chi trả, trang trại với cối xay bột bị đem đi thế chấp dưới sự kiểm soát của tòa án địa phương. Và chúng tôi được xóa nợ. Giờ tôi phải làm gì? Tôi bắt đầu tìm việc mà chẳng có lấy chút hy vọng, cốt để trang trải những nhu cầu cấp thiết nhất của gia đình. Tôi chẳng được việc gì, còn cái danh tiếng mà những vui thú tuổi trẻ của tôi để lại, những trò phá hoại hồi ấy đã khiến người ta chùn bước trước cái khả năng trao cho tôi một công việc. Những biến cố trong gia đình mà tôi phải ngày ngày chứng kiến và can dự vào cũng đã làm tôi mất hết sự bình tĩnh cần có để đánh giá xem bản thân làm được việc gì và thông thạo việc gì. Tôi ghê tởm trước cảnh mẹ phải chịu đựng mụ Pescatore. Người mẹ thánh thiện của tôi bấy giờ chẳng còn ngây thơ nữa. Nhưng trong mắt tôi, mẹ vẫn chẳng bận tâm đến những cực khổ, cũng bởi bà chẳng tin con người lại có thể xấu xa đến thế. Bà gò ép thu mình lại, hai tay yên vị đặt trong lòng, mắt cụp xuống. Bà đã lùi sâu vào một góc, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ rằng đến cả góc ấy cũng chẳng phải chỗ của mình. Bà lúc nào cũng chực như biến mất, chừng như chỉ ít lâu nữa bà sẽ biến mất – nếu Chúa cho phép! Mà bà còn chẳng làm phiền tới một con muỗi. Đôi lúc bà sẽ thoáng nhìn Romilda, ánh mắt đầy cảm thông. Thế nhưng bà chẳng dám tới gần, bởi có lần, bà vốn đang định chạy lại giúp nàng thì mụ phù thủy kia sỗ sàng đẩy bà ra: – Để tôi, để tôi. Tôi biết phải làm gì. Biết rằng lúc ấy Romilda rất cần sự trợ giúp, tôi ngậm mồm. Thế nhưng tôi ngầm theo dõi để đảm bảo rằng không có ai đối xử tệ bạc với mẹ tôi cả. Và tôi nhận ra sự quan tâm của tôi dành cho mẹ đã phần nào chọc tức mụ phù thủy kia, thậm chí ngay cả vợ tôi nữa. Tôi sợ rằng khi mình không có nhà, họ sẽ hành hạ mẹ tôi chỉ để giải tỏa bức xúc kìm nén bấy lâu. Tôi chắc rằng mẹ sẽ chẳng nói với tôi điều gì. Ý nghĩ ấy cứ giày vò tôi mãi. Đã bao lần, bao lần tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt mẹ, chỉ để biết rằng liệu bà đã khóc hay không! Mẹ cười, đôi mắt nhìn tôi âu yếm và hỏi: – Sao con lại nhìn mẹ như vậy? – Mẹ vẫn ổn chứ? Mẹ tôi nhẹ nhàng âu yếm tôi bằng đôi bàn tay và đáp lời: – Ổn, con không thấy sao? Đến giúp vợ con đi, đi đi. Tội nghiệp con bé. Tôi quyết định viết thư cho Roberto, bấy giờ đang ở Oneglia, để bảo anh đón mẹ về nhà. Chẳng phải vì tôi ngại gì, bản thân tôi luôn sẵn sàng phụng dưỡng mẹ, ngay cả khi khả năng của tôi vô cùng hạn chế như lúc bấy giờ. Tôi làm điều ấy chỉ vì mong muốn duy nhất là dành những gì tốt đẹp cho bà. Berto đáp rằng anh không thể; không thể bởi quan hệ của anh với vợ và gia đình nhà vợ cũng căng thẳng vô cùng. Sau khi tai họa đổ ập xuống nhà chúng tôi, anh phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào của hồi môn đằng vợ, bởi vậy nên anh chẳng muốn để vợ phải đèo bòng thêm một bà mẹ chồng. Mặt khác, về phần mẹ – anh bộc bạch – bản thân anh cũng không muốn để bà sống chung với mẹ vợ mình. Bà ta một người đàn bà tốt bụng, thế nhưng chẳng thể nói trước rằng sẽ không biến thành kẻ xấu khi những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa mẹ vợ và mẹ chồng nảy sinh, vẫn sẽ là tốt hơn nếu mẹ ở lại nhà tôi; và nếu vậy, mẹ cũng chẳng phải rời xa quê hương trong những năm tháng cuối đời, cũng chẳng phải thay đổi thói quen hay cuộc sống của mình. Sau khi tỏ rõ các đường lợi hại, anh tuyên bố bản thân vô cùng đau khổ, vì dù rằng vô cùng mong muốn nhưng anh chẳng thể gửi cho tôi dù chỉ một chút tiền bạc giúp đỡ. Tôi giấu mẹ bức thư này. Có thể trong giây phút ấy, nếu tâm hồn bồng bột khiến lý trí tôi lu mờ thì hẳn tôi đã tổn thương quá mức. Ví dụ như, tôi cân nhắc cái việc nếu nhổ đi chiếc lông đuôi của một con chim họa mi: nó sẽ vẫn còn tiếng hát; thế nhưng giả tôi bứt đi chiếc lông đuôi của một con công, liệu nó còn lại gì? Có lẽ nào tôi lại phá vỡ cái sự cân bằng mà anh đã dày công gây dựng, cách duy nhất giúp anh có được một cuộc sống đường hoàng bên cạnh người vợ. Đối với Berto mà nói, mất mát ấy sẽ thực khủng khiếp, chẳng gì có thể bù đắp được. Ngoài cái mã bảnh chọe, cung cách lịch thiệp với cái khí chất của một quý ông, anh chẳng có gì cho vợ cả. Thậm chí anh cũng chẳng dành cho vợ mình chút ít tình yêu thương, trong khi điều đó đã có thể bù đắp cho những khó nhọc mà vợ anh phải chịu đựng nếu chung sống với mẹ chúng tôi. Ha! Chúa đã tạo ra con người Berto như vậy; lòng thương cảm là thứ mà Người chỉ cho anh chút ít. Vậy anh Berto tội nghiệp của tôi liệu còn có thể làm được gì? Tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ, còn tôi chẳng có cách nào khắc phục. Chúng tôi phải bán đi những đồ trang sức bằng vàng, những kỷ vật đáng quý của mẹ. Còn mụ góa Pescatore, sợ rằng tôi và mẹ sớm sẽ phải phụ thuộc vào cái khoản thu nhập hàng tháng còm cõi bốn mươi hai lire của mình, liền dần dần trở nên cáu kỉnh hơn. Tôi đã sớm biết sẽ có những lần cơn giận dữ kìm nén quá lâu của mụ bùng nổ, có thể bởi sự hiện diện cũng như thái độ của mẹ tôi. Mụ sẽ ném cho tôi ánh mắt chết người khi thấy tôi quanh quẩn như ruồi nhặng trong nhà. Những lúc như vậy, tôi sẽ chuồn ra khỏi nhà, tránh cho cái núi lửa ấy phun trào. Thế nhưng vì lo sợ cho số phận của mẹ, tôi quay trở vào. Ấy vậy nhưng có một hôm tôi đã chẳng kịp quay trở lại để chống đỡ dòng thác lũ đã bùng nổ kia. Mụ cuồng dại vì một lý do vô cùng ngớ ngẩn, ấy là sự hiện diện của hai bà hầu già của mẹ tôi. Sau tai họa của nhà chúng tôi, một bà đã phải ngay lập tức tìm nơi khác để phục vụ vì chẳng thể bỏ mặc đứa con gái góa bụa và ba đứa cháu nhỏ. Nhưng bà còn lại, Margherita, thì may mắn hơn. Bà chỉ còn một mình giữa thế gian và đã có thể an dưỡng tuổi già với những gì dành dụm suốt nhiều năm phục vụ gia đình tôi. Gặp lại hai người đàn bà lương thiện, hai người bạn gần gụi lâu năm, chừng như mẹ tôi đang dần trở nên buồn rầu vì cái tình cảnh thê thảm và cay đắng vô cùng tận của bà lúc bấy giờ. Bà Margherita cao thượng đã ngờ tới tình cảnh ấy nhưng chẳng dám nói ra và ngay lập tức đề nghị đưa mẹ tôi đến ở nhà bà: bà có hai căn phòng nhỏ bé và sạch sẽ, cùng với một khoảnh sân nho nhỏ đầy ắp hoa lá nhìn ra biển: họ sẽ được sống yên bình cùng nhau: ôi, bà hẳn sẽ hạnh phúc biết bao khi vẫn có thể phục vụ mẹ tôi, vẫn còn cơ hội thể hiện những tình cảm yêu thương trân quý của bà với mẹ. Thế nhưng mẹ tôi nào dám chấp nhận lời đề nghị của người đàn bà đáng mến kia? Lời từ chối ấy là ngọn nguồn cơn giận của mụ Pescatore. Lúc vào nhà, tôi nhìn thấy mụ đang giương nắm đấm về phía Margherita, trong khi bà vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu. Còn mẹ tôi chừng như quá sợ hãi, nước mắt lưng tròng, run rẩy, hai tay nắm chặt lấy bà Margherita như để trốn tránh cơn giận dữ của mụ thông gia. Trước hình ảnh mẹ tôi lúc ấy, tôi mất hết bình tĩnh. Tôi chộp lấy tay mụ góa Pescatore mà hẩy mụ ra xa. Mụ bật dậy rồi lao tới như muốn ăn tươi nuốt sống tôi; thế nhưng mụ dừng lại: – Cút! – Mụ thét. – Mày và cả mẹ mày, cút! Cút ra khỏi nhà tao! – Nghe đây, – tôi nói với mụ, giọng run run do những nỗ lực mãnh liệt để kiềm chế bản thân. – Nghe đây. Bà biến ngay đi, đừng có thử thách sự kiên nhẫn của tôi. Biến, nếu bà vẫn còn yêu lấy bản thân mình! Biến! Romilda lúc ấy vẫn đang khóc lóc và gào thét. Nàng vụt dậy khỏi ghế mà lao vào vòng tay của mụ: – Không! Mẹ phải ở đây với con! Đừng bỏ con, đừng bỏ con ở đây một mình! Thế nhưng bà mẹ đáng mến của nàng đẩy nàng ra, giọng tức tối: – Mày thích nó cơ mà? Đi mà bám lấy cái thằng đầu đường xó chợ của mày đi! Tao sẽ đi khỏi đây một mình. Vậy mà mụ đâu có muốn đi. Hai ngày sau, tâm trạng giận dữ như thường nhật, cô Scolastica tới với ý định duy nhất là mang mẹ tôi đi theo. Tôi đồ rằng Margherita đã nhờ cô tới. Cảnh này thực đáng để diễn lại. Sáng hôm ấy, mụ Pescatore đang đứng làm bánh, hai tay áo xăn cao, váy kéo lên và cuộn lại ngang hông vì sợ bẩn. Lúc cô Scolastica vào nhà, mụ chỉ khẽ quay đầu rồi lại nhào bột như thể chẳng có gì xảy ra. Cô tôi chẳng thèm để tâm đến mụ; bà vào nhà mà chẳng chào bất cứ ai, chăm chăm hướng tới mẹ, như thể trong nhà chẳng có bất cứ ai ngoài mẹ tôi cả. – Ngay lập tức, nhanh lên, mặc quần áo vào! Chị đi với em. Em biết được những chuyện xảy ra với chị rồi. Em đây. Đi nào, nhanh lên! Thu dọn đi! Cô tôi nói nhát gừng từng chữ một. Cái mũi hếch lên kiêu hãnh. Khuôn mặt rám nắng của bà run run rồi dần dần nhăn nhúm lại. Đôi mắt bà nảy lửa. Mụ góa Pescatore, im lặng. Mụ đã nhào xong bột, sau đó ngâm nước rồi cô đặc lại thành pasta1. Mụ giương phần pasta lên rồi cố tình giã mạnh xuống mặt bàn: đây là cách mụ đáp lại những gì cô tôi nói. Thấy vậy, cô tôi càng làm dữ. Còn mụ cứ thế mà đập mạnh thêm: “Đúng rồi! – Hẳn rồi! – Sao lại không chứ? – Hiển nhiên rồi!” Thế rồi, như thấy vậy là chưa đủ, mụ lấy cán lăn bột ra mà đặt lên bàn, ý nói: tao còn cả cái này. Nhưng mụ chẳng làm được gì! Cô Scolastica nhảy dựng lên, tức tối tháo cái khăn choàng trên vai mà ném về phía mẹ tôi: – Đây! Vứt lại tất cả. Đi ngay! Và rồi bà chạy ra đứng trân trân trước mặt mụ góa Pescatore. Vì không muốn mặt chạm mặt với cô tôi, mụ lùi về sau một bước, hầm hè định giương cái cán lăn bột lên. Thấy vậy, cô Scolastica hai tay lấy hai nắm pasta ở trên bàn mà trét thẳng vào đầu mụ, kéo tuột xuống mặt, hai tay nắm chặt, phía đó, phía đó, phía đó, trên mũi, trên mắt, trong mồm, bất cứ nơi nào có thể trét được là bà trét. Thế rồi bà nắm lấy một tay mẹ tôi mà lôi tuột đi. Cảnh tiếp theo chỉ dành cho mình tôi. Mụ góa Pescatore thét lên vì giận dữ. Mụ bóc ra từng đống pasta trên mặt, trên những sợi tóc bẩn thỉu rồi ném thẳng vào mặt tôi trong khi tôi cười, cười như bị động kinh. Mụ tóm lấy râu tôi và cào cấu tôi thậm tệ. Thế rồi, như mất trí, mụ lăn ra đất mà xé quần xé áo. Mụ lăn lộn, lăn lộn trên sàn nhà trong cơn mê sảng. Vợ tôi lúc ấy (sit venia verbo - thứ cho tôi phải nói điều này) đương nôn thốc nôn tháo đằng kia, giữa những tiếng thét xé tai, còn tôi: – Cặp đùi kìa! Cặp đùi kìa! – Tôi thét với mụ góa Pescatore đang lăn lộn dưới đất. – Đừng có chìa đùi ra cho tôi xem, tôi xin đấy! * Có thể nói rằng từ ấy, tôi có thói quen cười vào vận hạn của mình, cười vào từng nỗi thống khổ của mình. Trong giây phút ấy, tôi thấy mình như nghệ sĩ trong một tấn bi hài kịch nghiệt ngã nhất mà người ta chẳng thể nào tưởng tượng ra: mẹ tôi chạy trốn với bà cô kỳ lạ của tôi như vậy; vợ tôi ở đó thì đang… thôi quên đi; mụ Marianna Pescatore dưới đất chỗ đằng kia; còn bản thân, tôi chẳng có mẩu bánh nào, hay cái thứ mà người ta gọi là bánh mì, cho ngày sắp tới. Bộ râu tôi phủ đầy pasta, khuôn mặt thì lấm lem, chảy ra những thứ mà tôi chẳng rõ là máu hay nước mắt vì cười nhiều quá thể. Tôi chạy ra ngắm kỹ mình trong gương. Là nước mắt, nhưng tôi cùng đã bị cào một phen ác. Còn con mắt của tôi, lúc ấy, tôi thích con mắt tôi đến nhường nào! Trong giây phút tuyệt vọng, nó đã khiến tôi nhìn đi nơi khác, bất cứ nơi đâu nó hướng tới. Tôi bỏ đi, quyết tâm không trở về nhà tới chừng nào tìm ra cách để bảo đảm cuộc sống cho vợ tôi và tôi, dù cho cách ấy có thảm hại đến mức nào. Trong giây phút giận dữ khôn nguôi đối với biết bao năm tháng bốc đồng, tôi dễ dàng lý giải được rằng nỗi bất hạnh của tôi chẳng thể khơi nguồn cảm hứng cho bất cứ ai, chẳng thể làm ai đó động lòng hay quan tâm cho được. Tôi hoàn toàn xứng đáng bị như vậy. Chỉ còn một kẻ duy nhất có thể rủ lòng thương tôi, kẻ đã cướp trắng tất cả những gì chúng tôi có. Nhưng hiển nhiên lão Malagna sẽ không cảm thấy cái trách nhiệm phải trợ giúp tôi, sau bao chuyện xảy ra giữa tôi và lão. Thay vào đó, sự trợ giúp lại đến từ một kẻ mà tôi ít có thể ngờ tới nhất. Cả ngày hôm ấy tôi ở ngoài. Tầm tối, tôi tình cờ đụng phải Pomino. Hắn định vờ như không thấy tôi và chạy đi mất. – Pomino! Hắn ngoảnh lại, khuôn mặt trầm uất rồi ngừng bước, ánh mắt hạ thấp: – Mày muốn gì? – Pomino! – Tôi nhắc lại to hơn, lắc vai hắn mà cười vào cái vẻ ủ rũ của hắn. – Mày đùa tao à? Ôi cái sự vô ơn của loài người! Hắn giận tôi, hẳn là Pomino giận tôi vì cái sự phản bội mà hắn tin là tôi gây ra cho hắn. Tôi chẳng cách nào mà thuyết phục được hắn, rằng chính hắn đã phản bội lại tôi, và hắn không những phải cảm ơn tôi mà còn phải cúi đầu xuống đất mà hôn lên chân tôi. Tôi vẫn quay cuồng trong cái trạng thái tưng tửng tồi tệ kia, thứ cảm xúc đã chiếm trọn tôi từ lúc nhìn thấy mình trong gương. – Mày có thấy mấy vết cào này không? – Được một lúc tôi bảo hắn. – Mụ ta làm tao ra nông nỗi này đây! – Ro… à, vợ mày á? – Mụ mẹ nàng! Rồi tôi kể cho hắn như thế nào và tại sao. Hắn cười, nhưng nụ cười hắn đượm buồn. Có thể hắn nghĩ rằng hẳn mụ ta, mụ góa nhà Pescatore, sẽ chẳng làm thế với hắn, cào cấu hắn đến vậy: gia cảnh nhà hắn khác tôi, và cả bản chất lẫn trái tim hắn cũng vậy. Lúc ấy tôi bỗng định hỏi hắn tại sao, nếu hắn thực sự đau đớn tới nhường này thì sao hắn không cưới Romilda đi, sao không kíp mà trốn đi với nàng, như tôi đã khuyên hắn, trước khi sự nhút nhát đến nực cười hay tính thiếu quyết đoán của hắn làm tôi phải gánh chịu sự đen đủi là phải lòng nàng. Giữa lúc tâm trạng rối bời, tôi những muốn nói với hắn thêm nhiều điều nữa. Thế nhưng tôi kiềm chế. Thay vào đó, tôi chìa tay rạ mà hỏi hắn rằng những ngày ấy hắn đi lại với ai. – Chẳng với ai cả! – Hắn thở dài. – Chẳng với ai cả! Tao chán, chán đến chết mất! Cảm giác bực bội trong ngôn từ hắn thốt ra khiến tôi thấy như hiểu được lý do thực sự vì sao Pomino tổn thương tới vậy. Có thể hắn tiếc Romilda, thế nhưng cũng chẳng tiếc bằng việc mất những người bạn cũ. Berto không còn ở đó nữa, còn tôi thì hắn không thể chơi cùng vì đã có Romilda chen ngang. Vậy còn gì dành cho Pomino tội nghiệp? – Cưới vợ đi, ông bạn yêu quý! – Tôi bảo hắn. – Mày sẽ biết thế nào là vui sướng! Thế nhưng hắn nhắm mắt, lắc đầu với vẻ nghiêm trọng; hắn giơ một tay: – Không! Không bao giờ! – Tuyệt vời, Pomino: kiên trì vào! Nếu mày mong mỏi một người để bầu bạn thì tao luôn sẵn sàng, kể cả xuyên đêm, nếu mày muốn. Tôi tỏ cho hắn cái quyết tâm của tôi từ khi ra khỏi nhà, và rồi cả cái hoàn cảnh tồi tệ của bản thân lúc bấy giờ. Pomino cảm động như một người bạn thực sự. Hắn đưa tôi chút tiền mà hắn có trong người. Tôi chân thành cảm ơn hắn, và bảo hắn rằng sự trợ giúp ấy sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi: ngày hôm sau tôi sẽ vẫn thê thảm như vậy. Tôi cần một sinh kế ổn định. – Đợi đã! – Pomino thốt lên. – Mày có biết bố tao làm ở Tòa thị chính không? – Không. Nhưng tao cũng tưởng tượng được. – Ông là ủy viên hội đồng thị trấn về giáo dục công. – Điều này quả là tao không tưởng được. – Tối hôm qua, trong bữa ăn… Đợi đã! Mày biết Romitelli không? – Không. – Không là thế nào! Cái lão ở mạn dưới, chỗ thư viện Boccamazza ấy. Lão điếc, gần như mù dở, thiểu năng và không đứng được trên cả hai chân nữa. Bữa tối hôm qua, bố tao kể rằng thư viện đã suy tàn thảm hại và cần được quản lý với sự quan tâm cao độ nhất. Đúng chỗ cho mày đấy. – Thủ thư ư? – Tôi thốt lên. – Nhưng tao… – Sao lại không cơ chứ? – Pomino nói. – Đến lão Romitelli còn làm được… Lý do này đã thuyết phục được tôi. Pomino khuyên tôi nên để cô Scolastica ngỏ chuyện ấy với bố hắn. Như vậy sẽ tốt hơn. Ngày hôm sau, tôi chạy tới thăm mẹ và kể với bà chuyện kia, bởi cô Scolastica chẳng thèm nhìn mặt tôi nữa. Vậy là, bốn ngày sau, tôi trở thành thủ thư. Sáu mươi lire một tháng, giàu hơn mụ góa Pescatore! Tôi đã có thể ca khúc khải hoàn. Những tháng đầu, công việc của tôi hệt như một trò giải trí với lão Romitelli nọ. Tôi chẳng có cách nào làm cho lão hiểu rằng lão đã bị Chính quyền thị trấn bãi nhiệm, và bởi vậy, lão không cần phải đến thư viện nữa. Mỗi buổi sáng, không sai lệch dù chỉ một phút, tôi thấy lão xuất hiện với bốn chân (bao gồm hai cây ba toong, mỗi tay một cái, chúng phục vụ lão tốt hơn là đôi chân). Vào trong thư viện, lão lôi từ túi áo ghi lê một chiếc đồng hồ bỏ túi to tướng với sợi dây kỳ lạ rồi treo lên tường. Rồi lão ngồi, hai cây ba toong kẹp giữa hai chân. Lão sẽ rút trong túi ra một chiếc mũ len, một hộp thuốc lá, một chiếc khăn tay khổ lớn có họa tiết kẻ ô đỏ đen. Lão sẽ rít lấy một hơi đầy những thuốc rồi chùi mũi. Xong xuôi, lão sẽ mở ngăn kéo của chiếc bàn nhỏ và lấy ra một cuốn sách cũ kĩ của thư viện: Từ điển lịch sử về những nhạc sĩ, nghệ sĩ, và các nhà sưu tập đã chết và còn sống, in ở Venezia năm 1758. – Ngài Romitelli! – Tôi gào lên trong khi lão đang thực hiện tất cả những động tác kia một cách vô cùng thong thả, chẳng tỏ dấu hiệu nào dù chỉ là nhỏ nhất rằng lão biết đến sự hiện diện của tôi. Nhưng tôi đang nói với ai vậy? Có bắn đại bác thì lão cũng chẳng nghe thấy đâu mà. Tôi lắc một tay lão, và lão quay ra, nheo nheo mắt, nhăn hết cả khuôn mặt chỉ để nhìn tôi một thoáng, thế rồi lão khoe cho tôi hàm răng vàng ởn, có lẽ lão định cười với tôi. Rồi lão lại dí sát mặt xuống cuốn sách như muốn lấy nó làm gối. Vậy đấy! Lão đọc sách kiểu đó, cách hai centimét. Lão đọc to bằng một mắt: - Birnbaum, Giovanni Abramo… Birnbaum, Giovanni Abramo, đã cho in… Birnbaum Giovanni Abramo, đã cho in tại Leipzig, năm 1738… tại Leipzig năm 1738… một bài tiểu luận khổ tám… khổ tám: Những nhận xét khách quan về một động thái khó xử của Nhạc sĩ kiêm nhà phê bình. Mitzler… Mitzler đã thêm… Mitzler đã thêm bài luận này vào cuốn đầu của Thư viện âm nhạc. Vào năm 1739… Lão cứ tiếp tục như vậy, nhắc đi nhắc lại những cái tên và ngày tháng hai hay ba lần, như thể lão đang lùa chúng vào trong trí nhớ mình. Cớ sao lão đọc to như vậy, tôi chẳng biết. Tôi xin nhắc lại rằng có bắn đại bác lão cũng chẳng nghe thấy đâu. Tôi đứng nhìn lão, lòng đầy kinh ngạc. Điều gì còn có thể quan trọng đối với một người như lão, một kẻ sống trong tình trạng một chân đã bước xuống mồ (lão chết bốn tháng sau khi tôi nhậm chức thủ thư). Việc Birnbaum Giovanni Abramo đã cho in tại Leipzig năm 1738 một bài tiểu luận khổ tám có thể quan trọng đối với lão như vậy sao? Chẳng phải lão đã hao tổn biết bao sức lực khi đọc sao! Phải công nhận rằng lão không thể sống thiếu những cái ngày tháng kia, những tin tức về những nhạc sĩ (chính lão, một kẻ điếc đặc), nghệ sĩ và các nhà sưu tập đã chết và còn sống cho tới năm 1758. Có thể lão tin rằng thư viện được lập ra để con người ta đọc sách, mà bản thân là một thủ thư, chính lão sẽ phải đọc. Đó là một công việc khiến lão chẳng bao giờ được gặp một ai khác. Vả lão đã chọn cuốn sách ấy thì làm sao chọn được cuốn khác nữa? Giả thiết rằng lão bị thiểu năng là rất có thể, thậm chí khả năng này còn cao hơn trước nữa. Trong khi ấy, chiếc bàn lớn ở giữa phòng bị phủ đầy một lớp bụi dày ít nhất độ một ngón tay; dày tới nỗi để bù đắp lại một phần nào đó sự vô ơn thảm hại của những người đồng hương, tôi đã lần ra được những con chữ to tròn trong lời đề tặng dưới đây: TƯỞNG NHỚ ĐỨC ÔNG BOCCAMAZZA NHÀ TỪ THIỆN HÀO PHÓNG VÔ CÙNG ĐỂ MINH CHỨNG VĨNH CỬU CHO LÒNG BIẾT ƠN NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG XIN DỰNG TẤM BIA NÀY Chốc chốc lại có hai hay ba cuốn sách lao từ trên kệ xuống, theo sau là vài con chuột to như thỏ. Trong mắt tôi, chúng giống như quả táo của Newton vậy. – Đây rồi! – Tôi vui sướng mà thốt lên. – Đây là những gì tôi sẽ làm, trong khi Romitelli đọc về Birnbaum của lão. Trước nhất, tôi viết một yêu cầu chính thức vô cùng tỉ mỉ gửi tới Hiệp sĩ Gerolamo Pomino đáng kính, ủy viên hội đồng thị trấn về giáo dục công, để yêu cầu ít nhất một cặp mèo khẩn trương tới chăm sóc thư viện Boccamazza, hay nhà thờ Santa Maria Liberale. Nuôi dưỡng chúng hầu như chẳng tốn gì cho Chính quyền thị trấn, khi mà chúng sẽ thừa khả năng tự nuôi sống bản thân từ thành quả của những chuyến đi săn. Tôi viết thêm rằng thư viện cũng sẽ được phục vụ tốt hơn nếu có nửa tá bẫy và mồi cần thiết. Tôi chẳng dám dùng từ cacio - phô mai, một từ thông tục mà – thân là một kẻ làm thuê – tôi thấy không tiện khi dùng với một ủy viên hội đồng thị trấn về giáo dục công. Họ gửi cho tôi hẳn hai con mèo hen thảm hại đến mức chúng lập tức run rẩy ngay khi thấy đám chuột vĩ đại kia và – để khỏi chết đói – chính chúng lại lẩy bẩy trong những cái bẫy mà gặm nhấm đống phô mai. Mỗi sáng tôi đều thấy chúng ở trong đó, bị cầm tù, gầy guộc, xấu xí, yếu ớt tới mức chẳng còn sức mà kêu meo meo. Tôi phàn nàn, thế là họ gửi cho tôi luôn hai con mèo nhanh nhạy và nghiêm túc. Chúng chẳng tốn thời gian mà ngay lập tức thi hành bổn phận của mình. Cả những cái bẫy cũng phát huy tác dụng: chúng giữ cho tôi những con chuột còn sống. Một tối, khi tôi cảm thấy chán chường vì những nỗ lực cũng như chiến thắng của mình chẳng được lão Romitelli để tâm đến, cứ như thể lão chỉ có trách nhiệm duy nhất là đọc, cũng như bọn chuột có trách nhiệm gặm nhấm sách của thư viện, tôi đi bắt hai con chuột sống rồi bỏ vào ngăn kéo bàn của lão. Tôi hy vọng phá vỡ được cái thói quen đọc sách nhàm chán của lão, chí ít là trong buổi sáng ngày hôm sau. Thế nhưng cám cảnh thay! Lão mở ngăn kéo và thấy hai con thú vật ngoe nguẩy ngay dưới mũi. Lão quay sang tôi, lúc ấy đã bật cười nắc nẻ mà chẳng thể đứng vững, rồi lão hỏi: – Đã có chuyện gì vậy? – Hai con chuột, thưa ngài Romitelli! – À, lũ chuột… – Lão thản nhiên nói. Đây là nhà của chúng; lão đã quá quen rồi; và lão tiếp tục đọc cuốn sách cũ kĩ của lão, tựa như chẳng có gì xảy ra. * Trong cuốn Hiệp ước Cây cối của Giovan Vittorio Soderini2 có viết rằng hoa quả chín “một phần nhờ vào không khí nóng, một phần nhờ vào không khí lạnh, bởi sự ấm áp mà các loại quả nhận được giúp chúng chín. Sự ấm áp là tác nhân cơ bản làm hoa quả chín.” Vậy là Giovan Vittorio Soderini đã chẳng biết ngoài sự ấm áp, những người bán hoa quả còn thử nghiệm một tác nhân làm hoa quả chín khác. Để có thể chào hàng sớm nhất và bán với giá cao nhất, họ thu hoạch các loại quả, táo, đào hay lê, trước khi chúng đạt ngưỡng an toàn và ngon miệng, rồi làm chúng chín bằng cách giáng xuống những cú đánh cuồng nộ. Bấy giờ, tâm hồn non xanh của tôi cũng đang chín dần bằng cách ấy. Chẳng mấy chốc mà tôi trở thành một con người khác hẳn ngày trước. Romitelli chết, tôi bỗng trở nên cô độc nơi đây, bị nỗi buồn gặm nhấm, trong cái nhà thờ bé nhỏ heo hút, giữa cả đống sách này. Tôi đơn độc vô cùng, tới mức chẳng thiết kẻ bầu bạn. Tôi chỉ có thể giam mình trong đó vài giờ một ngày. Thế nhưng khi rảo bước trên những con đường thị trấn, tôi hổ thẹn khi bị nhìn thấy trong tình trạng thê thảm thế này. Tôi sống trong nhà như thể ở tù. Vậy thì ở đây tốt hơn, một lần nữa tôi tự nhủ. Nhưng làm gì? Săn chuột, vâng. Nhưng đối với tôi vậy có đủ hay không? Lần đầu tiên tôi thấy mình đang cầm một cuốn sách lấy ngẫu nhiên từ một trong các giá sách của thư viện, tôi bỗng thấy lạnh sống lưng vì kinh hãi. Tôi sẽ trở thành lão Romitelli thảm hại. Tôi sẽ cảm thấy trách nhiệm phải đọc. Tôi, thủ thư, sẽ phải đọc thay phần tất cả những kẻ chẳng vác xác đến thư viện? Tôi lẳng cuốn sách xuống đất. Nhưng rồi tôi nhặt lại; và rồi – vâng thưa bạn – tôi bắt đầu đọc, cũng với một con mắt, vì con mắt còn lại chẳng thiết điều gì. Tôi đọc mỗi thứ một chút, không theo trình tự đặc biệt nào cả; nhất là sách triết học. Họ suy nghĩ thực nhiều. Thế nhưng bất cứ ai nuôi dưỡng tâm hồn cũng như thân thể bằng những cuốn sách ấy, sẽ như thể được sống trên mây vậy. Chúng làm não tôi, vốn đã tưng tửng, nay còn mất cần bằng hơn. Khi não bốc khói, tôi đóng cửa thư viện và tìm tới một lối đi hẹp và dốc dẫn đến một dải bờ biển cô quạnh. Cảnh biển khiến tôi rơi vào trạng thái bất ngờ hoảng hốt, dần dần đè nặng tôi tới nghẹt thở. Tôi ngồi trên bờ và cúi đầu, ngăn bản thân không nhìn ra biển. Thế nhưng tôi cảm nhận được tiếng gầm gào khắp đường bờ biển trong khi chầm chậm, chầm chậm thả trôi những hạt cát dày đặc nặng nề giữa các ngón tay. Tôi thì thầm: – Mình sẽ mãi mãi thế này cho tới lúc chết, không bao giờ đổi thay, không bao giờ… Sự tồn tại của tôi được đặt trong một tình trạng bất di bất dịch. Nó khiến tôi nảy sinh những suy nghĩ chớp nhoáng, kỳ lạ, những tiếng sấm điên rồ. Tôi bật dậy, như để rũ mình khỏi sự điên rồ đương chiếm trọn tâm can, rồi tản bộ dọc bờ biển. Nhưng rồi tôi thấy biển vỗ vô hồi vào bờ những con sóng mỏi mệt như ngái ngủ. Tôi thấy những hạt cát bị lãng quên. Rồi tôi giương nắm đấm mà gào lên giận dữ: – Nhưng tại sao? Tại sao? Tôi nhúng chân mình xuống nước. Biển cả đưa sóng sâu vào thêm nữa, như để cảnh tỉnh: “Anh bạn yêu quý, cậu đã thấy những gì cậu có được khi đặt một vài câu tại sao chưa? Chân cậu sẽ bị nhúng nước. Trở về thư viện của cậu đi! Nước mặn sẽ làm hỏng giày cậu đấy; mà vứt chúng đi làm sao được khi cậu chẳng có tiền. Trở về thư viện và từ bỏ triết học đi: đi đi, hay tốt hơn là cậu cũng đọc Birnbaum Giovanni Abramo cho in ở Leipzig năm 1738 một bài tiểu luận khổ tám: cậu hẳn sẽ thấy mình được lợi hơn đấy.” Nhưng ngày nọ, có người chạy tới báo tôi rằng vợ tôi đang lâm bồn, và rằng tôi phải lập tức phi về nhà ngay. Tôi lao đi như một chú nai, nhưng phần nhiều là để trốn chạy chính bản thân mình, để không phải cảm nhận chỉ một giây phút riêng mình tôi với tôi, không phải nghĩ rằng cái thằng tôi sắp có đứa con, tôi, trong hoàn cảnh ấy, một đứa con! Ngay khi vừa về tới cửa nhà, mẹ vợ tôi nắm lấy vai mà quay người tôi lại: – Gọi bác sĩ! Chạy mau! Romilda chết mất! Hẳn bạn sẽ muốn nghỉ ngơi chút ít khi nghe một tin sét đánh ngang tai như thế? Vậy nhưng thay vào đó, mụ ta thét “Chạy mau!”. Tôi chẳng cảm thấy chân mình, chẳng hiểu đôi chân sẽ đưa mình tới đâu. Trong khi ấy tôi vẫn chạy, chẳng hiểu kiểu gì, – Bác sĩ! Bác sĩ! – tôi vừa chạy vừa nói. Có vài người dừng lại giữa đường, đòi tôi ngừng bước mà giải thích với họ chuyện gì đã xảy ra. Họ kéo lấy tay áo tôi, còn tôi chỉ thấy phía trước những khuôn mặt trắng bệch, hoảng hốt. Tôi né tránh, né tránh tất cả: – Bác sĩ! Bác sĩ! Trong lúc ấy, bác sĩ đã ở sẵn nhà tôi rồi. Tôi tụt hơi, nom thực thảm hại. Sau khi đã chạy qua tất cả các tiệm thuốc, tôi về nhà, đương tuyệt vọng và giận giữ thì đứa bé gái đầu tiên ra đời. Bác sĩ đang gắng sức đưa đứa thứ hai ra. – Hai đứa! Tôi tưởng như vẫn nhìn ra hai đứa chúng nó trong nôi, đứa này nằm cạnh đứa kia. Chúng gãi người nhau bằng những đôi bàn tay bé xíu, mỏng manh, một phản xạ tự nhiên hoang dã khiến người khác thấy ác cảm nhưng cũng đáng thương. Thảm hại, thảm hại, nom chúng còn thảm hại hơn cả hai con mèo hen mà tôi thấy trong bẫy chuột mỗi sáng. Cả hai đứa con của tôi cũng chẳng có sức mà khóc lóc như hai con mèo không có sức kêu meo meo. Và trong khi ấy, chúng vẫn cứ ở đó gãi gãi nhau! Tôi tách chúng ra. Và ngay từ giây phút đầu tiên khi chạm vào thân thể bé nhỏ, mềm mại mà lành lạnh ấy, tôi bỗng thấy một luồng khí mới chảy trong mình, một cảm giác dịu dàng, khó tả: chúng là con tôi! Vài ngày sau, một đứa mất. Đứa còn lại cho tôi thời gian để yêu thương nó với tất cả tình yêu của một người cha. Người cha, không có gì khác, sẽ lấy đứa con gái ấy làm lẽ sống duy nhất của đời mình. Thế nhưng nó nhẫn tâm rời bỏ tôi khi mới gần một tuổi; và nó đã xinh đẹp biết nhường nào, những lọn tóc vàng mà tôi cuốn quanh những đầu ngón tay rồi hôn lên mãi, chẳng bao giờ biết chán. Nó gọi tôi bằng bố, và lập tức tôi trả lời: – Con yêu; – và nó lại gọi tiếp: – Bố…; – cứ như vậy, chẳng có lý do nào cả, thể như những chú chim gọi bầy. Cùng ngày ấy và gần như cùng giờ ấy, mẹ tôi mất. Tôi chẳng biết làm thế nào để san sẻ sự quan tâm hay nỗi thống khổ của mình. Tôi để đứa con gái bé bỏng của tôi nằm lại đó rồi chạy tới chỗ mẹ. Bà chẳng quan tâm tới chính bản thân mình, tới cái chết đang chờ đợi bà, và bà hỏi tôi về đứa cháu gái bé nhỏ, lòng quặn thắt vì chẳng thể gặp nó lần nữa, chẳng thể hôn lên nó lần cuối. Chín ngày tôi chịu sự tra tấn ấy! Vậy thì, sau chín ngày chín đêm canh chừng miệt mài không nghỉ, không chợp mắt dù chỉ một phút… tôi phải nói như vậy ư? – Nhiều người hẳn sẽ ngần ngại mà thú nhận, thế nhưng chúng ta là con người, con người, con người – lúc ấy tôi chẳng cảm thấy đau khổ gì cả, không: tôi chìm trong suy nghĩ choáng váng, sợ hãi được một lúc, rồi thiếp đi. Đúng vậy đấy. Trước tiên tôi phải ngủ cái đã. Sau đó, vâng, khi tôi tỉnh dậy, đau thương chiếm trọn tôi, đau thương cuồng nộ và dữ dội vì đứa con gái bé bỏng, vì người mẹ giờ đây đã không còn nữa. Tôi tưởng như sắp phát điên. Một đêm dài tôi lang thang khắp các nẻo đường thị trấn và vùng đồng quê. Tôi chẳng biết trong đầu mình đã chất chứa suy nghĩ gì nữa. Chỉ biết rằng, cuối cùng, tôi thấy mình đang ở trang trại Lồng gà, cạnh con kênh bên cối xay bột. Một lão thợ xay già nào đó tên Filippo đang đứng gác. Lão nắm lấy tay tôi mà kéo tôi ngồi xuống dưới những tán cây, rồi lão kể cho tôi nghe hồi lâu, hồi lâu về mẹ tôi, cả về bố tôi và những khoảng thời gian đẹp đẽ giờ đã lùi xa vào dĩ vãng. Lão khuyên tôi không nên khóc lóc và tuyệt vọng như thế, bởi đứa con gái bé bỏng của tôi sẽ có bà nội, bà nội tốt bụng sẽ chờ nó ở thế giới bên kia, bà nội sẽ bế nó vào lòng mà kể cho nó nghe về tôi, sẽ không bao giờ để nó cô đơn một mình, không bao giờ. Ba ngày sau, như để thanh toán cho những giọt nước mắt của tôi, Roberto gửi tôi năm trăm lire. Anh muốn tôi chôn cất mẹ tử tế. Thế nhưng chuyện ấy cô Scolastica đã lo chu toàn. Trong một thời gian, năm trăm lire ấy nằm lại giữa những trang giấy của một cuốn sách cũ kỹ trong thư viện. Sau rồi tôi cần tới chúng. Chúng chính là – như tôi sẽ kể – tác nhân cho cái chết đầu tiên của tôi. 1. Pasta: hỗn hợp bột bánh và nước. 2. Giovan Vittorio Soderini (1526 – 1596): nhà nông học người Italia. Chương 4 TẮC TẮC TẮC àng có một mình, ở phía trong. Nàng, viên bi bé nhỏ bằng ngà duyên dáng đương chạy nhảy trên bàn quay roulette. Nàng chạy N ngược chiều trên các ô, như thể đương chơi đùa: “Tắc tắc tắc…” Chỉ mình nàng vui tươi: chứ cả đám người đang ngắm nhìn nàng thì không thể. Họ nín thở, căng thẳng vì bị bản tính bất thường của nàng hành hạ. Dưới kia, trên mặt bàn dải những ô vuông màu vàng, biết bao bàn tay vươn ra mà hiến tế cho nàng những vàng, toàn vàng là vàng. Biết bao kẻ run rẩy, đau khổ mà chờ đợi. Trong vô thức, bàn tay họ ve vuốt các đồng vàng khác, những thứ dành dụm cho ván chơi tiếp theo, trong khi con mắt của họ khắc khoải nhìn theo như thể muốn nói: “Nơi đâu nàng muốn, nơi đâu nàng muốn dừng chân, hỡi viên bi ngà bé nhỏ duyên dáng, nữ thần hung ác của chúng tôi!” Hoàn toàn tình cờ, tôi đã tới Monte Carlo. Sau một vài chuyện thường tình xảy ra với mẹ vợ và vợ, quá mỏi mệt và suy sụp vì nỗi bất hạnh kép vừa xảy ra gần đây, tôi cảm thấy một nỗi ghê tởm chẳng cách nào chịu nổi. Tôi không khỏi chán nản, hay nói đúng hơn là khinh miệt cuộc sống kiểu này, thảm hại, chẳng có cơ hội hay hy vọng mọi việc sẽ khấm khá hơn, chẳng còn đứa con gái bé bỏng ngọt ngào mà an ủi, chẳng có chút bù đắp dù chỉ là nhỏ nhất cho nỗi cay đắng, cho tình trạng tồi tệ hay nỗi đau thương đang chiếm trọn bản thân tôi. Với sự quyết tâm gần như bộc phát, bằng đôi chân mình tôi bỏ trốn khỏi quê hương, với năm trăm lire của Berto trong túi. Tôi vừa đi vừa suy tính rằng điểm đến của mình sẽ là Marseille. Tôi sẽ khởi hành từ ga tàu hỏa của một thị trấn gần đó. Tới Marseille rồi, tôi sẽ lên tàu thủy, kể cả với một tấm vé hạng ba, để tới châu Mỹ, phó mặc cho số mệnh. Rốt cục thì có chuyện gì tồi tệ hơn có thể xảy đến với tôi, sau tất cả những gì tôi đã và đang phải chịu đựng trong ngôi nhà mình? Hẳn tôi sẽ bị những sợi xích khác kìm kẹp, vâng, thế nhưng những sợi xích ấy có rắn rỏi hơn cái sợi mà tôi sắp phá tung khỏi chân mình hay không, tôi liệu chừng không thể. Tôi sẽ được chiêm ngưỡng những đất nước khác, những con người khác, sống một cuộc đời khác, và tôi sẽ được giải phóng khỏi sự đọa đày đang đè nặng làm tôi ngạt thở. Hẳn sẽ như vậy nếu không phải lúc tới Nice, tôi bỗng thấy ngã lòng. Nhiệt huyết bồng bột của tôi giờ đã tan thành hư vô: bấy giờ nỗi buồn đã gặm nhấm lòng tôi quá thể, đau thương đã làm tôi mất đi khí thế. Buồn hơn cả là tôi thiếu tiền, khi mà tôi lại cần tiền để thám hiểm trong cái bóng tối là vận mệnh của bản thân, để tay không đương đầu với một cuộc sống ra sao tôi hoàn toàn chẳng biết. Bấy giờ, khi đã tới Nice, tôi còn chưa mong ngóng trở về nhà. Tôi dạo quanh thành phố và tình cờ dừng chân trước một cửa tiệm lớn trên đại lộ de la Gare, phía trên treo biển với những con chữ dát vàng to tròn: ĐẶT CỬA ROULETTE CHÍNH XÁC Bàn quay roulette đủ cỡ được trưng bày, kèm theo hàng loạt các loại phụ kiện và những cuốn sách hướng dẫn, trên bìa vẽ hình bàn quay roulette. Những kẻ bất hạnh thường dễ trở nên mê tín, tới mức họ nhạo báng lòng tin và hy vọng của kẻ khác, trong khi mê tín đã đôi lần tạo cho họ lòng tin và hy vọng, nhưng rồi hiển nhiên chúng chẳng bao giờ trở thành sự thực. Tôi nhớ rằng sau khi đọc tiêu đề một trong những cuốn hướng dẫn nọ: Cách thức kiếm tiền từ trò roulette, tôi đã bỏ đi khỏi cửa tiệm ấy, để lại sau một nụ cười khinh miệt xen lẫn thương hại. Thế nhưng, được vài bước, tôi quay trở lại và (chỉ vì tò mò, tuyệt nhiên không vì thứ gì khác!) vẫn với nụ cười khinh miệt xen lẫn thương hại trên môi, tôi bước vào bên trong tiệm và mua cuốn hướng dẫn ấy. Bấy giờ tôi chẳng biết cuốn sách ấy viết gì, chẳng hiểu trò chơi thế nào và kết cấu của nó ra sao. Tôi bắt đầu đọc, thế nhưng cũng chỉ hiểu được chút ít. “May rủi vậy,” tôi nghĩ, “bởi mình đâu có biết tiếng Pháp mấy.” Chẳng ai dạy tôi tiếng Pháp. Tôi tự nhặt nhạnh được một số thứ trong khi khó nhọc gặm nhấm những cuốn sách trong thư viện. Vậy nên tôi hoàn toàn không tự tin về khả năng phát âm của mình và sợ sẽ bị cười vào mặt nếu nói ra câu gì đó. Chính nỗi sợ này khiến tôi phân vân liệu có nên đi chơi hay không. Nhưng rồi nghĩ lại, tôi đã khởi hành phiêu du với điểm dừng chân cuối cùng là châu Mỹ, tay không tấc sắt, không biết cả tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Vậy thì đi thôi. Với chút vốn tiếng Pháp và có cuốn sách này đưa đường chỉ lối, tôi hoàn toàn có thể du ngoạn tới Monte Carlo, cách đó có hai bước chân. “Cả mẹ vợ lẫn vợ mình,” tôi tự nhủ trên tàu, “chẳng biết đến sự tồn tại của số tiền ít ỏi trong ví này. Mình sẽ tiêu sạch đống tiền ở đó, rũ bỏ mọi cám dỗ. Hy vọng mình sẽ còn đủ tiền mua vé tàu về nhà. Còn nếu không…” Nghe nói trong khu vườn quanh sòng bạc chẳng thiếu cây cối, vững chắc là đằng khác. Rốt cục thì với thắt lưng quần, tôi hoàn toàn có thể treo mình lên một trong những cái cây ấy. Trông tôi hẳn sẽ đẹp làm sao. Họ sẽ bảo: “Chẳng biết người đàn ông tội nghiệp này đã thua mất bao nhiêu!” Thú thực là tôi những tưởng sòng bạc phải đẹp hơn thế kia. Lối vào, vâng, không tệ. Có thể thấy chừng như ai đó đã định dựng đền thờ Thần May Mắn ở đây, với tám cột trụ bằng đá cẩm thạch. Có một cổng chính với hai cổng phụ. Trên hai cổng phụ có ghi: Tirez - Kéo, tới đây tôi vẫn hiểu; và rồi tôi cũng suy ra được chữ Poussez trên cổng chính, hiển nhiên có nghĩa ngược lại. Tôi đẩy cửa bước vào. Thực tầm thường! Thậm chí gây ác cảm với người nhìn. Những kẻ đã thua mất bao tiền ở đó, ít nhất nên được thỏa mãn mà khánh kiệt trong một nơi đỡ hào nhoáng và đẹp đẽ hơn. Tất cả các thành phố lớn đều tự hào vì có một lò mổ xinh xắn cho những con thú tội nghiệp. Vậy nhưng chẳng được giáo dục, những con thú này đâu thể cảm nhận được vẻ đẹp của cái lò mổ kia. Quả thật là phần lớn những kẻ qua lại chốn ấy có mối quan tâm khác, quan trọng hơn cách bài trí năm căn phòng, như những kẻ đương ngồi la liệt trên những chiếc đi văng kia mà chẳng nhận thức được vẻ thanh lịch đáng ngờ của các tấm đệm mút. Như thường lệ, có vài tên đen đủi đang ngồi trên những chiếc ghế ấy, những kẻ mà niềm đam mê với trò chơi đã biến đầu óc họ trở nên thiển cận. Họ ngồi nghiên cứu thứ mà người ta gọi là cân bằng xác suất, rồi nghiêm túc suy tính các cửa đặt tiền, xem xét tất cả cấu trúc trò chơi, tham khảo kết quả những lần chơi trước. Tóm lại, họ muốn suy luận logic một trò chơi ngẫu nhiên, như thể cầu mong trứng gà đẻ ra vịt. Và họ hoàn toàn tin tưởng rằng chỉ nay mai họ sẽ thắng. Chẳng có gì đáng để bất ngờ cả. – A, số 12! Số 12! – Một lão to béo người Lugano nói. Hẳn người ta sẽ mừng thầm vì nguồn năng lượng dồi dào của loài người khi trông thấy lão. – số 12 là vua của các số; và nó là số của tôi! Nó không bao giờ phản bội tôi cả! Nó có cái thú, vâng, cái thú đùa giỡn tôi; thường xuyên luôn; thế nhưng sau cùng thì nó luôn bù đắp cho tôi, luôn luôn bù đắp vì tôi đã tỏ rõ lòng trung thành với nó. Lão yêu số 12. Cái lão to béo ấy chẳng thiết gì khác ngoài số 12. Lão kể với tôi rằng hôm trước, con số của lão chẳng trúng lấy một lần; nhưng lão không nản lòng. Lần này qua lần khác, lão cứng đầu cứng cổ mà cược số 12. Lão để mình cuốn phăng theo dòng thác lũ, cho tới khi hồ lì hô: - Messieurs, aux trois deniers! Quý ông quý bà, ba lượt cuối! Lượt đầu trong ba lượt cuối ấy, trượt. Cả lần hai cũng trượt. Lần ba và cuối cùng, tắc: 12. – Nó đã bảo với tôi đây! – Lão kết luận, đôi mắt ngời sáng niềm vui. – Nó đã bảo với tôi đây! Thua suốt cả ngày trời, lượt cuối ấy lão chẳng còn nhiều tiền để cược, vậy nên rốt cục lão chẳng thu lại được mấy. Thế nhưng phỏng có quan trọng gì? số 12 đã bảo với lão mà! Nghe lão kể, tôi bỗng nhớ đến bốn câu thơ của lão Pinzone tội nghiệp. Khi phải dọn nhà, tôi tìm thấy tờ giấy ghi lại những hiện tượng điệp âm, bao gồm cả những câu dưới đây trong tập thơ cổ quái của lão. Sau đó, tôi cất chúng vào thư viện. Bấy giờ tôi ngâm lại cho lão kia nghe: Tôi đã quá mệt mỏi phải tôn thờ thần May mắn tình cờ. Nữ thần quái gở đã nhằm đường tôi đi mà ngăn trở. Cuối cùng nàng cũng tới. Nhưng thờ ơ. Thế rồi lão ta đưa hai tay lên đầu mà ấn chặt vào mặt hồi lâu, trông có vẻ đau đớn. Tôi nhìn lão, trước tiên là bất ngờ, sau rồi thành khó chịu: – Ngài bị sao vậy? – Không có gì. Tôi cười ấy mà, – lão đáp. Lão cười kiểu ấy! Nụ cười làm lão đau khổ biết bao, làm lão đau cái đầu, cái đầu không thể chịu sự rung lắc của nụ cười. Đi mà yêu lấy số 12 của lão đi! Trước khi thử vận – tuyệt nhiên không chút ảo tưởng – tôi đứng sang một phía mà quan sát, thẩm thấu cách trò chơi vận hành. Tôi xét thấy hoàn toàn chẳng có gì phức tạp, chẳng như những gì cuốn sách hướng dẫn khiến tôi mường tượng. Giữa bàn, trên một tấm trải màu xanh lục đánh số ngự trị bàn quay roulette. Quanh bàn là những người chơi, già trẻ, gái trai, mọi xuất thân, đủ hoàn cảnh, người ngồi, kẻ đứng, hồi hộp, nhanh nhảu đặt chồng cao chồng thấp những đồng louis, đồng écu1 và cả tiền giấy lên những số màu vàng trong ô vuông. Những kẻ chẳng kịp chen chân hoặc không muốn chen chân sẽ nói với hồ lì những con số và màu sắc họ muốn cược. Hồ lì ngay lập tức sẽ dùng cào mà đặt cửa theo chỉ định với sự khéo léo tuyệt đỉnh. Thế rồi im lặng bao trùm, một sự im lặng lạ lùng, căng thẳng, gần như rung lên vì chết chóc đương giấu mình trong nó, lúc lúc bị phá đi bởi giọng nói đơn điệu và ảm đạm của hồ lì: - Messieurs, faites vos jeux! Quý ông quý bà, mời đặt cửa! Trong khi đó, ở các bàn khác cũng vang lên những giọng nói đơn điệu tương tự: - Le jeu est fait! Rien ne va plus! Trò chơi bắt đầu! Không ai đặt thêm nữa! Cuối cùng, hồ lì tung viên bi bé nhỏ lên bàn quay roulette: “Tắc tắc tắc…” Mọi con mắt đổ dồn về nàng với nhiều biểu cảm khác biệt: lo âu, thách thức, căng thẳng hay hoảng loạn. Sau mấy kẻ may mắn tìm được ghế ngồi, vài người trong số phải đứng đang cố rướn lên để ngó qua cửa mình đặt, trước khi hồ lì với cây cào kéo tuột đống tiền cược đi. Cuối cùng viên bi cũng rơi xuống một ô, rồi hồ lì lặp lại những từ cố định với chất giọng đơn điệu và thông báo con số và màu sắc được vận mệnh ưu ái. Tôi liều vài tay đầu với mấy đồng écu trên chiếc bàn bên trái phòng đầu tiên, ngẫu nhiên chọn số 25; và rồi tôi cũng ngồi mà ngắm nhìn viên bi bé nhỏ quỷ quyệt kia, nhưng với một nụ cười vì bụng tôi cứ buồn buồn, thực kỳ lạ. Viên bi rơi, và: – 25! – Hồ lì thông báo. – Đỏ, lẻ và chuyển. Tôi thắng! Lúc tôi chìa tay ra định lấy chồng xu đã nhân thêm của mình thì có một lão dửng dưng vơ trọn đống tiền của tôi. Lão cao lớn vô cùng, trên đôi vai vồng lên là một cái đầu nhỏ thó với cặp kính gọng vàng trên chiếc mũi tẹt, trán rộng, tóc dài thẳng đuột xuống tới gáy, nửa vàng nửa trắng, với cặp râu dê và hàng ria mép đồng màu. Với cái vốn tiếng Pháp nghèo nàn và đáng hổ thẹn vô cùng, tôi bảo rằng lão đã nhầm – ồ, dĩ nhiên là vô ý thôi! Lão người Đức, nói tiếng Pháp còn tệ hơn tôi. Nhưng lão dữ như hổ vậy: lão nhảy ra chỗ tôi mà khẳng định chắc nịch rằng chính tôi mới là người nhầm, và tiền là của lão. Tôi nhìn quanh, váng vất: tất cả đều nín thinh, ngay cả tên ngồi gần tôi nhất, kẻ đã thấy tôi đặt mấy đồng écu lên số 25. Tôi hướng ánh nhìn sang các hồ lì. Họ cũng thản nhiên mà đứng ngây như tượng. “À vậy sao?” tôi tự nhủ. Bình tĩnh rút những đồng écu còn lại mà khi nãy đặt trên bàn, tôi quay đi. “Đây hẳn là một phương pháp khác pour gagner à la roulette, để kiếm tiền từ trò roulette.” Tôi nghĩ, “Phương pháp này vốn dĩ đâu được nhắc đến trong cuốn sách hướng dẫn. Và rốt cục thì biết đâu có cả những phương pháp khác nữa!” May mắn, chẳng rõ vì một nguyên nhân thầm kín nào đó, đã khiến tôi nhận ra sự yiệc không phải lúc nào cũng vậy bằng một cách trịnh trọng và đáng nhớ. Tôi chuyển hướng sang bàn khác. Khách bàn này chơi lớn. Thoạt tiên tôi đứng sang một bên, quan sát những người quanh bàn: phần lớn là những quý ông mặc áo đuôi tôm; có cả cơ số các quý bà và những kẻ giới tính không rõ ràng. Có một người đàn ông nhỏ thó tóc vàng, mắt to, xanh và hằn lên những vệt máu, bao trọn bởi hàng lông mi gần như màu bạc. Ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài ấy khiến tôi chẳng mấy tin tưởng. Lão cũng mặc áo đuôi tôm, nhưng dễ nhận ra là lão không thường khoác lên người bộ cánh ấy. Tôi nhìn lão ta chơi thử: lão chơi lớn: thua; chẳng ngã lòng: lượt sau lão vẫn chơi lớn: đây rồi! Lão không phải là kẻ sẽ màng đến mấy đồng xu lẻ của tôi. Dù rằng đã gặp đen đủi ở bàn bên kia, tôi lập tức thấy tủi thẹn vì những ngờ vực của mình. Có bao kẻ vung cả nắm vàng nắm bạc như thể nắm cát, chẳng nề hà điều chi, vậy mà tôi lại phải sợ với mấy đồng xu lẻ hay sao? Trong những kẻ khác, tôi nhìn ra có một chàng trai trẻ, người ngợm trắng bệch nom như tượng sáp, với chiếc kính một mắt bên mắt trái, tỏa ra cái vẻ lãnh đạm ngái ngủ. Chàng ta ngồi xô lệch, rút từ trong túi quần những đồng louis rồi cứ ngẫu nhiên mà đặt lên một số bất kỳ mà chẳng thèm ngó lấy một lần. Chàng ta cuốn lấy mấy sợi ria mép mà chờ hòn bi rơi; thế rồi chàng ta quay sang hỏi người bên cạnh xem có phải mình thua hay không. Tôi thấy chàng ta thua suốt. Người bên cạnh chàng ta là một ông gầy nhẳng, lịch lãm vô cùng, tuổi ngoại tứ tuần. Ông này có cái cổ cao và mỏng manh, gần như chẳng có cằm, mắt đen láy đầy sức sống, và bộ tóc đen óng, dày và vuốt dựng. Có thể thấy rõ sự vui mừng khi ông trả lời chàng trai trẻ rằng đúng, chàng ta đã thua. Có vài lần ông ta thắng. Tôi đứng cạnh một lão béo, da thịt nâu sậm, khiến cho cả mí mắt lẫn hốc mắt của lão như thể bị hun lên. Lão có mái tóc trắng, trông như mấy sợi sắt rỉ, bộ râu dê gần như đen và xoăn. Lão chẳng có chút sức mạnh hay sức khỏe gì cả. Mỗi lần hòn bi ngà bé nhỏ chạy nhảy là lão lại như lên cơn hen mà thở gấp, nói lớn với cái giọng khàn khàn rất gây chú ý. Mọi người ngoái lại nhìn; nhưng hiếm khi lão thèm để ý. Những lúc nhận ra sự chú ý của mọi người: lão sẽ dừng lại một giây mà nhìn quanh, thế rồi với một nụ cười gượng gạo, lão tiếp tục nói to với cái giọng khàn khàn, cứ như lão chẳng thể làm khác được, cho tới khi viên bi rơi vào ô. Dần dần, càng xem tôi càng thấy như bị niềm đam mê với trò chơi cuốn hút. Tôi thua liền mấy lượt đầu. Sau rồi lòng chợt thấy cảm giác say mê thực lạ lùng, tôi phấn khích: tôi hành động như thể ma nhập, với niềm thôi thúc bất chợt trong vô thức. Mỗi lần, tôi đều đặt cửa cuối cùng, sau những kẻ khác, ở kia! Ngay lập tức tôi lấy lại thần trí, tự tin rằng mình sẽ thắng. Và tôi thắng. Trước tiên tôi cược ít; sau đó, từ từ, thêm nữa, tôi chẳng đếm. Cảm giác say mê mụ mị kia dần lớn lên trong tôi, thậm chí nó cũng chẳng thuyên giảm khi vài lần tôi thua cược bởi tôi gần như cũng đã lường trước được điều ấy. Thậm chí có đôi lần tôi tự nhủ: “Đây, lần này mình sẽ thua; mình phải thua”. Tôi thấy bị kích thích. Tới một lúc, tôi thấy như bị thúc giục phải đánh liều tất thảy, ở đó và tạm biệt. Rồi tôi thắng. Tai tôi lùng bùng; toàn thân đẫm mồ hôi, ướt lạnh. Tôi thấy có một trong những tên hồ lì đang chăm chú quan sát tôi, như bất ngờ trước sự may mắn đến dai dẳng của tôi. Trong trạng thái kích động, tôi cảm thấy ánh nhìn của hắn như một lời thách thức. Vậy là một lần nữa tôi cược tất cả, tiền vốn của tôi và cả tiền thắng cược, chẳng nghĩ tới hai lần: tay tôi vươn tới con số cũ, số 35; tôi đương định rụt lại; nhưng không, ở đó, ở đó lần nữa, như thể có ai đó đang sai khiến tôi vậy. Tôi nhắm mắt, hẳn người tôi lúc ấy trắng bệch. Một sự im lặng tĩnh mịch bao trùm. Tôi tưởng sự im lặng kia chỉ bao trùm riêng tôi, như thể những kẻ khác cũng bị treo lơ lửng trong thứ cảm giác lo lắng tồi tệ của tôi vậy. Viên bi quay, quay mãi, với sự chậm chạp tưởng như vô hạn, như để tra tấn tôi mỗi giây mỗi phút thêm thậm tệ. Cuối cùng nó rơi. Tôi chờ đến khi hồ lì, với chất giọng đặc trưng (tôi tưởng ở xa lắm) thông báo: “Trentecinq, noir, impair et passe! Ba mươi lăm, đen, lẻ và chuyển!” Tôi lấy tiền rồi rời đi, ngây ngất như kẻ say. Mệt lử, tôi thả mình xuống một chiếc đi văng. Tôi tựa vào lưng ghế và chừng như nhu cầu được ngủ bất chợt dấy lên, không tài nào cưỡng lại. Tôi cần ngủ một chút để lại sức. Suýt nữa thì tôi khuất phục trước cái nhu cầu ấy, nhưng khi cảm thấy bên cạnh mình một thứ gì đó nằng nặng, một thứ gì đó hữu hình, tôi bừng tỉnh. Tôi đã thắng được bao nhiêu? Tôi mở mắt nhưng liền phải nhắm lại: tôi đau đầu ghê gớm. Cái nóng trong ấy thực bức bối. Hả! Đã tối rồi hay sao? Tôi thoáng thấy những bóng đèn đã bật. Tôi đã chơi mất bao nhiêu thời gian rồi? Tôi chầm chậm đứng dậy mà bước ra ngoài. Phía ngoài, chỗ sảnh ra vào, trời vẫn sáng. Không khí tươi mát nạp lại sức sống cho con người tôi. Có vài người đương tản bộ: một số trầm ngâm, đơn độc; những người khác tạo thành nhóm hai, ba người tụ tập tán gẫu, hút thuốc. Tôi quan sát tất cả. Mới đến, còn bỡ ngỡ, nhưng ít nhất tôi muốn tỏ ra thoải mái như đang ở nhà: tôi quan sát những kẻ mà tôi thấy dáng vẻ tự nhiên nhất. Thế nhưng, trong lúc tôi hoàn toàn không ngờ tới thì có một kẻ trong số ấy mặt tái dần, mắt trợn lên, miệng câm như á khẩu, rồi hắn ném điếu thuốc xuống và bỏ chạy trước tiếng cười của lũ bạn. Hắn quay trở vào sòng bạc. Cớ sao lũ bạn hắn lại cười? Tôi cũng tự nhiên cười mà nhìn theo như một thằng ngố. - A toi, mon chéri! Tặng anh, người yêu dấu! – Tôi nghe có giọng nữ khàn khàn, nhẹ nhàng nói với mình. Tôi quay lại và thấy một trong những người phụ nữ khi nãy ngồi cạnh tôi chỗ bàn đánh bạc. Ả tặng tôi một bông hồng với nụ cười trên môi. Một bông khác ả giữ cho mình. Hai bông ả vừa sắm ở quầy bán hoa đặt chỗ sảnh vào. Trông tôi có vẻ thô kệch và đần độn lắm sao? Tôi thấy khó chịu ghê gớm. Tôi từ chối, không một lời cảm ơn. Tôi đương định rời đi thì ả níu tay tôi lại mà cười – đoạn ả trình bày với tôi một giao ước bí mật, trước mặt những người khác – ả thấp giọng, vẻ vội vàng. Chừng như ả muốn rủ tôi đánh bạc cùng. Một lúc trước ả đã chứng kiến những ván cược được vận mệnh ưu ái của tôi. Theo chỉ định của tôi, ả sẽ cược cho cả tôi lẫn ả. Tôi bực bội mà rũ mình đi khỏi, bỏ mặc ả đứng như trời trồng. Một lúc sau, bên trong sòng bạc, tôi thấy ả đang đưa chuyện với một lão lùn tịt, da nâu, bộ râu bự chảng, mắt nhìn liên lẹo, trông có vẻ là người Tây Ban Nha. Ả tặng lão bông hồng mà lúc trước định tặng tôi. Bỗng hai người bọn họ có cái cử chỉ khiến tôi nhận ra bọn họ đang nói về tôi; vậy nên tôi bắt đầu cảnh giác. Tôi vào một phòng khác và ngồi xuống bàn đầu tiên, nhưng tôi không định chơi. Và kìa, chỉ một thoáng sau, lão kia cũng tới bên bàn tôi, còn ả đàn bà thì mất dạng. Ấy thế nhưng lão vờ như không ra nhận ra tôi. Tôi quay ra nhìn lão với ánh mắt cứng cỏi, cốt tỏ cho lão hiểu rằng tôi ý thức được mọi chuyện, và nếu lão định giở trò với tôi thì lão nhầm người rồi. Thế nhưng trông lão hoàn toàn không có vẻ đểu giả. Tôi nhìn lão chơi, lão cược lớn: lão thua luôn ba lượt liên tiếp. Lão chớp mắt liên hồi, như thể cố giấu đi sự rối loạn trong mình. Tới lượt thua thứ ba, lão quay ra nhìn tôi mà mỉm cười. Tôi mặc lão ở đấy mà trở lại phòng kia, trở lại bàn mà tôi thắng hồi nãy. Hồ lì đã đổi người. Ả đàn bà kia ở nguyên chỗ lúc nãy. Tôi đứng lùi về phía sau để tránh không bị ả nhìn trúng. Tôi thấy ả cược bé. Không phải lượt nào ả cũng chơi. Tôi tiến lên, và ả nhận ra tôi: ả đương định cược thì dừng lại, hiển nhiên là đợi tôi cùng chơi, để cược chỗ nào tôi cược. Nhưng ả chờ trong vô vọng. Khi hồ lì hô: – Le jeu est fait! Rien ne va plus! Trò chơi bắt đầu! Không ai đặt thêm nữa! – Tôi nhìn ả. Ả giơ ngón tay lên dọa tôi một cách bông đùa. Tôi bỏ qua vài lượt; thế rồi, phấn khích trước những người chơi khác và thấy hứng thú trở lại, tôi bèn mặc kệ ả và bắt đầu chơi. Dựa vào thế lực thần bí nào mà tôi có thể nắm bắt chuỗi biến thiên ngẫu nhiên của các con số và màu sắc? Chẳng có nhẽ tâm thức tôi lại có khả năng tiên đoán diệu kỳ vậy sao? Thế còn những lần tôi cố chấp đến điên rồ, nói thẳng là điên rồ mà đến giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy lạnh sống lưng khi mà những lần ấy tôi cược tất cả, tất cả, có thể là cả tính mạng, những ván chơi đích thực để thách thức vận mệnh mình. Không, không: trong những khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy trong người có thứ sức mạnh gần như ma quỷ, thứ sức mạnh mà tôi làm chủ để quyến rũ thần May mắn, trói cái bản tính bất thường của nàng lại với tôi. Sự tự tin ấy không chỉ hiện hữu trong tôi mà còn nhanh chóng lan rộng ra những kẻ khác. Vậy là bấy giờ, gần như tất cả mọi người đều theo bước trò chơi mạo hiểm khôn cùng của tôi. Tôi chẳng biết bao lần bi rơi vào màu đỏ, màu tôi cố chấp lựa chọn. Tôi cược số không, bi rơi vào số không. Tới một lúc, chàng trai trẻ hay rút những đồng louis từ túi quần cũng nhận ra mà thích thú. Lão béo da nâu cất lên cái giọng khàn hơn bao giờ hết. Người quanh bàn ngày càng kích động; họ bồn chồn run rẩy, để lộ ra một vài cử chỉ lo âu chớp nhoáng do khó nhọc kiềm chế cơn kích thích bạo liệt, đớn đau thậm tệ. Ngay cả mấy tên hồ lì cũng mất đi vẻ thờ ơ cứng nhắc. Bỗng nhiên, trước một lần cược lớn, tôi thấy chóng mặt. Tôi bỗng cảm thấy trách nhiệm nặng nề đối với bản thân mình. Từ sáng đến giờ tôi chẳng có gì bỏ bụng. Toàn thân tôi run rẩy, lẩy bẩy vì những cảm xúc mãnh liệt kéo dài từ bấy đến giờ. Tôi không thể chịu đựng được nữa. Sau lượt chơi ấy, tôi rút, người chao đảo. Bỗng có ai đó kéo tay tôi lại. Là lão Tây Ban Nha lùn tịt với bộ râu dày bự và con mắt nảy lửa đương phấn khích vô cùng. Lão cố hết sức mà níu tôi lại: – Kìa: giờ đã 11 giờ 15; các hồ lì đang thông báo ba lượt cuối: ta sẽ đánh sập nhà cái! Lão nói với tôi bằng một thứ tiếng Italia kém cỏi, tức cười hết đỗi. Chẳng thể hiểu được những gì lão nói, tôi khẩn khoản bảo lão bằng tiếng mẹ đẻ: – Không, không, đủ rồi! Tôi không thể chơi thêm nữa. Ngài hãy để tôi đi. Lão để tôi đi, nhưng lão đi theo tôi. Lão lên cùng tôi chuyến tàu về Nice, nài nỉ tôi ăn tối với lão và nghỉ ngơi tại khách sạn lão đang ở. Lúc đầu, tôi chẳng nề hà gì việc lão xun xoe ngưỡng mộ tôi, vô cùng vui sướng mà tôn thờ tôi như một nhà ảo thuật. Sự phù phiếm của con người đôi lúc trở thành một cái bệ trưng bày lòng tự tôn xúc phạm kẻ khác, như những lư hương nhơ bẩn tỏa ra một thứ mùi ô uế tởm lợm. Tôi như thể một vị tướng vừa đánh thắng trận chiến vô cùng gian khổ và tuyệt vọng, nhưng là nhờ may mắn, chứ bản thân chẳng biết đã làm thế nào mà thành sự. Tôi lại bắt đầu cảm thấy khó chịu, càng ngày càng khó chịu vì phải đồng hành với lão nọ. Thế nhưng, bất chấp những lời từ chối, khi xuống tàu ở Nice, tôi cũng chẳng thể dứt khỏi lão: tôi phải dùng bữa tối với lão. Thế rồi lão thú nhận với tôi là chính lão đã sai ả đàn bà tươi vui kia đến chỗ tôi, bên lối ra vào sòng bạc. Suốt ba ngày lão đã chắp cánh hòng giúp ả bay, dẫu chỉ là là trên mặt đất; những đôi cánh bằng tiền mặt; lão đã cho ả vài trăm lire để thử vận. Hẳn tối hôm ấy, chơi theo tôi, ả đã thắng đậm bởi ra ngoài cổng, tôi chẳng thấy ả nữa. - Che podo far? La póvara avrà trovato de meglio. Sono viechio, ió. E agradecio Dio, anté, che me la son levada de sobre! (Tôi có thể làm gì được chứ? Nàng sẽ tìm được một người đàn ông tốt hơn. Tôi già rồi. ơn Chúa! Người đã dẫn nàng đi sớm như vậy.)2 Lão kể rằng mình đã ở Nice tới một tuần rồi. Sáng sáng lão tới Monte Carlo và tới tận tối hôm ấy, lão mới thoát được chuỗi đen đủi đến khó tin. Lão muốn biết bằng cách nào mà tôi thắng. Hẳn tôi phải hiểu rõ trò chơi lắm, hoặc giả tôi có một thứ quy luật hoàn hảo nào đó. Tôi bật cười và đáp rằng trước sáng hôm ấy, tôi còn chưa một lần nhìn thấy hình hài bàn quay roulette ra sao, hoàn toàn mù tịt về cách chơi và hoàn toàn không có chút suy nghĩ dù xa xôi nhất rằng mình sẽ chơi, sẽ thắng được như thế. Bản thân tôi còn bàng hoàng, ngỡ ngàng hơn cả lão. Lão không tin. Lão đưa đẩy cuộc hội thoại với tôi một cách điêu luyện (hoàn toàn tin chắc rằng lão đang đối phó với một tên vô lại bỉ ổi) và lão nói thoải mái với cái thứ tiếng nửa Tây Ban Nha nửa Chúa mới biết là gì. Lão đưa ra lời đề nghị mà sáng hôm ấy lão đã thử chèo kéo tôi qua ả đàn bà tươi tắn kia. – Không. Xin lỗi ngài! – Tôi thốt lên, miệng cười trong lúc cố gắng làm cơn phẫn nộ thuyên giảm. – Ngài thực sự tin rằng người ta có thể suy đoán được những quy luật hay bí quyết gì cho trò chơi ấy hay sao? Cần có may mắn. Hôm nay tôi may; mai có thể sẽ không như vậy, hoặc có thể tôi sẽ tiếp tục may mắn; hy vọng thế! - Ma porqué lei, - lão hỏi tôi, – non ha voluto occi aproveciarse de la suafortuna? (Nhưng sao ngài không tận dụng vận may ngày hôm nay của mình?) – Tận… - Sí, come puedo decir? Avantaciarse, voilà! (Vâng, nói thế nào nhỉ? Tận dụng, đó!) – Nhưng tôi đâu có nhiều tiền mà cược, thưa ngài! - Bien! - Lão nói – Podo ió por lei. Lei, la fortuna, ió metaró el dinero. (Không sao! Tôi sẽ cược cho ngài. Ngài đem lại may mắn, còn tôi đặt tiền.) – Vậy có thể chúng ta sẽ thua! – Tôi cười mà kết luận. – Không, không… Nghe này! Nếu ngài thực sự tin rằng tôi may mắn đến vậy, – tôi thực sự may mắn trong khi chơi, còn những lúc khác thì hoàn toàn không – chi bằng chúng ta hãy làm thế này: không ràng buộc gì giữa hai chúng ta, không trách nhiệm gì từ phía tôi, tôi không ham, ngài cược lớn vào chỗ tôi cược nhỏ, như hôm nay vậy; và, nếu thuận lợi… Lão không để tôi nói hết câu: lão bật cười một cách kỳ lạ, cố tỏ vẻ khôn ngoan, rồi bảo: - Eh no, segnore mio! no! Occi, Sí, l’ho fatto: no lo fado domani seguramente! Si lei punta forte con migo, bien! si no, no lo fado seguramente! Gracie tante! (Không, thưa ngài! không! Hôm nay, vâng, quả tôi đã làm thế. Ngày mai chắc chắn tôi sẽ không làm thế nữa. Nếu ngài cũng cược lớn với tôi, vậy được! Nếu không, tôi chắc chắn sẽ không cược! Cám ơn nhiều!) Tôi nhìn lão, vận hết sức mình mà nghe cho thủng lời lão muốn nói: trong tiếng cười cũng như câu từ của lão chắc chắn có hàm ý nghi ngờ xúc phạm. Tôi bực mình và đòi lão một lời giải thích. Lão nín cười, thế nhưng trên mặt vẫn còn dấu nét ẩn hiện của nụ cười ấy. - Digo che no, che no lo fado, - lão nhắc lại. – No digo altro! (Tôi nói không, rằng tôi sẽ không làm vậy nữa. Tôi đâu có nói gì khác!) Tôi đập mạnh một tay xuống bàn, kích động mà nói: – Không được! Ngài phải nói, phải giải thích ý ngài là gì khi nói những câu từ kia, cười với cái điệu bộ ngu ngốc kia! Tôi không hiểu gì cả! Tôi nhìn lão. Trong lúc tôi nói, mặt lão cứ trắng bệch ra và rúm ró lại. Chắc lão chuẩn bị xin lỗi tôi. Cảm thấy bị xúc phạm, tôi nhún vai mà đứng dậy: – Ôi! Tôi khinh thường ngài và tính đa nghi của ngài. Tôi chẳng thể tưởng được đấy! Tôi trả tiền phần mình và bỏ đi. * Tôi từng biết một người đàn ông đáng kính mà bằng trí thông minh thiên phú độc nhất, ông xứng đáng được ngưỡng mộ vô vàn. Thế nhưng ông chẳng được ngưỡng mộ, dù ít dù nhiều, chỉ bởi cặp quần nhỏ thó mà tôi nhớ là sáng màu, kẻ ô vuông bé tí, chừng như quá chật đối với đôi chân tệ hại của ông, vậy mà ông vẫn cố chấp mặc nó. Quần áo chúng ta mặc, kích cỡ, màu sắc có thể biến chúng ta thành những thứ cổ quái vô cùng. Bấy giờ tôi thấy bất bình ghê gớm, trong khi tôi những tưởng bản thân ăn mặc không đến nỗi tệ. Tôi không mặc áo đuôi tôm, thực vậy, nhưng tôi đương khoác trên người bộ quần áo đen vì để tang, trông cũng tươm tất. Cùng một bộ cánh trên người, lúc trước lão người Đức thối tha có thể xét thấy tôi là một thằng đần mà cướp tiền trắng trợn, vậy tại sao bây giờ lão này lại nghĩ tôi là một tên vô lại cho được? “Có thể là tại bộ râu này,” tôi vừa đi vừa nghĩ, “hay tại tóc mình quá ngắn…” Tôi đi khắp nơi tìm một khách sạn, mong muốn được ở một mình mà xem tôi đã thắng được bao nhiêu. Tôi thấy như người mình toàn tiền là tiền: tôi để mỗi chỗ một ít, trong túi áo khoác, túi quần, trong túi áo ghi lê; vàng, bạc, tiền giấy; chắc chắn phải rất nhiều, rất nhiều! Chuông nhà thờ điểm 2 giờ sáng. Đường phố vắng tanh. Tôi bắt một chiếc xe còn trống. Từ không có gì tôi đã kiếm được gần mười một ngàn lire! Lâu lắm rồi tôi mới thấy nhiều tiền đến vậy. Lúc đầu tôi tưởng như ấy là một khoản lớn lắm. Nhưng sau, nghĩ về cuộc sống trong dĩ vãng, tôi bỗng thấy chán ngán bản thân mình. Ha! Hai năm trong thư viện, thêm với biết bao cảnh đau lòng, đã làm tôi trở nên nghèo nàn tới mức phải choáng ngợp trước chút tiền kia sao? Nhìn vào đống tiền trên giường, tôi miệt thị bản thân bằng những lời nanh nọc: “Đi đi, kẻ đức hạnh, tên thủ thư bạc nhược, hãy đi đi. Về nhà mà an ủi mụ góa nhà Pescatore bằng đống kho báu này. Mụ sẽ tin là anh đã đi ăn cướp và lập tức mụ sẽ tôn trọng anh hơn nhiều. Hoặc hãy đi hẳn tới châu Mỹ như anh đã định trước đó, nếu đống tiền này vẫn chẳng xứng đáng với những mất mát to lớn mà anh phải trải qua. Với đống của nả này, giờ anh có thể đi được rồi. Mười một ngàn lire! Giàu có làm sao!” Tôi thu tiền lại rồi cất trong ngăn kéo. Tôi nằm xuống nhưng không thể ngủ được. Rốt cục thì tôi phải làm gì đây? Trở lại Monte Carlo mà trả lại số chiến lợi phẩm phi thường này? Hài lòng mà sống một cuộc đời khiêm tốn? Nhưng bằng cách nào? Liệu tôi có còn tâm trí hay cách nào mà hài lòng hay không, với cái gia đình mà tôi đã tạo dựng? Tôi có thể cho vợ tôi ăn mặc sang trọng thêm chút. Nàng chẳng những không quan tâm đến việc làm tôi thích mắt, mà thậm chí còn làm tôi thấy khó chịu. Cả ngày nàng chẳng chải chuốt, chẳng thèm mặc áo ngực, chỉ đi dép trong nhà, mặc đồ luộm thuộm. Có thể nàng nghĩ rằng với một người chồng như tôi, làm đẹp phỏng có ích lợi gì? Mặt khác, chừng như nàng chẳng thể hoàn toàn hồi phục sau khi liều mình sinh nở. Ngày qua ngày, tâm hồn nàng càng trở nên khô cằn, không chỉ với riêng tôi mà với tất cả mọi người. Chính nỗi bực bội và thiếu đi một sự quan tâm chân thành đã khiến nàng trở nên biếng nhác. Nàng cũng chẳng yêu thương gì đứa con gái. Đứa bé, chị em sinh đôi với đứa đã chết chỉ vài ngày sau khi sinh, là minh chứng cho thất bại của nàng trước đứa con trai kháu khỉnh sinh sau một tháng của Oliva. Mẹ nó mang thai thực hạnh phúc và sinh ra nó khỏe mạnh, chẳng khó khăn gì. Chán ghét cộng thêm những bất đồng nảy sinh, như một con mèo đen xù xì chui rúc trong tàn tro của một lò sưởi tắt ngấm, khiến sự chung sống của hai chúng tôi càng trở nên tồi tệ. Với mười một ngàn lire, liệu tôi có thể mang lại bình yên cho gia đình mình và sưởi ấm lại tình yêu đã bị mụ góa Pescatore chẳng màng mà giết hại ngay khi còn đang chớm nở? Điên rồ! Vậy thì làm gì? Đến châu Mỹ? Nhưng sao tôi lại phải đi xa như vậy để tìm thần May mắn, trong khi nàng có vẻ muốn níu chân tôi lại đây, ở Nice, trước cửa tiệm bán phụ kiện trò chơi, khi mà chính bản thân tôi chẳng nghĩ đến chuyện này. Giờ đã đến lúc tôi phải tỏ ra xứng đáng với nàng, với những ân huệ của nàng, nếu đúng thực rằng nàng muốn ban cho tôi những ân huệ đó. Vậy tốt thôi! Được ăn cả ngã về không. Trường hợp xấu nhất thì tôi lại trở về như trước. Mười một ngàn lire phỏng có là gì? Vậy nên ngày hôm sau tôi trở lại Monte Carlo. Tôi trở lại đó mười hai ngày liên tiếp. Tôi chẳng có cách nào, cũng chẳng có thời gian mà choáng váng trước những ân huệ như chỉ có trong truyện cổ tích mà may mắn đem lại. Tôi như thoát xác, như phát rồ. Ngay cả bây giờ tôi cũng chẳng ngỡ ngàng được nữa, khi biết được thần may mắn đã lừa lọc tôi thế nào khi ưu ái tôi theo cách ấy và nhiều đến vậy. Trong chín ngày, tôi kiếm được một khoản khổng lồ nhờ chơi dốc túi: sau ngày thứ chín tôi bắt đầu thua, thua nhanh chóng. Thứ cảm hứng kỳ dị kia rời bỏ tôi, chừng như không thể nuôi sống bản thân mình bởi nguồn năng lượng thần kinh trong tôi giờ đã kiệt quệ. Tôi chẳng biết, hay nói đúng hơn, chẳng thể nào dừng chơi kịp lúc. Tôi dừng chơi, định thần lại, không phải bởi tâm trí thức tỉnh mà vì một sự kiện nghiệt ngã, nhưng cũng chẳng hiếm gặp ở chốn ấy. Sáng ngày thứ mười hai, trong lúc tôi đang vào sòng thì lão người Lugano, kẻ chết mê chết mệt số 12, tới chỗ tôi, nom kích động và lo lắng. Lão báo với tôi, bằng cử chỉ nhiều hơn là lời nói, rằng có một kẻ vừa bị giết không lâu trước đó ở ngoài vườn. Tôi lập tức nghĩ đến ông bạn người Tây Ban Nha nọ, và cảm thấy ân hận. Tôi đã chắc chắn rằng chính lão ta giúp tôi thắng. Ngày đầu tiên, sau trận cãi vã của chúng tôi, lão đã chẳng cược những chỗ tôi cược, và lão thua luôn luôn. Những ngày kế đó, trông thấy tôi cứ thắng hoài, lão đâm ra định bắt chước tôi. Thế nhưng lão không muốn chơi cùng tôi nữa. Còn tôi: như được thần May mắn hiện hữu mà vô hình cầm tay chỉ nước, tôi đi hết từ bàn này sang bàn khác. Đã hai ngày tôi không thấy lão, chính từ lúc bắt đầu thua, và biết đâu tôi thua cũng bởi lão không còn theo chân tôi nữa. Lúc chạy ra hiện trường, tôi đã chắc mẩm rằng sẽ tìm thấy lão nằm chết cứng dưới đất. Thế nhưng tôi lại thấy chàng trai trẻ người ngợm trắng bệch, tỏa ra vẻ lãnh đạm ngái ngủ trong khi rút những đồng louis từ túi quần để cược mà chẳng thèm ngó lấy một lần. Chàng ta nằm đó giữa lối đi, nom nhỏ bé hơn. Hai chân chàng ta chụm vào nhau, tư thế tự nhiên cứ như thể đã nằm xuống ướm thử trước để tránh bị đau khi ngã. Một tay chàng ta nắm chặt thân mình; tay còn lại vẫn hơi lơ lửng và một ngón tay, ngón trỏ, đang trong tư thế kéo. Khẩu súng ngắn nằm bên cạnh cánh tay này; xa hơn chút nữa là cái mũ. Thoạt đầu tôi tưởng viên đạn găm trong mắt trái, bởi cơ man nào là máu chảy từ con mắt ấy xuống dưới mặt, giờ đã đông lại. Nhưng không phải: đống máu ấy chỉ có một chút chảy ra từ lỗ mũi và hai tai; phần còn lại chảy ròng ròng từ cái lỗ nhỏ xíu trên thái dương bên phải của chàng ta xuống những hạt cát vàng trên mặt đường rồi đông lại. Một tá ong vò vẽ bủa vây xung quanh; có con đang thỏa mãn bằng cái khẩu phần ăn trên mắt của chàng ta. Giữa số đông những người đứng xem, chẳng ai đuổi chúng đi cả. Tôi lấy trong túi ra một chiếc khăn mùi xoa rồi đắp lên khuôn mặt thảm hại đã bị biến dạng khủng khiếp. Chẳng ai trân trọng hành động này: tôi đã cướp đi trò hay của buổi biểu diễn. Tôi bỏ chạy; tôi về Nice để đi khỏi ngay ngày hôm ấy. Tôi có khoảng tám mươi hai ngàn lire. Tôi có thể mường tượng ra tất cả, trừ một điều rằng ngay tối hôm ấy, số mệnh tương tự cũng sẽ tìm tới tôi. 1. Đồng louis, đồng écu: các loại tiền xu của Pháp trước đây. 2. Những câu thoại của nhân vật này dùng một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Tây Ban Nha và tiếng Italia. Chúng tôi xin đề nguyên hội thoại gốc và dịch tiếp ngay sau đó. T Chương 5 TÔI CHUYỂN TÀU ôi đã nghĩ: “Mình sẽ chuộc lại khu Lồng gà rồi lui về đó, ở vùng đồng quê làm một lão xay bột. Người ta ở gần đất thì tốt hơn, và dưới đất có lẽ còn tốt nữa. “Rốt cục thì mỗi nghề đều có niềm an ủi riêng của nó. Ngay cả cái nghề đào mồ cũng vậy. Thợ xay bột có cái thú được nghe tiếng cối xay ầm ào dịch chuyển, được ngắm những làn bụi bay trong gió hay thân mình phủ đầy bột. “Mình dám chắc là đến tận bây giờ, ở chỗ cối xay vẫn chưa có ai mở được một túi ngũ cốc ra xay cả. Nhưng một khi mình nắm quyền trở lại: – Ngài Mattia, chốt cối xay! Ngài Mattia, ổ trượt hỏng rồi! Ngài Mattia, khía cối xay! Như hồi vẫn còn mẹ mình với tâm hồn cao đẹp của bà, và lão Malagna quán xuyến tất cả. Rồi trong lúc mình săn sóc cối xay kia thì bọn nông dân sẽ cướp sạch hoa màu ngoài khu canh tác. Nếu mình tập trung quay qua đó thì bọn thợ xay sẽ lại cướp sạch chỗ tiền công xay bột. Bọn nông dân và bọn thợ xay, người tung kẻ hứng, còn mình sẽ ngồi giữa mà thản nhiên ngắm nghía. Hay mình sẽ thó một bộ quần áo cũ của ông Francesco Antonio Pescatore trong cái rương mà bà mẹ vợ mình trân quý đến mức đặt cả băng phiến lẫn hạt tiêu vào trong để lưu giữ như thể thánh vật. Mình sẽ bắt mụ mặc vào rồi cho mụ làm thợ xay bột và trông coi bọn người làm. “Hẳn không khí đồng quê sẽ giúp vợ mình khá lên. Biết đâu khi có nàng ở đó, một vài chiếc lá sẽ rời cành, những chú chim non sẽ ngừng hót. Hy vọng nàng sẽ không làm nguồn nước cạn khô. Còn mình vẫn sẽ làm một thằng thủ thư ở nhà thờ Santa Maria Liberale, cô đơn càng cô đơn.” Dòng suy nghĩ cứ chảy trôi trong đầu tôi như vậy khi đoàn tàu chạy. Tôi không thể nhắm mắt, mỗi lần nhắm lại là cái xác của chàng trai trẻ kia hiện ra tức thì, rõ ràng đến tàn nhẫn. Cái xác nằm đó, giữa lối đi, co ro cúm rúm dưới hàng cây to lớn bất động giữa ban mai mát lành. Vậy nên tôi phải an ủi mình bằng một cơn ác mộng khác đỡ đẫm máu hơn, cơn ác mộng vật chất về mẹ vợ và vợ tôi. Tôi sung sướng mường tượng ra cảnh trở về của mình, sau mười ba ngày mất tích bí hiểm. Tôi chắc chắn rằng (tôi tưởng như đã nhìn ra được hai người họ vậy!) khi tôi bước vào, họ sẽ trưng cái vẻ thản nhiên khinh khỉnh nhất có thể. Họ sẽ ném cho tôi chỉ một ánh nhìn như muốn nói: “Mày lại về đây hay sao? Còn chưa ngã gãy cổ chết à?” Họ im lặng, tôi im lặng. Nhưng rồi chỉ một lúc sau, mụ góa Pescatore hẳn sẽ phun một tràng mạt sát vì cái công việc mà có thể tôi đã để mất. Tôi đã mang chìa khóa thư viện theo người. Được tin tôi biến mất, hẳn đồn cảnh sát sẽ lệnh cho phá cửa. Khi không tìm thấy xác tôi trong đó, đồng thời cũng không thu thập được tin tức hay dấu vết gì về tôi, người bên Tòa thị chính có thể sẽ chờ tôi quay trở lại trong ba, bốn, năm ngày hay một tuần. Sau đó họ sẽ thế chỗ tôi bằng một kẻ vô công rồi nghề khác. Vậy thì tôi còn ngồi đấy mà làm gì? Tôi sẽ lại trở thành một tên lang thang trong thị trấn hay sao? Có thể lắm! Hai người đàn bà khốn khổ chẳng thể chịu trách nhiệm với một thằng ăn không ngồi rồi, một tên vô lại đã trốn đi chẳng rõ vì lý do gì, vân vân và vân vân. Còn tôi, im lặng. Dần dà, cơn giận của mụ Marianna Dondi lớn lên vì sự im lặng khinh khỉnh của tôi. Cơn giận ấy lớn lên, sục sôi rồi bùng nổ, còn tôi, vẫn đứng đó, im lặng! Đúng thời điểm, tôi sẽ rút ví trong túi áo ngực và để những tờ một nghìn lire lên bàn mà đếm: đây, đây, đây và đây… Mụ Marianna Dondi sẽ trợn tròn mắt, há hốc miệng. Cả vợ tôi nữa. Thế rồi: “Mày cướp ở đâu ra thế?” “…bảy mươi bảy, bảy mươi tám, bảy mươi chín, tám mươi, tám mươi mốt; năm trăm, sáu trăm, bảy trăm; mười, hai mươi, hai mươi nhăm; tám mươi mốt ngàn bảy trăm hai mươi nhăm lire và bốn mươi xu.” Tôi sẽ chầm chậm mà thu lại đống tiền rồi bỏ vào ví, rồi tôi sẽ đứng dậy. “Hai người không muốn tôi ở nhà nữa phải không? Tốt thôi, cảm ơn nhiều! Tôi biến đây, vĩnh biệt.” Tôi vừa nghĩ thế vừa cười. Hành khách trên tàu nhìn tôi và rồi cả họ cũng bật cười khúc khích. Tôi cố gắng nghiêm túc hơn bằng cách nghĩ về những tay chủ nợ của mình. Tôi sẽ phải chia tiền cho chúng, làm sao giấu cho được. Và rồi giấu tiền mà không tiêu thì phỏng có lợi ích gì? Tiêu xài ư, hẳn mấy tên khốn ấy sẽ không cho phép tôi rồi. Để làm lại cuộc đời ở đó, với cối xay ở Lồng gà và hoa màu thu hoạch từ trang trại, tôi sẽ phải trả công cho quản đốc. Tên quản đốc sẽ ngốn của tôi một khoản lớn (cả cái cối xay nữa). Vậy thì chẳng biết bọn chủ nợ sẽ phải chờ thêm bao nhiêu năm. Nếu tôi trả bằng tiền mặt ngay bây giờ thì có thể còn lời lãi được chút ít. Tôi tính: “Một khoản đẹp cho thằng đỉa hút máu Recchioni; một khoản lớn nữa cho lão Filippo Brísigo, hy vọng lão đủ tiền ma chay cho bản thân: lão đã hết thời rút ruột được đám dân nghèo; một khoản cho lão Lunaro keo kiệt người Torino; khoản nữa cho mụ góa nhà Lippani… Ai nữa nhỉ? A! Còn nữa! Bọn Della Piana, Bossi và Margottini… Tất cả đều là chủ nợ của mình!” Tóm lại, tôi đã vì bọn chúng mà thắng cược ở Monte Carlo! Hai ngày thua kia mới đáng giận làm sao! Tôi đã có thể lại giàu… lại giàu! Tôi buông vài tiếng thở dài. Điều ấy khiến những vị khách đồng hành với tôi càng cười tợn. Thế nhưng tôi chẳng thấy lòng an tĩnh. Trời sắp tối: không khí như biến mình thành tàn tro; chuyến hành trình đã trở nên nhàm chán tới khó chịu vô cùng. Ở ga tàu Italia đầu tiên, tôi mua một tờ báo với hy vọng nó sẽ giúp mình ngủ được. Giở tờ báo ra và dưới ánh đèn điện, tôi bắt đầu đọc. Tôi tìm được chút an ủi khi biết tòa lâu đài Valençay đã được rao bán đấu giá lần thứ hai, mà người thắng cuộc là Bá tước De Castellane với số tiền vị chi là hai triệu ba trăm ngàn franc. Diện tích khu vực bất động sản bao quanh tòa lâu đài rộng tới hai ngàn tám trăm héc-ta: hùng vĩ nhất nước Pháp. “Cũng như Lồng gà…” Tôi đọc thấy trưa nay tại Potsdam, Hoàng đế Đức đã đón tiếp đoàn đại biểu Ma-rốc, với sự có mặt của Quốc vụ khanh, Nam tước de Richtofen. Đoàn đại biểu đã diện kiến cả Hoàng hậu và sau đó được chiêu đãi bữa sáng, và ai biết được bọn họ đã ngấu nghiến hết chừng nào! Cả Nga hoàng và Phu nhân cũng đã tiếp đón một đặc phái viên của Tây Tạng tại Petergof. Đặc phái viên đã trình lên Nga hoàng và Phu nhân những tặng phẩm của đức Đạt Lai Lạt Ma. “Tặng phẩm của đức Đạt Lai Lạt Ma?” Tôi tự hỏi, nhắm mắt mà trầm ngâm. “Có thể là gì được nhỉ?” Hệt như ma túy: bởi vừa đọc, tôi vừa lịm dần. Nhưng tôi chẳng ngủ được lâu: chỉ một lúc sau tôi bừng tỉnh vì tiếng tàu dừng lại ở một nhà ga khác. Tôi nhìn đồng hồ: 8 giờ 15 phút. Khoảng một tiếng nữa tôi sẽ đến nơi. Tôi vẫn cầm tờ báo trên tay. Tôi giở sang trang thứ hai để xem vật phẩm tuyệt hảo nhất của đức Đạt Lai Lạt Ma là thứ gì. Đôi mắt tôi bỗng rơi xuống chữ TỰ SÁT đúng vậy, in đậm. Tôi nghĩ ngay đến vụ lùm xùm ở Monte Carlo rồi vội vàng đọc. Thế nhưng tôi chững lại, bất ngờ ngay từ dòng đầu tiên, chữ in bé tí: “Điện tín từ Miragno”. “Miragno? Ở quê mình ai đã tự tử vậy?” Tôi đọc: “Ngày hôm qua, thứ Bảy ngày 28, một thi thể trong tình trạng thối rữa nghiêm trọng đã được tìm thấy dưới dòng kênh bên một cối xay bột…” Bỗng nhiên, mọi thứ xung quanh tôi như tối sầm lại khi tôi thoáng thấy tên khu trang trại nhà mình ở dòng tiếp theo. Thực khó mà đọc được những dòng chữ bé tí kia với chỉ một con mắt. Tôi đứng dậy mà dí sát ánh đèn. “…Cối xay thuộc một trang trại có tên Lồng gà, cách thị trấn chúng ta hai cây số. Nhà chức trách đã gấp rút tới hiện trường cùng với một số lực lượng khác. Thi thể đã được kéo lên khỏi kênh để khám nghiệm và bảo quản. Muộn hơn cùng ngày, thi thể được nhận diện là của…” Tim tôi nhảy dựng lên cổ. Trong trạng thái bấn loạn, tôi nhìn quanh những vị khách đồng hành đương ngủ. “gấp rút tới hiện trường… kéo lên khỏi kênh… và bảo quản… được nhận diện là của vị thủ thư của chúng ta…” “Mình ư?” “gấp rút tới hiện trường… muộn hơn cùng ngày… của vị thủ thư của chúng ta Mattia Pascal, người đã mất tích vài ngày trước. Nguyên nhân tự sát: khó khăn tài chính.” “Mình ư?… Mất tích… nhận diện… Mattia Pascal…” Tôi đọc không biết bao nhiêu lần mấy dòng ấy một cách ngấu nghiến hung tợn, với trái tim đang bị giằng xé. Khi cơn kích động đầu tiên ập tới, tất cả nguồn năng lượng sống trong tôi trào lên dữ dội nhằm phản đối: cứ như thể cái tin vắn tắt vô nghĩa và khó chịu kia đối với tôi cũng có thể là thật vậy. Thế nhưng dù không thật đối với tôi, nó vẫn thật đối với những kẻ khác. Những kẻ khác này đã biết tin về cái chết của tôi từ ngày hôm qua, điều đó là chắc chắn. Sự chắc chắn vĩnh viễn và tuyệt đối ấy đè nặng tôi ngạt thở… Một lần nữa, tôi đảo mắt nhìn quanh những vị khách đồng hành. Trong mắt tôi, dường như cả họ cũng đang nghỉ ngơi với sự chắc chắn ấy. Tôi những muốn kéo giật họ ra khỏi sự thư thái và cái thái độ đáng nguyền rủa kia, lay họ dậy mà gào lên rằng đó không phải sự thật. “Có thể sao?” Tôi đọc lại một lần nữa cái tin điên rồ kia. Tôi hồi hộp đến mức chẳng thể chịu được nữa. Ước gì chuyến tàu này hoặc dừng lại, hoặc lao đi hối hả: cái tiến trình đơn điệu, máy móc, dai dẳng, âm ỉ và bức bối sắp khiến tôi bùng nổ. Tôi liên tục xòe tay ra rồi nắm lại, cắm chặt móng tay vào sâu trong lòng bàn tay. Tôi vò tờ báo; rồi lại giở nó ra mà đọc lấy cái tin mà tôi đã thuộc nằm lòng, từng chữ, từng chữ một. “Nhận diện! Người ta có thể nhận diện ra mình sao?… trong tình trạng thối rữa nghiêm trọng… ha!” Trong chốc lát tôi thấy mình dưới dòng kênh xanh rì, ướt sũng, trương phình, nổi lềnh phềnh, tởm lợm… Nỗi sợ bản năng dấy lên, tôi bắt chéo hai tay trước ngực, xiết chặt và cảm nhận: “Không phải mình. Không phải mình… Đó là ai?… Anh ta trông nhang nhác mình, hẳn vậy rồi… Có lẽ anh ta cũng có râu nữa, giống như bộ râu của mình vậy… vóc dáng y xì… Và họ đã nhận diện ra mình!… Mất tích vài ngày trước… Hẳn rồi! Nhưng mình muốn biết, mình muốn biết kẻ nào đã vội vội vàng vàng mà nhận là mình như thế. Có lẽ nào kẻ xấu số kia giống mình đến vậy? Ăn mặc giống mình? Đến mức nào mới được? Là mụ ta, có thể là mụ ta, Marianna Dondi, mụ góa Pescatore. Ôi! Mụ đã vớt mình lên ngay lập tức, mụ đã nhận diện mình ngay lập tức! Hiển nhiên đối với mụ, đó không phải là mình rồi! – Là nó, là nó! Thằng con rể tôi! Ôi, Mattia """