🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giọt Sương Tan Ebooks Nhóm Zalo vietmessenger.com TỦ SÁCH TUỔI HOA LOẠI HOA XANH: tình cảm nhẹ nhàng (gia đình, bạn bè) *Gởi đến những người thân... Và Mẹ đang ở trên một vì sao nào đó xa vời vợi ! Những ngày con một mình đi trong cuộc đời Ngọc Phương Chương một Má ơi ! Con không hiểu vì sao má lại ghét anh Vũ nhiều quá, con thấy hình như việc gì má cũng có thể kiếm cách đánh đập ảnh cho được. Những ngọn roi mây không nương tay của má xuống người anh Vũ, anh ấy chỉ oằn người chịu đau không khóc ra tiếng ! Những lần như thế má biết không ? Con muốn được má chia phần cho con những ngọn roi ác nghiệt đó. Ba cũng gần giống như má ! Ba thờ ơ, ba cau có mỗi lần thấy mặt anh Vũ. Thái độ của ba như thế, một phần nào cũng tại má hết. Má nói này nói nọ. Má nhằn xé ba đủ điều. Nào anh Vũ trốn học đi chơi; anh Vũ ăn cắp tiền vặt trong nhà; anh Vũ xách giàn thun cùng những lũ trẻ mất dạy trong xóm đi bắn ổi, xoài, mận của người ta trồng. Sao má nỡ nào nói oan cho ảnh vậy hở má? Ba, má dành hết tình thương cho con! Không chia sớt cho anh Vũ một mảy may nào! Con được gần hết và anh Vũ gần như mất hết ! Có chăng với anh là những ganh tị nhỏ nhoi của má. Anh Vũ có phải là anh ruột của con không hở má? Con cứ thắc mắc hoài?! Tiếng của Trang buồn buồn vang ra bên ngoài, Vũ thoáng nhìn qua cánh cửa có lớp tre song song. Qua một kẽ song, Vũ thấy khuôn mặt em buồn, và đôi mắt đen tròn ươn ướt nước mắt. Tiếng của má nói lớn át tiếng Trang: - Nó không phải anh của con đâu! Không phải là con đẻ của má, thời làm sao bảo má thương bằng con được? Tiếng của má Vũ nói như thế với Trang. Vũ chết lặng đứng trân trân xuống nền gạch. Một lúc, Vũ thẫn thờ trở về chỗ nằm, nhè nhẹ cho lưng xuống giường. Vừa bị một trận đòn phủ đầu, chiếc lưng trần của Vũ nổi lên những lằn gạch tím bầm ngang dọc. Hôm nay Vũ mới biết rõ mình không phải con bà Hậu, người mà Vũ hằng kính yêu bao lâu nay. Chú Duy đi lính xa, lâu lâu về thăm ba. Chú thường dắt Vũ, Trang đi chơi. Chú cho Vũ thật nhiều tiền, và hay hỏi: - ''Má cháu có thường đánh cháu không?'' Những lần như thế, Vũ thường dấu nhẹm chuyện mình bị đòn oan, Vũ tía lia: - ''Má thương hai đứa cháu lắm!'' Chú Duy như hài lòng, những lần sắp sửa đi xa, chú dẫn Vũ đi ăn uống no nê, và dặn: - ''Khi nào má có đánh cháu, chú về thăm nhớ cho chú biết !''. Vũ nằm yên trên giường nghĩ đến chú Duy. Nếu giờ phút này tình cờ về thăm ba. Có chú Duy trong nhà, má không bao giờ đánh đòn Vũ còn tỏ ra thương hơn Trang nữa là đằng khác. Nhưng làm sao chú có thời giờ rảnh trở về. Chú bảo chỗ chú ở thật xa, thật hẻo lánh ! Chú còn nói làm nghề đánh giặc như chú, khó có những thì giờ rỗi rảnh. Nghề đánh giặc là nghề gì? Chú vuốt đầu Vũ cười: Lớn lên Vũ sẽ biết cái nghề đó! Chú kể sơ qua nghề chú làm, Vũ nghe khoái như được xem một phim ciné. Hồi nãy má nói, Vũ không phải là con. Tại sao má lại ghét Vũ đến nỗi không nhận Vũ là con? Câu hỏi đập vào đầu Vũ đau hơn những lằn roi ngang dọc trên da thịt. Mai mốt chú Duy về thăm, Vũ phải hỏi chú mới được. ° ° ° Tiếng bước chân người bên ngoài, Vũ nằm xoay lưng vào vách nhắm mắt như đang ngủ. Trang, trên tay cầm chén nước muối, bước lại chỗ Vũ năm, gọi nhỏ : - Anh Vũ ơi ! Nghe tiếng Trang, Vũ quay lại, ngồi dậy thật khó khăn vì toàn thân ê ẩm. Trang mặt lo lắng: - Anh có đau lắm không? Vũ gượng cười méo xệch: - Rêm rêm một chút, lát nữa sẽ khỏi ngay. Trận đòn vừa rồi Vũ bị, nguyên do cũng tại vì Trang hết. Con bé bắt Vũ chở trên chiếc xe đạp chạy xuống con dốc, chiếc xe ngon trớn, Vũ mải nói chuyện với Trang, không ngờ vấp phải cục đá bằng nắm tay, bánh xe sau tưng lên hất Trang té xuống lề đường. Hai đầu gối của Trang trợt xuống đường đá rướm máu. Vũ hoảng quá, nhảy xuống đỡ em dậy dỗ dành: - Em về đừng nói gì với má nghen! Vũ phải đền chỗ xây xát của em bằng năm đồng kẹo kéo. Nhưng rồi không dấu được bà Hậu, thấy Trang đi cà nhắc lấy làm lo, hỏi Trang kể tuột ra hết, nhưng Trang quên kể chuyện Vũ hối lộ năm đồng kẹo kéo thơm ngon của lão chệt bán dạo trên đường, Bà Hậu nóng lòng, quất những ngọn roi không nương tay xuống Vũ. Thấy anh cũng chỉ vỉ mình bị đòn đau, Trang thương anh quá, nhưng biết làm sao, chỉ đưa mắt nhìn anh bị đòn. Lấy miếng bông gòn thấm vào chén nước muối: - Anh đưa lưng đây, em xức vào cho đỡ đau ! Kéo chiếc áo lên, Vũ đưa nguyên lưng lằn dọc, lằn ngang cho Trang thấm nước muối lên lưng. Trang thấm nhẹ miếng bông gòn lên những lằn roi. Vũ oằn người chịu rát. Con bé chịu không nổi, nước mắt muốn ứa ra. - Đau lắm hở anh? Vũ ầm ừ trong miệng. Trang nhớ lại chuyện khi sáng Vũ chở trên xe té xuống đường. Con bé nhỏ giọng: - Anh có giận em không? Vũ xoay người lại nhìn em: - Làm gì anh phải giận em! - Tại em anh mới bị đòn như vậy ! Vừa nói Trang vừa mân mê vết roi trên lưng Vũ, bàn tay của Trang nhẹ và mát, Vũ cảm thấy những vết roi chìm xuống không còn nhức nhối nữa ! Chợt nhớ đầu gối của em bị xây xát, Vũ hỏi: - Chân em còn đau hết? - Hết đau rồi ! Nè anh ! Em hiểu tại sao má ghét anh. Nhưng em vẫn thương anh, còn thương hơn những ngày trước nữa! Em sẽ nói với ba, em sẽ mét chú Duy ! Má ích kỷ, má nhỏ mọn... Vũ đưa tay bịt miệng con bé lại. Vũ sợ lại phải bị thêm một vài trận đòn nữa, vì cái miệng hay nói những gì chứa chất trong bụng. Dù con bé tốt bụng, nhưng Vũ không muốn bà Hậu ghét thêm mình. - Không ! Má không như em nói đâu! Không muốn cho con bé nhắc đến những chuyện đó nữa, Vũ hỏi sang chuyện khác: - Trang có thích ăn kẹo kéo của lão chệt bán ở ngoài chợ không? - Thích. - Chiều mai anh sẽ chở Trang ra chợ mua kẹo kéo nha ! - Nhưng anh hãy còn đau kia mà ! - Mai anh sẽ lành. Anh Vũ thương Trang như thế, anh Vũ bị má đánh đòn đến nỗi phải nằm không đi được. Thế mà anh Vũ không ghét Trang, không giận Trang về vụ Trang mét anh chở con bé té xe. Rồi một ngày nào đó, anh Vũ biết được anh Vũ không phải là con của má, anh chỉ là một đứa con ghẻ không có tình thương của người mẹ, anh Vũ sẽ nghĩ sao? Anh Vũ có còn thương Trang như giờ không? Con bé chỉ mới nghĩ đến Vũ không thương con bé nữa, nước mắt con bé đã lưng tròng, nước mắt ngây thơ trong hơn giọt sương sớm đậu trên cành hoa Trang trắng nõn. Vũ nhìn hai bàn tay con bé đan vào nhau, nước mắt làm nhòa đôi mắt đen hạt huyền, nước mắt chỉ mới đọng trên hai hàng lông mi vảnh lên. Vũ lo sự đôi mắt em khép lại, giọt nước mắt đọng trên hàng mi sẽ rơi xuống thành hai hàng nhạt nhòa trên đôi má hồng. Trang đứng lên, định bước ra, Vũ hỏi: - Làm sao em khóc? - Em thương anh... Cảm động, Vũ không nói được thành tiếng, Trang bước ra đến cửa không quay lại: - Anh nằm nghỉ cho mau khỏe ! Vũ gượng nhìn em: - Mai anh sẽ chở em ra chợ mua kẹo kéo của lão chệt; anh sẽ đưa em lên đồi hái những cành hoa trắng mà em thích nha Trang? - Ừ! Nhưng anh còn phải bắt cho em những con chuồn chuồn có đôi cánh mỏng nhánh nữa. Vui vui, Vũ ngả lưng xuồng giường. Đôi mắt thả ra khung cửa. Đã gần trưa mà nắng chưa lên. Sương còn vờn quanh trên những ngọn thông khô thật xa cuối chân đồi. Những ngày thu chưa qua hết, ngọn thông khô chỉ mới nhú ra một vài đọt xanh nhỏ. Và trên đồi thật nhiều hoa dại, chúng không có tên để gọi như Anh Đào, Pensée... Trang thường tìm những cánh hoa thật lạ đem ép vào giữa hai giấy tập. Con bé bắt Vũ phải nghĩ cho được một cái tên thật dễ thương để gọi chúng. - Đặt tên cho hoa này tên gì hở anh? - Hoa mồ côi, hoa lạc loài, hoa trang... Những lần như thế, Vũ phải nghĩ cả lố tên nếu Trang thích tên nào thời chọn. Vũ không nhịn cười được mỗi khi nhìn Trang, đôi mắt con bé thả lỏng trên khoảng trời không nhất định. Vũ tưởng như có một vài đám mây trôi lênh đênh trong mắt em, và bầu trời xanh dịu lặng buồn trong ngày thánh lạnh này...Đôi môi con bé mím lại giả vờ như đang suy nghĩ. Cái gương mặt bà cụ non sao mà thấy ghét ! Sao mà dễ thương quá đổi ! Mỗi lúc lâu, con bé như đắc ý được một tên Vũ đặt ra, con bé cười xòa: - Ừ ! Em sẽ đặt cho nó cái tên là hoa mồ côi! - Sao em lại thích cái tên này? - Nó nhỏ nhắn đứng mỗi một mình, nó không có bạn, không có mẹ. Cái tên này đặt cho nó là đúng nhất hén anh? Vũ nằm nghĩ lan man về chữ mồ côi, có lần Vũ đặt tên một loài hoa cho Trang, Vũ không có má ! Phải có chú Duy về thăm, nhất định Vũ phải hỏi cho kỳ được má của Vũ ở đâu? Ngoài trời, một vài ánh nắng ló lên qua màn sương mỏng. Sương bắt đầu tan trên những lá thông non màu xanh. Buổi trưa ông Hậu đi làm về, mọi hôm Vũ vẫn thường đứng xớ rớ trên gương mặt lộ hẳn nét mừng rỡ, nhưng không dám quấn quít bên ông như Trang. Có lẽ nó sợ ông, vì mỗi lần nó gần bên, ông thường tỏ ra cau có, bực dọc. Trong thâm tâm một người cha, ông thấy đó là một điều không phải. Một đứa nhỏ nuôi cho khôn lớn không phải chỉ có cơm gạo, điều quan trọng là tình thương của cha mẹ, của những người chung quanh. Vũ không có tội gì để ông ghét bỏ, để ông làm bộ mặt khó chịu khi đứa con mừng rỡ khi người cha đi làm về. Biết đó là một điều không phải, nhưng ông phải làm như thế để đẹp lòng người vợ kế. Bà thường khó chịu khi thấy ông tỏ ra nuông chìu Vũ. Bà Hậu hãy còn nấu cơm dưới bếp chưa xong. Trang ngồi nhìn ông cởi giày, ông hỏi: - Anh Vũ con đâu rồi? - Anh ấy nằm ở trong nhà á ! - Nó sao vậy ? - Anh đau! Ông vo đầu Trang cười cười: - Đau sao vậy con? - Anh bị má đánh đau lắm ba ơi! Con phải lấy muối xức cho ảnh đó ba ! Nghe Trang nói Vũ bị đòn đau đến phải lấy muối xức, ông Hậu se thắt cả lòng! Ông thẫn thờ ngồi dựa lưng vào ghế. Khuôn mặt nghiêm nghị hằng ngày, và vầng trán những vết nhăn chạy dọc đã có những giọt mồ hôi lấm tấm. Từ bao lâu, ông đã ở trong hoàn cảnh hết sức khó xử. Phận làm cha, làm chồng. Với ông, đã là con, đứa nào cũng thương hết; không thể đứa này con ruột; hay đứa kia con ghẻ? Ngồi bên ông, con bé Trang đưa mắt nhìn ông chớp chớp thỏ thẻ : - Ba ơi! Con biết rồi, anh Vũ không phải là con của má, anh Vũ là con ba, nhưng với một người mẹ khác. Con thấy má ghét anh Vũ quá! Không thương một chút xíu nào. Ba đừng ghét anh Vũ như má nghe ba! Ông Hậu chợt giật mình khi nghe Trang nói như thế. Ông đã bao lần dặn vợ, đừng nói ra những điều đó với con, trong đầu óc ngây thơ đó, ông không muốn chúng có một sự chia rẽ con ông, con bà. Lấy làm thắc mắc, ông vuốt đầu Trang hỏi: - Ai nói cho con biết vậy hở? - Má nói cho con nghe ! Ông Hậu thở ra: - Con có thương anh Vũ không? - Con thương ảnh. Má đánh anh Vũ mà ảnh không khóc, chỉ mỗi mình con khóc thế cho ảnh thôi ! Nói xong, Trang nhìn ba, thấy ba thật lặng lẽ cởi áo, Trang tiếp: - Sao ba cứ để má đánh anh Vũ hoài vậy? Ông Hậu không biết trả lời sao cho phải ! Dưới nhà vợ ông dọn cơm xong xuôi nói vọng lên: - Trang ơi ! - Dạ - Con thưa ba đi ăn cơm. Bữa cơm ba người trong gia đình bỗng dưng tẻ nhạt. Bà Hậu thấy chồng mệt mỏi ngồi dán mắt vào trang báo hơn ăn, nhìn chồng, bà đánh tan sự ngột ngạt giữa buổi ăn: - Hôm nay trong sở chắc có nhiều việc bù đầu phải hôn mình? Ông Hậu ngẩng lên : - Cũng như mọi hôm thôi ! - Tui thấy mình có vẻ mệt ? Lơ đãng, ông Hậu buông tờ báo xuống: - Thằng Vũ đâu rồi mà không thấy nó? Không trả lời câu hỏi chồng, bà Hậu nhìn Trang: - Hồi sáng nó chở con nhỏ này nè, quăng con nhỏ té xuống đường thiếu điều muốn chết được. Trang đưa đầu gối cho ba con coi ! Trang cắm cúi ngồi ăn, làm như không quan tâm đến điều má nói. Trong khi đó bà Hậu vẫn bô bô tiếp: - Tui đánh nó, bây giờ thấy ông về nên làm nư không ra ăn cơm chớ gì. Ông chìu nó quá, nên có ông là nó như vậy đó ! Nghe vợ nhằn, ông Hậu không nói gì. Thà ông nín thinh hay hơn là gây ra những trận sóng nhỏ trong gia đình, điều mà ông không bao giờ muốn xảy ra. Đang ngồi ăn, Trang buông đũa đứng lên, bước vào chỗ Vũ nằm, con bé đập nhẹ bên vai anh: - Dậy anh Vũ ơi, ba về rồi ! Con bé gọi thêm một hai tiếng nữa, Vũ vẫn ngủ vùi. Buồn bã, con bé bước ra ngoài ngồi vào chỗ cũ : - Anh ấy ngủ rồi ba ! Bà Hậu thấy Trang như vậy khó chịu: - Khi nào nó ăn lại không được, mắc mớ gì con phải đi kêu cho mệt. Thấy không khí bữa ăn bắt đầu nhạt, ông Hậu đứng lên móc thuốc ra hút, nói với Trang: - Con để phần cho anh con, khỏi phải kêu làm gì để má con rầy. Nói xong, ông quay bước lên nhà trên tránh gương mặt không vui của vợ. Ngồi trầm ngâm một mình ở phòng khách, ông thấy mình cần có một vài phút yên tịnh, ông Hậu buồn bã, mồi thêm điếu thuốc cháy đỏ, cuộn lên những làn khói xanh mỏng. Chương hai Buổi chiều bầu trời đẹp, và hiền. Gió thoảng nhẹ làm lay động những cọng cỏ nằm dọc theo hai bên đường dẫn lên đồi. Vũ khòm người như một tay đua trên chiếc xe đạp cũ. Lần này thời Vũ chở Trang thật cẩn thận, sợ em lại té xuống đường như hôm nào nữa. Ngồi phía sau, Trang một tay vịn vào yên xe, một tay cầm mấy cây kẹo kéo Vũ mua cho. Không muốn về nhà, Trang bắt anh chở lên đồi chơi, chiều thứ bảy nghỉ học ở nhà không biết làm gì. Chơi đánh đũa, nhảy dây, bán hàng với tụi con Thoa, con Mận hoài cũng chán. Lên đồi chạy chơi thú hơn. Tìm một khoảng cỏ chênh chếch, ít độ dốc, Vũ ngừng lại. Trang nhảy thót xuống, Vũ đẩy chiếc xe đạp ngã lăn kềnh ra bãi cỏ. Trang ngồi xuống chia nửa gói kẹo để trên bãi cỏ: - Ăn anh, à nhưng ăn ít thôi nha ! Ngồi xuống cạnh em, Vũ nói: - Ăn nhiều sún răng xí thấy mồ đi. - Kệ nó, xấu xí gì cũng ăn. Đôi mắt con bé tinh nghịch nháy Vũ như muốn chọc tức. Thấy vậy Vũ dọa: - Ăn cho nhiều đi, chút nữa khóc cũng vô đó hè! - Vui chớ sao lại khóc? Làm như quan trọng, Vũ nói: - Mấy con sâu nó nằm trong răng của em, nghe mùi kẹo thơm ngọt nó cắn răng cho mà đau chết luôn. Nghe anh nói, Trang cười dòn: - Ai có sâu răng mới sợ, còn con nhỏ này hỏng sợ một tí xíu nào hết ! Đang nói, con bé bỗng chú ý một con chuồn chuồn bay vòng trên đầu, sà xuống trên một cánh hoa dại nằm cạnh đó, Trang nhẹ quay sang Vũ nói nhỏ: - Cấm anh nhúc nhích, để em bắt cậu bé kia ! Trang rón rén tháo đôi dép để qua một bên, đôi chân không nhẹ bước trên thảm cỏ xanh, mắt không rời con chuồn chuồn đậu trên cánh hoa trắng. Con chuồn chuồn yên lành xòe đôi cánh trong suốt, có những làn vân nhỏ viền quanh giống như mặt gỗ quí. Con bé bước lại gần không gây một tiếng động nhỏ. Trong khi con chuồn chuồn vẫn thản nhiên không biết nguy hiểm cận kề. - ''Đừng bay nghe cậu chuồn chuồn ! Ta bắt mi về bỏ vào hai trang giấy nõn ép lại, mi sẽ ngủ yên trong hai trang giấy đó suốt những ngày lành lạnh héo hon của trời Đalat này. Cậu bé có thân hình xanh hơn lá, có đôi cánh đẹp như thiên thần. Chao ôi là dễ thương ! Mấy lũ bạn ta, con Mận, con Thoa nó sẽ bảo như thế mỗi lần ta đem khoe với chúng. Dù cậu bé có chết khô, chết héo ta vẫn thương'' Con bé lầm thầm trong miệng như thế, se sẽ đưa bàn tay nhỏ nhắn đến gần cái đuôi dài của con chuồn chuồn. ''Chuồn chuồn có cánh thì bay. Có con nhỏ đang thò tay bắt mày'' Tiếng nói của Vũ thật lớn sau lưng Trang. Con chuồn chuồn nghe động hoảng kinh bay lên vòng vòng một chút sà xuống đậu trên một ngọn cỏ xa. Trang tưởng mình bắt được con chuồn chuồn, nhưng anh Vũ phá hôi làm nó bay mất. Quay lại nhìn anh đang đứng chống nạnh cười chế diễu: - Bắt không được ở cô bé? Tức quá, Trang dậm chân xuống cỏ, gương mặt bí xị: - Anh làm con chuồn chuồn của người ta bay mất rồi đó, làm sao bây giờ bắt được đây. Không biết ! Bắt đền cho người ta đi ! Thấy gương mặt con nhỏ bí xị sắp nhè, Vũ lại gần em xuống nước: - Tại nó nghe động bay đi, chớ đâu phải tại anh nói. Trang ngó con chuồn chuồn đậu một khoảng xa, xòe đôi cánh mỏng như khiêu khích, bực tức nói: - Hừ! Anh không nói chuồn chuồn có cánh mà bay, thời em đã bắt được nó rồi ! - Nó làm sao nghe được tiếng người? Trang muốn khóc quá, nói như vậy có nghe được hôn! Ngồi bệt xuống đất, Trang nói lớn: - Không biết, nhưng anh la lớn quá người ta cũng hết hồn nữa, đừng nói chi đến con vật bé tí đó! - Thôi để anh bắt con khác đẹp hơn cho em. - Nhớ nha ! Trang hết giận anh, lấy một cây kẹo kéo nằm dưới cỏ cắn dòn dả. - Mai mốt anh bắt cho em, em đem áp vào quyển vở khoe với tụi con Mận, con Thoa nghen anh, tụi nó thấy sẽ mê tít lên cho mà xem. Bứt nhẹ cọng cỏ, Vũ thả bay trong gió. - Anh sẽ bắt cho em nhiều con còn đẹp hơn con chuồn chuồn đó nữa! Trang thấy anh thương mình quá! Cái gì cũng chìu hết. Biết ý anh như thế, mỗi lần có việc gì khó làm, con bé thường nhờ đến anh. Như làm thủ công, một bài toán, một bài luận. Làm không được, con bé chỉ còn cách giả bộ hờn, giả bộ khóc, là anh Vũ sợ quýnh lên, làm ngay những gì Trang muốn. Vả lại có anh Vũ, Trang không sợ bọn thằng Hợi, thằng Toàn ghẹo phá. Những lần không có anh Vũ, gặp Trang là bọn nó a vào ghẹo chọc đủ điều. Nhiều khi chọc đến khóc, bọn nó mới tha cho. Nhưng có mặt anh Vũ là thằng nào cũng ngán ngầm bỏ đi chỗ khác. Một hôm tan học, lớp của Trang cô giáo mắc bận chuyện gì đó, nên cô cho về sớm. Lớp của anh thì mười một giờ rưỡi mới tan học. Trên đường về, Trang đi với Mận. Bọn thằng Hợi hôm đó trốn học. Chúng đứng tụ một đám thẩy đáo lỗ. Đang chơi, thấy Trang, Mận, một thằng trong bọn nói: - Ê tụi bây, con Trang mít ướt kìa ! Nghe nói, cả bọn không chơi đáo lỗ nữa, ùa nhau ra chận bên đường chọc phá. Trang không hiểu sao mấy con nhỏ khác trong bọn nó không chọc, mà cứ nhè Trang mà chọc riết. Nguýt mắt một cái, Trang không nói bỏ đi. Thằng Hợi đứng nhèo theo: - Ý, tụi bây coi cái mặt con nhỏ học giỏi bày đặt làm phách kìa! - Hỏng làm phách gì, nhưng ai hơn hỏng được! Trang cố quay lại nói một câu như thế. Trong đám thằng Hợi, một thằng chõ mỏ vô: - Chọc làm gì con nhỏ mít ướt đó tụi bây. Nó khóc một hồi mưa lụt hết cả đám bây giờ! Cả bọn thằng Hợi cười rần rần. Đi bên Trang, con Mận thấy thằng Hợi sao mà ghét chi lạ! Cái mặt nó giống như Trư Bát Giới trong truyện Tam Tạng đi thỉnh kinh mà mấy ông họa sĩ vẽ trong những truyện hình mỏng mỏng. Nhìn thằng Hợi, con Mận chua ngoa: - Mặt gì mà giống heo quá! Nghe con nhỏ đi bên Trang ám chỉ mình giống heo, thằng Hợi nín cười đổ quạu, đứng trước mặt hai con nhỏ, chỉ vô Mận hỏi gặn: - Con nhỏ này mày nói gì? Tướng hùng hồ của thằng Hợi làm con Mận ngán dù có con nhỏ Trang bên mình đi nữa cũng chả làm được tích sự gì. Con gái người ta nạt cho một cái đủ hết hồn rồi, đừng nói chi gây lộn với con trai, Mận xuôi giọng: - Nói một lần hỏng nghe thì thôi! Thằng Hợi chống nạnh, khuềnh khoàng - Có giỏi nói một lần nữa nghe coi? - Hơi đâu mà nói! - Sao hồi nãy nói, chớ bộ bây giờ ngán rồi hả? Con Mận xí một cái thật dài: - Con trai mà ăn thua với con gái là hèn. Trang thấy dây dưa mắc công tụi nó chọc thêm, con bé kéo con Mận đi. - Đừng thèm nói với tụi quỉ đó nữa, Mận. Không buông tha, thằng Hợi đưa tay cản đường hai con nhỏ: - Ê ! Con gái ăn nói đàng hoàng một chút xíu nha ! Hai cô bé nhát hơn thỏ đế, thấy bọn thằng Hợi đứa nào, đứa nấy cồ đầu, bảo sao không thè lưỡi ngán ngầm cho được. May sao lúc đó, cũng vừa kịp Vũ tan học về. Thấy anh từ đàng xa, Trang vững bụng, mặt cô bé hếch lên: - Tụi này đàng hoàng với ai kìa, chứ những người không đàng hoàng còn lâu đi. Mận không hiểu sao con nhỏ Trang được nước quá! Khi nãy đứa nào đứa nấy xẹp lép như bánh xe xì. Bây giờ không hiểu cái hơi nào thổi con nhỏ phồng lên. Mận cũng bắt chước nổi phồng theo: - Đừng thèm nói với cái mặt heo! Nghe con Mận nói như vậy, thằng Hợi tức quá chồm tới định đánh con nhỏ. Nhưng Trang lanh lẹ kéo con Mận chạy tháo lui ra phía sau, vừa chạy vừa gọi lớn: - Anh Vũ ơi! Tụi nó quánh em nè! Vũ đang đi tới, thấy Trang và con Mận chạy lui, miệng con bé Trang la bài hãi. Không hiểu chuyện gì, Vũ chạy muốn vắt giò lên cổ. Đến bên Trang, thấy con nhỏ thở hổn hển, nói muốn không ra hơi, Vũ hỏi: - Chuyện gì vậy? - Tụi thằng Hợi rượt quánh hai đứa em! Bọn thằng Hợi rượt Trang và Mận, thấy có mặt Vũ, bọn nó ngượng nghịu đứng lại. Một thằng trong đám thọc miệng: - Thằng Vũ ròm kia tụi bây. Thằng Hợi muốn tỏ cho trong đám biết nó không ngán mặt thằng Vũ ròm, thằng Vũ ốm teo. Hợi nói lớn: - Kệ nó chứ! Nghe thằng Hợi nói như thế, nhưng Vũ vẫn tỉnh bơ làm như không nghe, nhìn hai con bé đang chu mỏ, nguýt môi về phía bọn thằng Hợi. Vũ không muốn gây sự với bọn này, nói với hai cô bé: - Thôi mình về đi ! Đi ngang đám thằng Hợi, Trang chọc quê: - Có giỏi thời làm gì đi! Mận thóc vào một cái nhẹ: - Vậy mà hồi nãy gáy toe toét thấy ghét! Thằng Hợi lấp liếm cái quê mà hai con nhò châm chọc, xây qua nói với mấy thằng lỏi tì ở sau lưng nó: - Đừng thèm nói chuyện với bọn con gái tụi bây! Trang tinh nghịch: - Ai thèm mà nói, lãng hôn ! Nghe hai con nhỏ cứ đá miệng với bọn thằng Hợi hoài, Vũ chận hai con bé lại: - Chọc người ta như vậy, bảo sao người ta không rượt chạy ! Lần này tụi nó rượt tui hỏng bênh đâu à nhen. Con Mận nghe nói, thóp cái miệng lại cứng ngắt. Con Mận dễ thương như trái mận chín ngọt, đôi má nó hồng như cái vỏ bên ngoài. Mận không có anh trai; nó và một bầy em lúc nhúc, chao ơi là chán! Làm chị lớn nhất nhà nhưng không sướng một tí tẹo nào hết. Đi học về đến nhà là làm đủ chuyện. Phải như Mận có một ông anh như Trang thời sướng biết mấy. Tháng trước, con nhỏ Trang làm bài luận tả em bé mồ côi hay nhất lớp, cô giáo khen con nhỏ đáo để. Cô giáo đâu biết được bài đó anh Vũ làm giùm rồi con nhỏ ''cóp dê'' lại. Cóp dê dắt dê đi ỉa, vậy mà con nhỏ cũng làm le, hãnh diện ác! Vì thế nhỏ Mận nể anh Vũ lắm. Nhỏ Mận cũng gọi Vũ bằng anh như Trang, bảo gì là con nhỏ nghe lời răm rắp. Trang thời biết anh hay chìu mình. Thấy bọn thằng Hợi như bánh xe xì, được nước nên Trang không nhịn nữa, nhìn Vũ, con bé chí chóe: - Anh hỏng bênh thời tui dìa một mình à! Muốn giỡn con bé, Vũ nói: - Dìa một mình thời dìa đi? Nghe anh nói như vậy, con bé tức quá, cái miệng nhỏ xinh méo xệch, con bé sắp khóc?! Trang tách ra bỏ đi một mình qua một con đường khác. Con bé làm như thế để xem anh có đi theo mình không? Một khoảng xa, Trang liếc lại không thấy anh Vũ và con nhỏ Mận đâu hết, chỉ thấy bọn thằng Hợi lò dò theo sau. Trang phập phồng lo sợ, Trang bước đi thật mau như chạy. Nghĩ mà tức anh Vũ muốn khóc được. Trang đi thật lẹ để bọn thằng Hợi không đuổi theo kịp. Về đến nhà, Trang gặp Vũ đứng trước nhà cười toe. Thấy ghét cái mặt anh quá. Trang không thèm nói, đi thẳng vào nhà. Vũ chạy theo em: - Bọn thằng Hợi có rượt đánh em hôn? Trang không nói, Vũ tiếp: - Em đi ngả nào mà về lâu quá vậy? Lần này thời Trang cộc cằn: - Anh hỏng bênh con nhỏ này nữa, hỏi để làm gì ?. Vũ cười. Bỗng con bé nghĩ ngay một câu nói láo để anh thấy mình thật đáng thương. - Anh bỏ em một mình, bọn thằng Hợi nó đuổi theo quánh em ! - Nó quánh em? Vũ hỏi lại như vậy, nghe em bị quánh, Vũ chịu không nổi, chạy bay vào nhà, xách cây ná làm bằng nhánh ổi, nhét mấy viên đạn bằng trái mây khô vào túi quần ''sọt'', chạy bay ra khỏi nhà. Thấy anh hung hăng như vậy, Trang chạy vói theo: - Anh làm gì vậy anh Vũ? - Đi kiếm tụi thằng Hợi! - Thôi anh ơi! Lỡ nói dóc với anh rồi, bây giờ nói lại cũng không kịp nữa, đành phải chạy theo xem làm gì bọn thằng Hợi. Nghe em bị đánh, Vũ tức lắm, chạy tìm bọn thằng Hợi ngay. Biết bọn nó đông trong khi Vũ mỗi một mình khó làm gì được, Vũ thủ thêm một cây ná và một túi mây khô, nếu như tụi nó đông quá, mới dùng tới thứ khí giới này. Đã qua vài khoảng đường rồi, vẫn chưa thấy bóng một thằng nào hết. Vũ đứng lại một ngã ba đường chờ tụi nó về ngang. Trang chạy theo phía sau một khoảng xa, thấy dừng lại, Trang không dám đến gần, đứng ép vào vách tường của một ngôi biệt thự cạnh đó, hướng mắt về phía anh. Trái tim con bé nhảy thình thịch, cầu mong sao cho bọn thằng Hợi đi một ngả nào khác về nhà, đừng đi nhầm con đường này. Bọn thằng Hợi đông, trong khi anh Vũ có mỗi một mình. Rủi như bọn nó xúm lại đánh anh Vũ đau, chắc Trang phải khổ lắm! Bây giờ Trang mới thấy nói dóc thật tai hại. Đứng đợi bọn thằng Hợi, Vũ không hay biết Trang đang núp ở phía sau một mình lo âu giùm cho anh. Từ xa, bọn thằng Hợi đi về. Chúng cười nói với nhau huyên thuyên. Vũ tưởng là chúng đang khoe chiến công về vụ đánh Trang hồi nãy. Thấy bọn nó đến gần, Vũ bắt tay làm loa gọi: - Ê Hợi? Nghe gọi, đám thằng Hợi đứng lại nhìn chòng chọc về phía Vũ, một thằng thúc nhẹ vào lưng Hợi khích: - Thằng Vũ muốn gì mà kêu mày cà? Hợi nhìn chung quanh, bọn nó cả thảy sáu đứa thằng nào cũng hăng hái như muốn gây sự với Vũ, nó vững bụng nhếch mặt lớn lối: - Gì mậy? - Tụi bây đứa nào khi nãy đánh em tao? Thằng Hợi chưa hiểu Vũ muốn nói gì. Thằng này khi không chận bọn nó hỏi kỳ cục như vậy. Nãy giờ bọn nó có đứa nào đánh con nhỏ Trang đâu, có làm bộ đuối theo cho hết hồn chơi thi có. Hợi sửa bộ: - Mày nói gì? - Con trai mà đánh con gái là hèn. Nói để tụi bây chừa, lần sau biết mặt tao à! Nghe Vũ nói như vậy, đám thằng Hợi tức quá, một thằng chèn mặt ra: - Biết mặt mày, rồi mày làm cái gì? Thằng Hợi được nước sấn tới: - Yếu như bún thiêu mà bày đặt làm phách! Vũ không thèm nói, móc một trái mây khô trong túi quần, lắp vào giàn thung thả ra trúng ngay lỗ mũi thằng Hợi một cái đau điếng, lỗ mũi nó đỏ hỏn như trái cà chua bán ngoài chợ. Bắn giàn thung đã quen tay, nên Vũ bắn thật lẹ và ngay phóc. Mười trái mây bắn đi, hết chín trái trúng đích. Trúng một trái ngay lỗ mũi đau quá, thằng Hợi định xông đến. Vũ giương giàn thun lên. Hợi hoảng kinh thụt lùi về phía sau, nói một câu cho đỡ quê: - Chơi vậy là hèn ! Vũ không thèm đếm xỉa đến bọn nó nữa. Bao nhiêu đó cũng đủ trả thù giùm con nhỏ Trang rồi. Con nhỏ mà thấy được cái bản mặt như mèo bị cắt đuôi của thằng Hợi chắc vui lắm. Núp ở phía sau, Trang yên chí anh mình bọn thằng Hợi không làm gì được, con nhỏ lẻn thật mau, chạy về nhà trước. Trang phục anh quá, cái gì cũng ''hách ba chê'' hết. ° ;° ° Chiều xuống thật thấp. Trang nghe lành lạnh, kéo sát chiếc áo len màu hồng vào người. Mấy cây kẹo kéo mua của lão tàu ăn đã hết sạch, Trang đứng lên: - Trời lạnh hén anh? - Em về chưa ? - Về không thôi má la. Vũ đi lại chiếc xe đạp để lăn kềnh trên bãi cỏ tự nãy giờ. Dựng nó lên, Vũ xoay ra nói với em: - Ngồi vịn vào cho kỹ nghe nhỏ, rủi có té đừng có đổ thừa ai à nha ! Trang xoay người một vòng: - Té một lần thôi, chứ bộ bắt người ta té hoài à ! Chiếc xe đạp lăn bánh xuống dốc. Vũ huýt sáo một bản nhạc vui. Ngồi phía sau, Trang nhìn lên bầu trời phía xa, sương mù một dãy trắng xoá. Ngọn thông, đồi núi, mờ sau làn sương như một bức tranh sống. Chương ba Lũ học trò con gái ngồi nín thinh, đôi mắt tròn xoe nhìn cô giáo đi đi, lại lại trước dãy bàn học. Bàn tay trắng mềm của cô cầm cây thước kẻ gõ nhẹ xuống bàn. Đứa nào cũng hồi hộp đợi cô phát bài để xem bài luận làm tuần trước được bao nhiêu điểm. Trang ngồi dãy bàn đầu, đôi mắt con bẻ không rời chồng tập cao ngất bao cùng một màu giấy xanh. Con bé không hiểu quyển tập của mình nằm phía dưới hay ở trên. Cô Hạnh dừng lại giữa lớp, đôi mắt hiền dịu của cô bao trùm lớp học. Trang có cảm tưởng cô Hạnh như người mẹ hiền đang ôm trong tay một đàn con mà tất cả đứa nào cũng được chia đều tình thương đó. Giọng cô thong thả: - Tuần này các em làm bài đều khá,mặc dù có một số ít kém, nhưng bù lại giữ tập sạch sẽ thật đáng khen, cô đều cho thêm mỗi người hai điểm. Với cái đà này, cô hy cọng cuối năm các em đều được lên lớp. Các em sẽ bắt đầu làm học trò lớn của năm trung học đầu. Trang nghe vui vui nhìn con Mận ngồi bên cạnh. Con Mận cũng vui cười với Trang bằng đôi mắt. Chúng không dám nói với nhau dù nói rất khẽ sợ cô giáo Hạnh buồn. Mở đầu niên học cô đã dặn: ''Vào lớp các em hãy chăm chỉ học bài, làm bài. Nói chuyện không ích lợi gì, còn xao lãng đến việc học nữa''. Cô chỉ nói bao nhiêu đó thôi, đứa nào cũng nghe lời răm rắp. Từ đầu năm học đến giờ, Trang chưa thấy cô la rầy hay dùng thước kẻ đánh một đứa nào, như mấy cô giáo khác. Con nhỏ nghe náo nức, cũng như cả lớp đang náo nức đợi cô phát tập để xem số điểm của mình. Cô Hạnh bước lên bản, có kê bục gỗ thấp. Cầm lên một quyển tập để trên hết, nhìn vào mảnh giấy dán trước bìa. Cả lớp chăm chú nghe cô gọi tên: - Thùy Trang! - Dạ. Tiếng ''dạ'' nhí trong miệng. Trang đứng lên. Cô Hạnh ra dấu Trang lên đứng trên bục gỗ nhìn xuống lớp. Con bé hồi hộp quá, hồi hộp sung sướng. Dưới lớp, mấy con nhỏ bạn đang đưa cặp mắt khâm phục nhìn Trang. Đưa quyển tập cho Trang, cô nói: - Các em nghe Trang đọc bài tuần trước, bài này cô cho số điểm cao nhất. Dù là cô đã cho biết điểm tuần trước rồi, nhưng khi nhìn số điểm bằng viết đỏ với hàng phê chữ viết của cô thật đẹp: Sạch sẽ, khá. Trang muốn úp mặt vào trang tập hưởng mùi thơm tho của số điểm mười tám trên hai mươi. Màu mực đỏ dễ thương, màu mực đỏ sáng chói chi lạ. Sạch sẽ, khá. Trang muốn đọc cả trăm lần hàng chữ của cô phê. Trang sung sướng quá mất bình tĩnh. Dưới kia đôi mắt Mận nhìn lên như muốn nói: Đọc đi Trang, đọc cho bọn tao nghe với. Con bé lấy lại bình tĩnh, dán mắt vào trang tập: ''Mồ côi cha, ăn cơm với cá, Mồ côi mẹ, lót lá mà nằm''. Hai câu trên, tôi đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần trong một quyển tập đọc học thuộc lòng lớp ba. Tôi đọc mà buồn đến muốn khóc ! Tôi đọc để hiểu rằng : số phận tôi dính liền vào sự khốn khổ của một đứa trẻ mất mẹ. Tôi cũng được đến trường ngồi học như bao đứa trẻ khác, nhưng những buổi sáng trời còn nhiều sương lạnh trên trường, tôi bắt gặp những đứa bé trạc tuổi tôi. Chúng nép mình đi bên mẹ giống như con chim vừa mở mắt run rẩy cần một hơi ấm, cần sự che chở của đôi cánh lớn. Người mẹ nào tôi thấy gương mặt cũng hiền, đôi mắt âu yếm và nụ cười thật nhẹ sau những câu nói ngây ngô của chúng, hoặc nhỏng nhẻo để đòi quà. Sương thấm lạnh vai áo, sương làm ướt mặt. Tôi mới chợt hiểu mình không có một người mẹ như chúng, để khép nép, để vòi vĩnh. Những ngày thui thủi không được nhìn thấy đôi mắt hiền hòa như chiều cuối thu, không có mẹ cười mơn nhẹ như gió thoảng trên ngọn thông. Tôi muốn được như chúng bạn gọi hai tiếng: Mẹ ơi ! Tiếng gọi của chúng sao rộn rã vui, vì có lời đáp trả. Trong khi tôi gọi khàn cả tiếng, rát cả cuống họng, không một lời đáp trả. Chỉ có tiếng gió buổi chiều đi về trên nghĩa trang đìu hiu, và tôi ngả đầu ngủ quên trên ngôi mộ đá lạnh ướt sương. Có những đêm tôi thường đứng hằng giờ trước hàng rào sắt, nhìn vào bên trong một ngôi nhà lạ. Hình ảnh một cậu bé trạc tuổi bằng tuổi tôi đang ngồi học bài, bên cạnh người mẹ đang chỉ chỏ gì đó. Lâu lâu cậu bé ngẩng mặt lên cười. Tôi thấy trên khuôn mặt đó tràn đầy niềm sung sướng. Tôi thẩn thờ một vài phút, bàn tay vịn trên hàng rào sắt lạnh. Sao tôi không có niềm vui nhỏ bé đó nhỉ? Đường phố Dalat, vào những đêm thu trời băng băng lạnh, đôi chân nhỏ bé của tôi không muốn trở về nhà một chút nào hết ! Không còn ai thương, ngoại trừ bà mẹ đã mất. Tôi còn cha, nhưng người cha không bao giờ để ý đến thằng con. Ông nhìn tôi hoàn toàn xa lạ như một ông khách qua đường lững thững nhìn đứa bé lạc loài trên đường, đôi mắt không một tia nhìn xót thương dù là thương hại. Đôi lúc tôi tự hỏi ! Không hiểu sao chỉ còn độc nhất mỗi người thân, mà người lại tỏ ra xa lạ với tôi như vậy? Tôi có làm gì đáng ghét đâu? Có chăng tôi chỉ cần tình thương của người mà thôi ! Từ sự mất mát tình thương của người cha, tôi hiểu mình bị xua đuổi ra khỏi mái gia đình. Những buổi cơm chung của họ thật vui vẻ, mỗi lần có mặt tôi, bữa cơm gần như mất ngon. Tôi dư sức để hiểu được điều đó, nên thường tránh đi một chỗ thật xa. Nghe tiếng cười ròn rã của người cha, tiếng cười dòn của người mẹ kế, của đứa em cùng cha khác mẹ; nghĩ đến mình tủi thân không ít, giọt nước mắt thầm rơi xuống! Tôi nhìn buổi sáng, nắng trên đồi bắt đầu lên, những giọt sương nằm yên trên ngọn cỏ non tan xuống buồn bã..... Tôi mang ý nghĩ mình như giọt sương tan ... Đọc đến đoạn này, con bé nghe nghèn nghẹn muốn khóc. Trang bỏ lửng không đọc tiếp nữa, gương mặt con bé thật buồn nhìn xuống nền lớp gạch đỏ loang lở. Dưới dãy bàn học những cô bé đưa mặt ủ dột. Tiếng cô Hạnh nhẹ nhàng: - Thôi Trang về chỗ ngồi đi. Cô bắt đầu phát tập cho những người khác. Giờ học cũng từ đó chìm chìm cho đến lúc chuông reo bãi. Nguyên lớp gần mấy chục dứa, luôn cả cô giáo đều ngỡ bài luận vừa rồi do Trang làm. Chỉ mỗi mình con Mận là hiểu bài đó Trang nhờ anh làm mà thôi, hôm trước con bé có nói cho con Mận nghe. Trên đường về, hai con bé bùi ngùi đi bên nhau. Mận lửng thửng nói: - Nghe mầy đọc, tao muốn khóc vậy á! Ảnh làm luận giùm mầy sao buồn quá hén? - Vì ảnh cũng buồn như vậy! Chậm rãi, Trang nhìn xuống đường : - Tao thương anh Vũ ghê đi, trong khi má tao ghét bỏ ảnh, má tao nói ảnh không phải anh ruột của tao ! - Nhưng anh Vũ đâu ghét mầy. - Ừ hén ! - À tao quên, hôm qua phải có mầy lên đồi chơi, tao chia kẹo kéo của anh Vũ mua cho! Nghe Trang nói, Mận buồn ghê. Nhà Mận nghèo, được đi học là may phước lắm rồi, thì giờ đâu mà đi chơi. Má của Mận lo đủ thứ chuyện. Sáng dậy nấu xôi cho kịp đem bán ngoài cửa trường. Buổi chiều nấu chè bán đến tối mới vè. Công việc ở nhà, nấu cơm, giặt dũ quần áo, tắm rửa mấy em đều giao hết cho Mận. Mận buông thõng: - Tao hỏng rảnh! Trang không chú ý đến gương mặt con nhỏ Mận đang buồn, được dịp Trang thao thao: - Vui lắm mày à ! Chiều thứ bảy tao bắt anh Vũ chở đến nhà mày, tụi mình cùng lên đồi chơi một lượt nha ! Ở trên đó, có những con chuồn chuồn xanh hơn lá thuộc bài mà tụi mình thường ép tập. Tuần này, tao phải bắt anh Vũ đền con chuồn chuồn xẩy hôm trước mới được. Nghe Trang nói, Mận quên buồn ngay: - Sao mày không kêu ảnh bắt bướm? - Bướm đẹp, nhưng phấn bướm người ta nói dễ làm cho mình bị ho lắm mày ạ, nên tao thấy sợ sợ. Gần đến nhà, hai con bé chia tay nhau, Trang láy mắt nhìn Mận: - Nhớ thứ bảy tao đến nhà mày, tụi mình lên đồi chơi nha! ° ° ° Về đến nhà, Trang mở cặp, lấy quyển tập làm bài luận, chạy tìm anh Vũ ngay để cho anh Vũ thấy bài của con bé nhờ anh làm, hách không chỗ nào chê được. Cô giáo bắt Trang đọc lên, bọn nó nghe buồn rười rượi. Vậy mà hôm trước nhờ làm, anh bảo làm dở sợ cô cho ít điểm. Nhưng anh Vũ đi học chưa về. Sao hôm nay ảnh về trễ vậy cà? Mọi lần anh về sơm hơn Trang một chút. Trang lững thững cầm quyển tập đi lui, đi tới trong nhà. Trang chợt nghĩ còn một người để con nhỏ đem khoe. Vừa lúc đó bà Hậu đi khui hụi về, Trang chạy ào ra: - Má ơi ! Con cho má coi cái này nè ! - Gì vậy Trang? Con bé chìa quyển tập ra, chỉ vào số điểm cô đã cho: - Đó má coi, anh Vũ làm giùm con hách ghê chưa ? Nghe đến Vũ, bà Hậu đã thấy khó chịu : - Sao con không làm, mà nhờ đến nó? - Ảnh làm hay, hỏng nhờ ảnh thời nhờ ai? Ghét má quá hà, má hỏng ưa ảnh, cái gì má cũng cho ảnh dở hết sao? Mấy con bạn con nó mong được có anh như con mà hỏng được kìa! Ngồi xuống ghế cạnh đó, bà Hậu không nói, đọc bài luận trên tập của Trang. Nghe nói bài của Vũ làm, sẵn ghét bà lại càng ghét hơn. Bên ngoài, có một vài tiếng xôn xao như có ai đang gây lộn, Trang nhìn ra bên ngoài. Anh Vũ từ ngoài cổng chạy vào, áo ướt vì nước mưa, có vài chỗ lấm lem như bị té. Đứng ngang cửa dũ nước mưa trên cặp, nói với Trang: - Cất giùm anh ! Con bé ôm cặp, ngó anh ngạc nhiên: - Sao quần áo anh lấm lem như vậy? - Tụi thằng Hi rượt đánh anh ! Vừa nói, Vũ thấy bà Hậu ngồi trong nhà ngó trừng mình, lấm lét Vũ nhìn đi chỗ khác. Con nhỏ Trang nghe anh nói bị rượt đánh, con nhỏ âu lo hỏi dồn: - Anh có sao hôn? - Còn lâu, tụi nó mới đụng được đến anh. Mấy chỗ dơ này là tại tụi nó tay chân dơ, nên đụng vào nó ra như vậy đó. Ngoài cổng nhà, một đám trẻ lố nhố, Trang thấy ông Ngạt đang dẫn thằng Hợi vào nhà. Thằng Hợi đi bên ông mếu máo trông thật thảm hại. Ông Ngạt tới đây làm gì ? Chắc ông dẫn thằng Hợi đến đây mắng vốn chớ gì! Trang nghĩ như thế, hỏi anh: - Chết ! Anh đánh thằng Hợi sao mà ông Ngạt dẫn nó đến kìa ! Bà Hậu trong nhà đi ra, ông Ngạt nhìn Vũ chỉ vào thằng Hợi: - Bà coi, thằng Vũ nó đánh con tôi ra thân thể như vầy nè! Thằng Hợi mếu máo: - Con vừa đi học về, khi không nó chặn đường đánh con! Bà Hậu đưa tay xỉ vào mặt Vũ: - Mày làm gì để người ta mắng vốn vậy thằng kia? Xích ra một chút, Vũ nói: - Tụi nó bốn năm đứa vây đánh con, một mình con bỏ chạy, tụi nó rượt theo, con phải thụi thằng Hợi ít cái cho tụi nó không gây nữa ! Ông Ngạt nghe Vũ nói vậy, đưa mắt căm căm nhìn Vũ, nói với bà Hậu: - Đó bà thấy chưa, nó nói thụi con tui như vậy nghe có được không? Thiệt thằng này mất dạy quá cỡ rồi mà ! Nghe ông Ngạt xỏ xiên như vậy, bà Hậu tức lồng lộn, nghiến răng nhìn Vũ như muốn nuốt sống cho đã cơn tức. Mặt Vũ tái mét, đứng lùi vào một góc nhà. Vũ thấy mình bị oan quá. Tụi nó chận đường đánh, buộc lòng Vũ phải đánh lại để chạy, chứ Vũ đâu có gây sự với đứa nào. Sao hỏng ai thèm biết đến hết vậy? Người thời mắng vốn, người thời hăm đánh, Vũ lấp bấp nói: - Tụi nó đánh con trước mà má! - Câm miệng mày lại, chút nữa hẳn hay. Nãy giờ Trang nín thinh, con nhỏ hiểu tánh của anh lắm! Thấy anh bị người ta ức hiếp quá! Người ta muốn anh Vũ bị đòn mới hả lòng, hả dạ. Sao người ta sâu độc quá vậy hổng biết, cứ đứng đó mà lải nhải hoài. Má cũng vậy nữa, trong khi má không biết một tí tẹo đầu đuôi câu chuyện gì hết, sẵn ghét anh Vũ, nghe người ta nói sao là má tin vậy. Ít ra má phải hỏi đầu đuôi câu chuyện, má phải hiểu ai phải ai trái, kẻ quấy người ngay. Làm gì má cứ trừng trò, xỉ xỏ anh Vũ hoài, chứ bộ mỗi mình ảnh làm quấy hay sao? Con nhỏ nhìn đám tụi thằng Hợi đang đứng lố nhố sau lưng ông Ngạt, cái mặt đứa nào cũng hênh hếch thấy mà ghét ! Chỉ vào đám thằng Hợi, Trang xăm soi: - Tụi mày cứ ăn hiếp người ta hoài! Ỷ đông rồi hè nhau đi chọc phá, du côn thấy mồ đi sao không nghe ai nói gì hết vậy ? Lại còn đến đây kiếm chuyện này nọ ! Con nhỏ tức nói một hơi, kể lòng dòng về bọn thằng Hợi trốn học đi thảy đáo lỗ, đi bẻ mận, ổi người ta trồng. Con nhỏ muốn nói cho má nghe, muốn cho ông Ngạt biết một chút về thằng con quá tốt của ông. Đã chận đường đánh người ta, thời bị người ta đánh là phải quá rồi ! Ông Ngạt làm như không nghe Trang nói, đứng nói với bà Hậu một vài câu xong dắt thằng Hợi về. Bà Hậu bước vào nhà xách cây roi mây sóng nhỏ như đuôi cá đuối, ngoắt ngoắt Vũ: - Mày vô đây! Riu ríu Vũ bước lại gần. Bà hùng hổ quất thẳng vào Vũ không nương tay. Trang nghe tiếng roi rót trên mình anh Vũ, cô bé điếng người nhào tới quýnh quàng ôm lấy tay của bà Hậu: - Má, má làm gì vậy? - Con tránh ra ! - Oan cho anh Vũ quá má ơi! - Đi chỗ khác không ! Tao đánh luôn cả mầy ! Con bé thấy má như vậy hoảng kinh, thụt lùi ngồi xếp ve một góc, ôm hai tay che kín mặt không dám nhìn. Vũ ôm đầu đỡ những ngọn roi đi xuống dễ dàng. Bà Hậu nói như hét vào mặt Vũ: - Tao thương mày, tao cho đi học, chứ đâu có biểu mầy đi đánh lộn. Mày du côn, du kê ngoài đường để người ta đến đây chửi rủa, người ta bảo không dạy mày có nghe không? Hay là muốn nghỉ học đi đánh lộn, lớn lên làm du thủ du thực đầu đường xó chợ, lớn lên đạp xích lô, ba bánh ! Nếu muốn, tao nói ba mày đuổi đi khỏi nhà này cho rồi? - Con đâu muốn đi đánh lộn! - Thứ con mất mẹ, đi bú sữa người dưng, đầu cứng như đá. Con mất mẹ, phải đi xin từng giọt sữa mới được sống, hết người này đến người khác, đủ thứ máu huyết đổ dồn về một đứa con côi, tạo cho nó cái khôn trước tuổi, cứng rắn như viên đá sạn màu trắng mây trời mòn nhẵn. Vũ nghe nói mà tủi thân, nghe nói mà muốn khóc òa, nghe nói mà muốn cho những giọt nước mắt tự nãy giờ căng mộng mí bung đổ ào xuống không cần ngăn giữ. Vũ thấy nhạt nhòa từng hình ảnh trước mắt; như màn sương mỏng chắn ngang bầu trời mờ mờ ngọn thông khô chơ vơ, mờ mờ lá xanh ủ rũ, mờ hoa héo cánh buồn. Ngọn roi giáng xuống không thương, không xót. Đau quá Vũ run như chim non ướt cánh. Bão lạnh ngoài trời vẫn ào ào cuốn tới, Vũ bỏ chạy ra khỏi cửa. Mưa bên ngoài đặc sệt, ào tới thân thể nhỏ nhoi lạnh rát, mặc kệ, Vũ cứ cắm đầu phăng chạy. Bất ngờ Vũ bỏ chạy, bà Hậu giáng cây roi theo. - Mày chạy đâu hở thằng kia? Trang ngoi đầu ra cửa sổ nhìn theo. Mưa cuốn phăng anh Vũ mất hút. Má đứng ngang cửa bực dọc, gương mặt của má Trang thấy ớn thấy sợ. Con nhỏ mếu máo nghĩ: ''Trời mưa như vậy mà anh Vũ chạy đi đâu? Anh bị má đánh đau gần chết, lại còn chạy trong mưa lạnh. Ngày mai, ngày mốt anh đau, anh nằm lì một chỗ. Ai lấy xe đạp chở Trang lên đồi bắt những con chuồn chuồn; để dành tiền không ăn sáng mua cho Trang kẹo kéo thơm ngon. Con Mận nó nói đúng ghê, con gái mà có anh trai thời sung sướng lắm ! Anh trai dù gì đi nữa cũng thương em gái. Anh Vũ thương Trang ít khi dám la rầy một tiếng nhỏ, vì sợ em khóc. Bụng dạ ảnh tốt như vậy mà má hỏng thương ảnh, đã không thương má lại còn đánh đập anh tàn nhẫn !'' Thấy khuôn mặt Trang đầm đìa nước mắt, bà Hậu gay gắt: - Sao con thương nó quá vậy? - Con không thương ảnh, thời con thương ai? Hay là má bắt con phải ghét cay, ghét đắng ảnh như má. Thờ ơ lạnh lẽo như ba. Con nhớ năm ngoái anh Vũ thi Tiểu học. Người ta có cha, có mẹ, người ta lo lắng cho từng chút, từng ly. Đưa con đến trường, vào lớp thi rồi mà họ đứng ở ngoài lo lắng. Buổi sáng hôm đó, anh Vũ thức dậy sớm, lủi thủi sửa soạn một mình. Anh dòm lui, dòm tới. Ba má cũng không cần hỏi một tiếng, đã thế ba còn hăm he: ''Thi không đậu thì đi luôn nghe mậy, đặt chân về nhà tao đánh chết''. Anh Vũ buồn xo, buồn héo như chiếc lá, bỏ đi. Con chạy theo nói chuyện cho anh Vũ đừng buồn, đừng nghĩ gì hết ráng làm bài. Trên đường đi đứa nào cũng có cha mẹ kè kè một bên. Anh Vũ không dám nhìn lên, cúi đầu bậm môi mà đi. Hôm con ảnh đi coi bảng về, con muốn hét vang cho ba, với má biết, anh Vũ đậu tiểu học rồi ! Con mừng kinh khủng, trong khi ba thờ ơ lạnh lẽo: - ''Đậu thời ráng mà học tới''. Chỉ mỗi một câu độc nhất đó thôi. Đang nhẹ tênh như bông gòn, vui như đang chơi trò cút bắt. Anh Vũ bỗng buồn xo. Ai cũng lạnh lẽo, ai cũng ghét, bây giờ má lại bảo con ghét ảnh nữa sao? - Nó mà dám đi đâu, chút về bây giờ đó. - Trời mưa như vậy, anh sẽ đau, sẽ bệnh chết má ơi. Bà Hậu khô khan: - Chết đâu chết phứt cho rồi ! - !!! Trang lặng người, không nói ra tiếng. Con nhỏ nhìn ra ngoài mưa vẫn đều tuôn; cây cối nghiêng nghiêng theo mưa. Trước sân nhà mưa làm cát trôi đi, những cục sạn trắng nõn nằm lạnh cóng, lạnh như hai hàng nước mắt đang lăn dài xuống má, xuống môi con nhỏ. Má nói như vậy là má tận tình quá rồi ! Còn ba thời sao? Đôi mắt con bé thả ra ngoài trời mưa đan kín. Mưa gì cứ dai dẳng, chắc anh Vũ phải ướt tèm nhem hết, chắc anh Vũ phải lạnh run cằm cặp, bụng anh lép xẹp, đói meo, chân anh chắc không còn lê nổi đã té quỵ trên con đường nào rồi. Nghĩ như thế, Trang càng lo sợ lầu bầu trong miệng cầu mong sao cho mưa mau dứt !cầu mong sao cho anh Vũ đừng ngã quỵ trên đường. Ngoài trời mưa vẫn xuống, mang theo những bong bóng nhỏ... ° ;° ° Chạy băng băng trong mưa. Những hột mưa đập vào mặt Vũ ran rát, chiếc áo trên người ướt sũng bó sát vào mình. Những đường roi trên lưng trên hai tay Vũ thâm tím. Đưa hai bàn tay lạnh móp vuốt mặt, nghe bàn tay buôn buốt như phải kim châm. Như hai bàn chân giờ này đạp nhằm phải một viên đá nhỏ thôi, đủ thốn đau khôn tả. Con đường vắng xe, có những dãy nhà sang trọng nằm im lìm. Một vài chiếc lá nửa vàng, nửa xanh theo nhau lốc xuống đường dập dùi. Vũ đảo mắt tìm một chổ trú cho qua khỏi cơn mưa, đợi đến tối mới mò về nhà. Một cổng nhà bên kia đường có mái tôn chìa ra. Vũ chạy qua đứng sát vào đó. Giũ áo cho bớt nước, ngồi xuống bực thềm nhỏ, hai tay Vũ vòng ôm đầu gối, mắt ngóng ra đường. Đôi môi Vũ xám ngoét, hai hàm răng đập vào nhau nghe cầm cập. Sao má lại chết sớm như vậy! Nếu như má còn sống giờ phút này Vũ đâu phải khổ! Sao ba không thương Vũ, coi Vũ như một đứa trẻ lạ hoắc !? Ba nghiêm nghị, ba cau có với Vũ đủ điều. Còn con nhỏ Trang lúc nào ba cũng cười hiền, ba hỏi han này nọ, nếu Vũ được như Trang, dù có bị gì đi nữa Vũ vẫn chịu, miễn là ba thương Vũ là đủ rồi. Con nhỏ Trang nghĩ thiệt là sướng! Nhức đau sổ mũi một chút, gần như nhà quýnh quáng lên. Ba má phải thay phiên nhau thức khuya canh chừng từng cái trở mình của nó. Ngồi co ro như vậy không biết là bao lâu, Vũ nghe gió từ miệt đồi thông đưa về lạnh buốt, gió mang theo cơn mưa đến một nơi khác. Bầu trời bắt đầu trở lại sáng sủa. Đứng lên, Vũ không biết đi đâu, về nhà giờ này thì không được rồi! Chắc phải bị một trận đòn nhừ xương nữa; bước chân Vũ đều đặn về hướng chợ mới. Trên đường, một vài chiếc xe hàng thật lớn từ hướng Chợ Mới trở về. Mấy chiếc xe hàng nầy đã lấy rau cải xong xuôi đợi mai sớm đem ra máy bay chở đi Saigon, hoặc phân phối các tỉnh lân cận. Màu trời trắng xóa buồn hiu, một vài chú dơi đi kiếm ăn xa rủ nhau về tìm chỗ ngủ, chúng kéo nhau về tổ nhỏ, nhưng ấm cúng. Xa xa, một hai con thật lẻ loi - tổ ấm nào của chúng? Hay co ro trong cơn mưa lạnh ngây ngất như bây giờ?! - Anh Vũ, anh Vũ ơi! Tiếng gọi trong trẻo từ bên kia đường. Vũ nhìn qua, con Mận đang đứng đó đưa đôi mắt tròn vo mừng rỡ, con nhỏ chắc đi từ hướng chợ về, tay đang kẹp cái rổ ngang hông, có những bó rau xanh mướt. - Anh đi đâu ra hướng chợ? - Hổng biết đi đâu nữa! - Nói gì mà kỳ hôn! Đi mà hổng biết đi đâu! Vũ cười cười : - Thiệt mà ! - Chứ không phải anh đang đi ra chợ sao ? - Đâu phải như con gái hễ mỗi một chút là ra chợ. - Vậy mà anh cũng nói; chứ bộ ngoài chợ không có đứa con trai nào sao ? Anh này sao hôm nay lãng ghê! Đôi mắt con Mận bỗng dừng lại trên hai cánh tay nhiều lằn sưng tím. Chiếc áo sơ mi tay cụt trắng lem luốc, vài chỗ ướt mưa chưa khô kịp. Đôi lông mày con nhỏ nhíu lại, giọng lo âu: - Tay anh bị sao vậy? Không trả lời câu hỏi của Mận, Vũ lãng sang chuyện khác: - Mận đi chợ về hả? - Đâu có, má em kêu đi theo ra chợ, má mua xong, còn đi lo bán chè đến tối mới về, em đem về trước nấu cho kịp chiều mấy đứa em ăn. - Mận giỏi ghê! Nghe Vũ khen, má con Mận hồng lên như trái đào chín ngọt. Nó lừ mắt: - Thôi đi anh. - Thiệt mà! Mận giỏi kinh khủng, đi học về là làm đủ thứ. Trong khi con nhỏ Trang có biết làm gì đâu, chỉ biết nhõng nhẽo. Con Mận chợt nhớ điều gì, gương mặt vui vui: - À! Anh có thích ăn chè không? - Thích ! - Về nhà em lấy cho ăn. Nghe con nhỏ Mận rủ về nhà ăn chè, Vũ sướng mê tơi. Cái bụng của Vũ bị mắc mưa nên lũ kiến kéo nhau ra phá phách chịu hết muốn nổi. Có tô chè vô chắc đỡ. Vũ theo chân con nhỏ Mận về nhà. Mấy đứa em Mận đang chơi chung trước cửa, thấy chị về đưa mắt lơ láo nhìn. Ba Mận đi lính chết hơn một năm rồi. Má Mận buôn bán nuôi ba đứa con, Mận và hai thằng cu nhỏ, tuy không dư dả, nhưng đủ sống qua ngày. Mận lấy trong rổ gói bánh men đưa cho hai đứa em: - Chia nhau ăn, hổng được giành giựt nghe. Nói với em xong, Mận bỏ ra sau nhà, bưng tô chè đậu xanh nước dừa phổ tai đem lên trên bàn. - Anh ngồi đây ăn đi, chè của má em nấu bán đó. Chè thơm ngon, Vũ làm một chút hết sạch tô chè. Nhìn Vũ ngồi ăn, Mận chợt nhớ cánh tay Vũ nhiều lằn bầm tím. Hồi nãy Mận hỏi, Vũ không nói. Con nhỏ lấy làm thắc mắc, hỏi Vũ thêm một lần nữa: - Cánh tay anh sao nổi lằn u tím ngắt vậy? Vũ cộc lốc buồn: - Bị đòn ! Mặt con nhỏ nhăn lại: - Nè anh Vũ, má của anh sao dữ quá hà, má em hiền ghê! Không la rày một đứa nào hết, nhưng mỗi lần làm sái cái gì em cứ sợ má em buồn. Chắc anh bị đánh đau lắm hà? Sao anh bị đòn vậy? - Thằng Hợi nó dẫn ba nó đến nhà mắng vốn! - Thiệt cái thằng đó thấy ghét hết sức. Con nhỏ thấy gương mặt Vũ buồn như trời chiều tan xuống bên ngoài. Nhỏ Mận thấy thương Vũ ghê. Nếu Vũ là anh ruột của Mận, chắc má thương anh Vũ lắm, không bao giờ đánh đòn, dù là một roi rất nhẹ, con nhỏ Trang thường nói với Mận: má nó thương nó lắm kia mà. Sao má nó không thương anh Vũ một chút xíu nào hết vậy. - Sao má của anh thương mỗi mình Trang hè? Vũ buồn quá đổi, không nói đứng lên: - Thôi Mận đi nấu cơm cho mấy đứa em ăn, Vũ về. - Mai mốt, anh nhớ đến đây ăn chè nha. Em sẽ nói với má để dành cho anh một tô thiệt là bự. Vũ đi xa rồi, nhỏ Mận còn đứng nhìn theo. Con nhỏ thấy ngày hôm nay sao nó buồn buồn. Hồi sáng, ở lớp cô giáo Hạnh kêu Trang đọc bài luận, mà con nhỏ đã nhờ anh làm giùm, làm con Mận buồn muốn khóc! Bây giờ Mận hiểu tại sao anh Vũ bị ghét bỏ, bị đánh đập, Con nhỏ trở vào nhà nấu cơm cho mấy đứa em ăn. Chiều đã mất hút thật xa. Một vài tiếng chim kêu buồn trên nóc nhà. Chương bốn Lớn lên anh sẽ làm gì? - Chưa biết, còn em? - Em í à... Trang ngẫm nghĩ một chút, đôi mắt con bé thả trên trời có nhiều mây trắng đuổi nhau rong chơi, bờ môi hồng mím mím. Như đã nghĩ được, con nhỏ cười mỉm: - Nè anh, lớn lên em sẽ làm cô giáo. - Hổng được đâu! - Sao vậy anh? - Em mà làm cô giáo, học trò nghịch phá cô giáo nói học trò không thèm nghe, khi đó cô giáo chỉ có nước ngồi khóc. Mỗi lần học trò đi học phải đem theo khăn lau nước mắt cho cô. - Xí! Anh nhạo người ta hoài. - Còn anh hổng thèm làm thầy giáo! - Chứ anh thích làm gì? - Anh sẽ viết truyện. Những truyện anh viết sẽ có thật nhiều nước mắt, và những khốn khổ bất hạnh của con người... - Đọc truyện của anh, chắc em phải buồn và khóc hoài! Trang vừa nói, con bé xoay lại một vòng, nghiêng nghiêng đầu. Mái tóc dài đổ qua một bên. Con bướm màu hồng đậu trên tóc như muốn bay lên, vì cơn gió nhẹ lướt thướt đi qua, một vài cành hoa hồng cạnh Vũ lay lất. Con bé cười. - Không có má ở nhà vui hén anh? Mấy hôm nay má đi Huế thăm người bà con. Trang thấy trong nhà vui, không như mọi hôm có má ở nhà. Ba cũng thường hỏi đến anh Vũ; những tối không có má ở nhà, anh Vũ và Trang xoay quanh ba, nghe ông nói chuyện, hoặc bày ra những trò chơi. Không khí thật rộn ràng. Vũ ngước lên nhìn em: - Còn mấy ngày nữa má về! - Hai ngày nữa anh. Vũ nằm soài người trên bãi cỏ. Đôi mắt sáng vương một chút buồn: - Má đi Huế vô thế nào cũng mua kẹo cau, mè sửng cho em, sẽ mua mấy chục chiếc nón lá bài thơ cho mấy dì. Trang ngồi xuống cận chỗ anh, chiếc áo đầm xòe ra, che một khoảng cỏ rộng, bàn tay vân vê đuôi tóc thắt nơ bươm bướm. - Nón lá Huế đẹp ghê hén anh? Nó mỏng manh, nó nhẹ nhàng. Bên trong được lót hình chùa Thiên Mụ, hình cầu Trường Tiền với sông Hương, lót những câu thơ bên trong hay chi lạ. ''Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp. Thương nhau rồi xin kíp về mau; kẻo mai tê bóng xế qua cầu...'' dễ thương như mấy cô gái Huế trường Đồng Khánh, chiều tan học như bướm trắng lượn qua cầu Trường Tiền bay về Gia Hội, xuống Đông Ba. Em sẽ nói với má biếu cô Hạnh một chiếc. Phải như em lớn bằng dì Hường; bằng chị Thu, em sẽ bận áo dài trắng, để tóc dài ngang lưng, đội chiếc nón bài thơ đi học. Nghe em nói tía lia, em ra bộ tịch trông tức cười, Vũ ngồi nhỏm dậy nheo mắt : - ...Và khi đó em sẽ không ưa khóc như bây giờ. - Cái anh này cứ nhè người ta mà chọc hoài hè. - Ai biểu em khóc làm chi ? - Có ai biểu đâu, tại tính người ta như vậy chứ bộ. Vừa nói, mặt con nhỏ bự như cái bánh bao, mặt gầm cúi xuống bãi cỏ. - Hổng muốn nói chuyện với anh một chút nào hết. - Thiệt hôn? - Chứ bộ giả sao? Trang đứng lên định bỏ đi. Thoáng thấy ngoài cổng có bóng người, mặt con nhỏ đang chù ụ, bỗng tươi tắn, chạy nhanh ra nói lớn: - Anh Vũ ơi! Chú Duy về! Vũ mừng quýnh, chạy bay ra ngoài. Chú Duy đứng đó cười với Vũ. Lâu quá, hình như hơn một năm rồi, chú không đổi khác gì hết, gần như mạnh hơn lúc trước và nước da chú sạm đen như tượng đồng. Trang xoắn xuýt bên chú. Vũ nắm lấy tay chú vào nhà. Bàn tay chú nhiều chỗ nổi lên những cục chai cứng. Vừa bước vào nhà Vũ hỏi ngay: - Chú về lần này chừng nào đi? Nhìn Vũ, chú cười: - Ít ngày thôi! Trang chen vào: - Sao chú hổng ở chơi lâu lâu á? - Làm sao mà ở lâu được! Chú chỉ có ba ngày phép thôi ! Nhìn lên ngực áo rằn ri xanh xám của chú Duy, Trang khều Vũ. Hai cái bông mai đen gọn gàng nằm im cạnh lằn nút. - Chú Duy hách ghê hén, anh Vũ? Buổi tối trong nhà đông đủ, chỉ trừ có bà Hậu đi Huế chưa vô. Trang, Vũ thấy thiệt là vui. Ba, và chú ngồi nói đủ thứ chuyện. Con nhỏ Trang lém lỉnh thường hỏi chú về những trận giặc mà chú đã dự. Nếu chú Duy đừng đi lính, ở đây hoài chắc Vũ sướng lắm. Những gì Vũ không biết, hỏi chú là được trả lời ngay. Ở nhà này Vũ không dám hỏi ai hết, còn con nhỏ Trang thời không biết cóc khô gì. Chú đánh đờn cũng hay ghê, chú nói khi nào rảnh sẽ chỉ cho Vũ. Nếu biết đánh đờn, chiều chiều Vũ rủ nhỏ Trang, nhỏ Mận lên đồi đánh cho hai đứa nghe. Khi đó chắc đôi mắt con nhỏ Mận tròn xoe nể Vũ ghê lắm. Nhưng người ta đâu cho chú Duy ở nhà, người ta bắt chú đi đánh giặc hoài, thiệt là kỳ. Trang thấy chú cười, con nhỏ đi lại ngồi trên thành ghế cạnh chú Duy. - Chú nói với ba con đi chú! Vũ không hiểu em muốn nói gì, mà lại nhõng nhẽo với chú như vậy. Vũ thấy chú ngồi trầm ngâm đốt điếu thuốc khói bay lên đặc sệt. Nhìn ba, giọng chú trầm xuống: - Hồi sáng, Trang có kể tui nghe chuyện thằng Vũ; nãy giờ tui cũng định có dịp thuận tiện nói với anh. Nghe cháu bị hất hủi tôi buồn lắm, không hiểu anh nghĩ sao lại để cháu phải như vậy. Ngày trước mới về, chị tỏ ra thương yêu thằng Vũ lắm, nhưng bây giờ chị đổi khác nhiều. Thiệt chị ấy tệ hết sức, đáng lý ra chị phải thương cháu Vũ nhiều hơn đứa nào hết. Anh phải lo lắng thương yêu, bổn phận của một người cha đừng để đầu óc nhỏ nhoi của nó ăn sâu sự bỏ rơi của gia đình. Nghe chú nói với ba như thế, Vũ ngồi lặng yên nhìn xuống nền gạch. Con nhỏ Trang thiệt là thèo lẻo, nói với chú làm gì những chuyện không hay đó. Để trong nhà đang vui bỗng dưng u buồn. Ba không nói, ngồi yên nhìn ra bên ngoài, qua cửa sổ ướt sương, màu trời đen không một ánh sao. Gương mặt của ba thật nhiều điều suy nghĩ. Mấy hôm nay không có má ở nhà, sao ba thương Vũ ghê đi! Ba thường hay nói chuyện với Vũ, bảo Vũ nên ăn thật nhiều! Má đánh đừng bỏ nhà đi dưới mưa mà bị bệnh, người cứ ốm tong, ốm teo mãi. Giọng nói của ba trầm ấm ngọt ngào. Lâu rồi, mấy ngày hôm nay, ba mới nhìn lại những quyển tập Vũ học ở trường, những bản danh dự mà trường phát mỗi tháng cho học sinh đứng từ hạng năm trở lên, Vũ thấy ba thật hài lòng, và vui. Ba cũng thương Vũ lắm chứ! Nhưng một lý do gì đó ba phải cau có, khó chịu. Đôi lúc Vũ có ý nghĩ muốn cho má đi hoài để Vũ được ba thương thật nhiều. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua. Vũ thấy mình thật ích kỷ ! Nếu như má đi hoài, ba và Trang sẽ buồn khi đó Vũ chẳng vui gì. Vũ xoay qua chú buồn buồn: - Ba, má vẫn thương con, không như con nhỏ Trang nói đâu chú. Chú Duy không để ý gì đến câu nói của Vũ, chú nhìn ba tiếp: - Tui có ý định này về cháu, không hiểu anh có bằng lòng không? Giọng nói của ba buồn rầu: - Chú có thể cho tôi biết. - Đầu niên học tới, anh nên gởi cháu vào học nội trú trường của mấy sư huynh La-San. Nơi đó cháu sẽ tìm được tình thương nơi những cậu bé đồng lứa tuổi, nhiều thời gian trau dồi đức dục, và trí dục hơn. Anh nghĩ sao? Nghe chú đề nghị với ba gởi Vũ vào nội trú học, Vũ không muốn xa nhà một tí nào hết. Vũ hồi hộp để xem ba quyết định ra sao, nhưng Vũ không đợi lâu. Ba nói: - Tôi đã nghĩ đến vấn đề gởi cháu vào nội trú từ lâu; nhưng vẫn còn chần chờ cho đến nay vì thấy con hãy còn nhỏ quá, xa gia đình sợ nó buồn mà bỏ bê việc học chăng? Hết niên học này cũng không muộn. Như thế là ba đã bằng lòng, cùng một ý nghĩ với chú đưa Vũ vào nội trú của trường lớn. Những năm còn ngồi bậc tiểu học, Vũ cứ mong sao cho học hết năm để làm một người học trò lớn, vào lớp để được nhiều thầy cô dạy. Nhưng năm nay vào lớp lớn rồi, Vũ mới thấy nhạt nhẽo làm sao. Vũ thèm, Vũ thấy những giây phút hân hạnh được thầy gọi lên bảng sửa một bài toán đố, được thầy nhờ ôm chồng tập để thầy đem về nhà chấm điểm. Mỗi lần một vài tiếng xì xào trong lớp, đuôi mắt nhiều nếp da xếp lại, qua cặp mắt kính trệ trên sóng mũi, giọng thầy yếu ớt vì tuổi già trách nhẹ. Hoặc làm bài xong, ngồi xếp vở lại nhìn ra bên ngoài cửa sổ, nhìn một vài cánh én bắt đầu dời tổ ra đi, vì mùa đông mang lạnh đến. Bây giờ làm học trò lớn, Vũ thấy gần mất hết những giây phút đó. Ngôi trường đồ sộ chừng nào càng làm những thứ yêu thương nhỏ nhặt đó mất đi càng nhiều. Hết niên học này, Vũ sẽ xa gia đinh, xa con nhỏ Trang hay khóc; con nhỏ Mận hiền như cục đất, xa mấy thằng bạn nhỏ lớp Đệ Thất... chắc Vũ sẽ buồn ghê lắm! Những ngày phép của chú Duy, Vũ và Trang đã quấy rộn chú thật nhiều ! Đi học thì thôi, về đến nhà là gần như không một phút nào rời chú ra được. Trang bắt chú dạy hát bản ''Đồi Thông... Ngồi trên đồi vắng, bên gốc cây thông già... nhìn theo giòng suối trôi dưới chân đồi. Vào đồng xanh ngắt, xanh như tấm thảm nhung mềm...'' Giọng hát của Trang buồn buồn như gió chiều đi về trên đồi. Còn Vũ thích nghe chú kể chuyện đánh giặc; chuyện ''Guy-li-ve'' lạc vào xứ người ''chim chích''; chuyện ''Vô gia đình''. Cái gì chú cũng chịu cả. Từ hôm chú dạy Trang hát, con nhỏ không thích làm cô giáo nữa, Trang hỏi Vũ ; - Anh thấy em hát hay hôn? - Hay ! - Thiệt hôn? - Thiệt ! - Chắc hén? - Chắc ! - Nè anh! Lớn lên em hỏng thèm làm cô giáo đâu ! - Sao vậy? - Làm cô giáo hỏng ai thèm khen hết hà ! - Chứ em muốn làm gì? - Làm ca sĩ! - Thôi, em đừng làm ca sĩ, mấy cậu học trò nhỏ sẽ tiếc hùi hụi cho mà xem, vì không có một cô giáo dễ thương như em dạy chúng. Trang chắp hai tay sau lưng lắc người đong đưa, con nhỏ tươi cười như nụ hoa hồng: - Anh à, em làm hai thứ luôn được hôn? Vừa dạy học, vừa hát cho học trò nghe. - Học trò lại càng thương cô giáo hơn. Vũ vui lây với niềm vui của em, trong đầu óc nhỏ nhoi khung trời hồng sáng dệt đầy. Trước ngày đi, chú Duy dẫn Vũ ra chợ, mua cho Vũ hai chiếc áo ấm màu xám trông thật đẹp. Trang một chiếc áo màu tím hoa cà. Như vậy là đứa nào cũng có hai cái để thay đổi. Trang đã có sẵn chiếc áo màu hồng má đan cho. Trên đường về nhà chú hỏi: - Có khi nào ba dẫn Vũ đến thăm mộ má không? - Chưa khi nào hết chú ! - Bây giờ Vũ muốn đến thăm mộ của má không? Từ nhỏ đến giờ Vũ không biết má nằm ở chỗ nào; không biết gương mặt má ra sao? Chắc má hiền lắm ! Nếu má còn sống, má không la rầy, không đánh đập. Má sẽ gọi Vũ hai tiếng ''Con ơi'' thật dịu dàng, ngọt lịm như miếng đường trắng phau vuông góc bỏ vào miệng. Không như má của Trang, của Vũ hiện thời. Như con Mận được má nó thương ghê. Sáng bán xôi, chiều bán chè để nuôi mấy đứa con, và con nhỏ đi học. Không có một người mẹ nào ghét bỏ con cái hết. Có lần Vũ thấy con gà mái ở nhà, dắt theo một đàn con lúc nhúc mới nở đi vòng quanh sau vườn tìm thức ăn. Bỗng một con chó từ bên nhà hàng xóm đi qua, thấy đàn gà con liền rượt đuổi, mấy chú gà con oác oác. Gà mẹ đôi mắt hiền lành bỗng giận dữ cánh quạt phành phạch, vè quanh trước mặt chú chó hàng xóm, làm cho chú ta bỏ chạy một nước. Vũ thèm, Vũ ao ước một người mẹ thương yêu che chở như thế. Vũ buồn buồn: - Chú dẫn con đến thăm mộ má cho biết đi chú? Lẽo đẽo theo chú qua nhiều con đường vắng người, hàng cây sung ủ rũ, lảo đảo theo gió. Những viên đá cạnh nhẵn nằm ngay ngắn thẳng hàng. Một dẫy tường cao quá khỏi đầu người. Rêu như nhung xanh phủ bên trên; một vài chỗ đá lở xám xịt. Mây là đà trắng màu bông gòn trắng như mảnh vải chít lên đầu chú bé con trong xe tang ló đầu ra ngoài chiếc xe tang. Mặt chú bé ráo hoảnh, bàn tay nhỏ nhắn rờ lên đầu, không hiểu người ta chít lên đầu mình làm chi. Ủa ! Sao mấy cô, mấy dì, mấy anh, mấy chị lại khóc? Sao má lại nằm trong cái thùng vàng lưởng, nến cháy một hàng dài bên trên. Xe tang đi vào một cánh cửa lớn, người ta khiêng cái thùng vàng lường để má bên trong bỏ xuống đất lấp lại. Chú bé con trở về nhà thấy vắng má, từ đó giọt nước mắt trong ánh sáng mới biết chảy xuống. Vũ không hiểu cậu bé một lần Vũ gặp có buồn như Vũ bây giờ không? Cậu bé có trở lại thăm người ta để má bên dưới lấp đất lại không? Chú Duy dừng lại trước cửa nghĩa trang. Nơi đây có một bà lão bán hoa, hoa chỉ có hai loại màu trắng, tím. Chú mua cho Vũ một bó hoa trắng, có những bông nhỏ xoắn xuýt nhau trắng toát. Bên trong những ngôi mộ được xây thật đẹp, hai hàng chạy thẳng tấp. Mùa thu gần hết, nhưng lá vàng vẫn còn rải rác trên mộ bia. Đi tìm một chút, chú Duy ngoắt Vũ lại. Đứng trên một ngôi mộ xám, giọng chú trầm xuống: - Mộ của má con! Vũ đặt bó hoa trắng nhỏ lên phía trên ngôi mộ, Vũ ngồi thụp xuống nơi tấm bia ghi tên, ngày tháng của má chết. Bên trong tấm kính mờ mờ vì bụi đất, Vũ thấy tấm hình của má. Tấm hình đã đổi thành màu vàng, nhưng hình hãy còn rõ lắm! Chú ngồi xuống cạnh Vũ: - Con hãy cầu nguyện cho má ! Vũ biết cầu nguyện gì cho má đây? Vũ nhìn sừng sững tấm bia đá rêu sạm. Má chết đi, linh hồn của má bay lên thật là cao, cao mãi trên bầu trời nhiều sao, những ngôi sao lấp lánh màu ngọc thạch. Má đang ở trên một vì sao nào đó, sáng nhất! Má hiền diệu như những bà tiên trong chuyện thần thoại; mặc dù nghe từ nhỏ, nhưng đến giờ Vũ không quên được. Bầu trời lạnh nhiều sương, má ở trên một vì sao cao quá, Vũ không thấy gì hết ! Tấm hình của má được lộng trong tấm bia mờ vì bụi đất, tấm hình của má không vui, nhòa nhòa buồn bã ! Vũ tưởng chừng như có vài giọt sương đọng trên đôi mắt má. Nhìn Vũ, má khóc, nhìn má Vũ rơm rớm nước mắt. Đôi mắt má buồn như nghĩa trang chiều nay vắng lạnh. Chú Duy hỏi : - Vũ có thương má không ? - Có ! - Vũ thương má, Vũ phải ráng học. Năm sau vào nội trú Vũ càng phải cố gắng hơn, để cho chú và ba được vui. Má dù chết rồi nhưng lúc nào cũng ở bên Vũ, thấy Vũ như vậy chắc má hài lòng lắm. Trên đường về, chú kể cho Vũ nghe thật nhiều chuyện về má. Gia đình bên ngoại giàu có lắm; mấy cậu, mấy dì không ai bằng lòng ba, vì ba nghèo. Ba vừa đi làm, vừa lo cho chú đi học. Đám cưới của ba má thật nghèo nhưng tràn đầy hạnh phúc. Sau những ngày túng quẫn đi qua, cuộc sống sung túc đến với má, nhưng số mệnh thật khắc khe đưa má đi sớm trong khi Vũ chưa đầy hai tuổi. Chú còn kể hồi đi học làm gì có tiền để tiêu những thứ lặt vặt, hay xem ciné với chúng bạn. Chú thường bồng Vũ đi chơi đâu đó một lát, về đến nhà là má đã để dành cho chú một số tiền nho nhỏ đủ tiêu cả tuần. Sương chiều xuống lạnh ? Bàn tay Vũ trong bàn tay chú ấm áp. Nhìn ra con đường vắng hút dài, Vũ hỏi : - Mai chú đi hả? - Ừ, mai chú đi sớm. - Sao lần nào chú cũng đi lâu ghê? - Chú ở một nơi xa lắm! Mỗi lần chú về thăm đôi ba ngày lại đi thật lâu, nhiều khi một năm mấy chú mới về một lần. Phải như chú ở một nơi nào chắc chắn, Vũ sẽ nói ba khỏi cần học nội trú đến ở với chú đi học cũng được. Vũ: - Phải như chú về hoài thì vui biết mấy. Chú Duy cười buồn: - Làm sao chú về thường được, một năm chú mới có mấy ngày rảnh, hên lắm chú mới kiếm được một vài cái phép ngoại lệ. Khi nào chú có gia đình rồi, chú sẽ đem Vũ về ở đi học. - Chú đem luôn con nhỏ Trang nữa nghe chú? - Nếu con nhỏ thích đem theo luôn ! Từ xa, Vũ đã thấy chiếc áo len màu hồng của Trang đứng trước cửa nhà đợi. Vũ chạy trước về nhà. Thấy anh và chú, từ xa con nhỏ nhoẻn cười nhưng khi anh đến gần con nhỏ giả bộ mặt buồn hiu: - Anh và chú đi chơi bỏ em ở nhà một mình hè. Vũ đưa cho em gói giấy trong đó có chiếc áo len màu tím chú mua cho. Trang mở gói giấy, chiếc áo màu tím dễ thương ghê nơi đi. Con bé nhìn anh, mặt không còn buồn hiu nữa. Bên má, một khoé đồng tiền tròn vo, cười cười không dứt. Vũ nghe hình như có tiếng chim hót bên kia ngọn thông. Gió lạnh thổi về, Vũ kéo cổ áo lên cao. Chương năm Thằng Hợi, bảo lũ trẻ đi theo nó dừng lại trên một con dốc, con dốc có nhiều tàn cây nhỏ, rậm lá, và những tảng đá xanh nằm ghim cứng dưới đất lú lên khỏi mặt cỏ, những chóp nhọn mòn như cục u. Nhìn những tàng cây, lá che kín, Hợi đưa mắt nhìn một thằng trong bọn đứng bên cạnh: - Chỗ này ngon hé tụi bây? - Nó thấy một đứa trong đám mình là hỏng bét hết. - Khỏi lo, mình núp sau mấy bụi cây này làm sao nó thấy được. Hợi móc trước bụng những quyển tập học ở trường ra, những quyển tập lem luốt vết mực, những góc cuốn lại như con sâu đo. Mấy quyển tập cong queo khi nó móc ra vướng phải chiếc áo len bên ngoài. - Trước hết phải thanh toán mấy cái thứ vướng vào người cho rảnh cái đã. Nó quăng mấy quyển tập vào một bụi cây dưới chân. Bốn đứa theo Hợi đang kè kè cái cặp trên tay thấy như vậy cũng quăng vào một đống. Đứa nào bộ mặt cũng hớn hở, chúng thích thú, vì chút nữa đây thằng Hợi sẽ phục thù thằng Vũ. Hôm trước, Hợi dẫn ông Ngạt đến mắng vốn, thằng Hợi giả bộ hay ghê. Khóc bù loa, bù lê. Ba nó thấy vậy dẫn đi. Không ngờ qua nhà Vũ gặp cái miệng con nhỏ Trang, con nhỏ huỵch toẹt ra hết: thằng Hợi trốn học, thằng Hợi thẩy đáo lỗ, thằng Hợi ăn cắp mận, ổi tùm lum lên không sót một chuyện gì. Ông Ngạt dẫn Hợi về nhà đánh cho một trận đòn nên thân, cấm không cho đi chơi đâu hết; ông còn dẫn đến nhờ thầy hiệu trưởng lưu ý đặc biệt đến nó. Hôm đó Hợi bị quỳ trước cửa lớp. Giờ ra chơi, Hợi vẫn chưa được thả. Lũ học trò kéo nhau ra khỏi lớp nhìn Hợi chầm bầm. Nhất là mấy đứa con gái, trong đám có con Trang, con Mận, con Thoa. Chúng nhìn Hợi cười rúc rích. Hợi quê quá ! Hợi như củ khoai lang sùng, nó bỗng thấy ghét mấy con nhỏ nầy thậm tệ. Con nhỏ Trang hằng ngày Hợi thấy dễ thương, nhưng hôm nay chả muốn dòm mặt một tí nào. Đã vậy con nhỏ còn đi ngang nói khảy với con Mận cốt cho nó nghe: - ''Thằn lằn cụt đuôi rồi tụi bay.'' Nghe mà tức, nhưng Hợi làm như không biết gì hết. Con gái chỉ tài chua ngoa, có tài khóc nhè, chớ làm gì được ai. Nên hổng thèm chấp làm gì. Nguyên nhân cũng tại thằng Vũ. Hợi nhứt định lần này phải cho nó một trận biết tay, nhưng mấy hôm lần không thấy Vũ nên chưa có chuyện gì xảy ra, vả lại từ hôm bị quỳ trước cửa lớp đến nay, Hợi không dám trốn học nữa, nhà trường sẽ gởi giấy về nhà; có gởi giấy về nhà cũng không sợ bằng bị quì rồi bị bọn con gái chua ngoa. Hôm nay lớp của Hợi được về sớm, mang ý nghĩ phục thù Vũ, Hợi rủ thêm bốn đứa chặn ngay con đường dốc cao nầy. Hợi cởi chiếc áo len mặc bên ngoài ra. Buổi trưa, nắng lên nên không khí ấm áp; chả thằng nào co ro như buổi sáng đến trường nữa. Cột hai tay áo thắt nút vào cổ, chiếc áo thòng ra sau lưng như cái áo choàng của mấy tay hiệp sĩ thời xưa. Hợi thấy mình oai vệ quá ! Nó cầm cái ống đồng dài nửa thước trên tay như một thanh đoản kiếm, trông oai phong lẫm liệt ác. Thằng Vũ được tiếng là bắn ná hay, mấy cái hột ô môi của nó để vào đâu trúng đó. Máy lần trước Hợi chịu thua, là vì nó không phòng bị ống đồng nầy, và một mớ đất dẻo đi. Nếu có, chưa chắc thằng nào hơn. Hôm nay Hợi không ngán thằng Vũ một tí nào. Như muốn biểu diễn cho mấy đứa thấy cái tài thổi ống đồng của mình, Hợi lấy một gói đất sét dẻo, bóc một miếng vo tròn lại cho vừa khít ống đồng. Nhắm một trái thông khô lủng lẳng trên cao ''Soạt''. Hợi chu mỏ thổi một phát trúng phóc. Trái thông đong đưa qua lại. Một vài con chim đậu trên cành hoảng kinh vỗ cánh bay lên. Lũ trẻ đứng quanh đứa nào cũng phục sát đất. Một lần chúng đã thấy Vũ bắn ná rồi. Nhưng Vũ chưa biểu diễn đẹp như Hợi; nên đứa nào cũng khoái lối thổi đồng của Hợi. Được bọn trẻ phục quá. Hợi lên hương: - Bữa nào chủ nhật nghỉ tao dẫn tụi mầy lên đồi thổi chim tụi mình nướng ăn. Nghe thằng Hợi nói như vậy, cả bọn nghĩ ngay đến ông bán chim quay trước cửa trường. Không biết ông ta bẫy chim sẻ ở đâu mà thiệt nhiều. Đem về mổ bụng quăng ruột, thoa phẩm lên rô ti thơm phức. Ông treo lủng la, lủng lẳng ở phía sau yên xe đạp. Chim được để trên lò than nên lúc nào cũng nóng hổi, vừa thổi vừa ăn thơm thơm, béo béo. Mới nghĩ đến đã làm cho nước miếng đọng lại hai bên mép. Đừng nói chi cắn vào một miếng thịt đỏ hỏn đó. Một thằng trong bọn chịu ăn chim nướng quá, nói: - Nhớ nghe mậy. Hôm nay mình hạ thằng Vũ, chúa nhật ăn mừng thịt chim. Thằng khác chen vào: - Hoan nghinh ý kiến của thằng Toản; thằng Hợi hách ba chê ! Cả bọn ngồi xuống bãi cỏ, mặt đứa nào đứa nấy sung sướng như đang ăn thịt chim trước cửa trường. Giọng nói của ông rao rang rảng đủ thấy vui: Mại vô ! Mại vô, mấy cô, mấy cậu, hai đồng một con ăn mau lớn, học đâu nhớ đó. Ông rao một dây nghe vui. Cũng như ông già bán chim, một lão chệt bán bột trộn với đường vò lại thành từng viên bằng viên đạn. Hễ ông già bán chim vừa rao xong, là lão chệt bắt đầu hát: ''Cái bi don don, cái bi dòn dòn''. Ngày nào hai ông già nầy đem đến trường đều bán sạch. Từ đàng xa Hợi đã thấy một vài đứa trẻ đi học về. Hợi đứng lên: - Ê tụi bây, thằng Vũ sắp về rồi đó. Tất cả năm đứa, luôn cả Hợi tìm chỗ chạy thật tiện nhìn xuống con đường nhỏ phía dưới. Chỗ bọn Hợi núp không cao lắm, nhưng dốc thẳng xuống, nhiều cây rậm ngang lưng, và đá xanh nên khó đi. Sơ ý có thể té lăn xuống đường dễ dàng. Nằm dài sau một bụi cây, Hợi mở gói đất sét vò lại nhiều viên tròn để chút nữa dễ tấn công. Trong đám còn lại, một mình thằng Toản chường mặt ra để đợi Vũ. Toản quay lại nói với Hợi: - Thấy nó, tao huýt gió cho mầy biết nghe. Hợi đang vò đạn, nghe nói ngẩng lên: - Nhưng mầy đừng đứng chàng ràng trước nó, tao thổi trúng thời ráng mà chịu à nhen. Buổi trưa nắng nhả xuống sợi dài trên đường. Toản đưa tay lên trán nhìn ra xa. Qua một khúc đường quanh, thằng Vũ đang đi tới, Toản huýt sáo báo cho đồng bọn biết. Nghe tiếng huýt sáo Hợi nhìn xuống đường. Đặt ống đồng lên nhánh cây chẽ đôi, vừa tầm. Thằng Vũ đứng dưới đường sẽ lãnh trọn viên đất mà thằng Hợi muốn thổi tới. Trên đường đi học về nhà, Vũ không mảy may biết thằng Hợi đang sắp đặt phía trước chờ Vũ đi tới. Vũ nghĩ đến chú Duy hết phép đi khi sáng. Chú đi buồn ghê! Không biết đến khi nào chú mới về. Vũ nhớ chú nói khi nào chú có thiếm sẽ đưa Vũ về ở chung cho đi học, Vũ sẽ được sung sướng hơn là ở đây với ba, và dì ghẻ. - Vũ. Đang nghĩ tới chú Duy, Vũ giật mình nghe tiếng gọi lớn phía trước. Vũ dùng lại nhìn lên khoảng dốc. Một thằng Vũ thường thấy đi chung với thằng Hợi. Một chân đứng gát trên tảng đá, hai tay chống nạnh, mặt hếch lên như khiêu khích. Không thèm nói Vũ bước đi. Toản thấy Vũ bỏ đi, nó gọi thêm một lần nữa: - Ê Vũ, thằng Hợi có chuyện muốn nói với mầy. Vũ quay lại: - Chuyện gì? - Nó đang ở phía trên đợi mầy. - Sao nó hổng ra đây mà ở trên đó? Toản thấy Vũ vẫn đứng phía dưới ngóng lên, nó nghĩ ngay một cách có thể lừa Vũ lên được, giọng nó không còn hách như lúc đầu nữa. - Tụi tao muốn nói chuyện đàng hoàng với mầy. Bọn nầy chắc đang kiếm cách gây sự với mình đây ! Nghĩ như thế Vũ nói : - Để lúc khác, tao mắc về nhà không thể ở lại chơi được. Hợi nằm trong bụi cây, nghe hai đứa nói qua, nói lại hơi bực mình, nó huýt sáo khe khẽ. Toản nghe hiệu xít qua một bên. Ở bên dưới, Vũ không hiểu thằng Hợi muốn nói gì với mình. Mấy hôm nay buổi sáng nào Vũ cũng thấy nó đi học đàng hoàng; có lẽ nó muốn làm thân với Vũ. Thôi để xem nó muốn nói với mình những gì. Vũ bước lên. Ống đồng của Hợi nhắm ngay mặt Vũ thật đúng. Thấy Vũ bình tĩnh đi lên không biết ống đồng thổi đất sét ướt sẽ trúng mặt mình. Hợi bồn chồn một chút! Thằng Vũ đi học đâu có đem theo giàn ná. Vả lại mấy lần đụng độ với Vũ, Hợi thấy Vũ cũng hách ba chê lắm, nhưng không kiếm cách gây sự với ai như bọn Hợi. Vũ học giỏi, bạn bè đứa nào cũng khoái nói chuyện, nhờ chỉ giùm những bài toán. Những ý nghĩ đó làm cho Hợi hạ ống đồng xuống ngang vai của Vũ, trúng ngay vai đỡ đau hơn trên mặt. Vả lại Hợi muốn cho Vũ biết cái ống đồng của Hợi cũng tài dách không thua gì ná thun của Vũ. -''Suỵt''. Viên đạn đất bay trúng ngay phóc. Không ngờ bị trúng một viên ngay vai, nhưng nhờ chiếc áo ấm Vũ đang mặc trên người nên đỡ đau được một phần nào. Vũ quýnh quáng chưa kịp tìm chỗ núp. ''Suỵt'' thêm một phát nữa ngay đùi, Vũ phóng đến một mô đá cạnh đó, cúi mọp sát người xuống, ló đầu lên một chút nhìn Toản : - Tụi bây chơi hèn lắm. Toản cười hỉ hả : - Cho mày xếp càng lại, thằng Hợi cũng chì lắm chứ bộ. Nhìn thấy đầu Vũ ló lên nhưng Hợi không muốn thổi ngay mặt, muốn cho thằng Vũ biết mình cũng anh hùng, Hợi đứng lên : - Ê, Vũ có ngon bước ra khỏi chỗ núp coi. Thấy thằng Hợi trên tay cầm cái ống đồng dài như ống tiêu. Cục đất sét khi nãy mà thằng Hợi thổi vô mặt chắc là đau lắm. Sao hôm nay thằng này tử tế quá vậy cà? Mọi hôm trước nó không chừa một cái gì hết. Vũ biết ý của thằng Hợi, nhìn qua trái một bụi rậm dễ núp hơn, Vũ ngồi chồm hỗm đợi sơ hở là chạy về phía đó. Vũ hơi tiếc một chút nếu như ngày nghỉ, Vũ đem ná theo thằng Hợi sẽ hết khoác lác. Thình lình Vũ ôm cặp che ngang người chạy vụt qua. Hợi bước lẹ tới đưa ống đồng lên miệng, nhưng chân của Hợi vấp phải cục đá tròn chúi nhũi về phía trước lăn mấy tuôn xuống dốc. Mấy đứa trẻ chung với Hợi xanh mặt. Hợi chống một tay ngồi dậy mặt nhăn nhó đau đớn, một chân nó để dài trên cỏ nhấc không muốn lên. Lũ trẻ xúm lại bụi cây lấy cặp bỏ chạy về hết. Vũ chạy ra thấy lũ trẻ bỏ thằng Hợi đi hết. Vũ thấy tội nghiệp thằng Hợi ghê; bước tới nhìn mặt nó xanh lét, mồ hôi chảy ra hai bên mép tai. Vũ quên là Hợi vừa thổi đất sét vào người. Đặt cái cặp qua một bên, Vũ ngồi xuống: - Mầy có sao không? Tay Hợi chống xuống bãi cỏ run run: - Tao đau quá ! - Đau ở đâu? - Ở chân này nè ! Đưa tay rờ chưn của Hợi chỗ mắt cá sưng lên. Hợi đổ mồ hôi: - Ái da ! - Chắc mầy bị trật gân rồi đó. Hợi cố gắng đứng lên, Vũ phải đỡ một bên, Hợi mới đứng vững được. Hợi thấy ngường ngượng khó chịu làm sao. Mấy thằng bạn của nó bỏ đi đâu mất tiêu không còn một mống nào hết. Còn lại mỗi mình thằng Vũ là thù nghịch với nó, thằng Vũ vừa hưởng của nó mấy viên đạn đất trên vai, trên ngực. Thằng Vũ không ghét nó còn ở lại lo lắng cái chưn trặc của nó. Hợi nhìn bộ mặt thằng Vũ thật tình lo lắng, nó cảm động khôn xiết; Hợi chỉ bụi cây trên dốc: - Mầy lấy giùm tao quyển tập trên đó. Vũ đi lên lấy xuống đưa cho Hợi : - Về đến nhà được không ? Hợi thử bước đi, gương mặt của nó nhăn nhó thở hắt ra. Vũ thấy Hợi như vậy, đưa cặp của mình cho Hợi cầm, xê lưng lại trước mặt Hợi : - Tao cõng mầy về. Không còn cách nào hơn. Hợi phải làm theo ý Vũ, khoác hai tay vào cổ để Vũ cõng đi. Thằng Hợi nặng ghê ! Vũ phải hết sức khó khăn mới đi xuống được con dốc. Trên trán Vũ mồ hôi đọng thành giọt, Vũ mệt, nhưng vẫn bước chậm sợ chân thằng Hợi bị xốc nhiều đau thêm. - Vũ à ... Hợi định nói gì với Vũ, nhưng nghĩ sao nó nín thinh. Về đến nhà Hợi. Ông Ngạt đang ngồi ở ngoài sân cưa mấy khúc cây đóng vào mấy chân tủ. Ba của Hợi làm thợ mộc, nên cái tủ ông đang đóng thật đẹp, không thua gì những bàn ghế, tủ đặt bán ở các hiệu ngoài chợ. Ông Ngạt bỏ chiếc đục trên tay xuống, kéo cặp kính trệ ở sống mũi lên, hấp tấp bước tới hỏi Vũ: - Nó sao vậy cháu? Để Hợi ngồi xuống bộ ván trong nhà, cầm cặp Hợi đưa, Vũ nói: - Đi học về cháu thấy Hợi bị té trặc chưn cháu đưa về giùm. Nghe Vũ không nói gì về chuyện choảng nhau trên đường dốc, Hợi ngầm nhìn Vũ bằng đôi mắt biết ơn. Ông Ngạt lăng xăng lấy dầu bóp chân cho Hợi. Má của Hợi đang làm cơm dưới bếp nghe vậy chạy lên, bà cám ơn Vũ rối rít. Vũ ái ngại nói với ông bà Ngạt: - Dạ thưa bác cháu phải về. Ông Ngạt nhìn Vũ không còn với đôi mắt hằn học như hôm trước dẫn thằng Hợi đến nhà mắng vốn má của Vũ nữa. Ông cười niềm nở: - Khi nào rảnh, cháu đến chơi. - Dạ... ° ;° ° Vũ vui vẻ trở về, nghe trong lòng nhẹ tênh như bông gòn. Thằng Hợi kể ra cũng còn tốt, nếu không bây giờ cái mặt của Vũ sưng tù vù chắc khó coi lắm. Trong nhà lại đổ thừa Vũ ham chơi đi đánh lộn. Năm nay Vũ phải cố gắng học thật nhiều, thật giỏi, để năm sau nếu ba, chú Duy có đưa Vũ đi học nội trú xa. Vào trường mới Vũ khỏi sợ thua kém bạn bè. Hôm chú Duy đã phác họa cho Vũ thấy ngôi trường trung học mới, trong năm sau. Vũ phải đặt chân tới. Ngôi trường ở một thành phố lớn. Nó to gấp mười ngôi trường Vũ đang học, do mấy sư huynh điều khiển. Muốn vào học phải thi, Vũ thấy hơi lo, nếu không học nội trú được chắc chú Duy buồn lắm ! Thật ra thời Vũ không hao đo học xa một tí ti nào hết ! Chỗ nào học cũng vậy thôi: Giỏi hay dở cũng do mình. Buổi chiều, ba đi làm. Còn Trang, và chị Thu đón má từ Huế vô. Chị Thu con của người dì, bà con bên má. Chị học trường của mấy Ma sơ giỏi ghê. Tháng trước, lớp chị thi về môn làm bánh, chị đứng hạnh nhứt. Chấm xong, chị đem về nhà cho Vũ, Trang ăn no cành bụng. Nhà chị cách đây mấy con đường, chị vẫn thường đến chơi luôn. Con nhỏ Trang hay ăn hàng, thích trò chơi buôn bán nên cứ đeo theo chị để hỏi vài kiểu bánh lạ mà chị biết. Một sáng chúa nhật, chị đến dẫn hai đứa đi chơi. Chị nói học hoài cũng phải có thời giờ đi chơi đây đó, con người thoải mái chữ nghĩa mới chui vô đầu được. Chứ cứ ngồi mà cắm cúi hoài mệt mỏi chứ không ích gì hết. Buổi sáng trời còn lạnh căm căm, sương giăng kín đường đi, dưới những bước chân của ba chị em, loang loáng nước như gương trong. Thế mà ba chị em đi bên nhau cười vang cả đường phố Dalat tinh mơ. Vũ lạnh ghê đi, nhưng vui quá Vũ quên khuất đi mất. Nhìn Vũ chị hỏi: - Vũ không có áo ấm mặc sao? Trang buồn rượi : - Má chỉ đan áo cho mỗi mình em thôi. Chị Thu nắm lấy tay Vũ thật chặt: - Trời lạnh thế ni, Vũ chịu sao cho thấu ! Tiếng chị lờ lợ chưa mất hẳn giọng Huế; chị sinh ra, và lớn lên ở xứ Huế nghèo nàn. Xứ Huế cổ kính, xứ Huế mưa về dậm dề, mưa liên miên ngày đêm từ tháng sáu, tháng bảy trở đi. Giọng chị nghe dễ thương, nghe ngọt ngào, thơm tho như kẹo cau, như mè sửng. Chị cởi chiếc áo len màu tím nhạt trên người khoác lên vai Vũ chị cười để hàm răng đều như trái bắp luộc. - Vũ mặc đi, chị không lạnh mô. Chiếc áo ấm dài hơn chiếc áo Vũ mặc cả gang tay, nó bọc lấy Vũ gọn lỏn, ấm áp, nhưng Vũ nghĩ nó không ấm bằng đôi mắt hiền của chị, không ấm bằng bàn tay của Vũ trong năm ngón tay thon dài trắng muốt của chị. Suốt ngày chúa nhật hôm đó, chị dẫn hai đứa loanh quanh công trường Hoà Bình, vườn Bích Câu, bờ hồ Xuân Hương. Những chỗ này không lạ gì với hai đứa; nhưng có chị đi chung chao ôi là vui. Ba chị em chụp chung cả lô ảnh trong vườn Bích Câu, chụp nhiều nhất là con nhỏ Trang, đủ kiểu: Trang buồn rầu, Trang nhí nhảnh, Trang cười tươi, Trang nhảy nhót, Trang ngây thơ. Con gái mà có bộ mặt dễ thương một chút là chụp ảnh tùm lum, tùm la đem khoe thiên hạ. Con trai dù có đĩnh ngộ mấy đi nữa cũng chả thèm ngồi ra dáng ra vẻ, không muốn cười cũng phải cười kiểu cho được. Thật là phiền toái. Buổi trưa, ba chị em ngồi trên bờ hồ Xuân Hương gậm bánh mì, nhìn sương bạc lóng lánh vờn vờn dưới hồ, nhìn hoa pensée thèn thẹn khi nắng lên. Con nhỏ Trang táy máy, ít khi nào ngồi yên một chỗ, đứng lên bỏ đi loanh quanh. Ném một mẫu bánh còn lại ra xa, phủi tay chị Thu hỏi: - Vũ có ghét má ở nhà không ? Đôi mắt Vũ thả xuống lòng hồ: - Sao chị lại hỏi Vũ như vậy? - Chỉ thấy Vũ ít khi vui ! Vũ cười buồn cầm tà áo dài xoắn xuýt: - Không bao giờ Vũ ghét má, tại má không ưa Vũ thôi. - Chị không hiểu dì ra răng nữa ! Dì phải thương, phải lo cho Vũ. Người kế mẫu không có quyền ghét bỏ con chồng. Tình cờ hôm trước con nhỏ Trang có đưa chị xem bài luận Vũ làm. Vũ viết buồn quá ! Chị cảm động muốn trào nước mắt, chắc Vũ cũng phải đổ nước mắt trong những giòng chữ đó. Bàn tay Vũ phải run run vì xúc cảm tràn ra năm đầu ngón tay xuống ngòi viết. Bây giờ ai có ghét ghơi gì, mặc kệ, Vũ cứ lo chăm học đừng nghĩ đến. Rồi một ngày nào đó ba phải nhìn Vũ, dì cũng nghĩ lại mà thương, mà hối hận việc đã tệ bạc với con chồng. Từ hôm đó, chị Thu thường đến nhà chơi, đôi khi chị còn đem bài vở đến học chung với hai đứa. Trong ba người, chị là người nghĩ thật nhiều trò chơi cho những ngày nghỉ học. Như trưa hôm nay chị đến đưa Trang đi đón má ở Huế về. Trang sửa soạn xong, chị Thu hỏi: - Sao Vũ không sửa soạn đi với chị, và con nhỏ Trang cho vui. - Vũ thích ở nhà. - Ở nhà một mình, buồn chịu chi nổi? - Sợ má không bằng lòng. Chị Thu chải sơ lại mái tóc cho Trang, nghe Vũ nói vậy chị ngẩng lên: - Làm răng mà không bằng lòng? Vũ cũng như Trang, đứa mô cũng là con, dù không phải mạ đẻ đi nữa cũng một cha, một giòng máu. Mạ đi hơn một tuần, hôm nay mạ về thời Vũ mừng, Vũ đi đón chứ chi mà bằng lòng với không! Vũ muốn nói chị Thu không hiểu tánh ý của má, mặc dù chị Thu hiểu má có ganh ghét Vũ, nhưng chị không biết mỗi lần thấy mặt Vũ má không ưa, má mất vui, má sẽ cau có khó chịu luôn cả những người chung quanh. Nhưng Vũ vẫn đứng im ở cửa nhìn con nhỏ Trang, mặt hơi buồn buồn. Một lúc xong xuôi hết, chị Thu nắm lấy tay Trang bước đi, ngang ngưỡng cửa chị cười với Vũ thật gượng: - Vũ ở nhà chị đi nha. Tà áo xanh của chị, và chiếc áo đầm trắng của con nhỏ Trang thoáng mất ngoài cổng nhà. Còn lại Vũ đứng ngang cửa buồn buồn. Chút đón má xong, chắc hai người còn đi loanh quanh ngoài phố, hoặc ghé một chỗ vui nào đó đến chiều tối mới về. Hôm nay má về, không biết trong nhà có còn vui như mấy hôm không? Gặp Vũ, ba có còn hỏi, có còn cười hay bỗng dưng nhìn Vũ lạ hoắc. Ba có hằng ngày giở sổ điểm, bài vở ở trường Vũ đem về không? Dù ba có tạo trên gương mặt những gì đi nữa, nhưng Vũ biết ba thương Vũ lắm. Như thế cũng đủ lắm rồi. Chị Thu nói mà đúng? Ở nhà một mình buồn ghê. Vũ loanh quanh lẩn quẩn trong nhà không biết làm gì cho hết chiều. Tuần này ở trường không có bài đem về nhà làm. Giờ này Vũ ngồi ôn lại bài cũ thì chán ơi là chán ! Phải bài mới còn hăng hái ! Hai con mắt còn mở sáng như đèn pha, những bài xào đi, xào lại chỉ có nước ngả đầu ngáp dài trên bàn học, không thì gà gật như con kỳ nhông ngủ quên trên cành thông. Hôm trước đi chơi, chị Thu có mua cho Vũ hai quyển sách nhỏ, chị bảo khi nào buồn lấy ra đọc, hôm đem về, Vũ quăng vào hốc tủ và quên khuất đi mất. Hôm nay mới nhớ lại một quyển ''Vô gia đình'' và một quyển ''Căn lều của chú Tom'', quyển truyện trước Vũ đã nghe chú Duy kể rồi. Vũ thích chú nhỏ trong câu chuyện, chú nhỏ lang thang với một lão già làm ''xiếc'' hết thành phố này, đến thị trấn khác với một con chó, và hai con khỉ. Cuộc đời chú nhỏ buồn ghê, buổi chiều nằm đọc truyện, Vũ ngủ quên lúc nào không hay. Trong giấc ngủ Vũ thấy mình phiêu lưu hết tỉnh này đến tỉnh khác. Không phải mỗi mình Vũ mà có cả chị Thu, con nhỏ Trang, luôn cả con Mận hiền như cục đất nữa. Con Mận trong giấc mơ nó cười với Vũ sao mà dễ thương chi lạ. Chương sáu Hôm nay chúa nhật, buổi sáng trời thật hiền. Gió nhẹ thoang thoảng. Trời xanh, và thật nhiều mây trắng tụ lại thành từng cụm. Trên con đường dốc dẫn lên đồi. Con nhỏ Trang lí lắc đi trước Mận, Vũ thong thả đi sau. Vừa đi, Mận vừa thả đôi mắt lên trời. Con nhỏ bỗng dưng có ý nghĩ ngồ ngộ. Nếu như những cụm mây trên trời bỗng dưng sà xuống thấp, thật thấp ngang đầu tụi Mận. Những đám mây là đà quấn quýt cây cỏ, chụp lấy ba đứa trắng toát. Mận sẽ cầm thử một cụm mây trên tay xem nó có nhẹ hơn bông gòn không? Mận sẽ nằm trên đám mây đó đi qua nhiều nơi, chắc hẳn là vui lắm ! Trên mây Mận sẽ thấy được nhiều cái lạ dưới đất. Mải nghĩ những đám mây dễ thương trên trời Mận vấp phải một cục đá nằm dưới chân đi, người Mận chúi đầu về phía trước. Đang đi bên cạnh, Vũ lẹ làng chụp lấy cánh tay Mận giữ lại. - Mận làm sao vậy? - Vấp phải cục đá này nè. Mận chỉ cục đá to hơn nắm tay dưới chân, Vũ khum xuống lượm cục đá quăng ra mé đường. - Chân Mận có sao không? - Không. - Coi chừng nha ! Hôm trước thằng Hợi vấp phải một cái lăn cù mèo, và chân nó trặc nằm nhà mấy ngày đi không nổi đó. - Nó té lăn cù mèo, trong khi Mận chỉ vấp sơ thôi hà ! - Mận thấy chân có đau không cái đã? Làm gì cứ hỏi người ta hoài, làm mắc cở thấy mồ đi. Mận thấy Vũ cứ nhìn xuống bàn chân mình lo lắng. Chỉ một chút sơ ý mà Vũ hoảng hốt. Vũ thiệt tình làm Mận cảm động ! Cứ mỗi lần đi chung với Trang, Vũ trên đường đi học về, Mận cứ nghĩ phải như rnình có một người anh như Trang. Sao khi trước má không đẻ cho Mận một người anh nhỉ? Mận tự hỏi, và con nhỏ thấy buồn buồn. Xê ra chỗ Vũ một chút. Mận như cây mắc cở, có hoa hồng lá tua tủa như sợi chỉ, và những lá xanh nhỏ nhắn bò lan trên sườn đồi, nếu có một vật gì đụng phải tự nhiên hai lá xếp lại như đôi mắt đứa con gái có hai hàng lông mi dài cong vút khép hờ. Mận lí nhí trong miệng: - Người ta đã nói không đau, mà anh cứ hỏi hoài Vũ ngẩng mặt lên, thấy khuôn mặt con nhỏ Mận hồng hồng như trái gấc, cười chúm chiếm nhìn qua một bên. Bộ tịch con nhỏ làm Vũ thấy nao nao : - Sợ Mận trật chưn, rồi nằm ì ở nhà không đi đâu được, rồi phải bỏ học cả tuần lễ, bài vở ở trường mất đi hết. Tháng sau Mận lại đứng xuống hạng thời buồn lắm. Nghe Vũ nói như vậy, Mận bước lẹ đến phía trước: - Đi cho anh thấy nè, có đau gì đâu. Vũ thấy vui: - Mận nhìn gì mà vấp té vậy? - Nhìn mây. Vũ nhìn theo tay chỉ của Mận. Một cụm mây trắng hiền lành đang nhẹ bay. - Ờ, mây đẹp ghê ! Hèn chi Mận xém té là phải. - Rồi! Anh ngạo người ta thời có. Trang đang đi phía trước, con nhỏ bỗng nhìn lui thấy hai người đứng lại. Không hiểu chuyện gì con nhỏ chạy lui đến chỗ Vũ thấy cái xách nhỏ Vũ đeo bên vai bỏ nằm dưới đất, Trang tưởng anh dừng lại chỗ này, con nhỏ quây quả: - Sao anh không lên phía bên trên, chỗ mọi khi á? Vũ cầm cái túi xách móc lên vai. - Thủng thỉnh, chút cũng tới trên hà. - Thấy anh đứng lại, em tưởng anh không lên phía trên chứ. - Mận bị vấp cục đá. Trang nhìn Mận. - Có sao không? - Không sao hết á! Xém té. Trang hăng hái: - Thôi mình lên phía trên đi, ở đây không có gì vui hết hà. Mận liếc nhìn Vũ. - Ở dưới nầy cũng thấy vui vậy. Nhún vai, Trang xì một cái như bánh xe cán nhằm phải đinh. - Xí ! Mận chưa lên đồi lần nào nên nói vậy, chứ lên trển một lần Mận mới thấy vui mê tơi đi. Chút nữa Mận thấy con nhỏ này nói đúng không cho biết. Ba người tiếp tục đi. Bên Mận, Vũ huýt sáo rộn vui, và nói chuyện tía lia ! Nhìn Vũ, nhỏ Mận thấy tức cười ghê đi. Cái túi xách đeo kè kè một bên, trong túi xách một tấm thảm, mấy ổ bánh mì, vài hộp thịt nguội. Lúc đầu ba đứa định chia phiên nhau mỗi đứa xách một khúc đường. Nhưng trên đường chả con nhỏ nào thèm nhắc tới vụ bàn tính lúc đầu, để Vũ một mình mang luôn cho tiện, vả lại con trai bao giờ cũng khỏe hơn con gái. Vũ bẻ thêm một nhánh cây vừa đi vừa quơ những ngọn cỏ hai bên đường trống như những người du mục lang thang trong rừng. Thấy Mận nhìn mình cười hoài, Vũ hỏí: - Mận cười gì vậy? - Cười cũng hổng được sao? Trang nghe nói chen vô: - Cái túi đồ ăn nãy giờ anh đeo kè kè bên mình nên con nhỏ cười chớ gì. Chợt nhớ cái túi đồ ăn nãy giờ đeo bên mình, gần đến nơi rồi, mà Vũ không giao cho con nhò nào mang hết. Con gái thiệt có nhiều cái khôn vặt vãnh, chả thèm nhắc nhở gì hết, gần đến chỗ mới mí ra. Vũ bỏ túi xách xuống. - Thôi không mang nữa đâu, ai mang đi! Nhưng Trang kéo lấy tay Mận chạy trước cười rúc rích như chuột. Không biết làm sao chả lẽ lại quăng chỗ này, Vũ phải đành đeo lên vai lại bước theo. Mận quay lại cười mỉm: - Thôi mà, còn một chút nữa làm luôn cho rồi. Quay sang Trang, Mận giả bộ hỏi: - Phải vậy hôn Trang? Trang cười toe: - Lỡ thời làm luôn cho xong ! Nghe bai con nhỏ nói với nhau như vậy đi phía sau Vũ nói lớn: - Sao mà khôn quá vậy? Nắm tay Mận, con nhỏ Trang lí lắc xây một vòng cười dòn: - Ai biểu anh lớn hơn hai con nhỏ này làm chi. Mận còn chêm vô: - Làm anh phải chìu em gái chớ bộ. Mặc kệ hai con nhỏ nói gì thời nói, hở một chút là tỏ ra mình bé tí hổng làm được việc gì cũng nhờ đến ông anh. Làm anh mà có em gái khổ thấy mồ. Phải chìu chúng đủ thứ. Vũ lầm lũi bước theo hai con nhỏ. Hôm nay Mận thấy vui sao là vui. Chủ nhật má ở nhà không đi bán chè, buổi chiều hai đứa em quấn quít bên má. Mận mới có thời giờ rỗi rảnh đi chơi như vậy. Chứ như mọi ngày làm gì Mận đi đâu lâu được. Đôi lúc nấu cơm thiếu một vài món ăn, Mận phải chạy đến quán đầu đường mua một hai cái hột vịt là về liền, kẻo mấy đứa em Mận thấy chị đi đâu lâu quá chúng gọi om sòm, và khóc ré lên tội nghiệp. Sợ như vậy, nhưng mấy đứa em Mận ngoan ghê ! Không có Mận, chúng tụ lại chơi với nhau thật là hòa thuận. Thường có chuyện gì phải đi lâu một tí, hoặc mua vài thứ gì, Mận thường để dành lại một vài đồng mua cho em ít cái bánh men, vài cây kẹo về nhà thưởng chúng. Có má ở nhà, chúng chả thèm lu bu bên Mận, và Mận cũng không làm gì hết. Dù không làm gì, nhưng sáng sớm Trang đến rủ, Mận cứ thập thò hoài chả dám xin phép má. Trang phải nói giùm, Mận phục con nhỏ Trang ghê, đến đâu cũng ăn nói tỉnh bơ, con nhỏ dạn mồm, dạn miệng. Mận thì nhát hơn thỏ, nhỏ Trang cứ nói với Mận hoài: Mình nói chuyện đàng hoàng, có gì phải rụt rè sợ sệt. Mận cũng muốn tập như Trang vậy, nhưng hễ hở miệng ra thấy e dè làm sao đó. Trước khi đi, má dặn Mận nhớ về sớm. Nhớ lời má dặn, Mận đưa tay khều Trang: - Đi về sớm nha Trang. - Về sớm làm chi, khi nào chán thời về. Mận như dẫm phải chân trên ổ kiến lửa : - Ý, hổng được đâu, má Mận dặn đi phải về sớm. Trang cười dòn : - Làm gì ứ é dữ vậy ? Chiều chiều mình về được không ? - Như vậy thời được. Đi một lúc đến bãi cỏ xanh mượt, dốc chỉ hơi xiên. Chung quanh rải rác những cây thấp. Một vài bông dại mọc lưa thưa trên cành lẻ loi. Gió thoảng bên đồi thông đưa về làm cho tóc của Trang, Mận bay bay. Chỗ nầy mọi khi Trang thường được anh chở trên xe đạp, đạp lên đây chơi. Trang đứng lại, Mận hỏi : - Chỗ nầy hả ? - Ừ ! Mận thấy chỗ nầy dễ thương ghê hông ? Vũ cũng vừa lên tới thở phào nhìn hai con nhỏ đang đưa mắt nhìn chung quanh không nói, Vũ quăng cái túi xách xuống bãi cỏ ''phịch'' một cái, ngã người xuống dựa lưng vào một tấm đá mòn nhẵn đưa mắt nhìn hai con nhỏ đang đi chung quanh bãi cỏ lượm rác, và gom lại những lá khô bừa bãi, hoặc lượm một vài cục đá nhỏ quăng ra xa. Một vài con bướm đậu trên những ngọn cỏ chờn vờn bay lên, những con bướm đủ màu sặc sỡ. Chỉ một thoáng hai con bé làm bãi cỏ sạch trơn. Xong xuôi Trang nhìn thấy anh cứ ngồi ì ra đó. Trang đi lại: - Làm gì anh ngồi ì ra vậy? - Chứ làm gì bây giờ? - Nói hay hôn ! Anh đi bẻ mấy nhánh thông khô đi. Mận lấy làm lạ: - Bẻ cây để làm gì? Trang xoay lại: - Minh cắm chung quanh, và làm một mái lều nho nhỏ. Vũ đứng lên bỏ đi, một lát đem về một bó lớn đủ các nhánh khô, và xanh... những nhánh khô có cành tua tủa được cắm xuống đất thành một hàng rào hình tròn, có một cánh cửa nhỏ được Mận hái những bông dại chung quanh kết lại thành một vòng dài treo lủng lẳng như mỗi lần có đám cưới người ta lấy thông ướt làm thành một cái cổng bên trên được kết đủ loại hoa cạnh những hàng chữ được cắt thật đẹp. Làm xong Mận chấp tay sau lưng đứng nhìn công trình của mình, con bé lấy làm đắc ý. Gọi Vũ đang cắm cúi đóng mấy cây cọc xuống dựng thành cái lều. - Anh Vũ ơi, coi cái cổng nầy đẹp hôn ? Vũ bỏ cục đá trên tay xuống đứng nhìn. - Mận khéo tay ghê. Trang cắm cây cuối cùng xong, chạy tới đứng nghểnh mặt nhìn Vũ: - Mấy con nhỏ nầy làm xong hết, trong khi anh chưa được phân nửa. Vũ cười: - Làm cái lều khó hơn làm mấy cái này nhiều. - Tụi nầy làm phụ anh. Mận, Trang xúm lại, Mận bẻ hoa bỏ lên mái lều, Trang bẻ mấy cành lá khô nhỏ xanh cắm xung quanh. Chỉ một thoáng ba đứa đã làm xong. Trang lấy tấm thảm trải lên cỏ. Ngồi xuống Trang khoan khoái nhìn chung quanh. Trời trong xanh, nắng chưa lên, gió thoang thoảng thổi tóc Trang, nhữns cọng nhỏ bay bay. Vũ nhìn thấy em dễ thương trong bộ đồ lụa mềm xanh da trời. Trước mặt Vũ nhỏ Mận thiệt dễ thương trong tấm áo bà ba trắng, trắng như mây trời bao quanh Mận. Vũ đi lại túi xách mở ra lấy giàn ná thun, và những viên đất được vo tròn phơi khô, bỏ ra ngoài. Trang ngồi vói theo: - Anh đi đâu vậy? - Đi làm thịt chim. Vừa nói xong Vũ đã bỏ chạy thoăn thoắt qua dẫy đồi phía bên kia, có nhiều cành thông. Nơi đây chim rủ nhau về thật đông. Thấy bóng anh mất hút, Trang đứng lên: - Chắc ảnh qua bển bắn chim. Mận: - Ảnh bắn hay hôn? - Tài dách lắm ! Trang kể cho Mận nghe một lần Vũ chặn đường hỏi bọn thằng Hợi, tại vì hôm đó Trang giả bộ nói với Vũ bị bọn thằng Hợi chặn đường đánh, làm Vũ tức mình chận đường bọn Hợi chả nói ất giáp gì bắn hai trái mây trúng ngay lỗ mũi Hợi đỏ hỏn như quả cà chua. Nhưng Vũ ý tứ lắm chỉ bắn bằng hột ô môi, chứ không xài đất sét. Thứ này chỉ dành bắn chim thôi, chứ bắn trúng người nguy hiểm lắm. Hôm đó Trang hối hận ghê, chỉ nói xạo có một câu mà xảy ra đủ chuyện. Nghe tiếng Trang kể, Mận thấy vui. Con bé đưa mắt xuống con đường dốc, con bé thoáng thấy hai bóng nhỏ đi lên. Mận khều Trang: - Coi kìa ! Vì còn xa quá, Trang không đoán được ai, con nhỏ bước lên một tảng đá nhìn xuống cho rõ. Hai cái bóng đi lên, một thằng lớn coi trông giống Hợi, còn một thằng Trang không biết ai. Trang ngoắt Mận lại, nhìn xuống : - Y như thằng Hợi, Mận ơi ! - Chắc nó hôn ? - Ừ, đúng nó rồi, tướng mập như trái mít làm sao nhìn sai được. - Nó đi về hướng nào? - Đang đi lên chỗ mình. Bất cứ đâu, hễ mỗi lần trông thấy Hợi, Trang khó chịu vô cùng, nó khó ưa làm sao đó ! Cũng vì thằng Hợi mà một lần anh Vũ bị má đánh đau gần chết. Anh Vũ chạy trong mưa về nhà nằm ì mấy bữa lên cơn sốt không đi đâu được. Trang lo, Trang khóc. Mỗi lần thấy thằng Hợi là Trang nhớ mãi đến vụ đó. Sao mà ghét cay, ghét đắng ! Trang bước lại chỗ Mận. - Chắc khi nãy tụi nó dò theo sau lưng mình hén Mận? - Chắc chỉ tình cờ thôi, chứ không như Trang nghĩ đâu. Trang đứng cạnh Mận nhìn xuống đồi, nhỏ Trang bỗng la oái lên: - Chết rồi, Mận ơi! - Gì vậy? - Rủi thằng Hợi lên đây thấy không có anh Vũ, nó xông vô đây phá hết cái trại của tụi mình làm sao? - Ai chớ bọn thằng Hợi thi dám lắm ! Trong bụng hai con nhỏ ngán ghê, nhưng không đứa nào nói ra. Nhất là Mận thấy con nhỏ Trang lí lắc, vậy mà còn la bai bải lên, huống chi Mận. Từ nhỏ đến bây giờ Mận không biết gây sự với một đứa nào hết. Hễ có đứa nào làm gì không bằng lòng, Mận chỉ nói vài tiếng rồi bỏ đi, chả thèm đứng cà kê, cù cưa lâu. Tật của Mận như thế, cho nên má vẫn thường sợ Mận bị mấy đứa bạn ăn hiếp. Nhưng Mận không làm gì tụi nó, thời làm sao tụi nó ăn hiếp Mận được. - Chút nữa tụi nó có đi ngang đây, mình đừng thèm nói gì hết. Giả bộ như không thấy đứa nào hết á ! Nghe Mận nói như vậy, Trang bộp chộp: - Tụi nó ưa kiếm cách gây lắm Mận ơi! - Tụi nó nói gì nói, mình đừng trả lời. - Nhiều cái tức ghê đi, hổng nói hổng được. Mận thấy tức cười ghê, nhưng con nhỏ vẫn ngồi im cạnh chỗ cái lều Vũ mới cất. Nhìn lom lom thằng Hợi đang đi tới. Nó nhìn qua nhìn lại, trên tay cầm cây sắt dài một sải. Thằng đi bên cạnh Hợi chỉ chỏ gì đó phía chỗ Trang, Mận, xong hai đứa đi lại sát cạnh hàng rào cây thông Trang cắm xuống, nhìn vô. Mặc dù Hợi chỉ đứng bên ngoài ngó vô, nhưng Trang vẫn thấy xốn xang khó chịu. Con nhỏ đưa mắt nguýt một cái thật dài, nhìn qua hướng đồi khi thấy Vũ khuất, Trang càu nhàu : - Hổng biết cái anh nầy đi đâu mà lâu quá ! Trang nói trỏng như vậy, nhưng Mận khác, con nhỏ xoay lại cố ý nói lớn cho thằng Hợi nghe mà xéo đi cho rồi, cù cà cù cưa hoài xốn mắt. - Chắc anh Vũ cũng gần về rồi đó. Thằng Hợi đứng ngoài, thấy hai con nhỏ làm bộ tịch trông tức cười quá, nhưng nó không nói gì hết ! Như mọi bữa chắc Hợi không tha. Đầu tiên thấy Trang, Mận ở đây, Hợi muốn hỏi xem có Vũ không, nhưng khi thấy bộ mặt con nhỏ Trang, Hợi cũng ngán ngán. Không biết có nên hỏi Mận hay không? Dù sao con nầy cũng hiền, ít lộn xộn như Trang. Hợi lên tiếng: - Mận à ! Nghe Hợi kêu Mận, Trang quay lại: - Gì mà kêu tên người ta? - Vũ đâu rồi? - Hổng biết ! Trang trả lời nhát gừng như vậy. Hợi không thèm hỏi nữa, bỏ đi lại mỏm đá cạnh đó ngồi xuống, nói với Toản đi chung: - Con gái thấy ghét quá hén mậy? - Ừ ! - Ngồi đây mình đợi thằng Vũ chút đi. Toản ngồi bệt xuống cỏ, vòng tay khoanh lấy đầu gối; nhìn Hợi cầm cái ống đồng phạt phạt trên cỏ. Từ hôm Hợi bị té trật cẳng, vì nó chạy xuống đồi thổi đất sét vào Vũ. Hợi té trật cẳng mấy thằng đi chung với nó hoảng sợ bỏ chạy hết. Chỉ mình thằng Vũ là đối thủ với nó ở lại cõng về. Bụng thằng Vũ bao giờ cũng tốt, không nghĩ đến viên đất của Hợi thổi vào mình nó đau, thằng Vũ tỉnh bơ không một chút hiềm thù gì hết. Hợi bỗng dưng mến thằng Vũ ghê ! Hôm nay đi lại như thường ! Hợi tìm Vũ rủ đi bắn chim quay ăn một bữa cho vui. Vũ đi một chút, lửng thửng xách hai con chim về. Trang nhìn thấy, con nhỏ chạy ra? - Anh đi gì lâu quá hà ! Quăng hai con chim xuống bãi cỏ. Thấy Hợi đang ngồi chung với thằng Toản, Vũ đi lại : - Chân còn đau hết? Hợi cười : - Hết rồi ! Định rủ mày đi thổi chim. Vũ chỉ hai con chim đang nằm quay cù đờ dưới chân Trang. - Hạ được hai ông rồi đó! Trang không hiểu sao, anh mình lại tỏ ra thân thiện với thằng Hợi quá; con nhỏ không bằng lòng một tí nào hết. Chứ bộ anh Vũ không nhớ tại nó mà má đánh đòn anh Vũ sao? Nghĩ như thế, Trang xách hai con chim đi lại chỗ Vũ và Hợi : - Đừng thèm nói chuyện với nó anh. Biết em nê chấp đến chuyện cũ, Vũ láy em: - Thôi bỏ hết những chuyện cũ rích đi. Hợi cười lấy lòng con nhỏ Trang. Nói với Vũ: - Mình đi kiếm thêm chim sẻ về ăn mừng nghe. Nói xong ba đứa bỏ đi. Hôm nay Vũ mới thấy Hợi thật tài dách, cái ống đồng của nó lợi hại thiệt, để vào đâu trúng phóc ngay đó, không một chút xê xích. Một thoáng ba đứa đi kiếm thêm được bốn chú chim nữa đem về. Trong đám có mỗi mình Toản là biết làm thịt chim, nó đứng ra làm hỏa đầu vụ. Mận và Trang, con gái mà chả làm được tích sự gì hết. Đứng nhìn Toản vặt lông chim. Mận lè lưỡi, Mận thấy thương mấy chú chim nhỏ ghê, mình không còn một cái lông, nằm nghoẻo đầu mắt nhắm trông thật thảm. Lỡ rồi, lần sau Mận sẽ nói với Vũ đừng bao giờ xách ná đi bắn chim nữa, rủi có bữa Vũ bắn nhằm con chim mẹ rồi con chim con không biết sẽ ra sao nhỉ? Vũ đứng xớ rớ cạnh Mận, bẻ một vài nhánh cây khô, trong khi Hợi đi gom lá khô rải rác để chút nữa đốt lên quay những chú chim. Nhìn Vũ hăng hái, Mận nói: - Anh Vũ nè ! Nghe gọi, Vũ thôi bẻ cây, hỏi: - Gì hở Mận? - Thấy mấy con chim tội nghiệp ghê ! Con gái thời bao giờ cũng vậy, giận đó, ghét đó, thương đó, giống như cục bột nắn, chút tạo ra hình nầy, chút tạo ra hình khác, Vũ cười: - Có gì đâu, trời sinh ra chim muông để mình làm thịt ăn, Mận nhạy cảm quá. Giọng Mận nhỏ lại: - Rủi một ngày nào đó anh bắn chết con chim mẹ thì sao? - Cũng làm thịt luôn ! - Nhưng chim con sẽ mồ côi. Chim con sẽ mồ côi, chim con sẽ buồn, và biếng hót. Chim con sẽ chết đói vì không người mớm mồi, chim con sẽ rét run, vì những chiều mưa giông kéo nhau lũ lượt trở về. Vũ mất mẹ, Vũ cũng buồn, cũng khổ như chim. Tại sao Vũ lại giết chim mẹ đi ? Từ đó chim con sẽ hót lên những tiếng kêu đau thương, chứ không rộn vui nữa Nhìn Vũ không nói, lặng người nhìn xuống bãi cỏ, Mận dịu dàng : - Nè anh, lần sau đừng bắn chim nữa nghe ! Vũ cười buồn : - Anh sẽ quăng giàn thun, không bắn nữa. Chương bảy Thấm thoát, niên học đã trôi qua thật lẹ, chỉ còn vài tháng nữa là Trang, và con nhỏ Mận bước lên năm Trung học đầu. Hai con nhỏ bắt đầu tập tểnh làm học trò lớn. Mỗi lần đi học mái tóc phải chải cho suông, quần áo phải thẳng tắp. Chỉ còn vài tháng nữa Trang phải đổi trường, ngôi trường mới, có những dẫy lầu cao, có sân rộng nhiều bóng mát. Học trò thật là đông, mỗi lần tan học như hoa giấy rải từ cao xuống, như rừng bướm trắng lượn bay. Má đã may cho Trang những chiếc áo đầm trắng, những chồng vở mới toanh để sẵn. Trang không thích viết mực nữa. Bây giờ người ta đã lên trung học rồi, có thì giờ đầu chấm mực viết ra từng chữ như những năm lớp nhì, lớp nhất. Người ta phải viết bằng bút máy, mới ra vẻ học trò lớn. Má chìu Trang ghê ! Nghe nói vậy liền mua cho Trang cây bút máy Pilot màu xanh da trời, có nắp vàng kẻ vân óng ánh. Vũ nhớ năm ngoái mới bắt đầu lên trung học, Vũ cũng thèm một cây viết như thế ghê đi, Vũ xin ba, nhưng ba bảo viết nào lại không được. Nghe ba nói vậy, Vũ không dám xin nữa. Mỗi lần đi học phải kè kè theo bình mực thiệt khổ. Sau, chú Duy về dẫn Vũ ra chợ mới bảo Vũ thích loại nào, chú mua cho một cây. Vũ quý cây viết hết sức; mỗi lần viết không dám để đánh rơi xuống đất, nên đến nay, cây viết của Vũ vẫn còn mới toanh. Những vật dụng cần thiết cho năm học đầu, ba, má đã lo cho Trang xong xuôi hết. Ngày nào Trang cũng ngắm nghía, con nhỏ mong sao cho hết những ngày nghỉ hè, loanh quanh lẩn quẩn trong nhà hay lên đồi. Mong sao cho ngày nhập học mau đến. Bước vào ngồi trường đồ sộ, có lớp học rộng rãi, có nhiều thầy cô. Chứ không phải như những năm tiểu học chỉ mỗi mình cô dạy. Ngày trước còn ngồi lớp nhất, con nhỏ mong sao sang năm đi học chung với chị Thu; chung với con Mận. Người ta sẽ nhìn Trang bằng đôi mắt khác một tí - Cô nữ sinh. Những ngày nghỉ, Trang thường tủm tỉm nói với anh: - Nè, nói với anh Vũ biết nha! Bây giờ người ta không còn nhỏ tí teo nữa, người ta sắp sửa bước vào ngưỡng cửa trung học rồi; anh không được kêu Mận và em là hai con nhỏ nữa: Nhỏ nầy, nhỏ kia như mọi khi. Mà anh phải gọi tụi em là cô bé. Nếu không tụi nầy sẽ đồng lòng ''oa oa xịt'' anh ra, nhất định hỏng thèm chơi với anh nữa. Vũ nheo mắt: - Ừ, bằng lòng. Nhưng lớn rồi, em đừng nhỏng nhẽo, hay khóc nhè nữa. - Anh nầy hễ nói ra là cứ bảo ngưòi ta khóc nhè hoài hà ! Ghét anh quá đi ! - Đã là cô bé rồi, hở một chút ra là khóc, ai mà chịu cho được ! - Xí ! Hổng thèm nói chuyện với anh nữa. Một chút hờn mát với anh thôi, chứ làm sao hỏng nói chuyện với anh được. Chỉ mỗi mình anh Vũ, Trang mới nhõng nhẽo được thôi ! Còn ba, má, còn chị Thu cách biệt quá ! Người lớn khó thông cảm được những vụn vặt của con nít. Ngoài anh Vũ ra, không ai có thể vừa là một người anh, vừa là một người bạn nhỏ thân thiết. Mai mốt anh Vũ sẽ đi học xa, một năm chỉ về được ba tháng hè. Không có anh Vũ, Trang sẽ buồn chết được l Những ngày nghỉ học, không ai đưa Trang lên đồi đuổi bắt những con chuồn chuồn có mình dài xanh hơn lá học thuộc bài, mà Trang vẫn thích ép vào giữa hai trang giấy trắng. Ba và chú Duy muốn anh Vũ đi học nội trú, để má đỡ xốn mắt; để má khỏi rầy la đánh đập anh Vũ. Chắc má bằng lòng hơn ai hết, vì có lý do tống khứ anh Vũ ra khỏi nhà, bằng cách bỏ một tháng gần cả ngàn đóng tiền nội trú. Anh Vũ đi học xa, không ai buồn hết ! Còn có người hài lòng nữa! Chỉ có Trang, anh Vũ là buồn thôi. Buổi trưa, Vũ ngồi sửa soạn sách vở. Trang rề đến bên anh : - Anh có nghe ba nói chừng nào đi Saigon học không? Vũ đưa mắt nhìn em: - Không nghe ba nói, nhưng còn hai tháng nữa anh tựu trường. - Còn hai tháng nữa thôi hả anh? - Ừ. - Sao nhập học sớm vậy? - Muốn học vào nội trú anh còn phải thi nữa ! - Thôi, anh thi rớt đi, ở lại đây học không phải xa nhà. - Ba, má, chú Duy muốn anh phải đậu để vào nội trú mà. - Cũng tại má hết! - Má thương anh mới cho đi như vậy chứ! - Không ! Má ghét anh, mới muốn đuổi anh đi cho rảnh mắt. - Đi học xa, nhưng anh xin ba hai tháng về thăm em một lần. - Anh đâu bỏ học ngang chừng mà về được! - Ừ, hén! Thì nghỉ hè anh về nhà. - Lâu ghê ! Mặt Trang buồn xo, đôi mắt rưng rưng làm cho Vũ nghẹn tiếng: - Còn lâu anh mới đi học kia mà ! - Coi vậy chứ mau lắm anh ! - Đáng lẽ em phải vui ! - Má muốn anh ra khỏi nhà nầy, làm sao em vui được! Anh nói lại với ba đi, học đâu cũng vậy thôi, không phải anh đi xa, anh học trường lớn mà giỏi đâu; giỏi là anh có chịu siêng năng hay không mà thôi. - Nhưng ba, và chú cũng muốn như vậy làm sao anh xin được! Buổi trưa ba đi làm về, mua cho Vũ một cái vali nhỏ thật gọn, dễ thương. Nhìn chiếc va li, Vũ hiểu ý ba đã định, và lo liệu sẵn rồi. Đưa cho Vũ ba nói : - Con sắp xếp đồ đạc đi, ở đây chơi vài bữa rồi ba đưa đi. Vũ còn ở nhà chơi vài bữa thôi sao? Vũ ngạc nhiên, còn hai tháng nữa Vũ mới đi kia mà, sợ ba tính lộn ngày Vũ nhắc chừng : - Còn hai tháng nữa mà ba ! - Ba biết rồi ! - Nhưng con phải đi sớm làm chi ? Ông Hậu vuốt vuốt đầu con: - Thứ hai tuần sau ba được nghỉ phép đặc biệt, tiện dịp đưa con đi luôn. Vũ buông thõng chiếc va li đang cầm trên tay rơi xuống đất. - Con chưa muốn đi bây giờ. Đợi gần ngày nhập học con đi không muộn. Sau câu nói, Vũ thấy gương mặt của ba cau lại một chút ! Vũ ở trong nhà này thêm một tháng mấy nữa mà Ba, Má cũng không cho sao ? Giọng của ba cứng cỏi: - Về Saigon, con ở nhà mấy cậu. Mai mốt học nội trú, cuối tuần con có thể xin phép chơi nguyên ngày Chủ Nhật. Vậy con xuống đó ở trước cho nó quen. Vũ muốn khóc ghê, tay nặng trĩu chiếc va li không. Không nói thêm được gì nữa hết, Vũ bước vào nhà trong. Trang đứng ngang cửa phòng, nãy giờ Trang đã nghe những điều gì ba nói với anh. Dù chưa đến ngày nhập học. Ba, má cũng muốn đưa anh Vũ đi sớm. Sao lại kỳ cục như vậy? Nhìn anh đôi mắt con nhỏ sũng ướt : - Còn ít ngày nữa anh đi rồi hả? - Ừ. - Sao ba không muốn anh ở nhà thêm một, hai tháng nữa ? - Anh không hiểu ! Quyết định của ba thật hết sức đột ngột, chỉ còn vài ngày nữa thôi, Vũ phải rời xa đây, rời xa những đồi cỏ thân yêu, xa những ngọn thông có những lá xanh mượt, có những ngọn khô buồn. Vũ buồn ghê đi; nhưng ba, má đâu hiểu ! Má muốn Vũ xa nhà sớm chừng nào tốt chừng đó ! Trước khi đi, Vũ muốn ra nghĩa trang thăm má. Lần trước đến mộ của má, chú Duy có mua cho Vũ một bó bông trắng của bà già bán ngoài nghĩa trang. Hôm nay không có tiền nên Vũ bứt những hoa dại nằm dọc hai bên đường vào nghĩa trang kết lại thành chùm nhỏ, đặt trước tấm ảnh vàng nhạt của má; má cũng hiểu Vũ thương má đến bực nào. Má chết đi để Vũ bơ vơ, trơ trọi, để Vũ bị hết người này ganh ghét đến người khác. Nếu như má còn sống, chắc Vũ phải sung sướng không phút nào rời xa gia đình. Bàn tay của Vũ chạm trên mộ bia lạnh, không còn một hơi hám nào của má trên những miếng đá phẳng lì, lạnh tanh. Những bông hoa dại Vũ đặt trước mộ lất phất theo gió, thỉnh thoảng đưa về ... Ngồi không biết là bao lâu Vũ đứng lên bỏ về. Ngang qua những ngôi mộ nằm lạnh buồn, ngang bà già bán hoa trước cổng nghĩa trang. Đôi mắt của bà nhìn Vũ như muốn hỏi thăm cậu bé một mình vào nghĩa trang làm chi? Cậu vào thăm ai nằm trong những vuông đất nhỏ nhoi nầy? Vũ lặng im, vẫn đều bước đi làm như không biết đôi mắt già nua, và một chút ngạc nhiên đuổi theo. Trở về ngang nhà Mận, thấy hai đứa em Mận đang ngồi trước cửa, chúng đang giỡn chơi với nhau. Bước vào vòng rào nhà Mận, hai đứa nhỏ đang chơi thấy Vũ chúng nhoẻn miệng cười. Mận trong nhà bước ra, mừng rỡ: - Anh đến chơi hả? - Ừ, Mận đang làm gì vậy ? - Đang ngồi bao mấy quyển tập và đề tên trên mấy cái nhãn. Ngồi xuống thềm nhà, Vũ đưa mắt nhìn những chậu bông nhỏ nằm dọc trên thềm xi măng, những cánh hoa hồng nhỏ nằm xiên xẹo bên trên và những chiếc lá rũ. Vũ cười: - Mận sửa soạn xong hết rồi hả? Ngồi xuống cạnh chỗ mấy đứa em, Mận lắc đầu nhìn Vũ: - Má em mới mua cho em mười quyển tập, mấy cô nói phải dùng nhiều lắm. - Lên lớp lớn là phải vậy, chứ đâu còn một, hai quyển tập như ở lớp nhỏ nữa, Vũ đưa mắt nhìn Mận ngồi cạnh bên hai em, mấy đứa em Mận đứa nào cũng dễ thương, nhất là đôi mắt của ba chị em giống như một. Thấy Vũ nhìn đăm đăm, nhỏ Mận thấy hai tay mình thừa thãi lạ, nghe đôi má hừng ấm ấm, chắc hẳn là phải đỏ hồng. Đôi mắt nhỏ Mận tròn vo như hai hột nhãn sóng sánh ngó lên chớp chớp. Mận cúi xuống một chút: - Làm gì mà anh nhìn người ta quá vậy ? Nghe nao nao, Vũ không biết phải nói làm sao cho đúng câu trả lời. Hôm nay sao Vũ không còn như mấy hôm trước đứng trước nhỏ Mận nữa. Nhìn Mận đang ngồi bên hai em, đôi mắt con nhỏ dịu dàng như sợi tóc mềm vướng bờ môi hồng nhỏ, Vũ không muốn nói ngày mai, ngày mốt Vũ bị ba, má bắt đi học thật xa. Vũ cũng muốn cố quên để mình đừng buồn. Vũ hỏi bâng quơ: - Những ngày nghỉ Mận không đi chơi đâu sao? Nhìn hai đứa em, Mận cười: - Muốn đi đâu thì phải kèm theo hai chú nhỏ nầy mệt ghê. Vả lại cũng hỏng biết đi chỗ nào nữa, thôi ở nhà chơi với mấy em vậy! - Còn hơn một tháng nữa Mận đi học rồi ! - Mận mong tới ngày ghê vậy đó, nhưng sao lâu lắc quá trời hè ! Đầu tiên, Vũ định ghé đây nói cho Mận biết Vũ phải đi học xa. Nhưng bây giờ thời Vũ không muốn nói nữa. Mai mốt Trang sẽ nói lại Mận. Không biết làm gì hơn, Vũ đứng lên ra về bước chân nặng buồn ! Con nhỏ Mận đứng ở trên thềm nhà đưa mắt trông theo. Chương tám Buổi sáng mai hôm đó, ba gọi Vũ dậy thật sớm. Từ đêm hôm qua ba và Vũ đã sửa soạn đồ xong xuôi hết. Trang xếp hộ những chiếc áo của anh vào va- li, con nhỏ buồn muốn khóc. Xếp lại mấy chiếc khăn tay trắng muốt mà Trang thêu mấy hôm rày cho vào một ngăn nhỏ, những chiếc khăn tay thơm mùi vải mới, như mùi thơm tình thương em cho anh, con nhỏ nói: - Mai anh nhớ kêu em dậy sớm đưa anh ra bến xe nghe ! - Ừ ! - Nhớ nghe anh, không thôi thức dậy không thấy anh em khóc cho mà xem. - Còn anh ở nhà đâu mà em khóc! ° ;° ° - Con còn quên gì không? - Không ba. - Thưa má rồi đi. - Con có kêu Trang dậy không? - Thôi, để cho nó ngủ. Vũ xách chiếc va-li theo ba. Vườn hoa hai bên dẫy nhà hé ra từng cánh uống sương, những giọt sương đọng lóng lánh như những giọt nước mắt ngây thơ, vô tội. Bước chân Vũ nặng buồn trên con đường loáng nước. Chút nữa đây, khi ánh nắng lên, con nhỏ Trang thức dậy không thấy Vũ, sẽ buồn, sẽ khóc. Nhưng không còn ai để dỗ cho em nín như mọi lần, em sẽ khóc mờ hoen đôi mắt như giọt sương tan buồn khi nắng lên ! Chiều chiều em lên đồi và nhớ anh khôn nguôi. Chiều chiều em ra chợ, con đường không có tiếng huýt sáo rộn vui của anh. Và rồi em lại khóc ! Anh thương em có lẽ vì tính em hay khóc ! Rồi những ngày này năm sau anh trở về, không biết em còn có khóc cho anh dỗ hay không? Đừng tan đi những giọt sương; hãy đọng hoài lóng lánh trên đôi mắt em tôi. Còn Mận nữa! Cô bạn nhỏ thân thiết, giờ phút nầy hãy còn ngủ, giấc ngủ của nàng công chúa ngủ trong rừng; một truyện cổ tích hay nhất mà Mận vẫn thích. Thôi cứ ngủ hoài, ngủ yên trong giấc ngủ thiên thần đợi ngày này năm sau tôi trở về đánh thức dậy. - Con có buồn không? Đi bên Vũ, ba hỏi như thế, Vũ thả lỏng: - Dạ buồn ! - Nhưng về dưới cậu con một vài ngày là vui lại ngay. Vũ muốn nói chắc không bao giờ Vũ có thể vui được, dù thành phố rộn ràng cách mấy, dù ngôi trường Vũ học có đông bạn bè mấy đi nữa! Vũ nhớ đây lắm! Nhưng Vũ vẫn lầm lũi bước đi. Chao ôi chiếc va-li trên tay Vũ sao mà nặng trĩu. Mang theo tất cả những nhớ thương Vũ có, cho chị Thu, cho con nhỏ Trang, nhỏ Mận, thằng Hợi. Ừ, thằng Hợi những ngày sau này nó đổi tính nhiều, chỉ một vài tháng thôi cũng có một mớ nhớ nó mang theo. Chuyến xe đầu tiên rời thị trấn, Vũ ngồi một bên cửa xe nhìn ra đường. Trời vẫn còn mờ sương kín đặc; xe chậm đi qua những con đường quen thuộc như luyến tiếc điều gì. Có lẽ luyến tiếc những con đường loang loáng sương mai và những khóm hoa dại nằm hờ hững hai bên đường. Như Vũ cũng đang mang một niềm lưu luyến. Vũ thầm từ giã cỏ cây hai bên đường, thầm từ giã mái trường cũ, và những người thương yêu: Chị Thu, nhỏ Trang hay khóc, nhỏ Mận hiền hòa... Vũ ngã người vào thành ghế, chiếc xe lao nhanh khi đã rời thị trấn ... NGỌC PHƯƠNG