"
Xoay Tư Duy Chuyển Cuộc Đời PDF EPUB
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Xoay Tư Duy Chuyển Cuộc Đời PDF EPUB
Ebooks
Nhóm Zalo
HỘI MÊ SÁCH
Tải eBooks miễn phí tại https://hoimesach.com Nhận eBooks miễn phí qua Zalo: https://zalo.hoimesach.com Group: https://facebook.com/groups/mesachhoi
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
LỜI NÓI ĐẦU
Qua nhiều năm tháng, tôi nhận ra rằng tôi vẫn chưa là chính mình.
Không phải tôi bị khó ở hay bệnh tật gì; tôi thật sự có cảm tưởng như một kẻ nào khác đang sống cuộc đời của mình. Có những khoảnh khắc tôi được kết nối sâu sắc với bản thân, gia đình, bạn bè, công việc hiện tại và đương nhiên là với cả hành tinh diệu kỳ mà chúng ta đang sống. Những khoảnh khắc đó thật đặc biệt. Khi đó, tôi cảm thấy như mình đạt được sự thông suốt tuyệt đối. Tôi thật sự hiện hữu và tỉnh táo. Tuyệt đối không có điều gì bị bỏ lỡ. Mọi thứ vừa vặn, hoàn hảo. Khi được trải nghiệm những khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận mình thực sự được kết nối với chính con người của mình và với nơi chốn mà tôi đang hòa nhập, nơi đó là điều kỳ diệu mang tên cuộc sống. Không sợ hãi, không lo âu và cũng không có mối bận tâm nào bởi mọi thứ đều thật đúng đắn. Ở trạng thái đó, tôi biết rằng mọi thứ đều thật vui vẻ, sáng sủa và thú vị, và thấy cuộc sống này có bản chất là một cuộc chơi tuyệt diệu.
Đáng buồn là trạng thái này thường chóng qua, và trước khi tôi kịp nhận ra nó thì tôi đã quay trở lại với đời sống tất bật, nơi tôi phải vật lộn với tốc độ quay cuồng, mất kiểm soát và chỉ “ghi bàn” khi đâm sầm vào mục tiêu một cách không chủ ý. Và rồi sau đó, một ngày nọ, một tuần nọ, hay thậm chí một tháng nọ, một cách tình cờ, tôi lại bị nẩy tưng ra khỏi trạng thái đó, để rồi tự hỏi: Điều quái gì đang diễn ra vậy?
Hầu hết chúng ta đều đã trải nghiệm việc chạy xe từ điểm A đến điểm B mà khi tới đích chúng ta chẳng nhớ ra là mình đã đi ngang qua những cột mốc nào đáng chú ý trên đường đi. Chúng ta đến nơi an toàn và kiểm soát được phương tiện trong suốt hành trình, tuy vậy ta lại có cảm giác như một ai khác đã điều khiển mọi thứ bởi vì chúng ta hầu như chẳng nhớ nổi làm cách nào mà mình đã đến được nơi đó. Nói cách khác, chúng ta đã sử dụng chế độ lái tự động.
Sự thật là, điều này không chỉ xảy ra khi chúng ta cầm tay lái; nó xảy ra mỗi ngày trong cuộc sống, tại chỗ làm, ở nhà, với bất cứ ai. Và đó chính là lý do để quyển sách này hiện diện ở đây.
CUỘC SỐNG Ở CHẾ ĐỘ “LÁI TỰ ĐỘNG”
Nguyên nhân khiến phần lớn thời gian sống của chúng ta ở chế độ “lái tự động” là do cách bộ não chúng ta hoạt động. Não bộ làm việc ở hai trạng thái: ý thức và tiềm thức, và theo nhiều nhà khoa học đáng tin cậy thì hai trạng thái này cộng lại sử dụng hết khoảng 25% tổng năng lượng của chúng ta.
Bộ não ý thức được sử dụng cho các quá trình liên quan đến lô-gic, lý lẽ và các cấp độ xử lý nhận thức cao hơn. Khi chúng ta cố gắng suy nghĩ để quyết định xem việc thuê xe có hiệu quả hơn so với việc mua hẳn một chiếc xe hay không, hay liệu việc sử dụng hệ thống bơm địa nhiệt* có thực sự giúp chúng ta tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng giúp bảo vệ môi trường hay không, thì khi đó chúng ta đang dùng bộ não ý thức để xử lý thông tin. Việc này làm tiêu hao rất nhiều năng lượng, đó là lý do tại sao khi cố gắng giải một bài toán khó, chúng ta thường nhanh cảm thấy mệt.
* Bơm địa nhiệt, hay còn được biết là bơm nhiệt từ lòng đất: là một kỹ thuật năng lượng mới có hiệu suất cao và ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình, cũng như trong công sở. Kỹ thuật này ứng dụng trong việc điều hòa nhiệt độ và cung cấp nước nóng. Thuận lợi lớn nhất của nó là khả năng tập trung nhiệt từ tự nhiên (lòng đất) thay vì tạo nhiệt từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường.
Trái lại, bộ não tiềm thức là một cỗ máy hiệu quả hơn. Nó rất giỏi nhận ra những kiểu mẫu và sự tương đồng trong những việc chúng ta đang trải nghiệm trong hiện tại so với những gì chúng ta đã từng trải nghiệm trước đây. Nếu một việc ở hiện tại có vẻ đủ tương đồng với một việc nào đó trong quá khứ thì tiềm thức sẽ kết luận rằng chúng là như nhau, và theo đó điều khiển hành vi của chúng ta để chúng ta có cách phản ứng tương tự lần trước. Vì vậy, nếu chúng ta nhận ra cửa nhà bếp không được đóng như thường lệ khi hai tay ta bưng hai ly rượu đi ra và ta không nghe được tiếng chốt cửa kêu “tách” chứng tỏ cửa đã được đóng thì gót giày của ta sẽ tự động đẩy cửa về đúng vị trí, với một lực vừa đủ để đóng cửa một cách hoàn hảo. Thật tuyệt! Việc này chẳng cần chút suy nghĩ; và đó chính là cái hay của cơ chế “lái tự động”.
Đó là một quá trình cực kỳ hiệu quả mà không làm tổn hao chút công sức nào và đóng vai trò thiết yếu cho hoạt động của chúng ta. Chúng ta không thể giải quyết tất cả mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống bằng ý thức vì nếu phải làm thế, chúng ta sẽ kiệt sức.
Hãy hình dung sẽ khó khăn đến mức nào nếu phải học cho được một ngôn ngữ mới, chơi một loại nhạc cụ, hay thậm chí học lái xe ngay trong lần đầu tiên. Khi chúng ta thực hiện những công việc chân tay, những việc đã trở thành thói quen hay những việc mà chúng ta đã thực tập đủ thường xuyên để trở thành tự nhiên, thì tiềm thức trở nên thật hữu ích trong việc giúp chúng ta bảo toàn năng lượng, để dùng cho những công việc khó khăn hơn. Tiềm thức tư duy nhanh hơn và có tính tự động cao hơn ý thức. Đó là lý do tại sao những người chơi tennis hay đàn chuông** là những người cần cảm ơn tiềm thức nhiều nhất. Họ đã tập luyện đến mức tiềm thức luôn nắm quyền kiểm soát và hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với anh bạn ý thức phản ứng chậm hơn. Trong những tình huống như thế thì không còn nghi ngờ gì nữa về vai trò vượt trội của tiềm thức, và sự khác biệt này là rất quan trọng.
** Đàn chuông (glockenspiel): loại nhạc cụ gồm các thanh kim loại với độ dài ngắn khác nhau. Người chơi dùng hai chiếc dùi nhỏ bằng gỗ gõ lên các thanh kim loại.
Vấn đề là tiềm thức không có “công tắc ngắt nguồn”. Khi chúng ta có khuynh hướng sống theo thói quen với những thông lệ thâm căn cố đế thì hầu hết những gì chúng ta làm đều là những thứ ta đã từng làm; và vì vậy, chế độ “lái tự động” trở thành chế độ mặc định tự nhiên trong cuộc sống. Nếu chúng ta là một vận động viên tennis thì có lẽ điều này cũng không hề hấn gì, nhưng hầu hết chúng ta không dành tất cả thời gian của mình chỉ để chơi tennis – cuộc sống phức tạp hơn thế nhiều. Vì vậy, chúng ta cần phải
tạo ra một sự cân bằng tốt hơn giữa hai hệ thống não bộ của mình. Không thể định lượng chính xác thế nào là một trạng thái cân bằng đúng đắn, hoặc các khả năng của ý thức nên đóng vai trò kiểm soát đến đâu, nhưng hầu hết chúng ta đều biết theo bản năng rằng nếu chúng ta có thể trở nên tỉnh thức hơn và bớt lệ thuộc hơn vào chế độ “lái tự động” trong cuộc sống hằng ngày thì điều đó sẽ tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn trong cách chúng ta sống cuộc đời mình.
BỘ NÃO CỦA NGƯỜI SỐNG TRONG HANG
Bộ não con người không tiến hóa nhiều trong vòng năm mươi ngàn năm qua, và cho đến ngày nay chúng ta vẫn còn duy trì những bản năng sinh tồn được tạo nên để bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm từ thời tiền sử, chẳng hạn như những loài thú lớn muốn ăn thịt chúng ta, thay vì bảo vệ chúng ta khỏi những hiểm nguy của cuộc sống hiện đại.
Để sống sót, chúng ta đã phát triển một cơ chế bên trong bộ não có khả năng phát hiện những mối nguy hiểm tiềm tàng ngay tức thì và lập tức phản ứng lại chúng. Cơ chế này đã từng rất hữu ích đối với chúng ta vào thời xa xưa, bởi càng phản ứng nhanh, thậm chí là với những mối đe dọa mơ hồ nhất, chúng ta càng có nhiều cơ hội để sống sót. Thế nên phản ứng sợ hãi đã trở thành nhân tố chính yếu trong quá trình sinh sản của bộ gen và theo thời gian nó đã trở thành phần không thể thiếu trong chuỗi ADN của con người.
Những mối nguy hiểm đó từ lâu đã không còn, thế nhưng hầu hết chúng ta vẫn thể hiện một nỗi ác cảm bản năng đối với các rủi ro. Nó đã là một phần trong con người chúng ta.
Khi chúng ta ở chế độ “lái tự động”, chúng ta không thắc mắc đối với khuynh hướng tiêu cực này, chúng ta chỉ đơn thuần nghe theo nó. Bộ não của người sống trong hang vốn cực kỳ nhạy cảm với bất cứ thứ gì mới mẻ
và khác biệt, hoặc những gì không tương đồng với đặc tính của mình, không tương đồng với những điều chúng ta biết là đã có hiệu quả trong quá khứ. Kẻ sống trong hang muốn mọi thứ được giữ nguyên như cũ.
Tất nhiên bản năng này của người sống trong hang là để giúp ích cho chúng ta, để giữ cho chúng ta được an toàn. Bản năng đó sẽ không biến mất vì nó là một phần của con người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể học cách lắng nghe và đáp ứng theo nó một cách hợp lý, thay vì chỉ nghe theo không cần suy nghĩ. Khi chúng ta nhận thấy bản năng đó đang tạo ra phản ứng sợ hãi, bơm đầy adrenaline vào huyết quản chúng ta để thúc đẩy phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”***, chúng ta có thể dừng lại, hít thở và tự hỏi: “Mối đe dọa thực sự trong tình huống này là gì?”. Thường thì bản năng người sống trong hang ở bên trong ta muốn kích hoạt ở chúng ta một phản ứng mạnh hơn so với mức cần thiết.
*** Phản ứng “Chiến hay Chạy” (hay bản năng “Chiến đấu hay Bỏ chạy”): là một phản ứng sinh lý xảy ra khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hay nguy hiểm đến sự sống còn. Walter Bradford Cannon là người đầu tiên mô tả phản ứng này.
Trong khi bạn ở trạng thái “lái tự động” thì bản năng này sẽ nắm quyền kiểm soát; khi bạn tỉnh thức thì nó bị truất quyền.
Việc hiểu được cách lắng nghe bản năng sống trong hang, trân trọng những gì nó nói với bạn và rồi tỉnh táo lựa chọn việc làm gì tiếp theo chính là chìa khóa để bạn tìm thấy tự do và có được một cuộc đời xán lạn.
Chúng ta hãy cùng xem xét hai nửa quang phổ ý thức và tiềm thức. TIỀM THỨC
Khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, tiềm thức của chúng ta nắm quyền kiểm soát. Điều này có nghĩa là chúng ta có khuynh hướng rất dễ tác động trở lại với thế giới mà chúng ta đang sống.
Khi chúng ta nếm trải bất kỳ loại cảm xúc nào, chúng ta đều có phản ứng và những phản ứng đó cho thấy chúng ta đã trải qua một ngày như thế nào. Tiềm thức của chúng ta rất mê sự tưởng tượng bay bổng và sẽ lôi kéo chúng ta vào những giấc mộng giữa ban ngày bất cứ khi nào có thể. Những giấc mộng ban ngày ấy thường là về quá khứ hoặc tương lai và chúng khiến chúng ta hầu như quên lãng những gì đang diễn ra trong hiện tại. Khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, chúng ta đưa ra những quyết định trong phút chốc về mọi thứ và thường thì đó là những quyết định không sáng suốt. Nếu chúng ta đang cảm thấy mệt mỏi, chúng ta thường nốc ngay một ly soda có đường thay vì dành vài phút để thư giãn và tái nạp năng lượng. Nếu chúng ta vừa trải qua một buổi sáng khó khăn thì có thể chúng ta sẽ nuông chiều bản thân bằng một bữa trưa quá thịnh soạn để cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng thực chất nó lại khiến chúng ta kém hiệu quả cho đến hết ngày. Có thể là những công việc mà chúng ta phải hoàn thành hôm nay thật khó khăn và vô nghĩa, thế là ta lại quay sang tìm Facebook để thư giãn. Chế độ “lái tự động” khiến chúng ta cảm thấy mình dường như đờ đẫn. Đó là trạng thái thụ động, mất kết nối.
Khi chuyển sang trạng thái này, chúng ta thường cảm thấy như thể chúng ta là duy nhất và làm sao để sống còn là ưu tiên số một của ta. Chúng ta mất đi nhận thức mình là ai và điều gì là quan trọng bởi vì chúng ta bị chi phối bởi bản năng nhiều hơn là sự thấu suốt.
Khi nhìn vào gương, chúng ta tin những gì chúng ta trông thấy chính là mình: không gì khác hơn một cái tên, một khuôn mặt, đặc tính cá nhân không thay đổi – hầu như không có sự kết nối với nhân loại. Thời gian vùn
vụt trôi qua, vì khi ở trạng thái này, hoặc là chúng ta bận rộn với những ý nghĩ, những ảo tưởng và hành động; hoặc là chúng ta bước vào một vùng tranh tối tranh sáng mà ở đó não bộ được nuôi dưỡng ngày qua ngày bởi các thiết bị kỹ thuật số, bởi truyền thông xã hội, game, truyền hình, báo chí,… Tôi gọi đó là “vùng đất bóng tối”. Khi ở đó, chúng ta sống ở trạng thái “lái tự động” và luôn sợ hãi bởi vì sợ hãi có nghĩa là chúng ta sẵn sàng để đối phó với nguy hiểm, theo cách của người ở thời tiền sử, gần như với bản năng của loài thú. Tiềm thức của chúng ta có thể hiệu quả, nhưng nó sẽ không thể giúp ta tỏa sáng.
Ý THỨC
Ở nửa bên kia quang phổ chính là nơi chúng ta tỉnh thức. Đây thực sự là một trạng thái tỉnh táo và được kết nối. Tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những khoảnh khắc thông suốt hoàn toàn như thế – đó là những khoảnh khắc lướt qua khi ta cảm nhận rằng cuộc sống có thể tuyệt vời đến thế nào.
Thường thì những khoảnh khắc lóe sáng đó đến từ những sự kiện rất ngẫu nhiên – như đi dạo ở vùng quê vào một ngày trời bỗng dưng tuyệt đẹp, hay bất chợt nghe được một bản nhạc đúng tâm trạng. Cũng có thể là khi ta ôm một người mà ta yêu quý vào lòng. Đôi khi, có thể hơi kỳ lạ một chút, chúng ta cảm thấy mình có sức sống hơn khi cái chết hay một thảm họa đến kề bên. Hôm trước ngày tôi bắt đầu viết quyển sách này, David Bowie**** qua đời. Mặc dù đó là một ngày đáng buồn nhưng vẫn có điều kỳ diệu bên trong sự kiện đó. Tôi cảm thấy mình tỉnh thức hơn vì việc David Bowie vừa mất đi đã nhắc nhở tôi rằng, cũng như Bowie, bạn hoàn toàn có thể trở thành người mà bạn mong muốn trong cuộc đời này và cảm thấy hạnh phúc với điều đó mỗi ngày, đồng thời tôi cũng nhận ra rằng không có gì tồn tại vĩnh viễn. Đây là một góc nhìn rất hữu ích để chúng ta luôn giữ cho mình tỉnh thức.
**** David Bowie (1947 – 2016): ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng người Anh.
Mỗi người có trải nghiệm của riêng mình về việc tỉnh thức trước cuộc sống. Đó là một phần rất bình thường của sự sống. Khi chúng ta hòa nhịp, chúng ta sẽ nhận thấy mình không còn phản ứng với thế giới xung quanh nữa, mà chúng ta tương tác với mọi thứ một cách có ý thức và có chủ đích hơn. Dường như chúng ta có nhiều lựa chọn hơn và có góc nhìn rộng mở hơn để biết đón lấy mọi tình huống với thái độ tích cực. Ta nhận thấy tâm trí ta tĩnh lặng hơn; có mặt trọn vẹn và tập trung hơn, trái với cách hành xử bạ đâu hay đấy khi ở trạng thái “lái tự động”.
Khi tỉnh thức, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không bao giờ đơn độc; chúng ta thực sự được kết nối với mọi thứ và mọi người trên hành tinh này bởi vì, về mặt năng lượng, tất cả chúng ta đều là một. Ở trạng thái mà
khả năng thấu cảm được nâng cao này, chúng ta hiểu được cái gì là quan trọng, cái gì không và chúng ta đủ sáng suốt để bỏ lại phía sau những nỗi ám ảnh vụn vặt để có thể tập trung vào những gì thực sự có ý nghĩa.
Khi chúng ta tỉnh thức, chúng ta trở nên sáng suốt, chúng ta sáng tạo, chúng ta dung hòa với thế giới xung quanh thay vì cố chống cự với nó và chúng ta nhận ra mọi thứ trở nên thật dễ dàng. Đối với tôi đây thực sự là một trạng thái tồn tại đầy sức sống (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) và nó hoàn toàn khác với trạng thái “lái tự động”.
THOÁT KHỎI TRẠNG THÁI “LÁI TỰ ĐỘNG”
“Lái tự động” cũng giống như việc bạn ngồi thụ động trước tivi, liên tục nhai thức ăn vặt trong khi bụng không đói và để cho mọi thứ đang được chiếu trên màn hình hút mất hồn.
Khi bạn tỉnh thức, bạn cảm thấy như thể mình đang là ngôi sao truyền hình được trao giải cho một chương trình truyền hình do chính bạn sáng tạo ra và bạn sẽ tiếp tục tỏa sáng như vậy mỗi ngày, ngày nào mà bạn còn bước đi trên hành tinh này. Nhân lúc này, hãy dành thời gian suy nghĩ về những lần bạn cảm thấy hoàn toàn tỉnh thức và được kết nối. Hãy nhắm mắt lại, hít một hơi sâu và nhắc nhở bản thân về cảm giác khi đó của bạn. Đặc biệt, hãy tập trung nhớ lại điều gì đã khiến cho trải nghiệm ấy trở nên thú vị như thế.
TÂM TRÍ BẠN NHƯ THẾ NÀO VÀO KHOẢNH KHẮC ẤY?
NHỮNG CẢM XÚC GÌ TRÀO LÊN TRONG BẠN VÀO THỜI ĐIỂM ĐÓ?
CẢM GIÁC KẾT NỐI VỚI BẢN THÂN, VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÁC VÀ VỚI HÀNH TINH NÀY LÀ NHƯ THẾ NÀO?
BẠN CẢM NHẬN KHOẢNH KHẮC NÀY KHÁC BIỆT RA SAO SO VỚI KHI Ở TRẠNG THÁI “LÁI TỰ ĐỘNG”?
CỨ VẼ, VIẾT, KỂ CẢ NGUỆCH NGOẠC MỌI THỨ BẠN GHI NHẬN Ở ĐÂY
________________________
________________________
________________________
CỨ VẼ, VIẾT RA, KỂ CẢ NGUỆCH NGOẠC MỌI THỨ BẠN GHI NHẬN Ở ĐÂY
________________________
________________________
________________________
Một trong những nỗi thất vọng thường trực của tôi đó là mặc dù tôi đã đạt được trạng thái tỉnh thức tuyệt diệu ấy rất nhiều lần, nhưng nó lại biến mất quá nhanh và tôi quay trở về với guồng quay bất tận của trạng thái “lái tự động” hết lần này đến lần khác. Thật trớ trêu là cảm giác thất vọng lại càng thúc đẩy trạng thái “lái tự động” chiếm ưu thế dễ dàng hơn. Khi chúng ta cố gắng quá sức, chúng ta sẽ càng khiến mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn đáng kể. Để tỉnh thức, chúng ta cần phải vui vẻ và thư thái. Sẽ chẳng ích gì nếu chúng ta cứ sống trong tình trạng căng thẳng.
Thực tế là tiềm thức của ta rất giỏi thâu tóm quyền kiểm soát tâm trí ta và nó sẽ nhanh chóng bắt lấy mọi cơ hội dù là nhỏ nhất. Bất kể chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc viên mãn đến đâu, ngay khi chúng ta bắt đầu
trở lại bận rộn và làm những việc chúng ta đã từng làm trước đây, thì cơ chế “lái tự động” sẽ được kích hoạt ngay để tiết kiệm năng lượng. Đó là một phần trong cấu tạo của ta. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng việc chúng ta thường xuyên đánh thức chính mình một cách có chủ ý thì có thể sẽ tác động sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, những quyết định chúng ta đưa ra và niềm vui sống nói chung. Càng làm như vậy thường xuyên, chúng ta sẽ càng hòa nhịp với trạng thái ấy và cơ chế “lái tự động” sẽ dần suy yếu đi. Cơ chế này sẽ không bao giờ mất đi vì chúng ta cần có nó để tồn tại, nhưng nó có thể trở nên ít chiếm ưu thế hơn và nhờ đó mà nó sẽ đóng vai trò hỗ trợ, thay vì dẫn dắt cuộc sống của chúng ta.
CÁCH SỬ DỤNG QUYỂN SÁCH NÀY
Trước khi đọc và thử nghiệm những kỹ thuật mà quyển sách này cung cấp nhằm giúp bạn tỉnh thức, bạn nên thực hiện một bài tập rất hữu ích là dành một ngày, hay thậm chí một tuần chỉ để ghi nhận xem bạn cảm thấy mình thực sự tỉnh thức ở mức độ thường xuyên như thế nào.
Hãy mang quyển sách này theo bên mình và ghi chú lại vào trang trống bất cứ lúc nào bạn nhận biết những khoảnh khắc ấy và những gì mà theo bạn là nguyên nhân đưa đến sự tỉnh thức. Lúc tôi thử làm bài tập này, tôi đã rất sửng sốt khi nhận ra mình hiếm khi tỉnh thức trong khi làm việc đến mức nào. Gần đây tôi đã yêu cầu một nhóm người thử kiểm nghiệm bản thân họ trong một tuần, và sau đó mỗi người đều cho biết họ hết sức ngạc nhiên khi nhận ra cuộc sống của họ đã bị điều khiển bởi cơ chế “lái tự động” nhiều đến mức nào. Một cặp vợ chồng khá thành thật, thậm chí còn bảo rằng trong suốt cuộc thử nghiệm ấy, họ gần như chẳng có lúc nào thoát ra khỏi trạng thái mê ngủ thường trực này, và rồi họ tự hỏi bao nhiêu năm tháng trong cuộc đời họ đã trôi qua theo kiểu như vậy.
Một cách thầm lặng, cơ chế “lái tự động” chẳng những được nuôi lớn nhờ vào những thói quen sẵn có của ta mà nó còn tạo ra những thói quen mới. Bộ não của người sống trong hang rất thích sự quen thuộc. Bộ não đó lập luận rằng rõ ràng những gì chúng ta đã trải nghiệm và giúp ta sống sót trong thế giới nhị nguyên của năm mươi ngàn năm trước thì không thể nào quá tệ như thế được. Quả thật khi chúng ta ở trạng thái “lái tự động”, chúng ta sẽ tự động đưa ra những lựa chọn mà chúng ta đã đưa ra trước đây. Điều này dẫn đến kết quả là phần lớn mọi hoạt động trong cuộc sống trở thành thói quen, và chúng bao phủ lấy ta như một tấm chăn khổng lồ êm ái dễ chịu.
Tôi là một người rất tin ở thiền định, sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại*****, yoga và nhiều môn học bí truyền. Tuy thật sự tôn kính những trường phái triết học này, nhưng tôi nhận ra rằng chúng giúp tôi phát triển nội tâm nhiều hơn là những khía cạnh bên ngoài. Chúng giúp tôi kiểm soát được nguồn năng lượng, đạt được sự tập trung và tĩnh tâm, nhưng không hẳn đã giúp kết nối tôi với nguồn năng lượng tỉnh thức của hành tinh này, với thế giới con người và vũ trụ bao la. Trên phương diện cá nhân, tôi cần nhận biết những việc nên làm và những việc không nên làm. Đó là hai mặt âm dương của sự tỉnh thức.
***** Sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại: là chánh niệm, theo giáo lý đạo Phật.
Quyển sách này được thiết kế để bổ sung cho những phương pháp giúp tĩnh tâm nói trên bằng những hoạt động vui vẻ, đòi hỏi hoạt động liên tục và mang tính thực nghiệm. Tôi tin rằng cách duy nhất để tỉnh thức là đưa vào cuộc sống của chúng ta nhiều trải nghiệm mới mẻ và khác biệt một cách có chủ ý, thúc đẩy sự phát triển cảm giác tỉnh thức mạnh mẽ khi chúng ta gắn kết với những trải nghiệm đó. Mỗi người chúng ta đều là duy nhất, và mỗi
người có những nhu cầu, niềm tin, mong muốn và đặc tính cá nhân khác nhau, vì vậy những trải nghiệm khác nhau sẽ tác động đến chúng ta theo những cách khác nhau và những gì là hiệu quả với người này có thể lại không hiệu quả với người kia. Cốt lõi của quyển sách này là một chuỗi những thử nghiệm mà bạn nên thử, tận hưởng chúng và tìm xem cái nào hữu ích cho bạn.
Rất nhiều cuộc thử nghiệm trong sách này đã được tiến hành với những nhóm lớn các tình nguyện viên, và chúng tôi biết rằng những thử nghiệm đó có tiềm năng mang lại tác động tích cực. Một số thử nghiệm khác được giới thiệu ở đây lần đầu tiên, để bạn có cơ hội tham gia vào một cuộc thử nghiệm với quy mô lớn hơn. Hãy chia sẻ với chúng tôi bạn cảm thấy thế nào nhé!
Trên tất cả, xin bạn hãy nhớ rằng quyển sách bạn đang có trong tay là một cơ hội, chứ không phải gánh nặng. Đây không phải là loại sách đưa ra những việc cần phải làm để bạn phải mất thêm thời gian cho nó. Thật ra đây chỉ là những gợi ý để bạn thử nghiệm cho vui nếu bạn nhận thấy chúng phù hợp. Nếu bạn bỏ qua một vài thử nghiệm thì cũng đừng áy náy. Nếu một vài gợi ý không hiệu quả đối với bạn thì cũng là bình thường vì không thể nào tất cả mọi ý tưởng đều phù hợp cho một cá nhân nào đó. Không có việc đúng hay sai trong cách bạn thực hiện những thử nghiệm này, và cũng không nhất thiết phải theo đúng một trình tự nào cả. Chỉ cần tin tưởng rằng bạn sẽ tìm thấy những gì mình cần trong số những thử nghiệm ấy.
Một số người đạt được lợi ích bằng việc lặp đi lặp lại một thử nghiệm trong nhiều ngày liên tiếp – chẳng hạn như, bạn có thể thử một gợi ý nào đó từ thứ Hai đến thứ Năm, thứ Sáu được dành để tổng kết lại xem mình đã học được những gì. Trong sách có các trang trống để bạn ghi lại những điều bạn thông tỏ, những góc nhìn mới và những ghi chú ngoài lề. Cũng có khi
bạn nhận thấy chỉ cần thực hiện mỗi bài tập một lần là đủ để hiểu được hiệu quả của nó – như thế cũng rất tốt. Có thể bạn muốn đọc quyển sách từ đầu đến cuối và nghiền ngẫm từng nội dung bên trong; hoặc chỉ chọn đọc những gì mình quan tâm đâu đó trong sách khi bạn cần đôi chút động lực.
Lời khuyên duy nhất của tôi là đừng chỉ đơn thuần cầm quyển sách lên, đọc sách, rồi đặt nó trở lại trên kệ – bạn cần phải tiến hành những thử nghiệm này để chuyển biến bộ não ý thức của mình. Tỉnh thức hàm ý là “suy nghĩ ít hơn và làm nhiều hơn”. Anh bạn thân Jeremy đã có lần bảo tôi: “Chris này, có những con người của hành động và những người không như thế”. Hãy là một người của hành động và bạn sẽ thấy cuộc sống của mình ngày càng phong phú. Chúng ta không thể tỉnh thức chỉ bằng trí óc, mà đó phải là một trải nghiệm toàn diện và mạnh mẽ, chỉ có được thông qua những hoạt động đầy hứng thú. Đừng quá nghiêm túc, hãy xem đây là một trải nghiệm thật vui vẻ. Tôi đã có chủ ý không đề cập nhiều đến các kết quả nghiên cứu hay số liệu thống kê và tất cả những gì mang tính hàn lâm, bởi vì đó không phải là những gì quyển sách này đề cập đến. Đây không phải là một tài liệu khoa học về ý thức; chỉ là quan điểm và là quan điểm của riêng tôi. Xin trích dẫn lại một câu trong quyển sách trước đó của tôi: “Những gì quan trọng thường không được xem trọng và những gì được xem trọng thường chẳng quan trọng” và quyển sách của tôi xuất phát từ quan điểm này.
Nếu bạn đang cần một động lực mạnh mẽ, hãy thực hiện những thử nghiệm này cùng với một người bạn, bởi những gì họ học được cũng góp phần nâng cao hiểu biết của bạn. Tôi nhận thấy rằng một sự khai sáng tức thời hẳn là hiếm khi xảy ra; điều thường xảy ra hơn là những thay đổi nhỏ về sự tỉnh thức với những tác động lớn hơn ta mong đợi. Nếu bạn có thể
hòa nhịp với bản thân trong khi thực hiện những thử nghiệm thì bạn sẽ nhận được những kết quả phi thường.
Bộ phim Lawrence of Arabia được thực hiện dựa trên cuộc đời của T. E. Lawrence, một người đàn ông cảm thấy cô độc và đã đi theo tiếng gọi bên trong để tìm ra chính mình. Ở trên sa mạc, Lawrence đã có những nỗ lực gần như không thể để kết nối với các bộ lạc xứ Ả Rập. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông trước khi bắt đầu một cuộc chiến đầy thách thức là: “Những điều lớn lao thường có khởi đầu nhỏ bé”. Trong khi chúng ta chưa sẵn sàng để làm những điều lớn lao, như đương đầu với quân Thổ bằng quân vũ trang của bộ lạc Bedouin, thì mỗi người chúng ta, bằng những cách rất riêng của mình, có thể tạo nên những thay đổi nhỏ nhưng có khả năng tạo ra ảnh hưởng lớn đối với cuộc sống nếu chúng ta cho phép nó xảy ra.
Nếu một trong những bài tập trong sách này có vẻ không hiệu quả với bạn, hãy cứ mạnh dạn điều chỉnh hay sáng tạo sao cho nó trở nên hiệu quả. Nguyên lý bên trong những bài tập này có thể được tiếp nhận bằng nhiều cách, hãy chọn lấy cách nào đó phù hợp với bạn. Những bài tập này sẽ giúp bạn hòa nhịp với chính mình và tập trung vào những gì quan trọng (được biểu thị bằng biểu tượng ), hòa nhịp với một hay nhiều nguồn năng lượng có ở khắp nơi xung quanh bạn (được biểu thị bằng biểu tượng ), hoặc khơi nguồn sức mạnh cho cơ thể và/hay tâm trí (được biểu thị bằng biểu tượng ). Mỗi bài tập được phân chia thành ba phần: góc nhìn mới về thử nghiệm, kế hoạch thực hiện thử nghiệm đó và những thành quả bạn nhận được khi thực hiện thử nghiệm.
Lời khuyên quan trọng cuối cùng của tôi trước khi để bạn tham gia vào cuộc vui này, đó là cách bạn tiếp cận các bài tập này sẽ quyết định mức độ hiệu quả bạn nhận được từ chúng. Nếu bạn chỉ để tâm vào một nửa, bạn sẽ chỉ nhận được kết quả nửa vời. Nếu bạn nôn nóng cho qua, mọi thứ sẽ chỉ lướt qua bạn! Nếu bạn tham gia với trái tim rộng mở và thái độ tích cực, bạn sẽ nhận được rất nhiều. Trước khi bạn thực hiện bất kỳ bài tập nào, hãy hít thở ba hơi thật sâu trong khi ngồi hoặc đứng thẳng, nở nụ cười thật tươi và nhận thức trọn vẹn rằng cuộc phiêu lưu sắp bắt đầu. Hãy thực sự dành trọn tâm trí của mình vào đó.
TÓM LƯỢC
- Hãy dành thời gian ghi nhận xem bạn thoát khỏi trạng thái “lái tự động” và tỉnh thức thường xuyên như thế nào? Điều gì giúp bạn tỉnh thức?
- Hãy xem những bài tập này giống như những hoạt động giải trí giúp cuộc sống của bạn thú vị hơn. Đó không phải là công việc, đó là một trò vui.
- Trước khi bạn bắt đầu thực hiện bất kỳ bài tập thử nghiệm nào, hãy hít thở sâu và mỉm cười thật tươi, bạn sẽ đạt được những kết quả tuyệt vời.
- Hãy mạnh dạn điều chỉnh hay sáng tạo sao cho hiệu quả nhất với bạn, nhưng hãy dành trọn tâm trí mình vào đó để đạt được lợi ích như mong muốn.
- Hít thở.
TÔI KHÔNG BIẾT TỪ ĐÂY CHÚNG TA SẼ ĐI ĐẾN ĐÂU, NHƯNG TÔI DÁM CHẮC LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH NÀY SẼ KHÔNG NHÀM CHÁN.
DAVID BOWIE
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
HÍT THỞ
Mỗi người chúng ta thực hiện khoảng hai mươi ngàn lần hít thở mỗi ngày. Tốc độ hô hấp trung bình của con người là khoảng ba mươi đến sáu mươi hơi thở mỗi phút khi vừa sinh ra. Đến lúc trưởng thành thì tốc độ này giảm xuống còn khoảng mười hai đến hai mươi hơi thở mỗi phút. Khi còn nhỏ, tất cả chúng ta đều hít thở rất sâu và thư thả từ phần bụng. Nếu bạn từng quan sát một đứa trẻ đang ngủ, bạn sẽ thấy bụng nó phình lên và xẹp xuống.
Khi lớn lên, cách hít thở của chúng ta thay đổi. Đặc biệt là khi chúng ta bị căng thẳng hoặc đang cảnh giác thì cơ thể hoạt động dưới sự chi phối của bản năng “Chiến đấu, Bỏ chạy hay Cứng đờ”, và khi đó chúng ta thở gấp với những hơi thở nông để sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy. Tình trạng căng thẳng càng kéo dài chừng nào thì từng ấy thời gian chúng ta liên tục hít thở như thế, tức là chỉ sử dụng một phần ba dung tích bên trên của buồng phổi. Thế nhưng chính phần bên dưới của lá phổi mới là nơi đáp ứng hai phần ba công suất hít thở của chúng ta. Hít thở nông bằng ngực có nghĩa là chúng ta không nhận được những gì cơ thể cần để vận hành ở mức tối ưu. Kết quả là khả năng nhận thức của chúng ta bị giảm sút, chúng ta khó lòng giữ được sự tỉnh táo và sự kết nối với những người xung quanh, và thế là cuộc sống trở nên kém vui.
Trái lại, khi chúng ta hít thở sâu, chúng ta sẽ có nhiều năng lượng hơn và cảm thấy ít căng thẳng hơn. Phong thái (cách đi, đứng, nằm, ngồi,…) và hệ tiêu hóa của chúng ta cũng được cải thiện. Việc hít thở đúng giúp cơ thể giải độc và tăng cường hệ miễn dịch.
Hít thở đúng là cách nhanh nhất giúp ta thoát khỏi trạng thái “lái tự động” vì nó làm não hoạt động chậm lại, nhờ đó mà chúng ta sáng suốt hơn.
HỌC CÁCH HÍT THỞ
GÓC NHÌN MỚI
Nhìn chung, hầu hết chúng ta đều không biết cách hít thở đúng. Tôi đã nhận ra mình dở việc này đến mức nào khi tôi tham gia khóa huấn luyện sáu tháng để học cách hít thở đúng.
Khi ta hít thở sai, ta khiến cơ thể mình bị “bỏ đói” oxy, do đó ta khó đạt được sự sáng suốt và trạng thái cân bằng giữa ý thức và tiềm thức. Khi não chúng ta hoạt động quá nhanh và không có được sự cân bằng thì chúng ta sẽ tự nhiên rơi vào trạng thái “lái tự động”.
Nếu chúng ta có thể khiến não hoạt động chậm lại và hài hòa hơn thì khả năng kết nối sẽ gia tăng gấp bội. Tôi nhận ra rằng hầu hết các thân chủ của tôi đều phải vật lộn để hít thở đủ sâu, và vì vậy họ thường phản ứng một cách bản năng với thế giới bên ngoài thay vì chủ động tương tác.
Nếu bạn không hít thở đúng cách thì bạn không thể nào kết nối với chính mình và với vũ trụ, cũng như với tất cả những nguồn năng lượng diệu kỳ, đầy sắc màu trong đó.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Chúng tôi sẽ giúp bạn rèn luyện việc hít thở để khi bạn đánh mất sự tỉnh thức và rơi vào trạng thái “lái tự động” thì bạn sẽ có thể nhanh chóng đưa nó quay trở lại một cách hiệu quả bằng cách bám lấy hơi thở.
Tôi muốn bạn dành ra mỗi ngày năm lần, mỗi lần ba phút để hít thở đúng cách: khi thức dậy vào buổi sáng, vào giữa buổi sáng, ngay sau bữa trưa, tầm bốn giờ chiều và cuối cùng là buổi tối, trước khi bạn dành thời gian cho những người thân yêu.
Hướng dẫn cụ thể:
- Hãy tìm một nơi mà bạn cảm thấy thoải mái và không bị quấy rầy. Ngồi thẳng lưng với bàn chân đặt trên mặt đất và bắt đầu bằng việc mỉm cười thật tươi.
- Hít vào qua đường mũi một hơi thật sâu trong năm giây, sau đó giữ hơi thở trong sáu giây.
- Cuối cùng, từ từ thở ra bằng miệng trong bảy giây.
- Lặp lại như thế thêm hai lần nữa hoặc cho đến khi bạn cảm thấy mình tỉnh thức, hiện hữu và được kết nối (dừng lại nếu bạn thấy choáng váng).
Tất cả những gì bạn cần ghi nhớ là các con số 5 – 6 – 7 (5 giây hít vào, 6 giây giữ hơi và 7 giây thở ra).
THÀNH QUẢ
Nếu có việc gì bạn có thể làm ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào, mà lại tác động đến mức độ tỉnh thức và kết nối của bạn một cách sâu sắc nhất thì đó chính là việc hít thở đúng cách.
Dành ít thời gian hít thở đúng cách trước khi thực hiện mọi bài tập trong quyển sách này sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt hơn. Việc hít thở không chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng mất kết nối và sẽ khiến cho trạng thái “lái tự động” nắm quyền kiểm soát.
Bằng cách hít thở đúng, bạn sẽ có tầm nhìn rõ ràng hơn, sáng suốt hơn và có cơ hội để phát triển bản thân hơn.
Hãy để việc hít thở đúng trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn và bạn sẽ không có trạng thái nào khác hơn là tỉnh thức.
TẮT TIVI
GÓC NHÌN MỚI
Khi chúng ta mệt mỏi và cảm thấy cần thoải mái đôi chút thì việc ngồi tựa gối trước tivi có thể là một lời mời gọi hấp dẫn khó cưỡng.
Tất cả những gì chúng ta phải làm chỉ là nhấn nút để đưa những gì hay ho nhất của thế giới giải trí vào cuộc sống của mình. Chẳng cần chút cố gắng nào mà ngay lập tức chúng ta ngừng kết nối, để cho bộ não ý thức đã bị kéo căng quá sức tạm ngừng hoạt động và bộ não tiềm thức mặc nhiên thế chỗ trong thế giới kỹ thuật số tuyệt diệu đầy màu sắc mà chiếc tivi mang lại.
Xem tivi một chút thì chẳng sao, nhưng nếu xem quá nhiều thì sẽ rất phí thời gian. Ở Anh, chúng tôi xem tivi trung bình khoảng dưới bốn tiếng mỗi ngày; ở Mỹ thì con số này là dưới năm. Đối với hầu hết chúng ta, thời gian duy nhất ở nhà với gia đình là sau một ngày làm việc và những khoảnh khắc quý giá bên những người thân yêu ấy sẽ phí hoài trôi qua nếu chúng ta để mình bị cuốn vào một bộ phim truyền hình.
Không chỉ có vậy, tivi còn ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận về thế giới, làm gia tăng sự bất mãn, tăng mức chi tiêu của chúng ta, thậm chí làm giảm tần số quan hệ tình dục của các cặp đôi. Tivi giống như một đứa bạn xấu vậy.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
THỬ THÁCH CỦA TUẦN NÀY LÀ HOÀN TOÀN KHÔNG XEM TIVI.
Bạn sẽ nhận ra rằng khi tivi không còn là một lựa chọn thì sẽ có rất nhiều thứ khác thực sự xứng đáng mà bạn có thể làm. Khi bạn đi làm về, hoặc sau khi bạn đã hoàn tất công việc trong ngày, hãy làm một việc gì đó khác ngày thường thay vì ngồi vô hồn trước tivi, để thời gian trôi qua một cách vô vị.
Hãy đọc sách, đi dạo, gọi điện cho bạn bè, học chơi một loại nhạc cụ, thử vài công thức nấu ăn mới, đi chơi với gia đình và trò chuyện chân thành về cuộc sống, thiền, trồng cây, sắp xếp lại tầng gác mái,… bất kể đó là việc gì miễn là một lựa chọn tỉnh thức chứ không phải một việc làm khi đang trong chế độ “lái tự động”.
Anh bạn Ben Edmonds của tôi quyết định thay vì xem tivi, anh ấy sẽ học một số kỹ năng mới, chẳng hạn như làm ra những chiếc dao bằng thủ công. Kết quả là anh ấy hiện đang sở hữu Blok Knives, một thương hiệu dao nổi tiếng tốt nhất thế giới và có danh sách đơn hàng chờ dài đến ba năm rưỡi nhờ những chiếc dao đạt trình độ tinh xảo. Hãy nghĩ xem bạn có thể gặt hái được gì nếu bạn không xem tivi quá nhiều?
THÀNH QUẢ
Lợi ích đầu tiên của việc không xem tivi đó là bạn sẽ lấy lại được cho mình rất nhiều thời gian; thời gian đó bạn có thể dùng để làm phong phú cuộc sống của mình thay vì chỉ gắng sống qua ngày. Trong vòng một tuần, nếu bạn hạn chế thời gian xem tivi ở mức trung bình như của người Anh thì bạn đã lấy lại được trọn một ngày rảnh rỗi. Có nghĩa là bạn sẽ có đến ba ngày nghỉ cuối tuần!
Lợi ích thứ hai là bằng việc chủ tâm tránh trạng thái thụ động do tivi mang lại, bạn sẽ nhận thấy khoảng thời gian tỉnh thức và sáng suốt trong ngày của mình tăng lên và nhờ vậy mà bạn dễ dàng đưa ra những quyết định tốt hơn, kết nối được với con người đích thực của mình và với những người thân yêu trong đời mình.
Hãy sống một cuộc đời thật ý nghĩa cho chính mình, đừng chỉ nhìn cuộc đời của kẻ khác.
THAY VÌ XEM TIVI, TUẦN NÀY TÔI SẼ THỬ LÀM…
NGƯNG DÙNG CHẤT KÍCH THÍCH
GÓC NHÌN MỚI
Khi chúng ta sống ở chế độ “lái tự động”, nghĩa là chúng ta sống thiếu tỉnh thức. Chúng ta không nhận thức được các giá trị ưu tiên của mình là gì, những ảnh hưởng của chúng ta đối với thế giới xung quanh và cách chúng ta chăm sóc bản thân.
Chính bản thân tôi cũng thiếu hiểu biết về những gì chúng ta đưa vào cơ thể đủ để vượt qua những thử thách hàng ngày trong cuộc sống. Ở bất kỳ thành phố tất bật nào, bạn cũng có thể thấy rất nhiều người bị lệ thuộc vào caffeine liều cao, đường tinh và bia rượu.
Khi bạn phụ thuộc vào các chất kích thích này, bạn sẽ khó có thể tỉnh táo hoàn toàn và khi ấy, chính những quái vật nhỏ này đang điều khiển bạn chứ không phải là chính bạn nữa. Tất cả chúng đều có cách hoạt động rất riêng, nhưng mỗi chất kích thích đều có công hiệu đáng kinh ngạc trong việc khiến bạn mất cân bằng. Thật thú vị là chúng ta đã có ý thức hơn về tác động mạnh mẽ của rượu bia đối với cơ thể, thế nhưng chúng ta lại hầu như không biết đến tác hại của cocaine dạng tinh thể, một sản phẩm của công nghiệp thực phẩm, đó là đường tinh. Một nghiên cứu gần đây tại Pháp cho thấy những con chuột trong phòng thí nghiệm đã chọn đường thay vì cocaine, mặc dù thực tế là trước đó chúng đã nghiện cocaine.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Không phải tôi đang đề nghị là chúng ta nên ngưng sử dụng các chất kích thích này mãi mãi, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta chú ý đến cơ thể mình, chúng ta sẽ hết sức kinh ngạc nhận ra chúng ta đang đầu độc nó mỗi ngày như thế nào. Vậy nên tuần này chúng ta sẽ chấn chỉnh lại mọi thứ.
TRONG VÒNG BỐN NGÀY TỚI, HÃY TỪ BỎ HOÀN TOÀN CAFFEINE, ĐƯỜNG TINH VÀ BIA RƯỢU.
Chỉ đơn giản thế thôi. Và như vậy có nghĩa là không cà phê Latte*, không bánh doughnut, không đồ ngọt, không hẹn hò nhậu nhẹt sau giờ làm, không bánh quy, không đồ ăn vặt linh tinh, không thức uống có ga, không rượu vang Barolo** vào bữa tối. Caffeine và bia rượu là những thứ dễ nhận biết, nhưng để tránh đường tinh thì bạn phải xem thật kỹ nhãn mác của những gì bạn muốn ăn và hãy tin tôi, nó hầu như có mặt trong tất cả mọi thứ với liều lượng cao đến bất ngờ.
* Cà phê Latte: được làm từ cà phê Espresso, sữa nóng và bọt sữa. Tùy vào kỹ năng của người pha mà bọt sữa có thể được đổ ra để tạo hình trên bề mặt. Những hình ảnh thường thấy là hình trái tim, hoa, lá.
** Barolo: là một thành phố nhỏ nằm ở phía Tây Bắc nước Ý, nổi tiếng thế giới với các loại vang đỏ được làm từ nho Nebbiolo. Nho được cho vào những bể chứa và thùng gỗ sồi lớn để ủ, mất khoảng mười năm để làm mềm.
Do đặc tính gây nghiện cao của các chất kích thích này, đặc biệt là đường, nên bạn có thể cảm thấy đau đầu hoặc tay chân run rẩy một chút khi không có chúng. Hãy uống thật nhiều nước và ăn thành nhiều bữa nhỏ để giúp cơ thể cân bằng. Tình trạng khó ở sẽ nhanh chóng qua đi, nên bạn hãy kiên trì, thành quả đạt được là rất lớn.
THÀNH QUẢ
Chỉ riêng quá trình bạn nghĩ cách để loại bỏ những chất ấy ra khỏi chế độ ăn uống của mình cũng đã là một việc rất hữu ích rồi, vì nhờ vậy, bạn sẽ ý thức hơn về việc chúng ta dễ bị lệ thuộc vào những thói quen nho nhỏ như thế nào.
Rất nhiều người, trong đó có cả tôi, đã nhận ra rằng một phương pháp Detox*** đơn giản cũng có tác động sâu sắc. Cá nhân tôi đã nhận ra việc không có ly cà phê Americano**** vào buổi sáng thật đau đớn biết bao trong những ngày đầu, rồi tôi dần vượt qua được sức hấp dẫn của nó và giờ tôi đã có thể chọn Americano như một thứ tôi muốn có trong đời hoặc không, thay vì hành động theo sự dẫn dắt của cơn nghiện. Khi chúng ta tỉnh táo lựa chọn những gì ta sẽ đưa vào cơ thể mình, tức là chúng ta đã bắt đầu tỉnh thức và sẽ gặt hái được nhiều lợi ích mỗi khi ta chối từ được những cám dỗ nho nhỏ ấy.
*** Detox: là phương pháp thanh lọc cơ thể bằng cách dùng các loại rau củ quả, trái cây nhiều nước và chất xơ, uống nhiều nước lọc hay nước ép trái cây, loại bỏ hoàn toàn chất ngọt, dầu mỡ hay các loại thực phẩm chế biến sẵn.
**** Cà phê Americano: tên gọi có nguồn gốc từ Thế chiến II khi lính Mỹ ở châu Âu đổ nước nóng vào cà phê đậm (Espresso) để có được cà phê hợp khẩu vị của họ. Độ đậm của một tách Americano thay đổi theo số lượng Espresso và lượng nước bổ sung.
Khi ta nhìn cuộc sống bằng cái nhìn rộng mở, vũ trụ và mọi thứ
SẼ GIÚP TA ĐẠT ĐƯỢC SỰ THÔNG TUỆ VÀ TA NHẬN RA RẰNG
ta chính là những đấu sĩ trên một sân khấu nhỏ giữa đấu trường vũ trụ bao la vô tận.
DU HÀNH VÀO KHÔNG GIAN
GÓC NHÌN MỚI
Các phi hành gia thường trải nghiệm một sự chuyển biến tinh thần sâu sắc khi họ nhìn thấy Trái đất từ không gian. Họ thường nhận ra rằng quá nhiều đặc điểm nhân dạng của họ vốn dựa trên định nghĩa họ là ai trên hành tinh này, và từ đó dẫn đến cách họ sống cuộc sống của mình, cũng như cách họ nhìn nhận những gì là quan trọng đối với họ. Vì vậy mà một khi con người thể lý của họ tách ra khỏi quả đất và quay tròn quanh “cái chấm xanh nhỏ xíu” mỗi một giờ rưỡi đồng hồ một lần, họ nhận ra tất thảy mọi niềm tin của họ bị thách thức chưa từng có.
Vào năm 2013, phi hành gia Chris Hadfield đã gây xôn xao dư luận với đoạn video Space Oddity. Đoạn phim được lan truyền nhanh chóng với hàng triệu lượt xem. Chris Hadfield nói rằng khi bạn ở trong không gian, “bạn sẽ nhận ra sự hiện hữu của chúng ta là một sự thống nhất hoàn toàn. Đó là sự tương đồng của vạn vật”. Christ biết rằng đoạn phim của mình được xem rộng rãi bởi vì “Nó giúp cho mọi người thấy điều mà tôi hiểu rất rõ: Đây là sự mở rộng ý thức con người. Sự hiểu biết của con người. Cách nhìn của con người về chính mình. Chúng ta cần phải hiểu và để cho hiểu biết đó trở thành một phần trong nhận thức về bản thân ngày một gia tăng của chúng ta. Đây là một bước tiến nhỏ hướng đến mục đích ấy”.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Hôm nay chúng ta sẽ phóng tầm nhìn vào khoảng không gian bao la sâu thẳm và huyền ảo xung quanh. Để bắt đầu, hãy tìm một vị trí thoải mái ngoài trời và ngồi ở chỗ bạn có thể trông thấy cả bầu trời (có lẽ bạn nên đọc phần này trước khi thực hiện).
Hãy hít thở một hơi thật sâu, mỉm cười, ngồi thẳng người rồi nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang ngồi trên một phi thuyền không gian.
Hãy tưởng tượng phi thuyền khởi động; khi bạn nghe thấy tiếng động và mức độ rung lắc ngày càng tăng, bạn cảm nhận cơ thể mình được nâng lên khỏi hành tinh này. Bạn nhìn thấy mặt đất bên dưới càng lúc càng xa dần, xa dần khi bạn tăng tốc tiến thẳng vào không gian.
Hãy tận hưởng chuyến đi nhé.
Khi bạn cảm nhận mình đã bay đến mặt trăng, hãy nhẹ nhàng đáp xuống. Bạn nhìn lại hành tinh Trái đất và cảm thấy biết ơn Trái đất.
Đó chính là ngôi nhà của bạn và là nơi mà loài người đã đạt được những điều phi thường. Khi bạn quan sát Trái đất, hãy để ý xem nó đẹp đẽ dường nào và trông nó yên ả bao nhiêu khi nhìn từ không gian.
Có một sự tĩnh lặng làm mê hoặc lòng người.
Hãy đắm mình vào trong nó và để ý xem có những chuyển biến nào xảy ra trong bạn từ tầm nhìn rộng mở ấy. Đừng vội vã; không phải ngày nào bạn cũng có thể dạo chơi trên mặt trăng.
Khi nào cảm thấy sẵn sàng thì bạn đều có thể bắt đầu trở về nhà, và khi đó bạn cũng hãy tận hưởng khoảnh khắc bạn trở vào bên trong bầu khí quyển, khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy lại các châu lục, rồi đến từng quốc gia riêng lẻ, thấy những đại dương mênh mông, những rặng núi, rồi dần dần nhìn rõ ruộng đồng, thành phố, những cánh rừng, những con đường.
Sau cùng, bạn nhẹ nhàng, thoải mái đáp xuống mặt đất.
THÀNH QUẢ
HÃY CHỌN MỘT GÓC NHÌN RỘNG MỞ TỪ CHIẾC GHẾ ÊM ÁI CỦA BẠN
Nhà văn vĩ đại nhất chuyên viết về dải ngân hà, Douglas Adams* đã kết luận như sau: “Việc chúng ta đang sống ở tận đáy của cái giếng trọng lực sâu hoắm, trên bề mặt của một hành tinh được khí bao bọc và đang di chuyển xung quanh một quả cầu lửa hạt nhân ở cách xa chín mươi triệu dặm, mà lại cho rằng đó là việc bình thường, thì rõ ràng tầm nhìn của chúng ta có vẻ hơi bị méo mó mất rồi”. Khi nhìn vào cuộc sống, vũ trụ và mọi thứ với góc nhìn rộng mở này, chúng ta có thể đạt được sự thông tuệ và nhận ra rằng chúng ta chính là những đấu sĩ trên một sân khấu nhỏ giữa đấu trường vũ trụ bao la vô tận, và nhờ đó mà ta tái kết nối được với những gì thực sự quan trọng, chứ không phải những thứ hào nhoáng bên ngoài.
* Douglas Noël Adams (1952 – 2001): là nhà văn, nhà soạn kịch hài cho radio, và là một nhạc sĩ nghiệp dư. Ông nổi tiếng với nhiều tác phẩm về vũ trụ. Các tác phẩm của ông được xem như là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ độc giả yêu thích thể loại khoa học giả tưởng.
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
HÒA NHỊP
Cuộc sống của chúng ta quá tất bật với vô vàn công việc để làm. Chúng ta quá giỏi trong việc làm đầy một ngày của mình bằng những hoạt động và cứ chạy từ hết việc này đến việc khác. Khi chúng ta điên cuồng tập trung để hoàn tất công việc thì thật khó để có thể hòa nhịp với bản thân và với thế giới mà chúng ta đang sống.
Phần lớn quyển sách này là nhằm giúp chúng ta lùi lại đôi chút khỏi trạng thái bận rộn và trở về kết nối sâu sắc với con người thật sự của ta và với thế giới ta đang sống, để ta có được một tầm nhìn rõ ràng hơn rằng vì sao ngày hôm nay lại trở nên đặc biệt như thế.
Sau nhiều năm bị làm cho tê liệt với thế giới, chúng ta cần hiệu chuẩn lại mọi thứ bên trong mình, nếu chúng ta muốn quyển sách này trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Cách nhanh nhất và đơn giản nhất để có thể kết nối trở lại với khả năng thấu cảm là chúng ta phải sống chậm lại. Hãy ngồi hoặc đứng thật thẳng, hít một hơi thật sâu vào bụng, giữ hơi thở trong vài giây, rồi từ từ thở ra, đồng thời để cho mọi căng thẳng và phức tạp của đời sống cũng được tống ra ngoài theo luồng hơi thở ra (xem mục Học cách Hít thở, trang 36).
Bạn biết mình đã có thể hòa nhịp khi:
- bạn nhận thức mình thật sự là ai, mình đang ở đâu và bạn đang có mặt ngay trong khoảnh khắc này
- thời gian dường như trôi chậm lại một chút
- bạn thông suốt và tập trung
- bạn có tâm trạng tốt và tích cực
- mọi thứ đều ổn
Bạn sẽ nhận ra rằng mỗi khi bạn hòa nhịp được một lần thì việc đó sẽ trở nên dễ dàng hơn vào lần sau. Để bắt đầu, bạn cần luôn tỉnh giác và hành động đầy ý thức để có thể quay về trạng thái được kết nối, nhưng theo thời gian, bạn sẽ nhận ra mình đang làm việc ấy một cách hoàn toàn tự nhiên vì trạng thái kết nối đã ăn sâu vào tâm trí bạn. Càng thực tập nhiều, bạn sẽ cảm thấy trạng thái tỉnh thức này ngày càng chất lượng và rõ rệt hơn, đồng thời nó cũng được duy trì lâu hơn.
Ban đầu, khi bạn mới thực hiện, cảm giác tỉnh thức tuyệt vời này có thể chỉ kéo dài trong vài giây, nhưng rồi bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra bạn có thể tỉnh thức trong nhiều phút và nếu bạn thuộc trong số những người may mắn, bạn có thể có được vài giờ. Chỉ một số ít người có khả năng duy trì trạng thái tỉnh thức liên tục trong vài ngày, vài tuần, vài tháng hay thậm chí là vài năm. Tôi chưa lần nào vượt qua được giới hạn vài giờ, nhưng nhiều người đã quả quyết rằng khi họ đã đạt được khả năng kết nối thật sự sâu sắc thì họ sẽ không bao giờ đánh mất trạng thái đó nữa, vậy nên chúng ta hãy cùng hy vọng rằng điều đó có thể đúng với tất cả chúng ta.
Trước khi kết nối với các nguồn năng lượng bên ngoài, khả năng hòa nhịp bên trong sẽ giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các nguồn năng lượng.
GHI NHẬN NHỮNG GÌ KHIẾN BẠN CHÚ Ý
GÓC NHÌN MỚI
Nhiều năm trước đây, tôi từng làm việc cho một dự án sáng tạo ở Luân Đôn. Trong một buổi làm việc về ý tưởng, tôi đã quyết định chúng tôi cần có một góc nhìn mới và thế là tôi và bạn cùng nhóm sáng tạo của mình quyết định đi qua chiếc cầu Luân Đôn, tưởng tượng rằng chúng tôi đang nhìn mọi thứ qua đôi mắt của trẻ con. Đó là một quá trình khiến chúng tôi mê mẩn. Quá trình đó diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi và trong khoảng thời gian đó, chúng tôi đã có được ít nhất ba mươi ý tưởng, tất cả đều được khơi dậy bởi những gì chúng tôi nhìn thấy quanh mình.
Dự án này được thiết kế nhằm giúp khách hàng của chúng tôi tránh được tình trạng đội ngũ nhân viên của họ mệt mỏi do làm việc quá sức, bằng cách cải thiện các phương pháp quản lý của họ. Khi nhìn xuống dòng sông Thames với tất cả sự hỗn độn, những xoáy nước và dòng chảy, chúng tôi nhận thấy dòng nước đang chảy với nhiều tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào chúng tôi đang quan sát khúc sông nào. Chúng tôi khá bất ngờ khi nhận ra rằng khách hàng của chúng tôi đang làm việc ở một tốc độ không đổi – đó là hết tốc lực.
Ý tưởng có được từ việc quan sát dòng sông chính là mỗi dự án sẽ được chỉ định tốc độ thực hiện nhanh, vừa, hoặc chậm. Các dự án sẽ được lên kế hoạch và thời hạn thực hiện theo tốc độ đã được chỉ định, và mỗi thành viên trong nhóm có thể được giao thực hiện nhiều phần của nhiều dự án khác nhau với những tốc độ khác nhau để họ có thể kiểm soát được năng lực của mình tốt hơn và có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm.
Tôi đã từng nhiều lần đi bộ qua cây cầu ấy trong vài phút mà chẳng hề nhìn thấy gì xung quanh. Để tỉnh thức trước thế giới mà ta đang sống,
chúng ta cần phải nhìn thấy nhiều hơn. Vì vậy, chúng ta cần dành thời gian thực hành hòa nhịp.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Bất kể bạn đi đâu trong vòng bốn ngày tới, hãy mang theo một cuốn sổ tay và một cây bút.
BẤT CỨ KHI NÀO NHẬN RA ĐIỀU GÌ ĐÓ THÚ VỊ, HÃY GHI CHÚ VÀO SỔ TAY.
Những điều bạn ghi lại có thể là con người, một cuộc trò chuyện, một tòa nhà, một bài báo, hoặc cái liếc nhìn thoáng qua của ai đó trên chiếc xe buýt vừa lướt qua. Bạn nhận thấy điều đó thú vị hay không không quan trọng, quan trọng là bạn nhận biết điều đó.
Đối với tôi, những gì nổi bật thường tạo ra một kiểu phản ứng cảm xúc trong tôi. Nếu cảm xúc ấy khiến tôi chú ý thì rất đáng để tìm hiểu lý do, vì rất có thể sẽ có điều gì đó để tôi học hỏi. Với bạn thì có thể là một cái gì khác. Có thể bạn dễ dàng hòa nhịp với hình ảnh hơn là âm thanh. Nếu là âm thanh, hãy hòa nhịp vào những gì bạn nghe thấy trong cuộc sống hàng ngày và hãy để ý xem những âm thanh hay nhịp điệu nào thường thu hút sự chú ý của bạn. Có thể là cuộc sống của bạn hiện đang quá nghiêm túc, và những gì khiến bạn chú ý là những điều thú vị, vui tươi. Chỉ cần ghi nhận những gì khiến bạn chú ý.
THÀNH QUẢ
Bằng cách ghi nhận một cách chú tâm những gì khiến chúng ta chú ý, chúng ta sẽ trở nên thấu cảm hơn với thế giới mình đang sống, nhờ vậy tận hưởng sâu sắc hơn cảm giác được kết nối và sinh lực dồi dào.
Những người đã từng thử nghiệm điều này chia sẻ rằng họ cảm nhận sâu sắc hơn nguồn năng lượng ở nơi họ đang có mặt và đôi khi trải nghiệm được hiện tượng Đồng hiện*. Càng chú ý, chúng ta càng trở nên tỉnh thức.
* Synchronicity: là một thuật ngữ tâm lý học của nhà tâm thần học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Lý thuyết Đồng hiện có phần giống với thuyết “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, là hiện tượng những sự kiện trùng hợp xảy ra có vẻ liên quan rõ rệt với nhau, nhưng không phát hiện có mối liên hệ nhân quả nào giữa những sự kiện đó.
CỨ VẼ, VIẾT, KỂ CẢ NGUỆCH NGOẠC MỌI THỨ BẠN GHI NHẬN Ở ĐÂY
_____________________
_____________________
_____________________
TẬN DỤNG NHỮNG NGUYÊN LIỆU SẴN CÓ ĐỂ NẤU NƯỚNG
GÓC NHÌN MỚI
Mối quan hệ của tôi với thức ăn đã phát triển đáng kể theo thời gian. Trước đây tôi đã từng tin tưởng rằng mục đích duy nhất của thức ăn là để cung cấp năng lượng cho cơ thể nhằm giúp tôi sống qua ngày. Giờ thì khi tôi đã hiểu biết hơn, bia và cà ri đã không còn là những người bạn tri kỷ của tôi như trước (dẫu đôi khi vẫn là chỗ thân tình).
Khi bạn bắt đầu trở nên tinh nhạy hơn với năng lượng, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng những gì bạn đưa vào cơ thể cũng chính là những gì bạn tống ra. Khi chúng ta sống quá nhanh, quá gấp gáp, chúng ta có thể mất kết
nối với điều đó. Khi chúng ta sống ở chế độ “lái tự động”, chúng ta phản ứng trở lại với các nhu cầu của mình. Nếu ta cảm thấy uể oải vào buổi sáng, ta biết rằng một chút caffeine sẽ giúp mình thấy tỉnh táo. Bị hụt năng lượng vào giữa trưa ư? Bất kỳ món ăn vặt nào có chứa đường tinh sẽ giải quyết được vấn đề. Chúng ta ăn những thứ vô bổ này mà thậm chí cũng không nhận ra. Chế độ “lái tự động” tái nạp nhiên liệu cho chúng ta và nó không quan tâm liệu đó có phải là loại nhiên liệu phù hợp về lâu về dài hay không. Nó chỉ cần quan tâm làm sao để chúng ta không ngừng hoạt động nhất thời thôi.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
CẢ KHI ĐI LÀM CŨNG NHƯ LÚC Ở NHÀ, CHỈ ĂN NHỮNG THỨC ĂN MÀ BẠN ĐÃ TỰ CHUẨN BỊ TỪ NHỮNG NGUYÊN LIỆU TƯƠI.
Có nghĩa là không ăn đồ ăn vặt đóng gói sẵn, không ăn thức ăn nhanh, và nói không với cả những món ăn vô bổ được chế biến sẵn. Hãy cố gắng tìm mua những nguyên liệu thực phẩm tươi mới nhất tại địa phương và bạn sẽ nhận thấy những lợi ích của việc đó. Hãy ghé thăm các cửa hiệu rau củ tươi ở gần nhà, các hàng thịt, hàng cá tươi và tận hưởng thú vui của quá trình tìm ra những món gì ngon nhất có ở cửa hàng hôm nay. Một số thứ trông có vẻ chín hơn và sáng bóng hơn những thứ khác; hãy cầm chúng lên, đưa lên mũi ngửi và để ý xem bạn bị hấp dẫn bởi điều gì. Có thể trước đây bạn chưa từng nấu ăn, nhưng đừng lo bởi vì Internet có công thức chế biến cho bất kỳ món ăn nào mà bạn có thể tưởng tượng ra.
THÀNH QUẢ
Sau khi đã kết nối sâu sắc hơn với những gì chúng ta ăn, chúng ta sẽ có những lựa chọn về dinh dưỡng tốt hơn từ nay về sau. Bạn sẽ nhận thấy một số thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta hơn một số loại khác. Qua thử nghiệm, tôi đã phát hiện ra các loại bánh mì được sản xuất hàng loạt chẳng ích lợi gì cho tôi, nên tôi đã loại chúng ra khỏi chế độ ăn của mình. Nhờ đó, tôi sẽ có nhiều năng lượng tốt hơn và bền sức hơn suốt cả ngày. Tất nhiên mỗi chúng ta đều khác nhau, nhưng bằng cách thử mọi thứ, bạn sẽ hòa nhịp với những gì phù hợp với mình.
Bạn cũng sẽ bắt đầu kết bạn với các chủ cửa hàng ở nơi bạn sống và bằng cách đó, bạn sẽ biết được nguồn gốc thực phẩm của mình và sẽ trở nên có đầu tư hơn cho nó. Sự khác biệt giữa các sản phẩm sản xuất hàng loạt và một món ăn được chăm chút tươi ngon là cực kỳ lớn; một khi bạn nhận ra những lợi ích của việc ăn thức ăn tươi và việc làm ra chúng dễ dàng như thế nào thì bạn sẽ khó mà quay trở lại với thói quen ăn uống cũ.
Như Boy George đã từng nói: “Đừng ăn bất cứ thứ gì được quảng cáo”.
ĐI LẠC VÀO BỮA TRƯA
GÓC NHÌN MỚI
Hầu hết chúng ta đều gần như có thể kiểm soát được cuộc sống của mình. Chúng ta quản lý thời gian, tiền bạc và môi trường của mình sao cho ta ít khi bị bất ngờ nhất.
Khả năng tính toán của những chiếc điện thoại ngày nay đã vượt xa những chiếc máy vi tính tiên tiến nhất cách đây hai mươi năm. Nó cho phép chúng ta kiểm tra số dư tài khoản, lịch trình tàu hỏa, tình hình thời tiết, thiết bị cảm biến nhiệt trong nhà, giúp giao hàng tận nơi và cũng có thể giúp kiểm tra xem hôm nay chúng ta đã đốt cháy được bao nhiêu ca-lo ngay cả khi không tập một bài thể dục nào. Với định vị GPS được giấu trong mọi thiết bị, chúng ta không bao giờ còn nếm trải được cảm giác thích thú của việc không biết mình đang ở đâu, mình sẽ đi đâu và trở về nhà bằng cách nào. Việc bị lạc và ở đâu đó một mình giúp chúng ta phát triển tinh thần tự lực và dạy chúng ta cách để ứng phó với những điều không chắc chắn, những thứ mới lạ trong cuộc sống. Tác giả và nhà thám hiểm John Evans giải thích rằng: “Việc loại trừ ‘khả năng bị lạc’ nghe có vẻ tốt trên lý thuyết, nhưng đối với tôi, nó cũng giống như việc an vị trên một chiếc xe lăn cực kỳ thoải mái mà không hề học cách di chuyển nó”.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
VÀO GIỜ ĂN TRƯA HÔM NAY, TÔI MUỐN BẠN HÃY ĐI DẠO MỘT VÒNG VÀ ĐỂ MÌNH ĐI LẠC.
(Nếu bạn đã quá quen thuộc với khu vực mình ở thì hãy nhảy lên bất kỳ chuyến xe buýt hay tàu điện nào mà bạn nhìn thấy đầu tiên, để bạn được đưa đến một nơi chưa từng đến.) Khi làm việc này, tôi hoàn toàn đi theo những gì lôi cuốn mình, rồi để xem trạm đến cuối cùng của mình là ở đâu. Bạn sẽ chẳng bao giờ bị lạc hoàn toàn bởi bạn luôn có thể hỏi thăm đường,
nhưng việc lờ đi cảm giác về nơi chốn chính là mục đích của cuộc hành trình; vậy nên, hãy tận hưởng cảm giác lang thang vô định đi nhé.
Khi lang thang, bạn hãy đi thật chậm và bắt đầu tiếp nhận thật nhiều chi tiết về thế giới xung quanh. Khi bạn đi dạo ở những nơi quen thuộc thì chế độ “lái tự động” sẽ nắm quyền điều khiển. Khi đi đến một nơi mới mẻ và khác biệt, chúng ta sẽ bắt đầu phát hiện ra nhiều chi tiết tinh vi hơn của thế giới xung quanh. Lối kiến trúc, tên đường, những con người sinh sống và làm việc ở đó, những mùi vị và âm thanh đều trở nên khiêu khích hơn và có thể chứa đựng vài điều đáng ngạc nhiên. Hầu hết những điều này sẽ không được phát hiện ra nếu chúng ta bước đi ở chế độ “lái tự động”, hoặc bận chăm chăm nhìn vào điện thoại.
THÀNH QUẢ
Khi chúng ta đi lạc, chúng ta có khuynh hướng đạt đến mức độ thấu cảm cao vì chúng ta phải tìm kiếm manh mối để tìm đường về nhà. Mức thấu cảm này giúp chúng ta trở nên tỉnh thức hơn và biết trân trọng môi trường mình mang sống. Bị lạc còn có nghĩa là chúng ta đang hấp thụ những trải nghiệm mới mẻ, phong phú và nhiều khi cũng đáng kinh ngạc. Chính những trải nghiệm này giúp chúng ta thấy đời đáng sống hơn.
Khi bạn có thể
KẾT NỐI
với động cơ bên trong con người mình,
bạn sẽ trở nên có ý thức hơn về việc
SỐNG SAO CHO ĐÚNG
TRÒ CHƠI BỘ ĐÀM
GÓC NHÌN MỚI
Áp lực và sự phức tạp của cuộc sống hiện đại thường khiến chúng ta khó có được cái nhìn thấu suốt. Bộ não bận rộn của chúng ta dễ dàng bị phân tán khi chúng ta phải ứng phó với quá nhiều tác nhân kích thích từ đời sống hàng ngày, vì vậy việc đối diện trần trụi và không nề hà với những gì thật sự có ý nghĩa quả là một thách thức đối với chúng ta.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Harvard đã cho thấy bất kể thời điểm nào trong ngày, trung bình khoảng 50% dân số không tập trung vào những việc họ đang làm. Cách đây hai mươi năm thì không như thế, đơn giản bởi vì lúc đó không có quá nhiều công cụ làm gián đoạn sự tập trung như hiện nay.
Chúng ta có khuynh hướng xây dựng lên những câu chuyện về bản thân – chúng ta là ai và điều gì đang xảy ra trong cuộc đời ta, và thường thì những điều đó không đúng sự thật. Những ảo tưởng phổ biến đó thường là những lời than vãn về việc tại sao chúng ta lại rơi vào hoàn cảnh hiện tại và tại sao không có lối thoát. Một kiểu biện minh đại loại như: “Tôi không thể theo đuổi niềm đam mê của mình cho đến khi lũ trẻ trưởng thành; từ giờ cho đến lúc đó, tôi đành phải nai lưng ra gánh vác”. Chúng ta cảm thấy yên ổn với những ảo tưởng sai lầm này vì có vẻ như nó giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề, nhưng thực chất thì chúng ta đang bị cầm tù trong thế giới của ảo tưởng.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Để dẹp bỏ những câu chuyện này sang một bên và giúp bạn kết nối với sự thật, hãy rủ một người bạn cùng đi dã ngoại. Hãy cùng nhau dạo bước và trong khi đi, bạn hãy nói ở tốc độ thật nhanh với người đó về cuộc đời bạn: điều gì hiện đang tốt đẹp và điều gì không, điều gì đang khiến bạn hạnh phúc hay đau buồn – bạn cứ thốt ra tự nhiên bất cứ điều gì đang có trong đầu. Nếu bạn nói đủ nhanh, sẽ đến lúc bạn nói hết những điều hợp lý, khéo léo, rồi sẽ đến những điều rất thật. Đến lúc ấy, bạn hãy cứ tiếp tục nói ra mọi ý nghĩ chợt đến trong đầu và cứ duy trì tốc độ nói nhanh như thế. Khi bạn tiếp tục nói như vậy, sẽ có những lúc bạn nói ra điều gì đó tạo nên một kiểu thay đổi trạng thái bên trong: đó là những điều đáng chú ý.
Vai trò của người bạn là lắng nghe những gì bạn nói và có thể ghi chú lại những điểm chính yếu trong câu chuyện của bạn. Sau mười phút làm như vậy, hai bạn có thể dừng lại ở điểm nào đó. Bạn có thể nhận ra rằng bạn đã làm rõ một khía cạnh nào đó đáng chú ý của cuộc đời mình. Sự thấu hiểu mà bạn vừa đạt được có thể giúp bạn, sau một chút chiêm nghiệm bên tách trà, quyết định cách xử lý nó như thế nào. Thường thì sau khi thử nghiệm phương pháp này, người ta sẽ phát hiện ra rằng họ biết đích xác tiếp theo phải làm gì. Điều cốt yếu là phải viết ra ngay lập tức những gì bạn định làm; bởi vì trạng thái thấu suốt đẹp đẽ này có thể nhanh chóng bị mất đi khi sự bận rộn quay trở lại.
Và, như những người bạn tốt thường làm với nhau, bạn cũng có thể đề nghị giúp người bạn của mình làm tương tự.
THÀNH QUẢ
Nếu bạn chơi trò bộ đàm bất cứ lúc nào bạn cảm thấy bế tắc, bạn sẽ nhận ra rằng bạn sẽ trở nên thông suốt hơn nhiều về việc nên sống cuộc đời mình như thế nào và bạn sẽ ý thức rõ ràng hơn về việc làm sao để đảm bảo cho mỗi ngày của mình đều trở nên diệu kỳ. Việc này cũng giống như việc xén tỉa cây cối – bạn cần phải dọn sạch những cội già cằn cỗi để những cây mới mọc lên. Một khi bạn đã bắt tay vào việc tạo nên những thay đổi, mọi thứ sẽ nở hoa. Thật khó mà tỉnh thức khi bạn sống trong một phiên bản ảo tưởng của cuộc đời mình, nhưng khi bạn đã kết nối được với những động cơ bên trong, bạn sẽ thấy rằng mình đã tỉnh thức hơn về việc sống sao cho đúng.
XẾP MÁY BAY
GÓC NHÌN MỚI
Tôi từng biết một anh bạn có một thú vui rất lạ. Anh ta thích mang đĩa lên trên đỉnh núi và ném xuống để xem nó bay được bao xa. Mặc dù đó có vẻ là một thú vui khá tốn kém vì rất nhiều chiếc đĩa đã rơi xuống mất hút, nhưng anh ta thích cảm giác nhìn thấy chúng biến mất vào khoảng không như thế.
Chúng ta thường cảm thấy cuộc sống của mình như bị gò bó và giam hãm. Cảm giác ấy giống như sức nặng của cả thế giới đang đè lên chúng ta và áp lực đó cứ ép chặt lấy ta cho đến khi chúng ta thu mình vừa vặn vào cái khuôn dành cho mỗi người.
Bản tính vô tư và nghịch ngợm của chúng ta có thể dễ dàng bị mất đi, tuy nhiên, đó chính là những phần rất lớn trong bản chất của ta. Mỗi ngày có một ngàn bốn trăm bốn mươi phút, nhưng chúng ta chỉ dành sáu phút để vui cười. Hãy cất riêng ra thêm nhiều phút vui vẻ nữa vào ngân hàng thời gian mỗi ngày của bạn nhé.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
RẤT ĐƠN GIẢN. XẾP MỘT CHIẾC MÁY BAY BẰNG GIẤY, MANG NÓ LÊN MỘT NƠI THẬT CAO VÀ XEM NÓ BAY ĐƯỢC BAO XA.
Hãy quan sát xem nó hạ cánh ở đâu để có thể tái sử dụng, nhưng điều quan trọng nhất là bạn hãy tận hưởng cảm giác khi chiếc máy bay được giải phóng và nhìn theo chiếc máy bay được gió đưa đi trong chuyến phiêu lưu của mình.
Tùy thuộc vào cấu tạo khí động học của chiếc máy bay bạn tạo ra và sức gió vào thời điểm đó mà chiếc máy bay có thể trải nghiệm được cuộc phiêu lưu kỳ thú đến đâu. Mặc dù chúng ta không nhìn thấy được độ xoáy
và hướng gió, nhưng chiếc máy bay của bạn sẽ bị chi phối bởi chúng. Một chiếc máy bay giấy được phóng đi từ trên cao cũng không quá khác biệt với cuộc sống của chúng ta là mấy.
Hành trình của nó là không thể dự đoán được ngay từ đầu, bởi sẽ luôn có những yếu tố bất ngờ. Một số thành tố của cuộc sống va vào nhau và bốc cháy cực nhanh, trong khi một số thành tố khác lại có những đường bay vòng quanh tuyệt diệu để đưa ta tới những nơi mà ta chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Nếu có việc gì đó đang khiến bạn khó chịu, hãy viết nó bên dưới cánh máy bay trước khi phóng nó lên bầu trời và, khi bạn làm điều này, bạn đang xả bỏ vấn đề khó chịu ấy cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
(Đừng làm phần đầu và đuôi máy bay quá nhọn nếu có người ở xung quanh; hãy để dành thiết kế dạng mũi tên ấy cho những địa điểm vắng vẻ.)
THÀNH QUẢ
Việc chúng ta làm một điều gì đó đơn thuần vì niềm vui có thể giúp chúng ta nhớ ra rằng mục đích quan trọng nhất của việc chúng ta sống trên hành tinh này chính là để được vui vẻ. Nếu chúng ta không tận hưởng được niềm vui và không biết trân trọng rằng mình đang được sống, có nghĩa là chúng ta đang thật sự lãng phí cuộc sống kỳ diệu mà ta đã được ban tặng.
Việc xếp những chiếc máy bay bằng giấy chẳng phải là việc gì sâu sắc, hay thông thái, nhưng chính nụ cười trên gương mặt khi người ta phóng chiếc máy bay vào không trung là việc làm đáng giá hơn bất cứ quá trình chữa bệnh nghiêm túc và “nặng ký” nào. Hãy cho phép mình được làm trẻ con thêm lần nữa và phóng những chiếc máy bay bay thật cao, thật xa.
BẠN SẼ ĐI ĐÂU ĐỂ PHÓNG CHIẾC MÁY BAY GIẤY CỦA MÌNH?
SPIELZEUG
GÓC NHÌN MỚI
Anh bạn thân Dan Kieran là người đã giới thiệu với tôi khái niệm Spielzeug. Anh ấy sẽ dành riêng quyển sách tiếp theo của mình để viết về khái niệm này, một khái niệm quá đẹp đến nỗi tôi thấy buộc phải nói về nó ở đây. Đó là một từ tiếng Đức, đơn giản có nghĩa là “đồ chơi”, nhưng cũng như một số trường hợp thường thấy, ý nghĩa tinh tế của nó đã bị mất đi khi được dịch sang một ngôn ngữ khác.
Spielzeug liên hệ đến năng lượng vật lý có trong một số vật thể nhất định. Rất nhiều món đồ yêu thích của chúng ta có loại năng lượng này, ví dụ như một cây bút, một chiếc tách để uống cà phê, một cặp mắt kính, hoặc như trong trường hợp của tôi là một cây đàn guitar. Những đồ vật này trở thành những món đồ chúng ta yêu thích vì bên trong chúng có một nguồn năng lượng khác biệt so với những đồ vật khác, một dạng năng lượng kết nối gần gũi với chúng ta. Tôi tin rằng dạng năng lượng này không chỉ tồn tại bên trong các vật thể, mà nó còn tồn tại ở các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật, nơi chốn và con người.
Một số người có thể sẽ nhận thức rất rõ về Spielzeug, nhưng những người khác thì không. Sự thật là nếu chúng ta hòa nhịp để cảm nhận nó thường xuyên hơn thì mỗi ngày trôi qua chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn để kết nối với môi trường xung quanh.
Sự kết nối về mặt năng lượng với những thứ xung quanh sẽ giúp chúng ta ý thức hơn về bản thân và về thế giới mà ta đang sống. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên tỉnh thức và cảm nhận rõ ràng hơn rằng mình đang sống.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TRONG TUẦN NÀY, BẠN HÃY DÀNH MƯỜI PHÚT MỘT NGÀY, THẬT YÊN VÀ GIỮ CHẶT TRONG TAY NHỮNG MÓN ĐỒ BẠN YÊU THÍCH.
Hãy cầm trong tay lần lượt từng món một, nhắm mắt, hít một hơi thật sâu và để ý xem bạn cảm nhận điều đó như thế nào. Đầu tiên, hãy tập trung cảm nhận hình dáng, trọng lượng và bề mặt của món đồ, sau đó, hãy buông lỏng sự tập trung, chỉ đơn thuần giữ trong tay vật đó và cho phép mình kết nối sâu hơn.
Ví dụ, nếu bạn đã chọn một quyển sách yêu thích và cầm nó trong tay, hãy chọn lấy một quyển khác mà bạn không có sự kết nối gần gũi nào và so sánh sự khác biệt giữa hai quyển.
Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy Spielzeug có thể sống ở những nơi kỳ lạ nhất và trong những đồ vật thông thường nhất như thế nào. Một vài công trình kiến trúc hay địa điểm có thể tạo ra cảm giác tích cực về tinh thần hoặc thể chất, trong khi những đồ vật khác lại gần như gây phản cảm trong bạn. Khi bạn tìm thấy một nơi nào đó tràn đầy Spielzeug, hãy ngồi xuống thật yên, hít thở sâu và mỉm cười tận hưởng những gì nguồn năng lượng ấy đang mang đến cho bạn.
Bạn sẽ nhận thấy một số người nào đó cũng có nguồn năng lượng này. Một số người tạo ra một sự kết nối năng lượng gần gũi với bạn một cách tự nhiên, khiến bạn luôn muốn ở gần họ. Như Charles Bukowski, một tác giả và cũng là nhà thơ người Mỹ, từng nói: “Một tâm hồn tự do là hiếm có, nhưng bạn sẽ biết khi bạn nhìn thấy nó – cơ bản là vì bạn sẽ cảm thấy điều gì đó tích cực, rất tích cực khi bạn ở gần hoặc ở bên họ”.
THÀNH QUẢ
Việc bạn có thể cảm nhận được Spielzeug giống như có được chiếc la bàn riêng cho cuộc sống của mình. Bằng cách hòa mình với nó và dùng nó để giúp bản thân đưa ra các quyết định, bạn sẽ nhận thấy mình bắt đầu đưa ra những lựa chọn tốt hơn, phù hợp với bản thân hơn về mặt năng lượng.
Khi bạn nhận biết Spielzeug, một cách tự nhiên, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng hơn là mình đang sống, nhận thức rõ hơn mình là ai và cả thế giới xung quanh bạn nữa. Sự cảm nhận này bao hàm bên trong sự nhận biết Spielzeug, vì để cảm nhận những điều nói trên, bạn phải được kết nối và khi bạn được kết nối thì bạn sẽ cảm nhận.
Spielzeug có mặt ở khắp nơi xung quanh chúng ta. Hãy hòa nhịp với nó để bạn cảm nhận cuộc sống tốt hơn.
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
KHƠI NGUỒN SỨC MẠNH
Khi chúng ta mệt mỏi, căng thẳng và kiệt sức, chúng ta không có năng lượng để cân bằng suy nghĩ của mình. Bộ não ý thức cần nhiều dưỡng chất và nếu không có dưỡng chất, bộ não tiềm thức sẽ nắm quyền kiểm soát.
Để tỉnh thức, chúng ta cần một hệ năng lượng tốt, sạch. Toàn bộ quyển sách này là dành để nói về năng lượng; nhưng điểm khác biệt ở đây là chúng ta không nói về năng lượng vũ trụ, mà chủ yếu chúng ta liên hệ đến năng lượng cá nhân. Cơ thể và tâm trí ta cần được chăm sóc tốt để có thể tỏa sáng theo cách đúng đắn. Không có sự tỏa sáng đúng đắn ấy, chúng ta không thể nào thường xuyên tỉnh thức và cũng khó duy trì được trạng thái tỉnh thức ấy.
Để khơi nguồn sức mạnh, chúng ta cần rèn luyện thể chất thông qua chế độ dinh dưỡng, tập thể dục, ngủ nghỉ đúng cách. Chúng ta cũng cần học cách để cho tâm trí chúng ta hoạt động hiệu quả hơn bằng cách xử lý những suy nghĩ tiêu cực và nỗi sợ hãi, cũng như rèn luyện khả năng tập trung và tư duy rộng mở. Một việc nữa cũng không kém phần quan trọng đó là chúng ta có thể tìm thấy một nguồn năng lượng vô tận bằng cách phát huy thật nhiều cảm xúc tích cực và trở nên vui vẻ, đầy hào hứng, thấu cảm hơn với thế giới mà chúng ta đang sống, cũng như cách chúng ta tương tác với thế giới đó.
Nhiều phần trong quyển sách này sẽ tập trung bàn về cách bạn có thể làm cho nguồn năng lượng của mình hoạt động tốt hơn và làm thế nào để đảm bảo bạn có đủ năng lượng. Tất cả chúng ta đều có những cỗ máy khác nhau bên trong và mỗi cỗ máy cần được điều chỉnh, được cân bằng theo cách rất riêng của nó. Các chuyên gia có thể giúp chúng ta hiểu được cách làm điều đó, nhưng chìa khóa để thành công là biết được khi nào bạn làm đúng và khi nào bạn làm sai. Khi bạn nắm được chìa khóa đó, bạn có thể dành toàn bộ thời gian của mình thử nghiệm để tìm ra những gì giúp bạn trở nên hòa nhịp với nguồn năng lượng tích cực, sôi nổi và đầy hào hứng.
Bạn biết được khi nào nguồn năng lượng của mình đang ở trạng thái tốt khi bạn cảm thấy:
- năng động và sôi nổi
- tích cực, lạc quan và hạnh phúc
- đầy sức sống
- cân bằng và cởi mở
- tập trung và thông suốt
TẬP THỂ LỰC THEO ĐỒNG HỒ SINH HỌC
GÓC NHÌN MỚI
Trước khi phát minh ra đồng hồ báo thức, thổ dân da đỏ đã dùng bàng quang của mình để thức dậy đúng giờ. Nếu họ muốn dậy sớm, họ sẽ uống thật nhiều nước; nếu muốn dậy muộn hơn, họ chỉ uống một ít nước thôi. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng hết sức hữu hiệu, và họ đã sử dụng phương pháp này cho đến tận thế kỷ hai mươi.
Gần đây tôi đã gặp một người sử dụng phương pháp “báo thức” tương tự để giúp mình duy trì năng lượng suốt cả ngày và giữ gìn vóc dáng. Nhân tiện những lúc đứng lên đi vệ sinh, anh ấy cũng thực hiện luôn hai mươi cái hít đất. Anh ấy giải thích rằng việc đó mang lại cho anh hai lợi ích lớn. Thứ nhất, bằng cách tập thể dục thường xuyên trong ngày như vậy, anh thấy rằng mình có nhiều năng lượng hơn khi làm việc và nhờ vậy luôn đạt được thành tích cao. Thứ hai, anh sẽ chẳng cần phải đầu tư thời gian để đến phòng tập thể hình mà vẫn có thân hình lực lưỡng.
Ngày nay, một người Anh dành trung bình khoảng hơn hai mươi giờ đồng hồ mỗi ngày để ngồi hoặc nằm. Một cuộc nghiên cứu gần đây của Bộ Y tế nước này đã khẳng định rằng chỉ có khoảng 6٪ nam giới và 4٪ nữ giới là có làm theo khuyến nghị của Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh Quốc NHS (National Health Service) – đó là tập thể dục đều đặn ba mươi phút mỗi ngày, năm ngày trong tuần.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HÃY TẬN DỤNG CHIẾC ĐỒNG HỒ BÁO THỨC TỰ NHIÊN BẰNG CÁCH THỰC HIỆN MỘT HOẠT ĐỘNG NÀO ĐÓ VỀ THỂ CHẤT MỖI KHI BẠN MUỐN ĐI VỆ SINH.
Bạn không nhất thiết phải hít đất hai mươi cái; bạn có thể tập plank (môn hít đất tĩnh) trong sáu mươi giây, thực hiện vài động tác gập bụng, các bài tập toàn thân (burpee), hoặc một tư thế yoga. Hãy chọn bất cứ môn thể dục nào phù hợp với cơ thể, lối sống, không gian sống và các trang thiết bị sẵn có của bạn.
Điều mấu chốt là bài tập thể dục đó cung cấp cho bạn năng lượng và nếu bạn biến nó thành thói quen, bạn sẽ thấy được những ích lợi mà nó mang lại. Nhân tiện, thật ra bạn không nhất thiết phải tập thể dục trong nhà
vệ sinh hay gần nhà vệ sinh. Sau mỗi lần đi vệ sinh, bạn chỉ cần tìm một không gian mà bạn cảm thấy thoải mái và có một phút hoạt động thể lực.
Việc này sẽ đòi hỏi một tí can đảm nếu như không gian duy nhất bạn có được là ở văn phòng kiểu cấu trúc mở với ít vách ngăn, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên thích thú nhận thấy các đồng nghiệp của mình ganh tị ra sao khi bạn có thể hít đất hai mươi cái, như thể đó là công việc đúng đắn đương nhiên phải làm vào lúc đó.
THÀNH QUẢ
Bằng cách áp dụng bài tập thể lực nhanh gọn và đơn giản này, bạn sẽ nhận thấy nguồn năng lượng của mình được duy trì suốt cả ngày và bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn.
Chỉ sau một ngày, điều này có thể tạo nên sự thay đổi lớn trong cách bạn cảm nhận về sức sống bên trong của mình, cũng như tinh thần tích cực mà bạn mang đến cho mọi người xung quanh. Chỉ sau bốn ngày thực hiện việc này, bạn đã có thể gặt hái được những ích lợi của việc trở nên khỏe khoắn hơn. Sức khỏe mang đến sự tự tin và những rung cảm tốt hơn, đây chính là chìa khóa giúp chúng ta tránh được trạng thái “lái tự động” u ám.
VẼ VÀ THẤU HIỂU
GÓC NHÌN MỚI
Chúng ta rất dễ dàng đánh mất sự kết nối với những gì đang diễn ra và những gì thật sự quan trọng đối với chúng ta. Khi chúng ta càng thêm nhiều tuổi, chúng ta có cảm giác như thời gian trôi đi ngày càng nhanh vì chúng ta phải đảm đương ngày càng nhiều trách nhiệm và đôi khi có cảm giác mất kiểm soát đối với cuộc sống của mình.
Càng gánh vác nhiều việc, chúng ta càng có ít thời gian dành cho mỗi việc. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải tự đấu tranh để thật sự dành tâm trí cho bất kỳ việc nào. Việc chia nhỏ công việc dường như không mang đến nhiều sự khích lệ, bởi mọi việc đều có vẻ như sắp xong nhưng lại không thể ăn mừng, vì khi vừa hoàn tất việc nhỏ này thì ta lại phải lao ngay vào làm việc nhỏ kế tiếp. Chúng ta có thể trở thành các tu sĩ Hồi giáo dòng Sufi với điệu múa tâm linh quay cuồng, không kịp nhìn nhận những gì thực sự quan trọng và hầu như không tận hưởng được niềm vui. Tôi đã áp dụng bài tập này trong nhiều năm để kết nối với nhóm làm việc của mình, hay gần đây nhất là với con trai của tôi khi chúng tôi gặp vấn đề trong việc thấu hiểu lẫn nhau.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TUẦN NÀY TÔI MUỐN BẠN HÃY TÓM LẤY MỘT NGƯỜI BẠN, MANG THEO BỐN TỜ GIẤY KHỔ LỚN VÀ VÀI CÂY BÚT CHÌ MÀU.
Hãy dành mười phút để vẽ lại những gì đã xảy đến với bạn trong năm vừa qua. Không có gì đúng hay sai ở đây. Bất cứ việc gì nảy ra trong đầu bạn đều là hoàn hảo, vậy nên bạn hãy vẽ cả ra giấy. Bạn không cần phải là một họa sĩ tài ba, bởi bất kỳ nét vẽ nguệch ngoạc nào cũng thể hiện thực chất trải nghiệm của bạn.
Giờ hãy chuyển sự chú tâm sang một tờ giấy khác và nghĩ xem bạn muốn năm tiếp theo của mình sẽ như thế nào.
Một lần nữa, hãy thư thả, tận hưởng và mơ mộng một chút.
Hãy yêu cầu người bạn của mình cùng làm như bạn, không áp lực, không thi đua, chỉ đơn thuần là tận hưởng.
Giờ thì đến phần quan trọng rồi đây. Hãy thong thả giải thích bức tranh về quá khứ, rồi đến bức tranh về tương lai với bạn của bạn, và đến lượt bạn lắng nghe người bạn giải thích về các bức tranh của bạn ấy. Hãy thả mình vào việc đó, tận hưởng sự kết nối khi hai bạn lắng nghe nhau với tấm lòng rộng mở và thấu hiểu những gì đang diễn ra với người bạn của mình.
THÀNH QUẢ
Phương pháp đơn giản này giúp giải quyết rất nhiều câu chuyện ồn ào, ly kỳ (xem mục Trò chơi Bộ đàm, trang 72) khiến cuộc sống của chúng ta bị tắc nghẽn. Phương pháp này cũng giúp ta chạm đến được những vùng có nhiều sự cộng hưởng về cảm xúc hơn.
Không thể đảm bảo bạn sẽ có một bước đột phá nào đó, nhưng rất có thể nếu bạn thử nghiệm phương pháp này một vài lần cùng với vài người khác nhau, bạn sẽ có thể nhìn thấu suốt hơn về việc bạn đang ở đâu và bạn muốn đi đến đâu.
Đối với tôi, những yếu tố thú vị nhất không phải là những thành tựu, những của cải vật chất hay ngôi nhà chúng ta đang ở, quan trọng hơn đó là chất lượng cuộc sống mà ta nhìn thấy được thông qua bài tập này. Hầu hết chúng ta đều vẽ ra mình muốn trở thành người như thế nào, hơn là vẽ ra mình muốn có những gì. Bằng cách nắm bắt các yếu tố đó, bạn sẽ nhận ra rằng bạn có ý thức về con người mà bạn muốn trở thành mỗi ngày và sống hướng tới điều đó nhiều hơn. Điều đó giúp bạn thành thật với tâm hồn đặc biệt, độc đáo của mình – là bản chất tinh túy của bạn, và luôn tỉnh thức với con người thật của chính mình.
ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA TRONG 10 NĂM QUA
____________________
____________________
____________________
TÔI MUỐN NĂM TIẾP THEO SẼ NHƯ THẾ NÀO… ____________________
____________________
____________________
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
KẾT NỐI
Chúng ta rất dễ có suy nghĩ rằng chúng ta tự mình sống trên hành tinh này không có sự giúp đỡ của ai. Chúng ta cũng tin rằng cuộc sống của ta là do ta quyết định và tất cả những gian nan, khó khăn mà chúng ta phải trải qua thì cũng chỉ có chúng ta là người gánh chịu.
Những phương pháp thực hành tâm linh có thể giúp chúng ta xử lý các vấn đề bên ngoài bằng cách xoa dịu và cân bằng các nguồn năng lượng bên trong, nhờ đó chúng ta được trang bị tốt hơn để ứng phó với mọi việc trong cuộc sống. Một khi chúng ta đã học được cách làm lắng dịu tâm trí và gia tăng sự luân chuyển năng lượng bên trong thì chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để kết nối với thế giới xung quanh.
Việc kết nối này có thể phải mất đến vài thập kỷ. Tuy nhiên, tôi tin rằng có một con đường tắt đưa đến sự tỉnh thức nếu chúng ta kết nối được với những nguồn năng lượng xung quanh mỗi ngày và để cho những nguồn năng lượng đó thay đổi mức độ tỉnh thức của chúng ta. Chắc chắn chúng ta cần phải tự mình hòa nhịp để điều đó xảy ra, nhưng đó chỉ là một phần của việc tỉnh thức. Khi chúng ta kết nối được thì chúng ta mới thật sự đưa mọi thứ lên một cấp độ cao hơn.
Hãy tưởng tượng cơ thể bạn là một chiếc xe thể thao và tâm trí bạn chính là động cơ. Chúng ta có thể dành nhiều năm trời chỉnh sửa bên dưới
nắp ca-pô, điều chỉnh động cơ đến mức mà nó có thể vượt qua bất cứ đối thủ nào về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, việc đó sẽ chẳng ích lợi gì nếu chiếc xe chẳng bao giờ thực sự lăn bánh.
Tốt hơn là chỉ cần điều chỉnh một vài chi tiết nhỏ, rồi để nó lăn bánh trên đường đua vài vòng và quan sát xem nó chạy như thế nào. Khi đó, chúng ta sẽ có thêm thông tin để điều chỉnh nó lên cấp độ kế tiếp.
Từ góc độ cá nhân, tôi thích thời gian xe lăn bánh hơn là thời gian xe nằm trong ga-ra. Xung quanh chúng ta có tất cả các nguồn năng lượng và một số có mặt ở những nơi mà ta không ngờ tới. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn có thể kết nối với những địa điểm, thời gian, con người, âm thanh, các quan điểm sống, nghệ thuật, văn học, thực phẩm, biển cả, động vật, gia đình, cây cối và chính bản thân bạn. Bằng cách khám phá ra những nguồn kết nối bạn đang sẵn có quanh mình, bạn sẽ nhận thấy rằng bất kể bạn đi đâu, bạn cũng đều có cách để tỉnh thức – chỉ cần búng nhẹ vào công tắc là kết nối thôi.
Những nơi mà tôi có thể kết nối mạnh mẽ nhất là trong lòng biển cả, trên những con sóng hay ở gần biển, kết nối với mọi người với những gì thật sự ý nghĩa, sống giữa thiên nhiên, ở trong một thành phố nhộn nhịp nhưng lùi lại một chút để dành trọn tâm trí cảm nhận nó. Danh sách còn dài nữa.
Bạn nhận biết điều gì đó đang kết nối với bạn khi:
- nó giúp bạn hòa nhịp
- nó mở rộng nhận thức của bạn vượt ra khỏi chính bạn và nhận thức thông thường của bạn
- nó mang đến cho bạn một sự khích lệ tích cực về mặt năng lượng
- bạn cảm thấy mình được kết nối với một điều gì đó to lớn hơn nhiều - mọi thứ đều trở nên khả dĩ và không còn gì là vấn đề cả
Danh mục kết nối của chúng ta càng nhiều thì chúng ta càng có nhiều lựa chọn để đạt đến cấp độ kết nối như mong muốn. Để rồi chúng ta có thể tỉnh thức bất cứ lúc nào chúng ta muốn.
MƯỜI PHÚT ĐẦU NGÀY Ở NGOÀI TRỜI
GÓC NHÌN MỚI
Giờ đây mỗi ngày của chúng ta bị nhồi nhét ngày càng đầy, đòi hỏi ở ta ngày càng nhiều sự chú tâm và nỗ lực. Mỗi ngày chúng ta tiếp nhận cả trăm nghìn từ ngữ từ các phương tiện truyền thông khác nhau, và so với số lượng từ ngữ chúng ta xử lý mỗi ngày vào năm 1980, mức tăng là 350%!
Nhiều người trong chúng ta cảm thấy như thể thời gian đang vuột ra khỏi tầm kiểm soát do tốc độ sống của ta và tốc độ đổi mới đến chóng mặt của đời sống xã hội xung quanh ta. Ngày mất hút trong tuần, và tuần dường như mất hút trong tháng. Triết gia người La Mã Seneca* cách đây hai ngàn năm đã đúc kết rất hay: “Hiện diện ở mọi nơi là chẳng hiện diện ở đâu cả”.
* Lucius Annaeus Seneca (thường được gọi đơn giản là Seneca (4 TCN – 65 SCN): là một triết gia người La Mã thuộc trường phái triết học Khắc kỷ.
Khi bắt đầu một ngày, chúng ta biết rằng mình có rất nhiều việc phải làm. Chúng ta thường rơi vào một cái bẫy là muốn bắt tay ngay vào việc.
Nếu bắt đầu nhanh thì sẽ xong nhanh, nhưng khi xong việc thì cũng kiệt sức, mệt phờ. Nhiều khả năng là ngày hôm đó chúng ta sẽ không còn tâm trí nào để ý thức về những người ở xung quanh hay chính bản thân
mình, bởi vì sống điên cuồng nghĩa là chúng ta đang đánh mất sự kết nối với con người thật của mình và với thế giới ta đang sống.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
Để tái cân bằng lại tốc độ nói trên, chúng ta hãy khởi đầu chậm rãi thôi.
HÃY DÀNH MƯỜI PHÚT ĐẦU TIÊN TRONG NGÀY MỚI Ở NGOÀI TRỜI VÀ KHÔNG ĐỂ MÌNH BỊ XAO LÃNG BỞI BẤT KỲ THIẾT BỊ KỸ THUẬT SỐ NÀO.
Nếu bạn không thể ra ngoài thì hãy đứng trước khung cửa sổ rộng mở, để cho những làn gió tươi mát mơn man trên mặt và bạn có thể nhìn ra thế giới ngoài kia.
Nơi hoàn hảo nhất cho mười phút này là ngồi trong một công viên hay một khu vườn, và bất kể nơi nào ở ngoài trời cũng đều có thể mang đến cho bạn lợi ích mà tất cả chúng ta đều cần. Hãy tìm một nơi mà bạn cảm thấy thoải mái, dù ngồi hay đứng, và hãy cứ ở yên như thế trong mười phút đó, hít thở sâu với nụ cười trên môi, quan sát và kết nối với thế giới quanh mình.
Sự bình yên, không gian bao la và khung cảnh bầu trời rộng mở giúp chúng ta kết nối với nguồn năng lượng của vũ trụ.
Khi làm như vậy, bạn có thể nhận thấy một vài ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Hãy cứ để chúng trôi qua mà không cần đặt nghi vấn về chúng. Thường thì bạn sẽ dần nhận ra rằng mình đã có được một cái nhìn rõ ràng hơn về việc bạn là ai, và điều gì là quan trọng đối với bạn ngay lúc này.
THÀNH QUẢ
Những khoảnh khắc đầu tiên khi chúng ta vừa thức dậy là rất quý giá. Đó là khi chúng ta cởi mở nhất để có thể kết nối với bản thể của chính mình, với hành tinh này và với những giá trị cốt lõi của chúng ta.
Nếu bạn khiến việc này trở thành một thói quen hàng ngày thì bạn sẽ nhận ra rằng sự kết nối mà bạn tạo ra trong mười phút đầu ngày đó sẽ dễ dàng được duy trì khi mọi thứ trở nên bận rộn. Bằng cách biến nó thành một hành động có chủ ý, bạn sẽ thấy dễ dàng tương tác với thế giới hơn, chứ không chỉ đơn thuần là phản ứng.
Dù chắc rằng chúng ta sẽ để mất sự kết nối ấy, nhưng nếu chúng ta dành ra một khoảnh khắc để hít thở, mỉm cười, và nhìn lên bầu trời, thì sự kết nối ấy sẽ nhanh chóng quay trở lại ngay thôi và chúng ta lại nhớ ra rằng cuộc sống này tuyệt vời biết bao.
LAN TỎA YÊU THƯƠNG
GÓC NHÌN MỚI
Mọi người trên hành tinh này đều diệu kỳ. Tất cả chúng ta đều có những điểm khiến chúng ta trở nên độc đáo và đặc biệt, nhưng thường thì ta hay bị mất kết nối với những điểm độc đáo và đặc biệt đó, vì vậy chúng ta dễ dàng để mất đi ánh sáng quanh mình.
Bộ não của chúng ta thường có khuynh hướng tiếp thu những gì tiêu cực (mang tính phủ định) hơn là nhìn thấy mặt tích cực (mang tính khẳng định), nhưng vẫn có rất nhiều người xung quanh có thể trở thành nguồn cảm hứng để nâng đỡ tinh thần chúng ta và giúp chúng ta sống ý nghĩa hơn mỗi ngày. Sự kết nối đầy ý nghĩa giữa con người với nhau sẽ giúp ta không chỉ hạnh phúc hơn mà còn khỏe mạnh hơn, và cũng giúp ta sống lâu hơn. Thiếu vắng sự kết nối sẽ gây hại cho sức khỏe của chúng ta nhiều hơn cả
việc hút thuốc hay chứng béo phì. Tóm lại, chúng ta cần kết nối. Tiến sĩ Daniel Kahneman*, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, đã phát hiện ra rằng bộ não của chúng ta tiếp nhận hai mươi ngàn lượt dữ liệu (hay khoảnh khắc) đơn lẻ mỗi ngày. Hầu hết dữ liệu đều có thể được phân loại là tích cực hay tiêu cực. Tỷ lệ kỳ diệu để hạnh phúc là số khoảnh khắc tích cực nhiều gấp năm lần số khoảnh khắc tiêu cực. Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Today, một thanh niên thành đạt và hạnh phúc đã kể về quãng thời gian khó khăn trước đây và những trở ngại anh đã gặp phải thời đi học. Điều gì đã làm thay đổi đường đời của anh? Đó là khi một cô giáo đã nói với anh, khi còn là một cậu học sinh tiểu học, rằng cô quan tâm và tin tưởng ở anh. Chỉ một điều đó thôi đã đủ làm thay đổi cuộc đời một cậu học trò mãi mãi.
* Tiến sĩ Daniel Kahneman: là người Mỹ gốc Israel, đạt giải Nobel Kinh tế năm 2002. Các nghiên cứu của ông chủ yếu về tâm lý khi ra quyết định, kinh tế học hành vi và tâm lý học hưởng thụ.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TRONG HÔM NAY, BẠN HÃY TÌM MỘT NGƯỜI ĐỂ CHIA SẺ VỚI NGƯỜI ĐÓ RẰNG BẠN YÊU QUÝ HỌ Ở ĐIỂM NÀO.
Có thể là bất kỳ điều gì. Có những người đến trong đời ta, họ cho ta điều gì đó thật đặc biệt theo những cách ta không ngờ tới. Đó có thể là cách mà người bạn đời của bạn thường để lại những dòng tin nhắn đâu đó trong nhà hay trong túi xách bạn mang đi làm. Đó có thể là người lái xe buýt luôn chào hỏi bạn với nụ cười ấm áp, hồn hậu. Đó có thể là người hàng xóm giúp mang thùng rác của bạn ra đường khi bạn vắng nhà. Đó có thể là một người bạn đã hơn mười năm không gặp, nhưng kỳ lạ là họ đã gọi cho bạn đúng lúc bạn cần và kiên nhẫn lắng nghe mọi điều bạn nói. Chính những chi tiết nhỏ
mới thật là ý nghĩa ở đây vì những chi tiết nhỏ ấy sẽ góp phần tạo nên những điều to lớn.
THÀNH QUẢ
Bằng cách làm một điều thật đơn giản sau đây, bạn sẽ có được muôn vàn lợi ích. Đầu tiên, bạn sẽ ra lệnh cho ý thức của mình ưu tiên ghi nhận thêm thật nhiều điều tuyệt vời từ tất cả những người mà bạn tiếp xúc mỗi ngày. Bạn càng cảm nhận được nhiều điều tích cực và đẹp đẽ, bạn sẽ càng cảm thấy hạnh phúc hơn, cảm thấy được kết nối và đầy sức sống hơn.
Bằng cách chia sẻ tình yêu thương theo cách này, bạn cũng sẽ tạo nên những kết nối sâu sắc hơn với những người mà bạn cảm kích, và sự kết nối sâu sắc hơn giữa người và người có một lợi ích trực tiếp là nó giúp chúng ta có được một cuộc sống viên mãn và hạnh phúc hơn.
CHỈ MẶC MỘT KIỂU TRANG PHỤC
GÓC NHÌN MỚI
Chúng ta thường bị ám ảnh về ngoại hình của mình và về hình tượng mà mình thể hiện. Một vài người trong chúng ta đôi khi mất cả năm chỉ để quyết định xem nên ăn mặc như thế nào. Tôi có một số bạn đồng nghiệp và một vài người bạn chỉ mặc một kiểu trang phục duy nhất, ngày nào cũng
vậy, bất kể làm gì và tâm trạng cảm thấy thế nào. Tôi từng cho rằng đây là một cách tạo phong cách riêng khá lạ lùng, nhưng rồi tôi nhận thấy ngày càng nhiều người tán dương những ưu điểm của thói quen này.
Steve Jobs trước đây đã lấy cảm hứng từ trang phục công sở của người Nhật để tối giản tủ quần áo của ông. Barack Obama thì nói với tờ Vanity Fair rằng ông đã áp dụng quy tắc trang phục “chỉ com-lê xám hoặc xanh” bởi vì “Tôi đang cố gắng giảm thiểu các quyết định. Tôi không muốn phải ra thêm những quyết định rằng mình sẽ ăn gì hoặc mặc gì, bởi tôi đã có quá nhiều quyết định phải đưa ra rồi”. Đây là một hiện tượng của đời sống hiện đại, được biết đến với cái tên “sự mệt mỏi của quyết định”.
Bằng cách cắt giảm đi một quyết định cơ bản trong ngày của mình, họ đã cho chính mình thêm nhiều không gian để suy nghĩ những việc lớn.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TRONG BỐN NGÀY TỚI, BẠN HÃY CHỈ MẶC MỘT KIỂU TRANG PHỤC THÔI.
Thật bõ công để bạn dành chút thời gian suy nghĩ xem kiểu trang phục nào sẽ phù hợp nhất với bạn, và kiểu trang phục nào bạn có đủ số lượng để thay đổi trong bốn ngày tươi mới đó. Một khi bạn đã quyết định, đừng đi chệch hướng.
Thời gian mà bạn tiết kiệm được nhờ không còn phải lo lắng về vẻ ngoài của mình có thể được sử dụng cho những hoạt động thật sự thú vị. Bạn có thể tận hưởng bữa ăn sáng lâu hơn và nghĩ về ngày mới. Hãy dành trọn tâm trí trò chuyện với những người thân yêu trước khi mọi người tản đi lo việc của mình. Hãy chú ý đến hơi thở và giữ mình luôn an nhiên với nụ
cười thật tươi trên khuôn mặt, nhận biết rõ ràng rằng ngày hôm nay chỉ có thể thật tuyệt vời mà thôi.
BẠN SẼ CHỌN KIỂU ĐỒ NÀO ĐÂY?
THÀNH QUẢ
Bằng cách “cắt giảm” bớt một quyết định về trang phục ra khỏi cuộc sống của mình, chúng ta đã có thể cảm thấy tự tin, thoải mái về bản thân rồi, và nhờ vậy ta có thêm chút thời gian để nghĩ về những việc thực sự ý nghĩa.
Trừ phi đó là một dịp thật đặc biệt, ngoài ra tôi tin rằng chúng ta không bao giờ cần phải chưng diện vì ai khác ngoài bản thân mình. Nếu chúng ta hài lòng về bản thân thì đó chính là điều ý nghĩa nhất. Đa phần khi chúng ta chăm chút, dành nhiều thời gian để cân nhắc việc ăn mặc là chúng ta đang bị ám ảnh về việc liệu mọi người sẽ tiếp nhận ta như thế nào. Như vậy sẽ rất mệt mỏi! Bạn hãy chỉ ăn mặc vì chính bạn và tận hưởng điều đó.
Tất nhiên là sau bốn ngày, nếu bạn vẫn có mong muốn chăm chút cho vẻ ngoài của mình, hãy cứ thỏa chí làm việc đó. Nếu đó là một phần của con người bạn thì chẳng việc gì phải kìm nén.
GIẢM NHỊP ĐỘ
GÓC NHÌN MỚI
Cuộc sống đang ngày càng trở nên hối hả. Các giác quan của chúng ta đang bị quá tải bởi sự oanh tạc liên tục của những yêu cầu giải quyết công việc và đòi hỏi phải ra quyết định cứ leo thang hết năm này đến năm khác.
Với khả năng kết nối ngày càng tăng nhờ công nghệ hiện đại, hộp thư của chúng ta liên tục kêu gào ta chú ý tới, trong khi bạn bè thì đăng những tấm ảnh của chuyến du lịch đến đảo Bali, cũng quá thú vị và khó mà bỏ lỡ. Với quá nhiều thứ đang diễn ra như vậy, bộ não ý thức của chúng ta có khuynh hướng “tạm lánh đi” để cho bộ não tiềm thức có thể lọc bớt những ồn ào kia.
Cách đây vài năm, tôi và anh bạn thân David Pearl đã sáng lập ra Street Wisdom. Nguyên tắc nền tảng của tổ chức này là nếu bạn ở trong trạng thái đúng đắn thì bất kỳ nơi đâu cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho bạn. Vì vậy, chúng ta không cần phải đi đến một nơi nào trong danh sách “những điểm cần phải đến trước khi chết”, như Machu Picchu chẳng hạn, để làm nên một cú đột phá. Có thể nói ngắn gọn là mọi con đường đều có thể chứa đựng tất cả những câu trả lời bạn cần, miễn là bạn hòa nhịp. Cho đến nay, đã có hàng ngàn người trên thế giới có được những lợi ích từ Street Wisdom.
Để giúp mọi người hòa nhịp, một trong những bài tập khởi động của chúng tôi đó là sống chậm lại. Khi chúng ta đi bộ chậm hơn tốc độ trung bình của mình khoảng năm lần thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ bắt đầu để ý đến thế giới xung quanh và cả thế giới bên trong chúng ta nhiều hơn, vì khi chúng ta sống chậm lại, chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn với tất cả mọi thứ.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HÃY CHỌN MỘT THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP TRONG HÔM NAY ĐỂ ĐI BỘ ĐẾN MỘT NƠI NÀO ĐÓ, CŨNG DÀNH RA THÊM MỘT ÍT THỜI GIAN ĐỂ BẠN CÓ THỂ THẬT SỰ SỐNG CHẬM LẠI VÀ THƯ THÁI TẬN HƯỞNG TRẢI NGHIỆM NÀY.
Hầu hết chúng ta đều có khuynh hướng chỉ sống chậm lại một chút, nhưng việc này thực sự đòi hỏi bạn phải sống chậm lại rất nhiều. Hãy cố gắng chậm hết mức có thể và ghi nhận xem điều gì xảy ra khi bạn làm vậy. Hít thở vài hơi thật sâu sẽ giúp não hoạt động chậm lại và nhờ đó cũng sẽ giúp cơ thể bạn hoạt động chậm hơn.
Nếu có ai đó nhìn bạn lạ lẫm, hãy cứ mỉm cười với họ. Hãy lưu tâm đến những người mà trước đây bạn thường lãng quên. Khi sống chậm lại, bạn sẽ nhận thấy những kết nối kỳ lạ nhất xảy ra. Theo lời của siêu anh hùng Bucky*: “Trong hình hài một con sâu bướm, chẳng có gì để liên tưởng về một con bướm cả”, cho đến khi bạn chậm lại để tìm ra nó. Trong suốt thời gian Street Wisdom hoạt động, chúng tôi đã có những cuộc hội ngộ kỳ quặc nhất khi có những người gần như từ trên trời rơi xuống để nói cho chúng tôi biết những gì cần biết. Khi chúng ta sống chậm lại, chúng ta kết nối với bản thân nhiều hơn và tỏa ra một dạng năng lượng cộng hưởng và đầy hấp lực. Những người nhạy cảm luôn có ở xung quanh chúng ta và họ sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực đó, họ sẽ đến và cùng ta tận hưởng. Những con bướm cũng ở xung quanh ta. Hãy suy nghĩ tích cực nhé.
* Nhân vật Bucky Barnes, Chiến binh Mùa đông, trong bộ phim siêu anh hùng Captain America.
THÀNH QUẢ
Chỉ đơn giản bằng cách sống chậm lại, bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn biết bao điều về thế giới này và nhờ đó sẽ trở nên tỉnh thức hơn. Nhiều
người phải vật lộn với việc ngồi thiền là do sự lao xao trong nội tâm họ. Tuy nhiên, những người này lại nhận thấy rằng họ có thể đạt được sự tĩnh lặng khá nhanh chỉ bằng cách đi bộ chậm rãi, thực hiện hít thở sâu bằng bụng, mỉm cười và ghi nhận những gì cần chú ý.
Chỉ cần đi bộ chậm rãi mỗi ngày, bạn sẽ nhận ra rằng bạn ngày càng ý thức rõ hơn mình là ai trong cái thế giới đang chuyển động quá nhanh này. Hiểu rõ hơn về cách bạn nên tương tác với thế giới như thế nào sẽ giúp bạn không dễ dàng để bản thân bị cuốn đi theo con sóng bất kham của đời sống tất bật, để bạn được thư thả cày trên thửa ruộng của riêng mình.
ĐI DẠO TRONG RỪNG
GÓC NHÌN MỚI
Các nhà nghiên cứu người Nhật đã chứng minh những lợi ích về y khoa của shinrin-yoku, hay tắm rừng*. Một cuộc nghiên cứu đã cho thấy rằng việc này giúp làm giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, nhờ vậy góp phần làm giảm các chứng bệnh tâm lý xã hội có liên quan đến stress. Đồng thời, hoạt động này còn làm giảm huyết áp và tăng cường hệ miễn dịch.
* “Tắm rừng”, được dịch từ “shinrin-yoku”: là một cụm từ do chính phủ Nhật sáng tạo ra vào năm 1982 nhằm khuyến khích các cư dân thành thị hòa mình vào thiên nhiên.
Một nghiên cứu khác còn cho thấy shinrin-yoku làm gia tăng lượng tế bào NK** (một thành phần của hệ miễn dịch, có khả năng tấn công các tế bào ung thư) trong cơ thể. Lượng tế bào NK tiếp tục gia tăng trong vòng một tuần lễ sau một ngày dài bạn đắm mình trong rừng, hoặc nếu bạn có được ba ngày tắm rừng thì lượng tế bào này sẽ gia tăng trong vòng một tháng. Tôi rất thích điều này.
** NK là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “natural killer”, sát thủ tự nhiên: là loại tế bào tự thân trong hệ miễn dịch. Tỷ lệ tế bào NK không lớn, chỉ chiếm 10 đến 15% trong tổng số các tế bào miễn dịch tự nhiên, nhưng nó là loại vũ khí sắc bén giúp loại bỏ các tế bào có hại, chẳng hạn như tế bào ung thư.
Tất cả chúng ta đều biết cảm giác sẽ tuyệt vời thế nào khi đi bộ sâu trong rừng, hít thở bầu không khí đậm mùi tinh dầu và đắm mình trong nguồn năng lượng đó. Đó là một nơi huyền bí – điều này hẳn là không cần phải tranh cãi. Chúng ta không cần phải ẩn mình sâu trong rừng nhiều tuần lễ mới cảm nhận được những ảnh hưởng tích cực của thiên nhiên. Tất cả cây cối đều có sức mạnh giúp ta quay về kết nối với chính mình và với thế giới xung quanh.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HÃY TÌM MỘT NƠI ĐỂ BẠN CÓ THỂ ĐI BỘ GIỮA NHỮNG HÀNG CÂY.
Càng nhiều cây càng tốt, cây càng nhiều tuổi càng tốt, và càng ít bị ô nhiễm càng tốt, nhưng chỉ cần có cây đã là tốt rồi. Ở Nhật có bốn mươi bốn khu rừng được đăng ký dành cho shinrin-yoku, nhưng tôi chắc rằng bạn cũng có thể tìm thấy một khu rừng nào đó ở gần nơi bạn sống, có thể không có chứng nhận, nhưng vẫn tốt như thường. Thậm chí những nơi đông dân cư nhất cũng có cây cối xung quanh; bạn hãy tìm đến những nơi như vậy và tận hưởng nhé.
Khi bạn ở giữa rừng cây hay dưới những hàng cây, hãy làm đầy buồng phổi của mình bằng cách hít thở thật sâu và để ý xem bạn cảm thấy lắng dịu như thế nào. Nếu bạn là một người thật sự yêu thiên nhiên thì đây chính là lúc thích hợp để bạn lao vào, vòng hai cánh tay ôm lấy thân cây mà hít lấy hít để mùi thơm từ vỏ cây và đắm mình vào thế giới mùi hương đó. Nếu bạn không phải là người say đắm cây cối đến mức đó, bạn chỉ cần trân quý những gì đang hiện hữu trước mắt mình: một hệ sinh thái sống động phi thường. Hãy thư thái đi dạo quanh đó, khi bạn đã tìm thấy cho mình một chỗ yêu thích, hãy ngồi xuống tựa lưng vào thân cây và hít vào tận hưởng.
THÀNH QUẢ
Nếu có điều gì đang khiến tôi phải lo lắng hoặc nếu tôi nhận thấy mình đang bất ổn, một cuộc đi dạo vào rừng sẽ giúp tôi lấy lại thăng bằng. Khi ở trong rừng, ta khó có thể bị ám ảnh bởi thế giới hiện đại. Đối với chúng ta, rừng là một cái gì đó rất ban sơ, nguyên thủy vì hành tinh này đã từng được bao phủ hầu hết bởi rừng. Khi chúng ta được bao quanh bởi cây cối, chúng ta cũng như cây cối – tiếp nhận nguồn năng lượng từ Trái đất, đồng thời cảm nhận được mình đang kết nối với một điều gì đó to lớn hơn bản thân chúng ta rất nhiều. Cây cối giống như những chiếc cột thu lôi để tiếp nhận năng lượng từ vũ trụ.
Hãy biến cây cối thành những người bạn và bạn sẽ nhận ra mình thường xuyên tỉnh thức hơn trước. Hãy nhớ rằng một vài giống cây diệu kỳ nhất đang ẩn mình đâu đó trong thành phố của chúng ta. Bạn cũng đừng quên để tình yêu thương lan tỏa đến chúng nữa nhé.
Tải về eBooks hay, chuẩn, đẹp tại HOIMESACH.COM
LẮNG NGHE CƠ THỂ
Cách đây nhiều thế kỷ, con người kết nối với cơ thể mình nhiều hơn. Họ lắng nghe cách mà cơ thể nói chuyện với họ, cho họ biết thời tiết đang biến chuyển ra sao, rằng họ đang cần bổ sung gì trong chế độ ăn của mình, hoặc cho họ biết đã đến lúc phải ngưng làm việc.
Giờ đây, rất ít người trong chúng ta phải kiếm sống bằng nghề lao động chân tay, và càng ít người hơn nữa cần phải dùng đến thể lực để sống sót bởi vì chúng ta đã có những ngôi nhà ấm áp với hệ thống nước nóng/lạnh. Kết quả là chúng ta bị chi phối bởi nguồn năng lượng trí óc nhiều hơn là thể chất, tuy vậy chúng ta lại có thể hiểu biết thêm được rất nhiều điều nếu chúng ta chú ý lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn.
Khi chúng ta hòa nhịp với cơ thể mình, cũng như có sự cân bằng giữa ý thức và tiềm thức, việc lắng nghe cơ thể sẽ giúp chúng ta hiểu được phần nào sự chuyển hóa và kết nối sâu sắc với vũ trụ rộng lớn ngoài kia. Đó chính xác là trực giác của chúng ta – điều gì đó chúng ta cảm nhận mạnh mẽ trong cơ thể mình, rồi biến nó thành cái biết và cái hiểu. Nếu bạn chú ý lắng nghe trực giác bên trong nhiều hơn, bạn sẽ nhận thấy việc tỉnh thức trở nên dễ dàng hơn.
Khi bạn cảm thấy không ổn và bị bệnh, bệnh tật về thể chất lúc nào cũng có liên quan đến sự mất cân bằng nào đó bên trong hệ năng lượng của
bạn. Nếu bạn hòa nhịp và lắng nghe cơ thể đang nói gì với bạn, bạn sẽ nhận ra có điều gì đó trong cuộc sống cần được bạn lưu tâm đến vì nó chính là nguyên nhân tạo ra trạng thái bất ổn này. Ví dụ, khi chúng ta đang bị căng thẳng trong công việc, chúng ta sẽ dễ bị cảm hơn. Một vài biểu hiện khác có thể còn nghiêm trọng hơn.
Tôi đã từng làm việc với một người bị chứng đau cổ kéo dài rất khó chịu mà không có phương pháp vật lý trị liệu, mát-xa, hay nắn xương nào có thể giúp chuyển biến. Chúng tôi đã dành thời gian tìm hiểu xem có việc gì đang gây rắc rối cho cô ấy và đã phát hiện ra rằng cô ấy tức giận vì khách hàng không chịu giao thêm công việc cho cô ấy, đến mức cô ấy cảm thấy oán giận họ.
Chúng tôi đã giải quyết sự oán giận ấy bằng cách giúp cô ấy thay đổi niềm tin và tìm thấy tình yêu thương bên trong bản thân, kết quả là chứng đau cổ đã biến mất vĩnh viễn. Cổ của cô ấy thật ra không bị gì cả; chính niềm tin của cô ấy đã gây ra rắc rối.
Khi bạn giải quyết được đúng những bất ổn trong cuộc sống mà bạn đang gặp phải thì chứng bệnh của bạn cũng biến mất.
Hãy lắng nghe cơ thể mình để xem bạn có thể biết được điều gì; bằng cách này, bạn sẽ tỉnh thức ở một cấp độ khác biệt.
TUÂN THEO ĐỒNG HỒ SINH HỌC
GÓC NHÌN MỚI
Một ngày của chúng ta được quy định bởi thời gian. Chúng ta thức dậy vào một giờ nhất định để tắm rửa, thay quần áo, ăn sáng và đi đến nơi mà ta cần có mặt đúng giờ.
Vì thời gian của chúng ta đã được định sẵn nên chúng ta thường mất đi cơ hội được lựa chọn cách sử dụng thời gian một ngày như thế nào.
Khi tôi viết sách, tôi luôn muốn đảm bảo chẳng có việc gì khác mà tôi cần phải làm ngoài việc viết. Tôi đảm bảo rằng mình độc lập và không phải có trách nhiệm gì với bất cứ ai trong lúc đó. Tôi tạm ngưng kết nối với thế giới bên ngoài. Và rồi tôi tuân theo nhịp điệu đúng của riêng mình. Lúc nào cũng vậy, cách sinh hoạt của tôi trở nên rất khác so với nếp làm việc thường ngày của tôi. Tôi dậy rất sớm và ngay lập tức bắt tay vào viết. Đến giờ ăn trưa thì tôi thường đã hoàn thành tất cả những gì tôi đã đặt ra cho mình trong khả năng có thể và tôi dành các buổi chiều để làm những việc có tính chất vận động nhằm cân bằng lại với tất cả những hoạt động mang tính sáng tạo vào buổi sáng. Rồi tôi đi ngủ rất sớm, mệt nhoài nhưng sảng khoái. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi nghĩ lại những gì mình đã làm được trong ngày hôm đó. Đó là nhịp điệu tự nhiên của riêng tôi và là cách tôi làm việc hiệu quả nhất.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
TRONG TUẦN NÀY, HÃY DÀNH THỜI GIAN ĐỂ HÒA NHỊP VỚI CHIẾC ĐỒNG HỒ SINH HỌC CỦA BẠN VÀ CÂN NHẮC XEM NÊN SỐNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ THỜI GIAN ĐƯỢC SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NHẤT.
Tôi hiểu rằng một số đòi hỏi trong cuộc sống thì không được linh hoạt, do đó chúng ta phải dành ưu tiên cho công việc, học hành, gia đình, v.v... Vì vậy, có thể bạn phải thực hiện kế hoạch này vào khoảng thời gian nào mà bạn có thể sắp xếp linh hoạt hơn, ví dụ như vào kỳ nghỉ hoặc vào các ngày cuối tuần.
Khi đã thu xếp được thời gian và không gian, hãy ghi nhận cách cơ thể mình vận động vào những thời điểm khác nhau trong ngày, với những hoạt động khác nhau. Chỉ ăn khi bạn cảm thấy muốn ăn và ăn những thứ cung cấp vừa đủ năng lượng cần thiết cho thời điểm đó. Chỉ ngủ khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Tập thể dục hay vận động khi bạn cảm thấy cần. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng cách cơ thể vận động cũng khác nhau theo mùa và tùy theo loại hoạt động trong đời sống. Phải mất vài ngày để bạn nắm bắt được nhịp điệu đó, nên bạn hãy cứ thuận theo tự nhiên, cho đến khi mọi thứ đâu vào đấy.
THÀNH QUẢ
Cuộc sống hiện đại ngày nay không hẳn là tự nhiên nhất đối với chúng ta. Tuần năm ngày làm việc là khuôn mẫu gần đây. Việc mỗi ngày chỉ ngủ một giấc cũng là một thói quen tương đối mới nếu bạn xem xét trong suốt chiều dài lịch sử. Bằng cách đặt nghi vấn với những khuôn mẫu đã được định sẵn này, chúng ta có thể tìm ra một nhịp sống phù hợp hơn cho mình.
Thường thì trạng thái “lái tự động” sẽ tự động được kích hoạt khi chúng ta ở trong tình trạng thiếu kiểm soát. Nguyên nhân là vì chúng ta đang chống lại hệ thống năng lượng của mình. Khi chúng ta làm việc hài hòa hơn với đồng hồ sinh học, chúng ta sẽ nhận thấy mình kiểm soát tốt hơn và do đó sẽ tỉnh thức hơn.
Mặc dù chúng ta không thể ấn định sẵn thời điểm làm mọi việc trong cuộc sống, nhưng bằng cách điều chỉnh bản thân đôi chút để làm việc hiệu quả hơn, chúng ta có thể lên kế hoạch một cách sáng suốt, và từ đó cho bản thân cơ hội tốt nhất để tỉnh thức thường xuyên hơn.
HÃY THỬ LÀM ĐIỀU NÀY VÀO CÁC NGÀY CUỐI TUẦN HOẶC MỘT KỲ NGHỈ NÀO ĐÓ NẾU THỜI KHÓA BIỂU CỦA BẠN KHÔNG
ĐƯỢC LINH HOẠT
CHỈ SỐNG VỚI 5 BẢNG ANH MỖI NGÀY
GÓC NHÌN MỚI
Nếu bạn đang đọc quyển sách này thì có nhiều khả năng là bạn sống khá sung túc so với phần lớn người trên thế giới. Nếu bạn quan tâm về việc làm thế nào để nâng cao sự tỉnh thức để có một cuộc sống tốt đẹp hơn thì rất ít khả năng bạn phải lo chạy ăn từng bữa, hay không có một mái nhà để che mưa nắng.
Đôi khi chúng ta dễ dàng bị mất kết nối với những lựa chọn lớn lao và khó khăn mà những người khác phải đối diện hàng ngày, vì chúng ta may mắn hơn họ. Tất cả chúng ta đều đã biết những con số thống kê được trích dẫn nhiều đến phát nhàm: 1٪ dân số thế giới đang sở hữu 50٪ của cải; 95٪ dân số thế giới kiếm được ít hơn mười tám ngàn bảng Anh mỗi năm. Gần một nửa lượng thực phẩm được sản xuất ra trên toàn cầu bị mất mát hoặc lãng phí. Thậm chí chỉ cần chúng ta tiết kiệm được khoảng một phần tư số đó là đã đủ để nuôi sống tám trăm bảy mươi triệu người đang bị đói trên toàn thế giới. Dẫu biết rằng mọi việc ngoài kia đã bị bóp méo đi khá nhiều, nhưng liệu điều đó có thể khiến chúng ta thật sự biết trân quý sự sung túc mà mình đang có không?
Khi ngân sách cho một ngày của bạn chỉ là năm bảng Anh, thì bạn sẽ phải cân nhắc thật kỹ bạn nên ăn gì, uống gì, những khoản mua sắm nào là tối cần thiết và những khoản nào không đáng chi, như thế nào được xem là một bữa ăn thịnh soạn, thay vì chỉ vừa đủ cho qua cơn đói.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
HÔM NAY CHÚNG TA SẼ THỬ SỐNG CHỈ VỚI 5 BẢNG ANH.
Rõ ràng là số tiền này không thể đủ để trang trải các khoản tiền nhà, tiền điện, chi phí đi lại, v.v… mà đây là số tiền để bạn chi tiêu đủ để tồn tại.
Số tiền này sẽ phải bao gồm tất cả đồ ăn thức uống, giải trí, vệ sinh, tất tần tật mọi thứ. Việc này đòi hỏi bạn phải lên kế hoạch, nhưng sẽ giúp bạn hòa nhịp với những gì thực sự ý nghĩa. Có thể bạn sẽ phải cân nhắc việc đi bộ đến một cuộc gặp, thay vì đi taxi hoặc đi xe buýt; việc chuẩn bị các bữa ăn với số lượng nhiều để đông lạnh và ăn dần cũng giúp bạn tiết kiệm được kha khá; việc mời bạn bè đến ăn uống tại nhà sẽ có hiệu quả kinh tế hơn so với tổ chức tiệc tùng ở nhà hàng. Làm thế nào để số tiền đó nuôi sống bạn lâu hết mức có thể?
Một số người nhận thấy họ có thể xoay xở khá dễ dàng bằng cách giảm bớt hoạt động trong ngày. Nếu bạn cũng nằm trong số này thì hãy cố kéo dài theo cách đó ra khoảng một tuần…
THÀNH QUẢ
Mặc dù năm bảng Anh với bạn nghe có vẻ không nhiều, nhưng đối với một số người, đó là cả gia tài. Việc giới hạn các cơ hội chi tiêu bằng cách đặt ra một ngân sách cố định như vậy có nghĩa là chúng ta phải thực sự hiểu cái gì thật sự quan trọng và cái gì không. Chúng ta sẽ thấy được giá trị của những gì chúng ta đang sẵn có.
Thường thì chúng ta hay mềm lòng trước những quyết định khó khăn bởi vì chúng ta biết quyết định đó không quá quan trọng khi mà chúng ta được rộng quyền lựa chọn. Nhưng khi khả năng lựa chọn bị hạn chế, và sự quyết định trở nên ngặt nghèo hơn, chúng ta sẽ không còn lựa chọn nào khác mà buộc phải ý thức hơn chúng ta là ai và chúng ta đang sống như thế nào. Mặc dù đây có thể là một sự thức tỉnh chẳng mấy dễ chịu đối với một số người, nhưng đó cũng là một trải nghiệm tự do đáng kinh ngạc.
CÓ NHỮNG NGƯỜI CÓ TIỀN…
… VÀ CÓ NHỮNG NGƯỜI GIÀU CÓ.
Coco Chanel
SÁNG TÁC MỘT CA KHÚC
GÓC NHÌN MỚI
Những thử thách sáng tạo mới lạ tự nhiên sẽ gắn kết chúng ta theo một cách rất riêng. Nếu chúng ta cứ tiếp tục làm những gì chúng ta đã luôn làm từ trước tới nay thì cơ chế “lái tự động” sẽ hoàn toàn nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chúng ta rũ bỏ hết những cái cũ và thúc đẩy bản thân tự thể hiện thì chúng ta sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phải tỉnh thức.
Việc viết ra một thứ gì đó không bị giới hạn bởi bất cứ điều gì hoặc quy tắc nào, hoàn toàn mang dấu ấn cá nhân sẽ giúp chúng ta đạt đến một cấp độ tập trung và hiện hữu rất khác biệt. Những nghệ sĩ tài ba, những nhà soạn nhạc lỗi lạc, hoặc những vũ công xuất sắc có khả năng thả mình vào một không gian mang đến cho họ chiều sâu thật sự của sự tập trung và một trạng thái thấu cảm cao so với tính trơ lì của cơ chế “lái tự động”.
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
THỬ THÁCH CỦA BẠN TRONG TUẦN NÀY LÀ VIẾT MỘT CA KHÚC.
Tất cả chúng ta sinh ra đều có óc sáng tạo và tôi tin rằng tất cả chúng ta đều sẵn có những ca khúc tuyệt vời từ sâu thẳm bên trong chúng ta. Con trai tôi, Harvey, cũng thường sáng tác những ca khúc. Cháu mười tuổi và đã học được rằng chúng ta thường cho là việc đó quá khó, hoặc chỉ dành cho những người tài năng. Thật ra bạn không cần phải có năng khiếu âm nhạc để viết một bài hát, bạn chỉ cần có khả năng ngâm nga một giai điệu và đặt lời cho giai điệu đó. Bạn có thể bắt đầu với một nhịp điệu, một đoạn lời bài hát, hoặc đoạn nhạc dạo có tiết tấu đặc trưng của bài hát, bất cứ thứ gì. Đây cũng chỉ là một trò chơi thôi mà, không phải là điều gì khiến bạn quá bận tâm.
Tôi có một anh bạn là nhạc sĩ sáng tác, anh ấy luôn bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản và rồi triển khai nó từ từ. Đến cuối cùng, có thể ý tưởng khởi đầu ấy gần như mất hẳn, nhưng không sao, dù sao nó cũng giúp anh ấy bắt tay vào việc. Một vài ca khúc mà bạn viết có thể không thành công lắm, đôi khi nghe khá buồn cười. Tuy nhiên, một số bài có thể thể hiện tài năng thực sự, khiến bạn thỏa lòng khi bạn ngâm nga chúng. Có thể bạn sẽ thấy rất muốn ghi âm lại ca khúc vừa sáng tác vào điện thoại, hoặc muốn hát tặng nó cho ai đó thật thân thiết với bạn.
THÀNH QUẢ
Các hoạt động sáng tạo cần thiết cho con người cũng giống như thức ăn và nước uống vậy. Thường thì khả năng sáng tạo của chúng ta có thể bị kìm hãm, nhưng nó không bao giờ biến mất. Bằng cách tận hưởng niềm vui với khả năng sáng tạo ấy qua việc thực hiện một dự án không áp lực nào đó, chúng ta có thể nhận ra tài năng của mình vượt trội đến mức nào, và nếu ta có mắc chút sai lầm thì cũng chẳng sao.
Thử nghiệm chính là nguồn nhiên liệu cho cuộc sống. Việc thử những trải nghiệm mới xem nó hiệu quả như thế nào là những gì chúng ta nên làm hàng ngày, thay vì chỉ làm những gì chúng ta biết là an toàn. Những thử nghiệm nho nhỏ với lĩnh vực mà ta có khả năng sáng tạo sẽ giúp ta tỉnh thức và thưởng thức được cuộc sống này nhiều hơn.
"""