🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Gia Định Là Nhớ Sài Gòn Là Thương Ebooks Nhóm Zalo MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU SÀI GÒN LÀ THƯƠNG Chợ Bến Thành Chợ Cũ Nhịp sống mới của người Sài Gòn xưa trên đại lộ Charner Chiêu Nam Lầu Bức tượng có số phận “long đong” nhất Sài Gòn “Trả lại em yêu khung trời đại học” Khung trời hoa mộng trong “Con đường tình ta đi” Hồ Con Rùa nhưng không có… rùa Đại lộ Galliéni và những giấc mơ đổi đời Con đường có một Sài Gòn thu nhỏ GIA ĐỊNH LÀ NHỚ Câu chuyện về hai ngôi thành Gia Định Trần Văn Học - người vẽ trục đường đầu tiên của Sài Gòn Bí ẩn ba con đường xéo giữa một Sài Gòn xưa vuông vức Người Pháp đối mặt với các thách thức về quy hoạch của Sài Gòn - Chợ Lớn buổi đầu Chợ Lớn sáp nhập vào Sài Gòn, không còn thành phố của riêng người Hoa Quy hoạch Sài Gòn trước 1975: từ những cao ốc chọc trời đến khu ổ chuột Vết tích tường thành cuối cùng giữa lòng Sài Gòn Từ ngôi nhà thờ “bí ẩn” đến ngôi thánh đường xưa nhất đất Gia Định Khu rừng cao su cuối cùng của Sài Gòn - Gia Định Đất khởi nguồn rạch Nhiêu Lộc LỜI KẾT Tác phẩm: GIA ĐỊNH LÀ NHỚ - SÀI GÒN LÀ THƯƠNG Tác giả: Cù Mai Công Bản quyền © 2022 Cù Mai Công Công ty First News – Trí Việt giữ bản quyền xuất bản và phát hành ấn bản tiếng Việt trên toàn thế giới theo thỏa thuận hợp tác xuất bản với tác giả Cù Mai Công. Bất cứ sự sao chép nào không được sự đồng ý của First News đều là bất hợp pháp và vi phạm Luật Xuất bản Việt Nam, Luật Bản quyền Quốc tế và Công ước Bảo hộ Bản quyền Sở hữu Trí tuệ Berne. Thực hiện: Trường Giang Quý độc giả có nhu cầu liên hệ, vui lòng gửi email về: Bản thảo và bản quyền : [email protected] Phát hành : [email protected] CÔNG TY VĂN HÓA SÁNG TẠO TRÍ VIỆT – FIRST NEWS 11H Nguyễn Thị Minh Khai, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM Ngôi Nhà Hạt Giống Tâm Hồn, Đường Sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP. HCM Tel: (84.28) 38227979 – 38227980 www.firstnews.com.vn www.hatgiongtamhon.vn facebook.com/firstnewsbooks facebook.com/hatgiongtamhon LỜI NÓI ĐẦU “Sài Gòn” và “Gia Định”, cả hai cái tên thân thương này đều đã không còn được sử dụng như tên chính thức của vùng đất mà ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, mỗi tên gọi đều gợi lên những ký ức, hoài niệm khác nhau đối với mỗi người dân thành phố này. Sài Gòn đối với thế hệ trước 1975 là bánh mì chợ Cũ, là hình ảnh tà áo dài thướt tha trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát”, là thanh âm của những bản nhạc bolero trên đài phát thanh hằng đêm, là giờ giới nghiêm khi thành phố chìm vào tĩnh lặng... Còn đối với thế hệ 8x, Sài Gòn lại là một đô thị đông đúc đang rũ bỏ lớp áo cũ để khoác lên lớp áo mới tân thời, nhưng đâu đó vẫn còn chút hương xưa với những tà áo dài trắng trên con đường đầy lá me bay vào buổi tan trường… Cứ thế, hai chữ Sài Gòn gợi lên cả những kỷ niệm chung của cả một thế hệ và cả những nỗi niềm riêng của mỗi người. Nhắc đến Sài Gòn, ai mà không khỏi xao xuyến, ai mà không thương cho được… Nếu như Sài Gòn vẫn còn được gọi tên, thì trái lại, Gia Định lại phần nào khiến ta có cảm giác vừa thân quen vừa xa cách. Sở dĩ thân quen vì địa danh Gia Định chỉ mới biến mất khoảng 50 năm nay thôi và những cư dân tỉnh Gia Định cũ vẫn còn đây. Nhưng xa cách có lẽ vì địa danh Gia Định đã được sử dụng cho nhiều địa giới hành chính khác nhau theo từng thời kỳ nên nó đã không thể định hình được một không gian ký ức riêng biệt trong tâm tưởng như Sài Gòn. Dù thế nào, hai chữ Gia Định lại gợi lên một cảm giác chung về một thời quá vãng của Prei Nokor, của vùng Đề Ngạn, của những trận đánh khốc liệt giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn mà những nhân chứng sống cũng đã trở thành người thiên cổ. Và vì vậy, Gia Định là để nhớ, hay nói đúng hơn là để tưởng nhớ về một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch… Để ghi dấu công lao của các bậc tiền nhân đã vào Nam khẩn hoang, mở mang bờ cõi… Mong rằng Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương có thể vừa như một thước phim để cùng quý vị tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ, vừa như một chuyến du hành ngược thời gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu. - Ban biên tập First News SÀI GÒN là thương Ký ức, văn hóa & con người Chợ Bến Thành Nhiều điều chưa biết Một bưu ảnh chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19. Lúc này, kinh Lấp (kinh Charner) đã bị lấp (1887) và thay bằng đường rầy xe điện (tramway). Xa xa là tòa nhà trụ sở UBND TP. HCM hiện nay. Góc phải nhà thờ Đức Bà đã có hai tháp chuông nhọn (gắn năm 1895). Bưu thiếp ghi marché (chợ). - Ảnh tư liệu. Chợ Bến Thành luôn là ngôi chợ nhộn nhịp trong những câu chuyện ký ức của thị dân hoặc được nói đến rất nhiều trong những đề tài khảo cứu về vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa. Nó quen thuộc đến mức ai cũng nghĩ rằng đã biết hết về ngôi chợ này. Tuy nhiên, vẫn còn đó những điều mới mẻ sẽ khiến chúng ta không khỏi ngạc nhiên và thích thú về ngôi chợ hơn 100 tuổi. Ngôi chợ nhiều tên gọi nhưng không có bảng tên Năm 1860, chợ Bến Thành được người Pháp xây dựng đơn sơ nằm trên bờ kinh Lớn. Tuy ngôi chợ đã xuất hiện từ rất sớm trên nhiều bưu ảnh nhưng có một điều khá lạ là chưa bao giờ cái tên Bến Thành được viết một cách chính thức. Trên các bưu ảnh xưa, chợ được gọi bằng nhiều tên như chợ trung tâm/chợ chính (marché central); có khi chỉ ghi vỏn vẹn là chợ (marché); hoặc “táo bạo” nhất thì cũng chỉ ghi là chợ Sài Gòn (marché de Saigon). Từ năm 1914, chợ Bến Thành được dời về vị trí như ta thấy hiện nay với quy mô rộng lớn và khang trang hơn. Dù vậy, trong các bưu ảnh vẫn không nhắc cái tên chợ Bến Thành: có bưu ảnh ghi là tòa nhà trung tâm (Les Halles Centrales); cũng có khi là chợ lớn (grand marché - không viết hoa kiểu tên riêng); nhưng đa số được ghi một cách chung chung là chợ trung tâm/chợ chính (marché central). Đó là kể sơ qua cách mà người Pháp gọi ngôi chợ này trên bưu ảnh, chứ trên thực tế thì cổng chợ chưa bao giờ treo bảng tên. Càng lạ hơn, khi tiếp quản ngôi chợ Bến Thành từ người Pháp sau năm 1954, chính quyền Sài Gòn vẫn không treo bảng tên ở cổng chợ. Ai đi chợ này thời đó đều thấy phía trên mặt tiền chính của chợ chỉ là một mảng tường quét vôi màu vàng cam. Duy chỉ có một thời gian ngắn chợ được đặt tên là chợ Quách Thị Trang để ghi nhận sự kiện cô nữ sinh Quách Thị Trang ngã xuống trong cuộc biểu tình chống chế độ Ngô Đình Diệm tại công viên Diên Hồng (trước cửa Nam) năm 1963. Nhưng bảng tên chợ Quách Thị Trang cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn rồi bị lặng lẽ gỡ đi. Hồi 1973, tôi cùng bạn bè lên nhà sách Khai Trí trên đường Lê Lợi mua sách. Lúc đi ngang cổng chính của chợ, thấy treo kín các bảng quảng cáo kem đánh răng Perlon và giày Bata, đám học trò lớp Sáu chúng tôi cứ tưởng tên chợ là… Perlon hay Bata. Người Sài Gòn xưa nay vẫn thường gọi là chợ Bến Thành Mặc cho việc chợ không có bảng tên và không hiện diện trên các văn bản chính thức nào của chính quyền, người Sài Gòn từ những ngày đầu tiên vẫn luôn gọi là chợ Bến Thành. Không những thế, ngôi chợ còn được ưu ái vô ca dao hẳn hoi. Cụ thể năm 1904, Sài Gòn gặp một cơn bão rất lớn, thường gọi là bão năm Thìn. Trận bão lụt này làm thiệt mạng hàng ngàn người và được lưu truyền trong những câu ca dao xưa: Bến Thành nóc chợ cũng bay Đèn khí¹ nó ngã nằm ngay cùng đường. ¹ Xưa người ta thắp đèn trên đường phố ban đêm bằng khí đá. Chúng tôi chưa rõ “đèn khí” ở đây là của các hàng quán hay đèn đường. Nếu “đèn khí” của các hàng quán thì có thể đó là đèn khí đá (thập niên 1960, một số hàng quán ở Sài Gòn vẫn xài đèn khí đá, như ở vài khu ngoại ô, Ông Tạ chẳng hạn). Nếu “đèn khí” của cột đèn thì có thể là khí ga. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, vài con đường khu trung tâm Sài Gòn đã có đèn điện. Tuy nhiên, đa số dùng đèn dầu dừa, dầu hôi, có nơi vẫn dùng đèn khí (ga). Chợ từng mang tên nữ sinh Quách Thị Trang trong thời gian ngắn. - Ảnh tư liệu. Một câu ca dao khác lại vẽ ra khung cảnh tiếng còi tàu và tiếng lao xao của khách bộ hành khi tiến gần chợ Bến Thành: Mười giờ tàu lại Bến Thành Xúp lê còi thổi bộ hành lao xao Trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (xuất bản năm 1909), tác giả Nguyễn Liên Phong đã dành hơn 50 câu thơ nói về ngôi chợ này trước khi nó được dời sang vị trí mới: Bến Thành chợ rộng tứ vi Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm Chỗ ăn, chỗ ở chỗ nằm.... Khi dời sang vị trí mới như hiện nay (từ năm 1914), ngôi chợ khang trang này lập tức trở thành niềm cảm hứng mới cho các tao nhân mặc khách: Chợ Bến Thành mới Kẻ lui người tới Xem tứ diện rất xinh Thấy em tốt dáng tốt hình Chẳng hay em có chốn duyên tình hay chưa? Hoặc: Chợ Bến Thành dời đổi Người sao khỏi hợp tan Xa gần giữ nghĩa tào khang Chớ ham quờn quới (quyền quý) mà đá vàng phụ nhau. Phải chăng đó là cách người Sài Gòn - Gia Định xưa thể hiện nỗi niềm lưu luyến về một ngôi chợ có thật trong buổi đầu của vùng đất Bến Nghé này? Khác với thế hệ cố cựu, nhiều người sinh ra và lớn lên sau này, nhất là những người nhập cư từ xứ khác đến Sài Gòn, lại gọi tên chợ theo cách gọi của người Pháp: chợ Sài Gòn. Chợ Sài Gòn cẩn đá Chợ Rạch Giá cẩn xi mon (xi măng) Giã em ở lại vuông tròn Anh về xứ sở không còn ra vô (hoặc: Anh về ngoài nớ, khó còn ra vô). Hoặc: Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa Viết thơ thăm hết nội nhà Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em. Hoặc: Chiều nay chắc áo xa bâu (túi áo) Chợ Sài Gòn anh ở, còn huyện Tổng Châu em về. Đến năm 1975, người Sài Gòn cũng như các nơi quen gọi phần sót lại của ngôi chợ trên đường Nguyễn Huệ là chợ Cũ và chợ Bến Thành là chợ Mới hay chợ Sài Gòn. Sau năm 1975, chợ lần đầu tiên chính thức được đặt bảng tên chợ Bến Thành trước cổng chính (cổng Nam) và từ đó đến nay trở thành tên gọi phổ biến với mọi người. Tại sao chính quyền thành phố Sài Gòn trong nhiều thời kỳ khác nhau lại không thực hiện một thao tác rất đơn giản, đó là đặt bảng hiệu là chợ Bến Thành cho phù hợp với thói quen gọi tên của người dân? Chợ Vải đầu đường Nguyễn Huệ, nằm ngay bờ sông Sài Gòn hiện nay. Bức họa có tên “Un marché à Saigon” (Một chợ ở Saigon). - Trích Tập san Le Monde Illustré 24-12-1864. Thử lý giải điều này, người viết thấy rằng có một chi tiết quan trọng, đó là ngôi chợ cũ được xây dựng vào năm 1860 trên đường Charner² (và cả ngôi chợ mới được xây năm 1914 tại vị trí đầm Bồ-rệt) đều không được xây dựng trên nền chợ Bến Thành ban đầu. Có lẽ cũng chính vì thế mà chủ đầu tư xây dựng chưa bao giờ gọi cả hai ngôi chợ (cũ và mới) này là chợ Bến Thành. ² Nay là đường Nguyễn Huệ. Bí ẩn vị trí đầu tiên của chợ Bến Thành Chợ Bến Thành xuất hiện lần đầu tiên trong Gia Định thành thông chí, được Trịnh Hoài Đức miêu tả như sau: “Chợ Bến Thành - Phố, chợ, nhà cửa trù mật, ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang đón chở khách buôn ngoài biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thức hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền…”³. ³ Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, trang 103. Về vị trí của ngòi Sa Ngư có hai giả thiết. Đa số các nhà nghiên cứu am hiểu về Sài Gòn xưa như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam đều cho rằng ngòi Sa Ngư là một (trong hai) đường nước song song dẫn từ sông Sài Gòn hiện nay vô thành Phiên An⁴. Từ đó, kết luận rằng chợ Bến Thành đầu tiên nằm từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay. ⁴ Thời đầu thuộc Pháp là kinh Chợ Vải, sau gọi là kinh Charner, hiện nay là đường Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, cũng có giả thiết thứ hai cho rằng chợ Bến Thành nằm hai bên cầu Thị Nghè với lập luận rằng ngòi Sa Ngư là rạch Văn Thánh hiện nay. Cả hai đều có những chứng cứ, lập luận đáng tin cậy về vị trí chợ Bến Thành ban đầu. Số phận chợ Bến Thành sau cuộc thảm sát mang tính hủy diệt Cuộc thảm sát những người liên quan đến cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi vào năm 1835 mang tính hủy diệt lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Đến mức Trương Vĩnh Ký trong Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận) xuất bản sau đó 60 năm phải đau đớn thốt lên bằng tiếng Latin trong bài viết toàn tiếng Pháp: Vae victic (Khốn cho kẻ chiến bại). Sau khi kinh Chợ Vải bị lấp năm 1888, hàng hóa đến chợ Bến Thành phải tập kết ở đầu đường Charner. - Ảnh tư liệu. Có những số liệu khác nhau về số người bị giết sau cuộc nổi dậy thất bại này. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược ghi 1.831 người, Nguyễn Phan Quang căn cứ vào những bản mật tấu nói 1.284 người, Trương Vĩnh Ký trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận nói 1.137 người. Nhưng dù con số nào thì có lẽ những người trong và ngoài thành Gia Định⁵ còn sống sau cuộc hãm thành đều đã bị giết sạch. ⁵ Hiện nay là phạm vi bốn con đường: Lê Thánh Tôn - cổng chính thành, Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Cũng theo Trương Vĩnh Ký thì những người buôn bán lẫn khách hàng thường đi chợ Bến Thành (vốn cách thành khoảng hơn 600m) chắc chắn đã bị “hành hình tức khắc”⁶. Đại Nam chính biên liệt truyện cũng có miêu tả sự kiện thảm sát này: “Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, trong và ngoài thành (Gia Định - thành Quy) vài dặm (đều) chém ngay không xét xử (biền tru), rồi đào một hố to vất thây lấp đất (...)”⁷. ⁶ Trương Vĩnh Ký, Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb. Trẻ, 1997. ⁷ Đại Nam chính biên liệt truyện, Nxb. Văn Học, 2004. Thành phần tiểu thương và khách đi chợ xưa trong một hình vẽ năm 1885, gồm có người Việt, người Hoa và người Ấn Độ. Người Hoa đứng vị trí giữa hình cho thấy vai trò trung tâm của họ trong buôn bán lúc ấy. - Ảnh tư liệu. Dĩ nhiên, số phận của chợ Bến Thành đầu tiên được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí (viết trước đó khoảng 20 năm) cũng vì thế mà bị xóa sạch vết tích sau cơn bão lửa binh đao này. Chợ Bến Thành còn lại gì sau bao cuộc bể dâu? Chợ Sỏi là ngôi chợ xưa nằm ở khu vực cầu Khánh Hội và cầu Mống hiện nay⁸. Tuy nằm sát chợ Bến Thành và chịu chung số phận bị tàn phá sau các cuộc binh biến nhưng chợ Sỏi vẫn hiện rõ trên bản đồ của người Pháp và đồng thời cũng được miêu tả rõ ràng trong Gia Định thất thủ vịnh: ⁸ Sau này khi chỉnh trang lại thành phố Sài Gòn, ngôi chợ nổi tiếng này đã không còn. Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi Loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho Quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm. Trong đoạn trích trên, khi chợ Sỏi được ghi rõ là “chợ” thì Bến Thành chỉ còn tên và mất… “chợ”. Có lẽ không hẳn do bị giới hạn câu chữ trong bài vịnh mà tác giả đã bỏ đi từ “chợ” trước chữ Bến Thành. Trong lời giới thiệu cho Cổ Gia Định phong cảnh vịnh do Trương Vĩnh Ký viết vào cuối thế kỷ 19, ông cũng đã ghi “trống không” là “Bến Thành” trong khi các chợ đều có tên: “Cái điệu vịnh Gia Định, không rõ là của ai làm, làm có đối đáp, song quan, cách cú, bạt tất đủ, nói về địa cảnh Sài Gòn, thuở trước Tây (Phú Lang Sa) chưa lấy, bắt nội Bến Thành, Chợ Sỏi vô tới Chợ Lớn, Chợ Gạo…” Ngay cả trong những bài ca dao khuyết danh thời đó cũng đều ghi tương tự: Anh ngồi quạt quán Bến Thành Thấy em có chốn anh đành quăng om Anh ngồi quạt quán bà Hom Hành khách chẳng có, đá om quăng lò Hai ngày sau khi thành Gia Định thất thủ, quân dân Việt đã quay lại chiến trường, dùng thuật hỏa công đốt cháy toàn bộ nhà cửa xung quanh thành cũng như những gì còn lại của ngôi chợ này. Một số người tập trung quanh khu chợ xưa, cạnh con kinh xưa để thiết lập lại các hoạt động buôn bán. Thời điểm này không còn “trăm thức hàng hóa chất ngất trời” như trước nữa mà chủ yếu là mặt hàng vải vóc do những thương nhân Ấn Độ cung cấp. Từ đó dần dần hình thành nên khu chợ Vải, và con kinh xưa trở thành “kinh Chợ Vải”. Chợ Sài Gòn (Le Marché de Saigon) năm 1910. Những ngày cuối cùng trước khi dời sang chợ mới. - Ảnh tư liệu. Bưu ảnh chợ Bến Thành năm 1921 vẫn ghi “Les Halles Centrales” (Tòa nhà, khu chợ trung tâm). - Ảnh tư liệu. Bưu ảnh thập niên 1920 ghi: “A Saigon, un jour de grand marché” (Sài Gòn, một ngày ở chợ lớn). - Ảnh tư liệu. Mặt tiền chợ Bến Thành trước năm 1975 không hề có bảng tên chợ. - Ảnh tư liệu. Chợ Cũ Hơn một thế kỷ lừng lẫy trên vỉa hè Năm 1860, dù phải bận đối phó với các đợt phản công của quan quân nhà Nguyễn, người Pháp vẫn quyết định xây dựng ngôi chợ mới ngay trên khu vực vừa kiểm soát. Điều này cho thấy người Pháp đã nhận ra vị trí quan trọng của ngôi chợ nằm giữa lòng Sài Gòn này. Chợ Bến Thành năm 1888 khi chưa lấp kinh, lúc này không còn nằm ở bến sông như ngôi chợ cũ mà được bố trí sâu trong kinh chợ Vải. Vị trí cụ thể hiện nay nằm trong phạm vi bốn con đường: Nguyễn Huệ, Hải Triều, Hồ Tùng Mậu và Ngô Đức Kế. - Ảnh tư liệu. Chợ Bến Thành xưa hồi sinh mạnh mẽ Ngôi chợ có năm gian được xây dựng rất nhanh bằng cột gỗ, mái lá và được đưa vào hoạt động ngay từ năm 1860. Đến năm 1870, một gian bị cháy và chợ được xây dựng lại bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp ngói, riêng gian bán thịt thì được lợp tôn và lát đá granite. Ngôi chợ xây dựng lại này cũng có năm gian bày bán đồ khô, cá, thịt, thực phẩm và tạp hóa. Chợ Bến Thành ngay lập tức hồi sinh mạnh mẽ, ghe thuyền các nơi đổ đến mua bán chật con kinh trước chợ và rạch Cầu Sấu⁹ phía sau. Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (xuất bản năm 1909) đã dành 50 dòng thơ ca ngợi sự sầm uất của ngôi chợ này: ⁹ Góc trái sau chợ (nay là Hàm Nghi), vốn là đường nước để lên xuống hàng hóa và khách đi chợ. Bến Thành chợ rộng tứ vi Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm (...) Bánh trái biết mấy chục hàng Bò heo thớt thịt nhảy tràn dọc ngang... Nhiều năm hoạt động, ngôi chợ xuống cấp, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Tòa Thị Chính¹⁰ đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng thành phố Sài Gòn. Năm 1887, kinh Charner bị lấp hoàn toàn và trở thành đại lộ Charner, dân quen gọi là đường Kinh Lấp. Hai bên đại lộ, nhà của người Việt, Hoa, Ấn, Miên... san sát, buôn bán sầm uất. Xung quanh khu vực chợ là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, tòa soạn báo… ¹⁰ Nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân TP. HCM. Đám con nít phụ bốc vác ở chợ Bến Thành năm 1907 hoặc phụ khách đi chợ mang hàng về (đựng trong đồ thúng). - Ảnh: Aurélien Pestel. Hội đồng thành phố lên kế hoạch làm chợ Bến Thành mới tại vị trí khu vực đầm Bồ-rệt (marais Boresse) với kinh phí dự trù 400.000 franc, nhưng thực tế khi xây dựng là 975.000 franc. Sau khi chợ Bến Thành khai thị vào tháng 3-1914, khu vực chợ cũ bị giải tỏa để xây dựng ngân khố¹¹, riêng gian bán thịt lợp tôn phía sau được giữ lại. Chỉ một “mầm mống” đó thôi, chợ Cũ lại tiếp tục sống hơn một thế kỷ đến tận hôm nay. ¹¹ Trước 1975 là Tổng nha Ngân khố, nay là Kho bạc TP. HCM. Chợ Cũ sầm uất với thịt quay bánh mì, cơm thố và... cà phê dĩa Từ gian thịt được giữ lại nhưng đẩy ra phía sau, chợ Cũ hoạt động ngay vỉa hè đại lộ de la Somme (nay là Hàm Nghi) có mặt tiền rộng như ở đại lộ Charner. Vị trí mới này vừa có thể thông ra sông Sài Gòn lại vừa dễ dàng đi thẳng ra chợ Bến Thành mới cách đó vài trăm mét. Khi này, chợ Bến Thành cũ được người dân nói gọn thành chợ Cũ; còn chợ Bến Thành mới xây được gọi là chợ Mới. Nhưng gian hàng thịt cuối cùng cũng bị giải tỏa. Tuy không có nhà lồng chợ, không có bảng tên và chỉ sống trên vỉa hè, vậy mà sức sống của chợ Cũ vẫn mãnh liệt đến mức “hùng cứ” cả hai con đường Tôn Thất Đạm và Hồ Tùng Mậu. Thậm chí phạm vi của chợ còn “mon men” ra tới Hải Triều, Pasteur... Ngoài những mặt hàng phổ thông, trong khi chợ Mới có thế mạnh về thực phẩm thì chợ Cũ còn khai thác thêm chuyện ăn uống. Vốn là khu vực sinh sống lâu đời của cư dân gốc Quảng Đông, chợ Cũ có nền ẩm thực Trung Hoa phong phú không hề thua kém hàng quán ở Chợ Lớn. Vì thế, chợ Cũ dễ dàng trở thành địa điểm ẩm thực không thể thiếu không chỉ của dân Sài Gòn mà còn của dân Nam kỳ lục tỉnh nếu có dịp đến thành phố. Gian hàng thịt còn sót lại khi xưa nhanh chóng “hóa thân” thành nhiều tiệm thịt quay bánh mì với da giòn, ngọt vị mật ong nhưng thịt rất mềm… lừng lẫy cho đến ngày nay. Chưa hết, còn những món cao lầu chợ Cũ, cà phê dĩa, hủ tiếu, bánh mì xíu mại... Có ai người Sài Gòn nghe nhắc đến mà không muốn lập tức ghé ăn? Dãy tiệm thịt quay bánh mì san sát trên đường Hàm Nghi năm 1966.Tiệm Thiên Nhiên hiện nay (2022) vẫn còn. - Ảnh: Thomas W. Johnson. Trong đó, hai món “tuyệt chiêu” nhất nhưng lại “rẻ rề” của khu chợ Cũ này là cơm thố và cà phê dĩa. Trước năm 1975, nhiều hôm Chủ nhật mấy thằng con nít chúng tôi được gia đình đưa đi Sở Thú chơi sau khi ghé chợ Cũ ăn đã đời. Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên dĩa, mấy vị khách từ “thầy Hai” (công chức, trí thức) cho đến ông ba gác, đạp xích lô, thợ thuyền… đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và... húp. Mùi cà phê nóng bay ngập, khách ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này. Còn cơm thố đựng trong các thố men hoa xanh nước biển, hấp trong chiếc xửng nhiều tầng bằng tre ăn với cá kho khô, canh cải bẹ nấu với cá thác lác ở mấy quán góc Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi (hiện còn một quán trên đường Tôn Thất Đạm). Mỗi thố chừng một chén cơm nhỏ nên có ông chạy ba gác ăn một lần năm, sáu thố. Dân có tiền thì chỉ ăn một, hai thố nhưng thay vì kêu cá kho khô thì kêu gà nướng, bồ câu quay, cá hấp... Giàu nghèo gì cũng ngồi cạnh nhau ăn rất bình thường, chuyện trò với nhau rôm rả. Hơn 200 năm có mặt trên đất Sài Gòn, chợ Bến Thành đã bao phen long đong, dời đổi, thậm chí có lúc tưởng đã không còn. Nhưng rồi ngôi chợ ấy lại hồi sinh mạnh mẽ, dù sống trên vỉa hè mà vẫn tồn tại cho đến nay. Hơn một thế kỷ... không nhà! Con nít Sài Gòn trước quán thịt heo quay, vịt quay Thiên Nhiên trên đường Hàm Nghi năm 1966. Người đàn ông góc trái ảnh là thợ chính của tiệm Thiên Nhiên lúc đó. - Ảnh tư liệu. Dãy tiệm thịt quay chợ Cũ nổi tiếng năm 1967 trên đường Hàm Nghi. - Ảnh tư liệu. Bánh mì chợ Cũ nức tiếng trước 1975. - Ảnh: Larry Burrows/LIFE Nhịp sống mới của người Sài Gòn xưa trên đại lộ Charner Sự ra đời của ngôi chợ Bến Thành bên bờ kinh Chợ Vải đã khiến cho những con đường phía sau chợ mà nay là Hàm Nghi, Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Hải Triều trở nên sầm uất với hàng loạt hàng ăn, quán nước hoạt động tấp nập từ rạng sáng đến gần khuya. Thậm chí còn có một số sòng bạc sau chợ thức thâu đêm. Trong khi đó, đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) phía trước chợ lại được hình thành khá muộn do ban đầu là kinh Chợ Vải và đến năm 1887 mới được lấp hoàn toàn. Dù vậy, đại lộ Charner dần cho thấy vị trí đặc biệt của nó trong dòng chảy đời sống văn hóa - kinh tế - chính trị của người Sài Gòn. Khách sạn - nhà hàng Coq d’Or (Gà trống vàng) ở ngã tư Charner - d’Ormay (nay là Mạc Thị Bưởi) bày cả bàn ghế ra ngoài vỉa hè cho khách uống cà phê. Vị trí này nay là khách sạn Palace. - Ảnh tư liệu. “Đại lộ cà phê” đầu tiên của Sài Gòn Nếu nói về những quán cà phê đầu tiên¹² trên đất Sài Gòn thì ắt hẳn là trên con đường Catinat¹³ vì đây vốn là con đường đầu tiên được người Pháp tập trung chỉnh trang và xây dựng ngay sau khi kiểm soát hoàn toàn Sài Gòn. Đường Catinat nhanh chóng trở thành nơi tập trung các cửa tiệm vải, tiệm chụp ảnh, tòa soạn báo, công ty... sang trọng nên thu hút giới thượng lưu thời ấy tìm đến. Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) của tác giả Nguyễn Liên Phong đã mô tả: ¹² Niên giám Đông Dương đầu thế kỷ 20 ghi nhận ít nhất là có ba quán trên đường Catinat. ¹³ Từ 1955-1975 đổi tên là đường Tự Do. Nay là Đồng Khởi. Nhứt là đường Ca-ti-na Hai bên lầu các, phố nhà phân minh (...) Máy may mấy chỗ quá nhiều Các tiệm tủ ghế dập dều (dìu) phô trương Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương (đan) Đồ thêu, đồ chạm trữ (trổ?) thường thiếu chi (…) Nhà in, nhà thuộc, nhà chà Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son... Một góc chợ Bến Thành cũ nhìn ra bến Bạch Đằng ngày nay. Cạnh dãy cà phê Méridional là tòa nhà Wang-Tai (nay là trụ sở Hải quan TP. HCM). - Ảnh tư liệu. Phạm Quỳnh cũng đã kể về đường Catinat sang trọng “bực nhứt” Sài Gòn ấy trong Một tháng ở Nam kỳ (1918): “Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền. Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu”. Tuy nhiên, Phạm Quỳnh cũng đã nhận ra mối quan hệ phát triển tất yếu của đại lộ Charner khi phải đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh của số đông trong khi đường Catinat kế bên bị hạn chế ở tầng lớp thượng lưu: “(Catinat) Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner (...)”. Những cây cà phê đầu tiên ở Việt Nam đã được trồng ở miền Bắc vào năm 1888 nhưng ly cà phê đầu tiên lại được rót bán tại Sài Gòn, có lẽ vì đây là mảnh đất dễ dàng dung nạp mọi nền văn hóa ẩm thực. Theo nhà văn Sơn Nam, chỉ năm năm sau khi Pháp đánh chiếm, người Pháp đã khai trương hai quán cà phê đầu tiên trên đất Sài Gòn: Café de Lyonnais trên đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng) và Café de Paris trên đường Catinat. Trong khi đó, đại lộ Charner dù được hình thành sau nhưng đã sớm trở thành con đường sầm uất nhất Sài Gòn tại thời điểm đó. Người ta đến đây không chỉ để đi chợ sáng mà còn có thể ghé uống ly cà phê, ăn bánh mì, ăn hủ tiếu, hút thuốc, đọc báo... tại vô số quán dọc hai bên đại lộ và khu vực xung quanh chợ. Tòa Hòa giải (Justice de Paix - hiện nay là vị trí tòa nhà Sun Wah). Xung quanh khu vực tòa nhà này rất nhiều quán cà phê, trong đó có cả quán mang tên cà phê Hòa Giải (Café de la Paix). - Ảnh tư liệu. Năm 1910, chợ bị giải tỏa sau khi nhiều cư dân xung quanh than phiền và khiếu nại lên Hội đồng thành phố Sài Gòn về vấn nạn ô nhiễm. Niên giám Nam kỳ trước và sau khi giải tỏa chợ ghi nhận trên đại lộ Charner có nhiều quán cà phê. Điển hình là ngay bờ sông Sài Gòn, cửa ngõ vô đại lộ là Café de Marseille của ông Freund. Khách đông, sau này ông mới mở thêm quán nữa tên Cafe du Marché (Cà phê Chợ) bên hông chợ Bến Thành. Phía số lẻ gần bờ sông, qua tòa nhà Wang-Tai¹⁴ là Café Méridional hoành tráng của bà Lachal với ba số nhà liền nhau 3-5-7 (chỉ còn cách hai căn số 9 và 11 tới chợ). ¹⁴ Tòa nhà của ông Vương Thái, nay là trụ sở Hải quan TP. HCM. Cà phê rõ ràng đã đáp ứng nhu cầu khách tứ xứ lẫn khách đi chợ lúc ấy nên mặt tiền Charner gần chợ lại có một quán khác cùng tên Café du Marché ở số 33, nhưng chủ là bà Truhaut; rồi hàng loạt quán cà phê nối tiếp nhau đoạn gần ngã tư Charner - d’Ormay (nay là Mạc Thị Bưởi): Café de Provence của bà Genon; Café de la Paix của bà Soudan (quán cà phê Paix gần như đối diện với tòa nhà Justice de Paix); Café de l’Orient của bà Tisseyre; xa xa một chút gần đại lộ Bonard là Café Américain của bà Nault... Bánh mì “tấn công” hủ tiếu và xôi Không chỉ cà phê, người Pháp đến đâu đem theo văn hóa bánh mì đến đó. Từ những tiệm bánh mì nhỏ chủ yếu cho người Pháp bên đường Catinat, nhiều tiệm bánh mì của người Pháp, người Việt, người Hoa nhanh chóng mở ra trên đại lộ Charner. Gần bờ sông cùng phía với chợ có tiệm bánh mì của ông Lương Phúc Tài; đoạn gần đại lộ Bonard có một số tiệm bánh mì của người Hoa xen lẫn với các tiệm tạp hóa, xẻng cuốc... Thế nhưng nổi tiếng nhất là tiệm bánh mì ở cuối đường gần đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) mà chủ lẫn thợ đều là người Pháp: Louis Roux. Nơi đây, bánh mì kiểu Pháp (baguette, bánh sừng bò bơ, bánh mì tròn mềm rưới đường, mật... mà hiện nay chúng ta vẫn ăn) được ra lò ngày hai lần: “Mỗi bữa sớm mai và chiều đều có bánh mới sốt dẻo và bánh sừng-bò chẩy beurre (bánh mặn). Ngày chủ nhật, thứ ba và thứ năm có bánh tròn mặn, bánh bò chế mật” (mẩu quảng cáo trên Nông Cổ Mín Đàm). Tờ báo này năm 1901 còn đăng một lời rao khác của tiệm này: “Phố bánh mì thiệt thợ Langsa làm (của ông Roux). Nội Saigon có một phố hàng này mà thôi ở tại đường Charner (tục danh đường Kinh Lấp) số 125. Xin anh em chớ lộn (...) Ai muốn mua bánh để lâu đặng đi đường, hay là đi rừng đi rú thì cũng có bán” (nguyên văn quảng cáo xưa). Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp bánh mì cho các “cơ binh” (lính Pháp), bánh mì của người Pháp đã chính thức tấn công “đất hủ tiếu” của người Hoa và gánh xôi buổi sáng của Việt ngay tại khu vực chợ Bến Thành. Cuộc tổng tấn công “phố bánh mì” của ông Roux này ngày càng mở rộng: mở thêm chi nhánh ngay đầu đường Charner; “tiến quân” sang chợ Tân Định (gần bánh mì Như Lan trên đường Hai Bà Trưng hiện nay); tràn sang “thủ phủ hủ tiếu” của người Hoa trên đường Des Marins¹⁵. Thậm chí, bánh mì của tiệm còn “đổ bộ” xuống lục tỉnh Nam kỳ, bước đầu là Biên Hòa, Vũng Tàu, rồi tới các tỉnh miền Tây: “Còn ở các hạt Tân-an, Bến-tre, Cái-bè, Cần-thơ, Hà tiên, Sốc-trăng, Vĩnh-long và Sa-đéc, anh em ai muốn mua vật chi thì xin gởi thơ cho tôi, tên Roux tại Mỷtho....” (nguyên văn quảng cáo). ¹⁵ Trần Hưng Đạo trong Chợ Lớn, đoạn từ An Bình đến Học Lạc. Cách uống cà phê “độc nhất vô nhị” của người Sài Gòn xưa “Tô - Ly - Điếu - Tờ” là bốn chữ có thể tóm tắt về bốn thói quen buổi sáng của nhiều người Sài Gòn từ xưa đến nay: tô hủ tiếu, ly cà phê, điếu thuốc và tờ báo.“Chúng ta đã mang cà phê đến Đông Dương. Trong khi chỉ một số ít người dân Bắc kỳ (Tonkin) ngần ngại uống cà phê theo cách của chúng ta thì nhiều người Sài Gòn tiếp nhận nó vui vẻ nhưng uống theo cách của họ”, đó là nhận xét của Mauvais, một du khách người Pháp sau một chuyến du hành Đông Dương vào cuối thế kỷ 19. Như chúng ta đều biết, cách pha cà phê của người Pháp từ xưa đến nay là dùng dụng cụ lọc (phin cà phê). Còn cách pha cà phê khiến ông Mauvais “kinh ngạc” khi đến thăm ngôi chợ Bến Thành trên đại lộ Charner là “Người dân nơi đây đổ bột cà phê đã xay vô một chiếc ấm sành lớn có một vòi lớn để cầm và một vòi nhỏ để rót¹⁶ rồi nấu lên như cách họ nấu thuốc uống. Khi rót, họ dùng một tấm vải mỏng đặt trên ly để lọc bã cà phê ra”. ¹⁶ Siêu sắc thuốc. Một quán hủ tiếu của người Hoa trên đường Charner, trước chợ Bến Thành cũ năm 1908. - Ảnh tư liệu. Phải chăng đây là cách uống cà phê mà sau này đã được biến thể thành cà phê vợt mà chúng ta vẫn còn thấy ở một vài quán vỉa hè Sài Gòn, Chợ Lớn hôm nay? Cách uống có lẽ cũng khiến tác giả ngạc nhiên không kém: “Họ co một hoặc cả hai chân trên ghế và uống nhanh chứ không chậm rãi như chúng ta lẫn đồng bào¹⁷ xứ Bắc kỳ của họ. Vừa uống, họ vừa bàn bạc hay kể công việc làm ăn, tin tức gì đó mà họ biết - xứ này quá rộng để một người biết hết mọi chuyện. Ai biết chữ¹⁸ thì nhằm bữa có nhựt trình, thay vì đọc một mình như chúng ta thì một người đọc vừa đủ cho nhóm mình nghe chăm chú...” ¹⁷ Nguyên văn: dong bao. ¹⁸ Chữ Quốc ngữ. Nhộn nhịp không khí buổi đầu của làng báo Việt Không chỉ là nơi tập trung các hàng quán ăn uống, khu vực xung quanh đại lộ Charner còn là nơi đặt tòa soạn và tổ chức phát hành của hàng loạt tờ báo chữ Quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Việc này khiến cho đường Charner trở thành đầu mối thông tin quan trọng bậc nhất của báo chí Nam kỳ từ cuối thế kỷ 19. Nhà văn Sơn Nam trong Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ nhận định: “Người Sài Gòn cũng ưa nghe tin tức, hay còn gọi là tìm lượng thông tin, bởi vậy báo chí là món ăn cần thiết. Họ đọc báo để tìm hiểu tình hình chung, đặc biệt là tin tức liên quan đến công việc làm ăn hàng ngày của mình. Thiếu lượng thông tin, hóa ra lạc hậu, thất bại trong việc làm ăn, vì tình hình luôn biến động từng giờ, từng phút. (...). Ngồi quán cà phê đọc báo, chờ bạn bè, ai không đọc báo thì lắng nghe người đã đọc tóm lược giùm”. Ngày 1-8-1901, Nông Cổ Mín Đàm¹⁹ - tờ báo kinh tế tiếng Việt đầu tiên trên đất Sài Gòn - ra số đầu tiên và phát hành thứ Năm hằng tuần bằng chữ Quốc ngữ. Tòa soạn ban đầu đặt ở đường La Grandière (nay là Lý Tự Trọng) rất gần đại lộ Charner. ¹⁹ Nghĩa là: uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn. Ngày 15-11-1907, tờ Lục Tỉnh Tân Văn ra đời và cũng xuất bản vào ngày thứ Năm. Cả hai tờ có điểm chung là từng có chủ bút là nhà yêu nước Trần Chánh Chiếu nên dễ hiểu những số đầu tiên đã trở thành “tiếng nói của cuộc vận động Minh Tân, hướng theo cải cách, tự cường đang sôi động ở Bắc và Trung kỳ”. Lục Tỉnh Tân Văn cổ vũ lòng yêu nước, chống Pháp và phong kiến tay sai, tư tưởng vong bản… nên đã trở thành tờ báo có uy tín nhất ở Nam kỳ lúc ấy. Nhiều cây bút miền Bắc, miền Trung đã vào Sài Gòn học nghề báo tại tờ báo này như: Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trần Huy Liệu, Tản Đà… Ngoài ra, ngay đại lộ Charner cũng là nơi đặt tòa soạn hai tờ báo tiếng Pháp: Journal L’Indochine Française và Moniteur des Provinces (sau tờ này có thêm phiên bản tiếng Việt lấy tên Nhật báo tỉnh). Tờ Moniteur des Provinces được chính quyền Pháp lúc ấy cấp phép xuất bản cho ông Georges Garros, một luật sư người Pháp am hiểu và cấp tiến từng viết nhiều sách và bài nghiên cứu về Nam kỳ. Ông cũng có mối quan hệ bạn bè với nhiều người Việt yêu nước. Vì vậy, danh nghĩa là công báo nhưng rất thú vị khi Nhật báo tỉnh có đăng cả những bài viết của Gilbert Trần Chánh Chiếu kêu gọi canh tân xã hội Việt Nam thời thuộc Pháp. Ngoài ra, những tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên của lục tỉnh Nam kỳ như Gia Định báo (1865-1910), Nhật Trình Nam Kỳ (1883 - ?), Phan Yên báo (1898-1899), Thông Loại Khóa Trình (1988-1889), Phụ Nữ Tân Văn (1926-1935)... dù có tòa soạn nằm trên những con đường lân cận cũng tìm đến phát hành tại đại lộ Charner vốn tập trung rất nhiều người Việt. Không chỉ vậy, đại lộ Charner còn là tuyến giao thông quan trọng cho việc phát hành báo đi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gò Vấp (tỉnh Gia Định) bằng các tuyến xe lửa bên đại lộ de la Somme và xe điện (đặt giữa đại lộ Charner), đồng thời có thể đi lục tỉnh Nam kỳ bằng tuyến đường thủy theo rạch Bến Nghé. Rõ ràng, sau khi kinh Chợ Vải trước chợ Bến Thành bị lấp vào năm 1887, đại lộ Charner đã trở thành đầu mối thông tin lớn của Sài Gòn đi các tỉnh. Vì vậy, những tờ báo chữ Quốc ngữ này đăng khá nhiều những quảng cáo hướng đến không chỉ khách hàng cư ngụ tại vùng Sài Gòn - Chợ Lớn mà cả những khách hàng ở khắp lục tỉnh. Thậm chí, lò bánh mì lớn trên đại lộ Charner của ông Louis Roux ở số 125 đã bổ sung thêm “bánh tròn mặn, bánh bò chế mật” vào ngày thứ Năm là ngày phát hành của nhiều tờ báo Quốc ngữ. Ga xe điện Sài Gòn - Chợ Lớn ngay trước chợ Bến Thành cũ đầu thế kỷ 20. - Nguồn: Brunet. Chiêu Nam Lầu Nơi hội ngộ anh hào Giữa đại lộ Charner kinh doanh sầm uất, ít ai ngờ có một ngôi nhà nổi tiếng vốn là nơi lui tới của những người yêu nước thuở ấy, đó là Chiêu Nam Lầu nằm ở số 49 đại lộ Charner. Từ năm 1899, ngôi nhà này ghi tên chủ nhân mới là Nguyễn An Khương - một chí sĩ lớn đầu thế kỷ 20 đồng thời cũng là một dịch giả, nhà báo, từng viết cho hai tờ báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn. Cũng tại ngôi nhà này, đứa con út của ông - nhà cách mạng nổi tiếng Nguyễn An Ninh - đã ra đời. Người Việt dựng đại nghiệp giữa đại lộ Charner Đại lộ Charner nằm giữa hai con đường sang trọng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là Catinat và de la Somme với hàng loạt công ty, cửa hàng thuộc thế mạnh kinh doanh của cư dân ba nền văn hóa lớn của thế giới: các tiệm vải sang trọng hầu như chủ là người Ấn Độ; quán ăn thì khó ai qua nổi người Hoa; còn khách sạn thì phần lớn là của người Pháp. Dãy nhà bên trái khách sạn Chiêu Nam Lầu số 49. - Ảnh: Émile Gsell. Tuy Chiêu Nam Lầu nằm giữa khu vực đó nhưng lại kinh doanh thành công rực rỡ ở cả ba lĩnh vực: tiệm may, quán ăn và phòng trọ. Trước khi bị chính quyền Pháp đóng cửa, Chiêu Nam Lầu đã có 27 năm hoạt động (1899-1926) kinh doanh lừng lẫy giữa đại lộ sầm uất. Về lĩnh vực nhà hàng khách sạn, vợ nhà chí sĩ Nguyễn An Khương vừa quản lý, điều hành nhân viên vừa xắn tay vô bếp nấu nướng những món ăn Nam bộ. Thuở ấy, đa số thương gia Sài Gòn - Chợ Lớn và giới điền chủ ở Nam kỳ lục tỉnh thường coi Chiêu Nam Lầu là một địa điểm “sành điệu” phải ghé qua mỗi khi có dịp đến đại lộ Charner và chợ Bến Thành. Nơi hội ngộ của những nhà yêu nước Bên cạnh nổi tiếng về mặt kinh doanh, có một điều đặc biệt nữa mà dân Sài Gòn lẫn Nam kỳ lúc ấy ngấm ngầm rỉ tai nhau về ngôi nhà số 49 Charner này: đây là nơi lui tới, tá túc của nhiều nhà ái quốc, nhà cách mạng lẫn những hoàng thân quốc thích chống Pháp như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (nhà cách mạng này mất tại đây), Bùi Quang Chiêu, Trần Chánh Chiếu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (cháu đích tôn bốn đời của vua Gia Long)... Các nhà ái quốc Bắc và Trung kỳ đã tìm đến đây trong lời mời gọi của Chiêu Nam Lầu giữa một Sài Gòn yêu nước thương nòi, như một lời hát thời khẩn hoang: “Thương người xa xứ lạc loài tới đây...”. Khi cụ Phan Bội Châu bí mật vào Sài Gòn và tá túc tại Chiêu Nam Lầu, ông chủ Nguyễn An Khương đã tổ chức cho cụ gặp gỡ những nhà điền chủ yêu nước nổi tiếng lục tỉnh như Trần Chánh Chiếu (đại điền chủ Rạch Giá), Nguyễn Thần Hiến (điền chủ Cần Thơ)... Bộ ba Nguyễn An Khương - Trần Chánh Chiếu - Nguyễn Thần Hiến đã trở thành cơ sở kinh tài hỗ trợ nhiều du học sinh Nam kỳ trong phong trào Đông Du từ năm 1904. Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh (từ trái sang): sau khi du học Pháp, khi làm báo Tiếng Chuông Rè và khi bị Pháp bắt giam. - Ảnh tư liệu của gia đình. Nhà cách mạng Trần Chánh Chiếu đã mời ông chủ Chiêu Nam Lầu làm cộng tác (chủ bút, biên tập, viết bài) cho hai tờ báo của mình là Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn với những bài báo kêu gọi ái quốc, duy tân. Thần tượng yêu nước của giới trẻ Nam kỳ lục tỉnh “Phải luôn giữ tiết, không vì bả vinh hoa mà đổi lòng đổi chí, phản bội quê hương và nòi giống” - đó là lời thề của người thanh niên Nguyễn An Ninh trước sự chứng giám của cha mình tại Lăng Ông Bà Chiểu năm 1918 trước khi du học Pháp. Nguyễn An Ninh và vợ, con trai Nguyễn An Tịnh trước khám lớn Sài Gòn năm 1937. - Ảnh tư liệu của gia đình. Giữ đúng lời thề xưa với cha, Nguyễn An Ninh chỉ sau hai năm du học đã lao vào hoạt động cách mạng ngay trên đất Pháp từ năm 20 tuổi. Rồi hai năm sau, người cử nhân luật hạng xuất sắc của Đại học Sorbonne đã trở về Sài Gòn, về lại đại lộ xưa để bỏ bộ âu phục, mặc áo bà ba, đi guốc, bỏ tóc xõa vai… và ôm từng chồng báo Tiếng Chuông Rè (mà ông làm chủ bút kiêm phóng viên, xếp chữ, rao bán) nhằm kêu gọi chống Pháp. Giới trẻ Sài Gòn và lục tỉnh như GS. Trần Văn Giàu lúc đó coi “Nguyễn An Ninh là thần tượng của đồng bào lục tỉnh, của học sinh chúng tôi... Con người sôi nổi, đại chúng đó, hùng hồn ở diễn đàn, bén nhọn trên cột báo, không chút sợ Tây, tà, vào tù²⁰ như về quê...”²¹. ²⁰ Nguyễn An Ninh đi tù năm lần và chết ở Côn Đảo năm 1943, khi ông 43 tuổi. ²¹ Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974. Khi cụ Phan Châu Trinh trên giường bệnh tại Chiêu Nam Lầu thì nghe tin Nguyễn An Ninh bị Pháp bắt lúc 11 giờ 30 trưa ngày 24-3-1926. Ngay đêm đó, cụ đã ra đi. Đám tang nhà ái quốc vĩ đại Phan Châu Trinh là đám tang lớn nhất tại Sài Gòn cho đến nay với 100.000 người dự (chiếm một phần ba dân số Sài Gòn lúc ấy) mà báo chí Pháp nói ngày đó là ngày “Việt Nam thức tỉnh”. Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cũng suýt bị mật vụ Pháp bắt khi đang ngủ tại Chiêu Nam Lầu²². Vua Thành Thái trước khi bị Pháp lưu đày sang đảo Réunion (ở Ấn Độ Dương) đã ghé Chiêu Nam Lầu may hàng chục bộ áo dài. Không chỉ hoàng thân người Việt mà cả hoàng tử Miến Điện (Myanmar) Myngoon Min trong cơn biến loạn quê hương cũng từng nương náu tại Chiêu Nam Lầu. Sau đó vì cảm phục, ông đã để lại công thức chế dầu cù là của hoàng gia Miến Điện mà sau này Nguyễn An Ninh khi làm cách mạng đã sử dụng và bán ngay tại quê nhà là Hóc Môn, Bà Điểm. Người Hóc Môn xưa còn truyền miệng câu thơ: ²² Trích Nguyễn An Ninh: Tôi chỉ làm cơn gió thổi - Hồi ký của Nguyễn Thị Minh (con gái Nguyễn An Ninh). Cù là hay lắm mấy ông ơi Dầu hiệu An Ninh thí nghiệm rồi Quệt thử bên hông, chùm mật nhảy Uống vô trong bụng, huyết tim sôi. Những “thượng khách” trên đại lộ Charner Trong khi những người yêu nước đang bàn chuyện quốc sự tại Chiêu Nam Lầu thì ở quán Café de la Paix²³ bên kia đường Charner, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp thường tụ tập cà phê với những nhân vật giàu có, quan chức trong chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc đó như Paul Blanchy²⁴, Morin, Bonnet... ²³ Góc ngã tư Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi hiện nay. ²⁴ Thời Pháp được đặt tên cho đường Hai Bà Trưng hiện nay. Sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến Roland Garros, cái tên quen thuộc gắn liền với giải quần vợt nổi tiếng của Pháp ngày nay. Nhiều người có lẽ bất ngờ khi biết ông từng là một cư dân ở đại lộ Charner. Nhà của cha mẹ Roland Garros ở số 117 (cạnh Tòa Hòa giải số 115 - nay là tòa nhà Sun Wah), khá gần Chiêu Nam Lầu số 49. Ông đã ở đây đến năm 12 tuổi và học tại Trường Chasseloup-Laubat (nay là Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) trước Nguyễn An Ninh vài năm. Cha ông, ông George Garros, là một luật sư và là một nhà báo cấp tiến - bạn với nhiều người Việt yêu nước như Bùi Quang Chiêu, Lê Hoằng Mưu, Trần Chánh Chiếu... Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, “rất nhiều người Sài Gòn cũ vẫn còn nhớ đã thấy Roland đùa giỡn với người chị gái trước văn phòng của ông George Garros trên đường Charner”²⁵. ²⁵ Nguyễn Đức Hiệp, Sài Gòn - Chợ Lớn -- Ký ức đô thị và con người, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ TP. HCM, 2016, trang 125. Roland Garros. - Ảnh tư liệu. Roland Garros cũng là phi công đầu tiên vượt Đại Tây Dương. Ông tử trận trong trận không chiến với máy bay Đức năm 1918 trong Thế chiến thứ nhất và được người Pháp tôn vinh là anh hùng. Thời Pháp, tên Roland Garros được đặt cho một con đường sau chợ Bến Thành mà nay là Thủ Khoa Huân. Tòa Hòa giải (Justice de Paix) số 115 đại lộ Charner. Nhà Roland Garros ở số 117 cạnh bên. - Ảnh tư liệu. Bức tượng có số phận “long đong” nhất Sài Gòn Ít ai biết rằng, ngay tại vị trí chợ Bến Thành cũ trên đường Charner từng là nơi “cư ngụ” của một vị “khách” đặc biệt, dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Đó là… tượng đài của Léon Gambetta - chính trị gia thuộc phái diều hâu khét tiếng của Pháp cuối thế kỷ 19. Léon Gambetta (1838-1882) là thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp trong hai năm 1881-1882, đây cũng là khoảng thời gian Pháp đã xâm chiếm xong toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh và chuẩn bị cho việc thôn tính hoàn toàn miền Bắc. Gambetta thuộc phái các nhà chính trị Pháp lúc ấy ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa Pháp. Có lẽ vì vậy mà ngay sau khi Gambetta mất, một khu tượng đài đã được dựng lên ngay giữa trung tâm Sài Gòn - thủ phủ Nam kỳ, vốn là nơi quân Pháp tấn công và chiếm đóng đầu tiên. Thông tin về bức tượng này không nhiều, trong sách Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển cho biết rằng: “Còn lão Gambetta có cả đến hai pho tượng. Cái thứ nhất, do đô thành đặt cho thợ Falguière làm bên Pháp đem qua đây, bởi không lựa ngày ăn lạc thành, nên khiến trước dựng giữa đường Norodom-Pellerin²⁶, sau dời về Chợ Cũ, chỗ Tổng Ngân khố hiện nay, rốt đem về vườn Tao Đàn”²⁷. ²⁶ Nay là ngã tư Lê Duẩn và Pasteur. ²⁷ Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, trang 69. Bưu ảnh ghi rõ khu vực đặt tượng này là quảng trường (place). Phải chăng đây là tên gọi đầu tiên của công viên trước mặt Hội trường Thống Nhất hiện nay? - Nguồn: delcampe.net Vị trí đặt tượng đầu tiên: ngã tư Norodom - Pellerin Chính diện khu tượng đài Gambetta tại ngã tư Norodom - Pellerin đầu thế kỷ 20. - Ảnh tư liệu. Quảng trường gồm ba khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất; vai phải hướng về dinh Norodom²⁸; bàn tay phải đặt trên nòng đại bác theo đúng chính sách ngoại giao pháo hạm của Pháp lúc ấy; tay trái chỉ về hướng Thảo Cầm Viên ngày nay; mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía đường Hàn Thuyên; lưng quay về đường Alexandre de Rhodes ngày nay. Hai khối tượng còn lại tạc hai người lính Pháp trong các cuộc xâm chiếm thuộc địa. ²⁸ Dinh Toàn quyền Đông Dương, sau đổi tên là Dinh Độc Lập. Nay là Hội trường Thống Nhất. Vị trí thứ hai: trên nền chợ Bến Thành cũ Bưu thiếp ghi là Quảng trường Chợ Cũ - Tượng đài Gambetta. Phía sau là dãy nhà trên đường Hồ Tùng Mậu, bên phải là dãy nhà trên đường Ngô Đức Kế ngày nay. Khu vực này ngày nay là tòa nhà Bitexco. - Ảnh tư liệu. Sau khi chợ Bến Thành mới khởi công năm 1912, chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner bị giải tỏa. Toàn bộ khu đất chợ cũ được cải tạo thành quảng trường, đặt tên là Quảng trường Gambetta. Tất nhiên nhóm tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom - Pellerin phải dời về đây để tạo không gian thông thoáng cho xe cộ đi lại, nhất là thời gian này xe hơi đã xuất hiện đông đúc hơn trên đường phố Sài Gòn. Nhóm tượng đài được đặt ở giữa quảng trường Gambetta: mặt chính nhìn ra đại lộ Charner; lưng hướng về đường Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu); tay trái chỉ về phía đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế); vai phải hướng về đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều). Vị trí cuối cùng: Vườn Bờ-rô (hay vườn Ông Thượng) Làm “cư dân” tại đại lộ Charner không được bao lâu, cả khối tượng đài này lại phải “lục tục” dời sang nơi ở mới để nhường chỗ cho tòa nhà kho bạc (tresor). Vị trí cuối cùng này là vườn Bờ-rô, tức công viên văn hóa Tao Đàn hiện nay. Theo bản đồ Sài Gòn 1947, tượng được đặt tại điểm giao của đường Trương Định (đoạn qua công viên Tao Đàn ngày nay) và một đường nội bộ cắt ngang (đoạn nối dài của đường Bùi Thị Xuân ngày nay về hướng công viên). Cám cảnh số phận “long đong” của tượng đài này, người Sài Gòn xưa có câu ca dao: Trên Thượng thơ bán giấy²⁹ ²⁹ Tờ ly hôn. Dưới Thủ Ngữ treo cờ Kìa Ba³⁰ còn đứng chơ vơ ³⁰ Tượng đài Gambetta. Nào khi núp bụi, núp bờ Mủ di đánh dạo bây giờ bỏ em. Vị trí cuối cùng của tượng đài Gambetta: cuối vườn Ông Thượng/vườn Bờ-Rô. - Ảnh tư liệu. Trong quyển Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển có đoạn miêu tả kết cục bi hài của bức tượng “đáng thương” này: “Kịp năm Nhựt đến, chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được…”³¹. ³¹ Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2004, trang 69. “Trả lại em yêu khung trời đại học” Trái ngược với không khí phố thị sầm uất của đường Charner, tản bộ theo đường Catinat về phía nhà thờ Đức Bà, chúng ta sẽ được chứng kiến một nhịp sống bình lặng và ít hối hả hơn với một không gian xanh mát và thơ mộng. Đây chính là “khung trời đại học” nổi tiếng trong thi ca trước năm 1975. Hai ngôi trường trái ngược nằm cạnh nhau Một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi ngồi ở khu vực “cà phê bệt” góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur của sinh viên Đại học Kiến trúc và Đại học Kinh tế và cảm nhận được phần nào không khí ngày xưa với những hàng cổ thụ cao vút. Sinh viên Đại học Luật khoa Sài Gòn khóa 1957-1959 cùng các giáo sư Luật. - Nguồn: Ái Hữu Luật Khoa. Nguyễn Xuân Hoàng - chàng cựu sinh viên Luật khoa - khóa 1973-1974 nhớ lại: “Hồi đó học sinh ghi danh học luật đông lắm, trường lớp không đủ chỗ ngồi. Ghi danh học luật mấy chục ngàn đứa thì trường lớp lúc đó nhỏ xíu làm sao đủ chỗ ngồi được. Hồi đó học đại học không điểm danh nên sinh viên tản ra xung quanh “ôm cua”³² là chuyện bình thường. Quanh trường toàn thấy sinh viên đứng ngồi, đi lại...”. ³² Cours nghĩa là khóa học, lớp học, giáo trình học; tạo nên từ “cúp cua” mà giờ học trò vẫn xài. Trường Luật trước 1975 có tên chính thức là Luật khoa Đại học đường Sài Gòn, cổng trường ở số 17 Duy Tân³³. Chiều dài trường nằm dọc theo nửa đoạn đường từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch đến Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur hiện nay. Trường nhận hàng vạn sinh viên ghi danh học mỗi khóa mới. Theo giáo sư Nguyễn Văn Canh - Tiến sĩ Công pháp, nguyên Phụ tá Khoa trưởng từ 1973-1975, năm 1970 số sinh viên ghi danh học năm thứ nhất ban cử nhân là 13.000 sinh viên; bốn năm sau (1974) số sinh viên tốt nghiệp chỉ 715 (khoảng 5,5%). Nghĩa là rớt đến 94,5% và đây là tỉ lệ phổ biến suốt nhiều năm. Trong số sinh viên rớt có cô tiểu thư “Bắc 54” trong mộng của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên: ³³ Nay là số 17 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, TP. HCM - cổng sau của trường Đại học Kinh tế. Nghe nói em vừa thi rớt Luật Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời Mắt công nương thầm khép mộng chân trời Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!... (Duyên tình con gái Bắc) Tỉ lệ rớt này xem ra không làm sờn lòng sĩ tử vì đến niên khóa 1974- 1975 (niên khóa cuối cùng của trường) thì số sinh viên ghi danh học lên đến... 58.000 người. Trong khi đó, số sinh viên ghi danh học Kiến trúc chỉ năm, bảy trăm mỗi khóa, cụ thể như năm 1969 chỉ có 689 người. Tỉ lệ tốt nghiệp của trường này còn “đáng sợ” hơn. Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc, Khoa trưởng Kiến trúc từ 1967-1970 (cha đẻ lễ hội “rửa tội” truyền thống của “dân Kiến” lâu nay) cho biết suốt 24 năm, từ 1951- 1975 chỉ có 252 kiến trúc sư tốt nghiệp nơi đây. Giáo sư, KTS Nguyễn Quang Nhạc (Khoa trưởng giai đoạn 1967-1970) trò chuyện cùng các sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn trước 1975. - Ảnh: uah.edu.vn Không chỉ giảng dạy, giáo sư Nguyễn Quang Nhạc còn là một trong ba vị kiến trúc sư của Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Nguyễn Văn Hoa - Phạm Văn Thâng - Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn - Gia Định trước 1975. Văn phòng kiến trúc này nằm ở số 12 Duy Tân. Từ văn phòng này, hàng loạt tòa nhà, ngôi nhà, biệt thư tư nhân… có thiết kế lam đứng, lam ngang đặc trưng kiến trúc Sài Gòn trước 1975 đã ra đời³⁴. ³⁴ Một số công trình tiêu biểu như: Khách sạn Caravelle (cao ốc đầu tiên cao hơn 10 tầng tại Sài Gòn, và cũng là cao ốc đầu tiên có hệ thống trung ương điều hòa không khí), trụ sở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, các nhà máy Cogido và Vinatexco, cao ốc 22-24 đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), Phi cảng Liên Khàng - Đà Lạt, Phi cảng hành khách Tân Sơn Nhứt, Viện Đại học Cần Thơ… Nhà chính của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa trước 1975 ở số 18 Phùng Khắc Khoan (hiện là trụ sở một tổng lãnh sự). Văn phòng ấy nay là số 12 Phạm Ngọc Thạch, tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím mà tôi làm việc tám năm (1985-1993). Khi tôi làm việc ở đây, khối nhà và khuôn viên tòa soạn vẫn còn như trước 1975 (hiện đã xây mới), nằm mát rượi, bình yên dưới những tàng cây sao dầu. Mùa hè, hoa sao bay rợp trời, lãng mạn cả một khung trời đại học đẹp như tranh và tới giờ những cánh hoa ấy vẫn còn bay trong thơ, nhạc: “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay…” (Cánh hoa dầu - Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch). Khung trời đại học đầu tiên của Sài Gòn Cả hai trường Luật khoa và Kiến trúc đều có lưng kề với trụ sở Viện Đại học Sài Gòn³⁵. Trước 1975, Viện Đại học Sài Gòn gồm các trường đại học là phân khoa thành viên. Khoa trưởng của các phân khoa tương đương với hiệu trưởng trường đại học hiện nay. ³⁵ Nay là trụ sở Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo. Gần đó còn có trường Đại học Y khoa Sài Gòn³⁶ ở số 28 Trần Quý Cáp³⁷. Chuyện sinh viên trường Luật khoa, Kiến trúc, Y khoa qua lại giao lưu tình cảm, hẹn hò nhau khá phổ biến trên những cung đường này. Cũng trên đường Trần Quý Cáp còn có một khu ký túc xá dành cho nữ sinh viên là Đại học xá Trần Quý Cáp (nam sinh viên thì ở Đại học xá Minh Mạng, nay là ký túc xá Ngô Gia Tự). ³⁶ Nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. ³⁷ Nay là Võ Văn Tần. Đại học Văn khoa ngày đầu trên đường Nguyễn Trung Trực. - Ảnh tư liệu Đại học Văn khoa. Con đường Duy Tân cây dài bóng mát, Buổi chiều khuôn viên, mây trời xanh ngắt (Trả lại em yêu - Phạm Duy) Khu vực này chính là khung trời đại học đầu tiên nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975 với trục lộ chính là đường Duy Tân. Cho đến nay, khung trời này vẫn rợp bóng những vòm cây xanh mát, không chỉ trên đường Duy Tân mà cả những con đường lân cận xung quanh các ngôi trường như đường Pasteur, Phan Đình Phùng³⁸, Trần Quý Cáp… ³⁸ Nay là Nguyễn Đình Chiểu. Khi xưa, những vòm cây này có tán lá rất dày (có thể vì ít tỉa cành như hiện nay). Hồi đầu thập niên 1970, ngày Chủ nhật, ba tôi hay gọi taxi từ nhà ở vùng Ông Tạ chở các con lên Sở Thú (Thảo Cầm viên) chơi. Tôi nhớ mãi những vòm cây đường Trần Quý Cáp để ra hồ Con Rùa, như đi trong một đường hầm rợp cây lá. Khi ra khỏi những hàng cây cổ thụ là tới hồ Con Rùa lãng mạn với tàng cây soi bóng nước. Qua khỏi hồ Con Rùa đi về phía nhà thờ Đức Bà sẽ gặp trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn³⁹ thì vẫn được che mát bởi hai hàng cây cao vút. Nhà thờ Đức Bà nằm cạnh công viên Thống Nhứt (nay là công viên 30-4) như một khu rừng với mật độ dày đặc của những hàng cây xanh làm say mê bao thế hệ học trò, sinh viên. ³⁹ Số 4 Duy Tân, nay là Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM. Ông Hoàng nhớ lại: “Trường Luật chật hẹp mà sinh viên lại quá đông, chúng tôi thường la cà trong những quán cóc. Nhiều nhất là xung quanh công trường Quốc tế, thường gọi là hồ Con Rùa, bên ngoài trụ sở Tổng hội Sinh viên hay góc Thư viện Quốc gia⁴⁰ trên đường Gia Long”⁴¹. ⁴⁰ Nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp TP. HCM. ⁴¹ Nay là Lý Tự Trọng. Không chỉ vậy, nhiều anh sinh viên Luật, Kiến trúc còn la cà sang trường Đại học Văn khoa Sài Gòn ở tận đường Gia Long. Không ít duyên tình đại học đã góp phần mở rộng thêm khung trời đại học Sài Gòn lúc ấy. Khi Đại học Văn khoa chuyển về đại lộ Cường Để⁴² từ sau năm 1966, ngôi trường Văn khoa xưa bị phá đi để xây Thư viện Quốc gia thì đây vẫn tiếp tục là địa chỉ mà nhiều sinh viên tìm đến như một nơi học tập, kiếm tìm tư liệu và... tâm sự. ⁴² Nay là Đinh Tiên Hoàng. Khung trời hoa mộng trong “Con đường tình ta đi” Một sáng mùa hè, trời Sài Gòn đầy mây. Tôi đứng giữa trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và khoa Dược (thuộc Đại học Y Dược) mà nghĩ về nơi từng là trường Văn khoa và trường Dược khoa trước năm 1975. Bỗng một chiếc dù xanh viền tím từ cổng trường Nhân văn sang bên kia đường trong khung cảnh mưa bay lất phất khiến trong đầu tôi chợt vang lên những ca từ quen thuộc “Con đường trời mưa êm, chiếc dù che màu tím” trong bài hát Con đường tình ta đi. Có lẽ nhạc sĩ Phạm Duy đã cảm xúc về một “người tình Văn khoa” nào đó cũng trong một khung cảnh thơ mộng như thế này. Cổng trường Đại học Văn khoa (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) trên đường Cường Để (nay thuộc đoạn Đinh Tiên Hoàng). - Ảnh tư liệu Đại học Văn khoa. Cuộc chia ly “chấn động” khung trời đại học Đầu tháng 11-1963, lực lượng đảo chính chế độ Ngô Đình Diệm tấn công Lữ đoàn Phòng vệ Phủ tổng thống đóng ở thành Cộng Hòa trên đại lộ Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn). Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, thành Cộng Hòa cũng chịu chung số phận. Tòa nhà được người Pháp xây dựng từ năm 1873 ở vị trí chính giữa thành Gia Định xưa đã bị chính quyền Sài Gòn giải tỏa toàn bộ và con đường chính vào cổng thành trở thành đường Cường Để nối dài⁴³. ⁴³ Đoạn đường ngắn này sau 1975 là một phần của đường Tôn Đức Thắng kéo dài đến xưởng Ba Son, sau đó cắt về trở thành một phần của Đinh Tiên Hoàng như hiện nay. Thế là, nhờ sự kiện này mà một khung trời đại học mới đã được thành hình ngay trên khu vực của thành Cộng Hòa cũ. Năm 1964, trường Dược khoa chuyển về khu vực tòa nhà bên trái cổng thành, trong khi khu vực tòa nhà bên phải cổng thành giao cho trường Văn khoa vào năm 1967. Trường Văn khoa trước đó vốn nằm tại vị trí mà sau này là Thư viện Quốc gia⁴⁴ trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng)⁴⁵. Cuộc chia ly này ít nhiều làm rơi nước mắt những anh chàng, cô nàng sinh viên các trường trót quen nhau ở “khung trời đại học” cũ với trục đường