"
Kim Vân Kiều Truyện PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kim Vân Kiều Truyện PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
KIM VÂN KIỀU TRUYỆN
Tác Giả: Thanh Tâm Tài Nhân
Dịch: Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hanh NXB Đại Học Quốc Gia 1999
372 Trang
Soát lỗi Text: Missfly82 - tranngocbich224 Ebook: Cuibap
LỜI DẪN VỀ VĂN BẢN
húng ta ai cũng biết rằng, dựa trên cơ sở văn bản Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm tài nhân biên thứ, Nguyễn Du đã tái tạo thành thi phẩm nổi tiếng Đoạn trường tân thanh. Vì vậy, muốn hiểu
Nguyễn Du một cách đầy đủ và khách quan, đặc biệt là muốn hiểu những nỗi “đau đớn lòng” trước thời cuộc “bể dâu” mà ông đã từng “trải qua”, từng “trông thấy”, rồi đem thể hiện chúng qua ngòi bút thiên tài của mình thì không thể không đọc Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân.
Hiện nay có nhiều văn bản Kim Vân Kiều truyện và bản nào cũng ghi là Thanh Tâm tài nhân biên thứ. Song khi đọc, ta không khỏi ngạc nhiên, bởi chúng không chỉ khác nhau ở một vài chi tiết mà khác nhau cả về nội dung cũng như cách ngắt hồi. Tựu chung, có hai loại văn bản về Kim Vân Kiều truyện: loại in từ nửa đầu thế kỉ XX trở về trước và loại in từ giữa thế kỉ XX trở lại đây. Loại thứ nhất, về cơ bản chúng giống nhau, sự dị biệt về chữ nghĩa là không đáng kể. Chỉ có điều khác là, bản do Quán Hoa Hiên tàng bản thì không có lời đề tựa cùa một người tên hiệu là Thiên Hoa Tàng chủ nhân và lời bình luận của Quán Hoa đường; còn bản do Đại Liên đồ thư quán thì ngược lại, không có lời bình của Quán Hoa đường, nhưng lại có lời đề tựa của Thiên Hoa Tàng chủ nhân. Loại thứ hai, chẳng hạn, bản do Đinh Hạ hiệu điểm, hoặc bản do Xuân Phong văn nghệ xuất bản... về cơ bản cũng gồm 20 hồi như các bản Quán Hoa hiên, Đại Liên... nhưng dài hơn, có nhiều chi tiết hơn tạo nên sự hoàn thiện cho tác phẩm, nâng giá trị vể nội dung cũng như về nghệ thuật của tác phẩm cao hơn, đặc biệt tạo nên mạch lôgíc gần gũi với lối tư duy của người hiện đại. Hơn nữa, có bản, chẳng hạn bản do Đinh Hạ hiệu điểm, cách ngắt hồi cũng khác với hai bản Quán Hoa Hiên và Đại Liên. Điểu này tạo nên sự phức tạp, thậm chí rối loạn khi nghiên cứu - so sánh giữa Đoạn trường tân thanh với Kim Vân Kiều truyện. Dĩ nhiên, công việc của chúng tôi không phải là phê phán các văn bản Kim Vân Kiều truyện hoặc đưa ra phương pháp nghiên cứu - so sánh mà chỉ muốn giới thiệu một bản dịch Kim Vân Kiều truyện.
Ở Việt Nam ít nhất đang lưu hành ba dịch bản Kim Vân Kiểu truyện. Bản thứ nhất do Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung dịch, in năm 1925. Bản thứ
hai được dịch bởi các cụ Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân, in rônêô năm 1962, sau đó năm 1994 Nhà xuất bản Hải Phòng in lại và La Sơn Nguyễn Hữu Sơn giới thiệu. Bản thứ ba do cụ Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch, in năm 1971. Trong ba bản dịch kể trên thì bản dịch của cụ Hùng Sơn bị bỏ mất ba hồi và cũng khá tuỳ tiện thêm bớt; bản của cụ Tô Nam ra đời sau, lại bỏ mất những lời bình của Quán Hoa đường, bản của các cụ Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân ra đời trước bản của Tô Nam, lại có đầy đủ cả bài tựa và lời bình. Vì vậy, chúng tôi chọn bản này để giới thiệu.
Tuy nhiên, bởi dựa vào bản chép tay kí hiệu A.953 có duy nhất vào thời kì bấy giờ để dịch nên bản của các cụ Nguyễn Khắc Hanh và Nguyễn Đức Vân không khỏi có một vài sai sót mà ông Phạm Đan Quế trong Truyện Kiều đối chiếu đã nêu: “…Có một số sai khác, lược bỏ một vài đoạn ngắn của một số bài thơ..”[1]. Nay may mắn, được Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư Nguyễn Đình Chú, giảng viên khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho mượn văn bản Kim Vân Kiều truyện do Tiểu Hoa Hiên tàng bản, Quán Hoa đường bình luận và được Giáo sư cùng nhà văn Siêu Hải thay mặt gia đình hai cố dịch giả[2] cho phép tôi hiệu chỉnh lại dịch bàn cùa hai cụ. Tôi đã hiệu chỉnh theo ba nguyên tắc sau đây:
1. Bổ sung những đoạn mà dịch giả thiếu, có thể do bản chép tay A.953 bỏ sót...
2. Điều chỉnh những chỗ khác biệt khá xa với nguyên bản.
3. Điều chỉnh các xưng hô. Đối với người Việt Nam, cách xưng hô biểu hiện thái độ của người giao tiếp với đối tượng mình đang giao tiếp. Không phải ngẫu nhiên Thanh Tâm tài nhân toàn gọi Mã giám sinh là Mã Bất Tiến, hoặc Mã Quy, trừ trường hợp duy nhất mụ mối giới thiệu y với gia đình Thúy Kiều mới gọi là Giám sinh họ Mã. Đối với Thúy Kiều cùng vậy, lúc tác giả gọi là Thúy Kiều, lúc lại gọi là phu nhân hoặc Vương phu nhân. Điều đó đều do dụng ý nghệ thuật của tác giả. Cách xưng hô còn biểu hiện trình độ văn hoá và quan hệ của người xưng hô với đối tượng giao tiếp. Hoạn Thư là con nhà gia giáo, có phong cách của bậc tiểu thư con quan Thượng thư bộ Lại, dù có ghét Thúy Kiều đến đâu nàng cũng không thể mày tao chí tớ với Thúy Kiều; Bạc Hạnh dù có cố phình nịnh để lừa Thúy
Kiều thì y cũng không thể xưng anh anh em em với nàng... Gặp các trường hợp tương tự như vậy, tôi đều hiệu chỉnh lại.
Ngoài ba nguyên tắc nêu trên, những chỗ nguyên bản không có mà dịch bản có, tôi cũng lược bỏ đi.
Sau khi hiệu chỉnh xong, tôi đã đưa để Giáo sư Nguyễn Đình Chú duyệt lần cuối cùng. Nguyện vọng của tôi là chỉ muốn cung cấp cho bạn đọc một dịch bản Kim Vân Kiều truyện càng ít sai sót và càng gần với bản Nguyễn Du dùng để sáng tạo Đoạn trường tân thanh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, còn có đạt được mong muốn ấy không, lại là vấn để khác vì nó phụ thuộc vào tình hình tư liệu và trình độ của người hiệu chỉnh.
Văn bản dùng dể hiệu chỉnh là Kim Văn Kiều truyện do Tiếu Hoa Hiên tàng bản. Dù có cố gắng bao nhiêu, tôi cũng biết rằng, khó tránh khỏi những thiếu sót. Mong được sự chỉ giáo của độc giả gần xa.
Cuối cùng, có được bản Kim Vân Kiều truyện này là nhờ sự giúp đỡ của Giáo sư Nguyễn Đình Chú và nhà văn Siêu Hải - thân nhân của hai cố dịch giả Nguyễn Khắc Hanh, Nguyễn Đức Vân và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm. Nhân đây xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó.
Hà Nội, ngày 03 - 01 - 2000
Người hiệu chỉnh
PGS.TS. NGUYỄN ĐẢNG NA
QUYỂN I
HỒI THỨ NHẤT
VÔ TÌNH HAY HỮU TÌNH,
GIỮA ĐƯỜNG VIẾNG MỘ ĐẠM TIÊN
HỮU DUYÊN HAY VÔ DUYÊN,
BỖNG KHÔNG GẶP CHÀNG KIM TRỌNG.
rong thiên này chữ tình tuy chỉ một chữ nhưng là đại kinh, và chữ khổ tuy chỉ một chữ nhưng là đại vĩ[3], song tình tất đợi có cảnh mới sinh, và khổ tất đợi gặp gỡ mà có. Bởi vậy, mở sách ra há có
thể thất ngay được. Cho nên sách này không phải vô cớ mượn một cô Lưu Đạm Tiên ra làm người dẫn truyện, và rồi từ trong một hình ảnh lờ mờ, bay ra được tám chín phần mười cái cảnh tình khổ suốt đời của Thúy Kiều, thật là một tay khéo léo, dệt không nên có. Khéo hơn nữa là, cùng một cái tình mà xét kỹ ra thì như có khác. Tả Kim Trọng từ xa đi đến, là tình vội; vì vội, nên đến mộ liền xin gặp mặt, gặp mặt liền nổi tương tư; vì tương tư liền phát thệ muốn cưới làm vợ. Tình vội khéo ở chỗ hé lộ. Còn tả Thúy Vân thì từ từ đưa ra, là tình xa; vì xa, nên lúc Kim Trọng gặp lại hai Kiều, hơi hơi hé thấy, lúc cô ta nói: nhờ tay dắt díu, em được phong quan; lại hơi hơi hé thấy và lúc cô ta mặt mày đỏ ửng, cũng chỉ hơi hơi hé thấy. Tình xa khéo ở chỗ kín. Còn Thúy Kiều là một giống tình có rễ, có cành, có hoa, có lá, lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng tươi, lúc nào cũng thơm, lúc nào cũng ngát, tuy hở mà kín, tuy kín mà hở. Có điều, cách dùng bút tả, nét đậm nét phai, phỏng ai đã có thể ngó thấy? Nên tôi chỉ uống rượu cho say, đọc văn cho khoái, rồi xin nâng lấy cánh hoa, mỉm cười và khen rằng:
- Đấy là cuốn viết của tay tài tử.
Bài từ rằng:
Mệnh bạc tựa đào hoa, bùn cát phận buồn sao!
Đẹp đã không đủ tiếc, thơm há đáng khoe nào!
Đông tây tan tác, biết về nhà nào?
Nghĩ thấy tình thương, mây ngại vẽ,
Chỉ thêm mấy phần ngẩn ngơ, mấy độ ngán ngao!
Thôi thôi! Oán trách chi nào,
Xưa nay sắc nước thêm người ghét,
Đành để ông xanh giết đã sao?
(Điệu Nguyệt nhi cao)
Khúc từ Nguyệt nhi cao trên đây chỉ là thở than riêng cho số phận giai nhân đeo mệnh bạc, hồng phấn gặp sự không may; sinh ra có sắc đẹp, đã không gặp được cái vinh sống ở nhà vàng, trở lại bị nỗi khổ phũ phàng hắt hủi. Thử xem từ xưa tới nay, những bậc giai nhân đệ nhất, ít thấy trên đời, phỏng có mấy ai đã thoát khỏi được vòng tai hại. Kia như Chiêu Quân sắc trội ba nghìn không khỏi lầm than nơi ải Bắc; Quý Phi vua yêu nhất nước, tránh sao chết thảm ở Mã Ngôi; rồi đến, nào Phi Yến, nào Hợp Đức, ai được vuông tròn? Nào Tây tử, nào Điêu Thuyền, luống đeo tiếng xấu! Chẳng qua là tạo hóa ghét sự vẹn toàn, hơn điều nọ tất phải kém điều kia, cho nên sinh được một phần hồng nhan, thì phải chịu mười phần đầy đọa; có được một chút tài tình, lại phải gánh thêm một phần nghiệp chướng. Tức như nàng Tiểu Thanh ở Dương Châu, tài sắc tính tình, thảy đều tột bậc, mà lấy phải anh chồng xuẩn ngốc nhường kia, tưởng cũng chịu đủ tội rồi, hay đâu còn vướng phải vòng ghen của con ác phụ, để đến nỗi sống đọa thác đày, thì há chẳng đáng đau xót. Ấy chính vì đáng đau xót mà cảm động đến những mặc khách tạo nhân đã vì nàng than thở, vì nàng xót xa, lại đã vì nàng chép truyện, để thơ lưu truyền bất hủ. Giả thử, Tiểu Thanh không gặp phải bàn tay con mụ độc ác ấy mà được sống dễ dàng đôi chút trong hàng lẽ mọn, làm cho mây sầu mưa thảm, thành ra cảnh tuyết nguyệt phong hoa thì sao còn có thể lưu truyền bất hủ nữa? Đại để, ngọc không mài không rõ
ngọc rắn, trầm không đốt không thấy trầm thơm, chẳng riêng gì Tiểu Thanh như thế. Phàm thân gái ở đời, tài mạo song toàn mà sống chẳng gặp thời cũng đều thuộc hạng Tiểu Thanh, cũng có thể cùng với Tiểu Thanh lưu truyền bất hủ. Dưới đây xin thuật chuyện một thiếu nữ, cả tài lẫn mạo, không kém Tiểu Thanh mà chịu nỗi đọa đày hình như còn có phần hơn, thật đáng sánh cùng Tiểu Thanh nghìn thu để tiếng vậy...
Nói về ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại[4] họ Vương tên Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thực trung hậu, gia kế thường thường, không dồi dào cũng không túng kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh được một con trai, tên Vương Quan, học tập nghiệp nho và hai gái, chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm, Thúy Vân dáng yêu kiều hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh can ngăn chị:
- Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã!
Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca bạc mệnh, phổ vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe thấy đều chau mày rơi lệ. Trong bài có đoạn kết như sau:
Nhớ nước cũ, Sâm Thương trằn trọc,
Buồng luân vong, vẻ ngọc xót xa.
Chị em vinh sủng một nhà,
Thoát thôi chốc hóa ra ma mới buồn.
Chúa xuân nở ra tuồng ghẻ lạnh,
Phụng Tiên đã khôn tránh diệt vong.
Cửa hầu thăm thẳm xa trông,
Chàng Tiêu hờ hững, con mong ngóng gì!
Chót vướng kẻ gian phi không đáng,
Cùng Mậu – Lâm còn gắng tranh hơn.
Vì chàng vò vò cô đơn,
Cùng chàng một thác không hờn oán chi.
Hồn li biệt, tình si mang nặng,
Luống than thầm thở ngắn bao khuây.
Tìm cha đáy nước mò thây,
Vì cha liều mạng chết thay thây mình.
Phận chiếc quạt thất tình đáng tủi,
Nâng niu rồi, hắt hủi như không.
Cửa ngoài tan tác bâng khuâng,
Già nua hiếm kẻ đoái trông phận này.
Hồng nhan vẫn xa nay bạc mệnh,
Thi đoạn trường há tránh được sao?
Mình đầy hờn oán tiêu tao,
Nẩy ra khúc oán nao nao lòng người.
Hãy gác lại chuyện ngón đàn cao diệu của Thúy Kiều. Đây nói đến trong miền có một người học trò con nhà giàu họ Kim tên Trọng, tự là Thiên Lý, sinh ra trạng mạo giống Phan An, văn tài ngang Tử Kiến, tuổi trạc đôi mươi, đang mơ mộng gặp người tốt đôi vừa lứa; thường nghe biết Thúy Kiều thạo ngón đàn hồ cầm, lại thông thi phú, nên vẫn âm thầm hâm
mộ, muốn được thấy mặt, nhưng chưa có dịp, vì thế thường kiếm nhiều cách để chờ chực lúc Thúy Kiều ra vào.
Một hôm nhằm tiết Thanh minh, cả nhà họ Vương cùng đi tảo mộ, rồi luôn dịp dự hội Đạp thanh. Thúy Kiều cùng hai em là Thúy Vân và Vương Quan thong thả dạo chơi đây đó, đi đến bờ suối, bỗng thấy một ngôi mộ chơ vơ hiu quạnh, bèn nói với Vương Quan:
- Em này, em coi ngôi mộ kia, gò giăng phía trước, cây rợp ngàn sau, cảnh trí rất u nhã mà sao không thấy một ai lui tới viếng thăm?
Vương Quan nói:
- Té ra chị chưa rõ! Đấy là mộ Lưu Đạm Tiên, danh kĩ đệ nhất Bắc Kinh này. Lúc nàng sống, có một hồi đã vang động tiếng tăm. Sau khi nàng chết, mụ dầu bất nhân định vứt xác nàng ra khe suối, may gặp một người khách ở xa tới thăm, thấy nàng đã chết thì nức nở khóc than: “Đạm Tiên! Đạm Tiên! Ta với nàng, sao mà vô duyên lắm vậy. Lúc sống đã không được cùng nhau thân cận, thì khi thác rồi, ta thu nhặt hài cốt của nàng, cũng không uổng một cuộc tình duyên mơ ước”. Thế rồi người khách sắm sửa áo xiêm quan quách, khâm liệm nàng chôn cất ở đây. Là nấm mồ cô đơn vô chủ thì có ai lui tới viếng thăm?
Thúy Kiều nghe xong, thở dài nói:
- Đáng thương thay! Đáng thương thay! Sống làm vợ muôn người, chết làm ma không chồng. Hồng nhan bạc mệnh đến thế là cùng! Bây giờ chị muốn qua xem tấm bia, coi viết những chữ gì!
Ba người cùng nhau dạo quanh khúc suối, vượt qua chiếc cầu nhỏ, đến trước mộ thấy rêu canh bám đầy tấm bia. Thúy Kiều đi thẳng tới, vén cỏ xem kĩ, nhận ra được mấy chữ: “Hiệu thư Lưu Đạm Tiên mộ”[5]liền bùi ngùi than thở.
- Chị Đạm Tiên! Lúc chị sống, phồn hoa biết nhường nào, mà nay thác rồi, lại hiu quạnh thế! Lúc này em được gần bạn tài sắc, đáng lẽ phải dâng chị một chén rượu, song vì không sẵn rượu đem theo, vậy em xin để một
bài thơ, gọi là chút tình thương xót. Hồn chị dưới suối vàng có biết, âu cũng không phụ một chút nhiệt tình của em!
Nhân bẻ cành trúc, cắm lên mộ, rồi khấn:
- Chị Đạm Tiên! Chị Đạm Tiên! Em là Thúy Kiều, bữa nay tới đây viếng chị, mong hương hồn chị nghe với!
Liền vun đất cắm hương, sụp lạy bốn lạy, rồi đề một bài thơ rằng: Sắc hương đâu đó tá?
Thăm viếng não lòng thay!
Chăn gấm, trăng soi lạnh
Đài gương, bụi phủ nhoà
Đất tuy vùi ngọc đấy
Tuyết chưa lấp danh này
Rượu nhiều như sông đó[6]
Nào ai tưới chốn đây?!
Thúy Kiều đề thơ xong, buồn rầu sa nước mắt. Thúy Vân, Vương Quan thấy vậy, đều nói:
-Lạ cho chị lắm! Tự nhiên vô cớ lại hướng vào mồ người ta mà khóc! Thúy Kiều nói:
- Hai em chưa hiểu rõ! Chị nghĩ rằng hồng nhan vô chủ, từ xưa vẫn thế. Chị Lưu Đạm Tiên này không lẽ lọt lòng ra liền là kĩ nữ, chẳng qua cũng chỉ vì sự thế đáo đầu, phải rơi vào hố lửa đấy thôi! Thuyền trước đã thế, thuyền sau phải lo, biết đâu chúng mình lại chẳng cũng là người bước theo gót chị ấy? Các em coi, xưa kia gái đẹp như Tây Thi, như Quý Phi, có
mấy ai được trước sau trọn vẹn? Chị nghĩ thế, nên thấy cảnh thương tình, lòng đau ruột đứt.
Vương Quan nói:
- Chị thật đáng tức cười, nói chuyện xa xôi quá. Đây là ngôi mộ hoang, âm khí nặng nề, không nên ở lâu. Về đi thôi!
Thúy Kiều nói:
-Nếu định về, thì để chị từ biệt chị Đạm Tiên đã!
Rồi quay về trước mộ khấn rằng:
-Chị Đạm Tiên! Chị Đạm Tiên! Em về đây! Nếu chị có thiêng, xin hiển linh cho em xem, khỏi phụ chút tình si của em từ nãy đến giờ.
Nói chưa dứt lời, bỗng từ phía sau mộ nổi lên một luồng gió Tây, thê lương thảm đạm, núi sông rạo rực, cây cỏ ngả nghiêng, rồi bỗng trời mây u ám, làm cho mọi người tối tăm mặt mày. Luồng gió cuốn đến bên mình Thúy Kiểu, quay quanh ba vòng rồi tan ngay chốc lát. Vương Quan và Thúy Vân thấy đều kinh hoảng, đồng thanh nói:
-Chị ơi! Chúng em đã nói là ở đây âm khí nặng nề, mau về đi thôi! Trận gió này thật ghê người, ta còn ở đây làm chi nữa?
Thúy Kiều cười nói:
-Không phải gió đâu! Đó là chị Đạm Tiên hiển linh cho chị xem. Vậy chị còn muốn đề một bài thơ tạ lòng chị ấy rồi mới về!
Vương Quan nói:
-Chị Lưu mất đi, nào biết đã bao năm, nếu còn linh ứng như thế, thì chị ấy sẽ thành Bồ Tát?
Thúy Kiều nói:
- Thác, ấy là thể xác; còn, ấy là tinh anh. Tinh anh nghìn đời không mất, thường thường mượn gió nương mây, tỏ dấu linh ứng. Nếu các em không tin, để chị theo đường gió tìm xem dấu vết, nhất định có tăm hơi.
Vương Quan nói:
- Em thì không tin!
Thế là kẻ trước người sau, dắt nhau đi tìm, quả thấy trên đám rêu xanh lờ mờ một dải vết giầy từ tây qua đông, đến mộ thì hết. Vương Quan, Thúy Vân thấy vậy, mới đều kinh hãi, vội giục Thúy Kiểu về ngay. Thúy Kiểu nói:
- Vội chi mà! Hương hồn linh cảm như thế, chị cố phải làm một bài thơ từ biệt đã, rồi mới về chứ!
Liền rút cành thoa trên đầu, vạch cả bài thơ viếng và bài thơ an ủi lên thân cây. Thơ rằng:
Gió tây đâu bỗng nổi?
Rào rào thật buồn thay!
Thảm thiết như hờn oán
Thê lương dạ chẳng khuây.
Xe loan đi cõi khác
Bóng hạc tưởng về đây.
Phảng phất hồn thơm đó
Rêu xanh rõ dấu giầy
Thúy Kiều vạch bài thơ xong, hãy còn nấn ná chưa muốn ra về, bỗng thấy một chàng thư sinh cưỡi ngựa từ xa tiến đến. Vương Quan nhận ra là Kim Trọng, một bạn đồng song chí thiết với mình, nhưng không ngờ anh chàng lại chủ ý tìm tới đây, nên vội nói với hai chị:
-Kìa! Có anh Kim đến, các chị hãy tạm lánh đi!
Thúy Kiều thoạt nghe, ngước mắt nhìn Kim Trọng, thấy chàng vẻ người hào hoa phong nhã, đang giong ngựa tiến đến, liền cùng Thúy Vân lảng qua phía sau mộ. Kim Trọng tới trước mộ, xuống ngựa chào Vương Quan, làm như vô tình hỏi:
-Anh Hải Vọng đến đây làm gì? Đệ vì hâm mộ Lưu Đạm Tiên là người cao nhã, nên định qua thăm, không dè lại gặp tôn huynh. Vừa rồi có hai vị tiểu thư, chẳng hay đối với huynh là thân quyến thế nào?
Vương Quan đáp:
- Đó là hai chị tôi.
Kim Trọng nói:
- Đã là lệnh thư, thì chỗ bà con, không lẽ lại không chào! Vậy phiền huynh thưa giúp, cho đệ được gặp mặt.
Vương Quan chối từ không được, đành phải đến sau mộ nói với chị, liền đó Kim Trọng cũng nối gót theo sau. Hai nàng tránh không được, phải cùng bước ra chào. Kim Trọng chắp tay cúi lễ rồi lui ra thì thấy Thúy Kiều mày nhỏ mà dài, mắt trong mà sáng, mạo như trăng thu, sắc tựa hoa đào; còn Thúy Vân thì tinh thần tĩnh chính, dung mạo đoan trang, có một phong thái riêng, khó mô tả.
Bị sắc đẹp quyến rũ, Kim Trọng bất giác thần hồn phiêu bạt, nghĩ thầm: “Nọc tương tư này tai hại lắm đây”. Lại âm thầm phát thệ: “Mình mà không được hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai”. Nhưng vì ngại có Vương Quan, không tiện đứng lâu, đành cùng nhau từ biệt.
Đồng thời, Vương Viên ngoại cũng sai người đem kiệu đến đón. Hai nàng lên kiệu về nhà.
Chập tối hôm ấy, Thúy Kiều nói với Thúy Vân:
- Anh chàng họ Kim kể cũng đa tình, sao mà cũng biết đi viếng Đạm Tiên.
Thúy Vân đáp:
- E rằng không phải đi viếng Đạm Tiên, mà chỉ là đi ngắm hai cô gái. Thúy Kiều nói:
- Điều đó cũng có lẽ! Mà chị coi chàng có vẻ phong lưu đĩnh ngộ, nho nhã khác thường, tất là tay tuấn kiệt!
Thúy Vân nói:
- Chị đã coi chàng vừa ý, sao không gá nghĩa cùng chàng rồi dắt díu em đây cũng được phong quang đôi chút!
Thúy Kiều nói:
- Nhân duyên tiền định, không thể cưỡng cầu. Lá số hôn nhân có phải hạt châu đâu mà hễ cứ muốn là tất được. Bữa nay chị em mình cùng gặp chàng, thì biết đâu là duyên chị hay duyên em, điều đó đành mặc ông tơ xếp đặt! Còn nói đến anh chàng thì coi bộ cử chỉ đoan trang, tất có tài hàn uyên. Chị đây trộm xét mình tướng bạc đức kém, e không xứng hạnh phúc với chàng đâu. Chị thấy em, về phần phúc đức hơn chị gấp mười, đáng gọi là đẹp lứa tốt đôi đấy. Chàng đã gặp chị em mình rồi, nhất định sẽ tìm cách gặp gỡ nữa. Chị em mình cần phải giữ đạo chính đối đãi cùng chàng, vì tấm thân nhi nữ, coi trọng thì như núi Thái Sơn, mà coi nhẹ ấy là lông hồng. Ngọc trắng ruồi xanh, quan hệ trọn đời không thể không cẩn thận...
Thúy Vân nói:
-Thôi mà! Chị cũng quá lan man, dây cà dây muống. Em chưa từng nói được một lời nào, mà chị rào trước đón sau, kể lể hàng tràng.
Thúy Kiều nói:
- Chị nói câu chuyện đứng đắn, sao em lại nói như thế? Dễ thường em không cần lấy chồng à?
Thúy Vân đỏ bừng mặt, lảng vào phòng đi nằm.
Muốn biết Thúy Kiều làm gì nữa, xin xem hồi sau sẽ rõ.
HỒI THỨ HAI
VƯƠNG THÚY KIỀU NGẨN NGƠ CÕI MỘNG,
ĐỀ THƠ ĐOẠN TRƯỜNG
KIM THIÊN LÍ NGẤP NGHÉ TƯỜNG ĐÔNG,
ĐƯA LỜI NGUYỀN ƯỚC
ảnh tình dễ hiển hiện, cảnh khổ khó phô bầy. Thế mà chỉ một giấc mộng đoạn trường, chỉ mười khúc hát đoạn trường, hoảng hoảng hốt hốt, đã tả được quá nửa thân thế một gái phiêu lưu, ngọn bút phác hoạ của Tài Nhân không ngờ lại tài tinh đến thế.
Chàng Kim tìm cách thuê vườn, vốn là tình vội. Kế đó ngấp nghé tường đông, thì tình vội lại tiến sâu thêm một bước. Như vậy không gọi là tình vội nữa, mà nên gọi là lòng đau. Tình vội lòng đau, ai không ái ngại, cho nên người trình bày thì ngỏ kết thúc nhôi, mà người nghe cũng dễ tiếp thụ. Há đâu phải là cuộc gặp gỡ tình cờ mà đã vội ba hoa tán hót lấy lòng. Trong câu chuyện tiểu thuyết, không ngờ lại có ngọn bút sâu sắc đến thế, phi tay tài tử thì không thể làm được...
Lại nói, Thúy Kiều thấy em bỏ đi ngủ rồi thì âm thầm ngẫm nghĩ: “Câu chuyện mình nói, có xúc phạm gì em? Mà dù có gán chàng Kim vào với em nữa, cũng không nhơ nhuốc gì em, thì cớ chi em lại vờ vĩnh nũng nịu như vậy nhỉ? Còn riêng ta chỉ e phúc bạc, phận hẩm duyên ôi, không xứng đáng cùng chàng”. Trằn trọc buồn rầu, đứng dậy ra ngoài, ngắm cảnh đêm khuya trời rộng, bất giác xúc động tâm tình, bèn cầm bút đề một bài thơ để ngụ ý mình. Thơ rằng:
Trời quang mây lặng không vương bụi,
Khác gì bình ngọc chứa lòng băng.
Nếu bạn đa tình săn sóc hỏi,
Tấm thân đau đớn, biết cho chăng?
Thúy Kiều đề thơ xong, tâm thần mỏi mệt, liền tựa ghế mà nằm, bỗng thấy một thiếu nữ đến gần gọi:
-Chị Thúy Kiều! Cảnh xuân thế này, sao không đi hỏi liễu tìm hoa, mà lại ở đây nằm ngủ?
Thúy Kiều vội vã sửa lại áo xiêm, đứng dậy đón chào, thấy cô gái này trang sức thanh nhã, mặt trái xoan, má ửng hồng, thướt tha lả lướt, giống tựa nàng tiên. Hai người chào nhau xong, rồi cùng ngồi xuống. Thúy Kiều hỏi:
-Thưa chị! Chị ở đâu, có việc gì mà lại dời gót ngọc đến thăm em thế? Cô gái nói:
-Chỗ dòng nước chảy, bên mé tây cầu là nhà em đó! Chị đã qua thăm rồi, sao đã vội quên? Bữa nay em dự hội Đoạn trường có nhắc đến tài cao của chị. Đoạn trường giáo chủ rất mừng, lại biết chị cũng là người trong hội, nên sai em đưa mười đầu đề Đoạn trường để chị đề vịnh. Vậy chị đề mau cho, để em tiện đưa vào trong cuốn Đoạn trường.
Thúy Kiều hỏi:
-Đoạn trường giáo chủ ở đâu? Có cho em được đi bái kiến không? Cô gái nói:
-Chị ơi! Lúc này bất tất hỏi kĩ làm gì! Sau rồi sẽ biết!...
Bèn lấy mười đề mục đưa cho Thúy Kiều. Thúy Kiều đón lấy xem, thì là: Tiếc đa tài, Thương mệnh bạc, Buồn lối rẽ, Nhớ người xưa. Nhục tôi đòi, Tủi thanh xuân, Than lỡ bước, Khổ tha phương, Mộng vườn xưa và Khóc tương tư, cộng đủ mười đề.
Thúy Kiều nói:
- Đề mục rất hay, để em vịnh. Nếu đưa vào sách Đoạn trường mà được giải nhất, âu cũng không phụ tiếng tài tình của em.
Liền mài mực vê bút, viết luôn mười bài theo lối hồi văn: 1. Tiếc đa tài! Hoa tiên chẳng nỡ hoài,
Trăm năm hương lửa bao đằm thắm.
Trong cõi lòng riêng trạnh nhớ ai,
Trạnh nhớ ai. Tiếc đa tài!
2. Thương mệnh bạc! Lẻ loi canh vắng đêm dày,
Xưa nay nhà vàng, người ngọc ở.
Nhưng sự đời kia khó gặp may,
Khó gặp may, thương mệnh bạc!
3. Buồn lối rẽ! Quanh co khó vượt qua,
Đường hiểm sao bằng người lận đận.
Một khúc quanh co, ngàn dặm xa,
Ngàn dặm xa. Buồn lối rẽ!
4. Nhớ cố nhân! Mắt trông đầu trắng ngần
Nào khi nhẹ bước đường mây tá?
Kẻ quý người khinh thực rõ rành,
Thực rõ rành. Nhớ cố nhân!
5. Nhục tôi đòi! Soi gương bỗng rụng rời,
Luống những ngậm ngùi thân liễu yếu.
Nỡ đem son phấn mỉa mai đời,
Mỉa mai đời! Nhục tôi đòi!
6. Tủi thanh xuân! Hoa đẹp tự giai nhân, Gặp lúc núi rừng xuân sắc tốt.
Xin cho mưa gió đượm hoa thần,
Đượm hoa thần. Tủi thanh xuân!
7. Than lỡ bước! Mộng đẹp trôi theo nước, Nào phải gặp ai cũng khẩn cầu .
Vì lối cửa son không biết được!
Không biết được. Than lỡ bước!
8. Khổ tha phương! Thân không chốn tựa nương, Lìa cây, tan tác hoa rơi rụng.
Chiếc nhạn lạc đàn trong đêm sương, Trong đêm sương. Khổ tha phương!
9. Mộng vườn xưa! Ai dắt dẫn hồn ta? Lều cũ, cúc tùng ngơ ngác lạ.
Cỏ thơm mây trắng hững hờ qua ,
Hững hờ qua. Mộng vườn xưa!
10. Khóc tương tư! Thổn thức cơn biệt li. Đau lòng đòi đoạn khôn im tiếng,
Tình sâu, đất cũ luống sầu bi.
Luống sầu bi. Khóc tương tư!
Thúy Kiều viết xong trao cô gái. Cô gái xem qua. khen:
-Hay, hay thật! Lời lời đầy hờn giận, chữ chữ tổn tinh thần. Vào tập Đoạn trường, những bài này phải vào bậc nhất. Thôi, em xin về đây!
Thúy Kiều nói:
- Chị đã có lòng chiếu cố, tất có tình duyên, mà vội ra về thế thì tình duyên đâu nữa? Huống chi, bữa nay từ biệt, biết đến ngày nào ta lại gặp nhau?
Cô gái nói:
-Tình chị vẫn sâu, lòng em không bạc. Trên sông Tiền Đường ắt sẽ lại gặp nhau.
Nói xong, liền đi ra. Thúy Kiều định theo giữ lại, chợt một luồng gió lay động thiết mã[7]trước thềm, nẩy tiếng leng keng, giật mình tỉnh giấc, mới biết mình chiêm bao. Trông ra bên ngoài, trăng sáng như ban ngày, chừng vào giữa khoảng canh ba.
Thúy Kiều hãi hùng, hồi tưởng những thơ từ và lời nói trong giấc chiêm bao, câu câu đều nhớ được rõ ràng, duy chỉ không biết cô gái là ai. Ngẫm nghĩ hồi lâu, chợt nhớ ra: “À, phải rồi, phải rồi! Nàng đã nói rõ ràng là ở dòng nước chảy bên mé tây cầu. Ban ngày ta rạ viếng mộ Đạm Tiên, thấy một nhịp cầu con, bên dòng nước chảy, không phải nói gì nữa, nhất định là nàng rồi. Vậy cứ xét lời thơ của ta và ý tứ câu chuyện của nàng, thì ta tất là người trong hội Đoạn trường, không còn nghi ngờ gì nữa... Chàng Kim, chàng Kim! E rằng ta với chàng hẳn là vô duyên..." Đoạn lại nghĩ ngợi: “Nàng còn nói trên sông Tiền Đường sẽ gặp lại nhau. Thế thì thân ta rồi đây kết cục thế nào? Thúy Kiều lo lắng vẩn vơ, nghĩ đến đấy, bất giác đau lòng, tuôn hai hàng lệ.
Vương bà ở dưới, không thấy con xuống đi ngủ, chẳng biết vì chuyện chi mà vướng víu như thế, bèn cầm đèn lên lầu, nhác thấy Thúy Kiều tựa ghế trong chốn lầu trang, nửa thức nửa ngủ, hai hàng nước mắt dầm dề, bất giác thất kinh tưởng con bị ma trêu, vội vàng gọi:
-Thúy Kiều con ơi! Đêm khuya người vắng, con không đi ngủ, còn ngồi đó làm gì?
Thúy Kiểu nghe tiếng mẹ hỏi, nhìn sững hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng, rồi bỗng thở dài một tiếng và nói:
-Mẹ ơi! Đời con rồi chẳng ra gì nữa đâu?
Vương bà nói:
-Con ơi! Tự nhiên vô cớ, sao lại nói chuyện càn rỡ, không lành như vậy!
Thúy Kiều nói:
-Thưa mẹ! Đâu phải là chuyện càn rỡ! Vừa rồi con xem trăng, mỏi mệt, tựa ghế nghỉ ngơi. Vừa thiu thiu ngủ, bỗng thấy một cô gái tự xưng Đoạn trường giáo chủ sai đến, bảo con đề mười bài thơ Đoạn trường. Lúc nàng ra về, lại hẹn với con sẽ gặp nhau trên sông Tiền Đường lần nữa. Con nghĩ là thân con gái, thường không ra khỏi xóm làng, thế mà Tiền Đường là đất Việt, cách đây có hàng nghìn dặm, phỏng có hay gì? Phải chăng con cũng là người trong hội Đoạn trường đó?
Nói xong, hai hàng nước mắt chảy xuống giòng giòng. Vương bà an ủi nói:
- Con khéo ngây thơ lắm! Phải biết mộng mị thường tự lòng mình sinh ra. Nghe em con kể chuyện ban ngày con quanh quẩn bên mộ Đạm Tiên mãi, nên bây giờ ngủ mới có mộng này, lấy gì làm chắc chắn! Lo lắng làm chi cho mệt? Thôi, để mẹ đưa con đi ngủ thôi.
Nói xong liền dìu Thúy Kiều cùng đi ngủ.
Nhắc lại Kim Trọng từ hôm gặp hai nàng trờ về, ngày đêm tơ tưởng, muốn lại được gặp mặt hai nàng lẫn nữa, nhưng không tìm ra kế sách gì. Một hôm chợt nghĩ ra: "Mình khéo lẩn thẩn quá! Mỗi người ở một nơi, dù có tơ duyên, cũng chảng mấy khi may mắn gặp gỡ được. Vậy tất phải tìm một gian phòng ở sát nhà nàng làm nơi đọc sách, thì hoạ chăng mới có dịp gặp gỡ”.
Nghĩ thế rồi liền nhờ người hết sức dò la, tìm thuê được một mảnh vườn tên là “Lãm Thúy viên” ở sát một bên phía sau nhà họ Vương.
Kim Trọng mừng quá, nói:
- Tên vườn là Lãm Thúy, thì câu chuyện hai nàng Thúy này chẳng bói cũng biết trước là việc tất thành!
Liền lập tức sửa soạn sang thăm vườn. Chỉ thấy trong vườn có đủ tùng, trúc cỏ hoa, xanh tươi mơn mởn, gác lầu đình tạ thanh nhã đáng yêu. Kim Trọng giao thiệp với người thay mặt chủ nhân, thuê được mảnh vườn, bèn chọn một gian gác ở sát tường sau nhà họ Vương sửa soạn làm nơi đọc sách. Tại gian phía dưới gác thấy treo một tấm hoành, đề ba chữ “Lãm Thúy hiên”. Dọn sang ở, Kim Trọng cũng không có bụng dạ nào thưởng ngoạn cảnh vườn, hàng ngày chỉ hoặc là ngửa mặt trông ngóng, hoặc là cúi đầu nghĩ ngợi, cứ loanh quanh buồn bã dưới tường đông. Ròng rã chừng hơn một tháng, không có cách nào để gặp mặt hai nàng, nên lại càng ngẩn ngơ thờ thẫn. Một hôm, cũng là cơ duyên đưa đến, Kim Trọng cất bước leo lên núi giả để tiêu khiển, bỗng thấy trên cành cao một cây bích đào, có một vật gì treo lủng lẳng, màu vàng lấp lánh, sắc biếc sáng ngời, trông từa tựa một chiếc kim thoa, bất giác giật mình nghĩ thầm: “Không phải người trong khuê các thì đâu có vật này”. Liền dùng chiếc gậy trúc khều xuống, xem kĩ thì quả là cành thoa chạm phượng dát hạt châu xanh, lại nghĩ thầm: “Thoa vàng dát ngọc tất là vật báu của mĩ nhân. Hay chính là vật báu của hai nàng, không biết vì sao lại để thất lạc ở đây, vậy nhất định sẽ có người đến tìm. Nay vật báu rơi vào tay ta, thật là dịp may hiếm có, để xem tinh hình thế nào. Nghĩ thế rồi, lòng mừng khấp khởi, loanh quanh ngấp nghé mãi bên cạnh giả sơn.
Hôm sau, chợt thấy dưới bóng cây bên kia tường thấp thoáng hình như có bóng người con gái đẹp tìm kiếm. Chàng Kim Trọng đã biết ngay là
Thúy Kiều, bèn cầm chiếc thoa, đứng trước giả sơn nói lớn:
- Cành thoa vàng đẹp này, không biết của cô gái nhà ai bỏ rơi? Tôi nhặt được, muốn trả lại, nhưng không thấy ai tìm, thì biết làm thế nào?
Kim Trọng nói lớn luôn hai lần, bỗng nghe phía tường bên kia có ngưòi con gái thỏ thẻ:
- Chiếc thoa của thiếp đánh rơi đấy, quân tử đã có lòng tốt, xin trả lại cho.
Kim Trọng vội trả lời:
-Té ra của tiểu thư bên ấy, đương nhiên là phải trả lại.
Vừa nói, vừa nghển cổ nhòm sang. Người con gái kia bụng đã đoán trước, thoáng một cái, tránh vào một bên, không để cho trông thấy người, chỉ nghe tiếng nói:
- Nếu chàng trả cho, thiếp xiết bao cảm kích!
Kim Trọng thấy nàng lẩn tránh, bèn gạn rằng:
-Đã là vật của cô nương, tôi đâu dám không trả. Song cô nương cần xem lại cho rõ ràng, mới khỏi sai lầm.
Người con gái vẫn ở bên kia tường, nói vọng sang:
-Đó là một cành hoa vàng chạm phượng, chân bạc điểm mầu cánh chả có nạm ba viên bảo thạch và chín hạt trân châu. Không cần phải xem lại nữa đâu!
Kim Trọng nói:
-Cô nương nói quả không sai, tôi xin hoàn lại, nhưng xin được trao tận tay cho phải lẽ.
Người con gái nấn ná hồi lâu, bất đắc dĩ phải lộ ra nửa mình, đôi bên giáp mặt nhau.
Kim Trọng thấy chính là Thúy Kiều, bất giác vui mừng, mặt mày hớn hở, nói:
- Té ra là cành hoa của Vương tiểu thư đánh rơi. Kim Trọng này nhặt được thật là phúc lớn, rồi lại nhờ vậy mà được trông thấy phương dung, thật là may mắn.
Thúy Kiều cũng nhận ra Kim Trọng, khấp khởi mừng thầm, nói:
- Chàng Kim! Sao lại nói thế, chính là phúc lớn của thiếp, may mắn gặp chàng nhặt được, đem trả cho thiếp, nghĩa khí cao cả này, thiếp biết lấy gì báo đáp?
Kim Trọng nói:
- Chiếc thoa đáng giá là bao, cần chi báo đáp! Có điều tiểu sinh nhặt được chiếc thoa này là cả một nỗi khổ tâm, mong tiểu thư thương đến.
Thúy Kiều nói:
-Thiếp để rơi thoa, là vì ham hái hoa đào, mà để cành cây vướng lấy, chớ nào có ý gì đâu. Còn chàng nhặt được thoa, cũng là ngẫu nhiên, làm sao mà khổ tâm?
Kim Trọng nói:
- Chính vì người được thoa, kẻ mất thoa, đều là việc vô tình, nhưng lại vì được thoa, mất thoa, bỗng gặp nhau đây, há chẳng phải duyên trời run rủi? Tiểu sinh là người xa lạ, vốn không nên đường đột nói ngay, song chỉ sợ cơ duyên không dễ, gặp mặt khó khăn, thành ra cái khổ tâm nhặt được chiếc thoa của tiểu sinh, đành phải nói thẳng, mong tiểu thư tha thứ!
Thúy Kiều hỏi:
-Cái khổ tâm nhặt được thoa như thế nào, thiếp rất muốn nghe, xin cứ nói thẳng ra, có ngại gì!
Kim Trọng nói:
- Tiểu sinh vô tài, mỗi khi nói đến chuyện kén chọn bạn trăm năm thì coi trọng như tính mệnh. Đã lâu, vẫn nghe tiểu thư có ngón hồ cầm tuyệt diệu, giận mình không được thấy tay tiên. May sao, vừa rồi được thấy dung quang, khiến sinh lòng ngưỡng mộ, biến thành mối tương tư, chỉ giận mình không lông cánh, không thể hoá thành chim bay tới cạnh đài trang. Phải dùng hết trăm mưu nghìn kế mới tìm đến chốn này, sớm sớm chiều chiều ngẩn ngơ trông mái tường đông. Mãi đến bữa nay mới nhặt được thoa này, để được cùng tiểu thư gặp mặt. Nghĩ như thế thì việc nhặt được thoa này há chẳng phải là một nỗi khổ tâm? Mong tiểu thư rủ lòng thương đến, dạy bảo cho thế nào...?
Thúy Kiều nghe nói, bất giác hai má đỏ bừng, lẳng lặng giây lâu, rồi thở dài, nói:
- Chàng đa tình như thế, song thiếp chút phận liễu bồ, dám đâu tự chủ! Đội ơn chàng quá yêu, trai chưa dạm vợ, gái chưa gả chồng thì sao không tìm cách trăm năm giai lão? Còn như, vì yêu mà sinh tình, rồi vì tình mà lỡ bước, thì không phải là câu chuyện thiếp muốn nghe đâu!
Kim Trọng nói:
-Nàng đã hứa lời xum họp trăm năm, nguyện ước của tiểu sinh này thế là thỏa mãn, dám đâu còn ý nghĩ bất chính! Song chỉ xin nàng định lời thề riêng ngõ hầu thỏa tình khao khát.
Thúy Kiều nói:
-Lòng chàng tựa ngọc, ý thiếp như vàng, dù chẳng thề bồi, ai mà nỡ trái!
Kim Trọng nói:
-Thề để tỏ tình thân mật, có hại gì đâu?
Thúy Kiều nói:
-Ý chàng như vậy, thiếp đâu dám từ chối! Xin để ngày khác, nay đứng đã lâu, sợ có người đến. Xin trả lại cành thoa cho thiếp thôi.
Kim Trọng nói:
-Tường cao người thấp, không đưa sang được, để tôi đi lấy chiếc thang...
Liền trở về phòng, lấy thêm một đôi vòng bạc, năm lạng bạc trắng, một dải khăn là; lại vác một chiếc thang nhỏ ra, đặt bên giả sơn, dựa lên đầu tường, cùng Thúy Kiều đối diện rồi đưa cành thoa và lễ vật ra mà nói:
-Mấy vật nhỏ mọn chẳng ra gì, gọi là chút lễ gặp gỡ.
Thúy Kiều nói:
-Cành thoa, xin nhận; còn hậu lễ này, thiếp không dám nhận đâu! Kim Trọng nói:
-Gọi là tỏ chút chân tình, sao nàng lại khách sáo, chối từ như thế!
Thúy Kiểu mỉm cười nhận lấy, nhân tiện lấy chiếc quạt vàng và chiếc khăn gấm trong tay tặng lại. Bỗng nghe xa xa có tiếng người vọng lại, hai người vội vàng chia tay.
Kim Trọng từ đó tâm thần vui sướng, không cần phải nói kĩ. Thúy Kiều trở về phòng, thầm nghĩ: “Chàng Kim mới thâm tình làm sao!... Vương Thúy Kiều này, một bầu máu nóng, đến ngày nay mới gặp được tri âm...”.
Nàng ngẩng nhìn trời mây. Bầu trời trong lắng, ánh trăng lọt vào cửa sổ khiến nàng cảm kích cuộc gặp gõ chàng Kim. Đêm hôm ấy, không ngủ được, nhân làm thành bài thơ:
Đường thơm vui bước chân,
Nhận thoa mừng bội phần!
Hoa thơm vui ngắm bóng,
Chim đẹp sợ người gần.
Bạn với vầng trăng tỏ,
Ai hay gặp chúa xuân?
Theo chồng, nàng mĩ nữ ,
Một lời hứa chung thân!
Thật là:
Tâm sự gửi vào mảnh lụa trắng,
Muốn đem bộc bạch với tình lang!
Muốn biết Thúy Kiều gửi bằng cách nào, xin xem hồi sau sẽ rõ.
HỒI THỨ BA
HAI BÊN Ý HỢP TÂM ĐẦU,
CẦU LAM NỐI MỞ
MỘT TỐT CHÉN THỀ QUẠT ƯỚC,
NGỌC TRẮNG GIÁ TRONG
ưa nay trai gái yêu nhau, chẳng qua đôi bên tham tài hám sắc, rồi mơ tưởng đến chuyện dâm ô mà thôi, chớ gọi là câu chuyện thực sự vì tài tình, thì thật ít thấy. Dù có ái mộ tài tình chăng nữa, cũng
chẳng qua mượn tiếng tài tình, để cao thanh giá, rồi chung quy vẫn không tránh khỏi thói quen dâm ô. Thành ra tài tinh mà sở dĩ xứng đáng tên gọi tài tình, cũng thật ít thấy, khiến cho mỗi tài tình của những bậc chân chính tài tử giai nhân phải nghìn thu mai một, mà không rõ được trạng thái như thế nào. Duy sách này, trước hết miêu tả qua chuyện cầu hợp để giữ gìn danh giáo, rồi sau qua qua lại lại, nghìn lời muôn tiếng, bày tỏ mối tình thâm quyến luyến. Chết chết sống sống, một ngày tựa ba thu, căn dặn lời mật ước khi biến khi thường trong trọn đời. Ba sao thề thốt, chân chính nhường bao; một khúc hồ cầm, phong lưu biết mấy. Đến như: Mắt liếc lờ đờ, không giấu vẻ yêu kiều lộng lẫy, ngắm nhìn lẳng lặng, khó che lòng trộm ngọc thèm hương. Đã một lần bị cự tuyệt lại lăn vào lòng, chót mê man lại lo giải thoát, quanh co chập chờn, thầm thầm khẽ khẽ, khiến cho người ta tưởng tượng ân tình mĩ mãn của bậc tài tử giai nhân là như thế. Cho nên ở đây không cần nói thẳng ra, để khúc đàn đến đoạn cuối càng hay hơn... Thế mới biết gái trai ái mộ dâm ô, chỉ như loài cầm thú, bị truy lạc mà thành cầm thú, thực không có liên quan gi đến những bậc giai nhân tài tử.
Độc giả biết cho cái ý ấy, tôi nhân danh là tác giả xin vái một cái...
Lại nói, Thúy Kiều đề xong bài thơ tình, định gửi cho Kim Trọng, song gấp rút chưa tiện dịp, nghĩ đi nghĩ lại, nấn ná mấy ngày nữa. Một hôm Viên ngoại định đưa vợ con đi mừng tiệc thọ nhà bên ngoại. Thúy Kiều liền cáo bệnh xin ở nhà. Chờ cho cha mẹ và hai em đi rồi, vội vàng sửa soạn mấy món ăn và một đồ rượu ngon, đi vào vườn sau, định tìm gặp Kim Trọng để đa tạ về chuyện trả thoa bữa trước. Vừa đến đầu tường trông sang thấy Kim Trọng đã thẩn thơ ngồi đó.
Kim Trọng thoạt thấy Thúy Kiều, liền dẫm chân nói:
-Con người sao mà nhẫn tâm thế! Không đoái tưởng gì đến nhau cả, khiến tiểu sinh trông chết đi được!
Thúy Kiều nói:
-Thiếp há không biết tình chàng tha thiết sao, nhưng cha mẹ và các em luôn ở bên cạnh, làm sao mà rời ra được!
Kim Trọng nói:
-Nàng đã thấu nỗi khổ, tôi dù thác cũng cam tâm. Thế sao bữa nay lại cả gan đến đây?
Thúy Kiều nói:
-May rằng bữa nay cả nhà đều đi dự tiệc thọ, thiếp cáo bệnhkhông đi, mới có thể lại gặp nhau để tạ ơn bữa trước...
Kim Trọng cảm tạ và nói:
- Cảm ơn nàng chịu khó.
Rồi tựa thang lên hẳn tường. Hai ngưòi giáp mặt, tưởng như gặp tiên, vui không thể tả. Thúy Kiểu lấy bài thơ trước ra trao cho Kim Trọng, và nói:
-Tình hiện ra lời, chàng cứ coi đây, đủ thấy tình thiếp trong ấy. Kim Trọng xem xong, vừa kinh ngạc, vừa vui mừng, tấm tắc khen:
- Nàng tài tình như vậy, khiến lòng này xiết bao hân hoan! Thơ này có thể nói rằng, lặng lẽ hoa rơi, phẩm người như cúc,thật đã nên tài tuyệt đỉnh, khiến cho tiểu sinh đành ngậm miệng, không thể thêm bớt một lời.
Thúy Kiều mỉm cười, nói:
- Thơ vị tất đã hay lắm, chỉn e vì chàng quá yêu, nên mới yêu cả đến thơ mà thôi. Nhưng thôi, chuyện thơ hãy tạm gác, thiếp còn một việc muốn bàn!
Kim Trọng vội hỏi:
- Việc gì?
Thúy Kiều nói:
- Thiếp dự bị một hồ rượu, muốn cùng chàng đàm luận suốt ngày, hiềm nỗi tường cao ngăn cách, biết tính sao đây?
Kim Trọng mừng quá nói:
- Nàng đã có ý tốt như thế, sao không vượt qua tường để gặp nhau? Thúy Kiều nói:
-Không nên! Cách nhau chỉ một bức tường, mạo hiểm trèo leo, vạn nhất sẩy ngã, thì làm thế nào? Thiếp nghe nói vườn này trước kia vốn của một nhà, sau chia đôi, lấy giả sơn làm chỗ ngăn cách. Như vậy thì ở chỗ hẻo lánh, thưa thớt, thế nào cũng có lối thông với nhau. Thiếp với chàng, ta vào hang núi tìm kĩ một lượt, hoặc có chỗ nào có thể chui qua được, ắt hơn là mạo hiểm trèo leo rất nhiều.
Kim Trọng nói:
- Phải đấy! Chúng ta xuống tìm xem.
Tìm đến một chỗ, chợt thấy một lỗ nhỏ, hơi có ánh sáng lọt qua, chỉ có mấy hòn đá vụn chồng lên, ngăn cách phía dưới. Hai người mừng quá và nói:
-Cầu Lam có lối rồi!
Kim Trọng vội lấy thiết như ý, nhằm nơi có lỗ sáng ngoặc luôn mấy cái, làm cho vôi vữa rơi vãi tả tơi, ngay cả đất đá cũng tụt xuống, lộ ra một lỗ hổng to, có thể cúi mình chui qua được.
Kim Trọng lập tức chui qua, rồi bước ngay lại ôm chầm lấy Thúy Kiều. Thúy Kiều vội chống chế và nói:
- Sáu lễ chưa thành, sao lại giở lối càn rỡ thế?
Kim Trọng nói:
-Đội ơn nàng đã hứa làm vợ chồng. Việc này vợ chồng không sao tránh khỏi, có gì càn rỡ? Nay nàng cự tôi, phải chăng là đã đổi lòng?
Thúy Kiều nói:
-Không phải là đổi lòng! Thiếp có lời xin thưa: Thiếp nghĩ trai gái yêu nhau là nguyền ước gia thất, vị tất đã hại đến danh giáo. Chỉ giận ban đầu thì quá nặng vì tình, lỡ làng chiều theo ý chồng, kịp đến thành lễ kết hôn, đã không còn là người xử nữ[8], ngỡ là tình sâu vô hạn, mà hoá ra là việc xấu to. Chẳng qua, tại người con gái không biết tự yêu mình, mở đường cho người con trai si mê khinh bạc, dù ăn năn thì việc đã rồi. Xưa kia, như Thôi, Trương thật là tốt đôi vừa lứa.
Giả sử ban đầu Oanh Oanh quả quyết gieo thoi[9], thì sau này tất tránh khỏi cái đau thương bị Trương Sinh ruồng bỏ. Trước có chính thì sau mới chính được, tiếc cho Oanh Oanh đã coi nhẹ thân mình để chiều ý Trương Sinh. Trương Sinh ngoài tuy âu yếm, nhưng trong lòng thực đã khinh rẻ. Người ta thấy Trương Sinh bỏ Oanh Oanh trong buổi trẩy kinh mà không biết rằng đã bắt đầu từ lúc ôm chăn. Tới khi lại đến tìm nhau, muốn tránh khỏi cái đau đớn của chàng Tiêu, làm sao mà được nữa! Cho nên, thiếp xin chàng tính cuộc trọn đời, còn thiếp thì giữ mình theo đạo chính, cùng nhau thưởng nguyệt ngâm thơ, thổi tiêu hát khúc, cực hưởng cái nhã thú tài tử giai nhân, mà đừng rơi vào cái nếp xấu gian phu dâm phụ. Như thế thì đôi ta có thể làm gương cho khách phong lưu danh giá muôn đời! Há không phải là việc tốt đáng lưu truyền, đáng bắt chước ư?
Kim Trọng nói:
- Sơ tâm ngưởng mộ, há không muốn trộm ngọc thèm hương? Nay đã được nghe lời ngay thẳng, tự thấy dâu bộc hoá thành hà châu, vụng trộm đều là tà tịch, làm cho người ta không dám sinh tình yêu, mà sinh lòng kính nể; tuy đa tình, nhưng không chút xấu thẹn. Tiểu sinh này không dám còn nẩy lòng tà như trước nữa, vậy xin mời qua tệ ngụ, để được trò chuyện thoả thê một chốc.
Thúy Kiều nói:
- Đã định đi, thì đợi thiếp đưa hồ rượu đến, để cùng chàng vui hội “phốc điệp"[10].
Nói đoạn quay vào. Giây lát đem ra một hồ rượu và một hộp món ăn. Kim Trọng vội đón lấy, cùng Thúy Kiều chui qua lỗ hổng. Thúy Kiều nói:
- Có thư đồng ở nhà không?
Kim Trọng nói:
-Từ bữa gặp nàng, đều cho về hết!
Hai người cùng bước vào thư phòng. Thúy Kiều thấy phía trên có treo biển đề ba chữ “Lai Phượng hiên”, lại thấy hai bên chứa đầy thi thư kinh sử, rất là thanh nhã, nhân nức nở khen:
-Một thư phòng u nhã tiêu sái thật!
Kim Trọng nói:
- Thế mà không thương kẻ đọc sách này âm thầm buồn chết đi sao? Thúy Kiều nói:
- Bây giờ thì không còn âm thầm buồn bã gì nữa chứ?
Kim Trọng nói:
- Nếu muốn cho khuây khoả lòng buồn, trừ phi được gần gũi chị Hằng bên cành đan quế.
Thúy Kiều nói:
- Thường Nga ở trên trời kia, dễ gì mà được!
Kim Trọng nói:
- Nói đây là trỏ vào Thường Nga sống kia, chớ đâu dám mơ tưởng hão huyền đến người trên trời.
Thúy Kiều nói:
- Thiếp đâu dám so sánh với Thường Nga, song ngọc trắng giá trong thì tựa như không kém!
Kim Trọng nói:
- Thôi! Tôi xin mượn hoa cúng Phật, dám hỏi Thường Nga đã may xong áo lụa xanh chưa?
Rồi rót rượu đưa mời Thúy Kiều. Thúy Kiều đỡ chén nói: -Áo xanh, đã may xong rồi, chỉ đợi dịp dâng chàng thôi!
Uống xong, cũng rót một chén mời Kim Trọng và nói:
- Xin lấy chén rượu này làm đồ khăn lược của thiếp!....
Kim Trọng đỡ chén nói:
-Đội ơn cho chén quỳnh tương. Xin chúc cho đôi ta cùng lên cõi thọ!
Kim Trọng uống xong, liền lấy những thơ từ thường ngày ngâm vịnh đưa cho Thúy Kiều xem và xin chỉ giáo. Thúy Kiều xem xong, nói:
- Lòng như gấm, miệng như thêu, thật là danh nho nổi tiếng một thời. Không biết thiếp có đủ phúc phận đển hưởng thụ được chăng?
Kim Trọng hỏi:
- Sao nàng lại nói câu lạnh lùng như vậy? Hay còn có điều gì ngờ vực tôi chăng?
Thúy Kiều nói:
- Không phải thiếp ngờ chàng, nhưng nhớ lại lúc thiếp còn nhỏ, từng gặp một thầy tướng. Thầy ta bảo rằng: “Thiếp một đời tài tình, nghìn thu bạc mệnh, dù có công bình Ngô, không tránh đươc mối hận Tây Giang". Lại bữa trước, sau khi đi hội Đạp thanh về, thiếp nằm mơ thấy Lưu Đạm Tiên bảo thiếp để mười khúc Đoạn trường. Mộng triệu như thế, e rằng không thể xứng đôi được với một người chồng như chàng...
Nói xong ứa nước mắt. Kim Trọng tưới chén rượu xuống đất, thề rằng:
- Kim Trọng tôi nếu không lấy được Vương Thúy Kiều làm vợ thì xin như chén rượu này!
Thúy Kiều vội gạt nước mắt, nói:
-Thiếp chót dại rồi! Buổi đầu hội họp, sao dám kể chuyện đoạn trường!
Bèn ngửa chén, rót rượu, đối ẩm rất vui. Chợt Thúy Kiều trông lên vách, thấy treo một bức tranh tùng bách mà chưa có tiêu đề, liền hỏi Kim Trọng:
-Bức vẽ này xanh nhạt vàng phai, nét bút rất khéo, mà sao không đề vịnh?
Kim Trọng nói:
-Bức này do tay tôi vẽ, chưa kịp vịnh đề. Nếu nàng có hứng, xin giúp tôi tăng thêm vẻ đẹp, có được không?
Lúc này Thúy Kiều rượu đã ngà say, trong lòng khoan khoái, bất giác nguồn thơ lai láng khôn cầm, bèn nói:
- Chàng đã có lòng ủy thác, thiếp xin vâng lời, đâu dám giấu dốt! Liền cầm bút đề ngay một bài tứ tuyệt:
Tháng mười chớm rét, lá chưa rơi,
Vàng nhạt xanh thưa, nhánh ngắn dài.
Đầu trời cuối đất mưa như xối,
Vô tình hữu ý xót thương ai!
Thúy Kiều đề xong, Kim Trọng thấy nàng tài thơ mẫn tiệp, ý tứ tân kì, thì nức nở ngợi khen:
Thật là lời châu ý ngọc, dù mười lăm toà liên thành cũng không đổi được.
Thúy Kiều nói:
- Tán dương thái quá, ý chàng rất sâu!
Kim Trọng nói:
- Mấy lời khen qua loa, ý tôi chưa bày tỏ được muôn một! Thúy Kiều hỏi:
-Nếu theo ý chàng thì như thế nào?
Kim Trọng nói:
- Như ý tôi, trừ phi nhà vàng đợi khách thuyền quyên, mới đáng! Thúy Kiều nói:
-Kẻ bạc mệnh như thiếp, thì hưởng thụ sao nổi một người như chàng? Kim Trọng nói:
-Cứ ý tôi xem ra thì nàng là tiên nữ trên giời tạm thời trích giáng cõi trần. Kẻ thư sinh nhỏ mọn phàm tục này được gần bóng ngọc, dù đốt hương thờ phụng còn e phạm lỗi bất kính, há riêng chỉ ở nhà vàng mà thôi!
Thúy Kiều nói:
-Đội ơn chàng quá yêu, thiếp xin ghi tạc. Không biết kiếp này thiếp có thể báo đáp được tình sâu của chàng không?
Vừa nói, vừa vật mình lăn vào lòng Kim Trọng, nức nở khóc ròng. Kim Trọng nói:
-Thường nghe có câu: “Lòng bền dù đá cũng mòn”. Chí nguyện đôi ta như vậy, tất trời xanh cũng rủ lòng thương, mà cho việc được vuông tròn!
Thúy Kiều nói:
- Tạo hoá ghét doanh mãn[11], rồi đến tài sắc lại càng ghét ghen quá lắm, chàng há không biết chuyện Hồng Kiều hay sao?
Nói xong, đưa vạt áo lên che mặt mà khóc. Kim Trọng nói:
- Nàng cứ yên tâm, nếu muôn một xảy ra sự biến không ngờ, thì tôi sẽ vào sinh ra tử, cho vẹn lời thề, chứ không phải như tuồng bạc hạnh, để phụ tấm tình chí thiết của nàng đâu!
Vừa nói, vừa đỡ Thúy Kiều ngồi dậy, rồi lại uống rượu. Thúy Kiều nói:
-Thôi! Ngày đã muộn rồi, e rằng cha mẹ thiếp về, vỡ chuyện không tiện!
Kim Trọng nghe Thúy Kiều đòi về thì buồn rầu ứa lệ, nói chẳng ra lời. Thúy Kiều nói:
- Thiếp cũng không nỡ rời chàng, nhưng nghĩa không thể được. Thôi! Xin chàng vững tâm, đợi ngày hợp cẩn[12]. Nếu nhờ giời mà cha mẹ thiếp chưa về thì chúng ta sẽ rong đuốc sang đây thâu đêm, cùng tiêu khiển.
Kim Trọng chỉ gật đầu lẳng lặng mà thôi. Thúy Kiều thu nhặt hồ, hộp ra về. Kim Trọng theo tiễn đến bên giả sơn, bỗng nghe tiếng gõ cửa, liền trốn chạy về.
Thúy Kiều vội cất giấu hồ, hộp, rồi ra mở cửa. Thì ra không phải cha mẹ, mà là bên nhà bà con sai người đến báo với Thúy Kiều:
-Ông Viên ngoại đêm nay không về, bảo cô sớm đóng cửa ngoài mà ngủ thôi!
Thúy Kiều nói: “Biết rồi đấy”. Rồi cài cửa và mừng thầm: “Chàng Kim kể ra cũng có duyên, cái ước “rong đuốc” có thể thực hiện được đây”. Bèn vội vã sửa soạn rượu và đồ nhấm, rồi lại theo lối giả sơn đi thẳng sang thư phòng Kim Trọng. Lúc bấy giờ Kim Trọng đang ngồi tựa ghế, thiu thiu, Thúy Kiều bước vào, gọi:
-Tương Vương còn mơ mộng chưa tỉnh à? Thần nữ đã xuống dương đài đây.
Kim Trọng giật mình, tỉnh giấc, hỏi:
-Là mộng chăng? Hay là thực đó?
Thúy Kiều nói:
-Dẫu là tỉnh, nhưng không hẳn không phải là mộng, chàng nên nhận rõ như thế!
Kim Trọng nói:
-Nếu như vậy, thì hoá ra mở mắt mà thấy chiêm bao. Xin hỏi nàng vì cớ gì lại có dịp qua đây?
Thúy Kiều nói:
-Nay cha mẹ không về, thiếp lại mang rượu và cá sang chơi vườn Kim Cốc[13].
Kim Trọng mừng quá, nói:
-Hãy khoan uống rượu! Thời gian quý hoá khó gặp, huống chi ba sao giữa trời. Nên đính kết thề ước xong đã, rồi cùng uống rượu cho vui cũng không muộn!
Thúy Kiều nói:
-Thề phải có văn, xin chàng thảo cho!
Kim Trọng liền viết lá thư thề. Lời rằng:
“Hai người đồng tâm là Kim Trọng và Vương Thúy Kiều sinh giờ... ngày... tháng... năm.... cẩn dâng một nén tâm hương, một chung rượu lễ, xin thề ở trước anh linh trời cao đất dày: trộm nghe vợ chồng chuộng nghĩa, nghĩa còn, trọn kiếp khôn lay; nhi nữ đa tình, tình còn, sống thác không phụ. Trước đây, Kiều muốn nghi gia, Trọng mong thành thất, thương tài mến sắc, đã sâu kết mối đồng tâm. Giờ đây, Trọng lo lúc đầu, Kiều ngại đến sau, trải mật phơi tim, dám thề nguyền đến ngày khác. Trai thề chín thác không thay, gái nguyện trọn đời một tiết, dầu tai biến khôn lường, giữ lời nguyện ước, nếu trái lời thề này xin trời thần soi xét”.
Hai người cùng lạy trời đất, đọc minh thư xong, mới cùng nhau chén tạc chén thù, rất là vui vẻ. Rượu chừng ngà say, Kim Trọng nói:
-Đêm nay gặp nhau chuốc chén, vui vẻ rất mực, song tôi còn mong mỏi một điều quá phận sự, không hiểu nàng có chịu cho chàng?
Thúy Kiều nói:
-Ngoài việc cẩu hợp ra, chàng sai bảo việc gì, thiếp cùng xin vâng. Kim Trọng nói:
-Điều răn cẩu hợp, tôi đã nghe dạy rồi, đâu còn dám nhắc tới nữa. Việc tôi thỉnh cầu là, nghe nói ngón hồ cầm của nàng rất cao diệu. Không biết có thể gẩy một khúc, để cho tôi được nghe cái điệu chưa được nghe chăng?
Thúy Kiều nói:
- Hồ cầm là ngón thiếp thích, tiếc gì lại chẳng đàn hầu chàng nghe. Song, thời gian có hạn, chuyện tình lo nói chưa hết, để rồi đâu tính chuyện hồ cầm? Huống chi hổ cầm để bên nhà thiếp, cần lấy phải đi lại lôi thôi mất công. Vậy xin đợi khi khác thiếp sẽ đàn hầu chàng nghe, chàng nghĩ thế nào?
Kim Trọng nói:
-Không phải tôi không biết tình dài đêm ngắn, nhưng hâm mộ đã lâu, được nghe chốc lát cũng thoả bình sinh. Còn như hồ cầm thì tôi cũng có.
Nói đoạn, vào lấy cây đàn ra, quỳ xuống, hai tay nâng đưa cho Thúy Kiều. Thúy Kiều vội vàng đỡ dậy và nói:
-Chàng vì ngón đàn nhỏ mọn của thiếp mà quỵ lụy với thiếp như thế, chẳng là không xứng đáng lắm sao?
Kim Trọng nói:
Quỵ lụy chẳng qua là muốn tỏ chút tình nóng vội đó thôi! Xin thương lấy chút tình nóng vội đó mà vui lòng cho nghe, xiết bao vinh hạnh, có gì là không xứng đáng!
Thúy Kiều nói:
-Chàng chung tình như thế, thiếp chết cũng đáng đời, tiếc gì không gẩy!
Liền đưa mấy ngón tay thon nhỏ, khua động dây tơ, ban đầu nghe như hạc kêu, kế đến như vượn hót, lúc khoan như gió thoảng, lúc gấp như mưa rào; âm điệu du dương, thanh vận ai oán, như hờn như tủi, như khóc như than.
Kim Trọng để tai lắng nghe, vui mừng không xiết, lúc thì sửa áo ngồi yên, lúc thì gật đầu khen ngợi, cũng có lúc im lặng thở than. Gẩy mãi cho đến lúc đẩu chuyển sao dời, đồng hồ đã điểm canh ba Thúy Kiều mới dừng tay, thưa rằng đã trọn khúc. Kim Trọng nói:
-Chữ chữ thê lương, tiếng tiếng ảo não, dù tượng gỗ nghe cũng không khỏi thở than buồn bã, huống chi những khách tài tình! Nhưng nghe tiếng thê thảm nhiều giọng u uất, bất bình, mong rằng từ nay nàng đừng gẩy những khúc bi ai ấy nữa, sợ đứt ruột người ta, mà cũng tổn thương đến lòng mình.
Thúy Kiều nói:
-Trước thiếp đọc Ly tao, cảm thương thân thế chàng họ Khuất rồi tập quán thành tự nhiên, nuôi thành tật này mà không biết. Nay được nghe lời chàng chỉ giáo, thiếp sẽ không dám gẩy lại khúc đàn ấy nữa!
Nói đoạn, vẻ mặt tươi cưòi rồi lại rầu rầu nâng cây hồ cầm trao trả lại Kim Trọng. Kim Trọng chợt nhìn thấy Thúy Kiều lúc ấy cặp mắt mơ màng, đôi má đỏ bừng như thược dược sương pha, hoa đào mưa nhuận, bất giác nguồn tình lai láng, lửa dục khôn cầm, liền ôm ghì lấy Thúy Kiều vào lòng, đăm đăm nhìn sờ sững, chẳng nói chẳng rằng. Thúy Kiều hiểu ý Kim Trọng, bèn nói:
- Chàng lại mê đắm rồi! Thiếp không phải cỏ cây, lẽ đâu lại cố tình làm trái ý chàng. Nhưng, nghĩa đã không nên, thời cũng chưa tới, nếu để vướng vào dâm đãng, thì chàng còn trọng thiếp gì nữa?
Kim Trọng nói:
- Liệt nữ xưa kia, có người cũng đã làm như thế, sao riêng chúng mình lại không nên?
Thúy Kiều nói:
-Thiếp lấy cái điều không nên học cái nên của người xưa; chàng lấy cái nên của người xưa mà thể lượng cho cái không nên của thiếp, thì mới biết cái không nên này chính là để bảo toàn cho cái nên của đôi ta rất là to lớn. Con gái giữ mình như chiếc lọ, lọ để vỡ, đâu lại còn nguyên; mình để nhơ, đâu lại còn sạch? Đêm hợp cẩn mai sau, biết lấy gì để làm chứng? Rồi bấy giờ vì hối mà sinh nghi, đã nghi mà không trái thề lỗi ước là việc làm không thể có. Cho nên, nếu thiếp sinh lòng bất chính, chàng cũng nên tự tay mình giết đi để đứt mối dâm đàng, chớ lẽ nào lại lấy việc dâm bôn dạy cho vợ?
Lời hay nghĩa chính, làm cho Kim Trọng lửa lòng nguội lạnh, bèn đứng dậy tạ lỗi và nói:
- Nàng nói phải lắm, tôi thật không bằng!
Bỗng nghe tiếng gà gáy, trời tờ mờ sáng. Thúy Kiều đứng dậy xin về. Kim Trọng muốn lưu lại, chợt nghe tiếng người gõ cửa đành phải đưa tiễn Thúy Kiều theo lối giả sơn mà về.
Muốn biết người gõ cửa ấy là ai, xin xem hồi sau sẽ rõ.
HỒI THỨ TƯ
VÌ HIẾU PHẢI QUÊN MÌNH,
KHÔNG NỠ DÒNG NHÀ TUYỆT TỰ
DỨT TÌNH CÒN NHỚ NGHĨA,
ĐÀNH NHỜ EM RUỘT NỐI DUYÊN
húy Kiều chẳng những về mặt hiếu nghĩa đã hơn người, mà về tài nhìn đời sáng suốt, làm việc quyết đoán, lại càng không mấy ai theo kịp. Việc vừa xảy đến, liền nhìn rõ ngay; gặp hoạn nạn như
thế, phi nhờ sức thần tiền thì không gỡ thoát; và nhìn rõ ngay: Nhà tan như thế, phi bán mình thì thần tiên không đến. Thân đã hứa cùng Kim Trọng, nhưng nàng thấy rõ hiếu nặng hơn tình, tình bị hiếu lấn, nên quả quyết bán mình. Vả lại thấy rất rõ rằng: bán minh nhưng nợ tình ai trả, do đó phải nhờ thân em để chắp mối tơ duyên. Trong lúc trăm mối bòng bong mà một lòng đoán định, khẳng khái không trù trừ, không mảy may nấn ná, thật là tay hào kiệt trong bạn quần thoa!
Nếu người khác mà ở vào cảnh ngộ ấy, thì còn nhọc về việc bàn tính, khổ về nôi quanh co, khúm núm với quyền hào, lo nghĩ về người trước, trăm nghìn sự giày vò, mà cũng không nên việc gì. Có thể nào so sánh được đâu. Đến những việc như viết thư, chỉ là những việc lặt vặt đó thôi. Như vậy, so với những kẻ chỉ một mực khóc lóc, khoanh tay chịu chết, thì nàng khác xa biết là chừng nào!...
Lại nói, Kim Trọng nghe tiếng gõ cửa, vội đưa Thúy Kiều về, rồi mới trở lại mở cửa ra, thì thấy thư đồng từ bên nhà qua báo tin:
- Thưa cậu! Ông hai mất ở Liêu Dương, ông nhà định qua đó rước cữu, vậy sai con gấp rút mời cậu về để cùng đi ngay.
Kim Trọng nghe xong, bảo thư đồng về trước, đoạn vội chui qua giả sơn sang tìm Thúy Kiều. Lúc này Thúy Kiều còn ở sau vườn Kim Trọng
nói:
-Thật là không may! Chú tôi mất ở Liêu Dương, cha tôi gọi tôi về để đi rước linh cữu. Việc sửa soạn đã đầy đủ, ngay hôm nay phải khởi hành nàng ạ!
Lại dẫm chân và nói:
-Chúng ta vừa được gặp nhau, lại xảy ra ngay việc phải xa nhau. Tôi đứt ruột ra mất, biết làm thế nào?
Thúy Kiều cũng giật mình, nhưng sợ Kim Trọng buồn rầu nên phải tìm lời an ủi:
- Chàng ạ! Trai tài ở chí bốn phương, há vì cớ nữ nhi mà lần chần, có điểu cần đi mau về chóng là phải.
Nói xong, chảy nước mắt ra, Kim Trọng cũng nước mắt dầm dề. Chợt có tiếng thư đồng lại đến gõ cửa, thúc giục đành phải gạt lệ từ biệt, rồi lật đật về nhà, thì thấy xe ngựa hành lí đã sẵn sàng chờ đợi ngoài cửa. Kim Trọng liền theo cha đi Liêu Dương.
Lại nói, Thúy Kiều thấy Kim Trọng đi khỏi, bèn tìm mấy mảnh gỗ nát lấp lỗ hổng qua giả sơn, rồi về phòng thẫn thờ ngồi đợi. Chừng gần trưa, nghe tiếng gọi cửa, vội vàng ra mở thì thấy cha mẹ đã về, và nói:
- Con ạ! Nguy lắm rồi, chồng dì con cho hai người khách bán tơ ở nhờ. Không ngờ họ là kẻ cướp, lúc bán tơ bị người mất của nhận ra, tố giác với quan, nó cứ nói chồng dì con là nhà oa tàng. Ta cùng họ dự mấy bữa tiệc, chỉ sợ bọn chúng cũng lôi mình vào để làm hại.
Nói chưa xong, thì thấy bảy tám tên công sai sấn sổ tiến vào. Không cho chối cãi gì cả, cứ túm ngay lấy cha con Viên ngoại trói vào cột. Nói một tiếng là, đến khám tang vật. Rồi trong, ngoài, trước, sau lục lọi khắp tủ, quầy, hòm, rương. Cái gì cũng mở toang, phàm thấy vật gì có chút đáng tiền, thì đều vơ vét hết.
Vương bà đi dự tiệc thọ về, quần áo mới đẹp đều bị lột hết, thoa vòng và các đồ trang sức cũng bị chúng lấy không để lại một chút gì, áo sống của chị em Thúy Kiều đương mặc, tuy đã cũ nhưng đều là tơ lụa, nên chúng cũng định tới lột nốt.
Thúy Kiều nói:
- Thưa các ông! Các ông lấy bấy nhiêu đồ vật cũng đủ lắm rồi. Nhà ai mà không có đàn bà con gái, sao các ông không lưu lại cho một vài chiếc quần áo để che thân?
Một tên công sai nói:
- Cô chớ giận! Chúng tôi vâng lệnh quan trên đến khám bắt tang vật. Những đồ vật lấy đi đây sẽ đưa về trình quan, nếu không phải là của gian, cố nhiên sẽ được hoàn lại. Cô nói thế thì chúng tôi để lại cho mỗi người một chiếc để che thân!
Ái ngại thay cho một gia đình, đương yên vui, phút chốc biến thành non băng bể tuyết.
Cha con Vương Viên ngoại tay xích chân xiềng, trói hai bên cột, bị bọn công sai đánh đập trăm cách. Vương bà cùng hai con gái đều quỳ cả xuống đất khóc lóc xin tha, nhưng chúng nào chịu nghe. Chúng đánh một hồi, rồi lại mắng:
-A, thằng cướp già và thằng cướp non kia! Chúng bay đã không sợ đánh, để chúng tao thử đến môn thừng bay coi!
Bèn kéo Vương Quan lại, tháo cả xiểng xích, lột hết áo quần, bắt quắp hai chân vào một chiếc cột, rồi dùng một đầu dây thừng buộc chặt hai ngón chân cái Vương Quan, hai gót chân sát đất, ngón chân chỉ lên trời. Chúng lại dùng thừng trói cả hai ngón tay cái và cánh tay ra sau lưng, rồi đem mối dây vắt qua dầm nhà, thét một tiếng “Kéo!". Thế là hai ba người xúm vào nắm đầu thừng hết sức kéo lên, làm cho hai chân của Vương Quan lìa mặt đất chừng hơn một thước.
Vương Quan là học trò, chịu sao nổi cực hình như thế, kêu lên một tiếng lớn, rồi chết ngất đi, làm cho mẹ con Vương bà kinh hoàng. Mẹ khóc con, chị gọi em, van lơn khóc lóc. Chợt lại thấy tiếng Vương Viên ngoại kêu lớn:
-Chết tôi rồi! Chết mất thôi!
Ba mẹ con vội quay đầu trông lại, thì thấy Vương Viên ngoại bốn tay chân bị treo ngược lên, gáy lưng phía trên, mặt bụng phía dưới, trên lưng đè một hòn đá; ba trăm sáu mươi đốt xương, đốt đốt rời lìa; tám vạn bốn nghìn lỗ chân lông, thẩy đều đổ mồ hôi, mặt mày tái mét.
Thúy Kiểu lật đật bước tới, níu lấy tên công sai và nói:
- Thưa ông! Các ông bất tất làm ác như vậy, chẳng qua các ông chỉ đòi tiền bạc. Nếu ông cứu mạng cha, em tôi, ông muốn lấy bao nhiêu tiền, tôi tình nguyện bán mình để lấy tiền đưa ông...
Tên công sai nói:
- Nếu cô quả có lòng hiếu như thế, tôi sẽ giúp cô được dễ dàng. Việc này đến quan nhất định bị giết, trừ phi khoảng một vài ngày phải có ba trăm lạng bạc. Một trăm lễ quan tuần bộ, một trăm mua chuộc lấy tên cướp để chúng đừng làm liên luỵ đến nhà cô, còn một trăm thì cho anh em chúng tôi làm tiền thù lao. Có như vậy mới thu xếp xong được. Tôi còn nghe cô thạo ngón hồ cầm, mà các nhà quan thì có biết bao nhiêu người muốn bỏ bạc nghìn ra để mua. Nếu cô chịu bán mình, thì tưởng việc ấy cũng không khó!
Thúy Kiều nói:
-Việc đến thế này, tôi cũng không quản ngại gì nữa! Xin ông trước hết hãy tha cha, em tôi ra, để cùng nhau bàn tính cho tiện.
Người ứng bổ nghe xong, liền bảo bọn thủ hạ cởi trói cho hai cha con, chẳng dè dây thừng vừa tháo lỏng thì hai người trợn ngược mắt lên, rồi cùng chết ngất. Mẹ con Vương bà thấy vậy, kêu khóc om sòm:
Người ứng bổ nói:
- Đừng có sợ! Tôi có cách làm cho hai người tỉnh lại.
Anh ta túm lấy tóc hai người và phun một ngụm nước lạnh vào mặt, chợt thấy hai cha con rùng mình một cái, thở dài một tiếng rồi dần dần tỉnh lại, nước mắt nước mũi ráo hoảnh, chỉ rên hừ hừ.
Tên trùm công sai nói:
- Có nước chè hay rượu, cho mỗi người một hớp sẽ tỉnh lại ngay!
Thúy Kiều vội vã lấy một chén rượu đưa cho cha uống. Xong lại lấy một chén nữa đưa cho em uống. Hai người uống rượu rồi, thì thấy khóc đã thành tiếng và ứa ra ít nhiều nước mắt. Vương bà thấy sống rồi, vội vàng đi sửa soạn cơm rượu mời bọn công sai ăn uống và đưa một ít cơm rượu cho hai cha con dùng, nhưng hai người nuốt không xuống.
Thúy Kiều nói:
- Việc đã đến thế này, đành phải tìm cái sống trong cái chết, phiền não cũng vô ích. Tính chước bây giờ thì cha và em hãy sang ở tạm một vài ngày bên nhà ông Chung công sai, để con nhờ người làm mối bán mình cứu cha và em.
Vương Viên ngoại nói:
- Làm thế nào được? Đành phó mặc trời thôi.
Thúy Kiều nói:
-Việc này đến quan, quyết không thể sống. Cha và em chết thì dòng họ nhà ta tuyệt, mà mẹ con chơ vơ, chị em con cũng đến lưu lạc. Chi bằng bỏ một mình con để bảo toàn cha mẹ, bảo toàn dõng dõi và bảo toàn các em. Chỉ bỏ một mình con mà bảo toàn được rất lớn. Chí con đã quyết, xin cha mẹ chớ lo gì về con!
Vả chăng, con gái hướng về nhà người ta, vốn không phải là một vật giữ mãi được ở nhà. Con thẹn mình không bằng được như Để Oanh dâng thư cứu cha, há lại không làm bằng được như Lý Ký bán mình để bảo vệ cha mẹ hay sao?
Thúy Kiều nói, giọng khẳng khái kịch liệt. Vương Viên ngoại nghẹn ngào không nói ra lời, chỉ cúi đầu gạt lệ mà thôi.
Bọn công sai ăn uống xong rồi nói với Thúy Kiều:
- Bọn chúng tôi hãy đưa hai ông con đi, cô phải mau mau thu xếp. Sau ba ngày, phải đưa đến quan, vậy cô phải lo liệu mau mau, chớ để lỡ việc. Đối với hai ông con, chúng tôi không làm khó dễ gì đâu. Duy có cơm nước thì người nhà phải đem đến cho ông con ăn. Bà Vương phải theo đến nhà tôi để biết đường mà đưa cơm. Tôi sẽ nhờ bà mối tìm hộ cô một người tử tế, để không phụ với lòng hiếu thảo của cô!
Thúy Kiều nói:
-Mẹ ạ! Ông ấy nói rất phải, mẹ cũng nên đi theo ông ta đi! Vương bà đành phải cùng chồng và con theo bọn công sai đi ra.
Thúy Vân nói:
- Chị ạ! Em nghĩ cả nhà mắc nạn, sao lại để chị một mình lầm than! Thúy Kiều nói:
-Việc đến nỗi này, không thể không đi theo con đường ấy. Em còn ít tuổi, làm gì được việc này. Em là người lương thần hiếu thờ cha mẹ, chị làm người trung thần sát thân thành nhân vậy thôi! Huống chi, chị đã biết rõ thân này mệnh bạc, mặc cho đông tây đày đoạ, nhưng chỉ phụ lòng....
Nói đến đó liềm im bặt…
Thúy Vân nói:
- Chị có điều gì không tiện nói ra, đã đến lúc này mà còn không nói với em?
Thúy Kiều nói:
- Chị có chút tâm sự muốn nói cùng em, nhưng khó lòng mở miệng. Nếu không nói, thì lại phụ một tấm lòng của người chí thành.
Thúy Vân ngạc nhiên nói:
- Gọi là người chí thành, phải chăng là chàng Kim Thiên Lý? Từ trước tới nay chị chưa hề gặp mặt chàng, thì sao biết là người chí thành?
Thúy Kiều than thở và nói:
- Chị và chàng Kim đã cùng nhau thề thốt giai lão trăm năm. Ngày nay xảy ra việc bất trắc, muốn vẹn hiếu thì không thể vẹn tình. Rồi đây thân chị không biết trôi dạt về đâu, lúc chàng trở lại thì trăm mối tơ lòng, biết gửi cùng ai?... Mời em ngồi yên cho chị lạy.
Thúy Vân nói:
-Chị lạy em là nghĩa làm sao?
Thúy Kiều nói:
- Lạy đây chẳng vì việc gì khác. Chỉ vì ân tình chưa vẹn với chàng Kim, nhờ em đền bồi thay chị. Chị dù thịt nát xương mòn cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối!
Nói đoạn, cất tiếng khóc lớn rồi ngất đi hồi lâu mới tỉnh. Thúy Vân nói:
-Lời chị dặn, em xin vâng lĩnh. Mong chị giữ gìn thân thể. Thúy Kiều nói:
- Chàng Kim vừa đi Liêu Dương, việc cứu cha, cứu em, chị lại không thể chần chừ giây lát. Công việc khó liệu, nên không thể không nhờ đến em! Chị với chàng Kim có một tờ minh ước, một đôi vòng bạc, xin đưa cả cho em, mong em khéo giữ gìn, để làm mối ăn ở lâu dài về sau. Chị sợ người tài tình như chàng Kim, khó lòng mà gặp, chị cùng chàng thề thốt biết bao nhiêu, tất cả phải nhờ em giữ cho trọn vẹn. Sau này chồng quý vợ vinh, đừng có quên chị! Có lẽ bà mối sắp đến, e không kịp nói nữa, vậy chị viết mấy chữ gửi em trao lại chàng Kim. Chị nghĩ lại cuộc thề dưới trăng, chắc không bao giờ lại được thấy nữa. Trước đây chị nằm mộng thấy Lưu Đạm Tiên bảo chị đề khúc Đoạn trường, lại nói chị cũng là người trong hội
Đoạn trường, dự đoán cuộc đời của chị cũng không ra ngoài cảnh đoạn trường. Trước kia, đối với chàng chị kiên quyết giữ mình là theo lẽ thường, nay gặp biến lớn thế này thì một đời sướng khổ, phó mặc ông xanh, mình còn tự chủ sao được! Sau này, vạn nhất chàng Kim còn có tình, hoặc em còn nhớ đến, có lòng tốt tìm chị thì đại khái cứ đến sông Tiền Đường, tất thấy tăm hơi. Cái triệu Tiền Đường, chị được nghe trong giấc mộng, điềm trước đã ứng rồi, việc sau tất nhiên cũng đúng!
Nói xong, nàng dẫm chân khóc và nói:
- Chàng Kim! Chàng Kim! Thiếp phụ chàng rồi! Thiếp phụ chàng rồi.
Nói xong lại khóc nức nở hồi lâu, rồi bỗng tự nhiên nín hẳn và nói vói Thúy Vân:
- Em ạ! Chị không khóc nữa đâu! Mẹ trở về, mụ mối tất cũng đến. Việc này liên quan đến chuyện trộm cướp, chắc rằng gần vùng không ai dám lấy chị, nhất định phải là người xa. Họ cưới rồi tất giục đi ngay. Lúc bấy giờ ruột gan rối bời, dù muốn để lại nửa chữ cũng không thể viết. Chi bằng lấy bút ra đây, chị viết sẵn cho tử tế.
Bèn mài mực vê bút, thở dài một tiếng, châu lệ chứa chan, và nói: “Chàng Kim! Chàng Kim! Trước đây thiếp cố giữ vẹn tấmthân, không chiều ý chàng là sợ trong đêm hợp cẩn, không lấy gì làm tin. Nếu sớm biết có biến ngày nay như thế này, thì lúc ấy còn giữ làm chi”. Bèn nín khóc cầm bút viết:
“Thúy Kiều mệnh bạc, nhà xẩy tai ương, không thể bắt chước Đế Oanh kêu oan cho cha, mà chỉ làm được như Lý Ký bán minh để gỡ nạn nhà. Bán mình tất là làm nhục cho chàng. Đáng thẹn thay và đáng giận thay! Nghĩ lại cái việc dưới đèn gieo thoi cự tuyệt bữa trước, lại thành ra bản án bạc tình của thiếp vậy. Chàng nhớ đến đấy há chẳng oán thiếp chăng? Thiếp nghĩ tình bạc, không thể nối lại tơ duyên, nên xin nhờ cô em nhà thay việc nâng khăn sửa túi, nếu chàng không ruồng bỏ mà dung nhận cho, thì như thế là thiếp cũng được đền chút ân tình trong muôn một! Bên trời góc biển, lặn lội nay mai, lời thề dưới trăng đã thành niềm tưởng hão! Một cây hồ cầm, một tập oán khúc và một gói hương trầm để lại. Sau này có lúc chàng cùng em thiếp, vợ chồng đốt hương ngâm vịnh, ca khúc dạo
đàn, nếu thấy gió lạnh hiu hiu, khói hương quanh quất, thì ấy là hồn thiếp ở đấy. Mong chàng sẽ lấy chén trà tưới viếng hồn oan thì thiếp được đội ơn nhiều lắm! Sinh li tử biệt, hết chuyện từ đây, lời vắn tình dài, kể khôn xiết nỗi. Chỉ mong chàng luôn gắng sức dưỡng thân, chớ có nghĩ gì đến thiếp. Mấy lời dâng lên chàng Thiên Lý. Thiếp là Vương Thúy Kiều khép nép lạy".
Ngoài phong bì đề mấy chữ “Kim Thiên Lý minh huynh mở coi."Đoạn đưa cho Thúy Vân cất giữ. Bỗng nghe có người gõ cửa, thấy Vương bà cùng mụ mối họ Hàm đến đểnóichuyện mối manh.Mụ Hàm hỏi:
- Cô em nào đấy?
Thúy Kiểu nói:
- Là tôi đây.
Mụ Hàm nói:
- Những người gần Kinh đây muốn hỏi vợ lẽ, nhưng đều không thể bỏ ra nhiều tiền, vả họ cũng sợ cô liên can đến việc trộm cướp, nên không dám hỏi. Nay có một người khách ở Lâm Thanh muốn cưới vợ lẽ đẹp, chịu bỏ ra nhiều tiền. Song hắn cũng sợ chuyện thị phi đã ngỏ ý hễ trao tiền rồi là đem người đi ngay, nên phải bảo cho cô biết trước, rồi tôi mới tiện đi nói chuyện.
Thúy Kiều rưng rưng nước mắt, nói:
-Nếu người ta bỏ được tiền ra cứu cha và em tôi, thì tôi sẽ theo người ta mà đi thôi.
Mụ Hàm nói:
- Nếu cô chịu như thế, thì một lời là xong ngay.
Mụ Hàm nói xong đi ra, hồi lâu đưa mấy người đến, trong bọn có một người đẹp đẽ, bước tới chào và ngắm nghía Thúy Kiều mãi. Mụ Hàm vuốt chân kéo tay, xoa lưng nắn cánh:
- Quả là cô gái tuyệt đẹp!
Người ấy gạn hỏi:
- Có tài nghệ gì không?
Mụ Hàm nói:
- Thi, từ, ca, phú,... ngón gì cũng thạo, và thạo cả ngón hồ cầm nữa. Người ấy nói:
-Tôi có chiếc quạt vàng, tiện đây xin cô mấy chữ...
Vừa nói vừa đưa chiếc quạt cho mụ Hàm. Mụ Hàm liền trao sang tay Thúy Kiều. Thúy Kiều nói:
- Xin cho đầu đề và vận thơ...
Người ấy nói:
- Xin lấy "Xuân nhật văn cưu” (Ngày xuân nghe chim thư kêu) là đề, chữ “dương” làm vận.
Thúy Kiều không nghĩ ngợi, liền cầm bút viết luôn một bài thơ. Thơ rằng:
Gió đông thổi ấm lại!
Cây cỏ ngời ánh dương,
Cưu gọi mưa chi tá ?
Cho hoa thắm nhị hường!
Thúy Kiều viết xong, trao quạt cho mụ Hàm trả lại người ấy. Người ấy nói:
-Chữ viết tốt, thơ cũng hay! Còn ngón hồ cầm nữa, xin cho nghe nốt.
Thúy Kiều muốn cứu cha, cũng không quản gì xấu hổ, liền nảy dây đàn, gảy khúc “Hồng nhan oán", nghe ra ai oán thê lương như hạc hú buổi thu trong, tựa vượn ngâm nơi hang tối, khiến cho người nghe bùi ngùi ứa lệ. Người ấy nói:
- Quả nhiên tuyệt diệu! Bây giờ xin hỏi cần độ bao nhiêu tiền lễ? Mụ Hàm nói:
- Cô cần cứu cha, không phải năm trăm lạng không xong việc! Người ấy nói:
- Tiền lễ nhiều quá, xin ba trăm lạng thôi.
Thúy Kiều nói:
- Bán mình mà không được việc, thì bán để làm gì?
Người ấy nói:
- Thôi xin đưa bốn trăm lạng.
Thúy Kiều nói:
-Không phải năm trăm lạng là không được.
Sau cùng người ấy phải chịu thêm năm mươi lượng nữa và hỏi: - Vậy ai đứng ra làm giấy?
Thúy Kiều:
-Cái đó cần phải cha tôi đứng chủ trương...
Liền quay sang nói với mụ Hàm:
-Phiền bà đến nhà ông Chung mời cha và em tôi về, để đôi bên đối diện giao nhận tiền bạc, cho tôi được mắt thấy cha và em được thoát nạn.
Chừng ấy dù tôi có phải đi đất khách quê người, cũng cam lòng nhắm mắt. Mụ Hàm nói:
-Cô nói phải đấy! Sáng mai tôi sẽ cùng ông con nhà, ông Chung và hẹn cả ông này về đây, để làm cho xong việc.
Mụ Hàm và ngưòi ấy đứng dậy ra về. Thúy Kiều nói với Vương bà:
- Mẹ ạ! Mẹ đưa cơm đi cho cha và em ăn, nhân tiện mời ông Chung tới đây, vì con muốn nhờ ông ta làm giấy tờ chứng cớ rõ ràng cho việc cha và em, chừng ấy con mới đành lòng mà đi.
Vương bà nghe nói liền sửa soạn cơm nước đem đi.
Lại nói, lúc này chị em Thúy Kiều ngẩn ngơ thờ thẫn. Đợi đến chập tối không thấy mẹ về, Thúy Kiều bèn nói với Thúy Vân:
-Em ạ! Bây giờ mẹ chưa về, tất nhiên đêm nay nghỉ lại nhà ông Chung. Chị em mình cũng đi ngủ thôi.
Thúy Kiều nói thế, nghe trong người mệt mòi, thần tứ hôn mê, liền cứ mặc nguyên quần áo mà năm ngủ. Bỗng thấy Kim Trọng từ ngoài đi vào, Thúy Kiều vội vã nói:
- Chàng đến rất đúng lúc, nếu qua ngày mai thì thân thiếp đã thuộc về ngưòi khác mất rồi!
Kim Trọng hỏi:
- Sao lại tai biến thế này?
Thúy Kiều đem nguyên do việc bị liên luỵ và chuyện bán mình, thuật lại kĩ càng một lượt cho Kim Trọng nghe, và nói:
-Không ngờ chàng hãy còn ở đây!
Kim Trọng nói:
-Tôi sắp khởi hành, nghe nàng mắc nạn, sao nỡ bỏ đi, nên đến hỏi thăm. Nếu ba trăm lạng bạc mà có thể xong việc, thì tôi cũng cố hết sức.
Phút chốc Chung Sự, cha mẹ, Vương Quan và người xem mặt cùng đến. Mọi người ngồi xuống rồi nói liền đến chuyện tiền bạc. Kim Trọng đứng thẳng ra, nói:
-Thúy Kiều là vợ tôi. Tôi vắng nhà, vì có việc cần mới phải như thế. Nay tôi về đây, số tiền ba trăm lạng, tôi xin xuất hộ, không việc gì phải theo đi với người phương xa.
Nói xong, lấy ngay số bạc đặt lên bàn. Chung Sự thu nhận số tiền, viết luôn tờ giấy bảo đảm, rồi tha cha con Vương Viên ngoại. Người xem mặt nói:
- Tôi tốn bao nhiêu công phu mới tìm được một người, định đem đi kiếm mấy nghìn bạc, sao anh lại cướp đi?
Kim Trọng giận quá, nói:
- Anh nói như thế thì anh đích là tên buôn người rồi! Phải gọiđịa phương tới bắt cái quân buôn người này mới được!
Người ấy coi chừng sự tình không tốt, liền quay lưng bỏ chạy. Thuý Kiều cùng cha mẹ lạy tạ mãi. Rồi đó chọn ngày lễ thành hôn, đàn sáo nhã nhạc, đưa vào động phòng. Bỗng thấy người xem mặt ấy chỉ huy bọn hung đồ xông vào tận trong phòng bắt Thúy Kiều đem đi. Phía sau Kim Trọng đem người đuổi theo. Người ấy đẩy Thúy Kiều ngồi lên lưng ngựa, rồi giơ roi hét lớn. Ngựa chạy như bay, dần dần không thấy bóng người. Thúy Kiều bụng bảo dạ: “Ngựa chạy thế này, chàng Kim đuổi sao kịp. Ta phải nắm lấy một vật gì, nhảy xuống đợi chàng”. Liền giơ tay túm lấy một cành cây, giữ chặt không buông. Con ngựa thoát ra chạy miết. Thúy Kiều vừa toan nhảy, nhưng nhìn xuống, thì dưới đất không phải là chỗ đất bằng, mà là một hố lửa rất lớn, khói bốc ùn ùn, lửa bay ngùn ngụt, lửa bốc lên cháy cả thân cây. Thúy Kiều sợ hãi, mất cả hồn vía. Bỗng trên cây có một khối lửa to bằng cái đấu, nhằm thẳng mặt Thúy Kiều văng vào. Thúy Kiều thét lên một tiếng lớn: “Tôi chết cháy mất thôi!”. Giật mình tỉnh dậy, thì là một giấc mộng.
Chỉ thấy một ngọn đèn hiu hắt, nước mắt chảy quanh, chẳng thấy Kim Trọng đâu cả, chỉ có Thúy Vân nằm bên mình, liền thở dài nói:
-Giấc mộng hung hiểm làm sao! Đại khái kết cuộc đời ta là như thế đấy! Ôi! Chàng Kim! Chàng Kim! Đôi ta thực là vô duyên vậy.
Bèn khêu đèn cầm bút viết luôn tám khúc từ Kinh mộng giác (Khiếp sợ khi tỉnh giấc chiêm bao) như sau:
1. Kinh mộng giác. Đuốc hoa, chuột, sóc dòm,
Ngậm sầu, ánh đuốc khi mờ tỏ
Soi thấu lòng ai lúc héo hon?
2.Kinh mộng giác. Trước thềm, khánh, nhạc kêu,
Lửa cháy, nước sôi đâu đó tá?
Đốt thiêu miếu quỷ, đổ Lam Kiều.
3.Kinh mộng giác. Trống, ốc nghe bi tráng,
Thương thay phận gái biết về đâu?
Càng nghĩ càng thêm mối hận sầu!
4.Kinh mộng giác. Sâm ngang, Đẩu đã gác,
Đêm buồn hiu quạnh bốn vì sao,
Li biệt, mai đây phương trời nào ?
5.Kinh mộng giác. Ngọn trúc gió nghiêng ngả,
Uyển chuyển lả lướt như tiên nga,
Phiêu phiêu lăng đãng cành la đà?
6.Kinh mộng giác. Canh khuya quên khắc khoải
Máu hoà nước mắt giục người đi,
Đi, về không hẹn, gọi mà chi?
7. Kinh mộng giác. Trăng lặn, quạ kêu rêu,
Đất trời u ám, sầu man mác!
Sương gió thê lương, người tịch liêu.
8. Kinh mộng giác. Thông reo tựa gió gào,
Tưởng khúc tương tư ai nhắn bảo,
Lòng ngờ nghe oán giận nao nao!
Thúy Kiều đề xong, không đi nằm nữa, chỉ ngồi than khóc mà thôi. Muốn biết sự việc diễn biến ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.
HỒI THỨ NĂM
HIẾU NỮ CAM LÒNG THEO SỐ MỆNH,
SỐNG CHẾT ĐÀNH LIỀU
THÂN NHÂN NGHĨ CẢNH SẮP CHIA PHÔI,
RUỘT GAN ĐỨT ĐOẠN
đời, cái làm rối lòng người nhất, ấy là mối tình, mà ở trong mối tình làm rối lòng người thì cái khó dàn xếp nhất, ấy là mối chí tình. Chỉ một mối thôi, đã khó chịu đựng thay. Huống chi, nào tình nghĩa
đối với Kim Trọng, nào tình hiếu đối với cha mẹ, nào tình chân tay đối với các em, nào tình đau khổ bán mình theo người không xứng đáng, nào tình li biệt phải bỏ nước lìa nhà. Sau nữa, nào tình đời phải đút tiền mà gỡ được oan, bấy nhiêu thứ tình trong một lúc lục đục rối rít cả ở trong Thúy Kiều, thì cái người là Thúy Kiều ấy há dễ dàng đối phó được sao?
Vô luận Thúy Kiều khó bề đối phó, mà ngay người mô tả chuyện Thúy Kiều ở trong tình cảnh ấy cũng không khỏi chân tay lúng túng, không biết hạ bút từ đâu. Thế mà cuốn sách này một nét thẳng, một nét cong, một nét ngang, một nét dọc, đem hết những mối tình nghĩa khó rời đối với Kim Trọng, tình hiếu muốn gấp rút cứu mẹ cha, tình chân tay thương nhớ và uỷ thác các em, tình đau khổ sắp phải liều mình truỵ lạc, tình li biệt không biết đi đâu, sau nữa đến tình đời bắt bắt, tha tha,... tả ra hết cả như vẽ vào cát, như đốt sừng tê, khiến người ta đọc qua một lượt, tưởng tương như trông thấy Thúy Kiều ở trong mớ rối bòng bong ấy đã đối phó như thế nào vậy. Thật là ngọn sử bút của ông Tư Mã. Mong rằng người đọc tập này nên nghiền ngẫm cho kĩ mới thấy được cái khổ tâm của tác giả...
Lại nói, Thúy Kiều ngồi mãi tới khi gần sáng. Thúy Vân thức dậy hỏi: - Chị dậy từ bao giờ?
Thúy Kiều nói:
-Chừng khoảng nửa đêm, chị nằm mơ thấy một cơn ác mộng, đại khái đời chị tất nhiên sẽ phải lưu lạc. Ấy là số mệnh trời sinh chị như thế, chị cũng không dám oán thán gì. Tám bài “Kinh mộng giác” chị viết đây, khi nào chàng Kim về, em sẽ đưa cho chàng xem và bảo đây là bút tích của chị lúc sắp đi!
Thúy Vân hỏi:
- Chị nằm mơ thấy ác mộng gì thế?
Thúy Kiều nói:
- Kể lại ác mộng, càng thêm đau khổ, đành chịu im hơi lặng tiếng thôi vậy.
Thúy Vân cầm lấy thơ, vừa toan đọc kĩ, bỗng có tiếng gõ cửa. liền ra xem, thì là bà Vương về. Bà Vương nói với Thúy Kiều:
-Con ơi! Cha con nói rằng sống chết có số, đành để mặc trời.Nếu không thể thoát được, thì cả nhà cùng liều chết, thế mà lại rảnh rang, nào nỡ để một mình con trôi dạt cho cả nhà hưởng phúc.
Thúy Kiều rưng rưng nước mắt, nói:
-Thưa mẹ! Cha con dạy là lời của bậc từ phụ, song mắt con thấy cha bị vạ gió tai bay, dù có phải chết để gỡ tội cho cha, con cũng không tiếc. Huống chi bán mình, vị tất đã đến nỗi phải chết. Con nghĩ, nếu không liều một thân này, thế tất cha và em phải chết cả ở trong tù. Chừng ấy mẹ góa con côi, tứ cố vô thân, tiền không lương cạn, e lại chẳng lưu lạc đi làm tì thiếp cho người ta ư? Để đến khi nhà tan người chết rồi đi làm tì thiếp, chi bằng nay liều mình cứu lấy mạng cha, may ra trời chẳng phụ lòng, lại được nơi tử tế yên thân cũng chưa biết chừng. Xin cha mẹ chớ lo lắng quá vì con.
Vương bà khóc to lên và nói:
-Con ơi! Con thử nghĩ mẹ cha sinh con như thế nào, nuôi nấng con như thế nào, nỡ nào đem bán con đi làm lẽ mọn cho người! Con chưa biết cái khổ làm thân lẽ mọn... Giờ đây người ta yêu thích, người ta cưới con về, cả
lẽ chung đụng mới sinh ra nhiều chuyện rắc rối; lúc ấy anh chàng dầu có yêu con đến mười hai phần chăng nữa, nhưng bị mọi người nói ra nói vào cũng sẽ nhạt mất tám chín phần. Gia dĩ con lại lạ người lạ mặt, thì còn ai thương xót đến con! Tới lúc đó, đánh mắng sống chết đều thuộc quyền người ta, con ơi! Mẹ e rằng, con không thể chịu được nỗi lầm than như thế. Huống chi, con từ nhỏ vẫn được nâng niu, ăn ngon mặc đẹp, mà giờ làm lẽ mọn, ở nhà người ta sẽ phải dậy sớm thức khuya như người già cả... Nghĩ tới nông nỗi ấy, mẹ đau đớn đến chết mất thôi.
Nói đoạn, khóc nấc lên, rồi nằm lăn ra chết ngất. Thúy Kiều vội vã ôm chầm lấy mẹ và nói:
-Mẹ ơi mẹ! Mau mau tỉnh lại! Con chẳng qua chỉ là bán mình chứ đã chết đâu mà mẹ phải đau khổ chết trước đi thế này? Mẹ mà chết thì, cha và các em con trông cậy vào ai? Mẹ ơi! Mẹ cần phải chèo chống, giữ gìn tính mạng để trông nom cha và các em con, cho được hết thảy vẹn toàn, thì con dù có phải chết ở nơi đất khách cũng cam lòng. Chớ mẹ có mệnh hệ nào, thì đừng nói sống, dù là chết nữa, con cũng không thể nhắm mắt được.
Thúy Vân vội vàng rót một chén rượu nóng đổ vào miệng cho Vương bà hai ngụm. Vương bà mới dần dần tỉnh lại và nói:
-Con ơi! Mẹ nghĩ con không đi thì cha không thể thoát chết, mà cha con sống thì con không thể không đi. Tử biệt sinh li đều là đau đớn, mẹ thực không nỡ trông thấy cái cảnh ấy. Chi bằng mẹ chết trước đi, mắt không nhìn thấy gì nữa, mặc các con thôi.
Nói đoạn, đập đầu vào cột. Chị em Thúy Kiều vội vã nhất tề ôm lấy và nói:
- Mẹ chết bây giờ thì cả hai việc càng nguy cấp!
Nói đến chỗ thương tâm, ba mẹ con ôm lấy nhau cùng khóc lớn, mãi không thôi. Chợt phía ngoài có tiếng người rầm rĩ. Thuý Kiều nói:
- Thôi! Mẹ đừng khóc nữa, cha con về đây rồi.
Mọi người im tiếng, ra mở cửa, quả thấy Vương Viên ngoại, Vương Quan, Chung Sự, mụ Hàm, người khách họ Mã cũng đến cả. Vương Viên ngoại thoạt trông thấy Thúy Kiều, liền nắm ngay lấy và khóc thảm thiết. Thúy Kiều nói:
- Cha đừng khóc nữa, bàn việc chính đã, rồi sẽ hay!
Mọi người nhất tề tìm lời an ủi, Vương Viên ngoại mới chịu im. Thúy Kiều nói với Chung Sự:
- Thưa ông! Giờ đây cháu có tiền, dám hỏi ông làm cách nào cứu thoát cha và em cháu? Phải có bằng cứ cho cháu, để cháu tiện trao tiền cho ông, rồi đi theo Mã lão gia. Nếu tiền mất mà việc kiện cáo không xong, thì tội gì mà đem thân ra bêu xấu, chi bằng liều chết cả cho rồi!
Chung Sự nói:
-Già Chung này tuy làm việc chốn quan nha, nhưng suất đời ăn chay, việc làm được mới làm, việc gì không làm được thì nhất định không dám làm xằng. Vì thế quan trên biết già là người trung hậu, xưa nay vẫn tín nhiệm. Bạn bè biết già có tính ngay thẳng thường hay cậy nhờ. Đồng tiền của cô bán mình vì cha là đồng tiền thế nào mà tôi dám phung phí. Ba trăm lạng này hãy để ở nhà tôi, tôi đưa hai ông con nhà đến tận mặt quan, xin giấy chiếu làm chứng cho nhà cô được vô can, rồi sau mới đem tiền đến, gặp mấy tên cướp, tôi sẽ bảo rõ không được vướng đến nhà cô, rồi cho chúng một số bạc. Còn bọn chúng tôi có mười người, tôi sẽ chia bạc cho họ, và bảo cho họ biết công việc nhà họ Vương do tôi đảm bảo, nêu có hơi tăm gì ở nha môn thì nhờ họ che giấu. Tôi lại mời các ông chức trách trong thôn xóm làm một tờ giấy công cứ, xin dấu quan nói việc này không can gì nhà cô. Sau cùng, tôi lại viết một tờ chứng thư cho ông nhà đảm bảo thuỷ chung vô sự, thế thì cô còn sợ gì nữa?
Thúy Kiều gật đầu, nói:
-Nếu làm được thoả đáng như thế thì cháu không còn lo gì nữa. Chung sự nói với người họ Mã:
- Ông trao tiền đi, đôi bên làm giấy, để tôi giúp nhà họ Vương kết thúc việc quan nha, rồi cho cô em đi theo ông.
Người họ Mã có vẻ ngần ngại. Chung Sự nói:
- Không hề chi! Ông Vương đây là người trung hậu, tôi có thể đảm bảo được. Nếu xảy có việc gì, xin trách cứ ở tôi. Tôi xin biên giấy nhận tiền với ông.
Người họ Mã nói:
- Nếu được như thế, tôi xin giao tiền.
Chung Sự liền cầm bút viết giấy nhận tiền như sau:
"Tôi Chung Sự, xin lập giấy nhận tiền này. Nay có thiếu nữ Vương Thúy Kiều vì cha bán mình làm thiếp ông họ Mã, được số tiền lễ là bốn trăm năm mươi lạng. Hẹn trong ba ngày, kết thúc việc quan tư, sẽ theo về nhà chồng, không dám chậm trễ. Sợ lòng người bất trắc nên biên giấy thừa nhận này làm bằng.
Ngày rằm tháng 4, năm Gia Tĩnh thứ 11.
Người biên giấy thừa nhận, kí tên: Chung Sự.
Người làm chứng, kí tên: Hàm mối nương"
Chung Sự viết xong, trao cho người họ Mã. Người họ Mã nhận giấy, xem xong rồi lại nói:
-Ông đã đảm đương việc này, cố nhiên tôi phải tuân mệnh. Nhưng xin viết luôn cả tờ hôn thú nữa, để tôi tiện trao tiền.
Chung Sự quay sang nói với Vương Viên ngoại:
-Việc không nên chậm, ông mau viết hôn thư, nhận tiền, để tiện thu xếp đi lo liệu việc chính.
Vương Vĩên ngoại thoạt nghe, cất tiếng khóc lớn, nức nở nói không ra tiếng. Vương bà, Vương Quan và Thúy Vân cũng đều khóc sướt mướt. Thúy Kiều thấy quang cảnh như vậy, không thể cầm nổi nước mắt, bèn nói vói Chung Sự:
Thưa ông, cha cháu nỡ nào viết giấy bán con. Ý kiến này tự cháu đề ra, thì cháu xin tự tay biên nhận lấy hôn thư.
Chung sự nói:
- Cô nói cũng có lí.
Thúy Kiều mài mực vuốt giấy, toan cầm bút viết, nghĩ đến Kim Trọng, bỗng nước mắt trào ra chan hoà, nhưng lại sợ gây nẽn sầu não cho cha mẹ, nên phải cố nén lòng, hạ bút viết hôn thư:
"Người lập hôn thư là Vương Thúy Kiều, nhân vì cha bị vướng vòng lụy tiết, không biết lấy gì cứu vãn. Vậy tình nguyện nhờ mối gả minh làm vợ lẽ cho nhà họ Mã, lấy số tiền lễ bốn trăm năm mươi lạng. Ngày nay nhận đủ, sau khi về nhà chồng, hoặc ở hoặc đi, tuỳ theo thuận tiện. Sợ sau không lấy gì làm bằng, xin lập hôn thư này để chấp chiếu.
Ngày rằm tháng 4, năm Gia Tĩnh thứ 11.
Người lập hôn thư: Vương Thúy Kiều;
Người làm chứng: Chung Sự;
Người mối: Hàm thị;
Cha: Vương Tử Trinh; Mẹ: Hà Thị; Em: Vương Quan, cùng kí tên.”
Thúy Kiều viết xong, liền kí tên luôn, rồi trao cho mụ Hàm. Mụ Hàm kí rồi trao giấy cho Chung Sự. Chung Sự kí, đoạn đưa cho Vương Viên ngoại:
-Ông Vương, ông cũng kí đi, để tiện nhận tiền.
Vương Viên ngoại khóc và nói:
-Ông chung ơi! Tôi làm cha không thể che chở cho con gái, tìm nơi xứng đáng cho con đẹp lứa xứng đôi. Bây giờ để nó bán mình cứu tôi, thì bảo tôi yên lòng kí làm sao được!
Thúy Kiều nói:
- Thưa cha. Xin cha cứ kí cho đi. Coi như là không sinh đứa con gái này.
Vương Viên ngoại nghe nói câu ấy, như dầu nóng tưới đầu dao găm đâm ruột, chạy đến ôm chầm lấy Thúy Kiều, nói:
-Con khổ mệnh của cha ơi! Con sinh trưởng từ đâu, mà bây giờ gả bán đi đâu? Cha vẫn tính gả chồng cho con phong quang như thế nào, bây giờ phong quang ở đâu? Chẳng phong quang thì chớ, lại còn phải bán con để cứu mạng cha, thì ta còn cần cái mạng khốn nạn này làm gì? Mà ích gì?
Nói xong lao đầu vào tường, may có Chung Sự cản giữ lại được. Thúy Kiều vội vã ôm chầm lấy cha và nói:
- Cha ơi! Cả nhà đều chăm chú trông vào cha làm chủ, sao cha lại nghĩ quẩn như vậy? Nếu cha mà chết thì mẹ con trông cậy vào ai, các em con trông cậy vào ai? Không nói riêng mình con lưu lạc trôi nổi sống chết quê người đất khách, mà cả ba mẹ con cùng trôi dạt phiêu lưu nữa. Sao cha không nghĩ kĩ, một mình quan hệ rất lớn sao lại tự mình liều lĩnh cho đành? Nay tuy gặp bước hoạn nạn nhưng còn có núi thì còn có chỗ đốn củi, lần lữa qua khỏi nạn cấp bách này, tất có ngày trời ngoảnh mặt lại. Em con học tập, há không có ngày nên nổi hay sao? Tới lúc nhà cửa yên vui, giầu sang thịnh vượng, nếu không quên con, sẽ sai người tìm, cha cùng em đến gặp con một chút, ấy là ơn tái sinh của cha đó. Chớ bây giờ cha liều chết, phỏng có ích gì? Phỏng được việc gì?
Vương viên ngoại nói:
-Con nói tuy phải, nhưng cha nỡ nào bỏ con?
Thúy Kiều nói:
-Việc đã đến nước này, không còn cách gì để giải nguy, cha là bậc đàn ông cương thường, tưởng nên bỏ những điểu bất nhẫn nhỏ nhặt, cho vẹn việc lớn, chớ đâu lại bắt chước thói thường nhi nữ, mà mất cả khí khái anh hùng! Như vậy cha đã làm được một bậc trượng phu sáng suốt giữ mình à? Người xưa có câu: “Nuôi con phòng lúc tuổi già”, lại có câu: “Nhà nghèo thấy con có hiếu”. Con nay gặp cảnh nước vỗ đầu ghềnh này, cần đứng chân cho vững để việc bất hủ, lưu lại cho đời sau truyền tụng, tuy là không may mà thực là rất may. Phương chi phúc mệnh của con mỏng manh, không nghèo khó thì cũng chết non, giả sử con mang bệnh mà chết, dù có lòng hiếu, ai người thương xót đến? Nay không may cha gặp nạn, nhà gặp tai ương, thế là lại làm cho con được cái danh thơm hiếu nữ, há chẳng phải việc rất hay rất đẹp đó ư? Con đã cam lòng làm việc thì cha cũng nên bớt chút lo phiền, vì thời giờ đã muộn, không nên trì hoãn nghi ngờ nữa. Xin cha kí cho một chữ để ông Mã trao tiền, ta lo cho xong việc chính.
Mọi người đều khuyên:
- Cô em nói phải đấy! Sinh gái là con người ta, đằng nào rồi cũng phải gả chồng. Phương chi, đây với Lâm Thanh, cách nhau có bao xa. Nay mai công việc thu xếp xong xuôi, ông đến thăm con, có can ngại gì. Phải đâu như Văn Cơ lấy chồng xa, Chiêu Quân ra ải bắc, chẳng qua cũng ở trong nước Đại Minh, cần gì mà đau thương mãi, để phụ cả một tấm lòng hiếu thảo của cô em. Vả, ông Mã đã nói là vợ cả ông hiếm hoi, nếu cô tốt số, về nhà ông, sinh được mụn con, gặp khi vợ cả mất sẽ được phò làm vợ cả, chồng mà đỗ đạt, sẽ là bà quan, đường đường ngôi mệnh phụ, nuôi con khôn lớn sẽ là cụ bà, ai còn dám khinh cô nữa! Nếu không tốt số, có đi lấy chồng làm cả đi nữa, sinh con không được, xài hết gia tài, ăn không có mặc không có, đói rách quanh năm, buồn rầu hết kiếp thì sao bì kịp thời với người làm lẻ tốt số? Tôi tưởng ông Mã bỏ ra mấy trăm lạng bạc để cưới cô, tất không phải là thấp kém, mà cô em đã có lòng hiếu như thế, sau này tất sẽ được báo ứng. Biết đâu sau không phải là quan bà hay cụ bà? Thôi! Ông bất tất quá lo phiền, mau mau kí đi là phải.
Mấy câu nói ấy làm cho Vương Viên ngoại cúi đầu im lặng.
Không biết Vương Viên ngoại có chịu kí hay không? Xin xem hồi sau phân giải.
HỒI THỨ SÁU
CON GÁI HIẾU BỎ MÌNH LÀM HIẾU,
CÒN PHẢI LO TOAN
QUÂN THAM VÀNG NGỒI MÁT ĐƯỢC VÀNG,
KHÔNG HỀ KHÓ NHỌC
àm đạo hiếu, liều mình một thác, tựa như dễ dàng, chớ làm đạo hiếu còn phải lót trên cậy dưới, thực thấy khó khăn. Thúy Kiều đã liều mình một thác, làm đạo hiếu, mà còn phải an ủi cha mẹ tốn
biết bao hơi sức khuyên lơn, vẫn chưa được nghe cho đến phải đập đầu vào cột liều mạng nữa, mãi được cha mẹ xét thấu tấm lòng, hạ bút kí tên. Nếu không như thế, giả sử mình chết, rồi cha mẹ đều vì mình mà chết, thì cái chết của minh chẳng là chết uổng, có nên được việc gì, có bổ ích cho ai? Thế mới biết cốt nhục là chỗ chí tình, dù liều chết làm đạo hiếu, cũng không phải dễ.
Đã bán mình được tiền rồi, đem đi lót quan, được quan ưng thuận, đem lót cho kẻ cướp, được kẻ cướp vui lòng dàn xếp với bọn công sai, được bọn công sai thảy đều vui vẻ; chẳng tốn mảy may hơi sức, mà cái vạ thinh không nhất thời được thoát, tai vạ không ngờ bỗng chốc tiêu tan, chẳng khó khăn gì. Thế mới biết phép đời dù nghiêm, bạc vàng có thể mua chuộc; tinh thần quan thiết, đến chết cũng không xa rời; mới biết tác giả ngụ ý rất sâu, người đọc sách sao khỏi than thở...
Lại nói, Vương Viên ngoại không chịu kí tên, đuợc mọi người bàn đi tán lại, khiến cho không còn biết đáp lại ra sao, đành chỉ hai hàng nước mắt ròng ròng. Thúy Kiều thấy vậy, bất giác phát hoảng lên và nói:
-Thưa cha! Cha không kí thì việc không thành, việc không thành thì tất cha phải chết và cả nhà tất bị lưu lạc. Con sống để trông thấy cha chết, trông thấy cả nhà tan tác phiêu linh, thì chẳng thà con chết trước đi, nhắm mắt không biết gì cho rảnh. Thôi đành thôi! Con chết trước đi đây!
Nói đoạn, liền lao đầu vào cột nhà. Vương Viên ngoại thoạt thấy, sợ hãi không còn hồn vía, vội vã bước tới ôm lấy thì Thúy Kiều đã ngất đi, lăn nhào xuống đất, liền hốt hoảng gọi:
- Con ơi con! Mau mau tỉnh dậy! Cha kí đây!
Vương bà, Vương Quan và Thúy Vân đều vây lại xung quanh, người gọi con, kẻ gọi chị, ríu rít không ngớt, một mặt lấy nước nóng đổ vào miệng. Hồi lâu Thúy Kiều mới tỉnh lại và nói:
-Cha! Cha không chịu kí tên, thì cứu con sống lại làm gì? Vương Viên ngoại nói luôn miệng:
-Cha kí đây! Cha kí đây! Cả nhà đều kí cả...
Thúy Kiều khóc nói:
-Nếu con không làm việc này, tất cả nhà cùng chết, mà giòng dõi nhà họ Vương sẽ bị tuyệt diệt. Nghĩ đi nghĩ lại chỉ có liều một thân này, thì chu toàn được biết bao việc lớn. Cha kí thì không nói làm chi, chớ mà không kí thì con không dùng dao sẽ dùng thừng, không xuống nước sẽ vào lửa, chết quách cho rồi, quyết không chịu sống để trông cả nhà người chết, người dày, người khổ, người bị hình phạt trôi dạt, chịu cảnh địa ngục trần gian này!
Vương Viên ngoại nói:
-Cha kí, có khó gì!
Liền nín hơi lặng tiếng, nghiến răng, nuốt lệ cầm bút lên, hai mắt chứa chan châu lệ, kí tên vào lá hôn thư rồi đưa qua tay vợ.
Vương bà nức nở:
- Con ơi! Mẹ chưa kí vào tờ giấy này, thì con còn là con mẹ chớ kí xong rồi, thì con là người nhà họ Mã. Như vậy bảo lòng nào đặt tay vào kí!
Thúy Kiều nói:
- Mẹ ơi! Ví như con gái mẹ ốm chết, thì cũng đành vậy thôi. Chớ như giờ đây, con đi lấy chồng, chứ không phải chết, thì hà tất quá đau thương như vậy, chỉ làm cho cả nhà thêm đứt ruột.
Vương bà rưng rưng nước mắt, đành phải kí tên rồi đưa cho Vương Quan. Vương Quan nói với Thúy Kiều:
-Chị ơi! Lời xưa nói: “Nuôi con phòng lúc già nua”. Việc hôm nay, dao chém búa bổ là phận sự của em, có can chi chị. Sao lại để bán chị cứu cha, lòng em đâu nỡ!
Nói xong, buông tiếng khóc rầm lên. Thúy Kiều nói:
-Em này, Thân chị có đáng kể gì, chớ còn em thì rất quan hệ. Trên đối với việc thờ phụng tổ tôn, giữa đối với việc hiếu dưỡng cha mẹ, dưới đối với việc nối dõi tông đường. Chị không thể báo đáp được ơn dưỡng dục của cha mẹ, đều trông chờ ở em thay chị thờ phụng hai thân. Em ơi! Nếu em lấy lòng chị làm lòng, hiếu dưỡng hai thân, thì chị dù chết ở nơi đất khách quê người cũng được nhắm mắt.
Nói xong, hai người khóc oà cả lên. Chung Sự nói:
-Thôi, cậu Vương! Cậu kí đi để còn nhận tiền, đi làm việc, đừng cứ một mực đau thương!
Thúy Kiều nghe vậy liền nín khóc, nói với Vương Quan:
-Việc đã thế này, khóc cũng vô ích. Em ơi! Em kí đi.
Vương Quan bất đắc dĩ, đành dằn lòng kí tên vào lá hôn thư.
Thúy Kiều cầm hôn thư đưa cho mụ Hàm, mụ ta trao qua tay người họ Mã. Người họ Mã xem qua, bảo người đi theo lấy tiền bạc ra cân bốn trăm năm mươi lạng. Thúy Kiều đem cân lại., thấy còn thiếu năm lạng. Người họ Mã bù thêm cho đủ số, rồi Thúy Kiều nói vói Chung Sự:
-Bây giờ việc không nên chậm. Xin ông viết cho một tờ văn thư thanh bạch, cháu trao tiền nhờ ông phân phối, ông đưa cha và em cháu đến tận
mặt quan xin cho được tờ chấp chiếu rõ ràng. Rồi khi mọi việc xong xuôi, mời ông và tất cả về đây, cùng uống chén rượu nhạt.
Chung Sự nói;
-Cô tính việc chóng vánh đấy! Tôi sẽ bảo con tôi là Chung Cần ở đây giúp mọi việc mua bán sắm sửa. Còn chúng tôi trước hết đi làm cho xong công việc quan nha, rồi sẽ về viết văn thư rành mạch, thu xếp việc riêng sau.
Lại nói với người họ Mã:
-Ông cũng cùng đi với chúng tôi đến trước cửa quan chơi một chút, rồi cùng về đây uống rượu.
Bèn viết một lá đơn xin giấy chấp chiếu, một tờ trình công nhận của các lân xá, đựng bạc vào một cái tráp, rồi mọi người nhất tề vào thành, đến dinh Binh mã ty.
Chung Sự cùng cha con họ Vương vào nha môn, gõ ba tiếng bang[14], rồi đi thẳng vào nhà sau, yết kiến quan Binh mã sứ họ Dương, nói rõ việc trước. Dương Binh mã nói:
- Đã có lân xã làm chứng là bị oan, thì ta sẽ giải thoát cho cha con ông được vô sự. Ta sẽ bảo mấy tên cướp không được kéo cha con ông vào. Tờ trình công nhận lưu lại văn phòng và cấp cho một tờ bài phiếu dùng làm giấy hộ thân.
Nói xong, truyền công sai mở xiềng xích cho cha con Vương Viên ngoại, phê vào tờ thủ bản để chấp chiếu. Cha con Vương Viên ngoại khấu đầu tạ ơn, cùng mọi người lui ra. Chung Sự lại cùng hai ngưòi đến gặp mấy tên cướp, dùng lời ôn tồn an ủi xin đưa năm mươi lạng bạc để biếu chúng thêm tiền chuộc mạng. Một tên kẻ cướp nói:
-Thực ra thì ông ta không hề có làm việc với chúng tôi, nhưng ông ta có ăn uống với chúng tôi mấy lần. Sau chúng tôi bị bắt, ông ta liền bỏ không nhìn, chúng tôi giận ông ta vô tình mới đổ vấy cho. Nay đã nói xong xuôi thì sau này chúng tôi sẽ không làm liên can đến ông ta nữa là được.
Cha con họ Vương cảm ơn rồi đưa bạc ra. Mấy tên cưóp thu nhận và ngỏ lời cảm tạ. Ba người ra ngoài. Chung Sự nói với Vương Viên ngoại.
-Đỡ được năm mươi lạng, vậy ông nên đưa năm lạng tặng viên Hình phòng để nhờ hắn làm giúp án quyển, rõ ràng dứt khoát hơn.
Vương Viên ngoại liên cân năm lạng bạc giao cho Chung Sự cùng nhau tới gặp viên Hình phòng kể rõ nguyên do. Viên ấy tức khắc thảo văn quyển, nói rất rõ ràng dứt khoát, rồi đưa cho quan nha đóng dấu.
Cha con Vương Viên ngoại ra phố tìm mua hai bộ quần áo, rồi về nhà thuật lại mọi việc cho vợ con nghe. Cả nhà đều vui mừng. Rồi vào nhà trong tắm gội, thay quần áo ra bái tạ Chung Sự, chào người họ Mã và mụ Hàm. Chung Sự viết tờ bảo quản thanh bạch, vừa xong thì bọn công sai kéo đến đủ mặt, đồng thanh nói:
- Nghe trong nha môn nói rằng, hai ông con họ Vương đã được tha ra, chắc là công việc đã dàn xếp xong, nên chúng tôi đến chúc mừng.
Chung Sự nói:
-Các anh đến vừa khéo! Ông Vương hiện có năm mươi lạng bạc, muốn đưa tặng anh em. Vậy anh em kí vào tờ thanh bạch này rồi nhận số tiền về chia đều với nhau.
Bọn công sai thấy việc quan đã minh bạch rồi, đồng thanh nói để lấy lòng:
-Việc này do ông Chung thu xếp hộ, chúng tôi cố nhiên đều xin tuân lệnh...
Nói đoạn, kí xong cả mười tên, nhận tiền, lại ngỏ lời chúc mừng, rồi đem đi chia nhau.
Chung Sự nói với Thúy Kiều:
-Tấm lòng hiếu thào của cô làm cho mọi người cảm động, mở miệng ra là thuận lợi, mà hai nơi lại đỡ được một trăm lạng.
Thúy Kiều nói:
- Đó đều là nhờ ông giúp cho cả, xin đưa năm mươi lạng còn lại này biếu ông, gọi là đền ơn khó nhọc!
Chung Sự nói:
-Cô đừng nói thế. Số tiền của cô bán mình cứu cha, tôi không thể hưởng dụng. Tôi thấy cha con cô đau thương như thế, giá nhà tôi giàu, tôi đã giúp ngay ông nhà món tiền này, để bảo toàn cho cha con cô khỏi phải chia li, cũng là một việc âm công[15]”. Tiếc thay, tôi tuy có lòng ấy, nhưng không có của ấy, chỉ ôm suông một ý nghĩ ấy mà thôi. Tôi không nghĩ đến việc nặn tiền của cô, nếu định nặn tiền, thì e rằng cả trăm lạng ấy đã rơi vào tay tôi rồi. Tôi đã không nghĩ đến việc nặn tiền của cô, có đâu lại nhận số bạc năm mươi lạng này do tay cô đưa? Thôi, câu chuyện ấy cô đừng nhắc tới, số tiền còn lại để cho ông đây làm vốn. Tờ văn thư thanh bạch này, giữ cho cẩn thận, cần lắm đấy!.
Thúy Kiều còn cố nài để ông ta nhận một ít tiền. Chung Sự phát cáu lên, nói:
- Tôi đã bảo không nhận, thì nhất thiết là không nhận. Nếu nhận số tiền này, thì nhà tôi cũng sẽ gặp tai nạn, con gái tôi cũng sẽ phải bán mình...
Thúy Kiều nói:
- Xin ông chớ thế.... Cháu vẫn biết lòng ông là bậc nam nhi đội trời đạp đất. Song, cháu chịu ơn to, biết bao giờ báo đáp được. Thôi, xin để cháu nhận làm cha nuôi, sớm tối cháu sẽ vái trời đất cầu phúc cho cha nuôi được mọi phúc tốt lành, sống lâu và đông con trai.
Nói xong, liền sụp xuống lạy. Chung Sự từ chối không được, đành phải nhận lạy.
Giây lát tiệc rượu đưa ra. Vương Viên ngoại mời mọi người ngồi vào cùng chuyện trò.
Không hiểu lại nói gì nữa? Xin xem hồi sau phân giải.
QUYỂN II
HỒI THỨ BẢY
THẸN THỤNG TRÌNH THƯA CHA ME,
DỤNG Ý LẦN CUỐI CÙNG
NHỤC NHÃ VỚI ĐỨA VÔ LOÀI
THẤT THÂN TỪ LÚC ẤY
àn Dũ lúc mới đến dâng thư lên quan Tể tướng, nhiều người cười chê không biết rằng đó là Hàn Dũ đãi Tể tướng như cha mẹ, cho nên không thẹn không ngờ mà dâng thư lên. Ân tình của Thúy Kiều
đối với Kim Trọng, nếu ở cô gái khác thì không biết sẽ giấu giểm che đậy đến nhường nào, thế mà Thúy Kiều lại cứ thẳng thắn trình bày cùng cha mẹ, không lấy thế làm thẹn. Ấy là theo cái chí của Hàn Dũ. Thúy Kiều làm được như thế thật đáng kính thay! Tuy nhiên, sở dĩ Thúy Kiều dám thẳng thắn nói ra, mà không ngờ không thẹn, là vì tuy có cuộc ân tình với chàng Kim, nhưng không hề can phạm vào tội dâm đãng. Nếu như chuyện “Thôi - Trương đợi nguyệt” hay “Tư Mã gửi 1òng” mà lại kể lể với mẹ cha, thì thật là không biết thẹn. Điều này không thể không phân biệt cho rõ ràng!
Đọc đến đoạn “vì tình tràn lệ, hết sức cố từ”, rồi đến đoạn “buồn theo trâu ngựa, đành chịu cắn răng"thì thấy tâm niệm lúc nào cũng đường hoàng không hổ thẹn, không phải là người thành hai lòng, mà cảnh ngộ mỗi lúc một khác nhau, thật khó nói, khó nói!...
Lại nói, tiệc rượu bày xong, Vương Viên ngoại mời mọi người vào ngồi. Ngoài thì người họ Mã, cha con Chung Sự và cha con họ Vương; trong thì là mụ Hàm và chị em, mẹ con họ Vương. Rượu ngà say, người họ Mã nói:
-Vương Viên ngoại! Việc quan nha đã xong, mai phải cho cô em xuất giá, ngày kia tiểu đệ định về ngay.
Vương Viên ngoại nói:
-Xin hoãn cho một ngày, để chúng tôi sắm sửa một ít quần áo chăn màn, ngày kia hãy làm lễ xuất giá!
Chung Sự cũng nói tiếp:
- Phải đấy! Hoãn cho đến ngày kia, vì cô em nhận tôi làm cha nuôi, cũng phải kiếm ít nhiều đồ trang sức quần áo để nhà tôi và con cháu sang đưa dâu.
Người họ Mã không biết tính sao đành phải ưng thuận.
Sau này hai nhà Chung, Vương thành nghĩa thông gia.
Vương Quan cưới con gái Chung Sự làm vợ, rất là tương đắc. Đó là việc sau, khỏi phải nói đến.
Hôm ấy, vì việc không hay mà dọn bữa rượu, nên mọi ngưòi ăn uống qua loa rồi giải tán. Chung Sự sợ người khách phương xa họ Mã có thể nghi ngờ nên để anh ta trọ ở nhà mình, để tránh mối ngờ.
Khách khứa về rồi, cả nhà họ Vương suốt ngày vất vả mệt nhọc, ai nấy đều đi ngủ, duy có Thúy Kiều vì việc Kim Trọng, trong lòng không sao nhãng khuây đi được. Nghĩ lại quang cảnh thề thốt hôm nào, quang cảnh hôm nay bán mình, rồi đến quang cảnh tương tư sau này, luôn luôn dẫm chân sụt sùi khóc:
-Chàng Kim! Chàng Kim! Vợ chàng sắp ôm đàn tỳ bà qua thuyền khác rồi! Lúc chàng trở về, nếu là người bền gan rắn ruột, vứt quách thiếp đi, thì cái tội của thiếp giảm được phần nào. Nếu chàng là người tình chung không đổi, sớm nhớ chiều mong, thì cái tội của thiếp thật là khôn kể xiết. Bây giờ thiếp lại xin viết mấy chữ để gửi chút tình li biệt, bày tò nỗi lòng bất đắc dĩ và để tỏ rõ cái nỗi khổ không biết làm thế nào của thiếp. Mong chàng lượng tình cho thiếp với.
Nói xong xé một mảnh quần lụa trắng, cắn rách ngón tay giữa, lấy máu thảo lá thư tình. Thư rằng:
“Từ bữa chàng đi, vạ xảy trong nhà, mong chàng trở về, can trường đòi đoạn. Cha mắc tù tội, nghĩa phải cứu nguy, ôm cầm thuyền khác, để thẹn cho chàng. Sông gấm có cá, núi ngọc có hươu. Vật kia còn được thân nhau, than ôi người đời lại chia phôi mỗi người một ngả. Thư không hết lời, lời không hết ý, lâm biệt dâng lời, trân trọng muôn vàn.
Kinh gửi Kim huynh Thiên lý.
Nhục ái thiếp Vương Thúy Kiều khóc ứa máu khép nép muôn lạy.
Phụ thêm một vài lời quê, tình sầu cảnh khổ, thơ chẳng ra thơ, gọi là bày tỏ một chút máu đỏ trong lòng mà thôi. Người nhân nghĩa không nỡ bỏ, đặt ở đầu bàn, phảng phất như lời của gái ngu này ngỏ nỗi oán sầu biệt li với người quân tử vậy:
Li biệt đau lòng gửi lá thư,
Giấy hoa thắm lệ đã hoen mờ.
Nhạn về, kinh sợ mây bên suối,
Cá vắng, mênh mang sóng cạnh hồ.
Nhành liễu rủ buông xuân chính đẹp
Hoa mai gửi gắm ý khôn ngờ.
Khi về chàng sẽ thương em lắm,
Khốn nỗi đông quân chẳng đợi chờ.
Chừng canh ba Thúy Kiều viết xong thơ, nước mắt cứ tuôn rơi lã chã. Thúy Vân bỗng tỉnh giấc, thấy Thúy Kiều chưa ngủ vội ngồi dậy, hỏi:
- Chị bây giờ sao chưa đi ngủ, còn làm gì nữa?
Thúy Kiều nói:
- Trong bụng ngổn ngang trăm mối, làm gì mà ngủ được! Em ạ! Đây, hai đoạn lại thêm một phong thư nữa, mong em giữ cả cho. Ngày nào chàng Kim về, em sẽ nói giúp với chàng là chị của em đã trái ước ôm cầm qua thuyền khác rồi…
Nói đến đây, nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Thúy Vân nói:
-Chị thật là người chung tình. Đến lúc này, tấm thân đã thuộc về người khác mà vẫn một lòng lẽo đẽo với chàng Kim. Dẫu tình cô gái li hồn ngày xưa cũng không hơn được. Chẳng hay chàng Kim sẽ lấy gì mà báo đáp cho chị!
Thúy Kiều nói:
-Chị với chàng Kim hình tuy chưa thành thân, nhưng lòng đã nhất định. Còn chàng họ Mã này, chẳng qua vì việc gấp phải theo, phải đâu lứa đôi của chị. Chẳng hay kiếp trước chị làm những tội ác gì, để kiếp này mang lấy cái duyên nợ nghiệt ác ấy. Chị đi đây, là dành nhẫn nhục cho qua, không phải lấy hắn đâu. Chẳng qua chị nợ hắn kiếp trước, mượn đó mà trả cho xong bằng không thể thì sẽ liều chết. Không phải là chị không muốn sống đâu, chẳng qua ma nghiệt kiếp xưa mượn cái chết để trang trải ái tình cho rồi mà thôi. Chị nhờ em gửi lời lạy giúp chàng Kim rằng chị cảm bội thâm tình của chàng, kiếp này không thể báo đáp, thì xin để đền bù kiếp sau...
Nói đoạn nằm lăn ra chết ngất. Thúy Vân thất kinh, vội kêu ầm lên: -Cha mẹ ơi, mau tỉnh dậy! Chị con chết mất rồi!
Cha mẹ và em đều thất kinh tỉnh dậy, thấy Thúy Kiều sắc mặt tái mét, răng nghiến chặt cứng. Cả nhà vội vàng kẻ kêu người gọi, rồi đun nước nóng cố đổ cho uống, hồi lâu Thúy Kiều mới dần dần tỉnh lại, thở dài luôn mấy tiếng. Vương ông, Vương bà gạn hỏi:
-Con làm cha mẹ sợ quá. Vì sao bỗng dưng chết ngất như vậy?
Thuý Kiều đưa mắt nhìn bốn phía, thấy toàn là người nhà, nói:
- Thưa cha mẹ, con có niềm tâm sự. Nếu nói với cha mẹ thì thật là xấu hổ, mà không nói thì e phụ ân đức của người ta.
Vương ông, Vương bà cũng hỏi:
- Con có tâm sự gì, cha mẹ nhất nhất nghe theo.
Thúy Kiều khóc, nói:
- Con....
Rồi không thốt thành lời, lại chỉ khóc. Thúy Vân đem chuyện Thúy Kiều gặp Kim Trọng đầu đuôi những thế nào kể rõ một lượt và đưa hết thảy những minh thư, thơ từ cho cha mẹ và em xem.
Hai ông bà chừng ấy mới biết là con gái đã từng thề thốt nặng lời với Kim Trọng; lại biết con giữ mình theo đạo chính, không mắc tội tà dâm, nên lại càng có ý tôn trọng lắm.
Vương Viên ngoại nói:
- Con ơi! Ý tứ trong thư của con, cha hiểu rõ hết rồi.. Cha mẹ sẽ nhất y theo lời con, sẽ gả em con cho chàng Kim để nối lại cuộc nhân duyên này là được.
Thúy Kiều nghe xong, liền sụp lạy và nói:
- Cha ơi! Nếu cha bằng lòng giúp con cho được tròn chí nguyện ấy, thì chẳng kể là đi làm lẽ mọn người ta, mà dù chết ở nơi đất khách quê người cũng không oán trách gì nữa.
Vương Viên ngoại nói:
-Con ơi! Đó là cha mẹ làm lỡ duyên con, mà sao con còn nói như thế, khiến cho ruột gan của cha đứt ra từng khúc. Kiếp này cha mẹ không thể báo được ơn con, thì nguyện kiếp sau con sẽ làm cha mẹ, cha mẹ làm phận con cái, để đền bù cho con vậy!...
Nói xong buông tiếng khóc lớn. Mọi người đang khóc rầm rĩ bỗng nghe tiếng gà gáy sáng, chuông báo canh tàn, mở cửa sổ thấy mặt trời đã mọc. Vương Viên ngoại nói:
-Con Kiều mỏi mệt lắm rồi, dìu nó đi ngủ một lát để tôi ra phố, mua săm một ít đồ dùng và nữ trang, sửa soạn ngày mai đưa nó lên đường.
Vương bà cùng Thúy Vân dìu Thúy Kiều lên giường nằm nghỉ. Còn Vương Viên ngoại thì cùng Vương Quan đi mua mấy tấm hàng thay đổi, mấy đồ nữ trang và một ít món ăn để về nhà sửa soạn tiệc rượu.
Vợ Chung Sự và con trai là Chung Cần, con gái là Tô Nương đều đến. Bà Chung giúp Thúy Kiều vấn tóc chải đầu[16]. Cha mẹ rót rượu mời uống, nhưng Thúy Kiều nước mắt như mưa, cổ họng nghẹn ngào, làm gì mà ăn uống được. Mọi người đều tìm lời an ủi, Thúy Kiều bái tạ vợ chồng Chung Sự. Hai ông bà tặng một lạng bạc. Thúy Kiều lại bái tạ cha mẹ, đoạn thi lễ với hai em và anh em Chung Cần, Tô Nương. Vương viên ngoại, Vương Quan ngồi tiếp hai cha con Chung Sự ở bên ngoài. Xem bộ quang cảnh như thế làm gì mà nuốt cho xuống, chỉ mời mọc qua loa một lát, rồi giải tán.
Hôm sau, nhà họ Mã đem kiệu đến rước dâu, Thúy Kiều cất tiếng khóc ầm lên, vừa nhủ thầm:
-Chàng Kim! Chàng Kim! Bữa nay vợ chàng chia li cùng chàng đây! Kiếp này không được làm cây liền cành, xin đến kiếp sau nối lại duyên xưa. Thúy Kiều này sao bạc mệnh lắm thay! Chồng phong lưu không được hưởng thụ, lại phải đi lấy đứa xấu xa. Thật đáng thương cho đoá hoa thơm phải rơi xuống chốn bùn lầy. Trời hỡi trời, đã không cho tôi cái số tốt đẹp, thì dừng cho gặp con người tài tử. Đã gặp con người tài tử, sao lại không cho kết mối lương duyên này!...
Thúy Kiều khóc lóc thảm thiết mãi, khốn nỗi giờ tốt đã đến, kiệu hoa đã đợi trước sân. Vương Viên ngoại mời Thúy Kiều uống ba chén rượu, rồi tự mình đưa con về nhà chồng.
Ái ngại thay một vị giai nhân tuyệt thế bầu bạn cùng đồ ngu xuẩn ngựa trâu.
Lại nói anh chàng họ Mã kia vốn là chân giám sinh, đã lâu quyến luyến chốn yên hoa, xài hết gia tài, sau qua Lâm Tri gặp mụ dầu tên là Mã Tú, trước kia cũng trong làng son phấn, nay đã hết duyên. Gặp chàng Mã Quy này nên đôi bên tương đắc, chẳng bên nào nghĩ đến chuyện chính thức trở nên vợ chồng, chỉ là một bên mụ dầu, một bên đóng vai phò tá. Chúng kiếm hai gái đĩ làm ăn cho qua ngày tháng.
Nhân dịp một người gái đĩ tòng lương được món tiền chuộc mình là ba trăm lạng, tự mình lại góp thêm hai trăm lạng nữa để Mã Quy vào Kinh mua người. Gặp mụ mối Hàm giới thiệu Thúy Kiều, thấy chị ta gồm đủ tài sắc, rất hợp ý, anh ta không nói là Lâm Tri mà chỉ nói là Lâm Thanh.
Hôm ấy Mã Quy đón được Thúy Kiều về nhà trọ, khoản đãi mụ mối cơm rượu. Mã Quy nghĩ thầm: “Cô gái đẹp đẽ như thế, chi đêm đầu tiếp khách, cũng vớ được vài trăm lạng vào tay rồi, vậy không nên phá vỡ bình đi. Chợt nghĩ lại: “Còn chưa ra khỏi kinh thành, nếu không ăn nằm với nó, nó nói với cha mẹ nó, thì há chẳng sinh chuyện hay sao? Dẫu có ăn nằm với nó, làm bình vỡ ra, khi về đến nhà, bảo nó chiêu tập vờ làm con gái trinh, thì món tiền kia vẫn tập y nguyên ở trong túi mình, chi bằng mình cứ vớ món canh thứ nhất, sung sướng một chút. Nếu như mụ Tú có biết đi nữa, thì ta lại giở ngón chiều chuộng xu nịnh mọi ngày ra, tự nhiên là mụ ta không oán trách nữa”. Hắn ta nghĩ ngợi rồi nhất định vào phòng thành thân.
Lại nói, Thúy Kiều ngồi trong phòng, mọi người đã về rồi, nàng ngẫm nghĩ: “Nhà này là thế nào? Bỏ mây trăm lạng bạc hỏi ngươi về, rồi cũng chẳng cho ai đến bầu bạn, rể mới cũng chẳng biết ở đâu. Coi kiểu cách này không phải nhà tử tế, hình như họ coi mình là một món hàng lạ. Bọn tôi tớ đi theo không ra vẻ kẻ trên người dưới, đú đởn thì thào, thói phép nhà tử tế đâu lại như thế? Thôi, ta lầm đường rồi, chi bằng chết quách, khỏi ô nhục.. ” Chợt lại nghĩ: “Hắn bỏ ra bốn trăm lạng bạc mua người, chưa cùng hắn thành thân, nếu mình chết đi, tất hắn chẳng cam lòng, thế nào cũng làm liên luỵ đến cha ta. Thôi, thôi ta cứ quyết liều một chết, nhưng hãy để im trong bụng theo hắn về nhà. Nếu không ổn thoả chừng ấy sẽ chết tại nhà hắn, như vậy sẽ không liên luỵ đến cha ta, há chăng ổn tiện hơn hay sao?”. Nàng tính toán nhất định rồi chợt ngước đầu lên thấy trên bàn có con dao cạo, liền lấy gói vào chiếc khăn mặt, rồi giấu vào túi áo.
Chợt Mã Quy vào phòng nói:
- Nàng nên đi ngủ đi thôi!
Thúy Kiều không nói gì cả. Mã Quy cởi bỏ quần áo cho Thúy Kiều đoạn dìu lên giường thành thân. Ái ngại thay! Hoa thơm phong nhuỵ, bỗng gặp cơn gió táp mưa rào, ong lơi bướm lả, đâu còn tiếc ngọc thương hương!
Tan cuộc mây mưa, Mã Quy gục đầu ngủ thẳng. Còn Thúy Kiều nước mắt đầm đìa, bụng nghĩ: “Tiếc thay, tính mệnh Vương Thúy Kiều sẽ chết trong tay người này đây”. Trằn trọc không sao ngủ được, bèn nghĩ luôn chín bài, gọi là “Gặp phải đứa vô loài"
1. Gặp đứa vô loài, nó như con chó, tiếng gào gâu gâu, không phải giống người, ta có tội gì, làm thân với nó?
2. Gặp đứa vô loài, ngu xuẩn như khỉ, nho chẳng phải nho, khách không ra khách, lạnh tanh như gò[17] ", ta có tội gì, lấy nó làm chồng ?
3. Gặp đứa vô loài, tham má hồng ta, khốn cùng phải gả, há phải nhân duyên, ta có tội gì, lấy nó làm trời[18] ?
4. Gặp đứa vô loài, nó già như cha, cha ta quân tử, nó gian và độc, ta có tội gì, làm bạn với cọp?
5. Gặp đứa vô loài, mặt ma lòng rắn, phản phúc gian ngoan, tiến lui thay đổi, ta có tội gì, lấy phải người ấy?
6. Gặp đứa vô loài, giấu đầu hở đuôi, xét hành động nó, lòng ta ân hận, ta có tội gì, người mà lấy quỷ?
7. Gặp đứa vô loài, đau lòng muốn chết, gái đẹp nhà vàng, ta thường trông ngóng, riêng ta tội gì, sinh không gặp chỗ?
8. Gặp đứa vô loài, cáo mượn oai hùm, nó đâu được thế, lù xù gớm ghê, riêng ta tội gì, bầu bạn với nó?
9. Gặp đứa vô loài, cú dòm sói ngó, ngợm không phải người, sao mà gặp nó? Phải tội ta đâu, nhân duyên lầm lỡ!
"""