🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Học Viện - The Institute
Ebooks
Nhóm Zalo
Stephen King
Học Viện (The Institute) 1980 Novel dịch
Phát hành: 1980 Books
Nhà xuất bản Thanh Niên 2020
Tặng các cháu trai yêu quý: Ethan, Aidan và Ryan!
Bấy giờ Samson kêu cầu Chúa rằng: Lạy Chúa! Xin Ngài nhớ đến con. Đức Chúa Trời ơi! Xin hãy ban sức mạnh cho con chỉ lần này thôi, để con báo thù dân Philistine...
Rồi Samson vịn lấy hai cây cột chính chống đỡ ngôi đền, tay trái vịn một cây, tay phải vịn cây còn lại và dồn hết sức mình vào đó. Anh hét lớn: Tôi nguyện chết chung với dân Philistine! Anh dùng hết sức xô hai cây cột, ngôi đền sụp xuống, đè chết các quan trưởng cùng dân chúng ở đó. Vậy là lúc chết, Samson thậm chí giết nhiều người hơn cả khi còn sống.
Sách Thẩm phán, Chương 16
Kẻ nào làm tổn hại một trong những đứa trẻ này... tốt nhất hãy tròng vào cổ hắn một cái cối đá và nhấn hắn chìm xuống dưới đáy biển.
Sách Phúc âm Matthew, Chương 18
Theo báo cáo của Trung tâm Quốc gia về Trẻ em Mất tích và bị Bóc lột, mỗi năm có khoảng tám trăm nghìn trẻ em mất tích tại Mỹ. Hầu hết đều được tìm thấy.
Hàng ngàn đứa trẻ khác thì không.
NGƯỜI GÁC ĐÊM
Đ
1
ã trễ nửa giờ so với thời gian cất cánh dự kiến của chuyến bay hãng Delta, bay từ Tampa tới thành phố hoa lệ của những ánh đèn và cao ốc - New York, nhưng chiếc máy bay vẫn đang đứng im tại cổng ra tàu bay. Khi một người đại diện hãng Delta và một phụ nữ tóc vàng cổ đeo phù hiệu an ninh bước lên máy bay, những tiếng xì xào và cằn nhằn vang lên từ khoang hạng phổ thông chật ních hành khách.
“Xin mọi người chú ý!” Đại diện hãng Delta kêu gọi.
“Chúng tôi sẽ còn phải chờ bao lâu?” Ai đó lớn tiếng hỏi. “Đừng viện lý do gì thêm nữa!”
“Chuyến bay sẽ sớm cất cánh, và cơ trưởng đảm bảo rằng quý vị sẽ tới nơi đúng giờ. Tuy nhiên, chúng tôi có một sĩ quan liên bang phải lên chuyến bay này và cần ai đó nhường lại ghế của mình.”
Âm thanh phàn nàn rộ lên và Tim thấy có vài người đã cầm sẵn điện thoại trong tay, đề phòng rắc rối. Những tình huống tương tự cũng đã xảy ra trước đây.
“Hãng hàng không Delta sẽ tặng một vé máy bay miễn phí đi New York cho chuyến bay tiếp theo, vào sáu giờ bốn mươi lăm phút sáng ngày mai.”
Những tiếng kêu ca lại vang lên. Ai đó mỉa mai, “Tôi thà chết còn hơn.”
Người đại diện không nản lòng, tiếp tục nói. “Các vị cũng sẽ nhận được một phiếu nghỉ tại khách sạn cho đêm nay, cùng với bốn trăm đô la. Đây là một giao dịch có lợi, có ai đồng ý không?”
Không ai đoái hoài tới anh ta. Vị nữ nhân viên an ninh tóc vàng vẫn giữ im lặng, chỉ quan sát đám hành khách trong khoang phổ thông với ánh mắt vô cảm nhưng dường như nhìn thấu tất cả.
“Tám trăm đô la”, đại diện hãng Delta tiếp tục. “Cộng thêm phòng nghỉ tại khách sạn và vé máy bay miễn phí.”
“Gã này như một tên hề vậy”, người đàn ông ngồi hàng ghế phía trước Tim gắt gỏng.
Vẫn không ai đồng ý.
“Một ngàn bốn trăm đô la?”
Mọi người im lặng. Thế nhưng Tim không hề ngạc nhiên. Không chỉ bởi họ sẽ phải dậy từ rất sớm cho chuyến bay lúc sáu giờ bốn mươi lăm phút sáng. Mà còn bởi phần lớn những hành khách trong khoang hạng phổ thông này là những gia đình trở về sau chuyến du lịch Florida, những cặp đôi với làn da rám nắng sau khi tận hưởng kỳ nghỉ hè; hay những anh chàng cao to, khuôn mặt đã đỏ bừng vì giận dữ chắc hẳn đang cần tới Trái Táo Lớn[1] để xử lý những công chuyện làm ăn còn giá trị hơn cả một ngàn bốn trăm đô la.
Ai đó ở tuốt phía sau lên tiếng, “Một chiếc Mustang mui trần và một chuyến đi tới Aruba cho hai người, anh sẽ có chỗ của cả hai chúng tôi!” Câu nói đùa này khiến mọi người cười vang, nhưng chẳng hề có thiện ý chút nào.
Người đại diện hướng mắt về cô nàng tóc vàng đeo phù hiệu, hy vọng được giúp đỡ, nhưng anh ta chẳng được để ý tới. Người phụ
nữ chỉ tiếp tục quan sát, không hề cử động ngoại trừ đôi mắt. Anh ta đành thở dài và tiếp tục ra giá, “Một ngàn sáu trăm đô la.” Lúc này, Tim Jamieson bỗng nhiên quyết định rằng anh muốn rời khỏi chiếc máy bay này và tiến về phía bắc. Mặc dù trước đây anh chưa từng nghĩ tới điều đó, nhưng hiện tại, Tim đang mường tượng ra viễn cảnh ấy thật rõ ràng. Anh đang đứng trên cao tốc 301, nằm ở đâu đó giữa địa hạt[2] Hernando và đưa tay ra dấu xin đi nhờ xe. Thời tiết oi bức, những con bọ hung tràn ngập khắp nơi; có một chiếc biển quảng cáo dịch vụ luật sư cho các vụ tai nạn và thương tích; bài hát “Take It on the Run” phát ra inh ỏi từ một chiếc loa đặt trên bậc thang của một chiếc xe đầu kéo gần đấy, nơi một người đàn ông cởi trần đang rửa xe. Và rồi, một người nông dân tên John nào đó sẽ tới và đồng ý cho Tim đi nhờ trên một chiếc xe bán tải. Phía sau xe chứa đầy dưa hấu xếp sau những thanh rào chắn, và có một bức tượng Chúa Jesus gắn trên táp-lô[3]. Điều tuyệt vời nhất có lẽ không phải là những đồng tiền rủng rỉnh trong túi của Tim, mà là anh được đứng ở đó chỉ một mình, tránh xa cái thùng cá mòi nồng nặc những mùi nước hoa, mồ hôi và keo xịt tóc này.
Tuy nhiên, điều tốt đẹp thứ hai sẽ là “vòi vĩnh” chính phủ thêm vài đô la nữa.
Tim đứng dậy với chiều cao tiêu chuẩn một-mét-tám của mình, đẩy gọng kính lên và giơ tay. “Hai ngàn đô la cộng với khoản tiền hoàn vé, và chỗ ngồi này sẽ là của ngài.”
2
Phiếu nghỉ tại khách sạn hóa ra chỉ là một nhà nghỉ tồi tàn nằm ngay tại cuối đường băng có tần suất hoạt động cao nhất của sân bay quốc tế Tampa. Tim chìm vào giấc ngủ giữa những âm thanh ồn ã của máy bay, và sáng hôm sau, những tiếng ồn đó càng kinh khủng hơn, khiến anh tỉnh giấc, xuống tầng để ăn bữa sáng miễn phí với một quả trứng luộc quá lửa và hai chiếc bánh bột mì dai nhách như cao su. Mặc dù đó chẳng phải một bữa ăn tử tế, nhưng Tim vẫn tận hưởng một cách ngon lành, sau đó anh trở lại phòng và chờ tới chín giờ, khi ngân hàng mở cửa.
Anh được nhận khoản tiền của mình mà không gặp khó khăn gì, bởi ngân hàng đã được thông báo từ trước về sự có mặt của anh và séc đã được ký sẵn. Tim cũng không có ý định quay trở lại nhà nghỉ. Anh gập lại khoản tiền hai ngàn đô la với những tờ bạc mệnh giá hai mươi và năm mươi đô, nhét vào túi áo ngực bên trái, nhận lại chiếc túi vải từ bảo vệ ngân hàng và gọi một chuyến Uber tới Ellenton. Tới nơi, anh trả tiền xe và đi bộ đến biển báo gần nhất trên đường cao tốc 301, hướng đi về phía bắc, đưa tay lên ra dấu hiệu xin đi nhờ và chờ một chiếc xe đi qua. Mười lăm phút sau, anh được một lão nông dân đội chiếc mũ lưỡi trai nhãn hiệu Case[4] đồng ý cho lên xe. Đằng sau chiếc xe này không có những thanh rào chắn để chở dưa hấu, nhưng cũng khá giống với những gì mà Tim đã hình dung ra ngày hôm trước.
“Anh bạn định đi đâu đây?”, ông ta nhiệt tình hỏi.
“Dạ”, Tim đáp, “Đích đến cuối cùng chắc sẽ là New York, có lẽ vậy.”
Người đàn ông lớn tuổi ấy phun một ngụm nước miếng đầy mùi thuốc lá ra ngoài cửa kính xe. “Sao ngày nay bất kỳ chàng trai nào có đầu óc bình thường cũng muốn tới đó vậy nhỉ?” Ông ta phát âm right [5]
mind thành raht mahnd.
“Tôi cũng không rõ”, Tim trả lời, mặc dù anh biết; một người bạn cũ làm dịch vụ đã nói với anh rằng có rất nhiều vị trí bảo an ở Trái Táo Lớn, và cả những công ty có thể cho anh rất nhiều kinh nghiệm, thậm chí còn hơn cả những kinh nghiệm mà anh đã có được sau vụ lùm xùm theo kiểu Rube Goldberg - vụ việc đã làm tiêu tùng sự nghiệp của anh ở sở cảnh sát Florida. “Tôi chỉ hy vọng sẽ tới được Georgia trong tối nay. Chắc là tôi sẽ thích như vậy hơn.”
“Đúng đó”, ông già nói. “Georgia không tồi đâu, đặc biệt là nếu cậu thích đào. Nhưng thứ quả ấy khiến tôi đi ngoài. Cậu sẽ không phiền nếu như tôi bật chút nhạc chứ?”
“Không hề.”
“Báo trước với cậu, tôi bật nhạc rất to đấy. Tôi hơi bị nặng tai.” “Không sao đâu, tôi rất mừng vì được đi nhờ xe.”
Thay vì là bài hát của nhóm REO Speedwagon, ông ta bật nhạc của Waylon Jennings, nhưng dù là gì thì Tim cũng không để tâm. Sau đó là bài của Shooter Jennings và Marty Stuart. Hai người đàn ông trong chiếc xe bán tải Dodge Ram lấm lem bùn đất, vừa nghe nhạc vừa nhìn con đường cao tốc trôi dần về sau. Đi được bảy mươi dặm đường, ông già dừng xe lại, khẽ nhấc mũ lên chào tạm biệt Tim và chúc anh một ngày tốt lành.
Tim không tới kịp Georgia vào tối hôm đó - anh nghỉ lại tại một nhà nghỉ bình dân nằm cạnh quầy bán nước cam ven đường - nhưng cuối cùng cũng đã tới nơi vào ngày tiếp theo. Tại thị trấn Brunswick (nơi đã sáng tạo ra vài món hầm khá ngon), anh bỏ ra hai tuần để làm việc tại một nhà máy tái chế. Tim nhận làm công việc đó mà chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, cũng giống như khi anh quyết định thoát khỏi chiếc máy bay Delta rời Tampa. Tim không cần tiền, nhưng có vẻ như anh cần thời gian. Anh đang ở trong một quá trình thay đổi, nhưng việc ấy sẽ không thể diễn ra chỉ trong một sớm một chiều. Ngoài ra, ở đó có một con hẻm để chơi bô-ling và một anh chàng hàng xóm tên Denny. Hiếm có điều gì tuyệt vời hơn vậy.
3
Với tiền công từ nhà máy tái chế cộng thêm khoản tiền từ hãng hàng không, Tim đang đứng tại một con dốc của Brunswick, trên con đường cao tốc liên bang số 95 đi về phía bắc, và cảm thấy khá thoải mái, nhất là đối với một gã lang thang như anh. Khi một chiếc xe Volvo Station Wagon[6] chở hàng dừng lại trước mặt Tim, anh đã đứng dưới ánh nắng gay gắt hơn một giờ đồng hồ và đang suy nghĩ đến việc bỏ cuộc để quay trở lại nhà Denny mà nhâm nhi một cốc trà ngọt mát lạnh. Phía sau xe bị nhét đầy những thùng bìa các-tông. Người phụ nữ lớn tuổi ngồi phía sau vô-lăng hạ cửa kính xe phía bên ghế phụ, và nhìn chằm chằm vào anh qua cặp kính mắt dày cộp. “Mặc dù nhìn không cao to lắm, nhưng cậu trông khỏe mạnh đấy”, bà ta mở lời. “Cậu không phải một kẻ biến thái hay tâm thần nào đó chứ?”
“Không, thưa bà”, Tim đáp, nhưng anh thầm nghĩ: tôi còn có thể nói gì khác được chứ?
“Tất nhiên là cậu sẽ nói vậy rồi, đúng không? Có vẻ như cậu đang cố gắng đi thật xa về phía Nam Carolina? Chiếc túi vải của cậu nói lên điều đó.”
Một chiếc xe hơi phóng ngang qua chiếc xe Volvo của bà ta và tăng tốc khi lên dốc, hú còi inh ỏi. Người phụ nữ không để ý, chỉ bình tĩnh dán mắt vào Tim.
“Vâng thưa bà, tôi đang trên đường tới New York.”
“Tôi sẽ cho cậu đi nhờ tới Nam Carolina - nhưng sẽ không tiến vào cái bang đêm trường trung cổ đấy quá xa, chỉ một đoạn ngắn thôi - nếu đổi lại, cậu chịu giúp tôi một chút. Có qua có lại, nếu như cậu hiểu ý của tôi.”
“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, Tim mỉm cười đáp. “Chẳng có toại lòng gì cả, nhưng cậu có thể lên xe được rồi.” Tim làm theo. Người phụ nữ ấy tên là Marjorie Kellerman, và bà
ta điều hành một thư viện ở Brunswick. Bà cũng là thành viên của một tổ chức có tên Hiệp hội Thư viện vùng Đông nam. Mà bà ta nói rằng chẳng có xu keng nào, vì “Trump và phe cánh của ông ta đã đòi hết tiền lại. Hiểu biết của chúng về văn hóa hệt như một con lừa học đại số vậy.”
Sau khi đi được sáu mươi lăm dặm về phía bắc, vẫn chưa ra khỏi Georgia, bà ta dừng xe tại một thư viện cũ nát nhỏ xíu nằm trong một thị trấn ở Pooler. Tim dỡ xuống những thùng các-tông đựng sách, mang vào bên trong. Anh cũng chuyển tiếp hàng chục thùng các-tông tương tự ra chiếc Volvo. Bà Marjorie Kellerman nói với anh rằng những chiếc thùng này sẽ được chuyển tới Thư viện Công cộng Yemassee, cách đây khoảng bốn mươi dặm về phía bắc, nằm ở phía bên kia của Nam Carolina. Nhưng không lâu sau khi đi qua Hardeeville, họ đã phải dừng lại. Những chiếc xe hơi và xe tải chật kín cả hai làn đường, và còn nhiều xe hơn nữa nhanh chóng lấp đầy con đường phía sau lưng họ.
“Ôi, tôi thật ghét mỗi khi gặp chuyện này”, bà Marjorie phàn nàn, “và những vụ tắc đường luôn xảy ra ở Nam Carolina vì nơi đây quá nghèo để có thể mở rộng đường cao tốc. Hẳn đã có một vụ đụng xe ở đâu đó phía trước, và chỉ với hai làn đường thì chẳng ai đi qua được. Tôi sẽ ở lại đây nửa ngày. Anh Jamieson, anh được miễn
những nhiệm vụ khác. Nếu là anh, tôi sẽ rời khỏi chiếc xe này và quay ngược trở lại con đường rời khỏi Hardeeville, rồi thử vận may trên cao tốc số 17.”
“Vậy còn những thùng sách thì sao?”
“Tôi sẽ tìm được anh chàng khỏe mạnh nào đó giúp tôi bê vác thôi”, bà ta nói và mỉm cười với anh. “Nói thật, khi tôi nhìn thấy anh đứng dưới trời nắng, tôi mới chợt quyết định sẽ liều một chút và cho anh lên xe.”
“Được thôi, nếu như bà đã chắc chắn như vậy.” Giao thông tắc nghẽn khiến anh cảm thấy ngột ngạt, cũng giống như khi anh cảm thấy bị mắc kẹt giữa khoang phổ thông của chuyến bay Delta. “Nếu bà đổi ý, tôi vẫn có thể tiếp tục. Dù sao tôi cũng không gấp gáp gì.”
“Tôi chắc chắn thế”, bà ta nói. “Rất hân hạnh được gặp anh, anh Jamieson.”
“Tôi cũng vậy, thưa bà Kellerman.”
“Anh có cần hỗ trợ chút tiền không? Tôi có thể đưa anh mười đô la, nếu anh cần.”
Tim thấy cảm động và khá ngạc nhiên - không phải lần đầu tiên - bởi sự tốt bụng và hào phóng của những người dân bình thường, đặc biệt là những người cũng chẳng có quá nhiều tiền. Nước Mỹ vẫn là một nơi khá tuyệt, dù cho nhiều người (và đôi khi là cả chính anh) không đồng ý với điều này. “Tôi không sao, cảm ơn lời đề nghị của bà.”
Anh bắt tay cảm ơn bà ta, và đi dọc trở lại cao tốc liên bang số 95 tới đoạn phân làn với con đường rời khỏi Hardeeville. Không bắt được xe ngay trên Quốc lộ 17, anh đi bộ vài dặm tới điểm giao với Quốc lộ 92. Tại đây có một tấm biển chỉ đường về phía thị trấn
DuPray. Lúc này đã là xế chiều, nên Tim quyết định tìm một nhà nghỉ nào đó để qua đêm. Chắc chắn sẽ lại là một nhà nghỉ xập xệ, nhưng những lựa chọn khác - như qua đêm ngoài trời và làm mồi cho muỗi, hay tìm tới một nông trại nào đó - có vẻ còn tồi tệ hơn. Vậy là anh tiến bước về DuPray.
Những biến cố lớn được tạo nên từ những bước ngoặt nhỏ.
4
Một giờ sau, anh ngồi trên một tảng đá nằm ven con đường hai làn, đợi chờ một chuyến tàu chở hàng tưởng chừng dài vô tận đang chạy ngang, để anh có thể sang đường. Tàu chạy ba mươi dặm một giờ, hướng thẳng tới DuPray: toa chở hàng, toa chở xe (nhưng chủ yếu lại nhét đầy những chiếc xe cũ kỹ thay vì những chiếc mới), toa chở dầu, toa sàn và những toa kín chứa đầy thứ gì đó mà có lẽ chỉ Chúa mới biết. Nếu tàu trật bánh, rừng thông bên cạnh sẽ bị bắt lửa từ đoàn tàu và khiến người dân DuPray bị ảnh hưởng bởi khói độc hoặc thậm chí chết vì ngạt khói. Cuối cùng là một toa nghỉ[7] được sơn màu cam, có một người đàn ông mặc quần yếm đang ngồi trên chiếc ghế gấp, đọc một cuốn sách và hút thuốc lá. Ông ta ngước lên khỏi trang sách, khẽ ra hiệu với Tim như thể họ đã từng quen biết. Tim ra hiệu lại.
Thị trấn nằm cách đó hai dặm, được xây dựng xung quanh giao lộ của Quốc lộ số 92 (mà nay được gọi là Phố Chính[8]) và hai con đường khác. DuPray dường như tránh thoát khỏi hầu hết những chuỗi cửa hàng đang chiếm lĩnh các thành phố lớn; ở đây từng có một chi nhánh của Western Auto, nhưng đã đóng cửa, với những tấm kính cửa sổ bị bịt kín. Tim chú ý tới một cửa hiệu tạp hóa, một quầy thuốc, quán hàng nhỏ bày bán đủ thứ trên đời và vài tiệm làm đẹp. Tại đây cũng từng có một rạp chiếu phim, mà hiện giờ trên cửa ra vào ghi dòng chữ BÁN HOẶC CHO THUÊ, rồi một cửa hàng phụ
tùng xe hơi có tên Cửa hàng Tốc độ DuPray, và một nhà hàng tên Beav’s Eatery. Có ba nhà thờ, một nhà thờ thuộc Giáo hội Giám lý, hai cái khác thì không, nhưng tất cả đều thờ Chúa Jesus. Không có nổi hai chục chiếc xe hơi và xe tải nông trại đậu rải rác dọc các bãi xe của khu buôn bán. Vỉa hè hầu như vắng tanh.
Tim đi qua ba tòa nhà, và lại đi qua thêm một nhà thờ nữa thì nhìn thấy nhà nghỉ DuPray ở đằng xa. Phía bên kia nhà nghỉ, nơi Phố Chính có lẽ lại trở về với tên gốc của nó là Quốc lộ số 92, có một đường sắt khác, có một ga tập kết tàu, và một dãy nhà mái tôn lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bên ngoài những công trình này, lại là khu rừng thông bao phủ. Đối với Tim, nơi đây giống như một thị trấn ta thường thấy trong những bài nhạc ba-lát đồng quê, một trong số các bản nhạc viết về nỗi nhớ quê nhà được thể hiện bởi ca sĩ Alan Jackson hay George Strait. Tấm biển nhà nghỉ cũ kỹ và hoen rỉ, cho thấy nơi này có lẽ cũng đã đóng cửa từ lâu như rạp chiếu phim, nhưng vì bóng chiều đã buông xuống, và có vẻ như đây cũng là nơi trú chân duy nhất trong thị trấn này, Tim bèn bước tới.
Đi được một nửa quãng đường tiến tới nhà nghỉ, sau khi qua Tòa Văn phòng Thị trấn DuPray, anh đến một tòa nhà bằng gạch với hai bên được phủ kín bởi những thang thường xuân. Trên bãi cỏ được cắt tỉa gọn gàng là tấm biển: Sở Cảnh sát Hạt Fairlee. Tim thầm nghĩ, lấy thị trấn heo hút này làm trung tâm thì đây hẳn là một địa hạt thật nghèo nàn.
Hai chiếc xe tuần tra đỗ ở trước cửa, một chiếc xe đời mới, chiếc còn lại là chiếc 4Runner cũ, lấm lem bùn với một cái đèn hú của cảnh sát gắn trên táp-lô. Tim nhìn về lối vào - với ánh mắt vô thức của một kẻ lang thang đang có khá nhiều tiền mặt trong túi - rồi anh bước đi khỏi tòa nhà vài bước, nhưng sau đó quay lại để nhìn kỹ hơn bảng
thông báo treo bên cạnh cánh cửa đôi. Có một thông báo rất đặc biệt. Anh hẳn là đã đọc nhầm nên phải nhìn lại để chắc chắn. Anh đã nghĩ rằng điều này không thể còn tồn tại trong thời đại này. Không thể nào.
Nhưng nó là thật. Ngay cạnh một tờ quảng cáo: NẾU BẠN NGHĨ CẦN SA HỢP PHÁP Ở NAM CAROLINA, NGHĨ LẠI ĐI, là một thông báo ngắn gọn: TUYỂN NGƯỜI GÁC ĐÊM. NỘP ĐƠN TẠI ĐÂY.
Ái chà! Anh nghĩ. Một công việc gợi nhớ thật nhiều ký ức. Anh quay người hướng về phía tấm biển nhà nghỉ rỉ sét nhưng một lần nữa dừng chân lại, nghĩ đến tờ quảng cáo tuyển người. Ngay lúc đó, cánh cửa đồn cảnh sát bật mở và một tay cảnh sát với thân hình gầy nhom bước ra, chỉnh lại chiếc mũ trên mái tóc đỏ của mình. Ánh chiều tà lấp lóe trên tấm phù hiệu cảnh sát. Anh ta nhìn Tim, quan sát bộ dạng của anh: mang một đôi ủng, mặc một chiếc quần bò đầy bụi bặm và một chiếc áo sơ mi màu nước biển. Đôi mắt anh ta đảo qua chiếc túi vải mà Tim khoác trên vai, trước khi hướng lên khuôn mặt anh. “Tôi giúp gì được cho anh không?” Sự thôi thúc từng khiến Tim đứng dậy trên máy bay lúc này lại xuất hiện. “Có lẽ là không, nhưng biết đâu đấy?”, anh đắn đo trả lời.
5
Vị tóc đỏ này là phó cảnh sát trưởng Taggart Faraday. Anh ta đưa Tim vào bên trong, mùi thuốc tẩy và mùi ngai ngái của men bánh xộc ra từ khu vực tạm giam ở phía sau. Sau khi giới thiệu Tim với Veronica Gibson, một phó cảnh sát trung tuổi đang làm công văn buổi chiều, Faraday yêu cầu được xem bằng lái của Tim và ít nhất một loại giấy tờ tùy thân khác. Tim đưa cho anh ta bằng lái xe, và cả tấm phù hiệu của đồn cảnh sát Sarasota - nơi anh đã từng làm việc, cũng không hề giấu giếm sự thật là nó đã hết hạn từ chín tháng trước. Tuy nhiên, thái độ của hai phó cảnh sát đã có chút thay đổi khi nhìn thấy tấm phù hiệu.
“Anh không phải là dân ở Fairlee”, Ronnie Gibson[9] nói. “Không, thưa cô.” Tim xác nhận. “Hoàn toàn không. Nhưng tôi có thể trở thành dân Fairlee, nếu tôi được nhận công việc gác đêm.” “Lương thấp lắm đấy!” Faraday lên tiếng, “Tôi cũng không phải là người quyết định việc này. Cảnh sát trưởng Ashworth mới là người có quyền thuê cũng như sa thải bất kỳ ai.”
Ronnie Gibson thêm vào, “Người gác đêm cuối cùng của chúng tôi là Ed Whitlock, hiện đã nghỉ hưu và ông ấy cũng chuyển tới Georgia rồi. Ông mắc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, căn bệnh của Lou Gehrig[10]. Một người đàn ông tử tế. Mà thiếu may mắn. Nhưng ở Georgia ông ấy cũng có người chăm sóc.”
“Những người tốt thường gặp bất hạnh mà!” Tag Faraday thể hiện sự tiếc nuối. Anh ta bước tới rồi nói, “Ronnie, cô đưa cho anh ấy một tờ đơn”, sau đó quay sang Tim, “Anh Jamieson, ở đây chúng tôi chỉ là một đội nhỏ với bảy người, trong đó hai người chỉ làm bán thời gian. Với số tiền nộp thuế ít ỏi của người dân thì chỉ có được như vậy. Cảnh sát trưởng John hiện đang đi tuần. Nếu lúc năm giờ, muộn nhất là năm giờ rưỡi mà ông ấy không quay lại, thì chắc là ông ấy sẽ về nhà ăn tối và trở lại vào ngày mai.”
“Dù sao đêm nay tôi cũng sẽ phải ở lại đây. Đấy là nếu như có nhà nghỉ nào đó vẫn còn mở cửa.”
“Ồ, tôi nghĩ Norbert vẫn còn một vài phòng trống đấy!” Ronnie Gibson nói. Bà ấy liếc nhìn vị phó cảnh sát tóc đỏ và cả hai cùng bật cười.
“Tôi đoán nơi ấy hẳn không phải là khách sạn bốn sao.” “Tôi sẽ không bình luận gì đâu”, Gibson đáp, “Nhưng nếu tôi là anh, tôi sẽ kiểm tra ga trải giường xem có rệp không trước khi nằm xuống. Tại sao anh lại rời bỏ sở cảnh sát Sarasota, anh Jamieson? Ý tôi là anh còn quá trẻ để nghỉ hưu.”
“Tôi sẽ trình bày chuyện này với cấp trên của hai vị, nếu ông ấy cho tôi một cuộc hẹn phỏng vấn.”
Hai vị phó cảnh sát trao đổi ánh mắt một lúc lâu, sau đó Tag Faraday nói: “Thôi nào, hãy đưa cho anh chàng này một tờ đơn xin việc đi, Ronnie. Rất vui được gặp anh. Chào mừng anh tới DuPray. Hãy cư xử đúng đắn và chúng ta sẽ hòa hợp cả thôi.” Nói xong, anh ta rời đi. Qua khung cửa sổ, Tim nhìn thấy chiếc xe 4Runner lùi khỏi chỗ đỗ và lăn bánh xuống một đoạn đường ngắn của Phố Chính DuPray.
Mẫu đơn xin việc được ghim sẵn trên bảng thông báo. Tim ngồi xuống một trong ba chiếc ghế được kê dựa vào tường phía bên trái, đặt chiếc túi vải xuống giữa hai chân và bắt đầu điền thông tin. Người gác đêm, chết tiệt thật. Anh thầm nghĩ.
6
Cảnh sát trưởng Ashworth - mà Tim phát hiện ra người dân trong thị trấn và các phó cảnh sát thường gọi ông là cảnh sát trưởng John - là một người có cái bụng bự với dáng đi thủng thẳng. Quai hàm của ông ta chảy dài như loài chó săn chân ngắn, với mái đầu bạc. Một vệt xốt cà chua vẫn đang dính trên áo đồng phục. Ông ta đeo một khẩu súng lục bên hông và một chiếc nhẫn ruby trên ngón út. Giọng nói của ông ta sang sảng nhưng thái độ lại khá thân thiện, hốc mắt hõm sâu với một đôi mắt tinh tường, đầy trí tuệ và hiếu kỳ. Ông hẳn sẽ được thủ vai trong một số bộ phim miền nam sáo rỗng, như phim Walking Tall chẳng hạn, nếu như ông không phải là người da đen. Và còn điều này nữa: một tấm bằng tốt nghiệp Học viện Quốc gia FBI tại Quantico được đóng khung và treo trên tường, gần với bức chân dung của Tổng thống Trump. Đấy không phải những thứ mà bạn có thể tìm được từ thẻ cào trúng thưởng trong mấy cái hộp ngũ cốc.
“Được rồi”, cảnh sát trưởng John nói, ngả lưng trên chiếc ghế. “Tôi không ở lâu được. Marcella không thích tôi về ăn tối muộn. Trừ phi có những chuyện lớn, đại loại như khủng hoảng hay bạo loạn xảy ra chẳng hạn.”
“Vâng, tôi hiểu.”
“Vậy chúng ta đi thẳng vào vấn đề nhé. Tại sao anh rời bỏ sở cảnh sát Sarasota và anh đang làm gì ở đây vậy? Nam Cah’lina
không có quá nhiều nơi khỉ ho cò gáy ít người biết, mà thậm chí DuPray còn chẳng nằm trong số đó.”
Ashworth có lẽ sẽ không gọi điện tới Sarasota tối nay, nhưng sáng mai ông ấy sẽ gọi, vì thế có bịa thêm điều gì nữa thì cũng thật vô nghĩa. Tim cũng không muốn làm vậy. Nếu anh không có được công việc gác đêm này, thì chắc đêm nay anh nghỉ lại ở DuPray và sẽ rời đi vào buổi sáng, tiếp tục chuyến hành trình tới New York của mình; một chuyến đi mà tới giờ anh đã hiểu là một quãng thời gian nghỉ ngơi cần thiết, sau những chuyện đã xảy ra ở trung tâm thương mại Westfield tại Sarasota hồi cuối năm ngoái, và để sẵn sàng những chuyện sắp tới. Hơn nữa, trung thực là thượng sách, bởi vì những lời dối trá - đặc biệt ở một thời đại mà tất cả thông tin đều sẵn có cho bất kỳ ai sở hữu một máy tính kết nối Wi-Fi - thường khiến chính kẻ nói dối gặp rắc rối.
“Tôi được lựa chọn giữa việc từ chức hoặc bị sa thải. Tôi đã chọn từ chức. Điều đó chẳng vui vẻ gì, nhất là với tôi - tôi thích công việc của mình và tôi thích vùng Gulf Coast - nhưng đó là cách tốt nhất. Nhờ đó mà tôi có chút tiền, không phải một khoản trợ cấp khá khẩm, nhưng còn hơn là chẳng có gì. Tôi cũng đã ly hôn vợ cũ.”
“Chuyện là thế nào? Mà nói ngắn gọn thôi để tôi còn kịp về ăn tối khi trời vẫn sáng.”
“Vâng, tôi sẽ không làm mất nhiều thời gian của ngài đâu. Vào một ngày cuối tháng mười một, khi kết thúc ca trực của mình, tôi đến trung tâm thương mại Westfield để tìm mua một đôi giày. Tôi phải dự một đám cưới. Lúc này tôi vẫn mặc đồng phục, ngài hiểu chứ?”
“Tôi hiểu.”
“Khi tôi vừa rời khỏi cửa hàng giày, một người phụ nữ chạy đến và nói rằng có một thiếu niên đang vung vẩy khẩu súng ngay bên
ngoài rạp chiếu phim. Vì vậy, tôi chạy nhanh đến đó.” “Anh đã rút súng của mình?”
“Không thưa ngài, không phải lúc đó. Đứa trẻ cầm súng chỉ tầm mười bốn tuổi và tôi tin chắc rằng cậu ta đã uống say hoặc đang phê thuốc. Cậu ta bắt một đứa trẻ khác quỳ xuống và đá vào người nó. Chĩa súng vào cậu bé đó.”
“Nghe giống như câu chuyện của mấy tay ở Cleveland vậy. Một sĩ quan cảnh sát đã bắn đứa trẻ da màu đang vung vẩy một khẩu súng hơi.”
“Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện ấy khi tôi đến gần, nhưng sĩ quan cảnh sát bắn Tamir Rice[11] đã thề rằng anh ta nghĩ cậu bé đang cầm một khẩu súng thật. Còn tôi thì khá chắc khẩu súng tôi nhìn thấy không phải súng thật, nhưng tôi không dám hoàn toàn khẳng định. Có lẽ ngài cũng biết tại sao.”
Cảnh sát trưởng John Ashworth dường như đã quên mất tiêu bữa tối. “Bởi vì đối tượng của anh đang chĩa súng vào đứa trẻ nằm trên đất. Chẳng có lý gì để chĩa súng giả vào một người. Trừ phi, tôi cho rằng, đứa trẻ nằm trên đất không biết đấy là súng giả.”
“Thủ phạm sau đó nói rằng cậu ta chỉ đang vung vẩy khẩu súng trước mặt đứa trẻ, chứ không chĩa vào. Và nói, ‘Nó là của tao, mẹ kiếp, mày không được lấy của tao.’ Tôi không nghĩ vậy. Đối với tôi, cậu ta trông như đang chĩa súng. Tôi đã hét lên yêu cầu cậu ta bỏ súng xuống và giơ tay lên. Cậu ta không nghe thấy tôi nói, hoặc có nghe cũng chẳng quan tâm. Cậu ta cứ tiếp tục đá và chĩa súng vào đứa trẻ. Hay vung vẩy súng, nếu đó là những gì cậu ta đang làm. Dù sao, tôi cũng đã rút súng ra.” Anh ngừng lại một chút, “Nếu có điều gì khiến câu chuyện này khác với câu chuyện của Tamir Rice, thì đứa trẻ này là người da trắng.”
“Với tôi thì chẳng khác gì nhau cả. Bọn trẻ đánh nhau, một đứa nằm dưới đất và đang bị thương. Một đứa khác có thể đang cầm một khẩu súng thật, hoặc không. Vậy là anh đã bắn đứa trẻ đó? Đừng nói vậy chứ.”
“Không ai bị bắn cả. Nhưng... ngài biết là người ta sẽ xúm quanh để ngó nghiêng một trận đánh, nhưng có xu hướng giải tán ngay khi có vũ khí xuất hiện chứ?”
“Chắc chắn rồi. Nếu họ vẫn còn tỉnh táo, họ sẽ chạy như ma đuổi ấy.”
“Đó là điều đã xảy ra, ngoại trừ vài người vẫn ở lại.”
“Những người quay phim bằng điện thoại chứ gì?”
Tim gật đầu. “Bốn, năm người gì đó muốn trở thành đạo diễn Spielberg[12]. Dẫu sao, tôi đã chĩa súng lên trên trần và bắn một phát cảnh cáo. Có lẽ đó là một quyết định tệ hại, nhưng vào lúc đó thì dường như đó lại là quyết định đúng đắn. Một phát duy nhất. Khu vực đó của trung tâm thương mại có những chiếc đèn chùm treo trên cao. Viên đạn đã bắn trúng vào một chiếc đèn và khiến nó rụng xuống đầu của một người đứng xem. Đứa trẻ buông rơi khẩu súng và ngay khi nó rơi xuống sàn, tôi biết chắc chắn rằng đó là súng giả, bởi nó đã nẩy lên. Hóa ra đó là một khẩu súng nhựa được làm giống y hệt khẩu súng lục tự động 45mm. Đứa trẻ nằm trên sàn bị đá bầm tím và có vài vết trầy xước, nhưng trông có vẻ như không cần phải khâu. Tuy nhiên, người đứng xem xui xẻo bị đèn rơi trúng kia đã bất tỉnh trong suốt ba tiếng. Bị chấn thương ở vùng đầu. Theo luật sư của anh ta, anh ta bị đau đầu khá tệ và mất trí nhớ ngắn hạn.”
“Sở cảnh sát bị kiện phải không?”
“Vâng. Vụ kiện chắc sẽ kéo dài một khoảng thời gian, nhưng cuối cùng thì anh ta cũng sẽ nhận được một khoản đền bù nào đó thôi.” Cảnh sát trưởng John cân nhắc. “Nếu anh ta đã chủ động quanh quẩn ở đó để quay phim vụ lộn xộn đấy, thì hẳn anh ta không thể nhận được gì nhiều nhặn lắm đâu, bất kể cái đầu anh ta có tệ đến thế nào. Tôi đoán rằng sở cảnh sát chỉ kỷ luật anh về việc xả súng một cách liều lĩnh.”
Họ quả đã làm như vậy, và sẽ thật tốt, Tim thầm nghĩ, nếu như mọi chuyện có thể kết thúc ở đây. Nhưng không. Cảnh sát trưởng John có lẽ trông giống phiên bản người Mỹ gốc Phi của ông chủ Hogg trong phim The Dukes of Hazzard, nhưng ông không phải một kẻ ngốc. Ông ta rõ ràng thông cảm với hoàn cảnh của Tim - hầu như cảnh sát nào cũng sẽ vậy - nhưng ông ấy vẫn sẽ điều tra. Vậy thì tốt hơn hết, ông ấy nên được nghe phần kết của câu chuyện từ chính Tim.
“Trước khi đến cửa hàng giày, tôi đã vào quán rượu Beachcombers và uống vài ly. Những cảnh sát chịu trách nhiệm bắt giữ đứa trẻ về đồn đã ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của tôi và họ tiến hành kiểm tra nồng độ cồn. Độ cồn ở mức sáu, tuy dưới ngưỡng vi phạm theo quy định, nhưng không tốt chút nào nếu xét đến việc tôi vừa sử dụng súng và khiến một người nhập viện.”
“Anh là một tay bợm nhậu hả, anh Jamieson?”
“Tôi đã uống khá nhiều trong vòng sáu tháng hoặc nhiều hơn, sau khi tôi ly hôn, nhưng chuyện đó từ hai năm trước rồi. Còn bây giờ thì không.” Tất nhiên rồi, đó là những gì tôi nên nói, Tim nghĩ.
“Ừm hừm, ừm hừm, hãy xem tôi đã hiểu câu chuyện đúng chưa nhé.” Cảnh sát trưởng giơ một ngón trỏ mập mạp lên. “Thứ nhất, anh đang không làm nhiệm vụ, điều đó có nghĩa là nếu anh không mặc
cảnh phục, người phụ nữ kia có lẽ sẽ không bao giờ chạy về phía anh.”
“Có lẽ không, nhưng tôi có thể sẽ nghe thấy tiếng hỗn loạn và dẫu sao tôi cũng sẽ tới đó. Một cảnh sát không bao giờ được hoàn toàn nghỉ ngơi. Tôi chắc chắn ngài hiểu điều này.”
“Ừm, hừm, ừm, hừm, nhưng anh đã nghĩ rằng nên mang theo súng?”
“Không, đáng lẽ ra nó phải được khóa trong xe của tôi.” Ashworth giơ ngón tay thứ hai lên cho điều này, sau đó thêm ngón thứ ba. “Đứa trẻ đó có thể cầm súng giả, nhưng cũng có thể là đồ thật. Dù sao anh cũng không thể biết chắc được.” “Vâng.”
Và ngón tay thứ tư giơ lên. “Phát súng bắn cảnh cáo của anh đã trúng vào chiếc đèn, không những làm nó rơi xuống, mà còn rơi trúng đầu một người vô tội đứng gần. Đấy là nếu như anh gọi một kẻ ngu xuẩn đứng quay phim bằng điện thoại là một người vô tội.”
Tim gật đầu.
Lần này, ngón cái của ngài cảnh sát trưởng được giơ lên. “Và trước khi cuộc ẩu đả này xảy ra, anh tình cờ đã uống hai chén rượu.” “Vâng. Trong khi tôi vẫn mặc đồng phục.”
“Không phải là một quyết định đúng đắn, không phải một điều... họ gọi là gì nhỉ... sáng suốt, nhưng tôi vẫn phải nói rằng anh thực sự đã xui tận mạng.” Cảnh sát trưởng gõ nhịp những ngón tay xuống mép bàn. Chiếc nhẫn ruby tạo ra tiếng cạch cạch ngắt quãng với mỗi nhịp gõ. “Tôi nghĩ câu chuyện của anh quá kỳ quặc để có thể là chuyện bịa, nhưng tôi vẫn sẽ gọi tới nơi làm cũ của anh để tự mình
xác minh lại. Hy vọng sẽ không còn gì khác ngoài việc nghe lại câu chuyện của anh và ngạc nhiên thêm lần nữa.”
Tim mỉm cười. “Tôi đã báo cáo với Bernadette DiPino. Bà ấy là cảnh sát trưởng Sarasota. Và có lẽ ngài nên về nhà ăn tối kẻo vợ lại giận đấy.”
“Ừm, hừm, ừm hừm, không cần bận tâm về Marcy của tôi.” Cảnh sát trưởng nhoài người về phía trước với cái bụng bự của mình. Đôi mắt sáng rực. “Nếu tôi kiểm tra hơi thở của anh ngay lúc này, anh Jamieson, kết quả sẽ như thế nào?”
“Ngài cứ việc kiểm tra.”
“Đừng cho rằng tôi sẽ làm vậy. Tôi cũng không cần phải làm như thế để có thể biết được.” Ông ta ngả người ra sau, chiếc ghế phát ra một tiếng kêu dài. “Tại sao anh lại muốn công việc gác đêm ở thị trấn cổ lỗ và bé như kiến này? Tiền lương chỉ là một trăm đô la mỗi tuần, và có thể từ chủ nhật đến thứ năm sẽ không có nhiều rắc rối, nhưng mọi chuyện sẽ phiền phức hơn vào các tối thứ sáu và thứ bảy. Câu lạc bộ thoát y ở Penley đã đóng cửa hồi năm ngoái, nhưng có vài quán rượu và quán hát ở lân cận.”
“Ông nội tôi từng là một người gác đêm ở Hibbing, Minnesota. Quê hương của Bob Dylan thì phải? Ông làm việc này sau khi nghỉ hưu ở sở cảnh sát bang. Ông là động lực khiến tôi muốn trở thành cảnh sát khi lớn lên. Tôi đã thấy tấm biển tuyển người và chỉ nghĩ rằng...” Tim nhún vai. Anh đã nghĩ gì? Khá giống như khi anh nhận công việc ở nhà máy tái chế. Hầu như chẳng nghĩ gì nhiều. Anh chợt nảy ra ý nghĩ, rằng có lẽ anh đang gặp khó khăn về mặt tinh thần.
“Tiếp bước ông, ừm hừm.” Cảnh sát trưởng John đan hai tay vào nhau trên bụng và nhìn Tim chăm chú - một đôi mắt sáng, tò mò, ẩn sâu sau hàng tá mỡ rung rinh trên khuôn mặt. “Anh xem như mình đã
nghỉ hưu, đúng không? Chỉ là đang tìm điều gì đó để làm trong những lúc nhàn rỗi? Hơi trẻ một chút để làm chuyện này, không phải sao?”
“Tôi đã nghỉ hưu ngành cảnh sát, đúng vậy. Mọi chuyện kết thúc rồi. Một người bạn nói với tôi rằng anh ấy có thể kiếm cho tôi một công việc bảo an ở New York, và tôi muốn thay đổi môi trường. Nhưng có lẽ, tôi không cần phải đến New York để tìm việc nữa.” Anh nghĩ, điều anh thực sự muốn là một sự thay đổi nào đó từ sâu thẳm bên trong. Công việc gác đêm có thể không giúp ích được cho anh, nhưng biết đâu đấy.
“Anh nói rằng anh đã ly hôn?”
“Vâng.”
“Còn con cái?”
“Không có. Cô ấy muốn, nhưng tôi thì không. Tôi cảm thấy chưa sẵn sàng.”
Cảnh sát trưởng John nhìn xuống đơn xin việc của Tim. “Trong này anh viết anh bốn mươi hai tuổi. Hầu hết các trường hợp - có lẽ cũng không phải tất cả - nhưng nếu anh chưa sẵn sàng thì...”
Ông ấy bỏ lửng, chờ Tim hoàn thành nốt. Nhưng Tim không. “Cuối cùng thì có lẽ anh sẽ tới New York, anh Jamieson, nhưng ngay lúc này, anh đang lang thang. Tôi nói không sai chứ?” Tim nghĩ về điều này, hẳn nói vậy cũng không sai.
“Nếu tôi giao cho anh công việc này, làm sao tôi biết anh sẽ không có ý định rời khỏi đây trong hai tuần hay một tháng nữa? DuPray không phải là nơi thú vị nhất thế giới, thậm chí là chỉ xét ở Nam Cah’lina. Điều tôi đang muốn hỏi, chàng trai, đó là làm sao tôi biết liệu anh có đáng tin cậy?”
“Tôi sẽ ở lại đây. Cứ giả sử rằng ngài cho tôi công việc này. Nếu ngài thấy tôi không phù hợp thì cứ việc sa thải tôi. Nếu tôi quyết định rời đi, tôi sẽ cho ngài biết. Tôi hứa.”
“Công việc này chẳng đủ ăn.”
Tim lại nhún vai. “Tôi sẽ tìm thêm một việc khác nếu cần. Đừng nói rằng tôi sẽ là gã duy nhất ở đây làm hai công việc một lúc để kiếm tiền chứ? Tôi cũng có một chút ít tiền.”
Cảnh sát trưởng John ngồi suy nghĩ một lúc, sau đó đứng dậy. Đứng dậy nhanh nhẹn một cách đáng ngạc nhiên đối với một người to béo và nặng nề như ông. “Sáng mai anh hãy quay lại đây và chúng ta sẽ xem thế nào. Khoảng mười giờ là được.”
Làm thế sẽ cho ngài cảnh sát trưởng nhiều thời gian hơn để nói chuyện với sở cảnh sát Sarasota, Tim nghĩ, và để xem câu chuyện của anh sẽ được kiểm chứng thế nào. Ngoài ra còn là để tìm hiểu liệu hồ sơ của anh có còn vết nhơ nào khác hay không.
Anh đứng lên và đưa tay ra, cảnh sát trưởng John bắt tay thật chặt. “Đêm nay anh ở đâu, anh Jamieson?”
“Nhà nghỉ ở phía cuối đường, nếu như còn phòng trống.” “Ồ, Norbert có rất nhiều phòng trống”, cảnh sát trưởng nói, “và tôi nghi ngờ liệu ông ta có cố bán cho anh chút cỏ nào hay không. Anh vẫn có một vẻ ngoài khá giống cảnh sát, ít ra là đối với tôi. Nếu anh không có vấn đề gì về tiêu hóa đồ chiên, nhà hàng Bev’s ở dưới phố mở cửa cho tới bảy giờ. Cá nhân tôi khá mê món gan và hành ở đó.” “Cảm ơn ngài. Và cảm ơn đã nói chuyện với tôi.”
“Không có gì. Một cuộc trò chuyện thú vị. Và khi anh nhận phòng ở DuPray, hãy bảo Norbert rằng cảnh sát trưởng John nói hãy cho anh một trong những phòng tốt nhất.”
“Nhất định tôi sẽ nói.”
“Nhưng anh nên kiểm tra mấy con rệp trước khi nằm.” Tim cười. “Vâng, tôi cũng đã nhận được lời khuyên như vậy.”
7
Tim dùng bữa tối ở nhà hàng Bev’s Eatery với món bít tết gà, đậu đũa và tráng miệng bằng một chiếc bánh nhân đào. Cũng không tồi lắm. Nhưng căn phòng của anh ở nhà nghỉ DuPray thì ngược lại hoàn toàn. Nó khiến những căn phòng Tim đã ở trong suốt thời gian lang thang về phía bắc, so ra thì lại giống như cung điện. Máy điều hòa ở cửa sổ kêu ầm ầm, nhưng chẳng mát là mấy. Vòi tắm hoa sen hoen rỉ và bị rò nước, dường như không có cách nào để khóa nó lại. (Cuối cùng, anh đặt một chiếc khăn tắm bên dưới để giảm bớt tiếng nước chảy tong tỏng.) Chụp đèn ngủ cháy thủng lỗ chỗ. Bức tranh trong phòng - một tác phẩm đáng sợ vẽ thuyền buồm với những thủy thủ da đen cười ngạo nghễ và hung dữ - được treo xiên xẹo. Tim chỉnh bức tranh cho ngay ngắn, nhưng nó lại lệch xuống ngay lập tức.
Có một chiếc ghế gấp bên ngoài. Chỗ ngồi đã bị võng xuống và chân ghế cũng rỉ sét y như chiếc vòi hoa sen bị hư hỏng, nhưng vẫn có thể ngồi được. Tim ngồi xuống và duỗi hai chân, đập những con rệp trong khi ngắm nhìn mặt trời rực sáng màu cam qua những tán cây. Cảnh tượng khiến anh cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa u sầu. Thêm một chuyến tàu chở hàng dài như vô tận xuất hiện vào khoảng tám giờ mười lăm, lăn bánh đi qua con đường lớn và những nhà kho ở phía ngoài thị trấn.
“Cái tàu hàng chết tiệt đi Nam Georgia đó luôn luôn trễ giờ.”
Tim nhìn quanh và trông thấy ông chủ nhà nghỉ, cùng với một nhân viên lễ tân duy nhất trực ca tối của cái cơ sở lưu trú sang trọng này. Ông ta gầy nhẳng. Nửa người trên khoác một chiếc áo vest họa tiết paisley[13], phía dưới mặc cái quần kaki ngắn cũn cỡn, làm lộ ra đôi tất trắng và một đôi giày Converse cũ kỹ. Khuôn mặt tựa như chuột của ông ta được ôm gọn bởi bộ tóc kiểu cách cổ điển của nhóm Beatles.
“Chuyện đó là sao?” Tim hỏi.
“Không có gì cả”, Norbert đáp và nhún vai. “Những chuyến tàu tối luôn chạy thẳng qua đây. Gần như mọi chuyến tàu đêm cũng vậy, trừ phi tàu phải dừng lại để dỡ hàng hóa là các bồn chứa dầu, hay hoa quả và rau tươi cho những cửa hàng tạp hóa. Có một ga đầu mối ở đằng dưới kia.” Ông ấy bắt chéo hai ngón trỏ để mô tả. “Một đường ray đi đến Atlanta, Birmingham, Huntsville, và những nơi tương tự. Đường ray còn lại đến từ Jacksonville và đi tiếp tới Charleston, Wilmington, Newport New, đại loại vậy. Vào những ngày dỡ hàng, đoàn tàu gần như không chạy. Cậu có muốn làm việc ở kho hàng không? Họ thường thiếu một hay hai người ở đó. Tuy nhiên, phải là người khỏe mạnh. Việc ấy không dành cho tôi.”
Tim nhìn ông ta. Norbert kéo lê đôi giày và cười toe toét, để lộ hàm răng mòn vẹt. Những chiếc răng vẫn còn đó, nhưng trông lung lay như thể sẽ rụng bất kỳ lúc nào.
“Xe của cậu ở đâu?”
Tim vẫn chỉ quan sát ông ta.
“Cậu là cảnh sát à?”
“Ngay lúc này, tôi chỉ là một người đang ngắm nhìn mặt trời khuất dần sau những tán cây”, Tim nói, “và tôi sẽ sớm tiếp tục điều đó, một
mình.”
“Không cần nói vậy, không cần nói vậy”, Norbert nói xong và quay đi, chỉ ngoái lại với một cái liếc nhìn kín đáo và dò xét. Tàu chở hàng cuối cùng cũng chạy qua. Đèn đỏ đường ngang đã tắt. Thanh ba-ri-e được nâng lên. Hai, ba chiếc xe đang chờ tàu, lúc này nổ máy và di chuyển. Tim nhìn mặt trời lặn dần và chuyển màu từ cam sang đỏ - trời đêm rực đỏ, thủy thủ hân hoan, người ông làm nghề gác đêm của anh hẳn sẽ nói vậy. Anh nhìn những hàng thông đổ bóng xuống Quốc lộ 92 và hòa dần vào nhau. Anh khá chắc rằng mình sẽ không nhận được công việc gác đêm này, có lẽ thế lại tốt. DuPray quá xa lạ, không chỉ heo hút, mà đúng hơn là một nơi khỉ ho cò gáy. Nếu không phải nhờ bốn cái kho hàng kia, thị trấn này hẳn sẽ không tồn tại. Mà nó tồn tại cũng có nghĩa lý gì cơ chứ? Lưu giữ những chiếc ti vi từ cảng phía bắc nào đó như Wilmington hay Norfolk, để cuối cùng chúng được chuyển tới Atlanta hay Marietta? Nhập kho những thùng linh kiện máy tính tới từ Atlanta để rồi lại chất tất cả lên thùng hàng và vận chuyển ngược lại Wilmington, Norfolk hay Jacksonville? Rồi trữ hàng phân bón hay hóa chất nguy hiểm, chỉ vì chẳng có luật pháp nào kiểm soát nơi này? Mọi thứ cứ quay đi quẩn lại như vậy, thật vô nghĩa, đến tên ngốc cũng nhìn ra. Anh trở vào trong phòng, khóa cửa lại (thật ngớ ngẩn, thứ này lỏng lẻo tới mức chỉ cần đá nhẹ cũng làm bung cánh cửa), cởi quần áo và nằm lên giường, nó lún xuống nhưng không có rệp (ít nhất là theo như anh biết). Anh kê tay sau đầu và nhìn chằm chằm vào bức tranh với những gã da đen cười ngạo nghễ đang lái thuyền buồm, nếu thứ chết tiệt như vậy cũng có thể gọi là thuyền. Chúng đang đi đâu? Chúng có phải là những tên cướp biển? Với anh, chúng trông như những tên cướp biển. Bất kể chúng là ai, cuối cùng con tàu sẽ
đến để bốc hàng và dỡ hàng ở bến cảng tiếp theo. Có lẽ mọi thứ đều vận hành như thế. Và con người cũng vậy. Cách đây không lâu, anh cũng đã bốc mình xuống khỏi chuyến bay Delta đến New York. Sau đó, anh đã bốc dỡ những chiếc can và chai lọ tại một nhà máy phân loại rác thải. Hôm nay, anh đã bốc những thùng sách cho một nữ thủ thư tốt bụng ở một nơi và dỡ thùng sách xuống một nơi khác. Anh ở đây chỉ bởi đường cao tốc liên bang số 95 chật cứng xe hơi và xe tải, trong khi chờ đội công nhân sửa đường tới và kéo đi chiếc xe hơi xui xẻo bị tai nạn nào đó. Có lẽ sau đó, một xe cứu thương cũng đã bốc tài xế lên và dỡ anh ta xuống bệnh viện gần nhất.
Nhưng một người gác đêm không bốc cũng không dỡ, Tim nghĩ vậy. Anh ta chỉ đi quanh và gõ cửa từng nhà. Ông của anh đã nói, đó là phần thú vị nhất của công việc này.
Anh ngủ thiếp đi, chỉ bị thức dậy lúc nửa đêm, khi một tàu chở hàng khác chạy ầm ầm qua. Anh vào phòng tắm và trước khi trở lại giường, anh dỡ bức tranh xiên xẹo kia xuống, úp mặt đám thủy thủ da đen vào trong tường.
Thứ chết tiệt này khiến anh rùng mình.
8
Khi điện thoại trong phòng anh reo lên vào sáng hôm sau, Tim đã tắm xong và lại ngồi trên chiếc ghế gấp, nhìn những cái bóng bao phủ mặt đường vào lúc bình minh. Cuộc gọi là từ cảnh sát trưởng. Ông ấy không hề lãng phí chút thời gian nào.
“Tôi không nghĩ sếp cũ của anh sẽ dậy sớm, vì vậy tôi đã tìm hiểu về anh trên mạng, anh Jamieson ạ. Dường như anh đã không kể ra vài điều trong đơn xin việc. Cũng không nhắc gì đến chúng trong cuộc trò chuyện của chúng ta. Anh từng được nhận bằng khen vì cứu sống ai đó năm 2017, và là sĩ quan đã tuyên thệ của sở cảnh sát Sarasota năm 2018. Anh quên hay sao?”
“Không”, Tim nói. “Tôi nộp đơn xin việc một cách đột ngột. Nếu tôi có nhiều thời gian suy nghĩ hơn, tôi đã viết vào.”
“Hãy kể cho tôi nghe câu chuyện về con cá sấu đi. Tôi lớn lên ở ven đầm lầy nhỏ Pee Dee, và tôi rất thích một câu chuyện hay về cá sấu.”
“Không phải chuyện thú vị đâu, bởi con cá sấu không to lắm. Và tôi không cứu sống đứa trẻ đó, nhưng câu chuyện ấy cũng có vài điểm hài hước.”
“Tôi đang nghe đây.”
“Tiếng kêu cứu đến từ Highlands, một sân golf tư nhân. Tôi là cảnh sát ở gần nhất. Đứa trẻ đang vắt vẻo trên một cái cây gần đầm
nước. Cậu bé chỉ mười một, mười hai tuổi và đang la hét khản cổ. Con cá sấu nằm ở phía dưới.”
“Nghe giống như câu chuyện về cậu bé Sambo da đen bé nhỏ”, cảnh sát trưởng John nói. “Theo tôi nhớ, trong câu chuyện đó là những con hổ chứ không phải một con cá sấu, và nếu chuyện xảy ra ở một sân golf tư nhân, tôi cá là đứa trẻ trên cái cây hẳn không phải dân da đen.”
“Vâng, và con cá sấu đang ngủ chứ không thức.” Tim nói. “Nó chỉ dài một mét rưỡi. Nhiều nhất là hai mét. Tôi đã lấy một cây gậy golf sắt số 5 từ cha đứa trẻ - ông ấy cũng chính là người đã đề nghị khen thưởng tôi - và đập nó vài phát.”
“Tôi nghĩ, đập con cá sấu, chứ không phải đập người cha kia.” Tim bật cười. “Tất nhiên rồi. Con cá sấu lùi lại về đầm nước, đứa trẻ trèo xuống và chỉ vậy thôi.” Anh dừng lại. “Ngoại trừ việc tôi được đưa lên bản tin buổi tối. Đang vung vẩy gậy đánh golf. Phóng viên hỏi đùa rằng tôi đã ‘lái’ nó ra khỏi đó như thế nào. Một câu đùa của dân đánh golf, ngài biết đấy.”
“Ừm hừm, ừm hừm và trở thành Cảnh sát của Năm?” “Vâng”, Tim nói, “Tôi luôn đi làm đúng giờ, chưa bao giờ xin nghỉ ốm, mà đằng nào họ cũng phải tìm một ai đó để trao danh hiệu đấy.” Đầu dây bên kia im lặng vài giây. Sau đó cảnh sát trưởng nói, “Tôi không biết anh gọi thế này là khiêm tốn hay lòng tự tôn thấp, mà tôi cũng không quan tâm nhiều đến việc gọi như thế nào. Tôi biết trao đổi nhiều thông tin như vậy là hơi quá cho một cuộc gặp ngắn ngủi, nhưng tôi vốn là người thẳng thắn. Tôi nói mà không nghĩ, nhiều người đã nói vậy. Vợ tôi chẳng hạn.”
Tim nhìn con đường, quan sát những đường ray và những cái bóng đang thu hẹp dần. Liếc mắt nhìn về phía tháp cung cấp nước của thị trấn, trông thấp thoáng như một robot xâm lăng trong mấy bộ phim khoa học viễn tưởng. Sẽ lại là một ngày nắng nóng, anh đánh giá. Tim cũng đánh giá những thứ khác nữa. Anh có thể có được công việc, hoặc là đánh mất nó ngay lúc này. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào những gì anh sắp nói. Vấn đề là anh có thực sự muốn nhận việc này không, hay đây chỉ là ý nghĩ xuất phát từ những câu chuyện gia đình về ông nội Tim?
“Anh Jamieson? Anh vẫn đang nghe chứ?”
“Tôi đã được nhận phần thưởng đó. Vài cảnh sát khác có lẽ cũng xứng đáng, tôi đã làm việc cùng với những sĩ quan giỏi, nhưng đúng vậy, tôi đã nhận được danh hiệu. Tôi không mang nhiều đồ đạc khi rời Sarasota - định rằng sẽ chuyển những thứ còn lại tới sau nếu tôi bắt đầu cuộc sống ở New York - nhưng tôi có mang theo mề đay đó. Nó ở trong túi xách của tôi. Tôi có thể cho ngài xem nếu muốn.”
“Tôi sẽ xem”, cảnh sát trưởng John nói, “nhưng không phải vì tôi không tin anh. Chỉ là tôi muốn thấy nó thôi. Anh có thừa tiêu chuẩn để làm công việc gác đêm này, nhưng nếu anh thực sự muốn làm, hãy bắt đầu vào mười một giờ tối nay. Mười một giờ tối đến sáu giờ sáng, thỏa thuận như vậy.”
“Tôi muốn làm”, Tim nói.
“Vậy là xong rồi.”
“Chỉ vậy là được ư?”
“Tôi cũng là một người tin vào bản năng, và tôi đang thuê một người gác đêm, chứ không phải một vệ sĩ của Brink’s[14], nên chỉ vậy thôi là được. Anh không cần phải đến lúc mười giờ nữa. Anh hãy
chợp mắt một chút và đến văn phòng vào buổi trưa. Sĩ quan Gullickson sẽ cho anh biết chi tiết. Sẽ không mất nhiều thời gian đâu. Nó không khó như khoa học tên lửa, như cách mà người ta hay nói, nhưng dù vậy, anh có thể gặp vài tên lửa đường phố ở Phố Chính vào các tối thứ bảy, sau khi những quán bar đóng cửa.”
“Vâng. Cảm ơn ngài.”
“Chúng ta hãy chờ xem lời cảm ơn của anh sẽ ra sao sau ngày cuối tuần đầu tiên. Một điều nữa. Anh không phải là phó cảnh sát, và anh không được phép mang theo súng. Anh có thể bỏ chạy trong những tình huống không thể giải quyết, hoặc nếu thấy nguy hiểm. Anh hãy gọi bộ đàm về trụ sở. Chúng ta làm rõ vấn đề rồi chứ?”
“Vâng.”
“Nên vậy, anh Jamieson. Nếu tôi phát hiện ra anh thủ một khẩu súng, anh sẽ phải gói ghém đồ đạc của anh luôn đấy.” “Tôi hiểu.”
“Vậy hãy nghỉ ngơi đi. Anh sắp sửa trở thành một sinh vật bóng đêm đó.”
Giống như Bá tước Dracula, Tim nghĩ. Anh cúp máy, treo tấm biển KHÔNG LÀM PHIỀN trên cửa, kéo tấm rèm mỏng phất phơ che kín cửa sổ, hẹn giờ điện thoại và ngủ tiếp.
9
Phó cảnh sát Wendy Gullickson, một trong hai cảnh sát làm bán thời gian, trẻ hơn Ronnie Gibson mười tuổi và trông trẻ hơn hẳn, dù cho mái tóc vàng của cô ấy được búi cao thật chặt. Tim không có ý định mắt đi mày lại với cô, mà rõ ràng là cô ấy hoàn toàn miễn nhiễm với điều này. Anh thoáng phân vân rằng liệu cô ấy có đang liên tưởng đến người nào đó làm công việc gác đêm không, có thể là anh trai hay một người bạn trai.
Cô đưa cho anh bản đồ khu phố buôn bán chẳng-đáng-kể của DuPray, một bộ đàm cầm tay được đeo bên hông, và một chiếc đồng hồ hẹn giờ cũng được cài vào thắt lưng của anh. Đồng hồ không có pin, phó cảnh sát Gullickson giải thích; anh chỉ cần vặn dây cót vào lúc bắt đầu mỗi ca trực.
“Tôi cá rằng thứ này hiện đại bậc nhất hồi năm 1946”, Tim tỏ vẻ thú vị. “Nó thực sự khá ngầu. Rất hoài cổ.”
Cô ấy không cười. “Anh bắt đầu lên dây cót từ Cửa hàng Dịch vụ và Bán hàng Động cơ nhỏ của Fromie, và vặn cót thêm một lần nữa ở khu ga tập kết tàu ở phía tây, đằng cuối Phố Chính. Mỗi quãng đường khoảng một dặm sáu. Ed Whitlock thường vặn cót bốn lần cho mỗi ca đi tuần.”
Tính ra gần mười ba dặm. “Tôi chắc chắn sẽ không cần phải có chế độ ăn giảm cân nữa.”
Cô nàng vẫn không cười. “Ronnie Gibson và tôi sẽ lên lịch trình công việc. Anh sẽ được nghỉ hai đêm trong tuần, có lẽ là thứ hai và thứ ba. Thị trấn này khá yên tĩnh sau ngày cuối tuần, nhưng đôi khi chúng tôi có thể phải chuyển ca cho anh. Nếu anh vẫn còn ở đây, vậy thôi.”
Tim khoanh tay và nhìn cô ấy với nụ cười nửa miệng. “Cô ý kiến gì với tôi phải không, phó cảnh sát Gullickson? Nếu có, hãy nói ra bây giờ hoặc cô cứ giữ trong lòng đi.”
Cô ấy có làn da rất đẹp của người Bắc Âu, không giấu được hai má đang ửng hồng. Điều này khiến cô trông càng đẹp hơn, tuy nhiên anh cho rằng cô ấy ghét điều đó, cũng giống như thái độ ghét bỏ anh.
“Tôi không biết có hay không. Thời gian sẽ trả lời. Chúng tôi là một đội tốt. Nhỏ nhưng tốt. Chúng tôi rất đoàn kết. Anh chỉ là một anh chàng nào đó bỗng dưng xuất hiện và nhận công việc này. Mọi người ở thị trấn thường giễu cợt người gác đêm, và Ed là một người thực sự độ lượng với tất cả những lời trêu chọc đó, và điều này rất quan trọng, đặc biệt là ở một thị trấn với lực lượng cảnh sát ít ỏi như chúng ta.”
“Phòng xa vẫn hơn”, Tim nói. “Ông tôi thường nói thế. Ông ấy cũng từng là người gác đêm, thưa sĩ quan Gullickson. Đó là lý do tại sao tôi nộp đơn xin công việc này.”
Có lẽ cô ấy cởi mở hơn khi biết điều đó. “Còn về chiếc đồng hồ, tôi đồng ý là nó rất cổ xưa. Tất cả những gì tôi có thể nói đó là hãy làm quen với nó. Gác đêm cũng là một công việc cổ xưa trong thời hiện đại này. Ít nhất là ở DuPray.”
10
Tim đã sớm hiểu ra ý của cô ấy. Về cơ bản, anh như một cảnh sát đi tuần khoảng năm 1954, không súng, thậm chí không có cả dùi cui. Anh được quyền bắt giữ. Một vài cửa hiệu của các doanh nghiệp ở các thị trấn lớn hơn sẽ được trang bị các thiết bị an ninh, nhưng hầu hết các cửa hàng nhỏ không có công nghệ này. Ở những nơi như cửa hàng Thương mại DuPray và tiệm thuốc Oberg, anh kiểm tra để chắc rằng đèn an ninh màu xanh vẫn sáng và không có dấu hiệu bị đột nhập. Đối với những cửa hàng nhỏ, anh lắc tay nắm và chốt cửa, nhòm qua cửa kính và gõ cửa thêm ba lần theo lệ. Đôi khi anh sẽ nhận được phản hồi - một cái vẫy tay hoặc vài từ đáp lại - nhưng hầu hết chẳng có gì, cũng chẳng sao. Anh dùng phấn đánh dấu trên cửa và tiếp tục đi tuần. Anh cũng thực hiện tương tự trong lượt tuần trở lại, lần này là xóa dấu phấn khi anh rời đi. Việc này khiến anh nhớ đến một câu đùa của người Ireland: Nếu cậu đến đó trước, Paddy, hãy dùng phấn đánh dấu trên cánh cửa. Khi tôi đến đó, tôi sẽ xóa nó đi. Dường như không có lý do cụ thể nào cho việc đánh dấu này, đơn giản là truyền thống, có lẽ đã từ rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ những người gác đêm, cho tới ngày nay.
Nhờ một trong những phó cảnh sát làm bán thời gian, Tim đã tìm được một chỗ ở đàng hoàng. George Burkett nói với anh rằng mẹ anh ấy có một căn hộ nhỏ đủ đồ ở phía trên gara của bà, và bà sẽ cho anh thuê với giá rẻ nếu anh quan tâm. “Chỉ có hai phòng, nhưng
khá đẹp. Anh tôi đã sống ở đó vài năm trước khi chuyển tới Florida. Kiếm được việc tại công viên giải trí ở Orlando. Mức lương cũng khá khẩm.”
“Thật mừng cho anh ấy.”
“Vâng, nhưng giá cả ở Florida... ôi trời, đắt đỏ lắm. Và tôi muốn nhắc nhở anh, Tim, nếu anh thuê chỗ này, anh sẽ không thể mở nhạc to vào đêm khuya. Mẹ tôi không thích âm nhạc đâu. Bà thậm chí còn chẳng ưa cây đàn băng cầm của Floyd, mà tiếng đàn của anh ấy cũng kêu như thể cháy nhà vậy. Họ thường cãi nhau về chuyện này.” “George, tôi hiếm khi ở nhà vào ban đêm mà.”
Sĩ quan Burkett - một anh chàng khoảng hai mươi lăm tuổi, tốt bụng và vui vẻ, không quá thông minh vượt trội so với những người dân bản địa - cười rạng rỡ vì điều Tim vừa nói. “Đúng rồi, quên điều đó đi. Dẫu sao, có một gác xép để đồ nhỏ ở phía trên, không rộng lắm, nhưng nó giúp cách nhiệt để căn phòng đủ mát cho anh ngủ - ít ra thì Floyd ngủ được. Anh muốn thuê chứ?”
Tim đã lựa chọn thuê, và mặc dù chiếc điều hòa gắn trên cửa sổ hoạt động không tốt lắm, nhưng giường ngủ rất thoải mái, phòng khách ấm cúng và vòi hoa sen không bị rò nước. Căn bếp chẳng có gì ngoài một lò vi sóng và một bếp điện nhỏ, nhưng đằng nào anh cũng chủ yếu ăn tại nhà hàng Bev’s Eatery, nên như thế là ổn rồi. Và tiền thuê không thể rẻ hơn: bảy mươi đô la một tuần. George mô tả mẹ mình ghê gớm như thể bà là một con rồng vậy, nhưng hóa ra bà Burkett lại là một tâm hồn già nua tốt bụng với phương ngữ miền nam nặng tới mức anh chỉ có thể hiểu một nửa những gì bà ấy nói. Thỉnh thoảng, bà để một miếng bánh ngô hay một lát bánh được gói trong giấy nến ở bên ngoài cửa phòng anh. Giống như một yêu tinh Dixie gửi quà cho bà chủ nhà vậy.
Norbert Hollister, ông chủ nhà nghỉ mặt chuột, đã nói đúng về kho hàng ở DuPray; họ luôn thiếu nhân viên và lúc nào cũng tuyển người. Tim đoán là ở những nơi mà công việc lao động chân tay được trả công chỉ ở mức tối thiểu theo quy định của pháp luật (ở Nam Carolina, con số đó là bảy đô la và hai mươi lăm cent cho một giờ), thì chuyện nhân sự nghỉ việc thường xuyên là rất đỗi bình thường. Anh đến gặp quản đốc Val Jarrett, người sẵn sàng nhận anh vào làm ba tiếng mỗi ngày, bắt đầu từ tám giờ sáng. Như vậy, Tim có thời gian để dọn dẹp và ăn sáng sau khi kết thúc ca trực đêm. Thế là ngoài công việc gác đêm, một lần nữa anh nhận thấy mình lại bốc và dỡ.
Thế giới này vận hành theo cách đó, anh tự nhủ. Thế giới này vận hành như vậy đấy. Nhưng chỉ trong lúc này thôi.
11
Thời gian ở thị trấn nhỏ phía nam dần trôi qua, Tim Jamieson cuốn vào một cuộc sống êm đềm. Anh không có ý định ở lại DuPray nốt quãng đời còn lại, nhưng anh dự kiến mình vẫn sẽ ở lại đây vào lễ Giáng sinh (có lẽ sẽ dựng lên một cây thông giả nhỏ xíu trong căn phòng cũng nhỏ xíu nằm-trên-nóc-gara này của anh), hay thậm chí vẫn ở đây đến tận mùa hè năm sau. Đây không phải một nơi có nhiều hoạt động giải trí, và anh hiểu tại sao những đứa trẻ gần như điên cuồng muốn thoát khỏi sự nhàm chán đơn điệu này, nhưng Tim lại đang tự tận hưởng. Anh chắc rằng cảm giác đó sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng tới giờ thì mọi thứ vẫn ổn.
Sáu giờ tối; anh ăn tối ở nhà hàng Bev’s, lúc thì ăn một mình, đôi lúc sẽ dùng bữa cùng với một phó cảnh sát nào đó; bảy giờ đồng hồ tiếp theo là dành cho công việc gác đêm; lại ăn sáng tại Bev’s; chạy xe nâng hàng ở kho hàng DuPray cho tới mười một giờ trưa; bữa trưa là một chiếc bánh sandwich và một lon Coke hoặc trà ngọt dưới bóng râm của khu ga tập kết tàu; trở về nhà bà Burkett; và ngủ tới sáu giờ. Vào ngày nghỉ, thỉnh thoảng anh ngủ liền một mạch mười hai tiếng. Anh đọc vài cuốn truyện kinh dị của John Grisham và đọc hết tiểu thuyết Khúc ca của Lửa và Băng. Anh rất hâm mộ Tyrion Lannister. Tim biết có một chương trình truyền hình dựa trên sách của Martin, nhưng chẳng cần thiết phải xem nó, bởi trí tưởng tượng của anh là đủ để vẽ ra mọi con rồng mà anh muốn.
Dưới cương vị một cảnh sát, anh đã quen thuộc với cuộc sống buổi đêm của Sarasota, khác hoàn toàn với buổi ban ngày rực nắng ở chính cái thị trấn nghỉ dưỡng đó, như thể bác sĩ Jekyll[15] biến thành ông Hyde vậy. Đêm Sarasota gớm ghiếc và đôi lúc nguy hiểm, và mặc dù anh chưa bao giờ thích dùng những tiếng lóng phản cảm của cảnh sát dành cho những tay nghiện ngập và gái mại dâm bị lạm dụng - NHI, No Human Involved[16]- nhưng mười năm làm việc trong lực lượng cảnh sát đã khiến anh trở nên thô lỗ và tiêu cực. Thỉnh thoảng, anh mang cả những cảm xúc đó về nhà (thực tế là thường xuyên, anh tự nhủ thế khi sẵn lòng trung thực với bản thân), và mớ cảm xúc ấy trở thành thứ axit độc hại đã ăn mòn cuộc hôn nhân của anh. Anh cho rằng những cảm xúc đó cũng là một trong những lý do khiến anh không nghĩ đến chuyện có con. Có quá nhiều thứ tồi tệ ở ngoài kia. Quá nhiều chuyện xấu xảy ra không thể lường trước. Một con cá sấu trên sân golf cũng chỉ là chuyện không đáng kể.
Khi anh nhận công việc gác đêm, anh không tin rằng thị trấn bốn mươi bốn ngàn dân (mà phần lớn là những người dân vùng nông thôn xa xôi) lại có cuộc sống về đêm, nhưng DuPray vẫn có và Tim phát hiện ra anh thích nó. Những người anh gặp trong đêm thực sự là điều thú vị nhất của công việc này.
Đó là bà Goolsby, người thường vẫy tay và lặng lẽ chào anh gần như mỗi đêm khi anh bắt đầu đi tuần lượt đầu tiên. Bà ngồi trên chiếc ghế bập bênh ở hiên nhà mình, đung đưa tới lui một cách chậm rãi, khẽ nhấp nước từ một cái chén có thể đang đựng rượu whiskey, soda hay trà hoa cúc. Thỉnh thoảng bà ấy vẫn ngồi ở đó trong lượt đi tuần trở lại lần thứ hai của anh. Đó là Frank Potter, một trong những phó cảnh sát, người thỉnh thoảng ăn tối cùng anh ở Bev’s, và nói với anh rằng chồng bà Goolsby đã mất hồi năm ngoái. Giàn khoan lớn
nơi ông Wendell Goolsby đứng đã trượt xuống một bên đường cao tốc Wisconsin trong một cơn bão tuyết.
“Bà ấy vẫn chưa đến năm mươi tuổi đâu, nhưng ông Wen và bà Addie đã kết hôn từ rất rất lâu rồi”, Frank nói. “Họ đã kết hôn từ khi cả hai còn chưa đủ tuổi để đi bầu cử hay có thể mua rượu hợp pháp. Giống như trong bài hát của Chuck Berry, bài hát về đám cưới tuổi vị thành niên ấy. Kiểu hôn nhân này thường không bền, nhưng với họ thì khác.”
Tim cũng quen Annie Mồ Côi, một phụ nữ vô gia cư nhiều đêm ngủ trên một chiếc đệm hơi cũ trong con hẻm nhỏ nằm giữa đồn cảnh sát và cửa hàng kinh doanh DuPray. Bà ấy cũng có một cái lều nhỏ ở cánh đồng sau khu ga tàu và bà ấy ngủ ở đó mỗi khi trời mưa.
“Annie Ledoux là tên thật của bà ấy”, Bill Wicklow nói khi Tim hỏi. Bill là người lớn tuổi nhất trong các phó cảnh sát ở DuPray, người làm việc bán thời gian mà dường như biết tất cả mọi người ở thị trấn. “Bà ấy ngủ trong con hẻm đó suốt nhiều năm. Thích nó hơn là lều.”
“Bà ấy làm gì khi trời trở lạnh?” Tim hỏi.
“Đến Yemassee. Chủ yếu Ronnie Gibson là người đón bà ấy. Họ có quan hệ gì đó với nhau, chắc là họ hàng xa. Tại đấy có một nơi trú ngụ dành cho những người vô gia cư. Annie nói bà ấy sẽ không ở đó trừ khi bà buộc phải tới, vì ở đó toàn kẻ điên. Tôi bảo với bà ấy rằng, nói người phải ngẫm đến ta.”
Tim tới thăm con hẻm ẩn dật của Annie một lần mỗi đêm, và đã tìm đến chỗ lều của bà ấy vào một ngày nọ, sau ca làm ở kho hàng, đơn giản là vì anh tò mò. Phía trước căn lều là ba lá cờ treo trên ba cọc tre được cắm xuống đất: một lá cờ hình ngôi sao và kẻ sọc, một lá cờ có hình ngôi sao và những vạch ngang, còn lá cờ kia thì Tim không nhận ra.
“Đấy là cờ cửa nước Guiana”, Annie trả lời khi anh hỏi. “Tôi tìm thấy nó trong thùng rác sau nhà Zoney đấy. Đẹp nhỉ?” Bà ta ngồi trong một chiếc ghế ngả được bọc nhựa trong suốt và đang đan một chiếc khăn len đủ dài cho một trong những gã khổng lồ của George R. R. Martin. Bà khá thân thiện, không có dấu hiệu gì của “hội chứng hoang tưởng vô gia cư” mà một đồng nghiệp ở Sarasota của Tim đã gọi, nhưng bà lại thích nghe chương trình phát thanh đêm khuya trên kênh WMDK, và những cuộc nói chuyện của bà ta đôi khi lạc đề sang những chuyện về đĩa bay, tráo đổi linh hồn và quỷ ám.
Một đêm, khi anh tìm thấy bà ta đang ngả lưng trên chiếc đệm hơi của mình trong hẻm, lắng nghe một chiếc radio nhỏ, anh hỏi bà tại sao lại ở đó trong khi đã có một chiếc lều trông khá ổn. Annie Mồ Côi - có lẽ sáu mươi, hoặc có lẽ tám mươi tuổi - nhìn vào anh như thể anh bị điên. “Ở đây tôi được gần cảnh sát. Cậu biết có gì ở sau cái khu ga tàu và những kho hàng kia không, cậu J?”
“Rừng cây, tôi đoán là vậy.”
“Rừng và đầm lầy ngập nước. Hàng dặm dài bùn bẩn, rác rưởi và những cái hố bẫy chết người kéo dài tới tận Georgia. Có những sinh vật ở ngoài kia, và cả những kẻ xấu xa nữa. Khi trời mưa, tôi phải trốn trong lều và tự nhủ rằng chẳng thứ gì có thể ra ngoài trong lúc trời mưa bão, nhưng tôi vẫn không thể ngủ ngon được. Tôi có một con dao và giữ chặt nó trong tay, nhưng tôi nghĩ nó chẳng giúp ích gì nhiều nếu phải chống lại những con chuột chù đầm lầy.”
Annie gầy đến mức hốc hác và Tim mang cho bà những phần ăn nhỏ từ Bev’s trước khi bắt đầu ca làm công việc bốc dỡ ở khu nhà kho. Thỉnh thoảng là túi lạc luộc hay thịt chiên của Mac, thỉnh thoảng là một chiếc bánh nướng hay bánh tart anh đào. Một lần, anh đưa lọ
dưa chua và bà ta chộp ngay lấy, ôm chặt nó trong bộ ngực gầy trơ xương của mình, cất tiếng cười sảng khoái.
“Dưa chua Wicky! Tôi đã không được ăn Wicky từ rất lâu rồi! Tại sao cậu tốt với tôi vậy, cậu J?”
“Tôi chẳng biết”, Tim nói. “Chắc vì tôi cũng như bà, Annie. Tôi có thể thử một miếng chứ?”
Bà ta giơ cái lọ ra. “Chắc chắn rồi. Dù sao cậu cũng phải mở nó hộ tôi, tay tôi quá đau với chứng viêm khớp.” Bà chìa tay, khoe những ngón tay co quắp tệ hại tới mức trông chúng như những mẩu củi vụn. “Tôi vẫn có thể đan và khâu vá, nhưng chỉ Chúa mới biết tôi còn có thể làm vậy được bao lâu nữa.”
Anh mở lọ dưa, nhăn mặt một chút vì mùi nồng của giấm và lấy ra một miếng dưa chua. Nó nhỏ giọt thứ gì đó mà có lẽ là dung dịch phóc-môn, theo như anh biết.
“Trả lại cho tôi, trả lại cho tôi!”
Anh đưa cho bà chiếc lọ và ăn miếng dưa. “Chúa ơi, Annie, miệng tôi chắc không bao giờ mở ra nổi mất.”
Bà bật cười, khoe vài chiếc răng ít ỏi còn sót lại. “Dưa chua ngon nhất khi ăn cùng với bánh mì và bơ, và thêm một lon cola RC thật lạnh. Hoặc một cốc bia, nhưng giờ tôi không uống nữa.” “Bà đan gì vậy? Có phải một chiếc khăn không?”
“Bí mật.” Annie nói. “Giờ cậu đi đi, cậu J, đi lo công việc của mình đi. Coi chừng những người đàn ông trong chiếc xe màu đen nhé. George Allman trên đài phát thanh luôn nói về họ. Cậu có biết họ đến từ đâu không?” Bà liếc nhìn anh. Có thể bà ấy đang đùa. Hoặc không. Với Annie Mồ Côi thì thật khó mà biết được.
Corbett Denton là một cư dân khác của phần đêm ở DuPray. Ông là thợ cắt tóc, và được dân địa phương gọi với cái tên Drummer, vì hành động vĩ đại nào đó thời niên thiếu mà dường như không ai biết rõ - điều đó đã khiến ông bị đình chỉ học một tháng ở trường cấp ba trong vùng. Ông ta có thể từng phóng đãng trong quãng đời bồng bột và vô ưu của tuổi trẻ, nhưng bây giờ thì khác. Drummer giờ khoảng cuối năm mươi hoặc đầu sáu mươi tuổi, béo phệ, hói đầu và mắc chứng mất ngủ. Mỗi khi mất ngủ, ông ta ngồi trên bậc thềm cửa tiệm cắt tóc và ngắm nhìn đường phố vắng vẻ của DuPray. Vắng vẻ, đúng vậy, chẳng có ai ngoài Tim. Họ đã có những cuộc trò chuyện rôm rả giữa những người mới quen - câu chuyện về thời tiết, bóng chày, hay ngày hội bán hàng hạ giá trên vỉa hè được diễn ra thường niên tại thị trấn này - nhưng một đêm, Denton nói ra một điều khiến Tim cảnh giác.
“Cậu biết đấy, Jamieson, cuộc sống mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang sống lại không hề có thật. Tất cả chỉ là trò chơi múa rối bóng mà thôi, và tôi sẽ rất vui khi những ánh đèn được tắt hết. Trong bóng đêm, tất cả những cái bóng sẽ biến mất.”
Tim ngồi xuống phía dưới đèn biển hiệu xoay tròn của tiệm cắt tóc, nó vẫn xoay trong đêm. Anh tháo kính, lau mắt kính lên áo, rồi đeo lại. “Tôi nói thẳng được chứ?”
Drummer Denton dí điếu thuốc vào máng xối, khiến nó tóe ra những đốm tàn lửa. “Cứ tự nhiên. Từ nửa đêm đến bốn giờ, mọi người nên nói chuyện thẳng thắn. Ít nhất đó là quan điểm của tôi.” “Ông nói như thể một người bị trầm cảm.”
Drummer bật cười. “Cậu đúng là Sherlock Holmes.”
“Ông nên đến gặp bác sĩ Roper. Có những loại thuốc sẽ giúp tâm trạng của ông sáng sủa hơn. Vợ cũ của tôi từng dùng. Mặc dù việc
bỏ tôi có lẽ còn giúp tâm trạng cô ấy khá hơn cả dùng thuốc.” Anh mỉm cười để cho thấy đây chỉ là một câu nói đùa, nhưng Drummer Denton không cười lại, chỉ đứng dậy.
“Tôi biết về những viên thuốc đó, cậu Jamieson. Chúng giống như chất gây nghiện vậy. Có lẽ giống như trạng thái đê mê của bọn trẻ ngày nay khi chúng phê thuốc, hay bất kể bọn nó gọi thế nào. Trạng thái ấy khiến cậu trong chốc lát tin rằng tất cả mọi thứ đó đều là thật. Đấy mới là vấn đề. Nhưng không, nó không có thật.”
“Thôi nào”, Tim nói nhẹ nhàng. “Không đời nào như vậy cả.” “Theo quan điểm của tôi, đó là sự thật duy nhất”, người thợ cắt tóc nói và đi về phía cầu thang dẫn lên căn phòng của ông ở phía trên tiệm cắt tóc. Dáng đi của ông chậm chạp và uể oải. Tim nhìn theo ông đầy lo lắng. Anh lo Drummer Denton là kiểu người có thể quyết định tự sát vào một đêm mưa gió nào đó. Có lẽ mang theo cả con chó của ông, nếu như ông có một con. Giống như một số vị Pharaoh Ai Cập cổ đại. Anh cân nhắc nói chuyện này với cảnh sát trưởng John, nhưng sau đó lại nghĩ đến Wendy Gullickson, người vẫn chưa cởi mở nhiều với anh. Nếu cô ấy hay bất kỳ phó cảnh sát nào nghĩ rằng anh đang vượt quyền, điều đó sẽ thật tệ. Anh không còn làm trong lực lượng hành pháp, chỉ là người gác đêm của thị trấn. Tốt nhất là mặc kệ chuyện này.
Nhưng Drummer Denton luôn khiến anh phải suy nghĩ.
12
Trong lần đi tuần của mình vào một đêm cuối tháng sáu, anh phát hiện ra hai cậu bé đang đi về phía tây, xuống Phố Chính với ba lô trên lưng và hộp cơm trưa trên tay. Chúng có lẽ đi đến trường, nhưng hẳn không phải vào lúc hai giờ sáng như thế này. Hai đứa trẻ đi dạo trong đêm hóa ra là cặp song sinh nhà Bilson. Chúng giận dỗi bố mẹ mình, vì họ từ chối đưa chúng đến Hội chợ Nông nghiệp Dunning do kết quả học tập của chúng quá kém.
“Chúng cháu được nhận gần hết mọi chứng chỉ và không trượt môn nào cả”, Robert Bilson tức giận nói, “và chúng cháu vẫn được lên lớp. Thế thì có gì tệ ạ?”
“Thật không công bằng tí nào”, Roland Bilson phụ họa. “Chúng cháu sẽ là những người có mặt đầu tiên tại hội chợ vào buổi sáng và sẽ tìm việc làm. Chúng cháu nghe nói họ luôn cần những người quanh co.”
Tim nghĩ tới việc sửa phát âm cho các cậu bé, rằng từ đúng phải là roustabout (bốc vác) - chúng lại phát âm thành roundabout (quanh co) - nhưng rồi anh thấy không cần thiết. “Các cháu này, chú ghét phải nói với các cháu rằng điều đó không đúng, nhưng các cháu bao nhiêu tuổi rồi? Mười một phải không?”
“Mười hai tuổi ạ!” Chúng đồng thanh nói.
“Được rồi, mười hai. Hãy nói nhỏ một chút nhé vì mọi người vẫn đang ngủ. Không ai thuê các cháu ở hội chợ đó đâu. Những gì họ sẽ
làm là ném các cháu vào trong lồng với bất kỳ lý do nào họ bịa ra, và nhốt hai đứa ở đó cho đến khi bố mẹ các cháu xuất hiện. Trước khi bố mẹ tới, mọi người sẽ đi qua và trố mắt nhìn các cháu. Một số người có thể còn quăng cả đậu phộng hay bì lợn vào lồng nữa.”
Cặp song sinh Bilson nhìn chòng chọc vào anh với sự hoảng hốt (và có lẽ một chút thở phào nhẹ nhõm).
“Bây giờ, việc các cháu phải làm là...”, Tim nói. “... trở về nhà và chú sẽ đi theo phía sau, chỉ để chắc chắn hai đứa không thay đổi suy nghĩ chung của mình.”
“Suy nghĩ chung là gì ạ?” Robert hỏi.
“Đó là một thứ mà các cặp song sinh thường có, theo quan niệm dân gian là thế. Các cháu ra ngoài bằng cửa chính hay cửa sổ?” “Cửa sổ ạ”, Roland cho biết.
“Được rồi, vậy đó cũng sẽ là cách các cháu quay lại phòng. Nếu may mắn, mọi người sẽ không bao giờ biết các cháu đã ra ngoài.” Robert thắc mắc, “Chú sẽ không nói với ai chứ?”
“Không, trừ khi chú thấy các cháu tìm cách trốn đi lần nữa”, Tim đe dọa. “Khi đó, chú không chỉ nói cho bố mẹ biết điều các cháu đã làm, mà còn nói với họ rằng các cháu đã hỗn xược với chú thế nào khi chú bắt được các cháu.”
Roland sửng sốt: “Chúng cháu sẽ không làm như thế!” “Chú nói dối đấy”, Tim nói. “Chú nói dối rất giỏi.”
Anh đi theo chúng, và quan sát khi Robert Bilson bước tới, đưa đôi tay của mình ra, nâng Roland lên để cậu bé chui vào cánh cửa sổ đang mở. Tim sau đó cũng giúp Robert như vậy. Anh chờ đợi xem liệu có chiếc đèn nào bật sáng, báo hiệu rằng những kẻ bỏ trốn này
đã bị phát hiện, và khi không có gì xảy ra, anh lại tiếp tục vòng đi tuần của mình.
13
Có nhiều người ra ngoài hơn vào đêm thứ sáu và thứ bảy, chí ít là cho tới nửa đêm hoặc một giờ sáng. Chủ yếu là các cặp tình nhân. Sau đó, một cuộc xâm chiếm của những thứ mà cảnh sát trưởng John gọi là tên lửa đường phố có thể sẽ diễn ra, những anh chàng trong những chiếc xe ô tô hoặc xe tải được nâng cấp động cơ, phóng xuống con phố chính vắng vẻ của DuPray với tốc độ sáu mươi hay bảy mươi dặm trên giờ, đua sát nhau và khiến mọi người giật mình thức giấc bởi âm thanh chát chúa của các ống bô xe. Đôi khi, một phó cảnh sát hoặc một cảnh sát bang sẽ chặn lại một trong số chúng và lập biên bản (hoặc tống giam nếu hắn thổi độ cồn tới mức chín), nhưng dù vào những khi có bốn sĩ quan DuPray làm nhiệm vụ trong các đêm cuối tuần thì các vụ bắt giữ cũng tương đối hiếm. Chúng chủ yếu đều chạy thoát.
Tim đến tìm Annie Mồ Côi. Anh thấy bà đang ngồi bên ngoài lều, đan một đôi dép. Dù bị viêm khớp hay không, các ngón tay của bà cử động thoăn thoắt, nhanh như chớp. Anh hỏi bà ta liệu có muốn kiếm hai mươi đô la không. Annie đáp rằng một ít tiền thì luôn hữu dụng, nhưng còn tùy thuộc xem công việc đó là gì. Anh nói với bà, và bà lẩm bẩm.
“Tôi rất sẵn lòng làm việc đó, cậu J. Nếu cậu mang cho tôi hai lọ dưa muối, vậy là được.”
Annie, với phương châm dường như là “đã làm thì làm cho trót”, đã giúp anh đan một băng-rôn dài chín mét và rộng hai mét. Tim gắn nó vào một ống thép do anh tự chế, bằng cách hàn các đoạn ống trong cửa hàng Dịch vụ và Bán hàng Động cơ nhỏ Fromie. Sau khi giải thích với cảnh sát trưởng John những gì anh định làm và được cho phép thử nghiệm nó, Tim và Tag Faraday đã treo ống thép này trên một sợi dây cáp phía trên ngã ba đường của Phố Chính, đầu bên này của sợi cáp được bắt chặt với mặt tiền của quầy thuốc Oberg còn đầu dây bên kia gắn trên rạp chiếu phim đã đóng cửa.
Vào đêm thứ sáu và thứ bảy, vào khoảng thời gian các quán bar đóng cửa, Tim giật mạnh sợi dây và chiếc băng-rôn rủ xuống như một tấm rèm cửa sổ. Ở phía bên kia đường, Annie lôi ra một chiếc máy ảnh lỗi thời. Thông điệp trên băng rôn ghi là: HÃY GIẢM TỐC ĐỘ, NHỮNG KẺ NGU NGỐC KIA! CHÚNG TÔI ĐÃ CHỤP LẠI BIỂN SỐ XE!
Tất nhiên họ không làm vậy (mặc dù Tim đã ghi lại số xe khi anh có thời gian), nhưng băng-rôn của Annie thực sự có vẻ hiệu quả. Dù nó không hoàn hảo, nhưng trong cuộc sống làm gì có chuyện hoàn hảo cơ chứ?
Vào đầu tháng bảy, cảnh sát trưởng John gọi Tim vào văn phòng của ông. Tim hỏi ông ta liệu có phải anh gặp rắc rối gì không. “Ngược lại”, cảnh sát trưởng John vui vẻ đáp. “Anh làm rất tốt. Tôi đã cho rằng cái ý tưởng băng-rôn đó có vẻ điên khùng, nhưng phải thừa nhận rằng tôi đã sai còn anh thì đúng. Mặc dù, thứ làm phiền tôi không phải là những cuộc đua xe đêm, mà chính là những người dân cứ phàn nàn rằng chúng tôi quá lười để ngăn chặn đua xe. Cũng chính những người này, nhắc nhở anh, là những người bỏ phiếu để tăng lương cảnh sát hằng năm đấy. Nhưng điều tôi phiền muộn nhất
là mớ hỗn độn chúng ta phải dọn dẹp, khi một trong những tay đua đó đâm đầu vào cây hoặc bốt điện thoại. Thật tệ khi có người chết, nhưng những người không còn giống như trước sau một đêm hò reo ngu xuẩn... đôi khi tôi nghĩ họ còn ở trong cảnh tệ hại hơn. Nhưng tháng sáu năm nay rất ổn. Hơn cả ổn. Có lẽ đây chỉ là một ngoại lệ so với quy luật chung, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ chính là nhờ cái băng-rôn. Anh hãy nói với bà Annie rằng bà ấy có lẽ đã cứu vài mạng sống nhờ cái băng-rôn đó, và bà ấy có thể ngủ lại trong một phòng giam phía đằng sau vào bất kỳ đêm nào bà ấy muốn, mỗi khi trời lạnh.”
“Tôi sẽ nói cho bà ấy”, Tim nói, “Miễn là ông trữ những lọ dưa muối, bà ấy sẽ thường xuyên ở đó.”
Cảnh sát trưởng John ngả người ra sau. Tiếng ghế phát ra âm thanh thảm thiết hơn bao giờ hết. “Khi tôi nói anh có thừa tiêu chuẩn để làm công việc gác đêm, tôi không ngờ anh lại tuyệt đến vậy. Chúng tôi sẽ rất nhớ anh khi anh chuyển đến New York.”
“Tôi không vội đâu”, Tim nói.
14
Cơ sở kinh doanh duy nhất trong thị trấn mở cửa hai mươi bốn giờ trong ngày là cửa hàng tiện ích Go-Mart của Zoney bên cạnh khu nhà kho. Ngoài bia, soda và khoai tây chiên, Zoney còn bán một loại xăng không có nhãn hiệu tên là Zoney Juice. Hai anh em người Somalia đẹp trai, Absimil và Gutaale Dobira, thay phiên nhau làm ca đêm từ nửa đêm đến tám giờ. Vào một đêm nóng bức giữa tháng bảy, khi Tim đang đánh dấu bằng phấn và đi tuần về phía tây đằng cuối Phố Chính, anh nghe thấy một tiếng động vang lên từ khu vực quanh cửa hàng Zoney. Âm thanh không to, nhưng Tim biết chắc đó là tiếng súng ngay khi nghe thấy. Theo sau đó là một tiếng hét vừa đau đớn vừa giận dữ, và tiếng kính vỡ.
Tim lao nhanh đến, chiếc đồng hồ đập nảy vào đùi anh, tay anh tự động sờ vào bên hông, tìm kiếm khẩu súng không còn nằm ở đó nữa. Anh nhìn thấy một chiếc ô tô đậu bên cây xăng, và khi anh đến gần cửa hàng tiện ích, hai gã thanh niên bước ra từ bên trong, một kẻ cầm thứ gì đó có lẽ là tiền mặt. Tim quỳ một chân xuống, quan sát khi chúng bước vào xe và tiếng động cơ gầm lên, lốp xe bốc ra những làn khói xanh từ mặt đường nhựa dính đầy dầu mỡ.
Anh rút bộ đàm ra khỏi thắt lưng. “Sở cảnh sát, Tim đây. Có ai ở đó không, trả lời tôi đi.”
Wendy Gullickson ở đầu bên kia, nghe có vẻ buồn ngủ và khó chịu. “Có chuyện gì thế, Tim?”
“Có một vụ 2-11 tại cửa hàng của Zoney. Đã có nổ súng.” Thông tin khiến cô tỉnh hẳn ngủ. “Chúa ơi, một vụ cướp sao? Tôi sẽ đến ngay...”
“Khoan đã, hãy nghe tôi đây. Có hai hung phạm, nam, da trắng, tầm tuổi thiếu niên hoặc hai mươi. Chiếc xe loại nhỏ gọn. Có thể là một chiếc Chevy Cruze, không thể nhận ra màu xe dưới ánh đèn huỳnh quang của trạm xăng, nhưng kiểu đời mới, biển xe Bắc Carolina, bắt đầu với WTB-9, tôi không nhìn thấy ba chữ số cuối. Hãy thông báo điều này cho bất cứ ai trong đội tuần tra và cảnh sát bang trước khi cô làm điều gì khác!”
“Sao...”
Anh tắt máy, cất bộ đàm và chạy hết tốc lực vào cửa hàng Zoney. Mặt kính phía trước của quầy tính tiền bị vỡ và ngăn kéo tiền mở tung. Một trong hai anh em Dobira nằm nghiêng trong vũng máu đang lan rộng. Anh ta thở hổn hển, mỗi lần hít vào đều như rít lên. Tim quỳ xuống bên cạnh. “Anh phải quay lưng lại, anh Dobira.”
“Làm ơn đừng... đau...”
Tim biết chắc là anh ta đang đau, nhưng anh cần xem xét vết thương. Viên đạn đã bắn trúng phía bên phải chiếc áo khoác đồng phục Zoney màu xanh lam của Dobira, khiến chiếc áo giờ đây biến thành một màu tím thẫm bởi thấm đầy máu. Ngày càng nhiều máu tràn ra từ miệng, làm ướt đẫm bộ râu của anh ta. Khi anh ta ho, những giọt máu bắn lên mặt và kính của Tim.
Tim chộp lấy bộ đàm của mình một lần nữa và cảm thấy nhẹ nhõm khi Gullickson vẫn còn ở đó. “Tôi cần một chiếc xe cứu thương, Wendy. Nhanh nhất có thể từ Dunning. Một trong hai anh
em Dobira bị trúng đạn, trông như viên đạn đã găm vào phổi của anh ta.”
Cô ấy xác nhận, rồi lại định bắt đầu đặt câu hỏi. Nhưng Tim đã ngắt bộ đàm lần nữa, đặt nó xuống sàn và cởi chiếc áo phông anh đang mặc. Anh ấn nó vào cái lỗ trên ngực Dobira. “Anh có thể giữ nó trong vài giây được không, anh Dobira?”
“Tôi... khó... thở.”
“Tôi biết. Giữ chặt lấy nó. Nó sẽ giúp đỡ đau hơn.”
Dobira ấn chiếc áo bị vo tròn lên trên ngực. Tim không nghĩ rằng anh ta có thể giữ nó được lâu, và anh không thể mong đợi sẽ có một chiếc xe cứu thương tới trong ít nhất hai mươi phút nữa. Đó sẽ là một phép lạ.
Cửa hàng tiện ích Gas-&-go chất đầy đồ ăn nhẹ nhưng có rất ít đồ sơ cứu. Tuy nhiên có Vaseline. Tim chộp lấy một hũ và tại lối đi tiếp theo, lấy ra một bịch tã Huggies. Anh xé nó ra khi chạy lại chỗ người đàn ông đang nằm trên sàn nhà. Anh bỏ chiếc áo sang một bên, giờ đã ướt đẫm máu, nhẹ nhàng kéo chiếc áo khoác màu xanh cũng ướt sũng không kém, và bắt đầu cởi nút chiếc áo mà Dobira đang mặc bên dưới.
“Đừng, đừng, đừng”, Dobira rên rỉ. “Đau lắm, anh đừng chạm vào, làm ơn.”
“Điều này là bắt buộc.” Tim nghe thấy tiếng động cơ xe đang đến gần. Ánh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát bắt đầu phát sáng và nhảy múa trên những mảnh kính vỡ. Anh không nhìn lại. “Cố gắng lên, anh Dobira.”
Anh quệt một mảng Vaseline ra khỏi lọ và bôi nó vào vết thương. Dobira kêu lên đau đớn, rồi trợn tròn mắt nhìn Tim. “Tôi có thể thở...
khá hơn một chút rồi.”
“Nó chỉ giúp anh cầm máu tạm thời, nhưng nếu anh cảm thấy thở dễ dàng hơn, có lẽ phổi của anh không bị thương nặng.” Ít nhất không phải bị thương toàn bộ phổi, Tim thầm nghĩ.
Cảnh sát trưởng John bước vào và quỳ một gối xuống cạnh Tim. Ông đang mặc một cái áo ngủ rộng thùng thình như cánh buồm phủ qua chiếc quần đồng phục, và tóc ông ta rối bù.
“Ngài đến nhanh đấy”, Tim nói.
“Tôi đang thức. Tôi không ngủ được, nên đang tự làm một chiếc bánh sandwich khi Wendy gọi tới. Anh là Guataale hay Absimil?” “Absimil, thưa ông.” Người đàn ông bị đạn bắn vẫn còn khò khè, nhưng giọng nói đã rõ hơn. Tim lấy ra một chiếc tã dùng một lần, vẫn vo lại và ấn nó vào vết thương. “Ôi, đau quá!”
“Đạn đã bắn xuyên qua hay vẫn kẹt bên trong?”, cảnh sát trưởng hỏi.
“Tôi không rõ, tôi cũng không muốn lật người anh ấy lại để tìm hiểu. Anh ấy đã tương đối ổn định, vì vậy chúng ta chỉ phải chờ xe cứu thương.”
Bộ đàm của Tim kêu lên. Cảnh sát trưởng John nhặt nó lên một cách cẩn thận từ trong đống kính vỡ. Đó là Wendy.
“Tim? Bill Wicklow đã phát hiện ra hai kẻ đó ở trên đường Deep Meadow và đã nổ súng.”
“Cảnh sát trưởng John đây, Wendy. Hãy nói với Bill phải thận trọng. Chúng có vũ khí đấy.”
“Chúng đã bị hạ, một cách đáng đời.” Có lẽ lúc trước cô ấy còn buồn ngủ, nhưng bây giờ thì Wendy hoàn toàn tỉnh táo và nghe giọng có vẻ thỏa mãn. “Bọn chúng cố gắng bỏ chạy và lao xe xuống
mương nước. Một tên bị gãy tay, tên khác bị còng tay trên cản trước[17] xe ô tô của Bill. Cảnh sát bang đang trên đường đến. Hãy báo với Tim rằng anh ấy đã đúng khi nói đó một chiếc Cruze. Còn Dobira sao rồi?”
“Anh ta sẽ ổn thôi”, cảnh sát trưởng John đáp. Tim không dám chắc về điều đó, nhưng anh hiểu rằng cảnh sát trưởng đang nói điều này với người bị thương hơn là với phó cảnh sát Gullickson.
“Tôi đã đưa cho chúng tiền trong ngăn kéo”, Dobira nói. “Chúng bắt tôi phải làm vậy.” Dù thế, anh ta nghe có vẻ xấu hổ. Vô cùng xấu hổ.
“Đó là hành động đúng”, Tim an ủi.
“Thế nhưng tên có súng vẫn bắn tôi. Sau đó, tên kia đã đập phá quầy. Để lấy...” Thêm nhiều tiếng ho hơn.
“Anh không cần phải nói nữa”, cảnh sát trưởng John nói. “Để lấy những tờ vé số”, Absimil Dobira tiếp tục. “Loại vé số cào. Chúng tôi phải lấy lại. Chừng nào chưa được mua, đó là tài sản của...”, anh ấy ho khan, “của bang Nam Carolina.”
Cảnh sát trưởng John nói, “Yên nào, anh Dobira. Đừng lo lắng về những vé cào chết tiệt đó và hãy tiết kiệm sức lực của mình.” Dobira nhắm mắt lại.
15
Ngày hôm sau, trong khi Tim đang ăn trưa bên hiên của khu ga chứa tàu, cảnh sát trưởng John lái xe đến. Ông bước tới và nhìn vào phần ghế ngồi chùng xuống của chiếc ghế trống còn lại. “Anh nghĩ rằng thứ đó có trụ nổi khi tôi ngồi lên không?”
“Chỉ có một cách để biết được thôi”, Tim nói.
Cảnh sát trưởng John ngồi xuống một cách thận trọng. “Bệnh viện nói Dobira sẽ ổn. Người anh trai Gutaale đang ở cùng với anh ấy, và anh ta nói rằng đã nhìn thấy hai tên khốn đó trước đây. Một vài lần.”
“Chúng đã theo dõi từ trước”, Tim nhận xét.
“Đúng vậy. Tôi đã cử Tag Faraday qua đó để ghi lời khai của cả hai anh em họ. Tag là người tốt nhất mà tôi có, mà tôi có lẽ cũng không cần phải nói với anh.”
“Gibson và Burkett cũng không tồi.”
Cảnh sát trưởng John thở dài. “Đúng vậy, nhưng không ai trong số họ sẽ có động thái nhanh và dứt khoát như anh đã làm tối qua. Và Wendy đáng thương có lẽ chỉ đứng đó trố mắt nhìn, đấy là nếu như cô ấy không bất tỉnh theo.”
“Cô ấy là một người làm giấy tờ rất tốt”, Tim nói. “Hoàn hảo cho công việc này. Ý kiến của tôi thôi, ngài biết đấy.”
“Ừm, hừm, ừm, hừm, và là một văn thư xuất sắc - cô ấy đã sắp xếp lại tất cả hồ sơ của chúng tôi hồi năm ngoái, cộng với mọi thứ trên thẻ nhớ - nhưng ngoài thực địa, cô ấy hầu như vô dụng. Dù vậy, cô ấy rất thích được ở trong đội. Anh có muốn gia nhập đội không Tim?”
“Tôi không nghĩ là ngài đủ khả năng để trả lương cho thêm một cảnh sát nữa. Chẳng lẽ tất cả đều được tăng lương cùng lúc rồi?” “Tôi không dám mơ như vậy. Nhưng Bill Wicklow sẽ trả lại phù hiệu của mình vào cuối năm nay. Tôi nghĩ có lẽ anh và ông ấy có thể đổi công việc cho nhau. Ông ấy sẽ gác đêm, còn anh mặc đồng phục và lại mang súng. Tôi đã hỏi Bill. Ông ấy nói công việc gác đêm có lẽ sẽ phù hợp với ông ấy, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn.” “Tôi có thể suy nghĩ thêm về việc này không?”
“Tại sao lại không chứ?”, cảnh sát trưởng John đứng lên. “Từ nay đến cuối năm vẫn còn tới năm tháng kia mà. Nhưng chúng tôi sẽ rất vui khi có anh gia nhập, Tim ạ.”
“Trong đó có cả phó cảnh sát Gullickson chứ?”
Cảnh sát trưởng John cười nhăn nhở. “Wendy rất khó để chinh phục, nhưng anh đã có thêm cơ hội sau vụ việc đêm qua.” “Thật sao? Và nếu tôi mời cô ấy đi ăn tối, ngài nghĩ cô ấy sẽ nói gì?”
“Tôi nghĩ cô ấy sẽ đồng ý, miễn anh không định đưa cô ấy tới nhà hàng Bev. Một cô gái xinh đẹp như thế sẽ mong được đến nhà hàng Roundup ở Dunning, chí ít là vậy. Có lẽ cả nhà hàng Mexico ở dưới Hardeeville.”
“Cảm ơn ngài đã gợi ý.”
“Không có gì. Anh hãy nghĩ về công việc đó nhé.”
“Chắc chắn rồi.”
Anh đã suy nghĩ. Và vẫn đang suy nghĩ về nó khi những chuyện kinh hoàng xảy ra vào một đêm nóng nực cuối mùa hè năm đó.
CẬU BÉ THÔNG MINH
C
1
ùng năm đó, vào một buổi sáng tháng tư đẹp trời ở Minneapolis - còn nhiều tháng nữa Tim Jamieson mới tới DuPray - Herbert và Eileen Ellis được dẫn vào văn phòng của Jim Greer, một trong ba vị cố vấn học tập của Trường Dành Cho Trẻ Đặc Biệt Broderick.
“Luke không gây ra rắc rối gì chứ?” Eileen hỏi ngay khi họ vừa ngồi xuống ghế. “Nếu có, con trai tôi cũng chẳng hé răng nói bất cứ điều gì.”
“Hoàn toàn không”, Greer trả lời. Anh ta ở độ tuổi ba mươi, mái tóc mỏng màu nâu hạt dẻ cùng một khuôn mặt trí thức. Anh mặc một chiếc áo thể thao để mở cổ cùng chiếc quần bò ống côn. “Được rồi, các vị biết rằng nơi này vận hành như thế nào, đúng không? Mọi thứ phải hoạt động như thế nào, với những học sinh đặc biệt về mặt tinh thần của chúng tôi. Các em được phân hạng, nhưng thực tế sẽ không được xếp ở trong lớp nào cả. Không thể. Vì chúng tôi có những em học sinh mười tuổi mắc chứng tự kỷ nhẹ có thể giải những bài toán của cấp ba nhưng khả năng đọc lại chỉ ở trình độ lớp ba. Cũng có những em thông thạo đến bốn ngôn ngữ nhưng lại gặp khó khăn khi nhân phân số. Chúng tôi dạy tất cả các môn học, và cũng chịu trách nhiệm chăm sóc đời sống cho chín mươi phần trăm số học sinh - chúng tôi buộc phải làm vậy, các em đến từ mọi nơi trên nước Mỹ và hàng chục, thậm chí nhiều hơn, các em đến từ nước ngoài - nhưng chúng tôi tập trung vào tài năng đặc biệt của các em,
dù đó có là gì chăng nữa. Vì thế nên hệ thống giáo dục truyền thống, nơi những đứa trẻ học từ mẫu giáo đến lớp mười hai, khá vô dụng đối với chúng tôi.”
“Chúng tôi hiểu”, Herb nói, “và chúng tôi biết Luke là một cậu bé thông minh. Đó là lý do tại sao cháu nó lại ở đây.” Những gì anh ấy không nói ra (mà Greer chắc chắn biết) là vợ chồng anh chẳng bao giờ có khả năng chi trả cho các khoản phí thiên văn học của trường. Herb là quản đốc ở một nhà máy bao bì, còn Eileen là giáo viên trường công lập. Luke là một trong những học sinh mới nhập học trường Brod được vài ngày và là một trong số ít học sinh được nhận học bổng.
“Thông minh ư? Không hẳn đâu.”
Greer nhìn xuống tập tài liệu đã mở sẵn trên chiếc bàn còn mới tinh của mình, và Eileen bỗng chợt có linh cảm: hoặc họ sẽ phải đưa con trai về, hoặc học bổng của cậu bé sẽ bị hủy bỏ - điều này càng khiến việc họ đưa Luke về nhà trở nên cần thiết hơn. Học phí hằng năm ở Brod là bốn mươi ngàn đô la, hoặc hơn một chút, gần tương đương với Harvard. Greer hẳn sẽ nói cho họ biết là họ đã nhầm, rằng Luke không thông minh như họ tưởng. Cậu bé chỉ là một đứa trẻ bình thường có khả năng đọc vượt xa lứa tuổi của mình và dường như nhớ được mọi điều. Eileen từng đọc được trong sách rằng trí nhớ thấu niệm[18] không phải chuyện hiếm ở những đứa trẻ, đâu đó khoảng mười đến mười lăm phần trăm số trẻ bình thường sở hữu khả năng ghi nhớ hầu như mọi thứ. Vấn đề là khả năng này thường biến mất khi bọn trẻ đến tuổi thanh thiếu niên, và Luke đã gần tới thời điểm đó.
Greer mỉm cười. “Anh chị cho phép tôi được nói thẳng. Chúng tôi rất tự hào về việc dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt, nhưng chúng tôi
chưa từng có bất kỳ một học sinh nào ở Broderick giống như Luke. Giáo sư Flint đã nói như vậy về cậu bé. Ông là một trong những vị giáo viên kỳ cựu của chúng tôi - bây giờ đang ở độ tuổi tám mươi - nhận trách nhiệm giảng dạy cho Luke về lịch sử của Balkan[19], một môn học phức tạp, nhưng là một chủ đề giúp khai sáng cho tình hình địa chính trị hiện tại. Sau tuần đầu tiên, ông ấy đến gặp tôi và nói rằng trải nghiệm dạy học cho con trai anh chị y như trải nghiệm của những tông đồ, khi Chúa Jesus không chỉ truyền giáo mà còn khiển trách họ, nói rằng những thứ ăn vào miệng không khiến họ trở nên ô uế, mà những gì phát ra từ miệng mới là thứ ô uế.”
“Tôi chẳng hiểu gì cả.”
“Giáo sư Billy Flint cũng thế. Ý tôi là vậy.”
Greer nhoài người lên phía trước.
“Bây giờ anh chị hãy nghe tôi nói nhé. Luke đã hoàn thành xong hai học phần sau đại học cực kỳ khó khăn chỉ trong vòng một tuần, và rút ra nhiều kết luận mà giáo sư Flint dự định công bố sau này, một khi nền tảng lịch sử đúng đắn được thiết lập. Một trong số các kết luận mà Luke đã tranh luận, mà rất thuyết phục, là họ ‘thà rằng ra vẻ thông thái còn hơn là suy nghĩ tầm thường’. Mặc dù, giáo sư Flint nói thêm, cậu bé đã đưa ra quan điểm một cách rất lịch sự. Rất khiêm nhường.”
“Tôi không biết phải trả lời thầy như thế nào”, Herb nói. “Luke không nói gì nhiều với chúng tôi về những việc diễn ra ở trường, bởi vì cháu nói rằng chúng tôi sẽ chẳng hiểu.”
“Khá đúng đấy”, Eileen đồng ý. “Tôi từng biết chút gì đó về định lý nhị thức, nhưng khá lâu trước đây rồi.”
Herb kể thêm, “Khi Luke trở về nhà, nó giống như bao đứa trẻ khác. Sau khi làm xong bài tập và việc vặt trong nhà, cháu nó chơi Xbox hoặc tập bóng rổ ở trước nhà với đứa bạn Rolf. Cháu nó vẫn xem phim hoạt hình Chú bọt biển tinh nghịch.” Anh ta ngẫm ngợi, rồi kể thêm. “Mặc dù thường là với một cuốn sách được mở ra và đặt trên đùi.”
Đúng vậy, Eileen nhớ lại. Gần đây là cuốn Nguyên tắc Xã hội học. Trước đó là sách của William James. Trước đó nữa là Cuốn sách Lớn AA[20] và trước cả đó nữa là các tác phẩm hoàn chỉnh của Cormac McCarthy. Cậu bé đọc về cách chăn thả đàn bò tự do, di chuyển tới bất cứ nơi nào có cỏ xanh nhất. Chồng cô đã chọn cách phớt lờ, vì sự kỳ lạ này khiến anh ấy sợ hãi. Cô cũng sợ, có lẽ đó là lý do khiến cô không biết gì về những lý giải của Luke về lịch sử Balkan. Cậu bé không nói gì với cô vì cô cũng chưa từng hỏi.
“Chúng tôi có những thần đồng ở đây”, Greer nói. “Trên thực tế, tôi đánh giá khoảng hơn năm mươi phần trăm học sinh ở Brod được xem là thần đồng. Nhưng chúng có những hạn chế. Còn Luke thì khác, bởi vì Luke toàn diện. Không phải một thứ, mà là về mọi mặt. Tôi không nghĩ là cậu bé sẽ chơi bóng chày hay bóng rổ chuyên nghiệp —”
“Nếu con tôi giống gen của gia đình, cháu nó sẽ quá thấp để chơi bóng rổ chuyên nghiệp.” Herb mỉm cười. “Trừ phi cháu nó là Spud Webb[21] kế tiếp.”
“Anh thôi đi”, Eileen ngắt lời Herb.
“Nhưng cậu bé sẽ chơi với lòng nhiệt huyết”, Greer tiếp tục. “Cậu bé thích bóng rổ, không cho rằng đây là một việc phí phạm thời gian. Cậu ấy không phải một kẻ ngớ ngẩn, vụng về khi di chuyển trên sân mà phối hợp với đồng đội rất nhịp nhàng. Cậu bé không hề hướng
nội hay rối loạn cảm xúc theo bất kỳ kiểu nào. Luke là một thiếu niên người Mỹ tuyệt vời và tiêu chuẩn, với chiếc áo thun in hình một ban nhạc rock và đội mũ lưỡi trai quay ngược ra sau. Cậu ấy có lẽ sẽ không tuyệt vời như vậy nếu như ở trong một ngôi trường bình thường - sự uể oải mỗi ngày sẽ khiến cậu bé phát điên - nhưng tôi nghĩ cậu ấy vẫn sẽ ổn, cậu bé sẽ chỉ phải tự mình theo đuổi việc học tập.” Anh vội vã nói thêm: “Nhưng anh chị không nên nghĩ tới việc thử nghiệm điều đó.”
“Không đâu, chúng tôi hài lòng khi cháu nó ở đây”, Eileen nói. “Rất vui là đằng khác. Và chúng tôi cũng biết cháu là một đứa trẻ ngoan. Chúng tôi rất yêu con trai mình.”
“Và cậu bé cũng yêu anh chị. Tôi đã vài lần nói chuyện với Luke, và cậu ấy thể hiện điều đó rất rõ. Tìm được một đứa trẻ xuất sắc như thế này cực kỳ hiếm. Tìm được một đứa trẻ vừa có khả năng phán đoán tốt vừa lập luận có cơ sở - nhìn thấy thế giới bên ngoài cũng như hiểu rõ thế giới bên trong đầu mình - thậm chí còn hiếm hơn.”
“Nhưng nếu Luke không gây ra rắc rối gì, tại sao chúng tôi lại ở đây vậy?” Herb hỏi. “Tôi không phiền nghe thầy khen ngợi con trai tôi, đừng hiểu nhầm. Nhân tiện, tôi vẫn có thể đánh bại Luke trong trò HORSE[22], mặc dù thằng bé đã có một pha lên rổ khá hoàn hảo.”
Greer ngả người ra sau ghế. Nụ cười biến mất. “Anh chị ở đây vì chúng tôi đang đạt đến mức giới hạn về những gì chúng tôi có thể làm cho Luke, và cậu bé biết điều đó. Cậu bé thể hiện sự thích thú nhất định với việc học đại học. Cậu bé muốn học chuyên ngành kỹ sư ở Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) ở Cambridge, và chuyên ngành Tiếng Anh tại Emerson, phía bên kia dòng sông ở Boston.”
“Gì cơ?” Eileen ngạc nhiên hỏi. “Cùng một lúc?”
“Đúng vậy.”
“Còn kỳ thi SAT[23] thì sao?” Đó là tất cả những gì Eileen có thể nghĩ tới để hỏi.
“Cậu bé sẽ tham gia kỳ thi vào tháng tới, tháng năm. Tại trường Phổ thông Cộng đồng phía bắc. Cậu bé sẽ vượt qua một cách xuất sắc thôi.”
Mình sẽ phải chuẩn bị cho con trai bữa trưa để mang theo, Eileen nghĩ thầm. Cô đã nghe nói rằng đồ ăn trong căng-tin ở trường Phổ thông Cộng đồng rất kinh khủng.
Sau một hồi im lặng sững sờ, Herb thốt lên, “Thưa ông Greer, con trai chúng tôi mới chỉ mười hai tuổi. Thực ra, mới chỉ đủ mười hai tuổi vào tháng trước. Cháu nó có lẽ có niềm đam mê từ trong sâu thẳm với Serbia[24], nhưng thậm chí ba năm tới nó còn chẳng thể mọc nổi ria mép. Thưa ông... chuyện này...”
“Tôi hiểu anh đang cảm thấy thế nào, chúng ta sẽ chẳng có cuộc trò chuyện này, nếu như không phải các đồng nghiệp cố vấn của tôi và các giảng viên khác đều tin chắc rằng cậu bé có đầy đủ khả năng, một cách toàn diện, để thực hiện điều đó. Và đúng vậy, học ở cả hai trường.”
Eileen nói, “Tôi sẽ không gửi một đứa trẻ mười-hai-tuổi đi qua một nửa đất nước để sống với những đứa trẻ học đại học đã đủ lớn để nhậu nhẹt và chơi bời ở các quán bar. Nếu con trai chúng tôi có người thân nào đó ở cùng, câu chuyện có lẽ sẽ khác, nhưng...”
Greer gật đầu đồng ý với Eileen. “Tôi hiểu điều đó, hoàn toàn đồng ý, và Luke biết rằng cậu bé không sẵn sàng làm việc này một mình, thậm chí dù có ở trong một môi trường mà cậu luôn được giám sát. Cậu bé nhận thức rất rõ về điều này. Nhưng cậu bé đang dần thất vọng và không hài lòng với tình hình hiện tại của mình, bởi vì cậu bé rất ham học. Đúng hơn là khao khát được học. Tôi không biết
thực chất trong đầu cậu bé chứa những thứ tuyệt vời gì - không ai trong chúng ta biết được, có lẽ chỉ giáo sư Flint là người gần hiểu nhất khi nghe cậu bé nói về cách Chúa Jesus truyền đạo cho những tông đồ - nhưng khi tôi thử hình dung về điều đó, tôi nghĩ về một bộ máy vĩ đại, sáng chói nhưng chỉ mới hoạt động với hai phần trăm công suất. Nhiều nhất là năm phần trăm. Nhưng bởi bộ máy này là một con người, cậu bé cũng cảm thấy... khao khát.”
“Thất vọng và không hài lòng ư?” Herb hỏi. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy cảm giác đó ở con trai chúng tôi.”
Tôi thì thấy rồi, Eileen nghĩ. Không phải lúc nào cũng thấy, nhưng đôi khi thì có. Đúng vậy. Đó là khi những chiếc đĩa tự va vào nhau canh cách hay những cánh cửa tự đóng lại.
Cô nghĩ về cỗ máy khổng lồ, sáng chói mà Greer nhắc đến, một cỗ máy đủ lớn để lấp đầy ba hay bốn tòa nhà cao tầng có kích thước to như kho chứa hàng, và thực tế thì cỗ máy này đang làm gì? Không gì hơn ngoài việc tạo ra những chiếc cốc giấy hay dập những khay thức ăn nhanh bằng nhôm. Họ nợ cậu bé nhiều, nhưng liệu họ có nợ cậu chuyện đi học đại học ở tuổi mười hai?
“Trường đại học Minnesota thì thế nào?”, cô đưa ra ý kiến. “Hay trường Concordia, ở St. Paul? Nếu cháu nó học ở một trong số những trường này thì có thể sống tại nhà.”
Greer thở dài. “Chị cũng có thể cân nhắc đưa con trai rời khỏi Brod và cho cháu học tại một trường trung học phổ thông bình thường. Nhưng chúng ta đang nói về một cậu bé mà thang đo chỉ số IQ trở nên vô dụng. Con trai chị biết mình muốn học ở đâu. Và cậu bé cũng biết mình cần những gì.”
“Tôi không biết chúng tôi có thể làm được gì trong chuyện này”, Eileen nói. “Con trai tôi có thể được nhận học bổng ở những nơi đó,
nhưng vợ chồng chúng tôi làm việc ở đây. Chúng tôi chẳng phải giàu có gì.”
“Được, bây giờ nói về vấn đề này nhé”, Greer nói.
2
Khi Herb và Eileen quay lại trường vào buổi chiều hôm ấy, Luke đang nô đùa ở phía trước làn đường đón học sinh cùng với bốn đứa trẻ khác, hai trai và hai gái. Chúng cười đùa và trò chuyện sôi nổi. Đối với Eileen, dù nhìn thế nào chúng cũng chỉ là những đứa trẻ bình thường, những bé gái mặc váy với quần legging, ngực chỉ vừa mới phát triển, Luke và cậu bạn Rolf mặc quần thụng bằng nhung - thời trang dành cho những cậu trai trong năm nay - và áo thun. Áo của Rolf in dòng chữ BIA CHO KẺ MỚI. Chiếc đàn xen-lô[25] của cậu bé nằm bên trong chiếc vỏ bao được đệm bông, mà cái vỏ ấy trông lỏng lẻo như thể đang phất phơ quanh chiếc đàn, trong khi cậu ta thao thao bất tuyệt về một thứ gì đó có thể là những điệu múa mùa xuân hay định lý Py-ta-gô.
Luke nhìn thấy bố mẹ mình, quay sang chào Rolf bằng một cú đấm tay nhẹ, quơ lấy chiếc ba-lô và chui vào băng ghế sau trên chiếc xe 4Runner của Eileen. “Cả bố và mẹ tới đón”, cậu thốt lên. “Thật tuyệt vời! Sao con lại có được vinh dự như thế này chứ?”
“Con thực sự muốn đi học ở Boston à?” Herb hỏi.
Luke không hề băn khoăn, cậu cười lớn và vung cả hai nắm đấm vào không khí. “Đúng vậy. Con có thể không bố?”
Như thể là đang xin phép bố mẹ cho sang chơi nhà Rolf vào tối thứ sáu vậy, Eileen thấy ngạc nhiên. Cô nghĩ đến cách mà thầy Greer bày tỏ về những gì con trai họ sở hữu. Anh ta dùng từ toàn
diện, và đó là từ phù hợp nhất. Luke là một thiên tài mà bằng cách nào đó vẫn không trở nên khác thường bởi chính trí tuệ khổng lồ của mình; thằng bé chẳng có nổi một mối liên hệ nào giữa việc tự tay lắp ván trượt, với việc mang bộ não độc-nhất-trong-hàng-tỷ-người của mình xuống vỉa hè, rồi tham gia vào mấy vụ diễu hành bầu cử.
“Chúng ta hãy đi ăn tối sớm và nói về chuyện này nhé”, Eileen trả lời.
“Nhà hàng pizza Rocket!” Luke reo lên. “Như thế nào ạ? Nếu như bố đã uống thuốc dạ dày đúng không ạ? Bố đã uống rồi đúng không bố?”
“Ồ, con biết không, sau cuộc gặp với thầy hướng dẫn ở trường ngày hôm nay, bố đã phải dùng thuốc rồi.”
3
Họ gọi một chiếc pizza xúc xích Ý cỡ lớn và Luke một mình đánh chén hết nửa cái, cùng với ba ly coca được rót từ một chiếc bình cỡ đại, khiến bố mẹ cậu phải kinh ngạc trước hệ tiêu hóa và bàng quang cũng lớn y như trí tuệ của đứa con mình. Luke giải thích về việc cậu đã nói chuyện trước với thầy Greer, bởi “con không muốn bố mẹ lo lắng. Đó chỉ là một cuộc trò chuyện tìm hiểu cơ bản mà thôi.”
“Con nói thế liệu có ai tin được không?” Herb nói.
“Được rồi. Hãy chạy lên cột cờ để xem có ai chào nó không[26]. Ném nó vào tường để xem có bao nhiêu...”
“Đủ rồi đừng nói nhăng nói cuội nữa. Thầy ấy đã giải thích bố mẹ nên làm gì để có thể đi cùng con.”
“Bố mẹ phải đi cùng”, Luke nói một cách nghiêm túc. “Con còn quá bé để đi mà không có bố mẹ cao quý và tôn kính bên cạnh. Cũng...” Cậu nhìn vào phần pizza còn lại. “Con cũng sẽ chẳng thể làm được. Con sẽ nhớ bố mẹ rất nhiều.”
Eileen cố gắng không khóc, nhưng tất nhiên không thể kìm được. Herb đưa cho cô một chiếc khăn tay. Eileen nói, “Thầy Greer... ừm... đã vẽ ra một viễn cảnh, mẹ đoán con sẽ nói rằng... nơi mà cả nhà chúng ta có thể... ừm...”
“Chuyển tới”, Luke hoàn thành nốt câu nói của mẹ. “Ai muốn miếng bánh cuối cùng này nào?”
“Của con cả đấy”, Herb nói. “Hy vọng là con sẽ không chết nghẹn trước khi có cơ hội làm cái trò trúng tuyển đại học điên rồ này.” “Đại học à?”, Luke bật cười. “Thầy ấy đã nói với bố mẹ về những cựu học sinh giàu có, đúng không ạ?”
Eileen đặt chiếc khăn tay xuống. “Chúa ơi, Lukey, con đã thảo luận về những phương án tài chính của bố mẹ mình với thầy cố vấn học tập hay sao? Ai mới là người lớn trong cuộc trò chuyện này đây? Mẹ bắt đầu cảm thấy bối rối rồi đấy.”
“Bình tĩnh nào, người mẹ xinh đẹp của con ơi, đó chỉ là một cái cớ thôi mà. Mặc dù suy nghĩ đầu tiên của con là quỹ quyên tặng. Trường Brod có một quỹ quyên tặng khổng lồ, họ có thể chi trả để bố mẹ chuyển nơi ở mà không gặp chút khó khăn nào, nhưng những ủy viên quản trị của trường sẽ không bao giờ đồng ý, cho dù làm vậy rất hợp lý.”
“Thật thế sao?” Herb hỏi lại.
“Vâng.” Luke ăn một cách ngon lành, sau đó nuốt chửng và uống một hớp coca. “Con là một sự đầu tư. Một cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt. Như kiểu đầu tư vào những cổ phiếu Nickel và kiếm bộn đô la, đúng không ạ? Đó là cách nước Mỹ vận hành. Những ủy viên có thể thấy rõ điều đó từ lâu rồi, không phải là vấn đề khó để thấy, nhưng họ không thể phá vỡ chiếc hộp nhận thức nằm trong khuôn khổ của họ.”
“Hộp nhận thức?” Bố cậu hỏi.
“Vâng ạ, bố biết đấy. Một chiếc hộp được tạo nên, là kết quả của phép biện chứng truyền thống lâu đời. Thậm chí tư duy theo kiểu bộ lạc vậy, mặc dù thật hài hước khi nghĩ về một bộ lạc toàn những ủy viên. Họ nghĩ thế này, ‘Nếu chúng ta làm việc này cho cậu bé, chúng
ta có thể phải làm như vậy cho một đứa trẻ khác.’ Hộp nhận thức là vậy đấy. Nó kiểu như truyền đời qua các thế hệ.”
“Mẹ được khai sáng rồi”, Eileen nói.
“Mẹ tuyệt lắm. Những ủy viên đó sẽ đá vấn đề sang cho các cựu học sinh giàu có, những người sở hữu hàng triệu đô la có suy nghĩ khác biệt ‘bên ngoài chiếc hộp’ nhưng vẫn yêu sắc xanh trắng của ngôi trường Broderick. Ông Greer sẽ là điểm mấu chốt. Đấy là con hy vọng vậy. Thỏa thuận là bây giờ họ giúp con và sau này con sẽ giúp lại trường, khi con trở nên giàu có và nổi tiếng. Con thực sự không quan tâm đến mấy điều này, con là tầng lớp bình dân từ cốt tủy rồi; nhưng dù sao, con cũng có khả năng trở nên giàu có. Đấy là giả sử như con không mắc phải căn bệnh hiểm nghèo nào hay bị giết chết trong một cuộc tấn công khủng bố hoặc đại loại như vậy.”
“Đừng nói những điều xui xẻo như vậy, con yêu.” Eileen nói và vẽ một dấu thánh giá trên chiếc bàn bừa bộn.
“Mẹ lại mê tín rồi”, Luke nói một cách nuông chiều.
“Con cứ cười mẹ đi. Và hãy lau miệng đi, toàn là xốt pizza. Nhìn như lợi của con đang bị chảy máu ấy.”
Luke lau miệng.
Herb nói, “Theo như thầy Greer, một số bên quan tâm thực tế có thể tài trợ việc tái định cư cho chúng ta nhiều nhất là trong mười sáu tháng.”
“Thầy ấy có nói với bố rằng cũng chính những người này có thể giúp bố tìm một công việc mới không ạ?” Đôi mắt của Luke lấp lánh. “Một công việc tốt hơn chẳng hạn? Bởi vì một trong những cựu học sinh của trường là Douglas Finkel. Tình cờ ông ấy lại là chủ sở hữu