"
Giai Điệu Tử Thần PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Giai Điệu Tử Thần PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
MỞ ĐẦU
Subject: Em Là Người Giỏi Nhất!!!
Từ: [email protected]
Đến: [email protected]
Ngày 02 tháng 01, 10 giờ 32 phút
Xin chào Edwin,
Cảm ơn về email của anh! Tôi rất vui vì anh thích album mới nhất của tôi! Sự cổ vũ của anh đối với tôi có ý nghĩa là cả thế giới. Anh đừng quên đăng nhập vào trang web của tôi, đăng ký nhận tin tức định kỳ cũng như biết được những tác phẩm mới ra lò hay những buổi hòa nhạc sắp tới của tôi. Đừng quên theo dõi tôi trên Facebook và Twitter nhé.
Hãy để ý xem email mới nhé. Tôi đã gửi cho anh bức ảnh kỷ niệm như anh đề nghị!
XO, Kayleigh
Subject: Không thể tin được!!!!!
Từ: [email protected]
Đến: [email protected]
Ngày 03 tháng 09, 05 giờ 10 phút
Chào Kayleigh:
Tôi hoàn toàn kinh ngạc! Không thốt ra được câu nào. Và đến giờ này em hiểu tôi rất rõ đấy - vì tôi không nói thành tích, đúng vậy đấy!! À mà chuyện là thế này: Tôi đã tải xuống album mới của em tối qua và lắng nghe bài Your Shadow. Wow!!!!!!!!!!!!!! Không nghi ngờ gì đây chính là bài hát hay nhất tôi từng nghe, ý tôi là nó hay hơn bất kỳ bài gì được viết ra. Tôi thậm chí còn thích nó hơn cả bài It’s Going to Be Different This Time. Tôi đã từng nói với em rằng chẳng còn ai diễn tả được cảm xúc của tôi về nỗi cô đơn, về cuộc sống này, và về mọi thứ, tốt hơn em. Và ca khúc này đã làm được tất cả điều đó. Nhưng điều quan trọng hơn, tôi có thể hiểu được em đang nói gì, lời cầu xin giúp đỡ của em. Bây giờ tất cả đều rõ ràng rồi. Em không cô độc đâu, Kayleigh!
Tôi sẽ là cái bóng của em. Mãi mãi!
XO, Edwin
Subject: Fwd: Không Tin Nổi!!!!!
Từ: [email protected]
Đến: [email protected]
Ngày 03 tháng 09, 10 giờ 34 phút
Gửi anh Sharp:
Cô Alicia Sessions, trợ lý riêng của hai khách hàng là Kayleigh Towne và cha cô ấy, Bishop Towne, đã chuyển tiếp cho chúng tôi email của anh vào sáng nay. Anh đã gửi hơn năm mươi bức thư điện tử và thư tay kể từ khi chúng tôi liên hệ với anh hai tháng trước, thiết tha mong anh đừng liên hệ với cô Towne, hoặc bất kỳ ai trong số bạn bè và gia đình cô ấy. Chúng tôi cực kỳ hoang mang khi anh tìm thấy địa chỉ email cá nhân của cô ấy (giờ đã thay đổi rồi, nói cho anh biết), và chúng tôi đang tìm hiểu liệu có sự vi phạm luật pháp bang, hay liên bang nào không trong việc anh có được địa chỉ này.
Một lần nữa, chúng tôi phải nói với anh rằng chúng tôi cảm thấy hành vi của anh là hoàn toàn không thích hợp và có thể bị kiện. Chúng tôi rất bức xúc và thật lòng mong anh đặc biệt chú ý đến cảnh cáo này. Và chúng tôi nhắc lại, nhân viên an ninh của cô Towne, cùng các nhà thực thi luật pháp địa phương đã được thông báo về những nỗ lực mang tính xâm phạm lặp đi lặp lại của anh nhằm liên hệ với cô ấy, và chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tiến hành bất kỳ biện pháp cần thiết nào nhằm chấm dứt hành vi đáng báo động này.
Samuel King, Esq.
Hãng Luật Crowell, Smith & Wendall.
Subject: Hẹn sớm gặp lại em!!!
Từ: [email protected]
Đến: [email protected]
Ngày 05 tháng 09, 11 giờ 43 phút
Chào Kayleigh,
Tôi có được địa chỉ email mới của em rồi. Tôi biết họ đang âm mưu gì nhưng ĐỪNG LO, không sao đâu mà.
Tôi đang nằm trên giường, ngay lúc này đang lắng nghe em đây. Tôi cảm thấy như mình là cái bóng của em, theo đúng nghĩa đen vậy… Và em là của tôi. Em thật tuyệt vời!
Tôi không rõ liệu em có cơ hội nào để suy nghĩ về điều ấy - em quá bận, tôi biết!! - nhưng tôi sẽ hỏi lại - nếu em muốn gửi cho tôi một ít tóc của em thì sẽ tuyệt vời lắm. Tôi biết em chưa hề cắt tóc đã mười năm bốn tháng (đó là một trong những điều khiến em thật xinh đẹp!!!), nhưng hẳn là có sợi nào đó vương trên lược của em. Hoặc tốt hơn nữa là vương trên gối của em. Tôi sẽ nâng niu nó mãi mãi.
Không thể ĐỢI đến buổi hòa nhạc vào thứ Sáu tới.
Hẹn gặp em sớm.
Mãi mãi là của em,
XO, Edwin
CHỦ NHẬT
CHƯƠNG 1
TRUNG TÂM CỦA một nhà hát chính là khán giả.
Và khi không gian khổng lồ chìm trong bóng tối lờ mờ, trống trải, như không gian lúc này, một nơi gặp gỡ có thể tràn ngập sự nôn nóng và lãnh đạm.
Thậm chí thù địch.
Thôi. Tưởng tượng thế đủ rồi, Kayleigh Towne tự nhủ. Đừng cư xử như con nít nữa đi. Đứng trên sân khấu rộng rãi, đã trầy xước của sảnh chính Trung tâm Hội nghị Fresno, cô nhìn bao quát nơi này một lần nữa, đánh giá công tác chuẩn bị cho buổi hòa nhạc vào thứ Sáu bằng cái nhìn khắt khe điển hình, cân nhắc thật kỹ các chuyển động của ánh sáng và sân khấu, các nhạc công dàn nhạc nên đứng và ngồi ở chỗ nào. Chỗ nào có thể bước ra ngoài tránh khỏi đám đông, nhưng vẫn đủ gần để chạm tay và hôn gió. Chỗ nào có độ vang âm tốt nhất để đặt các thùng loa monitor* - ở vị trí quay về phía dàn nhạc để họ có thể nghe thấy tiếng nhạc mình chơi mà không lẫn tiếng vọng và nhiễu âm. Nhiều nghệ sĩ trình diễn bây giờ sử dụng tai nghe gắn trong vì mục đích này. Kayleigh lại thích sự sống động của các loa monitor truyền thống.
Dễ phải tính đến hàng trăm chi tiết khác. Cô tin rằng mọi màn trình diễn phải đạt đến sự hoàn hảo, hơn cả hoàn hảo. Mỗi khán giả xứng đáng được hưởng thứ âm nhạc đỉnh cao nhất. Một trăm phần trăm.
Rốt cuộc cô đã lớn lên dưới cái bóng của Bishop Towne.
Kayleigh giờ mới nghĩ lại, đó là cách dùng từ không ổn.
Ta sẽ là cái bóng của em. Mãi mãi…
Quay lại với kế hoạch. Sô diễn này phải khác biệt với sô diễn trước cũng tại đây, khoảng tám tháng trước. Một chương trình được làm mới là điều cực kỳ quan trọng, vì fan hâm mộ hẳn đã quá quen với các sô diễn của cô tại quê nhà. Cô muốn chắc chắn sẽ dành cho họ sự bất ngờ. Có điều cần phải nói về âm nhạc của Kayleigh, khán thính giả của cô không đông đảo như các nghệ sĩ khác, nhưng lại rất trung thành với cô như những chú cún lông vàng. Họ thuộc hết lời bài hát của cô, hiểu cách cô chơi guitar, biết cách cô di chuyển trên sân khấu, cười tán thưởng phong cách của cô trước khi hát hết bài. Những màn trình diễn của cô là điều vô cùng quan trọng với họ, họ lắng nghe như nuốt lấy những lời hát của cô, hiểu biết tiểu sử của cô, những gì cô thích và không thích.
Và một số kẻ muốn biết nhiều hơn thế…
Nghĩ đến đây, ruột gan cô thắt lại, hệt như khi cô bước xuống hồ Hensley vào tháng Một.
Nghĩ về nó, dĩ nhiên rồi.
Tiếp theo cô thấy tê liệt, thở hổn hển. Phải rồi, kẻ nào đó đang theo dõi cô từ phía xa sảnh chính! Không ai trong nhóm của cô đứng đấy cả. Những cái bóng đang di chuyển.
Hay cô chỉ tưởng tượng ra thế? Hay có thể do thị lực của cô? Kayleigh được trời phú cho chất giọng cao hoàn hảo, ngọt ngào như thiên thần, nhưng Thượng Đế cũng quyết rằng ưu ái thêm cho thị lực của cô nữa thì chỉ có hại. Cô liếc mắt và điều chỉnh cặp kính. Cô chắc chắn rằng có ai đó đang trốn, đang đi tới đi lui nơi ngưỡng cửa vào kho bảo quản của quầy phục vụ tại nhà hát.
Rồi chuyển động ngưng lại.
Cô dám chắc đó không phải một chuyển động, không bao giờ là chuyển động. Chỉ là một vệt sáng, một cái bóng.
Dù xung quanh tĩnh lặng, cô vẫn nghe thấy một hàng rên rỉ, răng rắc và lách cách khó chịu - không biết phát ra từ đâu - cảm thấy cơn ớn lạnh kinh
hoàng chạy dọc sống lưng.
Là nó…
Kẻ đã gửi cho cô hàng trăm bức thư điện tử, thư tay với nội dung thân mật, phỉnh phờ về cuộc sống họ có thể chia sẻ với nhau. Hắn hỏi xin một sợi tóc, một mẩu móng tay cô cắt ra. Kẻ bằng cách nào đó đã tiếp cận cô đủ gần trong hàng tá sô diễn, chụp Kayleigh những bức cận cảnh, nhưng không một ai trông thấy hắn. Có khả năng hắn - cho dù chưa bao giờ được chứng minh - đã lẻn vào trong các xe buýt của dàn nhạc, xe mô tô lưu động và thó các phụ kiện quần áo của cô, kể cả đồ lót.
Kẻ đã từng gửi cho cô hàng tá ảnh chụp chính hắn: mái tóc bờm xờm, béo mập, quần áo hắn mặc có vẻ như lâu rồi không giặt. Không bao giờ là ảnh khiêu dâm, nhưng lạ ở chỗ, vì chúng suồng sã đến thế nên càng gây khó chịu hơn nhiều. Kiểu những bức hình trong tin nhắn một người bạn trai sẽ gửi về cho cô từ một chuyến du lịch.
Là nó…
Cha cô gần đây đã thuê một vệ sĩ riêng. Anh ta có khổ người cao lớn cùng cái đầu hình viên đạn. Một sợi dây xoắn thi thoảng lộ ra từ một bên tai cho thấy rõ nhiệm vụ của anh ta là gì. Nhưng lúc này Darthur Morgan đang ở ngoài kia, đi tuần xung quanh và kiểm tra xe cộ. Kế hoạch bảo vệ của anh ta gồm có một chi tiết tinh tế: Anh ta chỉ cần chường mặt ra để những kẻ rình mò phải nản chí quay bước thay vì đối đầu với một kẻ nặng một trăm mười ba cân trông như nghệ sĩ nhạc rap, cộng thêm thái độ (rõ ràng anh ta đã tôi luyện nó từ những năm tháng vị thành niên).
Cô đảo mắt lần nữa qua những hốc tối của sảnh chính - nơi thuận lợi nhất hắn có thể đứng và theo dõi cô. Nghiến chặt răng trong cơn giận dữ vì đã sợ hãi, gần như không thể kiềm chế cảm giác khó chịu và quẫn trí, cô nghĩ, Quay.Lại.Với.Công.Việc.Thôi.
Mày còn lo lắng cái gì? Mày không ở đây một mình. Ban nhạc tuy vẫn chưa vào thành phố - họ đang hoàn thiện nốt mấy việc tại phòng thu ở
Nashville - nhưng Bobby đang ngồi cạnh dàn điều khiển âm thanh Midas XL8 đồ sộ chiếm trọn chiếc bàn điều khiển phía sau sảnh chính, cách đó sáu mươi mét. Alicia đang sắp xếp lại các phòng diễn tập. Hai anh chàng lực lưỡng trong đội kỹ thuật đường phố của Bobby đang dỡ đồ phía sau xe tải xuống, lắp ráp và sắp xếp hàng trăm thùng, công cụ, đồ dùng biểu diễn, các tấm gỗ dán, giá đỡ, dây nhợ, ampli, linh kiện, máy tính và dụng cụ chỉnh âm - hàng tấn thiết bị mà ngay cả những ban nhạc lưu diễn khiêm tốn như của Kayleigh cũng cần.
Cô cho rằng một trong số họ có thể lao đến chỗ cô, nếu nguồn gốc cái bóng kia chính là hắn.
Khốn thật, thôi cái chuyện kêu nó thay vì kêu hắn đi. Nó, nó, nó, như thể mày sợ đến nỗi không dám nêu tên hắn ra. Như thể thốt ra câu đó đủ khiến hắn xuất hiện vậy.
Cô cũng có không ít fan cuồng bị ám ảnh, nhiều là đằng khác - ca sĩ, nhạc sĩ tuyệt vời, với chất giọng như thiên thần nào mà chẳng có vài kẻ hâm mộ không bình thường? Cô nhận được mười hai lời cầu hôn từ những người đàn ông cô chưa từng gặp, ba lời cầu hôn từ phụ nữ. Một tá cặp vợ chồng muốn nhận cô làm con nuôi, ba mươi hay nhiều hơn thế những cô bé tuổi teen muốn trở thành bạn thân nhất của cô, cả nghìn người đàn ông muốn mời cô đi uống nước, ăn tối tại quán Bob Evans hay Mandarin Oriental… và bao nhiêu lời mời dự một đêm tiệc cưới, mà không phải khó chịu vì những bất tiện của đám cưới. Này Kayleigh, hãy suy nghĩ về nó nhé, vì tôi sẽ dành cho em niềm vui mà em chưa từng được hưởng, nhân tiện tôi có một bức ảnh về những gì em có thể trông đợi, thực sự đây là tôi đây, không tồi chứ hả?
(Thật là một ý tưởng rất ngu xuẩn khi gửi một bức ảnh như thế cho đứa bé mười bảy tuổi, lứa tuổi của Kayleigh thời điểm đó. Nhân với chả tiện). Thông thường, cô tỏ ra vui vẻ một cách có chừng mực khi được chú ý. Nhưng luôn luôn và nhất định không phải bây giờ. Kayleigh thấy mình đang lôi cái áo khoác denim khỏi chiếc ghế gần đó và mặc ra ngoài sơ mi, thêm
một lớp rào cản trước bất kỳ con mắt soi mói nào. Bất chấp cái nóng tháng Chín đặc trưng của Fresno, điều đó vẫn lấp đầy nơi ảm đạm này. Và thêm nhiều tiếng lách cách, răng rắc chẳng hiểu từ đâu phát ra. “Kayleigh?”
Cô quay phắt lại, cố che giấu việc mình khẽ nhảy dựng lên dù nhận ra giọng nói ấy.
Một người phụ nữ, khổ người đậm và rắn rỏi, khoảng ba mươi tuổi, dừng bước giữa chừng khi đi ngang qua sân khấu. Chị ta có mái tóc đỏ cắt ngắn, với mấy vết mực xăm mờ trên hai cánh tay, để lộ một phần vai và xương sống nhờ mặc chiếc áo hai dây thon thả, chiếc quần jean màu đen bó sát, ôm hông. Đôi ủng cao bồi vui mắt. “Không có ý làm cô sợ đâu. Cô ổn không?”
“Tôi không sao đâu. Chuyện gì thế?” cô hỏi Alicia Sessions. Chị ta hất đầu về phía chiếc iPad đang mang theo. “Những thứ này vừa đến. Bản in thử các poster mới? Nếu hôm nay mang tới nhà in, nhất định chúng ta sẽ có bản hoàn chỉnh cho buổi diễn. Xem có OK không nhé?” Kayleigh cúi xuống màn hình và xem xét. Âm nhạc ngày nay chỉ một phần là về âm nhạc, dĩ nhiên. Cô cho rằng có lẽ đã luôn là thế, nhưng dường như khi cô càng nổi tiếng, khía cạnh kinh doanh trong sự nghiệp của cô càng ngốn nhiều thời gian hơn trước kia. Cô không còn quan tâm nhiều đến các vấn đề này, mà nói chung cô chẳng cần làm thế. Cha là người quản lý của cô. Alicia phụ trách sổ sách và lên kế hoạch mỗi ngày. Các luật sư đọc hợp đồng, công ty thu âm tiến hành dàn xếp với các phòng thu, các công ty sản xuất đĩa hát, các đại lý bán lẻ và tải nhạc, nhà sản xuất đồng thời là bạn cũ lâu năm của cô tại Hãng Thu âm BHRC Records, Barry Zeigler, lo các vấn đề kỹ thuật trong bố trí và sản xuất, Bobby và nhóm của anh ta lo dàn dựng và điều hành các sô diễn.
Nhờ thế Kayleigh Towne có thể yên tâm làm việc cô giỏi nhất - viết nhạc rồi hát.
Dẫu vậy, vấn đề kinh doanh cô hứng thú chắc chắn là các fan hâm mộ -
nhiều người trong số họ còn trẻ hoặc không có nhiều tiền - có thể mua các món đồ lưu niệm rẻ nhưng khá tươm, nhờ thế đêm hòa nhạc trở nên đặc biệt hơn nhiều. Các tấm poster như tấm này, rồi áo sơ mi, móc chìa khóa, vòng tay, vòng xuyến, các cuốn hợp âm guitar, băng đô, ba lô v.v… cốc cà phê cho những bà mẹ, ông bố đang lái xe dẫn theo trẻ em đến xem sô diễn rồi ra về, và dĩ nhiên là thường xuyên mua vé nữa.
Cô nghiên cứu các bản in thử. Hình chụp cô với chiếc guitar Martin ưa thích - kích cỡ nhỏ hơn, không phải dáng D*, model 000-18, mặt guitar làm bằng gỗ cây vân sam ngả vàng, khô giòn, cổ xưa và có độ ngân rung riêng. Bức ảnh chính là tấm hình nằm trên bìa album mới nhất của cô - Your Shadow.
Nó…
Không, đừng.
Một lần nữa, đôi mắt quét qua các cửa ra vào.
“Cô chắc là mình không sao đấy chứ?” Alicia hỏi, giọng hơi mang âm hưởng Texas.
“Vâng.” Kayleigh quay lại với những bản in thử poster, mang tất cả đặc điểm của tấm ảnh tương tự dù hình thức, các tin nhắn và phông nền có khác. Ảnh của cô được chụp chính diện, chân thật đến mức như cô đang ngắm chính mình: Chiều cao một mét năm mươi bảy - lùn hơn mức cô hẳn sẽ thích, khuôn mặt hơi dài, nhưng đôi mắt xanh đẹp thì mê hồn, hai hàng lông mi cong và đôi môi đỏ mọng, mà một số phóng viên cho rằng cô dùng son môi collagen. Như thể… Mái tóc vàng làm nên thương hiệu của cô, dài khoảng một mét hai - ôi không, cô không cắt mà chỉ tỉa gọn suốt mười năm bốn tháng - suôn dài trong làn gió nhẹ giả tạo từ chiếc quạt gió của tay thợ nhiếp ảnh. Chiếc quần jean thiết kế và áo choàng màu đỏ sẫm cổ cao. Một thánh giá nhỏ bằng kim cương.
“Con nên dành cho các fan hâm mộ một chương trình,” Bishop Towne luôn luôn nói. “Ý bố là về mặt hình ảnh. Các tiêu chuẩn giữa nam và nữ
không giống nhau. Con vướng vào rắc rối và phủ nhận nó.” Ý ông là trong thế giới nhạc đồng quê, đàn ông có thể xoay xở tốt như hình ảnh của chính Bishop: cái bụng phệ, gương mặt râu ria lởm chởm, đầy nếp nhăn vì thuốc lá đi đôi khó hiểu với chiếc sơ mi cứng quèo, nhàu nhĩ, đôi ủng đã mòn xơ và chiếc quần jean bạc phếch. Còn đối với nữ ca sĩ, ông giảng giải - dù ông thực sự định nói từ ‘cô gái’ - phải tập hợp lại cho một buổi hẹn đêm. Và trong trường hợp của Kayleigh, có nghĩa là một buổi tụ họp ở nhà thờ, dĩ nhiên cô đã xây dựng sự nghiệp của mình phỏng theo hình tượng thiếu nữ ngoan hiền nhà hàng xóm. Chắc chắn quần jean có thể bó sát một chút, những áo choàng và áo len dài tay bó sát bộ ngực tròn lẳn, nhưng đường viền cổ áo thì cao. Trang điểm tinh tế và có xu hướng chọn tông màu hồng.
“Cứ thế đi.”
“Tuyệt.” Alicia tắt máy. “Tôi vẫn chưa được sự đồng ý của cha cô.” “Ổn mà,” cô ca sĩ trấn an chị ta, hất đầu về phía chiếc iPad. “Chắc rồi. Tôi sẽ chỉ mang đến giải thích với ông ấy thôi. Cô biết đấy.” Bỗng Kayleigh ngừng lại rồi tiếp lời, “Được thôi.”
“Âm thanh ở đây tốt chưa?” Alicia hỏi, bản thân chị ta cũng là một nghệ sĩ trình diễn, chị ta có chất giọng cũng như tình yêu với âm nhạc. Điều này giải thích lý do tại sao chị ta nhận làm việc cho một người như Kayleigh Towne, trong khi người phụ nữ có năng lực, thẳng thắn này có thể kiếm được thù lao nhiều gấp đôi một trợ lý riêng cho giám đốc điều hành doanh nghiệp. Chị ta đã ký hợp đồng vào mùa xuân năm ngoái, nhưng chưa một lần nghe ban nhạc chơi tại đây.
“À, âm thanh tuyệt lắm,” Kayleigh hăng hái đáp, mắt liếc nhìn các bức tường bê tông xấu xí. “Chị sẽ không tưởng tượng được đâu.” Cô giải thích cách các nhà thiết kế nơi này từ những năm 1960 đã làm việc ra sao; quá nhiều nhà hát - ngay cả những nhà hát tinh tế dành riêng cho nhạc cổ điển - đều được hoàn thành dưới bàn tay những người không tin tưởng khả năng của nhạc cụ, giọng hát có thể vọng đến nơi xa nhất bằng ‘âm lượng trực tiếp’, tức
là âm thanh bắt nguồn từ sân khấu. Các kiến trúc sư sẽ thêm các bề mặt góc cạnh, các hình khối độc lập nhằm tăng âm lượng của âm nhạc, kèm theo đó là truyền rung chấn ra hàng triệu hướng khác nhau. Lối kiến trúc này gây ra cơn ác mộng về âm thanh ở từng nghệ sĩ trình diễn, trên thực tế tiếng vọng cứ dội đi dội lại tạo nên các âm thanh lộn xộn, thậm chí đôi khi còn lạc điệu.
Kayleigh giải thích cho Alicia như cha cô đã làm với cô, ở Fresno hiện đại này, các nhà thiết kế tin tưởng vào cường độ, độ trong của giọng hát, của mặt trống, màn hướng âm, nhạc cụ bộ hơi và bộ dây. Cô vừa định đề nghị chị trợ lý cùng song ca đoạn điệp khúc thuộc một trong số những ca khúc của mình nhằm chứng minh cho quan điểm vừa rồi - Alicia hòa ca rất tuyệt - thì để ý ánh mắt chị ta hướng về phía sau sảnh chính. Cô cho rằng cô nàng này đã chán nghe màn thảo luận khoa học. Nhưng ánh mắt khó chịu cho thấy chị ta đang nghĩ về chuyện khác.
“Gì thế?” Kayleigh hỏi.
“Không phải chỉ có chúng ta và Bobby thôi sao?”
“Ý chị là sao?”
“Tôi nghĩ mình trông thấy ai đó.” Chị ta giơ một ngón tay có móng sơn đen. “Cái ngưỡng cửa đó. Đằng kia kìa.”
Đúng ngay chỗ Kayleigh đã nghĩ mình trông thấy cái bóng mười phút trước.
Hai lòng bàn tay đổ mồ hôi, lơ đãng sờ thấy điện thoại của mình, Kayleigh nhìn chằm chằm những hình dáng đang thay đổi phía sau sảnh chính. Đúng… hay không. Cô đơn giản không thể nói.
Rồi nhún đôi vai rộng, một bên lộ ra hình xăm con rắn màu đỏ và xanh dương, Alicia nói, “Hừm. Tôi không nghĩ vậy đâu. Dù là gì chăng nữa thì nó cũng đi rồi… Okay, gặp cô sau nhé. Tại nhà hàng lúc một giờ chứ?” “Vâng, chắc rồi.”
Kayleigh lơ đãng lắng nghe tiếng đôi bốt nện khi chị ta đi khỏi, mắt vẫn nhìn trừng trừng các ngưỡng cửa đen ngòm.
Giận dữ, bất chợt cô thì thầm, “Edwin Sharp.”
Mày đã nói ra tên hắn rồi.
“Edwin, Edwin, Edwin.”
Giờ thì tao gọi mày hiện lên rồi, nghe đây: Cút ra khỏi nhà hát của tao! Tao còn việc phải làm.
Nói rồi cô quay mặt khỏi ngưỡng cửa mở toang, đầy bóng tối, nơi mà chắc chắn không có ai liếc mắt đểu cáng về phía cô. Cô bước về phía sân khấu trung tâm, nhìn lên dải băng che lớp gỗ đầy bụi, phác ra trong đầu các điểm khác nhau mà mình sẽ đứng trong buổi hòa nhạc.
Đó là lúc cô nghe thấy một giọng đàn ông đang gào lên từ phía sau sảnh chính. “Kayleigh!” Giọng của Bobby, đang đứng lên từ phía sau dàn âm thanh, xô đổ cái ghế rồi giật bộ tai nghe vỏ cứng xuống. Một tay anh vẫy về phía cô, tay kia chỉ vào chỗ phía trên đầu cô. “Coi chừng!…. Không. Kayleigh!”
Cô ngước mắt lên rất nhanh, thấy một trong những dãy đèn đa mạch - thiết bị chiếu sáng Colortran cao hai mét - đang rơi tự do khỏi giá lắp, đu đưa về phía sân khấu trên một dây cáp điện dày.
Lùi lại theo bản năng, cô vấp phải một giá đỡ guitar mà cô không nhớ nó ở sau lưng mình.
Cô ngã nhào, hai cánh tay khua khoắng, thở dốc…
Người phụ nữ ngã xuống sân khấu một cú rất mạnh, bằng xương cụt. Dãy đèn khổng lồ đang rơi thẳng xuống chỗ cô, một quả lắc chết người, ngày càng to hơn. Cô tuyệt vọng muốn đứng lên nhưng lại ngã xuống, lóa mắt trước những chùm sáng chói gắt từ các bóng đèn hàng nghìn watt chặn đường.
Rồi mọi thứ đen kịt.
CHƯƠNG 2
KATHRYN DANCE CÓ đến vài cuộc đời.
Một người mẹ góa bụa của hai đứa nhóc đang bước vào tuổi vị thành niên. Một đặc vụ của Cục Điều tra California, với chuyên môn thẩm vấn và nghiên cứu ý nghĩa cử chỉ - phân tích ngôn ngữ cơ thể.
Cô con gái ngoan ngoãn, dễ bảo đôi khi bất kính và cáu tiết, sống cùng bố mẹ gần đó.
Đấy là thứ tự cô đặt ra cho các khía cạnh của cuộc đời mình. Trật tự thứ tư, gần như là thiết yếu cho sức mạnh tâm linh của cô, hệt như ba trật tự đầu: Đó là âm nhạc. Giống Alan Lomax, vào thời điểm giữa thế kỷ trước, Dance là một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa dân gian, một người đi săn tìm bài hát. Đôi khi cô hưởng thụ thời gian nghỉ ngơi của mình, trèo lên chiếc SUV, đôi khi đi cùng lũ nhóc và mấy con chó, đôi khi, như lúc này đây, cô một mình tìm kiếm âm nhạc, theo cách những thợ săn tìm ra cánh đồng săn hươu hoặc gà tây.
Hiện Dance đang lái chiếc Pathfinder dọc Đường Cao tốc số 152 từ Bán đảo Monterey qua một đoạn đường dài, phần lớn không cây cối của California đến Fresno ở Thung lũng San Joaquin, cách ba giờ đi xe. Nơi đây là trung tâm nông nghiệp của đất nước và của những chiếc xe tải moóc kép để hở, chất đầy tỏi, khoai tây cùng các rau củ quả khác, đang không ngừng lăn bánh đến các nhà máy chế biến thực phẩm khổng lồ trên chặng đường mù sương. Những cánh đồng canh tác vẫn đang xanh tươi, hoặc nếu đã được thu hoạch thì chỉ còn lại sắc đen màu mỡ, trong khi mọi thứ đều khô héo, xám xịt như chiếc bánh mỳ nướng bị bỏ quên.
Bụi cuộn xoáy phía sau xe Nissan, bầy côn trùng chết như rạ trên tấm kính chắn gió.
Nhiệm vụ của Dance trong vài ngày tới là thu âm những giai điệu tự viết của một nhóm nhạc sĩ địa phương Mexico, tất cả bọn họ đều sinh sống gần hoặc ở ngay Fresno. Một số người còn thu hoạch trên những cánh đồng nên đặt tên cho nhóm của mình là Los Trabajadores, Những Người Công Nhân. Dance sẽ thu lại ca khúc của họ bằng chiếc TASCAM HD-P2 Kỹ thuật số, khá đắt so với mức thu nhập của cô, nhưng tuyệt hảo. Sau đó cô sẽ biên tập và tải các ca khúc lên trang web riêng, ‘American Tunes’.
Mọi người có thể tải chúng về với một khoản phí nho nhỏ, mà phần lớn cô sẽ gửi lại cho các nhạc sĩ. Chỉ giữ lại một khoản vừa đủ trang trải các chi phí của trang web và thi thoảng mấy mẹ con đi ăn tối. Chẳng ai giàu được từ việc tải nhạc lên mạng nhưng một số nhóm mà cô cùng đối tác kinh doanh của cô trong vụ này, Martine Christensen, phát hiện ra không chỉ thu hút sự chú ý của địa phương mà còn của cả nước.
Cô vừa giải quyết xong một vụ khó nhằn tại Monterey, văn phòng CBI mà cô được chỉ định đến, nên quyết định nghỉ ngơi một thời gian. Bọn trẻ đang đi dự hội trại thể thao và âm nhạc, ngủ qua đêm với ông bà chúng. Dance được tự do rong ruổi ở Fresno, Yosemite và các khu xung quanh, thu âm cho nhóm Los Trabajadores và tìm kiếm các tài năng khác tại địa phương đậm chất âm nhạc này. Nơi đây không chỉ tìm thấy nhạc Latin, mà còn cả một dòng độc đáo của nhạc đồng quê (dĩ nhiên có lý do, thể loại này thường xuyên được gọi là nhạc đồng quê miền Tây). Thực ra âm nhạc của vùng Bakersfield bắt nguồn từ thành phố nằm cách Fresno vài giờ đi xe về phía nam, đã trở thành phong trào nhạc đồng quê chủ chốt, nó phát sinh từ phản ứng của một số người với cái mà họ nghĩ là những sản phẩm quá khéo léo của Nashville vào thập niên 50. Các nghệ sĩ trình diễn như Buck Owens và Merle Haggard đã khởi xướng phong trào này, và gần đây nó đã hồi sinh trong âm nhạc của những nghệ sĩ như Dwight Yoakam và Gary Allan.
Dance vừa nhấp một ngụm Sprite vừa dò các đài radio. Cô đã cân nhắc biến chuyến đi này thành một cuộc trốn chạy lãng mạn, và rủ Jon Boling đi cùng. Nhưng anh vừa nhận tư vấn cho một công ty khởi nghiệp về máy tính nên sẽ phải mất vài ngày. Và vì một số lý do, Dance quyết định cô thích đi một mình hơn. Vụ án bắt cóc cô vừa giải quyết rất khó khăn; hai ngày trước cô đã phải đi cùng hai nạn nhân may mắn sống sót tới dự đám tang một nạn nhân mà họ không thể cứu được.
Cô bật kênh AC. Vào dịp này trong năm, Bán đảo Monterey trở nên dễ chịu, thi thoảng thậm chí se lạnh, và cô ăn vận theo quy ước lên tàu tại cảng. Trong chiếc áo sơ mi cotton xám dài tay và quần jean xanh, trông cô rất nóng bỏng. Nhẹ nhàng tháo cặp kính viền hồng và lau nó bằng khăn ăn, cô lái xe bằng đầu gối. Rồi mồ hôi bắt đầu chảy xuống một bên mắt kính. Nhiệt kế trong chiếc Pathfinder báo bên ngoài đang trên ba mươi lăm độ.
Tháng Chín. Phải rồi.
Dance mong chờ chuyến đi này vì một lý do khác - cô chỉ muốn gặp người bạn duy nhất của mình, Kayleigh Towne, nữ ca sĩ - nhạc sĩ nhạc đồng quê đang nổi. Kayleigh là người ủng hộ lâu dài cho trang web của Dance, và các nhạc sĩ bản xứ khác mà cô và Martine cổ vũ. Nàng ca sĩ đã ngỏ lời mời Dance đến dự buổi hòa nhạc tối thứ Sáu của mình ở Fresno. Cho dù trẻ hơn Dance mười hai tuổi, nhưng Kayleigh đã trở thành nghệ sĩ trình diễn từ khi cô bé mới chín mười tuổi, trở thành ca sĩ chuyên nghiệp kể từ khi bước qua tuổi teen. Người nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ giải trí xuất chúng, khôi hài và tinh tế này, không bao giờ chú trọng đến cái tôi, người phụ nữ trưởng thành trước tuổi. Dance rất thích làm bạn với cô bé.
Cô bé cũng là con gái của huyền thoại nhạc đồng quê Bishop Towne. Có đôi lần, Dance đã đến dự những buổi trình diễn của Kayleigh, hoặc đến thăm cô bé tại Fresno. Ông bố Bishop to như con gấu của cô bé nặng nề lê tấm thân nặng hàng nghìn pound vào phòng, với xúc cảm mãnh liệt của một người khao khát phục hồi danh tiếng, như ông từng thèm khát ma túy và
rượu. Ông huyên thuyên về những người khác trong Nghề* - trong đó chữ N quan trọng được cố tình nhấn mạnh: các nhạc sĩ ông quen thân (hàng trăm người), các nhạc sĩ ông học hỏi được (chỉ những người tuyệt nhất), các nhạc sĩ một tay ông đào tạo (hầu hết các siêu sao của ngày nay) và các nhạc sĩ ông đã từng động chân động tay với họ (cũng có nhiều người trong số đó).
Tính cách ông hỗn hào, thô lỗ và phô trương quá đà, Dance bị lôi cuốn. Mặt khác, album mới nhất của ông đã thất bại. Ông đã mất chất giọng cũng như năng lượng. Với hai điểm yếu này thì ngay cả công nghệ kỹ thuật số tiên tiến nhất trong phòng thu cũng đành bó tay. Không điều gì có thể cứu vãn sự nghiệp sáng tác sáo mòn, rất khác so với những ca từ, giai điệu tuyệt vời đã nâng ông lên đỉnh cao vài năm trước.
Dù sao ông vẫn còn một người đồng hành thủy chung, ông vẫn kiểm soát chặt chẽ sự nghiệp của Kayleigh, sẵn sàng giáng họa cho bất kỳ nhà sản xuất, công ty thu âm hay nhà hát nào đối xử với cô không đúng mực.
Giờ đây Dance tiến thẳng vào Fresno. Thung lũng Salinas, một trăm dặm về phía tây nổi tiếng là Bát Salad của quốc gia. Nhưng San Joaquin thì rộng lớn và sản xuất nhiều hơn, Fresno nằm chính giữa trung tâm của nó. Nơi này là thành phố bận rộn không có gì nổi bật với khoảng nửa triệu dân; hoạt động băng đảng, các mối đe dọa khủng bố, giết người và trộm cắp mà bạn từng thấy trong mỗi khu đô thị nhỏ thời gian gần đây có tỷ lệ hơi cao hơn mức trung bình đối với tất cả cư dân. Cô phỏng đoán, tình trạng lạm phát - hình ảnh phản ánh nạn thất nghiệp đang hoành hành ở đây - khoảng 18%. Cô để ý một số thanh niên là bằng chứng sống cho thống kê này. Họ đang lang thang trên những góc phố tối mờ. Mặc áo thun không tay, quần ngố hoặc quần jean, họ nhìn theo cô và những chiếc xe khác chạy qua, hoặc nói chuyện, cười đùa và uống rượu từ những cái chai bọc trong túi giấy.
Những làn bụi và nhiệt thoát ra từ các bề mặt lò nướng bánh. Những con chó ngồi trên các hàng hiên, nhìn chằm chằm qua dòng xe cộ về phía xa xôi một cách vô hồn. Cô liếc qua lũ trẻ ở các sân sau đang vui sướng nhảy lên
những vòi phun nước chảy nhỏ giọt, một hành động đáng ngờ nếu không muốn nói là trái luật pháp tại xứ California vốn liên tục hứng chịu nạn hạn hán.
Vệ tinh dễ dàng dõi theo cô đến Nhà trọ Mountain View đối diện Xa lộ 41. Nhưng cảnh quan ở đây thật trống trải, mặc dù có thể là do sương mù. Cô suy luận, liếc mắt từ đông sang bắc, và thấy những chân đồi mờ ảo cuối cùng sẽ dẫn đến Yosemite hùng vĩ.
Bước vào hơi nóng khô khốc, Dance thực sự cảm thấy đầu mình nhẹ bẫng. Bữa sáng cùng lũ nhóc và bầy chó đã trôi qua lâu rồi.
Nhà trọ vẫn chưa sẵn sàng đón khách nhưng cũng chẳng quan trọng, vì cô sắp gặp Kayleigh cùng vài người bạn trong nửa tiếng nữa, vào lúc một giờ. Cô kiểm tra các túi xách ở quầy lễ tân rồi nhảy bổ lên con Pathfinder, lúc này đang nóng như cái lò nung.
Cô gõ thêm một địa chỉ nữa vào GPS, nghiêm túc lái xe theo hướng được chỉ dẫn, tự hỏi tại sao hầu hết các giọng được lập trình trong vệ tinh hoa tiêu chỉ toàn giọng nữ.
Tại một điểm dừng đèn đỏ, cô lấy điện thoại ra, liếc mắt nhìn vào mục gọi tới và danh sách tin nhắn.
Trống trơn.
Tin tốt là không ai ở văn phòng, hay không đứa trẻ nào ở trại liên lạc với cô.
Nhưng kỳ lạ khi chẳng có tin tức nào của Kayleigh, lẽ ra cô bé sẽ gọi vào sáng hôm đó để xác nhận cuộc gặp. Và một điều ở người nghệ sĩ này luôn gây ấn tượng với Dance: Bất chấp danh tiếng của mình, cô bé vẫn luôn quan tâm đến những điều nhỏ nhặt. Thực ra, trong cuộc sống cũng như trong hoạt động biểu diễn, dường như cô bé cực kỳ có trách nhiệm.
Một cuộc gọi nữa cho Kayleigh.
Thẳng vào hộp thư thoại.
KATHRYN DANCE PHẢI phá lên cười.
Mấy tay chủ quán bar Cowboy rất có khiếu hài hước. Một nơi tối om, xây bằng gỗ, mát đến kinh ngạc nhưng lại chẳng có tí đồ nào của dân cao bồi. Tuy nhiên cuộc sống trên yên ngựa được minh họa rất sinh động - với những người phụ nữ cưỡi ngựa đi trên bãi săn bắn, quăng dây bắt, đánh dấu và lùa đàn gia súc… Thêm vào đó là vài công việc khác thường với những khẩu súng ngắn, nếu bạn có thể tin tưởng tấm poster phiên bản Viễn Tây cũ của Rosie the Riveter, đang bắn rụng mấy cái chai khỏi hàng rào.
Căn cứ theo nghệ thuật điện ảnh, các bìa bọc sách khổ lớn, các hộp đựng đồ ăn trưa, đồ chơi, các bức họa và ảnh, kỷ nguyên đó chắc phải tràn ngập các cô nàng ngực bự, tóc buông dài trong những chiếc mũ cao bồi, những chiếc khăn quàng nhỏ dễ thương, váy bằng da lộn và áo khoác thêu cũng như mấy đôi bốt đẹp nhất từng được làm ra. Kathryn Dance mê mẩn kiểu thời trang này và sở hữu hai đôi bốt Noconas được trang trí công phu. Nhưng không đôi nào sánh nổi với đôi bốt đã mòn của Dale Evans và đối tác là Roy Roger trong chương trình truyền hình những năm 1950, trên hình ảnh ấn tượng của tấm poster đã bạc màu.
Tại quán bar, cô gọi một cốc trà chanh, nhanh chóng tu hết rồi gọi thêm cốc nữa. Cô ngồi tại một trong những chiếc bàn tròn, bị cắt khía nham nhở và đánh véc ni hơi quá, quan sát một nhóm khách hàng. Hai cặp vợ chồng già, một nhóm ba công nhân tiện ích mặc áo liền quần, có vẻ mệt mỏi, những người có khả năng làm việc vào lúc bình minh. Một thanh niên gầy còm mặc quần jean và áo sơ mi kẻ sọc vuông, đang nghiên cứu chiếc máy hát tự động kiểu cũ. Và một số doanh nhân mặc sơ mi trắng, cà vạt đen, không mặc vest.
Cô đang mong chờ được gặp Kayleigh để thu âm các bài hát của nhóm Los Trabajadores và thèm được ăn trưa. Cô đang đói ngấu. Và lo lắng.
Đã một giờ hai mươi rồi. Bạn cô đang ở đâu?
Âm nhạc từ chiếc máy hát tự động lấp đầy không gian. Dance nở nụ cười
yếu ớt. Máy đang phát một nhạc phẩm của Kayleigh Towne - cũng là một lựa chọn đặc biệt tốt, nếu xét đến nơi gặp mặt này: “Tôi ư? Tôi Không Phải Là Gái Cao Bồi.”
Ca khúc nói về một bà mẹ là cầu thủ ở khu ngoại ô, dường như cô ta sống một cuộc sống rất khác so với cuộc sống của một cô gái cao bồi. Nhưng đến cuối cùng cô ta nhận ra có lẽ mình là cô gái cao bồi từ trong tâm hồn. Ca khúc điển hình trong số các ca khúc của Kayleigh, vui vẻ nhưng nói lên được nhiều điều ý nghĩa với mọi người.
Đúng lúc này cửa trước bật mở, một vạt nắng chói gắt chiếu vào sàn nhà lót vải sơn đã mòn, hắt lên những cái bóng chập chờn mang nhiều hình dạng của các vị khách đang tiến vào.
Dance đứng dậy. “Kayleigh!”
Bị bốn người khác vây quanh, nàng ca sĩ trẻ bước vào trong nhà hàng, mỉm cười nhưng vẫn liếc nhanh xung quanh. Cô bé đang gặp rắc rối, Dance để ý ngay lập tức. Không, còn hơn thế nhiều. Kayleigh Towne đang sợ hãi.
Nhưng mọi nỗi lo lắng bị phát hiện ở nơi này thoáng tan biến, cô bé lấy lại vẻ thoải mái khi chạy đến ôm chầm lấy Dance. “Chào chị Kathryn. Tuyệt quá!”
“Chị không thể đợi được gặp em tại đây.”
Nàng ca sĩ mặc quần jean, điều lạ lùng là khoác thêm chiếc áo choàng denim dày, dù trời rất nóng. Mái tóc đáng yêu của cô bé buông xõa, dài gần chấm gót.
Dance nói thêm, “Chị đã gọi cho em hai lần.”
“Đã có… à đã có chút rắc rối tại nhà hát. Ổn cả rồi. Mọi người ơi, đây là bạn tôi, Kathryn Dance.”
Dance chào Bobby Prescott, người cô mới gặp vài năm trước, ngấp nghé tuổi ba mươi, có vẻ ngoài của một diễn viên không ăn dơ với nụ cười bẽn lẽn, mái tóc nâu lượn sóng. Còn có cả Tye Slocum béo lùn và nhút nhát đến hết thuốc chữa, với mái tóc dài hung đỏ cần được cắt tỉa. Anh là thợ sửa chữa
kiêm kỹ thuật viên guitar của ban nhạc. Alicia Sessions nghiêm nghị, vóc dáng khỏe mạnh đang nhìn Dance, trông cô ấy như thành viên của một câu lạc bộ nhạc punk rock ở trung tâm Manhattan, là trợ lý riêng của Kayleigh.
Còn một người nữa cũng đi trong đoàn. Một người đàn ông Mỹ gốc Phi, cao khoảng hơn mét tám, nặng cỡ một trăm mười ba cân.
Một vệ sĩ.
Thực tế Kayleigh có vệ sĩ không phải điều ngạc nhiên, dù Dance thấy khó chịu khi để ý thấy anh ta quá chăm chú vào công việc của mình, kể cả ở đây. Anh ta cẩn thận xem xét tất cả mọi người trong quán bar - người thanh niên cạnh máy nghe nhạc tự động, đám công nhân, thương nhân và ngay cả cặp vợ chồng già cùng người đứng tại quầy bar. Rõ ràng đang rà soát gương mặt họ qua dữ liệu trong đầu về những mối đe dọa tiềm năng.
Đã xảy ra chuyện gì thế?
Không thể phát hiện ra bất kỳ mối đe dọa nào cần bảo vệ ở đây, anh ta chuyển sự chú ý sang Kayleigh. Nhưng anh ta vẫn không thoải mái. Những người làm công việc như anh ta không làm thế - và điều đó khiến họ trở nên lợi hại. Anh ta chuyển sang trạng thái chờ đợi. “Trông chị ổn đấy.”
Tên anh ta là Darthur Morgan. Khi bắt tay Dance, anh ta dò xét cô kỹ lưỡng, ánh mắt thoáng tia hiểu biết. Là một chuyên gia về nghiên cứu ý nghĩa cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể, Dance biết mình vừa phát ra những xung động của ‘cớm’, ngay cả khi cô không cố tình.
“Cùng ăn trưa với tụi này đi,” Kayleigh nói với anh chàng cao lớn. “Không, cảm ơn cô. Tôi sẽ ở ngoài kia.”
“Không được, trời nóng lắm.”
“Tốt hơn tôi nên ở ngoài đó.”
“Được rồi, cầm theo ly trà chanh hay soda đi. Nếu muốn vào cứ tự nhiên nhé.”
Nhưng chẳng cần gọi đồ uống, anh ta chậm rãi cố gắng len qua nhà hàng tối mờ, liếc mắt một lần nhìn bức tượng sáp mang hình cô gái chăn bò đang
quăng dây, rồi bước ra ngoài.
Anh chàng phục vụ quầy bar còm nhom mang menu đến bàn, không che giấu sự ngưỡng mộ mạnh mẽ dành cho Kayleigh Towne. Cô bé mỉm cười với chàng thanh niên như các bà mẹ vẫn làm cho dù họ sàn sàn tuổi nhau.
Kayleigh liếc nhìn máy chơi nhạc tự động, xấu hổ khi thấy họ đang nghe dạ khúc mà cô bé hát.
“Vậy là có chuyện gì?” Dance hỏi.
“Được rồi, em sẽ nói với chị.” Cô bé giải thích rằng khi mình đang chuẩn bị cho buổi hòa nhạc tối thứ Sáu thì một dãy đèn sân khấu bị tuột ra và rơi xuống.
“Lạy Chúa. Em không sao chứ?”
“Vâng, em không sao. Ngoài cái mông ê ẩm.”
Bobby đang ngồi kế bên Kayleigh, nắm chặt cánh tay cô bé. Anh nhìn cô bé trấn an. “Tôi không biết chuyện đó xảy ra thế nào,” anh nói bằng giọng trầm. “Tôi muốn nói đó là một dãy đèn đa mạch, một thiết bị chiếu sáng CYC*. Cô không lắp nó cho buổi diễn rồi tháo ra được. Mà nó được gắn cố định ở đó.”
Những đôi mắt lảng tránh nhau, Tye Slocum mập mạp đề nghị, “Và anh đã kiểm tra rồi đấy, Bobby. Tôi đã thấy anh làm thế với toàn bộ số bóng đèn những hai lần. Bobby là chuyên gia về thiết bị biểu diễn xuất sắc nhất nơi này. Trước nay chưa từng xảy ra tai nạn nào như thế.”
“Nếu mà nó rớt trúng cô ấy,” Alicia nói, tông giọng ẩn chứa cơn giận dữ. “Trời ạ, hẳn mọi chuyện sẽ là như thế. Nó có thể giết chết cô ấy.” Bobby nói thêm, “Một dãy đèn một nghìn watt. Nếu đống đèn đấy vỡ hết, chúng hẳn suýt nữa* đã thiêu cháy toàn bộ chỗ đó. Tôi đã ngắt công tắc điện chính phòng trường hợp* có hỏa hoạn. Tôi sẽ kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa khi quay lại đó tối nay. Tôi phải đến Bakersfield kiếm bộ ampli và loa mới.” Thế rồi không ai nói đến biến cố này nữa, họ cùng gọi bữa trưa. Dance đang phải lấy lại sức sau vụ bắt cóc kéo dài suốt hai tuần - cô sụt mất khoảng
bốn cân - và quyết định tiêu pha thoải mái khi gọi khoai tây chiên với sandwich thịt gà nướng. Kayleigh và Tye gọi salad trộn dầu giấm. Alicia và Bobby gọi bánh tôm và chọn cà phê, bất chấp cái nóng. Cuộc đối thoại chuyển sang trang web âm nhạc của Dance, cô hò chuyện một chút về những nỗ lực không thành của mình khi làm ca sĩ tại San Francisco.
“Kathryn có một giọng hát tuyệt vời,” Kayleigh nói, làm lộ vài dấu hiệu dối trá trong ngôn ngữ cử chỉ. Dance mỉm cười.
Giọng một người đàn ông cắt ngang, “Xin lỗi các bạn. Chào Kayleigh.” Chính là người thanh niên ngồi cạnh máy nghe nhạc tự động. Miệng mỉm cười, anh ta gật đầu với Dance, mọi người ngồi quanh bàn rồi nhìn xuống Kayleigh.
“Xin chào.” Giọng nói của nàng ca sĩ bất ngờ chuyển sang tông khác hẳn, vui vẻ nhưng đề phòng.
“Tôi không có ý nghe lỏm. Nhưng tôi nghe nói có chút rắc rối. Cô không sao chứ?”
“Tôi ổn, cảm ơn.”
Im lặng một lúc, kiểu im lặng như muốn nói: Tôi biết ơn cậu quan tâm nhưng giờ không phải lúc nói chuyện.
Kayleigh nói, “Anh là fan hâm mộ à?”
“Chắc chắn rồi.”
“Cảm ơn anh nhiều vì đã ủng hộ. À buổi hòa nhạc thứ Sáu này anh sẽ đến xem chứ?”
“Ồ cô đoán trúng rồi. Tôi sẽ tới. Dại gì mà bỏ lỡ nó. Cô chắc là mình ổn cả chứ?”
Tất cả ngập ngừng một lúc và sắp bước vào trạng thái không thoải mái. Có lẽ Kayleigh đang tiêu hóa nốt câu cuối cùng.
“Tất nhiên rồi.”
Bobby nói, “Được rồi, anh bạn. Anh bạn bảo trọng nhé. Chúng tôi sẽ quay lại vào bữa trưa.”
Như thể người thợ kỹ thuật còn chưa nói rõ, cậu thanh niên cất lời với tiếng cười nghe rõ cả hơi thở, “Cô không nhận ra tôi, đúng không?” “Xin lỗi,” nàng ca sĩ ướm hỏi.
Alicia nói chắc nịch, “Nếu anh không phiền, cô Towne muốn được riêng tư.”
“Chào Alicia,” anh ta nói với cô ấy.
Người trợ lý riêng chớp mắt. Rõ ràng cô ấy không nhận ra người này và đang tự hỏi làm sao anh ta biết tên mình.
Thế rồi anh ta cũng làm ngơ cô ấy luôn, lại phá lên cười, giọng cao vút và nghe thật kỳ cục. “Là tôi đây mà, Kayleigh! Edwin Sharp. Cái bóng của em.”
CHƯƠNG 3
MỘT TIẾNG CHOANG chói tai vang vọng trong nhà hàng khi cốc trà đá Kayleigh đang cầm tuột khỏi tay cô bé, vỡ tan dưới sàn nhà. Cái cốc to rớt xuống sàn vào đúng góc phát ra âm thanh như tiếng súng, khiến Dance bất giác thấy tay mình lần đến nơi vẫn mang theo khẩu súng ngắn Glock - mà hiện giờ, nó đang nằm yên trong tủ an toàn cạnh giường ngủ nhà cô.
Mắt trợn trừng, Kayleigh vừa thở hổn hển vừa nói, “Anh là… Anh là… Edwin.”
Phản ứng của cô bé gần như hốt hoảng. Nhưng với một cái nhướng mày thông cảm, người đàn ông đáp, “Chào Kayleigh, không sao mà. Yên tâm đi.” “Nhưng…” Đôi mắt cô bé liếc xéo về phía cửa ra vào, bên kia cửa chính là Arthur Morgan. Và nếu Dance không nhầm thì có cả khẩu súng ngắn của anh ta.
Dance cố gắng chắp nối lại các chi tiết. Không thể nào là bạn trai cũ: Nếu không, cô bé hẳn đã nhận ra anh ta sớm hơn. Chắc là fan cuồng rồi. Kayleigh đúng kiểu một nghệ sĩ trình diễn - xinh đẹp, độc thân và tài năng - hay gặp phải những rắc rối bị rình mò.
“Không phải xấu hổ khi em không nhận ra tôi,” Edwin nói, trấn an một cách kỳ cục, chẳng hề để tâm đến tình cảnh trớ trêu của cô bé. “Vì so với bức hình* cuối cùng tôi gửi em, tôi đã sút vài cân. Phải, ba mươi ba cân đấy.” Gã vỗ vỗ vào bụng. “Trong thư tôi không nói chuyện đó, vì muốn gây bất ngờ. Tôi đã đọc các trang Country Week và EW, xem các bức ảnh em chụp với những chàng trai đó. Tôi biết em thích những anh chàng mỏng cơm hơn. Tôi
không cho rằng em mê một chàng mập. Và tôi vừa làm quả đầu hai mươi lăm đô. Em biết lũ đàn ông luôn miệng nói về chuyện thay đổi, nhưng họ chẳng bao giờ làm rồi đấy. Giống bài hát của em. Tôi không trao cho em một Anh Chàng Hứa Lèo đâu. Tôi là Anh Chàng Chân Thành.”
Kayleigh không nói được câu nào. Gần như đang thở gấp.
Nhìn từ góc độ nào đó, Edwin trông cũng dễ coi: cái đầu tròn xoe với mái tóc đen được cắt tỉa một cách tinh tế như đầu của chính trị gia, xịt gôm vào nếp ngay ngắn. Đôi mắt nâu sẫm sâu hút, nước da mịn, dẫu có hơi tái. Nhưng khuôn mặt cũng rất dài, góc cạnh, với cặp lông mày rậm nhô ra, đen như bồ hóng. Khổ người gọn ghẽ, đúng, nhưng vẫn mập - mập hơn lúc cô để ý thấy gã lần đầu tiên, dễ phải đến hai mươi tám hoặc hai mươi chín cân. Bất chấp số cân nặng đã giảm, gã có khi vẫn nặng đến chín mươi cân. Đôi cánh tay dài khẳng khiu, hai bàn tay tuy to bè nhưng lại hồng hào một cách kỳ lạ và đáng ngại.
Ngay lập tức, Bobby Prescott đứng dậy và tiến ba bước đến trước mặt người đàn ông. Bobby cũng to lớn nhưng to bề ngang chứ không cao, Edwin cao hơn anh hẳn một cái đầu. “Chào,” Edwin vui vẻ nói. “Bobby. Anh chàng kỹ thuật. Xin lỗi, đội trưởng đội kỹ thuật đường phố.”
Đôi mắt gã lại hướng về Kayleigh, nhìn cô bé chằm chằm đầy ngưỡng mộ. “Tôi sẽ rất vinh hạnh nếu em cùng uống trà đá với tôi. Ngay góc đằng kia thôi. Tôi có vài thứ muốn cho em xem.”
“Làm sao anh…”
“Biết em ở đây chứ gì? Giời ạ, ai mà không biết đây là quán ruột của em. Chỉ việc xem trên các blog thôi. Chính em đã viết Tôi Không Phải Nữ Cao Bồi trên đó mà.” Gã hất đầu về phía máy nghe nhạc, đúng bản nhạc đó đang được phát ra - bây giờ là lần thứ hai rồi, Dance để ý.
Tôi quan tâm đến
những khu ngoại ô
và những thành phố
Tôi không phải là nữ cao bồi,
trừ phi có thể bạn xem tôi như thế:
Nhìn thẳng vào mắt người nói chuyện
và ăn nói bỗ bã.
Không thỏa hiệp với những kẻ cố chấp,
lừa dối hoặc với sự thù ghét.
Tôi vẫn nhớ
những gì bố mẹ tôi từng dạy tôi
Hãy biết trân trọng gia đình con,
quê hương của con và bạn bè con.
Đừng nghĩ rằng tôi là nữ cao bồi,
nhưng tôi cho rằng điều đó còn tùy.
“Tôi yêu bài hát đó,” gã phun ra một tràng. “Thật sự yêu. À, em biết đấy. Tôi đã nói với em chắc phải đến trăm lần rồi.”
“Thực ra tôi…” Lúc này, Kayleigh giống như một con hươu đang đứng giữa đường.
Bobby đặt tay lên vai Edwin. Không hẳn là thù địch, cũng không hẳn là thân thiện, Dance tự hỏi liệu điều này có dẫn đến một cuộc ẩu đả không, cô thò tay vào thứ vũ khí duy nhất mình có - di động của cô - gọi số 911 nếu cần. Nhưng Edwin chỉ lùi lại vài phân, không thèm để ý đến Bobby. “Thôi mà, uống với tôi cốc trà đá đi. Tôi biết em nghĩ trà đá ở đây là ngon nhất trong thành phố. Tôi sẽ đãi em. Anh Chàng Chân Thành, nhớ không? Này, tóc của em thật sự đẹp đấy. Mười năm bốn tháng.”
Dance không hiểu điều này nghĩa là gì, nhưng lời nhận xét đó rõ ràng khiến Kayleigh còn bực hơn thế. Quai hàm cô bé run run.
“Kayleigh muốn được yên,” Alicia kiên quyết nói. Người phụ nữ này cũng mạnh mẽ ngang Bobby Prescott, cái nhìn trừng trừng của cô ấy tóe lửa. “Cô thích làm việc cho ban nhạc không, Alicia?” gã hỏi cô ấy như thể đang đối thoại tại một bữa tiệc cocktail. “Cô đã cộng tác được với họ, xem
nào, năm, sáu tháng rồi, đúng không? Cô cũng có tài đấy. Tôi đã xem cô trên YouTube. Chắc chắn cô biết hát. Wow.”
Alice rướn người về phía trước một cách thận trọng. “Chuyện quái gì đây? Làm sao anh biết tôi.”
“Nghe này, anh bạn,” Bobby nói. “Đến lúc phải về rồi đấy.” Tye Slocum đẩy lùi ghế ra sau và tiến ra cửa. Đôi mắt Edwin nhìn theo, trên mặt gã vẫn giữ nguyên nụ cười suốt từ lúc bước đến bàn này. Nhưng điều gì đó đã thay đổi: Như thể gã thực sự mong chờ Kayleigh sẽ cùng uống trà với mình, rồi bối rối khi cô không làm thế. Nhiệm vụ của Tye là triệu tập tay vệ sĩ. Việc này dường như khiến cậu ta tức tối. “Kayleigh. Xin em mà. Không muốn quấy rầy em ở đây, nhưng em chẳng bao giờ hồi âm email của tôi. Tôi chỉ muốn đến chào một chút thôi. Chúng ta còn rất nhiều điều để nói.”
“Thực sự tôi không thể.”
Bobby nắm lấy cánh tay Edwin lần nữa trước khi Dance kịp can thiệp. Nhưng một lần nữa, người đàn ông này chỉ đơn giản lùi lại. Dường như gã không bận tâm tới chuyện đối đầu, chưa nói đến đánh đấm.
Cửa ra vào bật mở, một chùm sáng lóa mắt tràn ngập bàn nước, rồi tất cả chìm trong bóng tối khi cửa đóng. Bỏ chiếc mũ lưỡi trai hàng không xuống, Darthur Morgan tiến vào rất nhanh. Anh ta nhìn vào mặt Edwin. Dance có thể thấy các cơ bắp quanh miệng anh ta nghiến lại, một dấu hiệu khó chịu với chính mình khi để sổng kẻ rình mò gầy gò này.
“Cậu là Edwin Sharp?”
“Đúng vậy, anh Morgan.”
Ngày nay, để nắm được thông tin về mọi người không khó, đặc biệt những ai có liên quan đến người rất nổi tiếng như Kayleigh Towne. Nhưng biết cả tên của vệ sĩ ư?
“Bây giờ tôi đề nghị cậu để cô Towne được yên. Cô ấy muốn cậu rời khỏi đây. Cậu đang biến mình thành mối đe dọa an ninh đấy.”
“À, chiếu theo luật Giles vs Lohan, thì thực sự không phải thế, anh Morgan. Thậm chí ngụ ý đe dọa cũng không. À mà điều cuối cùng tôi muốn là làm tổn thương, hoặc đe dọa ai đó. Tôi chỉ ở đây để dành cho bạn tôi một sự cảm thông đối với chuyện đã xảy ra với cô ấy, thật khủng khiếp. Và xem cô ấy có thích uống trà không. Rất vui được tặng anh một cốc.”
“Đúng là giờ tôi đang nghĩ đến chuyện đó,” Morgan đáp bằng giọng trầm thấp, kiên định.
Edwin bình tĩnh nói tiếp, “Anh là vệ sĩ riêng, nên hẳn là thế rồi. Anh có thể bắt giữ dân thường nhưng chỉ khi thấy tôi đang phạm tội thôi. Và giờ tôi không làm thế. Anh từng là sĩ quan cảnh sát, chuyện đó khác, nhưng anh…”
Chà nói đến chuyện này, Dance nghĩ, mình biết ngay sẽ thế mà. Và cô đứng dậy, giơ tấm thẻ CBI ra.
“À.” Edwin nhìn chằm chằm vào nó lâu la đến quá đáng, như thể muốn ghi nhớ. “Có cảm giác cô chính là luật pháp.”
“Tôi có thể xem chứng minh thư không?”
“Tất nhiên.” Gã đưa cho cô bằng lái xe của mình được cấp tại bang Washington. Edwin Stanton Sharp. Địa chỉ tại Seattle. Tấm ảnh là của ai đó thực ra mập mạp hơn với mái tóc xõa dài.
“Cậu đang ở đâu tại Fresno?” Dance hỏi.
“Căn nhà gần công viên Woodward. Một trong số các khu mới xây dựng. Không tồi đâu.” Gã nở nụ cười. “Chắc chắn nó đang hot ở Fresno đấy.” “Cậu chuyển đến đây à?” Alicia hỏi bằng giọng thì thầm đầy ngạc nhiên. Kayleigh trố mắt nhìn trước câu hỏi này, hai vai cô bé gồng lên. “Không, tôi thuê nhà. Chỉ một thời gian thôi. Tôi đến thành phố này xem hòa nhạc. Đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt nhất trong năm. Tôi không thể đợi được.”
Tại sao gã lại thuê nhà chỉ để xem một buổi hòa nhạc?
“Không, cậu muốn rình mò Kayleigh,” Bobby buột miệng. “Các luật sư đã cảnh báo cậu về điều đó.”
Các luật sư ư? Dance tự hỏi.
Edwin nhìn quanh bàn. Nụ cười tắt lịm.
“Tôi nghĩ tất cả các người… chính cách mọi người đang làm mới khiến Kayleigh phải giận dữ.” Gã nói với cô bé, “Tôi xin lỗi về điều này. Tôi biết em đang mưu tính chuyện gì. Nhưng em yên tâm đi, tất cả kết thúc rồi.” Gã bước ra cửa, sau đó dừng chân và xoay người lại. “Và tạm biệt cả cô luôn, Đặc vụ Dance. Chúa phù hộ cô vì những hy sinh của cô cho người dân đất nước này.”
CHƯƠNG 4
KHI DANCE NÓI, “Kể tôi nghe đi,” tất cả bọn họ làm theo. Ngay lập tức.
Và chỉ sau khi kiểm soát được những lời tường thuật đan xen nhau, cô mới bắt đầu nắm bắt được câu chuyện. Mùa đông năm ngoái, một fan cuồng tin rằng các mẫu thư tay, thư điện tử tự động hóa của Kayleigh, ký tên ‘XO, Kayleigh’, những cái ôm, những nụ hôn là dành riêng cho hắn. Vì các bài hát ấy rất có ý nghĩa đối với hắn, diễn tả hoàn hảo cảm nhận của hắn về cuộc sống, nên hắn tự nhủ chúng là những người bạn tâm giao của mình. Từ đó, hắn bắt đầu không ngừng liên lạc - gửi email, đăng bài lên Facebook và Twitter, gửi thư tay - tiếp theo gửi quà tặng cho cô bé.
Được khuyên làm lơ hắn đi, Kayleigh và cộng sự đã dừng trả lời thư từ, ngoại trừ việc gửi lại quà mà không mở ra. Nhưng Edwin Sharp vẫn ngoan cố, rõ ràng bố cô bé cùng các quản lý cảm thấy bị đe dọa do sự liên kết giữa hắn với Kayleigh, nên muốn tách họ ra.
Hắn được bảo phải dừng lại hàng tá lần rồi. Hãng luật đại diện cho bố con Kayleigh đã dọa sẽ kiện hắn và giao hắn cho cảnh sát, nếu hắn không chịu chấm dứt hẳn hành động đó.
Nhưng hắn không thèm nghe.
“Thật sởn gai ốc,” lúc này Kayleigh mới lên tiếng, giọng nghẹn ngào. Cô bé nhấp một ngụm trà từ chiếc cốc người phục vụ mới mang khi đến lau dọn chỗ nước đổ. “Hắn muốn một sợi tóc, mảnh móng tay đã cắt ra, một tờ giấy em đã hôn lên có lưu dấu son môi của em. Hắn chụp ảnh em tại những nơi em không thể thấy hắn. Ở hậu trường sân khấu hoặc những bãi đỗ xe.”
Dance nói, “Có một điều cần biết về kiểu tội ác như thế này. Ta* chẳng bao giờ biết được ai là kẻ rình mò. Có thể hắn cách xa hàng dặm, nhưng cũng có thể ngay bên ngoài cửa sổ nhà mình.”
Kayleigh tiếp lời, “Còn thư từ nữa chứ! Hàng trăm lá thư tay và tin nhắn qua email. Em đã phải đổi địa chỉ email rồi, thế mà chỉ vài tiếng sau hắn lại có địa chỉ mới.”
“Em nghĩ hắn có liên quan gì đến việc dàn đèn bị rơi không?” Dance hỏi. Kayleigh nói cô bé nghĩ rằng mình đã nhìn thấy vài thứ ‘lạ lùng’ vào buổi sáng tại trung tâm hội nghị, có thể là những cái bóng chuyển động, có thể là không. Cô không thấy được người thật sự.
Alicia Sessions quả quyết hơn. “Tôi cũng thấy thứ gì đó. Tôi chắc chắn đấy.” Cô ấy nhún đôi vai rộng, để lộ những vết xăm ẩn dưới lớp vải. “Nhưng chẳng có gì cụ thể cả. Không thấy mặt, không thấy thân người.”
Vào thời điểm họ nghĩ rằng mình nhìn thấy cái bóng, ban nhạc vẫn chưa vào thành phố và thành viên còn lại của nhóm vẫn đang ở ngoài. Bobby chẳng nhìn thấy gì khác ngoài dàn đèn đang chuẩn bị rơi.
Dance hỏi, “Giới chức trách địa phương có biết gì về hắn không?” Cô ca sĩ đáp, “Có, họ biết đấy. Họ biết hắn đang có kế hoạch tham dự buổi hòa nhạc hôm thứ Sáu - cho dù đám luật sư đã đe dọa xin án lệnh cấm chỉ* của tòa án. Dù họ thực sự không nghĩ rằng hắn đã gây ra điều gì tồi tệ với bọn em đến nỗi phải làm thế. Nhưng tay cảnh sát trưởng sẽ để mắt đến hắn nếu hắn xuất hiện. Chắc chắn hắn biết họ đang theo dõi mình.” “Tôi sẽ gọi cho Văn phòng Cảnh sát trưởng,” Alicia lên tiếng, “nói cho họ biết hắn đang ở đây. Và nơi hắn đang cư trú.” Bỗng cô ấy phá lên cười. “Hắn chắc chắn không trốn đâu.”
Kayleigh nhìn quanh, bối rối. “Nơi đây từng là nhà hàng ưa thích của em trong thành phố. Bây giờ nó bị lộ rồi… Em không thấy đói nữa. Em muốn về. Xin lỗi.”
Cô bé vẫy tay gọi bồi bàn rồi thanh toán hóa đơn.
“Chờ chút đã.” Bobby bước ra mở cửa trước cạch một tiếng. Anh nói chuyện với Darthur Morgan, sau đó quay lại bàn. “Hắn bỏ đi rồi. Darthur đã thấy hắn lên xe và lái đi.”
“Ra bằng lối sau, cũng vậy thôi mà,” Alicia đề nghị. Tye bảo Morgan lái xe xem xét quanh bãi đỗ, Dance cùng đám người ít ỏi đồng hành đi qua một buồng chứa đồ nồng mùi bia và một toilet bẩn thỉu. Họ bước vào một bãi đỗ xe đã nhổ hết cỏ dại, với những chiếc xe bụi bặm và lớp nhựa đường kêu lạo xạo.
Dance để ý thấy Kayleigh liếc mắt sang bên phải, thở hổn hển. Cô nhìn theo ánh mắt nàng ca sĩ.
Cách khoảng sáu mét có một chiếc xe đỗ trong bãi đỗ phía sau nhà hàng. Đó là một chiếc xe to đời cũ, màu đỏ xám xịt. Ngồi ở ghế tài xế là Edwin Sharp. Gã gọi qua cửa xe đã hạ kính xuống, “Chào Kayleigh! Thấy bánh xe của tôi không? Không phải là Cadillac, chỉ là Buick thôi. Em thích không?” Dường như gã chẳng đợi câu trả lời, và nói thêm, “Yên tâm đi, tôi sẽ không bao giờ chạy trước đầu xe em đâu!”
Chiếc Cadillac Đỏ Của Tôi là một trong những bản hit đình đám của Kayleigh. Bài hát nói về một cô gái yêu mến chiếc xe cũ của mình… sẵn sàng đá bất kỳ thằng cha nào không biết yêu quý cái xe to tướng, cũ rích ấy.
Bobby Prescott lao như bay về phía trước, nổi xung. “Cút ra khỏi đây, thằng chó này! Thậm chí đừng nghĩ đến việc bám theo bọn tao để tìm ra nơi ở của Kayleigh. Mày cứ thử xem, tao sẽ gọi cảnh sát.”
Edwin gật đầu, mỉm cười, rồi phóng xe đi.
Dưới ánh nắng mặt trời chói gắt, và những nghiên cứu ý nghĩa cử chỉ không chắc chắn về người cô vừa gặp, Dance tuy không thể khẳng định nhưng ấn tượng của cô là khuôn mặt của kẻ rình mò cho thấy nét ngượng ngập khi Bobby nói - như thể dĩ nhiên gã biết Kayleigh sống ở đâu. Thế tại sao gã lại không biết?
CHƯƠNG 5
QUẢ NHIÊN, CALIFORNIA luôn là quê hương của âm nhạc Latin: một ít Salvador, một ít Honduras và một ít Nicaragua, tuy nhiên âm thanh chủ đạo vẫn là giai điệu mexico: nhạc mariachi truyền thống, nhạc banda, ranchera, norteno và sones*. Cũng có rất nhiều nhạc pop và rock, kể cả thương hiệu nhạc ska và hip-hop của riêng phía nam biên giới.
Những âm thanh này được phát từ khắp các đài tiếng Tây Ban Nha đến thung lũng Trung tâm rồi vào các ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và cánh đồng ở đây, chiếm một nửa tần số phát thanh - phần băng thông còn lại phải chia sẻ giữa nhạc Anglo và các đài tôn giáo tìm-và-chọn đang ra rả mớ lý thuyết thần học chả đâu vào đâu.
Đã gần 9 giờ tối, Dance giờ đang nhấm nháp khẩu vị còn mới mẻ của thứ âm thanh này tại một gara nóng bức ở Jose Villalobos, vùng ngoại ô của Fresno. Hai chiếc Toyota gia đình đã được dọn khỏi công trình nhỏ bé, riêng rẽ vốn thường được dùng làm phòng diễn tập. Cho dù đêm nay, nó có công dụng là phòng thu âm. Sáu nhạc sĩ của Los Trabajadores vừa hoàn thành xong bài cuối cùng cho phần ghi âm kỹ thuật số của Dance. Những người đàn ông ở lứa tuổi từ hai mươi lăm đến sáu mươi, đã hợp tác cùng nhau vài năm, họ vừa chơi nhạc dân gian truyền thống Mexico vừa chơi nhạc của riêng mình.
Việc ghi âm diễn ra thuận lợi, cho dù ban đầu họ không mấy tập trung - phần lớn là do người đi cùng Dance: Kayleigh Towne, với mái tóc được búi gọn trang nhã, quần jean bạc phếch, áo sơ mi và áo vest denim. Các nhạc sĩ bày tỏ sự tôn sùng, có hai người lao ngay vào trong nhà rồi
quay lại cùng vợ con để chụp ảnh. Một trong những bà vợ nước mắt đầm đìa nói, “Cô biết không, tất cả chúng tôi đều yêu thích ca khúc Leaving Home của cô. Chúa phù hộ cô vì đã viết bài hát đó.”
Đấy là một bản ballad nói về một bà già đang gói ghém đồ đạc, chuẩn bị rời khỏi căn nhà vợ chồng bà đã từng nuôi dạy lũ trẻ. Khán thính giả tự hỏi liệu có phải bà ấy vừa trở thành góa phụ, hay liệu ngôi nhà có bị ngân hàng siết nợ không.
Bây giờ tôi đang bắt đầu lại,
một lần nữa bắt đầu lại từ số không,
Để cố gắng sống một cuộc sống mới,
không gia đình, không bạn bè.
Suốt những năm tháng tôi đã sống,
tôi chỉ biết một điều thôi:
Chẳng có gì khó khăn hơn
khi phải rời bỏ ngôi nhà của mình.
Phải đến cuối bài mới biết bà là người nhập cư trái phép, đang bị trục xuất. Cho dù cả cuộc đời bà đã sống tại Mỹ. Ngay sau khi bị bỏ lại một mình ở bến xe buýt tại Mexico, bà đã hát câu cuối bằng tiếng Tây Ban Nha: ‘Nước Mỹ xinh đẹp’. Đó là ca khúc gây tranh cãi nhất của Kayleigh, khiến những người chọn đường lối cứng rắn trong cải cách nhập cư tức giận. Nhưng bài hát cũng cực kỳ phổ biến, trở thành quốc ca của đội ngũ công nhân Latin và những ai đang thuyết giảng về một chính sách biên giới cởi mở hơn.
Khi họ đang thu dọn đồ nghề, Dance giải thích những ca khúc này được tải lên trang web của cô lẫn của Martine ra sao. Cô không thể chắc chắn chuyện gì có thể xảy ra, nhưng vì ban nhạc đã chơi tốt như thế, bài hát của họ có khả năng được kha khá lượt tải xuống. Với sự thịnh hành của nhạc Latin trên toàn nước Mỹ, các nhãn hiệu thu âm độc lập chuyên trị dòng nhạc này, có khả năng sẽ lôi kéo được sự chú ý của các nhà sản xuất, hoặc các công ty quảng cáo.
Thật hiếu kỳ là họ không mấy quan tâm đến chuyện sẽ thành công. Họ cũng chẳng để ý đến việc kiếm thêm tiền, mà chỉ quan tâm đến các lượt tải xuống. Villalobos đã nói, “Phải, chúng tôi không muốn kiểu sống như thế - rong ruổi trên đường suốt. Chúng tôi sẽ không đi lưu diễn. Chúng tôi có công việc, gia đình, con cái. Chúa sinh đôi hai đứa - giờ ông ta phải đi thay bỉm rồi.” Một cái liếc mắt về phía chàng thanh niên đẹp trai, cười toe toét đang cất chiếc guitar Gibson Hummingbird cũ mèm.
Họ chia tay nhau, Dance cùng Kayleigh chui vào chiếc Suburban màu xanh thẫm của cô bé. Dance đã bỏ lại chiếc Pathfinder ở Mountain View, rồi cùng Kayleigh đến chỗ này bằng chiếc SUV. Darthur Morgan bắt đầu quay lại nhà trọ bên đường của Dance. Anh ta ngồi cách xa hai người, nhìn ra đường. Có sáu, bảy cuốn sách bìa cứng, bọc da, nằm trên ghế trước. Các tựa sách chỉ được đóng dấu vàng trên gáy. Những tác phẩm kinh điển, Dance suy đoán. Anh ta dường như không đọc chúng, bổn phận của anh ta chỉ là vệ sĩ. Khi ngồi một mình trong phòng vào ban đêm, có thể chúng là nguồn vui của anh ta. Một cánh cổng đưa anh ta xa rời khỏi mối đe dọa thường trực.
Kayleigh đang nhìn ánh đèn lờ mờ, hay khung cảnh tối om ngoài cửa sổ. “Em ghen tị với họ,” cô bé nói.
“Như thế nào?”
“Như kiểu có rất nhiều nhạc sĩ trên trang web của chị. Họ chơi nhạc vào buổi tối và những ngày nghỉ cuối tuần cho bạn bè cùng gia đình họ nghe. Họ không chơi nhạc vì tiền. Đôi khi em ước gì mình không giỏi đến thế. Ha ha, thấy em khiêm tốn chưa… Nhưng chị hiểu ý em mà. Em chưa bao giờ thực sự muốn trở thành một ngôi sao. Em muốn có một người chồng và…,” cô bé hất đầu về phía xe của Villalobos, “những đứa con, rồi hát cho họ nghe, hát cho bạn bè nghe… Tất cả những điều ấy quá xa vời với em rồi.”
Cô im lặng, Dance cho rằng cô bé đang nghĩ: Nếu em không nổi tiếng đến thế, có lẽ trong đời em đã không gặp Edwin Sharp.
Dance có thể thấy hình ảnh phản chiếu của Kayleigh, để ý thấy quai hàm
cô bé cứng lại, và có lẽ những giọt nước mắt còn đọng trên mi. Rồi Kayleigh xoay người, dường như xua đi những ý nghĩ sầu muộn, và nói với một nụ cười héo hắt, “À tán gẫu cho em nghe đi.”
“Về đàn ông ấy hả?”
“Đại loại thế!” Kayleigh đáp. “Em nghe chị từng nhắc đến Jon nào đó?” “Anh chàng vĩ đại nhất thế giới,” Dance đáp. “Tuyệt vời. Đã từng ở thung lũng Silicon, giờ đây anh ấy làm giáo viên kiêm tư vấn. Điều quan trọng nhất là Wes và Maggie thích anh ấy.” Cô nói thêm rằng con trai cô đã có khoảng thời gian khó khăn với chuyện hẹn hò của mẹ nó. Nó không ưa bất kỳ người đàn ông nào cho đến khi gặp Boling.
“Dĩ nhiên chẳng tránh được việc một anh chàng chị giới thiệu với chúng, hóa ra lại là kẻ sát nhân.”
“Không thể nào!”
“À, mẹ con chị không bị nguy hiểm gì đâu. Hắn cũng truy đuổi tội phạm giống chị. Chỉ là chị muốn tống hắn vào tù. Bạn chị muốn giết hắn.” “Em không biết,” Kayleigh nói với vẻ lo ngại. “Có điều cần phải bàn về chuyện này.”
Có lẽ lại đang nghĩ đến Edwin Sharp đây mà.
“Nhưng lũ nhóc yêu quý Jon. Mọi chuyện đang tiến triển tốt.” “Và?” cô ca sĩ hỏi.
“Và cái gì?”
“Chị có định nói với em hay không đấy?”
Và ở đây, mình là chuyên gia về nghiên cứu cử chỉ. Dance lưỡng lự nhưng đến cuối cùng phản đối. “À, có gì đâu… chỉ là ai biết được chuyện gì xảy ra? Chị chỉ mới làm góa phụ có vài năm thôi mà. Vội gì đâu.”
“Chắc rồi,” Kayleigh nói, không hoàn toàn tin vào lời giải thích khập khiễng.
Cuối cùng Dance thổ lộ: Phải, chị rất thích Jon Boling. Này, có thể cô đã yêu anh ấy và đã hơn một lần, họ ngủ chung giường vào những đêm đi xa
thành phố, rằng cô sắp tuyên bố điều đó. Và cô cảm thấy anh ấy cũng vậy. Anh ấy nhân hậu, dễ tính, đẹp trai và vô cùng hài hước.
Nhưng rồi Michael đã xuất hiện.
Michael O’Neil là một thám tử của Văn phòng Cảnh sát trưởng hạt Monterey. Anh ta và Dance đã làm việc với nhau nhiều năm, và nếu theo bản năng cô bắt được bước sóng của ai, thì đó là O’Neil. Họ làm việc một cách hài hòa, họ cùng cười, cùng yêu thích những đồ ăn, thức uống giống nhau, họ tranh luận như những kẻ chết tiệt, nhưng bản thân lại không thừa nhận điều đó. Dance tin rằng anh ta là người hoàn hảo đối với cô như bất kỳ ai khác có thể.
Ngoại trừ một sự cố nhỏ: Người vợ.
Người cuối cùng đã bỏ rơi anh ấy và lũ trẻ - lẽ tất nhiên thôi, ngay sau khi Dance bắt đầu đi chơi với Jon Boling. O’Neil và vợ anh ta, Anne, vẫn chưa chính thức ly hôn, cho dù cô ta hiện đang sống tại San Francisco. O’Neil từng nói rằng giấy tờ ly hôn đang được chuẩn bị nhưng cụ thể vào thời gian nào, hay kế hoạch ra sao vẫn còn mơ hồ.
Có lẽ đây sẽ là chủ đề đối thoại với Kayleigh Towne trong một buổi tối khác.
Trong mười phút họ đã đến Mountain View, Darthur Morgan đánh chiếc Suburban đến trước cửa nhà trọ. Sau đó, Dance chào từ biệt cả hai. Đúng lúc đó di động của Kayleigh đổ chuông, cô bé nhìn xuống màn hình, cứng người lại. Rồi nhấn phím TRẢ LỜI. “A lô?… A lô…” Cô lắng nghe một lúc, rồi nói chắc nịch, “Ai đấy?”
Bàn tay đặt trên tay nắm cửa của Dance ngừng lại, và quay lại nhìn cô ca sĩ.
Kayleigh ngắt cuộc gọi, liếc nhìn màn hình lần nữa. “Kỳ lạ thật.” “Cái gì lạ?”
“Ai đó vừa cho em nghe một đoạn trong bài Your Shadow.” Tựa bài hát trong album mới nhất của cô bé đã kịp trở thành một hit
khủng.
“Dù có là ai đi nữa họ cũng không xưng tên. Chỉ chơi đúng đoạn đầu thôi.”
Dance đã tải xong ca khúc này, cô nhớ lại ca từ của nó.
Em bước lên sân khấu,
hát cho mọi người nghe.
Em khiến họ mỉm cười.
Còn điều gì đúng đắn hơn thế?
Nhưng rồi em nhận ra, ngay cả công việc này
cũng có hiểm nguy,
Ai ai dưới kia cũng thèm muốn
một mảnh tâm hồn em.
“Nhưng nó… nó là bản ghi âm từ một buổi hòa nhạc.”
“Em không làm các album trực tiếp mà,” Dance nói, nhớ lại việc Kayleigh thích kiểm soát phòng thu.
Cô vẫn đang nhìn vào màn hình. “Đúng. Đó là bản in lậu. Nhưng nó thực sự có chất lượng cao - gần như giọng thật, không phải bản ghi âm… Nhưng ai đang chơi bản nhạc này và tại sao?”
“Em có nhận ra số gọi đến không?”
“Không. Không phải mã vùng địa phương này. Chị có nghĩ đó là Edwin không?” cô bé hỏi, giọng nghe căng thẳng vì stress, nhìn lên Darthur Morgan với đôi mắt sẫm màu, kiên định hiện rõ trên kính chiếu hậu. “Nhưng đợi đã, chỉ có bạn bè và gia đình em mới biết số này. Làm sao hắn biết được?” Cô bé nhăn nhó. “Có lẽ cũng bằng cách tương tự để lần ra được email của em.”
“Có thể là ai đó trong ban nhạc không?” Dance hỏi. “Một trò chơi khăm chẳng hạn?”
“Em không biết. Trước nay chưa có ai làm thế.”
“Cho chị số điện thoại đó. Chị thử gọi xem sao. Chị cũng sẽ kiểm tra cả Edwin nữa. Họ của hắn là gì?”
“Sharp. Không có chữ e. Chị sẽ kiểm tra chứ, Kathryn?”
“Tin chị đi.”
Dance ghi lại số điện thoại rồi xuống xe, chào từ biệt hai người. Khi chiếc xe đã khuất xa, Kayleigh vẫn còn nhìn quanh bãi đỗ xe trống rỗng, như thể Edwin Sharp đang lẩn quất gần đó.
Dance bước thẳng vào trong, nhận thức rằng mình đang nhẩm theo một câu hát trong bài Your Shadow, khi nó lặp đi lặp lại trong những suy nghĩ của cô, không ngừng lại được.
Còn gì đúng đắn hơn thế?…
Còn gì đúng đắn hơn thế?…
Còn gì đúng đắn hơn thế?
CHƯƠNG 6
DANCE DỪNG BƯỚC tại quán bar Mountain View và gọi một cốc Pinot Noir, sau đó về phòng mình rồi bước vào trong. Trước đó, cô đã treo tấm biển XIN ĐỪNG LÀM PHIỀN trên nắm cửa, đến giờ cô vẫn để nguyên, mong chờ được tận hưởng cái quyền hiếm hoi của bà mẹ - ngủ nướng.
Cô tắm táp, khoác áo choàng rồi nhấm nháp rượu và buông mình xuống giường. Cô bấm phím gọi nhanh số 3.
“Chào sếp,” TJ Scanlon vui vẻ trả lời ngay khi chưa hết hồi chuông thứ nhất. Xung quanh là những tiếng ồn lạ lùng. Tiếng chuông reo, những tiếng quát tháo, tiếng đàn dương cầm calliope, cho dù Dance nhận ra cô không biết chính xác là loại đàn gì.
“Cậu đang ở chỗ chơi điện tử à?”
“Hội hè. Hẹn hò. Bố con tôi đang xếp hàng đi tàu lượn, nhưng tôi sẽ ra chỗ khác dễ nghe hơn.” Giọng anh ta nhỏ đi khi tránh nói vào ống nghe. “Sếp bố đấy… Được rồi. Tốt hơn con nên chén xong món kem tuyết đó rồi chúng ta tiếp tục… Không, đang bảo con đấy. Thật đấy. Cái từ ‘nghịch đảo’ có ý nghĩa gì không vậy?”
TJ là lựa chọn tốt nhất trong số các đặc vụ tại văn phòng CBI ở Monterey, nói chung là người khá bảo thủ. Anh ta được kỳ vọng trong những nhiệm vụ dài hơi, đòi hỏi khắt khe, nhiệm vụ tay trong hoặc bất kỳ điều gì liên quan đến những năm 60, như Bob Dylan, áo thun nhuộm màu lòe loẹt hoặc đèn đối lưu giọt dầu.
Kỳ quặc, đúng thế. Nhưng Dance là ai mà có quyền phán xét. Cô đang tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần ở Fresno, ngồi trong một gara nóng nực ghi âm
những ca khúc vô danh, do một nhóm công nhân tá điền, vui vẻ và có thể không có tư liệu gì, sáng tác.
“Cần cậu giúp tôi kiểm tra một thứ, TJ.”
Cô nói cho anh nghe những gì mình biết về Edwin Sharp. Cả số điện thoại kẻ gọi đến đã chơi lại ca khúc của Kayleigh vừa nãy.
TJ hỏi, “Có điều gì đặc biệt về Sharp không?”
“Bình thường thôi. Nhưng cũng dính dáng đến dân sự. Rình mò, kiện tụng, các án lệnh cấm chỉ. Ở đây và ở bang Washington. Sang Oregon cũng là một giải pháp.”
“Tôi sẽ làm. Những cây thông. Rượu Pinot Noir, pho mát. Không, đây là Wisconsin.”
“Chúc vui vẻ nhé.”
“Chúng tôi vui mà. Tôi vừa thắng được cho Sadie con gấu trúc đấy… Không, bố nghiêm túc đấy. Ăn hết kem tuyết đi. Lực ly tâm sẽ chẳng có tác dụng gì đâu… Gọi sau nhé, sếp.”
Dance ngắt máy. Cô đã cố gọi cho Jon Boling nhưng di động của anh đặt chế độ thư thoại. Cô nhấp thêm ngụm rượu nữa, sau đó quyết định đã đến giờ đi ngủ. Cô đứng dậy bước đến chỗ cửa sổ, đóng màn cửa lại. Sau đó cô đi đánh răng, thay áo choàng tắm bằng chiếc quần ống rộng, áo thun màu hồng nhạt cỡ to. Kathryn Dance là cô gái chỉ thích mặc đồ ngủ vào những dịp đặc biệt.
Cô lăn ra mép giường, mò mẫm tìm công tắc để tắt đèn.
Và cứng người.
Cửa sổ!
Trước khi rời phòng đến chỗ Villalobos, Dance đã đóng tấm rèm mỏng và những tấm màn cửa nặng nề; căn phòng tầng trệt nhìn thẳng ra bãi đỗ xe, một con đường bốn làn và bên kia đường là một công viên nhỏ.
Đó cũng chính những tấm màn cửa mà cô vừa đóng lại lần nữa. Nhưng trước đó cô chưa hề mở chúng ra. Ai đó đã vào phòng cô và mở
chúng.
Ai dám xâm phạm kể cả khi đã treo biển ĐỪNG LÀM PHIỀN? Không phải phục vụ phòng - căn phòng này chưa được dọn dẹp, giường vẫn nhàu nhĩ kể từ hồi chiều cô nằm trên đó và gọi cho lũ nhóc. Có vẻ như không có gì bị xáo trộn. Mấy chiếc va li màu xanh dương của cô vẫn ở nguyên chỗ cũ. Quần áo vẫn đang treo lủng lẳng trên mấy cái giá áo chống trộm như trước. Năm đôi giày vẫn nằm nguyên thành hàng gần tủ quần áo. Chiếc túi đựng máy tính của cô dường như không bị lục lọi, dù sao thì máy tính có cài mật khẩu nên không ai có thể đọc được các hồ sơ hoặc email của cô.
Cô tắt đèn, bước đến bên cửa sổ và nhìn ra ngoài đường. Đã mười một rưỡi, công viên bên kia đường hoang vắng… không, đợi đã. Kẻ nào đó đang đứng trong bóng tối. Cô không thể nhìn ra được dáng người cụ thể, nhưng thấy được ánh lửa trên đầu điếu thuốc màu cam đang chậm rãi chuyển động, khi kẻ hút thuốc đưa lên miệng rít một hơi.
Cô nhớ Edwin Sharp đã chậm rãi và kiên nhẫn nghiên cứu gương mặt lẫn cơ thể cô trong nhà hàng ngày hôm đó. Cách hắn đọc kỹ tất cả thông tin về cô trên tấm thẻ. Cô biết những kẻ rình mò là chuyên gia thu thập thông tin về mọi người - của cả những đối tượng ám ảnh chúng lẫn những ai đe dọa cản trở chúng. Nhất định Edwin đã cho thấy hắn giỏi nghiên cứu tới mức nào, biết hắn đã tìm hiểu được những gì về đồng nghiệp của Kayleigh.
Cũng có thể đó chỉ là sự trùng hợp. Có thể đã xảy ra vấn đề gì đó đối với hệ thống điện hoặc đường ống nước, nên các công nhân buộc phải vào phòng, bất chấp có biển báo ngoài cửa. Cô gọi cho lễ tân nhưng họ không biết có người vào đây hay không.
Cô chắc chắn tất cả các cửa sổ đều đã khóa, dây xích được gắn chắc chắn trên cửa ra vào. Cô xem xét công viên kỹ lưỡng một lần nữa, qua một khe hở trên tấm màn. Trăng đã ló ra nhưng trời vẫn còn quá tối và sương xuống nhiều nên không nhìn được rõ.
Ánh lửa màu cam của điếu thuốc lóe lên khi hắn rít một hơi dài. Rồi đầu mẩu điếu thuốc rơi xuống đất, biến mất dưới gót giày hoặc ủng. Cô không nhìn thấy cử động nào. Phải chăng hắn đã bỏ đi khi thấy cô tắt đèn, cho rằng cô đã đi ngủ?
Dance đợi thêm một lúc nữa trước khi trèo vào giường. Cô nhắm mắt lại. Và cô tự hỏi tại sao mình bồn chồn. Cô biết giấc ngủ sẽ phải rất lâu, rất lâu nữa mới đến.
CHƯƠNG 7
LƯỚT QUA TÂM trí anh là bản nhạc The Load-Out của Jackson Browne, trong album từ những năm bảy mươi Running On Empty, giai điệu bày tỏ sự tôn vinh các nhân viên phụ trách thiết bị lưu diễn.
Một hình thức tôn vinh. Bạn hiểu rằng luôn phải ưu tiên cho ca sĩ. Nhưng chẳng phải họ luôn làm thế sao?
Dẫu vậy cũng chẳng còn ai khác viết một bài như thế tôn vinh chuyên môn của Bobby Prescott, và anh thường xuyên ngân nga nó. Lúc này đã gần nửa đêm, anh dừng xe gần trung tâm hội nghị, trèo ra khỏi chiếc xe bán tải của ban nhạc, duỗi chân tay phía sau đường chạy marathon đến và đi từ Bakersfield để cất chiếc ampli được đặt hàng riêng. Kayleigh Towne muốn các nhạc sĩ của cô phải sử dụng các ampli có ống - giống những chiếc ti vi và radio ngày xưa. Một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra về việc loại nào cho ra âm thanh hay hơn: các ampli chỉ dùng bán dẫn với các ampli có ống. Phe ủng hộ ống cho rằng công nghệ cổ này mang lại ‘âm thanh tuyệt hảo’ không tả được khi vặn hết âm lượng. Âm thanh mà các ampli kỹ thuật số không thể sao chép. Không ngạc nhiên khi đây chính là triết lý của Bishop Towne, và khi Bố Già, như các kỹ thuật viên gọi ông thế, trình diễn, sân khấu của ông chất đầy các ampli như Marshall JCM2000 TSL602, Fender Deluxe Reverb II, Traynor Custom Valve YCV20WR và Vox AC30. Bobby cũng là tay chơi guitar (trong giới âm nhạc bây giờ không còn nhiều nhân viên phụ trách thiết bị lưu diễn, kỹ thuật viên hoặc trợ lý riêng có thể ngồi chơi nhạc trong sô diễn, trừ phi bắt buộc). Chính anh cũng cho rằng âm thanh phong phú của các ống là điều dễ nhận thấy, nhưng chỉ khi chơi
nhạc blues.
Anh mở khóa cửa ra vào sân khấu tại trung tâm hội nghị, đẩy thiết bị kềnh càng này vào trong. Ngoài ampli, anh còn một thùng trang thiết bị lắp ráp đèn cùng các dây cáp an toàn.
Nghĩ lại vụ dàn đèn rơi sáng hôm ấy.
Lạy Chúa…
Trình diễn có thể là một nghề kinh doanh nguy hiểm. Bố anh từng là kỹ sư thu âm tại London vào những năm 60 và 70. Hồi ấy, những nhà chuyên môn nghiêm túc như Robert Senior hợp tác với các ban nhạc - chẳng hạn như Beatles và Rolling Stones - chiếm số lượng áp đảo hơn nhiều so với các nhạc sĩ điên rồ, thích tự hủy hoại bản thân, không ngừng cố gắng tự giết mình bằng ma túy, rượu, xe hơi và lời bình luận châm chích tiêu cực. Nhưng ngay cả có loại đi những hành vi xấu, trình diễn vẫn có thể nguy hiểm. Điện chính là rủi ro lớn nhất - anh biết ba nghệ sĩ trình diễn bị điện giật chết trên sân khấu, hai ca sĩ và một nghệ sĩ guitar bị dàn đèn rớt trúng người. Một chuyên viên kỹ thuật phụ trách lưu diễn ngã gãy cổ từ sân khấu trên cao. Nửa tá người chết do tai nạn giao thông thường là do họ ngủ quên, vài người bị nghiền nát đến chết khi chiếc xe tải hộp số mất phanh, cán qua cả cục chèn bánh xe.
Nhưng một dàn đèn bị tuột ư? Thật lạ lùng, suốt mấy năm làm kỹ thuật viên thiết bị lưu diễn anh chưa từng thấy.
Và điều đó đang đe dọa Kayleigh?
Anh thực sự run rẩy khi nghĩ đến nó.
Đêm nay, nhà hát trông như hang động này sẽ tràn ngập những cái bóng hắt ra từ ánh sáng trên các tấm biển chỉ lối ra. Nhưng thà thế còn hơn cảm giác khó chịu Kayleigh đã mô tả sáng hôm đó. Bobby cảm thấy niềm vui được ở đây cuộn lên trong lòng mình. Anh cùng Kayleigh đã luôn làm việc hài hòa với nhau gần như hoàn hảo, ngoại trừ một điều. Đối với cô, âm nhạc là một ngành kinh doanh, một nhiệm vụ, một nghề nghiệp. Những nhà hát chỉ thuần liên quan đến vấn đề âm thanh. Nhưng đối với Bobby, sự lãng mạn ở
những nơi này thật đặc biệt, gần như là thiêng liêng. Anh tin rằng những nhà hát như thế này tiếp tục vang vọng âm thanh của các nhạc sĩ đã từng trình diễn tại đó. Và nơi gặp gỡ bằng bê tông này ở Fresno có cả một bề dày lịch sử. Chính anh khi còn bé ở đây, đã từng được xem Dylan, Paul Simon, U2, Vince Gill, Union Station, Arlo Guthrie, Richard Thompson và Rosanne Cash, rồi Sting, Garth Brooks, James Taylor cùng Shania, ôi cái danh sách này thì vô tận… Anh tin rằng, những giọng hát của họ, âm thanh trong trẻo từ guitar, các bộ kèn, sáo và trống của họ đã làm thay đổi đến từng milimet nơi này.
Khi đến gần dàn đèn rơi xuống, anh để ý có người đã dịch chuyển nó. Anh đã lưu ý rằng không ai được đụng vào bộ dàn đèn màu đen nặng trịch này, sau khi anh hạ nó xuống sân khấu. Nhưng giờ đây nó đang nằm ngay mép, phía trên khoang nhạc, đúng khoảng cách chín mét tính từ chỗ nó ngừng đu đưa sau khi rơi.
Anh sẽ cạo đầu ai làm chuyện này. Anh muốn xem đích xác đã xảy ra chuyện gì. Bobby cúi người xuống xem thiết bị. Có gì không ổn nhỉ? Có thể nào thằng chó Edwin Sharp kia làm không?
Có thể…
Bobby Prescott không hề nghe thấy tiếng bước chân của bất kỳ ai đến sau lưng mình. Anh chỉ cảm thấy hai bàn tay xô vào lưng làm anh ngã chúi về phía trước. Miệng anh bật lên một tiếng thét ngắn khi rơi xuống lớp sàn bê tông sáu mét dưới khoang nhạc, làm gãy quai hàm và một bên cánh tay.
Ôi lạy Chúa, lạy Chúa…
Anh nằm sấp, nhìn chằm chằm vào khúc xương trắng hếu, lốm đốm vết máu thòi ra qua làn da cẳng tay.
Bobby rên rỉ, gào thét gọi người đến cứu.
Kẻ nào? Kẻ nào đã làm chuyện này?
Edwin ư?… Có thể hắn đã nghe mình bảo Kayleigh trong quán cà phê, rằng tối muộn mình sẽ tới đây.
“Cứu tôi với!”
Im lặng.
Bobby cố gắng vươn tay vào túi tìm di động. Đau lộng óc. Anh suýt ngất. Thử lại nào! Mình sẽ chảy máu đến chết mất!
Rồi trong hơi thở hổn hển, anh nghe thấy một âm thanh yếu ớt trên đầu, kêu kèn kẹt. Anh quay đầu lại và nhìn lên.
Không… Chúa ơi không!
Anh nhìn thấy dàn đèn ngay trên đầu, đang hạ cánh về phía mép sân khấu. “Không! Ai đấy? Không!”
Bobby cố lật người lại, bấu chặt vào sàn bê tông bằng những ngón tay trên cánh tay còn lành lặn. Nhưng hai chân anh bất động.
Một phân, hai…
Di chuyển, lăn ngay sang bên!
Quá muộn rồi.
Dàn đèn rớt thẳng xuống lưng anh, với vận tốc một trăm dặm trên giờ. Anh cảm thấy phía trên cơ thể mình kêu rắc một tiếng, mọi cơn đau đều biến mất.
Lưng của mình… lưng của mình…
Tầm nhìn của anh mờ dần.
Bobby Prescott tỉnh lại sau - mấy giây, mấy phút, mấy tiếng… anh không biết nữa. Anh chỉ biết căn phòng chìm trong thứ ánh sáng lạ lùng; dàn đèn pha đang nằm trên lưng anh đã được bật lên.
Chùm ánh sáng hàng nghìn watt, đang tỏa ra từ các bóng đèn khổng lồ. Rồi anh thấy ngọn lửa hắt lên tường những cái bóng nhảy nhót. Ban đầu anh không hiểu cái gì đang cháy - chẳng cảm thấy tí hơi nóng nào. Nhưng sau đó cái mùi kinh tởm của tóc và thịt đang cháy tràn ngập không gian nhỏ. Giờ thì anh đã hiểu.
THỨ HAI
CHƯƠNG 8
TIẾNG KÊU INH ỏi của điện thoại làm Kathryn Dance bừng tỉnh, ý nghĩ đầu tiên của cô: là bọn trẻ.
Rồi bố mẹ cô.
Rồi Michael O’Neil, có thể đang làm nhiệm vụ, một trong số các vụ án liên quan đến băng nhóm hoặc khủng bố, mà dạo này anh ta đang giải quyết. Khi cô dò dẫm tìm di động, đánh rơi, rồi lại mò mẫm, vài bối cảnh liên quan đến chuyện có người gọi cô vào lúc tảng sáng như thế này, khi cô đang đi nghỉ, lướt qua tâm trí.
Và Jon Boling… liệu anh ấy có sao không?
Tìm được điện thoại rồi, nhưng không đeo kính nên cô không nhìn ra số gọi đến. Tay cô bấm nút nghe.
“A lô?”
“Dậy đi sếp.”
“Chuyện gì thế?”
“Xin lỗi.”
“Ý cậu xin lỗi là sao? Mọi người ở đó ổn cả không?”
Một câu nói có rất nhiều nghĩa. Một việc Dance thường xuyên làm là nhớ lại cuộc gọi của cảnh sát chính phủ Mỹ về Bill - một cuộc gọi ngắn, đồng cảm nhưng vô cảm giải thích với cô rằng, cuộc sống cô đã lên kế hoạch cùng chồng, cuộc sống cô đã tin rằng nó sẽ mãi mãi là điểm tựa cho mình, sẽ không thành hiện thực.
“Không phải ở đây, ở đó cơ.”
Hay phải chăng tất cả chỉ vì cô kiệt sức? Cô chớp mắt. Mấy giờ rồi nhỉ?
Năm? Hay bốn giờ sáng?
TJ Scanlon đáp, “Tôi không biết liệu sếp có cần tôi không?” Cố gắng ngồi thẳng dậy, kéo lại cái áo thun đã biến thành thòng lọng sau một đêm ngủ không biết trời đất gì.
“Nói lại từ đầu đi.”
“Ối sếp không nghe được gì à?”
“Không.”
Xin lỗi ý anh là…
“Được rồi. Trên đài thông báo rằng vừa có vụ án mạng tại Fresno. Xảy ra tối muộn hôm qua, rạng sáng nay.”
Tỉnh hơn. Hoặc đỡ buồn ngủ hơn rồi.
“Nói đi.”
“Ai đó có liên quan đến ban nhạc của Kayleigh Towne.”
Chúa ơi…
“Là ai?”
Cô gạt mái tóc vàng sẫm rủ xuống mặt. Tin tức càng tồi tệ bao nhiêu, Kathryn Dance càng bình tĩnh bấy nhiêu. Một phần do huấn luyện, một phần do bản tính, một phần thừa hưởng từ mẹ. Cho dù là một chuyên gia nghiên cứu ý nghĩa cử chỉ, cô hoàn toàn nhận thức được bước chân nhanh nhẹn của chính mình. Cô ghìm nó lại.
“Người có tên là Robert Prescott.”
Cô tự hỏi: Là Bobby à? Đúng rồi, họ của anh ta là Prescott. Điều này thật tệ. Từ những biểu hiện giữa anh ta với Kayleigh ngày hôm qua, cô biết hai người là bạn thân, chưa nói đến chuyện là đồng nghiệp.
“Chi tiết thế nào?”
“Vẫn chưa biết.”
Dance cũng đồng thời nghĩ lại nụ cười quái đản của Edwin, đôi mắt đểu cáng, thái độ bình thản như băng giá của hắn, mà cô tin rằng chúng có thể che giấu cơn cuồng nộ bên trong.
TJ nói, “Chỉ là một đoạn thông báo trên đài thôi. Chỉ có thông tin, không phải là đề nghị giúp đỡ.”
CBI luôn sẵn sàng hỗ trợ các Văn phòng Cảnh sát California địa phương trong các cuộc điều tra hình sự lớn. Nhưng có một số ngoại lệ, các đặc vụ Liên bang sẽ đợi cho đến khi họ được liên hệ. Số lượng cơ quan của CBI khá hạn chế. California là một bang lớn, ở đó xảy ra rất nhiều chuyện tồi tệ.
Chàng đặc vụ trẻ nói tiếp, “Nạn nhân chết tại trung tâm hội nghị.” Nơi buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức vào thứ Sáu.
“Tiếp tục đi.”
“Vụ việc đang được Văn phòng Cảnh sát trưởng Liên kết Fresno - Madera thụ lý. Cảnh sát trưởng tên là Anita Gonzalez. Chánh Thanh tra là P. K. Madigan. Đã tham gia lực lượng rất lâu rồi. Chẳng biết thêm được điều gì về ông ta.”
“Tôi sẽ qua đó luôn đây. Anh có thông tin về Sharp, kẻ rình mò chưa?” “Không có trát hoặc lệnh nào của tòa án được gửi tới đây. Ở California cũng không. Tôi vẫn đang đợi thông tin từ các chi nhánh tại Washington và Oregon. Về số điện thoại cô đã cho tôi à? Người đã gọi cho Kayleigh đúng không? Đó là thuê bao trả trước, được mua bằng tiền mặt tại một hiệu thuốc ở Burlingame.”
Phía nam San Francisco, nơi có sân bay.
“Không có video hay ghi chép gì về vụ mua bán này. Các nhân viên bán hàng không biết chủ thuê bao là ai. Từ ba hôm trước rồi. Cũng chưa có thêm thông tin gì.”
“Tiếp tục điều tra đi. Gửi email cho tôi đầy đủ thông tin tiểu sử của Sharp. Bất kỳ thứ gì anh nắm được.”
“Mệnh lệnh của sếp chính là điều tôi muốn đấy.”
Cả hai cùng ngắt máy.
Mấy giờ rồi nhỉ? Trong phòng tuy vẫn còn tối nhưng phía trên những tấm màn, đã thấy ánh nắng.
Cô đeo kính vào. Ôi đã tám rưỡi. Sáng bảnh mắt ra rồi.
Cô bước vào phòng tắm và tắm nước nóng qua loa. Trong hai mươi phút, cô đã tề chỉnh với quần jean đen, áo thun đen cùng chiếc áo khoác công vụ bằng lụa, màu xanh hải quân, bảo thủ, thản nhiên. Cái nóng sẽ là thách thức đối với kiểu trang phục này, nhưng bổn phận làm lu mờ tất cả. Từ lâu, cô đã hiểu một sĩ quan nữ sẽ phải vượt xa đồng nghiệp nam giới trong những chuyện liên quan đến chuyên môn. Thật buồn, nhưng thế giới này là vậy.
Cô mang theo chiếc laptop phòng trường hợp kẻ xâm nhập quay lại, nếu hôm qua phòng cô thực sự có kẻ đột nhập.
Rồi cô bước ra cửa, treo tấm biển ĐỪNG LÀM PHIỀN lên trên núm cửa hình chữ L của phòng trọ.
Trong một thoáng, cô tự hỏi lệnh cấm này liệu có tác dụng gì không. Bên ngoài, dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, mồ hôi hai thái dương, khuôn mặt và hai bên nách cô túa ra như tắm. Dance bỏ chìa khóa chiếc Pathfinder của cô vào chiếc ví hiệu Coach rồi lơ đãng lắc lư trên hông, nơi khẩu Glock vẫn thường nằm.
Một thứ vũ khí mà rõ ràng hôm nay đã vắng mặt.
CHƯƠNG 9
PHẢI CHĂNG THỰC sự chỉ có một nạn nhân?
Đang kéo vào khu đỗ xe của trung tâm hội nghị, nhằm phía cửa ra vào sân khấu, Dance để ý thấy xe cấp cứu và nhân viên an toàn công cộng nhiều hơn mức cần thiết. Hai tá người bước đi chậm rãi, thoải mái đang nói chuyện với nhau hoặc nói trên bộ đàm, mang theo thiết bị có vết trầy xước, màu xanh dương, đỏ hoặc vàng - các sắc màu của đèn giao thông và đồ chơi trẻ con.
Bốn xe cứu hỏa, hai xe cứu thương, tám xe tuần tra cảnh sát và một vài xe không hề có dấu hiệu gì bên ngoài.
Cô tự hỏi lần nữa liệu thông tin của TJ có chính xác hay không? Hay còn nhiều người nữa chết?
Cô lái xe đến bên cạnh chiếc Dodge, không có dấu hiệu bên ngoài nhưng nổi bật, đỗ lại và xuống xe. Một phụ nữ mặc đồng phục phó cảnh sát trưởng nhìn theo Dance, chữ C. STANNING được đóng dấu trên tấm kim loại gắn trên bộ ngực căng tròn của cô ta. Tóc cô ta cũng túm chặt bằng dây chun màu xanh thành đuôi ngựa ngộ nghĩnh và kỳ cục.
“Cần tôi giúp không?”
Dance chìa thẻ CBI của mình ra, người phụ nữ dường như biết nó được làm bằng gì. “Cô… có việc ở Sacramento sao?”
Dance suýt nữa bảo rằng cô đến đây nghỉ mát, và tin rằng mình quen biết nạn nhân. Nhưng hành pháp*{bản dịch là ‘hành pháp’} là một thế giới nơi bản năng thắng thế - khi đối phó với cả những nghi phạm và đồng minh của chúng. Nên cô chỉ nói, “Chưa đâu. Tôi tình cờ đi ngang qua thôi.”
Stanning đang sắp xếp lại những lời này, có lẽ liên quan đến các chỉ thị
riêng từ cấp trên, rồi nói, “Được rồi.”
Dance đi tiếp vào trong trung tâm hội nghị xây bằng bê tông nhạt. Một luồng sáng chói gắt quất thẳng vào mặt khi cô đến gần. Cô vội lẩn vào trong bóng râm nhưng lối đi này rất khó chịu: Bầu không khí giữa hai bức tường cao dẫn đến các cửa ra vào mang mùi chết chóc và ngột ngạt.
Khi cô bước vào trong chưa đầy một giây, mùi hôi thối, ghê tởm đã hoàn toàn lấn át cái dễ chịu của điều hòa.
Kathryn Dance đã làm nhân viên hành pháp được vài năm, đã có mặt ở hàng trăm hiện trường tội ác. Làm điều tra viên của CBI, hiếm khi cô là người phản ứng đầu tiên và không tiến hành khám nghiệm pháp y; phần lớn những gì kinh khủng thường đã được dọn dẹp lúc cô đến nơi. Máu được lau sạch, các xác chết bọc trong vải dầu giặt được, các phần cơ thể được phục hồi và lập danh mục.
Thế nên mùi thịt và tóc cháy ngoài dự kiến xuất hiện hệt như một cú đấm vào bụng.
Cô không ngần ngừ mà trấn tĩnh lại ngay, vượt qua cơn choáng váng, và bằng cách nào đó kiểm soát cơn buồn nôn. Cô bước vào một khu rất rộng đoán chừng đủ chỗ cho ba mươi nghìn người. Toàn bộ các đèn trần đã bật hết, phơi bày lối trang trí xấu xí và nhàm chán. Như thể một vở kịch hay một buổi hòa nhạc đã kết thúc, các nhân viên quảng cáo đang háo hức mời mọc khán giả quay vào hành lang mua đĩa CD và đồ lưu niệm.
Trên sân khấu và sàn chính là mười hai người mặc các loại đồng phục thực thi luật pháp, chữa cháy và EMS khác nhau.
Trèo lên sân khấu, cô nhập bọn với một nhóm đang đứng ở mép sân khấu, nhìn xuống khoang nhạc. Chính đây là nơi bốc lên mùi khói hôi hám kinh khủng. Chậm rãi và cố gắng kiềm chế không nôn, cô tiếp tục bước đến.
Cô tự hỏi đã xảy ra chuyện gì? Nhớ lại dàn đèn rơi hôm qua. Từ thái độ và cái đảo mắt, Dance ngay lập tức nhận ra có hai sĩ quan luật đều mặc đồng phục nâu vàng, cấp cao hơn những người khác. Một là người
phụ nữ gần năm mươi tuổi với mái tóc dài và gương mặt rỗ. Với những nét đặc trưng Latin, dáng người bà ta chắc nịch, thế đứng cho thấy bà ta không thoải mái với bộ đồng phục - quần bó và áo choàng bó sát người, phình ra ở phần eo lưng, phủ lên những đường nét phì nhiêu.
Người đàn ông mà bà ta đang nói chuyện là người Caucasian*, cho dù có làn da sẫm màu rám nắng. Dáng người ông ta cũng chắc nịch nhưng tích mỡ ở bụng, phình tướng lên trên hai hông và đôi chân mảnh khảnh. Gương mặt to tròn chằng chịt nếp nhăn. Tư thế của ông ta - rướn về phía trước, hai vai gồng lên - và đôi mắt bình thản và lấc láo cho thấy tính cách ngạo mạn và khó gần. Tóc ông ta đen và dày. Ông ta mang một khẩu súng lục Colt nòng dài, trong khi đa số người khác hay giắt bên hông khẩu Glock bán tự động, vốn là điều bắt buộc trong đám nhân viên thực thi pháp luật tại California.
Phải, cô đã đoán đúng: Ông ta là P. K. Madigan, chánh thanh tra. Cuộc đối thoại bị chậm lại khi họ quay ra nhìn người phụ nữ mảnh mai, mặc quần jean và áo khoác thể thao đang sải bước về phía mình. Madigan cộc cằn hỏi, “Cô là…?” theo kiểu chẳng muốn nói những lời này chút nào. Ông ta nhìn một cách nham hiểm qua vai cô, về phía người có thể đã cho phép cô xâm phạm lãnh địa bên ngoài của mình.
Dance để ý người phụ nữ tên là Gonzalez, cảnh sát trưởng. Cô xưng tên rồi chìa thẻ, cặp đôi phụ trách vụ án này cùng xem xét rất kỹ. “Tôi là Cảnh sát trưởng Gonzalez. Đây là Chánh Thanh tra Madigan.” Quyết định nói họ, không kèm tên* trong lời giới thiệu thường là cố gắng khẳng định quyền lực. Dance giờ đây đơn thuần chỉ lưu ý lựa chọn này. Cô không phải ở đây để so đo về sức mạnh.
“Văn phòng của tôi gọi điện báo về vụ án mạng. Tôi tình cờ có mặt ở vùng này vì một việc khác.”
Có thể chính thức, có thể không. Cứ để mặc bà cảnh sát trưởng và tay thanh tra này tha hồ mà đoán.
Dance nói thêm, “Tôi cũng là bạn của Kayleigh Towne. Khi nghe nói rằng
nạn nhân là người trong nhóm của cô ấy, tôi vội đến đây ngay.” “Vâng cảm ơn nhiều, cô Kathryn,” Madigan nói.
Gọi tên* của người đối diện cũng là cố gắng loại bỏ quyền lực. Nét thoáng qua trong ánh mắt Gonzalez trước lời hạ nhục yếu ớt này - không hề xuất hiện trong ánh mắt Madigan - cho Dance biết nhiều điều về chánh thanh tra. Ông ta đã tự lập ra một phòng ban chính tại FMCSO. Tay thanh tra nói tiếp, “Nhưng chúng tôi không cần bất kỳ ai ở CBI dính vào vụ này. Bà nói sao, cảnh sát trưởng?”
“Tôi nghĩ là không,” Gonzalez đáp, nhìn thẳng vào mắt Dance. Đó là một cái nhìn có sức quyến rũ - không giống ánh mắt của Madigan - nó không xuất phát từ sự phân biệt về giới tính hoặc thẩm quyền, mà là quyết tâm của người phụ nữ không thèm nhìn một dáng người có lẽ nhỏ hơn bà ta gấp bốn lần. Không cần biết cấp bậc hoặc chuyên môn của mình là gì, chúng ta trước tiên là những con người yếu ớt.
Madigan nói tiếp, “Cô nói cô đến đây vì một việc khác? Sáng nào tôi cũng kiểm tra rất kỹ các liên cơ quan, nhưng không phát hiện thấy bất kỳ hoạt động nào của Cục ở đây. Dĩ nhiên, họ - cô - không phải lúc nào cũng nói với chúng tôi.”
Cô đã bị ông ta nắm thóp. “Chuyện riêng.” Dance thẳng tiến về phía trước. “Nạn nhân là Bobby Prescott, người phụ trách nhóm nhân viên kỹ thuật phải không?”
“Đúng vậy.”
“Có ai bị thương không?”
Madigan không muốn trả lời nên cố tình quay sang to nhỏ với người cấp phó đứng cạnh. Ông ta mặc kệ cấp trên muốn nói chuyện với kẻ lạ mặt ra sao thì nói.
Cảnh sát trưởng Gonzalez mớm lời, “Chỉ có Bobby thôi.”
“Đã xảy ra chuyện gì?”
Madigan lại tham gia cuộc đối thoại. “Chúng ta đang đứng trên sân khấu
tạm thời. Đến lúc này thì chưa chắc chắn.” Rõ ràng ông ta không muốn cô ở đây. Nhưng vì cô làm ở cơ quan cấp cao, nên ông ta miễn cưỡng tỏ ra tôn trọng. Dance là một con chó lớn đang lang thang vào một buổi picnic - dù không hoan nghênh nhưng không ai dám xua đuổi vì nó quá nguy hiểm.
“Nguyên nhân tử vong là gì?”
Ngừng một lúc, Gonzalez đáp, “Anh ta đang làm việc gì đó trên sân khấu đêm qua. Hình như bị trượt chân rồi ngã xuống dưới, một dàn đèn rớt trúng người anh ta. Các đèn trên dàn đèn đều sáng. Người anh ta bắt lửa. Nguyên nhân tử vong do mất máu và bị bỏng nặng.”
Chúa ơi, một cái chết khủng khiếp.
“Anh ta phải bị cháy mất một lúc. Chuông báo động không kêu sao?” “Các thiết bị báo khói dưới kia, ở chỗ ngồi của ban nhạc, không hoạt động. Chúng tôi chẳng biết tại sao.”
Thứ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí cô là Edwin Sharp đang liếc nhìn Bobby Prescott. Với nụ cười giả tạo, cùng đôi mắt để lộ khao khát biến anh chàng kỹ thuật viên thành cát bụi.
“Hai người nên biết…”
“Về Sharp, kẻ rình mò của chúng ta?” Madigan hỏi.
“À, vâng.”
“Một trong số các kỹ thuật viên trong nhóm, Tye Slocum, có kể với tôi về biến cố ngày hôm qua tại quán Cowboy Saloon.”
Dance mô tả lại những gì mình chứng kiến. “Bobby đe dọa Edwin hai lần. Hắn có thể biết Bobby sẽ quay lại đây vào tối muộn hôm qua để chỉnh sửa một số thiết bị hư hỏng. Lúc đó sẽ rất muộn vì anh ấy phải đến Bakersfield lấy một vài thứ.”
Madigan lơ đãng nói thêm, “Edwin nằm trong tầm theo dõi của chúng tôi. Chúng tôi biết hắn đang thuê nhà gần Công viên Woodward, phía bắc thành phố, trong một tháng.”
Dance nhớ lại Edwin chẳng hề muốn giấu hắn đang ở đâu. Cô chỉ tò mò
tại sao hắn lại thuê trong thời gian dài như thế.
Dance cũng để ý thấy cả Madigan và chính cô đều gọi kẻ rình mò bằng họ; chuyện thường thấy khi đối đầu với các nghi phạm ED, có vấn đề về mặt cảm xúc tiềm năng. Dance tự nhắc mình bất kể họ dùng tên gì, người thanh niên này đều không hề được tôn trọng.
Chánh thanh tra nhận được một cuộc gọi. Sau đó ông ta quay lại với Dance, cho dù chỉ trong khoảng thời gian cực ngắn. Cùng với một nụ cười chỉ thoáng qua rất nhanh - giả tạo không kém nụ cười của Edwin, ông ta nói, “Rất cảm ơn cô đã ghé qua. Chúng tôi sẽ gọi ngay cho CBI nếu có gì cần.”
Dance nhìn lên sân khấu, bầu không khí như sương mù phía trên khoang nhạc.
Gonzalez đề nghị, “Xin tạm biệt.”
Bất chấp đã nghe thấy lời tạm biệt phục vụ hai mục đích, nhưng Dance vẫn chưa muốn rời đi. “Dàn đèn rơi xuống như thế nào?”
Cảnh sát trưởng đáp, “Có thể là bị kéo rơi theo khi anh ta ngã xuống. Sợi dây, cô biết đấy.”
“Có phải là dãy đèn đa mạch không?”
Madigan lẩm bẩm, “Không biết đấy là đèn gì. Cô nhìn xem.” Câu cuối cùng được nói ra với một chút hàm ý thách thức.
Dance làm theo. Phải nhìn cảnh này thật sự khó chịu: một các xác cháy đen! Đúng rồi, thiết bị đó là dàn đèn gồm bốn bóng.
“Có thể nó chính là dàn đèn đã rơi ngày hôm qua.”
“Tye có nói đến chuyện này,” Madigan nói. “Chúng tôi cũng đang xem xét.” Rõ ràng ông ta đang ngày càng mệt mỏi với cô. “OK, thế được rồi.” Ông ta dợm quay đi.
“Làm thế nào dàn đèn rớt xuống được?”
“Mấy con đai ốc tai hồng bị lỏng chẳng hạn?” Ông ta hất đầu về phía giàn giáo.
Dance nói, “Và tôi tự hỏi tại sao Bobby bị ngã. Không giống kiểu sơ ý.”
Dải băng cách ly màu vàng cho thấy rõ mép sân khấu.
Madigan ngoái nhìn qua vai, nói bằng giọng khinh thường, “Hỏi nhiều quá, chắc thế.”
Một giọng phụ nữ to tiếng từ phía sau sảnh vọng đến. “Không… không, không!” Lần cuối cùng từ đó được lặp lại, nó biến thành tiếng thét. Bất chấp bầu không khí nóng bỏng, nhớp nháp trong sảnh, Dance vẫn cảm thấy sống lưng mình lạnh buốt.
Kayleigh Towne lao như tên bắn xuống lối đi, nơi người bạn của cô hứng chịu cái chết thảm khốc.
CHƯƠNG 10
DANCE TỪNG THẤY nàng ca sĩ trẻ tuổi nửa tá lần rồi, cô bé luôn ăn mặc chỉn chu, nếu không muốn nói là hoàn hảo.
Nhưng hôm nay cô bé xuất hiện với kiểu ăn mặc lôi thôi nhất mà Dance từng thấy. Không trang điểm, tóc tai bù xù, mắt sưng mọng vì khóc nhiều chứ không phải do thiếu ngủ (Dance biết có sự khác biệt). Thay vì đeo cặp kính áp tròng thường thấy, trên mắt là cặp kính gọng đen mỏng. Cô bé thở không ra hơi.
Thanh tra P. K. Madigan ngay lập tức biến thành một người khác. Nụ cười bực mình yếu ớt của ông dành cho Dance biến thành cái nhíu mày thông cảm chân thành cho Kayleigh. Ông bước xuống cầu thang và đứng chắn trước mặt người phụ nữ trẻ dưới sàn, trước khi cô ta kịp tiến lên sân khấu. “Kayleigh thân mến. Không, không, cô không nên ở đây. Chẳng có lý do gì để cô ở đây hết.”
“Là Bobby phải không?”
“Tôi e là vậy.”
“Họ nói với tôi rồi… nhưng tôi đã luôn cầu nguyện rằng chỉ là nhầm lẫn.” Cảnh sát trưởng Gonzalez tiến đến sàn chính chỗ họ đang đứng và vòng tay ôm lấy vai Kayleigh. Dance tự hỏi có phải tất cả những người bạn, hay họ hàng thân thích đều được đối xử thế này không, hay cử chỉ âu yếm ấy chỉ dành cho những người nổi tiếng. Rồi nhận thấy ý nghĩ cay độc như thế thật tàn nhẫn. Kayleigh Towne là ngôi sao của thành phố, điều đó đúng, nhưng
vào lúc này, cô bé chỉ là một cô gái đang chịu nỗi đau kinh hoàng. “Tôi rất tiếc, Kayleigh,” Gonzalez nói. “Tôi rất tiếc.”
“Chính là gã! Edwin. Tôi biết mà! Đi bắt gã đi. Gã đang đỗ xe ngay trước cửa nhà tôi. Ngay bây giờ!”
“Gã làm gì?” Madigan hỏi.
“Gã đỗ xe ở khu bảo tồn thiên nhiên bên kia đường. Gã chỉ ngồi trong cái xe màu đỏ khốn kiếp của gã.”
Giận dữ, Madigan gọi cho ai đó, rồi sai một cảnh sát đi kiểm tra. “Tóm gã đi!”
“Chúng tôi sẽ xem xét, Kayleigh. Có thể không dễ dàng đến vậy đâu.” Dance để ý Darthur Morgan đang đứng đó, hai tay khoanh lại phía sau nhà hát, thận trọng nhìn xung quanh.
“Thằng cha nào thế kia?” Madigan càu nhàu khi trông thấy anh ta. “Vệ sĩ của tôi,” Kayleigh đáp, thở hổn hển vì đang khóc.
“À.”
Dance quay lại mép sân khấu và nhìn xuống. Cơn buồn nôn trỗi dậy bởi thứ mùi khó ngửi tập trung ở đây, nhưng cô lờ đi và xem xét hiện trường thật kỹ: dàn đèn, dài mét tám hoặc hơn nằm phía trên cái xác cháy đen của Bobby Prescott. Dance biết những thông điệp cái xác muốn nói - sự sống và cái chết. Lúc này cô xem xét những cái xương gãy, hình dáng những ngón tay như móng vuốt, một phần do chứng co ngót điển hình của nạn nhân chết cháy, một phần do thói quen tập quyền Anh chuyên nghiệp, một phần nữa do anh ta đã cố gắng lôi cơ thể bầm dập của mình ra từ phía dưới mép sân khấu. Hướng anh ta nhắm đến cách xa hẳn cầu thang - nếu chỉ cần gọi giúp đỡ, anh ta sẽ không bò ra phía đó.
“Anh ta ngã xuống trước,” Dance nói với tay cảnh sát đứng bên cạnh, nhỏ tiếng nhằm tránh Kayleigh nghe được. “Vài phút trước khi bị cái đèn rớt trúng.”
“Sếp nói gì cơ?” Người đàn ông tầm ba mươi tuổi, vóc người vuông vắn với hàng ria mép đen quý tộc bước đến gần hơn. Anh ta cũng có làn da rám nắng giống Madigan, tuy nhiên nước da cũng đen tự nhiên. Tấm biển trên
ngực ghi dòng chữ THANH TRA D. HARUTYUN.
Cô hất đầu về phía khoang nhạc nơi các nhân viên nghiên cứu hiện trường, mặc bộ áo liền quần, đã tắt đèn và chuyển sang xem xét thi thể, rồi nói, “Tư thế nghiêng của hai chân, cả hai tay nữa. Anh ta ngã xuống trước, cố gắng thoát ra khỏi đó. Rồi cái đèn rơi xuống.”
Tay cảnh sát im lặng xem xét hiện trường, sau đó đáp lời, “Dàn đèn đung đưa rồi rớt xuống. Anh ta biết nó đang rơi xuống vì chân anh ta bị vướng vào dây.”
Tuy nhiên sợi dây lại cắm vào ổ cắm trên sân khấu, không phải ở trong khoang. Cô và tay thanh tra cùng đồng thời nhận ra điều này. Bobby hẳn không thể tự mình giật dàn đèn rơi xuống. Cô hỏi, “Thế tại sao nó lại cắm vào tường ở đó? Một dàn đèn như thế được lắp trên đòn bẩy phía trên sân khấu. Đó là nơi điện… Mà vấn đề là tại sao nó lại cắm vào đó? Chuyện này cũng đáng nói đấy.”
“Tôi sẽ làm ngay.”
Anh ta thực hiện luôn, bước xuống cầu thang, nói lời gì đó với Kayleigh rồi kéo Madigan sang một bên, thì thầm vào tai ông ta. Chánh thanh tra gật đầu, khuôn mặt nhăn nhó. “Được rồi,” ông kêu gọi, “chúng ta đang xem sân khấu như hiện trường vụ án. Và giàn giáo nơi dàn đèn rơi xuống hôm qua. Đuổi hết mọi người ra và cử đám người của Charlie ra đằng kia xem xét đi. Chết tiệt, chúng ta làm vấy bẩn cái nơi khốn kiếp này thế là đủ rồi.”
Dance tự hỏi liệu Harutyun có tin tưởng vào những quan sát vừa rồi không. Có lẽ có. Mà với cô điều này cũng chẳng thành vấn đề. Miễn là họ thu thập được tất cả bằng chứng hữu ích họ cần, điều đó mới quan trọng.
Gonzalez đang dò danh mục các cuộc gọi trên iPhone của bà ta, có vẻ rất tập trung. Dance tiến đến bên cạnh Kayleigh đang đứng một mình trong trạng thái hoảng loạn. Hết xoay trước rồi ngó sau, cô bé bắt đầu nói nhanh và diễn tả bằng điệu bộ. Dance nhớ lại hành vi hoảng loạn của chính mình vài giờ sau khi nghe tin về cái chết của chồng, một đặc vụ FBI - không phải chết khi
đang thi hành nhiệm vụ, mà là do lái xe bất cẩn trên Xa lộ I. Dance ôm chặt cô bé, hỏi xem cô giúp được gì không, gọi điện hay gọi xe cho cô bé. Kayleigh cảm ơn, nói rằng mình tự gọi được. “Ôi Kathryn, chị tin được không? Em… em không tin nổi. Là Bobby.” Ánh mắt cô bé lang thang đến vị trí ban nhạc. Dance đã chuẩn bị tinh thần ngăn cô bé không nhìn phải thi thể, nếu cô buộc phải làm thế. Tuy nhiên, nàng ca sĩ quay về phía Madigan và Gonzalez để nói rằng hôm qua cô bé nghĩ có người theo dõi mình. Không, mà là chắc chắn về chuyện đó.
“Ở đâu?”
Cô bé chỉ. “Trong những hành lang đằng kia. Alicia - trợ lý của em - cũng thấy thứ gì đó. Nhưng chúng em không nhìn rõ được là ai.” Dance nói, “Kể cho họ nghe cuộc gọi tối qua đi.”
Sự đóng góp này của kẻ xâm phạm ít nhất cũng khiến Madigan chú ý. Bằng giọng run rẩy, Kayleigh quay sang Dance. “Chúa ơi, chị nghĩ nó có liên quan đến vụ này sao?”
“Cái gì cơ?” Gonzalez hỏi.
Kayleigh giải thích về cuộc gọi mình nhận được trong xe, ai đó đang phát một phần bài hát chủ đề từ album mới nhất của cô bé, Your Shadow. Kayleigh nói thêm, “Cũng phải nói rằng đó là một bản thu âm chất lượng cao - không nghi ngờ gì nữa. Nếu nhắm mắt sẽ không thể nhận ra ca sĩ thực sự đang hát, hay chỉ là bản phát lại kỹ thuật số. Chỉ dân chuyên nghiệp mới có được bộ ghi âm như thế.”
“Hoặc một fan cuồng,” Dance gợi ý. Tiếp theo cô nói lại những thông tin TJ cho cô biết về chiếc di động. Dù Madigan có vẻ khó chịu khi một nhân viên hành pháp khác thẩm quyền bắt đầu xen vào vụ của mình, nhưng ông vẫn ghi các chi tiết vào sổ.
Đúng lúc này một người nữa đến tham gia cùng họ, Phó Cảnh sát trưởng C. Stanning, từ ngoài cổng.
“Tên… Crystal,” Madigan lãnh đạm nói.
Stanning lên tiếng, “Cảnh sát trưởng cùng các phóng viên bắt đầu xuất hiện rồi. Họ muốn một buổi họp…”
“Phó cảnh sát trưởng, chẳng phải cô bảo vệ hiện trường vụ án khỏi người lạ sao?”
Ông ta nói mà không nhìn về phía Dance, ông ta không cần làm thế. Stanning đã làm thay ông ta.
Cô ta đưa ra lời xin lỗi đầy cạnh khóe, “Chỗ này lớn quá khó bao quát hết. Nhiều người xem lắm, ông biết đấy, những kẻ tò mò. Tôi đã ngăn họ hết sức có thể rồi.”
“Tôi đang hy vọng cô làm thế. Bảo các phóng viên đó tiếp tục chờ đi.” Lần này ánh mắt hướng về phía tay vệ sĩ cao to đứng phía sau sảnh. Cảnh sát trưởng hỏi, “Kayleigh này, nhắc lại đi - chính xác trên điện thoại cô đã nghe thấy gì?”
“Chỉ là một đoạn trong bài hát của tôi.”
“Kẻ gọi đến, hắn ta hay ả ta, không nói gì à?”
“Không. Chỉ phát bài hát thôi.”
Cảnh sát trưởng Gonzalez lại tiếp tục gọi một cuộc khác, nói chuyện một lát rồi cúp máy. “Dân biểu Davis đang ở đây. Tôi phải gặp ông ấy cùng nhóm nhân viên an ninh… Rất tiếc về sự mất mát của cô, Kayleigh.” Câu này được thốt ra một cách chân thành, kèm theo đó là hai bàn tay rắn chắc vỗ lên đôi vai cô bé. “Nếu có gì tôi có thể làm được, cứ cho tôi biết.”
Một ánh mắt trao đổi giữa người phụ nữ già với tay chánh thanh tra của bà ta, ý nói: Hãy làm những gì ông cần cho vụ này. Vụ ở đây là vụ lớn và Kayleigh là của chúng ta. Sẽ không có điều gì xảy ra với cô bé hết. Không điều gì hết.
Bà cảnh sát trưởng nhìn lướt qua Dance, nói tạm biệt rồi quay gót cùng hai cảnh sát.
Dance quay sang nói với Madigan, “Chuyên môn của tôi là thẩm vấn và phỏng vấn, Thanh tra ạ. Nếu ngài muốn nói chuyện với một nhân chứng hay
nghi phạm nào, chỉ cần gọi tôi thôi.” Cô trao danh thiếp cho ông ta. “Chuyện đó tôi tự lo được,” Madigan đề nghị. “Được rồi cô Kathryn.” Ông ta bỏ tọt tấm danh thiếp vào túi như một chiếc khăn tay dùng rồi. “Ôi, đợi đã, buổi hội thảo đó,” Harutyun nói, nhíu mày. “Tại Salinas. Ngôn ngữ cơ thể, đúng không? Động lực học. Chính là cô.” “Nghiên cứu ý nghĩa cử chỉ, vâng.”
Anh ta quay sang Madigan. “Alberto và tôi đã dự hội thảo này năm ngoái. Rất hữu ích đấy. Ông cũng rất vui mà.”
“Buổi hội thảo,” Madigan lặp lại. “Vui. Phải rồi, thật vui khi biết tin. Tôi nghĩ… Hôm qua cô có trông thấy ai ở đây không, Kayleigh?” “Chỉ là một cái bóng thôi,” cô gái đáp.
Ông ta mỉm cười. “Những cái bóng là do thứ gì đó để lại. Hoặc ai đó. Tại sao cô không nói chuyện với những người trong đoàn ở đây, Kathryn. Bất kỳ nhân viên nào ở trung tâm hội nghị nữa. Xem xem họ phải nói gì.”
“Việc đó tôi làm được, Thanh tra. Nhưng việc này giống thảo luận nhiều hơn. Tôi chắc chắn những người trong đoàn, hay bất kỳ ai ở đây sẽ đều hợp tác thôi. Thường tôi chỉ để tâm nếu có lý do cho rằng nhân chứng, hay nghi phạm nói dối, hoặc nếu không nhớ được các chi tiết quan trọng.”
“Và tôi hy vọng chắc chắn rằng chúng ta sẽ kiếm được ai đó để cô có thể vận dụng các kỹ năng hội thảo của mình, Kathryn ạ. Nhưng cho đến lúc đó, sẽ là sự giúp đỡ lớn lao nếu cô biết những người kia phải nói gì. Dĩ nhiên, cô không nên cảm thấy bị bắt buộc.”
Những kỹ năng hội thảo…
Cô đã bị qua mặt. Dù cho điều đó là cần thiết, nhưng nhiệm vụ nhỏ này nhằm mục đích đuổi khéo cô. Con chó đã đánh hơi thấy vài mảnh vụn thức ăn hấp dẫn trong buổi picnic, nhưng người ta chỉ quẳng cho nó một mẩu xương khô.
“Rất hân hạnh,” Dance nói. Cô rút chiếc iPhone của mình ra rồi bảo Kayleigh liệt kê tên tuổi tất cả những người trong đoàn, các nhân viên tại
trung tâm hội nghị đã có mặt ở đây hôm qua, để nhập vào điện thoại từng người một.
Tay bác sĩ pháp y bước tới gần tay thanh tra cấp cao, hai người trao đổi trong im lặng.
Dance gọi Kayleigh, “Chị sẽ gặp em sau.” Đôi mắt người phụ nữ trẻ đau đớn đến nỗi không thể nhìn lâu. Dance vừa bước lên lối đi, một ý nghĩ vụt lóe trong đầu cô.
Chúa ơi.
Cô quay lại. “Kayleigh, cuộc gọi đêm qua! Kẻ gọi đến chỉ phát một đoạn lời thôi đúng không?”
“Đoạn đầu tiên. Và điệp khúc.”
“Và đoạn ấy nói về một nhà hát,” Dance nói.
“À vâng, đại loại vậy. Nó viết về một người của công chúng. Nhưng có đề cập đến một nhà hát.”
“Chị không biết kẻ nào đứng sau chuyện này,” Dance nói. “Nhưng nếu hắn là một kẻ rình mò giống như Edwin, chị nghĩ hắn sẽ còn tiếp tục giết người.”
“Ôi, Kathryn,” Kayleigh thì thầm. “Tiếp tục nữa à? Hắn có thể làm đau ai nữa sao?”
Tuy phạm tội giết người là việc làm hiếm hoi của những kẻ rình mò, nhưng kinh nghiệm nhiều năm làm phóng viên, tư vấn bồi thẩm đoàn và cảnh sát cho Dance biết rằng, khi tình hình leo thang thành một tội ác bạo lực, một kẻ ngoài cuộc có thể giết chết bạn cũng nguy hiểm hệt như một kẻ tội phạm nằm đúng ngay giữa hai thái cực này. “Cơ sở của rình mò là hành vi ám ảnh, lặp đi lặp lại. Chị nghĩ chúng ta nên giả sử rằng hắn sẽ gọi nhiều cuộc nữa, và nhiều người nữa sẽ bị nguy hiểm. Chị sẽ kết nối điện thoại của chị với điện thoại của em. Chị sẽ xem các đoạn khác của lời hát, tìm ra mục tiêu tiếp theo của hắn có thể sẽ là ai hoặc ở đâu.”
Madigan hỏi, “Nhưng tại sao một tội phạm lại làm thế? Hắn suy nghĩ kiểu
gì vậy?”
Dance đáp, “Tôi không biết. Một số những kẻ rình mò đơn giản mắc chứng loạn thần kinh.”
“Nghe có vẻ cường điệu nhỉ,” Madigan nói. Ông ta gần như bực dọc vì Dance khiến Kayleigh buồn.
“Tôi nghĩ điều đó quan trọng đấy.”
“Có lẽ cô cho là thế.” Tay chánh thanh tra nhận một cuộc gọi, nghe điện rồi quay sang Kayleigh. “Tin từ một trong số các nhóm tuần tra. Họ đã đi qua nhà cô, nhưng không thấy hắn lẫn xe của hắn.”
“Vậy hắn đâu, hắn đã đi đâu?” Kayleigh hỏi, giọng hốt hoảng. “Họ không biết.”
Madigan xem đồng hồ đeo tay. Ông ta sai Harutyun ra ngoài tuyên bố với đám phóng viên. “Đừng cho họ bất kỳ thông tin nào cụ thể cả, chỉ nêu tên của Bobby thôi, vẫn còn đang điều tra. Rõ ràng là tai nạn. Cậu biết thủ thuật rồi đấy. Đưa mọi người ra khỏi đây đi.” Madigan rõ ràng không cho rằng đây là nhiệm vụ của Phó Cảnh sát trưởng Stanning.
Ông ta cũng đuổi nốt cả Dance, bằng giọng sốt ruột và lạnh lùng. “Và bây giờ nếu có thể tham gia thẩm vấn, tôi chắc chắn sẽ rất biết ơn, cô Kathryn.” Dance ôm chầm lấy Kayleigh một lần nữa. Sau đó cùng Harutyun bước ra cửa.
“Cảm ơn cậu đã nói với ông ấy về chuyện dàn đèn, Thanh tra Harutyun.” “Có gì đâu. Gọi tôi là Dennis được rồi.”
“Kathryn.”
“Tôi nghe rồi.” Một câu nói vô cảm.
Cả hai cùng gật đầu với Darthur Morgan đang buồn rười rượi khi đi qua. Anh ta chỉ rời mắt khỏi Kayleigh trong chưa đầy một giây. Chỉ mất vài phút hai người đã đi qua cửa ra vào của khu tiện ích. Dance thầm biết ơn khi lại được bước vào bầu không khí nóng nực, dù đang đổ mồ hôi. Cho dù khuôn mặt vuông của Harutyun tỏ rõ vẻ khó chịu. Đường nét đôi
vai của cậu ta cũng thay đổi. Cậu ta đang nhìn đám phóng viên cùng những chiếc xe truyền hình. Dance hiểu cậu ta thà đi truy đuổi tội phạm trong một con hẻm tối om, còn hơn đi giải quyết vụ này. Tiếng nói của công chúng, có lẽ vậy. Một nỗi sợ hãi chủ yếu và phổ biến.
Dance bước chậm lại, gõ một địa chỉ email vào điện thoại của mình, rồi vừa đi vừa gửi. “Thanh tra?”
Người đàn ông thân hình vuông vắn dừng lại, mệt mỏi nhưng dường như thấy thích thú với bất kỳ sự chậm trễ nào trước khi đối mặt với truyền thông. Cô nói tiếp, “Tôi vừa tải xuống một tập hợp các lời hát - ca khúc của Kayleigh, chính là ca khúc cô ấy đã nghe trên di động tối qua.” Có vẻ cậu ta không hiểu chuyện này sẽ dẫn tới đâu. “Và tôi vừa gửi một bản sao sang cho Bộ phận Thanh tra. Người nhận là cậu đấy.” “Tôi sao?”
“Tôi thực lòng rất biết ơn nếu cậu xem qua đoạn lời thứ hai - phải, xem hết đi nhưng nhớ xem đoạn lời thứ hai trước - và dựa trên những lời hát này, cho tôi biết chúng có thể gợi ý cho cậu bất kỳ địa điểm nào, nơi kẻ sát nhân có thể quyết định giết chết ai đó. Giống như một nhà hát trong đoạn đầu. Có thể không đoán ra được nơi nào cụ thể, nhưng nếu có thể thu hẹp một chút phạm vi tìm kiếm, chúng ta có thể có khởi đầu tốt nếu hắn gọi lại.”
Một thoáng ngập ngừng. “Tôi có thể cùng kiểm tra với Chánh Thanh tra Madigan.”
Dance chậm rãi nói, “Cậu có thể, tất nhiên rồi.”
Harutyun vẫn nhìn đám phóng viên mà không phải cô. “Chánh thanh tra có một đơn vị giám định xuất sắc nhất thung lũng này, tốt hơn cả ở Bakersfield. Tỷ lệ phần trăm bắt giữ và kết tội của ông ấy đứng đầu bang đấy.”
“Tôi có bảo ông ấy không giỏi đâu,” cô nói.
Mắt Harutyun mải dò xét đám phóng viên mà không nhìn cô. “Tôi biết ông ấy sẽ đánh giá cao nếu cô gửi ông ấy báo cáo từ các nhân chứng này.”
Dance nói chắc nịch, “Hãy xem qua các lời bài hát đi. Xin cậu.” Tay thanh tra nuốt khan, không có phản ứng gì ngoài việc miễn cưỡng bước ra ngoài để gặp bầy sói đói.
CHƯƠNG 11
CHIẾC XE MOÓC của Bobby Prescott có chiều rộng gấp đôi đầy ấn tượng. Model Cole của công ty Buccaneer. Dance đoán kích cỡ của nó vào khoảng 15m x 7m. Nội thất xe màu nâu vàng nhạt, viền trắng.
Phải, đây là một ngôi nhà di động, tuy nhiên phần móng gạch xây dựng lạo xạo khiến nó trở nên kém hoàn hảo. Mặt đất bao quanh nó nứt nẻ và có màu be. Cỏ rạp hết xuống trừ một số cây tú cầu và gỗ hoàng dương vẫn đang mạnh mẽ vươn cao.
Khung cảnh vắng lặng. Chỉ có những người hành pháp, mấy đứa nhóc tò mò đi xe đạp hoặc ván trượt, và vài người cao tuổi đứng xem. Hầu hết những người lớn hoặc không tỏ ra hứng thú hoặc không muốn lôi kéo sự chú ý về mình. Kiểu hàng xóm ở đây là thế. Trong chiếc xe moóc không còn ai khác ở; TJ báo cáo rằng Bobby Prescott chưa kết hôn và sống ở đây một mình.
Lúc này là một giờ chiều, mặt trời đã vào độ tháng Chín, dù trời vẫn nóng như tháng Bảy.
Hai chiếc xe tuần tra FMCSO đỗ phía trước, Dance lái chiếc Pathfinder len qua để vào điểm đỗ rồi xuống xe. Chánh Thanh tra Madigan và Dennis Harutyun đang đứng cạnh nhau, nói chuyện với mấy đứa nhóc. À họ đã làm thế rồi. Và bây giờ họ tập trung vào cô.
Tay thanh tra có ria mép gật đầu hờ hững.
Sếp của cậu ta nói, “À, Kathryn.” Ngay cả một nụ cười giả dối cũng không nở trên môi ông ta. Bên dưới lớp vỏ bọc mỏng như lá kia là cơn phẫn nộ - đối với cô và có lẽ với chính bản thân ông ta - vì đang phải chơi trò chơi chính trị. Vì đơn giản ông không thể đá văng cô ả đặc vụ CBI này đi. Ấn
tượng của cô là ông ta ngạc nhiên khi thấy cô không làm được như kỳ vọng - ông ta chán chơi trò cớm tỉnh lẻ và chỉ muốn biến đi.
Nhưng sự đời không đơn giản thế.
Dennis Harutyun nhìn Dance nghiêm nghị. Cô tự hỏi liệu cậu ta có thấy chán khi tải xuống và xem các ca khúc trong album Your Shadow không. Có lẽ là không. Cậu ta chùi lớp ria mép bằng mu bàn tay rồi quay lại thẩm vấn dân địa phương. Cậu ta bước đi cũng bằng thái độ điềm tĩnh cô đã thấy trước đó. Dáng đi chuẩn của riêng cậu ta. Tuy nhiên cậu ta cũng rất cảnh giác, luôn nhìn trước ngó sau như thể Edwin đang lẩn khuất đâu đây, lăm lăm khẩu súng ngắn trên tay.
Dẫu vậy, cô không chắc có sự trùng hợp thế. Những kẻ tội phạm thích nhòm lỗ khóa, như những kẻ rình mò, thường khiến bạn thấy căng thẳng và ức chế, trong khi việc theo dõi mang lại cho chúng sự thỏa mãn.
P. K. Madigan nói tiếp, “Vậy là cô không có cơ hội thẩm vấn các nhân chứng đó.”
“Thực ra tôi làm rồi. Nhưng tôi e rằng chẳng thu được kết quả gì đâu. Tôi đã nói chuyện với Alicia, Trợ lý riêng của Kayleigh, Tye Slocum cùng nhân viên còn lại trong đoàn. Darthur Morgan…”
“Ai thế?”
“Vệ sĩ của cô bé.”
“Cái… cái thằng cha to lớn đứng đó lúc trước ấy à?”
“Đúng vậy. Cơ sở này có một nhân viên an ninh và hai người nữa, một người là kỹ thuật viên ánh sáng - một thợ điện - và một thợ mộc giúp lắp dựng cho ban nhạc. Họ phải có mặt ở đây theo quy định chung. Tôi cũng đã thẩm vấn họ rồi. Tay nhân viên an ninh nói rằng ba cửa ra vào đều không khóa. Nhưng đó là điều bình thường. Vì ban ngày nếu không có sô diễn, sẽ rất mất công đi kiếm anh ta để lấy chìa khóa mở cửa trước, cửa bên và cửa sau, nên chúng toàn mở suốt. Không ai để ý thấy sự xuất hiện của người lạ nào mà họ không nhận ra, trên giàn giáo cũng như tại bất kỳ đâu.”
“Cô thẩm vấn tất cả chỉ trong vòng ba giờ?”
Thực ra là tám mươi phút. Phần còn lại dành cho việc hỏi han xem Bobby hay dành thời gian đi đâu - đi bộ đường dài tại một bãi đỗ xe của bang gần đó (không có đầu mối nào), ra ngoài đến một cửa hàng guitar và cùng vài người bạn đến đài phát thanh (không tìm được gì) và ngồi ăn một bữa tối đặc biệt tại Tower District, nơi anh ta uống rất nhiều cà phê thay vì thứ rượu gì đó mạnh hơn, biện hộ rằng anh ta đang trong quá trình phục hồi (cũng thế, thiếu đầu mối).
Và cuối cùng phát hiện ra nơi anh ta sống.
Đó là lý do cô có mặt ở đây.
Nhưng cô lựa chọn không nói đến chuyện này. “Nhóm khám nghiệm hiện trường của ông ở trung tâm hội nghị sao rồi?”
Ngừng một lát. “Thu hoạch cả đống đồ. vẫn chưa biết kết quả.” Thêm một chiếc xe tuần tra Liên kết Fresno-Madera nữa đến - Crystal Stanning ngồi sau tay lái. Cô ta đỗ xe phía sau chiếc Nissan của Dance, xuống xe rồi nhập bọn cùng những người khác. Mắt cô ta để ý xung quanh với vẻ khó chịu.
Đối với tội ác kiểu này thì là thế đấy. Ta không bao giờ biết rõ kẻ rình mò đang ở đâu. Hắn có thể cách xa hàng dặm. Nhưng cũng có thể ngay ngoài cửa sổ nhà mình.
Có vẻ như Stanning muốn báo cáo với ông sếp về bất kỳ nhiệm vụ nào đã hoàn thành. Tuy nhiên cô ta sẽ không nói gì cho đến khi Dance đi chỗ khác, hoặc khi được cho phép. Madigan mồ hôi đầm đìa đang nóng ruột. Ông ta búng ngón tay. “Điện thoại thì sao?”
“Hiệu thuốc Service Plus Drugs tại Burlingame. Trả trước bằng tiền mặt. Họ không quay video lại. Có lẽ đó là lý do hắn tới đó.”
Dance đã nói với họ tất cả các thông tin này rồi.
Nhưng sau đó Stanning nói tiếp, “Ông nói đúng, Thanh tra ạ, hắn đã mua ba điện thoại khác cùng lúc đó.”
Một câu hỏi Dance đã không nghĩ ra phải hỏi TJ Scanlon.
Madigan thở dài. “Có thể thằng nhóc này không chỉ nhắm đến một món đâu.”
Dance phỏng đoán đây có thể là sự thừa nhận nửa đùa nửa thật cho mối lo lắng ‘cường điệu’ của cô.
Cô suy nghĩ, có bốn đoạn lời trong bài Your Shadow. Bốn nạn nhân ư? Có khả năng bài hát này không phải là khuôn mẫu duy nhất của kẻ sát nhân. Kayleigh đã viết rất nhiều giai điệu.
“Tôi đã lấy các số điện thoại và số ESN* rồi.”
Bạn cần cả số điện thoại lẫn số serial điện tử của một di động để lần theo dấu.
“Chúng ta nên tắt hết chúng đi,” Madigan nói. “Như thế Edwin sẽ phải mua một cái ở đây. Dễ lần theo dấu hơn.”
Chúng ta không biết có phải Edwin không cơ mà, Dance quan sát nhưng không nói gì.
“Tất nhiên.” Thanh tra Stanning đeo ba hoa tai trên một bên tai, bên kia là một hoa tai xoắn ốc lủng lằng bằng bạc. Cái khuyên trên mũi cô ta nữa, cho biết một vũ hội có thể được mở vào những giờ nghỉ.
Nhưng Dance phản đối. “Tôi sẽ kích hoạt chúng, như thể chúng ta vẫn chưa biết hắn định làm gì tiếp theo. Sau đó cài đặt thông báo định vị. Như thế nếu tội phạm gọi lại, chúng ta có thể lập lưới tam giác.”
Madigan ngừng một lát, sau đó liếc nhìn Crystal Stanning. “Làm đi.” “Tôi nên gọi cho…”
“Gọi Redman ở Phòng Thông tin Liên lạc. Anh ta làm được đấy.” Có chuyển động bên kia đường, nơi một chiếc xe moóc bé hơn đang đỗ trên đám cỏ cứng. Một người phụ nữ vóc người đẫy đà đứng trên bậc thềm bê tông, đang hút thuốc. Đôi bờ vai rám nắng, mặt nổi tàn nhang. Bà ta mặc chiếc váy mùa hè không có cầu vai màu trắng bó sát, có mấy vết bẩn màu tím và đỏ phía thắt lưng, đang thận trọng theo dõi mọi người.
Madigan đề nghị Stanning giúp Harutyun thẩm vấn. Còn mình bước ra lề đường, chờ hai chiếc xe tải nhỏ phóng qua rồi sang đường gặp người phụ nữ kia. Dance đi theo ông.
Mặc tay thanh tra quay lại nhìn, cô vẫn bước tiếp.
Người hàng xóm ngập ngừng tiến lên phía trước để chào đón họ. Ba người gặp nhau tại đoạn nửa đường từ chỗ hộp thư của bà ta. Bằng giọng run rẩy, bà ta nói, “Tôi có nghe tin tức, ý tôi là tin về Bobby. Tôi không thể tin nổi.” Bà ta lặp lại rất nhanh. “Có nói đến trên bảng tin. Nên tôi nghe được.”
Người vô tội hay hành động theo kiểu kẻ có tội.
“Vâng, thưa bà tôi là Chánh thanh tra Madigan. Đây là Sĩ quan Dance.” Cô chẳng buồn chỉnh lại.
“Tên bà là gì?”
“Tabby Nysmith. Gọi tôi là Tabatha. Bobby chẳng bao giờ gây ra bất kỳ rắc rối gì. Không nghiện hút, không uống rượu. Chỉ đắm đuối vào âm nhạc thôi. Lời phàn nàn duy nhất là buổi tiệc lúc một giờ. Inh tai nhức óc. Không thể tin được là cậu ta chết. Xảy ra chuyện gì thế? Trên tin tức không thấy nói?”
“Chúng tôi vẫn không rõ đã xảy ra chuyện gì, thưa bà. Chưa rõ.” “Do băng đảng à?”
“Như tôi đã nói, chúng tôi không rõ.”
“Chàng trai tốt nhất, thực sự đấy. Cậu ta đã cho Tony, đứa lớn nhất nhà tôi, xem mấy cây guitar của cậu ta. Cậu ta cho biết mình sở hữu một cây mà Mick Jagger đã từng chơi nhiều năm trước. Bố của Bobby từng làm việc với họ và cả ban nhạc Beatles nữa. Hoặc cậu ta nói vậy. Chúng tôi không biết, làm sao biết được chứ? Nhưng Tony sướng rơn lên.”
“Gần đây bà có trông thấy ai lạ mặt ở đây không?”
“Không, thưa ngài.”
“Anh ta có đánh nhau hoặc to tiếng với ai, hay nghiện hút không?” “Không. Tôi chẳng thấy ai ở đây đêm qua cũng như sáng nay. Chẳng thấy
gì hết.”
“Bà có chắc không?”
“Có, thưa ngài.” Bà ta dụi tắt điếu thuốc đang hút, châm một điếu khác. Từ đống mẩu thuốc lá vương vãi trên cửa, Dance để ý bà ta có xu hướng hút thuốc ngoài sân, tránh ảnh hưởng đến bọn trẻ. Bà ta nói tiếp, “Tôi rất khó nhìn được chỗ cậu ta.” Bà ta hất đầu về phía các cửa sổ phía trước chiếc xe moóc của mình, bị che khuất sau những lùm cây. “Tôi cứ nhắc lão Tony nhà tôi tỉa cái bụi rậm đi, nhưng chẳng bao giờ lão có thời gian cả.”
Một cái nhìn hướng sang phía Dance, một nụ cười.
Những người đàn ông…
“Liệu chồng bà có trông thấy gì không?”
“Lão ta đang trên đường. Lái xe tải mà. Đi vắng suốt ba ngày. Không, bốn ngày rồi.”
“Đủ rồi thưa bà. Cảm ơn bà đã dành thời gian.”
“Tất nhiên rồi, Sĩ quan. Liệu sẽ có đám tang hay gì không?” “Chúng tôi không nói được. Chúc bà một ngày tốt lành.” Madigan nhún nhảy đi về phía chiếc xe moóc, nhưng Dance lại rẽ sang hướng khác. Cô đi theo người phụ nữ quay lại với chiếc xe moóc và đám con của bà ta. “Xin lỗi.”
“Hả?”
“Tôi có thể hỏi bà thêm vài câu nữa không?”
“Xin lỗi. Tôi phải quay lại với bọn nhóc đây.”
“Bao nhiêu?”
“Gì cơ?”
“Bọn trẻ?”
“À. Bốn đứa.”
“Tôi có hai đứa.”
Tabatha mỉm cười. “Tôi nghe câu này rồi, như kiểu thành ngữ ý nhỉ. Lợi suất giảm dần. Tôi không biết chính xác điều đó nghĩa là gì, nhưng tôi nghĩ
"""