🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Ký sự pháp đình - Tập 1
Ebooks
Nhóm Zalo
KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH - TẬP 1
Tác giả: Thủy Cúc
Nhà xuất bản: NXB Trẻ; Báo Tuổi trẻ
Năm xuất bản: 1996
Đánh máy: casau
Soát lỗi và làm ebook: Heoconmtv
Định dạng file: azw3; epub; mobi; prc
Ngày hoàn thành: 12-12-2014
Nếu có điều kiện hãy mua sách để ủng hộ tác giả và nhà xuất bản nhé!
Một cái nhìn khác lạ về các phiên tòa
Thủy Cúc là một phóng viên khá đặc biệt của ngành nội dung nói chung, và Ban Chính trị - Xã hội báo Tuổi Trẻ nói riêng. Cô là người có những suy nghĩ rất độc lập, thuộc loại cứng đầu cứng cổ, chỉ tin vào chính mình. Những đề tài Thủy Cúc chọn viết cũng thường có gì đó là lạ, khác người. Đôi khi cùng khai thác một sự kiện, nhưng ở bài viết của Thủy Cúc luôn có một cái nhìn và phân tích... không giống ai, có vẻ rất tỉnh, rất lạnh, nhưng ẩn chứa sâu kín bên trong là cả một tấm lòng nóng ấm đứng về công lý, lẽ phải, và quan trọng hơn, đứng về những người thấp cổ bé miệng, nghèo khổ, chịu nhiều oan khiên, áp bức...
Những bài “Ký sự pháp đình”, thể loại mà trên Tuổi Trẻ dường như dành riêng cho Thủy Cúc, được chọn in trong tập này, sẽ cho bạn đọc một thí dụ khá đầy đủ về phong cách Thủy Cúc. Ngay từ khi mới xuất hiện (tháng 3/1994 - bài Hoa hồng xám), chúng đã gây nhiều chú ý cho người đọc bởi sự khác lạ hẳn so với những bài viết về pháp đình, vụ án thường thấy. Thủy Cúc hiếm khi mô tả vụ án theo kiểu ly kỳ, rùng rợn. Những vụ án mà cô chọn viết nhiều khi cũng chẳng có gì hấp dẫn: Một vụ ly hôn của hai ông bà già, vài tên trộm vặt, một người mẹ đi kêu oan cho con... Thế mà đàng sau những vụ việc và con người ấy, là bao hoàn cảnh xé lòng. Phải chi những quan tòa, những vị công tố, bồi thẩm... trong khi phán xử các tội nhân trước mặt, đều quan tâm đầy đủ đến từng số phận con người. Và cao hơn, phải chi cả xã hội cùng chăm sóc tốt hơn cho mọi thành viên của mình, có lẽ cuộc sống đã không có quá nhiều tội ác như thế.
Một cái nhìn khác lạ về các phiên tòa, nhưng có lẽ cái nhìn đó sẽ được nhiều bạn đọc chia sẻ. Và bỗng cảm thấy dường như mình đang trở nên bao dung hơn...
Nguyễn Đông Thức
Bài Quốc văn giáo khoa thư dang dở
Các anh chị có đành lòng để cha mình phải đi ăn xin không? Ông không có nhà ở; phải đi ở nhờ ở đậu như vậy, gia đình có xót không? Nếu lỡ như túng cùng quá không ai nuôi ổng, ổng phải đi ăn xin mà sống, các anh chị có đành lòng không?...”
Không khí phiên tòa như chùng xuống sau câu nói của người thẩm phán...
Tháng 5/1994. Tôi đã được dự một phiên tòa xử phúc thẩm ly hôn ở Tòa án Nhân dân Thành phố mà có lẽ sẽ không thể nào quên.
Trong phòng xử, có một ông cụ đã già lắm. Phản ứng chậm chạp, cặp mắt đục lờ, nói năng không mạch lạc. Chắc ông lão phải có vai trò quan trọng lắm trong cuộc ly hôn của con hay cháu ông, nên mới phải đến đây để chịu đựng cái không khí buồn chán của những vụ án ly hôn.
Khi tòa cho mời nguyên đơn, bị đơn, tôi mới ngỡ ngàng khi biết ông lão, 74 tuổi, là nguyên đơn. Ông đã vậy, vợ ông còn lớn tuổi hơn - bà đã trên 80, tuy mập mạp nhưng đã lãng tai, đi phải có người dìu. Các người con, người nào người nấy đều đã tóc muối tiêu. Con trai út đã gần 40, còn trưởng nam trông cũng đã thành một ông già.
Ở cái tuổi này, chắc chắn những sóng gió của tình yêu - nếu còn - giỏi lắm chỉ như những bọt sóng yếu ớt leo bờ dốc đứng của thời gian, chứ đâu đủ sức xô giạt hai ông bà đến tận nơi này? Vậy mà họ đã ở đây. Theo thủ tục thông thường, sau khi yêu cầu nguyên đơn xác nhận ý định ly hôn, tòa quay sang bị đơn. Bà lão nói sang sảng: “Không! Tôi không biết ly hôn là gì hết. Ổng bỏ tôi đi đã 43 năm nay, từ hồi con nhỏ này (chỉ một phụ nữ lớn tuổi) còn để chỏm. Bây giờ lại đòi ly hôn để chia tài sản. Tài sản còn gì để mà chia? Tài sản nào? Lúc ra đi, ổng chỉ để lại cho tôi tài sản là tám đứa con lúc nhúc, một mình tôi nuôi cho đến bây giờ”.
Những đợt sóng phẫn nộ đã tràn về phía ông già. Ông lão không chối cãi gì, chỉ đính chánh là ông đi chưa tới 43 năm vì rõ ràng thằng út chỉ mới 39 tuổi. Ông đã sống với một người vợ khác, không con. Năm1987 bà này chết, ông quay về với vợ con. Ông chẳng có lý do gì để được thiện cảm. Ông nói giọng khàn đục: “Tôi xin ly hôn để chia tài sản”. Ngôi nhà chung của ông bà xưa kia chỉ là một mái lá đơn sơ, nay đã cất lại thành ba căn nhà mới. Nhà không có giá, nhưng đất có giá. Bà lão đã kêu bán bớt một căn. Thật ra, không phải tự nhiên ông lão đòi chia tài sản. Do người mua lo xa đòi phải có giấy đồng ý bán của ông. Ông và gia đình thỏa thuận trị giá căn nhà 20 cây vàng, phần ông lấy ba cây, còn 17 cây cho bà và các con. Các con chỉ đưa ông một cây, còn hai cây họ giữ, ông già đòi hoài không được. Ông nói: “Tui khiếu nại - khiếu
nại chớ không phải kiện - ra phường, quận 8, nhưng không được. Bả chửi tui quá. Mấy đứa con thì nói ba thưa đi, ba thưa tới đâu tụi con bán nhà theo ba tới đó. Tui khổ quá, một thân một mình, không làm gì ra tiền, không có tiền xài...”
Ai cũng có lý cả. Vị thẩm phán hỏi sao hai cây vàng phần ông lão, các con không chịu đưa cho ông? Người con út: “Ông lấy một cây đi mới có một tuần là đã xài hết!”. Ông già nói chen vào: “Bị người ta lấy cắp mất”. Anh con út tiếp tục: “Nếu đưa nữa ổng xài hết, mai này ổng chết lấy gì lo cho ổng?”. Vị thẩmphán: “Bây giờ ổng sống không có tiền ăn, mà để dành chôn cất làm chi?”... Vị thẩm phán nói với giọng đầy tình cảm, khiến tôi liên tưởng đến người thầy giáo khả kính thời tiểu học đang nói về những bài học luân lý trong “Quốc văn giáo khoa thư”, về công cha, nghĩa mẹ, về tình người. Ông nói khá nhiều, tôi chỉ có thể ghi đại ý: “... Hai ông bà cũng lớn tuổi rồi, sống nay chết mai. Của cải rồi cũng đi hết cả, chỉ có tình nghĩa là không gì thay thế được. Các anh chị giận thì giận chớ ổng cũng là cha mình. Các anh cứ nói để hai cây vàng lo hậu sự? Cho dù ông già không có tài sản gì đi nữa thì khi ổng trăm tuổi già, các anh cũng phải lo cho ổng, chẳng lẽ để cho diều tha, quạ mổ? Ngay cả khi ổng không phải là cha của các anh, mà là người xa lạ, nhưng lâm vào cảnh khổ, là người với nhau, các anh còn phải thương yêu, cứu giúp kia mà? Để ổng phải đi ở nhờ, ở đậu người ta như vậy, gia đình có thấy xót không? Các anh chị có đành lòng để ổng đi ăn xin không? Nếu một mai túng cùng quá, ổng không có gì để sống....”
Phiên tòa như chùng xuống sau câu nói của người thẩm phán, nhưng sau đó, các người con đưa ra nhiều lý lẽ rằng họ đâu có bỏ bê ông lão, chỉ tại ông muốn bỏ đi. Vị thẩm phán còn nói nhiều câu nữa, nhưng có câu tôi nhớ nhất là: “Tòa án quận 8 bác đơn ly hôn là có lý, vì không thể chỉ vì chia tài sản mà ly hôn. Vả lại, hai ông bà cũng già rồi. Nhưng để cho ông lão ở tuổi gần 80 không biết chết lúc nào, buộc lòng phải xin ly hôn để có tiền sống, là điều đau lòng”, và “Các anh chị đừng nghĩ rằng tòa bác đơn ly hôn là vì ổng có lỗi. Cũng không thể vì ổng có lỗi mà tước đi quyền làm cha của ổng. Các anh chị vẫn có bổn phận làmcon...”
Lúc tòa tuyên bố bác đơn ly hôn, mọi người lục tục ra về, ông lão vẫn còn ngơ ngác ở lại giữa căn phòng vắng. Tôi đến bên ông. Ông hỏi: “Vậy là sao?”. Tôi giải thích. Tôi có cảm giác người ông run lên trong nỗi thất vọng. Tôi hỏi: “Bác về đâu?”. “Về Biên Hòa”. Người con thứ ba đã ra khỏi phòng xử án có lẽ chợt nhớ, quay lại móc túi đếm đưa cho ông già ba tờ giấy bạc 5.000 đồng, nói “Để ba về xe”. Ông già đẩy ra: “Không, tao không lấy!”. Người con trai trưởng im lặng suốt phiên tòa, sau khi giúp mẹ bước lên xích lô, tất tả vòng trở lại cúi đầu: “Thưa ba con về”. Hai người con gái quay lại níu hai bên cánh tay ông, gần như lôi ông đi: “Đi, ba, đi về với tụi con, chớ ba ở đây làm chi? Tòa đã xử xong rồi. Tụi con đã nói là tụi con không ai bỏ ba hết, ba thích ở với đứa nào thì ba cứ về...”. Tôi có cảm giác đó là những lời nói trước mặt khách lạ.
Trong lúc tôi cất sổ tay vào túi xách thì mọi người đều đã ra khỏi cổng tòa án. Tôi vội đi theo: ông già chỉ còn lại một mình!
Tôi không bao giờ quên hình ảnh ông già xuôi theo con dốc đường Nam Kỳ Khới Nghĩa trong ánh nắng vàng vọt của buổi chiều. Đôi mắt đục lờ như ngơ ngác, chẳng biết mình sẽ đi đâu, về đâu?
Tìm con trong trường bắn
Bà có thể kêu to lên, khắng định với quan tòa, với tất cả mọi người rằng thằng Chánh, con bà, không có tội. Trái tim người mẹ cho phép bà làm điều đó, thế nhưng bà đã không làm. Bà phó thác sinh mạng con cho sự công minh của tòa án. Bà nói: “Nếu con tôi có tội, tôi sẵn sàng chấp nhận mất nó như mất một đứa con hư. Nhưng nếu con tôi vô tội, nó phải được giải oan...” Vì thế mà với một bản án tử hình còn nhiều điều chưa rõ, suốt tám năm trời, bà mẹ đau khổ đó đã lặn lội khắp nơi.
Năm 1986. Án mạng xảy ra chiều 19/11. Nạn nhân là chị Nguyễn Ngọc Hà, nhân viên bảo vệ xí nghiệp sắt tráng men, đã bị giết chết tại xí nghiệp với 59 vết dao đâm!
Ngày 9/12, Phạm Minh Chánh, công nhân xí nghiệp, bị bắt vì tình nghi là thủ phạm! Năm 1989. Ngày 27/4, Tòa án Nhân dân TP. HCM xử sơ thẩm, kết án tử hình Phạm Minh Chánh. Ngày 18/9, Tòa phúc thẩm xử y án sơ thẩm. Cả hai bản án đều dựa vào lời khai nhận tội của Phạm Minh Chánh trước cơ quan điều tra là đã cùng một người tên Đảng, không rõ họ và nơi cư trú, hợp tác giết cô Hà (Chánh ở ngoài canh cửa để Đảng giết), và kết quả giám định số tóc thu ở hiện trường (gồm tóc thu trong lòng bàn tay của nạn nhân, và tóc rơi trên nền nhà) đều phù hợp về đặc điểm và cùng nhóm máu với tóc của Chánh!
Bà là người chạy chợ. Sáng ra chợ coi ai nhờ làm gì thì làm, khi thi làm gà, làm vịt lấy công, khi buôn bán lặt vặt, có việc nào hay việc ấy. Chồng làm bốc xếp tại cảng Bình Đông. Cả nhà không có ai giỏi giang để có thể chạy lo được cho thằng Chánh. Chồng bà được anh sui đưa tới gặp một ông luật sư nổi tiếng để nhờ bào chữa cho con. Thời bao cấp, chẳng biết ăn nói thế nào mà ông bị vị luật sư này mắng té tát có con không biết giáo dục, để đi giết người còn bao che, còn đi mướn luật sư. Ông về, bỏ luôn cho bà lo từ đó đến nay.
Mà có đúng thằng Chánh giết không? Bà vô thăm nuôi, hỏi gặng nó. Con bà một mực nói không có giết, xử tới đâu nó đi tới đó. Sở dĩ nó nhận với cơ quan điều tra có đồng mưu giết cô Hà là vì bị ép cung. Hai lần tòa xử sơ thẩm và phúc thẩm, hai lần Chánh đều kêu oan, khai là bị ép cung. Con khẳng định vô tội, bà mẹ vác đơn chạy tiếp. Suốt mấy năm trời, người ta chỉ chỗ nào bà cũng tìm tới, dù nhà lúc đó quá nghèo, không có cái áo bà ba để mặc, phải mặc áo túi ra đường, không có xe gắn máy để đi, toàn lếch thếch đi bộ và đi xe buýt.
Cả hai lần xử, hai lần tòa đều kêu án tử hình. Sáng thứ sáu, anh hai của Chánh xách đồ vô thăm nuôi, người ở trại giam nói thằng Chánh bị thi hành án rồi. Anh về nhà báo tin, đi không muốn nổi. Cả nhà òa khóc. Lúc đó bà chững lắm, kêu đừng khóc, đừng làm náo động. Thứ bảy bà vô trại hỏi, anh cán bộ nói: “Chia buồn với bác”. Sáng thứ hai, bà với đứa con gái thứ năm đón xe lên bến xe Văn Thánh rồi lên xe Tam Hiệp, vừa đi vừa hỏi thăm trường bắn.
Sau mấy tiếng đồng hồ, hai người mới tìm được đến sân bắn. Một khoảng đất trống chừng vài trăm mét vuông, vài chục ngôi mộ tử tù hiu quạnh. Bà chạy ùa tới hai ngôi mộ còn mới, hai miếng gỗ ghi tên họ, ngày thi hành án, quê quán... Không có ai tên Phạm Minh Chánh. Thứ sáu đó vô trại giam, bà làm gan đi đại vô trong sâu, tới chỗ gửi đồ thì được anh cán bộ cho biết Chánh trông bà quá chừng, mấy tuần nay không có quà bánh gì ăn, anh vừa mới mua cho một gói đậu phộng... Tới chừng đó, bà mới tin con mình còn sống.
Năm 1990, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (ngày 16/3), nêu rằng tính chất của thời gian gây án có nhiều mâu thuẫn, hồ sơ không có biên bản thực nghiệm hiện trường để chứng minh Chánh có đủ thì giờ thực hiện tội phạm, điều tra không xác minh được là có tên Đảng. Chánh một mực kêu oan qua cả hai lần xử sơ thẩm và phúc thẩm, khai bị ép cung. Hồ sơ không thấy có biên bản thu giữ tóc trong tay nạn nhân, không có biên bản lấy tóc và phân loại mẩu tóc trước khi gởi đi giám định, Chánh bị lấy tóc nhiều lần... Xét các lý do nêu trên, ngày 9/6/ 1990, Tòa án Nhân dân tối cao xử phiên giám đốc thẩm hủy bỏ cả hai bàn án nêu trên, và yêu cầu giải quyết lại từ giai đoạn điều tra!
Trước đây bà không biết chùa, miễu là gì. Từ ngày Chánh bị bắt, bà bắt đầu đi chùa. Không có tiền đóng một lần thì trả góp, mỗi ngày góp 1.000 đồng. Khắp nơi: Châu Đốc, Chứa Chan, Trà Cú, Tây Ninh, Phật Cô Đơn, chùa Ông... cho tới các đình, miễu gần nhà. Bà cầu khấn Phật Trời nếu thằng Chánh quả thật giết người thì xui khiến nó nói cho bà biết, còn không phải thì phù hộ cho nó được minh oan. Tất cả các tiền cúng chùa, cúng dường, bà đều ghi tên Chánh để nó sống được phước, chết được siêu thoát.
Cực nhọc nữa là chuyện thăm nuôi. Tuy thằng Chánh không hề đòi hỏi gì, cho tiền nhiều nó còn không lấy nữa là khác, nhưng mỗi lần vô trại thấy món gì bà cũng muốn mua cho con. Rất nhiều khi mua xong rồi không còn tiền để về xe, bà phải lội bộ từ Chí Hòa về quận 8. Mỗi lần thăm không có bao nhiêu tiền, nhưng thấm thoát tám năm đã trôi qua, đi riết kiệt quệ mà không dám bỏ một lần nào, bởi trước có mấy lần kẹt chuyện không vô được, thấy nó giựt gió, tưởng nó bệnh, hỏi, nó nói không phải, tại thấy gia đình không vô thăm, nó lo nghĩ rồi nhức đầu. Nghe đứt ruột. Đã vậy, nó còn lo thêm cho người khác. Tuần rồi, nó kêu mua một vỉ ăm-pi, hỏi đau làm sao, té ra nó mua cho thằng Thanh cùng tù bị ghẻ. Nó ở tù ai cũng thương, vì hiền và hay giúp đỡ mọi người.
Mẹ nào mà chẳng nói tốt cho con! Tôi nghĩ vậy khi nghe bà kể liên tu bất tận về Chánh. Nhưng... Ngày 22/7/1994, lịch thông báo Tòa án Nhân dân TP. HCM mở phiên sơ thẩm xử lại vụ án Phạm Minh Chánh. Bên ngoài sân tòa án, đông đảo những nông dân ở quê lên, bà con lao động nghèo ở quận 8 ngồi chờ để được gặp mặt Chánh. Lối xóm đi dự phiên tòa gần 30 người. Bà Năm bán gà gần 80 tuổi, thằng Chánh hay ra phụ làm gà, làm vịt cũng bỏ buổi chợ mà tới. Còn bà mẹ của Chánh, từ sáu giờ sáng đã đi xe buýt tới tòa để đón bà con dưới quê lên, ấy vậy mà tới nơi đã thấy mọi người có mặt sẵn từ lúc năm giờ! Bà con tò mò hay sao? Chắc cũng có một phần, nhưng theo lời bà mẹ nói có lẽ là do “họ thương thằng Chánh”.
Trong một lần trò chuyện, tôi hỏi thật bà có tin con bà vô tội không? Nếu bà nói bà tin, cũng chẳng ai trách, bởi bà nói theo trái tim người mẹ. Thế nhưng, bà đã không làm thế. Bà nói rất thẳng thắn, mộc mạc, kiểu nói của người lao động nghèo: “Tôi cũng không biết nó có giết cô Hà hay không. Nếu thấy rõ ràng con tôi có tội, tôi chấp nhận chuyện mất nó. Còn giờ thì không ai thấy con tôi giết người, lối xóm cũng không ai
thấy con tôi hung dữ, đánh lộn hay quậy phá gì ai. Tóc thì thiếu gì người vô chải đầu trong phòng bảo vệ làm rớt tóc ở đó; vả lại lúc đó tóc thằng Chánh dài chấm vai, đâu phải tóc ngắn! Tôi chỉ mong tòa xử công minh”.
Bản án sắp tới sẽ ra sao? Tuần rồi đi thăm nuôi, bà nói Chánh buồn lắm, vì vừa được tống đạt cáo trạng, vẫn bị kết tội y như cũ. Thấy con vậy bà mới rầy: “Sống phải lo thân đã đành, để ra tù còn được khỏe mạnh mà làm ăn, còn chết cũng phải lo thân để chết cho đàng hoàng”. Ngày 22/7 phiên tòa hoãn xử. Tối đó, bà lo lắng đến nỗi không ngủ được, không biết có phải điềm xấu gì không? Luật sư trấn an, nói không sao, nhưng bà vẫn cứ lo, cứ sợ.
Trái tim người mẹ lại một lần nữa chịu thử thách.
Chuyện đời của một tử tù
Trong khi trả lời thẩm vấn, hắn thường xin tòa giải quyết cho rõ chuyện hắn có phải là con của bố hắn hay không? Lời nói cuối cùng trước khi tòa vào nghị án - sau khi đã nghe vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình - hắn vẫn lặp lại lòi khẩn cầu ấy. Điều đó, đã gần như một nỗi ảm ảnh của hắn?
Khi hắn sinh ra thì cha mẹ hắn đã có những mối bất hòa trong đời sống vợ chồng. Bố hắn nghi hắn không phải là con đẻ. Hắn lớn lên trong mối hoài nghi, ra đường bị những đứa trẻ cùng trang lứa gọi là “thằng không có bố”, căm lắm mà không làm gì được.
Năm 1972, hắn được 6 tuổi, bố được trên điều vào miền Nam công tác. Sau ngày giải phóng, ông nhận công tác tại bệnh viện Sài Gòn. Khoảng cách như một cuộc ly thân mặc nhiên. Suốt mấy năm ròng, tuy trên hình thức, cả hai anh em hắn đều lớn lên trong hoàn cảnh không có bố nhưng riêng đối với hắn, sự việc có vẻ như nặng nề hơn. Hai năm sau, bố hắn lập gia đình với dì T, năm sau nữa, hắn có một đứa em trai cùng bố khác mẹ. Bố, dì và em trai hắn cư ngụ tại TP. Hồ Chí Minh. 1985 - năm hắn thi hành nghĩa vụ quân sự thì cũng là năm bố hắn trở ra Thái Bình làm thủ tục ly dị với mẹ hắn. Giờ đây hai gia đình, hai tỉnh, hai miền... - về mặt chính thức - đã tách biệt nhau. Thật ra thì vẫn còn, còn có một mối liên hệ máu mủ cha con. Sau ba năm nghĩa vụ trở về, hắn theo học hai năm tại trường Kỹ thuật Cơ điện 1 và ra trường với nghề thợ tiện.
Anh hắn nói hắn lớn lên bình thường. Không! Không có vấn đề gì về tâm thần. Mấy năm trước hắn vẫn vào thành phố thăm bố, có lúc còn ở lại chơi nhà bố và dì T hàng tháng trời. Cả gia đình vẫn vui vẻ với nhau, không có chuyện gì mâu thuẫn cả.
Ngày 8/5/1994, hắn lên tàu vào TP. HCM, mang theo trong balô một trái lựu đạn, một con dao, một chiếc võng, ba đoạn dây dù dài 2 mét, một can nhựa 2 lít, 90 viên thuốc ngủ và một gói thuốc chuột. Hắn mua hai lít xăng đựng vào can nhựa, rồi khoảng 6 giờ rưỡi chiều ngày 10/5, hắn đến nhà bố và dì hắn. Ông bố đã đi công tác, bốn người gồm có dì T, em B, ông X và chị H đang ngồi xem tivi. Hắn ngồi xem tivi và nói chuyện với dì T cho đến hết chương trình. Khi dì T đóng của chuẩn bị đi ngủ, hắn cầm trên tay trái lưu đạn và can xăng đã mở nắp sẵn, nói nếu ai chống cự, hắn sẽ tưới xăng và cho nổ lựu đạn thiêu hủy toàn bộ.
Kết quả điều tra của công an nói rằng, hắn đã đòi chia tài sản, dì T đồng ý đưa cho hắn hai chỉ vàng và chiếc xe cub, nhưng hắn không chịu, hỏi chỗ cất tiền, vàng. Khi đã được dì T chỉ chỗ cất chìa khóa tủ, hắn lấy một cái can một lít cho thuốc ngủ vào pha với nước, rồi cho bốn người uống. Hắn kêu tắt hết đèn trong nhà, thắp đèn cầy lên rồi dùng dây dù trói bốn người lại. Hắn dùng bông gòn và khăn tay, cà vạt... nhét tai và miệng các nạn nhân, lấy áo trùm lên mặt họ rồi đi lục soát tìm tài sản. Lúc ấy, hắn thấy B cựa quậy, nên đã dùng hai tay bóp cổ B cho đến lúc B nằm yên!
Hắn nói rằng hắn chỉ định hù dọa thôi chớ không có ý định giết chết mọi người. Lúc buộc mọi người uống thuốc, hắn biết ông X và chị H chỉ uống giả vờ, nhưng hắn không nói gì. Những điều được mô tả lại qua kết quả điều tra nói trên, nghe giống hệt như trong một bộ phim bạo lực. Phải chăng hắn cố tình làm như thế? Tại sao phải cần đến rất nhiều động tác như thế?
Hắn ra mở cửa - loại cửa sắt kéo - để tẩu thoát nhưng mở hoài không được. Do sợ bị bắt, nên hắn lấy gói thuốc chuột ra uống tính tự sát, nhưng khi uống vào bị ói ra. Hắn vào giường nằm và thiếp đi. Đến 12 giờ khuya, ông X và chị H tỉnh dậy, tự cởi trói cho nhau, và nhờ người hàng xóm báo công an. Lúc đó, thì bà T và em B đã chết. Hắn bị Tòa tuyên án tử hình. Hành động giết người của hắn - như tòa nhận định - táo bạo, dã man, tàn ác, bất chấp đạo lý. Mẹ hắn ra khỏi phòng xử án, có người dìu hai bên. Bà vẫn nhắc đi nhắc lại câu “Ông không nhận nó là con. Hai mươi lăm năm nay, tôi đã ở vậy nuôi con để chứng tỏ là tôi không có quan hệ với người nào khác...”. Anh hắn nói: “Việc nó làm không thể nào bào chữa được, cho dù với lý do gì đi nữa. Thôi thì để cho pháp luật xét xử. Chỉ có điều chúng tôi biết nó không có ý định cướp của, cáo trạng nói vậy là oan cho nó!”. Ba hắn đã gởi giấy xin vắng mặt tại phiên tòa.
-------------------------------------
Bị cáo Đặng Minh Ninh, tức Đặng Duy Ninh, sinh năm 1966 tại Thái Bình. Bị TAND TP.HCM kết án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm ngày 27/09/1995.
Nửa đường công lý
Hầu như trong chúng ta ai cũng biết câu nói nổi tiếng: “Một nửa bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không là sự thật”. Sau phiên tòa ngày 9/2/1995 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang, tôi còn rút ra cho riêng bản thân được một điều, đó là: Nếu chỉ mới đi được nửa đường công lý thì gọi đó là công lý cũng được, mà gọi chưa phải là công lý thì cũng chẳng sai.
“Căn cứ điều 141, 142 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Căn cứ quyết định khởi tố bị can số....”. Vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân đang đọc cáo trạng. Trước đó, tôi đã được nghe đồn đại rằng đây là phiên xử “một vụ phản động”, còn nói theo ngôn ngữ chính thống thì bị cáo bị buộc hai tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội”. Nội dung sự việc đại để như sau: Từ cuối năm 1992, bị cáo Dư Ngọc Nguyên liên tục viết đơn, làm thơ gởi đi nhiều nơi trong tỉnh Khánh Hòa và Trung ương với nội dung nói xấu và chửi những vị lãnh đạo của tỉnh Khánh Hòa (trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND), và Nguyên cho rằng những người này trù dập và đẩy gia đình Nguyên vào con đường cùng quẫn. Đặc biệt, từ ngày 19/8/1994 đến ngày 11/10/1994, Nguyên đưa đi photo nhiều đơn thư nói xấu các vị lãnh đạo tỉnh, và mang đi nhiều nơi trong thành phố Nha Trang phát cho nhiều người, hoặc đi đến nhiều nhà, Nguyên bỏ vào nhà họ qua khe cửa. Vào các đêm 7 và 8 tháng 10/1994, lúc khoảng 0 giờ - 1 giờ sáng, Nguyên la hét chửi các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đêm 9/10/1994, Nguyên dùng thùng tôn gõ, la hét chửi những cán bộ, Đảng viên chi bộ chung cư A (nơi Nguyên cư ngụ) và các vị lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Khoảng 0 giờ ngày 11/10/1994, Nguyên lại tiếp tục gõ thùng tôn và chửi bới như trên thì bị công an phường bắt giữ.
Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tổng hợp từ 24 - 36 tháng tù cho cả hai tội, Hội đồng xét xử đã tuyên 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.
Tội như thế - hình phạt như thế. Mặc dù vị luật sư đề nghị “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” cho bị cáo, nhưng bản án treo chừng như thỏa đáng. Hầu như mọi người đều hài lòng, không ai có thể phản bác được gì. Đó là chưa kể ấn tượng tốt đẹp của phiên tòa. Bị cáo được phép trình bày đầy đủ những tâm tư suy nghĩ của mình, và thái độ đúng mực của những vị trong Hội đồng xét xử, oai nghiêm nhưng không đàn áp.
Nếu như không tính tới những gì còn nằm khuất đàng sau phiên tòa.
Tòa đã hỏi bị cáo Nguyên “Anh có bị bệnh tâm thần không?”. Bị cáo dõng dạc trả lời: “Không, tôi không bị tâm thần. Tôi làm vậy có chủ đích”. Vậy thì cớ gì một người có trình độ đại học - đã từng là giảng viên của trường công nhân kỹ thuật - lại có những hành động càn quấy như trên? Nguyên nhân nào đã khiến người công dân trí thức này phải ra trước vành móng ngựa vì một tội không lấy gì làm đẹp đẽ là “gây rối trật tự công cộng”, một người đã từng là Đảng viên lại chửi lãnh đạo Đảng và chi bộ? Trong phần thẩmvấn, bị cáo đã nói rằng cáo trạng chỉ nêu phần hiện thực mà không nêu nguyên nhân, và trong suốt diễn tiến của phiên tòa cho thấy nguyên nhân đó thoạt đầu chỉ là một việc cụ thể, nhưng qua năm tháng đã lớn dần lên và biến dạng. 6/9/1988, bị cáo Nguyên làm đơn tố cáo sự tham nhũng của một số người trong Ban giámhiệu trường CNKT - nơi anh công tác. Sau đó, anh bị cắt giờ giảng dạy. Tháng 7/1991, anh bị buộc thôi việc. Trong 6 năm 1 tháng - kể từ lúc khởi đầu cho tới khi bị bắt, Nguyên đã gởi đi tổng cộng 285 đơn thư, nhận được 25 lần “phiếu chuyển” hoặc báo tin đã nhận được hồ sơ của các cơ quan, 10 lần tới nhà riêng của lãnh đạo X (vì đăng ký xin gặp ở trụ sở không được), 2 lần tới nhà vị lãnh đạo Y, vài lần lặn lội ra tận Hà Nội... 4 lần làm đơn tố cáo (năm 1988 -1990) tuyệt nhiên không được xử lý. Người công dân khốn khổ đã kiên trì một cách kỳ lạ với những lá đơn của mình, và ở một mức độ nào đó, anh ta cũng đã thành công. Cuối cùng rồi cũng có kết luận thanh tra rằng những người anh tố cáo đúng là có phạm tội, và đã bị truy tố nhưng vì cả hai người đều chết - vì những lý do khác nhau - nên vụ việc được xếp lại.
Gần như toàn bộ Hội đồng xét xử không ai không cho rằng hành động chống tiêu cực nhiệt tình của Nguyên là đáng trân trọng, nhưng giá như mà anh ta bình tĩnh hơn. Nếu được vậy thì đâu có gì để nói. Than ôi, nếu rơi vào trường hợp phải gởi 285 tờ đơn và 25 lần phiếu chuyển thì không biết có mấy người giữ được bình tĩnh?
Không ai bênh vực những hành động càn quấy của bị cáo. Phạm pháp thì phải bị trừng phạt, đó là lẽ đương nhiên - cho dù vì lý do gì đi nữa. Nhưng cũng như bị cáo đã nhiều lần lặp đi lặp lại trước tòa rằng pháp luật phải bình đẳng, tôi tin rằng ai dự phiên tòa cũng đồng tình với bị cáo khi nghe anh lý luận tại sao những người không làm đúng pháp lệnh về giải quyết khiếu tố khiếu nại của công dân, lại không bị xử lý? Rằng có luật pháp nào cho phép đơn của anh bị chuyển lòng vòng trong một thời gian quá dài? Rằng quyền khiếu tố khiếu nại của anh đã bị xâm phạm nghiêm trọng, và sự việc đã được tiến hành quá sức bê trễ. Nếu như những tố cáo của anh mà được làm ngay thì anh đâu có phải bị buộc thôi việc, bị khai trừ Đảng, và bây giờ lại phải ra trước vành móng ngựa!
Việc không giải quyết kịp thời đúng mức khiếu tố khiếu nại của công dân thật ra không phải là chuyện riêng của một đơn vị, tổ chức nào, và cũng sẽ không phải là một lỗi lầm gì nghiêm trọng lắm nếu như không tính đến ở đây thân phận của một con người. Không kể bản án treo - việc bị cáo làm sai thì phải chịu hình phạt đã đành - nhưng còn một cuộc sống vất vả suốt 6 năm qua - mà Nguyên nói rằng đã có những lúc ba đứa con nhỏ của anh phải ăn cháo cầm hơi hàng tuần liền - còn một tinh thần bị kích động căng thẳng đến mức không còn phân biệt được đứng sai, và cuối cùng là một nhân thân xấu: bị khai trừ Đảng, bị buộc thôi việc? Nguyên có nói rằng anh sẽ kháng cáo tiếp. Tôi cố giải thích rằng theo tôi bản án như vậy là thỏa đáng, nếu anh tiếp tục là tiếp tục kiện để được phục hồi công việc và danh hiệu Đảng viên, chứ không nên kháng cáo, nhưng đó là việc về sau. Trước mắt, tốt hơn hết anh nên lãng quên - à không - tạm gác mọi chuyện để tìm một việc làm lo cho vợ và ba con nhỏ chứ đừng đi theo con đường cũ - dồn hết cả cuộc đời cho mỗi việc viết, photo và gởi đi các tờ đơn. Nhìn anh, tôi biết là những lời nói của tôi chỉ rơi vào khoảng trống.
Anh đang đứng ở nửa đường công lý mà cột mốc là phiên tòa 9/2/1995 - nơi anh vừa là bị cáo với hai tội danh “gây rối trật tự công cộng” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ...”. Anh đang xăm xăm muốn đi tiếp về phía trước - ở cuối đường - nơi anh tin rằng mình sẽ gặp được một phiên tòa, mà ở đó đứng trước vành móng ngựa sẽ là những viên chức nhà nước không làm tròn trách nhiệm, những cơ quan, tổ chức đã
quay lưng, ngoảnh mặt với khiếu tố khiếu nại của người dân. Ý định đó của anh hoàn toàn có thể hiểu được, chỉ ái ngại mỗi điều, nếu tình thế vẫn tiếp tục như 6 năm về trước, tôi e rằng trên con đường công lý đó, anh lại tiếp tục chỉ bước có một mình và vì không ai góp sức, không ai hướng đạo - biết đâu quẫn trí rồi lại cũng bị hụt chân?
Cô gái lạ ở tòa án
Trong lúc ngồi dự những phiên tòa, tôi rất hay gặp một phụ nữ. Lúc đầu tôi không để ý lắm sự có mặt của cô ta nhưng rồi sự chạm mặt nhiều lần khiến tôi phải chú ý. Đó là một phụ nữ ăn mặc xuềnh xoàng nhưng có gương mặt khá ưa nhìn. Cô ta hay ngồi ở hàng ghế trên cùng nhưng cũng có đôi khi tôi thấy cô ta chui vào trong một góc khuất của phòng xử án, ngồi thu mình lại như thể sợ bị người quen bắt gặp.
Lần đầu tiên tôi trò chuyện với cô ta là hôm xử vụ án bốn bị cáo can tội chống người thi hành công vụ. Trong tình hình rất cần tuyên truyền cho mọi người công dân “sống và làm việc theo pháp luật” thì viết về những vụ án như thế rất dễ được đăng bài, vì vậy tôi rất chú ý tới vụ án. Bốn bị cáo đứng trước vành móng ngựa mang đầy vẻ chân chất, quê mùa, gồm một ông già bị cụt một chân, một bà già và hai thanh niên. Hóa ra đó là một gia đình. Theo cáo trạng, khi tổ chống buôn lậu chặn bắt một xe chở hàng lậu thì Nguyễn Minh Tâm, con của ông Nguyễn văn Lum (là ông già cụt chân, thương binh 1/4 nói trên), đã tích cực chạy ra tuôn hàng xuống, sau đó đánh trả cán bộ của tổ. Xô xát xảy ra, ông già đã hành hung, rượt đuổi, đập phá xe cộ của đội kiểm tra. Thanh - anh ruột của Tâm chạy ra và bị trúng đạn vào chân. Bà già - cùng với cô con gái nhỏ - vì nghe la là chồng và con mình bị đánh chết nên chạy ra và cũng tham gia vào cuộc xô xát. Luật sư - bằng những câu hỏi đặt ra với một số cán bộ của tổ kiểm tra có mặt tại phiên tòa hôm đó - đã đưa ra một số nghi vấn như “chẳng lẽ một ông già cụt chân, một bà già già yếu như thế này - trong tay không có vũ khí - lại có thể rượt đuổi những cán bộ kiểm tra là những thanh niên trẻ khỏe, có mang súng?”. Ngoài ra còn tình tiết là lúc đó dân chúng rất đông, trời lại chập choạng tối, nên chính những cán bộ của tổ kiểm tra có mặt tại tòa cũng đã không xác định được có phải chính ông già là người đã đập phá xe hay không? Sau đó tòa có cho công bố một số lời khai của các nhân chứng khác.
Tôi đang lúi húi ghi chép thì cô gái từ đâu bất thần đến ngồi bên cạnh bắt chuyện khiến tôi giật thót mình.
- Luật sư nói hay quá hả chị?
Tôi chỉ ậm ừ, nhìn cô ta đầy cảnh giác. Cô ta nói tiếp, chừng như không thèm để ý tới thái độ của tôi: - Chắc chị là phóng viên? Em chẳng biết sự thực thế nào nhưng cho dù những người này có thật sự dữ dằn quá mức như vậy đi nữa thì em vẫn không chịu nổi khi phải nhìn thấy cái cảnh cả gia đình họ phải ra tòa. Mà họ đâu có được lợi lộc gì trong việc bảo vệ chủ hàng, họ chỉ là người vô can mà...
Tôi không dừng được câu hỏi:
- Cô là sao với gia đình ông Lum vậy?
- Không! - Cô ta lúng túng - Em chỉ là người qua đường thôi.
Chắc là cô ta nói thật nhưng dẫu sao thì tôi cũng nghi ngờ. Tôi vốn không thích những người hay chen vào chuyện của người khác.
Một buổi chiều cuối tháng 10, năm chín tư, tôi sang Tòa án Thành phố để dự một phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn văn Mót can tội truyền bá văn hóa đồi trụy. Phòng xử nhỏ hẹp, vốn dành cho những vụ án dân sự, lại đang buổi chiều nóng bức, không khí hết sức ngột ngạt. Tôi vừa kiếm một chỗ ngồi ở cuối phòng để cho thoáng, cầm tờ báo quạt lấy quạt để, vừa thầm nghĩ nếu chẳng phải vì công việc, chẳng ai ngồi đây vào lúc này. Đúng lúc đó thì tôi thấy cô ta. Mồ hôi ướt lấm tấm trên mặt, cô ta ngồi tuốt ở hàng ghế trên cùng, cũng chiếc áo màu xám trắng có điểm hoa nhạt trang nhã. Trong lúc Hội đồng xét xử thẩm vấn, cô ta nhìn như dán mắt vào bị cáo Mót. Mà thái độ của bị cáo này cũng rất lạ lùng. Đầu tiên, khi vị chủ tọa phiên tòa hỏi một câu nào đó chỉ đơn giản là để thẩm tra lý lịch thôi, vậy mà anh ta cũng im lặng như ngẫm nghĩ rất lâu, mãi không thấy trả lời. Sau đó, hầu như câu hỏi nào Hội đồng xử án cũng phải lặp đi lặp lại vài lần mới nhận được câu trả lời của anh ta. Hầu như không có lúc nào bị cáo ngẩng mặt lên, đầu cúi gằm như đang lạc vào một thế giới nào khác. Nhưng tôi còn đang để ý tới một người khác. Thái độ của bị cáo đã vậy, cô gái còn lạ lùng hơn. Cô ta như ngồi phải ổ kiến, hết nhìn như dán mắt vào bị cáo đến quay nhìn lên Hội đồng xử án, vẻ bồn chồn, bứt rứt. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng cô ta sắp nhảy xổ ra giữa phiên tòa. Giờ nghị án. Tôi xếp sổ tay lại ngao ngán. Chỉ có mấy cuốn băng sex cũ mua lại từ đống đổ nát ở Lăng Ông, cho mướn dạng lối xóm rỉ tai biết với nhau và bị cáo - “nhân vật trung tâm” của các ký sự pháp đình - thì lại thảm hại như thế kia! Tôi nhìn thấy cô gái đứng lên, tôi cứ tưởng cô ta sẽ tới gặp bị cáo Mót. Anh ta đang ngồi ở đó, đầu cúi gằm xuống, trơ trọi, trong khi người tù cùng ra phiên tòa với anh ta hôm ấy đang chuyện trò vui vẻ với người thân. Nhưng cô gái tiến thẳng tới chỗ đồng chí công an làm nhiệm vụ áp giải tù nhân, đang ngồi gần tôi. Tôi nghe cô ta hỏi là có phải người bị cáo này bị bệnh không? Và ở trong trại giam anh ta có như vậy không? Dường như anh công an gật đầu. “Anh ta cứ vậy đó, kỳ kỳ...”.
Tòa tuyên án bị cáo Mót 18 tháng tù giam và quản chế tại địa phương 2 năm. Cái án dường như có làmcho anh ta tỉnh ra hơn đôi chút. Tôi có cảm giác như anh ta đã giật nẩy mình. Nhưng lúc quay ra để đi về chỗ đậu của xe tù, tôi nhìn vào mắt anh ta cố tìm thử xem trong đó những cảm xúc gì, chỉ thấy một cái nhìn đờ đẫn.
Tôi chạm phải cô gái ngoài sân. Cô ta nửa như có vẻ muốn đi theo bị cáo Mót, nửa như không. Cuối cùng cô ta dừng lại và bắt gặp mình đang bị quan sát nhưng cô ta tỏ ra chẳng quan tâm. Cô ta nói, khi tới gần tôi:
- Chị... có tính đưa tin không?
Bình thường thì tôi đã nổi cáu lên. Tôi rất không thích ai chen vào công việc của tôi một cách đường đột như thế, nhưng hôm đó thì không: Gương mặt cô gái buồn thảm đến mức tôi chẳng dám nhìn vào. Tôi lúng búng trong miệng:
- Thì cũng định đưa, nhưng chắc thôi.
Tôi có cảm giác cô gái nhẹ nhõm đi, mặt giãn ra. Hình như cô ta định nói điều gì đó nhưng thôi. Thật lòng mà nói vụ này đưa tin thì cũng được nhưng từ trong thâm tâm tôi cũng thấy tội nghiệp cho bị cáo. Anh ta không bà con, thân thích, chẳng bạn bè, không địa vị, chức quyền, tài sản... đưa tên anh ta lên mặt báo hay không chắc cũng chẳng có hại gì cho anh ta. Nhưng trong tôi dường như có một tiếng nói nào đó bảo tôi rằng hãy nên để cho con người đó được yên, cộng thêm cái nhìn khẩn khoản của cô gái nữa. Đã đi được
mấy bước rồi, tôi quay lại, thấy cô ta vẫn còn đứng đó nhìn theo chiếc xe tù. Hoặc cô ta là người làm báo hoặc là người ngớ ngẩn (hoặc vừa làm báo vừa ngớ ngẩn), nhưng trông cô ta không có vẻ gì của cả hai loại người đó. Chẳng hiểu cô ta làm gì mà cứ thấy có mặt tại tòa suốt. Tôi quyết định hỏi thăm. Cô ta nói:
- Em không viết báo nhưng em có cộng tác với một số tờ báo. Thôi em phải đi nhé! Cô gái dợm bước đi. Tôi vội hỏi:
- Khoan đã, cô có thể cho tôi biết tên được không?
- Em tên Huyền, còn chị?
- Cúc. Thủy Cức.
Cuộc làm quen hôm đó đã khiến cho tôi và cô gái trở nên quen biết nhau hơn, mặc dầu vẫn không thân. Càng ngày tôi càng thấy Huyền rất dễ mến. Huyền giúp đỡ tôi một số chuyện, thí dụ như cô rất dễ làm quen với những người thân của những bị cáo thuộc loại “trời ơi đất hỡi”, hoặc những người hàng xóm mà cách ăn mặc và cử chỉ chứng tỏ họ thuộc một tầng lớp rất thấp trong xã hội. Nhờ vậy mà chúng tôi rất dễ được nghe những con người khốn khổ này thố lộ tâm tình. Ngược lại, đôi khi tôi làm le, bày cho Huyền một vài bài học làm báo vỡ lòng nào đó. Tàn phiên tòa nào - nếu Huyền có mặt - tôi thường cố tình dừng lại chờ Huyền để trao đổi đôi câu. Có lúc cô rất vui, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, nhưng cũng có khi cô chỉ gật đầu chào tôi, chẳng nói tiếng nào, lại có khi vừa ra khỏi phiên tòa, cô đã mất tăm.
Một hôm, khi đang ngồi với tôi tại phiên tòa, Huyền bỗng thấp giọng hỏi tôi:
- Có bao giờ chị sợ rằng mình ngồi đây riết rồi sẽ không còn cảm xúc không?
Điều này tôi đã nghĩ tới từ lâu nhưng thuộc dạng “tuyệt mật” không nói với ai, nay lại nghe một người lạ hoắc lạ huơ hỏi. Tôi giật mình, nhưng rồi trấn tĩnh lại:
- Sao Huyền hỏi vậy?
Huyền lắc đầu:
- À không. Em chỉ muốn biết... Tại em nghe nói. À mà không. Có một số anh làm báo lớn tuổi nói với em là làm báo lâu năm cũng dễ bị chai cứng cảm xúc nên em muốn hỏi chị cho biết. Sau đó Huyền không đề cập gì đến vấn đề ấy nữa nhưng tôi thì cứ miên man suy nghĩ. Rõ ràng Huyền đã chống chế, thế nhưng có lẽ nào câu hỏi đó chỉ là một sự tình cờ?
Tôi định kể cho Huyền nghe, nhưng chưa kịp kể. Chẳng những tôi chưa bị chai lì cảm xúc mà còn bị chê là cảm xúc nhiều quá nữa. Bài “Qua song sắt nhà giam” (Báo Phụ Nữ TP. HCM ngày 22/10/1994) của tôi viết đã được một đồng nghiệp - một người anh lớn tuổi - lưu ý rằng bài viết tốt, gây nên sự xúc động nơi người đọc về hoàn cảnh đáng thương của những nguời tù, nhưng coi chừng tôi đã quên đi một điều rằng những người tù này đã phạm pháp - đã có những hành động chẳng phải vừa - như giết người, lừa đảo chiếmđoạt tài sản của người khác hàng trăm triệu đồng... Thoạt đầu, tôi đã rất hăng hái cãi lại anh, nhưng sau đó, về nhà ngẫm nghĩ lại, thấy cũng đúng. Nhất là khi anh nói nếu như tôi đặt mình vào trong hoàn cảnh của người bị hại, liệu tôi có còn thương xót được cho những người tù như vậy nữa hay không? Tôi bèn nhớ lại cách đây mấy năm, lần tôi là người bị hại: Vừa mới lãnh lương trọn tháng xong, lại nhận giữ thêm một số tiền lớn của bạn bè (nhờ đóng hụi giúp), lại tháo luôn chiếc đồng hồ đeo tay - nữ trang duy nhất mà tôi có được - cất vào trong ví để rồi bị mấy tay anh chị ở đường Đoàn văn Bơ giả bộ đụng xe, lấy mất, khiến cho tôi mấy tháng sau đó vẫn còn khốn đốn. Từ đó, quả tình khi dự những phiên tòa mà các bị cáo can tội cướp giật tài sản công dân - dù là những bị cáo vị thành niên mà tôi vẫn rất thường hay không chịu nổi khi phải nhìn những gương mặt trẻ thơ ra đứng trước vành móng ngựa - tôi cố giữ cho lòng mình lạnh lùng.
Hôm tôi cãi nhau với Huyền là hôm TAND TP. HCM xử vụ án các nguyên thẩm phán, nguyên hội thẩm
nhân dân và nguyên chấp hành viên của Tòa án Nhân dân quận 3 can tội môi giới hối lộ. Tôi quan tâm tới bị cáo Q - người bị cáo buộc là đã đưa hối lộ. Ông Q đã ký giấy bán một căn nhà tọa lạc trên một miếng đất rộng cho ông H, nhưng sau đó đã đổi ý, chấp nhận đền gấp đôi tiền cọc (dư luận cho rằng vì lúc đó, giá đất bỗng vọt lên rất cao nên ông Q thấy mình bị hớ nặng). Phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Thủ Đức, ông Q thất kiện. Sau đó, có người môi giới giới thiệu cho ông quen biết với một số cán bộ TAND quận 3, ông đã có nhờ những người này giúp đỡ để ông được thắng kiện trong phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP. Theo quan điểm của tôi, tất cả những chuyện đó - kể cả chuyện hối lộ để mong được thắng kiện của ông Q hay chuyện làm môi giới hối lộ của các cán bộ TAND quận 3 - đều là những chuyện có thể hiểu được. Ai chẳng muốn phần lợi về mình? Duy có điều làm tôi băn khoăn đó là khi luật sư của ông Q nói rằng ông Q hầu như đã mất cả tài sản (miếng đất) trong vụ kiện dân sự - mà lẽ ra theo bà, trong trường hợp giấy tờ sang tên chưa đầy đủ như thế hoàn toàn có thể xử cho hủy hợp đồng. Nay nếu lại bị xử tù tội thì thật là “tuyệt đường sinh lộ”, mất hết cả hai thứ quan trọng của một con người đó là tiền bạc và sự tự do. Cho nên, bà xin Hội đồng xét xử quan tâm xem xét điều đó. Hội đồng xét xử sau đó đã nói vụ án trước là một phần khác, không dính tới vụ án hôm nay và việc bị cáo phạm pháp (đưa hối lộ) thì phải được xét xử theo luật pháp.
Tôi không biết phải viết sao về trường hợp này. Thông thường, những người đưa hối lộ cũng được tôi ghét ngang bằng với kẻ nhận hối lộ. Có khi còn ghét hơn vì trong vài trường hợp, họ - ý thức được sức mạnh của đồng tiền của mình - đã dùng tiền để mua lợi lộc cho mình và đẩy sự bất công cho người khác. Nhưng trường hợp này...(Tại phiên tòa còn có ý kiến là ông Q đã bị gài bẫy, nhưng vì ý kiến này đưa ra mà không có bằng chứng, nên không được ghi nhận).
Giờ nghị án, Huyền rủ tôi ra gặp bà V - vợ ông Q - cũng bị cáo buộc về tội đưa hối lộ, nhưng được tại ngoại. Theo lời bà V mô tả thì chồng bà thuộc loại người hào phóng - rất đông bạn bè, sống hết mình với bạn bè. Ông đã ký giấy bán đất trong một tiệc nhậu. Tôi thấy hình như Huyền cũng muốn khóc theo bà V. Tôi thì tỉnh táo hơn, nghe thì nghe vậy chớ có gì bảo đảm để tin rằng bà V nói một cách khách quan? Lúc trở lại phòng xử, Huyền nói với tôi:
- Chị đừng viết vụ án này. Em thấy có cái gì đó không ổn lắm.
- Cái gì đó là cái gì? - Tôi hỏi.
Huyền nói:
- Em có giở lại báo cũ, thấy các báo trong thời gian đó, đều đồng loạt đưa tin rằng ông Q đã không thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng mua bán nhà, rồi sau đó còn đi hối lộ để được thắng kiện. - Thì đúng rồi?
- Nhưng trong phiên tòa hôm nay thì ông ta không hẳn là một người như vậy.
Tôi cãi lại:
- Nhưng mình cũng đâu có bằng chứng gì để nói ngược lại rằng ông ta đúng?
- Em chẳng biết, chỉ thấy tội tội cho ông ta thế nào ấy. Nhất là ý kiến của luật sư về bản án sơ thẩm. Cho dù thoạt tiên ông ta có ý đồ xấu trong chuyện bán đất đi nữa thì giờ đây ông ta cũng đã mất hết... Cũng cái giọng ấy nữa. Trong khi tôi bực mình không biết phải viết như thế nào thì Huyền cứ lải nhải bên tai tôi. Tôi quạu quọ thốt lên:
- Chuyện đó để cho luật sư, hay những người nào có chuyên môn đi điều tra cho ông ta, còn tôi, tôi chỉ là người viết báo thôi, tôi không có nhiệm vụ phải làm chuyện đó.
Liên tiếp nhiều phiên tòa sau đó, không thấy Huyền đến tòa án. Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần, tôi bắt
đầu lo lắng. Đến giờ tôi mới nhớ là mình đã không hỏi địa chỉ của Huyền. Sự vắng mặt của cô, khiến tôi thấy tòa pháp đình như trống trải hẳn đi. Một thời gian sau đấy, tôi không viết được bài nào đáng kể, ngoại trừ một vài cái tin lẻ mẻ.
Nhiều ngày sau đó, tôi nằm mơ thấy mình gặp lại Huyền trong tòa án. Cô nói tên cô không phải là Huyền. Cô cũng không phải là người. Tôi lạnh toát cả người. Nhưng Huyền không có vẻ gì là ma quái. Trông cô dịu dàng, xinh xắn như một thiên thần. Cô nói cô là hiện thân của lòng nhân ái.
Bây giờ tôi mới chợt nhớ lại có lần cùng với cô chứng kiến cảnh một người tù đột nhiên nổi nóng, cãi lại lệnh của các công an. Cô đã bảo tôi rằng, lúc đó trái tim cô như muốn thót lên, vì lo sợ rằng người tù sẽ bị trừng phạt. Tôi đã phải bảo để cô an tâm rằng, chuyện đó không đáng lo. Vả chăng anh ta có bị phạt cũng đáng thôi. Cô nói nỗi lo của cô không biên giới. Lúc đó, tôi cứ nghĩ đó chỉ là một câu nói đùa.
Tôi hỏi - đau đáu nỗi sợ mất cô: “Cô là của tôi phải không?”.
Cô mỉm cười dịu dàng: “Phải, nhưng em cũng là của tất cả mọi người”.
Phải, và tôi đã hiểu vì sao khi vắng cô tôi đã không làm việc được. Nếu ở tòa án mà không có mặt cô, cuộc sống thật buồn thảm.
“Tổ ấm”
Ngày 15/12/1994 - Tòa án Nhân dân Quận Phú Nhuận xử vụ ly hôn của ông T.T.Đ và bà N.T.T. Một phiên tòa xử ly hôn ở một tòa án quận, nhưng lại có khá đông người tham dự: khoảng 20 thành viên hai tổ ấm H.T và T.T (nhưng sau đó một số em dưới 16 tuổi phải đi ra vì không được phép dự phiên tòa), mười mấy sinh viên của khoa Phụ nữ học (Đại học Mở - Bán công), một số đông những người làm công tác xã hội và đặc biệt, có khá đông phóng viên. Hai lần vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố nội quy, nhắc nhở những người tham dự không được quay phim, ghi âm, chụp ảnh những gì diễn ra tại phiên tòa, càng làmcho không khí thêm phần quan trọng. Tại sao? - Chịu không thể hiểu. Tôi chỉ đoán có lẽ là do “thân thế” đặc biệt của một bên ly hôn: ông T.T.Đ - là một nhân vật nổi tiếng. Cách đây mấy năm, ông đã tự bỏ tiền riêng thành lập tổ ấm H.T, đi nhặt những trẻ lang thang, bụi đời về chăm sóc, nuôi nấng, thương yêu như con ruột. Và gần đây, cũng chính ông - theo một số bài báo đã đăng - đã làm nên một kỳ tích khác: giả làmkhách làng chơi để xâm nhập vào thế giới của các cô gái mại dâm, phát cho họ một cạc-vi-dít có địa chỉ của tổ ấm T.T. do ông thành lập, để rồi sau đó nếu người nào tìm đến, và có ý muốn quay trở lại cuộc sống bình thường, sẽ được ông tiếp nhận vào tổ ấm và giúp đỡ tận tình, tới nơi tới chốn. Một con người như thế, nay lại phải đối đầu với những cơn sóng gió trong đời sống gia đình quả là điều ngang trái. Phải chăng điều đó làm cho nhiều người muốn có mặt tại phiên tòa?...
Bà T được Hội đồng xét xử mời nói trước. Bà cho biết bà và ông Đ tự nguyện sống chung năm 1985, nhưng không đăng ký kết hôn. Hai tháng sau ngày cưới, giữa hai người đã phát sinh mâu thuẫn. Bà T cho rằng vì bà không chịu theo đạo, và vì có ông L- một người quen cũ của bà - tới tìm, nên ông Đ không đồng ý, hay đánh đập bà. Bà liên tiếp làm đơn xin ly hôn và tới năm 1989, TAND quận Phú Nhuận xử cho hai người ly hôn. Thế nhưng, ba tháng rưỡi sau khi ly hôn, bà T và ông Đ trở lại sống chung, và lần này có làmgiấy đăng ký kết hôn hẳn hoi. Nhưng sau đó cuộc sống gia đình vẫn không hạnh phúc. Bà T nói khi trở lại với chồng, bà nghĩ đến tương lai của hai đứa con (tòa xử cho bà được nuôi, và bà đã phải đi làm nhà hàng để nuôi con) và vì tin rằng chồng bà đã biết nghĩ lại. Nhưng rồi không ngờ chồng bà vẫn không thay đổi tính tình mà còn tệ hại hơn. Chuyện “chơi bời” của ông Đ trước đây cũng có nhưng giờ thì với cả bạn bè của bà và với kẻ ăn người ở. Ông Đ vẫn tiếp tục đánh bà, bà đang có thai cũng đánh, mới sinh xong cũng đánh. Cửa hàng đồ gỗ bán trả góp một tay bà lo, ông Đ đi suốt, khi chưa có tổ ấm H.T thì nói là đi lo công việc, có tổ ấm thì bảo bận việc tổ ấm... Cuối cùng bà T cho biết lý do xin ly hôn của bà lần này là vì một nỗi lo âu lớn nhất: chồng bà vẫn luôn luôn nhắc lại quá khứ của bà. Trước khi nhận trầu cau, bà đã nói thật cho chồng biết, và ông Đ đã hứa không bao giờ nhắc lại. Khi lấy ông Đ, bà đang làm công nhân xí nghiệp Đ.X.D. số 1, bà đã tự bỏ nghề cũ, muốn xây dựng lại từ đầu. Lẽ ra ông Đ phải nâng đỡ, dìu dắt vợ, nhưng
lại lấy điều đó châm biếm. Theo lời bà T, ông Đ còn nói với con của họ rằng “Mẹ con là một con đĩ!”. Có lần bà đã bị chồng đánh, đuổi ra khỏi nhà, phải ngủ ngoài đường một đêm. Lời trình bày sau cùng của bà là: “Anh Đ coi tôi như đầy tớ không công, đánh đập tàn nhẫn, vu vạ, nói con tôi không phải là con của ảnh, đối xử với mẹ con tôi không còn tình người, nên tôi xin ly hôn”.
Tôi có cảm giác rằng tất cả những người tham dự phiên tòa đều căng thẳng chờ nghe phát biểu của phía bị đơn. Nếu chỉ nghe những lời bà T vừa trình bày trước tòa thì thấy người đàn ông này có một tính cách quá xấu xa. Thế nhưng những người nhiều kinh nghiệm đều biết rằng trong những cuộc ly hôn, mỗi bên thường có khuynh hướng nói thêm về những tật xấu của người kia. Vì vậy đừng vội đánh giá...
Ông Đ nói mâu thuẫn không phải từ năm 1988, mà là ngay từ tháng 4/1985. “Tôi lấy bà T xấu nết, tôi chấp nhận nết xấu đó, nhưng tôi không ngờ cô ấy...”. Tòa hỏi “xấu nết” là sao? Ông nói “Cô ấy là gái mại dâm...”. Cả phòng xử ồn ào. Luật sư của bà T đứng bật lên yêu cầu Hội đồng xét xử không cho phép ông Đ nói phạm đến những điều thuộc về cuộc đời riêng của người khác như thế. Sau đó ông Đ tiếp tục trình bày. Ông nói ông phát hiện bà T quen ông N.V.L., ông đã bắt ông L phải làm cam kết cắt đứt quan hệ với vợ ông. Sau đó ông còn phát hiện vợ ông quen với ông S là giám đốc của B.N.R. Tòa hỏi “Mâu thuẫn chính là gì?”. Ông nói mâu thuẫn chính là vợ ông đặt vấn đề tiền bạc trên hết - lúc đó ông quá nghèo - và vì vợ ông muốn công khai với ông S. Sau đó ông Đ trình bày tiếp rằng sau khi ly hôn lần 1, ông đã bắt gặp quả tang vợ ông bán bia ôm. Do ông đã sai lầm đi “phá” quan hệ của vợ ông với ông S, “móc” bà ra khỏi nhà hàng nên bà bực, không hài lòng, sống với ông với sự trả thủ, câu kết với đám bia ôm để vu cáo ông đi bia ômvà gài bẫy ghi âm ông với người giúp việc, nhưng không được...
Tôi không ngăn được tiếng thở dài. Ôi sao mặt trái của cuộc hôn nhân nào cũng thế. Nếu những lời lẽ nêu trên đều đúng hết thì cuộc sống gia đình của họ làm gì có cái gọi là “hạnh phúc”, vậy mà cũng sống với nhau được đến ngần ấy năm trời.
Về phần con cái, bà T trình bày nguyện vọng xin được nuôi cả 3 đứa trẻ, không yêu cầu ông Đ phụ cấp nuôi con. Phần tài sản chung của hai vợ chồng gồm một căn nhà một trệt hai lầu sang nhượng lại (diện nhà nước quản lý), một cửa hàng đồ gỗ vốn khoảng 15 triệu, khách hàng còn nợ khoảng 30 triệu nữa, một xe Dream, một cúp cánh én, một tivi, một đầu máy, một cassette, một tủ lạnh, một điện thoại. Bà T xin được chia quyền quản lý sử dụng tầng trệt ngôi nhà để tiếp tục buôn bán nuôi con, chiếc cúp (để đưa con đi học và đi làm ăn), tivi, đầu máy, xin sử dụng chung điện thoại và xin chia đôi số vốn 15 triệu. Nhưng ông Đ không chịu. Ổng cho rằng tầng trệt căn nhà là tài sản riêng của ông vì ông đã sang nhượng lại sau khi ly hôn với bà T (lần 1), cho nên ông chỉ đồng ý tính giá trị xây dựng hai tầng lầu mới xây sau này trong quá trình chung sống với bà T, rồi chia cho bà T hai phần, ông năm phần, vì công sức ông nhiều hơn. (Tòa chứng minh rằng tầng trệt là tài sản chung của hai vợ chồng vì được sang nhượng trong giai đoạn chờ ly hôn). Ông nhắc đi nhắc lại rằng nếu như sau khi ly hôn lần trước, ông không cưới lại bà T thì bây giờ lấy gì mà tranh chấp căn nhà? Và công sức của ông nhiều hơn: “Tôi đã bỏ vô một tầng trệt và một giấy phép (kinh doanh)... Tôi có một mặt tiền (nhà) tôi đủ sức lấy bất cứ người nào...”, về những tài sản khác, ông Đ chỉ đồng ý chia cho bà T cái đầu máy và cái cassette, những thứ còn lại ông không chịu chia. Lý do: Chiếc cúp cánh én ông đã quyết định chuyển tặng cho tổ ấm H.T, tivi là tài sản ông có trước hôn nhân, giấy phép kinh doanh ông có trước hôn nhân, vì vậy ông không việc gì phải chia đôi số vốn cho bà T.
Tôi quay sang bên cạnh để tìm người đồng cảm. Chẳng lẽ một người đã có thể bỏ ra vài chục triệu đồng thành lập những tổ ấm nuôi dưỡng, giúp đỡ những con người bất hạnh xa lạ..., lại không tự nguyện chia sẻ được cho một phụ nữ dù sao cũng đã từng là vợ của mình - những tài sản cả hai người đã cùng nhau đóng góp xây dựng nên? Tuy nhiên, chuyện tài sản vẫn chưa phải là đỉnh điểm. Tôi và nhiều người có mặt tại phiên tòa hôm đó cảm thấy hết sức bất nhẫn cho số phận của một đứa bé: Bé V. Ông Đ cho rằng bé Vkhông phải là con ông mà là con của ông L. Suốt phiên tòa, ông đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu tòa cho mở vụ
án truy tìm cha đứa trẻ, ông, ông L và V sẽ ra Trung tâm Truyền máu và Huyết học để thử máu... Mặc dù Hội đồng xét xử đã phân tích rằng mối quan hệ giữa ông Lvà bà T đã chấm dứt trước khi bà T lập gia đình với ông Đ, và ông L - được mời thẩm vấn tại tòa - đã khẳng định bé V không phải con ông. Nhưng ông Đ vẫn khăng khăng.
Hội đồng xét xử đã chấp nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông Đ và bà T, cho bà T được quyền nuôi 3 con, và được chia những phần tài sản mà bà đã yêu cầu.
Chuyện ly hôn là chuyện riêng, rất riêng tư, của người ta, không là người trong cuộc thì tốt hơn đừng nên phê phán. Tôi chỉ nghĩ đến một điều khác. Một người đàn ông trước mặt đông đảo mọi người lặp đi lặp lại chuyện vợ mình là gái mại dâm, đi bán bia ôm; một người đàn ông nằng nặc đòi đưa một đứa trẻ con đi xét nghiệm, đòi mở vụ án truy tìm cha nó mặc dù nó chỉ là một đứa trẻ vô tội không có trách nhiệmgì trong lỗi lầm nếu có - của mẹ nó? Và cũng mặc dầu trong suốt thời gian dài vừa qua, nó đã sống trong gia đình ấy như một đứa con ruột thịt; một người đã không thương được đứa trẻ sống gần gũi với mình trong ngần ấy năm trời, liệu người đó có thể thương yêu được những đứa trẻ bụi đời xa lạ không?
Thẩm phán ra tòa
Vành móng ngựa ở Tòa án Nhân dân Thành phố sẽ phải ghi nhớ ngày 17/9/1994 ấy - ngày mà đúng trước nó là một thẩm phán, một hội thẩm nhân dân và một chấp hành viên của tòa án - những người xưa nay vốn chỉ làm công viêc phán xét, kết tội người khác, nay lại mặc chiếc áo tù.
Tòa đang mời một bị cáo đứng lên. Theo đúng thủ tục hiện hành, vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo rằng bị cáo đã nghe đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng, vậy những tội trạng của bị cáo được nêu trong cáo trạng có đúng không? Bị cáo, đầu ngẩng cao, dõng dạc: “Tôi xin được phép không trả lời câu hỏi này!”. Chưa bao giờ tôi nghe bị cáo nào trả lời như thế. Kể từ phút ấy, diễn biến của phiên tòa như cuốn hút lấy mọi suy nghĩ của tôi.
Lịch xét xử của tòa án chỉ ghi chung chung: Trần Minh Chí, Lê văn Luận, Trần văn Thuận... can tội môi giới hối lộ, làm sao biết được người đang đứng trước vành móng ngựa kia đã từng là thẩm phán Tòa án Nhân dân quận 3, người trong nhiều năm trời chỉ chuyên nhìn xuống vành móng ngựa với ánh mắt oai nghiêm?
Tháng 4/1993, tin “Một số cán bộ TAND quận 3 bị bắt tạm giam vì đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ” đã làm rúng động mọi người. Có thể sẽ có người cho rằng một cán bộ cấp quận bị bắt giam thì đâu có gì nghiêm trọng, nhưng sự kiện trên được dư luận đặc biệt chú ý, vì đây chẳng phải cán bộ thường mà là thẩm phán. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông V.T.Q. đã ký giấy bán nhà trên khuôn viên đất rộng tới gần 4.000 mét vuông ở An Phú, Thủ Đức cho ông H với giá 250 lượng vàng. Đã nhận truớc một số tiền nhưng sau đó ông Q đổi ý, không chịu thực hiện tiếp hợp đồng, với lý do là hợp đồng mua bán có nhiều điểm sai sót, còn dư luận thì cho rằng vì trong thời điểm đó, giá nhà đất lên cao vùn vụt, nên ông Q cảmthấy mình bị hớ nặng, thà đền bù gấp đôi số tiền đã nhận còn hơn. Bên mua kiện, TAND Thủ Đức xác nhận tính pháp lý của hợp đồng mua bán, và buộc ông Q thực hiện tiếp hợp đồng. Cho rằng mình bị xử ép, Ông Q kháng cáo. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, ông Q đã được giới thiệu làm quen với một người “làm ở TAND quận 3”, đó là Lê văn Luận, hội thẩm nhân dân. Luận khai tại cơ quan điều tra rằng đã được Q hứa
đền ơn 20 lượng vàng (và đã đưa trước 111 chỉ) để lo cho Q thắng kiện trong phiên tòa phúc thẩm bằng cách hủy hợp đồng mua bán nhà, nếu không thì cũng xử cho Q chỉ phải bán nửa căn nhà mà thôi. Luận móc nối với Trần Minh Chí, thẩm phán TAND quận 3, đưa cho Chí 60 chỉ vàng, nhờ Chí quan hệ với TAND TP - nơi sẽ xử phúc thẩm vụ kiện của Q - để giúp việc Q nhờ. Sau đó, Chí có bàn cách thực hiện yêu cầu của Q với Trần văn Thuận, chấp hành viên TAND quận 3, và đưa cho Thuận 25 chỉ vàng. Việc không thành, ngày 28/10/1992, TAND TP xử y án sơ thẩm, ông Q. đòi lại vàng, Luận, Chí, Thuận đã trả đủ số vàng 111 chỉ. Do có thư tố cáo, ngày 13/4/1993, Trần Minh Chí, Lê văn Luận và cả V.T.Q. - là người đưa hối lộ - đã bị bắt giam.
Vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa 17/9 đã nhận định: Tuy trước tòa, hầu hết các bị cáo - trừ bị cáo Luận - đều phủ nhận hành vi hoàn toàn hoặc một phần, nhưng qua những lời khai của các bị cáo, từ lời khai tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa, kết hợp với lời khai bị cáo Luận, thấy có nhiều mâu thuẫn. Đối chiếu các tình tiết, tài liệu, các nhân chứng khác... trong hồ sơ vụ án... đã có đủ cơ sở để kết luận các bị cáo Q, V (vợ Q) có hành vi đưa hối lộ và Chí, Luận, Thuận can tội môi giới hối lộ. Riêng bị cáo Chí, đại diện Viện Kiểm sát nói mặc dầu trong lời khai không nhận hết hành vi phạm tội, nhưng Chí đã có gặp Thuận, trao đổi với Thuận về việc căn nhà của Q và dù Chí và Q không hề quen biết nhau nhưng Chí đã nhiệt tình gặp ông D - người sẽ giải quyết vụ án phúc thẩm tại TAND TP - để nhờ xét xử, nên đủ căn cứ để xét tội môi giới hối lộ.
TAND TP đã tuyên án Chí 30 tháng tù, Luận 3 năm tù, Thuận 2 năm tù cho hưởng án treo. Tôi chỉ là người “ngoại đạo” không nắm hết trình tự của một cuộc xử án, ấy vậy mà tôi vẫn cảm nhận được bi kịch của ông Trần Minh Chí. Đã từng là thẩm phán, tất phải đủ bản lĩnh, phải biết rõ cách thẩm vấn một bị cáo như thế nào để bộc lộ ra được chứng cớ buộc tội hoặc minh oan, cũng như hiểu cách phải làm thế nào để phân minh ra được giữa những người thật tình không phạm tội với những kẻ cố ý dối quanh. Trước phiên tòa 17/9, nguyên thẩm phán Trần Minh Chí, đã lâm vào tình huống trả lời thẩm vấn, tuy có đĩnh đạc, khôn ngoan, nhưng quanh quẩn một hồi, rốt cuộc vẫn bộc lộ cho thấy hành vi môi giới.
Cuộc đời ai cũng có khi này khi khác, ai cũng có thể có lúc phạm phải lỗi lầm và phải nên được tha thứ. Chỉ phiền một nỗi có một quy ước trong xã hội rằng, có những người ở trong một cương vị nào đó không được phép phạm phải một thứ lỗi lầm nào đó, dù bất cứ lý do nào. Tôi nhớ mãi lời tự bào chữa của Trần Minh Chí[1]trước tòa khi nghe vị đại diện Viện Kiểm sát dẫn những điều khoản trong bộ Luật hình sự, trường hợp đưa và môi giới hối lộ, nhận hối lộ: “... bị phạt tù từ 3 - 15 năm trong các trường hợp: có tổ chức, dùng thủ đoạn xảo quyệt, tài sản hối lộ có giá trị lớn, vụ việc hối lộ gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều lần, làm mất lòng tin vào luật pháp...” Kính thưa vị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa hôm nay... Qua các vụ việc đã nêu, tôi nhận thấy có những điều sau: Thứ nhất, nếu cho tôi có hành vi phạm tội có tổ chức, xin được xem xét thế nào là có tổ chức, tôi chỉ gặp anh D trong lớp học và hỏi thăm ảnh thôi... (trích). Thứ hai, nếu tôi gặp thường xuyên và bàn bạc với anh Q thì tại sao anh Q đưa trực tiếp tiền cho Luận mà lại đưa lắt nhắt từng chỉ một?... (trích). Căn cứ điều 8 bộ Luật hình sự, điều 100... tôi không nhớ rõ lắm, vụ của tôi mức độ hạn chế: mình không tham gia, không đưa đẩy, đưa tôi ra xét xử là quá nghiêm khắc. Hoàn cảnh tôi một vợ bốn con, có cần thiết phải giam tôi không? Hãy tạo điều kiện cho tôi sửa đổi, trở thành một công dân tốt?...
Cứ cho là việc đưa ông ra xét xử là quá nghiêm khắc đi, nhưng biết làm sao được bây giờ, bởi ông đã được đặt vào một cương vị không được phép phạm phải bất cứ lỗi lầm nào, huống chi đó lại là hối lộ. __________________________
Chú thích:
[1] Trước tòa, bị cáo có thể nhờ luật sư biện hộ hoặc tự mình bào chữa lấy. Trong trường hợp trên, bị
cáo Trần Minh Chí tự bào chữa.
Vụ án làm bột ngọt giả
Giả dụ...
TÔI LÀ MỘT NHÀ THI HÀNH LUẬT PHÁP. Điều 167 Luật hình sự xử phạt tội làm hàng giả có 3 khoản. Khoản 1: Những người làm hoặc buôn bán hàng giả bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Khoản 2: Phạmtội thuộc trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội; hàng giả có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn; tái phạm nguy hiểm. Khoản 3: Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Bị cáo Trịnh thị Hồng Thảo đã bị bắt quả tang sản xuất bột ngọt giả tại căn nhà số... thuê của bà N. Bị cáo đã trộn hàn the vào bột ngọt, theo tỉ lệ 10 ký bột ngọt, 4 ký hàn the. Một ngày làm 6 thùng bột ngọt như vậy, bị cáo phải dùng tới 13 ký hàn the. Tội làm hàng giả là một trong những tội cần phải xử phạt nghiêm khắc, để có tác dụng trừng trị riêng và phòng ngừa chung. Trong trường hợp này, bị cáo đã làm giả bột ngọt, là mặt hàng thực phẩm, mà lại dùng hàn the - là chất độc hại, Vì vậy, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị truy tố bị cáo ở khoản 3, trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
TÔI LÀ MỘT THẨM PHÁN. Trong phần thẩm vấn trước tòa[1], bị cáo Thảo khai trong 4 tháng đầu, bị cáo chỉ trộn đường vào bột ngọt, nhưng sau đó, do đường cát để lâu dễ bị chảy nước, nên bị cáo đã thay đường bằng hàn the, và chỉ một tháng sau thì bị bắt quả tang (ngày 7/10/1993). Ngay khi vừa mới bắt đầu tiến hành thẩm vấn, chưa trả lời những câu hỏi về hành vi phạm tội, bị cáo đã nói rằng mình làm mà không nghĩ hành động đó có thể gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng người mua. Chỉ nghĩ rằng trộn hàn the tiện lợi hơn đường, vì không chảy nước, mặc dầu hàn the mắc hơn, 8.000 đồng một ký, trong khi đường chỉ có 5.200 đồng. Một bịch bột ngọt mua 7.800, bán cũng 7.800 đồng, trộn đường - và sau này là hàn the - vào, bị cáo lời được 400 đồng mỗi bịch. Sau khi trừ chi phí, còn được 150 - 200 đồng. Bị cáo đã thuê bốn người làm các phần việc như pha trộn, đóng gói, trả lương 100.000 - 200.000 đồng tùy theo hàng bán được nhiều hay ít. Những người này khai họ phải làm lén lút vì sợ bị phát hiện. Tính ra trong một thời gian ngắn, bị cáo đã tung ra thị trường một số lượng lớn sản phẩm độc hại, thu lợi 11 triệu đồng. Xét xử bị cáo ở khoản 3 là đúng tính chất hành vi phạm pháp. Cần phải có hình phạt nghiêm khắc tương xúng.
TÔI LÀ GÌ ĐI NỮA THÌ CUỐI CÙNG TÔI CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI TIÊU DÙNG. Nhà nào mà chẳng dùng bột ngọt? Và với một số lượng lớn bột ngọt giả như thế thì liệu gia đình tôi có tránh khỏi một lần - hoặc nhiều lần - đã sử dụng nhằm thứ bột ngọt giả ấy? Hàn the là một chất độc hại cho sức khỏe con người, đã bị nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng. Đối với trẻ em, chỉ cần liều dùng rất nhỏ 5-10 gram là đã có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Cứ thử tưởng tượng mỗi ngày gia đình, bạn bè và bản thân mình đã bị đầu độc, ngày này sang ngày khác. Mà phải chi người bán thu được một món lời to tát gì cho cam: Mỗi gói bột ngọt chỉ lời có vài trăm đồng bạc. Càng nghĩ càng thấy đáng sợ.
NHƯNG TÔI CŨNG LÀ NGƯỜI, và là một con người dễ mềm lòng. Bị cáo là một phụ nữ mà tất cả từ hình dáng, cử chỉ, nét mặt... đều in đậm dấu ấn của một cuộc sống nghèo khó, vất vả và dốt nát. “Trình độ văn hóa” lớp 2 không thể cho con người đó biết cái tên gọi Natri borate của hàn the và những độc tính của nó một cách tường tận. Trong lúc chờ tòa nghị án, không đừng được, tôi đã trò chuyện với chị ta. “Ai gợi cho chị cái ý trộn hàn the?”. “Có nhiều người trước đó đã từng làm và người ta bày cho”. “Vậy chị mua hàn the ở đâu?”. “Ở chợ Bình Tây”. “Người ta bán công khai à?”. Chị ta nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. “Người ta bán chung với các thứ đồ khô như đậu xanh, đường, bột mì... Không chỉ Chợ Lớn mà chợ nào cũng có và muốn mua bao nhiêu cũng được”. Con người đau khổ đó nói như than vãn: “Tôi đâu nghĩ nó độc, bởi thấy người ta làm thức ăn cũng mua nó trộn vào như mấy chỗ làm mứt, làm dưa cải đó...”. Người phụ nữ không biết lý luận, nếu không chị đã trình bày trước tòa để bào chữa cho mình: Mặc dầu có lệnh cấm sử dụng, thế nhưng tại sao chất độc ấy vẫn được bán, mua và sử dụng hàng ngày? Trên tay chị là một đứa bé mới hơn 1 tuổi. Sinh ra trong tù. Hai con. Chồng bỏ. Tòa kêu án 20 năm tù giam. Gương mặt tái xanh, nước mắt giàn giụa. Gần như phải có người dìu chị vào trong. Một người thân của chị nói gì đó, chị gần như thét lên: “Hai mươi năm tù. Trời ơi. Về tới trại, tao tự tử tao chết liền. Tao không sống đâu!...”.
Người phụ nữ đó đã sống gần nửa cuộc đời trong bóng tối của sự thất học. Và có lẽ cho tới khi hết hạn tù - Lúc đã gần hết cuộc đời, chị ta cũng vẫn không thể nào hiểu nổi vì sao hành vi trộn vào bột ngọt chất hàn the - một chất được bán rộng rãi ngoài chợ - lại phải chịu một hình phạt nặng nề đến vậy? __________________________
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 17/1/1995.
Hoa hồng xám
Hồi nhỏ, có lần tôi được cha dắt vào Tòa thượng thẩm để gặp ông bác họ làm thẩm phán. Tôi còn nhớ rõ như in cảm giác sợ hãi trước sự uy nghiêm khi bước vào tòa sảnh lớn, vòm nhà cao vòi vọi. Và khi xe tù đỗ xuống, từng hàng người đầu cắt ngắn, mặc chung một màu áo xám, lầm lũi đi dưới sự áp giải của cảnh sát. Cha dắt tôi đi qua rất nhanh, nhưng tôi thường trì níu tay ông lại. Tôi chưa ý thức được sự nguy hiểm của những con người lầm lũi ấy, chỉ cảm thấy họ như đang ở một thế giới nào khác, một thế giới u ám, đầy bí ẩn...
Phòng xử án B hôm 11/3/1994 đông chật người đến dự, dễ khiến người ta liên tưởng đến một vụ án nghiêm trọng, nhưng đó chỉ là một phiên tòa bình thường, xét xử một vụ trộm nhỏ và người mặc áo tù là một thiếu niên phạm tội vào năm 16 tuổi. Những người có mặt hôm đó phần đông là gia đình bị cáo và bà con lối xóm. Tôi tự hỏi chuyện gì đã khiến mọi người đến dự phiên tòa đông đảo đến vậy?
Vụ trộm khá đơn giản. Ba giờ sáng, bị cáo M lẻn vào nhà một người hàng xóm lấy trộm một tivi, một cassette và năm cuộn băng. Sau đó M đem những món đồ trộm được gửi vào nhà chị H ở gần đó, để nhờ chị H đem bán giùm. Chỉ trong ngày hôm sau, công an đã phát hiện, thu lại được toàn bộ tài sản mất trộm. M bị tạm giam từ tháng 10/1992 đến nay. Đã dự nhiều phiên tòa xét xử các bị cáo là người vị thành niên phạm pháp, nhưng tôi chưa gặp bị cáo nào có nét mặt ngây thơ như M. Trong quá trình thẩm vấn, một vị trong Hội đồng xét xử cũng đã nhận định bị cáo tuy hành động một mình khi lẻn vào nhà người lấy trộm, nhưng lại bộc lộ những suy nghĩ ngây thơ như “ăn trộm để phụ giúp gia đình” hoặc ăn trộm xong không tẩu tán tài sản ngay, mà lại đem gửi.... Ngồi bên cạnh tôi là một bà, thoạt đầu tôi cứ tưởng là mẹ của bị cáo, vì thấy bà cứ chạy lăng xăng. Bà giải thích sự có mặt của mình: “Hàng xóm! Đi ủng hộ tinh thần”, “Ủng hộ tinh thần?”. “Ờ, đây nè - Bà khoát tay về phía sau lưng - ở đây là hàng xóm không đó”. Mỗi lần luật sư bào chữa nêu lên một tình tiết giảm nhẹ, bà lại đệm thêm vào: “Đúng rồi, vụ trộm đâu có đáng gì, tài sản lấy lại được hết trơn. Đúng rồi, ai đời đi ăn trộm mà đem gởi. Bởi vậy thằng này còn khờ lắm. Chắc nhà nước sẽ tha cho nó thôi”. Mẹ của bị cáo có lẽ chỉ khoảng trên 40. Lúc tòa nghị án, mấy anh công an cho phép bà vào thăm con. Bà mẹ gầy còm, đen đúa ấy lấy tay vuốt tóc con, hỏi thăm nó chuyện ở tù, dấm dúi cho nó ít tiền rồi kéo tay áo chặm nước mắt.
Trong thế giới u ám và bí ẩn của những nhà tù - bất kể thời gian, không gian nào cũng vậy - có lẽ không có chỗ dành riêng cho những tâm hồn ngây thơ, những con người lẽ ra vẫn phải còn được ấp iu
trong hơi ấm bàn tay mẹ....!
Vụ án xét xử chín bị cáo can tội cướp tài sản công dân ở phòng xử A đã được hoãn lại. Không biết phải làm gì, tôi đi tha thẩn dọc các hành lang, tình cờ gặp một thanh niên vốn là nạn nhân của vụ cướp được mời tới làm nhân chứng. Anh nói: “Mấy người giựt xe tôi còn trẻ lắm. Lúc đó, chỉ mới bảy giờ tối. Hai đứa nhảy ra chận đường, một đứa đánh vào mặt tôi, đứa kia cướp xe chạy đi, đứa thứ ba chạy Honda tới chở thằng còn lại..” Không lẽ chỉ có một chiếc xe đạp Trung Quốc mà tới chín người bị truy tố? Ngươi thanh niên nói: “Chắc băng này phải cướp nhiều vụ nữa”. Phòng xử A đóng cửa, nhưng chốc chốc lại có người ra vô, thấp thoáng trong đó sắc áo công an. Ba cô gái vừa bước ra từ cánh cửa mở hé ấy, họ còn rất trẻ, khoảng 16, 17 tuổi. Một người trong nhóm có đeo phù hiệu học sinh. Một cô cho biết hai trong số chín bị cáo là bạn của họ, tất cả đều là học sinh trường H.G. Các cô vừa được phép vào thăm bạn xong. Một cô - có lẽ lúng túng cách xưng hô, không biết gọi bạn là “anh” hay “nó” nên cô nói trống không ở những đại từ nhân xưng: “... bị bạn bè lôi kéo chứ... không biết gì đâu!”. Tôi hỏi: “Sao các em không về đi, phiên tòa hoãn xử rồi mà?”. “Tụi em chờ bạn ấy ra rồi về luôn”.
Một ngày mà có tới hai vụ xử án, trong đó người phạm tội còn ở tuổi vị thành niên. Thấy tôi cứ bần thần, hai anh Thới, Trung - công an trại giam Chí Hòa - nói: “Giời ơi, tội phạm loại này nhiều lắm...”. Tôi nhớ câu thơ nổi tiếng: “Hoa huệ trắng trên bức tường cũng trắng, nhưng bóng của nó màu đen”. Tuổi trẻ ví như những nụ hồng vừa nở. Tôi cứ nghĩ, cứ mong những chiếc áo tù màu xám kia chỉ là bóng phản chiếu và khi màn đêm qua đi, hoa hồng sẽ trở lại sắc màu tươi thắm cũ...
Sự thờ ơ đáng sợ
Phiên tòa diễn tiến bình thường cho đến khi xuất hiện một bị cáo không mặc áo tù: bị cáo P.V.B. B đứng thứ 15 hay 16 gì đó trong số 18 bị cáo, chỉ đóng vai trò thứ yếu, đang được tại ngoại chớ không bị tạm giam như những người khác. Chủ tọa Hội đồng xét xử hỏi “Bị cáo có nói cô này không phải người đàng hoàng, khiến cho ba người phụ nữ kia bỏ đi, có đúng không?”. B nói “Dạ không” - “Sao không được? Thế tại sao mấy cô kia bỏ đi?” - “Bị cáo chỉ nói: Không tin! Nhà ở quận 5 mà đi lạc là không tin!”.
Người tôi nổi gai ốc. Câu nói bâng quơ, tưởng chừng vô hại đó đã đẩy em gái nhỏ mới 15 tuổi vào tấn thảm kịch khủng khiếp.
18 bị cáo bị Tòa án Nhân dân Thành phố truy tố tội hiếp dâm[1] đứng thành hai hàng dày trước vành móng ngựa, trong khi nạn nhân chỉ là một em gái nhỏ nhắn. Sự chênh lệch đó, giữa ban ngày và giữa phiên tòa như vầy mà còn tạo ấn tượng huống hồ thử hình dung cảnh tượng đêm hôm xảy ra vụ án (6/1993). Trong đêm tối mịt mùng giữa đồng ruộng vắng vẻ, một em gái nhỏ một thân một mình trơ trọi giữa hai chục gã côn đồ. Sự việc xảy ra cách nay đã gần 2 năm nhưng sự thảng thốt như vẫn còn hằn trong lời kể của L “...
Đông lắm chị ơi, bọn chúng đông lắm, đứa nào cũng cao lớn. Tụi nó đứng quây tròn chung quanh em, tất cả cởi áo quăng xuống đất thành một đống. Đứa nào đứa nấy mặt mày hung tợn. Không, không phải mấy đứa này đâu, tụi kia cao lớn lắm!”. Cô gái lặp đi lặp lại câu nói sau cùng. Bà mẹ của cô thở dài nói với tôi: “Nó lại lên cơn rồi đó cô. Bây giờ nó không còn nhớ gì nữa đâu, nói một hồi là cô sẽ nhận ra nó nói không đầu, không đuôi, lộn xộn lung tung hết...”. Rồi bà quay qua con, dịu dàng nói: “Kìa con, con nói vậy không đúng đâu.
Tất cả những người này đều khai nhận, công an cũng đã điều tra sự việc, sao con lại nói là không phải?”. Tôi xót xa nhìn L. Việc em rối loạn là lẽ đương nhiên. Làm sao em có thể nhớ rành mạch những điều xảy ra trong đêm kinh hoàng đó được? Nếu như em có hét lên rằng đêm đó vây quanh em toàn là loại người có răng nanh và sừng nhọn, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên.
Sáng ngày 28/6/1993, một người quen của gia đình L đi lễ ở nhà thờ C.T, nhìn thấy em ngồi cuộn tròn trong góc nhà thờ. Bà hốt hoảng, không thể nhận ra cô bé quần áo tơi tả, người lấm lem đầy bùn đất và máu, hai chân sưng tấy. L đã bị xô đẩy, bị lôi, bị nhấn xuống ruộng bùn, bị hiếp đâm, ngất đi tỉnh lại nhiều lần. Người đi lễ xúm lại ngày một đông, ai cũng khuyên em phải về nhà ngay. Nhưng em không chịu, nói má sẽ đánh chết. Cuối cùng người hàng xóm kêu xe đưa em về. Suốt mấy ngày sau đó, Lchìm trong cơn mê
sảng trong phòng cấp cứu bệnh viện N, và phải sau 3 tuần điều trị mới xuất viện được. Sau đó, gia đình đã phải đưa em đi điều trị ở chuyên khoa tâm thần. Các bác sĩ chẩn đoán em bị “loạn thần kinh lo âu sau khi bị hiếp dâm”. Tất cả thảm trạng đó có thể đã không xảy ra.
Theo lời khai tại phiên tòa và hồ sơ vụ án thì chiều ngày 27/6/1993, bị cáo B bắt gặp một cô gái trẻ chừng 15, 16 tuổi đang nói chuyện với 3 phụ nữ mặc đồng phục, có lẽ là công nhân một nhà máy nào đó. Cô gái khóc, nói mình đi lạc và xin mấy chị đưa về giùm. B đứng gần đó nghe thấy đã nói chen vào, tỏ ý nghi ngờ cô gái. Sau đó, ba người phụ nữ bỏ đi.
Lnói với tôi, em không chỉ nhờ ba chị công nhân trên. Em đã đứng ở cầu Nhị Thiên Đường rất lâu, cầu cứu những người qua lại. Có một lần, tưởng đâu em đã đuợc về nhà khi một anh thanh niên đi xe đạp dừng lại, nhưng rồi sau đó không biết nghĩ sao, anh lại bỏ đi. Không ai tin rằng em đi lạc. Cho tới khi trời sụp tối thì Lhoàn toàn mất phương hướng. Từ nhỏ tới giờ, Lkhông đi đâu ra khỏi gia đình. Sáng nay sau khi bị má rầy la, Lđi ra khỏi nhà, định đến chơi nhà một người bạn ở Bình Chánh, nhưng rồi em bị lạc đường.
Sau khi được đồng bọn báo cho biết tình cảnh của em L, T. V.D. đã lấy xe đạp chạy theo L, nói là để chở em về nhà. 6 bị cáo đưa Lvào khu ruộng phía sau trường mẫu giáo, dùng bạo lực để cưỡng hiếp, đồng thời 13 tên khác cũng kéo tới. Một số tên sau đó đã bỏ về khi thấy L bị ngất xỉu. Đến khuya, L được hai bị cáo K và T.A. chở về nhà dì của K với ý định tiếp tục hiếp dâm L. Em đã chạy thoát ra được một quãng đường, gặp một người đàn ông đang đi soi nhái. Em quỳ xuống lạy người đàn ông (sau này mới biết tên là B) xin đưa em ra công an xã giúp. Nhưng lúc đó, bị cáo H.V.T. chạy đến bảo ông già để anh ta đưa L ra công an xã giúp cho và một lần nữa, hy vọng được cứu thoát của L bị dập tắt. L rơi vào tay của đám thanh niên. Lần này, họ đưa em vào trường cấp 1 P.P. Ltiếp tục bị hiếp dâm ngất đi tỉnh lại nhiều lần.
Thảm trạng này một lần nữa đáng lẽ đã có thể không xảy ra, nếu như... Theo hồ sơ thì vì trời tối, L không nhận ra mặt của H.V.T. nên đã đồng ý đi theo anh ta, tưởng anh ta chờ giúp tới công an xã thật. Nhưng L kể với tôi rằng em nghe T và đám thanh niên hăm dọa ông B, nói nếu ông can thiệp vào, họ sẽ hành hung, vì thế ông đã bỏ đi.
Cho tới gần sáng thì anh S, một người dân sống ở gần trường cấp 1, nghe có tiếng động trong trường, đã chạy sang. Đám thanh niên bỏ chạy. Một số năn nỉ anh đừng tố cáo. Nhưng lúc này đã muộn. Người L đầy bùn và máu. Em được đưa lên một chiếc xe ba gác máy chở về quận 5, nhưng không dám về nhà, nên đã tìm đến nhà thờ.
L chỉ mới 15 tuổi, còn cả một cuộc đời rất dài ở phía trước phải mang theo một thương tật tâm hồn khủng khiếp. Hễ nhắm mắt lại là em lại nhớ về đêm ấy, những bộ mặt hung tợn, những con người cao lớn vây chặt chung quanh. Lẽ ra em đã có thể tránh được. Đã có ít nhất ba lần em có thể tránh được thảm cảnh mà nào phải đâu đòi hỏi một phép mầu, một hành động phi thường, hay một sự cố gắng quá sức cho cam. Tôi đã từng chạy qua luôn trước một cái vẫy tay xin đi nhờ, và luôn tự hào mình hành động đúng trong thời buổi quá nhiều chuyện cần cảnh giác này. Và tôi đã phải ân hận suốt sau câu chuyện của L. Lương tâm của mọi người liệu có thể yên ổn không, khi biết được rằng chỉ vì sự thờ ơ hay quá cảnh giác của mình, mà cuộc đòi của một cô gái nhỏ bị hủy hoại. Phép mầu của cuộc sống đôi khi bắt đầu từ một điều thật nhỏ.
________________________
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 11/4/1995.
Chiến tranh và thân phận của một người tù
Lý lịch của người tù:
Họ tên: Đỗ Hòa. Sinh năm 1959. Văn hóa lớp 8. Cha: chết. Mẹ: chết. Nghề nghiệp: sống lang thang công viên. Năm 1987: 9 tháng tù tội trộm cắp. Năm 1988: 18 tháng tù tội trộm cắp.... Trong dòng lý lịch buồn thảm đó bỗng nổi lên một chi tiết lạ: Năm 1978: đi Cộng hòa Dân chủ Đức tố cáo tội ác chiến tranh.
Tôi nhìn kỹ hơn người tù, tìm dấu tích của chiến tranh. Tôi nghĩ anh ta là thương binh, nhưng không phải. Gầy, khẳng khiu nhưng lành lặn. Chiến tranh đã không đụng chạm gì đến cơ thể con người này, sự tàn phá của nó ở chỗ khác...
1.
5 giờ sáng ngày 26/3/1992, anh T.V.T. tập thể dục chạy bộ đến công viên 30/4 thì thấy hai thanh niên: một đang cắt dây điện trên một trụ điện, một ngồi phía dưới. T chạy về khu nhà tập thể của mình gọi anh S là xung kích cùng chạy Honda quay trở lại. Lúc đó, việc cắt dây điện đã xong xuôi. Đỗ Hòa đang ôm bao dây điện đi trên đường Thái văn Lung gần công viên thì bị bắt. Sau đó, công an tiếp tục bắt được một người khác tên Lê Lộc và khám thấy trong người này có một cây kềm. Tại biên bản phạm pháp quả tang, Lộc và Hòa đều ký nhận là đã cùng nhau cắt trộm 7 ký dây điện.
Đỗ Hòa sống lang thang tại công viên đã mấy năm nay. Anh ta có vợ, có một con năm nay đã lên 3 tuổi. “Vợ anh chắc cũng là dân sống lang thang?”. Anh nói: “Không, vợ tôi là con nhà lành, nghèo, làm hồ. Nhà ở Nhà Bè. Cũng không cha không mẹ, cùng hoàn cảnh, quen nhau”. Anh nói thêm: “Nhưng vợ tôi cũng bỏ tôi rồi”. “Sao anh biết chỉ bỏ anh?” “Từ hồi tôi ở tù tới giờ, vô thăm nghe nói án này ít nhứt cũng 5 năm. Hổng thấy vô nữa, chắc nó bỏ luôn rồi...”.
Từ Quảng Ngãi vô thành phố, thoạt đầu chạy xích lô, nhưng sau đó thì ra công viên, sống lang thang không nghề nghiệp, cuộc đời của con người này xem ra khó có thể mà đi theo hướng khác. Hai tiền án và lần ra tòa lần này có lẽ khá đủ để cho thấy một cuộc sống không tương lai, không nghề nghiệp, nay công viên mai nhà tù - một cuộc sống có lẽ còn khổ nhục hơn cây cỏ.
Bị cáo Đỗ Hòa khai tại phiên tòa[1], người cắt dây điện là Hùng, tự Tám Ngón - cũng là dân sống lang thang, còn bị cáo chỉ giằng lại bao đây điện từ Tám Ngón, tính đi bán kiếm tiền xài. Hòa khai chỉ biết Lê Lộc khi gặp nhau tại trự sở công an phường. Sở dĩ Hòa ký vào biên bản phạm pháp quả tang là vì bị đánh chịu không nổi.
2.
Luật sư hỏi bị cáo: “Gia đình anh thuộc diện gia đình liệt sĩ phải không? Vậy anh cho biết là gia đình liệt sĩ như thế nào?” Đỗ Hòa nói giọng đều đều, đôi lúc có chậm rãi, như thể đang nói chuyện
của một ai khác: “Năm 1968, mẹ và mấy đứa em bị tàn sát trong vụ Sơn Mỹ. Năm 1969, cha là bộ đội, bị bắn chết. Chú là bộ đội đặc công bị chết. Ông nội là công an xã bị trúng mìn chết. Bị cáo về ở với ông ngoại, bà ngoại”.
Đại diện Viện Kiểm sát hỏi tại sao bị cáo ký vào biên bản phạm pháp quả tang? Bị cáo vẫn giữ câu trả lời “Vì bị ký”. Nãy giờ, những câu hỏi cửa Hội đồng xét xử nhìn chung đều xoay quanh hai chữ “tại sao” ác nghiệt đó. Nhưng dù cho bị cáo có nói đúng đi nữa thì có một thực tế là bị cáo bị bắt khi đang ôm bao dây điện. Đây đã là phiên tòa thứ 3 của bị cáo. Hai phiên tòa trước đây, phiên sơ thẩm đầu tiên, bị cáo bị kết án 3 năm tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Bị cáo làm đơn kháng cáo, xin giảmán. Phiên thứ 2 phúc thẩm, TAND tối cao quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm, yêu cầu tiến hành điều tra lại, làm sáng tỏ thêm chứng cứ, cần cho đối chất nhận diện... Và phiên thứ 3, phiên tòa sơ thẩm xét xử lại, lần này đại diện Viện Kiểm sát đã chuyển tội danh, truy tố bị cáo tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” với mức án đề nghị từ 10 đến 12 năm.
Việc xác định bị cáo có phạm tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” hay không, như đã nêu trên như vậy là một việc không đơn giản. Giờ nghị án, bị cáo vào ngồi đợi trong hành lang bên hông phòng xử án, chờ nghe Hội đồng xử án quyết định số phận của mình. Chuyện xảy ra cho bị cáo khá là hy hữu: Từ mức án 3 năm, chuyển thành việc anh ta có thể bị phạt tù từ 10 đến 12 năm.
3.
“Mỹ đổ bộ, bắn vòng tròn, không cho ai chạy ra ngoài vòng. Xong bắt dân tập họp giữa đồng ruộng, cho xuống một con kênh xăm xắp bùn. Lính Mỹ đông lắm, kê súng xả xuống bắn một lượt. Sau đó, một số lính Mỹ kéo đi đốt nhà, những người già chưa ra kịp bị chết thiêu. Những cô gái bị cưỡng hiếp, rồi xé xác quăng vào lửa... Mỹ quay lại lần 2, thấy con nít còn la khóc, một số người còn sống nên bắn tiếp lần nữa. Lại đi đốt nhà, đốt lúa gạo, giết hết heo, gà xong quay trở lại bắn tiếp lần 3. Coi như hết, chỉ còn tôi với hai đứa kia...”. Anh ta đang kể cho tôi nghe chuyện năm 1968. Tôi cố hình dung ra một em bé trai 9 tuổi hãi hùng như thế nào giữa cuộc tàn sát đó. Người tù ngồi đây đã sống sót nhờ nằm dưới những thây người chồng chất, trong khi mẹ và ba đứa em nhỏ của anh ta chết hết.
“Tôi bị Mỹ vớt đưa lên nhà thương Chu Lai, người máu không. Khám thấy không có thương tích gì, tôi nghe nói chuẩn bị làm giấy tờ đưa tôi qua Mỹ ở luôn, tôi tìm cách trốn về để coi mấy đứa em và bà già còn sống hay chết”. Anh ta nói thêm: “Lúc đó còn nhỏ vậy chớ tôi cũng khôn lắm, không biết đường đi nhưng cũng trốn chạy được về tới nhà...”. Tôi hỏi: “Tôi không hiểu tại sao lính Mỹ lại đưa anh đi nhà thương?”. “Vì có mấy nhà báo họ muốn phỏng vấn, quay phim vụ này” Tôi đã từng có dịp nghe kể về những tội ác kiểu diệt chủng, và xem những đống xương người chất chồng mà những người sống còn lưu giữ lại như một bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh, cũng thấy kinh hãi, thấy bức bối nhưng không trải qua thì cho dù có cố gắng đến mấy cũng sẽ không làm sao thấu hiểu được hết những nỗi thống khổ của người trong cuộc? Trong cuộc nói chuyện hôm ấy, tôi đã phạm phải một lỗi lầm: Tôi đã vô tình hỏi Đỗ Hòa rằng anh không bị thương, sao lính Mỹ lại đem anh vô nhà thương? Anh nói tại vì người anh đầy máu. Máu của những người khác, máu ngập đầy, con kênh, hầu như trở thành con kênh máu...
4.
“Ông nội làm cách mạng. Chú đi bộ đội. Sau đó, người cô ruột của tôi cũng tình nguyện đi bộ đội, nhà chỉ còn mình tôi, tôi được gởi lên bên ngoại ở. Sau giải phóng, tôi học tới lớp 7, rồi đi nước ngoài, sau khi đi về tôi nghỉ học luôn, phải nếu đi học tới lớp 12 thì có lẽ tôi tìm được việc làm, sống đỡ hơn bây giờ”. Đỗ Hòa tiếp tục những hồi ức dĩ vãng. Tôi chia sẻ với giọng nói như ngậm ngùi của người tù: “Vậy tại sao anh lại nghỉ học?” “Thấy hoàn cảnh nhà mình không được như người ta, nhà
cửa lụp xụp, xiêu vẹo, sống khó khăn, ông bà ngoại vất vả, nghĩ buồn nản quả bỏ học”. Hội đồng xét xử đã tuyên án bị cáo Đỗ Hòa 10 năm tù. Có những bị cáo ra tòa trong phiên tòa không có lấy một người thân, chuyện đó tôi cũng thường có gặp - có thể do người nhà không hay biết hoặc đã quá chán chê, nhưng không có ai như bị cáo Đỗ Hòa. Bởi những người tù kia tuy không có người thân hiện diện tại phiên tòa, nhưng ít ra họ cũng còn có mặt ở đâu đó trên cuộc đời. Bị cáo này thì không. Những người thân yêu gần gũi nhắt của anh ta đều đã nằm yên dưới đáy mồ. Không ai thăm nuôi khi anh ta ở tù. Ở tù không còn biết tin tức gì, ông bà ngoại của anh ta cũng không biết sống chết thế nào. Anh ta nói ông bà nhắn, kêu về hoài mà không có tiền về. Năm 1990, ra tù lần 2 tính tu, không phạm tội nữa. Thấy bao dây điện có thể bán kiếm được tiền nên giằng lấy. 7 ký dây, bán được chỉ trăm mấy ngàn không là tội trộm cắp đơn giản như anh ta nghĩ, mà là tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Người tù ra xe. Ấn tượng về anh ta chỉ có một điều duy nhất: anh ta một mình! Chỉ một người chờ đợi anh ta, đó là người bạn tù đang đợi để còng chung với anh ta một cái còng.
5.
Bóng đen khủng khiếp của chiến tranh dường như vẫn chưa qua khỏi trên số phận của người tù ấy.
Cô gái tâm thần
Những cô, bác, anh, chị, em - những ai giàu lòng trắc ẩn, sau khi đọc bài viết này, nếu có dịp đi ngang qua chợ Phú Định, hoặc khu vực cư xú Phú Lâm A, bắt gặp một cô gái điên chỉ mỗi ở tuổi đôi mươi, đang lang thang đâu đó trên đường, xin vui lòng dừng lại ít phút. Đừng hỏi chuyện, đừng an ủi, đừng khuyên lơn... bởi có thể sẽ còn làm cho cô gái hãi hùng thêm. Những cố gắng để vực dậy cô gái ấy bởi những người xa lạ và không chuyên môn như chúng ta, chắc sẽ chẳng có kết quả gì. Tôi mong mỏi cô bác anh chị nhìn thấy cô gái điên không phải để cho bản thân cô ấy - bởi điều đó giờ đây quá muộn - mà để hy vọng có thêm người cùng góp bàn tay chống lại một tội ác ghê tởm...
Cách đây không lâu, N.T.K.V. - Tên cô gái ấy - còn là một cô gái trong trắng, hiền lành. Mẹ ly dị về bên ngoại ở, chỉ còn V và một đứa em gái nhỏ sống với người cha nay ốm mai đau. Ngày ngày V phụ gánh chè đi bán cùng với người cô ruột, rồi phụ bán quán nước. Người cô này cho biết tuy đã bước vào tuổi hai mươi nhưng V không được lanh lợi như những người bạn đồng trang lứa. Có lẽ chính tính chất này đã đưa cô gái vào thảm kịch. V có người bạn trai tên là Dương Ngọc Vinh, sinh năm 1973, ngụ tại phường 12, quận 6. Tối 27/2/1994, sau khi uống say ở một quán nhậu trên đường Hậu Giang cùng với Hà Minh Tùng, Trần Thanh Phong, Lưu Tấn Đạt, Võ Hoàng Nguyên, Trần Ngọc Châu, Dương Minh Thuận - Vinh và Lê Thanh Hải đến nhà V. Cả hai đánh lừa V bằng cách rủ cô đi uống nước giải khát, nhưng sau đó đưa V vào chợ Phú Định, và dùng bạo lực để cưỡng hiếp V. Sự việc chưa dừng lại ở đó. Sau đó, Vinh còn đưa các tên Đạt, Phong, Châu, Tùng, Nguyên đang ngồi hát karaoke tại một quán trong xóm đến chợ Phú Định. Cả nhóm thay nhau hiếp dâm V cho đến khi cô gái ngất xỉu. Song sự việc vẫn chưa hết. Đến 1 giờ sáng 28/2, Đạt và Châu bảo đồng bọn về trước, cả hai sẽ đưa V về sau. Khi đến một con hẻm trong khu vực cư xá Phú Lâm A, cả hai tên lại dùng vũ lực hiếp dâm cô gái một lần nữa.
Vinh, Tùng, Đạt bị bắt, Phong, Hải ra đầu thú. Năm bị cáo đứng trước tòa[1](ba tên Nguyên, Châu, Thuận bỏ trốn) đã có hai ở tuổi vị thành niên. Đây là một phiên tòa có rất đông người tham dự - trong phòng xử lớn chỉ có vài chiếc ghế trống - và chỉ trừ vài nhà báo, cô và em ruột của người bị hại, còn lại đều là thân nhân, bạn bè của 5 bị cáo. Có rất nhiều gương mặt thiếu niên non trẻ, nhiều cô gái trạc tuổi 20, nhiều ông, bà già... Ngồi phía sau của phòng xử, tôi được nghe những tiếng cười rúc rích và những tiếng chửi thề mỗi khi có một bị cáo nào đó thật thà mô tả chi tiết cuộc hiếp dâm.
Chiếc bàn luật sư có tới ba người ngồi, hai người được luật sư đoàn chỉ định bào chữa cho hai bị cáo vị thành niên là Đạt và Tùng, và một người được gia đình nhờ bào chữa cho bị cáo Phong. Trước đó, trong phần thẩm vấn, luật sư của bị cáo Đạt đã hỏi mẹ của bị cáo, và bà mẹ này cho thấy trước nay không biết gì về những hành vi của con mình (từ tháng 9/1992 đến tháng 1/1994: bị cáo Đạt đã 6 lần bị công an quận 6 bắt cảnh cáo, giáo dục về tội trộm cắp tài sản công dân, và gây rối trật tự công cộng). Luật sư đã đề nghị
Hội đồng xét xử xem xét những tình tiết giảm nhẹ để khoan hồng cho bị cáo, và dẫn lời mẹ của bị cáo hứa sẽ chăm sóc, giáo dục con mình sau khi ra tù. Luật sư được chỉ định bào chữa cho bị cáo Tùng thì thừa nhận Viện Kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội nhưng xin xem xét mức độ phạm tội. Khi phạm tội, Tùng mới 16 tuổi, không tiền án, thật thà khai báo. Ngoài ra luật sư còn dẫn: “Bút lục 68 thể hiện rất rõ mức độ phạm tội của bị cáo. Bị cáo chỉ thực hiện được... nửa chừng thì bị cáo Châu vào bảo xuống...”, ngoài ra bị cáo Tùng còn tưởng V là gái mại dâm do Vinh kiếm về, chứ không chủ tâm phạm tội hiếp dâm, gia đình bị hại có làm đơn xin bãi nại cho bị cáo Tùng, cuối cùng, luật sư xin cho bị cáo Tùng được hưởng án treo. Với Trần Thanh Phong, luật sư cũng thừa nhận đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng bào chữa rằng vụ án có ba giai đoạn thì bị cáo Phong chỉ... có tham gia giai đoạn 2, tức là hiếp dâm sau những tên khác, không đánh, không chặn tay, chặn chân nạn nhân, nên hành vi có hạn chế hơn những tên khác. Bị cáo cũng tưởng V là gái mại dâm chứ không biết là bạn gái của Vinh, ngoài ra bị cáo cũng đã tự ra đầu thú, gia đình bị cáo cũng đã tích cực thăm hỏi gia đình nạn nhân, đồng thời gia đình nạn nhân đã làm đơn xin giảm nhẹ tội cho bị cáo... Do đó theo luật sư, mức án Viện Kiểm sát đề nghị (4 - 5 năm tù) đối với Phong là quá nghiêm khắc - nếu cân đối với những bị cáo khác có hành động phạm tội quyết liệt hơn...
Đại diện người bị hại là một phụ nữ lam lũ, ẵm theo một đứa nhỏ lếch thếch. Chị đứng lọt thỏm, nói ít và nói quá nhỏ. Khi tòa hỏi tại sao V - cháu chị, không tới dự phiên tòa, chị cho biết sau khi sự việc xảy ra, V bị bệnh tâm thần, và đã bỏ nhà đi mất cách đây hai tháng, không tìm được. Tòa cũng nói trong đơn, gia đình có yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng tiền thuốc, nhưng trong hồ sơ không có hóa đơn nào, nếu như chị không xuất trình được hóa đơn bây giờ thì tòa sẽ tách riêng phần bồi thường sang một phiên xử khác.
Khi tòa tuyên án Vinh 8 năm tù, ngay dưới hàng ghế tôi ngồi, nhiều tiếng xuýt xoa “Nặng quá!”, “Sao xử nặng quá vậy?”... những tiếng xuýt xoa tiếp theo nhưng mức độ ít hơn - dành cho bốn bị cáo kia: Đạt và Hải mỗi người bốn năm tù, Phong và Tùng mỗi người ba năm tù. Các bà mẹ khóc nhiều nhất, bà nào bà nấy mắt đỏ hoe. Các bà vây quanh lấy luật sư, hỏi thăm cách xin kháng cáo. Mẹ của Tùng chỉ nói được lửng câu “...Thằng Tùng còn nhỏ quá...” rồi khóc.
Phiên tòa cuối cùng tan đã lâu, nửa giờ sau, đám đông vẫn còn ngồi đầy sân tòa án gần chỗ xe tù. Hai bà mẹ tiếp tục khóc, một số bà khác tất bật hỏi thăm một vài nhân viên tòa án, rồi mừng rỡ ghi ghi chép chép điều gì đó. Không ai để ý đến người phụ nữ đại diện cho người bị hại vừa nhận ra sự vụng về của mình, đang chạy hỏi thăm người thư ký phiên tòa. Chị nói rằng 10 triệu đồng là số tiền gia đình xin bồi thường danh dự cho cháu, chớ không phải tiền thuốc, còn hóa đơn thuốc thì sau khi đưa V đi khám hai lần tại bệnh viện Chợ Quán, chị đã có nộp vô cho cơ quan điều tra. Người thư ký bảo là trong hồ sơ không có, vì vậy chị phải trở lại nơi nào đã nộp hóa đơn để hỏi. Còn tại sao lúc nãy khi được hỏi, chị lại không nói những điều này cho Hội đồng xét xử biết? Chị nói rằng chị run quá, nên không nghe rõ.
Ngoài chi tiết chỉ mới “phạm tội nửa chừng” hay “chỉ phạm tội giai đoạn 2”, còn lại những lời bào chữa của các luật sư rằng các bị cáo còn ở tuổi vị thành niên, không tiền án v.v... nghe không phải là không có lý; nỗi xót xa của các bà mẹ về mức án dành cho con mình xét về góc độ tình mẹ cũng không phải là điều không hiểu được, chỉ có một điều xót xa là dường như không ai để ý tới hình ảnh một cô gái điên đang lang thang đầu đường, xó chợ, không còn hiện tại, không có tương lai, chỉ có những mảng ký ức quá khứ thảm khốc!...
____________________
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 24/]0/1994.
Một phút và một đời người
Khi bị cáo Nguyễn Văn Nhứt nghe tòa án tuyên án tù chung thân, tôi có cảm giác người anh ta như rung lên. Trước đó mấy phút, lúc được nói lời nói sau cùng trước khi tòa vào nghị án, anh ta đã khóc, xin giảm án để còn được có ngày trở về với vợ con. Bản án chung thân như đã chấm dứt tất cả niềm hy vọng. Chung thân - có nghĩa là từ đây, con người này sẽ phải ở trong tù cho đến chết.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát vẽ lên bộ mặt gớm ghiếc của kẻ giết người. Bị cáo Nhứt và chị Được sống với nhau như vợ chồng năm 1986. Lúc đầu ở Đồng Tháp, sau dọn lên quê vợ Củ Chi. Trong sinh hoạt có mâu thuẫn, nên đến năm 1987, bị cáo về Đồng Tháp. Sau đó, bị cáo trở lên. Gặp T đến chơi, bị cáo ghen tức cho rằng T và vợ mình có quan hệ tình cảm. Khoảng một tuần sau, vào chiều tối ngày 22/3/1988, bị cáo đi làm về nhìn thấy T chở vợ mình bằng xe đạp về tại cổng nhà. T vào nhà nói chuyện được một lúc. Khi ra về, T đứng lại nói chuyện với Đ, anh của Được, thì bị cáo cầm cây đánh vào đầu T. Đ can, T ra lấy xe, nhưng chưa kịp lên xe đã bị bị cáo đánh tiếp nhiều cái vào đầu. T vùng bỏ chạy nhưng lại bị vấp té, chưa kịp ngồi dậy thì bị cáo chạy tới đánh liên tiếp vào đầu cho tới khi bất tỉnh. Sau đó, bị cáo bỏ trốn. T được đưa đi cấp cứu, nhưng đã chết tại bệnh viện vì chấn thương sọ não.
Phiên tòa[1]tiến hành trong khung cảnh một câu chuyện tàn bạo, nặng nề như thế. Ai nghe câu chuyện mà không căm phẫn? Chỉ gặp mặt người bị hại có một lần, chỉ thấy người ta chở vợ mình bằng xe đạp, cuộc nói chuyện cũng không gay cấn nặng nề gì, vậy mà bị cáo đã dùng cây đập liên tiếp vào đầu người bị hại cho tới khi bất tỉnh. Hành vi ấy - theo như đại diện Viện Kiểm sát - đã thể hiện rõ tính chất côn đồ, quyết tâm cao, bất chấp luật pháp.
Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bị cáo để làm rõ sự việc, nội dung chủ yếu xoay quanh lý do dẫn đến hành động giết người. Mặc dầu tại phiên tòa, bị cáo đã khai rằng trong lần gặp thứ nhất, anh ta đã năn nỉ T đừng tới lui với Được nữa, và hôm xảy ra vụ án, T đã chửi thề và hăm dọa sẽ “bắn bỏ” anh ta và đánh anh ta trước, nhưng Hội đồng xét xử không thừa nhận. Hội đồng xét xử đã công bố lời khai của các nhân chứng Được và Đ, cho thấy bị cáo đã ghen tuông vô cớ, dẫn đến hành động giết người. Kết thúc phần thẩm vấn, chuyển sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến của mình, cho rằng đã có đủ cơ sở để xác định bị cáo Nguyễn văn Nhứt can tội giết người, hành vi của bị cáo thể hiện rõ tính chất côn đồ, quyết tâm phạm tội cao, bất chấp luật pháp, và đề nghị xét xử bị cáo theo khoản 1 điều 101 với mức án chung thân.
Tôi cảm thấy đầu óc mờ mịt. Đâu là “điểm tựa” để xác định ai đúng ai sai? Nhứt thì một mực khai lúc T hăm dọa anh ta và cả sau đó, khi anh ta và T đánh nhau - chị Được và anh Đ không có mặt, thế nhưng trong bản khai mà Hội đồng xét xử công bố trước tòa, anh Đ khai rất rõ ràng diễn biến sự việc, hành động của Nhứt? Tự nhiên tôi ao ước phải chi anh Đ., người chứng kiến duy nhất - theo một vị Hội thẩm nhân
dân - có mặt tại tòa. Có thể anh sẽ khẳng định lại một lần nữa những lời khai của mình tại cơ quan điều tra, có thể không, mà cũng có thể anh chẳng giúp ích thêm được điều gì, nhưng như vậy vẫn còn hơn là không có mặt. Lúc đó thì vị luật sư đứng lên.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng - Phó chủ nhiệm thường trực Đoàn Luật sư TP.HCM[2], trong một lần trò chuyện khá hào hứng về nghề nghiệp, đã nói với tôi rằng dưới cái nhìn của ông, luật sư là người vẽ lại, chăm chút thêm cho bức tranh - tạm gọi là hoàn chỉnh hơn - về con người bị cáo. Do chức năng, nhiệm vụ, đại diện Viện Kiểm sát làm công việc “buộc tội”, khắc chạm những nét tối, những cái ác, còn người luật sư chuyên “gỡ tội”, dậm điểm vào đó những nét sáng, nét hiền - tất nhiên là phải khắc họa một cách trung thực. Để Hội đồng xét xử nhìn và phán xét.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nhứt là một “luật sư chỉ định” - nghĩa là ông không có thù lao từ thân chủ, ngôn ngữ bình dân gọi là “bào chữa chùa” còn nói cho lịch sự một chút là bào chữa không công. Thế nhưng nhìn cách thức ông chăm chút lại bức tranh, tôi cảm thấy đây là một họa sĩ rất nhiệt tình. Ông biết nhìn thấy ngay những chỗ nào cần nhúng cọ vào, vả khi đã xác tín rồi, cần mẫn, miệt mài, chăm chút đồ đi đồ lại những đường nét. Ông dẫn ra bút lục lời khai của những người hàng xóm để chứng minh hôn nhân của bị cáo và chị Được là hôn nhân thực tế; ông cũng dẫn lời khai để nói rằng có những chứng cứ cho thấy chị Được đã không tròn bổn phận người vợ, thái độ của chị đã dẫn tới thái độ sai của bị cáo Nhứt; ông dẫn giải sự việc để cho rằng lời khai của nhân chứng Được là không đáng tin cậy, sự ghen tuông của bị cáo là có cơ sở, là tâm lý hiểu được của bất cứ người đàn ông bình thường nào; và vì thế ông đề nghị xem xét truy tố bị cáo ở khoản 2. Luật sư đã lặp đi lặp lại lập luận của ông rằng sự ghen tuông của bị cáo là có cơ sở - ông cũng nói rõ tất nhiên không phải ai ghen cũng hành động tệ hại - bởi vì khoản 1 và khoản 2 khác nhau nhiều lắm. (Khoản 1 điều 101 là khoản có mức án nặng nhất, dành cho những tội phạm nghiêm trọng nhất trong các án giết người).
Sau phiên tòa, tôi có gặp vị luật sư ít phút. Ông có vẻ tức giận. Trong phiên tòa khi nãy đã có “sự cố”, trong lúc ông phát biểu, có người đã nhắc ông ngắn gọn vì không có thời gian. Lần thứ nhất, ông hơi chững lại, lần thứ hai ông nổi giận: “Nếu như quý tòa thấy không cần thiết nghe những lời tôi nói thì mời tôi bào chữa làm chi?” và “Khi quyết định thân phận một con người thì rất cần phải suy xét kỹ, phải nghe phân tích các chứng cứ...”. Lúc tuyên án, chủ tọa Hội đồng xét xử đã có nhắc nhở thái độ mất bình tĩnh đó của luật sư.
Người luật sư bước những bước dài hấp tấp về phía chiếc xe hơi trắng của ông đang đậu trong sân, vội vã, chỉ kịp trao đổi với tôi vài câu ngắn ngủi. Có vẻ như ông đang không có thời gian? Trong thời buổi “công nghiệp” hiện đại này, ai mà không vội vã? Sức ép của cuộc sống làm cho ai cũng cảm thấy mình như không có thời gian, và phải dè sẻn từng chút một. Chỉ có người tù. Anh ta còn tới cả nửa cuộc đời còn lại sẽ không biết phải làm gì để cho hết thời gian...[3].
_________________________
Chú thích:
[1] Phiên tòa ngày 21/12/1994.
[2] Hiện nay, luật sư Nguyễn Đăng Trừng là chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM.
[3] Ngày 19/4/1995, Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử phúc thẩm y án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nhứt mức án tù chung thân.
Vụ án Đào Xuân Thu
Phiên tòa diễn ra ngày 31/10/1995, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là đúng... 17 năm kể từ ngày xảy ra vụ án.
Tòa hỏi bị cáo Đào Xuân Thu: “Anh có đâm ông Bảy không?”. “Có!”. “Đâm mấy nhát?”. “Dạ thưa tôi không nhớ”. “Đâm ở đâu?”. “Không nhớ”. “Bị cáo có thấy ông Bảy nằm chết trên vũng máu không?”. “Thưa có”. “Cháu bé con ông Bảy, bị cáo khai là bị D bóp cổ nhưng giám định cho thấy có những vết dao đâm”. “Thưa, bị cáo không có đâm em bé”.
Nếu xét theo một số tiêu chuẩn được hầu hết nhiều người thừa nhận thì có thể nói Đào Xuân Thu là một người hạnh phúc. Anh có một người vợ đẹp, một đứa con ngoan, học giỏi. Anh có việc làm ổn định với thu nhập khá: đánh máy văn bản, đơn từ. Anh có nhà cửa - dù là nhà bên vợ - một ngôi nhà mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão.
“Tại sao anh ra đầu thú?”. “Trong thâm tâm bị cáo lúc nào cũng thấy bứt rứt chuyện mình đã gây ra. Bị cáo mồ côi cha từ năm 3 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi mấy anh em (khóc). Một mai mẹ chết, bị cáo sẽ không còn mẹ nữa. Bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều, quyết định ra đầu thú để nhận lãnh sự trừng phạt của luật pháp”.
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) hỏi bị cáo: “Anh khai rõ những ai tham gia việc giết ông Bảy?”. “Chỉ có bị cáo đâm ông Bảy”. “Khi án mạng xảy ra có mặt D và P”. “Bị cáo kêu P tới nhà ông Bảy để chở bị cáo về, vì bị cáo đến đó bằng xe buýt”. “Tôi nhắc anh nhớ tôi có toàn bộ hồ sơ vụ án trước đây. Anh khai nghe không lọt tai được. Anh muốn tôi nói diễn tiến từ đầu tới cuối không? Anh không muốn nói lên sự thật. Chính anh là người chủ mưu, đi xem xét địa hình và hoạch định kế hoạch”. (Cáo trạng nêu đây là một vụ giết người có tổ chức, bị cáo Thu đã hẹn cùng với D và P đến nhà nạn nhân thực hiện ý định, nhưng Thu không nhìn nhận là có tổ chức).
Đào Xuân Thu đã trải qua gần 16 năm sống ngoài vòng pháp luật. Chỉ có thời gian đầu vất vả nhưng khoảng thời gian 11 năm sau đó, anh sống khá an toàn. Sau ngày gây án mạng (8/11/1978), Thu trốn tại nhà một người bạn. Anh làm một chân vấn thuốc lá điếu cho một cơ sở ở quận 4. Nghề này thường làm vào ban đêm, ban ngày được chủ cho ngủ để lấy lại sức. Anh cảm thấy an tâm, vì sau hai năm chưa bị phát hiện. Sau đó, Thu làm quen với các bạn ghe đậu ở bến sông Tôn Thất Thuyết. Thấy anh có sức khỏe lại nhanh nhẹn, nên họ cho anh đi theo ghe buôn bán khắp vùng sông nước miền Tây. Thời gian này, anh có nhiều dịp để trốn đi nước ngoài. Đi vượt biên trót lọt thì coi như xong. Gia đình
Thu trong một thời gian dài không được tin tức gì của anh, cũng nghĩ rằng anh đã vượt biên, thế nhưng anh đã không đi. Chỉ vì nghĩ thương mẹ, thương em đang ngồi tù, mà không đành. (P là em ruột của Thu và D - bạn P - đã bị bắt một tháng sau khi gây án, và đã bị TAND TP. HCM tuyên án P 18 năm tù, D tù chung thân).
Không trốn đi, nhưng cũng không đủ can đảm ra đầu thú - Thu thú nhận - mặc dù lương tâm anh luôn cắn rứt. Cho nên anh quyết định phải bằng một cách nào đó để tự cải tạo bản thân. Thu gia nhập Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) với đúng tên họ thật - chỉ khác địa chỉ cư trú. Sau đó, Thu được đưa lên Đắc Nông. Thu đăng ký vào tổ xung kích, khai hoang những vùng đất trước đây là vùng oanh kích tự do, còn đầy dẫy bom mìn, nhưng anh không sợ, bởi anh nghĩ nếu có phải cuốc nhầm mà chết thì coi như trả xong tội lỗi. Vì phấn đấu tốt, Thu được đề nghị kết nạp Đoàn. Mặc dù tổ chức cố xác minh lý lịch nhiều lần không ra - vì Thu khai địa chỉ không chính xác - nhưng vì có thành tích và đã trải qua thử thách nên tổ chức đã đứng ra bảo lãnh cho anh. Ngày 6/9/1984, anh đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đoàn và trở thành đối tượng Đảng sau đó.
Tôi cầm trong tay một xấp giấy khen của Lực lượng, bằng khen của Thành Đoàn, một giấy chứng nhận là Chiến sĩ thi đua năm 1985 mà Thu đã được tặng trong thời gian anh ở Đắc Nông, cùng với một cái thẻ Đoàn, bìa đã bị phai màu. Anh rất trân trọng, dặn mẹ gìn giữ cẩn thận những tài sản tinh thần đó. Năm1989, Thu được bổ nhiệm làm nhân viên Phòng cung tiêu, Nông trường cây công nghiệp Xuất khẩu số 7. Sau đó anh chuyển sang Tà Nung (Lâm Đồng).
Đại diện VKS (thẩm vấn tiếp): “Anh đưa cái quần tây cho P bán lấy 60 đồng, dùng tiền đó để đến nhà ông Bảy”. “Xin Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét, vì lương công nhân viên lúc đó chỉ có 32 đồng môt tháng, cái quần không thể bán được 60 đồng”. “Chuyện đó các anh khai chớ làm sao tôi biết được? Cơ quan điều tra không lẽ bịa ra?... Sau đó, các anh làm gì?”. (Bị cáo nói gì đó nghe không rõ). “Tôi hỏi sau đó các anh làm gì nữa? Các anh lấy giẻ lau chùi máu sợ bị phát hiện. Lúc đó mới 2 giờ sáng, các anh không dám đi, sợ bị dân phòng bắt nên chờ tới 4 giờ mới đi. Trong lúc đó, các anh lục soát tiền bạc, lấy súng... Anh dám ra nhận tội mà không dám khai sự thật, như vậy con người anh quá hèn. Anh là người có học, tôi nói vậy để anh hiểu”.
Chủ tịch HĐXX công bố lời khai của P cách đây 17 năm. P có mặt tại phiên tòa (anh đã được xét giảmán nên đã thi hành án xong). Trả lời chủ tọa HĐXX, P nói những lời khai trước đây của anh có cái đúng, cái sai, do anh bị biệt giam nên nhận hết để mong được xử sớm. P thừa nhận việc giết ông Bảy, nhưng nói rằng anh, Thu và D không cướp của.
Thu cưới vợ. Gia đình bên vợ anh là gia đình cách mạng. Anh không dám khai thật lý lịch của mình. Năm 1989, anh có con. Tháng 10/1990, Thu được giải quyết cho xuất ngũ vì hoàn cảnh gia đình. Có một thời gian anh làm việc tại công ty Thương mại Bình Tây (1991- 1992). Thời gian làm việc tại đây, theo như lời mẹ anh kể, anh giữ của đơn vị hàng trăm triệu đồng, nhưng không hề làm mất mát một đồng. Cả hai đơn vị Nông trường 7 và Công ty Bình Tây đều có giấy xác nhận Thu không vi phạm chế độ tiền bạc và thâm lạm công quỹ. Gia đình muốn chứng minh rằng anh không cướp của. Những món đồ các bị cáo lấy đi từ nhà ông Bảy là một cây súng colt 45 (công an đã thu hồi khi bẳt D và P), một radio (mà người vợ không đăng ký kết hôn của ông Bảy nói của bà nội cho, đã cũ lắm không có giá trị bao nhiêu), một đồng hồ (Thu nói của anh cho ông Bảy mượn nên anh lấy lại) và một số quần áo.
Tôi đến công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, nơi Thu cư ngụ. Công an khu vực cho biết những nămqua Thu sống tốt, không vi phạm gì ở địa phương.
Chủ tọa HĐXX đọc lời khai “... Tôi biết anh Thu có ý định giết ông Bảy, vì ông Bảy đã có rút súng hăm dọa anh Thu... Bé T, con của ông Bảy la. D chạy vào siết cổ, Thu đâm hai nhát vào sườn, sau đó em
bé chưa chết, D vào đâm tiếp một nhát nữa....” và nhận định “Các bị cáo giết em bé rất dã man”. Thu: “Bị cáo không có đâm em bé”. (D - đang thi hành án - gửi một tờ đơn tới tòa nói rằng chính anh ta đâm em bé ba nhát, nhưng HĐXX không chấp nhận lời khai này).
Ngày 7/2/1994 - 27 tết Giáp Tuất, Thu ra đầu thú. Vì sao anh lại đi nộp mình chịu sự trừng trị của pháp luật vào cái ngày gần Tết, vốn là những ngày dành cho sự sum họp gia đình? Vì hôm qua (6/2) là sinh nhật lần thứ 6 của con anh. Sau khi đọc báo Công An TP, bài của ông Mai Chí Thọ từ “Vấn đề tội phạm ra tự thú” và “Nỗi đau buồn và lối thoát của những gia đình có người thân phạm pháp”, Thu nghĩ đã đến lúc phải tự ra trình diện để lương tâm không bị dày vò và mong được hưởng sự khoan hồng. Anh nói tại phiên tòa “Bị cáo thấy có lỗi với xã hội, với công ơn sanh dưỡng của cha mẹ, với dì (dì bà con của Thu là vợ của nạn nhân). Bị cáo nghĩ tới mẹ và gia đình, chỉ sợ mẹ mất mà không nhìn mặt được - và nghĩ tới tương lai của con bị cáo sau này”.
Thu nhắc nhiều tới mẹ. Tôi cũng đã gặp mẹ anh, bà mẹ đã một hai khuyên con ra đầu thú. Chính bà đã cùng đi với con ra công an phường vào cái ngày con quyết tâm làm lại từ đầu. Sau khi Thu bị bắt giam, trong họ hàng có người nặng nhẹ, cho rằng bà đã giết con trai mình. Có người quen còn nói bà điên khùng, ngu dại. Có người đã hỏi nhau “Bà này có triệu chứng thần kinh không, sao tự nhiên lại đem con ra đầu thú vậy?”. Nhưng bà nói bà vẫn tin rắng mình đi đúng đường, bà vẫn “tin tưởng vào sự cứu xét khoan hồng và anh minh của Hội đồng nghị án để cứu giúp cho một gia đình của một người phạm tội đã có lòng hướng thiện...”.
Tôi cũng tin như bà. Mục đích quan trọng nhất của hình phạt là để giáo dục, cải tạo những người phạmtội trở thành người tốt. Những trường hợp không còn khả năng cải tạo mới phải dùng đến mức án tử hình, loại trừ phạm nhân vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội. Với tội trạng của Đào Xuân Thu, nếu bị bắt ngay từ năm 1978, có thể anh đã bị kết án tử hình, nhưng anh đã không bị bắt, và 16 năm qua anh đã sống - chẳng những như một người lương thiện bình thường, mà còn sống tốt. Như vậy - tôi nghĩ - chẳng có lý do gì luật pháp lại không khoan hồng cho anh, một khi anh đã tự cải tạo mà chưa cần đến sự trừng trị của hình phạt và nhà tù.
Nhưng HĐXX của phiên tòa hôm đó đã tuyên phạt Đào Xuân Thu mức án tù chung thân.
Tờ giấy không tâm hồn
Chiều 18/7/1994, Tòa án Nhân dân thành phố mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Lương Chí Cường, 17 tuổi, can tội trộm cắp tài sản công dân. Trước tòa, bị cáo phản cung, cho rằng vì bị đánh quá chịu không nổi, nên mới phải nhận tội. Hội đồng xét xử đưa ra những bằng chứng hùng hồn. Đại diện Viện Kiểm sát nêu nhiều lý lẽ đanh thép để buộc tội bị cáo. Trước những lý lẽ của đại diện các cơ quan thi hành pháp luật đó, bào chữa cho bị cáo chỉ là một tờ giấy...
Như thường thấy ở những bị cái vị thành niên, gương mặt của Cường vẫn còn nhiều nét trẻ thơ, dù rằng tiền án và tiền sự của Cường có thể liệt kê đầy một trang đánh máy: 13 tuổi bị bắt đưa vào Trường Thiếu niên 3 (trường nuôi dạy trẻ em bụi đời, lang thang, phạm pháp), được hai ba tháng gì đó rồi trốn; 15 tuổi bị công an quận 4 bắt giữ bảy ngày; 16 tuổi bị phạt 12 tháng tù vì liên can đến cướp giật... Tòa hỏi tên cha, đáp “không nhớ”, tên mẹ “không nhớ”, cả hai người đã chết từ khi Cường còn nhỏ lắm. Cường chỉ có một người anh ruột mà khi ra đứng trước tòa mặc bộ quần áo phai màu, xơ xác, chân mang đôi dép Lào mòn lẳn, tóc bù xù. Dường như anh chẳng biết gì về đứa em trai duy nhất của mình ngoài tên cùng năm sinh, và khi tôi hỏi Cường sống ở đâu, anh cũng không biết.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, lần phạm tội này của Cường xảy ra vào ngày 23/7/1993, trước hẻm232 Tôn Đản, quận 4. Cường giật dây chuyền của một cô gái đi xe Dream, chạy đuợc một đoạn thì bị một người đi đường bắt giữ. Anh này định đưa Cưòng về công an phường thì bị Cường rút dao đe dọa, nên phải buông cho Cường chạy, nhưng chạy chưa được bao xa thì Cường bị công an phường bắt giữ.
Ngay từ đầu phiên tòa, Cường đã nói rằng mình không có tội. Trước đó, khi được tống đạt bản cáo trạng trong trại giam, Cường cũng không nhận và viết vào lý do là vì mình không có tội, có ký tên. Đến khi đại điện Viện Kiểm sát công bố cáo trạng trước tòa, khi trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, Cường vẫn nói rằng nội dung của cáo trạng hoàn toàn không đúng, rằng Cường không hề bị bắt quả tang. Cường đang ngồi ăn kem, chạy ra đường chỉ vì nghe có tiếng la “cướp”, sợ quá, chạy thì bị bắt, Cường không cầm dao, cũng không cầm dây chuyền trên tay... Tòa hỏi: “Chữ ký trong biên bản phạm pháp quả tang có đúng là chữ ký của bị cáo không?”. “Dạ đúng!”. Tòa lại hỏi: “Thế tại sao bị cáo lại ký?”. Đáp: “Tại mấy anh đánh quá chịu không nổi, nên phải ký”. Sau đó, chủ tọa Hội đồng xét xử đã đưa ra những bằng chứng để chứng minh sự phạm pháp của Cường như đọc lời khai của anh thanh niên đã bắt giữ Cường: “Nhìn thấy một người giật dây chuyền và chạy, người đó trạc 16 tuổi...”, rồi đọc lời khai của cô gái bị giật dây chuyền mô tả màu áo của người giật đồ là màu trắng, đúng với màu áo Cường mặc hôm đó. Tòa còn nói thêm rằng bị cáo
chẳng phải tay vừa, vì trong lần phạm pháp trước đây, khi bị công an Quận 1 bắt, bị cáo đã không khai tên thật mà khai tên Nguyễn văn Cường (bị cáo nói rằng mình có hai tên), ngoài ra, bị cáo còn có tên khác nữa là Trần Ngọc Phúc. Tòa cũng nhắc đến những tiền sự, tiền án của bị cáo như một minh chứng.
Đại diện Viện Kiểm sát nói bị cáo phạm tội có tính cách chuyên nghiệp, một tiền án, rất nhiều tiền sự, lại không nhận tội, cần phải được xét xử nghiêm khắc. Tuy nhiên, cũng xét yếu tố tuổi đời của bị cáo còn nhỏ, đề nghị mức án từ hai đến ba năm tù.
Tôi quan sát nét mặt bị cáo: đầu ngẩng cao, môi mím lại, nhưng cũng có lúc gương mặt cao ngạo ấy cúi xuống. Một sự bướng bỉnh cả quyết, muốn chứng tỏ bản lĩnh, muốn tỏ ra mình khôn ngoan, muốn làm người lớn như vẫn thương thấy trong tâm lý của những đứa trẻ bụi đời nhưng đã thất bại chăng? Sau khi tòa đưa ra những lời khai để làm bằng chứng, bị cáo không nói gì nữa, và khi tòa cho được nói lời cuối cùng trước khi tòa vào nghị án, bị cáo chỉ nói ngắn gọn xin tòa cho được hưởng bản án cố định.
Tôi không hiểu bị cáo muốn ám chỉ điều gì khi nói “bản án cố định”, chỉ đoán phải chăng vì nghe ai đó mách bảo cho rằng bản án cố định nghĩa là có thời hạn giam giữ rõ ràng, chứ không như loại hình, phạt cưỡng bách lao động, dễ bị kéo dài thời hạn. Điều đó chỉ là phỏng đoán, nhưng qua tất cả những gì tôi chứng kiến tại phiên tòa này, khiến tôi cảm thấy rất rõ một điều là cho dù bị cáo có cố tình gian dối, cố tình trả lời quanh co, cố ý phản cung đến đâu chăng nữa, bị cáo vẫn bộc lộ sự non nớt - phải có - của một đứa trẻ.
Nhưng đó chưa phải là điều tôi quan tâm nhất trong bài viết này. Tôi muốn nói về một tờ giấy, một tờ giấy không có tâm hồn, đó là bài bào chữa của luật sư. Như một quy định rất có tính nhân bản của luật Việt Nam, trong các phiên tòa xử bị cáo ở tuổi vị thành niên, Đoàn Luật sư phải chỉ định một người để bào chữa miễn phí cho bị cáo. Tôi đã được dự nhiều phiên tòa mà ở vào chỗ ngồi trang trọng được dành cho luật sư bên phía trái của Hội đồng xét xử, chỉ là... một tờ giấy. Đó là bài bào chữa do luật sư soạn sẵn, gởi tới, còn luật sư thì đang bận một công việc nào khác ở đâu đó... Sau khi phiên tòa kết thúc phần thẩm vấn và chuyển sang phần tranh luận, nghĩa là sau lúc đại diện Viện Kiểm sát công bố kết luận buộc tội của mình, thì thay cho lời tranh luận của luật sư với đại diện Viện Kiểm sát, thay cho những lời hỏi han thân chủ của mình để làm sáng tỏ thêm chứng cứ, thay cho nhũng lời bào chữa đanh thép, những minh chứng cảm động rơi nước mắt cho những hoàn cảnh thường là đáng thương của những bị cáo vị thành niên v.v... và v.v... người thư ký phiên tòa sẽ đọc môt bài bào chữa soạn sẵn. Lời bào chữa này thông thường có thể áp dụng được cho mọi trường hợp, chỉ cần thay đổi họ tên bị cáo và tội danh. Trong phiên tòa có nhiều tình tiết rối rắm vì bị cáo phản cung như đã kể trên, bài bào chữa soạn sẵn của luật sư V.P.L. là: “... bị cáo cũng đã nhận hết tội... bản thân không nhận thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không được chămsóc, giáo dục tốt... nên xét giảm nhẹ mức án cho bị cáo...”. Quyết định của Hội đồng xét xử thế nào? Phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát ra sao? Mức án bao nhiêu? Luật sư không hề hay biết.
Làm sao có thể đòi hỏi gì hơn nữa ở một tờ giấy?
Vợ chồng
Khi trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử (HĐXX) tại phiên tòa, mỗi khi nhắc tới N.T.Q.A. - là vợ, là bị cáo thứ 2 trong cùng vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân” và cũng là người đã chết - bị cáo N.T.V. đều gọi đủ nguyên tên họ N.T.Q.A., N.T.Q.A... nghe khó chịu đến nỗi chủ tọa HĐXX phải nhắc: “Thì anh cứ kêu là cô A đi. Vợ anh chớ ai mà anh làm như người xa lạ vậy?”. Chi tiết đó, làm cho phiên tòa dù kết thúc đã lâu, nhưng tôi vẫn cứ nhớ hoài.
“Cáo trạng Viện Kiểm sát (VKS) truy tố anh như vậy có đúng không?”. Im lặng. “Tòa lặp lại. Hai tội VKS truy tố anh có đúng không?”. “Không!”. “Không đúng? Như vậy anh có tội gì không?”. Im lặng. “Bao nhiêu ngày tạm giam anh không suy nghĩ gì hết sao giờ này ra đây đứng hoài? Kéo dài phiên tòa làm mất thời gian, làm sao kết thúc được? Tòa nói lớn anh nghe, anh cũng phải nói lớn. Nghĩ gì thì mạnh dạn nói đi. Tòa nhắc lại lần nữa, lần này là lần thứ ba rồi. Anh có tội gì không?”. “Không!”. “9 tháng nay, anh bị giamvậy có oan không?”. Im lặng. “Sao câu nào cũng phải hỏi ba, bốn lần vậy? Nãy giờ tòa hỏi rất đơn giản mà anh cũng không trả lời được. Tòa hỏi anh oan hay không?”. “Dạ, bị cáo không biết!”. “Không biết là oan hay không à?” Nghe tới đây, một phụ nữ đứng tuổi ngồi kế bên tôi trong phòng xử án có lẽ chịu hết nổi, buột miệng nói: “Làm như con nít vậy. Cái gì cũng không biết hết!”
Khó khăn lắm, tôi mới nghe được hết những câu trả lời của N.T.V., vì anh nói rất nhỏ. Những câu hỏi tiếp theo, HĐXX hỏi chung quanh việc bể hụi của hai vợ chồng N.T.V. - N.T.Q.A. V khai Q.A. làm hụi ở nhà mẹ ruột trước khi hai người cưới nhau... Cho nên bao nhiêu người chơi hụi? Bao nhiêu dây? Khui hụi ở đâu? số tiền nợ hụi của Q.A. là bao nhiêu? v.v... Bị cáo đều khai không biết. Bị cáo chì nhận có vài lần chở vợ đi thu tiền hụi hoặc đi thu giùm vợ. Những người chơi hụi đã khai tại tòa và đưa ra bằng chứng rằng N.T.V. có tham gia vào việc làm hụi của vợ. Tổng số nợ khi bể hụi - theo cáo trạng, lên tới trên 400 triệu đồng. Mặc dù bị cáo không nhận là có liên can đến việc làm hụi nhưng cuối cùng HĐXX đã kết luận và tuyên bố bị cáo can tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản công dân, phải chịu mức án 8 năm tù và phải bồi thường số tiền trên 300 triệu đồng.
Nếu như vụ án chỉ có vậy thì dù số tiền chiếm đoạt của yợ chồng N.T.V. - Q.A. có là 400 triệu hay nhiều hơn nữa, cũng chỉ là một vụ bể hụi thường tình. Song, bên cạnh chuyện “hụi” còn có một cái chết. Theo cáo trạng, ngoài tội “lạm dụng tín nhiệm...”, N.T.V. còn bị VKS truy tố tội “Cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng đây không phải ai khác mà chính là Q.A. - vợ của bị cáo. Sau khi vỡ nợ, Q.A. được bốn người của gia đinh chồng đưa đi trốn ở Sông Bé nhưng khoảng tháng sau, cô đã trở lại thành phố. Ngày 12/11, cô về nhà và 2 giờ khuya hôm sau, theo lời khai của N.T.V., Q.A. kêu anh đi mua bánh mì. Anh đi khoảng 20 phút
và khi về tới nơi thì Q.A. đã uống thuốc rầy tự tử. Sau đó, mặc dù không xác định Q.A. chết hay chưa, nhưng N.T.V. đã không đưa vợ đi cấp cứu mà để tới 4 giờ sáng mới đi báo công an đến. Lúc ấy thì Q.A. đã chết.
Tôi hình dung những người đã phạm vào loại tội “cố ý không cứu giúp...” nếu không phải vì hoàn cảnh buộc họ vào thế không thể có hành động nào khác thì đấy phải là một kẻ rất ích kỷ, hèn nhát hoặc khá lắmthì cũng là một con người bàng quan tột độ, một kẻ có trái tim bằng đá. Trong trường hợp người chồng hành xử như thế với một người vợ - nhất là một người vợ trẻ, đẹp, chỉ mới sống chung có 11 tháng như N.T.V. và Q.A., thì tính bi kịch lại càng được nhân lên. Người nghe không thể không thắc mắc tại sao Q.A. đã không được đưa đi cấp cứu kịp thời, trong khi nhà họ ở nội thành chứ không phải một vùng quê xa xôi hẻo lánh nào đó?
Gia đình Q.A. đã có nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi để kêu oan về cái chết đột ngột của Q.A. (Gần 2 năm sau ngày Q.A. chết, khi gặp tôi, mẹ Q.A. vẫn không cho rằng Q.A. tự tử, vì theo bà thì trước đó Q.A. không có dấu hiệu gì bi quan, bế tắc và mấy hôm trước - qua sự giới thiệu của người quen, Q.A. còn đi tìmluật sư D, trình bày sự việc của mình để nhờ luật sư hướng dẫn cách giải quyết). Vị luật sư bảo vệ cho quyền lợi của gia đình Q.A. đã nói tại phiên tòa nghi vấn cái chết của Q.A. là không bình thường. Mẹ ruột của Q.A. đã mang nộp cho cơ quan điều tra một quyển sổ ghi chép của Q.A., trong đó có ghi Q.A. cho cha chồng và chị chồng mượn 600 triệu đồng, có chữ ký xác nhận của N.T.V. - để lý giải nguyên nhân bể hụi của Q.A. Nhưng vì kết quả giám định những chữ viết dưới tên N.T.V. không phải là chữ viết của N.T.V. và chữ ký khác dạng chữ ký của N.T.V., hơn nữa Q.A. đã chết cho nên quyển sổ đã được xem là một “tài liệu thiếu chính xác”. Do đó, tòa đã không có cơ sở để xác định.
Sau suốt phần thẩm vấn, không ai đặt câu hỏi gì về sự việc tại sao N.T.V. không đưa đi cấp cứu Q.A., bước sang phần tranh luận, vị đại diện VKS đã rút lại không truy tố N.T.V. tội “cố ý không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”, với nhận định rằng “trong thực tế, tình cảm vợ chồng giữa hai người chưa có gì mâu thuẫn, bị cáo không muốn vợ chết, chỉ vì đêm khuya, đi lại khó khăn...”. Bị cáo N.T.V. chỉ còn phải chịu trách nhiệm về số tiền nợ hụi.
Mặc dù khi tuyên án, vị thẩm phán chủ tọa HĐXX có nói “... hồ sơ có nhiều nghi vấn, cho nên thắc mẳc của gia đình về cái chết của Q.A. là đúng, nhưng không đủ chứng cứ, cần phải xác minh thêm...” nhưng vụ án dường như đã khép lại. Không chứng cứ. Tòa án đã phán quyết. Thú thật, tôi đã tự thuyết phục mình không được quyền nghi vấn nữa về chuyện một người chồng giết vợ, hoặc cố ý để cho vợ chết, và tôi đã thuyết phục được mình. Nhưng... tôi vẫn không sao xóa đi được cảnh mà tôi đã tưởng tượng nhiều lần ở trong đầu. Giữa đêm khuya, một người vợ đang trong cơn hấp hối, một người chồng ngồi yên.
Tĩnh vật
Tàn phiên xử. Đèn tắt. Quạt tắt. Những cánh cửa đã đóng kín. Mọi hoạt động của thế giới con người đã chấm dứt. Chỉ còn lại những chiếc bàn, chiếc ghế. Thế giới của tĩnh vật.
Này là những dãy ghế đang nằm lặng yên. Gỗ quý nên hàng mấy chục năm qua vẫn giữ nguyên được màu sắc thanh nhã, cốt cách đẹp đẽ, mặc cho sức tàn phá của thời gian lẫn con người. Những chiếc ghế trên cùng đặc biệt hơn cả. Chiếc ghế hàng đầu bên trái trong phiên tòa ngay 18/7/1994 đã từng chứng kiến cảnh bốn bà mẹ không quen nhau ngồi kế tiếp nhau: mẹ của bốn bị cáo vị thành niên phạm tội trộm cắp. Trên ghế như vẫn còn in dấu chân của các bà trong tư thế ngồi co một chân lên khi chờ tòa nghị án - cách ngồi đặc trưng của những con người lam lũ. Chiếc ghế hàng đầu bên phải, ngày 13/5/1994, bà nội ẵm cháu 18 tháng, bên cạnh là con dâu và hai đứa cháu khác, nhỏ choắt, đen đủi, một túi lác, hai chiếc nón lá cũ kỹ nhét dưới ghế, bà cứ phải chạy ra chạy vào phòng xử vì con bé cứ khóc từng chặp. Bà già khẩn thiết xin tòa tha cho con trai về nuôi vợ nuôi con, người vợ xin tha cho chồng, bị cáo - người trong cơn say đã giật đứa nhỏ từ tay vợ thẩy xuống ao. Cái gia đình nhỏ bé tội nghiệp đó - chứa trong nó cả thủ phạm lẫn nạn nhân - đang cố gắng để mong đoàn tụ lại với nhau. “Tại hàng xóm ghét, tố cáo nó mới bị bắt chớ cái vũng cạn sợt. Con vợ nó bồng con nhỏ lên liền. Có trầy trụa gì đâu?”, bà già nói. Lý lẽ của một bà mẹ, bà nội đã tận tụy nuôi cháu phụ với con dâu từ khi con trai bị bắt. Chỉ thiếu con người đang mặc áo tù kia và trong một hoàn cảnh khác, chiếc ghế đã là nơi đoàn tụ, quây quần của ba thế hệ trong một gia đình. Còn giờ thì trên ấy vẫn còn in đây dáng ngồi lặng đi của bà cụ sau phiên xử, sau khi con bị tòa kêu án 10 năm.
Này là chiếc bàn luật sư vẫn còn rất ít, khi có người ngồi. Đôi khi lại trở thành nơi nghỉ chân của anh công an áp giải phạm nhân. Lại có khi, bàn tay tinh nghịch nào đó xoay mặt tấm bảng gỗ trên bàn có chữ LUẬT SƯ vào trong, để chữ THẨM PHÁN ra ngoài mà cũng chẳng ai buồn sửa lại.
Những cây quạt trần rất dài, thòng xuống gần một phần ba chiều cao phòng xử, tạo dáng đẹp dù cũ kỹ, trên nền trần phòng xử với cách bài trí những vạch kẻ đen xen kẽ những mảng vôi vàng. Nơi cao nhất của phòng xử án ấy, đã là chứng nhân năm này sang năm khác, hầu như bao giờ cũng chỉ đối diện với những cái đầu cúi xuống như ân hận, như buồn bã của thân nhân và phạm nhân. Nhưng đã có người nào phải ngửa mặt lên kêu than oan khuất không?
Này là những chiếc ghế rất đặc biệt, đặt ở vị trí cao nhất trong phòng xử án: chiếc ghế của Hội đồng xét xử. Tự bản thân vị thế đã nói lên tầm quan trọng của chúng. Những chiếc ghế không làm nên được con
người. Chúng biết thế, nên bao nhiêu đời thẩm phán qua rồi, chúng vẫn nằm im lìm khiêm tốn mà thôi. Chiếc bục dành cho vị đại diện Viện Kiểm sát đối trọng với bàn luật sư, nhìn từ góc độ Hội đồng xét xử. Hai chiếc bục và bàn này không có mâu thuẫn gì nhau, chẳng qua nhiệm vụ phân công. Các vị luật sư và đại diện Viện Kiểm sát được đặt ra là để tranh luận với nhau và thông qua tranh luận làm sáng tỏ vấn đề. Một bên buộc tội, một bên bào chữa. Dù hai chiếc bục và bàn này hiện nay đang khá an nhàn - những cuộc tranh luận còn quá ít ỏi - song chúng vẫn kiên nhẫn ở yên vị trí, bởi nếu đem chúng đặt cạnh nhau, tòa án sẽ trở nên khập khiễng.
Sau cùng là chiếc vành móng ngựa, vật trung tâm không thể thiếu của tòa án. Chiếc vành móng ngựa cũng làm bằng gỗ đen, là vật đẹp đẽ nhất trong phòng xử án về mặt tạo hình. Không có tĩnh vật nào hãnh diện bằng nó. Có biết bao nhiêu con người đã qua đây, ở nhiều chức vụ, thành phần khác nhau - cho dù chưa hẳn tất cả những kẻ đáng ra tòa đã đều đứng trước nơi đây. Mỗi một tâm sự, mỗi một nỗi niềm, mỗi một tội ác... đều đã được giãi bày nơi này. Thanh gỗ của vành móng ngựa tại sao không là đường thẳng mà lại là một đường cong? Đó hãy còn là điều bí mật của tòa án.
Ngày 18/7/1994, ba cậu bé can tội giật dây chuyền đã đứng ở đây. Một cậu được tại ngoại mặc áo trắng đứng bên hai người bạn mặc áo tù xám bị tạm giam đã gần một năm. Một trong hai cậu này trách mẹ: “Người ta kêu lo một cây để được thả ra, mẹ không chịu lo, để con ở tù cả năm nay”. Cậu bé gần như muốn khóc. Nhưng mọi chuyện đâu đã kết thúc. Cậu và người bạn còn phải ở tù thêm một năm nữa cho đủ án, chỉ có cậu bé mặc áo trắng được ra về. Chiếc cub đời mới chở ba trong đó có cậu phóng vút ra khỏi cửa tòa án. Chuyện cậu bé chỉ là chuyện rất nhỏ. Tôi khó có thể viết được hết những điều mình muốn viết.
Trong phòng xử án còn một tĩnh vật nữa. Đó là tôi.
HẾT