🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hiệu sách nhỏ ở Paris Ebooks Nhóm Zalo NINA GEORGE Chi Ân dịch —★— HIỆU SÁCH NHỎ Ở PARIS NHÃ NAM & NXB HÀ NỘI ebook©vctvegroup | 30-08-2020 Tôi dành tặng cuốn tiểu thuyết này cho cha tôi, JOACHIM ALBERT WOLFGANG GEORGE, tên thường gọi là Broad Jo. Sinh ngày 20-3-1938 tại Sawade/Eichwaldau, mất ngày 4-4-2011 tại Hamelin. Cha à, Cha là người duy nhất đã đọc mọi thứ con viết ra từ ngày con mới bắt đầu học viết. Con sẽ luôn nhớ cha. Con thấy cha trong từng tia nắng mai, từng ngọn sóng biển. Cha đã ra đi đột ngột quá. NINA GEORGE Tháng Một năm 2013 Dành tặng người đã khuất. Và những ai vẫn yêu thương họ. Chương 1 T rời xui đất khiến thế nào mà mình lại để cho họ thuyết phục như vậy chứ? Hai nữ tướng của ngôi nhà số 27 đường Montagnard - bà Bernard, chủ nhà, với bà Rosalette, người coi nhà - đã dùng thế gọng kìm giữ chân ông lại ở giữa hai căn hộ tầng trệt của họ. “Cái tay Le P. đó đối xử với vợ thật chẳng ra làm sao.” “Thật đáng kinh tởm. Có khác nào con nhậy gặm tấm voan cưới đâu.” “Có những người ta chẳng thể trách nổi khi nhìn vợ họ. Cứ như tủ lạnh diện đồ Chanel. Nhưng còn đàn ông ư? Quái vật cả lũ.” “Hai bà à, tôi thực sự không hiểu…” “Không nói ông đâu, dĩ nhiên rồi, ông Perdu. So với thứ sợi tầm thường xe nên lũ đàn ông, ông là len cashmere thượng hạng.” “À tiện đây, chúng ta sắp có khách trọ mới. Tầng bốn. Của ông đấy, ông Perdu.” “Nhưng cô ấy chẳng còn gì. Tuyệt đối chẳng còn gì, ngoài những ảo tưởng vỡ nát. Cô ấy cần gần như mọi thứ.” “Thế nên chúng tôi mới nhờ đến ông. Hãy tặng lại bất cứ cái gì có thể. Món gì cũng quý cả.” “Dĩ nhiên rồi. Có thể một cuốn sách hay…” “Thực ra bọn tôi đang nghĩ đến thứ gì đó thực tiễn hơn. Bàn chẳng hạn. Ông biết đấy, cô ấy…” “Chẳng còn lại gì. Tôi nhớ mà.” Ông chủ tiệm sách không thể hình dung nổi có thứ gì lại thực tiễn hơn một cuốn sách, nhưng ông hứa sẽ tặng cho người mới đến một cái bàn. Ông vẫn còn một cái. Ông Perdu đẩy nút thắt cà vạt dọc theo hàng khuy cái áo sơ mi trắng được là phẳng lì rồi cẩn thận xắn tay áo lên. Xắn vào trong, mỗi lần một nếp, lên đến khuỷu tay. Ông nhìn chằm chằm kệ sách ở hành lang. Đằng sau nó là căn phòng đã hai mươi mốt năm ông chưa đặt chân vào. Hai mươi mốt năm, hai mươi mốt mùa hè, hai mươi mốt buổi sáng đầu năm mới. Nhưng cái bàn lại ở trong căn phòng ấy. Ông thở hắt ra, lần tay chọn đại một cuốn sách và rút ra cuốn 1984 của Orwell từ trên giá. Nó không vụn ra. Cũng không cắn tay ông như một con mèo bị chọc giận. Ông lấy cuốn tiếp theo, rồi hai cuốn nữa. Giờ thì ông thò hẳn hai tay vào giá sách, lôi ra cả một chồng rồi đặt xuống bên cạnh mình. Mấy chồng sách cao vồng lên thành những cái cây. Những tòa tháp. Những ngọn núi thần. Ông nhìn xuống cuốn sách cuối cùng cầm trên tay. Khi chuông đồng hồ điểm tiếng thứ mười ba. Một câu chuyện du dành thời gian. Nếu như tin vào điềm báo, ông hẳn sẽ thấy đây là một dấu hiệu. Ông dộng hai nắm đấm lên mặt dưới từng giá sách để ốc vít lơi ra. Rồi ông lùi lại. Và kia. Từng lớp từng lớp một, nó lộ ra. Đằng sau bức tường chữ nghĩa. Cánh cửa dẫn tới căn phòng nơi… Mình chỉ việc đi mua một cái bàn là xong. Ông Perdu rờ tay lên miệng. Phải rồi. Phủi bụi đống sách, cất chúng lại chỗ cũ, quên tiệt cánh cửa đi. Mua một cái bàn và tiếp tục sống như ông đã sống suốt hai thập kỷ qua. Hai mươi năm nữa ông bảy mươi tuổi, sống được đến lúc ấy rồi thì ông sẽ vượt qua được chặng còn lại. Hoặc có thể ông sẽ chết sớm hơn thế. Đồ hèn. Ông siết nắm tay quanh nắm đấm cửa. Người đàn ông cao kều từ từ mở cửa ra. Ông đẩy nhẹ nó vào trong, nhắm tịt mắt lại và… Chẳng có gì ngoài ánh trăng và không khí hanh khô. Ông hít nó vào đằng mũi, phân tích nó, nhưng chẳng thấy gì. Mùi của___đã bay đi. Sau hai mươi mốt mùa hè, ông Perdu đã luyện thành thục thói quen tránh nghĩ đến___, thành thục chẳng kém gì mỗi khi ông bước vòng qua hố ga lộ thiên. Ông chủ yếu nhớ đến cô như là ___. Một quãng nghỉ giữa những suy nghĩ vo ve trong đầu, một khoảng trắng giữa những bức hình quá khứ, một chấm đen giữa những cảm xúc trong lòng. Ông có thể dựng lên đủ mọi loại khoảng trống. Ông Perdu nhìn quanh quất. Căn phòng mới yên tĩnh làm sao. Và nhạt nhòa, bất kể lớp giấy dán tường màu tím hoa oải hương. Năm tháng trôi qua đằng sau cánh cửa khóa đã rút kiệt màu sắc khỏi bốn bức tường. Ánh sáng từ ngoài hành lang rọi vào nhưng chẳng có mấy thứ để mà đổ bóng. Một chiếc ghế mây. Một cái bàn bếp. Một lọ hoa cắm bó oải hương hái trộm trên cao nguyên Valensole từ hai thập kỷ trước. Và một người đàn ông năm mươi mốt tuổi giờ đây ngồi xuống ghế, vòng tay ôm lấy mình. Nơi đây từng có rèm cửa và ở đằng đó là những tấm hình, hoa, sách, một con mèo tên là Castor ngủ trên ghế xô pha. Có những giá nến và tiếng thì thầm, những ly rượu rót đầy và tiếng nhạc. Hai cái bóng khiêu vũ với nhau trên tường, một cao kều, một tuyệt đẹp. Tình yêu từng trú ngụ trong căn phòng này. Giờ thì chỉ còn lại mình. Ông siết hai nắm tay và ghì chặt chúng vào đôi mắt bỏng rát. Ông Perdu nuốt xuống không ngừng để cưỡng lại những giọt nước mắt. Cổ họng ông nghẹn không thở nổi còn lưng thì phừng phừng hơi nóng và cơn đau. Khi lại có thể nuốt xuống mà không cảm thấy đau đớn, ông Perdu đứng dậy ra mở cửa sổ. Mùi thơm xộc lên từ dưới sân sau. Mấy loại rau thơm mà nhà Goldenberg trồng trong khu vườn nhỏ nhà họ. Mùi hương thảo và cỏ xạ hương lẫn vào mùi dầu mát xa của Che, một người mù chuyên chữa bệnh chân, “người hát ru bàn chân”. Rồi mùi bánh pancake trộn với mùi đồ nướng châu Phi đẫm gia vị và cho đầy thịt ở nhà Kofi. Bồng bềnh trên tất thảy là hương nước hoa tháng Sáu của Paris, cái mùi dịu ngọt của hoa chi đoạn và nỗi mong ngóng. Nhưng ông Perdu không để những mùi hương ấy tác động đến mình. Ông cưỡng lại sức quyến rũ của chúng. Giờ đây ông rất giỏi tránh né những thứ có thể bằng cách nào đó khơi gợi lên trong ông những cảm xúc khao khát. Mùi hương. Giai điệu, vẻ đẹp của sự vật. Đi lấy xà phòng với nước từ buồng kho nằm kế bên căn bếp trống trải, ông bắt đầu lau bàn. Ông xua đi cái hình ảnh mờ nhòe ông ngồi đây bên chiếc bàn gỗ, không phải một mình mà với___. Ông lau rồi chùi, tảng lờ cái câu hỏi nhức nhối rằng giờ đây khi đã mở cánh cửa dẫn vào căn phòng nơi ông chôn vùi toàn bộ tình yêu, giấc mơ với quá khứ, ông cần phải làm gì. Ký ức giống như bầy sói. Ta không thể nhốt chúng lại mà mong chúng để yên cho ta. Ông Perdu bê chiếc bàn hẹp qua cửa, nhấc nó qua giá sách, đi băng qua dãy núi thần sách vở để ra chỗ đầu cầu thang rồi dừng chân ở căn hộ bên kia sảnh. Khi chuẩn bị gõ cửa, một âm thanh buồn bã vọng đến tai ông. Tiếng khóc thổn thức bị bóp nghẹt, như thể nó vang lên xuyên qua một chiếc gối. Ai đó đang khóc bên kia cánh cửa màu xanh lục. Một người phụ nữ. Và cô đang khóc như thể chẳng muốn ai, tuyệt đối không một ai, nghe thấy tiếng mình. Chương 2 “C ô ấy là vợ cũ của Người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy, ông Le P.” Nhưng ông không biết. Perdu không đọc báo lá cải Paris. Một tối thứ Năm nọ, Catherine Le P.-Người-mà-ai-cũng biết-là-ai-đấy về nhà muộn sau khi hoàn tất công việc ở đại lý môi giới nghệ thuật của chồng, nơi cô phụ trách việc PR. Chìa khóa của cô không cắm vào ổ khóa được nữa và trên cầu thang là vali bên trên để giấy tờ ly hôn. Chồng cô đã chuyển đến một địa chỉ không ai hay biết cùng với đống đồ đạc trong nhà và một người phụ nữ mới. Catherine, sắp-sửa-trở-thành-vợ-cũ-của-ông-Le-P.-Khốn Nạn, chẳng còn gì trong tay ngoài chỗ quần áo ngày trước cô mang theo khi lấy chồng - cùng một sự giác ngộ rằng mình đúng là khờ khi tin chắc rằng tình yêu trước đây giữa hai người sẽ đảm bảo cho cô được đối xử tử tế sau khi họ chia tay nhau và rằng cô hiểu quá rõ chồng rồi, ông ta không thể làm cô ngạc nhiên được nữa. “Một sai lầm phổ biến,” bà Bernard, chủ nhà, đã phán chắc nịch vậy giữa những luồng khói phụt ra từ cái tẩu thuốc bà đang hút. “Ta chỉ biết được bộ mặt thật của chồng mình khi hắn bỏ rơi ta.” Cho đến lúc này ông Perdu vẫn chưa nhìn thấy mặt người phụ nữ đã bị chồng ruồng rẫy phũ phàng đến vậy. Ông lắng nghe tiếng khóc cô đơn mà cô đang tuyệt vọng ghìm xuống, có thể là bằng tay hay khăn lau. Giờ mà gõ cửa thì thể nào cũng làm cho cô lúng túng. Ông quyết định quay về nhà lấy nốt lọ hoa với ghế mây. Ông nhón chân đi đi lại lại giữa hai căn hộ. Ông biết rõ căn nhà xinh xắn cổ lỗ này có thể tráo trở đến mức nào, miếng ván nào sẽ kêu cọt kẹt, bức tường nào mới xây mỏng quẹt, và đường ống âm tường nào là những cái loa trá hình. Khi ông nhìn chăm chăm xuống bức xếp hình mười tám nghìn mảnh ghép thành bản đồ thế giới ở căn phòng khách trống trải chẳng có gì khác ngoài nó, âm thanh cuộc đời những cư dân khác truyền qua cốt nhà đến tai ông. Những cuộc cãi cọ của vợ chồng nhà Goldenberg (Ông chồng: “Sao em không thể một lần…? Tại sao em…? Không phải anh đã…?” Cô vợ: “Anh lúc nào cũng phải… Anh chẳng bao giờ… Em muốn anh…”) Ông biết hai người từ hồi họ còn là vợ chồng son. Hồi đó họ cười với nhau suốt. Rồi thì bọn trẻ xuất hiện và họ dạt ra khỏi nhau như các lục địa. Ông nghe thấy tiếng xe lăn điện của Clara Violette lăn bánh trên rìa thảm, sàn gỗ và ngưỡng cửa. Ông vẫn còn nhớ hình ảnh cô nhạc công piano trẻ tuổi ấy cái thời đôi chân cô vẫn còn nhảy múa được. Ông nghe thấy tiếng Che với cậu Kofi nấu nướng. Che đang khuấy nồi. Bị mù từ khi lọt lòng mẹ nhưng cậu ta nói mình có thể nhìn thấy thế giới thông qua những vệt thơm ngát theo sau cảm xúc và ý nghĩ của một người. Che có thể cảm nhận được một căn phòng đã từng có tình yêu, có sự sống, có cãi vã hay chưa. Vào Chủ nhật hằng tuần, Perdu cũng nghe cả tiếng bà Bomme với câu lạc bộ bà góa cười rúc rích như những thiếu nữ với đống sách “đen” ông tuồn cho họ sau lưng đám họ hàng bảo thủ. Những lát cắt cuộc đời mà ta nghe lỏm được ở ngôi nhà số 27 đường Montagnard tựa như đại dương vỗ sóng vào bờ hòn đảo câm lặng của Perdu. Ông đã lắng nghe như thế hơn hai mươi năm qua. Biết tường tận về hàng xóm xung quanh, ông đôi khi đâm ra ngạc nhiên trước việc mọi người biết về ông ít ỏi nhường nào (dầu cho ông cũng chẳng bận tâm). Họ không hay biết rằng ông chẳng có đồ đạc gì trong nhà ngoài một chiếc giường, một chiếc ghế với một cái giá treo quần áo - không đồ trang trí, không đĩa nhạc, không tranh hay album ảnh, không bát đũa cốc chén (ngoài một bộ ông dùng), không cả một bộ com lê ba mảnh - hay họ cũng chẳng biết ông đã tự nguyện chọn lấy cho mình cuộc sống đơn giản này. Hai căn phòng ông sống trống trải đến nỗi chúng vọng lại cả tiếng ông ho. Món đồ duy nhất có trong phòng khách là bức xếp hình khổng lồ dưới sàn nhà. Phòng ngủ trống tênh chỉ kê mỗi giường, cầu là, đèn đọc sách với giá treo quần áo có bánh xe, bên trên treo ba bộ đồ giống hệt nhau gồm: quần xám, áo sơ mi trắng, áo len màu nâu cổ chữ V. Còn ở bếp thì chẳng có gì ngoài bình pha cà phê, hộp cà phê bằng thiếc với giá để đồ ăn. Sắp xếp theo thứ tự alphabet. Không ai trông thấy cảnh tượng này có khi lại hay. Dẫu vậy, ông nuôi dưỡng một thứ tình cảm yêu mến lạ lùng với những cư dân trong căn nhà số 27 đường Montagnard. Ông cảm thấy một niềm vui khó lý giải khi biết họ vui - và bằng cái lối khiêm nhường của mình, ông cố gắng đóng góp đôi chút. Ông giúp họ bằng những cuốn sách. Ngoài những lúc ấy ra thì ông lui về phía sau làm một bóng hình nhỏ bé trong bức tranh trong khi cuộc sống nhộn nhịp diễn ra ở mặt tiền. Tuy vậy, cậu khách trọ mới ở dưới tầng ba, Maximilian Jordan, không để cho ông Perdu được yên thân. Cậu ta đeo nút tai được thiết kế riêng, bên ngoài trùm bịt tai, cộng thêm một chiếc mũ len vào những ngày trời lạnh. Kể từ khi cuốn tiểu thuyết đầu tay làm cho danh tiếng cậu nhà văn trẻ đó nổi lên như cồn, cậu ta đã phải trốn biệt khỏi đám fan cuồng sẵn sàng chặt tay mình để được dọn vào ở chung với thần tượng. Trong khi đó, Jordan lại dành cho ông Perdu một mối quan tâm đặc biệt. Trong khi Perdu đứng ở đầu cầu thang xếp cái ghế cạnh bàn bếp rồi để lọ hoa lên trên, tiếng khóc ngừng lại. Thế vào đó là tiếng tấm ván cọt kẹt, có người đang cố đi thật khẽ để không gây ra tiếng động. Ông dòm qua tấm kính mờ trên cánh cửa màu xanh lục. Rồi ông gõ hai tiếng thật nhẹ. Một khuôn mặt tiến lại gần. Một khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, mờ nhòa. “Vâng?” khuôn mặt trái xoan thì thầm. “Tôi mang qua cho cô cái bàn với cái ghế.” Khuôn mặt trái xoan chẳng nói chẳng rằng. Mình phải nói thật nhẹ nhàng với cô ấy. Cô ấy khóc nhiều quá, chắc là giờ đã hết cả nước mắt rồi, nếu mình nói to quá cô ấy sẽ gục luôn mất. “Và cả lọ hoa nữa. Để cắm hoa. Những bông hoa đỏ chẳng hạn. Chúng sẽ hợp với cái bàn trắng này lắm.” Giờ thì gò má ông gần như tì hẳn vào ô cửa kính. Ông thì thầm, “Nhưng tôi cũng có thể tặng cho cô một cuốn sách.” Đèn ngoài cầu thang vụt tắt. “Sách kiểu gì cơ?” khuôn mặt trái xoan thì thầm đáp lại. “Kiểu an ủi ta.” “Tôi muốn khóc thêm nữa. Nếu không thì tôi chết đuối mất. Ông hiểu chứ?” “Hẳn rồi. Đôi khi ta bơi giữa những giọt nước mắt chưa được khóc ra và sẽ chết chìm nếu cứ giữ chúng lại trong lòng.” Và tôi thì đang chìm nghỉm dưới đáy một đại dương nước mắt. “Vậy tôi sẽ mang qua cho cô một cuốn sách để khóc nhé.” “Khi nào?” “Ngày mai. Hứa với tôi cô sẽ ăn uống gì đó trước khi khóc tiếp nhé.” Ông không hiểu sao mình lại nói năng mạo muội như vậy. Ắt hẳn là do cánh cửa đứng chắn giữa hai người họ. Ô cửa kính nhòa đi vì hơi thở người phụ nữ. “Vâng,” cô nói. “Vâng.” Khi ánh đèn hành lang sáng trở lại, khuôn mặt trái xoan kia lùi lại khỏi cánh cửa. Trong thoáng chốc, ông Perdu đặt tay lên tấm kính vừa in dấu khuôn mặt cô một giây trước. Nếu cô ấy cần bất kỳ món đồ nào khác, tủ com mốt hay là dao gọt khoai tây, mình sẽ đi mua rồi bảo nó là đồ trong nhà mình. Ông quay về căn hộ trống trải bên kia sảnh, cài chốt lại. Cánh cửa dẫn vào căn phòng đằng sau kệ sách vẫn mở toang. Càng nhìn lâu vào trong phòng ông càng có cảm giác như thể cái mùa hè năm 1992 ấy đang dâng lên từ sàn nhà. Nhảy xuống từ trên ghế xô pha, con mèo đáp đất bằng bốn bàn chân đệm thịt mịn như nhung và duỗi người. Ánh nắng vuốt ve một tấm lưng trần, tấm lưng ấy quay lại và___hiện ra. Nàng mỉm cười nhìn ông Perdu, nhỏm người dậy khỏi tư thế đọc sách và bước về phía ông, trên người không một mảnh vải, tay cầm cuốn sách. “Cuối cùng anh cũng đã sẵn sàng rồi à?”___ hỏi. Ông Perdu đóng sầm cửa lại. Không. Chương 3 “K hông,” Ông Perdu lặp lại vào buổi sáng hôm sau. “Không có chuyện tôi bán cho cô cuốn sách này đâu.” Nhẹ nhàng, ông gỡ cuốn Đêm ra khỏi tay người phụ nữ. Giữa cơ man là sách trên thuyền sách của ông - con thuyền thả neo bên bờ sông Seine mà ông đặt tên là Hiệu thuốc văn chương - không hiểu sao cô gái này lại nhặt lên cuốn tiểu thuyết ăn khách khét tiếng của Maximilian “Max” Jordan, cậu nhóc trùm bịt tai sống dưới tầng ba ngôi nhà trên đường Montagnard. Người phụ nữ nhìn ông chủ tiệm sách, vẻ ngỡ ngàng. “Tại sao lại không chứ?” “Max Jordan không hợp với cô.” “Max Jordan không hợp với tôi ư?” “Đúng vậy đấy. Cậu ta không phải tip dành cho cô.” “Tip dành cho tôi à. Được rồi. Xin lỗi ông, nhưng có lẽ tôi cần phải chỉ cho ông thấy là tôi đến chỗ thuyền sách của ông để tìm sách. Không phải một tấm chồng, quý ông thân mến của tôi ạ.” “Với tất cả Sự tôn trọng, tôi nghĩ cuốn sách cô đọc về lâu về dài còn quan trọng hơn cả người cô lấy làm chồng, quý bà thân mến của tôi ạ.” Người phụ nữ nhìn ông bằng cặp mắt nheo lại như hai sợi chỉ. “Đưa sách cho tôi, cầm tiền, rồi thì chúng ta có thể vờ như hôm nay là một ngày đẹp trời.” “Hôm nay là một ngày đẹp trời, còn ngày mai thì là lập hạ, nhưng cô sẽ không mua được cuốn sách này đâu. Từ tôi thì không đâu. Tôi gợi ý cho cô vài cuốn khác nhé?” “Phải rồi, cứ việc dúi cho tôi mấy cuốn kinh điển cũ mèm mà ông lười đến mức chẳng buồn quẳng xuống nước đầu độc lũ cá, ha?” Giọng cô lúc đầu còn nhỏ nhẹ, nhưng rồi âm lượng tăng dần lên. “Sách chứ có phải trứng đâu. Nó có tuổi không có nghĩa nó sẽ bị hỏng.” Giọng ông Perdu giờ đây cũng nhuốm bực. “Mà già thì làm sao chứ? Già đâu phải là bệnh. Ai mà chẳng già đi, cả sách cũng thế. Nhưng cô, hay bất cứ ai, có bị mất giá, bị kém quan trọng đi, chỉ vì đã sống trên đời lâu hơn một tí không?” “Thật ngớ ngẩn khi ông cứ vặn vẹo như vậy chỉ vì không muốn tôi mua cái cuốn Đêm ngớ ngẩn ấy.” Khách hàng của ông - hay đúng hơn là người-không phải-khách-hàng của ông - thả tọt ví vào cái túi xách tay đắt tiền rồi kéo khóa lại nhưng nó bị kẹt. Perdu như thấy có gì đó sục sôi ở trong lòng, một thứ cảm xúc dữ dội, giận dữ, căng thẳng - chỉ có điều nó chẳng liên quan gì đến người phụ nữ này. Nhưng ông không thể giữ miệng. Ông rượt theo trong lúc cô giận dữ sải bước qua bụng con thuyền sách rồi gọi với theo từ cái khoảng không gian tranh tối tranh sáng giữa các kệ sách dài: “Tùy cô đấy, cô ạ! Cứ việc bỏ đi và nhổ vào mặt tôi nếu muốn. Hoặc cô có thể cứu mình thoát khỏi hàng ngàn giờ khổ sở kể từ giây phút này.” “Xin cảm ơn! Đấy đích xác là thứ tôi đang làm đây.” “Hãy thả mình chìm đắm vào kho báu văn chương, thay vì lao vào những mối quan hệ vô nghĩa với đám đàn ông mà đằng nào rồi cũng sẽ hờ hững với cô, hay lên một kế hoạch ăn kiêng điên rồ chỉ vì cô chưa đủ gầy với gã này và chưa đủ ngốc với gã kế.” Người phụ nữ đứng chết lặng bên khung cửa sổ lớn nhìn ra sông Seine, mắt trừng trừng nhìn Perdu. “Sao ông dám!” “Sách chặn đứng sự ngu xuẩn. Và những hy vọng hão huyền. Và những gã đàn ông phù phiếm. Chúng lột trần ta bằng tình yêu, sức mạnh và tri thức. Đó là tình yêu đến từ bên trong. Cô tự lựa chọn đi: sách hay là…” Trước khi ông kịp nói hết câu, một con thuyền vãn cảnh xình xịch chạy qua, một nhóm phụ nữ Trung Quốc đứng bên lan can tàu, tay che ô. Họ bắt đầu bấm máy ảnh tới tấp khi trông thấy con thuyền Hiệu thuốc văn chương nổi tiếng của Paris. Con thuyền mới đến lùa những đợt sóng màu nâu pha xanh lục vào bờ, khiến con thuyền sách chòng chành. Người khách đi đôi giày cao gót bước loạng choạng trên sàn thuyền nhưng thay vì chìa tay ra đỡ cô, ông giơ ra cuốn Nhím thanh lịch. Theo bản năng, cô chộp lấy cuốn sách, giữ chặt nó. Không rời tay khỏi cuốn sách, ông nói với người khách lạ mặt bằng một giọng điềm đạm, dịu dàng, đầy an ủi. “Cô cần có một căn phòng riêng. Không sáng quá. Với một con mèo làm bạn. Và cuốn sách này. Nhớ là đọc chậm thôi để lúc này hay lúc khác cô có thể nghỉ giải lao. Cô sẽ nghĩ ngợi rất nhiều và chắc sẽ có chút nước mắt. Cho bản thân mình. Cho những năm tháng đã qua. Nhưng rồi cô sẽ thấy khá hơn. Cô sẽ nhận ra mình không cần phải chết, kể cả khi cô đang có cảm giác ấy vì gã kia đã đối xử với cô chẳng ra gì. Rồi cô sẽ yêu quý bản thân trở lại, không còn thấy mình xấu xí hay khờ khạo nữa.” Chỉ sau khi nói hết lời chỉ dẫn cho vị khách, ông mới buông tay ra. Đôi mắt cô dán chặt vào ông. Dựa vào vẻ mặt sững sờ kia, ông biết mình đã điểm trúng hồng tâm và chạm được vào cô. Không chệnh một li. Rồi cô thả cuốn sách rớt xuống cái bụp. “Ông điên nặng rồi,” cô thì thầm nói trước khi xoay gót loạng choạng bước đi, đầu cúi gằm, băng qua bụng thuyền toàn sách với sách rồi trèo lên bờ. Ông Perdu nhặt cuốn Nhím lên. Gáy sách đã bị hỏng sau cú rơi. Ông sẽ phải bán lại cuốn tiểu thuyết của Muriel Barbery này với giá một hoặc hai euro cho một tay bán sách cũ nào đó trên bờ với những thùng lớn thùng nhỏ sách cho các vị khách sục sạo. Rồi ông nhìn trân trân theo bóng vị khách nọ. Cái cách cô chật vật đi qua dòng người thả bộ. Cái cách đôi vai cô run lên trong bộ vest. Cô đang khóc. Cô đang khóc như một người biết rằng tấn kịch nhỏ này sẽ không thể hạ gục được mình, nhưng dẫu vậy vẫn bị tổn thương sâu sắc trước sự bất công của hiện tại. Cô đã phải chịu một đòn quá đau, quá tàn nhẫn rồi. Như thế chưa đủ sao? Cái tay chủ tiệm sách độc địa này có cần xát muối vào vết thương của cô như thế không? Ông Perdu ngờ rằng trên thang đo mức độ ngu xuẩn của cô từ một đến mười, cô hẳn sẽ xếp ông - gã hổ giấy ngu xuẩn trên con thuyền Hiệu thuốc văn chương ngớ ngẩn - ở mức mười hai. Ông hoàn toàn đồng ý. Cơn bột phát và cái giọng độc đoán ông dùng với cô ắt hẳn là do buổi tối hôm trước, do căn phòng nọ. Bình thường ông lạc quan hơn. Thông thường, ông vẫn tỏ ra điềm nhiên như không trước những mong muốn, lời lăng mạ hay mọi thói kỳ dị của khách hàng. Ông chia họ thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên gồm những người mà sách là luồng gió mát lành duy nhất trong cuộc sống bí bức thường ngày. Những khách hàng yêu thích của ông. Họ tin tưởng ông sẽ chỉ cho họ đúng cái họ cần. Hoặc họ sẽ thổ lộ điểm yếu của mình, giả dụ như: “Đừng chọn những cuốn có núi, thang máy hay quang cảnh này nọ nhé - tôi vốn sợ độ cao.” Một vài người sẽ hát cho ông Perdu nghe những bài hát trẻ con, mà nói đúng hơn là rống lên: “Na nà, na nà, na na ná - ông biết bài đó chứ?” với hy vọng ông chủ tiệm sách cừ khôi sẽ nhớ ra giúp họ rồi chìa ra một cuốn sách có những giai điệu thuở ấu thơ của họ. Đa phần ông luôn tìm được một cuốn khớp với mấy bài hát ấy. Đã từng có thời ông hay ca hát. Nhóm khách thứ hai đặt chân lên Lulu, tên cũ của chiếc thuyền sách thả neo bên Port des Champs-Élysées, vì họ bị hấp dẫn bởi cái tên của tiệm sách: La pharmacie littéraire, Hiệu thuốc văn chương. Họ ghé qua để mua mấy tấm bưu thiếp tưng tửng (“Đọc sách giết chết định kiến” hay “Người đọc sách không nói dối - hay ít ra là không làm hai việc ấy cùng lúc”) hoặc những cuốn sách mini đựng trong lọ thuốc màu nâu, hay là để chụp ảnh. Nhưng nhóm khách này vẫn còn thú vị chán so với nhóm khách thứ ba, những người cứ nghĩ mình là vương là tướng nhưng, bất hạnh thay, lại chẳng có được phong thái của bậc vương giả. Chẳng buồn nói “Chào buổi sáng” hay thậm chí là nhìn ông một cái trong khi sờ sẩm từng cuốn sách một bằng mấy ngón tay nhoe nhoét dầu mỡ dây ra từ món khoai tây chiên ăn dở, họ đặt câu hỏi cho Perdu mà quá bằng mắng ông: “Ông không có băng dán urgo in thơ à? Hay giấy vệ sinh in truyện trinh thám? Sao ông lại không bán gối hơi du lịch? Hiệu thuốc sách thì phải bán cái đó chứ.” Mẹ Perdu, bà Lirabelle Bernier, đã giục ông bán cồn tẩy rửa với tất y khoa - phụ nữ khi đến một độ tuổi nhất định thường bị phù chân trong lúc ngồi đọc sách. Có những ngày ông bán được nhiều tất hơn sách. Ông thở dài. Tại sao một người phụ nữ với cảm xúc mong manh đến vậy lại muốn đọc cuốn Đêm? Chà, hẳn nó cũng chẳng hại gì cho cô ta. Chậc, mà có thì cũng không nhiều lắm. Tờ Le Monde đã tung hô cuốn tiểu thuyết ấy với Max Jordan thành “tiếng nói mới của tuổi trẻ nổi loạn.” Đám tạp chí phụ nữ thì làm rình rang hết cả lên với câu chuyện về “chàng trai có trái tim khao khát” và cho đăng ảnh chân dung tác giả át cả ảnh bìa sách. Max Jordan lúc nào trông cũng có vẻ hoang mang trên mấy bức ảnh kiểu đó. Hoang mang và bầm giập, Perdu nghĩ. Trong tiểu thuyết đầu tay của cậu ta đầy rẫy những người đàn ông, vì sợ mất đi sự độc đáo của bản thân nên đã đáp lại tình yêu bằng thái độ ghét bỏ, hững hờ đầy cay độc. Một nhà phê bình còn tán tụng Đêm là “bản tuyên ngôn của nam tính kiểu mới”. Nhưng Perdu lại nghĩ cuốn sách không hợm hĩnh đến thế. Nói đúng hơn, đó là nỗ lực tuyệt vọng của một người đàn ông trẻ mới biết yêu lần đầu đang tự mổ xẻ đời sống nội tâm của mình. Cậu ta không thể hiểu tại sao mình lại mất sạch khả năng kiềm chế, lao đầu vào tình yêu để rồi, cũng bí ẩn hệt như vậy, tự dưng hết yêu. Và bối rối làm sao khi cậu ta chẳng thể biết được cậu yêu ai và ai yêu cậu, đâu là bắt đầu, đâu là kết thúc, và tất tật những thứ khôn lường xảy ra ở giữa. Tình yêu, tên độc tài đáng sợ với cánh đàn ông. Thật dễ hiểu khi đàn ông, với bản chất vốn dĩ của họ, mỗi lần gặp phải tên bạo chúa đó đều tìm cách trốn chạy. Cả triệu phụ nữ đọc cuốn sách ấy để hiểu xem tại sao đàn ông lại tàn nhẫn với họ như vậy. Tại sao đàn ông lại thay ổ khóa, nhắn tin đá họ, ngủ với bạn thân nhất của họ. Tất cả chỉ để khinh bỉ tên độc tài vĩ đại kia: Thấy chưa, mi không tóm được ta đâu. Với ta thì không. Nhưng cuốn sách ấy có thật sự an ủi được phụ nữ không? Đêm đã được dịch ra hai mươi chín thứ tiếng. Người ta còn bán nó cho cả người Bỉ, Rosalette bà quản lý nhà đã khoái chí kể lại như vậy. Được sinh ra và nuôi dạy thành một phụ nữ Pháp chân chính, bà thích chỉ ra rằng người Bỉ là một đám khó lường. Max Jordan đã chuyển vào nhà số 27 đường Montagnard bảy tuần trước, đối diện nhà Goldenberg ở tầng ba. Cậu ta vẫn chưa bị phát hiện bởi đám fan đeo bám thần tượng bằng thư tình, điện thoại với những lời thề thốt trọn đời. Thậm chí còn có cả trang Wikiforum dành cho cuốn Đêm, nơi họ trao đổi tin tức và bình luận về các bạn gái cũ của cậu (hiện vẫn trong vòng bí ẩn, một thắc mắc lớn treo lơ lửng trong đầu họ: Jordan còn trinh hay không?), rồi các thói quen lập dị của cậu ta (trùm bịt tai) và những địa chỉ nghi là của cậu (Paris, Antibes hay London). Perdu cũng đã không ít lần chạm trán fan cuồng của Đêm trên Hiệu thuốc văn chương. Họ bước lên thuyền đầu trùm bịt tai, van vỉ Perdu tổ chức một buổi đọc sách với thần tượng của họ. Khi Perdu ngỏ lời với cậu hàng xóm, cậu chàng hai mươi mốt tuổi tái mét cả mặt mày. Hẳn là chứng sợ sân khấu, Perdu nghĩ. Trong mắt ông, Jordan là một người đàn ông trẻ đang trên đường chạy trốn, một đứa bé được gán cho mác nhà văn dù chẳng hề muốn - và hẳn rồi, với rất nhiều người, một kẻ phản bội dám tiết lộ cho cả thế giới biết về những cơn bão lòng của đàn ông. Trên mạng thậm chí còn có cả những forum của anti-fan nơi những kẻ nặc danh xé nát cuốn Đêm ra, biến nó thành trò đùa và khuyên tác giả tốt nhất hãy làm cái mà gã nhân vật tuyệt vọng của cậu ta đã làm khi nhận ra mình sẽ không bao giờ làm chủ nổi tình yêu: quăng mình xuống dưới biển sâu từ trên vách đá đảo Corsica. Thứ hấp dẫn nhất ở cuốn Đêm là những mô tả về sự yếu đuối của nam giới: cậu ta viết về đời sống nội tâm phái mạnh chân thành hơn hẳn bất kỳ người nào khác. Cậu ta giày xéo lên tất tật những hình ảnh quen thuộc, đã được lý tưởng hóa về đàn ông trong văn chương: “đấng mày râu”, “chú lùn dễ xúc động”, “lão già cuồng trí” và “sói cô độc”. Một tạp chí nữ quyền đã cho đăng bên trên bài điểm sách cuốn tiểu thuyết của Jordan một cái tiêu đề chín chắn đến là hợp: ĐÀN ÔNG CŨNG LÀ CON NGƯỜI. Perdu ấn tượng trước sự bạo gan của Jordan. Nhưng cuốn sách lại làm ông liên tưởng đến một bát xúp gazpacho cứ liên tục sánh ra ngoài. Tác giả của nó cũng hệt như vậy, chơ vơ, bộc tuệch trong cảm xúc: cậu ta là tấm phim dương bản, còn tấm phim âm bản chính là Perdu. Trải nghiệm tất cả một cách dữ dội là vậy mà vẫn sống sót, Perdu tự hỏi người ta sẽ cảm thấy ra sao. Chương 4 K ế đó Perdu tiếp một ông khách người Anh. “Gần đây tôi có thấy một cuốn sách bìa áo có màu xanh lá với trắng. Nó được dịch ra tiếng Pháp chưa?” Perdu luận ra được nó chính là một tác phẩm kinh điển đã được in mười bảy năm trước. Thế nên thay vì vậy, ông bán cho người khách một tuyển tập thơ. Sau đấy, ông Perdu phụ người giao hàng chuyển những thùng sách ông đặt mua từ xe đẩy lên thuyền rồi nhặt ra vài cuốn thiếu nhi mới in cho tay giáo viên có phần hơi hoảng loạn dạy ở trường tiểu học bên bờ kia sông Seine. Perdu lau mũi cho cô bé con đang say mê đọc Chiếc la bàn vàng. Còn với bà mẹ lao lực của cô bé, ông viết phiếu hoàn thuế cho bộ bách khoa thư ba mươi tập mua trả góp. Cô phác tay về phía con gái. “Cái con bé kỳ cục này muốn đọc xong trọn bộ trước khi qua tuổi hai mươi mốt. Được thôi, tôi nói, con bé có thể mua cái bộ bách… bách… chậc, toàn bộ đống sách tham khảo ấy, nhưng nó sẽ không được nhận quà sinh nhật nữa. Quà Giáng sinh cũng cắt luôn.” Perdu gật đầu với cô bé con bảy tuổi. Cô bé nghiêm trang gật đầu đáp lại. “Ông có nghĩ như vậy là bình thường không?” bà mẹ lo lắng hỏi. “Ở tầm tuổi nó bây giờ?” “Tôi nghĩ cháu nó là đứa dũng cảm, thông minh và đúng đắn.” “Miễn là sau này nó đừng thông minh quá so với đám đàn ông.” “Với những gã ngốc thì đúng là vậy đấy, thưa bà. Nhưng ai lại muốn sống với bọn họ chứ? Một gã ngốc sẽ là tai ương cho bất cứ phụ nữ nào.” Người mẹ ngước lên từ đôi tay đỏ ửng, run run với vẻ ngạc nhiên. “Sao chưa ai nói với tôi như thế bao giờ?” cô hỏi, một nụ cười thoáng qua khuôn mặt. “Cô biết gì không?” Perdu nói. “Hãy chọn một cuốn sách mà cô muốn tặng cho con gái vào dịp sinh nhật. Hôm nay là ngày khuyến mại ở Hiệu thuốc văn chương: mua một bộ bách khoa thư, chúng tôi sẽ tặng bạn một cuốn tiểu thuyết.” Đáp lại lời nói dối nho nhỏ của ông, người phụ nữ thậm chí cũng không chớp mắt, chỉ thở dài. “Nhưng mẹ tôi đang đợi chúng tôi ở trên kia. Mẹ tôi nói muốn dọn vào sống ở viện dưỡng lão, và tôi không cần phải chăm sóc bà nữa. Nhưng tôi không thể làm vậy. Ông có thể làm được việc đó không?” “Tôi sẽ lo cho mẹ cô. Cô chỉ việc tìm sách, được chứ?” Người phụ nữ làm theo với nụ cười biết ơn. Perdu mang một cốc nước cho bà ngoại của cô bé con ngồi ở trên bờ. Bà không dám mạo hiểm bước xuống ván cầu. Perdu đã quen với những ngờ vực của người già; ông có cả khối khách hàng tuổi ngoài bảy mươi mà ông phải nói chuyện trên bờ, tại đúng cái băng ghế rèn từ sắt mà người phụ nữ già nua kia đang ngồi. Càng sống, người già lại càng gìn giữ cẩn thận những ngày tươi đẹp: họ sẽ không để thứ gì đe dọa đến khoảng thời gian ít ỏi còn lại của mình. Đó là lý do tại sao họ không còn muốn đi du lịch nữa; tại sao họ cho đốn cây cổ thụ bên ngoài nhà để chúng khỏi đổ đè xuống mái nhà; và tại sao họ nhất định không chịu đi qua một cái ván cầu bằng thép dày năm milimet. Perdu còn mang cho bà cụ một tập catalog to bằng cả cuốn tạp chí để bà cụ quạt cho vơi cái nóng mùa hè. Bà vỗ vỗ xuống bên chỗ ngồi cạnh mình ra ý mời ông. Bà cụ làm ông nhớ đến mẹ mình, bà Lirabelle. Có lẽ là vì đôi mắt. Hết sức tinh anh. Thế là ông ngồi xuống. Sông Seine lấp lánh nắng, còn bầu trời cong cong một màu xanh mùa hè trên đầu. Tiếng xe cộ inh ỏi dội đến từ phía quảng trường Concorde; chẳng có lấy một giây phút tĩnh lặng. Thành phố sẽ vắng đi đôi chút sau dịp 14 tháng Bảy, khi người Paris tràn đến các bãi biển và các ngọn núi trong suốt kỳ nghỉ hè. Nhưng cả khi đó thành phố này vẫn ồn ĩ và thèm khát vô độ. “Ông có hay làm việc này giống tôi không?” bà cụ đột nhiên hỏi. “Giở lại đống ảnh cũ để xem liệu khuôn mặt một người đã khuất có cho thấy dấu hiệu nào họ sẽ sớm qua đời?” Ông Perdu lắc đầu. “Không thưa bà.” Bằng những ngón tay run rẩy lấm tấm đồi mồi, bà cụ mở cái mặt trái tim trên dây đeo cổ ra. “Đây là chồng tôi. Chụp hai tuần trước khi bị đột quỵ. Và rồi, bỗng đâu, chỉ còn lại một người phụ nữ trẻ là ta trong căn phòng trống.” Bà lướt ngón trỏ trên bức ảnh, vỗ nhẹ lên mũi chồng. “Trông ông ấy đến là thoải mái. Như thể mọi thứ ông ấy hoạch định đều có thể thành sự thật. Hai bọn tôi nhìn vào máy ảnh, nghĩ rằng đời sẽ cứ thế cứ thế trôi đi, nhưng rồi: Xin chào, giấc ngủ vĩnh hằng.” Bà ngừng lại. “Thế là từ bấy đến giờ tôi không chịu để cho người khác chụp ảnh nữa,” bà nói. Bà ngửa mặt lên hướng về phía mặt trời. “Ông có cuốn nào viết về cái chết không?” “Tôi có nhiều là đằng khác,” Perdu nói. “Những cuốn về việc ta già đi, mắc bệnh nan y, về cái chết từ từ, cái chết mau lẹ, cái chết cô độc ở đâu đó dưới sàn bệnh viện.” “Tôi thường tự hỏi sao người ta không viết thêm sách về sống. Ai cũng có thể chết. Nhưng còn sống thì sao?” “Phải đấy, thưa bà. Có quá nhiều điều để nói về việc sống. Sống với sách, sống với bọn trẻ, sống cho người mới bắt đầu.” “Thế sao ông không viết một cuốn.” Như thể tôi có thể đưa ra lời khuyên cho người khác vậy. “Tôi lại muốn viết một bộ bách khoa thư về những cảm xúc quen thuộc,” ông nói. “Vần L sẽ có ‘Lo lắng khi cho người khác đi nhờ xe’, vần C là ‘Cảm giác tự mãn của những người dậy sớm’, vần S thì có ‘Sốt sắng giấu ngón chân, hay nỗi sợ người kia sẽ không yêu ta nữa nếu nhìn thấy bàn chân ta’.” Perdu tự hỏi tại sao ông lại đi kể tất cả những thứ ấy với một người lạ. Giá mà ông không mở cửa phòng ra. Bà ngoại cô bé con vỗ vỗ đầu gối ông. Ông thoáng rùng mình: tiếp xúc thân thể thật nguy hiểm. “Một bách khoa thư về cảm xúc,” bà mỉm cười nhắc lại. “Tôi cũng biết cái cảm giác ấy về những ngón chân. Một cuốn almanac về những cảm xúc quen thuộc. Ông biết nhà văn người Đức Erich Kӓstner chứ?” Perdu gật đầu. Năm 1936, một thời gian ngắn trước khi châu Âu chìm trong cuộc chiến thảm khốc, Kӓstner đã cho xuất bản cuốn Hòm thuốc trữ tình trích từ tủ thuốc thơ mà ông viết ra. “Tập sách này dành để chữa trị cho đời sống riêng tư,” người thi sĩ ấy đã viết như vậy trong lời nói đầu. “Nó chữa cho - chủ yếu bằng những liều vi lượng đồng căn - tất tật những căn bệnh lớn nhỏ của sự hiện tồn và sử dụng ‘liệu trình cho một đời sống nội tâm điển hình’.” “Kӓstner là một trong những lý do khiến tôi đặt tên thuyền sách này là Hiệu thuốc văn chương,” Perdu nói. “Tôi muốn điều trị cho những cảm xúc không được xem là đau đớn, mà các bác sĩ sẽ không bao giờ chẩn đoán được. Tất cả những cảm xúc, cảm giác nhỏ bé mà bác sĩ tâm lý không mấy hứng thú, vì hiển nhiên là chúng quá vụn vặt và mơ hồ. Cái cảm giác bám lấy ta khi lại một mùa hè nữa chuẩn bị qua đi. Hay khi ta nhận ra ta chẳng còn cả đời người để đi tìm nơi ta thuộc về. Hay nỗi buồn thoáng qua khi một tình cảm chẳng đi đến đâu, và ta vẫn phải tiếp tục tìm kiếm người bạn đời của mình. Hay những nỗi buồn buổi sáng ngày sinh nhật. Nỗi hoài niệm bầu không khí tuổi thơ. Những thứ kiểu vậy.” Ông nhớ mẹ đã từng giãi bày là bà phải chịu đựng một nỗi đau chẳng thứ thuốc nào có thể hóa giải. “Có những phụ nữ chỉ nhìn giày chứ không nhìn mặt một phụ nữ khác. Kiểu còn lại thì luôn nhìn thẳng vào mặt, thỉnh thoảng mới nhìn xuống giày.” Mẹ ông thích kiểu người thứ hai hơn; Lirabelle thấy bẽ bàng và bất công khi đứng trước kiểu người thứ nhất. Cũng chính vì muốn hóa giải những nỗi đau nhức nhối vô phương lý giải nhưng lại rất chân thực ấy mà ông đã mua con thuyền này, vốn là một sà lan chở hàng tên là Lulu; ông đã tự mình sửa sang lại con thuyền và chất sách lên, sách - phương thuốc duy nhất cho vô vàn những nỗi đau chưa được gọi tên của tâm hồn. “Ông nên viết cuốn sách ấy. Một bộ bách khoa thư về cảm xúc cho các dược sĩ văn chương.” Người phụ nữ già nua lúc này đã ngồi thẳng lên và trở nên hoạt bát, sống động hơn. “Hãy thêm ‘Tâm sự với người lạ’ vào vần T. Cái cảm giác kỳ cục ta gặp phải trên tàu khi tự dưng ta lại đi bộc bạch với một người chưa từng gặp mặt còn nhiều hơn với chính gia đình ta. Và hãy bổ sung ‘Niềm an ủi Cháu chắt’ ở vần N. Cái cảm giác cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn…” Bà dừng lời, chìm vào suy nghĩ miên man. “Một người sốt sắng giấu ngón chân - tôi đã từng là một người như thế. Nhưng ông ấy… hóa ra ông ấy lại thích bàn chân tôi.” Khi ba người nhà họ chào tạm biệt ông rồi ra về, Perdu đi đến kết luận: người ta thường quan niệm sai lầm rằng người bán sách chăm lo cho những cuốn sách. Họ chăm lo cho con người. Khi dòng khách khứa vãn bớt vào buổi trưa - với người Pháp, ăn uống là chuyện thiêng liêng hơn cả nhà nước, tôn giáo và đồng tiền gộp lại - Perdu dùng chổi quét ván cầu, làm xáo động một ổ nhện gầm cầu. Rồi ông trông thấy Kafka với Lingdren tiến về phía con thuyền sách bên dưới đại lộ cây xanh chạy men bờ sông. Đó là tên ông đặt cho hai con mèo hoang ngày nào cũng ghé qua chơi với ông bởi chúng đã hình thành một niềm thích thú đặc biệt với nơi này. Con mèo đực lông xám với đường viền trắng quanh cổ như cổ áo mục sư thích mài vuốt bằng cuốn Những cuộc điều tra của một con chó của Franz Kafka, một ngụ ngôn phân tích thế giới con người từ góc nhìn một chú chó. Trong khi đó, con mèo Lindgren tai dài, lông hai màu cam trắng lại thích nằm gần chồng sách viết về nhân vật Pippi Tất dài; đó là một cô mèo xinh đẹp vẫn thường thò đầu ra từ sau tủ sách và săm soi từng vị khách một. Lindgren với Kafka vẫn thường giúp ông bằng cách thình lình, từ một trong những giá sách ở tít trên cao, nhảy bổ vào một vị khách thuộc nhóm thứ ba, những người có ngón tay dây đầy dầu mỡ. Hai con mèo hoang với gu sách hơn người sẽ đợi đến khi chúng có thể lên thuyền mà không phải né những đôi chân to cộ, vụng về. Một khi đã tót xuống thuyền, chúng sẽ cọ mình vào ống quần ông chủ tiệm sách mà khe khẽ kêu meo meo. Ông Perdu đứng nghệt ra. Trong thoáng chốc, một thoáng chốc ngắn ngủi, ông thôi không đề phòng nữa. Ông tận hưởng hơi ấm và sự mềm mại của lũ mèo. Trong vài giây ông nhắm nghiền mắt và phó mặc bản thân cho cái cảm giác êm ái đến khó tin nơi cẳng chân mình. Những cử chỉ gần như vuốt ve này là những tiếp xúc thân thể duy nhất trong cuộc sống hằng ngày của Perdu. Những tiếp xúc duy nhất ông cho phép. Khúc đệm quý báu ấy kết thúc khi, từ đằng sau cái kệ mà Perdu xếp các sách kê cho năm loại khốn khổ của cuộc sống đô thị (nhịp sống điên cuồng, sự lãnh đạm, cái nóng, tiếng ồn và những tay tài xế xe bus ác dâm đâu cũng thấy mặt), ai đó bật ra một tràng ho dài dằng dặc ghê hồn. Chương 5 B ọn mèo lỉnh vào trong khoảng không gian tranh tối tranh sáng để tìm trong khu bếp cái hộp cá ngừ Perdu đã dọn sẵn cho chúng. “Xin chào?” ông Perdu gọi ra. “Tôi có thể giúp gì không?” “Tôi không định tìm sách,” Max Jordan đáp, giọng khản đặc. Cậu tác giả ăn khách ngần ngừ bước tới, hai tay giữ hai quả dưa lưới. Cái bịt tai không lúc nào vắng mặt đang ép chặt vào đầu cậu. “Ba người bọn cậu đứng đó đã lâu chưa, hả cậu Jordan?” Perdu hỏi bằng một vẻ nghiêm nghị cường điệu. Jordan gật đầu, sắc đỏ xấu hổ trên khuôn mặt lan ra đến tận đường chân tóc đen nhánh. “Tôi đến đúng lúc ông đang từ chối bán cuốn tiểu thuyết của tôi cho khách hàng,” cậu ta đáp, không mấy vui vẻ. Chết thật. Thật không đúng lúc tí nào. “Ông nghĩ nó tệ đến thế sao?” “Không,” Perdu vội vã đáp. Chỉ một thoáng ngắc ngứ thôi cũng sẽ khiến Jordan nghĩ câu trả lời là có. Không cần phải giáng cho cậu ta một đòn như vậy. Quan trọng hơn, Perdu thực lòng nghĩ đó không phải một cuốn sách tệ. “Thế tại sao ông lại nói tôi không hợp với cô ta.” “Cậu…” “Cứ gọi tôi là Max.” Như thế có nghĩa cậu nhóc này cũng có thể gọi mình bằng tên riêng. Người cuối cùng gọi mình như thế, bằng cái giọng ấm nóng như sô cô la, chính là___. “Thôi tạm thời tôi sẽ vẫn cứ gọi cậu là cậu Jordan. Nếu cậu không phiền thì, thưa cậu Jordan. Cậu thấy đó, tôi bán sách như bán thuốc. Có những cuốn hợp với cả triệu người, số khác lại chỉ hợp với độ trăm người. Thậm chí có những thứ thuốc - à, xin lỗi, những cuốn sách - viết ra chỉ để cho một người đọc.” “Chúa ơi. Một người đọc? Một người duy nhất? Sau biết bao công sức viết lách như thế?” “Dĩ nhiên rồi - ấy là nếu nó cứu được cuộc đời người đó! Người khách kia hiện giờ không cần đến cuốn Đêm. Cô ấy sẽ không chịu nổi nó. Các tác dụng phụ là quá tai hại.” Jordan ngẫm nghĩ. Cậu ta nhìn quanh cả ngàn cuốn sách bày trên con thuyền - trên những giá sách, trên những cái ghế, và chất cao thành chồng dưới sàn nhà. “Nhưng làm thế nào ông biết được vấn đề của một người là gì và sẽ có tác dụng phụ nào?” Chậc, làm sao ông có thể giải thích cho Jordan rằng chính ông cũng không biết làm sao ông lại biết? Perdu sử dụng tai, mắt và bản năng. Từ một cuộc nói chuyện duy nhất, ông có thể nhìn ra được mỗi tâm hồn đang thiếu thốn cái gì. Ở một mức độ nhất định, ông có thể đọc được, từ tư thế, chuyển động và cử chỉ của một cơ thể, cái gì đang đè nặng lên nó. Và cuối cùng, ông có cái mà cha ông gọi là khả năng thấu cảm. “Con có thể nghe và nhìn xuyên qua vỏ bọc ngụy trang của hầu hết mọi người. Và đằng sau nó con có thể nhìn thấy tất tật những gì họ lo lắng hay mơ ước cũng như những gì họ thiếu.” Mỗi người đều có một thiên khiếu và thiên khiếu của ông là khả năng thấu cảm. Một trong những vị khách quen, bác sĩ tâm lý Eric Lanson, người có phòng khám ở gần Điện Élysée và thường chữa trị cho các quan chức chính phủ, từng một lần tự thú rằng ông ta ghen tị với thiên khiếu của Perdu, ghen với cái “khả năng quan trắc tâm thần có thể xem xét tâm hồn con người còn chính xác hơn cả một bác sĩ tâm lý mắc chứng ù tai sau ba mươi năm lắng nghe người bệnh”. Cứ đến chiều thứ Sáu là Lanson lại ghé qua Hiệu thuốc văn chương. Chết mê bộ sách huyền ảo Dungeons & Dragons, ông ta sẽ thử phân tích tâm lý các nhân vật trong bộ sách hòng làm Perdu phải mỉm cười. Lanson cũng nhắc đến các chính trị gia cùng các trợ lý hành chính luôn căng thẳng đầu óc của họ với ông Perdu bằng những “đơn thuốc” mà ông ta viện đến các thuật ngữ văn chương để mô tả chứng bệnh loạn thần kinh họ mắc phải: “mang tinh thần Kafka với một chút Pynchon,” “kiểu Sherlock, hoàn toàn phi lý” hay “một ví dụ hoàn hảo cho hội chứng Potter dưới-gầm-cầu-thang*.” Có một thử thách Perdu tự đặt ra cho mình ấy là dẫn đường cho những người (đa phần là đàn ông) ngày ngày phải tiếp xúc với lòng tham, với sự lạm dụng quyền lực và với cái bản chất dã tràng của công việc văn phòng vào thế giới sách vở. Thật thỏa mãn làm sao khi một trong những người gọi-dạ-bảo-vâng khổ sở ấy từ bỏ cái công việc đã tước đoạt đến tận cùng sự độc đáo của họ! Và thường thì một cuốn sách luôn góp phần vào công cuộc giải phóng này. “Cậu thấy đấy, Jordan,” Perdu nói, dùng đến một cách thức tiếp cận khác, “một cuốn sách vừa là bác sĩ vừa là thuốc chữa bệnh. Nó đưa ra chẩn đoán bệnh đồng thời lại cung cấp cả liệu trình điều trị. Đúng sách đúng bệnh: đó là cách mà tôi bán sách.” “Tôi hiểu rồi. Cuốn tiểu thuyết của tôi là nha sĩ trong khi người phụ nữ kia lại cần bác sĩ phụ khoa.” “Chậc… không phải thế.” “Không ư?” “Sách còn hơn cả bác sĩ, dĩ nhiên rồi. Có cuốn thì là một người bạn đời đầy âu yếm; có cuốn thì cho ta một cú bạt tai; cuốn khác thì như một người bạn ủ ta trong khăn ấm khi ta rơi vào những nỗi buồn mùa thu. Và có cuốn… chậc, có cuốn thì như cây kẹo bông màu hồng làm đầu óc ta chộn rộn lên trong vòng ba giây và để lại một khoảng trống hạnh phúc. Như một cuộc tình bỏng cháy ngắn ngủi.” “Thế hóa ra cuốn Đêm lại là một trong những cuộc tình một đêm của văn chương? Một ả điếm?” Chết tiệt thật. Một quy định lâu đời của người bán sách: không bao giờ được nói với tác giả về tác phẩm của người khác. “Không. Sách giống như người, và người cũng giống như sách. Tôi sẽ cho anh biết tôi làm thế nào. Đầu tiên tôi tự hỏi mình: Anh ta hay cô ta có phải nhân vật chính trong đời họ không? Động cơ của cô ta là gì? Hay cô ta chỉ là nhân vật phụ trong câu chuyện cuộc đời cô ta? Cô ta có đang trong quá trình xóa sổ mình khỏi câu chuyện, vì chồng, sự nghiệp, con cái hay công việc của cô ta đang choán sạch toàn bộ câu chuyện?” Max Jordan tròn mắt. “Tôi có khoảng ba mươi nghìn câu chuyện trong đầu, cũng không nhiều lắm, cậu biết đấy, xét đến việc riêng ở Pháp đã có hơn một triệu đầu sách. Tôi tập hợp được tám nghìn cuốn hữu dụng nhất ở đây, dùng tạm như một bộ sơ cứu, nhưng tôi cũng lên cả những phác đồ điều trị. Tôi pha chế một thứ thuốc làm bằng ngôn từ: một cuốn sách dạy nấu ăn với những công thức đọc lên như một ngày Chủ nhật gia đình kỳ diệu. Một cuốn tiểu thuyết mà nhân vật chính giống hệt người đọc; những bài thơ để làm trào ra những giọt nước mắt mà nếu nuốt vào trong thì chẳng khác nào thuốc độc. Tôi lắng nghe bằng…” Perdu chỉ vào vùng tùng thái dương của mình. “Tôi cũng lắng nghe cả cái này nữa.” Ông xoa xoa gáy. “Và cái này.” Giờ thì ông chỉ vào nơi nhân trung. “Nếu nó nhói lên ở đây…” “Làm sao lại có thể như thế được…” “Được chứ sao không.” Ông có thể làm thế với khoảng 99,99 phần trăm người ông gặp. Tuy nhiên có một vài người Perdu không thể thấu cảm được. Ví dụ như chính ông. Nhưng mà lúc này cậu Jordan đây không cần biết đến điều đó. Trong khi Perdu đang thuyết phục Jordan, một ý nghĩ nguy hiểm đã bất chợt dạt vào tâm trí ông. Ước gì mình có một đứa con trai. Với___. Ước gì mình đã có mọi thứ với cô ấy. Perdu thở dốc. Thứ gì đó đã bị trật khớp kể từ khi ông mở cửa căn phòng cấm. Lớp kính chống đạn của ông đã bị rạn - một vài đường rạn mỏng như sợi tóc - và mọi thứ sẽ vỡ tan thành trăm mảnh nếu ông không chấn chỉnh lại bản thân. “Trông ông có vẻ như… bị thiếu không khí trầm trọng,” Perdu nghe thấy Max Jordan nói. “Tôi hỏi thế không phải vì muốn xúc phạm ông. Tôi chỉ muốn biết người ta phản ứng thế nào khi ông nói, ‘Tôi sẽ không bán cho cô cuốn này - cô không hợp với nó.’” “Những trường hợp như thế ư? Họ ra về luôn. Thế còn cậu? Bản thảo kế tiếp thế nào rồi, cậu Jordan?” Cậu nhà văn trẻ ngồi phịch xuống, hai tay ôm hai quả dưa lưới, lọt thỏm trong cái ghế bành bao quanh là những chồng sách. “Chưa có gì cả. Một dòng cũng không.” “Ôi. Thế khi nào cậu phải giao bản thảo?” “Sáu tháng trước.” “Ôi. Thế nhà xuất bản nói thế nào?” “Họ không hề biết tôi đang ở đâu. Không ai biết cả. Không ai được biết. Tôi không chịu nổi nữa. Tôi không viết được nữa.” “Ôi.” Jordan gục người về phía trước, tì trán vào hai quả dưa lưới. “Ông sẽ làm thế nào khi không thể tiếp tục được nữa, ông Perdu?” cậu ta rầu rĩ hỏi. “Tôi ư? Tôi không làm gì cả.” Gần như không gì cả. Tôi đi dạo đêm quanh Paris cho đến khi mệt lử. Tôi lau động cơ của Lulu, thân tàu với cửa sổ, đảm bảo nó vẫn hoạt động, để mắt đến từng con ốc, dù đã hai thập niên rồi nó chẳng đi đâu cả. Tôi đọc sách - hai mươi cuốn cùng lúc. Ở đủ mọi nơi: trong nhà vệ sinh, trong bếp, trong các quán cà phê, dưới tàu điện ngầm. Tôi xếp những bức xếp hình choán sạch cả sàn phòng khách, xếp xong thì phá đi rồi lại xếp lại từ đầu. Tôi nuôi ăn hai con mèo hoang. Tôi sắp xếp đồ ăn theo thứ tự alphabet. Đôi khi tôi dùng thuốc ngủ. Tôi làm một liều Rilke để thức dậy. Tôi không đọc những cuốn sách mà phụ nữ như kiểu___sẽ đột ngột hiện ra. Tôi dần dần hóa đá. Tôi tiếp tục sống. Ngày nào cũng như ngày nào. Đó là cách duy nhất tôi có thể sống sót. Nhưng không kể đến nó thì không, tôi không làm gì cả. Perdu cố kiềm mình lại. Cậu nhóc muốn được giúp đỡ, cậu ta không muốn biết Perdu cảm thấy thế nào. Vậy thì giúp cậu ta đi. Ông chủ tiệm sách đi lấy kho báu cất trong cái két sắt nhỏ kiểu cũ đằng sau quầy tính tiền. Nắng phương Nam của Sanary. Cuốn sách duy nhất Sanary từng viết - đúng hơn là dưới cái tên đó. “Sanary” - đặt theo tên thị trấn trước đây dành cho các nhà văn lưu vong đến nương náu, Sanary-sur-Mer, ở vùng biển phía Nam của Provence - một bút danh không thể giải mã. Biên tập viên của ông ấy - hay bà ấy, Duprés, sống trong viện dưỡng lão ở Île-de-France, vui vẻ sống chung với căn bệnh Alzheimer. Trong những lần Perdu tới đó, cụ già Duprés đã kể cho ông nghe khoảng vài tá phiên bản về nhân thân của Sanary và làm thế nào mà bản thảo đó đến được tay ông cụ. Thế nên Perdu vẫn tiếp tục tìm kiếm. Trong hai thập kỷ qua ông đã phân tích nhịp điệu trong ngôn ngữ của tác giả, lựa chọn ngôn từ với ngữ điệu câu, rồi so sánh phong cách và chủ đề với các tác giả khác. Ông đã nhắm được mười một cái tên khả dĩ: bảy tác giả nữ, bốn tác giả nam. Ông rất muốn được cảm ơn một người trong bọn họ, vì Nắng phương Nam của Sanary là thứ duy nhất có thể đâm xuyên qua ông mà không gây đau đớn gì. Đọc Nắng phương Nam giống như một liều vi lượng đồng căn hạnh phúc. Nó là thứ dầu xức duy nhất có thể xoa dịu nỗi đau của Perdu - một dòng suối mát lạnh, êm đềm chảy qua rẻo đất đã cháy trụi là tâm hồn ông. Đó không phải là tiểu thuyết theo nghĩa truyền thống, mà là một truyện ngắn kể về muôn loại tình yêu, đầy ắp những từ ngữ lạ kỳ do tác giả sáng tạo ra và thấm đẫm tính nhân văn. Nỗi u sầu được dùng để miêu tả cảm giác khi ta không thể sống cho trọn vẹn mỗi ngày, không thể đón nhận mỗi ngày như là chính nó, tức là độc nhất, quý giá, không thể lặp lại; lời than van ấy mới đồng vọng với ông làm sao. Ông đưa cho Jordan cuốn Nắng phương Nam cuối cùng của mình. “Đọc cuốn sách này đi. Ba trang mỗi ngày trước bữa sáng, nằm đọc. Nó phải là thứ đầu tiên cậu thu vào trí óc mỗi ngày. Chỉ trong vòng vài tuần cậu sẽ không còn thấy khổ sở như vậy nữa - cậu sẽ không còn cần phải trả giá cho thành công của mình bằng việc đánh mất cảm hứng viết nữa.” Max giơ hai bàn tay ra, vẫn đang bê hai quả dưa lưới, và ném cho ông cái nhìn hãi hùng qua khoảng giữa hai quả dưa. Cậu ta không đừng được mà thốt lên: “Làm sao ông biết được hay vậy? Tôi không thể chịu đựng nổi chỗ tiền đó, và thành công đang thiêu đốt tôi! Tôi ước gì những chuyện này chưa từng xảy ra. Cứ giỏi cái gì là sẽ bị ghét bỏ - hoặc không được yêu thương.” “Max Jordan, nếu tôi là bố cậu, tôi sẽ tét đít cậu vì nói ra những lời ngu ngốc như vậy. Cuốn sách của cậu ra đời là điều tuyệt vời, nó xứng đáng với thành công đó, xứng đáng đến từng phần trăm những nỗ lực nhọc nhằn của cậu.” Gương mặt Jordan đột nhiên bừng lên với một niềm vui bẽn lẽn, tự hào. Gì chứ? Mình vừa nói cái gì thế? “Nếu tôi là bố cậu”? Max Jordan nghiêm trang chìa ra cho Perdu hai quả dưa lưới. Chúng thơm nức. Một mùi hương nguy hiểm. Nó giống như một mùa hè với___. “Ông ăn trưa với tôi nhé?” cậu nhà văn hỏi. Cậu chàng suốt ngày trùm bịt tai này quả đã khiến ông phát bực, nhưng cũng rất lâu rồi ông không dùng chung bữa với bất kỳ ai. Và___hẳn sẽ thích chàng trai này. Khi hai người họ đang xắt những miếng dưa lưới cuối cùng, họ nghe tiếng giày cao gót vang lên trên ván cầu. Người phụ nữ lúc sáng hiện ra ở cửa gian bếp. Đôi mắt cô đỏ hoe vì khóc, nhưng giờ chúng đang sáng bừng lên. “Được rồi,” cô nói. “Hãy bán cho tôi những cuốn sách sẽ tử tế với tôi. Tôi sẽ thây kệ cái lũ đàn ông vô tâm ấy.” Max há hốc mồm kinh ngạc. Chương 6 P erdu xắn hai ống tay áo sơ mi trắng lên, kiểm tra cái cà vạt đen đã thẳng thớm chưa, rút ra cặp kính đọc sách dạo gần đây ông bắt đầu phải đeo và bằng một cử chỉ lịch duyệt, hộ tống vị khách hàng bước vào trung tâm thế giới văn chương của ông: một cái ghế bành bằng da bên dưới có ghế gác chân đặt đằng trước ô cửa sổ kính to bản nhìn ra tháp Eiffel. Ở đấy, dĩ nhiên rồi, cũng có cả bàn con để đặt túi xách tay - Lirabelle đã tặng nó cho con thuyền sách. Và kế bên là cây đàn piano cũ mà mỗi năm ông lên dây đàn hai lần dù không thể tự mình chơi nó. Perdu hỏi vị khách tên Anna một vài câu hỏi. Nghề nghiệp, thói quen buổi sáng, con vật yêu thích ngày nhỏ, những cơn ác mộng gặp phải trong mấy năm qua, tên các cuốn sách đọc gần đây… và liệu mẹ cô có can thiệp vào cách ăn mặc của cô hay không. Những câu hỏi riêng tư, nhưng không quá riêng tư. Ông phải hỏi những câu này rồi giữ im lặng tuyệt đối. Im lặng lắng nghe là điều kiện tiên quyết để đọc vị toàn diện một tâm hồn. Anna làm việc trong ngành quảng cáo truyền hình, cô bảo ông. “Tại một đơn vị quảng cáo mà đàn ông ai cũng thuộc loại quá đát và luôn xem phụ nữ chẳng khác gì một cái máy pha cà phê kiêm ghế xô pha.” Cô đặt ba lần chuông báo thức mỗi sáng để kéo bản thân ra khỏi một giấc ngủ cực kỳ sâu rồi tắm nước nóng để giữ ấm cơ thể chuẩn bị cho một ngày lạnh lẽo sắp đến. Khi còn là trẻ con, thứ cô thích là loài cu li chậm chạp, một giống khỉ nhỏ lười đến mức khiến người ta phát cáu, mũi thì lúc nào cũng ươn ướt. Ngày bé, Anna thích mặc nhất là cái quần đùi quai đeo màu đỏ và khiến mẹ cô phát hãi. Cô thường nằm mơ thấy mình chìm nghỉm dưới bãi cát lún trước mặt những người đàn ông có vai vế, trên người chỉ mặc mỗi áo lót. Và tất cả bọn họ, không thiếu một ai, đang giằng xé áo cô, nhưng chẳng ai kéo cô ra khỏi hố cát. “Chưa có ai từng giúp đỡ tôi,” cô lặp lại với mình, giọng nhỏ và cay đắng. Cô nhìn sang Perdu bằng đôi mắt lấp lánh. “Sao?” cô nói. “Tôi ngốc lắm phải không?” “Cũng không đến mức ấy,” ông đáp. Lần cuối Anna thực sự đọc một cái gì đấy là khi cô đi học. Cuốn Mù lòa của José Saramago. Nó khiến cô hoang mang. “Cũng không có gì khó hiểu,” Perdu nói. “Đó không phải sách dành cho người mới bước vào đời. Nó dành cho những ai đã đi qua được nửa đời người. Những người tự hỏi nửa đầu cuộc đời mình đã biến mất vào cái chỗ chết tiệt nào rồi. Những người từ trước tới giờ vẫn cắm mặt vào đôi chân hăm hở lao đi mà không buồn nhìn vào cái đích mình đang mải miết và khôn ngoan chạy tới, rồi thình lình họ ngước lên và thấy hoang mang. Chỉ những ai mù lòa mới cần đến thiên truyện ngụ ngôn của Saramago. Còn cô, Anna, cô không mù.” Sau cuốn sách của Saramago, Anna ngừng đọc; thay vào đó cô làm việc. Quá nhiều công việc, kéo dài trong một thời gian quá lâu, cảm giác kiệt quệ cứ tích tụ ngày một nhiều. Cho đến bây giờ, Anna chưa một lần thành công trong việc mời đàn ông vào vai cho các quảng cáo sản phẩm lau dọn nhà cửa hay tã bỉm. “Quảng cáo là thành trì cuối cùng của chế độ gia trưởng,” cô nói với Perdu và cậu chàng Jordan đang say mê lắng nghe. “Thậm chí còn hơn cả quân đội. Thế giới chỉ hiện diện với đúng bản chất của mình khi nó xuất hiện trước mặt công chúng.” Sau khi kết thúc màn xưng tội, cô ngả lưng ra sau. “Sao?” Câu hỏi hiện ra trên mặt cô. “Tôi còn cứu được không? Đừng giấu giếm sự thật.” Những câu trả lời của cô không ảnh hưởng đến lựa chọn Perdu đã có sẵn trong đầu. Ông chỉ muốn làm quen với giọng nói của Anna, độ cao của giọng và lối nói của cô. Perdu lượm lấy những từ nổi bật lên trên dòng chảy những diễn đạt thông thường. Những từ ngữ rực sáng chính là những từ hé lộ cách mà người phụ nữ này nhìn, ngửi và cảm nhận. Điều gì thực sự quan trọng với cô, điều gì làm cô bận tâm và ngay lúc này cô đang cảm thấy ra sao. Điều cô muốn che giấu bên dưới màn sương mù ngôn từ. Những đau đớn và thiết tha. Perdu nhặt nhạnh các từ đó. Anna thường nói: “Chuyện đó không nằm trong kế hoạch” và “Tôi đã không tính đến chuyện ấy.” Cô kể về “vô số” những nỗ lực và “một chuỗi những ác mộng.” Cô sống trong một thế giới của những phép toán, một cỗ máy tinh vi thiết lập trật tự cho cái phi lý và cá nhân. Cô không cho phép bản thân nghe theo trực giác và xem cái không thể là có thể. Nhưng đó mới chỉ là một phần những gì Perdu nghe được và ghi chép lại. Phần thứ hai: đâu là thứ làm cho tâm hồn cô hạnh phúc. Ông biết những thứ mà một người yêu thích sẽ để lại dấu ấn lên ngôn ngữ của người đó. Bà Bernard, chủ nhân ngôi nhà số 27, chuyển dịch tình yêu vải vóc sang nhà cửa và con người; “Ứng xử chẳng khác nào một cái áo sơ mi polyester nhàu nhĩ” là một trong những cách diễn đạt ưa thích của bà. Còn cô nhạc công piano, Clara Violette, lại hay sử dụng các thuật ngữ âm nhạc: “Trong dàn nhạc cuộc đời mẹ nó, cô bé con nhà Goldenberg chỉ như tay đàn thứ yếu mà thôi.” Goldenberg, người bán hàng tạp hóa, nhìn thế giới thông qua mùi vị, ông dùng từ “thối rữa” để tả về một người và dùng từ “chín nẫu” để gọi việc thăng chức. Cô con gái út nhà họ, Brigitte, “tay đàn thứ yếu”, yêu nhất là biển - một cái nam châm hút những tâm hồn nhạy cảm. Cô bé con mười bốn tuổi ấy, một mỹ nhân chín sớm, đã so sánh Max Jordan với “cảnh biển nhìn từ Cassis, thâm sâu và xa cách.” “Tay đàn thứ yếu” đang yêu cậu nhà văn trẻ nọ, dĩ nhiên rồi. Cho đến rất gần đây Brigitte vẫn còn muốn làm con trai. Giờ thì con bé chỉ muốn làm đàn bà. Perdu tự nhủ sẽ sớm lấy cho Brigitte một cuốn sách có thể làm ốc đảo nương náu cho con bé trong đại dương mối tình đầu. “Cô có hay nói xin lỗi không?” giờ thì Perdu đặt câu hỏi cho Anna. Phụ nữ thường cảm thấy tội lỗi nhiều hơn cần thiết. “Xin lỗi theo kiểu: ‘Xin lỗi, tôi vẫn chưa nói xong điều định nói’ hay ‘Xin lỗi vì đã yêu anh và chỉ khiến anh đau đầu’?” “Cả hai. Bất cứ lời thỉnh cầu tha thứ nào. Có thể cô đã quen cảm thấy tội lỗi vì tất cả những gì làm nên con người cô. Thường thì không phải là ta đẽo gọt nên từ ngữ mà là từ ngữ đẽo gọt nên ta.” “Ông là một ông chủ tiệm sách vui tính đấy, ông biết chứ?” “Có, tôi biết điều đó, cô Anna ạ.” Ông Perdu nhờ Jordan ra lấy cho ông một tá đầu sách từ Thư viện Cảm xúc. “Của cô đây, bạn thân mến. Tiểu thuyết là cho sức mạnh ý chí, sách phi hư cấu là để suy ngẫm lại đời mình, còn thơ ca là dành cho lòng tự tôn.” Những cuốn sách về mơ mộng, về cái chết, về tình yêu, về cuộc sống khi làm một nữ nghệ sĩ. Ông rải dưới chân cô những bản ballad thần bí, những câu chuyện xưa cũ trần trụi về vực thẳm và sụp đổ, về tai ương và phản bội. Chẳng mấy mà Anna đã bị vây quanh bởi những chồng sách, giống như một phụ nữ đi mua giày bị vây quanh bởi từng chồng hộp đựng giày. Perdu muốn Anna có cảm giác mình đang ở trong một chiếc tổ. Ông muốn cô cảm nhận được muôn vàn những khả năng mà sách bày ra trước mắt ta. Chúng luôn là đủ cho ta. Chúng sẽ không bao giờ ngừng yêu thương độc giả của chúng. Chúng là điểm neo trong một thế giới mà ngoài chúng ra tất thảy đều là bất khả đoán. Trong cuộc sống. Trong tình yêu. Sau cái chết. Khi Lindgren lao vào lòng Anna bằng một cú nhảy táo tợn rồi nằm ườn ra, duỗi từng bàn chân, lớn giọng kêu rừ rừ, cô trưởng phòng quảng cáo chết chìm trong công việc, khốn khổ vì tình yêu, lương tâm thì bị gặm nhấm ngả người ra sau ghế. Đôi vai đang căng lên chùng lại, hai ngón cái tách ra khỏi nắm đấm đang siết chặt. Khuôn mặt cô giãn ra. Cô đọc. Ông Perdu quan sát những từ ngữ cô đọc đẽo gọt nên con người cô từ bên trong. Ông nhận thấy Anna đang khám phá bên trong mình một cỗ máy thẩm âm phản ứng lại với ngôn từ. Cô giống như một cây vĩ cầm đang học cách tự kéo cây vĩ. Nhận ra niềm vui đang nhen lên bên trong Anna, ông thấy ngực mình như thắt lại. Chẳng lẽ thực sự không có cuốn sách nào có thể dạy mình chơi bản nhạc đời? Chương 7 K hi đặt chân vào đường Montagnard, ông Perdu tự hỏi Catherine cảm thấy thế nào trước con phố tuyệt đối yên tĩnh nằm ngay giữa khu Marais xô bồ này. “Catherine,” ông lẩm bẩm. “Ca-the-rine.” Tên cô buột ra khỏi miệng ông nhẹ bẫng. Thật không thể tin nổi. Liệu ngôi nhà số 27 đường Montagnard có phải một chốn lưu vong đáng ghét? Liệu cô có nhìn cuộc đời này qua cái vết nhơ bị chồng ruồng bỏ, bởi vì anh ta đã nói, “Tôi không còn cần cô nữa”? Hiếm khi có người không sống ở đây lại lạc bước đến khu dân cư này. Các tòa nhà cao không quá năm tầng, mặt tiền mỗi nhà lại được sơn một tông màu pastel riêng. Một hàng bánh, một hàng rượu, một hàng bán thuốc lá mà ông chủ là người Algeria xếp liền nhau trên đường Montagnard. Những tòa nhà khác, tít cho đến tận chỗ vòng xuyến, thì chủ yếu là các căn hộ, phòng khám, văn phòng. Và còn phải kể đến vương quốc Ti Breizh, một quán ẩm thực Breton với hàng hiên màu đỏ và món bánh pancake mặn thật ngon thật mềm. ••• Ông Perdu đặt xuống cho anh bồi bàn Thierry cái máy đọc sách mà một nhân viên bán sách của nhà xuất bản đã bận bịu mà bỏ quên. Đối với những độc giả thèm thuồng như Thierry, người sẽ tranh thủ chúi mũi vào một cuốn sách giữa những lần gọi món và lưng còng đi vì phải vác sách đi khắp nơi, (“Chỉ có đọc tôi mới thở được, Perdu ạ”) thì cái thứ công cụ này đúng là phát minh của thế kỷ; còn với người bán sách, nó chẳng khác nào một cái đinh nữa đóng vào cỗ quan tài của họ. Thierry mời Perdu một ly rượu lambig, thứ rượu táo của vùng Breton. “Hôm nay thì không được rồi,” Perdu từ chối. Lần nào ông cũng nói vậy. Perdu không uống rượu. Giờ thì không. Đó là bởi mỗi lần uống, từng ngụm rượu lại khơi thêm cái lỗ thủng nơi con đập nước chắn một hồ nước cảm xúc và suy nghĩ đang cuồn cuộn tung bọt trắng xóa. Ông biết quá rõ; bởi trước đây ông đã từng thử uống. Hồi ấy ông đã đập phá tan tành đồ đạc trong nhà. Nhưng hôm nay ông lại có một lý do đặc biệt khác để từ chối lời mời của Thierry: ông muốn đem “những cuốn sách để khóc” đến cho cô Catherine, vợ cũ của ông Le P., nhanh nhất có thể. Hàng hiên với tông màu xanh-trắng của cửa tiệm góc phố của Joshua Goldenberg nhô ra bên cạnh quán Ti Breizh. Goldenberg bước ra chắn đường Perdu khi thấy ông đi tới. “Ông Perdu này,” Goldenberg dợm giọng nói, có chút ngượng ngùng. Ôi không, đừng bảo anh ta lại muốn đọc sách khiêu dâm đấy chứ? “Là về chuyện của Brigitte. Tôi nghĩ cháu nhà tôi sắp thành phụ nữ mất rồi. Đâm ra là có vài rắc rối nảy sinh, ông hiểu ý tôi chứ? Ông có cuốn sách nào về vụ này không?” May thay đây không phải là cuộc nói chuyện giữa hai người đàn ông về cái thể loại sách đọc bằng một tay. Lại thêm một ông bố nữa khốn khổ khi con gái đến tuổi dậy thì, trăn trở làm sao để chạm đến câu chuyện giáo dục giới tính trước khi con gái gặp phải một gã chẳng ra gì. “Sao anh không thử đến phòng tư vấn phụ huynh.” “Tôi không biết nữa. Có lẽ vợ tôi…” “Thế thì hai anh chị đi cùng nhau luôn. Thứ Tư đầu tiên trong tháng, vào lúc tám giờ sáng. Sau đấy hai người có thể dùng bữa ở bên ngoài.” “Tôi ư? Với vợ tôi? Tại sao chứ?” “Có lẽ thế sẽ làm cho chị nhà thấy vui.” Ông Perdu bỏ đi trước khi ông Goldenberg kịp từ chối kế hoạch ấy. Đằng nào anh ta cũng sẽ không làm thế đâu. Dĩ nhiên rồi, rốt cuộc thì luôn chỉ có mình các bà mẹ đến phòng tư vấn, và cũng không phải là để bàn luận về giới tính của đám con cái đến tuổi trưởng thành. Phần lớn trong số họ thực ra lại muốn tìm sách hướng dẫn giáo dục giới tính, thứ có thể dạy cho chồng họ đôi điều cơ bản về cơ thể phụ nữ. Perdu gõ mật mã rồi mở cánh cửa chính. Ông mới đi vào chưa quá một mét thì bà Rosalette lao vèo ra khỏi căn hộ của quản lý nhà, con chó pug kẹp dưới nách. Edith, tên của con chó, sưng sỉa bấu chặt lấy chủ bên dưới bộ ngực đồ sộ của Rosalette. “Perdu, cuối cùng ông đã về!” “Bà lại mới nhuộm màu tóc mới ư?” ông hỏi trong khi bấm nút thang máy. Bàn tay bà, đỏ lựng do làm việc nhà, giơ lên vuốt vuốt mái tóc được đánh phồng. “Spanish Rose. Đậm hơn một tẹo so với Sherry Brut, nhưng tao nhã hơn, tôi nghĩ vậy. Ông thật tinh ý! Nhưng tôi có cái này cần thú thật, ông Perdu ạ.” Bà chớp chớp lông mi. Con chó pug thở hổn hển rất đúng lúc. “Nếu đó là một bí mật, tôi hứa sẽ quên ngay tức khắc, thưa bà.” Bà Rosalette có một cái tật. Bà thích lưu lại thông tin về những chứng loạn thần kinh, những thói quen cùng chuyện giường chiếu của họ, rồi xếp hạng từng người một theo mức độ đứng đắn và sau đó rỉ tai cho người khác với cái vẻ rất chi là am tường. Trong cái khoản này bà cực kỳ phóng miệng. “Ông hư hỏng quá đi! Mà nếu bà Gulliver có đang vui vẻ với mấy gã trai trẻ đó thì cũng chẳng phải chuyện của tôi. Không, không phải. Chuyện là… chuyện là… chậc… là về một cuốn sách.” Perdu lại nhấn nút thang máy. “Và bà mua nó từ tay một người bán sách khác? Tôi tha thứ cho bà, bà Rosalette ạ, hoàn toàn tha thứ.” “Không. Tệ hơn kìa. Tôi mò được nó từ một thùng sách ở Montmartre với giá năm mươi cent. Nhưng chính ông cũng nói nếu một cuốn sách đã hơn hai mươi tuổi, tôi chỉ cần trả vài cent không hơn và cứu nó khỏi kiếp rơi vào máy nghiền.” “Phải, tôi quả có nói vậy.” Cái thang máy quỷ quyệt này bị sao vậy? Giờ thì Rosalette cúi tới trước, hơi thở đượm mùi cà phê pha-cognac hòa lẫn vào hơi thở con chó pug. “Chậc, tôi ước giá mình đừng mua nó. Cái câu chuyện đáng sợ về con gián ấy! Bà mẹ cầm chổi xua đuổi chính con mình. Thật kinh khủng. Suốt mấy ngày liền tôi đã lau dọn như thể bị ám. Ông Kafka chuyên trị viết kiểu này à?” “Bà tóm tắt chuẩn đấy. Có những người phải nghiên cứu cả mấy thập niên mới hiểu được ý nghĩa câu chuyện đó.” Rosalette nở một nụ cười ngơ ngẩn nhưng mãn nguyện. “À, quên mất, thang máy lại hỏng rồi. Nó lại kẹt giữa tầng của nhà Goldenberg với tầng nhà bà Gulliver.” Dấu hiệu cho thấy qua đêm nay mùa hè sẽ tới. Hè luôn đến khi cái thang máy này bị kẹt. Bước hai bậc một, Perdu phóng lên cái cầu thang được lát gạch Bồ Đào Nha, Mexico với Breton. Bà Bernard, chủ căn nhà, mê mẩn các thứ họa tiết; chúng là “đôi giày của ngôi nhà và, cũng như với phụ nữ, đôi giày biểu hiện tính cách.” Nhìn từ góc độ này, bất cứ kẻ trộm nào dám mò tới đây và nhìn thấy cái cầu thang đều sẽ cho rằng ngôi nhà số 27 đường Montagnard là một sinh vật cực kỳ đồng bóng. Perdu leo gần tới tầng một thì một đôi dép satin vàng ruộm đính lông vũ ở đầu mũi chân bước dứt khoát xuống chiếu nghỉ và hiện ra trong tầm mắt ông. Ở tầng một, ngay bên trên nhà bà Rosalette là Che, cậu người mù chuyên chữa bệnh chân. Cậu ta thường hộ tống bà Bomme (sống ở tầng hai), trước đây làm thư ký cho một thầy bói lẫy lừng, xuống mua đồ ở cửa hàng tạp hóa nhà Goldenberg (sống ở tầng ba) và xách túi giùm bà. Cùng nhau họ lệt phệt đi trên vỉa hè - chàng trai mù khoác tay bà cụ già đẩy khung trợ lực. Kofi - có nghĩa là “thứ Sáu” trong một trong các thứ tiếng bản xứ ở Ghana - xuất hiện ở đường Montagnard một ngày nọ từ vùng ngoại ô Paris. Da dẻ đen thui, cậu ta đeo sợi xích vàng bên ngoài áo nỉ có mũ trùm đầu phong cách hip hop và một tai đeo khuyên tai vàng. Một cậu nhóc ưa nhìn, như kiểu “lai giữa Grace Jones với một chú báo đốm trẻ”, bà Bomme đã nhận xét như vậy. Cậu ta thường cầm hộ bà những cái túi Chanel màu trắng khiến những người qua đường không hiểu chuyện tỏ ra nghi ngờ. Cậu ta làm công việc trông nhà, hoặc kiếm tiền bằng mấy món đồ da tự làm, bên trên vẽ những thứ biểu tượng chẳng ai trong khu nhà hiểu nổi. Nhưng giờ đây không phải Che hay Kofi hay xe đẩy của bà Bomme đang hiện ra trước mặt ông Perdu. “Ôi, ông đấy à, gặp ông tôi mừng quá! Ông ạ, Dorian Gray rõ là cuốn sách tuyệt cú mèo. Thật hay là ông đã giới thiệu nó cho tôi lúc cuốn Khát vọng bùng cháy hết hàng.” “Mừng là bà thích nó, bà Gulliver ạ.” “Trời đất, biết nhau lâu vậy rồi mà ông vẫn không gọi tôi là Claudine được à. Hay ít ra thì cũng phải là Cô Gulliver. Tôi không ưa ba cái thứ lễ nghi. Cuốn Gray hấp dẫn thật đó, đọc vèo hai tiếng là xong. Nhưng nếu tôi là Dorian, tôi sẽ không bao giờ nhìn vào bức tranh đó. Sầu thảm lắm. Mà thời đấy người ta làm gì đã có Botox.” “Bà Gulliver ạ, Oscar Wilde đã mất sáu năm để viết ra nó. Sau này ông ấy ngồi tù được một thời gian thì qua đời. Dành cho ông ấy mỗi hai tiếng có phải là ít quá không?” “Ôi dào, nhảm nhí vậy. Có dành ra hơn hai tiếng thì cũng đâu có làm cho ông tác giả vui lên được.” Claudine Gulliver. Một bà cô tuổi tầm bốn nhăm bốn sáu người đẫy đà tròn trịa như bước ra từ tranh Rubens, làm nghề giữ sổ cho một nhà đấu giá có tiếng. Ngày ngày cô phải làm việc với các nhà sưu tầm tham lam vô độ, giàu có vô cùng - những mẫu vật kỳ lạ của giống người. Và bản thân cô Gulliver cũng là một nhà sưu tầm nghệ thuật, mà chủ yếu là những thứ có gót nhọn màu sắc lòe loẹt. Cô sở hữu bộ sưu tập một trăm bảy mươi sáu đôi giày cao gót, tất tật được cất riêng một phòng. Một trong các sở thích của cô Gulliver là rình rập ông Perdu để mời ông đi chơi, hoặc kể về chương trình học tại chức mới nhất mà cô đăng ký hoặc về những nhà hàng mới khai trương, thứ ở Paris này ngày nào cũng có. Sở thích thứ hai của cô là đọc kiểu tiểu thuyết viết về những nữ nhân vật chính ôm chặt lấy bờ ngực mênh mông của một tên du thủ du thực mà cự tuyệt thật lâu, thật dứt khoát trước khi gã ta cuối cùng cũng khiến nàng mê mẩn. Giờ thì cô líu lo nói, “Thế, tối nay ông đi cùng tôi nhé, đến chỗ…” “Không, chắc là không được rồi.” “Tôi chưa nói xong mà! Là chương trình bán đồ cũ ở đại học Sorbonne đó. Sẽ có cả đống sinh viên nữ chân dài học nghệ thuật tốt nghiệp ra trường phải chia tay ngôi nhà chung, và vứt đi một đống sách vở với đồ đạc và, biết đâu đấy, cả người tình nữa.” Cô Gulliver cong lông mày lên ra chiều mời mọc. “Ông thấy sao?” Ông mường tượng ra những cậu trẻ tuổi khom gối ngồi bên các thùng sách và tủ đồng hồ quả lắc, trên trán có đính mẩu giấy ghi: “Mới dùng một lần, còn mới nguyên, gần như chưa đụng vào. Tim cần sửa chữa đôi chút”; hoặc “Đã qua ba đời chủ, các chức năng cơ bản vẫn hoạt động tốt.” “Tôi thực sự không muốn đi đâu.” Cô Gulliver thở dài thườn thượt. “Ôi trời ơi. Ông chẳng bao giờ muốn cái gì cả; ông có nhận ra điều đó không?” “Đó…” Đúng là vậy. “… không phải là vì cô đâu. Thật đấy. Cô là người lôi cuốn, can đảm và…” Phải, ông khá là quý cô Gulliver. Người phụ nữ tóm lấy cuộc sống bằng cả hai tay. Nhiều hơn mức cần thiết. “… là một hàng xóm tốt.” Chết mất. Ông chẳng thể nói năng ra hồn khi cần phải nói vài lời tử tế với phụ nữ! Cô Gulliver bắt đầu lảo đảo bước xuống cầu thang, cái hông lắc lư qua lại. Lẹt bẹt, lẹt bẹt, đôi dép vàng óng vọng tiếng xuống. Khi bước xuống bậc thang ông đang đứng, cô nhấc tay lên. Perdu rụt người lại khi cô giơ tay ra định chạm vào cánh tay rắn rỏi của ông, thế là bàn tay ấy đành cam chịu hạ xuống tay vịn cầu thang. “Hai chúng ta đâu thể trẻ lại được nữa, ông Perdu,” cô nói, giọng trầm xuống, khàn khàn. “Chúng ta đã đi sang nửa kia của con dốc rồi.” Lẹt bẹt, lẹt bẹt. Perdu vô thức giơ tay lên đầu sờ vào cái khoảng trên đầu nơi đa phần đàn ông sẽ trơ khấc ra một mảng hói bẽ bàng. Ông không bị thế - cho đến giờ thì chưa. Phải, ông đã năm mươi. Không phải là ba mươi. Mái tóc đen đã bạc đi, khuôn mặt như chìm trong bóng tối. Còn bụng… ông hóp bụng lại. Không tệ lắm. Cái hông mới khiến ông đâm lo: năm nào cũng thêm một lớp mỡ mỏng. Và ông không thể bê hai thùng sách cùng lúc được nữa, chết tiệt. Nhưng những cái đó cũng có để làm gì đâu. Phụ nữ không còn để mắt đến ông nữa - ngoại trừ cô Gulliver, nhưng trong mắt cô gã đàn ông nào mà chẳng là một người tình tiềm năng. Ông nheo mắt nhìn lên cái chiếu nghỉ nơi bà Bomme sẽ rình rập để nhảy ra tán chuyện với ông. Về Anaïs Nin với những ám ảnh tình dục của bà ta - bằng giọng to hết cỡ vì bà Bomme đã để nhầm máy trợ thính vào một hộp sô cô la. Perdu đã tổ chức một câu lạc bộ sách cho bà Bomme với hội góa bụa trên đường Montagnard, những người chẳng mấy khi được con cháu đến thăm và đang chết dần chết mòn trước cái ti vi. Họ mê sách, nhưng hơn thế, văn chương là cớ để ra khỏi nhà và chuyền tay nhau những chai rượu mùi màu mè dành cho phụ nữ để săm soi và nếm thử. Bọn họ thường chọn đọc truyện huê tình. Perdu sẽ bọc ra bên ngoài những thứ sách này bằng một áo sách kín đáo: bìa cuốn Hoa trên đỉnh Alps bọc ngoài Đời sống tình dục của Catherine M. của Millet, Các mẫu đan của người Provence bọc cho Người tình của Duras; còn Công thức làm mứt xứ York bọc cho Tam giác của thần Vệ Nữ của Anaïs Nin. Cái hội thưởng rượu kia rất biết ơn mấy cái áo sách này; họ chẳng mấy tin tưởng người thân của mình, những người cho rằng đọc sách là một thói quen kỳ dị của một đám hợm hĩnh không thèm xem ti vi và rằng các tác phẩm gợi tình không dành cho phụ nữ ngoài sáu mươi. Nhưng lần này không có khung trợ lực nào chắn đường ông. Trên tầng hai là căn hộ của cô nhạc công piano Clara Violette. Ông lắng nghe cô chơi các giai điệu của Czerny. Dưới bàn tay cô, đến cả khúc thử đàn nghe cũng hết sảy. Cô được xem là một trong năm nhạc công piano xuất sắc nhất thế giới. Nhưng danh vọng không đến với Clara bởi cô không chịu được sự có mặt của người khác trong phòng khi chơi đàn. Đến mùa hè cô sẽ tổ chức buổi hòa nhạc ban công. Cô sẽ mở tung các cánh cửa sổ còn Perdu đẩy cây đại dương cầm Pleyel ra cửa ban công và đặt mic bên dưới đàn. Clara sẽ biểu diễn trong hai giờ đồng hồ. Các cư dân ngôi nhà số 27 ngồi trên bậc thềm trước cửa nhà hoặc dựng ghế xếp trên vỉa hè. Những vị khách sẽ ngồi đông kịt trong quán Ti Breizh. Khi Clara ra ban công sau buổi biểu diễn và cúi đầu chào ngượng ngùng, cô sẽ nhận tràng pháo tay hoan hô của quần chúng khán giả đông bằng nửa thị trấn nhỏ. Perdu leo lên đến nơi mà không bị ai chặn lại nữa. Khi ông lên tới tầng bốn, cái bàn đã biến mất; có lẽ Kofi đã giúp Catherine một tay. Ông gõ lên cánh cửa màu xanh lá, nhận ra mình đã trông ngóng cái giờ phút này. “Xin chào,” ông thì thầm. “Tôi mang qua mấy cuốn sách.” Ông để cái túi giấy tựa vào cánh cửa. Khi Perdu đứng lên, Catherine mở cửa ra. Mái tóc vàng cắt ngắn; đôi mắt màu xám ngọc trai hiền hòa nhưng đượm vẻ ngờ vực nhìn ra từ bên dưới hai hàng lông mày thanh tú. Cô đi chân trần, mặc một bộ váy kiểu kín cổ, xương đòn thấp thoáng sau lần vải. Trên tay cô là một chiếc phong bì. “Thưa ông, tôi tìm thấy lá thư.” Chương 8 C ùng một lúc ông phải thu nhận quá nhiều thứ: Catherine - đôi mắt cô - cái phong bì bên trên đề dòng chữ màu xanh lục nhạt - Catherine đứng sát gần ông - mùi hương của cô - cái xương đòn - sự sống - cái… Lá thư? “Một lá thư chưa mở. Tôi tìm thấy nó trong bàn bếp của ông, bên trong ngăn kéo đã bị bịt kín bởi sơn trắng. Tôi đã mở ngăn kéo ra. Chặn bên trên lá thư là cái mở rượu.” “Không,” Perdu lịch thiệp nói, “làm gì có cái mở rượu nào.” “Nhưng tôi tìm thấy…” “Làm gì có chuyện đó!” Ông không định lớn giọng với cô như thế, nhưng ông cũng không thể ép mình nhìn vào lá thư cô đang giơ ra. “Xin lỗi vì đã hét lên với cô.” Cô chìa lá thư cho ông. “Nhưng nó không phải là của tôi.” Ông Perdu bước lùi về phía nhà mình. “Tốt hơn hết cô nên đốt nó đi.” Catherine đi theo ông sang bên kia sảnh. Cô nhìn vào mắt ông, khiến mặt ông đỏ phừng phừng. “Hoặc là ném nó đi.” “Thế thì tôi cũng có thể đọc nó phải không?” cô nói. “Sao cũng được. Nó không phải là của tôi.” Catherine tiếp tục dán mắt vào ông trong khi ông đóng sập cửa lại, bỏ mặc cô đứng bên ngoài với lá thư. “Ông à? Ông Perdu!” Catherine gõ cửa. “Ông à, tên ông đề trên phong bì mà.” “Cô đi đi. Làm ơn đi đi!” Ông đã nhận ra lá thư. Nét chữ trên thư. Có thứ gì đó trong ông như vỡ vụn. Người phụ nữ với mái tóc đen loăn xoăn đẩy mở cánh cửa, nhìn chằm chằm ra ngoài một lúc lâu trước khi quay về phía ông mắt nhòa lệ. Băng qua Provence, Paris, đường Montagnard trước khi đặt chân vào căn hộ của ông. Vặn nước tắm rồi bước quanh căn phòng, người để trần. Một khuôn miệng sáp lại gần miệng ông trong ánh ngày nhập nhoạng. Ướt, làn da ẩm ướt, bờ môi âm ẩm lấy đi hơi thở của ông, uống lấy miệng ông. Uống rồi lại uống. Ánh trăng trên cái bụng nhỏ nhắn, mềm mại của cô. Hai cái bóng đứng giữa khuôn cửa sổ sơn đỏ, khiêu vũ với nhau. Rồi cô để thân hình ông phủ lên mình. ___đang ngủ trên đi văng trong Phòng Oải Hương, cái tên cô đặt cho căn phòng cấm, cuộn tròn người trong tấm chăn trần kiểu Provence mà cô đã khâu tay trong thời gian hứa hôn. Trước khi___cưới một người làm rượu, và trước khi… Cô ấy bỏ mình. Rồi lại bỏ mình lần thứ hai. ___đặt tên cho mỗi căn phòng họ gặp gỡ nhau trong năm năm ngắn ngủi ấy: Phòng Ánh Dương, Phòng Mật Ong, Phòng Vườn. Những căn phòng ấy là cả thế giới đối với ông, người tình bí mật của cô, người chồng thứ hai của cô. Cô đặt tên cho căn phòng trong căn hộ của ông là Phòng Oải Hương; đó là tổ ấm thứ hai của cô. Lần cuối cùng cô ngủ lại đó là một đêm tháng Tám nóng nực năm 1992. Họ đã tắm cùng nhau; hai tấm thân trần ướt nước. Cô vuốt ve Perdu, bàn tay cô mát lạnh vì vừa tắm xong, rồi chuồi lên người ông và, hai tay nắm lấy tay ông giơ cao lên, rồi đẩy chúng xuống cái đi văng lót tấm trải giường. Cô khóa mắt ông bằng ánh nhìn hoang dại và thì thầm, “Em muốn anh chết trước em. Anh hứa đi!” Cơ thể cô nuốt lấy ông, phóng túng hơn bao giờ hết, trong lúc cô rên lên, “Hứa đi. Hứa với em đi!” Ông hứa với cô. Tối muộn hôm đó, khi ông không thể nhìn thấy lòng trắng nơi đôi mắt cô trong đêm nữa, ông hỏi cô tại sao. “Em không muốn anh phải đi một mình từ chỗ gửi xe ra mộ em. Em không muốn anh phải khóc thương em. Thà em phải thương nhớ anh suốt phần đời còn lại còn hơn là để cho điều đó xảy ra.” “Tại sao anh lại chưa bao giờ nói với em rằng anh yêu em?” ông chủ tiệm sách tự nhủ thầm với chính mình. “Tại sao anh lại chẳng nói gì hả Manon? Manon!” Ông chưa bao giờ nói ra nỗi lòng mình. Để không phải làm cô ngượng ngùng. Để không phải cảm nhận thấy ngón tay cô ấn lên môi mình trong lúc cô thì thầm, “Suỵt.” Ông có thể làm một viên đá trong bức tranh khảm là cuộc đời cô, ông đã nghĩ vậy. Một viên đá lấp lánh, đẹp đẽ, nhưng dẫu sao vẫn chỉ là viên đá, không phải là cả bức tranh. Ông muốn làm điều đó cho cô. Manon. Cô gái nồng nhiệt không-bao-giờ-hoàn-hảo, không-bao-giờ-hoa-mỹ đến từ Provence, người cất lên những từ ngữ ông tưởng chừng có thể đưa tay bắt lấy. Cô không bao giờ trù tính; cô luôn sống trong thực tại. Cô không bao giờ nhắc đến món tráng miệng trong khi dùng món chính hay nói về buổi sáng kế tiếp trong lúc chìm vào giấc ngủ hay nói hẹn gặp lại trong khi chào tạm biệt. Cô luôn luôn ở trong thực tại. Đêm tháng Tám bảy nghìn hai trăm mười sáu đêm trước là lần cuối cùng Perdu có ngủ ngon; khi ông tỉnh dậy, Manon đã ra đi. Ông không ngờ được việc này. Ông đã nghĩ đi nghĩ lại hàng nghìn lần, đã phân tích từng cử chỉ, ánh mắt và lời nói nhưng vẫn chẳng thể tìm ra manh mối nào đã có thể báo trước cho ông biết cô sắp rời xa ông. Và không bao giờ quay lại. Chỉ có một lá thư xuất hiện, vào một vài tuần sau. Là lá thư này đây. Ông để yên cái phong bì trên mặt bàn trong hai đêm. Ông nhìn chằm chằm vào nó trong lúc ông ăn một mình, uống một mình, hút thuốc một mình. Và trong khi ông khóc. Từng giọt nước mắt lăn dài trên má ông, rơi xuống mặt bàn và cái phong bì. Ông vẫn chưa mở lá thư. Khi ấy ông đã quá mệt, quá mệt vì khóc, quá mệt vì không thể ngủ được trên cái giường quá rộng và trống trải khi không có cô - nó quá lạnh giá. Ông kiệt sức vì nhớ cô. Ông đã ném lá thư vào ngăn bàn, giận dữ, tuyệt vọng, và trên hết ông vẫn chưa mở nó ra. Ông để mặc nó nằm đó với cái mở rượu cô “mượn” từ một nhà hàng ở Ménerbes và mang đến Paris. Họ khởi hành từ Camargue, đôi mắt rực sáng và gần như đờ đẫn dưới ánh nắng phương Nam, rồi dừng chân ở Luberon, tại một nhà nghỉ nằm cheo leo trên con dốc lởm chởm đá, phòng tắm ở lưng chừng cầu thang và có món điểm tâm là mật ong oải hương. Manon muốn chỉ cho ông biết mọi thứ về cô: nơi cô sống, mảnh đất chảy trong huyết quản cô; và phải, cô thậm chí còn muốn giới thiệu ông với Luc, chồng cô, từ đằng xa, ngồi trên cái máy kéo cao nghều chạy dọc theo cánh đồng nho trong thung lũng bên dưới Bonnieux. Luc Basset, người trồng nho, anh thợ làm rượu. Như thể cô muốn cả ba người họ kết bạn với nhau, người này trao cho người kia khao khát và tình yêu của mình. Perdu từ chối. Họ ở lại trong Phòng Mật Ong. ••• Cảm giác như bao nhiêu sức lực đều bị rút cạn khỏi hai cánh tay ông, như thể ông chẳng thể làm gì khác ngoài đứng đó trong bóng tối đằng sau cánh cửa. Ông nhớ cơ thể của Manon. Ông nhớ bàn tay cô tì vào mông ông trong lúc ông ngủ. Ông nhớ hơi thở cô; tràng làu bàu trẻ con khi ông đánh thức cô quá sớm - lúc nào cũng là quá sớm dù muộn đến đâu đi chăng nữa. Đôi mắt cô nhìn ông âu yếm, mái tóc ngắn loăn xoăn mềm mại của cô khi cô rúc vào cổ ông. Tất cả những thứ ấy, ông nhớ chúng da diết đến nỗi cơ thể ông co quắp lại khi ông nằm trên chiếc giường trống không. Cũng như mỗi sáng khi ông tỉnh giấc. Ông ghét phải thức dậy trong cuộc đời thiếu vắng cô. Cái giường là thứ đầu tiên ông đập nát, rồi đống giá kệ, ghế kê chân; ông cắt vụn tấm thảm, đốt những tấm ảnh, phá tan hoang cả căn phòng. Ông vứt đi từng bộ quần áo một, cho đi từng đĩa nhạc một. Thứ duy nhất ông giữ lại là những cuốn sách ông đã đọc cho cô. Ông đọc cho cô nghe hằng đêm - rất nhiều những đoạn thơ, những hồi kịch, chương sách, bài báo trích ra từ các tác phẩm tiểu sử và những cuốn phi hư cấu khác, Những lời cầu nguyện trước giờ ngủ của Ringelnatz (cô thích mê truyện Củ hành nhỏ) để cho cô có thể chìm vào giấc ngủ giữa cái chốn cằn cỗi lạ lẫm này, mảnh đất phương Bắc lạnh giá với những con người phương Bắc lạnh lẽo. Ông không thể tự mình quẳng chỗ sách ấy đi. Ông xếp chúng thành bức tường chặn trước Phòng Oải Hương. Nhưng nó không biến mất. Cái sự nhớ nhung chết tiệt ấy không chịu biến mất. Ông chỉ có thể đối phó với nó bằng cách trốn đời. Ông đã khóa trái tình yêu mà sâu bên trong là nỗi nhớ. Nhưng giờ đây nó cồn lên trong ông với một sức mạnh khó tin. Ông Perdu lảo đảo đi vào phòng tắm, để dòng nước lạnh như đá giội lên đầu mình. Ông ghét Catherine, ông ghét tay chồng của nợ, độc ác, lăng nhăng của cô. Tại sao cái tay Le P. Dớ Dẩn lại đi ruồng rẫy cô vào lúc này, và đến một cái bàn bếp mà cũng chẳng thể tặng lại để làm quà chia tay? Thật ngu xuẩn! Ông ghét bà quản lý nhà, bà Bernard, Jordan, cô Gulliver, tất cả mọi người - phải, tất cả mọi người. Ông ghét Manon. Ông mở tung cửa ra, tóc ướt nhẹp. Nếu cô Catherine đã muốn thế thì ông sẽ nói luôn: “Đúng rồi đó, khốn nạn thật, đó là thư của tôi! Tôi chỉ không muốn mở nó ra đọc vào lúc đó. Vì thể diện. Vì niềm tin.” Và mọi lỗi lầm đều có thể thể tất nếu nó xuất phát từ niềm tin. Ông muốn đọc nó khi đã sẵn sàng, Sau một năm. Hoặc hai. Ông không định đợi đến cả hai chục năm, đến lúc mình đã bước sang tuổi năm mươi và biến thành một gã kỳ dị. Vào lúc đó, không đọc thư Manon là lựa chọn an toàn duy nhất, từ chối lời biện hộ của cô là thứ vũ khí duy nhất của ông. Dứt khoát. Nếu ai đó bỏ ta đi, ta phải đáp lại bằng im lặng. Ta không được phép trao cho người bỏ ta đi bất cứ điều gì khác; ta phải khép mình, cũng giống như người kia đã từ bỏ tương lai chung của cả hai. Phải, ông đã quyết định làm thế. “Không không không!” Perdu thốt lên. Có cái gì đó không đúng; ông cảm thấy nhưng không biết đó là cái gì. Nó đang khiến ông phát điên. Ông sải bước về phía cánh cửa đối diện. Nhấn chuông. Gõ cửa, rồi lại nhấn chuông lần thứ hai, sau một quãng nghỉ vừa phải, đủ thời gian cho một người bình thường bước ra khỏi phòng tắm và lắc hết nước ra khỏi tai. Tại sao Catherine lại không có nhà? Mới nãy thôi cô vẫn còn ở đây. Ông lao trở về nhà, xé toạc trang đầu tiên từ cuốn sách đầu tiên vớ được trên một chồng sách rồi viết nguệch ngoạc: Tôi muốn nhờ cô đem lá thư qua nhà cho tôi, dù là vào nửa đêm cũng được. Làm ơn đừng đọc nó. Xin lỗi vì sự bất tiện này. Trân trọng, Perdu. Ông nhìn chằm chằm vào cái chữ ký, tự hỏi liệu có bao giờ ông có thể nghĩ đến tên riêng của mình hay không. Cứ mỗi lần nghĩ đến nó ông lại nghe thấy giọng Manon. Cái cách cô thở ra tên ông. Rồi bật cười. Thầm thì, thầm thì khe khẽ. Ông nhét chữ viết tắt tên mình vào giữa từ “trân trọng” với “Perdu”: J. Viết tắt của Jean. Ông gập đôi tờ giấy, đính lên cánh cửa nhà Catherine bằng một đoạn băng dính, chỗ ngang tầm mắt. Cái lá thư ấy. Dù được viết kiểu gì thì nó cũng sẽ chỉ là lời giải thích vô ích mà phụ nữ nói ra với người yêu khi họ muốn dừng lại. Chẳng cần phải kích động làm gì. Dĩ nhiên rồi. Rồi ông quay về trong căn hộ trống không, chờ đợi. Ông đột ngột cảm thấy cô đơn ghê gớm, giống như một con thuyền kayak bé tí ngu xuẩn giữa đại dương khinh khỉnh đang cất lời cợt nhạo - một con thuyền không buồm, không bánh lái, không tên. Chương 9 K hi đêm vụt qua, để mặc Paris lại với một buổi sáng thứ Bảy, Perdu nhỏm dậy, lưng mỏi nhừ, ông gỡ kính đọc sách ra rồi day day cái sống mũi sưng tấy. Ông đã quỳ bên cạnh bộ tranh xếp hình trong nhiều giờ liền, khẽ khàng đẩy từng miếng xếp hình vào chỗ của nó để có thể lắng nghe tiếng Catherine dịch chuyển trong căn hộ phía bên kia. Nhưng bên đó vẫn lặng yên như tờ. Cổ, ngực với lưng Perdu đau điếng khi ông cởi áo sơ mi ra. Ông giội nước lạnh lên người cho đến khi da tím tái rồi lại đỏ như tôm luộc trong khi ông kỳ cọ người bằng nước nóng. Hơi nước bốc lên từ người ông trong khi ông sải bước về phía cửa sổ bếp, quanh hông quấn một trong hai cái khăn tắm duy nhất trong nhà. Ông chống đẩy với gập bụng vài cái trong khi bình đun cà phê sôi lục bục trên bếp. Perdu rửa cái cốc duy nhất trong nhà rồi rót cho mình một cốc cà phê đen. Qua một đêm, mùa hè đã hạ xuống Paris. Không khí nóng sực như một tách trà đầy tràn. Cô đã bỏ lá thư vào hộp thư nhà ông chăng? Sau khi ông cư xử như vậy, Catherine chắc hẳn sẽ không muốn nhìn mặt ông lần nữa. Túm chặt cái nút buộc hai đầu khăn tắm, Perdu đi chân trần xuống cầu thang vắng vẻ đến chỗ hộp thư. “Ối giời ơi, ai lại… Ối, là ông đấy à?” Bà Rosalette, trên người mặc áo ngủ, nhòm ra từ nhà bà. Ông cảm nhận được đôi mắt bà chạy dọc trên da với cơ bắp mình rồi trên cái khăn tắm mà giờ đây ông cảm giác như thể nó đã co rúm lại. Perdu có cảm giác ánh nhìn của Rosalette đã nấn ná lại hơi quá lâu. Và đấy có phải là một cái gật đầu thỏa mãn không? Ông chạy vội lên nhà, hai má đỏ ửng. Trong khi tiến đến cánh cửa nhà mình, ông bắt gặp một thứ lúc trước không có. Một mẩu giấy. Ông hấp tấp mở nó ra. Cái nút buộc rời ra, chiếc khăn tắm rơi xuống sàn nhà. Tuy vậy, ông Perdu chẳng mảy may nghĩ đến cái phần mông trần ông đang phơi ra trước cầu thang. Ông chỉ đọc tin nhắn, mỗi lúc một thêm bức bối: J. thân mến, Tối nay ông ghé qua nhà tôi dùng bữa nhé. Ông sẽ đọc lá thư. Hãy hứa với tôi như thế, không thì tôi sẽ không trả nó cho ông đâu. Không xin lỗi. Catherine