🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hơi Thở Nuôi Dưỡng Và Trị Liệu Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Lời Dẫn Nhập Chương 01: An Trú Trong Hiện Tại Chương 02: Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở Chương 03: Thương Thân Chương 04: Câu Hỏi và Trả Lời Chương 05: Quán Thân Trong Thân Chương 06: Chăm Sóc Những Cảm Thọ Chương 07: Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt Chương 08: Chuyển Hóa Tận Gốc Chương 09: Câu Hỏi và Trả Lời Chương 10: Tình Thương Chân Thật Chương 11: Tam Pháp Ấn Chương 12: Chuyển Hóa Khổ Đau Chương 13: Buông Bỏ Tri Giác Sai Lầm (Vọng Tưởng) Chương 14: Câu Hỏi và Trả Lời Chương 15: Hạnh Phúc Không Phải là Vấn Đề Cá Nhân Chương 16: Lục Độ Ba La Mật Phụ lục Lời Dẫn Nhập Vào năm 1998, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai đã hướng dẫn một khóa tu hai mươi mốt ngày về kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anāpānasati) tại thành phố Burlington, tiểu bang Vermont, miền Đông Hoa Kỳ. Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một bản kinh thiền tập căn bản của đạo Bụt. Ngoài ra chúng ta còn có những kinh thiền tập căn bản khác như kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm (Tứ Niệm Xứ) và Kinh Người Biết Sống Một Mình (Nhất Dạ Trú Giả). Đây là những bản kinh được xem là cốt lõi của thiền tập, là các kinh gối đầu dường để thực tập phát triển niệm, định, tuệ của các thầy và các sư cô. Thời Bụt còn tại thế, các thầy và các sư cô đều phải học thuộc lòng các kinh này để nhớ mà hành trì. Đây là khóa tu 21 ngày được tổ chức lần đầu tại Bắc Mỹ và có trên bốn trăm thiền sinh tham dự, đa số là những người tham dự khóa tu chánh niệm lần đầu. Các thầy, các sư cô và các vị thiền sinh đã tham gia các thời khóa sinh hoạt rất hết lòng như ngồi thiền, đi thiền, ăn cơm trong chánh niệm, nghe pháp thoại, pháp đàm và thực tập im lặng hùng tráng... Các vị thiền sinh đã được Thầy khéo léo dẫn dắt trong quá trình thực tập và giúp họ nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa những khổ đau, khó khăn, bế tắc, căng thẳng và vướng bận trong đời sống hàng ngày và cuối cùng giúp họ nếm được trạng thái an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc của nội tâm. Trong truyền thống đạo Bụt, niệm, định, tuệ (tam vô lậu học) được xem là nền tảng, là cốt lõi của sự tu tập. Kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anāpānasati sutta) cùng với kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm là các bản kinh trong đó đức Thế Tôn trình bày rất khéo léo, có hệ thống và thực tiễn cho sự thực tập phát triển ba nguồn năng lượng mầu nhiệm ấy. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, hơi thở chánh niệm được sử dụng như là một sợi dây có công năng nối kết thân tâm lại một mối. Hơi thở là một khí cụ tuyệt vời giúp hành giả thiết lập chánh niệm và an trú thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong ta và quanh ta. Chánh niệm giúp ta biết được những gì đang xảy ra trong ta và quanh ta. Kinh Quán Niệm Hơi thở là một hệ thống thiền tập rất căn bản của đạo Bụt, là một nghệ thuật vun trồng và điều phục thân tâm tuyệt vời. Do đó Bụt giảng dạy kinh này nhiều lần cho hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia để nắm vững mà thực tập. Trên 2,600 năm qua, lời dạy và sự thực tập này được duy trì và truyền lại cho nhiều thế hệ như là cốt lõi và kim chỉ nam của thiền tập. Lời dạy và sự thực tập của kinh Quán Niệm Hơi Thở vẫn luôn được xem là phần quan trọng và căn bản của nền tảng pháp hành. Nếu nghiên cứu rộng vào kinh điển nguyên thỉ, ta sẽ thấy chính đức Thế Tôn đã giảng dạy Kinh Quán Niệm Hơi Thở rất nhiều lần và mỗi lần giảng dạy, Ngài đều có cơ hội làm mới, bổ túc để cho lời dạy và sự thực tập trở nên phong phú, thực tiễn để đáp ứng đúng vào tình trạng tâm lý, nhu cầu và hoàn cảnh xã hội đương thời và hoàn thiện giáo pháp thâm sâu, vi diệu mà Ngài đã khám phá. Như vậy, kinh Quán Niệm Hơi Thở qua Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở đã được đức Thế Tôn trình bày có công năng hướng dẫn chúng ta đạt tới khả năng nuôi dưỡng, trị liệu, chuyển hóa và cuối cùng đạt tới giác ngộ, giải thoát tự thân ngay trong kiếp sống hiện tại. Kinh Quán Niệm Hơi Thở gồm có mười sáu phép thực tập thở mà chánh niệm là trái tim của sự thực tập. Bốn phép thở đầu là để chăm sóc thân (thân thể) trong đó hơi thở là một phần thuộc về thân, bốn phép thở kế là để chăm sóc về lãnh vực cảm thọ, bốn phép thở kế nữa thuộc về lãnh vực tâm hành hay tâm ý và bốn phép thở cuối cùng thuộc về pháp, tức là những đối tượng của tri giác. Hai phép thở đầu là thực tập nhận diện sự có mặt của hơi thở và quá trình dài hoặc ngắn của hơi thở; hai phép thở kế tiếp là thực tập nhận diện sự có mặt của thân thể và làm lắng dịu, buông thư thân thể đem lại sự an bình, thư thái và nhẹ nhàng cho thân thể. Ngay ở bốn phép thở đầu tiên của kinh Quán Niệm Hơi Thở, ta thấy đức Thế Tôn cống hiến cho ta một phương thuốc thần diệu để đối trị những vấn đề đau nhức về thân bệnh như căng thẳng (stress) - một căn bệnh lớn và phổ biến của thời đại và những triệu chứng khác của thân như huyết áp cao, lở loét nội tạng, ung thư, sự nóng nảy, bồn chồn và bất an... Tuy lời dạy của Bụt đã nói cách đây hơn 2600 năm, nhưng pháp âm của Ngài vẫn còn rất thiết thực đối với thời đại của chúng ta. Đó là đặc tính vượt thoát thời gian (akalika) của giáo pháp. Hiện nay các ngành tâm lý trị liệu, y khoa tại các trung tâm điều trị, bệnh viện trên thế giới đều đang học hỏi Kinh Quán Niệm Hơi Thở và đem áp dụng vào lĩnh vực trị liệu để điều trị cho các bệnh nhân và nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, môi trường, chính trị, học đường... Nếp sống chánh niệm không chỉ được thực hiện tại thiền đường, tu viện, tự viện mà có thể được áp dụng ở mọi nơi mọi lúc. Khi thân tâm ta được thiết lập vững chãi trong chánh niệm thì những hành động (thân, khẩu và ý) của ta sẽ trở nên khéo léo, đẹp đẽ và chuyên chở được tình thương yêu đích thực. Chánh niệm mang trong nó năng lượng của định và của tuệ và khi niệm, định và tuệ hùng hậu thì ta tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu của sự sống trong ta và quanh ta. Ta thường sống trong sự quên lãng, sống trong ngục tù của ý niệm, khái niệm, dự tính, nghi kỵ, suy nghĩ miên man, trong sự tiếc nuối về quá khứ, lo lắng và sợ hãi đối với tương lai; ta đánh mất khả năng sống an vui và hạnh phúc trong giây phút hiện tại, đánh mất khả năng trở về với thân tâm, làm quen với thân tâm và ý thức những gì đang xảy ra nơi thân và tâm mình. Thực tập hơi thở chánh niệm, ta có cơ hội quán sát thân tâm mình, biết được những gì đang xảy ra trong thân tâm qua bốn lãnh vực: thân thể, cảm thọ, tâm hành, và đối tượng của tâm hành - tức là nhận thức để ôm ấp, làm lắng dịu, nhìn sâu, chuyển hóa và trị liệu. An lạc, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu phải bắt đầu với chính mình. Đây là nguyên tắc căn bản của tình thương. Thực tập quán niệm hơi thở, ta tạo cho bản thân khả năng sống vững chãi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại, không nuối tiếc quá khứ, không lo lắng và sợ hãi về tương lai. Đức Thế Tôn có dạy: ‘‘Quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để ta đầu tư và thật sự sống mà thôi.’’ Giây phút hiện tại là địa chỉ của Bụt, là Tịnh Độ Hiện Tiền, là Thiên Quốc. Đánh mất hiện tại là đánh mất sự sống. Tại sao chúng ta phải hối hả chạy về phía tương lai trong khi đó ta biết rất rõ đó là phía của nghĩa địa, là nơi chôn cất hình hài ta! Bốn phép thở kế (5-8) là để giúp ta thực tập chế tác niềm vui, nhận diện và ôm ấp những cảm thọ, làm cho chúng lắng dịu xuống và chuyển hóa thành cảm giác an lạc (lạc thọ). Ý thức được từng hơi thở tức là ta đang thật sự sống, đang tham dự trọn vẹn vào thực tại của sự sống và biết rõ cái gì đang xảy ra trong ta và quanh ta. Ta không còn sống như một bóng ma nữa. Mỗi hơi thở là thực tại của sự sống, nó vượt thoát thời gian và không gian. Phép thở thứ 9-12 là những bài thực tập giúp ta nhận diện những tâm hành mỗi khi chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức. Trước hết chúng ta chỉ nhận diện đơn thuần những tâm hành mỗi khi chúng phát khởi, không trốn chạy, xua đuổi, nắm bắt, ghì lấy hoặc vướng mắc. Với hơi thở có ý thức, ta thắp lên ánh sáng chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc nó, sống hài hòa với nó. Có nhiều người trong xã hội chúng ta đã đánh mất khả năng trở về với nội tâm vì trong nội tâm có quá nhiều niềm đau nỗi khổ và xung đột..., về đó ta cảm thấy không thoải mái nên thường tìm cách trốn chạy. Thực tập bốn phép thở này ta có thể trở về với vương quốc (thân và tâm) của ta để chăm sóc và làm cho lãnh thổ của ta yên bình trở lại và chánh niệm là khí giới để cho ta thực hiện cuộc trở về. Đức Thế Tôn không bao giờ bảo chúng ta trốn tránh khổ đau, Ngài bảo chúng ta trở về chăm sóc, sống hài hòa với khổ đau, rồi nhìn sâu để chuyển hóa. Đó là giáo lý tương tức, duyên khởi của đạo Bụt; là nguyên tắc ‘Phiền não tức bồ đề; rác và hoa không hai’. Bốn phép thở cuối cùng (13-16) là chìa khóa giúp ta mở cửa thực tại, buông bỏ ngã chấp và những tri giác sai lầm về ta và về thế giới để đạt tới tự do lớn. Bối cảnh gia đình đang bị đổ vỡ, xã hội, nền đạo đức của nhân loại đang trên đà băng hoại, hành tinh của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng, trái đất nóng lên mỗi ngày, đó là vì thiếu chất liệu an lạc, trí tuệ và tình thương trong mỗi chúng ta. Những vấn đề lớn này đều do vô minh, tri giác sai lầm của cá nhân và cộng đồng tạo ra. Chúng ta chấp vào cái ngã như một cá nhân, như một chủng tộc... và ta tranh đấu để phục vụ cho cái ngã ấy, do đó tạo ra nhiều khổ đau cho chính bản thân và cho mọi người và mọi loài khác. Bốn hơi thở cuối của Kinh Quán Niệm Hơi Thở hướng dẫn chúng ta thực tập buông bỏ ngã chấp, buông bỏ tri giác sai lầm, buông bỏ những cái không đáng tham cầu và vướng mắc để chứng nhập vào nguồn tuệ giác thâm sâu của vô thường, vô ngã, tương tức, duyên khởi, tánh không và niết bàn. Khi đạt tới được những nguồn tuệ giác này thì ta hoàn toàn tự do; ta sống có trách nhiệm, hài hòa và thương yêu hơn với mọi loài quanh ta. Nếu học hỏi và thực tập kinh Quán Niệm Hơi Thở một cách sâu sắc và quán chiếu dưới lăng kính của tuệ giác đại thừa, ta sẽ khám phá ra rằng kinh Quán Niệm Hơi Thở là bản kinh tóm thâu tất cả các giáo lý thâm sâu như giáo lý Duyên Khởi, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v.. Khi thực tập kinh Quán Niệm Hơi Thở, chúng ta sẽ thấy rằng những giáo lý thâm sâu của đại thừa được áp dụng một cách thực tiễn vào đời sống hàng ngày để chuyển hóa khổ đau, đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu rất lớn. Thưa các bạn, Kinh Quán Niệm Hơi Thở là một bản đồ tu tập rất mầu nhiệm, rõ ràng và thiết thực mà Bụt đã khám phá và cống hiến cho chúng ta. Người nào cầm được bản đồ này trên tay, thì khi tu tập chắc chắn sẽ không sợ bị lạc đường. Những chỉ dẫn trong kinh Quán Niệm Hơi Thở được trình bày trong cuốn sách này rất đơn giản, dễ hiểu, thực tiễn và khoa học. Qua cuốn sách này, các bạn sẽ thấy rằng đạo Bụt không chỉ đơn giản là một tôn giáo mang tính tín ngưỡng, mê tín, mà đạo Bụt là nguồn tuệ giác rất thâm sâu. Khi chạm tới được nguồn tuệ giác ấy thì tất cả những niềm đau nỗi khổ, phiền não trong ta tan biến và ta đạt tới hạnh phúc và tự do lớn. Thưa các bạn, để cho sự học hỏi và thực tập có hiệu quả, các bạn không nên ngấu nghiến hết quyển sách mới đem ra thực tập, mà đọc tới đâu bạn hãy đem ra áp dụng liền vì như thế các bạn sẽ gặt hái được nhiều lợi lạc và sẽ tạo dựng được niềm tin vững bền nơi khả năng sống hạnh phúc của chính mình. Những gì ta muốn tìm kiếm đã sẵn có nơi tự thân; ta đã là cái ta muốn trở thành. Chỉ cần thắp lên ánh sáng chánh niệm để nhận diện nó (tính Bụt) mà thôi. Chúc các bạn thực hiện thành công cuộc trở với quê hương đích thực của mình và gặt hái được nhiều niềm vui, hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi. Thích Chân Pháp Niệm, người dịch Chương 01: An Trú Trong Hiện Tại Kính thưa đại chúng, chúng tôi rất vui mừng được đón chào quý vị đến tham dự khóa tu 21 ngày được tổ chức lần đầu tại Mỹ. Chúng ta thật may mắn và hạnh phúc có được cơ duyên đến tu tập với nhau trong suốt hai mươi mốt ngày. Hiện tại có trên bốn trăm người tham dự trong khóa tu này. Với một đại chúng đông đảo như thế này, chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra được năng lượng tu tập rất hùng hậu và hỗ trợ nhau thành tựu trên con đường tu tập, trị liệu và chuyển hóa thân tâm. Chúng ta sẽ chuyên chở được trong tự thân của mỗi người chất liệu của Bụt và của Pháp. Vì nơi nào có Tăng thân là nơi đó có Phật thân và Pháp thân. Trong đại chúng đây có nhiều vị đã tu tập lâu năm, có nhiều kinh nghiệm; có những vị đã tu tập mười năm, có những vị đã tu tập hai mươi năm hoặc nhiều hơn, tuy nhiên có rất nhiều người mới tiếp xúc lần đầu với pháp tu chánh niệm. Nhưng với sự dìu dắt, nâng đỡ của tăng thân, của những người bạn tu có nhiều kinh nghiệm, chắc chắn người nào cũng sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt, người nào cũng sẽ được chuyển hóa và trị liệu. Kính thưa quý vị, được sống và tu tập trong môi trường tăng thân là một cơ may hiếm có, mỗi người sẽ được thừa hưởng năng lượng tu tập hùng hậu của tăng thân và năng lượng ấy sẽ giúp ta chuyển hóa và trị liệu được tự thân. Tăng thân được ví như một dòng sông trong đó mỗi người là một giọt nước trong dòng sông đang cùng dòng sông đi về biển cả. Trong đại chúng, có những vị đã thực tập thành công, đạt được nhiều hạnh phúc. Nhìn cách đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc và tiếp xử của họ ta thấy nơi họ tỏa chiếu chất liệu vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc. Chúng ta thật may mắn có được những người bạn tu như thế đang thực tập chung. Mình chỉ cần có mặt thôi, chưa cần làm gì hết là mình đã được thấm nhuần năng lượng tu tập của tăng thân rồi. Nghĩa là mình hoàn toàn phó thác thân mạng mình cho tăng thân, cho phép tăng thân ôm ấp, nâng đỡ và đưa mình đi như dòng sông chuyên chở giọt nước về biển cả. Điều quan trọng là hãy tập dừng lại, buông bỏ mọi sự lo toan, bận rộn và tranh đấu của cuộc sống. Chúng ta đã tranh đấu, đã lo lắng quá nhiều trong đời sống hằng ngày, lúc nào cũng vật lộn với cuộc sống để đạt tới mục tiêu, để có được đồng ra đồng vào. Nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể có được khi mình có được cái này cái kia... Vì nghĩ như thế nên tâm ta cứ bận về quá khứ, mơ tưởng tới tương lai, vướng bận vào các dự án và vì thế ta đánh mất khả năng sống thảnh thơi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Yếu tố căn bản của thiền tập là dừng lại- chỉ. Ta thực tập dừng lại mọi sự tranh đấu, mọi lo sợ về tương lai, tiếc nuối về quá khứ để có thể có mặt đích thực cho sự sống trong giây phút hiện tại. Sự sống chỉ có thể tìm thấy trong hiện tại, đánh mất hiện tại, hy sinh hiện tại cho hạnh phúc tương lai tức là đánh mất sự sống. Tăng thân được ví như một dòng sông và ta là giọt nước trong dòng sông đang cùng dòng sông đi về biển cả. Nhưng muốn cùng dòng sông đi về biển cả, ta phải có khả năng buông bỏ tất cả những âu lo, phiền muộn, vướng mắc, đam mê và nhất là ý niệm về hạnh phúc mà mình đang đeo đuổi. ‘‘Con về nương tựa Tăng’’ không phải là lời tuyên bố suông mang tính tín ngưỡng; ‘Con về nương tựa Tăng’ là sự thực tập thực tiễn, nghĩa là mình cho phép tăng thân ôm ấp, chuyên chở, dìu dắt và soi sáng mình trên bước đường tu học. Khi phát nguyện ‘Con về nương tựa Tăng’, tức là mình phải có đức tin nơi Tăng. Khi mình hoàn toàn phó thác thân mạng mình cho tăng thân- như giọt nước phó thác hoàn toàn thân mạng nó cho dòng sông- thì năng lượng của tăng thân sẽ thấm nhuần vào mình một cách dễ dàng và giúp mình chuyển hóa những niềm đau, nỗi khổ rất mau chóng. Kính thưa quí vị, tôi biết có rất nhiều vị trong đại chúng tiếp xúc với truyền thống đạo Bụt lần đầu, có thể quý vị chưa quen cách tiếp xử và chào hỏi theo lễ nghi của truyền thống đạo Bụt, chắc chắn quý vị cảm thấy hơi lúng túng, không biết phải tiếp xử như thế nào cho đúng phép. Điều này thật ra cũng không quan trọng lắm, quan trọng là quý vị thực tập cho hết lòng, giao phó thân mạng mình cho tăng thân và cho phép tăng thân nâng đỡ, dìu dắt mình. Luôn luôn nắm lấy hơi thở và bước chân chánh niệm để trở về với chính mình, thực tập dừng lại mọi sự tranh đấu, lo toan của cuộc sống. Trong khóa tu này, chúng ta sẽ có cơ hội thực tập đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, tiếp xử, làm việc, thở, ăn cơm và pháp đàm với nhau trong chánh niệm. Chúng ta hãy trân quý và tận hưởng từng giây phút sự có mặt của nhau trong suốt khóa tu. Quý vị hãy tập đi như thế nào để mỗi bước chân có khả năng đem lại an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Quý vị hãy tập thở như thế nào để chất liệu an lạc và sự sống có mặt với quý vị trong từng hơi thở. Trong khi thực tập, nếu quý vị cảm thấy an lạc, hạnh phúc, thân tâm được thư thái, nhẹ nhàng thì có nghĩa quý vị đang thực tập đúng. Điều này không cần có sự chứng nhận của bất cứ ai, dù là đức Thế Tôn hoặc Thầy của quý vị. Chỉ có mình mới biết được là mình đang thực tập đúng hay chưa mà thôi. Nếu quý vị cảm thấy an lạc trong khi thực tập thở vào và thở ra , thấy rằng mình đang thở vào, thở ra một cách rất thích thú, thì tự biết là mình đang thực tập đúng và niềm tin nơi sự thực tập tăng tiến vững vàng. Nếu thực tập đúng, quý vị sẽ cảm thấy an lạc, thoải mái và hạnh phúc ngay trong khi thực tập. Còn việc nên chắp ta xá hay không nên và nên xá vào lúc nào cho đúng hoặc đứng vào vị trí nào mới phải?.., những điều đó quý vị không nên quá bận tâm. Bất cứ trong tư thế sinh hoạt nào, nếu thân tâm mình có sự thư thái, an lạc, có chánh niệm và không cảm thấy bị áp lực thì quý vị đang hành xử đúng. Chánh niệm là nguồn năng lượng có khả năng giúp ta có mặt đích thực trong giây phút hiện tại để ta có thể nếm được hương vị của an lạc và hạnh phúc chân thực. Thưa quí vị, đây không phải là một khóa tu mang tính tu gắt. Ta không nên bị rơi vào cái bẩy của lối tu hình thức. Tôi không có cảm tình với hai chữ 'tu gắt' lắm. Tu tập không phải là sự cố gắng cực nhọc, khắc khổ trong hiện tại để đạt tới mục tiêu ở tương lai. Mình phải thực tập như thế nào để có an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc ngay trong khi thực tập. Ví dụ khi thực tập thiền đi, thì hãy đi mà không cần tới; đi như thế nào để mỗi bước chân có thể đem lại an lạc, hạnh phúc, vững chãi và thảnh thơi ngay trong khi đi. Mình không cần phải cố gắng bước từng bước cực nhọc để có hạnh phúc. Mỗi bước chân đều có giá trị của nó. Nếu mỗi bước chân có thể chế tác được năng lượng chánh niệm, làm tăng trưởng chất liệu an lạc, vững chãi và thảnh thơi thì bước chân ấy là bước chân có sự sống. Tu tập là phải đạt tới được niềm vui và sự nhẹ nhàng ngay trong khi tu, chứ không phải tu cho thật ráo riết, cố gắng cực nhọc trong hiện tại để mong chờ an lạc và hạnh phúc ở phía tương lai. Đặc tính của giáo pháp là vượt thoát thời gian (akalika). Nghĩa là sự đạt ngộ không phải là vấn đề thời gian. Vì vậy trong khi tu tập, mình không nên cố gắng cực nhọc để mong chờ kết quả ở phía tương lai. Trong suốt khóa tu, quý vị không cần phải chuẩn bị gì cả. Đây là khóa tu chứ không phải khóa học như ở các trường đại học hay trường Phật học, do đó quý vị không cần phải tham khảo các tư liệu nào cả. Tuy nhiên quý vị sẽ được phát cho một trang giấy trong đó có viết đại cương về Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở dùng để theo dõi trong suốt khóa tu. Trong khi nghe pháp thoại, không nên ghi chép nhiều, quan trọng là quý vị thực tập có mặt cho trọn vẹn trong giây phút hiện tại, mở đất tâm ra để cho mưa Pháp và năng lượng của Tăng thân thấm nhuần vào. Pháp được ví như cơn mưa, gọi là mưa Pháp. Pháp này không phải chỉ tiếp xúc dưới dạng của ngôn ngữ được diễn bày mà còn là những gì quý vị thấy, nghe, cảm nhận và tiếp xúc quanh mình. Quý vị sẽ được tiếp nhận giáo Pháp qua nhiều dạng khác nhau. Ví dụ khi quý vị thấy một thầy hay một sư cô đi, đứng hoặc ngồi có chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi, thì đó cũng là Pháp, gọi là Pháp sống- the living dharma. Khi có một người bạn tu đứng nghiêm trang, vững chãi, chắp tay búp sen xá chào và mỉm cười với mình, thì đó cũng là Pháp. Năng lượng chánh niệm tỏa ra nơi người ấy chính là Pháp đích thực. Khi tiếp nhận năng lượng giáo pháp từ người khác, đồng thời mình cũng đang tỏa chiếu năng lượng giáo pháp nơi tự thân, bởi vì mình có khả năng thở vào, thở ra và mỉm cười trong chánh niệm. Hơi thở chánh niệm có khả năng đưa thân và tâm mình trở về một mối và giúp mình an trú vững chãi trong giây phút hiện tại. Đó là pháp đích thực. Quý vị có thể tiếp xúc với sự sống nơi tự thân và quanh mình ngay bây giờ và ở đây. Đó là những phút giây của giải thoát, giác ngộ. Nếu nụ cười của mình phát xuất từ sự giác ngộ bản thân, thì nụ cười ấy là pháp đích thực. Mình có thể cống hiến những bài Pháp sống như thế trong đời sống hàng ngày của mình và phẩm chất tu tập của Tăng thân sẽ được nâng cao. Chúng ta đến với nhau như một tăng thân. Mỗi thành phần trong tăng thân có thể đóng góp cho phẩm chất tu tập của tăng thân bằng sự có mặt đích thực của mình. Sự có mặt của mình được xác định bằng khả năng chế tác năng lượng chánh niệm. Nếu để cho thân tâm rong ruổi về quá khứ, mơ tưởng tới tương lai hoặc bị lôi cuốn bởi những buồn lo, dự tính, sợ hãi, giận hờn và than trách, thì mình không có gì để cống hiến cho tăng thân cả. Nếu mình an trú được vững chãi trong giây phút hiện tại, thân tâm hợp nhất, biết thưởng thức từng hơi thở vào và hơi thở ra, thấy rằng được sống và tu tập cùng với tăng thân là một duyên may hiếm có, thì phẩm chất tu tập của mình sẽ tăng lên rất cao và do đó hạnh phúc của tăng thân cũng được tăng trưởng. Niềm vui và hạnh phúc của tăng thân tùy thuộc rất nhiều nơi sự có mặt vững chãi và thảnh thơi của mỗi cá nhân. Nếu mình nở được nụ cười tươi mát, chân thật, nụ cười được tô điểm bằng chất liệu của chánh niệm, giải thoát và thương yêu, thì đó đích thực là bài pháp tuyệt vời. Khi bước được từng bước trong chánh niệm, vững chãi và thảnh thơi thì mình trở nên một người tươi mát, hạnh phúc. Mỗi bước chân đi trong chánh niệm là sự đóng góp rất lớn vào phẩm chất tu tập của tăng thân. Nếu tất cả mọi người thực tập hết lòng thì tình trạng khó khăn của mình và của tăng thân sẽ được chuyển hóa và trị liệu rất mau. Tôi sẽ thực tập hết khả năng của mình. Các thầy và các sư cô cũng sẽ thực tập hết khả năng của họ. Tôi mong rằng quý vị cũng sẽ thực tập hết lòng. Phẩm chất tu tập của Tăng thân tùy thuộc rất nhiều vào sự thực tập của mỗi người trong tăng thân. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati Sutra), Bụt đã cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập rất cụ thể để chuyển hóa khổ đau, sợ hãi, thèm khát, hận thù và tuyệt vọng. Lời dạy của đức Thế Tôi rất rõ ràng, sâu sắc và thực tiễn. Chúng ta sẽ được học và thực tập giáo pháp mầu nhiệm này. Muốn thực tập thành công, trước hết chúng ta cần chế tác năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm nơi mỗi người có thể chưa đủ mạnh để đem lại sự chuyển hóa và trị liệu lớn như mình mong muốn, nhưng nếu biết tận dụng năng lượng chánh niệm của các bạn đồng tu thì mình sẽ thành công dễ dàng hơn. Tự lực chưa đủ, mình cần phải nương vào tha lực thì sự chuyển hóa mới xảy ra nhanh chóng hơn. Trong quá khứ, nhiều lúc mình cảm thấy tự mình không thể đối diện với những vấn đề khó khăn, khổ đau của chính mình, trong trường hợp đó nếu có một người bạn thân đến ngồi bên cạnh thì tự nhiên mình cảm thấy nhẹ đi rất nhiều. Đó là nhờ mình được nâng đỡ bởi năng lượng có mặt của người bạn tu của mình. Có thể mình nghĩ rằng năng lượng chánh niệm của mình còn yếu, chưa đủ để chuyển hóa và trị liệu bản thân. Điều này cũng không có gì đáng ngại, vì trong đại chúng có nhiều vị đã thực tập lâu năm, họ rất vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc trên bước đường tu tập, họ có thể yểm trợ mình. Với năng lượng chánh niệm hùng hậu của họ, chắc chắn họ sẽ tạo ảnh hưởng lớn và giúp mình đạt được sự chuyển hóa và trị liệu một cách dễ dàng. Điều quan trọng là mình phải có niềm tin nơi chính mình, nơi họ và nơi tăng thân. Không phải chỉ có Bụt, Pháp mới đích thực là những viên ngọc quý, Tăng cũng là một viên ngọc quý. Vì vậy mới gọi là Ba Viên Ngọc Quý (Tam Bảo). Quay về nương tựa Tăng nghĩa là mình phải có niềm tin hoàn toàn nơi Tăng và biết tận dụng năng lượng tu tập của Tăng. Đây không phải là khóa tu năm ngày hay bảy ngày mà là khóa tu hai mươi mốt ngày. Chúng ta phải khôn khéo trân quý và tận dụng cơ hội hiếm có này. Tôi biết quý vị đã cố gắng lắm mới sắp đặt được công việc, dự án của mình để có thể đến tham dự khóa tu dài hạn này. Nếu quý vị hết lòng tham dự các sinh hoạt của khóa tu thì khóa tu này sẽ trở thành một khóa tu rất ấm cúng, có phẩm chất và mọi người trong tăng thân sẽ gặt hái được nhiều lợi lạc. Hãy thắp lên ánh sáng chánh niệm, đưa tâm trở về làm một với thân và an trú vững chãi trong giây phút hiện tại. Nếu tất cả mọi người đều hết lòng tu tập, thì chúng ta sẽ chế tác ra được nguồn năng lượng chánh niệm hùng hậu và năng lượng ấy sẽ đem lại sự nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa rất lớn cho ta, cho những người chung quanh ta, cho gia đình và xã hội. Vì vậy, 'Con về nương tựa Tăng' không phải là lời tuyên bố suông mà đích thực là sự thực tập. Ăn cơm trong chánh niệm Tôi xin cống hiến cho quý vị vài phương pháp thực tập căn bản của chánh niệm như thiền đi, thiền thở, mỉm cười, ăn cơm, làm việc v.v... Mỗi khi tới giờ ăn, ta đi từng bước thảnh thơi, chánh niệm về phía nhà ăn. Sau khi lấy thức ăn xong, hãy tìm tới chỗ ngồi, ngồi vào bàn ăn và đợi mọi người tới ngồi đầy bàn ăn của mình rồi mới bắt đầu ăn; trong suốt thời gian đó mình theo dõi hơi thở, an trú trong chánh niệm. Ăn cơm trong chánh niệm là phép thực tập rất dễ chịu, có công năng đem lại niềm vui, trị liệu và hạnh phúc rất lớn. Ta ngồi trong tư thế thoải mái, theo dõi hơi thở chánh niệm và thực tập nhận diện sự có mặt của thức ăn và những người bạn tu đang ngồi quanh mình. Đây là phép thực tập rất sâu sắc. Ăn trong chánh niệm ta sẽ thấy rằng mỗi miếng ăn là sứ giả được gởi tới từ vũ trụ. Khi gắp lên một miếng rau, miếng đậu que, miếng cà rốt hoặc miếng đậu khuôn, ta nhìn thật kỹ vào nó khoảng nửa giây đồng hồ với chánh niệm để thật sự nhận diện sự có mặt của miếng rau, miếng đậu que, miếng cà rốt hoặc miếng đậu khuôn trước khi đưa vào miệng. Mình phải ý thức rõ ràng đây là miếng cà rốt hoặc miếng đậu que... chứ không phải là sự lo lắng về quá khứ, mơ tưởng tới tương lai hay những dự tính, đau buồn trong hiện tại. Với năng lượng chánh niệm, mình ý thức rõ ràng: 'Đây là miếng cà rốt' hoặc 'Đây là miếng đậu que'. Phép thực tập nhận diện như thế chỉ mất khoảng một tích tắc giây đồng hồ mà thôi. Đó gọi là nhận diện đơn thuần. Bằng chánh niệm, mình nhận diện được mình đang gắp lên cái gì. Khi đưa vào miệng, mình biết mình đang đưa vào miệng cái gì. Khi nhai, mình biết là mình đang nhai gì. Đây là phép thực tập hết sức đơn giản nhưng rất sâu sắc và mầu nhiệm. Có những người trong chúng ta khi nhìn vào miếng cà rốt, trong nữa giây đồng hồ có thể thấy tất cả những yếu tố của vũ trụ được cất chứa trong ấy như yếu tố mặt trời, mây, mưa, đất và người làm vườn v.v.. Tất cả đều đến từ vũ trụ để nuôi dưỡng mình. Vì vậy trước khi bỏ miếng thức ăn vào miệng, hãy mỉm cười với miếng thức ăn ấy với nụ cười tràn đầy niềm vui sướng và biết ơn. Khi nhai, mình cũng ý thức rõ ràng là mình đang nhai miếng cà rốt thật sự. Đừng bao giờ đưa vào miệng những dự án, lo buồn, giận hờn hay sợ hãi mà chỉ nên đưa vào miệng miếng cà rốt mà thôi. Khi nhai, mình cũng chỉ nhai miếng cà rốt, chứ không nên nhai những dự án, buồn giận, lo lắng hay mơ tưởng hảo huyền về tương lai. Nếu mình ăn trong sự tán loạn, quên lãng và lo sợ thì thức ăn sẽ rất khó tiêu. Hãy tập nhai chậm rãi, khoan thai, mỗi miếng ăn nên nhai ít nhất là ba mươi lần rồi mới nuốt. Sự thực tập trông đơn giản, nhưng phải tập luyện một chút mới có thể làm được. Ăn như vậy mình sẽ khám phá ra rằng miếng cà rốt mà ta đang nhai đích thực là một phép lạ nhiệm mầu, là tặng phẩm quý giá của đất trời. Thỉnh thoảng tôi chia sẻ phương pháp ăn quýt trong chánh niệm cho các đệ tử của tôi, gọi là thiền quýt. Chúng tôi ngồi chung với nhau và mỗi người được phát cho một trái quýt. Mỗi người đặt trái quýt vào lòng bàn tay của mình rồi thực tập thở vào và thở ra trong chánh niệm; sau đó nhìn vào trái quýt thật kỹ, thật sâu để thấy được thực tại của trái quýt, để thấy rằng trái quýt là một thực tại nhiệm mầu. Nếu mình không có mặt cho trái quýt trên lòng bàn tay của mình trong giây phút hiện tại, tâm mình lúc bấy giờ rong ruổi chỗ khác thì trái quýt cũng sẽ không có mặt cho mình. Có những người ăn quýt, nhưng có thể họ không thật sự ăn quýt; có thể họ chỉ ăn những buồn lo, giận hờn, sợ hãi, nuối tiếc về quá khứ hoặc mơ tưởng tới tương lai. Họ thật sự không có mặt, thân tâm không hợp nhất. Khi tập thở trong chánh niệm thì mình đem tâm trở về làm một với thân, có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, lúc bấy giờ sự sống cũng có mặt tuyệt vời cho mình. Trái quýt là sứ giả của sự sống, của mọi loài chúng sinh, của tình thương, của vũ trụ, của Bụt. Nhìn vào trái quýt, mình sẽ khám phá trái quýt đích thực là một phép lạ, là một thực tại nhiệm mầu. Mình có thể quán tưởng trái quýt như khi nó còn dưới dạng của một bông hoa và mình tiếp xúc được với ánh sáng mặt trời, mây, mưa đang chuyển biến mầu nhiệm; mình sẽ thấy quá trình phát triển của hoa cho tới khi nó kết thành trái nhỏ xinh tươi, rồi qua thời gian và điều kiện thuận lợi, nó lớn dần và màu xanh từ từ biến dần thành màu vàng, rồi dần dần trở nên màu vàng cháy, và chất chua biến thành chất đường ngọt lịm. Qua một thời gian vài tháng, cây quýt cống hiến cho đời một tác phẩm tuyệt vời, đó là trái quýt vàng chín, ngọt lịm đang nằm trong lòng bàn tay của mình. Khi thở vào và thở ra một cách sâu sắc, có mặt đích thực và quán chiếu vào trái quýt mình sẽ thấy rằng trái quýt đích thực là một phép lạ, một thực tại nhiệm mầu. Cái thấy ấy có khả năng đem lại cho mình nhiều hạnh phúc. Mình nâng trái quýt lên, nhìn kỹ vào nó, rồi bóc vỏ, ngửi mùi hương của từng mảnh vỏ, sau đó đưa một múi vào miệng, nhai thật chánh niệm và ý thức toàn vẹn nước quýt ngọt lịm đang lan tỏa trong miệng, rồi từ từ đi xuống và thấm nhuận khắp châu thân. Ăn như vậy, quý vị sẽ cảm thấy rất vui và niềm hạnh phúc sẽ trào dâng trong suốt thời gian ăn quýt. Đó gọi là thiền quýt. Ăn như vậy mình tiếp xúc được với niềm vui, với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Phép lạ mầu nhiệm thứ hai là Tăng thân. Tăng thân tức là đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, trong đó mọi người đều thực tập cùng một pháp môn, đều đang cùng đi chung một hướng. Người bạn tu đang ngồi ăn sáng trong chánh niệm bên cạnh mình là một yếu tố của tăng. Đó là một hình ảnh rất đẹp. Người ấy tiếp xúc với thức ăn bằng năng lượng chánh niệm và đang thưởng thức từng miếng ăn như mình. Chúng ta đều là những người bạn cùng đi trên con đường thực tập. Trong khi ăn, thỉnh thoảng ta dừng lại giây lát để nhìn người bạn tu đang có mặt quanh mình và mỉm cười. Đó là nụ cười tỉnh thức, nụ cười chứng tỏ rằng mình đang thật sự có hạnh phúc, đang thật sự sống và biết trân quý sự có mặt của nhau. Đó không phải là nụ cười xả giao, đó chính là nụ cười được phát sinh từ nền tảng của giác ngộ, của hạnh phúc và của niềm biết ơn. Nụ cười như thế có năng lực trị liệu và chuyển hóa mình và những người bạn tu quanh mình. Khi mình nở được nụ cười chánh niệm, tươi mát, thương yêu và trân quý thì người bạn tu bên cạnh mình cũng sẽ đáp lại bằng một nụ cười như thế. Ban đầu, nụ cười của người bạn ấy chưa được tự nhiên, tươi tắn lắm, nhưng nếu mình hiến tặng cho người ấy một nụ cười chánh niệm, từ hòa thì mình sẽ giúp cho người ấy nở được nụ cười tròn đầy và tươi tắn hơn. Khi người ấy mỉm cười được thì niềm đau nỗi khổ trong lòng người ấy sẽ được vơi nhẹ, tiêu tán. Sự có mặt tươi mát của mình đóng vai trò rất quan trọng cho sự trị liệu và chuyển hóa của những người chung quanh. Vì thế, sự có mặt vững chãi, tươi mát của mỗi người trong tăng thân rất thiết yếu cho sự trị liệu và chuyển hóa. Vì vậy mọi người được khuyến khích thực tập im lặng hoàn toàn trong suốt buổi ăn sáng. Nếu người nào cũng nói chuyện huyên thuyên, nói về ông này bà nọ, nói về vấn đề thời sự, chính trị, chiến tranh, vụ án v.v.. thì có nói hoài cũng không bao giờ hết chuyện và trong khi nói chuyện như thế, mình sẽ dễ đánh mất mình, mình sẽ bị những câu chuyện không đâu lôi kéo và mất đi khả năng có mặt đích thực; mà đánh mất mình tức là đánh mất sự sống. Nên trân quý thì giờ để thực hiện những điều mình muốn thực hiện trong khóa tu này, nghĩa là phải biết sử dụng thì giờ để tập thở, tập mỉm cười, tập đi, đứng trong chánh niệm, tập có mặt cho chính mình và yểm trợ cho các bạn đồng tu. Nếu nói chuyện nhiều quá thì mình sẽ tước đi thì giờ quý báu của mình và làm hư khung cảnh tu tập của đại chúng. Thực tập im lặng không phải là một sự áp đảo, cực hình làm mình mất tự do, làm mất hứng trong cuộc trò chuyện, lại không phải để mình mau chóng trở thành bậc giác ngộ; thực tập im lặng là để giúp mình có cơ hội tận hưởng trọn vẹn sự có mặt của chính mình và của những người bạn tu đang có mặt quanh mình. Đây là loại im lặng rất thánh thiện và sống động, là tiếng gầm của loài sư tử chúa có công năng đập phá, nuôi dưỡng, trị liệu và chuyển hóa nội tâm, chứ không phải là loại im lặng mang tính đàn áp, buồn bã và cô độc. Loại im lặng như thế gọi là im lặng hùng tráng. Chúng ta hãy cùng nâng đỡ nhau chế tác ra năng lượng im lặng hùng tráng như thế để mọi người được thừa hưởng. Sự im lặng này có khi cũng được gọi là im lặng sấm sét. Bởi vì sức mạnh của nó rất hùng hậu. Tôi biết có nhiều vị chưa quen thực tập im lặng, nhưng tôi bảo đảm với quý vị sau một thời gian ngắn của sự thực tập, quý vị sẽ thấy tầm vóc trị liệu mầu nhiệm của nó. Khi nghe và áp dụng giáo pháp, có thể quý vị sẽ phát khởi những nghi vấn. Tôi đề nghị mỗi khi có những nghi vấn phát khởi, quý vị hãy ghi chúng vào cuốn sổ tay mà quý vị đã nhận, ghi xuống tất cả những nghi vấn ấy. Đừng nôn nóng muốn hỏi để tìm câu trả lời. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu câu hỏi được giải bày bởi một người nào đó, dù người đó là bậc Thầy rất nỗi tiếng, thì câu trả lời ấy vẫn chưa thỏa mãn bằng chính bản thân mình khám phá ra. Ban đầu, quý vị sẽ có hàng ngàn câu hỏi, nghi tình, nhưng đến cuối khóa tu, với sự thực tập nhìn sâu, quý vị sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng hầu hết những câu hỏi, nghi tình đã được tự mình giải đáp. Trong khóa tu này, chúng ta sẽ có ba buổi sinh hoạt câu hỏi và trả lời. Những buổi sinh hoạt như thế rất cần thiết để tôi có thể cống hiến những lời hướng dẫn, khai thị tu tập thích ứng cho quý vị. Trong những buổi câu hỏi và trả lời, quý vị chỉ nên hỏi những câu hỏi có liên quan đến sự thực tập, những vấn đề khó khăn và khổ đau mà quý vị đang đối mặt, va chạm trong đời sống hàng ngày. Trong sự thực tập, nếu có điều gì chưa hiểu hay có những khó khăn, khổ đau chưa hóa giải được hoặc có khám phá ra điều gì hay, mầu nhiệm, nhưng cảm thấy không chắc khi đem đối chiếu với những lời dạy của Bụt, thì xin mời quý vị hỏi. Quyển sổ tay là người bạn thân của quý vị. Khi có một vài cái thấy hoặc một vài câu hỏi, nghi tình dấy lên trong tâm, quý vị có thể viết chúng vào quyển sổ tay. Đây là cách đàm thoại rất hay với chính mình. Chúng ta sẽ thực tập im lặng hùng tráng hoàn toàn trong vài ngày đầu của khóa tu. Ta có thể dùng quyển sổ ta để truyền thông với người bạn tu khi thấy cần, nghĩa là chỉ truyền thông những điều có tính cách khẩn cấp mà thôi. Nhiều người thấy pháp môn thực tập im lặng hùng tráng là một phép thực tập rất có ích lợi cho chính họ. Mùa Thu năm ngoái tại Làng Mai, chúng tôi có một khóa tu Liên Tôn kéo dài hai mươi mốt ngày. Khóa tu này được diễn tiến gần như im lặng hoàn toàn. Trong các buổi pháp đàm, mọi người đều được khuyến khích chia sẻ kinh nghiệm và cái thấy của mình trong sự thực tập. Ngoài giờ pháp đàm, tất cả các sinh hoạt khác đều được thực tập im lặng hoàn toàn. Các thiền sinh cảm thấy rất dễ chịu và họ gặt hái được rất nhiều lợi lạc. Họ cảm thấy không khí tu tập rất an lạc, hùng tráng; người nào cũng tỏa ra được nguồn năng lượng bình an, hạnh phúc, trong sáng, vững chãi, trị liệu và chuyển hóa. Bước Chân Tỉnh Thức Bây giờ tôi xin chia sẻ về phương pháp thiền đi. Thiền đi có thể đem lại cho ta chất liệu an lạc và trị liệu rất lớn. Mỗi bước chân ta tập đi trong chánh niệm. Khi cần di chuyển từ nơi này sang nơi khác, dầu đoạn đường rất ngắn, ta đều đi trong chánh niệm, từng bước chân vững chãi, an lạc và thảnh thơi. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để thực tập đi thiền với nhau mỗi ngày và chúng ta sẽ đi như một tăng thân. Có lẽ một số quý vị đã từng sử dụng con dấu. Khi đóng dấu vào một văn bản nào đó, mình phải biết chắc là khuôn dấu đã được in rõ ràng trên văn bản mới buông ra. Đi thiền cũng giống như đóng khuôn dấu vào văn bản. Mỗi bước chân ta đặt lên mặt đất là ta đang in vào mặt đất một dấu ấn. Bàn chân ta là khuôn dấu và chánh niệm là mực; khi đi, ta in dấu ấn của an lạc, vững chãi và thảnh thơi lên mặt đất. Trong đời sống hàng ngày, ta thường không làm được như vậy; ta chỉ in lên mặt đất toàn là những chất liệu của sự hấp tấp, vụt chạc, lo lắng, bất an, giận hờn, trầm cảm và tuyệt vọng. Nhưng ở đây, bằng sự thực tập chánh niệm trong khi đi, chúng ta sẽ cùng in lên mặt đất những dấu ấn của an lạc, vững chãi, thảnh thơi, của sự nuôi dưỡng và trị liệu. Mỗi bước chân tỏa chiếu được niềm an lạc, vững chãi và thảnh thơi hay không, điều đó mỗi người chúng ta đều tự biết. Khi đi, ta đặt hết tâm ý vào lòng bàn chân. Hãy bước từng bước cho thật an lạc và thảnh thơi, hãy đi như một người tự do, đi như một ông hoàng, bà chúa. Tuy nhiên không nên đợi tới giờ đi thiền chung với đại chúng ta mới thực tập, mà khi đi một mình đến nhà ăn, đến thiền đường hoặc địa điểm pháp đàm... ta đều đi trong chánh niệm, từng bước khoan thai, vững chãi và thảnh thơi. Quý vị hãy khéo sắp xếp thì giờ rộng rãi để đi cho thong thả. Mỗi bước chân phải có công năng trị liệu và chuyển hóa; mỗi bước chân phải có khả năng vun trồng thêm chất liệu vững chãi, thảnh thơi và an Ở vui. Ở Làng Mai chúng tôi chỉ có một kiểu đi mà thôi, đó là đi trong chánh niệm- gọi là thiền đi. Dầu có hay không có khóa tu, chúng tôi vẫn đi từng bước an lạc, vững chãi và thảnh thơi, chúng tôi thực tập thiền đi trong mọi lúc, mọi nơi. Do đó các bạn thiền sinh khi đến Làng Mai, họ tham dự vào sự thực tập một cách tự nhiên và được các thầy và các sư cô nâng đỡ, hướng dẫn phương pháp đi thiền rất kỹ lưỡng. Thiền đi là một phép tu rất hay, có công năng giúp ta sống sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày. Khi trở về nhà, quý vị sẽ ngạc nhiên thấy rằng những gì mình đã học đều có thể đem áp dụng được vào đời sống đô thị đầy bận rộn của mình. Có rất nhiều cách để áp dụng những gì quý vị đã học được trong khóa tu vào đời sống hàng ngày trong nếp sống tấp nập của đô thị. Khi rời Làng Mai để ra sân bay hoặc ga xe lửa, quý vị có thể thực tập thiền đi như quý vị đã từng thực tập tại Làng Mai. Nếu thực tập giỏi, quý vị sẽ thấy rằng nơi nào cũng là Làng Mai. Khi tôi leo cầu thang máy bay, tôi cũng leo trong chánh niệm, nghĩa là mỗi bước chân tôi đều in lên những bậc thang chất liệu an lạc, vững chãi và thảnh thơi. Mười lăm năm trước, tôi có hướng dẫn một khóa tu chánh niệm tại trung tâm Cosmos House (Ngôi Nhà Vũ Trụ) ở Amtersdam, Hà Lan, một trung tâm mà nhiều người thường đến để học về các môn học như khí công, du già- yoga, thiền và nhiều môn học khác. Phòng thiền của chúng tôi nằm ở từng lầu cao nhất và cầu thang leo thì chật hẹp, nhất là từ tầng lầu thứ tư trở lên. Truyền thống tu tập của Làng Mai thì chỉ có một kiểu đi thôi, đó là thiền đi, ngoài ra không có kiểu đi khác. Nghĩa là mỗi bước chân chúng tôi đều đi trong chánh niệm, nhẹ nhàng, khoan thai. Vì vậy khi đi lên đi xuống cầu thang, thì có hàng trăm người bị kẹt lại ở phía sau đoàn người của chúng tôi. Lúc đầu có nhiều người cảm thấy khó chịu. Nhưng vào ngày thứ ba của khóa tu, mọi người trong trung tâm Cosmos House đã học được cách đi thiền như chúng tôi. Tôi còn nhớ vào năm 1982 khi tôi được mời tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Nữu Ước để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử. Ngày hôm đó đã có trên một triệu người Hoa Kỳ tham dự. Nhóm của chúng tôi gồm có khoảng ba chục người. Thiền Sư Richard Baker đã mời tôi tham dự cuộc biểu tình và trước khi nhận lời, tôi có hỏi ông ta, 'Thưa ông, mình có được phép đi từng bước an lạc, thảnh thơi trong cuộc đi cho hòa bình không?' Ông ta trả lời, 'Thưa Thầy, được chứ.' Và tôi nhận lời. Nhóm của chúng tôi đã đi cho hòa bình (chóng cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân) bằng mỗi bước chân có chánh niệm, mỗi bước chân đều thể hiện được năng lượng của hòa bình. Và khi đi như vậy, chúng tôi đã cản trở hàng trăm ngàn người ở phía sau. Lúc đầu có hàng ngàn người ở phía sau cảm thấy rất khó chịu, bực tức. Nhưng mầu nhiệm thay người ta dần dần chấp nhận sự kiện ấy và họ đã đi chậm lại phía sau chúng tôi. Và cuối cùng cuộc đi cho hòa bình đã trở thành hòa bình thật sự. Tiếng Chuông Chánh Niệm Mỗi khi có tiếng chuông thỉnh lên là cơ hội cho mình trở về với hơi thở chánh niệm để sống sâu sắc và thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Thông thường mình đánh mất mình trong sự suy tư, dự án, lo lắng và tuyệt vọng. Tiếng chuông là tiếng gọi của đức Thế Tôn gọi mình trở về an trú vững chãi trong hiện tại, trở về với quê hương đích thực. Quê hương đó là giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Thực tập chánh niệm, trước hết là có mặt đích thực ngay bây giờ và ở đây để sự sống trong mình và quanh mình trở nên sống động và hiện thực. Trong các bữa ăn, thỉnh thoảng sẽ có tiếng chuông thỉnh lên để giúp mình trở về an trú trong hiện tại. Tiếng chuông là để nhắc nhở mình trở về an trú trong hiện tại để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Khi nghe chuông, quý vị hãy nhớ trở về với giây phút hiện tại, nhận diện sự có mặt của thức ăn và tăng thân, hai yếu tố căn bản của hạnh phúc trong bữa ăn. Hãy tiếp nhận tiếng chuông như tiếp đón một người bạn thân, như tiếp đón một vị Bụt và thấy rằng Người đang mỉm cười với mình, đang nhắc mình biết tận hưởng từng giây phút của khóa tu. Ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục. Chúc mọi người có một giấc ngủ an lành. Chương 02: Mười Sáu Phép Quán Niệm Hơi Thở Thân · Nhận diện hơi thở vào/ ra · Theo dơi hơi thở dài/ngắn · Nhận diện sự có mặt của toàn thân · Buông thư, làm lắng dịu toàn thân Thọ · Chế tác niềm vui (hỷ) · Chế tác hạnh phúc (lạc) · Nhận diện những cảm thọ · Làm lắng dịu những cảm thọ Tâm (tâm ý) · Nhận diện các tâm ý (tâm hành) · Làm hoan lạc tâm ý (tâm hành) · Thu nhiếp tâm ý vào định · Cởi trói tâm ý được giải thoát, tự do Pháp (đối tượng của nhận thức- tri giác) · Quán chiếu về tính vô thường · Quán chiếu về sự không đáng tham cầu và vướng mắc · Quán chiếu về niết bàn · Quán chiếu về sự buông bỏ Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày hai mươi bốn tháng Năm, năm 1998, ngày đầu của khóa tu hai mươi mốt ngày. Bốn Lãnh Vực Quán Niệm Hơi thở chánh niệm có công năng đưa ta trở về với bốn lãnh vực hiện hữu của ta, gọi là Bốn Lãnh Vực Quán Niệm- Tứ Niệm Xứ để chăm sóc và đem lại sự trị liệu, chuyển hóa. Như quý vị đã thấy trên bảng đề cương, lãnh vực thứ nhất là thuộc về thân, thân ở đây bao gồm hai phần: hơi thở và hình hài. Hơi thở chánh niệm đưa ta trở về với ngôi nhà của ta- là thân thể để chăm sóc, làm hòa, nhìn sâu và cho thân thể cơ hội để được chữa trị và chuyển hóa. Lãnh vực thứ hai của sự quán niệm là thọ - nói cho đủ là các cảm thọ vì có tất cả là ba loại cảm thọ: khổ thọ, xả thọ và cảm thọ trung tính. Trong đời sống hàng ngày, ta thường không chú ý tới những cảm thọ của ta. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về với những cảm thọ để nhận diện, làm hòa, chăm sóc, nhìn sâu vào bản chất của các cảm thọ để hiểu. Thực tập hơi thở chánh niệm giúp ta chăm sóc những cảm thọ mỗi khi chúng biểu hiện, làm cho chúng lắng dịu trở lại, rồi chuyển hóa và trị liệu. Những cảm thọ ấy có liên quan mật thiết đến thân thể. Mình không thể tách rời cảm thọ ra khỏi thân thể và cũng không thể tách rời thân thể ra khỏi cảm thọ. Thân và thọ tương tức. Lãnh vực thứ ba của sự quán niệm là tâm, nói cho đủ là tâm hành (hay tâm ý). Hành nghĩa là một hiện tượng, một vật được tạo thành từ nhiều yếu tố, điều kiện. Ví dụ bông hoa là một hành thuộc về vật chất; nó được làm ra bằng nhiều yếu tố. Khi những yếu tố, những điều kiện hội tụ đầy đủ thì bông hoa biểu hiện. Trong số các yếu tố ấy, ta thấy có yếu tố nắng. Nếu tiếp xúc với bông hoa sâu sắc, ta có thể tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời. Ta không thể lấy ánh nắng mặt trời ra khỏi bông hoa, vì nếu lấy ánh nắng mặt trời ra khỏi bông hoa thì bông hoa sẽ không tồn tại và như vậy sẽ không có bông hoa. Hoa và nắng tương tức. Khi tiếp xúc với bông hoa sâu sắc, ta cũng tiếp xúc được với mây. Trong hoa có mây. Ta không thể lấy yếu tố mây ra khỏi bông hoa. Mây và bông hoa tương tức. Nếu tiếp tục nhìn sâu vào bông hoa, ta thấy yếu tố đất, khoáng chất, không khí và tất cả các yếu tố khác đang được cất chứa trong lòng bông hoa. Tất cả những yếu tố này tụ hội lại với nhau để tạo ra một hành, gọi là bông hoa. Nhưng theo lời Bụt dạy, tất cả các hành đều vô thường- biến chuyển không ngừng- 'chư hành vô thường.' Khi có một điều kiện thiếu vắng thì cái hành đó, tức là cái bông hoa đó tự khắc bị hoại diệt hay nói một cách chính xác là bông hoa đó ẩn tàng. Có các loại tâm hành khác không thuộc về vật chất; ví dụ như tâm hành sợ hãi. Sợ hãi là một hành, một hiện tượng thuộc về tâm lý; nó được cấu tạo bởi nhiều yếu tố, trong đó gồm có yếu tố vô minh. Khổ đau, tuyệt vọng, tham đắm, thương yêu và chánh niệm đều là những tâm hành. Trong truyền thống giáo lý đạo Bụt, chúng tôi liệt kê cả thảy là năm mươi mốt loại tâm hành. Tuy nhiên con số đó không phải là con số cố định. Hơi thở chánh niệm giúp ta nhận diện những tâm hành đó mỗi khi chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức. Có lúc tâm hành sợ hãi biểu hiện lên và hơi thở chánh niệm đưa ta trở về với sự sợ hãi của ta để ôm ấp, chăm sóc và làm cho nó lắng dịu trở lại. Sau đó nhìn sâu vào bản chất của tâm hành sợ hãi ấy để hiểu và tìm cách sống hài hòa với nó. Nếu thực tập giỏi, ta có thể làm lắng dịu sự sợ hãi trong ta, rồi nhìn sâu vào nó và khám phá ra bản chất chân thực của nó. Khi hiểu được bản chất của nó rồi thì nó tự khắc được chuyển hóa. Điều này cũng đúng đối với tất cả các tâm hành khác như tâm hành hận thù, tủi hờn, tuyệt vọng, bối rối và bất an v.v... Thỉnh thoảng tâm hành bất an biểu hiện như một nguồn năng lượng và nó làm cho ta mất hết an lạc, đứng ngồi không yên. Khi năng lượng bất an biểu hiện trong ta, ta có thể nắm lấy hơi thở chánh niệm để thực tập trở về với nó, ôm ấp, chăm sóc nó với tất cả sự trìu mến và thương yêu. Thiền tập gồm có hai phần: phần thứ nhất là chỉ, tức là dừng lại, làm lắng dịu, êm dịu, buông thư, chuyên chú (định) và phần thứ hai là quán, tức là nhìn sâu. Trước hết ta làm cho tâm hành lắng dịu trở lại, an tịnh trở lại, buông thư, sau đó nhìn sâu vào bản chất của nó để thấy cho được nguồn gốc. Khi ta ôm lấy một tâm hành với năng lượng chánh niệm thì tâm hành ấy sẽ trở nên êm dịu, lắng đọng. Trong khi tiếp tục ôm ấp tâm hành, ta có thể nhìn sâu vào nó và bắt đầu thấy những điều kiện, nguyên do xa gần đã tạo ra tâm hành đó trong ta. Cái đó gọi là tuệ giác. Đây là phép thực tập nhìn sâu, danh từ chuyên môn gọi là quán chiếu, tiếng Pali là vipassanā, tiếng Phạn là vipaśhyanā. Lãnh vực thứ tư của sự quán niệm là pháp, tức là đối tượng của nhận thức, của tri giác. Hầu hết những khổ đau đều phát xuất từ những tri giác sai lầm. Ta khổ là tại vì ta không có cái nhìn đúng đắn về bản chất của thực tại- nghĩa là không có chánh kiến. Hơi thở chánh niệm có công năng đưa ta trở về với tri giác của ta để tìm hiểu về bản chất của tri giác. Nhìn sâu vào bản chất của tri giác, ta khám phá ra được những nguyên do đưa tới khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Nếu biết nhìn sâu vào bản chất của tri giác, ta sẽ có cái thấy rạch ròi về nó và cái thấy ấy có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Ta thực tập nhìn sâu vào lòng thực tại, vào bản chất chân thực của một bông hoa, vào thân thể ta, vào những cảm thọ và những tâm hành của ta để hiểu. Sắc, thọ và các tâm hành đều là những đối tượng của tri giác- gọi là tưởng. Thân và thọ tương tức. Mình không thể tách rời thân thể ra khỏi cảm thọ hoặc ngược lại. Điều này cũng đúng đối với các tâm hành và nhận thức. Bốn Lãnh Vực Quán Niệm- thân, thọ, tâm và pháp tương tức. Ta không thể tách rời một cái ra khỏi ba cái kia. Nếu biết nghệ thuật nhìn sâu, ta sẽ khám phá ra được thực tại như chính nó, nghĩa là thấy được bản chất vô ngã, tương tức, duyên sinh. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ lấy đi được tất cả những nhận thức sai lầm (vọng tưởng) của ta về thực tại và ta hoàn toàn tự do. Tự do ở đây được phát sinh từ tuệ giác. Sở dĩ ta khổ là do sự vô minh, ganh tỵ và giận hờn của ta. Danh từ chuyên môn gọi là tham, sân và si- tam độc. Vô minh- si mê là căn bản làm phát sinh giận hờn, thèm khát và ganh tỵ. Ta khổ là vì ta không hiểu được bản chất của khổ đau. Khi đã hiểu được bản chất của sự ganh tỵ và giận hờn của ta rồi thì tất cả khổ đau trong ta bắt đầu tan biến. Vì vậy hiểu (trí tuệ) là yếu tố giải thoát tất yếu và mục đích của thiền tập là để đạt tới hiểu biết lớn (tuệ giác). Vì vậy tri giác rất quan trọng. Ta phải thường xuyên trở về với tri giác của ta để thẩm định lại thật kỹ càng về bản chất của nó. Đừng quá tin chắc về tri giác của mình. Phải luôn luôn cẩn trọng và nhìn lại thật kỹ tri giác của mình. Phải luôn đặt lại câu hỏi cho chính mình, ‘Mình có chắc không? Nhưng dù có chắc đi nữa, thì mình cũng nên xem xét lại.’ Đó là thái độ rất khôn ngoan của người tu học. Khả Năng Tự Chữa Trị Khoảng mười lăm năm trước tôi có gặp một chàng thanh niên tại thành phố Montréal, Canada. Anh ta đã cho tôi biết là anh đang bị bệnh ung thư rất nghiêm trọng và sẽ không sống được bao lâu nữa. Sau khi chẩn đoán bệnh tình, bác sĩ cho biết là anh chỉ có thể sống thêm được ba tuần lễ nữa thôi hoặc có thể ít hơn. Hôm đó tôi ngồi ăn sáng bên cạnh anh ấy. Tôi đã ăn sáng thật chánh niệm và trong khi ăn, tôi không suy nghĩ gì về phương cách giúp anh ấy cả. Sau khi ăn xong, tôi quay sang và chia sẻ với anh ấy về nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại theo giáo pháp hiện pháp lạc trú. Tôi đã nói với anh ấy rằng: ‘‘Cho dù anh chỉ còn có khoảng ba tuần nữa để sống, nhưng anh vẫn có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút của đời sống còn lại của mình.’’ Tôi có nói với anh ấy rằng có những người sống tới sáu mươi năm, bảy mươi năm hoặc tám mươi năm, nhưng họ không biết sống đời sống của họ một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, họ không có cơ hội để làm điều đó. Do đó bảy mươi năm hoặc tám mươi năm sống trong sự quên lãng, trong sự hưởng thụ, ăn chơi trác táng... thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi có nói tiếp rằng: ‘‘Nếu anh biết sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống mình, thì ba tuần lễ là nhiều lắm.’’ Nghe tôi nói như thế, anh vô cùng vui sướng, xúc động. Tôi đã chia sẻ cho anh ấy các phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi. Sau khi tiếp nhận những lời hướng dẫn, anh ấy đã thực tập rất miên mật, đã sống rất sâu sắc những ngày còn lại của đời sống mình; và mầu nhiệm thay, anh đã sống thêm được mười một năm. Anh đã tiếp nhận Ba Sự Quay Về (Tam Quy) và Năm Giới Quý Báu; tôi đã đặt pháp danh cho anh là Chân Sinh. Theo lời Bụt dạy, nếu mình có những đau nhức, những vết thương trong thân và tâm, mình có thể dùng hơi thở chánh niệm để ôm ấp, chăm sóc chúng. Có rất nhiều phương pháp tu tập có thể giúp mình thực tập chăm sóc những vết thương, những niềm đau trong thân tâm. Mình phải cho phép thân và tâm mình cơ hội để được chữa trị. Mình biết rằng cơ thể và tâm thức mình có khả năng tự trị liệu rất mầu nhiệm, nhưng vì thiếu sự hiểu biết và kiên nhẫn nên mình không tạo cơ duyên thuận lợi cho khả năng tự trị liệu trong thân tâm mình. Mình luôn luôn lo lắng, sợ hãi, bối rối khi bị những niềm đau, nỗi khổ trấn ngự và mình hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, nhất là thuốc Tây. Khi ngón tay của mình bị thương, mình không cần phải làm gì nhiều; chỉ cần rữa cho sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và để cho nó tự trị liệu lấy. Chỉ cần hai ba ngày sau là vết thương được chữa lành. Nếu quá bối rối, lo sợ và làm đủ điều để băng bó vết thương thì vết thương sẽ rất khó lành. Nhất là khi lo lắng quá độ. Bụt đưa ra một ví dụ rất hay về một người bị trúng tên. Khi một người bị trúng tên, người đó rất đau nhức. Nếu liền sau đó có một mũi tên thứ hai lao đúng vào chỗ của mũi tên thứ nhất, thì cơn đau nhức không phải chỉ tăng lên gấp hai lần, mà nó tăng lên gấp mười lần hoặc nhiều hơn thế. Cũng vậy, nếu mình có một vết thương trong cơ thể và mình phóng đại nó ra do sự lo lắng và hoảng sợ thì vết thương sẽ trở nên trầm trọng hơn gấp trăm lần. Cách hay nhất là trở về nắm lấy hơi thở chánh niệm- thở vào và thở ra cho thật sâu sắc, dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp và làm cho niềm đau êm dịu trở lại, sau đó nhìn sâu để thấy bản chất của vết thương. Thở vào, mình thầm niệm, ''A! đây chỉ là sự đau nhức của hình hài. Niềm đau nhức này có thể được chữa trị nếu mình cho nó cơ hội tự chữa.'' Nếu cần, mình có thể tư vấn với bác sĩ để bác sĩ xác nhận cho mình là vết thương hay sự đau nhức không có gì đáng lo ngại. Khi có một niềm đau nỗi khổ trong thân tâm, không nên hoảng sợ, bởi vì hoảng sợ là một tâm hành phát sinh từ vô minh. Lo lắng và hoảng sợ là những tâm hành trong năm mươi mốt loại tâm hành. Chúng thường làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Mình phải tin vào trí tuệ và khả năng tự trị liệu của cơ thể mình. Thân và tâm mình có tiềm năng tự chữa trị rất mầu nhiệm. Một niềm đau nho nhỏ trong cơ thể và trong tâm không thể hủy diệt mình được đâu. Khi con thú bị thương, nó thường tìm một nơi thật yên vắng để dưỡng thương. Điều đó cho chúng ta thấy rằng trong cơ thể của con thú có tuệ giác. Con thú biết rằng đi tìm nơi yên vắng để nghỉ ngơi là giải pháp hay nhất. Trong khi bị thương, nó không màng làm gì hết, không cần ăn, không cần đi săn mồi; nó chỉ tìm một nơi yên vắng để dưỡng thương mà thôi. Sau vài ngày điều dưỡng, vết thương của nó được chữa lành hoàn toàn và nó bắt đầu sinh hoạt bình thường trở lại. Ngày nay con người dường như đã đánh mất hoàn toàn niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm mình. Khi có niềm đau nhức trong thân hoặc trong tâm, ta rất hoảng sợ và tìm đủ mọi cách làm cái này làm cái nọ để quên đi niềm đau nhức ấy; ta uống hết thứ thuốc này đến thức thuốc khác để tống niềm đau ra khỏi thân tâm ta càng nhanh càng tốt. Ta lo lắng quá độ. Vì lo lắng quá độ nên ta không cho phép cơ thể ta cơ hội để nghỉ ngơi và tự điều trị. Ta không biết cách nghỉ ngơi, không biết cách thực tập buông thư. Hơi thở chánh niệm giúp ta học trở lại nghệ thuật buông thư, nghỉ ngơi. Hơi thở chánh niệm giống như người mẹ hiền đang ẫm đứa con yêu quý của mình vào vòng tay và nói, 'Con ơi, mẹ đây con. Đừng sợ. Ngủ đi con. Yên giấc đi nào.' Phép thực tập buông thư, nghỉ ngơi là liều thuốc hữu hiệu giúp ta đối trị với căn bệnh lớn của thời đại, đó là bệnh căng thẳng- stress. Nhiều người trong chúng ta chưa biết cách sử dụng những ngày nghỉ của mình một cách có lợi ích. Thường thường sau một dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, người ta trở nên mệt mỏi hơn, căng thẳng hơn. Tôi mong rằng trong các buổi pháp đàm chúng ta có thể chia sẻ và đưa ra những phương cách cụ thể, hữu hiệu như làm thế nào để nghỉ ngơi cho có ích lợi. Trong khóa tu này, chúng ta sẽ có cơ hội thực tập pháp môn thiền buông thư. Chúng ta phải tin vào khả năng tự trị liệu của thân tâm ta. Tiềm năng tự chữa là một thực tại, nhưng chúng ta đã đánh mất niềm tin ấy nơi tự thân. Ngược lại, ta dùng quá nhiều các chất dinh dưỡng, thuốc men và những thứ đó đôi khi tạo ra phản ứng phụ và trở thành nguy hại đến cơ thể ta. Con thú biết rằng bốn hoặc năm ngày không ăn sẽ không nguy hại gì đến tính mạng của nó, ngược lại nhịn đói và nghỉ ngơi sẽ giúp cho vết thương của nó chóng lành hơn. Thế nhưng con người thời nay thì khác, họ rất sợ nhịn đói. Ta nghỉ rằng nếu không ăn gì thì cơ thể sẽ bị suy nhược và vì vậy vết thương của ta sẽ không có cơ hội để tự điều trị. Điều này cần phải xét lại. Thời xưa, người ta thường nhịn đói vài ba tuần liên tiếp mà không hề gì. Đây là phương cách rất hay để điều trị những vùng đau nhức trong cơ thể và tâm thức ta. Ta phải tin vào sức mạnh của trí tuệ, tình thương và khả năng tự chữa trị trong ta. Những năng lượng đó là những năng lượng của Bụt, là cõi Tịnh Độ biểu hiện từ tâm, là Nước Chúa, là nơi nương tựa vững vàng nhất. Nếu mất niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, nơi sự hiểu biết và thương yêu trong ta, tức là ta đánh mất gia tài quý báu ấy. Đây không phải là vấn đề trừu tượng mà là một thực tại mầu nhiệm. Một thực tại ta có thể sờ mó, trân quý và nương tựa. Vậy thì thay vì hoảng sợ, tuyệt vọng, bất an, ta nên thực tập trở về với hơi thở chánh niệm và đặt hết niềm tin vào sức mạnh của khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, của khả năng hiểu và thương trong ta. Đây là sự thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân mà Bụt đã căn dặn chúng ta. Ngài khuyên bảo chúng ta hãy luôn luôn quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, mà đừng nương tựa vào bất cứ một pháp nào khác hoặc một ai khác. Đó là hải đảo của bình an, của niềm tự tin, của đức vững chãi, hiểu biết, thương yêu, thảnh thơi và giác ngộ của tự tâm. Hãy nương tựa nơi hải đảo của tự thân. Ta không cần phải chạy tìm ở bất kỳ một nơi nào khác. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về với hải đảo quý giá đó trong tự thân để có thể thực nghiệm được thực tại nhiệm mầu ấy nơi chính mình. Mỗi khi gặp nguy hiểm hay bị lâm vào tình trạng khó khăn hoặc thấy mình bị cuốn hút vào một ý tưởng phiêu lưu nào đó, ta hãy lập tức nắm lấy hơi thở chánh niệm để trở về với hải đảo của chính mình. Có bài thi kệ giúp ta thực tập rất hữu hiệu khi gặp những tình huống khó khăn. Và đây là bài kệ: Quay về nương tựa Hải đảo tự thân Chánh niệm là Bụt Soi sáng xa gần Hơi thở là Pháp Bảo hộ thân tâm Năm Uẩn là Tăng Phối hợp tinh cần Thở vào, thở ra Là hoa tươi mát Là núi vững vàng Nước tĩnh lặng chiếu Không gian thênh thang Trong khi hát bài thi kệ này, ta có cơ hội trở về nương tựa nơi hải đảo an toàn của chánh niệm, sẽ thiết lập được trở lại chất liệu bình an và sự thanh thản ngay trong giây phút ấy. Làm được như thế, ta sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng ngay lập tức. Chúng ta biết rằng chánh niệm là năng lượng của Bụt và tất cả mọi loài chúng sinh đều có nguồn năng lượng ấy nơi tự thân. 'Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.' Đó là câu nói mà Bụt đã tuyên bố ngay sau giây phút Ngài chứng ngộ dưới cội cây Bồ Đề. Chánh niệm nghĩa là khả năng có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại, thân và tâm trở về một mối, hợp nhất. Nếu tâm ta bị tán loạn, thân ở đây, tâm ở chỗ khác, thì đó gọi là thất niệm, trạng thái tán loạn. Năng lượng chánh niệm được chế tác qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở, làm việc, nấu cơm và rữa bát trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm là năng lượng của Bụt và Bồ Tát có công năng bảo hộ, che chở và soi sáng cho ta, vì chánh niệm chuyên chở trong chính nó năng lượng của định và tuệ. Hể có niệm thì tự khắc có định và tuệ. Năng lượng định và tuệ càng mạnh thì năng lượng niệm càng hùng hậu. Chánh niệm đưa đến sự hiểu biết, chấp nhận, thương yêu và chuyển hóa. Do đó hải đảo của chánh niệm là nơi nương tựa vững chắc và an toàn nhất. Lúc Bụt nhập niết bàn, Bụt có khuyên bảo, dặn dò các đệ tử của Người rất kỹ càng là phải luôn luôn nhớ quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, hải đảo của chánh niệm, của giới luật, uy nghi mà đừng nương tựa vào bất cứ một nơi nào khác hay một ai khác. Ước Hẹn Với Sự Sống Dừng lại và nghỉ ngơi là phép thực tập rất thực tiễn và cần thiết cho nếp sống của thời đại chúng ta. Nếu ta không có khả năng nghỉ ngơi là do ta chưa biết dừng lại. Ta đã chạy, đã ruổi rong không biết bao nhiêu kiếp rồi, bây giờ vẫn tiếp tục chạy và chạy luôn trong giấc ngủ. Nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy ở phía tương lai, do đó ta hy sinh hiện tại, nghiền nát hiện tát để chạy tìm hạnh phúc ở tương lai. Niềm tin và ý niệm đó đã ăn sâu trong tâm thức ta. Ta đã tiếp nhận hạt giống đó, tập khí đó từ tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Họ đã vật lộn, tranh đấu suốt cả cuộc đời của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác và tin rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được ở phía tương lai. Vì vậy lúc còn trai trẻ ta đã có tập khí bồn chồn, lo sợ và hối hả chạy về phía tương lai. Bụt nói rằng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tất cả những điều kiện hạnh phúc đều có thể tìm thấy ngay bây giờ và ở đây. Đây là giáo lý đặc thù của đạo Bụt, gọi là hiện pháp lạc trú, tức là khả năng sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếu ta có khả năng dừng lại, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, ta sẽ thấy tất cả những điều kiện của hạnh phúc đều đang có mặt hiện thực ngay bây giờ và ở đây. Dừng lại được cái tâm rong ruổi, trôi lăn, tìm cầu thì sẽ thấy rằng ta có dư những điều kiện để hạnh phúc. Tuy rằng quanh ta có một vài điều không vừa ý, nhưng nhìn kỹ thì thấy rằng ta vẫn còn có quá nhiều điều kiện tích cực để tận hưởng, để hạnh phúc. Khi dạo chơi trong một khu công viên, ta thấy có một vài cây tàn úa, đang chết hoặc đã chết, ta cảm thấy tiếc nuối, buồn khổ cho những thân cây ấy và cho cả khu công viên, tâm ta lúc bấy giờ bị trấn ngự bởi sự tiếc nuối, buồn khổ nên không còn khả năng thưởng thức vẽ đẹp hùng vĩ của cả khu công viên đang diễn bày mầu nhiệm quanh mình. Ta để cho vài thân cây tàn úa, chết khô kia làm tiêu tan tất cả vẽ đẹp của những cây khác đang có mặt. Nếu nhìn kỹ lại, ta thấy rằng khu công viên vẫn còn tươi mát, đẹp đẽ và tráng lệ lắm, và mình thưởng thức sự có mặt của chúng một cách trọn vẹn. Nhìn vào bốn lãnh vực của thân thể, cảm thọ, tâm hành và nhận thức, ta biết rằng chúng chứa đựng tất cả các yếu tố tươi mát, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu. Ta hãy thực tập như thế nào để nuôi dưỡng và làm cho những yếu tố ấy luôn luôn có mặt cho ta. Không nên chỉ để ý tới những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh của cuộc sống trong ta và quanh ta mà thôi. Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt tôi. Đây là sự thực tập ý thức về mắt. Mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, để nhận diện, tiếp xúc, trân quý và nâng niu hai con mắt của mình. Khi tiếp xúc với hai mắt, mình tiếp xúc được với một trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc mà mình đang có. Ý thức được rằng hai mắt mình đang còn tốt, còn sáng, đó là một phép lạ, một món quà vô giá. Chỉ cần mở mắt ra là có thể thấy được trời xanh, mây trắng, người thương, thấy được thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày mầu nhiệm trước mặt. Thế nhưng có rất nhiều người không có khả năng thưởng thức cái thiên đường mầu nhiệm ấy; thiên đường ấy là một phần thuộc về cõi Tịnh Độ mà đạo Bụt hay nói tới. Sở dĩ mình không có khả năng sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây là vì mình đã để cho các tâm hành lo âu, giận hờn, tham đắm, ganh tỵ, tuyệt vọng xâm chiếm, giam hảm và mình để cho Tịnh Độ hay Thiên Đường tuột khỏi tầm tay của mình. Trong khi đi dạo, mình có thể cầm tay con mình, cháu mình dạo chơi trong Tịnh Độ. Mình có thể giúp các con mình, cháu mình nhận diện, tiếp xúc với vẻ đẹp mầu nhiệm của đất trời, của thiên nhiên, của thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày trước mặt. Đi đâu để có thể kiếm được một hành tinh xanh mầu nhiệm như hành tinh của chúng ta? Các nhà khoa học đã tốn rất nhiều công sức, máy móc tinh vi và tiền của mà vẫn chưa kiếm ra được một hành tinh xinh đẹp và sống động như hành tinh của chúng ta. Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với tim tôi. Khi ta đem năng lượng chánh niệm để ôm lấy trái tim ta và mỉm cười với trái tim, ta sẽ thấy trái tim của ta còn hoạt động bình thường, đó là một phép lạ, là món quà vô giá. Những người bị bệnh tim, hạnh phúc lớn nhất của họ là mong có được một trái tim tốt, hoạt động bình thường. Có được một trái tim đang hoạt động bình thường là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Khi ta nâng niu trái tim với năng lượng chánh niệm, tình thương, thì trái tim của ta sẽ cảm thấy ấm áp trở lại. Bấy lâu nay ta đã không ngó ngàng đến trái tim của ta. Ta đã đối xử không dễ thương với trái tim của ta. Trong đời sống hàng ngày, ta quá bận rộn, chỉ để tâm suy nghĩ, lo toan về chuyện đâu đâu, chạy theo những cái ta tin là điều kiện tất yếu của hạnh phúc, trong khi đó ta không có thì giờ để có mặt cho trái tim ta. Ta làm tình làm tội trái tim ta bởi sự lo lắng quá mức, ăn uống, làm việc và ngủ nghĩ không chừng mực. Mỗi khi hít vào một hơi thuốc lá là ta đang làm khổ trái tim ta. Mỗi khi uống vào một ly rượu là ta đang làm một hành động không thân thiện, không có trách nhiệm, không có tình thương đối với trái tim ta. Ta biết rằng trái tim ta đã làm việc không ngừng nghỉ, đã làm suốt ngày suốt đêm để duy trì, bảo tồn mạng sống của ta, để bảo đảm sức khỏe cho toàn cơ thể. Nhưng ta lại thờ ơ, không quan tâm tới nó. Ta đã đối xử với trái tim ta một cách thật tệ bạc. Ta không chịu học cách bảo vệ những điều kiện hạnh phúc đang có trong ta. Đã đến lúc ta phải tỉnh dậy thôi, phải thắp lên ánh sáng chánh niệm để trở về nhận diện, trân quý và bảo tồn các điều kiện hạnh phúc đang có trong ta, trước hết là đối với thân thể. Ta hãy tiếp tục thực tập như thế đối với các chi phần khác của cơ thể như gan, phổi, thận, lá lách, ruột v.v.. Thực tập nâng niu lá gan của mình với niềm ưu ái và tình thương, đó là thiền tập. Thiền tập trước hết là tập dừng lại và nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại. Trở về ôm lấy, chăm sóc thân thể bằng năng lượng chánh niệm mà ta chế tác qua hơi thở ý thức. Khi mình gởi năng lượng chánh niệm đến các bộ phận của cơ thể thì năng lượng chánh niệm sẽ làm công việc nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những chi phần ấy của cơ thể với tình thương và sự trìu mến. Làm được như thế tức là ta đáp ứng đúng những gì mà cơ thể ta đang cần. Nếu có một chi phần nào đó trong cơ thể bị đau nhức thì ta cần có mặt lâu hơn để chăm sóc, mỉm cười ưa ái với chi phần ấy. Mỗi ngày ta nên thực tập bài tập này ít nhất là hai lần. Phép thực tập này gọi là Thiền Buông Thư. Thiền Buông Thư là phép thực tập trở về có mặt cho thân thể mình và bằng hơi thở ý thức, mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để soi chiếu vào toàn thân, làm cho toàn thân được buông thư, lắng dịu trở lại, rồi từ từ chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào từng chi phần của thân thể để hiểu được tình trạng sức khỏe của nó và chăm sóc và cho phép thân thể được nghỉ ngơi, được tự điều trị. Thiền Buông Thư không phải để ngủ. Nhưng nếu ngủ cũng tốt. Hơi Thở Có Ý Thức Bài tập thở có ý thức thứ nhất của kinh Quán Niệm Hơi Thở mà Bụt dạy là 'vào/ ra.' Nghĩa là thở vào, ý thức đây là hơi thở vào; thở ra, ý thức đây là hơi thở ra. Vào/ Ra. Bài tập này cho ta thấy hơi thở chính là một phần của thân thể. Hơi thở là một hành, một hiện tượng thuộc về thân thể vật lý. Hơi thở là phương pháp giúp ta trở về làm quen và làm hòa với thân thể. Đối tượng của sự thực tập chánh niệm là hơi thở vào và hơi thở ra. Nghĩa là trong khi thở vào và thở ra, tâm mình không bị tán loạn bởi những ý tưởng khác, tâm mình (tâm chánh niệm) hoàn toàn an trú trong suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối. Ta nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra. Chỉ nhận diện trọn vẹn hơi thở thôi. Đó gọi là nhận diện đơn thuần. Khi thở vào, ta có thể thầm niệm, 'Thở vào, biết mình đang thở vào;' và sau đó ta thu gọn lại thành một chữ,-vào. Khi thở ra, ta cũng thầm niệm, 'Thở ra, biết mình đang thở ra ra.' Hai chữ 'vào' và 'ra' là dụng cụ giúp ta phát triển và duy trì năng lượng chánh niệm. Cố nhiên là ta không lập đi lập lại hai chữ ấy một cách máy móc mà nên để cho hơi thở có ý thức chuyên chở hai chữ ấy một cách tự nhiên để giúp ta phát triển niêm lực và định lực. Trong khi thở vào, ta biết rằng mình đang nuôi dưỡng mình bằng hơi thở vào. ''Vào'' không còn là một ý niệm nữa mà là một thực tại. Hơi thở chánh niệm giúp ta ngưng lại được dòng suy nghĩ. Trong khi thở, có thể sẽ có những tạp niệm xen vào, tung hoành trong vùng ý thức của ta, trong trường hợp đó, ta không nên xua đuổi hay đè nén chúng. Nếu ta có mặt trọn vẹn cho hơi thở vào và hơi thở ra, bám sát lấy hơi thở vào và hơi thở ra và cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy thích thú trong khi thở, thấy rằng mình đang còn sống, đang được thở vào, thở ra một cách thông suốt, thì mọi suy nghĩ trong ta tự nhiên ngưng lại. Ta không cần xua đuổi, không cần cố gắng làm cho chúng lắng xuống. Trong thiền tập, thái độ xua đuổi, dồn nén với những gì mình không ưa thích của tâm là điều rất tối kỵ; không nên biến tâm thức mình thành bãi chiến trường trong đó lấy cái thiện đánh cái ác v.v... Ta phải sống hài hòa với chúng. Đôi khi ta cố sống cho thật chánh niệm và trở nên quá cứng nhắc. Thực tập như vậy là chưa đúng cách. Thực tập chánh niệm không phải là vấn đề lao tác mệt nhọc. Mỗi giây phút của sự thực tập phải là mỗi giây phút của an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc; có an lạc, có hạnh phúc thì tâm ta dễ dàng được an định. Niệm sinh định và định sinh tuệ. Đó là điều chắc chắn. Chẳng hạn như khi nghe pháp thoại; nếu bài pháp thoại hấp dẫn, thích thú, thì ta nghe rất tỉnh táo; còn nếu như bài pháp thoại không có sức thu hút, hấp dẫn, không sinh động, không đáp ứng được nhu cầu của ta, thì dù có cố gắng cách mấy, ta vẫn không tỉnh táo được. Chìa khóa của sự thực tập, bí quyết để thành công là làm sao cho có an lạc, hạnh phúc và thích thú ngay trong giây phút của sự thực tập. Ta thở như thế nào để có an lạc ngay trong từng hơi thở vào và hơi thở ra, thở như thế nào để năng lượng của niệm, của định càng thêm vững chãi, hùng hậu. Hễ có định thì chắc chắn có tuệ. Niệm, định và tuệ có mặt trong nhau, chúng làm ra nhau. Trong niệm có định và trong địng có tuệ. Nghệ Thuật Ngồi Yên Trong suốt thời ngồi thiền, ta chỉ cần ngồi yên và tận hưởng hơi thở vào và hơi thở ra. Thở cho thật thoải mái và ý thức trọn vẹn từng hơi thở vào và hơi thở ra. Ngồi thiền là cơ hội để thân tâm ta được nghỉ ngơi và trị liệu. Ta cũng có thể thực tập trong tư thế nằm; trong khi nằm, ta theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra, mỉm cười và buông thư toàn thân. Khi ngồi, ta nên ngồi như thế nào để thân thể được thư thái. Ta có thể ngồi trong tư thế kiết già hoặc bán già hay một tư thế nào đó mà ta cảm thấy dễ chịu và buông thư hoàn toàn các cơ bắp trên cơ thể mình. Đầu và sống lưng giữ thẳng, không nghiêng hay cong về phía trước hoặc phía sau, vẹo về bên trái hoặc bên phải, không nên gồng mình trong khi ngồi, thả lỏng hoàn toàn. Ta có thể ngồi trên gối ngồi (toạ cụ) hoặc trên mặt phẳng. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, ngồi trên gối ngồi thì thế ngồi vững vàng và thoải mái hơn, ngồi được lâu hơn. Nếu ngồi trên toạ cụ thì quý vị nên chọn cho mình cái tọa cụ thích hợp với thế ngồi của cơ thể mình. Khi ngồi xuống, trước hết ta nên điều chỉnh thế ngồi như thế nào để có thể ngồi được lâu mà không bị tê chân hay bị mỏi mệt. Sau khi đã điều chỉnh thế ngồi, ta bắt đầu theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, hoàn toàn chú ý tới hơi thở. Sau đó ta có thể chú ý tới thế ngồi của mình; rồi thực tập buông thư các cơ bắp trên khuôn mặt bằng hơi thở chánh niệm. Khuôn mặt của ta có khoảng ba trăm cơ bắp. Mỗi khi tức giận, lo lắng hoặc sợ hãi thì các cơ bắp trên khuôn mặt mình trở nên căng thẳng. Khuôn mặt mình lúc bấy giờ rất dữ giằng, khó coi. Nếu thở vào và ý thức về khuôn mặt của mình, thở ra mỉm cười, thì ta sẽ làm thư giản hàng trăm cơ bắp trên khuôn mặt của ta. Cứ như thế, ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm tới hai bả vai, rồi hai cánh tay v.v.. Rồi ta tiếp tục thực tập như thế đối với tất cả các bộ phận của cơ thể. Đây là một phép thực tập buông thư rất hữu hiệu. Theo phép thực tập này, ta không cần phải cố gắng cực nhọc. Nếu ta lao tác mệt nhọc trong khi thực tập thì không thể thành công được. Ngược lại ta sẽ trở nên căng thẳng hơn; vai và ngực của ta trở nên khó chịu và có thể tạo ra những triệu chứng đau nhức khác. Khi ngồi xem truyền hình, mình đâu cần phải cố gắng cực nhọc; nhờ vậy mà mình có thể ngồi xem ti vi, phim ảnh hàng giờ mà không cảm thấy mỏi mệt. Khi ngồi thiền, ta thường có khuynh hướng tranh đấu với chính mình nên không thể ngồi yên được lâu. Nên ngồi như thế nào cho thật thoải mái giống như khi mình ngồi trên ghế solon để xem phim, xem truyền hình. Không tranh đấu, không cố gắng dụng công là chìa khóa của sự thành công. Chỉ cần ngồi cho thật yên và thưởng thức sự kiện là mình đang được ngồi yên, đang thở vào và thở ra; không mong cầu để thành đạt quả vị nào hết, dù là quả vị Bụt. Ngồi trong tư thế buông thư, nhận diện, quán sát và mỉm cười với những tâm hành đến và đi một cách đơn thuần, không đè nén hoặc xua đuổi. Ngồi yên là cơ hội cho cơ thể ta được nghỉ ngơi. Khi ta rót nước táo vào ly và nước táo đang bị vẩn đục; muốn có được ly nước táo thơm, trong để uống thì ta phải đặt nó xuống mặt bàn khoảng từ năm đến mười phút để cho những cặn bả li ti trong ly nước táo chìm lắng xuống thì mới uống được. Cũng vậy, nếu mình cho phép cơ thể mình ngồi thật yên trong tư thế kiết già hoặc bán già, giữ thân ngay thẳng, buông thư, theo dõi hơi thở chánh niệm thì thân và tâm mình sẽ được lắng dịu trở lại. Ngồi thiền là cơ hội để tận hưởng từng hơi thở vào và hơi thở ra, ý thức rằng mình đang còn sống và đang được ngồi yên là một hạnh phúc lớn. Đó là một phép lạ. Biết rằng mình đang được ngồi chung với những người cùng thực tập giống như mình cũng là một điều kiện khác của hạnh phúc. Ngồi yên và không cố gắng để trở thành một người nào khác, dù là thành Bụt, cũng mầu nhiệm rồi . Khi những tâm tư của mình được lắng đọng, mình sẽ tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Thời gian ngồi thiền là thời gian để ăn mừng sự sống. Ngồi yên là một xa xí phẩm. Bài tập thứ hai Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở là ''Dài/ ngắn''. ''Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối. Thở ra, tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu cho tới cuối.'' Nghĩa là khi thở vào và thở ra, ta ý thức toàn vẹn chiều dài, chiều ngắn của hơi thở vào và hơi thở ra, từ đầu cho tới cuối. Tuyệt đối không can thiệp vào hơi thở, không cố làm cho hơi thở ngắn lại hoặc dài ra theo ý mình. Điều này rất quan trọng. Đối tượng chánh niệm của hai bài thực tập đầu chỉ đơn thuần là hơi thở vào và hơi thở ra. Hãy để cho hơi thở xảy ra theo nhịp điệu tự nhiên của nó. Sự thực tập của ta là thắp sáng ngọn đèn chánh niệm và soi chiếu vào hơi thở. Công việc của ta là chỉ nhận diện tình trạng của hơi thở như nó đang là và mỉm cười, không uốn nắn, không gò ép, không can thiệp vào hơi thở. Thưa quý vị, hai bài thực tập này nếu thực tập đúng theo lời chỉ dẫn sẽ đem lại những lợi lạc rất lớn. Ta không thể diễn tả được sự chuyển động tuyệt vời và sự mầu nhiệm của hơi thở. Ta không nên lao tác mệt nhọc trong khi thở; hãy để cho hơi thở diễn biến một cách nhịp nhàng và tự nhiên, quan trọng là khi thở vào, mình biết mình đang thở vào; thở ra, mình biết mình đang thở ra. Đây gọi là hơi thở có ý thức. Như ánh sáng mặt trời và cây cỏ. Ánh sáng mặt trời có sự tác động và ảnh hưởng lên cây cỏ, nhưng công việc của ánh sáng mặt trời là chiếu vào cây cỏ và bao trùm lấy chúng. Ánh sáng chánh niệm cũng có tác dụng như thế đối với hơi thở. Ta không nên gò ép hơi thở đi theo ý mình; chỉ nhận diện đơn thuần hơi thở vào như là hơi thở vào và hơi thở ra như là hơi thở ra, thế thôi. Nếu hơi thở vào ngắn, hãy để cho nó ngắn; nếu hơi thở ra dài, cứ để cho nó dài. Đừng cố làm cho chúng ngắn lại hoặc dài ra theo ý mình. Không nên uốn nắn hoặc gò ép hơi thở. Nếu tiếp xúc với hơi thở bằng năng lượng chánh niệm thì phẩm chất của hơi thở sẽ tiến bộ hơn và ta cảm thấy thân tâm được thư thái và nhẹ nhàng. Sự an bình và hòa điệu của hơi thở giúp thân thể ta được an bình và hòa điệu, và khi thân an thì tâm cũng an. Thân và tâm tương tức. Trong đời sống hàng ngày, ta thường bị những lo lắng, phiền muộn trấn ngự. Ta suy nghĩ không ngừng. Trong ta dường như có cái băng đĩa đang quay liên tục, không bao giờ dừng nghỉ hoặc giống như cái máy truyền hình đang hoạt động suốt ngày. Đầu óc của ta bị nóng bừng, căng thẳng vì ta suy nghĩ, lo lắng quá độ và cuối cùng dẫn đến triệu chứng mất ngủ. Ta không biết cách dừng lại. Vì mất ngủ nên ta càng lo lắng và giải pháp cuối cùng là đi khám bắc sĩ để xin thuốc ngủ. Sau khi đã uống thuốc ngủ, ta có thể ngủ được, nhưng trong giấc ngủ, thân tâm ta vẫn bồn chồn không yên, vẫn chạy, vẫn suy nghĩ, vẫn lo lắng, sợ hãi. Ta không thật sự nghĩ ngơi. Do đó liều thuốc hữu hiệu và an toàn nhất chính là hơi thở chánh niệm. Nếu ta nắm lấy hơi thở chánh niệm để thực tập thì nội trong vòng năm, bảy phút thân tâm ta sẽ trở nên êm dịu, thư thái và ta có thể ngưng được dòng suy nghĩ một cách dễ dàng. Nếu ta theo dõi, bám sát hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối, không tán loạn thì dòng suy nghĩ tự nó sẽ ngưng lại thôi. Thưa quý vị, hai chữ ''vào/ ra'' không phải là ý niệm; không phải là sự suy nghĩ; hai chữ ấy là sự hướng dẫn cho hơi thở chánh niệm. Khi suy nghĩ nhiều thì phẩm chất của sự sống trở nên nghèo nàn. Nếu ta đình chỉ được sự suy nghĩ thì phẩm chất của sự sống phong phú hơn. Thân tâm ta trở nên an bình và thư thái hơn. Ông triết gia Descart nói rằng, ''Tôi suy tư, cho nên tôi hiện hữu'' là phù hợp với thực tại. Theo tôi, thì phải nói rằng, ‘‘Tôi suy tư, cho nên tôi không có mặt, tôi không hiện hữu, tôi đánh mất tôi trong sự suy tư.’’ Đã Về Đã Tới Ta có thể sử dụng bài thi kệ 'Đã Về, Đã Tới' để thực tập trong khi thở và đi. Hôm qua tôi có chia sẻ về pháp môn thiền đi. Có hai cách thực tập thiền đi: thứ nhất là kinh hành, tức là đi từng bước chậm rãi, mỗi hơi thở một bước chân. Bắt đầu bằng chân trái, thở vào- ta bước một bước; thở ra- ta bước một bước, bằng chân phải. Kinh hành thường được thực tập trong thiền đường hoặc trong chánh điện sau thời ngồi thiền; thứ hai là thiền đi. Thiền đi thường được áp dụng ngoài khu vực thiền đường và nhịp bước nhanh hơn. Ta có thể bước hai hoặc ba bước trong khi thở vào và hai hoặc ba bước trong khi thở ra. Tuy nhiên, tùy vào buồng phổi của ta. Nếu hơi thở vào cho phép ta bước được một bước hoặc hai bước, thì hãy nên bước như vậy và hơi thở ra cho phép ta bước hai bước hoặc ba bước, thì nên bước như vậy. Không nên ép hơi thở để có thể bước được nhiều bước, vì làm như vậy ta sẽ bị mệt, tạo thêm căng thẳng trong thân. Thực tập là để đạt tới an lạc và hạnh phúc ngay trong khi thực tập, chứ không phải để tạo thêm khổ đau. Ta phải là một nhạc sĩ, nhạc trưởng điều khiển hơi thở và bước chân của ta sao cho có hòa điệu và có thể tấu lên một bản nhạc thiền đi thật hay, thoải mái và an vui. Vấn đề không phải là ít bước hay nhiều bước, quan trọng là trong khi bước ta phải cảm thấy thoải mái, an lạc và thảnh thơi. Thở vào, bước hai bước, ta thầm niệm: ''đã về, đã về; thở ra, bước hai bước, ta thầm niệm: đã tới, đã tới.'' Quý vị có thể thắc mắc: ''Về đâu? Tới đâu?'' Về với quê hương đích thực của ta trong giây phút hiện tại. Cách đây khoảng mười lăm năm, tôi có đi thăm một cộng đồng Phật giáo thuộc giai cấp thấp kém ở Ấn Độ. Một người bạn người Ấn đã sắp đặt cuộc viếng thăm và mời tôi nói chuyện tại đó. Anh ta thuộc về giai cấp đó, một giai cấp đã bị kỳ thị qua hàng ngàn năm. Hôm đó ở trên xe buýt, anh ta ngồi cạnh tôi. Hai thầy trò đang trên đường đi tới trung tâm đó. Trong suốt thời gian ngồi trên xe buýt, tôi theo dõi hơi thở chánh niệm và tận hưởng cảnh đẹp vùng ngoại ô của Ấn Độ. Có lần tôi chợt nhìn sang anh ta và thấy anh rất bất an, căng thẳng. Anh là người tổ chức cho cuộc viếng thăm và anh đã sắp đặt chu toàn tất cả mọi việc để làm cho cuộc thăm viếng của tôi được xảy ra tốt đẹp. Tuy mọi việc đã được sắp đặt chu đáo, thế mà anh vẫn chưa yên tâm, vẫn tiếp tục lo lắng. Nhìn anh, tôi thấy được năng lượng tập khí lo lắng nơi anh đã được trao truyền từ nhiều thế hệ tổ tiên trong quá khứ. Tổ tiên trong giai cấp của anh đã vùng vẫy, tranh đấu suốt cả cuộc đời qua nhiều thế hệ do sự kỳ thị, bất công của chế độ phân biệt giai cấp. Để chuyển hóa năng lượng tập khí thâm căn cố đế này quả là một việc không phải một sớm một chiều. Tôi nói với anh ta rằng: ''Này anh bạn, anh không nên lo lắng như thế. Không có gì cần phải làm cả! Dù anh có lo bao nhiêu chăng nữa thì anh cũng không làm gì được, vì thực tế là anh đang ngồi trên xe buýt với tôi. Theo tôi, hay nhất là anh hãy ngồi cho thật yên, trở về với hơi thở chánh niệm, thực tập buông thư và thưởng thức cảnh đẹp của vùng ngoại ô. Khi tới đó chắc chắn mọi việc sẽ ổn thôi. Anh hãy ngồi cho thật thoải mái và mỉm cười với sự sống mầu nhiệm đang diễn bày quanh mình. Anh ta nói, ''Dạ!'' Rồi anh ngồi yên. Nhưng khoảng hai phút sau anh lại bồn chồn, lo lắng, bất an, căng thẳng, suy nghĩ đủ điều; anh không an trú được trong giây phút hiện tại. Thiền trước hết là thực tập dừng lại- chỉ; dừng lại năng lượng tập khí chạy như bị ma đuổi để có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta ngay trong giây phút hiện tại. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, ăn cơm, làm việc... ta cũng thắp lên ánh sáng chánh niệm để nhận diện và dừng lại cái tập khí muốn chạy như bị ma đuổi trong ta. Có những người trong khi đang ngồi ăn mà tâm của họ chạy như bị ma đuổi. Họ không có khả năng dừng lại và an trú vững chãi để thật sự thưởng thức miếng cơm hoặc miếng bánh mì mà họ đang nhai trong giây phút hiện tại. Chúng ta phải nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại. Bụt dạy: Quá khứ đã đi qua. Tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút đáng để ta sống mà thôi, đó là hiện tại. Chúng ta có ước hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại. Nếu ta lỡ hẹn với giây phút hiện tại, tức là ta đánh mất sự sống. Chúng ta ai cũng hiểu được điều ấy. Nhưng trong đời sống hàng ngày ta vẫn hành xử như ta chưa từng tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm ấy. Ta không có khả năng an trú và sống thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Đó là vì tập khí lo lắng, rong ruổi và sợ hãi trong ta quá sâu dày. Vì vậy chúng ta cần nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại. Ăn cơm trong chánh niệm với nhau là cơ hội để ta dừng lại. Ngồi thiền và theo dõi từng hơi thở vào và hơi thở ra cũng là cơ hội cho ta dừng lại. Mỗi khi con ngựa tập khí trong ta vươn mình muốn chạy, thì ta lập tức trở về với hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức và nói, ''Chào anh bạn tập khí, tôi biết anh rồi. Thôi đừng chạy nữa, dừng lại và thở với tôi đi!'' Ta thở và mỉm cười với nó thì tự dưng nó không còn tác yêu tác quái ta nữa và sức mạnh thúc đẩy của nó sẽ yếu dần yếu dần, rồi từ từ được chuyển hóa. Lần sau nếu nó biểu hiện trở lại, thì ta thở vào, thở ra và nói: ''Chào anh bạn, anh tới chơi hả!'' Ta chỉ nhận diện đơn thuần tâm hành ấy. Mỗi lần thực tập như vậy, thì sức mạnh của nó yếu dần đi. Ta không cần phải vật lộn với nó mà chỉ cần nhận diện sự có mặt của nó và mỉm cười với nó mà thôi. Quê hương đích thực của ta là bây giờ và ở đây, là nơi hải đảo của tự thân. Những mầu nhiệm của sự sống chỉ có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Khi nghe chuông, ta ngưng hết mọi sinh hoạt- như nói năng, làm việc, suy nghĩ và trở về an trú trong hơi thở chánh niệm. Thở vào, ta thầm niệm, ''Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe. Thở ra, tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.'' Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt đưa tâm trở về hợp nhất với thân và an trú vững vàng trong giây phút hiện tại. Sau vài phút thực tập câu 'đã về/ đã tới', ta có thể chuyển sang câu thứ hai của bài kệ, 'bây giờ/ ở đây.' Thở vào ta thầm niệm, 'bây giờ, bây giờ'; thở ra, 'ở đây, ở đây'. Bây giờ và ở đây là địa chỉ của Bụt, là quê hương đích thực của ta. 'Bây giờ và ở đây' đồng nghĩa với câu 'Đã về. Đã tới'. Ta muốn thực tập mỗi câu bao lâu cũng được. Sau khi thực tập câu thứ hai một thời gian, ta có thể đổi sang câu thứ ba là 'Vững chãi/ thảnh thơi'- thở vào, vững chãi; thở ra, thảnh thơi. Đây không phải sự tự kỹ ám thị. Nếu ta đã về được, đã tới được trong giây phút hiện tại, thì tự nhiên ta thiết lập được đức vững chãi và thảnh thơi. Khi bước được từng bước trong chánh niệm, thì ta tiếp xúc được với quê hương đích thực của mình và trở nên rất vững chãi, rất thảnh thơi; mình không còn chạy như bị ma đuổi nữa, mình đã phục hồi lại được chất liệu tự do. Trước kia, mình đã từng là nạn nhân của những con ma của quá khứ và tương lai, chúng giống như hai lực sĩ luôn luôn kéo mình đi về trăm hướng. Bây giờ mình đã làm chủ được chính mình, đã lấy lại được chủ quyền. Mình không còn là nạn nhân nữa. Khi cảm nhận được điều ấy, ta thầm niệm, ''vững chãi, vững chãi; thảnh thơi, thảnh thơi.'' Vững chãi (bất động) và thảnh thơi (trạm nhiên) là hai đặc tính của niết bàn, là thực tại của không sinh không diệt, không tới không đi v.v... Câu cuối của bài kệ là, ''Cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.'' Ta sẽ hiểu được câu này sâu sắc khi ta thực tập bốn phép thở cuối của kinh Quán Niệm Hơi Thở nói về nhận thức và đối tượng của nhận thức, danh từ chuyên môn gọi là tưởng. Ngồi thiền là một niềm vui chứ không phải là sự lao tác mệt nhọc. Đi thiền, ăn cơm cũng vậy. Nếu thực tập giỏi thì sự thực tập của ta trở nên rất dễ chịu, nuôi dưỡng và đem lại sự trị liệu lớn. Đã về, đã tới Bây giờ, ở đây Vững chãi, thảnh thơi Quay về nương tựa Nay tôi đã về, nay tôi đã tới An trú bây giờ, an trú ở đây Vững chãi như núi xanh Thảnh thơi dường mây trắng Cửa vô sinh mở rồi Trạm nhiên và bất động. Chương 03: Thương Thân Kính thưa đại chúng hôm nay là ngày 25 tháng Năm, năm 1998, chúng ta đang đi vào ngày thứ hai của khóa tu hai mươi mốt ngày. Những vị mới tới chưa được nghe bài pháp thoại hướng dẫn tổng quát tối hôm qua, tôi mong quý vị sẽ tìm nghe bài pháp thoại đó để nắm vững một vài phương pháp thực tập chánh niệm căn bản để dễ dàng tu tập. Thưa quý vị, chúng ta thật may mắn tổ chức được một khóa tu dài hạn với một đại chúng đông đảo như thế này cùng tu tập với nhau. Xin quý vị đem hết lòng để học hỏi, tu tập, giao phó thân mạng mình cho Tăng thân, thực tập quay về nương tựa Tăng một trăm phần trăm, mở lòng để cho năng lượng tu tập của Tăng thân thấm nhuần vào thân tâm mình. Năng lượng chánh niệm của Tăng thân rất mầu nhiệm, hùng hậu; nếu hết lòng phó thác thân tâm mình vào tăng thân, thì ta sẽ thừa hưởng được rất nhiều lợi lạc. Cố nhiên tự mình cũng chế tác ra được năng lượng chánh niệm, nhưng ta cũng cần nương vào năng lượng chánh niệm của tăng thân thì sự chuyển hóa của ta mới xảy ra mau chóng. Nếu biết kết hợp năng lượng chánh niệm của ta và của Tăng thân thì ta sẽ có một nguồn năng lượng hùng hậu hơn cho sự chuyển hóa và trị liệu. Ví dụ có một người đang có rất nhiều khổ đau và người ấy đang ngồi bên cạnh quý vị, nếu quý vị là người đang thực tập vững chãi, nụ cười hiền từ, tươi mát thì người ấy đã bớt khổ rất nhiều rồi. Người ấy đang cố gắng thực tập mỉm cười; nhưng vì trong lòng người ấy còn có khổ đau nên nụ cười chưa được tươi lắm, chưa tự nhiên lắm. Nếu là người thực tập giỏi, ta có thể chế tác ra năng lượng chánh niệm và yểm trợ cho người ấy bằng cách cống hiến cho người ấy một nụ cười tươi mát, hiền hòa, thông cảm và hạnh phúc để cho người ấy mỉm được nụ cười tươi mát như ta. Khi người ấy cười tươi được, thì tất cả các thế hệ ông bà tổ tiên trong người ấy cũng cười theo và thừa hưởng niềm an lạc, hạnh phúc với người ấy. Đây là điều hết sức mầu nhiệm. Tổ tiên người Việt của chúng tôi thường nói rằng, 'Con cháu ở đâu thì ông bà ở đó.' Câu nói này phản ánh rất xác thực giáo lý vô ngã, giáo lý tương tức trong đạo Bụt. Nụ cười không phải là sản phẩm của một cá nhân mà là một sản phẩm chung. Nếu ta đạt tới được sự chuyển hóa và trị liệu, thì ông bà, tổ tiên trong ta và ngoài ta cũng được thừa hưởng. Hãy cho phép Tăng thân ôm ấp ta như bà mẹ hiền ôm ấp và nâng niu đứa con thơ trong vòng tay. Hãy tin vào Tăng thân, cho phép Tăng thân chuyên chở, nâng đỡ và dìu dắt ta trên bước đường tu tập. Đó là hành động nương tựa Tăng đích thực. Hành động ấy sẽ đem lại cho ta niềm vui, sự chuyển hóa và trị liệu rất lớn. Hôm trước chúng ta được học về bài tập thứ nhất của mười sáu phép quán niệm hơi thở, ''Thở vào, ý thức rằng tôi đang thở vào. Thở ra, ý thức rằng tôi đang thở ra.'' Ta cũng có thể nói, ''Thở vào, ý thức đây là hơi thở vào. Thở ra, ý thức đây là hơi thở ra.'' Ta nhận diện hơi thở vào như là hơi thở vào và hơi thở ra như là hơi thở ra. Ta không nên can thiệp vào hơi thở. Hãy để cho hơi thở hoạt động một cách tự nhiên. Sự thực tập của ta là dùng ánh sáng chánh niệm để soi chiếu vào, quán sát liên tục quá trình vào- ra của hơi thở. Nếu ta thực tập đúng theo sự chỉ dẫn, thì phẩm chất hơi thở của ta sẽ tiến bộ rất mau chóng. Hơi thở của ta sẽ trở nên sâu lắng, hòa điệu và nhẹ nhàng hơn. Khi hơi thở chánh niệm trở nên sâu lắng, an bình, thì thân và tâm cũng an bình, tĩnh lặng. Ta không cần phải cố gắng gì cả. Phép thở có ý thức thứ hai của mười sáu phép quán niệm hơi thở là, ''Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn.'' Ta không nên làm cho hơi thở dài ra hay ngắn lại theo ý của ta. Năng lượng chánh niệm được nuôi dưỡng trong suốt thời gian của hơi thở vào và hơi thở ra. Ta chỉ nhận diện đơn thuần và theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối mà thôi. ''Dài'' hay ''ngắn'' không quan trọng, quan trọng là trong khi thở, ta ý thức được và có mặt trọn vẹn suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra. Niệm hơi thở tức là có chánh niệm về toàn thân của hơi thở. Trong hai phép thở có ý thức đầu, ta thấy rằng khi thực tập thành công được phép thở đầu, thì ta cũng thực tập thành công được phép thở thứ hai. ''Thở vào, tôi ý thức đây là hơi thở vào.'' Ta ý thức trọn vẹn hơi thở vào. Khi ý thức trọn vẹn hơi thở vào và hơi thở ra, thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Và khi thực tập phép thở thứ hai thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ nhất. Càng thực tập ta sẽ thấy được tính chất tương tức của mười sáu phép quán niệm hơi thở. Ta phải tu tập như thế nào để thấy được tính vô ngã và tương tức của các pháp, cụ thể qua mười sáu phép quán niệm hơi thở. Phép thở đầu được làm bằng phép thở thứ hai. Nếu ta thực tập phép thở đầu thành công thì đồng thời ta cũng đang thực tập phép thở thứ hai. Nếu ta đảo phép thở thứ hai lên đầu, thì phép thở đầu không còn là phép thở đầu nữa. Đây là điểm rất mầu nhiệm. Ta có thể thấy được tính tương tức trong tất cả các phép thở. Điều này có nghĩa là khi ta thực tập phép thở có ý thức này thì ta cũng đang thực tập tất cả các phép thở khác. Đó gọi là cái một chứa đựng cái tất cả. Quán Thân Trong Thân Bây giờ ta đi sang bài tập thứ ba của mười sáu phép quán niệm hơi thở, ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.'' Trước hết, ta thấy rằng đây là ước muốn muốn trở về làm quen, làm hòa với thân thể ta. Có khi ta nhận thấy rằng thân thể này là ta, là một cái gì rất gần gũi, thân thiện với ta; nhưng có lúc ta lại nghĩ thân thể này không phải là của ta, nó là một cái gì rất xa lạ đối với ta, thậm chí ta rất chán ghét nó. Ta nghĩ rằng thà không có thân này còn hơn. Ta muốn đày đọa, loại trừ thân thể ta. Đó là thái độ muốn trốn chạy, muốn thoát ly ra khỏi thân thể của chính mình. Vì vậy bài tập thứ ba là để giúp ta thực tập trở về làm hòa với thân thể. Hơi thở chính là một phần của thân thể. Hơi thở chánh niệm là nhịp cầu giúp ta thực tập trở về với thân thể, cảm thọ, tâm ý và tri giác của ta. Khi thở vào, ta biết ta đang thở vào; khi thở ra, ta biết ta đang thở ra, thì cái biết ấy tức là năng lượng chánh niệm; nếu thực tập liên tục thì năng lượng chánh niệm sẽ tăng trưởng rất hùng hậu. Năng lượng chánh niệm ôm lấy hơi thở vào và hơi thở ra. Ta trở thành một với hơi thở vào và hơi thở ra. Càng tiếp tục thực tập thì hơi thở vào và hơi thở ra càng trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, hòa điệu và khoan thai. Khi hơi thở của ta đã trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng, thì ta bắt đầu bước thêm một bước nữa, tức là phép thở thứ ba- thực tập tiếp xúc với thân thể- ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi.'' Ta trở về với thân thể và ôm lấy thân thể ta bằng sự trìu mến, thương yêu. Ta làm hòa với thân thể ta. Bài tập này có thể thực tập trong tư thế ngồi hoặc tư thế nằm. Trở về để chăm sóc, để bày tỏ niềm ưu ái đối với thân thể ta là hành động hết sức cấp thiết và quan trọng. Thân thể ta có thể đang có nhiều đau nhức và căng thẳng. Nhưng vì sống trong thất niệm nên ta không biết được những gì đang xảy ra trong cơ thể ta, ngược lại ta đối xử thiếu tình thương, niềm ưu ái và trách nhiệm đối với cơ thể ta; ta không ngó ngàng, quan tâm, chăm sóc đến cơ thể ta một cách đàng hoàng. Vì vậy tu tập là chế tác ra năng lượng chánh niệm để trước hết trở về ôm ấp và chăm sóc, bày tỏ tình thương đối với cơ thể ta. Đây là bước đầu của sự thực tập thương yêu. Trở về với cơ thể, ý thức sự có mặt của cơ thể và hứa từ nay về sau mình sẽ chăm sóc cơ thể mình một cách đàng hoàng hơn. Nếu làm được như vậy thì cơ thể ta sẽ cảm thấy rất ấm áp và những niềm đau trong cơ thể sẽ được chữa trị. Sabbakaya nghĩa là toàn thân. Trong suốt chiều dài của hơi thở vào, ta ý thức toàn vẹn sự có mặt của thân thể ta. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào thân thể ta từ đỉnh đầu xuống tới các ngón chân, bàn chân. Lúc đó đối tượng của chánh niệm không còn chỉ là hơi thở mà nó bao gồm cả thân thể. Ban đầu đối tượng của chánh niệm chỉ thuần là hơi thở, nhưng tới bài tập thứ ba và thứ tư thì nó chuyên chở thêm một đối tượng khác, đó là thân thể. Ta ôm ấp thân thể ta bằng tất cả sự trìu mến trong suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra với ước muốn muốn làm hòa, chăm sóc và bày tỏ lòng ưu ái của ta đối với thân thể. Tuy nhiên ta có thể linh động trong cách sử dụng ngôn ngữ, nhưng nội dung của sự thực tập vẫn giống nhau. Ví dụ, ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân thể tôi.'' Đây là nụ cười của ý thức, nụ cười của tình thương đối với thân thể ta. Ta có thì giờ để trở về ôm ấp thân thể ta với tất cả sự trìu mến, thương yêu và mỉm cười với thân thể ta hay chưa? Nếu chưa, thì ta hãy lập tức trở về làm cho được chuyện đó. Ta phải dành thì giờ để trở về chăm sóc thân thể ta với tất cả tình thương và nói với thân thể ta rằng, ''Thân thể ơi, tôi biết em có mặt đó một cách nhiệm mầu. Vậy mà bấy lâu nay tôi sống thờ ơ quá. Từ rày trở đi, tôi hứa sẽ chăm sóc đàng hoàng hơn.'' Bây giờ chúng ta hãy cùng thực tập trở về chăm sóc thân thể ta và mỉm cười với thân thể ta với nụ cười chánh niệm và trìu mến. Bây giờ chúng ta gởi sự chú ý tới với từng bộ phận của thân thể ta như mắt, tai, mũi, buồng phổi, tim, gan, ruột v.v. theo phương pháp mà tôi đã đề nghị ngày hôm qua: ''Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt.'' Bài tập này nếu được thực tập liên tục sẽ giúp ta đạt tới cái thấy sâu sắc về thực tại và cái thấy ấy sẽ giải phóng ta ra khỏi sự sợ hãi, buồn khổ, đem lại an lạc và hạnh phúc thật sự. Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (kinh Tứ Niệm Xứ), Bụt có dạy: ''Này các vị khất sĩ! Ví dụ có một bác nông dân đi vào nhà kho và mang ra một bao tải chứa đựng đủ các loại ngũ cốc- như gạo lứt, gạo trắng, hạt lúa, đậu xanh, đậu ngự, hạt mè v.v.. Bác nông dân mở hai đầu bao tải và để cho các loại đậu mặc nhiên tuôn ra trên sàn nhà; với đôi mắt tốt, bác có thể nhận diện được, 'Này đây là đậu xanh. Này đây là đậu ngự. Này đây là gạo trắng v.v..''' Với đôi mắt còn tốt, bác nông dân có thể nhận diện và phân biệt được rõ ràng tất cả các loại hạt giống. Khi trở về với thân thể, trước hết ta thực tập ôm ấp toàn thân thể ta với hơi thở chánh niệm, sau đó ta có thể gởi sự chú ý đến từng bộ phận của thân thể ta, nhận diện sự có mặt của từng bộ phận của thân thể giống như bác nông dân kia khi bác nhận diện và phân loại các loại hạt giống. Trong kinh, Bụt có nói rằng trong thân thể ta có cả thảy là ba mươi sáu bộ phận. Ta thực tập ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận bằng năng lượng chánh niệm. Với năng lượng chánh niệm, ta làm cho bộ phận ấy của cơ thể trở nên êm dịu, buông thư bằng tư thế nằm hoặc trong tư thế đi hay ngồi... Trong khóa tu, ta nên thực tập thiền buông thư mỗi ngày ít nhất là một lần. Ta có thể thực tập chung với Tăng thân dưới sự hướng dẫn bởi một thầy hoặc một sư cô. Nhưng nếu ta có năm phút, mười phút hay mười lăm phút rảnh rỗi, ta có thể tìm một nơi vắng vẽ, yên tĩnh để tự thực tập thiền buông thư. Đây là sự thực tập thương yêu đích thực đối với cơ thể ta. Cứ như thế, ta từ từ soi chiếu ánh sáng chánh niệm tới các bộ phận khác của cơ thể. Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, những bộ phận ấy được liệt kê như: xương, tủy, thận, máu, gan, lá lách, hoành cách mạc v.v.. Thở vào, ta ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận của cơ thể ta bằng năng lượng chánh niệm như bà mẹ ôm đứa con vào lòng với tất cả sự thương yêu, trìu mến của mình. Đây là phép thực tập rất hay có khả năng đem lại rất nhiều lợi lạc, chuyển hóa và trị liệu. Khi thực tập, ''Thở vào, tôi ý thức về lá gan của tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với lá gan của tôi.'' Ngay lập tức lá gan cảm nhận được tình thương của ta. Lá gan sẽ nói: ''Dễ sợ chưa! Bây giờ mới ngó ngàng tới tui. Tui đã ngày đêm gởi thông điệp SOS tới để cầu cứu, nhưng anh/chị cứ thờ ơ, không quan tâm gì cả. Anh/chị vẫn tiếp tục uống rượu, hút thuốc, ăn nhậu một cách vô tội vạ. Thật khổ sở cho tui. Anh/chị có biết tui làm việc cực nhọc lắm không? Phải gạn lọc không ngừng nghỉ, phải chống cự suốt ngày đêm để bảo tồn mạng sống cho toàn bộ các chi phần khác của cơ thể; vì vậy em đã tìm mọi cách để gởi thông điệp SOS đến cầu cứu, nhưng thông điệp của em không bao giờ được anh/chị quan tâm tới. Em chịu hết nỗi rồi. Cứu em với.'' Nếu thực tập hơi thở chánh niệm, thân thể ta sẽ bớt khổ rất nhiều. Nếu ta gởi sự chú tâm tới lá gan và mỉm cười với nó, ta sẽ hiểu được tình trạng của lá gan. Ta thấy rằng lá gan của ta đã làm việc không ngừng nghỉ để duy trì sức khỏe cho toàn bộ cơ thể, nhưng vì sống trong sự quên lãng, thiếu trách nhiệm, nên ta đã làm tình làm tội lá gan của ta, đã thờ ơ với lá gan của ta. Thất niệm là ngược lại với chánh niệm. Ta thường sống trong sự quên lãng. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời ta trở về chăm sóc lá gan của ta. Lá gan của ta cảm thấy ấm áp trở lại khi được ta ngó ngàng, quan tâm đến. Nếu ta tiếp tục thực tập thêm vài hơi thở nữa thì ta có định và năng lượng định sẽ làm phát sinh tuệ giác. Có tuệ giác là ta bắt đầu biết thương yêu, chăm sóc và bảo vệ lá gan của ta, vì lá gan là điều kiện thiết yếu cho sức khỏe của toàn thân. Khi ý thức được phát sinh, ta tự khắc biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm để bảo vệ lá gan của ta. Điều này không cần ai nhắc nhở cả. Ta chăm sóc, nuôi dưỡng lá gan của ta bằng năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yêu. Ta quyết sẽ không ăn uống hoặc đưa vào cơ thể ta những độc hại nữa. Không những chỉ đối xử với lá gan như thế, mà đối với tất cả các bộ phận khác của cơ thể ta cũng phải thực tập như thế. Quán Chiếu Về Bốn Đại Trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Bụt có dạy, mình có thể nhìn vào hình hài của mình và nhận diện những yếu tố căn bản làm ra hình hài ấy. '' Thở vào, tôi y thức về yếu tố đất trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố đất trong hình hài tôi.'' Hình hài ta được cấu tạo bởi bốn đại (mahabhuta): đất, nước, lửa và không khí. Yếu tố đất là yếu tố rắn chắc trong cơ thể ta. Nếu nhận diện được yếu tố đất trong ta thì ta cũng nhận diện được yếu tố đất ngoài ta. Ta biết rằng cả hai đều thuộc về đất. Yếu tố đất trong ta và ngoài ta luôn luôn có sự trao đổi mật thiết qua nhiều hình thức. Sự trao đổi xảy ra trong từng giây phút của đời sống hàng ngày. ''Thở vào, tôi ý thức về yếu tố lửa trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố lửa trong hình hài tôi.'' Lửa là sức nóng, là nhiệt lượng. Ta biết rằng sự sống được làm bằng nhiệt lượng- chất cháy. Ví dụ khi ta đưa vào thân thể dưỡng khí (oxygen) thì dưỡng khí biến thành nhiệt lượng đốt cháy. Quá trình này xảy ra từng sát-na trong cơ thể ta. Nhờ quá trình đốt cháy nhiệt lượng đó, sự sống mới hình thành. Sinh và diệt cũng xảy ra liên tục trong mỗi phút giây. Trong cơ thể ta, mỗi giây có hàng triệu tế bào chết đi và hàng triệu tế bào được sinh sản. Nếu không có chết thì làm sao có sống. Nhìn kỹ vào thực tại, ta sẽ thấy trong diệt có sinh và trong sinh có diệt. Sinh và diệt tương tức. Nếu ta lấy cái chết ra khỏi cái sống, thì sự sống sẽ không có mặt, sẽ sụp đổ. Nếu ta lấy cái sống ra khỏi cái chết, thì sự chết sẽ sụp đổ. Như ví dụ của một bông hoa, mây và ánh nắng mặt trời- nhìn vào bông hoa ta thấy yếu tố mây và ánh nắng. Ta phải tập nhìn để thấy được tính tương tức của các pháp. Ta thường bị kẹt vào cái nhìn nhị nguyên, phân biệt. Ta nghĩ rằng chết là kẻ thù của sống. Tất cả chúng ta, dù là người thực tập thiền hay nhà nghiên cứu khoa học, bất kể nhìn với phương tiện nào đi chăng nữa, ta cũng phải nhìn để thấy cho được trong cái sống có chứa đựng cái chết và ngược lại. Không có cái này thì không có cái kia. Nếu nghĩ rằng tôi chỉ muốn chọn cái này thôi, không muốn chọn cái kia, thì đó là một thái độ quá ngây thơ. Nhìn kỹ vào những yếu tố trong cơ thể, ta thấy rằng sống và chết tương tức, chúng nương nhau mà biểu hiện. Tới đây ta bắt đầu thấy được sự mầu nhiệm của thực tại mà trước đó ta chưa bao giờ thấy. Nhờ nhìn sâu và hiểu được bản chất chân thực của thực tại, ta có thể xua tan được sự sợ hãi, buồn khổ, cô đơn và tuyệt vọng trong ta. Ta biết rằng khổ đau, sợ hãi, cô đơn và tuyệt vọng chỉ có thể tung hoành trên căn bản của vô minh. Ví dụ như cây bút chì này, ta nghĩ rằng đầu này là đầu trái, không phải là đầu phải. Nếu mình là một nhà chính trị thuộc về phe tả, mình sẽ chọn phe tả và muốn loại trừ phe hữu. Nhưng chỉ muốn có trái mà không có phải, thì đó là một điều thật phi lý. Giả sử mình muốn loại trừ bên phải, mình lấy con dao chặt cây bút chì ra. Nhưng sau khi chặt đầu bên phải của cây bút chì đi, thì đầu bên phải của cây bút chì có thật sự bị triệt tiêu hay không hay nó vẫn tiếp tục là đầu bên phải? Thực ra hể có trái thì tất nhiên có phải; trái có mặt thì phải có mặt. Cái nhìn của ta thường bị kẹt vào thế lưỡng nguyên, đối đãi và phân biệt. Ta phải tập nhìn với con mắt bất nhị, không phân biệt, không kỳ thị thì mới chạm tới được thực tại chân thực của sự sống. ''Thở vào, tôi thấy yếu tố nước trong hình hài tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với yếu tố nước trong hình hài tôi.'' Hai chữ ''vào'' và ''ra'' cũng là một cặp đối đãi. Tôi có viết một cuốn sách với tựa đề- Trái Tim Mặt Trời. Tôi có cảm hứng viết cuốn sách ấy là vì tôi thấy rằng mặt trời là trái tim thứ hai của tôi. Lúc xưa tôi thường hay nghĩ rằng mình chỉ có một trái tim thôi, đó là trái tim trong cơ thể của mình. Nếu bất chợt trái tim trong mình ngưng hoạt động thì mình sẽ chết. Nhưng nhìn kỹ lại, tôi thấy rằng nếu trái tim ngoài tôi, tức là mặt trời bị tan vỡ, thì tôi cũng bị tan vỡ theo. Trái tim thứ hai của tôi nằm ngoài tôi. Tôi có thể nghĩ rằng buồng phổi của tôi chỉ có mặt trong tôi, nhưng kỳ thực núi rừng và cây cỏ chung quanh tôi cũng là buồng phổi tôi. Nếu chúng ngưng hoạt động thì tôi sẽ không có dưỡng khí để thở. Tôi có buồng phổi bên trong nhưng cũng có buồng phổi bên ngoài. Nếu nhận diện và nhìn sâu vào bốn yếu tố bên trong và bên ngoài của thân thể, ta sẽ tiếp xúc được với tính tương tức của chúng và ý niệm về hình hài là một thực thể biệt lập, thường còn và bất biến của mình sẽ bị tan biến. Ý niệm về ngã được đồng hóa với hình hài cũng sẽ tan biến. Ta phải nhìn vào thực tại bằng con mắt bất nhị, vô phân biệt mới chuyển hóa được cái ảo tưởng của ta về thực tại. Và ta tiếp xúc được với cảnh giới niết bàn, của không sinh không diệt. Phải thấy cho được rằng ngã được làm bằng những yếu tố không phải ngã (phi ngã). Quán Niệm về các tư thế của thân Theo lời Bụt dạy trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, sau khi quán chiếu về tứ đại trong cơ thể, hành giả quán về các tư thế của thân. Có tất cả là bốn tư thế, gọi là tứ uy nghi: đi, đứng, nằm và ngồi. Ta ý thức rõ ràng các tư thế căn bản của thân ta. Khi đi, biết mình đang đi; khi đứng, biết mình đang đứng; khi ngồi, biết mình đang ngồi; khi nằm, biết mình đang nằm. Ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào các tư thế của thân thể ấy. Các thầy, sư cô và sư chú được tập luyện rất kỹ về bốn tư thế hoạt động của thân, gọi là tứ uy nghi. Chúng ta thấy rằng các thầy, sư cô và sư chú đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm, uy nghi. Tuy nhiên đừng nghĩ rằng Bụt chỉ dạy kinh này riêng cho người xuất sĩ, người cư sĩ cũng có thể thực tập. Phép quán này thuộc về lãnh vực quán thân trong thân. Chúng ta bắt đầu thực tập ý thức về hơi thở, nhận diện tình trạng của hơi thở và làm lắng dịu hơi thở. Kế đó ta thực tập ý thức về thân, ôm ấp, chăm sóc thân, làm cho thân thể lắng dịu, chú ý và mỉm cười với từng bộ phận của thân. Ta quán chiếu những yếu tố tạo nên thân thể và mỉm cười với từng yếu tố ấy trong thân thể ta. Rồi ta thực tập quán niệm về các tư thế của thân trong khi đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc. Chúng ta sẽ cùng thực tập với nhau trong suốt khóa tu này. Đi, đứng, nằm, ngồi và làm việc cho thật vững chãi và thảnh thơi. Quán niệm về thân đưa tới sự quán niệm về các hoạt động của thân. Khi khom xuống, ý thức rõ ràng là mình đang khom xuống. ''Thở vào, biết mình đang khom xuống để nhặt cây bút. Thở ra, biết mình đang nhặt cây bút.'' Ta ý thức từng động tác, từng cử chỉ của thân thể ta. Ví dụ, mỗi buổi sáng khi đun nước để chế cà phê hoặc pha trà, ta có thể sử dụng thời gian chế cà phê hoặc pha trà để thực tập chánh niệm. Ta ý thức từng cử chỉ, từng động tác của ta trong lúc chế cà phê hoặc pha trà. Ta mỉm cười với từng động tác, cử chỉ ấy của thân thể, dù đó là một động tác rất nhỏ. Thực tập như thế giúp ta thiết lập được vững mạnh năng lượng chánh niệm và nó đem lại cho ta rất nhiều niềm vui. Ta hạnh phúc là vì trong đời sống hàng ngày ta biết cách thắp lên ánh sáng chánh niệm và chiếu dụng vào mỗi cử chỉ và hoạt động của thân thể. Ta không còn sống trong sự quên lãng, không sống như một người mộng du nữa. Ta làm tất cả mọi cái trong ánh sáng chánh niệm. Ta hoàn toàn làm chủ các hoạt động của thân thể ta. Chánh niệm là sự hiện diện của Bụt, là năng lượng của Chúa Ki Tô, là chất thánh trong ta. Chánh niệm không phải là một cái gì trừu tượng. Hạt giống chánh niệm đã sẵn có trong tâm thức ta. Tất cả chúng ta đều có khả năng tiếp xúc với hạt giống chánh niệm và làm cho nó biểu hiện thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Thời còn làm sa di, một hôm Thầy của tôi dạy tôi làm giùm Thầy một việc. Tôi rất thương kính Thầy và sẵn sàng làm bất cứ điều gì Thầy giao phó, làm bất cứ điều gì có thể để đem lại niềm vui cho Thầy. Sau khi tiếp nhận xong lời dạy, tôi liền lui ra để đi làm. Nhưng do hạnh phúc quá, tôi đã mở cửa và đóng cửa rất hấp tấp, không có chánh niệm. Thấy vậy, Thầy tôi gọi tôi trở lại và nói rất nhỏ nhẹ rằng, ''Này con, con hãy đi ra trở lại. Lần này con nhớ mở cửa và đóng cửa cho thật từ tốn, nhẹ nhàng, có chánh niệm nghe con.'' Tôi chắp tay xá Thầy, rồi lui ra. Lần này tôi biết tôi phải làm gì. Tôi đã đi từng bước thật chánh niệm tới cửa, đặt bàn tay lên núm cửa, rồi nhẹ nhàng mở cửa, bước ra ngoài và đóng cửa thật từ tốn; tất cả mọi động tác, mọi cử chỉ đều được làm trong chánh niệm. Từ đó về sau Thầy tôi không cần phải nhắc nhở tôi lần thứ hai. Tôi không bao giờ quên bài học quý giá ấy. Vào năm 1966, tôi viếng thăm cha Thomas Merton tại thành phố Kentucky, một vị tu sĩ thuộc dòng Luyện tâm (Trappist- dòng tu kín- giáo phái sống rất khắc khổ và phát nguyện không nói, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài). Cuộc gặp gỡ của hai chúng tôi rất lý thú. Sau này cha Thomas có nói với các môn đệ của ngài rằng: ''Quý vị chỉ cần quán sát cách thầy Nhất Hạnh mở cửa, đóng cửa thì đủ biết thầy là một vị chân tu.'' Năm trước có một cô thiền sinh người Đức đến tu học tại tu viện Làng Mai. Cô ấy đã ở lại tu tập khoảng một tháng. Ngày rời Tu Viện, cô chia sẻ với chúng tôi rằng sở dĩ cô đến Làng Mai là vì cô có nghe cuốn băng thuyết giảng của cha Thomas Merton; trong bài thuyết giảng đó cha có nói về phong cách mở cửa, đóng cửa của thầy Nhất Hạnh. Và vì tâm hiếu kỳ, tâm tò mò muốn thấy tận mắt cách thầy Nhất Hạnh mở cửa và đóng cửa như thế nào mà cha Thomas khen ngợi đến thế. Trong thời gian một tháng ở Làng Mai, cô cảm thấy rất thoải mái, hạnh phúc và mục đích chính của chuyến viếng thăm Tu Viện Làng Mai là để mắt quán sát cách thầy trò chúng tôi mở cửa và đóng cửa. Thưa quý vị, đóng cửa và mở cửa là một phần của sự thực tập chánh niệm để làm cho thân tâm lắng dịu và bình an trở lại. Xin quý vị thực tập mở cửa và đóng cửa trong chánh niệm để nhiều người, trong đó có Thầy tôi nữa được thừa hưởng niềm an lạc và hạnh phúc tỏa ra nơi hành động mở cửa và đóng cửa của quý vị. Thầy tôi vẫn còn có mặt đó với chúng ta trong giây phút này. Quý vị đã được học cách chăm sóc, tiếp xúc với cơ thể bằng hơi thở chánh niệm. Đây là sự thực tập rất quan trọng. Quý vị không cần phải trở thành một vị giáo thọ mới có thể tổ chức được những ngày tu chánh niệm. Quý vị có thể dành một ngày cuối tuần để trở về với chính mình, thực tập chăm sóc cơ thể và sống hài hòa với cơ thể mình. Nếu muốn, quý vị có thể mời thêm một số bạn bè đến tham dự ngày tu. Một ngày hoặc vài giờ thực tập chánh niệm như thế là cơ hội để thân tâm được nghỉ ngơi, phục hồi lại sự tươi mát và thư thái. Bốn phép thở đầu của kinh Quán Niệm Hơi thở nếu được thực tập đúng cách, ta thấy tình thương của Bụt dành cho ta rất lớn. Bụt chỉ dạy cho ta những phương pháp tu tập thật thực tiễn, khoa học và hữu hiệu. Bài tập thứ tư của kinh Quán Niệm Hơi Thở là, ''Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư.'' Thân thể ta xứng đáng được cư xử như thế. Ta nên học cách đối xử tử tế, dễ thương với thân thể ta; có mặt đích thực cho thân thể và nhìn sâu vào thân thể ta để hiểu rõ tình trạng. Nếu có một bộ phận nào trong cơ thể bị đau nhức, thì ta phải dành nhiều thì giờ để ôm ấp, chăm sóc bằng tình thương và đem lại sự trị liệu cho bộ phận ấy. Thở vào, ta mỉm cười với phần đau nhức ấy với nụ cười chánh niệm và tràn đầy tình yêu thương. Thực tập như thế sẽ giúp cơ thể ta mau chóng được trị liệu. Nói như thế không có nghĩa là ta không cần đi khám bác sĩ. Nhưng bác sĩ không thể hiểu tường tận căn bịnh của ta được; mình phải đóng góp phần mình vào trong quá trình tìm hiểu căn nguyên của bệnh trạng mình. Có thể nói mình là người hiểu rõ về bệnh trạng của mình hơn ai hết. Mình không nên phó thác hoàn toàn vào bác sĩ và thuốc men. Mình phải có đức tin nơi khả năng tự trị liệu của cơ thể mình. Nếu mình không cho phép cơ thể mình được nghỉ ngơi, buông thư, thì liều thuốc vẫn không đủ tác dụng cho sự trị liệu. Mình cần phải cho cơ thể mình cơ hội để nó tự trị liệu lấy. Đôi khi cơ thể mình tự chữa trị lấy mà không cần tới thuốc men nếu mình biết cách cho phép cơ thể mình cơ hội nghỉ ngơi và khôi phục lại sức khỏe của nó. ''Thở vào, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi mỉm cười với toàn thân thể tôi. Thở vào, tôi buông thư toàn thân. Thở ra, tôi làm cho toàn thân lắng dịu trở lại.'' Đây là những bài thực tập rất hay, thực tiễn mà bất cứ ai cũng có thể thực tập được. Chúng ta phải nắm cho vững nghệ thuật sống trong chánh niệm, thở trong chánh niệm và chăm sóc thân thể mình bằng năng lượng chánh niệm. Các sinh viên có thể thành lập những nhóm tu tập chánh niệm tại học đường để thực tập, vì họ thường bị căng thẳng. Họ có thể thành lập một tăng thân cùng tu tập với nhau và tìm ra phương cách để chăm sóc, bảo hộ thân tâm của họ. Các nhà tâm lý trị liệu cũng nên làm việc như một tăng thân. Họ phải chăm lo cho nhiều bịnh nhân. Nhưng nếu họ không biết tự chăm sóc họ cho đàng hoàng, không có tăng thân bảo hộ và nuôi dưỡng thì họ sẽ bị kiệt sức và bỏ cuộc giữa chừng hoặc trở thành nạn nhân của khổ đau. Họ có thể làm việc chung với các chuyên gia trị liệu khác hoặc làm việc chung với các bịnh nhân của họ. Thời nay giới nhân viên cảnh sát đau khổ rất nhiều. Họ là những nạn nhân của sự căng thẳng, sợ hãi và bạo động. Họ cũng cần phải thành lập nhóm tu tập, làm việc với nhau và chăm sóc cho nhau. Những người sống trong những trung tâm cải tạo, nhà tù cũng nên tạo thành một nhóm tu học để giúp đỡ và chăm sóc lẫn nhau. Người nào cũng có thể thực tập chánh niệm. Quý vị không cần phải là những người Phật tử mới có thể thực tập chánh niệm. Quý vị không cần phải là giáo thọ mới có thể tổ chức những tăng thân tu tập chánh niệm. Nghĩa là quý vị không cần có chứng chỉ từ vị đạo Sư hoặc từ bất cứ ai mới có thể thành lập nhóm tu học. Quý vị có thể thành lập nhóm tu tập chánh niệm bất cứ lúc nào, nơi nào hoặc ngay tại địa phương của mình. Ba Kinh Căn Bản của Bụt Trước khi học tiếp kinh Quán Niệm Hơi Thở, tôi muốn giới thiệu ba kinh mà tôi cho là sự tu tập căn bản của giáo lý đạo Bụt. Ba kinh này có thể nói là ba kinh gối đầu giường của các thầy và sư cô. Ba kinh này có thể giúp chúng ta học hỏi và thực tập phát triển niệm, định, tuệ một cách rất thực tiễn và sâu sắc. Trong các buổi giảng, tôi sẽ thường xuyên đề cập đến ba kinh này. Kinh đầu tiên tôi muốn nói đến là kinh Quán Niệm Hơi Thở. Cốt lõi của Kinh này là mười sáu phép thực tập hơi thở chánh niệm mà chúng ta đang được học. Tôi có viết những lời giảng giải về kinh này trong cuốn sách với tựa đề: Kinh Quán Niệm Hơi Thở. Kinh thứ hai là kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm (Niệm Xứ Kinh), tức là thân, thọ, tâm và pháp- các đối tượng nhận thức của tâm. Chúng ta phải sử dụng hai kinh này để thực tập song song với nhau, bởi vì hai kinh này tuy hai mà là một, chúng bổ sung cho nhau. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng ta nên học tập kinh thứ nhất trong ánh sáng của kinh thứ hai và ngược lại. Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm đã được đối chiếu và chuyển dịch từ hai bản Hán tạng và tạng Pali và được in trong quyển sách với tựa đề: Con Đường Chuyển Hóa. Kinh thứ ba là bản kinh dạy chúng ta sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại- hiện pháp lạc trú; tên của kinh này là kinh Người Biết Sống Một Mình- Nhất Dạ Hiền Giả. Tôi có giảng giải kinh này trong quyển sách mang tựa là- Ước Hẹn Với Sự Sống. Kinh này là một bản kinh rất xưa trong đó Bụt dạy chúng ta làm thế nào để sống an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc trong giây phút hiện tại- bây giờ và ở đây. Quý vị có thể sử dụng ba kinh này để tham khảo và học hỏi. Tuy nhiên trong khóa tu này, chúng ta không cần phải đọc hết ba quyển sách giảng giải về các kinh này. Quan trọng là chúng ta nên dành hết thì giờ để thực tập. Thân và Tâm Tương Tức Trong các kinh điển của Bụt, ta thấy chữ namarupa- danh sắc thỉnh thoảng được sử dụng để chỉ cho toàn thể con người. Nama nghĩa là ''danh'' và rupa nghĩa ''sắc.'' Ta nghĩ rằng danh và sắc là hai yếu tố khác biệt nhau. Ta cho rằng thân là sắc, còn các cảm thọ, tri giác, tâm hành và các đối tượng tâm hành (thức) là danh. Đây là cách chia chẻ, phân biệt của ta. Ta có khuynh hướng cho rằng danh không phải là sắc và sắc không phải là danh. Ta phải tập nhìn trong ánh sáng của tương tức và vô ngã mới thấy được bản chất chân thực của danh và sắc. Theo ánh sáng của tương tức, vô ngã, hễ lấy danh ra khỏi sắc thì sắc không thể tồn tại được và ngược lại. Namarupa- danh sắc vốn là hai khía cạnh của cùng một thực tại. Có khi nó biểu hiện như là danh và ta gọi là danh; có khi nó biểu hiện như là sắc và ta gọi là sắc. Vì vậy, thay vì viết hai chữ rời nhau, ta viết thành một chữ là namarupa- danh sắc. Cách tư duy như vậy có lẽ hơi khó chấp nhận nếu ta mới nghe qua lần đầu, nhưng từ từ sẽ quen. Như các nhà vật lý học nguyên tử, họ nói rằng hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Cả hai vốn mang cùng một thực tại. Lúc đầu ta nghĩ rằng nếu là sóng thì không thể là hạt; nếu là hạt thì không thể là sóng. Sự thực là hạt có khi biểu hiện như là sóng và có khi biểu hiện như là hạt. Vì thế các nhà khoa học vật lý đã chế ra một danh từ mới để gọi cái thực tại của nguyên tử mà họ đã khám phá ra là ''wavicle- sóng hạt.'' Điều này cũng đúng đối với thân và tâm. Ta nghĩ rằng tâm và vật trái ngược nhau; nhưng theo ánh sáng tương tức, vô ngã thì tâm có khi biểu hiện như là vật và vật có khi biểu hiện như là tâm. Tâm và vật tương tức, có mặt trong nhau. Điều này mới nghe thì thật khó tin, nhưng đó là sự thật. Năm Yếu Tố Tạo Nên Một Hiện Hữu Đức Thế Tôn đã trình bày con người dưới nhiều khía cạnh khác nhau; có khi Ngài trình bày như là danh sắc, có khi Ngài trình bày như là một hợp thể ngũ uẩn. Ngũ uẩn là năm yếu tố tạo nên tổng thể con người. Đó là nền tảng hiện hữu của ta. Yếu tố thứ nhất là sắc; thứ hai là thọ; thứ ba là tưởng (tri giác); thứ tư là hành (tâm hành); và thứ năm là thức. Nếu ta dùng khái niệm danh sắc để phân tích con người, thì yếu tố thứ nhất là thuộc về thân thể và bốn yếu tố còn lại là thuộc về tâm. Chúng ta đã học về yếu tố hành. Hành tức là hiện tượng được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Bông hoa là một hành- một hiện tượng. Chúng ta có thể gọi nó là một hành hiện tượng thuộc về vật lý; nó thuộc về lãnh vực của sắc. Đám mây và cây cỏ cũng là những hiện tượng (hành) thuộc về vật lý (sắc). Hận thù, sợ hãi, yêu, ghét v.v… đều là những hành thuộc về tâm lý, gọi là tâm hành. Theo giáo lý của đạo Bụt, có cả thảy là năm mươi mốt loại tâm hành. Lúc còn làm sa di, tôi phải học thuộc lòng năm mươi mốt loại tâm hành ấy. Hai yếu tố trong năm uẩn là thọ và tưởng cũng thuộc về tâm hành và chúng là những tâm hành trong nhóm năm mươi mốt loại tâm hành. Nhưng vì hai tâm hành này quá phổ biến cho sự tu tập nhận diện, ôm ấp và nhìn sâu, nên Bụt đã tách rời hai yếu tố- thọ và tưởng ra thành hai uẩn riêng trong số năm mươi mốt loại tâm hành. Uẩn thứ năm là thức. Thức là gì? Thức tức là căn bản, là nền tảng biểu hiện của tất cả các tâm hành, các pháp. Trong truyền thống giáo lý đạo Bụt, chúng tôi gọi thức này là tàng thức, căn bản thức hoặc nhất thiết chủng thức hay thức A-lại-gia. Tất cả các hạt giống đều được cất chứa trong chiều sâu của tàng thức. Tất cả năm mươi mốt tâm hành đều được tàng trữ trong lòng đất của tàng thức dưới hình thái của hạt giống. Khi nhân duyên đầy đủ thì các hạt giống ấy biểu hiện. Tâm thức có thể chia thành hai phần. Phần trên gọi là ý thức, nơi các tâm hành biểu hiện thành những hiện tượng, thành những năng lượng, tướng trạng. Có khi một, hai hoặc ba hạt giống biểu hiện lên vùng ý thức cùng một lúc; còn phần dưới gọi là tàng thức, nơi cất chức tất cả các hạt giống. Thức ở đây là nền tảng biểu hiện của tất cả các tâm hành, bao gồm hai tâm hành thọ và tưởng. Có những lúc ta không giận, không bực bội; ta vui cười thoải mái. Sở dĩ ta không giận là vì hạt giống giận trong ta đang nằm yên trong chiều sâu của tàng thức, không bị tưới tẩm. Nhưng ta biết rằng hạt giống giận vẫn có đó. Nếu có ai đó nói hoặc làm điều gì xúc phạm đến ta, thì hạt giống giận trong tâm thức ta bị chạm đến và nó sẽ biểu hiện lên trên vùng ý thức dưới hình thức của năng lượng, ta gọi là hạt giống sinh hiện hành. Mỗi khi năng lượng sân hận biểu hiện lên, thì nó làm ô uế khu vườn ý thức của ta. Năng lượng giận thúc đẩy ta nói hoặc làm những điều gây đổ vỡ giữa ta và những người chung quanh ta. Bốn Lãnh Vực Quán Niệm Bốn Lãnh Vực Quán Niệm là bốn lãnh vực thiền quán của ta. Lãnh vực quán niệm thứ nhất là quán thân trong thân; thứ hai là quán cảm thọ trong cảm thọ; thứ ba là quán tâm hành trong tâm hành; và thứ tư là quán đối tượng tâm hành trong đối tượng tâm hành, tức là pháp. Pháp ở đây không phải là giáo pháp của Bụt dạy, pháp ở đây là đối tượng của nhận thức, là những hiện tượng (hành) như bông hoa, đám mây, cây cỏ, giận hờn hoặc ghen tỵ v.v.. Những pháp như thế được diễn tả như là những đối tượng của tâm. Chẳng hạn như sông, núi, cây cỏ, hoa lá, giận hờn, thương, ghét và thân thể của ta đều là những đối tượng của tâm. Những pháp ấy là những pháp thuộc về thế giới hiện tượng. Tại sao trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm Bụt nói rằng: Quán thân trong thân, quán cảm thọ trong cảm thọ? Tại sao những câu như thế được lập đi lập lại nhiều lần? Bởi vì muốn thực tập chánh niệm và nhìn sâu được thành công, điều kiện tất yếu là hành giả phải trở thành một với đối tượng quán chiếu, ta không thể đứng ngoài như người quan sát được. Điều này rất quan trọng. Khi thở vào và ôm ấp thân thể của ta trong chánh niệm, hơi thở phải trở thành một với thân thể thì sự thực tập mới thành công. Tâm có thể biểu hiện trong năm mươi mốt trường hợp. Thỉnh thoảng nó biểu hiện như là tình thương. Thương luôn luôn phải có đối tượng thương. Thương luôn luôn là thương về một cái gì, thương ai... Ta không thể thương mà không có đối tượng. Ý thức luôn luôn là ý thức về cái gì. Chánh niệm có nghĩa là chánh niệm về cái gì. Ta không thể chánh niệm mà không có đối tượng. Khi có chánh niệm về thân và hơi thở của ta, thì thân và hơi thở là đối tượng của chánh niệm. Khi thở vào và ôm ấp thân thể của ta, thì thân thể là chánh niệm. Chánh niệm trở thành thân thể và thân thể trở thành chánh niệm. Lúc đó ta không còn sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng; kẻ biết và vật được biết không nằm ngoài nhau. Đây là tư tưởng rất quan trọng trong giáo lý đạo Bụt. Tiếng Pháp có chữ comprendre, nghĩa là hiểu, là nhận thức thấu đáo. ''com'' nghĩa là ''trở thành một với'' và ''prendre'' nghĩa là ''lấy lên, cầm lên''. Vậy thì comprendre nghĩa là cầm lên một vật gì đó và trở thành một với vật đó. Khi muốn hiểu cái gì đó, ta phải thật sự trở thành một với cái đó. Nếu thiền quán sâu sắc thì sự phân biệt ranh giới giữa chủ thể và đối tượng tan biến. Không còn có sự phân biệt giữa chủ thể và đối tượng của nhận thức nữa. Chúng ta phải tập luyện mới có thể làm được. Chúng ta đã quen với lối nhận thức rằng thân tức không phải là tâm và tâm là chủ thể của nhận thức, tức là kẻ nhận thức. Cái tâm gọi là chủ thể ấy muốn làm chủ, muốn nhận thức cái thân như là đối tượng. Nhưng theo nguyên tắc mà tôi đã trình bày thì nhận thức chỉ có thể có được với điều kiện là chủ thể và đối tượng là một và hai cái phải phát sinh cùng lúc. Giống như muốn có phải thì đồng thời phải có trái, không thể có phải mà không có trái. Trái và phải làm ra nhau, nương nhau mà biểu hiện. Vì vậy đức Thế Tôn mới nói: ''Quán thân thể trong thân thể. Quán cảm thọ trong cảm thọ'', là vậy. Ranh giới giữa chủ thể và đối tượng phải được lấy đi thì ta mới chạm tới được thực tại tương tức tương nhập của các pháp. Danh từ ''tương nhập'' rất hay; nghĩa là khi quán sát, người quán sát phải trở thành một với đối tượng quán sát, mình không chỉ là đối tượng quán sát. Các nhà khoa học trong thời đại chúng ta đã nhận thấy được điều này. Muốn thật sự hiểu được bản chất của hạt nguyên tử, các nhà khoa học không thể đứng ngoài làm người quán sát; họ phải là người tham dự vào quá trình của sự quán sát. Khi nói về nhận thức, ta phải hiểu rằng nó bao gồm cả chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Khi nói về niệm, ta phải hiểu rằng niệm bao gồm cả chủ thể niệm và đối tượng niệm. Niệm không thể có được nếu chủ thể và đối tượng không có mặt cùng lúc. Chánh niệm bao giờ cũng chánh niệm về một cái gì. Khi phân tích tâm và pháp (đối tượng của tâm) như hai lãnh vực riêng biệt là để cho ta dễ dàng nắm bắt và thực tập. Chúng là những đối tượng của sự thực tập, quán niệm và nhìn sâu. Điều đó cũng đúng đối với lãnh vực của thân và thọ. Nhìn cho kỹ ta sẽ thấy rằng tâm là chủ thể nhìn và pháp là những đối tượng bị nhìn như niềm vui, nỗi khổ, cây cỏ, mây, mưa, thân thể, v.v. đều là một. Không thể có cái này mà không có cái kia. Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, bốn hơi thở đầu Bụt hướng dẫn chúng ta thực tập về quán thân trong thân. Bài thực tập đầu, ''Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào. Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra. Vào/ ra.'' Bài thực tập thứ hai, ''Thở vào một hơi dài, tôi biết tôi đang thở vào một hơi dài. Thở ra một hơi dài, tôi biết tôi đang thở ra một hơi dài. Vào dài/ Ra dài. Thở vào một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở vào một hơi ngắn. Thở ra một hơi ngắn, tôi biết tôi đang thở ra một hơi ngắn. Vào ngắn/ Ra ngắn.'' Bài thực tập thứ ba, ''Thở vào, ý tôi thức về toàn thân thể tôi. Thở ra, tôi ý thức về toàn thân thể tôi. Ý thức toàn thân/ ý thức toàn.'' Bài thực tập thứ tư, ''Thở vào, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. Thở ra, tôi làm cho toàn thân an tịnh, lắng dịu, buông thư. An tịnh toàn thân/ Buông thư toàn thân'' Bốn bài thực tập kế tiếp là quán cảm thọ trong cảm thọ. Chúng ta sẽ học bốn bài tập này trong những ngày tới. Bốn hơi thở kế nữa là các hơi thở thứ chín, thứ mười, thứ mười một và thứ mười hai hướng dẫn về phép quán tâm ý trong tâm ý. Tâm ý ở đây tức là các tâm hành. Và bốn hơi thở cuối bài tập thứ mười ba, mười bốn, mười lăm và mười sáu là quán đối tượng tâm ý trong đối tượng tâm ý. Bốn bài thực tập này giúp chúng ta quán chiếu để đạt tới cái thấy về bản chất chân thực của các pháp, tức là các đối tượng của tâm ý. Vì nhận thức sai lầm (vọng tưởng) mà ta không thấy được thực tại như chính nó. Bốn bài thực tập này giúp ta xua tan đi màng vô minh để cho thực tại phản chiếu được tính chất chân thực của nó. Cái thấy này có khả năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của vô minh, sầu khổ và sợ hãi. Năm mươi mốt tâm hành là sự biểu hiện cụ thể của thức. Khi ta tiếp xúc với năm mươi mốt tâm hành, tức là ta tiếp xúc với thức. Thức là căn bản của tất cả các tâm hành gọi là căn bản thức hay nhất thiết chủng thức. Ví dụ, khi ta tiếp xúc với sóng thì ta đồng thời tiếp xúc được với nước, bởi vì sóng chính là nước, mà nước là nền tảng biểu hiện của sóng. Thân ta cũng là sự biểu hiện của thức. Đây là điểm rất quan trọng của giáo lý duy thức. Trong tâm học Phật giáo, ta được học rằng tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng là nền tảng cho sự biểu hiện của tất cả các pháp, trong đó gồm có núi, sông, động vật, thực vật, chất khoáng, văn hóa và xã hội v.v.. Tất cả đều là sản phẩm của tâm thức. Thị trường chứng khoán là một sản phẩm của tâm thức cộng đồng. Thị trường chứng khoán có cái căn bản của nó trong tâm ta trong đó mang nhiều tính chất của sự tham vọng và sợ hãi. Thị trường chứng khoán không tin vào một mục tiêu nào cả. Tâm thức của ta, bao gồm tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng là căn bản biểu hiện của các pháp mang tính tương tức của danh và sắc. Thức có mặt khắp nơi, trong ta và ngoài ta. Ta phải tập nhìn như thế thì mới có thể hiểu được lời dạy của Bụt một cách dễ dàng và sâu sắc. Mấy năm trước ở Bắc Mỹ, tôi có hướng dẫn một khóa tu bảy ngày dành cho các nhà tâm lý trị liệu về Năm mươi Bài Tụng Duy Biểu ở thành phố Key West, tiểu bang Florida. Chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ và học hỏi sâu sắc về giáo lý Duy Biểu để thấy rằng thế giới là sự biểu hiện của tâm thức cá nhân và tâm thức cộng đồng. Cá nhân và cộng đồng (tự biểu và cộng biểu) tương tức. Tâm thức cá nhân làm ra tâm thức cộng động và ngược lại. Cả hai đều nương vào nhau mà biểu hiện. Nếu lấy cá nhân ra khỏi cộng đồng thì cộng đồng không thể tồn tại. Nếu lấy cộng động ra khỏi cá nhân thì cá nhân sẽ bị sụp đổ. Giáo lý tương tức, vô ngã được tìm thấy bàng bạc trong tất cả các kinh điển của Bụt. Sáng nay tôi có chia sẻ với quý vị về bản chất sống và chết. Nhiều người trong chúng ta không có cơ hội để nhìn sâu vào bản chất của cái mà ta gọi là sống và chết. Chúng ta nghĩ rằng chết nằm ngoài sống. Nếu biết thực tập nhìn sâu theo lời Bụt dạy thì ta sẽ khám phá ra rằng sống và chết tương tức, nghĩa là chúng nương nhau mà biểu hiện. Sống và chết làm ra nhau. Cả hai đều mang cùng một thực tại. Đôi khi thực tại biểu hiện như là chết, đôi khi thực tại lại biểu hiện như là sống. Khi tiếp xúc được với thực tại không sinh không diệt, với tuệ giác tương tức, thì ta không còn buồn khổ, sợ hãi nữa. Ta hoàn toàn tự do. Chương 04: Câu Hỏi và Trả Lời Hôm nay là ngày hai mươi bảy, tháng Năm, 1998, hôm nay quý vị có cơ hội để đặt những câu hỏi, những thắc mắc, khó khăn về sự tu tập. Xin quý vị đặt những câu hỏi có liên quan đến các buổi pháp thoại vừa qua, những câu hỏi có liên hệ tới những phép thực tập căn bản như thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm và ăn cơm trong chánh niệm. Chúng tôi có nhận được một số câu hỏi ghi trên giấy, tôi đã xem qua và nhận thấy rằng phần nhiều những câu hỏi ấy sẽ được đề cập đến trong các buổi giảng tới. Khi đến tham dự khóa tu, sự thực tập im lặng hùng tráng và ngồi thiền trong trạng thái yên tĩnh, thì những hạt giống của niềm đau nỗi khổ được chạm đến và biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta và ta phải đối diện với chúng. Đã nhiều năm ta có thói quen chạy trốn những niềm đau nỗi khổ trong ta, bây giờ phải trở về đối diện với chúng quả là một việc khó làm; tôi rất thông cảm. Khoảng mười lăm năm về trước, trong khóa tu tại thành phố Denver, có một ông thiền sinh thường phản kháng với sự thực tập và những lời pháp thoại cho tới ngày cuối của khóa tu. Sáu tiếng đồng hồ trước khi khóa tu chấm dứt, ông ta phó thác thân mạng mình cho tăng thân, hoàn toàn quay về nương tựa tăng thân và kể từ giây phút đó ông mới thật sự nếm được mùi vị của hạnh phúc. Hỏi: Kính thưa Thầy, con thấy sự thực tập dừng lại và an trú trong giây phút hiện tại đối với con khó quá. Xin Thầy hướng dẫn thêm cho con để con có thể thực tập thành công. Thầy: Trong ta có một nguồn năng lượng luôn thúc đẩy ta đi về phía trước, đó là năng lượng của tập khí. Năng lượng này rất mạnh, nó đã được huân tập từ nhiều đời nhiều kiếp của thế hệ tổ tiên. Ta đã thừa kế năng lượng ấy từ ông bà tổ tiên, cha mẹ ta. Bất cứ ở đâu, làm việc gì ta cũng bị năng lực tập khí này khống chế, nó thúc đẩy ta làm những điều ta không muốn làm, nói những điều ta không muốn nói; nó làm cho ta bất an và luôn chạy như bị ma đuổi. Vì vậy ta tới khóa tu là để tập thở, tập đi, tập ngồi và tập ăn cơm trong chánh niệm để có cơ hội dừng lại cái tập khí chạy như bị ma đuổi ấy. Trong khi ăn, ta hãy tập ăn như thể nào để có thể thưởng thức trọn vẹn từng miếng cơm hoặc miếng bánh mì mà ta đang nhai. Nếu thực tập thành công trong miếng cơm đầu thì ta có thể thực tập thành công trong miếng cơm thứ hai, thứ ba và trong suốt bữa ăn. Thực tập ăn trong chánh niệm, đi trong chánh niệm có thể giúp ta dừng lại tập khí rong ruổi lâu đời của ta. Nếu khi nào quý vị cảm thấy trong người bất an, lăng xăng, quý vị có thể trở về với hơi thở, thực tập đi từng bước khoan thai, vững chãi và thảnh thơi. Nếu bước đầu đem lại cho quý vị sự vững chãi và an lạc, thì những bước kế tiếp cũng sẽ được như vậy. Năng lượng của sự bất an trong ta có thể rất mạnh. Như tôi đã trình bày, nếu ta bị bối rối hoặc cảm thấy bất an, không biết cách đối phó với năng lượng tập khí mỗi khi nó phát khởi và hoành hành ta, thì ta nên thực tập nhận diện và gọi đúng tên của nó. Thở vào, quý vị có thể thầm nói, ''Chào anh bạn bất an. Tôi biết anh rồi.'' Dùng hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức để nhận diện sự có mặt của nó và mỉm cười với nó. Có vài người đã rời bỏ khóa tu vì họ thực tập chưa thành công trong các phép tu căn bản của chánh niệm. Trong những ngày đầu của sự thực tập, ta thường cảm thấy khó chịu; điều này rất tự nhiên. Song, nếu ta biết nương vào đại chúng, thì ta sẽ thừa hưởng được năng lượng chánh niệm hùng hậu của đại chúng, được đại chúng nâng đỡ, dìu dắt và sự thực tập của ta trở nên dễ dàng hơn. Chắc chắn tới cuối khóa tu, tất cả chúng ta sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt, đạt được nhiều chuyển hóa, an lạc và hạnh phúc. Điều quan trọng là ta phải có niềm tin nơi sự thực tập. Ta thực tập ăn cơm như thế nào để có an lạc, hạnh phúc trong mỗi miếng ăn, ta thở và đi như thế nào để có an lạc và thảnh thơi trong từng hơi thở và bước chân của ta. Qua bước chân, hơi thở và miếng cơm ta nhai trong chánh niệm, ta đã có thể tái lập lại được niềm tự do mà ta đã đánh mất. Bất cứ ta đang ở trong tư thế sinh hoạt nào dù đó là công việc chùi nhà, rửa bát hay bước một bước, ta đều thực hành trong chánh niệm, thân tâm hoàn toàn tự do. Làm được như thế, ta sẽ không còn là nạn nhân của năng lượng tập khí bất an nữa. Hỏi: Kính thưa Thầy, câu hỏi con sắp hỏi được phát xuất từ tăng thân địa phương của con. Trong tăng thân của chúng con có rất nhiều bạn tu thuộc tín đồ Cơ Đốc Giáo và Do Thái Giáo, chúng con đến với nhau để tu tập theo tinh thần của dòng tu Tiếp Hiện. Tăng thân của chúng con không phải chỉ có những người cư sĩ mà gồm có cả các vị giáo sĩ do thái, các cha, linh mục và mục sư. Các vị ấy cảm thấy bối rối, khó khăn khi thực tập giới thứ năm của Năm Giới. Theo sự hiểu biết của chúng con về giới thứ năm thì sau khi đã tiếp nhận năm giới hoặc nếu muốn bước thêm một bước nữa trên con đường tu hạnh Bồ Tát, tức là tiếp nhận Mười Bốn Giới của Dòng Tu Tiếp Hiện, thì dù một giọt rượu cũng không được bén môi. Như vậy, đối với họ, sử dụng một phần nhỏ rượu trong các phiên họp của hội đồng tăng lữ hoặc lễ Mét hay buổi lễ thiêng liêng của tôn giáo truyền thống của họ- như vậy có bị phạm giới không? Thầy: Năm giới của truyền thống đạo Bụt bây giờ được dịch là Năm Phương Pháp Thực Tập Chánh Niệm (The Five Mindfulness Trainings), bởi vì Năm Giới đích thực là những phép thực tập chánh niệm cụ thể. Chúng ta phải học và hiểu Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm (Năm Giới) mỗi ngày một thêm sâu sắc và tìm cách đem áp dụng vào trong đời sống hàng ngày của ta. Không có ai thực tập toàn hảo Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm; kể cả đức Thế Tôn. Khi nói về Năm Giới hoặc Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, ta thường nghĩ đến cái