"
Xóm Vắng - Quỳnh Dao full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Xóm Vắng - Quỳnh Dao full mobi pdf epub azw3 [Lãng Mạn]
Ebooks
Nhóm Zalo
Mục lục
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
XÓM VẮNG
Quỳnh Dao
www.dtv-ebook.com
Chương 1
Sương bước lên cầu, đứng dựa lan can nhìn làn nước trong xanh lặng lờ trôi giữa giòng sông. Ánh nắng lung linh trong ánh nước. Nàng đứng thẫn thờ nhìn dòng sông, rồi lại nhìn cảnh đồng ruộng bao la trước mắt. Nàng thở dài, không hiểu tại sao mình đến đây và đến để làm gì?
Bên kia cầu, một ngôi cổ tự nằm im lìm dưới rặng dương cao vút, và xa xa rải rác những thôn trang đang sưởi mình dưới nắng. Sương bước qua cầu, đi thẳng về phía thôn xóm tiêu điều. Trời tháng năm, ánh nắng càng lúc càng gay gắt, khó chịu. Mồ hôi nhễ nhãi, đôi chân nặng nề nhưng Sương vẫn cố lê chân bước tới. Hai bên đường, dấu vết chiến tranh còn in hẳn nét tang thương. Đây đó cây cối xác xơ, cành rơi lá đổ. Ngoài xa, những vườn rau, các luống hoa lài vừa mới vun bồi, gầy dựng lại.
Sương thở dài, tiếp tục lê chân. Nàng bỗng ngạc nhiên dừng lại trước một ngôi nhà đổ nát bên đường. Có lẽ ngôi nhà này bị phá hủy từ lâu, sao đến bây giờ chưa có ai sửa sang lại? Ngôi nhà cất theo lối mới, kiến trúc thật đẹp, tỉ mỉ, cứ nhìn qua những bức tường đổ nát và vườn tược còn sót lại chung quanh, cũng nhận thấy đó thuộc một gia đình vào hàng phong
lưu, khá giả.
Sương bước rẽ vào cổng nhà, trên cột trụ xi-măng tấm bảng đồng vẫn còn nguyên vẹn: "Mai Trang". Khung cửa sắt chỉ khép hờ, bên trong, lá khô đổ đầy mặt đất, cành gãy, gạch vụn rơi tứ tung, dây leo bám đầy vách. Nhìn cảnh "Mai Trang" hoang tàn đổ nát, lòng Sương buồn lâng lâng. Nơi đây chắc đã có một thời êm đẹp lắm. Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Chủ nhân của ngôi nhà này và luôn cả gia đình không còn một người sống sót chăng?
Sương lách mình qua cánh cửa sắt bước vào trong, ngồi nghỉ chân trên bực thềm. Ánh chiều đã xuống, nắng vàng còn lảng vảng trên mấy bức
tường màu xám xịt. Mấy đóa hoa hồng cố vươn mình giữa đám cỏ hoang lắc lư dưới cơn gió chiều. Nhìn cảnh hoang tàn, thê lương bất giác Sương thở dài.
Đâu đây có tiếng sột soạt trên lá khô khiến Sương giật mình lo sợ. Phía sau bức tường đổ, trong đám dây leo rậm rạp, có một chàng thanh niên từ từ đứng dậy. Sương suýt kêu lên một tiếng kinh hoàng, vì nàng không ngờ trong cảnh hoang tàn này lại còn có người ở. Có lẽ người ấy đã nằm trong góc tường từ lâu và sống như một bóng ma.
Nàng đưa tay bụm miệng, cố ngăn không cho tiếng la xuất phát ra ngoài. Nàng trố mắt nhìn chàng trai đang lững thững bước đi. Chàng đưa tay lần theo vách tường đổ, còn một tay chống gậy cồm cộp trên mặt đất,
đi ngay về phía nàng. Tim Sương đập thình thịch, nàng đang đứng giữa khoảng trống phía trước sân nhà, không một chỗ nào khuất để lẩn tránh.
Thanh niên đã nhìn thấy rõ ràng và có lẽ đã trông thấy rõ nàng từ lâu nhưng Sương đã lầm, chàng ta quờ quạng bước tới, tay chống gậy dò đường, một tay lần vách. Rõ ràng là một người mù, mặc dầu đôi mắt chàng vẫn không khác gì người thường.
Nàng thở một hơi dài trước hoàn cảnh đáng thương ấy. Nàng nhìn chàng trân trân, theo dõi từng bước đi của người tàn tật giữa cảnh hoang tàn đổ nát. Nhìn kỹ đó là một chàng thanh niên đứng tuổi, có lẽ đã xấp xỉ
cỡ 40. Nét mặt chàng in rõ vẻ ưu tư sầu khổ, có lẽ trong đời chàng đã gặp quá nhiều sóng gió. Rồi Sương lại thấy thích những nét mặt dày dặn, rắn rỏi, có nhiều sức chịu đựng như thế.
Chàng ăn mặc chỉnh tề, y phục may rất khéo, đó là một điều rất lạ đối với người đã bị tàn phế. Nhìn qua dáng điệu, nàng cũng đoán biết chàng là một người trong gia đình khá giả, nhưng tại sao lại đến nơi hoang vắng này? Chàng lần dò từng bước giữa những đống gạch vụn. Có lúc bị vấp chân, chàng loạng choạng muốn ngã. Bóng chàng nằm dài dưới ánh nắng chiều... Thỉnh thoảng lại chớp chớp đôi mi như suy nghĩ điều gì khó khăn lắm. Bóng người cô đơn tàn phế giữa cảnh hoang tàn khiến Sương xúc
động, đôi mi nàng ươn ướt lúc nào không hay. Bỗng nhiên chàng vấp phải một mẩu gạch to, người lảo đảo về phía trước suýt té.
Sương giựt mình không kịp suy nghĩ gì cả, vội chạy tới đỡ chàng: - Ý... Coi chừng.
Thanh niên giựt mình kinh ngạc, rồi chớp chớp đôi mi như cố nhìn Sương:
- Ai đó?
Giọng chàng trầm ấm nghe rất dễ có cảm tình... Sương không trả lời ngay được, mà chỉ ngẩng mặt nhìn chàng trân trân. Đã ngoài 30 tuổi rồi, đây là lần thứ nhất nàng mới nhìn thấy một gương mặt thanh niên in rõ nét đau khổ, xót xa và chan chứa những hy vọng tha thiết trong lòng.
Không nghe nàng trả lời, chàng lại hỏi tiếp:
- Ai vậy? Vừa... Vừa giúp tôi đó?
Sương thở ra nhè nhẹ, trấn tĩnh tinh thần:
- Dạ tôi.
- Tôi?... Mà là ai?
- Tôi... Tôi là Sương.
Rồi nàng giựt mình, không biết tại sao lại xưng tên với người ấy làm gì? Nàng tiếp:
- Ông không quen với tôi đâu, tôi chỉ đi ngang qua đây thôi, mới ghé lại ngồi nghỉ chân giây lát.
Thanh niên gật gù lắng tai nghe:
- Vậy thì tiếng thở dài tôi nghe hồi nãy không phải là ảo giác. Trong cảnh hoang tàn này mà có tiếng thở dài như thế không khác gì hồn ma bóng quế phải không cô?
Sương cau mày suy nghĩ rồi hỏi:
- Ông có đợi ai chăng?
- Cô bảo sao?
- Không... Không có gì cả.
Nàng nhìn gương mặt chàng... Gương mặt rắn rỏi đến nóng nảy hay dễ giận.
- Tôi chỉ hơi ngạc nhiên tại sao ông lại đến một nơi hoang tàn như thế này.
- Cũng như cô vậy, tại sao cô đến?
- Tôi à? Tôi chỉ muốn đến ngôi chùa gần đây chơi.
Chàng lại hỏi:
- Cô đi có một mình?
- Phải, tôi không có bạn thân vì đã du học ở ngoại quốc gần mười năm nay, mới trở về đây.
- À...
Dường như chàng không chú ý đến thân thế nàng, chỉ chú ý đến giọng nàng nói:
- Dù sao cô cũng nói tiếng mẹ đẻ thật khá.
Nàng cười:
- Thế à?
Sương biết rõ, tiếng mẹ đẻ nàng còn kém. Gần mười năm ở ngoại quốc ít khi nàng tiếp xúc với kiều bào khác nên không mấy khi dùng tiếng Việt. Vì vậy giọng nàng đã hơi lơ lớ, nặng nề.
Chàng gật đầu:
- Phải, tiếng Việt cô nói như người khác.
Chàng tiếp:
- Cô có cài hoa hồng trên áo phải không, tôi nghe thoang thoảng mùi hoa hồng.
- Vâng, tôi vừa hái hai đóa hồng ngoài hoa viên.
Chàng hơi ngạc nhiên:
- Ủa... Hoa viên còn có hoa sao?
- Còn hai khóm hoa hồng này chen chúc giữa đám cỏ hoang. - Cỏ hoang lại chen giữa cảnh nhà hoang tàn.
Giọng chàng buồn buồn:
- Trước đây cây cối, vườn tược ở đây xum xuê lắm.
Sương xúc động nói:
- Tôi có thể tưởng tượng ra điều đó. Chắc ông rất quen thuộc với chỗ này.
Thanh niên thở dài:
- Quen thuộc à? Hơn thế nữa, đây là nhà tôi, vườn tôi và những gian phòng ấm áp thân yêu của tôi.
Sương trố mắt nhìn chàng:
- Trời ơi! Như vậy ông đã mất mát quá nhiều...
- Phải, tôi bị mất tất cả... Mất một cuộc đời!
Giọng chàng trầm trầm như từ một cõi xa xôi vang lại. Sương lo lắng hỏi:
- Nhà bị cháy hả ông? Có ai bị nạn không?
Chàng lắc đầu:
- Không.
Nàng thở ra:
- Vậy thì còn có ngày kiến thiết lại.
Chàng hừ nhỏ một tiếng:
- Làm sao kiến thiết Hoàng Mai Trang này lại?
Rồi chàng lặng thinh, ngẩng mặt lên nhìn trời:
- Hình như đã xế chiều rồi phải không cô?
- Dạ phải, ánh nắng sắp tắt rồi.
Chàng vừa đưa tay quờ quạng tìm gậy vừa nói:
- Xin lỗi cô, tôi phải đi...
Bàn tay mò mẫm trên đám gạch vụn xung quanh. Sương cảm thương cho người tàn tật, nàng lấy gậy dúi vào tay chàng:
- Đây này, thưa ông.
- Dạ, cám ơn cô.
- Bây giờ ông về đâu?
- Cũng gần đây thôi, đi chừng một khoảng ngắn.
- Nếu có thể, ông cho phép tôi giúp đưa ông về.
Chàng lắc đầu:
- Cám ơn cô, không dám làm phiền cô, tôi đã thuộc đường, hơn nữa, tôi còn phải đón con tôi.
Tự nhiên, nàng vọt miện:
- Ông đã có con rồi sao? Bao lớn rồi ông... Ông định đón cháu ở đâu vậy?
Chàng hơi cau mày:
- Thưa... Hình như...
Sương cũng vừa nhận thấy mình quá lố... Nàng lắp bắp:
- Xin lỗi ông... Tôi...
Nàng đỏ bừng má, cúi đầu giấu sự lúng túng:
- Tôi... Chỉ vui miệng thôi. Tại vì tôi không có mấy bạn bè nên tôi... Nên tôi...
Nàng không nói hết câu, nhưng chàng cũng đoán được ý nàng nên mỉm cười dễ dãi:
- Dạ... Tôi hiểu, không có chi đâu cô.
Rồi chàng nói cho vừa lòng nàng:
- Con gái tôi mười tuổi rồi, nó học một trường trong xóm, hàng ngày thì nó về một mình, nhưng hôm nay sẵn ra đây nên tôi định bận về ghé đón nó luôn.
- Nếu có thể xin ông cho phép tôi đưa ông đón cháu, tôi... rảnh rang lắm, không có chuyện gì làm.
Chàng hơi khó chịu vì có một người cứ nằng nặc đòi giúp mình trong lúc mình không muốn. Chàng đáp giọng thản nhiên đến lạnh lùng:
- Nếu cô muốn.
Sương liếc mắt nhìn chàng, nàng hình như cũng nhận thấy chàng khó chịu, nhưng lúc đó chàng đi tới một khối đá lớn nên Sương vội nói:
- Ông... Coi chừng, có đá lớn trước mặt ông.
Nàng bước tới nắm đầu gậy:
- Để tôi dẫn ông đi.
Chàng đành gật đầu:
- Cám ơn cô.
Sương lặng thinh đi trước, hai người rời khỏi nơi căn nhà đổ nát bước ra con đường phẳng lì, dễ đi hơn. Sương để ý thấy chàng thuộc đường rất rành và giữa đám cỏ gai vào nhà đổ nát có một đường mòn nhỏ, chứng tỏ chàng đã đi đến thăm nhà này thường lắm. Một người mù đến ngôi nhà đổ nát để làm gì? Để ôn lại quá khứ, để làm sống lại những kỷ niệm chăng? Nàng khẽ liếc nhìn mặt chàng, chàng trở lại với gương mặt lạnh lùng nhưng đầy buồn bã. Nhìn gương mặt, khó đoán được chàng đang nghĩ gì trong lòng.
Đi một đọan nữa đến một gian nhà vách ván ba căn, khang trang sạch sẽ, đồ đạc trong nhà tuy không sang trọng nhưng chẳng có món nào dơ bẩn
cả, chủ nhân cũng khéo trang trí nên rất đẹp. Trước nhà trồng nhiều hoa rất đẹp, ngoài cổng có một tấm bảng nhỏ đề tên "Trần Văn".
Nàng hỏi thử:
- Ông Trần Văn...
Chàng ngạc nhiên:
- Sao cô biết tên tôi?
- Thì ông bảo là nhà ông ở gần đây, nãy giờ tôi thấy có ngôi nhà này nên đoán là nhà ông, còn tên ông viết ở tấm bảng nhỏ treo trước nhà kìa.
Chàng thanh niên gật đầu như chợt nhớ ra:
- Trí phán đoán của cô thật là phong phú. Cô làm nghề gì? Có phải đang viết văn không?
- Không, tôi đâu có tài đến mức ấy, mặc dầu tôi rất thích viết... Nàng nhìn chàng:
- Tôi đi ngoại quốc, học về nghành giáo dục, tôi chỉ là một giáo sư tầm thường sắp sửa ra trường.
- Cô có thể đổi sang nghề viết văn, dường như cô đang tìm cốt truyện để viết! Cô đi thăm một cảnh hoang tàn, gặp người mù và định tìm hiểu thân thế người bạc phước này để gầy dựng một thiên tiểu thuyết.
Nàng nhếch mép, cười chua chát:
- Ông Trần à, ông lầm rồi. Tôi không thấy thích gì về thân thế hay về câu chuyện riêng của ông đâu.
- Có thật thế không?
Sương lặng thinh, hai người đều như trầm ngâm suy nghĩ. Đi thêm một đoạn đường, Sương nhìn thấy một ngôi trường tiểu học, bọn trẻ đang lũ lượt kéo ra ngoài. Có mấy đứa đi về phía hai người. Sương đứng lại nhìn chúng, chúng tươi cười líu lo như một đàn chim nhỏ.
Trần hỏi:
- Tan học rồi hả cô?
- Phải.
Sương hơi lo lắng:
- Mình đến trễ, có lẽ cháu đã về trước rồi.
- Cũng có thể.
Thái độ rất bình thản, dường như không quan tâm mấy về chuyện đó. - Dáng người cao hay thấp? Chắc dễ thương lắm hả ông? Sương nhình quanh như cố tìm đứa bé.
Trần lẩm bẩm:
- Tôi cũng đang muốn biết con tôi như thế nào đó.
- Ủa?
Sương nhìn Trần ngạc nhiên:
- Ông không biết cháu như thế nào sao?
Nàng thở ra, lòng nghẹn ngào. Phải rồi, chàng là một kẻ mù làm sao nhìn thấy con được! Nhưng chàng ta đã mù từ bao lâu?
Trần quay lại:
- Thôi, tôi về. Chắc nó đã về nhà rồi.
Sương ngăn lại:
- Khoan... Ông đợi thêm một chút nữa đi.
Sương chợt thấy một đứa nhỏ từ phía trong trường bước ra, nó đi một mình, nước da trắng xanh, vóc mình gầy yếu, mớ tóc dài bỏ xõa phía sau lưng. Đó có phải là con của Trần không? Sương hồi hộp, nàng đoán chắc đứa bé ấy là con của chàng rồi vì nó rất giống Trần. Nàng chưa hề nhìn
thây đứa trẻ nào giống cha in hệt như thế: Đôi mi đậm, mắt to, sóng mũi cao, nhứt là nét mặt buồn buồn nhưng rắn rỏi không khác Trần một chút nào hết.
- Tôi nhìn thấy con ông rồi!
Nàng tiếp:
- Nó là một đứa bé gái đẹp lắm ông à!
- Sao cô dám quả quyết như thế?
Chàng vừa dứt lời đã nghe tiếng đứa trẻ mừng rỡ gọi lớn, nhìn thấy ba, nó lật đật chạy lại:
- Ba ơi! Ba...
Nó chạy đến nắm lấy tay cha, đôi mắt long lanh miệng mỉm cười sung sướng. Gương mặt trắng xanh của đứa bé đã ửng hồng:
- Ba đến đón con hả ba?
Rồi nó chạy tung tăng quanh mình chàng, vóc người gầy gầy, con bé trông như vừa mới lên sáu.
- Ba đi dạo, luôn dịp đến đón con.
Trần vẫn bình thản, giọng nói trầm trầm, thái độ dửng dưng ấy làm cho Sương khó chịu. Dường như Trần đã dửng dưng trước tình cảm nồng nhiệt vui vẻ của con. Thật là một người cha khô khan đến tàn nhẫn.
- Ba ơi!
Đứa bé chớp đôi mắt nhìn cha trìu mến, có áp má vào bàn tay Trần: - Ba đi một mình hả ba? Còn bác Du và Chị Châu đâu?
Trần giơ tay chỉ Sương:
- Cô đây đưa ba đi, con lại cám ơn cô đi.
Cô bé quay lại nhìn Sương. Trong giây phút ấy bỗng nhiên nàng có ý nghĩ muốn ôm gọn nó vào lòng. Đứa bé dễ mến làm sao!
- Thưa cô, con cám ơn cô.
Đứa bé khẽ cúi đầu, nhưng vẫn đứng sát bên cha, không hề rời một bước, tay nó vẫn nắm chặt tay Trần. Nó chỉ thi hành theo ý muốn của cha cho có lệ rồi liền quay lại với ba:
- Thôi về ba, ba đi cho cẩn thận. Coi chừng dưới chân.
- Con dắt ba đi... Oanh.
Oanh nắm tay cha đi tới, thật ra Trần cũng không cần phải để con dắt nhưng chàng làm như thế để cho Oanh vui.
- Thôi cha con mình về, trời tới rồi.
Oanh quay lại phía Sương:
- Con xin chào cô.
Nói xong đứa bé nắm lấy tay cha dìu đi theo lề đường.
Sương đứng nhìn theo sau lưng hai cha con, hoàng hôn lờ lờ, hai bóng người mờ dần rồi như chìm hẳn trong đêm tối. Trong phút dây này, lòng Sương bỗng chua xót lạ lùng. Một người cha tàn tật với một đứa con gái nhỏ. Mẹ nó hiện đang ở đâu? Đôi mắt Sương tràn đầy nước mắt lúc nào mà nàng không hay.
XÓM VẮNG
Quỳnh Dao
www.dtv-ebook.com
Chương 2
Suốt một ngày nhọc mệt, Sương mới dọn xong căn phòng riêng của mình. Nàng ngồi bên chiếc bàn viết xinh xắn, đưa mắt nhìn quanh một lượt.
Sương vẩn vơ suy nghĩ, không hiểu tại sao mình lại có những quyết định bất ngờ như thế. Với sức học như nàng, nàng có thể đảm đang nhiệm vụ giáo sư, nhưng nàng lại nằng nặc xin với ông chú ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục về làm hiệu trưởng ở một trường tiểu học vùng ngoại ô.
Ông Thưởng, chú nàng hơi ngạc nhiên:
- Thật chú không sao hiểu nổi cháu. Có trình độ như cháu ít ra cũng phải làm giáo sư mà cháu lại muốn đi làm hiệu trưởng ở một trường tiểu học. Mặc dầu trường đó sẽ mở thêm các lớp trung học, nhưng cũng còn lâu. Cháu phải biết, làm hiệu trưởng trường tiểu học lương không cao, thỉnh thoảng lại phải thế mấy cô giáo đi sinh nở, chăn bọn trẻ nhỏ không phải dễ đâu.
- Chú cứ yên tâm, cháu làm được, vì cháu thích trẻ, lại ưa cảnh đồng ruộng mát mẻ. Cháu ngán bọn học trò lớn bây giờ lắm.
- Nhưng tại sao cháu lại chọn trường đó? Trường khác cũng giống hoàn cảnh như thế có được không?
- Cháu chỉ thích trường B.T. vì ở đó có nhiều cảnh đẹp với ngôi chùa cổ thâm nghiêm.
o0o
ẳ
Nhìn qua dáng điệu, nàng có vẻ là một cô giáo hẳn hoi. Xong xuôi, Sương bước ra ngoài. Trời đã xế chiều, ánh nắng thật đẹp. Ra đến đường cái, hai bên là những luống rau chạy dài thẳng tắp, màu xanh tươi. Nàng đi được một đoạn đường là đến nhà Trần. Gian nhà dưới ánh nắng chiều trông thật dịu hiền, ấm cúng. Ngoài rào, xung quanh nhà trồng toàn hoa lài, loại hoa dùng để ướp trà.
Sương dừng chân nhìn vào nhà một giây, có tiếng xe rồ máy, tiếng mở cổng rồi bên trong chiếc xe hơi Dauphine từ từ chạy ra và quẹo bên đường cái chạy về phía thủ đô. Qua khỏi nhà Trần một đỗi là đến Mai Trang. Gian nhà hoang tàn ấy như có sức thôi miên nàng một cách kỳ dị.
Sương đứng do dự một hồi lâu rồi bước vào lách mình ngang hai cánh cửa sắt. Mấy cụm hoa hồng vẫn còn đó, nàng cúi xuống bẻ hai cành rồi đứng ngẩn ngơ nhìn mấy bức tường đổ trong giây phút mới quay trở ra. Cảnh chiều thật đẹp, gió hây hây, Sương thở một hơi thật dài, lòng nhẹ nhàng khoan khoái.
Nàng lẩm bẩm:
- Ta đã chọn một nơi thật đúng.
Về đến nhà, nàng cắm hai nhánh hoa hồng trên một bình nhỏ đặt trên bàn viết. Màu hồng của mấy đóa hoa khiến Sương có những cảm giác ấm áp, vui tươi.
Đêm ấy, nàng cứ ngắm nghía mãi những đóa hoa hồng. Bên ngoài, tiếng dế gáy êm nhẹ ngoài đồng ruộng mênh mông, giữa màn đêm đen đặc. Sương thẫn thờ suy nghĩ một lúc rồi keó ngăn tủ lấy xấp giấy viết thư ra ghi mấy dòng ngắn ngủi:
"Anh J... Thân mến,"
"Tôi thành thật xin lỗi anh và tôi cũng đã quyết định ở lại trên đất nước này, nơi chôn rau cắt rún, nơi tổ quốc thân yêu của tôi. "
"Tôi xin anh thứ lỗi cho và thành thật chúc anh tìm được một người bạn gái hoàn toàn hơn tôi về mọi phương diện”.
"Thôi không hiểu tại sao tôi lại có quyết định đột ngột như thế, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên. Một buổi chiều tôi đi dạo ngoài ngoại ô vắng vẻ, cảnh hoang tàn của quê hương và hình ảnh một người tàn tật cùng đứa con gái nhỏ không mẹ, giúp tôi có được ý thức về tổ quốc và đưa đến quyết định này. "
Chỉ viết được mấy câu rồi nàng buông viết thở dài. Nàng không thể nào nói hết tâm sự mình cho J... hiểu được. Có lẽ chàng sẽ cho nàng là một người quá lẩn thẩn hay gàn. J... đang chờ nàng để làm lễ thành hôn, nàng đã 30 tuổi rồi, đã đến cái tuổi cần phải có gia đình. Nhưng đã xa quê hương hơn mười năm, giờ đây khi trở lại quê cha đất tổ, với những người xung quanh dường như có quen biết nhau từ vạn thuở trước, bỗng nhiên tình quê hương sống lại.
Tựu trường đã được ba hôm, rồi Sương vào dạy thế cho một cô giáo đã đi sanh. Sương đứng trên bảng giảng bài, nàng chú ý một đứa bé ngồi hàng đầu, bên trái. Nàng thấy nó không chú ý nghe mà cũng không nhìn mình, chỉ chống tay lên cằm nhìn ra cửa sổ. Tự nhiên, Sương cũng nhìn theo hướng ấy. Bên ngoài một gốc cây to lớn, tàn cao bóng mát, ngoài xa là chân trời xanh xanh với những vầng mây trắng.
Nàng vụt ngưng giảng bài, gọi:
- Oanh!
Đứa bé không hay biết, nó vẫn nhìn ra tàng cây lớn và chân trời xanh nhạt ấy. Sương gọi to hơn:
- Oanh!
Nhưng đứa bé vẫn không nghe. Đôi mắt Oanh đen, hằn sâu, không giống những đứa bé khác ngây thơ, liếng thoắng. Sương cau mày:
- Oanh, nhìn gì vậy?
Lần này thì nó nghe và giựt mình quay lại. Nó sợ sệt, nó run run vịn bàn hỏi:
- Thưa... Cô gọi em?
Dáng điệu của nó làm Sương mềm lòng, nàng chậm rãi bước tới gần bàn. Oanh ngẩng lên nhìn, vẻ mặt sợ sệt như có vẻ đang chờ đợi hình phạt đến với mình.
- Sao Oanh không chịu nghe giảng bài?
Sương không ngờ giọng mình lại ôn tồn đến thế.
- Em nhìn gì đó?
Oanh chớp mắt, vẻ êm dịu của Sương khiến nó an lòng phần nào. Nó ấp úng:
- Dạ... Em nhìn tổ chim trên cây.
Oanh hạ giọng tiếp:
- Thấy chim me tha mồi về, em nhìn xem có chim con không.
Sương nhìn lên cây, quả thực giữa đám lá rậm có một tổ chim, nàng nhìn con bé không nỡ trách:
- Thôi, nghe giảng bài đi, đừng lo ra không hiểu được. Ra về em lại nhà cô, cô có việc cần hỏi em.
Nét mặt Oanh lộ vẻ ngạc nhiên:
- Dạ...
- Em đừng sợ.
Sương vỗ nhẹ lên vai Oanh. Hai vai nó gầy gầy, mảnh khảnh coi thật đáng thương.
Giờ tan học, Sương dẫn Oanh về nhà mình, nàng bảo nó đưa tập vở cho nàng xem trình độ của nó. Xem xong, Sương hơi ngạc nhiên không hiểu Oanh học như thế mà người ta cho nó lên lớp thì kể cũng lạ.
Nhìn nó đứng khoanh tay, vẻ mặt sợ sệt nàng thấy thương mến nó vô cùng. Có lẽ tại nếp sống hàng ngày của nó, tại gia đình của nó thế nào nên nó mới không được dìu dắt.
- Oanh, xích lại đây cô bảo.
Nàng nắm tay Oanh kéo lại gần mình, vuốt tóc nó hỏi:
- Hồi nãy cháu có hiểu bài cô giảng không?
- Dạ... Cháu...
Oanh ấp úng không nói hết. Giọng Sương càng ôn tồn hơn:
- Nếu không hiểu thì cứ nói với cô, cháu còn học dở lắm đó, phải cố gắng mới được.
Oanh nói:
- Dạ, hồi nãy cháu không hiểu.
- Cháu không hiểu chỗ nào?
- Dạ... Tự nhiên người ta đem gà với thỏ bỏ vô một chuồng rồi đếm chân đếm đầu xong bảo tính số con, bộ người ta không biết đếm chân thỏ riêng, chân gà riêng sao?
Sương mở to mắt nhìn Oanh, nàng không biết trả lời sao trước câu hỏi của nó. Một lúc sau nàng lắc đầu:
- Đó là người ta đố cháu để sau này cháu gặp phải việc khác giống như thế cháu sẽ biết tính.
Oanh lắc đầu:
- Nhưng... Đâu có ai nhốt chung gà với thỏ.
- À... Học toán phải như thế... Bây giờ mình thí dụ nhốt gà với thỏ để tính toán cho quen, mai sau lớn lên mình ra đời, mình sẽ biết suy nghĩ để tìm kết luân cho dễ.
- Dạ...
Oanh cúi đầu:
- Cháu... Cháu ngu lắm phải không cô?
Sương khẽ lắc đầu:
- Không, cháu đừng nghĩ thế. Cháu biết đặt câu hỏi như thế là cũng biết suy nghĩ rồi. Cháu cũng có vẻ thông minh, nếu cháu ráng học thì cháu giỏi ngay.
Oanh sung sướng cười tươi:
- Vậy thì cháu sẽ ráng học.
Gương mặt nó lúc đó thật rạng rỡ dễ thương.
Sương nhìn vóc người của Oanh:
- Nhà cháu có tất cả mấy người?
- Dạ nhiều lắm... Ba cháu, má cháu, dì Châu và bác Du... Dì Châu giúp việc trong nhà, bác Du lái xe...
Sương hơi ngạc nhiên, như vậy là nhà con bé giàu rồi. Nàng đắn đo một chút:
- Oanh... Má cháu có thương cháu không?
Oanh như giựt mình một cái, nó hơi lùi lại, nhìn Sương chăm chăm, vẻ mặt giận dỗi:
- Dạ... Thương chớ...
Nó ấp úng một lúc rồi tiếp:
- Ở nhà cháu ai cũng thương cháu hết mà, má cháu thương cháu nhiều nhất, má cháu thương cháu lắm...
- À...
Oanh cúi đầu, đôi môi mím chặt, giọng buồn bã:
- Cháu nói thật đó... Cô đừng nghe lời người ta nghe cô, ba má cháu thương cháu lắm.
Sương lắc đầu, nàng càng thấy thương con bé hơn. Như vậy là gia đình nó không êm ấm gì rồi. Vuốt mái tóc tơ của Oanh, Sương nói:
- Cô biết, cô biết ba má cháu thương cháu lắm, không ai nói bậy bạ về chuyện đó đâu.
Nàng đỡ cằm nó lên:
- Cháu về xin với ba má mỗi ngày ở lại nhà cô một giờ sau giờ học để cô kèm cho giỏi, nếu không, sợ cháu học lớp nhì không nổi đâu, năm sau thi rớt.
- Dạ, để cháu thưa với ba má.
- Thôi Oanh về đi.
- Thưa cô cháu về.
Sương lắc đầu nhìn theo Oanh, có lẽ nó đang sống thiếu thốn về tinh thần.
- Này... Cháu Oanh...
Con bé giựt mình, quay đầu lại.
- Cháu có anh em, chị em gì không?
- Dạ không.
- Ba má chỉ có một mình cháu?
- Dạ...
- Cháu còn ông bà không?
- Dạ, bà cháu mất cách đây vài năm. Còn ông cháu mất từ lâu, cháu không biết mặt ra sao cả.
Sương lặng thinh, một lúc chàng nói:
- Thôi cháu về đi.
Oanh đã đi khuất. Sương ngồi im lặng suy nghĩ trên chiếc ghế dựa, đôi mắt nàng vẫn lơ đãng nhìn ra phía ngoài đường.
Trong tay, Sương cầm cây viết chì, nàng thờ ơ cắn đoạn cao su trên đầu viết. Một cô giáo ở cạnh nhà bước vào khiến Sương giựt mình quay đầu lại nhìn:
- Cô đang nói chuyện với con Oanh hả? Con nhỏ đó có làm gì phiền không?
Người vừa hỏi là cô Ngọc, giáo viên lớp ba, tánh tình rất tốt. Cô ta còn trẻ, đã dạy tại đây mấy năm rồi.
Sương lắc đầu:
- Không có gì. Nó dở toán, tôi muốn trò chuyện riêng để hiểu thêm. Nó thật là một đứa nhỏ đặc biệt.
- Đúng vậy, con nhỏ đó cũng lạ lắm.
Nói xong, Ngọc ngồi sề xuống chiếc ghế đối diện với Sương:
- Nếu cô xem văn nó, cô sẽ không ngờ đó là văn của đứa bé 11 tuổi. - Ủa, Oanh viết văn hay lắm sao cô?
- Hay lắm, trí tưởng tượng của nó thật dồi dào khiến ai cũng phải ngạc nhiên.
Rồi Ngọc lại nói:
- Một đứa bé có thiên tài như thế làm khổ chúng mình lắm. Mỗi năm, vấn đề có nên cho nó lên lớp hay không làm mình bận trí. Phải bàn mãi với ban giám đốc. Nó rất dở toán, nhưng quốc văn lại giỏi lạ lùng. Nhưng cô cũng nên chú ý, tánh nó khó lắm.
- Khó là sao?
Ngọc mỉm cười:
- Tài dối trá của nó chúng mình cũng khó có thể mà theo kịp. Sương cau mày khó hiểu:
- Thế à?
Ngọc kéo ghế ngồi sát lại gần:
- Cô mới tới, chắc chưa hiểu chuyện gia đình ấy đâu.
Ngọc hạ giọng, ra vẻ như câu chuyện có nhiều u uẩn ly kỳ. Từ xưa đến nay bản năng sẵn có của người đàn bà là thích kể chuyện này, chuyện nọ cho người khác nghe.
Sương cau mày:
- Câu chuyện của gia đình ấy? Chuyện gì vậy cô?
Sương nhìn Ngọc, trước mắt nàng hình dáng của Trần, người thanh niên tàn tật lại nổi lên lờ mờ.
- Ba của Oanh là Trần. Trần Văn, cô có biết người ấy không? Sương lắc đầu.
Ngọc tiếp:
- Cô chưa biết gì về chuyện ấy cả. Ở đây, ai ai cũng rõ chuyện gia đình ông Trần, cô có thấy những khu vườn bát ngát xung quanh đây không? Tất cả đều là của ông ta đó. Chẳng những ông có vườn tược, mà ở dưới thủ đô, ông cũng có một hiệu buôn lớn chuyên bán sỉ về các tỉnh. Ở đây, ai cũng cho rằng ông ấy là người giàu nhất vùng này, vì thế cho nên khi ngôi biệt thự bị cháy, ông ta cứ bỏ luôn như thế, không thèm sửa sang lại, mà đi cất nhà khác để ở.
Sương ngạc nhiên:
- Ông ấy bỏ cả ngôi nhà cũ à?
- Cô có thấy ngôi nhà hoang tàn cách đây không xa không? Đó là Hoàng Mai Trang.
- Tôi thấy...
- Vợ chết, nhà cửa tan tành, dường như ông ấy muốn để nguyên như thế để tưởng nhớ người xưa, thường thường ông ta hay đến đó như để nhớ lại bóng dáng người xưa.
Sương ngạc nhiên:
- Ủa, vợ ổng chết rồi sao?
- Đó là người vợ trước, mẹ ruột của Oanh, còn người vợ này là kế mẫu. - À...
Sương liếc mắt nhìn tập vở của Oanh đang để trên bàn.
- Có người lại bảo Oanh cũng không phải là con ruột của ông Trần.
Ngọc ngưng giây lát, như để cho cuộc nói chuyện có phần hứng thú thêm, Sương sốt ruột hỏi:
- Cô bảo sao?
Ngọc tiếp:
- Nghe nói người vợ trước của ông ấy là một người rất đẹp mà lại có tánh hay e thẹn, dường như đó là một người làm công cho ông ta ở tiệm buôn dưới Saigon. Ông ta mê cố ấy, mặc dầu gia đình phản đối dữ dội, ông vẫn đem về nhà ăn ở. Sau đó hai năm, sanh con Oanh. Bà ta thường ở dưới tiệm lo buôn bán, rồi có tiếng đồn sao đó, ổng nổi ghen đuổi đi, bả phẫn uất, nhảy xuống sông tự vận... Vì thế có người nói rằng Oanh cũng không phải là con của ông Văn.
- À...
Nhưng Sương thấy rõ là Oanh rất giống Văn.
Ngọc tiếp:
- Lúc mới sanh ra, Oanh không được cha thương mến, rồi sau đó khi có mẹ ghẻ, nó lại càng khổ sở hơn... Hơn nữa, ông Văn lại mù...
- Ông ấy mù bao lâu rồi?
- Chừng vài năm nay...
- Tại sao mù vậy cà?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không rõ, có kẻ nói ổng bị nhiễm nhằm chất độc, người lại nói ổng bị thương đôi mắt trong lúc nhà cháy... Nhưng trong gia đình ấy có nhiều điều khó hiểu lắm... Không sao quyết đoán được.
- Như vậy là kế mẫu chắc không thương Oanh?
Ngọc chỉ nhếch mép cười ý nhị...
- Nhất định Oanh sẽ cho cô biết là mẹ ghẻ nó rất thương nó, tôi nói như thế có đúng không? Nếu như cô thích nó, cô sẽ biết thêm được nhiều chuyện rất lạ trong gia đình ấy... Cô đã nghiên cứu về nền giáo dục ở nước ngoài hiểu nhiều tâm lý trẻ con, Oanh là một đối tượng rất tốt và cần phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm... Cô tìm cách gần gũi thân mật với nó, tôi tin rằng...
Ngọc mỉm cười nhìn Sương lặng thinh, trong trường, các cô thầy đều đồn rằng vì Sương thích con bé ấy, muốn tìm hiểu nó nên mới xin đến... Chớ không phải đến vì muốn có việc làm...
Ngọc tiếp:
- Oanh sẽ làm cho cô gặp nhiều điều lạ lùng đáng ngạc nhiên lắm. Cô cứ thử xem lời tôi nói có đúng không.
Ngọc đứng dậy nhìn ra ngoài, mặt trời đã khuất sau rặng cây từ lâu... Bóng hoàng hôn tràn ngập khung cửa sổ, vào bên trong nhà.
- Trễ quá rồi... Xin lỗi tôi về...
Ngọc nhanh nhẩu bước ra ngoài. Sương nhìn theo phía sau lưng Ngọc, đến khi bóng cô ta khuất hẳn, nàng lại ngồi xuống ghế thẫn thờ nhìn cảnh vật bên ngoài đang chìm lần trong bóng đêm.
o0o
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ... Sương ngẩng đầu lên:
- Cứ vào.
Cánh cửa mở, Oanh mang cặp bước vào rồi quay mình ra khép cửa. Nó tới gần bên nàng:
- Thưa cô...
- Cháu ngồi xuống ghế đi.
Nàng nhìn Oanh mỉm cười:
- Cháu biết không, kèm cho cháu một tuần thấy cháu tiến bộ rõ ràng. Bây giờ mới biết cháu đâu có học dở, tại cháu chán nản việc gì nên không cố học thôi.
Oanh chỉ cúi đầu lặng thinh thở ra.
Sương mỉm cười:
- Ủa, tại sao lại thở ra? Bắt chước ai vậy? Bắt chước ba hả? - À... Ba...
Oanh như chợt nhớ ra điều gì, nó mở cặp, cầm một phong thư trao cho Sương:
- Suýt chút nữa con quên... Ba con bảo trao bức thư này cho cô... - Gì đó?
Sương cầm chiếc bao thư dày cộm... Mở ra, bên trong là một xấp giấy bạc xếp cẩn thận... Sương nghiêm sắc mặt nhìn Oanh:
- Tiền gì đây?
- Dạ... Ba con bảo, cô tốn công kèm thêm cho con giỏi... Nên gởi cho cô.
- Như vậy là tiền kèm cho Oanh đó hả?
Sương mỉm cười bỏ xấp giấy trở vào bao thơ trao lại cho Oanh:
- Cháu đem về trả lại cho ba... Cô kèm thêm cho cháu không phải để lấy tiền đâu. Cô đã có đủ tiền để chi dụng, lấy thêm làm gì?
Oanh lúng túng:
- Nhưng ba dặn con đưa cho cô, nếu đem trở về, con bị rầy. Sương hơi lo ngại:
- Ba cháu thường hay rầy cháu không?
Oanh lắc đầu:
- Dạ... Không... Từ trước đến nay, chưa bao giờ ba con rầy con cả... Ba rất thương con.
Oanh mở to đôi mắt nhìn Sương hồi lâu rồi thỏ thẻ tiếp: - Hôm qua là ngày sinh nhật của con...
- Thế à?
Sương chưa đoán được ý định của Oanh.
- Chính con, con cũng quên.
Thái độ của Oanh thật thà, ngây thơ.
- Lúc tan học trở về nhà, nhìn thấy chiếc bánh lễ, nến thắp sáng nhà, con đang ngạc nhiên thì ba con ôm con vào lòng nói: "Con cưng của ba, chúc con được vui vẻ luôn”.
Oanh sung sướng nói:
- Ba con gọi con là cưng vì chắc ổng không biết con đẹp hay xấu, cao hay thấp thế nào. Rồi má con trao cho con một chiếc hộp, cô biết trong đó có cái gì không?
Oanh chớp chớp mắt nhìn Sương mỉm cười. Sương cũng cười: - Có gì trong đó?
- Một con búp bê thật đẹp và lớn... Tóc vàng, nó biết nhắm mở mắt nữa. Để mai con mang cho cô xem. Má con chọn đó, bà biết con thích búp bê. Con thích búp bê từ nhỏ, con có nguyên một tủ đựng búp bê, con đặt tên cho chúng tất cả. Cô biết con búp bế mới con đặt tên gì cho nó không?
- Cháu đặt tên gì?
- Nó tóc vàng. Mái tóc vàng óng và mũi cao của nó đẹp lắm, phải cô thấy cô khen liền hà. Con đặt tên nó hay lắm...
Sương nhìn gương mặt ngây thơ của Oanh. Trong giây phút ấy, nàng thấy những nét buồn buồn, già dặn của con bé biến mất cả.
- Cháu có nhiều búp bê ở tại nhà sao má cháu còn mua thêm nữa? Oanh nhướng mày:
- Càng nhiều, chúng nó có bạn càng vui hơn nữa.
Oanh hình như chẳng được vui vì thiếu bạn bè, Sương nghĩ thế qua câu nói của nó.
- Bình thường, cháu ít khi vui lắm hả Oanh?
Oanh lắc đầu:
- Dạ không, má con ở bên con luôn. Khi con thức dậy, má con chải đầu chứ không để dì Châu chải cho con, rồi má còn ăn sáng với con trước khi sửa soạn cho con đi học. Tối đến, con học bài, má con ngồi gần con, khi ngủ con cũng ngủ chung với má nữa.
Đôi mắt Oanh sáng hẳn lên như tràn trề hạnh phúc:
- Má con tốt nhất trên đời phải không cô?
- Ờ... Như thế thì con hạnh phúc lắm. Thôi, mình gác chuyện đó lại, chúng ta làm toán thêm đã.
Oanh nhìn Sương, hỏi như van lơn:
- Học hả cô... Thế cô không thích nghe con nói chuyện sao? - Thích lắm chớ.
Nàng nắm lấy tay Oanh:
- Nhưng chuyện học hành quan trọng hơn.
Nàng bỗng nhìn tay Oanh kinh ngạc:
- Ủa...
Oanh cũng giựt mình, nó định rút tay lại nhưng không kịp, Sương nắm chặt tay nó:
- Oanh, sao... vầy nè?
Trên bàn tay cô bé, đầy những vết tím bầm, có chỗ sưng vù, chứng tỏ nó bị đánh rất nhiều. Vì Sương nắm chặt nên Oanh đau đớn, nhưng nó vẫn bặm môi chịu đựng không kêu la:
- Con... Con té mà cô.
- Té à? Té mà như thế này.
Nàng nhìn thẳng vào mặt Oanh:
- Cháu nói thật đi, không cô sẽ hỏi ba cháu à?
Oanh có vẻ sợ sệt:
- Thôi... Thôi cô đừng hỏi ba cháu.
Nó nắm lấy tay nàng mếu máo:
- Cô đừng nói với ba cháu... Tội nghiệp cháu mà cô...
Sương lắc mạnh vai Oanh:
- Có ai ăn hiếp cháu, đánh cháu phải không?
- Cô ơi...
Hai dòng lên chảy dài trên má Oanh. Nó khóc:
- Cô... Đừng cô ơi...
Sương đứng lên:
- Đi với cô, cô phải nói cho ba má cháu nghe chuyện này, cháu bị ăn hiếp rõ ràng mà.
Oanh ôm chặt lấy Sương nghẹn ngào:
- Cô đừng nói với ba cháu. Ba cháu bị mù mà. Má cháu đánh cháu để ba cháu tức giận đó. Bác sĩ bảo không được làm cho ba cháu giận... Cô đừng nói nghen cô...
Oanh ngã vào lòng Sương khóc rưng rức. Sương cảm thấy trong lòng đau xót vô cùng.
- Cháu bảo sao? Má cháu đánh cháu à?
Sương không ngờ chuyện lại như vậy. Oanh vẫn khóc:
- Cô ơi... Cô thương con... Cô đừng nói lại với ba con nghen cô... Ba con buồn lắm...
Nàng đỡ cằm Oanh lên, nhìn vào gương mặt đau khổ xanh xao ấy, gương mặt đầy nước mắt ấy mà thương cảm vô cùng. Nàng không ngờ một đứa trẻ mảnh mai, ốm yếu như thế đã phải mang lên vai một gánh nặng nề.
Oanh ràn rụa nước mắt, gật đầu không đáp. Sương ôm nó vào lòng, nàng cũng không cầm được nước mắt:
- Nhưng má cháu thương cháu lắm mà, má săn sóc từng chút cho cháu đó, sao lại đánh cháu như thế?
Oanh ấp úng nhìn nàng như xin tha thứ:
- Dạ..Thưa cô...
- Cháu đã đặt ra như thế phải không?
Oanh khẽ gật đầu:
- Còn ngày sinh nhật cháu cũng đặt ra? Nghĩa là hôm qua không có gì cả.
Oanh cúi đầu lặng thinh.
- Sao cháu dối cô làm chi vậy?
Oanh vẫn im lặng. Sương hỏi tới:
- Tại sao vậy?
Nó cúi đầu nói nhỏ:
- Tại con sợ cô biết má con xấu, cô biết má con rồi cô mét với ba con. Sương lắc đầu:
- Không, cô không nói đâu. Mà bộ má cháu hay đánh cháu thường lắm hả, phải không Oanh?
Oanh chớp mắt, hai dòng lệ chạy dài trên má, nét mặt của nó đầy những nét đớn đau, các vẻ hồn nhiên của một đứa bé đã mất hẳn trên mặt nó rồi.
- Chắc cô cũng biết má con không phải là má ruột.
Giọng Oanh bỗng trầm trầm, bình thản như không có gì đau khổ nữa cả. Nó tiếp:
- Con đâu có thể đòi hỏi má con phải thương con y như má ruột, phải không cô? Hơn nữa, ba con đã đối xử không phải với bà ấy, bả tức giận đánh con cho đã...
Oanh lắc đầu thở ra rồi nhìn Sương với đôi mắt chịu đựng, kiên nhẫn nhưng rất dịu hiền.
- Con phải giữ kín, không để ba con biết chuyện này. Cô cũng giữ kín gím con nghen cô?
Sương cảm thấy chua xót trong lòng. Một đứa trẻ mảnh mai gầy yếu, đâu tội tình gì mà phải gánh chịu đau khổ cả tinh thần lẫn vật chất như thế này. Nàng nhìn đứa bé đau khổ nhưng đáng mến một lúc lâu rồi kéo nó vào lòng, vuốt lên mái tóc óng mượt của nó:
- Cô sẽ giữ kín chuyện này. Nhưng từ rày trở đi Oanh đừng nói dối với cô nữa nghen?
- Dạ.
- Và nhớ hễ khi nào má đánh thì phải nhanh chân chạy, có thể đến đây nữa. Nhưng cháu đừng đụng chạm gây gổ với má cháu làm gì, cháu nhớ kỹ nghen.
Oanh ngửng đầu nhìn Sương với đôi mắt mến thương, cảm động. Trẻ con rất nhạy cảm, ai yêu mến, thương chúng chúng biết ngay.
- Dạ, con xin vâng lời cô.
Nó lắc đầu tiếp:
- Nhưng cô đừng gặp bà ấy làm gì. Bả không phải là người xấu, nhưng vì có điều bực dọc nên khó chịu. Ba con cũng thường nạt nộ bả luôn. Ba con thường mắng: "Mày không bằng nửa vợ tao trước kia". Như vậy chắc mẹ ruột con còn sống chắc con sung sướng lắm hả cô?
Sương lặng thinh, vuốt tóc Oanh trìu mến.
- Thưa cô?
Oanh đẩy cửa bước vào. Sương quay lại hỏi:
- Gì vậy Oanh?
- Dạ, ba con mời cô chiều nay lại nhà con dùng cơm. Sau buổi học con đưa cô về nhà. Cô đi với con nghe?
- Ăn cơm chiều à?
Sương ngạc nhiên hỏi tới:
- Có tiệc gì hả cháu?
- Dạ không, ba cháu chỉ nói là mời cô tới dùng bữa cơm xoàng vậy thôi. Sương mỉm cười:
- Cháu có nói với ba về cô hả?
- Dạ có, cháu nói cô rất thương Oanh, ba hỏi nhiều việc lắm, con nói thật hết cả.
- Ba cháu hỏi những chuyện gì?
- Ba hỏi tánh tình cô như thế nào, cô dạy có hay không và cô đẹp hay xấu?
Sương lại mỉm cười:
- Rồi cháu trả lời sao?
- Dạ...
Oanh dựa người vào nàng cười tươi:
- Dạ con bảo là cô đẹp nhất, dễ mến nhất trên tất cả thế gian này.
Sương bật cười dòn:
- Vậy mà cháu bảo đúng sự thật đó à?
Oanh nắm tay nàng:
- Cô đi với con nghen cô, cô đi cho con vui, hôm nay má con không có ở nhà.
Sương nhìn Oanh:
- Má con đi đâu?
- Dạ đi Đà Lạt, ba bốn hôm mới về.
- Má cháu ít ở nhà lắm hả Sương?
- Dạ.
Sương suy nghĩ một lúc:
- Được rồi, cô sẽ đi.
Oanh reo lên:
- Thật hả cô? Vậy chiều nay tan học con lại cô, con đưa cô đi, gần lắm. - Được rồi, cô biết nhà.
Oanh mỉm cười sung sướng rồi quay mình bước đi tới trường.
Sương lặng thinh suy nghĩ những lời con bé vừa nói: "Cô đẹp nhất, đáng mến nhất...". Nàng thở dài ngồi xuống bàn phấn, trang điểm sơ sài.
Nhìn lại mình trong gương. Sương lẩm bẩm:
- Trang điểm làm gì kìa? Người ta có nhìn thấy gì đâu.
o0o
Oanh nắm lấy tay Sương kéo nhanh vô nhà...
Ngoài vườn, nhiều loại hoa hiếm được vui trồng thật kỹ nên rất tốt tươi, nhưng không có loại hoa mà Sương thích nhất: Hoa hồng.
Phòng khách không rực rỡ sang trọng gì, nhưng được trang trí rất mỹ thuật, chỉ thanh nhã chứ không chút rườm rà. Hai bên có cửa sổ nhỏ trông ra vườn, trên tường và bức tranh sơn dầu rất đẹp.
Sương nhìn quanh một lượt, nàng công nhận là lối trang trí này khéo léo. Nhưng theo nàng thì còn vài chỗ sơ suất như nệm sa lon, màu cửa tươi chói quá không hợp với vẻ thanh nhã của gian phòng.
Oanh chỉ tay:
- Cô ngồi đi cô.
Rồi nó quay vào trong gọi lớn:
- Dì hai ơi, dì hai.
Một người đàn bà bước ra nhìn Sương ngạc nhiên.
- Dì hai, pha gím con một bình trà nghen.
Nó bước lại hỏi nhỏ:
- Ba con đâu rồi?
- Ở trên gác.
Vừa nói người đàn và vừa cúi xuống hôn tóc Oanh trìu mến, tự nhiên Sương thấy mến người đàn bà này ngay.
- Má con đi hồi sáng rồi.
- Thật hả dì? Để con lên gác kêu ba.
Vừa để cặp sách, nó vừa nói với Sương:
- Cô chờ con chút nghen.
Sương mỉm cười nhìn Oanh rồi chạy nhanh lên gác.
Dì hai bưng trà lên, hương trà thật thơm, từ nhỏ đến giờ chưa bao giờ Sương nếm được trà ngon như thế. Nàng nhớ lại Ngọc đã nói với mình là nhà Oanh có vườn cây ăn trái và có tiệm trà ở thủ đô. Hèn gì trà ở đây uống thì phải thuộc lại đặc biệt rồi.
Nhìn quanh, Sương nhận thấy phòng ăn chỉ cách phòng khách bởi một tấm bình phong mỏng bằng lụa màu thôi.
Bỗng nhiên, Sương thấy tim mình hồi hộp lạ, bên tai nàng như văng vẳng những tiếng:
- "Hãy rời khỏi đây, hãy rời khỏi nơi đây ngay... Mau lên...”.
Nhưng tại sao phải rời khỏi nơi đây? Sương hoang mang không biết làm sao cả. Nàng thấy đầu có như choáng váng, cảnh vật phía trước mờ hẳn lại, những tiếng như cứ bảo nàng rời khỏi vang vang trong đầu Sương, như hối thúc càng lúc càng gấp.
Nhưng không lẽ Oanh âm mưu hại nàng sao? Vô lý. Sương vỗ trán cố trấn định tinh thần.
Oanh dìu cha từ lầu xuống sa lon:
- Ba, cô con ngồi đây nè.
- Chào ông.
Sương chìa tay theo thói quen, nhưng nàng vội rụt lại vì Trần có nhìn thấy gì đâu.
Trần hơi nhíu mày:
- Xin lỗi... Giọng cô quen quá, hình như tôi đã được biết cô...
- Dạ phải, tôi đã gặp ông ở Hoàng Mai Trang và đã đưa ông đi đón con gái về.
- À, phải rồi. Như thế cô đây là người đi tìm đề tài để viết văn à. Sương lắc đầu:
- Không ông à, tôi đâu biết viết lách gì.
Trần quay sang Oanh:
- Sao con không cho ba biết chính cô đã đi đón con với ba lúc trước. Oanh ngạc nhiên:
- Dạ, con không nhớ rõ.
Sương cười:
- Nó còn nhỏ mà. À, ông có vườn hoa đẹp quá. Phòng khách cũng trang nhã lắm.
- Thật à, theo tôi thì chưa hoàn toàn vì vợ tôi bảo để những miếng vải bàn đó, chắc coi kỳ lắm phải không cô?
Chàng so vai tiếp:
- Những màu đó để trong các quán cà phê, các bar thì được chứ trong phòng này, trang trí như thế này coi trái lắm.
Sương cười:
- Sao ông không đổi lại?
- Đổi chi nữa cô, tôi có thấy gì đâu mà đổi?
Sương biết mình lỡ lời nên lúng túng, nâng không biết nói sao để an ủi Trần.
Trần nói sang chuyện khác:
- Tôi rất cảm ơn cô đã lo lắng và săn sóc cho con Oanh.
- Thưa ông, đó là điều dĩ nhiên vì Oanh là học trò của tôi. Trần ngạc nhiên:
- Chỉ có thế mà cô lo cho nó như vậy à?
Sương cười:
- Chắc chắn là có chút đặc biệt chứ.
Nàng kéo Oanh vào lòng:
- Nó ngoan và rất dễ mến nên tôi thương nó nhiều hơn những học trò khác.
- Cám ơn cô.
Chàng cười vui vẻ rồi bảo Oanh:
- Con nói dì hai lo dọn cơm đi, ai cũng đói rồi.
Oanh dạ rồi đứng lên chạy ra sau bếp.
Trần nhìn về hướng Sương hạ giọng:
- Oanh dễ mến thật hả cô?
Sương ngạc nhiên:
- Đáng lý ông hiểu nó nhiều hơn tôi chứ.
- Không, tôi muốn hỏi theo ý của cô con Oanh như thế nào?
- Thì tôi đã nói Oanh dễ thương lắm.
Trần lặng thinh hồi lâu:
- Thật cũng lạ, cô và nó dường như có sợi dây liên lạc vô hình nào, nó nói tới cô suốt ngày, bảo là cô đáng kính mến hơn bất cứ ai trên đời này.
Sương cười xòa trong khi bà hai và Oanh đang bưng đồ ăn lên.
Bữa ăn chỉ có ba người nhưng dì hai làm tới 6 món ăn, chưa kể món canh chua.
Sương tò mò muốn nhìn Trần ăn, nàng không biết người mù như chàng làm sao biết chỗ đặt thức ăn. Nhưng nàng chợt thấy Oanh lo rất chu đáo cho cha, nó cứ gắp cho Trần mãi mà nhiều lúc quên cả mình.
Oanh nhắc luôn miệng:
- Thịt gà đây ba...
- Còn thịt nấu canh đây ba...
- Tô canh con múc cho ba con để trước chén ba đó.
Giọng Oanh trong trẻo, dễ thương, nó lo cho cha với thái độ thật tự nhiên, và cố tránh không để cho Trần áy náy vì sự săn sóc của nó.
Oanh cười nói với Sương:
- Ba con ít khi xuống phòng này ăn lắm, thường ba con ở trên gác và có một loại mâm ăn đặc biệt cho người mù tiện lắm cô.
Sương nhìn nó cảm động:
- Oanh ngoan lắm.
Ba người nói chuyện với nhau suốt bữa ăn.
Rồi họ trở ra phòng khách sau bữa cơm, dì hai lại bưng trà lên, Sương nhìn tách trà:
- Trà này ánh xanh xanh chắc hiếm lắm hả ông?
Trần đang định mồi điếu thuốc thơm nghe nàng nói chàng ngưng lại có vẻ suy nghĩ rồi nói:
- Cô cũng biết trà của gia đình tôi à?
- Dạ, trong vùng ai cũng biết.
Sương nhìn Trần như tìm hiểu, với người mà nàng không cần e dè, giữ miếng gì cả.
Trần lắc đầu:
- Rất tiếc là cô chưa được dùng loại trà hoa hồng.
Chàng tiếp giọng buồn buồn:
- Từ lâu chúng tôi không còn sản xuất lại trà đó nữa.
Trần im lặng một lúc như suy nghĩ điều gì rồi bỗng ngẩng lên: - Oanh đâu rồi con?
Oanh đáp ngay:
- Dạ, con đây.
Nó bước lại cầm tay cha:
- Chuyện gì vậy ba?
Chàng nói như ra lệnh:
- Con vào trong học bài đi, ba có chuyện cần nói với cô giáo.
- Dạ.
Dường như Oanh còn luyến tiếc cảnh thân mật ấy nên chưa muốn đi khỏi ngay. Nó quay lại nhìn Sương chớp mắt như ra hiệu nhắc nàng giữ kín những chuyện đã xảy ra.
Sương mỉm cười khẽ gật đầu. Trần nói thêm:
- Oanh à... Con chưa chịu đi sao?
- Dạ... Con đang đi đây ba.
Rồi nó quay mình chạy nhanh lên gác.
Sương ngồi dựa trên sa lon, hớp một ngụm trà... Nàng nhìn Trần: - Thưa ông...
Trần rít một hơi thuốc dài, chàng lặng thinh một lúc rồi hỏi: - Cô giáo... Năm nay cô được bao nhiêu tuổi rồi?
Sương giựt mình, nàng lúng túng:
- Tôi đã nói cho ông biết là tôi không còn trẻ. Ở ngoại quốc người ta... Ít hỏi tuổi đàn bà...
Trần nhướng mày:
- Tôi xin lỗi cô... Và hiện giờ cô nhớ là cô đang ở nước mình. Rồi chàng nói sang vấn đề khác:
- Cô chưa có gia đình à?
Sương ngạc nhiên lúng túng, nàng cố bình tĩnh đáp:
- Dạ... Thưa ông, nhưng ông hỏi chi vậy? Đâu có lệnh ông mời tôi tới đây để điều tra?
Trần mỉm cười:
- Dĩ nhiên là tôi đâu dám điều tra cô. Tôi chỉ lấy làm lạ, một người đẹp như cô, lại có du học, tại sao lại đến làm việc ở vùng ngoại ô nghèo nàn như thế này dạy một trường tiểu học như thế này.
Sương nhướng mày:
- Tôi đẹp à? Ai bảo ông như thế?
- Con Oanh!
Nàng cười:
- Nó còn trẻ con... Biết gì?
Trần phi phà khói thuốc:
- Nếu tôi đoán không lầm, chắc có lẽ khi ở ngoại quốc cô đã gặp chuyện gì buồn... Vì thế, cô mới tìm chỗ hẻo lánh này để tìm sự yên tĩnh cho tâm tư.
Chàng tiếp:
- Hay là... Có thể cô muốn trốn một cảnh ngộ nào, hay một người nào đó!
Sương ngạc nhiên, nhìn Trần trân trân, và lặng thinh hồi lâu... Rồi khẽ thở dài...
Trần tiếp:
- Thôi... Chúng ta không nên bàn thêm về chuyện ấy làm gì. Tôi chỉ muốn hỏi thăm cho biết... Đến lúc nào cô sẽ tiếp tục đi ngoại quốc?
- Chắc có lẽ tôi không đi nữa.
Trần gật gù:
- Như thế thì hay lắm...
Điếu thuốc cháy gần hết, Trần giơ tay mò chiếc dĩa gạt tàn trên bàn, Sương liền đẩy đến kề bên tay chàng... Chàng giơ tay mò rồi dụi mẫu tàn thuốc cho tắt:
- Cám ơn cô.
Sương lặng thinh, nàng bưng tách trà lên hớp một ngụm, trong lòng xao xuyến vô cùng.
Trần nói nho nhỏ:
- Tôi mong rằng, cô không buồn vì những lời nói khi nãy của tôi. - Dạ... Không có chi.
Chàng tiếp:
- Tôi muốn bàn với cô một việc, có tiện không?
- Dạ...
- Tôi nhận thấy rằng, chắc có lẽ cô mến con Oanh?
- Dạ...
- Vì thế, tôi hy vọng được cô dời đến đây ở...
Sương giựt mình:
- Dạ thưa ông, chuyện đó...
- Tôi ao ước được cô đến đây ở để kèm cho con Oanh. Tôi nghĩ rằng nó học không được khá lắm, có phải vậy không cô?
- Dạ, nó có thể học giỏi được.
Chàng tiếp:
- Nhưng phải có người kèm thêm.
Sương hơi lo ngại:
- Dạ... Nhưng...
Nàng hơi do dự:
- Dạ, tôi đâu cần phải ở tại đây mới kèm được. Sự thật thì hiện nay, hằng ngày, tôi vẫn...
Trần gật đầu:
- Phải, tôi biết. Hiện nay, hằng ngày cô đều kèm nó một giờ, nhưng từ chối không nhận thù lao. Cô thật là khác lạ hơn mọi người!
Sương lặng thinh không nói gì. Trần tiếp:
- Tôi biết. Cô không quan tâm đến vấn đề tiền bạc... Vì thế tôi nghĩ rằng, dù cho có đền ơn cô nhiều tiền đến đâu, cô cũng không nhận.
Sương vẫn lặng thinh, không nói một lời.
Trần hơi nghiêng mình về phía trước:
- Ý của tôi như thế... Cô có vui lòng không?
Sương hơi cau mày:
- Dạ...
Nàng tiếp:
- Nếu như ông nhận thấy cháu cần phải học thêm, hoặc hai hay ba giờ, thì sau bữa cơm chiều tôi cũng có thể đến đây kèm cho cháu rồi về, đâu có cần phải ở đây làm gì?
Trần lại đốt điếu thuốc, thái độ rất thành khẩn:
- Cô à...
Chàng mím chặt môi như khó nói:
- Có lẽ cô đã nghe qua một ít tin đồn về gia đình tôi.
Sương cúi đầu đáp nho nhỏ:
- Dạ...
Giọng chàng trầm trầm:
- Như thế thì cô đã hiểu... Oanh là một đứa bé côi cút rất đáng thương. - Dạ...
Sương lại cắn chặt đôi môi.
- Như thế thì chắc cô đã hiểu ý tôi. Tôi muốn tìm cho nó một người kèm thêm. Và một người có thể ở kề bên để yêu thương nó, để cho nó được vui vẻ, hạnh phúc.
Sương thấy cổ họng mình như bị nghẹn:
- Nhưng tôi biết. Ông đã tìm cho nó một người mẹ rồi...
Trần thở ra, điếu thuốc cháy nóng tay mà chàng không hay, giọng chàng trầm buồn:
- Cũng vì thế mà tôi cần phải mời cô đến ở đây...
Chàng như nghẹn ngào:
- Cô à, nó không giống như những đứa trẻ khác, dù nó bị khổ sở đến đâu, cũng không hề than van một lời, nhất là trước mặt tôi. Tôi sợ nó bị hành hạ khổ sở, mỗi ngày càng gầy mòn khô héo thêm... Mà trước mặt tôi nó vẫn bảo: "Ba à... Con vui vẻ và sung sướng lắm”. Cô à, cô nên hiểu dùm hoàn cảnh của tôi và của nó...
Sương cúi đầu, nàng không biết nói sao, tâm tư nàng bị kích đông mạnh, trong đó có một niềm vui lạ.
Phải rồi, Trần đã đoán được tất cả sự thật trong gia đình và chàng tha thiết yêu thương đứa con mất mẹ ấy. Trần đang cần nàng săn sóc cho con chàng, chẳng những chàng cần mà chàng sẵn sàng van xin nàng nữa. Sương hiểu rõ được nỗi lòng của người cha tàn tật.
Chàng hỏi lại:
- Cô Sương, cô nghĩ thế nào?
- Dạ...
Tuy nhiên, Sương vẫn còn phân vân lắm, biết tính sao. Nàng ấp úng:
- Dạ... Bây giờ tôi còn phân vân lắm, chưa thể quyết định được. Để tôi nghĩ lại.
- Cô suy nghĩ về vấn đề gì?
- Ông cũng biết, Oanh là học trò tôi như bao đứa khác trong lớp, tôi đã dạy riêng cho nó, bây giờ lại đến đây dạy sợ người ta bảo là thiên vị.
Trần mỉm cười:
- Chuyện đó đâu đáng cho cô suy nghĩ, người ta vẫn nhờ riêng thầy cô dạy cho con mình ở nhà thiếu gì.
Chàng ngưng lại một chút:
- Hay nếu cô muốn, cô có thể nghỉ ở trường học tôi xin đền bù lại sự thiệt thòi của cô.
Sương cười một mình, trong lòng nàng có những phản cảm dị kỳ. Người có tiền thường hay muốn dùng đồng tiền để mua bất cứ cái gì mình muốn. Bộ họ tưởng có tiền là có tất cả hay sao?
Nàng nói giọng nửa đùa nửa thật:
- Chắc ông đã quen những chuyện mua bán nên nói những lời đó với tôi... Rất tiếc...
Trần vội nói:
- Tôi... Xin lỗi...
Chàng đứng lên, lần mò đi về phía hướng cửa sổ, quay lưng lại phía Sương.
Trần lẩm bẩm:
- Thật không ngờ phương pháp đúng nhất dùng để mua chuộc loài người của mình lại thất bại. Nhưng chắc cô ấy cũng không thể phủ nhận đó là phương pháp công hiệu nhất đối với người thường. Phải tính phương pháp khác.
Sương nhìn sau lưng Trần một lúc rồi nàng đứng lên bước đến bên chàng, lòng hơi hối hận.
Ngoài vườn, ánh trăng vằng vặc nổi sáng những cánh hoa đang ngả ngơn dưới cơn gió thoảng. Nàng thở ra khoan khoái:
- Hoa hồng đẹp quá.
Trần ngơ ngác:
- Cô bảo sao? Vườn tôi có hoa hồng à?
- Dạ không... Tôi nhìn lầm...
Nàng cũng hơi ngạc nhiên khi thấy Trần tái mặt, có vẻ khó chịu lắm.
- À... Đó là hoa cúc mà tôi nhìn ra hoa hồng. Nhưng có lẽ ông không thích hoa hồng? Nó vừa đẹp vừa có hương...
Trần thở dài bực bội, chàng hỏi nhỏ:
- Cô thích hoa hồng lắm sao?
- Vâng, cũng như mọi người khác.
Nàng nhìn ra vườn một lúc rồi bỗng nói:
- Chuyện của bé Oanh, tôi xin nhận lời. Nhưng tôi không thể bỏ nhiệm vụ của tôi ở trường được, mỗi ngày tôi sẽ cùng Oanh đi tới trường và về đây. Xin ông cho tôi một phòng riêng, còn lương ông muốn phát bao nhiêu tùy ý.
Ngưng lại một phút, nàng tiếp:
- Thứ Bảy này tôi sẽ dời tới đây.
XÓM VẮNG
Quỳnh Dao
www.dtv-ebook.com
Chương 3
Chiều thứ Bảy, Sương nghỉ dạy.
- Thưa cô, cô đi với con bây giờ. Bác Du đã đem xe tới rồi. Nàng mỉm cười:
- Ba cháu nhớ kỹ quá.
- Cô đã xếp đặt đồ vào va li chưa? Để con mượn bác Du mang ra xe nghen cô.
Oanh nói xong chạy ra cửa. Sương nhìn theo nó, trong lòng thấy nao nao.
Cho đến bây giờ nàng cũng không ngờ là mình đã quyết định dời sang nhà ấy. Nàng còn nhớ rõ nét mặt ngạc nhiên của Ngọc và nhiều bạn đồng nghiệp khác khi nghe nàng nói sẽ dời ở bên nhà của Oanh. Với thái độ như thế, nàng biết không ai tán thành ý định của nàng mặc dầu họ không nói chi cả. Nàng biết rằng tất cả đồng nghiệp đều cho nàng là vớ vẩn hay mất bình thường. Họ không hiểu tại sao nàng lại dấn thân vào một gia đình rắc rối. Họ nghĩ thế cũng phải, vì chính nàng, nàng cũng không ngờ tại sao mình đồng ý nữa. Nàng nhớ khi quyết định, lý trí như luôn nhắc nhở nàng không nên đồng ý với Trần nhưng không hiểu có một sức mạnh vô hình nào lôi kéo làm nàng phải tuân theo.
Nàng khẽ rùng mình khi nghĩ có lẽ Trần, con gái nhỏ của chàng, ngôi nhà đổ nát đó có một ma lực nào quyến rũ làm người bị không thể nào chống đối lại được. Nàng nhớ lại một quyển truyện trinh thám nào thật rùng rợn đã viết một chuyện trong một lâu đài hoang phế, có gã đàn ông mù và một cô giáo... một người đàn bà loạn trí... Bây giờ hoàn cảnh của
nàng đã gần giống như thế rồi, chỉ còn thiếu người đàn bà loạn trí thôi. Biết đâu lại chẳng có người đàn bà đó trong tòa nhà đổ vụn?
Oanh chạy trở ra, thở hào hển, má nó đỏ hồng lấm tấm mồ hôi, đôi mắt long lanh... Phía sau lưng Oanh là người đàn ông trạc 40, người dong dỏng cao, gầy gầy, ăn mặc rất đứng đắn.
Nhìn người đàn ông này, Sương bỗng nhiên thấy sợ đôi mắt ông thật sắc bén. Ông ta lễ phép:
- Thưa cô, tôi là tài xế của ông Trần. Ông ấy bảo tôi đến đón cô. - Dạ cám ơn ông.
Sương đưa tay đeo cặp kính trắng lên mặt cho có vẻ chững chạc hơn, nàng chỉ vào trong:
- Va li tôi đã sắp xong rồi, bên trong đây.
Bác tài khệ nệ ôm chiếc rương đi trước, Sương qua từ giã dì Hai rồi ra xe luôn.
Sương ngồi kế Oanh nhìn những luống cải như chạy ngược ra về phía sau. Sương bỗng thấy bâng khuâng khi nhìn vườn tược cây cối hai bên đường, nàng không biết tại sao như vậy.
Con đường thật ngắn, xe chỉ chạy vài phút thì tới ngay. Nghe tiếng xe ngừng, chị Châu chạy ra mở cửa, chiếc xe chạy từ từ qua vườn hoa rồi dừng lại bên thềm nhà. Oanh nhanh nhẩu mở cửa:
- Cô đi với con vào phòng của cô nghen, cô coi vừa ý không? Còn va li để bác tài mang vô sau.
Vừa nói nó vừa nắm tay Sương đi thẳng vào phòng khách, miệng cười cười sung sướng. Phòng khách vắng hoe, Sương theo Oanh đi lên gác.
Oanh bỗng nhiên đứng sựng lại, những nét vui tươi sung sướng trên mặt nó biến đi thật nhanh chóng. Sương ngạc nhiên nhìn theo hướng mắt nó và
đôi mắt nàng chạm phải một ánh mắt của người đàn bà khác.
Người ấy thật không giống với hình ảnh người mẹ ghẻ mà Sương đã nghĩ trong lòng. Khuôn mặt trái xoan dễ thương, đôi mắt trong sáng với hàng lông mi cong vút, đôi môi đỏ mọng. Gương mặt đó cái gì cũng dễ mến, nhưng thái độ thì lạnh lùng đến độ khắt khe. Vóc người tầm thước, ăn mặc lại rất đúng dáng vóc và thời trang trông bà ta chưa đầy 30 tuổi.
Sương hơi tiếc cho Trần, làm sao chàng ta thấy được những nét đẹp của vợ mình. Nàng chắc bà ta cũng không hiểu được tí gì với nàng qua cặp kính trắng nàng mang, bộ đồ quá đứng đắn của nàng đang mặc. Trông nàng cũng khắt khe đúng như một nhà mô phạm.
- Dạ chào cô... Hân hạnh được gặp cô.
Thấy bà ta có vẻ lạnh nhạt, Sương cũng đáp hững hờ:
- Dạ, không dám. Chào bà.
Bà ta mỉm cười khó hiểu:
- Oanh sẽ dẫn cô đến phòng dành riêng cho cô.
Bà ta tiếp với giọng thật khách sáo:
- Rất tiếc tại tôi bận nên không thể đón cô. Xin cô cứ coi như đây là nhà cô và Oanh như con cháu cô vậy.
Sương mỉm cười:
- Dạ cám ơn bà, cháu Oanh ngoan lắm.
Nàng nhận thấy trong đôi mắt to, đen láy của người đàn bà trước mặt thật đẹp nhưng cũng chứa một cái gì thật sâu sắc.
Sương tiếp:
- Tôi đã tìm hiểu Oanh. Nó rất ngoan ngoãn và biết vâng lời.
Bà ta hững hờ:
- Thế à.
Bà liếc nhìn Oanh. Sương nhận thấy tay con bé run lên khe khẽ trong tay mình. Nàng nắm chặt tay Oanh vào như ngầm bảo nó đừng sợ chi cả, đã có nàng. Trong phút giây đó, Oanh và Sương cảm thấy thương mến nhau nhiều hơn, sợi dây vô hình nào đó như đã có giữa hai người.
Bà Trần thong thả bước xuống thang, dáng đi thật khoan thai uyển chuyển. Nhìn dáng đi của bà, Sương cũng biết được bà đã quen sống trong cảnh quý phái phong lưu.
Từ phía dưới, bác tài mang chiếc rương lên, bà ta nhìn bác: - Xong rồi bác ra xe chờ tôi nghen, tôi đi liền đây.
- Dạ.
Bác tài mang chiếc rương vào phòng Sương trong khi tiếng bà Trần lại lanh lảnh dưới nhà bếp:
- Chị Châu, đừng chờ cơm tôi nghen, trưa tôi không về.
Bước vào phòng Sương, Oanh tươi vui, liếng thoắng trở lại. Nó đưa tay chỉ cho nàng thấy nào là phòng riêng của ba nó, phòng mẹ nó và phòng Sương.
Nàng thấy từng lầu trên cũng trang trí rất khéo, chính giữa là một phòng khách nhỏ, chỉ có bộ sa lon, chậu hoa tươi trên bàn nhỏ, xung quanh là 4 căn phòng, bên ngoài là bao lơn dài.
Phòng của vợ chồng Trần kế sát nhau, kế đó là phòng Oanh và Sương. Sương hỏi:
- Ba má không ở chung phòng à?
- Dạ, từ trước tới nay vẫn như thế. Căn phòng của cô khi trước dành cho khách.
- Gia đình cháu thường có khác à?
- Dạ ít khi có lắm. Lâu lâu chú Cao mới đến một lần, có khi cả năm mới tới.
Sương ngơ ngác:
- Chú Cao?
- Dạ, bạn của ba cháu đó. Chú ấy trồng trà trên Đà Lạt nên rất ít khi về đây.
Rồi nó chỉ quanh hỏi nàng:
- Cô thích phòng này không?
Nãy giờ Sương đứng ngoài cửa phòng mà không để ý đến bên trong, khi nhìn vào nàng ngạc nhiên hết sức. Không ngờ phòng mình lại đẹp đến như thế.
Trong phòng, đồ vật gì cũng xinh cả, dưới chân được trải đệm êm tất cả, hai cái cửa sổ gần giường ngủ của nàng. Một bàn phấn nhỏ và một cái bàn viết thật đẹp và đầy đủ. Tất cả màu xanh trừ khăn trải giường màu hồng mang đến cho ta cảm giác âm ấm làm cho vẻ lạnh lẽo của màu xanh xung quanh thành tươi mát đi.
Sương ngạc nhiên hơn hết là chiếc tủ gần giường, bên trên có chiếc đèn nho nhỏ bao lụa trắng đục, cạnh đấy là chậu hoa, mà lại hoa hồng màu vàng.
Oanh lắc tay nàng:
- Cô thích không cô?
- Thích lắc Oanh à.
Sương tự nhiên thấy vui tươi, nàng nhìn ra cánh cửa thông với hành lang, trên thàng hành lang là những chậu cúc đang nở rộ như khoe mình dưới dương quang, bên dưới là vườn lài, với những đóa hoa trắng chen giữa lá xanh.
Oanh hỏi nữa:
- Cô thích thật không cô?
- Thật mà, cô thích lắm.
Rồi nàng ôm Oanh vào lòng:
- Oanh, trước kia phòng này trang trí như thế nào?
Oanh cười:
- Dạ, chỉ có tấm thảm dưới đất là cũ, còn tất cả đều là mới hết. Ba con chỉ dẫn cho các nhà trang trí, bắt họ phải làm như thế.
- Còn bức tượng?
Sương đưa tay chỉ một bức tượng điêu khắc trên một cái giá sát tường.
- Dạ, bức tượng ấy có lâu rồi. Trước khi ba cháu để trong phòng riêng, nhưng vì không nhìn thấy gì cả nên bảo mang qua đây.
Sương nhìn lại bình hoa trên đầu giường, rõ ràng là nhánh hoa hồng đó phải mua, vì ngoài vườn không có hoa hồng mà.
Sương bước lại ngồi bên cạnh giường, lòng hồi hộp lạ. Mùi hoa hồng thoang thoảng bay khắp phòng. Ánh nắng mùa thu chiếu ngang khung cửa sổ, hơi ấm tràn ngập khắp gian phòng.
Có giọng đàn ông trầm ấm:
- Cô hài lòng chứ cô Sương?
Sương giựt mình ngẩng lên nhìn, Trần đang đứng ngay khung cửa. Nàng không biết chàng đã đến hồi nào, có lẽ chàng đã nghe câu chuyện giữa Oanh với nàng rồi.
Sương đứng dậy, mặc dầu Trần không thấy gì nhưng nàng vẫn giữ lễ độ:
- Dạ, ông sắp đặt gian phòng thật đẹp.
- Tôi cũng nghĩ vậy, nhưng tôi không biết họ có chọn màu sắc đúng theo lời tôi không?
- Dạ, màu sắc hợp lắm.
Nàng không ngờ chàng lại chọn màu hay đến thế.
- Tôi thật ngạc nhiên, ông chọn màu hay quá.
Trần gật đầu:
- Cám ơn cô, khi trước tôi cũng có biết chút ít trang trí, màu sắc. - À...
Sương lại nhìn quanh gian phòng một lượt:
- Tôi thiết tưởng ông không nên quá lo như thế, ông làm tôi ngại thêm thôi.
Trần cười:
- Cô định viết văn, tôi nghĩ là mình phải tạo hoàn cảnh thích hợp cho cô để sáng tác chứ.
- Ông bảo tôi sắp viết văn à?
- Phải, cô đang thâu nhập tài liệu đó chứ gì?
Chàng cười tiếp:
- Cô cứ ở đây rồi cô sẽ có đề tài viết một truyện tiểu thuyết, có lẽ là một đề tài lạ.
Sương lắc đầu:
- Dạ...
- Đừng cãi nữa, tôi hiểu cô mà.
Sương lặng thinh, nàng nghĩ Trần là một con người tàn tật mà lại độc đoán.
- Ông ta bảo là hiểu mình, nhưng sự thật đã hiểu chưa.
Sương hơi ngướng mày, nàng không muốn cãi lẫy nữa. Nàng trở vào phòng, mở chiếc rương, chuẩn bị mang vật dụng ra sắp xếp cho có thứ tự.
Trần như chú ý lắng nghe:
- Oanh, con nên về để cô nghỉ ngơi.
- Dạ, ba cho phép con ở lại lo dọn với cô.
Sương cũng quay về phía Trần:
- Ông cho phép cháu ở lại giúp đỡ tôi một lát nghen. Có Oanh nói chuyện cũng vui.
Trần vừa chào Sương vừa nói:
- Vậy thì Oanh cứ ở với cô. Thôi, tôi về.
Rồi chàng lững thững bước ra khỏi phòng.
Sương mở cửa tủ áo, bên trong đã có sẵn những móc áo mới, nàng đưa cho Oanh, nó cẩn thận móc vô từng chiếc áo dài rồi đưa lại cho nàng máng
lên.
Oanh vui vẻ:
- Cô có nhiều áo dài màu đẹp quá, màu hồng, màu xanh lục nè, màu vàng. Sao cô ít mặc quá con chỉ thấy cô mặc màu trắng, đen hay xanh đậm thôi.
Sương mỉm cười:
- Để làm cô giáo của Oanh.
- Nếu cô uốn tóc cao, bỏ kính xuống và mặc áo màu tươi thì chắc cô sẽ đẹp hơn nữa.
Oanh lại cầm một chiếc áo may bằng một loại hàng thật dắt tiền theo lối dạ hội ngoại quốc lên ngắm nghía mãi.
Sương cười:
- Thôi đi cô ơi, cô đừng dạy tôi làm đẹp nữa.
- Nhưng trước kia, cô mặc những chiếc áo ấy đẹp lắm phải không cô? - Phải.
- Nhưng tại sao bây giờ cô không mặc nữa?
- Tại chưa có dịp, loại áo này mặc để dự tiệc, dự dạ hội, Oanh biết không?
Sương mắc chiếc áo vào tủ rồi kéo Oanh lại gần mình:
- Cháu có thích áo đẹp không?
Oanh gật đầu:
- Dạ thích lắm, mẹ cháu cũng có nhiều áo đẹp lắm.
- Còn cháu, sao cô thấy cháu chỉ mặc đồng phục học sinh không, ở nhà cũng vậy nữa.
Oanh cúi đầu, chà chà một chân lên tấm thảm trải đất, có nói nho nhỏ:
- Dạ tại cháu phải đi học mỗi ngày nên mặc như thế cho tiện. Nếu cháu có quần áo đẹp cũng không có dịp để mặc.
- À...
Sương chợt hiểu ra, nàng ngẩng đầu lên rồi tiếp tục sắp xếp quần áo vào tủ cho có ngăn nắp.
- Oanh, cháu phụ với cô sắp đồ vào tủ cho xong đi, rồi cháu đưa cô qua phòng cháu cô xem cho biết nghen.
Oanh gật đầu ngay:
- Dạ.
Một chút sau, Sương xếp xong tất ca rồi theo Oanh đi sang phòng của nó.
Gian phòng cũng khá rộng, cũng có màn, giường, bàn viết, tủ áo... Đâu đấy đều ngăn nắp, sạnh sẽ không khác gì một gian phòng của người lớn ở.
Sương cứ ngỡ rằng phòng của Oanh chắc phải bừa bãi, đồ chơi vứt tứ tung, sách vở nằm la liệt. Nhưng không ngờ trước mắt Sương, phòng của Oanh lại quá sạch sẽ, thật là ngoài sức tưởng tượng của nàng.
Sương gật gù khen:
- Oanh giỏi lắm, búp bê của cháu đâu?
Oanh lúng túng:
- Dạ... Búp bê... Hả cô?
Sương vui vẻ:
- Ờ... Những con búp bê đẹp mà cháu đặt tên cho chúng đó, hồi trước cháu khoe với cô đó.
Oanh lúng túng nhìn Sương không trả lời được Sương không hiểu ra sao cả:
- Sao vậy Oanh?
Nó chỉ cúi đầu lặng thinh.
Sương chớp mắt:
- Có gì cháu cứ nói thật ra cho cô nghe đi.
Oanh ngẩng lên nhìn nàng với vẻ ngượng ngùng. Nó ấp úng: - Cô... Chắc chuyện ấy cô cũng biết rồi...
- Chuyện gì?
Nàng cầm tay Oanh kéo vào lòng mình rồi vào ngồi bên cạnh giường. Sương âu yếm vuốt má nó:
- Nói cho cô nghe đi Oanh.
Oanh im lặng hồi lâu, một lúc sau nó bước lại đầu giường, lật gối ra như tìm kiếm vật gì rồi mang lại trao cho Sương một cách rụt rè.
Sương ngạc nhiên hết sức, khi thấy đó là con búp bên loại rẻ 25 đồng, ngoài tiệm chạp phô, thế mà đã sứt mất một cánh tay, quần áo may bằng loại vải rẻ tiền nhất. Sương cau mày:
- Cái gì đây Oanh?
- Dạ búp bê của cháu!
- Cháu không bỏ à, nó cũ quá rồi mà. Còn mấy búp bê lớn của cháu đâu, búp bê đẹp đó.
Oanh ấp úng một lúc rồi như cố gắng nói:
- Dạ cháu chỉ có một con búp bê này... Còn những búp bê thật đẹp khác là tại... Tại... Cháu mơ tưởng nên cháu nói với cô như thế. Búp bê này cháu lượm được ngoài đường...
Oanh cúi xuống, vuốt vuốt lại quần áo cho con búp bê của nó. Sương lặng yên vuốt tóc nó không nói được một lời. Oanh là con của một gia dình giàu có mà phải bị thiếu thốn như thế này à?
Một lúc sau, Sương mới bảo Oanh:
- Nhưng con búp bê này cũng đẹp rồi cháu à, để khi rảnh cô sẽ may cho nó một bộ đồ đầm mới.
Đôi mắt Oanh sáng hẳn lên:
- Thật thế hả cô?
- Được rồi, cô sẽ may cho.
Sương lắc đầu nhìn Oanh hí hửng đem cất con búp bê tàn tật đó vào chỗ cũ. Sương cầm tay nó:
- Chiều nay chúng ta đi chơi nghen. Rồi tối học.
Oanh thích chí:
- A... Sung sướng quá.
- Cháu xin phép ba đi, rồi mình sẽ đi.
Oanh chạy nhanh ra ngoài, về phía phòng Trần.
o0o
Nửa giờ sau, nó và Sương đứng trước căn nhà tiêu điều hoang phế mang tên "Hoàng Mai Trang".
Nhìn những bức tường đổ, những cây cột xiêu vẹo, Oanh nói giọng thật buồn:
- Cô... Người ta nói là ở đây nè... Lâu lâu có má cháu hiện hồn về. Sương rùng mình:
- Ai nói vậy?
- Dạ, trong xóm ai cũng nói vậy. Phần đông là họ thấy má con hết vậy mà con không được thấy.
Nó nhìn trân trân ngôi nhà:
- Con đâu sợ ma, con chỉ muốn được nhìn má con, dù là ma đi nữa. Sương nghẹn ngào:
- Không có ma đâu, người ta đồn bậy đó.
Oanh lắc đầu:
- Có thật cô à, ba con và mọi người đều biết thế.
Sương nhìn trân trân Oanh:
- Nhưng có ai trong nhà thấy không?
- Dạ có, tuần trước dì Châu đi ngang đây thấy bóng người đàn bà phất phới trong này, dì ấy sợ quá chạy tuốt về nhà, lúc đó tối rồi. Theo con, đáng lẽ phải lại dẫn má về mới phải hả cô?
- Không đâu cháu, cái đó có lẽ dì Châu quáng mắt, chứ không có ma cỏ gì đâu.
Nàng không ngờ người lớn lại bày đặt những câu chuyện như thế để cho Oanh nghĩ những chuyện không đâu.
- Thôi, mình về Oanh.
Oanh nhìn nàng:
- Cô, đừng sợ cô.
- Cô không sợ đâu.
- Má con hiền lắm.
- Tại sao cháu biết?
- Ba con nói với con như vậy.
Sương đứng ngẩn người nhìn ngôi "Hoàng Mai Trang" với những cột kèo, từng ốc hoang tan đổ nát. Thế mà trước đây, nó từng lành lặn, sang trọng, với người nữ chủ nhân đẹp đẽ, hiền lành, cùng người chồng có đôi mắt sáng, sống trong hạnh phúc êm đềm. Thế mà bây giờ...
Nàng khẽ liếc nhìn Oanh, nó cũng đang đứng ngẩn ngơ nhìn ngôi nhà như nàng, có lẽ có đang liên tưởng tới người mẹ thân yêu của nó hiện đang vất vưởng phía bên kia thế giới.
XÓM VẮNG
Quỳnh Dao
www.dtv-ebook.com
Chương 4
Đêm đầu tiên tại nhà Oanh, Sương không sao chợp mắt được.
Nàng nằm trên chiếc giường nệm rộng thật êm, nhìn ngọn đèn trên trần nhà, không thấy buồn ngủ một chút. Mùi hương hoa hồng trên đầu giường thoang thoảng bay về hướng nàng, tấm màn che cửa rung rinh nhè nhẹ dưới làn gió. Tất cả đều im lặng như tờ. Sương nằm im lặnh như pho tượng, nàng không thấy buồn ngủ một chút, và cũng không muốn trở mình.
Hồi chiều nàng đã dẫn Oanh đi vào các vườn trong xóm để xin vài cành trúc rồi đi ra một cây cầu có dòng nước trong xanh thật đẹp để ngồi chơi.
Nhưng Oanh có vẻ không thích cây cầu. Sương đã hỏi:
- Sao vậy cháu?
Oanh buồn bã:
- Má cháu chết dưới dòng nước này.
Sương nhíu mày, tại sao những chuyện đáng buồn như thế Oanh đều biết hết...
- Người ta nói hồi trước, khi đi ngoại thành về súng bắn sập cầu này, ba má cháu rơi xuống sông này, ba cháu thoát chết còn má cháu bị kẹt chết luôn ở dưới.
- Sao cháu biết?
Oanh thở dài:
- Trong xóm ai cũng biết cả.
Nó nói nho nhỏ:
- Họ thì thầm với nhau, tưởng là con không nghe... Cô... Họ còn nói... Oanh bỗng rùng mình lặng thinh, không tiếp được lời.
Sương không biết nói gì, tại sao thiên hạ lại ác đến thế, đáng lẽ một đứa bé chưa biết mặt mẹ như Oanh phải cho nó tưởng mẹ kế là mẹ ruột của nó mới đúng chớ.
Nàng vội cầm tay Oanh, nói lảng sang chuyện khác:
- Thôi, cháu đừng để ý đến những lời đồn đãi vu vơ đó nữa... Cô cháu mình đi lại ngôi cổ tự vãng cảnh chùa... Nghe nói là ngôi chùa ấy rất xưa và rất đẹp, nhưng cô chưa tới lần nào cả.
Oanh mau mắn:
- Dạ để con dắt cô đi.
Hai người đi về phía ngôi chùa cô?... Đường vào chùa, hai bên trồn toàn cây sao, cây nào cũng to lớn cả ôm ngọn cao chót vót...
Xung quanh chùa, cây cối rậm rạp che khuất cả ánh mặt trời, làm không khí càng thêm thâm nghiêm yên lặng...
Qua khỏi cổng tam quan, Oanh và Sương bước vào sân chùa. Sân hoa tiêu điều, khô héo. Có lẽ từ lâu không vun trồng, săn sóc.
Đứng trước sân chùa một lúc lâu, Oanh kéo tay nàng:
- Cô vào xin xâm đi.
Sương không mấy tin vào khoa bói toán, nhưng cũng vào xin vì thấy lạ và muốn chiều lòng Oanh.
Nàng thắp nhang vái vài câu rồi cầm ống xâm lắc. Nàng xin được quẻ cũng hơi lạ:
"Chân duyên phú quý bất do nhơn,
Tâm cao tất nhiên ngộ khanh,
Uyển chuyển vu hồi mê cực lộ,
Vân khai nguyệt xuất tự phân mình”.
Oanh lẩm nhẩm đọc bài xâm đã dịch rồi hỏi:
- Bài xâm nói gì vậy cô? Cô muốn cầu xin việc gì đó?
Sương xếp nhỏ bài xâm bỏ vào túi mỉm cười:
- Cô cầu chuyện làm ăn, nhưng bài xâm nói khó hiểu quá, Oanh à trời đã xế rồi, mình về...
Về tới nhà đã tới bữa ăn chiều, Trần thì ăn trên phòng riêng theo thói quen, mẹ Oanh đi ra ngoài thành chưa về. Trên bàn cơm chỉ có Oanh và Sương.
Vì buổi chiều đi chơi xa, nên Oanh ăn cơm rất ngon, còn Sương thì trái lại, nàng ăn thật ít.
Thấy Oanh ăn ngon, Sương vui vẻ nói:
- Thường ngày nếu ba ăn trên gác, má cháu chưa về, cháu ăn một mình phải không Oanh?
- Dạ... Nhưng thường con không ăn.
- Sao lại không ăn?
- Dạ, con buồn quá ăn cơm không vô, có lúc chị Châu bắt ép lắm con ráng ăn một chút cho chỉ vui.
Chả trách gì Oanh mặt xanh xao như thế. Sương nhìn nó thầm nghĩ:
- "Mình phải giúp nó sống sao lại được bình thường, ăn uống đầy đủ tinh thần không thiếu thốn, như vậy nó mới thấy cuộc sống vui tươi đáng quý". Trước mắt là việc học hành của nó, đo cũng là điều chánh.
Vì thế sau bữa cơm, Sương xem xét bài vở của Oanh rồi cho một ít toán cùng loại, giảng sơ cho Oanh làm. Rồi nàng đem búp bê của Oanh ra cắt may cho nó một cái áo đầm mới. Nàng đang hí hoáy cắt chiếc áo cũ ra
để ráp vào chiếc áo mới thì Oanh đã làm toán xong, chạy đến bên nàng nhìn từng đường kim nàng may với vẻ mặt sung sướng.
May xong, Sương nói:
- Oanh nè, con búp bê cháu đẹp lắm rồi đấy.
Oanh nhìn Sương sung sướng cảm ơn, nó ôm chặt búp bê vào lòng: - Cưng... Cưng dễ thương quá cưng ơi...
Sương nhìn Oanh cảm động. Nhìn đồng hồ thấy đã tối, nàng hối Oanh đi tắm rửa rồi đi ngủ.
Oanh lên giường, Sương lấy mền trùm ngang ngực nó, bỗng nó nhổm dậy bá cổ nàng hôn hai cái hai bên đánh chụt:
- Cô ơi... Con thương cô quá...
Sương hôn lại nó rồi đặt đầu nó xuống gối. Oanh mỉm cười một lúc rồi lim dim đôi mắt. Sương đứng lặng yên, nàng còn cảm động vì hành động thương mến của Oanh vừa rồi. Nàng cúi xuống hôn nhẹ lên trán nó:
- Ngủ ngon đi Oanh.
Nàng rón rén khóa trái cửa phòng rồi định bước về phòng mình. Nhưng nàng bỗng giựt mình khi thấy Trần đang đứng ở đầu cầu thang, mắt hướng về phía mình. Nàng biết người mù thương rất thính tai nên vội bước lại:
- Thưa ông, ông chưa đi nghỉ à?
- Cô có thể ngồi trò chuyện với tôi giây lát được không? Sương bước tới ngồi trên sa lon.
Trong phòng khách này ít ai được bật ngọn đèn sáng, thường chỉ để một ngọn đèn màu nho nhỏ với ánh sáng lu lu, dìu dịu.
Trần lần mò lại kề bên cửa sổ:
- Chắc cô bận lắm, bận lo săn sóc Oanh lắm.
Sương cười:
- Phải, tôi thích săn sóc, yêu thương nó vì nó... "Nghèo" quá ông. Trần hơi ngạc nhiên:
- Nghèo? Tôi chưa hiểu rõ ý cô.
Sương lắc đầu:
- Tôi muốn nói là nó thiếu thốn, phải, Oanh thiếu thốn nhiều lắm. Thiếu thốn sự săn sóc, tình thương... Thiếu tất cả.
- Phải, tôi đáng trách lắm.
- Không, tôi đâu có ý trách ông. Nhưng theo tôi, ông nên chú ý tới nó một chút, vì trẻ thơ rất cần tình thương, nhất là Oanh.
Giọng nàng thật cảm động khiến Trần xúc động lạ thường. - Tôi biết.
Giọng chàng tha thiết hơn:
- Cô cho tôi là một người cha không làm tròn trách nhiệm. Nhưng xin cô hiểu gím cho tôi. Dù sao tôi cũng là đàn ông, ít biết tâm lý trẻ con, và tôi lại mù... Tôi cũng chưa biết phải đối xử với nó như thế nào... Oanh là hình ảnh của cả một dĩ vãng đau buồn.
Ngưng lại giây lát, chàng tiếp:
- Có lẽ cô đã nghe chuyện mẹ ruột nó?
- Có, tôi có nghe sơ qua.
Giọng Trần như mơ hồ hơn:
- Đó là một người đàn bà hoàn toàn... Không bao giờ tôi quên được. Con người, trong những giây phút tối tăm nào đó, có thể phạm những lỗi lầm không thể chữa. Nếu vợ trước tôi còn sống... Nếu nàng có thể sống dậy tôi nguyện hy sinh tất cả...
- Ông Trần...
Sương đã nhìn thấy tất cả nỗi lòng của Trần hiện trên gương mặt khổ đau của chàng. Như vậy là chàng luôn luôn nhớ tới người vợ trước.
Trần như chợt nhớ ra điều gì, chàng lẩm bẩm:
- Tôi... Tôi lẩn thẩn quá, đương không lại nói chuyện riêng không vui của mình với cô... Tôi xin lỗi cô.
Sương lắc đầu:
- Không có chi cả.
Nàng cũng hơi hối hận vì chính mình đã gợi chuyện đó:
- Xin phép ông...
- Xin cô nán lại một chút... Hình như cô ngại điều gì trước mặt tôi thì phải.
Sương ấp úng:
- Dạ không... Không...
Giọng chàng trầm ấm:
- Nếu tôi có khiếm nhã, xin cô cứ nói và xin cô tha thứ, vì lâu nay tôi ít khi giao thiệp với người ngoài, có vài cử chỉ sơ suất tôi không nhìn thấy được.
- Không, ông vẫng đàng hoàng. Tôi không ngại gì đâu. Xin phép ông, tôi đi nghỉ.
Bây giờ, nằm dài trên giường, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà, Sương cứ thao thức mãi, không ngủ được.
Câu chuyện trong ngày hôm nay hiện ra từng cảnh, từng cảnh trước mắt nàng như trong cine. Rõ ràng là Sương không thoát được sự ám ảnh của người đàn ông mù và con gái ông ta.
Người đàn ông tàn tật đó dường như đã cằn cỗi trong tuổi còn hoạt động, còn đứa bé gái thì gầy mòn vì thiếu tình thương của người mẹ lẫn người cha. Bây giờ làm sao bù vào chỗ thiếu thốn của hai người đó, chỉ có người đàn bà đã mất bù lại được thôi...
Sương khẽ rùng mình vì làn gió thu thổi lùa qua khung cửa sổ tạt vào gáy nàng... Đã một giờ khuya... Cả bốn bề đều im lặng, chắc vợ Trần không về nhà rồi.
Sương cầm quyển sách bên cạnh định đọc cho đỡ nghĩ ngợi nhiều. Nhưng nàng nhìn vào cuốn sách mà vẫn suy nghĩ vẩn vơ, hàng chữ trước mắt như nhảy múa rối loạn lên. Bất giác, nàng quay lại nhìn khắp phòng. Mọi vật vẫn im lìm. Bên dưới có tiếng động cơ xe hơi, càng lúc càng gần rồi có tiếng còi xe hơi ngoài cổng, chắc bà Trần về.
Tại sao lại ấn còi, đêm khuya thế này không sợ làm phiền những người xung quanh sao? Tiếp theo là có tiếng giày cao gót nện trong phòng khách
rồi lên lầu. Bà ta còn hát nữa, hát lớn. Giọng cũng khá hay. Nhưng chưa dứt bài, bỗng bà dừng tiếng hát, có lẽ bà gặp một trở ngại nào đó.
Sương không nghe tiếng mở cửa, nhưng lại nghe giọng trầm ấm của Trần:
- Lan...
À... Thì ra bà ta tên Lan.
- Gì đó? Anh đó hả anh Trần? Có chuyện gì không?
Giọng nói có vẻ xẵng như Lan đang khiêu khích:
- Khuya rồi, em làm ồn quá.
- Anh sợ tôi làm mất giấc ngủ của cái cô giáo mới đến đây đó à? Rồi bà cười gằn:
- Anh đừng sợ cô ấy mất giấc ngủ, nếu anh ra đây anh sẽ thấy đèn trong phòng cô ta còn sáng, nghĩa là cô đó đang lắng nghe câu chuyện giữa chúng mình nè.
- Lan...
- Nè, anh đừng kiếm chuyện với tôi. Tôi chưa kiếm chuyện với anh mà, anh đem cô giáo về nhà làm gì, nhìn mặt là tôi phát ghét rồi. Tôi không thích cô?, mới gặp mà đã nhìn tôi như một kẻ thù thì làm sao tôi mến được.
Trần cố gắng nói giọng hòa dịu nhưng cũng để lộ ra vẻ giận dữ trong lòng:
- Lan, bộ em điên rồi sao? Em đã uống bao nhiêu rượu? Em nên yên lặng là hơn.
Lan vẫn chanh chua:
- Hừ, im lặng à. Im lặng sao được khi chính anh gây sự trước. Anh sợ cô giáo đó nghe được lời tôi sao? Mặc kệ anh chứ. Hừ, anh đã tự tay trang dọn căn phòng cho cô ta, đã dùng đủ mọi cách để mời cô ta về đây... Tại sao vậy? Bất quá cũng chỉ là một gái già ế chồng... À, một ông chủ mù và một cô giáo mang tiếng là "kèm trẻ"... Cha, để tôi mở mắt thật lớn coi chuyện đời. Có thể viết ra một quyển tiểu thuyết với đề tài lâm ly, rùng rợn đó.
Trần nói to:
- Câm mồm, đồ... hạ tiện.
- Anh bảo sao? Tôi là đồ hạ tiện à?
Rồi cô ta nói giọng mỉa mai:
- Không biết ai hạ tiện đến nỗi trời phạt chết trôi sông... Còn tôi, tôi chỉ ngu mới nhào vô nuôi đứa con hoang đó.
Bốp...
Tiếng tát tai đầy căm hận cho Sương biết Trần đã đánh vợ. Nàng sợ câu chuyện sẽ to ra, nàng lắng tai nghe kỹ. Nhưng thật là lạ, bên ngoài im phăng phắc một lúc thật lâu.
Sương bỗng nghe giọng nói nho nhỏ run run của vợ Trần:
- Anh đừng đánh tôi, anh đánh tôi nữa, tôi sẽ huỷ hoại tất cả, lúc đó đừng có trách.
Giọng Trần trầm trầm:
- Cứ tự nhiên... Tôi đã mất tất cả rồi, bà cứ huỷ hoại hết đi.
Có tiếng khép cửa, Sương biết Trần đã trở về phòng. Nàng nằm im, hơi thở nặng nề như sắp nghẹn, từng thớ thịt trong người nàng đều nằm trong tình trạng lo âu.
Câu chuyện xảy ra quá bất ngờ khiến Sương ngơ ngác. Từ trước tới nay, chưa bao giờ nàng bị người khác làm nhục đến thế. Sương mở to mắt nhìn thẳng lên trần nhà, bây giờ nàng biết mình sẽ bị mất ngủ luôn.
Trước kia, nàng đã biết tình cảm vợ chồng trong gia đình này không mấy đẹp, nàng không ngờ nó tệ đến mức ấy. Gia đình như thế này làm sao lâu bền được. Và bây giờ nàng lại bị kẹt vào gia đình này rồi... Nàng sẽ phải đối xử như thế nào? Nàng có thể chịu đựng những lời phỉ báng, sỉ nhục của Lan mãi không? Sương lẩm bẩm:
- "Mình đã quyết định quá hấp tấp”.
Rồi bỗng nhiên nàng lại nghĩ:
- "Phải rời khỏi gia đình này, giờ đây rút lui cũng chưa muộn. Nhưng... Còn Oanh, đứa bé mồ côi... "
Sáng hôm sau, tới 9 giờ Sương mới thức dậy vì nàng vừa chợp mắt lúc tờ mờ sáng. Cũng may là hôm đó chúa nhựt nên nàng khỏi phải đi dạy. Sương vừa suống lầu thì Oanh chạy nhanh lại, nét mặt ngây thơ thật dễ mến:
- Cô ngủ ngon không cô?
Sương mỉm cười:
- Ngon lắm.
Nhưng ngay lúc đó nàng lại che miệng ngáp...
- Con đang chờ cô ăn sáng.
- Ba cháu đâu?
- Dạ đang ăn sáng trên phòng.
Sương nhìn lên phòng Lan:
- Còn mẹ?
- Dạ chưa thức.
- À...
Sương ngồi xuống bàn ăn mà nàng vẫn lờ đờ, ngơ ngẩn. Oanh như đã mẫn cảm được chuyện gì nên ngồi lặng thinh, không dám hỏi.
Sau bữa ăn, Sương ngồi trên sa lon, kéo Oanh vào lòng bảo. - Oanh, cô trở về nhà trọ, mỗi ngày sẽ đến đây dạy cháu nghen. Oanh giựt mình:
- Cô... Con đã làm gì cho cô giận... Con không biết, cô tha thứ cho con nghen cô...
Nó nhìn Sương với vẻ thất vọng lẫn lo âu.
Sương lắc đầu:
- Không, cháu ngoan lắm, cháu không làm cho cô giận gì đâu. Oanh nắm tay nàng:
- Nhưng tại sao cô lại đi?
Nó nhìn Sương với đôi mắt van lơn, tha thiết khiến nàng không nỡ trả lời ngay.
- Đừng đi nghen cô... Tội nghiệp con mà...
- Ai đi đâu?
Sương giựt mình vì có tiếng Trần chen vào. Chàng đi trên lầu đang bước xuống.
Oanh vội chạy lại Trần:
- Ba... Ba nói với cô con đừng trở về nhà trọ đi ba, cô con nói là sắp đi đó...
Trần lẩm bẩm:
- Thật không ngờ... Lan nguy hiểm quá, đến cả cô giáo mà nó cũng không để yên... Thế này Oanh sẽ khổ nữa rồi!
Chàng ngẩng lên:
- Cô còn giận sao?
Sương cũng nghe cả những lời chàng lẩm bẩm, nàng đáp cho tự ái: - Giận làm gì ông?
Trần lắc đầu chán nản:
- Thực là một con đàn bà nguy hiểm, nó muốn hành hạ Oanh suốt đời mà.
- Nhưng tôi chưa đi mà.
- Nghĩa là cô ở lại?
- Nhưng...
Sương do dự rồi gật đầu:
- Phải... Tôi sẽ ở lại.
Ngay lúc đó, nàng có cảm giác như đã lọt và bẫy của Trần, chàng có lẽ nói như thế để khơi dậy tự ái lòng nàng nhưng nàng nhận thấy mình ở lại cũng đúng.
Từ hôm ấy, Sương nhận thêm một sự thật là giữa nàng và Lan không thể nào hòa dịu được. Nói đúng hơn đôi bên coi nhau như kẻ thù địch không bằng. Sương biết mình sẽ gặp những rắc rối khó khăn nên nàng chú ý để tâm đối phó. Nhưng mấy ngày rồi, mọi việc vẫn trôi chảy, không có gì trở ngại cả.
Thường ngày nàng và Lan ít khi gặp nhau. Sáng sớm nàng dẫn Oanh đi học khi Lan còn ngủ, đến trưa về Lan đã ra ngoại thành trông nom việc buôn bán, đến khuya mới về. Lần lần rồi nàng cũng quen với nếp sống mới đi, cũng chẳng có gì đáng lo ngại cả.
Nàng chú ý tới cách dưỡng dục, dạy dỗ Oanh. Mỗi sáng, nàng ép nó uống sữa tươi, nàng cũng thường bàn với chị bếp nấu thức ăn cho Oanh được đầy đủ chất bổ dưỡng.
Rồi không biết bắt đầu từ bao giờ, mỗi buổi chiều, Trần đều xuống phòng ăn, ăn chung với Sương và Oanh. Mỗi buổi ăn, Oanh tíu tít trò chuyện vui vẻ, Trần thường lặng im nghe Sương cùng con mình nói chuyện mặt lộ vẻ vui tươi, sung sướng.
Oanh thay đổi rất mau, má nó không còn hom hóp vô nữa mà hồng hào, vóc người cao hơn và trong mỗi buổi ăn, nó ăn uống như bao đứa trẻ khỏe mạnh khác, nghĩa là gấp hai, ba lần khi trước. Điều quan trọng là tánh tình Oanh cũng thay đổi, nó vui vẻ cả ngày làm gia đình cũng vui lây.
Chị Châu đã cảm động nói với nàng:
- Oanh được sung sướng như thế là nhờ cô nhiều lắm.
Sương thấy yên lòng với công việc thường ngày và hơn nữa, nàng lại thấy thích thú trong công việc quên dần đi người thanh niên khác màu da, mang tên J...
J... Đã gởi cho nàng rất nhiều thư, chàng đã hết lời nài nỉ, trách móc nàng. Nhưng Sương cũng không trả lời, nàng lờ luôn chẳng thèm để ý đến nữa. Rồi thì thế nào J... Cũng tìm người khác, ngoại quốc người ta đâu chung tình như Á Đông đâu mà phải sợ chàng ta đau khổ lâu.
Mỗi tuần, Trần về thành phố hai lần. Chàng đi để kiểm soát tiệm buôn của mình ở thành phố. Người quản lý tiệm là ông Hà, một ông lão trên 50, thường đến nhà báo cáo về tình hình buôn bán cho Trần hay luôn.
Sương rất ngạc nhiên khi thấy Trần tuy mù lòa nhưng rất sáng suốt trong những quyết định thương mại, chàng làm ăn trôi chảy nhờ ông lão trung thành và có trí thông minh.
Sương cũng tiếc thầm:
- "Phải chàng đừng mù lòa...”.
Trước khi tàn tật, không biết con người Trần thế nào? Chắc đẹp lắm vì nếu thử bỏ những vết nhăn trên trán chứng tỏ sự đau khổ chất chồng bỏ hết sự u buồn trên nét mặt, bỏ cái nhếch môi chua chát với đời thì Trần đẹp lắm, một cái đẹp đầy nam tính rắn rỏi, oai hùng.
Chiều chủ nhựt, lần thứ nhất kể từ ngày đến nhà Trần, Sương mới rời Oanh để về thành phố sắm ít vật dụng cần thiết.
Khi nàng ôm bao giấy to về nhà đã thấy Oanh ngồi chống tay buồn bã trước thềm ba. Sương ngạc nhiên:
- Ủa, Oanh ngồi đây làm gì?
- Dạ, con đợi cô về.
Nó nhìn Sương:
- Lần sau có đi chợ cô cho con theo nghen cô, con ngoan lắm. Sương cười:
- Cũng được, nhưng cháu đừng buồn khi thiếu cô, dù sao cháu cũng phải có tính tự lập một chút, cười lên đi, đừng buồn nữa.
Nàng nắm tay Oanh:
- Thôi mình lên lầu... Có quà cho cháu này.
Nàng bỗng ngạc nhiên khi thấy dấu bầm trên má Oanh:
- Ủa, sao vầy nè?
Oanh cúi đầu:
- Ba má con gây lộn dữ lắm.
- Ủa, má cháu hôm nay không đi à?
- Dạ không, hiện còn ngồi ở phòng khách.
- Tại sao lại gây nhau?
- Dạ má con xin tiền ba không cho...
Sương lắc đầu:
- Rồi cháu bị vạ lây?
Oanh chưa kịp trả lời thì cánh cửa bật mở, Lan đang đứng chống nạnh nhìn nàng.
Sương đứng lên, đối diện với Lan.
- Cần gì hỏi nó, tôi nói cho cô nghe, chính tôi đã đánh nó đó. Sương đáp nghiêm trang:
- Nhưng nó là con nít thì bà đánh nó làm gì, nó đâu có chọc bà. Lan bĩu môi:
- Nhưng tôi thích đánh, còn cô, cô chỉ là một người mà chúng tôi ném ra vài ngàn một tháng để cô dạy con Oanh, cô không có quyền gì nói vào chuyện gia đình của người khác.
Bà ta cười gằn:
- Nó giống con gái mẹ nó là tôi đánh hà.
Rồi thình lình bà lại đánh Oanh thêm một tát tai thật mạnh nữa, đánh thật thản nhiên. Oanh đang khép nép bên Sương, nó không ngờ Lan lại đánh nữa nên không tránh được cái tát tai ấy.
Bốp... Oanh loạng choạng mấy bước suýt té.
Sương giựt mình la lớn, bỏ ngay giỏ giấy lớn xuống đất rồi chạy lại đỡ Oanh. Nàng đứng trước mặt Oanh, chắn ngang giữa Oanh và bà Lan... Sương vừa giận, vừa tức, nàng nói to:
- Bà không được đánh nó... Bà...
Nàng tức đến nghẹn cổ, không nói thêm một lời nào được. Bà Lan cười gằn:
- Tôi không có quyền đánh nó à?
Lan nhìn Sương như khiêu khích, rồi quay lại Oanh mặt hầm hầm như muốn đánh thêm. Bà xô Sương ra:
- Cô ra chỗ khác đi, gián can cái gì? Tôi đánh chết con nhỏ này hôm nay mới được.
Rồi bà xốc tới, Sương đẩy Oanh ra sau mình rồi đứng ngay trước mặt bà Lan. Trong phút giây ấy, nàng thấy cần phải bảo vệ cho Oanh nên hành động không cần suy nghĩ.
Lan xô Sương ra định đánh Oanh nhưng Sương cứ cản mãi làm bà đánh không được. Càng lúc Lan càng xô Sương mạnh hơn, nhưng nàng vẫn kiên nhẫn chịu đựng, không để Oanh bị đòn.
Lan la lớn:
"""