🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Đừng bận tâm chuyện vặt
Ebooks
Nhóm Zalo
Đừng bận tâm chuyện vặt
By Nguyên Minh
Lưu ý bản quyền
Bản sách điện tử này được cung cấp riêng cho quý vị. Sách không nên được dùng để bán lại hoặc biếu tặng người khác. Nếu quý vị muốn chia sẻ nội dung sách, xin vui lòng giới thiệu để người khác cũng biết cách có được tập sách này giống như quý vị.
Tập sách được thực hiện trên tinh thần chia sẻ lợi lạc đến với nhiều người. Việc mua sách là không bắt buộc, vì quý vị vẫn có thể đọc sách miễn phí trên website rongmotamhon.net của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu quý vị có điều kiện và đồng ý
trả tiền để đọc sách, chúng tôi xin ghi nhận phần đóng góp của quý vị để nhiều tập sách khác có thể được tiếp tục phụng sự miễn phí đến với nhiều người hơn nữa. Xin cảm ơn sự chia sẻ của quý vị với công việc của những người thực hiện.
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
Dẫn nhập
1. Tạo một môi trường tình cảm tích cực 2. Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút 3. Người đang vui là người sẵn lòng giúp đỡ 4. Học hỏi trẻ con để sống trong hiện tại 5. Bảo vệ sự riêng tư của bạn
6. Tha thứ cho những cơn nóng giận 7. Hãy lắng nghe
8. Những trận cãi nhau của trẻ con
9. Công việc không bao giờ hoàn tất 10. Đừng trả lời điện thoại
11. Sống thật với lòng mình
12. Hãy giữ lời hứa
13. Mua thêm một món, hãy bớt đi một món 14. Cứ để cho trẻ con có đôi lúc buồn chán 15. Chờ đợi điều không may
16. Những “khoảng trắng” trong thời biểu 17. Cuộc sống này là vô giá
18. Giảm nhẹ sự căng thẳng
19. Bạn muốn các con sẽ như thế nào? 20. Đánh giá cao giai đoạn trẻ con
21. Không để những chuyện ấy làm bận tâm 22. Đừng bỏ lỡ cơ hội bày tỏ lòng thương yêu 23. Tự điều chỉnh lại mình đúng lúc 24. Khám phá cách sống giản đơn tự nguyện 25. Chọn bạn mà chơi
26. Chấp nhận sự bất đồng
27. Đừng tự hạ mình
28. Đừng nhắc lại những chuyện không hay 29. Hãy nêu gương tốt
30. Sống buông xả bình thản
31. Tạo ra một thông lệ “vị kỷ”
32. Nếu bạn có con, quên đi chuyện thời biểu 33. Những biểu hiện của yêu thương 34. Đừng để tiền bạc làm bạn quỵ ngã 35. Bắt đầu ngày mới với yêu thương 36. Đừng coi thường những người chung sống 37. Một giới hạn cho những ước muốn 38. Để cho người khác thắng
39. Giữ một nhịp sống tỉnh táo
40. Đừng làm một người hy sinh thái quá 41. Từ bỏ những điều mong đợi
42. Tôn trọng cha mẹ vợ (hoặc chồng) 43. Những trạng thái tâm lý
44. Tách biệt công việc ra khỏi tất cả 45. Khi yêu thương hãy chấp nhận mọi thứ 46. Những thói tật nhỏ nhặt
47. Đừng nhấn mạnh sự bận rộn
48. Dễ dãi hơn với những người hàng xóm 49. Những khó khăn của người khác 50. Đừng mang những cơn giận vào giấc ngủ
51. Vì sao tôi có thể không giống mọi người? 52. Tự mình thoát khỏi những khó khăn 53. Hành động có ý nghĩa nhiều hơn lời nói 54. Tập trung sự chú ý
55. Giảm bớt sự bực dọc
56. Bố trí thời gian cho những việc làm tốt 57. Đừng phê phán sau lưng người khác 58. Tổ chức những buổi họp mặt gia đình 59. Bày tỏ sự đánh giá cao về người khác 60. Nhìn mọi việc theo đúng thực tiễn
61. Đừng quá chú ý vào những kỳ nghỉ 62. Đối thoại bằng lòng yêu thương 63. Ngồi yên
64. Đón nhận khi sự việc đến
65. Giữ gìn sức khỏe
66. Trước hết phải quan tâm đến tình cảm 67. Quá chú ý đánh giá việc làm của mình 68. Tưởng tượng rằng ai đó đang theo dõi bạn 69. Nội tâm thế nào, cuộc sống thế ấy 70. Tạo quan hệ mới với con người cũ 71. Những cuộc tấn công của ý tưởng
72. Đừng nói quá công việc ở nhà 73. Hãy trân trọng cuộc sống
74. Đừng lặp lại những lỗi lầm cũ 75. Khi ai đó không hiểu được vấn đề 76. Cung cách ứng xử trong gia đình 77. Đi cắm trại
78. Xem trẻ con như những người thầy 79. Bạn không thể mang theo được gì 80. Chọn một tổ chức từ thiện cho gia đình 81. Hãy kiên nhẫn với chủ cho thuê nhà
82. Tập thể dục
83. Chú ý những gì ngày càng tốt hơn 84. Những mong ước của con cái 85. Đừng suy diễn về người khác 86. Nói năng dịu dàng
87. Giữ tâm trạng vui vẻ
88. Nghĩ đến điều tốt đẹp đã làm hôm nay 89. Khám phá một niềm vui đơn sơ 90. Những điều nhỏ nhoi sẽ được nhớ đến 91. Nêu lên một tấm gương hiền hòa 92. Sự may mắn có được một căn nhà
93. Đừng phàn nàn về những lời phàn nàn 94. Chấp nhận sự thay đổi
95. Chuyển đổi vai trò giữa vợ chồng 96. Bao giờ cũng có việc gì đó cần làm 97. Giải phóng những thứ phế thải 98. Hoãn lại những mong muốn của mình 99. Mọi việc rồi sẽ qua đi
100. Như lần cuối cùng
LỜI GIỚI THIỆU
Ngày nay, trong khuynh hướng của một xã hội đang trên đà phát triển, cuộc sống của chúng ta cũng ngày càng phức tạp, hối hả hơn nhiều. Ở những thành phố lớn, nhiều người đã bắt đầu có những thời biểu làm việc vượt quá mức của một cuộc sống bình thường. Điều đó dẫn đến một nhịp sống bận rộn, khó khăn hơn, khiến cho con người phần nào dễ mất đi những phẩm chất tốt đẹp, cởi mở của mình. Và những căng thẳng, khó khăn trong cuộc sống, theo quy luật muôn đời cuối cùng rồi cũng đều đổ dồn về dưới mái gia đình: nơi dung chứa tất cả những vui, buồn, vinh quang, thất bại của mỗi con người. Chính vì thế, cung cách cư xử trong gia đình ngày nay cũng không còn đơn sơ, giản dị như trước đây vài ba thập kỷ nữa. Chúng ta đang rất cần chú ý đến những mối quan hệ gia đình trong môi trường mới, nhằm có thể duy trì và phát triển được hạnh phúc ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất mà cuộc sống đòi hỏi.
Tiến sĩ Richard Carlson là một nhà tâm lý nổi tiếng của Hoa Kỳ, đã viết nhiều sách hướng dẫn về cách ứng xử trong gia đình, và cũng thường xuyên diễn thuyết nhiều nơi về đề tài này, kể cả một số chương trình trên các đài truyền hình và truyền thanh quốc gia. Chuyển dịch tập sách nhỏ này của ông sang Việt ngữ, chúng tôi hy vọng giới thiệu được với độc giả Việt Nam một số trong những cách nhìn nhận của ông về các vấn đề trong cuộc sống gia đình, cũng như nhiều giải pháp thiết thật nhằm mang lại hạnh phúc thật sự.
Tất nhiên độc giả Việt Nam sẽ không tránh khỏi cảm giác xa lạ với một vài vấn đề trong sách, do những bối cảnh xã hội có phần khác nhau. Nhưng nhìn chung thì phần lớn vẫn là những phân tích, nhận xét rất bổ ích và có thể vận dụng sáng
tạo trong điều kiện của chính chúng ta. Xét cho cùng, đây là những vấn đề về con người, vì thế cũng không khác nhau mấy trên cả hành tinh này.
Thành công của Richard là ở chỗ ông không đặt ra những vấn đề quá to tát, mà thường chỉ là những việc nhỏ nhặt, nhưng thiết thật, cọ xát với cuộc sống hằng ngày của mỗi người. Những giải pháp ông đề ra lại rất đơn giản, dễ thực hiện, nhưng đưa đến nhiều kết quả bất ngờ. Bản thân người dịch, ngay trong quá trình
dịch sách này, cũng không dấu giếm là đã áp dụng một số giải pháp được trình bày trong sách, với những kết quả tuy còn khiêm tốn nhưng cũng vô cùng quý giá trong cuộc sống gia đình.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc với niềm hy vọng rất đơn sơ là “chia ngọt, sẻ bùi”.
NGUYÊN MINH
Dẫn nhập
Cho dù là trong quan hệ với con cái, giữa vợ chồng với nhau, hoặc là với cha mẹ, thân tộc, anh chị em..., cung cách ứng xử trong gia đình thường khi cũng có những khó khăn. Sự quen thuộc với nhau, những thói quen không thể tránh, sự mong đợi, hy vọng vào người khác, sự hy sinh, rồi những mâu thuẫn trong dự trù công việc, các thói tật của mỗi người, cho đến vấn đề trách nhiệm... và biết bao nhiêu thứ vặt vãnh khác trong gia đình, đều có thể góp phần tạo nên một môi trường đầy căng thẳng. Hơn nữa, các thành viên trong gia đình, có lẽ hơn hẳn bất kỳ ai khác, luôn thật sự nắm được yếu điểm của bạn để dễ dàng chọc giận. Cùng với những cung cách ứng xử trong gia đình là tất cả những trách nhiệm và những chuyện bực mình xoay quanh cuộc sống - hóa đơn, thực đơn, công việc vệ sinh, các chi phí sinh hoạt, công việc trong sân vườn, rồi các cuộc gọi điện thoại, những con vật nuôi, những người hàng xóm, cho đến công việc giặt ủi, tiếng ồn, việc bảo dưỡng các vật dụng... vân vân và vân vân... - và thế là bạn đã tự mang lại cho mình đủ các yếu tố để rơi vào một sự suy sụp tinh thần.
Chúng ta hãy thành thật thừa nhận điều này: có được một mái ấm gia đình là một đặc ân từ cuộc sống, và tất nhiên là rất đáng hoan nghênh, nhưng đồng thời cũng có những phần khó khăn nhất định, ngay cả khi mà mọi việc đều thuận buồm xuôi gió. Nếu bạn muốn có một cuộc sống gia đình đầy yêu thương, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, bạn phải học tính kiên nhẫn, và biết cách xem thường, không cáu gắt vì những chuyện vặt, để rồi bị chúng chiếm hết tâm trí mình. Có lẽ đã quá đủ những khó khăn để đối đầu và giải quyết trong cuộc sống gia đình. Vì thế, sự thật là nếu bạn quá quan tâm đến những chuyện vặt, chính là bạn đang tự đẩy mình đến chỗ suy sụp tinh thần. Với tôi, đây là một vấn đề rất quan trọng cần phải vượt qua. Và phần thưởng đạt được sẽ rất đáng giá - sự hòa hợp trong gia đình, và ngay cả sự minh mẫn, sáng suốt cho chính bản thân bạn.
Tôi viết cuốn sách này nhằm giúp cho cuộc sống, những sinh hoạt trong gia đình, được phần nào dễ dàng hơn, và hy vọng là mọi người cũng yêu thương nhau hơn. Những giải pháp ở đây nhắm đến giải quyết các nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến sự tan vỡ, và giúp mang lại niềm vui trong gia đình, những niềm vui thường bị đánh mất đi chỉ vì những bực bội nhỏ nhặt và sự bận rộn
trong cuộc sống hằng ngày. Những giải pháp này cũng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, sự kiên nhẫn và khôn ngoan của bạn. Chúng cũng giúp bạn có một thái độ sống đáng yêu hơn trong gia đình, biết ơn mọi người hơn, và có được sự thanh thản.
Những người biết xem thường, không quá bận tâm với những việc vặt vãnh trong gia đình có một cuộc sống thênh thang mở rộng. Họ chẳng phải tiêu hao đi bao nhiêu sinh lực vào những cau có, bực bội thường ngày, và như vậy sẽ còn thừa năng lượng để tìm được niềm vui, để có một cuộc sống đầy sáng tạo và yêu thương. Những phần sinh lực vốn thường bị tiêu hao đi trong sự căng thẳng, bực dọc, giờ đây có thể được tập trung vào cho sự sáng tạo và việc tạo ra những kinh nghiệm cũng như những ký ức thật vui tươi trong cuộc sống. Khi những việc nhỏ nhặt thôi không còn làm bạn bận tâm nhiều quá, gia đình sẽ trở nên một nguồn vui sống hơn bao giờ hết. Bạn trở nên kiên nhẫn và dễ tính hơn. Cuộc sống dường như cũng dễ dàng hơn. Bạn cảm nhận cuộc sống không còn nặng nề và phức tạp thái quá, và bạn cũng sẽ trải nghiệm được nhiều sự hòa hợp hơn trong cuộc sống. Cảm giác yên bình này lan tỏa quanh bạn, và sẽ được các thành viên khác trong gia đình cảm nhận.
Khi bạn biết cách nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của chúng, và trở nên nhẫn nhục, chịu đựng hơn, mỗi ngày trôi qua sẽ dường như dễ dàng và ít căng thẳng hơn. Bạn sẽ nhận ra được nét vô tư, đáng yêu của người khác trong những cách ứng xử mà trước đây vẫn thường làm cho bạn khó chịu. Điều này làm cho bạn cảm thấy thân thiết hơn với gia đình như là một tổ ấm, và cảm nhận được sự thanh thản hơn với tư cách là một thành viên trong tổ ấm đó. Vì vậy mà bạn cũng tự mình trở nên dễ dãi hơn, không còn đòi hỏi mọi việc nhất định phải diễn ra theo một cách nào đó, chỉ để làm vui lòng bạn. Bạn sẽ yêu thương nhiều hơn nữa trong trái tim mình, và sẵn lòng chia sẻ tình yêu đó với những người chung quanh. Và cuối cùng, bạn sẽ trở nên dễ hòa nhập với mọi người, một điều kiện cho phép bạn khơi dậy được những gì tốt đẹp nhất từ những người mà bạn yêu thương nhất.
Sau khi tôi viết cuốn “Don’t Sweat the Small Stuff” (Đừng quan tâm chuyện
vặt), nhiều người đã hỏi tôi: “Có phải chuyện nhà ông bao giờ cũng êm ấm cả không?” Tôi phải thú thật là không phải thế! Ngay vào lúc cuốn sách nói trên của tôi vừa bày trên hiệu sách, các con tôi đã đặt tôi vào những chuẩn mực sống đặc biệt chưa từng có trước đó. Giờ đây dường như tôi không thể làm bất cứ việc gì mà không bị chỉ trích. Chẳng hạn, đã hơn một lần khi tôi cáu gắt, bực dọc về điều gì đó ở nhà, con gái nhỏ nhất của tôi, Kenna, tay cầm cuốn sách trong tay và chạy quanh nhà, miệng la lớn: “Đừng quan tâm chuyện vặt, bố ơi! Đừng quan tâm chuyện vặt!”
Con gái 8 tuổi của tôi, Jazzy, thậm chí còn gay gắt với tôi hơn cả em nó. Gần đây, vào một ngày tôi vừa từ xa trở về sau một chuyến đi diễn giảng về một nếp sống thanh thản hơn và làm thế nào đểthoát khỏi sự căng thẳng, con bé và tôi cùng ăn bữa sáng. Trong khi chúng tôi đang ăn và nói chuyện cởi mở, thân mật cùng nhau, không hiểu sao tôi lại chuyển hướng và bắt đầu lên lớp giảng giải - những điều mà nó hoàn toàn không thể nào hiểu được. Đến một lúc, nó vụt đứng dậy, chống hai tay vào sườn, nói với giọng thật đáng yêu nhưng đầy mai mỉa: “Thôi đi, bố ơi. Liệu có thật là bố dạy cho mọi người thư giãn không đấy?” Thật lòng, tôi thú nhận điều này: Tôi đã cáu gắt với những chuyện vặt trong gia đình tôi nhiều hơn ở bất cứ nơi nào khác. Và tôi dám cuộc là bạn cũng như thế thôi!
Không ai trong chúng ta đạt được sự toàn hảo, hay thậm chí gần đến sự toàn hảo, trong quan hệ cư xử cũng như trong sinh hoạt gia đình. Luôn luôn có những lúc mà chúng ta cảm thấy bực dọc hoặc quá sức chịu đựng. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm giảm đi đáng kể những lần như thế. Chúng ta có thể tạo ra những bước hoàn thiện dần dần, hoặc thậm chí có khi đột biến, trong phương thức mà chúng ta gắn bó với các thành viên khác trong gia đình và với những trách nhiệm trong đời sống hằng ngày. Trong thực tế, chúng ta có thể hoàn thiện rất đáng kể cuộc sống của mình, như từng thành viên riêng rẽ và như một mái ấm gia đình.
Khuynh hướng “không cáu gắt vì những chuyện vặt” đã trở thành một ưu tiên trong cuộc sống của hàng triệu người. Và không ở đâu mà điều này lại có ý nghĩa quan trọng hơn là đối với những người thân yêu ngay quanh ta. Khi chúng ta trở nên phần nào thư thả và bình thản hơn, chúng ta sẽ tránh được một xu
hướng chung rất thường gặp là coi thường gia đình và những người thân yêu của mình. Thay vào đó, chúng ta sẽ biết nhìn nhận giá trị của món quà từ gia đình, hay thật sự phải nói là món quà từ cuộc sống. Khi bạn áp dụng những ý tưởng này vào cuộc sống, bạn sẽ bắt đầu tạo dựng một gia đình êm ấm hơn với đầy lòng yêu thương. Tôi xin gởi đến các bạn và gia đình tình yêu của tôi cùng với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất.
1. Tạo một môi trường tình cảm tích cực
Giống như trong một khu vườn, những bông hoa chỉ có thể sinh trưởng tốt trong điều kiệ n tốt, mọi sinh hoạt trong gia đình bạn chỉ có thể trôi chảy khi một môi trường tình cảm tích cực được tạo ra. Thay vì đối phó với từng sự việc căng thẳng vào lúc chúng xảy ra, việc tạo một môi trường tình cảm tốt sẽ giúp bạn ngăn ngừa trước những khả năng có thể dẫn đến sự căng thẳng, mâu thuẫn. Điều này giúp bạn thích nghi với cuộc sống chứ không phải là đối phó với nó.
Khi nỗ lực tạo ra một môi trường tình cảm lý tưởng trong gia đình riêng, bạn cần phải tự đặt cho mình nhiều câu hỏi quan trọng: Bạn là mẫu người như thế nào? Liệu một môi trường sống như thế nào sẽ làm cho bạn thoải mái và sinh hoạt tốt? Bạn có muốn gia đình mình được êm ấm hơn không? Những câu hỏi như thế này là cực kỳ quan trọng trong việc khởi sự tạo ra một môi trường sống lý tưởng chung quanh bạn.
Việc tạo ra một môi trường như thế phụ thuộc nhiều vào những sở thích tinh thần của bạn, hơn là vào những yếu tố vật chất bên ngoài. Lấy ví dụ như cách sắp đặt bàn ghế, vật dụng, màu sắc các bức tường, hay những tấm thảm... cũng đều có góp phần trong việc tạo ra môi trường chung, nhưng chúng không phải là những yếu tố quyết định nhất. Môi trường lý tưởng của bạn được hình thành chủ yếu là từ những yếu tố như tiếng ồn, tốc độ làm việc, sự kính trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, và sự sẵn lòng (hoặc không sẵn lòng) lắng nghe nhau.
Ví dụ như, trong gia đình tôi, chúng tôi đã đặt một mục tiêu là cùng nhau tạo ra và duy trì một môi trường khá êm ả. Mặc dù chúng tôi vẫn thường có những lúc đi lệch khỏi định hướng đó, nhưng thật sự có ngay những nỗ lực để đưa mọi việc trở về đúng hướng. Lấy ví dụ, cho dù chúng tôi rất thích được sống bên nhau,và vẫn thường dành nhiều thời gian bên nhau, nhưng mỗi người trong chúng tôi cũng có đôi lúc thích được yên tĩnh một mình. Một nhận thức đơn giản về việc này như là một ý muốn tích cực, thay vì tiêu cực, sẽ giúp tất cả chúng tôi dễ dàng hơn trong việc chịu đựng những tiếng ồn, hoạt động, và cả sự hỗn độn nữa, vốn xảy ra bất cứ lúc nào quanh chúng tôi. Chúng tôi đã biết cảm nhận được khi
một người nào đó trong gia đình cần có một môi trường yên tĩnh hơn, hay không gian để ở yên một mình.
Một điều khác cần làm là hãy cố giảm bớt sự hối hả không cần thiết xuống mức thấp nhất. Mặc dù hai con tôi chỉ mới được 8 tuổi và 5 tuổi, chúng tôi vẫn nhiều lần thảo luận với nhau vấn đề này. Trong tập thể gia đình, chúng tôi đồng ý với nhau cùng theo khuynh hướng này trong sinh hoạt của mỗi người, cũng như trong hoạt động chung của cả gia đình. Ví dụ, có những lúc tôi rơi vào thói quen cố hữu, và làm cho mọi việc trở nên hối hả chỉ vì muốn cho tất cả được làm xong ngay tức khắc. Tôi đã cho phép các con tôi, trong những trường hợp này, nhẹ nhàng nhắc nhở tôi hãy thư thả lại. Bọn trẻ cũng nhận thức được rằng giữ một nhịp độ làm việc vừa phải là điều quan trọng để tạo cuộc sống tốt hơn trong gia đình, và chúng cảm thấy thật thoải mái mỗi khi có dịp để nhắc nhở tôi trong những lúc tôi đi sai mục tiêu này.
Điều rõ ràng là, một môi trường sống lý tưởng sẽ khác nhau đối với từng gia đình. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu bạn chịu dành thời gian để suy ngẫm về một môi trường sống như thế nào là lý tưởng đối với bạn, bạn sẽ thấy có những thay đổi rất đơn giản mà bạn có thể bắt đầu thực hiện ngay. Hãy kiên nhẫn trong việc này. Môi trường sống hiện nay của bạn vốn đã hình thành từ nhiều năm qua; vì thế, phải mất một thời gian nhất định để tạo ra một môi trường mới. Với thời gian, tôi hoàn toàn tin tưởng chắc chắn là bạn sẽ thấy việc làm này mang lại những phần thưởng vô cùng đáng giá.
2. Bắt đầu mọi việc sớm hơn một chút
Khi bạn thử hỏi một người, hoặc một gia đình bình thường nào đó, xem điều gì có thể làm cho họ căng thẳng nhất, rất hiếm khi mà câu trả lời lại không bao hàm trong đó một thực tế là: họ luôn luôn phải hối hả chạy đua theo sau mọi việc. Cho dù là bạn đang định đi xem một trận bóng đá, đến sở làm, ra phi trường, dự một buổi tiệc của người hàng xóm, thậm chí đến trường hay đi lễ nhà thờ... Dường như hầu hết chúng ta đều có những lý do để khởi sự vào giây phút nào trễ nhất có thể được.
Và như thế là phải chạy đua theo sau một chút. Khuynh hướng này tạo ra rất nhiều những căng thẳng không cần thiết, vì chúng ta luôn phải nghĩ đến những ai đang chờ đợi, đã trễ đi bao lâu so với thời biểu, sự trễ nải này đã xảy ra bao nhiêu lần rồi... Và hầu như bao giờ cũng thế, chúng ta lao ra xe, ghì chặt tay lái, siết dây an toàn... trong lòng đầy lo lắng nghĩ đến hậu quả của sự chậm trễ. Hối hả chạy đua như vậy làm cho chúng ta phải căng thẳng rất nhiều, và tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng cáu gắt vì những chuyện nhỏ nhặt.
Vấn đề rắc rối rất thường gặp từ lâu nay như vậy lại có thể dễ dàng giải quyết, chỉ đơn giản bằng cách hãy tự dành cho mình thêm mười phút nữa trước khi bắt đầu mọi việc. Không cần biết là bạn đang chuẩn bị đi đâu, hãy tự nói với mình rằng, cho dù có xảy ra điều gì đi nữa, bạn cũng sẽ bắt đầu sớm hơn mười phút, thay vì đợi đến giây phút cuối cùng mới lao vội ra cửa.
Dĩ nhiên, điểm mấu chốt của vấn đề là khởi sự sẵn sàng sớm hơn một chút so với thường lệ, và luôn đảm bảo là mọi thứ đã hoàn toàn sẵn sàng trước khi bước vào một công việc khác. Tôi không thể nào kể hết những gì mà giải pháp đơn giản này đã mang lại cho tôi trong cuộc sống. Thay vì phải luôn hối hả lùng sục cái ví tiền của mình, hay tìm một đôi giày cho con gái đúng vào giây phút cuối cùng trễ nãi nhất, giờ đây tôi luôn luôn sẵn sàng với dư thừa thời gian.
Đừng tự dối mình rằng những phút giây dự phòng này là không cần thiết. Có đấy. Những giây phút bạn thêm vào trước và giữa những công việc hằng ngày có thể là sự khác biệt giữa một ngày căng thẳng và một ngày vui vẻ. Thêm vào đó bạn sẽ khám phá ra rằng, khi không phải chạy đua theo sau, bạn mới có thể cảm nhận được nhiều niềm vui trong những công việc khác nhau hằng ngày, thay vì là chỉ luôn hối hả làm cho xong. Ngay cả những sự việc đơn giản, thông thường, cũng có thể là những nguồn vui to lớn khi mà bạn không phải ở trong một tâm trạng quá vội vã.
Khi làm xong một việc, hãy cố gắng chuẩn bị cho việc kế tiếp sớm hơn một chút. Khi nào có thể, hãy phân chia các hoạt động hằng ngày của bạn, giờ làm việc, giờ chơi, và mọi hoạt động khác... cách xa nhau hơn một chút. Và cuối cùng, đừng quá tải trong việc hoạch định thời biểu. Hãy để ra một ít thời gian dự phòng, nghĩa là không xếp bất cứ hoạt động nào vào quỹ thời gian đó.
Nếu bạn thực hiện giải pháp này, bạn sẽ kinh ngạc khi nhận ra cuộc sống của bạn thư thả hơn biết bao nhiêu. Cảm giác căng thẳng, nặng nề liên tục sẽ được thay bằng một cảm giác mới đầy thanh thản và bình ổn.
3. Người đang vui là người sẵn lòng giúp đỡ
Đây là một ý niệm quá hiển nhiên, đến nỗi tôi thấy gần như lúng túng khi viết về nó. Vâng, tôi đã nhận thấy là có rất ít các quan hệ hôn nhân biết tận dụng những hệ quả thật sự rất đáng kể của ý tưởng này.
Ý tưởng này nói lên rằng, khi vợ (hoặc chồng) bạn đang vui vẻ và được tôn trọng, cô ấy (hay anh ấy) sẽ rất sẵn lòng giúp đỡ bạn. Ngược lại, khi cô ấy (hay anh ấy) cảm thấy không được vui hoặc là bị coi thường, thì có lẽ điều cuối cùng trong cuộc sống, chỉ khi không còn gì để làm, mới là làm cho cuộc sống của bạn được dễ dàng hơn đôi chút.
Ở đây tôi phải nói thật rõ vấn đề: tôi không muốn nói trách nhiệm của bạn là phải làm cho cô ấy (hoặc anh ấy) vui. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào tự thân mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta thật sự có thể giữ một vai trò đáng kể trong việc bày tỏ cho vợ (hoặc chồng) mình biết rằng cô ấy (hay anh ấy) đang được tôn trọng. Hãy thử suy nghĩ về trường hợp của chính mình. Có bao lần bạn chân thành cảm ơn vợ (hoặc chồng) mình vì tất cả những công việc nhọc nhằn mà cô ấy (hay anh ấy) đã làm vì bạn? Tôi đã gặp có đến hàng trăm người thú nhận là mình chẳng bao giờ làm điều đó. Và hầu như không có ai làm điều này như một thông lệ đều đặn.
Vợ chồng với nhau là những người cùng chia sẻ. Một cách lý tưởng, bạn nên xem người vợ (hoặc chồng) của mình như người bạn thân nhất. Chẳng hạn, nếu một người bạn thân nhất nói với bạn rằng: “Tôi muốn được một mình đi chơi xa trong vài hôm.” Bạn sẽ nói gì với người ấy? Trong hầu hết các trường hợp, bạn rất có thể sẽ đáp lại với những câu đại loại thế này: “Điều đó tuyệt lắm! Bạn rất xứng đáng được hưởng điều đó. Bạn nên làm điều đó... “ Thế nhưng, nếu vợ (hoặc chồng) bạn nói ra những điều y hệt như trên, liệu bạn có đáp lại cũng giống như trên không? Hay là bạn sẽ nghĩ ngay đến những gì mà yêu cầu này có thể ảnh hưởng đến bạn? Liệu bạn có thấy phiền lòng, thấy bị tổn thương, hay thấy bực dọc? Hãy nghĩ xem, liệu một người bạn tốt sẽ quan tâm nhiều hơn đến niềm vui của chính bản thân, hay đến niềm vui của bạn mình? Bạn có nghĩ rằng,
chỉ là ngẫu nhiên mà một người bạn thân bao giờ cũng sẵn lòng giúp bạn bất cứ khi nào cần đến?
Điều hiển nhiên là, bạn không thể luôn luôn đối xử với vợ (hoặc chồng) mình hệt như với những người bạn thân khác. Nói cho cùng, một quan hệ hôn nhân với cuộc sống gia đình cũng như một ngân sách chung, luôn đi kèm theo với rất nhiều trách nhiệm. Tuy nhiên, cách ứng xử có thể tương tự như nhau. Lấy ví dụ, nếu một người bạn tốt đến chơi và lau dọn nhà cửa, rồi bỏ thời gian làm giúp bạn bữa tối... Liệu bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ ứng xử như thế nào? Nếu vợ (hoặc chồng) bạn cũng làm những công việc y hệt như thế, liệu cô ấy (hay anh ấy) có xứng đáng nhận được cùng một sự đánh giá, sự biết ơn giống như vậy không? Hẳn nhiên là có. Cho dù những công việc đã làm là công việc gì, thì mọi người đều mong muốn - và xứng đáng - nhận được một thái độ biết ơn. Và khi chúng ta không cảm thấy việc làm của mình bị coi thường, thì bản tính tự nhiên của chúng ta vẫn là sẵn lòng giúp đỡ.
Gần như không có gì dễ dự đoán hơn là cách ứng xử của mọi người mỗi khi cảm thấy được người khác cảm thông và tôn trọng. Cả tôi và vợ tôi đều chân thành biết ơn nhau và luôn ghi nhớ là chẳng bao giờ coi thường việc làm của nhau. Tôi rất thích những khi Kris nói với tôi rằng cô ấy cảm kích những công việc nhọc nhằn của tôi như thế nào, và cô ấy vẫn tiếp tục làm thế ngay cả sau hơn mười lăm năm chung sống. Tôi cũng tự hứa là phải biết ơn, và bày tỏ lòng biết ơn đó mỗi ngày đối với những công việc cực nhọc và đóng góp to lớn của cô ấy cho gia đình. Kết quả là, cả hai chúng tôi đều mong muốn được làm điều gì đó cho nhau - không phải chỉ là vấn đề trách nhiệm, mà là vì chúng tôi biết việc làm của mình luôn luôn được ghi nhận.
Có thể là bạn đã làm như thế từ lâu nay. Nếu được vậy, hãy tiếp tục. Nhưng nếu không, hãy bắt đầu vẫn không bao giờ là quá muộn. Hãy tự hỏi mình: “Liệu tôi có thể làm gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với vợ (hoặc chồng) tôi nhiều hơn nữa?” Thông thường thì câu trả lời sẽ rất đơn giản. Hãy cố gắng thường xuyên để nói thật nhiều hai tiếng cám ơn một cách thật chân thành. Luôn nghĩ nhiều đến trong tâm trí của mình, không phải là những gì bạn đang làm cho gia đình, mà là
những gì mà vợ (hoặc chồng) mình đang làm. Bày tỏ thái độ biết ơn và sự đánh giá cao của bạn. Tôi dám cuộc là rồi bạn sẽ nhận ra một điều mà tất cả những cặp vợ chồng hạnh phúc đều nhận ra: khi vợ (hoặc chồng) bạn ở trong tâm trạng càng vui vẻ, càng được tôn trọng, thì cô ấy (hoặc anh ấy) càng sẵn lòng làm mọi việc giúp bạn.
4. Học hỏi trẻ con để sống trong hiện tại
Phương thức này có thể áp dụng dù bạn có trẻ con sống trong nhà hay không, hoặc thậm chí bạn chưa từng có con. Bạn có thể bỏ chút thì giờ đến với con cái người khác, hoặc đơn giản hơn, chỉ cần quan sát những đứa trẻ đang chơi trong công viên nơi bạn ở. Cho dù không phải bao giờ điều này cũng đúng, nhưng trong hầu hết các trường hợp, trẻ con luôn sống trong giây phút hiện tại. Điều này đặc biệt càng đúng đối với những em còn ít tuổi.
Thực hành việc sống trong giây phút hiện tại không phải là điều bí ẩn, cũng không phải chuyện gì to tát lắm. Về cơ bản, tất cả những gì cần làm chỉ là việc giảm bớt sự chú ý vào các mối lo ngại, quan tâm, những hối tiếc về lỗi lầm, chuyện đúng sai, những việc chưa làm được, những việc gây bực mình, rồi tương lai, và quá khứ... Sống trong hiện tại có nghĩa đơn giản là sống cuộc sống ngay trong giây phút này, với tất cả sự chú ý của bạn tập trung vào, và không để cho suy nghĩ tản mạn đến những gì không nằm trong hiện tại. Khi bạn có thể làm được điều này, không những bạn sẽ tận hưởng được tối đa những phút giây hiện tại, mà bạn còn có thể thực hiện mọi việc theo cách tốt nhất và sáng tạo nhất có thể được, bởi vì bạn rất ít bị chi phối bởi những ham muốn, những nhu cầu hay những điều lo lắng.
Những người sống hạnh phúc đều biết rằng, bất kể điều gì đã xảy ra hôm qua, tháng trước, nhiều năm trước, hay những gì có thể sẽ xảy ra cuối ngày nay, ngày mai, hay năm tới, chỉ có giây phút hiện tại này là lúc mà hạnh phúc có thể thật sự được tìm thấy và trải nghiệm. Điều này rõ ràng không có nghĩa là bạn không bị ảnh hưởng, hay không học hỏi được gì từ quá khứ của mình. Cũng không có nghĩa là bạn không cần dự định gì cho ngày mai, hay cho đến lúc nghỉ hưu... Sống trong giây phút hiện tại có nghĩa là bạn hiểu được nguồn năng lực tích cực nhất, mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất của bạn chính là nguồn năng lực của hôm nay - nguồn năng lực của ngay chính giây phút này. Khi bạn thấy phiền lòng hay bối rối, rất thường là chỉ vì những việc đã qua hay chưa đến.
Bằng vào trực giác, trẻ con hiểu được rằng cuộc sống là một chuỗi nối tiếp của
những giây phút hiện tại, mà mỗi giây phút trong đó cần được cảm nhận hoàn toàn, từng giây, từng phút nối tiếp nhau, như thể mỗi giây phút đó đều vô cùng quan trọng. Chúng hòa nhập vào trong hiện tại và đặt hết tâm ý mình vào người nào đang bên cạnh chúng. Tôi vẫn còn nhớ một sự kiện đáng yêu xảy ra cách đây chừng năm hay sáu năm. Vợ chồng tôi có nhờ một người giữ trẻ đến để trông chừng đứa con gái, lúc đó được hai tuổi, trong khi chúng tôi đi ra ngoài vào buổi tối. Con gái tôi và tôi đang chơi đùa cùng nhau rất vui vẻ trong cái hố cát của nó thì người giữ trẻ đến. Khi tôi đứng dậy để đi ra, con bé bỗng kêu thét lên một tiếng phản đối thật dữ dội, như thể nó muốn nói rằng: “Sao bố dám cắt ngang cuộc vui của chúng ta như thế?” Nó bắt đầu la khóc dẫy đẫy và không chịu chơi với người giữ trẻ - người nó muốn phải là tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi đã thoát ra được, tôi mới nhớ là đã bỏ quên chìa khóa xe hơi và phải trở vào để lấy. Tôi lén nhìn qua khe cửa sau và thấy con bé lại đang cười nói, chơi đùa vui vẻ trong hố cát của nó. Nó đã hòa nhập trọn vẹn vào giây phút hiện tại tuyệt vời của nó. Nó đã hoàn toàn vất bỏ quá khứ -cho dù là một quá khứ cách đó chỉ chừng vài phút.
Có bao lần một người lớn chúng ta có thể làm được việc này một cách hiệu quả như thế? Một nhà tâm lý học, hay một người bi quan, có thể lý giải rằng lúc ấy con bé đang bị thu hút về phía tôi - và có lẽ cũng có phần nào sự thật trong cách lý giải này. Tuy nhiên, một người lạc quan sẽ nhận ra ngay là, con bé chỉ cao giọng phản đối trong một giây phút, và ngay lập tức chuyển sang giây phút kế tiếp. Một khi tôi đã rời đi, nó hoàn toàn quay lại chú ý vào không gian và thời gian hiện tại - quả là một bài học tuyệt vời cho tất cả chúng ta.
Khi bạn vận dụng giải pháp này thường xuyên, bạn sẽ khám phá ra rằng hòa mình vào giây phút hiện tại là một kỹ năng tinh thần rất đáng được dày công rèn luyện. Làm được việc này sẽ cho phép bạn trải nghiệm những sự việc bình thường theo một cách rất tuyệt vời. Bạn sẽ không mấy khi phiền lòng vì cuộc sống, ngược lại luôn có nhiều phút giây tận hưởng nó. Bạn sẽ chẳng còn phí công sức để tự thuyết phục mình rằng phút giây hiện tại là chưa hoàn hảo, và có thêm nhiều thời gian hơn để tận hưởng những giây phút đang hiện hữu - ngay lúc này.
5. Bảo vệ sự riêng tư của bạn
Gia đình là một nơi trú ẩn, thoát khỏi thế giới bên ngoài. Khi bạn để cho quá nhiều những chuyện hổ lốn từ bên ngoài thâm nhập vào gia đình, là bạn đang xóa bỏ, hay ít nhất cũng làm giảm sút khả năng bình ổn có thể có. Trong khi phần lớn chúng ta đều quan tâm đến việc bảo vệ sự an toàn về mặt vật chất, và làm mọi cách để đảm bảo nó, thì lại rất thường quên đi, hay thậm chí coi thường sự an toàn về mặt tình cảm, tinh thần. Chúng ta có thể làm được điều này, ít nhất là một phần nào, bằng cách biết coi trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình trong một chừng mực nào đó.
Việc bảo vệ và tôn trọng sự riêng tư là một tuyên bố với chính bản thân bạn cũng như với mọi người khác rằng bạn hiểu được giá trị của chính mình và sự bình yên trong tâm trí. Điều đó nói lên rằng tinh thần lành mạnh và hạnh phúc là những điều cực kỳ quan trọng. Gia đình là một trong số rất ít những nơi mà, trong phần lớn trường hợp, bạn có thể kiểm soát - đến một mức độ nào đó - những gì có thể thâm nhập vào, và những gì không được phép. Gia đình cũng thường là nơi mà bạn có được thẩm quyền để từ chối.
Bảo vệ sự riêng tư của bạn có thể liên quan đến nhiều việc. Chẳng hạn có thể là việc dùng máy trả lời điện thoại tự động ghi lại các lời nhắn để bạn không phải làm điều đó. Rất thường là, hoàn toàn do thói quen, chúng ta lao đến nhấc máy điện thoại ngay cả khi mà ta chẳng muốn nói chuyện với ai cả. Liệu có gì đáng
ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy môi trường sống quá nhộn nhịp, đông đúc? Tôi có một chủ trương chung là không trả lời điện thoại khi tôi đang cảm thấy muốn được ở một mình, hoặc khi tôi đang ở bên cạnh một người trong gia đình cần đến sự chú ý của tôi. Tại sao chúng ta lại phải rời bỏ những người ta yêu thương để trả lời một cú điện thoại của ai đó mà thậm chí có khi ta chưa từng quen biết?
Nếu bạn có con cái, có thể bạn nên tìm cách giới hạn số khách mời đến chơi hàng tuần. Bạn làm điều này, không phải nhằm tạo ra một môi trường tách biệt với xã hội, mà là nhằm tạo ra một cảm giác quân bình và hòa hợp trong gia đình.
Trong nhiều năm qua, có những lúc vợ chồng tôi đã từng có cảm giác rằng căn nhà của mình dường như gần giống với một ga xe lửa hay một trạm xe buýt nhộn nhịp hơn là một nơi yên ổn để tìm về. Và chỉ đơn giản bằng vào việc thừa nhận nhu cầu tạo ra một môi trường sống yên bình hơn, bằng một vài thay đổi nhỏ để bảo vệ sự riêng tư của mình, chúng tôi đã có thể trở lại thế quân bình trước đó.
Bạn có thể biết cách từ chối nhiều hơn đối với những yêu cầu đòi hỏi bạn rời xa gia đình. Và bạn có thể giới hạn việc mời mọc bạn bè hay những người khác đến chơi nhà. Một lần nữa, bạn làm điều này không phải để trở thành một người ẩn dật hay xa lạ với bạn bè, thân quyến, mà là nhằm bảo vệ và trân trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình. Khi làm như vậy, bạn sẽ nhận ra được sự khác biệt rất đáng kể trong cách cảm nhận của mình. Bạn sẽ cảm thấy được hàm dưỡng và bình ổn hơn trong tâm hồn. Và mỗi lần bạn thật sự có mời ai đó đến chơi nhà, hoặc chấp nhận lời mời của ai đó, bạn biết rằng mình làm như vậy xuất phát từ một nhu cầu chân thật, không phải vì một áp lực hay bổn phận nào.
Tất cả chúng ta đều cần có sự riêng tư ở một mức độ nhất định. Khi bạn bước vào nhà, ý thức rõ đấy là căn nhà của riêng bạn. Cho dù bạn chỉ thuê lại một căn phòng nhỏ trong nhà người khác, hoặc làm chủ một căn hộ trong chung cư, hay có một ngôi nhà riêng thật sự, hãy biết trân trọng nhu cầu về sự riêng tư của mình. Chẳng bao lâu, rồi mọi chuyện sẽ không còn tràn ngập đến cùng bạn nữa.
6. Tha thứ cho những cơn nóng giận
Tôi không cần biết các bạn là ai - hay quan hệ như thế nào với nhau -, vẫn sẽ có những lúc bạn hoàn toàn mất tự chủ. Thường thì những chuyện như vậy thật sự chẳng to tát gì lắm. Bạn nổi nóng lên hoặc to tiếng. Bạn cảm thấy bị xúc phạm
hoặc coi thường. Bạn đưa cả hai tay lên với một sự ghê tởm. Bạn quá căng thẳng đến mức cảm thấy như mình sắp quỵ ngã. Thậm chí bạn còn có thể nguyền rủa, hay tệ hại hơn, đấm vào cái gì hoặc ném đi một vật gì đó... Thế nhưng, trừ khi bạn đã thật sự làm bị thương ai đó hoặc chính mình, bằng không thì điều quan trọng là phải biết tha thứ cho những cơn nóng giận như thế, chấp nhận rằng mình cũng chỉ là một con người, và tiếp tục vượt qua, tự hứa là sẽ bớt nóng giận hơn. Đó là những gì tốt nhất mà bạn có thể làm.
Tôi tin rằng vấn đề lớn hơn một cơn nóng giận là việc chúng ta tự hành hạ mình sau đó. Chúng ta tự nhủ rằng mình là người tồi tệ biết bao, rằng chuyện mình đã làm thật tồi tệ biết bao. Chúng ta cảm thấy có lỗi và chứa đầy trong tâm trí mình những ý tưởng tiêu cực, tự thán. Đáng buồn thay, kiểu đối thoại nội tâm tự nhận lỗi như thế này chẳng bao giờ kèm theo được điều gì tích cực, và trong thực tế
còn có thể tạo điều kiện cho chúng ta dễ dàng lặp lại đúng những hành vi tồi tệ đã qua, vì nó giữ tâm trí ta chú ý và tập trung mãi vào sự việc đó.
Trong công việc của mình, tôi đã được gặp một số những nhân vật quan trọng, kể cả nhiều bác sĩ điều trị chuyên khoa nổi tiếng trên thế giới, và các tác giả chuyên hướng dẫn người khác lối sống thanh thản... Cho dù hầu hết đều là những người hiền hòa và giàu lòng yêu thương, thì cũng không có ai trong số họ, theo như tự nhận, lại thoát được những cơn bộc phát tình cảm thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Ai cũng là con người, và đều xứng đáng được tha thứ. Nhất là với chính mình.
Trở thành một người ôn hòa hơn, đặc biệt là với những người thân quen trong gia đình, là một tiến trình liên tục, chẳng bao giờ có điểm cuối. Nhiều người vẫn thường nói với tôi rằng: “Tôi đã biết cách trở nên một người ít nóng giận, và tôi thấy vui hơn bao giờ hết. Nhưng có đôi lúc tôi vẫn còn nổi nóng.” Hầu như lúc
nào tôi cũng đáp lại rằng: “Xin chúc mừng! Bạn đã tiến bộ nhiều lắm đấy.”
Một trong những bí quyết để tha thứ cho chính mình một cách nhanh chóng là thú nhận rằng mình đã nóng giận, và tự nhủ lòng rằng mình chắc chắn sẽ còn những cơn nóng giận như thế - có thể đến hàng ngàn lần nữa. Điều đó tốt thôi. Vấn đề quan trọng hơn trong tiến trình này là bạn đang đi đúng hướng. Và khi
bạn khởi sự biết tha thứ cho những cơn giận dữ của chính mình, sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc mở rộng thái độ này đối với người khác. Thực tế là, trong gia đình tôi, tôi có phần nào thích những lần như thế xảy ra - thỉnh thoảng thôi - khi một trong hai đứa con tôi, hay Kris, nổi nóng lên đôi chút. Bởi vì, những dịp này cho tôi cơ hội để thực tập lòng yêu thương, và nhắc nhở tôi rằng, về cơ bản, tất cả chúng tôi đang cùng chung sống bên nhau. Nói cho cùng, tôi biết quá rõ cảm giác tồi tệ lúc đó như thế nào. Điều dự đoán của tôi là, nếu bạn có thể tha thứ nhiều hơn cho những cơn giận dữ của chính mình và của người khác, những cảm giác suy sụp mà bạn phải trải qua và khuynh hướng cáu gắt với những chuyện vặt vãnh trong gia đình đều sẽ giảm đi đáng kể.
7. Hãy lắng nghe
Nếu như tôi phải chọn ra một giải pháp duy nhất nhằm có lợi cho mọi quan hệ và giải quyết được tất cả những rắc rối trong gia đình, giải pháp đó hẳn là: hãy biết lắng nghe nhiều hơn. Và cho dù đại đa số mọi người đều cần phải học hỏi rất nhiều trong lãnh vực này, tôi vẫn phải nói rằng, chính chúng ta, những người đàn ông, cần phải thực hành giải pháp này nhiều nhất.
Trong số hàng trăm phụ nữ mà tôi từng được biết, và hàng ngàn người tôi đã tiếp chuyện qua công việc, một đa số rất lớn than phiền rằng cha, chồng, bạn trai hay một người quen thân nào đó của họ là không biết lắng nghe. Và hầu hết đều nói rằng, chỉ một sự cải thiện nhỏ nhất trong cách lắng nghe người khác cũng sẽ được họ hết sức vui lòng đón nhận, và chắc chắn là sẽ làm cho mối quan hệ của đôi bên trở nên tốt đẹp hơn, bất kể đó là mối quan hệ gì. Việc lắng nghe gần như là một liều thuốc thần diệu được đảm bảo bao giờ cũng mang lại kết quả tốt.
Thật là thú vị khi nói chuyện với những cặp tình nhân thừa nhận là mình đang yêu nhau. Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn hỏi họ về bí quyết đạt đến tình yêu, họ sẽ chỉ ra việc biết lắng nghe của người bạn mình như là một trong những yếu tố nổi bật nhất đã tạo nên quan hệ tốt đẹp. Điều này cũng đúng trong những mối quan hệ tốt giữa cha con, cũng như với bạn trai, bạn gái.
Vậy thì tại sao, nếu như kết quả là rất tốt đẹp và chắc chắn, lại quá ít người trong chúng ta trở nên những người biết lắng nghe tốt? Có một vài lý do nảy ra trong ý nghĩ của tôi. Trước hết, là những người đàn ông, nhiều người trong chúng ta có cảm giác việc lắng nghe là một giải pháp không tích cực. Nói cách khác, trong khi ngồi yên lắng nghe, thay vì là nhảy nhổm lên, thì chúng ta không có được cảm giác như là mình đang làm được một điều gì đó. Chúng ta có cảm giác là mình đang quá thụ động. Thật là khó để chúng ta chấp nhận được rằng, việc lắng nghe người khác tự thân nó đã là một cách hành động.
Cách vượt qua điều ngăn ngại đặc biệt này là bắt đầu tìm hiểu xem những người thân của ta đánh giá việc được ta lắng nghe như thế nào. Khi một người nào đó chân thành lắng nghe ta, ta có cảm giác mình đang được cảm thông và được yêu thương. Điều đó nuôi dưỡng tinh thần chúng ta và làm cho chúng ta cảm thấy mình được người khác hiểu. Ngược lại, khi chúng ta cảm thấy người khác không lắng nghe mình, lòng ta thấy chán ngán. Chúng ta cảm giác như có điều gì đó thiếu thốn, như mọi việc chưa kết thúc và chúng ta không thỏa mãn.
Một lý do chủ yếu khác nữa giải thích vì sao quá ít người trong chúng ta trở thành người biết lắng nghe, đó là chúng ta không nhận ra được chúng ta kém cỏi đến mức nào trong việc này. Thế nhưng, nếu không có ai đó bảo cho ta biết, hoặc chỉ ra điều này bằng cách nào đó, thử hỏi làm sao chúng ta biết được? Khả năng kém cỏi trong việc lắng nghe người khác trở thành một thứ thói xấu vô hình mà ngay cả chúng ta không nhận biết là mình đang có. Và bởi vì chúng ta có quá nhiều quan hệ bè bạn, khả năng lắng nghe của chúng ta có vẻ dường như là thỏa đáng rồi, và ta không quan tâm nhiều đến nữa.
Để xác định được bạn là người biết lắng nghe có hiệu quả đến mức độ nào đòi hỏi rất nhiều sự trung thực và khiêm tốn. Bạn phải sẵn sàng dằn lòng xuống và lắng nghe chính mình ngay mỗi lúc bạn nhảy chồm lên và ngắt lời người khác.
Hoặc là bạn phải kiên nhẫn hơn một chút và tự quan sát mình vào những lúc bạn sắp bỏ đi, hoặc bắt đầu nghĩ đến một điều gì khác, trước khi người nói chuyện với mình kịp chấm dứt câu chuyện.
Điều này sẽ dẫn đến một kết quả hầu như được đảm bảo trước. Bạn có thể sẽ phải kinh ngạc khi thấy những khó khăn, rắc rối trước đây tự chúng được giải quyết nhanh chóng như thế nào, cũng như bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn như thế nào với những người mình yêu thương, khi bạn chỉ cần đơn giản là chịu bình tâm lại và trở thành một người biết lắng nghe hơn. Biết lắng nghe là cả một nghệ thuật, nhưng lại hoàn toàn không có gì phức tạp. Thông thường, tất cả những gì cần phải có chỉ là khuynh hướng muốn trở thành người biết lắng nghe, theo sau là đôi chút thực hành. Tôi chắc rằng nỗ lực của bạn rồi sẽ được đền bù xứng đáng.
8. Những trận cãi nhau của trẻ con
Không gì có thể đem so sánh được với việc một trận cãi vã nhì nhằng của lũ trẻ lại làm hỏng đi cả một ngày ở nhà, mà lẽ ra phải là rất êm ả. Bất cứ ai đã từng trải qua kinh nghiệm về sự đấu đá của lũ trẻ đều có thể biết chính xác tôi đang muốn nói gì.
Không lâu sau ngày sinh nhật thứ hai đứa con gái nhỏ của tôi, khi tôi tỏ ý lo lắng về những trận xung đột có vẻ như ngày càng gia tăng của bọn trẻ, một người bạn nói với tôi: “Tốt hơn là anh nên làm quen dần đi với chuyện đó.” Hóa ra là cô ấy hoàn toàn đúng. Sự thật là, nếu bạn có từ hai con trở lên, chuyện xung đột nhì
nhằng giữa bọn chúng sẽ là một điều tất nhiên không tránh được. Vấn đề không phải ở chỗ là những trận cãi vã như thế có xảy ra hay không, mà là giải pháp nào tốt nhất, khôn ngoan nhất để đối phó với chúng.
Tôi sẽ là người đầu tiên thú nhận rằng có những lúc chuyện nhằng nhì của lũ trẻ đủ làm tôi bực mình đến mức khá căng thẳng. Tuy nhiên, tôi đã nhận ra được rằng, giải pháp tốt nhất cho các bậc cha mẹ, ông bà, những người giữ trẻ, - nói chung là bất cứ ai cần đối phó với bọn trẻ và những trận cãi nhau của chúng - là phải làm lành với chúng, không những chỉ một lần mà là mãi mãi. Tôi biết điều này đúng là nói dễ hơn làm, nhưng thật ra bạn có còn giải pháp nào khác nữa để chọn lựa?
Có hai lý do rất chính đáng cho việc làm lành với những trận cãi cọ của bọn trẻ. Thứ nhất, khi bạn cố tình chống lại một chuyện nào đó - bất cứ là chuyện gì - điều đó sẽ làm cho sự việc trở nên dường như còn tệ hại hơn cả thực chất của nó. Ví dụ như, nếu hai cậu con trai bạn đang cãi nhau, và bạn xen vào sự việc quá sâu, để rồi can thiệp quá nhanh chóng, hoặc trở nên quá kích động, bạn có thể sẽ không còn chỉ giải quyết chuyện đấu đá giữa bọn chúng, mà thật sự là cả với những phản ứng của chính mình nữa - áp huyết tăng cao, tư tưởng suy sụp và cảm giác căng thẳng... Khi bạn chống lại chuyện đấu đá của bọn chúng, cũng giống như bạn đang nhảy vào vòng chiến. Điều này làm cho vụ việc dễ dàng nổ tung lên nghiêm trọng. Cũng có thể nói một cách khác là, cuối cùng rồi bạn phải
nổi khùng lên chỉ vì một chuyện vặt.
Lý do thứ hai để làm lành với bọn trẻ là, khi bạn chống lại chúng, thật sự bạn đang khuyến khích những chuyện như vậy xảy ra thêm nữa. Trong chừng mực nào đó, có thể nói bạn đang phát đi một thông điệp sai lầm, thậm chí đang nêu lên một gương xấu cho chúng nữa. Xét cho cùng, làm sao bạn có thể đòi hỏi chuyện hòa bình nơi lũ trẻ, trong khi chính bản thân bạn lại đang có xung đột? Trong phần lớn trường hợp, bọn trẻ có thể cảm nhận được sự nổi cáu và quá khích của bạn. Điều này gợi cho mỗi đứa trẻ ý tưởng là liệu có lôi kéo bạn ngã về phía nó được hay không? Những xung đột trong lòng bạn (hay những hành động bộc lộ ra) chỉ như chế thêm dầu vào lửa.
Điều đáng mừng là, những gì diễn ra ngược lại sẽ đúng hướng. Khi bạn làm lành với những trận xung đột của lũ trẻ, khi bạn chấp nhận điều đó như là một phần phải có trong việc nuôi dạy con cái, thì sẽ không có dầu đổ thêm vào lửa. Trong thực tế, có một sự tương quan: bạn càng giữ được thái độ bình tĩnh, bàng quan và thoải mái, thì số lần xung đột của bọn trẻ cũng sẽ càng giảm dần đi.
Hẳn nhiên là cũng có những lúc bạn muốn, hoặc cần thiết phải can thiệp vào, và dĩ nhiên là để đưa bọn trẻ đi vào con đường “sống chung hòa bình”. Ý tôi muốn nói đến những trận xung đột dai dẳng kéo dài ngày này sang ngày khác. Còn những lần tranh cãi thông thường, vặt vãnh xảy ra hằng ngày mới là loại xung đột mà bạn cần phải có thái độ làm lành. Vẫn giống như trong rất nhiều trường hợp khác, thái độ chấp nhận của chúng ta đối với sự việc như nó vốn có - thay vì luôn đòi hỏi nó phải theo ý chúng ta - vẫn là bí quyết để có được một cuộc sống thanh thản hơn. Khi bạn làm lành với những trận tranh cãi của trẻ con, bạn nêu gương trong việc không tham gia vào, cũng không phản ứng thái quá, đối với các vụ tranh cãi, lộn xộn. Dự đoán của tôi là: nếu bạn có thể trở nên khách quan, vô tâm và làm lành với những trận cãi vã vặt vãnh của trẻ con, không bao lâu rồi chúng cũng sẽ noi đúng theo gương của bạn.
9. Công việc không bao giờ hoàn tất
Một kiến trúc sư có lần đã làm tôi phải hết sức kinh ngạc khi cho tôi biết về công việc bảo dưỡng cây cầu treo Golden Gate ở San Francisco. Ông ta nói rằng, cây cầu hầu như quanh năm ngày nào cũng phải được sơn phết. Nói một cách khác, vào lúc công việc sơn phết vừa xong thì cũng vừa đến lúc cần được bắt đầu trở lại. Một công việc không bao giờ hoàn tất, mà là một tiến trình liên tục. Nói rõ hơn, nếu không có tiến trình chăm sóc liên tục này, cây cầu hẳn đã bị hủy hoại mất lớp vỏ bọc đắt tiền cũng như nhiều giá trị thẩm mỹ khác.
Rồi một ngày nọ, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ rằng việc chăm sóc một gia đình cũng rất giống với việc sơn phết cây cầu khổng lồ kia. Và ý tưởng so sánh này đã làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm đi rất nhiều.
Cũng giống như rất nhiều người, tôi đã từng cảm thấy như bị quá tải trong việc chăm sóc và bảo dưỡng mọi thứ trong gia đình. Nếu có gì đó cần phải sửa chữa hoặc tổ chức lại, điều đó hẳn sẽ làm tôi căng thẳng và chán nản. Nhớ lại, có vẻ
như bao giờ tôi cũng ở trong tâm trạng đó cả, bởi vì dường như bao giờ cũng phải có một món nào đó không ổn trong nhà - bồn tắm cần sửa chữa, một căn phòng cần sơn phết lại, căn gác cần quét dọn, chén bát cần dọn rửa, phòng chứa đồ đang trong tình trạng hỗn độn, cỏ dại mọc cao cần phải nhổ... vân vân và vân vân. Lúc ấy dường như tôi có cảm tưởng rằng sẽ có một lúc nào đó, bằng cách nào đó, mọi việc rồi đều sẽ được làm xong. Và tôi tưởng tượng, khi mà cuối cùng mọi việc đều hoàn tất, tôi sẽ có thể thấy nhẹ nhõm đi và hài lòng biết bao.
Thế rồi, nhiều năm sau, căn nhà vẫn trong tình trạng đang bảo dưỡng. Cỏ vẫn đang cần được nhổ, căn gác vẫn còn lộn xộn, chén bát vẫn còn nằm trong chậu rửa, và mấy căn phòng của các con tôi cần sơn phết lại lần nữa... Trong một ý nghĩa nào đó, thật hoàn toàn giống hệt như việc sơn phết cây cầu treo Kim Môn. Công việc chẳng bao giờ hoàn tất - và cũng sẽ không bao giờ hoàn tất cả. Sự khác biệt duy nhất là, giờ đây tôi đã hiểu ra và chấp nhận thực tế về những gì liên quan đến việc sở hữu một căn nhà.
Nhìn vào công việc phải làm trong nhà theo cách này sẽ thấy giảm nhẹ sự căng thẳng đi rất nhiều. Thay vì phải hốt hoảng lên hay làm việc thái quá mỗi khi có việc gì đó chưa hoàn tất hoặc đang cần làm, giờ đây tôi đã có thể nhìn mọi việc với một nhận thức tốt hơn nhiều. Không phải là tôi không còn làm việc tích cực để bảo dưỡng và duy trì mọi thứ. Có chứ. Chỉ có điều là tôi không còn bám vào
cái ý tưởng phải hoàn tất mọi việc.
Tôi đoán là nếu bạn cũng nhìn công việc trong nhà theo cách này bạn sẽ thấy nhẹ nhõm đi nhiều lắm. Rất có khả năng là, bạn càng đánh giá cao hơn những việc đã thật sự hoàn tất, và cũng ít chán nản hơn với những gì chưa được làm xong.
10. Đừng trả lời điện thoại
Có bao lần khi mà bạn đang phải vùi đầu vào hàng đống công việc nhà và rồi chuông điện thoại réo lên đúng giây phút tệ hại nhất có thể có? Hay đúng vào lúc mà bạn đang rất cần thiết phải đi ra ngoài một mình hoặc với các con, thì bỗng... reng, reng, reng... chuông điện thoại lại réo gọi sự chú ý của bạn. Hoặc có thể, bạn đang ở đâu đó tận đầu bên kia dãy phòng, đang để hết tâm trí vào một phút giây đặc biệt, một mình hoặc với một người thân yêu nào đó. Rồi, lại một lần nữa, chuông điện thoại reo!
Vấn đề ở đây là, những lúc đó bạn có trả lời điện thoại chăng? Nếu bạn cũng giống như hầu hết mọi người, có lẽ là có. Nhưng tại sao phải thế? Việc trả lời điện thoại hay không là một trong số ít việc mà chúng ta hoàn toàn có quyền khống chế và tự quyết được. Trong thời đại của máy trả lời tự động và ngay cả
thư điện tử bằng giọng nói, thì việc trả lời một cú điện thoại chẳng còn là thiết yếu như trước đây nữa. Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta có thể đơn giản là sẽ gọi lại cho người nào đó vào một lúc khác thuận tiện hơn.
Ở nhà chúng tôi, một trong những giây phút căng thẳng nhất là khi điện thoại reo đúng vào lúc cả nhà sắp đi ra ngoài vào buổi sáng, và rồi một trong hai đứa trẻ vội vàng chạy đến nhấc máy lên. Thế là, thay vì lên xe hơi, tôi đành phải trở lại với một cú điện thoại để giải quyết mối quan tâm của người khác. Rất hiếm khi điều này lại đáng giá so với với thời gian mất đi và sự căng thẳng đi kèm. Tôi đã học được một bí quyết nhỏ. Tôi mua một cái điện thoại có chức năng tắt chuông đi. Thỉnh thoảng, khi tôi nhớ, tôi sẽ tắt chuông điện thoại chừng 30 phút trước khi chúng tôi đi. Và như vậy, bọn trẻ không còn bị lôi cuốn vào việc trả lời điện thoại nữa.
Cách đây nhiều năm, một người bạn và tôi có thảo luận về chuyện trả lời điện thoại trong bữa ăn của gia đình. Chúng tôi cùng đồng ý rằng, trừ khi là bạn đang chờ đợi một cuộc gọi vô cùng quan trọng, bằng không thì việc trả lời điện thoại lúc đó là một điều gây thương tổn cho cả gia đình, và thực tế là một thái độ thiếu tôn trọng. Sự việc ấy nói lên rằng: “Có một người không quen biết nào đó đang
gọi đến, và tôi thấy việc trả lời cho người ấy là quan trọng hơn việc ngồi lại đây với cả nhà.” Thật đáng sợ, phải không?
Một trong những giây phút tuyệt diệu nhất với các con tôi là khi chúng tôi cùng nhau đọc sách hoặc chơi đùa. Và rồi chuông điện thoại reo. Thay vì gián đoạn cuộc chơi, chúng tôi chỉ nhìn nhau và cùng đồng ý rằng: không có gì quan trọng hơn những giây phút bên nhau của chúng tôi lúc này. Đây là một trong những cách bày tỏ cho các con tôi biết rằng chúng quan trọng như thế nào đối với tôi. Chúng đều biết rằng, thực tế là tôi kiếm sống qua điện thoại, và quyết định không trả lời điện thoại của tôi không phải dễ dàng mà có được.
Hiển nhiên là cũng có những lúc bạn cần trả lời điện thoại. Tuy nhiên, tôi rất mong là bạn sẽ chọn lọc cẩn thận. Hãy tự hỏi câu này: “Liệu việc trả lời điện thoại vào lúc này có làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, hay nó sẽ làm tăng thêm sự căng thẳng trong ngày?” Vấn đề dường như khá đơn giản, việc không trả lời điện thoại vào một số thời gian chọn lọc có thể là một quyết định rất hiệu quả và sẽ làm giảm đi rất nhiều sự căng thẳng trong đời sống gia đình của bạn.
11. Sống thật với lòng mình
Một trong những nguyên nhân khá tế nhị nhưng quan trọng khiến người ta hay bực mình vì những chuyện vặt chính là vì họ đã không sống thật với lòng mình. Thay vì vậy, nhiều người chạy theo những thói quen ngoài ý muốn, hoặc vì thấy những người khác đang làm điều đó, hoặc vì điều đó có vẻ như nên làm. Lấy ví dụ như, mọi người thường chọn những nghề nghiệp mà cha mẹ họ muốn, hay vì
một địa vị được thừa nhận nào đó, hoặc vì một sự đánh giá bề ngoài. Một số bậc cha mẹ thường đẩy con cái họ vào một số hoạt động, hay muốn con cái may mặc những loại áo quần nào đó, chỉ đơn giản là vì những người khác đang làm như thế. Lại cũng có những người phải vất vả để mua cho bằng được một căn nhà, thay vì thuê một căn hộ, hoặc là sống xa xỉ vượt quá mức lương bẩn chật của mình, chỉ là vì cố theo cho kịp người khác.
Sống thật với lòng mình có nghĩa là bạn chọn một đời sống, một phong cách sống phù hợp với chính mình và gia đình mình. Điều đó có nghĩa là bạn đưa ra những quyết định quan trọng bởi vì chúng xuất phát từ tự tâm, từ sự cân nhắc của chính mình, không cần thiết phải xuất phát từ những gì của người khác. Sống thật lòng có nghĩa là bạn tin tưởng vào chính bản năng của mình hơn là những áp lực từ sự quảng cáo, hoặc là theo như suy nghĩ của mọi người trong xã hội, hàng xóm, bạn bè.
Tuy nhiên, sống thật với lòng mình không có nghĩa là bạn trở thành một tên nổi loạn, phá vỡ truyền thống gia đình, hay trở nên lập dị với người khác. Ý nghĩa của nó tinh tế hơn thế nhiều. Sống thật với lòng mình là biết tin cậy vào tiếng nói tự đáy lòng mình mà chỉ có thể lắng nghe được mỗi khi bạn biết lắng lòng yên tịnh. Chính tiếng nói này đã xuất phát từ sự khôn ngoan và cảm nhận chung, thay vì là từ những huyên náo căng thẳng và thói quen hằng ngày. Khi bạn biết tin vào cảm nhận của mình hơn là vào thói quen, những tia sáng mới sẽ soi rọi vào tâm trí bạn. Những tia sáng nội tâm này có thể rất đa dạng, từ ý định dời nhà đến một thành phố khác, cho đến việc nhận ra sự cần thiết phải từ bỏ một thói quen có hại, hay phương thức làm sao để giao tiếp một cách tốt hơn với người mà bạn yêu thương. Bạn cũng có thể sẽ thấy được việc nên chọn ai để chơi cùng, hoặc cách thức như thế nào để giải quyết những rắc rối. Tất cả đều bắt đầu từ
việc biết lắng nghe tiếng nói tự lòng mình.
Không sống thật với lòng sẽ tạo ra rất nhiều mâu thuẫn nội tâm, và điều này tiếp đó sẽ tạo điều kiện cho bạn dễ dàng trở nên người cáu gắt, dễ chán nản và hay phản ứng quá khích. Tận đáy lòng mình, bạn thừa biết những gì là chân thật đối với bạn, đời sống như thế nào bạn thích, và bạn muốn trở thành loại người như thế nào. Tuy nhiên, nếu những hành động của bạn không phù hợp với trí khôn ngoan nội tâm đó, bạn sẽ cảm thấy chán nản và căng thẳng. Khi bạn biết sống thật với lòng mình, những cảm giác này sẽ dần dần tan biến đi, bạn sẽ trở nên điềm đạm hơn, vui tươi hơn, và ít căng thẳng hơn. Bạn sẽ thật sự sống cuộc đời của chính mình, thay vì là sống cho người khác.
Phương thức để sống thật hơn với lòng mình là tự nguyện sống như thế. Tự hỏi mình những câu như thế này: “Tôi thật sự muốn sống cuộc sống của tôi như thế nào?” “Tôi đang làm theo cách của tôi, hay tôi đang thực hiện mọi thứ đơn giản
chỉ là vì thói quen lâu nay, hay bởi vì tôi đang sống phụ thuộc vào những điều mong đợi của người khác?” Rồi hãy lắng lòng xuống và lắng nghe. Thay vì cố tìm ra câu trả lời, hãy xem bạn có thể để cho câu trả lời tự nó đến với bạn thật bất ngờ hay không.
Nếu bạn muốn trở nên một người hiền hòa hơn, và được nhiều hạnh phúc hơn, thì đây chính là một điểm khởi đầu rất tốt. Sống thật với lòng mình là một trong những nền tảng của sự an ổn nội tâm và phát triển nhân cách. Điều này giúp bạn trở nên tử tế hơn và kiên nhẫn hơn nhiều. Hãy thử một lần xem. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí sung sướng nữa, với những gì mà bạn hiểu được ra.
12. Hãy giữ lời hứa
Theo ý tôi, không cuốn sách nào nhắm đến việc giúp hoàn thiện cuộc sống gia đình lại có thể xem là hoàn chỉnh khi chưa có được ít nhất đôi lời khuyên về việc phải giữ lời hứa. Đây là một giải pháp lâu dài cực kỳ hiệu quả trong việc giúp bạn gắn bó mãi mãi với những người bạn thương yêu.
Bạn có thể mắc phải hàng loạt sai lầm, nhưng nếu bạn biết giữ lời hứa, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng bằng sự tốt đẹp trong các mối quan hệ và chứng tỏ được cho người khác thấy phẩm chất tốt đẹp của mình. Ngược lại, nếu bạn không giữ được lời đã hứa, những người quanh bạn - ngay cả chính gia đình bạn - sẽ đánh giá những lời bạn nói một cách ít nghiêm túc hơn; hoặc tệ hơn nữa, dần dần không còn tin tưởng hoàn toàn vào bạn.
Điều rõ ràng là, không có ai là người toàn hảo cả, và sẽ có những lần bạn không thể giữ được lời đã hứa vì nhiều lý do khác nhau - bạn lỡ quên đi, hay vì có một điều gì đó căng thẳng hơn xảy ra. Trong hầu hết các trường hợp, đây không phải là vấn đề, bởi vì việc giữ lời đã hứa không phải là một chuyện cứng nhắc chỉ có hai mặt, hoặc được, hoặc mất; mà là một quá trình kéo dài suốt cả đời người. Nói
cách khác, mục tiêu mà bạn nhắm đến không phải là một sự hoàn hảo tuyệt đối, mà là phải cố gắng hết sức để giữ lời hứa ở mức độ càng nhiều càng tốt.
Cách đây không lâu, tôi có hứa sẽ tham dự một trận bóng đá với con gái tôi. Nhưng rồi vài tuần sau đó, lại có cơ hội xuất hiện trong một buổi nói chuyện phát hình toàn quốc về chủ đề “Đừng cáu gắt vì những chuyện vặt”. Cân nhắc mọi mặt, tất nhiên tôi cần phải đi. Con gái tôi thật sự thất vọng. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy mình là một người cha may mắn khi con bé ôm chầm lấy tôi và nói qua làn nước mắt: “Không sao đâu bố. Cả năm nay đây là lần đầu tiên bố không đi với con mà.” Thành tích của tôi không hoàn hảo lắm - hiếm khi mà có được sự hoàn hảo - nhưng cũng thật khá tốt. Con gái tôi hiểu điều đó khi nghe tôi nói: “Bố thật sự mong ước được đến đó với con.” Những lời tôi nói không phải là rỗng tuếch. Nó biết rằng những lời đã hứa là quan trọng đối với tôi và tôi đã cố gắng hết sức để thực hiện. Cũng giống như hầu hết mọi người, nó không mong
đợi sự toàn hảo, chỉ cần một nỗ lực chân thành để sống trọn vẹn, chỉ cần tôi đã cố hết sức mình.
Một điều cũng quan trọng là hãy giữ cả những lời hứa có tính cách nhỏ nhặt hơn, hoặc chỉ là ngụ ý. Ví dụ như nếu bạn nói với mẹ mình: “Ngày mai con sẽ gọi cho mẹ.” Hãy cố hết sức để giữ lời đã nói. Rất thường khi chúng ta nói ra một số việc - nghĩa là những lời hứa nhỏ nhặt - chỉ vì điều đó làm cho câu chuyện trở nên dễ dàng hơn, hoặc để làm cho ai đó cảm thấy được chú ý đặc biệt hơn vào lúc ấy, và rồi chúng ta không giữ được lời đã nói. Và như thế, làm mất đi còn nhiều hơn cả những ảnh hưởng tích cực có được từ dụng ý tốt của chúng ta. Chúng ta thường nói những điều như: “Tôi sẽ trở lại vào chiều nay.” hoặc “Tôi sẽ có mặt ở đó trước 6 giờ.”... Và rồi lần này sang lần khác, chúng ta không thực hiện được lời đã nói. Chúng ta cố biện minh cho việc thất hứa bằng những câu như: “Tôi đã cố gắng, nhưng thật sự là quá bận.” Nhưng điều đó chẳng an ủi được nhiều đối với người mà ta thất hứa. Đối với hầu hết mọi người, một lời hứa cuội là một chứng cứ rõ ràng hơn, cho thấy những lời hứa đối với ta là không quan trọng mấy.
Tôi đã nhận ra một điều, tốt hơn là đừng nên đưa ra những lời hứa, ngay cả khi bạn muốn như thế, trừ khi là bạn rất chắc chắn vào việc sẽ có thể đảm bảo cho lời hứa ấy. Nếu như bạn không chắc lắm về việc bạn sẽ thật sự làm được điều gì cho ai đó, đừng nên nói trước là bạn sẽ làm. Thay vì vậy, cứ để sự việc trở thành một điều gây ngạc nhiên. Hoặc là, nếu bạn không chắc lắm là mình sẽ gọi điện cho ai đó, đừng nói trước là mình sẽ gọi... Và nhiều điều khác đại loại như thế.
Bằng vào việc giữ lời đã hứa, chúng ta góp phần nhỏ nhoi của mình vào việc giúp cho những người thân yêu của mình giảm sự hoài nghi xuống đến mức thấp nhất. Chúng ta cho họ biết rằng, vẫn còn những người có thể tin cậy được và đáng để tin cậy. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên một cách hài lòng nhận ra sự đánh giá cao của mọi người khi mà bạn luôn làm được những gì đã nói, luôn giữ lời đã hứa. Cuộc sống của bạn trong gia đình và với mọi người chung quanh sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.
13. Mua thêm một món, hãy bớt đi một món
Nếu bạn sống một mình, giải pháp này thật đơn giản. Nếu bạn có vợ (hoặc chồng), hoặc một người sống chung nào đó, mọi việc sẽ khó khăn hơn đáng kể. Nếu bạn có một gia đình lớn, điều này càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, bất kể là điều kiện sống của bạn như thế nào, hay có bao nhiêu người sống chung trong gia đình bạn, thì giải pháp nêu ra ở đây vẫn rất đáng để nỗ lực thực hiện và sẽ đưa lại ích lợi to lớn - nhìn từ góc độ một cuộc sống có tổ chức và dễ quản lý hơn.
Ý niệm này bắt nguồn từ một khuynh hướng rất phổ biến là hầu như ai cũng cố chất đầy căn nhà của mình đến tận mọi ngóc ngách. Đây dường như là vấn đề của tất cả mọi người, bất chấp sự khác biệt về mức thu nhập, độ rộng của căn nhà... hay nơi chốn, chủng tộc, tôn giáo... Vấn đề ở đây là, sự chật chội quá đáng có thể tạo ra rất nhiều căng thẳng và bực dọc khi ta không biết nơi nào để cất giữ hoặc tìm thấy một món đồ. Cảm giác “bị đóng khung” còn có thể tạo ảnh hưởng xấu lên tâm lý của bạn, làm cho dễ bị căng thẳng và dễ cáu gắt.
Sự thật là hầu hết mọi người đều chất đầy chỗ ở của mình đến mức tận cùng có thể được. Nếu bạn có vài căn buồng nhỏ trong căn hộ, chắc chắn là mỗi căn buồng ấy đều được chất đầy. Nếu bạn có ba căn như vậy, chắc chắn cũng vẫn bị chất đầy. Bất kể là chúng ta có được bao nhiêu chỗ chứa, chúng ta dường như luôn biết cách để làm đầy chúng. Và dĩ nhiên điều này sẽ không gây rắc rối gì nếu như chúng ta chẳng bao giờ mua hay nhận được thêm một món đồ nào mới cần đến chỗ chứa. Nhưng than ôi, sự thật chắc chắn không phải là như vậy. Hầu hết chúng ta liên tục mang về những món đồ mới và cả những món đã có người dùng qua.
Vấn đề là, nơi đâu chúng ta có thể cất giữ hết mọi thứ? Giải pháp mà phần lớn chúng ta đều áp dụng là sắp xếp lại cái “đống bề bộn” cũ để có chỗ cho các món đồ mới. Thay vì thải bỏ, chúng ta cố sắp xếp, chèn ép, chồng chất mọi thứ lên nhau. Chúng ta chất đầy những căn gác, nhà để xe, những giá đỡ... và những chỗ chứa khác. Một số ít người còn thuê cả nhà kho ở bên ngoài nhà để tạo thêm chỗ
chứa. Chúng ta thu thập mọi thứ là vì rất nhiều lý do - vì sợ rằng một ngày nào đó sẽ cần đến, hoặc là theo thói quen, hoặc chỉ vì nuối tiếc quá khứ...
Cách giải quyết vấn đề tuy đòi hỏi một kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng lại khá đơn giản, và gần như có hiệu quả tuyệt đối. Một khi bạn nhận ra rằng mọi chỗ chứa trong nhà đã vừa đầy, điều bạn cần làm là hãy đưa ra một lời tuyên thệ: nếu một
món đồ mới được mang về nhà, một món đồ cũ nào đó bắt buộc sẽ phải ra đi. Lấy ví dụ, giả sử bé gái 5 tuổi của bạn nhận được 2 con gấu nhồi bông vào dịp sinh nhật. Áp dụng sách lược này, bạn và con gái sẽ phải quyết định xem những món đồ chơi tương ứng nào của nó cần phải được cho đi nhằm lấy chỗ cho hai chú gấu mới.
Thực hiện sách lược này mang lại rất nhiều điều. Trước hết, nó giữ cho khối lượng đồ đạc trong nhà luôn luôn ở mức kiểm soát được. Bạn sẽ phải liên tục tạo ra khoảng trống cho các món đồ mới bằng cách thải bỏ đi những thứ mà bạn không còn sử dụng hoặc không cần đến nữa. Điều lợi ích ẩn sau cách làm này là nó có thể giúp giảm đi rất nhiều chi phí sinh hoạt thường ngày. Cách làm này khuyến khích bạn phải suy nghĩ thật chín chắn trước khi mua những món đồ mới, vì bạn biết rằng bạn sẽ phải thải bỏ những món khác. Thêm vào đó, bạn sẽ nêu gương tốt cho con cái rằng, việc chia sẻ những thứ mình có với người khác là quan trọng, có lẽ là với những người kém may mắn hơn bản thân chúng ta. Có thể giải thích cho chúng hiểu rằng rất nhiều trẻ con khác không có đồ chơi, và chúng ta có thể cho đi một vài món hiện có để giúp cho cuộc sống của chúng được tươi sáng hơn. Áp dụng cùng nguyên tắc như trên cho dù là chúng ta mang về những con gấu bông, đồ dùng trong nhà, đồ chứa trong bếp, hay quần áo...
Điều rõ ràng là có rất nhiều ngoại lệ cho nguyên tắc này. Nếu như bạn chưa có đủ đồ dùng trong nhà, thật là ngớ ngẩn nếu như thải bỏ đi một món nào đó mà bạn đang thật sự cần đến, chỉ bằng vào những nhận xét này hay một kế hoạch
tương tự nào khác. Hoặc là, nếu bạn thật sự cần hay muốn có thêm một cái quần Jean mới, hay nếu như con bạn chỉ có một đôi món đồ chơi, bạn không cần phải áp dụng nguyên tắc này một cách cứng nhắc. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, tôi nghĩ là bạn sẽ đồng ý rằng chúng ta đã có đủ tất cả những gì chúng ta
cần. Trong những trường hợp này, tôi nghĩ rằng phương thức này là một trong những phương thức sẽ làm bạn thích. Bạn sẽ thích thú với thực tế là căn nhà của bạn chẳng bao giờ quá tải, bất kể là bạn mua về bao nhiêu món đồ mới - và bạn cũng sẽ sung sướng khi biết rằng có những người khác, thật sự cần đến và đang sử dụng những món đồ của bạn cho đi, những món mà chỉ có thể choán chỗ vô ích trong nhà bạn. Đây là một giải pháp đơn giản với hiệu quả rất cao, giải quyết được một vấn đề gần như phổ biến ở mọi nơi.
14. Cứ để cho trẻ con có đôi lúc buồn chán
Đối với các bậc cha mẹ thông thường, ít có chuyện gì đáng bực mình hơn là những lời than vãn của con cái: “Con chán quá!” hay “Chẳng có gì để chơi cả.” Điều này đặc biệt càng đúng đối với những bậc cha mẹ cố gắng hết sức trong việc tạo cho con cái mình nhiều trò vui, nhiều hoạt động thật đa dạng để chúng có thể tùy ý lựa chọn. Thế nhưng, điều mỉa mai là chính những bậc cha mẹ nào có nỗ lực nhiều nhất trong việc này sẽ chịu đựng nhiều nhất những lời than vãn kiểu như trên.
Những đứa trẻ có quá nhiều cơ hội chọn lựa, nhiều trò vui được vạch sẵn để chơi, lại thường là những trẻ dễ nhạy cảm nhất với sự buồn chán. Lý do là vì, những trẻ này đã quen với sự kích thích và việc được giải trí gần như từng phút từng giây trong ngày. Chúng thường chuyển tiếp nhanh từ hoạt động này sang hoạt động khác với khoảng thời gian ngăn cách rất ít, và có những chương trình vạch sẵn cũng đầy kín thời gian chẳng thua gì cha mẹ chúng. Điều rất đơn giản là, khi mọi thứ không tiếp diễn như thường lệ, chúng sẽ cảm thấy buồn chán, bứt rứt, và hết sức cần thiết phải tìm ra một trò gì đó để chơi. Nhiều đứa trẻ cảm thấy như không thể nào sống được mà không có một cái điện thoại trong tầm tay, một máy vô tuyến truyền hình hay truyền thanh được mở liên tục, hay một máy vi tính, hoặc một băng hình trò chơi để làm vui chúng.
Giải pháp ở đây không phải là đáp ứng đủ các thứ mà chúng muốn để nhằm xóa đi sự buồn chán. Như bạn có thể đã biết, chúng thường là sẽ từ chối tất cả những gợi ý của bạn. Tuy vậy, vấn đề lớn hơn là, xét về lâu dài, bạn đang làm một điều có hại cho con cái. Bằng vào việc đưa ra quá nhiều gợi ý về những trò vui để giữ
cho chúng luôn bận rộn, bạn thật sự đang giải quyết vấn đề bằng cách thừa nhận rằng bọn trẻ đúng là cần phải có trò gì đó để chơi trong từng phút từng giây mỗi ngày.
Một giải pháp rất tuyệt - mà có thể làm sửng sốt những đứa trẻ đang buồn chán - là hãy đáp lại những lời than vãn trên bằng một câu rất tự tin kiểu như “Được đấy, không sao đâu con.” Hoặc hơn thế nữa, bạn có thể tiếp tục: “Thỉnh thoảng
con cũng nên có những lúc buồn chán như thế.” Gần như tôi có thể đảm bảo với bạn là, một khi bạn đã thử theo cách này đôi lần và nói những điều đó một cách thật lòng, bọn trẻ sẽ từ bỏ đi ý tưởng cho rằng bạn là người phải làm vui chúng
bằng những trò chơi liên tục không ngừng nghỉ. Một lợi ích ẩn sau giải pháp này là nó sẽ khuyến khích tính sáng tạo tốt hơn ở trẻ bằng vào việc buộc chúng phải tự mình tìm ra những trò chơi.
Tôi không muốn nói rằng bạn nên áp dụng điều này một cách cứng nhắc, hay là không giữ một vai trò tích cực, trìu mến trong các hoạt động của trẻ con. Điều muốn nói ở đây là một cách phản ứng lại trong trường hợp trẻ bị kích thích quá độ - khi mà thâm tâm bạn thật sự biết rõ rằng trẻ có đủ các trò chơi thích hợp và sự buồn chán là do tự thân chúng, không phải do thiếu điều kiện giải trí. Tôi nghĩ là rồi bạn sẽ thích thú cái cảm giác chủ động khi bạn đẩy ngược sự buồn chán trở về nơi xuất phát của nó - với bọn trẻ. Và một điều quan trọng nữa, khi làm việc này là bạn đang giúp ích rất nhiều cho trẻ qua việc dạy cho chúng biết rằng, chẳng có gì đáng ngại khi không có đủ trò chơi trong từng phút từng giây mỗi ngày. Thỉnh thoảng nên cảm nhận sự buồn chán và điều đó là tốt thôi.
15. Chờ đợi điều không may
Tôi đã học biết điều này cách đây hơn hai mươi năm. Và ngày qua ngày, năm này sang năm khác, giải pháp này càng chứng tỏ rõ tính hiệu quả cực kỳ của nó trong việc giúp tôi tạo ra một môi trường sống êm ả hơn trong gia đình, cho chính mình và cho người khác.
Cơ sở của giải pháp này xuất phát từ sự nhận biết rằng, khi chúng ta chờ đợi trước một điều gì đó sẽ xảy ra, chúng ta sẽ ít ngạc nhiên hơn và do đó giảm bớt phản ứng quá khích đối với sự việc ấy. Thêm vào đó, khi chúng ta chờ đợi một điều sẽ xảy ra - tôi muốn nói đến một điều không may - và rồi điều đó không xảy ra, chúng ta cảm thấy thật may mắn. Nói cách khác, chúng ta bắt đầu biết cảm nhận giá trị của một thực tế là, trong phần lớn thời gian, những đồ ăn thức uống của chúng ta đã không đến nỗi đổ tràn vung vãi trên sàn nhà, và phần lớn thời gian qua, cuộc sống đã được trôi chảy êm ái... Vấn đề là, chúng ta thường có khuynh hướng tập trung sự chú ý vào những chuyện bực mình ngoại lệ mà thôi.
Hãy nhớ lại lần gần đây nhất mà bạn hay một ai đó trong nhà làm đổ vấy một ly sữa hay cà phê ra tấm thảm. Phản ứng của bạn là thế nào? Thông thường nhất sẽ là sự hốt hoảng, thất vọng và rất nhiều căng thẳng. Bạn hãy thử nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra, nếu như thay vì cho rằng mọi thứ chẳng bao giờ hư hỏng, bạn hãy chờ đợi trước rằng thức uống có thể đổ vấy ra thảm trải nhà - bạn chấp nhận điều này
như không thể nào tránh khỏi? Điều này sẽ tạo ra một thái độ hoàn toàn khác đối với cùng một sự việc. Không có nghĩa là bạn thích chuyện tệ hại ấy xảy ra, chỉ có điều là khi nó thật sự xảy ra thì cũng không sao - bạn đã chấp nhận nó. Rõ ràng là, bạn không thể biết được khi nào thì chuyện đổ vấy như vậy xảy ra, chỉ có điều là, xem xét mọi khả năng thì điều đó rất có thể sẽ xảy ra vào một lúc nào đó. Có thể là vào cuối ngày hôm nay, vào tuần tới, hoặc vài ba năm tới nữa... Nhưng trừ khi bạn là một ngoại lệ rất hiếm hoi, thì bạn nhất định sẽ làm đổ sữa trong nhà vào một lúc nào đó. Giải pháp này chuẩn bị trước cho bạn cái thời điểm không thể tránh được đó trong tương lai.
Ví dụ nhỏ này có thể mở rộng ra với hầu như bất cứ chuyện bực mình nào khác
xảy ra hằng ngày trong gia đình - điều gì đó được làm không đúng, vật gì đó bị đổ bể, chuyện lộn xộn nào đó xảy ra, một người nào trong gia đình không làm tròn trách nhiệm... nói chung là bất cứ chuyện gì. Điểm mấu chốt ở đây là, khi bạn chờ đợi một điều gì sẽ xảy ra, sẽ không còn đột ngột khi nó thật sự xảy ra nữa. Đừng lo lắng rằng khi chờ đợi như vậy là bạn đang tạo điều kiện cho điều
ấy xảy ra. Không phải vậy. Chúng ta không nói đến chuyện tưởng tượng một chuyện gì đó sẽ xảy ra, hay khuyến khích điều ấy bằng bất cứ hình thức nào. Chúng ta chỉ đề cập đến ở đây năng lực của sự chấp nhận, biết cách chấp nhận mọi việc như chúng thật có, thay vì gắn chặt niềm vui của mình vào việc mọi thứ phải xảy ra theo đòi hỏi của chúng ta. Quan sát mọi việc xảy ra khi lòng bạn đã sẵn sàng cho những điều không may, tôi đánh cuộc là bạn sẽ thấy thư thái hơn nhiều khi điều không may nào đó xảy ra lần tới đây.
16. Những “khoảng trắng” trong thời biểu
Có quá nhiều chuyện để làm, kể cả những chuyện tốt đẹp, cũng chỉ phải nói là quá nhiều! Bất kể là quan hệ xã hội của bạn như thế nào - hay mức độ thời gian mà bạn muốn dành cho việc giao tiếp với người khác - vẫn có điều gì đó thật kỳ diệu và thanh thản khi nhìn vào thời biểu hằng ngày và còn thấy được những “khoảng trắng”, những khoảng thời gian không được dự tính cho việc gì cả. Những “khoảng trắng” chính là thời gian dự phòng của bạn, hoặc là để không làm gì cả. Giữ những khoảng thời gian trống này trong thời biểu hằng ngày, khi mà hoàn toàn không có dự tính trước một việc gì, sẽ góp phần tạo cho bạn một cảm giác bình ổn, cảm giác không bị thiếu thốn thời gian.
Nếu bạn chờ cho mọi thứ được làm xong rồi mới dành thời gian cho chính mình, bạn sẽ rất hiếm khi, nếu có thể có, tìm được thời gian đó. Thay vì vậy, thời biểu của bạn rất thường là được lấp đầy một cách lạ thường bởi những công việc của
chính bạn cũng như nhu cầu và sự đòi hỏi của người khác. Vợ (hay chồng) bạn luôn sẵn có nhiều công việc cho bạn làm, các con bạn (nếu có) cũng không khó khăn gì trong việc tung ra hàng loạt đòi hỏi với bạn, rồi những người hàng xóm, bạn bè, và gia đình. Rồi đến những trách nhiệm trong xã hội - có những chuyện
bạn thích, cũng có những chuyện chỉ phải làm vì bổn phận. Dĩ nhiên là còn nhiều đòi hỏi khác đến với bạn từ công việc cũng như từ những người lạ, chẳng hạn như những người chào hàng qua điện thoại và những người bán rong...
Dường như là tất cả mọi người đều muốn và đều lấy ra được tí chút thời gian từ nơi bạn. Tất cả mọi người, có nghĩa là trừ bạn ra.
Giải pháp duy nhất cho vấn đề là hãy bố trí thời gian cho chính bạn với tầm quan trọng cũng giống như một buổi hẹn với bác sĩ hay với một người bạn thân. Bạn đã có hẹn, và chỉ trừ trường hợp khẩn cấp, không thì bạn sẽ đúng hẹn. Tiến trình này tự nó rất đơn giản. Bạn nhìn vào lịch làm việc và bố trí những khoảng thời gian cho mình bằng cách đánh dấu. Bạn cần phải gạch tréo thật rõ những khoảng thời gian mà bạn dự tính sẽ không cho phép bất cứ công việc nào được chính thức hoạch định vào.
Khi tôi nhìn vào lịch làm việc của tôi, tôi nhận ra là có một khoảng thời gian dành cho tôi vào thứ Sáu này, từ 1 giờ 30 cho đến 4 giờ 30 chiều. Không có một công việc nào được sắp xếp vào khoảng thời gian này, và trừ trường hợp khẩn cấp, sẽ không có việc gì được làm trong khoảng thời gian này cả. Điều này có nghĩa là, khi có ai yêu cầu tôi làm gì trong khoảng thời gian này - một buổi phát thanh cần phỏng vấn, một người nào đó muốn tôi gọi đến, một khách hàng cần sự giúp đỡ của tôi... hay bất kể là chuyện gì - tôi không thể nhận làm gì cả. Tôi đã có kế hoạch trước rồi. Và kế hoạch đó là với chính bản thân tôi. Vào cuối tháng này, tôi có cả một ngày bỏ trống. Thời gian này cũng là một khoảng thời gian quan trọng, và tôi có thể đảm bảo là sẽ không để cho bất cứ việc gì chen vào đó.
Như bạn có thể tưởng tượng ra được, cách làm này cần có một thời gian để quen dần. Cách đây mấy năm khi tôi bắt đầu dành thời gian cho chính mình, tôi vẫn thường lo lắng rằng, bởi vì tôi dành thời gian cho riêng tôi, tôi có thể đang bỏ lỡ đi những cơ hội khác, hoặc là tôi có thể bị xem là ích kỷ. Thật là khó khăn để tôi có thể nói là không có thời gian trong khi còn có những khoảng trống trong thời biểu của mình. Tuy nhiên, điều tôi nhận ra là, tôi xứng đáng để có những khoảng thời gian đó. Và tất nhiên là bạn cũng vậy.
Những khoảng trống thời gian đã trở thành một trong những hoạch định quan
trọng nhất trong thời biểu của tôi, và là điều mà tôi đã biết cách trân trọng và giữ lấy. Điều này không có nghĩa là công việc của tôi có phần nào kém quan trọng hơn, hoặc là thời gian tôi sinh hoạt với gia đình không còn giữ phần quan trọng nữa. Thay vì vậy, điều này chỉ đơn giản nói lên rằng những khoảng trống thời gian tạo ra được mức độ cân bằng cần thiết để nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Không có chúng, cuộc sống dường như quá bề bộn và chen chúc.
Tôi khuyến khích bạn nên bắt đầu ngay từ hôm nay. Hãy nhìn vào lịch làm việc và chọn lấy những khoảng trống thời gian theo định kỳ, mỗi tuần một lần, hoặc ngay cả mỗi tháng một lần để khởi đầu. Cho dù chỉ là một vài giờ đồng hồ, nhưng hãy dành ra cho riêng bạn. Và một khi những đòi hỏi nào đó đến với bạn, đừng bao giờ - ngay cả chỉ nghĩ đến thôi - sắp xếp vào những khoảng thời gian này. Hãy bắt đầu biết trân trọng thời gian của chính mình như là - hoặc hơn cả - bất cứ điều gì khác. Xin đừng lo lắng, bạn sẽ không trở thành một người ích kỷ đâu. Trong thực tế, chính là điều ngược lại sẽ rất có khả năng xảy ra. Khi bạn bắt đầu cảm nhận được cuộc sống đã thật sự trở lại là của bạn, bạn sẽ thấy mình có nhiều khả năng giúp đỡ người khác hơn nữa. Cuối cùng khi bạn đã thật sự có được điều mình cần, bạn sẽ khám phá ra là một điều là việc chia sẻ với người khác trở nên dễ dàng hơn.
17. Cuộc sống này là vô giá
Cuối cùng, có nhiều người trong chúng ta rồi sẽ nhận được kết quả chẩn đoán về một căn bệnh nào đó đáng kinh sợ. Và bên cạnh nỗi kinh hoàng mà, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta sẽ trải qua, một điều khác cũng chắc chắn xảy đến: Cuộc sống bình thường của chúng ta sẽ được cảm nhận và trân trọng. Có những điều mà thường khi chúng ta hoàn toàn coi thường - những trận cười, những vẻ đẹp, tình bạn, thiên nhiên, gia đình và những người thân yêu, nhà cửa - giờ đây sẽ dường như quan trọng hơn và đặc biệt hơn bao giờ hết. Mỗi ngày trôi qua sẽ được tận hưởng như một món quà tặng và như một sự diệu kỳ đầy yêu thương. Hơn thế nữa, những chuyện vặt vãnh trước đây thường làm chúng ta bận tâm đến nhiều, giờ đây dường như không còn quan trọng lắm, hoặc không đáng chú ý mấy. Những điều bực dọc mà chúng ta vẫn thường tập trung chú ý vào giờ đây giảm hẳn đi đáng kể. Sự chú ý của có chúng ta lúc này sẽ tập trung cả vào sự quý giá của cuộc sống.
Bởi vì chúng ta biết tương đối chắc chắn những điều như trên sẽ là phản ứng khi một điều thật tồi tệ xảy ra, như đã từng xảy ra cho rất nhiều người trước đây, liệu có chút giá trị gì trong việc chờ đợi đến những lúc ấy mới biết trân trọng cuộc sống? Thay vì trì hoãn sự cảm nhận về những ân sủng của cuộc đời cho đến lúc bị thúc đẩy phải nhận ra bằng hình thức của những điều rủi ro, tồi tệ, tại sao không bắt đầu trân trọng cuộc sống ngay từ bây giờ? Cuộc sống tự nó là một điều kỳ diệu, và chúng ta thật vô cùng may mắn được hiện hữu nơi đây!
Có nhiều nhận thức sáng suốt tiềm tàng có thể có được bằng cách tự nhắc nhở mình về tính chất mong manh ngắn ngủi của cuộc sống, và sự thay đổi nhanh chóng biết bao của sự vật quanh ta - trong một giây phút bạn có vợ, có con, rồi chỉ phút sau đó có thể đã mất rồi. Trong một giây phút bạn nghĩ là mình tồn tại mãi mãi, ngay sau đó bạn biết rằng không thể như thế. Trong một ngày bạn thích thú dạo chơi, rồi chỉ ngày sau đó, một tai nạn xảy ra và vĩnh viễn bạn không còn bước đi trên hai chân được nữa. Trong một ngày bạn có một ngôi nhà, ngày sau đó đã mất đi trong một cơn hỏa hoạn. Bạn đã thấy được vấn đề như thế đấy...
Thật rõ ràng, có hai cách khác biệt nhau để nhìn vào tính chất mong manh dễ thay đổi của cuộc sống. Một là cảm thấy mình bất lực và hoảng sợ trước những đổi thay không thể nào tránh được trong cuộc sống, kể cả những đổi thay đầy đau khổ. Cách nhìn thứ hai, tích cực hơn, cũng với cùng những thực tế của cuộc đời như trên, là dùng chính cái tính chất không chắc chắn của cuộc sống như một lời nhắc nhở thường xuyên để luôn luôn biết ơn cuộc sống.
Bởi vì chúng ta quá quen thuộc và dành quá nhiều thời gian trong nhà, nên chúng ta rất dễ coi thường cuộc sống gia đình, những vật sở hữu, môi trường chung quanh, sự riêng tư, an toàn, thoải mái và hàng bao nhiêu thứ khác mà ngôi nhà mang lại cho ta. Do nơi khuynh hướng này, điều cực kỳ quan trọng là phải thường xuyên tự nhắc nhở mình: thật may mắn biết bao để có được một mái nhà, cho dù là có tồi tàn đến đâu đi chăng nữa. Chúng ta cần phải dành ra những thời gian thật sự mỗi ngày (có lẽ chỉ cần đôi ba phút) để nghĩ đến và bày tỏ, nếu có thể được, lòng biết ơn của chúng ta đối với vai trò quan trọng của ngôi nhà trong cuộc sống chúng ta. Thay vì chờ đợi những điều tồi tệ xảy đến mới làm cho bạn biết quý giá cuộc sống, nếu bạn bắt đầu biến điều đó thành một phần trong cuộc sống của bạn ngay từ bây giờ, bạn sẽ tận hưởng được nhiều niềm vui của cuộc sống ngay trong gia đình, hơn cả những gì mà bạn có thể tưởng tượng được. Hãy thử một lần xem. Tôi dám đánh cuộc là bạn sẽ thấy có nhiều điều để phải trân trọng, hơn là bạn đã từng nhận biết trước đây.
18. Giảm nhẹ sự căng thẳng
Một ngày kia, vợ tôi, Kris, và tôi bỗng nhiên được một trận cười vỡ bụng - kiểu cười ngặt nghẽo đến mức gần như là muốn khóc. Kris đã nói về ảnh hưởng của sự việc đang diễn ra: “Đây thật là một kiểu trò đùa đáng yêu.” Cái “trò đùa đáng yêu” mà cô ấy đang nói đến, chính là việc hai chúng tôi đã bỏ ra nhiều giờ đồng
hồ liên tục để dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp đồ đạc... Và rồi bất chấp những nỗ lực tập trung mạnh mẽ của chúng tôi, điều rõ ràng là giờ đây chúng tôi đang thật sự phải trở lại từ đầu!
Không, chúng tôi không đến nỗi tồi lắm. Thực tế là cả hai chúng tôi đều rất thành thạo trong việc giữ cho mọi thứ gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên, sự thật đã xảy ra là mỗi đứa nhóc của chúng tôi đã đưa về một nhóc bạn. Một đứa trong bọn chúng kéo lê đôi chân bùn bê bết khắp nhà bếp trong khi Kris bận chùi dọn trong căn phòng nhỏ. (Kẻ phạm tội rõ ràng là đã quên mất quy định bỏ dép bên ngoài ở nhà chúng tôi.) Hai đứa trẻ khác đang cố hết sức để lấy vật gì đó ra khỏi cái tủ nhỏ của con gái tôi, và rồi... ầm, một nửa số đồ chơi đổ nhào xuống tung vãi ra khắp sàn nhà. Trong lúc đó, tôi đang loay hoay trên căn gác, sắp xếp mấy món đồ vào những cái hộp để chuẩn bị mang đi cho, và rồi bàn chân tôi bỗng xuyên thủng qua sàn, tạo ra một lỗ lớn trên trần nhà của căn phòng bên dưới. Dường như mọi thứ đều trở nên hỗn loạn ở khắp nơi. Quả thật là “một trong những ngày tồi tệ nhất.” Chắc chắn là bạn cũng đã từng phải trải qua những ngày tương tự như thế ở nhà.
Vào những lúc như thế này, thật rất dễ dàng trở nên bối rối và căng thẳng. Đối với nhiều người trong chúng ta, một phản ứng tự nhiên gần như chắc chắn vào lúc này là tự nhủ mình rằng cuộc đời thật bất công, và rồi tự thuyết phục rằng những nỗ lực của mình thật vô ích. Thường thì trong những lần căng thẳng và
bực dọc như thế này, chúng ta hay để tâm nhớ lại trong quá khứ xem bao nhiêu lần rồi những chuyện như thế này đã xảy ra, và có khả năng nào sẽ xảy ra trong tương lai nữa không. Không cần phải nói, những suy nghĩ như thế thật sự chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì.
Một trong những phương thức hiệu quả hơn để đối phó với tình trạng căng thẳng này là tách mình ra khỏi sự việc và nhìn nhận tính khôi hài trong đó. Kris chợt nêu ra điều này: “Nếu có ai đó đang bí mật quan sát cảnh này, hẳn người ấy phải cười chúng ta đến vỡ bụng mất.” Và chính vào lúc ấy, cả hai chúng tôi cùng thấy nhẹ nhõm đi với tất cả sự việc.
Phải chăng điều này có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến cảnh hỗn độn ấy? Hoàn toàn không phải vậy. Thậm chí Kris và tôi còn là những người rất chuộng sự gọn gàng. Cả hai chúng tôi đều yêu thích sự sạch sẽ, trật tự trong nhà. Tuy nhiên, có những lúc chỉ đơn giản là bạn không thể nào kiểm soát được môi trường chung quanh - đặc biệt là khi bạn có trong nhà một hay nhiều đứa trẻ. Đôi khi, có quá nhiều người đến chơi, hoặc có quá nhiều việc cùng lúc diễn ra, hoặc là bạn không có đủ thời gian, hay vì bất cứ lý do nào khác nữa. Điều này không hề gợi ý là bạn đừng gắng sức, mà chỉ nhắc nhở rằng, dù sao thì bạn cũng chỉ là một con người. Vấn đề là, đã quá sức mà một con người có thể làm được.
Khi bạn cố nhìn ra khía cạnh khôi hài trong những nỗ lực không kết quả, điều đó làm mất đi sự căng thẳng của ý tưởng cho rằng bạn phải hoàn hảo hoặc phải giữ gìn căn nhà mình hoàn hảo. Thay vì là vật lộn với một tâm trạng đầy bực dọc để
làm cho mọi việc đều hoàn tất, bạn có thể đạt đến sự bình thản khi chấp nhận một sự thật là, ngay cả khi bạn đã làm sạch được món đồ cuối cùng trong nhà, thì hẳn rồi nó cũng sẽ bẩn trở lại trong vòng một hai ngày nữa. Sự khôi hài không giúp cho căn nhà của bạn được sạch sẽ hay gọn gàng, nhưng nó thật sự có thể đưa lại cho bạn một cái nhìn toàn vẹn hơn và làm cho bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Nói một cách thật chính xác, sự khôi hài nhắc nhở bạn đừng thực hiện công việc và trách nhiệm một cách nghiêm trọng quá đáng.
19. Bạn muốn các con sẽ như thế nào?
Một trong những cuốn sách dành cho các bậc cha mẹ mà tôi thích nhất là cuốn “What Do You Really Want for Your Children” (Bạn thật sự mong muốn gì cho các con cái mình) của bác sĩ Wane Dyer. Trong cuốn sách này, ông ta khuyến khích các bậc cha mẹ hãy tự hỏi xem mình thật sự muốn dạy dỗ cho con cái những gì, và xem xét lại những thông điệp kín đáo mà mỗi ngày chúng ta vẫn thường xuyên gởi đến cho con cái. Ông ta gợi ý rằng một số những phẩm chất quan trọng nhất của con người - tính tự lập, mạo hiểm, lòng kiên nhẫn, tính độc lập - có thể bị ngăn trở bởi những phương thức vô hình mà qua đó chúng ta giao tiếp cùng con cái.
Lấy ví dụ, đôi khi chúng ta đòi hỏi trẻ phải thư thả, hay yên tĩnh, nhưng lại đưa ra yêu cầu này bằng cách to tiếng với đầy sự bực dọc. Hoặc là, chúng ta muốn con cái phải lớn lên trong tinh thần độc lập, nhưng chúng ta lại quét dọn phòng cho chúng chỉ vì thấy bực bội không chịu được, hoặc là không cho phép trẻ có được những cơ hội mạo hiểm thích hợp. Đôi khi chúng ta nói là muốn cho con
cái sống điềm tĩnh, nhưng chúng ta lại tự mình có thái độ kích động thái quá, thậm chí đến như điên cuồng lên. Có lẽ chúng ta muốn trẻ con lớn lên trong tinh thần hòa hợp, nhưng bản thân chúng ta lại có khuynh hướng gây gổ, cãi vã quá thường xuyên. Có rất nhiều ví dụ chỉ ra rằng, trong khi chúng ta muốn khuyến khích trẻ cư xử theo một cung cách nào đó, thì chúng ta lại ngấm ngầm đưa ra một thông điệp nói lên điều ngược lại.
Có rất nhiều thông điệp mà chúng ta gởi đến cho con cái bắt nguồn từ những gì đang diễn ra bên trong chúng ta. Liệu chúng ta có bực dọc và quá khích, hay chúng ta bình thản và nhiệt tình? Liệu chúng ta có kiên nhẫn và sẵn lòng giúp đỡ, hay chúng ta thường đòi hỏi và dễ gây gổ? Liệu bạn có phải là người biết lắng nghe người khác? Liệu bạn có chịu lắng nghe vợ (hoặc chồng) mình, hoặc bạn bè, con cái... hay là bạn có khuynh hướng luôn nói xen vào hoặc ngắt lời người khác? Và nếu như thế, liệu có gì đáng ngạc nhiên là vì sao con cái lại thấy khó khăn trong việc phải chú ý đến, hoặc lắng nghe những chỉ dẫn của chúng ta?
Một trong những thông điệp tích cực tiềm ẩn mà Kris và tôi gởi đến cho các con là chúng tôi sẽ luôn luôn giữ cho mối quan hệ của chúng tôi được sinh động và tốt đẹp. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian cho nhau và cùng đi chơi phố đều đặn. Ngoài việc vui hưởng một quan hệ tốt, chúng tôi còn muốn cho các con lớn lên biết rõ rằng cha mẹ chúng thật sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau - không chỉ vì chúng tôi dạy cho chúng như thế, mà vì chúng tôi đã minh họa bằng chính hành động và cách cư xử của mình cho chúng biết thế nào là một quan hệ tốt.
Một trong những vấn đề mà tôi nghĩ là chúng tôi còn phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, là khuynh hướng vội vã trong mọi việc. Nhưng điều mỉa mai là chúng tôi lại bực mình khi thấy bọn trẻ thiếu kiên nhẫn. Xin nhắc lại một lần nữa, cung cách cư xử trong gia đình luôn chịu ảnh hưởng từ những thông điệp tiềm ẩn mà chúng ta gởi đến cho bọn trẻ.
Hãy suy nghĩ một chút về những thông điệp tiềm ẩn của riêng bạn. Với tất cả cả những khả năng thường gặp nhất, sẽ có nhiều khía cạnh bạn đã làm rất tốt và đồng thời còn nhiều khía cạnh khác cần hoàn thiện. Đừng lo lắng về điều đó - chúng ta chỉ là những con người! Điều quan trọng nhất là phải nhận thức rõ về sức mạnh của những thông điệp tiềm ẩn. Một khi đã được vậy, bạn sẽ có thể bắt gặp chính mình những khi đang đưa ra các thông điệp đi ngược với những gì mà bạn thật sự mong muốn. Chỉ cần thực hành đôi chút về đề tài này, tôi tin là rồi bạn sẽ đồng ý rằng, tự cân nhắc về những thông điệp thực tế đang gởi đến cho bọn trẻ là một vấn đề thật sự quan trọng.
20. Đánh giá cao giai đoạn trẻ con
Nhìn thoáng qua, đề xuất này có vẻ như không thể thực hiện, thậm chí gần như mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi bạn đặt cái gọi là “giai đoạn trẻ con” vào trong một cái nhìn toàn cảnh bao quát hơn, tôi tin là chẳng những điều này có thể thực hiện được, mà trong thực tế việc “đánh giá cao” sẽ còn là thực tiễn (và khôn ngoan) hơn so với việc luôn phải vất vả chống lại bọn trẻ.
Điều then chốt ở đây là cụm từ giai đoạn. Tôi sẽ vô cùng kinh ngạc nếu như có ai đó đang đọc cuốn sách này, là người ít nhất cũng 20 tuổi, lại vẫn còn giống hệt như thời trẻ con của mình. Rất thông thường là bạn đã thay đổi những giá trị, thái độ, ngoại hình, cung cách làm việc, mục tiêu và cả đến những gì được xem là ưu tiên hơn trong cuộc sống. Chính bản thân tôi cũng không hề giống với tôi thời trẻ con. Tôi có vẻ ngoài khác hơn, hành động cũng khác hơn, và mọi thứ trong cuộc sống của tôi đều đã thay đổi. Tôi hoàn toàn là một người khác - và bạn cũng thế thôi. Nhìn ngược về quá khứ, đó chỉ là một giai đoạn mà tất cả chúng ta đều trải qua.
Vậy thì tại sao, nếu chúng ta đã biết rằng thời trẻ con chỉ là một giai đoạn, chúng ta lại quan tâm đến mọi thứ một cách quá khe khắt? Một phần nào đó, câu trả lời cho vấn đề này là: chúng ta quên mất rằng đó chỉ là một giai đoạn! Chúng ta lo sợ rằng cung cách cư xử và định hướng trong cuộc sống ở đứa con 15 tuổi của mình là vĩnh viễn, là cứng nhắc như thể khắc sâu vào trong đá! Trong một chừng mực, chúng ta thiếu niềm tin cần thiết vào trẻ con. Sự thiếu tin cậy này được cảm nhận bởi bọn trẻ ngày nay và - tôi tin là - đã góp phần tạo ra một số trong những vấn đề khó khăn trước mắt chúng ta. Không phải tôi muốn nói rằng, nếu lũ trẻ đánh đấm nhau, đó là lỗi của bạn. Thế nhưng tôi tin tưởng khá chắc chắn rằng có rất nhiều việc mà chúng ta có thể làm để giúp trẻ phát triển tốt nhất, cũng như để giảm nhẹ đi sự bực bội mà chúng ta đang cảm nhận.
Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên nhân giúp tôi vượt qua giai đoạn trẻ con mà không bị thương tổn là nhờ tôi cảm nhận được từ nơi cha mẹ tôi sự chấp nhận và tin cậy ở tôi như một người lớn. Có vẻ như các vị biết rằng tôi sẽ tốt thôi
(ngay cả khi tôi có gặp vấn đề) và rằng chẳng có gì trục trặc nơi tôi chỉ vì là tôi đang nỗ lực để lớn lên. Bất chấp một thực tế là cách ứng xử của tôi còn rất vụng về, tôi biết rằng cha mẹ tôi vẫn đánh giá cao. Sự tin cậy của các vị đã cho tôi sức mạnh cần thiết để tôi trưởng thành vượt qua thời trẻ con.
Qua nhiều năm, tôi đã nhận thấy được cũng một cung cách cư xử tương tự như thế ở một số ít gia đình may mắn, nơi mà các bậc cha mẹ và con cái họ dường như cùng nỗ lực và sống chung trong hòa thuận. Hầu như trong tất cả những trường hợp này, những đứa trẻ có cách ứng xử tốt đẹp nhất chính là những đứa trẻ được cha mẹ đặt sự tin cậy vào như một người lớn - những bậc cha mẹ biết đánh giá cao con cái mình. Điều rõ ràng là, thật dễ dàng khi đưa ra một phát biểu: “Dĩ nhiên là cha mẹ sẽ đặt sự tin cậy (và đánh giá cao) vào một đứa trẻ nếu như cách ứng xử của nó đã hoàn hảo.” Cũng có phần đúng trong phát biểu này. Tuy nhiên, tôi tin là chúng ta có thể gieo cấy niềm tin và sự tôn trọng đối với trẻ con bất chấp cả những khuyết điểm hiện thời của chúng, nếu chúng ta nhận ra được tầm quan trọng như thế nào của việc này.
Bạn chỉ cần tự hỏi mình xem, khi mọi người chung quanh tin cậy vào bạn, và khi bạn cảm thấy được đánh giá cao, thì sẽ dễ dàng hơn như thế nào trong việc thực hiện tốt mọi việc. Thực tế này cũng đúng đối với trẻ con. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình được đánh giá cao, nó sẽ có một viễn ảnh tốt để vươn tới. Nhưng điều ngược lại cũng sẽ đúng. Khi một đứa trẻ cảm thấy mình bị xem thường, nó sẽ có một viễn ảnh xấu để trở nên tồi tệ hơn.
Tôi không nói điều này là dễ thực hiện, chỉ muốn nói rằng nó thật sự quan trọng và xứng đáng để trở thành một phần trong cách ứng xử của bạn. Nếu bạn nghĩ đến thời trẻ con như là một giai đoạn, không phải là mãi mãi, những vất vả của bạn sẽ được giảm đi rất nhiều.
21. Không để những chuyện ấy làm bận tâm
Đây là một trò vui để thực hành nếu như bạn có con nhỏ, nhưng chắc chắn cũng vẫn mang lại hiệu quả trong trường hợp bạn không có con. Không để cho những chuyện ấy làm bận tâm là một giải pháp có thể áp dụng gần như với mọi vấn đề - những trận đấu đá của lũ trẻ, hay vòi vĩnh sự chú ý của bạn, sự hỗn độn, một căn
phòng bề bộn, mái nhà dột nước, con thú nuôi ồn ào, căn buồng chứa chật chội quá tải, hay người vợ (hoặc chồng) ngáy đêm.
Không phải là tất cả, nhưng chắc chắn là một phần trong những rắc rối với phản ứng quá khích của chúng ta bắt nguồn từ những phản ứng với sự việc theo thói quen, mà hầu như vượt ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Ví dụ như, khi bọn trẻ đánh nhau và sự việc dường như sắp làm cho bạn phát khùng lên, phản ứng tự nhiên của bạn là nổi giận và tống ngay lũ trẻ về phòng của chúng. Rồi bạn sẽ tiếp tục làm cho vấn đề trở nên tệ hại hơn bằng những suy nghĩ như: “Thật không tin nổi những chuyện thế này lại thường xảy ra đến thế.” Hoặc là: “Tôi không tin nổi là việc nuôi dạy con cái lại khó khăn đến thế.” Hoặc những ý nghĩ khác đại loại như vậy, nhằm để tự thuyết phục mình rằng, không thể phản ứng lại sự việc bằng bất cứ cách nào khác tốt hơn. Trong suy nghĩ của mình, chúng ta đã thổi phồng vấn đề lên quá mức bằng những phân tích quá đáng, và rồi mang ra thảo luận cùng người khác. Không bao lâu, những chuyện như thế này, và nhiều chuyện vặt vãnh khác, bắt đầu trở nên có vẻ như là những vấn đề thật sự to tát.
Hoàn toàn có khả năng rèn luyện tư tưởng của bạn để giảm bớt những phản ứng thái quá đối với các vấn đề rắc rối thường tình. Khi bạn không để cho những chuyện ấy làm bận tâm, không phải là bạn phủ nhận việc mình thật sự có bực bội. Điều bạn đang cố gắng làm là rèn luyện tư tưởng để có thể phản ứng lại khác hơn đối với cùng những vấn đề như trước. Bạn bắt đầu thực hiện giải pháp này bằng cách tự nhủ với mình khi nhìn thấy trước một chuyện rắc rối thông thường đang sắp xảy ra: “Mình sẽ không bực mình hay phản ứng thái quá với chuyện này.”
Nhìn thoáng qua, và trong giai đoạn mới bắt đầu, giải pháp này dường như chỉ là vẻ ngoài. Xét cho cùng, tự nói với mình là sẽ không bực mình, thì cũng giống như tự nhủ rằng mình khỏe trong lúc đang bị cảm cúm vậy. Tuy nhiên, nếu bạn chịu thử qua một lần, tôi tin là bạn sẽ nhận thấy giải pháp này mang lại hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên. Hãy kiên nhẫn và dành ra một ít thời gian. Nếu bạn dự tính trước những phản ứng của mình trong cuộc sống, điều này sẽ đẩy lùi những kiểu hành động theo thói quen ra khỏi vấn đề. Bạn sẽ biết trước được là phản ứng của mình sẽ như thế nào, và bạn chỉ cần sử dụng chính những hoàn cảnh xảy ra trong cuộc sống để thực hành những cách ứng xử của mình. Bằng cách này, bạn chuyển đổi được những sự việc trước đây dường như là một gánh nặng trở thành một trò chơi nội tâm.
Tôi không thể nói hết với bạn giải pháp này đã mang lại hiệu quả như thế nào trong trường hợp của chính hai đứa con tôi. Cũng giống như mọi người khác, tôi đã từng phản ứng quá khích rất nhiều lần với chúng. Tuy nhiên, khi tôi vận dụng giải pháp này, có vẻ như nó đã giúp xóa bỏ những kiểu ứng xử không hay mà hầu hết chúng ta thường phát triển thành thói quen. Chỉ mới hôm kia đây, bọn trẻ bắt đầu một trong những trận cãi vã nhì nhằng của chúng, la hét và đổ lỗi cho nhau ầm ĩ. Tôi có thể nhìn thấy trước mọi việc khi sắp diễn ra, và âm thầm tự nhủ: “Mình sẽ không để cho trận ẩu đả sắp tới đây làm bực mình.” Kết quả đã là một trong những giây phút mà bậc cha mẹ nào cũng mong mỏi có được - những đứa trẻ đầy kinh ngạc. Tôi ngồi yên vô tư trên trường kỷ, không hề ngẩng đầu khỏi cuốn sách đang đọc, cho dù chỉ một lần. Chỉ trong mấy phút, bọn trẻ bỗng nhiên hoàn toàn im lặng, ngạc nhiên tự hỏi không biết chuyện gì đang xảy ra cho tôi. Chuyện tranh cãi của chúng tự nhiên tan biến một cách thật kỳ diệu, chẳng có sự can thiệp nào về phần tôi cả. Chúng tôi cùng chơi vui trong thời gian còn lại của buổi chiều. Rồi bạn cũng sẽ gặp những chuyện vui tương tự khi áp dụng giải pháp này.
22. Đừng bỏ lỡ cơ hội bày tỏ lòng thương yêu
Trong đời tôi, tôi đã được nghe rất nhiều người than phiền là cha mẹ, hay vợ, chồng của họ chẳng bao giờ, hoặc là rất hiếm khi nói lời yêu thương họ. Đảo ngược lại vấn đề, tôi chưa từng nghe, dù chỉ một người, than phiền rằng phải nghe những lời yêu thương của người thân quá thường xuyên.
Tôi không thể nào tưởng tượng được có chuyện gì lại dễ dàng hơn là nói ra một câu như: “Anh yêu em.” hoặc những câu bày tỏ tình cảm tương tự như vậy với người thân của mình. Tuy nhiên, vì những lý do nào đó, rất nhiều người đã hoàn toàn không làm điều này. Có lẽ là chúng ta không tin rằng những người thân yêu của ta cần được nghe những lời như thế, rằng là họ không muốn thế, hoặc có thể là họ sẽ không tin. Hay cũng có thể là chúng ta quá cứng rắn hoặc quá e thẹn để có thể nói ra những lời yêu thương như vậy. Cho dù là lý do gì, thì điều đó cũng không tốt lắm. Chỉ đơn giản là vì có quá nhiều lý do quan trọng để cho bạn cần phải nói lên thành lời với những người bạn thương yêu là bạn đang yêu thương họ.
Cho dù bản thân bạn có được nghe đủ những lời ngọt ngào như thế trong cuộc sống hay không, điều đó không phải là vấn đề. Vấn đề ở đây là một thực tế: Một câu nói tương tự như câu “Anh yêu em.” làm cho người ta cảm thấy dễ chịu hơn. Nó nhắc nhở người nghe rằng họ không cô độc, và rằng bạn đang quan tâm đến họ. Nó làm cho người nghe tự đánh giá cao hơn bản thân mình - và cũng làm cho chính bạn cảm thấy tốt đẹp nữa.
Một điều chắc chắn là, trong cuộc sống gia đình, chúng tôi cũng vấp phải không ít sai lầm. Tuy vậy, có một điều chúng tôi làm đúng, đó là bảo cho nhau biết chúng tôi yêu thương nhau như thế nào. Điều đó đơn giản, vô hại và không tốn kém. Những câu thế này là một trong những câu nói có sức mạnh nhất trên toàn thế giới. Những người biết rằng họ đang được yêu thương (bởi vì họ được nghe người khác nói thế) thì đến lượt họ lại sẽ sẵn lòng hiến dâng tình yêu thương cho thế giới này. Họ có sự tự tin bình thản và một cảm giác an ổn nội tâm.
Một trong những niềm tin chắc chắn nhất của tôi là: Khi bạn đã có được điều bạn muốn (trong ý nghĩa tình cảm), thì khuynh hướng tự nhiên của bạn là chia sẻ trở lại với người khác. Vì thế, chỉ cần nói “Anh yêu em.” (hay một câu tương tự như vậy) với một người thôi, là bạn đang gián tiếp góp phần giúp ích cho cả thế giới này. Có lẽ cũng chẳng có cách nào để đảm bảo rằng người nào đó khi được nghe câu nói này sẽ cảm thấy mình được yêu thương và được trân trọng. Nhưng cách chắc chắn nhất để làm tăng thêm khả năng có được điều này là hãy nói với người ấy câu này một cách thường xuyên hơn nữa.
Nói ra một lời yêu thương, một cách chân thành, có thể làm xóa đi nhiều lỗi lầm trong mắt nhìn của những người mà bạn yêu thương. Ví dụ như, tôi biết rằng khi tôi gặp phải những lúc không êm ả với các con tôi, nếu nhớ nói với chúng một lời yêu thương sẽ giúp chúng tôi cùng tha thứ cho nhau và tiếp tục mọi việc tốt đẹp.
Theo một cách nhìn vị kỷ hơn, việc nói ra những lời yêu thương cũng có lợi riêng cho bạn nữa. Nó làm ta cảm thấy dễ chịu. Bởi vì cho đi và nhận lại chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu, nên nói ra những lời yêu thương nhiều hơn nữa sẽ bù đắp lại cho việc bạn đã không được nghe nhiều những lời như thế trong cuộc sống. Điều hoàn toàn đúng là: việc cho đi tự nó đã là một phần thưởng. Và nói ra những lời yêu thương này là một trong những hình thức căn bản và đơn giản nhất của việc cho đi.
Có quá nhiều cơ hội để bày tỏ lòng thương yêu của bạn theo cách này - khi bạn bước vào nhà, ngay trước khi rời nhà, trước khi ngủ, và lời đầu tiên buổi sáng. Trong gia đình, chúng tôi đã tạo thành thói quen phải nói một câu bày tỏ lòng yêu thương trước khi cắt máy mỗi lúc chúng tôi nói điện thoại với nhau, cũng như trước khi chúng tôi bắt đầu một bữa ăn gia đình. Những cơ hội như thế là không giới hạn. Đây sẽ là một trong những điều dễ dàng nhất mà bạn đã từng làm - và cho dù vậy, lại là một trong những điều quan trọng nhất.
23. Tự điều chỉnh lại mình đúng lúc
Trong mỗi gia đình đều có những dấu hiệu cảnh báo trước khi một trận nhốn nháo nào đó sắp xảy ra. Vấn đề là, rất hiếm khi chúng ta lắng nghe những dấu hiệu này. Thay vì vậy, chúng ta cứ tiếp tục công việc của mình cho đến khi sự việc xảy ra và chế ngự chúng ta hoàn toàn. Tuy nhiên, chúng ta có thể tránh được rất nhiều những lần như thế này bằng vào việc lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo và rồi học biết cách sử dụng chúng như những động lực để điều chỉnh lại mình.
Ví dụ như, một trong những dấu hiệu cảnh báo ở gia đình tôi xuất hiện khi mà cả bốn chúng tôi đều cảm thấy gấp rút, hối hả. Có một cảm giác quá khích không thể phủ nhận được hiện ra khi mà mọi người đều cảm thấy bị thúc bách về thời gian và dường như đang hối hả loay hoay, bực dọc. Trong cuộc sống gia đình, chúng tôi đã biết cách nhận ra cảm giác này và dùng nó như một động lực để tự điều chỉnh lại. Nói cách khác, một người trong chúng tôi khi nhận ra cảm giác này sẽ nói một câu như: “Ái chà, mọi người xem, lại sắp có chuyện rồi đấy.” Hay một câu gì đó, đại loại là cũng có hiệu quả giống như thế. Nhận xét đơn giản này cho phép chúng tôi cùng thở một hơi dài, kiềm chế mình lại, và một cách thực tiễn, bắt đầu lại mọi chuyện hay tự điều chỉnh ngay mức làm việc của mình. Gần như bao giờ cũng vậy, dấu hiệu cảnh báo này cho biết rằng tất cả chúng tôi cần phải tự kìm hãm và hòa nhập lại cùng nhau.
Bằng vào việc sử dụng quá trình tự điều chỉnh này, chúng tôi có thể hòa nhập và lấy lại thế quân bình của mỗi người. Và nhờ đó có thể cùng nhau bắt đầu lại mọi việc. Với những lần như thế, nếu chúng tôi không lắng nghe hoặc không chú ý đến dấu hiệu cảnh báo này, không khí trong nhà sẽ ngày càng trở nên hối hả hơn và thường thì sẽ dẫn đến rất nhiều bực dọc.
Những dấu hiệu cảnh báo thông thường khác cũng gồm cả những trận cãi vã căng thẳng giữa bọn trẻ với nhau. Bạn có thể dùng ngay chính chuyện cãi vã ấy như một cơ hội để điều chỉnh lại trạng thái tinh thần và không khí chung. Thay vì đợi cho một trận gây gổ bùng nổ hết mức của nó, hãy hành động ngay trước
khi mọi việc vượt ra ngoài tầm khống chế - dùng những dấu hiệu cảnh báo trước đó như là động lực để điều chỉnh lại. Nếu bạn chỉ có một đứa con, bạn có thể xem chuyện trẻ khóc như là dấu hiệu này. Nếu bạn sống một mình, dấu hiệu điều chỉnh có thể xuất hiện vào lúc mà có quá nhiều món để mua trong một buổi chợ, hoặc khi có quá nhiều bát đĩa chất chồng trong chậu rửa. Những dấu hiệu này có thể kể ra trong một danh sách rất dài, nhưng động lực tự điều chỉnh của bạn sẽ là tương tự. Vấn đề ở đây là nhận ra sự căng thẳng sắp đến trước khi nó thật sự xảy ra và chặn đứng ngay từ đầu.
Hãy nghĩ đến gia đình bạn trong một lúc thử xem. Liệu có những kiểu căng thẳng nào nổi bật nhất hoặc thường xuyên được lặp lại? Nếu có, có những dấu hiệu cảnh báo nào xuất hiện trước đó chăng? Nếu bạn quan sát vấn đề một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ thấy là có đấy. Điều khôn ngoan là biết vận dụng các dấu hiệu này theo hướng có lợi cho bạn. Hãy chú ý đến và sử dụng chúng như là những động lực để điều chỉnh lại. Nếu bạn làm được vậy, bạn sẽ thấy giảm đi rất nhiều căng thẳng trong gia đình.
24. Khám phá cách sống giản đơn tự nguyện
Có một khuynh hướng sống phổ biến trong giới thường dân, đang nhanh chóng tạo đà phát triển và len lỏi vào nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Khuynh hướng sống này được gọi tên là “sống giản đơn tự nguyện”.
Như tên gọi cũng đã chỉ ra, sống theo cách này tức là đơn giản hóa cuộc sống của chúng ta bằng sự lựa chọn hơn là theo với nhu cầu. Điều này có nghĩa là bạn đặt ra một giới hạn tối đa cho sự mong muốn của mình, không cần thiết, không bắt buộc, mà chính là vì bạn muốn thế - bạn thấy được sự khôn ngoan và khả năng có được sự yên ổn trong việc đặt ra một giới hạn cho ý muốn của mình, nhằm để bạn có thể vui sống với những gì sẵn có. Đơn giản hóa cuộc sống làm giảm đi nhu cầu về thời gian, tiền bạc và năng lượng, vì thế bạn có thể dành thêm những thứ này cho chính bạn và cho gia đình.
Có nhiều người (tôi cũng là một trong số đó) đã nhận thấy rằng cách sống đua đòi theo người khác là quá sức và tạo ra nhiều khó khăn. Thêm vào đó là sự căng thẳng và hao tốn nhiều thời gian. Rất nhiều người trong chúng ta đã mắc phải thói quen liên tục gia tăng những ước muốn, nhu cầu và sự khao khát. Dường như hầu hết chúng ta đều tin rằng nhiều hơn có nghĩa là tốt hơn - thêm nhiều đồ đạc, nhiều việc để làm, nhiều điều từng trải ... đại loại là như thế. Nhưng, có thật đúng như vậy chăng?
Có những lúc chúng ta bận rộn quá, đến mức không thể nào cảm nhận được niềm vui trong cuộc sống. Dường như là từng phút trong ngày đều đã được vạch chương trình sẵn và được tính toán đến. Chúng ta lao từ công việc này sang công việc khác, thường là quan tâm nhiều hơn đến những gì sắp đến chứ không phải vào những gì đang làm trong giây phút hiện tại. Thêm vào đó, chúng ta mong muốn những căn hộ rộng lớn hơn, những chiếc xe xinh đẹp hơn, nhiều quần áo hơn, nhiều đồ vật hơn. Bất chấp những gì đã có, mọi thứ không bao giờ đủ. Lòng mong muốn được nhiều hơn của chúng ta dường như không thể nào thỏa mãn.
Rất thú vị là, khuynh hướng nhắm đến một cuộc sống phần nào đơn giản hơn không chỉ giới hạn cho những người giàu có. Thay vì vậy, tính đúng đắn của nó được nhận ra bởi rất nhiều tầng lớp có điều kiện kinh tế khác nhau trong xã hội. Tôi biết một số người có thu nhập rất hạn chế, đã chọn theo cách sống này, và mọi trường hợp đều được xác nhận là đã có những lợi ích rất đáng kể.
Đôi khi việc đơn giản hóa cuộc sống của bạn có thể liên quan đến những chuyển đổi quan trọng. Như việc chọn sống trong một căn hộ nhỏ hơn, rẻ tiền hơn thay vì phải vất vả để đủ tiền chi trả cho một căn hộ lớn. Quyết định này có thể làm cho cuộc sống của bạn bớt căng thẳng đi, bởi vì sẽ dễ dàng hơn nhiều trong việc trả chi phí thuê nhà. Nhiều quyết định thông thường khác bao gồm những việc như ăn uống giản dị hơn, chia sẻ và trao lại quần áo cũ cho người khác, hay từ chối những cơ hội có thêm việc để làm. Dĩ nhiên, vấn đề ở đây là biết đưa ra những quyết định nhằm thúc đẩy cuộc sống của bạn theo hướng dễ dàng hơn và ít phức tạp hơn.
Cách đây mấy năm, tôi đã dời văn phòng làm việc sang một địa điểm khác. Quyết định có vẻ như đơn giản này có nhiều ích lợi lớn lao trong việc góp phần đơn giản hóa mọi việc. Trước hết, văn phòng mới mà tôi dời đến rẻ tiền hơn nhiều so với nơi trước đây, vì thế giúp tôi giảm đi một ít áp lực về tài chánh. Thêm vào đó, văn phòng mới cách nhà tôi chỉ có mấy dặm đường, thay vì là 15 dặm mà tôi vẫn thường phải đi trước đây. Như vậy, thay vì phải mất khoảng 30 phút hay hơn nữa cho mỗi lần đi, giờ đây tôi chỉ lái xe chưa đầy 5 phút. Và bởi vì tôi làm việc 50 tuần lễ trong một năm, xem như tôi đã tiết kiệm được hơn 200 giờ mỗi năm nhờ vào chỉ một quyết định đơn giản này. Tất nhiên là văn phòng trước đây đẹp hơn, nhưng liệu có đáng giá chăng? Nhìn lại vấn đề, rõ ràng là không đáng thế. Nếu cần quyết định lại lần nữa, tôi cũng vẫn quyết định như thế thôi.
Mua hoặc thuê một chiếc xe hơi đơn giản hơn sẽ tiết kiệm được tiền và những chuyến “thăm viếng” thợ máy có thể có. Có ít đồ đạc hơn có nghĩa là giảm nhẹ hơn yêu cầu chăm sóc, bảo quản, bảo hiểm, suy nghĩ đến, lo lắng đến, và giữ gìn cho sạch sẽ. Mỗi món hàng mà bạn mua theo lối trả chậm là phải trả giá đắt hơn,
nhưng vẫn là thêm một hóa đơn phải trả hàng tháng. Một ngôi nhà có thêm khu vườn bao quanh nghĩa là thêm công việc trong vườn và thời gian để chăm sóc. Tôi còn có thể kể ra thêm nhiều hơn nữa, nhưng chắc rằng bạn đã thấy được vấn đề như thế nào rồi.
“Sống đơn giản tự nguyện” không có nghĩa là bạn từ bỏ tất cả những gì bạn có. Ngược lại, có những trường hợp chắc chắn mà việc có thêm một món nào đó sẽ làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn và đơn giản hơn. Lấy ví dụ như, tôi không thể tưởng tượng được việc phải từ bỏ máy vi tính và máy fax của tôi. Làm như vậy, rõ ràng là sẽ khiến cho cuộc sống trở nên phức tạp hơn và khó khăn hơn. Trong thực tế, nếu không có máy vi tính, tôi không tin là bạn lại có thể đang đọc tập sách này như hiện giờ.
“Sống đơn giản tự nguyện” không phải là việc chỉ liên quan đến một quyết định duy nhất nào, cũng không phải là sự nghèo túng tự nguyện. Bạn có thể dùng một chiếc xe hơi đắt tiền mà vẫn là đang sống đơn giản. Bạn vẫn có thể tận hưởng, có được, hoặc ngay cả mong muốn những thứ tốt đẹp hơn mà vẫn sống được một cuộc sống đơn giản hơn. Điều này có nghĩa như một sự định hướng, một loạt những quyết định tỉnh táo mà bạn đưa ra bởi vì bạn muốn hoàn thiện cuộc sống của mình. Điều cốt yếu là phải nhìn ra một cách trung thực những gì thật sự quan trọng trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn muốn thừa ra đôi chút thời gian, giữ lại đôi chút năng lượng cơ thể, và thanh thản hơn đôi chút trong tâm hồn, tôi khuyên bạn hãy khám phá cách sống mới này một cách nghiêm túc hơn đôi chút.
25. Chọn bạn mà chơi
Hầu hết mọi người đều chấp nhận một sự thật là chúng ta chịu ảnh hưởng tốt hoặc xấu của những người mà chúng ta gần gũi nhiều nhất. Con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ, và ngược lại. Vợ chồng chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Anh chị
em một nhà cũng vậy. Chúng ta cũng còn chịu ảnh hưởng của những người đồng sự trong công việc, rồi bạn bè, hàng xóm...
Dĩ nhiên là có những trường hợp mà chúng ta có rất ít - hoặc không có - khả năng lựa chọn những người gần gũi, chẳng hạn như trong công việc. Trong những trường hợp này, thường thì chúng ta chỉ có thể vận dụng tốt nhất điều kiện hiện có. Điều này đôi khi cũng đúng với một số thành viên nào đó trong gia đình. Bạn phải gần gũi họ không phải vì bạn yêu thích, mà chỉ đơn giản vì họ sống trong gia đình - bạn không có khả năng lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc sẽ gần gũi với những ai. Thí dụ như bạn bè và những người mà chúng ta mời đến nhà, hoặc nói chuyện qua điện thoại.
Thời gian và năng lượng là những sở hữu quý giá và quan trọng nhất của bạn. Bởi vậy, điều cực kỳ quan trọng là phải có những chọn lựa thật chín chắn và khôn ngoan trong việc sẽ thường xuyên giao tiếp với những ai. Liệu bạn có giao tiếp với những người mà thật sự giúp bạn (và gia đình bạn) trở nên tốt hơn, hay là bạn chọn lựa bạn bè theo cách ngẫu nhiên? Nếu thật lòng, bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên với câu trả lời của chính mình. Có thể là bạn đã quan hệ với một số người mà bạn không thật sự biết được là vì sao - hoặc chỉ do sự thuận tiện hay hoàn toàn theo thói quen.
Không phải nói thế nghĩa là bạn nên cắt đứt quan hệ hiện có để hình thành những quan hệ mới. Cũng không có nghĩa là tất cả quan hệ bạn bè dựa trên tập quán, nghĩa vụ, hay kinh nghiệm đã qua là không tốt hay sai trái. Tôi chỉ đơn
giản khuyên bạn hãy đánh giá lại và nhận thức một cách trung thực cảm giác của mình như thế nào trong mỗi lần giao tiếp cùng ai đó, hoặc một thời gian ngắn ngay sau đó. Liệu người mà bạn đang giao tiếp có giúp bạn phát triển tốt hơn? Liệu người ấy có phải là người mà bạn ngưỡng mộ và kính trọng? Liệu bạn và người ấy có thể giúp nhau cùng hoàn thiện? Liệu các bạn có cùng chia sẻ với nhau được những giá trị chung? Liệu bạn có thấy thoải mái về cách thức, thời gian giao tiếp của mình trong những quan hệ trực tiếp hoặc là qua điện thoại? Nếu bạn trả lời không cho những câu hỏi này, cũng không có nghĩa là bạn không thể tiếp tục làm bạn cùng người ấy, chỉ có điều là, có lẽ nên đi đến quyết định sử dụng ít thời gian hơn cho những quan hệ giao tiếp như vậy, để dành thời gian nhiều hơn cho những quan hệ mới, hoặc ở yên một mình.
Đề xuất này không liên quan gì đến việc đưa ra phán đoán về người khác. Nếu bạn xác định rằng có những người mà bạn không muốn dành thời gian để cùng giao tiếp, điều đó không có nghĩa là bạn không tôn trọng, kính nể những người ấy, hoặc bạn không nghĩ rằng đó là những con người tuyệt vời. Cũng không có nghĩa là bạn cho rằng bạn có gì tốt hơn họ, hoặc là họ không có được những
phẩm chất tốt đẹp. Chỉ đơn giản là, cân nhắc hết thảy mọi mặt, bạn thấy muốn sử dụng thời gian hiện có để được ở một mình, hoặc là với một người khác.
Hãy luôn nhớ rằng mỗi chúng ta chỉ có một khoản thời gian nhất định để giao tiếp cùng người khác, có lẽ là ít hơn nhiều so với mong muốn. Hoàn toàn tùy thuộc nơi mỗi chúng ta để chọn lựa cách tốt nhất có thể có. Trong đời tôi chẳng hạn, tôi đã gặp đến hàng trăm người mà tôi rất thích, bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng lại không muốn dành thời gian để cùng giao tiếp. Và trong phần lớn trường hợp, tôi đoán là những người ấy cũng đều cảm nhận về tôi giống như vậy. Tôi rất thích được ở một mình, và nếu dành thời gian giao tiếp cùng ai, tôi muốn rằng đó phải là một mối quan hệ mà tôi thật sự yêu thích.
Mỗi người có những ý thích khác nhau trong việc chọn bạn mà chơi. Lấy ví dụ như, nói chung tôi không thích dành quá nhiều thời gian với những người dễ cáu gắt, bực bội. Tôi cũng tránh gần gũi những người dễ thương cảm và hay than phiền. Một phần trong sở thích của tôi xuất phát từ việc tôi thừa nhận là mình
chịu ảnh hưởng của những người chung quanh. Bởi vậy, nếu tôi gần gũi với những người hay than phiền, bản thân tôi rồi cũng sẽ có khuynh hướng hay ca cẩm nhiều hơn. Và nhiều quan hệ khác cũng tương tự như vậy.
Giải pháp này có khả năng tạo một ảnh hưởng lớn đối với việc hoàn thiện cuộc sống của bạn. Những người quanh bạn, nhất là những người mà bạn chọn để giao tiếp, có một ảnh hưởng rất lớn đến thái độ sống và trạng thái lành mạnh của bạn. Nếu biết chọn bạn mà chơi, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng hơn và giảm đi rất nhiều căng thẳng.
26. Chấp nhận sự bất đồng
Mỗi con người chúng ta là một thực thể duy nhất và nhìn cuộc sống theo những cách khác nhau. Chúng ta có những sở thích riêng, và giải thích sự việc cũng theo cách riêng của mỗi người. Bởi vì tất cả chúng ta đều được nuôi nấng và dạy dỗ để suy nghĩ theo những cách nhất định, chúng ta có những phương thức tinh tế riêng biệt của mình trong việc giải quyết những xung đột, cũng như sự lý giải về nguyên nhân sự việc. Mỗi chúng ta đều đặt ra những mức độ khác biệt đáng kể trong việc nhận định sự việc nào là thật sự thích hợp và quan trọng. Chúng ta gần như luôn luôn có thể chỉ ra sai lầm trong cung cách suy nghĩ và ứng xử của người khác. Chúng ta xác định sự đúng đắn trong cách nhìn nhận thực tiễn của chính mình bằng cách tập trung vào những điển hình mà chúng ta tin là chứng minh được điều đó. Nói tóm lại, cách nhìn nhận cuộc sống của chúng ta dường như luôn luôn công bằng, hợp lý và chính xác - tất nhiên là chỉ đối với chúng ta.
Vấn đề ở đây là, mọi người khác cũng đều có cùng sự giả định như thế.
Chung quanh ta, vợ (chồng), con cái, cha mẹ, bạn bè, hàng xóm - và tất cả mọi người khác nữa - đều tin tưởng giống nhau rằng cách nhìn của họ về cuộc sống là đúng nhất. Hoàn toàn có thể đoán trước được rằng, mọi người khác không thể hiểu được vì sao bạn lại không nhìn nhận sự việc theo cách giống như họ, và cũng sẽ nghĩ rằng, giá như bạn giống họ thì mọi việc hẳn là đã tốt đẹp biết bao nhiêu!
Biết được sự thật này, vậy thì tại sao hầu hết chúng ta lại cứ tiếp tục bực dọc, khó chịu với một thực tế là: chúng ta dường như bất đồng ý kiến với nhau quá thường xuyên. Tại sao chúng ta lại dễ dàng bực dọc khi một người chúng ta quen biết hoặc yêu thương bày tỏ ra một ý kiến hay quan điểm khác hơn, giải thích một điều gì đó theo cách khác hơn, hoặc cho rằng chúng ta đã sai? Tôi tin rằng câu trả lời cho những câu hỏi này rất đơn giản: Chúng ta quên mất rằng, về mặt tâm lý, tất cả chúng ta đều sống trong những thực tế tách biệt riêng của mình. Phương thức mà chúng ta diễn giải cuộc sống và sự việc quanh ta đã chịu sự ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố mà hoàn toàn chỉ có trong cuộc đời của riêng ta. Thời
thơ ấu và những kinh nghiệm sống trước đây của tôi đã và sẽ tiếp tục khác biệt với bạn, bởi vậy nhận thức của tôi về cuộc sống sẽ phần nào khác hơn. Một sự kiện nào đó làm tôi bực mình, có thể sẽ là không đáng kể đối với bạn - và ngược lại.
Bí quyết để trở nên hòa nhã hơn và giảm sự quá khích là luôn tự nhủ rằng, việc tất cả chúng ta khác biệt nhau là không sao cả. Thay vì ngạc nhiên trước sự thật này của cuộc sống, bạn có thể biết cách chờ đợi trước, hoặc thậm chí là chấp nhận nó. Thay vì thấy bối rối khi có một người thân không đồng ý với mình, hãy tự nhủ rằng: “Dĩ nhiên là cô ấy sẽ nhìn vấn đề một cách khác hơn thôi.” Thay vì phải ở vào tư thế bảo vệ khi kiến giải của bạn về một sự việc lại khác biệt với một người khác, hãy xem bạn có thể nào quay sang biết ơn người ấy, và thích thú với những dịp rất hiếm hoi khi mà bạn có thể thật sự nhìn sự việc theo cách giống như vậy.
Bạn có thể đồng ý với sự bất đồng. Điều này không có nghĩa là cách nhìn của bạn kém phần quan trọng hay không chính xác, chỉ có nghĩa là bạn sẽ không quá bực mình với sự thật là những người khác không phải bao giờ cũng đồng ý với bạn, hoặc nhìn sự việc theo cùng một cách. Trong rất nhiều trường hợp, bạn có thể cần giữ vững những ý kiến và giá trị riêng của mình, và điều đó là tốt. Nhưng hãy làm thế với sự chân thành tôn trọng và hiểu biết đối với ý kiến của những người khác nữa. Khi bạn làm như thế, sẽ xóa đi rất nhiều sự căng thẳng và những tranh cãi có thể có. Trong hầu hết các trường hợp, người mà bạn bất đồng ý kiến sẽ cảm nhận được sự thành thật tôn trọng của bạn và rất có thể cũng sẽ giảm đi những phản ứng thái quá. Thêm vào đó, khi bạn áp dụng thái độ không phản ứng quá khích này vào trong việc giao tiếp, bạn sẽ tự thấy mình dần dần trở nên quan tâm nhiều hơn đến ý kiến của người khác. Và điều này sẽ làm cho bạn thấy thích thú hơn trong giao tiếp. Bạn sẽ biết cách khơi dậy được những gì tốt đẹp nhất nơi người khác, và đồng thời bạn cũng sẽ cống hiến được những gì tốt đẹp nhất của mình. Mọi người đều có lợi!
Tôi đã từng nhìn thấy sự thay đổi đơn giản trong cách nhìn như thế này giúp cải thiện nhiều quan hệ hôn nhân, bạn bè, cũng như trong gia đình. Điều này đơn
giản và mang lại cho cuộc sống rất nhiều niềm vui. Vì thế, hãy bắt đầu ngay hôm nay, xem bạn có thể nào đồng ý với sự bất đồng hay không. Một giải pháp rất đáng giá để bạn nỗ lực.
27. Đừng tự hạ mình
Điều này không hay, nhưng lại là sự thật. Một phần rất lớn trong chúng ta mắc phải thói quen tiêu cực là tự hạ thấp mình hoặc tự phê phán bản thân quá nghiêm khắc. Chúng ta hay nói (hoặc suy nghĩ) những điều như thế này: “Tôi mập quá.”, “Tôi không tốt.”, hoặc là “Tôi chưa bao giờ làm được điều gì đúng cả.” Bạn có mắc phải cái khuynh hướng không cần thiết nhưng rất phổ biến này không?
Vấn đề không hay đối với việc tự hạ thấp mình là, bất kể bạn có thật sự tuyệt vời đến đâu, hay có được bao nhiêu phẩm chất tốt đẹp, bạn vẫn luôn luôn tìm thấy được những chứng cứ cho những điểm xấu mà bạn muốn chỉ ra. Nói một cách khác, tất cả chúng ta đều có một khuynh hướng là tìm cách chứng minh cho những gì được giả định là đúng, bất chấp điều giả định đó là về việc gì. Bởi vì những suy nghĩ của chúng ta gần như luôn luôn có khuynh hướng tự cho mình là đúng. Lấy ví dụ, nếu bạn muốn giảm cân và quá chú ý vào 5 cân trọng lượng cuối cùng mà dường như không thể nào làm giảm đi thêm nữa, bạn sẽ luôn luôn chú ý điều đó khi đo lại vòng eo chẳng hạn. Bạn sẽ không thấy hài lòng và đánh giá cao một thực tế là, nhìn chung bạn đang ở trong một tình trạng sức khỏe thật tuyệt hảo. Hoặc là, nếu bạn tự nhủ rằng bạn “ghét cảnh sống chung trong gia đình”, bạn sẽ có khuynh hướng tìm kiếm, và bằng cách nào đó, gần như luôn luôn tìm thấy được, những chứng cứ về sự không hài lòng của mình đối với mỗi sinh hoạt gia đình. Thay vì vui sống với những thành viên gia đình mà bạn yêu thích, bạn sẽ có khuynh hướng nhận thấy một bà cô hay cao giọng, hay những người anh em có tính khoe khoang, khoác lác. Hoặc là bạn sẽ chú ý vào, và chỉ trích, một người nào đó trong gia đình hay chè chén thái quá. Bạn sẽ không thấy ngạc nhiên thích thú trước một sự thật là: nhìn chung thì gia đình bạn vẫn là một tập hợp những thành viên thật sự rất tuyệt vời.
Vì thế bạn có thể thấy rằng, nếu bạn tự hạ thấp mình vì bất cứ lý do gì, điều có thể dự đoán trước là rồi bạn sẽ tìm ra được những chứng cứ cho thấy việc đánh giá của bạn là đúng đắn. Và cũng từ điều này, có thể dự đoán tiếp theo, cũng chắc chắn như vậy, là bạn đang hạ thấp sự đánh giá bản thân, cũng như tạo ra những cảm giác tiêu cực. Tự hạ thấp mình cũng làm phát triển thêm, thay vì điều chỉnh lại, những khuyết điểm của bản thân, bằng vào việc tập trung sự chú ý
không cần thiết và tâm lực vào toàn những điều bất ổn đối với bạn, thay vì là vào những điều tốt đẹp.
Một vấn đề quan trọng để cân nhắc là: Tại sao bạn lại làm như thế, khi biết rằng kết quả chắc chắn sẽ dẫn đến chỉ là tăng thêm những viễn ảnh, những tình cảm tiêu cực và làm giảm thấp sự cảm nhận đối với cuộc sống tuyệt đẹp này? Tự hạ thấp mình cũng làm cho bạn trở nên có vẻ, đối với người khác, như là bạn đang
chịu đựng một điều bất hạnh nào đó. Những ai thường xuyên tự hạ thấp mình thường được cảm nhận bởi người khác như là những người hay than phiền và thiếu sự cảm nhận giá trị cuộc sống tự thân, chưa kể đến tấm gương xấu mà họ đang nêu ra cho con cái, gia đình và bè bạn. Tôi hy vọng là tôi đang bắt đầu thuyết phục được bạn rằng tự hạ thấp mình thật sự là một ý tưởng xấu và dẫn đến nhiều hệ quả khá nghiêm trọng cho bản thân.
Điều rõ ràng là, mỗi người đều có những khía cạnh nào đó mà họ có thể, hoặc mong muốn, hoàn thiện hơn nữa. Thí dụ như, một trong rất nhiều điều mà tôi mong muốn là có thể trở nên kiên nhẫn nhiều hơn nữa. Thỉnh thoảng tôi vẫn tự cảm thấy mình hơi quá khích và dễ chán nản - trong thực tế, tôi dám chắc điều này là đúng. Nhưng điều này không có nghĩa là tôi phải tự dằn vặt và hạ thấp mình chỉ đơn giản là vì tôi thừa nhận mình còn xa mức hoàn thiện. Làm như vậy chỉ có thể nhấn mạnh thêm vấn đề và khiến mình cảm thấy tồi tệ hơn so với mức thực tế. Tự biết rằng mình còn rất nhiều điểm cần phải hoàn thiện, và tự mình quyết tâm tiếp tục nỗ lực hướng đến việc rèn luyện thêm tính kiên nhẫn, đó là những gì tốt nhất mà tôi có thể làm được. Càng biết tha thứ và kiên nhẫn với chính bản thân mình, tôi sẽ càng dễ dàng hơn trong việc tiếp tục con đường hoàn thiện, và càng có nhiều khả năng duy trì lòng kiên nhẫn hơn nữa với người khác.
Cho dù là bạn đang làm việc trong bất kỳ lãnh vực nào, và bất kể là bạn muốn hoàn thiện những gì đối với bản thân, nên biết rằng một trong những điều tệ hại nhất mà bạn có thể mắc phải là trách cứ bản thân bằng sự tự phê phán. Hãy vươn lên và cố sức tự hoàn thiện, tự biết những điểm yếu kém của mình, làm bất cứ điều gì có thể được để tạo sự thay đổi - nhưng hãy dễ dãi với chính mình. Đừng tự hạ mình trước mặt những người khác, hay thậm chí chỉ là trong những suy
nghĩ riêng tư của bạn. Chẳng có ai lại muốn nghe bạn tự đánh giá thấp mình. Và tôi hy vọng là bạn đã bắt đầu nhìn thấy thói xấu này thật sự tai hại đến như thế nào. Vì thế, hãy vượt qua nó. Chẳng ai trong chúng ta được hoàn hảo, nhưng tự hạ thấp mình không phải là phương thức đối trị cho thực tế này trong cuộc sống.
28. Đừng nhắc lại những chuyện không hay
Giải pháp này đặc biệt thích hợp cho những ai sống chung cùng nhau. Có một hiện tượng rất thường thấy đối với hai người sống chung, cho dù họ làm việc xa nhà hay ở nhà suốt ngày, là gặp gỡ nhau vào buổi tối rồi dành thật nhiều thời gian và sinh lực để trao đổi toàn những chuyện đáng sợ. Cụ thể hơn, điều tôi muốn nói đến ở đây là hàng đống những mẩu đối thoại toàn hướng đến những chuyện vô bổ và tồi tệ đã xảy ra trong ngày. Những trao đổi này bao gồm cả chuyện một ngày qua khó khăn và mệt mỏi đến mức nào, bao nhiêu đòi hỏi đã trút lên người bạn, những bực dọc mà bạn phải đối mặt, những điều không thuận lợi, những kinh nghiệm xấu, những giây phút khó khăn, lũ trẻ con vòi vĩnh, những ông chủ gay gắt... Những chuyện đại loại là như thế. Dường như là nhiều người trong chúng ta muốn biết chắc rằng vợ (hoặc chồng) mình hiểu được cuộc sống của mình thật sự khó khăn đến đâu.
Có nhiều lý do để tôi tin rằng thói quen này là một sai lầm lớn. Trước hết, hầu hết chúng ta đều có rất ít thời gian mỗi ngày để tiếp xúc với những người thân yêu. Với tôi, dù chúng ta có trải qua một ngày khó khăn, cũng chẳng có ý nghĩa gì khi nhắc lại vào buổi tối. Việc nghĩ đến và bàn thảo về những sự việc không hay trong ngày cũng tương đương như là chịu đựng chúng thêm một lần nữa. Điều này tạo ra nhiều căng thẳng và làm khô kiệt tình cảm.
Lý do thứ hai là, chú ý quá nhiều vào những khía cạnh xấu trong ngày là tự biện hộ cho những tiêu cực. Nói cách khác, điều này nhắc nhở bạn về những căng thẳng và khó khăn của cuộc sống hằng ngày, và do đó làm cho bạn tin rằng cách sống khắt khe, phiền muộn và cáu gắt của bạn là thích hợp.
Một việc đơn giản như xóa bỏ đi, hay ít nhất cũng là giảm bớt, việc kể lại những câu chuyện không hay hằng ngày, có một khả năng gần như tức thì. Và trong chừng mực nào đó là kỳ diệu, trong việc làm cho bạn cảm nhận tốt hơn về cuộc sống. Không phải là bạn không có những điều cực kỳ khó khăn và nghiêm trọng để phải đối phó - chúng ta ai cũng có cả - nhưng việc than vãn với người khác về những khó khăn trong cuộc sống mang lại tai hại nhiều hơn là ích lợi. Khi bạn từ