🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Hầm bí mật bên sông Elbe
Ebooks
Nhóm Zalo
Hầm bí mật bên sông Elbe
- Tên sách: Hầm bí mật bên sông Elbe - Tác giả: Alexander Nasibov - Trọng Phan và Lê Anh dịch
- Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Năm xuất bản: 2001 (tái bản lần thứ 3) - Số hóa: Giangtvx
CHƯƠNG MỘT
1
Khoảng 10 giờ sáng, một chiếc xe lửa chạy tới nhà ga ngoại ô. Một ông già theo đám đông bước xuống sân ga.
Bề ngoài của người hành khách không có gì đặc biệt, râu ria đều bạc trắng và xén ngắn, đôi mắt đen dửng dưng và hơi có vẻ mệt mỏi, cái mũi nhỏ và cân đối. Ông ta mặc bộ áo quần bằng thứ vải rẻ tiền, đội mũ chụp bằng da cừu, thân hình khô đét, dáng điệu nhanh nhẹn, cứng rắn.
Sau khi ra tới quảng trường trước ga, ông ta đi về phía bể. Ở đây là những dãy nhà một tầng cũ kỹ xây bằng đá ong sù sì. Ông già đội mũ chụp lững thững dạo bước dọc theo dãy phố, liếc nhìn số nhà rồi cuối cùng đi đến một căn nhà lụp xụp đằng trước có mảnh vườn con.
Ông ta lượn hai lần trước căn nhà như để nghiên cứu. Sau đó tiến về phía cửa hàng thực phẩm gần đấy và đứng vào đuôi đoàn người đang xếp hàng dài trên vỉa hè cạnh lối ra vào.
Một giờ qua, ông già đã tới sát trước cửa ngôi hàng thì có một người từ trong căn nhà nhỏ đi ra. Nhác thấy người đó, ông già đằng hắng, nhấp nhổm đổi từ chân này sang chân nọ, rồi vội vàng móc trong túi ra một chiếc ví bằng da nai vàng. Ông ta mở ví, ngửng đầu lên, bắt gặp cái nhìn của người đàn bà có tuổi bế con đứng cạnh, liền lắc đầu ra vẻ bực tức. Bà kia hỏi:
- Có việc gì thế cụ?
Ông lão ngán ngẩm nhếch mép cười, bối rối càu nhàu:
- Đứng chầu chực mất bao nhiêu là thời gian! Thế mà lại quên mất phiếu ở
nhà!
- Thế thì cụ chạy về nhà đi, quàng lên, nếu không thì quá lượt mất. Ông già gật đầu ra vẻ cảm ơn rồi chạy lon ton trên hè phố.
Cái người vừa từ căn nhà nhỏ có vườn con đi ra đang bước đằng trước, cách chừng hai trăm bước. Đó là một người đàn ông cao gầy, mặc áo bluson bằng da hải ly và đội mũ bịt tai của bộ đội.
Chả mấy chốc hai người đã tới bến xe điện. Hành khách đang đợi đông nghịt. Hai mươi phút sau xe điện mới chạy đến. Mọi người đổ xô lên xe, rồi đoàn xe điện lao về phía trung tâm thành phố. Qua từng bến xe, người lên mỗi lúc một đông.
Ông già và người đội mũ quân phục đứng cạnh nhau.
Đột nhiên ông già vồ lấy túi áo và rú lên:
- Kẻ cắp!
Trong toa xôn xao. Ông ta thì vẫn sờ nắn trong mình, vỗ túi, thọc tay vào ngực áo rồi cả quyết nói:
- Mất cắp rồi! Nó cuỗm cái ví của tôi, trong đó lại có cả phiếu thực phẩm nữa chứ!
Bỗng ông già im bặt, suy nghĩ điều gì và quay phắt lại, mặt giáp với người đội mũ trùm tai.
- Đồ chó đẻ, chính mày xoáy của tao! Ví tao đâu? Giả đây hay là để tao gọi công an!
Lảng tránh ông già xấn xổ, gã kia bước giật lùi về phía cửa. Chợt khổ chủ kêu lên:
- Trông kìa! Trông đây này!
Ai nấy ngó xuống dưới. Chiếc ví da nai vàng đang nằm lăn lóc trên sàn xe
bẩn thỉu, ẩm ướt. Ông già xông tới túm lấy ngực gã ăn cắp. Xe điện đã đến bên đỗ. Ông già vừa chửi mắng không ngớt miệng vừa lôi tên móc ví ra cửa. Khi họ đã xuống đến bậc vỉa hè chợt tên này ưỡn thẳng người lên thụi cho ông già một quả rất nhanh vào đúng giữa ngực ngã lăn ra, rồi ù té chạy.
Hắn lủi theo phố vắng, nghiêng đầu, giơ quả đấm lên đe dọa. Chỉ còn mấy chục bước nữa là hắn rẽ vào một ngõ ngang, chạy qua đó cho tới đại lộ đông đúc và ở đây thì có mà giời tìm ra hắn trong dòng người cuồn cuộn.
Một đội tuần tra hiện ra trước mặt. Tên ăn cắp ngoái nhìn quanh. Đằng sau khoảng chừng mười người rượt theo, chạy tỏa ra khắp phố, do anh công an dẫn đầu. Khó mà lọt qua lưới bổ vây này. Nhưng thoát khỏi ba người lính có súng đang tiến đến đón đầu lại càng gay hơn. Trong giây phút quyết định tên thủ phạm thoáng thấy cái cổng trước sân nhà ai liền đâm bổ vào đó.
Khi những người đuổi bắt chạy được vào sân thì tên ăn cắp đang trèo thoăn thoắt trên chiếc thang cứu hỏa dựng vào tường một tòa nhà lớn. Hắn đã lên đến tầng thứ ba.
Hai chiến sĩ tuần tra đeo súng tiểu liên vào sau lưng rồi cùng trèo lên thang. Người lính thứ ba cùng với anh công an chạy vội vào cửa để trèo lên mái nhà bằng lối khác. Đám người hiếu kỳ xúm xít trong sân. Tên phạm tội trèo hết bậc thang và lẩn mất trước mắt họ...
Nhưng chỉ lát sau bóng người công an đã nhô lên trên mái nhà. Anh ta vẫy mũ để mọi người hiểu rằng tên ăn cắp đã bị bắt.
Anh công an trao hắn cho các đồng chí bộ đội giữ rồi chạy đi tìm khổ chủ.
Nhưng lão già biến mất tăm...
2
Một chiếc xe hơi con chạy đến tòa nhà của đồn công an. Hai người mặc thường phục từ trong xe bước ra và đi vào văn phòng đồn trưởng. Thiếu tá công an Shirokov đã được báo cáo trước bằng điện thoại, nên vội vàng bước ra đón. Anh nói với người khách đứng tuổi, cao lớn, đẫy đà: - Chúc sức khỏe đồng chí đại tá.
Người ấy gật đầu, bắt tay và trỏ vào người đi theo:
- Làm quen nhau đi. Đây là thiếu tá Semin.
Shirokov và Semin chào nhau.
Shirokov làm đồn trưởng công an đã được năm năm. Đồn này phụ trách một khu phố trung tâm của Baku. Nhiều lần trong công tác, anh đã được tiếp xúc với đại tá Cục an ninh quốc gia là Azizov. Đại tá thường phụ trách điều tra những vụ phức tạp. Shirokov đã tham gia hai bận vào những trận tác chiến do Azizov chỉ đạo.
Hôm nay việc gì đã đưa đại tá đến đây? Shirokov ngắm nghía cái đầu nặng nề cắt trọc, cặp má hồng hào và chiếc cằm tròn trĩnh của Azizov và chờ đợi.
Azizov móc bao thuốc lá ra mời hai sĩ quan, châm cho mình một điếu và bảo Semin:
- Đưa tấm ảnh ra.
Semin móc tấm ảnh rồi chìa cho Shirokov.
Ảnh chụp một người đàn ông trạc trung niên, gầy gò và chắc là cao.
Đồn trưởng công an chăm chú xem xét người trong ảnh có cặp lông mày trắng, đôi mắt cách xa, cái mũi hơi khoằm, cái cổ dài có quả lộ hầu to tướng. Xong anh trao trả tấm ảnh, nói:
- Không. Tôi không biết người này.
Câu trả lời có vẻ ngộ nghĩnh đối với đại tá. Ông ta mỉm cười. Shirokov cau mày, lại cầm lấy tấm ảnh.
- Không, cam đoan là không biết - anh cả quyết nói. - Thưa đại tá xin thề là tôi chưa hề gặp!
- Người này đã bị bắt - Azizov liền nói - hắn đang ngồi tù. Hơn nữa lại đang ngồi trong nhà tù của đồng chí.
Shirokov kéo bản tin tức ngày hôm ấy về phía mình.
- Một tên ăn trộm? - Anh hỏi - Móc túi trên xe điện phải không ạ? - Chính hắn - Semin xác nhận.
- Hẵng gượm, hẵng gượm... Nhưng các đồng chí chú ý tới hắn à? Azizov gật đầu.
- Thế thì tại sao lại có vụ móc túi? - Shirokov đứng dậy - Thế nào, hắn loạn óc à? Tôi chả hiểu ra sao cả.
- Chúng tôi cũng đang phân vân - Azizov nhún vai - Chúng tôi theo dõi hắn từ nửa tháng trước tại một nơi cách xa đây. Đang nghiên cứu. Có đủ căn cứ để dự đoán rằng hắn đến đây vì một công việc quan trọng. Hắn vừa bắt đầu hoạt động thì lại bị đồng chí bắt chỉ vì một vụ ăn cắp vặt!
Shirokov bấm chuông. Người giúp việc bước vào. Anh trao cho người ấy bản tin tức, lấy móng tay gạch chỗ nói về vụ ăn cắp trên xe điện. - Kiểm tra xem tên bị bắt ở đâu và ai tiến hành việc dự thẩm. Lát sau người giúp việc quay về và báo cáo là tên bị bắt đã thú nhận tội ăn
cắp. Azizov hỏi lại:
- Hắn nhận là có móc túi à?
- Lại còn tỏ vẻ ăn năn nữa là khác. Hắn thề rằng đây là lần cuối cùng. Azizov bảo đồn trưởng cho người giúp việc lui ra, nên chú ý hơn tới tên tù nhưng chưa nên hỏi cung. Sau đó ông cắm cúi xem xét các tài liệu dự thẩm. Vừa lật từng trang giấy ông vừa nói:
- Thế là hắn không mang theo giấy tờ trong người, hay nói đúng hơn là hắn đã quẳng đi trước khi bị bắt. Xưng tên là Alexander Schuko. Khai địa chỉ láo, chúng ta đã biết hắn ở đâu... Và hắn đã thú nhận hết! - Đại tá ngẩng đầu lên nhìn người sĩ quan giúp việc có vẻ dò hỏi.
- Lại còn nhận một cách dễ dàng như thế nữa chứ - Semin nói - vả lại hắn có thể chối phăng đi tất vì không có khổ chủ và nhân chứng cơ mà! - Việc này lạ thật!
Azizov đi đến bên cửa sổ, liếc nhìn ra phố:
- Thiếu tá ạ, không phải là lạ mà là xảo quyệt: người ta sẽ tin hắn, thôi việc dự thẩm, kết án tù một thời gian...
- Về tội ăn cắp - Semin thốt lên.
- Phải, về tội ăn cắp vặt. Hắn sẽ ngồi tù cho mãn hạn, có thể hắn sẽ vượt ngục. Thế là hắn lại được tự do và có thể tiếp tục công việc bỏ dở vì bị bắt!... Điều chủ yếu mà hắn e sợ là làm thế nào để đừng bị điều tra tỉ mỉ quá. Do đó mà hắn đã vội vàng thú nhận.
Đại tá quay lại bàn, giở tập giấy lấy trong cặp, trầm ngâm suy nghĩ. - Bây giờ tôi lại chú ý tới việc khác. Câu chuyện xẩy ra như thế nào để hắn lại trở thành vai ăn trộm và rơi vào tay công an? Việc này cần thiết cho kẻ nào?
3
Độ 3 giờ sau, chuông điện thoại reo lên trong văn phòng của Azizov. Đại tá nhấc ống nói và nghe thấy giọng của thiếu tá Shirokov.
- Thưa đại tá, đồng chí dặn hễ khi nào phát hiện được là báo cáo... - Ừ, ừ, nói đi!
- Thế thì một bà vừa đến gặp tôi... Đặc biệt bà ta không nói về Schuko mà về người khác, về khổ chủ...
- Tốt lắm - Azizov đứng dậy - Bảo bà ta đến chỗ tôi nhé.
- Thưa đại tá, rõ, sẽ đến ngay. Đồng chí ghi lấy tên bà ta: Orudzheva. Lát sau có tiếng gõ cửa văn phòng. Azizov mở cửa và thấy một người đàn bà bế con nhỏ. Ông hỏi:
- Bà là Orudzheva à?
- Chính tôi...
Đại tá mời bà khách vào phòng, gọi thiếu tá Semin tới rồi nói: - Chúng tôi xin nghe bà.
Bà Orudzheva bắt đầu kể:
- Nhà tôi ở gần cửa hàng thực phẩm lớn. Sáng nay, lúc mười giờ tôi đang đứng xếp hàng đợi mua thức ăn. Có một ông lão đứng đằng sau tôi. Đợi mãi, cuối cùng khi sắp đến lượt thì bỗng ông ta kêu lên: "Tôi quên mất phiếu ở nhà rồi. Biết làm sao bây giờ?". Tôi bảo: "Cụ hãy chạy về nhà lấy đi".
- Và ông ta chạy về à?
- Vâng... Hết giờ mà chẳng thấy ông già quay lại. Tôi lại nghĩ rằng đó là việc của người ta. Có lẽ ông ta thiếu tiền hay còn vì lý do gì đó nữa... Rồi tôi
ra về. Tôi đi đến bến xe điện để ra chợ thì lại trông thấy ông ta! - Ông già ấy à?
- Chính ông lão! Tôi toan đến gần bảo: sao cụ lại đánh lừa người ta thế? Sau tôi nghĩ lại rằng ở đời thiếu gì lý do. Nên tôi lại thôi. Hơn nữa xe điện lại vừa đến, tôi lên xe và cứ thế đi qua hai ga chẳng có việc gì cả. Thế rồi lúc sắp đến ga thứ ba, là lão ta làm om lên.
- Vẫn lão già ấy?
- Vẫn ông ta. Ông ấy kêu lên mất ví. Đáng lẽ thì tôi cũng không để ý làm gì, nhưng tôi thấy rằng ông ta nói dối.
- Sao bà lại dám chắc như vậy? Đề nghị bà giải thích tỉ mỉ. Việc này rất quan trọng.
- Ông ta kêu: "Tôi mất cắp cái ví, trong đó có phiếu thực phẩm" mà tôi thì đã biết đích rằng trong ví không có phiếu gì cả!
- Bà cứ kể thật tỉ mỉ đi.
- Chả là trước cửa hàng ông lão đã lục tung cái ví ra để tìm phiếu. Lúc ấy không thấy phiếu. Bây giờ bỗng phiếu ở đâu hiện ra... Tôi nói có đúng không?
- Bà cứ kể tiếp đi! - Azizov giục và mỗi lúc một chú ý tới câu chuyện của người đàn bà.
- Còn sau đó thì đồng chí cũng biết đấy... À, còn nữa! Khi người ta bắt được thằng ăn cắp trên mái nhà thì tôi cũng chạy vào sân xem. Tôi liếc nhìn quanh thấy lão già đứng bên cạnh. Khi ấy các đồng chí bộ đội và công an dẫn tên ăn cắp ra, mọi người xôn xao, ồn ào. Tôi mải nhìn xem đến khi quay lại thì lão ta biến mất đằng nào. Anh công an cũng tìm lão mà không thấy. Và tôi nghĩ rằng nên đến đồn công an. Có lẽ người kia bị vu oan... Nhưng tại sao
hắn lại chạy trốn, đồng chí thủ trưởng?
Azizov hỏi:
- Bà kể hết rồi à?
- Biết cái gì thì tôi cứ nói cái ấy.
- Chưa hết đâu - Semin cầm tờ giấy - Hình dạng lão già ra sao? Thử nhớ lại mặt mũi, áo quần, giầy mũ. Trạc bao nhiêu tuổi, cao thấp thế nào? Bà Orudzheva suy nghĩ một lúc rồi tả lại bề ngoài của lão già một cách khá chính xác.
Azizov ghé tai Semin thì thầm mấy câu. Thiếu tá đi ra rồi quay vào đặt một tấm ảnh xuống trước mặt Orudzheva.
Bà ta ngắm nghía tấm ảnh và nói quả quyết.
- Không. Đồng chí thủ trưởng ạ, đây là những người khác hẳn. Azizov dứng dậy:
- Cám ơn bà đã giúp chúng tôi. Nếu còn nhớ ra điều gì nữa thì cứ gọi điện thoại cho chúng tôi. Số điện thoại ghi trên mảnh giấy này.
Bà khách cẩn thận cất tờ giấy, bế con đi ra cửa.
CHƯƠNG HAI
1
Sau khi biết chắc rằng gã đội mũ trùm tai đã bị bắt, lão già lủi ra phố và vội vã đi ngược chiều. Lát sau lão lại tới căn nhà có mảnh vườn con đằng trước. Lão đứng mấy phút trước cái cửa mà một giờ trước đây gã lạ mặt đã từ đó đi ra, rồi cương quyết gõ cửa. Không có ai lên tiếng cả. Lão lại gõ lần nữa. Có tiếng bước chân sau cửa và một giọng hỏi:
- Ai ngoài kia?
- Có khách.
Cửa mở. Một người đàn bà có tuổi khoác áo choàng đứng trên ngưỡng cửa. Lão già vừa hỏi vừa mỉm cười nhã nhặn:
- Người thuê nhà của bà có nhà không?
- Không - Người đàn bà toan đóng cửa.
- Hẵng gượm. Nói thật ra tôi không cần gặp bản thân anh ta đâu... Tôi là bạn của anh ấy và theo lời anh ấy dặn tôi mang lại... cái này đây! - Lão chìa một gói nhỏ ra.
- Cụ cứ đưa cho cháu - người đàn bà ngửa lòng bàn tay bẩn ra - Cứ đưa đây, cháu sẽ chuyển hộ.
- Bà làm ơn - lão già nói và bước lên trước, nhưng chưa chịu buông cái gói ra khỏi tay - Tôi chỉ muốn viết mấy chữ... Ngồi viết ở đâu được nhỉ? Có thể vào trong phòng anh ta được không?
Người đàn bà lặng lẽ trỏ vào cửa, lão già đẩy cửa, bước vào căn phòng nhỏ có độc mỗi một cái cửa sổ trông ra sân. Cạnh tường kê chiếc giường sắt,
dưới giường để chiếc hòm bằng gỗ dán, cạnh cửa sổ kê chiếc bàn con với chiếc ghế đẩu.
Lão già ngồi vào bàn, rút sổ tay và bút chì ra. Lão không có vẻ vội vàng, cắn bút chì rất lâu, nắn nót từng chữ một. Bà chủ nhà đứng bên cửa, theo dõi. Ngoài hành lang có vật gì sủi xèo xèo. Ông khách hít hít không khí và bảo: - Hình như nhà bà có cái gì cháy thì phải?
Bà kia đâm bổ ra cửa. Nghe có tiếng chảo nổ, vật gì rơi xuống và lăn long lóc trên nền nhà.
Một phút sau, khi bà chủ quay vào phòng thì lão già vẫn ngồi nguyên như cũ nhưng đã thôi viết, hình như lão ta đang suy nghĩ điều gì lung lắm. Lão nói có vẻ lưỡng lự.
- Tôi sợ rằng anh bạn sẽ nhầm lẫn. Biết làm sao được?... Tốt hơn là sau này tôi sẽ ghé qua đây và giải thích mọi việc... Phải, phải, thế mà hơn. Bao giờ anh ta về bà nhỉ?
- Ai mà biết được hở cụ! - Bà chủ nhún vai - Đêm khuya ông ta mới về. - Thế càng tốt. Tối tôi sẽ ghé qua.
Và ông khách nhét cái gói vào túi. Người đàn bà tiễn lão ra về rồi quay vào đóng cửa. Nghe có tiếng cài then và tiếng vặn chìa khóa hai vòng trong ổ.
2
Suốt ngày đại tá Azizov bận rộn công việc hàng ngày.
Tuy vậy đầu óc ông ta vẫn cứ quay về với câu chuyện kỳ lạ xẩy ra trên xe điện. Ông gác bút, ngả người vào lưng ghế, lập giả thuyết, suy đoán.
Cặp mắt của Azizov dừng lại trên tấm ảnh bên cạnh lọ mực sực nhớ tới lời hẹn về nhà ăn cơm tối với vợ con.
Bây giờ đã đến giờ hẹn rồi. Azizov đã sửa soạn ra về thì có tiếng gõ cửa. Semin bước vào. Anh ta mang đến những hồ sơ về tên tù Schuko. Azizov xem qua. Không có gì lạ. Làm thế nào nhỉ? Giá hỏi cung Schuko thì sẽ phát hiện ra nhiều điều. Tuy vậy Azizov cho là chưa nên hỏi cung vội.
Sau khi nghe câu chuyện của Orudzheva, ông cảm thấy hơi bằng lòng vì điều dự đoán của mình về tính chất bố trí giả tạo của vụ ăn cắp đã được xác minh. Đồng thời câu chuyện của bà khách lại làm rối loạn vấn đề. Lão già Râu bạc[1], mặc áo quần đen và đội mũ da cừu, có chiếc ví da nai vàng kia là ai nhỉ? Lão dựng nên câu chuyện và giao nộp Schuko cho công an nhằm mục đích gì? Có lẽ để báo thù chăng? Không, vị tất đã thế. Schuko mới tới Baku chưa được bao lâu, mỗi một bước chân của hắn trong cái thành phố này đều bị theo dõi, những kẻ gặp gỡ với hắn đều bị chụp ảnh, thế mà Orudzheva khi xem tấm ảnh chúng lại không nhận thấy lão Râu bạc trong đám này. Như thế nghĩa là có thể Schuko không biết lão này. Mà có lẽ hắn biết cũng nên. Nếu Râu bạc cũng là điệp viên của nước Đức như Schuko thì sao? Không, điều này ít chắc chắn lắm. Nếu lão cũng là gián điệp thì là của cơ quan do thám nước khác. Nhưng nước nào chứ? Và các cơ quan gián điệp ngoại quốc bắt đầu trao nộp bọn gián điệp Đức cho Cục an ninh quốc gia Liên-xô kể từ bao giờ?
Semin nói khẽ:
- Chúng tôi vừa mới thăm dò xong, cửa hàng thực phẩm mà bà Orudzheva mua thức ăn ở cạnh nhà của tên bị bắt, cách nhau chừng một trăm thước. Thế là có một sự liên lạc bằng mắt.
- Và lão Râu bạc vừa đứng xếp hàng vừa quan sát căn nhà à? xảo quyệt
không chê được.
- Bao giờ chúng ta sẽ hỏi cung Schuko?
- Không hỏi.
Semin ngạc nhiên nhìn thủ trưởng. Azizov nhắc lại:
- Không hỏi. Đã bắt được kẻ cắp thì cứ đưa ra tòa. Để cho tòa xét xử tên tội phạm theo điều luật. Sau đó khi áp giải vào nhà tù thì hãy giả vờ để cho nó trốn thoát.
Semin mỉm cười:
- Thưa đại tá, rõ. Nhưng cũng rất có thể Schuko không biết lão kia. - Râu bạc ấy à?
- Vâng. Không biết hay còn không ngờ rằng có lão trên đời này nữa là khác.
- Cũng thế thôi. Cứ làm cho hắn tưởng rằng người ta chỉ cho hắn là một tên ăn cắp.
3
... Đại tá Azizov vừa đặt chân về tới nhà thì có chuông điện thoại. Bà vợ cầm lấy ống nghe rồi bảo:
- Gọi anh đấy.
Azizov đỡ lấy ống nghe ở tay vợ áp vào tai. Semin báo tin rằng Schuko chực chạy trốn, Azizov ngồi xuống ghế, cởi khuy cổ, nới cà-vạt, hỏi: - Việc xẩy ra như thế nào?
- Tôi chưa hỏi được tỉ mỉ. Chỉ biết là một sĩ quan đã nổ súng... - Bắn chết à? - Azizov đứng phắt dậy.
- Báo cáo đại tá, chỉ bắn bị thương nhẹ.
- Thế cũng hỏng hết rồi - Ông im lặng giây lát. - Bây giờ thì hắn ở đâu? - Ở ngay trong đồn công an.
- Dẫn bác sĩ đến. Tôi cũng sẽ đến ngay.
Ông tất tả đặt ống nghe xuống và nhìn vợ như xin lỗi.
4
Thiếu tá công an Shirokov báo cáo với Azizov về sự việc xẩy ra. Đại tá bực tức cau mày. Thế là hỏng bét mọi kế hoạch. Tên phạm tội bị gẫy chân. Hắn phải nằm yên trong một thời gian. Như thế có nghĩa không thể thực hiện được màn kịch vượt ngục để sau đó tiếp tục theo dõi những mối dây liên lạc của Schuko. Bỗng Azizov hỏi trưởng đồn công an: - Có thể phao tin lên rằng Schuko đã vượt ngục được không. Shirokov tỏ vẻ ngạc nhiên.
- Thế nào? - Đại tá sốt ruột giục - Tung tin rằng tên bị bắt đã trốn thoát. - Cũng có thể được - Shirokov ngập ngừng đáp lại.
- Không những phải phao tin trong đám nhân dân ở những ngôi nhà lân cận mà còn phải tung tin cả trong đám cán bộ, nhân viên đồn công an nữa. Cố nhiên không kể những người có mặt ở đây khi xẩy ra việc đó. Phải nói chuyện riêng với họ. Đồng chí hiểu tôi chứ?
- Thưa vâng.
- Thế thì hành động đi.
Shirokov đi ra, Azizov nhìn theo rồi đứng dậy. Semin cũng đứng dậy. Đại tá ôm lấy hai vai anh:
- Đồng chí về nhà tôi ăn cơm tối nhé. Có món dolma ngon lắm! [1] Từ đây trở đi tạm đặt cho lão già bí mật kia cái tên "Râu bạc".
CHƯƠNG BA
1
Thượng sĩ Lange đứng trong hầm bê-tông cốt sắt và trả lời những câu hỏi của tên trung úy đại đội trưởng Schulz.
- Lange, như vậy thì anh là trực ban trung đội và gác trong hầm từ nửa đêm đến sáng à?
- Thưa ông trung úy, vâng.
- Không chạy đi đâu chứ?
- Thưa ông trung úy, không.
- Và anh có trông thấy George Homann từ vọng gác trở về chứ? - Thưa đúng thế. Anh ấy đổi gác vào 2 giờ đêm, chạy vào hầm ngầm và xô đẩy những anh em chiếm mất chỗ nằm của anh ta.
- Rồi về sau ra sao nữa? - Gã trung úy tò mò ngắm tên thượng sĩ, ngắm khuôn mặt vuông vắn xương xẩu, thân hình đồ sộ với hai cánh tay dài nặng nề khép chặt vào hai bên sườn của hắn. - Rồi sao nữa chứ?
- Về sau ạ? - Lange hơi động đậy cánh tay, giương đôi mắt to mầu nâu sáng lên - Thưa trung úy, tôi không rõ là ông chú ý đến cái gì? - Anh không nói gì với hắn à?
Lange liếm môi, nhấp nhổm hai chân, thở lấy hơi rõ to.
- Thưa ông trung úy, có nói ạ.
- Nói về chuyện gì thế. Lange?
- Chả là anh Homann vừa mới trả phép được ba hôm mà tôi và anh ấy là
cùng quê ở...
- Ostburg à?
- Thưa ông trung úy, Ostburg ạ.
- Hừ... Thế thì các anh nói chuyện những gì? Thượng sĩ Lange ạ, tôi báo trước cho anh biết rằng phải nói thật, đừng nói dối! Nên chú ý rằng tôi đã biết một đôi điều rồi đấy.
- Ông trung úy nghi ngờ gì tôi hay sao? - Trên mặt Lange lộ vẻ ngạc nhiên, lúng túng.
- Không, không - Gã đại đội trưởng vội nói.
Schulz có căn cứ để tin Lange, một người lính gan dạ và tích cực nhưng cũng không thể chê trách binh nhất George Homann vào đâu được. Gã này cũng được coi là một người lính tốt và ngoài ra, cách đây không lâu lại cứu sống Schulz nữa là khác. Thế mà nửa giờ trước đây, đã phát hiện ra rằng Homann đã biến mất, không những là biến mất mà còn chạy sang hàng quân Nga nữa kia chứ!
Theo yêu cầu của gã trung úy, Herbert Lange báo cáo lại về câu chuyện hắn đã nói với Homann. Câu chuyện chả có gì đặc biệt: binh nhất Homann kể lại chuyến đi về Ostburg. Ở đó tất cả vẫn như xưa. Chỉ khác là thành phố bị dội bom ác liệt và người ta đi ngoài đường với vẻ mặt dữ tợn.
- Thưa ông trung úy - khi kể xong Lange nói - trước khi ra đi sen đầm đã báo trước cho Homann biết rằng anh ta phải giữ mồm miệng, không được hỏi câu nào về tình hình ở hậu phương. Vì vậy tôi mong ông...
Gã trung úy thở dài và nói một cách mệt mỏi:
- Lange, cho anh về. Chả khai thác được gì ở anh cả. Đi đi, tôi cần ngồi một mình.
Sau khi cho tên lính ra về. Schulz cởi khuy cổ áo quân phục, trầm ngâm ngồi vào bàn. Phải, ngày càng cảm thấy rõ hơn rằng sự nghiệp sắp tới lúc tiêu tan. Đã có những tên lính đầu tiên chạy sang hàng ngũ đối phương, ở hậu phương nước Đức bấy giờ máy bay Anh, Mỹ và Nga ném bom suốt ngày đêm. Người ta càng nguyền rủa chiến tranh, nguyền rủa Hitler, nguyền rủa bọn phát-xít nhiều hơn. Từ nay sẽ ra sao đây? Từ nay số phận của nước Đức, của dân tộc Đức, của bản thân Schulz sẽ ra sao?
Trung úy Schulz dứng dậy, lắc đầu để xua đuổi những ý nghĩ không vui và đột nhiên văng tục. Gã đi dạo trong hầm hồi lâu, rít thuốc lá từng hơi dài và làm bẩm chửi rủa. Sau đó, khi đã hơi trấn tĩnh, gã liền ngồi xuống cạnh máy điện thoại để báo cáo về việc Homann mất tích.
Sáng hôm sau thiếu tá tiểu đoàn trưởng Gaus đọc một bản mệnh lệnh trước hàng ngũ phân đội. Trung đoàn trưởng ra thông tri tước quân tịch, các loại huân chương và quyền lợi của binh nhất Homann vì đã đào ngũ khỏi quân đội Quốc xã và phản bội sự nghiệp của quốc trưởng. Trong trường hợp bị bắt, kẻ phạm tội sẽ bị xử bắn.
2
Homann bò qua bãi mìn phía trước trận địa quân Đức một cách thuận lợi và bây giờ đang "trườn sát đất". Trời tối. Từ phía quân Đức thỉnh thoảng một quả pháo sáng bay vụt lên trời, chiếu xuống mặt đất một thứ ánh sáng xanh nhạt lạnh lẽo. Nó soi tận từng khe, từng hốc. Sau khi lơ lửng một lát trên không, những chiếc pháo sáng lao xuống đất và lúc ấy bóng những gốc cây, mỏm đá chạy loang loáng.
Cứ mỗi lần pháo sáng lóe lên là Homann lại nằm sát xuống đất, chờ đợi
cái bóng tối cứu tinh để rồi lại dùng hết sức của khuỷu tay và đầu gối mà nhích lên chừng mươi thước.
Trời giá tuyết, nhưng gã không thấy lạnh. Lưng gã bốc hơi, trên thái dương mồ hôi chảy ròng ròng, tràn vào làm mờ cả mắt. Homann đè tay vào một cục băng sắc cạnh trong vũng nước dọc đường và bị toạc ngón mà không hay biết gì cả. Gã chỉ nghĩ tới một điều là nhanh chóng vượt qua cái khu vực trông trải và bị lưới đạn quét này.
Phía trước có tiếng sột soạt. Homann cứng người lại. Lại nghe tiếng sột soạt. Thấp thoáng một bóng người trên mô đất, rồi bóng thứ hai, thứ ba. Homann thở hồng hộc.
- Đồng chí! - Gã gọi thất thanh.
Mấy bóng đen thôi động đậy, tiếng sột soạt im bặt. Sau đó nghe tiếng kim khí lách cách tựa hồ như lên đạn.
Đầu óc của gã hàng binh cuống cuồng suy tính. Nếu không hành động ngay lập tức thì hết đời. Homann cả quyết rằng đích thị đây là anh em quân báo Nga. Họ sắp quạt cho gã một băng tiểu liên hay tặng cho một nhát dao găm. Chả nhẽ đành chịu chết khi đã gần đạt tới mục đích như thế này sao?
Phải cấp tốc làm cách gì để ngăn chặn tốp quân báo Soviet lại! Nhưng biết làm gì được? Từng giây từng phút quyết định tất cả. Homann bỗng hát vang bài "Quốc tế ca", gã hát vội vàng và cảm động, lấy hơi một cách chật vật, nghẹn ngào, nên hát sai bét, thành thử khó mà nhận ra diệu nhạc.
Nửa phút trôi qua. Gã ngừng hát, lắng nghe.
- Bỏ súng xuống! - có tiếng quát khẽ từ sau mô đất - Tiến lại đây. - Vâng, vâng - gã hàng binh vội vàng nói - Xin tiến lại!
Gã quẳng tiểu liên đi và tiến lên trước: Mô đất đây rồi. Bây giờ Homann
đã trông thấy rõ mấy người kia. Họ gồm có ba người, khoác áo choàng ngụy trang loang lổ. Gã hàng binh nằm sấp xuống và giơ hai tay lên trời. Mấy người khoác áo choàng liền xông tới gã.
... Một giờ sau tổ trương tổ ba người quân báo báo cáo với chỉ huy trưởng của mình về gã hàng binh.
- Đồng chí nói là hắn gọi đồng chí à? - Viên sĩ quan vừa hỏi lại vừa ghi vào sổ tay.
- Báo cáo thượng úy, hắn lên tiếng gọi đầu tiên.
- Rồi hát "Quốc tế ca" à?
- Báo cáo thượng úy, vâng. Vừa hát vừa run đấy ạ.
- Đến đây rồi còn được run nữa. - Thượng úy mỉm cười.
Homann được dẫn vào hầm. Gã dừng lại trước cửa, ngẩng đầu, lấy hết sức đập mạnh gót giầy.
- Chỉ còn thiếu "Heil Hitler" nữa thôi! - Thượng úy lẩm bẩm. - Anh là ai? - Anh hỏi bằng tiếng Đức.
Homann xưng tên mình, số hiệu trung đoàn và sư đoàn.
- Thế đấy, - thượng úy uể oải nói. - Thế anh sang đây làm gì? Môi Homann run run, gã rũ người ra, gù lưng xuống.
Viên sĩ quan nghĩ rằng mình đã hỏi một cách quá tàn nhẫn.
- Ngồi xuống - anh nói.
Homann ngồi phịch xuống chiếc ghế đẩu. Đội trưởng quân báo bắt gặp cặp mắt của gã nhìn gói thuốc lá.
Anh lắc gói thuốc, chìa cho Homann.
Gã hàng binh gật đầu tỏ vẻ cám ơn nhưng không lấy thuốc. Gã thò tay vào
túi, móc chiếc hộp thuốc lá bằng gỗ, lấy thuốc ra châm hút. - Thế anh sang đây làm gì thế? - Viên sĩ quan nhắc lại câu hỏi - Không muốn đánh nhau nữa à?
Homann ưỡn thẳng người lên và nói:
- Không. Tôi còn đánh nữa.
Viên sĩ quan nhìn gã một cách tò mò.
- Thưa ông... xin lỗi, thưa đồng chí thượng úy, tôi là đảng viên cộng sản. - Homann ngừng lại một tý và kết luận: - Tôi nghĩ rằng tôi còn có ích. Viên sĩ quan tỏ vẻ đề phòng: Anh biết rằng bọn điệp viên mà quân Đức tung vào hậu phương của quân đội Soviet dưới hình thức hàng binh nhiều khi được trang bị cả những giấy tờ đảng viên cộng sản.
- Đảng viên cộng sản à? - Anh hỏi và cười nhạt - Anh có giấy tờ chứ? Homann dứng dậy.
- Cố nhiên tôi hiểu cả giọng nói lẫn sự ngờ vực của đồng chí. - Gã nói lí nhí, mắt vẫn không rời khỏi điếu thuốc lá đang bốc khói trong tay - Những cái đó cũng dễ hiểu thôi, không thể nào làm gì được. Nhưng tôi chỉ đề nghị dẫn tôi đến thủ trưởng của đồng chí - Homann nhìn thẳng vào mắt viên sĩ quan, bực tức nhún vai - đến thủ trưởng cao cấp nhất của đồng chí. Tôi cần báo một tin quan trọng.
- Được - viên thượng úy gật đầu - Được, anh sẽ được nói chuyện với thủ trưởng. Nhưng đó là việc ngày mai. Còn bây giờ thì hãy ngồi xuống đây và viết ra giấy rằng anh là ai, từ đâu đến, chạy sang hàng ngũ quân đội Soviet để làm gì, viết tất cả những điều mà anh thấy nên viết. Giấy, bút, mực đây. Đừng vội. Không ai quấy rầy anh đâu.
Rồi viên sĩ quan đi ra.
Người chiến sĩ quân báo đã dẫn Homann tới đây vẫn đứng ngoài cửa.
3
Sáng sớm hôm sau gã hàng binh được áp giải đến trưởng phòng phản gián của sư đoàn.
Một thiếu tá cao gầy từ sau bàn đứng dậy đón Homann.
- Anh muốn báo tin gì cho chúng tôi à? Xin nghe anh.
- Việc này có thể chiếm mất nửa giờ, có khi còn hơn nữa. - Homann móc ra một chiếc hộp thuốc lá, nhìn người sĩ quan như có ý hỏi. - Anh có thể hút được - Người sĩ quan cho phép.
Homann cám ơn, mở hộp thuốc ra và đẩy nó về phía thiếu tá. - Tôi không hút - Thiếu tá nói.
- Tôi không có ý mời đồng chí đâu - Homann sờ vào nắp hộp - Chả là cái nắp này có hai lớp. Ở giữa hai lớp đó là trang đầu tiên của tấm thẻ đảng viên của tôi, có chữ ký của Ernst Thalmann[1].
Thiếu tá đưa con dao nhíp cho Homann. Gã lắc đầu:
- Không. Tôi không dám làm việc đó đâu. Người ta đã dán hai lớp này bằng một chất keo đặc biệt, không thể cạy ra được và dán đã lâu lắm, cách đây những chín năm rồi. Tốt hơn hết là gửi nhờ các chuyên gia mở hộ. Có thể gửi đến tận Moskva cũng được.
- Tại sao lại gửi tới Moskva?
- Tôi cho rằng sau khi tôi đã báo cái tin quan trọng này rồi thì đồng chí sẽ gửi cả tôi tới đó nữa kia.
Thiếu tá dốc hết thuốc trong hộp ra, đậy nắp hộp lại, liếc nhìn qua rồi đẩy
sang bên cạnh. Homann cẩn thận nhặt những điếu thuốc lá bỏ vào túi áo capote. Thiếu tá nói:
- Tôi xin nghe anh kể.
CÂU CHUYỆN CỦA GEORGE HOMANN
Tôi sinh tại Hamburg. Chắc đồng chí đã nghe nói tới thành phố đó rồi. Nó nằm trên vùng hạ lưu sông Elbe, cách Bắc Hải chừng một trăm cây số. Cha tôi làm việc ở cảng, lái xe chở hàng. Ông cụ mất khi tôi lên mười ba tuổi. Mẹ tôi tái giá. Tôi không chịu nổi điều đó, thế là tôi bỏ nhà ra đi. Tôi lang thang khắp nước, sống mấy năm ở vùng Rua, làm việc tạm bợ trong hầm mỏ để kiếm ăn. Nhưng về sau hết mất công việc. Tôi lại lang thang. Đã hai lần tôi sa vào trại lao công. Cứ thế trong hai năm trời. Cuối cùng tôi quay về quê cũ.
Ở đây cũng khó tìm việc nhưng tôi đã gập may vì tòa thị chính Hamburg cần một công nhân để nạo rửa các ống dẫn nước. Tôi làm cái nghề chân lấm tay bùn này cho đến năm 1937. Trong năm đó có tin đồn rằng ở thành phố Ostburg (cũng nằm trên sông Elbe, nhưng ở phía trên Hamburg) đang cần lấy công nhân vào nhà máy quân sự. Tôi liền mò tới đây. Nhà máy đó chế tạo đạn súng cối và đại bác. Dạo ấy tôi đã gia nhập Đảng được mười hai năm. Tôi làm thế nào mà khỏi bại lộ và không bị bắt? Nói thực ra tôi cũng không biết nữa. Có lẽ vì tôi không xông xáo, không đứng lên diễn thuyết lần nào. Chắc hẳn thực chất vấn đề là ở chỗ dó. Nói tóm lại, tôi không bị tóm cổ. Tôi lại có công ăn việc làm, lương khá, có phòng riêng, hầu như không rượu chè gì cả. Đáng lẽ có thể lập gia đình. Nhưng tôi vẫn sống độc thân... Thế rồi chiến tranh bùng nổ. Ít lâu sau người ta lấy một công nhân Ba-lan vào làm thế chân
tôi còn tôi thì phải nhập ngũ. Tôi đánh nhau một năm rưỡi ở bên Pháp, sau đó theo Rommel[2] gần hết cuộc hành binh chiếm châu Phi và suýt bị cụt chân ở đấy. Trong những năm vừa qua tôi ở mặt trận phía Đông. Cách đây hai mươi hôm đại đội trưởng khen tôi trước hàng quân về việc đã dập tắt đám cháy trong kho lương thực trong khi đang đứng gác cạnh đó rồi tuyên bố cho tôi nghỉ phép về hậu phương.
Đáng lẽ tôi không đi phép bởi vì nói thực ra là không biết đi về nhà ai cả. Nhưng trước đó ba hôm có một người bạn đã gửi thư cho tôi. Tên anh ta là Max Wiesbach. Trước kia chúng tôi cùng làm việc trong nhà máy quân sự ở Ostburg, bây giờ Wiesbach vẫn còn làm ở đấy... Anh ta đối xử với tôi rất tốt, thậm chí có lần đã bảo lãnh cho tôi khi tôi bị một gã đốc công vu khống. Wiesbach thật là một người thợ hàn hạng nhất, giám đốc nhà máy cũng phải vì nể anh!
Trong thư Wiesbach chỉ nói những chuyện thông thường: người này khỏe, người kia ốm, thời tiết vẫn thường, tình hình nhà máy như cũ. Nhưng qua cái "ý tại ngôn ngoại" thì tôi lại cảm thấy rằng hình như Wiesbach đang lo lắng, băn khoăn về một điều gì đó. Cuối thư anh ta viết: "Giá mà cậu được ghé về đây chừng một tuần thì hay quá!". Tôi cứ nghĩ khôn nghĩ dại rằng: hay có lẽ anh ta gặp hoạn nạn và cần được mình giúp đỡ, khuyên bảo gì chăng? Sao mình lại không về Ostburg nhỉ?
Thế là tôi bon về Ostburg. Đêm thứ nhất tôi cùng Wiesbach trò chuyện cho đến gần sáng, ngày hôm sau anh phải làm kíp thứ hai. Tối hôm sau lúc hai người đã chén chú chén anh xong và đang phì phèo thuốc lá, bỗng Wiesbach nhích ghế lại gần tôi, hạ thấp giọng xuống và nói rằng muốn thổ lộ với tôi một việc khác thường.
[1] Thalmann là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đức hồi đó.
[2] Thống chế Phôn Rommel là danh tướng Đức trong Đại chiến thứ hai đã làm Tổng tư lệnh quân Đức ở Bắc Phi.
Đây là tóm tắt câu chuyện anh ta kể cho tôi nghe. Một đêm, cách cái hôm tôi về phép chừng ba tuần, có người gõ cửa nhà anh trong lúc đang ngủ. - Ai đấy? - anh đi tới cửa và hỏi.
- Mở nhanh, sở mật thám đây.
Wiesbach cũng như tôi, rất ghét bọn Quốc xã. Thực ra anh không phải là đảng viên nhưng thực thà, ngay thẳng và đúng đắn, nói tóm lại, là một công nhân chân chính... Khi nghe nói các vị khách đêm lại là tụi mật thám, anh liền nấp vào sau cửa. Làm thế nào bây giờ? Không thể trốn được vì phòng anh ở tầng thứ tư và chỉ có mỗi một lối ra mà bọn mật thám đã đứng chắn ngang. Trong nhà Wiesbach chả có vật gì đáng để buộc tội cả. Do đó anh quyết định rằng tốt hơn hết là đừng lần khần, cứ mở cửa ra để cho bọn chúng thấy rằng chủ nhà không sợ bắt bớ, lục soát bởi vì lương tâm anh ta trong sạch.
Ba tên mặc quân phục màu đen bước vào.
Tên đại úy hỏi:
- Anh là Wiesbach, thợ hàn điện ở nhà máy Hans Behmer phải không? - Chính tôi đây.
- Anh đã làm việc dưới nước bao giờ chưa?
- Cắt à? - Wiesbach hơi bối rối, hỏi lại.
- Cả cắt, cả hàn.
Wiesbach đáp rằng đã từng phục vụ trong ngành hàng hải nên đã quen làm việc dưới nước. Tên mật thám liền hạ lệnh.
- Thế thì được. Mặc áo quần vào và theo tôi.
Mấy phút sau Wiesbach và lũ dẫn dường cho anh đã ngồi vào chiếc xe hơi
đợi trước cổng.
Thoạt tiên họ ghé vào nhà máy. Bọn mật thám tới gặp kỹ sư trực nhật và tên này cho phép lấy trong kho ra hai chiếc máy hàn với một bình khí. Những vật đó được bỏ vào thùng xe. Xe lại nổ máy. Bọn sĩ quan mật thám kéo tấm kính mờ ngăn cách buồng lái với ghế ngồi của hành khách lên, hạ những tấm màn cửa sổ xuống và Wiesbach hóa ra ngồi trong một cái nhà tù di động. Anh hiểu rằng chúng đang dẫn anh đến một công trình gì quan trọng mà cần phải giữ bí mật địa điểm. Wiesbach cũng đoán rằng chúng không định giết anh sau khi làm xong công việc. Nếu không thì bọn mật thám đã chẳng phải phòng xa cẩn thận như vậy.
Xe chạy trong hai giờ. Thoạt tiên nó lượn ngoằn ngoèo trong đường phố Ostburg, sau đó chạy ra ngoại ô, tăng tốc độ, ít rẽ hơn trước. Chặng cuối cùng xe chạy thong thả, thỉnh thoảng lại lắc qua lắc lại và nhảy chồm chồm tựa hồ như có những khúc gỗ chặn ngang đường. Wiesbach đoán là chúng đi theo đường hẻm trong rừng, nên xe vấp phải những rễ nổi của cây cổ thụ. Hơn nữa anh còn nghe tiếng rì rào từ trên cao vang xuống y như tiếng rừng cây reo trong ngày gió lộng...
Cuối cùng xe dừng lại. Wiesbach bị bịt mắt. Bọn mật thám dắt anh xuống xe. Bây giờ thì tiếng động cơ xe hơi đã tắt hẳn, tiếng rừng cây reo càng rõ hơn. Ngoài ra Wiesbach còn ngửi thấy cả mùi lá thông hăng hắc...
Chúng dìu anh đi và anh nghe tiếng chân của một bọn khác chạy tới mở hòm xe ra. Wiesbach bước mò trên mặt đất mấy chục bước, một tên dẫn đường bảo: "Cẩn thận nhé. Đây là cầu thang".
Xuống cầu thang khá lâu. Khi đã xuống hết. Wiesbach được phép cởi băng bịt mắt. Anh nheo mắt lại, thấy mình đang đứng trong một căn phòng hình tròn có trần vòm, sáng trưng ánh đèn. Sàn nhà rung rinh khe khẽ dưới chân. Đâu
đây vẳng lại tiếng động cơ nổ ầm ầm.
Wiesbach cùng bọn mật thám chui qua của sập tụt xuống dưới theo cầu thang xoáy ốc tới một dãy ban công dài có lan can bằng sắt. Phía dưới ban công là một chỗ lõm hình vuông ngang dọc mỗi bề chừng bốn chục bước, trong đó nước xoáy sủi bọt. Wiesbach cảm thấy rằng nước đang từ từ dâng lên.
Một người mặc quân phục cấp tướng SS tiến lại trước mặt Wiesbach. Gã đại úy báo cáo rằng đã tìm được người thợ hàn và máy hàn chở đến đây để làm việc. Tên tướng hất hàm trỏ Wiesbach và hỏi:
- Người này à?
Hắn nắm lấy vai Wiesbach, trỏ xuống phía dưới và nói:
- Dưới nước kia có một bức tường bằng thép rất rắn. Bức tường này ngăn cho nước khỏi tràn vào hầm. Nhưng ở đâu đó mới sinh ra một vết rò hay vết rạn... hay một vết gì đấy, có ma nào biết được! Anh có thể lặn xuống nước để hàn lại chỗ thủng đó được không?
Wiesbach sửng sốt trước những điều trông thấy nên lẩm bẩm: - Hóa ra không thể để cho nước chảy vào đó được à?
Tên tướng nổi xung liền quát:
- Không nói lôi thôi gì nữa! Được hay là không?
Wiesbach nghĩ rằng nếu chối thì sẽ bị giết ngay. Anh trả lời là phải lặn xuống để xem chỗ hư hỏng. Tên tướng bèn thì thầm gì với gã sĩ quan đứng cạnh. Gã này đi ra và lát sau quay lại với tên lính khiêng một bộ quần áo lặn, những chiếc vòi cao su, một cuộn dây, một chiếc bơm nhỏ để truyền không khí và cả mấy chiếc máy hàn mà bọn mật thám đã chở đến đây bằng xe hơi.
Mười lăm phút sau Wiesbach đã mặc quần áo lặn và ngụp xuống nước.
Xuống được chừng ba thước anh ta liền sờ soạng đáy vực, bước mấy bước ngược dòng rồi bỗng bị thụt hẳn xuống sâu. Bây giờ dòng nước chảy ngược có vẻ mạnh hơn. Wiesbach phải dùng hết sức mới tiến lên được. Cuối cùng anh đã lần tới cạnh bức tường thép mà tên tướng SS đã nói. Nước cứ cuốn băng anh trở lại, nhưng anh vẫn mò tới nơi được và vừa sờ soạng vừa men dọc theo bức tường. À vết nứt đây rồi! Bám chặt lấy mép tường và nằm ngang ra giữa dòng nước chảy ngược, Wiesbach bắt đầu nghiên cứu chỗ hỏng. Hư hỏng khá nghiêm trọng. Mép hai tấm thép hàn nối nhau nay đã há ra. Vết nứt dài gần một thước. Sức ép của nước đã uốn cong hai tấm thép và mỗi lúc chúng một tách xa nhau ra. Không thể nghĩ tới cách đặt một miếng vá lên chỗ nứt rồi hàn lại bởi vì nước chảy xiết đến nỗi không thể nào đưa được miếng vá lại gần khe hở. Suy nghĩ một lát Wiesbach đi đến kết luận rằng chỉ có mỗi một lối thoát độc nhất là hàn vào hai bên móp khe nứt hai chiếc quai sắt rồi sẽ luồn một chiếc then sắt qua hai quai này ở ngoài chỗ hở. Sau đó có thể hàn mép thanh sắt ấy vào với bức tường một cách chắc chắn mãi mãi.
Thế là đã vạch xong kế hoạch sửa chữa. Wiesbach mò mẫm rời khỏi bức tường và chợt đụng lưng vào một vật lồi ra. Đằng sau lưng anh là một chiếc hòm kín bằng thứ kim loại sáng. Có cái gì trăng trắng trên hòm. Wiesbach tiến lại gần nhìn kỹ tấm nhãn. Những dòng chữ viết trên mảnh giấy trắng dày đã bị phai nhòa. Anh phải chật vật lắm mới đọc được: "Vinnitsa, số 12" chiếc hòm thứ hai chồng lên chiếc hòm thứ nhất cũng dán nhãn hiệu để: "Lvov, số 5". Wiesbach tiến sang bên mười bước và biết chắc rằng có rất nhiều hòm. Chúng được xếp thành mấy tầng.
Té ra vấn đề là như vậy! Wiesbach hiểu rằng mình đang đứng giữa một trong những căn hầm bí mật mà trước đây anh chỉ mới nghe nói đến mà thôi. Như người ta đã cả quyết thì trong các hầm bí mật này bọn thủ lĩnh đảng
Quốc xã, cơ quan mật thám, cơ quan quân báo và phản gián quân sự cùng các cơ quan phát-xít khác đang cất giấu những bảo vật và những tài liệu hồ sơ quan trọng. Căn hầm này chứa những hòm tài liệu chở từ Liên-xô về.
Wiesbach ra hiệu để người ta kéo anh lên. Khi lên đến trên mặt nước anh đề nghị mời tên tướng đến để báo cáo kế hoạch. Hắn tán thành ngay. Thế là Wiesbach bắt tay vào việc. Sau năm giờ mọi việc đã xong xuôi. Wiesbach nghĩ rằng chúng khó mà để cho mình sống vì anh ta đã biết nhiều điều bí mật, nên anh bảo với tên tướng rằng:
- Thưa ngài thiếu tướng, may mà ngài đã vớ đúng tôi. Tôi dám nói rằng trong thành phố này ngoài tôi ra thì không ai làm nổi công việc này đâu. Ngài hãy cho bơm nước ra rồi một tuần sau sẽ dẫn tôi đến đây lần nữa để xem lại xem chỗ hàn như thế nào, có cần phải hàn thêm cho chắc không.
Như vậy là Wiesbach đã làm cho bọn phát-xít hiểu rằng anh là một người thợ hàn rất tinh thông kỹ thuật và còn có ích nhiều. Sau đó chả hiểu vì lý do này hay vì các lý do khác mà chúng đã không đụng chạm gì đến anh, đưa về thành phố và thả ra sau khi đã dọa là phải giữ mồm giữ miệng.
Wiesbach nhấn mạnh rằng: sáng sớm khi anh quay về thì mặt trời ở đàng trước, tấm kính mờ đã nhuộm mầu hồng vì ánh nắng chiếu qua. Như thế có thể kết luận là xe ô-tô chạy từ Tây sang Đông, mà sông Elbe lại nằm ở phía Tây thành phố Ostburg. Như thế nghĩa là căn hầm bí mật ở trên bờ sông Elbe. Thêm vào đó lại nghe tiếng cây reo và mùi lá thông... mà trong vùng Ostburg rừng thông chỉ mọc ở một nơi thôi.
Đó là tất cả những điều mà Wiesbach đã kể cho tôi nghe. Kể xong anh im lặng giây lát rồi bỗng hỏi tôi:
- Homann này, cậu là đảng viên cộng sản phải không?
Câu hỏi này không có gì đột ngột đối với tôi. Tôi vốn thân thiết và luôn luôn cởi mở với Wiesbach, anh ta biết rõ quan điểm của tôi. Tôi chỉ giấu anh có mỗi một điều là đảng tịch của tôi. Nhưng cố nhiên là anh đã đoán ra, tuy vậy vì tế nhị nên anh không đả động đến. Hôm đó tôi đã thổ lộ ra hết. Tôi hiểu rằng anh bạn định nhằm mục đích gì và quả tôi không nhầm. Wiesbach nói:
- Phải cho Bộ tư lệnh quân đội Liên-xô biết về căn hầm bí mật này. Tớ cứ suy nghĩ mãi là nên làm như thế nào. Chỉ có một cách thôi. Homann ạ, cần phải chạy sang hàng ngũ Nga đi. Nếu ở vào địa vị cậu thì nhất định tớ cũng sẽ làm thế. Xin thề với cậu như vậy.
Tôi không phản đối vào đâu được nữa. Wiesbach nói đúng. Thế rồi tôi đã chạy sang đây.
CHƯƠNG BỐN
1
Đêm ấy lão già Râu bạc không sao chợp mắt được. Trằn trọc mãi đến ba giờ sáng, cuối cùng lão đành dậy bật đèn rồi ngồi trùm chăn cho tới sáng bạch. Cô con gái láng giềng đưa chai sữa tươi sang, lão lúi húi hâm nóng sữa, ăn với khoai tây luộc từ hôm qua.
Lão bồn chồn, không yên tâm vì đã thi hành nhiệm vụ một cách không chính xác. Theo điện của cấp trên thì phải giao nộp gã đội mũ trùm tai cho cơ quan an ninh quốc gia chứ không phải cho công an.
Sự thực thì lão cũng đã thực hiện mấy biện pháp để đạt mục đích của mình nhưng nhỡ ra cơ quan công an không nắm được vấn đề lại thả tên bị bắt ra thì thế nào?
Lão thừa hiểu là cấp trên luôn luôn tìm cách thẩm tra nguồn tin của các điệp viên. Chính lão cũng đã từng làm công việc thẩm tra đó. Nếu lần này người ta cũng tiến hành thẩm tra và phát hiện ra rằng gã đội mũ trùm tai đã thoát lưới!... Người ta sẽ sinh nghi lão già Râu bạc là định lòe bịp cấp trên, lúc ấy tất nhiên sẽ bị trừng trị. Lão đã biết rõ sự trừng phạt ấy như thế nào rồi! Phải hành động ngay lập tức! Phải thăm dò để biết rõ là mọi việc có xẩy ra đúng như dự định không.
Lão già mở vội tủ đứng toan lấy bộ áo quần xanh mà hôm qua lão đã mặc để đi ra thành phố. Nhưng lão suy nghĩ một lát rồi lại đóng cửa tủ lại vì linh tính thầm nhắc lão rằng bây giờ nên ăn mặc kiểu khác.
Một giờ sau lão Râu bạc đã có mặt ở thành phố. Lão mò tới cái đường phố
có đồn công an, nơi đã giam tên ăn cắp hôm qua và thản nhiên đi qua cửa đồn. Gần đó có một cái quán nhỏ, xa hơn là hiệu cắt tóc. Có lẽ nên ghé vào đó thăm dò xem sao nhỉ?... Không, không nên. Cái gì ở vỉa hè bên kia thế nhỉ? Lão già nheo mắt và đọc tấm biển đề:
TIỆM TRÀ
Lão tiến thêm mấy bước nữa. Hình như có lần lão đã vào tiệm trà này. Lão sực nhớ ra là người chủ tiệm rất thích tán chuyện. Có lẽ thế mà hay. Lão Râu bạc thong thả đi qua phố, đẩy cánh cửa tấm biển, bước vào căn
phòng quét dọn sạch sẽ, tường và trần quét vôi trắng tinh, cửa sổ căng màn diêm dúa. Hai chiếc ấm Samovar lớn bằng đồng đặt trên chiếc ghế dài trong góc cuối phòng.
Người phụ trách tiệm trà là một ông già cẩn thận khoác tấm tạp dề trắng sạch sẽ. Ông ta liếc nhìn khách, rót một cốc trà, bỏ vào đĩa mấy chiếc kẹo một cách nhanh nhẹn, khéo léo. Lão Râu bạc vừa ngồi xuống bên cạnh cửa sổ là trên bàn đã có cốc nước trà rồi.
- Chào cụ - khách vừa nói vừa gật đầu tỏ ý cám ơn.
- Không dám, chào cụ - Người bán hàng nghiêng mình đáp lễ, dùng khăn mặt phủi những vụn bánh trên bàn và lui vào góc phòng.
Lão Râu bạc bắt đầu uống trà. Nhấp xong mấy ngụm, lão móc trong túi ra một tờ báo và cắm cúi đọc.
Lát sau, lão đã uống hết trà. Lão ngửng đầu lên và gật đầu ra hiệu cho người bán hàng mang thêm trà đến. Khi người này đặt trên bàn một cốc trà mới thì lão đã lại cắm đầu vào tờ báo. Lão lắc đầu một cách lo lắng, tỏ vẻ quan tâm tới một tin đăng báo nào đó. Người chủ tiệm trà theo dõi ngón tay của lão già đang lần theo những dòng chữ in trong báo, mỉm cười, rồi thốt
lên:
- Cụ thấy thế nào? Ăn trộm nhà người ta, bóp cổ bà chủ nhà suýt chết ngạt. May mà người ta đã tóm được thằng lưu manh đó. Đang chiến tranh mà cái thằng chó đẻ ấy lại đi làm những việc như vậy! Phải bắn chết chúng nó đi chứ.
- Phải...ải...i, - lão già nói kéo dài - bắt được rồi. Bây giờ trộm cắp như rươi. Tôi vừa gặp một người quen ngoài phố. Ông ta kể chuyện là hôm qua chúng nó móc ví hành khách trên xe điện.
- Vâng, có một vụ móc ví như vậy đấy. - Chủ tiệm nói - Chính mắt tôi trông thấy.
- Cụ cũng trông thấy à? - Lão Râu bạc hỏi lại có ý nghi ngờ. Người bán hàng vén bức màn cửa sổ lên, hất hàm về phía đồn công an. - Anh em công an dẫn tên ăn cắp vào chỗ kia. Hôm qua hắn bị giam ở đó., - Bị giam à? Thế bây giờ?...
- Chuồn mất rồi - Người chủ tiệm thở dài, mím môi tỏ vẻ bực tức - Cụ ạ, nó chuồn mất, nó chạy qua phố như con chuột cống. Nó trốn đêm qua. Anh em công an bắn theo.
- Trúng không?
- Cụ ạ, các tay súng ở đây thì quá lắm. Tay nào cừ đã ra mặt trận cả rồi. Ở đây còn lại toàn thương binh cả thôi. Loại ba mà lại.
Người bán hàng định nói thêm điều gì nữa, nhưng một đứa bé chợt từ sau quầy hàng chui ra và nói:
- Bác ơi, sao bác...
Người bán hàng vội vàng mắng át nó đi một cách gay gắt:
- Cút đi, cút đi ngay. Đồ chó đẻ!
- Nhưng bác ơi! - thằng bé tuổi trạc lên mười chắp tay vào ngực và chồm người về phía trước - cháu muốn là...
- Tao bảo mày thế nào! - Người chủ tiệm nổi giận thật sự và vung chiếc khăn lên. Đứa bé im lặng rồi bối rối lảng ra chỗ khác. Người kia liền quay mặt về phía khách hàng mỉm cười.
- Thưa cụ thế là thằng khốn nạn chuồn mất. Hắn làm cho anh em công an bị hố to.
Bỗng lão già đâm ra lo sợ. Lão điệp viên này đã linh cảm thấy mối nguy hiểm đang đe dọa mình tuy chưa hiểu rằng nó từ đâu lại. Phải đi ngay lập tức. Lão đứng dậy, làm như lục tìm cái gì trong túi.
- Thuốc - lão nói để đáp lại cái nhìn dò hỏi của người chủ tiệm - Tôi quên mất gói thuốc ở nhà rồi.
Người kia liền móc ra một chiếc hộp sắt tây lớn và mở nắp. Trong đó đựng thuốc lá mầu vàng.
- Cụ ạ, thuốc lá của bộ đội đây. Hôm nay tôi vớ được cả một gói. - Không - lão Râu bạc lắc đầu - Tôi lại thích hút thuốc hạng bét cơ. Không quen hút loại nhẹ. Này, cháu ơi - lão gọi thằng bé - Đằng góc phố ta thấy có bán thuốc quấn hạng nặng đấy, cháu chạy ra mua hộ nhé!
Lão chìa tiền cho đứa bé. Nó vớ lấy tiền rồi chạy ngay ra phố. Lão còn trò chuyện với người bán hàng chừng hai phút nữa. Sau đó lão liếc nhìn đồng hồ, nói rằng chậm giờ, trả tiền rồi đi ra. Cố làm ra vẻ không vội vàng, lão tiến về phía mà thằng bé chạy đi mua thuốc.
Góc phố đây rồi. Lão Râu bạc thấy thằng bé quay về mà không có thuốc. - Bác ạ - đứa bé nói - Cháu không thấy đâu có...
- Không sao, không sao - lão Râu bạc dịu dàng bảo nó - Không có thuốc
bác cũng chịu được. Cháu cứ giữ lấy tiền mà đi xem chiếu bóng... Này, nhân thể bác muốn hỏi hình như lúc nãy cháu định nói chuyện gì ở trong tiệm trà ấy phải không?
- Vâng.
- Thế thì nói đi, nói đi, cháu ngoan nào. - Lão xoa đầu đứa bé - Nói đi, cháu ngoan của bác.
- Tại sao bác ấy lại nói... các chú công an như vậy? - Thằng bé cau mày nắm hai tay lại - Các chú ấy bắt được thằng ăn trộm đấy chứ. Lão Râu bạc cảm thấy lạnh toát cả người. Lão tái mặt đi và phải vịn vào vai đứa bé rồi thều thào hỏi:
- Hắn không chạy thoát à?
- Bác hỏi lạ thật! Một chú trung úy đã rút súng lục bắn...
- Bắn chết à?
- Trúng chân thôi. Nó bị thương. Thế là các chú khác chạy đến tóm được... Bác nên hiểu là cháu chỉ nghe nói thôi đấy.
- Tốt, tốt lắm, cháu ạ - lão già lại dịu dàng đưa tay vuốt tóc thằng bé - Bác hơi vội tí nhé, bác bận nhiều việc lắm. Cháu cũng nên đi đi. Rồi lão đi dọc theo dường phố, phải chật vật lắm mới giữ được bình tĩnh cho khỏi ù té chạy: một nỗi kinh hoàng vô hạn đang chiếm lấy tâm trí lão.
2
Chuông điện thoại reo lên một hồi ngắn. Đại tá Azizov cầm lấy ống nghe. Đầu dây đằng kia là đồn trưởng công an Shirokov. Anh báo tin về người khách uống trà ở tiệm trà bên cạnh đồn. Người bán hàng đã được dặn trước
cách trả lời với những ai quan tâm tới sự việc xảy ra hôm qua. Nhưng thằng cháu của người ấy đã làm hỏng hết mọi việc. Thằng bé ngây thơ đã bảo vệ uy tín cho anh em công an nên lão già đánh hơi thấy sự nguy hiểm, liền chuồn ngay.
Azizov hỏi:
- Lão già à? Mặc bộ quần áo xanh, đội mũ da cừu nâu nhạt phải không? - Đúng là lão già nhưng không phải mặc bộ quần áo xanh mà mặc áo veston màu xám nhạt và đội mũ lưỡi trai.
- Đồng chí đã xử trí như thế nào?
- Tất cả đều đã bắt tay hành động. Chúng tôi đang lục tìm.
Azizov đặt ống nghe xuống.
Semin bước vào văn phòng.
- Thưa đại tá, chúng tôi đã lục soát xong. Không có kết quả gì, ngoài cái này - Anh đặt lên bàn một chiếc phong bì lớn.
Azizov lôi trong phong bì ra một tờ báo gấp tư, mở ra và thấy một cột chữ số bên lề báo.
- Đồng chí cho đây là bản mật mã à?
- Có thể.
Đại tá bấm chuông. Người thư ký đi vào.
- Đưa vào phòng xét nghiệm - Azizov hất hàm trỏ tờ báo - Đưa sang phòng xét nghiệm và phòng mật mã. Bảo họ làm nhanh lên.
Người thư ký cầm chiếc phong bì và tờ báo đi ra.
Semin nói:
- Đã điều tra ra rằng, hôm qua có kẻ tới nhà Schuko.
- Sau khi hắn bị bắt à?
- Vâng, ngay sau khi hắn bị bắt. Một bà lão. Bà chủ nhà đã cho lão vào phòng của Schuko. Lão loay hoay trong đó mười lăm phút, viết cho Schuko một mẩu giấy. Nhưng sau suy nghĩ lại, lão lại thôi không để lại giấy nữa. Lão bảo rằng tối sẽ đến.
- Và không đến nữa?
- Không đến. Tôi cho rằng chính là lão Râu bạc.
- Đồng chí nên chú ý chi tiết này: lão già mò đến ngay sau khi Schuko bị bắt. Tại sao?
- Lão có thể suy luận như thế này, Schuko đã bị bắt nhưng chưa kịp hỏi cung. Thế thì ngay sau đó chưa thể lục soát nhà cửa được. Có thể đến đó mà không sợ chạm trán các nhân viên tác chiến.
Azizov gật đầu đồng ý. Ông lẩm bẩm:
- Chỉ có một điều đáng ngạc nhiên là lão Râu bạc này quá chú ý tới Schuko. Đồng chí hãy nghe đây.
Rồi Azizov kể cho người giúp việc câu chuyện trong quán trà. Semin nói: - Lão đến để thẩm tra lại.
- Hình như thế - Azizov cau mày, lắc đầu - Thế mà chúng ta không đề phòng trường hợp đó. Chuẩn bị đón lão trong nhà Schuko nhưng lão lại mò tới cạnh đồn công an.
... Buổi tối phòng xét nghiệm gửi kết quả tới. Đã phát hiện ra những dấu ngón tay trên lề báo. Đem so với dấu in ngón tay của tên Schuko bị bắt giam thì thấy không giống nhau. Phòng xét nghiệm đã nghiên cứu những chữ ghi trên lề báo. Nét bút viết gẫy góc. Đã đem so với dạng chữ của Schuko, nhưng chưa đi đến ý kiến thông nhất bởi vì tài liệu để giám định nét chữ quá ít.
Lát sau lại nhận được tài liệu của phòng mật mã. Những chữ số ghi trên lề báo là bản mật mã. Người ta đọc ra nó một cách không khó khăn lắm. Nội dung như sau: "Tôi đã đến một cách thuận lợi. Đợi phái viên mang hàng tới".
- Mang hàng tới. - Azizov trầm ngâm nhắc lại. Chợt ông đứng phắt dậy, cất cao giọng: - Này thiếu tá, đồng chí có cho rằng tất cả câu chuyện tìm thấy tờ báo có bản tin mật mã chỉ là chuyện vớ vẩn không? Phải, phải một chuyện vớ vẩn không hơn không kém. Lão tưởng rằng chúng ta cũng sẽ ăn phải bả lần này nữa.
- Lão nào?
- Râu bạc.
- Đồng chí đoán rằng tờ báo này là của lão à?
- Hôm nay tôi lại nghiên cứu kỹ lần nữa các báo cáo của các cộng tác viên, theo dõi tên Schuko từ chỗ hắn nhảy dù xuống đến tận thành phố này. Lúc rảnh đồng chí cứ đọc xem, thú đáo để. Đã ba lần Schuko đánh lừa được các sĩ quan ở trạm kiểm soát giấy tờ. Mà họ đều là những người từng trải cả đấy. Thế mà bây giờ người ta lại định làm cho tôi tin rằng cái tên điệp viên già đời này lại nhét vào va-li một tờ báo có bản tin mật mã. Thật là chuyện vô lý!
- Và chúng lại viết bản mật mã một cách không có gì hóc hiểm - Semin đăm chiêu nói - để cho chúng ta khỏi vất vả quá...
Cách một ngày sau, đại tá Azizov cùng thiếu tá Semin đi vào bệnh viện, nơi tên Schuko nằm điều trị.
Bước vào phòng, Azizov liếc nhìn quanh. Trong phòng rất sạch sẽ, bên giường có kê một chiếc bàn đêm và rải tấm thảm con, chẳng khác gì các phòng bệnh nhân khác trong cơ quan điều trị thông thường, nếu không có hai
người lính gác đứng trước cửa lớn và dưới cửa sổ.
Đại tá ngồi xuống chiếc ghế đẩu gần giường. Semin cũng ngồi xuống bên cạnh, thong thả mở khóa cặp da. Azizov nói:
- Chúng ta bắt đầu đi. Tội nhân Schuko, chúng tôi đến đây để hỏi cung anh. Tôi hỏi anh câu thứ nhất...
Schuko cựa mình trên giường, chống cùi tay nhổm dậy:
- Nhưng người ta đã hỏi cung tôi rồi kia mà. Tôi đã nói hết rồi. - Tôi đặt cho anh một câu hỏi - Azizov nhắc lại - Tội nhân Schuko, anh hãy nói xem anh có kẻ thù nào ở Baku không? - Ông mỉm cười - Cố nhiên không kể tôi với đồng chí thiếu tá và tất cả những người đã bắt giam anh rồi sau đó đã phá âm mưu vượt ngục của anh. Đây tôi muốn hỏi về kẻ thù riêng của anh thôi, có không?
- Không. - Tội nhân nhắm mắt lại, ngả người xuống gối - Tôi không có kẻ thù nào cả. Xin ông để tôi yên! Tôi đã nhận tội, đã ký giấy đúng theo sự yêu cầu. Cứ tuyên án theo quyền của các ông, cứ trừng phạt tôi theo pháp luật.
- Về tội ăn cắp hay sao? Nói đúng hơn là về tội móc túi vặt à? - Trong giọng nói của Azizov lộ rõ vẻ chế giễu khiến Schuko im bặt và bực tức cắn môi.
- Tôi muốn báo trước cho anh biết rằng - Azizov nói tiếp - Đây là đại tá an ninh quốc gia đang hỏi cung anh.
Tội nhân im lặng. Hắn nằm im không động đậy, mắt nhắm nghiền và chỉ có quả lộ hầu to giật giật dưới làn da mỏng tựa hồ như Schuko muốn nuốt một cái gì mà không được.
- Nghĩa là anh không hiểu - Azizov nói vắn tắt - Thế thì cần phải giải thích cho anh. Người ta đã gặp anh khi anh nhảy dù xuống đất.
Azizov cầm lấy tập ảnh ở tay Semin và bắt đầu lục tìm.
- Xem đây. Anh đang hạ xuống đất... Anh đang chôn dù... Còn tấm ảnh này thì chụp khi anh lên xe lửa và người ta đang kiểm soát giấy tờ của anh... Tấm ảnh này thì chụp lúc anh đã đến Baku.
Vừa nói Azizov vừa lần lượt trao cho Schuko từng tấm ảnh. Tên này lặng lẽ nhìn những tấm ảnh.
- Một vài tấm ảnh đã bắt chúng tôi phải mất công khá nhiều vì hơi thiếu ánh sáng. Nhưng chúng tôi đã cố gắng vì anh cho nên anh thấy đấy, ảnh không đến nỗi xấu.
Azizov thu nhặt mớ ảnh, ném sang một phía.
- Nào, kể đi chứ.
Schuko cố quay mình trên giường.
- Thưa thủ trưởng, tôi không hiểu ông muốn gì. Có lẽ ông nhầm lẫn đấy. Ông muốn gắn tội cho tôi, nhưng không được đâu.
- Kể đi - Azizov nhắc lại, vẫn với cái giọng ôn tồn bình thường. - Tôi là thằng ăn cắp - Schuko nói - ăn cắp, ông hiểu không? Và thế là chấm hết.
- Chúng tôi cũng có thể đặt dấu chấm hết - Azizov nói có vẻ đe dọa. Ông ta cầm lấy chiếc phong bì trên tay Semin - Tôi báo để anh biết rằng, trong căn phòng của anh, căn phòng mà anh thuê của bà quả phụ Sukhova... có phải tên bà ta thế không nhỉ.
- Sukhova, đúng đấy - Semin gật đầu.
- Phải, chúng tôi đã lục soát khắp trong căn phòng đó và tìm thấy một tờ báo trong chiếc va-li của anh.
Schuko nhún vai:
- Có thể như vậy. Tôi biết chữ nên có đọc báo. Còn mê xem sách nữa kia. - Nhưng trên báo có ghi chữ mật mã!
Schuko ngạc nhiên cựa mình và hiện tượng đó không thoát khỏi con mắt của hai người dự thẩm.
- Bản ghi bằng mật mã - Azizov nhắc lại - Nhìn xem đây. Ông giở tờ báo ra, chỉ cho tên tội nhân.
- Không phải của tôi - Schuko vội nói - Tôi mới trông thấy tờ báo này lần đầu. Và không phải chữ của tôi. Hãy so nét chữ mà xem: không phải chữ tôi. Azizov làm như không nghe thấy, vẫn nói tiếp:
- Chúng tôi đã mở khóa bản mật mã này. Trong đó viết: "Tôi đã đến đây một cách thuận lợi. Tôi đợi phái viên mang hàng tới". Đây, anh có thể tự xem lấy. Đây là bản tin mật mã, còn đây là chìa khóa mở các con số. Đúng thế chứ, tội nhân Schuko.
- Thưa ông dự thẩm - Schuko ngồi dậy trên giường, ôm lấy đầu - tôi xin nói thật với ông rằng: mắt tôi chưa hề thấy tờ báo này.
- Anh đến đây làm gì?
Tội nhân im bặt.
Có tiếng gõ cửa. Azizov bực mình quay lại. Semin đứng dậy mở cửa. Anh ra nói chuyện với người nào đó ở cửa chừng một phút rồi quay vào nói: - Thưa đại tá, họ đang tìm đồng chí.
Azizov đi ra. Một cộng tác viên đang đứng ngoài hành lang. - Thưa đại tá, vừa mới có tin báo là: trong một làng nhỏ ở đây - người cộng tác viên mở bản đồ ra trỏ vào một điểm - đã phát hiện ra xác chết của một ông già. Chết ngay trong nhà. Chết một cách đột ngột. Hình như bị đau tim. Trong khi xem xét nhà cửa đã tìm thấy một cửa hầm. Đây là một căn hầm
bí mật nhỏ trong đó có đặt một điện đài thu phát với bán kính hoạt động lớn. Đài có cắm vào pin nghĩa là vừa được sử dụng cách đó chưa lâu. Lão già là...
Azizov ngắt lời.
- Gọi xe ô-tô đến đây. Và gọi điện thoại bảo rằng đừng ai đụng chạm đến đó. Cử các giám định viên và nhiếp ảnh viên đến đó. Chúng tôi sẽ tới ngay. Ông quay vào phòng bệnh, hỏi thêm tội nhân mấy câu nữa. Không thấy hắn trả lời, ông liền ngừng cuộc hỏi cung.
Mười phút sau Azizov và Semin đã phóng xe tới cái làng nhỏ bên bờ bể.
3
Người chết nằm sấp trên nền nhà, dang hai tay chân ra tựa hồ như đang bò. Lão mặc quần áo lót. Giường chiếu rất lộn xộn, đệm lệch hẳn sang bên để lộ ra một phần giát lò xo đã rỉ, vải rải và chăn nhầu nát, chiếc gối rơi lăn lóc trên nền nhà.
Azizov và Semin nhận thấy ngay tất cả những điều đó. Họ quan sát kỹ căn phòng, đi đi lại lại, xem xét các then khóa cửa sổ. Đại tá hỏi người nhân viên trực nhật trong ngôi nhà.
- Chết lúc nào?
- Xác chết được phát hiện vào lúc hơn bảy giờ sáng. Hàng ngày, cô con gái nhà láng giềng vẫn mang sữa sáng cho lão. Sáng nay em bé cũng mang sang...
- Hiểu rồi - Azizov ngắt lời - Làm thế nào mà phát hiện ra điện đài. - Ông bác sĩ đến đây khám nghiệm tử thi cảm thấy là lạ: trên bàn có một
quyển thánh kinh Hồi giáo mở sẵn, bên cạnh là một tờ giấy ghi một nhóm chữ số. Thế là ông ta báo cho công an biết. Anh em công an liền mời các chuyên gia đến....
- Họ đã dùng quyển thánh kinh để mở khóa bản tin mật mã phải không? - Thưa đúng thế. Có lẽ lão già đang làm việc, thấy trong mình khó ở liền ngả lưng xuống giường nhưng lại càng khó chịu hơn lão định lần tới cửa sổ. Nhưng chưa tới nơi...
- Lão chết vì nguyên nhân nào?
- Vì bại liệt cơ tim... Sau khi thấy bản mật mã, anh em liền sục tìm phương tiện liên lạc. Thế là mò ra cửa hầm bí mật.
Azizov không nghe lời trực nhật nói hết. Semin đã trông thấy một vật gì trong góc và gật đầu ra hiệu mời thủ trưởng tới. Đại tá lại gần và trông thấy chiếc mũ da cừu trên mắc áo. Semin nói:
- Mầu nâu.
Azizov gật đầu và liếc nhìn quanh một cách hồi hộp:
- Thế còn... bộ quần áo xanh?
Semin đi đến chiếc tủ đứng kê ở cuối phòng và mở cửa tủ ra. - Có không?
- Có.
- Xem túi xem! - Azizov bảo.
Semin lục túi áo và túi quần. Anh lôi từ túi trong của chiếc áo veston vắt trên lưng ghế ra một chiếc ví da nai vàng và trao cho đại tá. Azizov thở dài khoan khoái.
- Được. Đồng chí hãy ra lệnh đưa bà quả phụ Sukhova và ông phụ trách tiệm trà đến đây nhận mặt xác chết.
- Rõ. - Semin đi ra.
Azizov tới ngồi bên cửa sổ rút thuốc lá ra châm hút. Ông trầm ngâm suy nghĩ mấy phút, vân vê que diêm cháy dở trong tay rồi hình như đã hạ quyết tâm xong, liền gọi người cộng tác viên lại:
- Nhiếp ảnh viên đến chưa?
- Thưa đại tá, đến rồi.
- Đồng chí hãy nghe cho kỹ này... tốt hơn là hãy ghi vào sổ tay vì việc này rất quan trọng. Thế này nhé: mặc vào cho người chết chiếc áo ngủ, bộ quần áo xanh treo trong tủ ấy, và đội cho lão ta cả chiếc mũ da cừu treo trên giá áo kia nữa, thấy không?... Sau đó dựng lão ngồi lên ghế và chụp ảnh. Chụp mấy kiểu liền nhé. Phải chụp như là lão đang sống. Có thể tô sửa thêm nhưng phải làm thế nào thật giống đấy.
- Thưa đại tá, rõ.
Azizov liếc nhìn đồng hồ:
- Sau đó lại đặt lão nằm xuống nền nhà theo tư thế như cũ. Hai giờ chiều sẽ nộp ảnh cho tôi.
- Rõ - người cộng tác viên vội vã ghi cho xong.
... Chiều hôm đó Azizov lại cùng Semin vào bệnh viện lần nữa. Azizov tiếp tục hỏi cung:
- Tội nhân Schuko, trong khi nghiên cứu vụ án của anh, tôi đã nhiều lần tự hỏi rằng: tại sao có kẻ lại tìm cách bám riết lấy anh trên xe điện, tố giác anh ăn cắp, làm om lên để gọi công an tới?
- Nhưng chính tôi đã móc ví cơ mà!
- Chúng tôi tạm đồng ý như vậy. Giả dụ rằng anh nói thật và quả thực là có ăn cắp. Nhưng chả là khổ chủ lại xử sự một cách hết sức kỳ lạ. Thoạt tiên lão
kêu om lên trên xe điện, túm lấy cổ anh lôi tới công an nhưng về sau bỗng lại biến mất khi anh đã bị bắt. Anh có giải thích được tại sao khổ chủ lại không đến đồn công an không?
- Tôi không biết.
Azizov móc ra tấm ảnh của lão Râu bạc mà ông vừa mới nhận được rồi chìa cho tên tội nhân.
- Có phải khổ chủ đây không?
- Vâng - Schuko đáp - Đây chính là cái người mà tôi đã móc ví. - Tôi rất mừng rằng anh đã nhận ra lão. Thế bây giờ anh có muốn rằng tôi sẽ giải thích tại sao lão này lại chuồn mất không?
Schuko im lặng.
Azizov đưa mắt ra hiệu cho Semin. Anh ta liền lấy trong cặp da ra hàng chục tấm ảnh của nhiều người đàn ông, bày ra thành hàng trên hai chiếc ghế đẩu đặt trước giường rồi đi ra cửa.
- Đưa bà Sukhova vào đây.
Bà chủ nhà của Schuko vào phòng.
- Anh có biết bà này không? - Azizov hỏi.
- Có.
- Anh thuê nhà của bà ta à?
- Vâng.
- Còn bà, bà Sukhova, bà có quen người này chứ?
Sukhova nhận rằng đây chính là người thuê trọ ở nhà bà.
- Bà Sukhova, có phải là có người đã đến gặp bà vào cái hôm mà ông khách thuê trọ này đi không thấy trở về chứ gì?
- Đến gặp tôi thì không có đâu.
- Thế thì đến hỏi ai?
- Đến hỏi ông này - Sukhova trỏ vào Schuko.
- Người ấy như thế nào?
- Một ông già.
- Đến lúc nào?
- Buổi sáng. Khoảng mười một giờ.
- Anh Schuko, chú ý nhé - Azizov ngừng lại một tí - Lão ta đến lúc mười một giờ nghĩa là ngay sau khi anh bị giải vào đồn công an - Đại tá lại quay sang người đàn bà - Rồi sau ra sao nữa?
- Ông già xin vào trong phòng ông khách trọ này, nói rằng phải viết cho ông này mảnh giấy. Thế là tôi cho vào...
- Cho vào đâu? Bà hãy nói rõ ra.
- Cho ông già ấy vào phòng ông Schuko.
- Bà hãy nói rõ: có phải ông già tự ý xin phép vào phòng ông Schuko không?
- Vâng, chính ông ta xin vào... Thế rồi ông ta vào, ngồi xuống cạnh bàn, bắt đầu viết... Sau đó lại suy nghĩ lại...
- Xin lỗi nhé, tôi xin ngắt lời bà. Bà vẫn đứng luôn bên ông lão đó chứ? Hay bà đã chạy ra ngoài?
- Suýt nữa thì tôi để cháy mất nồi cháo. Thế là tôi phải chạy đảo ra ngoài một lát để hãm bớt lửa.
- Thành ra lão già đã ngồi trong phòng Schuko một mình khoảng chừng một phút phải không?
- Vâng, ít nhất là một phút.
- Tội nhân Schuko, anh nghe hay không? Lão già đã ngồi một mình trong phòng anh những một phút.
- Sau đó ông ta ra về - Sukhova nói tiếp - Ông ta bảo là sau sẽ ghé vào. - Nhưng về sau không đến nữa à?
- Không.
- Hình dạng ông lão như thế nào?
- Bình thường thôi... Già rồi. Đội mũ chụp bằng da cừu non mầu nâu, mặc bộ quần áo...
- Nếu gặp lại lão thì liệu bà có nhận ra không?
- Sao lại không.
Semin đang đứng trước hai chiếc ghế đẩu có bày ảnh liền tránh sang bên, trỏ cho Sukhova thấy số ảnh.
- Bà xem thử trong số này có ảnh của lão già ấy không?
- Ông ta đây rồi - Sukhova hất hàm trỏ một tấm ảnh.
- Bà hãy cầm lấy tấm ảnh đó và đưa cho ông khách trọ của bà xem. Bà ta cầm lấy ảnh của lão Râu bạc, giơ lên.
- Cám ơn bà nhé - Azizov nói - Bà có thể về được rồi, bà Sukhova ạ. Semin đưa tiễn ngưòi đàn bà ra ngoài rồi quay vào, ghé ngồi xuống giường.
Azizov nói:
- Bây giờ thì anh Schuko, tôi hy vọng rằng anh đã hiểu tại sao khổ chủ lại không đến đồn công an. Anh vẫn chưa hiểu à? Thế thì tôi giải thích cho anh nhé. Lão ta vội vàng vào phòng anh để nhét tờ báo có ghi bản tin mật mã này
vào va-li anh đấy.
- Tại sao? - Schuko chợt thét lên, chống cùi tay nhổm dậy, mặt đỏ gay vì hoảng hốt - Tại sao?!
Azizov nhún vai:
- Tại vì lão già cũng là điệp viên của cơ quan do thám nước ngoài và lão đã giao nộp anh. Thoạt tiên lão bày trò mất cắp trên xe điện, làm om lên để cho anh bị bắt. Sau đó mò đến nhà anh và nhét tờ báo vào va-li. Bài tính rất đơn giản. Khi anh đã bị bắt tất nhiên sẽ bị khám nhà. Thế là người ta sẽ tìm thấy tờ báo có ghi mật mã. Người ta sẽ đọc bản mật mã đó và cơ quan phản gián Liên-xô sẽ hiểu anh là ai, rồi anh sẽ đi đời.
Schuko cười gằn:
- Thưa ông dự thẩm. Ông làm việc rất thô lỗ. Các ông đã mua chuộc bà già. Mua chuộc cả lão Râu bạc kia nữa. Các ông còn nhét cả báo vào nhà tôi. Thưa các thủ trưởng, các ông bắt phải rễ thối rồi. Tôi lại không phải là thằng thộn, dừng có úm tôi.
- Rễ thối à? - Azizov đứng phắt dậy - Thiếu tá Semin, gọi xe đến đây - ông quay lại Schuko - Sửa soạn đi, chúng ta sẽ đi ngay.
Schuko nheo mắt lại:
- Thủ trưởng nổi giận rồi... chả nhẽ ông lại chở tôi đến ông già kia hay sao? - Hắn hất hàm trỏ tấm ảnh của lão Râu bạc.
- Đúng là đến gặp lão đấy. Chỉ có một điều là vị tất việc này đã làm cho anh dễ chịu đâu...
4
Đây là lần thứ hai trong ngày hôm đó chiếc xe hơi của đại tá Azizov chạy qua con đường từ Baku tới cái làng nhỏ ven biển. Anh tài xế cùng với người áp giải dìu Schuko vào phòng.
Trong phòng mọi vật đều y nguyên. Chỉ khác là cái xác chết nằm trên nền nhà đã được phủ tấm vải rải giường.
Tội nhân được đặt ngồi trên ghế, có chiếc ghế nhỏ kê dưới chân đau. Azizov ra hiệu cất tấm vải và lật ngửa xác chết lên.
Schuko rú lên.
- Té ra anh đã nhận ra rồi đấy - Semin nói.
Azizov gọi cộng tác viên đến.
- Mang tất cả những thứ tìm thấy dưới hầm bí mật lên đây.
Cộng tác viên mang vào phòng một cái bọc, đặt lên bàn và mở ra. Trong đó có hai chiếc hộp sắt có núm vặn thay băng và những cột chữ số. Azizov bảo:
- Nhìn qua xem, Schuko. Đây là một điện đài. Còn trong cái hộp nhỏ kia là bộ pin điện. Anh thấy không, dây điện đang nối vào nhau? Thế có nghĩa là máy đang cắm vào pin. - Azizov mở núm. Bóng đèn bật sáng soi rõ băng của điện đài. Lát sau trong ống nghe đã có tiếng òng ọc nhè nhẹ.
- Tốt cả, máy đang hoạt động - Azizov áp ống nghe vào tai Schuko, cho hắn nghe một lát rồi tắt máy - Ngày hôm kia chủ nhân của điện dài này đã giao nộp anh vào tay cơ quan phản gián Liên-xô, sau đó đã mò tới nhà anh để nhét tờ báo có bản tin mật mã vào va-li. Lão trở về đây mà trong lòng khấp khởi chắc mẩm rằng có thể là anh đã đi toi. Lão mở máy ra báo tin rằng anh không còn nữa. Coi như nhiệm vụ đã hoàn thành. Nhiệm vụ ai giao cho? Hở Schuko? Rõ ràng là do quan thầy của các anh giao cho? Còn ai vào đây mà
xui lão già giao nộp anh cho chúng tôi nữa!
Schuko ngồi gò lưng xuống, mắt trừng trừng nhìn vào một điểm dưới chân tường. Hắn im lặng. Không ai quấy rầy hắn cả. Cứ thế kéo dài trong mấy phút. Cuối cùng hắn ngửng đầu lên và đề nghị:
- Xin ông chở tôi đi khỏi nơi này.
... Buổi tối thiếu tá Semin đến gặp Azizov. Anh báo cáo rằng: bệnh viện gọi điện thoại cho biết là tội nhân Schuko đề nghị mời đại tá Azizov đến. - Không gan lì được nữa - Semin mỉm cười.
Azizov nhún vai:
- Hắn không phải là thằng ngốc nên không muốn làm mất cái điều may mắn cuối cùng.
... Sáng hôm sau Azizov cùng Semin đến chỗ tội nhân.
Nhác thấy họ, Schuko nhổm dậy và nói:
- Thưa ông dự thẩm, hôm qua tôi bị gẫy xương chân.
Azizov vội vàng tới nhìn hắn. Semin thì quay ra cửa định gọi bác sĩ. Schuko ngăn anh lại:
- Hãy khoan. Các ông chưa hiểu... Bác sĩ bẻ xương ra vì chiếu điện thấy bị nối lệch. Sau đó lại nối vào cho đúng và bó bột.
Schuko vén mép chăn lên và giơ cái chân mới được bó bột ra. Semin ngồi xuống ghế đẩu. Azizov thọc tay vào túi áo lấy thuốc lá và bực tức hỏi:
- Thế anh muốn gì nào?
- Tôi... - Schuko hồi hộp liếm môi - Bác sĩ đã đối với tôi như vậy... Còn chiếu điện cả cho tôi...
- Nói ngắn thôi!
- Nghĩa là các ông sẽ không bắn tôi chứ? - Schuko nín thở, giương hai cặp mắt nhìn chòng chọc vào mặt Azizov.
- Tội nhân Schuko, tôi không biết việc đó - Đại tá Azizov đáp - Tòa án sẽ quyết định số phận của anh. Anh cũng thấy đấy, một gián điệp bị bắt quả tang trong thời gian chiến tranh...
- Vẫn có trường hợp ngoại lệ kia mà!
- Có trường hợp ngoại lệ thật. Nhưng anh phải biết rằng: muốn thế thì phải có những cơ sở rất chắc chắn. Cố nhiên, nếu ai biết tự thú một cách thành thật và ngoài ra lại cung cấp được những tài liệu quan trọng...
- Tôi xin kể hết những điều mình biết!
- Nói tóm lại - Azizov nói tiếp - Nếu tài liệu dự thẩm mà có ích cho Bộ Tư lệnh Liên-xô thì cố nhiên cơ quan dự thẩm có quyền xin giảm nhẹ. Anh hiểu tôi chứ?
- Vâng, vâng, thưa ông dự thẩm - Schuko nói có vẻ vội vàng, sốt ruột - Ông cứ hỏi đi, tôi xin trả lời. Tôi tin tưởng ở ông, ông...
- Đừng có loanh quanh nữa - Azizov ngắt lời hắn - Nói thật đi, nếu quả thực anh có điều gì đáng nói.
- Thưa ông dự thẩm, ông cứ hỏi đi. Tôi xin trả lời hết.
- Trước hết tên họ anh là gì? - Semin hỏi - Tên họ thật ấy.
- Otto Liss.
- Không có tên họ khác nữa chứ?
- Chỉ có tên họ này và... Schuko.
- Người Đức à?
- Vâng.
- Anh học nghề gián điệp ở đâu.
- Ở Hamburg. Nói đúng hơn thì không phải ở Hamburg mà ở một thị trấn ven sông Elbe, phía trên Hamburg.
- Thị trấn nào?
- Ostburg. Không phải ngay trong thị trấn, mà trong một dinh thự gần Ostburg. Ở phía tây nam, cách chừng mười cây số.
Otto Liss kể tỉ mỉ về nhà trường mà hắn đã học, về bọn chỉ huy trong trường, về nhiệm vụ đã được giao phó. Hắn phải tổ chức phá hoại các xí nghiệp công nghiệp, đặc biệt là phải phá hỏng một nhà máy tinh chế dầu hỏa lớn nhất. Liss đã biết địa chỉ của hai đầu mối liên lạc. Nhưng cả hai nơi ấy đều đã bị lộ. Chật vật lắm hắn mới nắm được tình hình đó và trốn thoát một cách trót lọt.
Azizov cười khẩy:
- Liss ạ, người ta đã theo dõi anh đấy. Chúng tôi cũng đã biết một vài điều về trường gián điệp ở Ostburg. Nói tóm lại, anh chưa nói được tin gì mới cả đâu.
Liss im lặng.
- Tại sao anh không được cung cấp ngòi nổ?
- Họ sẽ gửi đến. Đã giao hẹn rằng hễ tìm được chỗ yên ổn là tôi sẽ bắt liên lạc ngay.
- Chuyện hồ đồ - Azizov đứng dậy - Anh không có điện đài à? - Ở chỗ liên lạc có.
- Có lẽ chỗ lão Râu bạc ấy à?
- Không, tôi chưa bao giờ nghe nói đến người này. Thưa ông dự thẩm, tôi nói thật đấy.
- Thế mà lão ấy lại biết anh và biết rất rõ kia nữa. Sao thế nhỉ?
- Các ông cho rằng lão ấy phản bội tôi theo lệnh của... cấp trên hay sao? - Chính anh cũng nghĩ như vậy.
- Tôi được tung sang nước ngoài hai lần: một lần sang Pháp, một lần sang Ba-lan, cả hai lần đều thành công - Liss lau mồ hôi trán - và bây giờ... Không, tôi không hiểu gì cả! Chả nhẽ những điều các ông nói lại đúng sự thật à? Tôi không thể tin được...
- Đúng. Chính người của các anh đã phản anh.
- Thế thì, thế thì... - Liss bỗng ưỡn người lên, hai tay níu chặt lấy mép chăn - Tôi xin thổ lộ ra với các ông một điều bí mật. Đây là một việc rất quan trọng. Tôi biết được việc này do một sự tình cờ hoàn toàn.
CÂU CHUYỆN CỦA OTTO LISS
Như tôi đã nói, tôi được đào tạo tại Ostburg. Các ông đã biết tỉ mỉ về trường này rồi. Khi học xong tôi được nghỉ phép mấy hôm. Sau đó một chiếc máy bay đặc biệt chở tôi đi.
Ban ngày tôi không được thò mặt vào thành phố. Nhưng ban đêm lại có thể được. Tối đến tôi thường mò ra cảng. Ở đó có nhiều quán rượu, có thể giết thời gian một cách thú vị.
Buổi tối cuối cùng trước khi lên đường tôi cũng đến cảng như thường lệ. Ở đây tôi đã chạm trán với một người mà tôi quen biết hồi còn trẻ. Nhưng đã lâu mất tăm mất tích. Đó là Karl Breuer, một nhân vật khá quan trọng của đảng Quốc xã, trước đã từng làm thủ lĩnh một huyện ở tỉnh Thuringia. Sau đó làm trưởng phòng trong sở cảnh sát và bây giờ, như tôi biết, thì đã làm đại tá SS và nhân viên của sở an ninh quốc gia. Trước kia chưa bao giờ chúng tôi có cảm tình đặc biệt đối với nhau.
Nhưng thường thường khi hai người đồng hương gặp nhau ở một nơi xa lạ thì vẫn cảm thấy gần gũi nhau hơn. Cả tôi và cả anh ta đều không có người quen ở Ostburg.
Nửa giờ sau chúng tôi đã ngồi trong tiệm rượu. Đàn dương cầm thánh thót. Mấy cặp gái trai ôm nhau nhảy. Chúng tôi khề khà uống rượu. Tôi khuyên anh ta nên tìm một cô đào để nhảy. Anh ta lặng lẽ trỏ vào cánh tay trái của mình. Lúc đó tôi mới nhận thấy là cánh tay ấy không động đậy một cách kỳ lạ. Anh bạn giải thích:
- Tớ bị thương, bị giập nát cánh tay. Nghĩa là không thể nhảy nhót gì được. Tôi nhìn anh ta có ý dò hỏi nhưng anh ta không nói gì nữa.
Tuy vậy lát sau anh bạn đã trở nên lắm mồm lắm miệng hơn. Tiệm rượu này có thứ rượu "rum" và "Benedictine" ngon tuyệt, chúng tôi uống tha hồ nên Breuer bắt đầu ba hoa về công tác của mình. Anh chàng trỏ tay vào ngực có đeo lủng lẳng chiếc huân chương "Chữ thập sắt" mới và nói bô bô rằng vừa nhận huân chương được ba hôm do chính tay ngài Tổng tư lệnh SS là Heinrich Himmler trao cho.
Tôi liền hỏi:
- Có công trạng gì mà được thưởng?
Breuer cười láu lỉnh:
- Rất nhiều công. Nhưng công chính vẫn là việc bảo quản hồ sơ lưu trữ. Tôi nhún vai không hiểu anh ta nói cái gì. Anh liền giải thích rằng: ở miền tây Liên-xô cũng như ở nước Ba-lan, Tiệp-khắc và các nước khác do quân Đức chiếm đóng đã thành lập nhiều phòng và sở mật thám, tình báo quân sự và an ninh quốc gia. Trong thời gian chiếm đóng, các cơ quan này đã tích lũy được nhiều tài liệu lưu trữ rất có giá trị. Khi bắt đầu rút lui về phương Tây
đã có mệnh lệnh hết sức nghiêm ngặt là phải vận chuyển số hồ sơ đó về nước Đức để bảo quản trong những căn hầm được thiết bị đặc biệt. - Và chính cậu đã tiến hành công việc đó à?
- Không phải toàn bộ công việc... - Breuer lúng túng - Nói tóm lại tớ đã chở một số lớn hồ sơ từ các thành phố bên Nga về đây.
- Thế còn chuyện cánh tay của cậu? - Tôi hỏi dồn - Cánh tay cậu thì có liên quan gì đến việc này.
Breuer không đáp.
Thời gian trôi rất nhanh. Đã quá nửa đêm từ lâu rồi thế mà chúng tôi vẫn uống. Tôi không hỏi gì thêm về cánh tay bị thương của Breuer nữa vì nói thực ra điều đó cũng chả có ý nghĩa gì đối với tôi. Tôi uống mãi và cảm thấy trong người rất thoải mái. Tôi cứ tưởng anh bạn tôi cũng chẳng nghĩ đến việc gì khác ngoài rượu vang. Nhưng tôi đã nhầm. Khi đã say khướt cò bợ, Breuer chợt nghiêng mình ôm choàng lấy hai vai tôi thì thầm:
- Cậu nên nhớ rằng, tớ suýt chết đấy... Thử tưởng tượng xem, xung quanh là nước, tớ cảm thấy như mình bị sặc nước, bị chết đuối và không thể làm cách nào khác để thoát chết được.
- Nhưng cậu vẫn còn sống nguyên vẹn kia mà - tôi nói.
Breuer gật đầu, rót cho mình một cốc rượu đầy và uống cạn. - Cố nhiên là còn nguyên vẹn - anh ta nói - nhưng không dễ mà tớ quên được sự việc đó. Hãy hình dung xem: cậu đang ở dưới hầm ngầm cất giấu các thứ hồ sơ đó, đang chất nốt những chiếc hòm sắt đậy kín cuối cùng thành từng chồng; người ta đang chở đến những tài liệu mới đựng trong hòm gỗ hay bọc giấy và phải đóng nó vào hòm sắt... thì bỗng có tiếng rú, tiếng ầm ầm. Sông Elbe đã chơi khăm chúng tớ một vố: nước sông lọt qua bức tường thép
chắn ngang phía Tây căn hầm và tràn tới chỗ để các hòm tài liệu. Thế là tớ thét lên. Tớ khiếp sợ quá nên mất cả trí khôn. Hễ sực nhớ lại chuyện đó là y như thấy lạnh toát đằng sau xương sống. Bởi vì nếu nước làm hỏng mất những hồ sơ đó thì bọn tay chân của Himmler đang đứng trong hầm sẽ rút súng ra bắn chết tớ ngay. Không suy nghĩ gì nữa, tớ đâm bổ xuống nước, dùng hết sức lôi những hòm vừa mang tới lên. Nhưng dòng nước đen sủi bọt đã chảy đến những hòm đó... Vì thế nên tớ mới hỏng cánh tay.
Breuer còn nói nhiều về câu chuyện này, kể rất nhiều chi tiết. Anh ta nói ra cả địa điểm xây dựng của căn hầm bí mật. Các ông cũng còn nhớ là Breuer đã nói: "Nước lọt qua bức tường thép, chắn ngang phía tây căn hầm”. Thế thì chỗ này cách Ostburg chừng gần mười cây số về phía tây. Đó là bờ sông Elbe, có rừng mọc.
CHƯƠNG NĂM
1
Sáng sớm một chiếc máy bay vận tải chở hai hành khách rời khỏi một sân bay ở gần Moskva. Một người là đại tá Rybin, người kia là sĩ quan giúp việc của ông ta, thiếu tá Asker Karimov.
Lúc học hết lớp mười Asker chưa đầy mười bảy tuổi. Anh đã xác định bước đường đời tương lai của mình một cách chắc chắn: vào học trường cao đẳng công nghiệp, trở thành nhà hóa học. Ngoài ra anh sẽ còn tiếp tục học thêm cho giỏi tiếng Đức, cái thứ tiếng mà anh đã học từ bé.
Nhưng anh đã gặp một bước ngoặt đột ngột trong đời sống. Anh nhận được giấy triệu tập của ủy ban quân vụ. Khi anh cầm giấy đến thì được một trung tá tiếp đón, đến mãi bây giờ Asker vẫn còn nhớ mái tóc đen quăn làn sóng, tương phản với đôi mắt xanh của ông ta và vầng trán cao hơi bị hói. Trung tá không phải là ủy viên quân sự mà là đại diện của cơ quan an ninh quốc gia. Trung tá đề nghị Asker vào học trong một trường huấn luyện đặc biệt. Anh đâm ra phân vân. Trở thành cán bộ phản gián à?
Nhưng anh có khả năng gì đâu! Trung tá mỉm cười và giải thích rằng cán bộ phản gián không phải do trời sinh ra mà do sự huấn luyện, đào tạo lâu đài. Một điều đáng ngạc nhiên là Asker nhận thấy rằng trung tá biết rất nhiều điều về anh, về sự ham thích học sinh ngữ, về thú say mê bóng đá và cả việc nhảy dù của Asker cách đây một năm. Ông ta nói:
- Nhưng điều chủ yếu là anh tỏ ra nghiêm túc, trung thực, học giỏi - Trung tá im lặng chốc lát - Hơn nữa cha anh lại là một trong những người đã thiết
lập chính quyền Soviet ở Caucasus. Ai phải bảo vệ chính quyền này nữa nếu không phải là con ông cụ!
Khi chiến tranh bùng nổ Asker đã giữ chức trung úy, làm cộng tác viên của cơ quan an ninh quốc gia ở Baku. Sau đó anh đến Moskva làm công tác phiên dịch và đọc các tài liệu mật mã bắt được của địch. Anh cứ nằng nặc xin ra mặt trận. Cuối cùng anh được điều động sang công tác tại cơ quan quân báo và phản gián của tập đoàn quân.
Công tác mới đã khiến cho Asker nghiên cứu kỹ được các thói quen của quân thù. Một lần trong khi lọt vào hậu phương gần của quân địch, Asker đã gặp anh em du kích. Đội du kích vừa bắt được một sĩ quan SS. Thế là Asker lợi dụng luôn giấy tờ của tên tù binh này, lọt sâu vào hậu phương xa của địch, lấy được một số tài liệu quan trọng giúp cho việc trừ khử những ổ điệp viên nguy hiểm của kẻ thù mai phục trên đất Liên-xô[1].
... Bây giờ Asker lại về công tác ở Moskva. Đại tá Rybin cùng anh đáp máy bay về Baku để nghiên cứu tại chỗ một số vấn đề có liên quan tới lời cung khai của điệp viên Otto Liss về căn hầm bí mật giấu hồ sơ lưu trữ của các cơ quan mật vụ Đức.
Rybin già hơn Asker rất nhiều về tuổi đời cũng như về thâm niên công tác trong cơ quan an ninh quốc gia. Ông ta xin gia nhập Đảng và vào làm công tác ở cơ quan trấn áp phản cách mạng ngay sau khi Lenin mất.
Qua hai mươi năm công tác, đại tá Rybin đã trở thành một trong những sĩ quan ưu tú của Cục an ninh.
Hôm qua mãi tận hai giờ sáng hai người mới làm xong công việc và lúc ấy lại thấy rằng cần phải cấp tốc đáp máy bay tới Baku. Cục an ninh rất chú ý tới lời khai của Liss, một số tài liệu đã chứng tỏ rằng có thể hắn nói đúng, cần phải cấp tốc hỏi cung tên điệp viên, nghiên cứu lời khai của hắn, đối
chiếu với các tài liệu đã thu lượm được qua các nguồn tin khác. Cấp trên đã bảo Rybin và Asker:
- Các đồng chí hãy đi đến tận nơi mà nghiên cứu. Các đồng chí biết nhiều hơn các cán bộ địa phương nên có thể giúp đỡ cho Azizov được. Xe ô-tô đang đợi ngoài cửa ấy. Đi ra sân bay ngay nhé.
Thế là họ ra đi mà không kịp ăn cơm tối.
Bây giờ hai sĩ quan mới giở gói thức ăn ra...
Bay được ba giờ rồi. Máy bay đã băng qua Stalingrad và lao về phía Astrakhan thì thấy người điện báo viên bước vào phòng hành khách, lặng lẽ đưa cho Rybin bức điện. Đại tá đọc "Thôi không đi công tác nữa. Trở về ngay. Lykov".
[1] Xem cuốn "Vượt qua lưới thép" cũng của Nasibov do Nhà xuất bản Thanh niên phát hành năm 1960.
2
Sau khi đánh điện, tướng Lykov cầm lấy ống nghe của chiếc máy điện thoại đặt hơi xa các máy khác. Trong ống có tiếng nói:
- Tôi nghe đây.
- Báo cáo: tôi đã gọi đại tá Rybin và thiếu tá Asker trở lại rồi. - Được - trong ống im lặng chốc lát - Nếu rảnh việc thì mời đồng chí đến đây.
Lykov thu nhặt giấy tờ trên bàn, bỏ vào tủ khóa lại rồi đi sang phòng khách bảo người sĩ quan đang ngồi đó:
- Gọi xe ra ga đón đại tá Rybin và thiếu tá Asker.
- Thưa thiếu tướng, rõ.
- Tôi đi đến thủ trưởng đây.
Một người đàn ông trạc sáu mươi tuổi, cao, gầy, mắt to, với mái tóc rậm hơi điểm bạc. Người ấy trỏ cho Lykov chiếc ghế bành rồi đẩy hộp thuốc lá lại gần. Lykov cầm một điếu:
- Cám ơn. Đồng chí Alexei Ilyich, đồng chí đã có ý kiến gì chưa? - Chưa... Đồng chí đã ra lệnh đưa Otto Liss tới đây chưa?
- Rồi ạ, theo đúng như lệnh của đồng chí.
- Được. Ngày mai có lẽ cả gã hàng binh kia cũng đến đây - Thủ trưởng liếc nhìn mẩu giấy trước mặt và đọc: - George Homann.
- Một câu chuyện phức tạp - Lykov trầm ngâm nói.
- Phức tạp thật. Chắc đồng chí sẽ không phản đối nếu chúng tôi giao công việc này cho Rybin và Asker chứ?
- Tất nhiên là không ạ. - Lykov kéo cái đĩa gạt tàn về phía mình, cẩn thận đập cho tàn thuốc rơi vào đó - Tôi chỉ muốn rằng...
- Cứ nói đi.
- Đồng chí Alexei ạ, đồng chí có thấy rằng nên làm cho rõ vấn đề Otto Liss ra không. Nên tiến hành hết mọi biện pháp.
- Thì chính đồng chí cũng biết rằng không thể được cơ mà.
- Tôi hiểu, nhưng...
- Hơn nữa, dù sao chăng nữa cũng khó mà tin được hắn lắm. Thôi hãy suy nghĩ về vấn đề khác, về Homann.
- Trong vấn đề này chỉ có mỗi một lối thoát.
- Lối thoát nào?
- Tôi đã thăm dò rồi, ở khu vực đó của mặt trận hiện nay tạm im tiếng súng. Có lẽ bộ đội ta còn im lặng trong hai tuần nữa. Chưa có tài liệu gì chứng tỏ rằng quân Đức sẽ mở cuộc hành binh trong những ngày sắp tới. Thủ trưởng mỉm cười rồi lẩm bẩm:
- Lạ nhỉ?
- Tôi không hiểu.
- Đồng chí vẫn chưa hiểu à? Nhưng đồng chí đã đề nghị tổ chức một đội biệt kích và tung nó vào hậu tuyến của sư đoàn "Teifel", cái sư đoàn của Homann ấy kia mà?
Lykov gật đầu.
- Đội biệt kích này phải bắt cho được tù binh thuộc cái tiểu đoàn hay tốt hơn là thuộc cái đại đội của Homann - Thủ trưởng nói tiếp ý nghĩ của mình - Phải thế không nhỉ?
Lykov lại gật dầu.
- Phải làm như vậy để hỏi cung tù binh mà xác định xem Homann là người như thế nào. Tôi hiểu như vậy có đúng không?
- Thưa đúng như vậy.
- Thế thì được - Thủ trưởng mỉm cười hóm hỉnh - Tôi có thể báo cho đồng chí biết rằng nửa giờ trước đây mệnh lệnh đó đã được gửi ra mặt trận. - Phải hoãn lệnh ấy lại - Lykov đứng phắt dậy.
- Tại sao thế?
- Việc này rất phức tạp và tế nhị, cho nên nếu không có sự theo dõi của chúng tôi... Nói tóm lại tôi muốn phái thiếu tá Asker tới đó. Thủ trưởng cũng đứng dậy và nói:
- Đồng chí nói đúng đấy.
- Thế thi tôi sẽ ra sân bay đón anh ta, giải thích hết mọi vấn đề rồi cử đi ngay nhé?
- Đi ngay đi. Tôi sẽ truyền lệnh cho Bộ tham mưu tập đoàn quân là nếu không có Asker thì không được hành động gì cả.
3
Đã ba ngày đêm Asker ở lỳ tại khu vực đó của mặt trận. Anh hành động một cách cương quyết và đã đạt được nhiều điều. Tuy chưa gặp gã hàng binh vì Homann đã được đưa về Moskva trước khi Asker đến đây ít lâu nhưng anh đã nắm được tình hình và vạch ra kế hoạch hành động nhờ bản sao lời khai cung của Homann.
Nhiều tổ biệt kích đã được tung vào hậu tuyến đối phương với nhiệm vụ là điều tra chính xác sự bố trí quân lực của trung đoàn bộ binh mô-tô thuộc sư đoàn "Teifel" và của tiểu đoàn Ba thuộc trung đoàn đó, nơi mà trước đây Homann đã công tác. Các tổ này đã mang về nhiều tài liệu quý giá. Đã hai lần Asker ngồi máy bay trinh sát để quan sát kỹ khu vực tiền duyên trận địa quân Đức, nơi mà anh quan tâm tới. Tất cả những việc đó đã giúp cho việc đặt một kế hoạch tác chiến tỉ mỉ, tiến hành chuẩn bị một cách khẩn trương.
Thế mà kế hoạch tác chiến đó vẫn chưa được thực hiện. Bộ tham mưu tập đoàn quân thình lình nhận được lệnh tấn công bởi vì những số liệu mới đã chứng tỏ rằng quân địch đang huy động nhiều lực lượng dự bị đến đây.
Các đạo quân Soviet có nhiệm vụ đánh tan các đơn vị quân địch ở trước mắt họ rồi cùng với các lực lượng bổ sung đang cấp tốc từ hậu phương kéo ra, sẽ tấn công và tiêu diệt viện binh của địch trong khi chúng chưa kịp triển khai và chuẩn bị phòng ngự.
Tham mưu trưởng tập đoàn quân sau khi báo tin cho Asker, liền xòe tay ra tỏ vẻ thông cảm.
- Công việc là như vậy đấy, thiếu tá ạ.
- Xin lỗi đồng chí, bắt đầu tấn công?...
- Kế hoạch định ngày kia nhưng bây giờ thì lại bị rút ngắn thêm nữa - Đại tá hạ thấp giọng - Ngày mai chúng tôi sẽ bắt đầu lúc hai mươi bốn giờ đúng. - Hai mươi bốn giờ đúng - Asker lẩm bẩm - Như thế nghĩa là tôi còn một ngày đêm nữa để chuẩn bị phải không?
- Anh nghĩ gì vậy? - Đại tá tò mò nhìn người sĩ quan quân báo - Tôi muốn nhấn mạnh rằng: nhiệm vụ trước mắt của quân ta rất khó khăn và phức tạp. Bọn Đức có nhiều lực lượng, chúng xây dựng phòng tuyến rất kiên cố. Cho nên phải hành động thận trọng. Tóm lại là không được làm náo động quân địch trước thời gian đã định vì chúng ta hoàn toàn dựa vào tính chất bất ngờ.
- Chúng tôi không làm gì động đâu - Asker đứng dậy - Thưa đại tá, đồng chí cho phép tôi đến đây sau hai giờ nữa chứ? Tôi muốn tiếp tục câu chuyện. - Xin mời thiếu tá. Nhưng đồng chí hiểu cho rằng, khi cuộc tấn công... - Có lẽ tấn công lại càng tốt kia đấy - Asker nói - Thế thì tôi cứ đến nhé? - Cứ đến, cứ đến.
Asker đi tới căn hầm dành riêng cho anh. Người chiến sĩ được cử làm cần vụ cho anh đang nhóm lò.
- Năm phút nữa sẽ nóng đồng chí thiếu tá ạ - Người ấy đứng nghiêm đưa tay lên vành mũ và nói.
- Nóng càng tốt - Asker gật đầu, vẫn mải theo đuổi ý nghĩ của mình. Người lính khoác capote đi ra ngoài. Khi anh ta quay vào thì thiếu tá đang ngồi bên bàn, cúi lom khom trên tấm bản đồ.
... Đêm khuya hôm ấy Asker lại gõ cửa hầm bê-tông của tham mưu trưởng. Ông ta nói:
- Đồng chí có biết là chính tôi đang nghĩ cách giúp đồng chí đấy... Nhưng trước hết đồng chí cứ trình bày đi đã.
Asker mở bản đồ, lấy sổ tay ra.
- Thực ra thì tất cả mọi việc đều rất đơn giản. Mệnh lệnh tấn công đột ngột đã khiến cho chúng tôi không thể chuẩn bị theo kế hoạch cũ, trong đó đã đề ra việc bắt mấy tên tù binh thuộc phân đội mà chúng tôi đang chú ý. Nhưng cuộc tấn công lại làm cho chúng tôi có thể hành động theo cách khác, cương quyết hơn. Chúng ta sẽ tổ chức các cuộc đổ bộ bằng xe tăng và bộ đội nhảy dù. Nhiệm vụ của các cuộc đổ bộ này là đột nhập vào khu vực bố trí của trung đoàn bộ binh mô-tô thuộc sư đoàn "Teifel", bao vây tiểu đoàn Ba của trung đoàn này, mở trận chiến dấu với nó và bắt thật nhiều tù binh. Đây, tôi đã tính toán tất cả trên bản đồ này, đã lập kế hoạch hành động của các đội đổ bộ.
Tham mưu trưởng xem những chữ ghi trên bản đồ và nói:
- Còn gì nữa. Được đấy chứ. Tôi cũng dự tính gần như vậy. Thế là quyết định nhé. Tất nhiên là đồng chí sẽ không thân hành tham gia trận đánh chứ? - Tôi không thể...
- Phải, phải, tôi hiểu. Trước mắt đồng chí còn có việc quan trọng hơn, tôi nghĩ vậy, đúng không hả? Asker không trả lời chỉ khẽ nhún vai...
4
Gần hết tháng tư. Đêm đã khuya Asker mới rời khỏi buồng thang máy, đẩy cửa phòng khách. Người sĩ quan đang ngồi trong phòng liền đứng dậy, xiết chặt tay anh và nói:
- Chúc mừng anh đã trở về.
- Cám ơn - Asker liếc nhìn cửa phòng làm việc của đại tá Rybin. - Đồng chí ấy không có đây - Người sĩ quan nói - Đang ngồi đằng thiếu tướng Lykov. Đồng chí ấy dặn hễ anh về thì đến đằng ấy ngay. Asker gật đầu, vội vàng ra đi.
Lykov và Rybin chúc mừng Asker đã hoàn thành nhiệm vụ. Thiếu tướng dẫn anh đến tận ghế bành mời ngồi.
- Kể lại đi, thiếu tá.
- Đã tung hai đội đổ bộ xuống để vây phân đội đó. Xe tăng thọc vào sườn tiểu đoàn Ba để thu hút hỏa lực về phía mình. Bộ binh bám trên thành xe tăng, đánh thẳng vào trán quân Đức. Ngay lúc ấy quân nhảy dù nhảy xuống sau lưng tiểu đoàn này.
- Thế nghĩa là đã cắt rời tiểu đoàn ra chứ gì?
- Thưa thiếu tướng, gần như thế. Mãi cuối cùng quân địch mới kịp dùng súng cối bắn trả lại mấy chiếc xe tăng. Có một khe hở nên hai đại đội, hay nói đúng hơn là tàn quân của hai đại đội đã chuồn mất. Nếu không thì còn bắt được nhiều tù binh nữa kia.
- Lúc ấy đồng chí ở đâu?
- Ở chỗ chỉ huy sở của Tư lệnh tập đoàn quân, theo như mệnh lệnh. - Thế đấy - Lykov chậm rãi nói - Thế đồng chí mang được những tù binh nào về?
- Mười chín tên, trong đó có hai sĩ quan.
- Tất cả đều thuộc tiểu đoàn Ba cả à?
- Vâng.
- Khi chở về đây như thế nào?
- Tôi không cho chúng tiếp xúc nhau.
- Được.
- À, thưa thiếu tướng, tôi còn quên một điểm: trong số tù binh có cả tên đại đội trưởng của gã hàng binh Homann.
- Không bắt được tên tiểu đoàn trưởng à?
- Anh em ở đơn vị nhảy dù nói rằng đến phút cuối cùng thì hắn chuồn mất. Hắn trốn bằng mô-tô của tên sĩ quan liên lạc.
- Hoài của - Lykov vừa suy nghĩ vừa thong thả chọn những tờ giấy trên bàn.
- Thưa thiếu tướng, tôi đã truyền đạt mệnh lệnh của đồng chí cho trưởng phòng phản gián tập đoàn quân là phải báo cáo lập tức nếu bắt được tù binh thuộc tiểu đoàn Ba.
Lykov lơ đãng gật đầu.
Chợt ông cau mày nói:
- Thiếu tá Asker, đồng chí đã biết rằng lời khai của Liss và Homann có một ý nghĩa quan trọng. Nhưng hai lời khai của hai tên lọt vào tay ta bằng hai con đường khác nhau và ở hai khu vực khác nhau lại hoàn toàn ăn khớp với nhau, điều đó khiến chúng ta phải cảnh giác. Từ điều đó nên rút ra kết luận gì?
Asker nói:
- Có thể giả thiết rằng hai gã này nói đúng sự thật.
- Có thể - Lykov gật đầu - Đồng chí nhìn xem, đây là đoạn trích lời khai của hàng binh Homann. Trông đây này: Hamburg thị trấn bên bờ sông Elbe, ở phía trên một chút là Ostburg. Sau đó là khu phía tây Ostburg, trên bờ sông, trong rừng thông. Bây giờ hãy đọc lời khai của điệp viên Liss, cũng
Hamburg, rồi Ostburg, cuối cùng là khu rừng bên bờ sông Elbe. - Tất cả đều trùng nhau.
- Hoàn toàn trùng nhau. - Asker phân vân đưa tay gạt mồ hôi trên sống mũi. - Lại còn cả bức tường thép trong căn hầm nữa, cả hai gã đều nói như vậy.
- Cả gã hàng binh và tên điệp viên đều được đưa về Moskva rồi. - Lykov gõ bút chì trên bàn - Chúng đang đợi đồng chí đấy, thiếu tá ạ. - Tôi muốn trước hết hãy hỏi cung những tên tù binh đã - Asker nói. - Tôi không phản đối đâu - Lykov cầm lấy những tờ giấy trên bàn - Đồng chí thấy việc gì cần thì cứ làm, nhưng mà phải nhanh lên đấy - Thời gian ít lắm. Đối với tôi và đồng chí bây giờ không có việc gì quan trọng hơn là việc tìm kiếm và đoạt lại những hồ sơ lưu trữ này.
- Tôi hiểu ạ - Asker gật đầu.
- Những hồ sơ lưu trữ này chắc hẳn là những tài liệu về mạng lưới điệp viên mà bọn Đức cài lại ở phương Đông, đó là những tài liệu nói về mưu mô của bọn phát-xít trên đất nước chúng ta. Những tài liệu ấy thật là quý vô giá. Phải trao những tài liệu này vào tay cơ quan tư pháp của chúng ta, khi mà Hitler và bọn đồng lõa bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Asker đứng dậy:
- Xin phép đồng chí bắt tay vào việc.
- Ừ. - Lykov cũng đứng lên - Và nên chú ý là không phải chỉ có tôi với đồng chí quan tâm tới những hồ sơ lưu trữ ấy đâu nhé, cả các cơ quan tình báo... hừ... của một số nước khác cũng đang nghiên cứu vấn đề này đấy cho nên phải khẩn trương lên mới được. Có cần ai giúp một tay không?
- Thưa thiếu tướng, lúc này thì chưa cần đâu ạ.
CHƯƠNG SÁU
Asker đến cái trại giam tù binh trong rừng ở ngoại thành Moskva đã được một ngày một đêm. Trại tù binh này ở biệt lập với các trại khác và từng tù binh cũng bị giam riêng, không được tiếp xúc với nhau.
Hai mươi bốn giờ! Anh đã hỏi cung trong suốt thời gian đó. Anh đã lần lượt gọi vào văn phòng của mình gần một chục tên lính và hạ sĩ quan của tiểu đoàn Ba, nhưng vẫn không tiến thêm được bước nào. Những tên mà anh hỏi đều trả lời giống nhau một cách lạ lùng. Chúng khai rằng trong suốt thời gian chiến đấu ở tiểu đoàn này chúng chỉ biết có hai sự việc khác thường là việc tên thư ký Vogel tự tử và việc gã binh nhất Homann đào ngũ. Homann là người thế nào? Một tên lính bình thường như hàng ngàn tên lính khác. Thực ra gã khôn hơn chúng bởi vì đã tự nguyện sang hàng quân Nga và như thế thì có thể hy vọng được ưu đãi hơn những tù binh như chúng. Vừa mới ba tuần trước đây Homann được tuyên dương là một người lính gương mẫu và được nghỉ phép về thăm thành phố quê hương thế mà bây giờ lại bị trung đoàn trưởng ra lệnh tước quân tịch, tước mọi quyền lợi và mọi sự khen thưởng, bị tuyên án xử tử vắng mặt về tội phản bội.
Asker chăm chú ngồi nghe bọn tù binh nói, đặt thêm cả những câu hỏi không liên quan gì tới Homann để che giấu sự quan tâm của mình đối với gã hàng binh.
Anh thấy rằng bọn tù binh đều vui lòng đáp lại những câu hỏi của mình. Lời khai của chúng gần như giống nhau. Chúng không thể trao đổi ý kiến với nhau trước vì bị cách ly với nhau. Như thế nghĩa là chúng đã nói thật. Asker hỏi chung bọn binh nhì trước cốt để tìm hiểu rằng tên đại đội trưởng
của chúng là người thế nào và cần đối xử với hắn ra sao. Anh đã được biết rằng trung úy đại đội trưởng Schulz là một người chỉ huy nghiệt ngã, nghiêm khắc, nhưng đúng đắn, không hay phạt vặt, thương lính. Sở dĩ Homann được về phép cũng là do sự đề nghị của Schulz.
... Người chiến sĩ áp giải một tù binh vào phòng. Đó là một gã đứng tuổi, to ngang và chân đi hơi vòng kiềng. Asker bảo:
- Ngồi xuống.
Tên Đức ngồi xuống ghế, đặt hai bàn tay to lớn lên đầu gối, liếm môi rồi thở dài. Hắn liếc nhìn viên dự thẩm, thấy anh là một sĩ quan cao lớn, thon thả, tóc hung hung chải lật, trán rộng, hai mắt màu xám long lanh, mũi hơi khoằm, lưỡng quyền rộng, cằm vuông. Tấm áo bó lấy thân hình nở nang có vẻ lực sĩ, chiếc thắt lưng rộng ôm chặt ngang cái bụng thót. Trước cái vóc dáng đầy sức mạnh và nghị lực đó của người sĩ quan Liên-xô, gã tù binh bất giác mỉm cười.
Asker hơi nheo mắt, thong thả ngồi xuống ghế và hỏi:
- Tên anh là gì:
Gã tù binh đáp lại bằng cái giọng khàn khàn trầm trầm rằng tên gã là Herbert Lange.
- Cấp bậc.
- Thượng sĩ.
- Thượng sĩ - Asker vừa nhắc lại vừa ghi vào biên bản - Chiến đấu ở đơn vị nào? Hãy nói tên sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn và chức vụ. - Sư đoàn Teifel, trung đoàn bộ binh mô-tô, tiểu đoàn Ba, đại đội Một, trung đội Một.
Asker chú ý vì nhớ rằng cả Homann cũng ở đại đội Một.
- Được. - Anh nói - Anh có phải là đảng viên Quốc xã không. - Không - Lange lắc đầu - Không đời nào.
- Thế thì có lẽ anh là đảng viên Cộng sản chăng?
Gã tù binh thở dài rõ to và lại lắc đầu.
- Tôi cũng không phải là đảng viên Cộng sản - Gã chậm rãi nói rồi nhắc lại tựa hồ như tiếc rẻ - Vâng, thưa ông sĩ quan, tôi không phải là đảng viên Cộng sản. Tôi là người không đảng phái. Nhưng cũng có nhiều loại không đảng phái. Có những người có xu hướng chắc chắn mà cũng có những kẻ ba hoa và đần độn. Tôi thuộc loại cuối cùng.
- Thế à! - Asker mỉm cười - Anh ăn nói bạo mồm bạo miệng nhỉ. - Như thế có ích cho các ông hơn - gã tù binh nhún vai - Tôi nói vậy vì tôi đã đồng tình với các đảng viên xã hội dân chủ và xin thú thật là đã công kênh Adolf Hitler cùng bọn Quốc xã lên nắm chính quyền.
- Bằng cách nào thế? - Lời khai khác thường đã khiến cho Asker thú vị. - Cố nhiên không phải chỉ có một mình tôi. Tất cả những kẻ nào bị mê hoặc trước những lời nói nhảm của bọn Quốc xã về sứ mệnh vĩ đại của dân tộc Đức trên trái đất này đều là một lũ ngốc. Mà những kẻ như vậy thì không phải là ít...
- Không phải là ít thật - Asker gật gù - Thế bây giờ quan điểm của anh thế nào? Thay đổi rồi chứ?
- Vâng.
- Vì ảnh hưởng của việc anh bị bắt làm tù binh chứ gì? - Câu hỏi ngụ ý mỉa mai. Lange đỏ mặt lên và cúi đầu xuống.
- Không - Gã lẩm bẩm - Việc bị bắt làm tù binh không liên quan gì đến chuyện này đâu. Vấn đề là ở chỗ khác, hoàn toàn ở chỗ khác kia.
- Ở chỗ nào?
- Ở chỗ là tôi đã gặp những người rất tốt.
- Những người ấy là ai thế?
- Thưa ông sĩ quan, đó là ba người khác nhau nhưng rất tốt. Một người hiện vẫn ở bên nước Đức. Tôi có thể nói tên bác ta ra nhưng chắc ông cũng chả cần biết làm gì.
- Cũng cần chứ.
- Đó là người gác mồ tên là Lothar Fish.
- Anh muốn nói là gác nghĩa trang phải không?
- Vâng vâng, gác nghĩa trang. Xin lỗi ông - Lange lúng túng - Ông lại thạo tiếng Đức hơn tôi kia đấy...
- Người gác nghĩa trang Lothar Fish có gì đáng chú ý?
- Thưa ông, chả có gì cả. Chỉ có điều đó là một con người đã mở mắt ra cho tôi về nhiều điều. Hồi tôi còn bé, bác ta là một người lái thuyền ở Hamburg, bác ta rất quen cha tôi và vẫn bế ẵm tôi... Sau đó bác đi đâu biệt tăm. Rồi qua bao nhiêu năm sau tôi lại gặp bác ở Ostburg trong một trường hợp tình cờ, khi chúng tôi đi đưa tang một anh bạn. Bác ta sống một mình, tứ cố vô thân. Đêm đó tôi ngủ lại nhà bác, và hai bác cháu vừa tỉ tê trò chuyện vừa uống bia đến sáng... Tôi còn nhớ dạo ấy là vào năm 1938, vâng, vâng, mùa thu 1938... và ông có biết là Fish đã nói gì không? Bác ta tiên đoán rằng Hitler sẽ tuyên chiến với Liên-xô!
- Lạ nhỉ - Asker nhếch mép cười.
- Thưa ông sĩ quan, hơn nữa bác ta lại còn đoán trước sự thất bại của chủ nghĩa Quốc xã trong cuộc chiến tranh này. Fish đã nói thế này: "Người Nga họ sẽ vặn cổ gã quỷ dữ của chúng ta cho mà xem. Lange cháu
hãy nhớ lấy lời bác".
- Thế nào? Bác Fish này là đảng viên Cộng sản à?
- Không, tôi không nghĩ thế - Lange với một điếu thuốc, châm lửa hút và cẩn thận bỏ que diêm cháy dở vào đĩa gạt tàn - Chắc chắn là không phải. - Thế Fish còn sống không?
- Tôi vừa nhận được thư của bác ấy tháng trước.
- Thế còn người kia?
- Tôi gặp người này năm 1933, đúng vào cái đêm 27 tháng 2, khi trụ sở nghị viện ở Berlin bốc cháy[1]. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa chúng tôi. Cảng Hamburg ầm ĩ tiếng còi như là một bầy ong vỡ tổ. Ở đây đang họp mít-tinh. Các diễn giả gào như xé họng. Nhiều người lên nói nhưng gào to hơn hết vẫn là bọn phát-xít. Các đảng viên xã hội dân chủ cũng phụ họa theo chúng. Tất cả bọn đồng thanh kêu gào là cần phải có "một bàn tay rắn chắc" để chiếm cho nước nhà "một chỗ đứng dưới mặt trời", họ phỉ báng các đảng viên Cộng sản. Dạo ấy tôi cũng thích như vậy nên tôi đã cùng với những người khác hò hét, hoa đuốc và sẵn sàng đi đánh chiếm lấy cái chỗ đứng đó dưới ánh mặt trời. Chợt một người nói ngay bên tai: "Đồ ngốc!". Tôi quay lại và trông thấy một người đội mũ lưỡi trai mặc quần áo xanh công nhân. Anh ta đang nhai đầu mẩu thuốc lá, nhìn tôi có vẻ giễu cợt. Đó là một người lực lưỡng nên tôi phải nén những lời tục tĩu sắp văng ra. Cuộc mít-tinh vẫn tiếp tục. Hai bên đã hăng máu lên đến nỗi xẩy ra đánh lộn. Thế là cảnh sát kéo đến ngay và đã vung dùi cui lên. Tôi thấy tốt hơn hết là lặng lẽ chuồn khỏi đám đông. "Này!". Nghe tiếng gọi tôi liền quay lại. Cái anh chàng đội mũ lưỡi trai ban nãy đang lừ lừ tiến đến. Anh ta nói với tôi như hai người đã quen biết lâu ngày: "Làm một cốc bia nhé! Tớ sẽ giả tiền". Không hiểu sao tôi thấy ưa anh ta và quên khuấy đi mất rằng mới cách đây mấy phút suýt nữa
thì tôi choảng nhau với anh ta.
Chúng tôi mò vào cái quán rượu nhỏ uống bia. Hai bên trò chuyện mãi. Tôi nói nhiều hơn còn anh ta thì chỉ thỉnh thoảng mới xen vào một câu. Tôi nói ba hoa trời đất, tô vẽ quang cảnh một nước Đức mới, càng ngày càng đẹp đẽ. Anh ta chỉ ngồi nghe, cuối cùng mới hỏi: "Bố cậu cũng là phu khuân vác và sống ở đây cho đến khi đại chiến thế giới à?". Tôi đáp: - "Cố nhiên. Chúng tớ làm phu khuân vác mấy đời nay rồi còn gì nữa". Anh lại hỏi:
"Thế bố cậu sống có khá hơn cậu không?". Tôi đáp rằng chẳng sướng gì hơn. Tôi còn nhớ là trong những năm đói gia đình tôi phải đếm từng xu, chỉ ngày lễ mới ăn chút thịt. Anh ta bèn bảo: "Cậu thấy đấy, thế là tình hình vẫn như trước. Mà trước đại chiến nước Đức vẫn có đất sống và chỗ đứng dưới mặt trời, có cả thuộc địa, có tất cả mọi cái mà bọn Quốc xã đang kêu gào đấy chứ. Có đủ mọi thứ thế mà cha cậu, một gã phu khuân vác vẫn suýt nữa thì chết đói nhăn răng ra. Tại sao cậu lại tin rằng bây giờ tất cả sẽ thay đổi và từng người công nhân sẽ đình huỳnh như con gà sống ngồi trên mâm xôi ấy?". Tôi đâm ra ỉu xìu và cà khịa với anh ta. Anh mỉm cười: "Lange ạ, cậu phát cáu có nghĩa là cậu đã hiểu nhầm rồi".
Mãi sau này tôi mới hiểu rằng mình bực tức không phải đối với anh ta mà là đối với bản thân mình. Có lẽ vì tôi hổ thẹn không dám thú thực điều đó... Chúng tôi làm quen nhau như vậy đấy. Tên anh ấy là Otto Stahlecker.
Hóa ra chúng tôi cùng làm việc trong một xưởng đóng tầu, chỉ khác phân xưởng mà thôi. Anh ta là thợ máy, tôi là thợ nguội. Mặc đầu anh ta hơn tôi nhiều tuổi, chúng tôi vẫn kết bạn với nhau. Chúng tôi đợi nhau khi hết ca, cùng nhau vào quán rượu, về sau lại cưới hai cô bạn thân làm vợ, đến bây giờ vợ chúng tôi vẫn là bạn con chấy cắn đôi... Khi tôi đến Ostburg ở thì Stahlecker cũng chuyển tới đó. Hai người vẫn làm cùng một nhà máy. Chiến
tranh nổ ra, tôi phải nhập ngũ, còn Stahlecker thì được giữ lại vì anh là một chuyên gia lành nghề...
[1] Bọn mật thám bí mật đốt cháy tòa nghị viện rồi vu cho các đảng viên cộng sản đốt để lấy cớ đàn áp những người cộng sản (N.D). - Anh bạn này của anh cũng không ở trong đảng phái nào hay sao? - Thưa ông sĩ quan, tôi không biết - Lange chậm rãi nói - Cái gì không biết thì tôi nói là không biết. Nhưng Stahlecker có nợ máu từ lâu với bọn Quốc xã. Chả là bọn khốn nạn này đã giết chết người anh của Stahlecker trong trại tập trung, cả vợ Stahlecker cũng đã sa vào nanh vuốt bọn này. Tóm lại, nếu được thì anh ta đã chọc tiết chúng đi rồi. Điều đó thì chắc là đúng.
- Hay có thể anh ta đang chọc? - Asker nói - Có thể là anh ta không chịu ngồi yên khoanh tay ở thành phố Ostburg đâu, hả?
Lange nhún vai:
- Ai biết được? Stahlecker là một người gan dạ, cương quyết... - Ừ... ừ... - Asker đăm chiêu kéo dài giọng nói - Anh có những người bạn tốt đấy chứ!
- Không phải là xấu - Lange gật đầu.
- Thế còn người bạn thứ ba.
- Đó là một người bạn đồng ngũ tên là Homann.
Asker cố giữ giọng nói điềm tĩnh, vờ hỏi lại:
- Đồng ngũ à? Tên người ấy là gì?
- Thưa ông, là Homann.
- Sao. Homann bây giờ không ở cùng đơn vị với anh nữa à? Hay là chết rồi?
- Không chết mà cũng không đổi đơn vị.
- Thế ở đâu?
- Cách đây một tuần người ta tuyên bố là Homann đã đào ngũ. Anh ta đã sang hàng các ông. Bây giờ có lẽ đang ở trong trại tù binh nào đó nếu anh ta chưa bị bắn chết dọc đường.
- Anh nói y như là không biết rằng Homann sửa soạn đào ngũ từ trước. - Quả thực tôi không biết gì về việc đó thật.
- Nhưng các anh là bạn thân cơ mà.
Gã tù binh ưỡn thẳng người lên:
- Thưa ông sĩ quan, tính tình Homann như vậy đấy. Nếu anh ta không nói gì tức là không thể nói ra được. Không thể nói được thế là thôi đấy, đừng hòng hỏi.
- Trước chiến tranh hai bên đã quen nhau chưa?
Lange lắc đầu:
- Chưa, mặc dầu hai người sống sát nách nhau: cả tôi và anh ta đều ở Ostburg. Tôi quen Homann mới được năm rưỡi, từ khi hai người cùng thuyên chuyển về một đại đội.
- Lâu lắm anh chưa về quê phải không? - Asker chợt hỏi.
- Lâu lắm rồi.
- Anh có muốn về thăm nhà không?
- Thưa ông, tại sao lại không, có chứ? Nhưng bây giờ thì hỏng bét rồi. Phải đợi tới lúc chiến tranh chấm dứt hay tới khi trao đổi tù binh. - Thế nào, gia đình anh ở Ostburg hay sao?
- Thưa ông, vâng. Một vợ và một con gái lên năm. Ở đấy bây giờ thực
phẩm hiếm lắm. Lại bị ném bom luôn. Homann kể rằng...
- Thế nào, anh ta nhận được thư nhà à?
- Không, anh ta có về Ostburg. Thưa ông tôi quên mất là cách đây ít lâu Homann đã về Ostburg. Homann thật may mắn quá. Việc ấy xẩy ra vào lúc anh ta đứng gác kho lương thực. Nửa đêm hôm đó anh ta vừa ra đứng ở vọng gác và mới đi tuần hai lượt dọc tường nhà kho thì nghe mấy người lính ở gần đó gọi: "Thằng ngốc, nhìn lại đằng sau kìa". Homann quay lại và thất kinh: cửa sổ nhà kho sáng rực, ánh sáng lại lúc mờ lúc tỏ. Homann hiểu rằng nhà kho bị cháy nên vội vàng đập vỡ cửa kính trèo vào. Một lô hòm không, kê cạnh tường bị cháy. Homann lôi hòm ra, dập tắt lửa. Khi anh em khác nghe báo động chạy tới thì đám cháy đã được dập tắt. Sáng hôm sau tiểu đoàn trưởng gọi anh lên và thưởng cho mấy ngày nghỉ phép.
Khi trả phép Homann có mang thư nhà đến cho tôi. Anh ta có vẻ ủ rũ, lo âu. Hình như có việc gì khiến Homann băn khoăn. Bây giờ tôi mới hiểu rõ nguyên nhân. Lúc ấy Homann đang suy nghĩ về dự định của mình và sau đó anh đã thực hiện ý định ấy. Thưa ông, tất cả câu chuyện chỉ có thế.
Lange ngừng lại. Asker cũng lặng thinh. Anh hiểu rằng những điều mà gã tù binh vừa kể vô cùng quan trọng. Cái linh tính bén nhậy của người dự thẩm và người quân báo đã thầm nhắc anh như vậy. Còn một cảm giác nữa mới sinh ra trong khi hỏi cung: đó là một nỗi lo lắng chưa rõ rệt. Asker bỗng cảm thấy cần phải ngồi một mình với điếu thuốc lá trong tay để suy nghĩ... Anh bảo dẫn gã tù binh về rồi đi ra khỏi khu vực trại, vào rừng thông.
Asker ở trong rừng hơn một giờ, anh ngồi dưới gốc cây to trầm ngâm suy nghĩ. Sau đó anh quay về và ra lệnh dẫn gã trung úy đại đội trưởng Schulz đến.
Schulz là một thanh niên trạc hăm nhăm. Gã có đôi mắt sầu não trên khuôn
mặt thanh tú như con gái. Trước chiến tranh Schulz làm nghề bán hàng trong hiệu sách và mới trở thành sĩ quan được một năm rưỡi nay. Trước kia ủy ban khám sức khỏe vẫn chê gã là cận thị nặng, không tuyển. Nhưng mãi cuối cùng cũng vẫn phải lấy gã vào quân đội. Gã đã tốt nghiệp một lớp sĩ quan cấp tốc, thoạt tiên làm trung đội trưởng, sau đó thay thế tên đại đội trưởng tử trận...
Asker thận trọng lái câu chuyện sang cái phân đội mà Schulz chỉ huy. Gã trung úy nói có vẻ thành thật, không quanh co. Để trả lời những câu hỏi của thiếu tá dự thẩm, gã nêu tên hàng chục đội viên của mình và nhận xét vắn tắt về từng người. Cuối cùng đến lượt Homann, Schulz nói:
- Binh nhất Homann trung thực, giản dị và can đảm. Tôi nói thế không phải vì có lần Homann đã cứu sống tôi... mà là vì sự công bằng đòi hỏi. - Lòng công bằng bao giờ cũng chi phối anh à? - Asker hỏi: - Cử giả thiết là thế.
- Nhưng tôi lại hoài nghi kia đấy?
- Ông thiếu tá hoài nghi à? - Gã tù binh bối rối xòe tay ra - Thú thật là tôi chưa bao giờ ngờ rằng mình sẽ bị buộc tội là thiên vị...
- Anh có nhớ sự việc xảy ra trong nhà kho lương thực khi Homann gác không?
- Tôi vẫn chưa hiểu ạ.
- Được, tôi sẽ giúp cho anh hiểu. Có phải đêm đó quả thực Homann đã làm một việc phi thường không?
Schulz đâm ra lúng túng.
- Nói đi, nói đi chứ.
- Tôi vẫn chưa hiểu ông thiếu tá nói gì.
- Thế này nhé, anh vừa khai rằng Homann đã cứu anh thoát chết chứ gì?
- Vâng.
- Thế nào, thế chiến công của người lính đó có được đánh giá đúng không? Homann có được khen thưởng không?
- Không - Schulz im lặng, bắt đầu đoán ra ý định của viên dự thẩm - Không, thưa ông thiếu tá, chuyện đó đã bị bỏ qua.
- Thế mà khi Homann dập tắt một đám cháy vặt trong nhà kho thì anh lại vội vàng đề nghị khen thưởng về thành tích anh hùng của Homann. - Thưa thiếu tá, việc này không phải do tôi.
- Không phải do anh à? - Asker cảm thấy toát mồ hôi trán. - Sao thế, tại sao không phải do anh nhỉ? Nói thật đi!
- Vâng, không phải tại tôi. Cố nhiên là tôi có đề nghị với tư cách là đại đội trưởng, nhưng tôi đề nghị không do ý muốn của mình mà do mệnh lệnh. - Của ai?
- Của thiếu tá Gaus.
- Thiếu tá Gaus là ai thế nhỉ?
- Là tiểu đoàn trưởng.
- Anh hãy kể lại việc này cho thật tỉ mỉ đi.
- Sau khi đám cháy đã được dập tắt, tôi liền gọi Homann đến, hỏi cặn kẽ về mọi việc xẩy ra và khen ngợi anh ta. Anh nói là chả làm được việc gì đặc biệt đâu. Vả lại đám cháy quả thực cũng chả nguy hiểm gì. Chỉ cháy các hòm gỗ để riêng cạnh tường, trong hòm không đựng gì cả. Mà tường, nền nhà, trần nhà toàn bằng gạch và đất cả nên không thể cháy được.
Tường cũng quét vôi chứ không quét sơn. Ngoài các hòm rỗng này ra thì trong kho không còn thực phẩm gì, hòm gì có thể cháy được nữa. Nói tóm lại nếu có cháy các hòm ấy thì cũng chả quan hệ gì. Tôi cho Homann về.