🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giải Mật Ngoại Hạng Anh
Ebooks
Nhóm Zalo
NHÀ XUẤT BẢN LAO ĐỘNG
Địa chỉ: 175 Giảng Võ - Hà Nội
ĐT: (84-4) 3851 5380 – Fax: (84-4) 3851 5381;
Email: [email protected]
Website: www.nxblaodong.com.vn
Chi nhánh phía Nam
Số 85 Cách mạng Tháng tám, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh ĐT: 08.38390970; Fax: 08.39257205
GIẢI MẬT NGOẠI HẠNG ANH
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc - Tổng biên tập
MAI THỊ THANH HẰNG
Biên tập: Bùi Thị Phương Thúy
Sửa bản in: Đặng Quân
Bìa: Mạnh Cường
Trình bày: Diệu Linh
In 3.000 cuốn, khổ 16 x 24 cm tại Công ty TNHH MTV In và Thương mại TTXVN - Vinadataxa
Địa chỉ: Số 70/342 Khương Đình, Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội.
Giấy xác nhận đăng kí kế hoạch xuất bản: 2304- 2020/CXBIPH/02-111/LĐ
Quyết định xuất bản số: 655/QĐ-NXBLĐ cấp ngày 26/06/2020.
ISBN: 978-604-301-074-9
In xong và nộp lưu chiểu năm 2020.
LỜI GIỚI THIỆU
Trương Anh Ngọc
Nhà báo, bình luận viên, nhà văn, người lữ hành T
ôi còn nhớ một bài báo trên tạp chí Bóng đá quốc tế đầu năm 1992. Bài báo viết về sự ra đời của Premier League như là một phát kiến lớn nhằm phát triển bóng đá Anh
lên một tầm vóc mới. Bài báo ấy (có lẽ được dịch từ báo Pháp) khẳng định rằng bóng đá Anh đã đi sau nhiều nền bóng khác ở châu Âu về nhiều mặt, từ chiến thuật, chất lượng bóng đá cho đến thương mại, nên việc nâng cấp giải vô địch quốc gia Anh là một cuộc cách mạng thực sự.
Lịch sử đã chứng minh rằng nhận định ấy là đúng. Năm 1992 ấy, bóng đá Anh vừa trở lại các Cúp Châu Âu được một năm, sau khi bị cấm thi đấu trên đấu trường châu lục vì thảm hoạ Heysel. Chiến thắng của Manchester United trong trận chung kết Cúp C2 mùa hè 1991 là một động lực lớn thúc đẩy người Anh tiến nhanh trên con đường cách mạng giải đấu. Họ tin rằng, họ có thể thống trị bóng đá Châu Âu. Họ nhận ra rằng, đầu tư và thương mại hoá bóng đá một cách triệt để là con đường hợp lý nhất để có thể vươn lên. Đương nhiên, không phải mọi việc lúc đầu đều ổn. Bóng đá Anh vẫn chơi theo lối “kick and rush” một thời gian đầu. Việc mua các cầu thủ dạng second-hand từ Serie A – lúc đó vẫn hay nhất thế giới, được cho là cách tối ưu để học kỹ-chiến thuật của người Ý. Nhưng nền tảng của cuộc cách mạng ban đầu không phải là kỹ-chiến thuật, nó đến sau khi dòng cầu thủ và huấn luyện viên cao cấp từ châu Âu đổ bộ đến
đây, mà là việc dòng tiền đổ vào các câu lạc bộ từ bản quyền truyền hình. Tiền, rất nhiều tiền, năm sau nhiều hơn năm trước, đã tạo ra diện mạo mới cho bóng đá Anh.
Và bây giờ, không còn nghi ngờ gì nữa, Premier League đã trở thành một trong những giải đấu hấp dẫn, kịch tính và có nhiều câu chuyện để nói nhất hành tinh. Sự thu hút của Premier League không chỉ đến từ những câu lạc bộ huyền thoại đã ghi đậm dấu ấn với bề dày thành tích, các chiến lược gia mà thường thì sức hút từ cá tính của họ còn lấn át cả tài cầm quân, hay những cầu thủ mà giá trị chuyển nhượng vượt xa so với đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức hút từ Ngoại hạng Anh còn đến từ các màn tranh cãi bên lề, những nghi vấn hậu trường, các tin đồn chuyển nhượng không hồi kết được tô vẽ và kịch tính hóa nhờ ngòi bút của cả giới truyền thông chính thống lẫn lá cải. Và đương nhiên sẽ là thiếu sót lớn nếu chúng ta bỏ quên sự kịch tính trong cuộc đua vào top 4 hoặc màn ganh đua nghẹt thở dưới đáy bảng xếp hạng để trụ lại giải đấu danh giá này. Đó là một phần bức tranh tổng thể của một giải đấu tốn giấy mực của thế giới, và chưa khi nào nó thiếu sức hấp dẫn và cạnh tranh.
Đương nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vẫn còn những bí mật động trời của Premier League chưa từng được phơi bày ra ánh sáng. Liệu đã bao giờ chúng ta đặt ra những câu hỏi: Bằng cách nào mà từ một sản phẩm bóng đá đơn thuần, Ngoại hạng Anh mau chóng trở thành một con quái vật khổng lồ, mang đẳng cấp toàn cầu ở cả ba phương diện thể thao, kinh doanh và giải trí; những những chiến lược kinh doanh tuyệt mật nào đã giúp cho tổng giá trị của 20 câu lạc bộ tăng lên hơn 10.000%, từ khoảng 50 triệu bảng năm 1992 thành 10 tỷ bảng ngày nay? Tại sao khi khủng hoảng kinh tế đang tàn phá hầu khắp các lĩnh vực, Ngoại hạng Anh lại là một lĩnh vực hiếm hoi
không hề bị ảnh hưởng?... Đó chỉ là vài trong số những câu hỏi ly kỳ mà hai tác giả của cuốn sách này sẽ trả lời cho chúng ta, giúp chúng ta hiểu được hành trình đi lên Prenier League của một giải đấu trước đó đã hay, đã hấp dẫn, nhưng bị cho là nghèo nàn về chiến thuật và bị phủ bóng đen bởi nạn hooligan.
Giải mật Ngoại hạng Anh không phải là một cuốn sách ghi lại lịch sử bóng đá Anh theo một phong cách riêng. Nó không liệt kê những khoảnh khắc kinh điển trên sân cỏ hay đời tư cầu thủ - những thứ mà chúng ta có thể thỏa sức tìm kiếm trên bất cứ phương tiện truyền thông nào, vốn chỉ cần vài cú click chuột. Bởi đ ây là câu chuyện về sự hình thành và phát triển của một đế chế. Đúng như lời chia sẻ của hai tác giả: “Trong nội dung chúng tôi kể, có một tập hợp những sự kiện đã tạo ảnh hưởng và gây ra những đợt sóng thành công trong quá trình chinh phục toàn cầu của giải Ngoại hạng Anh. Cuốn sách được xây dựng xung quanh những sự kiện đó, sử dụng chúng để làm nổi bật những nhân vật đã khiến chúng diễn ra, đồng thời phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của giải đấu, hoặc cản trở sự phát triển đó một cách tuyệt vọng.”
Cuốn sách này đáng đọc ở chỗ: nó sẽ không thể ra đời nếu như không có sự chấp thuận (thậm chí là ngầm cho phép) của lãnh đạo các câu lạc bộ Giải Ngoại hạng, bằng một thủ thuật kỳ bí nào đó, hai tác giả thuyết phục được các đội bóng mở cả sổ sách kế toán, tiết lộ những bí mật có thể nói là “ghê sợ”,“động trời” liên quan đến các khía cạnh lách luật, tài chính chuyển nhượng, phương thức vận hành của các đội bóng… Đó là những điều mà thông thường bất cứ ai ngoài cuộc cũng không thể đụng tới.
Người Anh – những chuyên gia thực thụ về thương mại, những người đã từng thống trị các tuyến giao thương hàng hải, những
người đã tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp và đưa ra rất nhiều học thuyết về kinh doanh và tư bản, không thể không thành công trên lĩnh vực tổ chức và kinh doanh bóng đá. Đó là một điều hoàn toàn logic. Nhưng để hiểu được họ làm thế nào để đạt được điều đó thì bạn nên đọc cuốn sách rất thú vị này.
Gửi Daniella và gửi Katie, Evie
(hai cháu có cùng năm sinh với cuốn sách này)
LỜI TỰA
B
uổi sáng ngày nảy ngày nay, giữa những ồn ào, huyên náo thường nhật tại nhà ga Waterloo – trung tâm giao thông nhộn nhịp bậc nhất của London, người ta vừa
bước lên những chuyến tàu dưới lòng đất để tới công sở, vừa phô diễn những kỹ năng thiết yếu để sinh sống ở chốn đô thị này – kỹ năng cầm điện thoại thông minh cùng với cốc trà nóng chỉ bằng một tay; kỹ năng xòe ô ở giữa nơi chật cứng người mà không gây ra sự cố; và cả kỹ năng đảm bảo chắc chắn không bao giờ nhìn thẳng vào mắt người lạ.
Và ở sạp báo nằm ngay cạnh cầu thang cuốn, những người dừng chân mua báo hằng ngày cũng thể hiện một kỹ năng rất cụ thể và cần thiết trong cuộc sống thường nhật ở xứ sở sương mù: kỹ năng đọc báo lá cải.
Thì ra giống như mọi thứ khác ở đất nước này, đọc báo cũng có thể có cách đọc đúng và cách đọc sai. Không nhất thiết phải đọc chuẩn theo số trang trên tờ báo.
Cách đọc đúng là chỉ cần liếc qua mấy dòng tiêu đề vốn luôn chứa những trò chơi chữ ở trang nhất, rồi miễn cưỡng thở dài trước nhân tình thế thái. Tình hình vẫn bình thường – tức là mọi tin đều là tin xấu.
Nhưng dân thành thị London lại không sa đà vào mấy tin tức đó. Họ biết rõ mình phải làm gì. Họ không hề lưỡng lự nhấp một ngụm trà và lật qua gần như toàn bộ số trang báo để tìm được phần nội dung thực sự đáng quan tâm.
Tính từ mặt sau của tờ báo, có đến khoảng vài trang – hoặc với một số tờ báo thì tới hẳn 1/3 tổng số trang – là nơi mà độc giả tìm thấy những câu chuyện chất chứa sự hồi hộp, căng thẳng, gay cấn, và chứa cả những khoản tiền khổng lồ; một cuộc đua nghẹt thở trên phạm vi toàn cầu lên tới hàng tỷ bảng Anh. Cuộc đua này luôn được châm ngòi bởi một tập hợp những tài năng ngoại cỡ cùng những bản ngã cũng ngoại cỡ, và độc giả luôn tin rằng diễn biến của nó quan trọng không kém gì số phận của thành phố, khu vực và cả quốc gia.
Đây chính là nội dung mà họ thực sự cần đọc khi bắt đầu một ngày mới: những tin tức nóng hổi từ Giải Ngoại hạng Anh. Từ phía tây London, nơi một vị tài phiệt người Nga duy trì đội bóng của mình ở trạng thái liên tục cải tổ, cho tới phần bắc London, nơi những kình địch luôn kìm kẹp nhau trong vòng xoáy của những cuộc vượt mặt không hồi kết, rồi tới Manchester, trung tâm công nghiệp cũ của đất nước, nơi mà cuộc chuyển giao quyền lực đột ngột đang làm thay đổi mối tương quan giữa hai thế lực lâu đời. Bị kẹt giữa guồng quay của những đế chế đó là các đội bóng nhỏ của những thị trấn quê mùa hoặc các địa hạt chẳng có gì ngoài mỏ khai khoáng, những nơi mà bóng đá là thứ duy nhất giúp họ giữ được danh tiếng trên bản đồ. Toàn bộ thế giới bóng đá này luôn được điểm tô bởi những tài phiệt người Nga, các ông hoàng dầu mỏ Trung Đông, những đại gia người Mỹ, các tay chơi cự phách từ những nền kinh tế Á Đông, và những chàng trai bỏ học từ thời phổ thông nhưng đã sớm trở thành triệu phú nhờ tài năng sử dụng trái bóng dưới chân.
Đọc hết được tin tức về Giải Ngoại hạng thì cũng phải mất cả ngày, quá đủ hấp dẫn để cạnh tranh với phần nội dung trong những trang đầu của tờ báo – thường nói về căng thẳng ở nghị viện hoặc những câu chuyện chính trị tương tự.
Vươn xa hơn rất nhiều so với một buổi sáng ở nhà ga Waterloo, các suy đoán và những sự thật mơ hồ trên báo lá cải cũng là nguồn năng lượng cho một cỗ máy quốc tế khổng lồ đang ngày ngày vận hành để thu hút một lượng đông đảo người hâm mộ, chạm tới bờ bên kia của Đại Tây Dương, rải khắp cả châu Á, xuyên suốt cả châu Phi, và thậm chí cả những nhà khoa học đang cắm trại nghiên cứu ở Nam Cực cũng đang theo dõi sát sao từng diễn biến.
Hành trình trỗi dậy của Giải Ngoại hạng Anh chính là câu chuyện về cơn sốt vàng hoang dại nhất trong thế giới thể thao. Chỉ trong vòng 25 năm, tổng giá trị của 20 câu lạc bộ đã gia tăng lên hơn 10.000%, từ khoảng 50 triệu bảng năm 1992 thành 10 tỷ bảng ngày nay. Trong thời gian đó, giải đấu này cũng đã xuất khẩu những sản phẩm của nó tới mọi ngóc ngách trên hành tinh.
Cách diễn ra của câu chuyện này cũng chính là cách mà đất nước đã sản sinh ra môn thể thao vua làm thay đổi nó gần như hoàn toàn, cách mà một vài cuộc họp bí mật từ năm 1992 tạo ra 1/4 thế kỷ điên cuồng – quãng thời gian mà tiền bạc, tham vọng và những chuyện thị phi hiếm gặp đã kết hợp với nhau để biến một giải đấu lâu đời thành một sản phẩm thể thao được mê mẩn nhất trên trái đất.
Câu chuyện bóng đá Anh chi phối cả thế giới là một giai thoại về chủ đề kinh doanh và giải trí trong thời đại toàn cầu hóa. Và nó cũng là một giai thoại rất điển hình. Nó khởi nguồn từ một ý tưởng thông minh. Tiếp theo đó là một giai đoạn phát triển vũ bão với những tham vọng ngông cuồng, dẫn tới những đỉnh cao khó ngờ và các khoản lợi nhuận không thể tưởng tượng nổi. Nếu bạn có hiểu biết đôi điều về tình trạng bong bóng công nghệ1, khủng hoảng nhà ở vì tín dụng thứ cấp2 hay cho vay thế chấp
dưới chuẩn3, thì bạn sẽ thấy rằng cơn sốt bóng đá này cũng rất có thể sẽ đi đến kết cục tương tự.
1 Bong bóng công nghệ xảy ra khi các công ty internet được định giá cao quá mức thực tế trên thị trường chứng khoán.
2 Tín dụng thứ cấp là loại tín dụng dành cho những người được xác định là có thu nhập thấp hoặc có độ tín nhiệm thấp nên không có điều kiện tiếp cận tín dụng trên thị trường tín dụng hạng nhất. Nó còn được gọi là tín dụng “hạng B”, để phân biệt với tín dụng “hạng A” dành cho những người vay có độ tín nhiệm cao.
3 Nợ dưới chuẩn được hiểu là các khoản vay dành cho các đối tượng có mức tín nhiệm thấp. Những đối tượng đi vay này thường là những người nghèo, không có công ăn việc làm ổn định, vị thế xã hội thấp hoặc có lịch sử thanh toán tín dụng không tốt trong quá khứ.
Những vết rạn nứt bắt đầu xuất hiện. Bị lôi kéo bởi nhiều cách nhận định xa lạ và nhiều kiểu đánh giá khác nhau, những nhà đầu tư từ phương xa cùng nhau đổ xô tới hòng kiếm được một phần cho riêng mình. Cạnh tranh khốc liệt nổ ra. Chủ nghĩa ăn xổi nhảy vào chiếm chỗ của những phán quyết đúng đắn. Và chẳng bao lâu sau toàn bộ giải đấu đã thoái hóa thành một hỗn hợp lòe loẹt của những trò phô trương lố bịch, những lòng tham không đáy và những vụ ăn chơi trác táng gây chấn động bởi sự hoang phí.
Giải Ngoại hạng Anh dường như trở thành một câu chuyện muôn thuở về sự bùng nổ và tan vỡ, không khác gì so với các thể loại bong bóng khác đã được giảng dạy trong sách giáo khoa về kinh tế. Nó chỉ khác biệt ở đúng một phương diện quan trọng nhất.
Đối với bộ môn túc cầu, bong bóng không bao giờ nổ.
Đến bất kỳ sạp báo nào bạn cũng có thể thấy được rằng, dù cho kỷ nguyên báo in đã bước vào buổi xế chiều, nhưng vẫn còn một quy luật có thể nuôi sống được ít nhất là chín tờ nhật báo: đăng bài về bóng đá không bao giờ là thừa, và số trang về bóng đá chẳng bao giờ là quá nhiều. Mỗi buổi sáng, chín tờ báo đó sẽ cho ra lò tổng cộng khoảng 100 trang về Ngoại hạng Anh. Và đó mới chỉ tính riêng báo giấy. Các ngành truyền thông cuồng tín khác cũng liên tục đưa tin bài về môn thể thao nổi tiếng nhất, qua các kênh thể thao được phát sóng 24/7, suốt cả 365 ngày trong năm. Thậm chí họ không hề nghỉ khi các câu lạc bộ đã nghỉ giữa hai mùa giải.
Và đó cũng chỉ mới tính riêng ở nước Anh mà thôi.
Bởi vì Giải Ngoại hạng Anh luôn được tường thuật từng phút, từng giây và từng chi tiết, cho nên ý tưởng kể lại toàn bộ lịch sử của nó sẽ vừa nực cười, vừa bất khả thi. Chuyện đó sẽ giống như cố gắng kể lại toàn bộ các biến động giá cổ phiếu của thị trường chứng khoán trong vòng 25 năm – nội dung sẽ chỉ toàn những con số và rất nhiều nhà đầu tư vừa mặt áo vest sọc vừa la hét, đọc chẳng hứng thú chút nào.
Nhưng vẫn còn có một khía cạnh của lịch sử bóng đá Anh hiện đại chưa thực sự được phơi bày trước công chúng: câu chuyện nội tình về cách mà Giải Ngoại hạng Anh đã chuyển sang tồn tại ở dạng một công ty: Tập đoàn Ngoại hạng, từ một sản phẩm bóng đá đơn thuần trở thành một con quái vật khổng lồ, mang đẳng cấp toàn cầu ở cả ba phương diện thể thao, kinh doanh và giải trí. Đây chính là câu chuyện mà tôi muốn kể.
Bóng đá Anh không phải bắt đầu từ năm 1992. Thế nhưng năm đó đã đánh dấu nền móng của Giải Ngoại hạng, trở thành cột
mốc Công nguyên của giải đấu này, một ranh giới mà kể từ đó mọi thứ đều không còn giống như trước nữa.
Vậy làm thế nào để có thể kể lại một câu chuyện điên rồ – bao hàm tất cả những gì đã xảy ra từ thời điểm ấy?
Chúng tôi đã vô tình bắt đầu bằng cách sống giữa những sự kiện đó. Chúng tôi đều đã lớn lên ở Anh qua các thập niên 1980, 1990 và 2000 – chính là giai đoạn mà bóng đá Anh từ một hoạt động thể thao cộng đồng ở địa phương chuyển mình biến thành một con quái vật ngành giải trí mang tầm cỡ thế giới. Sức ảnh hưởng của bóng đá lần lượt khiến chúng tôi trở thành những cây bút viết về thể thao, rồi công việc thường ngày ấy lại giúp chúng tôi hình dung và sắp xếp được một sơ đồ tổng quát về những điểm nhấn quan trọng, có ảnh hưởng lớn trong quá trình phát triển của giải đấu. Vậy là ngay trong tay chúng tôi đã có một phiên bản, một câu chuyện không-thể-không-kể về 25 năm đầu của Giải Ngoại hạng Anh.
Chẳng hạn như bạn không thể bàn về việc thành lập giải năm 1992 nếu chưa được nghe kể về Rupert Murdoch, về Sky TV, và về cuộc ly khai đầy kịch tính của một nhóm những ông chủ câu lạc bộ có chung ý tưởng và chung quyết tâm kiếm bộn tiền từ bóng đá. Và bạn cũng không thể hiểu hết quá trình phát triển bùng nổ về mặt thương mại của giải nếu chưa được biết tới chuyện những ông chủ câu lạc bộ kia từng bí mật muốn học theo mô hình của Giải Bóng bầu dục Mỹ (NFL), hay chuyện những ý tưởng kiếm tiền và các vũ khí thương mại của bóng đá Anh gần như đều xuất phát từ cuộc cách mạng tiếp thị của Manchester United. Ngoài ra còn có ảnh hưởng tổng hợp từ những thảm kịch ở sân vận động, những hành vi quá khích của các nhóm cổ động viên côn đồ, kết hợp với một vài yếu tố kinh tế để cùng làm đảo lộn trải nghiệm tới sân xem bóng đá của
khán giả. Những điều này đã dẫn tới việc câu lạc bộ Arsenal xây dựng Sân vận động Emirates – tượng đài hiện đại đầu tiên minh chứng cho sự thành công của Giải Ngoại hạng Anh. Chúng cũng góp phần dọn đường cho dòng vốn đầu tư nước ngoài rót vào giải đấu này, trong đó có hai nhà đầu tư cụ thể đã thay đổi cục diện và để lại dấu ấn không thể xóa nhòa: ông trùm người Nga Roman Abramovich – người đã mua Chelsea năm 2003, và một hoàng thân trong Hoàng gia Abu Dhabi – người mua Manchester City 5 năm sau đó. Dĩ nhiên là xung quanh họ còn có cả một cuộc xâm lăng của các nhà tài phiệt từ Mỹ – những người đã phải trả giá đắt để nhận được bài học rằng làm ăn giữa chốn cạnh tranh khốc liệt của Giải Ngoại hạng không hề dễ dàng như điều hành các quỹ đầu tư ở quê nhà.
Mỗi một bước ngoặt như vậy cũng có đủ nội dung để viết thành nhiều chương sách, nhưng tập hợp chúng lại thì chúng ta sẽ thấy được toàn bộ quá trình biến chuyển của giải đấu, từ một nét văn hóa địa phương trở thành một hiện tượng toàn cầu.
Cuốn sách này không phải là một nghiên cứu toàn diện về lịch sử bóng đá Anh, nó không nói về chuyện ai đã vô địch mùa giải nào, cũng không phải là một cuốn catalog liệt kê những khoảnh khắc kinh điển trên sân cỏ. Đây là câu chuyện về sự hình thành và phát triển của một đế chế.
Trong nội dung chúng tôi kể, có một tập hợp những sự kiện đã tạo ảnh hưởng và gây ra những đợt sóng thành công trong quá trình chinh phục toàn cầu của Giải Ngoại hạng Anh. Cuốn sách được xây dựng xung quanh những sự kiện đó, sử dụng chúng để làm nổi bật những nhân vật đã khiến chúng diễn ra, đồng thời phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của giải đấu, hoặc cản trở sự phát triển đó một cách tuyệt vọng.
Trong suốt khoảng thời gian hơn 100 năm, người hâm mộ bóng đá ở khắp các thành phố và thị trấn của Anh và xứ Wales đã luôn ủng hộ đội bóng của địa phương. Việc dồn toàn lực để ủng hộ đội nhà như vậy cho thấy họ không có dính dáng gì tới những yếu tố “nhượng quyền” hay “đấu giải” theo kiểu Mỹ. Kiểu tư duy vùng miền như vậy đã ăn sâu vào trong văn hóa Anh. Không bao giờ có đội bóng Anh nào di chuyển hay đổi chỗ – họ đã ăn sâu bám rễ vào cộng đồng của riêng mình; và nếu có câu lạc bộ nào tan rã, thì luôn là vì lý do họ đã quá già cỗi (hoặc kiệt quệ về tài chính).
Nhưng khi một nhóm các đội bóng hàng đầu của bóng đá Anh tách ra và thành lập Giải Ngoại hạng, các thương vụ bỗng chốc bùng nổ và tiền bắt đầu ào ạt đổ vào, nhiều cầu thủ ngoại quốc bắt đầu chạy theo dòng tiền đó để tới Anh; nhiều huấn luyện viên ngoại quốc cũng đem tới Anh những phong cách bóng đá tinh tế và bớt thô bạo hơn; các sân vận động lớn mọc lên như nấm, và từ đó giá vé cũng bị đẩy lên cao, gây ra ảnh hưởng cả về tài chính lẫn tinh thần tới những người hâm mộ trung thành nhất.
Vậy đây là câu chuyện về cách mà Giải Ngoại hạng Anh đã xây dựng một đế chế giải trí toàn cầu trong thời đại của chúng ta, cách mà nó đã duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, và những gì mà nó sẵn sàng đem ra đánh đổi để tiếp tục tiến về phía trước.
Ngoài sự gắn bó cá nhân của chúng tôi với giải đấu, cuốn sách này còn ra đời từ cả một thập kỷ đưa tin về Giải Ngoại hạng Anh trên Nhật báo Phố Wall. Clegg trở thành phóng viên thường trú về thể thao đầu tiên của báo này tại châu Âu vào năm 2009, rồi sau đó người kế nhiệm là Robinson, anh đã trở về Anh năm 2012, sau chín năm sống ở Mỹ. Clegg tiếp tục phụ trách chuyên
mục bóng đá ở New York, còn Robinson thì trực tiếp phụ trách ở London và khu vực báo chí tại các sân vận động khắp Vương quốc Anh.
Để có thể bao quát được một câu chuyện ở tầm cỡ như vậy – và kể lại nó một cách nguyên bản chứ không phải là chắp vá lại từ những bài báo cũ – chúng tôi đã chọn cách hợp lý duy nhất là bắt đầu kể từ điểm khởi nguồn: các cuộc họp bí mật bàn việc kiến tạo Giải Ngoại hạng Anh và những người tham gia các cuộc họp đó. Những nhân vật then chốt tại thời điểm đó là phó chủ tịch David Dein của Arsenal, chủ tịch Martin Edwards của Manchester United và ông chủ Irving Scholar của Tottenham Hotspur. Sau khi phỏng vấn bộ ba này, chúng tôi còn trao đổi với gần 100 nhân vật cộm cán khác trong suốt lịch sử giải đấu, để thu thập được một tổ hợp thông tin cực kỳ đắt giá. Và đây cũng là lần đầu tiên có ai đó thực hiện được những cuộc phỏng vấn hiếm có với những người điều hành, các nhà lãnh đạo của nhóm sáu câu lạc bộ lớn (Big Six) – Manchester City, Manchester United, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham. Trong đó bao gồm cả phỏng vấn trực tiếp với vị huấn luyện viên kỳ cựu đã gắn bó 22 năm với giải, Arsène Wenger, và các cuộc trao đổi với những tỷ phú danh tiếng, gồm ông chủ của Liverpool (John W. Henry), ông chủ của Arsenal (Stan Kroenke) và cả vị chủ tịch nổi tiếng ẩn dật của Tottenham (Daniel Levy).
Chúng tôi cũng tìm ra manh mối của hàng chục nhân vật khác, dù không nổi tiếng bằng nhưng đã hiện diện và đóng vai trò quyết định ở những thời điểm hệ trọng của giải đấu, như thời điểm Abramovich mua Chelsea, thời điểm Manchester United ký hợp đồng với Cristiano Ronaldo, cho tới thời khắc Hoàng gia UAE đặt chân đến thành Manchester.
Mọi sự kiện trong cuốn sách này đều được những nhân vật đã trực tiếp tham gia kể lại. Có nhiều trường hợp mà chính chúng tôi cũng đã góp mặt tại những khoảnh khắc đó, trong suốt quá trình bóng đá Anh thực hiện bước chuyển mình lớn lao nhất của thế kỷ.
Joshua Robinson và Jonathan Clegg
London, tháng 5 năm 2018
PHẦN MỞ ĐẦU
London, tháng 11 năm 2017
L
ần lượt từng người tấp vào khách sạn Churchill ở Mayfair trong những chiếc taxi màu đen, những chiếc xe có tài xế riêng, và cả một chiếc Rolls-Royce màu bạc.
Họ bước vào sảnh khách sạn lát đá cẩm thạch, né đường cho những khách du lịch kéo theo nhiều hành lý cồng kềnh, và nhanh nhẹn rẽ trái để tới phòng họp riêng, nơi họ đã hẹn lịch vào lúc 10 giờ sáng, vừa hy vọng bản thân trông thật tự nhiên, vừa đoán xem những “đồng nghiệp kiêm kình địch” nào đã có mặt. Những cuộc họp này không bao giờ đơn giản cả. Cuộc họp lần trước đã biến thành màn tranh cãi về chuyện ai đóng góp nhiều hơn cho nhóm này, và ai xứng đáng – không, phải là ai được Chúa trao quyền – kiếm được nhiều tiền nhất. Họ đều hy vọng rằng lần này có thể nói chuyện với nhau một cách văn minh hơn, vì dẫu sao đây cũng là một chốn sang trọng.
Đó là một tập hợp những triệu phú, tỷ phú, CEO từ khắp nơi trên thế giới, họ tới từ những lĩnh vực và ngành nghề hết sức khác biệt như chứng khoán Phố Wall, đánh bài poker chuyên nghiệp, cho tới sản xuất thiệp chúc mừng. Hầu hết thành viên trong nhóm đều chẳng có lý do gì để giao du với nhau, và họ cũng chưa hề muốn giao du với nhau. Họ chưa bao giờ chọn nhau làm đối tác – vì không tin tưởng nhau cho lắm, vậy mà giờ họ đều ở đây, vào một buổi sáng thứ
Năm của tháng 11, để làm cộng sự với nhau trong một thương vụ kinh doanh giải trí nổi tiếng nhất hành tinh.
Họ là những đại gia, ông chủ và nhà điều hành của 20 câu lạc bộ tham dự Giải Ngoại hạng Anh. Họ nhóm họp với nhau để đảm bảo rằng con gà đẻ trứng vàng chung của cả nhóm, từng đem về doanh thu 5,6 tỷ đô-la trong một mùa giải, sẽ được tiếp tục vỗ béo với cái tốc độ điên cuồng mà nó đã duy trì trong một phần tư thế kỷ qua. Kể từ năm 1992, tổng doanh thu của Giải Ngoại hạng Anh đã tăng lên tới 2.500%. Nếu tính đến chuyện giải đấu đang được vận hành bởi một nhóm người thù ghét lẫn nhau, thì mức độ tăng trưởng này không hề tồi chút nào.
Trước khi hội nghị thượng đỉnh của những ông trùm này có thể bắt đầu, trước khi những con người mặc vest ấy có thể bàn bạc công việc của cái ngành nghề có sản phẩm xuất khẩu thành công nhất nước Anh, thì họ còn phải nhẫn nại tham gia một thủ tục lâu đời: giao tiếp trước công chúng một cách ngượng nghịu và lúng túng.
Ở ngay lối vào của khách sạn, chủ sở hữu chính của nhiều quỹ đầu cơ và của Câu lạc bộ Bóng đá Liverpool – vị tỷ phú đeo kính John W. Henry, đang nói chuyện phiếm với một cựu nhân viên kinh doanh có mái tóc bạc, giờ đang là người phụ trách vận hành toàn bộ giải đấu – giám đốc điều hành Giải Ngoại hạng Richard Scudamore. Henry vừa mới từ Boston tới đây để cân nhắc việc vực dậy Liverpool dưới thời một vị huấn luyện viên người Đức đeo kính gọng sừng, để râu xồm xoàm, mặc quần thể thao màu xám và trông giống dân bản địa đến nỗi dễ bị nhầm là một ông bố đang nuôi con ở Hackney. Đội bóng này chỉ có một vấn đề là ông chủ của họ biết cách giành chiến thắng, nhưng lại là ở một môn thể thao khác – Henry cũng là ông chủ của đội bóng chày Boston Red Sox.
Người vừa khệnh khạng bước ngang qua họ mà không thèm chào hỏi là Ferran Soriano, một cựu cầu thủ bóng bầu dục từ xứ Catalunya, giờ đây ông ta đang tỏ vẻ vênh vang vì Manchester City lúc đó đã đè bẹp mọi đối thủ cạnh tranh và sắp sửa ẵm chức vô địch Giải Ngoại hạng – dù thực ra đó không phải là đội bóng do Soriano sở hữu. Ông ta chỉ tới họp để đại diện cho ông chủ của mình – một vị hoàng thân của Abu Dhabi đã chi 200 triệu bảng để mua câu lạc bộ, thêm 1 tỷ bảng nữa để mua cầu thủ, chỉ tới Manchester xem một trận bóng duy nhất năm 2010 và không bao giờ quay trở lại. Nhưng nhờ tài năng của Pep Guardiola – vị huấn luyện viên với triết lý kỳ lạ, đồng thời là một thiên tài tự phong đến từ Barcelona, câu lạc bộ vẫn đang được vận hành tốt.
Sáng nay Soriano không đi một mình. Người rảo bước bên cạnh ông ta là Ivan Gazidis, một luật sư đầu trọc từng học tại Oxford. Gazidis cũng đến dự họp thay cho một ông chủ vắng mặt khác, chủ sở hữu của Arsenal và cũng là ông trùm bất động sản kín tiếng – “Silent Stan” Kroenke. Từ khi kết hôn với người thừa kế của tập đoàn Walmart thì Stan dường như ít quan tâm hơn tới việc làm chủ những câu lạc bộ thể thao, ví dụ như đội bóng bầu dục Los Angeles Rams tại giải NFL và đội bóng rổ Denver Nuggets tại giải NBA, mà chỉ quan tâm tới việc làm chủ những sân vận động.
Soriano và Gazidis tạo thành một cặp đôi khá là ngượng nghịu, bởi vì Manchester City đã dành gần một thập kỷ qua cho nhiệm vụ lật đổ Arsenal, mua những cầu thủ tốt nhất của họ và cũng cướp luôn cả lối đá đẹp mắt nhưng không thực dụng – chỉ có một điều khác biệt nho nhỏ, đó là Manchester City thành công hơn hẳn khi áp dụng cùng công thức này.
Đây chính là lý do dẫn tới tình trạng sa sút tinh thần tại một câu lạc bộ lâu đời và nghiêm trang như Arsenal. Huấn luyện viên của đội bóng “Pháo Thủ”, một người đàn ông Pháp 68 tuổi, nổi tiếng với phong cách của một vị giáo sư và lối đá thường bế tắc vào cuối mỗi mùa giải, đang cố gắng đem về cho đội bóng một danh hiệu cuối cùng trước khi về hưu. Nhưng những người hâm mộ của Arsenal không muốn cho ông cơ hội đó. Họ tổ chức biểu tình và căng biểu ngữ trên khán đài, đòi hỏi Arsène Wenger phải cuốn xéo, cùng với cả Silent Stan nữa. Tình hình này đã kéo dài khá lâu, tới nỗi cứ có một cuộc tụ tập hơn một chục người là thể nào cũng thấy xuất hiện một tấm biểu ngữ “Wenger cuốn xéo”. Cũng trong tuần diễn ra cuộc họp đó, một tấm biểu ngữ như vậy đã xuất hiện tại một cuộc biểu tình chống Robert Mugabe1 ở tận xứ Zimbabwe.
1 Cựu Tổng thống Zimbabwe.
Soriano và Gazidis nhanh chóng bước vào phòng họp. Còn Tony Bloom – một tay chơi poker lọc lõi và cũng là một con bạc chuyên nghiệp thì tới chậm hơn một chút. Bloom là chủ của Brighton & Hove Albion – một đội bóng vùng duyên hải có cái tên nghe na ná như tiếng hô xung phong chiến trận trong kịch của Shakespear. Trước khi vào phòng họp, Bloom còn bận rẽ qua nhà hàng trong khách sạn để tham khảo thực đơn bánh ngọt của họ.
Tới khi Bloom sẵn sàng vào cuộc họp thì ông ta đi cùng với Steve Parish – vị triệu phú ngành quảng cáo có mái tóc bóng bẩy, mặc áo vest may đo riêng và ăn nói rất nhanh nhẹn. Parish thường thích đua xe Porsche mỗi khi không phải lo liệu công việc ở câu lạc bộ Crystal Palace do ông làm chủ. Họ cùng bước qua cánh cửa trắng nặng trịch để vào phòng họp, nơi Parish ngồi ngay cạnh chỗ của Bruce Buck, chủ tịch câu lạc bộ Chelsea. Họ ngồi
cạnh không phải do thân thiết gì với nhau, mà là do các ông chủ, các nhà tỷ phú, các đại gia kinh doanh với những tính cách thượng đẳng này vẫn bị giải đấu xếp chỗ ngồi theo thứ tự bảng chữ cái đối với tên câu lạc bộ của họ, để tránh xảy ra những tranh cãi và phiền hà không đáng có.
Đội bóng Palace của Parish ngày hôm đó cần phải chú ý tới phần thảo luận về dự toán doanh thu trong cuộc họp, bởi vì ông ta đang hơi thiếu tiền mặt vào thời điểm này, dù hằng năm mỗi đội bóng đều thu về 150 triệu bảng. Ông ta sắp sửa yêu cầu hai cộng sự của mình, hai chủ quỹ đầu tư khổng lồ ở New York, chồng thêm hàng triệu bảng nữa để mua cầu thủ, giúp đội bóng gồng mình chiến đấu ở nửa sau của mùa giải. (Nếu kết quả thi đấu tiếp tục không có lợi cho Palace, họ phải đối diện với nguy cơ xuống hạng, nhường vị trí cho một ai đó khác tới ngồi cạnh Chelsea vào mùa bóng năm sau.)
Đối với nhà đương kim vô địch Chelsea, đôi khi hay được gọi đùa là Chelski cho giống gốc Nga như ông chủ của đội bóng này, nhà tài phiệt Roman Abramovich – người có khối tài sản lên tới hơn 4 tỷ bảng, thì tiền bạc không phải là vấn đề. Sự giàu có như vậy là cơ sở tạo nên những thói quen xa xỉ như tùy tiện sa thải huấn luyện viên, dù sau đó phải chi trả những khoản bồi thường hợp đồng rất lớn. Cuộc họp này diễn ra mà không có Abramovich, vì ông ta còn đang bận cân nhắc số phận của huấn luyện viên người Italia Antonio Conte – một người khá biết điều nhưng lại có khả năng trở thành nạn nhân thứ 12 chỉ trong vòng 14 năm của nhà tài phiệt. Tuy vậy, Abramovich vẫn cẩn thận dõi theo cuộc họp này từ xa. Dù rất kín tiếng, nhưng gần như không có điều gì diễn ra trong đội bóng hoặc giải đấu mà ông ta không nắm được.
Trong hai tiếng đồng hồ sau đó, đại diện các đội bóng cùng thảo luận về những điều kiện mới đối với nguồn thu nhập đáng giá nhất của họ: bản quyền phát sóng truyền hình Giải Ngoại hạng Anh – thứ sẽ được đem ra đấu giá sau ba tháng nữa.
Trong suốt 25 năm qua, thương vụ bản quyền truyền hình chính là xương sống trong công việc kinh doanh của Giải Ngoại hạng. Giờ đây những trận đấu của giải được phát sóng tới tận 185 quốc gia khác nhau – gần như toàn bộ số quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc (195) – và mỗi dịp cuối tuần thì những trận đấu sẽ được phát sóng tới khoảng 4,7 tỷ người xem truyền hình. Vậy đây không còn là một cuộc họp giữa các đội bóng nữa, nó vừa giống như một hội nghị cổ đông, lại vừa giống buổi họp tổ chức sản xuất của một chương trình truyền hình thực tế, mỗi tập của chương trình đều được phát sóng trực tiếp và đều có 22 nhân vật chính.
Vậy nên không có ai trong cuộc họp phản ứng gì khi Ed Woodward xin phép được nghỉ giữa chừng để nghe điện thoại riêng. Woodward nhận một cuộc gọi từ New York. Là giám đốc điều hành của Manchester United, đội bóng đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York, ông ta cần phải thông báo doanh thu quý 1 tới các nhà đầu tư và chuyên viên phân tích tài chính. Vốn làm trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư ở JPMorgan, đây đúng là chuyên môn của Woodward. Còn chuyện trực tiếp vận hành thành công mội đội bóng thì lại là một nhiệm vụ khó nhằn hơn nhiều đối với ông ta. Woodward luôn sợ làm phật lòng một ông trùm khó tính ở Manchester United, dù đó không phải là các tỷ phú ở Florida – một trong những vị sếp của ông ta, mà là một nhân viên của Woodward, một người được ông ta trực tiếp thuê về làm huấn luyện viên, gã Bồ Đào Nha nóng nảy José Mourinho, người vừa nổi tiếng vì đoạt nhiều
danh hiệu chuyên môn, lại vừa nổi tiếng vì hay chọc tức đối thủ lẫn chủ tịch các câu lạc bộ.
Mourinho đương nhiên là chẳng bao giờ tham dự những cuộc họp như thế này. Ông vẫn đang ở Manchester, sống trong khách sạn sang trọng suốt một năm rưỡi qua mà không đưa gia đình từ London tới ở cùng. Còn đối với cuộc họp ngày hôm đó, thì người gây khó chịu nhất lại là một người đàn ông đeo kính, thấp lùn và trầm lặng, chủ tịch của Tottenham Hotspur, Daniel Levy, là người mặc cả chắc lép nhất giải. Ông ta cực giỏi trong việc bóp nặn từng đồng mỗi khi bán cầu thủ cho các đội bóng khác, và nhờ đó mà Tottenham đã có đủ hầu bao để đập bỏ sân vận động cũ mà họ đã sử dụng từ năm 1899, rồi chuyển sang một khu phức hợp trị giá 850 triệu bảng chỉ cách mái nhà cũ hơn 18 mét – với khán đài có sức chứa lớn gấp đôi và sân cỏ có thể tháo rời.
Sân vận động mới này có nhiệm vụ tổ chức các trận bóng bầu dục NFL quốc tế vào ngày Chủ nhật, đồng thời đóng vai trò một sân khấu xứng đáng với tài năng của Harry Kane – chàng tiền đạo 24 tuổi ghi bàn rất điệu nghệ nhưng thường có biểu cảm khá lạnh lùng, người đang được tung hô là “cứu cánh mới nhất của đội tuyển Anh”.
Không ai trong căn phòng hiểu rõ về sự khó tính của Levy bằng David Gold – người đồng sở hữu West Ham. Ông ta ngồi cách Levy mấy ghế, nhưng có thể dễ dàng nhận ra ông nổi bật giữa một hàng những người mặc vest thương gia sẫm màu. Gold là một người đàn ông đã 82 tuổi, mặc áo vest kẻ ô màu xanh và đi xe Rolls-Royce Phantom tới dự họp, vì vậy trông ông ta như vừa bước ra từ một cuốn tiểu thuyết của P. G. Wodehouse. Và ngoại hình không phải là điểm duy nhất khiến Gold nổi bật giữa những ông chủ có mặt hôm đó. Ông ta là người duy nhất trong phòng đã gây dựng sản nghiệp của mình bằng một hình thức
giải trí đôi khi được đàn ông yêu thích hơn cả bóng đá: tạp chí khiêu dâm.
Ngồi kế bên Gold là nhà lãnh đạo nữ duy nhất dự họp, nữ Nam tước Brady của quận Knightsbridge, tên thật là Karren Brady và còn có biệt danh là “Đệ nhất phu nhân Bóng đá”. Vị phó chủ tịch này của West Ham là một trong những người được nể vì nhất tại bàn họp, không chỉ vì tính cách chuyên nghiệp đến lạnh lùng của mình – bà đã kết hôn với một cầu thủ của đội nhà rồi bán cầu thủ đó cho đội khác tới hai lần – mà còn vì bà là tác giả của một tiểu mục hằng tuần đăng trên tờ The Sun, nơi bà thường xuyên nói xấu lãnh đạo của các đội bóng khác trong Giải Ngoại hạng Anh.
Nhưng buổi sáng hôm đó, dường như mọi người đều cư xử rất biết điều. Họ chấp nhận chịu đựng sự hiện diện của nhau, bởi vì họ cùng có chung quan điểm về một chuyện: Giải Ngoại hạng Anh không chỉ là giải đấu thể thao được xem nhiều nhất trên thế giới. Nó không chỉ ở vị trí số một, mà nó còn bỏ rất xa các đối thủ cạnh tranh khác.
Trong số những người góp mặt tại khách sạn Churchill vào buổi sáng tháng 11 ấy, chẳng có ai xưa kia đã từng góp công gây dựng nên thành quả đó. Nhưng đội ngũ hổ lốn của những nhân vật đã tạo nên Giải Ngoại hạng năm 1992, dù trong thành phần không có một thiên tài nhạy bén nào, vẫn vớ được một cực phẩm, vì Giải Ngoại hạng trong làng thể thao có thể xem như chiếc iPhone trong thế giới điện thoại di động. Chẳng bao lâu sau, tất cả mọi người từ khắp nơi đều muốn tới xí phần. Và thế là chỉ trong một thời gian ngắn, cái nhóm nhỏ của các ông chủ câu lạc bộ này đã khám phá ra công thức để biến những thành phố công nghiệp già cỗi và các đội bóng tên tuổi làng nhàng trở thành tâm điểm chú ý mà cả thế giới không thể cưỡng lại.
Sẽ là khiên cưỡng nếu như coi phần lớn kết quả thu được trong câu chuyện này là “đúng theo kế hoạch”, hay coi những người đạt được các thành quả đó là thiên tài. Nhưng với những sân vận động chật cứng người hâm mộ, với hàng triệu khán giả khắp thế giới, với tiền bản quyền truyền hình đổ về như thác lũ, thì Giải Ngoại hạng ngày nay quả là khấm khá hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đó của bất kỳ ai.
Hoặc ít ra thì nó cũng khấm khá đối với những người ngồi ở hàng ghế lãnh đạo. Những gánh nặng thương trường đang đè lên vai các ngành công nghiệp khác vẫn chưa chạm được tới Giải Ngoại hạng, nhưng các ông chủ đã bắt đầu nhận ra rằng khi vòi bạch tuộc của giải đấu vươn tới khắp các hang cùng ngõ hẻm trên hành tinh, thì nhiều mối liên hệ gốc rễ tại quê nhà cũng đồng thời bị kéo căng. Hệ quả cộng dồn từ những hợp đồng bản quyền, lợi nhuận truyền hình, hàng hóa ăn theo như áo cầu thủ, và cả những chuyến giao lưu quốc tế của các đội bóng – khi giải đấu đã tự bán thân mình cho những ai trả giá cao nhất – dẫn tới giá vé vào sân xem bóng cũng bị kéo lên cao, khách du lịch bóng đá ùa về từ khắp thế giới (làm náo loạn cộng đồng người hâm mộ gốc ở bản địa), và cái logic hợp lý không thể cưỡng lại của lợi nhuận thương mại đã dần đánh bại tình cảm và lòng trung thành tuyệt đối của người dân dành cho các đội bóng – vốn là thứ duy nhất không thay đổi ở nhiều nơi trên nước Anh kể từ trước cả Đệ nhất Thế chiến.
Kết quả là căng thẳng bị gia tăng giữa hai thái cực, một bên là nỗ lực phát triển và bành trướng của một trong những nền công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới, và một bên là những người hâm mộ sở tại của bóng đá Anh – những khách hàng gốc của ngành công nghiệp đó – những người có danh tính gắn liền với sản phẩm của chính ngành công nghiệp đó. Vậy là sau cùng, Giải Ngoại hạng phải đương đầu với những thách thức của công
cuộc toàn cầu hóa, hóa giải sự giằng co giữa việc phát triển và việc giữ gìn bản sắc, để có thể phổ cập hóa một sản phẩm vốn có truyền thống bảo thủ và không ưa việc bị phổ cập.
Khi cuộc họp ở khách sạn Churchill kết thúc, các bên tham gia đều đồng ý giữ bí mật về nội dung mà họ đã thảo luận. Họ tạm biệt nhau và tỏa ra bốn phương tám hướng khắp thế giới, mỗi người đều mang trên tay một miếng bánh sandwich do khách sạn gửi tặng, và mang cả nụ cười trên môi. Bởi vì tất cả đều tin rằng khi họ gặp lại nhau lần sau thì Scudamore – nhân viên yêu thích của họ, đã bán được bản quyền truyền hình mùa sau với một món lời kếch xù.
Và thế là giới triệu phú và tỷ phú – các thành viên của nhóm tập hợp những con người ưu tú này sẽ cùng trở nên giàu có hơn chút nữa.
Phần I
TÁCH RA ĐỘC LẬP
“Nhìn vào đó là thấy được cả tương lai.”
_ Irving Scholar, cựu chủ tịch Tottenham Hotspur
H
01
ơn bốn giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 1992, trong căn hộ ở tầng 24 của Hampshire House, tòa nhà nằm ngay cạnh Công viên Trung tâm của New York, tiếng chuông điện thoại đánh thức ông trùm truyền thông có thế lực nhất thế giới.
Rupert Murdoch quờ quạng vớ lấy ống nghe và đặt lên tai mình. Giọng nói được truyền từ cách đó 3.500 dặm, và âm lượng có vẻ quá to vào thời điểm mờ sáng như vậy. “Chúng ta sẽ phải chồng thêm 30 triệu bảng nữa lên bàn.”
Murdoch lặng lẽ để cho thông tin đó ngấm vào óc mình.
Cái giọng mũi đặc sệt trong điện thoại là của Sam Chisholm – vị giám đốc gắt gỏng người New Zealand được Murdoch thuê về để vực dậy BSkyB, mạng lưới truyền hình thuê bao còn non nớt mà Murdoch vừa gây dựng ở Anh. Và “cái bàn” trong câu nói kia thuộc về các ông chủ của những đội bóng hàng đầu ở Anh, những người đang thương lượng để bán quyền phát sóng truyền hình trực tiếp các trận bóng của họ. 30 triệu bảng là một khoản mà Murdoch sẽ khó lòng bỏ ra.
Ông ta nhắm mắt lại và hít một hơi dài trong bóng tối. Những tháng ngày vừa qua là quãng thời gian mệt mỏi nhất nhì trong đời ông trùm này. Sự xáo trộn tại Fox ở Los Angeles khiến ông ta phải đích thân điều hành mạng lưới kể từ tháng 2. Mãi tới cách đây vài tuần thì ông ta mới kết thúc được cuộc cải tổ tài chính kéo dài hai năm, và kéo được công ty ra khỏi vụ khủng hoảng nợ trầm trọng tới nỗi News Corporation đã bị đẩy tới bờ vực phá
sản. Cũng trong thời gian đó, Murdoch còn phải vật lộn ở Anh để gây dựng BSkyB, dù chưa thu được kết quả gì. Ông ta cảm thấy những công việc này đã khiến mình già đi hàng chục tuổi.
“Thế có được không?” Chisholm hỏi.
Murdoch thở dài. Ông ta quyết tâm phải làm cho BSkyB thành công – không chỉ vì đã đổ tận 2 tỷ bảng vào đó. Ngoài chuyện kiếm tiền, Murdoch còn muốn làm câm họng những vị khách từ London – những người mỗi khi dự tiệc với ông ta thì lại huênh hoang khoe rằng truyền hình ở Anh là hay nhất. Hay ho gì cái xứ chỉ có bốn kênh truyền hình, mà trong đó có hai kênh chỉ suốt ngày chiếu bi-a? Murdoch chẳng muốn tranh cãi nữa. Ông ta hiểu rõ rằng một nền truyền hình hay nhất thế giới thì phải như thế nào – vì mỗi tối ông vẫn xem nó tại nhà, ở Mỹ.
Phải có nhiều kênh hơn. Phải hấp dẫn hơn nhiều. Và chắc chắn là phải không dính dáng tới cái môn bi-a chết tiệt.
Nhưng mặc kệ những nỗ lực tốn kém của Murdoch, công chúng Anh dường như vẫn chẳng buồn ngó ngàng tới các dịch vụ truyền hình vệ tinh của ông ta. Murdoch đã cho ra mắt mạng lưới truyền hình thuê bao được 5 năm rồi, vậy mà BSkyB vẫn thua lỗ 1 triệu bảng mỗi tuần, và còn thiếu 500.000 khách thuê bao nữa để đủ hòa vốn. Giờ đây Chisholm lại đòi thêm 30 triệu bảng để tranh quyền phát sóng một bộ môn thể thao mà rõ ràng Murdoch chẳng hề quân tâm.
Bóng đá Anh.
Murdoch lẩm nhẩm tính toán những con số trong đầu. Ông ta nhăn mặt.
Trong những năm sau đó, Rupert Murdoch chẳng bao giờ còn phải lăn tăn suy nghĩ mỗi khi phải chi thêm vài triệu đô-la để tranh hợp đồng phát sóng các chương trình thể thao. Đến năm 1997 thì ông ta đã chi tổng cộng khoảng 5 tỷ đô-la để rinh về quyền phát sóng các nội dung thể thao, mạnh dạn ký kết những hợp đồng kếch xù với các giải bóng bầu dục, hockey, bóng chày quốc gia, và cả Giải Bóng bầu dục Sinh viên Mỹ. Nhưng vào lúc 4 giờ sáng một ngày giữa tháng 5 năm 1992 thì Murdoch vẫn còn phân vân về chuyện đem cả một gia tài để đánh đổi lấy quyền phát sóng bóng đá Anh. Cảm tưởng như quyết định này thật là lố bịch, vì thực ra ông ta chẳng hề thích bộ môn thể thao này.
Thế nhưng mặt khác, trong thâm tâm Murdoch lại phán đoán rằng nếu có thứ gì đủ khả năng đưa BSkyB vào đà phát triển, thì nó hẳn phải là tường thuật bóng đá trực tiếp. Chính ông ta là người hiểu rõ hơn ai hết rằng bóng đá có khả năng vực dậy một doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Năm 1969, Murdoch mua lại The Sun – khi đó là một tờ báo cánh tả đang thua lỗ, và nhanh chóng biến nó thành một tờ báo lá cải rất nổi tiếng với nội dung là các tin đồn xàm xí, ảnh người mẫu bán khỏa thân, và ít nhất là hơn chục trang báo nói về bóng đá mỗi ngày. Chỉ trong vòng ba năm, nó đã trở thành nhật báo bán chạy nhất nước Anh. Giờ đây, sau gần một phần tư thế kỷ, liệu bóng đá có thể cứu giúp ông ta một lần nữa? Murdoch và Chisholm đã bàn bạc nhiều lần về kế hoạch lợi dụng sức hấp dẫn rộng lớn của bóng đá để bán được thêm ăng-ten chảo thu sóng vệ tinh cho các hộ gia đình trung lưu. Nhưng liệu họ có thể đổ bao nhiêu tiền vào canh bạc này?
Trong mấy ngày vừa qua, Chisholm đã bắt đầu ngần ngừ, thể hiện sự nghi ngại rằng không biết họ có thể mua nổi quyền phát sóng không, không biết đã tới lúc “chuồn” khỏi cuộc đua này
chưa. Cố vấn của công ty, Arthur Andersen, đã khuyến cáo nên cẩn trọng với trò đấu giá kiểu tự sát này, vì ông ta nhận định rằng kiếm ra tiền từ những điều khoản lố bịch như vậy là bất khả thi.
“Thế nào?” Chisholm giục lại.
Murdoch đang cân nhắc một lần cuối cùng. Không còn thời gian để gọi cho các giám đốc của BSkyB hay những thành viên khác trong ban quản trị ở London nữa. Ý kiến của họ sẽ phải chờ xét sau vậy. Lúc này, khi Chisholm đang chờ trên đường dây điện thoại, Murdoch sẽ phải đưa ra một quyết định sẽ làm đảo lộn bóng đá Anh và định nghĩa lại cả hệ thống truyền thông thế giới. Vào thời điểm mờ sáng ở Manhattan ấy, Murdoch chỉ còn phải trả lời một câu hỏi đơn giản.
Ông ta chịu chơi tới mức nào?
Đứng trong sảnh một khách sạn sang trọng ở Tây London với một mớ tài liệu kẹp dưới nách, một phong bì dán kín trong tay, và với nét mặt mệt mỏi đến đờ đẫn, Rick Parry cũng đang tự hỏi bản thân một câu y hệt.
Parry đã tới khách sạn Lancaster Gate vào buổi sáng hôm đó để sẵn sàng cho giây phút quan trọng nhất trong sự nghiệp của mình – và cũng có thể là thời khắc quan trọng nhất của bóng đá Anh kể từ khi một nhóm những người đã tốt nghiệp hai trường Oxford và Cambridge họp bàn tại một quán rượu ở Covent Garden năm 1863 để thông qua bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của môn thể thao này. Parry tới đây để hoàn thiện kế hoạch cho nhóm những đội bóng chuyên nghiệp mạnh nhất toàn quốc tách ra thành lập giải đấu riêng, giải đấu mà không lâu sau đó sẽ trở thành doanh nghiệp thể thao nổi tiếng nhất thế giới. Chỉ còn một phần việc cuối cùng phải thảo luận trước khi họ có thể
cùng dắt tay nhau tiến tới tương lai huy hoàng kia. Vào lúc 10 giờ sáng ở phòng họp trên lầu, Parry phải thuyết trình trước 22 ông chủ câu lạc bộ – gồm các triệu phú tự thân, trùm tài phiệt cỡ nhỏ và doanh nhân tự do – và đưa ra ý kiến chuyên môn của mình về vấn đề nhà đài nào xứng đáng được hưởng quyền phát sóng truyền hình đối với giải đấu mới kia.
Đây là một chi tiết quan trọng. Trong hơn một thập kỷ vừa qua, những con người điều hành bóng đá Anh vẫn luôn cự cãi với nhau về vấn đề thời gian, địa điểm và cung cách tường thuật các trận đấu của họ trên truyền hình – và hơn hết là về chuyện họ cần phải được trả bao nhiêu tiền. Việc tìm ra giải pháp dứt khoát cho vấn đề này đã buộc 22 con người chẳng bao giờ đồng ý với nhau về chuyện gì phải cùng gạt bỏ những khác biệt và hiềm khích để cùng hợp tác. Nỗ lực chung của họ sau đó đã làm thay đổi cơ cấu vốn được duy trì trong hơn một thế kỷ của môn bóng đá, dẫn tới việc cơ quan quản lý thể thao nổi giận và kiện tụng pháp lý tùm lum, dẫn tới các cáo buộc về lòng tham không đáy từ giới báo chí, và còn dẫn tới cả sự thù địch lan rộng trong lòng người hâm mộ trên khắp toàn quốc.
Giờ đây, sau hai năm ròng rã với những cuộc họp bí mật, những màn tranh cãi ở chốn pháp đình, và những đêm thức khuya làm việc dày đặc, nhiều hơn cả tổng số đêm mà Parry đã phải thức trong suốt hai thập kỷ làm kế toán, thì họ đã sẵn sàng để hoàn thành nốt những khâu cuối cùng trong việc cho ra đời một thứ gọi là Giải Ngoại hạng Anh.
Tất cả những gì họ còn phải làm là chọn ra ai đó chịu trách nhiệm phát sóng mùa giải đầu tiên của Giải Ngoại hạng. Họ đã nhận được một đề nghị hợp tác từ ITV. Lời đề nghị còn lại đến từ BSkyB của Murdoch, hay còn gọi là đài Sky. Dù chọn bên nào thì
những đội bóng của họ cũng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử.
Được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành của giải đấu mới này, Parry có nhiệm vụ cố vấn cho nhóm các ông chủ kia về chuyện nên chọn hợp đồng nào. Ở thời điểm đó, không có ai nắm rõ các chi tiết về vận mệnh của Giải Ngoại hạng Anh bằng ông ta. Trong nhiều tháng qua, ông ta đã đàm phán với các nhân vật chủ chốt ở cả hai đài truyền hình. Trong nhiều tuần qua, ông ta đã phải tính toán chi li từng con số và khả năng lời lãi. Trong nhiều giờ đồng hồ của đêm hôm trước, ông ta đã thức để sửa lại bản thuyết trình mà các ông chủ đội bóng muốn nghe sáng nay. Nhưng khi chỉ còn vài phút nữa là phải trình bày ý kiến về một thương vụ hàng trăm triệu đô-la, thì Parry chợt nhận ra rằng ông ta chẳng biết sẽ phải nói cái quái gì.
Từ phía bên kia của sảnh khách sạn, John Quinton – một người đàn ông đeo kính, cựu chủ tịch ngân hàng Barclays và vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Giải Ngoại hạng, trông thấy Parry và bước tới. Quinton không hiểu chuyện gì đang diễn ra, bèn hỏi: “Sao thế hả?” Parry nhún vai và liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Ông ta chỉ còn 20 phút nữa để giải quyết vấn đề này.
Chuyện đang diễn ra là có ai đó đã “xê dịch cột dọc khung thành”, tức là trả thêm giá thầu sau hạn chót. Đêm qua khi có hai giá thầu cuối trong tay, Parry đã yên tâm đi ngủ vì bài thuyết trình đã được hoàn tất: Sky sẽ là cộng sự truyền hình đầu tiên của Giải Ngoại hạng Anh. Họ đã bỏ thầu 44,5 triệu bảng một năm, cao hơn 12,5 triệu bảng so với đài ITV; hơn nữa họ còn cam kết sẽ phát sóng nhiều trận hơn và dành thời lượng lớn hơn cho mỗi chương trình bóng đá, để biến “bóng đá tường thuật trực tiếp” thành một sản phẩm truyền hình đúng nghĩa. Sky cũng hợp tác với cả đài BBC, và điều đó có nghĩa là bất cứ ai sở
hữu một chiếc ti-vi ở Anh đều sẽ được xem diễn biến chính của các trận bóng. Trong tâm trí của Parry, quyết định về bên thắng thầu đã rõ rành rành.
Nhưng quyết định ấy chỉ được duy trì tới hơn 9 giờ sáng hôm đó, khi mà Trevor East – cựu phóng viên bóng đá và giờ là tổ trưởng tổ tin tức bóng đá của ITV, đem tới khách sạn Lancaster Gate hơn hai chục phong bì dán kín có chứa mức giá thầu mới mà ITV đưa ra sau hạn chót, rồi đưa tận tay 22 ông chủ câu lạc bộ bóng đá khi họ lần lượt tới dự họp.
Parry nhìn vào chiếc phong bì đang cầm trên tay và lắc đầu. Dĩ nhiên chơi như thế này là phá luật. Ông ta đã đích thân thông báo rằng các nhà thầu phải đưa ra mức giá cuối cùng của họ và thuyết trình trước chủ tịch các đội bóng vào ngày 14 tháng 5, tức là trước đó bốn hôm. Nhưng Quinton từng cảnh báo ông ta về những chuyện như vậy. ‘Chẳng có luật lệ nào ở đây cả,’ Quinton nói. “Chỉ có kiểu thương lượng thẳng thừng theo lối ‘đập chết ăn thịt’, và ai trụ được tới sau cùng thì đó là kẻ chiến thắng.’ Vậy Parry phải làm gì bây giờ? Ông ta không thể để cho phi vụ đổ bể được. Đây là chuyện hệ trọng liên quan tới hàng chục triệu bảng, và chỉ còn có ba tháng nữa là mùa giải sẽ bắt đầu. Nếu ông ta cố gạt đi cái giá thầu không hợp lệ của ITV, rất có thể Parry sẽ bị đuổi việc từ trước khi diễn ra lễ khai mạc của giải đấu mà ông ta đã đổ biết bao công sức để gây dựng. Những ông chủ của các đội bóng đều đã nắm trong tay mức giá thầu mới này rồi. Họ đã biết là có thêm tiền được ném lên bàn cược rồi đây.
Thế là Parry đành phải làm điều hợp lý duy nhất trong tình cảnh này. Ông ta gọi cho Sam Chisholm và kêu gọi phía bên đó cũng đưa ra thêm một mức giá thầu sau hạn chót. “Chết tiệt,”
Chisholm rít lên, và sau đó là một tràng những ngôn từ tục tĩu. “Chờ chút tôi sẽ gọi lại cho ông.”
Đó là lý do vì sao Parry đứng ngẩn ra giữa sảnh khách sạn để chờ một cuộc điện thoại, dù đang trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, nhưng ông ta chẳng còn biết làm gì ngoài chờ đợi. “Chúng ta sẽ phải trì hoãn việc bắt đầu cuộc họp thôi,” ông ta bảo Quinton.
Đây hoàn toàn không phải là cung cách làm việc của Parry. Ông ta có chuyên môn của ngành kế toán, từng làm việc ở Ernst & Young, luôn tự hào rằng bản thân là một người kỹ tính, là hình mẫu nhân viên mẫn cán vẫn thường thức khuya để đọc quy chế của Hiệp hội Bóng đá Anh – vốn được coi như mã số thuế riêng của bộ môn này – để thấm nhuần cơ chế quản lý phức tạp đã ra đời từ thế kỷ trước. Parry không ưa kiểu làm ăn bất ngờ hay chộp giật. Nhưng kể từ khi bị Graham
Kelly – một người quen cũ đang lãnh đạo Hiệp hội Bóng đá, thuyết phục sang làm ngành bóng đá thì biết bao nhiêu bất ngờ cứ dồn dập tìm tới Parry.
Tất cả bắt đầu kể từ một cuộc tán gẫu năm 1990, khi Kelly tiết lộ cho Parry biết rằng những đội bóng hàng đầu trong nước đang có âm mưu hình thành một giải đấu mới và tách khỏi Football League – tổ chức cổ kính đã coi sóc bóng đá Anh suốt hơn 100 năm qua. Hành động nổi loạn này đương nhiên sẽ vướng phải rất nhiều hàng rào pháp lý và luận lý, bởi vì các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu ở Anh xưa nay vẫn phải ràng buộc với tất cả các đội bóng chuyên nghiệp khắp toàn quốc trong một cấu trúc bốn tầng – 92 đội, rồi tất cả bọn họ lại ngồi trên đỉnh một hệ thống rộng hơn, bao gồm hàng chục phân khu bán chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, tổng cộng có tới hơn 7.000 đội bóng. Chỉ cần bước vào một quán nhậu ở địa phương và tập hợp đủ 11 anh chàng, bạn cũng có thể đăng ký thành lập một đội bóng trong
hệ thống này. Trên lý thuyết thì bất cứ đội bóng nào trong cái khung hình kim tự tháp này cũng có khả năng vươn được lên tới đỉnh, nếu có đủ thời gian và đủ số lần thăng hạng. Đây là cách mà hệ sinh thái của bóng đá Anh đã vận hành, kể từ năm 1899, theo kiểu trật tự sắp xếp thời Nữ hoàng Victoria.
Cho tới đầu những năm 1990, vẫn chưa có ai thấy được lý do nào để thay đổi trật tự ấy.
Nhưng khi các đội bóng hàng đầu có tham vọng ngày càng lớn, thì họ nhìn nhận phần còn lại của bóng đá Anh như một gánh nặng. Cứ mỗi khi họ định thực hiện một cải cách nào đó dù là nhỏ nhất, ví dụ như in tên cầu thủ lên lưng áo thi đấu hoặc tăng thêm thời gian nghỉ giữa hiệp, thì đám đông kia lại xúm vào chì chiết và cản trở họ. Các câu lạc bộ lớn bắt đầu ngán tới tận cổ. Tại sao những doanh nghiệp bóng đá có tiềm năng mạnh nhất toàn quốc lại phải chịu ràng buộc với những tổ chức có ý chí tiến thủ và khả năng phát triển gần như bằng không? Họ âm thầm lên kế hoạch tách riêng phần đỉnh của kim tự tháp, để mặc những kẻ còn lại tự lo thân mình.
Chỉ riêng ý tưởng đó cũng đã táo bạo tới mức khiến cho Kelly phải giở đủ trò để giữ bí mật về các cuộc họp của họ, cấm cả Parry di chuyển tới London. Kelly bảo ông ta rằng họ chỉ được gặp nhau tại khách sạn Midland ở Manchester, một nơi kín đáo phù hợp với việc bàn bạc âm mưu của họ. Và đó đúng là nơi lý tưởng để họp bàn về bóng đá, chỉ trừ một chi tiết nhỏ: có người khác cũng nhận định như vậy. Khi Kelly và Parry được tiếp tân khách sạn dẫn tới bàn ăn của mình, họ nhận ra rằng ban lãnh đạo của hệ thống Football League – những người mà họ đang định qua mặt, cũng chọn nơi này để tổ chức tiệc Giáng sinh.
Những chuyện bất ngờ như vậy dường như đã trở thành một phần công việc của Parry khi làm trong ngành bóng đá. Ở một
cuộc họp bí mật khác, Irving Scholar – ông chủ của Tottenham Hotspur, thậm chí còn phải chui qua cửa sổ phòng bếp của khách sạn để trốn khỏi đám nhà báo đang chầu chực ngoài cổng. Sau khi trải qua nhiều phen bất ngờ thì Parry tự nhủ với bản thân rằng, đáng ra mình phải tiên liệu trước được cái trò “nộp bài quá hạn” của ITV.
Đứng trong sảnh khách sạn, Parry một lần nữa liếc đồng hồ. Ở những thời điểm như thế này thì ông ta mới thấy chẳng thể hiểu nổi tại sao mình lại đâm đầu vào cái công ty vô lối này, rồi lại còn làm cả giám đốc điều hành của họ.
Parry đã tới văn phòng chi nhánh Liverpool của hãng Arthur Young để làm kế toán từ năm 1979, rồi sau đó dần vươn tới vị trí cố vấn quản trị cấp cao. Năm 1990 khi thành phố Manchester lao vào một cuộc đua với mục tiêu phù phiếm là đem Thế vận hội 1996 về đăng cai tại đô thị nhiều mưa nhất nước Anh, Parry được cử tới góp sức trong đội vận động tranh cử, do ông ta cũng là một con dân của vùng tây bắc. Tuy giấc mơ Thế vận hội của Manchester tan thành mây khói, nhưng công sức của Parry trong cuộc vận động đã khiến ông ta lọt vào mắt xanh của những lãnh đạo hàng đầu trong giới thể thao ở Anh. Và khi lạc vào thế giới đó, Parry đã gặp một nhóm doanh nhân trẻ có tham vọng và có một mục tiêu phù phiếm của riêng họ.
Họ muốn kiếm bộn tiền từ bóng đá Anh.
V
02
ào những năm 1980 thì bóng đá – trò giải trí quốc dân ở Anh, rõ ràng không phải là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn đầu tư để kiếm lời. Gần như không có một món lời nào được sinh ra từ nó.
Tới cuối thập niên 1970 thì mới xuất hiện quảng cáo ở đường biên sân bóng dành cho các doanh nghiệp tài trợ. Và ngay cả khi đó thì nguồn thu từ quảng cáo cũng chỉ gần đủ để chi cho việc nuôi trồng cỏ trên mặt sân. Mãi sau này người ta mới tính đến chuyện tường thuật trên truyền hình, còn khi đó thì chuyện ấy bị coi là một ảnh hưởng xấu xa đối với trận bóng, một trò mưu hèn kế bẩn nhằm giữ người hâm mộ ở nhà thay vì mua vé vào sân, đứng trên khán đài dưới bầu trời xám xịt và cơn mưa dai dẳng để xem đội bóng địa phương tiếp tục hòa thêm một trận 0- 0 nữa.
Gần như toàn bộ khoản doanh thu ít ỏi mà bóng đá kiếm được đến từ tiền bán vé ở sân vận động, và nguồn thu này vẫn giảm đều đặn kể từ thập niên 1960. Cũng không khó để thấy được lý do vì sao nó lại giảm liên tục như vậy. Trải nghiệm tới sân xem bóng đá không hề vui vẻ gì hơn so với việc đứng chờ xe buýt.
Mỗi sân vận động chỉ là một cái xác, một bộ khung ọp ẹp. Rất nhiều trong số chúng chưa hề được tu sửa kể từ khi được dựng lên ở các quận nội thành hay những thị trấn công nghiệp khắp đất nước trong thời kỳ suy tàn của thế kỷ XIX. Với trang thiết bị lạc hậu và sơ sài, chúng luôn ở trong tình trạng gây nguy hiểm cho người sử dụng, có thể thấy rõ điều đó qua những mái che
dột nát và hàng rào hoen gỉ. Đồ ăn thức uống được bán trong sân còn tệ hại hơn nữa.
Với nhiều khuyết điểm và ít ưu điểm như vậy, việc bóng đá không thu hút được sự quan tâm của những bộ óc lớn trong giới kinh doanh âu cũng là điều dễ hiểu. Chủ tịch của các đội bóng ngày ấy thường làm trong ngành xây dựng hoặc thực phẩm, dù không kiếm được tiền từ đội bóng nhưng vẫn vui vẻ móc hầu bao bỏ ra vài ngàn bảng mỗi khi đội bóng cần tiền – và còn vui vẻ hơn khi được tán dương bởi ban quản trị câu lạc bộ vào mỗi chiều thứ Bảy. Họ không hề bận tâm tới chuyện lượng khán giả tới sân sụt giảm hay việc thiếu đầu tư kinh niên, bởi vì họ thấy những vấn đề đó là không cần thiết. Họ như con cá lớn trong một cái ao nhỏ, tự coi mình là người trông coi, bảo tồn một phong tục của địa phương chứ không phải là người sử dụng nó để kiếm tiền. Chẳng qua chỉ là làm chủ một đội bóng thôi, chứ đâu phải điều hành thứ gì to tát cỡ như hãng hàng không quốc gia.
Những vấn đề của bóng đá bị bỏ mặc, không ai giải quyết. Chúng cứ lớn dần lên, và tới những năm 1980 thì bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Đó là một thập kỷ mà nước Anh đã thay đổi tới mức không còn nhận ra nổi, với một cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, những vụ bạo động nơi đô thị, xung đột ở quần đảo Falklands và xu hướng phi điều tiết hóa trong ngành tài chính… Tất cả đã tạo nên những biến đổi rất lớn trong hệ thống chính trị và xã hội, đồng thời bóng đá Anh cũng trải qua một cuộc biến đổi của riêng nó: từ môn thể thao quốc gia biến thành nỗi hổ thẹn quốc gia.
Các vụ ẩu đả và náo loạn trên khán đài đã trở thành một yếu tố không thể thiếu của mỗi trận bóng, người ta dần quen với việc ngoài rìa sân bóng bắt buộc phải có trọng tài biên và cột cờ phạt
góc, còn trên khán đài bắt buộc phải có ẩu đả. Bạo loạn cứ liên tục diễn ra mặc dù các câu lạc bộ đều đã cẩn thận chia tách cổ động viên đội nhà và đội khách ra các khu vực được căng dây cách biệt, hoặc bắt họ vào sân từ những cổng khác nhau – những biện pháp tồn tại từ thập niên 1960 tới tận ngày nay. Thế rồi việc lắp đặt camera theo dõi để ngăn chặn bạo loạn trong sân vận động chỉ có tác dụng đẩy những cuộc giao tranh ra ngoài đường, nơi cảnh sát và người hâm mộ đụng độ với nhau nhiều như cơm bữa. Các băng đảng người hâm mộ quá khích được hình thành với những cái tên như Chelsea Headhunters (Thợ săn đầu người Chelsea), Cleethorpes Beach Patrol (Đội tuần tra bờ biển Cleethorpes) hay West Ham’s Inter City Firm (Doanh nghiệp liên thành phố West Ham). Họ biến những khu dân cư quanh các sân vận động thành địa bàn và thành chiến trường, biến sự hâm mộ bóng đá thành việc loạn đả và chiếm giữ địa bàn. Khi đó yếu tố nguy hiểm lớn nhất trong việc tới sân xem bóng không còn là yếu tố cơ sở vật chất tồi tàn, lạc hậu nữa, mà sự nguy hiểm đến từ bầu không khí sặc mùi bạo lực – và ngoài ra còn sặc cả mùi nước tiểu.
Khi tình hình trên khán đài ngày càng xấu đi, thì chính trận đấu trên sân cũng bị tiến hóa ngược, trở về với hình hài nguyên thủy của nó: một trò bạo lực gần như có tổ chức, trong đó dân làng của hai ngôi làng cùng nhau đánh lộn, với một quả bóng nằm đâu đó ở giữa họ. Bóng đá Anh khi xưa vốn nổi tiếng vì lối chơi thô bạo và trực diện, rất ít sự tinh tế về kỹ thuật mà lại nhiều sự hung hăng trong các pha va chạm. Trong thập niên 1980 thì chủ yếu các đội bóng hàng đầu đều gắn chặt với chiến thuật “chuyền dài vượt tuyến”, đó là lối chơi mà mỗi khi ai đó có cơ hội là lập tức tung ra những đường chuyền bổng vượt qua gần hết chiều dài của sân bóng. Sau đó họ hy vọng rằng bóng sẽ nảy tiếp một cách may rủi để tạo ra lợi thế, hoặc có cầu thủ đối phương nào đó bị gục ngã khi tranh bóng bổng và bảo vệ khung thành.
Lối chơi này đem lại tỷ lệ chuyền chính xác rất thấp, và thời gian cầm bóng cũng rất ít. Bất cứ cầu thủ nào cố thể hiện kỹ thuật cá nhân hoặc áp dụng chiến thuật khác đều sẽ bị thay ra ngoài sân. Chẳng ai dám lên tiếng nghi ngờ mức độ hiệu quả của lối đá này, dù ai cũng thấy rằng xem trận đấu chỉ toàn những pha bóng như vậy thì thật tẻ ngắt.
Tất cả những điều trên là dấu hiệu của một bộ môn thể thao đang thoái trào, và năm 1985 đã đánh dấu việc bóng đá Anh tụt xuống tận đáy – hoặc ít nhất là lần đầu tiên chạm đáy. Hồi tháng 5 năm ấy, một vụ cháy xảy ra trong trận đấu của câu lạc bộ Bradford tại sân vận động Valley Parade, do một đầu mẩu thuốc lá làm bén lửa vào đống rác rưởi chồng chất ngay phía dưới khán đài. Do khán đài không hề có lấy một cái bình cứu hỏa nên vụ cháy đã khiến cho 56 người thiệt mạng. Cũng trong cùng tháng đó, khi Liverpool tới sân vận động Heysel ở Bỉ để đấu trận chung kết Cúp Châu Âu với siêu cường bóng đá Ý là Juventus, cổ động viên của hai câu lạc bộ đã đánh nhau dữ dội tới mức 39 người chết và hơn 600 người bị thương. Trong khoảng thời gian giữa hai thảm họa đó, tờ The Sun đã đăng tải một bài báo dường như diễn đạt quan điểm của công chúng và cả quan điểm của những nhân vật đứng đầu chính phủ – rằng bóng đá là “một trò giải trí hạ đẳng, dành cho những con người hèn kém chơi tại những sân vận động ổ chuột”.
Vậy là coi như bộ môn thể thao chuyên nghiệp này đã chính thức bị hắt hủi.
Tới cuối mùa giải năm ấy, doanh nghiệp tài trợ chủ lực là hãng Canon tuyên bố bỏ mặc giải đấu. Lượng khán giả tới sân xem bóng chạm mức thấp nhất kể từ những năm 1920. Xem ra là bóng đá sẽ phải chịu chung số phận lụi tàn cùng với những trò tiêu khiển cổ điển khác của thời Nữ hoàng Victoria như săn gấu,
đấm bốc không găng hay xâm chiếm những vùng đất hẻo lánh xa xôi làm thuộc địa. Nói theo một cách khác thì nó hoàn toàn không phải là một ngành kinh doanh mà người ta muốn đầu tư vào nữa.
Nhưng chính tình thế như vậy lại là một cơ hội vô cùng hấp dẫn trong mắt của một vị doanh nhân trẻ tên là David Dein.
David Dein luôn thích tự coi bản thân là một người có khả năng đánh hơi được những thương vụ đầu tư béo bở mà người khác không biết tới. Kể từ khi ông ta bỏ dở chương trình đại học năm 21 tuổi để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, Dein đã chứng minh được sự nhạy bén của mình.
Khởi nghiệp bằng việc nhập khẩu hoa quả nhiệt đới vào chợ Shepherds Bush, Dein cung cấp các loại xoài, khoai lang và các sản phẩm ngoại quốc khác cho cộng đồng người gốc Caribe đang ngày càng đông ở London. Tới năm 36 tuổi, ông ta dùng kỹ năng tiếp thị của mình để nhảy sang ngành môi giới thương phẩm, lập ra công ty London & Overseas và đạt kim ngạch giao dịch 42 triệu bảng trong năm 1981. Với sự tháo vát bẩm sinh, sức hút nhẹ nhàng và làn da hơi rám nắng, Dein cho rằng những thành công mà ông ta đạt được đều xuất phát từ khả năng đánh giá tình hình, xác định giá trị sản phẩm để đưa bản thân vào vị trí có lợi, và cả sự liều lĩnh khi cần thiết. Nhưng tới năm 1983 thì vận may của Dein trên thương trường bắt đầu kém đi. Công ty của ông ta trở thành nạn nhân trong một vụ lừa đảo có liên quan tới một thương gia Ấn Độ, mấy ngân hàng đầu tư và cả một chuyến hàng xuất khẩu đường sang Nigeria. Phải tới mấy năm sau Dein mới có thể gỡ được hết những rắc rối mà thương vụ này gây ra. Còn ngay khi đó thì ông ta chỉ thấy rằng công ty của mình sẽ phá sản trong một sớm một chiều, với khoản nợ chồng chất lên tới 20 triệu bảng. Nhưng đó cũng là động lực
thúc đẩy Dein lao ra tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới mẻ hơn. Chưa cần đi khỏi London, ông ta đã vớ được chính xác thứ mà mình đang kiếm tìm: một doanh nghiệp lao đao đang hoạt động trong một thị trường ảm đạm, mà ông ta cho rằng có tiềm năng vực dậy.
Tháng 2 năm 1983, Dein chi 292.000 bảng Anh để mua 16,6% cổ phần của Câu lạc bộ Bóng đá Arsenal.
Ngay cả đối với một người làm giàu theo kiểu mạo hiểm như Dein thì thương vụ đầu tư vào Arsenal vẫn bị đánh giá là quá liều mạng. Câu lạc bộ này chỉ là một tổ chức già cỗi nằm ở bắc London, chưa từng thắng giải đấu nào trong hơn một thập kỷ vừa qua, và sân nhà Highbury của họ ảm đạm tới nỗi nó bị gọi chệch sang cái tên Library – thư viện. Các đối tác làm ăn của Dein khá ngạc nhiên, còn bạn bè thì đều thất kinh khi nghe ông ta kể về thương vụ này. Ngay cả Peter Hill-Wood, ông chủ của câu lạc bộ và chính là người đã bán cho Dein chỗ cổ phần kia, cũng gọi khoản đầu tư ấy là ‘điên rồ’.
“Xét một cách toàn diện, thì chỗ tiền ấy coi như đi tong.” Hill Wood khi ấy đã nói như vậy.
Nhưng Dein lại không nhìn nhận như vậy – và đó cũng không phải là lần duy nhất mà nhận định của ông ta đối với Arsenal hoàn toàn trái ngược với nhận định của những người còn lại trong ban quản trị đội bóng. Những cổ đông còn lại hầu hết đều thuộc dạng người giống như Hill-Wood – học từ trường Eton cổ kính, thích hút xì gà và thừa hưởng cổ phiếu từ người ông nội đã làm cổ đông Arsenal từ năm 1919. Tương tự như phần lớn các ông chủ đội bóng khác ở Anh khi ấy, Hill-Wood được thừa kế quyền điều hành câu lạc bộ, và coi đó như chuyện được thừa kế một tòa lâu đài đổ nát ở miền nam nước Pháp, không thể sử dụng vào mục đích kinh doanh mà chỉ là một gánh nặng tài
chính suốt đời. “Tôi chưa bao giờ nhìn nhận một câu lạc bộ bóng đá là một tài sản có giá trị tài chính,” ông ta nói. “Ngày xưa chúng tôi thường mua cổ phiếu với giá vỏn vẹn chỉ mỗi 30 đồng shilling, thế nhưng thực lòng vẫn coi đó là một trò phung phí tiền bạc.”
Dein thì lại rất sẵn lòng đánh đổi gia tài của mình lấy cổ phiếu.
Trong suốt thập kỷ sau đó, ông ta không ngừng nỗ lực bành trướng cổ phần của mình ở Arsenal. Người ta còn kháo nhau rằng ông ta đã đi một chuyến dài 800 dặm lên tận Scotland chỉ để năn nỉ xin mua hai cổ phiếu từ tay một bà già sống trên ấy, nhưng Dein chưa công nhận độ xác thực của câu chuyện này. Tới năm 1989 thì số cổ phần nằm trong tay ông ta đã lên tới 41%, Arsenal thì giành được một số chức vô địch, và Dein được coi là một trong những nhà lãnh đạo bóng đá nổi bật nhất toàn quốc. Ngược lại, vẫn còn những kẻ muốn chế giễu Dein, họ sử dụng những lời xúc phạm theo lối quý tộc, họ gọi vị phó chủ tịch nổi tiếng nhất trong giới bóng đá là một kẻ “trưởng giả học làm sang”. Tuy nhiên, Dein vẫn kiên định và quyết tâm gia nhập một nhóm nhỏ những nhà lãnh đạo có chung chí hướng, với mục tiêu kéo bóng đá Anh ra khỏi tình trạng của thế kỷ XIX, dù khi ấy đã là cuối thế kỷ XX.
Dein không cần đi đâu xa để tìm ra những cộng sự như vậy. Từ năm 1982, Irving Scholar – một ông trùm địa ốc, đã hoàn tất hợp đồng mua một doanh nghiệp chỉ nằm cách sân Highbury có bốn dặm, đó là một đống gạch vữa rất trang nghiêm có tên là Câu lạc bộ Bóng đá Tottenham Hotspur. Trong nhiều năm qua Scholar từng thấy Dein lái những chiếc xe thể thao có biển số đặc biệt, và cũng có quen biết qua loa với người anh trai của ông ta là Arnold Dein. Nhưng hai nhà lãnh đạo này chưa từng thực sự gặp gỡ nhau. Giống như Dein, Scholar cũng là một người tự
thân làm giàu. Và lại giống như Dein, ông ta cũng tự cho rằng mình là một người tinh tường và nhạy bén hơn các ông chủ câu lạc bộ khác ở Anh. Việc ông ta mua Tottenham được coi như một cuộc thôn tính, vì ông ta đã dọa dẫm những cổ đông cũ để lén lút mua về cổ phiếu với giá rẻ, từ đó bon chen vào hội đồng quản trị của câu lạc bộ. Tổng cộng, Scholar đã chi 600.000 bảng để mua 25% cổ phần, dùng chúng để chiếm quyền kiểm soát đội bóng mà ông ta đã muốn có từ nhỏ.
Trên phía bắc, Martin Edwards cũng có được quyền điều khiển Manchester United bằng thủ đoạn gần như tương tự. Cha của ông ta – một thương gia bán thịt ở địa phương, có biệt danh là Louis Edwards “Sâm panh” do sở thích uống rượu sâm panh và hút xì gà xịn, đã lặng lẽ gom về 50% cổ phần của câu lạc bộ bằng cách lần tìm từng cổ đông riêng lẻ và mua cổ phiếu của họ. Khi Louis mất vì một cơn đau tim năm 1980, Martin thừa kế vị trí chủ tịch Manchester United. Ông ta nhanh chóng trở thành thành viên thứ ba của nhóm lãnh đạo muốn hiện đại hóa bóng đá Anh, từ một chuyến du đấu trước mùa giải 1983 tới Swaziland – một vương quốc nhỏ bé không có biển ở phía nam châu Phi, nơi được chọn làm địa điểm du đấu do nạn phân biệt chủng tộc Apartheid1 khi ấy khiến các đội bóng Anh không thể thi đấu ở quốc gia Nam Phi bên cạnh. Tottenham cũng tham gia chuyến du đấu đó – và một đội bóng gọi là Tottman với các cầu thủ từ cả hai câu lạc bộ này đã đánh bại đội tuyển quốc gia Swaziland với tỷ số 6-1 ngay trên sân vận động quốc gia Somhlolo ở thủ đô Lobamba – nơi mà Edwards và Scholar đã chia sẻ với nhau những nỗi phiền muộn của họ về giải bóng đá Anh, về sự trì trệ không chịu thay đổi, về các tiểu ban hay những tổ chức hoàn toàn vô tích sự, và cả về khả năng làm thương mại kém cỏi tới mức kinh ngạc.
1 Apartheid là chính sách phân biệt chủng tộc trước đây đã được tiến hành ở Nam Phi, từ Apartheid trong tiếng Hà Lan dùng ở châu Phi có nghĩa là sự riêng biệt, nó miêu tả sự phân chia chủng tộc giữa thiểu số người da trắng và phần đông dân số người da đen.
“Ba chúng tôi dường như là một câu lạc bộ nhỏ – nằm trong một câu lạc bộ lớn,” Scholar nhận định về bộ ba lãnh đạo cùng trạc tầm 40 tuổi này. “Chúng tôi có điểm chung là cùng yêu bóng đá và cùng muốn môn bóng đá trở nên khấm khá. Chúng tôi biết rằng nếu bóng đá khá lên thì mọi thứ khác sẽ cùng khá lên theo.”
Dein, Edwards và Scholar không phải là những người duy nhất muốn cải tổ bóng đá Anh vào thời điểm đó. Có nhiều người khác sau đó cũng gia nhập vào “hội những kẻ khuấy động” ấy, trong đó tiêu biểu là chủ tịch Phil Carter của Everton và Noel White của Liverpool. Khi có thêm hai vị này thì coi như nhóm “Big Five” gồm những đội bóng hàng đầu ở Anh thời bấy giờ đã góp mặt đủ.
Nhưng quay lại thời điểm năm 1985, khi bóng đá Anh vẫn đang sa lầy trong khủng hoảng, vắng mặt trên truyền hình và đâm đầu tới chỗ kiệt quệ tài chính thì chỉ có ba con người đầu tiên là hăng say trong những cuộc thảo luận về chủ đề phá vỡ cơ chế cũ kỹ của môn thể thao này. Và tầm nhìn của họ cuối cùng đã dẫn tới cuộc họp ở khách sạn Lancaster Gate vào buổi sáng tháng 5 năm 1992. Họ đã sớm phác thảo ra một giải đấu hiện đại, mang tính thị trường cao và thân thiện với truyền thông, cùng với những sân vận động an toàn và có khả năng thu hút cả khán giả lẫn các tập đoàn tới đầu tư. Giải đấu này cũng phải biết vận dụng sức mạnh của công nghệ truyền hình để biến các đội bóng của họ thành những doanh nghiệp trị giá hàng tỷ đô-la.
Khi ấy, bản phác thảo này được đặt tạm một cái tên: Giải Bóng đá Quốc gia – The National Football League.
Thời kỳ David Dein làm lãnh đạo ở Arsenal (bắt đầu từ năm 1983 và kết thúc năm 2007) sẽ mãi mãi ghi dấu ấn với một chuỗi bất bại, khi mà đội bóng “Pháo Thủ” thi đấu tất cả 38 trận của mùa giải 2003-2004 mà không để thua một trận nào. Kỷ lục này chưa từng được thiết lập kể từ những năm 1880, và cho tới nay cũng chưa thể bị xô đổ. Dein, với tư cách là phó chủ tịch và tham gia vào tất cả các thương vụ chuyển nhượng, được coi là một trong những kiến trúc sư xây dựng nên hình tượng Arsenal.
Nhưng đó không phải là lần đầu tiên mà Dein được chứng kiến sự tuyệt hảo, sự hoàn mỹ trong thể thao. Điều ấy đã xảy ra từ tận ba thập kỷ trước đó, ngay khi Dein vừa cưới một cô vợ người Mỹ tên Barbara và hai người quyết định đi nghỉ ở Miami. Ở đó Dein đã được giới thiệu một môn bóng đá khác – bóng đá Mỹ, hay còn gọi là bóng bầu dục. “Larry Csonka… anh ta nặng tới 200 kí-lô, người to như quả núi, vững chãi như một bức tường!” Đây là lời bình luận trong một trận đấu năm 1972 của đội Miami Dolphins.
Đội bóng Dolphins ở mùa giải năm 1972 là một huyền thoại trong làng thể thao nhà nghề của Mỹ, và vẫn là đội vô địch NFL duy nhất mà không để thua một trận nào. Cho tới nay, mỗi khi các đội trong mùa giải mới đều đã thua một trận thì những thành viên năm xưa của Dolphins lại tụ họp với nhau để mở sâm panh ăn mừng, vì như vậy kỷ lục của họ sẽ tiếp tục được bảo toàn. Đội Dolphins cũng gây ấn tượng lớn đối với David Dein, dù ấn tượng ấy không đến từ tiền vệ Bob Griese hay hậu vệ lừng danh Larry Csonka. Dein bị mê đắm bởi những màn hình lớn ở sân vận động của Dolphins, những khu sảnh rộng rãi với
đủ các cửa hàng bán đồ ăn ngon, và cả đội ngũ hoạt náo viên nữa. Ông ta nhận ra, đây chính là cách tổ chức một sự kiện thể thao hàng đầu.
“Đó quả là một chuyến đi mở rộng tầm mắt,” Dein nói. “Tôi đã hiểu ra rằng đó mới là đường lối đúng đắn để vận hành một môn thể thao. Cái cách mà họ đem nó đi tiếp thị – khiến cho người ta thấy rằng đó không chỉ là một trận đấu dài 90 phút, mà là cả một sự kiện. Sự kiện này có thể thỏa mãn nhu cầu giải trí cho cả một gia đình, được hộ tống đầy đủ với những cửa hàng tươm tất – giúp cho bạn có được một bữa ăn tử tế. Thậm chí nhà vệ sinh ở đó cũng rất tiện nghi.”
Chuyện về nhà vệ sinh thì không hề là một sự thêm thắt hay là một điểm cộng sau cùng. Dein từ lâu đã muốn tuyên chiến với nhà vệ sinh và các khu công trình phụ tại sân bóng đá ở Anh. Đối với ông ta, chúng như đại diện cho tất cả những điều tồi tệ trong môn thể thao này.
Có khá nhiều mối nguy hiểm rình rập khán giả tới sân xem bóng đá ở Anh trong thập niên1980 – đó là những sân vận động đổ nát, các cổ động viên quá khích, và cả thời tiết ẩm ương ở xứ này – nhưng trong tâm trí Dein thì không có gì khó chịu hơn là trải nghiệm đi vào nhà vệ sinh của sân vận động. Chúng không chỉ thô sơ mà lại còn dơ dáy, thường không có mái che mà chỉ bao gồm tường quây bằng thiếc và một cái rãnh đào dưới đất (nếu bạn còn muốn hỏi thêm về tình trạng của các nhà vệ sinh dành cho nữ, thì xem ra là chúng tôi vẫn chưa miêu tả đủ về cái hoàn cảnh bết bát của bóng đá Anh khi đó.) Một điều tồi tệ hơn nữa là, giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu chỉ kéo dài có 10 phút – khoảng thời gian quá ngắn khiến cho nhiều khán giả không thể xếp hàng chờ ở nhà vệ sinh, mà chuyển sang “tè bậy” khắp nơi.
“Chúng ta làm trong ngành giải trí,” Dein vẫn luôn nhấn mạnh với những ông chủ đội bóng khác tại các cuộc họp của giải đấu. “Khách hàng phải nhận được những trải nghiệm vui vẻ, chứ không phải là xếp hàng chờ 10 phút rồi vẫn không được vào nhà vệ sinh. Cần phải làm cho tử tế lên.”
Dein vô cùng chán nản khi thấy những ông chủ kia không hề suy chuyển gì trước ý kiến của ông ta về nhà vệ sinh. Phải mất tới 5 năm thì Dein mới có thể thuyết phục được họ tăng thời gian của giờ nghỉ giữa hiệp lên 15 phút. Còn chuyện thay đổi trải nghiệm đi vệ sinh ở giải bóng đá Anh lại là mục tiêu tốn thời gian hơn rất nhiều.
Tuy vấn đề nhà vệ sinh đành phải gác lại xử lý sau, nhưng Dein lại đạt được tiến triển ở những mặt trận khác. Không lâu sau khi Dein tham gia điều hành Arsenal, sân vận động của câu lạc bộ này đã bắt đầu cho thấy rằng ông ta chịu ảnh hưởng từ ngành công nghiệp thể thao Mỹ. Khán đài B của sân được lắp đặt thêm mái che và các khán phòng hạng thương gia vào năm 1988. Trong những năm sau đó, họ liên tục lắp thêm các màn hình khổng lồ, cửa hàng đồ lưu niệm cỡ bự, khu bảo tàng riêng của câu lạc bộ, và năm 1994 thì xuất hiện linh vật đầu tiên – một chú khủng long màu xanh cao 2,4 mét đội mũ lưỡi trai có tên là Gunnersaurus, được thiết kế bởi một cậu bé 11 tuổi trong cuộc thi sáng tác linh vật cho đội nhà.
Ảnh hưởng từ giải NFL không lâu sau cũng lan ra khắp phần bắc London, ở cả sân White Hart Lane của Tottenham. Ngay sau khi nắm quyền điều hành đội Spurs, Irving Scholar cũng thực hiện một chuyến đi tới Mỹ để tìm kiếm những ý tưởng thương mại và tiếp thị –một mảng mà Tottenham đã bị tụt lại đằng sau. Spurs chỉ mới ký kết hợp đồng tài trợ hình ảnh in trên áo thi đấu vào
năm 1983 với hãng bia Holsten, và là một trong những đội bóng hàng đầu cuối cùng chịu in logo của nhà tài trợ lên áo cầu thủ.
Scholar không biết tới giải NFL với tư cách là khán giả xem đội Miami Dolphins giống như David Dein, mà ông ta có hẳn một mối quan hệ tay trong – lại còn là một tay trong cỡ bự, một người đã thay đổi giải đấu và gặt hái những thành quả vang dội tới tận ngày nay.
Người đàn ông ấy tên là O. J. Simpson.
Chuyến đi của Scholar sang Mỹ lại trùng hợp đúng vào dịp giải NFL đang muốn mở rộng dấu ấn của nó ra khắp toàn cầu. Một ý tưởng để thực hiện điều này là tổ chức các trận đấu trước thềm mùa giải ở London, diễn ra giữa những đội đã đấu trận Super Bowl của mùa trước. Và bằng cách nào đó Scholar đã được chọn làm người trung gian tổ chức. Vậy là Scholar có cơ hội tiệc tùng với một người mặc tuxedo tên O. J. và một người mặc áo khoác lông thú tên Nicole Brown tại New York trong một đêm năm 1983 – mỗi khi nhớ về dịp đó thì Scholar thường nhận xét rằng “Đẳng cấp thượng lưu thực sự!” Ngày hôm sau, Simpson đã giới thiệu Scholar với ủy viên hội đồng của giải NFL là Pete Rozelle tại trụ sở NFL ở Park Avenue. Và dù ý tưởng tổ chức trận tái đấu của Super Bowl mùa trước chưa bao giờ trở thành hiện thực, Scholar đã quay về London với một ấn tượng mạnh về cung cách làm ăn của giải NFL. “Xét về sức hấp dẫn thương mại, thì nó quả thật là tuyệt vời,” ông ta nhận định. “Nhìn vào đó là thấy được cả tương lai.”
Trong những năm sau đó Scholar tiếp tục tham quan học tập giải NFL, tới dự một trận đấu của đội New York Jets năm 1987 cùng với Martin Edwards, người cũng nhanh chóng trở nên hứng thú với chiến thuật tiếp thị của NFL. 5 năm sau thì Manchester United của Edwards cho ra đời bộ đồng phục thi
đấu trên sân khách màu đen, với kiểu dáng giống đồng phục thi đấu màu đen của đội Los Angeles Raiders một cách đáng ngờ vực. Nếu ông chủ của Raiders là Al Davis nhận ra thì có lẽ ông ta đã phải khởi kiện.
Trong cả thập kỷ trước năm 1992, khi xuất hiện làn sóng mới yêu cầu cải tổ bóng đá Anh để biến đổi một bộ môn thể thao vẫn còn mang nặng tính nghiệp dư thành một sản phẩm giải trí của thế kỷ XXI, thì giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ NFL chính là hình mẫu nghiên cứu dành cho Dein, Scholar và Edwards. Nó đã giúp họ định hình tư duy về tất cả mọi thứ, từ xác định thương hiệu kinh doanh cho tới cấu trúc điều hành quản lý, từ những ý tưởng dành cho đại cục cho tới những chi tiết nhỏ như in tên cầu thủ lên lưng áo thi đấu. Trong công cuộc dung hòa một môn thể thao đã già tới cả thế kỷ với những yếu tố thương mại của thời đại mới, thì chẳng ai ngần ngại việc sao chép những ý tưởng đã thành công sẵn.
Nhưng trong tất cả những gì mà họ đã học tập được từ bên kia bờ đại dương, thì có một bài học nổi bật hơn hẳn: nếu thực sự muốn kiếm được tiền từ việc làm chủ một đội bóng thì tiền ấy phải là đến từ ngành truyền hình.
K
03
iếm tiền từ truyền hình xem ra vẫn còn là một viễn cảnh bất khả thi khi mà Irving Scholar, Martin Edwards và mấy ông chủ đội bóng khác nhóm họp vào năm 1985 ở
khách sạn Posthouse – một tòa nhà màu xám nằm ngay rìa sân bay Heathrow. Hồi ấy, bóng đá Anh trông chẳng giống một sản phẩm truyền hình cho lắm. Đó là do nó vốn dĩ không phải là một sản phẩm truyền hình.
Vì không thu xếp được hợp đồng với hai đài truyền hình kỹ thuật số mặt đất lớn nhất toàn quốc là BBC và ITV, mùa giải 1985-86 đã phải khởi tranh vào tháng 8 mà không có đài nào tường thuật. Điều đó có nghĩa là không có chương trình tường thuật trực tiếp và cũng chẳng có chương trình đưa tin về diễn biến các trận đấu. Thậm chí đài ITN còn từ chối thông báo kết quả trận đấu trong các bản tin thời sự buổi tối của họ.
Vậy là đối với người hâm mộ không tới sân thì mùa giải này coi như vô hình.
Tại sao môn thể thao được ưa chuộng nhất thế giới lại biến mất hoàn toàn khỏi lịch phát sóng truyền hình tại chính quốc gia đã khai sinh ra nó? Đó là do sự rạn nứt trong quan hệ giữa các ông chủ đội bóng và các kênh truyền hình. Giới lãnh đạo bóng đá từ lâu đã nghi ngờ rằng BBC và ITV cùng thông đồng với nhau để dìm giá bản quyền truyền hình xuống thấp, và mối nghi ngờ này càng được củng cố thêm khi họ thấy đại diện đàm phán của hai đài truyền hình đối thủ lại đi chung xe taxi với nhau khi tới
dự một cuộc đàm phán quyết định ở sân White Hart Lane mùa hè năm ấy.
Nhưng sự rạn nứt này cũng đồng thời xuất phát từ thái độ mâu thuẫn của bóng đá Anh đối với truyền hình, một thái độ vốn đã bị kéo dài, tạo nên bởi những truyền thống lâu đời khó bỏ như truyền thống ủng hộ cổ vũ trực tiếp tại sân vận động, và cả một hệ thống cơ chế cũ kỹ, đang ở trong tình trạng rệu rã và sắp sụp đổ vào năm 1985.
Bóng đá lần đầu tiên xuất hiện trên sóng truyền hình Anh Quốc vào năm 1937, nhưng phải đến tận năm 1960 mới xuất hiện những nỗ lực tường thuật trực tiếp thường xuyên. Năm đó, đài ITV chấp thuận một hợp đồng trị giá 150.000 bảng để phát sóng 26 trận trực tiếp. Chỉ có một trở ngại là: họ không được trình chiếu toàn bộ 90 phút của các trận đấu đó. Do lo ngại rằng khán giả đều sẽ ở nhà xem truyền hình và không tới sân mua vé, mà khi ấy tiền vé vào sân vẫn đang là nguồn thực thu duy nhất, các câu lạc bộ bóng đá chỉ cho phép máy quay của đài ITV được hoạt động kể từ hiệp hai của các trận đấu. Sự thỏa hiệp này chỉ tồn tại được vài tuần, cho tới khi Arsenal và Tottenham hoàn toàn không cho máy quay của ITV tác nghiệp nữa. Thế là hợp đồng truyền hình lớn đầu tiên của bóng đá Anh tan tành mây khói, những câu lạc bộ và các đài truyền hình quay ra đổ tội và công kích lẫn nhau.
Trong vòng bốn thập kỷ sau đó, mối quan hệ giữa hai phe gần như không hề được nối lại. Năm 1964, đài BBC cho ra mắt chuyên mục “Trận đấu hay trong ngày” – một chương trình nhỏ phát sóng vào tối thứ Bảy để tóm tắt diễn biến bóng đá, và chỉ trả tổng cộng có 5.000 bảng cho quyền phát sóng nội dung này. Các ông chủ của 92 đội bóng trong hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Football League cùng nhau chia đều số tiền này, và vậy
là mỗi đội chỉ thu về hơn 50 bảng, thế nhưng họ vẫn chúc mừng nhau vì đã cùng xuất sắc né được hiểm họa của truyền hình trực tiếp.
Trong 20 năm kể từ 1964 trở đi, sự dàn xếp này đã được duy trì. Bóng đá chỉ được hiện diện trên truyền hình qua các chương trình tóm tắt diễn biến trận đấu. Số tiền ít ỏi thu được từ đó vẫn được chia đều cho tất cả các đội ở cả bốn hạng đấu khác nhau, có nghĩa là đội ở hạng cao như Manchester United cũng chỉ được chia số tiền bằng với những đội lẹt đẹt ở dưới đáy như Maccleseld.
Các cầu thủ bóng đá gần như không hề trông đợi rằng cơ chế này sẽ có ngày thay đổi. Từ nhỏ tới lớn họ đã luôn quan niệm rằng cầu thủ chuyên nghiệp cũng chỉ là một nghề nghiệp bình thường, ngang hàng với nghề thợ mộc hoặc sửa ống nước. Họ rời bỏ trường học từ thuở thiếu niên để tham gia vào một đội bóng làm “tập sự” – có nghĩa công việc chủ yếu chỉ là đi lau giày cho các cầu thủ đàn anh – rồi sau đó sẽ được ký hợp đồng chuyên nghiệp nếu họ đủ giỏi. Cầu thủ bóng đá được trả mức lương tương đối khá – hồi thập niên 1970 thì những cầu thủ giỏi nhất nhận lương khoảng 12.000-15.000 bảng mỗi năm, gấp đôi mức lương trung bình của một công nhân – nhưng khi giải nghệ ở tầm ba mươi mấy tuổi, họ sẽ phải kiếm một công việc khác để làm. Chẳng có ai đá bóng mà kiếm đủ tiền lo cho phần đời còn lại. Vậy là các cầu thủ giải nghệ không chuyển sang làm huấn luyện thì sẽ quay trở về các nghề lao động phổ thông – như lái xe taxi hoặc mở quán nhậu. Dù có muốn thay đổi cơ chế của ngành bóng đá thì họ cũng không có cơ hội, chẳng có tiếng nói để làm vậy.
Tuy nhiên, bước sang thập niên 1980 thì cả phe của những đội bóng và phe các đài truyền hình đều không chịu nổi nữa, họ
cùng rục rịch muốn thay đổi. Thèm khát cái tỷ lệ người xem khổng lồ mà các chương trình thể thao trực tiếp có thể mang lại, cả hai đài BBC và ITV đều không còn hài lòng với việc chỉ đưa tin tóm tắt diễn biến trận đấu nữa, họ bắt đầu quay lại đòi hỏi việc tường thuật trực tiếp. Cùng lúc đó, ông chủ của các câu lạc bộ lớn nhất cũng đã nhận ra rằng việc truyền hình trực tiếp sẽ làm sụt giảm lượng khán giả tới sân xem ra là quá thổi phồng – chưa có nhiều người bỏ mặc vị trí đứng trên khán đài để chọn ngồi xem ở nhà – và các trận đấu trực tiếp thực ra vẫn hấp dẫn hơn là họ tưởng.
Bóng đá Anh cũng nhận được cú hích từ một nguồn quen thuộc khác. Năm 1982, giải NFL đã ký kết một hợp đồng truyền hình kéo dài 5 năm trị giá 2 tỷ đô-la, và khắp nơi người ta tung hô nó là một cột mốc mới trong lịch sử phát sóng thể thao. “Con số ấy khiến tâm trí tôi choáng ngợp,” Scholar nhớ lại. Sang năm sau thì bóng đá Anh cũng ký kết một thương vụ truyền hình của riêng mình, tuy rằng quy mô và giá trị khiêm tốn hơn rất nhiều. Hợp đồng hai năm này có giá trị 5,2 triệu bảng và chỉ cho phép 10 trận đấu trực tiếp được lên sóng mỗi mùa giải. Trong những năm sau đó thì nó nhanh chóng bị các hợp đồng khác vượt mặt về cả quy mô lẫn mức độ quan trọng, nhưng bản hợp đồng năm 1983 ấy vẫn nổi bật trong bóng đá Anh theo một cách riêng của nó. Đó là một hợp đồng hiếm hoi mà các bên tham gia vẫn hoàn toàn không hài lòng dù đã ký kết thành công.
Thỏa hiệp giữa hai bên không duy trì được lâu. Trước khi hợp đồng kịp hết hạn, đài BBC và ITV đều không thể chịu nổi giới hạn 10 trận mỗi mùa, và lên tiếng đòi hỏi phải có thêm các trận đấu trực tiếp nữa. Phía bên kia – các đội bóng nhỏ đang gặp phải tình trạng sụt giảm lượng khán giả tới sân, dù đó hoàn toàn không phải do lỗi từ truyền hình trực tiếp, nhưng họ vẫn kêu gào dẹp bỏ trực tiếp và chỉ cho phép đưa tin tóm tắt diễn biến
trận đấu. Trong khi đó thì các câu lạc bộ lớn đang nhìn sang bờ bên kia của Đại Tây Dương một cách ghen tị, họ thấy tiền bản quyền dồn dập đổ vào gia tài của chủ sở hữu các đội bóng ở giải NFL, NBA và Giải Bóng chày Quốc gia Mỹ, trong khi bản thân họ thì vẫn nghèo túng một cách lố bịch – dù họ có trong tay môn thể thao mà cả thế giới đều ưa chuộng. Họ quyết định rằng đã tới lúc phải kiếm được một khoản xứng đáng từ bản quyền truyền hình. Và nếu phải cắt bỏ quan hệ với các đội bóng ở phân hạng thấp hơn để đạt được mục tiêu ấy thì họ cũng sẵn lòng.
Công cuộc thương lượng cho việc gia hạn hợp đồng năm 1983 nhanh chóng vỡ lở đúng như dự đoán. Các đội bóng nhỏ kiên quyết phản đối việc gia tăng số trận được tường thuật trực tiếp, còn các nhà đài thì thẳng thừng gạt bỏ yêu cầu 10 triệu bảng tiền bản quyền được đưa ra bởi ông chủ Robert Maxwell của Oxford United. Mức giá cuối cùng là 4 triệu bảng mà phía truyền hình đưa ra cũng không được đối phương chấp nhận, và cuộc thương lượng đổ bể, dẫn tới việc mùa giải 1985-1986 phải khởi tranh mà không hề có truyền hình, như chúng ta đã biết.
Đối với những người như Irving Scholar hay Martin Edwards – những ông chủ đang cố gắng khởi tạo năng lực kinh doanh cho đội bóng của họ, thì tình hình thật bết bát. Dãy biển quảng cáo ở đường biên sân bóng của họ phải chuyển sang quảng cáo cho các sản phẩm bán ở xứ Scandinavia – nơi duy nhất trên hành tinh vẫn còn được xem tường thuật trực tiếp bóng đá Anh, nhờ vào một bản hợp đồng trị giá 50.000 bảng mà Scholar dàn xếp được với hãng Thames Television khi các hợp đồng nội địa đều đã đổ bể. Edwards thì còn có nhiều lý do hơn để bực tức với việc vắng mặt trên truyền hình. Manchester United đã khởi đầu mùa giải 1985-1986 với một chuỗi 10 trận toàn thắng, và dẫn đầu bảng xếp hạng trong suốt năm tháng đầu tiên. Nhưng do không được truyền hình đưa tin, nên công lao và nỗ lực của đội bóng
gần như chẳng được ai chú ý. (Tới khi việc tường thuật truyền hình của giải đấu được khôi phục thì United đã bị Liverpool vượt mặt.)
Việc vắng bóng trên truyền hình kéo dài được vài tuần thì nhóm Big Five họp mặt để bàn bạc về phương án xử lý mạnh tay nhất: xóa bỏ tư cách thành viên của họ trong Football League và thiết lập một giải đấu riêng.
Đó không phải là lần đầu tiên các câu lạc bộ hàng đầu đe dọa cắt đứt quan hệ với hơn 70 đội còn lại trong hệ thống bốn hạng đấu của bóng đá Anh. Chỉ khác là lần này họ rõ ràng muốn làm thật chứ không phải đơn giản hô hào gây chú ý nữa. Những kẻ phản loạn này lôi kéo thêm cả đại diện từ Newcastle, Manchester City và Southamton tới bàn việc ly khai. Dù không có quyết định nào trở thành sự thực từ lần họp đó, nhưng nó cũng tạo ra một bầu không khí nặng nề, chứa đựng cái mà Edwards gọi là “áp lực chiến tranh hạt nhân” cho tới lần thương lượng sau tại khách sạn Posthouse.
Cuộc thương lượng kéo dài này diễn ra với thái độ bảo thủ và thù địch. Sau sáu tiếng đồng hồ tranh cãi qua lại, chủ các câu lạc bộ đại diện cho bốn hạng đấu đã vạch được ra một bản kế hoạch-10-điểm, trong đó các đội hàng đầu được chia cho nhiều tiền tài trợ hơn, nhiều thời lượng trên sóng truyền hình hơn và đồng thời có quyền quyết định lớn hơn so với các đội hạng dưới. Hai ngày sau khi đạt được thỏa thuận này, bóng đá đã trở lại trên truyền hình, dù các đội bóng phải chịu khoản phạt là giảm giá tiền bản quyền xuống còn 2,6 triệu bảng cho hai mùa giải sau. Các nhà đài đều cố bám lấy một lý luận lố bịch rằng bóng đá không thể nào trở thành một sản phẩm truyền hình đúng nghĩa, vì thời lượng 90 phút của một trận đấu là quá dài đối với
khán giả truyền hình, họ sẽ nhanh chóng mất hứng thú rồi ngừng xem hoặc chuyển kênh khác.
Cuộc khủng hoảng vắng mặt trên sóng đã được vãn hồi, nhưng vấn đề về truyền hình của bóng đá thì vẫn còn đó. Sau vụ thương lượng ở khách sạn Posthouse, Scholar, Edwards và Dein đều quyết tâm tự tay giải quyết triệt để vấn đề lần sau. Với sự đổ bộ của truyền hình vệ tinh tới nước Anh, các đài truyền hình mặt đất sẽ mất đi vị thế độc quyền. Để tận dụng được hết tiềm năng của môn bóng đá, họ cần phải hợp tác với những cộng sự am hiểu về sự cuốn hút của thể thao tường thuật trực tiếp, đồng thời có tầm nhìn rõ ràng về một tương lai mà công nghệ truyền hình vệ tinh sẽ làm thay đổi bộ mặt của bóng đá Anh.
Anthony Simonds-Gooding chính là người có tầm nhìn như vậy. Ông ta gọi tên tầm nhìn ấy là “ăng-ten vuông”.
Simonds-Gooding là vị chủ tịch dễ mến của đài truyền hình còn non trẻ BSB – một trong hai công ty đang tranh giành quyền kiểm soát thị trường truyền hình vệ tinh mới mẻ tại Anh hồi cuối những năm 1980. Lúc bấy giờ BSB là hệ thống công nghệ vệ tinh chính thức duy nhất trên toàn quốc, có giấy phép hoạt động phát sóng truyền hình do chính phủ cấp, có đội ngũ lãnh đạo chuyên ngành dịch vụ công về truyền phát sóng, có cả những công nghệ hiện đại và tiên tiến nhất trong tay. Đối thủ của họ là đài Sky của Rupert Murdoch thì chẳng có những thứ đó. Sky trông cậy vào những công nghệ lạc hậu hơn một chút, và không được chính phủ hậu thuẫn, nên họ phải lách luật bằng cách sử dụng đường truyền tín hiệu sóng từ Luxembourg sang Anh.
Vận dụng sự am hiểu thị trường tích lũy được trong quá trình làm việc tại Saatchi & Saatchi, Simonds-Gooding đã vạch ra một kế hoạch đánh bại Sky trong cuộc chiến truyền hình vệ tinh
bằng cách tập trung vào phát triển thương hiệu. Ông ta quyết định gây dựng thương hiệu của đài BSB với hai yếu tố chính. Yếu tố thứ nhất là thiết bị ăng- ten vuông – một thiết bị thu sóng vệ tinh với diện mạo thời thượng, hiện đại hơn ăng-ten chảo thông thường. Và yếu tố còn lại là bóng đá tường thuật trực tiếp.
Simonds-Gooding tin rằng các chương trình thể thao trực tiếp chính là chìa khóa dẫn tới thành công của truyền hình vệ tinh ở Anh, vào tháng 3 năm 1988 ông ta đã trình bày kế hoạch của mình với David Dein cùng chủ tịch Philip Carter của Everton và các thành viên còn lại trong ban quản trị của Football League, vạch ra một tương lai mà trong đó truyền hình vệ tinh phát sóng hàng trăm trận đấu tới những người hâm mộ thể thao ngồi ở nhà, phá vỡ vòng kiềm tỏa của truyền hình mặt đất, đồng thời khiến cho doanh thu của các câu lạc bộ tăng vọt. Bài thuyết trình này đã khiến cho ông chủ các câu lạc bộ cùng phải ngồi ngay ngắn để nghe chăm chú, nhưng nội dung tiếp sau đó còn khiến họ phải ngã ngửa. Giá thầu khởi điểm của đài BSB là 11 triệu bảng, vốn đã lớn gấp ba lần so với hợp đồng truyền hình hiện tại của bóng đá Anh – nhưng con số ấy sẽ còn được tăng lên tới tận 25 triệu bảng mỗi năm nếu nhà đài đạt được số lượng khách thuê bao mong muốn.
Hơn nữa, đài BSB còn đề nghị thành lập một công ty liên doanh với giải bóng đá, cùng nhau chia chác lợi nhuận từ thuê bao trong tương lai và cả doanh thu béo bở từ phát sóng quảng cáo khi tường thuật trực tiếp, cộng thêm một phần chia nữa từ các khoản mà đài kiếm được ở các bộ môn thể thao khác, như đấm bốc chẳng hạn.
Tới tháng 6 năm đó thì 92 câu lạc bộ trong khuôn khổ Football League đều nhận được đủ các chi tiết trong lời đề nghị hợp tác của đài BSB, và đó là một dịp hiếm hoi trong lịch sử cả một thế
kỷ của bóng đá chuyên nghiệp mà (gần như) tất cả bọn họ đều đồng ý với nhau về một vấn đề. Các câu lạc bộ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 91-1 nghiêng về ý kiến chấp thuận việc tiến hành thương thảo với đài BSB, coi như dọn lối cho ngành truyền hình thuê bao nghênh ngang tiến vào thế giới của bóng đá Anh.
Khi các ông chủ đội bóng bắt đầu lên kế hoạch tiêu khoản tiền sắp sửa kiếm được vào việc mua cầu thủ mới hay tăng lương, thì nghi ngờ cũng bắt đầu nảy sinh. Dein, Scholar và cả nhóm Big Five bắt đầu suy tính lại. Rõ ràng đài BSB có nhiều lợi thế hiển nhiên, nhưng có một điểm vẫn còn thiếu: nhà đài này đã thành lập được hai năm và chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu phát sóng, nhưng họ vẫn chưa hề phóng một vệ tinh nào lên quỹ đạo. “Đây đúng là một cái bánh vẽ ở trên trời,” Dein nói. Rồi họ lại chú ý tới chi tiết rằng BSB dù chỉ mới khởi nghiệp nhưng lại tỏ ra quá ngông cuồng. Cách tiêu xài hoang phí của đài truyền hình ấy khiến cho nhóm Big Five phải dè chừng. Trụ sở của đài đặt tại một tòa nhà toàn cửa kính bóng loáng giữa khu vực Battersea sang chảnh. Lãnh đạo một đài truyền hình đối thủ đã để ý thấy rằng mọi người ở đài BSB đều có xe BMW và tài xế riêng. Tại một trong những bữa tiệc chiêu đãi các nhà đầu tư, đài BSB đã chi tận 80.000 bảng để mua kẹo bạc hà cho quan khách.
E ngại khả năng đài BSB sẽ không thể tồn tại lâu để hoàn thành hợp đồng và khiến cho bóng đá lại phải chịu cảnh vắng mặt trên truyền hình, nhóm Big Five bắt đầu tìm kiếm một phương án thay thế khác. Dù viễn cảnh về truyền hình vệ tinh rất khiêu gợi, nhưng họ cảm thấy an toàn hơn nếu có được thứ gì đó thực tiễn và không bay bổng như vậy. Họ kiếm tìm một lãnh đạo truyền hình đã có uy tín, một người nắm bắt được nhịp đập thị hiếu của công chúng. Họ muốn cộng tác với một người theo chủ nghĩa thực dụng.
Họ quyết định lựa chọn một người đàn ông thích đeo kính màu sậm, thích mặc áo sơ mi Hawaii, có chất giọng đặc sệt của miền Black Country, và có cống hiến lớn nhất cho ngành truyền hình bằng một con chuột rối. Đó chính là Greg Dyke – một thành viên mới nổi của đài ITV, người đã cứu rỗi chương trình buổi sáng TV-am bằng cách sử dụng con rối Roland Rat để thu hút khán giả nhí trong mùa nghỉ học. Chỉ sau một tháng kể từ khi con chuột rối này lên sóng, lượng khán giả của chương trình đã tăng gấp đôi.
Dyke – một cựu phóng viên báo giấy ở ngoại ô London với cái đầu hói và tóc bạc lưa thưa, vốn là dân ngoại đạo đối với ngành truyền hình. Với ngoại hình khá giống một người bán hàng rong, Dyke từng bị người ta nhầm là tài xế của chính mình. Ông ta là một con người nhạy bén và thực dụng. (Nhiều năm sau, trong sự nghiệp rong ruổi khắp chốn của mình, Dyke đã từng làm thành viên hội đồng quản trị của Manchester United, chủ tịch của Câu lạc bộ Bóng đá Brentford, rồi tổng giám đốc đài BBC… Ông ta tham dự lễ bốc thăm chia bảng của World Cup 2014 với tư cách là người đại diện Hiệp hội bóng đá Anh FA. Khi đội tuyển Anh bị xếp vào chung một bảng đấu với Italy và Uruguay, Dyke đã làm động tác giơ tay cắt cổ, giống như bị xử tử. Động tác này là một lời tiên tri hoàn toàn chính xác, vì mùa hè năm đó đội tuyển Anh đã bị loại khỏi giải đấu khi không thắng nổi một trận nào – màn trình diễn kém cỏi nhất của họ tại World Cup trong vòng sáu thập kỷ.)
Còn trở lại với thời điểm năm 1988, Dyke cũng đã nhạy bén nhận ra giá trị của bóng đá tường thuật trực tiếp và mối đe dọa của truyền hình thuê bao đối với truyền hình mặt đất. Khi nhóm Big Five còn đang phân vân trước lời đề nghị về bản quyền phát sóng của đài BSB, thì Dyke xác định đó chính là cơ hội. “Tôi đã quyết định đặt mục tiêu của mình là phải cướp lấy
bản quyền phát sóng đó,” Dyke viết trong tự truyện của mình. Thế là ông ta đã lệnh cho Trevor East ở ITV sắp xếp một cuộc gặp với ông chủ một đội bóng nào đó, nên chọn một đội bóng lớn với một lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng, có khả năng chấp thuận cách làm việc thẳng thắn của Dyke.
Người được chọn không thể là ai khác ngoài David Dein. Greg Dyke hẹn gặp được Dein tại Suntory – một nhà hàng Nhật Bản thời thượng ngay gần Cung điện Thánh James ở West End, vào mùa hè năm 1988. Hóa ra họ là một cặp rất tâm đầu ý hợp. Những phiền muộn của Dein về cơ chế rối rắm, quan liêu của bóng đá Anh cũng tương tự như trải nghiệm của Dyke trong thế giới truyền thông và truyền hình. Sau này khi nhớ về cuộc gặp đầu tiên đó, Dyke đã miêu tả Dein là “gã có đầu óc và tư tưởng cách mạng lớn nhất mà tôi từng được gặp trong bóng đá”. Còn về phần Dein thì ông ta ngưỡng mộ sự thẳng thắn và ý chí chống lại chế độ lạc hậu của Dyke. “Greg giống như một anh hùng trượng nghĩa, ăn ngay nói thẳng,” Dein kể lại. “Chúng tôi khi ấy như những tâm hồn đồng điệu.” Tới cuối bữa ăn, hai người đã cùng nhau vạch ra một kế hoạch xây dựng gói thầu truyền hình mới để đánh bại giá thầu của BSB.
Không giống như phần lớn các lãnh đạo ngành truyền hình thời đó, Dyke chẳng quan tâm tới việc vực dậy tầm quan trọng của những chương trình truyền hình cũ trong lòng khán giả. Ông ta chỉ quan tâm tới tỷ lệ người xem. Dyke theo đuổi một số lượng người xem lớn mà ông ta biết rằng sẽ gắn chặt với nội dung bóng đá ở trình độ cao. Các hạng đấu thấp hơn của bóng đá Anh thì kém hấp dẫn người xem hơn rất nhiều. Vậy là Dyke và Dein quyết định loại bỏ bóng đá hạng thấp khỏi kế hoạch. Dyke đề nghị sẽ trả cho mỗi đội bóng trong nhóm Big Five – Liverpool, Arsenal, Manchester United, Everton và Tottenham – một khoản tối thiểu là 1 triệu bảng để mua quyền phát sóng các trận
đấu ở sân nhà của họ, nếu như họ tự tách riêng ra được khỏi những đội khác. Với 87 đội còn lại trong hệ thống Football League, thì Dyke cho rằng họ phải tự đi kiếm tìm hợp đồng truyền hình của họ.
Lời đề nghị của Dyke được cho là rõ ràng, thẳng thừng, không thỏa hiệp và không nhân nhượng. Đó chính là thứ ngôn ngữ hợp ý của nhóm Big Five. Khi ông ta gặp đại diện của họ ở nhà hàng Knightsbridge để thảo luận lời đề nghị này, Dyke đã ghi dấu ấn mạnh mẽ bằng việc thừa nhận rằng ông ta nghĩ BBC và ITV đã cùng thông đồng dìm giá bản quyền truyền hình bóng đá. ‘Ông ta là người đầu tiên dám thừa nhận sự thật đó với chúng tôi,’ Irving Scholar nói. “Đối với tôi thì ngay giây phút ấy Greg Dyke coi như đã thắng được hợp đồng.” Những chi tiết cụ thể về gói thầu của ITV được soạn ra sau đó, bao gồm thêm vào hợp đồng cả 5 đội bóng nữa – Aston Villa, Newcastle, Nottingham Forrest, Sheeld Wednesday và West Ham – những đội sẽ được nhận ít tiền hơn. Nhưng ngay cuối buổi tối hôm đó thì các đội bóng có mặt đều đã đồng thuận, họ đã bắt tay nhau và mở sâm panh ăn mừng.
Hệ thống giải Football League và các thành viên còn lại thì không hân hoan như thế. Khi họ phát hiện nhóm Big Five đã đơn phương dàn xếp một thỏa thuận truyền hình riêng biệt thì họ xác định rằng đó là một hành động phản bội, và nhanh chóng ra tay trả đũa. Philip Carter bị đuổi khỏi vị trí chủ tịch Football League, David Dein bị buộc phải từ chức thành viên ban quản trị giải, và Bill Fox, một cựu hạ sĩ trong quân đội Anh giờ làm chủ tịch đội bóng đang chật vật ở Giải Hạng hai là Blackburn Rovers, được bầu làm chủ tịch mới của hệ thống giải. Miếng trả đòn này đã thành công trong việc làm rộng thêm sự rạn nứt giữa nhóm Big Five và phần còn lại của hệ thống Football League. Nhưng nó diễn ra quá trễ và không cứu vãn nổi
hợp đồng đang bàn dở với đài BSB. Để dập tắt cuộc phản loạn của các đội bóng hàng đầu – thứ mà Edwards gọi là “biện pháp chiến tranh hạt nhân” – Football League đã quyết định ngửa bài và chấp nhận thương thảo với ITV. Họ cuối cùng đồng ý với mức giá 11 triệu bảng một năm đổi lấy 21 trận đấu tường thuật trực tiếp. ITV đồng thời cũng chơi xấu đài BBC bằng cách yêu cầu bao gồm cả quyền đưa tin tóm tắt diễn biến trận đấu vào trong hợp đồng, nhưng lại không sử dụng quyền ấy – để khiến cho chương trình “Trận đấu hay trong ngày” của BBC phải tắt sóng.
Cuộc hôn nhân giữa bóng đá Anh và đài truyền hình ITV không phải là một câu chuyện tình yêu hoàn hảo, nhưng sau mùa giải đầu tiên thì có vẻ như nó sẽ là một mối quan hệ trường tồn. Bóng đá đã thành công trong việc lôi kéo lượng khán giả khổng lồ mà Dyke mong đợi – trận đấu cuối mùa giải 1988-1989, trận mà Arsenal cướp ngôi vô địch từ tay Liverpool với bàn thắng muộn trên sân Aneld, đã thu hút được 10 triệu khán giả – số lượng đông đảo nhất trong lịch sử của giải. Nguồn thu lớn mà các đội ở Giải Hạng nhất nhận được từ ITV đã giúp họ nguôi ngoai và tạm quên đi những lùm xùm trong quá khứ. “Những vị chủ tịch đội bóng đó đã phải trố mắt ra vì không ngờ kiếm tiền lại suôn sẻ đúng theo kế hoạch như vậy,” Dyke nhớ lại.
Công việc kinh doanh của đài BSB thì lại chẳng suôn sẻ chút nào.
Không có bóng đá trực tiếp để thu hút khách hàng và bán thuê bao, đài truyền hình xấu số này thất thoát triền miên cho tới khi nó buộc phải sáp nhập với đối thủ cạnh tranh là đài Sky.
Công ty thành lập từ việc sáp nhập này được đặt tên là BSkyB, nằm dưới quyền kiểm soát của Rupert Murdoch. Dù Dyke vẫn kiêng nể sức mạnh của truyền hình vệ tinh, nhưng ông ta không quá lo lắng do đã sớm lôi kéo được nhóm Big Five về phe
mình. Điều mà Dyke không lường trước được lại là chuyện một trận đấu của Liverpool sẽ làm rung chuyển cả nền móng của bóng đá Anh.
T
04
hảm họa xảy ra vào buổi chiều ngày 15 tháng 4 năm 1989 tại sân vận động Hillsborough ở Sheeld tuy là một bi kịch trong ngành thể thao nhưng cũng ngay lập tức vượt cả ra ngoài thế giới thể thao.
Khi có tới 96 cổ động viên Liverpool thiệt mạng và hơn 700 người bị thương trong một vụ sập khán đài do nguyên nhân quá đông đúc và thiếu an ninh trật tự, thì lịch sử nước Anh ghi nhận đó là một sự kiện trầm trọng hơn rất nhiều so với các tai nạn ở sân vận động. Vụ việc này như một cơn đại họa để lại dấu hằn trong cuộc đời của hàng ngàn người, do nó dẫn tới quãng thời gian hai thập kỷ của sự tố cáo và che đậy, của những lời nói dối trắng trợn từ các nhà chức trách đáng ra phải chịu trách nhiệm. Nó cũng dẫn tới một chuỗi các vấn đề sâu sắc về xã hội, chính trị và kinh tế. Cho tới ngày nay, nước Anh vẫn phải chịu ảnh hưởng từ vụ việc đó.
Nhưng quay trở lại với thế giới nhỏ hơn của bóng đá, khi nỗi kinh hoàng và thương tiếc đã qua đi, có một cuộc khủng hoảng kinh doanh lại nổ ra. Chất xúc tác của cuộc khủng hoảng này là Đại phán quan Peter Taylor – vị quan tòa được chỉ định tiến hành công cuộc điều tra thảm họa Hillsborough. Những phát hiện của ông ta được công bố vào tháng 1 năm 1990, vạch trần tình trạng nguy hiểm của môn thể thao quốc gia, từ bạo loạn đám đông cho tới trạng thái xuống cấp trầm trọng của các sân vận động. Bản công bố cũng đưa ra khuyến cáo về những giải pháp cho vấn đề ấy, bao gồm việc dỡ bỏ hàng rào chặn đám đông, giảm thiểu khán đài đứng và dần chuyển sang toàn bộ
khán đài có chỗ ngồi. (Bản công bố cũng gãi đúng chỗ ngứa của David Dein ở Arsenal, người vẫn đang duy trì một cuộc thánh chiến đối với nhà vệ sinh ở sân vận động, vì trong công bố cũng nhắc tới nhà vệ sinh, miêu tả chúng là “thô sơ về thiết kế, thiếu hụt về số lượng và kém cỏi về vận hành lẫn duy tu”.)
“Ngài ấy nói đúng 100% về mọi chuyện – đúng cả về cái nhà xí!” Dein nhắc lại. “Ngài ấy nhận thấy rằng các sân vận động cần phải được hiện đại hóa, rằng cần phải đem tới trải nghiệm tốt hơn cho khán giả. Khi đọc bản công bố đó, tôi đã nghĩ: ‘Trời ơi, ông ấy phán chuẩn quá.’ Những chuyện đó cần phải được thực hiện.”
Chính phủ đã ban hành một đạo luật cấm khán đài đứng ở các sân vận động, và yêu cầu tất cả các câu lạc bộ ở giải hàng đầu phải có khán đài toàn bộ là chỗ ngồi ở thời điểm bắt đầu của mùa giải 1994-1995. Khi làm như vậy, các quan chức chính phủ đã khiến cho mọi câu lạc bộ cùng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan về kinh tế. Các đội bóng đều phải trang bị lại, thiết kế lại hoặc xây dựng lại hoàn toàn sân nhà của họ, mặc dù kiểu chuyển đổi như vậy chắc chắn sẽ dẫn tới việc giảm sức chứa của các sân vận động, tức là cắt vào chính nguồn thu chủ lực của họ.
“Chỉ với một nét bút phê chuẩn, chúng tôi đã phải cắt giảm từ 55.000 xuống 36.000 người ngay tắp lự,” Dein nói về sức chứa của sân vận động Highbury khi đó, dù “Pháo Thủ” vẫn nằm trong số những đội bóng may mắn. Nhiều câu lạc bộ khác còn đang phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Dù chính phủ đồng ý hỗ trợ một phần chi phí tân trang các sân vận động, nhưng các đội bóng ở Giải Hạng nhất vẫn phải kiếm thêm một nguồn thu mới để bù vào khoản sụt giảm đột ngột này. Nhóm Big Five nhanh chóng rút ra kết luận: phải vận dụng lại giải pháp mà họ đã trông đợi trong nhiều năm qua. Nếu như
họ được tự do đàm phán các thương vụ truyền hình cho riêng mình – và nếu như họ được giữ trọn tiền bản quyền ấy chứ không bị bắt buộc chia cho các đội bóng ở giải hạng dưới – thì đó sẽ là một nguồn thu tốt để bù vào khoản thâm hụt kinh phí kia.
Bóng đá Anh đã ở bên bờ vực của một cuộc ly khai suốt gần một thập kỷ. Giờ đây, khi cuộc điều tra của Đại phán quan Taylor đã được công bố, các đội bóng lớn cuối cùng đã có thể lý luận rằng việc ly khai đã trở nên thiết yếu.
Khi nhóm Big Five và Greg Dyke gặp nhau vào mùa thu năm 1991 tại một nhà hàng kiểu cách ở Soho để bàn chuyện gia hạn hợp đồng phát sóng của ITV, thì quyết định đã được đưa ra. Cùng nhau thưởng thức những miếng thịt bò thượng hạng, David Dein, Martin Edwards, Philip Carter, Irving Scholar và chủ tịch mới được bổ nhiệm của Liverpool là Noel White đã thống nhất việc từ bỏ tư cách thành viên trong hệ thống Football League để thiết lập một giải đấu mới của riêng họ, dưới hình thức một công ty được điều hành bởi 20 câu lạc bộ thành viên. Họ sẽ trực tiếp thụ hưởng nguồn thu từ truyền hình, quảng cáo, tài trợ từ các tập đoàn và những hoạt động kinh doanh khác. Không còn đường để quay lại nữa.
Để thực hiện được mục tiêu này, họ sẽ phải xé toang những luật lệ đã tồn tại cả thế kỷ, đốt hàng triệu bảng cho chi phí pháp lý và kiện tụng, đồng thời chứng kiến cuộc chiến tranh giành bản quyền dữ dội nhất trong lịch sử truyền hình. Nhưng bù lại thì sau 12 tháng kể từ buổi tối mùa thu đó, Giải Ngoại hạng Anh sẽ chính thức được vận hành. Họ đang trên con đường kiến tạo một giải đấu chuyên nghiệp nổi tiếng nhất hành tinh.
Từ bỏ tư cách thành viên trong hệ thống Football League và thành lập một giải đấu mới hiện đại hơn – quyết định này nghe có vẻ thẳng thắn và đơn giản, nhưng thực tế lại phức tạp hơn
nhiều. Thứ duy nhất ràng buộc 92 câu lạc bộ của Football League với nhau là một bản thỏa thuận cũ mèm, trong đó họ nhất trí rằng sẽ cùng nhau vận hành dưới dạng một tổ chức lỏng lẻo. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ chức lỏng lẻo ấy lại luôn tuân thủ bản thỏa thuận kia như là quân lệnh sắt đá.
Đầu tiên, nhóm Big Five phải đương đầu với một cơn ác mộng về quan hệ công chúng. Động lực của việc thành lập Giải Ngoại hạng đúng là để kiểm soát tốt hơn về mặt tài chính và về các thỏa thuận kinh doanh – nhưng họ không thể nói thẳng mục tiêu ấy ra trước mặt công chúng được. Nói như vậy sẽ giống như vì một động cơ tham lam và ích kỷ. Hơn nữa, họ vẫn phải kết nối với các hạng đấu ở dưới bởi một thủ tục lên hạng và xuống hạng hằng năm. Do đó họ cần tìm kiếm một giải pháp hài hòa hơn, một lý do nào đó mà công chúng và người hâm mộ ở Anh có thể thấu hiểu và thậm chí ủng hộ.
Tiếp theo đó là tới các rào cản thực sự. Một vài năm trước, hệ thống Football League đã xin thông qua một đạo luật quy định rằng bất kỳ câu lạc bộ nào muốn rút lui khỏi hệ thống giải này cũng đều phải đệ đơn xin rút trước ba năm. Chiêu này được ra đời để đánh phủ đầu vào những động thái ly khai mà nhóm Big Five luôn muốn sử dụng. Họ đành phải đối phó bằng cách chọn thuê những luật sư hàng đầu để nghiên cứu tìm kiếm cách lách luật, nhưng chưa có ai đem lại cho họ tin vui cả. “Đạo luật này rất chắc chắn và khó lọt,” theo lời của Rick Parry – khi đó đang làm cố vấn toàn thời gian cho giải đấu mới. “Các luật sư đều cho rằng không thể mặc kệ cái đạo luật này được đâu, khi lôi nhau ra tòa thì nó sẽ khiến chúng ta gặp rắc rối lớn đấy.”
Hóa ra, các vấn đề gai góc kia đều có thể được giải quyết bằng cùng một giải pháp: một tổ chức đáng kính có tên là Football Association (FA) – Hiệp hội Bóng đá Anh.
Ra đời năm 1863 với tư cách là cơ quan chủ quản quốc gia của bóng đá Anh, hiệp hội này chưa bao giờ được can thiệp sâu vào các công việc vận hành thường ngày của các trận bóng chuyên nghiệp. Nếu làm như vậy thì họ sẽ phạm vào khu vực chuyên môn của hệ thống Football League. Trách nhiệm chính của FA là bảo vệ luật lệ thi đấu và coi sóc đội tuyển quốc gia Anh – vốn thường không may mắn trên đấu trường quốc tế. Gần như trong suốt cả thế kỷ, hai tổ chức này đã luôn bất hòa với nhau, vậy nên đó là lý do vì sao FA thích thú khi hậu thuẫn việc ly khai của nhóm Big Five – còn Football League thì lại phát khùng khi chuyện đó diễn ra.
Sự hậu thuẫn của FA đã trở thành đòn quyết định. Các câu lạc bộ giờ đây có thể biện minh rằng FA đã chấp thuận việc ly khai của họ để giúp nâng cao chất lượng của đội tuyển quốc gia. Khi đó FA đang soạn thảo dở một công trình nghiên cứu lý do vì sao đội tuyển Anh không thể thắng nổi World Cup kể từ năm 1966, và họ đã vội vã viết lại văn bản này để thêm vào phần nội dung ủng hộ thành lập Giải Ngoại hạng, mặc dù lợi ích cụ thể mà họ vạch ra – rằng đó phải là một giải đấu cộng tác với FA và bao gồm 18 đội – thì sau đó đã bị bỏ mặc khi Giải Ngoại hạng hình thành với 22 đội và hoạt động độc lập với FA. Điểm lợi duy nhất mà FA thực sự thu về được là việc giải đấu mới sẽ có tên chính thức là FA Premier League, mà ngay cả chuyện đó cũng suýt bị phớt lờ khi phần tên “FA” không xuất hiện trong “Bản Thỏa thuận của các Thành viên Sáng lập Giải Ngoại hạng”. Đích thân Graham Kelly – giám đốc điều hành của FA, đã phải tự đặt bút viết thêm phần tên đó vào văn kiện.
Nhóm Big Five đã lấy được từ FA cái cớ “tăng chất lượng cho đội tuyển” để hợp thức hóa việc ly khai, nhưng phải vài tháng sau đó thì Rick Parry mới phát hiện ra thêm một lợi ích nữa từ sự ủng hộ của FA, khi ông ta khai quật được nó từ cuốn sổ tay điều
luật của FA, ở phần “Những trang vàng”. Trong lúc ngồi tại khách sạn Whites để chờ đợi một cuộc họp diễn ra tại trụ sở của FA, Parry đã giết thời gian bằng cách lật qua từng trang của cuốn sổ có nội dung lâu đời tới cả thế kỷ này. Khi đã lật quá 90 trang, Parry tìm thấy một đạo luật tuy hơi tối nghĩa nhưng có nội dung đại khái nói rằng không một giải đấu nào được quyền đòi hỏi “một câu lạc bộ thành viên hoặc một câu lạc bộ khách mời” phải báo cáo về ý định rút lui khỏi giải trước ngày 31 tháng 12 của mùa giải hiện tại. Nói thoáng ra thì coi như cái yêu cầu báo trước ba năm của Football League hoàn toàn vi phạm đạo luật này của FA. Vậy là Parry đã tìm được kẽ hở để lách luật. Nếu đạo luật này vẫn còn hiệu lực thì các câu lạc bộ của Giải Ngoại hạng có quyền tự do tách khỏi Football League và tiến hành giải đấu mới ở ngay năm sau đó.
“Khoảnh khắc ấy tôi có cảm giác như vừa khám phá ra lực đẩy Ác-si-mét,” Parry nhớ lại.
Sau khi đã gỡ được những rào cản đó, việc còn lại phải làm chỉ là soạn thảo một bản tuyên ngôn dành cho giải bóng đá mới – một bộ điều lệ để quản lý giải đấu chuyên nghiệp này từ khi nó ra đời và theo suốt nó trong 25 năm biến đổi để trở thành một con quái vật giải trí và truyền thông tầm cỡ toàn cầu. Văn bản đó chỉ được soạn thảo trong vỏn vẹn 45 phút. Nó được hoàn tất ngay trong ngày 13 tháng 6 năm 1990, sau một cuộc họp để vạch rõ những chi tiết cuối cùng, bao gồm việc chia chác nguồn thu từ truyền hình. Về vấn đề này thì Giải Ngoại hạng Anh lại một lần nữa nhòm sang phía bên kia Đại Tây Dương để học tập.
Parry – người vừa được bổ nhiệm làm giám đốc đầu tiên của giải đấu, đã sang Mỹ để thỉnh giáo giám đốc điều hành lâu năm của giải NFL, Don Weiss – một phụ tá thân cận của ủy viên hội đồng Pete Rozelle do đã có công giúp đỡ ông ta dựng nên đế chế NFL.
Parry trở về với một rổ các ý tưởng mà sau đó Giải Ngoại hạng Anh đã sao chép gần như toàn bộ, bao gồm gói chương trình chuyên mục “Bóng đá tối thứ Hai” để bán cho các nhà đài, bao gồm nhu cầu sử dụng một chủ tịch độc lập, và bao gồm cả hệ thống vận hành giải theo hình thức bỏ phiếu, mỗi câu lạc bộ được nắm một phiếu bầu – nếu như quyết định nào nhận được 2/3 số phiếu tán thành trở lên thì nó sẽ được thực thi.
Do lường trước cuộc họp này sẽ căng thẳng, Parry đã đặt lịch sử dụng phòng họp của trụ sở FA trong vòng hai tiếng đồng hồ. Khi vào họp, ông ta nhanh chóng tóm tắt những luận điểm chính và rồi đưa ra công thức chia doanh thu từ truyền hình – với tỷ lệ chia là 50:25:25, trong đó 50% đầu tiên sẽ được chia đều cho tất cả các đội, 25% tiếp theo sẽ được chia cho những đội nào được lên sóng (mỗi đội đều được đảm bảo một hạn mức lên sóng tối thiểu), và 25% cuối cùng sẽ được chia dựa theo vị trí của từng đội trên bảng xếp hạng của giải. Chỉ tốn một tiếng đồng hồ để trình bày tất cả các nội dung đó, và rồi Parry thấy rằng mọi người dự họp đều nhất trí đồng thuận một cách dễ dàng. Vậy là còn thừa một tiếng nữa trong phòng họp, Parry lo sợ rằng sự đồng thuận vừa đạt được cũng sẽ dễ dàng bị lung lay, nên đành câu giờ bằng cách rút cuốn sổ Ernst & Young của mình ra để chép lại từng chi tiết của các nội dung đã nhất trí. Bản chép tay đó ngay lập tức được gửi lên tầng trên để nhân viên trong trụ sở FA đánh máy, rồi sau đó trở thành “Bản Thỏa thuận của các Thành viên Sáng lập Giải Ngoại hạng Anh” – một văn kiện được sử dụng để quản lý giải trong suốt 1/4 thế kỷ, và cũng được coi là văn bản thiêng liêng trong giới thể thao nhà nghề.
Sau từng ấy các sự việc kịch tính và căng thẳng, thì thật trớ trêu khi việc chính thức ly khai của các đội bóng hàng đầu lại chưa gây ra ảnh hưởng gì cụ thể lắm tới hệ sinh thái của bóng đá Anh. Hậu quả thực sự chỉ lộ diện khá lâu sau đó, vào lúc mà người ta
phát hiện ra bóng đá chuyên nghiệp đã chuyển từ hình thức “xã hội giãy chết” sang hình thức “tư bản trần trụi”. Graham Taylor, huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Anh khi đó, là một trong số ít những người trong cuộc nhìn nhận được rằng môn thể thao này đang đi về đâu, và điều đó cũng cho thấy rằng ông ta có hiểu biết về kinh tế vi mô nhiều hơn cả hiểu biết về con đường đưa đội tuyển tới chiến thắng. “Người ta cứ nghĩ rằng Giải Ngoại hạng là kết quả của rất nhiều tính toán phức tạp,” Taylor nhận xét về vụ ly khai này. “Nhưng thực ra không hề, và tôi cũng chẳng tin rằng họ làm điều đó để giúp đội tuyển quốc gia mạnh lên. Tôi cho rằng chủ yếu họ làm vậy là do lòng tham mà thôi.”
Nhưng ở thời điểm ấy thì các kế hoạch cho thấy rằng còn tận 14 tháng nữa Giải Ngoại hạng mới khởi tranh, nên Parry chưa phải chịu nhiều áp lực cho lắm. Việc duy nhất còn phải làm là lựa chọn một đài truyền hình để phát sóng mùa giải đầu tiên. Đó sẽ là một cuộc đối đầu trực tiếp giữa đài ITV của Greg Dyke với đài Sky của Rupert Murdoch.
Chuyện này chắc cũng không khó khăn lắm. Parry đã từng nghĩ vậy.
Khi đứng ở sảnh khách sạn Lancaster Gate vào năm 1992, Parry không thể tin nổi rằng chính bản thân mình đã tưởng tượng chuyện này có thể diễn ra một cách suôn sẻ. Sau khi hạn chót đã trôi qua được mấy tiếng đồng hồ, ITV lại đưa ra giá thầu 262 triệu bảng cho 5 năm, vừa vượt qua giá thầu cuối cùng của đài Sky lại vừa đẩy toàn bộ cuộc đấu thầu đã được Parry sắp xếp kỹ lưỡng vào trạng thái hỗn loạn. Thay vì bình tĩnh tiến vào phòng họp để trình bày bài thuyết trình trước các chủ sở hữu của 22 đội bóng, ông ta nhìn quanh khung cảnh náo nhiệt ở sảnh khách sạn.
Ngay đằng cửa chính, Parry thấy Dein đang nồng nhiệt vỗ vai chúc tụng cùng với nhóm Philip Carter, Martin Edwards và Noel White. Đây đương nhiên là kết quả mà họ đã mong đợi từ lâu. Bốn năm đã trôi qua kể từ khi Dein và Dyke lần đầu bàn thảo kế hoạch để ITV mua bản quyền phát sóng các trận đấu của nhóm Big Five. Giờ đây xem ra họ sẽ có được cơ hội phát sóng toàn bộ giải với cả 22 đội bóng.
Irving Scholar là ông chủ duy nhất trong nhóm Big Five vắng mặt tại cuộc họp này. Irving đã bán cổ phần tại Tottenham vài tháng trước đó, khi gặp phải tình trạng thua lỗ và bị FC Barcelona đe dọa đòi lại tiền đạo Gary Lineker nếu như đội Spurs không chịu thanh toán nợ. Người thay thế vị trí của Irving là Alan Sugar, một doanh nhân lọc lõi và nóng tính, với sở thích mặc áo vest kẻ sọc, đeo trang sức vàng và cà vạt to bè.
Sugar không hề hào hứng với tình hình của buổi sáng hôm ấy. Vài phút trước đó ông ta đã nhận ra trò “nộp bài quá hạn” của ITV, và giờ đây đang đứng quát tháo vào ống nghe của chiếc điện thoại công cộng ở phía bên kia sảnh khách sạn. Ai cũng biết rằng công ty Amstrad của Sugar chính là nhà sản xuất ăng-ten chảo bắt sóng vệ tinh cho đài Sky. Vậy nên ông ta sẽ được hưởng lợi nhiều hơn ai hết nếu như Murdoch thắng trong cuộc đua thầu mua bản quyền phát sóng Giải Ngoại hạng. Đó là lý do vì sao Sugar đang quát mắng một kẻ tội nghiệp nào đó ở trụ sở Isleworth của đài Sky, đòi hỏi họ cũng phải đưa ra một mức thầu nữa để “cho bọn kia bật bãi”. Đương nhiên cuộc điện thoại này thực ra cũng là thừa, vì Parry đã gọi cho Sam Chisholm từ một giờ trước đó để báo chi tiết về giá thầu mới của ITV. Chisholm đã báo lại rằng phải ngồi yên chờ đợi.
Khi tình hình sáng hôm đó đã căng thẳng tới mức ấy, Parry vẫn phải tiếp tục chờ Chisholm gọi lại. Ông ta kiểm tra chiếc điện
thoại di động đặt trong cặp táp của mình, và có cảm tưởng như đã kiểm tra nó cả trăm lần rồi. Tại sao Chisholm vẫn chưa gọi lại?
Parry lại đảo mắt quanh cái sảnh thêm một lần nữa. Ngoài những gương mặt quen thuộc của các ông chủ câu lạc bộ mà ông ta đã làm việc cùng, còn có thêm cả những gương mặt mới xuất hiện. Xem ra là chủ tịch Fred Reacher của Nottingham Forest đã cử giám đốc kinh doanh Paul White tới dự họp thay. Và nếu như Parry không nhìn nhầm thì ông chủ Len Cearns của West Ham cũng cử đại diện là con trai Martin của mình – người mà ngay trước đó còn đang làm quản lý ngân hàng địa phương. Những người ấy không hiểu sự hệ trọng của cuộc họp này sao? Parry tự hỏi.
John Quinton – chủ tịch Giải Ngoại hạng, đã xuất hiện trở lại bên cạnh Parry. Ông ta đã thành công trong việc trì hoãn nghi thức mở đầu cuộc họp, nhưng liệu tiếp tục kéo dài được bao lâu thì Quinton không rõ. Tất cả mọi người đều đã có mặt, và tất cả cùng đang bàn tán về giá thầu của ITV.
Ở thời khắc đó, Parry lần đầu tiên cảm thấy dường như khả năng thắng thầu đã nghiêng hẳn về phía ITV. Xưa nay Dyke vẫn luôn nói rằng ITV chắc chắn sẽ thắng vì họ đã lôi kéo được nhóm Big Five. Nhưng trước đó Parry vẫn bỏ ngoài tai và coi đó chỉ là những lời huênh hoang mà thôi. Thứ nhất là vì Parry đã cẩn thận sắp xếp Giải Ngoại hạng Anh theo hình mẫu quản trị doanh nghiệp sòng phẳng – và chỉ nhóm Big Five sẽ không thể đơn phương quyết định được chuyện gì trong doanh nghiệp đó. Áp dụng hệ thống mỗi câu lạc bộ một phiếu bầu của Parry, ít nhất phải có 14 lá phiếu để tạo thành đa số khi đưa ra quyết định chọn đối tác truyền hình nào.
Đài Sky cũng biết điều này, và giờ đây họ cần phải nổ súng. Parry vốn đã có ấn tượng trước quyết tâm giành bản quyền của đài này, cùng với những nỗ lực biến bóng đá tường thuật trực tiếp thành trụ cột trong công việc kinh doanh của họ. Họ đã hứa hẹn sẽ trình chiếu nhiều trận hơn, dành nhiều thời lượng sóng cho nhiều đội bóng hơn, và giúp đỡ trong chuyện biến những trận đấu kém hấp dẫn ở giữa tuần thành những chương trình thu hút khán giả không kém các trận đấu được tổ chức vào cuối tuần. Họ hứa sẽ sử dụng hàng tiếng đồng hồ trước và sau mỗi trận đấu để phát sóng các chương trình phân tích và bình luận bóng đá. Tóm lại, họ đã hứa sẽ tận tâm trong việc quảng bá và phát triển môn thể thao này. “Chúng tôi sẽ khiến cho cả những cụ già cũng phải bật tivi để xem bóng đá,” Chisholm đã nói với Parry như vậy. Parry khi ấy đã chắc chắn rằng đây là lựa chọn đúng đắn. Nhưng giờ thì ông ta không thể nhìn thẳng vào mắt các ông chủ đội bóng rồi thuyết phục họ rằng hãy chọn cái giá thầu rẻ hơn.
Parry hy vọng Rupert Murdoch sẽ có thêm một quân át chủ bài nào đó. Ngay từ đầu, Rupert cũng đã năng nổ vận động các chủ tịch đội bóng như Dein hay Ken Bates của Chelsea khi mời họ thưởng thức cá hồi hun khói với sâm panh tại căn hộ penthouse của ông ta ở St. James’s. Ông ta cũng đã mời Parry tới tận trụ sở Scotland của đài Sky ở Livingston. Từ đó tới nay, ông ta vẫn duy trì hình tượng một người sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chiếm được Giải Ngoại hạng. Chẳng lẽ giờ đây ông ta lại để cho đài ITV nẫng tay trên ư?
Tới lúc đó thì chuông điện thoại của Parry reo lên. Ông ta lập tức vớ ngay lấy cái điện thoại to như cục gạch từ trong cặp táp, kéo ra một cái ăng-ten khá dài, và hy vọng tín hiệu sóng sẽ ổn định.
“Rick đấy à?” Một giọng nói quen thuộc vang lên từ đầu dây bên kia. “Tôi Sam Chisholm đây, ông có cái bút nào ở đó không?”
Phần II
VƯƠN LÊN VÀ VƯƠN LÊN
“Cứ làm cho thật là tốt vào.”
_ Dave Hill, kênh Thể thao của đài Sky