🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hang Dã Thú
Ebooks
Nhóm Zalo
Tưởng nhớ đến Hans và Sophie Scholl, người anh trai và em gái bị hành hình năm 1943 vì tội phản đối chống Phát xít, phóng viên Carl von Ossietzky - người được trao Giải Nobel vì Hòa bình năm 1935 trong khi bị cầm tù tại Trại Tập trung Oranienburg, và Wilhelm Kruzfel - một sĩ quan cảnh sát người Đức đã không cho phép bọn cướp phá hủy một Giáo đường của người Do Thái trong thời gian diễn ra những cuộc bạo loạn chống Do Thái do Phát xít hậu thuẫn, nổi tiếng với cải tên Đêm Tan Vỡ. Tất cả những con người này đã quay mặt về phía quỷ dữ và nói, “KHÔNG!”
“Khắp Berlin dậy lên những lời thì thầm. Họ kể về những vụ bắt giữ trái phép lúc nửa đêm, về những người tù bị tra tấn trong các trại lính SA*… Những lời thì thầm bị Chính phủ dìm chết bằng sức mạnh, bị phủ nhận bởi hàng nghìn cái miệng lặng câm.”
- Christopher Ishervvood,
Những Câu Chuyện Berlin -
Phần I
TAY SÁT THỦ
Thứ Hai, ngày 13 tháng 07 năm 1936
Chương 1
Ngay khi bước vào trong căn hộ tối mờ, gã biết mình đã chết. Gã lấy mu bàn tay lau mồ hôi, nhìn xung quanh nơi này, câm lặng như một nhà xác. Ngoại trừ những thanh âm di chuyển yếu ớt tại quán bar Hell’s Kitchen lúc đêm muộn và tiếng rì rầm của bóng tối êm mượt khi chiếc quạt Monkey Ward đang xoay, phả làn hơi nóng bỏng ra cửa sổ. Toàn bộ khung cảnh này đã chết.
Không đúng…
Mọi người cho rằng Malone sống ở đây, say bét nhè và ngủ quên trời đất. Nhưng chẳng thấy hắn đâu. Chẳng thấy chai rượu ngô nào hết, ngay cả mùi rượu bourbon*, thứ đồ uống duy nhất của tên thanh niên hư hỏng này cũng không ngửi thấy. Có vẻ như hắn không về đây được một thời gian rồi. Trên mặt bàn là tờ New York Sun, số đã ra từ hai ngày trước nằm cạnh chiếc gạt tàn lạnh lẽo, một cái cốc vẫn dính quầng màu xanh của sữa khô gần thành cốc.
Gã bật đèn lên.
Có một cánh cửa bên, hôm qua gã đã để ý thấy khi từ tiền sảnh nhìn vào. Nhưng giờ nó bị ghim chặt bằng đinh. Còn cả ô cửa sổ dẫn lên lối thoát hiểm phòng khi có hỏa hoạn thì phải. Chết tiệt, nó đã bị bịt chặt bằng dây thép gai vừa kín vừa đẹp mà gã không thể nhìn thấy từ con ngõ. Ô cửa sổ còn lại thì mở nhưng cách mặt đường đá cuội những mười hai mét.
Không còn đường thoát…
Còn Malone đâu rồi? Paul Schumann tự hỏi.
Malone đang bỏ trốn, Malone đang uống bia tại Jersey, Malone là một bức tượng có bệ bằng bê tông phía dưới cầu tàu Red Hook. Chẳng thành vấn đề.
Paul nhận ra, dù là chuyện gì xảy ra với con sâu rượu này, hắn chẳng thể trở thành bất kỳ cái gì khác ngoài một mồi nhử, thông tin rằng đêm nay hắn ở đây chỉ là tin vịt.
Trong tiền sảnh bên ngoài, có tiếng bước chân hỗn loạn. Tiếng kim loại lanh canh.
Không đúng…
Paul đặt khẩu súng ngắn lên bàn trong phòng, rút khăn tay ra áp lên mặt. Hơi nóng thiêu đốt của đợt nóng miền Trung Tây đang tiến thẳng vào New York. nhưng không ai giắt theo khẩu Colt 45 ở eo lưng đi khắp nơi mà không mặc vest nên Paul buộc lòng phải diện một bộ. Loại vest một cúc, bằng vải lanh màu xám một hàng khuy, áo sơ mi vải cotton trắng, cổ cồn cứng ướt đẫm mồ hôi.
Thêm nhiều âm thanh lộn xộn từ bên ngoài tiền sảnh, nơi chúng đang sẵn sàng chờ gã. Một tiếng thì thầm, thêm tiếng kim loại lanh canh. Paul nghĩ đến việc nhìn ra cửa sổ nhưng lại sợ bị ăn đạn vào mặt. Gã muốn có quan tài mở nắp tại đám tang. Gã còn không biết có nhân viên lễ tang nào tốt bụng xử lý vết thưomg do đạn súng ngắn hoặc đạn ghém gây ra không.
Kẻ nào đang chĩa súng vào gã?
Dĩ nhiên không phải Luciano, kẻ đã thuê gã đi hóa kiếp cho Malone. Cũng không phải Meyer Lansky. Phải, chúng đều nguy hiểm nhưng không phải là những con rắn độc. Paul luôn luôn làm việc cho chúng với hiệu quả xuất sắc, không bao giờ bỏ lại một mảnh bằng chứng nào có thể khiến chúng bị sờ gáy. Thêm vào đó, nếu một trong hai thằng này muốn Paul phải biến, chúng sẽ chẳng cần phải giăng bẫy gã bằng một công việc hạng bét. Đơn giản là biến đi thôi.
Vậy thì kẻ nào cản trở gã? Nếu là 0’Banion hoặc Rothstein từ Williamsburg hay Valenti từ Bay Ridge, thì gã hẳn sẽ chết trong có vài phút. Nếu đó là Tom Dewey bảnh bao, cái chết sẽ lâu hơn một chút - sẽ mất
thời gian kết tội gã, sau đó đưa gã lên ghế điện tại khám Sing Sing. Có thêm vài giọng nói trong hành lang. Nhiều tiếng lách cách nữa, kim loại đang va vào kim loại.
Nhưng nhìn theo một cách khác, gã tự nhủ vẻ chế giễu, đến giờ này mọi thứ vẫn tốt, gã vẫn còn sống.
Và khát đến chết đi được.
Gã bước đến chiếc tủ lạnh Kelvinator rồi mở ra. Ba chai sữa - hai chai trong số này đã vón cục - một hộp pho-mát Kraft và một trong số những trái đào được làm mềm của hãng Sunsweet. Còn có mấy chai Cola Royal Crovvn. Gã tìm thấy cái mở chai rồi khui một chai soda.
Gã nghe thấy đâu đó vang đến tiếng đài phát thanh đang chơi bản “Stormy Weather.”
Lại ngồi xuống bàn, gã thấy mình đang soi vào cái gương bụi mờ treo trên tường phía trên một bồn rửa mặt bằng sứ đã sứt mẻ. Đôi mắt xanh nhợt nhạt của gã không còn cảnh giác như chúng phải thế. Cho dù gương mặt gã đã mệt mỏi. Gã là một người đàn ông to lớn - cao hơn mét tám và nặng hơn chín mươi cân. Mái tóc màu nâu hơi đỏ được thừa hưởng từ mẹ, nước da vàng nhạt thừa hưởng từ tổ tiên người Đức của cha. Làn da gã đã xây xát ít nhiều - không phải vì bệnh đậu mùa mà là do những trận đánh đấm hồi trẻ và gần đây hơn là do các găng tay Everlast. Bê tông và vải bạt nữa.
Gã nhấm nháp chai soda. Kích thích hơn cả Coca Cola. Gã thích nó. Paul cân nhắc tình hình. Nếu là 0’Banion, Rothstein hoặc Valenti thì chúng đều chẳng là cái thá gì so với Malone. Hắn vốn là thợ tán đinh điên rồ từ xưởng đóng tàu biến thành một kẻ cướp xấu xa, từng giết chết vợ một cảnh sát tuần tra theo cách cực kỳ tàn bạo. Hắn không ngừng đe dọa bất kỳ cảnh sát nào dám gây rắc rối cho hắn. Mọi ông trùm trong khu này từ Bronx đến Jersey đều kinh hoàng vì những gì hắn đã làm. Thế nên nếu một trong ba tên nói trên muốn hóa kiếp Paul, tại sao chúng không chờ cho đến sau khi gã hạ nốc ao Malone?
Vậy thì có khả năng đó là Dewey.
Cái ý tưởng bị mắc kẹt trong căn nhà trọ tập thể cho đến khi bị hành hình khiến gã phát ớn. Thành thật mà nói, tận trong thâm tâm Paul không quá lăn tăn chuyện bị bắt. Giống như hồi bé, trong cơn bốc đồng, gã sẽ nhảy vào chiến đấu với hai hoặc ba thằng nhóc khác to con hơn gã. Rồi không sớm thì muộn gã đều chọn nhầm đối tượng để gây sự với kết cục là bị gãy xương. Gã biết những điều tương tự sẽ xảy ra đối với sự nghiệp hiện tại của mình: về cơ bản một tên Dewey hay 0’Banion nào đó sẽ trừng phạt gã.
Gã nghĩ đến một trong những câu nói ưa thích của bố mình: “Dù ngày mai có là ngày tuyệt nhất hay tệ nhất, thì mặt trời vẫn lặn.” Lão già béo tròn ấy sẽ bật dây nịt đánh tách một cái, rồi nói thêm, “Cạn ly nào. Ngày mai sẽ là một ngày mới.”
Gã giật bắn mình khi điện thoại reo.
Paul liếc chiếc điện thoại cố định Bakelite màu đen một lúc lâu. Phải đến hồi chuông thứ bảy hay tám, gã mới nhấc máy, “A lô?”
“Paul,” một giọng nói khàn nhưng trẻ trung cất lên. Không phải tiếng nói líu nhíu quen thuộc.
“Mày biết tao không đấy?”
“Tao đang ở tiền sảnh một căn hộ khác. Ở đây bọn tao có sáu thằng. Thêm sáu thằng nữa trên phố.”
Mười hai à? Paul cảm thấy bình thản đến lạ lùng. Mười hai tên thì gã chẳng làm được gì. Bằng cách nào thì gã cũng bị tóm thôi. Gã nhấp thêm một ngụm Royal Crown nữa, cảm thấy khát đến chết. Cái quạt kia chẳng được tích sự gì, ngoài việc truyền hơi nóng từ đầu này đến đầu kia phòng. Gã hỏi, “Tò mò thôi. Mày đang làm việc cho mấy lão từ Brooklyn hay ở West Side thế?”
“Nghe này, Paul. Đây là việc mày sẽ làm. Mày chỉ mang theo hai khẩu thôi, đúng không? Khẩu Colt. Và một khẩu 22 bé tí. Mày để mấy khẩu khác ở nhà phải không?”
Paul bật cười. “Đúng vậy.”
“Mày tháo hết đạn hai khẩu ra, cứ để nòng khẩu Colt ở trạng thái hết đạn. Bước đến chỗ cửa sổ không bị kịt kín, ném hết súng ra ngoài. Sau đó, cởi áo jacket ra vứt xuống sàn, mở cửa và đứng ở giữa phòng, hai tay giơ lên đầu. Giơ thẳng hết tay ra.”
“Mày sẽ bắn tao,” gã nói.
“Mày cũng sắp chết rồi còn gì, Paul. Nhưng nếu mày làm theo những gì tao bảo, mày có thể sống lâu thêm chút nữa.”
Đầu dây bên kia ngắt máy.
Tay gã đặt lên giá để ống nghe. Gã ngồi bất động một lúc, nhớ lại từng đêm rất tuyệt vời mới vài tuần trước. Marion cùng gã đến đảo Coney chơi trên sân gôn thu nhỏ, ăn xúc xích và uống bia để quên đi cái nóng. Cô nàng cười như nắc nẻ, kéo gã vào gặp một bà thầy bói trong công viên giải trí. Con mụ tinh quái giả đò ấy đọc các lá bài của gã và nói với gã rất nhiều chuyện. Tuy nhiên, mụ ta đã quên không tính đến sự kiện đặc biệt này, một sự kiện hẳn sẽ hiện ra ở đâu đó nếu tài năng mụ ta xứng đáng với số tiền gã bỏ ra.
Marion… Gã chưa bao giờ nói với cô rằng gã làm gì để kiếm sống. Gã chỉ nói mình làm chủ một phòng tập gym và thi thoảng làm ăn với vài kẻ có quá khứ đáng ngờ. Nhưng gã không nói gì thêm. Bất ngờ, gã nhận ra mình đang tìm kiếm một tương lai nào đó bên cô. Cô là một vũ nữ tại câu lạc bộ trên khu West Side, ban ngày cô học thiết kế thời trang. Lúc này, cô đang làm việc, cô thường đi đến một, hai giờ sáng. Làm sao cô biết được chuyện gì xảy ra với gã?
Nếu đó là Dewey, có khả năng hắn đã gọi cho cô.
Nếu chúng là những thằng cha ở Williamsburg, chúng sẽ không gọi. Chẳng làm gì cả.
Chuông điện thoại lại vang lên.
Paul tảng lờ đi. Gã tháo kíp đạn khỏi khẩu súng lớn, gỡ viên đạn nằm
trong hộp khóa nòng, sau đó lấy đạn ra khỏi khẩu súng lục ổ quay. Gã bước đến bên cửa sổ, ném lần lượt từng khẩu ra ngoài. Gã không nghe thấy tiếng chúng chạm đất.
Nhấp một ngụm soda, gã cởi áo ngoài vứt xuống sàn. Định bước về phía cửa thì gã dừng lại. Gã quay lại tủ lạnh lấy thêm một chai Royal Crown rồi uống cạn. Gã đưa tay lên lau mặt, mở cửa trước, bước lùi lại và giơ hai tay lên.
Chuông điện thoại ngừng reo.
“Đây được gọi là Phòng Thẩm vấn,” người đàn ông tóc bạc mặc đồng phục trắng được là ủi cẩn thận đang ngồi trên chiếc ghế dài nhỏ, lên tiếng. “Cậu chưa bao giờ đến đây,” ông ta nói, vui vẻ tín rằng sẽ không gặp sự phản đối. Ông nói tiếp, “Và cậu chưa từng nghe đến nó.”
11 giờ trưa rồi. Họ đã đưa Paul đến thẳng đây từ căn hộ của Malone. Một ngôi nhà riêng ở thành phố phía Đông khu Thượng Manhattan, dù hầu hết phòng ở tầng trệt chật kín các bàn làm việc, điện thoại và máy đánh chữ như một văn phòng. Chỉ ở phòng khách mới có đi văng và ghế bành. Trên bốn bức tường là các bức tranh thuyền hải quân cũ và mới. Trong góc phòng là một quả cầu. Franklin D. Roosevelt đang liếc xuống gã từ phía trên mặt lò sưởi bằng đá cẩm thạch. Phòng này lạnh đến ngạc nhiên. Nhà riêng có điều hòa không khí. Thử hình dung xem.
Vẫn bị còng tay, Paul ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bành da thoải mái. Hai tay thanh niên hộ tống gã ra khỏi căn hộ của Malone cũng mặc đồng phục trắng ngồi bên cạnh gã, lùi về phía sau một chút. Người đã nói chuyện với gã trên điện thoại là Andrevv Avery, một người có đôi má đỏ hồng và đôi mắt sắc sảo, thận trọng của một võ sĩ quyền anh mặc dù Paul biết cậu ta chưa từng một lần đánh đấm trong đời. Người còn lại là Vincent Manielli, da ngăm đen và giọng nói cho Paul biết cậu ta cũng lớn lên ở cùng khu
Brooklyn. Manielli và Avery trông không lớn hơn lũ nhóc chơi bóng gậy trước cửa tòa nhà gã là bao, nhưng thật ngạc nhiên khi họ đều là trung úy hải quân. Khi Paul còn ở Pháp, những tay trung úy gã phục vụ đều là những người nhiều tuổi.
Hai khẩu súng ngắn của họ vẫn nằm trong bao, tuy nhiên miệng bao da vẫn mở, tay họ để rất gần vũ khí.
Tay sĩ quan cao tuổi - tư lệnh hải quân - có chức vụ cao hơn nhiều ngồi đối diện với gã trên ghế bành. Bộ đồng phục của ông ta vẫn giữ được vẻ hào nhoáng như của hai mươi năm trước.
Cửa ra vào bật mở, một phụ nữ quyến rũ mặc đồng phục hải quân trắng bước vào. Bảng tên trên chiếc áo choàng hắng của cô ta ghi là Ruth Willets. Cô trao cho ông ta một tập hồ sơ. “Tất cả đều ở trong này.” “Cảm ơn, Hạ sĩ quan.”
Khi cô ta quay bước mà không thèm liếc nhìn Paul, tay sĩ quan mở hồ sơ rút ra hai tờ giấy mỏng xem thật kỹ. Đọc xong, ông ta ngước mắt lên. “Tôi là James Gordon. Văn phòng Tình báo Hải quân. Họ thường gọi tôi là Bull.” ” Đây là trụ sở của ông à?” Paul hỏi. “Phòng Thẩm vấn?”
Viên tư lệnh không thèm đáp lời gã, liếc nhìn hai người kia. “Các cậu tự giới thiệu rồi chứ?”
“Vâng, thưa ngài.”
“Không gặp rắc rối gì chứ?”
“Không, thưa ngài.” Avery đáp.
“Tháo còng cho anh ta đi.”
Avery làm theo trong khi Manielli đứng dậy, tay đặt cạnh súng, bực dọc dò xét các khớp ngón tay bị còng của Paul. Manielli cũng có đôi bàn tay của đấu sĩ. Đôi tay của Avery có màu hồng như của người bán hàng hương liệu thực phẩm.
Cái cửa lại bật mở, một người đàn ông khác bước vào. Ông ta tầm sáu mươi tuổi nhưng vẫn cao và săn chắc, giống tay diễn viên trẻ Jimmy Stewart
mà Paul cùng Marion đã xem trong một vài bộ phim. Paul nhíu mày. Gã biết khuôn mặt này trong các bài viết trên tờ Times và Herald Tribune. “Thượng Nghị sĩ?”
Ông ta trả lời nhưng là nói với Gordon. “Anh nói gã ta thông minh. Tôi không biết gã có được thông tin đầy đủ như vậy.” Như thể ông ta không vui vẻ gì khi bị nhận ra. Thượng Nghị sĩ nhìn Paul từ đầu xuống chân, rồi ngồi xuống hút một điếu xì gà to.
Sau đó, thêm một người nữa bước vào. Ông ta cùng tầm tuổi như Thượng Nghị sĩ, mặc vest bằng vải lanh trắng cực kỳ nhăn nhúm. Tấm thân bên trong chiếc áo to lớn và mềm mại. Tay ông ta mang theo gậy chống. Ông liếc nhìn Paul, không nói một lời nào, rút vào trong góc ngồi. Trông ông ta cũng quen nhưng Paul không nhớ ra nổi.
“Được rồi,” Gordon tiếp tục. “Tình hình là thế này, Paul ạ. Chúng tôi biết cậu đã làm việc cho Luciano, cả cho Lansky và hai người khác nữa. Và chúng tôi biết cậu làm gì cho chúng.”
“Vâng, là việc gì thế?”
“Anh là một sát thủ, Paul ạ.” Manielli nhanh nhẹn nói, như thể cậu ta đang chờ đợi được nói câu này.
Gordon nói, “Tháng Ba năm ngoái Jimmy đã thấy cậu…” Ông ta cau mày. “Mấy kẻ như cậu nói sao nhỉ? Các cậu không dùng từ ‘giết’.” Paul suy nghĩ: Vài người trong chúng tôi nói ’khử’ Bản thân Paul thích dùng từ ‘hóa kiếp.’ Đó là từ Trung sĩ Alvin York hay dùng để mô tả việc giết binh lính kẻ thù trong chiến tranh. Nó khiến Paul cảm thấy như say khi dùng câu nói một anh hùng chiến tranh đã nói. Nhưng dĩ nhiên, Paul Schumann không chia sẻ điều đó với bất kỳ ai lúc này.
Gordon nói tiếp, “Jimmy nói trông thấy cậu giết Arch Dimici vào ngày mười ba tháng Ba, trong một nhà kho trên đường Hudson.” Paul đã đi loanh quanh chỗ đó suốt bốn tiếng đồng hồ trước khi Dimici ló mặt ra. Gã đã tin rằng tên này đi một mình. Jimmy chắc hẳn đang say giấc
nồng phía sau một trong những chiếc thùng thưa khi Paul đến. “Bây giờ, từ những gì họ nói với tôi, Jimmy không phải là nhân chứng đáng tin cậy nhất. Nhưng chúng tôi có một số bằng chứng chắc chắn. Mấy thằng nhóc hải quan đến gặp cậu ta để bán cần sa, đổi lại cậu ta đã biết hết kế hoạch của cậu. Có vẻ cậu ta đã nhặt được một vỏ đạn tại hiện trường và đang giữ lại làm đảm bảo. Không có đấu vân tay trên đó - cậu quá thông minh. Nhưng người của Hoover đã xét nghiệm trên khẩu Colt của cậu. Những vết xước từ dấu móc vỏ đạn là trùng khớp.”
Hoover? Cả FBI cũng nhúng tay vào sao? Và họ đã xét nghiệm khẩu súng. Khẩu súng gã vừa vứt ra khỏi cửa sổ căn hộ của Malone một tiếng trước.
Hai hàm răng Paul nghiến chặt vào nhau. Gã tức giận với chính mình. Gã đã kiếm cái vỏ đạn chết tiệt đó nửa tiếng đồng hồ tại hiện trường vụ Dimici. Nhưng cuối cùng, gã kết luận rằng nó lăn qua những khe nứt trên sàn ra đường Hudson.
“Nên chúng tôi đã hỏi han, nghe nói cậu đang được trả 500 đô để…” Gordon ngập ngừng.
Hóa kiếp.
“… loại bỏ Malone tối nay.”
“Không đời nào,” Paul phá lên cười. “Thằng báo tin cho ông đúng là dở ẹc. Tôi chỉ đến thăm hắn thôi. À mà hắn đâu rồi?”
Gordon ngập ngừng. “Ngài Malone sẽ không còn là mối đe dọa các cảnh sát hay công dân thành phố New York nữa.”
“Nghe có vẻ ai đấy nợ ông năm tờ 100 đô đấy nhỉ.”
Nhưng Gordon không cười. “Cậu đang ở Hà Lan, Paul. Nên cậu không thể tránh được sự trừng phạt. Và đây là đề nghị của chúng tôi. Như người ta hay nói trong các quảng cáo xe Studebaker dùng rồi: đây là đề nghị chỉ đưa ra một lần. Chấp nhận hoặc từ chối. Chúng tôi không đàm phán đâu.”
Cuối cùng, Thượng Nghị sĩ lên tiếng, “Tom Dewey rất muốn có được
cậu, giống như hắn muốn kẻ cặn bã cuối cùng trong danh sách.” Tay công tố viên đặc biệt đang trong sứ mệnh thiêng liêng dọn sạch tội phạm có tổ chức tại New York. Trùm tội phạm Lucky Luciano, Năm Gia đình Tội phạm Italia trong thành phố và nhóm người Do Thái của Meyer Landsky là các mục tiêu của anh ta. Dewey ngoan cường và thông minh, đang giành phần thắng hết vụ này đến vụ khác.
“Tuy nhiên anh ta cho phép chúng tôi đặt cược chút ít vào cậu.” “Quên đi. Tôi không phải là chim mồi.”
Gordon đáp, “Chúng tôi không bảo cậu làm chim mồi. Ý chúng tôi không phải thế.”
“Vậy các ông muốn tôi làm gì?”
Tất cả ngập ngừng một lúc. Thượng Nghị sĩ hất đầu về phía Gordon. Ông ta nói, “Cậu là một sát thủ, Paul. Cậu nghĩ sao nếu chúng tôi muốn cậu đi giết một người?”
Chương 2
Gã nhìn vào mắt Gordon một lúc lâu, rồi chuyển sang mấy bức tranh vẽ hình những con tàu trên tường. Phòng Thẩm vấn… Trong phòng này có bầu không khí quân sự. Giống câu lạc bộ các sĩ quan. Paul thích quãng thời gian gã phục vụ trong quân ngũ. Ở đó, gã cảm thấy như đang ở nhà, có bạn bè, có mục đích sống. Đó là quãng thời gian vui vẻ đối với gã, một quãng thời gian đơn giản - trước khi gã quay về nhà và cuộc sống trở nên phức tạp. Khi cuộc sống trở nên phức tạp, những điều xấu xa có thể xảy đến.
“Ông đang nói thật với tôi đấy à?” “Ồ, tất nhiên.”
Khi Manielli đang liếc mắt cảnh cáo chậm rãi, Paul thọc hai tay vào túi rút ra một bao Chesterfields. Gã châm một điếu. “Tiếp đi.” Gordon nói, “Cậu ta sở hữu một phòng gym tại Đại lộ 9. Nơi ấy khá khiêm tốn nhỉ?” Câu này ông ta hỏi Avery.
“Ông đã tới đó à?” Paul hỏi.
Avery đáp, “Không quá phô trương.”
Manielli phá lên cười. “Tôi đồng ý, nó thực sự khuất nẻo.” Tư lệnh nói tiếp, “Nhưng trước khi làm ngành này, cậu đã từng là một thợ in. Cậu thích nghề in không, Paul?”
Thấy tò mò, Paul đáp. “Có.”
“Cậu in có giỏi không?”
“Có, tôi giỏi lắm. Nhưng chuyện này thì có liên quan quái gì?” “Cậu muốn quên đi quá khứ, bắt đầu lại, trở về làm một thợ in không? Chúng tôi sẽ thu xếp để không ai có thể kiện cậu về bất kỳ điều gì cậu từng làm trong quá khứ.”
“Và,” Thượng Nghị sĩ nói thêm, “chúng tôi sẽ lo liệu một ít tiền nữa. Năm ngàn. Cậu có thể sống một cuộc đời mới.”
Năm ngàn? Paul chớp mắt. Phải làm việc quần quật trong hai năm để kiếm được số tiền đó. Gã hỏi, “Các ông tẩy sạch hồ sơ của tôi như thế nào?” Thượng Nghị sĩ phá lên cười. “Cậu biết trò chơi mới Cờ Tỷ Phú không? Chơi bao giờ chưa?”
“Mấy đứa cháu của tôi có. Nhưng tôi không chơi.”
Thượng Nghị sĩ tiếp tục, “Thi thoảng khi cậu gieo xúc xắc, kết cục của cậu sẽ là vào tù. Nhưng có một lá bài trên đó viết ‘Thả Tự Do’ Chúng tôi thực sự có một lá tặng cậu. Đó là tất cả những gì cậu cần biết.”
“Các ông muốn tôi giết một người? Chuyện này thật lạ lùng. Dewey sẽ không bao giờ đồng ý.”
Thượng Nghị sĩ nói, “Tay công tố viên đặc biệt đó không bao giờ được biết lý do chúng tôi cần cậu.”
Ngừng một lúc, gã hỏi, “Kẻ nào? Phải Siegel không?” Trong số tất cả đám kẻ cướp, thì Bugsy Siegel là kẻ nguy hiểm nhất. Thực sự là thằng tâm thần. Paul đã chứng kiến những hậu quả đẫm máu và sự tàn bạo của hắn, những cơn thịnh nộ trở thành huyền thoại của hắn.
“Vào lúc này, Paul ạ,” Gordon đáp, sự khinh bỉ hiện trên nét mặt. “Giết một công dân Mỹ đối với cậu sẽ là hành vi phạm pháp. Chúng tôi không bao giờ đề nghị cậu làm bất kỳ điều gì như thế.”
“Thế thì tôi không hiểu.”
Thượng Nghị sĩ nói, “Việc này giống với một tình huống thời chiến hơn. Cậu đã từng đi lính…” Liếc mắt sang Avery, cậu ta nhắc lại, “Sư đoàn 1 Bộ binh. Quân đoàn 1 của Mỹ. Lực lượng Quân đội Viễn chinh Mỹ, Chiến dịch tấn công St Mihiel, Meuse-Argonne. Anh đã đánh đấm thực sự nghiêm túc đấy. Được tặng vài huân chương vì tài thiện xạ trên chiến trường. Cả đánh giáp lá cà nữa, đúng không?”
Paul nhún vai. Lão béo mặc vest trắng ngồi im trong góc, hai bàn tay gập lại trên tay cầm nạm vàng của chiếc gậy chống. Paul nhìn chằm chằm lão một lúc rồi quay lại với Tư lệnh. “Tỷ lệ cược tôi sống sót đủ lâu để tận dụng
lá bài ấy là bao nhiêu?”
“Hợp lý,” Tư lệnh đáp. “Không nhiều nhưng hợp lý.”
Paul kết bạn với một tay nhà văn kiêm phóng viên thể thao, Damon Runyon. Họ đi uống cùng nhau tại một số quán rượu gần Broadway, đi ẩu đả rồi chơi đá banh. Hai năm trước, Runyon có mời Paul đến dự tiệc sau khi New York lần đầu tiên trình chiếu phim Little MiSS Marker, mà ban đầu Paul nghĩ rằng đây là một phim rất hay. Tại bữa tiệc đó, sau khi gã bị tống cổ ra ngoài mà không được gặp Shirley Temple, gã đã đề nghị Runyon xin một cuốn sách có chữ ký của tác giả. Lời đề tặng tay nhà văn đã viết: Tặng anh bạn của tôi, Paul - Hãy nhớ rằng, trong cuộc đua không phải lúc nào kẻ nhanh nhất sẽ về đích trước tiên.
Avery nói, “Thế những gì chúng tôi vừa nói thì sao? Rằng những cơ hội của anh sẽ tốt hơn nhiều, nếu anh đến khám Sing Sing.”
Ngừng một lúc Paul hỏi, “Sao lại là tôi? Ở New York này có hàng tá thằng sát thủ sẵn sàng làm thế chỉ vì tiền đấy thôi.”
“À. Nhưng cậu thì khác, Paul. Cậu là một thằng không xoàng đâu. Cậu khá đấy. Hoover và Dewey nói cậu đã khử mười bảy thằng.” Paul chế giễu, “Tin vịt, tôi vẫn nói thế đấy.”
Thực ra con số ấy là mười ba.
“Chúng tôi nghe nói rằng cậu luôn kiểm tra mọi thứ hai, ba lần trước khi thực hiện công việc. Cậu phải chắc chắn rằng những khẩu súng của mình luôn ở trạng thái tốt nhất, cậu nghiên cứu tài liệu về các nạn nhân, cậu thăm thú từ trước những nơi chúng ở, tìm hiểu lịch sinh hoạt của chúng mà cậu chắc chắn chúng tuân thủ. Cậu biết khi nào chúng ở một mình, khi nào chúng gọi điện thoại hoặc chúng đi ăn ở đâu.”
Thượng Nghị sĩ nói thêm, “Và cậu là kẻ thông minh. Như tôi đã nói. Trong vụ này chúng tôi cần kẻ thông minh.”
“Thông minh ư?”
Manielli đáp. “Chúng tôi đã tới nhà anh, Paul. Anh có trữ sách, chết tiệt,
lắm sách thật đấy. Thậm chí còn ghi danh vào cả Câu lạc bộ Sách Của Tháng.”
“Không phải những cuốn sách thông minh đâu. Không phải tất cả.” “Nhưng chúng là sách,” Avery chỉ rõ. “Và tôi dám cá rằng nhiều thằng trong nghề của anh không đọc sách nhiều.”
“Hoặc không biết đọc,” Manielli nói, tự phá lên cười với câu đùa của mình.
Paul nhìn người mặc bộ vest nhăn nhúm, “Ông là ai?”
“Cậu không cần phải lo…” Gordon bắt đầu.
“Tôi đang hỏi ông ta.”
“Nghe này,” Thượng Nghị sĩ làu bàu. “ở đây chúng tôi là người hỏi, anh bạn ạ.”
Nhưng lão béo xua tay phản đối, rồi nói với Paul, “Cậu có biết một cuốn truyện tranh, Little Orphan Annie không? Kể về cô bé trong mắt không có con ngươi?”
“À có.”
“Vậy thì hãy nghĩ về ta như Doanh nhân Daddy Warbucks.” “Nghĩa là sao?”
Nhưng lão chỉ cười rồi quay sang Thượng Nghị sĩ. “Tiếp tục vụ của anh đi. Tôi thích cậu ta đấy.”
Tay chính trị gia gầy như que củi nói với Paul, “Điều quan trọng nhất, không giết người vô tội.”
Gordon nói thêm, “Jimmy Coughlin từng bảo chúng tôi rằng, cậu chỉ giết những kẻ giết người. Cậu đã nói gì nhi? À, ‘Chỉnh lại sai lầm của Chúa’? Đó là điều chúng tôi cần.”
“Sai lầm của Chúa!” Thượng Nghị sĩ lặp lại, trên môi có nét cười nhưng không thực tâm.
“Rồi. Thế thì là ai?”
Gordon nhìn Thượng Nghị sĩ, ông ta đánh lạc hướng câu hỏi. “Cậu có bà
con nào ở Đức không?”
“Chẳng còn ai cả. Gia đình tôi dọn về đây từ rất lâu rồi.”
Thượng Nghị sĩ hỏi, “Cậu biết gì về Phát xít?”
“Adolf Hitler đang điều hành đất nước. Nghe nói chẳng ai thực sự ủng hộ chuyện đó. Đã có một cuộc mít tinh lớn phản đối y tại Quảng trường Madison Square Garden vào tháng Ba, khoảng vài năm trước. Tôi nói với các ông, giao thông kinh khủng lắm. Tôi đã bỏ lỡ mất ba trận ẩu đả trên khu Bronx. Tôi vẫn còn bực… Thế đấy.”
“Cậu có biết không, Paul,” Thượng Nghị sĩ chậm rãi nói. “Hitler đang lên kế hoạch một cuộc chiến khác?”
Bất ngờ, ông ngưng bặt.
“Các liên lạc của chúng tôi tại Đức vẫn đang gửi tin về từ khi Hitler lên nắm quyền năm 1933. Năm ngoái, một nguồn tin đã tiếp cận được bản thảo lá thư này, do Tướng Beck, một trong những quan chức cấp cao của chúng soạn thảo.”
Tư lệnh trao cho gã một tờ giấy đánh máy bằng tiếng Đức. Paul đọc nội dung trên tờ giấy. Tác giả bức thư kêu gọi tiến hành tái trang bị các lực lượng vũ trang của Đức, chậm nhưng chắc nhằm mục đích bảo vệ và mở rộng nơi Paul dịch là “khu sinh sống.” Quốc gia này phải sẵn sàng cho chiến tranh trong một vài năm.
Gã nhíu mày, bỏ tờ giấy xuống. “Chúng sắp triển khai à?” “Năm ngoái,” Gordon nói. “Hitler đã bắt đầu lên bản dự thảo. Kể từ đó, y xây dựng quân đội còn cao hơn nhiều mức y nói trong thư. Bốn tháng trước, quân Đức đã chiếm Rhineland - vùng phi quân sự giáp biên giới Pháp.” “Tôi có đọc qua rồi.”
“Chúng đang đóng các tàu ngầm tại Helgoland, sắp giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Wilhelm cho tàu chiến di chuyển từ Biển Bắc đến Biển Baltic. Kẻ đang phụ trách tài chính cho hoạt động này có chức danh mới. Hắn là người đi đầu trong “nền kinh tế chiến tranh.” Còn cuộc nội chiến tại Tây Ban
Nha? Hitler đang gửi quân và trang thiết bị đến, được cho là hỗ trợ Franco. Thực tế là y đang dùng chiến tranh huấn luyện binh sĩ của mình.” “Các ông muốn tôi… muốn tôi làm sát thủ giết Hitler à?”
“Chúa ơi, không.” Thượng Nghị sĩ đáp. “Hitler chỉ là một thằng lập dị thôi. Đầu óc khôi hài. Y muốn tái vũ trang đất nước của y nhưng không biết làm thế nào.”
“Và kẻ các ông đang nói đến làm chuyện này?”
“Tất nhiên là hắn làm,” Thượng Nghị sĩ đáp. “Tên hắn là Reinhard Ernst. Hắn vốn là đại tá trong Thế Chiến nhưng giờ là thường dân rồi. Chức danh này rất khó hiểu: đại diện toàn quyền về Ổn định trong nước. Nhưng chỉ
để che mắt. Hắn là bộ não đằng sau cuộc tái vũ trang này. Hắn mó tay vào mọi thứ: tài chính với Schacht, quân đội với Blomberg, hải quân với Raeder, không quân với Göring và đạn dược với Krupp.”
“Thế còn Hiệp ước Versailles? Tôi tưởng chúng không thể có quân đội?” “Không phải là đội quân lớn… Tương tự như hải quân thôi… và không hề có không quân,” Thượng Nghị sĩ nói. “Nhưng người của chúng tôi nói rằng binh linh và thủy thủ đang tỏa ra khắp nước Đức, như rượu vang rót trên bánh cưới Canada.”
“Vậy quân Đồng minh không cản được chúng à? Ý tôi là, chúng ta đã thắng trong Thế Chiến thứ I?”
“Chẳng ma nào ở châu Âu chịu làm gì hết. Phía Pháp lẽ ra đã ngăn chặn được Hitler vào tháng Ba lạnh lẽo năm ngoái tại Rhineland. Nhưng họ không làm. Còn Anh? Tất cả những gì họ làm là la rầy một con chó tè bậy lên thảm.”
Một lúc sau Paul hỏi, “Và chúng ta đã làm gì để chặn chúng lại?” Cái liếc mắt tinh tế của Gordon thể hiện sự tôn trọng. Thượng Nghị sĩ nhún vai. “Người Mỹ chỉ muốn hòa bình. Những kẻ theo chủ nghĩa biệt lập đang nắm Chính phủ. Họ không muốn dính líu vào hoạt động chính trị tại Châu Âu. Đàn ông muốn có việc làm, những bà mẹ không muốn mất con trai
trên Chiến trường Flanders Field nữa.”
“Và tổng thống muốn được bầu lại vào tháng 11 này,” Paul nói, cảm thấy đôi mắt của Frank Lin D. Roosevelt đang dòm xuống gã từ phía trên bệ lò sưởi trang trí hoa văn.
Một khoảng im lặng vụng về. Gordon phá lên cười. Thượng Nghị sĩ thì không.
Paul dụi tắt điếu thuốc. “Được rồi. Chắc rồi. Giờ hiểu rồi. Nếu tôi có bị bắt sẽ chẳng có gì truy ngược về phía các ông. Hoặc ông ta.” Hất đầu lên bức tranh Roosevelt. “Chết tiệt. Tôi chỉ là một thường dân điên rồ, không phải là lính như hai tên này.” Liếc mắt về phía hai tay sĩ quan trẻ. Avery mỉm cười, Manielli cũng làm thế nhưng nụ cười của cậu ta rất khác.
Thượng Nghị sĩ nói, “Đúng vậy đấy, Paul. Hoàn toàn chính xác.” “Và tôi nói tiếng Đức.”
“Chúng tôi nghe nói rằng cậu thạo lắm.”
Ông nội Paul đã tự hào về đất nước của tổ tiên mình, giống như bố của gã. Ông một mực bắt lũ trẻ phải học tiếng Đức, phải nói thứ tiếng mẹ đẻ ấy trong nhà. Gã nhớ lại những giây phút dở khóc dở cười, mẹ gã quát lên bằng tiếng Ireland, bố gã quát lại bằng tiếng Đức khi họ cãi nhau. Paul cũng làm việc trong nhà máy của ông nội, đặt chữ in, đọc và sửa định dạng các bản in bằng tiếng Đức, trong những mùa hè khi gã còn học trung học.
“Chuyện này sẽ tiến hành thế nào? Tôi chưa nói đồng ý đâu. Chỉ tò mò thôi. Chuyện này sẽ tiến hành thế nào?”
“Có một con tàu đưa đội tuyển Olympic, gia đình họ cùng cánh phóng viên sang Đức, sẽ khởi hành vào ngày mai. Cậu sẽ đi bằng chuyến tàu đó.” “Đội tuyến Olympic?”
“Chúng tôi đã cho rằng đó là cách hay nhất. Sẽ có hàng nghìn người nước ngoài trong thành phố. Berlin sẽ chật ních. Quân đội và cảnh sát của chúng sẽ bận tối mắt.”
Avery nói, “Cậu sẽ chẳng có liên quan chính thức gì đến các hoạt động
Olympic - phải đến ngày mùng một tháng Tám, các môn thi đấu mới bắt đầu. ủy ban Olympic sẽ chỉ biết cậu là một ký giả.”
“Một phóng viên thể thao,” Gordon nói thêm. “Đó là vỏ bọc của cậu. Nhưng về cơ bản cậu phải giả ngu và biến thành người vô hình. Đến làng Olympic cùng mọi người khác, ở đấy một hai ngày rồi lẻn vào thành phố. Ở khách sạn sẽ không ổn đâu, Đảng Quốc Xã sẽ giám sát toàn bộ khách và ghi chép hộ chiếu. Người của chúng tôi sẽ thuê một phòng trong một nhà trọ tư nhân cho cậu.”
Như một tay lành nghề, những câu hỏi nhất định về công việc tràn vào óc gã. “Tôi sẽ dùng tên mình chứ?”
“Phải, cậu sẽ dùng tên mình. Nhưng chúng tôi cũng cung cấp cho cậu một hộ chiếu đào thoát - ảnh là ảnh cậu nhưng dùng tên khác. Do một quốc gia khác cấp.”
Thượng Nghị sĩ nói, “Cậu trông giống người Nga. To lớn và rắn chắc.” Ông ta gật đầu. “Chắc rồi, cậu sẽ là ‘người đến từ nước Nga’”. “Tôi không nói được tiếng Nga.”
“Thì cũng có ai nói được đâu. Mà có khả năng cậu cũng chẳng bao giờ cần hộ chiếu. Chỉ để đưa cậu rời khỏi Đức, trong trường hợp khẩn cấp thôi.” “Và,” Paul nói nhanh, “để chắc chắn không ai lần theo tôi đến chỗ các ngài nếu tôi thất bại, đúng không?”
Sự ngập ngừng của Thượng Nghị sĩ theo sau là cái liếc mắt nhìn Gordon, cho thấy gã nói đúng.
Paul nói tiếp, “Thế thì tôi sẽ làm việc cho ai đây? Mọi tòa báo ở đó đều có cộng tác viên đưa tin. Họ sẽ biết tôi không phải là nhà báo.” “Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện này. Cậu sẽ là người viết tin bài độc lập, đang cố gắng bán cho mấy tờ báo thể thao lá cải khi quay về.” Paul hỏi, “Người của các ông ở đó là ai?”
Gordon đáp. “Lúc này không nói tên được.”
“Tôi không cần tên. Các ông có tin tưởng anh ta không? Và tại sao?”
Thượng Nghị sĩ đáp, “Anh ta đã sống ở đó được hai năm, đang cung cấp cho chúng tôi những thông tin chất lượng. Anh ta đã phục vụ cho tôi trong Thế Chiến thứ I. Riêng tôi biết anh ta.”
“Vỏ bọc của anh ta ở đó là gì?”
“Thương nhân, người trợ giúp tổ chức sự kiện, đại loại thế. Làm việc độc lập thôi.”
Gordon nói tiếp, “Anh ta sẽ cung cấp cho cậu vũ khí, bất kỳ điều gì cậu cần biết về mục tiêu.”
“Tôi không có hộ chiếu thật. Ý tôi là mang tên tôi.”
“Chúng tôi biết, Paul. Chúng tôi sẽ kiếm cho cậu một hộ chiếu.” “Tôi có được lấy lại súng không?”
“Không,” Gordon nói và đó là dấu chấm hết cho vấn đề. “Và đó là kế hoạch tóm tắt của chúng tôi. Cậu nên biết rằng, nếu cậu nghĩ đến chuyện nhảy lên máy bay nào đó, rồi nằm ườn trong căn lều dành cho người vô gia cư ngoài phía Tây…”
Paul tuy rất bực mình, nhưng gã chỉ nhíu mày rồi lắc đầu.
“Hai thanh niên đẹp trai sẽ bám lấy cậu như đỉa cho đến khi tàu cập cảng Hamburg. Và nếu cậu có mong muốn thoát khỏi Berlin, liên lạc của chúng tôi sẽ để mắt đến cậu. Nếu cậu biến mất, anh ta sẽ gọi cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ gọi cho Phát xít nói rằng một sát thủ người Mỹ đào tẩu đang nhởn nhơ tại Berlin. Chúng tôi sẽ đưa cho chúng tên và ảnh của cậu.” Gordon nhìn thẳng vào mắt gã. “Nếu cậu nghĩ chúng tôi giỏi việc theo dõi cậu, Paul, thì cậu chưa từng thấy Phát xít giỏi việc đó thế nào. Và theo những gì chúng tôi biết, chúng sẽ không buồn mở phiên tòa và ký lệnh hành hình đâu. Giờ chúng ta rõ cả chưa?”
“Trăm phần trăm.”
“Tốt.” Tư lệnh liếc nhìn Avery. “Giờ nói cho cậu ta biết chuyện gì xảy ra khi xong việc.”
Tay trung úy nói, “Chúng tôi sẽ có một máy bay và một phi hành đoàn
chờ anh tại Hà Lan. Có một chiếc máy bay cũ ở ngoài Berlin. Sau khi xong việc anh sẽ đi máy bay rời khỏi đó.”
“Đi bằng máy bay à?” Paul hỏi đầy ngạc nhiên. Đi máy bay khiến gã phấn khích. Khi lên chín tuổi gã bị ngã gãy tay – lần đầu tiên trong bao nhiêu lần gã không muốn nhớ - khi lắp một con tàu lượn, cất cánh từ trên mái xưởng in hai tầng của bố, rồi tan tành trên mặt đường đá cuội bẩn thỉu.
“Đúng vậy, Paul ạ.” Gordon đáp.
Avery nói, “Anh thích máy bay phải không? Trong căn hộ của anh có cả đống tạp chí về máy bay. Cả sách nữa. Tranh ảnh về máy bay. Rồi các mô hình. Anh tự làm hết à?”
Paul cảm thấy xấu hổ. Việc họ phát hiện các đồ chơi của gã khiến gã tức giận.
“Cậu là phi công à?” Thượng Nghị sĩ hỏi.
“Đã bao giờ tôi trèo lên máy bay đâu.” Rồi gã lắc đầu. “Tôi không biết.” Toàn bộ chuyện này vô cùng ngớ ngẩn. Sự im lặng bao trùm lấy căn phòng. Chính ngưòi mặc bộ vest nhăn nhúm phá vỡ sự im lặng. “Tôi cũng là đại tá trong Thế Chiến thứ I. Giống như Reinhard Ernst. Tôi cũng ở Argonne Woods. Giống như cậu.”
Paul gật đầu.
“Cậu biết tổng cộng là bao nhiêu không?”
“Tổng cộng cái gì cơ?”
“Chúng ta đã mất bao nhiêu người?”
Paul nhớ lại một biển xác chết, lính Mỹ, Lính Pháp và lính Đức. Những binh sĩ bị thương trông còn khủng khiếp hơn theo nhiều cách. Họ la hét, gào khóc, rên rỉ rồi kêu cha gọi mẹ. Bạn sẽ không bao giờ quên được âm thanh đó. Không bao giờ.
Lão già nói bằng một giọng tôn kính, “Quân Viễn chinh Mỹ mất hơn hai mươi lăm nghìn người. Gần một trăm người bị thương. Phân nửa đoàn quân dưới trướng của tôi chết hết. Trong một tháng, chúng tôi tiến quân bảy dặm
tấn công kẻ thù. Mỗi ngày trôi qua trong đời mình, tôi đều nghĩ đến những con số ấy. Phân nửa lính của tôi và bảy dặm. Và trận Meuse-Argonne là chiến thắng ngoạn mục nhất của chúng ta trong Thế Chiến thứ I… Tôi không muốn tái diễn chuyện đó nữa.”
Paul nhìn ông ta chăm chú. “Ông là ai?” gã lại hỏi.
Thượng Nghị sĩ tỏ vẻ khó chịu vừa định nói, thì lão già đáp, “Ta là Cyrus Clayborn.”
Phải, thế thì đúng rồi. Trời ạ… Lão già này là người đứng đầu Công ty Điện thoại và Điện báo - một triệu phú thực sự, cho đến tận bây giờ, trong bóng đen cuộc Đại Suy thoái.
Lão nói tiếp, “Daddy Warbucks, như ta đã nói. Ta là chủ ngân hàng. Vì thử hình dung xem, thông thường những kế hoạch như thế này tốt hơn không nên lấy tiền của dân. Ta đã quá già để ra trận vì Tổ quốc. Nhưng ta sẽ làm việc ta có thể làm được. Thỏa mãn chưa nhóc?”
“Rồi.”
“Tốt,” Claybom quan sát gã. “Ta chỉ nói một điều nữa thôi. Số tiền? Lúc nãy đã nói đến tiền rồi phải không?”
Paul gật đầu.
“Gấp đôi lên đi.”
Paul cảm thấy làn da gã nhồn nhột. Mười ngàn đô la? Gã không thể tưởng tượng được.
Gordon chậm rãi quay sang phía Thượng Nghị sĩ. Paul hiểu điều này không nằm trong kịch bản.
“Các ông trả bằng tiền mặt được không? Không trả bằng séc.” Vì lý do nào đó, cả Thượng Nghị sĩ lẫn Claybom nghe xong cùng phá lên cười. “Bất kỳ điều gì cậu muốn, tất nhiên rồi,” nhà công nghiệp nói. Thượng Nghị sĩ đẩy chiếc điện thoại cố định gần hơn về phía gã, gõ gõ lên ống nghe. “Quyết định thế nào hả con trai? Bọn ta có phải gọi cho Dewey hay không đây?”
Tiếng quẹt diêm phá tan bầu không khí im lặng khi Gordon châm thuốc. “Suy nghĩ cho kỹ đi, Paul. Bọn ta đang cho cậu một cơ hội xóa đi quá khứ. Bắt đầu lại tất cả. Làm gì có tên sát thủ nào được ân huệ như thế?”
Phần II
THÀNH PHỐ CỦA
NHỮNG LỜI THÌ THẦM Thứ Sáu, ngày 14 tháng 07 năm 1936
Chương 3
Cuối cùng, gã có thể thực hiện công việc mà gã tới đây để làm. Đã 6 giờ sáng và con tàu S.S. Manhattan, với hành lang hạng ba tỏa mùi hăng hăng nơi gã đứng, đang thẳng tiến về bến cảng Hamburg, mười ngày sau khi rời New York.
Theo nghĩa đen, con tàu này mang cờ hiệu của hãng vận chuyển xuyên Đại Tây Dương ‘United States Lines’ - con tàu đầu tiên trong đội tàu của hãng được đóng dành riêng để chở khách. Con tàu to thật - diện tích rộng hơn hai sân bóng - tuy nhiên trên chuyến hải hành này, hành khách đặc biệt đông. Những chuyến đi xuyên Đại Tây Dương điển hình, tàu chỉ chở thêm sáu trăm hành khách hoặc hơn với thủy thủ đoàn năm trăm người. Nhưng chuyến đi này, có gần bốn trăm Vận động viên Olympic, các nhà quản lý và huấn luyện viên cùng tám trăm năm mươi hành khách. Hầu hết bao gồm gia đình, bạn bè, phóng viên báo chí và các thành viên của AOC*, chiếm trọn gian ăn ở trên tàu chia thành ba hạng.
Số lượng hành khách cùng những yêu cầu bất thường của Vận động viên và phóng viên trên tàu Manhattan khiến cuộc sống của đám thủy thủ mẫn cán, lịch thiệp trở nên sôi động, nhưng điều này đặc biệt đúng đối với người đàn ông béo tròn, hói đầu tên là Albert Heinsler. Chắc chắn công việc khuân vác của y đồng nghĩa với hàng giờ liền mệt nhọc dai dẳng và căng thẳng. Tuy nhiên, khía cạnh nặng nhọc nhất là vai trò thực sự của y trên tàu, vai trò mà không một ai biết gì về nó. Heinsler hay tự xưng mình với mật danh A, đó là cách cơ quan tình báo Phát xít gọi các mật vụ của chúng tại Đức - Agentent.
Thực ra tên cử nhân 34 tuổi lánh đời này chỉ đơn thuần là một thành viên của German American Bund - một nhóm những người Mỹ nghèo kiết xác
ủng hộ Hitler, kết đồng minh với tổ chức Christian Front bài Do Thái, Người Cộng sản và Người Da đen. Heinsler không căm ghét nước Mỹ. Tuy nhiên, y không bao giờ quên được những ngày tháng khủng khiếp ở tuổi vị thành niên, khi gia đình y bị đày đọa đến khánh kiệt vì thành kiến chống Đức, bản thân y bị mắng nhiếc, chửi bới không thương tiếc - “Thằng phát xít chó đẻ” - và bị đánh cho bầm dập trên sân trường, hay trong những con hẻm.
Không, y không căm ghét đất nước mình. Nhưng y yêu nước Đức Phát xít bằng cả trái tim, vô cùng ngưỡng mộ Đấng Cứu Thế Adolf Hitler. Y sẽ hy sinh cả bản thân mình vì con người này - sẵn sàng ngồi tù, kể cả chết nếu cần.
Heinsler không tin nổi vào vận may đến với y khi một thành viên SA chỉ huy ở tổng hành dinh của tổ chức tại New Jersey đã để ý người đồng chí trung thành này từng làm nhân viên kế toán trên các tàu chở khách. Họ đã thu xếp cho y vào làm việc trên tàu Manhattan. Tay sĩ quan chỉ huy mặc đồng phục nâu gặp y trên lối đi lát ván dọc bờ biển tại Thành phố Atlantic. Ông ta giải thích trong khi Phát xít rộng lượng đón chào mọi người đến từ khắp nơi trên thế giới, họ cũng rất lo lắng trước những xâm phạm an ninh có thể phát sinh khi đám Vận động viên và du khách tràn vào Đức. Trách nhiệm của Heinsler là trở thành một đại diện bí mật của Phát xít trên tàu này. Cho dù y sẽ không làm công việc trước kia của mình - trông coi sổ sách kế toán. Điều quan trọng là y được tự do đi lại khắp nơi trên thuyền mà không bị nghi ngờ, với tư cách một nhân viên khuân vác.
Ôi, đây đúng là cơ hội đổi đời của y! Ngay lập tức y vĩnh biệt công việc kế toán công được chứng nhận ở quận Lower Broadway. Trong khi chờ tàu ra khơi vài ngày sau đó, y dương dương tự đắc lắm, chăm chỉ chuẩn bị cho nhiệm vụ khi suốt đêm nghiên cứu các sơ đồ của con tàu, luyện tập vai diễn nhân viên khuân vác, luyện lại tiếng Đức và học hỏi biến thể của mã Morse, còn được gọi là mã quốc tế sử dụng để truyền thông điệp đến và đi từ Châu Âu.
Khi tàu rời bến cảng, y luôn tự nhắc mình không ngừng quan sát, lắng nghe và trở thành mật vụ A hoàn hảo. Nhưng khi tàu Manhattan ra biển, y không thể liên lạc với nước Đức, tín hiệu vô tuyến điện báo di động của y quá yếu. Dĩ nhiên bản thân con tàu có hệ thống điện báo vô tuyến rất mạnh, cũng như vô tuyến điện sóng ngắn lẫn sóng dài, nhưng y hầu như không thể truyền tín hiệu bằng các thiết bị này, sẽ cần đến một người vận hành vô tuyến điện trong đám thủy thủ. Trong khi một điều thiết yếu là không ai được phép nghe hoặc nhìn thấy những thông điệp được truyền đi.
Lúc này, qua ô cửa sổ mạn tàu, Hiensler liếc nhìn dải đất xám xịt của nước Đức. Phải, y tin mình đã đến đủ gần bờ biển để truyền tin. Y bước vào trong cabin nhỏ, lôi ra bộ máy điện báo vô tuyến hiệu Allochio Bacchini nằm dưới võng. Y quay ra cầu thang dẫn lên boong cao nhất, nơi y hy vọng sóng yếu sẽ truyền được tín hiệu vào bờ biển.
Khi bước xuống hành lang hẹp, trong đầu y soạn lại thông điệp lần nữa. Một điều duy nhất khiến y hối tiếc, đó là không thể viết thêm vào họ tên và tư cách của mình cho dù y muốn. Ngay cả Hitler cũng kín đáo ngưỡng mộ thành quả của German-American Bund - nhóm Do thái cuồng bạo và ác liệt - đến nỗi đích thân Quốc trưởng phải công khai phủ nhận điều đó. Những lời nói của Heinsler sẽ chẳng được chú ý nếu y thêm bất kỳ ám chỉ nào đến nhóm người Mỹ này.
Như thế, thông điệp đặc biệt này chắc chắn sẽ không bị làm ngơ.
Gửi Trung úy SS, Hamburg: Tôi là người trung thành với Chủ nghĩa Phát xít. Được tin một tên có liên hệ với Nga âm mưu gây ra thiệt hại ở cấp cao tại Berlin trong vài ngày tới. Vẫn chưa rõ thân phận hắn, nhưng sẽ tiếp tục tìm hiểu vấn đề, hy vọng sớm gửi tin.
Gã đã sống sót khi tập đối kháng.
Không có cảm giác nào giống thế này. Nhảy nhót trong đôi giày da, các cơ bắp nóng lên, làn da vừa mát lạnh vì mồ hôi vừa nóng rát vì máu chảy
trong người, nguồn phát điện trong cơ thể không ngừng chuyển động. Cả cơn đau nữa. Paul Schumann tin rằng gã có thể học được rất nhiều từ cơn đau. Rốt cuộc, điều đó mới quan trọng.
Nhưng giống như bản thân môn quyền anh, gã thích tập đối kháng phần lớn vì thành bại chỉ dựa vào đôi vai rộng và mảnh khảnh, đôi chân lanh lợi, đôi tay mạnh mẽ và tư duy của gã. Trong đấm bốc, chỉ có bạn chống lại đối thủ, không có đồng đội hỗ trợ. Nếu bạn thất bại, thi tức là hắn ta giỏi hơn bạn. Đơn giản vậy thôi. Và nếu bạn thắng, công trạng là của bạn - bởi vì bạn đã nhảy dây, bạn từ bỏ rượu chè và thuốc lá, bạn dành hàng giờ, hàng giờ liền suy nghĩ cách phá lớp phòng thủ, tìm ra những điểm yếu của đối phương. Gã đã gặp may tại Ebbets Field và Sân vận động Yankee. Nhưng trên võ đài, sẽ không có may mắn như thế.
Lúc này gã đang nhảy nhót trên võ đài được dựng lên trên boong chính của tàu Manhattan, cả con tàu được biến thành một phòng tập thể dục bồng bềnh dành cho việc huấn luyện. Một trong số các võ sĩ quyền anh đã thấy gã từng đấm bao cát đêm qua, cậu ta hỏi gã sáng nay có muốn làm một cữ tập dượt trước khi tàu cập bến không. Ngay lập tức Paul đồng ý.
Giờ thì gã khéo léo tránh được vài cú móc trái kết hợp với cách di chuyển đặc trưng, khiến đối thủ của gã chớp mắt ngạc nhiên. Nhưng chưa kịp chuyển về thế thủ, gã ăn ngay một cú đấm mạnh vào bụng. Ban đầu gã cứng người lại - đã lâu lắm rồi gã không thượng đài - nhưng đi cùng gã trên tàu là một tay bác sĩ thể thao trẻ tuổi, thông minh tên là Joel Koslow, cậu ta nhìn gã chăm chú rồi bảo cậu ta có thể mặt đối mặt với một võ sĩ bằng nửa tuổi gã. “Cho dù tôi chỉ cầm cự được hai hoặc ba hiệp thôi,” cậu ta nói thêm kèm một nụ cười. “Những thằng nhóc này khỏe lắm. Tràn đầy năng lượng.”
Tất nhiên điều này đúng. Nhưng Paul không bận tâm. Thực ra, tập luyện càng khó khăn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu - bởi vì khóa học này sẽ cho gã tâm thế tốt nhất đương đầu với những gì đang chờ đợi gã ở Berlin, như tập dượt với một đối thủ vô hình, hay nhảy dây trên tàu mà ngày nào gã cũng
làm.
Paul tập hai hoặc ba lần một tuần. Gã rất thèm khát được tập cùng người khác, bất chấp việc gã đã bốn mươi mốt tuổi, vì gã chính là cuốn cẩm nang kỹ thuật đấm bốc biết đi. Gã tập ở bất kỳ đâu có thể, trong các phòng tập gym tại Brooklyn, trong các sàn đấu ngoài trời tại Coney Island và ngay trong những cuộc họp nghiêm túc. Damon Runyon là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Thể thao Thế Kỷ 20 - cùng nhà quảng bá huyền thoại Mike Jacobs và một số ký giả khác. Tự anh ta đưa Paul đến Trường Đua ngựa New York để tập luyện. Có đôi lần gã đã so găng với vài người trong số những huyền thoại. Gã còn tập trong cả các phòng gym, trong một tòa nhà nhỏ gần bến cảng West Side. Được rồi Avery, không quá phô trương nhưng cái nơi bẩn thỉu, dơ dáy và ẩm thấp này là một thánh đường chừng nào Paul còn quan tâm. Và Sorry Williams, người sống ở căn phòng sau luôn luôn giữ nơi này gọn gàng, lúc nào cũng có đá, khăn mặt và bia để xài.
Thằng nhóc giở trò nghi binh nhưng Paul biết ngay cú đấm mạnh sẽ đến từ đâu, gã khóa nó lại rồi giáng cho cậu ta một cú thật mạnh vào ngực. Tuy nhiên, gã cản trượt cú đấm tiếp theo, cảm thấy găng tay da giáng một cú vững chắc vào hàm. Gã di chuyển xa tầm tay của thằng nhóc, tránh cú đấm theo sau đó. Họ lại di chuyển vòng tròn.
Khi di chuyển trên tấm thảm, Paul để ý thằng bé rất khỏe và nhanh, nhưng gã không thể đứng cách đối thủ quá xa. Gã bị khao khát chiến thắng lấn át. Bạn cần có khao khát, dĩ nhiên, nhưng điều quan trọng là phải bình tĩnh quan sát cách thằng nhóc di chuyển, tìm kiếm những đầu mối cho biết cậu ta sẽ làm gì tiếp theo. Sự tỉnh táo này là điều tối quan trọng để trở thành một võ sĩ quyền anh vĩ đại.
Và nó cũng là điều thiết yếu đối với một sát thủ.
Gã gọi nó là chạm vào đá.
Bảy năm trước, ngồi trong một quán nhậu bình dân của Hanrahan trên phố 48, Paul đang chăm sóc một bên mắt tím bầm đau khôn tả. Nhờ cử chỉ
nhã nhặn của Beavy Wayne, hắn không thể đấm vào đúng giữa để cứu mạng gã, nhưng lạy Chúa, hắn có thể đánh trúng mí mắt gã. Khi Paul áp miếng bít tết rẻ tiền lên mặt, một tay da đen to lớn đưa đá hàng ngày xô qua cửa. Hầu hết những người đưa đá đều dùng móc vác những khối đá trên lung, tuy nhiên tay này mang bằng hai tay không. Chẳng buồn đeo găng. Paul nhìn tay da đen bước đi phía sau quầy bar, đặt khối đá vào ngăn.
“Này,” Paul gọi anh ta. “Xẻ ít đá cho tôi được không?”
Tay da đen nhìn vết tím bầm quanh mắt Paul rồi phá lên cười. Anh ta rút cái dùi đập đá trên giá, sau đó xẻ ra một miếng, Paul bọc nó vào khăn tay rồi áp lên mặt. Gã nhét một hào cho tay đưa đá, anh ta nói, “Cảm ơn.”
“Cho tôi hỏi,” Paul nói. “Làm sao anh mang được đá như thế? Không đau à?”
“Ôi nhìn này,” Anh ta giơ lên hai bàn tay to bè. Hai gan bàn tay chi chít vết bỏng, đã thành sẹo và nhợt nhạt như tấm giấy da bố gã hay dùng để in những giấy mời đẹp mắt.
Anh ta giải thích, “Đá cũng có thể khiến anh bị bỏng, giống hệt lửa. Và để lại sẹo. Tôi đã chạm vào đá lâu đến mức tôi không còn cảm giác nữa.” Chạm vào đá…
Câu nói này khiến Paul ấn tượng. Gã nhận ra chính xác điều này đã xảy ra trong công việc của gã. Gã tin rằng trong tất cả chúng ta đều có đá. Chúng ta có thể lựa chọn nắm chặt lấy hay không.
Lúc này đây, trong căn phòng tập thể dục tạm bợ này, cách xa nhà hàng nghìn dặm, Paul cảm thấy một chút tê liệt tương tự khi gã đánh mất mình trong kế hoạch cho một trận đấu tập. Găng chạm găng và da chạm da. Ngay cả trong bầu không khí mát lạnh buổi bình minh ngoài biển, hai đấu thủ đều ướt đẫm mồ hôi khi phải di chuyển vòng tròn, tìm kiếm những điểm yếu, cảm nhận những điểm mạnh. Có lúc sát gần nhau, có lúc rời xa nhau. Nhưng luôn luôn cảnh giác.
Không có may mắn như thế trên võ đài…
Albert Heinsler đứng sau một ống khói trên các boong cao của tàu Manhattan, cắm giắc vào bộ vô tuyến điện. Y rút ra chiếc chìa khóa bé xíu màu nâu đen rồi tra vào mặt trên cùng của thiết bị.
Y gặp chút rắc rối khi sử dụng máy phát của Italia - y cho rằng MuSSolini tỏ ra thiếu tôn trọng Quốc trưởng - nhưng đây chỉ đơn thuần là cảm tính, y biết rằng Allocchio Bacchini là một trong số những máy phát tốt nhất thế giới.
Khi các ống đã nóng lên, y xoay chìa khóa, chấm gạch, chấm gạch. Do tính chất nhiệm vụ, y ép mình phải tập luyện liên tục hàng tiếng đồng hồ. Y tự định thời gian ra cho mình từ trước khi tàu nhổ neo, y có thể gửi một tin nhắn có độ dài như thế này trong chưa đầy hai phút.
Nhìn trừng trừng vào bờ biển sắp tới, Heinsler hít một hơi sâu. Lên trên boong cao nhất này, không khí thật dễ chịu. Trong khi y không phải nhốt mình trong cabin, nôn khan rồi rên rỉ như hàng trăm hành khách và thậm chí là thủy thủ đoàn, y căm ghét nỗi sợ không gian kín dưới kia. Sự nghiệp kế toán viên tàu biển trước kia của y danh giá hơn công việc khuân vác, y có cabin to hơn trên boong tàu cao hơn. Nhưng chẳng hề gì - vinh dự được giúp đỡ đất nước thứ hai của y đủ át đi sự khó chịu.
Cuối cùng, trên bề mặt thiết bị vô tuyến sáng ánh đèn. Y cúi xuống, điều chỉnh hai số trên mặt rồi lướt ngón tay trên khóa Bakelite nhỏ xíu. Y bắt đầu phát tin nhắn được y dịch sang tiếng Đức khi ấn khóa lên xuống:
Chấm chấm gạch chấm… chấm chấm gạch… chấm gạch chấm… gạch gạch gạch… gạch chấm chấm chấm… chấm… chấm gạch chấm… Gửi Trung…
Y không thể gửi tiếp.
Heinsler thở hồng hộc khi một bàn tay túm lấy cổ áo y từ phía sau, lôi y lùi lại. Mất thăng bằng, y hét lên một tiếng rồi ngã oạch xuống boong tàu mềm mại bằng gỗ sồi.
“Không, không, đừng làm tôi đau!” Y vừa dợm đứng lên thì người đàn ông to lớn với gương mặt dữ tợn, mặc đồ đấm bốc, bàn tay nắm lại thành nắm đấm to tướng rút lại, rồi lắc đầu.
“Không được cử động.”
Heinsler lại nằm xuống, toàn thân run rẩy.
Thằng Phát xít chó chết…
Tay võ sĩ quyền anh vươn người về phía trước, tay rút dây ắc quy ra khỏi thiết bị. “Đi xuống,” gã nói, thu lại máy phát. “Ngay bây giờ.” Nói rồi gã kéo mật vụ A đứng dậy.
“Mày định âm mưu làm gì?”
“Cút đi,” tên đầu hói chửi, cho dù giọng nói run rẩy phản lại những lời của y.
Họ đang ở trong cabin của Paul. Chiếc máy phát, ắc quy và những thứ trong túi người đàn ông nằm vương vãi trên chiếc võng hẹp. Paul lặp lại câu hỏi, lần này thêm vào tiếng gầm gừ đáng sợ. “Nói cho tao biết…”
Một cú đập mạnh lên cửa ra vào. Paul bước lên phía trước, giơ nắm đấm lên mở cửa. Vince Manielli lao vào trong cabin.
“Tôi nhận được tin nhắn của anh rồi. Cái quái gì…?” Cậu ta chợt im bặt, nhìn chằm chằm tù nhân của họ.
Paul trao cho cậu ta cái ví. “Albert Heinsler. German - American Bund*.” “Ôi Lạy Chúa… Không phải là con đê.”
“Hắn có cái kia kìa.” Hất đầu về phía máy điện báo vô tuyến. “Hắn đang do thám chúng ta à?”
“Tôi không biết. Nhưng hắn ta đang phát đi thứ gì đó.”
“Làm sao anh phát hiện ra hắn?”
“Cứ cho là linh cảm đi.”
Paul không nói với Manielli rằng trong khi gã tin tưởng Gordon cùng
nhóm của ông ta đến thời điểm này, gã không biết có thể họ đã sơ hở đến thế nào trong trò chơi này. Có thể họ đã để lại một vệt đầu mối kéo dài đến một dặm - những ghi chép về con tàu, những lời nói bất cẩn về Malone hay một vụ hóa kiếp khác, ngay cả những ám chỉ đến chính bản thân Paul. Gã không nghĩ rằng có rất nhiều nguy cơ từ phía Phát xít, điều gã lo lắng là tin tức gã đang đi trên tàu này có thể đã lan đến tai đám kẻ thù cũ của gã tại Brooklyn hay Jersey và gã muốn mình được chuẩn bị. Nên ngay khi tàu rời cảng, gã rút ra tờ 100 đô la giúi vào tay ông phó thuyền trưởng có thâm niên. Với lời dặn ông ta tìm hiểu xem có bất kỳ thành viên thủy thủ đoàn nào không quen biết, có vẻ khép kín và hỏi những câu hỏi bất thường không. Kể cả bất kỳ hành khách nào có biểu hiện đáng ngờ.
Một trăm đô la đổi lại là rất nhiều công tác thám tử, tuy nhiên trong suốt cuộc hải trình, tay phó thuyền trưởng chẳng tìm được gì - cho đến sáng nay khi gã bị ngắt quãng. Trận đấu tập dượt với một Vận động viên Olympic cho gã biết rằng một số thành viên thủy thủ đoàn đang nói đến tay nhân viên khuân vác: Heinsler. Rằng y lảng vảng khắp nơi, không bao giờ dành thời gian cho đám thủy thủ - và điều kỳ lạ nhất - y bắt đầu phun ra những lời phi lý về Phát xít và Hitler mà không hề suy nghĩ.
Giật mình, Paul theo dõi Heinsler và thấy y ở boong trên cùng, đang lúi húi bên máy vô tuyến điện.
“Hắn đã gửi đi được gì chưa?” Lúc này Manielli hỏi.
“Sáng nay thì chưa. Tôi bước lên cầu thang sau lưng hắn, thấy hắn đang đặt vô tuyến điện. Hắn chỉ vừa đủ thời gian gửi đi có vài chữ thôi. Nhưng có thể cả tuần này hắn đang gửi tín nhắn đi rồi.”
Manielli nhìn xuống máy vô tuyến điện. “Có lẽ với cái máy này thì không đâu. Phạm vi của nó chỉ vài dặm thôi… hắn đã biết những gì?” “Hỏi hắn đi,” Paul nói.
“Rồi, anh bạn, tên anh là gì?”
Tên hói im lặng.
Paul cúi người về phía trước. “Nói!”
Heinsler nở một nụ cười kỳ quái. Y quay sang Manielli. “Tôi nghe các người nói chuyện. Tôi biết các người đang âm mưu cái gì. Họ sẽ chặn đứng các người…”
“Ai sai mày làm chuyện này? Có phải tố chức không?”
Heinsler chế giễu. “Chẳng ai sai tôi làm gì hết.” Y không còn giữ thái độ xun xoe, hèn hạ, nói liền một hơi không nghỉ với sự trung thành. “Tao trung thành với nước Đức Mới. Tao yêu Quốc trưởng và tao sẽ làm bất cứ điều gì vì Đảng, vì ông ấy. Và những kẻ như chúng mày…”
“Ồ, vậy sao,” Manielli lẩm bẩm. “Ý mày bảo nghe thấy bọn tao nói chuyện, nghĩa là sao?”
Heinsler không đáp. Y mỉm cười tự mãn mắt nhìn ra ô cửa sổ. Paul nói, “Hắn đã nghe cậu nói chuyện với Avery. Hai người đang nói cái gì?”
Tay trung úy nhìn xuống sàn. “Tôi không biết. Chúng tôi duyệt lại kế hoạch lần nữa. Chỉ là nói qua thôi. Tôi không nhớ chính xác.” “Trời ạ, ai lại đi nói trong cabin hả?” Paul ngắt lời. “Muốn nói phải lên trên boong để còn xem có ai theo dõi hay không chứ.”
“Tôi không nghĩ có ai đang nghe lén,” tay trung úy bào chữa. Một vệt dấu vết dài một dặm…
“Cậu định sẽ làm gì với hắn đây?”
“Tôi sẽ nói chuyện với Avery. Trên tàu này có khoang giam giữ. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tống hắn xuống đó cho đến khi tôi nghĩ ra.”
“Chúng ta có thể trao hắn cho lãnh sự quán tại Hamburg không?” “Có thể. Tôi không biết. Nhưng…” Cậu ta chợt im lặng, nhíu mày. “Mùi gì thế nhỉ?”
Paul cũng nhíu mày. Bất ngờ, một mùi hương có vị vừa đắng vừa ngọt tỏa đầy cabin.
“Không!”
Heinsler ngã vật xuống gối sau lưng, hai mắt trợn trừng trong hốc mắt, miệng y sùi bọt trắng. Cơ thể y đang co giật khủng khiếp.
Đó là mùi hạnh nhân.
“Cyanua!” Manielli thì thầm. Cậu ta chạy đến ô cửa sổ, mở tung ra. Paul lấy cái vỏ gối thận trọng lau miệng cho y, thọc tay vào túi tìm thuốc. Nhưng gã chỉ lấy ra được những mảnh thủy tinh. Nó đã vỡ tan rồi. Vào lúc Paul quay lại từ bồn với cốc nước nhằm rửa chất độc trong miệng thì y đã chết.
“Hắn đã tự sát,” Manielli thì thầm như điên dại, hai mắt trố ra nhìn trừng trừng. “Chỉ… Ngay đó. Hắn đã tự sát.”
Paul giận dữ nghĩ: Cơ hội tìm hiểu thêm thông tin thế là tiêu rồi. Tay trung úy vẫn nhìn trừng trừng cái xác, run rẩy. “Hoàn toàn bế tắc rồi, trời ạ.”
“Báo cho Avery đi.”
Nhưng Manielli dường như bị tê liệt.
Paul nắm chặt lấy cánh tay cậu ta. “Vince… báo cho Avery. Có nghe tôi không?”
“Cái gì… À, tất nhiên rồi. Andy. Tôi sẽ báo cho cậu ấy. Phải rồi.” Tay trung úy bước ra ngoài.
Vài quả tạ từ phòng tập thể dục buộc vào eo lưng là đủ dìm xác xuống đáy đại dương. Nhưng cái ô cửa sổ kia bề ngang chỉ có tám phân. Hành khách cũng đang chuẩn bị túa ra đầy các hành lang tàu Manhattan, không có cách nào mang thi thể đi qua tàu được. Họ sẽ phải đợi. Paul nhét thi thể vào dưới tấm chăn, chỉnh đầu quay sang bên như thể Heinsler đang nằm ngủ. Sau đó, gã rửa tay thật cẩn thận dưới bồn rửa nhỏ xíu, để chắc chắn phi tang bằng hết dấu vết của chất độc.
Mười phút sau có tiếng gõ cửa. Paul mở cửa cho Manielli vào trong. “Andy đang liên lạc với Gordon. Ở D.C giờ là nửa đêm rồi nhưng ông ta sẽ theo dõi chúng ta.” Cậu ta không thể ngăn mình ngó cái xác lần nữa. Cuối
cùng tay trung úy hỏi Paul, “Anh gói ghém xong chưa? Sẵn sàng đi chưa?” “Thay đồ xong tôi sẽ đi,” Gã liếc nhìn chiếc quần soóc và áo thun thể thao đang mặc trên người.
“Làm đi. Rồi đi lên trên. Andy nói chúng ta không muốn mọi thứ hỗn loạn. Anh biến mất, cả thằng cha kia cũng phải biến mất. Để giám sát không thể tìm được hắn. Chúng tôi sẽ gặp anh bên trái mạn tàu, boong chính, nửa giờ nữa.”
Liếc mắt lần cuối về phía xác Heinsler, Paul cầm theo va li và bộ đồ cạo râu bước vào phòng tắm.
Sau khi tắm rửa và cạo râu, gã mặc áo sơ mi trắng và quần dài bằng vải flannel xám, bỏ lại chiếc mũ cao bồi màu nâu vành ngắn. Ba, bốn người không thạo đi biển thường hay bỏ quên mũ rơm hoặc mũ nỉ mềm trên tàu. Mười phút sau, gã tản bộ dọc theo sàn boong bằng gỗ sồi cứng trong ánh nắng ban mai nhợt nhạt. Paul dừng chân, tựa người vào lan can châm một điếu Chesterfield.
Gã nghĩ đến người đàn ông vừa tự sát. Tự sát. Gã không bao giờ hiểu được điều này. Paul cho rằng cái nhìn trong đôi mắt của y cho thấy manh mối. Sự tỏa sáng của kẻ cuồng tín. Heinsler khiến gã nhớ đến cuốn sách gã đọc gần đây, sau một lúc gã đã nhớ ra: những kẻ mê muội đi theo một tên bộ trưởng là sứ giả phục hưng trong cuốn Elmer Gantry, tác phẩm nổi tiếng của Sinclair Lewis.
Tao yêu Quốc trưởng và tao sẽ làm bất cứ điều gì vì Đảng, vì ông ấy. Hẳn nhiên rồi, họa có điên mới mạo hiểm cả tính mạng mình như thế. Thế nhưng điều khó chịu hơn là những gì câu chuyện này kể cho Paul về dải đất xám gã đang nhìn chằm chằm. Ở đó còn bao nhiêu kẻ mang trong mình cảm xúc chết người này? Những kẻ như Dutch Schultz và Siegel rất nguy hiểm, nhưng bạn còn hiểu được chúng. Tuy nhiên việc người đàn ông đó đã làm, ánh mắt của y, sự trung thành đến nín thở của y… tất cả đều ngớ ngẩn, tất cả đều rất khác. Paul chưa bao giờ phải chống lại một kẻ như thế.
Dòng suy nghĩ của gã bị ngắt quãng khi gã nhìn sang bên, thấy một thanh niên da đen khổ người vạm vỡ đang bước về phía mình. Cậu ta mặc áo khoác của vận động viên Olympic màu xanh nhạt và quần soóc, phô ra đôi chân cơ bắp.
Hai bên gật đầu chào nhau.
“Xin lỗi ngài,” cậu ta nhẹ nhàng nói. “Ngài khỏe chứ?”
“Khỏe,” Paul đáp. “Còn cậu?”
“Hưởng thụ không khí ban mai. Trong lành hơn nhiều so với ở Cleveland hay New York.” Họ cùng nhìn ra mặt biển. “Lúc nãy có thấy ngài tập luyện. Ngài là dân chuyên nghiệp à?”
“Một lão già như tôi sao? Chỉ như tập thể dục thôi.”
“Tên tôi là Jesse.”
“Ồ vâng. Tôi biết cậu là ai.” Paul nói. “Viên đạn Buckeye từ bang Ohio.” Họ bắt tay nhau. Rồi Paul tự giới thiệu bản thân. Bất chấp cú sốc trước sự cố vừa xảy ra trong cabin của mình, gã vẫn không ngăn được mình cười toét. “Tôi có xem các bộ phim thời sự về Giải Vô địch Điền kinh Western Conference năm ngoái tại Ann Arbor. Cậu đã xô đổ ba kỷ lục thế giới. Và san bằng một kỷ lục khác, đúng không? Tôi xem đi xem lại phim đó chắc hàng tá lần rồi. Nhưng tôi dám cá rằng cậu mệt mỏi khi nghe người ta nhắc lại chuyện này.”
“Không, tôi không phiền một chút nào, thưa ngài.” Jesse Owens đáp. “Chi là tôi lúc nào cũng ngạc nhiên khi thấy người ta theo dõi sát sao việc tôi làm như thế. Chỉ chạy rồi nhảy thôi mà. Trong chuyến này tôi chưa được xem nhiều trận của ngài, Paul.”
“Tôi ở quanh đây mà,” Paul đáp, có ý lảng tránh. Gã tự hỏi liệu Owens có biết chuyện đã xảy ra với Heinsler không. Hay có nghe trộm không? Hay có thấy Paul túm cổ Heinsler trong boong cao nhất cạnh ống khói không? Nhưng gã cho rằng tay vận động viên này sẽ rắc rối hơn nhiều nếu mọi việc diễn ra như thế. Dường như trong tâm trí cậu ta có điều gì đó khác. Paul hất
đầu về phía boong tàu sau lưng họ. “Đây là cái phòng tập gym to nhất tôi từng thấy. Cậu thích nó không?”
“Tôi mừng vì có cơ hội được tập luyện, nhưng đường đua phải đứng yên cơ. Mà nhất định cũng đừng rung lên rung xuống như chúng ta trải qua mấy ngày trước. Khiến tôi nằm đo đất có ngày đấy.”
Paul nói, “Ra là hôm qua tôi đấu với một vận động viên quyền anh.” “Chính xác. Một anh chàng tốt bụng. Tôi đã nói chuyện một chút với anh ta.”
“Cậu ta khá đấy,” Paul đáp, không nhiệt tình lắm.
“Có vẻ thế,” tay vận động viên điền kinh nói. Rõ ràng cậu ta cũng biết đấm bốc không phải là thế mạnh của tuyển Mỹ, nhưng Owens không định chi trích anh bạn kia. Paul nghe nói rằng người da đen là những người Mỹ tốt bụng nhất, cậu ta xếp thứ hai sau cuộc thi đấu giữa những vận-động-viên nổi-tiếng-nhất trên tàu tối qua, sau Glenn Cunningham.
“Làm một điế…”
Owens phá lên cười. “Tôi không hút đâu.”
“Chắc tôi phải vứt hết thuốc và rượu đi mất. Người như các cậu sống lành mạnh quá.”
Thêm một tràng cười nữa. Rồi rơi vào im lặng khi chàng da đen lực lưỡng hướng ánh nhìn ra biển. “Paul này. Tôi muốn hỏi anh một câu. Anh lên đây là chính thức à?”
“Chính thức?”
Ý tôi là với ủy ban? Có thể như kiểu một vệ sĩ?”
“Tôi ư? Sao cậu hỏi vậy?”
“Nhìn anh tôi thấy anh giống, à như một người lính hay sao đó. Rồi cách anh đánh đấm. Anh biết rõ mình đang làm gì.”
“Tôi từng chiến đấu trong Thế chiến thứ I. Có lẽ, cậu đã nhận ra điều đó.” “Có thể.” Rồi Owens nói thêm. “Dĩ nhiên đã hai mươi năm trước rồi. Và hai chàng trai tôi thấy nói chuyện cùng anh. Họ là lính hải quân. Chúng tôi
nghe thấy họ nói chuyện với một trong số thủy thủ đoàn.”
Chúa ơi, một vệt đâu mối nữa…
“Hai anh chàng đó hả? Chỉ vô tình va phải họ trên tàu thôi. Thì tôi đang đi cùng mấy người các cậu mà… Nói với họ một tí về thể thao, đấm bốc tại Berlin, Thế vận hội. Tôi là một ký giả.”
“À, tất nhiên rồi,” Owens chậm rãi gật đầu. Dường như cậu ta lưỡng lự một lúc. “À, mà nếu anh là phóng viên, có thể anh biết một chuyện tôi sắp hỏi anh. Chỉ là tự hỏi anh có biết điều gì về hai anh chàng kia không?” Cậu ta hất đầu về phía mấy anh chàng đứng trên boong gần đó, đang chạy song song với nhau vượt qua dùi cui chuyển tiếp. Họ chạy nhanh như chớp.
“Họ là ai thế?” Paul hỏi.
“Sam Stoller và Marty Glickman. Họ là những người chạy rất tốt, hai trong số những người giỏi nhất chúng tôi có. Nhưng tôi nghe đồn rằng họ có thể không chạy. Tôi đang tự hỏi anh có biết điều gì về họ không?”
“Không, chẳng biết gì cả. Ý cậu là về vấn đề chuyên môn? Chấn thương à?”
“Ý tôi là vì họ là người Do Thái.”
Paul lắc đầu. Gã nhớ lại có đợt tranh cãi cho rằng Hitler không thích người Do Thái. Có vài sự phản đối đòi dẹp bỏ Thế vận hội. Vài người còn muốn nước Mỹ tẩy chay Thế vận hội. Damon Runyon đã từng nộ khí xung thiên khi biết Mỹ vẫn tham gia. Nhưng tại sao ủy ban của Mỹ lại gây ảnh hưởng lên các vận động viên chỉ vì họ là người Do Thái? “Đó là một thỏa thuận dở. Sẽ rất khó giành chiến thắng.”
“Không, thưa ngài. Không đời nào. Tôi chỉ đang nghĩ có thể ngài biết điều gì đó.”
“Xin lỗi, không giúp được anh bạn rồi,” Paul đáp.
Thêm một người da đen khác đến nhập bọn với họ. Ralph Metcalfe tự giới thiệu mình. Paul cũng biết người này. Cậu ta đã giành nhiều huy chương tại Thế vận hội Los Angeles năm 1932.
Owens để ý thấy Vince Manielli đang nhìn xuống họ từ boong cao hơn. Tay trung úy gật đầu và bước về phía cầu thang.
“Anh ta đây rồi. Người ngài vừa mới gặp trên tàu.” Owens nở nụ cười ranh mãnh trên gương mặt, không hoàn toàn tin rằng Paul là người thật thà. Đôi mắt tay da đen nhìn về phía trước đến vùng đất đang lớn dần. “Tưởng tượng xem. Chúng ta sắp đến Đức rồi. Không bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ du lịch theo kiểu này. Cuộc sống có thể trở nên cực kỳ thú vị, ngài có nghĩ vậy không?”
“Có thể,” Paul đồng tình.
Hai vận động viên điền kinh tạm biệt rồi chạy chậm bỏ đi. “Phải Owens không?” Manielli hỏi, bước lên trước tựa người vào lan can. Cậu ta xoay lưng lại với hướng gió, cuốn một điếu thuốc.
“Ừ,” Paul rút một điếu Chếtrfield ra khỏi bao, hai bàn tay khum lại khi châm rồi đưa que diêm đang cháy sẵn về phía Manielli. Cậu ta cũng châm thuốc. “Một người tốt.”
Dù hơi sắc sảo, Paul nghĩ.
“Chết tiệt, mấy tay này chạy được đấy. Cậu ta đã nói gì thế?” “Bọn tôi chém gió thôi,” Gã thì thầm. “Tình hình anh bạn chúng ta dưới kia sao rồi?”
“Avery đang xử lý,” Manielli mơ hồ đáp. “Cậu ấy đang ở trong phòng vô tuyến. Sẽ qua đây trong một phút nữa.” Một chiếc máy bay lướt qua đầu họ ở tầm thấp. Hai người cùng đứng xem trong im lặng.
Thằng nhóc có vẻ vẫn còn khiếp đảm vì vụ tự sát. Tuy nhiên, không phải theo kiểu của Paul, vì cái chết nhắc nhở gã về những kẻ khó chịu gã sắp đối đầu. Không, tay thủy thủ này bối rối vì cậu ta đã chứng kiến cái chết quá gần - hơn nữa lại là lần đầu tiên, điều này quá rõ ràng. Paul biết những thằng nhóc kiểu này có hai dạng. Cả hai loại cùng to mồm, cùng khoe khoang khoác lác, sở hữu những cánh tay vạm vỡ và nắm đấm mạnh mẽ. Nhưng một loại sẽ nhảy vào, bẻ ngón tay răng rắc và nắm lấy cơ hội -chạm vào đá - còn
loại kia thì không. Vince Manielli rơi vào loại thứ hai. Cậu ta thực sự là thằng khờ nhà hàng xóm. Cậu ta thích nói những câu như “sát thủ” hay “hóa kiếp” để tỏ ra mình hiểu chúng nghĩa là gì, nhưng cậu ta quá xa rời với thế giới của Paul, giống như Marion - cô nàng ngoan hiền đã tán tình một kẻ tồi tệ. Nhưng giống như lão trùm du thủ du thực Lucky Luciano đã từng nói với gã, “Tán tỉnh chẳng được cái quái gì đâu.”
Manielli dường như đang chờ đợi Paul bình luận về gã khờ mới chết. Điều gì đó như kiểu thằng cha này đáng chết. Hoặc giả thằng đấy óc bã đậu. Người ta ai cũng muốn nghe điều gì đó về người vừa mới chết. Rằng đó là lỗi của họ, rằng họ đáng chết hay đó là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cái chết chẳng bao giờ cân đối hay gọn gàng, tay sát thủ chẳng có gì để nói cả. Không khí im lặng đặc quánh lấp đầy không gian giữa họ. Một lúc sau, Andrew Avery đến nhập bọn. Tay cậu ta xách theo một tập tài liệu và một va li cũ đã mòn xác xơ. Cậu ta nhìn quanh. Chẳng có ai đang trong tầm nghe hết. “Kéo một cái ghế qua đây.”
Paul tìm thấy một cái ghế xếp màu trắng bằng gỗ và mang đến cho hai thủy thủ. Gã không cần phải mang ghế bằng một tay, dùng cả hai tay sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng gã thấy thích thú khi thấy Manielli nháy mắt nhìn gã nhấc bổng cái ghế rồi đung đưa, mặt không hề biến sắc. Paul ngồi xuống ghế.
“Đây là điện tín,” tay trung úy thì thầm. “Gordon không lo lắng về tay Heinsler này. Máy vô tuyến Allocchio Bacchini chỉ là máy vô tuyến điện nhỏ, được sử dụng ở công sự tạm thời hay trên máy bay, phạm vi ngắn. Kể cả dù hắn có gửi được tin nhắn đi, Berlin có khả năng sẽ không chú ý nhiều. Đối với chúng, tổ chức ấy là một nỗi ô nhục. Nhưng Gordon nói tất cả tùy thuộc ở anh. Nếu anh muốn rút ra, cũng không sao.”
“Nhưng không có tấm-thẻ-thả-tự-do,” Paul đáp.
“Không có thẻ nào cả,” Avery nói.
“Thỏa thuận này càng ngày càng ngọt ngào,” tay sát thủ bật lên tiếng cười
chua chát.
“Anh vẫn tham gia chứ?”
“Phải, tôi tham gia.” Hất đầu về phía boong dưới. “Xử lý cái xác sao rồi?” “Sau khi mọi người xuống tàu, các tàu ngầm từ lãnh sự quán Hamburg sẽ đến giải quyết nó.” Avery vươn người sang bên, nói bằng giọng thấp, “Được rồi, đây là những gì sẽ xảy ra cho nhiệm vụ của anh, Paul. Sau khi tàu cập cảng, anh sẽ xuống tàu, còn tôi cùng Vince sẽ lo chuyện ở đây với Heinsler. Sau đó, chúng tôi sẽ đến Amsterdam. Anh ở lại với các đội tuyển. Sẽ có một buổi lễ chào mừng ngắn tại Hamburg, sau đó mọi người lên tàu hỏa tới Berlin. Các vận động viên sẽ có một buổi lễ nữa vào tối nay nhưng anh phải đi thẳng đến Làng Olympic, rồi ẩn náu cho kỹ. Sáng ngày mai, anh hãy bắt
xe buýt đến Tiergaten - đó là Công viên Trung tâm của Berlin.” Cậu ta trao cho Paul một va li. “Nhớ mang cái này theo.”
“Gì thế này?”
“Một phần trong vỏ bọc của anh. Thẻ báo chí, rồi giấy bút. Rất nhiều thông tin cơ bản về Thế vận hội và thành phố. Một hướng dẫn đến Làng Olympic. Những bài báo, những bức ảnh cắt ra từ báo và các thống kê thể thao. Rồi những thứ một ký giả phải có. Anh không cần phải xem bây giờ đâu.”
Nhưng Paul vẫn mở va li và xem xét cẩn thận trong vài phút, ngó qua các nội dung. Avery bảo đảm với gã thẻ báo chí là thực, và gã không thể nhận ra bất kỳ điều gì đáng ngờ ở các nội dung khác.
“Anh không tin tưởng ai, đúng không?” Manielli hỏi.
Nghĩ rằng nện thằng nhóc này một cú thật mạnh thực sự rất vui. Paul đóng nắp va li lại, ngước mắt lên. “Thế còn hộ chiếu kia, hộ chiếu Nga của tôi?”
“Người của chúng tôi sẽ trao cho anh khi đến đó. Anh ta là tay giả mạo chuyên làm các giấy tờ Châu Âu. Bây giờ và ngày mai phải chắc chắn rằng anh luôn mang va li theo người. Đó là cách anh ta sẽ nhận ra anh.” Cậu ta
trải ra một bản đồ Berlin nhiều màu, lần theo tuyến đường. “Xuống ở đây, rồi đi theo đường này. Anh tìm đường đến quán cà phê có tên là Bierhaus.” Avery nhìn Paul đang chăm chú xem bản đồ. “Anh có thể mang nó theo, không cần phải ghi nhớ đâu.”
Nhưng Paul lắc đầu. “Các bản đồ cho người khác biết anh đang ở đâu và sẽ đi đâu. Đứng xem một bản đồ trên phố sẽ gây sự chú ý. Nếu anh bị lạc, tốt nhất là nên hỏi đường. Đó là người duy nhất biết anh là người lạ, không phải là cả một đám đông.”
Avery nhướn mày, ngay cả Manielli cũng không thể chế giễu gã về điểm này.
“Gân quán cà phê có một con ngõ nhỏ. Ngõ Dresden.”
“Nó có tên à?”
“Tại Đức, các con ngõ đều có tên. Một con ngõ trong số đó là Dresden. Đó là một lối tắt. Không cần biết nó sẽ dẫn đến đâu. Vào buổi trưa, anh cứ bước vào trong hẻm rồi dừng lại. Như kiểu anh bị lạc. Người của chúng tôi sẽ tiến đến chỗ anh. Anh ta là người mà Thượng Nghị sĩ đã nói với anh. Reginald Morgan. Reggie.”
“Mô tả anh ta đi.”
“Lùn. Có ria mép. Tóc hơi đen. Anh ta sẽ nói tiếng Đức và là người lên tiếng trước. Một lúc sau anh hỏi, “Chuyến tàu nào tốt nhất đến Alexanderplatz?” Và anh ta sẽ đáp, “Chuyến tàu số 138” Rồi anh ta sẽ ngừng lại, cân nhắc và nói, “Không, chuyến tàu 254 sẽ tốt hơn.” Anh sẽ biết đó là anh ta vì đó không phải là những số hiệu tàu thật.”
“Trông anh có vẻ vui nhỉ,” Manielli nói.
“Cứ như từ phim The Continental Op của Dashiell Hammett bước ra vậy.”
“Đây không phải là trò chơi đâu.”
Đúng, nó không phải trò chơi, những mật khẩu cũng không phải để đùa. Nhưng nó khiến gã thấy khó chịu, tất cả cái thuyết âm mưu này. Và gã hiểu
tại sao: Chính là vì gã đang phải phụ thuộc vào người khác. Paul ghét phải làm thế.
“Được rồi. Alexanderplatz! Các chuyến tàu 138 và 254. Thế nếu hắn làm rối tung câu chuyện thì sao? Nếu không phải là hắn?”
“Tôi tính tới chuyện đó rồi. Nếu thấy bất kỳ điều gì đáng ngờ, anh không được phép đánh hắn, không được tạo hiện trường. Chỉ việc mỉm cười rồi bước đi thật bình thường khi anh có thể, rồi đến địa chỉ này.”
Avery đưa cho anh một mẩu giấy, trên đó viết số nhà và tên phố. Paul ghi nhớ rồi trả mẩu giấy lại. Tay trung úy đưa cho gã một chìa khóa, gã bỏ tọt vào túi.
“Có một cung điện cũ ngay phía Nam cổng Brandeburg. Đó sẽ là Đại sứ quán Mỹ mới nhưng năm năm trước đã xảy ra một trận hỏa hoạn tồi tệ, nên vẫn đang phải tu sửa, các nhà ngoại giao vẫn chưa dọn sang đó. Thế nên người Pháp, người Đức hay người Anh cũng sẽ không lảng vảng quanh đó. Nhưng chúng ta, còn hai phòng thi thoảng vẫn dùng được. Có một máy vô tuyến điện trong phòng chứa đồ cạnh bếp. Anh có thể đánh điện cho chúng tôi ở Amsterdam và chúng tôi sẽ gọi cho Tư lệnh Gordon. Ông ấy và Thượng Nghị sĩ sẽ quyết định nên làm gì tiếp theo. Nhưng nếu mọi thứ ổn thỏa, Morgan sẽ quan tâm đến anh. Dẫn anh vào căn nhà trọ, tìm vũ khí cho anh và cung cấp cho anh tất cả mọi thông tin anh cần về… người anh sẽ ghé thăm.”
Bọn chúng tôi hay dùng từ hóa kiếp…
“Và nhớ này,” Manielli rất vui sướng được tuyên bố. “nếu ngày mai anh không xuất hiện tại Dresden, hoặc nếu anh trốn thoát khỏi Morgan sau đó, ông ta sẽ gọi cho bọn tôi và cảnh sát sẽ túa ra săn anh như săn thú đấy.”
Paul không nói gì, mặc kệ cho thằng nhóc khoe khoang. Gã nghĩ rằng Manielli vẫn thấy xấu hổ về phản ứng của mình trước vụ tự sát của Heinsler, nên cậu ta muốn gỡ gạc. Thực ra không có khả năng Paul đi làm cái trò đấy. Nhưng Gordon nói đúng: những kẻ sát thủ như gã chẳng bao giờ có được
một cơ hội thứ hai - chưa kể một khoản tiền để gã tận dụng hiệt đế cơ hội ấy. Rồi cả ba chìm trong im lặng. Chẳng còn gì nhiều mà nói nữa. Những âm thanh lấp đầy bầu không khí ẩm ướt, cay cay xung quanh họ: tiếng gió, tiếng ì oạp của những con sóng, tiếng các động cơ đang xoay của tàu Manhattan nghe trầm đục - sự pha trộn những âm thanh này mang lại cho gã cảm giác dễ chịu đến lạ lùng, bất chấp vụ tự sát của Heinsler và nhiệm vụ gian nan trước mắt. Cuối cùng, hai tay thủy thủ cùng xuống dưới.
Paul đứng dậy, châm một điếu thuốc rồi lại tựa vào lan can khi con tàu to lớn nhẹ nhàng cập cảng Hamburg. Mọi suy nghĩ hoàn toàn tập trung vào Đại tá Reinhard Ernst, một kẻ có vai trò quan họng căn bản đối với Paul Schumann, kẻ chẳng buồn quan tâm đến mối đe dọa tiềm năng của hắn đến hòa bình ở Châu Âu, cũng như đối với bao mạng người vô tội, ngoại trừ thực tế rằng, hắn là người cuối cùng tay sát thủ này sẽ giết.
Vài tiếng đồng hồ sau khi tàu Manhattan cập bến, các vận động viên cùng đoàn tùy tùng của họ lên bờ, một chàng thủy thủ trẻ tuổi từ con tàu đi qua cửa kiểm soát hộ chiếu của Đức, bắt đầu tản bộ qua các con phố ở Hamburg.
Cậu không có nhiều thời gian ở trên bờ - vì vẫn còn trẻ tuổi, cậu chi được phép vắng mặt trong 6 giờ - nhưng gần như cả cuộc đời cậu đã ở Mỹ, nên cảm thấy bị cuồng chân, cậu quyết tâm phải tận hưởng chuyến du lịch đầu tiên đến một đất nước xa lạ.
Anh chàng trợ lý nhà bếp có gương mặt nhẵn bóng, hai má đỏ hồng nghĩ rằng có thể có một số viện bảo tàng tuyệt đẹp trong thành phố. Biết đâu còn cả mấy nhà thờ trong tình trạng tốt nữa. Cậu mang theo chiếc máy ảnh Kodak, định bụng nhờ người dân địa phưong chụp cho mình mấy tấm lấy cảnh những chỗ này gửi về cho bố mẹ cậu luyện lại câu nói: (“Làm ơn, chụp cho tôi”*. Đó là chưa kể đến những quán bia hay quán nhậu… ai biết cậu có
thể tìm được trò giải trí gì nữa trong thành phố cảng xô bồ này? Nhưng trước khi có thể trải nghiệm một ít văn hóa thành phố, cậu vẫn còn mục tiêu phải hoàn thành. Cậu thấy lo lắng việc này có thể nuốt trọn thời gian quý giá của mình trên bờ, nhưng hóa ra cậu đã nhầm. Chỉ vài phút sau khi rời khỏi tòa nhà hải quan, cậu đã tìm đúng ngay thứ mình cần. Anh chàng tiến đến gần một người đàn ông trung niên mặc đồng phục xanh dương và đội mũ màu xanh đen. Cậu cố gắng nói bằng tiếng Đức, “Làm ơn…”
“Vâng, thưa Ngài.”
Nheo mắt lại, chàng thanh niên hỏi một tràng, “Bitte, du bist ein Polizist, ờ, hay là Soldat?”
Tay sĩ quan mỉm cười, nói bằng tiếng Anh, “Đúng, đúng, tôi là Cảnh sát và tôi là một người lính. Tôi giúp được gì cho cậu?”
Hất đầu xuống con phố, tay đầu bếp nói, “Tôi tìm thấy cái này dưới đất,” Cậu trao cho người đàn ông một phong bì. “Có phải cái từ này nghĩa là “quan trọng” không?” Cậu đưa tay chỉ vào mấy chữ trên bìa: Bedeutend. “Tôi muốn chắc chắn mình phải giao nộp cái này.”
Nhìn chằm chằm mặt trước phong bì, trong một lúc, tay cảnh sát viên không nói câu nào. Rồi anh ta lên tiếng, “Đúng, đúng rồi. ‘Quan trọng.’ ” Những chữ khác được viết lên trên phong bì là Für Obersturmführer - SS, Hamburg. Tay thanh niên chẳng hiểu chúng có nghĩa là gì, nhưng có vẻ khiến tay cảnh sát bối rối.
“Cái này rơi ở đâu?” cảnh sát viên hỏi.
“Rơi trên vỉa hè đằng kia.”
“Tốt. Rất biết ơn cậu,” Tay sĩ quan tiếp tục nhìn phong bì được niêm phong. Anh ta lật lật nó trong tay mình. “Cậu có thấy được ai đánh rơi nó không?”
“Không. Tôi chi thấy nó nằm đó và nghĩ rằng tôi sẽ làm một Người tốt.” “Ối chà, đúng rồi, Người tốt.”
“À tốt hơn tôi nên đi thôi,” anh chàng người Mỹ nói, “Tạm biệt.” “Cảm ơn,” tay cảnh sát lơ đãng nói.
Khi thẳng tiến đến một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất từng đi qua, chàng thanh niên tự hỏi chính xác trong lá thư ấy viết gì. Và tại sao người đàn ông cậu gặp trên tàu Manhattan hôm qua, tay nhân viên khuân vác AI Heinsler, lại đề nghị cậu chuyển nó đến tay một cảnh sát, hay một người lính địa phương sau khi tàu cập bến. Ai cũng đồng ý rằng thằng cha đó hơi ngớ ngẩn, ở cái cách mọi thứ trong cabin của y được sắp xếp ngăn nắp đâu ra đấy, không hề lộn xộn, quần áo của y lúc nào cũng là lượt cẩn thận. Ở cá tính khép kín của y và cái cách khi nói chuyện về nước Đức với đôi mắt lúc nào cũng long lanh.
“Tất nhiên rồi, là gì thế?” Tay thanh niên hỏi.
“Có một người lạ trên tàu, có vẻ hơi đáng ngờ. Tôi muốn người Đức biết về hắn. Tôi đang cố gắng gửi một tin nhắn vô tuyến điện nhưng có lúc chúng không hoạt động. Tôi muốn chắc chắn nhà cầm quyền nhận được nó.”
“Người lạ là ai cơ? À, chờ chút, tôi biết - có phải thằng cha béo mặc áo kẻ ca rô vừa say bí tỉ trên bàn của thuyền trưởng không?”
“Không phải, là người khác.”
“Thế sao không đi báo cho cảnh vệ trên tàu?”
“Đó là vấn đề của người Đức.”
“Ồ. Và anh không thể chuyển nó đi?”
Hai bàn tay chuối mắn của Heinsler xoắn vào nhau một cách đáng sợ, y lắc đầu. “Tôi không biết mình sẽ bận rộn thế nào. Tôi nghe nói cậu được ra ngoài. Điều thực sự quan trọng là những người Đức phải nhận được nó.” “Được rồi, tôi nghĩ vậy. Chắc rồi.”
Heinsler nói thêm bằng giọng mềm mại, “Một điều nữa: Tốt hơn là nên nói rằng cậu đã tìm được lá thư này. Nếu không họ có thể bắt cậu về đồn và tra hỏi cậu. Việc đó có thể mất đến hàng giờ. Mất hết thời gian được nghỉ phép của cậu đấy.”
Tay thanh niên cảm thấy hơi khó chịu trước âm mưu này.
Heinsler tận dụng thời cơ, nói thêm thật nhanh, “Đây là 20 đô. Lạy Chúa, tay thanh niên nghĩ, rồi nói với tay khuân vác, “Anh vừa tự mua một chuyến giao nhận đặc biệt đấy.”
Lúc này khi bước xa khỏi tay cảnh sát viên, thẳng tiến quay về bến cảng, cậu lơ đãng tự hỏi đã xảy ra chuyện gì với Heinsler. Từ đêm qua tới giờ cậu chưa hề gặp anh ta. Tuy nhiên, những ý nghĩ về tay khuân vác biến đi nhanh chóng khi cậu đến gần nơi mình đã nhận ra, có vẻ như là một lựa chọn hoàn hảo để cậu thưởng thức lần đầu nền văn hóa nước Đức. Tuy nhiên, cậu thất vọng khi thấy Câu lạc bộ Mèo Con Nóng bỏng của Rosa - cái tên mỹ miều được dịch hoàn hảo sang tiếng Anh - đã đóng cửa lâu dài, giống hệt mọi tụ điểm hấp dẫn khác trên bến cảng.
Rốt cuộc, nơi này sẽ lại biến thành nhà thờ hay bảo tàng thôi, tay thanh niên nghĩ kèm tiếng thở dài tiếc nuối.
Chương 4
Hắn thức dậy bởi tiếng con gà gô trắng cất cánh bay lên trời từ các bụi cây lý gai, ngay bên ngoài cửa sổ phòng ngủ của hắn ở ngoại ô Charlottenburg. Hắn thức dậy vì mùi hoa mộc lan.
Hắn còn thức dậy vì cơn gió trứ danh ở Berlin, mà theo lời mấy thanh niên và các bà nội trợ già, nó thấm đẫm bụi kiềm, kích thích những ham muốn trần tục.
Hoặc là do cơn gió kỳ diệu hoặc là do con người trong thời đại nhất định, Reinhard Ernst vẫn thấy mình đang hình dung người vợ tóc nâu quyến rũ, 28 tuổi của hắn, Gertrud. Hắn quay người sang để ngắm cô, nhưng hắn chi nhìn thấy nửa nhăn nhúm trên chiếc giường gấp của hai vợ chồng. Hắn không thể ngăn mình mỉm cười. Hắn mãi mãi bị kiệt sức vào những buổi tối sau khi làm việc 16 tiếng một ngày, vợ hắn luôn dậy sớm theo đúng tính cách của cô. Dạo sau này, khi đi ngủ hai vợ chồng còn hiếm khi nói với nhau vài câu.
Lúc này, hắn nghe thấy từ dưới nhà vang lên tiếng bát đũa lanh canh trong bếp. Đã 7 giờ sáng. Ernst mới chỉ ngủ được có bốn tiếng. Hắn vươn vai, cố nhấc cánh tay đau đớn càng xa càng tốt rồi mát xa, cảm nhận thấy miếng kim loại hình tam giác nằm gần vai hắn. Có cảm giác quen thuộc và thật kỳ lạ là hắn thấy dễ chịu đối với mảnh đạn ấy. Ernst tin vào chuyện gợi nhớ về quá khứ và trân trọng những kỷ vật suốt bao nhiêu năm tháng qua, cho dù chúng đã suýt cướp mất của hắn một cẳng tay và cả mạng sống.
Hắn xuống giường, cởi áo ngủ ra. Vì Frieda sắp đến nhà nên hắn mặc chiếc quần cưỡi ngựa vào, bỏ lại cái áo sơ mi, đi tới phòng nghiên cứu kề bên phòng ngủ. Tay đại tá 56 tuổi có mái tóc xám ôm khít cái đầu tròn. Những nếp nhăn hình thành quanh miệng hắn. Chiếc mũi nhỏ của hắn theo
kiểu Roman và đôi mắt nằm sát gần nhau, khiến hắn vừa có vẻ ngoài trí thức vừa có vẻ ngoài của kẻ săn mồi. Những đường nét này khiến đồng đội tặng cho hắn biệt danh “Ceasar” từ Thế Chiến thứ I.
Trong cả mùa hè, hắn cùng đứa cháu trai Rudy thường tập thể dục cùng nhau vào buổi sáng. Cùng lăn trái bóng thể dục, cùng nâng chùy thể dục, hít đất và chạy tại chỗ. Tuy nhiên, vào những ngày Thứ Tư hay Thứ Sáu, thằng bé tham gia khóa học hè được bắt đầu sớm tại trường nên Ernst buộc phải tập một mình. Một nỗi thất vọng đối với hắn.
Hắn bắt đầu hít đất và uốn gối được mười lăm phút. Đáng tập, hắn bỗng nghe thấy tiếng gọi, “Ông ơi!”
Hít thật sâu, Ernst dừng lại rồi nhìn xuống sảnh. “Chào cháu, Rudy.” “Xem cháu vẽ gì này,” Thằng nhóc bảy tuổi mặc đồng phục, tay giơ lên một bức tranh. Ernst không có kính nên không nhìn được bức tranh rõ ràng. Nhưng thằng bé nói thêm, “Là con đại bàng.”
“Phải, dĩ nhiên rồi. Ông đoán được.”
“Và nó đang bay qua một cơn bão sét.”
“Cháu vẽ con đại bàng mới dũng cảm làm sao.”
“Ông có xuống ăn sáng không ạ?”
“Có, cháu nói với bà, ông sẽ xuống trong mười phút nữa. Hôm nay cháu ăn trứng chưa?”
Thằng bé đáp, “Cháu ăn rồi ạ.”
“Ngoan lắm. Trứng rất tốt cho cháu.”
“Ngày mai, cháu sẽ vẽ con chim ưng.” Thằng bé gầy mảnh khảnh, tóc vàng quay bước chạy xuống gác.
Ernst trở về với bài tập của mình, nghĩ đến hàng tá vấn đề cần phải tham gia hôm nay. Hoàn thành xong chế độ tập luyện, hắn đi tắm nước lạnh, rũ sạch đi cả mồ hôi lẫn bụi kiềm. Khi đang lau khô người, điện thoại chợt reo vang. Hai tay hắn ngừng lại giữa chừng. Trong những ngày này, không cần biết chức quyền của anh trong chính phủ Phát xít cao đến đâu, một cuộc gọi
vào giờ lạ thế này đều phải quan tâm.
“Reinie.” Gertrud gọi, “Anh có điện thoại này.”
Hắn mặc chiếc áo sơ mi vào, chẳng buồn mang vớ hay giày, hắn bước xuống nhà, nhận ống nghe từ tay vợ.
“A lô? Tôi, Ernst đây.”
“Đại tá.”
Hắn nhận ra giọng một trong các thư ký của Hitler. “Chào cô, Lauer.” “Chào Đại tá. Lãnh tụ bảo tôi thông báo rằng Ngài phải có mặt tại Văn phòng Thủ tướng ngay lập tức. Nếu Ngài có bất kỳ kế hoạch nào khác, tôi e Ngài phải hủy hết.”
“Vui lòng chuyển lời cho Thủ tướng Hitler rằng tôi sẽ có mặt ngay lập tức. Trong văn phòng của Người à?”
“Chính xác là vậy.”
“Còn ai nữa tham dự không?”
Một thoáng ngập ngừng rồi cô ta đáp, “Đó là toàn bộ thông tin tôi được biết, thưa Đại tá. Hail Hitler!”
“Hail Hitler!”
Hắn gác máy nhưng vẫn nhìn chằm chằm cái điện thoại, tay vẫn đặt trên ống nghe.
“Ông ơi, ông không đi giày à?” Rudy chạy lên đứng bên cạnh hắn, tay vẫn nắm chặt bức tranh. Nó phá lên cười, nhìn bàn chân trần của ông nội. “Ông biết, Rudy. Ông phải đi mặc quần áo đã.” Hắn nhìn điện thoại một lúc lâu.
“Chuyện gì vậy ông? Có gì không ổn ạ?”
“Không có gì, Rudy.”
“Mẹ cháu bảo bữa sáng của ông đang nguội rồi kìa.”
“Cháu ăn hết món trứng của mình chưa?”
“Cháu ăn rồi ạ.”
“Nhóc ngoan. Bảo với mẹ và bà cháu là một lúc nữa ông sẽ xuống nhà.
Nhưng bảo họ cứ ăn sáng đi, không cần chờ ông.”
Ernst đi lên gác cạo râu, nhận thấy khao khát đối với người vợ cùng cơn đói trước bữa sáng đang chờ hắn đã biến mất sạch.
Bốn mươi phút sau, Reinhard Ernst đã đang bước qua hành lang tòa nhà Văn phòng Thủ tướng giao giữa phố Wilhelm và phố VoSS ở trung tâm Berlin, len lỏi qua đám công nhân xây dựng. Tòa nhà này cũ rồi - rất nhiều phần trong tòa nhà được xây từ thế kỷ XVIII - trở thành ngôi nhà cho nhiều lãnh đạo Đức kể từ Bismarck.
Đôi khi Hitler lại tung ra những tràng đả kích về sự xác xơ của kiến trúc - và cũng vì văn phòng Thủ tướng vẫn chưa xây xong - y không ngừng ra lệnh phải đổi mới tòa nhà cũ.
Tuy nhiên kiến trúc cũng như kết cấu không phải là vấn đề Ernst quan tâm lúc này. Mà hắn chỉ đang nghĩ đến hai điều: Những hậu quả cho sai lầm của hắn sẽ là gì? Tính toán sai của hắn sẽ tệ đến mức nào?
Hắn giơ cao cánh tay theo quán tính chào “Hail Hitler” với bảo vệ, anh ta nhiệt tình đứng nghiêm chào vị đại diện toàn quyền cho sự ổn định đất nước, một chức danh mà khi mang nó trên mình, hắn thấy nặng nề và đáng xấu hổ, như thể đi đôi giày ướt nhẹp, xơ cả chỉ. Ernst tiếp tục bước xuống hành lang, mặt vô cảm, chẳng biểu lộ chút gì những ý nghĩ rối tung trong đầu về tội lỗi hắn phạm phải.
Và đó là tội gì?
Tội không chia sẻ thông tin với Lãnh tụ.
Có lẽ đây chỉ là một vấn đề nhỏ tại các nước khác, nhưng ở đây nó có thể biến thành vấn đề trọng yếu trong việc bảo vệ thủ đô. Thế nhưng đôi khi bạn không thể chia sẻ tất cả. Một khi bạn đã cung cấp cho Hitler tất cả chi tiết về một ý tưởng, tư duy của y có thể gạt đi hết những khía cạnh quan trọng nhất của ý tưởng đó và thế là tiêu, chết không một lời trăn trối. Đừng bao giờ bận
tâm đến việc bạn chẳng thu được lợi ích cá nhân nào, mà chi nghĩ đến lợi ích tốt nhất của Tổ quốc.
Nhưng nếu bạn không nói với y… Ôi, vấn đề sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Trong bộ óc hoang tưởng của mình, y có thể quyết định rằng bạn đang ỉm thông tin vì lý do nào đó. Rồi những con mắt sắc lạnh của bộ máy an ninh của Đảng sẽ chĩa vào bạn và những người bạn yêu thương… đôi khi điều đó có thể gây ra những hậu quả chết người. Và Reinhard Ernst tin rằng đến giờ này, chuyện đó đã xảy ra, xét theo những lệnh triệu tập bí mật và ép buộc dự họp sớm, ngoài dự kiến thế này. ĐỆ TAM ĐẾ CHẾ là hình ảnh hiện thân của trật tự, cấu trúc và quy củ. Bất kỳ điều gì khác thường đều đáng báo động.
Ôi, lẽ ra hắn nên nói với y điêu gì đó về Nghiên cứu Waltham, khi suy nghĩ lần đầu tiên hình thành trong đầu hắn tháng Ba năm ngoái. Tuy nhiên, Lãnh tụ, Bộ trưởng Quốc phòng Von Blomberg và chính bản thân Ernst vẫn còn bận rộn với việc chiếm lại Rhineland đến mức nghiên cứu bị xếp sau nước đi liều mạng giành lại phần lãnh thổ rơi vào tay Đồng Minh theo Hiệp ước Versailles. Và thật tình mà nói, nghiên cứu này phần nhiều dựa trên công trình hàn lâm mà Hitler sẽ thấy nghi ngờ, nếu không muốn nói là khiến y kích động. Đơn giản là Ernst không muôn bàn đến vấn đề này.
Và bây giờ hắn phải trả giá vì thiếu sót đó.
Hắn thông báo với thư ký của Hitler và được cho vào.
Ernst bước vào trong phòng ngoài, thấy mình đứng trước mặt Adolí Hitler - nhà Lãnh tụ, Thủ tướng, là chủ tịch ĐỆ TAM ĐẾ CHẾ và là tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang, đang suy nghĩ như y thường xuyên làm: Nếu uy tín, năng lượng và khôn ngoan là những thành phần căn bản tạo nên quyền lực, thì đây chính là người đàn ông quyền lực nhất thế giới này.
Mặc đồng phục màu nâu và đôi giày ống đen sáng bóng, Hitler đang cúi xuống bàn lật lật mấy trang giấy.
“Chào ngài Lãnh tụ ” Ernst nói, gật đầu tôn kính và khẽ giậm gót giày,
gợi nhớ lại những ngày tháng trong Đệ Nhị Đế Chế đã kết thúc 18 năm trước với việc Đức đầu hàng và chuyến bay của Hoàng đế Wilhelm đến Hà Lan. Cho dù tất cả công dân đều phải chào “Hail Hitler” hoặc “Hail Victory”, nhưng cử chỉ trang trọng là điều hiếm thấy trong hàng ngũ tướng tá cấp cao hơn, ngoại trừ đối với những kẻ nịnh hót, ủy mị.
“Chào Đại tá,” Hitler ngước lên nhìn Ernst với đôi mắt màu xanh nhạt dưới hàng mi rủ - đôi mắt vì lý do nào đó tạo ấn tượng rằng y đang cân nhắc hàng tá chuyện một lúc. Mãi mãi không thể nào đọc được tâm trạng của y. Hitler tìm thấy tài liệu mình cần rồi quay lưng bước vào trong văn phòng được trang trí khiêm tốn. “Vui lòng vào cùng chúng tôi.” Ernst đi theo. Khuôn mặt điềm tĩnh của người lính không có phản ứng gì, nhưng trái tim hắn chùng xuống khi trông thấy những người khác có mặt trong phòng.
Vã mồ hôi với dáng người bệ vệ, Herman Göring đang nằm ườn trên chiếc ghế dài kêu cót két dưới trọng lượng của lão. Phàn nàn rằng mình lúc nào cũng bị đau, tên mặt tròn này luôn ngọ nguậy khiến người ta phải cúi mình trước lão. Mùi nước hoa Cologne dùng quá đà của lão bay khắp phòng. Tên Bộ trưởng Quốc phòng gật đầu với Ernst, hắn cũng gật đầu chào lại.
Một người nữa ngồi trên chiếc ghế chạm trổ công phu, đang nhấp ngụm cà phê, hai chân vắt chéo như dáng ngồi đàn bà, kẻ bù nhìn với cái chân bị tật Paul Joseph Goebbels, Bộ trưởng Tuyên truyền. Ernst không nghi ngờ gì kỹ năng của ông ta, ông là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng chỗ đứng vững chắc, đầu tiên của Đảng Phát xít tại Berlin và Phổ. Mặc dù vậy, Ernst vẫn xem thường ông ta, kẻ không ngừng nhìn chằm chằm Lãnh tụ bằng đôi mắt ngưỡng mộ. Vừa phút trước ông ta trình bày một cách hấp dẫn, đỏm dáng lời đồn đại nhơ bẩn về những nhân vật xuất chúng là người Do Thái hay là Đảng viên Đảng Xã hội, ngay phút sau ông ta lại chêm vào mấy cái tên diễn viên nổi tiếng của Đức trong UFA Studios. Ernst chào ông ta rồi ngồi xuống, nhớ lại một trò đùa gần đây đang được lan truyền: Mô tả tộc người Aryan lý tưởng. Phải làm sao để có được mái tóc vàng như của Hitler,
mảnh mai được như Göring và cao được như Goebbels.
Hitler trao tài liệu cho Göring với đôi mắt sung húp. Hắn ta đọc, gật đầu rồi nhét lại tài liệu vào tập hồ sơ bằng da xa xi mà không nhận xét gì. Lãnh tụ ngồi xuống, tự rót cho mình một cốc cacao. Y nhướn mày về phía Goebbels, ra ý ông ta nên tiếp tục bất kỳ điều gì họ đã, đang thảo luận. Ernst nhận ra số phận của hắn liên quan đến Nghiên cứu Waltham chắc sẽ còn bị quên lãng một thời gian dài nữa.
“Như tôi đã nói, thưa Lãnh tụ, rất nhiều du khách đến Thế vận hội sẽ quan tâm đến lĩnh vực giải trí.”
“Chúng ta có các quán cà phê và nhà hát. Chúng ta có các bảo tàng, công viên và rạp chiếu bóng. Họ có thể xem các bộ phim Babelsberg của chúng ta, xem Greta Garbo và Jean Harlow. Rồi Charles Laughton và Chuột Mickey.” Giọng nói nôn nóng của Hitler cho Ernst biết rằng y hiểu chính xác ý Goebbels nói đến loại hình giải trí nào. Tiếp theo sẽ là một tràng tranh luận dài và kiểu cách đến không thể chịu nổi về việc cho phép các ả điếm hợp pháp - “những cô ả kiểm soát” được cấp phép - một lần nữa bước ra phố. Ban đầu, Hitler phản đối ý tưởng ấy, nhưng Goebbels đã suy nghĩ thấu đáo vấn đề này nên tranh luận rất thuyết phục, cuối cùng Lãnh tụ đã xuôi xuôi, với điều kiện rằng không cho phép quá bảy nghìn phụ nữ trên toàn bộ phạm vi thủ đô. Tương tự, điều khoản trong Bộ luật Hình sự nghiêm cấm đồng tính luyến ái, Điều 175, sẽ tạm thời được nới lỏng. Có vô số lời đồn thổi về những sở thích riêng của Hitler - từ bệnh hoạn với những đứa bé trai, thú vật rồi cả phân người. Cho dù Ernst phải thừa nhận rằng con người này đơn giản không quan tâm đến tình dục, người tình duy nhất y khao khát chính là nước Đức.
“Cuối cùng,” Goebbels khéo léo nói tiếp, “có vấn đề hình ảnh công cộng. Tôi đang nghĩ đến việc nên chăng chúng ta cho phép phụ nữ mặc váy ngắn một chút.”
Khi người đứng đầu ĐỆ TAM ĐẾ CHẾ và sĩ quan quân đội của y tranh
luận, về độ dài váy, mức độ phụ nữ Berlin có thể được phép chạy theo thời trang thế giới, con sâu khó chịu tiếp tục gặm mòn trái tim Ernst. Tại sao tối thiểu hắn lại không nói đến tên của Nghiên cứu Waltham mấy tháng trước? Hắn có thể đã gửi thư lên Lãnh tụ, với dòng ám chỉ qua loa đến nghiên cứu này. Một nghiên cứu hiểu biết tất cả những vấn đề của ngày hôm nay.
Tranh luận vẫn tiếp tục. Rồi Lãnh tụ nói chắc nịch, “Váy có thể ngắn thêm 5 phân. Chỉ thế thôi. Nhưng chúng ta sẽ không ủng hộ trang điểm.” “Vâng, thưa Lãnh tụ.”
Một lúc im lặng khi đôi mắt Hitler chăm chú nhìn vào góc phòng như mọi khi. Sau đó, y liếc xéo về phía Ernst. “Đại tá.”
“Vâng, thưa ngài?”
Hitler đứng dậy bước đến bàn mình. Y cầm lên một tờ giấy rồi chậm rãi bước về phía những người kia. Göring và Goebbels vẫn nhìn xoáy vào Ernst. Cho dù mỗi tên đều tin rằng hắn là cố vấn đặc biệt của Lãnh tụ. Tận trong thâm tâm, hắn lo sợ rằng ân điển là tạm thời, hoặc kinh hoàng hơn, chỉ là hão huyền, và vào bất kỳ lúc nào hắn cũng sẽ ngồi đây, cho dù có thể không có được sự tự tin, điềm tĩnh của một đại tá, mà là giống như Ernst, một con lửng bị trói chặt.
Lãnh tụ vuốt hàng ria mép của y. “Một vân đề quan trọng.” “Dĩ nhiên, thưa Lãnh tụ. Tuy nhiên, tôi có thể giúp.” Ernst nhìn thẳng vào mắt y, trả lời chắc chắn.
“Nó liên quan đến không quân của chúng ta.”
Ernst liếc nhìn Göring với đôi má hồng hào bao quanh nụ cười giả tạo. Một phi công xuất sắc trong Thế Chiến thứ I (dù chính Nam tước Richthofen phản đối vì cho rằng lão luôn tấn công vào dân thường), giờ đây lão vừa là Bộ trưởng Không quân vừa là Tổng tư lệnh không quân Đức - riêng cái này là chức vụ lão thích nhất trong hàng tá chức vụ mình nắm giữ. Không quân cũng chính là chủ đề khiến Göring và Ernst gặp nhau thường xuyên nhất và tranh luận với nhau ác liệt nhất.
Hitler trao tài liệu cho Ernst. “Cậu đọc được tiếng Anh không?” “Một chút, thưa ngài.”
“Đây là thư do đích thân Charles Lindberg viết,” Hitler tự hào nói. “Anh ta sẽ tham gia Thế vận hội với tư cách vị khách đặc biệt của chúng ta.” Thật sao? Đây là một thông tin thú vị. Göring lẫn Goebbels cùng cười, vươn người về phía trước gõ gõ lên mặt bàn, cho thấy cả hai ủng hộ tin tức này. Ernst cầm lá thư bằng tay phải, phần mu bàn tay phải, giống như cái vai của hắn, có vết sẹo do mảnh đạn để lại.
Lindberg… Ernst đã từng say sưa theo dõi câu chuyện về chuyến bay xuyên Atlantic của người này, nhưng hắn còn xúc động hơn nhiều trước thông tin khủng khiếp về cái chết của con trai viên phi công. Ernst hiểu nỗi kinh hoàng khi mất đi đứa con. Vụ nổ kho vũ khí bất ngờ trên tàu cướp đi mạng sống của Mark đúng là bi kịch, đau đớn; đúng, nhưng ít nhất con trai của Ernst nắm quyền chỉ huy tàu chiến và còn được sống để thấy con trai mình, Rudy, chào đời. Để mất một đứa trẻ vào tay một tội phạm -đó là điều khủng khiếp.
Ernst xem tài liệu, hắn có thể hiểu được những từ ngữ thân mật, thể hiện mối quan tâm được chứng kiến những phát triển trong lĩnh vực hàng không của Đức gần đây.
Lãnh tụ nói tiếp, “Đây là lý do tại sao ta cho gọi cậu Đại tá. Một số người cho rằng, việc chúng ta chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh không ngừng tăng của chúng ta trên bầu trời, sẽ mang lại giá trị chiến lược. Ta thiên về hướng tự cảm nhận điều này theo cách của mình. Cậu nghĩ sao về một cuộc triển lãm hàng không nhân danh ngài Lindberg, theo đó chúng ta giới thiệu luôn máy bay một lớp cánh mới của chúng ta?”
Ernst thực sự nhẹ nhõm khi các lệnh triệu tập không nói về Nghiên cứu Waltham. Nhưng cảm giác này không kéo dài lâu. Những mối bận tâm của hắn một lần nữa nổi lên khi hắn cân nhắc điều mình được hỏi… và câu trả lời hắn phải đưa ra. Tất nhiên, “một số người” Hitler nói đến ở đây là
Hermann Göring.
“Máy bay một lớp cánh, thưa ngài, à…” Chiếc Me 109 của MeSSerschmitt là một cỗ máy giết người siêu việt, một chiến cơ với tốc độ ba trăm dặm một giờ. Trên thế giới còn nhiều chiến cơ một lớp cánh nữa, nhưng đây là loại nhanh nhất. Dù điều quan trọng hơn đó là Me 109 có kết cấu khung toàn bằng kim loại. Điều này Ernst đã ủng hộ trong một thời gian dài, vì với kết cấu này cho phép dễ sản xuất hàng loạt, có thể sửa chữa và bảo trì được ngay trên chiến trường. Cần phải có số lượng chiến cơ thật lớn nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ ném bom hủy diệt, Ernst đã lên kế hoạch, như sự chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xâm lược nào trên đất liền của quân đội ĐỆ TAM ĐẾ CHẾ.
Hắn nghiêng đầu như thể đang cân nhắc câu hỏi, cho dù chỉ vừa mới nghe, hắn đã đưa ra quyết định. “Tôi sẽ phản đối ý tưởng đó, thưa Lãnh tụ.” “Tại sao?” Đôi mắt Hitler sáng lên, một dấu hiệu cho thấy có thể sau đó là cơn thịnh nộ tam bành, có thể kèm theo là một điều khá tồi tệ: một màn diễn độc thoại bất tận, cường điệu về lịch sử quân sự hay hoạt động chính trị. “Phải chăng chúng ta không được phép tự vệ? Phải chăng chúng ta xấu hổ khi cho thế giới biết chúng ta từ bỏ vai trò hạng ba mà Liên minh cố ép chúng ta nhận lấy?”
Cẩn thận nào, Ernst nghĩ. Cẩn thận như một bác sĩ phẫu thuật đang lấy khối u ra. “Tôi không nghĩ đến hiệp ước năm 1918 của những kẻ đâm sau lưng,” Ersnt đáp, lấp đầy giọng nói của mình với sự khinh thường bản Hiệp ước Versailles. “Tôi đang nghĩ đến việc thật thông minh làm sao khi có thể cho người khác biết về loại máy bay này. Nó được kết cấu đủ khiến những ai quen thuộc với hàng không sẽ thấy là độc đáo. Họ có thể suy luận ra rằng loại này đang được sản xuất hàng loạt. Lindberg có thể dễ dàng nhận ra điều này. Bản thân ông ta đã từng thiết kế ra Linh Hồn Của St. Louise. Tôi tin là thế.”
Lảng tránh nhìn thẳng vào mắt Ernst, Göring lên tiếng đúng như dự đoán,
“Chúng ta phải bắt đầu cho các kẻ thù biết sức mạnh của chúng ta.” “Có lẽ,” Ernst chậm rãi nói, “khả năng sẽ là trưng bày một trong số các nguyên mẫu của 1-0-9 tại Thế vận hội. Sẽ được sản xuất bằng tay nhiều hơn so với các mẫu sản phẩm của chúng ta và không được gắn vũ khí. Chúng được trang bị các động cơ Rolls-Royce của Anh. Sau đó, cả thế giới sẽ được chiêm ngưỡng thành tựu công nghệ không được trang bị vũ khí của chúng ta trong khi thực tế là chúng vẫn đang sử dụng các động cơ của cựu thù. Điều này cho thấy bất kỳ hiệu quả tấn công nào đều vượt quá tầm suy nghĩ của chúng ta.”
Hitler đáp, “Có điều gì đó trong ý kiến của cậu, Reinhard… Rồi, chúng ta sẽ không triển lãm hàng không nữa. Chúng ta sẽ trưng bày nguyên mẫu. Tốt. Quyết định xong. Cảm ơn vì đã đến, Đại tá.”
“Lãnh tụ muôn năm.” Tràn ngập cảm giác nhẹ nhõm, Ernst đứng dậy. Hắn vừa ra đến cửa thì Göring lơ đãng nói, “À, Reinhard này, tôi chợt nghĩ đến một chuyện. Tôi tin rằng một hồ sơ của cậu đã bị gửi nhầm sang văn phòng tôi.”
Ernst quay lại dò xét khuôn mặt tròn trĩnh, đang mỉm cười kia. Tuy nhiên, đôi mắt ấy lại đang sôi sục vì kích động trước chiến thắng của Ernst trong cuộc tranh luận tay đôi. Lão ta muốn trả đũa. Göring liếc mắt. “Tôi tin rằng nó có liên quan đến… cái gì nhỉ? Nghiên cứu Waltham. Đúng rồi.”
Lạy Chúa trên Thiên Đàng…
Hitler đang không chú ý đến. Y trải ra trên bàn một bản vẽ kiến trúc và nghiên cứu nó chăm chú.
“Gửi nhầm?” Ernst hỏi. Bị một trong những gián điệp của Göring ăn cắp mới là nghĩa đúng của từ này. “Cảm ơn nhiều, ngài Bộ trưởng,” hắn nhẹ nhàng nói. “Tôi sẽ nhờ ai đó lấy hộ ngay lập tức. Chúc ngài một ngày tốt…”
Dĩ nhiên, trò đánh lạc hướng không hiệu quả. Göring nói tiếp. “Cậu gặp may khi hồ sơ đó được gửi sang chỗ tôi. Tưởng tượng xem ai đó có thể nghĩ đến việc xem văn bản của người Do Thái, có chữ ký của cậu trên đó.”
Hitler ngước mắt lên. “Cái gì thế?”
Mồ hôi vã ra đến kỳ lạ, như thường lệ Göring lấy tay lau mặt rồi đáp, “Nghiên cứu Waltham mà Đại tá Ernst tiến hành.” Hitler lắc đầu, tên Bộ trưởng vẫn kiên trì. “À, tôi cho rằng Lãnh tụ của chúng ta đã biết đến nó.” “Nói cho ta nghe,” Hitler yêu cầu.
Göring đáp, “Tôi chẳng biết gì về nó. Tôi chỉ nhận được -do gửi nhầm, như tôi đã nói - vài báo cáo do các tay bác sĩ tâm lý Do Thái viết. Một báo cáo của tay người Áo, Freud. Một báo cáo của WeiSS. Những người khác tôi không nhớ nổi.” Hắn vừa nói vừa cắn môi. “Mấy tên tâm lý học đó.”
Trong hệ thống phân cấp những kẻ Hitler căm ghét, người Do Thái xếp đầu bảng, những người Cộng sản xếp thứ hai và những người có trí tuệ xếp thứ ba. Các nhà tâm lý học đặc biệt bị gièm pha, chê bai vì họ chối bỏ thuyết chủng tộc - niềm tín rằng chủng tộc quyết định hành vi, một nền tảng quan trọng của tư tưởng Chủ nghĩa Quốc Xã.
“Có đúng không, Reinhard?”
Ernst hững hờ đáp, “Một phần công việc của tôi đó là đọc nhiều tài liệu về xâm lược và xung đột. Đó là nội dung trong những văn bản này.” “Cậu chưa hề nói điều này với tôi.” Và với bản năng đặc trưng đánh hơi được dấu hiệu nhỏ nhất của âm mưu, Hitler hỏi nhanh, “Bộ trưởng Quốc phòng Von Blomberg? Anh ta có biết đến nghiên cứu này của cậu không?’ “Không. Đến lúc này chưa có gì để báo cáo hết. Như cái tên cho thấy, nó chi đơn thuần là một nghiên cứu do Trường Đại học Quân sự Waltham thực hiện. Để thu thập thông tin. Chỉ thế thôi. Chẳng có gì quan trọng đâu.” Xấu hổ khi chơi trò này, hắn nói thêm, mượn chút ánh nịnh hót, bợ đỡ của Goebbels vào trong mắt. “Nhưng có khả năng các kết quả sẽ cho chúng ta thấy cách tạo ra một đội quân mạnh hơn, hiệu quả hơn nhằm đạt được những mục tiêu vinh quang ngài đã đặt ra cho Tổ quốc của chúng ta.” Ernst không đoán được liệu kiểu liếm gót này có tạo ra hiệu quả nào không. Hitler đứng dậy, rảo bước đến mô hình tinh tế các sân vận động của
Thế vận hội, nhìn chằm chằm một lúc lâu. Ernst có thể cảm thấy nhịp tim đang đập thình thịch ngay trên răng mình.
Lãnh tụ quay lại và quát lên, “Ta muốn được gặp kiến trúc sư của ta. Ngay lập tức.”
“Vâng, thưa ngài,” trợ lý của y nói, nhanh chóng quay ra phòng ngoài. Một lúc sau, có một người bước vào phòng, cho dù đó không phải Albert Speer, mà là Heinrich Himmler với bộ đồng phục đen, cằm mỏng, dáng người nhỏ nhắn và cặp mắt kính gọng đen khiến bạn quên rằng hắn là kẻ cầm đầu tuyệt đối của SS, Gestapo và mọi lực lượng cảnh sát khác trong nước.
Himmler đứng nghiêm chào đúng kiểu, hướng ánh mắt xanh xám đầy ngưỡng mộ của hắn về phía Hitler, y đáp lại bằng lối chào theo chuẩn riêng, một cái vỗ rất nhẹ lên vai.
Trùm SS liếc nhìn quanh phòng, kết luận rằng mình có thể chia sẻ bất kỳ tin tức nào đã mang hắn đến đây.
Hitler lơ đãng phác cử chi về phía bàn cà phê và sô-cô-la. Himmler lắc đầu. Ernst quan sát, thông thường trong sự kiểm soát tuyệt đối - gạt sang bên những ánh mắt xu nịnh dành cho Lãnh tụ - tay trùm mật vụ này hôm nay còn có vẻ cáu kỉnh với ông ta. “Tôi có một vấn đề an ninh quan trọng phải báo cáo. Một tư lệnh SS vừa nhận được một lá thư sáng nay đề ngày gửi là hôm nay. Nó được gửi đến tay anh ta theo chức danh, nhưng không nêu tên. Bức thư cho rằng một tên người Nga nào đó sắp gây “thiệt hại” tại Berlin trong vài ngày tới. Ở “các cấp cao,” lá thư viết vậy.”
“Do ai viết?”
“Hắn ta tự mô tả mình như một kẻ trung thành với Chủ nghĩa Quốc Xã. Nhưng hắn không nêu tên. Lá thư được tìm thấy trên phố. Chúng tôi không biết thêm gì hơn về nguồn gốc của nó.” Khoe ra hàm răng trắng hoàn hảo, đều tăm tắp, hắn nhăn mặt như một đứa trẻ thất vọng với cha mẹ của nó. Hắn bỏ kính xuống, lau mắt kính rồi đeo lên. “Dù là do kẻ nào gửi đến, hắn bảo
rằng hắn sẽ tiếp tục điều tra và sẽ báo cáo tung tích tên đó khi hắn biết. Nhưng chúng tôi không nhận được tin tức nào nữa. Phát hiện lá thư trên phố tức là thông tin người gửi đã bị chặn đứng và có lẽ đã bị giết. Chúng ta có thể không biết thêm được gì nữa.”
Hitler hỏi, “Ngôn ngữ là gì? Tiếng Đức à?”
“Vâng, thưa Lãnh tụ.”
“Thiệt hại. Kiểu thiệt hại gì nhi?”
“Chúng tôi không biết.”
“Ôi, lũ Bôn-sê-vich lại định phá rối Thế vận hội của chúng ta đây mà,” gương mặt Hitler tỏ dấu hiệu giận dữ.
Göring hỏi, “Cậu nghĩ tin này là xác thực chứ?”
Himmler đáp, “Có thể là chẳng có gì. Nhưng hàng chục nghìn người nước ngoài đang băng qua Hamburg những ngày này. Có khả năng ai đó biết được âm mưu và không muốn bị liên lụy, nên anh ta viết một lá thư nặc danh. Tôi sẽ thúc giục bất kỳ ai ở đây nên chú ý đặc biệt. Tôi sẽ liên hệ với các tư lệnh quân sự nữa, kể cả những bộ trưởng khác. Tôi đã ra lệnh toàn bộ các lực lượng an ninh phải tìm hiểu vấn đề.”
Giọng chim trong giận dữ, Hitler nổi xung, “Hãy làm những gì cậu phải làm! Mọi thứ! Không được phép làm hỏng Thế vận hội của chúng ta.” Và như thấy nản lòng, chưa đầy một giây sau đó, giọng của y bình tĩnh trở lại, đôi mắt xanh của y sáng lên.
Y vươn người về phía trước, rót sô-cô-la vào đầy tách của mình rồi đặt hai lát bánh mỳ nướng lên đĩa. “Bây giờ, mọi người vui lòng ra về. Cảm ơn mọi người. Ta cần cân nhắc vài vấn đề xây dựng.”
Y gọi một trợ lý đứng ở ngưỡng cửa. “Speer đâu rồi?”
“Anh ta sẽ đến ngay, thưa Lãnh tụ.”
Mọi người bước ra đến cửa. Trái tim Ernst đã trở lại nhịp đập bình thường, chậm rãi. Chuyện vừa xảy ra là điển hình cho phong cách làm việc trong nội bộ hàng ngũ chính quyền Chủ nghĩa Quốc Xã. Âm mưu ngầm có
thể gây ra những hậu quả khủng khiếp, chỉ đơn giản là biến mất như vụn bánh mỳ bị quét sạch trên ngưỡng cửa. Còn về âm mưu của Göring, lão… “Đại tá?” Hitler gọi.
Ernst dừng khựng, quay người lại.
Lãnh tụ đang nhìn chằm chằm mô hình, xem xét nhà ga được xây mới. Y nói, “Cậu sẽ chuẩn bị một báo cáo về Nghiên cứu Waltham của mình. Chi tiết vào. Sau đó, gửi cho ta vào ngày Thứ Hai.”
“Dĩ nhiên, thưa Lãnh tụ.”
Ở ngưỡng cửa Göring chìa cánh tay ra, lòng bàn tay hướng lên trên, cho Ernst ra trước. “Tôi cho rằng cậu sẽ nhận lại được những tài liệu bị gửi nhầm đó, Ernst. Và tôi hy vọng cậu cùng Gertrud sẽ tham dự bữa tiệc Thế vận hội.”
“Cảm ơn ngài, Bộ trưởng. Tôi sẽ thu xếp có mặt ở đó.”
Tối thứ Sáu, trời mù sương và ấm áp, thơm hương cỏ mới cắt, mùi đất bị xới tung lên và mùi thơm sơn mới.
Paul Schumann một mình tản bộ qua Làng Thế vận hội, cách phía Tây Berlin nửa giờ xe.
Gã đã tới đây không lâu trước đó, sau chuyến hành trình phức tạp từ Hamburg. Đó đúng là một ngày mệt rã rời. Nhưng cũng tiếp thêm cho gã sức mạnh và gã bừng lên niềm phân khích được đến một xứ sở xa lạ - ngôi nhà của tổ tiên gã - và sự hồi hộp trước nhiệm vụ mới. Gã trình thẻ nhà báo và được phép vào làng ở khu dành cho người Mỹ - hàng tá tòa nhà với sức chứa năm mươi đến sáu mươi người mỗi tòa. Gã để lại va li và ba lô của mình ở một trong số các phòng khách nhỏ ở phía sau, nơi gã sẽ ở lại vài đêm, lúc này gã đang dạo qua những khu đất trống. Khi nhìn quanh làng, gã thấy vui vui. Paul Schumann đã từng đến những khu thể thao gồ ghề hơn nhiều - chẳng hạn như phòng tập gym của gã, đã năm năm không được sơn lại, lúc
nào cũng bốc lên mùi mồ hôi, da mốc và bia, bất chấp Sorry Williams không ngừng ra công quét dọn. Tuy nhiên, ngôi làng này như đúng cái tên của nó: một thành phố với tất cả nét độc đáo riêng. Nằm trong một khu rừng cây phong, trải dài tuyệt đẹp với những vòng cung rộng, các tòa nhà thấp, trắng xóa với một cái hồ, những lối đi cong, những đường chạy và đi bộ, những sân tập luyện và ngay cả khu thi đấu thể thao riêng.
Theo cuốn sách hướng dẫn Adrew Avery để trong ba lô, ngôi làng có một văn phòng hải quan, cửa hàng tạp hóa, phòng báo chí, một bưu điện và ngân hàng, nhà ga, cửa hàng đồ dùng thể thao, gian hàng đồ lưu niệm, cửa hàng ăn uống và văn phòng du lịch.
Các vận động viên hiện đang có mặt dự lễ chào mừng mà Jesse Owens, Ralph Metcalfe và tay đấm bốc trẻ gã vừa hạ nốc ao nằng nặc kéo gã đi cùng. Nhưng bây giờ gã đang ở địa điểm sẽ tiến hành hóa kiếp kẻ khác, nên gã phải náu mình. Gã thoái thác, viện cớ phải hoàn thành vài việc cho các buổi phỏng vấn sáng hôm sau. Gã dùng bữa tại nhà ăn - thưởng thức một trong những miếng bít tết ngon nhất đời gã - và sau một chầu cà phê và Chesterfield, giờ gã đang đi bộ vòng quanh làng.
Điều duy nhất khiến gã thấy khó chịu, xét đến lý do gã có mặt ở đất nước này, đó là ở khu phức hợp phòng ngủ tập thể của mỗi nước đều được chỉ định một tên lính Đức, một “sĩ quan liên lạc”. Trong khu của Mỹ có một tên sắc mặt nghiêm nghị, trẻ măng, tóc nâu mặc đồng phục màu xám, có vẻ cực kỳ khó chịu bởi cái nóng. Paul cố gắng càng tránh xa hắn càng tốt. Người liên lạc ở đây, Reginald Morgan, đã cảnh báo Avery rằng Paul phải tuyệt đối đề phòng bất kỳ kẻ nào mặc đồng phục. Gã chỉ dùng cửa sau để vào phòng ngủ tập thể và chắc chắn rằng tên lính gác không bao giờ được nhìn rõ gã.
Khi gã tản bộ dọc theo vỉa hè được quét dọn cẩn thận gã trông thấy một trong số các vận động viên điền kinh người Mỹ cùng một phụ nữ trẻ và đứa bé, vài thành viên đội tuyển được mang theo vợ con và họ hàng. Điều này nhắc Paul nhớ đến cuộc nói chuyện với em trai gã tuần rồi, ngay trưóc khi
tàu Manhattan ra khơi.
Paul tự mình xa lánh em trai và em gái cùng gia đình họ đã mười năm rồi, gã không muốn mang lại cho cuộc sống của họ những tai họa vì bạo lực, và vết nhơ từ cuộc đời gã. Em gái gã sống tại Chicago - nơi gã hiếm khi đến thám, nhưng gã có gặp Hank một đôi lần. Nó sống tại Long Island, điêu hành một xưởng in thừa kế từ ông nội. Nó là một người chồng và người cha tốt, nó không hề biết chắc thằng anh nó làm gì để kiếm sống, ngoại trừ việc anh nó dính dáng đến mấy tên tội phạm và những kẻ xấu.
Cho dù Paul không chia sẻ chút thông tin riêng tư nào với Bull Gordon hay với những người khác trong Phòng Thẩm vấn, lý do chính gã quyết định đồng ý đến Đức làm nhiệm vụ này là muốn xóa bỏ đi lý lịch của mình. Việc xông pha nàv có thể là cơ hội cho gã kết nối lại với gia đình, giấc mơ của gã bao nhiêu năm qua.
Gã nhấp một ngụm whisky, rồi một ngụm nữa và cuối cùng nhấc điện thoại lên gọi cho em trai gã ở nhà. Sau mười phút nói chuyện phiếm căng thẳng về đợt nóng, đội bóng rổ Yankees và hai đứa con của Hank, Paul quyết định liều hỏi xem Hank có thể quan tâm đến việc có người làm cùng ờ Schumann Printing không. Gã nhanh chóng trấn an, “Tao không còn liên hệ gì đến đám cũ nữa đâu.” Rồi gã nói thêm rằng mình có thể đóng góp 10.000 USD làm vốn kinh doanh. “Tiền sạch đấy. Một trăm phần trăm.”
“Nhiều vậy,” Hank nói. Cả hai cùng phá lên cười trước câu nói này, một trong những kiểu nói ưa thích của cha họ.
“Có một rắc rối,” Hank nghiêm túc nói.
Paul hiểu rằng nó sắp nói từ chối, khi nghĩ đến sự nghiệp đen tối của anh trai.
Nhưng Hank nói thêm, “Chúng ta sẽ phải sắm một biển hiệu mới. Không còn đủ chỗ cho cụm từ “Xưởng In Anh em nhà Schumann” trên tấm biển em mua đâu.”
Băng giá đã tan, hai anh em bàn thêm chút về kế hoạch. Paul ngạc nhiên
thấy giọng Hank nghe như cực kỳ xúc động trước lời đề nghị này. Gia đình chính là điều quan trọng đối với Hank, và nó không thể hiểu tại sao Paul lại xa cách đến thế suốt mười năm qua.
Paul quả quyết cho rằng Marion cao ráo, xinh đẹp cũng sẽ thích cuộc sống đó. À, cô ấy thích tỏ vẻ mình là đứa con gái tồi tệ, nhưng đó chỉ là vai diễn thôi, Paul thừa biết nên chỉ cho cô hưởng ít gia vị của cuộc sống đê tiện ấy. Gã giới thiệu cô với Damon Runyon, cho cô uống bia bằng chai tại phòng tập gym, dẫn cô đến quán bar tại Hell’s Kitchen nơi Owney Madden sử dụng để quyến rũ các quý bà, bằng giọng chuẩn Anh của hắn và khoe khoang những khẩu súng ngắn báng bằng ngọc trai. Nhưng gã biết, giống như nhiều cô gái trường đại học nổi loạn khác, Marion rồi sẽ mệt mỏi với cuộc sống khó khăn, nếu cô thực sự phải sống cuộc sống đó. Làm gái nhảy rồi cũng chóng phai tàn, cô muốn làm một nghề gì khác ổn định hơn. Làm vợ một chủ xưởng in sung túc hẳn sẽ là lựa chọn.
Hank bảo rằng nó sẽ nói chuyện với luật sư, thảo một hợp đồng đối tác chờ Paul ký tên ngay sau khi quay về từ “chuyến đi công tác.” Lúc này, khi đã quay về phòng mình ở phòng ngủ tập thể Paul nhận thấy có ba thằng nhóc mặc quần soóc, áo sơ mi nâu và cà vạt đen, trên đầu đội mũ màu nâu có phong cách quân sự. Gã đã từng thấy hàng tá thanh niên ở đây hỗ trợ cho các đội tuyển. Bộ ba đi đều bước đến cột cao, nằm trên đỉnh là lá cờ Phát xít bay phấp phới. Paul đã thấy lá cờ này trong các cuốn phim thời sự, trong các tài liệu nhưng luôn là hình ảnh đen trắng. Ngay cả bây giờ, vào lúc chạng vạng, màu đỏ thẫm của lá cờ cũng trở nên đẹp nổi bật, tuyệt vời như máu tươi.
Một thằng nhóc để ý gã đang đứng xem bèn hỏi bằng tiếng Đức, “Ngài là vận động viên à? Ngài vẫn chưa đến dự buổi chào mừng chúng tôi đang tổ chức sao?”
Paul nghĩ tốt hơn không nên khoe các kỹ năng ngôn ngữ của gã, ngay cả với đội Hướng Đạo Sinh, nên gã đáp bằng tiếng Anh, “Xin lỗi, tôi nói tiếng
Đức không tốt lắm.”
Thằng nhóc chuyển sang nói ngôn ngữ của Paul, “Anh là vận động viên à?”
“Không, tôi là phóng viên.”
“Anh là người Mỹ hay người Anh?”
“Người Mỹ.”
“Ối chà,” thằng nhóc vui mừng nói bằng trọng âm nặng, “chào mừng đến Berlin, thưa Ngài.”
“Cảm ơn.”
Thằng nhóc thứ hai để ý ánh mắt của Paul và nói, “Anh thích lá cờ của Đảng chúng tôi không? Nói sao nhỉ, nó thật ấn tượng, đúng không?” “Phải, đúng vậy,” Những Sao và Vạch kẻ trông mềm mại hơn theo một cách nào đó. Kiểu lá cờ này, như đập vào mắt bạn.
Thằng nhóc đầu tiên nói, “Từng phần đều có ý nghĩa, một ý nghĩa quan trọng. Anh có biết chúng là gì không?”
“Không. Nói cho tôi biết đi.” Paul ngước nhìn lên lá cờ.
Thấy hân hạnh được giải thích, hắn ta nói rất nhiệt tình, “Màu đỏ, tức là chủ nghĩa xã hội. Màu trắng, không nghi ngờ gì nữa là chủ nghĩa dân tộc. Và màu đen… dấu thập ngoặc. Anh có thể gọi nó là swatiska …” Hắn nhướn mày nhìn Paul và không nói năng gì thêm.
“Vâng,” Paul nói. “Tiếp tục đi. Nó nghĩa là gì?”
Thằng nhóc liếc hai người bạn của mình, rồi lại quay sang Paul với nụ cười tò mò và nói, “Ôi chà, ành biết rồi còn hỏi.”
Với hai người bạn, hắn nói bằng tiếng Đức, “Bây giờ, tôi sẽ hạ cờ xuống.” Hắn mim cười lặp lại với Paul, “Anh biết rồi còn hỏi.” Nhíu mày tập trung, hắn hạ cờ khi hai tên kia vươn cao cánh tay, một trong những thế chào khô cứng bạn thấy ở khắp nơi.
Khi Paul quay về phòng ngủ tập thể, những thằng nhóc cùng hát một bài với giọng sôi nổi, không đều. Gã nghe thấy những đoạn ngắn lúc lên cao, lúc
xuống thấp trong bầu không khí nóng bỏng khi tản bộ đi xa. “Hãy giương cao lá cờ, hãy siết chặt hàng ngũ. Đội quân SA hành quân tiên lên với những bước chân vững chắc… Tránh ra, tránh đường ra cho những tiểu đoàn nâu, khi những đội quân Bão tố càn quét đất này… Tiêng kèn trumpet thúc giục trận tấn công cuối cùng. Chúng ta sẵn sàng đứng lên chiến đấu. Rồi chẳng bao lâu những con phố sẽ thấy lá cờ của Hitler tung bay, kiếp sống nô lệ của chúng ta rồi sẽ kết thúc…”
Paul quay lại, thấy chúng tôn kính gập lá cờ, rồi đều bước bỏ đi. Gã lẻn qua lối vào phía sau phòng ngủ tập thể rồi quay lại phòng mình. Gã tắm rửa, đánh răng, cởi bỏ áo quần, leo lên giường. Gã nhìn chăm chăm lên trần nhà một lúc lâu, đợi chờ giấc ngủ đến khi gã nghĩ về Heinsler - tên đã tự sát sáng hôm đó trên tàu, một sự hy sinh bạo liệt và ngu xuẩn.
Gã cũng nghĩ đến cả Reinhard Ernst.
Và cuối cùng, khi bắt đầu ngủ lơ mơ, gã nghĩ đến thằng nhóc mặc đồng phục nâu. Nhìn thấy nụ cười bí ẩn đó. Nghe đi nghe lại giọng nói của hắn: Anh biết rồi còn hỏi… anh biết rồi còn hỏi
Phần III
CÁI MŨ CỦA GÖRING Thứ Bảy, ngày 25 tháng 07 năm 1936
Chương 5
Những con phố của Berlin đều hoàn hảo, người dân thì dễ chịu. Nhiều người gật đầu khi gã bước qua. Mang theo chiếc va li cũ xác xơ, Paul Schumann đang bước về phía Bắc, đi qua Tiergaten. Lúc này là cuối giờ sáng ngày thứ Bảy, gã đang trên đường đến gặp Reggie Morgan.
Công viên thật đẹp, đầy cây cối sum suê, những lối đi, những mặt hồ, khu vườn. Trong Công viên Trung tâm New York, bạn sẽ không ngừng nhận thức được thành phố xung quanh mình, các tòa nhà chọc trời có thể nhìn thấy được ở bất kỳ đâu. Nhưng Berlin là một thành phố thấp, các tòa nhà cao ở đây rất ít. “Những tòa nhà chạm mây,” như câu gã nghe trộm một người phụ nữ nói với đứa con nhỏ trên xe buýt. Trên đường gã đi qua công viên, với những cái cây đen sì và thảm thực vật dày, gã mất đi bất kỳ ý thức nào rằng mình đang đi trong thành phố. Nó nhắc Paul nhớ những khu rừng rậm rạp vùng nông thôn New York, nơi ông nội gã dẫn gã đi săn mỗi mùa hè, cho đến khi ông già, ốm liệt giường, hai ông cháu mới dừng những chuyến đi.
Một cảm giác khó chịu tràn qua người gã. Thật quen thuộc: những cảm giác tăng lên khi bắt đầu một công việc, khi gã nhìn về phía văn phòng hoặc căn hộ của kẻ sắp bị gã hóa kiếp, đi theo con mồi và biết những gì gã có thể biết về con mồi. Theo bản năng thi thoảng gã dừng lại, thận trọng liếc mắt nhìn sau lưng, như thể tự đinh hướng. Có vẻ không ai theo dõi gã. Nhưng gã không thể nói chắc được. Khu rừng này có nhiều chỗ ánh sáng mờ và kẻ nào đó có thể dễ dàng theo dõi gã. Vài kẻ lôi thôi lếch thếch nhìn theo gã vẻ đáng ngờ rồi lẩn vào những hàng cây hay bụi rậm. Có khả năng là những kẻ sống lang thang hay vô công rồi nghề. Nhưng gã không dám mạo hiểm, nên đổi hướng vài lần để cắt đuôi bất kỳ kẻ nào có thể đang bám theo.
Gã băng qua con sông Spree tối tăm, u ám và thấy phố Spener rồi đi tiếp
về phía Bắc, tránh xa công viên. Gã tò mò để ý các ngồi nhà đang ở trong những tình trạng vô cùng khác nhau. Một số thì tráng lệ, trong khi các ngôi nhà kế bên có thể bị bỏ hoang hoặc mục nát. Gã đi qua một căn nhà cỏ dại nâu mọc đầy sân trước. Vào thời điểm nào đó, căn nhà này rõ ràng đã từng rất sang trọng. Giờ đây, hầu hết các cửa sổ đều vỡ nát, và ai đó mà gã nghĩ là những thằng nhóc lấc cấc, đã son vàng lên đó. Một dấu hiệu cho thấy có thể vào ngày thứ Bảy những nội dung bên trong sẽ được rao bán. Paul cho rằng có thể vấn đề là những khoản thuế. Chuyện gì đã xảy ra với gia đình này? Họ đã đi đâu? Các giai đoạn khó khăn, gã cảm nhận được. Những hoàn cảnh thay đổi.
Cuôí cùng mặt trời củng lặn…
Gã dễ dàng tìm thấy nhà hàng, trông thấy biển hiệu nhưng thậm chí còn không để ý chữ “Bierhaus”. Đối với gã từ này có nghĩa là “Nhà Bia.” Gã đang suy nghĩ theo kiểu người Đức. Kiến thức trong trường của gã cộng thêm hàng giờ sắp chữ tại xưởng in của ông nội cho gã khả năng dịch tự động. Gã nhìn lướt qua nơi này. Nửa tá người ăn trưa ngồi trên hàng hiên, nam cũng như nữ, phần lớn là những kẻ cô độc, đắm chìm trong món ăn hay tờ báo. Gã không thể nhận thấy sự bất thường nào.
Paul sang đường, đến con ngõ nhỏ Avery đã nói với gã, Ngõ Dresden. Gã bước vào trong con hẻm tối tăm, dịu mát. Còn vài phút nữa là đến trưa. Một lúc sau, gã nghe thấy tiếng bước chân. Sau đó, một người đàn ông vóc dáng vững chãi mặc bộ vest nâu kèm gi-lê rảo bước đến sau lưng gã, miệng ngậm một que tăm.
“Một ngày tốt lành,” ông ta vui vẻ nói bằng tiếng Đức, mắt liếc nhìn chiếc va li bằng da.
Paul gật đầu. Ông ta giống với những gì Avery mô tả về Morgan, mặc dù ông ta mập hơn Paul hình dung.
“Đây là một lối tắt tuyệt vời, cậu có nghĩ vậy không? Tôi dùng nó thường xuyên.”
“Chắc chắn là vậy.” Paul liếc nhìn ông ta. “Có lẽ ông giúp được tôi. Chuyến tàu nào tốt nhất đến được Alexander Plaza?”
Nhưng ông ta nhăn nhó. “Chuyến tàu? Ý cậu là từ đây đi à?” Paul càng cảnh giác hơn. “Đúng. Đến Alexander Plaza.”
“Tại sao cậu lại đi tàu? Đi xe điện ngầm nhanh hơn nhiều.” Được rồi, mình hỏi sai người rồi, Paul nghĩ. Chuồn thôi. Ngay bây giờ. Chỉ việc chậm rãi bước đi. “Cảm ơn ông. Như thế là tốt nhất. Chúc ông một ngày tốt lành.”
Nhưng đôi mắt Paul chắc phải lộ ra điều gì đó. Bàn tay người đàn ông để xuôi theo bên người, một cử chỉ Paul biết rõ, và gã nghĩ đến khẩu súng ngắn! Chết tiệt, chúng nó sai gã ra đây mà không được mang theo khẩu Colt. Paul nắm chặt tay lại thành nắm đấm và định bước lên, nhưng mặc dù trông mập mạp, đối thủ của gã lùi lại nhanh nhẹn đến ngạc nhiên, vượt khỏi tầm với của Paul, khéo léo rút ra khẩu súng ngắn từ eo lưng. Paul chỉ có thể xoay người và chạy. Gã rẽ tức khắc vào một ngách của con ngõ. Nhưng gã dừng khựng. Đó là ngõ cụt.
Tiếng giầy lạo xạo vang lên sau lưng, gã cảm thấy vũ khí của người đàn ông sau lưng mình, ngay chỗ tim gã …
“Đứng im,” người đàn ông tuyên bố bằng tiếng Đức âm yết hầu. “Bỏ va li xuống.”
Gã buông rơi va li xuống mặt đường đá cuội, cảm thấy khẩu súng rời khỏi lưng gã và chạm vào đầu, ngay phía dưới mũ của gã.
Bố ơi, gã nghĩ - không phải gã cầu thánh thần mà là cha mẹ gã, đã rời bỏ thế gian này mười hai năm rồi.
Gã nhắm mắt lại.
Mặt trời cuối cùng cũng lặn…
Phát súng vang lên bất ngờ, dội lại ngắn ngủi vào những bức tường của con ngõ, tiếp theo bị lớp gạch nuốt chửng.
Paul cúi người xuống, cảm thấy nòng súng ấn mạnh hơn nữa vào sọ gã,
rồi khẩu súng bị văng đi. Gã nghe thấy tiếng kêu của nó, nhìn lại tên vừa suýt giết gã giờ đang sõng soài dưới đất. Đôi mắt hắn ta mở to nhưng đờ đẫn. Một viên đạn găm vào một bên đầu hắn. Máu bắn tung tóe trên đất và bức tường gạch.
Gã ngước mắt lên, nhìn thấy một người khác, trong bộ trang phục bằng vải flannel màu xám đen, đang đến gần gã. Theo bản năng tự nhiên, gã vơ lấy khẩu súng ngắn của tên đã chết. Đó là dạng súng tự động có một cái chốt trên cùng, gã tin là một khẩu Luger. Nhằm vào ngực người đàn ông, Paul liếc mắt. Gã nhận ra người này đến từ quán Nhà Bia. Ông ta đang ngồi trên hàng hiên, cắm cúi xem một tờ báo - Paul cho là vậy. Ông ta đang nắm chắc khẩu súng ngắn, một khẩu tự động loại lớn, nhưng không chĩa vào Paul. Ông ta vẫn đang nhắm vào tên nằm dưới đất.
“Đứng im,” Paul nói bằng tiếng Đức. “Bỏ súng xuống.”
Ông ta không bỏ súng xuống nhưng cho rằng tên ông đã bắn không còn là mối đe dọa, nên bỏ tọt vũ khí của mình vào túi.
Ông nhìn lên nhìn xuống ngõ Dresden. “Suỵt,” ông thì thầm, rồi nghiêng đầu lắng nghe, sau đó chậm rãi đến gần. “Schumann phải không?” ông hỏi. Paul không nói gì. Khẩu Luger của gã vẫn nhắm vào người lạ, đang cúi xuống trước mặt kẻ bị bắn. “Đồng hồ của tôi.” Những từ này được thốt ra bằng tiếng Đức, trọng âm nhẹ.
“Cái gì cơ?”
“Đồng hồ của tôi. Đó là thứ tôi lấy ra.” Ông ta rút ra một chiếc đồng hồ bỏ túi, mở nó ra và giơ mặt pha lê lên trước mũi và miệng tên kia. Không còn dấu hiệu nào của hơi thở. Ông cất đồng hồ đi.
“Cậu là Schumann?” ông ta lặp lại, hất đầu về chiếc va li nằm dưới đất. “Tôi là Reggie Morgan.” Ông ta cũng khớp với mô tả Avery đã cung cấp: tóc đen, có ria mép cho dù ông ta mỏng cơm hơn nhiều so với tên kia.
Paul nhìn lên nhìn xuống con ngõ. Chẳng còn ai khác nữa. Màn trao đổi nghe có vẻ vụng về, với một xác chết trước mặt, nhưng Paul
vẫn hỏi, “Chuyến tàu tốt nhất đến được Alexander Plaza là chuyến nào?” Morgan đáp nhanh, “Chuyến số 1-3-8… Mà không, thực ra chuyến số 2- 5-4 tốt hơn.”
Paul liếc nhìn cái xác. “Vậy thì hắn là ai?”
“Để xem nào.” Ông cúi xuống cái xác, bắt đầu móc các túi áo, túi quần của hắn.
“Tôi sẽ giữ cái đồng hồ,” Paul nói.
“Tốt.”
Paul bước tránh xa ra. Rồi gã quay lại, dí khẩu Luger vào sau đầu Morgan.
“Ngồi yên.”
Ông ta cứng người lại. “Chuyện gì thế này?”
Paul đáp bằng tiếng Anh, “Cho tôi xem hộ chiếu của ông.” Paul cầm lấy cuốn sách nhỏ xác nhận rằng ông ta là Reginald Morgan. Dầu vậy khi trả nó lại, gã vẫn không bỏ súng xuống. “Mô tả ngài Thượng Nghị sĩ cho tôi. Bằng tiếng Anh.”
“Nếu cậu không phiền, bỏ tay ra khỏi cò súng được không,” ông ta nói bằng giọng nghe như ở đâu đó tại New England. “Được rồi, ngài Thượng Nghị sĩ hả? Ông ta sáu mươi hai tuổi, tóc bạc, cái mũi tập trung nhiều mạch máu hơn mức cần thiết do rượu Scotch. Và ông ta gầy nhằng như đường ray tàu điện, mặc dù ông ta chén rất nhiều xương thịt bò tại quán Delmonico khi ở New York và quán Earnie khi ở Detroit.”
“Ông ta hút thuốc lá gì?”
“Lần cuối cùng tôi gặp vào năm ngoái, thì ông ấy không hút gì cả. Vì bà vợ. Nhưng ông ấy có nói với tôi rằng ông ấy sẽ hút lại. Và thuốc ông ấy đã từng hút là xì gà của Dominica có mùi như sa thạch đang cháy ấy. Tha cho tôi được chưa, anh bạn. Tôi không muốn chết vì “lão già nào đó thích lặp lại thói quen xấu đâu.””
Paul cất súng đi. “Xin lỗi.”
Morgan tiếp tục xem xét cái xác, không thấy phiền trước bài kiểm tra của Paul. “Tôi thà làm việc với một người thận trọng, còn hơn với một kẻ bất cẩn vô tâm. Cả hai ta rồi sẽ sống lâu.” Ông thọc tay vào các túi quần áo kẻ đã chết. “Có ai khác đến chưa?”
Paul nhìn khắp ngõ Dresden. “Chẳng có ai cả.”
Gã nhận thấy Morgan đang nhìn chằm chằm vẻ chán ngán vào cái gì đó ông ta tìm thấy trong túi hắn và sau đó thở dài. “Được rồi. Ôi trời ơi, rắc rối rồi đây.”
“Gì thế?”
Ông giơ lên một thẻ, trông có vẻ là chính thức. Trên cùng là dấu một con đại bàng, bên dưới nằm trong một vòng tròn, là dấu thập ngoặc. Các chữ cái “SA” xuất hiện phía trên cùng.
“Thế này nghĩa là gì?”
“Bạn tôi ơi, nó có nghĩa là anh bạn mới vào thành phố chưa được một ngày, thế mà chúng ta đã xử xong một thành viên SA rồi đấy.”
Chương 6
“Cái gì cơ?” Paul Schumann hỏi.
Morgan thở dài. “Sturmabteilung. Đội Xung Kích Bão Tố. Hoặc Áo Nâu. Một kiểu quân đội của riêng Đảng này. Hãy nghĩ về chúng như những kẻ sát nhân của Hitler.” Ông lắc đầu. “Thế này thì tệ cho chúng ta rồi. Hắn không mặc đồng phục. Như thế có nghĩa hắn là Kẻ Ưu Tú Áo Nâu. Một trong những cấp trên của chúng.”
“Làm thế nào hắn tìm ra tôi?”
“Tôi không chắc hắn làm thế, cụ thể là không phải với cậu. Hắn đã ở trong bốt điện thoại kiểm tra mọi người qua lại trên phố.”
“Tôi không trông thấy hắn,” Paul nói, giận dữ với chính mình vì bỏ sót một tên theo dõi như thế. Mọi thứ ở đây đều chẳng có thứ tự gì hết, gã chẳng hiểu mình phải chú ý cái gì và không chú ý cái gì.
Morgan nói tiếp “Ngay sau khi cậu bắt đầu bước vào ngõ, hắn đã bám theo cậu. Tôi sẽ nói rằng đích thân hắn muốn đi tìm hiểu xem cậu định làm gì - một kẻ xa lạ trong khu vực. Những kẻ Áo Nâu đều sở hữu những lãnh địa của riêng mình. Chắc đây là lãnh địa của riêng hắn.” Ông nhăn nhó. “Nhưng dù sao việc chúng cảnh giác như vậy là điều bất thường. Câu hỏi là tại sao một tên SA cấp cao lại đi theo dõi một công dân bình thường? Lẽ ra chúng nên để việc này cho cấp dưới. Có thể một báo động nào đó được ban ra.” Ông nhìn chằm chằm cái xác. “Trong bất kỳ trường hợp nào, đây là một rắc rối. Nếu những kẻ Áo Nâu phát hiện một trong số thành viên của chúng bị giết, chúng sẽ không ngừng truy đuổi cho đến khi tìm được kẻ sát nhân. Phải, chúng sẽ làm đấy. Có đến hàng chục nghìn tên trong thành phố. Như bầy gián vậy.”
Cú sốc ban đầu vì bị bắn đã tan đi. Những bản năng của Paul đang quay
trở lại. Gã bước khỏi con ngõ cụt vào phần không gian chính của ngõ Dresden. Ngõ vẫn vắng tanh. Những ô cửa sổ đen ngòm. Không một chiếc cửa ra vào nào mở. Gã giơ một ngón tay về phía Morgan rồi quay ra lối vào ngõ, nhìn xung quanh ngõ, về phía Nhà Bia. Có vẻ không có ai trong số vài người trên phố nghe thấy tiếng súng.
Gã quay lại nói với Morgan rằng mọi thứ có vẻ an toàn, rồi bảo. “Vỏ đạn.”
“Cái gì?”
“Vỏ đạn. Từ khẩu súng của ông.” Họ nhìn xuống đất, Paul để ý thấy cái ống nhỏ màu vàng. Gã nhặt nó lên bằng khăn tay, lau sạch phòng trường hợp có dấu tay Morgan trên đó, rồi thả vào trong đường ống thoát nước. Gã nghe tiếng lanh canh một lúc cho đến khi nghe tiếng nước bắn tóe.
Morgan gật đầu. “Họ nói cậu là tay giỏi đấy.”
Không đủ giỏi để tránh khỏi bị bắt quay về Mỹ, vì một chuyện nhỏ giống như chuyện này.
Morgan mở con dao bỏ túi đã mòn xơ. “Chúng ta sẽ cắt hết các huy hiệu ra khỏi quần áo của hắn. Lấy đi hết đồ tùy thân.
Sau đó chuồn khỏi đây càng nhanh càng tốt. Trước khi chúng tìm ra hắn.” “Thế ‘chúng’ là ai?” Paul hỏi.
Một tiếng cười gượng gạo nở trên môi Morgan. “Bây giờ nói theo tiếng Đức, ‘chúng’ nghĩa là tất cả mọi người.”
“Tên Xung kích này có hình xăm không? Có thể là dấu thập ngoặc đó? Hay các chữ cái ‘SA’ ?”
“Phải, có khả năng.”
“Tìm xem có không. Trên hai cánh tay và ngực.”
“Và nếu tôi tìm ra một hình?” Morgan nhíu mày hỏi “Chúng ta có thể làm gì với nó?”
Paul hất đầu về phía con dao.
“Cậu đùa tôi à?”