" Xác Không Đầu - Georges Simenon & Trần Bình (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Xác Không Đầu - Georges Simenon & Trần Bình (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo Xác Không Đầu XLVII of Jules Maigret Georges Simenon & Trần Bình (dịch) NXB Công An Nhân Dân (2002) Từ khóa: Trinh Thám, Tiểu Thuyết, Hình Sự GEORGES SIMENON XÁC KHÔNG ĐẦU TRUYỆN TRINH THÁM Người dịch: TRẦN BÌNH Thực hiện ebook: Page Duyên sách NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN HÀ NỘI – 2002 Nguyên bản: MAIGRET ET LE CORPS SANS TÉTE Nhà xuất bản: PRESSE DE LA C1TE - PARIS-1990 Table of Contents XÁC KHÔNG ĐẦU I II III IV V VI VII VIII NGƯỜI LANG THANG I III IV VI VII VIII I Khi trời vừa rạng sáng thì Jules Naud, người anh cả của hai anh em nhà Naud, xuất hiện trên sà lan, trước hết là cái đầu, tiếp đó đến đôi vai và sau cùng là tấm thân cao lều nghều của anh. Đưa tay lên vuốt mớ tóc màu sợi lanh chưa kịp chải, anh nhìn âu thuyền có bến cảng Jemmages ở bên trái và bến cảng Valmy bên phải. Anh vừa cuốn một điếu thuốc lá và châm hút trong buổi sáng còn se lạnh thì ngọn đèn của một quán rượu ở phố Recollets bật sáng. Mặt tiền của quán rượu có màu vàng khè. Popaul, chủ quán, mặc áo không cổ, tóc chưa chải, đang đứng ngoài vỉa hè để tháo những cánh cửa lùa. Jules đi trên tấm ván bắc làm cầu lên bờ và cuốn điếu thuốc thứ hai trong khi đó thì Robert, người em, cũng cao lớn như anh, đã thức giấc và lên trên boong tàu. Anh ta thấy Jules đang tì tay lên quầy hàng đợi chủ quán rót thêm rượu vào tách cà phê của anh. Robert đang đợi đến lượt mình. Cùng với những cử chỉ như Jules, anh ta cũng cuốn một điếu thuốc lá. Khi người anh cả rời khỏi quán hàng thì người em cũng đã lên khỏi sà lan. Hai người gặp nhau ở giữa đường. - Ta cho nổ máy đây - Jules bảo người em trai. Có những ngày hai người không nói với nhau quá một chục câu theo kiểu ấy. Con tàu của họ mang tên Hai anh em. Họ đã lấy hai chị em sinh đôi của một gia đình sống trên bờ sông. Robert cũng tì tay lên quầy hàng của ông Popaul béo lùn và đợi chủ quán rót rượu. - Hôm nay đẹp trời - Popaul gợi chuyện. Qua cửa sổ, Robert thấy trời đã chuyển sang màu hồng. Những ống khói trên các nóc nhà bắt đầu hoạt động, sương giá đọng trên các mái nhà lợp bằng đá bảng hoặc bằng ngói bắt đầu tan. Người ta nghe thấy tiếng nổ của đầu máy đi-ê-zen. Phía sau sà lan phụt ra những luồng khói đen. Robert đặt tiền lên quầy hàng, cầm lấy chiếc mũ cát-két và đi khỏi quán rượu. Người phụ trách âu thuyền trong bộ đồng phục đã xuất hiện chuẩn bị cho việc mở cửa âu. Người ta nghe thấy những bước chân ở cảng Valmy nhưng không nhìn thấy người. Tiếng trẻ con bi bô trong những khoang tàu, nơi các bà mẹ đang chuẩn bị cà phê. Jules đang cúi xuống nhìn mặt nước ở cuối sà lan. Người em thấy như có chuyện gì không ổn. Sà lan chở đá xây dựng từ Beauvais về. Chuyến này đá chở nhiều hơn thường lệ một vài tấn. Đêm qua sà lan từ bên La Vilette để đi vào kênh đào Saint-Martin. Thông thường thì tháng Ba kênh đào có nhiều nước. Năm nay ít mưa nên bùn trong các con kênh sục lên khi sà lan đi qua. Những cánh cửa âu thuyền được kéo lên. Jules ngồi bên vòng quay của bánh lái. Người em lên bờ tháo neo. Chân vịt bắt đầu quay tít, những bọt nước có bùn nổi lên. Tì người vào cây sào, Jules đẩy sà lan tránh xa bờ kênh. Bỗng nhiên chân vịt khựng lại, tiếng máy nổ rú lên và Robert thấy Jules đang cúi xuống máy. Cả hai đều không hiểu đã có chuyện gì xảy ra. Chân vịt không sát xuống đáy sông. Chắc chắn đã có vật gì mắc vào nó. Có thể là rác đã bị cuốn lên. Cầm một cây sào, Jules đến cuối sà lan và khuấy nước ở đấy lên. Chân vịt vẫn không nhúc nhích. Trong khi Jules đi tìm một chiếc móc bằng sắt thì Laurence từ khoang sà lan nhô đầu lên. - Có chuyện gì vậy? - Không biết. Cái móc bắt đầu làm việc. Vài phút sau đó thì Charles Dambois, người phụ trách âu thuyền, bước tới. Ông ta không hỏi han gì mà chỉ lặng lẽ nhồi thuốc vào tẩu để hút. Trên bờ kênh, người ta thấy nhiều y tá và hộ lý vội vã tới phố Cộng Hoà để làm việc tại bệnh viện Saint-Louis. - Anh đã thấy vật đó chưa? - Đã thấy. - Một sợi dây cáp ư? - Không biết. Jules đã móc được vật ấy lên và chân vịt lại tiếp tục quay. Chiếc móc sắt được nhấc lên khỏi mặt nước và mắc vào đấy là một gói giấy báo buộc kỹ. Giấy báo ngâm nước đã mủn ra. Đấy là một cánh tay người, từ bả vai đến bàn tay, thịt đã xám lại như con cá chết. *** Depoil, hạ sĩ cảnh sát của khu phố Ba, đã hết phiên trực đêm ở bến cảng Jemmages, đang chuẩn bị ra về thì gặp Jules chạy tới. - Tôi ở âu thuyền Recollets cùng với chiếc sà lan Hai anh em. Chân vịt đã không quay được khi chúng tôi cho sà lan chạy và chúng tôi đã gỡ từ đó ra một cánh tay người. Depoil đã làm việc ở quận Mười mười lăm năm, có phản ứng nhanh nhạy của người cảnh sát nên anh nắm ngay sự việc. - Tay của đàn ông ư? - Depoil hỏi với vẻ hoài nghi. - Phải. Cánh tay đầy lông màu hung và... Thường thì người ta vớt được xác chết ở kênh đào Saint-Martin từ chân vịt của tàu thuyền. Hầu hết là xác nguyên vẹn, đại đa số là xác đàn ông, ví dụ như xác của một ông già lang thang quá chén hoặc xác của một thanh niên bị địch thủ cho một nhát dao rồi đẩy xuống dòng kênh. Xác chết bị chặt ra từng khúc cũng không phải là không có, một năm trung bình một hai vụ, mà hầu hết là phụ nữ. Depoil có thể kể ra từng vụ một. Chín phần mười họ đều là gái bán dâm, đi lượn lờ trên bờ kênh vào ban đêm. "Tội ác do những kẻ loạn dâm gây ra" - Báo cáo của anh thường kết luận như vậy. Cảnh sát biết rõ những kẻ năng lui tới chốn này, họ có cả một danh sách những kẻ đáng nghi ngờ. Chỉ cần một vài ngày là đủ để tóm cổ được tác giả của vụ án cướp của giết người hoặc tấn công địch thủ bằng vũ khí. - Anh đã mang nó lên bờ rồi chứ? - Depoil hỏi. - Cánh tay người ư? - Anh để nó ở đâu? - Trên bến cảng. Chúng tôi có thể cho sà lan đi được không? Chúng tôi phải giao hàng ở cảng Arsenal. Người cảnh sát châm một điếu thuốc rồi gọi điện thoại về nhà riêng của ông Magrin, cảnh sát trưởng của khu phố. - Xin lỗi đã làm ông thức giấc. Những người lái sà lan vừa vớt được một cánh tay người... Không! Đây là cánh tay của đàn ông... Vâng, tôi nghĩ như vậy... Thế nào?... Vâng, người ấy đang đứng đây... Tôi sẽ hỏi anh ta... Depoil quay sang Jules. - Cánh tay bị ngâm nước lâu chưa? Jules gãi đầu. - Cái đó tuỳ thuộc vào việc ông cho thế nào là lâu. - Nó đã rữa ra chưa? - Không biết nói thế nào. Theo tôi, nó đã bị ngâm nước chừng hai hoặc ba ngày. Người hạ sĩ nói vào máy. - Hai hoặc ba ngày... Và anh ta ghi lên mảnh giấy những chỉ thị của thủ trưởng. - Chúng tôi có thể cho sà lan vượt qua âu thuyền được chưa? - Jules hỏi khi Depoil gác máy. - Chưa đâu. Ông cảnh sát trưởng nói có thể còn những vật khác mắc vào chân vịt nữa. Phải vớt lên cho bằng hết. - Chúng tôi không thể cho sà lan đậu mãi ở đây được! Có bốn năm chiếc khác đang nối đuôi chúng tôi. Viên hạ sĩ gọi sang một số máy khác. - A-lô! Victor đấy ư? Anh thức giấc rồi ư? Anh đang dùng bữa sáng, đúng không? Tôi có việc cho anh đây. Victor Cadet, người thợ lặn, ở phố Đường xanh, cách bờ kênh không xa lắm, thường được gọi đi vớt những vật rơi xuống đáy sông Seine và các con kênh của Paris. - Để tôi gọi người giúp việc. *** Đã bảy giờ sáng, ở đại lộ Richard-Lenoir, bà Maigret, sau khi tắm rửa đang chuẩn bị bữa ăn sáng trong khi người chồng còn đang ngủ. Ở bến cảng Orfevre (nơi sở Cảnh sát Paris đóng - Orfevre được dùng gọi tên sở Cảnh sát Paris-ND) Lucas và Janvier đang trực ban. Lucas là người nhận tin về sự kiện ở âu thuyền Recollets. - Thật là kỳ cục! - Lucas càu nhàu với bạn. Người ta vừa mới vớt được một cánh tay người ở kênh Saint-Martin và không phải là cánh tay của phụ nữ. - Của đàn ông ư? - Không rõ. - Hay là cánh tay của trẻ con? Chuyện tương tự chỉ xảy ra ba năm trước đây. - Anh sẽ báo cho sếp chứ? Lucas nhìn đồng hồ, ngập ngừng rồi lắc đầu: - Không vội lắm. Để sếp uống xong tách cà phê đã. Tám giờ kém mười thì những nhân vật quan trọng đã tập hợp trên sà lan Hai anh em và một trung sĩ cảnh sát đang tò mò nhìn một vật được che bằng mảnh vải buồm trên bờ kênh. Người ta phải mở cửa âu thuyền để nước từ thượng nguồn có thể chảy vào được. Mọi người nhận ra Victor trong bộ đồ thợ lặn của anh. Người giúp việc giả đò làm việc bằng cách nhổ nước bọt xuống mặt nước. Đây là người ném thang dây, bơm dưỡng khí vào một chiếc bình bằng đồng rất lớn úp trên đầu của Victor. Hai phụ nữ và năm đứa trẻ hầu hết tóc vàng hoe cũng có mặt trên sà lan. Một trong hai phụ nữ đang mang thai còn người kia thì ẵm một đứa bé trên tay. Mặt trời đã chiếu sáng rực rỡ trên bên cảng Valmy và như đang tự hỏi tại sao lại có cảnh bi thảm này. Bốn chiếc sà lan khác nối đuôi chiếc Hai anh em có những áo quần phơi trên đống dây chão và trẻ con nhăn mặt vì mùi nhựa đường hơn là mùi không mấy dễ chịu của con kênh. Tám giờ mười lăm phút, Maigret vừa dùng xong tách cà phê thứ hai và châm tẩu thuốc thì nhận được điện thoại của Lucas. - Anh nói đấy là cánh tay đàn ông ư? Lucas không biết phải trả lời ra sao. - Không tìm thêm được gì nữa ư? - Victor, người thợ lặn đang làm việc, cần phải giải phóng âu thuyền thật nhanh vì sợ tắc nghẽn giao thông. - Ai phụ trách việc này? - Judel. Judel là thanh tra cảnh sát của quận Mười, một thanh niên ít nói nhưng rất cần mẫn, người ta có thể tin vào những nhận xét của anh. - Sếp sẽ tới đó chứ? - Tôi sẽ tới đó. - Sếp muốn ai trong số chúng tôi cùng đi với sếp? - Hiện có những ai ở cơ quan? - Janvier, Lemaire... Khoan. Có Lapointe vừa tới nữa. Maigret ngập ngừng một thoáng. Xung quanh ông đã có ánh nắng mặt trời từ cửa sổ chiếu vào. Vụ việc ít quan trọng, không có gì là bí mật, Judel có thể tự mình giải quyết. Nhưng không thể biết trước mọi việc được. Nếu là cánh tay của một phụ nữ thì Maigret không ngần ngại mà nói rằng những việc cần làm chỉ còn là thủ tục mà thôi. Nhưng nếu là cánh tay của người đàn ông thì mọi việc đều có thể. Và nếu là một vụ việc phức tạp thì ông phải nắm lấy nó ngay từ đầu, ông sẽ cùng với thanh tra Judel tiến hành cuộc điều tra này. - Bảo Lapointe chuẩn bị cùng đi với tôi. Gần đây anh ta ít làm việc cùng với ông. Tuổi trẻ của anh ta làm ông thích thú, nhưng tính lơ đễnh của anh khiến ông phải canh chừng. Hôm nay là hai mươi nhăm, tháng Ba. Mùa xuân đã bắt đầu từ hôm trước, nhưng ra khỏi nhà Maigret vẫn phải mang theo áo khoác. Ông lên một chiếc tắc-xi từ đại lộ Richard- Lenoir. Không có xe buýt và trong thời tiết như thế này thì không nên đi xe điện ngầm. Ông đến âu thuyền Recollets trước Lapointe và thấy thanh tra Judel đang cúi xuống nhìn dòng nước đen ngòm của con kênh. - Không tìm thấy gì nữa ư? - Chưa, thưa sếp. Victor đã mò ở đáy sà lan thấy không còn vật gì vướng vào. Mười phút sau, Lapointe lái chiếc xe màu đen của Sở tới nơi trong khi những bọt nước nổi lên trên mặt nước báo tin Victor sắp nổi lên. Người giúp việc vội vàng tháo chiếc bình dưỡng khí bằng đồng úp trên đầu anh. Ngay lập tức người thợ lặn đốt một điếu thuốc lá, nhìn xung quanh và thấy Maigret đang thân mật vẫy tay về phía mình. - Không thấy gì nữa ư? - Không phải ở khu vực này. - Các sà lan có thể đi tiếp được chứ? - Tôi tin chắc rằng không có vật gì vướng vào sà lan, trừ bùn. Robert nghe thấy câu đó liền bảo người anh trai: - Nổ máy thôi! Maigret quay sang Judel. - Anh đã lấy lời khai của họ chưa? - Đã. Họ đã khai và ký tên. Hơn nữa họ còn đi bốn ngày nữa để tới cảng Arsenal. Không xa lắm, ở phía dưới hạ lưu chừng hai, ba ki-lô-mét, giữa Bastille và sông Seine. Nhưng phải có thời gian khởi động máy làm chiếc sà lan chở quá nặng chuyển động và trước đó cửa âu thuyền phải được mở ra đã. Hầu hết những người tò mò đã bỏ đi. Những người còn lại là những kẻ vô công rồi nghề, họ có thể ở đây cho đến chiều tối. Victor không cởi bộ đồ lặn bằng cao su ra khỏi người. - Nếu còn vật gì đó thì nó phải ở trên thượng lưu. Thân người, đùi, đầu... đều nặng hơn cánh tay. Những cái đó ít bị trôi theo dòng nước. Người ta không thấy một luồng nước nào chảy trên kênh đào, rác rưởi trên đó vẫn bất động. - Ở đây nước không chảy thành luồng như ở sông, điều này đã rõ. Nhưng mỗi âu thuyền, nước có một sự lưu thông riêng giữa hai con đập. - Như vậy phải đi tìm ở các âu thuyền tiếp theo nữa ư? - Nhà nước trả tiền còn ông là người ra lệnh - Victor kết luận sau khi hít một hơi thuốc dài. - Có mất nhiều thời gian không? - Cái đó tuỳ thuộc vào nơi tôi có thể tìm thấy những bộ phận thi thể còn lại, nếu quả thực có những cái đó. Có thể người ta ném bộ phận thi thể này xuống kênh đào, bộ phận kia lại giấu ở đâu đó trên mặt đất, ví dụ như vậy thì sao? - Anh tìm kiếm tiếp đi! Victor ra hiệu cho người giúp việc di chuyển con thuyền lên phía trên còn mình thì úp bình dưỡng khí lên đầu. Maigret kéo Judel và Lapointe ra một góc. Họ thành một nhóm nhỏ trên bến cảng mà mọi người nhìn theo một cách kính trọng. - Anh phải cho lục tìm trên mặt đất, ở những nơi đất bỏ không nữa. - Tôi đã nghĩ đến việc này - Judel nói - Tôi còn đợi những chỉ dẫn của sếp. - Anh có bao nhiêu người? - Sáng nay tôi có hai nhân viên, chiều có thể là ba. - Cố gắng điều tra xem xung quanh đây đã có những cuộc ẩu đả, những tiếng kêu cứu nào không. - Vâng, thưa sếp. Maigret để người cảnh sát vận đồng phục đứng bên cánh tay người che bằng một mảnh buồm ở lại đấy. - Anh đi với tôi, Lapointe! Ông đi tới một quán rượu sơn màu vàng nhạt có tấm biển cửa hiệu ghi: Popaul. Một vài người thợ đang ăn sáng bên quầy hàng. Thấy Maigret, người chủ quán vội hỏi: - Ông dùng gì ạ? - Ông có máy điện thoại không? - Có! Điện thoại treo trên tường bên quầy hàng, không trong buồng riêng. - Đi thôi, Lapointe! - Ông không dùng gì ư? Popaul tỏ ra phật ý và vị cảnh sát trưởng hứa: - Lát nữa. Theo chiều dọc của con kênh là những quán hàng một tầng bên cạnh những xưởng máy lớn và những văn phòng xây bằng bê tông cốt thép. - Chúng ta tìm một quán rượu có buồng điện thoại. Phía bên kia đường là đồn cảnh sát và xa hơn là bệnh viện Saint-Louis. Đi chừng ba trăm mét thì tới một quán rượu bên trong mờ tối. Maigret đẩy cửa bước vào. Bước hai bậc thì xuống cửa hàng, nền nhà lát bằng gạch đỏ như nhà cửa vùng Marseille. Không có ai trong quán rượu ngoài con mèo màu hung nằm trên lò sưởi. Thấy người, nó uể oải đứng lên và chạy qua một cánh cửa để ngỏ vào nhà trong. - Có ai ở đây không? - Maigret gọi to. Người ta nghe rõ tiếng tích-tắc của đồng hồ. Từ nhà trong, tiếng trả lời mệt nhọc của phụ nữ cất lên: - Có ngay đây! Trần nhà rất thấp, đen nhẻm khiến căn phòng tăm tối, ánh sáng mặt trời chiếu qua các ô cửa kính trên cao như trong nhà thờ. Một tấm biển bằng bìa cứng mang dòng chữ nguệch ngoạc: Các món ăn sáng. Vào giờ này quán hàng vắng người. Maigret và Lapointe là những khách hàng đầu tiên trong ngày. Một buồng điện thoại trong góc phòng. Maigret đứng đợi nữ chủ quán đi ra. Khi xuất hiện bà ta đang kẹp chiếc kẹp cuối cùng lên mớ tóc màu nâu xậm gần như là đen. Người gầy gò, khó đoán tuổi, có thể là bốn mươi hoặc bốn mươi nhăm, mặt cau có, bà ta kéo lê gấu quần trên nền nhà. - Các ông dùng gì? Maigret nhìn Lapointe. - Rượu vang trắng ở đây có khá không? Người chủ quán nhún vai. - Hai cốc vang trắng. Bà có thẻ điện thoại không? (Thẻ bỏ vào máy điện thoại để gọi người nói chuyện - ND) Maigret vào buồng điện thoại gọi cho Viện Công tố để báo cáo miệng. Một viên biện lý ở đầu dây. Ông ta cũng rất ngạc nhiên về vụ này. - Một thợ lặn đang tiếp tục tìm kiêm. Anh ta cho rằng những bộ phận thi thể còn lại, nếu thực tế có những cái đó, thì chúng phải ở trên thượng lưu. Cá nhân tôi muốn bác sĩ Paul đến khám nghiệm cánh tay càng sớm càng tốt. - Tôi có thể gọi lại cho ông ở đâu? Maigret cho ông ta số máy điện thoại và trở lại quầy hàng nơi hai cốc vang trắng đã được đưa ra. Ông nâng cốc nói với nữ chủ quán: - Xin chúc sức khoẻ của bà! Bà ta làm như không nghe thấy gì. Bà ta nhìn hai người không một chút cảm tình nào, chỉ mong họ ra đi để bà làm tiếp công việc của mình, chắc chắn đây là việc tắm rửa. Hẳn là trước kia bà ta rất đẹp. Cũng như mọi người, thời trẻ thì như vậy. Bây giờ cặp mắt, cái miệng và cả cơ thể của bà có vẻ mệt mỏi. Có thể là bà ta đang ốm và đang đợi cơn phát bệnh? Nhiều người biết rõ giờ phát bệnh của mình. - Tôi đang đợi người ta gọi điện thoại - Maigret lẩm bẩm như để xin lỗi. Đây là một nơi công cộng, đúng thế. Người này có thể khó chịu với người kia mà không thể nhanh chóng giải quyết được. - Rượu vang của bà rất ngon. Thật vậy. Rất nhiều quán rượu của Paris quảng cáo “rượu của quê hương' nhưng chỉ là rượu cất ở Bercy. Rượu ở đây có một mùi vị đặc biệt mà viên cảnh sát trưởng đang cố tìm nguồn gốc của nó. - Rượu ở Sancerre ư? - Không. Rượu ở một ngôi làng nhỏ gần Poitiers. Do đó tại sao nó có dư vị mạnh đến như vậy. - Bà có người nhà ở đấy ư? Bà ta không trả lời và Maigret thấy bà ta đứng yên, nét mặt bất động. Con mèo ở đâu đến quấn lấy chân chủ. - Ông nhà đâu? - Ông ấy đi mua. Đi mua rượu vang, đó là điều mà bà muốn nói. Bà ta không thích nói chuyện. Khi Maigret ra hiệu rót thêm hai cốc nữa thì chuông điện thoại reo lên. - Tôi đây, vâng. Ông đã nói chuyện với ông Paul chưa? Ông ấy không bận việc chứ? Một tiếng đồng hồ nữa ư? Tốt! Tôi sẽ có mặt ở đấy. Mặt của viên cảnh sát trưởng nhăn nhó khi nghe tiếp. Ông biện lý báo mình đã chuyển tin này cho chánh án Comeliau, một quan án theo thời, hay vặn vẹo nhất của toà án, một kẻ thù của Maigret. - Ông ấy nói ông phải cho ông ấy biết tin tức kịp thời. - Tôi biết. Điều đó có nghĩa là mỗi ngày Maigret sẽ nhận đươc năm, sáu cú điện thoại hỏi tin tức của Comeliau và mỗi buổi sáng ông phải tới văn phòng ông ta một lần để báo cáo. - Cuối cùng!... Maigret thở dài - Tôi sẽ cố gắng. - Ông cảnh sát trưởng, không phải lỗi tại tôi. Ông ấy là một quan án duy nhất có khả năng và... Mặt trời đã chiếu một góc xiên vào chiếc cốc của Maigret. - Chúng tôi đi đây - Ông lẩm bẩm và lấy tiền ra - Tôi phải trả bà bao nhiêu? Trên đường đi ông hỏi Lapointe: - Anh đi lấy xe chứ? - Vâng. Tôi để nó gần âu thuyền. Rượu đã làm hồng đôi má và làm mắt của viên thanh tra Lapointe sáng lên. Trên bờ kênh, một nhóm người tò mò đứng xem công việc của người thợ lặn. Khi Maigret và viên thanh tra tới nơi thì người giúp việc của Victor chỉ tay vào một gói to trên thuyền. Ông ta nói sau khi nhổ nước bọt xuống dòng kênh: - Một cái đùi và một cái chân. Giấy gói chưa mục nhiều và Maigret thấy không cần thiết nhìn kỹ hơn. - Anh có thấy cần một ôtô hòm không? - Maigret hỏi Lapointe. - Ở cốp xe hãy còn chỗ. Cái đó không ai muốn cả, họ cũng không muốn đợi bác sĩ pháp y mà trụ sở của ông ở cách đây không xa lắm. - Tôi phải làm gì bây giờ? Lapointe hỏi. Maigret không muốn trả lời. Viên thanh tra lần lượt mang hai "gói hàng" đặt vào cốp xe. - Cái đó có bốc mùi không? Maigret hỏi người dưới quyền khi ông đi tới. Lapointe dang tay, nhăn mũi ra hiệu là có. *** Vận chiếc áo blu trắng, đeo găng tay bằng cao su, bác sĩ Paul hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác.. Ông quả quyết rằng thuốc lá là một chất sát trùng hiệu quả nhất. Do đó trong một ca phẫu thuật, ông đốt hết hai bao thuốc. Ông làm việc một cách hăng hái, đầy nhiệt tình và nói giữa hai lần hít thuốc. - Đúng là những gì tôi nói với ông lúc này đều chưa chắc chắn lắm. Trước hết tôi muốn có những bộ phận còn lại của cơ thể hơn là chỉ có một cánh tay và chiếc đùi như thế này, sau nữa tôi phải có thời gian để phân tích. - Bao nhiêu tuổi? - Thoạt nhìn thì người này khoảng năm mươi và sáu mươi tuổi. Hãy nhìn bàn tay. - Nó có những đặc điểm gi? - Đây là một bàn tay to và mạnh khoẻ. Bàn tay này thường làm những công việc nặng nhọc. - Tay của người thợ ư? - Không. Tay của nông dân thì đúng hơn. Tôi cho rằng người này chưa hề cầm đến một dụng cụ nặng nào. Anh ta cũng không chăm sóc tay chân của mình nữa. Ông có thể xem những móng tay, đặc biệt là những ngón chân. - Một người đánh xe ngựa ư? - Tôi không nghĩ như vậy. Xin nhắc lại, phải có những bộ phận cơ thể còn lại thì mới có thể kết luận được. - Nạn nhân chết lâu chưa? - Đây cũng là một giả thiết nữa. Ngày mai tôi có thể nói khác hôm nay. Lúc này thì tôi cho là đã ba ngày rồi. Không hơn. Tôi sẽ không nói ít hơn nữa. - Có thể là đêm hôm qua không? - Không. Đêm hôm trước nữa thì có thể. Maigret và Lapointe cũng hút thuốc và tránh nhìn xuống bàn mổ. Bác sĩ Paul tự hào về nghề nghiệp của mình, xếp những dụng cụ mổ lại như một nhà ảo thuật. Maigret cũng không cởi áo blu ra khi có tiếng chuông điện thoại. Đó là Judel ở cảng Valmy. - Người ta đã tìm thấy thân người! - Ông báo tin với vẻ phấn khích. - Không có đầu ư? - Chưa. Victor nói cái đó rất khó tìm vì trọng lượng của nó. Có thể nó đã chìm sâu xuống bùn. Người ta cũng tìm thấy một cái ví không đựng gì và một túi xách tay của phụ nữ. - Gần chỗ xác người ư? - Không. Xa hơn. Có thể đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Victor nói dưới đáy sông có đủ thứ như trong một hội chợ. Trước khi tìm thấy chiếc ví, anh ta cũng tìm thấy một chiếc nôi trẻ con và hai chiếc xô đựng đầy quần áo. - Tôi khám nghiệm tiếp chứ? Maigret gật đầu rồi gọi cho Judel: - Anh gửi ngay cái đó đến Viện pháp y được chứ? - Được thôi... - Tôi đợi. Nhanh lên vì bác sĩ Paul... Họ ra ngoài hiên nơi có gió mát và họ có thể nhìn thấy ở phía xa hơn xe cộ chạy trên cầu Austerlitz. Phía bờ bên kia sông Seine, những chiếc sà lan trông nhỏ tựa những con đò đang dỡ hàng trước hãng Bách hoá tổng hợp. Có một cái gì đó trẻ trung, hớn hở trong nhịp sống của Paris khi mùa xuân tới. - Không có vết xăm hoặc một chiếc sẹo nào ư? - Những bộ phận cơ thể mà tôi đã khám nghiệm thì không có những cái đó. Đây là da dẻ của người thường làm việc trong nhà. - Có nhiều lông trên người? - Phải. Tóm lại đây là một người da nâu, không cao lớn lắm nhưng mạnh khoẻ, có những bắp thịt nổi lên, cánh tay, đùi, ngực đều có lông rất cứng. Nông thôn Pháp có rất nhiều người như vậy, mạnh khoẻ và bướng bỉnh. Tôi rất muốn thấy cái đầu. - Khi người ta tìm thấy nó. Mười lăm phút sau, hai cảnh sát vận đồng phục mang thân người chết đến và bác sĩ Paul xoa hai bàn tay vào nhau tiến tới bàn mổ như người thợ mộc đến bàn làm việc của mình. - Cái này xác nhận đây là một kẻ giết người không chuyên nghiệp. Không phải là một tay đồ tể càng không phải là một nhà phẫu thuật. Hắn cưa chân nạn nhân bằng một chiếc cưa gỗ. Còn dao thì hắn đã dùng một con dao lớn như dao trong các khách sạn hoặc dao nhà bếp. Đã tốn nhiều thời gian. Nghỉ một lúc rồi bác sĩ Paul nói tiếp: - Ông hãy nhìn bộ ngực đầy lông lá... Maigret và Lapointe chỉ liếc mắt nhìn đảo qua. - Không có vết thương nào chứ? - Tôi không thấy. Nhưng rõ ràng đây không phải chết do bị dìm xuống nước. Thật là kỳ cục khi cho rằng người chết do bị chặt ra từng khúc lại là người chết đuối... - Tôi sẽ khám nghiệm phủ tạng xem trong dạ dày nạn nhân có những gì. Ông còn ở đây lâu chứ? Maigret ra hiệu là không. Đây không phải là một cảnh tượng dễ chịu và ông muốn có một cốc rượu để xua đuổi cái lợm giọng trong miệng. - Khoan đã... Ông Maigret, ông có nhìn thấy một vết sẹo dài và những vết sẹo nhỏ hình tròn trên bụng người chết không? Viên cảnh sát trưởng ra hiệu là đã nhìn thấy. - Vết sẹo dài là vết mổ khi làm phẫu thuật. Có thể đây là vết mổ ruột thừa. - Thế còn những vết sẹo tròn. - Thật kỳ lạ. Tôi cho đây là những vết đạn chì từ súng của người đi săn bắn vào. Cái đó xác nhận, người này đã có thời gian sống ở nông thôn, là nông dân hoặc người gác rừng. Bị tai nạn cách đây hai chục năm, nếu không phải là nhiều hơn. Tôi đếm có bảy vết tất cả, chúng nằm theo hình vòng cung. Đây là lần đầu tiên tôi thấy hiện tượng này. Tôi phải chụp ảnh để xếp vào tập hồ sơ của mình. - Ông sẽ gọi điện cho tôi chứ? - Gọi về đâu? Bến cảng ư? - Phải. Sau đó tôi về văn phòng và tôi ăn trưa ở quảng trường Dauphine. - Tôi sẽ gọi cho ông khi tôi tìm thấy cái gì đó. Maigret là người đi ra trước tiên và lấy khăn tay lau trán còn Lapointe luôn miệng nhổ nước bọt như, cả anh nữa, anh cũng thấy lợm giọng. - Khi về cơ quan tôi sẽ tẩy uế cái cốp xe - Lapointe nói. Trước khi lên xe, hai người rẽ vào một quán rượu và mỗi người uống một cốc rượu mác. Rượu rất mạnh khiến Lapointe nấc lên và tự hỏi tại sao mình không nôn mửa. Viên thanh tra lẩm bẩm: - Xin lỗi sếp... Khi họ rời khỏi quán, chủ quán nói với những khách hàng của mình: - Những người đến nhận diện xác chết đều như vậy cả. Ông ta biết cái đó vì quán của ông ở ngay bên Viện Pháp y. II Khi Maigret trở về sở cảnh sát thì ánh nắng mặt trời đã chiếu vào hành lang cơ quan, nơi tẻ nhạt nhất trên trái đất này. Ánh sáng ở đây như là một khối bụi óng ánh. Trước cửa mỗi phòng làm việc, nhiều người ngồi đợi trên những chiếc ghế dài. Một số mang còng số tám trên cổ tay. Ông vừa vào phòng của mình để hỏi thêm về việc tìm kiếm ở cảng Valmy thì một người tới chào ông bằng cách đưa tay lên vành mũ của mình. Những người trong nhiều năm thường ngày được gặp ông đều có thái độ thân mật như vậy. Maigret hỏi người mới đến: - Thế nào, Tử tước, anh nói sao?' Anh vẫn thường nói những gái điếm thường bị giết hại bằng cách chặt ra từng khúc... Người được gọi là Tử tước không đỏ mặt... Đã mười lăm năm nay anh ta thường đến Sở Cảnh sát để lấy tin tức để viết bài cho một tờ báo của Paris và khoảng hai chục tờ khác ở các tỉnh. Anh là người cuối cùng vẫn giữ cách ăn mặc như hồi đầu thế kỷ: một chiếc kính một mắt không bao giờ được dùng đến đeo vào một sợi dây màu đen lủng lẳng trước ngực. Có lẽ vì thế nên người ta gán cho anh cái biệt hiệu ấy. - Chưa tìm thấy cái đầu ư? - Theo tôi biết thì chưa. - Tôi vừa gọi điện cho Judel. Anh ta quả quyết là sẽ không tìm thấy, ông cảnh sát trưởng, nếu có tin gì mới, mong ông đừng quên cho tôi biết sớm. Anh ta ra ngồi trên ghế dài ngoài hành lang trong khi đó Maigret đến bên bàn giấy của mình. Một mảnh giấy đặt trên tờ giấy thấm và ngay lập tức ông biết rõ nó là giấy gì. Ông chánh án Comeliau yêu cầu ông gọi điện cho ông ta khi ông về văn phòng. - Ông Chánh án, tôi là cảnh sát trưởng Maigret đây. - Chào ông Maigret. Ông vừa ở kênh đào về đấy ư? - Ở Viện Pháp y. - Bác sĩ Paul có ở đấy không? - Ông ấy đang mổ phủ tạng của người chết. - Tôi cho rằng chúng ta không biết căn cước của nạn nhân, đúng không? - Vì còn thiếu cái đầu. Nếu có may mắn... - Vì cái đó nên tôi muốn gặp ông. Trong một vụ việc bình thường, biết rõ căn cước của nạn nhân, người ta sẽ biết mình đi đến đâu. Ông vẫn nghe tôi nói đấy chứ? Ngược lại, trong vụ này, chúng ta không có một ý niệm gì mà cái đó ngày mai, ngày kia hoặc sau đây một tiếng đồng hồ có thể thành một vấn đề lớn. Mọi sự ngạc nhiên, kể cả những sự khó chịu nữa, đều có thể xảy ra. Chúng ta phải rất cảnh giác. Comeliau nhấn mạnh từng chữ và tự mình nghe lấy. Tất cả những điều ông ta nói, những việc ông ta làm đều "đặc biệt" quan trọng cả. Các quan toà đều không muốn nắm chắc sự việc trong khi cảnh sát còn đang điều tra. Comeliau lại muốn đứng ra điều khiển mọi việc ngay từ đầu. Có phải do ông ta sợ trách nhiệm không? Người anh rể của ông là một nhà chính trị, là một trong số ít dân biểu đang mong được ngồi ghế bộ trưởng. Comeliau thường nói ra miệng: - Vì anh ấy nên hoàn cảnh của tôi rất tế nhị so với các quan toà khác. Muốn thoát khỏi ông ta, Maigret đành phải hứa sẽ báo tin cho ông mỗi khi có tin tức gì mới kể cả việc báo tin về nhà riêng của ông. Ông đọc lướt công văn giấy tờ mới được đưa đến và giao việc cho một số thanh tra. - Hôm nay là thứ ba, đúng không? - Đúng, thưa sếp. Nếu bác sĩ Paul không nhầm thì xác người đã ở dưới nước bốn mươi tám tiếng đồng hồ. Như vậy án mạng xảy ra vào chủ nhật, có thể là chiều tối hoặc đêm chủ nhật, vì người ta không thể ném những gói bọc vào ban ngày, nơi cách xa Sở cảnh sát chỉ có năm sáu trăm mét được. - Bà đấy ư, bà Maigret?- Ông nói vui với vợ trên điện thoại. Tôi không về ăn trưa đâu. Hôm nay bà chuẩn bị món gì? - Thịt cừu nấu với giá đỗ. Ông không tiếc vì như vậy sẽ rất nặng trong một ngày như hôm nay. Ông gọi cho Judel. - Có gì mới không? - Victor đang dùng bữa trên thuyền. Lúc này đã có toàn bộ tử thi, trừ cái đầu. Anh ấy hỏi có tiếp tục tìm kiếm nữa không? - Tìm kiếm tiếp. - Những người của tôi đã làm việc, nhưng chưa có gì là chính xác cả. Một cuộc cãi vã đã nổ ra trong một quán rượu ở phố Recollets. Không phải quán của ông Popaul, mà là quán ở gần ngoại ô Saint-Martin. Một bà gác cổng báo chồng bà ta mất tích, nhưng đã cách đây một tháng và đặc điểm nhân dạng thì khác hẳn. - Chiều nay tôi sẽ tới chỗ các anh. Trước khi đến quảng trường Dauphine, ông đẩy cảnh cửa văn phòng các thanh tra cảnh sát. - Lapointe, chúng ta đi thôi. Thực ra thì không cần chàng trai đi theo để cùng ngồi ăn trong quán ăn quen thuộc này. Maigret nghĩ điều này trong khi đi trên bờ kênh yên tĩnh. Ông mỉm cười khi nghĩ đến câu hỏi về vấn đề này mà người ta đã đưa ra với mình. Người đó là bác sĩ Pardon, bạn ông, ở phố Popincourt, nơi ông có thói quen cùng với vợ đến dùng bữa tháng một lần. Một hôm ông bác sĩ ấy hỏi: - Maigret, ông có thể cho tôi biết tại sao cảnh sát vận thường phục đi đâu cũng phải có hai người? Cái đó làm ông đặc biệt chú ý vì trước nay ông không hề nghĩ đến. Trong mỗi cuộc điều tra, bản thân ông cũng thường mang một trong số các viên thanh tra của mình đi theo. Ông gãi đầu. - Tôi cho rằng lý do đầu tiên là các đường phố Paris trước đây không mấy an toàn, phải có hai người cùng đi trong các phố vắng, nhất là về ban đêm. - Cái đó có giá trị trong một số trường hợp như bắt giữ, khám xét những nơi nguy hiểm. - Còn lý do thứ hai là trong các cuộc thẩm vấn ở Sở Cảnh sát. Nếu chỉ có một người thì bị cáo sau này có thể chối cãi. Trước toà án có hai người xác nhận thì dễ thuyết phục các quan toà hơn. Cái đó là đúng nhưng vẫn chưa đủ. - Xét trong thực tế, đây là một sự cần thiết. Trong một cuộc săn đuổi chẳng hạn, thường thì cần một người canh chừng đối tượng, một người đi gọi điện thoại. Ông Pardon cãi lại: - Ông đưa ra nhiều lý do nhưng tôi thấy không lý do nào thoả đáng cả. Maigret trả lời: - Nếu vậy thì tôi nói về bản thân mình. Tôi phải mang theo một viên thanh tra đi cùng vì nếu chỉ có một mình thì tôi sẽ có những lo ngại. Ông không nói lại chuyện này với Lapointe vì không nên tỏ ra bi quan trước mặt những người trẻ tuổi đầy nhiệt tình công tác. Bữa ăn rất dễ chịu. Có nhiều cảnh sát trưởng và thanh tra tới dùng bữa, một số ăn trong phòng riêng. - Sếp có cho rằng cái đầu đã bị ném xuống kênh đào và người ta sẽ tìm ra nó không? Maigret lắc đầu. Thực ra thì ông chưa nghĩ đến điều này. Câu trả lời của ông vẫn là chủ quan, nhưng ông vẫn cho rằng nếu Victor tiếp tục tìm kiếm thì sẽ chỉ tốn công vô ích mà thôi. - Chúng ta phải làm gì bây giờ? Ông không biết. Có lẽ thủ phạm đã cho cái đầu vào trong va li và gửi nó ở nhà ga phía tây, hoặc là phía bắc vì chúng cách đây không xa lắm. Cũng có thể chiếc va li đó đã được gửi đi một thành phố nào đó bằng xe tải. Trên phố Terrage ông vẫn thấy những chiếc xe tải mang dòng chữ Công ty Vận tải Zenith- Roulers và Langlois trên cánh cửa đậu ở đó. Vụ án thú vị nhưng không mấy hấp dẫn. Từ ngày ra làm việc, mỗi đường phố của Paris đều thân thiết với ông, nhưng ông chưa đến những dòng kênh lần nào. Họ đang dùng cà phê thì ông có điện thoại. Đó là Judel. “ Thưa sếp, liệu tôi có làm phiền ông không? Tôi chưa dám nói mình đã có một mục tiêu. Blancpain, nhân viên của tôi, được giao cho nhiệm vụ canh gác ở khu vực thuyền của thợ lặn, báo cáo cách đây một tiếng đồng hồ, anh ta đã chú ý đến một người đạp xe ba bánh. Hình như sáng hôm nay anh ấy cũng đã nhìn thấy người này. Nửa tiếng đồng hồ sau người này đã xuất hiện trở lại, và sau đó rất nhiều lần. Mọi người khác đứng sát bờ kênh, còn người này thì đứng rất xa. Một người vận chuyển hàng hoá bằng xe ba bánh thường làm việc liên tục, người này lại không như vậy. - Blancpain có tìm cách đến gần anh ta không? - Người nhân viên của tôi đã đến gần anh ta. Khi còn cách một vài mét thì người này tỏ ra sợ hãi cho xe phóng vào phố Recollets. Blancpain không có xe hơi nên không đuổi theo được. Cả hai đều yên lặng. Thật là mơ hồ. Không thể coi đây là điểm xuất phát được. - Blancpain có nhận được mặt anh ta không? - Có. Đây là một thanh niên khoảng mười tám hai mươi tuổi, trông có vẻ người nông thôn vì da sạm nắng. Tóc hung, dài, mặc một chiếc áo khoác bằng da, bên trong có một chiếc áo len cổ lọ. Blancpain không kịp đọc tên cửa hàng trên xe ba bánh, mà chỉ nhó có một chữ gì đó tận cùng bằng vần "aiZ". Chúng tôi đang cho kiểm tra lại các cửa hàng có dùng xe ba bánh để vận chuyển hàng hoá. - Victor có ý kiến gì không? - Anh ấy nói mình ở trên cạn hoặc ở dưới nước cũng được miễn là được trả tiền công, nhưng anh ta cho rằng làm tiếp chỉ mất thời gian thôi. - Ở những khu đất trống cũng không thấy được gì ư? - Cho đến lúc này thì không. - Tôi hy vọng là sớm có bản báo cáo của bác sĩ pháp y để có được một vài chi tiết về người chết. Vào lúc hai giờ ba mươi phút thì Maigret đã có báo cáo ấy trên máy điện thoại. Ông Paul nói: - Ông ghi nhé. Người cảnh sát trưởng lấy ra một tập giấy. - Đây mới chỉ là những kết luận bước đầu, nhưng chúng cũng rất gần với thực tế. Đây là những đặc điểm của con người ông cần tìm, tuy mới lắp ghép lại được và còn thiếu cái đầu. Anh ta không cao lớn lắm; khoảng một mét sáu mươi bảy. Cổ to và ngắn, và tôi cho rằng miệng anh ta rộng với cái hàm rất khoẻ. Tóc sẫm, và có thể có những sợi trắng ở hai bên thái dương, nhưng không nhiều lắm. Cân nặng bảy mươi tư ki-lô. Có vẻ là một con người phục phịch, vuông vức hơn là tròn trĩnh, gân guốc hơn là béo phị. Gan mật chỉ ra đây là một người nghiện rượu, nhưng không phải là một kẻ say sưa be bét. Loại người dùng một cốc rượu vang trắng sau mỗi tiếng đồng hồ, hoặc nửa tiếng đồng hồ, trong ngày. Trong dạ dày hãy còn một ít vang trắng. - Có thức ăn không? - Có. May mắn đây là loại khó tiêu. Bữa ăn cuối cùng của anh ta có thịt lợn quay và giá đỗ. - Ăn trước khi chết bao lâu? - Tôi cho rằng hai tiếng hoặc hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi đã lấy những chất trong móng chân, móng tay của anh ta và gửi đến phòng xét nghiệm. Moers sẽ cho ông những kết quả phân tích. - Còn những vết sẹo thì sao? - Không có gì khác với ý kiến của tôi sáng hôm nay. Đã mổ ruột thừa cách đây chừng năm hoặc sáu năm do một nhà phẫu thuật lành nghề, tôi cho là như vậy. Những vết đạn chì có cách đây hai chục năm hoặc lâu hơn nữa. - Người này chừng bao nhiêu tuổi? - Năm mươi đến năm mươi nhăm. - Có thể người ấy bị trúng đạn chì khi còn là trẻ con ư? - Đây cũng là ý kiến của tôi. Sức khoẻ tốt, trừ gan bắt đầu bị xơ. Tim, phổi tốt. Phổi trái có vết sơ nhiễm lao, nhưng không quan trọng, thường xảy ra đối với trẻ con, mắc chứng bệnh này mà cha mẹ không biết. Ông Maigret, nếu ông muốn biết nhiều hơn thì ông mang cái đầu của anh ta đến cho tôi. - Người ta không tìm thấy nó. - Nếu vậy thì không bao giờ người ta tìm thấy nữa. Maigret cũng cảm thấy như vậy. Những người theo đạo ở sở cảnh sát cho rằng đây là một tiền đề. Trường hợp này cũng thấy đối với những gái bán dâm hạ đẳng. Người ta đã cố gắng giải thích, nhưng mỗi người vẫn giữ ý kiến của mình. Ông tới văn phòng của các thanh tra. - Nếu ai hỏi các anh nói tôi lên phòng thí nghiệm. Tới nơi ông thấy Moers đang cúi xuống các ống nghiệm. - Anh đang làm việc trên cái tử thi "của tôi", đúng không? - Maigret hỏi. - Tôi đang phân tích những mẫu vật do bác sĩ Paul vừa gửi đến. - Anh đã có kết quả chưa? Những nhà chuyên môn khác làm việc trong một căn phòng rộng hơn. Ở đấy có những ma-nơ-canh để nghiên cứu xem như nhát dao được đâm vào người trong tư thế nào. - Tôi có cảm giác rằng - Moers lẩm bẩm - người của ông nấp kín trong một nhà thờ, ít khi đi ra ngoài. - Tại sao? - Tôi nghiên cứu các ngón tay ngón chân cùng những chất bám vào móng. Tôi cho rằng người này đã dùng tất len màu xanh nước biển và đi giày vải. Có thể nói người này chuyên đi giày vải. - Nếu đúng như vậy thì bác sĩ Paul có thể xác nhận, vì chuyên đi giày vải nhiều năm thì bàn chân có thể bị biến dạng. Tôi thường nhắc bà vợ tôi... Không nói hết câu, Maigret gọi điện thoại cho bác sĩ Paul ở nhà riêng vì lúc này ông đã rời cơ quan để về rồi. - Tôi là Maigret đây. Xin hỏi bác sĩ một câu về nhận xét của Moers. Ông có cho rằng người ấy của chúng ta thường đi giày vải chứ không phải là giày da không? - Chuyển giúp tôi những lời ngợi khen tới Moers. Tôi đã định nói với ông điều này nhưng sợ rằng sẽ đưa ông đi chệch mục tiêu. Tôi có ý kiến này khi quan sát hai bàn chân của anh ta. Tôi cho rằng đây là người phục vụ trong quán cà phê. Cũng như những người phục vụ trong các khách sạn, các nhân viên cảnh sát giao thông... vì đứng nhiều nên bàn chân họ thường bị bẹt ra. - Ông nói móng tay móng chân anh ta ít khi được cắt. - Đúng thế. Những người phục vụ khách sạn móng tay thường cắt ngắn. - Cả những người phục vụ trong quán cà phê cũng vậy. - Moers có tìm thêm được gì nữa không? - Lúc này thì chưa, cảm ơn bác sĩ. Maigret để gần một tiếng đồng hồ trong phòng thí nghiệm, ông đến gặp người này, người kia. - Ông có quan tâm đến việc chân của người này có đất trộn lẫn diêm tiêu không? Cái này thường có trong những căn hầm nhất là căn hầm ẩm thấp. - Có nhiều không? - Trong nhiều lớp đất khác nhau. - Nói cách khác anh ta phải xuống hầm nhiều lần, đúng không? - Đây chỉ là một giả thuyết. - Còn hai bàn tay thì thế nào? - Ở móng tay có một chút xi màu đỏ. - Như là xi gắn các nút chai rượu vang ư? - Đúng thế. Maigret thất vọng vì cái đó là quá rõ ràng. - Tóm lại đây là một quán rượu! Ông làu bàu. Và ông tự hỏi vụ án có thể kết thúc trong tối hôm nay không. Hình ảnh của người phụ nữ tóc hung, gầy gò trở lại trí nhớ của ông. Bà ta đã gây ra ấn tượng mạnh đối với ông và ông đã đôi ba lần nhớ đến bà ta trong ngày, không phải do nghi ngờ bà ta đã chặt chồng ra từng mảnh mà vì bà là một con người khác thường. Ở cảng Valmy không thiếu những con người tế nhị. Nhưng ít có người như bà ta. Thật khó giải thích. Nhiều người khi nhìn ta thì đã trao đổi với ta một cái gì đó, kể cả một sự thách thức. Bà ta thì ngược lại, không có gì xảy ra cả. Bà ta đến bên quầy hàng mà không ngạc nhiên, không sợ hãi ngoài sự mệt mỏi không che giấu vào đâu được. Đã hai ba lần, khi đưa cốc lên miệng, Maigret đã nhìn thẳng vào mắt bà ta nhưng không tìm thấy gì cả, không cử động, không phản ứng. Đây không phải là thái độ của người không thông minh. Bà ta cũng không say, không dùng ma tuý, ít nhất là lúc ấy. Ông hứa là sẽ quay lại đấy để xem những khách hàng lui tới đây là loại người nào. - Sếp đã có một ý kiến gì đó ư? - Có thể. Vào lúc bốn giờ chiều, Maigret gọi Lapointe đang làm việc trong văn phòng. - Anh có thể đưa tôi đi không? - Đến kênh đào ư? - Đúng. - Tôi hi vọng chiếc xe đã được tẩy uế. Vào mùa này phụ nữ đã đội mũ màu sáng, trên mũ thường có hoa mào gà. Mọi quán rượu đã có đông người hơn tuần lễ trước đó. Đến bến cảng Valmy, họ xuống xe và đi tới bờ kênh. - Không thấy gì thêm chứ? - Không. - Cũng không có quần áo ư? - Chúng tôi đã xem xét mớ dây thừng. Nếu sếp thấy cần chúng tôi sẽ gửi đến phòng thí nghiệm. Đó là thứ dây thừng bình thường của các cửa hàng. Chúng tôi đã cho người đến hỏi các cửa hàng nhưng chưa có kết quả. Còn những tờ báo gói tay chân người chết thì đó là báo của tuần lễ trước. - Gần nhất là ngày nào? - Thứ bảy trước. - Anh có biết quản rượu ở phố Terrage gần cửa hàng dược phẩm không? - Nhà Calas ư? - Tôi không kịp nhìn biển hiệu ngôi hàng. Đó là một phòng tăm tối, thấp hơn vỉa hè, giữa nhà có một lò sưởi dùng than và những ống dẫn nhiệt chạy khắp gian phòng. - Đúng thế. Đây là quán của Omer Calas. Cảnh sát khu phố thông thuộc vùng này hơn là cảnh sát trên Sở. - Người chủ là loại người thế nào - Maigret hỏi và nhìn bọt nước nổi lên chỉ rõ Victor đang lặn mò dưới đó. - Bình thường. Ông ta không gây khó khăn gì cho chúng tôi. - Omer Calas là người ở nông thôn lên Paris ư? - Có thể là như vậy. Tôi sẽ xem lại sổ đăng ký hộ khẩu. Mọi chủ quán rượu thường tới Paris như là những người hầu phòng hoặc lái xe cưới một cô nấu bếp rồi ra ngoài mở qụán. - Họ sống ở đây đã lâu chưa? - Trước khi tôi được cử về khu phố này. Tôi biết quán rượu ấy. Nó ở ngay trước đồn cảnh sát. Rượu vang trắng của họ rất ngon. - Ông chủ là người phục vụ khách chứ? - Hầu hết mọi thời gian, trừ buổi chiều ông ta đi chơi bi-a trong một quán ở phố La Fayette. Đây là một người mê bi-a. - Người vợ ra ngồi ở quầy hàng khi chồng vắng mặt, đúng không? - Vâng. Họ không thuê người giúp việc. Tôi nhớ trước kia có một cô phục vụ, tôi không biết sau đó cô ấy đi đâu. - Khách tới đây là thuộc loại người nào? - Rất khó nói - Judel gãi đầu rồi trả lời - Những quán rượu ở vùng này thường chỉ có một loại khách hàng. Nhưng ở mỗi quán thì lại có sự khác nhau. Ở quán Popaul chẳng hạn thì náo nhiệt và sặc khói thuốc từ sáng đến chiều. Nhưng từ tám giờ tối trở đi thì trong quán chỉ còn ba bốn bà già có thói quen tụ tập tại đây. - Thế còn quán của Omer thì sao? - Trước hết nó không đông khách lắm vì nó tối tăm và buồn thiu. Buổi sáng thì có công nhân của các công trường, buổi trưa, một số người mang đồ ăn tới để dùng bữa và gọi thêm một cốc vang trắng. Buổi chiều thì vắng khách hơn. Chắc chắn vì vậy mà Omer đi chơi bi-a. Sau đó đến bữa tối thì quán hàng lại đông khách trở lại. Tôi hay tới đấy vào buổi chiều. Tôi thường thấy một nhóm người chơi bài lá trên một chiếc bàn riêng và một hai người ngồi trước quầy hàng. Tới đó mọi người đều thấy khó chịu. - Omer và vợ là vợ chồng chính thức chứ? - Không bao giờ tôi đặt câu hỏi ấy ra. Cũng dễ xác minh thôi. Chúng tôi có thể lên cảnh sát quận để xem sổ sách.. - Sau này anh sẽ cho tôi biết chi tiết ấy. Hình như Omer đang đi đâu đấy thì phải? - A! Bà ta nói với ông ư? - Phải. Vào giờ này thì chiếc sà lan của anh em nhà Naud đã đến cảng Arsenal và các cần cẩu đã bắt đầu dỡ hàng. - Tôi muốn anh cho tôi một bản kê các quán rượu trong vùng này, chú ý ghi rõ chủ quán hoặc người phục vụ vắng mặt từ ngày chủ nhât. - Ông cho rằng...? - Đây là ý kiến của Moers. Có thể là đúng. Tôi sẽ đi một vòng quanh đây. - Đến quán của nhà Calas ư? - Đúng. Lapointe, anh đi với tôi. - Ngày mai Victor có cần tới đây nữa không? - Tôi cho rằng như vậy sẽ là ném tiền đóng thuế của dân qua cửa sổ. Nếu hôm nay không tìm thấy thì sẽ không bao giờ tìm thấy nữa. - Victor cũng có ý kiến như vậy. - Anh ta sẽ bãi công nếu cứ bắt anh ta tìm kiếm mãi. Bảo anh ta viết cho tôi bản báo cáo. Khi đi qua phố Terrage, Maigret thấy một đoàn xe tải đỗ bên đường, bên sườn có hàng chữ "Roulers và Langlois" - Tôi tự hỏi có bao nhiêu chiếc tất cả? - Gì kia - Lapointe hỏi lại. - Xe tải. - Mỗi khi về nông thôn, tôi thấy chúng đi nghênh ngang trên đường, rất khó vượt. Những ống khói trên nóc nhà không giống như buổi sáng nữa. Chúng không còn là màu xẫm mà là màu xanh nhạt dưới ánh nắng của mặt trời. - Sếp cho rằng người phụ nữ ấy có gan làm việc này ư? Khi nghĩ đến người đàn bà tóc hung, gày gò mang rượu cho mình sáng hôm nay, ông nói: - Có thể. Tôi không biết gì cả. Có thể Lapointe thấy đây là một việc dễ dàng ư? Khi cuộc điều tra một vụ án phức tạp đi đến chỗ bế tắc thì mọi người của sở Cảnh sát, kể cả Maigret, đều trở nên thiếu kiên nhẫn và hay càu nhàu, gắt gỏng. Ngược lại, đối với những vụ án lúc đầu coi là có nhiều khó khăn bỗng nhiên trở thành đơn giản thì các thanh tra, kể cả cảnh sát trưởng, đều cảm thấy thất vọng. Đã đến gần quán rượu. Vì quán thấp và tối tăm nên người ta đã mắc một bóng đèn ở quầy hàng. Cũng vẫn người phụ nữ sáng nay, vẫn ăn mặc như vậy, đang phục vụ hai khách hàng có vẻ là dân thợ và bà ta không hề giật mình khi thấy Maigret và người cùng đi bước vào. Bà ta hỏi mà không chú ý đến cái cười của khách hàng: - Các ông dùng gì? - Vang trắng. Có ba hoặc bốn chai vang không nút đặt trên giá phía sau quầy hàng, cần phải xuống hầm để rót từ thùng vào chai khi hết. Đằng sau quầy hàng có một nắp hầm. Maigret và Lapointe không ngồi. Qua câu chuyện của hai người đứng bên, họ đoán đây không phải là dân thợ mà là những y tá đến bệnh viện Saint Louis để làm ca đêm. Một trong hai người hỏi nữ chủ quán với giọng thân mật: - Bao giờ thì ông Omer về? - Ông biết rõ là ông ấy không bao giờ nói với tôi. Bà ta nói mà không bối rối cũng như sáng hôm nay bà ta trả lời Maigret. Con mèo vẫn nằm trên lò sưởi như từ sáng đến giờ nó chưa hề nhúc nhích. - Có lẽ người ta vẫn còn tìm cái đầu. Người vừa nói lại lên tiếng. Khi dứt lời anh ta nhìn Maigret và người cùng đi. Có thể là anh ta đã biết rõ công việc ở ngoài kênh? Cũng có thể anh ta biết những người đứng bên là cảnh sát chăng? - Chưa tìm thấy cái đó, đúng không? Anh ta trực tiếp hỏi Maigret. - Chưa. - Ông hy vọng là sẽ tìm thấy ư? Người bạn anh ta nhìn Maigret một lúc rồi hỏi: - Ông là thanh tra cảnh sát Maigret ư? - Đúng. - Tôi thường thấy ảnh ông trên báo. Người phụ nữ vẫn không mảy may chú ý đến câu chuyện vừa nghe được. - Thật là khủng khiếp khi thấy một người bị chặt ra từng khúc! Chúng ta đi chứ, Julien? Tôi phải trả bà bao nhiêu, bà Calas? Họ đi ra sau khi chào Maigret và Lapointe. - Bà có nhiều khách hàng là người của bệnh viện không? Bà ta buộc phải trả lời: - Một vài người. - Chồng bà đi từ chiều chủ nhật ư? Bà ta nhìn người hỏi chuyện bằng cặp mắt vô cảm và nói cùng một giọng: - Tại sao lại nói là chủ nhật? - Tôi không biết. Tôi nghe nói như vậy... - Ông ấy đi chiều hôm thứ sáu. - Có nhiều khách trong quán khi ông ta đi không? Bà ta như ra vẻ nhớ lại. Trông bà ta giống người mộng du. - Buổi chiều thì quán vắng khách. - Bà không nhớ lúc ấy có những ai ư? - Có thể có ai đó. Tôi không nhớ. Tôi không chú ý. - Ông ta có mang theo hành lý không? - Tất nhiên là có. - Nhiều không? - Trong một chiếc va li. - Ông ta ăn mặc như thế nào? - Một bộ com-lê màu xám. Tôi cho là như vậy. Đúng thế. - Bà có biết hiện giờ ông ta ở đâu không? - Không. - Bà không biết ông ta đi đâu ư? - Tôi biết là ông ấy đáp xe lửa để đi Poitiers, từ đấy ông ấy sẽ đi Saint Aubain và các làng lân cận. - Ông ta sẽ nghỉ trong một quán trọ ư? - Thường thì như vậy. - Ông ta không vào nhà một người họ hàng hoặc một người bạn nào ư? Ai là người cung cấp rượu vang cho ông ta? - Tôi không hỏi. - Khi gặp một vấn đề khẩn cấp thì bà báo tin cho ông ta bằng cách nào? Câu hỏi ấy không làm bà ta ngạc nhiên và sợ hãi. - Bao giờ xong việc thì ông ấy cũng về. Hai cốc vang đã cạn, người nữ chủ quán lại rót thêm. III Cuối cùng thì đây là một cuộc thẩm vấn chán ngắt của Maigret. Không phải là một cuộc thẩm vấn thực sự, vì sự hoạt động trong quán rượu vẫn tiếp tục. Maigret và Lapointe vẫn đứng để uống rượu như những khách hàng khác. Thực tế họ tới đây như khách hàng. Nếu người y tá lúc nãy nói to tên ông thì người cảnh sát trưởng khi nói chuyện với người nữ chủ quán, ông không đả động gì đến chức vụ của mình. Ông hỏi từng câu rời rạc và về phần mình, khi ông không hỏi gì, bà ta không hề chú ý đến ông. Bà ta để khách đứng một mình trong phòng và đi vào nhà trong mà không khép cửa. Trong ấy có thể là bếp. Bà ta đang nấu nướng gì đó. Một ông già nhỏ bé bước vào quán, đi thẳng vào một chiếc bàn mà không hề ngập ngừng rồi ném những quân bài lên đó. Từ nhà trong, nữ chủ quán nghe thấy tiếng xoa bài như ông già sẽ chơi một mình. Không chào hỏi, bà ta rót một cốc rượu và mang đến trước mặt ông ta. Một ông già khác, như là anh em của ông thứ nhất, bước vào quán và ngồi xuống hỏi: - Tôi có đến chậm không? - Không. Tôi đến sớm thì có. Bà Calas rót rượu cho người mới đến. Trong khi mang rượu tới bà ta bật một ngọn đèn ở cuối phòng. - Bà ta có vẻ không lo ngại gì cả - Lapointe nói nhỏ với Maigret. Đây không phải là sự lo ngại của cảnh sát trưởng mà đối với ông đây là một dịp để hiểu biết về con người. ẳ Khi còn trẻ, ông đã chẳng mơ mộng về tương lai, về một nghề lý tưởng không có trong thực tế đấy ư? Ông không nói chuyện này với ai, cũng chẳng bao giờ nói to cho mình nghe được: ông muốn mình là người "hàn gắn lại các số phận". Trong nghề cảnh sát, ông thường phải sắp đặt cho đúng vị trí của mỗi người mà sự ngẫu nhiên của cuộc đời đã làm cho họ đi chệch hướng. Lạ lùng hơn nữa, mấy năm gần đây, một khoa học mới xuất hiện: khoa tâm lý học, cố gắng đặt con người vào nhân cách của mình. Người không ở đúng vị trí của mình lúc này là người phụ nữ đang yên lặng đi đi, lại lại mà không ai biết ý nghĩ và tình cảm của người ấy ra sao. Ông đã khám phá ra một bí mật của bà ta, nếu có thể nói đây là một bí mật, vì chắc chắn mọi khách hàng ở đây đã biết rõ. Đã hai lần bà ta vào nhà trong, viên cảnh sát trưởng hai lần nghe thấy tiếng nút chai bật mở và tiếng chai cốc va chạm nhau. Bà ta uống rượu. Nhưng không bao giờ bà ta say, mất tự chủ. Như những người nghiện rượu thực thụ mà các bác sĩ rất khó điều trị, bà ta biết rõ liều lượng rượu dùng mỗi lần. - Năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi? Maigret hỏi khi người nữ chủ nhân trở lại quầy hàng. - Bốn mươi mốt. Bà ta trả lời không chút ngập ngừng, không khoe khoang, cũng không cay đắng. Bà ta biết mình nhiều tuổi hơn. Có thể đã từ lâu bà ta không sống cho những người khác nên không quan tâm đến quan niệm của mọi người. Bộ mặt bà đã tàn tạ, mắt đã có quầng, mép đã có những nếp nhăn. - Là người Paris ư? - Không. Ông biết bà ta đã đoán ra những gì ẩn nấp sau những câu hỏi, nhưng bà ta không lẩn tránh, không trả lời dài dòng. Hai ông già phía sau Maigret đang chơi bài. Cái làm cho viên cảnh sát trưởng băn khoăn hơn cả là bà ta uống rượu một cách vụng trộm. Bà ta biết rõ quan niệm của mọi người, vậy tại sao thỉnh thoảng lại lẩn vào nhà trong để làm một ngụm? Ông tự hỏi có phải đây là sự tôn trọng mọi người không. Những người say rượu đến mức ấy thì ít khi giấu giếm, ít khi lẩn tránh sự kiểm soát của những người xung quanh. Đây có phải câu trả lời không? Người chồng, Omer Calas, anh ta có cấm vợ uống rượu, nhất là trước mặt khách hàng không? - Chồng bà thường đi Poitiers để mua rượu ư? - Hàng năm. - Năm một lần ư? - Hoặc hai lần. Còn tùy. - Tuỳ vào cái gì? - Số lượng rượu mà người ta cung cấp. - Ông ta thường đi vào thứ sáu ư? - Tôi không chú ý. - Ông ta có báo trước chuyến đi vừa rồi của mình không? - Báo cho ai? - Cho bà. - Ông ấy không bao giờ nói với tôi những ý định của mình. - Đối với bạn bè, đối với khách hàng thì sao? - Tôi không biết. - Hai người khách kia có tới đây vào chiều thứ sáu tuần trước không? - Không vào cái giờ ông ấy đi. Họ đến không trước năm giờ chiều. Maigret quay lại Lapointe. - Anh hãy gọi điện thoại hỏi cảnh sát ga Montparnasse xem có những ai đi Poitiers chiều thứ sáu vừa rồi... Ông nói nhỏ, nhưng nếu nhìn môi ông, bà ta cũng có thể đoán ra được, tuy vậy bà ta cũng không thèm để ý. - ... Nói với họ hỏi nhân viên bán vé và nhân viên đường sắt. Cho họ biết nhân dạng người chồng... Lapointe đổi tiền và tới cửa buồng điện thoại. Trời dần tối. Quang cảnh bên ngoài quán chiếu vào cửa kính buồng điện thoại. Maigret ngồi quay lưng ra ngoài đường, quay phắt lại khi nghe thấy những bước chân vội vã của viên thanh tra. Lapointe nhìn thấy một bóng ngươi đang chạy trốn và đuổi theo. Maigret ra cửa nhìn theo hai bóng người dần biến mất trong bóng tối. Tuy không nhìn thấy nhưng ông đã đoán ra. Bóng người chạy trước rất giống với người đạp xe ba bánh mả Judel đã mô tả. - Bà biết người ấy chứ - Maigret hỏi bà Carlas. - Ai kia ? Vặn hỏi cũng vô ích. Cũng có thể lúc ấy bà ta không nhìn ra ngoài hè phố. - Ở đây vẫn yên tĩnh như thế này ư ? - Cái dó con tuỹ. - Tuỳ vào cái gỉ? - Những ngày trong tuần và những giờ trong ngày. Như để chứng minh cho câu trả lời ấy, những tiếng còi tan tầm của nhà máy vang lên. Cửa quán rượu bật mở, hàng chục lượt khách hàng bước vào quán, ngồi trước bàn hoặc đứng bên quầy như Maigret. Không cần hỏi, người nữ chủ quán rót rượu theo thói quen của mỗi người. - Ông Omer không ở nhà ư? - Không. Bà ta không nói "Ông ấy đi mua rượu" hoặc "Ông ấy đi từ chiều thứ sáu". Bà ta thường trả lời trực tiếp vào câu hỏi, không một chi tiết thừa. Bà ta xuất thân từ đâu? Năm tháng đã gặm mòn bà ta, lấy đi một phần cơ thể của bà ta. Vì nghiện ngập, bà ta sống một cuộc sống riêng, bà ta chỉ có những quan hệ cần thiết với thực tế. - Bà ở đây đã lâu chưa? - Ở Paris ư? - Không, ở quán rượu này kia. - Hai mươi bốn năm. - Chồng bà có quán rượu này trước khi biết bà ư? - Không. Maigret tính nhẩm. - Bà biết ông ta năm bà mười bảy tuổi ư? - Tôi biết ông ấy trước đó. - Ông ta bao nhiêu tuổi rồi? - Bốn mươi bảy. Cái này không phù hợp với ý kiến của bác sĩ Paul, nhưng sự chênh lệch không lớn lắm. Maigret đặt ra những câu hỏi để thoả mãn sự tò mò cá nhân hơn là phục vụ cho công tác điều tra. Ngay ngày đầu tiên đã tìm ra được căn cước của cái xác không đầu thì thật là lạ lùng. Người ta nghe thấy tiếng rì rầm nói chuyện và nhìn thấy khói thuốc dâng lên. Kẻ ra, người vào. Hai người đang chơi bài không chú ý đến mọi người xung quanh làm như trên đời này duy nhất chỉ có họ mà thôi. - Bà có ảnh của chồng bà chứ? - Không. - Không có một tấm nào ư? - Không. - Thế còn ảnh của bà? - Cũng không. Trừ ảnh ở giấy chứng minh. Điều này có một ngàn trường hợp. Theo kinh nghiệm, Maigret biết ai cũng có tấm ảnh của mình. - Bà nghỉ ở trên gác ư? Bà ta ra hiệu là đúng. Ngôi nhà chỉ có một lầu. Tầng trệt là quán rượu, bếp và hai phòng cùng phòng toa-lét và nơi chứa đồ cũ. - Lên gác bằng cách nào? - Bằng cầu thang trong bếp. Bà ta vào bếp và một lát sau trở ra, tay cầm một chiếc thìa nấu nướng. Cửa quán rượu bật mở, Maigret thấy Lapointe mặt đỏ bừng, mắt long lanh, miệng thở dốc đang đẩy một người đi phía trước. Lapointe bé nhỏ, như ở sở Cảnh sát người ta thường gọi, vì tầm thước của mình, và người đi trước có vẻ bất bình với viên thanh tra. - Anh chàng này đã bỏ chạy - Lapointe cười nói, tay cầm lấy cốc rượu của mình trên quầy hàng - Đã hai ba lần tôi tưởng tuột mất hắn. May mắn hồi còn đi học tôi là nhà quán quân về chạy một trăm mét. Người trẻ tuổi cũng đang thở hổn hển. Anh ta quay sang Maigret. - Tôi không làm gì cả. - Nếu vậy thì chẳng có gì là đáng sợ. Ông nhìn Lapointe. - Anh đã ghi căn cước của anh ta chưa? - Do thận trọng, tôi đã giữ giấy chứng minh của hắn. Hắn là người chở xe ba bánh cho hãng Pincemail. Và cũng chính hắn là người đứng trên bờ kênh sáng hôm nay, khi cảnh sát tới hắn lẩn mất. - Tại sao? Maigret hỏi đương sự. Anh ta làm ra vẻ phớt đời. - Tôi không muốn trả lời. - Lapointe, anh nói rõ xem nào - Maigret hỏi người dưới quyền. - Vì mệt quá nên tôi không nói được nhiều. Tên hắn là Antoine Christin. Hắn mười tám tuổi, sống cùng mẹ ở Saint-Martin. Một vài khách hàng nhìn Antoine nhưng không mấy ngạc nhiên vì ở đây thường có cảnh sát lui tới. - Anh làm gì trên vỉa hè? - Không làm gì cả. - Mặt hắn sát vào ô cửa kính- Lapointe giải thích - Thấy hắn tôi nhớ đến chuyện Judel đã nói và tôi đuổi theo hắn. - Tại sao anh chạy trốn nếu anh không làm điều gì xấu cả. Anh ta ngập ngừng. Biết có hai khách hàng đang chú ý lắng nghe, anh ta lắp bắp: - Vì tôi không thích cảnh sát. - Anh nhìn gì qua cửa kính? - Cái đó pháp luật không cấm. - Tại sao anh biết chúng tôi đang ở đây? - Tôi không biết. - Vậy thì tại sao anh tới đây? Antoine đỏ mặt, cắn môi. - Trả lời đi. - Tôi đi qua. - Anh quen biết ông Omer ư? - Tôi không quen biết ai cả. - Kể cả bà chủ quán nữa chứ? Bà này đang ngồi sau quầy hàng nhìn họ không chút sợ hãi, không biểu lộ một tình cảm nào. Nếu có điều gì giấu giếm thì Maigret cũng không thể biết được. - Anh không biết thật chứ? - Tôi chỉ nhìn thấy bà ấy thôi. - Có khi nào anh vào đây để uống một cốc không? - Có thể. - Xe ba bánh của anh đâu? - Ở hãng của ông chủ. Tôi nghỉ việc lúc năm giờ chiều. Maigret ra hiệu cho Lapointe và viên thanh tra hiểu ra ngay. Anh vào trong buồng điện thoại gọi không phải là nhà ga Montparnasse mà là đồn cảnh sát ở gần quán rượu. Judel có mặt ở đầu dây. - Thằng bé đang có mặt ở đây, trong quán nhà Calas. Trong vài phút nữa sếp sẽ cho nó về nhưng sếp muốn có người sẵn sàng đi theo dõi nó. Có gì mới không? - Toàn là những tin tức không đâu vào đâu cả: những cuộc cãi lộn vào đêm chủ nhật trong bốn năm quán rượu; một kẻ nào đó nghe thấy có người rơi xuống sông; một gái điếm khiếu nại một anh chàng Ả-rập nào đó đã ăn cắp túi xách tay của mình... - Gặp lại anh sau. Maigret vẫn ngồi bên chàng trai. - Anh uống gì, Antoine? Bia? Rượu vang? - Không uống gì cả. - Anh không uống bao giờ ư? - Chỉ không uống với cảnh sát thôi. Ông phải cho tôi đi chứ? - Anh có vẻ tự tin. - Tôi biết pháp luật. Đã bao lần Maigret thấy những đứa con trai thuộc loại này đã hạ thủ người bán thuốc lá hoặc một bà hàng xén trong đêm tối để cướp vài trăm frăng? - Anh có anh chị em chứ? - Tôi là con một. - Anh sống với cha chứ? - Ông ấy chết rồi. - Mẹ anh có làm việc không? - Bà ấy làm công việc nội trợ. Và Maigret nói với Lapointe: - Trả giấy chứng minh cho anh ta. Địa chỉ đúng đấy chứ? - Vâng. Chàng trai chưa tin chắc, còn cho rằng có một cái bẫy nào đó. - Tôi có thể đi chứ? - Khi nào anh muốn. Anh ta không nói cảm ơn, cũng không chào tạm biệt nhưng viên cảnh sảt trưởng đã thấy anh ta nháy mắt cho nữ chủ quán. - Bây giờ gọi dây nói cho nhà ga đi. Nói xong ông gọi tiếp hai cốc vang trắng nữa. Ngoài Lapointe, trong quán còn năm khách hàng, bao gồm cả những người đang chơi bài. - Tôi giả thiết rằng bà không quen anh ta, đúng không? - Ai kia? - Chàng trai vừa ra đi ấy. Bà ta trả lời ngay: - Có chứ! Câu trả lời đơn giản khiến Maigret thất vọng. - Anh ta có hay đến đây không? - Thường đến. - Để uống ư? - Anh ấy uống ít thôi. - Bia ư? - Đôi lần uống cả rượu vang nữa. - Sau khi tan tầm ư? - Không. - Ban ngày ư? Bà ta gật đầu một cách đơn giản. - Khi anh ấy đi qua. - Bà muốn nói rằng anh ta mang theo cả chiếc xe ba bánh ấy ư? - Phải. - Anh ta thường tới đây lúc mấy giờ? - Ba giờ rưỡi hoặc bốn giờ chiều. - Sau khi đi giao hàng về ư? - Tôi cho là như vậy. - Anh ta đứng bên quầy ư? - Hoặc ngồi trước bàn. - Bàn nào? - Kia. Gần chỗ tôi. - Hai người là bạn thân của nhau ư? - Phải. - Tại sao anh ta không thừa nhận khi tôi hỏi? - Vì muốn giữ sĩ diện. - Anh ta hay giữ sĩ diện ư? - Anh ấy cố làm ra vẻ như vậy. - Bà có biết mẹ anh ta không? - Không. - Hai người đều cùng làng chứ? - Không. - Anh ta tới đây vào một ngày đẹp trời và hai người quen nhau ngay ư? - Phải. - Có phải lúc ba giờ rưỡi chiều hàng ngày chồng bà thường đến quán bia để chơi bi-a không? - Thường thì như vậy. - Bà có cho rằng việc Antoine tới đây là ngẫu nhiên không? - Tôi không hỏi anh ấy. Maigret biết rõ tầm quan trọng của câu hỏi và ông thấy chuyện này là không thực tế. - Anh ta ve vãn bà ư? - Tuỳ ông hiểu thế nào là ve vãn. - Anh ta phải lòng bà ư? - Tôi giả thiết rằng anh ta rất yêu tôi. - Bà có cho anh ta quà cáp gì không? - Đôi lần tôi nhét vào tay anh ta một tờ giấy bạc trong két. - Chồng bà có biết chuyện này không? - Không. - Ông ta không nhận thấy điều gì ư? - Cái đó đã xảy ra. - Ông ta có tức giận không? - Có. - Ông ta có căm ghét Antoine không? - Tôi không thấy như vậy. Khi bước vào quán rượu này thì mọi giá trị đều thay đổi. Mọi lời nói đều bao hàm ý nghĩa khác. Lapointe vẫn ở trong buồng điện thoại nói chuyện với nhà ga Montparnasse. - Bà Calas, cho phép tôi hỏi một câu được không? - Ông vẫn hỏi như vậy đấy thôi. - Antoine là tình nhân của bà ư? Bà ta không hề giật mình. Cặp mắt của bà ta tránh cái nhìn của Maigret. - Cái đó đã xảy ra. - Bà muốn nói rằng mình đã có những quan hệ với anh ta ư? - Cuối cùng thì ông đã biết rồi. Tôi tin chắc rằng mình không cần nói thêm nữa. - Cái đó thường xảy ra ứ? - Thường xảy ra. - Ở đâu? Câu hỏi có tầm quan trọng của nó. Khi Omer Calas vắng mặt, vợ ông ta phục vụ khách. Maigret nhìn lên trần nhà. Nhưng từ trên lầu liệu bà ta có nghe thấy tiếng chân của khách vào quán không? Một cách rất đơn giản, bà ta đưa mắt vào nhà bếp phía trong. - Ở trong ấy ư? - Phải. - Không bao giờ bị lộ ư? - Không phải là Omer nhìn thấy. - Mà là ai? - Một khách hang đi giày có đế bằng cao-su, không thấy ai, ông ấy đi thẳng vào trong bếp. - Ông ta không nói gì ư? - Ông ấy cười. - Ông ta không mách Omer ư? - Không. - Sau đó ông ta có quay lại đây không? Maigret có một dự cảm. Đến đây thì ông không nhầm lẫn gì về nhân cách của mụ Calas và những giả thiết táo bạo nhất của ông là đúng. Viên cảnh sát trưởng hỏi gặng: - Ông ta thường trở lại đây chứ? - Hai hoặc ba lần nữa. - Khi Antoine có mặt ở đây ư? - Không. Rất dễ hiểu. Nếu đến đây thì anh ta phải để xe ba bánh ở ngoài cửa. - Khi bà có một mình trong quán ư? - Phải. - Bà đã đi theo ông ta vào trong bếp ư? Maigret đã nhận ra tia ánh sáng loé lên trong mắt mụ ta. Liệu ông có nhầm lẫn không? Mụ bảo ông: - Vì đã biết cả rồi, ông còn hỏi tôi làm gì nữa kia chứ? Mụ rất hiểu viên cảnh sát trưởng. Hình như cả hai đều có sức mạnh, cả hai đều có kinh nghiệm sống. Sau đó một giây đồng hồ, Maigret nhận ra mình chỉ là trò đùa của trí tưởng tượng. - Có nhiều người khác nữa chứ?- Maigret hỏi với vẻ bí mật. - Một vài người. Không cử động, không cúi xuống nhìn mụ, ông hỏi câu hỏi cuối cùng: - Tại sao? Với câu hỏi ấy, mụ đáp lại bằng một cử chỉ mơ hồ. Mụ không có vẻ gì là lãng mạn, không muốn trình bày đời mình giống như một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Maigret đã hỏi mụ ta tại sao, nếu ông không tự hiểu thì mụ chẳng có gì mà giải thích cả. Nhưng ông đã hiểu. Đây chỉ là một sự khẳng định mà ông tìm kiếm và mụ không cần trả lời nữa. Bây giờ thì ông đã hiểu mụ ta đã sa đoạ đến mức nào. Cái mà ông chưa hiểu từ đâu mà mụ đi đến tình trạng này. Liệu mụ có thành thực nói về quá khứ của mình không? Ông không thể hỏi ngay lúc này vì Lapointe đã đến bên thủ trưởng. Anh uống một ngụm rượu và bắt đầu nói: - Đúng là đã có chuyến xe đi Poitiers vào bốn giờ bốn mươi tám phút chiều. Ông cảnh sát trưởng nhà ga đã hỏi hai công nhân, họ nói không nhìn thấy người như đặc điểm nêu lên. Ông ấy nói là nên gọi điện thoại cho ga Poitiers. Xe lửa đi về phía nam đỗ nhiều lần trên đường, có thể có cả khách đi từ ga Montparnasse xuống xe. - Giao cho Lucas việc gọi điện về Saint- Aubain và những làng lân cận. Vùng này có nhiều quán rượu và có cả trại hiến binh nữa. Lapointe đổi tiền cho vào máy điện thoại của mụ Calas. Mụ ta rất bình tĩnh làm như người ta đang hỏi thăm về chuyến đi của chồng mụ. Tuy nhiên mụ đã biết chuyện ở kênh đào Saint-Martin và cuộc tìm kiếm trong suốt cả ngày hôm nay. - Chiều thứ sáu vừa rồi Antoine có tới đây không? - Anh ấy không bao giờ tới đây vào ngày thứ sáu. - Tại sao? - Vì anh ấy phải làm thông ca vào thứ sáu. - Nhưng sau năm giờ thì sao? - Lúc ấy thì chồng tôi đã về. - Buổi chiều và cả buổi tối hôm ấy anh ta cũng không tới đây ư? - Đúng thế. - Bà đã kết hôn với ông Omer Calas được hai mươi bốn năm rồi, đúng không? - Tôi đã sống với ông ấy được hai mươi bốn năm. - Hai người không đăng ký kết hôn ư? - Có chứ. Chúng tôi đăng ký ở toà thị chính của quận Mười. Lúc ấy tôi mới mười sáu hoạc mười bảy tuổi. Tôi phải tính lại. - Hai người không có con ư? - Có một con gái. - Cô ta sống ở đây ư? - Không. - Ở Paris ư? - Phải. - Cô ta bao nhiêu tuổi rồi? - Nó khoảng hai mươi bốn tuổi. - Đó là con gái của Omer ư? - Phải. - Không nghi ngờ gì chứ? - Không nghi ngờ gì. - Cô ta đã lấy chồng chưa? - Chưa. - Cô ta sống một mình ư? - Nó có một căn hộ ở Saint-Louis. - Cô ta làm nghề gì? - Nó là trợ lý của bác sĩ phẫu thuật Lavand. Lần đầu tiên mụ ta nói một điểm cần thiết. Có phải đây là lòng tự hào về người con không? - Thứ sáu vừa rồi cô ta có tới đây không? - Không. - Cô ta không bao giờ đến thăm bố mẹ ư? - Một đôi khi. - Lần cuối cùng vào ngày nào? - Cách đây ba tuần lễ. Có thể là một thảng. - Lúc ấy chồng bà ở nhà chứ? - Tôi cho là như vậy. - Hai bố con có hoà thuận với nhau không? - Nó ít quan hệ với chúng tôi. - Vì xấu hổ ư? - Có thể là như vậy. - Cô ta rời gia đình năm bao nhiêu tuổi? Lúc này thì mặt mụ ta hơi ửng đỏ. - Mười lăm tuổi. Giọng nói của mụ khô khan. - Không báo trước gì ư? Mụ chủ quán gật đầu. - Đi với một người đàn ông, đúng không? Mụ ta nhún vai. - Tôi không biết. Cái đó không thay đổi được gì. Trong quán lúc này chỉ còn những người đánh bài. Một người cầm đồng tiền gõ lên mặt bàn. Mụ Calas hiểu và tới rót rượu vào cốc. Một người khách hỏi mụ: - Có phải ông Maigret đấy không? - Đúng. - Ông ta muốn gì? - Ông ấy không nói. Mụ cũng không hỏi nữa. Mụ xuống bếp sau đó trở lại, nói nhỏ: - Khi ông xong việc cũng là lúc tôi phải dùng bữa. - Bà dùng bữa ở đâu? - Ở kia. Mụ ta chỉ tay vào một chiếc bàn ở góc nhà. - Không lâu nữa đâu. Chồng bà đã cắt ruột thừa, đúng không? - Đã năm hoặc sáu, năm nay rồi. Người ta đã phẫu thuật. -Ai? - Khoan. Bác sĩ Gran... Granvalet. Đúng rồi! Ông ấy ở đại lộ Voltaire. - Ông ấy còn ở đấy không? - Ông ấy đã qua đời. Chồng tôi chỉ là một khách hàng của ông ấy. Ngày mai phải hỏi những y tá giúp việc bác sĩ Gravalet xem trong khi mổ cho Omer họ có thấy những vết sẹo của đạn chì trên bụng bệnh nhân không. - Ngày xưa chồng bà bị đạn súng săn bắn vào bụng phải không. - Không phải là sau khi tôi biết ông ấy. - Ông ta không phải là thợ săn ư? - Có thể là lúc ông ấy về nông thôn. - Bà có thấy trên bụng ông ta có những vết sẹo đạn chì không? - Đã lâu lắm rồi tôi không ở gần ông ấy. - Bà đã yêu ông ta, đúng không? - Tôi không biết. - Ông ta là tình nhân duy nhất của bà trong bao lâu? - Trong nhiều năm. Câu trả lời của mụ như có tiếng vang. - Hai người biết nhau từ lúc còn rất trẻ ư? - Chúng tôi là những người cùng làng. - Làng nào? - Một xóm nhỏ ở giữa Montargis và Gien. Đó là làng Boissancourt. - Bà có lúc nào quay lại đấy không? - Không bao giờ. - Từ ngày bà sống với Omer ư? - Năm mười bảy tuổi thì tôi bỏ làng ra đi. - Lúc ấy bà đang mang thai ư? - Thai đã được sáu tháng. - Dân làng có biết không? - Có. - Cả cha mẹ bà nữa chứ? Mụ buông thõng một câu: - Phải. - Bà có gặp lại họ lần nào không? - Không. Lapointe đã truyền đạt mệnh lệnh cho Lucas xong. Anh ra khỏi buồng điện thoại, lấy khăn tay lau mồ hôi trán. Mụ chủ quán hỏi ông: - Ông đi đấy ư? Mụ đặt câu hỏi đầu tiên. Đến lượt mình, ông cũng trả lời rất ngắn gọn: - Phải. IV Maigret ngập ngừng khi muốn lấy chiếc tẩu thuốc trong túi ra. Cái đó thường xuất hiện ở một số nơi và trong trường hợp thấy cần để bàn tay có việc trong khi ông đang nói. Ngay sau khi nộp báo cáo - không dài lắm - cho cấp trên và cùng ngồi làm việc với thủ trưởng trước một cửa sổ để ngỏ, ông đi từ Sở cảnh sát sang Toà án. Đây là giờ mà các ghế dài trước cửa phòng của các thẩm phán đều có người ngồi. Ngoài số can phạm, còng số tám trên tay, thì ba phần tư số họ là những người mà Maigret quen biết. Một số người đứng lên chào khi ông đi qua. Đêm hôm qua, chánh án Comeliau đã hai ba lần gọi điện cho ông. Ông ta gầy gò, nóng nảy, với bộ ria màu nâu mới nhuộm lại và nước da của một sĩ quan kị binh. - Nói rõ xem công việc của ông đã tới đâu rồi. Maigret phải ngoan ngoãn chiều theo ý muốn của ông ta. Ông nói về việc tìm kiếm của Victor ở dưới đáy sông và việc không tìm thấy cái đầu. Tới đây thì ông bị ngắt lời. - Tôi giả thiết rằng người thợ lặn vẫn tiếp tục làm việc, đúng không? - Tôi thấy việc đó là không cần thiết. - Tôi cho rằng nếu đã có thân người và tay chân ở đó thì cái đầu cũng không ở xa lắm. Cái đó làm cho việc báo cáo trở nên khó khăn. Đây là một vị chánh án chắc chắn nhưng hay gây gổ. Nói theo một ý nghĩa nào đó thì ông ta không ngu ngốc. Một lụật sư, người cùng học trường Luật với ông ta, đã khẳng định rằng Comeliau là một sinh viên xuất sắc trong thế hệ của mình. Cũng cần nói rõ trí thông minh của ông chánh án không thể đem áp dụng vào một số trường hợp thực tế. Ông ta thuộc tầng lớp tư sản có những nguyên tắc cứng nhắc, có những cấm kị rất thiêng liêng, và ông không muốn mọi người xét đoán những nguyên tắc và những cấm kị đó. Kiên nhẫn, viên cảnh sát trưởng giải thích: - Thưa ông chánh án, trước hết Victor hiểu con kênh như ông hiểu bàn giấy của mình, tôi hiểu bàn giấy của tôi. Anh ta đã mò mẫm hơn hai trăm lượt, từng mét vuông một, dưới đáy sông. Đây là một chàng trai chăm chỉ. Nếu anh ta nói không có cái đầu ở dưới đó thì có nghĩa là... - Người chữa ống nước của tôi là một người thợ giỏi và có trách nhiệm. Nhưng mỗi khi được gọi tới, anh ta đều nói không thể có vật gì làm tắc nghẽn ống nước được. - Khi xác chết bị chặt ra từng mảnh thì rất hiếm trường hợp cái đầu nằm cùng chỗ với các bộ phận khác của cơ thể. Comeliau nhìn Maigret với cặp mắt nhỏ và sắc sảo để cố hiểu rõ vấn đề trong khi người cảnh sát vẫn nói tiếp. - Cái đó tự nó đã giải thích việc này. Rất khó khăn cho việc khám nghiệm tử thi khi xác chết bị chặt ra từng mảnh, bị ngâm lâu ở dưới nước và càng khó khăn hơn khi không có cái đầu. Không cồng kềnh như cái thân, cái đầu có thể đã bị trôi đi rất xa. - Giả thiết là như vậy. Làm ra vẻ vô tình, Maigret cầm tẩu thuốc trên tay trái và đợi khi người đối thoại không chú ý là ông đưa lên miệng hút. Ông nói về mụ Calas và mô tả quán rượu ở cảng Valmy. - Điều gì đã xui khiến ông tới đấy? - Xin thú nhận chỉ do ngẫu nhiên thôi. Tôi cần gọi điện thoại. Trong các quán rượu khác, điện thoại để ở quầy hàng, không có buồng riêng. - Xin ông nói tiếp. Maigret nói về việc ra đi của Calas, chuyến tàu đi Poitiers, quan hệ của mụ chủ quán với Antoine Christin, người vận chuyển hàng hoá bằng xe ba bánh, không quên nói về những vết sẹo trên bụng nạn nhân. - Ông nói mụ chủ quán khẳng định mình không biết người chồng có những vết sẹo ấy ư? Và ông cho rằng mụ ta nói thật ư? Ông chánh án phật ý nói. - Ông Maigret, thành thật mà nói, tôi không hiểu tại sao ông không cho điệu mụ ta và cái thằng nhãi ấy về văn phòng của ông và ráo riết thẩm vấn như ông thường làm. Tôi giả thiết rằng ông không tin một lời nào của mụ ta chứ? - Không cần thiết. - Trong việc mụ ta nói không biết chồng mình đi đâu và khi nào về... Làm thế nào để một ông Comeliau sinh ra trên đại lộ Luxembourg bên tả ngạn sông Seine hiểu được tính cách của gia đình nhà Calas? Nhưng rồi tẩu thuốc của Maigret chợt loé sáng, Comeliau là người mắc chứng sợ thuốc lá, ông nhìn chằm chằm vào chiếc tẩu như mỗi khi người ta xấc xược hút thuốc trong phòng của ông nhưng viên cảnh sát trưởng vẫn tảng lờ như không có chuyện gì xảy ra. - Có thể - Maigret thừa nhận - tất cả những gì bà ta nói là sai. Cũng có thể là đúng. Chúng ta đã vớt từ dưới sông lên một cái xác không đầu. Nó có thể là bất cứ người đàn ông nào từ bốn mươi nhăm đến năm mươi nhăm tuổi. Tới đây thì chưa có gì được khẳng định cả. Có bao nhiêu người vào độ tuổi ấy đã mất tích trong những ngày gần đây và bao nhiêu người đi mà không nói rõ ràng nơi mình sẽ tới? Tôi có thể bắt bà Calas về văn phòng của tôi, coi bà như kẻ bị tình nghi vì bà ta có thói quen uống rượu một cách vụng trộm, vì bà ta có một tình nhân là một chàng trai điều khiển chiếc xe ba bánh và bỏ chạy khi nhìn thấy cảnh sát. Nhưng chúng ta sẽ ăn nói như thế nào nếu ngày mai ngẫu nhiên người ta mò được cái đầu không phải là đầu của Omer Calas? - Ông có cho người canh chừng quán rượu không? - Jules, cảnh sát quận Mười, đã đặt một người canh gác ở bến cảng. Tối hôm qua tôi có đi một vòng tới đó. - Ông không tìm được cái gì mới ư? - Chưa có cái gì là rõ ràng cả. Tôi đã dò hỏi một số cô gái ngẫu nhiên gặp ngoài phố. Không khí ban đêm ở đây khác hẳn ban ngày. Tôi muốn biết chiều thứ sáu tuần trước, người ta có nhìn thấy ai và nghe thấy gì dáng chú ý xung quanh quán rượu không? - Không có gì chứ? - Không có gì đặc biệt. Một cô gái đã cho tôi một dấu vết mà tôi chưa kiểm tra được. Theo cô ta thì bà Calas có một tình nhân khác nữa. Một người trung niên, tóc hung, có vẻ là người quen thuộc hoặc đang làm việc trong khu phố này. Cô gái nói một cách hằn học là bà chủ quán đã đánh lừa các cô. Cô ta nói: " Nếu mụ ta làm việc này để kiếm tiền thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng mụ không cần tiền. Khi đàn ông buồn phiền thì họ biết nơi cần đến. Chỉ cần đợi ông chủ quay lưng đi là mọi việc đều xong. Tôi chưa vào trong quán lần nào, nhưng người ta quả quyết rằng mụ không từ chối bất cứ một người đàn ông nào cả”. Comeliau đau đớn thở dài trước sự ô nhục của xã hội. - Ông Maigret, ông cứ hành động theo ý ông. Đối với tôi, thế là đã khá rõ ràng. Đây không phải là những đối thủ đọ găng với chúng ta. - Tôi sẽ gặp lại bà ta. Tôi cũng sẽ gặp người con của họ nữa. Cuối cùng, tôi hi vọng có được những tin tức về căn cước của cái xác của những người y tá đã phẫu thuật cho Omer Calas năm năm trước đây. Khi đi vào công việc thì một chi tiết khá lạ lùng xuất hiện. Maigret vào quán rượu trong lúc mụ Calas đang ngủ gật trên ghế và bốn người đàn ông đang chơi bài. Ông hỏi chồng mụ mổ ruột thừa ở bệnh viện nào. Như nhiều người biết, Omer Calas là một người cứng rắn, một người mà người ta hình dung không chút dịu dàng, nhưng lại lo ngại về sức khỏe của mình, ám ảnh về cái chết. Ông ta phải qua một cuộc giải phẫu thông thường, không nghiêm trọng cũng như không chút rủi ro nào. Đáng lẽ vào nằm trong một bệnh viện thông thường, ông ta đã chi một khoản tiền lớn để được phẫu thuật trong bệnh viên tư nhân Villejuif. Không chỉ là một bệnh viên tư nhân mà ở đấy còn có những bà xơ làm việc như những nữ y tá nữa. Lapointe đáng lẽ phải có mặt ở đấy rồi và gọi điện về cho Maigret. - Không được mềm yếu, ông cảnh sát trưởng!- Comeliau còn dặn với khi ông này đi ra cửa. Đây không phải là vấn đề mềm yếu. Cũng không phải là thương hại, nhưng rất khó giải thích với Comeliau. Từ phút này sang phút khác, Maigret cảm thấy mình chìm ngập vào một thế giới mà ông phải mò mẫm khác với thế giới quen thuộc hàng ngày của ông. Quán rượu ở cảng Valmy và dân cư của nó có liên quan gì đến với cái xác bị ném xuống sông đào ở Saint-Martin không? Người ta có thể gặp những sự ngẫu nhiên. Maigret trở về văn phòng và ông bắt đầu cau có, bực dọc, thái độ thường có ở ông trong giai đoạn nào đó của cuộc điều tra. Tối hôm trước ông đã thu thập tin tức mà không tự hỏi chúng sẽ đưa ông đi tới đâu. Lúc này ông đang đứng trước những mẩu sự thật mà ông không biết làm cách nào để nối liền chúng với nhau được. Mụ Calas không chỉ là một con người ý tứ mà ông chỉ gặp một vài người như vậy trong cuộc đời nghề nghiệp của mình, mà dưới mắt ông, mụ còn thể hiện một vấn đề con người. Đối với Comeliau thì đây là một mụ nghiện rượu, phóng đãng, có thể ngủ với bất cứ ai. Đối với ông lại là vấn đề khác, ông chưa biết có đúng không và khi ông chưa “ngửi” thấy sự thật thì ông còn cảm thấy khó chịu. Lucas trở về gặp ông, đặt tờ giấy báo cáo lên bàn. - Có gì mới không? - Sếp vẫn ở nhà đấy chứ? - Tôi vừa ở chỗ ông Comeliau về. - Nếu biết trước thì tôi đã gọi điện thoại. Judel đã có tin mới. Maigret nghĩ đến mụ Calas và tự hỏi đã có vấn đề gì xảy đến với mụ. - Đây là vấn đề chàng trai, Antoine. Tôi cho là như vậy. - Phải, Antoine. Anh ta lại biến đi rồi ư? - Đúng thế. Hôm qua ông đã yêu cầu có một thanh tra bám sát hắn ta. Hắn đi thẳng về nhà ở phố Saint-Martin cắt góc phố Louis-Blanc. Viên thanh tra đã đưa thẻ cảnh sát ra và hỏi người gác cổng. Hắn ở với mẹ làm công việc nội trợ ở lầu bảy của khu nhà. Họ sống trong hai căn phòng. Nhà không có thang máy. Tôi nói những chi tiết mà Judel đã cung cấp. Khu nhà có năm chục hoặc sáu chục hộ, trẻ con chơi đùa đầy trên cầu thang. - Anh nói tiếp đi. - Theo người gác cổng thì bà mẹ là người can đảm. Chồng bà ta chết trong một viện điều dưỡng. Bà cũng bị lao phổi, nói mình đã khỏi bệnh rồi, nhưng người gác cổng thì nghi ngờ điều này. Nói về viên thanh tra, anh ta đã gọi điện cho Judel để xin chỉ dẫn. Judel không muốn gặp rủi ro nên đã ra lệnh cho người cấp dưới canh chừng khu nhà. Anh này ở lại đến nửa đêm, sau đó theo chân những người khác đi vào trong nhà. Tám giờ sáng nay, người gác cổng chỉ cho anh ta một người đàn bà gày gò đi qua phòng thường trực và bảo đấy là mẹ của Antoine. Viên thanh tra không có lý do gì để đi theo hoặc gọi bà ta lại. Chừng nửa tiếng đồng hồ sau, tò mò, anh ta trèo lên lầu bảy. Thật là kỳ lạ, từ sáng sớm đến lúc này, Antoine không đi làm như thường ngày. Viên thanh tra ghé tai vào cánh cửa, trong nhà không có tiếng động. Anh ấy gõ cửa, không có tiếng trả lời. Anh mở cửa bằng chiếc chìa khoá vạn năng của mình. Vào trong căn hộ, anh thấy hai chiếc giường, một ở trong bếp, giường của bà mẹ, một ở phòng trong, giường của con trai, đều chưa được thu dọn. Nhưng trong nhà không có một ai, và cánh cửa con để trèo lên mái nhà thì để mở. Judel không nghĩ đến tình huống này nên không lường trưóc được hậu quả. Chắc chắn ban đêm Antoine đã chui qua cánh cửa con đó để lên mái nhà, rồi đi xuống bằng một cánh cửa con khác và lẩn ra phố Louis-Blanc. - Có chắc chắn là anh ta không ở trong nhà nữa không? - Họ đang hỏi những chủ hộ khác. Maigret nghĩ đến nụ cười khôi hài của ông chánh án Comeliau khi biết tin này. - Tai sao Lapointe không gọi điện thoại về cho tôi? - Chưa đâu. - Có ai tới Viện Pháp y để nhân diện xác chết không? - Chỉ có những khách hàng quen thuộc thôi. Người ta đếm được hơn một chục người, hầu hết là phụ nữ có tuổi. - Bác sĩ Paul cũng không gọi điện cho tôi ư? - Tôi đã đề báo cáo của ông ấy lên bàn của sếp. - Nếu Lapointe có gọi điện về thì bảo anh ấy chờ tôi ở Sở. Tôi đi không lâu đâu. Ông đi bộ tới đảo Saint-Louis, đi vòng qua nhà thờ Notre-Dame, vượt qua đường sắt để tới Saint-Louis-en-l’Tle. Lúc này là giờ phụ nữ đi chợ và ông rất khó khăn khi len lỏi giữa họ và những chiếc xe đẩy nhỏ. Maigret đến một cửa hàng bách hoá, nơi, theo mụ Calas, cô con gái mụ thuê một phòng. Ông đi vào một cái sân có những cây đoan, trông giống một sân trường học hoặc sân của một nhà thờ. Tiếng của một phụ nữ từ trong cửa sổ của một căn hộ tầng trệt hỏi ra: - Ông tìm ai? - Cô Calas. - Lầu ba bên trái, nhưng lúc này cô ấy không ở nhà đâu. - Bà có biết lúc nào cô ta về không? - Rất ít khi cô ấy về nhà dùng bữa. Sáu giờ rưỡi chiều cô ấy mới về. Nếu cần thì ông đến bệnh viện để tìm cô ấy. Bệnh viện Thượng đế, nơi làm việc của Lucette Calas, cách đây không xa lắm. Đến phòng làm việc của giáo sư Lavand thật khó khăn vì lúc này là giờ bận rộn nhất trong ngày. Đàn ông, phụ nữ trong những bộ đồng phục màu trắng, những y tá đẩy những chiếc cáng, bệnh nhân đi lại trong các hành lang đã xô đẩy ông không biết đi tới đâu. - Tôi muốn gặp cô Calas. Người ta nhìn Maigret. - Không biết. Một bệnh nhân ư? Hoặc: - Đi lối kia. Người ta chỉ cho ông bốn, năm con đường khác nhau. Cuối cùng ông tới một phòng yên tĩnh, có một cô gái ngồi trước một chiếc bàn nhỏ. - Cô là cô Calas, phải không? - Làm thế nào mà ông đến đây được? Ông đưa thẻ cảnh sát ra. - Có thể làm cô rối bận. Tôi tưởng cô làm việc trong một phòng phẫu thuật. Trong mười phút đồng hồ ông không dám hút thuốc. Khi cô gái trở về có thêm một nữ y tá khá cao lớn nét mặt sáng sủa và bình tĩnh cùng đi. - Ông muốn gặp tôi ư? - Cảnh sát trưởng Maigret ở sở Cảnh sát. Lucette Calas không bối rối, ngạc nhiên nhìn ông. - Cha mẹ cô sống ở cảng Valmy ư? Maigret nhanh chóng nhận ra vẻ cứng rắn trong cặp mắt cô gái. - Phải. Nhưng... - Tôi chỉ muốn đặt ra cho cô một vài câu hỏi thôi. - Giáo sư sắp sửa gọi tôi. Giờ này ông ấy đang đi thăm bệnh nhân. Và... - Tôi chỉ cần vài phút thôi. Cô gái lưỡng lự, nhìn xung quanh rồi đẩy một cánh cửa vào một phòng nhỏ. Trong phòng có hai chiếc ghế, một cái giường xếp và những dụng cụ hình như phục vụ cho việc mổ xẻ mà Maigret không biết tên của chúng. - Đã lâu lắm cô không về thăm cha mẹ ư? Ông thấy cô khẽ giật mình khi nghe nói đến danh từ "cha mẹ". - Tôi ít khi về. - Tại sao? - Ông đã gặp họ rồi chứ? - Tôi mới gặp mẹ cô thôi. Cô không hỏi thêm vì lời giải thích có thể như vậy là đủ. - Cô có yêu quí cha mẹ mình không? - Không. Vì họ đã sinh ra tôi trên đời này ư? - Thứ sáu tuần trước cô có về thăm họ không? - Không. Hôm ấy tôi về nông thôn với bạn bè vì đó là ngày nghỉ của tôi. - Cô có biết là cha cô đi mua rượu không? - Tại sao ông không nói lý do của cuộc gặp này? Ông tới hỏi về cha mẹ tôi nhưng trong thực tế tôi với họ đã trở thành xa lạ từ lâu rồi. Tại sao? Đã có chuyện gì xảy đến với họ ư?- Cô châm một điếu thuốc và nói. - Có thể hút thuốc ở đây được. Nhưng Maigret không lấy tẩu thuốc ra. - Cô có ngạc nhiên khi có chuyện gì xảy ra với ai đó trong số họ không? - Không. - Cô cho rằng đã có chuyện gì xảy ra? - Ví dụ như ông ấy đánh mẹ tôi. Cô gái không nói "cha tôi". - Ông ta thường đánh vợ ư? - Bây giờ thì không rõ còn trước kia thì là chuyện cơm bữa. - Mẹ cô không phản đối ư? - Bà ấy cúi đầu chịu đòn. Tôi tự hỏi mẹ tôi có yêu ông ấy không. - Còn chuyện gì nữa? - Mẹ tôi quyết định đầu độc ông ấy. - Bà ấy căm ghét ông ta đến thế ư? - Tất cả những gì tôi biết là mẹ tôi sống với ông ấy hai mươi bốn năm trời mà không bỏ đi. - Cộ cho rằng bà ta rất đau khổ ư? - Ông cảnh sát trưởng, tôi không muốn nhớ đến những chuyện ấy nữa. Từ nhỏ tôi chỉ có một mơ ước: bỏ đi. Và khi có thể, tôi đi. - Đã mười lăm năm rồi, đúng không? - Ai bảo ông như vậy? - Mẹ cô. - Ông ấy không giết mẹ tôi chứ? Cô gái suy nghĩ một thoáng rồi hỏi thêm: - Hay là mẹ tôi đã đầu độc ông ấy? - Không phải là không thể. Mẹ cô nói rằng ông ta đi Poitiers mua rượu vào chiều thứ sáu tuần trước. - Đúng thế. Hồi tôi còn nhỏ, ông ấy cũng đi mua rượu như vậy. - Người ta đã vớt một xác người ở kênh đào Saint-Martin. Có thể là xác của ông ấy. - Không ai nhận diện ư? - Cho đến lúc này thì không. Việc này rất khó khăn vì đây là cái xác không đầu. Có thể vì công tác trong một bệnh viện nên cô gái không hề giật mình khi nghe tin này. - Ông có biết tại sao lại xảy ra chuyện này không? - Tôi không biết. Tôi đang điều tra. Hình như có nhiều đàn ông dính líu vào cuộc đời của mẹ cô. Xin lỗi cô vì đã nói như vậy. - Nếu ông cho đây là chuyện mới xảy ra! - Thuở nhỏ cha cô đã bị đạn súng săn bắn vào bụng. Cô có biết không? Cô gái ngạc nhiên. - Tôi chưa bao giờ nghe được chuyện này. - Vì cô không nhìn thấy các vết sẹo ư? - Nếu là sẹo ở bụng... Cô gái mỉm cười. - Cô về cảng Valmy lần cuối cùng vào ngày nào? - Khoan! Có dễ đến một tháng rồi. - Cô về thăm cha mẹ mình ư? - Không đúng như vậy. - Ông Omer Calas ở nhà chứ? - Tôi chỉ về khi ông ấy không có mặt ở nhà thôi. - Vào buổi chiều ư? - Phải. Vì ông ấy thường đi chơi bi-a trong một quán rượu ở gần ga phía đông. - Không có người đàn ông nào ngồi với mẹ cô chứ? - Không phải hôm ấy. - Cô có ý định rõ ràng về cuộc đến thăm ấy chứ? - Không. - Hai người nói những chuyện gì? - Tôi không nhớ nữa. Chuyện lặt vặt. - Có cả chuyện ông Omer Calas nữa đúng không? - Tôi nghi ngờ điều đó. - Có lúc nào ngẫu nhiên cô xin tiền mẹ cô không? - Ông đi chệch hướng rồi, ông cảnh sát trưởng. Dù sao tôi cũng tự hào về điều này. Dù có thiếu tiền, dù có chết đói thì tôi cũng không gõ cửa để ngửa tay ăn xin họ đâu. Rõ ràng hơn nữa, tôi cũng đã kiếm được nhiều tiền. - Cô không nhớ gì về chuyến đi thăm cảng Valmy của mình ư? - Không có gì là rõ ràng cả. - Trong số những người đến quán rượu hôm ấy có một chàng trai chở hàng bằng xe ba bánh không? Cô gái lắc đầu. - Hoặc một người đứng tuổi, tóc hung? Lần này thì cô ta ra vẻ suy nghĩ và hỏi: - Mặt ông ta rỗ hoa ư? - Tôi không biết. - Nếu đúng như vậy thì ông ấy là Dieudonne. - Dieudonne là ai? - Tôi không biết nhiều lắm. Một người bạn của mẹ tôi. Ông ấy là khách hàng trong nhiều năm. - Khách hàng thường tới vào buổi chiều ư? Cô gái trả lời: - Đúng là buổi chiều. Nhưng không phải như ông hiểu đâu. Tôi cam đoan là không có chuyện gì cả. Đây là một người hiền lành, đi giày vải, ngồi bên lò sưởi. Họ có vẻ quen biết nhau từ lâu. Ông hiểu chứ. Thoạt nhìn thì tưởng đấy là một cặp vợ chồng. - Cô có biết địa chỉ của ông này không? - Tôi cho rằng ông ấy làm việc trong cùng khu phố, nhưng tôi không biết ông ấy làm nghề gì. Ăn mặc như thợ thuyền, nhưng tôi cho rằng ông ấy làm về giấy tờ, sổ sách. Có tiếng chuông ngoài hành lang và cô gái đứng lên nói: - Chuông gọi tôi. Xin lỗi ông. - Có thể tôi còn trở lại đây. - Ông nên đến vào buổi tối. Không nên tới muộn vì tôi thường đi ngủ sớm. Khi ra về, Maigret phải hỏi đường cô gái ngồi trong một văn phòng. - Khi xuống lầu dưới, ông rẽ trái, rồi rẽ trái một lần nữa. - Cảm ơn cô. Ông không dám hỏi cô này về Lucette Calas. Bản thân ông cũng chưa hiểu đầy đủ về cô ta. Ông vào một quán trước cổng toà án và uống một cốc vang trắng. Một lát sau về sở và ông thấy Lapointe đang chờ ông ở đó. - Thế nào, các bà xơ đều tốt bụng cả chứ? - Họ rất đáng mến, nhưng họ đều nói là không chú ý đến... - Những vết sẹo ư? - Vâng. Trước hết bác sĩ phẫu thuật thời đó đà qua đời trước đây ba năm như mụ Calas đã nói. Bà tổ trưởng đi tìm hồ sơ. Trong đó người ta không ghi những vết sẹo. Cái đó cũng tất nhiên thôi. Omer Calas bị ung thư dạ dày. - Người ta đã cắt ổ ung thư ấy rồi chứ? - Vâng. Không một bà nào nhớ chính xác về Omer trừ việc ông ta đôi lúc có cầu kinh. - Ông ta là người công giáo ư? - Không. Ông ta sợ. Đó là chi tiết mà các bà xơ không quên... Chúng ta làm gì bây giờ? Có phải Comeliau có lý không? Nếu người chết là Omer Calas thì thẩm vấn ráo riết người vợ có thể có được tin tức đáng quý. Căn vặn Antoine cũng không phải là không có kết quả gì. - Chúng ta đi thôi. - Tôi lấy ôtô chứ, thưa sếp? - Phải. - Chúng ta đi đâu? - Đến kênh đào. Khi đi qua, ông giao cho thanh tra cảnh sát quận Mười nhiệm vụ tìm một người có nước da nâu, tóc hung, mặt rỗ hoa, có tên là Dieudonne. Chiếc xe của Maigret luồn lách giữa đám xe buýt, xe tải đi qua phố Richard-Lenoir, nơi có căn hộ của ông, thì bất chợt ông nói: - Ra ga phía đông. Lapointe nhìn ông tỏ vẻ không hiểu. - Việc này có thể không mang lại kết quả nào, nhưng tôi muốn kiểm tra lại. Người ta kể lại cho chúng ta rằng Omer Calas đi vào chiều thứ sáu, có mang theo một chiếc va li. Nếu ông ta bị giết và bị chặt ra từng mảnh, thì kẻ giết người phải thủ tiêu chiếc va li ấy đi. Tôi tin chắc rằng nó không ở bến cảng và chúng ta cũng không tìm thấy chiếc quần áo nào. Lapointe nghe và gật đầu. - Người ta cũng không thấy chiếc va li ở dưới sông và trên người nạn nhân cũng không có quần áo. - Và người ta cũng không tìm thấy cái đầu nữa! Lapointe nói thêm. """