🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hồ Sơ Tội Ác 3: Tơ Đồng Rỏ Máu Ebooks Nhóm Zalo Tơ đồng rỏ máu Tơ đồng rỏ máu Tác giả: Quỷ Cổ Nữ Dịch giả: Trần Hữu Nùng Kích thước: 15 x 24 cm Số trang: 394 Ngày xuất bản: 10 - 2 – 2014 Giá bìa: 105.000 ₫ Công ty phát hành: IPM Nhà xuất bản: NXB Văn Học Chụp pic: nhule124 Type lyn4101: 1-10 ngocpham112: 11-20 lamthuydung7590: 21-29 rainbowrose: 30-hết Beta: hoathanh Làm ebook: Dâu Lê Nguồn: luv-ebook.com Ebook: daotieuvu.blogspot.com Giới thiệu Trăng sáng nơi đầu núi Cành lìa cây rụng rơi Chim hãi hùng im tiếng, Bên cầu dấu xương phơi… Lúa ngát hương mùa mới Át đi mùi thây trôi Ếch kêu đêm rộn rã Không xua được chơi vơi. Cách đây mấy trăm năm, dưới thời nhà Minh, ở một châu nọ liên tiếp xảy ra án mạng thế này. Các cô gái lần lượt mất tích, khi tìm được thi thể họ thì thấy cái xác nào cũng cụt mất một ngón tay. Một bộ khoái của Đông Xưởng dốc hết tâm huyết điều tra vụ án. Mấy chục năm trôi đi đều tốn công vô ích, đến một ngày nọ, sắp tới lúc rửa tay gác kiếm, đã quá tuyệt vọng, ông ta bèn thực hiện lần chót, bày một con mồi, giăng một cái bẫy, bẫy tên thủ phạm tới chặt tay giết người. Hung thủ vẫn thoát. Con mồi bị giết. Bộ khoái nhất thời phẫn uất, ngất lịm đi. Khi tỉnh lại, như bị quỷ ám, ông ta lê bước đến hốc nhà, lôi ra một cái tráp vẫn giấu kín, mở ra. Giữa mùi mốc hôi lưu cữu nhiều năm, lẫn vào mùi thịt đang bắt đầu phân hủy. Giữa những khúc xương ngón tay đã trắng khô, là một ngón tay gần đây mới chặt. Năm trăm năm sau, Giang Kinh lại nổi lên vụ án giết người hàng loạt có tên “ngón tay khăn máu”. Nhiều cô gái đáng thương bị mất tích, gia đình họ thoạt tiên nhận được bưu kiện, bên trong nhúm ngón tay đã bị chặt của họ. Nhưng vài năm, thậm chí vài chục năm trôi đi, vẫn chưa phát hiện hoặc thấy xác họ bị trả lại. Một nghi phạm bị bắt. Lão khẳng định vụ án sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng không cho biết chi tiết, chỉ khăng khăng đòi gặp Na Lan. Và khi cô đến, lão đưa ra các câu đố khác nhau. Phải giải được loạt câu đố này, cô mới mong chặn được vụ án, tìm được xác những người bị hại bao nhiêu năm qua. Na Lan mù mờ đi theo chỉ dẫn, mỗi khám phá lại đẩy cô lên một mức độ bấn loạn và hiểm nguy mới, nhưng không bấn loạn và hiểm nguy nào sánh được với kết cục chờ cô phía cuối chặng đường. Là tập thứ ba trong series Hồ sơ tội ác, Tơ Đồng Rỏ Máu là một cao trào, một cục diện mới khẳng định bút lực hùng hậu của Quỷ Cổ Nữ. Trong tập này, người bí hiểm luôn theo dõi Na Lan từ Hồ tuyệt mệnh sang Tuyết đoạt hồn đã được hé lộ một phần trước bạn đọc. Nhưng bên cạnh người đó, còn ít nhất ba người bí hiểm nữa cũng tham gia vào trò theo dõi dai dẳng không thể chịu nổi ấy, phủ thêm lớp sương ngầu đục lên đất Giang Kinh vốn vẫn ẩn chứa vô vàn truyền thuyết và bão tố của lòng người này. Thông tin tác giả Quỷ Cổ Nữ là bút danh chung của một cặp vợ chồng người Trung Quốc đang sống ở Mỹ. Vợ là Dư Dương kỹ sư thâm niên về phần mềm máy tính. Chồng là Dị Minh chuyên gia y học nổi danh. Mùa xuân năm 2004, hai người dùng tên thật, cùng xuất bản cuốn tiểu thuyết dài Mùa xuân trên dòng sông băng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Giữa năm 2004, bằng bút danh Quỷ Cổ Nữ, hai vợ chồng tung lên mạng một tiểu thuyết kinh dị nhan đề Kỳ án ánh trăng. Tác phẩm gây chấn động không ngờ, lôi cuốn hàng triệu độc giả chỉ trong vòng vài ba tháng, đăng tải nửa chừng thì nhận được lời đề nghị xuất bản từ Nhà xuất bản Nhân Dân Thượng Hải. Mục lục Chương 1: Ác Mộng Chương 2: Viếng thăm ma quỷ Chương 3: Ngón tay khăn máu Chương 4: “Ngón tay khăn máu” tái xuất Chương 5: Thương Hiệt Chương 6: Lỡ sổng yêu ma Chương 7: Trò chơi và tội ác Chương 8: Tiền sử tâm thần phân liệt Chương 9: Kỳ nhân suy luận Chương 10: Đến tìm đáp án, càng nhiều câu hỏi Chương 11: Đất mọc tay Chương 12: Hàn mai sợ rét Chương 13: Một búng chết hai Chương 14: Chữ thứ hai Chương 15: Rũ bỏ hồng trần Chương 16: Truy tìm bí mật Chương 17: Huyệt tối xương khô Chương 18: Thiếu mẩu xương ngón Chương 19: Suy diễn Chương 20: Nói đúng tim đen Chương 21: Nhà họ Mễ Chương 22: Ký sự lưu lạc Chương 23: Khảo cổ, vạ lây Chương 24: Ngày tàn sau vinh quang Chương 25: Minh Phượng Chương 26: Gặp lại Thuyết đoạt hồn Chương 27: Tẩu hỏa nhập ma Chương 28 : Mỹ nhân trong sách Chương 29 : Dì Tư Chương 30: Ác ma dai dẳng Chương 31: Thi từ dẫn lỗi Chương 32: Vô số thây ma Chương 33: Hương lan đâu còn Chương 34: Cảm giác bị chôn sống Chương 35: Huyết án triền miên Chương 36: Rừng sâu tìm mộ Chương 37: Tuyệt vọng hồi sinh Chương 38: Điên rồi Chương 39: Trót gặp ma quỷ Chương 40: Hoa nhuộm màu máu Chương 1: Ác Mộng Ngày 19 tháng Mười hai năm 2000. Văn Nhược Phi công tác ở Sở Công nghiệp nhẹ, làm xong việc ra về. Mới 7 giờ rưỡi tối nhưng mùa đông ngắn ngày, khi xuống sân lấy xe đạp ra thì trời đã tối hẳn. Chẳng phải cô hăng hái xung phong làm muộn giờ thế này, mà là vì lãnh đạo tỉnh sắp xuống kiểm tra đột xuất, thực tập sinh như cô phải ra về sau tất cả mọi người. Lúc này bầu trời xám xịt, đèn đường mờ tối, cô ước gì mình đừng một thân một mình về Giang Kinh, cứ tìm một chỗ thực tập ở Thành Đô thì tốt biết mấy, ít ra hằng ngày còn được gặp bạn trai là Ba Du Sinh. Nếu trời xấu như hôm nay, chỉ cần phôn cho anh, anh sẽ phóng xe đến đón cô ngay. Tất cả đều tại cô, ban đầu vừa nghe tin Giang Kinh có cơ quan nhận thực tập sinh là cô ghi danh rồi đến đây luôn, cứ như chạy trốn Thành Đô vậy. Thực ra chỉ cô mới biết đúng là cô muốn tránh xa Thành Đô. Điều bí mật này, ngay Ba Du Sinh cũng không hay. Văn Nhược Phi sống trong ký túc xá Sở Công nghiệp nhẹ, cách văn phòng chừng hai mươi phút đạp xe. Khổ nỗi hôm nay cô vừa đạp được một quãnq thì tuyết bắt đầu rơi, đường trơn làm cô loạng choạng suýt ngã mấy lần. Có lẽ vì quá chú ý đến mặt đường, Văn Nhược Phi không nhìn thấy một người trong bóng tối phía trước. Xe văng sang bên, người thì ngã sóng soài. Nghe vọng lại tiếng rên rỉ cố nén, dù đang ê ẩm cả lưng lẫn chân, Văn Nhược Phi vẫn cắn răng đứng lên tiến về phía đó. Cô biết xe mình đã đâm người ta, chỉ mong sao hậu quả không đến nỗi bi đát. Nhưng tình hình nghiêm trọng ngoài sức tưởng tượng của cô. Đoạn đường này không rộng, xưa nay cũng chẳng tấp nập gì cho lắm, đèn đường trơ khấc phía xa, ánh sáng không thể xuyên qua màn tuyết đang rơi, xung quanh vắng người qua lại. Văn Nhược Phi lờ mờ trông thấy một khối đen nằm lù lù giữa đường, chưa xác định được có phải hình người hay không. Cô bước lại gần. Trên nền đường phủ trắng tuyết có một vệt máu đang loang dần. Cô rùng mình, suýt buột miệng kêu lên. Chỉ bị xe đạp đâm phải, sao có thể chảy nhiều máu thế này? Dưới ánh đèn nhợt nhạt, cuối cùng Văn Nhược Phi cũng đã nhìn rõ, trên mặt đất là một xác người không đầu! Vô lý! Xác không đầu sao có thể rên rỉ? Cô hét lên kêu cứu nhưng đã muộn, một chiếc găng tay từ đằng sau thò lên, bịt chặt miệng cô. Văn Nhược Phi tỉnh lại trong cơn đau dữ đội. Đây là đâu? Cô không nhận ra, chỉ biết đây không phải là nơi chốn đàng hoàng sáng sủa. Gió lạnh hun hút, một ngọn đèn nhỏ bằng hạt đậu rọi vào ngọn nguồn cơn đau kinh khủng của cô. Bàn tay. Dù là mơ hay tưởng tượng, thì cô vẫn nhớ ra rằng mình đã thoáng thấy ánh thép loáng lên. Và ánh máu. Ngón trỏ bàn tay phải của cô đã bị chặt cụt. Văn Nhược Phi rú lên xé ruột, nhưng tiếng kêu tắc nghẽn bởi chiếc khăn nhồi trong mồm, biến thành âm thanh ú ớ nơi cổ họng. Hai tay bị trói chặt, hai chân cũng không thể nhúc nhích. Cô cúi nhìn và lại kinh hãi rú không thành tiếng, hai chân cô đã bị chôn dưới đất! Những tảng đất lớn đang từ phía trên hất xuống tới tấp bên chân cô. Một giọng cười vang lên, nghe như phát ra từ lòng đất sâu, như hàng ngàn mũi kim li ti cày qua làn da mịn màng của cô, hết vòng này đến vòng khác, như con mãng xà quấn riết da thịt cô. “Tại sao cô lại bỏ Thành Đô?” Tiếng cười ngừng lại, thay vào đó là câu lục vấn bằng cái giọng ra vẻ quan tâm. “Tại sao vừa nghe nói ở Giang Kinh xa lắc xa lơ này có nơi cho thực tập, cô đã vội vàng xin đi ngay? Tại sao ngay người bạn trai mà cô định gửi gắm cuộc đời cũng không khuyên can nổi cô?” Văn Nhược Phi muốn nói, anh không hiểu đâu, không ai hiểu được, cả Ba Du Sinh cũng thế… Nhưng cô không thốt nên lời, không chỉ vì miệng bị nhét khăn mà còn vì tức ngực, không thể nào phát ra âm thanh. Chẳng mấy chốc, đất bùn tanh tưởi đã ngập đến ngực cô. Một bàn tay đi găng da đen thò tới, nắm khăn mặt rút ra khỏi miệng Văn Nhược Phi. Theo bản năng, cô liền rú lên thảm thiết. Cô đã kêu được thành tiếng! Hòa vào tiếng kêu kinh hãi của cô là một giọng cười ghê rợn, là thứ âm thanh khàn đục ma quỷ cũng phải choáng váng… Nếu chuông di động không vang lên giữa đêm khuya thì có lẽ giấc mơ tàn khốc nửa thực nửa hư này vẫn còn kéo dài cũng nên. Người yêu anh mất tích đã được mười ba năm, nhưng Ba Du Sinh rất hiểu tại sao gần đây mình thường xuyên gặp cơn ác mộng này. Anh vươn tay với chiếc di động đặt ở tủ đầu giường, bàn tay nhớp nháp vì mồ hôi toát ra trong cơn mơ. Đồng hồ trên di động báo 4 giờ 6 phút sáng. Ba Du Sinh là đội trưởng Đội Trinh sát Hình sự kiêm tổ trưởng Tổ Trọng án Sở Công an thành phố Giang Kinh. Chắc chỉ có anh mới đặt chuông di động ở mức lớn nhất trong khi ngủ, và cũng chỉ có anh mới không bực mình khó chịu bởi những cú phôn khiến người ta choàng tỉnh thế này. Ra khỏi cơn ác mộng ấy cũng tốt. Anh cầm di động lên, “Tôi nghe đây”. Im lặng nghe đầu kia nói xong, mồ hôi túa ra càng nhiều. Chuyện anh lo lắng nhất đã xảy ra. Trực ban ở Đội Trinh sát Hình sự gọi điện báo cáo, một cô gái 23 tuổi tên là Hàn Tây, đóng quầy thời trang của mình xong không thấy trở về nhà. Người bạn trai sống chung tên là Thẩm Đại Hổ không sao liên lạc được với cô. “Lần liên lạc cuối cùng với cô ta, là lúc nào?” Giọng Ba Du Sinh rất tỉnh táo, trầm tĩnh. “Hai người ấy nhắn tin cho nhau cách đây chừng năm tiếng đồng hồ. Kể từ lúc đó không ai liên lạc được với Hàn Tây.” Năm tiếng đồng hồ mất liên lạc với một ai đó thì chưa thể coi là mất tích, không lập hồ sơ được, dĩ nhiên Ba Du Sinh biết điều này, anh hỏi, “Cậu nói vậy, tức là đã có chứng cứ?” Hàn Tây không về nhà đúng giờ như mọi hôm, thoạt đầu Thẩm Đại Hổ chẳng lo lắng gì, vì còn chưa ra khỏi dư âm của những tin nhắn tình tứ giữa anh và cô, mặt khác, anh biết tình yêu của Hàn Tây đối với anh sâu đậm, cô không thể bỏ anh mà đi chẳng lời từ biệt. Chắc là lúc sắp đóng cửa hàng thì bỗng có khách vào, cô phải tiếp họ một lúc. Khi đi làm, Hàn Tây ăn mặc rực rỡ gợi cảm, nhưng đó là vì yêu cầu của công việc, chứ cô không thể và cũng không đủ gan dan díu với một gã nào đó. Hai tiếng đồng hồ trôi qua rất nhanh, Thẩm Đại Hổ bắt đầu sốt ruột, anh liên tục nhắn tin cho Hàn Tây nhưng không thấy trả lời; gọi điện thì tắt máy. Anh rời căn hộ chung xinh xắn của họ, ra cổng chính của khu nhà, đi đi lại lại. Chuyến xe buýt cuối cùng đã chạy qua cách đây hơn một giờ. Anh đốt liền hai điếu thuốc lá. Vài chiếc taxi đỗ rồi đi, vẫn không thấy bóng dáng Hàn Tây. Anh hiểu rằng đã xảy ra chuyện bất thường. Anh lại quay về nhà. Anh nhớ rằng Hàn Tây có cuốn sổ tay các thông tin lặt vặt, trong đó có số điện thoại của ông chủ và vài cô bạn đồng nghiệp, anh sẽ lần lượt gọi cho từng người. Nếu không có kết quả, anh sẽ phóng xe máy đến cửa hàng cô làm. Nếu cửa hàng đã đóng cửa… thì thế nào đây? Anh nghĩ đến vận đen của mình, một tên khốn nào nẫng mất Hàn Tây của anh, và cô đã đi với hắn. Thẩm Đại Hổ này không đời nào chấp nhận sự phản bội, Hàn Tây hiểu rõ điều đó hơn bất cứ ai. Lúc lấy chìa khóa để mở cửa nhà, Thẩm Đại Hổ nhìn thấy ngay cái ví đầm xinh xắn treo ở tay nắm cửa, đó là cái ví nhãn hiệu danh tiếng Hermès của Pháp mà anh tặng Hàn Tây nhân ngày sinh nhật cô năm ngoái. Anh mỉm cười, biết Hàn Tây không bao giờ làm chuyện dại dột kia mà! Nhưng anh lập tức kinh ngạc, vì sao cô lại treo cái ví ở cửa? Thẩm Đại Hổ cầm ví lên, mở khóa cửa, bật đèn, giọng anh hết sức dịu dàng, “Hàn Tây, sao về muộn mà cũng không gọi cho anh một câu? Muộn quá, có biết anh sốt ruột đến thế nào không?” Không thấy trả lời. “Tây Tây!” Giọng anh hơi xẵng. “Đừng đùa nữa! Dù im lặng là vàng thật thì cũng không có giá trị gì với anh!” Vẫn không một âm thanh. Căn hộ bé tẹo này đâu đủ chỗ chơi trốn tìm? Anh nhanh chóng nhận ra Hàn Tây không ở trong nhà. Nhưng tại sao cái ví của cô lại treo ở cửa? Thẩm Đại hổ đứng nghệt ra một lúc. Lẽ nào cô đã bỏ anh mà đi thật? Và, để thể hiện quan hệ hoàn toàn chấm hết, cô trả lại anh cả món quà “quý giá” mà anh đã tặng? Lửa giận trào lên tận cổ, tay nắm chặt, anh muốn đấm vào mặt ai đó, anh muốn nghe thấy tiếng rạn ở sống mũi, tiếng hàm răng va vào nhau… nhưng lúc này trước mặt anh chỉ là căn phòng trống trải. Anh ném mạnh cái ví đầm xuống đất. Ví đang mở nên các thứ bên trong văng tóe ra sàn, trong đó có cả chiếc iPhone hàng nhái mà anh tặng Hàn Tây. Thẩm Đại Hổ sinh nghi, khó mà tưởng tượng Hàn Tây có thể rời xa chiếc di động yêu thích. Nếu cô bỏ đi với gã nào đó mà lại không cầm theo điện thoại thì càng bất tiện. Thẩm Đại Hổ nhặt iPhone lên, nghĩ rằng nếu xem danh sách cuộc gọi thì có thể tìm ra manh mối. Anh kiểm tra di động của cô hầu như hằng ngày, ngoài các tin nhắn quảng cáo lừa đảo ra, anh chưa từng thấy có số máy nào đáng nghi, nếu Hàn Tây bỏ đi với trai thật thì phải công nhận rằng cô giấu giếm rất “có nghề”. Lần này cũng không ngoại lệ, trong vài giờ vừa qua chỉ có mấy tin nhắn do chính anh gửi đến máy của cô. Ánh mắt anh bị thu hút bởi một cái hộp nho nhỏ màu xanh nằm gần đó, “Bao cao su, sản xuất từ cao su thiên nhiên 100%, nhãn hiệu Durex. Anh quốc sản xuất”. Tay anh run run cầm cái hộp lên. Mẹ kiếp, bao cao su này rất đắt, đâu có rẻ như hàng rởm! Thẩm Đại Hổ bỗng cảm thấy hộp bao cao su trong tay nặng khác thường. Tạm gác nỗi uất hận mới trỗi dậy sang một bên, anh mở nắp cái hộp dèn dẹt, rút ra một mảnh vải trắng to bằng bàn tay, chất liệu hơi cứng, gần giống vải bò. Anh nhớ rằng hình như hôm nay Hàn Tây mặc chiếc quần bò màu trắng đi làm. Anh nhìn kỹ mảnh vải bò trắng. Chẳng thành hình thù gì, giống như là lấy kéo cắt bừa ra. Anh lật mặt sau mảnh vải, bỗng sửng sốt, trên mảnh vải trắng tinh có một vết máu đỏ tươi. Cái hộp Durex bỗng như nặng hơn, anh thọc ngón tay vào nhưng lập tức rút ra như bị điện giật, cái hộp rơi xuống đất. Một ngón tay nhợt nhạt văng ra. “Là ngón tay của Hàn Tây à?” Ba Du Sinh đã mặc xong chiếc áo gió. “Phòng kỹ thuật và phòng thí nghiệm đã bắt tay vào để xác định. Gã Thẩm Đại Hổ khăng khăng cho rằng đó là ngón tay của Hàn Tây, vì móng tay sơn hoa mai trên nền đỏ son, cuối tuần trước cô ta vừa đi hiệu vẽ lại.” “Mễ Trị Văn dậy chưa?” Đầu dây bên kia hơi chần chừ, Ba Du Sinh bỗng linh cảm điều chẳng lành. Theo linh cảm này, thường là các hậu quả khó mà chấp nhận nổi. Nghe đầu dây bên kia trả lời xong, mồ hôi từ trán Ba Du Sinh đã chảy xuống tận mắt, cay xè. Mễ Trị Văn, nghi phạm quan trọng đang bị giám sát, đã biến mất ngay trước mũi cảnh sát. Nếu lúc này bạn bè hoặc người thân của anh xuất hiện, họ sẽ nhìn thấy một Ba Du Sinh khác hẳn bình thường, nói cách khác là, họ sẽ nhìn thấy một người hao hao Ba Du Sinh nhưng nhợt nhạt, đầy vẻ mệt nhọc thậm chí già nua. “Đội trưởng?” Anh cảnh sát trực ban chưa bao giờ thấy sếp im lặng lâu đến thế. “Lập tức truyền lệnh tổng động viên cảnh sát các khu quận, huyện, thành phố hiệp đồng truy bắt. Tôi sẽ đến ngay?” Ba Du Sinh cố trấn tĩnh. Anh tắt máy, nhanh chóng mặc cảnh phục, rồi mở di động xem danh sách các cuộc gọi. Anh bắt đầu thấy hối hận, lẽ ra không nên để cho Na Lan tham gia vụ án. Nhưng cũng đúng lúc này linh cảm của anh càng mạnh mẽ, biết đâu, chỉ cô ấy mới có thể khiến cho bi kịch nhanh chóng kết thúc. Hoặc khiến bi kịch càng thê thảm hơn. Nhưng không còn lựa chọn nào khác, anh bấm số gọi cho Na Lan. Sau ba hồi chuông reo, đầu bên kia truyền đến một giọng nữ hơi ngái ngủ, “Anh Ba Du Sinh?” “Na Lan, tôi do dự mãi, không biết có nên để cô tham gia vụ này không… nhưng chẳng còn cách nào khác… vụ án ‘ngón tay khăn máu’ lại xảy ra, chúng ta lại có một nạn nhân nữa.” Chương 2: Viếng thăm ma quỷ Mười ba hôm trước. Qua khe mành mành cửa sổ, anh thoáng nhìn đã nhận ra Na Lan, đang băng qua làn mưa bụi giăng giăng. Trên con đường rộng rãi trước khu điều trị nội trú, người qua lại như mắc cửi, rất đông bác sĩ, y tá và người nhà vào thăm bệnh nhân, ai nấy giương ô màu đen, màu ghi, màu xanh… nhưng anh nhận ra Na Lan ngay! Với mỹ nữ, khuôn mặt và vóc dáng chỉ là hình ảnh hai chiều, chính phong độ và khí chất mới là nét đặc sắc khiến họ trở thành báu vật lập thể đa chiều. Nhờ nhạy cảm với khí chất của Na Lan, nên Ba Du Sinh đỡ được bao nhiêu mệt mỏi vất vả trong việc tìm cô giữa đám đông. Thiếu nữ thời nay cho rằng mình mặc áo mỏng hai dây, hở trên hở dưới hở lưng thì sẽ rất bắt mắt; đúng thế thật, không ai nghi ngờ gì, nó rất bắt mắt đàn ông nhưng đó chỉ là sức hút ở tầm thấp mang tính bản năng động vật, sự hấp dẫn mong manh ấy sẽ chỉ thoáng qua rồi tan nhanh. Trình độ và hiểu biết của Ba Du Sinh đã vượt trên mặt bằng thẩm mỹ của “số đông”. Cũng đừng hiểu lầm ánh mắt ngưỡng mộ của anh khi nhìn Na Lan là sự thèm khát trỗi dậy. Không còn bồng bột như thời trai trẻ nữa, anh đang đầy mình bệnh tật và chẳng biết lúc nào sẽ bị ông trời “gọi đi”; anh chỉ muốn hoàn thành tâm nguyện sau cùng, biểu diễn một lần cuối, để lại ấn tượng sâu sắc cho thế giới này. Sau đó, hạ màn, rời sân khấu. Cho nên lần trình diễn này anh không được phép đọc nhầm một lời thoại hay làm nhầm một động tác nào. Cũng may vì Ba Du Sinh xưa nay luôn theo đuổi sự hoàn mỹ cho nên sự tự tin của anh là có căn cứ, anh dường như đã nghe thấy tiếng vỗ tay nhiệt liệt của khán giả. Đúng giờ, Na Lan bước vào khu buồng bệnh. Tất cả đều diễn ra như sắp đặt của anh. Bệnh viện Phổ Nhân nằm ngay trung tâm thành phố, là một trong những bệnh viện hàng đầu trực thuộc Đại học Y khoa Số 2 Giang Kinh, khu buồng bệnh vừa được trùng tu năm kia, có mái vòm cong cong, thảm sàn và giấy dán tường dùng màu ấm áp, giúp bệnh nhân giảm bớt cảm giác nặng nề. Bên ngoài khu nhà, cuộc chiến giữa gió lạnh và khí ấm chưa phân thắng bại; nhưng trong nhà, nhờ hệ thống sưởi nên mùa xuân nhân tạo vẫn đang ngự trị.. Thế mà khi bước vào khu buồng bệnh, Na Lan vẫn hơi rùng mình. Có phải do tác động tâm lý không? Na Lan là nghiên cứu sinh Khoa Tâm lý Đại học Giang Kinh, chính cô đã trải nghiệm và khám phá ra vụ án “năm xác chết”, vụ hung sát bằng ma túy trong khu nhà tuyết miền đông bắc[1], cô đã vận dụng hết mọi khả năng mà mình có, sau đó nhà trường và cảnh sát cùng ép cô chấp nhận mấy lần phỏng vấn. Nhà trường muốn xây dựng hình ảnh một trí thức trẻ tiêu biểu, cảnh sát thì muốn xây dựng hình ảnh một công dân tốt dũng cảm cộng tác với cảnh sát. Na Lan đã trả lời phóng viên nhiều lần, rằng tôi không phải đóa hồng bằng thép hay không biết sợ là gì; trái lại, cô rất sợ xem phim kinh dị, cô cực ghét ra đường một mình ban đêm. [1] Đã được miêu tả lần lượt trong Hồ tuyệt mệnh và Tuyết đoạt hồn. Lần đầu Na Lan tiếp xúc với tội ác là bảy năm về trước, khi cha cô bị hại. Kể từ lúc tận mắt nhìn thấy thi thể của cha, cảm giác sợ hãi luôn ám ảnh thậm chí bám riết lấy cô. Nhưng cảm giác sợ hãi cũng rèn luyện bồi đắp cho cô khả năng quan sát nhạy cảm đối với sự vật và con người. Hôm nay cô lại nắm tay nỗi sợ hãi, nắm tay “người bạn cũ” vẫn sáng chiều đeo bám ấy. Nguồn cơn của nỗi sợ hãi nằm ngay trong khu buồng bệnh đang cố trở nên đầm ấm này. Hiện đang là lúc vào thăm bệnh nhân tấp nập nhất, thang máy khá chật, có ba y tá hộ lý và năm sáu người nhà bệnh nhân mà vẻ mặt của họ nặng nề hơn cả trời mưa gió; đứng trước bệnh tật, họ phải chịu đựng tổn thất về sức khỏe, thời giờ, tiền bạc thậm chí cả người thân của mình. Na Lan hiểu hơn ai hết cảm giác bị mất người thân. Người cha thân yêu của cô sớm ra đi ở tuổi tráng niên, bạn trai mối tình đầu của cô vùi thây trong núi tuyết. Vết thương lòng của cô không những không lành mà ngày càng nhức nhối không biết khi nào mới nguôi. Cửa thang máy mở, tầng thứ 11. Trong vòng mấy phút mà như đã trải đủ mấy mùa nóng lạnh, Na Lan nhanh chóng gạt bỏ những ý nghĩ rối bời, mỉm cười, đưa tay chào Ba Du Sinh đang đứng ở hành lang đón cô. “Áy náy quá, hôm qua anh giao cho cô cả đống bài tập.” Ba Du Sinh nói. “Cô luôn là học trò giỏi, chắc cô đã xem hết rồi?” Ba Du Sinh thông minh, từng trải, nhiều chất thư sinh hơn là viên chức cảnh sát, là một trong những nguyên nhân khiến cô thích giao thiệp với anh. Cô mỉm cười, “Bài tập ở tổ trọng án của thầy Ba Du Sinh, em đâu dám lơ là? Nhưng em vẫn còn mấy vấn đề nhỏ muốn hỏi thêm.” Ba Du Sinh là một trong những người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho Na Lan, mỗi lần gặp anh, cô cũng hay gọi là “thầy”. Không hiểu tại sao hôm nay vẻ mặt anh nặng nề khác hẳn mọi ngày, thậm chí nét lo âu hiện lên rất rõ. Anh gật đầu nói, “Ta cứ vào gặp lão đã. Có vấn đề gì cô để đấy hỏi anh sau.” Cả hai dừng chân trước căn phòng thuộc khu vực theo dõi bệnh nhân nặng. Tuy dành riêng cho bệnh nhân không còn khả năng chữa trị nữa nhưng cơ sở vật chất vẫn y hệt như các khu vực khác, vẫn giữ gam màu ấm, sáng sủa, tường dán giấy màu xanh da trời, treo những bức tranh sơn thủy êm đềm nhẹ nhõm, ánh sáng đầy đủ mà không chói mắt. Ba Du Sinh nhìn qua cửa kính, nói, “Lão ấy kia, giường giữa.” Trên cái giường trắng là một ông già vóc người khô héo đang nằm, cái chụp thở ô xi gắn vào mũi là sợi dây cuối cùng duy trì sự sống của ông ta. Na Lan nói nhỏ, “Thoáng nhìn, em đã có được câu trả lời đầu tiên.” “Thế à?” “Em vốn định đến để xác định bệnh nặng đến mức nào và có đủ tiêu chuẩn để được ra bệnh viện dân sự điều trị không, nhưng dù không có chuyên môn y khoa em cũng nhận ra rằng bệnh tình của ông ta đã rất nguy kịch.” Na Lan nói. Ba Du Sinh, “U não, bệnh động mạch vành khá nặng, tắc nghẽn động mạch phổi, bệnh liệt rung Pac-kin-sơn, tiểu đường… đủ cả…” “Và tâm thần phân liệt nặng nữa.” “Ừ nhỉ, trước mặt cô, anh không dám múa rìu qua mắt thợ, suýt nữa quên béng điều đó! Bị ngần ấy bệnh nặng, xét đến vấn đề nhân quyền và nhân đạo, đều nên được đưa ra điều trị ở bệnh viện dân sự…” “… dù rằng phạm tội cưỡng dâm và giết người bất thành!” Na Lan thở dồn khi nhìn cẳng tay gầy đét như que củi thò ra ngoài chăn. “Có điều, với tội phạm nguy hiểm, hình như pháp luật kiểm soát rất chặt việc điều trị dân sự.” Ba Du Sinh gật đầu, “Nhưng lão ốm quá nặng, bệnh viện nhà tù không đủ điều kiện chữa chạy thì lão phải được chuyển ra ngoài. Để đảm bảo, bên anh đã xin phép tòa án, đồng thời tổ chức giám sát lão một cách thỏa đáng. Tình trạng như lúc này, lão rất ít có khả năng gây ra mối nguy gì. Các bác sĩ cũng đều nhận định rằng sự sống của lão chỉ có thể tính từng ngày.” “Bệnh nặng như vậy mà còn hứng thú chuyện phiếm với em à!” Na Lan hiếm khi dùng giọng châm biếm thế này, nhất là trước mặt Ba Du Sinh. Nhưng chẳng biết hôm nay cô bị rơi vào từ trường kỳ quái nào mà không giữ được khả năng tự kiểm soát. Hay là, phạm nhân đang nằm chờ bảo lãnh kia chính là một nguyên nhân? “Lão nằng nặc đòi gặp cô.” “Vì liên quan đến vụ án ‘ngón tay khăn máu’?” Na Lan bỗng cảm thấy nói ra mấy chữ “ngón tay khăn máu” nghe thật cải lương, mà cũng thật ghê rợn. Ba Du Sinh hơi do dự, gật đầu, “Ít ra thì… chính lão đã gọi như thế.” Chương 3: Ngón tay khăn máu Ông già nằm trên giường bệnh là một bệnh nhân tâm thần phân liệt phạm tội hiếp dâm, đòi gặp đích danh Na Lan, nói là muốn tiết lộ một bí mật gây chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc. Sự thật này chắc chắn sẽ trở thành một dòng status được lan truyền rộng khắp trên weibo[1]. [1] Mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Sự thật về vụ án “Ngón tay khăn máu”! Trong ba mươi năm qua, ở Giang Kinh đã xảy ra một loạt vụ án phụ nữ mất tích, các vụ việc cách nhau một hai năm hoặc vài năm. Tính đến nay, đã có ít nhất mười phụ nữ là nạn nhân của dạng vụ án này. Giang Kinh là thành phố lớn, dân số cả chục triệu người, không hiếm các vụ mất tích, nhưng loạt vụ án mất tích này có chung một đặc điểm. Đặc điểm khủng khiếp. Một ngày mùa xuân năm 1980, có một công chức bình thường đang sốt ruột sốt gan vì chờ đợi, mong mỏi một điều thần kỳ rằng cô em gái Nghê Phượng Anh đã mất tích một tuần sẽ trở về nhà. Nhưng chỉ thấy xuất hiện một chiếc xe đạp đưa thư cùng một bưu kiện nhỏ. Bao bì không ghi họ tên địa chỉ người gửi. Bên trong là một hộp giấy, trong hộp giấy là một chiếc khăn tay màu trắng, góc khăn có ghi tên Nghê Phượng Anh do chính cô thêu. Giữa khăn là một vết đỏ thắm. Mở khăn ra, một ngón tay trắng nhợt! Không lâu sau đó, công an xác định rằng vết đỏ ở khăn là máu của Nghê Phượng Anh, ngón tay ấy cũng là của cô. Những người cư trú lâu năm tại Giang Kinh vẫn nhớ, trong những năm tháng yên bình ấy, vụ án Nghê Phượng Anh mất tích đã khiến bao người xót xa, đã trở thành đề tài bàn tán ở khắp nơi. Có một thời gian các cô gái trẻ không dám ra khỏi nhà buổi tối. Bấy giờ, một tờ báo chuyên viết về đời thường tên là Tin chiều Tân Giang liên tiếp đăng tin bài về vụ án này, cộng thêm các phim kinh dị, trinh thám chiếu rạp cùng thời như Vụ mưu sát số 405 hay Mây mù trên đỉnh Thần Nữ, khiến âm thanh rùng rợn của cái ác như thấm qua mặt báo mà tác động vào thần kinh của mọi người. Hung thủ có thể là ai? Hồi đó người ta đoán già đoán non, có thể là bọn đặc vụ Mỹ Tưởng vẫn nằm vùng ở đại lục từ ba mươi năm qua, có thể là tay chân của “bè lũ bốn tên” hoặc bọn xã hội đen Hồng Kông… Một suy đoán có vẻ thực tế hơn là, một gã trai trẻ nào đó cùng làm ở xưởng dệt với Nghê Phượng Anh đã yêu cô nhưng bị cô từ chối. Nhưng dù hung thủ là ai, là nam hay nữ, thì cũng đã ẩn thân rất giỏi, vì hắn vẫn là một câu đố không lời đáp, tung tích Nghê Phượng Anh vẫn mịt mùng. Truyền thông và dân chúng đều chỉ có trí nhớ ngắn hạn, nhất là trong thời đại xã hội đang phát triển rầm rộ, ai cũng tất bật với vô vàn thay đổi từng ngày. Vài ba năm sau, họ đã dần quên khuôn mặt xinh xắn hiền hòa của Nghê Phượng Anh. Thế rồi ba năm sau, một buổi tối mùa hè, Mã Vân bỗng nhiên mất tích. Mã Vân là cô giáo tiểu học mới vào nghề một năm. Vào buổi tối mùa hè bất hạnh ấy, khi Giang Kinh đang phải chịu cái nóng ghê gớm chưa từng thấy suốt nhiều năm qua, Mã Vân và mấy cô bạn ra bờ sông Thanh An hóng mát, nghịch nước… giống hàng trăm người dân khác của thành phố. Đùa nghịch mãi, rồi nóng bức, Mã Vân xung phong lên đê mua kem về cho mọi người, nào ngờ cô ra đi không bao giờ trở lại. Người đầu tiên liên hệ hai vụ Nghê Phượng Anh và Mã Vân với nhau là Trần Ngọc Đống, một công an ở khu Văn Viên. Anh công an trẻ tuổi thường được gọi là “chú em” này trước đó đã từng tham gia điều tra vụ Nghê Phượng Anh. Khi phần lớn đồng nghiệp cho rằng Mã Vân là vụ án riêng rẽ thì Trần Ngọc Đống đã lờ mờ nhận ra sự liên quan giữa hai vụ mất tích cách nhau ba năm này, anh bèn báo cáo lãnh đạo về sự suy đoán mạnh dạn của mình, nhưng lại phải nghe một cuộc “trao đổi” sâu sắc và tình cảm, “Vụ Nghê Phượng Anh chưa phá được không phải là lỗi của chú em. Trước giờ thời nào chẳng có những vụ bế tắc không thể đóng hồ sơ, chú khỏi cần canh cánh bên lòng hay ngờ vực nhiều như thế. Huống chi, vụ Mã Vân do công an Tân Giang phụ trách, chúng ta chỉ phối hợp tìm kiếm, thu thập tin tức do quần chúng báo lên, còn việc trinh sát cụ thể thì Văn Viên chúng ta không thể nhúng tay vào.” Đúng là thế, Mã Vân cư trú ở Tân Giang, Trần Ngọc Đống không có cơ hội tham gia vào vụ này. Về đến ký túc xá, anh mở cuốn sổ “Ghi chép công tác” ra viết một câu, “Mình có linh cảm rằng chẳng mấy chốc dự đoán của mình sẽ được chứng minh là đúng.” Thật không may, linh cảm của Trần Ngọc Đống hoàn toàn chính xác. Mã Vân mất tích đến ngày thứ năm thì một bưu kiện được gửi về gia đình đang nóng lòng như lửa đốt của cô. Đó là một cái hộp giấy, bên ngoài chỉ ghi họ tên địa chỉ người nhận, không ghi bất cứ thông tin gì về người gửi. Dù cảnh sát đã dặn tình hình thế nào cũng phải trình báo ngay, cha Mã Vân vẫn quên bẵng, ông hấp tấp mở luôn cái hộp, kêu to một tiếng rồi ngã lăn ra. Mẹ Mã Vân đi chợ vắng, một bác hàng xóm đã về hưu nghe tiếng kêu bèn chạy vội sang đỡ ông dậy. Ông Mã chưa bất tỉnh, mà chỉ bị sốc do huyết áp cao, ông nắm tay bác hàng xóm nói, “Mau báo cảnh sát… cái hộp kia… bác đừng nhìn nó… và đừng kể cho nhà tôi biết…” Bác hàng xóm bèn gọi người, rồi tìm tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực… tuy nhiên bác vẫn không quên nhìn trộm vào cái hộp bí ẩn kia. Loài người là loài động vật tiến hóa không ngừng nhờ biết tò mò, dù rằng trong đại đa số trường hợp tò mò xong họ đều hối hận. Bác già vừa tốt bụng lại vừa tò mò ấy nhìn vào hộp giấy. Chỉ nhìn một tích tắc mà ác mộng đeo bám bác suốt hơn hai mươi năm, đến tận khi bác qua đời. Một cái khăn tay màu lục nhạt. Một vết đỏ sẫm trên cái khăn. Bên cạnh nó là một ngón tay trắng nhợt. Công an thành phố thành lập tổ chuyên án, do một trong các phó giám đốc sở trực tiếp chỉ huy. Họ tổ chức trinh sát, phục kích suốt ngày đêm. Trần Ngọc Đống, vì có chút ít kinh nghiệm và bài học từ vụ Nghê Phượng Anh, nên được công an Văn Viên đề cử tham gia tổ. Tổ chuyên án tìm kiếm kiểu cuốn chiếu, rà soát gần như từng mét vuông suốt dải bờ sông hiện trường, nhưng không tìm thấy bất cứ manh mối nào về Mã Vân. Cô có còn trên đời này không, hay đã biến thành một cái xác? Tại sao hung thủ phải gửi về nhà chiếc khăn tay của người bị hại? Tại sao hắn lại chặt một ngón tay của cô? Hai vụ án có do cùng một hung thủ gây ra không? Hung thủ không để lại dù là một vết tích. Hắn là sát thủ “chuyên nghiệp” trong truyền thuyết chăng? Nghe chừng là chuyện chỉ xuất hiện trong phim xã hội đen do các lò sản xuất băng đĩa chui làm ra, chứ ở Giang Kinh thì chưa từng nghe nói đến. Tại sao lại giở thủ đoạn gây án chuyên nghiệp với hai cô gái rất bình thường? Hung thủ và nạn nhân có quan hệ gì? Hắn là một kẻ tâm thần cuồng sát ngẫu nhiên, hay là kẻ gây án có chủ đích có mục tiêu? Những câu hỏi đại loại như thế đều được ghi trong cuốn sổ tay của Trần Ngọc Đống, anh viết kín đặc bốn trang giấy. Và vẫn còn rất nhiều câu hỏi anh chưa viết vào đây. Cảnh sát thành phố Giang Kinh đã dốc toàn bộ lực lượng và tâm trí nhưng kết quả vẫn như vụ án Nghê Phượng Anh, không thể đóng hồ sơ. Mã Vân cũng như Nghê Phượng Anh đã biến mất khỏi thế giới này. Trần Ngọc Đống vừa ngao ngán vừa phẫn nộ, mất ngủ liền mấy đêm, anh viết vào sổ tay, “Vụ án còn lâu mới dừng ở đây được. Tôi sẽ dốc hết sức lực đời mình để lôi tên hung thủ ác ma ra trước ánh sáng công lý.” Thật không may, một lần nữa dự đoán của Trần Ngọc Đống lại đúng. Chưa đầy hai năm sau, mùa xuân năm 1985, một cô gái tên là Tiết Hồng Yến mất tích. Lại một cái hộp giấy, một khăn tay dính máu, và một ngón tay trắng nhợt khiến người ta khiếp đảm. Vụ án lại làm chấn động Giang Kinh, lại đẩy ảnh hưởng của tờ Tin chiều Tân Giang lên một tầm cao mới, và lại khiến mạch máu của Trần Ngọc Đống căng phồng. Sở Công an tái lập tổ chuyên án, Bộ Công an cũng cử chuyên gia xuống, cảnh sát toàn thành phố tiếp tục lao vào trinh sát khám phá. Lần này Sở hạ quyết tâm chặn đứng tội ác, vụ án tàn bạo này mà không phá được thì sẽ gây cho người dân ấn tượng rất xấu, rằng công an chẳng hề tài ba như người ta tưởng, và sẽ kích thích làn sóng phạm tội đang dần nổi lên trong xã hội. Cho nên khẩu hiệu của tổ chuyên án là, Nhân dân tất thắng! Công an nhân dân tất thắng! Năm ấy ngoài tờ Tin chiều Tân Giang ra, còn có vài tờ nguyệt san về pháp chế cũng ăn theo, họ đặt cho loạt vụ án nói trên cái tên rất “văn học đại chúng” là “Vụ án ngón tay khăn máu”. Sau khi miêu tả sinh động hai trường hợp Nghê Phượng Anh và Mã Vân, họ còn tung ra những phỏng đoán sặc mùi tiểu thuyết về sự mất tích của Tiết Hồng Yến. Trong quá trình “sáng tác” này, những tình tiết thực hư về đời tư và gia đình của cả ba cô gái bị khai thác triệt để. Chẳng nói cũng biết, khi Bộ Công an và Sở Công an tuyên bố rằng, nhờ nỗ lực phối hợp của cảnh sát toàn thành phố, vụ án “ngón tay khăn máu” đã được phơi bày, hung thủ bị đưa ra xét xử… thì tở Tin chiều Tân Giang và mấy trang tạp chí pháp chế kia phấn khích đến nhường nào! Càng không khó để hình dung rằng mọi tình tiết về đời tư, gia đình… của hung thủ sẽ không thể bị bỏ sót. Chương 4: “Ngón tay khăn máu” tái xuất Hung thủ là La Cường, 29 tuổi. Theo ảnh đăng trên tờ Tin chiều Tân Giang, hắn có khuôn mặt dài hình tam giác ngược, trán rộng má vát cằm nhọn, hai mắt cách xa nhau đầy vẻ tàn bạo, mũi sư tử, đôi tai vểnh, càng tăng thêm nét hung ác. Nếu cho hắn đứng chung với chục thanh niên bất kỳ, rồi bảo anh “chọn” ra một tội phạm giết người, tin rằng anh sẽ không do dự chỉ vào mặt La Cường nói, “Là thằng này!” Chắc chắn anh không chọn nhầm, vì anh còn chưa biết một điều rất có sức thuyết phục, hắn từng có tiền sự về tội lưu manh. Không chỉ La Cường có tiền sự lưu manh, mà La Dực Vũ cha hắn cũng có tiền sự lưu manh. “Cha yêng hùng con hảo hớn”, không cần học về gen anh cũng biết đã không bắt nhầm người. Trần Ngọc Đống đã là tổ phó tổ chuyên án, là người có công lớn bắt được La Cường đưa về xử lý. Trong cuộc họp biểu dương các tấm gương tiên tiến, người ta được biết Trần Ngọc Đống đã từng thức trắng sáu đêm liền để phá vụ án này. Sau hai phen “trắng tay” khi trước, Trần Ngọc Đống hiểu ra rằng càn quét kiểu cuốn chiếu hoặc huy động “toàn dân tham gia” khó có thể có kết quả. Nếu không vận dụng kỳ binh, không phát huy mở rộng tư duy thì khó mà phá giải được vụ án hết sức mơ hồ này. Số lượng người bị hại đã cung cấp điều kiện có lợi cho việc tổng kết và quy nạp, ba cô gái này có những điểm chung gì? Trước tiên là địa điểm mất tích, đều ở khu Tân Giang, chứng tỏ hung thủ tương đối quen và cảm thấy gây án ở vùng này sẽ an toàn. Cho đến giờ hắn vẫn chưa để lộ mảy may dấu vết, chứng tỏ hắn tính toán kín kẽ, hành động cẩn thận. Một kẻ như hắn sẽ không ra tay ở địa điểm lạ, không mù quáng tùy tiện trong việc chọn nạn nhân, cũng không phải là bột phát gây án mà đã có toan tính rất kỹ, cho nên mới không hề để lại dấu vết giằng co vật lộn. Những điều này đồng thời cho thấy, một là, hung thủ có thể đã được đi học ở mức độ nào đó, hai là rất có thể hắn và ba cô gái này ít nhiều có tiếp xúc với nhau. Mặt khác, sử dụng thủ đoạn tàn nhẫn như thế, lại liên tiếp gây án vài lần, chứng tỏ hắn không phải lần đầu phạm tội. Các chuyên gia của Bộ, của công an tỉnh và công an thành phố đã giúp tổ chuyên án phân tích rằng, hành vi phạm tội của hung thủ trọng án thường nâng cao dần, và đều có những đặc trưng trước khi phạm tội, ví dụ, bọn cướp đường sông đều bắt đầu từ những kẻ từ bé đã trộm cắp vặt, những kẻ sát nhân tàn độc đều bắt đầu từ đánh nhau ẩu đả… La Cường có đầy đủ những đặc trưng này. Cha hắn là La Dực Vũ, trước 1949, khoảng 17-18 tuổi đã trở thành tên du côn khét tiếng ở vùng Tân Giang, chỉ huy hơn trăm tên đàn em. Không phải y có sức khỏe đặc biệt hay là con nhà nòi xã hội đen, mà vì y có cái đầu tinh quái hơn người cùng khả năng nắm bắt thời cơ. La Cường “thừa kế” bộ óc ấy của La Dực Vũ, hắn học rất nhanh nghề sửa chữa đồ điện gia dụng và mánh khóe buôn bán, mở cùng lúc một cửa hàng thời trang và một ảnh viện, mau chóng kiếm được tiền, lại bắt tay mở hàng ẩm thực và bách hóa nho nhỏ, ngầm chiêu binh mãi mã rồi làm một tên trùm giữa vùng giáp gianh hai khu Tân Giang và Văn Viên. Không ai ngờ rằng hắn còn dư sức tự ôn rồi dự thi đại học dành cho người lớn tuổi, rồi lấy được bằng tốt nghiệp. Tấm bằng đại học cao đẳng vào những năm ấy gần như một huyền thoại, nó “có giá” hơn cả cử nhân chính quy thậm chí thạc sĩ tiến sĩ ngày nay. Vốn có câu “thỏ khôn có ba hang”, với hiệu thời trang, ảnh viện, hiệu ăn, bách hóa cơ khí… La Cường có đến 100 hang! Ngay từ khi điều tra vụ án Nghê Phượng Anh, Trần Ngọc Đống đã để mắt đến La Cường. Hắn không chỉ là bạn cùng học lớp ban đêm với Nghê Phượng Anh mà còn từng cặp kè với cô ở sân trượt băng nhân tạo. Về sau nghe nói cô có bạn trai là một cảnh sát vũ trang nhân dân thì hắn không bám riết nữa. Khi trước Trần Ngọc Đống không có thêm chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường nên anh gác lại cho qua. Ba năm sau, một cô bạn của Mã Vân kể lại, trong buổi tối mùa hè mà Mã Vân mất tích ở bờ sông, La Cường cùng mấy gã bạn có đi qua và đề nghị mua nước ngọt cho mấy cô gái, nhưng các cô đã khéo léo từ chối. Tương tự lần trước, Trần Ngọc Đống không có chứng cứ gì để nghi ngờ La Cường liên quan đến sự việc Mã Vân mất tích. Các bạn của hắn đều quả quyết khai rằng cả tối hôm đó La Cường chỉ đi chơi cùng họ. Tiết Hồng Yến đã từng làm nhân viên bán hàng ở tiệm thời trang của La Cường. La Cường có cả bầy gái gú, và tật háu gái của hắn chẳng phải bí mật với ai. Không có gì đảm bảo rằng họ không dan díu, nhưng dẫu sao đây cũng chỉ là phỏng đoán. Sau khi ba cô gái mất tích, La Cường không có biểu hiện gì khác thường, cuộc sống giang hồ vẫn tiếp tục. Nhưng khi việc điều tra vụ Tiết Hồng Yến tưởng chừng bế tắc thì cảnh sát khẳng định La Cường là hung thủ. Về lý thuyết, La Cường phù hợp là hung thủ nhưng cảnh sát không thể dùng “lý thuyết” để còng tay hắn. “Lý thuyết” thôi thúc Trần Ngọc Đống thuyết phục được một gã lâu la của La Cường, điều động hắn theo sát La Cường và thu thập mọi chứng cứ liên quan đến vụ án “ngón tay khăn máu”, hễ có được thì báo cáo, chưa có thì thôi. La Cường vốn ham chụp ảnh, ảnh viện là một trong những nền tảng để hắn làm nên cơ nghiệp. Chân rết của Trần Ngọc Đống đã tìm thấy trong buồng tối của ảnh viện ba tấm ảnh của Mã Vân! Và cả vài tấm ảnh của Tiết Hồng Yến nữa! Nhìn góc chụp và vẻ mặt hai cô gái trong ảnh, có thể kết luận đây là những tấm ảnh chụp lén. Tin được báo ngay cho Trần Ngọc Đống. Sau đó, vào lúc chập tối yên tĩnh, hơn hai mươi chiến sĩ cảnh sát chia nhóm xông vào nhà La Cường bắt tên nhà giàu đã lộ rõ bản chất lưu manh này, vài cảnh sát khác xông vào buồng tối của ảnh viện. Họ phát hiện rất nhiều ảnh thiếu nữ, đều là ảnh chụp lén từ cự li xa. Kể cả ảnh của Nghê Phượng Anh năm năm về trước. Chứng cứ đã rõ ràng, La Cường “vừa khéo” khớp với những nạn nhân của vụ án “ngón tay khăn máu”, tất nhiên có thể suy luận là hắn đang đi tìm con mồi mới. Những tấm ảnh này như sổ tay ghi chép của hắn. Hắn không phủ nhận các tấm ảnh, và lý sự rằng mình thích chụp ảnh các cô gái xinh, xuất phát từ đam mê cái đẹp, ai chẳng thích cái đẹp? Làm thế là phạm pháp hay sao? Thẩm vấn liên tục mà không thắng được ý chí rắn đanh của La Cường, hắn gan lì đến cùng, quyết không nhận tội. Cảnh sát mở rộng và đi sâu thẩm vấn, mấy tên đàn em ngày trước nói La Cường đi chơi cả đêm với chúng, nay thấy tình thế nguy ngập bèn “khai lại” không cam đoan như thế nữa. Thực ra những buổi tối xảy ra các vụ mất tích, La Cường đi đâu không ai biết. Có lẽ hắn đang rửa ảnh trong buồng tối, hoặc hắn đang ở với một trong các cô bạn gái, hoặc hắn đang gây án “ngón tay khăn máu” cũng nên. Có vô số khả năng, và chính hắn cũng không thể chứng minh mình không hề dính líu. La Cường một mực cãi phăng, vẫn rất bình tĩnh. Không thể chứng minh mình vô tội, không có nghĩa là thừa nhận mình có tội. Khi cả cảnh sát lẫn La Cường đang ở thế giằng co thì người ta đã tìm thấy trong hang ổ của La Cường một chứng cứ đầy sức nặng. Ở khu Văn Viên gần Đại học Công nghiệp Giang Kinh có một cửa hàng kim khí do một trợ thủ của La Cường kinh doanh, cảnh sát tìm thấy trong thùng rác đặt ở con hẻm bên cạnh có chiếc quần bảo hộ lao động cũ kỹ. Cảnh sát hình sự tìm thấy vết máu dính ở cái quần này. Vết máu đó đã rung tiếng chuông báo tử cho La Cường. Các sợi tóc, các tế bào da... chứng minh quần này là của La Cường. Kết quả xét nghiệm vết máu, chứng minh đó là máu của Tiết Hồng Yến. Chứng cứ tuy đanh thép nhưng La Cường vẫn phủ nhận. Máu của Tiết Hồng Yến mà có thể dính vào quần hắn! Hắn cười khẩy nói Tiết Hồng Yến là bồ của hắn, cô ta rất quái đản, nên phải tẩn cho một trận để cô ta biết điều, chỉ chảy máu xước da thì chết sao được? Hắn đã phủ nhận hành vi gây án, tất nhiên càng không thể nói gì về tung tích của ba nạn nhân. Cho đến ngày bị đưa ra trường bắn, hắn vẫn không hề tỏ ra hối cãi. Tung tích của ba cô gái cũng tan biến cùng tiếng súng xử tử. Sau năm mùa nóng lạnh, vụ án “ngón tay khăn máu” đã trở thành lịch sử. Thỉnh thoảng cũng có vài cô gái mất tích, có cô giận gia đình nên bỏ nhà ra đi, có cô trốn theo người tình, có cô bị lừa bán về vùng nông thôn hẻo lánh làm vợ người ta… nhưng đều không có tình tiết “ngón tay khăn máu”. Theo đà phát triển kinh tế, người dân Giang Kinh bận bịu với đời sống đã dần quên lãng vụ trọng án từng gây xôn xao một thời. Nhớ để làm gì? Vụ án đã phá xong, hung thủ đã bị pháp luật trừng trị. Nhưng vào mùa hè năm 1990, vụ án “ngón tay khăn máu” lại tái diễn. Một nữ sinh đại học tên là Quan Tinh mất tích. Hai tuần sau, một gói bưu phẩm gửi đến nhà, lại là chiếc khăn tay dính máu và một ngón tay trắng nhợt. Giang Kinh thêm một phen kinh hãi. Hay là La Cường không phải hung thủ của vụ chặt ngón tay, hắn đã bị xử oan sai? Tờ Tin chiều Tân Giang nêu câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Công an, Sở Công an và cả Trần Ngọc Đống cũng ngờ ngợ. Anh tự hỏi phán đoán của mình ngày trước có nhầm lẫn gì về trình tự trinh sát hình sự không? Rõ ràng là các chứng cứ rất xác đáng, La Cường là hung thủ của vụ án. Được lãnh đạo công an quận và công an thành phố khuyến khích, anh nhận lời phỏng vấn của tờ Tin chiều Tân Giang, đối mặt với những câu hỏi sắc sảo của phóng viên. “Theo đánh giá của anh, có bao nhiêu phần trăm khả năng công an đã giết nhầm La Cường?” “Không phần trăm.” Trần Ngọc Đống bình tĩnh đáp, khiến phóng viên cảm thấy bất ngờ. “Vậy thì nên giải thích thế nào về vụ án ‘ngón tay khăn máu’ mới xuất hiện?” “Là mô phỏng.” “Mô phỏng?” “Trong và ngoài nước xưa nay không thiếu những vụ việc tương tự, hung thủ bắt chước các vụ án ‘nổi tiếng’ để thỏa mãn mục đích của mình là hành hung, tạo ra ‘vụ án lớn’ khiến dư luận chú ý. Chục năm về trước vụ án ‘ngón tay khăn máu’ chấn động Giang Kinh thậm chí toàn quốc, rất ‘nổi tiếng’, vì thế có kẻ mô phỏng thì cũng không có gì là lạ.” Lập luận “mô phỏng” của cảnh sát không phải là vô căn cứ. Ba ngón tay trong ba vụ án trước kia được phòng kỹ thuật xác định là dùng dao sắc chặt đứt, còn ngón tay của Quan Tinh thì có nét khác biệt về vết cắt, hung thủ đã dùng một sợi thép nhỏ và cứng thít cho đứt ngón tay! Xét từ đặc điểm này, thấy rằng không chỉ là mô phỏng mà còn nâng cấp sự tàn nhẫn. Cũng không ai có thể ngờ, trong 19 năm sau thời La Cường, cái lối mô phỏng này đã gây ra 9 vụ án “ngón tay khăn máu”, 9 cô gái mất tích, 9 ngón tay cắt rời, 9 gia đình tan nát với bao đau thương vô tận. Tính cho đến nay cả thảy có 12 vụ án rất giống nhau, vụ cuối cùng xảy ra năm 2009. Cảnh sát cảm thấy bối rối, vì trong 9 ngón tay kia có 3 ngón tay bị dao cắt, 6 ngón tay bị sợi dây thép thít đứt. Có vẻ là hung thủ khác nhau thì dấu ấn để lại cũng khác nhau. Gần đây các cô gái không mang khăn mùi xoa theo người nữa thì người nhà lại nhận được ngón tay gói trong khăn quàng hoặc áo lót, và vẫn dính một vệt máu đỏ khiến người ta kinh hãi. Người nhà nạn nhân và cảnh sát đều rất đau đầu bởi trạng thái mù mờ không biết nạn nhân còn sống hay đã chết. Na Lan đoán rằng sau nhiều năm vẫn còn một số người thân của nạn nhân đang mong ngóng con cháu mình trở về. Nhưng những người làm nghiệp vụ liên quan đến tội ác và trừng phạt đều biết, nhiều khả năng là các cô gái đó đã bị sát hại cả rồi. Có rất nhiều vụ án bạo lực, nhưng không mấy vụ hơn được “ngón tay khăn máu” về độ tàn nhẫn và ghê rợn. Bóng đen của hung thủ, đến giờ vẫn còn nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật. Ba Du Sinh đã chuyển hết những tư liệu này cho Na Lan qua hòm thư bảo mật, cô cũng đọc ngay trong đêm. Trong số đó có rất nhiều tư liệu là sổ tay công tác của người cảnh sát già Trần Ngọc Đống. Khi về hưu, ông đã trao các tư liệu liên quan cho Sở Công an Giang Kinh. Các tổ viên Tổ trọng án của Đội Cảnh sát Hình sự ở Sở đều biết, loạt vụ án nghiêm trọng kéo dài ba mươi năm gần như “không manh mối”, gần như hết hy vọng rồi, nhưng Ba Du Sinh tổ trưởng của họ vẫn quyết không gạt sang một bên. Đó là nét đặc sắc, là thế mạnh khiến Ba Du Sinh trở thành một cảnh sát hình sự xuất sắc, nhưng có lẽ nó cũng là trở ngại khiến anh không thể thăng tiến - đôi khi anh rất cố chấp, nhất định không đổi ý. Mấy năm gần đây dân số thành phố tăng nhanh, cơ cấu xã hội không ổn định, các vụ án lớn chấn động Giang Kinh cũng nhiều lên, nhiệm vụ “dập lửa” của công an các cấp càng thêm nặng nề, họ đặt trọng tâm vào những vụ việc gay cấn mới phát sinh và những sự kiện cần xử lý gấp. Ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, Ba Du Sinh không dành nhiều thời gian và sức lực để giao lưu với các nhân vật quan trọng nhằm chuẩn bị cho bước thăng tiến tiếp theo, mà chỉ mải mê với các vụ án cũ bế tắc, rồi chìm sâu vào đó không thể dứt ra. Lập luận của anh là, phá được các vụ án tồn đọng là thử thách đỉnh cao đối với nghị lực và trí lực của trinh sát hình sự và cũng là tiêu chí quan trọng để đánh giá tác phong của cảnh sát hình sự. Vụ án “ngón tay khăn máu” đã thành lịch sử, nhưng vụ cuối cùng trong loạt vụ án này chỉ cách đây bốn năm, chưa thể gọi là cũ, Ba Du Sinh tất nhiên không bỏ qua. Dù rằng trong bốn năm đó không hề có một manh mối nào. Mãi cho đến hôm qua. Lão già phạm tội hiếp dâm khét tiếng đang nằm chờ chết ở buồng bệnh nặng này bỗng nói với cảnh sát rằng, lão biết tung tích của các nạn nhân trong vụ án “ngón tay khăn máu”. Khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn ngay tại giường bệnh, lão không nói 12 cô gái kia sống chết ra sao, cũng không nói ai là hung thủ của hàng loạt vụ án man rợ ấy, lão chỉ nói mình biết tung tích của các nạn nhân. Và, chỉ muốn kể cho một mình Na Lan biết. Chương 5: Thương Hiệt Lúc này, qua cửa kính, Na Lan đang quan sát khuôn mặt không còn chút sinh khí nào của Mễ Trị Văn. Sau một lúc im lặng, cô thấy mình đã bình tĩnh trở lại, bèn nói, “Các anh loại trừ Mễ Trị Văn à? Hình như sau khi ông ta bị bắt thì loạt vụ án ‘ngón tay khăn máu’ cũng chấm dứt...” Ba năm trước, hồi bắt lão, cảnh sát đã từng coi lão là nghi phạm số 1 và tiến hành thẩm vấn rất vất vả. Nhưng lão một mực phủ nhận, cảnh sát cũng không tìm ra chứng cứ gì. Ví dụ đơn giản thế này, theo lý luận và kinh nghiệm thực tiễn thì kẻ giết người hàng loạt, nhất là những kẻ bệnh hoạn gây án kiểu ‘ngón tay khăn máu’, rất hay nổi tính điên rồ thu thập ‘chiến lợi phẩm’ của mình, tức là kiểu gì cũng có chứng cứ...” “Ví dụ lưu trữ ảnh các cô gái giống như La Cường năm xưa ấy à?” Na Lan đã đọc hết các tư liệu về vụ án nhưng cô vẫn hoài nghi một điều, La Cường có phải là sát thủ các vụ án “ngón tay khăn máu” ngày trước thật không? Nếu đúng là hắn đã giết ba cô gái kia... thì những hung thủ sau này là kẻ “mô phỏng”? Đã mô phỏng gần như y hệt, và còn cao siêu hơn nữa, suốt gần 20 năm vẫn không để lộ một dấu vết nào. Nếu La Cường vốn dĩ không phải là hung thủ thì hóa ra địa ngục lại có thêm một oan hồn hay sao? Ba Du Sinh khẽ thở dài, “Đại khái là thế này... La Cường có lén chụp ảnh các cô gái nhưng không thuộc dạng ‘chiến lợi phẩm’, mà chỉ giống như một thứ sở thích đồi bại... Về phương diện này thì Mễ Trị Văn lại rất ‘sạch sẽ’. Lão thuê một căn hộ chung cư bé tẹo, đồ đạc chẳng có mà bụi bặm cũng không, cứ như nơi tọa thiền của nhà tu khổ hạnh. Ngoài ra, nếu nói lão can tội ‘cưỡng dâm’ thì cũng chưa thật chuẩn, vì mọi lần cưỡng bức đều ‘chưa thành’; cách đây bốn năm lão mới có hành vi xâm hại. So với hung thủ của vụ án ‘ngón tay khăn máu’ thì hình như... lão còn thua xa.” Ý anh nói là về mức độ tàn ác. “Cho nên, dù bọn anh có cả ngàn lý do để nghi ngờ lão là hung thủ vụ án ‘ngón tay khăn máu’ thì vẫn không có một chứng cứ nào để kết tội cả.” “Huống chi hiện giờ lão được bảo hộ nhờ nhãn mác bệnh thần kinh!” Na Lan cảm thấy ngữ điệu châm chọc pha lẫn căm giận lại xuất hiện trong câu nói của mình, nhất thời quên bẵng hết mọi “tu dưỡng” về tâm lý tội phạm học và thần kinh học, nghe giọng rất oán hờn. Ba Du Sinh không chỉ trích gì cô. Anh nói, “Lão có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt từ hơn 25 năm trước, chứ không phải sau khi bị bắt mới ‘ngẫu nhiên mắc bệnh’. Các bác sĩ cũng xác nhận là đúng. Nhưng tại sao vào lúc này lão lại muốn nói về vụ ‘ngón tay khăn máu’? Bọn anh thấy khó hiểu và cũng có ý cầu may...” “Con quạ sắp chết, tiếng kêu cũng bi ai chăng[1]?” Na Lan nói “quạ” ám chỉ cảnh ngộ của Mễ Trị Văn. “Có thể, lão chính là hung thủ, sắp chết đến nơi nên muốn sám hối phần nào.” [1] Nhại một câu cổ ngữ: Người sắp chết, tiếng kêu thật buồn thương. Hình như Ba Du Sinh cũng hơi nhếch mép. “Đã nhiều lần gặp lão rồi, nên bọn anh chẳng trông mong gì nhiều. Nói đến trạng thái của lão hiện giờ, anh ví von hơi khó nghe nhưng cũng rất sát, lợn đã bị chọc tiết thì chẳng sợ nước sôi! Lão biết mình sắp toi đến nơi, cảnh sát thì không thể gây thêm sức ép bắt lão cung khai, lão luôn luôn kháng cự mọi cuộc thẩm vấn của cảnh sát.” “Vậy thì khi vào, việc đầu tiên em nên làm là cảm ơn lão đã chiếu cố!” Na Lan bỗng không nhận ra mình nữa, cô đã biến thành chua ngoa tự lúc nào thế này. Ba Du Sinh cảm thấy nặng nề, “Anh cho rằng... khỏi cần anh nói em cũng thừa hiểu, tiếp xúc với lão chẳng vui vẻ gì, thậm chí còn mắc bẫy của lão. Cho nên... em hãy cẩn thận, không rõ lão có ý đồ gì mà cứ đòi gặp em...” “Em đã chuẩn bị rồi.” Na Lan bước đến cửa buồng bệnh. Ba Du Sinh, “Nhớ là, đừng gọi lão là Mễ Trị Văn.” “Chào ông... Thương Hiệt! Ông Thương Hiệt?” Na Lan bước đến bên giường, khẽ gọi. Cô đã đọc bản tổng kết về bệnh sử của Thương Hiệt, đúng như Ba Du Sinh nói, đã 26 năm mắc bệnh tâm thần phân liệt, trước khi bị bắt lão là khách quen của bệnh viện tâm thần. Cảnh sát nhà tù báo cáo rằng nửa năm nay sức khỏe của lão xuống dốc, thường xuyên phải nằm, phát rồ phát dại mỗi ngày một nhiều. Cũng từ nửa năm nay, Mễ Trị Văn nằm giường miệt mài nghiền ngẫm chữ cổ, lão có thể không ăn không ngủ mấy ngày liền, nhưng hôm nào cũng vùi đầu vào đống giấy cũ kỹ. Dần dần, lão khó chịu với ba chữ “Mễ Trị Văn”, lão chỉ cho phép người khác gọi lão là Thương Hiệt. Cứ như là Mễ Trị Văn đã chết, còn Thương Hiệt thì tái thế[2]. [2] Tương truyền rằng Thương Hiệt là người nghiên cứu và sáng tạo ra chữ hán. “Thương Hiệt” nằm trên giường, mắt nhắm tịt như đang ngủ say. Có phải, ma quỷ đang ngủ cũng yếu ớt, nhất là hạng ma quỷ sắp tàn đời như nắm tro than leo lét? Na Lan nhìn cái chụp ô xi gắn ở mũi lão, kim truyền dung dịch cắm ở tay lão, lại nhìn bình ô xi, rồi nhìn tập giấy và mấy cuốn sách đặt trên cái tủ đầu giường, sách cổ văn, thơ, từ và một cuốn sách nhạc cổ mà sau này Na Lan sẽ được xem ở cơ quan cảnh sát, trong đó chi chít những ký hiệu kỳ quái lạ hoắc, là kiểu ghi nốt thường gặp trong các bản nhạc dành cho nhạc cụ cổ điển. Trong buồng chỉ có cô và ba bệnh nhân sắp “đứt” đến nơi nằm trên ba cái giường. “Cô định rút bỏ ống thở ô xi và ống truyền dịch của tôi, đúng không?” Thương Hiệt đang nhắm mắt bỗng mở miệng. Na Lan phát hoảng, nỗi sợ hãi lúc nãy lại trở lại với cô, cô bất giác giật lui mấy bước. “Sao thế?” Na Lan tự nhắc nhở mình, lão là tên tội phạm cưỡng dâm, chưa bị coi là hung thủ thực sự của vụ án “ngón tay khăn máu”, có lẽ mình không cần phải sợ. Nhưng bản chất tà ác ma quỷ của con người ta đâu có thể cho là nặng hay là nhẹ? “Cô định rút bỏ ống thở ô xi và ống truyền dịch của tôi.” Thương Hiệt nhắc lại. Na Lan nhanh chóng thầm chẩn đoán, đây là biểu hiện chứng hoang tưởng bị hại - một trong những triệu chứng điển hình của bệnh tâm thần phân liệt. “Tôi không có quyền làm thế.” Giọng Na Lan rất bình tĩnh. “Nhưng cô định làm thế. Không phải là có quyền hay không. Tôi biết... cô đã đoán tôi là ca tâm thần phân liệt điển hình, luôn hoang tưởng mình bị bức hại. May mà cô chỉ làm về tâm lý, nếu cô là bác sĩ thần kinh thì cô đã kê đơn cho tôi rồi...” Lão hơi rướn lên, ra hiệu cho Na Lan đặt cái gối vào lưng lão. Na Lan kinh ngạc hít vào một hơi thật sâu. Cô làm theo ý lão. Rồi khẽ nói, “Tôi khâm phục trí tưởng tượng của ông.” “Không phải tưởng tượng, mà là sự thật! Ánh mắt cô thể hiện điều đó. Cô đã nhìn những cái ống này rất lâu, hệt như đứa trẻ con lần đầu vào xem bệnh viện. Tay cô đang run, như thể sẵn sàng chìa ra làm những động tác kiến các y tá phải phẫn nộ... cô quá biết mình định làm gì.” Lúc này Na Lan mới nhận ra những “bài tập” mà Ba Du Sinh đưa cho cô vẫn chưa đủ. Tình trạng thật của Mễ Trị Văn lúc này là gì? Bệnh nhân tâm thần phân liệt? Diễn viên siêu hạng? Bậc thầy tâm lý nghiệp dư? Hay một Sherlock Holmes hạng bét? Điều duy nhất cô có thể làm là giữ im lặng. Nhưng Mễ Trị Văn đang có hứng nói chuyện, “Tất nhiên cô đã kiềm chế được ý muốn tệ hại, cô không dại đến nỗi ấy! Gã Ba Du Sinh đứng ngoài kia đang chăm chú quan sát chúng ta... cho nên, điểm khác biệt giữa những người gọi là bình thường như các vị với những kẻ bị gọi là bệnh nhân tâm thần như chúng tôi là, các vị giỏi tính toán hơn, giỏi che giấu hơn, giỏi kiểm soát tâm trạng nôn nóng của mình...” Thương Hiệt ngước đôi mắt đỏ vằn những tia máu chằm chằm nhìn Na Lan. Trước ánh mắt quái dị, phản ứng bình thường của mọi người là đỏ mặt, nhưng Na Lan vẫn lạnh như băng. Im lặng. Chỉ tiếc im lặng chẳng thể là bùa phép át được nỗi sợ hãi. “Ông nói là muốn kể với tôi về chuyện vụ án ‘ngón tay khăn máu’, tôi sẵn sàng nghe đây.” Na Lan mở túi lấy ra cuốn sổ tay và bút bi. “Một cô gái xinh đẹp siêu phàm thoát tục như cô mà nói ra mấy chữ này... e hơi tục thì phải? Cứ như là bông hoa nhài mọc trên bãi... bãi rác.”