🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kho Đựng Nỗi Đau
Ebooks
Nhóm Zalo
Tặng Dominique
“Chỉ cần có thể truy ngược dòng dõi lên được bốn đời, ít gia đình nào không cho rằng mình có các quyền đối với một tước hiệu mơ ngủ nào đó, hoặc đối với lâu đài hay khu đất nào đó, những quyền chắc hẳn khó lòng đứng vững trước một phiên tòa nhưng chúng ve vuốt trí tưởng tượng và làm ngắn lại các giờ khắc vô công rồi nghề.
Các quyền của một con người đối với quá khứ chính anh ta còn chập chờn hơn nhiều.”
R. L. Stevenson, Một chương về những giấc mơ
LỜI GIỚI THIỆU
Tôi chưa hai mươi khi đọc Remise de peine lần đầu. Việc đọc này cũng ít nhiều xảy ra cùng thời điểm của phần đầu câu chuyện kết nối tôi với những cuốn sách của Modiano. Tôi không nhớ cuốn đầu tiên là cuốn nào. Có thể là Voyage de noces, Quartier Perdu, Fleurs de ruines, Les boulevards de Ceinture. Tôi không nhớ nữa. Nhưng tôi nhớ đó là một trong mấy cuốn này. Và cũng nhớ anh tôi, người đã mua một cuốn sách bỏ túi gần như tình cờ, một buổi sáng, trong quán Hachette của nhà ga Juvisy, vì anh đã quên ở nhà cái cuốn mà anh định đọc trong lúc ngồi tàu đến trường Đại học Paris, nơi anh theo ngành Luật. Tôi nhớ là anh đã ào vào phòng tôi, tôi nhớ những bức tường màu vàng nhạt treo một tấm poster mà hình dung lại tôi thấy đẫm chất Modiano đến kỳ lạ, mặt tiền bí hiểm bị các bụi gai cào xước và các dây thường xuân bám chặt của một biệt thự trùng với những gì người ta thường tưởng tượng về các biệt thự ngoại ô Paris với một cửa sổ sáng đèn, cổng cao và thấp thoáng một khu vườn, những bóng người đây đó, những dấu vết, những mảnh đời bí hiểm, một hình ảnh như vừa bước thẳng từ chính cuốn sách đó, nơi mà sự phân bố địa lý ít chất của một Paris bấp bênh rất đặc trưng cho tác giả, nhưng nhiều chất của những ngoại ô xa, “chưa phải là ngoại ô như bây giờ”, những thị trấn nhỏ yên tĩnh và giàu có lạc lõng sát cạnh nông thôn mà tôi thoáng thấy vào những dịp đi thi dương cầm ở rìa hạt Essonne. Tôi nhớ anh tôi chia cho tôi cuốn sách và nói “Đọc cái này đi, em sẽ thích đấy” và tôi nghe lời, để ngay lập tức bị hút vào đó và tiếp theo chỉ còn biết thán phục. Đương nhiên, tất cả những gì của Modiano đều có hết ở đây: các tên phố, danh bạ, địa tầng thời gian chồng chất, những hình bóng mờ ám, những vụ mất tích, quá khứ xấu xa, gợi nhớ thời hợp tác và phố Lauriston, những cuộc điều tra mà tưởng như đi lang thang, những mối giao du khả nghi, nỗi cô đơn, sự bỏ bê, một ông bố lâu lâu xuất hiện sau các hoạt động và các chuyến công tác đáng ngờ, người mẹ diễn viên thấp thoáng
đâu đó sau các buổi diễn, sự thiếu vắng của phả hệ, cách viết kín đáo và thanh lịch, nỗi sợ và niềm đau giữ lại trong lòng, những vùng chưa tỏ và những hố đen, tóm lại là tất cả cái huyền thoại quý báu và duy nhất đó, trong một văn phong có âm điệu đặc sắc, buồn bã và dịu nhẹ, nhưng lại giản dị, không mang tính cách rõ ràng, không gây ấn tượng, không có vẻ phong phú. Những ngày tiếp theo, tôi đến thư viện và ngấu nghiến tất cả tiểu thuyết ghi tên Modiano. Rồi mùa hạ giá trong khu Saint-Michel và tiền tiết kiệm có được từ nhiều tháng nhịn ăn đã cho phép tôi bổ sung và bằng cách ấy mà tự cập nhật: ngồi rình những đầu sách mới, hầu như hàng năm, những dịp mà từ đấy tôi không bao giờ để lỡ, không bao giờ khiến tôi thất vọng, ngược lại, còn khiến tôi có cảm giác là cứ cuốn sách này ra thì nỗi bồn chồn đợi cuốn tiếp theo còn tăng hơn nữa, giống như khao khát nhấc lên tấm màn tưởng đã nhấc được ở từng cuốn, nhưng cuối cùng để lộ ra những tấm màn khác, và lại phải lao vào nhấc lên mà không chắc mọi sự có rõ ra hay lớp sương mù kia còn dày thêm. Tôi nhớ những tháng ngày đọc sách đó như một thời kỳ của kinh ngạc, như thể được ban phép màu. Đó là quãng thời gian đầu tiên của tôi ở Paris, tôi học không xa rừng Boulogne, thường lai vãng các hiệu sách, các rạp chiếu phim nghệ thuật và thử nghiệm trong khu La-tinh và Saint-Germain-des-Pres, thỉnh thoảng cũng đến nhà bạn nằm trong những con phố yên tĩnh của ngoại ô có nhiều biệt thự và sang trọng hơn khu phố có căn nhà của gia đình tôi mà cứ cuối tuần tôi lại ngồi tàu D để trở về. Tôi lớn lên cùng với những cuốn sách đó, tôi bước đi trong bối cảnh của chúng, tôi là một trong những nhân vật của chúng, hoặc ít ra cũng là một người anh em hay cháu chắt của các nhân vật. Tất cả trộn với nhau, xuyên vào nhau, cuộc đời của chính tôi và những cuốn sách bao trùm nó, tái tạo nó, uốn cong nó, trong một kiểu lẫn lộn giữa thực và ảo. Tất cả đều hòa hợp: nơi chốn, cảm giác đang sống cùng một lúc hai cuộc đời, những chuyến đi dạo bên dưới những tòa nhà cao tầng có cửa sổ sáng đèn, những cái tên ghi trong sảnh chính, tất cả được chiếu bởi một thứ ánh sáng rất đặc biệt, của một hiện tại đầy ứ quá khứ và bị đẩy vào tương lai, của một hiện diện bấp bênh, mờ ảo. Sự phân chia địa lý trong tâm tư tôi vận động, biến đổi, chồng chất lên nhau những lãnh thổ gốc, hoàn toàn
ngoại biên, nằm ở ngoại ô, và những lãnh thổ nơi con người tôi lớn lên, những lãnh thổ được các tiểu thuyết của Modiano vẽ lại, chỉnh sửa và sáng tác thêm. Tôi rình rập khắp nơi cái dáng thanh cao của ông, tôi - kẻ chỉ chú ý đến tác phẩm chứ không đến tác giả, tôi - kẻ thường không quan tâm đến những ai đứng đằng sau hay bên trong những cuốn sách mà tôi yêu, ở nơi nào tôi cũng tưởng tượng ông sẽ hiện ra, quanh vườn Luxembourg, trên đại lộ Victor Hugo, dọc theo những hồ nước của rừng Boulogne, nhưng điều ấy không bao giờ xảy ra, chỉ mới cách đây vài hôm, khi vừa bắt đầu viết những dòng này, tôi bắt gặp ông giữa những kệ sách của cửa hàng Bon Marché, vừa rõ ràng, vừa xa xôi, mặc áo mưa màu be, giống như một cái nháy mắt, một sự ra hiệu, một trùng hợp kỳ lạ, “kỳ cục”, có lẽ ông sẽ nói như thế. Đương nhiên tôi không lại gần ông, không dám. Nhưng dù tôi có dám hay không thì huyễn tưởng cũng cho tôi biết đủ về tầm quan trọng của ông trong mắt tôi, sự hâm mộ mà tôi dành cho ông và tôn ông ngang hàng với những huyền thoại của cá nhân tôi. Lùi lại một chút, tôi ước tính bao nhiêu những kỷ niệm có thật về thời kỳ đầu ở Paris đã bị thế chỗ bởi những cuốn sách mà tôi ngấu nghiến lúc đó, hai “câu chuyện” đó, một thì xa xôi nhưng thuộc về tôi trọn vẹn, một thì nằm trong những trang sách mà tôi không phải là tác giả và chẳng thực sự kể gì về tôi, cả hai từ lâu đã lẫn lộn với nhau. Đó chính là sức mạnh của những tác phẩm đã luồn lách vào bên trong bạn. Chúng quyện lấy đời bạn đến mức không sao gỡ ra nổi. Những ngày này đọc lại Remise de peine, hiện ra trước mắt tôi tất cả những thứ đã rèn nên tính cách con người tôi, và từ đó tác động đến cả quang cảnh, nội dung, chất liệu của những gì tôi viết, dù rằng điều này chỉ hiển nhiên với tôi, dù rằng những dấu vết về sự ảnh hưởng đó hầu như là vô hình, hoặc ngầm đến mức không ai nhìn thấy. Ấy thế mà nó mang tính nền tảng, và bên cạnh Annie Arnaux, Raymond Carver hay Henri Calet (vì những lý do và dưới những biểu hiện khác) các cuốn sách của Modiano được xếp một vị trí đặc biệt, giữa những tác phẩm có tầm quan trọng với tôi: các tác giả đã làm tôi chao đảo, chỉnh sửa tôi, chuyển biến tôi vừa trong tư cách nhà văn lẫn con người.
Đọc lại Remise de peine hai mươi năm sau ngày phát hiện ra nó, thế là bởi mối bận tâm phải đuổi kịp sự chậm trễ không tài nào đuổi kịp (ai?, cái gì?, để chống lại cảm giác nào về sự bịp bợm?, ấn tượng gì về tính bất hợp pháp?) tôi không bao giờ mất thời gian đọc lại những tác phẩm và những tác giả đã tạo nên tôi, dù ký ức tôi ngắn ngủi và lỗ chỗ, đến độ mà tôi thường xuyên có cảm giác rằng nó càng xóa đi những gì đã có trước đó thì tôi càng tiến về phía trước mà vẫn không ngừng bị ám ảnh bởi những gì đã mất, cái hố đen vĩnh viễn đó cứ sâu thêm mãi, tác động tới tôi, bao nhiêu dấu vết mà cuốn sách này từng để lại, những dấu vết vừa rõ ràng vừa mờ ảo, như nó phải thế mỗi khi người ta nhắc tới Modiano: ngôi nhà nơi mà ông và em trai bị cha mẹ bỏ mặc, mặt tiền phủ đầy dây thường xuân, và cả những con phố cạnh đó, những người phụ nữ đi đi về về, băng bạn cùng trường, lâu đài bỏ hoang của hầu tước Caussade, gánh xiếc và tai nạn đu bay, một chiếc xe hơi của Mỹ và một áo vét kiểu cao bồi, tên của một hộp đêm, những lần ông bố xuất hiện, những xưởng chữa xe ở Paris, đám người lớn mà cuộc sống và hoạt động chỉ được nhìn thấy qua những thông số, những giấy tờ rời rạc, những dấu hiệu không đầy đủ và thường không thể nào đoán được. Nhưng trên hết, tất cả cảm giác bơ vơ sờ sợ, nỗi bồn chồn âm ỉ, thậm chí không thực, mà tôi cho là đồng nghĩa với thời thơ ấu như tôi cảm nhận, được xây trên cát, thường xuyên tuột qua các kẽ tay, không rõ ràng, không có đường viền và trọng tâm, bề mặt bấp bênh, người ta bước đi như bị mù, chỉ giữ được những mảnh vụn, trong sự lẫn lộn giữa có và không, để mặc bạn bước ra tuổi thiếu niên trong sự chông chênh lơ mơ, không căn cước chẳng cội nguồn, như con chó lạc mà không có vòng đeo cổ. Cảm giác này còn được Modiano xác định trong một tác phẩm khác nữa và có vẻ hoàn toàn thích hợp với Remise de peine, tạo cho nó phạm vi và quá trình “Những sự kiện mà tôi sẽ gợi lại cho đến năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã sống một cách không che đậy, cách thức này bao gồm việc cho di chuyển các bối cảnh nền, còn các diễn viên đứng im trên sân khấu trường quay. Tôi muốn giải thích cái cảm giác mà nhiều người khác từng có trước tôi: mọi thứ nối tiếp nhau chuyển động không che đậy và tôi chưa thể sống đời mình”.
Cũng chính dưới ánh sáng của những tác phẩm tiếp theo, đặc biệt là Un pedigree (đang mời chúng ta làm sáng tỏ), mà Remise de peine lại mang một sắc vẻ đặc biệt giữa các tác phẩm của Modiano, một gam màu độc nhất vô nhị. Đầu tiên bởi vì đó là một trong những tiểu thuyết hiếm hoi đã thẳng thừng tự nhận là tự truyện, hay cho ảo tưởng như thế, Modiano có vẻ tự đặt mình lên sân khấu với tên thật, (mỗi khi có dịp lại biến thành “Patoche” cho thân mật, gần gũi hơn), để vẽ lại một cách vừa chính xác vừa đáng ngờ, rất đặc trưng cho hình thức kỷ niệm, một giai đoạn thơ ấu mà chúng ta đã biết là của ông, di chuyển giữa ký túc xá và ngôi nhà ở nhờ, trong những thời gian biểu kỳ bí và một dĩ vãng mờ ám, bà mẹ diễn viên và ông bố có các hoạt động, quá khứ và các mối giao du tất cả đều dính dáng tới vũng bùn thời Đức chiếm đóng, chờ đợi được các vị phụ huynh liên lạc và đón về nhà vài ngày, vài tuần hay vài tháng để rồi lại gửi đến chỗ khác, cho những người khác. Tóm lại, tất cả những chuyện này có xác thực hay không, điều gây xúc động ở đây chính là hiệu quả của việc chiếu sáng, câu chuyện đã được tháo chốt, lột trần, đập ngay vào mắt, đã khiến ta rung động. Và cùng một lúc với mạch tự truyện vẫn được dệt lên bởi một sự lộn xộn kinh hoàng, biết bao ngờ vực và các câu hỏi. Như để đào sâu hơn điều bí mật mà tác giả đang ra vẻ giải tỏa. Như thể là, tận sâu trong cuộc tìm kiếm của mình, Modiano cho thấy sự vắng bóng của một chuyển đổi mang tính hư cấu, hoặc vẻ ngoài của nó, sự trung thành, thật hay bịa, không là bằng chứng cho một cái gì cả, không bảo đảm một sự thật rõ ràng hay một lời giải cho những điều ngờ vực, nhập nhằng nước đôi. Sau đó chính nhờ bám chặt tuổi thơ cùng những cảm nhận và sự hoảng loạn đeo dính mà Modiano có vẻ đã thuật lại những kỷ niệm này. Những mảnh vụn: vừa là những mảnh vụn của một ký ức rách mướp, không đầy đủ, vừa là những mảnh vụn của thời thơ ấu giữa đám người lớn, nghe được ở khe cửa, khoảng cách giữa các tầng nơi mỗi phòng mở ra rồi đóng lại, chỉ cho phép cảm nhận sự việc qua những tiếng vọng đinh tai, những tiếng vỡ biến dạng, những tiếng nói chuyện thì thào và những tiếng động của thìa dĩa, những tiếng vang của xe hơi đang rời ra tít xa. Những mảnh vụn cuộc sống của đám người lớn chỉ được nhìn thấy qua vẻ ngoài những bí mật và những
được thua, như là chúng ở trong một bộ phim vô tuyến bị mất tiếng và ta chỉ có thể đoán động tác của các nhân vật, mà không biết hoàn cảnh, đầu đuôi, và cả căn cước chính xác của họ.
Trong trò chơi domino, thuyền buồm thú vị mà văn chương Modiano mời ta tham gia này, tôi luôn bám vào Un pedigree (Một phả hệ) ngay từ khi tác phẩm ra đời, để tiếp sức cho tác giả trong cuộc điều tra của chính ông, lồng giọng của tôi vào đó. Như kiểu điều tra một cuộc điều tra. Điều mà mỗi độc giả đều làm một cách bí mật thông qua những cuốn sách và trong nhiều năm trời, tôi tin là thế. Thời kỳ từng được nhắc đến ở Remise de peine chiếm khoảng một trang trong tiểu thuyết này. “Giữa Jouyuen Josas và Paris, bí ẩn của một vùng ngoại ô mà lúc đó chưa là ngoại ô. Lâu đài tàn phế, và trước mắt anh, đồng cỏ mọc cao nơi chúng tôi từng thả diều ngày nào. Rừng Metz. Và bánh xe khổng lồ của máy chuyển nước thị trấn Marly quay đều trong âm thanh và sự tươi mát như thác.” “Những di chuyển đi về của những người đàn bà kỳ lạ (…) trong số đó có Zina Rachewsky, Suzanne Baulé, hay còn gọi là Frede, giám đốc của Carroll’s, một hộp đêm phố Ponthieu, và một Rose-Marie Krawell nào đó, chủ một khách sạn phố Vieux Colombier, và thường lái xe hơi Mỹ. Họ mặc áo vét và đi giày đàn ông, và Frede, còn đeo cả cà-vạt (…) Một tối (…) cha tôi (…) hỏi tôi sau này muốn làm nghề gì. Tôi không biết trả lời thế nào.” Sự nghiệp văn chương của Modiano là một work in progess vô cùng lôi cuốn đang tiến hành ngoài trời. Mỗi cuốn sách đều lấy được từ đó một nghĩa đúp. Mời ta ngắm nhìn nó trong sự tự chủ của một tác phẩm đã hoàn thiện, đã khép lại ở trang cuối, nhưng cùng lúc, giống như một phần mới của một puzzle mà không cái gì bị đóng lại hoàn toàn, một vài chỗ còn để “trống” trong khi những chỗ khác cũng dần dần xác định được phạm vi. Tương tự y như thế về nhân vật ông bố, nhân vật kỳ thú trong văn chương Modiano, mà ta tìm lại trong tác phẩm này một sự hiện diện mờ ảo và những tiếng vọng gián tiếp, qua việc tác giả nhắc lại “phố Lauriston”. Ngược lại, Rudy, em trai tác giả, có vẻ là một phái giữa vắng mặt, một sự im lặng hãi hùng. Thế nhưng, ở trang 44 của Một phả hệ, ta có thể đọc được đoạn này, mà Modiano sẽ không còn nhắc
lại trong phần sau của cuốn sách: “Tháng Hai năm 1957, tôi mất em trai.(…) Ngoài em Rudy, cái chết của em, tôi tin là chẳng điều gì mà tôi sẽ thuật lại ở đây có liên quan sâu sắc đến tôi”. Nhưng điều khiến xúc động nghẹn ngào hơn nữa trong Remise de peine, điều khiến tim ta se lại khi đọc những dòng chữ này, chính là sự gợi nhắc, vừa thoáng qua lại vừa đều khắp, vừa kín đáo lại vừa tinh tế hé mở, không nói rõ, không bình luận, thận trọng, nhưng vì hiếm mà trở nên nổi bật, về cậu em út của “Patoche”. Ở phương diện này, Remise de peine còn khiến chao đảo hơn, tôi không có ý tán vớ vẩn về Modiano đâu, nhưng tôi có cảm giác tác phẩm này được viết ra vì cái đích ngầm sau đây: khắc lên trang sách những giây phút hai anh em bên nhau, những ký ức về một thời gian mà người ta còn có thể nhớ khi phát âm mấy từ “tôi và em trai tôi”.
OLIVER ADAM
Đó là thời các cuộc lưu diễn kịch nghệ không chỉ dọc ngang nước Pháp, Thụy Sĩ và Bỉ, mà cả Bắc Phi nữa. Tôi lên mười. Mẹ tôi đã lên đường lưu diễn một vở kịch và chúng tôi, em trai tôi và tôi, ở nhà những người bạn gái của bà, tại một ngôi làng ven Paris.
Một ngôi nhà hai tầng, mặt tiền phủ dây thường xuân. Một trong số các cửa sổ lồi mà người Anh gọi là bow-window kéo phòng khách dài thêm ra. Đằng sau nhà, có một khu vườn giật nhiều cấp. Ở cuối tầng đầu tiên của vườn, núp dưới đám cây ông tiên, là mộ của bác sĩ Guillotin. Ông từng sống tại ngôi nhà này? Tại đó ông đã hoàn chỉnh cỗ máy chém đầu của mình? Tít trên cao khu vườn có hai cây táo cùng một cây lê.
Những miếng nhỏ tráng men treo trên dây xích bạc thòng vào các lọ đựng rượu, trong phòng khách, mang những cái tên: Izarra, Sherry, Curaçao. Cây kim ngân xâm chiếm thành giếng, chính giữa cái sân ngay trước vườn. Máy điện thoại để trên một cái bàn guéridon, gần sát một trong những cửa sổ phòng khách.
Rào lưới được chăng để bảo vệ mặt tiền nhà, hơi thụt vào so với phố Docteur-Dordaine. Một hôm, người ta đã sơn lại rào sau khi phủ lớp chống gỉ. Có phải đó là sơn chống gỉ, cái chất lỏng sệt màu cam vẫn còn hết sức sống động trong kỷ niệm của tôi? Phố Docteur-Dordaine có dáng dấp làng mạc, nhất là về cuối: một tòa nhà cho các xơ, rồi một trang trại nơi người ta đến để mua sữa và, xa hơn, lâu đài. Nếu đi xuôi phố, trên vỉa hè bên phải, ta sẽ đi qua trước bưu điện; cũng đoạn ấy, phía bên trái, ta nhìn thấy, sau một rào sắt, các nhà kính của ông chủ hàng hoa mà con trai là bạn ngồi cạnh tôi tại lớp học. Xa thêm một chút, cùng phía với bưu điện, là bức tường của trường Jeanne-d’Arc, vùi mình dưới những tán tiêu huyền.
Đối diện nhà, một đại lộ dốc thoải. Bên lề của nó, phía tay phải, là
nhà thờ Tin Lành và một khoảnh rừng nhỏ, giữa đám bụi cây ở đó chúng tôi từng tìm được một cái mũ sắt của lính Đức; bên trái, một ngôi nhà dài và sơn trắng nơi vòm tường nhô ra, với khu vườn lớn cùng một cây liễu rủ. Thấp hơn, chung tường với khu vườn ấy, là quán trọ Robin Lục lâm.
Ở cuối dốc, và cắt vuông góc với nó, là đường bộ. Bên phải, quảng trường nhà ga, lúc nào cũng hoang vắng, trên đó chúng tôi đã tập đi xe đạp. Theo hướng ngược lại, ta đi dọc theo công viên. Trên vỉa hè bên trái, một tòa nhà với dãy hành lang làm bằng bê tông nơi nối tiếp nhau hiệu bán báo, rạp chiếu phim và hiệu thuốc. Con trai ông dược sĩ là bạn cùng lớp với tôi và, một đêm nọ, bố cậu ta đã tự sát bằng cách treo cổ lên một sợi dây buộc vào hiên của hành lang. Dường như người ta hay tự treo cổ vào mùa hè. Các mùa khác, họ thích tự sát bằng cách trầm mình xuống sông hơn. Chính ông thị trưởng của làng là người nói điều đó với ông chủ hiệu bán báo.
Sau đó, đến một khu đất hoang được dùng làm chợ, thứ Sáu hằng tuần. Thảng hoặc ở đó dựng lên cái lều một gánh xiếc lưu động cùng đám nhà lán của một phiên chợ.
Ta tới trước tòa thị chính và lối đi trên cao. Sau khi vượt qua đó, ta đi theo đường lớn của làng, nó lên cao mãi cho đến quảng trường nhà thờ và đài tưởng niệm liệt sĩ. Một dịp lễ mixa Giáng sinh, chúng tôi, em trai tôi và tôi, được hát trong dàn đồng ca tại nhà thờ ấy.
Chỉ có toàn phụ nữ trong ngôi nhà hai chúng tôi sống.
Hélène nhỏ xinh là một phụ nữ tóc nâu trạc bốn mươi tuổi, có vầng trán rộng và hai gò má cao. Thân hình rất nhỏ bé của cô khiến chúng tôi thấy gần gũi. Cô đi hơi khập khiễng do bị tai nạn trong lúc làm việc. Cô từng là nài ngựa rồi diễn viên nhào lộn, và điều đó khiến trong mắt chúng tôi cô có uy thế lớn. Xiếc - mà chúng tôi, em trai tôi và tôi, đã khám phá một buổi chiều nọ tại rạp Médrano - là một thế giới mà chúng tôi muốn dự phần. Cô từng nói với chúng tôi rằng cô không hành nghề nữa từ lâu rồi và cho chúng tôi xem một quyển album trong đó dán những bức ảnh chụp cô trong trang phục nài ngựa và diễn viên nhào lộn cùng các trang chương trình music-hall nêu tên cô: Hélène Toch. Thường thì, tôi đề nghị cô cho tôi mượn quyển album để có thể lật giở nó trên giường, trước khi ngủ thiếp đi.
Họ tạo thành một bộ ba lạ kỳ, cô, Annie và mẹ của Annie, Mathilde F. Annie là một phụ nữ tóc vàng cắt ngắn, mũi thẳng, khuôn mặt dịu dàng và thanh nhã, cặp mắt sáng. Nhưng một cái gì đó tàn nhẫn trong dáng dấp của cô tương phản với nét mềm dịu khuôn mặt, có lẽ vì cái áo bu dông bằng da màu hạt dẻ đã cũ - một chiếc bu dông đàn ông - mà cô mặc cùng cái quần đen rất chật, trong ngày. Tối đến, cô hay mặc một cái váy màu xanh nhạt bó eo bằng thắt lưng rộng bản màu đen và tôi thích cô như vậy hơn.
Mẹ của Annie không giống cô. Bà có thực sự là mẹ cô không? Annie gọi bà là Mathilde. Mái tóc bạc búi lại. Một khuôn mặt cứng rắn. Luôn luôn ăn vận đồ sẫm màu. Bà làm tôi sợ. Tôi thấy bà thật già, thế nhưng bà không hề già: Annie năm sáu tuổi hồi đó và mẹ cô chừng năm mươi. Tôi còn nhớ những mặt đá trang trí mà bà gài lên áo nịt. Giọng nói của bà có âm sắc miền Nam về sau tôi sẽ bắt gặp lại nơi những người quê Nîmes. Annie thì không có âm sắc ấy, mà, giống em trai tôi và tôi, nói giọng Paris.
Mỗi lần Mathilde nói chuyện với tôi, bà đều gọi tôi như sau: “thằng
đần sung sướng”. Một sáng nọ, tôi đang từ trên phòng ngủ bước xuống để ăn sáng, bà đã nói với tôi như thường lệ:
– Xin chào, thằng đần sung sướng.
Tôi đáp:
– Chào, thưa bà.
Và, sau ngần ấy năm, tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói khô khẳng của bà, với âm sắc Nîmes, đáp:
– Bà?… Cháu có thể gọi ta là Mathilde, thằng đàn sung sướng ạ…
Hélène nhỏ xinh, bên dưới vẻ dễ mến của cô, chắc phải là một phụ nữ có tinh thần bằng thép.
Về sau tôi biết cô đã làm quen với Annie khi Annie mười chín tuổi. Cô gây ảnh hưởng lớn lên Annie và Mathilde F. mẹ cô đến độ hai người phụ nữ đã cùng cô đi mất, bỏ rơi ông F.
Một hôm, điều này là chắc chắn, gánh xiếc nơi Hélène nhỏ xinh làm việc đã dừng lại tại một trấn nhỏ tỉnh lẻ, tại đó Annie và mẹ đang sống. Annie đã ngồi gần dàn nhạc, và các cây kèn trom pét thông báo sự xuất hiện của Hélène nhỏ xinh cưỡi trên lưng một con ngựa ô phủ tấm vải màu bạc. Hoặc giả, tôi tưởng tượng ra cô, tít trên cao, biểu diễn nhào lộn, đang chuẩn bị thực hiện cú lộn ba vòng nguy hiểm.
Và Annie đến gặp cô sau buổi biểu diễn, trong cái xe lán mà Hélène nhỏ xinh chia sẻ cùng người phụ nữ-rắn.
Một người bạn gái của Annie F. hay đến nhà chơi. Cô tên là Frede. Ngày hôm nay, trong cái nhìn người lớn của tôi, cô chỉ còn là một phụ nữ từng, hồi thập niên năm mươi, trông coi một hộp đêm, trên phố Ponthieu. Hồi ấy, trông như thể cô cùng tuổi với Annie, nhưng cô hơi già hơn, khoảng ba mươi lăm. Một phụ nữ tóc nâu cắt ngắn, thân hình khả ái, nước da nhợt nhạt. Cô hay mặc những chiếc áo vét đàn ông, bó chặt vào người, mà tôi tưởng đâu là áo mặc để cưỡi ngựa.
Hôm trước, tại một hiệu sách, tôi lật giở một số cũ của tờ báo La Semaine à Paris ra hồi tháng Bảy năm 1939, trong đó nói đến các chương trình điện ảnh, rạp hát, music-hall và quán cabaret. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy một bức ảnh nhỏ xíu chụp Frede: Ở tuổi hai mươi, cô đã điều hành một hộp đêm. Tôi đã mua tờ chương trình ấy, hơi giống như người ta chộp lấy một mẩu hiện vật, một chứng cứ sờ sờ cho thấy ta đã không nằm mơ.
Trên đó viết:
La SILHOUETTE
58, phố Notre-Dame-de-Lorette
FREDE giới thiệu từ 22 giờ đến sáng sớm
Cabaret-Dancing toàn nữ
Từ Thụy Sĩ trở về
dàn nhạc danh tiếng DON MARYO
Bette and the nice boys
Và tôi nhìn thấy lại, thoáng qua, hình ảnh mà chúng tôi, em trai tôi và tôi, từng có, về Frede, cái lúc chúng tôi hay gặp cô trong vườn nhà, khi đi học về: Một phụ nữ thuộc về thế giới của xiếc, giống Hélène nhỏ xinh, và sao mà thế giới ấy tỏa ra nhiều bí ẩn đến thế. Đối với chúng tôi chẳng có gì phải nghi ngờ chuyện Frede điều hành một rạp xiếc tại
Paris, nhỏ hơn Médrano, một rạp xiếc dưới cái lều lớn vải bạt trắng, sọc đỏ, tên là “le Carroll’s”. Cái tên đó thường quay trở lại trên miệng Annie và Frede: Carroll’s - hộp đêm, trên phố Ponthieu - nhưng tôi nhìn thấy cái lều hai màu trắng đỏ cùng lũ thú vật biểu diễn, mà Frede, với dáng hình mảnh dẻ và những cái áo vét chật cứng của mình, là người huấn luyện.
Có những khi vào thứ Năm, cô đi cùng đứa cháu trai tới nhà, đó là một thằng bé cỡ tuổi chúng tôi. Và ba chúng tôi chơi với nhau cả buổi chiều. Nó biết hơn chúng tôi nhiều về Carroll’s. Tôi còn nhớ một câu đầy bí hiểm mà nó từng nói với chúng tôi, cái câu vẫn còn khơi dậy ở nơi tôi một tiếng vọng:
– Annie đã khóc cả đêm ở Carroll’s…
Có lẽ nó đã nghe được câu ấy từ miệng dì nó, mà chẳng hiểu gì. Những lúc bà dì không đưa nó đến, chúng tôi, em trai tôi và tôi, đi đón nó, vào thứ Năm, ngoài ga, đầu giờ chiều. Chúng tôi không bao giờ gọi nó bằng tên, mà chúng tôi không biết. Chúng tôi gọi nó là “cháu của Frede”.
Họ đã thuê một cô thiếu nữ để đến đón tôi ở trường và trông coi chúng tôi. Cô sống trong nhà, tại căn phòng kế bên phòng chúng tôi. Cô buộc mái tóc đen của mình thành một cái búi rất chặt, và cặp mắt cô có màu lục nhạt tới nỗi ánh mắt như thể trong suốt. Cô gần như chẳng bao giờ nói gì. Sự im lặng của cô cùng cặp mắt trong suốt khiến chúng tôi, em trai tôi và tôi, thấy hãi. Đối với chúng tôi, Hélène nhỏ xinh, Frede và ngay Annie đều thuộc về thế giới của xiếc, nhưng cô thiếu nữ câm lặng có búi tóc đen và cặp mắt nhạt màu kia là một nhân vật trong truyện cổ tích. Chúng tôi gọi cô là Bạch Tuyết.
Tôi còn nhớ kỷ niệm về các bữa tối tất tật chúng tôi tập hợp trong căn phòng dùng làm phòng ăn, phân cách với phòng khách bởi hành lang lối vào nhà. Bạch Tuyết ngồi đầu bàn, em trai tôi bên phải cô, còn tôi thì bên trái. Annie ngồi cạnh tôi, Hélène nhỏ xinh trước mặt, còn Mathilde ở đầu bàn bên kia. Một tối nọ, vì mất điện, căn phòng được chiếu sáng bằng một ngọn đèn dầu đặt trên bệ lò sưởi và vẫn để lại quanh chúng tôi những vùng bóng tối lờ mờ.
Những người khác cũng gọi cô là Bạch Tuyết như chúng tôi, và đôi khi là “Nai Xinh”. Họ xưng hô thân mật với cô. Và một sự gần gũi sớm được thiết lập giữa họ, bởi Bạch Tuyết cũng xưng hô thân mật với họ.
Tôi cho rằng họ đã thuê ngôi nhà đó. Trừ phi Hélène nhỏ xinh là chủ nhà, vì cô rất được biết đến trong giới thương gia của làng. Có lẽ ngôi nhà thuộc về Frede. Tôi còn nhớ là Frede nhận được rất nhiều thư từ, trên phố Docteur-Dordaine. Chính tôi, mỗi sáng, trước khi đi học, là người ra hòm thư lấy thư.
Gần như hôm nào Annie cũng đi Paris, trên chiếc 4CV màu be của mình. Cô về rất muộn và, thỉnh thoảng, cô vắng mặt cho tới hôm sau. Thường thì, Hélène nhỏ xinh đi cùng cô. Mathilde không rời khỏi nhà. Bà đi chợ. Bà mua một tờ tạp chí tên là Đen và Trắng, mà các số vứt rải rác khắp nơi trong phòng ăn. Tôi lật giở chúng, chiều thứ Năm, những lúc trời mưa và chúng tôi nghe một chương trình cho trẻ con trên đài radio. Mathilde giật Đen và Trắng khỏi tay tôi.
– Đừng xem cái đó, thằng đần sung sướng! Không hợp với lứa tuổi của cháu đâu…
Bạch Tuyết đợi tôi ngoài cổng trường, cùng em trai tôi vẫn còn quá nhỏ chưa bắt đầu đi học. Annie đã ghi tên cho tôi vào trường Jeanne d’Arc, ngay đầu phố Docteur-Dordaine. Bà hiệu trưởng đã hỏi có phải cô là mẹ tôi không và cô đáp: phải.
Hai chúng tôi ngồi trước bàn làm việc của bà hiệu trưởng. Annie mặc áo bu dông da cũ và một cái quần vải thô màu xanh lợt mà một người bạn của cô, thỉnh thoảng tới nhà - Zina Rachewsky - đã mang về cho cô từ bên Mỹ: một chiếc blue-jean. Ít nhìn thấy nó lắm, tại Pháp, hồi đó. Bà hiệu trưởng vẻ ngờ vực nhìn chúng tôi:
– Con trai cô cần phải mặc áo bờ lu màu ghi đến trường, bà nói. Giống tất cả các bạn của nó.
Trên đường về, dọc theo phố Docteur-Dordaine, Annie bước đi bên cạnh tôi và cô đặt tay lên vai tôi.
– Cô đã nói với bà ấy rằng cô là mẹ của cháu, vì nếu giải thích thì sẽ quá phức tạp. Cháu đồng ý vậy chứ, Patoche?
Tôi thì tôi đang tò mò nghĩ đến cái áo bờ lu màu ghi mà tôi sẽ mặc, giống tất tật đám bạn học của tôi.
Tôi không học lâu ở trường Jeanne-d’Arc. Nền đất của sân chơi màu đen, do rắc xỉ than. Và cái màu đen ấy rất tiệp với vỏ cây cùng đám tán lá tiêu huyền.
Một sáng nọ, trong giờ ra chơi, bà hiệu trưởng tiến về phía tôi và nói:
– Tôi muốn gặp mẹ em. Bảo bà ấy chiều nay đến đây, trước giờ vào học.
Bà nói với tôi, như thường lệ, bằng một cái giọng khô khẳng. Bà không thích tôi. Tôi đã làm gì bà ta?
Ngoài cổng trường, Bạch Tuyết và em trai tôi đang đợi tôi. – Trông mặt em kỳ thế, Bạch Tuyết hỏi. Có gì không ổn à? Tôi hỏi Annie có nhà không. Tôi chỉ có độc một nỗi sợ rằng cô chưa đi Paris về, hồi đêm.
Thật may, cô đã về, nhưng rất muộn. Cô vẫn còn ngủ trong phòng riêng cuối hành lang, phòng cô có các cửa sổ mở ra vườn. – Vào đánh thức cô ấy dậy đi, Hélène nhỏ xinh bảo tôi, tôi đã kể cho cô là bà hiệu trưởng muốn gặp mẹ tôi.
Tôi gõ cửa phòng cô. Cô không trả lời. Cái cầu kỳ bí từ đứa cháu của Frede quay trở lại trong ký ức tôi: “Annie đã khóc cả đêm ở Carroll’s”. Đúng, mãi giữa trưa cô vẫn còn ngủ bởi vì cô đã khóc cả đêm ở Carroll’s.
Tôi xoay nắm đấm cửa, rồi chầm chậm đẩy nó. Trong phòng rất sáng. Annie đã không kéo rèm lại. Cô nằm đó trên cái giường lớn, tận ra ngoài gờ, và hẳn lúc nào cũng có thể bị ngã. Tại sao cô không nằm vào giữa giường? Cô đang ngủ, tay khoanh vào ôm lấy vai, như thể bị lạnh, và thế nhưng cô mặc đầy đủ quần áo trên người. Thậm chí cô đã không cởi giày và vẫn mặc cái áo bu dông cũ bằng da. Tôi lay nhẹ vai cô. Cô mở mắt nhìn tôi, mày nhíu lại:
– A… là cháu, Patoche…
Cô đi đi lại lại dưới đám tiêu huyền của sân chơi, cùng bà hiệu trưởng trường Jeanne-d’Arc. Bà hiệu trưởng đã bảo tôi đợi họ trong sân, trong lúc họ nói chuyện. Đám bạn tôi đã vào lớp khi tiếng chuông lúc hai giờ kém năm vang lên, và tôi nhìn chung, đằng kia, sau các ô
kính vuông, ngồi nơi bàn của chúng, vắng mất tôi. Tôi cố sức lắng nghe xem họ nói gì, nhưng không dám lại gần. Annie mặc chiếc áo bu dông cũ bằng da bên ngoài một cái sơ-mi đàn ông.
Và rồi cô để bà hiệu trưởng lại đó, tiến về phía tôi. Chúng tôi đi ra ngoài theo cái cửa nhỏ trổ vào tường, nó dẫn ra phố Docteur-Dordaine. – Patoche khốn khổ của cô… Bọn họ đã đuổi học cháu… Tôi muốn khóc, nhưng ngẩng đầu lên nhìn cô, tôi thấy cô đang mỉm cười. Và điều đó trấn an tôi.
– Cháu là một học sinh rất dốt… giống cô…
Phải, tôi chắc chắn là cô không mắng tôi, nhưng dẫu sao thì cũng hơi sửng sốt khi mà sự kiện đó, đối với tôi có vẻ nghiêm trọng, lại khiến cho cô mỉm cười.
– Đừng lo, Patoche yêu quý… Chúng ta sẽ ghi tên cho cháu vào một trường khác…
Tôi không nghĩ tôi học dốt hơn bất kỳ ai khác. Bà hiệu trưởng trường Jeanne-d’Arc chắc hẳn đã tìm hiểu về gia đình tôi. Chắc bà ta đã nhận thấy Annie không phải mẹ tôi. Annie, Hélène nhỏ xinh, Mathilde và cả Bạch Tuyết nữa: Một gia đình mới kỳ khôi làm sao… Bà đã e tôi trở thành tấm gương nguy hại cho đám bạn cùng lớp. Người ta có thể chê trách chúng tôi gì đây? Trước hết là lời nói dối của Annie. Có lẽ nó đã ngay tắp lự khiến bà hiệu trưởng để ý: Annie trông trẻ hơn tuổi, và lẽ ra tốt hơn hết cô nên nhận mình là chị gái tôi… Và rồi cái áo bu dông bằng da, nhất là cái quần blue-jean lợt màu, rất hiếm thời đó… Chẳng có gì để chê trách Mathilde. Một bà già giống bao bà già khác với các trang phục sẫm màu, cái áo nịt ngực, miếng đá trang trí và âm sắc giọng nói Nîmes… Ngược lại, Hélène nhỏ xinh đôi khi ăn mặc kỳ quặc những lúc cô dẫn chúng tôi tới lễ mixa hoặc đến các cửa hiệu trong làng một cái quần cưỡi ngựa cùng đôi bốt, những cái áo sơ-mi tay bồng và thắt lại ở cổ tay, quần bó mặc đi trượt tuyết màu đen, hay thậm chí áo boléro khảm xà cừ… Người ta có thể đoán nghề cũ của cô là gì. Và thế nhưng, ông chủ hiệu báo và ông bán bánh ngọt có vẻ rất
yêu quý cô và luôn luôn hết sức lịch thiệp nói với cô:
– Xin chào, thưa cô Toch… Tạm biệt, thưa cô Toch… Thế cô Toch, cô sẽ lấy gì nào?…
Và người ta có thể chê trách Bạch Tuyết điều gì? Sự im lặng của cô, búi tóc đen của cô cùng cặp mắt trong suốt tạo ra sự tôn trọng. Bà hiệu trưởng trường Jeanne d’Arc chắc chắn tự hỏi tại sao cô thiếu nữ ấy đến đón tôi ở cổng trường chứ không phải mẹ tôi; và tại sao tôi không tự đi về nhà, giống những đứa bạn học khác. Chắc bà nghĩ chúng tôi giàu.
Ai mà biết đây? Chỉ cần bà hiệu trưởng gặp Annie thôi là đã đủ cảm thấy nghi ngại chúng tôi. Bản thân tôi, tôi từng bắt chợt, một tối nọ, vài mẩu đối thoại giữa Hélène nhỏ xinh và Mathilde. Annie còn chưa đi Paris về trên chiếc xe 4CV và Mathilde có vẻ lo lắng.
– Nó có khả năng làm mọi chuyện, Mathilde nói, vẻ tư lự. Cô cũng biết đấy, Linou, rằng đó là một cái đầu cháy.
– Cô ấy không thể làm chuyện gì nghiêm trọng đâu, Hélène nhỏ xinh đáp.
Mathilde im lặng hồi lâu, rồi bà nói:
– Cô cũng hiểu đấy, Linou, dẫu sao thì các cô cũng có những mối giao du thật hay hớm…
Khuôn mặt Hélène nhỏ xinh rắn câng lại.
– Giao du hay hớm? Bà muốn nói gì thế, Thilda?
Giọng của cô trở nên khô khẳng, cái giọng tôi không biết đến ở cô. – Đừng giận, Linou, Mathilde nói, vẻ e dè và ngoan ngoãn. Đó không còn cùng là người đàn bà đã gọi tôi là “thằng đần sung sướng”.
Kể từ ngày hôm đó, tôi nghĩ rằng Annie, những lúc đi vắng, không chỉ dành thời gian để khóc cả đêm ở Carroll’s. Có lẽ cô làm chuyện gì đó nghiêm trọng. Về sau này, khi tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra, người ta trả lời tôi: “Một chuyện rất nghiêm trọng”, và điều đó giống như vọng âm của một câu mà tôi từng nghe thấy. Nhưng tối hôm ấy, cụm từ “cái
đầu cháy” khiến tôi lo lắng. Tôi có nhìn thật kỹ khuôn mặt Annie thì cũng chỉ thấy ở đó toàn sự dịu dàng. Đằng sau cặp mắt trong vắt và nụ cười kia, như vậy là có một cái đầu cháy?
Giờ đây tôi trở thành học sinh tại trường làng, hơi xa hơn trường Jeanne-d’Arc một chút. Phải đi hết phố Docteur-Dordaine rồi băng qua đường lộ dẫn về phía tòa thị chính và lối đi trên cao. Một cửa lớn bằng sắt, hai cánh, mở vào sân chơi.
Cả ở đó, chúng tôi cũng mặc áo bờ lu màu ghi, nhưng mặt sân thì không phủ xỉ than. Mà chỉ có đất thôi. Thầy giáo rất quý tôi và ông bảo tôi, mỗi sáng, đọc một bài thơ trước lớp. Một hôm, Hélène nhỏ xinh đến đón tôi, vì Bạch Tuyết đi vắng. Cô mặc cái quần cưỡi ngựa cộc, đi đôi bốt và mang cái áo vét mà tôi gọi là “Áo Vét cao bồi”. Cô đã bắt tay ông thầy giáo và nói mình là dì của tôi.
– Cháu của cô đọc thơ hay lắm đấy, thầy giáo nói.
Lúc nào tôi cũng đọc cùng bài thơ, cái bài mà chúng tôi, em trai tôi và tôi, thuộc lòng:
Biết bao thủy thủ, bao thuyền chủ…
Trong lớp, tôi có những người bạn tốt: con trai ông chủ hàng hoa trên phố Docteur-Dordaine, con trai ông dược sĩ, và tôi còn nhớ cái buổi sáng chúng tôi biết tin bố cậu ta vừa treo cổ tự sát…, con trai ông chủ hiệu bánh mì thôn Mets có đứa em gái bằng tuổi tôi, mái tóc quăn vàng hoe dài đến tận mắt cá chân.
Thường thì Bạch Tuyết không đến đón tôi: cô biết tôi sẽ đi về cùng con trai ông chủ tiệm hoa hàng xóm ngay cạnh nhà chúng tôi. Ở trường ra, các cuối chiều không có bài tập phải làm, đám chúng tôi đi tới cuối làng, quá cả lâu đài và nhà ga, đến tận cối xay gió lớn, ven bờ sông Bièvre. Nó vẫn còn hoạt động và, thế nhưng, trông nó thật xập xệ và bị bỏ hoang. Thứ Năm, tôi dẫn em tôi tới đó, những lúc thằng cháu của Frede không đến. Đó là một cuộc phiêu lưu mà chúng tôi phải giữ bí mật. Chúng tôi chui qua đoạn tường đổ và ngồi phệt xuống đất, cạnh bên nhau. Cái vòng lớn quay. Chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ rù rù và tiếng thác nước ầm ĩ. Chỗ này rất mát, và chúng tôi ngửi thấy mùi nước cùng mùi cỏ ướt. Cái vòng lớn kia, sáng ánh lên trong làn ánh
sáng chỉ còn hấp háy, khiến chúng tôi thấy hơi sợ, nhưng chúng tôi không thể tự ngăn mình ngắm nó quay, ngồi đó bên nhau, tay quàng quanh đầu gối.
Bố đến thăm chúng tôi giữa hai chuyến đi Brazzaville. Ông không lái xe và, vì phải có ai đó dùng xe ô tô chở ông từ Paris đến làng, các bạn ông, lần lượt từng người một, hộ tống ông: Annet Badel, Sacha Gordine, Robert Fly, Jacques Boudot-Lamotte, Georges Giorgini, Geza Pellmont, ông béo Lucien P. hay ngồi trong một cái phô tơi phòng khách, và lần nào chúng tôi cũng e cái ghế sập xuống hoặc nứt đôi ra dưới trọng lượng của ông Stioppa de D., mang kính một tròng và một cái áo lông ngắn, với mái tóc vuốt đẫm keo đến độ để lại nhiều vết bẩn trên các trường kỷ và bức tường mà Stioppa dựa gáy vào.
Những chuyến thăm đó diễn ra vào thứ Năm, và bố tôi mời chúng tôi đi ăn trưa tại quán trọ Robin Lục lâm. Annie và Hélène nhỏ xinh đi vắng. Mathilde ở lại nhà. Một mình, Bạch Tuyết đi ăn cùng chúng tôi. Và đôi lần, thằng cháu của Frede.
Bố tôi từng hay tới quán trọ Robin Lục lâm, trước đó rất lâu. Ông nhắc đến chuyện ấy, trong một bữa trưa, với Geza Pellmont bạn ông, và tôi lắng nghe cuộc trò chuyện giữa họ.
– Cậu có nhớ không?… Pellmont nói. Chúng ta từng tới đây cùng Eliot Salter…
– Lâu đài đổ nát mất rồi, bố tôi nói.
Lâu đài nằm cuối phố Docteur-Dordaine, đối diện trường Jeanne d’Arc. Trên cổng sắt mở hé gắn một tấm pa nô bằng gỗ đã mục một nửa trên đó vẫn còn có thể đọc được: “Đất bị Quân đội Mỹ trưng dụng cho thiếu tướng Franck Allen”. Thứ Năm, chúng tôi chui vào trong qua hai cánh của cái cổng. Chỗ bãi cỏ với đám cỏ cao vút, chúng tôi ngập gần đến tận eo. Phía cuối, mọc lên một tòa lâu đài theo phong cách Louis XIII, với mặt tiền fixây hai chòi nhô ra. Nhưng về sau tôi biết rằng nó đã được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Chúng tôi chơi thả diều trên bãi cỏ lớn, một cái diều vải đỏ và xanh hình máy bay. Khó khăn lắm chúng tôi mới làm cho nó bay cao lên được. Ở đó, về phía bên phải lâu đài, có một gò đất trồng đầy thông, với một băng ghế đá trên đó
Bạch Tuyết ngồi… Cô đọc tờ Đen và Trắng hoặc đan len, trong khi chúng tôi trèo lên các cành thông. Nhưng chúng tôi, em trai tôi và tôi, bị chóng mặt, chỉ thằng cháu của Frede lên được tới ngọn cây.
Quãng giữa buổi chiều, chúng tôi theo lối đi xuất phát từ gò đất và chúng tôi đi sâu, cùng Bạch Tuyết, vào trong rừng. Chúng tôi đi đến thôn Mets. Mùa thu, chúng tôi nhặt hạt dẻ. Ông chủ hiệu bánh mì ở Mets là bố thằng bạn cùng lớp của tôi, và lần nào chúng tôi bước vào hiệu, em gái của bạn tôi cũng có ở đó, và tôi ngắm mái tóc vàng quăn của nó dài xuống tận mắt cá chân. Và rồi chúng tôi đi về theo cùng con đường. Trong hoàng hôn, mặt tiền và hai cái chòi nhô ra của lâu đài vẻ hắc ám và khiến tim chúng tôi, em trai tôi và tôi, đập dồn.
– Ta đi xem lâu đài chứ?
Kể từ nay, đó là câu mà bố tôi nói mỗi lần, vào cuối bữa trưa. Và cũng như những thứ Năm khác, chúng tôi đi theo phố Docteur Dordaine, chúng tôi chui qua cánh cổng mở hé để vào bãi cỏ lớn. Chỉ trừ một điều, các hôm đó, bố tôi và một trong số các bạn ông: Badel, Gordine, Stioppa hay Robert Fly, đi cùng chúng tôi.
Bạch Tuyết đến ngồi trên băng ghế, dưới gốc những cây thông, chỗ ngồi quen thuộc của cô. Bố tôi tiến lại gần lâu đài, ông ngắm nhìn mặt tiền và các cửa sổ cao bị bít lại. Ông đẩy cửa ra vào và chúng tôi bước vào một cái sảnh với sàn lát đá phủ đầy vữa cùng lá khô. Cuối sảnh, là một lồng thang máy.
– Phải, bố từng quen biết chủ của tòa lâu đài này, bố tôi nói. Ông thấy rõ rằng chúng tôi, em trai tôi và tôi, rất quan tâm. Thế là, ông kể cho chúng tôi câu chuyện về Eliot Salter, hầu tước de Caussade, người, ở tuổi hai mươi, trong cuộc chiến tranh thứ nhất, là một anh hùng phi công. Rồi ông đã lấy một phụ nữ người Argentina làm vợ và trở thành ông vua rượu armagnac. Armagnac - bố tôi nói - là một loại rượu mà Salter, hầu tước de Caussade, sản xuất và bán trong những cái chai rất đẹp, từng xe cam nhông một. Bố từng giúp ông ấy dỡ tất tật đống cam nhông - bố tôi nói. Bọn bố không ngừng kiểm đếm đóng thùng. Ông ấy đã mua tòa lâu đài này. Ông ấy đã biến mất hồi cuối chiến tranh cùng vợ, nhưng ông ấy không chết và chắc rồi một ngày sẽ quay về.
Bố tôi đã cẩn thận giật một áp phích nhỏ dán trên cửa ra vào, ở mặt trong. Và ông đã tặng nó cho tôi. Tận hôm nay tôi vẫn còn có thể đọc lại được, chẳng chút ngập ngừng, những gì viết trên đó:
Tịch thu các lợi nhuận phi pháp
thứ Ba ngày 23 tháng Bảy lúc 14 giờ.
Nằm tại thôn Mets.
Khu đất tuyệt đẹp gồm lâu đài cùng 300 héc ta rừng.
– Theo dõi lâu đài cho kỹ nhé, các con, bố tôi nói. Hầu tước sẽ quay về sớm hơn người ta nghĩ…
Và trước khi lên chiếc xe ô tô của người bạn chở ông tới ngày hôm đó, ông đưa một bàn tay lơ đãng lên chào chúng tôi, mà chúng tôi vẫn thấy vẫy, mềm oặt, qua cửa kính, khi chiếc xe khởi hành đi về phía Paris.
Chúng tôi, em trai tôi và tôi, quyết định viếng thăm lâu đài vào ban đêm. Phải đợi trong nhà tất cả mọi người ngủ hết. Phòng của Mathilde chiếm tầng trệt của một cái chòi nhỏ xíu, phía cuối sân: không có nguy cơ bà bắt chợt chúng tôi. Phòng của Hélène nhỏ xinh trên tầng hai, cuối cầu thang phía bên kia, còn phòng của Bạch Tuyết thì ngay cạnh phòng chúng tôi. Sàn nhà ngoài hành lang hơi cọt kẹt, nhưng chừng nào đã xuống khỏi cầu thang, chúng tôi sẽ chẳng còn gì phải sợ nữa và đường sẽ thông. Chúng tôi chọn một đêm Annie đi vắng - vì cô ngủ rất muộn - một đêm cô khóc ở Carroll’s.
Chúng tôi đã lấy đèn pin trong tủ tường dưới bếp, một cái đèn bằng kim loại mạ bạc chiếu ra một luồng ánh sáng màu vàng. Rồi chúng tôi mặc quần áo. Chúng tôi vẫn mặc áo pyjama bên dưới áo săng đay. Để khỏi ngủ mất, chúng tôi nói chuyện về Eliot Salter, hầu tước de Caussade. Lần lượt từng đứa, chúng tôi đặt ra đủ mọi giả định về ông. Đối với em tôi, những đêm nào tới lâu đài, ông đều đến nhà ga của làng trên chuyến tàu cuối cùng từ Paris, chuyến tàu lúc mười một giờ rưỡi đêm, mà chúng tôi có thể nghe thấy tiếng xình xịch theo nhịp điệu từ cửa sổ phòng mình. Ông không gây chú ý và tránh việc đỗ một chiếc xe ô tô, như vậy thì hẳn sẽ gây nghi ngờ, trước rào sắt của lâu đài, Đi bộ, như một người dạo chơi bình thường, ông tới, trong vòng một đêm, khu đất của mình.
Chúng tôi có chung cùng một lòng tin: Eliot Salter, hầu tước de Caussade, những đêm ấy ở ngay trong sảnh lâu đài. Trước khi ông đến, người ta đã quét sạch đống lá khô và vôi vữa, rồi sau đó lại rải chúng xuống nhằm không để lại dấu vết nào về chuyến ghé qua của ông. Và người chuẩn bị chuyến viếng thăm của ông chủ như vậy là tay gác săn ở Mets. Ông ta sống trong rừng, giữa thôn và rìa sân bay Vilacoublay. Chúng tôi hay gặp ông những lúc đi dạo cùng Bạch Tuyết. Chúng tôi đã hỏi con trai ông chủ hiệu bánh mì tên của viên gia nhân trung thành biết giấu bí mật kỹ đến thế: Grosclaude.
Chẳng hề là tình cờ khi Grosclaude sống ở đó. Chúng tôi đã khám
phá, tại cái vùng rừng ven sân bay, một đường băng hoang phế, với một hăng ga lớn. Hầu tước dùng đường băng đó, ban đêm, để khởi hành bằng máy bay đi đến một nơi xa xôi - một hòn đảo tại các vùng biển miền Nam. Sau một thời gian, ông từ đó quay về. Và Grosclaude, những đêm ấy, bố trí trên đường băng các dấu hiệu đèn nhấp nháy nhằm giúp ông hầu tước hạ cánh chẳng khó khăn gì.
Ông hầu tước ngồi trong một cái phô tơi bằng nhung màu lục trước lò sưởi to lớn nơi Grosclaude đã đốt lửa. Sau lưng ông, một cái bàn đã được bày biện sẵn: những giá nến bằng bạc, đăng ten cùng pha lê. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, bước vào sảnh. Nó chỉ được chiếu sáng nhờ lửa trong lò sưởi cùng ánh nến. Grosclaude nhìn thấy chúng tôi trước. Ông tiến về phía chúng tôi, với đôi bốt và cái quần cưỡi ngựa.
– Các cậu làm gì ở đây?
Giọng ông đầy vẻ đe dọa. Hẳn ông sắp tặng cho mỗi đứa chúng tôi hai cú tát rồi tống cổ chúng tôi ra ngoài. Tốt hơn hết là khi vào trong sảnh chúng tôi phải càng mau chóng càng tốt đi về phía hầu tước de Caussade và nói chuyện với ông. Và chúng tôi muốn chuẩn bị trước những gì sẽ nói.
– Chúng tôi đến gặp ông vì ông là một người bạn của bố tôi. Tôi sẽ là người nói cái câu đầu tiên đó. Rồi, lần lượt từng đứa, chúng tôi sẽ nói với ông:
– Xin chào, thưa ông hầu tước.
Và tôi sẽ nói thêm:
– Chúng tôi biết rằng ông là vua armagnac.
Tuy nhiên, một chi tiết làm tôi hết sức e sợ: giây phút hầu tước Eliot Salter de Caussade quay mặt về phía chúng tôi. Bố tôi đã kể cho chúng tôi rằng trong một trận đánh trên không hồi cuộc chiến tranh thứ nhất, ông đã bị bỏng mặt và giấu vết bỏng ấy bằng cách bôi phấn màu nâu sẫm lên. Trong cái sảnh đó, trong ánh sáng những ngọn nến và đống lửa củi, khuôn mặt ấy chắc phải gây lo sợ. Nhưng rốt cuộc hẳn tôi sẽ được thấy cái mà tôi cố công nhìn đằng sau nụ cười và cặp mắt nhạt màu của Annie: một cái đầu cháy.
Chúng tôi đã nhón chân đi xuống cầu thang, giày cầm tay. Đồng hồ báo thức trong bếp chỉ mười một giờ hăm lăm phút. Chúng tôi đã nhẹ nhàng đóng lại cửa ra vào của ngôi nhà cùng cánh cửa nhỏ rào lưới dẫn ra phố Docteur-Dordaine. Ngồi trên gờ vỉa hè, chúng tôi buộc dây giày. Tiếng gầm của đoàn tàu hỏa tiến lại gần. Vài phút nữa nó sẽ vào ga và hẳn sẽ chỉ để lại một hành khách độc nhất lại trên bờ ke: Eliot Salter, hầu tước de Caussade và là vua armagnac.
Chúng tôi chọn những đêm trời trong, các ngôi sao nhấp nháy và trăng thì lưỡi liềm. Giày đã buộc xong, đèn pin giấu vào giữa áo săng đay và áo trong, giờ đây chúng tôi phải cuốc bộ đến lâu đài. Phố hoang vắng dưới ánh trăng, sự im lặng và cảm giác chúng tôi đang rời khỏi ngôi nhà mãi mãi, dần dà khiến chúng tôi chậm bước chân lại. Sau chừng năm chục mét, chúng tôi quay trở về.
Giờ đây, chúng tôi cởi dây giày và đóng lại cánh cửa ra vào của ngôi nhà. Đồng hồ báo thức trong bếp chỉ nửa đêm kém hai mươi phút. Tôi để lại vào trong tủ tường cái đèn pin và chúng tôi nhón chân lên cầu thang.
Nằm thu lu trên hai cái giường đôi, chúng tôi cảm thấy một thoáng nhẹ nhõm. Chúng tôi hạ giọng thì thào nói về ông hầu tước, và cả hai chúng tôi đều tìm ra một chi tiết mới. Đã quá nửa đêm, và ở đó, trong sảnh, Grosclaude đang dọn bữa đêm cho ông. Lần sau, trước khi quay ngược đường, chúng tôi đi xa hơn một chút so với đêm ấy, trên phố Docteur-Dordaine. Chúng tôi đến tận chỗ nhà các xơ. Và lần sau đó, lại xa hơn nữa, đến tận chỗ trang trại và tiệm cắt tóc. Rồi lần sau, xa hơn. Mỗi đêm, một chặng mới. Hẳn sẽ chỉ còn vài chục mét cần vượt qua là chúng tôi đến được trước rào sắt của lâu đài. Lần tới… Rốt cuộc chúng tôi ngủ thiếp đi.
Rất mau chóng, tôi nhận ra là Annie và Hélène nhỏ xinh tiếp ở nhà những người cũng bí hiểm và đáng quan tâm ngang cỡ Eliot Salter, hầu tước de Caussade.
Có phải Annie là người chăm lo mối liên hệ thân tình với họ? Hay Hélène nhỏ xinh? Một trong hai người, tôi nghĩ. Mathilde thì có vẻ dè chừng những lúc có mặt họ, và thường bà rút lui về phòng riêng. Có lẽ những người kia khiến bà rụt rè hoặc giả bà không cảm thấy chút cảm tình nào với họ.
Ngày hôm nay tôi tìm cách kiểm kê tất tật các khuôn mặt mà tôi từng nhìn thấy dưới cổng và trong phòng khách - mà không sao xác định nổi danh tính phần lớn trong số đó. Kệ thôi. Nếu đặt một cái tên lên chừng một chục khuôn mặt đang diễu qua trong kỷ niệm của tôi kia, chắc hẳn tôi sẽ gây phiền nhiễu cho vài người ngày hôm nay vẫn còn sống. Hẳn họ sẽ nhớ mình từng có những giao du hay hớm.
Những người mà hình ảnh còn rõ nét hơn cả là Roger Vincent, Jean D. và Andrée K, người ta bảo cô là “vợ của một ông lang lừng danh”. Họ đến nhà chúng tôi hai hay ba lần mỗi tuần. Họ tới ăn trưa ở chỗ quán trọ Robin Lục lâm cùng Annie và Hélène nhỏ xinh và, sau bữa, họ còn nán lại một lúc trong phòng khách. Hoặc giả, họ ăn tối chỗ chúng tôi.
Thảng hoặc, Jean D. đến một mình. Annie đã chở ông từ Paris tới trên chiếc 4CV của cô. Dường như ông là người thân thiết nhất với Annie và chắc hẳn đã giới thiệu với cô hai người còn lại. Jean D. và Annie cùng tuổi. Những lúc Jean D. đến thăm chúng tôi, đi cùng Roger Vincent, thì luôn luôn là trên chiếc xe ô tô Mỹ mui trần của Roger Vincent. Thỉnh thoảng Andrée K. đi cùng họ, và cô ngồi ghế trên của chiếc xe Mỹ, cạnh Roger Vincent; còn Jean D., trên băng ghế sau. Chắc Roger Vincent chừng bốn lăm tuổi, hồi ấy, và Andrée K, ba lăm.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy chiếc xe Mỹ của Roger Vincent đỗ trước nhà. Đó là cuối buổi sáng, sau giờ học. Tôi hẵng còn chưa bị đuổi khỏi trường Jeanne-d’Arc. Từ xa, chiếc xe mui trần cồng kềnh ấy, với thân xe màu be và các băng ghế da đỏ ánh lên trong nắng, đã khiến chúng tôi, em trai tôi và tôi, sửng sốt, cũng ngang như nếu chúng tôi, vào lúc rẽ ngoặt ở góc phố, thấy trước mặt mình là ông hầu tước de Caussade. Vả lại, chúng tôi cùng nảy ra một ý nghĩ, khi đó, như về sau chúng tôi sẽ nói với nhau: Chiếc xe kia là xe của hầu tước de Caussade, trở về làng sau tất tật những cuộc phiêu lưu của ông, và bố tôi đã bảo ông ghé qua thăm chúng tôi.
Tôi hỏi Bạch Tuyết:
– Chiếc xe kia của ai thế?
– Của một người bạn mẹ nuôi em đấy.
Cô luôn luôn gọi Annie là “mẹ nuôi của em”, và quả thật, đúng là chúng tôi đã được làm lễ báp têm một năm trước đó tại nhà thờ Saint Martin de Biarritz và mẹ tôi đã giao cho Annie vai trò làm mẹ đỡ đầu cho tôi.
Khi chúng tôi đi vào nhà, cửa phòng khách đang mở rộng và Roger Vincent thì ngồi trên trường kỷ, trước bow-window.
– Tới đây chào đi nào, Hélène nhỏ xinh nói.
Cô vừa rót đầy ba cái cốc và đang nút lại một trong đống chai lọ đựng rượu đeo tấm bảng tráng men. Annie thì đang nói chuyện điện thoại.
Roger Vincent đứng dậy. Tôi thấy ông thật cao lớn. Ông vận một bộ com-lê kiểu prince-de-galles. Mái tóc ông màu trắng, chải kỹ lưỡng và hất về đằng sau, nhưng trông ông không có vẻ già. Ông cúi người về phía chúng tôi. Ông mỉm cười với chúng tôi.
– Xin chào, các cháu…
Ông lần lượt bắt tay chúng tôi. Tôi đã đặt cái cặp xuống để bắt tay
ông. Tôi đang mặc cái áo bờ lu màu ghi.
– Cháu đi học về à?
Tôi đáp:
– Vâng.
– Ở trường tốt chứ?
– Vâng.
Annie đã bỏ máy điện thoại và đi đến chỗ chúng tôi, cùng Hélène nhỏ xinh vừa đặt khay rượu lên cái bàn thấp trước trường kỷ. Cô đưa một cốc cho Roger Vincent.
– Patoche và em trai sống ở đây, Annie nói.
– Vậy thì, chúc sức khỏe Patoche và em trai, Roger Vincent nói, nâng cốc lên, cùng một nụ cười rộng ngoác.
Nụ cười ấy vẫn là, trong ký ức tôi, nét đặc trưng hơn cả của Roger Vincent: Lúc nào nó cũng bồng bềnh quanh miệng ông. Roger Vincent bơi trong nụ cười đó, vốn dĩ nó không vui tươi mà xa cách, đầy mơ mộng, và bọc lấy ông như một làn sương rất nhẹ. Có một cái gì đó thật lớt phớt trong nụ cười ấy, trong giọng nói ông và dáng dấp của ông. Roger Vincent không bao giờ gây ồn ào. Ta không nghe thấy tiếng ông bước đến, và chừng ta ngoái đầu lại, ông đã ở ngay sau lưng. Từ cửa sổ phòng mình, chúng tôi thỉnh thoảng trông thấy ông tới, ngồi sau vô lăng chiếc xe Mỹ. Nó dừng lại trước nhà, như một chiếc thuyền, đã tắt máy, được lớp sóng dồi từng chút một đẩy vào cập bờ. Roger Vincent từ trên xe bước xuống, các cử động chậm rãi, nụ cười nở trên môi. Ông không bao giờ sập cửa xe, mà đóng nó lại thật nhẹ nhàng.
Hôm đó, sau bữa trưa mà chúng tôi ăn cùng Bạch Tuyết trong bếp, họ vẫn ở trong phòng khách. Mathilde thì chăm sóc cây hoa hồng mà bà đã trồng tại tầng thứ nhất ngoài vườn, gần mộ của bác sĩ Guillotin.
Tay tôi cầm cặp, và Bạch Tuyết sắp đưa tôi đến trường Jeanne d’Arc cho giờ học buổi chiều, thì Annie, hiện ra trong khung cửa phòng khách, bảo tôi:
– Học tốt nhé, Patoche…
Sau lưng cô, tôi nhìn thấy Hélène nhỏ xinh và Roger Vincent đang mỉm cười, nụ cười bất di bất dịch của ông. Chắc hẳn họ sắp rời khỏi nhà để tới ăn trưa tại quán trọ Robin Lục lâm.
– Cháu đi bộ đến trường à? Roger Vincent hỏi.
– Vâng.
Ngay cả trong lúc nói, ông vẫn mỉm cười.
– Để tôi lái xe chở cháu đi, nếu cháu muốn…
– Cháu đã nhìn thấy xe của Roger Vincent chưa? Annie hỏi tôi. – Rồi.
Cô luôn luôn gọi ông là “Roger Vincent”, với một vẻ trìu mến kính trọng, như thể tên và họ của ông không thể tách rời khỏi nhau. Tôi hay nghe thấy cô nói chuyện điện thoại: “A lô, Roger Vincent… Chào, Roger Vincent…” Cô xưng hô trịnh trọng với ông. Họ, tức là cô và Jean D., rất ngưỡng mộ ông. Jean D. cũng gọi ông là “Roger Vincent”. Annie và Jean D. nói chuyện về ông và họ có vẻ kể cho nhau nghe “những câu chuyện về Roger Vincent”, như người ta kể cho nhau các truyền thuyết cổ xưa. Andrée K, “vợ của thầy lang lừng danh”, thì chỉ gọi ông là Roger và xưng hô thân mật với ông.
– Cháu có thích tôi lấy cái xe kia chở cháu đến trường không? Roger Vincent hỏi tôi.
Ông đã đoán được điều mà chúng tôi, em trai tôi và tôi, muốn. Cả hai chúng tôi leo lên băng ghế phía trước, cạnh ông.
Ông thực hiện một cú lùi xe thật uy nghi trên đại lộ dốc thoải, rồi chiếc xe đi theo phố Docteur-Dordaine.
Chúng tôi đang lướt đi trên một mặt nước êm. Tôi không nghe thấy tiếng động cơ. Đó là lần đầu tiên chúng tôi được ngồi trên một chiếc xe mui trần, em trai tôi và tôi. Và nó thật to, cái xe đó, đến mức tròng trành trên hết cả độ rộng của phố.
– Kia rồi, trường cháu…
Ông dừng xe và, giơ tay ra, ông đích thân mở cửa để tôi đi xuống.
– Cố gắng nhé, Patoche.
Tôi thấy tự hào vì ông gọi tôi là “Patoche”, như thể ông biết tôi từ rất lâu rồi. Giờ đây em tôi ngồi một mình, bên cạnh ông, và trông nó càng nhỏ bé hơn trên cái băng ghế lớn bằng da màu đỏ ấy. Tôi ngoái đầu nhìn trước khi bước vào sân trường Jeanne-d’Arc. Roger Vincent đưa tay lên vẫy. Và ông mỉm cười.
Jean D. thì không có xe ô tô Mỹ mui trần, nhưng lại có một cái đồng hồ đeo tay to trên mặt có thể đọc được giây, phút, giờ, ngày, tháng và năm. Ông giải thích cho chúng tôi cơ chế phức tạp của cái đồng hồ có rất nhiều nút bấm đó. Ông gần gũi với chúng tôi hơn nhiều so với Roger Vincent. Và trẻ hơn.
Ông hay mặc một cái áo bu dông da hoẵng, những cái săng đay thể thao cổ lọ, đi giày đế kếp… Ông cao lớn và thanh mảnh, cả ông nữa. Mái tóc đen và một khuôn mặt với các đường nét cân đối. Khi cặp mắt màu hạt dẻ của ông đặt lên chúng tôi, một hỗn hợp của láu lỉnh và buồn bã rọi sáng ánh mắt ông. Ông mở mắt thật to, như thể kinh ngạc trước mọi sự. Tôi ghen tị với kiểu tóc của ông: thật dài, trong khi tôi, cứ hai tuần một lần, ông thợ cạo lại cắt tóc tôi thật ngắn, đến nỗi khi đưa tay lên đầu và phía trên hai tai tôi bị châm râm ran. Nhưng tôi chẳng nói được gì. Ông thợ cạo cầm ngay lấy cái tông đơ mà không buồn hỏi ý kiến tôi.
Jean D. hay đến nhà hơn so với những người khác. Annie luôn luôn chở ông tới trên chiếc 4CV. Ông ăn trưa cùng chúng tôi và ngồi cạnh Annie, bên cái bàn lớn trong phòng ăn. Mathilde gọi ông là “cậu nhóc Jean của tôi” và đối với ông bà không tỏ ra e dè giống như với những người khách khác. Ông gọi Hélène nhỏ xinh là “Linou” - giống Mathilde gọi cô. Lúc nào ông cũng nói với cô: “Sao, ổn không, Linou?” - còn tôi, ông gọi tôi là “Patoche”, giống Annie.
Ông cho chúng tôi, em trai tôi và tôi, mượn cái đồng hồ đeo tay của ông. Chúng tôi có thể lần lượt đeo nó, trong vòng một tuần. Dây đeo bằng da quá rộng, và ông đã đặt thêm một cái lỗ để chúng tôi có thể đeo vừa. Tôi đã đeo cái đồng hồ đó đến trường Jeanne-d’Arc và cho lũ bạn cùng lớp ngắm, hôm ấy chúng vây quanh tôi trong sân trường. Có lẽ bà hiệu trưởng đã để ý thấy cái đồng hồ to tướng đó trên cổ tay tôi, và từ cửa sổ phòng làm việc bà đã nhìn thấy tôi bước xuống từ chiếc xe ô tô Mỹ của Roger Vincent… Thế là, bà nghĩ vậy là đủ lắm rồi và chỗ của tôi không phải là ở trường Jeanne-d’Arc.
– Cháu đọc những sách gì?, một hôm Jean D. hỏi tôi.
Tất cả họ đang uống cà phê trong phòng khách, sau bữa trưa: Annie, Mathilde, Hélène nhỏ xinh và Bạch Tuyết. Đó là một ngày thứ Năm. Chúng tôi đợi Frede đưa thằng cháu đến. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, đã quyết định vào sảnh lâu đài, buổi chiều hôm ấy, như chúng tôi từng làm cùng bố tôi. Sự hiện diện, bên chúng tôi, của thằng cháu Frede hẳn sẽ khiến chúng tôi có thêm can đảm để bước vào cuộc phiêu lưu.
– Patoche đọc nhiều lắm, Annie đáp. Có phải không, Bạch Tuyết? – Nó đọc rất nhiều so với tuổi của nó, Bạch Tuyết đáp. Em trai tôi và tôi, chúng tôi đã nhúng một viên đường vào tách cà
phê của Annie rồi cắn nó, đúng theo quy định của nghi lễ dành cho lũ nhóc con. Sau đó, chừng nào uống xong cà phê, hẳn Mathilde sẽ xem bói cho họ bằng những cái tách rỗng, “xem cặn cà phê”, bà hay nói. – Thế cháu đọc gì?, Jean D. hỏi.
Tôi đáp là Bibliothèque verte: Jules Verne, Người Mohican cuối cùng… nhưng tôi thích Ba người ngự lâm pháo thủ hơn vì hình bông hoa huệ trên vai của Milady.
– Chắc cháu phải đọc “série noire”, Jean D. nói.
– Anh điên rồi, Jean… Annie vừa cười vừa nói. Patoche còn quá nhỏ chưa đọc “série noire” được đâu…
– Nó còn nhiều thời gian để bắt đầu đọc “série noire”, Hélène nhỏ xinh nói.
Vẻ như, cả Mathilde lẫn Bạch Tuyết đều không biết cụm từ “série noire” muốn nói gì. Họ im lặng.
Vài hôm sau, ông quay trở lại nhà trên chiếc 4CV của Annie. Buổi chiều hôm đó trời mưa, và Jean D. mặc một cái áo khoác kiểu canadienne. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, đang nghe một chương trình radio, ngồi đó bên bàn bếp, và khi thấy ông bước vào cùng Annie, chúng tôi đứng dậy để chào ông.
– Này, Jean D. nói, chú mang cho cháu một quyển “série noire”… Ông rút từ trong túi cái áo canadienne một quyển sách màu vàng và đen rồi chìa cho tôi.
– Đừng để ý, Patoche… Annie nói. Đấy là đùa thôi… Đó không phải một quyển sách cho cháu…
Jean D. nhìn tôi, mắt hơi giương to ra, ánh mắt dịu dàng và buồn bã. Nhiều lúc, tôi có cảm giác đó là một đứa trẻ, giống chúng tôi. Annie hay nói với ông bằng cùng tông giọng lúc cô nói với chúng tôi.
– Có mà… Jean D. nói. Chú chắc chắn là cháu sẽ rất thích cuốn sách này.
Tôi cầm lấy nó nhằm khiến ông khỏi cảm thấy đau đớn và, tận ngày hôm nay, mỗi lần nào tôi bắt gặp một trong những cái bìa vàng và đen ấy, một giọng nói trầm và hơi đớt lại vang vọng trong tôi, giọng của Jean D. nhắc lại với chúng tôi, em trai tôi và tôi, vào buổi tối, nhan đề viết trên quyển sách mà ông đã đưa cho tôi: Touchez pas au grisbi.
Có phải là cùng ngày hôm đó không? Trời mưa. Chúng tôi đã đi cùng Bạch Tuyết đến hiệu bán báo vì cô muốn mua mấy cái phong bì và giấy viết thư. Khi chúng tôi ra khỏi nhà, Annie và Jean D. đang ngồi trên chiếc 4CV, đỗ ngay trước cửa. Họ đang nói và nhập sâu vào cuộc trò chuyện đến mức không nhìn thấy chúng tôi. Và, thế nhưng, tôi đã vẫy tay với họ. Jean D. đã bẻ cổ áo canadienne của mình xuống. Lúc chúng tôi trở về, họ vẫn ngồi trên chiếc 4CV. Tôi đã cúi người về phía họ, nhưng thậm chí họ còn không nhìn tôi. Họ nói chuyện và cả hai đều có vẻ mặt lo lắng.
Hélène nhỏ xinh đang chơi bài solitaire trên bàn phòng ăn, vừa chơi vừa nghe radio. Mathilde chắc ở trong phòng riêng. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, đi lên phòng mình. Tôi nhìn, qua cửa sổ, chiếc xe 4CV dưới trời mưa. Họ vẫn ở lại bên trong, để nói chuyện, cho tới tận giờ ăn tối. Họ có thể nói với nhau những bí mật nào?
Roger Vincent và Jean D. thường đến nhà ăn tối cùng Andrée K. Những người khách khác thì đến sau bữa. Tất tật ở lại tới rất muộn trong phòng khách, những hôm đó. Từ phòng mình, chúng tôi nghe thấy những tiếng nói và tràng cười. Và những tiếng chuông điện thoại. Và chuông cửa. Chúng tôi ăn tối vào lúc bảy giờ rưỡi ở trong bếp, với Bạch Tuyết. Bàn ăn đã được bày biện cho Roger Vincent, Jean D., Andrée K., Annie, Mathilde và Hélène nhỏ xinh. Hélène nhỏ xinh nấu ăn cho họ, và tất tật họ đều nói cô là “một cordon-bleu đích thực”.
Trước khi lên phòng đi ngủ, chúng tôi vào phòng khách chào họ. Chúng tôi mặc pyjama và áo choàng ngủ - hai cái áo choàng ngủ vải Ê cốt mà Annie đã tặng cho chúng tôi.
Những người khác đến với họ trong buổi tối. Tôi không thể tự ngăn mình nhìn họ, qua các khe chớp cửa sổ phòng chúng tôi, khi Bạch Tuyết đã tắt đèn và chúc chúng tôi ngủ ngon. Họ tới, lần lượt từng người một, bấm chuông cửa. Tôi nhìn rõ mặt họ, dưới làn ánh sáng rợ của ngọn đèn ngoài thềm. Một số đã khắc sâu vào ký ức tôi vĩnh viễn. Và tôi ngạc nhiên vì cảnh sát đã không thẩm vấn tôi: thế nhưng trẻ con thì nhìn. Chúng cũng nghe nữa.
– Các cháu có áo choàng ngủ đẹp quá, Roger Vincent nói. Và ông mỉm cười.
Trước hết chúng tôi bắt tay Andrée K, lúc nào cô cũng ngồi trong cái phô tơi bọc vải hoa, gần điện thoại. Người ta gọi điện cho cô trong lúc cô đang ở đây. Hélène nhỏ xinh, người nhấc điện thoại, nói: – Andrée, gọi cô đấy…
Andrée K. lơi lả chìa tay cho chúng tôi. Cô cũng mỉm cười, nhưng nụ cười của cô không kéo dài như nụ cười của Roger Vincent. – Chúc ngủ ngon, các cháu.
Khuôn mặt cô lấm chấm các vết, hai gò má cao, cặp mắt lục, mái tóc màu hạt dẻ nhạt chải lòa xòa. Cô hút thuốc rất nhiều.
Chúng tôi bắt tay Roger Vincent, lúc nào ông cũng mỉm cười. Rồi bắt tay Jean D. Chúng tôi ôm hôn Annie và Hélène nhỏ xinh. Trước khi chúng tôi rời khỏi phòng khách cùng Bạch Tuyết, Roger Vincent lại khen ngợi thêm lần nữa vẻ trang nhã mấy cái áo choàng ngủ của chúng tôi.
Chúng tôi đã tới dưới chân cầu thang thì Jean D. thò đầu qua cánh cửa mở hé của phòng khách:
– Ngủ ngon nhé.
Ông nhìn chúng tôi bằng cặp mắt dịu dàng, hơi nhướng to. Ông nháy mắt với chúng tôi và nói, giọng trầm hơn, như thể đó là một bí mật giữa chúng tôi:
– Touchez pas au grisbi.
Một thứ Năm nọ, Bạch Tuyết nghỉ làm. Cô đi gặp ai đó trong gia đình cô ở Paris và khởi hành cùng Annie và Mathilde sau bữa trưa, trên chiếc 4CV. Chỉ còn lại chúng tôi, dưới sự trông coi của Hélène nhỏ xinh. Chúng tôi chơi trong vườn, trò dựng một túp lều bạt mà Annie đã tặng tôi vào dịp sinh nhật trước đó. Quãng giữa buổi chiều, Roger Vincent tới, chỉ một mình. Ông và Hélène nhỏ xinh nói chuyện với nhau trong sân nhà, nhưng tôi không nghe được họ nói gì. Hélène nhỏ xinh nói với chúng tôi là họ phải đi một chuyến đến Versailles và bảo chúng tôi đi cùng luôn.
Chúng tôi sung sướng vì lại được leo lên chiếc xe ô tô Mỹ của Roger Vincent. Đó là tháng Tư, trong dịp lễ Phục sinh. Hélène nhỏ xinh ngồi phía trước. Cô mặc cái quần cưỡi ngựa cùng áo vét cao bồi. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, ngồi trên băng ghế rộng đằng sau, hai chân chúng tôi không chạm được sàn xe.
Roger Vincent lái rất chậm. Ông ngoái đầu nhìn chúng tôi, cùng nụ cười:
– Các cháu có muốn bác bật đài radio không?
Radio? Vậy ra người ta có thể nghe radio trên chiếc xe này? Ông ấn một cái nút bằng ngà, trên táp đờ bo, và ngay lập tức chúng tôi nghe thấy tiếng nhạc.
– To hơn hay nhỏ hơn nào, các cháu?, ông hỏi chúng tôi. Chúng tôi không dám trả lời. Chúng tôi nghe tiếng nhạc phát ra từ táp đờ bo. Và rồi một phụ nữ bắt đầu hát, giọng rất khàn. – Edith đang hát đấy, các cháu, Roger Vincent nói. Đó là một người bạn…
Ông hỏi Hélène nhỏ xinh:
– Cô vẫn hay gặp Edith đấy chứ?
– Thỉnh thoảng, Hélène nhỏ xinh đáp.
Chúng tôi đi theo một đại lộ lớn và đã tới Versailles. Chiếc xe dừng
chỗ đèn đỏ, và chúng tôi ngắm nhìn trên một bãi cỏ, bên tay trái, hình cái đồng hồ với những con số làm bằng các bồn hoa.
– Một hôm khác, Hélène nhỏ xinh nói với chúng tôi, cô sẽ dẫn các cháu vào xem lâu đài.
Cô bảo Roger Vincent dừng lại trước một cửa hàng bán đồ cũ. – Các cháu, các cháu ở yên lại trên xe nhé, Roger Vincent nói. Các cháu phải trông xe đấy…
Chúng tôi kiêu hãnh được thực hiện một sứ mệnh quan trọng nhường ấy và chăm chú rình đợi những đến và đi của người bộ hành trên vỉa hè. Sau ô kính cửa hàng, Roger Vincent và Hélène nhỏ xinh đang nói chuyện với một người đàn ông tóc nâu mặc cái áo gió và có hàng ria. Họ nói rất lâu. Họ đã quên bẵng chúng tôi.
Họ từ cửa hàng đi ra. Roger Vincent cầm trên tay một cái va li da và ông cho nó vào cốp sau xe. Ông ngồi xuống sau vô lăng và Hélène nhỏ xinh bên cạnh ông. Ông ngoái đầu nhìn chúng tôi: – Không có gì bất thường chứ?
– Không… Không có gì…, tôi đáp.
– Thế thì tốt, Roger Vincent nói.
Trên đường về, ở Versailles, chúng tôi đi theo một đại lộ ở cuối có một nhà thờ xây bằng gạch. Vài lều lán chợ phiên chiếm cứ bãi đất, xung quanh một khu rất sáng sủa cho trò xe ô tô đâm nhau. Roger Vincent đã đỗ xe lại dọc theo vỉa hè.
– Ta cho chúng đi một vòng xe đâm nhau chứ? ông hỏi Hélène nhỏ xinh.
Cả bốn chúng tôi đợi ngoài vòng. Tiếng nhạc rất lớn phát ra từ những cái loa. Chỉ ba xe có người ngồi, trong đó hai cái truy đuổi cái còn lại và húc vào nó cùng một lúc, từ hai phía, với những tiếng hét và các tràng cười. Những sào nối để lại các vạch sáng lấp lánh trên trần khu vui chơi. Nhưng điều khiến tôi để tâm hơn cả là màu của những cái xe: turquoise, lục nhạt, vàng, tím, đỏ chói, tím hoa cà, hồng, xanh
sẫm… Chúng đã dừng, và những người ngồi trên rời khỏi xe đi ra. Em tôi lên một chiếc xe màu vàng cùng Roger Vincent, còn tôi, với Hélène nhỏ xinh, trên một chiếc màu turquoise.
Chỉ có chúng tôi ở đó, và chúng tôi không đâm sầm vào nhau. Roger Vincent và Hélène nhỏ xinh điều khiển xe. Chúng tôi đi một vòng, và chúng tôi, Hélène nhỏ xinh và tôi, đi theo xe của Roger Vincent và em tôi. Chúng tôi đi dích dắc giữa các xe khác không người và nằm đó bất động trên sàn. Nhạc đã nhỏ bớt đi, và người đã đưa tích kê cho chúng tôi buồn bã nhìn chúng tôi, đứng đó, bên ngoài vòng, như thể chúng tôi là những người khách cuối cùng.
Trời đã gần tối. Chúng tôi dừng lại bên lề. Tôi ngắm nhìn thêm một lần nữa tất tật những chiếc xe màu rợ kia. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, nhắc đến chúng trong phòng ngủ, sau giờ ngủ. Chúng tôi đã quyết định dựng một bãi chạy xe ngoài sân, ngay hôm sau, với các tấm ván cũ chất trong nhà kho. Lẽ dĩ nhiên, chắc sẽ khó mà kiếm được một chiếc xe húc nhau, nhưng có lẽ sẽ tìm được những chiếc đã cũ, không dùng nữa. Nhất là màu sắc khiến chúng tôi quan tâm: Tôi thì do dự giữa tím hoa cà và turquoise; còn em trai tôi thì rất thích màu lục thật nhạt.
Làn không khí ấm áp, và Roger Vincent đã không hạ mui xe xuống. Ông nói chuyện với Hélène nhỏ xinh, và tôi nghĩ quá nhiều tới lũ xe húc nhau kia, mà chúng tôi vừa khám phá, thành thử không lắng nghe cuộc trò chuyện của người lớn. Chúng tôi đi dọc sân bay và sắp rẽ sang trái để đi theo đường lộ dốc thoải dẫn vào làng. Họ đã lên giọng. Họ không cãi nhau, chỉ đơn giản là họ đang nhắc tới Andrée K.
– Có mà…, Roger Vincent nói. Andrée từng hay giao du với băng đảng phố Lauriston…
“Andrée từng hay giao du với băng đảng phố Lauriston.” Câu ấy khiến tôi choáng váng. Cả chúng tôi ở trường cũng lập thành một băng: con trai ông chủ hàng hoa, con trai ông thợ cắt tóc cùng dăm ba đứa nữa mà tôi không còn nhớ, tất tật đều sống trên cùng một phố. Chúng tôi được gọi là: “Băng phố Docteur-Dordaine”. Andrée K. từng thuộc một băng, giống chúng tôi, nhưng ở một phố khác. Người phụ nữ đó
khiến chúng tôi, em trai tôi và tôi, e dè, với mái tóc, những vết trên mặt, cặp mắt màu lục, những điếu thuốc lá và các cú điện thoại bí hiểm, đột nhiên tôi thấy như thể cô vừa trở nên gần gũi với chúng tôi hơn hẳn. Roger Vincent và Hélène nhỏ xinh có vẻ cũng biết rõ “băng đảng phố Lauriston” kia. Tiếp đó, tôi vẫn bắt chợt cái tên ấy trong cuộc trò chuyện của họ và tôi đã quen với vang âm của nó. Vài năm về sau, tôi nghe thấy nó phát ra từ miệng bố tôi, nhưng hồi đó tôi không biết rằng “băng đảng phố Lauriston” rồi sẽ ám ảnh tôi thật lâu dài.
Khi chúng tôi về đến phố Docteur-Dordaine, chiếc 4CV của Annie đã ở đó. Đằng sau nó là một chiếc mô tô to lớn. Trong hành lang lối vào, Jean D. nói với chúng tôi rằng chiếc mô tô là của ông và tối hôm ấy ông đã đi nó từ Paris tới đây. Ông còn chưa cởi cái áo khoác canadienne ra. Ông hứa với chúng tôi là sẽ chở chúng tôi trên chiếc mô tô, lần lượt mỗi đứa, nhưng, tối đó, thì đã quá muộn rồi. Bạch Tuyết sáng mai mới về. Mathilde đã đi ngủ, và Annie bảo chúng tôi lên phòng một lúc vì họ cần phải nói chuyện. Roger Vincent bước vào phòng khách, chiếc va li da cầm tay. Hélène nhỏ xinh, Annie và Jean D. đi theo ông, và họ đóng cửa lại sau lưng. Tôi đã nhìn họ từ trên cầu thang. Họ có thể nói chuyện gì với nhau, trong phòng khách? Tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại.
Sau một lúc, Annie gọi chúng tôi. Tất cả chúng tôi ăn tối cùng nhau bên cái bàn trong phòng ăn: Annie, Hélène nhỏ xinh, Jean D., Roger Vincent và hai anh em tôi. Tối hôm ấy, trong bữa tối, chúng tôi không mặc áo choàng ngủ, như thường lệ, mà vẫn mặc quần áo trong ngày. Hélène nhỏ xinh nấu ăn vì cô là một cordon-bleu đích thực.
Chúng tôi ở phố Docteur-Dordaine hơn một năm. Các mùa nối tiếp nhau trong kỷ niệm của tôi. Mùa đông, trong lễ mixa nửa đêm, chúng tôi hát trong dàn đồng ca tại nhà thờ của làng. Annie, Hélène nhỏ xinh và Mathilde dự lễ. Bạch Tuyết về nhà cô ăn Giáng sinh. Khi chúng tôi về nhà, Roger Vincent đã ở sẵn đó và ông nói với chúng tôi là có người đợi chúng tôi trong phòng khách. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, đi vào, và chúng tôi nhìn thấy, ngồi đó trong cái phô tơi bọc vải hoa gần điện thoại, ông già Nôen. Ông không nói năng gì. Ông im lặng chìa cho mỗi đứa chúng tôi mấy gói quà bọc trong giấy bạc. Nhưng chúng tôi không có thời gian tháo chúng ra. Ông đứng dậy và ra hiệu bảo chúng tôi đi theo, ông và Roger Vincent dẫn chúng tôi đến chỗ cánh cửa gắn kính nhìn ra sân. Roger Vincent bật đèn sân. Trên các tấm ván gỗ mà chúng tôi đã xếp cạnh nhau, có một chiếc xe húc nhau màu lục nhạt - đúng như em tôi thích. Sau đó, chúng tôi đã ăn tối cùng họ. Jean D. cũng đến. Ông có cùng vóc dáng và các cử chỉ của ông già Nôen. Và cùng cái đồng hồ đeo tay.
Tuyết rơi xuống sân trường. Và những cơn mưa bóng mây tháng Ba. Tôi đã khám phá rằng cứ hai ngày trời lại mưa một ngày và có thể dự đoán thời tiết. Tôi luôn luôn đoán đúng. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi được đi xem phim. Với Bạch Tuyết. Đó là một bộ phim Laurel và Hardy. Những cây táo trong vườn đã ra hoa trở lại. Thêm lần nữa, tôi đi cùng băng phố Docteur-Dordaine tới cối xay gió với cái vòng lớn vẫn còn quay. Những cuộc thả diều bắt đầu trở lại, trước lâu đài. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, không còn sợ vào sảnh và bước đi ở đó giữa đống gạch vữa cùng lá khô. Chúng tôi vào, tận cùng sảnh, trong thang máy, một cái thang máy có cửa hai cánh rào lưới sắt, bằng gỗ sáng màu và trát thạch cao, với một băng ghế bằng da màu đỏ. Không có trần, và ánh sáng ngày lọt vào từ phía trên cái lồng, từ khối kính phủ vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi bấm các nút và làm như thể đang đi lên các tầng nơi có lẽ hầu tước Eliot Salter de Caussade đang đợi chúng tôi.
Nhưng năm ấy người ta đã không nhìn thấy ông ở làng. Trời rất nóng. Lũ ruồi bám đầy vào giấy dính dán trên tường bếp. Chúng tôi tổ chức một cuộc picnic trong rừng cùng Bạch Tuyết và thằng cháu của Frede. Điều mà chúng tôi, em trai tôi và tôi, thích nhất, là thử cho chiếc xe húc nhau chạy trên những tấm ván cũ - chiếc xe mà về sau chúng tôi biết Hélène nhỏ xinh đã tìm được nhờ một người bạn cô, chuyên gia chợ phiên.
Để ăn mừng ngày 14 tháng Bảy, Roger Vincent mời chúng tôi đi ăn tối tại quán trọ Robin Lục lâm. Ông đã từ Paris đến cùng Jean D. và Andrée K. Chúng tôi ngồi ở một cái bàn ngoài sân quán trọ, một khu vườn trang trí nhiều lùm cây cùng các bức tượng. Tất cả mọi người đều có mặt: Annie, Hélène nhỏ xinh, Bạch Tuyết và cả Mathilde. Annie mặc cái rốp màu xanh nhạt, đeo thắt lưng to bản màu đen thắt rất chặt ở eo lưng. Tôi ngồi cạnh Andrée K. và rất muốn hỏi cô nhiều câu về cái băng đảng mà cô hay giao du, băng phố Lauriston. Nhưng tôi không dám.
Và mùa thu… Chúng tôi hay cùng Bạch Tuyết đi nhặt hạt dẻ rừng. Chúng tôi không có tin tức gì của bố mẹ. Tấm bưu thiếp gần đây nhất của mẹ chúng tôi có hình phong cảnh thành phố Tunis nhìn từ trên cao. Bố chúng tôi đã viết thư cho chúng tôi từ Brazzaville. Rồi từ Bangui. Và rồi, chẳng gì nữa. Đến ngày khai giảng. Ông thầy giáo, sau giờ tập thể dục, bắt chúng tôi cào lá khô trên sân trường. Chúng tôi để mặc cho chúng rụng xuống mà không cào trong sân nhà, và chúng có màu hoen gỉ nổi bật lên so với màu lục nhạt của chiếc xe húc nhau. Chiếc xe như thể bị mắc kẹt cho tới tận cùng thời gian ở giữa một đống lá khô. Chúng tôi, em trai tôi và tôi, ngồi trong chiếc xe húc nhau, và tôi dựa mình vào vô lăng. Ngày mai, chúng tôi sẽ khám phá một hệ thống nhằm làm cho nó chạy được. Ngày mai… Luôn luôn là ngày mai, cũng giống các chuyến viếng thăm cứ không ngừng bị lùi lại, đến chỗ lâu đài của hầu tước de Caussade.
Lại bị mất điện, và chúng tôi thắp một ngọn đèn dầu, để ăn tối. Tối thứ Bảy, Mathilde và Bạch Tuyết đốt một đống lửa trong lò sưởi phòng ăn và họ để cho chúng tôi nghe radio. Thỉnh thoảng, chúng tôi được
nghe Edith hát, đó là bạn của Roger Vincent và Hélène nhỏ xinh. Buổi tối, trước khi ngủ thiếp đi, tôi lật giở quyển album của Hélène nhỏ xinh, trong đó cô hiện ra, cô cùng các bạn đồng nghiệp. Hai trong số họ gây ấn tượng mạnh lên tôi: Chester Kingston người Mỹ, với hai chân hai tay dẻo như cao su, uốn éo vặn vẹo giỏi đến mức người ta gọi ông là “người xếp hình”. Và Alfredo Codona, tay nhào lộn mà Hélène nhỏ xinh hay nhắc đến với chúng tôi, đó là người đã truyền nghề cho cô. Thế giới của xiếc và music-hall ấy là thế giới duy nhất chúng tôi, em trai tôi và tôi, muốn sống về sau, có lẽ bởi vì mẹ chúng tôi hay đưa chúng tôi, hồi chúng tôi còn bé tí, tới các lô diễn viên và hậu trường nhà hát.
Những người khác vẫn đến nhà. Roger Vincent, Jean D., Andrée K… Và những người bấm chuông cửa, vào buổi tối, mà tôi rình rập, xuyên qua các khe chớp cửa sổ, các khuôn mặt được chiếu sáng bởi ngọn đèn nơi lối vào. Các giọng nói, tiếng cười và tiếng chuông điện thoại. Và Annie và Jean D., trên chiếc 4CV, dưới trời mưa.
Trong những năm tiếp sau, tôi đã không bao giờ gặp lại họ, ngoại trừ, một lần, Jean D. Tôi hai mươi tuổi. Hồi đó tôi sống trong một căn phòng trên phố Coustou, gần quảng trường Blanche. Tôi đang thử viết cuốn sách đầu tiên. Một người bạn đã mời tôi đi ăn tối tại một quán ăn trong khu. Khi tôi đến, anh đang ngồi giữa hai người được mời: Jean D. và một cô gái đi cùng ông.
Jean D. gần như đã không già đi. Vài sợi tóc bạc hai bên thái dương, nhưng vẫn là mái tóc dài ấy. Những nếp nhăn nhỏ xíu quanh hai mắt. Ông không còn mặc áo khoác canadienne mà một bộ com lê màu ghi rất nhã nhặn. Tôi nghĩ chúng tôi, ông và tôi, không còn là những con người cũ nữa. Trong suốt bữa, chúng tôi chẳng hề ám chỉ đến những ngày xa xưa. Ông hỏi tôi làm gì trong đời. Ông xưng hô thân mật với tôi và gọi tôi là: Patrick. Chắc chắn ông đã giải thích cho hai người còn lại là ông quen tôi từ lâu.
Tôi, tôi biết về ông hơn một chút so với hồi tôi còn nhỏ. Năm ấy, vụ bắt cóc một chính trị gia Maroc đã gây ầm ĩ trên báo chí. Một trong số các nhân vật chính của vụ việc chết trong hoàn cảnh bí hiểm, tại phố Des Renaudes, vào đúng lúc cảnh sát phá cửa. Jean D. là một người bạn của nhân vật ấy và là người cuối cùng gặp khi còn sống, ông làm chứng cho điều đó và người ta đã nhắc đến ông trên báo. Nhưng các bài báo còn chứa đựng những chi tiết khác nữa: Xưa kia, Jean D. từng ngồi tù bảy năm. Người ta không nói rõ là tại sao, nhưng, theo ngày tháng, những mối phiền hà của ông đã khởi sự từ cái thời ở phố Docteur-Dordaine.
Chúng tôi không hé răng nhắc tới mấy bài báo ấy một lời nào. Tôi chỉ hỏi ông có sống ở Paris không.
– Tôi có một văn phòng, tại Faubourg Saint-Honoré. Cậu phải đến đó gặp tôi đấy…
Sau bữa ăn, người bạn tôi biến đi mất. Chỉ còn lại mình tôi với Jean D. và cô gái đi cùng ông, một cô gái tóc nâu chắc phải kém ông
chừng chục tuổi.
– Cậu muốn tôi chở về không?
Ông mở cửa một chiếc Jaguar đỗ trước quán. Tôi đã biết, nhờ những bài báo, rằng người ta hay gọi ông, tại một khu vực nhất định, là “Tay Cao Lớn đi xe Jaguar”. Tôi tìm kiếm, từ đầu bữa ăn, một cách thức nhằm hỏi ông những gì sáng tỏ về một quá khứ cho tới ngày ấy vẫn cứ là điều bí ẩn.
– Chính vì cái xe này mà người ta hay gọi ông là “Tay Cao Lớn đi xe Jaguar” à?, tôi hỏi ông.
Nhưng ông chỉ nhún vai không nói gì.
Ông muốn thăm căn phòng của tôi, trên phố Coustou. Ông và cô gái leo lên, đằng sau tôi, cái cầu thang mà tấm thảm lót màu đỏ cũ sờn bốc một cái mùi kỳ dị. Họ bước vào phòng, và cô gái ngồi xuống cái ghế duy nhất - một cái phô tơi gỗ liễu. Jean D. thì đứng.
Thật lạ khi nhìn thấy ông trong căn phòng này, vận bộ com lê màu ghi rất nhã nhặn và đeo một cái cà vạt lụa sẫm màu. Cô gái nhìn xung quanh và không tỏ vẻ hào hứng với décor.
– Cậu viết văn à? Ổn không?
Ông cúi xuống cái bàn bridge và xem mấy tờ giấy mà tôi đang cố viết kín, ngày qua ngày.
– Cậu viết bằng bút bi à?
Ông mỉm cười với tôi.
– Ở đây không ấm lắm nhỉ?
– Không.
– Cậu xoay xở được à?
Nói gì với ông đây? Tôi không biết làm sao để trả tiền thuê căn phòng này vào cuối tháng: năm trăm franc. Tất nhiên, chúng tôi quen nhau đã từ lâu, nhưng đó không phải lý do để nói với ông những mối lo của tôi.
– Tôi tự xoay xở được, tôi đáp.
– Trông không có vẻ lắm.
Trong một lúc, chúng tôi đứng đối diện với nhau trước khung cửa sổ. Tuy người ta gọi ông là “Tay Cao Lớn đi xe Jaguar” nhưng giờ đây tôi cao hơn ông một chút. Ông bọc tôi vào trong một ánh mắt trìu mến và ngây thơ, vẫn ánh mắt của cái thời phố Docteur-Dordaine. Ông nhấm nhấm lưỡi giữa cặp môi, và tôi nhớ ra rằng ông cũng hay làm thế, hồi ở căn nhà kia, những lúc suy nghĩ. Cái cách uốn lưỡi giữa cặp môi và chìm đắm vào trong các ý nghĩ ấy, tôi đã để ý thấy, sau này, nơi một người khác chứ không phải Jean D.: Emmanuel Berl. Và điều đó đã khiến tôi xúc động.
Ông im lặng. Tôi cũng vậy. Cô bạn của ông vẫn ngồi trong cái phô tơi gỗ liễu và lật giở một tờ tạp chí vứt trên giường mà cô đã nhặt lên. Tốt hơn hết, xét cho cùng, là có cô gái kia ở đó, nếu không hẳn chúng tôi, Jean D. và tôi, đã nói. Không dễ, tôi đọc được điều đó trong ánh mắt ông. Chỉ ngay ở những từ đầu tiên, chắc chúng tôi sẽ giống đám con rối tại các quầy bắn súng, gục xuống vì bị viên đạn găm trúng chỗ hiểm. Annie, Hélène nhỏ xinh, Roger Vincent chắc chắn rốt cuộc đã vào tù… Tôi đã mất đứa em trai. Sợi dây đã đứt. Một sợi dây mảnh. Từ tất tật những cái đó chẳng còn lại gì…
Ông ngoái đầu nhìn về phía cô bạn gái và bảo cô:
– Ở đây nhìn đẹp lắm… Thực sự là Côte d’Azur đấy…
Cửa sổ nhìn xuống phố Puget chật hẹp, nơi chẳng bao giờ có ai đi ngang. Một quán bar nhơ nhớp, nơi góc phố, một quán bán Rượu và Than cũ, trước đó một cô gái đơn độc đang đứng đợi khách. Lúc nào cũng là cùng một cô. Và chẳng để làm gì.
– Cảnh đẹp, đúng không?
Jean D. săm soi căn phòng, cái giường, cái bàn bridge trên đó ngày nào tôi cũng viết. Tôi nhìn ông từ sau lưng. Cô bạn ông tì trán vào ô kính và ngắm nhìn, phía dưới, phố Puget.
Họ tạm biệt tôi, chúc tôi may mắn. Chốc lát sau, tôi phát hiện trên cái bàn bridge bốn tờ năm trăm franc gập lại thật cẩn thận. Tôi cố tìm địa chỉ văn phòng của ông, tại Faubourg Saint-Honoré. Vô vọng. Và tôi chẳng bao giờ còn gặp lại Tay Cao Lớn đi xe Jaguar nữa.
Các thứ Năm và thứ Bảy, khi Bạch Tuyết không có ở đó, Annie chở chúng tôi, em trai tôi và tôi, tới Paris, trên chiếc 4CV. Lộ trình luôn luôn giống y nhau và, nhờ vài nỗ lực của ký ức, tôi có thể tái tạo được. Chúng tôi xuôi theo xa lộ Tây rồi đi qua dưới hầm ngầm Saint-Cloud. Chúng tôi băng ngang một cây cầu bắc qua sông Seine, rồi chúng tôi đi dọc theo các bờ ke tại Boulogne và Neuilly. Tôi còn nhớ các ngôi nhà lớn, dọc theo những ke kia, ẩn mình sau rào sắt và những tán lá cây; các con thuyền và villa bập bềnh, người ta có thể vào đó bằng những cầu thang gỗ: Cái nào cũng mang tên, viết trên một hòm thư, đặt ở đầu các cầu thang.
– Cô sẽ mua một chiếc thuyền ở đây, và tất cả chúng ta sẽ sống trên đó, Annie nói.
Chúng tôi tới Cửa ô Maillot. Tôi có thể định vị chặng này trên hành trình của chúng tôi, nhờ đoàn tàu nhỏ xíu của Jardin d’Acclimatation. Annie đã cho chúng tôi trèo lên nó một buổi chiều nọ. Và chúng tôi đã đi hết chặng đường, tại cái vùng nơi Neuilly, Levallois và Paris hòa vào với nhau ấy.
Đó là một phố hai bên trồng cây, với các tán lá tạo thành một vòm cao. Không có nhà trên phố ấy, mà toàn các hăng ga và ga ra. Chúng tôi dừng lại trước ga ra lớn nhất và hiện đại hơn cả, với một mặt tiền màu be có gồ tường nhô ra.
Bên trong, một căn phòng quây đầy kính. Một người đàn ông đợi sẵn chúng tôi ở đó, một người tóc vàng và xoăn, ngồi sau bàn làm việc bằng kim loại, trong một cái phô tơi da. Ông trạc tuổi Annie. Họ xưng hô thân mật với nhau, ông mặc, cũng giống Jean D., một cái áo sơ mi kẻ ca rô, một cái bu dông da hoẵng, một chiếc áo khoác canadienne vào mùa đông và đi giày đế kếp. Em trai tôi và tôi, chúng tôi gọi ông là “Buck Danny” khi chỉ có chúng tôi với nhau vì tôi thấy ông giống với một nhân vật trong một loạt truyện tranh cho trẻ con mà tôi hay đọc hồi đó.
Annie và Buck Danny có thể nói gì với nhau? Họ có thể làm gì khi cánh cửa văn phòng đã khóa trái lại từ bên trong và một chớp bạt màu cam đã được hạ xuống đằng sau các ô kính? Em trai tôi và tôi, chúng tôi dạo chơi xuyên qua xưởng xe, còn bí hiểm hơn cả sảnh lâu đài đã vắng bóng Eliot Salter, hầu tước de Caussade. Chúng tôi lần lượt ngắm nhìn, hết cái này đến cái khác, những chiếc xe ô tô cái thì thiếu một chắn bùn, một ca pô, lốp xe ở một bánh; một người đàn ông mặc đồ bảo hộ đang nằm thượt bên dưới một chiếc xe và dùng cờ lê vặn cái gì đó; một người khác, ống ti ô cầm tay, đổ đầy xăng vào bình một xe cam nhông vừa dừng lại trong tiếng động cơ rùng rùng khủng khiếp. Một ngày nọ, chúng tôi đã nhận ra chiếc xe Mỹ của Roger Vincent, nắp ca pô mở toang, và chúng tôi đã bởi vậy mà kết luận rằng Buck Danny và Roger Vincent là bạn của nhau.
Đôi khi, chúng tôi đến tìm Buck Danny tại nhà ông, ở một khối nhiều tòa nhà nằm dọc một đại lộ, mà ngày hôm nay tôi thấy như thể là đại lộ Berthier. Chúng tôi đợi Annie trên vỉa hè. Cô xuống chỗ chúng tôi cùng Buck Danny. Chúng tôi để lại chiếc 4CV đỗ trước khối nhà rồi cả bốn đi bộ tới xưởng xe, qua các phố nhỏ hai bên trồng cây và có nhiều hăng ga.
Trong xưởng xe ấy rất mát, và mùi xăng mạnh hơn mùi cỏ ướt cùng nước, những lúc chúng tôi ở đó bất động trước vòng lớn của cối xay gió. Cũng bập bềnh cùng thứ bóng tối lờ mờ, nơi một số góc nằm ngủ những chiếc ô tô bị bỏ mặc. Thân xe của chúng dịu dàng ánh lên trong bóng tối lờ mờ ấy, và tôi không thể rời mắt khỏi một tấm bảng kim loại gắn trên tường, một tấm bảng màu vàng trên đó tôi đọc được một cái tên gồm bảy chữ cái viết bằng mực đen, mà hình dáng lẫn vang âm tận hôm nay vẫn khuấy động trái tim tôi: CASTROL.
Một ngày thứ Năm, cô chở một mình tôi trên chiếc 4CV. Em tôi đã đi mua đồ tại Versailles cùng Hélène nhỏ xinh. Chúng tôi dừng lại trước khối tòa nhà nơi Buck Danny sống. Nhưng, lần này, cô quay trở lại mà không có ông.
Tại xưởng xe, ông không ở trong văn phòng. Chúng tôi lại lên chiếc 4CV. Chúng tôi đi theo các phố nhỏ của khu. Chúng tôi bị lạc. Chúng tôi quay vòng vòng trên những phố giống hệt nhau đó, với đám cây và hăng ga.
Rốt cuộc cô dừng xe gần một ngôi nhà xây bằng gạch mà ngày hôm nay tôi tự hỏi có phải nó thuộc về khu thu thuế Neuilly cũ hay chăng. Nhưng tìm lại các địa điểm thì có ích lợi gì đây? Cô ngoái đầu lại và thò tay về phía băng ghế sau để lấy một tấm bản đồ Paris cùng một món đồ khác mà cô chỉ cho tôi, thứ mà tôi không biết công dụng: một túi đựng thuốc lá bằng da cá sấu màu hạt dẻ.
– Kìa, Patoche… Cô cho cháu cái này… Về sau này cháu sẽ dùng nó…
Tôi ngắm cái túi bằng da cá sấu. Nó có một dàn khung bằng kim loại bên trong và đựng hai điếu thuốc lá có mùi rất dịu, loại thuốc lá nhẹ. Tôi rút chúng từ trong cái túi ra và, đúng vào lúc tôi chuẩn bị cảm ơn cô vì món quà và trả lại cho cô hai điếu thuốc, thì tôi nhìn thấy mặt cô xoay nghiêng. Cô đang nhìn thẳng ra phía trước. Một giọt nước mắt lăn trên má. Tôi không dám nói gì, và cái câu của thằng cháu của Frede vang lên trong óc tôi: “Annie đã khóc cả đêm ở Carroll’s”.
Tôi lần mò cái túi đựng thuốc lá. Tôi đợi. Cô quay mặt về phía tôi. Cô mỉm cười với tôi.
– Cháu có thích không?
Rồi, cô đột nhiên nổ máy phóng đi. Cô vẫn luôn luôn có những động tác đột ngột. Cô luôn luôn mặc những cái áo bu dông và quần đàn ông. Trừ buổi tối. Mái tóc vàng của cô cắt rất ngắn. Nhưng ở cô có nhiều biết bao sự dịu dàng phụ nữ, một vẻ mong manh biết bao… Trên
đường về, tôi nghĩ tới khuôn mặt nghiêm trang của cô, lúc cô ngồi cùng Jean D. trên chiếc 4CV dưới trời mưa.
Tôi từng quay trở lại khu phố ấy, cách đây hai mươi năm, cũng quãng thời gian tôi gặp lại Jean D. Một tháng Bảy và một tháng Tám, tôi sống trong một căn phòng áp mái nhỏ xíu, trên quảng trường nhỏ Graisivaudan. Lavabo sát vào giường. Đầu giường chỉ cách cửa vài xăng ti mét và, để vào phòng, phải nhảy lên giường cái đã. Hồi ấy tôi đang tìm cách viết nốt cuốn sách đầu tiên. Tôi hay đi dạo ở rìa quận 17, Neuilly và Levallois, cái nơi Annie đưa chúng tôi, em trai tôi và tôi, đến, những ngày nghỉ. Cả cái vùng nhiều tính cách bất xác quyết đó, mà ta chẳng biết có còn là Paris không nữa, tất tật những phố kia đã bị vứt bỏ khỏi bản đồ vào thời điểm xây dựng đường vành đai, mang theo cùng chúng các xưởng sửa xe và những bí mật của chúng.
Tôi đã không nghĩ đến Annie giây phút nào khi sống trong khu phố ấy, mà chúng tôi vẫn thường băng ngang tới vậy. Một quá khứ xa xôi hơn ám ảnh tôi, vì bố tôi.
Ông từng bị bắt giữ vào một tối tháng Hai tại một quán ăn trên phố Marignan. Ông không mang giấy tờ trên người. Cảnh sát hay thực hiện khám soát do có một lệnh mới của người Đức: cấm người Do Thái có mặt ở những chốn công cộng sau tám giờ tối. Ông đã tận dụng bóng tối lờ mờ và một giây phút thiếu chú ý của cảnh sát trước cái xe bịt bùng để chạy trốn.
Năm tiếp theo, người ta đã bắt ông tại nhà. Người ta đưa ông tới Dépôt, rồi một khu phụ của trại Drancy, tại Paris, quai de la Gare, một nhà kho hàng hóa khổng lồ nơi tập trung tất tật tài sản Do Thái mà người Đức cướp bóc được: đồ đạc, bát đĩa, vải vóc, đồ chơi, thảm, các món đồ nghệ thuật xếp thành nhiều tầng và theo các ngăn giá giống như ở Galeries Lafayette. Các tù nhân lấy đồ từ đống thùng ra khi chúng được đưa đến rồi cho vào những cái thùng khác, để đưa sang Đức.
Một đêm nọ, ai đó đi xe ô tô tới, quai de la Gare, và đã giải thoát cho bố tôi. Tôi hình dung - đúng sai không rõ - rằng đó là một người
tên Louis Pagnon mà người ta hay gọi là “Eddy”, bị xử bắn hồi Giải phóng cùng các thành viên của băng đảng phố Lauriston mà ông tham gia.
Phải, một ai đó đã lôi bố tôi ra khỏi “cái lỗ”, theo cái từ mà chính ông dùng một buổi tối năm tôi mười lăm tuổi, vào lúc chỉ có một mình tôi với ông và là lúc ông đã để mặc cho mình đi đến rất gần những lời tâm sự. Tôi cảm thấy, tối hôm đó, rằng chắc hẳn ông muốn truyền lại cho tôi kinh nghiệm của ông về những điều rối loạn và đau đớn của cuộc đời, nhưng đã không tìm nổi lời lẽ để làm vậy. Pagnon hay một người khác? Nhất định tôi phải tìm ra lời đáp cho những câu hỏi của tôi. Sợi dây liên hệ nào có thể tồn tại giữa người đàn ông đó và bố tôi? Một người bạn cũ cùng trung đoàn? Một cuộc gặp tình cờ từ trước chiến tranh? Vào cái hồi sống tại quảng trường Graisivaudan, tôi muốn làm sáng tỏ câu đố ấy bằng cách thử tìm lại các dấu vết của Pagnon. Người ta đã cho phép tôi xem những hồ sơ lưu trữ cũ kỹ. Ông sinh tại Paris, quận 10, giữa République và kênh Saint-Martin. Bố tôi cũng đã trải qua tuổi thơ ở quận 10, nhưng xa hơn một chút, về phía cité d’Hauteville. Có phải họ đã gặp nhau ở trường nội khu? Năm 1932, Pagnon đã bị kết án không nặng lắm, tại tòa tiểu hình Mont-de-Marsan vì tội “chứa chấp bài bạc”. Từ 1937 đến 1939, ông làm nhân viên xưởng sửa xe tại quận 17. Ông quen biết với một người tên là Henri, nhân viên hãng ô tô Simca, sống về phía Cửa ô Lilas; và một người tên là Edmond Delehaye, quản đốc phân xưởng chỗ Savary, một thợ làm thùng xe ở Aubervilliers. Ba người rất hay gặp nhau, họ đều làm việc trong ngành ô tô. Chiến tranh ập tới, rồi thời kỳ Chiếm đóng. Henri đã tổ chức một ổ chợ đen. Edmond Delehaye làm thư ký cho ông, còn Pagnon, tài xế. Họ ngụ tại một tư dinh, trên phố Lauriston, gần Étoile, cùng các cá nhân chẳng mấy thiện lương khác. Đám xấu chơi đó - theo lời bố tôi - đã dần dà trượt vào guồng máy: Từ các áp phe chợ đen, họ đã bị người Đức lôi kéo tới chỗ đi làm những công việc của cảnh sát hạng thấp.
Pagnon từng tham gia một cú buôn bán mà báo cáo điều tra gọi là “áp phe bít tất Biarritz”. Chuyện liên quan đến một lượng bít tất rất lớn
mà Pagnon đi thu thập ở chỗ nhiều kẻ buôn lậu khác nhau trong vùng, ông đóng chúng thành các gói gồm mười hai đôi rồi giao chúng ở gần nhà ga Bayonne. Đầy sáu toa tàu hỏa. Tại Paris hoang vắng của kỳ Chiếm đóng, Pagnon phóng xe ô tô, ông đã mua một con ngựa đua, ông sống tại một căn hộ đủ đồ đạc sang trọng trên phố Belles-Feuilles và có tình nhân là vợ một hầu tước, ông hay lai vãng, cùng bà, các chuồng ngựa tại Neuilly, Barbizon, quán trọ Fruit Défendu ở Bougival… Bố tôi đã quen với Pagnon khi nào? Có phải vào thời điểm của áp phe bít tất Biarritz? Ai mà biết? Một buổi chiều năm 1939, tại quận 17, bố tôi đã dừng lại trước một xưởng sửa xe để thay lốp cho chiếc xe Ford của ông, và Pagnon đang ở đó. Họ đã nói chuyện với nhau, có lẽ Pagnon nhờ ông một việc hoặc xin ông một lời khuyên, họ đã đi uống một cốc tại quán cà phê gần đó cùng Henri và Edmond Delehaye… Trong đời, ta thường có những cuộc gặp kỳ quặc.
Tôi đã đi vơ vẩn về phía Cửa ô Lilas, với hy vọng người ta còn nhớ về một nhân viên hãng ô tô Simca sống ở đó, vào quãng năm 1939. Một người tên là Henri. Nhưng không. Chẳng ai còn nhớ gì. Ở Aubervilliers, đại lộ Jean-Jaurès, hãng xe Savary từng thuê Edmond Delehaye làm nhân viên không còn tồn tại đã từ lâu. Còn xưởng sửa xe tại quận 17 nơi Pagnon từng làm việc? Nếu tôi tìm ra được nó, chắc hẳn một thợ máy lâu năm sẽ nói cho tôi về Pagnon và - tôi hy vọng - về bố tôi. Và hẳn rốt cuộc tôi cũng biết mọi điều cần phải biết, mà bố tôi biết.
Tôi đã dựng một danh sách các xưởng sửa xe của quận 17, đặt ưu tiên cho những cái nằm ở rìa quận. Tôi có trực giác rằng chính tại một trong số chúng Pagnon từng làm việc:
Garage des Réservoirs
Société Ancienne du Garage-Auto-Star
Van Zon
Vicar et Cie
Villa de l’Auto
Garage Côte d’Azur
Garage Caroline
Champerret-Marly-Automobiles
Cristal Garage
De Korsak
Eden Garage
L’Étoile du Nord
Auto-Sport Garage
Garage Franco-Américain
S.O.C.O.V.A.
Majestic Automobiles
Garage des Villas
Auto-Lux
Garage Saint-Pierre
Garage de la Comète
Garage Bleu
Matford-Automobiles
Diak
Garage du Bois des Caures
As Garage
Dixmude-Palace-Auto
Buffalo-Transports
Duvivier (R) S.A.R.L.
Autos-Remises
Lancien Frère
Garage aux Docks de la Jonquière
Ngày hôm nay, tôi tự nhủ xưởng xe nơi Annie từng hay chở tôi và em trai tôi đến hẳn có nằm trong danh sách. Có lẽ chính là xưởng sửa xe của Pagnon. Tôi nhìn thấy lại tán các cây trên phố, mặt tiền lớn màu
be có gồ tường nhô ra… Họ đã phá nó đi cùng những xưởng khác, và tất tật những năm đó đối với tôi sẽ chỉ còn là cuộc đi tìm dài và vô vọng một xưởng sửa xe đã mất.
Annie còn hay chở tôi đến một khu phố khác của Paris mà về sau tôi đã dễ dàng nhận ra: Montmartre, đại lộ Junot. Cô dừng chiếc 4CV trước một tòa nhà nhỏ màu trắng có cánh cửa gắn kính bằng sắt rèn. Cô bảo tôi đợi. Cô sẽ không đi lâu. Cô bước vào tòa nhà.
Tôi đi dạo trên vỉa hè đại lộ. Có lẽ sở thích mà tôi luôn luôn cảm thấy đối với khu phố ấy đã bắt đầu từ ngày đó. Một cầu thang dốc ngược dẫn xuống một phố khác, phía dưới, và tôi thích thú leo nó, Phố Caulaincourt, tôi đi vài mét, nhưng không mạo hiểm quá xa. Tôi mau chóng leo lại lên cầu thang vì sợ Annie đi mất trên chiếc 4CV của cô, để tôi lại một mình.
Nhưng tôi là người đến trước và phải đợi tiếp, giống như chúng tôi vẫn hay đợi cô tại xưởng sửa xe, những lúc tấm chớp màu cam được kéo xuống sau ô kính văn phòng của Buck Danny. Cô từ tòa nhà bước ra cùng Roger Vincent, ông mỉm cười với tôi. Ông vờ tỏ ra mình đang tình cờ gặp tôi.
– Ơ kìa… Cậu làm gì trong khu phố thế?
Những ngày sau đó, ông nói với Andrée K., Jean D. hoặc Hélène nhỏ xinh…
– Buồn cười lắm… Tôi đã gặp Patoche ở Montmartre… Tôi tự hỏi cậu ấy có thể làm gì ở đó…
Rồi ông ngoái sang nhìn tôi:
– Đừng nói gì với họ. Càng nói ít thì càng tốt hơn đấy. Trên đại lộ Junot, Annie ôm hôn ông. Cô gọi ông là “Roger Vincent” và xưng hô trịnh trọng với ông, nhưng cô ôm hôn ông. – Rồi một hôm nào đó, bác sẽ mời cháu lên nhà bác, Roger Vincent nói với tôi. Bác sống ở đây…
Và ông chỉ cho tôi cánh cửa sắt rèn của tòa nhà nhỏ màu trắng. Ba chúng tôi bước đi trên vỉa hè. Chiếc xe ô tô Mỹ của ông không đỗ trước nhà ông, và tôi hỏi ông tại sao lại thế.
– Tôi đang để nó bên xưởng sửa xe đối diện…
Chúng tôi đi qua trước khách sạn Alsina, gần đoạn có nhiều cầu thang. Một hôm, Annie nói:
– Chính ở đây tôi từng sống, hồi mới đầu, cùng Hélène nhỏ xinh và Mathilde… Giá mà ông được thấy mặt Mathilde…
Roger Vincent mỉm cười. Còn tôi, dẫu chẳng hề nhận ra, tôi lắng nghe mọi câu của họ và chúng khắc sâu vào ký ức tôi.
Mãi về sau, tôi lấy vợ và sống vài năm trong khu phố ấy. Gần như ngày nào tôi cũng đi ngược đại lộ Junot. Một buổi chiều nọ, điều đó ụp lên tôi, chỉ vậy thôi: Tôi đã đẩy cánh cổng gắn kính của tòa nhà màu trắng. Tôi bấm chuông cửa chỗ người gác cổng. Một người đàn ông tóc hung thò đầu ra khỏi khe cửa mở:
– Anh muốn gì?
– Tôi muốn hỏi về một người từng sống trong tòa nhà này, cách đây khoảng hai mươi năm…
– A, nhưng hồi đó tôi còn chưa ở đây, thưa ông…
– Ông không biết tôi có thể có các thông tin về người đó bằng cách nào à?
– Anh hỏi xưởng sửa xe đối diện ấy. Họ quen biết tất cả mọi người. Nhưng tôi đã không đi hỏi bên xưởng sửa xe đối diện. Tôi từng dành ra biết bao ngày để tìm các xưởng xe ở Paris mà không tìm nổi, thành thử tôi chẳng còn tin nữa.
Mùa hè, ngày dài ra, và Annie, vốn dĩ ít nghiêm khắc hơn Bạch Tuyết, để mặc chúng tôi chơi, buổi tối, trên đại lộ dốc thoải, trước nhà. Những buổi tối ấy, chúng tôi không mặc áo choàng ngủ. Sau bữa tối, Annie đi cùng chúng tôi ra cửa nhà và đưa cho tôi cái đồng hồ đeo tay của cô:
– Các cháu có thể chơi đến chín giờ rưỡi… Chín giờ rưỡi thì các cháu về… Cháu phải xem giờ đấy nhé, Patoche… Cô trông cậy vào cháu…
Những lúc Jean D. ở đó, ông đưa cái đồng hồ to tướng của ông cho tôi. Ông chỉnh sao đó mà đúng chín giờ rưỡi một tiếng chuông nho nhỏ - giống chuông đồng hồ báo thức - vang lên báo cho chúng tôi biết đã đến giờ phải về.
Hai chúng tôi đi xuôi đại lộ cho đến chỗ đường lộ nơi vài chiếc xe ô tô hiếm hoi vẫn còn chạy. Cách chừng một trăm mét, về phía tay phải, nhà ga, một tòa nhà nhỏ xập xệ với nhiều phần trên cao làm bằng gỗ, trông giống một villa bên bờ biển. Trước mặt nó, là một lối đi thật rộng hoang vắng hai bên có cây trồng và có quán CAFÉ DE LA GARE.
Một thứ Năm, bố tôi không đi xe đến cùng một trong số các bạn, mà đi tàu hỏa. Cuối buổi chiều, hai chúng tôi đi cùng ông ra ga. Và, vì vẫn còn sớm, ông mời chúng tôi vào hàng hiên quán Café de la Gare. Em trai tôi và tôi, chúng tôi đã uống Coca-Cola còn bố tôi, một cốc rượu chế thêm nước.
Ông trả tiền đồ uống rồi đứng dậy để bắt tàu. Trước khi chia tay chúng tôi, ông nói:
– Đừng quên… Nếu tình cờ các con gặp hầu tước de Caussade tại lâu đài, thì nhớ chuyển cho ông ấy lời chào thân ái của Albert nhé… Ở góc giao của đường lộ với đại lộ, được bảo vệ bởi một khóm thủy lạp, chúng tôi trông chừng nhà ga. Thỉnh thoảng, một nhóm hành khách từ đó đi ra rồi tản về hướng làng, cối xay gió Bièvre, Mets. Càng lúc càng thưa vắng hơn. Rất sớm, chỉ còn một người duy nhất băng
ngang lối đi dạo lớn. Có phải hầu tước de Caussade? Nhất định, đêm nay, chúng tôi sẽ phải tiến hành cuộc phiêu lưu lớn, đi tới lâu đài. Nhưng chúng tôi biết rằng dự định đó hẳn sẽ không ngừng bị lùi sang hôm sau.
Chúng tôi nán lại một lúc lâu, bất động trước hàng giậu bao quanh quán trọ Robin Lục lâm. Chúng tôi lắng nghe những người ăn tối trò chuyện với nhau, họ ngồi bên những cái bàn kê ngoài vườn. Họ bị hàng giậu che khuất, nhưng chúng tôi nghe thấy giọng họ, rất gần. Chúng tôi nghe thấy tiếng lanh canh các bộ đồ ăn, tiếng bước chân những người phục vụ kêu rin rít trên nền sỏi. Mùi vài món trộn lẫn vào với mùi cây thủy lạp. Nhưng mùi thủy lạp mạnh hơn. Cả đại lộ nồng mùi thủy lạp.
Phía trên cao, bow-window phòng khách sáng đèn. Chiếc xe ô tô Mỹ của Roger Vincent đỗ trước nhà. Tối hôm đó, ông đến cùng Andrée K., “vợ của thầy lang danh tiếng”, người từng hay giao du với băng đảng phố Lauriston và xưng hô thân mật với Roger Vincent, vẫn chưa đến chín rưỡi, nhưng Annie đã đi ra khỏi nhà, cái váy màu xanh nhạt bó chặt vào người. Chúng tôi lại băng ngang đại lộ, mau chóng hết mức, cúi khom người xuống, và chúng tôi trốn vào đằng sau các bụi rậm của khoảnh rừng nhỏ trải rộng sau nhà thờ Tin Lành. Annie tiến lại gần. Mái tóc vàng của cô tạo ra một vệt màu trong hoàng hôn. Chúng tôi nghe thấy tiếng bước chân cô. Cô thử tìm xem có thấy chúng tôi không. Đó là một trò chơi giữa chúng tôi. Mỗi lần, chúng tôi lại trốn ở một chỗ khác, nơi bãi đất bỏ hoang mà cây cối và các loại thực vật đã xâm chiếm. Rốt cuộc cô đã phát hiện được chỗ trốn của chúng tôi, vì chúng tôi lên cơn cười nắc nẻ vào lúc cô lại quá gần. Ba chúng tôi đi về nhà. Đó là một đứa trẻ, giống chúng tôi.
Vài câu nói khắc sâu vào tâm trí ta mãi mãi. Một buổi chiều nọ, người ta tổ chức một dạng hội chợ trong sân nhà thờ Tin Lành, đối diện nhà. Từ cửa sổ phòng, chúng tôi có thể nhìn rất thoải mái xuống những quầy hàng nhỏ quanh đó đông đặc trẻ con và bố mẹ chúng. Trong bữa trưa, Mathilde đã nói với tôi:
– Cháu có muốn đi xem ngày lễ nhà thờ không, thằng đần sung
sướng?
Bà từng dẫn chúng tôi đến đó. Chúng tôi lấy một phiếu xổ số và thắng được hai gói bánh nugatine. Lúc về, Mathilde nói với tôi: – Người ta đã để các cháu vào trong đó bởi vì ta, ta là người Tin Lành, thằng đần sung sướng ạ!
Bà vẫn nghiêm nghị như thường lệ và mang miếng đá trang trí cùng cái váy màu đen.
– Và cháu hãy tự nhủ điều sau đây: Người Tin Lành nhìn thấy mọi thứ! Chẳng ai giấu được họ điều gì! Họ không chỉ có hai mắt đâu! Họ còn có thêm một mắt sau gáy! Cháu có hiểu không?
Bà đưa ngón tay chỉ lên búi tóc.
– Cháu đã hiểu chưa, hả thằng đần sung sướng? Mắt đằng sau gáy đấy!
Kể từ bấy, em trai tôi và tôi, chúng tôi cảm thấy sờ sợ mỗi khi có mặt bà, và nhất là những lúc chúng tôi đi qua sau lưng bà. Phải mất rất lâu tôi mới hiểu rằng người Tin Lành cũng giống những người khác và, mỗi lần nào gặp ai đó trong số họ, tôi chẳng việc gì phải chuyển sang vỉa hè bên kia.
Chẳng bao giờ nữa có câu nói nào tạo cho chúng tôi một âm vọng như thế. Nó giống nụ cười của Roger Vincent. Tôi còn chưa bao giờ gặp một nụ cười tương tự. Ngay cả khi Roger Vincent vắng mặt, nụ cười của ông vẫn bay lơ lửng trong không khí. Tôi còn nhớ một câu khác mà Jean D. từng nói với tôi. Một sáng nọ, ông chở tôi trên chiếc mô tô ra tới đường đi Versailles, ông phóng không nhanh quá, và tôi tóm chặt lấy chiếc áo khoác canadienne của ông. Trên đường về, chúng tôi dừng lại trước quán trọ Robin Lục lâm. Ông muốn mua thuốc lá. Chỉ có một mình bà chủ ở chỗ quầy bar quán trọ, một phụ nữ tóc vàng, trẻ và rất xinh vốn dĩ không phải người mà bố tôi từng quen, hồi ông hay tới quán trọ ấy cùng Eliot Salter, hầu tước de Caussade, và có lẽ cùng cả Eddy Pagnon nữa.
– Cho một bao Balto, Jean D. nói.
Bà chủ chìa cho ông một bao thuốc lá và mỉm cười với cả hai chúng tôi. Khi chúng tôi đi ra khỏi quán trọ, Jean D. nói với tôi, giọng nghiêm trang:
– Cháu thấy không, cháu bé yêu quý… Phụ nữ ấy mà… Từ xa thì trông mỹ mãn lắm… Nhưng, lúc ở gần… Cần phải nghi ngờ… Ông có vẻ đột nhiên buồn bã.
Một thứ Năm, chúng tôi chơi trên gò đất, cạnh lâu đài. Hélène nhỏ xinh, ngồi trên băng ghế thông thường là chỗ của Bạch Tuyết, trông chừng chúng tôi. Chúng tôi trèo lên các cành thông. Tôi leo lên quá cao và, chuyền từ cành này sang cành khác, tôi suýt bị ngã. Lúc tôi xuống dưới đất, Hélène nhỏ xinh tái nhợt mặt mày. Hôm đó cô mặc cái quần cưỡi ngựa cùng chiếc áo boléro khảm xà cừ.
– Chẳng hay gì đâu… Cháu đã có thể tự giết chết mình đấy… Tôi chưa từng bao giờ nghe thấy cô nói bằng cái giọng cộc cằn ấy. – Không được làm thế nữa nhé…
Tôi ít quen với chuyện thấy cô nổi giận đến mức chực khóc. – Cô, cô đã phải bỏ nghề sau một điều xuẩn ngốc giống thế… Cô nắm lấy vai tôi và kéo tôi tới chỗ băng ghế đá dưới gốc cây. Cô
bắt tôi ngồi xuống. Cô rút từ túi trong chiếc áo boléro ra một cái ví da cá sấu - cùng màu với túi đựng thuốc lá mà Annie đã tặng cho tôi, và chắc cũng có xuất xứ từ cùng cửa hàng. Và, từ cái ví, cô lấy ra một tờ giấy rồi chìa nó cho tôi.
– Cháu có biết đọc không?
Đó là một bài báo, kèm ảnh chụp. Tôi đọc những dòng viết chữ lớn: NỮ DIỄN VIÊN NHÀO LỘN HÉLÈNE TOCH NẠN NHÂN CỦA MỘT TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG. MUSTAPHA AMAR BÊN GIƯỜNG BỆNH. Cô giật lại bài báo, nhét nó vào trong ví.
– Cái đó xảy đến chóng vánh lắm, trong đời, một tai nạn… Cô, cô cũng từng giống như cháu… Cô đã không biết… Cô từng tin tưởng… Cô tỏ ra hối tiếc vì đã nói với tôi như với một người lớn:
– … Cô mời các cháu đi ăn quà… Chúng ta sẽ đến hiệu bánh mua bánh ngọt…
Dọc theo phố Docteur-Dordaine, tôi hơi lùi lại để xem cô bước đi. Cô hơi khập khiễng chân, và cho tới mãi khi đó, tôi đã chẳng hề nảy ra ý nghĩ không phải lúc nào cô cũng từng đi khập khiễng. Như vậy là, trong cuộc đời, có các tai nạn xảy ra. Khám phá ấy khiến tôi rối trí rất nhiều.
Cái buổi chiều chỉ có một mình tôi đi Paris trên chiếc 4CV của Annie và cũng là hôm cô tặng cho tôi cái túi đựng thuốc lá bằng da cá sấu, rốt cuộc chúng tôi cũng tìm lại được đường giữa các phố nhỏ ngày nay đã bị phá mất của quận 17. Chúng tôi đi dọc theo các bờ ke sông Seine, như thường lệ. Chúng tôi dừng lại chốc lát trên bờ, về phía Neuilly và đảo Puteaux. Chúng tôi nhìn, từ phía trên các cầu thang gỗ đưa xuống các cầu tàu có màu nhạt, những villa bập bềnh cùng các con thuyền được cải tạo thành căn hộ.
– Chúng ta sẽ sớm phải chuyển nhà thôi, Patoche… Và cô muốn sống ở đây…
Cô từng nói với chúng tôi điều đó, nhiều lần. Chúng tôi thấy hơi lo lắng trước viễn cảnh phải rời khỏi ngôi nhà và ngôi làng. Nhưng, sống trên boong một con thuyền như thế kia… Ngày lại ngày, chúng tôi đợi khởi hành để dấn thân vào cuộc phiêu lưu mới đó.
– Sẽ có một phòng cho hai anh em cháu… Với những ô kính tròn… Sẽ có một phòng khách lớn và một quầy bar…
Cô đang mơ, nói lớn giọng. Chúng tôi lại lên chiếc 4CV. Đi qua đường hầm Saint-Cloud, ra đến xa lộ, cô ngoái đầu nhìn tôi. Cô bao bọc lấy tôi bằng một ánh mắt còn nhạt màu hơn so với thường lệ.
– Cháu có biết cháu sẽ phải làm gì không? Tối nào cháu cũng phải viết lại những gì cháu đã làm trong ngày. Cô sẽ mua cho cháu một quyển sổ…
Đó là một ý hay. Tôi nhét sâu bàn tay vào túi áo để kiểm tra xem cái túi đựng thuốc lá vẫn còn ở đó hay không.
Một số đồ vật biến mất đi khỏi cuộc đời ta, vào khoảnh khắc thiếu chú ý đầu tiên, nhưng cái túi đựng thuốc lá đó đã trung thành với tôi. Tôi biết lúc nào nó cũng sẽ nằm trong tầm tay tôi, trong ngăn kéo một bàn đầu giường, trong một ngăn tủ đựng đồ, tận sâu một cái bàn, nơi túi trong một cái áo vét. Tôi chắc chắn vào nó, vào sự hiện diện của nó, đến mức rốt cuộc quên biến mất nó. Chỉ trừ vào những giờ chán chường. Thế là, tôi ngắm nó, từ mọi góc độ. Đó là món đồ duy nhất chứng kiến một giai đoạn cuộc đời tôi, mà tôi không thể nói cho bất kỳ ai, về nó đôi khi tôi từng tự hỏi không biết mình có thực trải qua hay không.
Tuy nhiên, một ngày nọ thiếu điều tôi đã đánh mất nó. Tôi đang ở một ngôi trường đợi cho thời gian trôi qua tới lúc tôi được mười bảy tuổi. Cái túi đựng thuốc lá của tôi khơi gợi nỗi thèm thuồng của hai anh em sinh đôi thuộc tầng lớp đại tư sản. Chúng có rất nhiều anh em họ tại các lớp khác, và bố chúng mang danh hiệu “tay súng số một nước Pháp”. Nếu chúng liên minh chống lại tôi, hẳn tôi sẽ chẳng thể nào tự vệ nổi.
Phương cách duy nhất để thoát khỏi chúng là làm cho tôi bị đuổi học, thật chóng vánh, khỏi cái trường ấy. Tôi trốn khỏi trường một buổi sáng nọ, và tôi tận dụng điều đó để thăm thú Chantilly, Mortefontaine, Ermenonville và tu viện Chaalis. Tôi quay về trường vào giờ ăn tối. Ông hiệu trưởng thông báo tôi bị đuổi học, nhưng ông đã không sao nói chuyện được với bố mẹ tôi. Từ vài tháng bố tôi đã sang Colombia, để đi khám phá một khu đất có vàng mà một người bạn đã chỉ cho ông; còn mẹ tôi thì đang đi lưu diễn về phía La Chaux-de-Fonds. Người ta nhốt riêng tôi lại trong một căn phòng bệnh xá trong lúc chờ ai đó tới đón tôi. Tôi không được dự các buổi học cũng như dùng các bữa ở nhà ăn cùng các bạn. Cái dạng miễn trừ ngoại giao ấy nhất quyết giúp tôi thoát khỏi tay hai anh em nọ, đám anh em họ của chúng và tay súng số một nước Pháp. Mỗi đêm, trước khi ngủ thiếp đi, tôi lại kiểm tra xem dưới gối có cái túi đựng thuốc lá bằng da cá sấu không.
Thứ đồ vật đó sẽ có thêm một lần cuối cùng thu hút sự chú ý, vài năm về sau. Rốt cuộc tôi đã làm theo lời khuyên của Annie lúc cô bảo tôi ngày nào cũng viết vào một quyển sổ: Tôi vừa viết xong cuốn sách đầu tiên. Tôi đang ngồi trước quầy một quán cà phê trên đại lộ Wagram. Đứng cạnh tôi là một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi có mái tóc đen, đeo cặp kính gọng rất mảnh và trang phục cũng được chăm sóc cẩn thận y như hai bàn tay. Từ vài phút, tôi quan sát ông và tự hỏi ông có thể làm gì trong đời.
Ông đã bảo người phục vụ lấy cho ông một bao thuốc lá, nhưng tại quán cà phê này người ta không bán thuốc lá. Tôi bèn chìa cho ông túi đựng thuốc lá của tôi.
– Cám ơn rất nhiều, thưa ông.
Ông rút từ đó một điếu thuốc. Ánh mắt ông dõi chăm chăm vào cái túi da cá sấu.
– Anh cho phép chứ?
Ông nhấc nó khỏi tay tôi. Ông xoay đi xoay lại nó, nhíu mày. – Tôi từng có một cái giống y hệt.
Ông trả lại nó cho tôi rồi chăm chú nhìn tôi.
– Đó là một món hàng mà chúng tôi bị xoáy mất toàn bộ cả lô. Sau đó, chúng tôi không bán nó nữa. Anh đang sở hữu một món đồ sưu tầm rất hiếm đấy, thưa anh.
Ông mỉm cười với tôi. Ông đã làm việc với tư cách giám đốc tại một cửa hàng đồ da lớn trên đại lộ Champs-Élysées, nhưng giờ đã về hưu.
– Bọn họ đã không vừa lòng với những cái túi giống như thế này. Bọn họ đã khoắng sạch cửa hàng.
Ông cúi đầu về phía tôi và vẫn tiếp tục mỉm cười.
– Đừng nghĩ rằng tôi có gì nghi ngờ anh… Hồi đó anh còn quá nhỏ…
– Chuyện đã lâu rồi à?, tôi hỏi ông.
– Chừng mười lăm năm.
– Và bọn họ đã bị bắt?
– Không phải tất cả. Đó là những kẻ từng làm những điều còn nghiêm trọng hơn là đột nhập ăn trộm…
Những điều còn nghiêm trọng hơn. Những từ ấy, tôi đã biết. Nữ diễn viên nhào lộn Hélène Toch nạn nhân của một TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG. Và người thanh niên có cặp mắt lớn màu xanh lơ, về sau, đã trả lời tôi: MỘT CHUYỆN RẤT NGHIÊM TRỌNG.
Bên ngoài, đại lộ Wagram, tôi bước đi với một nỗi hân hoan trong lòng thật kỳ cục. Đã từ rất lâu, đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy sự hiện diện của Annie. Cô bước đi đằng sau tôi, tối hôm đó. Roger Vincent và Hélène nhỏ xinh, cả họ nữa, chắc cũng đang ở đâu đó trong thành phố này. Xét cho cùng, họ đã chưa bao giờ rời bỏ tôi.
Bạch Tuyết đi mất mà không báo trước cho chúng tôi. Trong bữa trưa, Mathilde nói với tôi:
– Nó đi bởi vì không muốn trông cháu nữa đấy, thằng đần sung sướng!
Annie thì nhún vai và nháy mắt với tôi.
– Mẹ toàn nói vớ vẩn, mẹ! Nó đi là bởi phải về nhà thôi. Mathilde nheo mắt lại và đặt lên con gái một ánh mắt độc ác. – Người ta không nói năng như thế với mẹ đẻ mình trước mặt trẻ con!
Annie làm ra vẻ không nghe thấy bà nói gì. Cô mỉm cười với chúng tôi.
– Con nghe chưa? Mathilde hỏi con gái. Rồi con sẽ có kết cục rất tồi tệ! Cũng như thằng đần sung sướng!
Thêm lần nữa, Annie lại nhún vai.
– Bình tĩnh đi, Thilda, Hélène nhỏ xinh nói xen vào.
Mathilde đưa ngón tay chỉ búi tóc cho tôi thấy, đằng sau gáy. – Cháu biết như thế nghĩa là sao rồi chứ, hả? Giờ đây khi Bạch Tuyết không còn ở đây nữa, ta sẽ trông coi cháu, thằng đần sung sướng ạ!
Annie đi cùng tôi đến trường. Cô đã đặt tay lên vai tôi, như thường lệ.
– Cháu không được để ý đến những gì mẹ cô nói đấy nhé… Bà ấy già rồi… Người già thì hay nói lung tung…
Chúng tôi đến sớm. Chúng tôi đợi trước cánh cửa sắt của sân trường.
– Các cháu, cháu và em cháu, sẽ ngủ một hai đêm ở nhà đối diện… cháu cũng biết rồi đấy, cái nhà màu trắng… Vì sẽ có nhiều người đến ở
nhà chúng ta vài hôm…
Chắc cô nhận thấy tôi tỏ ra lo lắng.
– Nhưng, dẫu thế nào, cô sẽ vẫn ở cùng các cháu… Cháu sẽ thấy, các cháu tha hồ mà vui…
Trong lớp, tôi không nghe giảng. Tôi nghĩ tới chuyện khác. Bạch Tuyết đã đi, và chúng tôi, chúng tôi sẽ sang sống ở ngôi nhà trước mặt. Sau giờ học, Annie đưa chúng tôi, em trai tôi và tôi, sang ngôi nhà đối diện. Cô bấm chuông ở chỗ lối nhỏ dẫn ra phố Docteur-Dordaine. Một bà tóc nâu khá béo và vận đồ đen ra mở cửa cho chúng tôi. Đó là bà gác cửa của ngôi nhà, vì những người chủ không bao giờ ở đó. – Phòng đã sẵn sàng, bà gác cửa nói.
Chúng tôi leo lên một cầu thang được ánh đèn điện rọi sáng. Tất tật các chớp cửa sổ của ngôi nhà đều đóng kín. Chúng tôi đi theo một hành lang. Người đàn bà mở một cánh cửa. Căn phòng này rộng hơn phòng chúng tôi, và có hai cái giường gắn các thanh bằng đồng, giường của người lớn. Giấy dán tường màu xanh nhạt với nhiều hình vẽ phủ kín những bức tường. Cửa sổ nhìn xuống phố Docteur-Dordaine. Các chớp cửa sổ mở rộng.
– Ở đây các cháu sẽ rất ổn, các cháu ạ, Annie nói.
Bà gác cửa mỉm cười với chúng tôi. Bà nói:
– Ngày mai tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cháu.
Chúng tôi xuống cầu thang, và bà gác cửa đưa chúng tôi đi thăm tầng trệt ngôi nhà. Trong phòng khách lớn, chớp cửa sổ đóng kín, hai đèn chùm lấp lánh từ tất tật pha lê của chúng và làm chúng tôi lóa mắt. Các thứ đồ đạc được bảo vệ bởi đống vải phủ trong suốt. Trừ cây đàn piano.
Sau bữa tối, chúng tôi ra khỏi nhà cùng Annie. Chúng tôi mặc pyjama và áo choàng ngủ. Một buổi tối mùa xuân. Thật vui khi được mặc áo choàng ngủ đi ra ngoài, và chúng tôi xuôi đại lộ, cùng Annie, đến quán trọ Robin Lục lâm. Chúng tôi những muốn gặp ai đó để người ấy nhìn thấy chúng tôi đi dạo ngoài phố trong áo khoác ngủ.
Chúng tôi bấm chuông cửa ngôi nhà đối diện và, một lần nữa, người đàn bà mở cửa cho chúng tôi và dẫn chúng tôi lên phòng. Chúng tôi nằm lên hai cái giường có các thanh gióng đồng. Bà gác cửa bảo chúng tôi là bà ngủ bên cạnh phòng khách và, nếu chúng tôi có cần gì, thì cứ gọi bà.
– Dẫu sao thì cô cũng ở ngay gần mà, Patoche… Annie nói. Cô hôn lên trán chúng tôi. Chúng tôi đã đánh răng sau khi ăn tối, bên phòng của mình. Người đàn bà đóng các chớp cửa sổ lại, tắt đèn, rồi hai người đi khỏi.
Đêm đầu tiên ấy, chúng tôi, em trai tôi và tôi, đã chuyện vãn rất lâu. Chúng tôi những muốn xuống phòng khách dưới tầng trệt để ngắm mấy cái đèn chùm, đồ đạc dưới lớp vải phủ cùng cây đàn piano, nhưng chúng tôi sợ cầu thang gỗ kêu cọt kẹt và rồi bà gác cửa sẽ mắng chúng tôi.
Sáng hôm sau, là thứ Năm. Tôi không phải đi học. Bà gác cửa đã mang bữa sáng lên phòng cho chúng tôi, trên một cái khay. Chúng tôi cảm ơn bà.
Thằng cháu của Frede không tới hôm thứ Năm đó. Chúng tôi ở lại trong khu vườn lớn, trước mặt tiền ngôi nhà với những cửa sổ bệ thấp có các chớp đóng kín. Có một cây liễu rủ và, tận trong cùng, một hàng rào tre xuyên qua đó có thể trông thấy hàng hiên quán trọ Robin Lục lâm và những cái bàn nơi mấy người phục vụ đang bày biện đồ ăn cho bữa tối. Chúng tôi đã ăn sandwich vào buổi trưa. Bà gác cửa là người đã làm chúng. Chúng tôi đã ngồi trên mấy cái ghế ngoài vườn, với những cái sandwich, như trong một cuộc picnic. Tối đến, trời đẹp, và chúng tôi ăn tối ngoài vườn. Bà gác cửa lại chuẩn bị cho chúng tôi những cái sandwich giâm bông và pho mát. Hai cái bánh táo để tráng miệng. Và Coca-Cola.
Annie đến sau bữa tối. Chúng tôi đã mặc pyjama và áo khoác ngủ. Chúng tôi đi ra ngoài cùng cô. Lần này, chúng tôi băng qua đường lộ, phía bên dưới. Chúng tôi gặp nhiều người gần công viên, và họ có vẻ
sửng sốt khi thấy chúng tôi mang áo choàng ngủ. Annie thì mặc cái áo bu dông bằng da đã cũ và cái quần blue-jean của cô. Chúng tôi bước đi phía trước nhà ga. Tôi nghĩ hẳn chúng tôi có thể sẽ đi tàu hỏa, vẫn mặc áo khoác ngủ, để lên Paris.
Trên đường về, Annie ôm hôn chúng tôi trong khu vườn của ngôi nhà màu trắng rồi, cô đưa cho mỗi đứa chúng tôi một chiếc kèn harmonica.
Tôi choàng tỉnh vào lúc nửa đêm. Tôi nghe thấy tiếng động cơ xe. Tôi nhỏm dậy và đi ra cửa sổ để nhìn. Bà gác cửa đã không đóng các chớp, bà chỉ kéo tấm rèm màu đỏ lại.
Trước mặt, bow-window của phòng khách sáng đèn. Chiếc xe ô tô của Roger Vincent đỗ trước nhà, mui xe màu đen hạ xuống. Chiếc 4CV của Annie cũng ở đó. Nhưng tiếng động cơ phát ra từ một chiếc cam nhông phủ bạt, đang dừng, phía bên kia đường, trước bức tường của nhà thờ Tin Lành. Động cơ đã tắt. Hai người đàn ông xuống khỏi xe. Tôi nhận ra Jean D. và Buck Danny, và cả hai đi vào nhà. Tôi nhìn thấy một bóng người thỉnh thoảng lướt qua trước bow-window của phòng khách. Tôi thấy buồn ngủ. Sáng hôm sau, bà gác cửa đánh thức chúng tôi, mang vào khay đựng bữa sáng. Bà và em tôi đưa tôi đến trường. Trên phố Docteur-Dordaine, không còn chiếc cam nhông cũng như xe của Roger Vincent. Nhưng chiếc 4CV của Annie vẫn ở đó, trước nhà.
Khi tôi ra khỏi trường, em tôi đợi sẵn tôi, chỉ có một mình. – Ở nhà chúng ta không còn ai.
Nó bảo với tôi rằng bà gác cửa mới vừa nãy đã dẫn nó sang nhà. Chiếc xe 4CV của Annie vẫn ở đó, nhưng không có ai. Bà gác cửa phải đi mua đồ tại Versailles cho tới cuối buổi chiều cho nên bà để em tôi lại nhà, bảo nó rằng Annie sắp về vì xe của cô đang ở đó. Em tôi đã đợi, trong ngôi nhà hoang vắng.
Nó cảm thấy nhẹ nhõm khi gặp lại tôi. Thậm chí nó còn cười, giống một người đã rất sợ rồi giờ đây được yên tâm.
– Họ đi Paris rồi, tôi bảo nó. Đừng lo.
Chúng tôi đi dọc theo phố Docteur-Dordaine. Chiếc 4CV của Annie vẫn ở đó.
Chẳng có ai trong phòng ăn cũng như trong bếp. Cả trong phòng khách nữa. Trên tầng hai, phòng của Annie trống không. Phòng của Hélène nhỏ xinh cũng thế. Phòng của Mathilde cũng vậy, ở cuối sân. Chúng tôi vào phòng của Bạch Tuyết. Dẫu thế nào, có lẽ Bạch Tuyết đã quay về. Không. Cứ như thể chưa bao giờ có ai từng sống trong những căn phòng ấy. Qua cửa sổ phòng chúng tôi, tôi nhìn xuống bên dưới, chiếc xe 4CV của Annie.
Sự im lìm của ngôi nhà làm chúng tôi sợ. Tôi bật đài radio lên và chúng tôi ăn hai quả táo và hai quả chuối còn lại trong giỏ đựng hoa quả, trên tủ buýp phê. Tôi mở cửa sân. Chiếc xe húc nhau màu lục vẫn nằm đó, chính giữa sân.
– Chúng ta sẽ đợi họ, tôi bảo em tôi.
Thời gian trôi đi. Mấy cây kim của đồng hồ báo thức trong bếp chỉ hai giờ kém hai mươi. Đã đến giờ tới trường. Nhưng tôi không thể để em tôi lại một mình. Chúng tôi ngồi, đối diện nhau, bên cái bàn trong phòng ăn. Chúng tôi nghe radio.
Chúng tôi ra khỏi nhà. Chiếc 4CV của Annie vẫn ở đó. Tôi mở một cánh cửa và ngồi lên ghế trước, chỗ ngồi quen thuộc của tôi. Tôi lục tìm trong ngăn đựng đồ và nhìn kỹ băng ghế sau. Chẳng có gì. Trừ một bao thuốc lá rỗng đã cũ.
– Ta sẽ đi dạo tới chỗ lâu đài, tôi nói với em tôi.
Trời gió. Chúng tôi đi dọc phố Docteur-Dordaine. Các bạn tôi đã vào lớp, và ông thầy giáo đã để ý thấy là tôi vắng mặt. Chúng tôi càng đi, sự im lặng càng trở nên sâu thẳm quanh chúng tôi. Dưới mặt trời, phố này và tất tật các ngôi nhà như thể bị bỏ hoang.
Gió làm rung rinh nhè nhẹ đám cỏ cao của bãi cỏ. Chưa bao giờ chỉ có chúng tôi đi đến đây. Các cửa sổ bị bít kín của lâu đài gây cho tôi cùng nỗi lo lắng như vào buổi tối, những lúc chúng tôi đi dạo trong rừng trở về, cùng Bạch Tuyết. Mặt tiền lâu đài sẫm tối đầy đe dọa vào những lúc đó. Cũng như giờ đây, ngay giữa buổi chiều.
Chúng tôi ngồi lên băng ghế, nơi Bạch Tuyết và Hélène nhỏ xinh vẫn thường hay ngồi, trong lúc chúng tôi leo lên các cành thông. Sự im lặng ấy vẫn vây bọc lấy chúng tôi, và tôi thử thổi một điệu trên chiếc kèn harmonica mà Annie đã tặng cho tôi.
Trên phố Docteur-Dordaine, chúng tôi thấy, từ xa, một chiếc xe ô tô màu đen, đỗ ở chỗ ngôi nhà. Một người đàn ông ngồi sau vô lăng, chân thò xuống qua cái cửa mở và đọc một tờ báo. Trước cửa nhà, một người cảnh binh đang đứng, rất thẳng, đầu trần. Anh ta còn trẻ, mái tóc vàng cắt ngắn, và cặp mắt xanh lơ nhìn vào trống rỗng.
Anh ta nhảy dựng lên và nhìn chúng tôi, em trai tôi và tôi, mắt mở tròn.
– Các cháu làm gì ở đây?
– Đây là nhà cháu, tôi đáp. Đã xảy ra chuyện gì à?
– Một chuyện rất nghiêm trọng.
Tôi sợ. Nhưng cả anh ta cũng thế, giọng anh ta hơi run. Một chiếc cam nhông nhỏ có cần cẩu rẽ vào góc đại lộ. Các viên cảnh binh đặt chân xuống đất và buộc chiếc 4CV của Annie vào cần cẩu. Rồi chiếc cam nhông nổ máy, chậm chạp kéo theo sau nó chiếc 4CV của Annie dọc phố Docteur-Dordaine. Đó là điều khiến tôi choáng váng hơn cả và làm tôi đau khổ hơn hết.
– Rất nghiêm trọng đấy, anh ta nói. Các cháu không được vào. Nhưng chúng tôi đã vào. Có người đang gọi điện thoại trong phòng khách. Một người đàn ông tóc nâu, vận đồ gabađin, ngồi trên gờ cái bàn trong phòng ăn. Ông ta nhìn thấy chúng tôi, em trai tôi và tôi. Ông ta đi về phía chúng tôi.
– A… Các cháu đây rồi… lũ trẻ?…
Ông ta nhắc lại:
– Các cháu là lũ trẻ?
Ông ta kéo chúng tôi vào phòng khách. Người nói chuyện điện thoại đã bỏ máy xuống. Ông ta thấp, vai rất rộng, và mặc một cái áo vét da màu đen. Ông ta nói, giống hệt người kia:
– A… Lũ trẻ đây rồi…
Ông ta nói với người vận đồ gabađin:
– Anh phải đưa chúng tới sở cẩm Versailles… Cái này không liên quan đến bên Paris…
Một chuyện rất nghiêm trọng, viên cảnh binh có cặp mắt to màu xanh lơ đã nói với tôi. Tôi nhớ đến mảnh giấy mà Hélène nhỏ xinh để trong cái ví: NỮ DIỄN VIÊN NHÀO LỘN HÉLÈNE TOCH NẠN NHÂN CỦA MỘT TAI NẠN NGHIÊM TRỌNG. Tôi nán lại sau lưng cô để xem cô bước đi. Không phải lúc nào cô cũng đi khập khiễng như thế.
– Bố mẹ các cháu đâu?, ông tóc nâu vận đồ gabađin hỏi chúng tôi. Tôi tìm một câu trả lời. Quá phức tạp để giải thích cho ông ta. Annie từng nói cho tôi biết rõ điều đó, vào cái ngày chúng tôi cùng nhau đến văn phòng của bà hiệu trưởng trường Jeanne-d’Arc, cái hôm cô vờ là mẹ tôi.
– Cháu không biết bố mẹ ở đâu à?
Mẹ tôi đang diễn vở kịch của mình đâu đó bên Bắc Phi. Bố tôi thì ở Brazzaville hay Bangui, hoặc xa hơn. Quá mức phức tạp. – Họ chết cả rồi, tôi đáp.
Ông ta nhảy dựng lên. Ông ta nhíu mày nhìn tôi. Hẳn có thể nói rằng ông ta sợ tôi, đột nhiên. Người bé nhỏ mặc áo vét da cũng nhìn tôi chằm chằm; ánh mắt đầy lo lắng, miệng há ra. Hai viên cảnh binh bước vào phòng khách.
– Ta tiếp tục lục soát nhà chứ?, một trong hai người hỏi ông tóc nâu vận đồ gabađin.
– Phải… Phải… Các anh tiếp tục…
Họ đi khỏi. Ông tóc nâu vận đồ gabađin cúi xuống chúng tôi. – Ra vườn chơi đi… ông nói, giọng rất dịu dàng. Lát nữa tôi sẽ ra gặp các cháu.
Ông nắm tay hai chúng tôi dắt ra bên ngoài. Chiếc xe húc nhau màu lục vẫn ở đó. Ông đưa tay chỉ ra vườn:
– Ra đó chơi đi… Lát nữa nhé…
Rồi ông quay vào nhà.
Chúng tôi leo cầu thang đá lên tầng thứ nhất của khu vườn, nơi
ngôi mộ bác sĩ Guillotin náu mình bên dưới đám cây ông tiên và cũng là nơi Mathilde đã trồng một cây hoa hồng. Cửa phòng Annie mở rộng, và vì chúng tôi đang ở độ cao ngang với cửa sổ đó, tôi thấy rõ là họ đang lục soát khắp nơi trong phòng của Annie.
Phía dưới, cái ông thấp nhỏ mặc vét da đen băng ngang sân, tay cầm một cái đèn pin. Ông cúi người qua thành giếng, vạch đám kim ngân ra và cố nhìn cái gì đó, dưới đáy, với cái đèn. Những người khác tiếp tục lục soát trong phòng Annie. Thêm những người khác nữa đến, các cảnh binh và những người vận quần áo hằng ngày. Họ lục soát khắp mọi nơi, cả bên trong chiếc xe húc nhau của chúng tôi, họ bước đi trong sân, họ chỉ cho nhau các cửa sổ ngôi nhà, họ nói với nhau, rất lớn tiếng. Và chúng tôi, em trai tôi và tôi, chúng tôi vờ như đang chơi trong vườn, mà đợi ai đó đến đón đi.
HẾT
Tên tủ sách dành cho thiếu niên rất nổi tiếng của nhà xuất bản Hachette, bìa những quyển sách ấy có màu lục (vert) nên mang cái tên đó. ↩
Chi tiết trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết của Modiano, liên quan đến thời Đức chiếm đóng Paris trong Thế chiến thứ hai, cho thấy sự hợp tác của nhiều người Pháp với quân phát xít. ↩
Một nhân vật nổi tiếng của chủ nghĩa siêu thực, có quan hệ nhiều sóng gió với André Breton. ↩
Nghĩa là “Nhà kho”, địa điểm gần sông Seine dùng làm nơi giam tạm thời những người Do Thái bắt được. ↩
Bài Lời giới thiệu của Olivier Adam do Phanbook tổ chức dịch riêng. Người dịch bản văn này không phải Hoàng Lam Vân, dịch giả cuốn sách (BTV. Từ đây đến hết bài giới thiệu, những cước chú không ghi “BTV” là của người dịch bài viết này) ↩
Trong ngôn ngữ thông dụng của người Pháp, cụm từ Remise de peine còn có hàm nghĩa là Xóa án. Tuy nhiên trong bản dịch tiếng Việt của tác phẩm Remise de peine ấn hành lần này, chúng tôi tôn trọng giải pháp dịch thuật tên sách của dịch giả (BTV). ↩
Voyage de noces (Tuần trăng mật), tiểu thuyết của Patrick Modiano, xuất bản lần đầu năm 1990. ↩
Quartier Perdu (Khu phố đã mất), tiểu thuyết của Patrick Modiano, xuất bản lần đầu năm 1985. ↩
Fleurs de ruine, tiểu thuyết của Patrick Modiano, xuất bản lần đầu năm 1991. Bản dịch tiếng Việt của tác phẩm này (tên sách: Hoa của phế tích) cũng được xuất bản đồng thời với bản dịch Remise de peine (BTV). ↩
Les boulevards de Ceinture, tiểu thuyết của Patrick Modiano, xuất bản lần đầu năm 1972, đã được dịch giả Dương Tường dịch ra tiếng
Việt là Những đại lộ ngoại vi. ↩
Thị trấn ngoại ô, nằm ở đông nam Paris, thuộc hạt Essonne. ↩ Thời kỳ quân đội Nazi chiếm Pháp trong Thế chiến II, Thống chế Pétain của Pháp đã tuyên bố “hợp tác” với quân xâm lược, sau này vẫn bị coi là thời kỳ đáng xấu hổ trong lịch sử Pháp. ↩
Hay còn gọi là khu La-tinh, nằm ở quận V của Paris, nơi tập trung nhiều trường đại học. ↩
Khu phố sang trọng thuộc quận VI Paris, nơi có Bảo tàng Orsay, nhiều nhà xuất bản, từng được coi là trung tâm của giới văn chương, với các quán cà phê lâu đời, như quán Flore nơi tụ tập một thời của các văn nghệ sĩ lừng danh. ↩
Nữ nhà văn nổi tiếng người Pháp (1940 - ), nhận giải “Prix de la langue française” vào năm 2007 cho toàn bộ tác phẩm. ↩ Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng người Mỹ (1938 - ), thành viên Viện Hàn lâm Văn học-Nghệ thuật Mỹ, nhiều lần được đề cử giải Nobel Văn chương. ↩
Nhà văn, nhà báo người Pháp (1904 - 1956), theo tinh thần nhân văn chủ nghĩa và vô chính phủ. ↩
Un pedigree (Một phả hệ), tiểu thuyết của Modiano, xuất bản lần đầu năm 2005. ↩
Nguyên bản tiếng Anh, có nghĩa là “công trình đang tiến hành”. ↩ Khái niệm chính trị học, phái nằm giữa tả và hữu. ↩
Người đã sáng chế ra máy chém; nó được gọi theo tên ông (guillotine). (Chú thích của dịch giả. Từ đây về sau, những chú thích không ghi “BTV” của người biên tập là của dịch giả) ↩ Loại bàn tròn, có thể một chân hoặc nhiều chân. ↩
Đây là một chiếc xe của hãng Renault. ↩
Tên thân mật của Patrick. ↩
Cụm từ được dùng ở đây, “une tête brûlée”, thường được hiểu theo nghĩa bóng, ý nói một ai đó “có cái đầu nóng”, hay làm những việc bất chợt; nhân vật là trẻ con nên hiểu theo nghĩa đen, vả lại cụm từ này