🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Jurgen Klopp - Thổi Bùng Huyên Náo
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI
Số 4 - Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
ĐT: (04) 38252916 - Fax: (04) 39289143
Email: [email protected]
JÜRGEN KLOPP: THỔI BÙNG HUYÊN NÁO
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Tổng giám đốc - Lê Tiến Dũng
Biên tập: Hoàng Thị Tâm
Vẽ bìa: Gia Long
Trình bày: Song Ngư
Sửa bản in: Minh Vân - Thanh Thủy
Liên kết xuất bản:
Cty CP Đầu tư và Phát triển TTV Việt Nam
Nhà sách THBooks
Địa chỉ: Số 68/255, Đường Hoàng Mai, P. Hoàng Văn Thụ, Q. Hoàng Mai, Hà Nội
Tel: (84-24) 32011882 - 097.354.0078
Website: http://thbooks.vn
Fanpage: http://m.facebook.com/THBooks
Mã ISBN: 978-604-55-5042-7
In 1.500 cuốn, khổ 14.5x20.5 cm tại Công ty TNHH In Thương mại Thuận Phát, Tổ dân phố Văn Trì, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Số xác nhận ĐKXB: 151-2020/CXBIPH/03-04/HN. Quyết định xuất bản số: 46/QĐ-HN ngày 04/02/2020. In xong và nộp lưu chiểu năm 2020.
Không phải bạn đến từ đâu, mà là bạn đang ở đâu. Eric B. và Rakim
LỜI GIỚI THIỆU
L
à một cổ động viên lâu năm của Liverpool, Jürgen Klopp với tôi như một vị cứu tinh. Mối lương duyên của ông với Liverpool thật đặc biệt, nhất là cách mà ông biến đội
bóng này trở thành một trong những tập thể khó đánh bại bậc nhất tại châu Âu, với phong cách chơi bóng như muốn thiêu rụi đối phương bằng ngọn lửa của lòng quả cảm và đam mê chiến thắng.
Klopp sinh ra là để dành cho The Kop. Như một định mệnh không thể chối bỏ. Dưới bàn tay của Klopp, Aneld tìm lại được âm lượng vốn có, các cầu thủ Liverpool giờ bước vào mỗi trận đấu trong tâm thế của những kẻ đi chinh phục. Klopp khiến Liverpool vĩ đại trở lại. Klopp khơi lại nỗi khát khao vẫn đang cháy âm ỉ bên trong mỗi cổ động viên Liverpool.
“Jürgen Klopp – Thổi bùng huyên náo” là một lát cắt sống động về cuộc đời đầy thăng trầm của vị huấn luyện viên sinh ra ở vùng Rừng Đen, từ khi là một cậu bé được rèn giũa dưới sự thiết quân luật của người cha, đến một chàng thanh niên đôi mươi đầy hoài bão và cuồng nộ, tới hình ảnh một gã trung niên lăn lộn trong gian khó lúc khởi sự nghiệp huấn luyện. Gập cuốn sách lại, tôi hiểu được lý do tại sao Klopp lại đang trên đường trở thành chiến lược gia hay nhất đương đại.
Klopp chính là nét đặc biệt đắt giá của Premier League, giải đấu quy tụ nhiều huấn luyện viên hàng đầu thế giới. Truyền thông săn đón ở ông những phát biểu cá tính và nụ cười toe toét, các Liverpudlians chờ đợi những màn ăn mừng giơ nắm đấm vào
không khí đầy cảm xúc, còn các cầu thủ Liverpool muốn nhìn thấy người đàn ông với bộ râu rậm và chiếc mũ lưỡi trai bên đường piste, để tự nhủ rằng họ không bao giờ được bỏ cuộc.
Klopp chính là câu trả lời cho những con tim Kopites tan vỡ, khi Steven Gerrard trượt dài theo giấc mơ của hàng triệu cổ động viên áo đỏ vào năm 2014. Có ông, người Liverpool sẽ chẳng bao giờ phải bước đi một mình, nhưng họ vẫn sẽ hát vang “You’ll Never Walk Alone”, như một lời khẳng định cho đế chế vĩ đại mà Klopp đang gây dựng ở vùng Merseyside.
Klopp gọi mình là “Người bình thường”, người ta gọi ông với cái tên thân mật Kloppo, còn với tôi, ông đã là một Scouser chính hiệu rồi!
Nhà báo Lại Văn Sâm
1
ĐIỀU BẤT NGỜ
GLATTEN 1967
R
ừng Đen chẳng có màu đen. Thậm chí cũng không phải một khu rừng. Không còn vậy nữa. Một nghìn tám trăm năm trước, những bộ lạc German cổ xưa thuộc tộc người
Alemanni đã tiên phong khai hoang cả một vùng u tối rộng lớn từng làm khiếp sợ những người La Mã, để lấy chỗ cho gia súc và làng mạc. Đội quân truyền giáo Celtic đến từ Scotland và Ireland, mang theo búa rìu và lòng tin, không ngừng tấn công ác liệt cho tới khi nhóm người nguyên thủy bị đánh bại. Ngày nay, tàn dư của nơi tăm tối này chỉ còn là nguyên liệu cho những cơn ác mộng của bầy trẻ nhỏ và những chiếc đồng hồ cúc cu, đồng thời là một thương hiệu du lịch đẳng cấp.
Từ trong và ngoài nước, người ta đổ dồn về rặng núi thấp ở góc Tây Nam nước Đức, để giải thoát trái tim và buồng phổi khỏi những bụi bặm nơi đô thị. Sau chiến tranh, Rừng Đen trở thành địa điểm yêu thích của một đoàn làm phim khi đó đang cần một bối cảnh sạch đẹp, một không gian bình dị cho những cảnh quay thực tế lẫn hư cấu về y học, một trong những nơi mà sự mê ảo và thực tại hòa trộn với nhau tạo thành một hiệu ứng thú vị.
Những ai hoài nghi lưu ý, bởi những điều này, dĩ nhiên, đều là thật - ở thị trấn Glatten đẹp tới từng góc cạnh. Những ngôi nhà màu trắng giản dị với mái màu bánh gừng và ban công bằng gỗ, khiêm nhường dựa lưng vào những ngọn đồi, phóng tầm mắt
theo những triền dốc xanh bất tận. “Thường thì người ta xây nhà trên đỉnh đồi, để phô trương sự bề thế. Nhưng người Swabia lại nương theo sườn đồi, để giấu đi việc thực ra chúng hoành tráng như thế nào,” cựu chính trị gia Đảng Xanh Rezzo Schlauch giải thích về lối nghĩ khiêm nhường của dân địa phương, những người bà con của ông. “Họ sẽ cất chiếc Mercedes trong ga-ra và lái chiếc Volkswagen ra đường.”
Con sông Glatt chảy từ phía bắc hướng vào thị trấn nhỏ cùng tên, lướt qua nhà máy công nghệ chân không bọc thép J. Schmalz GmbH. Dòng sông là người đồng hành lặng lẽ với khu phố chính (với đại lý xe hơi, nhà băng, tiệm bánh, lò mổ, cửa hàng hoa tươi, sạp bánh mỳ doner-kebab), là nguồn cung hữu hạn cho một bể bơi tự nhiên, rồi tuôn chảy bên cạnh một sân thể thao ở Böngen, một ngôi làng được sáp nhập vào trung tâm Glatten.
Khí hậu khắc nghiệt với những trận mưa triền miên khiến mảnh đất xinh đẹp luôn phải giành giật với thiên nhiên, chứ không phải món quà của tạo hóa. Người dân trồng cỏ, bắp và nuôi heo… Họ là những con người có quyết tâm và biết tính toán kinh ngạc - một kiểu người Đức đặc trưng, nỗ lực vượt cả sự chăm chỉ, không có thiện ý thỏa hiệp với bản thân. “Schae, schae, Häusle baue!” Lao động, lao động, để xây nhà - đấy là câu châm ngôn nổi tiếng của vùng này.
“Làm việc không quản ngày đêm là phẩm chất nổi bật của người Swabia,” Schlauch cho hay. “Điều này bắt nguồn từ lịch sử, bởi người dân nơi đây có tiếng về tư duy không ngừng đổi mới. Ở các vùng khác, những người con trưởng sẽ thừa hưởng toàn bộ ruộng đất của cha mẹ. Nhưng ở Swabia, đất đai được chia đều cho con cái. Đất nông nghiệp bị thu hẹp tới khi không còn canh tác được nữa, do đó thế hệ sau bị buộc phải làm những công việc
khác. Nhiều người trong số họ trở thành nhà sáng chế và Tüftler, những người đi tìm giải pháp mới cho những vấn đề cũ.”
Quy ước địa phương đòi hỏi mọi thứ đều phải được thực hiện một cách chỉn chu, nghiêm túc, bao gồm cả các hoạt động giải trí. Một trong mười bốn câu lạc bộ xã hội đang hoạt động tại Glatten là dành cho lễ hội. Một câu lạc bộ khác mang những người bạn của giống chó Đức Shepherd lại gần nhau.
Dãy chuồng trại vẽ ra một con đường nhỏ lấm chấm đất để lại sau những chiếc máy cày, và nơi đây, ngay cạnh một thửa ruộng, là cửa hiệu “Haarstüble” của Isolde Reich, một salon tóc bé xinh, chốn tụ tập kín đáo, và còn là điểm bán bít tất đan tay gây quỹ từ thiện tổ chức bởi một người bạn của Reich. Lợi nhuận đóng góp vào việc mua giày cho những người vô gia cư.
Isolde sinh ra tại Glatten vào năm 1962, trên cô còn có một chị gái. Cha cô, Norbert, là một thủ môn tài năng, đồng thời là một gã cuồng thể thao. Bị ngăn cản bởi cụ thân sinh có tư tưởng truyền thống - “Ông ấy cho rằng cha tôi nên làm một nghề chính thống, chứ đừng cố thử trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp,” Reich kể - sự nghiệp của ông kết thúc trước khi nó thực sự bắt đầu. Tuy vậy, hoài bão của ông không hề suy giảm. Ông tham gia chơi bóng đá nghiệp dư, bóng ném và quần vợt, rồi cố truyền lại đam mê đó cho gia đình. Khi vợ Elisabeth và con gái lớn Stefanie cho thấy chẳng có chút thiên hướng chơi bất kỳ môn thể thao nào, hy vọng của Norbert dồn cả vào Isolde. “Trong cuốn album ảnh hồi bé của tôi, ông viết: ‘Isolde, lẽ ra con nên là một cậu bé’.” Cô mỉm cười. “Tôi là đứa con gái đầu tiên trong cả cái Glatten này đi tập đá bóng.”
Norbert huấn luyện cô, với phương pháp đòi hỏi nhiều nỗ lực và khắt khe. Ông bắt một Isolde mới năm tuổi tập chơi đánh đầu ở
sân bóng Riedwiesen cạnh bờ sông, nơi có một trái banh cũ nặng trịch được buộc vào dây thừng và treo lên một thanh sắt ngang màu xanh. Khi tư thế không chuẩn hoặc tay giơ quá cao, Norbert phạt cô chạy một vòng quanh sân. “Ông cứng rắn nhưng công bằng. Một con người nguyên tắc, đầy đam mê.” Reich chia sẻ.
Mùa hè năm 1967, mẹ cô vắng nhà trong vòng một tháng. Elisabeth mang thai to, nguy cơ biến chứng buộc bà phải nhập viện ở Stuttgart, cách nhà 80 phút lái xe về phía tây bắc. Bệnh viện địa phương Freudenstadt cách nhà 8,5km không được trang bị đủ dụng cụ để thực hiện ca sinh mổ. Thật gay go cho Stefanie và Isolde vì phải xa mẹ lâu như thế. “Chúng tôi được hứa hẹn: ‘Mẹ sẽ có bất ngờ cho hai đứa khi trở về’.”
Tuy nhiên, khi Norbert và Elisabeth trở về, trong tay họ chỉ có một đứa trẻ sơ sinh bé bỏng, đang gào khóc váng trời. Sau chừng một giờ, hai cô chị tự hỏi liệu có thể trả lại cậu nhóc để đổi lấy thứ gì khác không. Một đứa em bé tí, la hét inh tai nhức óc - một bất ngờ thật tệ hại! Nhưng Isolde mau chóng nhận ra cô được ban tặng nhiều hơn một đứa em ồn ào đến phiền phức. “Mọi định hướng về thể thao của ba tôi ngay lập tức chuyển sang cho thằng bé. Tôi được giải cứu khỏi trò đánh đầu với cái quả lắc ấy, thay vào đó sẽ được tập ballet và các môn điền kinh. Jürgen chào đời thực sự là vận may của tôi. Cậu ấy trả tự do cho tôi.”
2
ROSE MONDAY: SỰ KHỞI ĐẦU
MAINZ 2001
C
hristian Heidel vô cùng hào hứng với câu chuyện, ông bắt đầu hồi tưởng lại và tự hỏi liệu nó có thật hay không. “Là một cổ động viên của Mainz, tôi có thể nói: hay là cứ
bịa ra đi. Nhưng câu chuyện này thực sự đã xảy ra,” ông nhấn mạnh, sẵn sàng cho một chuyến du hành tâm trí ngược thời gian: từ sự nhàm chán đặc quánh trong căn phòng làm việc tại Schalke 04 đến nơi thành thị đang hát ca nhảy múa mê say trong cơn mưa hoa công-phét-ti, và một đội bóng hạng hai nhược tiểu, vô vọng, bị đẩy vào một chuyến làm khách cách đó bốn mươi phút chạy xe với sự chêch lệch rõ mồn một.
Hôm trước đó, ngày 25 tháng 2 năm 2001, FSV Mainz 05 gặp đối thủ kỵ giơ SpvGG Greuther Fürth và thua 3-1 trên sân Playmobil-Stadion. “Klopp bị đau nhẹ và chơi dở nhất đội, cậu ấy bị thay ra hai mươi phút trước khi hết giờ,” Heidel kể. Thất bại vùi Mainz sâu hơn xuống khu vực rớt hạng. “Chúng tôi đội sổ,” cựu giám đốc điều hành FSV cười. “Quả thật tận đáy bảng xếp hạng, không chút ánh sáng le lói nào ở, e hèm, phía cuối đường hầm. Trung bình có 3.000 người tới xem các trận đấu, nhưng khi ấy chẳng ai buồn đoái hoài đến chúng tôi nữa. Tất cả đều chắc chắn rằng chúng tôi sẽ xuống hạng.”
Các cộng sự của ông trong ban lãnh đạo Mainz đều đang ở trung tâm thành phố, mải mê tiệc tùng ở lễ hội hóa trang Rose
Monday, nhờ nó mà thủ phủ bang Rhineland-Palatinate nổi tiếng trên toàn nước Đức. Nửa triệu con người diện những bộ đồ ngộ nghĩnh, ngà ngà say và trở nên thân mật hơn thường lệ. Các đài truyền hình quốc gia ARD và ZDF dành cả một buổi tối để ghi hình buổi gặp mặt kéo dài bốn tiếng đồng hồ giữa các câu lạc bộ lễ hội của thành phố ở Electoral Palace, cuộc tụ họp của những câu tán dóc và các màn châm biếm chính trị sặc men bia.
Eckhart Krautzun, huấn luyện viên ưa xê dịch của Mainz, cho rằng sức cám dỗ của lễ hội quá lớn đối với đội bóng trước trận đấu rất quan trọng tại Duisburg vào ngày Ash Wednesday . “Sau trận thua tại Fürth, tình hình ở Mainz trở nên khó lường. Chúng tôi biết hoặc họ sẽ trảm huấn luyện viên, hoặc sẽ gí lửa vào mông hội cầu thủ. Chúng tôi phải ở biệt lập trong một khách sạn ở Bad Kreuznach trong vòng ba ngày, vậy nên không ai ra ngoài đi lung tung được,” theo lời tiền vệ FSV Jürgen Kramny, bạn cùng phòng của Jürgen Klopp thời điểm đó.
Christian Heidel ở lì trong nhà tại Mainz. Ông chẳng có tâm trạng đâu để tiệc tùng; tình hình của đội bóng quá sầu não để diễn mấy trò mua vui. Hiển nhiên là huấn luyện viên trưởng phải ra đi. Krautzun là một người đàn ông rất dễ mến, không nghi ngờ gì, một người điều hành đầy kinh nghiệm từng dẫn dắt Diego Maradona ở một trận đấu cho Al-Ahli FC tại Saudi Arabia, ngoài ra còn có đội tuyển quốc gia Kenya và Canada, cũng như một số lượng lớn các câu lạc bộ trên toàn thế giới, nhưng sáu điểm sau chín trận đấu kể từ khi ông tiếp quản đội vào tháng 11 là một chuỗi trận hướng thẳng xuống bờ vực rớt hạng. Heidel linh cảm rằng ngay từ đầu Krautzun đã dùng mánh khóe qua mặt ông để được bổ nhiệm.
Người tiền nhiệm của Krautzun, cựu tuyển thủ quốc gia Bỉ René Vandereycken, là dạng huấn luyện viên cộc cằn, đơn điệu, luôn
khước từ giao tiếp với các cầu thủ, thành viên ban lãnh đạo và quan chức, và tỏ ra miễn cưỡng trong việc đề xuất một hệ thống lối chơi chặt chẽ. Ông bị sa thải sau mười hai trận với vỏn vẹn mười hai điểm ở mùa giải 2000-01, khiến Mainz một lần nữa rơi vào khu vực xuống hạng. Heidel muốn người phụ trách sau này có thể tái tạo hệ thống phòng ngự danh tiếng với bốn hậu vệ mà cựu huấn luyện viên Wolfgang Frank trình làng sáu năm trước. Chiến thuật này được cho là hiện đại và cấp tiến so với mặt bằng chung của Bundesliga thời điểm đó, mà gần như không ai biết cách vận hành nó ra sao.
Heidel: “Tôi đã nói với tất cả mọi người rằng tôi cần một huấn luyện viên có tầm hiểu biết về sơ đồ bốn hậu vệ. Ai đó có thể thực hành nó, có thể giảng giải cho các cầu thủ? Đột nhiên, tôi nhận được một cuộc gọi từ Krautzun. Nói thật, tôi không hề nghĩ đến anh ta. Anh ta từng ở Kaiserslautern trước đó, không thành công cho lắm, và tôi có cảm giác chuyện này không đi đến đâu cả. Nhưng anh ta nói không ngừng cho đến khi thuyết phục được tôi đi gặp mặt. Rồi chúng tôi gặp nhau ở Wiesbaden. Anh ta tiếp tục giải thích cặn kẽ mọi thứ về sơ đồ bốn hậu vệ và tôi tự nhủ,‘Ồ, hóa ra gã này siêu thật!’ Tôi đã quan sát nhiều buổi tập của Frank đến mức biết chính xác những bài tập chuyên biệt trông ra sao. Vậy nên tôi bổ nhiệm anh ta làm huấn luyện viên trưởng. Khoảng hai tuần sau, Klopp đến gặp tôi và kể Krautzun đã gọi cho cậu ấy một tháng trước. ‘Ông ta muốn biết sơ đồ bốn hậu vệ vận hành ra sao, chúng tôi đã nói chuyện trong ba giờ đồng hồ.’ Đó là những gì hiển hiện trên sân đấu. Chúng tôi thắng trận đầu tiên và rồi mọi chuyện đổ vỡ.”
Chia tay Krautzun là quyết định đúng đắn và dễ dàng. Nhưng tìm ra người kế nhiệm lý tưởng thì khó hơn nhiều. Heidel đọc lướt qua một núi ấn phẩm niên san của Kicker, mong tìm ra một ứng cử viên phù hợp. “Khi đó chưa có mạng thông tin toàn cầu,
chẳng thể biết ai từng huấn luyện ở Brugge, giả dụ vậy. Bất luận như thế nào, những đội bóng đó thường lớn gấp năm lần chúng tôi. Thời thế cũng khác nữa. Lúc đó gần như không có huấn luyện viên ngoại ở Bundesliga. Toàn phải tận dụng nguồn lực trong nước.” Một lúc sau, Heidel gập hết những cuốn sách lại và tỏ ra bất lực: “Tôi thấy cơ may duy nhất còn lại cho chúng tôi là bằng cách nào đó phải đạt được mục tiêu chơi bóng như dưới thời Wolfgang Frank. Nhưng tôi chưa tìm được ai cả. Chẳng biết ai có thể làm được việc này.”
Có thể Heidel tìm được cảm hứng từ những chú hề diễu hành qua các con phố ở Mainz, trong ngày các luật lệ thông thường không có hiệu lực. Ông đang thiếu những lời giải hữu ích. Nước cờ hợp lý duy nhất còn lại là chơi tất tay cho giải pháp cực kỳ nực cười này. Nếu không tìm được một người dẫn dắt lý tưởng, có lẽ câu trả lời là… cứ thế đá mà chẳng cần huấn luyện viên?
“Tôi nghĩ, hay là làm cái gì đó khác đi. Tự dạy bảo nhau chẳng hạn. Có đủ người giỏi và những cầu thủ sáng dạ trong đội,” ông nói. Và để thực thi ý tưởng này, họ có thể chỉ bảo cho những người gia nhập đội sau thời kỳ của Frank ở sân Bruchweg. Nhưng bóng đá là bóng đá, vẫn cần một người chịu trách nhiệm. Heidel ngần ngại tự ứng cử. “Tôi có thể chỉ cho họ cách vận hành sơ đồ sau rất nhiều lần dự khán các buổi tập của Wolfgang, nhưng tôi chưa từng đá trận nào ở Bundesliga, cũng như ở giải hạng Tư Oberliga. Như thế trông thật ngớ ngẩn. Sở dĩ vậy tôi mới gọi điện cho Klopp đang trong phòng khách sạn ở Bad Kreuznach. Cậu ấy không hề biết chuyện gì sắp xảy ra.”
Heidel thông báo với hậu vệ phải kỳ cựu về việc họ không thể tiếp tục với Krautzun, rằng đội phải có một sự thay đổi. “Tôi bảo cậy ấy: ‘Tôi thấy cậu học hết chữ rồi. Cách chúng ta chơi bóng - hoặc muốn chơi - để có được thành công, chẳng ai ở nước Đức
này hiểu cả. Cậu, đội bóng này, nắm được điều đó. Nhưng không một huấn luyện viên nào nhìn ra vấn đề.’ Klopp vẫn chưa hiểu tôi đang đề cập đến chuyện gì. Rồi tôi nói: ‘Cậu nghĩ sao về việc đội tự kèm cặp nhau? Ai đó phải đứng ra chỉ đạo, người đó nên là cậu.’ Một khoảng lặng chừng ba, bốn giây ở đầu dây bên kia. Rồi cậu ấy đáp: ‘Ý tưởng hay quá. Làm thôi!’”
Rồi Heidel gọi cho thủ môn Dimo Wache, đội trưởng của câu lạc bộ. “Kloppo là thủ lĩnh đích thực, nhưng Dimo mới là người giữ chiếc băng tay. Dietmar Constantini đã tước nó từ Klopp, bởi cậu ấy luôn phàn nàn về chiến thuật. Cách cậu ấy hứng thú với chiến thuật không giống bất kỳ cầu thủ nào, cậu ấy dành rất nhiều thời gian để nghĩ về nó. Constantini cũng đã gạt cậu ấy ra khỏi đội trong một thời gian ngắn. Kloppo phải ngồi dự bị, điều đó cũng chẳng thay đổi được gì. Bây giờ thật khôi hài là cậu ấy lại than phiền về những điều cầu thủ phàn nàn, bạn nên thấy cậu ấy khi đó…”
Harald Strutz, vị chủ tịch dễ mến của Mainz, đang bận rộn hoàn thành những phần việc liên quan đến hội hè, khi ông là thành viên cộm cán của Ranzengarde, đội cận vệ giả lính lên án chủ nghĩa quân phiệt Phổ được thành lập từ thế kỷ XIX. “Heidel gọi cho tôi và bảo: ‘Phải sa thải huấn luyện viên trưởng thôi, gấp lắm rồi’.” Strutz kể, khi đang ngồi trong căn phòng làm việc giản dị tại trụ sở hành chính của Mainz thuộc một khối nhà văn phòng ở ngoại ô thành phố. Dưới sảnh có một tủ kính trưng bày các vật phẩm của FSV, trong đó có phiên bản đặc biệt của trò cờ tỷ phú với hình ảnh Klopp và Heidel trên bao bì. “Krautzun rất lịch thiệp. Ông ấy muốn tiếp tục công việc nhưng chúng tôi nói với ông ấy mọi chuyện đã kết thúc. Tôi cởi phăng chiếc áo đồng phục của Ranzengarde và lái xe đến Bad Kreuznach. Ai nấy đều đang tiệc tùng trong lễ hội Rose Monday tại Mainz, nhưng không có nghĩa là tất cả đều say. Ồ, tôi không nhé, không thì sao
tôi lái xe đến đây được. Chúng tôi hỏi Kloppo: ‘Cậu nghĩ mình sẵn sàng cho việc này chứ?’ Cậu ấy không chần chừ dù chỉ một giây: ‘Vâng, hoàn toàn sẵn sàng. Tất nhiên rồi’.”
Strutz ngưng lại trong giây lát, chưa hết sửng sốt vì tính phi lý của quyết định quan trọng nhất ông từng chỉ đạo ở Mainz. Ông là chính trị gia địa phương của Đảng Dân chủ và là một luật sư, luôn có một bản sao của Bürgerliches Gesetzbuch - Bộ Luật Dân sự Đức - trên bàn hội nghị. Strutz, nói ngắn gọn, là người khá nghiêm túc, không phải kiểu ông chủ dễ bị cuốn theo Schnapsidee (ý tưởng viển vông) của vị giám đốc điều hành. “Câu chuyện đó rất đặc biệt,” ông tiếp tục. “Khởi đầu như vậy đấy. Tại sao chúng tôi lại phải có thay đổi đó? Nếu bạn hiểu mọi thứ lúc đó như thế nào thì… Để gắn kết cả đội với nhau là một thành tựu đáng kinh ngạc. Một khởi đầu không tưởng của một sự nghiệp huấn luyện khác thường. Đến giờ sự lạ thường ấy vẫn râm ran trong tâm trí tôi.”
Mười nhà báo địa phương đến dự buổi họp báo của FSV ngày hôm sau trông thật kém phấn khởi. Heidel kể lại: “Họ đã biết tin Krautzun bị sa thải. Chúng tôi xác nhận điều đó. Rồi một nhà báo tên Reinhard Rehberg, người hiện giờ vẫn đang công tác, cất tiếng,‘Klopp làm gì ở đây vậy?’ Họ đều nghĩ chúng tôi sẽ đôn một trợ lý lên làm huấn luyện viên tạm quyền nhưng tôi không cho là lúc đó đội có cả trợ lý huấn luyện. Vì thế tôi trả lời, ‘Kloppo sẽ là huấn luyện viên.’ Cả bàn phá lên cười. Tất cả bọn họ cười nghiêng ngả. Họ giễu cợt chúng tôi trên mặt báo ngày hôm sau. Bây giờ ai cũng tung hô Klopp nhưng người đàn ông lúc đó không phải là Klopp của hiện tại, mà chỉ là một cầu thủ rất đỗi bình thường, không hề có bằng huấn luyện viên chuyên nghiệp, ngoại trừ tấm bằng về Khoa học thể thao.”
Klopp biết các phóng viên không tin mình đủ khả năng cứu Mainz khỏi nguy cơ rớt hạng. Anh bông đùa về sự thiếu kinh nghiệm của bản thân, bằng cách vờ như không biết kịch bản trả lời họp báo. “Chắc các anh phải chỉ cho tôi xem tôi cần nói gì,” anh yêu cầu đội quân báo chí kèm một nụ cười ngoác miệng.
“Chuyện sau đó, tôi sẽ không bao giờ quên,” Heidel kể. “Khi các nhà báo đã giải tán, Klopp rủ: ‘Chúng ta ra sân tập thôi.’ Chúng tôi nhảy vài tuyến buýt rồi chạy xe đến Friedrich-Moebus Stadion. Khi đến đó, chợt có vài điều khiến tôi nảy ra suy nghĩ: ‘A, có sinh khí rồi.’ Những chiếc cột ở mọi nơi trên sân tập. Đội bóng lại tập cách di chuyển ngang sân theo đội hình. Đấy là khi tôi nhận ra: chúng tôi đã trở lại thời kỳ của Wolfgang Frank.”
Toàn đội cũng ngạc nhiên không kém các nhà báo về việc Klopp là thuyền trưởng mới. “Đột nhiên, Kloppo xuất hiện trong phòng họp và trao đổi với chúng tôi trên tư cách huấn luyện viên,” cựu tiền vệ FSV Sandro Schwarz hồi tưởng. “Anh ấy vẫn là con người của tập thể, thật vậy, đại loại như không cần xưng hô trang trọng hay giữ khoảng cách. Anh ấy có cái uy bẩm sinh nhưng chúng tôi vẫn thân thiết, thế nên anh ấy sâu sát được mọi việc. Cả đội chẳng có ý kiến gì bởi chúng tôi đang gặp khó trong cuộc chiến trụ hạng. Chẳng ai tin vào chúng tôi nữa. Những cầu thủ đã ở đây lâu năm nóng lòng muốn đá lại với sơ đồ 4-4-2 từng khiến chúng tôi mạnh mẽ. Bằng thái độ tích cực, anh ấy giúp chúng tôi thích nghi với kiểu vận hành cũ đó một lần nữa.”
Cuộc họp toàn đội đầu tiên để lại một ấn tượng sâu đậm với Heidel. “Tôi vẫn còn nhớ căn phòng trông như thế nào. Anh chàng này chưa diễn thuyết trước một đội bóng bao giờ. Chưa từng. Bỗng tôi thấy mình như thon gọn lại, sung sức hẳn lên. Nếu ai đó ném cho tôi một đôi giày ngay lúc ấy, tôi sẽ lao ra sân
thi đấu với Duisburg ngay sau khi nghe cậu ấy nói. Tôi đã chứng kiến mười, mười một huấn luyện viên trước đó. Nhưng không ai làm được thế này. Chỉ muốn ra ngoài và chơi bóng ngay lập tức. Khi rời khỏi căn phòng, tôi bắt gặp nhiều vẻ mặt hồ nghi. Họ bảo: ‘Gã đó chỉ là cầu thủ…’ Tôi nói với Strutz và các cộng sự trong ban lãnh đạo rằng chúng tôi sẽ thắng, 100 phần trăm. Nếu đội bóng cũng đồng lòng với tôi, rằng chúng tôi phải thắng, thì chúng tôi sẽ thắng. Tôi không biết dùng từ nào cho đúng nhưng cuộc nói chuyện đó là sự pha trộn giữa sách lược và động lực, còn hơn cả một bài diễn thuyết. Chúng tôi có thể ra sân ngay lập tức. Cậu ấy nói và nói cho tới khi toàn đội tin rằng họ là những cầu thủ cừ khôi.”
“Nhận công việc đó giống như thực thi một nhiệm vụ cảm tử,” Klopp thú nhận trên spox.com một thập kỷ sau đó. “Lúc đó tôi chỉ tự hỏi mình một câu: chúng tôi có thể làm gì để ngừng thua? Tôi chưa nghĩ một chút nào đến việc thắng trận. Buổi tập đầu tiên chủ yếu là di chuyển ngang sân theo chiến thuật. Tôi dựng những chiếc cột lên rồi tự hỏi khoảng cách chuẩn giữa các hàng cột dưới thời Wolfgang Frank là bao nhiêu. Hầu hết các cầu thủ vẫn nhớ như in các bài tập tiêu chuẩn này từ những ngày rèn giũa đến kiệt sức dưới sự chỉ đạo của ông ấy. Chúng tôi muốn chơi một trận đấu chủ động trước đối thủ.” Như ở phần gợi mở động lực trong bài nói của mình, Klopp cũng nhắc lại một trong các chủ đề của Frank: việc “dồn sức vào 5 phần trăm cuối” sẽ tạo nên sự khác biệt.
Klopp đưa ra “những quyết định đơn giản”, Kramny cho hay. “Tôi được chuyển từ vị trí tiền vệ phải vào trung tâm. Thêm một hay hai sự thay đổi nữa. Heidel nhắc tất cả chúng tôi phải nỗ lực hết mình sau khi gây ra cảnh điêu đứng cho các huấn luyện viên trước đó. Chúng tôi đều cảm thấy có trách nhiệm. Không có nhiều thời gian để vẽ ra lắm thứ, vì thế kế hoạch là đưa vào ít trò
vui, luyện cách di chuyển và các tình huống bóng chết. Và rồi chúng tôi hô hào nhau: ‘Tốt rồi, tiến lên!’ ‘Nhanh lên, mau nào, chạy đi!’ Hôm diễn ra trận đấu, trời mưa như trút.”
Heidel: “Trên sân có 4.500 cổ động viên. Thi đấu vào ngày Ash Wednesday là một điều đặc biệt ở Mainz. Duisburg là đội bóng vượt trội so với chúng tôi, một ứng viên sáng giá cho suất lên hạng. Phải nói thật là chúng tôi đá cho họ lên bờ xuống ruộng. Chúng tôi chỉ thắng 1-0 nhưng họ tuyệt nhiên không thể áp sát gôn đội tôi lấy một lần. Họ hoàn toàn không thể đối phó được với chiến thuật của chúng tôi. Mọi người trên sân như phát rồ.”
Riêng các cổ động viên ở khán đài chính lại còn được mua vui ra trò. Họ thấy huấn luyện viên của Mainz “hành xử như một cầu thủ thứ mười hai, điều khiển trận đấu trên đường biên vô cùng ấn tượng,” Heidel nói thêm. “Khán đài chính lúc đó chỉ chứa được 1.000 người nhưng các cổ động viên đổ dồn về đó để cười cợt anh chàng phía dưới. Tôi thậm chí chẳng biết cậu ấy chạy đi đâu khi chúng tôi ghi bàn. Có thể cậu ấy bị trọng tài đuổi khỏi sân cũng nên?” (Trên thực tế là không phải.) “Mọi thứ thực sự rất, rất đặc biệt. Nhưng phải nói điều này: đó là sự khởi đầu của cậu ấy. Rồi sau đó cậu ấy lên đường.”
3
CUỘC CÁCH MẠNG 09
Dortmund 2008
T
háng 1 năm 2017, một buổi tối mùa đông rét ngọt ở Marbella, tại sảnh khách sạn Don Pepe Gran Meliá được bài trí theo phong cách Dynasty với đá cẩm thạch trắng,
hàng cột dát vàng và những chậu cây cọ, một người đàn ông đang chơi saxophone.
Các nhân viên của Borussia Dortmund (BVB) đang đẩy những thùng trang phục bẩn sau buổi tập tối của đội đi qua quầy bar khách sạn vắng lặng. Ngồi trên một chiếc ghế sofa màu kem, Hans-Joachim Watzke nhìn quanh kèm cái gật đầu hài lòng. Vị CEO năm mươi tám tuổi của BVB là một doanh nhân thành đạt. Công ty về quần áo bảo hộ của ông, Watex, đạt doanh thu 250 triệu euro hằng năm. Ông chính là người đã cứu đội bóng khỏi bờ vực phá sản vào năm 2005, đồng thời mang trở lại thứ bóng đá quyến rũ, sự háo hức và những danh hiệu cho sân Westfalenstadion bằng việc bổ nhiệm huấn luyện viên Jürgen Klopp vào năm 2008. Thế nhưng, cũng như bất kỳ một cổ động viên thứ thiệt nào, ông dường như chỉ tìm thấy nhiều niềm vui và sự tự tại nhất ngay lúc này, trong chuyến nghỉ đông kéo dài 10 ngày tới Andalusia cùng đội bóng. Ông vận một bộ đồ tập với tên viết tắt của mình trên ngực áo.
“Tại sao lại là Klopp ư? Dễ trả lời mà,” ông nói, đặt tách espresso xuống. “Vào năm 2007, một điều chắc chắn là câu lạc bộ sẽ sống
sót, nhưng cũng rõ ràng là chúng tôi không có tiền để đầu tư cho đội bóng.”
Ballspielverein Borussia 09 e.V Dortmund, nhà vô địch Bundesliga vào các năm 1995 và 1996, quán quân Champions League năm 1997 và một lần nữa lên ngôi ở giải vô địch quốc gia vào năm 2002, đã đi vào vết xe đổ của “hiện tượng Leeds”. Cú bơm tiền trị giá 130 triệu euro từ việc đưa câu lạc bộ lên sàn chứng khoán Frankfurt vào năm 2000 được chi ra cho những cầu thủ vô cùng đắt đỏ trong cuộc đua vũ trang kém bền vững với Bayern Munich. Khi đội bóng có lần thứ hai liên tiếp không đủ điều kiện dự Champions League vào năm 2005, câu lạc bộ gần như sụp đổ dưới sức nặng của khoản nợ trị giá 240 triệu euro. “Chúng tôi có mặt ở trụ sở chính câu lạc bộ và hoang mang không biết hôm sau có còn được đi làm nữa hay không,” xướng ngôn viên sân vận động và là cựu tiền đạo của BVB Norbert “Nobby” Dickel kể lại. “Khoảng thời gian thật tồi tệ.”
“Dortmund là một thành phố sống cùng câu lạc bộ, sống vì câu lạc bộ,” Sebastian Kehl chia sẻ. Người cựu đội trưởng nhớ lại, cả thành phố ai cũng tỏ ra bồn chồn, vô cùng lo lắng về nguy cơ Borussia bị giải thể. “Tài xế taxi, thợ làm bánh, nhân viên khách sạn - mọi người đều lo cho kế sinh nhai của mình. Cầu thủ chúng tôi cũng rất khó xử, vì chuyện thắng hay thua giờ cũng chẳng tạo ra mấy khác biệt.”
Chính Watzke, cựu thủ quỹ của câu lạc bộ (không phải của công ty đại chúng), là người cứu rỗi BVB, bằng cách tước quyền điều hành từ bộ đôi đầy tai tiếng là Giám đốc Thể thao Michael Meier và Chủ tịch Gerd Niebaum. Ông thương thuyết một khoản vay từ Morgan Stanley kèm một lần tăng vốn, cho phép Dortmund mua lại sân vận động, đồng thời chấm dứt thỏa thuận bán tái thuê gây thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm chi phí
từ gốc này không chừa lại một khoản nào để đội bóng chiêu mộ những cầu thủ ngôi sao.
Watzke: “Giám đốc Thể thao Michael Zorc và tôi đồng tình rằng chúng tôi muốn xây dựng một đội bóng trẻ. Hậu vệ trái đã có Marcel Schmelzer, tiền vệ đã có Kevin Großkreutz. Chúng tôi muốn trình diễn một thứ bóng đá khác. Dưới thời Bert van Marwijk và Thomas Doll, trái bóng sẽ bay từ cánh bên này của hàng thủ bốn người sang cánh bên kia rồi ngược trở lại, mười lần liên tục. Chúng tôi kiểm soát bóng tới 57 phần trăm nhưng chẳng có tác dụng gì. Không thể đá đấm như vậy ở Dortmund. Chúng tôi cam đoan với tất cả đó sẽ là một tập thể chạy hăng đến mức tuột cả dây cương. Đó là những gì chúng tôi đã phải đối mặt tại Mainz khi đến đó làm khách cách đây hai năm. Luôn có cảm giác rằng họ không hay đến vậy nhưng bằng cách nào đó đã gây ra rất nhiều khó khăn và đôi khi còn vượt trội. Bởi họ có tinh thần của những kẻ sát nhân. Và một cách sắp xếp cực tốt, về mặt chiến thuật. Có được điều đó phải nhờ vào huấn luyện viên. Việc chiêu mộ ai đó từ giải hạng Hai ở thời điểm hiện tại có vẻ không phù hợp với Dortmund. Nhưng vào lúc ấy, điều này khả thi.
Borussia không hoàn toàn tin rằng Klopp có thể hóa thân từ một vị thánh bảo hộ ở Mainz trở thành người vực dậy một gã khổng lồ của Bundesliga đang ngụp lặn trong những thời khắc gian khó, Christian Heidel tiết lộ. “Họ có vài quan ngại,” ông nói. Watzke lần đầu tiếp xúc với giám đốc điều hành của Mainz vào tháng 10 năm 2007, trước kỳ đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá Đức. Heidel: “Ông ấy gọi và hỏi liệu chúng tôi có thể ngồi cà phê được không. Khi đó tôi chưa biết ông ấy. Chúng tôi gặp nhau và câu chuyện nhanh chóng chuyển hướng sang Jürgen Klopp. Hợp đồng của cậu ấy đáo hạn vào cuối mùa giải. Watzke hỏi dò: ‘Klopp được lắm hở?’ Tôi trả lời: ‘Nếu tôi bảo được, ông sẽ chôm cậu ấy khỏi tôi. Tôi cũng có thể gạt ông rằng
cậu ta vô dụng. Nhưng rồi ông sẽ kể với Kloppo và cậu ấy sẽ hận tôi.’ Rồi tôi khẳng định: ‘Cậu ta là một huấn luyện viên ở tầm Bundesliga’.” Watzke dò hỏi kỹ hơn, không đề cập rõ ràng tới Dortmund. Liệu Klopp có cầm nổi một câu lạc bộ lớn của Bundesliga không nhỉ? “Tôi nói với ông ấy rằng Klopp có thể dẫn dắt bất kỳ câu lạc bộ nào trên thế giới,” Heidel kể. “Đấy là bởi cậu ấy có một lợi thế lớn so với các đồng nghiệp: sự thông minh. Cậu ấy sẽ thích nghi được ở một câu lạc bộ lớn. Nếu ông cần ai đó trong bộ com-lê và cà vạt, đừng tìm đến Jürgen Klopp. Nhưng nếu ông cần một chiến lược gia hàng đầu, hãy gọi cậu ấy. Đó chưa phải lúc ra quyết định ngay lập tức nhưng tôi biết Dortmund đã dõi theo cậu ấy sát sao hơn kể từ ngày hôm đó. Tuy nhiên, họ vẫn chưa thực sự bị thuyết phục. Watzke không ngừng gọi cho tôi, tôi chẳng nhớ bao nhiêu lần nữa. Còn tôi luôn miệng bảo: ‘Làm tới đi, làm tới đi. Ông sẽ chẳng thấy tiếc vì chiêu mộ Jürgen Klopp đâu’.”
Sự hối tiếc về việc tuyển mộ Thomas Doll tăng lên không ngừng ở Strobelallee. Cựu tiền vệ đội tuyển Đức, nhận việc từ tháng 3 năm 2007, thất bại trong việc truyền cảm hứng cho các cầu thủ lẫn công chúng với lối chơi cực kỳ tẻ nhạt mà đội bóng trình diễn. Dortmund ở gần khu vực rớt hạng hơn là nhóm đầu bảng và về đích ở vị trí thứ mười ba, vị trí thấp nhất tại giải vô địch quốc gia trong hai mươi năm qua. Chuỗi trận ấn tượng tại Cúp Quốc gia Đức, giải đấu mà ở trận chung kết vào tháng 4 họ chỉ bị hạ gục bởi Bayern Munich trong hiệp phụ (2-1), cũng không thể khỏa lấp những nhược điểm. “Có lẽ đó là thất bại ở chung kết đáng giá nhất trong lịch sử câu lạc bộ,” Sascha Fligge và Frank Fligge viết trong Echte Liebe, cuốn biên niên sử về sự trở lại của Dortmund trong một thập kỷ qua. “Giả dụ hôm đó đội nâng cúp, ban lãnh đạo của câu lạc bộ sẽ khó xử trong việc sa thải huấn luyện viên Thomas Doll, người mà họ đã không còn tin vào năng lực. Jürgen Klopp có thể đã không bao giờ đến Dortmund.
Lịch sử sẽ rẽ sang một hướng rất khác.” “Trận thua ở Berlin là một phần trong mưu lược dọn đường đón Jürgen Klopp,” Watzke đùa vui. Klopp, một cách tình cờ, đã theo dõi trận đấu ở Berlin trên tư cách bình luận viên cho đài truyền hình quốc gia ZDF và thổ lộ với biên tập viên chương trình Jan Doehling rằng anh muốn “xuống dưới đường biên ấy một ngày nào đó.” Trong khi đó ở khách sạn tại Berlin, các cổ động viên Dortmund tập trung tại sảnh và tỏ tình với anh bằng câu hát “Không ai hay bằng Jürgen Klopp”. Họ muốn anh tiếp quản đội.
Watzke cho rằng ông luôn thấy cá tính của Klopp đủ lớn cho nhiệm vụ hết sức nặng nề này: “Chúng tôi có cảm nhận từ công việc trên truyền hình của cậu ấy rằng cậu ấy có năng lực thực hành một dự án lớn. Chúng tôi không bàn bạc về bất kỳ một huấn luyện viên nào nữa. Chúng tôi chỉ muốn Klopp.” Một cuộc gặp bí mật tại khu văn phòng không xa Mainz của một người bạn Watzke đã bồi thêm sự chắc chắn sau lá đơn xin từ chức của Doll vào ngày 19 tháng 5. “Khi các nhân sự đã về hết, chúng tôi ngồi lại với nhau,” Watzke kể. “Đó là một cuộc trao đổi tuyệt vời. Chúng tôi chia sẻ với cậu ấy tầm nhìn dành cho câu lạc bộ, và nó cũng hợp ý cậu ấy. Michael Zorc đã gặp riêng cậu ấy hôm trước đó. Chúng tôi muốn mỗi người có một nhận định riêng. Bình thường chúng tôi cũng khá hòa hợp, nhưng trong trường hợp này chúng tôi thực sự hợp cạ. Một sự ăn ý rõ ràng ngay tức thì.”
Tuy nhiên, có một sự hòa hợp mang tính nhân tạo nhiều hơn cũng đã thu hút Klopp. Bayer 04 Leverkusen, sở hữu bởi công ty dược phẩm được lấy theo tên, cũng để mắt đến vị huấn luyện viên này. Họ không có sự ăn khách như đội bóng áo Vàng Đen, nhưng thông suốt về vấn đề tiền bạc cũng như sở hữu một đội hình ổn, đồng đều, đủ khả năng cạnh tranh cho suất dự Champions League. “Kloppo ban đầu không muốn đến Dortmund, cậu ấy muốn tới Leverkusen,” Heidel cho hay. “Tôi
khuyên cậu ấy phải đến Dortmund, bởi những cảm xúc ở đó và vài thứ nữa. Cậu ấy đã trao đổi với CEO của Leverkusen, Wolfgang Holzhäuser. Họ không thể đưa ra quyết định… Thế rồi sự quan tâm của Dortmund ngày một cụ thể hơn. Nhưng lúc đầu Klopp không hề chắc chắn.”
Vấn đề thù lao của cậu ấy là một nút thắt khác, Heidel nói thêm, kèm một điệu cười khoái chí. “Một câu chuyện khôi hài. Lời đề nghị đầu tiên của Dortmund thấp hơn mức lương đang nhận của cậu ấy tại Mainz ở 2. Bundesliga . Họ chẳng giàu có gì thời điểm đó. Kloppo sửng sốt: ‘Nghe này, họ trả tôi ít hơn cả mức tôi đang hưởng ở đây’. Tôi trấn an: ‘Đừng lo, tôi sẽ giúp cậu’. Dortmund không tin nổi sự thật là cậu ấy đã kiếm được nhiều như vậy. Watzke gọi lại: ‘Cậu ta đang nhận bao nhiêu ở chỗ ông vậy?’ ‘Rất hậu đấy, cậu ta quan trọng nhất ở đây mà, tôi thà tiết kiệm tiền mua cầu thủ còn hơn,’ tôi bảo ông ấy. ‘Thật không tin nổi,’ Watzke đáp. Và rồi họ đã duyệt nâng lương cho cậu ấy.” Klopp đặt bút ký một bản hợp đồng có thời hạn hai năm tại khách sạn Lennhof ở Dortmund vào buổi sáng thứ Sáu, ngày 23 tháng 5 và ra mắt vào lúc 11 giờ sáng tại sân vận động.
Borussia, trên thực tế, có nhiều hơn những tưởng thưởng về tiền bạc để mang ra đàm phán. Với Josef Schneck, họ đã tuyển được một phát ngôn viên báo chí mà Klopp cực ưa thích. “Lần đầu chúng tôi gặp nhau là vào tháng 4 năm 2004, ở một sự kiện tại Cologne,” Schneck, người đàn ông tuổi giữa lục tuần tốt bụng và vui tính kể lại. Tối hôm đó, Klopp nhận giải thưởng Fair Play từ Hiệp hội Các nhà báo thể thao Đức cho cách anh vực dậy đội bóng sau những màn cán đích đầy tiếc nuối ở hai mùa giải trước đó tại 2. Bundesliga. Matthias Sammer, khi đó đang là huấn luyện viên của Borussia Dortmund, được mời lên đọc diễn văn ca ngợi. “Chúng tôi tới đó với Matthias và Karin, vợ anh ấy, rồi chúng tôi ngồi chung bàn với Klopp,” Schneck hồi tưởng. Đó là
một mẩu giai thoại nhiều cảm xúc, vì rằng Sammer và Klopp trở nên bất hòa ghê gớm vài năm sau đó, trong đỉnh cao của sự kình địch giữa Bayern - Dortmund.
“Tôi cũng biết Jürgen từ những buổi họp báo khi Mainz chơi tại Bundesliga trong giai đoạn 2004 - 2007,” Schneck nói tiếp. “Một lần, Mainz hòa chúng tôi 1-1, tại Dortmund, và tôi đến chúc mừng cậu ấy vì đã giành được một điểm. Cầm hòa tại Dortmund là một thành công đối với Mainz, phải vậy không? Nhưng cậu ấy chỉ nhìn tôi rồi đáp: ‘Chúc mừng các anh nữa.’ Đấy là một Klopp điển hình. Sau khi đến đây, trong vài tuần đầu tại câu lạc bộ, cậu ấy nói đùa Michael Zorc: ‘Tôi chẳng quyết định được chuyện tôi có nên ký với Dortmund hay không. Nhưng tôi biết anh có một phát ngôn viên khá ổn, nên chắc đây không phải là một đội bóng tồi’.”
Thêm nữa, không nhiều đội bóng có thể trông đợi vào sự cổ động cuồng nhiệt như tại Dortmund. Bức tường vàng nổi tiếng của sân Signal Iduna Park, khán đài đứng lớn nhất châu Âu với 25.000 chỗ, thổi bùng lên “ngọn lửa đam mê bóng đá trong tôi”, Klopp nói với các phóng viên trong ngày ra mắt. “Bất cứ ai từng đứng dưới mặt sân này đều biết Bức tường vàng đó là một thứ hơn cả đặc biệt, một trong những điều ấn tượng nhất bạn có thể chứng kiến trong bóng đá. Thật vinh dự cho tôi khi được làm huấn luyện viên của BVB và có thể đưa câu lạc bộ trở lại mạch chiến thắng. Một câu chuyện thật tuyệt. Tôi vô cùng háo hức được bắt tay vào công việc.” “Đó có phải là bước tiến lớn của anh không, từ một Câu lạc bộ hội hè như Mainz đến một trong những ứng viên nặng ký giàu truyền thống của giải?” Ai đó dò hỏi. “Ở Mainz bọn tôi không xỉn từ buổi gala này đến buổi gala khác,” anh mỉm cười. “Chúng tôi lao động bằng kỷ luật thép. Tôi thấy mình đủ hành trang rồi.”
Cả thành phố rộ lên tin đồn rằng một vài nhà tài trợ và công ty tham gia vào quá trình tái cấu trúc khoản nợ của Dortmund mong muốn có một huấn luyện viên trông tinh tế hơn, một tên tuổi lớn hơn với sức hút ở tầm quốc tế.
Klopp, có lẽ nhận thức được những sự nghi ngại đó, đã diện một chiếc áo jacket trong phòng họp báo. Nhưng không có cà vạt. “Một cách kín đáo, lặng lẽ, anh ấy đã tiến hành chỉnh trang tủ đồ của mình trong vài tháng qua,” tờ Frankfurter Allgemeine Sonntags-Zeitung chỉ ra. Phong cách tranh luận gay gắt của anh, tuy vậy, mô phỏng niềm đam mê bóng đá sâu sắc như một trò giải trí cuồng nhiệt ở khu cư dân nghèo, một đặc tính gốc gác và một trải nghiệm gần với tôn giáo.
“Phải không ngừng khiến các cổ động viên hạnh phúc, liên tục chơi những trận đấu với phong cách được định hình,” anh tuyên bố. “Khi những trận đấu tẻ nhạt, họ sẽ mất đi lý trí. Các đội bóng của tôi không bao giờ chơi cờ trên sân. Với cơ hội này, tôi mong chứng kiến một màn bứt phá ngoạn mục. Mặt trời không phải ngày nào cũng tỏa sáng ở Dortmund, nhưng chúng ta có cơ hội để khiến nó rực rỡ thường xuyên hơn.” Freddie Röckenhaus, phóng viên phụ trách BVB của tờ Süddeutsche Zeitung vô cùng ấn tượng với sự lạc quan tràn ngập năng lượng đó. “Nếu Klopp dẫn dắt đội hay như cách ông ấy nói những câu chốt hạ, Dortmund sẽ sớm sẵn sàng cho Champions League,” anh viết. “Ông ấy chỉ cần bốn mươi lăm phút để khiến các cổ động viên BVB chết mê chết mệt với sự lanh lợi và tài hùng biện đầy tính lan tỏa của mình. Nếu có một huấn luyện viên sở hữu tinh thần hòa hợp với lối cuồng bóng đá ở vùng Ruhr, thì đó chính là Klopp.”
Sự háo hức không chỉ giới hạn trong các cổ động viên của Borussia. Trên trang cá nhân của Klopp, một người ẩn danh bày
tỏ sự ủng hộ. “Thật tốt khi cậu đến BVB,” người này viết. “Chẳng phải đội tôi thích nhưng tôi có kha khá cổ phần ở đây. Tôi rất tin và biết cậu có khả năng, nên tôi đang chờ tiền về đó.” Niềm tin của nhà đầu tư này hoàn toàn có cơ sở. Cổ phiếu của Dortmund tăng 132 phần trăm, từ 1,59 euro vào ngày 23 tháng 5 năm 2008 lên 3,70 euro vào ngày Klopp rời câu lạc bộ, tròn bảy năm sau.
4
ĐƯỜNG ĐẾN ANFIELD
2012-2015
M
ười giờ tối ngày 11 tháng 4 năm 2014, Jürgen Klopp hẹn Hans-Joachim Watzke làm vài ly ở khách sạn Park Hilton tại Munich và thông báo rằng anh đã có quyết định của mình. Anh tỏ ra khá kiên định.
Buổi sáng ngày hôm đó, lúc đội bóng lên đường cho chuyến làm khách tại sân Allianz Arena của Bayern, huấn luyện viên của Borussia Dortmund vẫn còn phân vân về tương lai. Anh nhận được một lời đề nghị rất hấp dẫn từ vùng Tây Bắc nước Anh, một cơ hội để tiếp quản và cách mạng hóa một trong những câu lạc bộ lớn nhất thế giới. “Bọn tôi lần đầu bàn về chuyện này ở căn bếp nhà tôi,” Watzke cho hay. “Không đi sâu chi tiết, chỉ đơn thuần là trò chuyện thoải mái. Tôi nghĩ nó tạo ra khác biệt bởi lúc đang trên máy bay cậu ấy bảo chúng tôi cần nói chuyện lại vào buổi tối. Vì có hẹn ăn tối với con gái đang ở Munich, nên tôi chỉ có thể gặp cậu ấy lúc 10 giờ. Cậu ấy nói thẳng: ‘Tôi hết chịu nổi áp lực nữa. Tôi đã từ chối họ rồi’.”
Không lâu trước đó, Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward của Manchester United bay đến Đức để gặp Klopp. Nhiệm kỳ ngắn ngủi của David Moyes tại Old Traord đang đi đến hồi kết, và Klopp chính là mục tiêu ưa thích để thay thế ông, nhằm đưa chất phiêu lưu trở lại các trận đấu của Quỷ Đỏ. Woodward thuyết trình với Klopp về chuyện sân đấu Nhà hát của những
giấc mơ giống như “một phiên bản người lớn của Disneyland”, một thánh địa, như biệt danh đó gợi lên, là nơi chất giải trí trong các buổi diễn đạt đẳng cấp thế giới và là nơi những giấc mơ trở thành hiện thực. Klopp không hoàn toàn bị thuyết phục bởi kiểu chào hàng đó - anh cho rằng nó hơi “thô thiển”, khi kể lại cho một người bạn - nhưng cũng không thẳng thừng gạt đi lời đề nghị. Sau gần sáu năm gắn bó với Dortmund, có lẽ đã đến lúc thích hợp để thay đổi không khí.
Biết được sự quan tâm của Manchester United, Watzke định nhấn mạnh việc Klopp nên tôn trọng hợp đồng vừa được gia hạn đến năm 2018 vào mùa thu năm ngoái. Nhưng nhận thấy chiến lược gia bốn mươi sáu tuổi đang đấu tranh tư tưởng, Watzke thay đổi chiến thuật và chọn phương án mạo hiểm. Nếu Klopp muốn tới Manchester United, ông sẽ không cản đường anh, ông bảo với anh vậy, dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau và mối kết giao lâu năm có được từ công việc đến tình bạn. Sau khi cân nhắc kỹ càng - cả buổi nói chuyện bên bàn bếp nhà Watzke - huấn luyện viên của BVB đi đến kết luận rằng nhiệm vụ của anh tại Signal Iduna Park vẫn chưa hoàn thành.
Manchester United, tuy vậy, vẫn cảm thấy còn cơ hội để lôi kéo anh. Khi Moyes nhận trát sa thải vào ngày 22 tháng 4, Klopp nhanh chóng được xếp làm ứng viên hàng đầu của các nhà cái trong việc kế nhiệm huấn luyện viên người Scotland. Sự đồn đoán không ngớt trên các phương tiện truyền thông tại Anh buộc huấn luyện viên người Swabia phải đăng đàn phát biểu trên tờ Guardian vào ngày hôm sau để dập tắt tin đồn. “Manchester United là một câu lạc bộ vĩ đại và tôi cảm thấy rất thân thuộc với các cổ động viên tuyệt vời của họ,” bài báo dẫn lời, “nhưng sự gắn kết của tôi với Borussia Dortmund và những người ở đây là không thể phá vỡ.”
Klopp tiếp tục thu hút sự chú ý từ Premier League, bất chấp phát biểu trên. Sáu tháng sau khi anh từ chối Woodward, đến lượt kình địch cùng thành phố của United là Manchester City nhảy vào tiếp cận. Cả Tottenham Hotspur cũng muốn có sự phục vụ của anh. Cùng thời điểm đó, Klopp mượn buổi họp báo với BT Sport trước thềm trận đấu của Dortmund với Arsenal tại Champions League để bày tỏ những dự định lâu dài của mình. Khi được hỏi liệu có đến nước Anh khi kết thúc nhiệm kỳ tại Borussia không, anh trả lời dứt khoát. “Đây là quốc gia duy nhất, tôi nghĩ vậy, tôi nên đến làm việc, thật đấy, sau nước Đức,” anh gật gù,“bởi đó là đất nước duy nhất tôi biết chút tiếng. Tôi cần ngôn ngữ cho công việc. Thế nên chúng ta cứ chờ xem. Nếu ai đó hứng thú, chúng ta sẽ cùng bàn bạc.”
Thế rồi có một điềm báo rất xấu, Watzke kể. Dortmund khi đó có lần đầu tiên - và duy nhất - hứng chịu một mùa giải quốc nội tệ hại dưới thời Klopp, và lối thoát đến xứ sương mù bỗng nhiên có nhiều sức hấp dẫn hơn hẳn. Watzke kể: “Mùa giải của chúng tôi coi như đã vứt đi, rồi cảm giác khác lạ ấy xuất hiện… Tôi chắc chắn một điều cậu ấy sẽ không đến nơi nào khác ở nước Đức này sau Borussia, cậu ấy không thể làm vậy. Cậu ấy luôn miệng bảo chưa học được tiếng Anh nhưng tôi khá chắc là cậu ấy đã kịp mài giũa một chút. Tôi quan sát thấy vậy. Hiển nhiên là cậu ấy sẽ đến Premier League. Đó mới là đấu trường dành cho cậu ấy.”
Là tín đồ của chủ nghĩa bóng đá lãng mạn, Klopp từ lâu đã ủng hộ công khai trường phái đích thực, không ranh giới của môn thể thao được chơi ở phía bên kia kênh đào. Ở chuyến tập huấn mùa đông tại Tây Ban Nha khi còn là huấn luyện viên của Mainz vào năm 2007, anh đã đọc ngấu nghiến cuốn Fever Pitch của Nick Hornby (rồi cầm bàn chải đánh răng rượt một con thạch sùng chạy quanh phòng khách sạn trước mặt một nhóm phóng viên truyền hình). Phần lớn cảm hứng cho triết lý bóng đá đầy
cơ bắp, máu lửa của anh, cũng như ý tưởng về việc các đội bóng có thể tận dụng nguồn năng lượng lan tỏa từ một đám đông cuồng nhiệt, đều được hình thành từ quê hương của môn thể thao này. Ở cả Mainz và Dortmund, các cổ động viên hát vang những phiên bản giản thể của bài “You’ll Never Walk Alone”, gợi lên bầu không khí sôi sục lấy cảm hứng từ phong cách cổ vũ truyền thống ở Anh. “Tôi thích kiểu bóng đá mà ở Đức chúng tôi gọi là ‘Englischer Fußball’ - ngày mưa gió, sân bãi lầy lội, mặt mũi ai cũng lấm lem, đá xong về thì khỏi ra sân trong bốn tuần,” anh chia sẻ trên tờ Guardian vào năm 2013. Mùa giải năm đó, tập thể Dortmund trẻ trung của anh đã khuynh đảo giải đấu hàng đầu châu Âu, thi đấu bùng nổ để tiến thẳng đến trận chung kết Champions League. Khi ấy, hình ảnh thường thấy của Klopp là đội một chiếc mũ lưỡi trai có in từ “Pöhler” - phương ngữ vùng Ruhr nói về ai đó chơi bóng đá kiểu cũ,“sáng Chủ Nhật ở trảng cỏ, mọi thứ đều tối giản, nhưng luôn hết mình.”
Gần tròn một năm sau khi Klopp từ chối Manchester United, sự gắn kết của anh với Dortmund rồi cũng trở nên mong manh. Anh tuyên bố sẽ từ chức sau khi mùa giải 2014-15 kết thúc, và để cho chắc chắn, anh còn nói thêm rằng mình không hề có ý định xin nghỉ phép.
Bên trong căn biệt thự mang phong cách tân nghệ thuật tọa lạc tại quận Schwachhausen rợp bóng cây ở Bremen, chuông điện thoại reo liên hồi khi chỉ còn vài tuần nữa là vào mùa giải mới tại Premier League. Khi nhiệm kỳ của Brendan Rodgers tại Aneld trôi về đoạn kết buồn tẻ, lê thê, có vài người đã liên hệ với đại diện của Klopp là Marc Kosicke, hứa hẹn kết nối với Liverpool. Trong số đó, có một tay môi giới người Đức, bảo rằng anh ta khá thân với Kenny Dalglish. Nhưng Kosicke vẫn muốn đợi thêm. Cuối cùng, ai đó dường như là Giám đốc Điều hành Ian Ayre của Liverpool FC gọi đến. Họ hỏi có thể bàn về việc đưa
Klopp đến Aneld được không? Được thôi, Kosicke đáp, và hẹn nói chuyện qua gọi video trên Skype. Sau khi Ayre dập máy, Kosicke tìm vội vài bức hình về vị quan chức Liverpool trước khi gọi lại qua ứng dụng. Chỉ để chắc chắn. Mấy dạng xỏ lá hay vô công rồi nghề giờ nhan nhản.
“Từng dẫn dắt Dortmund rồi thì có thể huấn luyện ở đâu được nhỉ?” Martin Quast, một người bạn từ đầu những năm chín mươi của Klopp, đặt câu hỏi. “Ở Đức, chỉ còn đội tuyển quốc gia là xứng đáng dành cho Kloppo, các nơi khác đều là bước lùi, kể cả Bayern. Kloppo phấn khích bởi những cảm xúc, sự thấu cảm, cách khuấy động bầu không khí, cảm giác được làm một phần của cái gì đó thực sự lớn lao. So với Dortmund, Bayern thực sự không thể mang lại những điều đó. Tôi chỉ có thể hình dung cậu ấy dẫn dắt một câu lạc bộ ở nước ngoài, một đội như Liverpool chẳng hạn.”
Christian Heidel cho hay Klopp chỉ có một hạn chế duy nhất: khả năng nói tiếng Anh. “Chúng tôi đã chuyện trò về vấn đề này trong một khoảng thời gian dài. Cậu ấy hỏi tôi: ‘Tôi có nên học không nhỉ?’ Tôi đáp: ‘Lời nói là vũ khí của cậu, cậu hiểu mà. Cậu phải chắc rằng mình có thể truyền đạt được những vấn đề quan trọng bằng tiếng Anh. Để người khác nói hộ không ăn thua. Lúc ấy cậu chỉ là 70 phần trăm của chính mình thôi. Cậu cần phải chắc chắn.’ Rồi cậu ấy nói: ‘Tôi xử lý được. Tôi sẽ học để giao tiếp được ở trình độ đó.’ Nhờ sáng dạ, cậu ấy đã làm được, rất nhanh chóng. Tôi nghĩ vào thời điểm đó (lúc Liverpool tiếp cận), không câu lạc bộ nào có cơ may mời được cậu ấy. Cậu ấy luôn hướng về phía họ, háo hức bởi khía cạnh đầy xúc cảm của công việc này. Tôi không nghĩ cậu ấy sẽ đến Manchester City hay một câu lạc bộ nào tương tự - dù cho họ thực sự thèm muốn cậu ấy.”
Tên của Klopp lần đầu nổi lên tại Aneld vào mùa xuân năm 2012, khi những người có khả năng kế nhiệm Kenny Dalglish được chỉ đích danh. Một tay môi giới liên lạc với huấn luyện viên của Dortmund nhưng được đáp lại rõ ràng dứt khoát rằng Klopp không có ý định ra đi. Anh đang trên đường giành cú đúp lịch sử cùng câu lạc bộ.
Vào tháng 9 năm 2015, mọi chuyện nhanh chóng trở nên hệ trọng hơn nhiều. Chuỗi trận đầu mùa tệ hại của Brendan Rodgers thúc giục tập đoàn Fenway Sports Group (FSG) có trụ sở tại Boston, chủ sở hữu của Liverpool, lùng sục thị trường chuyển nhượng để tìm một huấn luyện viên mới. “Chúng tôi nhắm đến người đã có trải nghiệm và thành công ở đẳng cấp cao nhất,” Chủ tịch của FSG Mike Gordon, năm mươi hai tuổi, lý giải. “Jürgen làm được điều này ở phạm vi trong nước, hiển nhiên là ở Bundesliga. Cậu ấy thực sự vươn tới tầm đó, ngoài ra cũng có một hay hai lần gì đó gây bất ngờ, ở Champions League. Hồ sơ năng lực của cậu ấy thuộc nhóm những huấn luyện viên giỏi nhất, nếu không muốn nói là nổi trội hơn tất cả. Chúng tôi thích thứ bóng đá cậu ấy vận hành. Cả sự tích cực di chuyển lẫn điểm nhấn trong lối chơi tấn công: kiểu chơi bóng với cường độ lớn, công suất cao đi kèm sự lôi cuốn. Từ cảm nhận về bóng đá, quyết định được đưa ra khá dễ dàng và nhanh gọn.”
Dù có “những căn cứ rõ ràng để ủng hộ” Klopp, như Gordon nói, người đứng đầu FSG đại diện cho Liverpool vẫn tiến hành thẩm tra về huấn luyện viên người Đức để xem liệu những tung hô có đúng như thực tế hay không. “Tôi cố gạt sự nổi tiếng trong giới bóng đá và sự lôi cuốn của cậu ấy sang một bên, để có một phân tích khách quan,” theo lời nhà cựu quản lý quỹ phòng hộ từng khởi nghiệp từ thuở bé bằng cách bán bắp rang bơ ở các trận đấu bóng chày. “Tôi thực hiện vô số khảo sát với những người làm việc trong câu lạc bộ, để xác định xem cậu ấy được nhìn nhận
như thế nào, hoàn toàn dựa theo cảm quan về phân tích và bóng đá. Cách tiến hành khá giống với quy trình bạn trải qua ở các ngành nghề đầu tư trước khi đảm nhận một vị trí quan trọng. Thật vui khi nói rằng - điều này là hiển nhiên ở hiện tại - dù danh tiếng của cậu ấy được biết đến rộng rãi và được trọng vọng trong giới, kết quả khảo sát thực ra còn thú vị và có sức thuyết phục hơn thế.”
Khảo sát của Gordon tập trung vào việc Klopp có “tầm ảnh hưởng tích cực không thể bàn cãi, theo cách có thể định lượng, so với kỳ vọng ban đầu” trong thời gian ở Mainz và Dortmund. Nói đơn giản hơn, huấn luyện viên người gốc Swabia đã thể hiện vượt chuẩn. Sức hút này đối với Liverpool, đội có chiến lược dựa trên việc tận dụng các nguồn lực khôn khéo hơn, so với một số đối thủ nhỉnh hơn về tiềm lực tài chính tại Premier League, đã quá rõ ràng. “Ở cảm nhận về bóng đá, mọi chuyện khá suôn sẻ,” Gordon cho hay. “Nhưng tất nhiên, tôi chưa rõ triết lý và cá tính của đội bóng với Jürgen liệu có hợp nhau không. Nhất định phải có một điểm chung. Chúng tôi cũng cần biết Jürgen có muốn chỉ đạo các hoạt động và dự án bóng đá của Liverpool hay không. Đó là những mảng rất quan trọng cần được xác định rõ.”
Một buổi gặp mặt được lên lịch vào ngày mùng 1 tháng 10 tại New York. Dù vậy, nỗ lực giữ bí mật của Klopp và Kosicke vấp phải khởi đầu tệ hại. Trong sảnh chờ của hãng Lufthansa tại sân bay Munich, một nhân viên tiến tới hỏi thăm Klopp - chiếc mũ lưỡi trai không giúp anh ngụy trang được nhiều - về lý do anh bay đến JFK. “Bọn tôi đi xem bóng rổ thôi,” anh trả lời. Một màn đối đáp dẻo quẹo, chỉ có điều giải NBA trên thực tế phải bốn tuần nữa mới khởi tranh.
Một giờ sau khi đáp xuống Manhattan, bộ đôi người Đức lại bị phát hiện lần nữa. Như số mệnh sắp đặp, anh chàng lễ tân ở
khách sạn The Plaza nằm trên Đại lộ thứ 5 cũng đến từ quê hương ưa chuộng bóng đá của vị huấn luyện viên. “Ôi trời ơi, Kloppo!” Anh ta la lên bằng giọng Mainz đặc sệt. Nhưng bằng cách nào đó, thông tin về chuyến đi lén lút này chưa bao giờ bị lộ ra ngoài.
Chủ sở hữu chính của FSG John W. Henry, Chủ tịch LFC Tom Werner, và Gordon gặp Klopp cùng người đại diện của anh tại văn phòng của công ty luật Shearman & Sterling trên Đại lộ Lexington, cách khách sạn vài khu nhà về hướng đông. “Ấn tượng đầu tiên của tôi là cậu ấy rất cao. Còn tôi thì không,” Gordon cười lớn. “Lúc đó đã rất muộn nhưng chúng tôi vẫn bắt đầu buổi nói chuyện vô cùng dài dòng và nghiêm túc này, và rồi chúng tôi phải hoãn sang ngày hôm sau để tiếp tục. Tôi muốn nhấn mạnh một điều: đây thực sự là những trao đổi hai chiều. Về việc Jürgen phù hợp với Liverpool FC, và Liverpool FC - là chúng tôi trên tư cách chủ sở hữu - thích hợp với Jürgen.” Sự lôi cuốn của Klopp, dù bị nghi ngờ, cũng tầm cỡ như danh tiếng mà anh sở hữu. “Cậu ấy biết cách sử dụng kỹ năng mềm, và rất giỏi trong việc kết nối với mọi người, để truyền tải thông điệp,” nhưng điều gây ấn tượng hơn cả với Gordon nằm ở “tầm vóc vĩ đại” ông cảm nhận được đằng sau nụ cười và cá tính ngoại cỡ đó. “Không đơn giản chỉ là: ‘Này, gã đó thực sự có duyên, hắn sẽ rất có ích trong các buổi họp báo và làm đại diện cho câu lạc bộ.’ Rất nhanh chóng, những gì vô tình lướt qua tôi là quãng năng lực cực rộng của cậu ấy: không chỉ ở khía cạnh tính cách, mà còn ở tầm hiểu biết, đầu óc phân tích, tư duy lô-gíc, sự rành mạch và chân thực, cùng khả năng giao tiếp hiệu quả dù tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của cậu ấy. Về mảng này tôi thấy không phải lúc nào cậu ấy cũng được nhìn nhận đầy đủ bởi người ta quá mê vẻ bề ngoài của cậu ấy rồi.”
Klopp chia sẻ với những người điều hành FSG về việc bóng đá thực ra “còn hơn cả một hệ thống”, bóng đá cũng là “cơn mưa, những cú bay người ngăn chặn, sự huyên náo trong sân vận động.” Quan trọng nhất, anh nhấn mạnh, các cổ động viên tại Aneld cần phải được “kích hoạt” bởi phong cách chơi bóng, từ đó thôi thúc đội bóng và ngược lại trong một vòng tuần hoàn tự khuếch đại của sự phấn khích.
Gordon: “Thật khó để tìm ra bất kỳ thiếu sót gì bằng bất cứ cách nào bởi đó là sự thật hoàn toàn. Điều tôi đang nói là: Rõ ràng Jürgen, một huấn luyện viên bóng đá, thực sự ở cùng đẳng cấp với một lãnh đạo tập đoàn hoặc ai đó bạn sẽ chọn để điều hành công ty của mình. Tôi nói điều này với tư cách một nhà đầu tư đã có hai mươi năm kinh nghiệm, từng giao dịch với một số CEO và lãnh đạo hàng đầu trong giới kinh doanh tại Mỹ và châu Âu. Ở thời điểm đó với tôi hiển nhiên cậu ấy là người phù hợp. Rồi khi chúng tôi quyết định bàn đến các con số thì Jürgen xin phép ra ngoài.”
Trong khi Kosicke tiếp tục đàm phán về mức thù lao, Klopp dạo bộ quanh Công viên Trung tâm. Màn đi dạo của anh kéo dài hơn mong đợi. Ban đầu đôi bên khá xa cách, về vấn đề tiền bạc, nhưng cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận sơ bộ.
Sau khi Klopp trở về Đức, Gordon nhắn tin cho anh. “Bọn tôi háo hức không tả được,” tin nhắn viết. Đáp lại, Klopp tạ lỗi anh cũng không tìm được ngôn từ nào phù hợp. Nhưng anh biết rõ có một từ gói gọn được cảm xúc của mình: “Ôiiiiiiiiiiiiii!!!!!”
5
TRẬN ĐẤU CỦA NGƯỜI CHA M
ùa hè năm 1940, niên học kết thúc với Norbert Klopp. Cha ông, Karl, người làm thuê mùa vụ ở những trang trại và đồn điền nho quanh thị trấn Kirn ở bang Rhineland
Palatinate, muốn cậu nhóc sáu tuổi - đứa con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con - tham gia làm việc cùng.
Công việc chăm sóc những cánh đồng màu mỡ ở mạn Tây nam giúp gia đình Klopp sống sót qua những năm tháng đen tối nhất của nước Đức. Đội bóng đá nổi tiếng nhất vùng, 1. FC Kaiserslautern, cũng dựa vào sản vật địa phương làm nguồn sống, cho đến khi thời thế sáng sủa trở lại vào năm 1945. Quỷ Đỏ có trong hàng ngũ một siêu sao là tù nhân chiến tranh mới được phóng thích Fritz Walter, chơi cả tá trận giao hữu với các đội bóng cấp làng để đổi lấy khoai tây và hành.
Norbert Klopp muốn làm cầu thủ bóng đá. Ai mà lại không chứ? Ông cao vọt lên tới 1,91 mét từ thời thiếu niên, và trở thành một người gác đền mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Ông đầu quân cho đội bóng địa phương VfR Kirn, một trong những câu lạc bộ hay nhất vùng, rồi tài năng chớm nở của ông ấn tượng đến mức được Kaiserslautern mời đến thử việc vào năm 1952. “Anh kinh ngạc luôn,” chàng trai mười tám tuổi sau đó kể với người em thân thiết của gia đình Ulrich Rath,“anh ở trên sân cùng toàn cầu thủ huyền thoại…” Lautern có dòng dõi hoàng gia. Họ giành cúp ở giải vô địch quốc gia Đức mùa trước và lên ngôi lần nữa
vào năm 1953. Bốn cầu thủ của họ - Fritz Walter, Ottmar Walter, Werner Liebrich và Werner Kohlmeyer - tiếp tục giương cao Cúp Thế giới tại Berne vào năm 1954.
Tuy nhiên, Klopp, với tất cả tài năng mình có, hoàn toàn không ở cùng đẳng cấp với họ. Trở lại VfR Kirn, đội đã giành được suất lên chơi ở giải hạng Nhất, khi đối mặt với những đối thủ như Lautern và Mainz 05, ông đã không thể qua mặt được Alfred Hetteisch, vị trí số một trong khung gỗ. Là thủ môn dự bị của Kirn, Klopp được cấp ngắn hạn chức danh mới là Vertragsamateur (cầu thủ nghiệp dư theo hợp đồng) - danh từ dùng để chỉ các đặc tính chuyên nghiệp chưa được thừa nhận trên danh nghĩa ở Tây Đức. Nhưng mức lương hằng tháng chỉ khoảng 40 DM đến 75 DM khiến các cầu thủ trông chờ nhiều vào tiền thưởng từ điểm số mà đội giành được (từ 10 DM đến 40 DM). Klopp ít có cơ hội ăn chia những khoản này: các trận đấu lúc đó chưa cho phép thay người, nên ông chẳng bao giờ lọt được vào danh sách ra sân của đội một. Ông tiếp tục ở lại đội dự bị đá cùng các đội nghiệp dư khác, với mục đích giải trí.
Karl Klopp bắt cậu con trai làm một “công việc chính thống”. Norbert bắt đầu học nghề ở Müller & Meirer, một xưởng chế tác những món đồ da nhỏ. Khoảng một nửa dân số Kirn, 5.000 người, làm trong ngành công nghiệp thuộc da và đồ da vào đầu những năm 1950, khi kỳ tích của nền kinh tế Đức kéo mức sống đi lên một cách chóng mặt. “Một nghệ nhân đồ da kiếm được từ 250 DM đến 300 DM một tháng, vào lúc ấy, đó là một công việc ổn,” theo lời cụ Horst Dietz, nay đã tám mươi tuổi, làm cùng bộ phận với Norbert Klopp, ngồi sau ông một dãy. Một dãy gồm ba người: một người học nghề, một “máy dán” (thường là một cô gái trẻ) và một nghệ nhân, mỗi phòng có khoảng hai mươi dãy, ông chủ đứng giám sát đằng trước. Đây là dạng công việc khoán sản phẩm: một dãy làm tối đa 100 cái ví hoặc món gì đó tương
tự trong một ngày, làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có một giờ nghỉ trưa.
Căn gác xép trong nhà của Dietz ở Kirn giống một quán rượu thể thao. Vài chiếc áo đấu và một số chiếc cúp từ thời ông còn chơi cho VfR Kirn được đóng khung treo thành hàng trên tường, một tấm ảnh ông chụp cùng Franz Beckenbauer, màn hình cỡ lớn để xem trực tiếp bóng đá và có cả một quầy bar. Thời trẻ ông từng sống ở vùng ngoại ô, còn gia đình Klopp ở trong khu trung tâm thị trấn. Norbert thường mời ông về nhà dùng bữa trưa vào những ngày làm việc trong tuần. “Với tôi, ông ấy giống như một người anh cả. Nhà Klopp rất nổi tiếng, nhưng họ sống một cuộc đời bình dị,” Dietz chia sẻ. “Làm việc chăm chỉ là một trong những nguyên tắc của họ.” Nếu cuối ca làm vẫn còn sản phẩm chưa hoàn thiện thì chắc chắc chúng sẽ được mang về nhà làm nốt. “Bọn tôi cố nhờ các bà nội ngoại làm hộ, bởi ở tầm mười bốn, mười lăm tuổi, bọn tôi khoái lũ con gái và thích ra ngoài chơi vào buổi tối,” ông cười. Không như Klopp, người hơn mình ba tuổi, ông lọt vào đội hình đá chính của Kirn ở vị trí tiền đạo, chơi vài năm ở giải hạng Hai trước khi nhận một công việc ở Coca-Cola. “Norbert cực kỳ tham vọng, ông ấy luôn muốn vươn đến đỉnh cao nhất,” Dietz hồi tưởng. “Ông ấy chẳng biết sợ là gì, không chỉ trong việc chơi thể thao. Một anh chàng đi bất cứ đâu cũng ngay lập tức chiếm diễn đàn. Ông ấy tràn đầy năng lượng và sự duyên dáng. Một gã sát gái, có thể nói vậy. Chúng tôi thường dành cả ngày để nói về bóng đá.”
Vào năm 1959, Norbert Klopp chuyển nhà xuống phía Nam, đến thị trấn Dornhan bên trong vùng Rừng Đen, để làm việc tại nhà máy sản xuất đồ da hiệu Sola gần đó. Ông gia nhập TSF Dornhan với tư cách cầu thủ kiêm huấn luyện viên, đá nhiều vị trí khác nhau. Những cú sút từ rìa vòng cấm của ông cực kỳ đáng sợ, theo lời Rath. Người đàn ông vừa bước sang tuổi thất tuần - với
mái tóc chải mượt màu xám, đôi mắt sáng - từng là một cầu thủ bóng đá đầy hứa hẹn thời còn trẻ, đá cho đội bóng của vùng Württemberg trước khi bị ba chấn thương chân hủy hoại sự nghiệp. Ông hiện giờ là chủ tịch danh dự của SV Glatten.
Tại một đám cưới ở Dornhan - “thời đó cưới xin là việc chung, chẳng cần phải được mời,” Dietz cho hay - Norbert Klopp gặp Elisabeth “Lisbeth” Reich. Con gái ông chủ nhà máy bia được xem là “một mối tốt”, Dietz nói thêm. Sau khi lấy nhau vào mùa thu năm 1960, Norbert Klopp về giúp việc ở công ty gia đình Schwanen-Bräu, điều hành bởi mẹ vợ, bà Helene Reich. Cha của Elisabeth trở về sau chiến tranh với một mảnh đạn trong đầu và qua đời không lâu sau đó. Vai trò của Klopp ở Schwanen-Bräu bao gồm cả công việc của một Festzeltmeister - người đảm nhiệm dựng lều bia trong các lễ hội. Eugen, em trai của Elisabeth, tiếp quản việc kinh doanh cho tới khi công ty giải thể vào năm 1992.
Trong những năm đầu tuổi ba mươi, Klopp đi học lại để theo nghề thương gia, bằng việc tham gia những lớp buổi tối gần Freudenstadt. Công việc mới của ông, nhân viên kinh doanh cho hãng Fisher, nhà cung cấp các phương án liên kết trong xây dựng, buộc ông phải di chuyển khắp miền Nam nước Đức trong suốt cả tuần. Cao lớn, hoạt ngôn và bảnh trai, Klopp như được “sinh ra để làm người bán hàng”, Rath kể. “Cậu ấy dễ chịu, quảng giao. Một gã mua vui thứ thiệt có thể kể những câu chuyện hay nhất. Cậu ấy có thể nói thổ ngữ Swabia với người bên phải và dùng tiếng Đức phổ thông với người bên trái.” Chồng bà, theo lời Elisabeth - mẹ của Jürgen Klopp, là một nhà hùng biện bẩm sinh: “Ông ấy cứ thế nói thôi.” “Một nhà vô địch, về khoản ăn nói,” là cách Isolde Reich miêu tả về cha cô.
Cha của Martin Quast, người cũng sinh trưởng ở Kirn, chơi thân với Norbert Klopp. Họ cùng chơi bóng ném trên sân cỏ. “Ông ấy kể với tôi, Norbert luôn là tâm điểm của mọi chuyện. ‘Ở đâu có Norbert, ở đó có tiếng cười.’ Bất kỳ ai có chút quan tâm đến thể thao ở Kirn đều biết và thích cậu ấy. Nghe quen quen, phải không?”
Norbert Klopp là người vô cùng khắt khe về ngoại hình. “Buổi sáng ông dùng phòng tắm còn lâu hơn ba phụ nữ chúng tôi cộng lại,” Isolde cười. “Ông lúc nào trông cũng bảnh. Quần chạy bộ chỉ hợp để chơi thể thao chứ mặc trong nhà là không thể chấp nhận được. Mặc bên ngoài thì càng không bao giờ!” Một ngày nọ, cô nhớ lại, Norbert chở một cậu con rể cùng một người bạn đến xem Jürgen đá cho Mainz 05. Ông diện một chiếc áo sơ mi trắng, kèm cà vạt và một chiếc áo len chui đầu cổ chữ V màu vàng,“trông hơi giống Hans-Dietrich Genscher (Bộ trưởng Ngoại giao Đức lúc bấy giờ)”. Lúc họ dừng ở một trạm sửa xe, Norbert vồ lấy cơ hội để lên lớp kiểu ăn mặc tuềnh toàng đáng phê phán của những người đi cùng về “cách chọn trang phục chuẩn đi xem bóng đá ở Mainz”. Kể cả trong lễ hội, quy tắc ăn mặc cũng bị ép buộc khắt khe: cả nhà sẽ phải trông như hề, riêng Jürgen ngồi xe kéo kiểu con nít. Klopp cha tự ủi áo sơ mi và tự tay cắt tóc cho lũ trẻ. Lông mày của cậu con trai ông biến thành ranh giới tự nhiên ngăn không cho bất kỳ sợi tóc nào được phép lấn qua. Chuyện râu ria cũng tuyệt đối cấm. “Norbert lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, còn Jürgen đôi khi lẫn lộn giữa trang phục thường ngày và đồ thể thao,” Rath cho hay. Một trong những việc đầu tiên em trai cô làm trong lúc dọn đồ chuyển ra ngoài là “vứt hết máy cạo râu và lược”, Isolde kể thêm.
Với Norbert, điều quan trọng là các con ông được chứng kiến những sự kiện mang tính lịch sử, ví như việc loài người đặt chân lên Mặt trăng hoặc những lần thượng đài của Muhammad
Ali. Cả nhà quây quần trước một cái ti vi nhỏ màn hình đen trắng trong phòng khách, cố thủ bằng trà và bánh mỳ kẹp. Nếu có đứa nào ngủ gật, Norbert sẽ đánh thức chúng bằng một cú thọc vào mạng sườn.
Chỉ trong vài năm sau khi chuyển đến Glatten, Norbert Klopp trở thành một trong những vận động viên thể thao quan trọng nhất của thị trấn. Ông chơi cho đội trung niên của SV Glatten cho tới năm bốn mươi tuổi (trong khi lũ con lượm ve chai bên đường biên để kiếm vài đồng Pfennige), dẫn dắt đội một trong một mùa giải rồi đảm nhiệm một chân trong ban lãnh đạo. Khi đôi chân đã mỏi, niềm say mê chơi quần vợt của ông lớn dần. Norbert đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập mảng quần vợt của SV Glatten, cùng dự án xây dựng một sân đất nện. Ban đầu câu lạc bộ thuê một sân bê tông trong một khu mỏ đá cũ ở Dornhan sau khi Klopp trả cho tay chủ khó tính 50 DM để người Glatten được vào sử dụng. Vào mùa đông, ông đi trượt tuyết cùng Ulrich Rath. Isolde được đặt theo tên của chị gái Rath.
Thứ Bảy hằng tuần, trong niềm hân hoan chào đón người cha trở về, nhà cửa được lau dọn sạch sẽ. Jürgen bé bỏng, dù vậy, nỗ lực đến cùng để thoái thác việc nhà, thuyết phục hai cô chị rằng mình phải học bài. “Trên thực tế, nó nằm ườn trên giường, cắm mặt vào quyển sách,” Isolde cho hay. Trò ranh ma của thằng bé khiến cô liên tưởng đến Emil i Lönneberga, cậu nhóc nghịch như quỷ với mái tóc vàng hoe và đôi mắt xanh nước biển trong cuốn sách dành cho trẻ em của Astrid Lindgren.
Bức ảnh ngày đầu tiên đến trường chụp cậu bé với một cái đầu gối băng bó. Cậu cắm đầu cắm cổ chạy ra khỏi nhà, tay cầm phong kẹo hình ốc quế truyền thống, rồi vấp chân ngã nhào. “Con thấy chưa,” cha cậu trách móc nhẹ nhàng, “nếu con không
chạy nhanh như thế thì đã không có miếng băng keo trên ảnh.” Một lần khác, cậu ngã khỏi cái ghế xoay, rách một bên mí mắt, rồi đâm sầm vào một chiếc xe máy, sứt một mảng ở mũi.
“Jürgen chào đời là khoảnh khắc trọng đại dành cho Norbert,” Rath kể. “Cậu ấy cuối cùng đã có một người thực sự để chia sẻ niềm đam mê thể thao.” Áp lực phải giỏi thể thao đặt lên hai cô chị biến mất gần như ngay lập tức sau khi Jürgen ra đời. Họ được cho phép dành thời gian cho những sở thích riêng, như múa ballet hay âm nhạc. Elisabeth, một bà mẹ điềm đạm, yêu thương con cái, quyết định hướng những đứa trẻ theo đạo Tin lành giống bà (trong khi Norbert theo đạo Thiên chúa), đã phải rất vất vả trong việc quen với tất cả hoạt động của các con.
Norbert là người chỉ dẫn cá nhân cho con trai mình ở các môn bóng đá, quần vợt và trượt tuyết, và ông truyền đạt bằng cách đưa anh vào một phương pháp cạnh tranh khốc liệt. “Sáng sớm, dù mưa hay nắng, ông bắt tôi có mặt ở đường biên trên sân tập, để tôi chạy trước một đoạn rồi mới bắt đầu chạy, sau đó vượt luôn tôi,” Jürgen Klopp kể trên tờ Abendblatt vào năm 2009. “Còn lâu mới vui.” Bài tập lặp đi lặp lại, tuần này qua tuần khác, cho tới khi Klopp vượt được cha mình. Norbert cũng đăng ký anh vào câu lạc bộ điền kinh, để cải thiện tốc độ. Thêm nữa, Jürgen cũng phải dành hàng giờ tập đánh đầu, giống hệt những gì Isolde hứng chịu trước đó.
Lên sáu tuổi, anh gia nhập đội trẻ “E” (đội U-11) của SV Glatten, mới được thành lập bởi huấn luyện viên Ulrich Rath vào năm 1973. Ở trận đấu đầu tiên, Jürgen dính một cú tắc bóng và ngã lộn nhào, dẫn đến gãy xương quai xanh. “Ngay tuần sau đó cậu ấy đã trở lại, cánh tay nằm trong băng đeo, thèm thuồng dõi theo các đồng đội từ đường biên và chạy đi nhặt mấy quả bóng
bay ra ngoài, chỉ để được đóng góp theo một cách nào đó,” Rath kể. “Chỉ vậy thôi để thấy cậu ấy đam mê điều gì.”
Rath dẫn vị khách bước xuống dưới một vài bậc thang, đi sâu hơn vào lịch sử địa phương. Tầng hầm là một chốn linh thiêng với tất cả những gì liên quan đến SV Glatten. Tất nhiên, đội bóng của những người trẻ bao gồm hai cậu con trai của ông và Jürgen Klopp - cậu ấm của vùng Glatten, là niềm tự hào của cả thị trấn. Rath vẫn thấy khó chịu khi truyền thông bảo Klopp là một Stuttgarter: “Cậu ấy chỉ ở đó trong một tuần, vài ngày đầu sau sinh thôi!” Ông lắc đầu và lấy ra một bức ảnh. Đó là tất cả bọn họ năm chín tuổi, ăn mừng chức vô địch một giải đấu khu vực diễn ra trong ngày lễ Pngsten, Pentecost. Klopp, tiền đạo của đội, sau này nói đùa rằng đó chính là danh hiệu đầu tiên anh giành được với tư cách một cầu thủ bóng đá. Kể từ đó hàng trăm cầu thủ phong trào đã giành danh hiệu kia của Klopp, nhưng chỉ vài người trong số họ biết chuyện này. Đó là ý tưởng của Norbert Klopp, Rath nhớ lại, về việc tạo ra một giải thưởng cho đội vô địch giải mở rộng đầu tiên của Glatten vào năm 1977: ông lấy một chiếc giày đá bóng của cậu con trai, phun sơn màu vàng, rồi gắn lên một cái hộp gỗ.
Cùng năm đó, đội U-11 Stuttgarter Kickers đến Glatten đá giao hữu. Các cậu bé đến từ thủ phủ của vùng Baden-Württemberg mang theo lều và ngủ lại trong một khu rừng gần đó, ăn thịt heo được nướng trực tiếp trên lửa hồng. Chuyến đi này còn đáng nhớ ở màn chèo xuồng vượt thác Gumpen, nơi gặp nhau của hai con sông Glatt và Lauter. Rất nhiều cầu thủ Kickers rơi xuống nước, trong số đó có một người sau này là nhà vô địch Cúp châu Âu. Robert Prosinečki, tiền vệ kiến thiết tương lai của Red Star Belgrade và đội tuyển Nam Tư cũ/Croatia, đang chơi cho đội của những người Swabia nhưng sau đó bị đánh giá không đủ giỏi. Cậu trở lại Zagreb hai năm sau đó, ở tuổi lên mười.
Jürgen, như hầu hết các cậu bé khác trong vùng, hâm mộ những đối thủ lớn mạnh và thành công hơn Kickers, với cậu là VfB Stuttgart. Thử việc ở đội trẻ không thành, cậu vẫn được cho một bộ quần áo tập màu đỏ, và thường hãnh diện khoác lên mình cho tới một ngày Stefanie vô tình làm hỏng bộ đồ với một cái bàn ủi nóng. Như để đền bù cho nỗi mất mát đó, bà nội Anna đã khéo léo đan cho cháu trai một cái áo len chui đầu màu trắng với dải ngang màu đỏ và số “4” sau lưng - đó là số áo của cầu thủ mà Klopp yêu thích nhất: tuyển thủ Tây Đức Karl-Heinz Förster. Lần nào đến sân Neckarstadion với bạn bè và gia đình cậu bé cũng mặc nó.
Klopp ngưỡng mộ sự điềm tĩnh dưới áp lực và tinh thần cống hiến hết mình của trung vệ sở hữu lối chơi quyết liệt. “Sau mới biết bọn tôi có chung thần tượng,” Martin Quast chia sẻ. “Förster, một cầu thủ có tầm nhìn chiến lược; và Boris Becker, một tay vợt thi đấu dựa vào động lực và cảm xúc. Có lần Klopp bảo tôi anh ấy sẽ làm một cổ động viên cuồng nhiệt trên khán đài nếu việc chơi bóng không đi đến đâu, và với anh ấy dải màu đỏ kia đã khắc sâu vào tim.” Tình yêu của anh dành cho VfB có lẽ đã nguội lạnh đi đôi chút trong những năm sau này. Ulrich Rath rơm rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc Klopp, khi đó là huấn luyện viên của Mainz 05, len lỏi qua đám nhân viên bảo vệ độc đoán rồi nhảy qua một tấm biển quảng cáo trên sân vận động của Stuttgart để tìm nhóm bạn cũ đến từ Glatten, đang ngồi ở khu Untertürckheimer Kurve. “Tôi nói với cậu ấy,‘Jürgen, tôi đang khó xử đây, vì trong ngực tôi đang có hai trái tim cùng đập. Một cho VfB, một cho cậu.’ Cậu ấy đáp: ‘Ulrich, không thể nào. Mỗi người chỉ có một trái tim thôi - còn trái tim bác đang dành cho cháu.’ Chúng tôi cùng phá lên cười nhưng tôi nghĩ cậu ấy rất nghiêm túc.”
Norbert Klopp nằm trong số những ông bố dạy bóng đá hiếm khi kìm nén được cảm xúc khi ở bên ngoài đường biên. “Jürgen có khí chất của cha và sự điềm tĩnh của mẹ,” Isolde Reich cho hay. Anh cảm nhận sâu sắc nhất uy lực trong mức tiêu chuẩn kiên định, đòi hỏi nhiều nỗ lực của cha mình khi nói đến những môn đối kháng cá nhân. Những màn đấu trí giữa hai cha con Klopp đều là những trận đấu một chiều khổ sở, khi Norbert quyết không chịu mất dù chỉ một điểm. Jürgen chán nản, thậm chí tức giận, cảm thấy bị hạ nhục bởi ông bố không thể hoặc không muốn buông ra bất kỳ lời động viên nào. Những buổi tập sớm này tuy không vui vẻ gì, nhưng Klopp cha xem đây là nhiệm vụ cần thiết trong việc rèn luyện thể thao cho Jürgen. Sau đó họ từng kết hợp thành một cặp đánh đôi đại diện cho câu lạc bộ quần vợt Glatten. Cha anh quá ám ảnh việc thắng thua đến mức ông từ chối rời sân dù đang bị say nắng trầm trọng. Klopp con đã chủ động dừng trận đấu để đưa ông đi nghỉ.
Trên đường trượt tuyết, Norbert cứ thế cắm đầu lao xuống, bắt cậu con trai đuổi theo mình. Người Swabia có một câu danh ngôn “Nix gschwätzt isch Lob gnuag” - Im lặng là tán dương. Norbert Klopp là hiện thân sống động cho câu này. “Đó là cách ông bắt tôi phải thể hiện mình,” Klopp chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Tagesspiegel. “Khi tôi chạy và làm động tác bước cao, ông bảo chưa đủ cao, vẫn còn thiếu một đoạn bằng cả tờ giấy nữa! Ông không nói hẳn ra thông điệp. Phương pháp của ông khá dễ hiểu, tôi luận ra được ngay.” Klopp phải học cách “hiểu những ẩn ý” để tìm ra dấu vết của sự hài lòng nơi người cha, anh nói thêm; cách phê phán không chút gợn đã bưng bít hết sự công nhận. “Khi tôi ghi bốn bàn, ông chê tôi bỏ lỡ bảy cơ hội, hoặc chỉ ra một đồng đội của tôi đá hay như thế nào. Dẫu sao, tôi biết trong thâm tâm ông rất tự hào về tôi.”
Được làm gì tùy thích sau giờ học, Klopp chọn đá thêm vài trận bóng với hai cậu con trai của Rath là Hartmut và Ingo. Bãi cỏ nào cũng biến thành sân bóng, tối đến Klopp tiếp tục chơi bóng trong phòng khách, ném mình trên chiếc đi-văng để cản phá những cú sút, hoặc bắn phá một khung thành nhỏ mà Norbert dựng lên hộ. “Nhà lúc nào cũng đầy trẻ con. Mẹ chúng tôi làm hư Jürgen. Thằng bé muốn làm gì cũng được miễn nó vui,” cô chị Isolde cho hay. Vài tấm kính cửa tủ đã phải ra đi trước khi trái bóng da được thay bằng một trái bóng làm từ xốp. “Cậu ấy đá và đá cho đến lúc kiệt sức lăn ra ngủ dưới gầm bàn ăn.” Ulrich Rath cười lớn.
Trong nhà thi đấu của thị trấn, những tấm bạt màu xanh da trời được trưng dụng làm hai bên cầu môn thay cho khung thành thật. Rath đưa vào một hoạt động có tên gọi “giờ vận động” diễn ra hằng tuần dành cho những cậu bé trong độ tuổi 7x. “Chúng tôi chỉ định tập thể dục nhưng lũ nhóc luôn đòi đá bóng,” ông kể. Jürgen Klopp, biệt danh Klopple (Klopp bé), thường được cử đi xin xỏ thầy Herr Rath thay cho lũ bạn. “Jürgen là một tay chơi quần vợt cừ, nhưng trong tâm trí cậu ấy luôn là một cầu thủ bóng đá. Cậu ấy nhanh nhẹn, nhiệt huyết và bùng nổ. Cậu ấy phải là người kết thúc mọi cơ hội, kể cả nếu có một hay hai lần đưa bóng đi ra ngoài hoặc bay vọt xà. Chơi đầu là sở trường của cậu ấy. Có vài trận, tôi xếp cậu ấy đá trung vệ quét nhưng đó không phải là vị trí dành cho cậu ấy. Xu hướng của cậu ấy là tấn công.”
“Ký ức đó thật vô cùng đẹp đẽ,” Klopp nói trên đài SWR vào năm 2005. “Chỉ có năm hay sáu cậu bé cùng tuổi với tôi ở ngôi làng nhỏ đó, và chúng tôi vừa là một đội bóng, vừa là một nhóm quần vợt và một tổ trượt tuyết. Thật tuyệt vời, tôi đã trải qua một tuổi thơ thú vị.”
Jürgen thấy việc đi học thật dễ dàng. Ít nhất là theo nghĩa đen. Từ nhà, cậu chỉ phải băng qua một con phố để đến trường tiểu học Glatten. Vào năm lớp ba và bốn, cậu và hai anh em nhà Rath bắt xe buýt đi về phía nam đến làng Neuneck. Người ta đồn rằng thời gian này ở đó có một nhà thổ bất hợp pháp hoạt động kín đáo phía sau một quán rượu. Tuy nhiên mọi nỗ lực của đám nam sinh hiếu kỳ nhằm tìm ra nơi chứa chấp thứ tệ nạn này đều không mang lại kết quả.
“Jürgen không phải mẫu người 100 phần trăm đúng hẹn, nhưng bạn có thể đặt vào cậu ấy 1000 phần trăm tin cậy với tư cách một người bạn,” Hartmut Rath, cha đỡ đầu của Marc - con trai Klopp, khẳng định. Khi không đá bóng, các cậu bé dựng mô hình và chơi giải đố. Klopp sở hữu “chất nghệ sỹ”, anh tiết lộ. “Cậu ấy có sự ham thích lớn về văn hóa, nghe nhiều băng đĩa ghi âm của những nghệ sỹ dòng Kabarett.” Nghệ sỹ yêu thích của cậu ấy là Fips Asmussen, diễn viên hài một-trăm-câu-đùa-một phút với phong cách thời kỳ đầu thiên về chính trị và châm biếm (và chắc chắn cũng tếu hơn). “Jürgen là một thiên tài pha trò, cậu ấy khiến cả lớp phải cười. Cậu ấy cực kỳ nổi tiếng, luôn là trung tâm của lớp học,” Hartmut Rath tán thưởng.
Jürgen Klopp ghi nhận công lao của “Hardy” trong việc giúp anh vượt qua kỳ thi tú tài (trình độ đại học). Có thể hơi quá một chút, nhưng Hartmut cho rằng cậu bạn mình - xuất sắc về các môn ngôn ngữ và thể thao nhưng lại kém thành thạo ở các môn tự nhiên - quá hời khi ngồi cạnh mình trong suốt mấy ngày thi. “Thời ấy quay cóp dễ hơn bây giờ,” người bé hơn trong hai anh em nhà Rath cười vang. Họ cùng theo học ở hệ Pro Gymnasium (trường chuyên) ở Dorfstetten và chung lớp từ năm lớp tám trở đi. Klopp từng học cùng lớp với Ingo Rath trong hai năm đầu nhưng lại thêm một “lượt tri ân” - học lại một năm, theo cách nói của học trò Đức - theo lời khuyên của các thầy cô. “Trường
học không phải là thứ được xem trọng nhất đối với cậu ấy,” Hartmut Rath mỉm cười. “Cậu ấy say mê bóng đá và các cô gái hơn.” Nhưng anh là một cậu bé ngoan, lễ phép với các thầy cô giáo và hiếm khi vướng vào rắc rối. “Hardy” nhẩm tính hai người họ chỉ bị phạt ở lại sau giờ học vài lần mỗi năm.
Những lần phạm quy đó đều đi kèm với hình phạt riêng, rất nhanh chóng, dành cho họ. Năm mười bốn tuổi, Klopp và nhóm bạn tham dự một giải bóng đá mở rộng. Đối tượng tham dự ít nhất phải đủ mười sáu tuổi, nhưng là một thành viên ban tổ chức, Norbert Klopp cố tình làm ngơ. Bọn trẻ thi đấu tệ hại nhưng vẫn giành giải nhất - phần thưởng là một chai rượu whisky - bởi đội chiến thắng không xuất hiện tại lễ trao giải cho nhà vô địch. Jürgen và anh em nhà Rath bị hút vào thứ chiến lợi phẩm vô nghĩa đó ở bên ngoài khu dựng rạp để rồi về đến nhà trong tình trạng say bí tỉ.
Biệt danh Klopple mau chóng được gỡ bỏ để nhường chỗ cho Der Lange - Klopp cao kều, khi anh bắt đầu cao vượt trội hẳn so với hội bạn cùng lớp và các đồng đội. Sau năm lớp mười, Hardy và Klopp đến nhập học ở trường Eduard-Spranger Wirtschaftsgymnasium ở Freudenstadt để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Jürgen biết đi xe máy từ năm mười lăm tuổi, khi đó đã cầm lái vài chiếc 2CV - Ente, con vịt, theo cách gọi của người Đức - trong đó có một chiếc màu đỏ Bordeaux. Robert Mongiatti, một trong những người bạn thân thiết của Norbert Klopp, giúp bảo quản chiếc xe này bên ngoài chỗ ở của gia đình. Sau đó Jürgen được để lại một chiếc VW Golf màu vàng tươi từ chị gái Stefanie.
Một người bạn trong trường thường rủ các thành viên của lớp đến học ở một khu nhà vườn hẻo lánh. Nhưng chương trình học không khi nào được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Trong
nhà kho nhà Rath và ga-ra nhà Norbert Klopp, lũ trẻ thường tổ chức tiệc tùng, chơi trò quay chai sai khiến. Nếu bố mẹ ai đó đi vắng, phòng ngủ được dành cho các cặp đôi. Dù tiểu tiết còn sơ sài, nhưng hôn kiểu Pháp khả năng cao có trong kế hoạch học tập. Lớp của Klopp từng ghé thăm thị trấn Port-sur-Saône trong một chương trình trao đổi học sinh, giao tiếp toàn bộ bằng tiếng Pháp trong vòng hai tuần. Quãng thời gian ở Burgundy vui đến mức các chàng trai đã quay lại đây cắm trại vào kỳ nghỉ hè sau đó.
“Cứ dính đến hoạt động xã hội thì Jürgen là thủ lĩnh,” Hartmut Rath cho hay. “Cậu ấy quảng giao, là thành viên trong đoàn nhạc kịch của trường. Cậu ấy quan tâm đến nhiều lĩnh vực khác nhau, người ta từng nhận xét cậu ấy biết nhìn xa trông rộng.” Giữa Jürgen và ông bố có phần bảo thủ thường có những cuộc tranh luận gay gắt về chính trị.
Năm 1998, ba tuần trước ngày nghỉ hưu dự kiến, Norbert Klopp đổ bệnh. Ung thư gan. Các bác sĩ dự đoán ông chỉ sống thêm được khoảng ba tuần đến ba tháng. Kết quả chẩn đoán khiến cả nhà sốc nặng. Norbert đã tự chủ một cuộc sống lành mạnh, thường xuyên vận động. Ông không hút thuốc. “Ung thư sao mà thắng được tôi,” ông tuyên bố. Ông quyết tâm sống lạc quan và tìm kiếm sự can đảm trong cuốn sách của Lance Amstrong về cuộc chiến đánh bại căn bệnh ung thư tinh hoàn. Con cái đưa ông đến rất nhiều bệnh viện chuyên khoa khác nhau. Lá gan của ông được phẫu thuật cắt rời, làm đông rồi cấy ghép trở lại. Ông sống thêm được hơn hai năm, xác định phải tận hưởng từng ngày một. “Quan điểm truyền thống của cha tôi về nam nữ thay đổi, ông thấu hiểu hơn về tính cách nổi loạn và khao khát tự do của tôi,” Isolde Reich cho hay. Không lâu trước khi qua đời vào năm 2000, Norbert dù đã yếu nhưng vẫn nỗ lực vượt bậc để chơi thêm một trận đấu quần vợt nữa với câu lạc bộ. Đó là màn
tri ân dành cho ông. Là chiến thắng của ông. Gia đình Klopp cảm thấy được an ủi khi Norbert hoàn thành được tâm nguyện cuối cùng.
Trong hai tuần cuối đời, gia đình đưa ông về quê nhà ở Glatten. Hai người con gái thay phiên nhau túc trực ở bên, luôn luôn nắm tay ông. Jürgen vô cùng buồn khổ, theo lời Isolde, do không thể ở bên cha mình nhiều như mong muốn vì những ràng buộc trong hợp đồng thi đấu với Mainz. Một buổi tối sau trận đấu anh về nhà và dành cả đêm trong phòng của Norbert, rồi lại lái xe đến chỗ tập với 05, gần như không ngủ.
“Đó là vận may lớn đầu tiên trong đời tôi để làm chính điều mà cha tôi mong muốn,” Jürgen Klopp sau này chia sẻ. “Tôi sống cuộc đời mà ông mơ ước. Bất cứ công việc nào khác đều sẽ gây ra mâu thuẫn, tôi nghĩ vậy. Cha tôi sẽ không thể hiểu nổi nếu tôi muốn trở thành - thí dụ - người bán hoa chẳng hạn. Ông sẽ không nói kiểu: ‘Không sao đâu, ba sẽ mở hàng bó đầu tiên.’ Không, ông sẽ cho rằng tôi bị điên.”
Sau sự ra đi của Norbert, Jürgen muốn tìm kiếm những câu trả lời, nhưng sau cùng nhủ lòng rằng “ai đó ở trên ấy chắc chắn đã có tất cả.” Nỗi buồn mà Klopp cảm nhận khi cha không còn sống để chứng kiến thành công của anh khi là huấn luyện viên được xoa dịu nhờ vào những tư tưởng giáo lý. “Tôi khá chắc chắn - hoặc chí ít cũng tin tưởng rất mạnh mẽ - rằng ông có thể thấy tôi, nhìn xuống trong tâm thế thanh thản,” anh nói.
Việc liên tục bị bắt phải thể hiện tốt hơn trên sân bóng, trên sân quần và trên đường trượt có lẽ không phải là ý niệm của một cậu nhóc về sự tận tụy của người cha. Tuy nhiên, bốn mươi năm sau, Jürgen Klopp mới thực sự nhận ra rằng việc dành trọn vẹn những buổi cuối tuần thúc ép con trai mình tiến xa hơn trong phạm vi đòi hỏi vô tận là “cách thể hiện tình thương” của
Norbert. Tình yêu của người cha vì thế không được đong đếm bằng ngôn từ, hay những nụ hôn, mà là bằng thời gian.
6
WOLFGANG FRANK: NGƯỜI THẦY
“C
ha tôi kỷ luật một cách tàn nhẫn, ai đó có thể nói ông hơi bị ám ảnh,” theo lời Benjamin Frank, ba mươi sáu tuổi, ngồi cạnh anh trai mình Sebastian,
ba mươi chín tuổi, đang nhấm nháp bữa trưa pasta và những kỷ niệm vui buồn trong một khách sạn ở Mainz.
Anh em nhà Frank làm người đại diện và tuyển trạch viên cho Liverpool FC của Jürgen Klopp. Trước đó, họ làm công tác tư vấn cho Leicester City, nhà vô địch từng gây sửng sốt tại Premier League mùa giải 2015-16. Cả hai lớn lên ở Glarus, thị trấn êm đềm nằm trong một vùng thung lũng ở Thụy Sỹ, nơi có 12.000 người tôn sùng cha họ, Wolfgang Frank như một người anh hùng. Cựu tiền đạo Bundesliga (215 trận, 89 bàn thắng cho VfB Stuttgart, Eintracht Braunschweig, Borussia Dortmund và 1. FC Nürnberg) đã đưa gã tí hon địa phương FC Glarus lên Nationalliga B, giải hạng hai của Thụy Sỹ, lần đầu tiên trong lịch sử đội bóng với tư cách cầu thủ kiêm huấn luyện viên vào năm 1988.
Người cha Frank, hai anh em hồi tưởng, không cho thấy sự khác biệt giữa việc làm huấn luyện viên và làm cha. Cả hai vai trò cùng đọng lại một điều: trách nhiệm dạy dỗ. “Ông là người dị thường, theo cách tích cực,” Sebastian cho hay - một người đàn
ông vô cùng tham vọng coi bóng đá không chỉ là những trận đấu và chiến thuật, mà là tất cả. Ngôi trường của cuộc đời.
Trong mùa giải cuối cùng chơi chuyên nghiệp, Wolfgang Frank đã có đủ tiêu chuẩn để hành nghề giáo viên, chuyên sâu về thể thao và tôn giáo. Cả hai bộ môn giúp ông thấm nhuần tư tưởng “không có điều gì là ngẫu nhiên, mọi thứ - kể cả những tổn thương, thất bại - xảy ra đều có nguyên do,” Benjamin Frank kể. Ông đau đáu trong việc truyền đi thông điệp đó, tín điều quan trọng nhất đến bất kỳ ai cần lắng nghe.
Hai cậu bé thường xuyên phải chịu đựng những buổi tập chạy trên băng và tuyết quanh thị trấn. Vài năm sau đó tại Hy Lạp, trong một kỳ nghỉ gia đình hiếm hoi mà lịch làm việc bận bịu của Wolfgang cho phép, hai anh em thiếu niên phải dậy từ 5 giờ sáng hằng ngày để chạy dọc bãi biển, rồi dùng bữa sáng kèm một nhúm thuốc vitamin bổ trợ. Sau đó là một phiên tập thể hình trước bữa trưa.
Tối muộn hoặc sáng sớm, chiếc máy fax tại nhà họ ở Glarus bắt đầu phát ra những tiếng bíp bíp. Là Frank đang gửi qua những trang giấy trong đó có vài cụm từ truyền động lực và lời khuyên, hoặc mấy kế hoạch tập luyện phức tạp, kèm đôi câu chúc may mắn và lời chào, từ cách đó hàng trăm ki-lô-mét, tại một trong mười lăm câu lạc bộ ông từng dẫn dắt trong sự nghiệp. “Cứ lúc nào bọn tôi gặp vấn đề ở trường hoặc trong việc chơi thể thao, một bản fax dài sẽ được gửi đến, khiến bọn tôi phấn khởi và nhận thấy ông đã thực sự để tâm đến vấn đề, từ một nơi xa xôi nào đó, theo cách riêng của mình,” Benjamin chia sẻ.
Khi còn là cầu thủ, Wolfgang bị mê hoặc bởi lối chơi của AC Milan dưới thời Arrigo Sacchi, đội bóng thống trị bóng đá châu Âu trong giai đoạn cuối những năm 1980 và đầu 1990 nhờ những chiến thuật tập thể mang tính cách mạng, một kiểu di
chuyển mang tính đồng bộ bóp nghẹt các đối thủ bằng cách chiếm đoạt không gian và thời gian của họ. Ông đã nghiên cứu cách dịch chuyển thống nhất của các cầu thủ này trong những đoạn băng ghi hình vào lúc đêm muộn, đồng thời coi trọng tầm quan trọng của sự phục hồi, dinh dưỡng và đào tạo tâm lý ở thời điểm những chủ đề như vậy vẫn còn mơ hồ ở Đức. Ở Thụy Sỹ, ngược lại, sự thiếu hụt ngân sách cùng thế hệ cầu thủ nhỏ con hơn rất nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho một cách tiếp cận cởi mở hơn. Phòng ngự khu vực - một hệ thống thay thế việc tập trung vào các tiền đạo đối phương bằng mối quan tâm căn bản là bảo vệ khoảng trống trước mặt khung thành và cướp bóng - đã được thừa nhận từ năm 1986, dưới sự bảo hộ của huấn luyện viên đội tuyển Thụy Sỹ Daniel Jeandupeux. Các huấn luyện viên ngoại quốc áp dụng những hiểu biết về hệ thống này vào câu lạc bộ của họ, vài đội tiếp tục chỉnh sửa theo ý riêng, cựu hậu vệ Andy Egli nhớ lại. Jeandupeux, Egli tin là vậy, lần đầu đụng độ với lối chơi này khi là cầu thủ chuyên nghiệp và huấn luyện viên tại Pháp.
Frank hiểu rằng sự cách tân về chiến thuật có thể là vũ khí của những đội bóng nhỏ trong cuộc chiến với những đội bóng lớn và chất lượng hơn; rằng những tư tưởng đúng đắn có thể nâng chất lượng lối chơi của đội nhà lên một cách rõ rệt.
Chiến tích phi thường với FC Glarus giúp ông được bổ nhiệm ở FC Aarau, đội bóng tỉnh lẻ chơi ở giải hạng nhất bằng chính thực lực của mình từng đạt được những thành tựu không thể ngờ dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Đức Ottmar Hitzfeld. Hitzfeld, sau đó vô địch Champions League với Borussia Dortmund và Bayern Munich, huấn luyện câu lạc bộ kém tên tuổi này tài tình đến mức tập thể của ông được biết đến với biệt danh “Đội bóng kỳ quan” trên các phương tiện truyền thông vào
năm 1985. Họ về nhì ở giải vô địch quốc gia và giành Cúp Quốc gia Thụy Sỹ.
Frank, cũng xuất sắc không kém, đưa Aarau thẳng tiến đến trận chung kết Cúp Quốc gia Thụy Sỹ ngay ở nửa mùa giải đầu tiên (1989-90). Tuy nhiên, điều kỳ diệu vụt tắt khi những người Argovia bị đánh bại 2-1 bởi Grasshoppers Zürich của Hitzfeld ở Berne; và Frank rời khỏi đội một năm sau đó. Sau này ông còn thất bại trong việc ghi dấu ấn với những vai trò tương tự tại ứng cử viên xuống hạng FC Wettingen (1991-92) và đội hạng hai FC Winterhur (1992-93). Cầu thủ trụ cột và đội trưởng của Winterhur, một cách tình cờ, là tiền đạo kỳ cựu người Đức tên Joachim Löw. Huấn luyện viên đội tuyển Đức, khi đó mới ngoài ba mươi tuổi, có lần dám đứng ra bảo vệ đội bóng trước chỉ trích của Frank trong phòng thay đồ. Löw cũng từng thử lấn sân sang lĩnh vực thời trang: anh bán những mẫu cà vạt thửa trong cốp xe ô tô cho các đồng đội ở Winterhur.
Cuối cùng Frank cũng có một cơ hội, theo kiểu trớ trêu, để chứng tỏ bản thân ngay trên quê hương mình, vào tháng 1 năm 1994. Rot-Weiss Essen, đội bóng rất được mến mộ ở giải hạng Hai đến từ khu công nghiệp của nước Đức và thủ phủ bóng đá, vùng Ruhr, cần một huấn luyện viên mới sau khi Jürgen Röber bị VfB Stuttgart nhấc đi trong kỳ nghỉ đông. Tuy nhiên, trước khi kịp nhận trách nhiệm tại sân Georg-Melches-Stadion, Frank và đội bóng của ông đã bị rớt hạng. Liên đoàn Bóng đá Đức rút lại giấy phép hoạt động chuyên nghiệp của câu lạc bộ do những bất thường liên quan đến tài chính. Ngoài ra, Frank còn phải đối mặt với một cuộc nổi loạn trong phòng thay đồ trong ngày đầu nhận việc: đội trưởng Ingo Pickenäcker và đội phó Frank Kurth đồng loạt xin từ chức để phản đối việc họ không được tham vấn chọn người kế nhiệm Röber dù đã có cam kết trước từ ban lãnh đạo.
RWE hy vọng Liên đoàn Bóng đá Đức có thể tỏ ra đôi chút khoan dung trong đơn kháng án. Vị luật sư sắc sảo của câu lạc bộ, Reinhard Rauball (hiện đang là Chủ tịch của Borussia Dortmund), đã phát hiện ra rất nhiều sai sót về quy trình ở phía đại diện cho nhà chức trách bóng đá. Sửng sốt thay, các cầu thủ của Frank giành chiến thắng ở trận bán kết Cúp Quốc gia Đức trước Tennis Borussia (2-0) vào tháng 3 để đi đến trận chung kết ở Berlin, nhưng án phạt giáng xuống giải hạng Ba có hiệu lực đã được hội đồng phán xử xác nhận vài ngày sau đó. Tất cả những bàn thắng và điểm số của họ đều bị xóa bỏ.
Vào tháng 5, 35.000 cổ động viên Essen đổ bộ đến thủ đô nước Đức với tâm thế chống đối. Nhiều biểu ngữ công kích sự thiếu công bằng trong quyết định của Liên đoàn Bóng đá Đức. “Nếu ông trời có mắt, chúng tôi sẽ thắng trận này,” Frank nói. Bên dưới sân vận động Olympic, dù vậy, đội cửa trên Werder Bremen, được dẫn dắt bởi Otto Rehhagel, tỏ ra thờ ơ trước viễn cảnh bị quả báo từ đấng tối cao. Đội bóng đến từ phương Bắc, từng nâng cao danh hiệu Winners’ Cup nhờ đánh bại AS Monaco của Arsène Wenger với tỉ số 2-0 hai năm trước, giành chiến thắng dễ dàng tại Berlin. Kết quả chung cuộc: 3-1.
Nhiều thập kỷ sau mới lộ ra rằng đã có một âm mưu chính trị xấu xí tác động lên thất bại này. Cầu thủ Frank Kontny của RWE vẫn do dự khi tiết lộ câu chuyện mà ông gọi là “thời khắc tăm tối nhất trong sự nghiệp chơi bóng của tôi”. Cựu cầu thủ năm mươi hai tuổi là thủ quân của đội vào thời điểm đó và chắc chắn được xếp đá chính trận chung kết ở hàng thủ. “Nhưng vào buổi sáng hôm diễn ra trận đấu, Frank bảo rằng tôi bị loại khỏi đội, và tôi phải tìm đội mới nếu muốn tiếp tục chơi bóng,” ông cho hay. “Thế giới của tôi như đổ sụp ngày hôm đó. Tôi đã bị tước đoạt mất trận đấu lớn chưa từng có đó.”
Như nhiều cầu thủ RWE, Kontny phải làm việc bán thời gian ngoài đá bóng để nuôi sống gia đình trong giai đoạn phá sản của câu lạc bộ. Thành viên ban lãnh đạo Wolfgang Thulius sắp xếp cho ông một công việc làm nhân viên nhà đất. Sau khi câu lạc bộ lọt vào trận chung kết Cúp Quốc gia Đức hồi tháng Ba, những ông chủ mới nhảy vào và giành quyền kiểm soát ban lãnh đạo. Họ có vẻ đã gây áp lực bắt Frank phải cắt bỏ tất cả các mối liên hệ với chế độ cũ. Kontny: “Tôi nằm trong nhóm chống đối trong màn chia bè cánh này và thật không may, Frank đã ra một quyết định chưa từng có tiền lệ trong bóng đá.” Thay vào vị trí của Kontny, huấn luyện viên chọn Pickenäcker, người đã dính một chấn thương háng nghiêm trọng chỉ vài tuần trước đó và chưa thực sự sẵn sàng ra sân. Pickenäcker mắc lỗi trong hai bàn đầu tiên của Werder và bị thay ra bảy phút trước khi hiệp một kết thúc. Essen trấn tĩnh lại sau giờ nghỉ, gỡ lại được một bàn do công của Daoud Bangoura nhưng Wynton Rufer ấn định chiến thắng 3-1 cho Werder với một quả phạt đền ở cuối trận. “Tôi tin chắc trận đấu sẽ khác nếu tôi ở trên sân,” Kontny nói với vẻ buồn bã. “Tôi đã rất thất vọng với Frank, tôi nguyền rủa ông ấy. Ông ấy là một huấn luyện viên giỏi - luôn bảo chúng tôi phải liên tục học hỏi và nâng tầm bản thân, với những buổi tập kéo dài tới hai tiếng đồng hồ - nhưng giờ tôi nghĩ ông ấy sẽ nhận ra mình đã mắc một sai lầm lớn.”
Ba tuần sau trận chung kết đó, Rot-Weiss hành quân đến Mainz cho trận đấu áp chót của mùa giải. Một trận cầu hỗn loạn trên sân Bruchweg trước 3.000 khán giả với ba thẻ đỏ, hai dành cho đội khách, kết thúc với bàn gỡ hòa ở phút chín mươi do công của tiền vệ Zeljko Buvac bên phía 05 ấn định tỉ số 1-1 và về lý thuyết xác nhận quyền trụ hạng của đội chủ nhà.
Vào tháng 9 năm 1995, đội bóng có thâm niên vật lộn với cuộc chiến trụ hạng Mainz một lần nữa xếp cuối bảng 2. Bundesliga
và đang tìm kiếm một cái tên mới trên ghế huấn luyện. Giám đốc Điều hành Christian Heidel liên hệ với Frank. “Giọt nước tràn ly”, báo địa phương Rhein-Zeitung đã ví von như vậy.
“Ông ấy đến và phán nhiều thứ nghe có vẻ rất hấp dẫn và thú vị,” Heidel nói với sự châm chọc hài hước. “Ông ấy có cử chỉ của một giáo viên. Tôi luôn cẩn trọng với những ai có phong cách nhà giáo, họ đôi khi không dễ làm việc cùng. Nhưng sau một lúc, tôi bảo: ‘Được rồi, sao ông không bắt tay vào việc đi nhỉ.’ Ngẫm lại, đó là một ngày trọng đại dành cho Mainz 05. Tôi muốn nói rằng tôi biết ngay ông ấy là một huấn luyện viên giỏi. Nhưng sự thật là, không một ai muốn dẫn dắt chúng tôi cả.”
Cả đội ấn tượng với phương pháp tập luyện mà họ thấy “khá phức tạp” (Heidel), nhưng bất chấp điều đó, họ vẫn tiếp tục thua trận. Mainz bước vào kỳ nghỉ đông với tư cách đội tệ nhất giải, với mười hai điểm trên bảng xếp hạng, năm điểm kém hơn so với nhóm an toàn. Heidel: “Tạp chí Kicker viết: ‘Cơ hội rớt hạng của Mainz: 100 phần trăm.’ Không phải 99 phần trăm, mà là 100 phần trăm. Tôi sẽ không bao giờ quên được điều đó.”
Frank gõ cửa phòng Heidel. “Ông ấy bảo: ‘Chúng ta cần thay đổi.’ Tôi nghĩ bụng,‘Hở, ông nói lại câu nữa xem.’ Ông ấy chia sẻ với tôi những gì ông ấy nghĩ rồi quyết định đội sẽ đi tập huấn mùa đông và từ giờ sẽ không sử dụng trung vệ quét. Tôi tự nhủ: ‘Gì cơ? Ông có đang nghiêm túc không vậy?’”
Một đội bóng chuyên nghiệp không có một libero - trung vệ quét,“chốt chặn” phía sau hàng thủ, là điều vô cùng khó tưởng tượng trong giai đoạn giữa thập niên chín mươi tại Đức. Các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia đã giành tất cả các danh hiệu lớn với một libero trong đội hình kể từ giai đoạn hoàng kim của Franz Beckenbauer vào những năm 1970. “Chúng tôi đều tin đội bóng cần một ai đó trong vai trò lá chắn trong trường hợp đối
thủ vượt được qua hàng thủ,” Heidel lý giải. “Sao có thể không dùng trung vệ quét được? Không thể. Chính tôi cũng từng chơi ở vị trí trung vệ quét, nên tôi cảm thấy như thể ông ta đang cố gắng gạt tôi ra vậy, theo một cách nào đó.”
Cựu tuyển thủ Đức Hans Bongartz đã sử dụng một phiên bản hàng thủ bốn người dàn hàng ngang không có trung vệ quét ngay từ năm 1986 ở 1. FC Kaiserslautern - ông được truyền cảm hứng sau thất bại trước một IFK Göteborg đi trước thời đại về chiến thuật do Sven-Göran Eriksson dẫn dắt ở trận bán kết UEFA Cup năm 1982 - nhưng không tạo được ấn tượng lâu dài ở giải đấu cấp cao nhất nước Đức với sáng kiến của mình. Chủ tịch của FC Bayern khi đó, Beckenbauer tuyệt đối cấm Erich Ribbeck tiếp tục những thử nghiệm (phải thừa nhận là khá nghiệp dư) với bộ tứ vệ ở mùa giải 1993-94. Vài tuần sau khi Frank được bổ nhiệm tại Mainz, huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Berti Vogts phát biểu trên tờ tin nhanh Blick của Thụy Sĩ rằng một hệ thống không có trung vệ quét là “phá hoại về mặt nguyên tắc” và do đó đương nhiên không nhận được sự chấp thuận tại Bundesliga.
Heidel: “Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ trở thành trò cười, tôi rất bi quan. Trong suốt những ngày tập huấn, tôi quyết phải xem xét kỹ lưỡng hơn. Trên sân tập có đầy những chiếc cột. Các cầu thủ nghĩ ‘lão này mất trí rồi’. Trong hàng giờ, họ chỉ chạy quanh mà không có bóng, họ tập cách di chuyển ngang sân theo đội hình. Ngày nay, hiển nhiên là một bên cánh sẽ bị bỏ trống khi bộ tứ vệ di chuyển về phía phần sân đang có bóng. Nhưng khi đội chơi trận đầu tiên trên sân nhà theo kiểu đó, cả sân la ó chúng tôi. Một tiền đạo đối phương hoàn toàn đơn độc bên cánh trái còn cả đội đang ở bên cánh phải. Thời đó không ai nhận thức được rằng trái bóng không thể được luân chuyển sang cánh trái nhanh đến vậy, rằng hàng thủ có đủ thời gian để di chuyển ngược lại. Phòng ngự khu vực định hướng bóng, cách gọi của lối chơi này,
là thứ hoàn toàn mới lạ ở Đức. Một thứ phép thuật, về cơ bản là vậy. Chúng tôi lao vào luyện tập, luyện tập và luyện tập. Cơ mà tôi chắc chắn chúng tôi sẽ rớt hạng.”
Vào khoảng giữa những năm chín mươi, những buổi tập về cơ bản gồm hai kiểu: lao động (chạy rất nhiều) và giải trí (chơi bóng). Những bài tập về di chuyển tập thể hoặc nghiên cứu lý thuyết chưa từng được biết đến. Frank, ngược lại, bị “ám ảnh bởi chiến thuật”. Heidel nói: “Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như vậy trước đây.” Vị huấn luyện viên dành nhiều giờ xem bóng đá, đặc biệt là bóng đá Italia. Sacchi là thần tượng của ông. “Ông ấy cho chúng tôi xem tất cả các trận đấu của ông trong những cuốn băng ghi hình, tôi luôn có mặt. ‘Giám đốc Điều hành phải ở đây,’ Frank nói. Vậy là tôi cũng phải xem mấy thứ vô bổ đó. Các đoạn phim đều chưa qua xử lý. Ông ấy dừng hình, tua lại, chạy băng rồi lại tua lại, hàng giờ liền. Ông ấy như mất trí vì những chiến thuật của Sacchi.”
Frank cũng ghé qua Italia để tận mắt chứng kiến những buổi tập của vị huấn luyện viên bậc thầy. “Sacchi không để tâm tới ông ấy, nhưng vẫn cho phép ông ấy quan sát từ đường biên,” Heidel kể. “Đó là lúc ông ấy bật ra ý tưởng. Ở Đức, chúng tôi còn chưa tiệm cận mức cấp tiến như vậy.”
Với giáo sư khoa học thể thao Dr Dieter Augustin đến từ Đại học Mainz, nơi nằm cách sân vận động một đoạn ngắn đi bộ, Frank đã gặp được một nhà lý luận bóng đá cùng chí hướng. Augustin thích lối chơi có tính liên kết vị trí sâu sắc hơn là cách đá theo trục dọc của FSV. Dù có những sự khác biệt về nhận thức, cả hai người họ đồng tình rằng các cầu thủ cần những sự hỗ trợ trực quan để nâng cao trình độ chơi bóng. Những học viên trong khóa của Augustin được yêu cầu ghép những đoạn băng hình ngắn của Mainz và các đối thủ để hỗ trợ việc chuẩn bị trước trận.
Một ý tưởng đơn giản nhưng căn bản: các đội bóng Đức khi đó chưa có cả con người lẫn phương pháp để xử lý việc phân tích băng hình. Một trong những nhà khoa học thể thao trẻ tuổi đã tình nguyện tham gia thử nghiệm là Peter Krawietz. Anh sau này đã trở thành trưởng bộ phận tuyển trạch của Mainz và là trợ lý thân tín của Klopp.
“Những buổi xem băng hình của Frank vào lúc 7 giờ 30 phút sáng vô cùng đáng sợ,” cựu cầu thủ Torsten Lieberknecht của 05 cho hay. “Chúng tôi ngồi trên những cái ghế sân vườn làm bằng sắt trong một căn phòng bé tí và dùng bữa sáng, trong khi Wolfgang Frank ấn những cái nút trên đầu phát băng hình. Thời gian như kéo dài vô tận.”
Frank cũng tìm cảm hứng từ những ngày ông còn chơi bóng. Một năm trong màu áo AZ ở Alkmaar tại giải vô địch quốc gia Hà Lan vào mùa giải 1973-74 khiến ông sững sờ trước triết lý bóng đá tổng lực của Ajax. Khi trở lại Đức, tiền đạo mảnh khảnh có biệt danh Floh (Bọ chét) đã tái hợp với thầy cũ tại Stuttgart là Branco Zebec tại đội bóng mới lên hạng Eintracht Braunschweig. Zebec, huấn luyện viên người Nam Tư từng đưa Bayern Munich đến chức vô địch Bundesliga đầu tiên trong lịch sử vào năm 1969 với phương pháp rèn thể lực khắc nghiệt và kỷ luật chiến thuật đanh thép, là chiến lược gia đầu tiên thử nghiệm lối chơi phòng ngự khu vực ở giải đấu cao nhất nước Đức vào giai đoạn giữa những năm bảy mươi. Khi đó các đội vẫn chơi một kèm một nghiêm chỉnh. “Chúng tôi không còn chạy theo cầu thủ đối phương một cách ngớ ngẩn dưới thời Zebec, ông ấy là người đi trước thời đại,” Frank nhớ lại.
Hai mươi mốt năm sau, Mainz đang khao khát những sự thúc đẩy mang đậm dấu ấn tương lai giống như vậy. “Đội bóng chúng tôi thực tế đã đóng băng trong suốt kỳ nghỉ đông,” hậu vệ Klopp
của Mainz trả lời tờ Süddeutsche Zeitung vào năm 1999. “Chúng tôi đón nhận những ý tưởng mới. Chúng tôi thậm chí sẽ leo một cái cây mười lăm lần cho giao kèo đổi lấy vài điểm số.” Frank ước tính sẽ cần 150 giờ đào tạo lý thuyết trước khi hệ thống mới được tiếp thu. Thay vì kiểu tập luyện thường lệ đậm tính giải trí mà các cầu thủ chuyên nghiệp Đức đã quen thuộc, họ dành nhiều ngày trọn vẹn không đụng đến bóng. “Nhưng rồi chúng tôi nghĩ: nếu Gullit và Van Basten phải học thứ này ở Milan, thì chúng tôi cũng có thể chịu đựng được nó,” Klopp sau này phát biểu trong một cuộc phỏng vấn cùng ông thầy trên tờ Frankfurter Rundschau vào năm 2007. “Phải thấy rằng đó là một quyết định dũng cảm tới mức nào. Trong bóng đá, để đưa những thứ mới lạ vào khuôn khổ cần rất nhiều thời gian. Wolfgang áp dụng sơ đồ bốn hậu vệ khi cuộc chiến trụ hạng khốc liệt đang diễn ra. Chúng tôi về cơ bản đang vướng trong một mớ hỗn độn trước khi ông ấy đến. Chúng tôi bám đuổi tất cả các đối thủ.” Frank, ông nhớ mình đã từng nghĩ rằng, đáng ra nên bảo cả đội “đi thi vật lý lượng tử chỉ với kiến thức về hàng thủ bốn người.”
“Thứ bóng đá tại Mainz khá bảo thủ, nhưng có một điều phải xảy đến. Thời gian đã chín muồi,” Frank giải thích. Đội bóng, theo lời Heidel, lúc đầu không hoàn toàn bị thuyết phục. “Họ không hiểu điều gì đang xảy ra với mình. Mấy kiểu chạy quanh không bóng. Sang trái, sang phải. Frank giải thích với tôi hàng tiếng đồng hồ trong một nhà hàng Italia về việc bớt đi một người ở hàng thủ có nghĩa là chúng tôi có thêm một người ở hàng tiền vệ. Rồi tôi nói: ‘Phải rồi, nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một gã đột nhập vào được vòng cấm?’ Ông ấy đáp: ‘Sẽ không có ai đột nhập được cả, không ai được phép.’ Ở phía trên, chúng tôi gây áp lực, buộc đối thủ phải chơi bóng dài. Hàng thủ chúng tôi có những gã khổng lồ như Klopp, 1,93 mét, thắng thế trong
mọi pha chơi đầu. Đó là lối đá mới của chúng tôi. Đó là cách chúng tôi kết thúc đợt tập huấn.”
Trận giao hữu đầu tiên dùng sơ đồ mới chứng kiến họ đối đầu với đội hạng Ba 1. FC Saarbrücken,“một ‘gã nhà giàu’ đã bỏ rất xa những đội còn lại ở vị trí dẫn đầu tại giải đấu của họ và chắc chắn sẽ lên hạng,” Heidel nhớ lại. “Trận đấu diễn ra ở Frauenlautern, gần biên giới với nước Pháp, và tôi khá chắc là chúng tôi sẽ thủng lưới năm trái. Nhưng vào giờ nghỉ, chúng tôi dẫn 6-0. Tôi cứ nghĩ mình đang mơ. Họ tung ra sân đội hình xuất sắc nhất nhưng bế tắc trong việc chống lại chúng tôi. Họ hoàn toàn bị áp đảo. Đó là sự ra đời… sự tái sinh của Mainz 05 và sự ra đời của bộ tứ vệ. Chúng tôi là đội đầu tiên dùng sơ đồ đó, kết hợp với cách phòng ngự khu vực, định hướng bóng. Ralf Rangnick (huấn luyện viên của Ulm 1846) và Uwe Rapolder (huấn luyện viên của Waldhof Mannheim) đã áp dụng ngay sau đó.”
Cựu hậu vệ của Mainz là Jürgen Kramny chơi cho Saarbrücken ở trận đấu đó. “Tôi đã chứng kiến hàng thủ bốn người của Mainz ra đời,” anh cho hay. “Chúng tôi là một đội khá tốt tại giải hạng Ba còn Mainz đang đối mặt nguy cơ xuống hạng ở 2. Bundesliga. Nhưng chúng tôi không có cơ hội. Họ hủy diệt chúng tôi. Họ đá cho chúng tôi tối tăm mặt mũi.”
Jürgen Klopp, Peter Neustädter, Michael Müller và Uwe Stöver là bốn hậu vệ trong ngày hôm đó. “Sự kết hợp này hiệu quả đến mức chúng tôi không thay đổi bất kỳ điều gì trong mười tám tháng tiếp theo,” Klopp cho hay.
Frank mô tả chiến thuật của ông như một phiên bản nâng cao của trò bóng đá trẻ con: “Bóng đi đâu người theo đến đó. Mục tiêu là tạo ra sức mạnh về quân số để đoạt bóng, sau đó giãn ra, như duỗi một bàn tay đang nắm.” Cách chơi lạ thường đó biến
Mainz trở thành đội bóng hay nhất Rückrunde (giai đoạn lượt về của mùa giải) của 2. Bundesliga. Họ giành ba mươi hai điểm, nhiều hơn bất kỳ đội nào khác trong hai hạng đấu cao nhất. “Đó là điều điên rồ, chưa từng có trong bóng đá chuyên nghiệp Đức,” Heidel mỉm cười.
Đối với Klopp, đó là “một sự khai sáng: tôi nhận ra rằng hệ thống này giúp chúng tôi đánh bại những đội bóng sở hữu dàn cầu thủ giỏi hơn. Ông ấy khiến thành quả của cả đội không bị lệ thuộc vào năng lực của các cầu thủ, trong một chừng mực nào đó. Từ trước đến giờ, chúng tôi vẫn nghĩ với tư cách đội yếu hơn, chúng tôi sẽ thua. Thế mạnh lớn của Frank là đưa ra được một chỉ dẫn súc tích.” Lao động chăm chỉ hoặc khát khao hơn so với đối thủ có thể bù đắp cho năng lực của kẻ yếu là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Thế còn khái niệm về tập thể, dựa trên cách tận dụng không gian thì sao? Chưa ai ở nước Đức nghĩ đến khả năng nó có thể tạo ra sự khác biệt. “Lần đầu tiên tôi thấy thích thú với chiến thuật,” Heidel thừa nhận. “Thật chẳng ngờ chúng tôi có thể đánh bại những đội bóng giỏi hơn chúng tôi ở từng cá nhân, đơn giản bởi chúng tôi đã có một ý tưởng hiệu nghiệm.” Cả đội luyện tập “tới mức ngất xỉu”, ông nói thêm. “Cuối cùng, tất cả các cầu thủ đã thấm nhuần. Ngày nay, việc sở hữu những cầu thủ sáng dạ, thích nghi tốt là điều bình thường, nhưng vào thời kỳ đó, cần vài người có thể dẫn dắt những người khác. Kloppo, tất nhiên, là đầu não về chiến thuật của cả đội, kể cả khi lối chơi của cậu ấy không giống như thế. Cậu ấy là dạng cầu thủ thiên về sức mạnh, cảm xúc, thể chất, cậu ấy không phải kiểu thêu hoa dệt gấm. Nhưng cậu ấy là bộ não của đội bóng.”
“Tại Mainz, tôi lần đầu tiếp xúc với chiến thuật,” theo lời cựu tiền vệ FSV Christian Hock, người từng chơi cho đội trẻ Eintracht Frankfurt và đội một Borussia Mönchengladbach. “Chiến thuật không bao giờ được dạy tại Borussia. Mất rất lâu để
học về một hệ thống, theo kiểu vô cùng xa lạ: phải cùng lúc vừa nhìn trái bóng vừa nhìn cầu thủ, liên tục như vậy. Nhiều năm sau, khi tôi học lấy bằng huấn luyện viên, có rất nhiều cựu cầu thủ gặp vấn đề thực sự trong việc tiếp thu về mặt lý thuyết khái niệm bộ tứ vệ. Nhờ Wolfgang Frank, tôi đã rất quen thuộc với nó.”
“Mục tiêu của Wolfgang là luôn luôn giúp cầu thủ chúng tôi học những điều mới mẻ,” Klopp cho hay. “Chúng tôi không được yêu cầu để gặp nhau và chơi bóng đá cho vui vào cuối tuần. Tất nhiên, đôi khi chúng tôi cũng phàn nàn sau mỗi buổi tập chiến thuật bốn tiếng liền, nhưng chúng tôi hiểu tại sao mình cần làm vậy.” Klopp nhớ Frank từng bảo các nhà báo địa phương đừng viết quá nhiều về bộ tứ vệ bởi ông biết mình sẽ rất mất công giải thích trong trường hợp thất bại. Sự phá cách này bị nhìn nhận với rất nhiều ngờ vực.
Bất chấp sự cải thiện rõ rệt trong những thành quả, nửa đầu tệ hại của mùa giải 1995-96 khiến khả năng trụ hạng vẫn bị bỏ ngỏ trước trận đấu cuối cùng của mùa giải, trên sân nhà trước VfL Bochum. Mainz phải thắng.
Phóng viên truyền hình Martin Quast nhớ về buổi tường thuật trận đấu: “Có 12.000 người trên sân Bruchweg, gần kín chỗ. Marco Weißhaupt ghi bàn sớm. Sau tám mươi ba phút cực kỳ căng thẳng, Mainz đã trụ hạng thành công. Trong khi tất cả đều ăn mừng điên dại với những cánh tay giơ cao, thì Wolfgang Frank đăm chiêu đi tới đi lui như một con hổ bị nhốt. Ông không biết phải làm gì. Tình huống này hoàn toàn xa lạ với ông. Hàng ngàn người mở hội như thể không có ngày mai. Còn Wolfgang Frank loạng quạng bước quanh sân, hoàn toàn thu mình, như thể có ai đó đang điều khiển ông từ xa.”
“Mọi người đều ăn mừng còn cha tôi như bị rút hết sức lực, không hé răng một lời và phải hứng chịu cơn đau đầu khủng khiếp,” Sebastian Frank cho hay. Wolfgang Frank là kiểu huấn luyện viên chạy 100 dặm một giờ nhưng có thể kẹt ở số mo trên đường biên, rực lửa bên trong nhưng lại không thể tìm được đầu ra cho khối năng lượng đó. “Ông không muốn làm trung tâm của sự chú ý,” Sebastian nói, “dầm mình trong sự tâng bốc không phải kiểu của ông.”
“Mùa giải sau đó, tất cả chúng tôi đều ở bên nhau. Và chưa ai biết cách đối phó với chúng tôi,” Heidel hồi tưởng. “Lần đầu tiên trong lịch sử của Mainz, chúng tôi bất ngờ cạnh tranh cho suất lên hạng Bundesliga.” “Chưa ai từng để tâm đến đội bóng này, họ đã bị bỏ lại trên hoang đảo trong hàng năm trời,” tờ Süddeutsche Zeitung viết vào tháng 10 năm 1996. “Nhưng bây giờ họ là đội bóng duy nhất ở giải hạng Hai sử dụng và thấu hiểu hàng thủ bốn người.” Đội bóng với biệt danh tự phong là Câu lạc bộ hội hè bỗng nhiên có quyền được tôn trọng và ngưỡng mộ bởi những ý tưởng cấp tiến. “Chúng tôi đột nhiên bị sự hưng phấn bóp nghẹt,” trích lời Chủ tịch Harald Strutz của 05. Cả thành phố khuấy đảo trong sự háo hức chưa từng có.
Và rồi 05 tiếp tục trên đà thắng lợi. Đội bóng của Frank bước vào kỳ nghỉ đông của mùa giải 1996-97 với vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng, chỉ xếp sau 1. FC Kaiserslautern của Otto Rehhagel, đội giành danh hiệu Meisterschaf một năm sau đó.
Nhưng với Frank, sự tiến triển diễn ra chưa đủ nhanh. Cùng vào thời điểm áp dụng những thay đổi căn bản lên chiến thuật của đội, vào tháng 1 năm 1996, ông khiến ban lãnh đạo sửng sốt với đề xuất muốn có một sân vận động đời mới, hoành tráng hơn cùng cơ sở vật chất dành cho tập luyện tân tiến hơn. Sân
Bruchweg mới chỉ được lắp hệ thống chiếu sáng và một bảng tỉ số điện tử vài tháng trước đó.
“Ông ấy giảng giải rằng chúng tôi cần phải có ‘một tầm nhìn’ nếu muốn gặt hái thành quả, kiên quyết là vậy,” Strutz kể. “Ông ấy hỏi thẳng chúng tôi: ‘Một ngày nào đó các ông có muốn chơi ở Bundesliga không?’ Tôi không chắc đã có ai ở đây thực sự từng nghĩ về điều đó. Lúc đó chúng tôi vẫn đang đứng bét bảng 2. Bundesliga.” Tầm nhìn của Frank là cải tạo sân Bruchweg - cái tên (hiểu theo nghĩa đen là con đường đau khổ) “thật là hợp hoàn cảnh lúc đó,” Strutz thừa nhận - và ông còn đề xuất xây một bể tắm cùng một nhà xông hơi, cũng như làm lại mặt sân tốt hơn. “Wolfgang Frank là một con người khác thường, rất đặc biệt. Một con người đáng thán phục. Nhưng hơi thông thái, lý trí quá. Ông ấy xoay ban lãnh đạo Mainz như chong chóng với những đề xuất để tạo nền móng cho thành công bền vững. Tôi nhớ lúc ông ấy khăng khăng đòi làm bể tắm. Tất cả những gì Mainz có lúc bấy giờ là một cái bồn tắm cáu bẩn, chỗ người phụ trách trang phục thi thoảng vào giặt mấy đôi giày. Sau trận đấu, nơi đó chỉ dành cho đội trưởng, nên chẳng ai tắm rửa được. Frank trở nên cứng rắn. Mặt sân mới, các phòng thay đồ mới, “phòng họp báo không thể ở đây, chỗ trung tâm tòa nhà ấy, nơi đó dành cho các cầu thủ”, ông chỉ đạo. Sự tiến triển chậm chạp là bước lùi với ông ấy. Mọi thứ phải thay đổi với nhịp độ mạnh mẽ.
Khu VIP bé xíu nằm trong căn phòng cũng là chỗ ngồi của ban quản trị đã được cải tạo thành một phòng giải trí với vô số những chiếc ghế tựa dài cho các cầu thủ sử dụng trong tuần; đã có những bàn bạc về việc mời về một chuyên gia dinh dưỡng. “Ông ấy muốn cho những cầu thủ tiềm năng thấy rằng chúng tôi có đủ cơ sở vật chất để đào tạo họ đến nơi đến chốn. Điều đó rất quan trọng với ông ấy,” Strutz cho hay. “Và ông ấy ngạc
nhiên về việc đám xe ủi không đến ngay ngày hôm sau để tiến hành việc sửa chữa.” “Ban lãnh đạo chắc nghĩ tôi là một thằng khờ,” Frank thừa nhận nhiều năm sau đó.
Trong tuyển tập về câu lạc bộ Karneval am Bruchweg, các phóng viên địa phương - Reinhard Rehberg và Christian Karn - viết rằng những cuộc đàm phán với chủ sở hữu sân vận động, hội đồng thành phố Mainz, tỏ ra hết sức ảm đạm. Các chính khách không nhìn thấy sức thuyết phục để chi ra số tiền lớn cho một câu lạc bộ chỉ có 3.000 - 5.000 người thường xuyên đi qua cửa soát vé.
Chẳng hề nao núng vì những vấn đề tế nhị đó, Frank tiếp tục vận động nội bộ cho tới khi Mainz có khoản kinh phí sẵn sàng cho phương án mở rộng sân ở mức khiêm tốn nhất. “Ông ấy không phải là một huấn luyện viên dễ dãi, càng không phải là một con người dễ dãi,” Strutz cho hay. “Ông ấy là kiểu người không mấy dễ chịu khi làm việc cùng, ít nhất là với tôi trên tư cách chủ tịch câu lạc bộ. Ông ấy có vô cùng nhiều động lực. Ông ấy muốn câu lạc bộ phát triển thật mau lẹ.”
Vào tháng 1 năm 1997, đội bóng không thuộc nhóm ứng viên lên hạng di chuyển đến Cyprus để chuẩn bị cho giai đoạn hai của mùa giải. Anh em nhà Frank cũng ở đó, với tư cách những cầu thủ trẻ. “Vài gã cầu thủ chuyên nghiệp cười chảy nước mắt khi thấy chúng tôi phải tham gia vào các bài tập nâng cao sức bền và khả năng chịu lực ở sân bên cạnh,” Benjamin nhớ lại. “Cha tôi bảo: “Đừng bận tâm người khác nghĩ gì, cứ làm việc của các con đi.” Bảy năm sau, vài tờ tin nhanh ở Đức và mấy tay bình luận viên ưa công kích cũng lên tiếng chế nhạo khi Jürgen Klinsmann áp dụng bài tập tương tự cho đội tuyển quốc gia dưới sự giám sát của những huấn luyện viên thể lực người Mỹ.
Những bài tập này đã trở thành tiêu chuẩn rèn luyện ở cấp câu lạc bộ sau World Cup 2006.
Cuối khóa tập huấn mười ngày tại Cyprus, được tin về đợt tuyết mới ở Mainz, Frank ra lệnh rằng cả đội bóng nên ở lại thêm hai tuần nữa, để tận dụng điều kiện tập luyện hoàn hảo trên hòn đảo. Các cầu thủ tỏ ra kém hài lòng. Họ muốn về nhà với gia đình. Nhưng câu lạc bộ tỏ ra phục tùng vị huấn luyện viên đầu tiên mang về cho họ thứ tỏ ra là thành công đó tới mức chấp hành mọi mong muốn của ông. “Chúng tôi xếp nhì bảng. Mainz 05: THỨ HAI trên bảng xếp hạng,” Heidel nói lớn để gây chú ý. “Nếu Frank đề nghị: ngày mai, tháp nhà thờ nên được phá bỏ, thì chúng tôi sẽ trèo lên đó và đập cái tháp. Chúng tôi còn chưa bao giờ lên trên đó cả. Mọi thứ ông ấy nói đều ngay lập tức được thi hành.”
Sau kỳ tập huấn chắc chắn là dài nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Đức, Mainz trở về và thua trận đầu tiên trên sân nhà trước Hertha BSC với tỉ số 1-0. Họ thua luôn cả trận thứ hai, 3-0 trên sân khách trước VfB Leipzig. Và rồi họ mất luôn cả huấn luyện viên trưởng.
Heidel: “Tôi nán lại Leipzig vì phải tham dự một sự kiện. Ngày hôm sau, Frank gọi khi tôi đang ngồi trong taxi. ‘Christian này,’ ông ấy vào thẳng vấn đề,‘tôi muốn bảo là cậu sắp phải tìm một huấn luyện viên mới rồi.’ Vậy nên tôi nghĩ, à, vào mùa hè. Bởi hợp đồng của ông ấy hết hạn sau mùa giải này. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra ý ông ấy là bây giờ, ngay lập tức. Tôi đáp chuyến bay trở lại Mainz, và bốn nhà báo đang đợi ở sân vận động. Như vậy là nhiều, ở tầm của đội tôi. Ông ấy đã nói với tất cả bọn họ rằng ông ấy sẽ ra đi. Chỉ vậy thôi.”
Frank đã dành cả chặng đường về từ Leipzig để nghiền ngẫm lý do cho hai thất bại. Không hiểu sao, ông kết luận rằng chính bản
thân mình là nguyên nhân. Heidel mô tả việc Frank từ chức như một Kurzschlussreaktion, phản ứng cảm tính. Thậm chí ngay cả Jürgen Klopp, người bạn tâm giao của huấn luyện viên này trong phòng thay đồ, cũng không thể thay đổi được ý định của ông.
Kế nhiệm Frank là một người đàn ông tên Reinhard Saftig. Một nhà điều hành dày dạn, sở hữu bộ ria mép rậm với kinh nghiệm ở Bundesliga (Dortmund, Leverkusen) và Thổ Nhĩ Kỳ (Kocaelispor, Galatasaray), một phương án an toàn. Hoặc Heidel nghĩ vậy. “Ký hợp đồng với ông ta thực sự là một trong những ‘thành tựu’ của tôi,” ông nhăn mặt. “Saftig chẳng biết gì cả. Tôi phải nói thật. Ông ta không hiểu gì về bóng đá. Tất nhiên chúng tôi không được lên hạng. Mọi thứ rối tung ở ngày cuối cùng của mùa giải, tại Wolfsburg. Chúng tôi thua 4-5, thế là Wolfsburg chiếm suất lên hạng của chúng tôi. Một trận đấu huyền thoại, với một Jürgen Klopp vĩ đại.” Chơi ở vị trí hậu vệ phải, Klopp góp một bàn thắng trong bối cảnh đội khách vùng lên trong thế mười người và bị dẫn 3-1 để gỡ hòa, nhưng anh cũng là người đã mắc lỗi tai hại dẫn đến thất bại của Mainz. Cuộc đối đầu này có tính chất như một trận play-o lên hạng.
Frank, khi đó, đã chuyển tới dẫn dắt FK Austria Wien. Benjamin nhớ lại lúc ở trong xe cùng ông bố trên đường ra sân bay. “Ông gần như không nói gì. Tất cả những gì ông làm là học thuộc lòng tên của các cầu thủ người Áo. Ông muốn nhận biết tất cả bọn họ trước buổi tập đầu tiên.”
Đội bóng của thành Vienna, một tập thể lính đánh thuê trình độ trung bình bao gồm tuyển thủ người Bulgaria có bộ râu tóc rậm rạp khó tin - Trifon Ivanov, cũng hoang mang về hệ thống của Frank không kém gì Saftig tại Mainz, nơi cả đội vẫn tin vào phương pháp từ người tiền nhiệm của ông. Họ có nhiều nỗ lực
để quay về với hàng thủ ba người khi việc dùng tân binh Kramny cho vị trí trung vệ quét tỏ ra tai hại.
Saftig thích nhậu với các cầu thủ vào đêm trước ngày diễn ra trận đấu. “Những trụ cột như Jürgen Klopp rất sợ mấy lời rủ rê kiểu vậy. Saftig nát rượu và sung sức.”
Sau năm tháng ở Bruchweg, Saftig bị thay thế bởi huấn luyện viên người Áo Dietmar Constantini. Ông này từng làm trợ lý cho huấn luyện viên huyền thoại Ernst Happel và có lần đã giải thích với cánh nhà báo địa phương đang rối trí rằng lối chơi pressing của Mainz được mô phỏng theo “hình dáng của chiếc kèn túi”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là áp dụng lý thuyết hàng thủ bốn người của Frank, kèm một thay đổi quan trọng: có một trung vệ quét phía sau họ, như vai trò của Kramny. Heidel: “Vậy là chúng tôi có bốn cầu thủ dàn ngang ở hàng thủ kèm thêm một trung vệ quét phía sau. Kloppo tỏ ra quẫn trí vì kiểu sơ đồ này. Chúng tôi có mối quan hệ được xây dựng trên sự tín nhiệm. Cậu ấy đến chỗ tôi và nói: ‘Huấn luyện viên không hiểu tí gì về chiến thuật cả. Chúng ta không thể chơi kiểu vậy được. Hàng thủ bốn người kèm một trung vệ quét…’ Đó là lúc tôi nhận thấy một ngày nào đó cậu ấy có thể trở thành một huấn luyện viên bằng chính năng lực của mình.”
Constantini không thua nhiều trận. Nhưng ông cũng không thắng nhiều, chỉ bốn trên tổng số mười tám trận. “Vua của những trận hòa,” tờ Allgemeine Zeitung đặt biệt danh cho ông. Trận đấu cuối cùng của Constantini, thất bại 1-3 trên sân nhà trước SG Wattenscheid 09 (đội có Souleyman Sané, cha của tuyển thủ Đức Leroy Sané, trên hàng công) vào đầu tháng 4 năm 1998, khiến Mainz lại rơi vào khu vực xuống hạng. “Những người đến sau Frank đều không đặt niềm tin vào bộ tứ vệ,” Kramny cho hay. “Họ bảo các cầu thủ trong đội quá chậm chạp
để chơi trong hệ thống ấy và thay vào đó nghĩ ra đủ kiểu sơ đồ điên rồ. Nhưng đội bóng không chấp thuận quan điểm của họ, các cầu thủ vẫn tin vào hệ thống của Frank. Điều đó lý giải tại sao không kiểu chiến thuật nào khác hợp với chúng tôi.”
Constantini thú nhận với Heidel rằng ông không thể gắn kết phòng thay đồ. Vị giám đốc điều hành của Mainz nén sĩ diện và gọi cho huấn luyện viên duy nhất mà ông tin là có thể đưa đội bóng trở lại mạch thắng: Frank. Giao kèo của ông với Vienna đang đi đến hồi kết, cả hai phía đều đã đạt thỏa thuận chấm dứt vào cuối mùa giải. Sau khi Heidel gọi đến, nài nỉ tới tận 3 giờ sáng, Frank ngay lập tức rời vị trí để quay về quá khứ và lần thứ hai cứu Mainz khỏi nguy cơ rớt hạng. Ông giành chiến thắng ngay trận đầu tiên với tỉ số 2-1 trên sân của Stuttgarter Kickers, nhờ thổi vào một luồng hy vọng đúng lúc. “Ông ấy bùng nổ trong sự phấn khích,” Klopp nói trước máy quay sau tiếng còi chung cuộc. “Nếu ai đó có thể thu về những chuyển biến chỉ sau ba ngày, đó chính là ông ấy.” Mainz cán đích ở vị trí thứ mười.
Cả đội hài lòng khi lại được chơi trong hệ thống mà họ thấy thoải mái nhất. Khôi phục xong bộ tứ vệ dàn hàng ngang và lối chơi phòng ngự khu vực, Frank dời sự tập trung của mình sang việc chinh phục một nơi hoàn toàn khác biệt: bộ não của các cầu thủ.
“Ông ấy coi việc luyện trí lực cho đội bóng là một nhiệm vụ,” Strutz cho hay. “Ông ấy đi rất sâu vào mảng này, với việc áp dụng phương pháp đào tạo tâm lý và kỹ thuật giảm stress. Ông ấy còn mời về một chuyên gia trong lĩnh vực giảm căng thẳng tâm lý, sau chúng tôi mới biết người này trước từng làm lái tàu. Ông ta đã nhảy qua vài công việc.”
Strutz, một cựu vận động viên nhảy ba bước từng giành huy chương Bạc ở giải vô địch toàn nước Đức vào các năm 1969 và
1970, cảm thấy mình có một phần trách nhiệm trong chuyến du hành của Frank vào nơi tâm trí nội tại đầy lạ lẫm. “Tôi tặng ông ấy một cuốn sách, Die Macht der Motivation (Sức mạnh của động lực), viết bởi Nikolaus B. Enkelmann, mà chính tôi được tặng nhân dịp Giáng sinh, bởi tôi nghĩ ông ấy có thể sẽ thích nó. Nhưng ông ấy đã toàn tâm toàn ý theo đuổi cách tiếp cận tâm lý đó đến mức nó đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông ấy. Đào sâu đến giai đoạn những bài tập thở và việc lặp lại những câu thần chú. Chuyện này trở nên rất bí hiểm.”
Nhà Frank chất đầy những đầu sách và băng hình của Enkelmann, các con ông cho biết. Mỗi sáng, ông thức dậy và thực hành bài tập phát ngôn. Những mẩu giấy nhớ nhỏ ghi các mệnh đề ám thị được dính vào gương nhà tắm, kiểu như: “Tôi sẽ khỏe khoắn và mạnh mẽ hơn mỗi ngày”, v.v.. “Ai không thân với cha tôi sẽ cho rằng ông đôi khi hơi kỳ cục và lập dị,” Benjamin thừa nhận. Ở đợt tập huấn mùa đông năm 1998, lại được tổ chức ở Cyprus, các cầu thủ Mainz đã được hướng dẫn cách trị liệu lời nói, luyện dây thanh đới bằng cách hô to lặp đi lặp lại những nguyên âm. Đội Greuther Fürth bị chọc cười khi tình cờ ở cùng khách sạn và nghe thấy những tiếng hô “aaaaaa”,“oooooo” từ phòng ăn. Thủ môn người Áo Herbert Ilsanker có lần để ý thấy Frank thực hiện một cuộc phỏng vấn trong phòng xông hơi của đội. Một nơi lạ lùng cho việc này, anh nghĩ. Nhưng thậm chí còn lạ hơn nữa, Frank ngồi một mình trong phòng xông hơi, tự phỏng vấn mình - để luyện tập cách nói chuyện với đội bóng. “Tông giọng của ông ấy không bao giờ bị một màu. Khi ông ấy nói với bạn, bạn sẽ nhận ra,” Ilsanker kể trên tờ Allgemeine Zeitung. Và Frank nói rất nhiều. Những buổi họp đội trung bình kéo dài cả tiếng đồng hồ, và được lên lịch từng ngày một. “Mọi thứ rất ít khi vượt ngoài tầm kiểm soát, vài người cho là vậy,” Klopp nói. “Những cầu thủ bỏ học từ khá sớm nay bỗng đọc sách
trên xe buýt về những chủ đề mà tôi thậm chí không lĩnh hội được.”
Strutz: “Ưu tiên của chúng tôi thay đổi một chút. Frank muốn trau dồi các cầu thủ bằng cách trao cho họ ‘sự vững vàng trong cá tính’, ông ấy muốn cho họ thấy rằng điều này còn quan trọng hơn cả những mảng miếng chiến thuật hay cách di chuyển, rằng họ có thể đánh bại đối thủ bằng sức mạnh của trí óc.” Sau đó, khi dẫn dắt Kickers Oenbach, Frank đặt một quả bóng bàn lên miệng một cái chai và yêu cầu các cầu thủ của mình tập trung búng nó bay đi xa nhất có thể. “Làm sao có thể tối đa hóa tiềm năng tinh thần của mình? Đó là một trong những vấn đề quyết định,” ông chia sẻ với tờ Frankfurter Rundschau. Khi đó chỉ có một số ít người tin ông, nhưng ngày nay nhiều huấn luyện viên hàng đầu chắc chắn rằng đào tạo nhận thức và tìm cách rút ngắn thời gian phản xạ là vấn đề sống còn để tư duy của các cầu thủ bắt kịp được với kiểu trận đấu càng ngày càng nhanh. “Để thể hiện tốt hơn nhờ khả năng hiểu vấn đề nhanh hơn, phân tích nhanh hơn, quyết định nhanh hơn và hành động nhanh hơn,” theo lời Ralf Rangnick.
Ông là người chấp hành kỷ luật nhưng cũng là một nhà ngoại giao, Sebastian nhớ lại, rất khác so với những kiểu huấn luyện viên thiết quân luật đang chiếm ưu thế ở môn thể thao này thời kỳ đó. “Cách ông ấy đối xử với các cầu thủ của đội khiến chúng tôi nhận ra: A, coi này, một thái độ khác,” Klopp nói trên tờ Frankfurter Rundschau vào năm 2007. “Ông ấy đặt tính nhân văn vào trung tâm. Chúng tôi thực sự yêu quý ông ấy. Khi thua trận, chúng tôi có hai vấn đề. Thứ nhất, là việc chúng tôi để thua. Thứ hai, là việc chúng tôi khiến Wolfgang thất vọng. Điều này khá quan trọng với chúng tôi. Cách ông ấy khiến cả đội ủng hộ mình thật khác thường.”
Klopp và Frank có đôi lần tranh cãi, nhưng chỉ có một lần họ giận dỗi nhau. Trong một lần đi tập huấn, Klopp từng thú nhận với vị huấn luyện viên rằng anh thấy như thể ông đang “đổ thêm một xô nước vào cái cốc đã đầy tràn”, và rằng nhiều cầu thủ khác cũng cảm nhận như vậy. Frank cảm thấy bị sỉ nhục và Klopp lo lắng trước viễn cảnh phải ra đường (“cả đêm tôi không ngủ nổi”). Nhưng ngày hôm sau, mọi việc diễn ra như bình thường. “Tôi nói chuyện với các cầu thủ theo cái cách tôi muốn các huấn luyện viên nói chuyện với tôi,” Frank chia sẻ về phương pháp quản lý của ông.
Nhưng có lẽ ông không phải lúc nào cũng đi đúng hướng. “Frank là người có tính tình rất đặc biệt,” Strutz cho hay. “Ông ấy có thể là một huấn luyện viên tuyệt vời nếu thoải mái hơn một chút. Không như Jürgen Klopp sau này, ông ấy quá nghiêm túc. Và ông ấy không thực sự hiểu rằng các cầu thủ trẻ đôi khi muốn giải trí và uống chút bia, họ không muốn bị bó buộc.”
Hai cậu con trai của ông lại vẽ lên một bức tranh nhiều sắc thái hơn. Ở nhà, theo họ kể, Frank có khi rất vui tính, rất ấm áp. Nhưng ông không thích sự nổi bật, không phải là kiểu người dám trèo hàng rào đằng trước nhà. “Cha tôi”, Sebastian nói, “lạc lối trong cuộc đời của một huấn luyện viên bóng đá. Tôi không chắc ông biết giá một ổ bánh mì. Đôi khi ông còn thấy khó để sống một cuộc đời bình thường. Những ngày làm việc của ông bắt đầu từ bảy giờ với bữa sáng ở câu lạc bộ và kết thúc sau nửa đêm. Cha đẩy mình đến giới hạn; ông muốn cho các cầu thủ của mình nhận thấy mức độ tận tụy đó.”
Frank sưu tầm bất cứ thứ gì ông xem là hữu ích cho công việc. Ông cắt những mẩu báo chí, lưu trữ chế độ tập luyện và sắp xếp vào những tập hồ sơ lớn. “Ông nhúng tay vào mọi việc,” Benjamin Frank cho hay. Như nhiều người tham công tiếc việc,
ông có cảm giác không thể ủy thác cho ai đó. Ông muốn điều hành tổng thể hoặc ít nhất cần hiểu về mọi việc đang diễn ra, tới từng chi tiết. Thường thường, ở nhà hay có tranh cãi, do ông lại đem cho khoản tiền thưởng thắng trận - khoản thu nhập phụ thêm vào đồng lương khiêm tốn của ông, đến những người quản sân hoặc ai đó ở câu lạc bộ, vì cho rằng họ cũng quan trọng như những tiền đạo hay hậu vệ của đội bóng. Frank coi một câu lạc bộ bóng đá là một tổ chức lớn, không phải một công ty được tạo nên từ nhiều phòng ban ít liên quan đến nhau.
Cảm xúc của ông dưới tư cách huấn luyện viên là hoàn toàn hướng nội. Một lần, ông tỏ ra thất vọng và bực bội đến mức tự tay dọn tất cả đồ đạc trong văn phòng của mình ra bên ngoài. Mainz đã phải giả vờ với mọi người rằng họ đang sửa chữa và sơn lại căn phòng. Lý do cho cơn giận dữ của Frank không phải do tranh cãi với các quan chức của câu lạc bộ hay các cầu thủ. Không, do đội bóng của ông thua một trận đấu cúp trên sân khách trước Bayern Munich. “Đó là kiểu hành xử của cha tôi,” Sebastian Frank gật đầu. “Ông chắc chắn rằng một Mainz nhỏ bé lão luyện có thể thắng ở Munich nếu họ chơi bóng ở giới hạn cao nhất và có thể cầm hòa được Bayern trong một ngày xấu trời. (Klopp, một cách tình cờ, dự khán thất bại 3-0 này trên khán đài của sân Olympic, do bị truất quyền thi đấu ở vòng trước sau một pha triệt hạ tiền đạo người Iran Ali Daei của Hertha BSC. Sau khi hậu vệ này bị đuổi, một cầu thủ khác của Mainz, Marcio Rodriguez, cũng nhận thẻ đỏ bởi một pha ăn mừng bàn thắng quá khích. Khi trận đấu kết thúc, cầu thủ người Brazil không để ý Klopp đang trong nhà vệ sinh ở phòng thay đồ và vô tình nhốt đồng đội của mình.)
Dưới sự dẫn dắt của Frank, 05 một lần nữa đạt được những thành tựu to lớn hơn nhiều so với hầu bao bé nhỏ của đội. Họ về đích thứ bảy ở mùa 1998-99 và thứ chín một năm sau đó.
Nhưng người đàn ông đã “đánh thức Mainz đang say ngủ”, như tờ Süddeutsche Zeitung nhìn nhận nhiều năm sau này, một lần nữa tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Ông muốn hành nghề tại Bundesliga, và tin rằng MSV Duisburg, đội bóng với biệt danh Những chú ngựa vằn, sẽ mang tới một cơ hội tốt hơn để được công nhận ở đẳng cấp cao nhất. Nhưng vụ chuyển nhượng của ông từ vùng Ruhr đến câu lạc bộ truyền thống tầm trung này lại phản tác dụng. Frank bị sa thải khi mùa giải mới của 2. Bundesliga khởi tranh được bốn tháng, với việc đội bóng ngấp nghé khu vực xuống hạng. “Ngay từ đầu phương pháp của ông ấy gặp phải sự cự tuyệt từ số đông cầu thủ của đội,” tờ Rhein-Post ghi lại. Bên cạnh nhiều hoạt động khác, ông từng yêu cầu các cầu thủ của mình ôm những cái cây trong một buổi chạy bền xuyên rừng.
Nhiệm kỳ tiếp theo của ông, tại SpVgg Unterhaching, tỏ ra thành công hơn - ông đưa một đội bóng từng chơi ở hạng đấu cao nhất, có trụ sở ở ngoại ô Munich, từ hạng Ba lên 2. Bundesliga - nhưng bị sa thải một năm sau đó. Một chiến dịch với SSC Farul Constanța ở Romania đâm vào một con đường cụt khác. Danh sách chủ quản sau đó của ông đọc lên giống một bảng danh vọng của những đội bóng kiệt quệ ở giải hạng dưới và các câu lạc bộ chuyên hứng chịu những giấc mơ dang dở và những nỗi thất vọng thay vì điểm số: FC Sachsen Leipzig (giờ đã giải thể), Kickers Oenbach, Wuppertaler SV, SV Wehen Wiesbaden, FC Carl Zeiss Jena, KAS Eupen (Bỉ). Không đội nào trong số này thực sự hợp với ông.
Frank sau đó từng thú nhận rằng ông có lẽ đã tiếp quản quá nhiều câu lạc bộ trong sự nghiệp của mình. “Lẽ ra đã ổn hơn rất nhiều nếu ông chịu chờ đợi một đề nghị hợp lý. Nhưng viễn cảnh thất nghiệp, không thể mang tất cả những gì mình biết vào công việc, khiến ông sợ hãi,” Sebastian Frank chia sẻ. “Ông cũng mang theo nỗi sợ bị lãng quên và bị đánh giá thấp nếu ẩn
mình quá lâu. Cha chúng tôi thường nghĩ về những gì có thể xảy ra, liệu hành trình này có thể đưa ông đến đâu.” Một lần, Werder Bremen ngỏ lời, nhưng Frank lại tự tin rằng ông sẽ tìm thấy niềm vui tại Áo vào thời điểm ấy. Điều tương tự lại xảy đến với Hansa Rostock vài năm sau đó.
“Cha chúng tôi sở hữu kho kiến thức khổng lồ và những ý tưởng có tầm nhìn,” Benjamin Frank nói thêm. “Ông tạo ấn tượng là người tự tin, nhưng cũng luôn âm thầm ngờ vực bản thân, khi nói về thành quả và ảnh hưởng của ông lên đội bóng. Với tư cách một huấn luyện viên, ông vẫn chưa được toại nguyện.”
“Ông ấy gần như chưa bao giờ nâng được sự nghiệp của mình bật hẳn lên do sở hữu một cá tính gai góc,” Heidel cho hay. “Tôi là người duy nhất hợp tính ông ấy. Chúng tôi khá thân, cho tới một lần cãi nhau to. Sau khi ông ấy chia tay chúng tôi lần thứ hai, đến Duisburg, chúng tôi không chuyện trò gì với nhau trong vòng hai năm. Ông ấy luôn nghĩ mình có thể tìm được điều gì đó tốt hơn.”
Nhưng không bên nào làm được điều đó. Vào thời khắc chuyển giao của thiên niên kỷ, hệ thống gây chấn động của Frank vẫn tỏ ra cấp tiến so với trình độ của bóng đá Đức đến mức những huấn luyện viên sau này của Mainz gần như không biết cách vận hành nó thế nào. “Về mặt chiến thuật, đội bóng giỏi hơn các huấn luyện viên,” Klopp cho hay. Đội tuyển quốc gia và đa số các đội bóng ở cấp câu lạc bộ vẫn tuyệt đối trung thành với hệ thống có trung vệ quét. Heidel: “Ở Mainz, một nửa số cầu thủ biết cách chơi với hàng thủ bốn người, và nửa còn lại mù tịt. Và các huấn luyện viên không hiểu tại sao. Chúng tôi từng bổ nhiệm bất cứ ai tình cờ có bộ quần áo thể thao trong tủ đồ lên ghế huấn luyện. Nhưng không ai có thể giảng giải cho các cầu thủ những gì họ được Wolfgang dạy. Chúng tôi về cơ bản đã xong đời vào mùa
đông năm 2001. Kết thúc hẳn. Tôi nói với Kloppo: ‘Cậu sáng dạ, cậu có khả năng ăn nói, cậu hiểu lối chơi của đội. Cậu có muốn cân nhắc vị trí này nếu có thể vực dậy đội?’ Trong vòng hai tuần, cậu ấy giải quyết xong.”
Klopp và Frank từng có những cuộc thảo luận kéo dài về bóng đá và nghệ thuật huấn luyện, theo lời Benjamin Frank. “Klopp luôn đặt ra những câu hỏi, anh ấy muốn biết mục đích của các bài tập riêng biệt. Cha khuyên anh ấy nên ghi chép mọi thứ: những bài nói chuyện với đội, các dạng chiến thuật, những buổi tập, các ý tưởng cho lối chơi. Ông có cảm nhận rằng một ngày nào đó Klopp sẽ tận dụng được những điều này. Cha chúng tôi chắc chắn là nguồn cảm hứng đằng sau việc anh ấy trở thành một huấn luyện viên.”
Trong ngày hậu vệ có dáng vẻ mảnh khảnh được thăng chức lên làm cầu thủ kiêm huấn luyện viên, Mainz trở thành câu lạc bộ có tiếng đầu tiên ở Đức làm điều trái khoáy này. Bắt nguồn từ Klopp, các huấn luyện viên giờ được lựa chọn để ăn khớp với đội ngũ và một lối chơi cụ thể, chứ không phải điều ngược lại. “Chúng tôi không cần một huấn luyện viên giảng giải cho chúng tôi ý tưởng của anh ta, chúng tôi muốn đưa ra một khái niệm rồi sau đó tìm người phù hợp cho nó,” Heidel lý giải. “Điều đó trở thành kim chỉ nam cho cách chúng tôi vận hành đội bóng, cho tới khi tôi rời đi vào năm 2016. Tất cả khởi nguồn từ năm đầu tiên với Wolfgang Frank, năm đầu tiên trong bất kỳ thành công nào chúng tôi có được. Khi đó chúng tôi hiểu rằng chiến thuật có thể đưa chúng tôi đến một tầm nào đó, thậm chí với từng cá nhân các cầu thủ có trình độ thấp hơn. Mainz của hiện tại cũng như vậy.”
Cách làm thận trọng dành cho FSV, ông nói thêm, cũng hợp lý để áp dụng với những đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh hơn.