" Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát - Delia Owens & Trương Hoàng Uyên Phương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát - Delia Owens & Trương Hoàng Uyên Phương (dịch) full mobi pdf epub azw3 [Best Seller] Ebooks Nhóm Zalo Dành tặng Amanda, Margaret và Barbara Ly này mừng các cậu Nếu chúng ta chưa bao giờ gặp nhau Mình đã không bao giờ được biết các cậu. Nhưng mình đã gặp các cậu Mình đã biết các cậu Và mình đã yêu các cậu, Mãi mãi. MỞ ĐẦU 1969 Đồng lầy chẳng phải đầm lầy. Đồng lầy là một không gian tràn ánh sáng, nơi cỏ vươn lên trong nước, và nước trôi vào trong bầu trời. Dòng chảy chầm chậm quanh co, mang theo quả cầu mặt trời ra đến biển, và lũ chim chân dài lêu nghêu cất mình vụt lên với sự uyển chuyển không ai ngờ đến – thân hình chúng dường như không được tạo ra để bay lượn – trên nền âm thanh cả ngàn con ngỗng tuyết kêu ran. Rồi trong chính đồng lầy, ở đó đây, đầm lầy đích thực len lỏi vào những vùng trũng thấp, ẩn khuất giữa ẩm ướt đại ngàn. Nước đầm lầy tĩnh lặng và tối tăm, nuốt chửng ánh sáng trong cổ họng bùn nhớp nháp. Trong cái hang đó, cả những loài chuyên lẩn lút về đêm cũng hoạt động ban ngày. Nơi đây cũng có tiếng động, tất nhiên, nhưng so với đồng lầy thì đầm lầy tĩnh mịch hơn hẳn vì sự phân hủy là hoạt động chế ngự tất cả. Sự sống mục nát, bốc mùi và trở về thứ mùn thối rữa; một chốn trầm mình sầu bi của cái chết cho sự sống vươn lên. Vào buổi sáng ngày 30 tháng Mười năm 1969, xác của Chase Andrews nằm trong đầm lầy, cái đầm hẳn sẽ nuốt chửng nó dần dần, lặng lẽ. Vĩnh viễn che giấu nó. Đầm lầy tường tận mọi điều về cái chết, và không nhất thiết coi đó là thảm kịch, chắc chắn chẳng phải là tội ác. Thế nhưng buổi sáng này, hai cậu bé từ ngôi làng đạp xe đến chỗ tháp phòng cháy cũ, và từ chỗ ngoặt thứ ba trên cầu thang đã trông thấy chiếc áo khoác denim của cái xác kia. ĐỒNG LẦY Má 1952 Sáng ngày hầm hập cái nóng trời tháng Tám, hơi thở ẩm ướt của đồng lầy giăng màn sương mờ lên những nhánh sồi với cành thông. Trảng cây cọ đứng im đến lạ lùng, chỉ có tiếng vỗ cánh trầm trầm, chậm chạp của lũ diệc cất mình lên từ phá nước. Và rồi Kya, bấy giờ chỉ mới sáu tuổi, nghe tiếng cửa lưới sập lại. Đứng trên chiếc ghế cao, con bé ngừng cọ bợn cháo ngô bám trên nồi và để nồi xuống bồn đầy bọt xà phòng đã xẹp. Chẳng còn tiếng động nào nữa ngoài tiếng thở của con bé. Ai vừa ra khỏi lán vậy nhỉ? Không phải má. Má có bao giờ để cửa sập lại đâu. Ấy vậy mà khi chạy ra hiên, Kya lại thấy má trong bộ váy dài nâu, những nếp xếp li nhịp nhịp víu vào mắt cá khi bà bước xuôi dải đường cát trong đôi giày cao gót. Đôi giày mũi bầu giả da cá sấu. Đôi duy nhất để bà mang ra ngoài. Kya muốn gọi to nhưng biết khôn hồn thì chớ có đánh thức ba dậy, vậy là nó mở cửa ra đứng trên bậc thềm gạch ván. Từ chỗ đó, con bé thấy chiếc vali nhỏ màu xanh lam má xách theo. Mọi ngày thì với sự tin tưởng của một chú chó con, Kya biết má sẽ quay về với chút thịt gói trong giấy nâu dính mỡ hoặc một con gà, đầu lủng lẳng chúc xuống. Thế nhưng bà chưa bao giờ mang đôi giày da cá sấu, chưa bao giờ xách theo hành lý cả. Má luôn luôn nhìn lại từ chỗ lối đi nhỏ gặp đường mòn, một tay giơ lên cao, lòng bàn tay trắng nõn nà vẫy vẫy trước khi bà quay lưng bước tiếp, len lỏi qua những khu rừng đầm lầy cùng phá nước khin khít cỏ đuôi mèo, rồi có lẽ nếu con nước gia ơn, cuối cùng bà sẽ ra đến phố. Thế nhưng hôm nay bà không ngoảnh lại mà cứ dấn bước, loạng choạng giữa những vết lún trên đường. Dáng vóc cao của bà thỉnh thoảng hiện ra qua những lỗ hổng giữa rừng, cho đến khi chỉ còn thấy thấp thoáng màu trắng chiếc khăn choàng qua kẽ lá. Kya vụt chạy đến chỗ nó biết con đường sẽ lộ ra; chắc chắn má sẽ dừng lại vẫy tay từ đó, nhưng tới nơi, con bé chỉ kịp thoáng thấy màu lam của chiếc vali trước khi nó mất hút – cái màu sao mà chỏi giữa cánh rừng mướt rượt màu xanh lục. Một cảm giác nặng nề dày đặc như bùn gòn đen chèn lên ngực con bé khi nó quay lại đợi ở bậc thềm. Kya là đứa nhỏ nhất trong đám anh em nhà này, mấy anh chị lớn hơn nó nhiều, mặc dù sau này con bé không nhớ tuổi của họ nữa. Bọn trẻ sống với ba và má, chen chúc nhau như bầy thỏ nhốt chuồng, trong cái lán thô sơ tạm bợ, hàng hiên có lưới che lỏ mắt dòm ra dưới những tán sồi. Jodie, thằng anh gần Kya nhất nhưng vẫn lớn hơn nó bảy tuổi, bước từ trong nhà ra và đứng sau con bé. Jodie có cùng cặp mắt và mái tóc đen của em gái; thằng nhỏ đã dạy con bé bài hát của lũ chim, tên gọi những vì sao và cách lái thuyền qua đám cỏ răng cưa. “Má sẽ về thôi,” thằng anh nói. “Em hông biết. Má mang đôi dày cá sấu đó.” “Một bà má hông bỏ mấy đứa con nhỏ đâu. Điều đó hông nằm trong bản tính của họ.” “Anh kể với em là cáo cái bỏ con của nó mà.” “Ừ, nhưng con cáo đó bị toạc hết chân rồi. Nó xẻ chết đói nếu cố nuôi cả mình dới bầy con nhỏ. Tốt hơn là nó bỏ đám này, dưỡng thương cho lành lại, rồi đẻ thêm khi có thể nuôi tụi nhóc ra hồn. Má thì đâu có đói, má sẽ quay lại.” Jodie không chắc chắn như nó ra vẻ thế, nhưng vẫn nói vậy vì Kya. Cổ họng nghèn nghẹn, con bé thì thầm, “Nhưng má xách theo cái vali xanh như xắp đi xa lắm.” Cái lán nằm tựa vào trảng cọ lùn, vô số cụm cọ mọc rải rác, tỏa khắp bãi cát tới chỗ chuỗi những phá nước xanh, và ở xa xa là toàn bộ vùng đồng lầy sau đó. Hàng dặm lưỡi cỏ cứng cáp đến độ chúng mọc lên cả trong nước mặn, chỉ bị ngắt quãng bởi những thân cây uốn cong đến nỗi chúng mang hình hài cơn gió. Rừng sồi dồn lại quanh những phía khác của cái lán nhỏ, bao bọc lấy phá nước gần đó nhất, nơi mặt nước giàu sự sống đến sục sôi. Bầu không khí trĩu muối và bài ca mòng biển tràn qua hàng cây dạt tới từ biển cả. Từ thế kỷ 16, việc khẳng định quyền sở hữu một vùng lãnh thổ chẳng thay đổi gì mấy. Những khu đồng lầy có chủ rải rác đó đây không được mô tả trên giấy tờ pháp lý, chỉ được vạch ranh giới tự nhiên – một cây sồi chết ở kia, một con lạch đằng này – bởi những kẻ trốn chạy. Người ta đâu có tự dưng dùng cọ dựng chốn nương thân ở đầm lầy, trừ phi đang trốn kẻ nào đó hay đã cùng đường tận lối. Đồng lầy được bao bởi một đường bờ biển bị xé nham nhở, mà những nhà thám hiểm ngày trước gán cho cái tên “Nghĩa địa của Đại Tây Dương” vì dòng chảy rút xa bờ, những luồng gió dữ và bãi cạn sẽ đánh cho tàu thuyền vỡ nát như mấy chiếc nón giấy dọc vùng bờ sẽ trở thành bờ Bắc Carolina. Nhật ký một thủy thủ viết, “vòng quanh bờ biển… nhưng không thấy lối vào… một cơn bão dữ dội ập tới… chúng tôi buộc phải quay ra để giữ cho mình và con tàu được an toàn, và bị xô đẩy dồn dập bởi một cơn sóng dữ… Đất liền… toàn đồng lầy nối đầm lầy, chúng tôi quay về tàu… Làm nản lòng tất cả những ai sau này tìm tới đây cư ngụ.” Những người tìm đất an cư bỏ qua chốn này, và vùng đồng lầy nổi tiếng đây trở thành một tấm lưới, vớt lên một mớ lộn xộn những tay thủy thủ nổi loạn, nạn nhân đắm tàu, con nợ và bọn người trốn chạy khỏi chiến tranh, thuế má hay luật lệ mà họ không ưa. Những kẻ mà bệnh sốt rét không giết chết hay đầm lầy không nuốt chửng sinh ra một bộ lạc người rừng thuộc nhiều chủng tộc và nền văn hóa, mỗi người có thể đốn trụi một khu rừng nhỏ với một cái rìu và vác một con hươu đi hàng dặm. Như lũ chuột sông, mỗi người có riêng một lãnh thổ, nhưng họ phải hòa nhập với cảnh sống ngoài rìa hoặc đơn giản là một ngày biến mất trong đầm tối. Hai trăm năm sau, nhóm này kết nạp thêm những nô lệ bỏ trốn vào đồng lầy và các nô lệ được trả tự do, không xu dính túi và cùng quẫn, tản mát vào vùng đất ngập nước vì chẳng còn bao nhiêu lựa chọn khác. Có lẽ đó là vùng hiểm ác, nhưng không một tấc đất nào nghèo. Tầng tầng lớp lớp sự sống – cua rù rì ngoe nguẩy, tôm hùm đất sủi bùn, hằng hà chim nước, cá, tôm, sò, hươu béo xị, ngỗng mập núc – chất chồng trên đất hay trong nước. Kẻ không ngại lùng sục tìm bữa ăn sẽ không đời nào chết đói được. Bấy giờ là năm 1952, nên đã bốn thế kỷ liền vùng đất bị giành quyền sở hữu bởi một chuỗi rời rạc những người không có sổ sách nào ghi lại. Hầu hết là trước cuộc Nội chiến. Một vài kẻ khác đến chiếm dụng đất gần đây, đặc biệt là sau hai cuộc chiến tranh thế giới, khi những người đàn ông trở về trong tan nát và túng quẫn. Đồng lầy không giam giữ mà định nghĩa con người họ, và như tất cả những vùng đất linh thiêng, chúng giữ cho bí mật của họ được vùi sâu. Họ chiếm đất mà chẳng ai quan tâm vì không ai thèm muốn nó. Dù sao, nó cũng chỉ là thứ bãi lầy hoang. Cũng như cách họ làm lậu rượu whiskey, cư dân đồng lầy đặt ra luật lệ của riêng mình – không giống kiểu luật khắc vào đá hay ghi lên giấy, mà là thứ luật sâu xa hơn, in hằn trong gen họ. Tự nhiên và cổ xưa, như nở ra từ trứng diều hâu với bồ câu. Khi bị dồn vào đường cùng, bí bách, tuyệt vọng hay bị cô lập, con người trở lại với thứ bản năng nhằm thẳng tới sinh tồn. Nhanh gọn và đích đáng. Chúng luôn là những lá chủ bài vì được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thường xuyên hơn loại gen hiền. Đó chẳng phải đạo lý gì, chỉ là phép toán đơn giản. Giữa đồng loại, bồ câu cũng đánh nhau thường xuyên chẳng kém diều hâu. Hôm đó má không về. Chẳng ai đả động gì tới chuyện đó. Ba lại càng không. Bốc mùi cá và nước dùng, ông khua nắp nồi loảng xoảng. “Bữa tối có gì hả?” Mắt cụp xuống, mấy anh chị em chúng nó nhún vai. Ba chửi thề rồi khập khiễng đi ra, trở vào rừng rậm. Đã có nhiều vụ cãi cọ trước đó; má thậm chí đã bỏ đi một hai lần, nhưng lần nào bà cũng quay về, vơ lấy bất kỳ đứa nhỏ nào để ôm ấp. Hai cô chị lớn nấu bữa tối gồm bánh ngô với đậu đỏ, nhưng không đứa nào ngồi vào bàn ăn như chúng sẽ ngồi với má. Mỗi đứa xúc vội đậu từ nồi, trút đại bánh ngô lên trên, rồi lảng đi ăn ở góc của chúng trên thảm trải sàn hay cái sô-pha sờn cũ. Kya không ăn được. Nó ngồi trên bậc thềm trước hiên nhìn xuống con đường. Người cao so với tuổi, gầy trơ xương, con bé có nước da rám thẫm và mớ tóc đen, thẳng, dày như cánh quạ. Màn đêm buộc nó ngừng trông ngóng. Tiếng ếch ồm ộp sẽ vùi đi tiếng bước chân; dẫu vậy, con bé vẫn nằm trên cái giường ngoài hiên, dỏng tai nghe ngóng. Mới sáng hôm đó, nó hãy còn thức dậy trong tiếng mỡ lợn xèo xèo trên chảo sắt và mùi bánh mì sạm nâu trong lò. Kéo cái quần yếm lên người, con bé xộc vào bếp để bày dĩa và nĩa. Nhặt mấy con mọt trong cháo bỏ ra. Hầu như sáng nào cũng vậy, tươi cười, má sẽ ôm lấy nó – “Chào buổi sáng, con gái đặc biệt của má” – và hai má con sẽ làm hết việc này tới việc nọ, thoăn thoắt như múa. Thỉnh thoảng má còn cất giọng hát dân ca hay đọc vài đoạn thơ cho con trẻ: “Chú heo nhỏ đi chợ lon ton.” Hoặc má sẽ đẩy đưa Kya theo điệu jitterbug nhịp dồn, chân họ giẫm bùm bụp lên sàn gỗ dán cho đến khi tiếng nhạc từ cái radio chạy pin dần tắt ngỏm, nghe như nó đang tự hát cho mình nghe dưới đáy một cái thùng tròn. Vào những buổi sáng khác, má lại nói mấy chuyện người lớn mà Kya không hiểu, nhưng con bé đoán rằng lời nói của má cần có chỗ để thoát ra, nên nó thấm lấy từng lời qua da, trong khi tay nhét thêm củi vào lò. Gật gù làm như hiểu rõ. Sau đó là cái nhốn nháo ngược xuôi khi mọi người thức dậy và ăn sáng. Ba không ở đó. Ông chỉ có hai chế độ: im lặng và gào thét. Nên cũng tốt khi ông cứ ngủ, hoặc không về nhà. Thế nhưng sáng nay, má im lặng; nụ cười đánh mất, mắt đỏ hoe. Bà cột thấp ngang trán một cái khăn màu trắng theo kiểu hải tặc, nhưng cái viền thâm tím vàng của một vết bầm vẫn lộ ra. Ngay sau bữa sáng, trước khi chén dĩa được rửa sạch, má đã cho vài món tư trang vào vali và theo lối nhỏ mà đi mất. Sáng hôm sau, Kya lại tới chỗ cũ của nó trên bậc cửa, cặp mắt đen hun hút xoáy xuống con đường như một đường hầm đợi tàu qua. Đồng lầy phía xa bị màn sương bao phủ, sương sà thấp đến nỗi cái gót mềm của nó chạm hẳn xuống bùn. Chân trần, Kya nhịp nhịp ngón chân, xoay xoay ngọn cỏ chọc vào đám ấu trùng kiến sư tử, nhưng một đứa nhỏ sáu tuổi nào có ngồi yên được, chẳng mấy chốc con bé đã la cà tới bãi triều, tiếng nước vỗ liếm láp ngón chân nó. Ngồi xổm bên rìa nước, con bé dõi theo lũ cá tuế vọt qua vọt lại giữa chỗ nắng với chỗ có bóng râm. Jodie cất tiếng gọi Kya từ đám cọ lùn. Con bé nhìn chăm chăm; có lẽ anh nó tới đưa tin mới. Nhưng trong lúc thằng anh len lỏi qua mấy tán lá đầy gai, con bé nhìn dáng đi lững thững của anh và biết má không có ở nhà. “Em muốn chơi thám hiểm hông hả?” Jodie hỏi. “Anh nói anh quá tuổi chơi hám hiểm rồi mà.” “Đâu, anh nói vậy thôi. Hông bao giờ quá tuổi cả. Đua đi!” Hai đứa ùa chạy qua bãi triều, băng rừng cây lao ra bờ biển. Kya ré lên khi thằng anh vọt qua mặt nó và cười nắc nẻ cho tới khi chúng chạy đến chỗ cây sồi lớn chìa ra trên cát những cánh tay khổng lồ. Jodie và anh cả Murph đã đóng vài miếng ván lên cành cây làm đài quan sát và phòng thủ. Giờ thì hầu hết ván gỗ đã sụp xuống, đong đưa một cách nguy hiểm, chỉ dính vào thân cây nhờ mấy cây đinh sét. Thường ngày, nếu Kya có được cho chơi đoàn thám hiểm thì nó cũng phải đóng vai nô lệ, đưa tới cho các anh bánh mì còn nóng lén lấy từ chảo của má. Thế nhưng hôm nay Jodie nói, “Em có thể làm thuyền trưởng.” Kya giơ cao tay phải trong tư thế xông lên. “Đuổi bọn Tây Ban Nha đi!” Hai đứa nhỏ bẻ cây làm kiếm, xộc qua những bụi mâm xôi um tùm, hét váng lên và đâm kẻ thù lia lịa. Rồi – màn tưởng tượng chợt đến chợt tan – Kya bước lại chỗ một khúc cây phủ đầy rêu và ngồi xuống. Im lặng, Jodie đến ngồi cạnh em. Thằng bé muốn nói gì đó để đứa em gái thôi nghĩ về má, nhưng từ ngữ tắt nghẹn, thế là hai đứa lặng ngắm cái bóng loang loáng bơi bơi của lũ gọng vó. Sau khi quay về, Kya trở lại chỗ bậc thềm và đợi thật lâu, nhưng trong lúc nhìn đăm đắm về phía cuối đường, nó không hề khóc. Gương mặt nó bất động, môi mím lại thành một đường mỏng dưới đôi mắt khắc khoải kiếm tìm. Nhưng ngày hôm đó má cũng không trở lại. Jodie 1952 Sau khi má bỏ đi, trong mấy tuần tiếp theo, anh cả và hai cô chị của Kya cũng dạt nhà, như thể theo gương má. Mấy đứa con đã gồng mình chịu đựng những cơn giận tím mặt của ba, bắt đầu bằng tiếng thét la rồi bộc phát thành những cú đấm hoặc thụi, cho đến khi lần lượt từng đứa một, chúng biến mất. Dẫu sao chúng cũng sắp lớn hẳn rồi. Sau đó, cũng như đã quên tuổi bọn họ, Kya không còn nhớ nổi tên thật của anh chị nó, chỉ biết họ được gọi là Missy, Murph và Mandy. Trên tấm nệm ngoài hàng hiên, Kya tìm thấy một đống nhỏ vớ cũ mấy chị để lại. Vào buổi sáng khi Jodie là đứa duy nhất trong đám anh chị còn ở lại, Kya thức dậy trong tiếng lanh canh và bữa sáng nóng hổi xèo xèo. Con bé ào vào bếp, nghĩ rằng má đã về và đang chiên bánh ngô hoặc bánh bột ngô. Nhưng đó là Jodie đang đứng bên bếp củi, khuấy cháo. Con bé mỉm cười để giấu nỗi thất vọng, và thằng anh vỗ nhẹ đầu nó, khẽ khàng suỵt bảo nó im lặng: nếu không đánh thức ba dậy, chúng có thể ăn một mình. Jodie không biết làm bánh mì và ở nhà không có thịt muối, thế nên thằng bé nấu cháo và chiên trứng bằng mỡ heo, rồi chúng ngồi xuống cùng nhau, im lặng trao đổi ánh mắt với nụ cười tủm tỉm. Chúng rửa chén thật nhanh rồi túa ra cửa tới đồng lầy, thằng anh chạy trước. Nhưng rồi lúc đó ba chúng quát lên và tập tễnh bước về phía hai đứa. Gầy khủng khiếp, thân hình ông dường như chao đảo vì trọng lực. Răng ông vàng khè như răng một con chó già. Kya ngước nhìn Jodie. “Mình có thể chạy. Trốn trong chỗ đóng rêu.” “Không sao. Sẽ không sao mà,” thằng anh nói. Sau đó, lúc trời gần sụp tối, Jodie tìm thấy Kya trên bãi biển, đang dõi mắt ra khơi. Khi thằng bé bước tới bên cạnh, con bé không nhìn anh mà vẫn hướng mắt vào những con sóng cuộn trào. Vậy mà từ cách Jodie nói, con bé vẫn biết ba đã thụi vào mặt anh nó. “Anh phải đi, Kya à. Không ở đây thêm được nữa.” Con bé suýt quay qua anh, nhưng không làm thế. Muốn van anh đừng để nó lại một mình với ba, nhưng lời lẽ ứ nghẹn. “Khi đủ lớn em sẽ hiểu,” thằng anh bảo. Kya muốn hét lên rằng có thể nó còn nhỏ, nhưng nó không ngu. Nó biết ba là lý do tất cả bọn họ bỏ đi; điều nó không hiểu là tại sao không ai đem theo nó. Nó cũng từng nghĩ tới chuyện rời khỏi đây nữa, nhưng chẳng có chỗ nào để đi và không có chút tiền xe buýt nào. “Kya, em nhớ cẩn thận, nghe không. Nếu có người tới, đừng đi vào nhà. Họ có thể tóm em ở đó. Chạy sâu vào đồng lầy, trốn trong bụi rậm. Luôn luôn xóa dấu vết; anh chỉ em rồi. Và em cũng có thể trốn khỏi ba nữa.” Khi con bé vẫn không lên tiếng, Jodie nói lời tạm biệt rồi sải bước qua bãi cát tới bìa rừng. Trước khi thằng anh bước vào rừng cây, con bé rốt cuộc cũng quay lại và nhìn anh đi khuất. “Con heo nhỏ này ở lại nhà,” nó nói với những con sóng biển. Vùng ra khỏi phút cứng đờ, con bé chạy lại cái lán. Hét to tên anh trong hành lang, nhưng đồ đạc của Jodie đã biến mất, cái giường đặt trên sàn của thằng nhỏ đã lột sạch. Kya buông mình ngã thụp vào nệm của anh, ngắm nhìn vệt nắng cuối ngày trượt xuống vách lán. Ánh ngày vẫn nấn ná ở lại sau khi mặt trời khuất dạng, một chút sáng đọng trong phòng, thế nên trong khoảnh khắc vụt qua, những đống đồ cũ và mấy cái giường lùm lùm còn khoác lên mình nhiều màu sắc và hình thù hơn cả cây cối bên ngoài nữa. Cái đói cồn cào – một thứ đến là tầm thường – làm con bé kinh ngạc. Nó bước tới nhà bếp và đứng ở cửa. Cả cuộc đời nó, căn phòng này vẫn ấm áp nhờ hơi bánh mì nướng, đậu lima luộc hoặc cá hầm lục bục sôi. Giờ đây nó lạnh tanh, im ắng và tối ám. “Ai sẽ nấu ăn đây?” con bé hỏi lớn. Vậy cũng như hỏi, Ai sẽ nhảy múa nào? Con bé thắp một cây nến và chọc chọc mớ tro nóng trong lò, thêm vào chút củi nhóm. Bóp cái đồ thổi lửa cho đến khi lửa cháy, rồi thêm củi nữa. Cái tủ lạnh Frigidaire được dùng làm tủ chén vì không có chút điện nào đến gần lán. Để tránh mốc, cánh cửa được kê cho mở rộng bằng một cái đập ruồi. Ấy vậy mà mấy vệt xanh rờn mốc sương vẫn đầy các kẽ. Lấy đồ ăn còn thừa ra, con bé nói, “Mình sẽ cho cháo ngô vào mỡ heo hâm lại,” và nó làm thế rồi ăn ngay trong nồi, vừa ăn vừa nhìn ra cửa sổ chờ ba. Nhưng ông không tới. Khi ánh sáng từ vầng trăng bán nguyệt cuối cùng cũng chạm lên lán, con bé chui vào chỗ ngủ ở hàng hiên – một tấm nệm chỗ gồ chỗ xẹp để dưới sàn, với tấm ga điểm những bông hồng xanh lam nhỏ má kiếm được từ chỗ bán đồ cũ giảm giá – lần đầu tiên trong đời ở một mình vào đêm tối. Thoạt đầu, cứ vài phút là nó ngồi dậy nhìn qua lưới. Lắng nghe tiếng chân bước trong rừng. Con bé biết rõ hình thù mỗi thân cây; vậy mà một số dường như cứ xẹt qua xẹt lại từ góc này tới góc kia, cùng di chuyển với vầng trăng nọ. Con bé sợ cứng người mất một lúc, đến không nuốt được, nhưng vừa khi đó thì bài ca quen thuộc của lũ ếch cây và châu chấu voi ngân lên, lấp đầy bóng tối. Yên ủi tấm lòng hơn cả bài hát ba chú chuột mù với một con dao. Màn đêm có mùi hương ngọt ngào, có hơi thở đượm vị đất của lũ ếch và kỳ giông đã sống sót qua thêm một ngày nồng nực. Đồng lầy rúc lại gần quanh con bé với màn sương giăng thấp, và nó thiếp đi. Ba ngày liền, ba không về và Kya luộc lá củ cải từ vườn của má làm bữa sáng, trưa và tối. Con bé đi ra chuồng gà tìm trứng nhưng thấy trống không. Không một con gà hay cái trứng ở đâu cả. “Gà qué vô tích sự! Tụi bây là một lũ gà qué vô tích sự!” Con bé đã định chăm sóc chúng từ khi má bỏ đi, nhưng chưa làm được gì nhiều cả. Giờ đám gà đã trốn, một bầy pha tạp lộn xộn kêu cục cục sau mấy lùm cây xa xa. Con bé phải rải ngô nghiền thô, để xem liệu có thể giữ chân chúng lại. Vào buổi tối ngày thứ tư, ba xuất hiện với một cái chai và nằm dài ra giường. Đi vào bếp sáng hôm sau, ông quát, “Cả lủ bọn nó đâu hết rồi hả?” “Con không biết,” con bé đáp, không nhìn ông. “Mày đúng là cóc biết gì, chẳng bằng một con chó lai xấu nòi. Thứ vô dụng.” Kya lẳng lặng lẻn ra ngoài qua cửa hiên, nhưng khi lang thang dọc bờ biển tìm vẹm, con bé ngửi thấy mùi khói, nó ngẩng lên và trông thấy một cột khói bốc lên từ phía cái lán. Chạy nhanh hết tốc lực, nó lao qua mấy hàng cây và trông thấy một đống lửa cháy rừng rực trong sân nhà. Ba đang ném hết tranh, váy và sách của má vào ngọn lửa. “Không!” Kya thét lên. Ba không ngó ngàng tới nó, chỉ vứt tiếp cái radio chạy pin cũ kĩ vào trong lửa. Mặt và tay bỏng rát khi nó cố với tới những bức tranh, nhưng cái nóng đẩy nó lùi lại. Kya vội vã chạy về lán để chặn ba trở lại lấy thêm thứ khác, nhìn thẳng vào mắt ông. Ba giơ tay chực đánh Kya, nhưng nó gan lì không tránh. Đột nhiên, ông quay lưng và khập khiễng bước về phía thuyền của mình. Kya ngồi thụp xuống bậc thềm gạch ván, trơ mắt nhìn những bức màu nước vẽ đồng lầy của má âm ỉ cháy thành tro. Con bé ngồi thừ đến khi mặt trời lặn, đến khi tất cả những chiếc nút radio đã rực hóa than hồng và ký ức về điệu jitterbug với má tan chảy vào ngọn lửa. Mấy ngày tiếp theo, Kya học từ sai lầm của người khác, và có lẽ học từ lũ cá tuế nhiều hơn cả, về cách sống với ba. Chỉ cần tránh thật xa, đừng để ông thấy nó, lủi từ chỗ tối này sang bóng râm nọ. Tỉnh dậy và ra khỏi nhà trước khi ba thức, con bé sống trong rừng, dưới nước, chỉ rón rén vào nhà để ngủ trên tấm nệm ở ngoài hiên, gần với đồng lầy hết mức có thể. Ba đã chiến đấu với quân Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, tại đó xương đùi của ông trúng mảnh bom và vỡ nát, nguồn kiêu hãnh cuối cùng của họ. Tiền trợ cấp thương tật của ông tuần tuần lại đến, nguồn thu nhập duy nhất của cả nhà. Một tuần sau khi Jodie bỏ đi, cái tủ Frigidaire đứng trống trơn và hầu như chẳng còn mẩu củ cải nào. Lúc Kya bước vào bếp sáng chủ nhật hôm đó, ba chỉ vào tờ một đô nhàu nát và dăm đồng lẻ trên bàn. “Chỗ này sẽ cho mày đồ ăn chong tuần này. Hông có thứ dì miễn phí,” ông nói. “Thứ dì cũng có dá của nó, và để có tiền mày phải chông cái nhà này, lụm củi đun và dặt đồ.” Lần đầu tiên trong đời Kya đi bộ một mình tới làng ở Vũng Barkley để mua đồ ăn – con heo nhỏ này đi chợ. Nó lê bước qua chỗ cát sâu hoặc bùn đen suốt bốn dặm đường cho tới khi vịnh nước lấp lánh trước mặt, làng nằm trên bờ vịnh đó. Đồng lầy vây lấy thị trấn nhỏ, hòa lẫn cái sương mù mằn mặn của nó với sương muối biển khơi, vốn sẽ dâng lên với triều cường phía bên kia phố Main – phố chính. Cùng nhau, đồng lầy và biển chia tách ngôi làng với phần còn lại của thế giới, sợi dây duy nhất kết nối là con lộ một làn gồ ghề chạy vào thị trấn phủ lớp xi măng rạn vỡ và lỗ chỗ ổ gà. Có hai con phố: Phố Main chạy dọc mé biển với một dãy hàng quán; tiệm tạp hóa Piggly Wiggly một đầu, cửa hàng xe Western Auto một đầu, quán ăn ở giữa. Lẫn trong đó có tiệm năm xu một hào Kress, một cửa hiệu Penney (chỉ có trên catalog), tiệm bánh Parker và hiệu giày Buster Brown. Cạnh bên Piggly là quán bia Dog-Gone, có bán xúc xích, ớt hiểm và tôm rang đựng trong thuyền giấy. Phụ nữ và trẻ con không bước vào quán vì việc đó không được coi là đàng hoàng đứng đắn, nhưng trên tường có trổ một cửa sổ mua mang đi để họ gọi xúc xích và cola Nehi từ ngoài đường. Người da màu chẳng được dùng cả cửa chính lẫn cửa sổ. Phố còn lại, Phố Broad, chạy từ chỗ đại lộ cũ thẳng tới biển và vào Phố Main, chấm dứt ngay ở đó. Vì vậy ngã ba duy nhất trong làng là Phố Main, Phố Broad và Đại Tây Dương. Các cửa tiệm và cửa hiệu không kề sát nhau như hầu hết mọi làng mà được tách ra bởi những khoảng trống nhỏ rợp yến mạch biển hoặc cọ lùn, như thể trong đêm đồng lầy đã nhích lại gần nó. Trong hơn hai trăm năm, thứ gió gắt, mặn đã bào mòn những tòa nhà gỗ tuyết tùng ra màu rỉ sắt, và các khung cửa sổ, hầu hết sơn màu lam hoặc trắng, đã bong tróc và nứt nẻ. Nhìn chung, ngôi làng có vẻ kiệt quệ vì cãi cọ với các yếu tố tự nhiên, và cứ thế mà suy sụp. Cầu tàu của thị trấn, vắt vẻo những sợi thừng xơ xác và đám bồ nông già, thò ra trên vịnh nhỏ, nơi mặt nước khi tĩnh lặng thường phản chiếu sắc đỏ vàng của các thuyền tôm. Những con đường đất, với nhiều căn nhà gỗ tuyết tùng xếp hai bên, uốn lượn qua rừng cây, vòng quanh phá nước và chạy dọc bờ biển ở hai đầu các cửa hàng. Vũng Barkley đúng là một thị trấn ở vùng nước tù đọng, hẻo lánh, nhà cửa rải rác đây một ít kia một ít giữa những cửa sông và bãi sậy, như cái tổ diệc bạch bị gió thổi tan tác. Chân trần và mặc quần yếm ngắn cũn, Kya đứng lại ngay chỗ đường mòn đồng lầy gặp đường cái. Cắn cắn môi, nó muốn bỏ chạy về nhà. Con bé không nghĩ được mình sẽ nói gì với người lạ; làm sao nó biết xài tiền thế nào để mua đồ. Thế nhưng cơn đói là thứ rất thúc người, vậy nên con bé dấn bước lên Phố Main và đi tiếp, đầu cúi xuống, hướng tới tiệm Piggly trên cái lề đường vỡ nát thỉnh thoảng hiện ra giữa những cụm cỏ. Khi tới gần tiệm năm xu một hào, con bé nghe náo động sau lưng và vừa kịp nhảy sang bên khi ba thằng con trai lớn hơn vài tuổi vụt qua trên xe đạp. Thằng đi đầu quay lại ngó con bé, phá lên cười vì pha xém đụng, để rồi suýt tông vào một người phụ nữ từ cửa tiệm bước ra. “CHASE ANDREWS, quay lại đây! Biểu cả ba đứa đó.” Ba thằng nhóc đạp ráng thêm vài thước nữa, nhưng rồi biết khôn mà trở lại chỗ người phụ nữ, chính là cô Pansy Price, người bán vải và mấy món lặt vặt để may vá. Gia đình cô này từng sở hữu trang trại lớn nhất ở mé ngoài đồng lầy, và mặc dù họ bị buộc phải bán hết chỗ đó đã lâu, cô vẫn tiếp tục sắm vai cô chủ đất thượng lưu quý phái. Đó chẳng phải việc dễ dàng khi người ta sống trong căn hộ bé như lỗ mũi nằm trên một quán ăn. Cô Pansy thường đội mũ kiểu dáng như turban lụa, và sáng nay vật đội đầu của cô hồng rực, làm nổi bật màu son đỏ thắm và vệt phấn hồng. Cô mắng ba thằng nhỏ. “Tôi xẻ mách cho mẹ của mấy đứa biết chuyện này. Hoặc tốt hơn nữa là ba của mấy đứa. Phóng xe nhanh vậy trên vỉa hè, chút nữa là cáng tôi rồi còn gì. Cháu có dì để nói không, Chase?” Thằng này có cái xe trông xịn nhất – yên đỏ và tay lái bằng chrome nâng lên. “Bọn cháu xin lỗi, cô Pansy, bọn cháu không thấy cô vì con nhỏ đằng kia chắn đường.” Chase, với nước da rám nắng và mái tóc đen, chỉ về phía Kya, con bé đã lùi lại và đứng khuất một nửa trong bụi hương đào. “Nói làm gì con bé đó. Mấy đứa hông thể đổ tội lên người khác, kể cả thứ rác rưởi đầm lầy. Nào, bây giờ các cháu phải làm một việc tốt để lấy công chuộc tội. Cô Arial với mớ đồ lỉnh kỉnh kìa, lại giúp mang đồ vào xe tải cho cô ấy đi. Và bỏ áo dô thùng coi nào.” “Dạ, thưa cô,” tụi con trai đáp và đạp xe tới chỗ cô Arial, giáo viên lớp hai của ba đứa. Kya biết bố mẹ của thằng con trai tóc đen là chủ cửa hàng Western Auto, vậy nên cu cậu mới được cưỡi cái xe mốt nhất. Con bé từng thấy thằng này dỡ mấy thùng các-tông hàng hóa to đùng xuống từ xe tải, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với nhóm đó. Con bé chờ vài phút rồi lại cúi đầu xuống, đi về phía tiệm tạp hóa. Vào trong Piggly Wiggly, Kya săm soi các loại bột ngô và chọn một túi nửa cân bột vàng nghiền thô vì cái nhãn đỏ bên trên – đặc biệt trong tuần. Như má đã dạy. Nó nhấp nhổm giữa lối đi cho đến khi không còn khách hàng nào trước máy tính tiền nữa, lúc đó nó mới bước lại và đối mặt với người tính tiền, cô Singletary. Cô hỏi, “Mẹ của cháu đâu?” Tóc cô Singletary cắt ngắn, uốn xoăn tít và nhuộm tím như diên vĩ trong ánh mặt trời. “Đang làm việc nhà, thưa cô.” “Chà, cháu có tiền trả cho túi bột không nào?” “Có ạ.” Không biết đếm sao cho đúng giá, con bé để xuống hẳn một đô-la. Cô Singletary ngờ là đứa nhỏ chẳng biết đồng nào với đồng nào, thế nên khi đặt tiền thối vào lòng bàn tay xòe ra của Kya, cô đếm thật chậm, “Hai mươi lăm, năm mươi, sáu mươi, bảy mươi, tám mươi, tám mươi lăm và ba đồng một xu. Vì túi bột có giá mười hai xu.” Kya cảm thấy bụng nhộn nhạo. Nó có phải đếm cái gì trả lại không? Con bé nhìn lom lom mấy đồng xu đánh đố trên tay mình. Cô Singletary dường như dịu dàng hơn. “Được rồi đó. Cháu dọt đi nào.” Kya vụt chạy khỏi cửa hàng và bước nhanh hết mức về phía con đường đồng lầy. Nhiều lần má đã dặn nó, “Không bao giờ được chạy trong thị trấn, không thì người ta sẽ nghĩ con chôm chỉa gì đó.” Nhưng khi tới chỗ đường cát, Kya liền chạy một mạch nửa dặm. Rồi rảo bước nhanh suốt quãng đường còn lại. Về nhà, cứ nghĩ mình đã biết nấu bột ngô, con bé trút nó vào nước sôi như má từng làm, nhưng bột vón hết lại thành một cục tròn cháy khét dưới đáy mà sống nhăn ở giữa. Dai tới nỗi con bé chỉ cắn được vài mẩu, thế nên nó lại sục sạo vườn nhà và tìm được vài lá củ cải giữa bụi cúc hoàng anh. Rồi luộc chúng lên và ăn hết, xì xụp húp cả nước. Vài ngày sau con bé đã biết sơ sơ cách nấu cháo, mặc dù bất kể nó khuấy cật lực thế nào, bột vẫn hơi vón lại. Tuần kế tiếp nó mua xương sống – có nhân đỏ – rồi nấu với bột ngô và cải rổ thành một thứ cháo sệt có vị cũng vừa ăn. Kya đã giặt đồ khối lần với má, nên nó biết cách dùng mấy cục xà phòng và cọ xát quần áo vào tấm chà dưới vòi nước ngoài sân. Mấy cái quần của ba khi ướt nặng trình trịch làm nó không tài nào vắt được bằng bàn tay nhỏ xíu, và con bé cũng chẳng với tới dây treo để máng chúng lên được, nên đành để chúng sũng nước vắt tạm qua đám cọ lùn ở bìa rừng. Con bé và ba cứ theo điệu nhảy hai bước kiểu này, sống tách biệt nhau trong cùng cái lán, nhiều khi mấy ngày liền không đụng mặt nhau. Hầu như chẳng bao giờ nói chuyện. Kya dọn dẹp đống bừa bộn của mình và của ba, như một người phụ nữ nhỏ nghiêm túc. Nó chẳng giỏi bếp núc đủ để nấu các bữa cho ba – dù sao ông cũng chẳng có mặt – nhưng nó xếp giường cho ông, thu dọn, quét tước và rửa chén hết phần lớn thời gian. Chẳng phải vì ai bảo nó làm, mà vì đó là cách duy nhất để giữ cho cái lán tươm tất chờ má trở về. Má luôn nói vầng trăng mùa thu ló dạng vì sinh nhật Kya. Vậy nên mặc dù nó không nhớ ngày sinh của mình, vào một buổi tối khi trăng nhú lên tròn căng và vàng óng từ phá nước, Kya thầm nói, “Chắc là mình đã lên bảy.” Ba chẳng đả động gì tới chuyện đó; chắc chắn là không có bánh sinh nhật. Ông cũng chẳng nói nửa lời về việc cho con bé đi học và nó, vốn không biết được bao nhiêu về trường lớp, lại sợ mà chả dám nhắc ba. Chắc má sẽ về vì sinh nhật nó chứ, thế nên buổi sáng sau đêm trung thu, con bé mặc vào bộ váy hoa và phóng mắt trông ra đường. Kya dùng hết sức hình dung má bước về phía nhà, vẫn đôi giày cá sấu và chiếc váy thướt tha, những mong làm vậy sẽ biến cảnh đó thành hiện thực. Khi không ai về cả, nó lấy nồi cháo ngô và băng rừng ra bờ biển. Giơ tay lên miệng, con bé ngửa cổ và cất giọng kêu, “Kii-aao; kii-aao; kii-aao.” Những vệt xám bạc hiện ra trên nền trời từ hai đầu bờ biển, từ bên kia làn sóng. “Chúng tới kìa. Mình không thể đếm tới số lớn như số mòng biển đó,” con bé lẩm bầm. Kêu vang và rít lên lanh lảnh, lũ chim liệng vòng và bổ xuống, lượn lờ gần gương mặt Kya, rồi đáp xuống bờ khi nó thảy bột ngô cho chúng. Cuối cùng, chúng im lặng và đứng rải rác rỉa lông, còn con bé ngồi bệt trên cát, chân gập về một phía. Một con mòng biển lớn ngồi xuống bờ cát gần chỗ Kya. “Hôm nay là sinh nhật tao,” con bé nói với chú chim đó. Chase 1969 Mấy chân trụ mục nát của tháp phòng cháy bỏ hoang giạng đứng trên đầm lầy, cái đầm tỏa ra những tua sương mù quấn quýt. Trừ lũ quạ kêu khan, khu rừng im lặng như đang nín thở đợi chờ khi hai thằng con trai, Benji Mason và Steve Long, cùng mười tuổi, cùng mái tóc vàng, bắt đầu bước lên cầu thang ẩm ướt vào sáng ngày 30 tháng Mười, năm 1969. “Trời thu đáng ra hông nóng dữ vầy,” Steve nói vọng ra sau với Benji. “Ừ, và thứ dì cũng im thít trừ lũ quạ.” Đưa mắt nhìn xuống giữa bậc thang, Steve kêu lên, “Ơ. Cái gì kia?” “Đâu?” “Nhìn đi, đằng đó đó. Quần áo xanh, như có người đang nằm trong bùn vậy.” Benji gọi to, “Này, anh kia! Đang làm dì đó?” “Tao thấy một cái mặt, nhưng nó hông chuyển động dì hết.” Tay đánh thoăn thoắt, hai thằng chạy trở lại xuống đất và dấn bước về phía bên kia chân tháp, thứ bùn hơi xanh lục bám quết ủng của chúng. Ở đó một người đang nằm, ngửa lưng, chân trái quặt ra trước một cách kỳ dị. Mắt mở trừng và mồm há hốc. “Lạy Chúa!” Benji kêu lên. “Chúa ơi, đó là Chase Andrews.” “Chúng ta nên đi kiu cảnh sát trưởng tới.” “Nhưng lẻ ra chúng ta hông được ra đây.” “Ai để ý chuyện đó giờ này nữa. Tụi quạ sục tới bây giờ.” Hai thằng ngoái đầu về phía tiếng quạ quang quác vọng tới, và Steve bảo, “Có lẽ tao với mày một đứa phải ở lại, xua lũ chim khỏi bâu anh ta.” “Mày điên rồi nếu mày nghĩ tao sẽ quanh quẩng ở đây một mình. Và tao cược một cái đầu da đỏ là mày cũng chả dám.” Nói thế rồi hai thằng chụp lấy hai xe, guồng chân đạp trên đường cát dấp dính về lại Phố Main, phóng qua khu trung tâm, và chạy vào tòa nhà thấp nơi cảnh sát trưởng Ed Jackson đang ngồi tại bàn làm việc trong văn phòng thắp sáng bằng mấy bóng đèn treo lủng lẳng. Lực lưỡng với chiều cao trung bình, ông có mớ tóc hoe đỏ, mặt cùng cánh tay lấm chấm tàn nhang, và đang ngồi lật xem một tờ Sports Afield. Không gõ trước, hai thằng nhỏ xộc thẳng qua khung cửa mở. “Chú cảnh sát trưởng…” “Ô, chào Steve, Benji. Bộ hai đứa mới thấy một đám cháy hả?” “Chúng cháu thấy Chase Andrews nằm thẳng đơ trong đầm lầy dưới tháp phòng cháy. Anh ta trông có vẻ chết rồi. Hông động đậy dì hết.” Kể từ khi Vũng Barkley có người đến định cư hồi năm 1751, không nhà chức trách nào mở rộng phạm vi quyền hạn của mình vượt quá vùng cỏ răng cưa. Vào những năm 1940 và 1950, vài viên cảnh sát trưởng đã thả chó săn đuổi theo mấy tên tù từ đất liền trốn vào đồng lầy, và đồn cảnh sát vẫn giữ chó phòng khi cần đến. Thế nhưng Jackson thường lờ đi những tội ác thực hiện trong đầm lầy. Sao phải cản lũ chuột giết nhau chứ? Thế nhưng đây lại là Chase. Viên cảnh sát trưởng đành đứng dậy và lấy mũ xuống từ trên giá. “Chỉ đường đi.” Những nhánh sồi và cây nhựa ruồi cọ kèn kẹt lên xe tuần tra khi cảnh sát trưởng cẩn thận lái trên đường cát, bên cạnh là bác sĩ Vern Murphy, người thon gọn và khỏe mạnh với mái tóc ngả bạc, bác sĩ duy nhất của thị trấn. Người họ lắc lư theo giai điệu của những vết lún sâu, đầu Vern thiếu chút là đập vào cửa sổ. Là bạn cũ gần tuổi nhau, họ đã vài lần cùng nhau câu cá và thường bị ném vào cùng vụ án. Giờ cả hai lặng thinh trước viễn cảnh xác nhận được danh tính cái xác trong đầm. Steve và Benji ngồi trên thùng xe với xe đạp của chúng đến khi xe dừng lại. “Anh ta ở kia, chú Jackson. Đằng sau mấy bụi cây đó.” Ed bước xuống xe. “Hai đứa đợi đây.” Rồi ông và bác sĩ Murphy lội bùn đến chỗ Chase nằm chết. Lũ quạ đã nháo nhào bay đi khi chiếc xe chạy tới, nhưng những loài chim khác và côn trùng vẫn vo ve bên trên. Sự sống xấc xược vẫn đều đều tiếp diễn. “Là Chase, thật thế. Sam và Patti Love làm sao sống nổi đây.” Vợ chồng Andrew đã nhập về mọi cái bugi, cân đối mọi tài khoản, treo mọi cái mác giá ở Western Auto vì đứa con duy nhất của họ, Chase. Ngồi thụp xuống cạnh thi thể, cố tìm một nhịp tim bằng chiếc ống nghe, Vern tuyên bố rằng cậu trai đã chết. “Anh nghĩ được bao lâu rồi?” Ed hỏi. “Tôi áng chừng ít nhất là mười giờ. Pháp y sẽ biết chắc thôi.” “Vậy chắc cậu ta đã trèo lên đó tối qua. Té xuống từ trên đỉnh.” Vern khám xét sơ bộ người Chase mà không di chuyển cậu, rồi đứng lên cạnh Ed. Hai người nhìn đăm đăm vào mắt Chase, vẫn dõi lên trời từ khuôn mặt trương phồng, rồi nhìn xuống cái miệng há hoác của cậu. “Đã bao lần tôi nói với người trong thị trấn là chuyện như vầy rồi sẽ xảy ra thôi,” cảnh sát trưởng làu bàu. Họ đã biết Chase từ khi cậu sinh ra. Đã dõi theo cuộc đời cậu từ một đứa trẻ dễ thương thành thiếu niên dễ mến; từ trung phong ngôi sao và chàng trai đắt giá nhất thị trấn đến lúc cậu làm việc cho bố mẹ. Cuối cùng, là người đàn ông bảnh bao cưới cô gái xinh đẹp nhất. Bây giờ cậu nằm sõng soài một mình, chẳng cao quý gì hơn cái đầm lầy. Cú vặt đi thô bạo của cái chết, như mọi khi, đã cướp mọi hào quang. Ed phá vỡ sự im lặng. “Vấn đề là, tôi không hiểu sao mấy cô cậu khác không chạy đi kiếm người giúp đỡ. Bọn họ luôn tới đây theo nhóm, hoặc ít nhất là có cặp, để vuốt ve nhau.” Cảnh sát trưởng và bác sĩ trao đổi những cái gật đầu nhẹ mà hiểu ý, biết rằng mặc dù đã kết hôn, Chase vẫn có thể đưa cô gái khác tới tháp canh phòng. “Hãy quay ra khỏi chỗ này. Quan sát một lượt,” Ed bảo và nhấc chân lên, bước cao hơn cần thiết. “Hai đứa ở yên chỗ đó; đừng đi tùm lum mà thêm lắm vết chân.” Chỉ vào những dấu chân chạy từ cầu thang, băng qua đầm, đến khoảng hai thước rưỡi gần Chase, Ed hỏi bọn trẻ, “Đó là dấu chân của hai đứa hồi sáng này hả?” “Dạ, chúng cháu chỉ đi tới đó,” Benji đáp. “Vừa thấy là Chase thì tụi cháu lùi lại. Chú có thể thấy chỗ chúng cháu lùi bước ở kia.” “Được rồi.” Ed xoay người. “Vern, có gì đó không đúng. Chẳng có dấu chân nào gần cái xác cả. Nếu Chase đi với bạn hay ai đó khác, khi cậu ta bị ngã, họ sẽ chạy xuống đây và giẫm khắp xung quanh cậu ta, quỳ xuống bên cậu ta. Xem cậu ta còn sống hay đã chết. Nhìn vết chân chúng ta lún sâu trong bùn thế nào kìa, nhưng chẳng có dấu vết mới nào khác nữa. Không có dấu chân chạy lại cầu thang hay từ cầu thang chạy ngược ra, không có dấu chân quanh cái xác.” “Có khi cậu ta chỉ đến một mình. Vậy sẽ giải thích được tất cả.” “Hừ, tôi chỉ anh một điểm mà nó không giải thích được nhé. Dấu chân của cậu ta đâu? Làm sao Chase Andrews đi dọc lối mòn, băng qua bãi bùn nhớp nháp này tới cầu thang leo lên đỉnh tháp mà không để lại dấu chân nào cả?” Trường học 1952 Vài ngày sau sinh nhật, một mình chân trần bước trên bùn, Kya cúi xuống, ngắm một con nòng nọc đang mọc ra chân. Đột ngột con bé đứng phắt dậy. Một chiếc ô tô vừa xộc tung lớp cát sâu cuối đường nhà họ. Chưa bao giờ có ai lái xe tới chốn này. Rồi tiếng rì rầm trò chuyện của hai người – một nam một nữ – thoảng tới qua cành lá. Kya phóng tới bụi cây, nơi nó có thể thấy người vừa tới mà vẫn có đường trốn chạy. Như Jodie từng dạy ngày ấy. Một phụ nữ từ trong xe bước ra, chân đi giày cao gót trên cát hơi loạng choạng, cũng như má. Chắc họ là người từ trại mồ côi tới bắt con bé. Chắc chắn mình có thể chạy vượt cái bà đó. Bả sẽ té dập mũi trong đôi giày kia. Kya đứng yên và nhìn người phụ nữ bước tới cửa. “A lô, có ai ở nhà không? Tôi là người đón học sinh vắng mặt đây. Tôi tới để đưa Catherine Clark tới trường.” Cái này đáng chú ý đấy. Kya ngồi im thít. Con bé khá chắc là mình phải tới trường khi lên sáu. Giờ họ đã tới, trễ mất một năm rồi. Con bé không có chút ý niệm gì về cách nói chuyện với tụi con nít khác, càng không phải với một giáo viên, nhưng nó muốn học đọc và muốn biết số gì tiếp theo hai mươi chín. “Catherine, bé ơi, nếu con nghe thì ra đây nhé. Đó là luật rồi, bé à; con phải tới trường. Nhưng ngoài ra thì con sẽ thích trường học đó. Con sẽ được một bữa trưa miễn phí mỗi ngày. Cô nghĩ hôm nay họ có món bánh nướng nhân thịt gà vỏ giòn rụm.” Cái này nghe hấp dẫn quá. Kya đang rất đói. Bữa sáng nó đã nấu cháo ngô khuấy thêm bánh quy mặn vì không có chút muối nào. Một điều con bé đã học được về cuộc sống: ta không thể ăn cháo ngô mà thiếu muối. Kya chỉ được ăn bánh nướng nhân thịt gà vài lần trong đời, nhưng vẫn như thấy được lớp vỏ vàng ruộm đó, ngoài giòn rụm, trong dẻo mềm. Con bé vẫn nếm được vị nước thịt beo béo, như thể miếng thịt tròn đầy lắm. Chính cái bụng tự làm theo ý nó đã xui Kya đứng bật dậy giữa đám lá cọ. “Xin chào cô bé, cô là Culpepper. Con đã lớn và sẵn sàng đến trường học rồi nhỉ?” “Dạ,” Kya đáp, đầu cúi thấp. “Không sao, con có thể đi chân không, các bạn nhỏ khác cũng vậy, nhưng vì là con gái, con phải mặc váy. Con có đầm hay váy không bé cưng?” “Dạ có. “Được rồi, hãy đi diện cho con đẹp lên nào.” Cô Culpepper theo Kya đi qua cửa hiên, phải bước qua một dãy tổ chim mà nó đã xếp dọc theo những tấm ván. Trong phòng ngủ, Kya mặc vào bộ váy duy nhất vừa vặn, chiếc váy yếm kẻ ô mà một quai đeo được gắn lại bằng một chiếc kim băng. “Được rồi bé, trông con ổn rồi.” Cô Culpepper chìa tay ra. Kya tròn mắt nhìn bàn tay đó. Con bé đã nhiều tuần không chạm vào người khác, cả đời chưa từng đụng vào người lạ. Thế nhưng nó đặt bàn tay nhỏ xíu của mình vào tay cô Culpepper và được dắt xuống lối đi, đưa tới chiếc Ford Crestliner do một người đàn ông trầm lặng đội mũ phớt xám cầm lái. Ngồi ở ghế sau, Kya không mỉm cười và không cảm thấy mình như chú gà con nấp dưới cánh mẹ. Vũng Barkley có một trường học cho người da trắng. Học trò từ lớp một tới lớp mười hai đi đến một tòa nhà gạch hai tầng ở đầu đường ngược lại với đồn cảnh sát trên Phố Main. Bọn trẻ da đen có trường học riêng, một khối nhà xi măng một tầng gần Phố Da màu. Khi con bé được đưa vào văn phòng nhà trường, người ta tìm thấy tên nó nhưng không thấy ngày sinh trong hồ sơ của hạt, thế là họ cho nó vào lớp hai, dù nó chưa từng tới trường ngày nào trong đời. Dù sao đi nữa, họ nói, lớp một cũng quá đông rồi, và lớp mấy có khác biệt gì đâu với dân đồng lầy, vốn chỉ chường mặt lên trường vài tháng, có lẽ, rồi sau chẳng ai thấy mặt nữa. Khi hiệu trưởng dẫn nó đi dọc một hành lang rộng vang vọng tiếng chân, mồ hôi túa ra trên chân mày con bé. Ông mở cửa một phòng học và khẽ đẩy nó vào. Áo sơ mi kẻ ca rô, váy dài, giày, rất nhiều giày, mấy bàn chân trần, và bao nhiêu con mắt – tất cả nhìn chằm chằm Kya. Con bé chưa bao giờ thấy nhiều người đến vậy. Đâu chừng cả tá. Giáo viên, chính cô Arial mà ba đứa con trai đã giúp, dẫn Kya tới một bàn gần cuối lớp. Con bé có thể để đồ của mình vào ngăn tủ, nó được dặn thế, nhưng Kya có đồ đạc gì đâu. Cô giáo bước trở lại trước lớp và gọi, “Catherine, hãy đứng dậy và cho cả lớp biết tên đầy đủ của em nào.” Bụng con bé cồn lên. “Nào, em thân mến, đừng sợ.” Kya đứng dậy. “Cô Catherine Danielle Clark,” con bé đáp, vì đó là cái mà má từng bảo là tên đầy đủ của nó. “Em đánh vần chó cho lớp nghe được không?” Nhìn chằm chằm xuống đất, Kya đứng im. Jodie và má đã dạy nó vài con chữ. Nhưng con bé chưa từng đánh vần từ nào thành tiếng cho người khác nghe. Căng thẳng nhộn nhạo trong bụng nó; nhưng con bé vẫn cố. “O-h-c.” Tiếng cười bật ra dọc các dãy ghế. “Suỵt! Im lặng nào, các em!” Cô Arial cao giọng nhắc. “Chúng ta không bao giờ được cười, mấy đứa nghe không, chúng ta không bao giờ cười nhạo lẫn nhau. Mấy đứa biết điều hơn thế.” Kya ngồi xuống thật nhanh trên chiếc ghế cuối phòng, cố gắng biến mất như một con bọ vỏ cây hòa lẫn vào tấm thân sần sùi xói rãnh của cây sồi. Dẫu căng thẳng vậy nhưng khi cô giáo tiếp tục bài giảng, con bé vẫn chồm về trước, chờ được nghe số nào nối tiếp hai mươi chín. Nãy giờ cô Arial toàn nói về ngữ âm gì đó, và đám học trò, miệng mở thành hình chữ o, lặp lại những tiếng ah, aa, o và u của cô, cả bọn rền rĩ như lũ bồ câu vậy. Khoảng mười một giờ, mùi bơ ấm đượm của men bánh mì ổ nhỏ và bột bánh nướng tỏa khắp các hành lang và len lỏi vào phòng. Bụng Kya nhói lên cồn cào, và khi cả lớp cuối cùng cũng xếp thành một hàng diễu vào căn tin, miệng của con bé đã ứ đầy nước. Bắt chước người khác, nó nhặt một cái khay, một chiếc dĩa nhựa xanh lá và muỗng nĩa. Một cửa sổ lớn có quầy phục vụ mở vào bếp, và bày ra trước mặt con bé là một chảo tráng men khổng lồ đựng bánh nướng thịt gà với lưới bột giòn đan dọc ngang trên mặt, nước thịt nóng hổi xèo xèo. Một phụ nữ da đen cao ráo, tươi cười và gọi vài đứa trẻ bằng tên thay vì họ, thả phụp một phần bánh bự lên dĩa của nó, rồi một cô áo hồng thêm vào bơ và một ổ bánh mềm. Con bé nhận phần pudding chuối và hộp sữa nhỏ màu trắng đỏ rồi đặt lên khay. Kya quay vào khu vực chỗ ngồi, hầu hết các bàn đã đầy nhóc tụi nhỏ nói cười rôm rả. Nó nhận ra Chase Andrews và nhóm bạn ở đó, mấy thằng cưỡi xe đạp suýt húc nó văng khỏi vỉa hè, thế nên con bé quay đầu đi chỗ khác và ngồi vào một bàn trống. Nhiều lần liên tục, đôi mắt Kya cứ phản chủ và đánh về phía bọn con trai kia, những gương mặt duy nhất nó biết. Thế nhưng chúng cũng như tất cả những người khác, chỉ phớt lờ nó. Kya nhìn chăm chăm vào phần bánh đầy ụ thịt gà, cà rốt, khoai tây và đậu Hà Lan nhỏ. Bột bánh vàng ruộm ngả nâu phủ ở trên. Vài đứa con gái, mặc váy dài nhiều lớp phồng lên, lần lần tiến lại. Một đứa cao ngồng, gầy gò, mái tóc hoe vàng, một đứa tròn trĩnh có cặp má phinh phình. Kya tự hỏi làm sao tụi này có thể trèo cây hay lên thuyền khi mặc váy xống lùng phùng thế. Dám chắc không thể lội bắt ếch, thậm chí chẳng thể thấy chân mình. Khi chúng lại gần, Kya dán chặt mắt vào khay của nó. Con bé biết nói gì nếu chúng ngồi vào chỗ cạnh bên? Thế nhưng hai đứa con gái lướt qua, ríu rít như chim, và tới ngồi với bạn của chúng ở bàn khác. Với cả cơn đói cồn cào trong bụng, vậy mà con bé thấy miệng mình khô khốc, nuốt cũng khó khăn. Thế nên sau khi ăn vài miếng nhỏ, con bé uống cạn sữa, nhồi nhét nhiều bánh nướng nhất có thể vào hộp sữa đó, cẩn thận để không ai trông thấy, rồi dùng khăn giấy quấn quanh hộp với bánh mì mềm. Phần còn lại của ngày, nó chẳng hề mở miệng. Ngay cả khi giáo viên hỏi nó câu gì, con bé cũng ngồi im thít. Kya cho rằng đúng ra phải là nó học hỏi họ, đâu phải họ học hỏi nó. Tự dưng lại đưa thân ra cho người ta cười nhạo làm gì? nó nghĩ vậy. Khi tiếng chuông tan lớp vang lên, con bé được bảo rằng xe buýt sẽ thả nó xuống cách ngõ nhà ba dặm vì chạy xa hơn nữa thì đường cát lắm, và rằng sáng nào nó cũng phải đi bộ ra chỗ đón xe. Trên đường về, trong lúc chiếc xe buýt lắc lư trên mấy vết lún sâu và đi qua những vạt miên man cỏ đầm nước mặn, có tiếng ê a vang lên từ đằng trước: “Cô Catherine Danielle Clark!” Cao-gầy-tóc-vàng và Tròn-tròn-má-phính, hai đứa con gái hồi trưa, gọi váng lên, “Mày ở đâu, con gà nước? Nón mày đâu, con chuột đồng lầy?” Cuối cùng, chiếc xe cũng dừng lại ở một điểm không tên không số, nơi gặp nhau của nhiều lối mòn rối bung dẫn vào rừng. Bác tài gạt cần cho cửa mở và Kya lủi ra, cắm đầu chạy một mạch gần nửa dặm, thở hồng hộc, rồi đi bộ suốt tới ngõ nhà. Nó không dừng lại ở cái lán mà chạy qua bãi cọ lùn ra phá nước, xuôi lối mòn len lỏi giữa rừng sồi dày đặc đầy che chở ra tới biển. Khi con bé xộc ra bờ biển trụi trơ, biển dang ra vòng tay rộng mở, gió thốc tung mái tóc bím lòa xòa khi Kya dừng bước ngay mép sóng. Nó chực khóc và đã vậy cả ngày. Giữa tiềng ầm ào của những con sóng dập dồn, Kya cất tiếng gọi lũ chim. Biển cả hát tông nam trầm, mòng biển ca giọng nữ cao. Rít và kêu thất thanh, chúng lượn vòng trên đồng lầy và bờ cát khi con bé ném vỏ bánh nướng và bánh mì mềm ra đất. Chân thõng xuống, đầu ngó nghiêng, chúng đáp xuống. Một vài chú chim mổ khẽ vào giữa mấy ngón chân con bé, và nó cười to vì nhột cho tới khi nước mắt chảy trào, rồi cuối cùng những tiếng nức nở lớn, khàn bật ra từ chỗ ứ nghẹn dưới cổ họng Kya. Khi bánh trong hộp hết veo, nó không nghĩ mình có thể chịu nổi cơn đau nữa, sợ rằng lũ chim cũng sẽ bỏ lại nó như tất cả mọi người. Nhưng bầy mòng biển ngồi xuống trên bờ biển quanh nó và như mọi khi, tiếp tục bận rộn rỉa đôi cánh xám dài. Thế nên con bé cũng ngồi xuống và ước chi có thể ôm chúng lên trong tay, mang về hiên nhà ngủ cùng với nó. Kya tưởng tượng cả đám lúc nhúc trong giường nó, một đống mềm mịn những cơ thể phủ lông ấm áp cùng nhau rúc dưới mền. Hai ngày sau, nghe tiếng chiếc Ford Crestliner nghiến cát, nó vội chạy vào đồng lầy, dận bước thật mạnh trên bãi cát, in dấu chân rõ như ban ngày, rồi nhón chân đi vào nước, không chừa dấu vết, sau đó quành lại chạy về hướng khác. Khi tới chỗ bùn lầy, con bé chạy lòng vòng, tạo ra một nùi rối rắm các đầu mối. Và lúc tới nơi đất cứng, nó nhẹ nhàng vụt qua, nhảy thoăn thoắt từ bụi cỏ sang que cây, chẳng để lại vết tích gì. Họ cứ cách hai ba hôm lại đến, liên tục vài tuần liền, người đàn ông đội mũ phớt truy đuổi và tìm kiếm, nhưng thậm chí chẳng bao giờ tới được gần nó. Rồi một tuần kia chẳng ai tới nữa. Chỉ có tiếng quang quác quạ kêu. Con bé buông thõng tay hai bên, giương mắt nhìn con đường trống. Kya không trở lại trường một ngày nào trong đời. Con bé quay về ngắm lũ diệc và lượm lặt vỏ sò, nơi nó nghĩ mình có thể học được gì đó. “Mình đã có thể gù như bồ câu,” nó tự bảo bản thân. “Và giỏi hơn bọn họ nhiều lắm. Ngay cả với đống giày đẹp đẽ của họ.” Một buổi sáng, vài tuần sau ngày con bé đến trường, mặt trời chói chang nóng đến trắng lòa khi Kya trèo lên pháo đài cây của anh nó bên bờ biển và dõi mắt tìm tàu buồm treo cờ đầu lâu xương chéo. Chứng tỏ rằng trí tưởng tượng nảy mầm trong vùng đất cô đơn nhất, con bé hét, “Hô! Hô, lũ hải tặc, hô!” Vung kiếm của mình lên, nó nhảy từ trên cây xuống tấn công. Đột nhiên một cơn đau nhói xuyên qua bàn chân phải, chạy như lửa bỏng lên cẳng chân nó. Gối quỵ xuống, con bé ngã qua một bên và rít lên. Nó thấy một cái đinh dài rỉ sét đâm sâu vào lòng bàn chân mình. “Ba!” nó hét. Nó cố nhớ xem tối qua ông có về không. “CỨU con, ba,” nó kêu to, nhưng không có ai đáp lại. Nhanh hết sức, nó thò tay xuống và giật cái đinh ra, thét to để khỏa lấp cơn đau đớn. Kya quờ tay trên cát trong những cử động vô nghĩa, miệng khẽ rên. Cuối cùng, nó ngồi dậy và nhìn xuống lòng bàn chân mình. Gần như không có máu, chỉ có cái lỗ bé xíu của một vết thương nhỏ, sâu hoắm. Lúc đó nó sực nhớ tới bệnh phong đòn gánh. Bụng con bé thắt lại và người lạnh toát. Jodie từng kể nó nghe về một thằng bé đạp phải đinh rỉ và không chích uốn ván. Hàm của thằng nhỏ cứng ngắc, khép chặt đến nỗi không thể mở miệng ra. Rồi sống lưng nó bẻ ưỡn ra sau như một cánh cung, nhưng chẳng ai làm được gì ngoài đứng đó nhìn thằng bé chết vì người bị bẻ vặn vẹo. Jodie nói rất rõ một điểm: ta phải được chích ngừa trong vòng hai ngày sau khi đạp đinh, không thì ngỏm. Kya không biết tí gì về việc làm sao để được chích. “Mình phải làm dì đó. Chắc chắn sẽ co cứng chết nếu chờ ba.” Mồ hôi hột hột tuôn xuống mặt con bé, nó cà nhắc băng qua bãi biển, cuối cùng đi vào bóng sồi mát quanh nhà. Má từng ngâm các vết thương trong nước muối và đắp bùn trộn đủ loại nước thuốc lên trên. Không có muối trong nhà bếp nên Kya tập tễnh vào rừng, đi tới chỗ một dòng nước lợ thường trở nên mặn chát khi triều xuống, ven bờ lấp lánh thứ tinh thể trắng lóa. Con bé ngồi trên bờ, vừa nhúng bàn chân vào nước muối đồng lầy, vừa liên tục cử động miệng: mở, ngậm, mở, ngậm, giả vờ ngáp, làm động tác nhai, bất cứ thứ gì hòng ngăn hàm cứng lại. Sau gần một giờ, nước ròng đủ để nó dùng tay đào một lỗ trong bùn đen rồi nhẹ nhàng sục chân vào tầng đất mềm mịn. Không khí ở đây mát mẻ và tiếng kêu của đại bàng cho nó biết phương hướng. Đến chiều muộn, con bé đã rất đói nên về lại cái lán. Phòng của ba vẫn trống trơn và chắc hẳn ông không về trong nhiều giờ nữa. Không có bột ngô nhưng sục sạo quanh nhà, nó tìm thấy một hộp thiếc cũ nhóp nháp chứa mỡ đặc Crisco, chấm lấy một chút mỡ trắng và trét lên một cái bánh quy mặn. Ban đầu nó nhẩm từng mẩu nhỏ, rồi ăn thêm hẳn năm cái. Kya nhẹ nhàng chui vào giường nó trên hiên, lắng tai chờ tiếng thuyền ba. Đêm tới giằng xé và chọc thủng, giấc ngủ chỉ đến từng mẩu vụn, nhưng con bé hẳn đã thiếp đi lúc gần sáng vì nó bừng tỉnh khi mặt trời đã rọi thẳng mặt. Vội vàng, nó mở miệng; vẫn còn được. Con bé lê bước đi đi về về giữa hồ nước lợ và cái lán cho tới khi, nhờ theo dõi mặt trời, nó biết hai ngày đã qua đi. Kya mở và ngậm miệng lại. Có lẽ nó đã thoát được. Đêm đó, rúc trong tấm trải nệm, bàn chân đóng bùn quấn trong miếng vải vụn, con bé tự hỏi liệu nó có tỉnh dậy và thấy mình đã chết. Không, nó nhớ, sẽ không dễ vậy: lưng nó sẽ ưỡn cong; tay chân vặn vẹo. Vài phút sau, con bé nghe nhói ở phần lưng dưới và bật dậy. “Ôi không, ôi không. Má, má ơi.” Cảm giác ở lưng lặp lại khiến nó lặng đi. “Chỉ là bị ngứa,” nó lẩm bẩm. Cuối cùng, thật sự kiệt lực, nó thiếp đi, không mở mắt cho tới khi lũ bồ câu rủ rỉ giữa đám sồi. Kya tới hồ nước hai lần mỗi ngày trong suốt một tuần, sống bằng bánh quy mặn với Crisco, và ba chẳng về nhà lần nào suốt thời gian đó. Đến ngày thứ tám, con bé có thể xoay xoay bàn chân mà không nghe cứng, và cái đau đã lui về bề mặt. Nó nhảy một điệu jig, bước thật nhẹ chân, và kêu lên, “Mình làm được rồi, mình làm được rồi!” Sáng hôm sau, con bé ra bãi biển tìm thêm hải tặc. “Việc đầu tiên mình sẽ làm là lệnh cho thủy thủ đoàn lượm hết mớ đinh.” Sáng nào con bé cũng thức sớm, vẫn chờ nghe tiếng nấu nướng lách cách loảng xoảng của má. Món ăn sáng má thích nhất là trứng bác từ đám gà nhà, cà chua chín đỏ xắt ra, và bánh ngô chiên làm bằng cách đổ hỗn hợp bột ngô, nước và muối lên lớp mỡ nóng đến độ bột phồng lên, rìa ngoài chiên thành viền ren giòn rụm. Má nói ta chiên không đúng cách nếu không nghe tiếng lốp bốp từ phòng bên cạnh, và cả đời Kya đã nghe tiếng bánh ngô lốp bốp trong dầu khi thức giấc. Ngửi mùi khói xanh, nóng ấm hấp dẫn. Thế mà giờ nhà bếp im ắng, lạnh tanh, và Kya trượt xuống nệm rồi lẻn ra phá nước. Nhiều tháng trôi qua, trời nhẹ chuyển mình vào đông, kiểu mùa đông miền nam vẫn vậy. Mặt trời, ấm như một tấm chăn, quấn lấy vai Kya, dỗ nó vào sâu hơn trong đồng lầy. Thảng hoặc con bé nghe những tiếng động của đêm mà nó chưa biết là gì, hoặc giật bắn mình vì sét đánh gần quá, nhưng mỗi khi nó vấp ngã, chính mặt đất đỡ nó. Cho tới khi cuối cùng, tại một khoảnh khắc không mong đợi, cái đau trong tim thấm qua, trôi tuột đi như nước xuyên vào cát. Vẫn còn đó, nhưng sâu thăm thẳm. Kya áp bàn tay lên mặt đất đang thở, ẩm ướt, và đồng lầy trở thành người mẹ của nó. Cuộc điều tra 1969 Trên đầu, lũ ve kêu ran đáp lại vầng mặt trời gắt gỏng. Tất cả các dạng sống khác đều co rúm lại dưới cái nóng, chỉ phát ra tiếng vo ve từ lòng đất xa xăm. Chùi trán, cảnh sát trưởng Jackson nói, “Vern, ở đây còn nhiều việc để làm, nhưng vầy có vẻ không phải lắm. Vợ và người thân của Chase còn chưa biết cậu ta mất rồi.” “Tôi sẽ đi báo họ, Ed,” bác sĩ Vern Murphy đáp. “Cảm ơn nhiều. Lấy xe của tôi đi. Gửi xe cứu thương lại đón Chase, và cho Joe tới đây bằng xe tôi nữa. Nhưng đừng hé lời nào với những người khác. Tôi không muốn cả thị trấn mò đến chỗ này, và đó là chuyện sẽ xảy ra nếu anh để lộ thông tin.” Trước khi rời đi, Vern nhìn Chase suốt một phút dài, như thể ông đã bỏ sót cái gì đó. Là một bác sĩ, ông nên sửa chữa chuyện này. Không khí đầm lầy nặng nề đọng lại sau họ, kiên nhẫn chờ tới lượt nó. Ed quay sang hai thằng nhỏ. “Hai đứa ở yên đây. Ta không cần bất kỳ ai ba hoa về chuyện này trong thị trấn, và đừng đặt tay lên bất cứ thứ gì hay tạo thêm dấu vết trên bùn.” “Dạ, đã rõ,” Benji dõng dạc đáp. “Chú nghĩ ai đó đã giết anh Chase, phải không chú? Vì không có dấu chân nào. Đẩy ảnh ngã, có lẽ vậy?” “Ta không hề nói cái gì như vậy. Đây là công việc của cảnh sát. Giờ các cháu cần tránh xa và đừng kể lại bất cứ điều gì nghe được ở đây.” Phó cảnh sát trưởng Joe Purdue, một người đàn ông nhỏ thó với tóc mai rậm, xuất hiện trong xe tuần tra sau chưa đầy mười lăm phút. “Không thể tin nổi. Chase chết rồi. Cậu ta là trung phong cừ nhất mà thị trấn này từng thấy. Chuyện đúng là điên rồ quá.” “Anh nói phải. Được rồi, bắt tay vào việc thôi.” “Anh có được gì rồi?” Ed bước ra xa hai đứa nhóc hơn nữa. “À, dĩ nhiên, nhìn bề ngoài, nó có vẻ là một tai nạn: cậu ta té xuống từ cái tháp rồi chết. Nhưng tới giờ tôi vẫn chưa tìm thấy dấu chân nào của Chase đi về phía cầu thang hay dấu chân bất kỳ ai khác. Để xem ta có tìm được bằng chứng nào cho thấy có kẻ đã che giấu chúng không.” Hai cảnh sát rà soát khu vực trong trọn mười phút. “Anh nói đúng, không có một dấu chân nào goài dấu của mấy thằng nhỏ,” Joe nói. “Ừ, và không có dấu vết ai đó xóa chúng đi. Tôi không hiểu nổi. Đành làm tiếp việc khác vậy. Về sau tôi sẽ tìm hiểu thêm điểm này,” Ed quyết định. Họ chụp hình thi thể, vị trí của nó trong tương quan với cầu thang, cận cảnh vết thương đầu và cẳng chân bẻ quặt kỳ dị. Joe ghi chú theo lời Ed nhận xét. Trong khi đo khoảng cách từ thi thể tới lối đi, họ nghe tiếng xe cứu thương cọ quẹt vào những bụi rậm ven đường. Tài xế, một người đàn ông da đen đã đón nhận người bị thương, bị ốm, hấp hối và đã chết suốt hàng thập kỷ, cúi đầu chào kính trọng và thì thầm những góp ý: “Được gồi, tay của cậu ta xẻ không khép xác, nên hông thể lăn cậu ta lên tấm bạt; phải nhấc lên và cậu ta xẻ nặng lắm; ngài cảnh sát trưởng, hãy ôm đầu cậu Chase. Tốt đó. Ôi, ôi.” Đến cuối buổi sáng, họ đã đưa được Chase cùng với thứ bùn đặc quẹo lên sau xe. Vì lúc này bác sĩ Murphy đã thông báo cho bố mẹ Chase về cái chết của cậu, Ed bảo hai đứa nhỏ có thể về nhà, rồi ông và Joe bắt đầu bước lên cầu thang dẫn lên tháp, qua mỗi chỗ ngoặt lại mỗi hẹp. Họ càng leo cao, các góc bo tròn của thế giới trong tầm mắt càng lúc càng lùi xa rồi xa nữa, và những khu rừng tròn cùng đồng lầy ăm ắp nước mở rộng tới tận rìa. Lên tới bậc cuối cùng, Jackson giơ tay và đẩy một tấm vỉ sắt mở ra. Sau khi họ trèo lên nền tháp, ông đậy nó lại vì nó là một phần sàn. Ván gỗ, đã bị vỡ và sạm đi theo thời gian, ghép thành khoảng giữa nền tháp, nhưng ở xung quanh, sàn là một loạt những tấm vỉ chắn vuông, có thể nhìn xuyên qua và mở ra đóng lại. Khi chúng được đậy vào chỗ thì ta có thể đi lại an toàn, nhưng nếu có một tấm để mở, ta có thể té xuống từ độ cao gần hai mươi thước. “Này, nhìn kia kìa.” Ed chỉ tới chỗ nền tháp phía xa, nơi một tấm vỉ đang mở toác. “Cái quái gì vậy?” Joe kêu lên khi họ đi lại đó. Nhìn xuống, họ thấy hằn trong bùn là cái hình người méo mó ở chỗ vừa nãy là thi thể của Chase. Thứ bùn vàng vàng nhóp nháp và bèo tấm đã bị bắn tóe ra xung quanh như một bức tranh vẩy màu. “Cái này không hợp lý,” Ed nhận xét. “Nhiều khi mọi người vẫn quên đóng tấm vỉ phía trên thang. Anh biết mà, trên đường họ trèo xuống ấy. Chúng ta đã thấy cái vỉ đó mở sẵn vài lần, nhưng những tấm khác thì hầu như không bao giờ để mở.” “Tại sao Chase lại mở cái này ra? Sao lại có người mở nó chứ?” “Trừ phi họ lập mưu đẩy người khác ngã chết,” Ed nói. “Vậy sao sau đó họ không đóng nó lại?” “Bởi vì nếu Chase tự ngã, cậu ta không thể đóng vỉ lại. Phải để nó mở cho giống một vụ tai nạn.” “Nhìn cây xà dưới lỗ hổng kìa. Nó bị gãy vỡ hết rồi.” “Ừ, tôi có thấy. Chase hẳn đã đập đầu vào đó khi bị ngã.” “Tôi sẽ trèo ra đó, tìm mẫu máu hoặc tóc. Thu về ít gỗ vụn.” “Cảm ơn Joe. Và chụp vài ảnh cận cảnh nữa. Tôi sẽ đi lấy dây thừng để giữ anh. Chúng ta không cần cùng ngày có hai cái xác trong đống bùn này. Và ta phải lấy dấu vân tay trên tấm vỉ ở đây, tấm vỉ đầu cầu thang, trên lan can và ban công nữa. Bất cứ thứ gì người ta có thể đụng vào. Và lấy cả mẫu tóc, sợi vải.” Hơn hai tiếng sau, họ duỗi lưng cho đỡ mỏi vì liên tục khom khom cúi cúi. Ed cất lời, “Tôi không nói là đã có hành vi phạm tội. Còn quá sớm. Mà hơn nữa, tôi cũng không nghĩ ra ai lại muốn giết Chase.” “Ừm, tôi nghĩ là có cả một danh sách đấy,” phó cảnh sát trưởng đáp lại. “Ví dụ như ai? Anh nói gì vậy?” “Thôi nào, Ed. Anh biết Chase ra sao mà. Chung chạ bừa bải, chim chuột khắp nơi như bò đực xổng chuồng sau khi bị nhốt lâu ngày. Chước khi cưới, sau khi cưới, với gái độc thân, với phụ nữ có chồng. Tôi đã thấy mấy con chó đực hành xử tốt hơn thế.” “Thôi nào, cậu ta đâu có tệ vậy. Phải. Chase có tiếng trăng hoa. Nhưng tôi không thấy có người nào trong thị trấn này phạm tội giết người vì thế.” “Tôi chỉ muốn nói là có người không thích Chase thôi. Vài ông chồng ghen tuông nào đó. Nhất định là người cậu ta biết. Người mà tất cả chúng ta đều biết. Khó có khả năng Chase trèo lên đây với người lạ,” Joe nhận định. “Trừ phi cậu ta nợ ngập rốn một kẻ nào đó không ở trong vùng. Chuyện gì đó kiểu vậy mà chúng ta không biết. Và phải là một gã đủ khỏe để đẩy ngã Chase Andrews nữa. Chẳng phải việc dễ dàng đâu.” Joe đáp luôn, “Tôi đã nghĩ ra vài người đủ điều kiện.” Chiếc thuyền và cậu bé1952 Một buổi sáng, ba, đã cạo râu nhẵn nhụi và mặc chiếc áo sơ mi cài kín cổ nhăn nhúm, đi vào nhà bếp và nói ông sẽ bắt xe buýt Trailways đi Asheville để thảo luận vài vấn đề với quân đội. Ông cho rằng mình còn vài thương tật người ta nợ chưa chi trả, ông phải đi làm cho ra lẽ, chắc cũng ba, bốn ngày sẽ không về. Trước đây ông chẳng bao giờ nói Kya biết công chuyện của ông là gì, ông đi đâu, hay chừng nào ông về nhà, thế nên đứng đó trong bộ quần yếm ngắn cũn, con bé trợn mắt nhìn ông, im thít. “Tao tinh chắc mày điếc và đần như tất cả mấy đứa dở hơi,” ông nói, để cánh cửa hiên đằng sau đóng sập lại. Kya nhìn ông lê bước trên lối mòn, chân trái quặt sang bên rồi ra trước. Mấy ngón tay nó bấu chặt vào nhau. Có lẽ tất cả bọn họ đều sẽ rời bỏ nó, từng người một mất hút cuối lối nhỏ này. Khi ba tới đường cái và bất thần nhìn lại, nó vung tay lên và vẫy thật mạnh. Một cố gắng để níu giữ ông. Ba giơ tay lên trong động tác chào nhanh, kiểu như muốn gạt đi. Nhưng vậy vẫn là một cái gì đó. Vẫn nhiều hơn việc má đã làm. Từ nhà, con bé lững thững bước ra phá, nơi nắng sớm bắt được ánh lấp lánh trên hàng trăm đôi cánh chuồn chuồn. Những cây sồi và bụi cây dày bao quanh khoảng nước sâu, trùm lên nó bóng tối như hang động, và con bé dừng lại khi thấy thuyền của ba buộc bập bềnh ở đó. Nếu Kya đi thuyền vào đồng lầy và ba phát hiện, ông sẽ quất nó bằng dây nịt. Hoặc bằng mái chèo ông để bên cửa hiên; cái “gậy chào đón”, Jodie gọi vậy. Có lẽ khao khát vươn ra xa hơn đã kéo con bé về phía chiếc thuyền – một xuồng máy bằng kim loại, đáy phẳng, dáng cong lên mà ba dùng đi câu cá. Kya đã ra ngoài trên chiếc thuyền đó cả đời mình, thường là cùng với Jodie. Thỉnh thoảng thằng anh cho nó lái. Con bé thậm chí còn biết lối đi qua một số con kênh và cửa sông rối rắm uốn lượn xuyên mảng chắp vá đất và nước, nước và đất, cuối cùng ra biển. Bởi vì dù biển ở ngay bên kia hàng cây bao quanh lán, cách duy nhất để đến đó bằng thuyền là đi về hướng ngược lại, vào trong đất liền, và luồn lách qua hàng dặm mê cung kênh rạch mà cuối cùng cũng vòng trở lại đại dương. Vậy nhưng chỉ mới lên bảy và là con gái, Kya chưa bao giờ lấy thuyền đi một mình. Con thuyền bập bềnh ở đó, được buộc bằng dây cotton vào một gốc cây đã đốn thân. Bùn xám, dụng cụ câu cá cũ sờn, và mấy lon bia bị bẹp một nửa rải đầy lòng thuyền. Bước lên, con bé nói, “Phải kiểm tra xăng như anh Jodie bảo, để ba không biết mình lấy nó.” Rồi Kya chọc một cọng sậy đứt vào bình xăng hoen rỉ. “Đủ để đi một quãng ngắn, mình nghĩ thế.” Như bất cứ tên trộm giỏi nào, nó nhìn quanh quất rồi giật sợi dây tuột khỏi gốc cây, và đẩy thuyền tiến lên bằng mái chèo duy nhất. Đám mây chuồn chuồn lặng lẽ tách ra trước mặt con bé. Không cưỡng lại được thôi thúc, Kya kéo dây khởi động và giật mình lùi lại khi máy nổ, phát tiếng lụp bụp và ợ ra khói trắng nhờ. Nắm lấy cần lái, con bé đẩy nó quá xa, và con thuyền ngoặt qua thật gắt, động cơ rít lên chói lói. Kya vội buông cần, giơ tay lên, và thuyền dần êm lại, nhẹ trôi và khẽ rừ rừ. Khi gặp rắc rối; hãy buông tay thôi. Trở lại thảnh thơi. Cho thuyền tăng tốc, lần này nhẹ nhàng hơn, con bé lái vòng tránh cây bách già đã đổ và phụt; phụt; phụt qua đống cành vụn của ổ hải ly. Rồi nín thở, nó lái về phía cửa vào phá nước khuất sau bụi mâm xôi rậm rạp. Hụp xuống né mấy cành mọc thấp của những thân cây khổng lồ, Kya chầm chậm len qua hơn chín mươi thước um tùm bụi rậm, nhẹ nhàng như lũ rùa tuột xuống nước từ những khúc gỗ trôi. Một thảm bèo cám lềnh bềnh phủ lên mặt kênh màu xanh như mái che rợp lá trên đầu, tạo thành một đường hầm lục bảo. Cuối cùng, đám cây cối rẽ ra, và Kya trượt vào một không gian của ngọn cỏ vươn cao với bầu trời vời vợi, và tiếng chim lanh lảnh vút trời. Khung cảnh mà một chú chim non sẽ thấy, con bé nghĩ, khi chú cuối cùng cũng mổ vỏ chui ra. Kya lướt đi thong thả, con bé là một chấm nhỏ xíu trên thuyền, hết quay bên này lại ngó bên kia khi những cửa sông vô tận tách ra và đan lại trước mắt nó. Cứ đi về bên trái tại mọi ngả rẽ ra, Jodie đã dặn. Con bé gần như không đụng vào cần lái, đưa thuyền trôi nhẹ trên nước, để tiếng động phát ra thật nhỏ. Khi nó vòng qua một đám sậy, một chú hươu cái đuôi trắng với đứa con mới sinh dịp xuân rồi đang đứng tớp nước. Đầu chúng ngẩng phắt lên, vẩy những giọt nhỏ qua không khí. Kya không dừng lại vì thế thì chúng sẽ bỏ chạy, một bài học con bé học được khi quan sát lũ gà rừng: nếu ta hành xử như kẻ săn mồi, chúng sẽ hành xử như con mồi. Cứ để mặc chúng, chậm rãi đi tiếp. Nó lững thững trôi qua, và mấy chú hươu đứng im như cây thông cho đến khi Kya biến mất sau lùm cỏ nước mặn. Con bé đi vào một nơi có những phá nước tăm tối nơi thắt lại của rừng sồi, và nhớ rằng có một con kênh ở phía xa chảy ra một cửa sông rộng lớn. Vài lần con bé đụng phải ngõ cụt, phải quành về để đi ngả khác. Nó ghi lại hết những cột mốc trong trí nhớ để có thể trở lại. Cuối cùng, cửa sông phơi ra trước mắt con bé, mặt nước trải dài mênh mông đến nỗi nó thâu hết cả bầu trời và mọi đám mây. Triều đang rút dần, con bé biết vậy nhờ đường mép nước dọc bờ kênh. Khi triều xuống đủ, bất kỳ lúc nào kể từ giờ, vài kênh lạch sẽ cạn nước và thuyền Kya sẽ vướng phải lòng kênh rồi mắc cạn. Nó phải quay về trước lúc đó. Khi con bé vòng qua một đám cỏ cao, đột nhiên mặt biển – xám xịt, nghiêm khắc và rung lên từng nhịp không ngừng – bỗng trở nên cau có. Những con sóng ập vào nhau, bị nhấn chìm trong chính làn bọt trắng của chúng, rồi vỡ tan thành muôn mảnh trên bờ với những tiếng ầm ầm vang động – năng lượng tìm kiếm một bãi đáp. Rồi chúng xẹp xuống thành lưỡi bọt êm ả, chờ đợt trào dậy tiếp theo. Ngọn sóng bạc khiêu khích con bé, thách nó xông qua vách sóng và đi vào biển, nhưng không có Jodie, dũng khí của nó lung lay. Dù sao cũng đến lúc quay lại rồi. Mây tích báo hiệu sấm sét hiện ra cuồn cuộn phía tây bầu trời, tạo thành những cây nấm xám khổng lồ căng như muốn vỡ. Không có người nào nữa, chẳng có cả những chiếc thuyền thấp thoáng xa xa, nên thật ngạc nhiên khi nó trở lại cửa sông và thấy ở đó, gần bụi cỏ đồng lầy, là một cậu bé ngồi câu trên một chiếc xuồng tả tơi khác. Lối con bé đi qua sẽ chỉ cách cậu sáu thước. Lúc này, mọi thứ ở Kya đều toát lên cái vẻ đứa trẻ đầm lầy – tóc bị gió thổi rối bời, má bết bụi loang lổ vệt gió. Hết xăng hay gặp bão cũng không làm con bé hoảng như gặp người lạ, đặc biệt là con trai. Má đã dặn mấy chị của nó coi chừng bọn họ; nếu ta trông có vẻ hấp dẫn, họ sẽ biến thành dã thú. Mím môi lại thật chặt, con bé nghĩ, Mình làm gì bây giờ? Mình phải đi qua sát anh ta. Từ khóe mắt, Kya thấy cậu bé nọ khá gầy, những sợi tóc xoăn vàng nhét dưới chiếc nón bóng chày đỏ. Lớn hơn nó, mười một tuổi, có lẽ mười hai. Mặt con bé nghiêm lại khi tới gần đó, nhưng cậu mỉm cười với nó, ấm áp và cởi mở, tay chạm lên rìa nón như quý ông chào một quý cô xinh đẹp vận đầm dài trang trọng và đội bon-nê. Kya gật đầu nhè nhẹ rồi nhìn về phía trước, đẩy cần gạt tăng tốc và đi qua cậu. Tất cả những gì con bé nghĩ được lúc này là trở lại vùng quen thuộc, nhưng chắc hẳn ở đâu đó nó đã rẽ sai đường, vì khi đến chuỗi phá nước thứ hai, nó không tìm thấy con kênh dẫn về nhà nữa. Chạy vòng vòng, gần sát những cây sồi với bụi hương đào, con bé tìm mải miết. Cảm giác hoảng hốt chầm chậm dâng lên. Bây giờ bờ cỏ, bãi cát và khúc quanh trông giống hệt nhau. Kya tắt máy và đứng lên ngay giữa thuyền, giữ thăng bằng với hai chân giạng rộng, cố gắng nhìn qua đám sậy nhưng không được. Nó ngồi xuống. Lạc lối, rối bời. Sắp hết xăng. Bão đang tới. Trộm mấy từ của ba, con bé rủa anh nó vì đã bỏ đi. “Chết tiệt, Jodie! Xịt ra lửa rồi té vô đó đi. Anh cứ xịt ra lửa rồi té vô đó.” Con bé thút thít một tiếng khi chiếc thuyền trôi trên dòng chảy nhẹ. Những đám mây dần lấn lướt mặt trời, trôi đi nặng nề nhưng lặng lẽ trên cao, xô đẩy bầu trời và lôi bóng tối phủ lên mặt nước trong trẻo. Bão có thể tới bất cứ lúc nào. Tệ hơn, nếu Kya lang thang quá lâu, ba sẽ biết nó lấy thuyền. Con bé tiến về trước; có lẽ nó có thể tìm cậu trai nọ. Vài phút đường lạch đưa tới một khúc quanh và cửa sông ở ngay phía trước, bên kia là cậu bé trên thuyền. Bầy diệc bạch bay vút lên, một hàng những lá cờ trắng chấp chới trên nền mây xám cuồn cuộn. Kya ghim ánh mắt vào cậu. Sợ tới gần, cũng sợ không tới. Cuối cùng, con bé băng qua cửa sông. Cậu ngẩng nhìn khi nó tiến lại. “Chào,” cậu nói. “Chào.” Con bé nhìn qua vai cậu vào đám sậy. “Nhóc đi đâu vậy?” cậu hỏi. “Không phải ra biển, anh hy vọng thế. Bão đang tới.” “Không,” nó đáp, nhìn xuống nước. “Nhóc có sao không?” Cổ họng con bé nghẹn lại, chặn tiếng thổn thức. Nó gật đầu nhưng không nói nên lời. “Nhóc bị lạc hả?” Nó gật lần nữa. Sẽ không khóc như một đứa con gái. “Ừ. Anh cũng lạc suốt,” cậu nói và mỉm cười. “Này, anh biết nhóc. Nhóc là em gái của Jodie Clark.” “Đã từng thôi. Ảnh đi rồi.” “Ừ, nhưng nhóc vẫn là em của…” Rồi cậu bỏ lửng câu nói. “Làm sao anh biết em?” Con bé ném một cái nhìn nhanh, thẳng vào mắt cậu. “À, anh từng câu cá với Jodie vài bận. Anh có thấy em mấy lần. Lúc đó em nhỏ xíu. Em tên Kya, phải không?” Có người biết tên nó. Con bé ngạc nhiên. Cảm thấy được neo vào chỗ nào đó, và được giải phóng khỏi cái gì đó. “Dạ. Anh biết nhà em? Đường về từ chỗ này?” “Anh nghĩ mình biết. Dù sao cũng tới giờ rồi.” Cậu gật đầu về phía những tảng mây. “Đi theo anh.” Cậu thu dây câu, cất đồ vào hộp rồi nổ máy thuyền mình. Vừa băng qua cửa sông cậu vừa vẫy vẫy, và con bé lái theo. Cho thuyền chạy chậm, cậu tiến thẳng về con kênh bên phải, ngoái nhìn để đảm bảo Kya có rẽ theo và tiếp tục đi tới. Ở khúc quanh nào cậu cũng làm vậy cho tới chỗ phá nước cây sồi. Khi cậu đi vào con kênh mờ tối hướng về nhà con bé, Kya nhận ra chỗ nó đã rẽ nhầm và chẳng bao giờ phạm sai lầm đó nữa. Cậu trai dẫn lối cho Kya – ngay cả khi con bé vẫy tay ra hiệu nó đã biết đường – băng qua phá nước của nó, tới tận bờ nơi cái lán ngồi thụp giữa rừng. Con bé cho thuyền chạy tới cây thông già ngập nước và cột lại. Thuyền cậu dạt xa khỏi thuyền nó, dập dềnh trên đường rẽ nước đối ngược của hai thuyền. “Nhóc ổn rồi hén?” “Dạ.” “Ừ, bão sắp tới rồi, anh nên dọt thôi.” Con bé gật đầu, rồi nhớ lại lời má dặn. “Cảm ơn anh.” “Được rồi, vậy nhé. Tên anh là Tate, phòng khi nhóc gặp lại anh.” Con bé không trả lời nên cậu nói, “Tạm biệt.” Khi cậu trai đi xa, mưa chậm rãi rớt hạt lộp độp lên bờ phá và Kya nói, “Trời sẽ mưa xối xả; cái anh đó sẽ ướt nhẹp.” Con bé cúi xuống bình xăng và chọc vào đó một cọng sậy làm que đo, không quên chụm tay che miệng bình để nước mưa không nhỏ vào. Nó có thể không biết đếm tiền nhưng vẫn biết chắc là không thể để nước lọt vào xăng. Xăng thấp quá. Ba xẻ biết cho mà xem. Mình phải vác một cái bình tới Sing Oil chước khi ông dề. Con bé biết người chủ, ông Johnny Lane, luôn gọi cả nhà nó là thứ rác rưởi đầm lầy, nhưng có phải đối phó với ông ta, cơn bão và con sóng cũng đáng lắm, bởi vì tất cả những gì nó nghĩ tới lúc này là trở lại không gian của cỏ, trời và nước ngoài kia. Một mình, nó đã hoảng sợ, nhưng cái đó đã thành nỗi phấn khích râm ran. Ngoài ra còn một cái gì khác nữa. Sự điềm tĩnh của cậu trai. Con bé chưa từng biết ai nói chuyện hay cử động vững vàng như vậy. Thật chắc chắn và dễ dàng. Chỉ cần ở gần cậu, thậm chí không gần lắm, con bé cũng nhẹ bớt căng thẳng. Lần đầu tiên kể từ khi má và Jodie bỏ đi, nó mới thở được mà không nghe đau nhói; cảm thấy một cái gì khác ngoài cơn đau. Con bé cần chiếc thuyền này và cậu trai đó. Cùng buổi chiều nọ, cầm tay lái xe đạp, Tate Walker thả bước qua thị trấn, gật đầu chào cô Pansy ở tiệm năm xu một hào rồi đi ngang Western Auto tới mũi cầu tàu. Cậu quét mắt qua mặt biển tìm thuyền câu tôm của cha, chiếc The Cherry Pie, và phát hiện màu sơn đỏ thắm của nó phía xa, cánh lưới rộng dập dềnh trên sóng. Khi thuyền lại gần, được hộ tống bởi đám mây mòng biển của riêng nó, Tate vẫy tay và cha cậu, một người đàn ông to lớn có bờ vai như núi, mái tóc đỏ dày và bộ râu rậm, vung tay lên không. Scupper, như cách mọi người trong làng vẫn gọi ông, ném dây cho Tate buộc thuyền lại, rồi cậu nhảy lên thuyền giúp đội của cha dỡ mẻ tôm. Scupper vò rối tóc Tate. “Sao rồi con trai? Cảm ơn con đã ghé lại.” Tate mỉm cười, gật đầu. “Dạ có gì đâu.” Hai cha con và đội thuyền bận rộn chạy tới chạy lui, chất tôm vào thùng, khiêng chúng lên cầu tàu, í ới gọi nhau làm vài ly bia ở quán Dog-Gone, hỏi Tate về trường học. Cao hơn một cánh tay so với người khác, Scupper xốc lên ba thùng một lượt, khiêng chúng qua cầu ván rồi trở lại lấy thêm. Nắm tay ông như tay gấu, khớp đốt ngón tay trầy xước và nứt nẻ. Trong chưa đầy bốn mươi phút, boong thuyền đã được xịt nước, lưới buộc lại, dây cột chặt. Scupper bảo các bạn thuyền rằng hôm khác sẽ cụng ly với họ; ông phải sửa chữa chút trước khi về nhà. Trong buồng lái, ông để một đĩa than 78 phát giọng ca Miliza Korjus lên cái máy hát buộc vào quầy rồi vặn tiếng lên. Ông cùng Tate đi xuống và chui vào buồng máy, ở đó Tate đưa đồ nghề cho cha còn ông bôi dầu các bộ phận và siết bu-lông chặt lại dưới ánh sáng lờ mờ của một bóng đèn. Trong lúc đó, tiếng hát opera du dương, cao vút bay bổng lên trời. Ông sơ của Scupper, di cư tới từ Scotland, đã bị đắm tàu ngoài khơi Bắc Carolina vào những năm 1760 và là người duy nhất sống sót. Ông đã bơi vào đất liền, lên bờ biển Outer Banks, tìm một người vợ và trở thành cha của mười ba đứa trẻ. Nhiều người có thể truy nguồn gốc của họ về cái ông Walker đó, nhưng hai cha con Scupper và Tate chẳng nói gì mấy với người ngoài. Không thường tham gia dã ngoại ngày chủ nhật chén xà lách gà và trứng nhồi với bà con họ hàng, không như khi mẹ và em gái Tate còn ở đó. Cuối cùng, trong hoàng hôn ngả xám, Scupper vỗ vai Tate. “Xong hết rồi. Về nhà ăn tối thôi.” Họ đi ngược cầu tàu, xuôi Phố Main, rồi ra một con đường quanh co về nhà họ, một căn nhà hai tầng có lớp ván gỗ tuyết tùng bợt bạt mưa gió xây từ thế kỷ 19. Viền cửa sổ trắng đã được sơn mới, và thảm cỏ trải rộng gần tới biển được cắt tỉa gọn gàng. Thế nhưng những cây đỗ quyên và bụi hồng cạnh nhà lại ủ ê trong cỏ dại. Cởi bỏ đôi ủng vàng tại tiền sảnh, Scupper hỏi, “Con ngán burger chưa?” “Không bao giờ ngán burger hết ạ.” Tate đứng tại bàn bếp, bốc những nắm thịt mềm nặn thành miếng dẹt rồi để chúng lên dĩa. Mẹ và em gái cậu, Carianne, cả hai đều đội nón bóng chày, đang mỉm cười với cậu từ bức ảnh treo bên cửa sổ. Carianne thích cái nón Atlanta Crackers đó cực kỳ, đi đâu cô bé cũng đội nó. Tate ngoảnh mặt khỏi bức ảnh, bắt đầu xắt cà và khuấy đậu hầm. Nếu không phải vì cậu, lúc này họ sẽ ở đây. Mẹ phết mỡ lên một con gà, Carianne cắt bánh mì nhỏ. Như thường lệ, Scupper chiên thịt hơi khét, nhưng miếng nào miếng nấy cũng mọng nước bên trong và dày như một cuốn danh bạ điện thoại thành phố. Đói ngấu nên hai cha con im lặng ăn trong một lúc, rồi Scupper hỏi Tate về trường học. “Môn sinh học khá hay, con thích nó, nhưng tụi con đang học thơ ở lớp Anh ngữ. Không thể nói là con khoái nó lắm. Mỗi đứa tụi con phải đọc to một bài. Cha từng ngâm mấy bài thơ, nhưng con không nhớ chúng.” “Cha có một bài cho con đây, con trai,” Scupper gợi ý. “Bài cha thích nhất – Lễ hỏa táng Sam McGee của Robert Service. Từng đọc cho cả nhà nghe. Là bài mẹ con thích nhất. Lần nào cha đọc nó mẹ cũng bật cười, không chán bao giờ.” Tate cúi xuống khi nghe nhắc đến mẹ, đẩy đẩy mấy hạt đậu vòng vòng. Scupper tiếp tục. “Đừng coi thơ là cái chỉ dành cho bọn ẻo lả. Dĩ nhiên là có mấy bài thơ tình sướt mướt, nhưng cũng có bài tếu tếu, dí dỏm, nhiều bài về thiên nhiên, thậm chí cả chiến tranh. Toàn bộ ý nghĩa của chúng là chúng làm con cảm thấy một điều gì đó.” Cha Tate đã nhiều lần bảo cậu rằng định nghĩa về một người đàn ông là người khóc mà không xấu hổ, đọc thơ bằng cả trái tim, cảm nhận được opera trong tâm hồn, và làm việc cần làm để bảo vệ một người phụ nữ. Scupper bước ra phòng khách và nói vọng lại, “Cha trước thuộc nằm lòng gần hết cả bài, nhưng giờ thì chịu. Nhưng đây, cha đọc cho con.” Ông ngồi vào bàn và bắt đầu ngâm. Khi ông đọc tới đoạn này: “Và Sam ngồi đó, nhẹ nhàng thư thái, ở giữa là lò lửa thét gầm; Ông nở nụ cười có thể thấy từ xa cả dặm, và ông nói, ‘Làm ơn khép cửa lại. Trong này ổn lắm, nhưng tôi rất sợ bạn sẽ để len vào cái lạnh với bão giông… Kể từ khi rời Plumtree ở mãi tận Tennessee, đây là lần đầu tiên tôi được ấm.’ ” Scupper và Tate cười khẽ. “Mẹ con lúc nào cũng bật cười ở chỗ đó.” Họ mỉm cười, nhớ lại. Ngồi lặng một phút. Rồi Scupper nói ông sẽ dọn rửa trong khi Tate làm bài tập về nhà. Trong phòng cậu, lướt qua những cuốn thơ để chọn bài đọc trước lớp, Tate tìm được một bài của Thomas Moore: …cô đã đến Hồ ở Đầm lầy Ảm đạm Nơi đêm trường, bên ngọn đèn đom đóm, Cô khua mái chèo đưa xuồng trắng trôi xuôi. Và ngọn đèn đom đóm của cô, tôi sẽ thấy sớm thôi, Cũng như tiếng mái chèo khua nước; Yêu thương dài lâu là cuộc đời ta có được, Và tôi sẽ giấu nàng trong cây bách ấy, Khi tiếng bước chân của cái chết cận kề. Lời thơ làm cậu nghĩ tới Kya, em gái Jodie. Cô nhóc trông quá nhỏ bé và đơn độc giữa dải đồng lầy rộng lớn. Cậu tưởng tượng chính em mình lạc lõng ngoài đó. Cha cậu nói đúng – những bài thơ khiến ta cảm nhận một điều gì đó. Mùa câu cá 1952 Tối hôm đó, sau khi được cậu trai câu cá dẫn lối qua đồng lầy đưa về nhà, Kya ngồi bắt tréo chân trên cái giường ngoài hiên. Sương mờ từ trận mưa xối xả thấm qua tấm lưới hiên chắp vá, mơn man mặt con bé. Nó nghĩ về cậu trai. Ân cần mà mạnh mẽ, như Jodie vậy. Hồi này con bé chỉ thi thoảng mới nói chuyện với ba và ít hơn nữa, là với cô tính tiền ở Piggly Wiggly, cô Singletary, người mà gần đây đã bắt đầu dạy Kya sự khác nhau giữa đồng hai mươi lăm xu, năm xu với một hào – đồng một xu thì con bé đã biết. Nhưng cô Singletary cũng có khi tò mò nhiều chuyện. “Mà này, cháu cưng, tên cháu là dì vậy? Sao mẹ cháu không tới nửa? Không thấy cô ấy từ hồi củ cải trổ ra.” “Má bận rất nhiều việc nhà nên sai cháu đi chợ.” “Ừ, cháu yêu, nhưng cháu chẳng bao giờ mua đủ cho cả nhà cháu.” “Cô biết đó, cháu phải đi thôi. Má cần số bột này liền.” Mỗi khi có thể, Kya tránh cô Singletary và tới chỗ cô tính tiền còn lại, cô này chẳng tỏ ra chút hứng thú nào ngoài bảo rằng con nít không nên chân không mà đi chợ. Con bé định đáp là nó không định nhặt nho bằng ngón chân nó. Dù sao thì ai mà mua nổi nho chứ? Càng ngày Kya càng chẳng nói chuyện với ai ngoài bầy mòng biển. Con bé tự hỏi liệu nó có thể giao kèo với ba sao đó để được dùng thuyền. Ra ngoài đồng lầy, nó có thể nhặt lông chim với vỏ sò và biết đâu thi thoảng gặp cậu trai nọ. Con bé chưa bao giờ có bạn, nhưng nó cảm thấy một người bạn cũng có lúc cần đến, có sức hấp dẫn. Cả hai có thể bơi thuyền đi loanh quanh các cửa sông, khám phá khu đầm. Cậu trai có thể chỉ coi nó là đứa con nít, nhưng cậu biết đường đi lối lại chốn đồng lầy và có thể dạy nó. Ba không có ô tô. Ông dùng thuyền để đi câu, để vào phố, để lèo lái qua đầm lầy tới Swamp Guinea, một quán bar kiêm sòng poker tàn tạ nối với đất liền bằng cây cầu ván ọp ẹp chạy xuyên đám cỏ đuôi mèo. Dựng nên từ ván ghép thồ dưới một mái che bằng thiếc, quán lộn xộn đủ thứ đồ người ta bỏ đại vào, sàn mấp mô cao thấp khác nhau tùy mấy chân gạch xương xẩu như cẳng gà chống lên bao nhiêu trên đầm nước. Khi ba tới đó hay chỗ nào khác nữa, ông dùng thuyền, chỉ thảng hoặc mới đi bộ, vậy việc gì ông lại cho nó mượn? Nhưng ba vẫn để các anh nó dùng thuyền khi ông không xài tới, chắc vì họ bắt cá làm bữa tối. Con bé không khoái gì việc câu cá, nhưng chắc nó có thể đổi bằng thứ gì khác, cho rằng đó là cách để nói chuyện được với ông. Có thể là nấu ăn, làm thêm việc nhà, cho đến khi má trở lại. Mưa tạnh dần. Một hạt riêng lẻ rơi xuống đâu đó, lay động một chiếc lá như cái phẩy nhẹ của tai mèo. Kya bật dậy, dọn sạch bên trong tủ, chùi sàn bếp ván ép ố bẩn, và cạo lớp bột cháo đóng dày hàng tháng trên lò củi. Sáng sớm hôm sau, nó giặt đống khăn trải giường của ba, vốn nồng nặc mùi mồ hôi và rượu, rồi vắt chúng lên tán cọ. Con bé dọn cả phòng của các anh nó, không lớn hơn là bao so với một buồng nhỏ để đồ, vừa phủi bụi vừa quét tước. Vớ dơ hầy chất đống ở trong cùng tủ chứa và mấy cuốn truyện tranh vàng ố để bừa cạnh hai tấm nệm bẩn trên sàn. Con bé cố lục lại trong trí nhớ gương mặt các anh, những bàn chân đi cùng đống vớ, nhưng chi tiết cứ nhòe nhoẹt. Cả khuôn mặt Jodie cũng mờ dần; Kya thoáng thấy được cặp mắt anh, rồi chúng trôi tuột đi, nhắm lại. Sáng hôm sau, ôm theo cái bình cỡ bốn lít, con bé rảo bước xuôi dải đường cát tới tiệm Piggly mua diêm, xương ống và muối. Chừa lại hai hào. “Không mua sữa được, phải mua xăng.” Nó dừng chân ở trạm xăng Sing Oil ngay ngoài Vũng Barkley, cái trạm đứng giữa một cụm thông, vây quanh là mấy chiếc xe tải rỉ sét và ô tô cọc cạch để trên mớ bê tông khối. Ông Lane đã thấy Kya đi tới. “Cúc khỏi đây, con nhãi ăn mày. Thứ rác rưởi đồng lầy.” “Cháu có tiền đây ông Lane. Cháu cần xăng và dầu cho thuyền máy của ba.” Con bé giơ ra hai hào, hai đồng năm xu và năm xu lẻ. “Hừ, chả bõ công ta với mớ tiền còm cõi đó, nhưng thôi đưa đây.” Ông với tay lấy cái bình chứa vuông móp méo. Con bé cảm ơn, ông Lane lại gầm gừ lần nữa. Số đồ dùng và xăng nặng hơn qua từng dặm đường về, và phải một hồi lâu con bé mới tới nhà. Cuối cùng, dưới bóng cây trùm lên phá nước, nó đổ xăng vào bình chứa trên thuyền rồi cọ thuyền bằng giẻ và cát ướt cho đến khi bề mặt kim loại bên hông lộ ra qua lớp bùn cáu ghét. Vào ngày thứ tư kể từ lúc ba đi, con bé bắt đầu ngóng đợi. Đến cuối buổi chiều, nỗi sợ lạnh toát dâng lên và hơi thở của nó cạn đi. Nó lại ở đây nữa rồi, nhìn xuống con đường nhỏ. Ba tệ là vậy nhưng nó vẫn cần ông trở về. Cuối cùng lúc trời nhá nhem, ông xuất hiện, bước giữa những vết lún trên cát. Con bé chạy vào bếp và bày ra món ra-gu gồm cải bẹ, xương ống và bột ngô. Nó không biết làm nước xốt thịt nên đã rót nước hầm xương – lều bều mỡ trắng – vào một lọ mứt rỗng. Mấy cái dĩa sứt mẻ không cái nào giống cái nào, nhưng con bé đã bày nĩa bên trái, dao bên phải như má từng chỉ. Rồi nó đợi, tựa sát vào tủ lạnh như một con cò bị cán dẹp trên đường. Ba đập cửa tung ra sập vào tường và băng qua phòng khách tới phòng ngủ trong ba bước, không buồn gọi con bé hay nhìn vào bếp. Vậy cũng bình thường. Con bé nghe ông để vali xuống đất, kéo mở ngăn tủ. Chắc chắn ông sẽ nhận ra tấm trải giường mới và sàn nhà sạch sẽ. Nếu không phải cặp mắt thì cái mũi ông sẽ phát giác ra. Sau vài phút ông lại đi ra, bước thẳng vào bếp và nhìn bàn ăn bày sẵn cùng những tô món ăn bốc khói. Ông thấy con bé đứng tựa vào tủ lạnh, và cả hai chằm chằm nhìn nhau như thể trước đó chưa bao giờ thấy người kia. “Quỷ ơi, con gái, đống này là xao đây? Có vẻ mày đả lớn rồi nhở. Bếp núc đủ thứ.” Ông không mỉm cười, nhưng nét mặt ông bình tĩnh. Ông chưa cạo mặt, mớ tóc đen chưa gội xòa xuống thái dương trái. Nhưng ông tỉnh táo; con bé biết những dấu hiệu. “Dạ ba. Con cũng có làm bánh mì ngô, nhưng nó không ra.” “Chà, tao cám ơn. Con gái ngoan dữ. Tao mệt muốn chết và đói ngấu như heo.” Ông kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống, nên con bé làm theo. Trong im lặng, họ lấy thức ăn vào dĩa và gỡ những miếng thịt dai từ số xương ống ít ỏi. Ông cầm lên một khúc xương và hút phần tủy, nước mỡ ươn ướt trên má lún phún râu. Gặm sạch xương cho đến khi chúng láng trơn như dây lụa. “Thứ này ngon đức bánh kẹp lá cải để lạnh,” ông nhận xét. “Con ước đã làm được bánh mì ngô. Có lẽ nên cho nhiều soda hơn, ít trứng lại.” Kya không tin nổi là nó đang tiếp tục trò chuyện, nhưng không thể ngừng. “Má làm bánh đó thiệt ngon, nhưng chắc là con không để ý chi tiết…” Rồi nghĩ rằng mình không nên nói tới má, con bé nín lặng. Ba đẩy dĩa của ông về phía nó. “Còn đủ cho một miếng nữa hông?” “Dạ ba, còn nhiều.” “À, và thảy mấy miếng bánh mì đó dô món hầm nửa. Tao muốn chắm nước, và cá là thứ bánh đó dùng được, mềm xốp như bánh bông lan ngô.” Con bé mỉm cười một mình khi múc ra dĩa cho ba. Ai mà ngờ họ sẽ nhờ bánh mì ngô mà trò chuyện được. Nhưng bây giờ sau khi nghĩ lại, con bé sợ rằng nếu nó xin được mượn thuyền, ba sẽ nghĩ nó nấu nướng dọn dẹp chỉ để xin xỏ, mà ban đầu thì vậy thật, nhưng giờ dường như có chút khác. Nó thích ngồi lại cùng ăn bữa cơm như một gia đình. Nhu cầu được trò chuyện với ai đó thật là thúc bách. Vậy nên con bé không tự nhắc tới chiếc thuyền mà ướm hỏi, “Thỉnh thoảng con có thể đi câu cá với ba không?” Ông phá lên cười sằng sặc, nhưng nghe ra sự ân cần. Lần đầu tiên ông cười kể từ khi má và mấy đứa con trước bỏ đi. “Vậy mày muống đi câu hả?” “Dạ ba, con muốn.” “Mày là con gái,” ông nói, nhìn xuống dĩa, gặm xương. “Dạ ba, con là con gái của ba.” “Chậc, thỉnh thoảng tao có thể đưa mày ra ngoài.” Buổi sáng hôm sau, khi nghiêng ngả chạy trên đường cát, hai tay dang thẳng, Kya thổi phì phì tạo ra âm thanh ươn ướt từ môi, nước miếng phun ra. Con bé tưởng tượng nó cất mình lên và lượn qua đồng lầy tìm tổ, rồi vút bay song song với đại bàng. Ngón tay biến thành những sợi lông dài mượt, xòe rộng trên nền trời, gom gió về dưới thân mình nó. Rồi đột ngột, con bé bị giật về mặt đất bởi tiếng ba hú gọi từ chỗ đậu thuyền. Đôi cánh vỡ vụn, dạ dày quặn thắt; ba hẳn đã đoán được con bé lén dùng nó. Chưa gì Kya đã cảm giác được mái chèo đập vào mông và phía sau cẳng chân mình. Con bé biết cách trốn, chờ đến khi ba xỉn, và ông sẽ chẳng bao giờ tìm ra nó. Nhưng nó đã chạy giữa đường, phơi ra trong tầm mắt, và ba đang đứng kia với đủ thứ dây và cọc, ra hiệu cho nó tới gần. Con bé đi lại, im thít, sợ hãi. Mớ dụng cụ câu cá đang bày đầy ra, một túi rượu ngô nhét dưới chỗ ngồi của ba. “Dô đi” là tất cả những gì ông nói. Con bé bắt đầu bày tỏ niềm vui hay sự biết ơn, nhưng vẻ không cảm xúc của ông khiến nó nín lặng khi bước lên mũi thuyền và ngồi xuống ghế kim loại hướng về phía trước. Ba nó kéo cần gạt và họ tiến dọc con kênh, hụp né mớ cành lá um tùm khi nhẹ trôi dọc ngang luồng lạch, Kya ghi nhớ những thân cành gãy và gốc cây già như biển chỉ đường. Tới một khoảng nước tù, ba tắt máy thuyền và ra hiệu cho con bé ngồi vào ghế giữa. “Nào, bới ít giun từ cái lon đi,” ông bảo, một điếu thuốc cuộn bằng tay vắt vẻo ở khóe miệng. Ông dạy con bé cách bắt mồi, quăng câu và cuốn dây. Dường như ông vặn người thành những bộ dáng kỳ quặc để tránh va quẹt con bé. Họ chỉ nói chuyện câu cá; không bao giờ đánh liều động tới đề tài khác, cũng không cười nhiều, nhưng trong chỗ quan tâm chung thì họ cũng ổn. Ông có nhấp chút rượu nhưng bận tay nên không uống nữa. Về cuối ngày, mặt trời thở dài, nhạt dần thành màu bơ, và có thể họ không nhận ra nhưng cuối cùng vai họ cũng buông xuôi và cổ thả lỏng. Kya thầm mong mình không câu dính cá, nhưng nó chợt nghe dây giật và kéo lên một con cá tráp to, loang loáng ánh lam bạc. Ba nó chồm ra chụp cho vào lưới rồi ngồi xuống lại, vỗ gối bồm bộp và hú lên thích thú, một cảnh mà con bé chưa thấy bao giờ. Kya cười tươi và hai cha con nhìn thẳng vào mắt nhau, khép kín một vòng tròn. Trước khi bị ba nó treo lên, con cá tráp giãy bành bạch trong lòng thuyền và Kya phải trông về một chuỗi bồ nông xa xa, ngắm nghía hình thù mây lơ lửng, bất cứ việc gì để tránh nhìn vào cặp mắt cá chết dần, trợn nhìn một thế giới không có nước, miệng há ra hớp lấy hớp để thứ không khí vô dụng. Nhưng đó là cái giá con bé và con cá phải trả để có chút mẩu gia đình này. Có lẽ thế thì không đáng với con cá, nhưng đành vậy. Họ đi thuyền ra ngoài lần nữa vào ngày kế tiếp, và trong phá nước tối thẫm, Kya phát hiện nổi trên mặt nước là những chiếc lông ngực mềm mại của một con cú sừng. Cong vút lên ở hai đầu, chúng lững lờ trôi như những chiếc thuyền màu cam nhỏ xíu. Con bé vớt chúng lên và cho vào túi. Lát sau, Kya tìm thấy một tổ chim ruồi bỏ trống bện vào một nhánh cây chìa ra, và nhét nó vào dưới mũi thuyền an toàn. Tối đó, ba nấu bữa ăn có cá chiên – tẩm bột ngô và tiêu đen – dùng chung với cháo ngô và rau cải. Khi Kya dọn rửa sau đó, ba đi vào bếp, xách theo chiếc ba lô ông được phát hồi Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đứng gần cửa, ông thảy mạnh nó lên một cái ghế. Nó trượt xuống sàn đánh bịch, làm con bé giật thót và quay phắt lại. “Mày có thể dùng nó đựng mớ lông vũ, tổ chim và đủ thứ mày lụm về.” “A,” Kya thốt lên. “Dạ, cảm ơn ba.” Nhưng ông đã bước ra ngoài cửa hiên. Con bé cầm lên chiếc ba lô cũ sờn, làm bằng vải bạt chắc chắn dùng được suốt đời và phủ đầy túi nhỏ cùng ngăn chứa bí mật. Dây kéo cực chắc. Con bé nhìn ra cửa sổ. Ba chưa bao giờ cho nó cái gì. Tất cả những ngày trời trở ám giữa đông và mọi ngày xuân, ba và Kya đều ra khỏi nhà, đi thật xa ngược xuôi bờ biển, quăng câu, kéo dây và bắt cá. Dù ở cửa sông hay lạch nước, con bé cũng đưa mắt tìm cậu trai tên Tate và thuyền cậu, hy vọng gặp lại. Thỉnh thoảng nó nghĩ về cậu, muốn cả hai trở thành bạn nhưng không biết làm thế nào kết thân hay thậm chí làm sao để tìm người. Rồi cứ như thế, một buổi sáng thuyền họ vòng qua một khúc quanh, và cậu đang câu ở đó, gần như đúng ngay chỗ con bé gặp lần đầu. Lập tức cậu nhăn răng cười và vẫy tay. Không kịp nghĩ, con bé vung tay lên và vẫy lại, gần như mỉm cười. Rồi buông tay nhanh chẳng kém khi ba nhìn nó kinh ngạc. “Một người bạn của Jodie, trước khi ảnh bỏ đi,” nó giải thích. “Mày phải coi chừng dâng ở quanh đây,” ông bảo. “Rừng đày lũ da trắng rác rưởi. Bọn người ở chốn này gần như toàng thứ vô lại.” Con bé gật đầu. Muốn ngoảnh nhìn cậu trai nhưng không làm vậy. Rồi lo sợ cậu sẽ nghĩ nó khó gần. Ba tường tận đồng lầy như một con diều hâu biết rõ cánh đồng của nó: làm sao để săn, để trốn, để dọa cho kẻ xâm phạm khiếp sợ. Và những câu hỏi mắt tròn xoe của Kya thúc ông giải thích về mùa ngỗng, thói quen của cá, làm sao để đoán thủy triều từ con sóng và đọc thời tiết từ những đám mây. Có vài ngày con bé gói theo bữa tối trong ba lô và họ chén bánh mì ngô giòn, món mà nó đã gần nấu thạo, với hành tây xắt sợi, trong khi mặt trời lặn đứng lại trên đầm. Thảng hoặc, ba bỏ quên túi rượu ở nhà và họ uống trà từ những lọ mứt. “Nhà tao không phải lúc nào cũng ngoèo, mày biết không,” ba buột miệng khi họ ngồi dưới bóng sồi một ngày nọ, đang quăng câu qua phá nước nâu vo ve đám côn trùng bay là đà. “Họ có đất, đất màu mỡ, trồng thuốc lá và bong và đại loại vậy. Ở gần Asheville ấy. Bà nội mày đội bon-nê to như bánh xe bò và mặc đầm dài. Bọn tao sống trong một ngôi nhà có hiêng chạy hết một dòng quanh, cao hai tầng. Nó đã lắm, hết sức đã.” Bà. Môi Kya hé ra. Ở đâu đó, nó đang có hoặc từng có một người bà. Bà giờ ở đâu? Kya khao khát muốn hỏi chuyện gì đã xảy ra với mọi người. Nhưng nó sợ. Ba tự động kể tiếp. “Rồi mọi thứ đổ bể ráo. Hầu hết thời gian đó tao là một thằng nhỏ nên không rành lắm, nhưng có vụ Khúng hoảng, bong bị mọt phá, tao không biết tất cả, rồi mọi thứ mất hết. Thứ duy nhứt còn lại là nợ, cả đống nợ.” Với những chi tiết sơ sài trên, Kya chật vật hình dung quá khứ của ba. Không có gì về hồi xưa của má. Ba sẽ nổi điên nếu có người nhắc tới cuộc sống của họ trước khi Kya được sinh ra. Con bé biết gia đình mình từng sống ở đâu đó rất xa đồng lầy, gần những người ông người bà khác, nơi má đã mặc những bộ váy mua ở cửa hàng có dây nút nhỏ đẹp như ngọc, có ruy băng bằng xa-tanh với viền ren. Sau khi họ chuyển vào cái lán, má cất những chiếc váy trong rương, cứ vài năm lại lấy ra một chiếc, lột nó làm áo khoác mặc làm việc vì không có tiền mua đồ mới nữa. Giờ thì số áo xống đẹp đẽ đó cùng câu chuyện của chúng đã không còn, cháy rụi trong đống lửa ba đốt lên sau khi Jodie bỏ đi. Kya và ba quăng câu vài lần nữa, dây câu của họ vút qua đám bụi phấn lơ lửng trên mặt nước lặng, và con bé nghĩ câu chuyện tới đó là hết, nhưng ba nói tiếp, “Ngày nào đó tao xẻ đưa mày tới Asheville, cho mày thấy mảnh đất từng là của chúng ta, đúng ra đả là của mày.” Sau một lúc ông giật dây. “Nhìn kia kìa, nhóc cưng, tao bắt được cho chúng ta con cá lớn, bự như Alabamee vậy!” Trở lại lán, họ chiên cá và bánh ngô viên “mập như chứng ngỗng”. Rồi con bé bày bộ sưu tập của nó ra, cẩn thận gắn côn trùng lên mấy miếng các-tông và đính những chiếc lông lên tường phòng ngủ thành một bức tranh mềm, lay động. Lát sau nó nằm trên giường ngoài hiên lắng nghe tiếng thông reo. Con bé nhắm mắt, rồi mở ra trao tráo. “Nhóc cưng,” ba đã gọi nó như vậy. Dữ kiện vô hiệu 1969 Sau khi xong phần việc điều tra buổi sáng ở tháp phòng cháy, cảnh sát trưởng Ed Jackson và cấp phó Joe Purdue hộ tống Pearl, người vợ góa của Chase, cùng bố mẹ cậu ta, Patti Love và Sam, đến nhìn cậu nằm đắp khăn trên mặt bàn kim loại trong một phòng khám nghiệm lạnh ngắt ở phòng khám địa phương, cũng là nhà xác. Để nói lời tạm biệt. Nhưng việc này quá lạnh lùng với mọi người mẹ, không thể chịu nổi với mọi người vợ trên đời. Hai người phụ nữ phải được dìu ra khỏi đó. Trở lại văn phòng cảnh sát trưởng, Joe cảm thán, “Chà, thật tệ hại hết sức…” “Ừ. Không biết làm sao người ta vượt qua được.” “Sam không nói một lời. Ông ấy chưa bao giờ nói nhiều cả, nhưng chuyện này sẽ giết ông.” Đồng lầy nước mặn, vài người nói, có thể xơi tái một khối xi-măng cho bữa sáng, và ngay cả văn phòng kiểu boong-ke của cảnh sát trưởng cũng không thể ngăn chặn nó. Vết nước, được viền tinh thể muối, chạy ngoằn ngoèo dọc chân tường, và mốc đen lan về phía trần nhà như những mạch máu. Mớ nấm sẫm màu nhỏ xíu ngồi chồm hỗm ở bốn góc phòng. Cảnh sát trưởng lôi ra chai rượu từ ngăn bàn dưới cùng và rót một lượng gấp đôi vào hai cốc cà phê. Họ nhấp từng ngụm cho đến khi mặt trời, óng vàng và ngọt tựa bourbon, trượt vào lòng biển cả. Bốn ngày sau, Joe vung vẩy một mớ tài liệu trên tay đi vào phòng cảnh sát trưởng. “Tôi có báo cáo đầu tiên của phòng khám nghiệm rồi.” “Xem qua nào.” Họ ngồi đối diện nhau tại bàn cảnh sát trưởng, xem xét xấp giấy. Thỉnh thoảng Joe vung tay đập một con ruồi. Ed đọc to, “Thời gian tử vong rơi vào khoảng giữa nửa đêm và hai giờ sáng, khuya 29 rạng 30 tháng Mười, 1969. Đúng như chúng ta nghĩ.” Sau một phút cắm cúi đọc, ông nói tiếp, “Cái chúng ta có là dữ kiện vô hiệu.” “Anh nói đúng. Hông có gì trong đây hết, cảnh sát trưởng.” “Ngoại trừ dấu vết hai thằng nhóc đi tới chỗ ngoặt cầu thang thứ ba, không có dấu vân tay mới nào trên tay vịn hay mấy vỉ sắt, không gì cả. Chẳng có của Chase hay bất kỳ ai khác.” Những sợi nắng chiều phủ bóng đen lên gương mặt thường hồng hào của cảnh sát trưởng. “Vậy có ai đó đã lau sạch chúng. Tất tần tật. Nếu không phải vậy, vì sao lại không có dấu vân tay Chase trên lan can và tấm vỉ chứ?” “Đúng thế. Đầu tiên chúng ta không có dấu chân – giờ thì không có dấu vân tay. Không có chút chứng cứ nào cho thấy cậu ta lội bùn đi tới cầu thang, leo lên đó hay mở hai tấm vỉ trên tháp – tấm đầu cầu thang và tấm cậu ta đã té xuống. Cũng không có dấu vết người khác làm mấy chuyện đó. Nhưng dữ kiện vô hiệu vẫn là dữ kiện. Ai đó đã lau dọn cực kỳ sạch sẽ hoặc đã giết cậu ta ở nơi khác rồi đưa xác tới chỗ tháp canh phòng.” “Nhưng nếu thi thể cậu ta bị kéo tới tháp thì sẽ có dấu bánh xe.” “Ừ, chúng ta cần phải trở ra kia, tìm vết xe ngoài vết của xe chúng ta và xe cấp cứu. Có khi đã bỏ sót gì đó.” Sau khi đọc thêm một phút nữa, Ed tuyên bố, “Dù sao đi nữa, giờ tôi chắc chắn đây không phải tai nạn.” Joe đáp, “Tôi đồng ý, và không phải ai cũng xóa dấu vết giỏi vậy.” “Tôi đói rồi. Ghé qua quán ăn trên đường ra tháp đi.” “Chậc, chuẩn bị để bị phục kích đấy. Mọi người trong phố sôi sục lắm rồi. Vụ án mạng Chase Andrews là việc lớn nhất từng xảy ra ở đây, có lẽ suốt từ xưa tới giờ này. Tin đồn đang bốc lên đầy như khói tín hiệu.” “Ừ, dỏng tai lên. Có khi chúng ta chớp được một hai mẩu tin gì đó. Hầu hết mấy kẻ ăn không ngồi rồi chẳng thể giữ kín miệng họ.” Một hàng dài cửa sổ, được lắp đặt cửa chớp chống bão, phủ lên mặt trước quán ăn Vũng Barkley nhìn ra bến thuyền. Chỉ có một dải đường hẹp đứng giữa tòa nhà xây năm 1889 với những bậc thang thấm nước của bến cảng. Vài giỏ tôm và cuộn lưới đánh cá bị vứt bỏ nằm dưới hàng cửa sổ dọc tường, và đây đó vỏ sò rải bừa trên hè phố. Tiếng chim biển kêu và phân chim biển rải khắp nơi. Ơn phước thay, mùi hương xúc xích với bánh mì, gà chiên và lá củ cải đã át hết mùi tanh nồng của mấy thùng cá nằm dọc bến nước. Một sự xôn xao nhẹ tràn ra khi cảnh sát trưởng mở cửa. Mọi buồng ăn – lưng ghế cao bọc đệm đỏ – đã có người, hầu hết bàn ăn cũng vậy. Joe chỉ tới hai ghế cao còn trống tại quầy máy rót nước ngọt, và hai người đi lại đó. Trên đường đi, họ nghe ông Lane, chủ trạm Sing Oil nói với tay thợ động cơ diesel của ông, “Tôi đoán là Lamar Sands. Anh nhớ chớ, hắn bắc được vợ đang âu yếm Chase ngay trên boong chiếc thuyền cao tốc ngon nghẻ của mình. Động cơ giết người đó, và Lamar đã vài lần đụng độ dới pháp luật.” “Đụng độ gì?” “Hắn chơi dới cái đám đã rạch nát mấy tấm vải dầu của cảnh sát trưởng.” “Lúc đó họ là con nít mà.” “Còn vụ dì khác nữa, tôi chỉ hông nhớ ra thôi.” Đằng sau quầy, đầu bếp kiêm chủ quán Jim Bo Sweeny lăng xăng xẹt qua xẹt lại lật bánh cua trên vỉ nướng, khuấy xúp kem ngô trên bếp lò, chọc đùi gà trong máy chiên ngập dầu, rồi lặp lại. Vừa canh bếp vừa đặt những chồng dĩa cao ngất trước mặt thực khách. Người ta nói ông có thể nhào bột bánh mì bằng một tay và lóc xương cá trê bằng tay còn lại. Ông đãi khách món tủ nổi tiếng của mình – cá bơn nướng nhồi tôm đặt trên cháo ngô phô mai pimento – chỉ vài lần một năm. Không cần quảng cáo gì sất; tiếng lành tự khắc đồn xa. Khi cảnh sát trưởng và cấp phó len lỏi qua các bàn ăn để tới quầy, họ nghe bà Pansy Price của tiệm năm xu một hào Kress nói với bạn, “Có thể là người phụ nữ sống ngoài đồng lầy. Khùng đủ để dô nhà thương điên. Tôi cá là cô ta làm được việc như vậy…” “Ý chị là gì? Cô ta có liên quan gì chứ?” “A, có một bận ở ngoài kia, cô ta dây dưa dới…” Khi cảnh sát trưởng và cấp phó bước tới quầy, Ed bảo, “Hãy gọi bánh mì kẹp po’boy rồi mang đi khỏi đây thôi. Chúng ta không thể bị lôi vô mấy chuyện này được.” Jumpin’ 1953 Ngồi ở mũi thuyền, Kya nhìn những ngón tay là đà của sương vươn tới thuyền của họ. Thoạt đầu, vài mẩu mây rách toạc trôi qua bên trên, rồi sương mù nuốt chửng họ trong mờ mịt xám, và chỉ còn tích tích tích tiếng động cơ chạy êm. Vài phút sau, những vết màu bất ngờ hiện ra khi hình dạng dãi dầu mưa gió của trạm xăng trên bến trôi vào tầm mắt, như thể nó đang di chuyển chứ không phải họ. Trước nay Kya chỉ tới đây có một lần. Chủ trạm, một người đàn ông lớn tuổi da đen, từ trên ghế bật dậy giúp họ – lý do mọi người gọi ông là Jumpin’. Hai bên tóc mai bạc trắng và mái tóc muối tiêu của ông đóng khung một khuôn mặt rộng, hào phóng với cặp mắt cú vọ. Cao ráo gầy gò, dường như ông chẳng bao giờ ngừng nói, cười, hay ngửa đầu ra, môi mím chặt theo kiểu phá lên cười chỉ riêng ông có. Ông không mặc quần yếm như hầu hết cánh thợ ở đây mà mặc áo sơ mi kín cổ màu lam ủi phẳng, chiếc quần tối màu quá ngắn, và mang ủng lao động. Không thường xuyên, nhưng thi thoảng vào những ngày hè gay gắt nhất, ông cũng đội một chiếc nón rơm cũ tơi tả. Trạm Xăng và Mồi của ông bấp bênh trên cầu bến lung lay. Một sợi cáp chạy từ cây sồi gần nhất trên bờ, băng qua mười hai mét nước tù, và căng mình ra hết sức để giữ chặt. Ông cố của Jumpin’ đã xây cầu tàu này và cái lán bằng ván gỗ bách từ lâu lắm, cái hồi không còn ai nhớ nổi, đâu trước cả cuộc Nội chiến. Ba thế hệ nhà họ đã đóng những tấm biển kim loại sáng – Nehi Grape Soda, Royal Crown Cola, Camel Filters, và cả đống biển xe nhiều như đã tích tụ hai mươi năm trên toàn Bắc Carolina – lên khắp cái lán, và sắc màu rực lên của chúng có thể thấy từ xa ngoài biển, xuyên qua tất cả trừ màn sương dày đặc nhất. “Xin chào, anh Jake. Anh dạo này sao rồi?” “Chà, tôi thức dậy và thấy mình còn nằm bên trên ba tấc đất,” ba trả lời. Jumpin’ phá ra cười như thể ông chưa bao giờ nghe câu cũ rích đó. “Anh có con gái nhỏ ở cạnh anh. Vậy là tốt quá rồi.” Ba gật đầu. Rồi như mới nghĩ ra, ông nói, “Ừ, đây là con gái tôi, cô Kya Clark.” “Chà, tôi hết sức hãnh diện được biết cháu, cô Kya.” Kya nhìn chăm chăm mấy ngón chân nhưng không tìm ra từ nào đáp lại. Jumpin’ không có vẻ phiền lòng và tiếp tục nói về vụ cá bội thu dạo này. Rồi ông hỏi ba, “Đổ đầy bình cho cô nàng hả, anh Jake?” “Ừ, tọng đầy tới nắp luông.” Hai người đàn ông tán gẫu về thời tiết, chuyện câu cá, rồi trở lại thời tiết cho đến khi bình đầy. “Chúc hai người một ngày tốt lành nhé,” ông nói khi nhẹ nhàng tháo dây ra. Ba cho thuyền chầm chậm trở ra khoảng biển sáng ngời – mặt trời nghiến ngấu màn sương còn nhanh hơn Jumpin’ đổ xăng đầy bình họ. Họ bình bịch vòng qua bán đảo phủ thông dài nhiều dặm để tới Vũng Barkley, rồi ba buộc thuyền vào cây cột có vết hằn sâu của cầu tàu thị trấn. Những người đánh cá bận túi bụi, cột dây, xếp mẻ cá. “Tao tính là chúng ta có thể kím ít đồ ăn ở nhà hàng,” ba nói và dẫn con bé đi dọc bến thuyền tới quán ăn Vũng Barkley. Kya chưa bao giờ ăn nhà hàng, chưa bao giờ đặt chân vào đó. Tim con bé đập thình thịch khi nó phủi mấy mảng bùn khô trên cái quần yếm ngắn cũn và vỗ vỗ cho mớ tóc rối xẹp xuống. Khi ba mở cửa, tất cả những người đang ăn đều khựng lại. Vài người đàn ông khẽ gật đầu với ba, phụ nữ thì cau mày và quay đi chỗ khác. Một người khịt mũi, “Hừ, chắc hông đọc được rằng cần mặc áo sơ mi và đi giày.” Ba ra hiệu cho con bé ngồi xuống một bàn nhỏ nhìn ra bến nước. Kya không đọc được thực đơn, nhưng ba đọc cho nó nghe hầu hết các món và nó gọi gà rán, khoai tây nghiền, nước xốt thịt, đậu trắng cùng bánh mì xốp như nắm bông mới hái trên cành. Ba gọi tôm chiên, cháo phô mai, đậu bắp chiên và cà chua xanh chiên. Cô phục vụ dọn ra cả một dĩa những miếng bơ đặt trên đống nước đá viên và một giỏ đầy bánh ngô với bánh mì nhỏ, lại có trà đá ngọt tha hồ uống. Sau đó họ còn ăn bánh mâm xôi với kem để tráng miệng. No nóc, Kya nghĩ chắc nó ọc ra mất, nhưng cũng đáng mà. Trong khi ba đứng trước máy tính tiền thanh toán, Kya bước ra lề đường, nơi cái mùi nồng nồng của những tàu cá giăng mắc trên vịnh biển. Con bé cầm một miếng khăn giấy dính dầu gói gà chiên và bánh xốp còn thừa. Túi quần của nó nhét đầy mấy gói bánh quy mặn mà cô phục vụ để ngay ra bàn cho lấy. “Xin chào.” Kya nghe một giọng nói nhỏ xíu đằng sau và quay lại để thấy một bé gái chừng bốn tuổi có những lọn tóc vàng hoe ngước nhìn mình. Đứa trẻ mặc đầm xanh biển và đang chìa tay ra với Kya. Con bé dán mắt vào bàn tay nhỏ nhắn đó; trông nó mũm mĩm mềm mại làm sao và có lẽ là thứ sạch sẽ nhất Kya từng thấy. Chưa bao giờ chà xà bông kiềm, chắc chắn không có bùn từ con sò con vẹm dưới móng tay. Rồi nó nhìn vào cặp mắt của cô bé kia, phản chiếu trong đó Kya cũng chỉ là một đứa nhỏ. Con bé chuyển gói khăn sang tay trái và chầm chậm chìa tay phải về phía đứa trẻ. “Này, tránh xa ra!” Đột nhiên bà Teresa White, vợ của nhà thuyết giáo dòng Giám lý, xông ra từ cửa hiệu giày Buster Brown. Vũng Barkley dâng mình hết sức nhiệt thành cho tôn giáo. Nhỏ xíu vậy nhưng ngôi làng nuôi được tới bốn nhà thờ, và ấy mới chỉ là nhà thờ cho người da trắng; người da đen có ba cái nữa. Cố nhiên, các mục sư và nhà thuyết giáo, và tất nhiên là cả vợ họ nữa, có địa vị rất được trọng vọng trong làng, luôn phục sức và cư xử tương xứng với địa vị đó. Teresa White thường vận váy nhạt màu trang nhã và áo trắng, giày cao gót kín mũi với ví hợp màu. Lúc này bà chạy vội về phía con gái và nhấc bổng con lên. Bước ra xa Kya, bà để cô bé xuống lề đường và ngồi thụp xuống bên cạnh. “Meryl Lynn, con iu, đừng lại gần đứa con gái đó, con nghe mẹ chứ. Con nhỏ đó dơ hầy.” Kya nhìn người mẹ đưa tay vuốt mái tóc quăn của đứa nhỏ, không bỏ sót việc họ nhìn vào mắt nhau lâu đến thế nào. Một phụ nữ chạy ra từ tiệm Piggly Wiggly và bước vội tới chỗ họ. “Hai mẹ con không sao chớ, chị Teresa? Chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Con nhỏ đó quấy rầy Meryl Lynn à?” “Tôi đã thấy nó kịp lúc. Cảm ơn, Jenny. Tôi ước gì mấy người bọn họ đừng có mò ra thị trấn này. Nhìn con nhỏ đó kìa. Bẩn thỉu. Dơ dáy hết sức. Đang có dịch cúm dạ dày và tôi biết chắc nó lây từ họ. Năm trước họ cũng mang tới cái ca sởi đó, nguy hiểm cực kỳ.” Teresa quày quả bước đi, nắm chặt đứa nhỏ. Vừa lúc đó thì ba, tay xách một túi giấy nâu đựng chút bia, gọi giật từ sau con bé, “Mày làm dì vậy? Nhanh lên, chúng ta phải dọt khỏi đây. Triều đang rút rồi.” Kya quay lại và bước theo ba nó, rồi trong khi họ lái về lán nhà giữa chốn đồng lầy, con bé mường tượng lại những lọn tóc xoăn cùng ánh mắt đứa con và người mẹ. Ba vẫn thỉnh thoảng biến mất mấy hôm chẳng về nhà, nhưng không còn thường xuyên như trước. Và khi xuất hiện rồi, ông cũng không gục xuống thành một đống mê man mà ăn một bữa cơm và trò chuyện chút chút với con. Một tối họ chơi bài gin rummy, ông cười ha hả khi con bé thắng, và nó che miệng khúc khích như một bé gái bình thường. Mỗi lần bước xuống khỏi hiên, Kya lại đưa mắt nhìn suốt lối mòn, nghĩ rằng mặc dù đậu tía rừng đã tàn với mùa xuân còn má đã bỏ đi từ cuối hè năm ngoái, nhưng có lẽ nó sẽ thấy má bước trên cát về nhà. Vẫn với đôi giày cao gót giả da cá sấu kia. Giờ khi con bé và ba đã cùng câu cá và chuyện trò, hẳn họ có thể cố gắng làm một gia đình lần nữa. Ba đã đánh tất cả bọn họ, hầu hết là khi ông say quắc cần câu. Mỗi lần ông sẽ tỉnh táo được vài ngày – họ sẽ cùng nhau ăn canh gà hầm nóng; có lần họ còn cùng thả một con diều trên bãi biển. Rồi lại uống, la hét, đánh đập. Chi tiết vài bận như vậy vẫn rõ mồn một trong trí nhớ Kya. Một lần ba đã xô má vô tường nhà bếp, đánh cho tới khi bà gục xuống. Kya, trong khi nức nở van xin ông ngừng lại, đã đụng vào cánh tay ông. Thế là ông túm lấy vai con bé, thét bảo nó tụt quần jean và quần lót ra, rồi ấn nó gập người trên bàn bếp. Bằng một động tác nhuần nhuyễn, quen thuộc, ông rút dây nịt từ quần mình ra quất nó. Dĩ nhiên, con bé nhớ cái đau rát bỏng cắt lên mông, nhưng kỳ lạ là nó nhớ chuyện cái quần jean tụt xuống lùng nhùng quanh cổ chân gầy gò một cách sắc nét hơn thế nữa. Má thì đã sụm xuống trong góc cạnh bếp lò, gào khóc. Kya không biết vì đâu lại có vụ đánh đập này. Nếu như giờ má trở về, khi ba đang cư xử tử tế, có lẽ họ có thể bắt đầu lại. Kya chưa bao giờ nghĩ ba sẽ là người ở lại và má sẽ là kẻ ra đi. Nhưng nó biết má sẽ không bỏ mình mãi mãi; nếu còn ở đâu đó trên thế giới ngoài kia, bà sẽ trở về. Kya vẫn có thể thấy đôi môi mọng, thắm đỏ của má nhẩm hát theo bài ca phát qua đài, vẫn nghe lời bà văng vẳng quanh đây, “Nào, hãy lắng nghe ông Orson Welles; ông nói chuyện đàng hoàng như một quý ông. Đừng nói hông, nó thậm chí không phải là một từ nữa.” Má đã vẽ cảnh cửa sông và mặt trời lặn bằng sơn dầu và màu nước, sống động như thể chúng được lột ra từ mảnh đất này. Bà đã mang vài dụng cụ vẽ đến đây và có thể mua mấy thứ ở tiệm năm xu một hào Kress. Thi thoảng má còn để Kya tự vẽ tranh lên những túi giấy nâu cầm về từ tiệm Piggly Wiggly nữa. Đầu tháng chín của mùa hè câu cá đó, vào một buổi chiều nhợt nhạt dưới cái nóng, Kya bước tới chỗ hộp thư cuối lối mòn. Lật qua những tờ quảng cáo hàng tạp hóa, con bé dừng phắt lại khi thấy một phong thư màu xanh lam có nét chữ nắn nót của má. Vài chiếc lá sung dâu đã ngả vàng như khi bà đột ngột đi. Suốt từng ấy thời gian không chút vết tích, giờ lại có lá thư này. Kya nhìn nó chằm chằm, giơ lên ánh sáng, đưa mấy ngón tay lần theo dòng chữ hoàn hảo, nghiêng nghiêng. Tim nó đập mạnh trong lồng ngực. “Má còn sống, ở một nơi nào đó. Sao má không về nhà?” Con bé nghĩ tới chuyện xé lá thư ra, nhưng từ duy nhất nó chắc chắn đọc được là tên nó, mà cái tên không có trên bì. Con bé chạy về lán, nhưng ba đã đi đâu đó bằng thuyền. Thế nên nó để lá thư tựa lên lọ muối trên bàn cho ông thấy. Trong khi luộc củ hành với đậu mắt đen, con bé cứ nhìn chừng lá thư kẻo nó biến mất. Cứ cách vài giây, Kya lại hụp dưới cửa bếp chờ nghe tiếng bình bịch của con thuyền. Rồi đột nhiên ba khập khiễng đi lên bậc cấp. Bao nhiêu can đảm đột nhiên rời bỏ con bé, và nó vụt chạy qua ông, hét to rằng nó đi ra nhà xí; cơm tối sắp xong liền. Rồi nó đứng trong cái buồng bốc mùi, tim thình thịch đua xuống bụng. Giữ thăng bằng trên ghế gỗ, nó nhìn qua khe hở hình bán nguyệt trên cửa, không biết chính xác mình trông đợi gì. Rồi cửa hiên sập mạnh lại và con bé thấy ba quày quả đi ra phá. Ông tiến thẳng tới chỗ chiếc thuyền, túi rượu nhỏ trong tay, và nổ máy chạy đi. Con bé chạy trở lại nhà, vào bếp, nhưng lá thư không còn nữa. Nó giật ngăn tủ của ông ra, lục tung tủ quần áo, tìm kiếm. “Thư là của con nữa! Nó là của con cũng như của ba.” Quay vào nhà bếp, con bé nhìn trong thùng rác và tìm thấy tro của lá thư, vẫn còn phần diềm xanh xanh. Với một cái muỗng, nó múc chúng lên để trên bàn, một đống tro tàn màu xanh và đen thẫm. Nó bới thùng rác, nhặt tìm dưới từng mẩu đổ bỏ trong thùng; có lẽ vài từ đã lọt xuống dưới đáy. Nhưng không có gì ngoài những vết tro bám trên vỏ củ hành. Con bé ngồi tại bàn, đậu vẫn réo trong nồi nước, và nhìn trân trân đống tro nhỏ. “Má đã chạm vào đó. Có lẽ ba sẽ cho mình biết má viết gì. Đừng ngu ngốc vậy – chuyện đó cũng dễ xảy ra như tuyết rơi ở đầm lầy.” Ngay cả dấu bưu điện cũng chẳng còn. Giờ con bé sẽ không bao giờ biết má đi đâu nữa. Nó đổ tro vào một lọ nhỏ và cất trong hộp xì gà cạnh giường. Ba không về nhà tối đó và cả hôm sau, rồi khi cuối cùng ông cũng về, đó lại là gã say xỉn hồi trước loạng choạng bước qua cửa. Khi con bé gom hết can đảm hỏi về lá thư, ông quát, “Cóc phải việc của mày.” Rồi tiếp, “Má mày hông quay dề đâu, quên phắt chuyện đó đi.” Cầm túi rượu, ông lê bước về phía chiếc thuyền. “Không đúng,” Kya hét về phía bóng lưng ông, nắm tay siết lại bên hông nó. Con bé nhìn ông bỏ đi, rồi gào lên với phá nước trống rỗng, “Hông thậm chí còn không phải là một từ nữa!” Sau đó con bé tự hỏi phải chăng nó nên tự mở lá thư ra, không đưa cho ba. Như vậy Kya có thể giữ những dòng chữ đó để ngày sau đọc, và ba sẽ sống tốt hơn khi không biết tới chúng. Ba chẳng lần nào đưa nó đi câu nữa. Những ngày ấm áp kia chỉ là một mùa lạ ngẫu nhiên được thêm vào và sẽ không trở lại bao giờ. Những đám mây thấp rẽ ra, mặt trời tưới lên thế giới của nó trong phút chốc, rồi khép lại tối tăm và keo kiệt như cũ. Kya không nhớ được cầu nguyện thì phải làm sao. Hình như điều quan """