🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hoàn Thành Mọi Việc Không Hề Khó Dành Cho Tuổi Teen
Ebooks
Nhóm Zalo
HOÀN THÀNH MỌI VIỆC KHÔNG HỀ KHÓ, DÀNH CHO TUỔI TEEN
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
Địa chỉ: Số 175 Giảng Võ - Hà Nội
Điện thoại: 024 38515380; Fax: 024 38515381
Email: [email protected]
Website: www.nxblaodong.com.vn
Chi nhánh phía Nam
Số 85 Cách mạng Tháng Tám, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh ĐT: 028 38390970; Fax: 028 39257205
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc -Tổng biên tập
MAI THỊ THANH HẰNG
Biên tập: Bùi Thị Phương Thúy
Sửa bản in: Tú Đào
Bìa: Mạnh Cường
Trình bày: Mỹ Mây
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
www.alphabooks.vn
VP HN: Tầng 3, Dream Center Home, số 11A, ngõ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân,
TP. Hà Nội
Tel: (84-24) 3 722 62 34 | Fax: (84-24) 3 722 62 37 Chi nhánh TP. HCM: 138C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 6, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Tel: (84-28) 38220 334 | 35
In 3.000 cuốn, khổ 15 x 23 cm
tại Công ty TNHH MTV In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam (Vinadataxa)
Địa chỉ: Số 70/342 Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Số xác nhận đăng ký xuất bản: 3850-2020/CXBIPH/06- 187/LĐ
Quyết định xuất bản số: 1302/QĐ-NXBLĐ cấp ngày 16/10/2020.
ISBN: 978-604-301-622-2
In xong và nộp lưu chiểu năm 2020.
“Hãy bắt đầu với việc làm những gì cần thiết, sau đó là những việc khả thi, rồi bất chợt, bạn sẽ nhận ra mình đã làm được những điều bất khả thi.”
- Francis of Assisi
“Trì hoãn là khởi nguồn của mọi thảm họa.” - Pandora Poikilos
“Tương lai khởi nguồn từ những gì ta làm hôm nay, chứ không phải ngày mai.”
- Khuyết danh
Khoá huấn luyện getting things done® (gtd®)
Đã chính thức có mặt tại Việt Nam
M
ột trong những thách thức lớn nhất đối với các tập đoàn, công ty hiện nay là vấn đề nhân sự. Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 dẫn đến áp
lực đạt và vượt chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận ngày càng đè nặng lên vai mỗi cá nhân và các cấp quản lý. Trong khi đó, năng suất làm việc thấp luôn là vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp. Theo thống kê từ 500 nhân viên văn phòng và 200 người sử dụng lao động của công ty Adecco phối hợp với Bộ Y Tế (tháng 9/2019), 68% người lao động hiện nay chỉ làm việc hiệu quả 4-6 giờ mỗi ngày, 15% chịu ảnh hưởng của stress.
Câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý doanh nghiệp là làm sao để duy trì cường độ làm việc năng suất cao trong khi vẫn giữ được tâm trạng thanh thản và nguồn năng lượng tích cực cho đội ngũ?
Thấu hiểu nỗi trăn trở này, từ tháng 4/2018, công ty TNHH Giáo dục & Đào tạo STEP (STEP Education) đã trở thành đối tác độc quyền với Học viện David Allen (Mỹ), sở hữu
nhượng quyền khoá huấn luyện Getting Things Done – thường được biết đến với tên gọi GTD®, tại Việt Nam.
GTD® – “Nghệ thuật làm việc hiệu quả – giải tỏa áp lực” là phương pháp cải thiện năng suất cá nhân nổi tiếng đã được phát triển hơn 30 năm bởi David Allen, một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới trong lĩnh vực này (theo Fast Company – tạp chí hàng đầu của Mỹ). GTD®vận hành dựa trên triết lý: Giữ cho tâm trí luôn thư thái, tập trung, sáng suốt để từ đó toàn tâm, toàn ý, tự tin đưa ra quyết định và hành động hiệu quả. Quy trình năm bước của GTD® được tóm tắt như sau:
• Bước 1: Thu thập
• Bước 2: Sàng lọc
• Bước 3: Sắp xếp
• Bước 4: Đánh giá
• Bước 5: Thực thi
Thực hành thuần thục 5 bước trên sẽ hình thành nhận thức và thói quen mới, giúp mỗi cá nhân không những quản lý công việc hiệu quả mà còn duy trì sự cân bằng trong cuộc sống, mang đến thành công và hạnh phúc bền lâu.
Với sứ mệnh “mang lại những giá trị thiết thực cho các cá nhân và doanh nghiệp”, đội ngũ STEP Education đã dành hơn hai năm để đáp ứng tất cả các tiêu chí theo chuẩn toàn cầu của Học viện David Allen. Ông Lê Hữu Nghĩa – nhà sáng lập STEP, đã tham gia các khóa đào tạo tại Hà Lan, là người
đầu tiên và duy nhất được Học viện David Allen cấp chứng chỉ dạy GTD®tại Việt Nam.
Trước khi thành lập STEP, ông Nghĩa đã có tám năm giữ vị trí Giám Đốc Kinh Doanh của tập đoàn Procter & Gamble (P&G) và là một trong những nhà quản lý cấp cao thế hệ đầu của P&G Việt Nam.
Bên cạnh nội dung và chất lượng giảng dạy theo tiêu chuẩn của Học viện David Allen, STEP Education áp dụng mức học phí tiết kiệm đến 75% so với đăng ký học GTD®tại Singapore.
Đặc biệt, để giúp các cá nhân và doanh nghiệp hiểu rõ giá trị của GTD®, chúng tôi đều đặn tổ chức:
• Hội thảo dành cho trưởng phòng nhân sự, chuyên viên phụ trách đào tạo, huấn luyện vào thứ Ba tuần thứ hai hằng tháng. Buổi hội thảo đầu tiên diễn ra vào ngày 08/12/2020.
• Khóa huấn luyện trải nghiệm GTD®(không tính phí) dành cho lãnh đạo các công ty, tập đoàn vào thứ Năm hàng tuần (buổi đầu tiên: 16/12/2020).
• Địa điểm: Liberty Central Saigon Riverside, 17 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM.
Để được tư vấn cụ thể về Hội thảo và các khoá trải nghiệm GTD®, anh (chị) vui lòng liên hệ:
• Điện thoại: (028) 5411 0957 – 5411 0961
• Email: [email protected]
• Website:
o STEP Education: www.step.edu.vn
o Học viện David Allen: www.gettingthingsdone.com
Lời tựa
“Này chàng trai, tôi ước rằng mình được học điều này ở trường – nếu được như vậy thì mọi thứ đã khác nhiều rồi!”
“Làm thế nào để các con của tôi có thể áp dụng?”
Tôi đã nghe vô số lời cảm thán như vậy trong suốt 30 năm qua khi đào tạo và huấn luyện phương pháp hiện được toàn thế giới biết đến với cái tên “GTD”, đã được mô tả trong cuốn sách nổi tiếng của tôi – Hoàn thành mọi việc không hề khó.
Nếu đã quen thuộc với GTD, có thể bạn sẽ nắm bắt rất nhanh. Nếu chưa biết, cuốn sách này sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị mà lẽ ra tất cả chúng ta nên học từ những năm đầu đời. Đơn giản nhưng thâm thúy, phương pháp này sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề chúng ta quan tâm. Nhờ đó, chúng ta trở thành người chế ngự thay vì là nạn nhân của chúng.
Mong muốn truyền tải phương pháp này sớm nhất có thể tới các thanh thiếu niên đã được thôi thúc bởi những bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục – những người đóng vai trò giúp đỡ con trẻ chuẩn bị hành trang cho cuộc sống phía trước.
Tôi không phải là phụ huynh, cũng không phải giáo viên. Trong nhiều năm qua, điều tôi luôn cố gắng phát triển chính là mô hình đào tạo và huấn luyện tốt nhất, đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0 – nhằm hướng đến những người đứng
mũi chịu sào trước sự bùng nổ của công nghệ, mạng Internet và đang khao khát được giúp đỡ.
Ngay từ đầu tôi đã biết rằng điều mình khám phá vô cùng hữu ích với bất cứ ai trong cuộc sống sáng tạo đầy bận rộn này, từ sinh viên cho đến nghệ sĩ, hay người nội trợ. Điều tôi không biết là làm thế nào để tiếp cận độc giả một cách hiệu quả trong quá trình nỗ lực xây dựng sự nghiệp. Và chắc chắn tôi cũng không biết cách tốt nhất để biến phương pháp này thành một mô hình dễ hiểu và dễ sử dụng cho các bạn trẻ.
Tôi có cảm giác rằng để công việc của mình mang đến tác động lâu dài như mong muốn, câu trả lời chỉ có thể nằm ở trẻ em. Để cuộc sống luôn có năng suất ổn định và không căng thẳng, có những thói quen mà hầu hết người trưởng thành cảm thấy khó thay đổi – ví dụ như, theo dõi mọi lời cam kết, dù lớn hay nhỏ, bằng một hệ thống độc lập đáng tin cậy thay vì ghi nhớ trong đầu. Phương pháp đơn giản
nhưng hiệu quả này giúp tối ưu hóa hoạt động tư duy và tập trung sáng tạo. Hầu hết người trưởng thành lại không làm như vậy, kể cả khi họ hiểu biết nhiều hơn. Ngược lại, dễ dàng nhận thấy tuổi thanh thiếu niên có thể học điều này rất nhanh vì đây là thời điểm mà lứa tuổi này bắt đầu tiếp thu từ thế giới xung quanh.
Tôi mong muốn tiếp cận với độc giả thanh thiếu niên và mơ ước của tôi dần thành hiện thực khi hợp tác với hai cộng sự mà tôi quen biết: Mike Williams và Mark Wallace.
Tôi biết đến Mike khi được nghe kể về việc anh đã áp dụng thành công các phương pháp của tôi và tạo ra những thay đổi lớn tại General Electric. Sau đó, tôi còn phát hiện ra anh viết blog về những kinh nghiệm khi truyền đạt thành công
phương pháp GTD cho các con. Chúng tôi bắt đầu liên lạc trao đổi và cuối cùng Mike đã quyết định tham gia cùng tôi. (Mọi nhân viên của tôi khi gặp anh ấy đều nói: “Tôi muốn có một người bố như Mike!”). Chúng tôi đều thống nhất rằng đây cũng là thời điểm phù hợp nhất để viết cuốn sách này và tôi biết anh là người có thể tạo một “cú hích” lớn.
Sau đó tôi biết về Mark Wallace, một giáo viên tiểu học ở Minneapolis và là người hâm mộ phương pháp GTD, vì vậy anh bắt đầu tìm cách kết hợp các nguyên tắc và kỹ thuật của phương pháp này cho học sinh. Tôi đã có dịp đến thăm lớp học của anh, tại đây tôi phát hiện phương pháp chủ đạo mà học sinh thực hành là hiệu suất không căng thẳng – chúng tôi gọi là Bản tổng kết hằng tuần. Đó chính là hành động cốt lõi trong phương pháp GTD mà mọi người đều nhận ra, nhưng rất ít ai có thể kiên định thực hiện. Ở lớp học của Mark, tất cả 30 học sinh đều tham gia và đều dưới 12 tuổi! Mark hiển nhiên phải tham gia vào nhóm của chúng tôi.
Mike và Mark cũng sẽ kể về câu chuyện riêng của mỗi người trong cuốn sách này. Sự tham gia của họ chắc chắn sẽ làm tăng thêm độ tin cậy với đối tượng trẻ. Đồng thời, họ cũng bổ sung và mang đến những hiểu biết chuyên môn của mình để chúng tôi có thể tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho bất cứ ai sẵn sàng thực hiện phương pháp GTD – cả người trẻ và người lớn tuổi.
Cuốn sách này là ý tưởng “sự đơn giản vượt xa phức tạp” như Oliver Wendell Holmes ca tụng. Nếu đã sẵn sàng, hãy sử dụng nó để nạp năng lượng cho cuộc sống của mình một cách thật “ngầu”. Nếu bạn nghĩ rằng mình giỏi hơn phương pháp này, đừng tự lừa phỉnh chính mình.
DAVID ALLEN
Lời giới thiệu dành cho các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và những người quan tâm đến sự phát triển của thanh thiếu niên
Chào mừng! Nếu đang đọc cuốn sách này, có thể bạn là người nhiệt tình quan tâm, chăm sóc cho những cô cậu thanh thiếu niên đương tuổi trưởng thành.
Bạn nhận ra điều gì trong những bạn trẻ ấy?
• Sự mất tập trung, áp lực hay lo lắng của họ tăng lên hay giảm đi?
• Bạn nhận ra họ chú ý đến việc gì không?
• Bạn nhận ra những điều làm họ bận tâm không (ví dụ như những tình huống ở nhà ăn, trên xe buýt hay mạng xã hội), những điều mà họ đang tìm hiểu?
• Bạn có nhận ra một tài năng hay đam mê bắt đầu nảy nở và chỉ cần đôi chút định hướng phù hợp?
Ngày nay, bạn có thể dang tay giúp đỡ các bạn trẻ định hướng việc học hành và cuộc sống. Vì trong những năm đầu đời này, họ cần xây dựng nền tảng quản lý sự tự do,
phức tạp ngày càng gia tăng và cuộc sống hỗn loạn vô nguyên tắc. Bạn có lấy làm hài lòng nếu có thể dạy họ những kỹ thuật và thói quen để định hướng cuộc sống, giống như khi dạy họ đi xe đạp, chơi thể thao, chơi nhạc cụ hay học lái xe?
Tin tốt là chúng tôi đã thiết kế cuốn sách này để giúp các bạn trẻ bồi dưỡng những kỹ năng định hướng cơ bản. Chúng sẽ giúp họ giảm thiểu sự mất tập trung, cảm giác căng thẳng, đồng thời cải thiện sự tự tin, hiệu suất, sức sáng tạo và sự hồn nhiên.
Phương pháp GTD đã được ứng dụng trên khắp thế giới. Thế hệ đầu tiên thực hiện phương pháp này là những người trưởng thành (như các nghệ sĩ, giám đốc, chủ doanh nghiệp, nhà khoa học, bác sĩ, giáo viên, mục sư, các bậc phụ huynh cùng nhiều người khác nữa), họ đã học cách thay thế những thói quen kém hiệu quả bằng những điều hiệu quả hơn. Lời nhận xét thường thấy sau khi học theo phương pháp GTD là “Tôi ước mình đã được học phương pháp này ở trường!” Chúng tôi viết cuốn sách này và coi nó như một cuốn sách hướng dẫn cho những bạn trẻ đang thiếu cũng như yếu về kỹ năng sống.
Trước khi bắt đầu hành trình với các bạn thanh thiếu niên, hãy quay ngược thời gian một chút. Bạn có nhớ lần đầu tiên…
• Bạn tham gia dự án quan trọng đầu tiên của trường?
• Bạn phải sát sao với bài tập về nhà và thời hạn hoàn thành?
• Bạn phải cạnh tranh với nhiều ứng viên khác để tham gia vào nhóm hay một hoạt động?
• Bạn học lái xe?
• Lần đầu tiên nếm trải mùi vị của tự do khi rời nhà – có thể là đi học đại học hay sống tự lập?
Những trải nghiệm đầu tiên này như thế nào? Nếu giống như hầu hết mọi người, bạn thường cảm thấy khó khăn một chút. Tuy nhiên, sau đó, khi bạn đã tích lũy được kinh nghiệm sống, nhiều việc lại trở nên dễ dàng hơn.
Khi các bạn thanh thiếu niên áp dụng cuốn sách này, chắc chắn họ sẽ trải nghiệm – và vượt qua – nhiều trải nghiệm “đầu tiên” kể trên. Là người trưởng thành, có thể đôi lúc bạn chỉ muốn “nhảy vào giải quyết cho xong”, thay vì “cần phải kiên nhẫn và để con trẻ tự giải quyết”. Cuốn sách này sẽ giúp bạn giải quyết những nhu cầu tạm thời với phương pháp GTD, mang đến cho các bạn thanh thiếu niên các công cụ và cách ứng xử hữu ích về lâu dài.
Bạn có thể coi các nguyên tắc và quy trình trong cuốn sách này là cẩm nang được sử dụng trong cả cuộc đời. Chúng đơn giản, dễ hướng dẫn và không chịu ảnh hưởng của thời gian.
Nếu bạn chưa quen với phương pháp GTD, chúng tôi khuyên bạn dành một chút thời gian để lướt qua cuốn sách này. Bạn sẽ thấy rằng áp dụng cuốn sách cho các thanh thiếu niên cũng là giúp cho chính mình.
Chúng tôi hy vọng cuốn sách được đúc kết từ thực tế này là cẩm nang bổ ích cho những người quan tâm đến sự trưởng thành của thanh thiếu niên và cho chính các bạn trẻ đang
và sẽ đối diện với những thử thách thú vị. Chúng tôi hy vọng các bạn thanh thiếu niên có thể trải qua những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, biết cách theo đuổi giấc mơ và giải quyết mọi việc trên đường đời. Chúc may mắn!
Lời giới thiệu cho các bạn thanh thiếu niên
Chào mừng! Vì bằng cách nào đó bạn đã tìm thấy cuốn sách này (hay chính cuốn sách này đã tìm đến bạn).
Hãy dành ít phút để lướt qua cuốn sách từ đầu đến cuối. Đây không phải một cuốn sách thông thường. Nó vừa là sách hướng dẫn vừa là bộ công cụ cho cuộc sống của chính bạn.
Bạn đang ở trong khoảng thời gian thú vị dù phải đối diện với rất nhiều điều. Bố mẹ hay thầy cô giáo có thể biết một số việc đang xảy ra, nhưng chỉ có bạn mới tường tận về tất cả. Bạn đang cố gắng sắp xếp để cân bằng giữa việc học, chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa, các mối quan hệ bạn bè... Bạn sống trong một thế giới siêu kết nối. Chẳng hạn như một ngày nọ, bạn nghĩ mình đang có một ngày thật tuyệt vời, nhưng đột nhiên, một tiếng chuông hay một lời bình phẩm, hoặc bức ảnh nào đó xuất hiện trên điện thoại hay máy tính làm thay đổi mọi thứ. Đó có thể là điều gì đó thú vị hoặc khiến bạn bực tức, nhưng cả hai trường hợp đều lôi kéo sự chú ý của bạn và trở thành thứ bạn cần giải quyết bên cạnh những việc vốn đã vướng chân. Bạn sẽ giải quyết tất cả mọi chuyện như thế nào?
Cuốn sách này sẽ mang đến những hiểu biết và các công cụ mà bạn cần để tìm kiếm câu trả lời. Qua đó, bạn sẽ giảm bớt căng thẳng và lo lắng, đồng thời nâng cao năng suất giải
quyết mọi việc để có thêm thời gian tụ tập với bạn bè hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi thư giãn.
Bạn có thể tự khám phá cuốn sách này, hoặc có thể cùng học hỏi, chia sẻ với bạn bè, thầy cô hay bố mẹ. Hãy thử nghiệm ngay hôm nay. Nuôi dưỡng và ứng dụng những gì hiệu quả. Khi thế giới của bạn trở nên phức tạp hơn, hãy đọc lại cuốn sách này, bạn sẽ không tin rằng mình có thể dễ dàng vượt qua mọi cấp độ và giai đoạn trong cuộc sống.
Hãy tận hưởng chuyến đi kỳ thú này!
Trước khi bắt đầu
SẴN SÀNG CHƯA?
“Bạn sẵn sàng học cấp hai chưa?”
“Bạn sẵn sàng học cấp ba chưa?”
“Bạn sẵn sàng học đại học chưa?”
“Bạn sẵn sàng cho kỳ thi chưa?”
“Bạn sẵn sàng cho bài thuyết trình chưa?”
“Bạn sẵn sàng tự lập chưa?”
Những câu hỏi này nghe thật quen phải không? Một số là những câu hỏi lớn của cuộc đời, một số khác thì nhẹ nhàng hơn. Nhưng điểm chung đều là sự thay đổi.
Là chính mình không đơn giản chút nào. Dường như bạn luôn phải đối mặt với những thử thách, bước chuyển mới và luôn phải trả lời câu hỏi: “Bạn sẵn sàng chưa?” Bạn nên trả lời như thế nào?
Hãy dành một vài giây suy nghĩ về cuộc đời mình ngay hôm nay và những gì đang tới với bạn trong tương lai gần và thực sự hỏi chính mình: Bạn… sẵn sàng chưa? Thậm chí nếu bạn chưa có câu trả lời đầy đủ cho câu hỏi này cũng chẳng sao!
Cuốn sách này sẽ giúp bạn trả lời một cách tự tin hơn.
PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG CUỐN SÁCH NÀY
Chào mừng bạn đến với cuốn sách Hoàn thành mọi việc – không hề khó, dành cho tuổi teen, một bộ công cụ với đầy đủ các nguyên tắc, phương pháp thực hành và bí quyết có thể áp dụng cho mọi vấn đề. Chúng tôi tâm niệm thiết kế cuốn sách này sao cho phù hợp với bạn. Không ai giống nhau và mỗi người có phong cách học và ưu tiên khác nhau, vì vậy chúng tôi xây dựng nội dung sao cho cuốn sách này có thể đọc và sử dụng theo những cách khác nhau.
Bạn sẽ thấy cuốn sách này sống động và có tính tương tác cao với toàn bộ nhân vật và sơ đồ theo từng lĩnh vực. Các nhân vật giúp thể hiện sinh động khái niệm, còn sơ đồ chỉ ra cách thức hoạt động của các khái niệm này. Một số sơ đồ sẽ giúp bạn rèn luyện những cách tư duy mới, một số khác lại giúp bạn lưu giữ và tổ chức chính suy nghĩ của mình.
Chúng tôi cũng xây dựng một loạt biện pháp để bạn thử nghiệm và cân nhắc xem nguyên tắc nào phù hợp nhất với mình. Các ví dụ được đưa ra là những người thật, việc thật.
Chúng tôi rất muốn nghe cách bạn áp dụng những nguyên tắc này vào thế giới của mình.
NỘI DUNG CUỐN SÁCH
Phần 1 xem xét cuộc sống hằng ngày và những gì đang diễn ra trong thế giới xung quanh bạn. Những cơ hội mới mẻ và thú vị nào đang hiện hữu ngoài kia? Những cạm bẫy nào đang chờ đón bạn?
Phần 2 giới thiệu các nguyên tắc, hoạt
động và công cụ mà bạn có thể sử dụng để
thành công trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng sẽ giúp bạn xây dựng thói quen
hướng đến trải nghiệm – thứ mà chúng ta
gọi là “trạng thái sẵn sàng”.
Phần 3 tạo cơ hội để thử nghiệm những
nguyên tắc, phương pháp luyện tập và các công cụ trong cuốn sách. Tại đây bạn sẽ được vui chơi, trải nghiệm và rèn luyện, từ đó tìm ra những điều ứng nghiệm với mình.
Chúng tôi vừa giới thiệu ba phần chính của cuốn sách, ngay bây giờ chúng tôi sẽ giải thích sẵn sàng ám chỉ điều gì.
SẴN SÀNG LÀ GÌ?
tính từ
1 [dự đoán] trạng thái phù hợp cho một hoạt động, hành động hay tình huống; đã chuẩn bị kỹ càng
động từ [đi với tân ngữ]
chuẩn bị (ai hay cái gì) cho một hoạt động hay mục đích
Có nhiều định nghĩa cho từ “sẵn sàng”, nhưng thực chất nó có nghĩa gì? Bạn nghĩ gì khi nghe từ “sẵn sàng”? Bạn đã bao giờ nghe mẹ hỏi: “Con đã sẵn sàng chưa?” Bạn có nghe thấy
tiếng còi của trọng tài bắt đầu trận đấu? Bạn có hình dung ra tấm màn sân khấu hé mở? Bạn có nghe thấy tiếng giáo viên nói: “Các em đã sẵn sàng chưa? Ngay bây giờ các em có thể bắt đầu làm bài thi.”
Sẵn sàng có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong cuốn sách này, chúng ta sẽ định nghĩa “sẵn sàng” là sự kết hợp của bốn việc:
1. SẴN SÀNG cho hiện tại
2. SẴN SÀNG cho những gì sắp tới
3. SẴN SÀNG cho những bước chuyển
4. SẴN SÀNG cho mọi việc
Hãy cùng xem xét từng khía cạnh nhé!
Bạn sẵn sàng cho hiện tại chưa?
Sẵn sàng cho hiện tại là gì? Đó là khả năng hoàn toàn tập trung cho một việc – chẳng hạn như đọc câu này.
Một số ví dụ về việc sẵn sàng cho hiện tại:
• Bạn sẵn sàng đọc cuốn sách này chưa?
• Bạn sẵn sàng tập luyện nhạc cụ chưa?
• Bạn sẵn sàng gặp gỡ bạn bè chưa?
• Bạn sẵn sàng mời ai đó đi chơi chưa?
• Bạn sẵn sàng làm bài tập về nhà chưa?
• Bạn sẵn sàng lắng nghe một người bạn cần nói chuyện với mình chưa?
Bạn sẵn sàng cho những gì sắp tới chưa?
Sẵn sàng cho những gì sắp tới nghĩa là nhận thức đầy đủ những gì cần làm trong một khoảng thời gian xác định.
Sự sẵn sàng này nghĩa là gì? Đó là trực giác kết hợp với sự hiểu biết về những gì bạn cần làm và cảm giác tự tin về cách thức và thời điểm thực hiện.
Một vài ví dụ về việc sẵn sàng cho những gì sắp tới: • Bạn sẵn sàng tham gia lớp toán thời gian tới chưa? • Bạn sẵn sàng tập bóng đá ngày hôm nay chưa? • Bạn sẵn sàng cho buổi phỏng vấn xin việc chưa? • Bạn sẵn sàng cho chuyến đi cuối tuần này chưa?
Bạn sẵn sàng cho những bước chuyển chưa?
Sẵn sàng cho những bước chuyển nghĩa là có khả năng thích nghi với những thay đổi trong các lĩnh vực chính của cuộc đời.
Sẵn sàng cho những bước chuyển là gì? Đó là khả năng ứng phó hiệu quả với những thay đổi. Bạn sẽ trải qua những thay đổi lớn về trách nhiệm từ khi tốt nghiệp cấp hai cho đến hết cấp ba. Đây là những năm tháng vô cùng thú vị và
sôi động, chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi này.
Một vài ví dụ về tâm thế sẵn sàng cho những bước chuyển: • Bạn sẵn sàng để tốt nghiệp cấp hai lên cấp ba chưa? • Bạn sẵn sàng để chuyển từ cấp ba lên đại học chưa?
• Bạn sẵn sàng để chuyển từ môn thể thao không có tính cạnh tranh sang môn thể thao cạnh tranh chưa?
• Bạn sẵn sàng để chuyển từ cấp ba sang làm việc toàn thời gian chưa?
• Bạn sẵn sàng để chuyển từ sống ở nhà sang sống tự lập chưa?
Bạn sẵn sàng cho mọi việc chưa?
Sẵn sàng cho mọi việc có nghĩa là thư thái và sẵn sàng đón nhận mọi việc xảy đến trong cuộc đời.
Sẵn sàng cho mọi việc là gì? Đó là cảm giác bạn biết cách kiểm soát và có được quan điểm riêng của mình. Yếu tố chủ yếu của sẵn sàng là việc cảm thấy sẵn sàng. Đó là sự mong chờ và tự tin vì biết bản thân phải làm gì để sống trọn cuộc đời của mình, đón nhận rủi ro và tìm kiếm thành công.
Một vài ví dụ về việc sẵn sàng cho mọi thứ:
• Bạn sẵn sàng thử điều gì mới mẻ chưa?
• Bạn sẵn sàng bắt đầu một việc thực sự thử thách và có thể thất bại chưa?
• Bạn sẵn sàng thực hiện ước mơ của mình chưa?
• Bạn sẵn sàng cho buổi nói chuyện quan trọng với______________?
• Bạn sẵn sàng chuyển tới trường đại học chưa?
Cuốn sách này sẽ trang bị hành trang để giúp bạn cảm thấy sẵn sàng và tự tin trong mọi tình huống mà bạn có thể phải đối mặt. Với tâm thế đó… bạn đã sẵn sàng để bắt đầu chưa?
Để tăng tối đa hiệu quả rèn luyện, bạn cần có hiểu biết cơ bản về những gì đang diễn ra trong đầu bạn từng ngày, từng phút, từng giây. Não bộ là một công cụ hiệu quả và phức tạp nhất mà bạn có, vì vậy hãy bắt đầu bằng việc mô tả một số khả năng và hạn chế cùng những tín hiệu mà não bộ gửi đến. (Phần này không phải bài thuyết trình chi tiết về nghiên cứu não bộ. Nếu bạn thấy hứng thú muốn tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi xin giới thiệu cuốn The Organized Mind (Tư duy có hệ thống1) của Daniel J. Levitin hay Brainchains của Theo Compernolle.)
1. Cuốn sách đã được Alpha Books mua bản quyền và xuất bản năm 2018.
BỘ NÃO CỦA BẠN
Chúng tôi sẽ chỉ tập trung vào hai bộ phận chính của não bộ, một bộ phận chịu trách nhiệm phản ứng nhanh; bộ phận còn lại phụ trách tư duy sâu và đưa ra quyết định. Hai khu vực này đóng vai trò chủ chốt trong việc hiểu và áp dụng các nguyên tắc trong cuốn sách này. Để giúp bạn hiểu
rõ hơn về chức năng của các bộ phận, chúng tôi đã xây dựng hai nhân vật giả tưởng để minh họa.
Gặp gỡ Myggy và Cortland
Bộ phận quan trọng nhất của não bộ nhằm phục vụ mục đích của chúng ta được gọi là hạch hạnh nhân (amygdala).
Hạch hạnh nhân là tiền tuyến phòng thủ của não bộ. Bộ phận này chịu trách nhiệm rà soát và phản ứng với mọi thứ thâm nhập vào thế giới của bạn. Nó tự động và không ngừng tìm kiếm những tín hiệu mới. Nếu hạch hạnh nhân cảm nhận được mối nguy hiểm hay đe dọa, nó sẽ cảnh báo
cơ thể, kích hoạt sự sợ hãi, hoóc-môn adrenaline, áp lực, lo lắng, mất ngủ hay các yếu tố gây căng thẳng khác. Hạch hạnh nhân khiến cơ thể chuyển sang trạng thái cảnh giác hơn và sẽ tiếp tục cảnh báo bạn cho đến khi những gì quấy rầy nó được giải quyết.
Nếu một chiếc xe lao tới, nó sẽ ngay lập tức điều khiển bạn tránh đường. Nếu một quả bóng chày sắp đập trúng bạn, nó sẽ thôi thúc bạn phản ứng và bắt quả bóng. Nó làm tăng hoóc-môn adrenaline khi bạn cần giúp đỡ một ai đó đang gặp nguy hiểm. Hạch hạnh nhân phản ứng rất nhanh và thường đột nhiên xuất hiện khi cần thiết.
Những cảnh báo liên tục của hạch hạnh nhân khiến bạn cảm thấy có một con khỉ liến thoắng và kỳ cục bên trong não bộ. Đặc điểm này của não bộ đôi khi được nhắc đến với tên gọi “bộ não của khỉ”. Trong cuốn sách này, chúng tôi sẽ sử dụng khỉ Myggy làm biểu tượng cho hạch hạnh nhân.
Bộ phận quan trọng thứ hai của bộ não được gọi là vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex), nằm ở thùy trán.
Vùng vỏ não trước trán có chức năng phân tích suy nghĩ và đưa ra quyết định. Bộ phận này chịu trách nhiệm giải quyết,
tổng hợp vấn đề và giải nghĩa tất cả những gì bạn nhìn thấy và làm.
Vùng vỏ não trước trán điều khiển việc học tập, sáng tạo, tưởng tượng, xây dựng cũng như phát triển các mối quan hệ và thực thi. Ngược lại với hạch hạnh nhân, vùng vỏ não trước trán không tự hoạt động. Bạn sử dụng vùng vỏ não trước trán khi suy ngẫm và tư duy, cũng như khi tâm trí bạn nhàn rỗi và có thời gian nghĩ lung tung. Vùng vỏ não trước trán cần một chút thời gian, không gian và năng lượng để hoạt động hiệu quả, thậm chí nó có thể rèn luyện để hoạt động hiệu quả hơn.
Vùng vỏ não trước trán giống như một con cú già khôn ngoan đang ngắm nhìn khu rừng cuộc đời – bình thản và chậm rãi quan sát, suy ngẫm, trau dồi vốn hiểu biết sâu rộng và trải đời, mang lại những trải nghiệm có ý nghĩa hơn. Chúng tôi sẽ sử dụng nhân vật con cú Cortland làm biểu tượng cho vùng vỏ não trước trán.
Để sẵn sàng theo mọi cách chúng tôi đã mô tả, bạn cần hiểu và khai thác chức năng của cả hai bộ phận não này. Myggy nói và gửi đi tín hiệu; Cortland lắng nghe và phản hồi.
Khi mối quan hệ này đồng bộ, trạng thái sẵn sàng được kích hoạt. Khi không đồng bộ, những thói quen không lành mạnh và thiếu hiệu quả có thể hình thành.
Vậy bạn sẵn sàng như thế nào? Bạn cần làm gì? Bạn cần chuẩn bị những gì? Điều gì khiến bạn không thể biến những điều trên thành bản năng? Nó có tác động gì với bạn? Tại sao bạn nên để tâm?
Cứ ở yên đó. Chúng ta mới chỉ vừa bắt đầu thôi.
Hãy kiểm soát tâm trí, nếu không nó sẽ chi phối bạn. – HORACE
Phần 1
Nghệ thuật hoàn thành mọi việc
PHƯƠNG PHÁP HOÀN THÀNH MỌI VIỆC (GTD)
GTD là từ viết tắt của Getting Things Done – một cách tư duy giúp con người kiểm soát và tập trung tốt hơn trong cuộc sống. GTD không chỉ giúp chúng ta “hoàn thành” mọi việc mà còn rèn luyện phương pháp tập trung và chú tâm vào hiện tại, nhận biết được những gì sắp xảy ra, tìm kiếm
sự an yên khi mọi việc ngoài tầm kiểm soát và dự đoán những điều xảy đến trong cuộc sống, bao gồm cả chuyện học hành, công việc, các mối quan hệ, mục tiêu, mơ ước. GTD về cơ bản là sẵn sàng đón nhận mọi việc.
Chúng tôi đã chứng kiến mọi người từ khắp nơi trên thế giới, từ 8 tuổi đến 80 tuổi, có thể chênh lệch vài năm, thu được lợi ích từ GTD. Mọi người, ở mọi hoàn cảnh, giới tính, tôn giáo, văn hóa, ở bất kỳ thời điểm và tình huống nào đều có thể áp dụng GTD. Một khi học được phương pháp này, bạn có thể phát triển, cá nhân hóa và sử dụng nó trong suốt cuộc đời. Giống như âm nhạc, khiêu vũ và thể thao, GTD là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi khả năng học hỏi, thực hành và tích hợp nó vào cuộc sống.
GTD bao gồm ba phần chính:
1. 5 bước – giúp bạn phát triển khả năng kiểm soát. 2. Dải cấp độ tập trung – giúp bạn có được tầm nhìn.
3. Sơ đồ kế hoạch – giúp bạn vừa có thể kiểm soát vừa đưa ra tầm nhìn đối với các tình huống và kế hoạch cần suy xét kỹ lưỡng.
Hãy khám phá từng công cụ và chiến lược trên để tìm ra phương án hiệu quả nhất đối với bạn. Một khi áp dụng tư duy GTD, bạn sẽ có được cơ hội thành công, từ đó dấy lên
khao khát học hỏi thêm cách biến những công cụ và chiến lược này thành của riêng mình.
Dưới đây là một số câu hỏi mà bạn có thể quan tâm: “Tại sao tôi nên trau dồi cho mình lối tư duy này?”
“Tại sao trước đây, bố mẹ hay thầy cô giáo chưa từng nói với tôi về nó?”
“Lối tư duy này có tạo thêm gánh nặng cho tôi không?” “Tại sao lại phải thay đổi khi phương thức cũ vẫn hiệu quả?” “Việc gì_______________ ?”
“Tại sao________________ ?”
Đây đều là những mối quan tâm hiển nhiên và bình thường, nhưng hãy xem tại sao thế hệ các bạn cần lối tư duy và kỹ năng mới.
VẤN ĐỀ
Phức tạp chồng chất
Bạn có thấy thế giới ngày càng phức tạp hơn không? Bạn có thấy thế giới của bạn cũng dần trở nên rối rắm như thế nào không?
Chẳng hạn, bạn có nhớ cái thời mà bạn
nghĩ rằng mình có rất nhiều bài tập về nhà
không? Suy nghĩ ấy nghe chừng thật buồn
cười nếu so với số lượng bài tập về nhà vào
thời điểm hiện tại. Còn điểm gì trong cuộc
đời mà giờ nhìn lại, bạn thấy chúng hồi đó
có vẻ đơn giản, dễ dàng và dễ hiểu hơn
nhiều so với cuộc sống hiện giờ không?
Hay bạn từng hướng về tương lai và ước ao rằng có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời? Ví dụ, bạn có từng ước mình lấy bằng lái và có một chiếc ô tô để được tung tẩy tự do? Hay bạn có từng ước mình có thể nhảy cóc từ cấp hai lên thẳng cấp ba hay từ cấp ba lên đại học?
Bạn nhận ra những suy nghĩ này chứ? Có vẻ đó là vấn đề chung của toàn xã hội?
Cuộc sống luôn biết cách để trở nên phức
tạp hơn qua các năm. Song song với việc
này, bạn cũng không ngừng thay đổi,
trưởng thành và đối diện với muôn vàn
vấn đề phức tạp. Đôi khi bạn có thể dễ
dàng xử lý vấn đề vì nó vừa tầm với năng
lực của bạn. Nhưng có lúc lại không.
Khi những vấn đề phức tạp ập tới đúng
thời điểm, bạn sẽ hào hứng chào đón và tìm hướng giải quyết. Bạn vô cùng phấn khích khi được trải nghiệm sự độc lập, các quan hệ, kiến thức và cấp độ cạnh tranh mới. Nếu tình huống lý tưởng này diễn ra, bạn cảm thấy cuộc sống của mình cân bằng và đang phát triển tích cực. Bạn từng cảm thấy như vậy khi nào? Sự thay đổi mới nhất có đến vào đúng thời điểm không?
Sự phức tạp đôi khi lại đến trước khi bạn sẵn sàng đối diện. Tại thời điểm này, bạn cảm thấy áp lực và lo lắng do có nhiều thay đổi hay nhiều điều cần theo đuổi hơn so với khả năng giải quyết của bạn ở thời điểm hiện tại. Hay nhiều bài tập về nhà hơn, nhiều hoạt động hay công việc phải hoàn thành hơn những gì bạn cảm thấy có thể xử lý được. Bạn từng cảm thấy như vậy chưa? Bạn phản ứng như thế nào?
Cũng có lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng với những thứ phức tạp mới lạ – dù dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn cảm thấy thiếu động lực, thậm chí là chán nản với tình thế hiện tại và tin rằng bạn thừa năng lực thực hiện những việc phức tạp hơn. Bạn đang “thèm khát” thử thách.
Những lúc như vậy khiến bạn cảm thấy
bứt rứt, khó chịu, cảm giác ấy biến mất chỉ
khi có thay đổi nào đó xuất hiện, chỉ khi có
gì đó mới lạ để khám phá – một lớp học
mới, một sở thích mới, một mối quan hệ
mới…
Bạn có bao giờ tự thấy tình hình hiện tại của mình thật tồi tệ và mong chờ một việc ngoài dự kiến xảy ra, khác biệt hay lớn lao hơn? Bạn sẽ đối diện với nó như thế nào?
Giải quyết những phức tạp trong cuộc sống là một quá trình biến động. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, thay đổi và dịch chuyển – cả bạn cũng vậy – với tốc độ khi thì dễ chịu, khi lại không hề dễ chịu chút nào.
Vào lúc bắt đầu hành trình đến với cuốn sách này, hãy hỏi chính mình: “Tôi cảm thấy như thế nào về sự phức tạp trong cuộc sống hiện tại?” Bạn cảm thấy quá sức? Áp lực nặng nề? Không đủ thách thức? Có thể bạn đang buồn chán phát điên? Có thể bạn đang căng thẳng cực điểm và buồn chán trong một vài lĩnh vực nọ kia của cuộc sống.
Hãy sử dụng biều đồ đo lường cấp độ phức tạp sau đây, đánh dấu “X” vào vị trí mô tả đúng nhất về bạn ở hiện tại.
Có thể bạn từng trải qua những cảm xúc này vào thời điểm nào đó. Vậy nên dù sự cân bằng hiện tại của bạn như thế nào, thay đổi vẫn sẽ không ngừng ập tới. Những thay đổi phức tạp này và cảm giác mà chúng mang lại hoàn toàn tự nhiên. Chẳng chóng thì chày, bạn sẽ tốt nghiệp cấp ba, lên đại học hay kiếm việc làm. Bạn tự quyết định nơi bạn sống, lựa chọn nghề nghiệp và có tầm ảnh hưởng thế giới. Hoặc là bạn quyết định kết hôn và chú tâm chăm sóc gia đình. Với những biến chuyển này, cuộc sống của bạn sẽ trở nên phức tạp hơn; sự phức tạp này đòi hỏi những phương án đối phó mới.
Mọi người, bao gồm cả bố mẹ và thầy cô giáo, cũng đều trải qua những thay đổi này trong cuộc đời, nhưng trải nghiệm của bạn sẽ khác biệt hoàn toàn. Nhưng quan trọng hơn, bạn cần hiểu tại sao khác biệt ấy lại xuất hiện.
Càng đón nhận những điều tốt đẹp, bạn càng có được những điều tốt đẹp.
– DAVID ALLEN
Sự kết nối và quá tải thông tin
Mọi thế hệ đều phải đối mặt với một thế giới hoàn toàn khác biệt so với thế hệ trước. Những phương pháp trước đây từng hiệu quả giờ sẽ không còn hữu ích khi những điều mới mẻ xuất hiện làm thay đổi mọi thứ.
Bạn có biết đó là gì không? – Kết nối kỹ thuật số với quy mô khổng lồ.
Con người thời nay được kết nối chặt chẽ hơn bao giờ hết. Điều này thay đổi cách chúng ta học tập, làm việc, vui chơi, mua sắm, du lịch và giao tiếp. Sự kết nối đó cũng làm thay đổi não bộ của con người, thậm chí cả cách chúng ta tư duy.
Nhiều bạn trẻ đắm chìm trong tương tác ảo đến nỗi họ không nhận thức được điều đó. Có người cầm điện thoại mọi lúc mọi nơi, thậm chí đặt điện thoại bên người khi ngủ. Những tiếng bíp bíp, tiếng rung bần bật và thông báo mới không ngừng nhảy lên và tha thiết mong ngóng chúng ta chú ý – nhiều đến nỗi nhiều người cảm thấy điện thoại rung trong khi nó hoàn toàn im lặng. Những ứng dụng trên điện thoại được thiết kế sao cho thu hút trọn vẹn sự tập trung của người dùng.
Bao lâu thì bạn mở điện thoại kiểm tra một lần? Trong khoảng thời gian đọc cuốn sách này, bạn có bị cuốn vào việc
kiểm tra điện thoại hay thiết bị di động để xem tin mới không? Điện thoại có khiến bạn sao lãng không?
Hãy thử cầm điện thoại. Ấn tắt nguồn
hoàn toàn – đừng để chế độ ngủ. Bây giờ,
hãy thả lỏng trong vài phút. Bạn chú ý đến
điều gì? Bạn cảm thấy như nào?
Nếu đang đọc cuốn sách này ở nơi công cộng, hãy dừng lại và nhìn quanh. Bạn nhìn thấy gì? Câu trả lời hẳn rất rõ ràng: Chúng ta giống như những chú sóc chuột, nhưng thay vì ôm hạt dẻ, chúng ta ôm chặt cái điện thoại.
Thói quen thời đại kỹ thuật số, giống bao thói quen khác, đều đang ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh của chúng ta. Những đơn vị thông tin ập đến nhanh hơn với số lượng lớn hơn không ngừng kích thích bộ phận phản ứng của não bộ. Khi bị kích thích quá mức, bộ phận này sẽ khiến chúng ta nghiện kích thích điện tử. Hạch hạnh nhân phụ trách giải quyết những tác nhân kích thích ngắn hạn, chứ không phải liên tục đặt nó trong trạng thái báo động.
Thế hệ của bạn là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong một xã hội kết nối liên tục, giữa người với người, giữa các nền văn hóa và quốc gia khác nhau. Đó là vùng đất chưa hằn dấu chân người. Tại đây, bạn có sự tự do và lợi thế mà không thế hệ nào trước kia từng dám mơ ước. Tri thức của toàn nhân loại nằm ngay trong tầm tay và bạn có nhiều cơ hội hơn bất cứ ai trong lịch sử thế giới.
Với năng lực đó, hình ảnh trưởng thành của bạn trong tương lai mười năm tới như thế nào?
Bạn cần gì để thành công?
Không ai biết chính xác chúng ta hướng
đến nơi nào. Không ai biết hay có thể dự
đoán được kiến thức hoặc kỹ năng chính
xác bạn cần để thành công trong thế giới
siêu kết nối.
Bố mẹ, thầy cô giáo đang cố gắng hết sức để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho bạn khi đối mặt với nó. Trường học nỗ lực giúp bạn trau dồi kiến thức, nhưng sự thật là những gì trường học chuẩn bị vẫn còn khoảng cách so với thực tế. Các trường học trên khắp thế giới đều đang nỗ lực hiện đại hóa và thay đổi phương pháp giảng dạy, nhưng những nỗ lực của họ thường quá chậm.
Do sự chuẩn bị vẫn chưa hoàn thiện, vậy nên bản thân bạn sẽ phải tự chuẩn bị cho tương lai về một vài khía cạnh nào đó. Tuy nhiên, có một kỹ năng mà chúng tôi chắc chắn nó
có giá trị hơn cả trước đây và không thể tự động hóa. Đó chính là khả năng tư duy – nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo và biến chúng thành hiện thực.
Tư duy là kỹ năng thiết yếu. Nó hỗ trợ cho bạn ở hiện tại cũng như xác định bạn phải làm gì sắp tới: tìm việc, xử lý những tình huống không có câu trả lời rõ ràng, không có định hướng hay chỉ dẫn. Tư duy giúp bạn đối mặt với những thử thách mà cuộc sống đem đến.
Nhưng có một vấn đề nghiêm trọng: Năng lực tư duy thiết yếu này đang bên bờ vực tuyệt chủng.
Khi bạn đang ở trong hố, hãy ngừng đào hố.
– WILL ROGERS
Tư duy?
Năng lực tư duy – năng lực suy nghĩ, tưởng tượng và sáng tạo – đang bị khối lượng thông tin khổng lồ đe dọa. Thông tin đến với chúng ta thông qua nhiều kênh và dưới nhiều
hình thức mới lạ. Tất cả những việc này có thể là gánh nặng, phá hủy hay thậm chí tiêu diệt năng lực tư duy.
Trong thế giới bạn sinh ra, mức độ kích
thích hiện tại dường như là điều bình
thường hoặc bạn nghĩ rằng mình đã quen
với nó. Tuy nhiên, thực tế ấy lại dẫn tới
những thói quen không lành mạnh – hay
thậm chí là chẳng có thói quen nào – trong
việc học cách giải quyết nó. Những thói quen ấy cứ bào mòn khả năng quản lý cuộc sống hằng ngày cũng như khả năng tư duy của bạn trong vô thức. Trên thực tế, mức độ áp lực và lo âu của nhiều người trẻ đang ngày càng gia tăng.
Dữ liệu trong biểu đồ sau dẫn nguồn từ nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ về mức độ áp lực của thanh thiếu niên.
THANH THIẾU NIÊN ĐANG ĐỐI MẶT VỚI MỨC ĐỘ ÁP LỰC NÀO?
Mức độ áp lực trung bình tính theo thang đo từ 1 đến 10.
Theo nghiên cứu này, khoảng hai phần ba học sinh đang phải chịu mức độ áp lực trung bình và cao. Không cần là chuyên gia thống kê cũng biết tỷ lệ đó nằm ở mức rất cao.
Ngoài cơn lũ thông tin ồ ạt tràn vào cuộc sống, những người trẻ còn phải đối mặt với áp lực thi cử, việc làm, giao lưu xã hội, yêu đương, dành thời gian cho bạn bè, tập luyện thể thao và các hoạt động ngoại khóa khác. Họ phải một thân một mình gồng gánh những áp lực ngày càng chồng chất. Nhiều người kín lịch từ sáng tới đêm, đến nỗi không có chút thời gian rảnh rỗi nào.
Nguyên nhân gây ra căng thẳng cho thanh thiếu niên rất đa dạng.
Lý do nào dưới đây đúng với bạn?
NGUỒN GỐC CĂNG THẲNG CỦA THANH THIẾU NIÊN
Những tình huống căng thẳng triệt tiêu dần những cơ hội phát triển tư duy. Khả năng tư duy của bạn – nơi ươm mầm những ý tưởng sáng tạo và biến chúng thành hiện thực – cần khoảng trống cho tư duy. Nếu bạn biết cách tạo ra khoảng trống chất lượng, bạn có thể hoàn thành nhiều việc hơn, tiêu tốn ít năng lượng và thời gian hơn.
Bạn chính là nhà thám hiểm tiên phong trong thế giới mới. Vậy nên bạn sẽ cần những công cụ, kỹ năng hay lối tư duy mới để định hướng hoạt động. Trước khi giới thiệu với bạn về cách tư duy mới lạ này, hãy cùng điểm qua một số trở ngại mà bạn có thể vấp phải.
Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng lối suy nghĩ cũ rích trước đó.
– ALBERT EINSTEIN
Ở
TRỞ NGẠI
Trở ngại là những rủi ro hay khó khăn tiềm ẩn, không dễ nhận biết.
Nếu bạn nghĩ tâm thế sẵn sàng là đích
đến, trở ngại sẽ bất ngờ chặn đường, khiến
con đường đến với sự sẵn sàng khó khăn
và nguy hiểm hơn. Cuộc sống cũng vậy:
Những trở ngại luôn chực chờ hòng “tóm
gáy” bạn. Thực tế, ngày nay có nhiều trở
ngại mà bạn có thể vấp phải, tuy rằng bạn
không chú ý nhiều đến chúng. Chẳng hạn như cầm điện thoại hay thiết bị điện tử chỉ để kiểm tra nhanh một việc gì đó, nhưng vô tình bạn nhìn thấy thông báo mới trên một ứng dụng khác rồi nhận ra 20 phút sau mình vẫn đang chúi mũi vào đó?
Đặt tên hay phân loại một số trở ngại phổ biến có thể giúp bạn nhận biết, hiểu rõ và xử lý khi chúng xuất hiện. Ngày nay, có hai trở ngại chính đang âm thầm xâm nhập và có tác động lớn đến cuộc sống của chúng ta.
Trở ngại 1: Quá tải và Kiệt sức
Quá tải: Khối lượng công việc quá nhiều.
Kiệt sức: Đắm chìm trong suy nghĩ hay
cảm xúc.
Không có gì lạ khi ngày nay, mọi thứ ập tới
quá nhiều, quá nhanh, quá phức tạp và quá thường xuyên. Cảm giác “quá nhiều” này báo hiệu trở ngại mang tên quá tải.
Quá tải thường đột ngột đổ xuống đầu. Mới hôm qua bạn cảm thấy mình rất ổn, nhưng chỉ hai ngày sau, một cơn bão đột ngột đánh úp. Tất cả thầy cô giáo đều giao bài tập về nhà vào cùng ngày bạn đã có lịch ngoại khóa vô cùng bận rộn. Nếu không xử lý một cách hợp lý, trải nghiệm quá tải này sẽ dẫn đến cảm giác kiệt sức và căng thẳng.
Quá tải và kiệt sức tăng lên bắt nguồn từ nhiều vấn đề. Trường học hiện nay đã thay đổi rất nhiều, vì nó không chỉ còn là một tòa nhà hay giới hạn kiến thức trong sách giáo khoa. Lớp học, dự án và bài tập về nhà vẫn tiếp tục đeo bám trong thế giới kỹ thuật số, kể cả khi đã rời trường. Việc học cùng những trách nhiệm liên quan nhiều khi chiếm dụng thời gian cả ngày của bạn.
Bạn cũng không thể bỏ bê bạn bè sau giờ học. Bạn muốn thấy họ đang làm gì, biết họ đang nói gì và duy trì kết nối 24/7. Cố gắng quản lý và bắt kịp dòng thông tin vô hạn này giống như lấy trứng chọi đá.
TÔI CÓ BỊ QUÁ TẢI KHÔNG?
Vậy diện mạo chính xác của quá tải là như thế nào? Làm thế nào để biết bạn đang bị quá tải?
Mỗi người sẽ có trải nghiệm quá tải khác nhau:
“Tôi không thể ngủ tròn giấc. Đầu óc tôi cứ căng như dây đàn.”
“Tôi cứ quên chưa__________________ .”
“Tôi cảm thấy mình có quá nhiều thứ phải theo dõi.”
“Tôi biết lẽ ra mình nên làm__________________ , nhưng tôi__________________ .”
“Tôi có quá nhiều việc phải làm nhưng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu.”
“Tôi không thể tìm thấy thứ tôi cần khi cần, việc này khiến tôi phát điên lên.”
“Đôi khi tôi cảm thấy lo lắng và choáng ngợp.” “Tôi không thể theo kịp mọi thứ.”
Bạn có thể làm gì khi nhận ra những dấu hiệu quá tải này? Những công cụ và phương pháp trong cuốn sách này sẽ giúp bạn.
Bạn không cần tài giỏi hơn.
Bạn chỉ cần bớt căng thẳng đi.
– SETH GODIN
Trở ngại 2: Mất tập trung
“Chú ý vào!”
“Tập trung vào!”
Bạn đã bao giờ nghe thấy những lời cảnh
báo này từ bố mẹ hay thầy cô giáo chưa?
Trong thế kỷ XXI, khi thông tin và sự kết nối hiện hữu ở khắp nơi, năng lực tập trung gặp thách thức hơn nhiều. Bạn cần bảo vệ năng lực này trước vô vàn yếu tố gây mất tập trung.
Hãy tự hỏi: Khi có thời gian rảnh rỗi trong ngày, bạn thường làm gì? Bạn tập trung vào việc gì?
Người ta thường lầm tưởng rằng con người có thể làm tốt nhiều việc một lúc – hơn là hoàn thành từng việc một. Đúng là bạn có thể vừa nghe nhạc, vừa nhắn tin, vừa xem YouTube, tán gẫu với bạn bè trong khi cập nhật mạng xã hội – nhưng để làm được tất cả những việc này, bạn phải đánh đổi bằng sự chú ý. Nếu khả năng tập trung đem lại lợi ích cho bạn, bạn nên thận trọng với những thứ làm suy giảm khả năng đó.
Sao lãng có tác động khôn lường, nếu không thận trọng, bạn phải đánh đổi bằng nhiều giờ, nhiều ngày, nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Một trong những thời điểm chúng ta dễ sao lãng nhất là khi căng thẳng, vì đó là con đường ngắn nhất giúp bạn thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực. Trên thực tế, yếu tố gây sao lãng có thể giúp bạn thoát khỏi mớ bòng bong thực tại, ít nhất là tạm thời.
Hãy xem những số liệu về căng thẳng sau đây:
THANH THIẾU NIÊN GIẢI QUYẾT CĂNG THẲNG NHƯ THẾ NÀO?
Theo bạn, sao lãng đóng vai trò gì trong những hoạt động này? Chiến lược đối phó mà bạn đang áp dụng có hiệu quả với bạn không hay lại là trở ngại?
Bạn còn bị mất tập trung vào những thời
điểm nào nữa? Nguyên nhân gây mất tập
trung là gì? Điện thoại cùng thiết bị điện
tử đóng vai trò như thế nào?
Nếu quyết định để sự sao lãng chi phối trong những việc bạn thực sự coi trọng, bạn không thể dành hết chú tâm hay nỗ lực lớn nhất vào chúng. Thay vào đó, bạn trở nên thụ động. Nó khiến bạn chỉ muốn làm qua loa cho xong, và khi đó, sự mất tập trung đã giành thế thượng phong.
Tuy nhiên, nếu hướng sự chú ý vào những việc thực sự quan trọng, bạn sẽ chiến thắng. Bạn tránh được trở ngại do mất tập trung để tư duy, sáng tạo, tưởng tượng và phá vỡ giới hạn bản thân.
GTD có thể giúp bạn tập trung vào những việc quan trọng nhất.
Bạn không cô đơn đâu!
Ai cũng đều phải trải qua những trở ngại, cảm giác và trải nghiệm tồi tệ đó. Bạn không phải ngoại lệ và điều đó hoàn toàn bình thường. Bất cứ ai, dù trẻ hay già, đều trải qua những cơ hội mới và những trở ngại đầy thách thức ấy.
Cuốn sách này sẽ giới thiệu những công cụ giúp bạn tránh được trở ngại. Nó không chỉ giúp bạn nhận diện, gọi tên và thấu hiểu những hậu quả có thể xảy đến nếu không xử lý trở ngại, mà còn giúp bạn kiểm soát sự chú ý và nỗ lực của
mình. Để làm vậy, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách đạt được và duy trì cái gọi là trạng thái sẵn sàng.
Nếu mọi thứ đều hoàn hảo, bạn sẽ chẳng bao giờ được học hỏi và trưởng thành.
– BEYONCÉ KNOWLES
LỜI HỨA
Trạng thái sẵn sàng
Kỹ năng đáng giá nhất hiện nay là khả năng tư duy và kiểm soát sự tập trung. Một khi kiểm soát được sự tập trung, bạn có thể thư giãn và sử dụng mức năng lượng phù hợp để tập trung vào bất cứ việc gì. Đó chính là trạng thái sẵn sàng.
Trạng thái sẵn sàng và Bạn
Điều gì khiến bạn tập trung và chú tâm nhất, trạng thái sẵn sàng của bạn trông như thế nào? Hãy cùng cảm nhận rõ hơn bằng cách xác định trạng thái ngược lại.
KHI “KHÔNG SẴN SÀNG”, BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO?
Thấu hiểu cảm giác “không sẵn sàng” có thể giúp bạn xác định rõ hơn khi nào bản thân “sẵn sàng”. Dù muôn hình vạn trạng nhưng “không sẵn sàng” có một số đặc điểm nhất định. “Không sẵn sàng” đi liền với những cảm giác như:
• Lo âu • Thất vọng
• Căng thẳng • Hồi hộp
• Thất bại • Kiệt sức
Hãy dành hai phút nhìn vào một tờ giấy trắng và lập danh sách tất cả những điều bạn cảm thấy, trải qua hay cảm nhận được khi “không sẵn sàng”.
KHI “SẴN SÀNG”, BẠN CẢM THẤY THẾ NÀO?
Cảm thấy “sẵn sàng”, hay đang ở trong trạng thái sẵn sàng là điều không khó nhận ra, nhưng chắc chắn khó đạt được. Khi bạn cảm thấy mọi thứ dường như thông suốt, khi cuộc sống tiến triển đúng hướng, khi cảm giác về thời gian biến mất, khi bạn hoàn thành nhiệm vụ, đó là lúc bạn trải
nghiệm trạng thái sẵn sàng.
“Sẵn sàng” có thể gắn liền những cảm giác như:
• Phấn chấn • Hào hứng
• Độc lập • Bạo dạn
• Mạnh mẽ • Hy vọng
• Tập trung
Lật ngược tờ giấy trong ví dụ trước, dành hai phút lập danh sách tất cả những điều bạn cảm thấy, trải qua hay cảm nhận được khi “sẵn sàng”.
Trong bất cứ tình huống nào, trạng thái sẵn sàng mô tả bản thân bạn ở trạng thái tốt nhất.
Sẵn sàng cho mọi thứ
Sẵn sàng không chỉ giới hạn trong vai trò của học sinh. Bạn có thể làm tốt nhất mọi thứ khi tập trung, thư giãn và toàn tâm toàn ý, dù là trong hoạt động ngoại khóa, thể thao, mối quan hệ với bạn bè hay trong cuộc sống cá nhân. Hãy quan sát danh sách dưới dây và bổ sung thêm những gì liên quan
đến bạn.
Hãy xem những ví dụ sau để xem xét trạng thái sẵn sàng được áp dụng cho từng trường hợp như thế nào.
Sẵn sàng học tập nghĩa là gì? Trạng thái học tập tối ưu là khả năng tập trung vào điều được dạy (không bị mất tập trung), thoải mái chuẩn bị tài liệu bạn cần (không áp lực) và chú tâm vào chủ đề trước mắt để tổng hợp, kết nối và áp dụng kiến thức học được.
Sẵn sàng thư giãn nghĩa là gì? Thư giãn tối ưu bao gồm việc tập trung vào bất kỳ hoạt động thư giãn nào mà bạn chọn (không mất tập trung); thả lỏng cơ thể, tinh thần và cảm xúc (không áp lực); và chú tâm vào mọi hoạt động mà bạn tham gia để tận hưởng quãng thời gian xả hơi ấy.
Sẵn sàng chơi trò chơi nghĩa là gì? Cách chơi tốt nhất là tập trung vào trò chơi sắp tới và vai trò của bạn trong đó (không mất tập trung); thư giãn và duy trì phong độ tốt nhất, biết rằng bạn đã có sự chuẩn bị (không áp lực); và chú tâm hoàn toàn vào từng khoảnh khắc để đem lại kết quả tốt nhất cho chính bạn và/hoặc nhóm của bạn.
Sẵn sàng làm bài tập nghĩa là gì? Học tập tối ưu có nghĩa là tập trung vào công việc cần hoàn thành (không mất tập trung), thả lỏng, tự tin rằng bạn đã chuẩn bị tài liệu cần thiết, trui rèn kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ (không áp lực) và chú tâm hoàn toàn để tận dụng thời gian hiệu quả và năng suất nhất.
Bạn nhìn ra khuôn thức rồi chứ? Sẵn sàng là trạng thái vừa cần sự tập trung vừa cần thả lỏng để đạt được kết quả tốt nhất.
LUYỆN TẬP
Ệ Ậ
Bạn có thể đạt được trạng thái sẵn sàng khi cần không?
Dù ai cũng từng trải qua cảm giác “sẵn sàng” vào một lúc nào đó, nhưng GTD vẫn giới thiệu các công cụ và hành vi cần thiết để duy trì trạng thái “sẵn sàng” nhiều nhất có thể. Nếu tự tin rằng mình luôn có thể quay lại trạng thái sẵn sàng trong bất cứ hoàn cảnh nào, bạn có thể đón nhận mọi tình huống mà không chút sợ hãi hay lo lắng, sẵn sàng đối mặt và biến mong muốn thành hiện thực.
Bạn đã sẵn sàng thoát khỏi trạng thái sẵn sàng chứ?
Cứ ở mãi trong trạng thái sẵn sàng không tốt sao? Sự thật là những thử thách mới và sự phức tạp luôn không ngừng xuất hiện, mỗi thách thức ấy đều nắm giữ cả cơ hội thành công lẫn rủi ro thất bại.
Nếu quá thận trọng, né tránh mọi tình huống và cơ hội khiến bản thân không thoải mái hay có nguy cơ dẫn đến thất bại, thì bạn không nhất thiết phải luôn “sẵn sàng” trong hoạt động, mối quan hệ, thi thố hay trường lớp, cứ thoải mái cảm thụ cảm giác “chưa sẵn sàng”, ít nhất là trong giây lát.
Một số người trẻ chọn hướng đi này. Họ chìm đắm trong những trò giải trí và chỉ làm những việc mà họ cảm thấy thoải mái nhất. Một số thậm chí còn sa đà vào các trò giải trí điện tử hay thậm chí là chất kích thích và rượu. Ban đầu, trạng thái khép kín và chìm đắm này có thể rất hấp dẫn. Còn gì nhẹ nhàng hơn việc chơi điện tử một mình cả ngày, “chén” đồ ăn nhanh và giao du với bạn bè? Dù trong tâm khảm, tất cả chúng ta đều biết những việc này không thực sự mang lại cảm giác thỏa mãn.
Sự thật là kể cả muốn tránh né đến thế nào – hoặc nghĩ bản thân kiểm soát tốt cuộc sống lúc này ra sao – thách thức và trở ngại chắc chắn đôi khi vẫn khiến bạn cảm thấy “không sẵn sàng”, mất tập trung, quá tải và kiệt sức.
Thay vì xoa dịu, chúng tôi sẽ thôi thúc bạn bước ra khỏi vùng an toàn càng thường xuyên càng tốt. Chúng tôi khích lệ bạn can đảm đón nhận rủi ro, tham gia vào những việc có thể khiến bạn phải căng mình ra và đẩy bạn vào trạng thái “không sẵn sàng”.
Nếu đã có kỹ năng và công cụ để lấy lại trạng thái “sẵn sàng” mọi lúc, bạn có thể tự tin đối mặt với bất kỳ tình huống nào với tâm thế “mình sẽ không hề hấn gì”. Bạn luôn sẵn sàng đón đợi bất kể điều gì sắp tới. Đó là tinh thần của cuốn sách này và sức mạnh của GTD: Hãy đón nhận rủi ro, đánh gục nó, sau đó tự tin trở về trạng thái “sẵn sàng”.
Mọi việc trong cuộc sống
Từ đầu cuốn sách tới giờ, chúng ta đã bàn
về sự kết nối, các cơ hội, trở ngại và việc
những trở ngại này khiến bạn cảm thấy
“không sẵn sàng” như thế nào. Giờ chúng
tôi sẽ mô tả trạng thái sẵn sàng đỉnh cao
và vai trò của Myggy (hạch hạnh nhân)
cùng Cortland (vùng vỏ não trước trán)
trong việc giúp bạn đạt được trạng thái này. Chúng tôi đã giải thích chìa khóa để duy trì trạng thái sẵn sàng là đồng thời huy động sự tham gia của cả hai vùng não bộ này.
Vậy, tại sao bạn không thể phối hợp ăn ý hai vùng não này để luôn cảm thấy sẵn sàng?
Hãy gặp Chuyện linh tinh
Những chuyện linh tinh luôn nảy sinh bất
cứ lúc nào. Chúng không tốt cũng chẳng
xấu. Bạn có thể xử lý tốt nếu biết cách
kiểm soát hiệu quả.
Chúng là những chuyện gì đó xuất hiện
trong cuộc sống của chúng ta – thể chất,
tinh thần hay tình cảm – cần một quyết
định hoặc hành động xử lý nào đó. Những chuyện linh tinh thường rối ren và không rõ ràng.
Chuyện linh tinh là gì?
Chuyện linh tinh có nhiều dạng và bắt nguồn từ nhiều nơi. Chẳng hạn, đó có thể là bài tập ở trường, quần áo bẩn vương vãi, trận đấu tuyển chọn, vấn đề về sức khỏe, ván trượt bị hỏng, mâu thuẫn với bạn bè hay bài thuyết trình tồi tệ. Chúng có thể bắt nguồn từ chủ quan hoặc tác động khách quan.
Những chuyện linh tinh nào thường xuất hiện trong cuộc sống của bạn nhất? Chúng đến từ đâu?
Một kẻ thù hách dịch
Nếu không giải quyết hiệu quả những việc
linh tinh, chúng sẽ nhanh chóng ảnh
hưởng đến bạn – về thể chất, tinh thần,
tình cảm và thậm chí cả tâm hồn.
Khi cuộc sống phức tạp hơn, số lượng những điều cần xử lý xuất hiện càng nhiều và có thể trở thành nguồn gốc gây mất tập trung liên tục, đẩy bạn rơi vào trạng thái “không sẵn sàng”. Nếu không cẩn thận, mớ hỗn hộn đó còn có thể phá hủy cuộc đời bạn.
Để xác định chính xác hơn và hiểu rõ “những việc cần xử lý”, chúng ta có thể xem xét lại một khám phá từ hàng trăm năm trước của một phụ nữ tên là Bluma Zeigarnik. Bà đã
phát hiện ra một số điều thú vị về não bộ và cái mà bà gọi là việc dở dang.
HIỆU ỨNG ZEIGARNIK
Bluma Zeigarnik là nhà tâm lý học người Nga, sống vào đầu những năm 1900. Bà là một trong những phụ nữ Nga đầu tiên học đại học. Năm 1927, Zeigarnik xuất bản một nghiên cứu quan trọng về não bộ. Công trình khoa học của bà được bắt đầu khởi động trong một lần tới nhà hàng và quan sát hành vi của những người phục vụ.
Bà nhận ra khi ăn xong và trả tiền, các thực khách khó có thể thu hút được sự chú ý của người phục vụ thêm nữa. Dù hầu hết mọi người cho rằng người phục vụ chỉ quan tâm đến những khách hàng sắp trả tiền, nhưng Zeigarnik có một phát hiện khác. Bà nhận thấy người phục vụ không chỉ không chú ý, mà sau khi thực khách thanh toán hóa đơn, họ thậm chí còn không nhớ vị khách đó đã gọi món gì. Họ có thể dễ dàng ghi nhớ những món mà khách hàng đang ăn đã gọi, nhưng không hiểu sao não bộ của họ lại “quên” những bàn đã thanh toán.
Bà quyết định tách bạch việc quan sát ra khỏi bối cảnh nhà hàng để khám phá thêm. Zeigarnik tìm thấy một số đặc điểm đáng ngạc nhiên và quan trọng về não bộ. Hiệu ứng Zeigarnik, như chúng ta biết hiện nay, khẳng định não bộ con người thường nhớ rõ những việc bị gián đoạn và chưa hoàn thành. Những gián đoạn này được gọi là các việc dở dang.
Theo lẽ tự nhiên, não bộ luôn tìm kiếm sự khép kín hoặc hoàn thành. Nếu không, một phần của não bộ sẽ duy trì ở chế độ mở cho đến khi việc đó được hoàn thành. Gần 100
năm sau, hiện tượng này trở nên hợp lý hơn
bao giờ hết.
Bạn hoàn toàn có thể tự mình thử nghiệm.
Từng có suy nghĩ nào thâm nhập vào ý thức
của bạn hơn một lần chưa? Có lẽ nó từng trở
đi trở lại trong đầu bạn suốt vài ngày, một
tuần, một tháng, hay thậm chí lâu hơn thế. Nếu câu trả lời là có, bạn đã có một ví dụ tuyệt vời về những việc dở dang. Đối với chúng tôi, việc dở dang chính là những thứ tồn đọng khiến bạn lưu tâm, thấp thỏm vì chưa “tóm” được nó và giải quyết xong.
Chuyện linh tinh và Giấc ngủ
Hãy xem một ví dụ cụ thể về tác động của việc dở dang.
Bạn từng trằn trọc mất ngủ vì có quá nhiều việc cần suy nghĩ chưa? Những thứ thu hút sự chú ý của bạn là việc dở dang.
Suốt cả ngày, mọi việc không ngừng tìm đến bạn. Bạn phải tiếp xúc với nhiều người, phải làm nhiều việc và theo dõi nhiều việc khác. Bạn bận rộn, lo lắng mình bỏ sót việc gì đó.
Chẳng hạn, bạn có một người bạn tên là Jasmine. Jasmine nghỉ học vì ốm. Bạn hứa sẽ dạy lại cậu ấy bài học môn toán ngày hôm đó. Đây là một ví dụ về thỏa thuận giữa bạn và Jasmine, và vì việc đó chưa hoàn thành nên nó trở thành một việc dở dang.
Hết ngày, cơ thể bạn mệt mỏi và muốn đi ngủ, não bộ cũng bắt đầu nghỉ ngơi và chuẩn bị đóng lại, lúc này nó lật lại các việc dở dang và buộc bạn phải giải quyết. Khi ấy, bạn đột nhiên nhớ ra rằng mình vẫn chưa thực hiện lời hứa với Jasmine, vì thế bạn trằn trọc khó ngủ.
Hãy nhớ rằng, hạch hạnh nhân không có khái niệm thời gian. Nó muốn giải quyết ngay bây giờ. Tuy nhiên, bạn không thể hoàn thành mọi thứ trước khi bạn ngả lưng xuống giường lúc nửa đêm. Kết quả là, não bộ không ngừng quấy rầy bạn. Mọi thỏa thuận bạn đã đưa ra hay những bài tập sắp đến hạn sẽ “vùng lên” thu hút sự chú ý khi bạn đang mơ màng ngủ.
Không chỉ số lượng các việc dở dang có xu hướng tăng lên khi bạn trưởng thành hơn và mọi việc cũng ngày càng phức tạp hơn, và chính mối liên kết đó đã tạo điều kiện cho sự gia tăng. Nếu không được giải quyết, những việc dở dang này sẽ tăng lên và gây quá tải, khiến bạn căng thẳng và lo lắng, đồng thời chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào và khiến bạn mất tập trung.
Nhưng nếu bạn biết cách nhận diện những chuyện linh tinh ngay sau khi chúng xuất hiện và ngăn chúng trở thành việc dở dang thì sao? Nếu bạn học cách làm quen với các tín hiệu từ não bộ để xác định những việc dở dang và nhanh chóng để não bộ nghỉ ngơi thì sao?
GTD có thể giúp bạn giải quyết hiệu quả các việc dở dang và những chuyện linh tinh trước khi chúng bắt đầu có tác động tiêu cực.
“Mắt không thấy, tâm không phiền”,“không phiền” ở đây ám chỉ vẻ ngoài, chứ trong thâm tâm thì ngược lại.
– DAVID ALLEN
Kiểm soát và Tầm nhìn
Để đạt được trạng thái sẵn sàng, bạn cần phải giải quyết hiệu quả mọi việc – đặc biệt là việc dở dang – và bạn hoàn toàn có thể học cách làm việc này. Để sẵn sàng, bạn cần hai thứ – sự kiểm soát hợp lý và tầm nhìn. Phần còn lại của cuốn sách được dành để phát triển những kỹ năng và hành vi cần có nhằm đạt được sự kiểm soát và tầm nhìn.
KIỂM SOÁT
Kiểm soát là từ đa nghĩa.
Trong GTD, kiểm soát không chỉ là “điều khiển”. Dù cố gắng thế nào đi nữa, bạn cũng không thể kiểm soát cuộc sống của mình hay ai đó. Thay vào đó, chúng tôi dùng từ “kiểm soát”
ở đây để ám chỉ sự an yên, hay “kiểm soát nội tại”. Điều đó có nghĩa là bất chấp mọi thực tế trong cuộc sống, những hoàn cảnh và tình huống hiện tại – mọi chuyện linh tinh – bạn vẫn sở hữu yếu tố có thể kiểm soát nội tại, hay còn gọi là kiểm soát hoạt động.
Hãy coi kiểm soát hoạt động giống như việc bạn đóng vai người chơi trong trò chơi điện tử. Bạn không thể kiểm soát
bối cảnh hay những thử thách xuất hiện vì bạn không phải người thiết kế trò chơi. Nhưng bạn lại đang cầm bộ điều khiển trong tay để điều khiển hành động của nhân vật trong môi trường đó. Đó là chính kiểm soát hoạt động.
Kiểm soát hoạt động trong cuộc sống hằng ngày trông như thế nào? Chẳng hạn, dù không kiểm soát được khối lượng bài tập được giao, nhưng bạn có thể kiểm soát cách bạn xử lý chúng. Bạn không kiểm soát được những người mà huấn luyện viên chọn tham gia trận đấu, nhưng bạn có thể kiểm soát được sự chuẩn bị, điều kiện và thái độ của chính mình. Bạn không thể chọn bố mẹ, gia cảnh gia đình hay gen di truyền, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát vai trò của mình trong tất cả những việc đó.
GTD có thể giúp bạn tối ưu hóa kiểm soát hoạt động với những việc cần xử lý. Khi đó, bạn có thể tạo điều kiện về không gian và thời gian để hoàn thành tốt bài tập về nhà, đạt điểm cao trong kỳ thi, hòa thuận với người thân, hay tự quản lý tài chính.
Kiểm soát cũng giúp bạn tạo dựng, khai thông không gian trong tâm trí để tư duy, tưởng tượng và chú tâm vào những việc quan trọng nhất.
TẦM NHÌN
Kiểm soát chỉ là một vế trong công thức đạt đến trạng thái sẵn sàng. Bạn cũng phải biết đích đến và nguyên nhân thôi thúc bạn hướng tới đó. Đấy chính là tầm nhìn.
Tầm nhìn là khả năng nhìn xa trông rộng để biết con đường bạn đang đi. Tầm nhìn là viễn cảnh, là “lý do” đằng sau mọi việc bạn quyết định làm.
GTD xác định vị trí hiện tại của bạn và hiểu rõ giá trị của những hành động mà bạn đang thực hiện. Nó giúp bạn quyết định việc gì quan trọng, việc gì không, nuôi dưỡng giấc mơ lớn và tạo động lực hiện thực hóa giấc mơ đó.
Kiểm soát + Tầm nhìn = Sẵn sàng
Nếu đã có trong tay công cụ và kỹ năng cần thiết để kiểm soát và có tầm nhìn phù hợp, bạn luôn có thể quay lại trạng thái sẵn sàng – sẵn sàng cho hiện tại, sẵn sàng cho những gì sắp đến và sẵn sàng cho bất cứ việc gì trong đời. Với một môn đồ của GTD, chu trình chuyển đổi giữa trạng “sẵn sàng” và “không sẵn sàng” nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi. Động lực sẵn sàng/không sẵn sàng này được gọi là hiệu ứng lướt sóng.
HIỆU ỨNG LƯỚT SÓNG
Những người lướt sóng luôn tìm kiếm con sóng tiếp theo, việc giúp họ duy trì những thử thách mà họ muốn hay cần. Họ nỗ lực trong trạng thái ở ngưỡng giữa trong tầm kiểm soát và ngoài tầm kiểm soát để thúc đẩy giới hạn khả năng và sức sáng tạo của bản thân. Ở trạng thái này, thời gian dường như không còn tồn tại. Họ hòa mình vào dòng chảy thực tại.
Khi những người lướt sóng xuống nước, họ leo lên ván, quấn dây quanh mắt cá chân để cố định. Họ chờ đợi những cơn sóng cuồn cuộn lướt tới từ phía đường chân trời. Sóng khi lớn khi nhỏ. Khi nhìn thấy cơn sóng yêu thích của mình, họ nhanh chóng khỏa nước và bắt đầu lướt trên những con sóng dữ dội. Có lúc họ lướt đi cho đến khi vào bờ an toàn. Có lúc họ lại bị trượt ra khỏi ván khi thúc đẩy bản
thân vượt ra ngoài giới hạn. Khi đó, bộ phận nào sẽ giúp họ quay lại ván trượt? Đó chính là dây quấn.
Lướt sóng là phép ẩn dụ tuyệt vời cho GTD. Khi có vô vàn chuyện ập đến, hãy tự trang bị hệ thống để lướt trên tất cả. GTD giúp bạn kết nối với hệ thống đáng tin cậy để định hướng cuộc sống, trở lại ván lướt của mình và sẵn sàng cho những con sóng khác. Nhờ đó, bạn sẽ có được nguồn năng lượng để thực hiện mọi việc trong cuộc sống dù cho con
sóng trước đó kết thúc trong êm đẹp hay thất bại. Mỗi lần đứng trên ván là một lần bạn làm tốt hơn.
Việc này mô tả quá trình đạt được sự kiểm soát và tầm nhìn. Mục tiêu không phải là luôn “sẵn sàng” hay luôn duy trì kiểm soát và tầm nhìn tối ưu. Thay vào đó, bạn có thể tận hưởng trạng thái “sẵn sàng”, không ngừng thúc đẩy bản thân đạt tới trạng thái đó và hiểu rằng đôi khi chuyện linh tinh vẫn khiến bạn “không sẵn sàng”. Khi điều đó xảy ra, hãy sử dụng các công cụ và hành vi GTD để quay trở lại trạng thái sẵn sàng.
THÓI QUEN HIỆU QUẢ
Hãy điểm qua những thói quen, công cụ và kỹ năng giúp bạn đạt được sự kiểm soát và tầm nhìn trong cuốn sách này.
Tư duy khác biệt
Giống như những người chơi lướt ván, các vận động viên hay nhạc sĩ, bạn hoàn toàn có thể trau dồi bản thân để hình thành những thói quen tốt.
Bạn có thể tự rèn luyện bản thân trở nên chủ động, năng động và tập trung hơn trong quá trình kiểm soát những thứ ập đến cuộc sống. Bạn có thể học cách giảm thiểu tác động của việc dở dang và hoàn thành nhiều việc hơn với ít sức hơn. Để đạt được năng suất cao hơn, hãy hình thành những thói quen hiệu quả. Trường học và cuộc sống sẽ dẫn đến rất nhiều tình huống để bạn có cơ hội rèn luyện. Hãy tận dụng điểm này và biến nó thành lợi thế của bạn.
Lúc đầu, một số thói quen GTD sẽ khiến bạn thấy khá khiên cưỡng. Tuy nhiên, hãy nghĩ đến lần đầu vụng về khi tập xe đạp. Sau khi luyện tập đôi chút, việc đó dần trở nên nhẹ nhàng hơn và cuối cùng là bạn hoàn toàn thành thục.
Để kiểm soát mọi việc, bạn phải học cách (1) thu thập những điều thu hút sự chú ý của bạn; (2) sàng lọc công việc cần làm và ý nghĩa của chúng; (3) sắp xếp thành từng mục; (4) đánh giá và kiểm tra, sau đó (5) thực thi những việc cần phải làm.
Đây là 5 bước cần và đủ để chúng ta có thể kiểm soát mọi thứ.
Quy trình này khá đơn giản. Hầu hết mọi người đều có thể tối ưu hóa cách sử dụng sao cho phù hợp với bản thân. Khả năng kiểm soát gần như là kết nối yếu nhất trong chuỗi 5 bước này. Hãy xem nội dung sơ lược trước khi tìm hiểu sâu từng bước.
MỘT BỘ NHỚ TRỐNG RỖNG: THU THẬP
Một thay đổi lớn về hành vi giúp bạn đạt được khả năng kiểm soát chính là để đầu óc không bận tâm, ghi nhớ bất kỳ điều gì.
Cố gắng lưu trữ trong đầu mọi việc xảy đến tại thời điểm phải đối diện với lượng thông tin ồ ạt, quả thật là con đường ngắn nhất đẩy bạn tới bờ vực tai họa. Về cơ bản, não bộ không được tạo ra để lưu giữ hàng trăm việc dở dang. Các nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng bạn chỉ có thể lưu giữ khoảng bốn mục trong trí nhớ ngắn hạn. Nếu vượt quá con số này, khả năng nhận thức bắt đầu quá tải và khiến bạn làm việc kém hiệu quả.
Khi nghĩ về một ngày của mình – các tiết học, bài tập về nhà, hoạt động, mối quan hệ, trách nhiệm, v.v. – bạn có thể ước tính số lượng công việc mình cố gắng theo dõi trong đầu chứ? Đúng là bạn có thể nhớ tất cả. Nhưng mớ bòng bong ngày càng rối ren và có quá nhiều chuyện ập đến, đôi khi bạn sẽ mất tập trung, thậm chí là quá tải.
Bước đầu tiên hướng đến kiểm soát là gạt bỏ chuyện linh tinh khỏi trí nhớ ngắn hạn của bạn. Thay vào đó, hãy lưu giữ tất cả – từ những chuyện hữu hình, điện tử hay tinh thần – ở đâu đó ngoài tâm trí. Chúng tôi gọi là nơi lưu giữ.
Hoàn thành việc này thôi đã là bước đột phá rồi. Sau khi giảm tải căng thẳng nhờ giải phóng mọi việc linh tinh, não bộ sẽ có không gian trống dành cho hoạt động kiểm soát thông tin, dữ liệu với sự tự do và cởi mở sáng tạo. Bước đầu tiên này được gọi là thu thập.
GIẢI QUYẾT MỌI VIỆC: SÀNG LỌC
Bước thứ hai bao gồm một quá trình đơn giản: ra quyết định xử lý những thứ bạn đã tập hợp trong các nơi lưu giữ ở bước 1.
Ra quyết định không phải là khái niệm mới mẻ hay đột phá. Tuy nhiên, để ra quyết định hiệu quả, bạn cần một số kỹ
năng mới, bởi việc ra quyết định thế nào cho phù hợp và hiệu quả mà tốn ít công sức nhất là một nghệ thuật. Chúng tôi gọi đó là quá trình tư duy cơ bản.
Quá trình này sẽ chuyển đổi mọi việc thành một trong sáu dạng nơi lưu giữ: hành động, kế hoạch, danh mục cần hoàn thành, một ngày nào đó/có thể, tài liệu tham khảo và đồ bỏ đi.
Những quyết định phù hợp và hiệu quả giúp bảo vệ nguồn năng lượng quý giá.
Sẽ thế nào nếu có thể giải quyết việc ở trường hiệu quả và có thêm năng lượng để theo đuổi đam mê? Hãy học cách đưa ra quyết định khôn ngoan. Để thực hiện thành công quá trình này, bạn cần sự tham gia của Cortland – bộ phận não bộ chưa được sử dụng đúng mức. Bước này được gọi là sàng lọc.
BẢO VỆ CÁC QUYẾT ĐỊNH: SẮP XẾP
Bạn đã bao giờ để mất thứ gì đó giá trị chưa: một bài tập quan trọng, mật khẩu, hay tệp hồ sơ, rồi sau đó phải tốn công tìm kiếm hoặc thậm chí làm lại từ đầu? Chẳng ai thích làm lại công việc mà họ vừa hoàn thành, vì việc đó lãng phí hàng đống thời gian và công sức.
Tương tự, nếu không bảo vệ quyết định mình đã đưa ra, sau cùng bạn sẽ phải làm lại từ đầu. Để tránh tình huống này, bước thứ ba sẽ đưa ra các bước lập danh sách đơn giản, hoặc là sơ đồ, để ghi lại công việc và quyết định bạn sẽ thực hiện.
Bước 3 được gọi là sắp xếp.
KIỂM TRA KẾ HOẠCH VÀ TIẾN ĐỘ: ĐÁNH GIÁ
Khi đã phân loại công việc và lập sơ đồ để bảo vệ quyết định của mình, việc kiểm tra sẽ giúp bạn đặt mình trong tầm kiểm soát hoặc lấy lại sự kiểm soát nếu rơi vào trạng thái mất cân bằng.
Theo thuật ngữ hàng hải, bản đồ giúp bạn đi đúng hướng, điều chỉnh hướng khi vấp phải rắc rối và đưa bạn trở lại hành trình đã định. Trong bước này, bạn sẽ biết cách thực hiện các bước kiểm tra hằng ngày và hằng tuần để xác định mình đi đúng hướng hay không.
Bước 4 gọi là đánh giá.
BẮT TAY HÀNH ĐỘNG: THỰC THI
Bước kiểm soát cuối cùng là học cách thực hiện những gì bạn cho là quan trọng. Có những tiêu chí ra quyết định đơn giản mà bạn có thể sử dụng để thu hẹp các lựa chọn nhằm đạt được kết quả tốt hơn. Đây là lúc bạn bắt đầu thấy bước phát triển rõ rệt của bản thân và vững vàng tiến về đích.
Bước 5 là thực thi.
Dù 5 bước trên đại diện cho sự thay đổi về thói quen, nhưng rất có thể bạn đã thực hiện chúng dưới hình thức nào đó rồi. Hãy xem một số ví dụ đơn giản sau dây.
Ví dụ từ cuộc sống hằng ngày
Lấy một ví dụ đơn giản như trò “Trick-or-treat” trong lễ Halloween. Khi bọn trẻ di chuyển từ nhà này sang nhà khác để xin kẹo, chúng bắt đầu bằng việc mang theo túi hay bao gối (nơi lưu giữ) để đựng kẹo xin được (thu thập). Sau một buổi tối, chúng trở về nhà, đổ ụp mọi thứ ra và đếm, rồi
phân loại kẹo ngon và không ngon, sô-cô- la và kẹo dẻo vị hoa quả... (sàng lọc và tổ chức).
Nếu muốn ví dụ thực tế hơn, hãy nghĩ về
quy trình giặt là. Mọi người thường dùng
giỏ mây hay rổ (nơi lưu giữ) để đựng quần
áo bẩn (thu thập). Quần áo bẩn được phân
loại thành đồ trắng, đồ đen, vải linen (sàng lọc) và sẵn sàng bỏ vào máy giặt hoặc chuyển đến tiệm giặt là (sắp xếp). Trước khi giặt, người ta sẽ xem lại lần cuối các giỏ được phân loại (đánh giá) và sau đó cho vào máy giặt (thực thi).
Tuân thủ đúng năm bước này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt và tập trung vào những việc thích đáng dù bạn là ai, tới từ bất cứ đâu và phải đối mặt với điều gì.
Việc tôi là ai không do người khác quyết định. Tôi muốn tự khám phá bản thân mình.
– EMMA WATSON
TÓM TẮT
Chúng ta đang phải đối mặt với cơn lũ thông tin và kết nối khổng lồ nhất từ trước đến nay. Dù chúng đem lại những cơ hội tuyệt vời nhưng quá nhiều thông tin có thể gây nhiều trở ngại, khiến chúng ta căng thẳng, lo âu quá mức và thậm chí là trầm cảm. GTD là bộ kỹ năng giúp bạn thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Hạch hạnh nhân – bộ phận phản ứng của não bộ và vùng vỏ não trước trán – bộ phận phân tích và ra quyết định, là hai bộ phận cần thiết nhất trong thời đại mới.
Trạng thái sẵn sàng mô tả tâm thế đĩnh đạc, sẵn sàng trước mọi thứ và cần sự phối hợp thực hiện của cả hai bộ phận.
Trạng thái này bao gồm việc tìm kiếm sự
cân bằng giữa kiểm soát và tập trung. Đạt
được và duy trì kiểm soát cũng như tầm
nhìn đòi hỏi bạn phải xử lý gọn ghẽ những
chuyện linh tinh. “Linh tinh” là từ dùng để
chỉ tất cả những thứ xuất hiện trong tâm trí bạn hằng ngày. Nếu không được giải quyết, chúng sẽ tồn tại trong tâm trí dưới hình thức các việc dở dang. Việc dở dang có thể làm suy giảm khả năng kiểm soát và tầm nhìn, dẫn đến những trở ngại, mất tập trung và quá tải.
Hãy học cách kiểm soát và giải phóng bản thân nhờ giải quyết hiệu quả những chuyện linh tinh.
THUẬT NGỮ CHÍNH
• Trở ngại
• Mất tập trung
• Tầm nhìn
• Quá tải
• Trạng thái sẵn sàng
• Chuyện linh tinh
• Kiệt sức
• Kiểm soát
• Việc dở dang
CÂU HỎI TƯ DUY/THẢO LUẬN
• Tất cả chúng ta đều từng vấp phải trở ngại do quá tải, mất tập trung vào một thời điểm nào đó. Bạn gặp phải trở ngại nào nhiều nhất?
• Nguyên nhân chính khiến bạn mất tập trung là gì?
• Khi rảnh rỗi, bạn thường làm gì? Tâm trí bạn thả trôi nơi đâu?
• Bạn đạt được gì khi ở trạng thái sẵn sàng? Tại sao nó lại quen thuộc với những gì bạn đã trải qua?
• Bạn gặp khó khăn gì khi không ở trạng thái sẵn sàng? Tại sao nó lại quen thuộc với những gì bạn đã trải qua?
• Những chuyện linh tinh thường xuất hiện trong cuộc sống của bạn là gì? Ví dụ ngay lúc này, bạn thường xuyên giải quyết những vấn đề nào? Cách đó có hiệu quả không?
• Bạn từng gặp vấn đề với giấc ngủ chưa? Nếu có, điều gì khiến bạn không thể tròn giấc mỗi đêm?
Phần 2
Rèn luyện GTD
Đừng tìm lỗi; hãy tìm cách sửa sai.
Phàn nàn là “bệnh” chung của mọi người.
– HENRY FORD
NẮM QUYỀN KIỂM SOÁT: QUY TRÌNH 5 BƯỚC
BƯỚC 1: THU THẬP
À ừ… Suýt thì quên…
Bạn nhớ mình từng được yêu cầu phải
mang theo cái gì đó đến trường vào hôm
sau chưa? Bài tập, dụng cụ thể thao hoặc
sổ liên lạc?
Nếu có, bạn đã làm gì vào đêm trước để
chắc chắn mình không quên?