🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kinh tế học và Sex
Ebooks
Nhóm Zalo
STEVEN E. LANDSBURG
Kinh tế học & Sex
MORE SEX IS SAFER SEX
Bản quyền tiếng Việt © 2011 Domino Books và Công ty sách Alpha
Kim Ngọc dịch
NHÀ XUẤT BẢN THỜI ĐẠI
Lời giới thiệu
Sau cuốn Ăn trưa với nhà kinh tế, Công ty Sách Alpha tiếp tục ra mắt bạn đọc ấn phẩm Kinh tế học và Sex của chính tác giả Steven L. Landsburg, Giáo sư kinh tế trường Đại học Rochester.
Cách đặt vấn đề và những câu chuyện của Giáo sư Landsburg trong Kinh tế học và Sex có gì đó khêu gợi, thậm chí sốc và khiêu khích, song cũng rất thú vị, hài hước và đầy lý trí. Đây thực sư lại là một cuốn sách về “những điều thông thái khác thường của kinh tế học”.
Nền tảng của kinh tế học là lý giải hành
vi dựa trên tính toán chi phí - lợi ích nhằm tối đa hóa mục tiêu của chủ thể trong điều kiện các nguồn lực có hạn. Cái hay, cái đẹp của thị trường cạnh
tranh hoàn hảo chính là nỗ lực để tối đa sự thỏa dụng của từng cá thể hay lợi nhuận của từng công ty lại mang lại kết cục có lợi cho cả xã hội. Tôi vẫn nhớ một ý mà Adam Smith, cha đẻ học thuyết “bàn tay vô hình” của thị trường đã viết: Người ta được ăn ngon tại nhà hàng không phải do “lòng hảo tâm của chủ nhà hàng mà chính là nhờ cạnh tranh”.
Thế nhưng thế giới chúng ta đang sống muôn màu muôn vẻ và năng động hơn rất nhiều môi trường cạnh tranh hoàn hảo với những giả định ngặt nghèo của nó.
Cũng chính vì vậy, mà ngay cả các nhà khoa học tài năng vẫn có thể mắc sai lầm trong giải thích thế giới. Thomas Malthus, một nhà kinh tế lớn, đầu thế kỷ XIX đã cảnh báo về kết cục tồi tệ do tăng trưởng dân số liên tục sẽ dẫn đến cảnh tăm tối, đói khổ của loài người. Tuy nhiên, Giáo sư Landsburg đã cho thấy, cảnh báo của Malthus mắc không chỉ một, mà hai sai lầm lớn: Malthus tính toán sai cả lợi ích và cả chí phí của tăng trưởng dân số.
Kinh tế học và Sex đưa chúng ta vào những lý giải sâu sắc, logic đối với nhiều vấn đề đang diễn ra trong một thế giới như vậy, từ quan hệ tình dục và AIDS, sắc đẹp và giới, con gái và ly dị,
cái giỏ hàng trong siêu thị, cho đến hệ thống chính trị, tư pháp, sáng tạo và bản quyền, tội phạm, hoạt động từ thiện, những quyết định kiềm chế hành vi hợp lý,… Qua đó, chúng ta học được bản chất của các nguyên lý kinh tế học liên quan đến “tác động tràn” (hay ngoại ứng) tích cực và tiêu cực trong hành vi mỗi chủ thể, độc quyền, cách thức xử lý thông qua động lực/kích thích, thể chế/hợp đồng tạo dựng lòng tin.
Điều lý thú là với không quá nhiều nguyên lý kinh tế, chúng ta có thể có những lý giải đầy bất ngờ về các hiện tượng cuộc sống cũng như có thể nhận ra sự “tương đồng” của không ít hành vi tưởng như chẳng có gì chung ẩn chứa
đằng sau. Chúng ta sẽ hiểu vì sao tránh quan hệ tình dục thường xuyên có thể lại khuyến khích sự lây lan của bệnh tật. Tôi cũng hết sức thích thú khi Giáo sư Landsburg so sánh “tác động tràn” tiêu cực của sự sinh sôi nảy nở các cơ quan hành chính quan liêu với vấn đề ô nhiễm do sử dụng chung dòng suối. Ông lưu ý: “Chính phủ thiếu hiệu quả cũng giống như ô nhiễm – thủ phạm gặt hái các lợi ích mà không tính toán hết mọi chi phí”.
Tất nhiên, kinh tế học nhiều khi không đưa ra được câu trả lời rõ ràng, đúng hay sai. Có quá nhiều nhân tố có thể tác động tới hành vi của mỗi chủ thể. Hành vi chủ thể cũng có thể không chỉ “thuần lý” và không tối ưu; chủ thể có thể hành
động quá mức hoặc quá ít. Quan niệm về đạo đức càng gây khó cho việc đi tìm những lời giải thích hợp lý nhất.
Dù thế nào, điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể học được từ ấn phẩm Kinh tế học và Sex, thiết nghĩ, chính là đừng vội “áp đặt” đúng sai, ngay cả đối với những kết luận hay mệnh đề “khác thường” nhất và thậm chí là mâu thuẫn nhất. Điều quan trọng là biết lắng nghe những lập luận và qua đó ta có thể nhận thức tốt hơn về thế giới và cả những hành động (vốn) được xem là hợp lý của chúng ta.
Hy vọng đây tiếp tục là một cuốn sách kinh tế học thú vị, hữu ích cho tất cả
những ai muốn quan sát, suy nghĩ, và lý giải về cách thức vận hành của xã hội, nền kinh tế và thế giới.
Hà Nội, tháng 04 năm 2011
TS. VÕ TRÍ THÀNH
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương
Lời cảm ơn
Đây là cuốn sách về những ứng dụng phi thường của kinh tế học thường thức. Trước hết tôi xin tỏ lòng biết ơn những con người với tư duy sáng tạo tuyệt vời đã nghĩ ra các ứng dụng đó. Một số người được nêu tên trong các chương, số khác được nêu tên trong phần Phụ lục.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các biên tập viên của tạp chí Slate, những người đã cho tôi được tự do viết những gì mình nghĩ trong suốt mười năm qua. Một số lập luận trong cuốn sách này xuất hiện lần đầu trên chuyên mục của tôi ở tạp chí Slate, mặc dù chỉ ở dạng giản lược cực
kỳ ngắn gọn. Trong khuôn khổ cuốn sách này, tôi đã tận dụng cơ hội để mở rộng các lập luận đó thêm rất nhiều.
Tôi xin gửi lời cảm ơn đến hàng ngàn độc giả Slate, những người đã nhắc nhở tôi lưu ý các điểm còn cần làm sáng tỏ thêm, cũng như những điểm lập luận sai. Nhiều chương trong cuốn sách này đã được cải thiện đáng kể nhờ những gì tôi học được từ các độc giả của mình.
Tôi xin cảm ơn các thành viên của nhóm ăn trưa hàng ngày, những người đã chỉnh sửa rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách và góp công “dạy dỗ” tôi. Đặc biệt, tôi xin
tỏ lòng biết ơn sâu sắc các bạn Mark Bils, Gordon Dahl, Uta Schonberg, Alan
Stockman, và Michael Wolkoff, nhận xét và đánh giá của tất cả các bạn đã giúp hoàn thiện cuốn sách này rất nhiều.
Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc nhất đối với Mark Bils, tôi đã cướp rất nhiều ý tưởng và kiến thức quý của anh, tới mức chúng ta có thể coi anh như đồng tác giả của cuốn sách này vậy.
Tôi cũng xin cảm ơn những người bạn trí tuệ tuyệt vời của tôi, những người hoàn toàn không phải là các nhà kinh tế học, đã giúp tôi hiểu được những điều hiển nhiên và không hiển nhiên, và giúp tôi tìm được từ ngữ thích hợp để diễn đạt các ý tưởng khó hiểu. Xin đặc biệt cảm ơn Diana Carroll, Michael Raymond
Freely, Sharon Fenick, Nathan Mehl, Tim Pierce, John Rosevear, Ellen Keyne Seebacher, và Lisa Talpey. Tôi tin rằng danh sách trên vẫn chưa đầy đủ.
Tôi xin cảm ơn sự động viên và giúp đỡ của Bruce Nichols tại Free Press.
Và tôi cũng xin cảm ơn bố mẹ tôi vì đã tự hào về tôi mặc dù hai cụ rất ghét nhan đề cuốn sách. Và vì rất nhiều điều khác nữa mà tôi đang suy nghĩ thêm.
Mở đầu
NHẬN THỨC THÔNG THƯỜNG
Nhận thức thông thường mách bảo bạn rằng thói lăng nhăng phát tán bệnh AIDS khắp nơi, tăng trưởng dân số đe dọa sự phồn vinh, và những kẻ hà tiện là những hàng xóm tồi. Tôi rắp tâm viết cuốn sách này cũng để hành hung nhận thức thông thường của bạn.
Vũ khí của tôi là bằng chứng và logic, đặc biệt là logic kinh tế học. Logic phát huy tác dụng khai sáng mạnh mẽ nhất – và chắc chắn là thú vị nhất – khi nó thách thức chúng ta nhìn thế giới theo một cách
hoàn toàn mới mẻ. Cuốn sách này nói về thứ logic đó.
Con gái là nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ hôn nhân. Niềm khao khát trả thù lành mạnh hơn niềm khao khát vàng. Một lệnh cấm săn voi là tin xấu cho loài voi, và một gói hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai là tin xấu cho những đối tượng được hỗ trợ. Bọn hacker máy tính độc ác cần được đưa lên ghế điện. Những con người nhân đức nhất hiến tiền cho ít tổ chức từ thiện nhất. Viết sách là một hành động vô trách nhiệm đối với xã hội; nhưng chen chân lên đứng đầu hàng trước vòi nước thì không. Những người cao ráo, mảnh mai, và xinh đẹp kiếm được mức lương cao hơn – nhưng không phải vì những lý
do mà bạn vẫn nghĩ.
Mỗi phát biểu trong số trên đây gần với sự thực hơn mức bạn có thể tưởng tượng ra. Nếu nhận thức thông thường của bạn mách bảo điều ngược lại, nên nhớ rằng cũng chính nhận thức thông thường đó đã nói với bạn rằng trái đất có dạng phẳng.
Thứ bạn sắp được đọc là một cuộc đại tiệc của tất cả những điều trái ngược, độc đáo, giản dị, và kỳ quặc. Từng câu từng chữ, dù nghiêm túc hay hài hước, đều nhằm biểu đạt chúng. Đó là những lập luận được cân nhắc cẩn thận về những vấn đề quan trọng. Nhưng đó cũng là những lập luận chứa đầy bất ngờ, và bất ngờ thường thú vị. Quyển sách này sẽ
mang đến cho bạn những kiến thức hoàn toàn mới mẻ về cách thế giới vận động. Đôi khi nó có thể khiến bạn nổi giận. Tôi hy vọng nó cũng sẽ khiến bạn cười.
Phần I. Dòng suối chung
Mời bạn quá bộ qua vùng ngoại ô nơi tôi sinh sống vào một ngày thứ Bảy nào đó giữa tiết tháng Mười khô hanh, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một tấn bi kịch nho nhỏ: trên mỗi bãi cỏ lại có một người đàn ông, tay lăm lăm chiếc máy thổi lá, hì hục thổi hết lá khô từ sân nhà mình sang sân nhà bên cạnh. Cuối cùng, tất cả đều trở vào nhà để xả hơi sau một buổi sáng làm lụng cật lực và hoàn toàn… vô ích.
Tận hưởng một ngày thứ Bảy theo cách ấy thật chẳng hay ho chút nào. Giá như
chúng ta nhất loạt bỏ xó mấy chiếc máy thổi lá và cứ thảnh thơi ngồi trong nhà xem bóng bầu dục thì tất cả đều đã hạnh phúc hơn nhiều. Bất hạnh thay, loài người lại quá lý trí để làm một việc như thế. Hàng xóm của bạn có làm gì mặc kệ, thổi lá vẫn luôn là một hành động có lý. Nếu cả xóm đều thổi lá, thì bạn cũng đành chịu khó mà làm theo thôi, bằng không bãi cỏ nhà bạn sẽ ngập trong thảm lá dày gấp đôi. Hoặc giả, nếu mọi người cùng nhất trí không thổi lá, thì chiến lược khôn ngoan nhất của bạn là chơi ăn gian và sở hữu bãi cỏ sạch sẽ duy nhất trong khu phố.
Kinh tế học chủ yếu xoay quanh những hệ quả bất ngờ và đôi khi bi thảm bắt nguồn
từ hành vi lý trí. Khi trên sân có một pha bóng hay, khán giả bèn nhất tề đứng bật dậy để cố nhìn cho rõ hơn, kết cục là chẳng ai nhìn thấy gì cả. Giữa các bữa tiệc với nhiều cuộc hội thoại đồng thời diễn ra, ai cũng cố nói thật to để át tiếng những người khác, và rồi mọi quan khách đều ra về với cái họng sưng tướng. Dẫu vậy, đứng dậy nơi sân bóng, và hò hét trong bữa tiệc vẫn là những hành động có lý. Chúng ta đứng dậy và hò hét bởi chính nguyên do đã khiến chúng ta thổi lá – vì mối quan tâm tinh vi (và thuần chất lý trí) mà ta dành cho những lợi ích của bản thân và mặc kệ những thiệt hại lan tràn sang những người xung quanh.
Kinh tế học có một nguyên lý phổ quát,
đó là sự vật có xu hướng vận động theo hướng tốt nhất khi con người phải sống với những hệ quả sản sinh từ chính hành vi của mình, hay, nói một cách khác, sự vật có xu hướng vận động theo hướng xấu khi những hệ quả sản sinh từ các hành động của chúng ta lan ra những người khác. Cái nguyên lý phổ quát ấy, thoạt nghe thì giản dị và hiển nhiên là thế, song nó lại có thứ quyền năng có thể làm xói mòn rất nhiều quan niệm phổ biến đã tồn tại bao lâu nay. Nó cho thấy rằng thế giới này có quá ít người, quá ít kẻ hà tiện, và không đủ lượng tình dục bừa bãi, song lại tồn tại tình trạng hút thuốc thụ động và lao động trẻ em với số cân lạng vừa khéo. Nó hàm ẩn rằng một cơn cuồng vàng sẽ phá nát
xã hội, song lòng khao khát báo thù lại có thể là một điều may mắn cho xã hội. Nó làm sáng tỏ nguyên nhân tại sao những người cao ráo, mảnh mai và xinh đẹp lại kiếm được mức lương cao hơn. Nó khuyến nghị chúng ta nên thực hiện những cải cách triệt để về hệ thống luật pháp, hệ thống chính trị, bộ luật thuế khóa, và quy định cấm chen lên phía trước khi đang đứng xếp hàng trước máy nước. Và nó còn lý giải tại sao bảo hiểm ô tô ở Philadelphia lại đắt kinh khủng như vậy.
Gần hơn nữa, nó cho chúng ta biết rằng trên đường phố có quá nhiều rác rưởi. Thực tế đó kém hiển nhiên hơn nhiều so với mức bạn có thể tưởng tượng được.
Chắc chắn là có rất nhiều rác, nhưng rất nhiều chẳng phải bao giờ cũng đồng nghĩa với quá nhiều. Nói cho cùng, một số mẩu rác phải ở đó vì thứ thay thế cho nó còn tệ hơn. Cái bánh sandwich gặm dở bạn vừa giẫm vào ư? Có thể có người đã đánh rơi nó khi chạy trốn một con ong bò vẽ. Tờ báo vướng vào mắt cá chân bạn ư? Có thể gió đã mang nó đi khi một người cắm cổ đuổi theo bản kê khai thuế vừa bay ra từ cặp xách của anh ta. Và nếu bạn gặp phải một cơn trụy tim giữa lúc đang bước đi trên phố với cây kem mút Popsicle trên tay, thì chẳng ai lại cho rằng bạn nên chạy thẳng tới thùng rác gần nhất trước khi ngã vật ra đất cả.
Về nguyên lý, mọi thứ rác rưởi trên khắp
các vỉa hè ở tất cả các thành phố trên thế giới đều có thể ở đó vì những lý do hợp lý. Song trên thực tế, tôi dám chắc rằng
có quá nhiều rác trên đường phố, và sở dĩ tôi biết như thế vì người đánh rơi chiếc vỏ chuối và người trượt chân vì cái vỏ chuối ấy thường không phải là một. Điều đó đảm bảo tương đối chắc chắn rằng đôi khi mọi người vứt vỏ chuối lung tung ngay cả khi chi phí (đối với người qua đường) vượt quá lợi ích (đối với kẻ xả rác). Mỗi khi chuyện này xảy ra, thế giới trở thành một nơi tệ hại hơn – và đó là điều tôi muốn gửi gắm khi tôi nói có quá nhiều rác rưởi.
“Quá nhiều”, nói một cách khác, không phải chỉ là một phán đoán giá trị đơn
thuần. Nó hàm nghĩa chính xác rằng trong một thế giới ít xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi hơn, tất cả chúng ta đều có thể sống hạnh phúc hơn – cũng như chúng ta đều có thể hạnh phúc hơn trong một thế giới có ít máy thổi lá hơn cùng với một lệnh cấm khán giả đứng dậy khi đang ở sân bóng.
Dù bạn đang thổi lá hay xả rác, sinh con đẻ cái hay quan hệ tình dục, tiết kiệm hay tiêu pha, hút thuốc hay uống rượu, phóng
hỏa hay báo cháy – thì những hành động của bạn đều bao hàm cả chi phí và lợi ích. Chừng nào bạn còn cảm nhận được tất cả các chi phí và lợi ích, bạn sẽ có xu hướng định lượng sao cho hợp lý nhất. Bạn sẽ vứt số vỏ chuối vừa phải, hay
sinh ra số con vừa phải, hay lựa chọn số bạn tình vừa phải. Song nếu bạn chỉ cảm nhận được những lợi ích trong khi những người khác lại cảm nhận thấy các chi
phí, bạn sẽ có xu hướng buông lỏng mình thái quá. Và ngược lại, nếu bạn chỉ cảm nhận thấy các chi phí trong khi những người khác lại cảm nhận được các lợi ích, bạn sẽ lại tiết chế mình quá mức.
Khi bạn chia đều hóa đơn thanh toán bữa tối, gọi thêm món tráng miệng có thể trở nên tương đối giống với xả rác – bạn nhận được các lợi ích còn các chi phí lại tràn sang bạn bè của bạn. Nếu một chiếc bánh mousse chocolate hai lớp giá 10 đô-la chỉ đáng 4 đô-la trong mắt bạn, thì bạn thực sự không nên gọi – và bạn sẽ
không làm thế, nếu một mình bạn phải trả tiền mua nó. Song khi bạn chia đều hóa đơn cho mười người, chiếc bánh mousse kia bắt đầu trông như một món hời (đối với bạn). Bạn đặt món, cả nhóm trả 10 đô-la để mua cho bạn một món tráng miệng chỉ đáng 4 đô-la, và thế là cả nhóm (bao gồm cả bạn) nghèo đi 6 đô-la. Tôi gọi đó là kết cục xấu.
Hiệu ứng tràn gây ra những kết cục xấu. Vấn đề này, theo thiển nghĩ của tôi, là khá sáng rõ, ít ra là trên lý thuyết. Nghệ thuật là ở chỗ xác định được đâu là một hiệu ứng tràn. Đơn cử, hãy xét chuyện hút thuốc lá thụ động trong các nhà hàng. Nó được gọi là hút thuốc lá thụ động chính bởi nó lan từ bàn này sang bàn
khác (hoặc từ một bàn ăn xuống bếp). Song điều đó không biến nó thành một hiệu ứng tràn theo đúng nghĩa. Nó chỉ
được tính là một hiệu ứng tràn nếu như người ra quyết định lờ nó đi. Trong trường hợp này, không hề tồn tại hiệu ứng tràn vì chủ nhà hàng – người quyết định cho phép việc hút thuốc ngay từ đầu – không có ý định lờ đi một thứ sẽ làm cho khách hàng của mình khó chịu.
Tất nhiên, dù có làm gì đi chăng nữa, ông ta cũng sẽ làm cho một số khách hàng khó chịu. Một chính sách cho phép hút thuốc thoải mái sẽ làm các khách hàng không hút thuốc và nhân viên nhà hàng khó chịu; một chính sách cấm hút thuốc sẽ làm những người hút thuốc khó
chịu. Song chính lợi ích tài chính của ông chủ thúc đẩy ông ta giữ sự khó chịu ở mức tối thiểu. Ông ta sẽ cấm hút thuốc nếu như những lợi ích của lệnh cấm vượt quá các chi phí, và sẽ cho phép nếu điều ngược lại xảy ra – bởi một lý do hết sức đơn giản là mỗi chi phí và lợi ích sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của ông ta, thông qua thái độ của khách hàng sẵn sàng muốn chi tiền tại cơ sở kinh doanh của ông ta đến đâu. Ông ta có đủ mọi động lực cần thiết; do đó, ông ta sẽ đưa ra tất cả những quyết định hợp lý. Đó là lý do tại sao đa số các nhà kinh tế học đều đồng tình rằng việc quyết định thay chủ nhà hàng – giả dụ, bằng cách phê duyệt một điều luật mà không thèm đếm xỉa đến những lựa chọn của ông ta chẳng
hạn – là một ý kiến tồi.
Vậy ta hãy gọi nó là nguyên lý dòng suối chung: cứ mặc sức làm bẩn bể bơi nhà bạn bao nhiêu tùy thích, nhưng nếu bùn rác từ đó tràn sang dòng suối mọi người cùng hưởng chung thì bạn nên bỏ tiền để khắc phục thiệt hại. Ngược lại, nếu bạn xung phong làm vệ sinh, bạn nên được tưởng thưởng. Bằng không, rốt cục chúng ta sẽ tha hồ mà chịu cảnh ô nhiễm trong khi chẳng có ai thèm tình nguyện dọn dẹp cả.
Chẳng phải là một nguyên lý đơn giản và hiển nhiên sao? Nhưng những hệ quả có thể rất đáng kinh ngạc đấy.
1. Quan hệ tình dục càng nhiều, càng an toàn
Thật vậy: AIDS chính là hình phạt khủng khiếp mà tự nhiên dành cho loài người chúng ta vì đã dung túng các hành vi tình dục thái quá và vô trách nhiệm với xã hội. Thứ bệnh dịch này là cái giá chúng ta phải trả cho thái độ rẻ rúng của mình đối với hôn nhân một vợ một chồng, sự trinh trắng, và những quan niệm bảo thủ cực đoan khác về tình dục.
Chắc bạn đã từng đọc ở đâu đó về những
tội lỗi xấu xa của thói lang chạ bừa bãi. Giờ để tôi nói cho bạn hay những tội lỗi xấu xa của việc tự tiết chế bản thân.
Thử xét trường hợp Martin, một anh chàng trẻ tuổi điển trai và vốn tính cẩn trọng với tiểu sử tình dục hết sức khiêm tốn, ít lâu nay, anh ta cùng cô bạn đồng nghiệp Joan đã “đầu mày cuối mắt” với nhau tí chút. Hồi tuần trước, khi ngày tổ chức bữa tiệc của công ty càng đến gần, không ai bảo ai, cả Joan và Martin đều đã âm thầm hớn hở với cái viễn cảnh rằng họ có thể sẽ đưa nhau về nhà. Thật không may, Số phận, thông qua các đặc vụ của mình làm việc tại Trung tâm Kiểmsoát Dịch bệnh (Centers for Disease Control - CDC), đã ra tay can thiệp.
Buổi sáng hôm diễn ra bữa tiệc, Martin tình cờ chú ý tới một trong những tấm pano quảng cáo do CDC tài trợ treo ở ga tàu điện ngầm, trong đó ra sức đề cao các lợi ích tốt đẹp của việc kiêng khem. Bị ấn tượng mạnh mẽ, anh chàng quyết định ngồi nhà cho khỏe. Martin không đến, Joan đã ngã lòng trước chàng Maxwell quyến rũ không kém nhưng thiếu cẩn trọng hơn nhiều – và rồi Joan nhiễm HIV.
Khi anh chàng Martin cẩn thận rút khỏi trò chơi chọn cặp ghép đôi, anh ta đã giúp gã Maxwell bạt tử càng dễ bề mồi chài cô nàng Joan đen đủi hơn. Nếu như tấm pano quảng cáo ở ga tàu điện ngầm kia tác động đến Martin hiệu quả hơn là
đến Maxwell, thì chính chúng là một mối nguy hại đối với sự an toàn của Joan. Điều này càng đúng hơn nữa khi chúng thế chỗ pano quảng cáo của Calvin Klein, thứ lẽ ra đã đưa Martin vào một tâm trạng cởi mở từ tâm đối với xã hội hơn.
Nếu như các chàng Martin trên khắp thế giới này thả lỏng bản thân một chút, chúng ta sẽ có thể kìm hãm bớt tốc độ lây lan của căn bệnh AIDS. Tất nhiên, chúng ta không muốn mọi việc đi quá xa: nếu Martin xả láng hết cỡ, thì anh ta lại sẽ thành ra nguy hiểm ngang với Maxwell. Song khi những người có tư tưởng bảo thủ về tình dục tăng cường quan hệ thêm một lượng vừa phải, họ sẽ
làm lợi cho những người còn lại trong chúng ta rất nhiều. Giáo sư trường Harvard, Michael Kremer, ước tính rằng tốc độ lây lan của bệnh AIDS tại nước Anh có thể bị kéo chậm lại đáng kể nếu như mỗi cá nhân có ít hơn 2,25 bạn tình một năm tìm kiếm thêm những bạn tình mới thường xuyên hơn. Phát biểu này ứng với chừng 3/4 số người có thói quen quan hệ khác giới ở Anh trong độ tuổi từ 18 đến 45.
Một người cẩn trọng như Martin đã làm được một việc tốt cho đời mỗi lần anh ta lui tới các quán bar. Thực chất, anh ta làm được tới hai việc tốt. Thứ nhất anh ta nâng cao lợi thế cho tất cả những người đang tìm kiếm một đối tác an toàn.
Việc tốt thứ hai thì khủng khiếp hơn, song có lẽ lại ý nghĩa hơn nhiều: nếu như Martin rước về một bạn tình cho đêm nay, rất có thể anh ta cũng sẽ rước luôn cả mầm bệnh vào người. Thế thì tuyệt. Bởi vì sau đó Martin sẽ về nhà, chết dần chết mòn trong cô đơn, và cuối cùng từ giã cõi đời – mang theo con virus xuống mồ.
Nếu có ai đó phải bị nhiễm bệnh đêm nay, tôi mong đó là Martin hơn là gã Pete Lăng Nhăng, kẻ sẽ truyền bệnh cho cả hai chục người nữa trước khi chết.
Tôi luôn mừng khi thấy những người như Martin ở các quán bar. Khi anh ta đưa về nhà một bạn tình không nhiễm bệnh, anh
ta đã kéo người đó khỏi một mối dan díu nguy hiểm tiềm tàng. Khi anh ta đưa một bạn tình bị nhiễm bệnh về nhà, anh ta ngăn người đó khỏi truyền virus sang một người khác, kẻ có thể khiến mầm bệnh lây lan rộng hơn và xa hơn. Dù trường hợp nào xảy ra đi chăng nữa, tôi vẫn hy vọng anh ta sẽ gặp may mắn đêm nay.
Đáng buồn là, những thứ ta vừa nói trên đây chẳng thể trở thành một câu làm quen xuôi tai. Bạn sẽ chẳng có mấy cơ hội tiến xa hơn nếu mở màn chào hỏi kiểu “Cưng nên ngủ với anh vì có thể cưng sẽ nhiễm bệnh rồi chết và mang con virus theo sang thế giới bên kia.” Nói như thế chẳng khác nào bảo rằng “Anh nên bán cái máy thổi lá đi thì mấy bãi cỏ ở khu nhà anh ở
mới sạch sẽ được” hay “Anh nên ngồi yên trên sân bóng, có vậy thì mọi người mới cùng xem được.” Tóm lại là những thứ tốt cho cả nhóm người có thể không tốt đối với một cá nhân, và đó là lý do tại sao chúng ta phải gánh chịu những kết cục xấu.
Nếu như việc chung đụng với nhiều người giúp cứu sống nhiều sinh mạng, thì hôn nhân một vợ một chồng lại có thể giết chết vô số người. Thử tưởng tượng một đất nước, nơi hầu hết phụ nữ đều chỉ biết đến mỗi chồng mình, trong khi các đấng mày râu lại cần tới hai bạn tình nữ mỗi năm để thỏa mãn nhu cầu. Trong điều kiện như thế, một số ít các cô gái bán hoa cuối cùng sẽ phải phục vụ cho
tất cả đàn ông. Chẳng bao lâu sau, các cô gái bán hoa nhiễm bệnh; họ truyền căn bệnh sang các ông chồng; đến lượt các quý ông lại mang bệnh về nhà tặng cho người vợ trung trinh của mình. Nhưng nếu như mỗi người trong số các bà vợ nói trên sẵn lòng lên giường với một bạn tình khác không phải là chồng mình, thì thị trường mại dâm tất sẽ giãy chết, và con virus, không có khả năng phát tán đủ nhanh để duy trì sự sống cho mình, cũng sẽ sớm chịu chung số phận.
Câu chuyện ngụ ngôn về những người vợ chung thủy hàm chứa tính luân lý sâu sắc hơn nhiều so với huyền thoại về Martin và Joan, vì nó cho thấy rằng ngay cả trên bình diện xã hội, tình trạng lang chạ tăng
cao có thể kiềm chế bớt bệnh dịch – chí ít là về nguyên lý. Thế còn trên thực tế thì sao? Đó chính là đất dụng võ cho nghiên cứu của Giáo sư Kremer. Với những giả định đậm tính thực tế về cách mọi người lựa chọn bạn tình, công trình của ông đã chứng tỏ rằng tính luân lý về cơ bản vẫn giữ nguyên. Khi người hàng xóm nghiêm nghị của bạn kinh qua một khoảnh khắc phóng túng hiếm hoi, anh ta thực sự đã góp phần nhỏ bé vào cuộc chiến đấu chống lại thảm họa chết người rồi đấy.
Đó là một lý do tại sao bạn nên cổ vũ Martin quan hệ với Joan. Còn đây là một lý do khác: có thể họ sẽ thích chuyện đó.
Khoái lạc là thứ không bao giờ nên bị xem nhẹ. Nói cho cùng, cắt giảm tỷ lệ người nhiễm HIV không phải là mục tiêu duy nhất đáng theo đuổi; nếu thế thật, chúng ta đã cấm tiệt mọi hình thức quan hệ tình dục từ lâu rồi. Điều chúng ta thực sự mong muốn là giảm thiểu số ca nhiễm bệnh phát sinh từ bất kỳ số lần quan hệ cho trước nào. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tối đa hóa số lần quan hệ (tự nguyện) có thể dẫn đến bất kỳ số ca nhiễm bệnh cho trước nào. Kể cả nếu Martin không thể ngăn cản bước chân chinh chiến của Maxwell, thì ít ra anh ta cũng giúp cho ai đó được vui vẻ.
Nếu bạn là một người có tư tưởng cực đoan với mục tiêu duy nhất là giảm thiểu
sự hoành hành của bệnh AIDS, bạn nên khuyến khích Martin quan hệ nhiều hơn. Còn nếu bạn là một người tinh tế với mục tiêu là tối đa hóa khoảng cách chênh lệch giữa những lợi ích mà tình dục đem lại và chi phí do bệnh AIDS gây ra – vậy thì bạn nên khuyến khích Martin quan hệ nhiều hơn nữa.
Đối với một nhà kinh tế học, nguyên do tại sao những người có tiểu sử tình dục khiêm tốn trong quá khứ lại chọn cách
cung cấp quá ít tình dục trong hiện tại, thiết nghĩ không thể rõ ràng hơn: dịch vụ của họ bị định giá quá thấp. Giá như các cá nhân vốn dè dặt trong quan hệ tình dục có thể quảng cáo về tiểu sử của mình một cách hiệu quả hơn, thì những người có ý
thức phòng chống AIDS đang có nhu cầu tìm cho mình một bạn tình hẳn sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhau để thu hút sự chú ý của họ. Nhưng chuyện đó lại chẳng xảy ra, vì khó mà xác định nổi những con người dè dặt như thế. Do không được tưởng thưởng xứng đáng cho việc buông lỏng các chuẩn mực của mình, họ không buông lỏng các chuẩn mực đó một cách đúng mức.
Khi bạn chọn một bạn tình mới, bạn phải chịu một số chi phí và thu được một số lợi ích. Đó là việc của bạn. Bạn cũng đưa lại cho những người khác các chi phí và lợi ích. Nếu bạn đã có một quá khứ lang chạ bừa bãi, đó là một chi phí. Tất cả mọi người đều phải đi thả lưới
quăng chài trên một dòng suối chung cực lớn và bạn đã làm bẩn dòng suối đó chỉ bằng việc hòa mình vào đó.
Nếu bạn luôn thận trọng và kén chọn kỹ lưỡng, bạn có thể nâng cao chất lượng trung bình của quỹ bạn tình. Chỉ qua việc nhảy xuống dòng suối, bạn đã khiến nó trở nên trong sạch hơn. Nhờ có bạn, tất cả những người đang tìm bạn tình cho đêm nay đã có cơ hội tốt hơn để kiếm được một đối tượng an toàn.
Cũng như bất kỳ dòng suối chung nào khác, dòng suối bạn tình cũng có quá nhiều kẻ gây ô nhiễm và quá ít tình nguyện viên làm sạch nó. Lý do khiến các chủ nhà máy không có những hành
động đúng mức để bảo vệ môi trường là do họ không được tưởng thưởng xứng đáng cho việc bảo vệ môi trường (hoặc không bị trừng phạt thích đáng vì đã bỏ bê việc đó). Họ gặt hái được một số phần thưởng (ngay cả các chủ nhà máy cũng thích nước sạch và không khí trong lành chứ), song đa phần các lợi ích đều rơi vào tay những con người hoàn toàn xa lạ. Tương tự như vậy, lý do khiến Martin không hành động đủ quyết liệt để đấu tranh chống lại thảm họa AIDS (bằng cách ngủ với Joan) là do, mặc dù anh ta chắc chắn sẽ gặt hái được một số phần thưởng (ví như khoái lạc tình dục chẳng hạn), đa phần các lợi ích sẽ rơi vào tay các bạn tình trong tương lai của Joan và các bạn tình trong tương lai của họ.
Mặt trái của phép loại suy là ở chỗ tiết hạnh của Martin chính là một dạng ô nhiễm – tiết hạnh làm vấy bẩn môi trường tình dục thông qua việc làm giảm sút tỷ lệ các đối tượng tương đối an toàn trong không gian hẹn hò. Các chủ nhà máy gây ô nhiễm quá nhiều vì họ chỉ phải hít thở một phần nhỏ lượng khí mà họ đã thải ra; Martin ở nhà một mình quá nhiều vì anh ta chỉ phải chịu một phần hậu quả.
Phép loại suy về sự ô nhiễm mạnh tới mức nó có thể chi phối tính luân lý của hầu như bất cứ câu chuyện nào bạn dẫn ra. Để kết luận rằng việc Martin cặp với Joan sẽ làm chậm tốc độ lây lan của bệnh dịch, bạn phải đặt ra một số giả
định về những gì Joan và Maxwell và tất cả các bạn tình tiềm năng của họ sẽ làm nếu như Martin ở nhà. Song để kết luận rằng việc Martin cặp với Joan sẽ biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn (trong đó sự “tốt đẹp hơn” đã tính đến cả những chi phí của bệnh tật và những lợi ích của tình dục), bạn không cần bất kỳ giả định nào nói trên. Đó là một nguyên lý khá phổ quát: khi các hàng hóa (ví như dịch vụ tình dục của Martin chẳng hạn) bị định giá quá thấp, chúng sẽ bị cung cấp với số lượng quá ít.
Vậy, đây là điều chúng ta đã biết:
Khi những người có tư tưởng dè dặt về tình dục buông lỏng chuẩn mực của mình,
các lợi ích lan tỏa sang những người xung quanh họ. Chỉ riêng chuyện đó thôi đã đủ cho chúng ta biết rằng thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn nếu chúng ta có thể khiến họ dễ dãi thêm chút đỉnh.
Tuy nhiên, thế giới có thể trở thành một nơi tốt đẹp hơn không chỉ theo một hướng duy nhất. Có thể bệnh dịch lây lan chậm lại. Có thể mọi người được tận hưởng lạc thú tình dục nhiều hơn. Có thể bệnh dịch lây lan nhanh hơn, song mọi người lại được tận hưởng lạc thú tình dục nhiều hơn rất nhiều nên cũng đáng để chịu hệ quả sau đó.
Lý thuyết thuần túy – dưới dạng nguyên lý dòng suối chung – nói với chúng ta
rằng chí ít một trong số những điều tốt nói trên tất phải xảy ra. Nghiên cứu của giáo sư Kremer cho thấy rằng cả hai điều tốt cùng xảy ra: chúng ta được quan hệ nhiều hơn và phải chịu ít bệnh tật hơn.
Nếu tất cả những gì bạn mong muốn chỉ là kìm hãm bệnh dịch, thì nghiên cứu của giáo sư Kremer nói rằng quan hệ tình dục nhiều hơn là một điều tốt. Nếu bạn muốn tối đa hóa mức chênh lệch giữa các lợi ích so với các chi phí, thì quan hệ tình dục nhiều hơn nữa là một điều thậm chí còn tốt hơn nữa.
***
Vậy thì chúng ta phải làm sao để khuyến khích Martin (và những người giống như
anh ta) quan hệ tình dục nhiều hơn?
Tôi ước sao cuốn sách này có thể uốn nắn anh ta đi đúng hướng, song buồn thay, chẳng có lý gì mà chuyện đó lại phải xảy ra cả - kể cả nếu anh ta đã đọc hết và hoàn toàn thấu triệt nó. (Nhưng quý độc giả đừng vì thế mà ngần ngại không dám mua tặng anh ta một cuốn nhé.) Martin đã chọn mức độ hoạt động phù hợp với anh ta. Sẽ rất khó có khả năng anh ta điều chỉnh mức độ đó chỉ bởi anh ta biết được rằng một lũ người xa lạ – cụ thể là các bạn tình tương lai của Joan và các bạn tình tương lai của họ – sẽ trân trọng cử chỉ đó.
Là người trần mắt thịt, Martin có xu
hướng tập trung vào những gì tốt cho Martin, chứ không phải là những gì tốt cho xã hội mà anh ta đang sống. Bạn có thể phân tích cho chủ của một nhà máy gây ô nhiễm hiểu rằng anh ta đang gây thiệt hại cho những người xung quanh, song điều đó không đồng nghĩa với việc thuyết phục được anh ta dừng lại.
Vì vậy, chúng ta cần thứ gì đó hiệu quả hơn là chỉ giáo dục đơn thuần. Suy từ phản ứng thường thấy của họ trước các tác nhân từ môi trường bên ngoài, tôi cho rằng những người có tư tưởng tự do sẽ tấn công vấn nạn tiết chế tình dục thái quá thông qua luật lệ mang tính cưỡng bức. Nhưng với tư cách là một cá nhân hết sức sùng bái hệ thống giá cả, tôi lại
ưa cách khuyến khích những hành vi tốt thông qua một hệ thống trợ cấp được thiết kế khôn khéo hơn.
Nói cách khác, chúng ta có thể trả tiền cho mọi người để quan hệ với nhiều bạn tình hơn. Nhưng như thế vẫn chưa phải là lý tưởng, vì chúng ta không muốn tất cả mọi người quan hệ với nhiều bạn tình hơn. Như Maxwell chẳng hạn, anh ta yêu đương ngần ấy là đã quá đủ rồi. Vấn đề là phải trợ cấp để khơi dậy ý thức tình dục của Martin mà không đồng thời trợ cấp luôn cho sự vô độ quá trớn của Maxwell.
Vì vậy, chúng ta nên trả tiền cho mọi người để quan hệ tình dục chỉ trong
trường hợp họ tương đối kém từng trải. Thật không may, cách làm đó vẫn chưa ổn – chưa ổn chừng nào Maxewell còn có thể gian dối về quá khứ của mình và cứ mặt trơ trán bóng ngửa tay nhận tiền trợ cấp.
Thứ chúng ta cần là một phần thưởng mà Martin trân trọng còn Maxwell thì không – ví như một tấm thẻ thư viện chẳng hạn. Tôi trộm nghĩ rằng Maxwell, với cuộc
sống quảng giao bận rộn đến thế, chẳng có mấy thời gian rảnh rang mà ngồi thư viện đâu.
Đó là một bước cải thiện đáng kể, song nó vẫn chưa hoàn hảo. Khi Martin bước tới quầy thủ thư với khuôn mặt thỏa mãn
và bộ dạng đầu bù tóc rối, làm sao để nhân viên thủ thư biết rằng anh ta quả thật đã hoàn tất những nghĩa vụ tình ái
của mình hay chỉ đang phô diễn một màn kịch quá tinh vi?
Hãy cố thêm một lần nữa nhé: chúng ta cần một phần thưởng không có giá trị gì với Martin trừ phi anh ta thực sự quan hệ tình dục. Và như đã nói trước đó, nó phải là thứ gì đó mà anh chàng Martin thận trọng thấy trân quý hơn là gã Maxwell lăng nhăng.
Tôi chỉ có thể nghĩ tới duy nhất một phần thưởng có thể thỏa mãn cả hai tiêu chuẩn trên: bao cao su miễn phí (hoặc được trợ cấp rất mạnh). Để gặt hái những lợi ích
từ một chiếc bao cao su miễn phí, Martin phải quan hệ tình dục. Và có lẽ Martin trân trọng chiếc bao cao su miễn phí hơn nhiều so với Maxwell. Lý do thì đây: Martin gần như chắc chắn chưa hề nhiễm bệnh gì, vì vậy một chiếc bao cao su sẽ có cơ hội lớn để bảo vệ mạng sống cho anh ta. Còn Maxwell thì ngược lại, hắn biết mình có thể đã có sẵn con virus trong người rồi, nên đến nước này thì có bao cao su hay không cũng chẳng khác gì nhau cả. Bao cao su được trợ cấp có thể là chiếc vé lôi Martin ra khỏi chiếc vỏ ốc của mình mà lại tránh không kích động Maxwell lao đầu vào một cuộc thác loạn mới.
Thực ra có một lý do khác nữa để trợ
cấp cho bao cao su. Bản thân tác dụng của bao cao su đã được tưởng thưởng không xứng đáng. Khi bạn sử dụng một chiếc bao cao su, bạn đã bảo vệ chính mình và các bạn tình tương lai của bạn
(và cả các bạn tình tương lai của các bạn tình tương lai của bạn nữa kia), song bạn được tưởng thưởng (bằng nguy cơ lây nhiễm thấp hơn) chỉ vì đã bảo vệ bản thân mình. Các bạn tình tương lai của bạn không thể nắm hết tình hình sử dụng bao cao su trong quá khứ của bạn và do đó không thể thưởng cho việc làm đó bằng những cử chỉ ve vuốt chiều chuộng được. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thâu tóm hết mọi lợi ích mà bạn đã ban phát. Kết quả là, bao cao su được sử dụng quá ít ỏi.
Nói cách khác, mọi người sử dụng bao cao su quá ít vì chính nguyên do đã khiến họ quan hệ tình dục quá thưa thớt. Khi Martin quan hệ với Joan, điều đó tốt cho các bạn tình tương lai của Joan. Khi Martin sử dụng bao cao su, điều đó tốt cho các bạn tình tương lai của Martin. Trong cả hai trường hợp, các bạn tình tương lai đều không có cơ hội khả dĩ nào để tác động lên hành vi của Martin.
Mọi người thường tranh luận rằng bao cao su được trợ cấp (hoặc miễn phí) có cả ưu và nhược điểm. Ưu điểm là chúng giảm bớt các nguy cơ phát sinh từ một lần quan hệ tình dục, và cái mà người ta gọi là nhược điểm là chúng khuyến khích thêm nhiều lần quan hệ khác nữa. Nhưng
đó đâu phải là một ưu điểm và một nhược điểm – đó là hai ưu điểm kia. Không có trợ cấp, mọi người sẽ không dùng đủ lượng bao cao su, và không có trợ cấp, những người coi trọng bao cao su nhất không có đủ số bạn tình.
Hạn chế chủ yếu của việc trợ cấp cho bao cao su là giá thành của chúng về căn bản đã không lấy gì làm đắt đỏ rồi. Bạn có thể giảm giá một chiếc bao cao su kịch kim từ một đô-la xuống đến chỉ còn không đô-la nhưng vẫn chẳng tạo ra mấy hiệu ứng đối với các lựa chọn tình dục của mọi người.
Do đó, mục tiêu của chúng ta phải là đẩy giá bao cao su xuống dưới mức không,
bằng cách thưởng cho những người sử dụng chúng. Thứ tốt nhất trong số tất cả các phần thưởng khả dĩ là một tặng vật có giá trị đối với các anh chàng Martin điều độ hơn là mấy gã Maxwell lăng nhăng. Với tâm niệm đó, nhà báo Oliver Morton đã đưa ra một khuyến nghị tuyệt vời rằng nếu như một phần sự điều độ xuất phát từ tính cả thẹn và khả năng tìm kiếm bạn tình kém cỏi (trong khi những kẻ lăng nhăng lại chẳng gặp mấy khó khăn trên phương diện này), thì câu trả lời có thể là qua việc thiết lập một dịch vụ hẹn hò do chính phủ tài trợ: hãy mang đến cho chúng tôi một chiếc bao cao su đã qua sử dụng, chúng tôi sẽ sắp xếp cho bạn một cuộc hẹn hò.
Toàn bộ vấn đề này – cùng với việc trợ cấp – sẽ tan biến nếu tiểu sử tình dục của chúng ta có thể được làm sáng tỏ bằng cách nào đó, để các bạn tình tương lai có thể tưởng thưởng cho đức tính cẩn trọng trong quá khứ và do đó đưa ra những biện pháp khích lệ đúng mức. Có lẽ rốt cuộc công nghệ sẽ biến điều này thành hiện thực. (Tôi đã mường tượng ra một hình ảnh hết sức khêu gợi của tương lai thế này: Chiếc váy của nàng trôi tuột xuống sàn và ánh mắt chàng đóng đinh trên cặp đùi nàng, nơi chiếc màn hình được gắn chìm hiển thị dòng chữ “khu vực này đã được tiếp cận 314 lần.”)
Hoặc là, như một trong những độc giả tờ Slate của tôi đã đề xuất, chúng ta có thể
thiết lập một dịch vụ trực tuyến để lưu trữ các kết quả xét nghiệm HIV âm tính. Bạn gõ tên bạn tình tiềm năng của mình vào và nhận được một tin nhắn hồi đáp
kiểu như “Kết quả xét nghiệm âm tính cuối cùng vào ngày 7/4/2006.” Hoặc, để bảo vệ bí mật đời tư, bạn sẽ không gõ vào một cái tên mà là một mã số cá nhân do bạn tình cung cấp. Màn hình sẽ hiển thị một kết quả xét nghiệm kèm theo một tấm ảnh để tránh trường hợp mã số giả. Ý kiến tuyệt vời này khiến tôi sửng sốt tới mức tôi không thể hiểu nổi tại sao lại chưa có ai làm như vậy. Cho đến nay, việc khả dĩ nhất mà chúng ta có thể làm được chỉ là biến bao cao su thành một mặt hàng hết sức rẻ mạt – và trưng ra mấy tấm pano quảng cáo ở ga tàu điện
ngầm kia.
PHỤ LỤC
Năm 1996, tạp chí Slate xuất bản một phiên bản giản lược của chương này và đã thu được hàng trăm thư phản hồi. Có một vài lá thư trong số đó khá sâu sắc và lý thú, và đã giúp tôi hoàn thiện thêm phần trình bày mà các bạn vừa đọc trên đây. Rất nhiều lá thư khác chẳng có gì ngoài một hai dòng rủa xả thậm tệ. Với các trường hợp đó, tôi thường trả lời bằng một lời nhắn ngắn gọn rằng: “Xin thứ lỗi cho tôi, nhưng từ bức thư anh/chị gửi, tôi không thể xác định chính xác anh/chị đã không hiểu lập luận của tôi ở chỗ nào. Nếu anh/chị có thể nêu rõ hơn
cho tôi hay về điểm còn chưa sáng tỏ, tôi sẽ gắng hết sức để trình bày cho mạch lạc hơn.” Trong phần lớn các trường hợp, tôi nhận được những hồi đáp vừa sâu sắc lại vừa tràn đầy niềm tiếc nuối, và một vài lá thư trong số đó dẫn tới kết quả là những đợt thư đi từ lại dày dặc đã dạy cho tôi vài điều.
Lại có những độc giả khác cứ kiên quyết hiểu ý kiến của tôi theo những hướng sai lệch trầm trọng. Một độc giả, tự xưng mình có học vị tiến sĩ y khoa, đã gọi chuyên mục của tôi là “đặc biệt tai hại” và – trong một lá thư được đăng tải trên số Slate tiếp theo đã giải thích như sau:
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn
của đại dịch HIV trong đó tình trạng quan hệ tình dục khác giới phổ biến trên diện rộng đã ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhiều độc giả suy nghĩ thiển cận… có lẽ sẽ điều chỉnh theo hướng tăng cường những hành vi tình dục liều lĩnh. Thật không may là, một sai lầm, đeo bám suốt cả một đời người đã bị rút ngắn đi, có thể nảy sinh chỉ sau một đêm mây mưa qua đường.
Để có một kết thúc hợp tình hợp lý, có lẽ biên tập viên của tờ Slate nên đăng một bài báo… lên tiếng bảo vệ trò cò quay Nga là có thể chấp nhận được về mặt thống kê nhưng kèm theo cảnh báo rằng ba ổ đạn đã lấp đầy là quá mạo hiểm.
Một trong những phát kiến lớn của kinh tế học thế kỷ XIX là nguyên lý lợi thế so sánh, theo đó con người sẽ thành công nhất khi họ chuyên tâm vào những gì mình làm tốt. (Thật ra nguyên lý này còn tinh tế hơn thế kia, song phiên bản đơn giản hóa thái quá nói trên cũng đã đủ dùng cho trường hợp tôi muốn đề cập đến rồi.) Nguyên lý lợi thế so sánh lý giải tại sao một số người lại trở thành tiến sỹ y khoa, trong khi một số người khác lại theo đuổi các lĩnh vực đòi hỏi ít nhất là chút khả năng tư duy logic, dù khiêm tốn thôi (như kinh tế học chẳng hạn).
Không có gì – dù chỉ một từ – trong chương bạn vừa đọc hay trong bài báo
nguyên gốc đăng trên tạp chí Slate lại có thể kích động bất kỳ độc giả nào khiến họ sa ngã vào những hành vi tình dục liều lĩnh. Thực chất, luận điểm chính là những cá nhân tương đối tiết hạnh quan hệ tình dục quá ít vì việc hành xử khác đi không phục vụ lợi ích của họ. Nếu bạn và người bạn đời của mình đều thủy chung như nhất, thì khả năng cao là bạn sẽ không mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Giá thử tôi chỉ ra rằng chế độ sinh hoạt một vợ một chồng của bạn nếu còn tiếp diễn sẽ là ẩn họa khôn lường đối với những người sống quanh bạn, thì tôi cũng chẳng dám mong bạn sẽ vội vã liều mạng xả thân vì họ.
Thử tưởng tượng một kịch bản thế này:
tôi viết một bài báo giải thích rằng khi các hãng cho lắp đặt các tấm lưới lọc vào ống xả khói của mình, họ đã thực hiện một dịch vụ xã hội tích cực. Thật
không may, chi phí lắp đặt lưới lọc lại ăn vào lợi nhuận của hãng, do đó họ lắp số lưới lọc ít hơn so với mức chúng ta kỳ vọng. Vì vậy có lẽ chúng ta muốn xem xét lại việc trợ cấp cho những hoạt động lắp đặt kiểu này.
Thế là vị tiến sỹ y khoa của chúng ta nhảy vào và cãi rằng: (a) lưới lọc giảm bớt lợi nhuận nên đó là một thứ không tốt, (b) bài báo “đặc biệt tai hại” vì “nhiều độc giả suy nghĩ thiển cận vốn là chủ các nhà máy có thể sẽ tăng cường những nỗ lực chống ô nhiễm của mình,”
và (c) nếu chúng ta định lên tiếng bảo vệ các thiết bị chống ô nhiễm, chúng ta cũng nên đăng tải một bài báo hòng khuyên các hãng bán hết tài sản mình có để mua thuyền có mái chèo rồi đem đánh đắm hết đi.
Cả luận điểm (a) và (b) đều sai lè (mặc dù nếu như các độc giả suy nghĩ thiển cận thực sự quá ngốc nghếch – hoặc vị tha đến mức phi thường – đến mức chịu tăng cường những nỗ lực chống ô nhiễm của mình dựa trên cơ sở một bài báo không hề đưa ra lý lẽ gì để ép họ phải làm như thế, thì tất cả chúng ta đều phải biết ơn sự ngu ngốc của họ, và sẽ nhìn nhận bài báo theo hướng vô cùng trái ngược với cái gọi là “đặc biệt tai hại”).
Luận điểm (c) là một thứ lý lẽ “đầu Ngô mình Sở”, giống hệt như nhận xét của vị tiến sỹ tốt bụng nọ về trò cò quay Nga; một chiến lược kiểu đó chẳng mang lại cho những người xung quanh chút lợi ích nào và do đó hoàn toàn không liên quan đến đề tài đang bàn đến ở đây.
Tôi đã dành hẳn ngần này trang giấy cho anh bạn bác sỹ của mình bởi các ý kiến phê bình của anh ta đã được không ít người nhiệt liệt hô ứng, những người này đều bày tỏ mối lo ngại rằng nhiều độc giả ngây thơ sẽ hiểu sai lệch hoàn toàn luận điểm của tôi đến nỗi tất cả bọn họ đều sẽ biến mình thành những gã Maxwell bạt tử dâm loạn và cuối cùng sẽ đẩy loài người đến cảnh tuyệt diệt.
Một vài người thậm chí còn đốc thúc tôi phải cho xuất bản ngay một bài viết tuyên bố rút lại những gì mình đã nói vì chính nguyên do nói trên. Nói cách khác, họ lập luận rằng các ý tưởng cần phải được giữ kín phòng khi có người hiểu nhầm chúng. Đó là một loại quan điểm đã tồn tại với lịch sử dài dặc bẩn thỉu mà tôi thì lại rất không sẵn lòng trở thành một phần của nó.
Dưới đây là một số câu hỏi khác xuất hiện khá thường xuyên nên cũng đáng để ghi lại câu trả lời cho chúng:
Câu hỏi 1: Anh nói rằng thêm một chút lăng nhăng sẽ giúp giảm bớt số ca nhiễm AIDS. Nếu điều đó đúng, vậy chẳng phải
như thế có nghĩa là nếu mọi người tăng cường lang chạ thêm thật nhiều nữa thì bệnh dịch sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn hay sao? Và như thế không phải là quá ngớ ngẩn hay sao?
Trả lời: “Kết luận” này đúng là quá ư ngớ ngẩn thật, song đó không phải là một kết luận hợp lý. Thay đổi lớn và thay đổi nhỏ không phải bao giờ cũng kéo theo những hệ quả giống nhau. Tôi tin rằng nếu tôi bớt ăn đi một chút, tôi sẽ sống lâu hơn một chút. Song tôi không tin rằng nếu tôi nhịn ăn luôn, tôi sẽ bất tử.
Câu hỏi 2: Theo cách nói của một độc giả, “một chút lăng nhăng sẽ chỉ làm chậm lại bước tiến của bệnh dịch; còn
việc tự tiết chế bản thân lại có thể ngăn chặn nó.” Theo quan điểm đó, chẳng phải là rất vô trách nhiệm nếu chỉ ca tụng những lợi ích của chuyện lăng nhăng mà lại quên nhấn mạnh những phẩm chất của việc tự tiết chế bản thân?
Trả lời: Nói thế chẳng khác nào lập luận rằng đèn giao thông chỉ có thể giảm bớt số tai nạn ô tô, trong khi cấm sử dụng xe hơi có thể chặn đứng vấn nạn này mãi mãi; do đó, sẽ rất vô trách nhiệm nếu chúng ta cứ ca ngợi mãi những lợi ích của đèn giao thông.
Điểm bất ổn với kiểu lý luận đó là ở chỗ cấm xe hơi, cũng giống như cấm tình dục ngoài luồng trừ các mối quan hệ lâu dài
– chuyện đó sẽ không xảy ra, và nếu nó có xảy ra thật, có lẽ chúng ta sẽ bớt hạnh phúc đi nhiều, mặc dù kèm theo đó là số người tử vong ít hơn.
Trong bất kỳ tình huống nào, ai cũng biết rõ rằng một xã hội theo chế độ một vợ một chồng hoàn hảo sẽ không phải đối mặt với vấn đề AIDS. Tôi lại thích viết về những thứ gì vừa đúng sự thực lại vừa bất ngờ kia. Với tư cách là một cây viết, tôi dám hy vọng rằng vẫn có những độc giả thực tâm khao khát được học hỏi điều gì đó mới mẻ.
Câu hỏi 3: Ừ thì, tăng cường lăng nhăng có đem lại một số lợi ích. Nhưng tăng cường tiết chế bản thân cũng có những
lợi ích của nó chứ. Nếu như chúng ta chỉ trợ cấp cho cái này mà bỏ mặc cái kia, há chẳng phải rất thiếu nhất quán hay sao?
Trả lời: Không, vì có một khác biệt quan trọng giữa hai loại lợi ích. Những lợi ích do trò lăng nhăng của bạn rơi vào tay những người khác; còn những lợi ích từ việc tự tiết chế bản thân thì chỉ dồn vào mình bạn mà thôi. Do đó, bạn đã được thưởng quá đủ nếu đứng về phía ủng hộ lối sống điều độ rồi.
Câu hỏi 4: Anh không bỏ sót một số chi tiết có lẽ là rất quan trọng đấy chứ?
Trả lời: Chắc chắn là có. Thứ nhất, chỉ cần một thay đổi trong hành vi của con
người có thể kích thích một chu kỳ tiến hóa bùng nổ ở phía virus. Tôi không nghĩ rằng mối cân nhắc đó rất quan trọng nếu xét trong bối cảnh này (mặc dù nó chắc chắn là quan trọng nếu xét trong những bối cảnh khác), song có lẽ tôi đã sai. Thứ nữa, chí ít đã có một độc giả đã dám khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng mức tăng nhẹ về tình trạng lăng nhăng là điều bất khả thi, vì nó châm ngòi cho những biến đổi về văn hóa có thể dẫn đến sự phát triển vô tội vạ của những trò mèo mỡ lang chạ. Tôi không cho rằng anh ta nói đúng, song tôi cũng không thể chứng minh được rằng anh ta đã sai.
2. Hãy mặc sức sinh sôi nảy nở
Ted Baxter, người dẫn chương trình của Show truyền hình Mary Tyler Moore hồi xưa, đã lên kế hoạch sinh tới sáu đứa con với hy vọng rằng một đứa trong số chúng sau này khôn lớn sẽ giải quyết được vấn đề dân số thế giới. Ted là một phát thanh viên tồi, song lại là một nhà kinh tế học trời sinh. Tư duy cơ bản của anh ta thật không chê vào đâu được: con người có thể giải quyết các vấn đề, và thêm càng nhiều người, thì càng nhiều vấn đề sẽ được giải quyết.
Nguyên do khiến bạn giàu có hơn cha ông bạn, và khiến con cháu bạn sẽ trở nên giàu có hơn bạn, vì mỗi thế hệ lại được ăn theo sự sáng tạo của những
người đi trước. Một thế hệ trước đó, cha mẹ các bạn được “tha hồ” mà chọn một trong ba kênh truyền hình, có lẽ là được phát bằng hai màu đen và trắng, chạy những chương trình không có cách nào sao lưu lại để giở ra xem sau này. Họ sử dụng máy đánh chữ chạy điện, và những mẫu máy hiện đại nhất thời bấy giờ vừa có thêm một chi tiết cải tiến thần kỳ: phím “xóa” (delete) giúp bỏ đi chữ cái cuối cùng mà bạn vừa gõ. Còn nếu bạn muốn bỏ đi chữ cái trước đó nữa hả, thôi đừng có mơ hão.
Vì rất nhiều tiện nghi mà chúng ta được hưởng ngày nay, chúng ta phải biết ơn các nhà sáng chế truyền hình cáp, đầu ghi video, và máy vi tính cá nhân – và cả chút cơ may nhỏ nhoi đã ngăn cản cha mẹ họ không tham gia vào phong trào Tăng trưởng Dân số bằng không.
Động cơ của sự phồn vinh là tiến bộ công nghệ, và động cơ của tiến bộ công nghệ là con người. Những ý tưởng sáng tạo nảy sinh từ con người. Càng có thêm nhiều người, càng có thêm nhiều ý tưởng hơn. Có thêm nhiều ý tưởng hơn, chúng ta lại càng thịnh vượng hơn.
Michael Kremer, nhà kinh tế học của trường đại học Harvard, đã thu thập
những dữ liệu từ một triệu năm lịch sử loài người và cả thời kỳ tiền sử để chứng minh luận thuyết cho rằng tăng trưởng dân số thúc đẩy tiến bộ công nghệ, đến lượt tiến bộ công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, và – để kết thúc vòng tuần hoàn tốt đẹp này – tăng trưởng kinh tế lại thúc đẩy tăng trưởng dân số, vì những cộng đồng giàu có hơn có thể nuôi dưỡng nhiều trẻ em hơn. Nghiên cứu của Giáo sư Kremer đã xui khiến ông dẫn lại ví dụ về Ted Baxter với tư cách là một gương điển hình tiên tiến.
Giáo sư Kremer xây dựng luận điểm của mình trên nền tảng giả thiết rằng một thế giới có số dân đông gấp đôi sẽ có số thiên tài bẩm sinh nhiều gấp đôi. Nhờ đó,
một dân số đông hơn phát triển được công nghệ hiện đại hơn cũng bởi chính nguyên do khiến những trường trung học lớn nhất thường sở hữu những đội bóng bầu dục mạnh nhất. Trường hợp này thậm chí còn tốt hơn thế nữa kia. Một hậu vệ giỏi chỉ là một hậu vệ giỏi, không hơn, còn một nhà phát minh vĩ đại có thể dạy cho tất cả mọi người cách làm việc sao cho hiệu quả hơn. Và quá trình đóng góp của một hậu vệ chấm dứt khi anh ta tốt nghiệp, còn cống hiến của nhà phát minh vẫn còn mãi với thời gian. Có hai lý do giải thích tại sao các lợi ích thu được từ quy mô dân số có thể vượt qua cả những con số ước tính lạc quan của Giáo sư Kremer. Thứ nhất, các thiên tài thường có xu hướng khơi gợi cảm hứng cho