🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Kể Chuyện Các Sứ Thần Việt Nam
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI ĐỒNG CHỈ ĐẠO XUẤT BẢN
Chủ tịch Hội đồng
PGS.TS. PHẠM VĂN LINH
Phó Chủ tịch Hội đồng
PHẠM CHÍ THÀNH
Thành viên
TRẦN QUỐC DÂN
TS. NGUYỄN ĐỨC TÀI
TS. NGUYỄN AN TIÊM
NGUYỄN VŨ THANH HẢO
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Hoạt động ngoại giao là một bộ phận quan trọng của công cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước lâu dài và anh dũng của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, đấu tranh ngoại giao với sự hậu thuẫn của đấu tranh quân sự, đã giành được rất nhiều chiến công hiển hách, thậm chí, đấu tranh ngoại giao còn mang lại không ít
những thành quả mà không phải bất cứ cuộc chiến nào trên chiến trường cũng có thể giành được. Hoạt động đấu tranh ngoại giao thời kỳ phong kiến của nước ta vô cùng phong phú, thể hiện tài trí ứng phó lanh lẹ, thông minh tuyệt đỉnh cũng như nghệ thuật ngoại giao kiên trì, mềm mỏng nhưng không yếu đuối, cương nghị, mạnh mẽ nhưng không cứng nhắc để “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Đóng góp không nhỏ vào những thành công xuất sắc trên mặt trận ngoại giao ấy là những sứ thần - những người trực tiếp được cử đi sứ hoặc tiếp đãi sứ thần nước khác khi họ sang nước Việt Nam ta. Bằng trí tuệ, sự am hiểu sâu sắc về lịch sử, địa lý, văn học, toán học..., cộng với lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, các sứ thần Việt Nam không những đã chứng tỏ được thông tuệ mà hơn hết, còn khẳng định được vị thế của dân tộc, làm rạng danh
5
đất nước; khiến quần thần nước bang giao phải từ bỏ thái độ kiêu ngạo khi đón tiếp, thậm chí, phải tỏ lòng khâm phục trước năng lực ứng biến ngoại giao tài tình, sự trung kiên đối với Tổ quốc, dân tộc, triều đình của các sứ thần Việt Nam.
Để giúp bạn đọc có thêm hiểu biết về tài năng kiệt xuất của các sứ thần Việt Nam thời phong kiến, những người có vai trò quan trọng làm nên những trang vàng trong lịch sử đấu tranh ngoại giao của nước ta, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Kể chuyện các sứ thần Việt Nam do tác giả Phạm Trường Khang biên soạn. Với các câu chuyện kể về các nhân vật xuất chúng, nổi bật về tài năng ứng xử ngoại giao thời kỳ phong kiến, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho những bạn đọc quan tâm, muốn nghiên cứu tìm hiểu sâu về chủ đề này.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 8 năm 2016
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT6
LỜI NÓI ĐẦU
Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã ghi lại biết bao chiến công, sự hy sinh anh dũng của những con người quả cảm, đấu tranh kiên cường vì độc lập, tự do của đất nước. Trong số những người con ưu tú ấy, không thể không kể đến tấm gương của các sứ thần, những người đã giành được rất nhiều thành công trong đấu trí, đấu lực trên mặt trận ngoại giao, đem đến những cơ hội thật bất ngờ, khả quan, thậm chí không phải cuộc chiến nào trên chiến trường cũng giành được.
Nhìn chung, thắng lợi của đấu tranh ngoại giao thường do các chiến thắng quân sự hậu thuẫn, nhưng cuộc đấu tranh này muốn thắng lợi cũng đòi hỏi ở người tham gia sự dũng cảm, tài trí, lanh lẹn ứng phó không kém gì các chiến binh trên chiến trường. Đấu tranh ngoại giao có thể được xem như cuộc thi đấu về sự kiên trì, bền bỉ, dẻo dai, khôn
ngoan. Cuộc chiến này nhiều lúc đầy cam go và đôi khi còn phải trả giá bằng cả tính mạng.
7
Cuốn sách này kể về tài trí, sự ứng xử thông minh, khôn khéo, nhanh nhạy, dũng cảm và nghệ thuật đàm phán kiên trì, linh hoạt của các sứ thần Việt Nam thời phong kiến, những người đã làm tròn nhiệm vụ được ủy thác, giữ vững và nêu cao quốc thể. Ngoài ra, còn có một số chuyện kể về tài ứng xử ngoại giao thông minh, kiên định của một số nhân vật lịch sử như: Lê Hoàn, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông,...
Các chuyện kể trong sách chủ yếu dựa trên nguồn tư liệu từ chính sử, dã sử và các giai thoại lưu truyền trong dân gian. Người đọc sẽ được thấy ở đây một cuộc hành trình qua bao thế hệ của những người đi trước đã kiên cường đấu tranh bảo vệ đất nước, gìn giữ chủ quyền và khẳng định văn hóa của dân tộc Việt Nam có nền văn hiến lâu đời.
Hy vọng cuốn sách Kể chuyện các sứ thần Việt Nam sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu lịch sử và truyền thống đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Tác giả
PHẠM TRƯỜNG KHANG
8
LÊ HOÀN
Lê Hoàn là tên húy của vua Lê Đại Hành, sinh năm 941, mất năm 1005. Về quê quán của vua, đến nay vẫn có ba luồng ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, Lê Hoàn quê ở Trường Châu (Ninh Bình ngày nay) theo ghi chép trong cuốn Việt sử lược: “Đại Hành vương húy là Hoàn, họ Lê, người Trường Châu, cha là Mịch, mẹ họ Đặng”1.
Ý kiến thứ hai cho rằng, Lê Hoàn quê ở Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay) theo ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua họ Lê, húy là Hoàn, người Ái Châu... Cha sinh ra vua là Mịch, mẹ là Đặng Thị”2. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng cho rằng Lê Hoàn là người Ái Châu. Một số nhà nghiên cứu sau này như các tác giả sách Các triều đại Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên.
______________________
1. Trần Quốc Vượng (Phiên dịch, chú giải): Việt sử lược, Nxb. Văn - Sử - Địa, Hà Nội, 1960, tr. 53-54. 2. Ngô Sỹ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, t. 1, tr. 166.
9
Ý kiến thứ ba cho rằng, Lê Hoàn quê ở Ninh Thái, Thanh Liêm, Hà Nam dựa trên việc so sánh, đối chiếu các thư tịch cũ, chẳng hạn Đại Việt sử ký tiền biên ghi: “Xét thấy Lê Đại Hành là người làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, chứ
không phải người Ái Châu. Sử cũ chép nhầm”1. *
* *
Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Năm 980, ông lên ngôi vua, có công chống giặc Tống, ổn định biên giới phía nam, phát triển giao thông thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.
Kháng chiến thành công, Lê Hoàn áp dụng một chính sách ngoại giao vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo.
Về phía nam, hai lần nhà vua phái sứ sang giao hảo với Chiêm Thành thì cả hai lần sứ giả Việt Nam đều bị vua Chiêm bắt giữ. Vua Chiêm thần phục Tống, dựa thế nhà Tống nên coi thường nước ta. Năm 982, Lê Hoàn xuất quân đánh Chiêm Thành, giết vua Chiêm, phá kinh thành Indrapura (Đồng Dương, Quảng Nam) rồi rút quân về nước. Sóng gió phương Nam lặng im.
Về phía bắc, nhiều lần ông phái sứ sang nước ______________________
1. Ngô Thì Sỹ: Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 166.
10
Tống. "Thần phục giả, độc lập thật" là đối sách của nhà vua.
Năm 990, nhà Tống sai Tống Cảo đi sứ nước ta. Vua Lê sai Đinh Thừa Chính đem chiến thuyền sang tận bờ biển Liêm Châu (Quảng Đông) đón sứ. Đợi khi sứ giả nước Tống xuống thuyền chiến của ta, theo lệnh nhà vua, thuyền bị
bịt cửa kín mít, thắp đèn nến suốt ngày đêm, đi loanh quanh hàng nửa tháng trời mới đến cửa Bạch Đằng, gây cho sứ giả nước Tống cảm giác đất Việt biển rộng, sông dài.
Hàng tháng nữa trôi qua, thuyền sứ giả mới tới địa phận Trường Châu (Ninh Bình), gần kinh đô Hoa Lư. Tại đây, nhà vua sai thao diễn thủy quân để phô trương thanh thế, uy hiếp tinh thần sứ giả. Thuyền quân, thuyền dân đua bơi như chớp nhoáng, tiếng trống thúc như sấm gào. Cách thành trăm dặm, nhà vua sai dồn trâu bò của dân ra hai bờ sông, không đầy nghìn con mà nói với sứ thần Tống đây là trâu bò của Nhà nước, khoảng 10 vạn con. Lại cho dân xếp lẫn vào hàng quân khiến sứ Tống tưởng quân ta vô cùng đông đảo. Khắp các ngọn núi quanh thành Hoa Lư nhà vua cắm cờ
hiệu nhiều màu san sát, ra vẻ bày binh bố trận. Vua cùng sứ thần Tống Cảo dong ngựa đi song song. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua đã cho bày thủy quân và chiến cụ để tỏ ra quân đội nghiêm minh, có kỷ luật, có vũ khí tốt và
11
thiện chiến, đã đánh thắng Chiêm Thành và cũng sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu quân nhà Tống lại xâm lăng”.
Khi vào cung vua, đến cửa Minh Đức, vua giơ tay đón bài chế của vua Tống từ tay sứ thần Tống Cảo, đặt lên trên điện nhưng không lạy. Vua Lê nói với sứ thần là năm vừa rồi đi đánh giặc Mán bị ngã ngựa đau chân. Tống Cảo và Vương Thế Tắc tin là thực. Có lẽ đây là lần đầu tiên vua nước Nam khi nhận sắc phong của vua Trung Hoa đã không chịu lạy để giữ thể diện quốc gia.
Ngày hôm sau khi bày tiệc thết đãi, nhà vua nói với Tống Cảo:
- Đường sá xa xôi, núi sông hiểm trở, sau này nếu có quốc thư xin cứ giao nhận ở biên giới, khỏi phiền sứ giả đến đây.
Chủ ý của vua Lê là không muốn để cho các sứ thần và binh lính đi sâu vào đất nước để dò xét đường đi lối lại và lực lượng quân dân ta.
Trong buổi tiệc chiêu đãi, nhà vua cùng các quan vừa ăn uống, vừa múa hát và diễn trò đâm cá dưới sông. Lê Hoàn tuy là vua nhưng đã cởi mũ áo, bỏ giày, lội xuống nước, cầm giáo đâm cá. Các quan cũng cởi bỏ mũ áo, lội xuống nước làm theo. Mỗi khi có người đâm trúng một con cá dưới nước thì ai nấy đều hò reo vui vẻ. Duy chỉ có hai sứ thần nhà Tống là lúng túng không biết làm gì. Trong buổi tiệc, Lê Hoàn vừa hát vừa mời rượu
12
các sứ thần. Sứ thần nhà Tống đón chén rượu nhưng không biết hát đáp lại.
Theo sách Đông Tây dương khảo và Lịch triều hiến chương loại chí, trong lần tiếp Tống Cảo và Vương Thế Tắc, để sứ giả nhà Tống thấy tinh thần dũng cảm, gan dạ, không sợ hy sinh của quân ta, nhà vua mời sứ giả cùng ngồi xem những người lính tay không đánh nhau với hổ dữ trong sân vua. Hổ gầm thét, lồng lộn cố vồ lấy người lính nhưng đã bị những quả đấm như búa bổ vào hai bên thái dương. Chân người lính đạp vào chỗ
hiểm nên hổ chỉ còn gầm gừ và điên cuồng giãy giụa rồi dần kiệt sức. Sau trận đấu hổ, vua Lê lại cho hai lính vác hai con trăn dữ tợn ra biểu diễn. Hai con trăn có thể nuốt người ăn thịt, hoặc vặn người cho đến nát nhừ nhưng đã bị những người lính bé nhỏ điều khiển, cho quấn lên cổ, lên người mà không hề khiếp sợ. Vua lại hỏi sứ Tống có ăn thịt trăn không, sẽ cho làm cỗ để mời. Sứ thần nhà Tống vô cùng khiếp sợ nên đã từ chối.
Thấy những trò chơi biểu hiện tinh thần dũng cảm, không sợ chết của quân lính nhà Lê, hai sứ thần nhà Tống đều khiếp sợ và cảm phục.
Nhà vua bố trí cho sứ Tống ở sứ quán. Cách vài ngày, nhà vua cho người mang con trăn vài trượng đến bảo nếu sứ giả muốn ăn sẽ làm thịt thết đãi. Nhà vua còn trói hai con hổ đến tặng. Khiếp sợ vì thú dữ đất Việt, sứ Tống cố tìm cớ từ
13
chối loại "quà biếu" đó. Nhiều nhà sư giỏi thơ văn được nhà vua phái đến tiếp chuyện sứ Tống để chứng tỏ cho sứ thần Thiên triều biết nước ta cũng là nước văn hiến1.
Tháng 10 năm 986, vua Tống Thái Tông đã cho hai sứ thần là Lý Nhược Chuyết và Lý Giác mang chế văn phong cho Lê Hoàn chức Kiểm hiệu Thái bảo sử tri Tiết Đô đốc Giao Châu chư quân sự, An Nam đô hộ, Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, Giao Châu quản nội quan sát sử tri đẳng sứ, Kinh triệu quận hầu.
Để giữ hòa hiếu với nhà Tống, Lê Hoàn đã trao trả nhà Tống hai tên tướng giặc bị bắt sống năm xưa là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân sau khi đã giam giữ 5 năm. Hai tướng bị cầm tù mừng rỡ lạy tạ và cùng hai sứ thần về nước.
Sau khi lập nên triều đại mới - nhà Tiền Lê và đánh tan quân Tống xâm lược, Lê Hoàn sai sứ giả sang Trung Hoa xin cầu phong. Vua Tống tuy bị thua trận nhưng vẫn không chịu phong cho Lê Hoàn là vua nước Nam mà chỉ phong chức quan lần lượt từ Đô đốc, Thái úy, đến Đặc tiến. Mãi đến năm Quý Tỵ (993) mới chịu phong cho ông chức Giao Chỉ quận vương và đến năm Đinh Dậu mới phong làm Nam Bình Vương. Sau 16 năm kể từ
______________________
1. Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, t. 3, tr. 253.
14
khi chiến thắng quân Tống (980), vua Tống phải chấp nhận phong vương cho Lê Hoàn bởi lực lượng của nhà vua đã đủ mạnh để có thể uy hiếp cả biên giới phía nam của nhà Tống. Muốn giữ
cho yên bờ cõi biên cương phía nam, không thể không phong vương cho vua Lê để ràng buộc nhà vua theo nghĩa quân thần.
Sau khi đánh thắng Chiêm Thành và sai quân mở đường bộ thông đến châu Đại Lý, để khẳng định sức mạnh của triều Lê, vua Lê sai sứ sang cống vua Tống và dâng tờ biểu của Đinh Toàn nhường ngôi. Vua Tống thấy lực lượng của Lê Hoàn đã mạnh nên buộc phải sai hai sứ thần là Vương Thế Tắc và Lý Cư Giản sang phong vương cho nhà vua là Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Giao Chỉ
quận vương. Tuy là tước vương nhưng phạm vi chỉ bó hẹp trong quận Giao Chỉ mà thôi.
Sự kiện này được ghi chép trong sách Cương mục tục biên của Trung Quốc rằng: "Năm Thuần Hoá thứ 4 (993), Lê Hoàn đưa lễ sang cống, (vua đã) phong cho Lê Hoàn làm Giao Chỉ quận vương".
Năm 996, vua Tống lại sai sứ thần là Lý Nhược Chuyết đem tờ chiếu và đai ngọc sang ban cho vua Lê. Sách Việt sử thông giám cương mục chép:
"... Khi sứ thần đến nơi, vua Lê ra đón ngoài đô thành, có ý ngạo mạn coi thường, không thi lễ. Nhà vua bảo Lý Nhược Chuyết:
15
- Trước đây việc cướp trấn Như Hồng là do giặc ở ngoài biên giới, chẳng hay hoàng đế (vua Tống) có biết không? Giả sử Giao Châu chúng tôi nổi lên chống lại (vua Tống) thì trước hết kéo sang Quảng Đông rồi vào mọi quận ở Mãn Châu, chứ có khi nào chỉ nhằm một trấn Như
Hồng mà thôi”.
Chưa bao giờ trong bang giao với các triều đại phong kiến Trung Hoa, vua Đại Cồ Việt có những lời lẽ cứng rắn, phô trương sức mạnh và ngầm đe dọa Thiên triều như thế. Lời lẽ của nhà vua thể
hiện niềm tin vào nước Đại Cồ Việt, có đủ sức mạnh kéo sang đánh lấy những đất cũ đã bị nhà Tống chiếm cứ và ngầm bảo cho sứ Tống biết, nếu vua Tống không chịu công nhận vai trò của vua Lê và chủ quyền của nước Nam thì hãy dè chừng, nhà vua sẽ dùng đến sức mạnh để buộc vua Tống phải công nhận.
Tuy nhiên phải đợi đến năm sau, khi Tống Thái Tông mất, Tống Chấn Tông lên ngôi, nhà Tống mới chịu phong cho Lê Hoàn làm Nam Bình Vương.
Bài chế phong cho nhà vua có đoạn:
"Đấng vương giả dựng nên pháp độ đoan chính để bảo vệ các phiên bang. Xây dinh quán tại kinh sư để cho lễ nghi hội đồng được long trọng, còn phong tước lộc cho chư hầu để tỏ oai hùng của sự thống chế. Phương chi nước Diên
16
Chỉ (Giao Chỉ) thường năm lo đường chức cống (dâng lễ vật như lông chim thùy...) tuy đã là một xứ hùng cường nhưng không quên phục tùng mệnh lệnh (của Trung Quốc) một cách cung thuận, lại xét có công lao.
Nay Quyền Tri Giao Châu Tam sử Lê Hoàn tư chất nghĩa dũng, bẩm tính trung thuần, được lòng quốc dân, kính cẩn giữ lễ phiên thần. Trước đây Đinh Triển (con Đinh Bộ Lĩnh) đương còn thơ ấu và khờ dại, không biết trị dân, nên Lê Hoàn lấy tư cách thân tín cật ruột giữ các đạo quân, hiệu lệnh tự trong tay, có ân có oai; họ Đinh tự giải quyền Tam sứ để tuân theo ý nguyện của mọi người. Nay Lê Hoàn mặc dầu xa cách vẫn tỏ lòng thành kính, xin lãnh tiết mao. Như vậy không khác gì Sĩ Nhiếp anh minh, hóa dân Việt đều theo lễ nghĩa; Triệu Đà cùng thuận, tuân mệnh Hán không dám đơn sai. Vậy nên cho Lê Hoàn giữ chức Nguyên nhung, ngang hàng với các bậc hầu tước, cai quản các nước rợ và tôn trọng sứ mệnh của trời".
Như vậy, bằng nội lực của chính mình, Lê Hoàn đã buộc triều đại phong kiến Trung Hoa phải công nhận và xác lập chủ quyền của nước Nam.
17
ĐỖ THUẬN
Đỗ Thuận (Đỗ Pháp Thuận) là pháp danh của một nhà sư nổi tiếng dưới triều Lê Đại Hành. Ông sinh năm 915, mất năm 990. Sách Thiền uyển tập anh chép rằng: “Thiền sư Pháp Thuận chùa Cổ
Sơn, Thừ hương, quận Ải. Không biết người ở đâu. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Nhỏ xuất gia, thờ thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Khi đã đắc pháp nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Đương lúc nhà Lê mới dựng nghiệp, trù định kế sách, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng. Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư, đem việc văn thư giao phó cho Sư”1.
Sử chép ông có nhiều công với triều đình, đặc biệt khi tiếp đón và xướng họa thơ ca với sứ nhà Tống. *
* *
______________________
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Thiền uyển tập anh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1990.
18
Khoảng năm 987, vua Tống sai Lý Giác sứ sang nước ta. Khi đó, vua Lê Hoàn nhờ một vị sư giả làm người chèo đò đi đón để quan sát hành động của viên sứ thần.
Vị sư đó tên là Đỗ Thuận. Sư Thuận học rộng, thơ hay, am hiểu việc đời, có công lao lớn nhưng không chịu nhận phong thưởng của vua. Vì thế nhà vua lại càng kính trọng, thường gọi là sư Đỗ
chứ không gọi tên thật. Sư ngày thường vẫn giúp vua trong công việc giấy tờ, văn học.
Lý Giác vốn là một tay sính thơ. Khi thuyền sứ đi trên sông Kinh Thầy (nay thuộc tỉnh Hải Dương), thấy hai con ngỗng ngoi trên mặt nước, Lý Giác liền ngâm hai câu thơ tạm dịch là:
Ngỗng kìa, ngỗng một đôi
Nghển cổ nhìn chân trời
Bài thơ nguyên của Lạc Tân Vương, người đời Đường (thế kỷ thứ VII) làm lúc 10 tuổi. Sư Đỗ đang chèo thuyền, ứng khẩu đọc: Nước xanh lông trắng phủ
Sóng biếc chân hồng bơi!
Thấy ngay đến người lái đò ở nước Việt mà cũng hay chữ, thuộc thơ cổ như vậy, Lý Giác kinh ngạc và cảm phục lắm.
Sứ thần Lý Giác thấy Đỗ Thuận giỏi thơ, tặng nhà sư một bài thơ, trong đó có hai câu: Ngoài trời lại có trời soi sáng
Sóng lặng khe đầm rọi mảnh thu!
19
Sư Đỗ chép lại bài thơ, đưa cho vua Lê. Nhà vua đưa bài thơ đó cho sư Khuông Việt - người đứng đầu giới Phật giáo khi ấy xem và hỏi ý kiến. Sư Khuông Việt tâu:
- Tâu bệ hạ, bần đạo nghĩ đây là sứ Bắc tỏ ý tôn trọng bệ hạ cũng ngang như vua của họ vậy. Lê Đại Hành rất hài lòng, sai sư Khuông Việt làm một ca khúc tiễn sứ giả về nước. Bài thơ của nhà sư Khuông Việt như sau:
Dịch thơ:
Gió xuân đầm ấm cánh buồm giương
Trông vị thần tiên về đế hương,
Muôn lần non nước vượt trùng dương. Đường về bao dặm trường,
Tình lưu luyến chén đưa đường,
Nhớ vị sử lang
Xin lưu ý việc biên cương,
Tâu rõ lên thánh hoàng.
Lý Giác lạy tạ vua lên xe về Bắc, lòng luôn nghĩ nước Nam Việt quả có lắm nhân tài, lần này về triều phải tâu rõ cho hoàng thượng biết chỉ nên tỏ ra khoan dung chứ không nên đối đầu.
20
LÊ THUẬN TÔNG
Lê Thuận Tông là người dân tộc thiểu số, châu mục châu Phong, không rõ năm sinh, năm mất. Sử chép: năm 1036, vua Lý Thái Tông gả công chúa Kim Thành cho Lê Thuận Tông và ông trở thành phò mã nhà Lý.
Năm 1062, sau khi tù trưởng Nùng Tông Đản đem động Lôi Hỏa nộp cho nhà Tống, Lê Thuận Tông được cử đi sứ sang Tống đòi đất, đòi dân.
Thái độ đàng hoàng, kiên quyết khi đi sứ của ông đã giúp triều Lý đòi lại được đất, được dân. *
* *
Động Lôi Hỏa ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng ngày nay, xưa thuộc sự cai trị của tù trưởng Nùng Tông Đản, được coi như phiên thần của triều Lý.
Năm 1057, Nùng Tông Đản đem quân đánh nhà Tống ở Ung Châu. Sau đó Tông Đản bị nhà Tống mua chuộc nên đã đem các động thuộc quyền cai trị là Lôi Hỏa và Kế Thành nộp cho nhà Tống, nhờ đó mà được triều đình nhà Tống bổ coi châu Thuận An (tên gọi mới của vùng Lôi Hỏa và
21
Kế Thành). Như thế vùng đất của vua Lý dưới sự cai trị của tù trưởng Nùng Tông Đản vô hình trung đã bị mất sang cho nhà Tống (1062).
Vua Lý Thánh Tông tức giận, sai sứ thần Lê Thuận Tông (là phò mã đời Lý Thái Tông) sang nước Tống để đòi đất và dân thuộc các động trên.
Lê Thuận Tông đến Quế Châu, gặp viên quan nhà Tống là Lục Sằn. Sau vài câu thăm hỏi, Lê Thuận Tông nói:
- Không rõ bản triều có hay việc Nùng Tông Đản vốn là con dân của nhà Lý, được triều đình giao cho canh giữ động Lôi Hỏa, nay lại tự tiện dâng đất là phạm tội khi quân với vua Lý, không thể dung thứ không? Hơn thế, đây vốn là đất của vua nước Nam, không lẽ Thiên triều lại cần một cái động nhỏ nhoi ấy của nước phiên bang, làm cho đạo lý thánh hiền bị coi thường hay sao?
Lục Sằn biết rõ ở vùng biên giới, quân biên ải của nhà Tống thường nhu nhược, quan quân nhà Lý đã vài lần đánh sang để đòi đất và dân nên trước thái độ kiên quyết của sứ thần Lê Thuận Tông, Lục Sằn phải dâng tấu xin vua Tống trả lại đất cho nước Nam. Vua Tống đành phải nhân nhượng, hạ chiếu chỉ trả đất và dân về cho nước ta. Tống sử chép:
"Từ khi giặc Nùng (Nùng Trí Cao và Nùng Tông Đản) yên, người Giao Chỉ lại càng kiêu căng, các sứ thần thường chịu nhịn cho qua... Sứ Giao
22
Chỉ là Lê Thuận Tông tới, kiêu ngạo như cũ, Sằn nhún nhường mới tới, giảng dụ phải kính lẽ phải, làm sứ phải sợ mà trở về".
Những lời ghi của Tống sử trên đây cho thấy phần nào sự thật là sứ Giao Chỉ đi đòi đất với một tư thế đàng hoàng, hậu thuẫn mạnh. Còn câu nói "sứ sợ mà phải trở về" thì không đúng vì cũng theo Tống sử, khi sứ ta tới đòi đất, Lục Sằn tâu về
triều Tống, vua Tống Anh Tông mới lên ngôi, hỏi ý kiến các đình thần. Tể tướng Hàn Kỷ tâu: "Xứ Giao Châu rừng núi hiểm trở, khí hậu ẩm độc. Nếu có lấy cũng không giữ được. Chỉ nên vỗ về mà thôi. Vua Tống Anh Tông bèn trả lại hai châu (Lôi Hỏa và Ôn Nhuận?) lại cho vua Lý"1.
Nhờ thực lực quân sự đủ mạnh, kết hợp với chính sách ngoại giao khéo léo, linh hoạt nên Lê Thuận Tông đã đòi lại được đất Lôi Hỏa.
______________________
1. Theo Nguyễn Thế Long: Bang giao Đại Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, t. 1, tr. 122-123.
23
KIỀU VĂN ỨNG
Đến nay, sử sách vẫn không rõ quê quán, năm sinh, năm mất của Kiều Văn Ứng. Một số sách lịch sử như: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý1, Bang giao Đại Việt2 có nhắc đến tên ông với tư cách là sứ giả, biện sĩ, giữ chức Văn tư sứ, tới dinh tướng nhà Tống là Quách Quỳ
để “bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ mà bảo an được tông miếu”.
*
* *
Sau khi nghe tin châu Khâm và châu Liêm bị Lý Thường Kiệt đánh phá, vua Tống Thần Tông sai Quách Quỳ và Triệu Tiết cầm quân đi xâm lăng Đại Việt.
Đại quân của Quách Quỳ kéo đến bờ sông Như Nguyệt, cách kinh thành Thăng Long chừng 30 km.
______________________
1. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt - Lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, Sông Nhị xuất bản, 1950, tr. 293-294.
2. Nguyễn Thế Long: Bang giao Đại Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr. 62.
24
Phòng tuyến của quân Lý ở phía nam rất vững chắc, ngăn chặn khiến quân Tống không thể qua được sông. Hơn nữa thủy quân của giặc lại bị tướng nhà Lý là Lý Kế An đánh và cầm chân ở Vĩnh An. Khi xuất quân sang đánh Đại Việt, quân Tống có khoảng 10 vạn lính và 20 vạn phu nhưng phần vì giao chiến, phần vì nóng nực, lam chướng đã chết mất quá nửa, lương thực lại thiếu thốn nên số quân lính còn lại đều ốm yếu. Về phía nhà Lý, sau trận tấn công Kháo Túc bị thất bại, hai hoàng tử là Hoằng Chân và Chiêu Văn tử
trận nên vua Lý cũng nghĩ đến việc hưu binh. Trước tình hình ấy, Lý Thường Kiệt quyết định thực thi sách lược: "dùng biện sĩ để bàn hòa, không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ mà bảo an được tông miếu". Vì thế, Kiều Văn Ứng, một viên quan có tài biện luận thuyết phục, đã được cử sang dinh Quách Quỳ ở phía bắc sông Như Nguyệt để đàm phán.
Kiều Văn Ứng tới trại của Quách Quỳ, báo cho đám lính canh cửa xin gặp. Tướng Tống nghe nói có sứ thần nước Nam đến đàm phán, liền mặc quân phục nom rất oai vệ, ngồi chễm chệ trên ghế rồi mới sai lính vời Kiều Văn Ứng vào. Tuy đã "đi guốc trong bụng" tướng giặc nhưng Kiều Văn Ứng vẫn tỏ ra điềm đạm, trình bày mục đích tới trại của tướng giặc. Ông thong thả phân tích:
25
- Ta và ngài đều là quan ăn lộc của triều đình. Chắc ngài đã rõ, thời gian qua hai bên dàn trận đánh nhau gây bao tổn thất cho dân lành. Không gì tốt hơn là ngưng chiến để dưỡng sức dân, để hai bên đều không bại vong, thế mới là sáng suốt.
Quách Quỳ cao giọng:
- Ta là tướng cầm quân, còn ngài là biện sĩ chỉ biết uốn mấy tấc lưỡi, đâu phải nói thế là ta phải rút quân. Vừa rồi hai hoàng tử nhà Lý đã tử trận. Ta sẽ cầm quân đánh tiếp để xem Nam Việt còn dám gửi sứ giả đến khua môi múa mép không? Kiều Văn Ứng mỉm cười:
- Ta dù không giỏi cầm quân như ngài nhưng vẫn rõ một điều khi quân xa hậu phương, đường sá hiểm trở, lương thực không đủ sẽ khiến quân lính bị đói, cộng thêm lam sơn chướng khí ở
phương Nam không thuận lợi, thử hỏi quân Tống sẽ trụ lại được bao lâu hay sẽ bị tiêu hao dần và tiêu diệt?
Quách Quỳ không ngờ Kiều Văn Ứng cứng cỏi và biết rõ hiện trạng quân Tống nên im lặng. Kiều Văn Ứng nói tiếp:
- Sở dĩ quân Nam vào đất Tống, đánh Ung Châu (Nam Ninh ngày nay) cũng là do người Tống là Từ Bá Tường xúi giục. Nay quân của hai bên đều bị thiệt hại. Chi bằng ngài hãy vì con dân của hai nước mà lui binh, vua Lý sẽ sai sứ sang xin tạ tội về việc đã cho quân lính kéo
26
vào châu Khâm và châu Liêm và xin lại cống nạp như trước.
Quách Quỳ suy nghĩ một lát rồi lắc đầu không chịu, vì mấy chục vạn quân đi chinh chiến trong gần hai năm, số người chết quá nửa mà nay lại chấp nhận hòa hoãn thì thất bại là quá rõ. Hơn nữa, hắn cũng sợ bị triều đình trị tội nên lời Kiều Văn Ứng chưa thể thuyết phục hắn. Hắn rõ hơn ai hết, Thăng Long - kinh đô Đại Việt - chỉ cách trước mặt hơn 50 dặm, vậy mà quân Tống phải chịu chết chôn chân bên sông Phú Lương 40 ngày, lâm vào cảnh không tiến được, đóng lại thì hết lương, sẽ chết dần, mà lui quân thì không được phép.
Trước phản ứng đó của Quách Quỳ, sứ thần Kiều Văn Ứng liền đưa ra lời đề nghị cả hai bên cùng rút quân nhưng Quách Quỳ vẫn thấy chưa ổn. Kiều Văn Ứng đành phải trở về doanh trại báo cáo với Lý Thường Kiệt việc Quách Quỳ không chịu giảng hòa. Lý Thường Kiệt biết nỗi băn khoăn của Quách Quỳ nên đã chỉ thị cho Kiều Văn Ứng sang chấp nhận điều kiện chỗ nào quân Tống đã chiếm được thì nơi đó tức là đất Tống, mục đích là để Quách Quỳ đỡ mang tiếng thất bại. Trên thực tế, Quách Quỳ không thể đóng quân ở đất nhà Lý mãi để giữ đất được mà phải mau chóng rút quân để bảo toàn mạng sống và lẽ đương nhiên quân của Quách Quỳ rút tức là đất của nhà Lý lại trở về với nhà Lý.
27
Sau khi nghe Kiều Văn Ứng nói thêm ý này, Quách Quỳ đã chấp nhận giảng hòa với nhà Lý và thốt lên:
- Ta không đạp đổ được sào huyệt giặc, bắt được Lý Càn Đức để bảo mệnh triều đình, đó là bởi Trời. Thôi ta đành liều một thân ta chịu tội với triều đình, để mong cứu hơn 10 vạn nhân mạng.
Quỳ cho người mang biểu của vua Lý về triều Tống, nhận lời của sứ ta và lui quân. Sau khi giảng hòa, Quách Quỳ rút quân về nước, quân Quách Quỳ rút đến đâu, quân Lý tiến theo để thu hồi lại đất đai đã bị chiếm dụng đến đó. Nhưng nhà Tống vẫn còn để quân lính chiếm giữ 5 châu miền núi là Quảng Lang, Tô Mậu, Môn, Tư Lang và Quảng Nguyên. Trong số đó, hai châu Quảng Lang và Quảng Nguyên là quan trọng hơn cả vì Quảng Lang là cổ họng của châu Ung và Quảng Nguyên là nơi sản xuất nhiều vàng bạc. Nhà Tống tổ chức bộ máy cai trị ở những nơi đó, đổi Quảng Nguyên thành châu Thuận An, và nâng Quảng Lang lên hàng huyện.
Nhà Lý sử dụng lực lượng quân sự đánh úp, cuối cùng lấy lại được đất Quảng Lang kề trại Vĩnh Bình. Hai châu Tô Mậu và Môn cạnh đó cũng được giải phóng.
28
ĐÀO TÔNG NGUYÊN
Đào Tông Nguyên là sứ thần nhà Lý, không rõ năm sinh, năm mất và quê quán của ông. Các sách sử đều nhắc đến tên ông với vài dòng sơ lược: ông theo lệnh vua Lý cùng đoàn sứ thần Việt mang năm con voi sang cống vua Tống, đồng thời khéo léo đòi lại đất Quảng Nguyên và Quảng Lang. Kết cục, nhà Tống phải trả đất Quảng Nguyên.
*
* *
Năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai sứ thần Đào Tông Nguyên dẫn đầu một đoàn sứ bộ mang theo biểu đòi lại đất Quảng Nguyên và Quảng Lang của vua. Đoàn sứ bộ mang năm con voi sang cống vua Tống.
Biểu của vua Lý viết:
"Thần đã nhận được chiếu chỉ cho phép theo lệ tới cống y như lời tôi thỉnh cầu. Chiếu lại đã sai quan thuộc Ty An phủ định rõ cương giới và dặn thần không được xâm phạm. Thần đã vâng lời chỉ dụ. Nay sai người tới cống phương vật.
29
Xin triều đình trả lại các đất Quảng Nguyên và Quảng Lang".
Triệu Tiết tâu về triều văn biểu, vua Tống chỉ dụ: "Đợi sứ thần tới kinh rồi hãy phán xử về cương giới". Tuy vẫn cho vào kinh nhưng vua tôi nhà Tống nghi sợ nhà Lý có ý khác, nhân việc đi sứ để tiến đánh, nên tăng cường quân ở khắp nơi như Quế Châu, Ung Châu và Khâm Châu, để giám sát chặt chẽ các hành vi của sứ bộ. Vua Tống ban lệnh:
"Sứ Giao Châu tới kinh (Biện Kinh). Vì chúng mới cướp nên phải lo đề phòng. Khi còn ở dọc đường cũng như khi tới kinh, hễ chúng ra vào phải cắt người giám thị. Vậy phải viết thư cho Ty Kinh lược Quảng Tây và cho các viên hộ tống phải mau mau báo cáo. Nếu dọc đường có xảy ra việc gì, Ty Kinh lược chưa kịp bẩm thì cho cứ việc thi hành".
Sứ bộ Đào Tông Nguyên rất khó nhọc dẫn đàn voi đến kinh vào ngày mồng 2 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1078), khi đi qua kinh Hồ Bắc, viên chuyển vận sứ ở đó không đủ phu hộ tống nên sứ thần Việt Nam xin phép bỏ tiền ra thuê thêm phu phục dịch cho voi.
Nhưng vua Tống Thần Tông không trả lại hai châu cho nhà Lý, mà đòi vua Lý phải trả trước các tù binh và nhân khẩu đã bị bắt năm trước mới trả lại đất. Tống sử chép về việc này như sau:
30
"Khanh đã được triều đình cho coi cõi Nam Giao, đời đời được ban vương tước. Thế mà khanh đã bội đức, phụ mệnh, tới cướp phá các biên thành, đã bỏ lòng trung thuận của cha ông, làm phiền quân triều đình phải đi chinh phạt. Đến lúc quan quân vào trong cõi, thế bức bách rồi khanh mới quy hàng. Xét tội thì khanh càng đáng bị truất chức.
Nay khanh đã sai sứ tới cống dâng, lời rất kính cẩn. Xét rõ tư tình, trẫm thấy khanh đã biết hối. Trẫm vỗ về vạn quốc không kể xa gần. Nhưng khanh phải trả dân các châu Khâm, Ung mà khanh đã đưa chúng đi xa làng mạc. Đợi khi nào đưa chúng trở về hết, Trẫm sẽ lập tức lấy các châu Quảng Nguyên ban cho khanh".
Sứ thần Việt Nam thay mặt vua Lý, đệ lời vâng theo điều mà Tống Thần Tông đưa ra, hẹn sẽ trả lại 1.000 quân và dân đã bắt ở ba châu Khâm, Liêm và Ung. Vua Tống lại đặt thêm điều kiện là phải trừng phạt những kẻ cầm đầu gây chiến tranh, ý vua Tống muốn ám chỉ Lý Thường Kiệt nhưng triều Lý không chấp nhận.
Sứ bộ Đào Tông Nguyên sang triều Tống để đòi lại đất lần này đã không đạt được kết quả gì ngoài lời hứa "sẽ trả" của vua Tống. Phía nhà Lý cũng hứa là sẽ trả những người bị bắt.
Quan lại nhà Tống vẫn muốn chiếm giữ lâu dài vùng này trong khi phải lo đối phó với cuộc
31
xâm lăng ở phía bắc và vùng Ung Châu đang gặp khó khăn, tật dịch hỏa tai, quân lính ốm đau chết mất quá nửa.
Nắm được tình hình ấy, Lý Thường Kiệt đã đem trả một số ít tù nhân gồm đủ gái, trai, già, trẻ. Việc áp giải tù nhân trao trả được giao cho sứ bộ. Sách Việt sử thông giám cương mục đã ghi lại việc trao trả dân Tống như sau:
"Các tù nhân được đưa từ Nghệ An về bằng đường thủy. Cửa thuyền đều được trát bùn kín. Trong thuyền luôn thắp đèn đuốc để tù nhân không biết ngày đêm thế nào và cũng để không thấy đường sá. Mỗi ngày chỉ cho thuyền đi từ
10 đến 20 dặm rồi dừng lại. Quân lính canh thuyền giả đánh trống cầm canh, ngồi vào trong thuyền nghe canh tưởng chừng đi vài tháng mới tới nơi".
Ngày 13 tháng 10 năm 1078, các tù nhân được đưa đến Quảng Tây. Ty Kinh lược Quảng Tây tâu với vua Tống là Giao Chỉ đã trả 221 người và đã khắc vào mặt, tay các tù nhân: đàn ông từ 15 tuổi trở lên thì thích vào trán chữ
"thiên tử binh" (quân lính của thiên tử), từ 20 tuổi trở lên thì thích chữ "đầu nam triều" (theo về với Nam triều), phụ nữ thì thích vào tay trái chữ "quan khách".
Vua Tống nói với quan lại trong triều: "Thuận Châu là nơi lam chướng, dẫu được cũng không lợi
32
ích gì, há nên dồn quân lính vào chỗ chết ư"? Vậy nên, vua Tống đã trả lại đất Quảng Nguyên cho vua Lý.
Về việc vua Tống nhận cống vật của sứ thần nhà Lý và phải trả đất Quảng Nguyên, thời đó bên Trung Quốc lưu hành hai câu thơ phê phán: Nhân tham Giao Chỉ tượng,
Khước thất Quảng Nguyên kim.
Nghĩa là:
Vì tham voi công của Giao Chỉ
Nên đã bỏ mất vàng Quảng Nguyên.
33
LÊ VĂN THỊNH
Lê Văn Thịnh quê xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Theo thần phả ở đền Thượng, làng Bảo Tháp, ông sinh ngày 11 tháng 2 năm Canh Dần (1050), cha là Lê Thành, làm nghề
dạy học và làm thuốc, mẹ là Trần Thị Tín. Từ nhỏ Lê Văn Thịnh đã nổi tiếng thần đồng. Lên 7 tuổi, Lê Văn Thịnh đi học, 13 tuổi, kinh, sử, thi, thư đều am tường. Năm 1075, ông đỗ đầu khoa thi Nho học đầu tiên của nhà Lý, được vào hầu vua học (thực chất là dạy vua do lúc này vua Lý Nhân Tông mới 9 tuổi).
Lê Văn Thịnh làm quan đến chức Thị lang Bộ Binh. Năm 1084, ông được cử lên trại Vĩnh Bình nay thuộc tỉnh Cao Bằng giải quyết vấn đề biên giới. Nhờ sự biện luận khôn khéo, quả quyết của ông, nhà Tống phải trả lại cho nước ta 6 huyện, 3 động.
Lịch sử ghi nhận ông là một nhà ngoại giao xuất chúng, có tài kinh bang tế thế, một nhà cải cách chính trị, kinh tế nhằm đưa đất nước phát triển cường thịnh.
Năm 1095, ông bị vu cho tội giết vua, sử chép đó là vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây), thực chất của
34
việc này là do ông đã đưa ra nhiều cải cách, chạm đến quyền lợi của nhiều quan lại trong triều. Năm 1096, ông bị đày đi Thao Giang (Tam Nông, Phú Thọ ngày này) và mất năm nào không rõ.
*
* *
Sau khi bắt buộc phải trả đất Quảng Nguyên, nhà Tống vẫn giữ phần đất cũ do các tù trưởng của vua Lý đem nộp cho vua Tống trước đây, trong đó có động Vật Dương và Vật Ác. Theo Hùng Bản - viên quan cai trị Quảng Tây thì: "Năm Gia Hữu (1057), Nùng Tông Đản đem động Vật Ác nộp, vua ban tên là Thuận An. Đời Trị
Bình (1064), Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên là châu Quy Hóa".
Năm Nhâm Tuất (1082), vua Lý sai sứ mang biểu dâng vua Tống để đòi lại đất Quảng Nguyên. Biểu viết: "Thủ lĩnh động Cát Đán (?) thuộc Quảng Nguyên là Nùng Dũng cùng dân động đã làm loạn và chạy vào Ung Châu không chịu trả...".
Vua Tống trả lời: "Bọn Nùng Dũng nguyên không phải là người của Giao Chỉ quản. Chúng theo ta khi Giao Chỉ chưa hàng (1075). Vậy chúng là dân ta, không lẽ gì ta phải trả chúng".
Lý Thường Kiệt thấy vua Tống không chịu trả, liền đem quân đánh Nùng Trí Hội ở Quy Hóa và toan đánh vào Thuận An. Thấy vậy, Hùng Bản đã
35
viết thư trách vua Lý, đồng thời xin vua Tống trả lại cho vua Lý 8 động đất hoang và hẹn với vua Lý cử người tới Vĩnh Bình để bàn việc biên giới.
Tháng 6 năm Quý Hợi (1083), hai bên đến Vĩnh Bình họp bàn, về phía nhà Tống có hai quan là Thành Trạc và Đặng Khuyết; phái đoàn phía nhà Lý do Đào Tông Nguyên dẫn đầu. Đào Tông Nguyên nói: hai động Vật Dương, Vật Ác là của nhà Lý và yêu cầu phía Tống trả cho vua Lý. Thành Trạc và Đặng Khuyết nói chỉ trả một dải đất phía nam dãy núi Hỏa Diễm mà thôi, phía ta không đồng ý.
Hội nghị Vĩnh Bình thất bại. Sứ nước Nam là Đào Tông Nguyên giữ thái độ rất cương quyết. Trong lần cuối cùng đàm phán, ông đề nghị:
- Đất thuộc Quảng Nguyên này chỉ là đất nhỏ, khó lòng mà chia, tôi muốn tự làm bài tâu, để triều đình (Tống) định bằng lòng hay không.
Lời nói này như một tối hậu thư và tất nhiên Thành Trạc, viên quan thay mặt cho triều đình Tống trong cuộc đàm phán này không bằng lòng. Đào Tông Nguyên tức giận, bỏ hội nghị ra về.
Ngày 2 tháng 9 năm 1083, Ty Kinh lược Quảng Tây dâng sớ tâu lời của Đào Tông Nguyên nói với các quan Tống và việc Đào Tông Nguyên bỏ hội nghị ra về. Vua Tống tức giận, trách mắng các quan và hạ chiếu:
"Hùng Bản chỉ huy các viên bàn cương sự. Như có hội nghị với Đào Tông Nguyên thì đưa cho
36
nó xem rõ văn tự của triều đình. Đừng có lấy lý lẽ bắt bẻ, thương lượng cãi nhau để chúng ra ý khinh nhờn".
Ngay sau đó, tình thế dọc biên giới trở nên căng thẳng hơn. Vua Lý sai tập trung quân gần châu Quy Hóa. Ty Kinh lược Quảng Tây dâng sớ tâu:
"Châu Quy Hóa báo rằng Giao Chỉ tụ binh, muốn trở lại lấy Châu Minh. Trước đây, lấy cớ đuổi bắt Nùng Trí Hội, Giao Chỉ đã xâm châu Quy Hóa, nay tuy đã về giữa sào huyệt nhưng vẫn có ý dòm ngó. Nay Trí Hội lại nói rằng nếu Giao Chỉ tới thì khó lòng ngăn và chúng sẽ lập tức vào đất ta".
Vua Tống hạ chiếu: "Hùng Bản hãy hiểu dụ rõ ràng cho Trí Hội, bảo nó dời nhà vào nội địa. Rồi sai lo liệu giữ chắc những đường ải quan trọng ở Quy Hóa. Nếu Giao Chỉ lại kéo quân tới, tức là vô cớ vào đất ta. Người có thể viết thư hỏi tội".
Các viên chức ở Quế Lâm phần nhiều lo lắng. Lại có tin của thám tử đưa về: "Sang năm Giao Chỉ sẽ vào cướp, sứ Giao Chỉ cũng nhận là đúng". Vua Tống lo ngại, hỏi ý Hùng Bản, Bản tâu:
- Sứ An Nam còn ở trên đường, không thể có chuyện ấy. Hơn nữa, nếu sứ giả có mưu trí, sao lại nói cho ta biết trước mưu mình? Xin bệ hạ hãy yên tâm.
Nhưng vua Tống vẫn không xóa được nỗi lo. Về phía nhà Lý, vua Lý Nhân Tông cũng không có ý
37
định đoạn tuyệt sự thương thuyết. Nhà vua, thái hậu và triều đình cùng bàn. Sau đó nhà vua cho gọi Lê Văn Thịnh tới và phán:
- Tình thế dọc biên thuỳ hiện nay rất căng thẳng. Phái bộ của Đào Tông Nguyên đã phải bỏ hội nghị ra về, chắc quan Thị lang bộ Binh đã rõ?
- Bẩm, thần cũng biết rõ chuyện này.
- Thế theo ý khanh, trẫm phải làm thế nào? Khanh đừng ngại, giữa trẫm và khanh không chỉ là quan hệ vua tôi mà còn là quan hệ thầy trò. Khanh đã từng là Thị độc, vào giảng sách hầu trẫm. Nay khanh có ý gì hay thì cứ nói.
- Theo thiển ý của thần, việc binh đao là việc bất đắc dĩ. Xin bệ hạ hãy cử một phái bộ khác lên biên giới đàm phán tiếp.
- Khanh nói rất hợp ý trẫm. Trẫm định cử khanh làm trưởng phái bộ, cùng Nguyễn Bồi giúp sức tiếp tục đi nghị bàn với Tống. Hai đất Vật Dương và Vật Ác do tổ tiên để lại, trẫm vô cùng đau lòng nếu để mất hai vùng đất ấy. Khanh hãy gắng sức thương thuyết, đòi lại đất cho Trẫm.
- Thần xin đem hết tài hèn sức mọn ra phục vụ bệ hạ.
- Thôi, cho khanh lui. Hãy mau mau sửa soạn lên đường. Khanh là một người ứng đối giỏi trong triều, chọn khanh vào sứ mệnh này, mọi việc trẫm hoàn toàn tin vào khanh đấy.
38
Lê Văn Thịnh lạy tạ nhà vua và lui ra. Sớm hôm sau, phái bộ thương thuyết do ông đứng đầu lên đường gấp và chẳng bao lâu sau họ đã tới biên giới.
Hội nghị lần này cũng căng thẳng không kém gì hội nghị lần trước. Mục đích của hội nghị là bàn về cương giới hai đất Vật Dương, Vật Ác. Phía Tống, Thành Trạc đứng đầu phái bộ, có thêm viên coi lò vàng Đặng Khuyết giúp. Phía nhà Lý do sứ
bộ Lê Văn Thịnh đứng đầu. Ngoài ra, còn có Nguyễn Bồi là người đã cùng đi Biện Kinh với Đào Tông Nguyên sáu năm về trước.
Trước hội nghị, Lê Văn Thịnh suy nghĩ rất nhiều tới trách nhiệm nặng nề mà nhà vua đã giao cho ông. Hội nghị lần trước đã không thành công. Phía Tống không muốn trả Vật Dương và Vật Ác, họ chỉ muốn trả một dải đất phía nam dãy núi Hỏa Diễm mà thôi. Bởi thế mà, sứ Đào Tông Nguyên đã bực tức bỏ hội nghị ra về. Lần này, ông sẽ phải thương thuyết sao đây để giành thắng lợi?
Mở đầu hội nghị, Lê Văn Thịnh nói:
- Chúng tôi tới hội nghị này nhằm muốn thương thuyết với các ngài về cương giới hai đất Vật Dương và Vật Ác. Đời Gia Hữu, Nùng Trí Hội ở nước tôi vì bị Dương Thọ Văn đem quân hỏi tội nên đã cầu cứu triều đình (Tống), đem động Vật Ác nộp. Nhà vua (Tống) ban cho đất ấy là Thuận An.
39
Tới đời Trị Bình, Nùng Trí Hội lại đem động Vật Dương nộp, được nhà vua ban là châu Quy Hóa. Vậy châu Quy Hóa và Thuận An chính là đất của Giao Chỉ, xin các ngài hãy tâu về triều đình mở lòng khoan dung mà giao đất ấy lại cho vua chúng tôi.
- Hừm! Ông bảo sao? Một phái viên Tống nói. Hai châu Quy Hóa và Thuận An thuộc thiên triều. Đất có chủ, chủ đó là nhà vua. Các ông đã mang đất nộp, nay cớ sao lại đòi? Đất nào quân nhà vua đi đánh lấy thì đáng trả lại cho Giao Chỉ, còn đất mà người coi giữ lại mang nộp cho thiên triều thì khó mà trả lại. Thế mà quân đội của các ông đã xâm phạm châu Quy Hóa, cướp đi sinh khẩu là cớ làm sao?
- Xin ngài bình tĩnh để tôi được trình bày. Ngài vừa nói đất thì có chủ. Các viên coi giữ đất ấy mang nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao cho mà tự lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm của hay tàng trữ thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi, nay chúng lại mang đất ấy trộm dâng, làm nhơ bẩn sổ sách nhà vua.
Thành Trạc nóng mặt:
- Đất các châu động Vật Ác, Vật Dương do người họ Nùng cai quản, vốn không thuộc đất Nam Bình (Giao Chỉ). Vì các ông ép người nên họ Nùng dâng đất để nhận sự bảo hộ của triều đình.
40
Đó là vùng đất yết hầu của Hữu Giang, chế ngự các đường quan yếu đi Giao Chỉ, Đại Lý, Cửu Đạo, Bạch Y. Họ Nùng theo triều đình khi Giao Chỉ chưa hàng. Vậy họ Nùng là dân của triều đình, ông đã rõ chưa?
Cuộc thương thuyết hôm ấy rất căng thẳng. Lê Văn Thịnh nhận thấy Thành Trạc là một kẻ ngoan cố và hãnh tiến, khó lòng có thể thuyết phục được. Bởi vậy ông đã viết một lá thư cho Hùng Bản, dùng lời lẽ nhún nhường, khéo léo để thuyết phục những kẻ cầm quyền ở thượng cấp:
"Thành Trạc đã nói sẽ vạch địa giới ở phía nam 18 xứ sau này: Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn, Nhuận Anh, Dao, Vật Dương, Vật Ác, Kế Thành, Cống, Lục, Tần, Nhâm, Động, Cảnh, Tư, Tây, Kỷ
Nguyên, Huyện và nói những xứ ấy đều thuộc Trung Quốc. Bồi thần tiểu tử này chỉ biết nghe mệnh chứ không dám cãi lại. Nhưng những đất ấy mà họ Nùng đã nộp đều thuộc Quảng Nguyên.
Nay, may gặp thánh hiền ban bố hàng vạn chính lệnh khoan hồng. Sao lại chuộng miếng đất đầy đá sỏi, lam chướng này mà không cho lại nước tôi, để giúp kẻ loạn thần?”.
Thái độ mềm mỏng nhưng kiên quyết của Lê Văn Thịnh dường như chạm phải bức thành đá. Tuy nhiên, Thành Trạc vẫn nhận thấy hắn hoàn toàn đuối lý. Biết vua Tống không muốn trả hai động Vật Dương và Vật Ác nhưng vẫn muốn có sự yên ổn ở
41
biên giới, hơn nữa, cũng để tránh cho việc trấn giữ đất biên thùy của mình được yên ổn, Trạc láu cá tâu về triều đình rằng Lê Văn Thịnh không đòi lại hai châu động Vật Dương và Vật Ác nữa, nhưng xin triều đình gia ân.
Bởi vậy, vua Tống bèn phê rằng: "Nay An Nam đã bằng lòng phân hoạch xong xuôi thì hãy đem các đất sáu huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đình, Phóng, Cận và hai động Túc, Tang ở ngoài ải Khấu Nhạc, giao cho Giao Chỉ thủ lĩnh. Cứ theo đó mà giáng chiếu. Đợi Ty Kinh lược Quảng Tây khám xong tên các ải rồi sẽ viết chiếu. Còn như bọn Lê Văn Thịnh thì ban vải vóc để may áo: cho Lê Văn Thịnh 200 tấm áo, Nguyễn Bồi 100 tấm áo".
Ngày 22 tháng 10, sau khi Ty Kinh lược Quảng Tây đã khám rõ tên các ải, vua Tống sắc cho vua Lý lời nghị định sau:
"Sắc cho Giao Chỉ quận vương Lý Càn Đức: Trẫm đã xét lời Kinh lược Quảng Tây bộ tâu về nói: "Trước đây vì An Nam tâu kêu rằng cương chí các khê động thuộc hai châu Vật Ác, Vật Dương chưa được rõ, đã có triều mệnh sai bản tu lo liệu. Bản đạo đã sai quan chức biện chính. Nay được tin báo An Nam đã sai bọn Lê Văn Thịnh tới biên giới, và biện chính đã xong. Vậy xin giáng chiếu chỉ để trao cho An Nam theo làm". Trẫm đã xem xét các lời khanh trần tình về biên cương. Trẫm đã đặc biệt sai biên thần lo liệu
42
biện chính. Khanh vốn được trẫm yêu mến. Giữ một lòng trung thuận, khanh đã vâng chiếu chỉ, sai chức thuộc đến chia cõi các châu, động. Nay đầu đuôi đã được rõ ràng.
Về hai động Vật Dương và Vật Ác, trẫm đã giáng chỉ lấy tám ải sau này làm giới hạn: Canh Liệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nham, Đốn Ly, Đa Nhâm và Câu Nan. Đất ngoài các ải ấy có sáu huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đình, Phóng, Cận và hai động là Túc, Tang. Các đất ấy đều cho khanh thủ lĩnh.
Khanh hãy xem đó để biết trẫm luyến ái. Khanh càng phải cung thuận, tuân theo cẩn thận điều ước về cương giới, chớ có xâm lấn".
Nhận xong chiếu chỉ của vua Tống, phái đoàn sứ bộ Lê Văn Thịnh trở về kinh.
Như vậy, nhờ sự tranh biện thông thái kiên quyết, Lê Văn Thịnh đã thành công, giành được đất về cho triều đình.
43
TRẦN THÁI TÔNG
Trần Thái Tông tên thật là Trần Cảnh, sinh năm 1218, quê ở Tức Mặc, phủ Thiên Trường, nay là huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Năm lên 8 tuổi, ông lên ngôi vua do vợ là Lý Chiêu Hoàng, trao lại nghiệp nhà Lý dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ.
Ông có công lớn trong việc lãnh đạo và đoàn kết nhân dân nước ta chống quân Nguyên. Trong bang giao, ông là người mưu lược, khôn khéo, mềm mỏng, giữ được uy thế của một nước nhỏ với một nước lớn. Dưới thời ông trị vì, chính trị, văn hóa, tôn giáo đều cực thịnh, triều đại của ông đã để lại một dấu son rực rỡ trong lịch sử dân tộc.
Cuối đời, ông chuyên tâm nghiên cứu và sùng mộ đạo Phật, để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông tại vị gần 33 năm, tạ thế năm 1277. *
* *
44
Thời ấy, tính đến đầu năm 1206, đế quốc Nguyên Mông đã thống trị một vùng mênh mông từ bờ Hắc Hải đến Thái Bình Dương.
Năm 1267, Hốt Tất Liệt phong cho con trai làm Vân Nam Vương, đem quân xuống đóng ở Vân Nam, giáp nước ta, để gây áp lực. Cuối năm 1267, y lại cử sứ bộ đem chiếu thư sang thuyết vua Trần thần phục. Đầu năm sau, sứ bộ Nguyên Mông đến Thăng Long. Thái úy Trần Quang Khải đón đoàn về quán sứ và mở tiệc khoản đãi. Sứ giặc tức lắm. Bởi ý chúng muốn là vua ta phải thân chinh tiếp đón và mời vào điện Tập Hiền thết yến, chứ không phải tại các quán ở thành ngoài. Nhưng, thấy xung quanh quân cấm vệ gươm giáo sáng lòa, chúng đành bấm bụng làm thinh.
Quan Điện tiền chỉ huy sứ đem một đội cấm vệ dẫn sứ bộ vào hoàng cung. Đoàn ngựa tiến qua cầu Ngoạn Thiềm, bên sông Tô Lịch rồi qua cầu Trường Minh, đến cửa Chính Dương thì tất cả xuống ngựa. Chánh phó sứ nhà Nguyên đi bộ, tay đỡ chiếu thư vào cửa giữa, gọi là cửa Dương Minh. Còn tùy tùng thì vào theo cửa ngách bên phải, quân ta đi qua cửa Nhật Tân, cửa ngách bên trái. Rồi cùng theo hành lang dưới gác Minh Hà vào điện Thọ Quang.
Điện Thọ Quang hôm ấy uy nghiêm khác thường. Quân cấm vệ Đô Thánh dực được chọn gồm toàn những lực sĩ cao lớn, mặc giáp phục, đeo
45
gươm đứng hầu. Vào điện, sứ bộ nhà Nguyên được lệnh đứng lại ngoài sân. Chỉ có Chánh phó sứ được bước qua thềm lên điện.
Vua Thái Tông mặc áo long bào ngồi trên ngai vàng. Trước ghế rồng có đặt hương án. Sứ Nguyên nâng chiếu thư đặt lên hương án và xướng lớn:
- Hoàng đế ban chiếu chỉ!
Thái Tông đứng dậy nghiêng mình nhận chiếu. Thấy vậy sứ Nguyên tức lắm, hạch: - Chiếu chỉ của hoàng đế, sao nhà vua không quỳ lạy?
Thái Tông ung dung đáp:
- Nước tôi trước đã nhận được chiếu, bảo: "Phàm áo mũ, điển lễ phong tục cứ theo chế độ cũ của nước mình. Không phải thay đổi. Nhận chiếu không phải quỳ lạy, đó là điều lệ cũ nước tôi. Sao ông lại bảo tôi làm trái ý thiên tử"?
Đuối lý, sứ Nguyên đành bỏ qua, bèn xoay sang chuyện khác:
- Hoàng đế đã xuống chiếu đòi nhà vua nộp những thương nhân Hồi Hột, sao nhà vua không vâng mệnh mà thi hành, lại còn cấm người Hồi Hột không cho giao đàm với người An Nam? Nay hoàng đế sai sứ sang đây nhắc bảo. Nhà vua có thật lòng sửa lỗi hay không thì nói rõ cho biết?
46
Thái Tông nói:
- Năm trước sứ đến nói việc đòi người Hồi Hột. Tôi vì sợ trái chỉ nên không dám nói thẳng, chứ thật ra lái buôn Hồi Hột chỉ có hai người: một người tên là I Ôn đã chết lâu ngày, một người tên là Bà. Bà vừa bị bệnh chết. Còn đâu mà đem nộp! Sứ Nguyên dằn giọng:
- Chiếu chỉ hoàng đế đòi ngay mấy con voi lớn. Nhà vua phải thu xếp, để vài hôm nữa theo ngựa tôi cùng về.
Thái Tông nói với viên Chánh sứ:
- Ông về tâu với hoàng đế là loài thú ấy thân thể to lắm, bước đi chậm chạp không như ngựa của thượng quốc. Xin đợi đến năm sau sẽ đem dâng.
Sứ Nguyên hạch:
- Ngài đã xin quy phục nước lớn thì nước nhỏ phải theo nghĩa vua tôi. Thiên tử đã dạy lẽ nào tôi con lại trái ý cha?
Thái Tông vặn luôn:
- Đã xưng là nước lớn, sao lại còn đòi tê tượng. Tiếp đó, sứ Nguyên đòi vua Trần phải tiếp đãi hắn theo nghi lễ đối với tước vương. Vốn sứ Nguyên là người nước Tống, làm quan với nhà Tống. Khi giặc Nguyên vào xâm lược, hắn cam tâm ra hàng làm tay sai cho Hốt Tất Liệt. Biết rõ bản chất của hắn, vua Trần Thái Tông hỏi khéo:
47
- Ông là quan triều Liệt, tôi là vua, mà cùng ngang lễ với nhau, từ xưa có điều đó không? Sứ Nguyên bẽ mặt. Biết nhà Trần vẫn kết thân với nhà Tống để hợp sức chống Nguyên, sứ hăm dọa:
- Nhà vua vẫn hòa mục với Tống, tưởng được cứu viện lúc gấp. Nay trăm vạn quân đang vây kín Tương Dương, chim bay cũng không có lối, chỉ sớm tối là hạ thành, dồn quân qua sông, lật đổ kinh đô dễ như bẻ cành khô. Thế mà nhà vua còn dựa vào nơi bờ bể, cậy là môi với răng, tự tôn tự đại. Nếu tâu lên hoàng đế, oai trời khẽ động thì chẳng cần gọi đến quân phương Bắc ở xa, mà 10 vạn quân Vân Nam hơn tháng là đến, sẽ biến vương miếu thành gò hoang, vương đình thành bãi cỏ, chẳng khó khăn gì.
Thái Tông nghiêm nghị bảo:
- Ông không được cậy thế chèn ép nước nhỏ! Sứ Nguyên không ngờ vua Trần lại cứng cỏi đến thế. Thấy tướng lĩnh gươm tuốt trần, sát khí đằng đằng đứng trấn bên ngoài, sứ Nguyên cố nói cứng:
- Được, để ta xem các người làm gì!
Sứ Nguyên được đưa về một căn phòng hẹp. Trời nóng, hắn khát khô cả họng muốn uống nước, nhưng thấy nước sông đục ngầu thì không dám uống nên đành phải nhịn. Sau khát quá, không chịu được, hắn đành hạ giọng xin cho nước giếng.
48
Một nhân viên ở quán sứ bảo hắn:
- Tục lệ nước chúng tôi đã không ưa nhau, thì thường bỏ thuốc độc vào trong giếng để giết người. Ông muốn chết sao?
Cùng đường, sứ Nguyên phải chịu nhục nói: - Tự tôi xin, có chết không oán hận!
Hắn phải xuống giọng năn nỉ mãi mới được uống nước giếng. Hắn nghĩ bụng, sau này về tâu với vua Nguyên, người nước Nam cứng đầu cứng cổ, phải cẩn thận, không dễ gì đem binh dọa nạt họ mà chỉ nên lấy thế nước lớn để vỗ về thì hơn.
49
TRẦN THÁNH TÔNG
Trần Thánh Tông tên húy là Trần Hoảng, sinh năm 1240, lên ngôi năm 18 tuổi (1258); là vị vua tài năng, dũng cảm, ba lần tham gia kháng chiến chống quân Nguyên, giành thắng lợi vẻ vang.
Trong đối nội, ông dốc lòng xây dựng đất nước giàu mạnh, đưa ra chủ trương cho các vương hầu thành lập điền trang; chiêu tập những người xiêu tán không có sản nghiệp về làm nô tì để khai khẩn ruộng hoang, bãi lầy sú vẹt vùng ven biển, thiết lập chế độ ruộng đất, xây dựng cơ sở vững mạnh cho nhà nước phong kiến.
Ông trọng dụng người tài, tổ chức các khoa thi, chọn được trạng nguyên kinh như Trần Cố; trạng nguyên trại như Bạch Liêu và trạng nguyên Đào Tiêu. Cũng dưới thời ông, bộ Đại Việt sử ký - bộ
quốc sử đầu tiên của nước ta, do Lê Văn Hưu biên soạn đã hoàn thành.
Về đối ngoại, ông áp dụng chính sách mềm dẻo nhưng kiên quyết, khôn khéo giữ vững tinh thần độc lập, tự chủ. Nhiều câu chuyện còn lưu truyền đến nay cho thấy nghệ thuật ứng xử ngoại giao tài tình của ông.
50
Ông mất năm 1290, sau khi trị vì 21 năm (1258-1279), được sử sách đánh giá cao là vị vua trung hiếu, tôn hiền trọng đạo, làm rạng rỡ cơ nghiệp nhà Trần.
*
* *
Năm 1277, Thượng hoàng Thái Tông mất. Hai năm sau, Thánh Tông lên làm Thái Thượng hoàng và nhường ngôi vua cho Thái tử Khâm, tức Trần Nhân Tông nhưng vẫn tham dự triều chính.
Hốt Tất Liệt lấy cớ Thánh Tông nhường ngôi vua mà không "xin mệnh", tự lập nên, liền sai Lễ bộ Thượng thư Sài Thung cầm đầu sứ bộ sang trách hỏi và đòi Thánh Tông phải sang chầu.
Những lần trước đây, sứ thần hai bên qua lại đều theo đường Vân Nam. Lần này Hốt Tất Liệt ra lệnh cho bọn Sài Thung đi thẳng từ Giang Lăng (Hồ Bắc) qua Ung Châu (Quảng Tây) vào nước ta. Cuối năm 1278, Sài Thung đến trại Vĩnh Bình (Ung Châu). Vua Trần kháng nghị:
"Nay nghe Quốc công đến biên giới tôi, biên dân không ai là không lo sợ, không biết sứ nước nào mà đến lối đó, xin đem quân về đường cũ mà đi".
Thung không chịu còn hách dịch đòi nhà vua phải cử người lên biên giới đón hắn. Vua Trần Thánh Tông hiểu lúc này cần bảo toàn lực lượng nên nhân nhượng cho quan ngự sử đi đón. Tháng 1 năm 1279, Thái úy Trần Quang Khải
51
phải ra bờ sông Nhị đón Sài Thung về quán sứ ở Thăng Long.
Nhà vua đặt tiệc nhưng Thung không chịu đến. Chỉ đến khi Thánh Tông phải đãi yến ở điện Tập Hiền, Thung mới đến dự. Vừa vào điện, hắn đã lên giọng:
- Chiếu chỉ của hoàng đế trách mắng ngài "trải bao nhiêu năm, lễ ỷ bạc dần" mà tội "dối trá cũng đã rõ ràng". Hóa nên hoàng đế mới nghiêm dạy: "Trước vì cha ngươi già yếu không thể đi xa, còn lượng tình được. Nay ngươi tuổi đang cường sĩ, vào chầu chịu mệnh, chính là phải thời. Huống hồ, bờ cõi nước ngươi tiếp giáp với các châu Ung, Khâm của ta thì sợ gì mà không sang được. Nếu ngươi không yên, cố ý kháng cự mệnh trẫm thì ngươi cứ sửa đắp thành lũy sắm sửa giáp binh, sẵn sàng mà đợi. Ngươi liệu mà ăn ở cho đúng phận tôi con".
Thánh Tông mềm mỏng:
- Trước dụ sáu việc, đã được miễn xá. Còn việc thân hành vào chầu thì vì tôi sinh trưởng ở thâm cung, không biết cưỡi ngựa, không quen phong thổ, sợ chết dọc đường. Huống chi, tôi đương lúc có tang cha, lo phiền về việc tang tóc!
Biết vua Thánh Tông từ chối khéo không chịu sang chầu, cũng không cho ai làm con tin, Sài Thung tức lắm:
52
- Ngài viện lẽ sinh trưởng ở thâm cung để xin miễn chầu. Vua Tống chưa đến 10 tuổi cũng sinh trưởng ở thâm cung, sao đến kinh sư được? Thánh Tông từ tốn đáp:
- Thấy chiếu thư dụ tôi vào chầu mà sinh linh cả nước nghe tin ấy đều nhao nhao kêu, sợ phải bơ vơ như chim mất tổ. Hóa nên, tôi cũng không đành lòng bỏ đi. Xin cho người đem biểu văn cùng phương vật đem đến nơi cửa khuyết.
Thung giận dữ:
- Chúng tôi sang đây mời ngài vào chầu, chứ không phải để lấy phương vật.
Tức giận nhưng không làm gì được, Sài Thung chỉ còn cách bỏ về.
53
TRẦN NHÂN TÔNG
Trần Nhân Tông húy là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông, sinh năm 1258, lên ngôi năm 21 tuổi (1279). Ông tại vị 14 năm, đến năm 35 tuổi thì nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông và làm Thượng hoàng một thời gian.
Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, quyết đoán, được sử sách ca ngợi là bậc minh quân, anh hùng cứu nước. Triều đại nhà Trần dưới quyền ông là một thời thịnh trị.
Những năm đầu cầm quyền, Trần Nhân Tông đã trực tiếp tham gia chỉ đạo cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Ông cùng vua cha là Trần Thánh Tông mở Hội nghị quân sự Bình Than, phân công tướng lĩnh trấn giữ những nơi hiểm yếu để phòng bị các mũi tiến công của địch; tổ chức Hội nghị Diên Hồng, hỏi ý kiến các bô lão để khẳng định quyết tâm chiến đấu với kẻ thù đến cùng. Chưa bao giờ tinh thần đánh giặc lại phát triển mạnh mẽ như dưới thời vua Trần Nhân Tông. Cả nước sục sôi chuẩn bị, quân sĩ tỏ thái độ quyết không đợi trời chung với giặc, thích lên cánh tay hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Nguyên).
54
Sau khi dẹp yên quân xâm lược, ông thực hiện chính sách giảm thuế, phát lương chẩn, tích cực khôi phục các công trình đã bị hủy hoại trong chiến tranh, lãnh đạo đất nước mau chóng phục hồi và hưng thịnh.
Sau khi nhường ngôi, ông xuất gia tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là phái thiền Trúc Lâm hay Trúc Lâm Tam tổ), trở thành tổ thứ nhất của dòng Thiền này.
*
* *
Tháng 12 năm 1279, Hốt Tất Liệt lại sai Sài Thung cùng viên Thượng thư bộ Binh Lương Tằng sang Đại Việt, đòi vua Trần phải đích thân sang chầu. Hốt Tất Liệt đe dọa trong chiếu thư:
"Nếu quả thật không tự vào ra mắt được, thì lấy vàng thay thân mình, hai hạt châu thay mắt. Thêm vào đó, lấy hiền sĩ phương kỹ, con trai, con gái, thợ thuyền mỗi loại hai người để
thay cho dân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử".
Biết Hốt Tất Liệt cố tình yêu sách ngang ngược nhưng vì cần trì hoãn để chuẩn bị chiến đấu tốt hơn, vua Trần đành tạm nhân nhượng. Bấy giờ chú họ của vua là Trần Ích Tắc cùng Phạm Cự
Địa, Lê Diễn sang đầu hàng triều đình Nguyên. Thấy gặng ép không xong, Sài Thung, Lương Tằng đành nuốt giận, đưa đoàn Trần Ích Tắc về Đại Đô ra mắt Hốt Tất Liệt.
55
Trước việc đòi vua Trần vào chầu thất bại. Hốt Tất Liệt nuôi dã tâm nô dịch Đại Việt, bèn phong Trần Ích Tắc làm An Nam quốc vương dựng lên một chính quân bù nhìn, chuẩn bị đưa về nước.
Năm 1286, Trần Ích Tắc được đưa về nước. Đến biên giới, triều đình của Trần Ích Tắc dừng lại nghỉ ngơi, không ngờ, vua Trần Nhân Tông ngầm cho quân phục sẵn, xông thẳng vào đánh tan 1.000 quân. Trần Ích Tắc sợ uy, đang đêm bỏ
trốn quay lại Yên Kinh.
Sáng hôm sau, bọn Sài Thung còn đang kinh hãi bối rối thì sứ giả vua Trần lên mời sứ bộ về Thăng Long. Biết trúng kế vua Trần, Thung vô cùng tức tối nhưng chẳng còn cách nào khác đành theo về kinh. Đến nơi, Thung đi thẳng về quán sứ nằm dài nghĩ cách. Biết vậy, Nhân Tông càng tỏ vẻ ân cần. Vua sai Thái úy Trần Quang Khải đến quán sứ chào đón, mời vào hoàng cung để thết đãi. Trần Quang Khải cho quân hầu vào báo, Thung vẫn làm thinh không ra. Thậm chí, đến khi vị quan tể tướng đầu triều đích thân vào tận phòng, Thung vẫn giả ngơ không dậy, Trần Quang Khải đành phải ra về.
Vua lại sai Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đến. Biết Thung mộ đạo Phật, Trần Quốc Tuấn ăn mặc giả làm sư. Khi hai bên uống trà, đàm đạo, lính hầu của Thung tinh nghịch, lấy mũi tên nhọn dài, đứng sau lưng Trần Quốc Tuấn châm vào đầu
56
ông làm chảy máu. Trần Quốc Tuấn vẫn thản nhiên nói chuyện, mặt không hề biến sắc. Sài Thung đành phải nhận lời vào hoàng cung. Thung ngang nhiên cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh, quân cấm vệ ngăn lại, hắn lấy roi ngựa quất túi bụi vào đầu họ rồi phóng ngựa đến tận điện Tập Hiền mới chịu xuống.
Dù biết chuyện Sài Thung ngang ngược, hống hách, nhưng vua Trần Nhân Tông và Thái úy Trần Quang Khải vẫn ngồi tiếp yến, vui vẻ cười nói bình thường. Cầm chén rượu, Sài Thung cay đắng trong lòng. Chiếu chỉ của hoàng đế phế truất vua Trần hắn đang mang theo đây. Đáng lẽ
Trần Ích Tắc sẽ làm vua nước An Nam, cai trị dân chúng. Thế mà triều đình bù nhìn này đã tan tác. Đã thế khi tan tiệc, Thái úy Trần Quang Khải lại ra vẻ thân tình làm thơ lưu luyến tiễn đưa:
Dịch nghĩa:
Tiễn ông về nước, riêng những bồi hồi
Đầu ngựa xăm xăm hướng về quê hương nhà vua, Tâm tình Nam, Bắc treo trên lá cờ trở về, Mùi đạo chủ khách tràn đầy chén biệt ly, Vừa chốc lát nói cười đã than thở dứt áo ra đi, Trong cuộc ngâm nga thù xướng, tiếc khi giường đối diện với nhau.
Chưa biết ngày nào lại cùng gặp mặt,
Để ân cần cầm tay kể chuyện hàn huyên.
57
ĐỖ KHẮC CHUNG
Đỗ Khắc Chung quê ở huyện Giáp Sơn (Hải Dương), không rõ năm sinh. Khi quân Nguyên đánh Thăng Long, ông đã tình nguyện sang trại địch do thám và đưa thư giảng hòa. Do có công với nhà Trần nên ông được mang họ vua.
Đỗ Khắc Chung làm quan trải bốn đời vua: Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, giữ các chức Nhập nội hành khiển, Tể tướng, Thượng thư tả bộc xạ, Ngự
sử đại phu, Đại an phủ kinh sư, Quan nội hầu, Sư bảo. Ông mất năm 1330.
*
* *
Năm 1285, Hốt Tất Liệt lại đem quân sang xâm chiếm nước ta. Sau khi kháng cự ở biên giới, quân dân nhà Trần rút về Bình Than. Một cuộc chiến đấu ác liệt đã xảy ra trên phòng tuyến sông Đuống và sông Hồng. Quân nhà Trần dùng pháo bắn chặn bước tiến của giặc.
Chiều 17 tháng 2 năm 1285, vua Trần Nhân Tông muốn sai người đến doanh trại tướng Ô Mã Nhi đưa thư vờ cầu hòa, hoãn binh và điều tra
58
tình hình lực lượng của giặc. Việc phái sứ đến trại giặc là một việc đầy nguy hiểm, rất khó bảo toàn tính mạng vì quân giặc đang hung hăng, ỷ thế nước lớn, rất dễ bắt, giết sứ giả. Khó khăn của kế này là ở chỗ phải "diễn xuất" sao cho trôi chảy, có dành đường rút lui cho mình, đồng thời, dò la được tình hình lực lượng của địch, âm mưu và chiến lược tiến công của chúng. Đỗ Khắc Chung, lúc đó làm Chi cục hậu thủ đã tâu với vua: "Thần là kẻ không có tài gì nhưng xin được đi".
Nhà vua sai viết thư cầu hòa, đưa cho Khắc Chung mang đến doanh trại giặc Nguyên gặp tướng Ô Mã Nhi. Sau khi khám xét kỹ càng, Khắc Chung được đưa vào trung quân.
Lại nói Ô Mã Nhi, trên đường tiến quân từ Bình Than về sông Đuống, đã bắt được một số binh lính của quân ta. Thấy người nào cũng thích hai chữ "Sát Thát" bằng mực vào cánh tay, Ô Mã Nhi vô cùng bực tức và đã giết hại nhiều người. Khi gặp Khắc Chung đến xin cầu hòa, tướng giặc quát:
- Vua nước ngươi vô lễ, dám sai lính thích chữ "Sát Thát", khinh nhờn quân thiên triều, lỗi lớn ấy, sao có thể tha được!
Khắc Chung bình tĩnh đáp:
- Chó trong nhà cắn người lạ vì không phải là chủ nó. Do lòng trung thành những người lính của nước tôi, tự thích lấy những chữ đó. Quốc vương
59
tôi có biết đâu. Tôi là kẻ hầu ở gần vua, sao việc ấy lại không có?
Nói rồi Khắc Chung vén tay áo lên cho Ô Mã Nhi xem, hai cánh tay đều không có chữ nào cả. Ô Mã Nhi hống hách nói:
- Đại quân ta từ xa kéo đến đây, nước ngươi sao không trở ngược giáo để đến ra mắt mà lại chống cự lại mệnh lệnh? Định làm bọ ngựa chống xe chăng?
Khắc Chung bình tĩnh nói:
- Hiền tướng không theo kế sách của Hàn Tín bình nước Yên khi xưa đóng quân ở đầu địa giới, đưa thư tín trước, nếu không chịu hòa hiếu mới là có lỗi. Nay tướng quân đem quân bức nhau, như người ta nói: "Muông cùng thì phải đánh lại, chim cùng thì phải mổ lại", huống chi là người nước Nam tôi.
Ô Mã Nhi đe dọa:
- Đại quân của ta chỉ mượn đường nước ngươi đi đánh Chiêm Thành. Vua nước ngươi nếu đến gặp nhau thì trong cõi yên ổn, không xâm phạm mảy may, nếu cứ chấp nê thì trong khoảng giây phút, núi sông nước ngươi sẽ thành đất bằng, vua tôi nhà ngươi sẽ thành cỏ mục!
Lời đe dọa của tên tướng giặc không đe dọa nổi Đỗ Khắc Chung. Ông tranh thủ thời gian ở bên trại giặc, quan sát cách bố phòng của chúng. Sau cuộc đối đáp với Khắc Chung, Ô Mã Nhi nói với các tướng dưới trướng:
60
- Người này đương lúc bị uy lực áp chế mà lời nói, sắc mặt vẫn tự nhiên, không hạ thấp chủ nó làm Chích, không nịnh hót ta làm Nghiêu, nước nó có người giỏi, chưa dễ đánh lấy được.
Sau khi sứ nhà Trần trở về doanh trại, Ô Mã Nhi nghĩ lại thấy hối hận vì đã thả Khắc Chung, cho quân đuổi theo nhưng Khắc Chung đã cao chạy xa bay.
Hoàn thành sứ mạng vua giao, Khắc Chung được trọng dụng và được phong đến Ngự sử đại phu, ít lâu sau được thăng Đại Hành khiển. Đến đời Trần Anh Tông, ông được sai sang Chiêm Thành cứu công chúa Huyền Trân không phải lên dàn hỏa thiêu theo vua Chiêm.
Do công lao giúp nhà Trần nên sau này ông được đổi họ theo họ nhà Trần, gọi tên là Trần Khắc Chung.
61
NGUYỄN TRUNG NGẠN
Nguyễn Trung Ngạn tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, người xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên; sinh năm 1289, lúc nhỏ nổi tiếng thần đồng. Năm 16 tuổi, ông đỗ Hoàng giáp khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long (1304) đời vua Trần Anh Tông. Ông làm quan đến chức Nhập nội Đại hành khiển kiêm Tri khu Mật viện sự, Nhập thị Kinh diên. Ông đi sứ nhà Nguyên năm 1314. Trong thời gian đi sứ ông đã làm rất nhiều thơ.
Ông mất năm 1370, để lại nhiều tác phẩm như: Giới Hiên thi tập, Hoàng triều đại điển, Hình luật thư, Thanh chinh Đà Giang thực lục.
Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú có ghi việc ông tiếp sứ Nguyên như sau: "Năm Khai Thái thứ nhất (1324), nhà Nguyên cho bọn Thượng thư Mã Hợp Mưu và Dương Thụy sang báo việc lên ngôi của vua Nguyên và ban cho một quyển lịch. Bọn Hợp Mưu cưỡi ngựa đến đường cầu Hồ Tây nhất định không xuống ngựa. Những người biết tiếng Trung Quốc vâng chỉ vua ra nói chuyện với chúng từ giờ Thìn đến giờ Ngọ
62
(khoảng từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều) không tranh luận nổi. Vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn đến lấy lễ mà bẻ, Hợp Mưu hết chỗ nói mới xuống ngựa, bưng tờ chiếu đi bộ vào. Vua rất hài lòng".
Lý lẽ của Nguyễn Trung Ngạn không được ghi lại nhưng việc Thượng thư Hợp Mưu phải nghe theo và chịu xuống ngựa thực sự chứng tỏ tài năng đối đáp ứng xử, thông thạo lễ nghi văn hiến hai nước của ông.
Dưới đây là một số bài thơ đi sứ của Nguyễn Trung Ngạn:
Đi sứ phương Bắc ngủ đêm
ở trạm Khâu Ôn
Kéo hết sông trời gột giáp binh,
Triều đình đâu muốn việc tây chinh
Nước non dẫu vạch bờ Nam, Bắc,
Hồ, Việt cùng chung nghĩa đệ huynh.
Xóm núi trăng ngời, đêm mõ điểm.
Nương xuân rãy đố, sớm mưa lành.
Mảy may chưa chút đền ân chúa,
Muôn dặm đường xa dám ngại mình.
(Ngô Linh Ngọc dịch)
Đêm đỗ thuyền ở ghềnh Lăng Thành Khách ở thuyền con, trăng trên sông,
63
Động Đình thu hứng trải mênh mông. Mộng hồn chẳng quản mây xa cách,
Đưa tới quê nhà cậy gió đông.
(Ngọc Nhuận dịch)
Nhớ về nhà
Dâu già, lá rụng tằm xong,
Bông thơm lúa sớm, béo mòng con cua, Ở nhà nghèo thế mà ưa,
Giang Nam vui mấy cũng thua quê nhà. (Xuân Thủy dịch)
Tự vịnh
Giới Hiên, công cụ của triều đình,
Ôm chí nuốt trâu lúc còn nhỏ.
Mười hai tuổi đỗ Thái học sinh
Vừa đúng 16 tuổi vào đình thí
Hai mươi bốn tuổi làm gián quan
Hai sáu tuổi đi sứ Yên Kinh.
64
PHẠM SƯ MẠNH
Phạm Sư Mạnh tên thật là Phạm Độ, tự Nghĩa Phu, hiệu Úy Trai người làng Giáp Thạch, huyện Giáp Sơn, nay thuộc huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; không rõ năm sinh, năm mất.
Ông là học trò của Chu Văn An, đỗ Thái học sinh đời vua Trần Minh Tông, làm quan trải ba triều đại vua là Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, Tri khu mật viện sự.
Phạm Sư Mạnh từng đi sứ Trung Quốc, biện luận về địa giới cột đồng, sau đó ông được cử trông coi việc phòng thủ biên cương.
*
* *
Vào năm 1272, đời vua Trần Thánh Tông, nhà Nguyên sai sứ là Ngột Lương Hợp Thai sang nước ta hỏi về mốc giới cột đồng Mã Viện. Vua Trần cử quan viên ngoại lang là Lê Kính Phu đi hội khám cùng sứ Nguyên, Lê Kính Phu đã trả lời sứ Nguyên là chỗ dựng cột đồng của Mã Viện nay đã bị lấp dấu, không còn vết tích gì.
65
Năm 1345, vua Nguyên lại sai sứ là Vương Sĩ Hành sang hỏi về cột đồng Mã Viện. Vua Trần Dụ Tông đã phải sai sứ thần là Phạm Sư Mạnh sang nhà Nguyên để biện bạch về việc không còn dấu vết của cột đồng này.
Nhờ tài ngoại giao lanh lẹ và mưu lược trong cách lý giải vấn đề, Phạm Sư Mạnh đã bác bỏ được yêu cầu láo xược của sứ Nguyên.
Chuyện cột đồng Mã Viện đã trở thành một đề tài trong việc bang giao giữa nước ta và triều đình phương Bắc. Theo sử sách ghi chép lại, vào năm 43 sau Công nguyên, Mã Viện đã dẹp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cho dựng cột đồng để ghi địa giới tận cùng của nhà Hán giáp với Giao Châu.
Theo sách Nhất thống chí của nhà Đại Thanh thì cột đồng do Mã Viện dựng ở động Cổ Sâm châu Khâm. Mã Viện ghi: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt". Nghĩa là "Nếu cột đồng gãy thì người Giao Chỉ sẽ bị diệt vong". Do đó người Giao Chỉ khi đi qua cột đồng, ai cũng lấy đá lấp vào chỗ chân cột để cho cột khỏi bị gãy. Lâu ngày đá lấp hết cả cột, không ai còn trông thấy cột đồng nữa và chỗ đó đã trở thành một núi đá. Từ đó cột đồng đối với người nước ta như một dấu tích của thất bại, của một thời kỳ bị làm nô lệ cho phương Bắc.
66
Việc truy hỏi cột đồng của nhà Nguyên có thể là muốn khẳng định oai quyền của thiên triều với các nước chư hầu xung quanh. Nhận xét về việc này, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết:
"Việc cột đồng là chuyện cũ lâu đời mà nhà Nguyên hai lần đến hỏi, không biết định khu xử thế nào, có lẽ muốn lấy chỗ ấy để chia định cương giới chăng. Triều đình ta đã mấy lần bác bẻ, không biết đâu mà tra khám, cho nên việc cũng bỏ đi".
Khi đi sứ, Phạm Sư Mạnh đã làm một số bài thơ. Thơ của Phạm Sư Mạnh được ghi lại trong Giáp Sơn thi tập:
Bài thơ đề miếu Hạng Vương
Câu chuyện hưng vong nói chẳng cùng, Tạm đêm chén rượu viếng trùng đồng
Giết hàng bội ước ngàn năm hận
Tranh bá đồ vương một chốc không,
Mây phủ Giang Đông, rầu phụ lão
Trăng soi Cai Hạ khóc anh hùng
Trùm đời nhổ núi kìa bao kẻ,
Cỏ nội hoa ngàn một kiếp chung.
(Tôn Quang Phiệt dịch)
67
Bài thơ Tiễn Sứ
Hai sứ về đông muôn dặm xa,
Ân cần tiễn biệt chén quan hà.
Ngựa qua núi Dũ, hoa mai trắng,
Thuyền vượt sông Ngô bóng nhạn mờ. Ải Bắc giao binh nay thắng trận,
Triều Nam nhân vật giỏi văn thơ.
Khi về trình lại điều cơ mật,
Kể đạo Đường, Ngu với đức vua.
(Tôn Quang Phiệt dịch)
68
ĐẶNG NHỮ LÂM
Đặng Nhữ Lâm, sứ thần triều Trần, đi sứ năm 1299; không rõ năm sinh, năm mất và quê quán. Các sách sử đều viết ông đi sứ đã ghi chép được nhiều điều cần thiết nhằm giúp triều đình hiểu rõ hơn về nhà Nguyên.
*
* *
Sau khi đánh thắng quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ ba, vua Trần đã sai nhiều sứ bộ sang đất Nguyên để giao hảo.
Sứ bộ Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo sang nước Nguyên năm 1295 mừng Thánh Tông (vua Nguyên) lên ngôi vua, đã ban lệnh bãi binh, và xin kinh Đại Tạng đem về.
Năm 1299, nhà vua lại sai sứ thần Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên. Việt sử thông giám cương mục chép:
"Khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên đã làm những việc:
- Vẽ bản đồ cung điện và vườn tược.
69
- Khi về, giấu trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm.
- Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương.
Thừa tướng nhà Nguyên là Hoàn Trạch biết việc làm của Nhữ Lâm, tâu lên vua Nguyên thì Nhữ Lâm đã lên đường về nước rồi. Vua Nguyên đành sai Thượng thư Mã Hợp và Thị lang Kiều Tôn Lượng sang nước ta dụ bảo vua Trần về việc Nhữ Lâm làm trái phép, đáng lẽ sẽ tra xét kỹ để
trị tội, nhưng thiên tử độ lượng bao dung đã hạ lệnh tha cho về nước. Từ nay việc cử sứ thần phải lựa chọn cẩn thận, nếu có tâu bày, thỉnh thác việc gì, phải hết lòng thành thực, chứ nếu chỉ để tu sức văn từ khéo léo thì không ích gì cả".
Đó là lời dụ bảo của sứ thần nhà Nguyên với vua Trần. Việc Nhữ Lâm ghi chép dò xét các bí mật quân sự của nhà Nguyên chắc chắn phải được lệnh của vua Trần vì các sứ thần chỉ được phép của vua mới dám làm những việc hệ trọng như vậy.
Nhờ trí thông minh, sự dũng cảm, sứ thần Đặng Nhữ Lâm đã hoàn thành sứ mệnh vua ban, bảo toàn tính mạng, góp phần thực hiện mục đích bảo vệ đất nước và đối phó lâu dài với âm mưu thôn tính Đại Việt của thiên triều.
70
MẠC ĐĨNH CHI
Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, mất năm 1346, tự là Tiết Phu, người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Long Động, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Ông đỗ Trạng nguyên khoa thi Thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long 12, đời vua Trần Anh Tông. Sau khi thi đỗ, ông được bổ làm Thái học sinh hỏa dũng thư gia, sau được thăng Đại liêu ban, Tả bộc xạ, làm Nhập nội hành khiển, Tả tư Lang trung. Ông sống thanh đạm, nổi tiếng là vị quan liêm khiết, được vua Trần và nhiều người mến phục.
Năm 1308, sứ nhà Nguyên là Thượng thư An Lỗ Uy sang báo tin vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Vua Trần Anh Tông đã cử Mạc Đĩnh Chi đi sứ để đáp lễ năm đó.
Năm 1324, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp Mưu sang báo việc lên ngôi và ban cho vua Trần một quyển lịch. Vua Trần Minh Tông lại sai ông đi sứ mừng vua Nguyên.
71
Do hai lần đi sứ nên những chuyện kể về việc đi sứ của ông khá nhiều, cho thấy tài năng, sự ứng đối thông minh của ông.
1.
Lần ấy, sứ nhà Nguyên sang nước ta để thăm dò nhân tài. Đang trên đường tới Thăng Long, viên sứ đột ngột dừng lại ở trạm Xương Giang. Từ đấy, sứ gửi cho vua Trần một phong thư và cố ý chờ không chịu đi tiếp. Thư đến Thăng Long, vua Anh Tông mở ra xem thì chỉ thấy có một bài thơ như sau:
"Lưỡng nhật bình đầu nhật
Tứ sơn điên đảo sơn
Lưỡng vương tranh nhất quốc
Tứ khẩu tung hoành giang".
Nghĩa là:
Hai mặt trời, mặt trời bằng đầu
Bốn trái núi, trái núi điên đảo
Hai ông vua tranh nhau một nước
Bốn cái miệng ở trong khoảng dọc ngang1.
Thật là một bài thơ kỳ quặc, vua Trần xem xong không hiểu gì cả. Vua triệu tập các văn thần, nhưng luận bàn mãi không ai giải đoán
______________________
1. Giai thoại này trong dân gian cũng được gán cho Nguyễn Hiền.
72
được. Có người tâu vua, thử cho mời Mạc Đĩnh Chi đến hỏi. Nhưng Mạc Đĩnh Chi đã về quê hộ tang mẹ từ tháng trước. Trước màn chơi chữ của sứ Nguyên, chỉ cần trả lời chậm cũng đủ làm ảnh hưởng đến quốc thể, huống chi cả triều đình còn đang bó tay không hiểu. Chẳng đừng được, vua sai đem xe ngựa, nghi trượng đi đón Mạc Đĩnh Chi hồi triều.
Lúc ấy, Mạc Đĩnh Chi đang sống ở quê nhà, trong ngôi nhà đơn sơ của hai mẹ con. Thấy nghi lễ đón mình quá trang trọng, Mạc Đĩnh Chi thoáng sửng sốt. Nhưng rồi, vị trạng nguyên trẻ
tuổi đã đoán ra:
- Có phải sứ nhà Nguyên đã sang không? Mạc Đĩnh Chi hỏi viên quan Bộ Lễ, khi viên quan này chưa kịp chào.
Viên quan Bộ Lễ kinh ngạc:
- Thật không ngờ quan trạng đã thấy trước được mọi sự việc. Vương thượng đang nóng lòng chờ quan trạng.
Mạc Đĩnh Chi nghĩ thầm: Chắc có điều gì nan giải, không giải quyết nổi nên vua mới vời mình về. Vua đã bao giờ thực bụng dùng mình đâu. Nhưng linh tính như báo trước việc ấy hệ trọng lắm, nên Mạc Đĩnh Chi nén thương đau, bỏ qua những phật ý nhỏ nhặt, lên xe ngựa về kinh.
Vừa tới kinh thành, vua Lê Anh Tông đã đưa phong thư của sứ Nguyên cho Mạc Đĩnh Chi và nói:
73
- Sứ thần Nguyên quen thói hống hách gửi cho Trẫm bức thư này. Khanh xem thế nào? Mạc Đĩnh Chi đỡ lấy bài thơ. Đọc xong, vị trạng nguyên trở lại dáng vẻ hoạt bát, linh lợi thường ngày:
- Muôn tâu Vương thượng, câu đố nhỏ nhặt này có đáng gì mà Vương thượng phải bận lòng suy nghĩ. - Khanh nói sao? Vua hồ hởi cắt ngang. Ý tứ của bài thơ phải luận ra thế nào?
- Muôn tâu Vương thượng, đó chỉ là chữ "Điền". Và bài thơ ấy có nghĩa là:
Hai nhật bằng đầu để sóng hàng
Bốn sơn xáo lộn dọc cùng ngang
Hai vương nghiêng ngửa lo tranh nước Bốn khẩu liền nhau ghép chữ vàng
Vua nức nở khen:
- Khanh đã giúp Trẫm giải được điều có thể hạ thấp thanh danh của quốc thể.
Hiểu ra ý tứ bài thơ, triều đình vô cùng khâm phục ông.
Sứ nhà Nguyên sửng sốt, bởi cũng chỉ ở nước Nam này, ý nghĩa bài thơ mới được khám phá.
2.
Năm 1308, Mạc Đĩnh Chi được nhà vua cử làm Trưởng đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên.
74
Sau bao ngày hành trình, đoàn sứ Đại Việt do Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đã đến ải Pha Lũy (nay là Hữu Nghị quan). Rủi thay, gặp ngày mưa to gió lớn nên sứ bộ Đại Việt đến cửa ải sai hẹn với viên quan coi ải nhà Nguyên. Cửa ải đã bị đóng kín. Mạc Đĩnh Chi nói mãi, người Nguyên vẫn không chịu cho qua. Về sau, bọn chúng vứt từ trên ải xuống một vế đối, ra điều kiện rằng nếu Mạc Đĩnh Chi đối được thì mới mở cửa ải.
Vế đối như sau:
- Quá quan từ, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan.
Nghĩa là: Qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan.
Thật là một câu đối hiểm hóc. Trong có 11 chữ mà riêng chữ quan được nhắc lại bốn lần, chữ quá nhắc lại ba lần. Quan lại nhà Nguyên đã cố tình gây khó dễ. Mạc Đĩnh Chi nghĩ thầm vậy và trong lòng cũng lo lắng vì thấy rõ vế đối rất khó, không thể nghĩ ra trong chốc lát được. Hẳn đây là một vế đối đã được chuẩn bị trước của một viên quan nào đó trong triều đình nhà Nguyên. Để dồn đối phương vào thế bí, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu đọc:
- Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối.
Nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, xin tiên sinh đối trước.
Tình thế bỗng đổi khác. Tưởng sứ thần Đại Việt khoanh tay chịu thua cuộc nhưng hóa ra đó
75
lại là một vế đối hay. Viên quan nhà Nguyên rút cuộc đã phải chịu tài chuyển bại thành thắng của trạng nguyên đất Việt, lập tức xuống mở cửa ải, ân cần ra đón Mạc Đĩnh Chi.
Tin viên bồi thần nước Đại Việt, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, phá được câu đối ở ải Pha Lũy khiến cho nhà vua và giới văn thần triều Nguyên hết sức chú ý. Vì vậy, vua quan nhà Nguyên vừa có ý gờm vừa mưu đồ chuẩn bị tìm cơ hội hạ nhục viên sứ nước Đại Việt cho hả giận.
Ngay hôm đầu vào bệ kiến, vua Nguyên muốn đích thân thử tài Mạc Đĩnh Chi, nhân thể thăm dò khí tiết của ông nên đã ra vế đối:
- Nhật: hỏa - vân: yên, bạch đản thiêu tàn ngọc thỏ.
Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.
Biết vua Nguyên kiêu căng, tự coi mình là mặt trời và coi Đại Việt như mặt trăng, ban ngày phải bị mặt trời thôn tính, Mạc Đĩnh Chi thấy cần phải tỏ rõ thái độ của mình. Hơn thế, phải khẳng định nước Đại Việt ở thế thắng nên ứng khẩu đọc ngay:
Nguyệt: cung, tinh: đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tối bắn rơi mặt trời.
Thật là một câu đối sắc như lưỡi kiếm, đầy khí phách của người chiến thắng mà lại rất chuẩn chỉnh. Vua Nguyên tuy bị trả miếng rất đau,
76
nhưng cũng phải hết sức phục tài viên sứ nước Đại Việt. Vì vậy mà tỏ ra vui vẻ:
- Quả là danh bất hư truyền. Lời đồn đại về tài năng của ngươi thật chẳng ngoa.
Nói rồi, vua Nguyên sai ban rượu ngon và truyền lệnh cho viên nội giám xuất nhiều vàng bạc trong kho để tặng thưởng cho Mạc Đĩnh Chi.
Trước lúc ra về, vua Nguyên làm như chợt nhớ ra điều gì, vội hỏi:
- Ta nghe nói khi trước chỉ vì một bài thơ của sứ thần ta mà cả triều đình vua Trần phải bó tay, không giải được. Vì lẽ đó, vua Trần buộc phải nhờ đến nhà ngươi, trọng dụng nhà ngươi, chuyện ấy có không?
Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đáp:
- Tâu bệ hạ, giải nghĩa một bài thơ là phận của bề tôi chứ đâu phải việc của vua. Huống chi thần mới đỗ trạng, giao cho thần luận giải bài thơ chỉ là vì vua muốn xem học vấn của thần đến đâu mà thôi.
Vua Nguyên thấy không dễ lung lạc được Mạc Đĩnh Chi nên bỏ dở câu chuyện không hỏi tiếp. Sách Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí đều chép: Khi đi sứ nhà Nguyên, Mạc Đĩnh Chi do có dáng người thấp bé, nên bị người Nguyên khinh mạn. Một hôm tể tướng mời vào trong phủ cùng ngồi. Lúc ấy đương khoảng tháng 5, tháng 6, trong phủ treo
77
một chiếc màn mỏng có thêu hình con chim sẻ đậu trên cành trúc. Mạc Đĩnh Chi lầm là chim sẻ thật, vội chạy đến bắt. Người Nguyên đều cười ồ cho là người phương xa lạc hậu, không phân biệt
nổi thật giả. Mạc Đĩnh Chi kéo cái màn xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao. Mạc Đĩnh Chi đáp:
- Tôi thấy người xưa chỉ vẽ cây mai chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong trướng của tể tướng lại thêu chim sẻ đậu cành trúc. Trúc là quân tử, sẻ là tiểu nhân, tể tướng đem trúc, sẻ mà thêu vào trướng thế là để tiểu nhân lên trên quân tử. Tôi sợ rằng đạo của tiểu nhân ngày càng lớn mạnh, đạo của quân tử ngày càng mòn mỏi, cho nên tôi trừ giúp bọn tiểu nhân cho thánh hiền.
Mọi người đều thán phục ông thông minh, nhanh trí.
Mạc Đĩnh Chi vào ra mắt vua Nguyên cùng với sứ thần Cao Ly. Nhân có một sứ thần nước khác dâng vua chiếc quạt, vua Nguyên liền bảo sứ thần Đại Việt và Cao Ly làm thơ về chiếc quạt đó.
Mạc Đĩnh Chi còn đang đắn đo tìm ý thơ thì thấy sứ Cao Ly đã cầm bút viết thoăn thoắt. Liếc theo quản bút lông, Mạc Đĩnh Chi thấy sứ Cao Ly viết hai câu:
Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công, Đông hàn thê thê, Bá Di, Thúc Tề.
78