🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gieo Niềm Tin Cuộc Sống Ebooks Nhóm Zalo Tên sách: Gieo niềm tin cuộc sống Tác giả: Nhiều tác giả Nhà xuất bản: NXB Tổng hợp TPHCM Năm xuất bản: Quý I - 2007 Số trang: 160 Giá tiền: 20000đ Khổ: 13 x 20,5 cm. --------- -----o0o----- “Thân tặng tất cả những người bạn của chúng tôi và những ai đang trăn trở, vượt qua những khó khăn, thử thách tinh thần và đang nuôi dưỡng niềm tin để đạt được ước mơ, hoài bão của mình.”- First News Lời tựa: “Đôi khi, trong cuộc sống, có những thời điểm mà tất cả mọi thứ đều dường như chống lại bạn, đến nỗi bạn có cảm tưởng mình không thể chịu đựng thêm một phút nào nữa. Nhưng, hãy cố đừng buông xuôi và bỏ cuộc, vì sớm muộn gì mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi.” - Harriet Beecher Stowe “Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, niềm tin là một sức mạnh không có gì sánh được.” - Lev Tolstoi “Hãy luôn nhớ rằng dù trong tuyệt vọng, bạn vẫn luôn có thể làm được một điều gì đó để thay đổi hoàn cảnh.” - Carla Gorrell MỤC LỤC LỜI GIỚI THIỆU MỘT GÓC NHÌN MỖI NGÀY LÀ MỘT MÓN QUÀ TRỞ VỀ CHIẾC GIỎ CỦA MẸ HÀNH TRÌNH KHÔNG ĐƠN ĐỘC NHỮNG KHOẢNH KHẮC KHÔNG BAO GIỜ LẶP LẠI MÓN QUÀ Ý NGHĨA NHẤT VIẾT NÊN CUỘC ĐỜI MỘT TẤM LÒNG NGOẠI TÔI DỄ VÀ KHÓ HƠI ẤM TỪ TRÁI TIM GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHEN TẶNG HAI BÀI HỌC TẤM LÒNG CAO ĐẸP CÔNG VIỆC VĨ ĐẠI HÃY LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH CHỊ YÊU EM NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT HÃY BIẾT CHO ĐI MẤT MÁT SỨC MẠNH THIÊN THẦN MẢNH GIẤY BÊN ĐÀI TƯỞNG NIỆM THẮNG VÀ THUA ĐIẾU KỲ DIỆU CỦA SULLIVAN KỶ NIỆM VỀ BỐ HÃY BẮT ĐẦU NGAY TỪ BÂY GIỜ KHÔNG CÓ GÌ LÀ TUYỆT VỌNG MỖI NGƯỜI LÀ MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU TUYỆT PHẨM CỦA TÔI TÌNH MẸ AI LÀ NGƯỜI TRỒNG QUẢ NGỌT? PHÉP MẦU LÒNG TỐT LÁ THƯ MÀU XANH HÃY GIỮ VỮNG MỤC TIÊU Có những nỗi đau tưởng không bao giờ có thể nguôi ngoai… Có những vết thương lòng chỉ tạm lắng xuống mà không thể nào thôi xót xa… Có những giây phút chìm đắm trong bế tắc, tuyệt vọng mà nào biết ánh sáng đang le lói phía cuối con đường… LỜI GIỚI THIỆU Cuộc sống vốn không bằng phẳng mà luôn chứa đựng những biến cố, hạnh phúc bất ngờ. Cuộc sống là những chuỗi niềm vui – nỗi buồn, hạnh phúc – khổ đau, may mắn – bất hạnh nối tiếp nhau. Cuộc sống vốn là như thế. Và có lẽ, bất kỳ ai trong chúng ta đều đã từng một lần trải qua thất bại, đổ vỡ. Đứng trước những biến cố khó đó, một số người mau chóng đầu hàng, bỏ cuộc, mất niềm tin nhưng những người có bản lĩnh vẫn vững vàng vượt qua, bằng cách này hay cách khác vượt lên khỏi bóng đen của nghịch cảnh. Điều quan trọng chính là ở thái độ, cách nhìn của chúng ta về cuộc sống. Sau mỗi thất bại luôn là một kinh nghiệm quý báu, sau mỗi nỗi đau là thêm một lần trải nghiệm, trưởng thành. “Đi đến tận cùng nỗi buồn, bạn sẽ gặp niềm vui” câu nói nghe quen thuộc và tưởng chừng đơn giản đó, nếu ngẫm nghĩ sâu hơn, bạn sẽ khám phá ra một triết lý sống đầy tự tin lạc quan. Chỉ có sự trải nghiệm và niềm tin mới giúp chúng ta bình tâm vượt qua mọi biến thiên của cuộc sống. Bởi rằng, lý do mạnh mẽ nhất để chúng ta tồn tại trong cuộc sống này là để trưởng thành, để cảm nhận, khám phá và tìm ra những giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Cuốn sách nhỏ nhưng ý nghĩa này mong muốn chia sẻ với bạn đọc những điều sâu sắc của cuộc sống. Những câu chuyện ngắn, súc tích và cảm động ẩn chứa những ý nghĩa lớn lao của sự chia sẻ, động viên, truyền cảm hứng và niềm tin cuộc sống. Với món quà bé nhỏ và giản dị này, First News mong muốn phần nào có thể đồng cảm, chia sẻ với những ai đang gặp bất hạnh hay đang trong hoản cảnh khó khăn, kém may mắn… cũng như hy vọng mang đến cho bạn tia sáng của niềm tin, điểm tựa của tinh thần. Ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau những câu chuyện sẽ giúp bạn tìm lại được niềm tin chính mình và trưởng thành từ những thất bại, nỗi đau, bất hạnh. “Khi hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ khuất sau lưng ta” và “Khi đêm đến bạn sẽ thấy những vì sao” – hãy luôn nhớ rằng niềm tin là điều quý giá cần gìn giữ nhất trong cuộc sống. - First News “Bạn chớ nên bỏ cuộc khi bạn vẫn còn điều gì đó để cho đi. Không có gì là hoàn toàn bế tắc, sự việc chỉ thật sự trở nên bế tắc khi bạn thôi không cố gắng nữa.” “Có những cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, nhưng nhờ có nó, bạn biết được sức mạnh và điều kỳ diệu của tình yêu…” MỘT GÓC NHÌN Có những ước mơ vẫn chỉ là ước mơ dù cho bạn đã nỗ lực hết mình nhưng nhờ những ước mơ ấy mà bạn trở nên mạnh mẽ, yêu cuộc sống hơn và biết cố gắng từng ngày. Có những lời hứa vẫn chỉ là lời hứa dù bạn luôn mãi mong đợi, nhưng nhờ những lời hứa ấy, bạn biết hy vọng và nuôi dưỡng niềm tin. Có những ước hẹn mãi chỉ là hẹn ước với một người đã ra đi, nhưng nhờ có nó, bạn mới thấy được giá trị của họ khi có người trở về. Có những nỗi đau không thể nguôi ngoai dù có được bàn tay của thời gian xoa dịu, nhưng chính những nỗi đau ấy sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Có những sai lầm không bao giờ sửa chữa được, nhưng chúng sẽ làm bạn biết suy nghĩ cẩn trọng hơn trước khi đưa ra những quyết định sau này. Có những lần tình cờ gặp nhau đơn giản chỉ để biết mặt rồi nhanh chóng lãng quên, nhưng sẽ có lúc bạn nhận ra rằng những người bạn gặp trong đời không phải là sự ngẫu nhiên mà là có nhân duyên sắp đặt. Có những người bạn đã lâu không gặp, nhưng những khi bạn gặp khó khăn trở ngại, những người bạn ấy luôn bên cạnh để chia sẻ cùng bạn. Có những cuộc tìm kiếm gần như vô vọng, nhưng nhờ có nó, bạn biết được sức mạnh và điều kỳ diệu của tình yêu. Và cuộc sống của bạn chỉ thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những lời hứa, trân trọng những lời hẹn ước, biết can đảm bước ra từ nỗi đau, biết vượt lên học hỏi sau những thất bại, sai lầm. Và may mắn biết bao khi trong cuộc đời bạn có những người bạn chân thành và một tình yêu sâu đậm! - First News Theo Inspire Today MỖI NGÀY LÀ MỘT MÓN QUÀ Tôi lên máy bay trở về Canada . Tôi đã đi rất nhiều chuyến bay đến rất nhiều quốc gia nhưng đây là lần đầu tôi cảm thấy không hài lòng với cung cách phục vụ của hãng hàng không này. Thức ăn thì quá tệ, chỗ ngồi thì không được thoải mái, chuyến bay lại còn bị hoãn – mọi thứ đều bất tiện. Đợi cô tiếp viên dọn bữa bước đi xa một chút, tôi quay sang vị khách ngồi cạnh bên, định bụng than phiền vài câu. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng thì người phụ nữ ấy đã lên tiếng. Với thứ tiếng Anh nhiều sai sót và nặng giọng địa phương, bà ta ca ngợi cung cách phục vụ tận tình và vui vẻ của các tiếp viên hàng không. Bà nói: “Bữa ăn thật ngon. Tôi rất vui khi được đi chuyến bay này đến Vancouver thăm mấy đứa cháu của tôi.” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Làm sao bà có thể hài lòng với kiểu phục vụ này cơ chứ?”. Bà đáp: “Tôi sống ở Sarajevo. Nơi đó thường xuyên xảy ra chiến tranh. Tôi đến đất nước xinh đẹp này để thăm mấy người họ hàng. Anh thấy đấy, thức ăn hay chuyến bay bị hoãn mấy lần cũng không thành vấn đề, bởi vì ở đây, ngày nào đối với tôi cũng là ngày bình yên”. - Ngọc Trân Theo The Gift “Mỗi ngày là một món quà mà cuộc sống đã bạn tặng cho chúng ta.” TRỞ VỀ “Mọi lỗi lầm trong cuộc đời đều do chính chúng ta gây ra mà thôi. Và nhận biết, học hỏi được từ điều đó quan trọng hơn là việc mắc lỗi lầm.” - Ralph Waldo Emerson Tôi quyết định viết một lá thư. Bức thư này sẽ giúp tôi nói lên những suy nghĩ của mình với những người mà tôi yêu quý nhất, và để tôi nhìn lại bản thân mình. Vì tôi, mẹ đã khóc bao lần. Ba cũng vì tôi mà bệnh càng thêm nặng. Các anh chị em tôi đều sống hạnh phúc và thành đạt, ngoại trừ tôi. Mỗi lần sum họp gia đình, tôi chỉ muốn trốn biệt vào một xó xỉnh nào đó. Tôi luôn là người có mặt trễ nhất, và cũng là người ra đi sớm nhất. Cứ thế, tôi như người khách lạ thỉnh thoảng ghé ngang nhà rồi lại vội vã ra đi. Lần này thì không. Đêm đã khuya, ba mẹ tôi hẳn giờ đã ngủ. Một mình tôi, đối diện với chính mình. Tôi bắt đầu viết: Kính gửi Ba Mẹ, Là con, Tracy của ba mẹ đây. Con nhớ ba mẹ hiều lắm. Con biết anh chị của con là những người tuyệt vơi, còn con chỉ là một kẻ thât bại… Đã bao lần con ước mình không phải là con của ba mẹ, để ba mẹ không phải tủi hổ và khổ đau vì con nữa. Bây giờ 1 giờ 20 phút sáng. Con đang hoàn toàn tỉnh táo, không rượu, không ma túy. Con quyết định viết để nói với ba mẹ rằng con gái ba mẹ đã quay trở về. Còn nhớ, khi con được giải nhất cuộc thi tin học năm con lên lớp 6, mẹ đã tự hào nói rằng “Con là đứa con gái tài giỏi của nhà mình”. Mẹ còn nhớ hay không? Con nhớ ánh mắt mãn nguyện của ba khi ba ôm con chúc mừng ngày con tốt nghiệp Đại học. Giây phút ấy thật hạnh phúc biết bao. Vậy mà con lại có thể… Con xa nhà và bắt đầu một cuộc sống mới. Con nhớ làm sao ly sữa nóng thơm lừng mẹ pha mỗi sáng. Con thường mỉm cười một mình khi nhớ lại những câu chuyện hài hước nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa của ba. … Và con cũng không bao giờ quên cái ngày ba chở con đến trung tâm cai nghiện. Nhìn dáng ba cúi đầu ra về lặng lẽ, con đã xấu hổ và đau khổ vô cùng. Trong phút chốc, con chợt nhân ra lưng ba không còn thẳng như ngày xưa. Con đã sa ngã và đổ đốn không ngờ. Chính con nhiều lúc cũng không hiểu tại sao mình lại trở nên thế này. Con đã phụ lòng ba mẹ mất rồi… Những ngày trong trại, con được các cô, các chí giúp đỡ rất nhiều. Và con mang ơn họ. Con muốn làm lại chính mình, trả về cho ba mẹ đứa con gái bé bỏng. Dù cho nó… không còn nguyên vẹn như ngày nào. Tận đáy lòng, con muốn nói với ba, với mẹ, với cả nhà một lời xin lỗi. Con xin lỗi vì những giọt nước mắt đã rơi trên gò má hằn nhiều nếp nhăn của mẹ, con xin lỗi vì những suy tư, trăn trở hằn sâu trên trán ba và vì tất cả những nỗi đau mà con đã gây ra cho những người mà con thương yêu nhất. Ba mẹ và gia đình là những người đã luôn ở bên con, cho dù con cần hay… không cần đến. Con đã đánh mất những tình cảm yêu thương đó trong nghiện ngập, rượu chè. Và giờ đây con đang cố gắng lấy lại những điều thiêng liêng đó. Nhưng… con sợ rằng mình sẽ lại thua cuộc. Chính vì thế, hãy giúp con có thêm niềm tin, hãy nắm chặt tay con vì lần này con phải thắng. Ba mẹ ơi! Con phảisống và cần phảisống vì con trai con, đứa con được sinh ra trong tội lỗi của mẹ nó. Và vì cả ba mẹ nữa. Co yêu hai người hơn cả cuộc sống này. Vì thế xin hãy cho con một cơ hội. Lần này nữa thôi, được không ba mẹ? Con yêu tất cả mọi người. Tracy Ngày về. Nước mắt hạnh phúc đã rơi thật nhiều. Gia đình đã giúp tôi tìm lại được chính mình. Bảy năm trôi qua. Tôi đang là trưởng ban các vấn đề sức khỏe và xã hội của Trung tâm cai nghiện. Con trai tôi năm nay đã 14 tuổi. Nó là một chàng trai thông minh và sống rất tình cảm. Tôi luôn ở bên cạnh để yêu thương và hướng dẫn nó đi đúng hướng. Và lần này thì mẹ tôi nói đúng. Mẹ luôn tự hào về con gái của mẹ. - Đặng Thị Hòa Theo The Letter “Khi bạn suy nghĩ, ước mong mạnh mẽ về một điều gì, bạn sẽ có được điều đó.” CHIẾC GIỎ CỦA MẸ Sức mạnh của mẹ chính là tình yêu mẹ dành cho con. - Barbara Weidner Một hôm, con gái Sara 10 tuổi của tôi chạy dến tìm tôi vì một rắc rối lớn. Bé nói với tôi trong nước mắt: - Bạn Marcy ghét con rồi mẹ ơi! … Bạn ghét con vì con cũng chơi với Kathy nữa. Marcy chỉ muốn con là của bạn ấy chứ không được chơi với ai khác – Sara đưa tay chùi nước mắt, ấm ức nói tiếp – Giờ Marcy không chịu chơi với con nếu con cứ ở cạnh Kathy. Nhưng cả hai đều là bạn của con mà, phải không mẹ? Tôi cố dỗ dành, khuyên nhủ con rằng không phải lúc nào người khác cũng làm theo ý ta được, rằng luôn có những cảm xúc nằm ngoài mong muốn của ta và có những điều ta phải tự mình quyết định. Trong khi tôi đang cố tìm cách diễn đạt lời khuyên ấy một cách dễ hiểu nhất, bé chợt có một đề nghị khiến tôi chưng hửng: - Thế thì mẹ nói chuyện với Marcy giùm con đi. Mẹ nói với bạn ấy rằng con thích chơi với bạn ấy, nhưng con cũng có những bạn khác nữa! Tôi ngồi thừ ra nhìn con, không hiểu sao mình lại mắc vào rắc rối này. Viện cớ có việc phải đi, tôi bảo lát nữa sẽ quay lại với con bé. Tôi nghĩ mình cần nói cho con hiểu có những việc con bé phải tự làm. Có điều, tôi không biết phải nói sao để con tôi không nghĩ rằng tôi không muốn giúp nó… Lấy ra hai chiếc giỏ mây, tôi quay lại chỗ Sara. Bé nhìn tôi, vẻ mặt rất ngạc nhiên: - Mẹ lấy giở để làm gì vậy mẹ? - Đây là bài học cho con. – Tôi bảo – Con ngồi xuống nghe mẹ nói nhé. Bé háo hức nhìn tôi. Tôi để chiếc giỏ nhỏ vào trong giỏ lớn, ôm trong tay, tôi chậm rãi đi quanh phòng và nói: - Con biết không? Ai sinh ra trên đời cũng có một chiếc giỏ bé xíu. Giỏ mây nhỏ này là của con, còn cái lớn là của mẹ. Khi con lớn lên, chiếc giỏ cũng lớn theo. Nhưng con có thấy không? Chiếc giỏ nhỏ của con vẫn ở trong giỏ mẹ. Tôi lại nói tiếp: “Chiếc giỏ nhỏ của con ở trong giỏ mẹ là vì khi mới lọt lòng, có rất nhiều việc con không thể nào tự làm được. Mẹ phải bón cho con ăn, thay tã, tắm rửa và làm mọi việc mà con chưa thể tự làm. Cho nên mẹ để giỏ của con vào trong giỏ mẹ và mang cả hai chiếc như thế một thời gian dài.” Bé khẽ gật đầu, nhưng tôi có cảm giác lời của mình sao nghe lạ lẫm quá. “… Khi con lớn lên, tự làm được một số việc, mẹ bắt đầu để vài thứ vào trong chiếc giỏ của con. Khi con buộc được dây giày của mình, thế là giỏ của con có thêm một thứ. Giờ con đâu muốn mẹ buộc giày hộ con, phải không nào?” Sara nhìn xuống khẽ đáp: - Không ạ, con tự buộc được mà. - Đúng rồi. – Tôi hào hứng bảo – Khi con biết tự mặc quần áo, mẹ lại thêm một thứ vào giỏ của con. Hằng ngày con không thích mẹ bảo con phải mặc đồ gì nữa, đúng không nào? Bé gật đầu xác nhận. - Cứ thế, khi con khôn lớn, sẽ có nhiều việc con phải tự mình làm lấy – Trong khi nói, tôi từ từ lấy chiếc giỏ bé xíu của con ra khỏi giỏ mình đưa cho bé – Cuối cùng sẽ có lúc con tự mang chiếc giỏ chứa đầy những việc chỉ có con mới làm được, như chọn bạn mà chơi, chọn trường đại học, cả chọn người bạn đời tương lai nữa. Bé ngước nhìn tôi nói: - Con hiểu rồi mẹ ạ! Có những việc con phải tự làm vì nó nằm trong giỏ của con, đúng không ạ? Có thế chứ! Tôi vui mừng thốt lên: - Đúng rồi, nhưng điều quan trọng là con phải biết quyết định những việc nào trong giỏ của mình hoặc của người khác. Giống như bây giờ, con chứ không phải mẹ – mới là người cần quyết định xem mình nên nói với Marcy như thế nào, đúng không? Bé nhoẻn miệng cười đáp:“Đúng rồi ạ.” Tôi vui sướng thấy lại nụ cười vui vẻ của Sara. Tôi ngồi yên một lát, thầm nghĩ về mẹ tôi, bà tôi rồi nói tiếp với con: - Một ngày kia, khi mẹ già rồi, có những việc mẹ không thể nào tự mang trong chiếc giỏ của mẹ được. Khi ấy, con gái mẹ sẽ lấy những thứ trong giỏ mẹ ra cho vào giỏ của con. Cũng như những việc hiện giờ mẹ đang làm cho bà đấy, con hiểu không? Tôi nhẹ nhàng đưa tay ra lấy chiếc giỏ nhỏ khỏi lòng con và đổi chiếc giỏ lớn cho bé. Khi lặng im đón nhận chiếc giỏ lớn và nhìn tôi nâng niu chếc giỏ nhỏ, mắt Sara sáng lên. Dường như con tôi đã hiểu được những điều mẹ nó nói. Bé mỉm cười, dang đôi tay bé nhỏ ôm lấy tôi và bảo: - Mẹ ơi, giờ cho vào giỏ của con thêm nhiều thứ nữa cũng được. Tự con biết mình phải làm gì rồi. Khi tôi xếp lại mấy tờ báo vào hai chiếc giỏ và cất chúng về chỗ cũ, mẹ tôi bước vào. Tôi kể lại mình đã dạy con như thế nào và không giấu được vẻ tự hào vui sướng. Bà chỉ mỉm cười. Vài ngày sau, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy một chiếc giỏ bé xíu để trên máy vi tính của mình. Chiếc giỏ tí hon nằm gọn trong lòng tay tôi và một lá thư vỏn vẹn vài vòng. Tôi nhận ra nét chữ của mẹ: “Con cũng nên nhớ là chiếc giỏ của mình không nhất thiết phải to như con nghĩ đâu. Mẹ yêu con”. - Bích Thủy Theo What Mother Teaches “Điều quan trọng không phải vị trí ta đang đứng, mà ở hướng ta đang đi.” HÀNH TRÌNH KHÔNG ĐƠN ĐỘC 17 tuổi, tôi là hành khách lớn tuổi nhất trên chuyến tàu ngày 15 tháng 3 năm 1939. Chuyến tàu khởi hành từ Viene, mang những đứa trẻ tị nạn đến Hà Lan và Anh quốc chạy trốn khỏi kế hoạch tàn sát người Do Thái của Hitler, một kế hoạch kinh hoàng đã cướp đi mạng sống ông ngoại và ba người dì nữa của tôi. Hành lý của tôi là một chiếc vali đã ngả màu và cuốn sách mà tôi thích nhất. Mẹ nhét vào túi tôi một mảnh giấy nhỏ có một cái tên và vài dòng địa chỉ xa lạ. Tất cả bọn trẻ chúng tôi ra đi trong niềm đau lẫn hy vọng của người thân. Mẹ tôi cố chen vào đám đông chật cứng, nhoài người ra mà lấy tay huơ huơ trước cổ. Mẹ nhắc tôi nhớ quàng chiếc khăn cổ mà mẹ đã đưa cho tôi ngày hôm qua. Nước mắt đầm đìa trên gương mặt mẹ. Tôi thẫn thờ như người vô hồn, tim tôi đau nhói. Liệu tôi có còn được nhìn thấy mẹ lần nữa? Đâu đó dưới đám đông kia là Paul, em trai của tôi. Liệu có bao giờ chúng tôi được nằm cạnh nhau trên giường, đọc những câu chuyện phiêu lưu thú vị về miền viễn Tây Hoa Kỳ? Tôi là đứa đầu tiên trong gia đình ra đi, đến nước Anh, nơi một người họ hàng xa của bố bảo rằng có thể tìm cho tôi một việc làm. Vào thời điểm đó, mọi gia đình Do Thái đều bị chia cắt. Sống sót là mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi có thể nghĩ tới. Đoàn tàu rùng mình chuẩn bị rời ga, tôi hốt hoảng nhìn đăm đăm ra ngoài, cố tìm kiếm gương mặt của bố, của mẹ, của em trai trong rừng người nhốn nháo. Đoàn tàu đang đưa tôi đến một tương lai không biết trước. Những đứa trẻ trên tàu bắt đầu khóc, mắt dán ra ngoài cửa. Những người mẹ, người bố chạy theo đoàn tàu, vẫy những chiếc khăn tay thấm đẫm nước mắt. Ánh nắng nhợt nhạt phủ lên sân ga, sầu thảm và đau đớn vô cùng. Tiếng máy chạy đều đều chẳng mấy chốc đã ru những đứa trẻ vào giấc ngủ, nước mắt vẫn còn đọng trên mi. Một số khác bắt đầu lục túi tìm cái ăn. Ngồi đối diện tôi là một cô bé chừng 7 tuổi, gầy nhom, đeo bảng tên Liesel. Cô bé lấy chiếc khăn tay thêu hoa của mình lau nước mắt. Suốt quãng đường đến Hà Lan, Liesel vẫn không ngừng khóc. Nỗi đau này quá lớn với nó. Mọi đứa trẻ đều đeo bảng tên trên ngực áo, để những người thân có thể nhận ra chúng ở sân ga. Tôi không có bảng tên, nghĩa là không có ai đón tôi. Chờ đón tôi chỉ là một công việc mơ hồ ở một đất nước xa lạ mà đến ngôn ngữ của nó, tôi chỉ mới biết bập bõm vài từ được mẹ dạy. Mẹ có gói theo cho tôi bữa trưa, nhưng tôi đã ăn cách đó mấy tiếng đồng hồ. Tôi đọc sách rồi chợp mắt một lát để quên đi cái đói. Đến Hà Lan, vài đứa trẻ rời tàu, có cả Liesel. Tôi nhìn ra ngoài cửa để xem cô bé có được ai đón không. Một người phụ nữ đứng tuổi tươi cười chạy đến nắm tay Liesel. Đó sẽ là người mẹ mới của em. Tôi thở phào, thầm mong Liesel sẽ có một cuộc sống an bình và tốt đẹp hơn. Những người khác tay cầm bức hình, đón lấy những đứa trẻ mới đến. Cuối cùng, đoàn tàu cũng về đến ga Victoria. Tôi lặng lẽ mang hành lý bước xuống. Luân Đôn trải dài trước mắt tôi, xám xịt, lạnh lẽo và lạ lẫm. Tôi lẳng lặng bước đi, không ngoảnh lại dể nén giọt nước mắt chực rơi. Cảnh vật hoàn toàn khác với quê hương tôi. Người dân ở đây trông rất to cao, nước da thì trắng hồng – như những gì tôi đã được nhìn thấy qua phim ảnh. Họ có vẻ lạnh nhạt quá. Người tôi lấm đầy bụi. Tôi ước ao được tắm. Tôi cần có ai đó chỉ cho mình địa chỉ ghi trong tờ giấy nọ và cũng cần có một bữa ăn. Tôi theo dòng người bước vào một quán ăn đông đúc. Mọi người nhìn tôi – hơi tò mò, nhưng rồi ai nấy tiếp tục công việc của họ. Đường phố Luân Đôn hoa lệ vốn đã quen với hình ảnh những đứa trẻ tị nạn lang thang, rách rưới và bẩn thỉu. Tôi ngồi xuống một chiếc bàn còn trống trong góc phòng. Một người phục vụ cao, gầy nhưng có vẻ mệt mỏi đem cho tôi thực đơn. Tôi mở ra, nhưng trả lại ngay và ra dấu rằng không hiểu. Anh ta nhìn tôi thông cảm, rồi kín đáo chỉ vào các món ăn mà những người khác đang dùng. Mọi thứ thật xa lạ, trừ món xúc xích với nước sốt – trông tương tự món Knockwurs của mẹ. Tôi chọn. Người phục vụ gật đầu rồi hí hoáy ghi vào sổ. Lát sau, anh quay lại với đĩa thức an nóng sốt. Xúc xích không giống như Knockwurs, khoai tây nghiền cũng không giống với món khoai tây của mẹ. Nhưng tôi ăn ngấu nghiến vì quá đói. Đó là bữa ăn đầu tiên của tôi ở nước Anh. Nhưng kéo theo đó là một tình huống khiến tôi khó xử vô cùng. Cầm trên tay hóa đơn tính tiền, tôi mới hoảng hồn nhớ ra mình chỉ có một đồng tiền Áo, ngoài ra, không một xu tiền Anh. Tôi đưa cho anh ta đồng bạc duy nhất của mình, chờ đợi. Tôi không phải là người đi ăn quỵt của kẻ khác. Bối rối, tôi lộn cả hai túi quần trống không của mình ra để cho anh ta thấy tôi không còn đồng nào. Biết đâu anh sẽ thông cảm cho tôi…. Trong đời, tôi chưa bao giờ phải xấu hổ như thế. Nước mắt lại rơm rớm trên khóe mắt khi tôi nhìn anh, vẻ van nài. Nhưng chợt anh nắm lấy tay tôi, đặt lại đồng bạn Áo mà tôi đưa rồi nói một câu mà tôi có thể hiểu được: “Em cầm lấy đi!”. Cũng khuôn mặt mệt mỏi và nhợt nhạt ấy nhưng lần này lại sáng lên với nụ cười ấm áp – nụ cười mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên. - Hoa Phượng Theo Rejoice The Ideas of March “Có những khoảnh khắc tuyệt vời xảy đến với cuộc đời chúng ta. Khi bạn làm hết sức mình để người khác có được những giây phút tuyệt vời ấy, thì chính bạn cũng sẽ được tận hưởng khoảng khắc tuyệt vời cho chính mình.” NHỮNG KHOẢNH KHẮC KHÔNG BAO GIỜ LẶP LẠI Khi nhìn lại quãng đời của mình, tôi chợt mỉm cười khi nhận ra rằng mình cuộc sống thật nhiều khoảnh khắc đáng nhớ nhưng những gì tôi trải qua năm lên tám mới thực sự không thể nào quên. Ngày ấy, bác sĩ chẩn đoán tôi bị sốt bại liệt, thế là tôi phải ở trong phòng cách ly cùng với ba mươi lăm bệnh nhân khác, ai cũng thở phổi nhân tạo. Tôi khóc rất nhiều vì không ai, kể cả bố mẹ, được tới thăm tôi. Có lúc, tôi nằm ói mửa cả đêm, người không hề động đậy gì được. Sáng hôm sau, một vị bác sĩ tới khám. Ông dìu tôi ra khỏi máy chạy phổi rồi ôm tôi vào lòng và rơi nước mắt khi biết rõ tình trạng thảm hại của tôi. Thế là tôi cũng khóc theo. Với một đứa bé luôn hoảng sợ như tôi, đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời ít ỏi mà tôi có được. Tôi xuất viện về nhà với bố mẹ vài ngày thì được thông báo rằng kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã nhiễm lao. Tôi có thể điều trị tại nhà, nhưng lại phải sống tạc biệt với bạn bè và người thân. Mỗi tối trước khi đi ngủ, bố đều đến bên cửa phòng và nói với tôi: “Daisy, bố yêu con”. Tôi hiểu được rằng, dù không được kề cận bên tôi, nhưng lúc nào những người thân của tôi cũng lo lắng, yêu thương và cầu nguyện cho tôi mau khỏi bệnh. Tất cả những điều đó đã giúp tôi có thêm dũng cảm để chiến đấu với bệnh tật. Vài năm sau, tôi đi học trở lại, dù phải học lại tiểu học. Ngày đầu tiên đến lớp, thầy giáo bảo tôi, “Daisy, em lên ngồi ở bàn trước.” Người tôi quá to so với chiếc bàn nhỏ bé dành cho học sinh lớp một, tôi xấu hổ co người lại trốn tránh ánh mắt của những học sinh khác đang dồn cả vào mình. Rồi thầy nói, “Giờ để tôi kiểm tra xem em còn nhớ được gì hay không”. Thầy bảo tôi lên bảng viết từ “con mèo” nhưng tôi sợ hãi đến mức còn không đánh vần được tên mình. Tôi cố nói cho thầy hiểu, nhưng thầy một mực không nghe. Thầy lại thét lên giận dữ: “Em giả vờ với tôi đấy à?”. Từ hôm ấy, tôi không dám đến trường nữa. Nhiều năm sau, mù chữ khiến tôi phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Tình cờ, một người bạn đọc cho tôi nghe quyển hồi ký Bí mật của một triệu phú được viết bởi một nhà triệu phú, người đã từng bị mù chữ. Thế là tôi bắt đầu tham gia lớp học bổ túc văn hóa với mong muốn tìm lại cái chữ. Sau đó, tôi quyết định dành trọn cuộc đời mình để giúp đỡ những người lớn mù chữ đi học. Tôi kể cho học nghe nhiều chuyện minh chứng không ít người đã đổi đời ra sao khi họ biết đọc, biết viết. Tám mươi phần trăm tù nhân ở nước Mỹ không biết chữ. Và tôi cũng đã đến với họ. Tại một buổi lễ tốt nghiệp phổ thông của một nhà tù, học viên tốt nghiệp hôm ấy là những tội phạm thụ án chung thân. Tất cả họ đều bị cùm tay. Lính canh đứng ở khắp nơi. Người cai tù nói nhỏ với tôi: “Cô nhớ không được đưa micro cho tù nhân hay đứng gần bất cứ ai trong bọn họ nhé, chỉ cần họ tước được micro nối với hệ thống phát thanh công cộng của nhà tù sẽ xảy ra một cuộc bạo loạn ngay”. Tôi chúc mừng các học viên của tôi rồi trao bằng chứng nhận và phần thưởng cho họ. Những người này không bao giờ được ra tù, nhưng rõ ràng họ đã mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ đọc được những trang sách viết về những miền đất lành mà có thể họ không bao giờ đặt chân đến được nữa. Một thanh niên với vẻ mặt rất hung dữ bất chợt xin phép được bước lên sân khấu. Tôi khẽ liếc nhìn, người cai tù lắc đầu ra hiệu. Tôi nhìn anh thanh niên, đôi mắt anh rưng rưng, “Nhưng, thưa cô Harken, tôi chỉ xin được nói vài lời với người ông đã quá cố của tôi thôi” – anh nói như van lơn. Tôi lại nhìn người cai tù, lại thấy ông lắc đầu. Quay lại nhìn người tù và chạm phải ánh mắt cầu xin của anh, tôi không thể nào ngăn được mình:“Được rồi, anh cứ lên đây”. Vẻ mặt hớn hở như trẻ con của anh lấp lánh niềm vui, lòng biết ơn, sự thành thật và cả nỗi sợ hãi. Tôi không mảy may nghĩ rằng anh sẽ có một hành động quá khích nào. Tay anh run rẩy khi chạm vào micro, anh lau nước mắt và bắt đầu nói: “Tôi muốn tất cả mọi người ở đây biết ông tôi, một người ông đáng kính… Tôi chắc rằng ông đang nhớ lại những lúc tôi chế nhạo bộ quần áo công nhân bạc màu xoàng xĩnh trên người ông… …Ông ơi, cháu sẽ chẳng bao giờ được ra khỏi nơi đây vì cháu đã không làm theo lời ông khuyên bảo” – anh nghẹn ngào – “Cháu đã cố gắng thật nhiều để nhận tấm bằng tốt nghiệp hôm nay là vì cháu muốn để ông thấy cháu cũng có thể làm điều hay điều tốt. Ông ơi, cháu rất yêu ông…” – anh nghẹn lời một lát rồi tiếp – “Cháu xin lỗi vì đã không nghe lời ông”. Người tù dứt lời trong lặng lẽ. Tôi nhận lại micro, nhìn người cai tù rồi nhìn những người lính gác. Mắt ai cũng nhòa lệ. Thêm một khoảnh khắc thiêng liêng khác! Một khoảnh khắc sẽ sống mãi trong tôi. - Bích Thủy Theo Matchess Moments “Niềm tin là một sức mạnh có thể biến điều không thể thành điều có thể.” MÓN QUÀ Ý NGHĨA NHẤT “Tấm lòng rộng mở của người mẹ sẽ giúp con mình trở thành một người biết cho đi.” “Thật vậy sao? Mình không thể nào tin được!”. Tôi ngừng tay dọn những mẩu vụn bánh mì trên bàn sau bữa ăn tối, thảng thốt nghe một người bạn nói qua điện thoại. Các con tôi đã thay đồ ngủ và đang chơi đùa ở phòng riêng. “Không có ai bị làm sao chứ?” – Tôi hỏi và ngồi xuống bàn. “Ơn trời!” – Tôi thở phào nhẹ nhõm. “Mẹ ơi” – Đứa con lên bốn của tôi nói khi bước vào nhà bếp – “Cái chăn của con đâu rồi?”. Tôi ra hiệu cho nó giữ im lặng và đưa cho nó cái chăn. Nó cuộn mình trong chiếc chăn đó từ khi mới lọt lòng, cái chăn luôn ở bên nó. “Mình sẵn sàng mà. Mình đang dư nhiều dụng cụ nấu bếp và rất nhiều quần áo cũ của bọn trẻ. Mình sẽ gói tất cả vào thùng giấy và thêm một vài thứ đồ mới cần thiết khác. Cám ơn vì đã gọi cho mình!”. Tôi cảm thấy xót xa cho gia đình cô bạn tôi. Họ vừa mất căn nhà và hầu như mọi thứ trong một vụ hỏa hoạn. Sau khi kể cho các con nghe về vụ cháy và khẳng định là các bạn của chúng vẫn an toàn, tôi bắt đầu thu gom các thứ, chất thành từng đống trong phòng khách. Liếc quanh nhà và dừng lại ở chiếc trường kỷ cổ mà tôi rất thích, những cái màn hoa do chính tay tôi làm, những bức hình của gia đình chúng tôi được lồng trong khung, tôi có cảm giác như mình có lỗi. Có lỗi bởi vì tôi có quá nhiều thứ và bởi tôi đã vui vì mình không bị mất đi ngôi nhà. Thành thật mà nói, mặc dù muốn giúp đỡ bạn, tôi cũng chỉ cho đi những món mà mình không dùng tới. Tôi dừng lại suy nghĩ và nhìn quanh nhà, tiếp tục gom thêm một số món: cái bình cà phê mới vẫn còn trong hộp, bộ xoong nồi vừa được tặng khi tôi mở tài khoản mới, một vài cái khăn trải bàn tôi chưa dùng đến bởi chúng trông không hợp lắm với bộ bàn ăn. Hầu hết những món đồ đó tôi thậm chí không nhớ mình đã có mãi cho đến khi tôi lục tung căn phòng lên. Tôi sẽ như thế nào nếu vì giúp đỡ bạn mà phải hi sinh những vật dụng tôi yêu thích nhất, hoặc những thứ cần thiết cho chính bản thân cũng gia đình mình? Tôi muốn tự biện hộ là có lẽ ai cũng như mình cả thôi. Nhưng tôi thật sự không chắc chắn lắm về điều đó. Sáng hôm sau, tôi đi vào phòng khách, xếp mọi thứ vào trong thùng để đưa đến cho bạn tôi. Trên đống quần áo của bọn trẻ là cái chăn của con trai tôi. Tôi ném nó lên trường kỷ và tiếp tục công việc. Cậu nhóc nhà tôi chắc sẽ khóc lóc ầm ĩ nếu tôi cho nhầm cái chăn của nó. Tôi đi vào bếp để lấy thêm băng keo và khi tôi trở lại, cái chăn lại nằm trên đống đồ và con trai tôi đang đứng bên cạnh. Tôi quay sang bảo con: “Con yêu, nếu con để cái chăn này ở đây, có lẽ mẹ sẽ xếp nhầm nó vào thùng đồ đem cho và gửi đi đấy”. Tôi cúi xuống nhặt cái chăn lên và dúi vào tay con:“Đây nè, con cầm nó đi”. “Không đâu, mẹ ơi” – Con tôi đặt cái chăn trở lại trên đống đồ – “Con muốn cho bạn cái chăn đó. Mẹ đã cho nhiều thứ và con cũng muốn cho một cái gì đó”. “Con có chắc không?” – Ôm con vào lòng, tôi hỏi. Nó gật đầu với vẻ thật nghiêm túc: “Đó là thứ duy nhất mà con có. Nó sẽ làm cho bạn ấy cảm thấy vui hơn.” Ngạc nhiên pha lẫn tự hào, tôi ôm chặt con vào lòng và cảm thấy mình thật hạnh phúc. Sau đó, mẹ con tôi cùng ngồi xuống và đóng gói các vật dụng để gửi đi. Tôi giúp con trai thu xếp cẩn thận cái chăn yêu quý của nó và đặt gọn gàng vào một góc thùng. Đó không phải là món quà mới nhất, nhưng chắc chắn cái chăn ấy là món quà quý giá nhất trong thùng. - Thùy Mai Theo Favorite Things VIẾT NÊN CUỘC ĐỜI “Bất kỳ suy nghĩ nào được khơi nguồn và tin tưởng đều có khả năng trở thành hiện thực.” - Napoleon Hill Giả sử ai đó trao cho bạn một cây viết mà bạn không thể thấy nó có bao nhiêu mực bên trong. Có thể nó sẽ hết mực chỉ sau vài dòng chữ mà cũng có thể nó đủ để bạn viết nên một (hay vài) tác phẩm sống mãi. Bạn sẽ không thể nào biết thực chất cây viết như thế nào nếu bạn chưa thật sự bắt đầu. Và với quy tắc của cuộc chơi “Giả sử” này, bạn phải đánh liều trong chọn lựa của mình, dù lựa chọn ấy có thể dẫn đến kết quả sai lầm. Thật ra chẳng có quy tắc nào buộc bạn phải làm gì cả. Bạn có thể cầm bút lên và viết hay cũng có thể xếp xó nó trong ngăn kéo, để mặc nó khô mực rồi cho vào giỏ rác. Nhưng nếu viết thì bạn sẽ viết gì đây? Bạn sẽ cắm cúi và miệt mài viết để theo kịp sự tuôn trào của dòng chảy ngôn từ? Hay bạn sẽ viết một cách thận trọng và kỹ lưỡng như sợ cây bút của mình sắp sửa hết mực? Hay bạn vẫn tin rằng sẽ không bao giờ có chuyện gì xảy ra với cây bút và cứ thế mà viết, không hề lo lắng mảy may? Và bạn sẽ viết về những gì? Tình yêu chăng? Hay là sự hận thù? Về niềm vui? Và đau buồn? Sự sống? Cái chết? Không gì cả? Hay tất cả? Bạn sẽ viết chỉ để làm vui riêng mình? Hay làm hài lòng cả những người khác nữa? Hay lấy niềm vui được viết cho mọi người làm niềm hạnh phúc của chính bản thân bạn? Nét chữ của bạn sẽ rụt rè, mờ nhạt hay đậm nét, rõ ràng? Bay bướm, điệu đàng hay đơn giản, chân phương? Mà bạn vẫn sẽ viết chứ? Vì một khi bạn được trao cây bút thì chẳng có quy định nào bảo rằng bạn phải viết hay phải dừng lại cả! Bạn sẽ viết bên trong hay bên ngoài dòng kẻ giấy, hay không thèm bận tâm đến dòng kẻ ngay cả khi nó vẫn ở đó? Còn rất nhiều điều để ta phải suy ngẫm ở đây. Quả đúng như vậy. Còn bây giờ, giả sử có ai đó trao cho bạn một cuộc đời, thì bạn sẽ làm gì? “Sa mạc cấu thành nơi niềm tin và tình yêu không còn.” MỘT TẤM LÒNG Lúc Rose buông cây bút xuống bàn, vươn vai xua đi cơn mệt mỏi thì đồng hồ đã chỉ 8 giờ rưỡi tối. Cô là người cuối cùng rời khỏi công ty. Ngồi vào xe, cô nhìn bâng quơ vào kính chiếu hậu và chợt nhận ra có ai đó đang lao nhanh về phía xe mình. Cô chỉ kịp đóng sầm cánh cửa xe thì hắn đã đến bên và chĩa súng vào cô. Trong tích tắc, Rose hiểu ra tình thế của mình. Cô miễn cưỡng mở cửa xe. Tên cướp ra hiệu cho cô ngồi bên cạnh. Rose sợ hãi làm theo một cách ngoan ngoãn, không dám nói lời nào. Tên cướp nhanh chóng cho xe chạy đi nhưng mãi vẫn không bật được đèn pha. Hắn bắt đầu sốt ruột và nổi cáu. Rồi hắn yêu cầu Rose giúp. Rose kéo công tắc rồi kiên nhẫn chỉ hắn cách bật đèn. Ra đến ngoại ô thành phố, bầu không khí ngột ngạt căng thẳng bao trùm lấy cô. Những tình huống tưởng tượng cứ thi nhau ùa vào tâm trí Rose. Cô nhớ đến hàng loạt vụ hãm hiếp, giết người, cướp của… Rose nhớ chiếc xe mới toanh của mình còn đến 24 lần trả góp và cũng chưa mua bảo hiểm. Cô thầm nghĩ:“Nếu hắn cướp xe của mình thì…”. Nỗi sợ hãi bóp nghẹt tim cô. Cố gắng giữ bình tĩnh, cô biết mình cần nghĩ đến điều gì đó tích cực hơn. Rose cố hít thở thật sâu. Một lúc sau, cô quyết định phá vỡ bầu không khí ngột ngạt: “Chiếc này cũng dễ lái đấy chứ!” Cô cất giọng nhẹ nhàng một cách khác thường. Tên cướp cũng phải bối rối và lấy làm lạ. Hắn ừ hử nhưng vẫn giữ gương mặt lạnh tanh. Rối hắn nhấn giọng: “Hừmm… Đời này nhiều thứ chua chát lắm… rồi cũng xong thôi!”. Đoạn hắn đe dọa:“Mày mà kêu cứu hay bỏ chạy là tao bắn ngay!”. Cô hứa sẽ nghe lời hắn. Nghe giọng nói của Rose, tên cướp có vẻ đỡ căng thẳng hơn. Đây là lần đầu tiên Rose nói chuyện với một tên cướp. Cô bất chợt thấy tò mò về hắn. Cô tự hỏi thực ra hắn là người như thế nào? Cô kín đáo quan sát. Cô nghĩ, chắc hắn cũng từng là một người tốt, chẳng qua hắn đang phải liều mạng để sinh tồn thôi. Rose bất ngờ hỏi hắn sống thế nào. Tên cướp hết sức ngạc nhiên. Ai đời nạn nhân lại quan tâm đến kẻ cướp đang tấn công mình bao giờ? Và hắn bắt đầu kể về cuộc đời mình. Hắn sinh ra, lớn lên trong cảnh bần cùng. Từ thời niên thiếu, hắn đã tham giam một băng chuyên cướp xe hơi. Cảnh sát đã bắn chết năm trong số tám tên đồng bọn, ba tên còn lại phải chuyển “địa bàn” mới. Ở đây, hai đồng bọn của hắn cũng bỏ mạng thảm hại, và hắn là kẻ cuối cùng còn sống sót. Rose nghe trong giọng nói của hắn có gì đó ngậm ngùi, cay đắng, dường như hắn cũng thấy trước kết cục chẳng tốt đẹp gì của mình. Hắn cũng tâm sự là hắn rất thương vợ con nhưng thấy mình rất tệ vì không lo nổi cho gia đình. Hắn thú nhận đã từng là thợ sơn, nhưng vì nghèo túng quá, đành phải ngựa quen đường cũ. Rose chăm chú lắng nghe. Đôi khi, cô còn xen vào đặt câu hỏi, quên khuấy đi việc mình đang nói chuyện với một tên cướp. Hắn lái xe đến ngân hàng và yêu cầu Rose vào trong rút tiền, kín đáo dí súng vào người cô. Tim Rose đập thình thịch. Cô ước gì một chiếc xe cảnh sát hiện ra ngay lúc này. Cô nảy ra ý định cầu cứu những người xung quanh nhưng rồi lại thôi. Cô rút số tiền hắn đòi, rồi hai người trở lại xe. Nhận thấy vẻ bình tĩnh kỳ lạ nơi nạn nhân của mình, hắn hỏi: “Không sợ sao? Tôi chưa gặp người nào như chị!” Rồi hắn bắt đầu hỏi thăm cô. Rose đáp cô đã ly dị và đang trên đường về nhà mẹ. Đến lượt hắn lại cố khuyên cô hãy lập gia đình và quả quyết rằng đến 60 tuổi mà chỉ có một mình thì kinh khủng lắm. Bất cứ ai thấy họ trò chuyện như thế cũng nghĩ rằng họ là hai người bạn thân. Tên cướp hình như đang hối hận vì đã bắt cóc Rose. “Chị này, tôi sẽ không lấy xe của chị đâu. Nó cũng chẳng được bao nhiêu. Xe ăn cắp tụi nó mua lại rẻ lắm, mà cảnh sát lại có cớ để truy nã tôi. Người ta quan cứ nghĩ tên tội phạm nào cũng tham lam, tàn bạo, lạnh lùng, nhưng… đâu phải thế.” Hắn nói vẻ như bực bội với đánh giá “bất công” của người đời. Đã 40 phút trôi qua kể từ lúc Rose trao tay lái cho tên cướp. Hắn hỏi cô muốn hắn dừng xe ở đâu để tiện đường về nhà. Rose chỉ cho hắn. Đến nơi, Rose trao cho hắn gói tiền và bảo rằng cô mong hắn sẽ thay đổi và chúc hắn may mắn. Nghe xong, hắn đáp bằng một giọng cố giấu vẻ xúc động: “Tôi cũng chúc chị may mắn… Chị này… một ngày… tôi sẽ trả lại cho chị số tiền này… Bảo trọng!”. Rồi hắn nhìn vào xe nói tiếp: “Sắp hết xăng rồi, không đủ cho chị về nhà đâu. Đây, cầm lấy!” Rồi hắn nhanh nhẹn giúi vào tay Rose một ít trong số tiền mà hắn vừa “nhận” được. Trước khi đi, hắn còn quay lại nhìn Rose với ánh mắt ân hận, ngượng ngùng. Tên cướp lấy làm ngạc nhiên và cảm kích thái độ của Rose đối với hắn, cô đã không xem hắn như một tội phạm mà đôi xử với hắn như với một con người. Tên cướp, hắn có thể tuyệt vọng và đánh mất chính mình. Nhưng hắn vẫn là một con người. Điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu chúng ta thực sự đến với nhau bằng một tấm lòng. - Ngọc Trân Theo The Fear “Người ta có thể quên đi điều bạn nói, nhưng những gì bạn để lại trong lòng họ thì không bao giờ nhạt phai.” NGOẠI TÔI “Cát càng rơi nhiều trong chiếc đồng hồ cuộc sống, chúng ta càng thấy được nhiều điều rõ ràng hơn.” - Rabbi Harold Kushner Tôi luôn thích được đến thăm bà ngoại. Bà sống ở thành phố New York. Cuối tuần, cả nhà tôi thường đón tàu điện từ Washington D.C để đến đó. Tôi thích được ngủ trên chiếc giường cũ và đắp tấm khăn trải giường lúc nào cũng thơm mùi hoa oải hương của bà. Tôi thường bị đánh thức bởi mùi thơm của món bánh đặc biệt của bà – loại bánh kếp vàng óng thơm ngon được phủ đầy kem bơ. Tôi rất thích chúng. Nhưng cho dù có quan sát tỉ mỉ và cố bắt chước ngoại đến đâu thì tôi cũng chẳng bao giờ làm được thứ bánh ngon như thế. Ngoại nói ngoại sẽ tặng tôi những chiếc chảo làm bánh mà bà vẫn dùng để tôi cũng có thể làm được những chiếc bánh thật ngon như vậy… … Mẹ tôi đột ngột qua đời mười ngày sau khi tôi tốt nghiệp đại học. Lúc ấy, tôi hai mươi hai tuổi. Tôi chìm trong cảm giác mất mát, bị bỏ rơi và đã không muốn đến nhìn mẹ trong bệnh viện. Bà ngoại đã nhất quyết phản đối và dẫn tôi đến gặp mẹ lần cuối. Ngoại không ngừng động viên tôi rằng mất đi đấng sinh thành là một nỗi đau đã trở thành quy luật của cuộc sống. Tôi được an ủi rất nhiều và tin rằng, đến một lúc nào đó, bằng cách nào đó, tôi sẽ lấy lại được cân bằng cho cuộc sống. Khi tôi gặp được người tôi yêu, ngoại là người duy nhất khuyên tôi sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau là những yếu tố để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Ngoại quan niệm, xây dựng sự nghiệp ngoài xã hội hiển nhiên là cần thiết nhưng không phải là sự chọn lựa giữa sự nghiệp và gia đình. Ngoại cũng giúp tôi nhận ra, tôi có thể tìm thấy hạnh phúc thực sự ở đâu. Và vì thế tôi đã sinh con – bốn cô con gái mà tôi dã cố gắng nuôi nấng và thương yêu như chính tôi đã từng được như vậy. Khi tôi gặp khó khăn trong việc chăm sóc đứa con gái đầu lòng, những người bạn tốt đã cho tôi rất nhiều lời khuyên. Chỉ có ngoại nhẫn nại chờ đợi những câu hỏi của tôi. Bà bảo rằng tôi hãy làm theo ngôn ngữ không lời của đứa bé – để cho nó gợi ý với tôi nó cần gì, vào lúc nào. Và hãy làm theo sự dẫn dắt của bản năng đứa trẻ và của chính tôi để thắt chặt hơn tình mẫu tử. Những lời khuyên ấy tiếp tục hữu dựng khi những đứa con của tôi dần lớn lên. Khi tôi làm theo những chỉ dẫn ấy, các con tôi đã cho tôi thấy rằng tôi vẫn cần cho chúng như thế nào. Gần cuối đời, bà ngoại dạy cho tôi hiểu về tình bạn. Ngoại đã sống nhiều năm trong ngôi nhà này, người giúp việc ở đây rất tử tế và chăm sóc ngoại rất ân cần. Nhưng điều giúp tinh thần ngoại thực sự khỏe khoắn và vui vẻ chính là tình bạn của ngoại với người bạn láng giềng. Hai người đã nương tựa cùng nhau trong nhiều năm cho tới lúc ngoại tôi qua đời. Tình cảm giữa hai người đã vượt ra khỏi giới hạn của tình bạn thông thường để trở thành tri âm tri kỷ. Họ biết rõ về gia cảnh của nhau, biết loại thuốc nào người kia thường dùng, loại thức ăn nào người kia đặc biệt thích. Họ đã cùng nhau sẻ chia niềm tin và thái độ lạc quan trong cuộc sống. Ngoại là tấm gương tốt của tôi, dạy cho tôi hiểu về tình yêu, hôn nhân, con trẻ và tình bạn – những yếu tố làm nên một cuộc sống ý nghĩa. Nhận điện thoại báo tin ngoại đã ra đi… Tôi nghẹn ngào trong nỗi đau, không nói được lời nào… Sau này, mỗi lần làm món bánh kếp, tôi lại dùng chiếc chảo ngoại tặng. Những mẻ bánh kếp ra lò rất vàng và rất thơm. - Anh Khang Theo Old Wives’ Tales “Thật dễ nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi nhưng sẽ rất khó nhận ra và trân trọng những gì ta đang có…” DỄ VÀ KHÓ Thật dễ có tên mình trong sổ địa chỉ của một người nhưng sẽ rất khó làm cho hình ảnh của mình hiện diện trong trái tim của người ấy. Thật dễ tìm kiếm và đánh giá lỗi lầm của người khác nhưng sẽ rất khó nhận ra sai lầm của bản thân mình. Thật dễ phát ra những ngôn từ thiếu suy nghĩ nhưng sẽ rất khó kiểm soát được những lời nói của mình. Thật dễ làm tổn thương một người chúng ta hết mực yêu thương nhưng sẽ rất khó hàn gắn lại vết thương đó. Thật dễ đặt ra các nguyên tắc, quy củ nhưng sẽ rất khó tuân theo những nguyên tắc chính mình đã đặt ra. Thật dễ bộc lộ những cảm xúc khi chiến thắng nhưng sẽ rất khó nhìn nhận thất bại của bản thân. Thật dễ té ngã khi vấp phải một hòn đá nhưng sẽ rất khó đứng dậy và mạnh dạn bước tiếp. Thật dễ thốt ra một lời hứa với ai đó nhưng sẽ rất khó giữ được lời hứa của mình. Thật dễ nói lời yêu thương ai đó nhưng sẽ rất khó làm cho người đó cảm nhận được tấm chân tình của bạn. Thật dễ phê bình những lỗi lầm của người khác nhưng sẽ rất khó tự hoàn thiện những khuyết điểm của chính mình. Thật dễ nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi nhưng sẽ rất khó nhận ra và trân trọng những gì ta đang có. Thật dễ vạch ra một kế hoạch hoàn hảo nhưng sẽ rất khó bắt tay vào hành động và cam kết theo đuổi kế hoạch đó đến cùng. - First News Theo Internet “Niềm tin vào chính mình có sức mạnh xua tan bất kỳ sự hoài nghi nào của người khác.” HƠI ẤM TỪ TRÁI TIM “Đôi khi một cử chỉ nhỏ của bạn cũng có thể làm thay đổi hoặc tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của người khác.” Đó là một buổi sáng mùa đông ở Denver, thời tiết như một cô nàng đỏng đảnh. Có lúc, một làn hơi ấm từ đâu thổi đến làm mấy ụ tuyết bên đường tan chảy vào các rãnh nhỏ. Thế mà chẳng bao lâu sau, cái lạnh đã quay trở lại, dữ dội hơn, khoác lên vạn vật chiếc áo mùa đông lạnh giá. Mùa đông ở Denver có thể làm cho bất kỳ vị khách nào không quen chịu lạnh ra đi mà chẳng bao giờ muốn quay trở lại. Lát nữa, tôi phải phát biểu trước khoảng vài trăm người ở Trung tâm ngôn luận Denver. Thế mà tôi lại quên không mang theo cục pin cho cái micro của mình. Điều đó thật tệ hại. Tôi vội vàng chạy đi tìm một cửa hiệu đồ gia dụng. Thoáng thấy cửa hàng 7 – Eleven ở đằng xa, tôi vội sải bước thật nhanh, cố tránh những cơn gió lạnh lẽo táp vào người. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi và uể oải của cô nhân viên bán hàng trong chiếc áo khoác không kín cổ, tôi đoán chắc cô ấy đang nghĩ tới món xúp nóng ở nhà và ước ao được cuộn tròn mình trong chiếc chăn ấm… Trong cửa hiệu còn có một ông lão khá lớn tuổi. Trông ông thật khổ sở trước cái lạnh cắt da cắt thịt như thế này. Ông chậm chạp lê từng bước dạo quanh các kệ hàng. Không hiểu ông ấy đang tìm cái gì nhưng thực lòng, tôi cảm thấy ái ngại cho sức khỏe của ông. Tôi muốn giúp ông nhưng tôi không có nhiều thời gian. Lát sau ông đến quầy thu ngân, cô gái bán hàng vừa mỉm cười với ông vừa cầm lên những món hàng xoàng xĩnh ông đã chọn và đưa từng món qua máy tính tiền. Ông già ra đường giữa thời tiết lạnh lẽo như thế chỉ để mua một trái chuối và một cái bánh xốp loại thường. Thật chẳng bõ công! Lẽ ra có thể chờ đến trưa, khi thời tiết ấm áp hơn cũng không muộn. Khi nhận hóa đơn thanh toán, ông lão đưa bàn tay già yếu nặng nề thọc sâu và trong túi áo đã sờn màu lục lọi. “Nhanh lên! Ông có cả ngày còn tôi đang gấp đây này!” – Tôi sốt ruột nhủ thầm. Ông móc ra một ít tiền lẻ cũ mèm đặt lên quầy. Ngay sau đó, tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy cô gái nhẹ nhàng kéo cao chiếc găng mỏng bằng nhựa cao su trên bàn tay phải của ông ta – điều mà đến bây giờ tôi mới thấy. Và kéo tiếp chiếc găng còn lại ở bàn tay da đồi mồi khẳng khiu bên kia. Cô quấn lại chiếc khăn choàng cổ cho ông lão. Còn ông cứ đứng yên như thể một đứa bé ngoan ngoãn đang đón nhận sự chăm sóc từ một người thân yêu. “Nào, bác John. Bác phải cẩn thận chứ!” – Vừa nói cô vừa chỉnh lại cái mũ len trên đầu ông lão – “Mai bác lại đến nhé!”. Ông lão mỉm cười. Ông ngập ngừng nhưng vẫn không nói lời nào rồi chầm chậm quay lưng đi ra trong cái lạnh buốt giá của mùa đông Dnever. Tôi chợt nhận ra rằng ông lão đến đây không phải để mua một trái chuối hay một cái bánh xốp mà ông đến để trái tim mình được sưởi ấm. Tôi hỏi:“Ông ấy là người thân hay hàng xóm của cô vậy?”. Cô gái mỉm cười bảo ông ấy là một khách hàng bình thường hay mua hàng ở cửa tiệm của cô mà thôi. Trong cuộc sống, đôi khi tôi vẫn mong muốn có một người tôi thực sự yêu thương bên cạnh để có thể nâng đỡ, chia sẻ bất cứ việc gì, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhưng trong cửa hiệu ngày hôm ấy, tôi đã nhận ra rằng tốt hơn hết là tôi hãy bắt đầu thực hiện suy nghĩ tích cực ấy bằng sự quan tâm chân thành dành cho những người gần gụi đang sống quanh mình. - Nguyễn Vũ Hưng Theo Warm In Your Heart GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHEN TẶNG Fran Tarkenton, cựu tiền vệ đội tuyển Minnesota Vikings, một lần nọ được gọi tham gia một trận đấu với lời đề nghị anh sẽ phải chặn đứng những đợt tấn công của các tiền đạo đối phương. Những tiền vệ có mặt trong đội tuyển tham dự giải quốc gia không bao giờ chơi ở vị trí truy cản ai cả bởi nguy cơ xảy ra chấn thương là rất cao do các cầu thủ tiền đạo lúc nào cũng cao to hơn so với tiền vệ. Thế nhưng, Tarkenton vẫn đồng ý tham gia trận đấu ấy và chơi rất tốt ở vị trí của mình. Các tiền đạo đội Vikings liên tục ghi bàn và cuối cùng, họ đã chiến thắng. Khi xem lại đoạn băng ghi hình trận đấu vào ngày hôm sau, Tarkenton ước ao ai đó vỗ vai tán thưởng vì những nỗ lực phấn đấu của anh. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Sau buổi họp báo, Tarkenton đến gặp huấn luyện viên Bud Grant và hỏi: “Thầy đã xem em thi đấu ngày hôm qua. Sao thầy không nói gì ạ?”. “Đúng, thầy đã xem em thi đấu” – Bud trả lời – “Em đã chơi rất hay, và thầy nghĩ em nhận ra được mình chơi xuất sắc như thế nào chứ. Fran, thầy nghĩ là không cần phải nói điều đó với em”. Tarkenton thất vọng đáp: “Nếu thầy muốn lần sau cũng nhìn thấy em chơi hết mình như vậy, thì em nghĩ thầy nên cho em một lời khen”. - Quang Kiệt Theo Recognize Your Winners “Khi tự nhìn nhận cuộc sống của mình đã hoàn hảo, không còn mục đích lớn lao gì nữa thì có nghĩa là cuộc sống của bạn dang mất đi rất nhiều ý nghĩa.” HAI BÀI HỌC Năm 14 tuổi, trong một lần dạo quanh thị trấn, tôi gặp một ông lão trông rất rách rưới ngồi ở một góc đường. Ông nhìn tôi rồi hỏi tôi vài câu. Sau đó, ông lão mơi tôi cùng uống với ông một cốc nước. Tôi lấy làm ái ngại nhưng cũng đồng ý và cả hai cùng đến một quán nước nhỏ gần đó. Sau vài phút trò chuyện, ông lão thân thiện rủ tôi cùng đi với ông đến thư viện thị trấn. Ông nói rằng có một vài điều rất thú vị muốn chia sẻ cùng tôi. Đến nơi, ông lão mỉm cười với người thủ thư, nhờ trông giúp túi đồ của tôi trong khi cả hai đi vào thư viện. Ông bảo tôi ngồi chờ trong khi ông tìm một quyển sách gì đó. Một lúc sau, ông quay trở ra, tay cầm hai quyển sách khá cũ kỹ và bám đầy bụi. Đoạn, ông ngồi xuống cạnh tôi và bắt đầu nói:“Có hai điều mà ta muốn sẻ chia cùng cậu, chàng trai trẻ ạ…”. “Thứ nhất, đừng bao giờ đánh giá một quyển sách khi chỉ mới nhìn qua vẻ bề ngoài của nó, điều đó có thể đánh lừa cậu đấy! Ta cá là cậu nghĩ rằng ta chỉ là một ông lão lang thang, vô công rỗi nghề, đúng không anh bạn?” Thoáng chút bối rối, tôi gật nhẹ, “Ban đầu cháu cũng nghĩ thế!”. Rồi ông lão chậm rãi: “Ta nói điều này chắc chắn sẽ làm cậu ngạc nhiên lắm. Ta sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, ta đã có tất cả mọi thứ mà những người đàn ông khác mơ ước. Một năm trước, vợ ta qua đời, và từ đó, tôi quay lưng hẳn với cuộc sống. Ta nhận ra rằng cuộc sống luôn có những điểm dừng xuất hiện không như ta mong đợi. Ta bắt đấu sống lang thang, rày đây mai đó như một kẻ vô gia cư để tìm cho mình một điểm dừng tốt hơn… Ta tự hứa với mình rằng ta sẽ sống như vậy chỉ trong một năm. Cả năm qua, ta lang thang khắp nơi và hôm nay là ngày cuối cùng của một năm như thế. Điều thứ hai là cậu phải học cách nên đọc những quyển sách nào. Chính điều đó sẽ thể hiện sự thông thái của cậu”. Nói xong, ông lão đặt vào tay tôi hay quyển sách ông vừa mang ra. Đó là các tác phẩm của Aristote Platon và – hai triết gia nổi tiếng. Sau khi rời thư viện, ông lão chia tay tôi ở một góc đường gần nơi chúng tôi đã gặp mặt. Trước lúc chia tay, ông mong rằng tôi sẽ không quên những gì ông nói. Và cho đến hôm nay, tôi vẫn tự hào rằng tôi đã không phụ sự mong mỏi ấy của ông. - Quang Kiệt Theo The Wisdom of One Word “Mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại.” TẤM LÒNG CAO ĐẸP “Những mách bảo của trái tim có lúc đến với ta rất rõ ràng nhưng đôi khi lại mờ nhạt. Những điều mà ta dự định hay quyết tâm làm đôi khi lại không nhận được sự tán đồng của những người thân thiết. Nhưng suy cho cùng, mỗi người đều có một tâm tư và lựa chọn cho riêng mình.” - Khuyết danh Chú Vijay Goel luôn đem đến cho tôi những bất ngờ thú vị. Tôi rất thích được cùng chú cưỡi ngựa trong rừng. Một điểm nữa tôi rất thích ở chú Goel là chú rất nhiệt tình, luôn đối xử với tôi như một người bạn. Chú quan niệm cuộc đời là những trải nghiệm và cơ hội để học hỏi. Chú luôn nói với tôi những điều đơn giản nhất, đôi khi chú lại làm nên những chuyện thật phi thường. Thời gian thấm thoát trôi, tôi bước vào tuổi thiếu niên lúc nào không biết. Hè năm ấy, chú rủ tôi tham gia một cuộc cắm trại đặc biệt. Chú Goel là thành viên của một nhóm hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng ở một ngôi làng hẻo lánh có tên Bishumpur, nơi sinh sống của bộ lạc Adivasis. Chú và các thành viên trong nhóm là những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, nông nghiệp và tâm lý. Lúc ấy, tôi không nghĩ rằng chuyến đi dài đầy vất vả này sẽ để lại ấn tượng sâu sắc mãi trong tôi. Chú Goel nói đúng, người ta sẽ tiến bộ hơn khi hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Tôi đã chứng kiến nhóm công tác của chú phải vượt qua rào cản ngôn ngữ và biết bao khó khăn trở ngại đễ hỗ trợ cải thiện đời sống cho bộ lạc Adivasis. Bằng lòng nhiệt thành và sự tận tâm với công việc, họ thường xuyên phải đối mặt với những phản ứng quá khích của một bộ phận người dân nơi đây. Chú Goel luôn tự tin rằng mình có thể vượt qua mọi thử thách. Tôi không hề biết chú mơ ước điều gì nhưng khi ở cạnh chú, tôi dần phát hiện ra một kho tàng quý giá trong từng suy nghĩ và cảm xúc của chú Goel. Trước những hoàn cảnh mà mọi người gần như không còn cách nào xoay sở thì chú luôn đưa ra được hướng đi mới hay những giải pháp đảo ngược tình thế. Một lần khi đọc báo, chú bắt gặp một mẩu tin tìm người hiến thận. Thế là chú quyết định hiến một quả thận của mình cho người không may đó. Người ta mời chú đến một bệnh viện ở Hyderabad, cách Delhi khoảng 2000km để tiến hành phẫu thuật. Chú Goel lặng lẽ đi mà không nói với ai trong gia đình. Chú cũng bắt tôi hứa phải giữ kín chuyện đó. Mọi người trong nhà rất lo lắng vì không biết chú đã đi đâu. Cuối cùng, khi trở về, chú gầy và xanh xao lắm. Chú vẫn chưa bình phục hẳn sau cuộc phẫu thuật. Tôi đứng yên nhìn chú bước vào nhà rồi kể lại mọi chuyện cho cả nhà. Tôi đã được học một bài học quý giá về tấm lòng cao thượng. Chú Goel của tôi đã hiến tặng một phần thân thể của mình cho một người hoàn toàn xa lạ mà không hề suy tính thiệt hơn, thậm chí không muốn cho ai biết hành động cao đẹp của mình. Được tạo nên mởi những người như thế, cuộc sống sẽ đẹp biết bao! - Ngọc Trân Theo A story “Chính trong lao động, và chỉ có trong lao động, con người mới trở nên vĩ đại và có niềm vui trọn vẹn.” - M. Gorky CÔNG VIỆC VĨ ĐẠI Tôi không phải là người thích nghe lỏm chuyện của người khác. Nhưng một đêm nọ, lúc đi xuống nhà dưới, tôi tình cờ nghe tiếng vợ mình đang nói chuyện với Bob – đứa con trai út của chúng tôi. Dường như vợ tôi đã nghe được lũ trẻ hàng xóm và Bob nói chuyện về công việc của bố bọn chúng. Những đứa trẻ hàng xóm khoe rằng bố chúng làm những việc thật vĩ đại… và chúng quay sang hỏi Bob:“Bố cậu làm nghề gì?”. Bob lí nhí:“Bố tớ chỉ là một công nhân bình thường”. Vợ tôi chờ cho lũ trẻ hàng xóm về hết, gọi Bob lại và nói: “Mẹ có điều này muốn nói với con, con trai ạ!”. Hôn lên đôi má phúng phính của con và ôm nó vào lòng, vợ tôi nhẹ nhàng bảo: “Con đã đúng khi nói rằng bố con chỉ là một công nhân bình thường. Nhưng mẹ nghĩ rằng con cần biết điều đó có ý nghĩa biết bao. Mẹ sẽ giải thích cho con hiểu”. “Mỗi khi con nhìn thấy một ngôi nhà vừa được xây xong, hãy nhớ điều này, nó đã được tạo nên bởi những người công nhân rất đỗi bình thường. Những người khác có thể có những chiếc bàn làm việc thật đẹp và lúc nào cũng sạch sẽ. Họ đưa ra rất nhiều kế hoạch. Nhưng để cho những kế hoạch đó thành hiện thực, hãy nhớ điều này, con trai, cần có những công nhân rất đỗi bình thường. Đến khi những ông sếp rời khỏi bàn làm việc và nghỉ ngơi. Công việc vẫn phải được tiếp tục bởi những công nhân bình thường như cha con. Họ chỉ là những công nhân, nhưng họ đã làm nên những điều thật vĩ đại, phải không con?” Đôi mắt tôi ngấn lệ, cổ họng tôi nghẹn lại. Khi tôi đẩy cửa bước vào, đôi mắt con trai tôi ánh lên niềm vui sướng và nó chạy đến ôm chầm lấy tôi: “Cha ơi, con tự hào vì con là con của cha. Cha của con mới đúng là người làm nên những điều vĩ đại!”. - Quang Kiệt Theo Workin’ man “Cách nhìn sự việc quan trọng hơn những gì đã diễn ra.” HÃY LUÔN LÀ CHÍNH MÌNH Nếu mọi người chưa công nhận khả năng của bạn, điều đó không có nghĩa là bạn sẽ ngừng khám phá bản thân, mà hãy tiếp tục nỗ lực hết mình. Nếu chưa có ai đến chia sẻ cuộc đời cùng bạn, điều đó không có nghĩa là bạn đang lẻ loi. Nếu chưa có được những điều tốt đẹp nhất như bạn mong muốn, điều đó không có nghĩa là cuộc đời này thiếu công bằng. Nếu công việc của bạn chưa có dấu hiệu tiến triển, điều đó không có nghĩa là bạn là người thiếu khả năng. Nếu chưa thành công, điều đó không có nghĩa là bạn đã thua cuộc. Hãy giữ vững niềm tin, giữ lấy hy vọng để vươn tới điều mà chắc chắn là mình đã sẵn sàng để có được. - First News Theo Inspirations “Khi là chính mình – bạn không có bất cứ điều gì phải sợ hãi.” CHỊ YÊU EM Đêm trước ngày tôi lên đường đi Israel đã trôi qua bằng một cuộc tranh luận giống như bao cuộc tranh luận khác trong suốt những tuần những tháng trước đó. “Nhưng tại sao phải là Israel?”. Cha tôi hỏi như thế, với cùng một giọng điệu như cha đã từng hỏi “Sao lại là Trung Hoa?” hay “Sao lại là Nga?”… hoặc bất kỳ đất nước nào mà tôi nói là mình muốn đến. “Con cũng biết mà, ở đó đang có chiến tranh – Cha nói thêm. “Vâng, cha à, con biết mà, chiến tranh có ở khắp mọi nơi”. Cha lại hỏi rằng tại sao tôi cứ nhất định phải đến một nơi nguy hiểm như thế. Tôi biết thế nào mình cũng sẽ nghe lại câu nói mà tôi đã từng nghe rất nhiều lần trước đây: “Ừ, con có bao giờ nghe cha đâu. Thế thì bây giờ, việc gì mà con lại phải hỏi ý kiến cha”. Rồi cha thở dài và lắc đầu ngao ngán. Những lúc như thế, chị Kristy luôn là người đứng ra hòa giải. Dù rằng từ lâu, chị đã nhận ra đó là một việc làm vô ích, nhưng bao giờ chị cũng cố. “Kath ạ, sao em không đến học ở Anh. Nơi đó rất an toàn”. Luôn luôn là như thế, chị ấy không thể hiểu được tôi. Không ai trong gia đình thực sự hiểu tôi. Nước Anh không có gì để tôi khám phá. Tôi muốn đến một nơi mà ở đó tôi có thể được nhìn thấy và chiêm nghiệm cuộc sống chân thật, sinh động, có cả bất hạnh và khổ đau. Tâm trí tôi luôn hướng đến những vùng đất lạ. Mẹ bảo rằng tôi mang trong mình dòng máu du mục. Chị Kristy chỉ lớn hơn tôi ba tuổi rưỡi nhưng cách sống của chúng tôi khác hẳn nhau. Chị ít nói và hiền dịu còn tôi thì thích mạo hiểm và chỉ thực sự im lặng khi ngủ. Tôi hầu như đã dành cả thời niên thiếu của mình để xin lỗi chị và những người trong gia đình vi những gì tôi nói hoặc gây ra – toàn những việc không giống ai đã khiến gia đình tôi lắm lúc phải bẽ mặt. Tôi là kẻ duy nhất đội cái mũ gắn đầy trái cây, mặc bộ đồ sặc sỡ và phá tan không khí trang trọng của buổi tiệc gia đình bằng những câu chuyện cười. Tôi cũng là kẻ duy nhất bật khóc nức nở khi xem một bộ phim tình cảm sướt mướt. Bởi vì tôi quá khác với chị mình – hay chị tôi quá khác với tôi – nên chúng tôi chưa bao giờ thân thiết như hai chị em đúng nghĩa. Càng lớn, càng bận bịu, chúng tôi càng ít gặp nhau mặc dầu chỉ sống cách nhau có nửa dặm đường. Tuy nhiên, với những chuyến đi mạo hiểm của tôi thì chị là người ít phản đối nhất. Thế nên lần này, tôi lại nhờ chị đưa ra sân bay. “Được thôi” – Chị đáp và không quên căn dặn – “Nhưng đừng nói cho bố biết đấy nhé” – Tôi cười đồng ý. Cha tôi có phải là độc tài gì đâu. Chúng tôi đều biết rằng ông rất yêu và lo lắng cho chúng tôi. Tôi cũng rất yêu cha. Không vì cha thì tôi đã không vào học trường Luật. Nhưng thật khó để phân biệt tình yêu và sự lo lắng trong lòng. Trên đường ra sân bay, chị không còn im lặng như mọi khi. Lần đầu tiên, chị hỏi về những nơi tôi dự định đến, về những nơi tôi sẽ ở lại. Có vẻ như chị quan tâm đến chuyến đi của tôi lắm. Vốn không quen với không khí chia ly, chị lẳng lặng ra về sau khi nói vỏn vẹn hai câu: “Em đi bình an! Chị sẽ rất nhớ em!”. Tôi thấy buồn vì chị vẫn không hiểu tôi thêm chút nào. Lúc này đây, tôi muốn chị ở bên tôi thêm vài phút nữa. Nhưng chị đã không làm thế. Tôi làm thủ tục và chuẩn bị lên máy bay. Lúc mở túi xách lấy hộ chiếu, tôi thoáng thấy một phong bì màu trắng đề tên người nhận “Gửi Kath”. Là nét chữ của chị. Đó là một tấm thiệp hoạt hình ngộ nghĩnh. Mọi người trong gia đình tôi đều thích tặng nhau những tấm thiệp vui vẻ kiểu như thế. Khi tôi mở tấm thiệp ra và đọc những gì bên trong, tôi mới nhận ra, chị tôi – người mà tôi cho rằng chẳng hiểu gì mình – đã thực sự thấu hiểu tôi. Dường như, một phần nào đó, chị muốn được như tôi, hay nói đúng hơn, luôn luôn muốn được như tôi. Chị viết: Chị thực sự ngưỡng mộ cuộc sống mạo hiểm của em. Chị yêu em. Chị của em, Kristy Đó là phần sâu thẳm trong tâm hồn chị, phần chưa bao giờ được thể hiện hay có lẽ tôi chưa đủ sâu sắc để cảm nhận. Tôi ngoái lại tìm chị. Tôi thấy chị đứng đó mỉm cười và vẫy tôi, môi chị mấp máy “Chị yêu em”. Tôi mỉm cười đáp lại dù biết chị không nghe thấy. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng chị đích thực là chị Kristy của tôi. - Trần Hoàng Phong Theo The Edge “Với thế giới, bạn chỉ là một hạt cát nhỏ – nhưng với một người nào đó, bạn là cả thế giới của họ.” NGƯỜI THẦY ĐẶC BIỆT Một hôm tôi vào lớp khác để tìm một người bạn, đúng lúc ấy, thầy Washington đột nhiên xuất hiện và hỏi tôi xem tôi có thể lên bảng viết hoặc làm gì đó không. Tôi nói rằng tôi không thể. Thầy hỏi: - Tại sao em không thể? - Bởi vì em không phải là học sinh của thầy – Tôi trả lời. - Điều đó không quan trọng, dù sao đi nữa thì em cũng lên bảng đi! - Em không thể lên bảng được, thưa thầy. - Tại sao không? Tôi ngập ngừng và cảm thấy hơi ngượng: - Vì… em không giống với các bạn ở đây… Em là học sinh của lớp chậm phát triển trí tuệ. Thầy nhìn tôi rồi nói: - Em không nên nghĩ như vậy. Ai đó nghĩ về em không có nghĩa là em là người như vậy. Từ bé đến giờ, ai cũng nghĩ rằng tôi là một đứa bé chậm phát triển, bọn trẻ trong xóm thường trêu chọc và chế nhạo tôi. Nghe câu nói của thầy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Lần đầu tiên có một người bảo với tôi rằng tôi không nhất thiết phải sống theo sự suy nghĩ và đánh giá của người khác. Năm học lớp 5, tôi thi trượt hai lần môn Toán. Vì thế tôi được chuyển sang học lớp dành cho các học sinh chậm phát triển trí tuệ và cần được giáo dục đặc biệt. Sau đó tôi lại thi trượt một lần nữa khi học lớp 8. Vì vậy tôi không có đủ tự tin vào bản thân, luôn luôn tự ti và mặc cảm. Một hôm khác, khi nghe thầy Washington nói chuyện với các học sinh trong buổi chào cờ đầu tuần mà tôi cứ ngỡ như thầy đang nói với mình: - Bất cứ ai cũng có khả năng đặc biệt về một lĩnh vực nào đó và tất cả chúng ta đều có thể làm nên những điều vĩ đại. Nếu các em nhận ra ước mơ của mình, nhận ra những điều đặc biệt của mình, xem mình có thể làm gì để biến ước mơ ấy thành sự thật thì thầy tin, các em sẽ trở thành niềm tự hào của bố mẹ và của trường chúng ta. Sau đó tôi đến gặp thầy và nói: - Thưa thầy, thầy có nhớ em không ạ? - Tất nhiên là thầy nhớ chứ. - Trong bài phát biểu vừa rồi, thầy nói rằng trong bản thân mỗi người đều có những điều vĩ đại. Vậy trong em có điều gì đó vĩ đại phải không, thưa thầy? - Có đấy, trò Brown. – Thầy nói. - Nhưng… sự thực là em đã thi trượt môn tiếng Anh, môn Toán và môn Lịch Sử. Em sẽ phải tới trường học vào kỳ nghỉ hè sắp tới. Em chậm chạp hơn các bạn, em cũng không thông minh như các anh chị của em. Họ đều đã vào Đại học Miami. - Đó không phải là vấn đề em ạ. Điều đó chỉ có nghĩa là em phải học hành chăm chỉ hơn họ thôi. Những điểm số hiện tại không xác định em là ai hoặc em có thể làm gì trong tương lai. Những thầy cô khác đã dạy bảo cho tôi những kiến thức mới. Nhưng thầy Wahshington thì khác. Thầy giúp tôi có niềm tin rằng tôi có thể học tốt các môn học và vượt qua các kỳ thi. Kết quả là tôi đã thi đỗ hết môn này đến môn khác, bởi vì tôi không phải là một đứa trẻ kém cỏi. Thông thường, những học sinh lớn chậm phát triển trí tuệ không phải đọc diễn văn và diễn kịch. Nhưng thầy giúp tôi mạnh dạn phát biểu trước đám đông và tham gia diễn kịch. Lần đầu tiên trong đời tôi có tên trong danh sách những học sinh được khen thưởng. Điều đó đối với tôi quả thật rất tuyệt diệu! Thầy Washington đã giúp tôi lòng tự tin để tôi thấy được giá trị của bản thân mình. Thầy là người thầy đặc biệt đối với cả cuộc đời tôi. Thầy đã chỉ cho tôi thấy bất kỳ ước vọng lớn lao nào cũng có thể thực hiện được mà không hề bị giới hạn trong các điều kiện trí tuệ hay hoàn cảnh. - Phạm Thanh Vân Theo Mr. Washington “Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài của một người thì có lẽ bạn sẽ thất vọng, nhưng nếu bạn nhìn một người theo cách mà bạn mong muốn thì nhất định sẽ trở thành người như bạn mong đợi.” HÃY BIẾT CHO ĐI “Cuộc sống cũng giống như trò chơi boomerang (*). Sớm hay muộn rồi những suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta sẽ quay lại với chúng ta vớisự chính xác đến không ngờ.” - Florence Shinn Tôi vừa trải qua 5 năm làm việc cật lực với luận văn tiến sĩ của mình và đang tất bật chuẩn bị cho buổi bảo vệ trước hội đồng. Buổi thuyết trình được tổ chức ở California, và tôi sẽ quá cảnh ở Miannapolis trước khi bay thằng đến phi trường John Wayne. Chuyến bay hạ cánh quá trễ khiến tôi khó khăn lắm mới mua được vé đến California. Sợ nhỡ chuyến bay, tôi vội vàng chen vào dòng người đang ùn ùn đổ về phía cổng lên máy bay. Bỗng tôi thấy một người phụ nữ ngoài năm mươi đang loay hoay với cái túi xách khá lớn. Tôi nhìn chị và hỏi:“Có phải chị cũng sắp lên chuyến bay 567 đến California?”. Người phụ nữ trả lời:“Vâng”. Tôi nói tiếp: “Tôi cũng đi chuyến bay ấy. Tôi sẽ giúp chị mang hành lý lên trước và bảo họ đợi chị!”. Thế rồi tôi cầm chiếc túi và lại bắt đầu chạy hết tốc lực. Tôi phóng thật nhanh lên máy bay, báo với tiếp viên rằng vẫn còn một hành khách nữa sau tôi và xin vui lòng nán chuyến bay lại chút đợi chị ấy. Tôi ngồi xuống, trên tay vẫn giữ chặt túi xách của người phụ nữ nọ. Ít phút sau, chị cũng đến nơi và là người cuối cùng lên máy bay, đúng lúc chuyến bay chuẩn bị cất cánh. Đến California, chúng tôi chia tay nhau. Người phụ nữ mỉm cười và cảm ơn tôi… … Tôi hầu như không thể nào chợp mắt trước buổi thuyết trình. Tôi bước vào phòng bảo vệ luận án và hơi mất bình tĩnh trước những vị giáo sư áo thụng dài đầy vẻ uy nghiêm. Trong lúc cúi chào, tôi bỗng chú ý đến người phụ nữ ngồi ở giữa với vẻ mặt rạng rỡ. Chị nhìn và nháy mắt với tôi, mỉm cười thân thiện. Đó chính là người phụ nữ tôi đã gặp tại phi trường Miannapolis đêm trước. Và thế là trong suốt buổi bảo vệ hôm ấy, bất cứ khi nào tôi lúng túng trước một câu hỏi, chị lại khéo léo gỡ rối cho tôi. Hôm đó, tôi đã học được một bài học giản dị – mà không hề có trong sách vở – rằng, nếu chúng ta làm hết sức mình để giúp đỡ người khác một cách không vụ lợi thì chính chúng ta, một lúc nào đó, cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ vô từ từ những người ấy. - Anh Khang Boomerang (*): trò chơi ném một vật đi vào sau đó chúng sẽ bay trở lại Theo Nice Timing “Chúng ta sẽ nhận lại những gì chúng ta cho đi.” MẤT MÁT “Tôi rất tiếc, cô Senter! Chúng tôi không thể cấp cho cô bằng lái xe mới nếu không có số thẻ Bảo hiểm xã hội”. Tôi đã cố kiên nhẫn giải thích đến ba lần rằng thẻ Bảo hiểm xã hội của tôi đã bị lấy cắp ở trạm xe lửa cùng bằng lái xe, ví tiền, thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm và cả hình bọn trẻ nhà tôi. Vậy mà tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng, vô cảm. Đến Trung tâm Bảo hiểm xã hội, tôi lại tiếp tục chen chúc trong hàng người dài thượt để lấy số và ngồi đợi, rốt cục là câu nói: “Máy tính hôm nay quá tải rồi, nhưng cô có thể đăng ký ở một văn phòng chính phủ khác, khoảng mười dặm về phía Đông, ngay số 290 đường Expressway”. Đấy, tất cả chỉ vì những sai lầm không phải do tôi. Tôi vẫn còn tức điên người với ỹ nghĩ kẻ lạ mặt nào đó đã lợi dụng lúc chen lấn, xô đẩy ở sân ga, lấy trộm chiếc ví của tôi, để lại cho tôi hàng tá những phiền phức. Tôi đã phải lái xe liên tục – đầu tiên là mất ba mươi phút để tới đây xin giấy phép làm thẻ Bảo hiểm xã hội. Bây giờ lại tốn thêm nửa giờ nữa đến một văn phòng khác với hy vọng máy tính nơi đó không bị quá tải! “Cứ làm như mình hết chuyện để làm rồi ấy!” – Tôi lẩm bẩm một mình khi lấy số chờ và xếp hàng lần thứ ba trong ngày. Lần này thì tại Văn phòng Phúc lợi xã hội. Nơi này cũng chẳng có gì thoải mái hơn. Bọn trẻ đi theo người lớn cứ khóc lóc mè nheo. Người lớn thì phàn nàn, cằn nhằn đủ điều. Phải chờ đợi thế này thì một người vui tính cũng đâm ra cáu bẳn mất. “Chưa thấy ở đâu bất lịch sự như chỗ này!” – Người đàn ông lớn tuổi than phiền và nện thình thịch cây ba tong xuống nền nhà – “Chỉ hỏi có mỗi một câu mà phải chờ đợi từ sáng đến tận bây giờ!”. Lời phàn nàn ấy không phải của riêng gì ông lão. Mọi người im lặng đồng tình. Chán nản và bực bội, tôi lại nghĩ về tên trộm. Tôi nghiến chặt quai hàm và tự trách mình sao thật vô ý. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn… Tới lượt mình, tôi tiến lên phía trước. Đột nhiên, một người phụ nữ khoác chiếc áo màu nâu nhạt tiến lại gần tôi. “Tôi đã phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ rồi. Bà cũng nên làm vậy đi!” – Tôi nhủ thầm. “Xin lỗi, chị phải lấy số và đợi đến lượt mình” – Người thư ký xẵng giọng nói hộ suy nghĩ của tôi. “Nhưng tôi chỉ cần…” – Hai đứa nhỏ kéo tay áo mẹ nó, còn đứa bé cô đang bế trên tay thì khóc khan cả tiếng. Cô thư ký liền lớn tiếng nhắc lại câu nói ban nãy. “Làm ơn đi cô…” – Người mẹ trẻ nài nỉ. Lần này, giọng chị chuyển thành những tiếng nấc – “Tất cả tôi muốn biết chỉ là… đây có phải là nơi cấp giấy chứng tử cho chồng tôi không?”. Cả tôi và cô thư ký lặng người. Chúng tôi đều không biết phải nói gì. Tự dưng, tôi muốn ôm lấy người phụ nữ ấy, lau khô dòng nước mắt, bế đứa trẻ đang khóc và dỗ dành hai đứa nhỏ đang quấy mẹ. Tôi quay lại, nói khẽ: “Chị lên trước đi”. Cô thư ký lục tìm thông tin trên máy tính để trả lời người phụ nữ. Tất cả chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Sau đó, cô thư ký trao cho tôi mẫu đơn mà tôi đang cần. Về chỗ ngồi, tôi lặng thinh thấy mình sao quá tầm thường. Mình chỉ mất một cái ví, còn cô ấy vừa mắt đi người chồng, các con cô ấy vừa mất đi cha của chúng. Tôi suy ngẫm khi điền vào tờ đơn của mình. Mất mát của tôi dường như vô nghĩa trước nỗi đau này. Tôi lái xe đi mà tâm trí vẫn còn nhớ đến người phụ nữ khoác chiếc áo màu nâu nhạt. Những lời nguyện cầu cho cô ấy bắt đầu giúp tôi quên đi mất mát của chính mình. - Anh Khang Theo When Social Security Speaks “Hãy nhìn ra thế giới xung quanh để thấy rằng bạn vẫn còn rất hạnh phúc so với những đau khổ mà người khác đang phải gánh chịu”. SỨC MẠNH THIÊN THẦN “Một niềm vuisẽ chẳng bao giờ được gọi là tuyệt diệu nếu điều ấy không trở thành kỷ niệm.” - Jimmy Cartese Khi còn học lớp 7, tôi làm tình nguyện viên tại một bệnh viện nhỏ trong thị trấn khoảng 30 – 40 giờ một tuần trong suốt mùa hè. Hầu hết thời gian đó tôi ở bên ông Gillespie. Chưa bao giờ tôi thấy có người nào đến thăm ông ấy, cũng chẳng có ai quan tâm đến tình trạng sức khỏe của ông. Những lúc bên ông, tôi chỉ cầm tay trò chuyện, giúp ông làm những việc cần thiết. Thế là tôi trở thành người bạn thân thiết của ông mặc dù ông chỉ có thể trả lời tôi bằng những cái siết tay thật khẽ. Tháng 8 năm đó, tôi xin nghỉ một tuần để đi du lịch cùng gia đình. Khi trở lại thì ông Gillespie đã không còn ở đó nữa. Tôi không đủ can đảm để hỏi bất cứ người y tá nào rằng ông ấy giờ đang ở đâu vì tôi sợ họ sẽ nói ông ấy đã qua đời. Tôi vẫn tiếp tục làm tình nguyện viên ở đó trong suốt năm học lớp 8. Vài năm sau, khi đã làm học sinh trung học, lúc đến một trạm xăng, tôi bất chợt chú ý đến một gương mặt quen thuộc. Đến khi nhận ra ông, mắt tôi bỗng nhòe đi. Vậy là ông ấy vẫn còn sống. Tôi bước tới hỏi liệu tên của ông có phải là Gillespie, và có phải ông đã bị hôn mê 3 năm về trước? Một điều gì đó không rõ ràng thoáng trên nét mặt của ông và rồi ông trả lời “Phải!”. Tôi liền giải thích là tôi đã biết ông rõ như thế nào và rằng tôi đã có nhiều tháng ngồi trò chuyện với ông trong bệnh viện. Ông đã khóc và ôm tôi thật chặt. Ông bắt đầu kể cho tôi nghe khi ông ấy hôn mê, ông vẫn nghe tiếng tôi trò chuyện, ông vẫn cảm nhận được tay tôi đang nắm lấy tay ông lúc đó. Ông nghĩ người ấy ắt hẳn phải là một thiên thần chứ không phải là người bình thường. Chính điều đó đã giúp cho ông tiếp tục sống. Sau đó, ông kể cho tôi nghe về cuộc đời mình, về những gì đã xảy ra khiến ông bị hôn mê như vậy. Cả hai chúng tôi đều khóc và xúc động siết chặt tay nhau. Ông Gillespie ôm chặt lấy tôi một lần nữa trước khi nói lời từ biệt. Mỗi người chúng tôi lại tiếp tục con đường của riêng mình. Kể từ dạo đó, tôi chưa gặp lại ông Gillespie nhưng những kỷ niệm về ông đã mang lại nhiều niềm vui cho tôi mỗi ngày. Tôi biết tôi đã làm được một điều thật đặc biệt cho cuộc sống của ông vào thời khắc mong manh giữa sự sống và cái chết. Tôi sẽ không bao giờ quên ông và điều mà ông đã làm cho tôi: Tôi thấy mình có sức mạnh của một thiên thần. - Quỳnh Nga Theo Mr. Gillespie “Cuộc sống không bao giờ là bế tắc thực sự hay có khái niệm mất tất cả khi bạn còn có niềm tin.” MẢNH GIẤY BÊN ĐÀI TƯỞNG NIỆM “Cô làm ơn đặt cái này ở Wailing Wall giúp tôi được không?” Tôi đón lấy từ tay người phụ nữ một mảnh giấy, trên có dán bức ảnh nhỏ xíu của một bé trai. Phía dưới là dòng chữ ghi bằng bút mực “Tìm con trai tôi, Pieter”. “Dĩ nhiên rồi” – Tôi nói với Marti Nitrini. Tôi sắp có một chuyến đi tới Israel và tôi rất sẵn lòng làm điều đó. Tôi gặp Marti lần đầu tiên cách đây vài năm, khi tôi đang viết một bài báo về quyển “Nhật ký Anne Frank”. Bà ấy đã gọi điện thoại cho tôi và nói “Tôi đã ở cùng trại tập trung với Anne Frank”. Tôi đã phỏng vấn Marti về cuộc đời của bà và thế là chúng tôi quen biết nhau. Marti kể cho tôi nghe về những ngày tháng kinh hoàng mà bà đã trải qua ở Jerusalem, trong đó, có những điều mà bà chưa nói với ai bao giờ. Sinh ra ở Praha năm 1918, Marti cùng hai người anh trai đã có một tuổi thơ thật hạnh phúc. Cha của bà là người Hungary và mẹ bà là người Đức. Họ có một cửa hàng thuộc da và đồ nữ trang ở ngay trung tâm thành phố. Marti yêu và kết hôn rất sớm với một người đàn ông đẹp trai, hơn bà mười tuổi. Họ đã có một cuộc hôn nhân rất hạnh phúc. Năm 1938, họ sinh một cậu bé Pieter thật kháu khỉnh. Thế giới hạnh phúc của Martu bỗng vỡ tan vào một ngày năm 1942 khi gia đình bà nhận lệnh tập trung ở Theresienstadt – một nơi dành riêng cho người Do Thái. Bà và đứa bé sống trong một căn phòng khoảng 300 mét vuông, với bốn bà mẹ khác cùng bảy đứa trẻ. Mỗi người chỉ có một tô xúp nho, vài lát cà chua và một mẩu bánh mì bé xíu để ăn cho cả ngày. Bà bồi hồi nhớ lại: “Cô không thể tin được đâu. Một người bình thường không thể nào tin được là điều đó có thể xảy ra. Khói đen ngút trời, còn không khí thì khét lẹt mùi thịt cháy”. Bà bị buộc phải rời chồng con để đến một trại tập trung khác. Marti nhớ mãi cảnh hàng nghìn phụ nữ phải “diễu hành” không mặc quần áo trước mặt những gã đàn ông thô thiển và phải tranh nhau thức ăn dư thừa để chống lại cái đói. Một mẩu bánh cháy đã vất đi cũng đủ trở thành một bữa thịnh soạn cho họ. Có một củ cải mà ăn trong lúc đó còn hơn cả việc nắm giữ gia tài hàng triệu đô la. “Chúng tôi đã phải ăn lá cây và gỗ cháy”, Marti nói, mắt nhìn vào xa xăm. Marti cũng đã cố trốn chạy nhưng bị bắt trở lại, bị đánh đập tàn nhẫn và bị ép làm việc nặng nhọc. Bà lại bị chuyển tới Bergen – Belsen. Ở đó, hàng ngày, chúng phát cho mỗi người một mẩu bánh mì nhỏ tẩm thuốc độc – điều này mãi sau này bà mới biết. Chúng khiến họ đau yếu, bệnh tật liên miên mà chết dần chết mòn. Chính tại đây, Marti đã gặp Anne Frank. “Cô ấy nằm hôn mê trên giường… Tôi nhớ mái tóc màu nâu sẫm và đôi mắt to của cô ấy. Cô ấy cứ nằm một mình ở đó, giống như một bộ xương”. Anne đã chết sau đó không lâu. Ngày Bergen – Belsen giải phóng, có hơn 50.000 người sống sót đã chứng kiến giây phút lịch sử thấm đầy máu và nước mắt ấy – khi mà 25.000 người vô tội khác đã ngã xuống trong một trận chiến vô cùng cam go. Marti đã mất đi bốn mươi ba người họ hàng ở Holocaust bao gồm cả cha mẹ và chồng của bà. Còn cậu con trai Pieter, đến bây giờ, bà cũng không biết là còn sống hay đã chết. Cách đây vài năm, Marti quay lại Israel tìm Pieter. Trên bia tưởng niệm, bà tìm thấy tên con mình với dòng ghi chú cậu là người cuối cùng được tìm thấy ở Bergen – Belsen. Vậy mà hôm nay, Marti vẫn đưa mảnh giấy cho tôi với một niềm hy vọng con trai bà còn sống. Đến Yad Vashem, tôi đến viếng đài tưởng niệm nạn nhân trẻ em, nơi ghi danh 1,5 triệu trẻ em Do Thái đã chết ở Holocaust. Trong yên lặng và bóng tối, năm ngọn nến được thắp sáng và nhân lên, nhân lên… Ánh sáng lung linh của hàng ngàn ngọn nến tượng trưng cho linh hồn của những đứa trẻ. Dàn đồng ca bắt đầu cất lên bản nhạc buồn. Tên, tuổi và quê hương của mỗi đứa trẻ lần lượt được xướng lên trang trọng. Tôi nghĩ về con trai của Marti, cậu bé chỉ mới sáu tuổi khi lìa xa mẹ mình. Làm thế nào một một người mẹ có thể chịu đựng việc không biết chuyện gì đã xảy ra cho con mình? Và bằng cách nào mà Marti có thể vượt qua nỗi đau đó trong suốt những năm qua? Tôi gấp mảnh giấy nhỏ của bà ấy lại, nhét vào khe hở trên đài tưởng niệm, rồi ngồi xuống cầu nguyện cho Pieter. Tôi khâm phục sức sống mãnh liệt cũng như sức mạnh ý chí của Marit. Bà đã không để cho nghịch cảnh cướp đi của bà niềm tin yêu và hy vọng, hy vọng của một người mẹ cho ngày về của đứa con thân yêu. Tôi nhớ lại những gì Marti đã nói với tôi: “Tôi vẫn phải tiếp tục sống. Khi một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra, và tôi vẫn cứ phải tiến về phía trước”. - Quỳnh Nga Theo A Mother’s Search “Trong cuộc sống, nơi nào có một người chiến thắng, nơi đó có một người thua cuộc. Nhưng người biết hy sinh vì người khác luôn luôn là người chiến thắng.” THẮNG VÀ THUA Nếu người chiến thắng luôn tìm cách giải quyết vấn đề thì kẻ thua cuộc thường dễ nản lòng mỗi khi gặp phải khó khăn. Nếu người chiến thắng luôn chịu trách nhiệm cho hành động của mình thì kẻ thua cuộc lúc nào cũng tìm được lời bào chữa cho những hành động của mình. Nếu người chiến thắng nói: “Để tôi giúp bạn làm điều đó” thì kẻ thua cuộc thường né tránh: “Đó không phải là công việc của tôi”. Nếu người chiến thắng nói: “Có lẽ khó nhưng tôi tin là mình làm được” thì kẻ thua cuộc lại bảo rằng:“Tôi làm được nhưng nó khó quá”. Nếu người chiến thắng luôn quyết tâm thực hiện lời cam kết của chính mình thì kẻ thua cuộc chỉ biết hứa hẹn. Nếu người chiến thắng cho mình là một thành viên trong tập thể thì kẻ thua cuộc thường tự tách mình khỏi tập thể. Nếu người chiến thắng luôn biết tìm kiếm cơ hội trong mọi trở ngại thì kẻ thua cuộc chỉ nhìn thấy toàn trở ngại trong mỗi cơ hội. Nếu người chiến thắng mong muốn tất cả mọi người cùng thắng thì kẻ thua cuộc lại tin rằng họ sẽ là người duy nhất chiến thắng. Người chiến thắng thường trình bày những lý lẽ vững chắc bằng ngôn từ mềm mại thì kẻ thua cuộc luôn sử dụng những lý lẽ yếu ớt bằng ngôn từ cứng rắn. Nếu người chiến thắng kiên định với những giá trị cao đẹp và bỏ qua được những điều nhỏ nhặt thì kẻ thua cuộc hơn thua nhau bằng những điều nhỏ nhặt mà lại bỏ qua những giá trị cao đẹp của cuộc sống. Nếu người chiến thắng sống theo quan điểm: “Đừng làm những điều mà bạn không muốn người khác làm cho mình” thì kẻ thua cuộc lại sống theo phương châm: “Phải quan tâm đến bản thân mình trước tiên”. - First News Theo Inspire Today ĐIẾU KỲ DIỆU CỦA SULLIVAN Chạy bộ là niềm yêu thích của tôi. Trong suốt mười năm, tôi chạy năm dặm mỗi ngày, bốn ngày mỗi tuần. Tôi rất thành công trong công việc hiện tại của mình. Với vị trí một đại diện bán hàng, tôi phải đi lại liên tục. Từ Ontario, tôi đã đi khắp New York, đến Tây Pennysylvania rồi sang Đông Ohio. Trung bình mỗi năm tôi ước tính mình phải di chuyển khoảng 35.000 dặm để gặp gỡ khách hàng. Tôi luôn luôn hoạt động, luôn luôn di chuyển. Cách đây một năm, tôi thấy mắt trái của mình có hơi khó chịu. Nhưng điều đó không làm tôi quan tâm. Cho đến khi nó sưng lên, nhức nhối, tôi mới tìm đến bác sĩ. Tia X cho thấy tôi có một khối u nhỏ trong mắt, không phải là u ác tính nhưng bác sĩ khuyên tôi nên phẫu thuật càng sớm càng tốt. Đó là thời điểm chuẩn bị cho Giáng sinh, công việc kinh doanh rất bận rộn. Khó khăn lắm tôi mới sắp xếp được thời gian để tiến hành cuộc phẫu thuật. Ít ra, tôi có thể ở nhà với vợ con trong thời gian nghỉ dưỡng. Trong quá trình phẫu thuật. Các mạch máu dẫn đến phải được tách ra. Đây là điều bình thường, nhưng tôi linh cảm có điều gì đó đang xảy đến cho mình… Ngày hôm sau, mô não của tôi bắt đầu sưng lên. Bác sĩ nói, cuộc phẫu thuật đã làm chấn động thùy thái dương bên trái. Điều này – thật tệ hại – đã ảnh hưởng đến khả năng phát âm của tôi. Tôi không thể giao tiếp được nữa. Gương mặt tôi lộ rõ vẻ sợ hãi, các con của tôi có thể thấy điều đó. Bố của chúng chưa từng sợ như vậy bao giờ. Não vẫn tiếp tục sưng, ảnh hưởng đến thị giác của tôi. Hai mắt tôi gần như không còn nhìn thấy được gì. Ngay lập tức, một cuộc phẫu thuật khác được tiến hành. Các bác sĩ chỉ có một lựa chọn duy nhất là lấy đi phần não đã bị hư tổn để tạo chỗ trống cho bất cứ phần não nào khác có thể tiếp tục sưng lên. Các bác sĩ nói với vợ tôi: “Chúng tôi đã làm hết những gì có thể”. Họ nói rằng tôi có thể sẽ bị liệt, bị mù và không nói được nữa. Tôi được điều trị trong vòng ba tháng tại bệnh viện phục hồi chức năng não bộ St. Mary ở Rochester, New York. Trong thời gian đó, tôi không thể nhận ra được vợ con mình. Khi trở về nhà, tôi đã hỏi Barbara, vợ tôi là tôi đang ở đâu. Mọi thứ đều thật lạ lẫm đối với tôi. Tôi đăng ký thăm gia một khóa phục hồi não bộ. Tại đây, tôi bắt đầu học lại tất cả các kỹ năng cơ bản của cuộc sống hàng ngày. Trong thời gian phục hồi, đã có lúc tôi nhìn thấy một người đàn ông có mái tóc dài và bộ râu rậm, mặc bộ quần áo có hai màu trắng – đỏ. Và có một trái tim đang đập giữa lồng ngực của ông lão. Tôi rất thường hay nhớ tới cảnh tượng này. Tôi luôn sử dụng máy đi bộ vào thời gian giải lao giữa các buổi tập. Cơ thể tôi dần dần thúc đẩy tôi muốn chạy trở lại. Vì tôi gần như bị mù nên không ai khuyến khích tôi tham gia môn thể thao này. Một ngày khi đang cầu nguyện, tôi bật khóc với ý nghĩ mình sẽ không bào giờ chạy được nữa. Đột nhiên, tôi cảm nhận được một bàn tay ấm áp đặp lên vai mình và nghe thấy tiếng nói văng vẳng:“Anh có thể chạy trở lại”. Tôi luyện tập chịu đựng nhiều hơn để được chạy với một niềm tin mãnh liệt. Đầu tiên tôi tập chạy trên máy. Một tháng sau tôi đã có thể chạy bên ngoài. Gia đình luôn dõi theo nên tôi không hề cảm thấy lạc lõng hay sợ hãi. Hơn một năm trôi qua, cơ thể tôi đã bắt đầu trở lại với những thói quen ngày cũ. Mỗi sáng, khi chạy đến gần bờ hồ, tôi hô to: “Xin chào hồ Ontario! Là tôi đây. Jerry Sullivan!”. Tôi dần khôi phục chế độ chạy hai mươi dặm một tuần. Bạn bè đưa tôi đến tham dự cuộc thi chạy năm dặm nhân ngày lễ thánh Patrick. Thật hồi hộp! Tôi lại có thể chạy một lần nữa. Điều đó giống như là tôi được sống lại trong cuộc đời. Tôi không biết điều gì đã tạo ra sự ngẫu nhiên này, nhưng tôi luôn tự hỏi phải chăng đây chính là sức mạnh vượt trội của niềm tin. Nếu điều đó có thể làm cho một người đàn ông bị mù có thể chạy lại được thì đó cũng chính là điều kỳ diệu thực sự trong cuộc sống của chúng ta. - Quỳnh Nga Theo One Step At A Time “Không tin vào chính mình – tức là bạn đã thất bại một nửa trước khi bắt đầu.” KỶ NIỆM VỀ BỐ “Kỷ niệm lúc nào cũng bền vững, còn hơn cả nét mực.” - Anita Loos Bố tôi vừa mới qua đời. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận sự ra đi ấy. Dù sao ông cũng đã tám mươi sáu tuổi và lại còn thường xuyên bị những cơn đau tim hành hạ. Tôi nhớ bàn tay viêm khớp của bố đã không còn cầm nổi tách cà phê. Hai mươi lăm năm qua, tôi sống xa bố vì mải lo cuộc mưu sinh của riêng mình. Tôi vẫn thường nghe bạn bè tâm sự nỗi buồn khi mất đi bố hoặc mẹ. Tôi chỉ nghĩ thầm mình sẽ không như thế. Tôi nghĩ mình sẽ thương tiếc và nhớ bố lắm. Còn cảm giác mất mát vì không còn bố nghe thật xa vời với tôi. Nghĩ lại,thời gian qua bố có chu cấp hay giúp đỡ vật chất gì cho tôi đâu? Tự tôi phải lo hết. Bố nào có hiểu được cuộc sống thực tế và công việc của tôi. Dù tuổi cao, thị lực và trí não ông vẫn rất tốt, một ngày bố xem những ba tờ báo, ông rành rẽ thời cuộc, chiến sự hơn bất kỳ ai, nhưng dường như cuộc sống của con trai mình lại nằm ngoài mối bận tâm của ông. Mỗi sáng thứ bảy tôi gọi điện về, bố luôn bắt đầu với câu hỏi muôn thuở: “Sao, con có chuyện gì muốn nói vậy?”. Y như rằng, tôi phải kể lại những việc mà tôi đã làm trong tuần, kể cả những chuyến công tác của tôi. Tôi còn phải cập nhật những tin tức chính trị mới nhất khi nói chuyện với bố. Thật ra, những cuộc nói chuyện như vậy cũng khá lý thú nếu tôi thật sự quan tâm thời cuộc hay có chính kiến mạnh mẽ khi tranh luận với bố. Cho đến hôm nay, tôi mới nhận ra câu hỏi muôn thuở của bố chính là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó thật sự có ý nghĩa hơn tôi nghĩ rất nhiều. Ngày còn bé, trên đường đi học về tôi luôn đi thật chậm, cố nhớ hết những điều thú vị trong ngày để kể cho bố nghe, suy nghĩ xem sẽ trả lời bố thế nào vì biết rằng bố đang chờ tôi ở nhà với câu hỏi muôn thuở. Hằng ngày, với câu hỏi ấy, bố đã tập cho tôi thói quen tự giải thích mọi suy nghĩ và hành động của mình. Tôi đang làm việc gì? Tại sao phải làm? Biết trước câu hỏi ấy đang chờ đón mình, tôi phải suy nghĩ kỹ hơn việc mình làm, điều mình muôn và cả những mối bận tâm phía trước. Bố vẫn hỏi câu ấy không chỉ vì ông muốn hiểu cuộc sống của tôi mà còn ngụ ý xem tôi có muốn chuyện trò với ông hay không. Đôi khi đáp lại câu hỏi của bố, tôi chỉ nói vỏn vẹn: “Không có gì!”. Nghe vậy, ông nhướn mày, nhìn tôi qua cặp kính lão, hỏi lại:“Không có gì sao?” Tôi khó khăn gật đầu xác nhận và lặp lại:“Không có gì”. Bố nhìn tôi lần nữa, ậm ừ rồi nhún vai theo một kiểu rất riêng và nói sang chuyện khác. Tôi biết câu trả lời của mình đã làm ông thất vọng. Giờ thì mãi mãi tôi không còn được nghe bố hỏi điều gì nữa. Tôi nghe tim mình đau nhói. Có phải tôi đang cảm nhận được thế nào là nỗi đau mất mát? Có phải tôi đang hối hận? Bây giờ, tôi hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì mà không cần phải chuẩn bị những câu trả lời. Không còn ai nghe tôi kể câu chuyện của mình vào mỗi sáng thứ bảy, cũng không còn ai để tôi giải thích tại sao mình chưa kịp thực hiện một ý định nào đấy nữa… Không còn bố, giờ đây tôi mới thấy mình đang thực sự phải đối mặt với những bài toán khó của cuộc đời. Nhưng tôi vẫn phải tiếp tục… …. Để rồi mới nhận ra rằng bố quan trọng đối với tôi biết nhường nào! - Bích Thủy The What Du You Have to Say for Yourself “Sự chia sẻ và tình yêu thương là điều quý giá nhất trên đời.” HÃY BẮT ĐẦU NGAY TỪ BÂY GIỜ Tôi đã dành thời gian của cả một năm qua chỉ để đến phòng mạch và vật lộn với những đơn thuốc của bác sĩ. Cứ hết đợt trị liệu này lại phải đến đợt trị liệu khác. Có lúc, tôi đâm ra chán ghét chính bản thân mình. Tôi là một phụ nữ xấu xí. Quá mập so với chiều cao và quá lùn so với trọng lượng. Sự quá khổ ấy đã gây ra biết bao nhiêu phiền toái cho sức khỏe của tôi. Tôi bị hạ huyết áp, viêm khớp gối mãn tính và thừa cholesterol. Nghe nói có bác sĩ nào giỏi là tôi tìm đến bằng được. Nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn chút nào. Do mặc cảm về ngoại hình nên tôi sống rất khép kín, dành hết thời gian có được để viết sách – đam mê lớn nhất của tôi. May mắn là tôi còn có một nhỏ bạn. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức họp mặt, làm tiệc, đi chơi và tán gẫu với nhau. Bữa tiệc cuối năm vui hơn tôi tưởng. Cả hội cùng ăn uống, chơi đùa đến quá nửa đêm. Ngày đầu tiên của năm mới, tôi thức dậy thật sớm. Nhìn những giọt sương trên cỏ cây long lanh trong nắng mới, lòng tôi bỗng nôn nao một cảm giác khó tả. Tối đến, chúng tôi ngồi bên nhau trầm lắng đón giờ phút giao thừa và suy ngẫm về một năm đã qua. “Năm cũ đã qua. Chúng ta hãy nói về những kế hoạch cho năm mới đi! Có ý kiến nào không?” – Một người lên tiếng, mở đầu cho buổi luận bàn thân mật và sôi nổi. Đến phiên mình, tôi ngập ngừng: “Mình đã ăn kiêng, uống thuốc và tập thể dục nhiều mà vẫn chưa giảm được cân nào. Trong năm này, mình quyết tâm luyện tập nhiều hơn để lấy lại sức khỏe. Mình sẽ tiếp tục ăn kiêng và chạy bộ”. Tôi được mọi người hưởng ứng bằng một tràng pháo tay thật rôm rả. Kate bước đến, nắm tay tôi: “Mình sẽ cùng chạy bộ với cậu. Cố lên nhé, Jini!”. Từ bỏ bệnh viện, thuốc men, từ bỏ luôn những suy nghĩ bi quan, tôi bắt cơ thể mình phải tập luyện. Tôi tự ép mình vào kỷ cương, giờ giấc. Tất nhiên, chẳng đơn giản tí nào. Thói quen ngủ không giờ giấc và ăn vặt bất kể thời gian là thử thách lớn nhất mà tôi phải vượt qua. Chạy bộ cũng không phải là chuyện dễ. Được năm phút, tôi đã đứng lại thở không ra hơi. Cơ thể nặng nề, chậm chạp cứ chống lại tôi. Tất cả là do tôi không quen vận động nhiều. Nhưng, bên tôi còn có những người bạn. Kate lúc nào cũng giữ đúng lời hứa, sáng nào cũng đến chạy cùng tôi. Những người khác thì điện thoại hỏi thăm tôi luôn. Tôi như được tiếp thêm sức mạnh và lòng quyết tâm. Trong hai tháng đầu tiên, tôi vẫn không giảm được cân nào. Tôi lại kiên trì tập luyện, kết hợp với một chế độ ăn ngủ hợp lý mỗi ngày. Tháng thứ ba, tôi bắt đầu nhận được những tín hiệu tốt. Ban đầu chỉ giảm được vài trăm gram, rồi 1 ký, 2 ký, …đều dần. Huyết áp và lượng cholesterol trong máu cũng dần ổn định. Bây giờ, tôi đã có thể diện chiếc váy màu đen mà tôi rất thích để dự đám cưới đứa cháu họ. Khi cơ thể khỏe mạnh, tình thần tôi cũng phấn chấn hẳn lên. Bỏ lại sau lưng những mặc cảm, tôi sống chan hòa, vui vẻ với mọi người. Tôi đã học được cách tôn trọng bản thân và yêu thương cơ thể không hoàn hảo của mình. Công việc viết sách của tôi cũng có nhiều tiến triển. Điều vui nhất là tôi đã chiến thắng chính bản thân mình, đã thực hiện được điều tôi muốn. Vì vậy, hãy bắt tay vào thực hiện những gì đã đề ra ngay hôm nay. Sẽ không có thời điểm nào cho sự bắt đầu tốt hơn là hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. - Hoa Phượng Theo The Only Way To Begin Is To Begin “Cho dù hoàn cảnh hiện tại có tồi tệ thế nào đi nữa. Sẽ không có thời điểm nào cho sự bắt đầu tốt hơn là ngay từ bây giờ.” KHÔNG CÓ GÌ LÀ TUYỆT VỌNG “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là tồi tệ nhất, chúng ta cũng cần phải có niềm tin.” Khi còn bé, ông nội tôi thường dạy rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng phải có niềm tin. Ông dạy tôi phải biết vững niềm tin để chiến thắng, như ánh dương sau giông tố bão bùng. Tôi lắng nghe và lưu giữ trong tim mình những lời ông nói. Lúc đó, tôi chỉ là một cô bé ngây thơ và trong sáng, vô tư sống một cuộc sống ấm êm bên những người thân. Mây đen bỗng đâu kéo tới – một trận sốt thập tử nhất sinh và tôi bị bại não. Tôi bắt đầu nghi ngờ lời nói của ông. Giờ đây, còn có điều gì tốt đẹp để mà tin, mà hy vọng? Bên cạnh những đau đớn khôn tả về thể xác, tôi còn phải đối mặt với nỗi sợ hãi mỗi khi lên bàn mổ. Tôi không còn làm được điều mà một đứa trẻ lên năm thường làm là chạy nhảy và chơi đùa. Đến năm mười sáu tuổi, tôi đã chịu đến hàng chục cuộc phẫu thuật từ chân, đầu gối, đùi, rồi đến cổ và cả mắt. Tôi phải ngồi xe lăn, nhưng để điều khiển được chiếc xe, tôi cần phải tập trung để không va đập vào bất cứ một đồ vật nào trong phòng. Tôi không thể giữ được thăng bằng để có thể đứng một mình và chỉ chực ngã xuống sàn. Rồi tôi cũng học được cách xoay sở để không phải nhờ vả bố mẹ nhiều như trước. Nhưng tôi vẫn chưa quen cái nhìn tò mò xen lẫn thương hại của người xung quanh. Mỗi khi nghe ai đó nhắc đến hai từ “bại não”, tim tôi lại nhói lên. Càng ngày, tôi càng tin rằng giá trị con người được đo bằng việc người ta có thể đi đến đâu chứ không phải như ông tôi vẫn nói. Tôi e ngại, xấu hổ và tức giận mỗi khi có ai đó chăm chăm nhìn mình. Họ sẽ nghĩ rằng tôi là một con bé tật nguyền xấu xí mà thôi. Tôi tự xây lên những bức tường, thu mình vào đó để không ai có thể lại gần được. Đến một ngày, tôi đã tìm thấy niềm vui từ một người bạn đặc biệt. Slugger là một chú chó lông vàng đáng yêu của trung tâm thú nuôi giúp đỡ người tàn tật. Tôi còn nhớ lần đầu tiên nhìn vào đôi mắt nâu lấp lánh thân thiện của Slugger, tôi đã thấy được một tình cảm gắn bó thân thương. Chẳng bao lâu, tôi nhận ra Slugger không đơn giản chỉ là một người bạn. Nó còn là một món quà đặc biệt mà tôi nhận được từ cuộc sống. Từ ngày có Slugger làm bạn, cuộc sống tôi có những chuyển biến lớn lao. Nó không những giúp tôi mang sách vở, mà còn là đôi chân giúp tôi đến trường mỗi ngày. Tôi không phải nhờ ai đó dẫn qua những con đường đông đúc nữa. Slugger đã giúp tôi làm tất cả những điều đó một cách hoàn hảo, hơn cả những gì tôi mơ ước về một người bạn. Mỗi khi tôi buồn, Slugeer nhẹ nhàng rúc đầu vào người tôi an ủi. Mỗi khi thấy tôi ngồi trầm tư nhìn mọi người vui đùa trong công viên, cũng chính Slugger lôt tuột tôi ra ngoài, bắt tôi phải đùa giỡn với nó. Tôi cảm thấy mình được yêu thương, được quan tâm. Đó là một niềm vui thật tuyện diệu. Slugger hiểu tôi như tôi hiểu nó, một tình cảm nhẹ nhàng lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn tôi. Với ánh mắt biết nói và hành động của một con vật trung thành, Slugger đã giúp tôi tìm lại được niềm tin trong cuộc sống. Tôi có thêm sức mạnh để bước vào đại học. Nhờ Slugger, tôi hiểu được rằng cuộc sống này luôn ẩn chứa những món quà tuyệt diệu. Không có điều gì là tuyệt vọng, vì chỉ cần có niềm tin, rồi chúng ta sẽ tìm thấy ánh sáng chiếu rọi vào cuộc sống tưởng chừng tăm tối, bế tắc của mình. Vậy là cuối cùng, tôi đã có thể hiểu được lời ông nội: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là tồi tệ nhất, chúng ta cũng cần phải có niềm tin. - Hoa Phượng Theo Pop Pop’s Promise “Niềm tin vào chính mình và cuộc sống quyết định sự thành công hay thất bại của chính bạn.” MỖI NGƯỜI LÀ MỘT ĐIỀU KỲ DIỆU “Sự sống là tuyệt phẩm cao quý nhất của thế gian.” - Khuyết danh Một ngày nọ, có một bà lão đến khám tại phòng mạch của tôi. Trông bà đã già lắm, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi bà nói rằng mình đã được 102 tuổi. Hiếm có người già nào ở tuổi đó còn mình mẫn như bà. “Ta đã nói với nha sĩ rằng ta không sao, nhưng cậu ấy vẫn buộc ta đến gặp con, anh bạn trẻ à”. Bà đi cùng người con trai đã tám mươi tuổi của mình, nhưng khi ông định mở miệng nói về bệnh tình của mẹ, bà đã gạt phắt: “Thôi nào, con trai”. Bà muốn tự mình nói với tôi. Khi tôi kiểm tra sức khỏe cho bà, tôi mới phát hiện bà bị một khối u khá lớn trên vòm họng. Kiểm tra sinh thiết tiếp theo khẳng định khối u đó chính là ung thư. Trong những lần tái khám tiếp theo, tôi đã giải thích cho bà nghe về tình trạng khá nghiêm trọng mà bà đang mắc phải. Trái với sự tưởng tượng của tôi, và trái với phản ứng thông thường của những bệnh nhân khác, bà chỉ mỉm cười, vỗ vỗ bàn tay tôi: “Ta biết con lo lắng cho ta, nhưng thật sự ta không sao cả. Con cứ tin ta đi”. Tôi hiểu rằng không phải như thế. Phải mất công thuyết phục lắm, bà mới miễn cưỡng cùng tôi đến một bác sĩ chuyên khoa khác. Như tôi tiên liệu, bác sĩ này cũng lắc đầu chịu thua. Bệnh ung thư của bà đã ở gần giai đoạn cuối, khó có thể chữa trị được. Khoảng sáu tháng sau, bà lại đến phòng khám của tôi. Tôi lo lắng hỏi: “Bà thế nào rồi ạ?”. Người con trai của bà vừa định nói, bà lại ngăn như ngày nào: “Ta khỏe lắm. Miệng ta bớt đau rồi”. Tôi lắc đầu không tin, đây chỉ là câu nói quen thuộc của bà thôi. Tôi khám cho bà mà trong bụng nghĩ thầm:“Chắc không còn cách nào cứu vãn được nữa!”. Nhưng lạ thay, trước sự ngạc nhiên sửng sốt của tôi, những khối u ngày nào đã biến mất, chỉ còn một vài đốm đỏ lấm tấm trên vòm họng của bà lão. Tôi không thể tin vào mắt mình. Những chuyện lạ như thế này tôi cũng có được nghe đôi lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến tận mắt. Tôi ngạc nhiên đến nỗi không thốt lên được lời nào. “Con thấy chưa, ta nói mà con không tin ta sao?” – Bà vừa nói, vừa cầm bàn tay tôi vỗ nhẹ. Được nghe thấy và chứng kiến những chuyện tương tự như thế đã khiến tôi tin rằng: Điều kỳ diệu vẫn tồn tại xung quanh chúng ta. Mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nghĩ đến chúng để vững tin. Bản thân sự sống đã là kỳ diệu. Mỗi con người sinh ra đã là một điều tuyệt diệu. Niềm tin của con người tạo nên sức mạnh, và sức mạnh đó sinh ra nhiều điều kỳ diệu khác. - Hoa Phượng Theo My First Miracle “Những ký ức và kỷ niệm đẹp sẽ giúp con người vượt qua những thử thách của cuộc sống.” TUYỆT PHẨM CỦA TÔI “Tôi luôn ước ao hoàn thành những trọng trách cao cả và vĩ đại, nhưng nhiệm vụ chính của tôi là hoàn thành những trách nhiệm nho nhỏ như thể chúng thật cao cả và vĩ đại.” - Helen Keller Là nhà văn, tôi luôn ao ước ngày nào đó mình sẽ viết nên một tác phẩm có thể lay động lòng người. Một đêm nọ. Tôi đã làm được điều đó. Lúc đó, tôi đang ở quán McKelvey, nhấm nháp món Amber Bock và nghe Blues. Tôi làm quen với một người đàn ông dáng dấp nhỏ bé, tóc bạc trắng. “Ta có mười đứa con” – Ông kể – “Và sắp sửa có thêm hai đứa cháu nội. Đứa con gái út của ta hiện đang trong quân ngũ. Năm năm qua, nó sống ở Đức. Và ta cũng không biết hiện giờ nó thế nào”. “Cô ấy có gọi cho ông không? “Cũng thỉnh thoảng. Nhưng thời gian biểu của nó không cho phép nói chuyện nhiều” – Ông nhíu mày nhìn vào ly bia – “Gọi điện thoại từ đó về đây đắt lắm. Nó bảo ta gọi theo cách người nghe trả tiền nhưng ta không thể nào để nó gánh chi phí được”. “Hay ông viết thư cho cô ấy đi” – Tôi góp ý. “Tay ta không còn cầm viết nữa” – Ông nói rồi dùng tay trái nắm lấy cánh tay phải mềm nhũn giơ lên và giải thích rằng đó là hậu quả của một cơn đột quỵ. Tôi vội lấy cuốn sổ tay nhà văn của mình ra, và hỏi tên người con gái của ông. “Suzie”. Nhìn vào đôi mắt xa xăm của ông, tôi hỏi tiếp: “Cháu nên bắt đầu thế nào đây, hở ông? Suzie thân yêu , Chào Suzie của bố hay Suzie, con sao rồi?”. “Tất cả” – Ông bật cười, nhả khói. “Suzie thân yêu” – Tôi chầm chậm lặp lại – “Ông cứ nói, còn cháu sẽ viết”. Ông gạt tàn, lấy ra điếu Camel khác, đốt và rít một hơi. “Nói với nó rằng giờ ta ăn mỗi ngày một bữa… tại Trung tâm dưỡng lão. Thức ăn ở đó tuyệt lắm. Spaghetti, bánh ngọt, kem, bò xốt vang. Mọi thứ” – Ông cười khùng khục – “Trừ mỗi bia”. Tôi lắng nghe và viết không ngừng. “… Nói với nó rằng ta luôn lo lắng cho cuộc sống của nó. Cho nó biết tin Jen và Dave đã kết hôn và Pat đã li dị với Tim. Nói với nó cậu Wilbur vẫn còn ở đảo Doe, trồng bí rợ trên rẫy. Đó là nơi các con ta đã lớn lên”. Lắng nghe và viết, tôi cảm thấy như chính mình là đứa con của ông. Bỗng nhiên có một mối dây vô hình nối liền tình cảm của hai chúng tôi. “Nói với nó đừng có lo lắng gì hết. Ta vẫn khỏe, không bệnh tật gì. Mỗi tối ta đều đi nhảy với những người bạn” – Mắt ông sáng lên – “Nói với nó ông nội Jones đã mất lúc đang chạy bộ – 104 tuổi đấy. Khà khà… vậy là bố nó còn sống những 20 năm nữa…” – Giọng ông run run. Ông hớp một ngụm bia, đưa tay trái quẹt bọt trên miệng. Còn hai dòng trống ở mặt sau tờ giấy. Tôi cầm cánh tay phải bị liệt của ông lên, đặt cây bút vào lòng bàn tay, và giúp ông nắm các ngón lại. “Ông ký tên đi” – Tôi giục. Ông dùng thêm bàn tay trái nắm chặt lấy cây viết, chầm chậm và khó nhọc lê từng nét chữ: “Yêu con, Cha”. Cây viết rơi khỏi tay ông. Cánh tay phải của ông thõng xuống vì đau và mỏi. Ông dùng tay trái đẩy gọng kính lên và lau những giọt nước mắt. “Cám ơn cậu nhiều”. “Có gì đâu ạ. Giống như cháu viết nhật ký mỗi ngày thôi mà” – Tôi mỉm cười nắm tay ông. Trước khi ra về, tôi còn dặn thêm: “Thứ Bảy tới, ông mang đến cho cháu địa chỉ của Suizie. Cháu sẽ mang theo một phong bì có dán tem”. Đêm ấy, tôi thấy vui vì mình vừa hoàn tất một tuyệt phẩm hằng ước ao. - Thái Hiền Theo The Night I Wrote my Pulitzer Prize Winner “Người bi quan luôn tìm thấy những khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan luôn nhìn được những cơ hội trong từng khó khăn.” TÌNH MẸ Hôm ấy là ngày diễn ra trận chung kết giải bóng đã giữa các trường đại học và cậu bé Ron, mười lăm tuổi, là học sinh trung học duy nhất có mặt trong đội bóng trường đại học Yale. Cậu bé phấn khởi mời mẹ đến xem trận thi đấu quan trọng đó. Đây là lần đầu tiên mẹ cậu đi xem bóng đá, và bà đã hứa sẽ đến cùng với vài người bạn. Trận đấu cuối cùng cũng kết thúc, và bà đang đứng bên ngoài phòng thay đồ đợi Ron về. “Mẹ nghĩ sao về trận đấu? Mẹ có thấy ba đường chuyền ghi bàn của đội con thật tuyệt không? còn hàng phòng ngự nữa, à… cú phát bóng đẹp mắt của thủ môn đội con nữa chứ?” – Cậu hào hứng hỏi mẹ mình. Người mẹ trả lời: “Ron à, con cừ lắm. Mẹ rất tự hào về con. Trong suốt trận đấu, con đã kéo vớ lên mười một lần… Mẹ còn biết con toát mồ hôi dưới lớp quần áo dày cộm, uống hết tám ly nước và vỗ nước lên mặt hai lần. Mẹ rất thích cái cách con chạy ra khỏi chỗ để vỗ lưng số mười chín, số năm và số mười mỗi khi họ rời sân”. “Ôi mẹ, sao mẹ có thể biết hết những chuyện đó? Và làm sao mẹ có thể nói rằng con thật là cừ? Thậm chí khi con còn không được ra sân, chỉ ngồi ở ghế dự bị?”. Mẹ cậu mỉm cười và ôm lấy cậu. “Ron à, mẹ chẳng biết tí gì về bóng đá cả. Mẹ không đến đây để xem đấu bóng. Mẹ đến để được nhìn thấy con đã hết lòng vì đồng đội như thế nào”. - Thái Hiền Theo Ron “Không có điều gì trên đời có thể xảy ra nếu trước đó không có một ước mơ.” AI LÀ NGƯỜI TRỒNG QUẢ NGỌT? ‘Còn gì ý nghĩa hơn việc giúp một người bất hạnh nhận ra rằng… mình không bất hạnh?” “Mahaba. Tám tuổi. Nữ. Mồ côi. Quê Gondar. Phục hồi phỏng”. Hồ sơ của Mahaba chỉ có vỏn vẹn vài dòng như thế. Mahaba không thể đi đứng bình thường vì sẹo phỏng chi chít khắp nơi trên tay, chân, khuôn mặt, hông và đầu gối. Những vết sẹo dài ở cổ và mặt khiến cằm và môi dưới của em bị xệ xuống, vì vậy, ăn uống cũng trở nên một cực hình. Sẹo phủ lên cả hai mi mắt khiến khi ngủ, em cũng không tài nào nhắm mắt được. Cũng như bao đứa trẻ mồ côi khác, em khao khát được yêu thương, được ôm ấp, vỗ về. Cô bé cần lắm một chỗ dựa tinh thần. Mahaba được đưa đến chỗ chúng tôi để được phẫu thuật chỉnh hình và chăm sóc lâu dài. Sau một thời gian, bệnh viện đã là nhà và các y bác sĩ đã trở thành người thân của cô bé. Sau rất nhiều cuộc phẫu thuật, việc đi đứng của Mahaba trở nên dễ dàng hơn. Ở bệnh viện, cô bé bắt đầu học may, học thêu và giúp chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân khác. Chúng tôi thành ra quen với sự có mặt của một Mahaba tật nguyền nhưng nhân hậu, dễ mến. Bên kia thị trấn có một ngôi nhà lớn là nơi Reverend Jack Smith (mọi người thường gọi là ông Jack) đưa những đứa trẻ đường phố về ở. Những đứa trẻ sống lang thang với đủ mọi hoàn cảnh: đứa mồ côi, đứa bị bỏ rơi… và với mọi “ngành nghề”: đánh giày, rửa xe, khuân vác, ăn xin hay trộm cắp. Chúng thường hút trộm xăng của các xe hơi đậu trên đường. Nhưng không phải để bán… Đường phố Addis Ababa về đêm rất lạnh, nếu giường ngủ là ghế đá công viên, ki-ốt bỏ hoang hay xó xỉnh nào đó thì bạn chỉ có thể ngủ được trong trạng thái gây mê bằng cách hít hơi xăng. Trả lời ông Jack, một thằng bé đã mô tả số phận của nó thế này: “Cháu thấy trên đời ai cũng có một công việc. Người là lính chiến, người thì làm vua thống lĩnh thiên hạ. Người thì trồng hoa màu, người thì đi bán những hoa màu đó, có người lại chỉ biết dùng những thực phẩm do người khác làm ra. Thế nhưng không có công việc nào là dành cho cháu, cháu không phải là vua cũng không phải là người trồng quả ngọt. Công việc của cháu, số phận của cháu là một cuộc đời bất hạnh”. Thế là ông Jack quyết định phải làm một điều gì đó. Ông ra sức giải thích, thuyết phục những đứa trẻ ấy để đưa chúng về ở với mình. Ông lập nên một trung tâm từ thiện mang tên “Niềm hy vọng cho trẻ em cơ nhỡ”. Trung tâm là mái nhà, là nơi mà các em được đi học, được yêu thương và chăm sóc. Ông quyết tâm dạy bọn trẻ thành những người biết trồng cây và hái quả, để các em bước vào đời như những người có khả năng cống hiến thực sự chứ không phải là những kẻ ăn bám. Lại nói về Mahaba, cuối cùng em cũng chia tay được với cuộc phẫu thuật cuối cùng. Em cần có một nơi để làm việc và cống hiến, như ước nguyện của mình. Em đã tìm đến trung tâm của Jack. Ở đó, em được sống với những khao khát và ước mơ… Mọi người nơi đây đều yêu thương nhau như những người thân trong một gia đình. Tình yêu cứ thế lớn dần và nhân rộng. - Ngọc Trân Theo Mahaba “Sự thay đổi của cuộc sống là điều không thể tránh khỏi – Việc của chúng ta đơn giản là lựa chọn cách để vượt qua mà thôi.” PHÉP MẦU “Hãy làm những điều bạn có thể làm cho người khác, với những gì bạn có và ở bất kỳ nơi đâu.” - Khuyết danh Mẹ mất sớm, Daniel trở nên rất gần gũi với bà ngoại. Cha cậu tái hôn khi cậu mười một tuổi và lúc ấy, Daniel đã cùng cô em gái Kristie chuyển đến sống cùng ông bà ngoại. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho tới khi căn bệnh tiểu đường đeo đẳng người bà bấy lâu bắt đầu ảnh hưởng đến đôi mắt, và tệ hại hơn là quả thận. Mỗi tuần ba lần, bà ngoại của Daniel phải đến bệnh viện, gắn lên người đủ thứ dây mơ của máy lọc thận. Cuộc sống của bà vẫn tiếp tục – nhưng không phải là một cuộc sống bình thường mà chỉ là một quá trình duy trì sự tồn tại. Bệnh tật làm bà gần như chẳng còn chút sinh lực. Bà cũng không thể trò chuyện với Daniel nhiều như trước nữa. Daniel, lúc này đã mười bảy tuổi, thật sự bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của bà. Cậu luôn túc trực bên cạnh bà, kể cho bà nghe những câu chuyện mà cậu nghe thấy ở trường, trên đường phố, trong các cửa hàng… Cậu còn ra sức chọc cho bà cười, mong muốn tìm lại người bà vốn rất vui tính của mình. Nhưng tình hình dường như chẳng có gì khả quan hơn. Sau một năm lọc thận, thể trạng của bà ngày càng hao mòn. Các bác sĩ dự đoán, nếu không được thay thận trong vòng sáu tháng nữa, bà ngoại của Daniel khó lòng qua khỏi. Daniel cũng đoán biết được điều đó. Tất cả mòn mỏi chờ đợi một quả thận, của một người nào đó. Tuy nhiên, người bà cương quyết không lấy thận của bất cứ ai mà mình quen biết. Bà quyết định chờ đợi. Điều này đồng nghĩa với việc bà có thể sẽ chết. Nhưng, Daniel thì khác. Những lần cùng ông đưa bà đi lọc thận, thằng bé đã bí mật tìm đến các bác sĩ. Cuối cùng, Daniel nói với bà ý định của mình: - Bà ơi, cháu sẽ cho bà một trong hai quả thận của cháu. Bây giờ, cháu còn trẻ và khỏe mạnh… - Daniel dừng lại. Rõ ràng, cậu bé thấy bà không vui vẻ gì với đề nghị ấy. Cậu tiếp tục, giọng hạ xuống – Nhưng… trên hết, cháu không thể chịu nổi nếu không có bà ở bên cạnh cháu nữa. Gương mặt Daniel tỏ rõ vẻ cương quyết. Thằng bé ngoan ngoãn là thế, nhưng mỗi khi quyết định việc gì, nó sẽ bướng bỉnh chẳng khác nào một con la. Nhưng bà ngoại của nó là một người nổi tiếng cứng rắn, hơn bất kỳ một ai khác. Hai bà cháu tranh cãi. Bà nhất quyết không để cháu mình làm điều đó. Cả hai đều biết, nếu bỏ đi một cái thận, Daniel đồng thời sẽ phải từ bỏ ước mơ bấy lâu: được trở thành một cầu thủ nổi tiếng. Cậu bé thuộc tuýp người ăn, uống và ngủ với bóng đá – lúc nào cũng có thể huyên thuyên về đề tài này. Daniel còn là một cầu thủ cừ khôi. Cậu vừa là đội trưởng vừa là ngôi sao của hàng hậu vệ trong đội bóng của trường và đã nộp đơn xin học bổng của đội bóng trường đại học. Bà ngoại của Daniel biết cháu bà yêu bóng đá hơn bất cứ thứ gì. - Làm sao bà để cháu từ bỏ ước mơ lớn nhất của mình cơ chứ? – Bà lên tiếng. - Bà ơi – Daniel nói nhỏ. – So với bà, bóng đá chẳng là gì cả! Cuối cùng, Daniel thuyết phục bà hãy để cho kết quả xét nghiệm quyết định. Kết quả xét nghiệm cho thấy quả thận của Daniel hoàn toàn hợp với cơ thể của bà. Lịch ghép thận được sắp xếp nhanh chóng. Cả hai cuộc phẫu thuật đều diễn ra tốt đẹp. Khi tỉnh dậy, bà đã có thể nhận ra thay đổi trong cơ thể mình. Mọi đau đớn đã biến mất. Bà ngoại Daniel như được hồi sinh. Tất cả như một phép lạ. Và bà không dám nhắm mắt vì sợ phép lạ ấy sẽ biết mắt. Ngày hôm sau, bà được chuyển sang phòng hồi sức với Daniel. Hai bà cháu nhìn nhau không nói nên lời. Nắm chặt tay, họ nhìn nhau thật lâu, mắt rưng rưng còn trong lòng thì cảm xúc dâng trào. Cuối cùng Daniel lên tiếng: - Bà ơi, bà thấy có hiệu nghiệm không? - Đó là với bà! Nhưng còn cháu, cháu thấy thế nào? – người bà gượng cười. Daniel gật đầu và mỉm cười sung sướng: - Rốt cuộc, cháu đã có lại bà ngoại rồi! - Thái Hiền Theo A Miracle of Love “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải là ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết – mà chính là ở ý chí.” LÒNG TỐT Tôi được một nhà quản trị cao cấp phỏng vấn khi xin việc tại một công ty lớn. Tôi thành thực nói với ông rằng lý do chủ yếu của cuộc phỏng vấn này là để tìm một việc làm sau hai năm nghỉ việc vì hoàn cảnh gia đình. Người vợ thân yêu sau 10 năm chung sống của tôi vừa mới mất vì bệnh tim. Vì thế, cuộc sống được một việc làm sẽ giúp tôi vơi bớt nỗi nhớ thương vợ và có tiền để nuôi nấng 2 đứa con đang còn đi học… Bruce, tên người phỏng vấn, rất lịch sự và ý nhị. Ông tỏ vẻ rất đồng cảm với nỗi mất mát của tôi và, rất khéo léo, ông chuyển sang một đề tài khác. Sau cuộc phỏng vấn, Bruce mời tôi đi ăn trưa. Rồi ông rủ tôi cùng tản bộ. Ông kể với tôi một sụ thật, rằng ông cũng đã mất đi người vợ sau 20 năm đầu gối tay ấp. Bà ấy ra đi để lại cho ông ba người con. Trong suốt thời gian qua, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình thực sự được chia sẻ, và đồng cảm. Hai người chúng tôi có cùng một nỗi đau – một nỗi đau mà không phải ai cũng thấu hiểu nếu chưa từng gặp phải. Ông trao cho tôi danh thiếp và số điện thoại nhà, bảo rằng nếu tôi cần giúp đỡ hoặc muốn có người để tâm sự thì cứ gọi cho ông và đừng ngại gì cả. Và rằng, cho dù tôi có được nhận vào làm hay không, ông vẫn muốn tôi biết ông luôn sẵn sàng nếu tôi cần giúp đỡ. Bằng lòng tốt – ngay cả khi không biết chúng tôi có cơ hội gặp lại nhau hay không – nhà quản trị cao cấp ấy đã giúp tôi lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Ông đã biến cuộc phỏng vấn vốn dĩ thuần túy công việc đó thành một buổi gặp gỡ, sẻ chia đậm tình người. - Gia Văn Theo An Act of Kindness LÁ THƯ MÀU XANH “Đừng bao giờ nghi ngờ việc mình làm liệu có ích cho ai.” - Khuyết danh Khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực phòng chống rượu và ma túy là việc tuyên truyền. Có quá nhiều điều phải làm. Đôi khi chúng tôi cảm thấy chùn bước và tự hỏi liệu việc mình làm – đi khắp nơi để phân tích những tác hại, những hiểm họa, các phương thức cai nghiện lẫn điều trị cho các nạn nhân và gia đình của họ – có thật sự giúp ích được gì hay không? Chúng tôi có giúp họ thay đổi hay không? Thắc mắc, hoài nghi thật nhiều. Thế nhưng mỗi khi nhận được phản hồi từ họ, chúng tôi lại tự tin hơn rằng công việc mình đã, đang và sẽ làm là không hề vô ích. Nhiều năm về trước, khi thực hiện chương trình điều trị và phục hồi cho những người nghiện rượu, chúng tôi tiến hành tuyên truyền, phát tờ rơi và phát loa phóng thanh khắp các địa phương. Chúng tôi cũng đến cả những trường học để nói chuyện với những bạn trẻ về tác hại của ma túy và rượu. Một buổi sáng, tôi đến thăm một trường trung học cơ sở, nói chuyện với các em học sinh lớp 7, lớp 8 kéo dài hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Sau đó, đề nghị các em làm bài viết thu hoạch về những gì các em đã được nghe. Một vài tuần sau đó, do quá bận rộn vì công tác kết thúc dự án, tôi gần như quên đi buổi nói chuyện hôm đó. Nhưng các em thì không. Tôi bất ngờ và ngạc nhiên khi nhận được rất nhiều bài viết do các em gửi đến, đó là những nhận xét khá giống nhau rằng các em rất thích cũng rất cảm ơn những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp. Ngoại trừ một lá thư màu xanh. Tôi nhớ nhất lá thư đó không phải chỉ vì màu xanh mát dịu mà chính vì nội dung được viết trong đó và cả cách cậu bé trình bày lá thư. Mấy dòng đầu cậu đánh máy và in bằng chữ thường, vài dòng sau cậu in hoa, và cuối cùng là chữ viết tay của cậu. Có lẽ cậu muốn tôi hiểu cảm xúc của cậu khi viết lá thư này cho tôi. Đoạn viết tay của cậu như sau: Cháu đã kể cho mẹ cháu nghe về buổi nói chuyện, về những điều chú nói, và về cả dự án của chú nữa. Chú biết không, mẹ cháu uống rượu rất nhiều. Cháu cố gắng thuyết phục mẹ và mẹ đã đồng ý đến bệnh viện rồi chú ạ. CẢM ƠN CHÚ RẤT NHIỀU VÌ CHÚ ĐÃ ĐẾN TRƯỜNG HỌC CỦA CHÁU. Từ buổi sáng hôm ấy, hai mẹ con họ bắt đầu cuộc chiến chống lại rượu. Lá thư này được gửi đến văn phòng làm việc của tôi nhiều năm trước và hiện tôi vẫn còn giữ nó bên mình. Tôi không biết cậu bé nào đã gửi cho tôi lá thư đó. Và tôi cũng không biết bây giờ cậu ấy đang làm gì, ở đâu. Nhưng tôi tin chắc một điều là tôi đã đến đúng nơi, đúng thời điểm để giúp cho hai cuộc đời thay đổi. Vì vậy, bạn đừng bao giờ nghi ngờ liệu việc mình làm có ích cho ai hay không. Mà hãy hy vọng, sẽ có một ngày ai đó đến và trao cho bạn những lá thư màu xanh – màu xanh của hy vọng. - Đặng Thị Hòa Theo Finding The Healing Moments “Hãy làm những việc bình thường bằng lòng say mê phi thường.” HÃY GIỮ VỮNG MỤC TIÊU Trước mắt mình, Florence Chadwick không thấy gì ngoài một màn sương dày đặc. Cơ thể cô tê cóng. Cô đã bơi liên tục gần 16 giờ rồi. Khi Florence Chadwick tròn 24 tuổi, cô là người phụ nữ đầu tiên có thể bơi qua và bơi ngược trở lại eo biển Anh. Giờ đây, khi đã 34 tuổi, cô lại đặt ra cho mình một mục tiêu là trở thành người phụ nữ đầu tiên bơi từ đảo Catalina đến bờ biển California. Buổi sáng ngày 4 tháng 7 năm 1952, biển như một hồ bơi đóng băng và sương mù dày đặc đến nỗi cô hầu như không thể nhìn thấy chiếc thuyền cứu hộ của mình, mặc dù nó đang rất gần cô. Đại dương sâu thẳm với muôn vàn nguy hiểm cứ như chực nuốt lấy cô. Những con cá mập tiến về phía cô, nhưng chúng nhanh chóng bị đuổi đi bằng những tiếng súng phát ra từ tàu cứu hộ. Chiến đấu với cái lạnh giá của biển cả, cô tiếp tục bơi hết giờ này sang giờ khác trong khi hàng triệu người đang hồi hộp theo dõi cô qua kênh truyền hình quốc gia. Dõi theo Florence, trên một chiếc thuyền, người mẹ đã khá lớn tuổi và vị huấn luyện viên của cô không ngừng cổ vũ và động viên cô bằng loa phóng thanh. Họ bảo với cô rằng: “Florence! Cố lên! Sắp về tới đích rồi, không còn xa nữa đâu.” Nhưng tất cả những gì cô thấy trong tầm mắt của mình lúc đó chỉ có sương mù. Mọi người thúc giục cô đừng bỏ cuộc. Cô chưa bao giờ bỏ cuộc, cho đến khi… Chỉ còn nửa dặm nữa là đến đích nhưng cơ thể cô đã hoàn toàn không còn nghe theo sự điều khiển của cô. Tay cô không thể tiếp tục rẽ nước, chân cô cứng đờ, toàn thân cô như bị đóng băng. Cuối cùng, cô yêu cầu được kéo lên thuyền. Sau vài giờ được ủ ấm, cơ thể lạnh giá của Florence đã khá dần lên. Khi con thuyền về đến bờ, cô nói với các phóng viên: “Tôi không muốn bào chữa cho mình. Nhưng nếu tôi có thể thấy đất liền, có lẽ tôi sẽ bơi được đến đích.” Mọi người hiểu rõ, không phải cái mệt, cũng không phải cái giá lạnh đã đánh bại cô. Tất cả là do sương mù khiến cô không thể định hướng cho mình đâu là bến bờ. Cô đã không thể thấy được mục tiêu của mình. Hai tháng sau, Florence thử lại một lần nữa. Lần này, mặc dù biển khơi cũng bị một màn sương dày đặc bao phủ y như lần trước, nhưng cô đã bơi với tất cả tâm huyết của mình và một phương hướng rõ ràng trong tâm trí. Cô biết rằng ở một nơi nào đó đằng sau lớp sương mù kia là đất liền, là đích đến. Và lần này, cô đã thành công. Cô là người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển Catalina, vượt lên trên cả kỷ lục của các đấng mày râu. - Thùy Mai Theo Keep Your Goals in Sight “Có một nghịch lý: Hạnh phúc thực sự chỉ đến khi bạn biết mạnh dạn cho đi – chứ không phải nắm giữ thật chặt.” - Christopher Hoare ---HẾT---