"
Xã Hội Diễn Cảnh - Guy Debord full prc pdf epub azw3 [Tinh Hoa Tri Thức]
🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Xã Hội Diễn Cảnh - Guy Debord full prc pdf epub azw3 [Tinh Hoa Tri Thức]
Ebooks
Nhóm Zalo
Xã hội diễn cảnh
Tác giả: Guy Debord | Người dịch: Nguyễn Tùng Nhà xuất bản Tri thức | 10/2004
Tạo ebook: tudonald78 - tve4u
Ngày hoàn thành: 20/06/2020
Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Xin bạn đọc lưu ý, Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn sách Xã hội diễn cảnh (La Société du Spectacle, Nhà xuất bản Gallimard, 1992) của Guy Debord, do Nguyễn Tùng dịch, chú thích và giới thiệu một cách đầy đủ và mạch lạc.
Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lý giải riêng của tác giả về các vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách.
Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng.
Xin chân thành cảm ơn!
GIỚI THIỆU
GUY DEBORD VÀ XÃ
HỘI DIỄN CẢNH
Có một cuộc sống đầy “tiếng ồn và cuồng nộ”, bị bệnh nặng do say rượu hầu như suốt đời, kết thúc bằng việc tự sát, Guy Debord là một hiện tượng kỳ lạ của giới trí thức Pháp nửa sau của thế kỷ 20. Chịu ảnh hưởng sâu đậm chủ nghĩa Marx, ông thường được xem là thuộc cánh cực tả chủ trương cách mạng triệt để. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là La société du spectacle (Xã hội diễn cảnh) thường được nhiều người đánh giá hoàn toàn trái ngược nhau... Thế mà, cách đây hơn ba năm, ông lại được chính quyền Pháp (lúc đó do phái hữu nắm) chính thức công nhận là “bảo vật quốc gia”, và bỏ ra gần ba triệu euro để mua các tư liệu lưu trữ của ông!
Tiểu sử:
Guy-Ernest Debord sinh năm 1931 ở Paris. Mẹ ông thuộc một gia đình tư sản trung lưu chủ nhà máy sản xuất giày, cha ông chỉ là một điều chế viên dược, bị bệnh lao phổi sau khi ông ra đời, và mất khi ông mới lên bốn.
Trước Thế chiến II, sau khi dọn xuống Nice, mẹ Debord sống và có thêm hai con (một gái một trai) với Domenico Bignoli, - một người Italia dạy lái ô tô và hoạt động cho phát xít Italia ở vùng Côte d’Azur, mà Debord rất quý. Nhờ ông Bignoli, Debord biết tiếng Italia. Năm 1942, gia đình ông dời đến Pau. Năm sau, mẹ Debord lại yêu một công chứng viên giàu có, nên đoạn tuyệt với Bignoli. Năm 1945, gia đình dời đến Cannes, nơi Debord học trung học rồi đậu tú tài vào năm 1951. Năm 1952, mẹ Debord yêu một người đã có vợ và dan díu với ông này trong gần 30 năm.
Theo Christophe Bourseiller1, do hầu như không có cha, Debord luôn ngờ vực các “khuôn mặt cha”; chính vì thế ông đã chống phá những người mà ông đã chịu ảnh hưởng sâu sắc như André Breton (1896-1966), Cornelius Castoriadis (1922-1997), Henri Lefebvre (1901-1991)..., theo kiểu một đứa con hay có ý nghĩ giết cha!
Phong trào Chữ cái
Bước ngoặt đầu tiên trong đời Debord là cuộc gặp Isidore Isou2 tháng 4.1951: bên lề Liên hoan Điện ảnh Cannes, Isou đã gây tai tiếng với việc chiếu cuốn phim của ông: Traité de have et d’éternité (Hiệp ước nước dãi và vĩnh hằng) với ba kỹ thuật độc đáo là dùng lối dựng phim chênh lệch (montage discrepant), tức là tách rời băng âm và băng hình, dùng các bài thơ chữ cái để làm băng âm và dùng lại những đoạn phim cũ bị cắt bỏ (found footage). Isou cho rằng cách duy nhất để làm một cuốn phim độc đáo là phá hủy ngay chính các nền tảng của nó. Debord đã gia nhập phong trào chữ cái khi mới 20 tuổi.
Do chịu ảnh hưởng của Isou, Debord đã viết bản tóm tắt cuốn phim Huriements en faveur de Sade (Gào thét vì Sade) mà ông định quay, đăng trong tạp chí Ion, số 1, tháng 4.1952. Nhưng chỉ hơn nửa năm sau đó, Debord đã rời bỏ Isou và cùng với vài người khác lập ra ở Paris, vào tháng 12.1952, nhóm Quốc tế Chữ cái (Internationale Lettriste, viết tắt là IL) có lập trường chính trị gần với những người vô chính phủ và marxist cách mạng. Nhóm này xuất bản tạp chí cùng tên, chỉ ra được bốn số với số độc giả không đáng kể. Tuy mang tên là “quốc tế”, họ chỉ có khoảng mươi người tham gia, trên cả thế giới!
Trước khi ra IL khoảng hơn một tháng, vào ngày 29.10.1952, Debord và vài “đồng chí” của ông đã phá hoại cuộc họp báo giới thiệu cuốn phim nổi tiếng Limelight (Ánh đèn sân khấu) của vua hề Charlie Chaplin ở khách sạn Ritz (Paris) và rải truyền đơn tố cáo Chaplin là “kẻ lừa đảo tình cảm, kẻ doạ dẫm để tống tiền sự đau khổ”, là “phát xít giấu mặt” (fasciste larvé)... Hai ngày sau, Isidore Isou cùng hai “đồng chí” trung thành với ông, cho đăng trong báo Combat (1.11.1952) thông cáo công khai chối bỏ hành động của nhóm Guy Debord, đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa họ.
Trong tuyên ngôn đăng số 2 của IL (2.1953), Debord cùng các “đồng chí” khác cho rằng họ “đã đuổi cổ Isou vì ông ta đã tin vào sự hữu ích của việc để lại các dấu vết”, họ tố cáo nhà thơ siêu thực André Breton là “tên chỉ điểm mà ai cũng biết”, họ chủ trương phải có những hành động “khiêu khích” (provocation), “tuyệt đối không lao động” (il ne faut absolument pas travailler), “chối từ thảo luận”,
“quan hệ giữa người và người phải lấy sự đam mê, nếu không phải là sự khủng bố, làm nền tảng”!
Trong bài “Phải bắt đầu lại chiến tranh Tây Ban Nha” ký tên nhiều người đăng ở số 3 của IL (8.1953), họ viết: “Chúng tôi kêu gọi các đảng cách mạng vô sản tổ chức một cuộc can thiệp vũ trang để ủng hộ một cuộc cách mạng mới” ở Tây Ban Nha.
Sau số IL cuối cùng phát hành tháng 6.1954, nhóm lại ra tạp chí Potlatch3: từ ngày 22.6.1954 đến 5.11.1957, tạp chí này ra được cả thảy 29 số.
Năm 1954, Guy Debord kết hôn với nữ nhà văn Michèle Bernstein.4
Chương trình của Potlatch là “thiết lập có ý thức và tập thể một nền văn minh mới”5. Trong tạp chí Bỉ Les Lèvres nues (1954-1957), Debord đề ra chủ trương “derive” (trôi dạt), một lối vui chơi “hoàn toàn khác với các quan niệm cổ điển về du lịch và dạo chơi”6. Cũng trong tạp chí này, cùng viết với Wolman, Debord đã cho đăng vào năm 1956 một bài quan trọng: “Mode d’emploi du détournement”7 (Cách sử dụng sự chuyển đổi) sẽ được trình bày dưới đây.
Thông qua các hoạt động có tính khiêu khích, IL tuyên truyền cho việc sử dụng các loại hình nghệ thuật một cách cách mạng. Họ cho rằng sự khủng hoảng của nghệ thuật là triệu chứng của sự xuất hiện một hiện tượng mới rộng lớn hơn: đó là khả năng trực tiếp thực hiện, lần đầu tiên trong lịch sử, sự kết hợp giữa nghệ thuật và cuộc sống, “không phải để hạ thấp nghệ thuật vào cuộc sống hiện tồn tại, mà trái lại để nâng cao cuộc sống lên đến điều mà Nghệ thuật đã
hứa hẹn”8, nhờ chiếm lấy những phương tiện mà giai cấp tư sản đã phát triển do họ đã làm tăng thêm khả năng chế ngự thiên nhiên. Quốc tế Tình huống
Quốc tế Tình huống (Internationale Situationniste, viết tắt: IS) được chính thức thành lập vào ngày 28.7.1957 ở Hội nghị Cosio di Arroscia (Italia) với sự tham gia của tám người: Michèle Bernstein, Guy- Emest Debord (Quốc tế chữ cái), Giuseppe Pinot Gallizio, Asger Jorn, Walter Olmo, Piero Simondo, Elena Verrone (Phong trào Quốc tế vì một Bauhaus imaginiste9 ở Italia), Ralph Rumney (Hội tâm-địa
học London10). Đường lối của quốc tế này chủ yếu dựa trên Báo cáo về việc xây dựng các tình huống và về các điều kiện tổ chức cùng hành động của khuynh hướng tình huống quốc tế11 do Guy Debord viết. Trong báo cáo này, Debord chủ trương phải “thay đổi thế giới” và phải vượt tất cả các hình thức nghệ thuật bằng việc sử dụng các phương tiện đảo lộn cuộc sống thường nhật. Ý tưởng trung tâm của IS là “xây dựng cụ thể các tình huống” tức là các “bầu không khí nhất thời của cuộc sống, và biến đổi chúng thành chất lượng đam mê cao hơn”.
`Là một tổ chức cách mạng cực tả, nó muốn đoạn tuyệt với xã hội có giai cấp và sự chuyên chính của hàng hóa do tiếp thu ảnh hưởng của nhiều trào lưu cách mạng xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, chủ yếu là tư tưởng marxist của Anton Pannekoek, Rosa Luxemburg, của quan niệm cộng sản đề cao vai trò của các hội đồng cũng như của nhóm Socialisme ou Barbarie12 (Chủ nghĩa xã hội hay sự dã man, viết tắt là S ou B) hoạt động từ cuối những năm
1940, tư tưởng phê phán cuộc sống hằng ngày của Henri Lefebvre13... ít ra trong vài năm đầu, IS muốn vượt các trào lưu tiên phong về nghệ thuật nửa đầu thế kỷ 20 là phong trào Đađa (dadaisme14), phong trào Siêu thực (surréalisme15) và phong trào chữ cái (Lettrisme). Nó cũng muốn tái chiếm hữu hiện thực, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Lúc đầu, những người tình huống muốn lôi cuốn sự chú ý của mọi người bằng việc sử dụng lối nói hai nghĩa (calembour) như là vũ khí, để chế nhạo nghệ thuật đương đại và để chứng minh sự phù phiếm và nông cạn của văn hóa gọi là tư sản.
Từ tháng 6.1958 đến tháng 9.1969, họ phát hành được 12 số của tạp chí Quốc tế Tình huống do Debord làm chủ nhiệm. Năm 1959, ông thực hiện phim Sur le passage de quelques personnes à trovers une assez courte unite de temps (Trên lối đi của vài người xuyên qua một đơn vị thời gian khá ngắn). Càng ngày Debord càng ít quan tâm đến cái chết của nghệ thuật, mà muốn vượt nghệ thuật bằng sự phê phán toàn bộ xã hội. Cái mới lạ mà IS đem tới không phải là sự tố cáo chủ nghĩa tư bản và sự tha hóa mà là sự phê phán triệt để, về hình thức cũng như về nội dung, hệ thống thị trường tha hóa cá nhân trong đời sống hằng ngày. Như vậy vào đầu những năm 1960, Debord và các đồng chí của ông tin tưởng vào một cuộc cách mạng xã hội. Họ tuyên bố muốn tiếp tục thực hiện công xã 1871.16
Từ hơn mười lăm năm nay dấy lên một cuộc tranh luận đôi khi khá gay gắt về ảnh hưởng của nhóm S ou B (đặc biệt là của
Cornelius Castoriadis17) đối với Guy Debord. Trong khi Vincent Kaufmann18 muốn “đánh tan” “sự hiểu lầm” về ảnh hưởng nói trên, thì các tài liệu của Pierre Guillaume19 và Daniel Blanchard20 cũng như các nghiên cứu Bernard Ouiriny21, Stephen Hastings-King22, Daniel Lindenberg23 đã chứng minh ngược lại.
Theo một bức thư của chính Debord, năm 1958, ông đã tiếp xúc với số thành viên trẻ trong nhóm S ou B nhưng không mấy cảm tình vì ông nhận thấy họ: “máy móc đến mức kinh hoàng. Họ chẳng marxist gì cả mà là duy công nhân (ouvriériste) [...]: giai cấp vô sản là Thượng Đế ẩn giấu của họ. Các ý đồ của Thượng Đế là không thể lý giải được, và các nhà trí thức phải tự hạ mình, và chờ đợi”.24
Theo Daniel Blanchard (thành viên của S ou B với bí danh là Pierre Canjuers), năm 1959, ông đã gặp Debord lần đầu. Blanchard đã cùng Debord viết bài “Thỏa thuận sơ bộ cho việc xác định sự thống nhất chương trình cách mạng” được xuất bản ngày
20.7.196025. Tư liệu này chủ yếu bàn về chủ nghĩa tư bản và văn hóa. Nó đưa quan niệm vốn có của S ou B về sự kiện xã hội tư bản bị chia thành những người lãnh đạo và những người thừa hành ở lĩnh vực văn hóa mà IS đặc biệt quan tâm.
Debord và Canjuers cũng đã nói đến “diễn cảnh” như là “phương thức thống trị thiết lập quan hệ giữa người và người”. Theo họ “chính thông qua diễn cảnh mà con người có ý thức - bị làm lệch lạc - về vài mặt của toàn bộ đời sống xã hội”. Họ minh nhiên xác định rằng “quan hệ giữa các tác giả và khán giả chỉ là một sự chuyển vị (transposition) quan hệ cơ bản giữa những người lãnh đạo và
những người thừa hành”. “Và sự hoàn thiện của xã hội tư bản thể hiện phần lớn sự hoàn thiện của cơ chế tạo thành diễn cảnh”.26 Nói chung, ảnh hưởng của S ou B trong tư liệu này là khá rõ nét. Chỉ vài tháng sau đó, Debord khẳng định trong thư gửi cho André Frankin, rằng Canjuers là tác giả của “ít ra hai phần ba văn bản”.27 Nếu số 5 của IS (phát hành tháng 12.1960) có nhắc đến việc xuất bản văn kiện “Thỏa thuận sơ bộ...”, thì ngược lại S ou B hoàn toàn không nhắc đến có lẽ vì họ xem thường nó, dù theo Pierre Guillaume, Canjuers đã phân phối nó.28
Pierre Guillaume và Debord gặp nhau lần đầu tiên ngày 27.10.1960 trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Algérie, và trong những tháng sau đó họ đã gặp nhau nhiều lần. Pierre Guillaume đã ra sức lôi kéo Debord gia nhập S ou B. Debord đã tham gia nhiều buổi họp của nhóm và của ban biên tập tạp chí.
Ta tìm được nhiều dư âm về các cuộc gặp gỡ và tham gia này trong thư của Debord. Stephen Hastings-King, khi nghiên cứu các tư liệu nội bộ của nhóm, nhận định rằng sự tham gia của Debord thường rất kín, trừ buổi họp ngày 22.5.1961 khi ông tuyên bố rời nhóm.
Trong bức thư rút ra khỏi nhóm đề ngày 5.5.196129, Debord tố cáo hiện tượng “ngôi sao” (tức “vedette”, rõ ràng là ám chỉ Castoriadis) trong các cuộc tranh luận và cãi vã nội bộ. Điều đó chứng tỏ Debord không chấp nhận vị trí bá quyền của Castoriadis trong sự điều hành và định hướng lý thuyết của nhóm.
Theo Pierre Guillaume, sự ra đi của Debord kéo theo sự ly khai của khoảng mười thành viên S ou B. Debord không cho họ gia nhập IS. Theo Christophe Bourseiller, sự từ chối đó phản ánh “quan điểm duy ưu tú” (vision élitiste) của Debord.30
Nhưng chỉ từ số 9 của IS (8.1964) trở đi, Debord mới công khai đả kích Castoriadis chống chủ nghĩa Marx và lý thuyết marxist về lịch sử trong khi IS vẫn trung thành với chúng.31
Debord đã rút ra nhiều ý tưởng từ các bài viết của Castoriadis trong thập niên 1950 và vào đầu thập niên 1960, đặc biệt là bài “Phong trào cách mạng dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại”.32
Nhưng trong khi Castoriadis liên tục tiến hành tự phê bình về lý thuyết và do đó, nhận ra các luận điểm của chính ông đã chịu những ảnh hưởng gì của chủ Marx mà ông từ từ lìa xa, thì Debord lại lui vào một thứ giáo điều không nhân nhượng, nên chối bỏ chuyển biến tư tưởng của Castoriadis từ 1964 trở đi, được thể hiện trong các văn kiện như “Làm lại cách mạng”33, “Chủ nghĩa Marx và lý thuyết cách mạng”34. Sử gia Mỹ Stephen Hastings- King đã chứng tỏ rất rõ là, sau khi rời bỏ S ou B, để đoạn tuyệt với Castoriadis về lý thuyết, Debord đã lao vào trong một chủ nghĩa Marx theo quan niệm của Lukács mà ta thấy dấu vết trong nhiều luận điểm của Xã hội diễn cảnh35. Theo Hastings-King, “đối với Debord, Lukács trở thành một văn bản cơ bản do ông chối bỏ quan niệm của S ou B cho rằng thế giới tưởng tượng của chủ nghĩa Marx bị khủng hoảng nên dẫn đến một sự bế tắc về ý niệm. Debord sử dụng Lukács để kết hợp các lý thuyết của mình về nghệ thuật với một chủ nghĩa Marx cứng đờ”.36
Theo Bernard Ouiriny, có lẽ ý niệm “diễn cảnh” nổi tiếng của Debord đã chịu ảnh hưởng của đoạn sau đây trong bài “Phong trào cách mạng dưới chủ nghĩa tư bản hiện đại”: “Như vậy, diễn cảnh [...] trở thành mô hình xã hội hóa đương đại, trong đó mỗi người đều thụ động trong quan hệ với cộng đồng và không thấy tha nhân như là chủ thể trao đổi, truyền thông và hợp tác nữa, mà là như một vật thể trơ ì giới hạn các hoạt động của mình”.37
Trong Xã hội diễn cảnh, khi Debord phân biệt “diễn cảnh tập trung” (spectaculaire concentre) với “diễn cảnh khuếch tán” (spectaculaire diffus), ông đã lấy lại, dưới các thuật ngữ khác, sự đối lập giữa “chủ nghĩa tư bản toàn diện” (capitalisme bureaucratique total) với “chủ nghĩa tư bản chia cắt” (capitalisme bureaucratique fragmente) mà Castoriadis đã đề nghị trước đó từ lâu.
Và rõ ràng là Debord đã lấy lại quan niệm xem các hội đồng như là nền tảng của một lý thuyết về tự quản như René Riesel đã triển khai trong “Nhận định sơ bộ về tổ chức dựa trên các hội đồng”.38
Theo Hastings-King, “S ou B đã đóng một vai trò cơ bản trong biến chuyển của Debord từ nghệ sĩ sang nhà cách mạng bảo vệ chủ nghĩa Marx chính thống chống lại tà thuyết (heresy). Quan hệ này thể hiện ở hai mức độ: thông qua các quan hệ cá nhân trực tiếp và thông qua các lập trường mà S ou B chiếm trong các trang của IS”.39
Bill Brown cho rằng “một nghiên cứu chi tiết ảnh hưởng của S ou B lên IS có lẽ sẽ giúp cho việc phi huyền thoại hóa Debord: nó cho phép đánh tan sương mù thần thánh hóa Debord được không ít tác
giả xem như là một thiên tài cô đơn hoàn toàn không chịu ảnh hưởng của ai hết!”.40
Năm 1960, Debord ký Tuyên ngôn của 121 nhà trí thức Pháp chống chiến tranh Algérie.
Sau phim Trên lối đi của vài người xuyên qua một đơn vị thời gian khá ngắn (quay năm 1959), Debord lại thực hiện phim Phê phán sự tách biệt vào năm 1961. Trong hai phim này, ông tố cáo đời sống bị tha hóa trong đó mỗi người đánh mất đời sống của mình để gặp những người khác trong thế giới bị tách biệt của hàng hóa.
Năm 1962, do có sự chia rẽ giữa các nhà “nghệ sĩ” và những người chỉ muốn làm cách mạng, Debord khai trừ những nhà “nghệ sĩ” ra khỏi IS.
Phong trào tháng 5.1968
Là chủ nhiệm tạp chí IS, Debord đề ra các “luận điểm Hamburg”41 chủ yếu dựa trên luận điểm cuối cùng của Marx về Feuerbach: “Phải thực hiện triết học” cộng với dự án vượt và thực hiện nghệ thuật.42
Tư liệu đầu tiên làm dư luận Pháp biết đến IS là cuốn sách mỏng có tựa đề là về sự khốn khổ trong giới sinh viên43 không ghi tên tác giả - nhưng sau này người ta biết chủ yếu là do Mustapha Khayati (người Tunisia) thảo - được công bố ở Strasbourg ngày 22.11.1966, tư liệu này đã gây tai tiếng ngay sau khi được phân phối đến mức nhật báo Le Monde, trong số ra ngày 26.11.1966, đã nhận định với không ít cường điệu: “Quốc tế Tình huống lên nắm quyền nơi các sinh viên Strasbourg”.
Nhưng phải đợi thêm một năm nữa IS mới được báo chí Pháp bàn luận đến nhiều với hai cuốn sách được xuất bản kế tiếp nhau: La société du spectacle44 (Xã hội diễn cảnh) của Guy Debord (được NXB Buchet/Chastel phát hành ngày 14.11.1967) và Traité de savoir-vivre à l’usage des jeunes génération45 (Chuyên luận về lễ nghĩa dành cho các thế hệ trẻ) của Raoul Vaneigem (được Gallimard phát hành ngày 30.11.1967).
Nhờ ba văn bản trên đây, IS đã cung cấp cho phong trào tháng 5.1968 một số ý tưởng mới. Đối với Debord, đây là “một phong trào cách mạng vô sản, lại đột hiện sau nửa thế kỷ bị đè bẹp”.46
Trong số 12, tức số cuối cùng của IS xuất bản vào tháng 12.1969, trong bài “Vấn đề tổ chức cho IS” (viết vào tháng 4.1968), Debord nhận định: “Bây giờ, IS phải chứng tỏ sự hiệu quả của nó trong một giai đoạn sau của hoạt động cách mạng - hay biến mất đi”, vì chúng tôi “đã không bao giờ xem IS như là một mục đích, mà như là một thời điểm của một hoạt động lịch sử”47.
Trong cuốn Sự thực về sự chia rẽ trong Quốc tế Tình huống48, Debord cho rằng một phong trào tiên phong phải biết chết khi đã lỗi thời (faire son temps). Phải chăng vì thấy Quốc tế Tình huống đã như thế, nên vào năm 1972, nó đã tự giải tán?
Vào lúc đông nhất, IS chỉ có ở Pháp 15 thành viên chính thức trong số đó nhiều người đã bỏ đi (như Michèle Berstein, 1967, René Viénet, 1971) hay bị Debord khai trừ (như Théo Frey, Édith Frey, Jean Gamault, Herbert Holl, 1967)!
Sau Quốc tế Tình huống
Năm 1972, chỉ vài tháng sau khi ly dị Michèle Bernstein, ông lấy bà Alice Becker-Ho (nhà văn, có cha người Đức và mẹ người Hán) đã chung sống với ông từ nhiều năm.
Từ năm 1972, Debord ngày càng sống lang thang: tùy theo mùa, ông lưu trú ở Paris, ở vùng Auvergne (Pháp) và ở vùng Toscana (Italia), chính ở Italia, ông đã quan sát chính sách đàn áp của nhà nước chống lại các cuộc nổi dậy của công nhân. Debord tiếp tục hoạt động bên cạnh Gianfranco Sanguinetti, một nhà sản xuất rượu vang người Italia, cựu thành viên của Quốc tế Tình huống và là bạn thân của ông.
Trước đó một năm, tức vào 1971, ông gặp Gérard Lebovici, một người đã làm giàu nhờ các hoạt động điện ảnh (sản xuất phim, làm ông bầu cho nhiều diễn viên Pháp nổi tiếng) rồi mở Nhà xuất bản Champ Libre. Lebovici tài trợ cho Debord thực hiện phim phóng tác cuốn Xã hội diễn cảnh (1973), và nhất là cuốn phim In girum imus nocte et consumimur igni (Chúng tôi không tìm ra lối thoát trong đêm và rốt cuộc bị lửa thiêu, 1978). Trong cuốn phim sau - được nhà điện ảnh Olivier Assayas ca tụng hết lời - Debord tổng kết với sự u buồn các hoạt động nghệ thuật và chính trị của ông và dường như từ bỏ các hy vọng cách mạng, mười năm sau phong trào tháng 5.1968.
Từ năm 1972 trở đi, do chịu ảnh hưởng ngày càng lớn của Debord, Nhà xuất bản champ Libre của Gérard Lebovici đã in sách của nhiều tác giả mà Debord cho là quan trọng: Gracián, Clausewitz, August von Cieszkowski, Anacharsis cloots, Bruno Rizzi... Mục đích của Debord là phơi bày hiện thực và phi huyền thoại hóa nhằm
chống lại sự tha hóa phổ biến và sự điều kiện hóa con người bằng các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sau khi Lebovici bị ám sát ngày 5.5.1984, Debord bị đa số báo chí Pháp chỉ trích, thậm chí vài tờ đã xem ông trực tiếp hay gián tiếp chịu trách nhiệm về vụ ám sát này. Debord đã kiện họ và đã thắng kiện. Sau đó, ông đã viết cuốn Nhận định về vụ ám sát Gérard Lebovici, trong đó ông lên án những người đã vu cáo hoặc đã bảo vệ ông vì theo ông họ đều là những người phục vụ cho “hệ thống láo khoét diễn cảnh”.49 Để tôn vinh Lebovici, ông chính thức xuất hiện trong danh mục xuất bản của Champ Libre, lúc này, được đổi tên thành Nhà xuất bản Gérard Lebovici. [Trước đó, Debord không chính thức ghi tên trong danh mục này].
Năm 1988, ông xuất bản bài “Commentaires sur La société du spectacle”50 (Bình luận về xã hội diễn cảnh) trong đó ông ghi nhận sự hội tụ (vừa xảy ra) của “diễn cảnh tập trung” và “diễn cảnh khuếch tán” để tạo thành “diễn cảnh chỉnh hợp” (intégré).
Trong cuốn tự truyện Panégyrique51 (Lời ca ngợi) gồm hai tập, ông nói rõ là ông uống rượu suốt ngày52: “Điều rõ ràng đã có ảnh hưởng quyết định đến cả cuộc đời của tôi, là thói quen uống rượu [...] từ các thứ rượu vang đến các loại rượu mạnh và bia [...], việc mà chắc chắn tôi đã làm giỏi nhất là uống rượu [...], tôi đã uống nhiều hơn hẳn hầu hết những người hay uống rượu”, ông thừa nhận: “Tất cả điều này khiến tôi còn ít thì giờ để viết và đó đúng là điều thích hợp với tôi: nên viết rất ít, vì trước khi tìm ra cái xuất sắc, phải uống rượu thật nhiều” như Lý Bạch, ông tự cho mình ở trong số những người “ưu tú” “chỉ say một lần thôi, nhưng lần say đó kéo dài
suốt đời”, theo câu nói của Baltasar Gracián, nhà văn Tây Ban Nha mà ông khâm phục.
Biết mình bị bệnh viêm nhiều dây thần kinh do nghiện rượu nặng (polynévrite alcoolique), Debord tự sát tại nhà ông gần Bellevue-la Montagne (Haute-Loire) ngày 30.11.1994.
Ngay từ năm 1992, Gallimard, nhà xuất bản lớn và rất có uy tín của Pháp, đã xuất bản Xã hội diễn cảnh, rồi các tác phẩm khác của ông. Năm 2006, toàn bộ các sách của Debord cũng như các văn bản chưa xuất bản đã được tập hợp thành bộ CEuvres (Tác phẩm).
Ngày 29.1.2009, nhà nước Pháp (dù do cánh hữu nắm quyền) đã ra nghị định xếp toàn bộ các tư liệu lưu trữ của Debord vào di sản quốc gia để chống lại việc Đại học Yale (Mỹ) muốn mua chúng. Nghị định này cho rằng chúng có “tầm quan trọng lớn cho lịch sử tư tưởng nửa sau thế kỷ 20 và cho việc nhận thức về những việc làm luôn gây tranh cãi của một trong số các trí thức lớn của thời kỳ này”.53 Vào đầu tháng 3.2010, Thư viện Quốc gia Pháp54 đã bỏ ra 2,75 triệu euro để mua các tư liệu lưu trữ nói trên trong đó có khoảng 1.400 thẻ đọc mà một phần ba là về binh pháp và chiến lược. Debord có lần tâm sự với triết gia Italia Giorgio Agamben rằng ông không phải là triết gia mà là một nhà chiến lược: ta đừng quên là vào khoảng năm 1955, ông đã sáng tạo “trò chơi chiến tranh” (jeu de la guerre), dựa trên lý thuyết của Clausewitz về chiến tranh. Điều này cũng giải thích tại sao cuộc triển lãm về Guy Debord do Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức55 lại lấy tên là “Guy Debord, un art de la guerre” (Guy Debord, một nghệ thuật về chiến tranh).
Xã hội diễn cảnh
Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Guy Debord. Bắt chước lối viết của K. Marx trong cuốn Thesen uber Feuerbach (Luận điểm về Feuerbach), Xã hội diễn cảnh gồm 221 luận điểm thường độc lập với nhau và được chia thành 9 chương, cái độc đáo thứ hai của cuốn sách là tác giả sử dụng một cách có hệ thống phương pháp “chuyển đổi” (détournement). Trong bài “Cách sử dụng sự chuyển đổi”56 đăng năm 1956, Guy Debord và Gil J. Wolman cho rằng không những ta “có thể sửa chữa một tác phẩm hay sáp nhập những đoạn của các tác phẩm đã lỗi thời vào một tác phẩm mới mà còn có thể thay đổi nghĩa của các đoạn và giả mạo, bằng bất cứ cách nào ta cho là tốt, cái mà những tên ngốc vẫn ngoan cố gọi là trích dẫn”. Theo hai ông, làm như thế đỡ phí sức, và nhà thơ Lautréamont (1846-1870) là người đã đi rất xa trong việc dùng phương pháp này: tập thơ Les Chants de Maldoror của ông là một “chuyển đổi rộng lớn” (vaste détounement) các tác phẩm về lịch sử tự nhiên của Buffon. Trong Xã hội diễn cảnh, Debord thường trích một câu hay một đoạn văn của một tác giả nổi tiếng rồi thay đổi một vài từ để làm chúng biến nghĩa hoàn toàn, chẳng hạn Debord đã chuyển đổi câu đầu tiên trong cuốn Tư bản luận của Marx “Sự giàu có của các xã hội, trong đó, phương thức sản xuất tư bản ngự trị tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ hàng hóa” thành “Tất cả đời sống của các xã hội trong đó các điều kiện sản xuất hiện đại ngự trị, tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ các diễn cảnh". Năm 1973, Debord đã ghi lại những trích dẫn và các chuyển đổi mà ông đã thực hiện trong cuốn Xã hội diễn cảnh để giúp những người muốn dịch cuốn sách57. Dựa trên bản ghi này, ta thấy hai tác giả
được Debord “chuyển đổi” hay trích dẫn nhiều nhất là Marx (gần 60 lần) và Hegel (37 lần). Dường như Debord cố tình bắt chước lối viết rất trừu tượng và tối tăm của Hegel, nên trong Xã hội diễn cảnh có nhiều từ, cụm từ, câu và đoạn văn rất khó hiểu.
Đôi khi ta tự hỏi: trong chừng mực nào đó, phải chăng sự nổi tiếng của cuốn sách này một phần là nhờ cái tên của nó. Đối với nhiều người chưa hề đọc hay chỉ đọc lướt qua cuốn sách này, “xã hội diễn cảnh” là xã hội mà trong đó mọi sự kiện, hiện tượng, định chế đều có tính chất trình diễn, tức là được tổ chức để có tác động như là một diễn cảnh. Do đó, từ bốn thập niên nay, ở Pháp nhiều người hay dùng các thành ngữ được tạo với từ “spectacle” như: État-spectacle (Nhà nước- diễn cảnh), délinquance-spectacle (tội phạm-diễn cảnh), protestation-spectacle (phản kháng-diễn cảnh), information-spectacle (thông tin-diễn cảnh), politique-spectacle (chính trị-diễn cảnh)... Thế mà, theo quan niệm của Debord, từ này có nghĩa khác hẳn: “Diễn cảnh không phải là một tập hợp hình ảnh, mà là một quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của hình ảnh” (luận điểm 4). Debord phân biệt hình thức “diễn cảnh tập trung” (spectactacle concentre) ở các nước có chế độ độc tài (cụ thể là theo chủ nghĩa Stalin, phát xít hay Quốc xã) với hình thức “diễn cảnh khuếch tán” (spectacle diffus) ờ các nước dân chủ phương Tây. Trong bài Bình luận về xã hội diễn cảnh58 viết năm 1988, Debord xác định thêm là hai hình thức diễn cảnh trên đã xuất hiện vào những năm 1920 và đã chấm dứt vào cuối những năm 1980 vì chúng đã hợp nhất trong hình thức chung của “diễn cảnh chỉnh hợp” (spetaculaire intégré).
Cũng cần nói thêm rằng, trong cuốn Xã hội diễn cảnh, chỉ trong hơn 200 trang khổ nhỏ (11 cm X 18 cm), Debord không những bàn về diễn cảnh mà còn đề cập đến hàng chục chủ đề khác nữa, và từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim: về thời gian chu kỳ và thời gian không thể đảo ngược, về Trung Quốc và Ai Cập cổ đại, về chế độ chuyên chính quan liêu ở Liên xô, về chiến tranh Tây Ban Nha, về sự tha hóa (alienation), sùng bái hàng hóa (fetichisme de la marchandise), vật hóa (reification)..., do chủ nghĩa tư bản hiện đại gây ra... Đúng như Anselm Jappe59 đã nhận định, Guy Debord đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Marx, như quan niệm về tha hóa mà Marx đã trình bày trong Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844 (Okonomisch philosophischen Manuskripte aus dem Jahre 1844) và lý thuyết về sự sùng bái hàng hóa trong Tư bản luận. Debord cũng đã chịu ảnh hưởng quan niệm “vật hóa của Georg Lukács trong Lịch sử và ý thức giai cấp60.
Theo nhiều tác giả như Anselm Jappe, Gérard Briche61 và nhất là các lý thuyết gia phê phán giá trí (“wertkritik” của nhóm Krisis) thường trách Debord còn dừng lại trong chủ nghĩa Marx truyền thống như khi ông ca ngợi vai trò của các hội đồng62. Trong Đội tiên phong không thể chấp nhận, suy nghĩ về Guy Debord, Anselm Jappe phê phán quan niệm cho rằng tư tưởng của Debord đang bị “xuyên tạc để lợi dụng” (récupérer) và “làm tan rã” (dissolution) thông qua sự phổ cập hóa ý niệm “diễn cảnh” trong các phương tiện truyền thông: ông chỉ ra các diễn dịch sai thường gặp về ý niệm này (như là sự làm cho chính trị biến tính, sự phát triển quảng cáo...).
Nhưng theo ông, dù bị rất nhiều người hiểu sai, tư tưởng của Debord vẫn có tính “lật đổ” (subversif).
Trong “Lời bàn bên lề” cho bài “Bình luận về Xã hội diễn cảnh", triết gia Italia Giorgio Agamben đã ca ngợi Debord như một nhà tiên tri: “Khía cạnh đáng lo ngại nhất của các cuốn sách của Guy Debord là dường như lịch sử đã kiên trì khẳng định các phân tích của ông. Không những, hai mươi năm sau cuốn Xã hội diễn cảnh, bài “Bình luận về xã hội diễn cảnh” (1988) đã có thể ghi lại trong mọi lĩnh vực sự đúng đắn của các chẩn đoán và dự báo [của Debord], và cả dòng chảy của các sự kiện, trong khoảng thời gian đó, đã diễn ra ngày càng nhanh hơn ở khắp nơi và đều theo cùng một hướng đến mức chưa đến hai năm sau khi bài “Bình luận...” được công bố, dường như lịch sử thế giới hiện nay chỉ là sự dàn dựng mô phỏng lố bịch của kịch bản mà nó chứa đựng”.63
Trái lại trong chống Debord, Frédéric Schiffter đả kích gay gắt lý thuyết về diễn cảnh mà ông cho là chỉ nhai lại tư tưởng của Platon và Jean-Jacques Rousseau: “Khái niệm diễn cảnh gợi ý là ‘bản chất’ của con người mất đi trong dòng chảy của thời gian từ khi xuất hiện phương thức sản xuất và trao đổi hàng hóa theo Debord, bản chất này lùi xa trong một biểu trưng. Nhưng bản chất đó là gì, thì Debord hoàn toàn không định nghĩa”.64
Trên báo Le Monde, Daniel Bougnoux chỉ trích Debord “đã bay trên các vấn đề mà không bao giờ hạ mình thực hiện các cuộc điều tra trên thực địa. [...] Sự quyến rũ của Debord là không thể bị phản bác và thoát khỏi mọi tranh luận, nhưng đó cũng là khuyết tật của
ông. Nó là minh hoạ tốt nhất cho tư tưởng vô hại, triệt để đến mức không gây hại cho ai cả!”.65
Ít gay gắt hơn nhiều, trong bài “À chacun son Debord” (Mỗi người có Debord của mình) đăng gần đây trong báo Le Monde, nhân dịp Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức triển lãm “Guy Debord, un art de guerre”66, Raphaelle Rérolle đã đưa ra một số nhận định khá đúng về ông: “về triết học, Debord không ăn khách nữa, dù một người như triết gia Italia Giorgio Agamben vẫn nhắc đến ông”; “ta có thể nói rằng, tư tưởng của Guy Debord đã thất bại, bởi vì cách mạng đã không diễn ra. Sự phá hủy xã hội diễn cảnh mà ông mong muốn trong tác phẩm của mình không xảy đến”, [...] nhưng “tư tưởng của ông đã len lỏi vào cuộc sống của các cá nhân, trong cách mà họ nhìn thế giới, ngay trong cảm tính của họ”.67
Độc đáo hơn cả, nhà văn Philippe Sollers68 đề nghị nên xem Debord như là một “thi sĩ lớn”, một “nhà văn siêu hình học lớn” chứ không phải như là một nhà xã hội học hay một nhà tư tưởng hệ chính trị! Và, nếu nhận định của ông là đúng, có lẽ ta nên xem Xã hội diễn cảnh như là một bài thơ dài, lắm khi rất khó hiểu như thơ của Lautréamont mà Debord vốn tôn sùng!
Do sự khó hiểu này, trong hơn 5 năm qua, tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để dịch Xã hội diễn cảnh và nhiều khi tôi đã rất bực bội trước sự bất lực của mình, vì phải ở vào tư thế của một người không bao giờ biết được các giải đáp của mình cho những câu đố hiểm hóc - mà dường như Debord đã tạo ra - là đúng hay sai, vì Debord sẽ chẳng bao giờ gật hay lắc đầu! Mỗi khi gặp khó khăn, tôi đều tham khảo ba bản dịch tiếng Anh69, nhưng chúng đã không
giúp tôi được gì, vì các dịch giả của chúng cũng đã ở vào tư thế giống hệt như tôi! Trong Lời tựa cho bản dịch tiếng Italia in lần thứ tư, Debord đã tố cáo gay gắt sự “bất cập tột độ” (extreme carence) của nhiều bản dịch mà theo ông chủ yếu là do các nhà kinh doanh chạy theo “lợi nhuận” “lệ thuộc vào việc xuất bản nhanh và vào chất lượng xấu của vật liệu được sử dụng”, chứ ông hoàn toàn không quy một phần trách nhiệm (không nhỏ chút nào!) cho lối viết (cố tình?) tối tăm của mình. Dĩ nhiên, nếu bản dịch này còn nhiều câu chữ dịch sai hay nhất là khó hiểu, thì người dịch cũng xin nhận lấy phần trách nhiệm của mình, chủ yếu là do hiểu biết có hạn chứ không phải vì thiếu nỗ lực. Rất mong độc giả rộng lượng thứ lỗi và chỉ giáo!
Nguyễn Tùng
CẢNH BÁO CHO ẤN
BẢN TIẾNG PHÁP LẦN
THỨ BA
Xã hội diễn cảnh đã được Buchet-Chastel xuất bản lần đầu vào tháng 11.1967 ở Paris. Những rối loạn của năm 1968 đã khiến nhiều người biết đến nó. Cuốn sách này - mà tôi không thay đổi ngay đến một từ thôi - đã được Nhà xuất bản champ Libre - sẽ lấy tên của Gérard Lebovici năm 1984 sau khi ông bị ám sát - tái bản ngay vào năm 1971 và tiếp tục in đều đặn cho đến năm 1991. Ấn bản này cũng giống hệt ấn bản 1967. Và dĩ nhiên toàn bộ các cuốn sách của tôi do Gallimard tái bản cũng tuân theo cùng quy tắc. Tôi không phải là kẻ sửa lại những gì mình đã viết.
Một lý thuyết phê phán như thế này không nên bị thay đổi, chừng nào những hoàn cảnh chung của thời kỳ lịch sử dài - mà lý thuyết này lần đầu tiên đã xác định với sự chính xác - chưa bị hủy bỏ. Sự tiếp tục triển khai của thời kỳ này đã không ngừng xác nhận và minh chứng cho lý thuyết về diễn cảnh được trình bày ở đây cũng có thể được xem là có giá trị lịch sử với một sự chấp nhận thấp hơn: nó là
bằng chứng của lập trường cực đoan nhất trong các cuộc tranh cãi vào năm 1968, và do đó, của những gì có thể biết được vào năm 1968. Do những thất vọng trong cuộc sống của họ, những kẻ đã bị lừa của thời kỳ này từ ngày đó đã học được thêm các nhận định sau đây nghĩa là gì: “Sự phủ định cuộc sống đã trở thành rõ ràng”, “sự mất đi chất lượng” gắn liền với hình thức- hàng hóa và “sự vô sản hóa thế giới”.
Hơn nữa, sau đó, tôi đã đưa ra thêm, vào đúng lúc, các nhận xét khác về những sự mới lạ nổi bật nhất mà dòng chảy của cùng tiến trình đã làm xuất hiện. Năm 1979, khi viết Lời nói đầu cho bản dịch mới sang tiếng Italia, tôi đã bàn về các biến đổi thực sự trong chính bản chất của sản xuất công nghiệp, cũng như trong các kỹ thuật cai trị mà việc sử dụng lực lượng diễn cảnh bắt đầu cho phép dùng. Năm 1988, Bình luận về xã hội diễn cảnh đã chứng tỏ rõ nét rằng sự “phân chia trước đây trên toàn thế giới các tác vụ diễn cảnh” thành hai loại diễn cảnh đối lập nhau là “diễn cảnh tập trung” (spectaculaire concentre) và “diễn cảnh khuếch tán” (spectaculaire diffus) từ nay đã chấm dứt vì chúng đã hợp nhất trong hình thức chung của “diễn cảnh chỉnh hợp” (spetaculaire intégré).
Sự hợp nhất này có thể được tóm tắt một cách sơ lược bằng cách sửa luận điểm 105: liên quan đến những gì đã xảy ra trước năm 1967, luận điểm này còn phân biệt các hình thức trước đó theo vài thực tiễn đối lập nhau. Do sự Phân liệt Lớn (Grand Schisme) của quyền lực giai cấp kết thúc bằng sự hòa giải, phải nói rằng thực tiễn thống nhất của cái diễn cảnh chỉnh hợp, hiện nay, đã “biến đổi thế giới về kinh tế”, cùng lúc với việc nó “biến đổi tri giác theo lối cảnh
sát” (Trong trường hợp này, bản thân cảnh sát đóng một vai trò hoàn toàn mới.).
Chính chỉ vì sự hợp nhất này đã xảy ra trong hiện thực kinh tế chính trị của toàn thế giới mà thế giới rốt cuộc có thể tuyên bố là nó được chính thức thống nhất. Cũng chính vì trên cả thế giới quyền lực bị tách biệt tiến tới một tình huống quá nghiêm trọng nên thế giới này cần được thống nhất sớm nhất; cần tham gia như là một khối duy nhất vào cùng sự tổ chức đồng thuận thị trường thế giới, bị làm
lệch lạc và được bảo đảm về diễn cảnh. Nhưng rốt cuộc thế giới sẽ không thống nhất.
Giai cấp quan liêu toàn trị là “giai cấp thống trị thay thế đối với nền kinh tế hàng hóa”; nó đã không bao giờ tin vào số phận của nó. Nó đã tự biết nó là “hình thức kém phát triển của giai cấp thống trị”, và đã muốn mình đạt đến hình thức cao hơn. Luận điểm 58 từ lâu đã thiết lập tiên đề sau đây: “Gốc rễ của diễn cảnh là ở trong lĩnh vực của nền kinh tế trở thành dồi dào, và chính từ đó mà phát sinh các thành quả rốt cuộc có xu hướng thống trị thị trường diễn cảnh.”
Chính ý muốn hiện đại hóa và thống nhất diễn cảnh, gắn liền với tất cả các mặt khác của sự giản đơn hóa xã hội, vào năm 1989 đã đưa giai cấp quan liêu Nga, muôn người như một, chuyển sang theo hệ tư tưởng dân chủ hiện nay: tức là theo sự tự do chuyên chính của thị trường, sự tự do này được sự thừa nhận các quyền con người - con người như là khán giả - làm dịu bớt đi. Không ai ở phương Tây đã bàn tán dù chỉ một ngày thôi về ý nghĩa và về các hậu quả của một sự kiện truyền thông đại chúng. Tiến bộ của kỹ thuật diễn cảnh được chứng tỏ trong điều này. Chỉ còn có việc ghi lại
cái có dáng dấp của một thứ địa chấn. Người ta ghi ngày tháng hiện tượng xảy ra, và người ta đánh giá là nó được hiểu khá rõ, khi bằng lòng với sự lặp lại một dấu hiệu rất đơn giản - sự sụp đổ của bức tường Berlin - dấu hiệu này cũng hiển nhiên như tất cả các dấu hiệu dân chủ khác.
Năm 1991, những tác dụng đầu tiên của sự hiện đại hóa đã xuất hiện với sự tan rã hoàn toàn của nước Nga. Còn rõ ràng hơn cả ở phương Tây, kết cảnh báo cho ấn bản tiếng Pháp lần thứ ba 45 quả thảm hại của diễn biến chung của nền kinh tế được thể hiện ở đó. Sự rối loạn chỉ là hậu quả của điều này. Cùng một câu hỏi rất đáng sợ được đặt ra ở khắp nơi, đó là câu hỏi đã ám ảnh thế giới từ hai thế kỷ nay: làm sao khiến dân nghèo chịu lao động ở những nơi mà ảo tưởng đã làm họ thất vọng, và sức mạnh đã thất bại?
Luận điểm 111 đã nhận ra các triệu chứng đầu tiên của sự suy đồi của nước Nga mà chúng ta vừa thấy sự bùng nổ cuối cùng, và tiên đoán xã hội của toàn thế giới sắp biến mất hay, như người ta đang nói hiện nay, sẽ bị xóa khỏi bộ nhớ của máy tính; luận điểm đã đưa ra phán quyết chiến lược mà mọi người sẽ dễ dàng thấy là đúng đắn: “Sự tan rã trên cả thế giới của liên minh lừa phỉnh quan liêu, xét cho cùng, là yếu tố bất lợi nhất cho sự phát triển hiện nay của xã hội tư bản”.
Phải đọc cuốn sách này với ý nghĩ là nó cố tình được viết để gây thiệt hại cho xã hội diễn cảnh. Nó hoàn toàn không nói điều gì quá đáng.
30.6.1992
Guy Debord
CHƯƠNG I
SỰ TÁCH BIỆT TRỌN
VẸN
“Và chắc hẳn thời đại chúng ta... thích hình ảnh hơn là đồ vật, bản sao hơn là bản gốc, biểu trưng (representation) hơn là thực tại, hiện tượng bề ngoài hơn là bản thể... Đối với nó, điều linh thiêng chỉ là ảo tưởng, nhưng cái thế tục là sự thật. Hơn thế nữa, trước mắt nó, cái linh thiêng càng lớn thêm thì sự thật càng giảm đi và ảo tưởng càng tăng, đến nỗi ảo tưởng tột độ, đối với nó, cũng là điều linh thiêng tột độ.”
Feuerbach70 (Lời tựa cho ấn bản thứ hai của cuốn Bản chất Kitô giáo)
1
Tất cả đời sống của các xã hội trong đó những điều kiện sản xuất hiện đại ngự trị, tự báo hiệu như là một sự tích lũy khổng lồ các
diễn cảnh. Tất cả những gì đã được trực tiếp trải nghiệm đều biến thành một màn trình diễn.
2
Các hình ảnh đã tách rời khỏi mỗi khía cạnh của cuộc sống đều hợp nhất trong một dòng chảy chung, nơi sự thống nhất của cuộc sống này không thể tái lập được nữa. Thực tại, được xét một cách cục bộ, triển khai trong sự thống nhất chung của chính nó như là thế giới giả tách riêng ra, đối tượng của sự trầm tư đơn thuần, sự chuyên môn hóa các hình ảnh của thế giới lại được hoàn thành trong thế giới hình ảnh được biến thành độc lập, nơi cái dối trá tự nói dối với chính nó. Diễn cảnh nói chung, như là sự đảo ngược cụ thể của cuộc sống, là sự vận động độc lập của cái vô-sinh (le non vivant).
3
Diễn cảnh xảy ra vừa như là chính xã hội, vừa như là một bộ phận của xã hội, và vừa như là công cụ thống nhất, với tư cách là bộ phận của xã hội, nó rõ ràng là khu vực tập trung mọi cái nhìn và mọi ý thức. Chính vì bị tách biệt, mà nó rõ ràng là khu vực của cái nhìn bị lừa phỉnh và của ý thức lệch lạc71; và sự thống nhất mà nó hoàn thành chẳng là gì khác hơn một thứ ngôn ngữ chính thức về sự tách biệt trở thành phổ cập.
4
Diễn cảnh không phải là một tập hợp hình ảnh, mà là một quan hệ xã hội giữa những con người, qua sự trung gian của hình ảnh.
5
Diễn cảnh không thể được hiểu như là sự lạm dụng một thế giới của thị giác, sản phẩm của các kỹ thuật quảng bá ồ ạt các hình ảnh. Nó thực ra là một Weltanschauung (thế giới quan) trở nên có hiệu lực, được thể hiện thành vật chất. Đó là một thế giới quan được khách thể hóa.
6
Được hiểu trong tổng thể của nó, diễn cảnh I vừa là kết quả vừa là dự án của phương thức sản I xuất hiện tồn tại. Nó không phải là một phần bổ sung cho thế giới hiện thực, phần trang trí được thêm thừa thãi vào thế giới này. Nó là tâm điểm của sự phi hiện thực của xã hội hiện thực. Dưới tất cả các hình thức đặc thù của nó, thông tin hay tuyên truyền, quảng cáo hay tiêu dùng trực tiếp các loại giải trí, diễn cảnh là mô hình hiện tại của đời sống đang thống trị về mặt xã hội. Nó là sự khẳng định, hiện diện ở khắp nơi, của sự chọn lựa đã lấy trong sản xuất, và sự tiêu dùng diễn cảnh theo sau. Hình thức và nội dung của diễn cảnh đều hoàn toàn là sự biện minh toàn diện cho các điều kiện và các mục đích của hệ thống hiện tồn tại. Diễn cảnh cũng là sự hiện diện thường xuyên của sự biện minh đó, với tư cách là sự sử dụng phần chính yếu của thời gian được trải nghiệm bên ngoài nền sản xuất hiện đại.
7
Bản thân sự tách biệt cũng thuộc vào sự thống nhất của thế giới, của toàn bộ thực tiễn xã hội được tách biệt thành thực tại và hình ảnh. Thực tiễn xã hội mà diễn cảnh độc lập hiện ra trước, cũng là tổng thể hiện thực chứa đựng diễn cảnh. Nhưng sự chia tách trong tổng thể này cắt xén nó đến mức làm cho diễn cảnh hiện ra như là mục đích của tổng thể. Ngôn ngữ của diễn cảnh được các dấu hiệu (signes) của nền sản xuất đang ngự trị tạo ra, các dấu hiệu này đồng thời cũng là mục đích cuối cùng của nền sản xuất đó.
8
Ta không thể làm cho diễn cảnh và hoạt động xã hội thực sự đối lập nhau một cách trừu tượng; chính sự nhị phân (dédoublement) đó cũng lại bị tách làm đôi. Diễn cảnh vốn đảo ngược hiện thực, thực sự được sản xuất ra. Cùng lúc thực tại đã trải nghiệm bị sự thưởng ngoạn diễn cảnh xâm chiếm về mặt vật chất, và lấy lại ở chính nó trình tự diễn cảnh bằng cách tích cực gia nhập vào trình tự đó. Thực tại khách quan hiện diện ở cả hai phía. Mỗi khái niệm được xác định như thế chỉ có như là yếu tố cơ bản việc nó chuyển sang thành cái đối lập: thực tại đột hiện (surgir) trong diễn cành, và diễn cảnh là hiện thực, sự tha hóa lẫn nhau này là bản chất và trụ cột của xã hội hiện tồn.
9
Trong thế giới thực sự bị đảo ngược, cái thật là một thời điểm của cái giả.72
10
Khái niệm diễn cảnh thống nhất được và giải thích được sự đa dạng rất lớn của các hiện tượng mà ta thấy. Những sự đa dạng và tương phản của chúng là những bề ngoài73 của cái bề ngoài được tổ chức về mặt xã hội, bản thân cái bề ngoài này phải được thấu hiểu trong sự thực tổng quát của nó. Xét theo ngôn từ của chính nó, diễn cảnh là sự khẳng định của cái bề ngoài và sự khẳng định mọi cuộc sống của con người, tức là cuộc sống xã hội, như là cái bề ngoài đơn thuần. Nhưng khi đạt đến sự thật của diễn cảnh, sự phê phán phát hiện ra rằng diễn cảnh là sự phủ định rõ rệt cuộc sống; như là một sự phủ định cuộc sống đã trở thành rõ rệt.
11
Để miêu tả diễn cảnh, sự hình thành, các chức năng của nó, và các lực lượng nhằm tới việc làm cho nó tan rã, cần phải phân biệt một cách giả tạo những yếu tố không thể tách biệt được. Khi phân tích diễn cảnh, trong một chừng mực nào đó ta nói chính ngôn ngữ của diễn cảnh, vì lẽ ta chuyển sang lĩnh vực phương pháp luận của chính xã hội được thể hiện trong diễn cảnh. Nhưng diễn cảnh không là gì khác hơn ý nghĩa và việc sử dụng thời gian của thực tiễn toàn bộ của một hình thái kinh tế-xã hội. Đó chính là thời điểm lịch sử đang chi phối chúng ta.
12
Diễn cảnh xảy ra như là một tính thực chứng (positivité) khổng lồ không thể chối cãi và không thể hiểu thấu được. Nó chỉ nói lên điều này: “cái gì hiện ra là tốt, cái gì tốt thì hiện ra”. Thái độ mà do nguyên tắc nó đòi hỏi là sự chấp nhận thụ động mà thực ra nó đã đạt được nhờ cách nó hiện ra mà không ai chống lại được, và nhờ nó độc quyền chiếm lấy cái bề ngoài.
13
Diễn cảnh cơ bản có tính trùng phức (tautologique), đơn thuần vì lẽ các phương tiện của nó đồng thời cũng là mục đích của nó. Nó là mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc của sự thụ động hiện đại. Nó phủ kín trên cả bề mặt của thế giới và mãi mãi dầm mình trong vinh quang của chính nó.
14
Xã hội dựa trên công nghiệp hiện đại không phải có tính diễn cảnh một cách ngẫu nhiên hay hời hợt, nó cơ bản có tính duy diễn cảnh (spectacliste74). Trong diễn cảnh, vốn là hình ảnh của nền kinh tế đang ngự trị, mục đích không là gì hết, sự phát triển mới là tất cả. Diễn cảnh không muốn đạt đến cái gì khác hơn là bản thân nó.
15
Với tư cách là thứ trang sức cần thiết cho các đồ vật hiện được sản xuất, với tư cách là thuyết trình tổng quát về lý tính (rationalité) của hệ thống, và với tư cách là khu vực kinh tế tiên tiến trực tiếp làm ra - ngày càng nhiều - vô số hình ảnh-đồ vật (image-objet), diễn cảnh là nền sản xuất chính của xã hội hiện nay.
16
Diễn cảnh bắt những người đang sống phải phục tùng nó trong chừng mực nền kinh tế đã hoàn toàn bắt được họ phải phục tùng. Nó chỉ là nền kinh tế phát triển cho chính nó. Nó là phản ánh trung thành của sự sản xuất ra đồ vật, và là sự khách thể hóa không trung thành những người sản xuất.
17
Pha đầu tiên của sự thống trị của nền kinh tế trên đời sống xã hội đã kéo theo, trong sự xác định mọi thực hiện của con người, một sự xuống cấp hiển nhiên của “cái là” (l’être) [hay “cái chính’’] biến thành “cái có” (l’avoir75) [hay “cái phụ”]. Pha hiện tại trong đó đời sống xã hội hoàn toàn bị các thành quả tích lũy được của nền kinh tế chiếm lĩnh; nó đưa đến sự kiện “cái phụ” phổ cập trượt sang “cái bề ngoài” (le paraitre) mà từ đó mọi “cái phụ” thực sự phải rút ra uy thế tức khắc và chức năng cuối cùng của mình. Đồng thời mọi thực tại cá nhân đã trở thành có tính xã hội, trực tiếp lệ thuộc vào sức mạnh xã
hội và bị sức mạnh này đào luyện, chỉ vì lẽ nó không phải là “cái chính”, thực tại cá nhân được phép hiện ra.
18
Ở đâu thế giới hiện thực biến thành hình ảnh đơn thuần, thì ở đó các hình ảnh đơn thuần trở thành những vật có thực, và thành những động cơ có hiệu năng cho một lối ứng xử của kẻ bị thôi miên. Vì có chức năng làm cho thấy - thông qua các trung gian khác nhau được chuyên môn hóa - cái thế giới mà ta không trực tiếp nắm bắt được nữa, nên diễn cảnh xem thị giác như là giác quan quan trọng nhất của con người chứ không phải là xúc giác như trong những thời đại khác; là giác quan trừu tượng nhất, và dễ bị lừa phỉnh nhất, thị giác tương ứng với sự trừu tượng hóa phổ cập xã hội hiện nay. Nhưng ta không thể đồng nhất hóa diễn cảnh với sự nhìn (regard) đơn thuần, ngay cả được kết hợp với sự nghe (écoute). Nó là cái gì thoát khỏi hoạt động của con người, thoát khỏi sự xem xét lại và sự hiệu chỉnh hành động của con người. Nó là cái ngược lại với đối thoại. Bất cứ ở đâu có sự biểu trưng (representation) độc lập, thì ở đó diễn cảnh lại được tạo ra.
19
Diễn cảnh kế thừa tất cả sự yếu kém của dự án triết học phương Tây vốn muốn thấu hiểu sự hoạt động, bị các phạm trù của cái thấy (le voir) chi phối; nó cũng dựa trên việc không ngừng triển khai lý tính76 kỹ thuật chính xác xuất phát từ tư tưởng đó. Nó không thực
hiện triết học, mà triết học hóa (philosophiser77) thực tại. Chính cuộc sống cụ thể của mọi người đã xuống cấp để biến thành một thế giới tư biện (spéculatif).
20
Với tư cách là quyền lực của tư tưởng bị tách biệt, và với tư cách là tư tưởng của quyền lực bị tách biệt, triết học chưa hề tự mình vượt qua được thần học. Diễn cảnh là sự tái thiết bằng vật chất ảo tưởng tôn giáo. Kỹ thuật diễn cảnh đã không làm tan biến các đám mây tôn giáo, nơi con người đã đặt những quyền lực của chính nó vốn đã được tách ra từ những đám mây tôn giáo ấy: kỹ thuật diễn cảnh chỉ nối liền chúng với một cơ sở trần gian. Như vậy, chính cái cuộc sống trần gian nhất lại trở thành u tối và ngột ngạt. Kỹ thuật diễn cảnh không ném vào cõi trời nữa, nhưng lại đón tiếp nơi nó sự tuyệt đối không thừa nhận cuộc sống trần gian, tức là đón tiếp thiên đường dối trá của nó. Diễn cảnh là sự thực hiện kỹ thuật của việc đày những quyền lực của con người vào thế giới bên kia; nó là sự tách biệt trọn vẹn ở bên trong con người.
21
Tính tất yếu cứ càng được mơ về mặt xã hội, thì giấc mơ lại càng trở thành tất yếu. Diễn cảnh là giấc mơ không đẹp của xã hội hiện đại bị xiềng xích lại, rốt cuộc chỉ biểu lộ ham muốn được ngủ của nó. Diễn cảnh là kẻ canh gác cho giấc ngủ đó.
22
Sức mạnh thực tiễn của xã hội hiện đại tách ra khỏi chính nó, và tự xây cho bản thân một uy lực độc lập trong diễn cảnh: sự kiện này chỉ có thể được giải thích bằng một sự kiện khác: thực tiễn mạnh mẽ nói trên tiếp tục thiếu sự cố kết, và hãy còn mâu thuẫn với chính nó.
23
Sự chuyên môn hóa xã hội xưa nhất, tức sự chuyên môn hóa quyền lực, chính là căn nguyên của diễn cảnh. Như vậy, diễn cảnh là một hoạt động được chuyên môn hóa phát ngôn cho toàn bộ các hoạt động khác. Đó chính là sự trình diễn ngoại giao của xã hội có thứ bậc trước chính nó, nơi mọi lời nói khác bị trừ bỏ. Ở đó, cái hiện đại nhất cũng là cái cổ sơ nhất.
24
Diễn cảnh là diễn ngôn (discours) không bị gián đoạn của trật tự hiện tại về chính nó, là lời độc thoại ca ngợi trật tự này. Đó chính là bức tự hoạ chân dung của quyền lực vào thời đại mà nó quản lý theo lối toàn trị các điều kiện sống. Cái bề ngoài có tính bái vật giáo (fetichiste) thuần túy khách quan trong các quan hệ diễn cảnh che giấu tính cách của chúng như là quan hệ giữa người với người và giữa các giai cấp: một bản chất thứ hai dường như chi phối môi sinh của chúng ta bằng các luật lệ không thoát khỏi được của nó. Nhưng diễn cảnh không phải là sản phẩm tất yếu của sự phát triển kỹ thuật được xem như là một sự phát triển tự nhiên. Trái lại, trong xã hội
diễn cảnh, chính hình thức chon lấy nội dung kỹ thuật của bản thân nó. Nếu diễn cảnh, xét về mặt hạn chế của các “phương tiện truyền thông đại chúng” (vốn là sự biểu hiện hời hợt lớn nhất của diễn cảnh), dường như xâm chiếm xã hội như là một bộ công cụ (instrumentation78) đơn thuần; tập hợp công cụ này thực ra hoàn toàn không “trung lập”, mà chính là tập hợp công cụ hợp với sự tự vận động (auto-mouvement) toàn bộ của diễn cảnh. Nếu các nhu cầu xã hội của thời đại phát triển những kỹ thuật như thế, chỉ có thể được thỏa mãn thông qua sự trung gian của những kỹ thuật đó, nếu sự quản trị xã hội nói trên và mọi tiếp xúc giữa người với người chỉ có thể được thực hiện qua sự trung gian của sức mạnh truyền thông tức thì, chính là vì sự “truyền thông” đó chủ yếu có tính đơn phương-, đến mức sự tập trung của nó đưa đến việc tích lũy trong tay của những người quản trị hệ thống hiện tồn của các phương tiện cho phép họ tiếp tục sự quản trị đó. Sự chia tách phổ cập của diễn cảnh là không thể tách biệt với nhà nước hiện đại, nghĩa là với hình thức tổng quát của sự chia tách trong xã hội, sản phẩm của sự phân công lao động xã hội và là cơ quan của sự thống trị giai cấp.
25
Sự tách biệt là điểm đầu và điểm cuối của diễn cảnh. Việc định chế hóa sự phân công xã hội của lao động, sự hình thành các giai cấp đã xây dựng nên một sự trầm tư linh thiêng đầu tiên, trật tự huyền thoại mà mọi quyền lực đều dựa vào ngay từ khởi thủy. Cái linh thiêng đã biện minh cho sự sắp xếp của vũ trụ và của bản thể tương ứng với quyền lợi của các chủ nhân ông (maitres79), nó giải
thích và làm đẹp thêm cho cái mà xã hội không thể làm được, vậy thì, mọi quyền lực bị tách biệt đều đã có tính diễn cảnh, nhưng sự kiện mọi người đều tán thành một hình ảnh bất động như thế chỉ có nghĩa là mọi người đều thừa nhận một sự kéo dài tưởng tượng của sự nghèo nàn trong hoạt động xã hội hiện thực, còn được nhiều người cảm nhận như là một điều kiện thống nhất. Diễn cảnh hiện đại trái lại biểu đạt điều mà xã hội có thể làm, nhưng trong sự biểu đạt ấy cái được cho phép (le permis) hoàn toàn chống lại cái có thể làm (le possible). Diễn cảnh là sự bảo tồn của vô thức trong sự thay đổi cụ thể của các điều kiện sinh tồn. Nó là sản phẩm của chính nó, và bản thân nó đã đặt ra các quy tắc của mình: đó là một thứ thiêng liêng giả (pseudo-sacré). Nó cho thấy nó là gì: quyền lực bị tách biệt phát triển trong chính nó, trong sự tăng trưởng của năng suất bằng cách làm cho sự phân công lao động không ngừng trở nên tinh vi nhờ việc chia nhỏ các động tác, khi đó bị sự vận hành độc lập của máy móc chi phối; và quyền lực đó phục vụ cho một thị trường ngày càng mở rộng. Trong suốt tiến trình phát triển này, mọi cộng đồng và mọi tinh thần phê phán đều tiêu tan, và các lực lượng đã có thể lớn mạnh bằng cách tách biệt nhau, chưa tìm lại được nhau.
26
Do sự tách biệt - trở thành phổ biến - người lao động ra khỏi sản phẩm của anh ta, mọi quan điểm thống nhất về hoạt động đã hoàn thành và mọi truyền thống cá nhân trực tiếp giữa các người sản xuất đều mất đi. Theo sau sự tăng thêm của việc tích lũy các sản phẩm bị tách biệt, và của việc tập trung tiến trình sản xuất, sự nhất trí và sự
truyền thông (communication) trở thành thuộc tính độc chiếm (exclusif) của những người lãnh đạo hệ thống. Thành công của hệ thống kinh tế xây dựng trên sự tách biệt là sự vô sản hóa thế giới.
27
Do chính sự thành công của nền sản xuất bị tách biệt như là sự sản xuất cái bị tách biệt, kinh nghiệm cơ bản - vốn gắn liền, trong các xã hội nguyên thủy, với một công việc chính - đang di chuyển, ở cực phát triển của hệ thống, về hướng phi-lao động (non¬travail) và sự không hoạt động (inactivité). Nhưng sự không hoạt động này hoàn toàn không được giải phóng khỏi hoạt động sản xuất: nó lệ thuộc vào hoạt động sản xuất, nó là sự phục tùng đầy lo âu và khâm phục đối với những tất yếu và các kết quả của sản xuất; chính nó là một sản phẩm của lý tính (rationalité) của nó. Không thể có tự do ở ngoài sự hoạt động, và trong khuôn khổ của diễn cảnh mọi hoạt động đều bị phủ định, hoàn toàn giống như hoạt động hiện thực đã bị chiếm đoạt trọn vẹn để xây dựng toàn bộ kết quả đó. Như vậy sự “giải phóng lao động” hiện nay, tức sự tăng thêm các thứ giải trí, hoàn toàn không phải là sự giải phóng trong lao động, cũng không phải là sự giải phóng một thế giới do lao động đó nhào nặn ra. Hoàn toàn không thể tìm lại được, trong sự phục tùng kết quả của lao động, hoạt động bị đánh cắp trong lao động.
28
Hệ thống kinh tế dựa trên sự cô lập là một sự sản xuất vòng (ciculaire) sự cô lập. Sự cô lập đặt nền tảng cho kỹ thuật, và tiến trình kỹ thuật cô lập ngược lại. Từ xe ô tô đến truyền hình, tất cả những của cải được hệ thống diễn cảnh tuyển chọn cũng là các vũ khí để hệ thống liên tục tăng cường những hoàn cảnh cô lập của các “đám đông cô đơn”. Diễn cảnh luôn tìm lại được một cách cụ thể hơn những điều giả định trước của riêng nó.
29
Nguồn gốc của diễn cảnh là sự mất tính thống nhất của thế giới, và sự bành trướng cực kỳ to lớn của diễn cảnh hiện đại biểu hiện toàn bộ sự mất đi này: sự trừu tượng hóa mọi lao động đặc thù và sự trừu tượng hóa tổng quát của toàn bộ nền sản xuất được hoàn toàn thể hiện ra trong diễn cảnh mà phương thức tồn tại cụ thể chính là sự trừu tượng hóa Trong diễn cảnh, một bộ phận của thế giới tự trình diễn trước thế giới, và ưu việt hơn thế giới. Diễn cảnh chỉ là ngôn ngữ chung của sự tách biệt đó. Điều nối liền các khán giả lại với nhau chỉ là một mối quan hệ không thể đảo ngược với chính trung tâm duy trì sự cộ lập của họ. Diễn cảnh tập hợp cái bị tách biệt, nhưng nó tập hợp cái này như là cái bị tách biệt.
30
Sự tha hóa của khán giả vì lợi ích của đối tượng được chiêm ngưỡng (đối tượng này là kết quả của chính hoạt động vô thức của khán giả) được biểu hiện ra như sau: khán giả càng chiêm ngưỡng,
thì càng sống ít đi; khán giả càng chấp nhận tự nhận ra mình trong các hình ảnh nổi bật của nhu cầu, thì càng hiểu ít hơn cuộc sống và ham muốn của bản thân mình. Tính hướng ngoại (extériorité) của diễn cảnh so với con người hành động hiện ra trong việc các động tác của chính anh ta không phải là của anh ta nữa, mà là của một người khác đang trình diễn chúng cho anh ta xem. Chính vì thế mà ở bất cứ đâu khán giả đều cảm thấy không phải là nhà mình, bởi vì diễn cảnh hiện diện khắp mọi nơi.
31
Người lao động không tự sản xuất ra chính mình, mà sản xuất ra một sức mạnh độc lập. Sự thành công của việc sản xuất đó, sự dồi dào của nó, sẽ quay về với người sản xuất như là sự dồi dào của việc truất quyền sở hữu. Đối với anh ta tất cả thời gian và không gian của thế giới mà anh ta đang sống trở thành xa lạ do sự tích lũy các sản phẩm bị tha hóa của chính anh ta. Diễn cảnh là tấm bản đồ của thế giới mới này, và bản đồ đó vẽ đúng lại lãnh thổ của diễn cảnh, chính các lực lượng đã thoát ra từ chúng ta, nay hiện ra trước chúng ta với tất cả sức mạnh của chúng.
32
Diễn cảnh trong xã hội tương ứng với sự cụ thể tạo ra sự tha hóa sự khuếch trương kinh tế chủ yếu là sự khuếch trương chính nền sản xuất công nghiệp đó. Cái tăng trưởng cùng với nền kinh tế
vận hành cho chính nó, chỉ có thể là sự tha hóa vốn đã tồn tại trong hạt nhân bản lai của nó.
33
Bản thân người bị tách biệt khỏi sản phẩm của mình, ngày càng sản xuất mạnh mẽ hơn mọi chi tiết của thế giới mà anh ta đang sống, và như thế ngày càng bị tách khỏi thế giới của mình. Cuộc sống của anh ta càng là sản phẩm của anh ta, thì nó càng bị tách biệt khỏi cuộc sống của anh ta.
34
Diễn cảnh là tư bản được tích lũy đến mức trở thành hình ảnh.
CHƯƠNG II
HÀNG HÓA NHƯ LÀ
DIỄN CẢNH
“Bởi vì chỉ như là phạm trù phổ biến của tồn tại xã hội tổng thể mà hàng hóa được hiểu trong bản chất đích thực của nó. chỉ trong bối cảnh đó mà sự vật hóa (reification), đột hiện từ quan hệ hàng hóa đạt được một ý nghĩa có tính quyết định, cho sự tiến hóa khách quan của xã hội cũng như cho thái độ của con người đối với sự tiến hóa đó, cho sự phục tùng của ý thức con người vào các hình thức, trong đó, sự vật hóa này thể hiện ra... sự phục tùng đó còn tăng lên vì lẽ sự hợp lý hóa và cơ giới hóa tiến trình lao động càng tăng thêm, thì hoạt động của người lao động càng mất đi tính cách của nó (như là hoạt động) để trở thành một thái độ trầm tư”.
Lukács80 (Lịch sử và ý thức giai cấp)
35
Sự vận hành chính yếu của diễn cảnh bao gồm việc lấy lại ở nó tất cả những gì đã tồn tại trong hoạt động của con người ở trạng thái linh hoạt (fluide), để chiếm hữu nó ở trạng thái đông đặc lại (coagulé), như là các sự vật đã trở thành giá trị độc chiếm (exclusif) do được trình bày lại thành âm bản (reformulation en négatif) của giá trị được trải nghiệm, chính ở sự vận hành chính yếu đó mà chúng ta nhận ra kẻ thù lâu ngày của chúng ta tức là hàng hóa kẻ thù này biết rất rõ cách hiện ra, khi ta thoạt nhìn, như là cái gì tầm thường và dễ hiểu, trong khi trái lại nó rất phức tạp và chứa đầy những sự tinh tế siêu hình.
36
Chính nguyên lý tôn sùng hàng hóa sự thống trị xã hội bằng “những sự vật siêu cảm giác mặc dù có thể cảm nhận được”, được thực hiện trọn vẹn trong diễn cảnh, nơi thế giới cảm nhận được (monde sensible) bị thay thế bởi các hình ảnh chọn lọc; các hình ảnh này tồn tại bên trên thế giới có thể cảm nhận, và đồng thời khiến cho người ta công nhận nó như là cái có thể cảm nhận tiêu biểu nhất.
37
Thế giới vừa hiện diện vừa vắng mặt mà diễn cảnh cho thấy, là cái thế giới hàng hóa chi phối tất cả những gì được trải nghiệm, và như vậy thế giới hàng hóa được bày ra đúng như nó vốn là, bởi vì
sự vận động của nó hoàn toàn đồng nhất hóa với sự xa cách giữa các con người với nhau và với toàn bộ sản phẩm của họ.
38
Sự mất đi chất lượng, quá hiển nhiên ở mọi mức độ của ngôn ngữ diễn cảnh, của các đối tượng mà ngôn ngữ diễn cảnh tán dương và của những lối cư xử mà nó quy định, chỉ thể hiện những tính cách cơ bản của sự sản xuất thực sự vốn gạt bỏ đi thực tại: hình thức-hàng hóa (forme-marchandise) là hoàn toàn ngang bằng với chính bản thân, nó là phạm trù định lượng. Chính cái định lượng được nó triển khai, và nó chỉ có thể tự triển khai trong cái định lượng.
39
Loại trừ cái định tính, bản thân sự triển khai đó lại phục tùng - với tư cách là sự triển khai - sự thay đổi về chất: diễn cảnh cho thấy là nó đã vượt qua thềm của sự dồi dào của chính nó; điều này chỉ mới xuất hiện ở một vài nơi, nhưng nó đã ở dạng tiềm thể trên quy mô thế giới vốn là quy chiếu bản lai của hàng hóa quy chiếu mà sự vận động thực tiễn của nó đã xác minh, khi nó tập hợp trái đất lại như là thị trường thế giới.
40
Lịch sử vô thức hiện thực đã tạo ra và thay đổi những điều kiện sinh tồn của các nhóm người như là điều kiện để sống còn, và như
là sự mở rộng những điều kiện này; sự phát triển các lực lượng sản xuất đã là lịch sử đó: nó là cơ sở kinh tế của mọi hành động của các nhóm người, ở trong một nền kinh tế tự nhiên, khu vực hàng hóa đã tạo ra một sự dư thừa của sự sống còn. Bao hàm sự trao đổi các sản phẩm đa dạng giữa những nhà sản xuất độc lập, việc sản xuất các hàng hóa đã giữ được tính thủ công trong một thời gian dài, bị giới hạn trong một chức năng kinh tế thứ yếu mà ở đó bản chất định lượng của nó còn bị che giấu.
Tuy nhiên, ở đâu việc sản xuất hàng hóa gặp được những điều kiện xã hội của nền thương mại lớn và của sự tích lũy vốn, thì ở đó nó nắm lấy việc chi phối hoàn toàn nền kinh tế. Toàn bộ nền kinh tế khi đó trở thành cái mà hàng hóa đã tự tỏ ra vốn là trong cuộc chinh phục này: đó là một tiến trình phát triển về lượng, sự triển khai liên tục sức mạnh kinh tế dưới dạng hàng hóa - vốn đã diệu biến (transfigurer) lao động của con người thành lao động-hàng hóa (travail-marchandise) và thành chế độ làm công (salariat) - đạt đến (nhờ tích lũy) một sự dồi dào trong đó vấn đề đầu tiên của sự sáng còn tất nhiên được giải quyết, nhưng bằng một cách khiến cho ta vẫn luôn gặp lại vấn đề đó; mỗi lần như thế, nó lại được đặt ra ở một mức độ cao hơn. Sự tăng trưởng kinh tế giải phóng các xã hội ra khỏi sức ép của tự nhiên vốn đòi hỏi chúng phải lập tức đấu tranh cho sự sống còn, nhưng khi đó chúng lại không được giải phóng khỏi chính cái đã giải phóng chúng, sự độc lập của hàng hóa lan ra đến toàn bộ nền kinh tế mà nó ngự trị trên đó. Kinh tế làm biến đổi thế giới, nhưng lại chỉ biến nó thành thế giới của kinh tế. Tự nhiên giả (pseudo¬nature) trong đó lao động của con người đã tự tha hóa
đòi hỏi phải tiếp tục phục vụ nó vô cùng tận, và sự phục vụ đó, vì chỉ bị xét xử và miễn tội bởi chính nó, thực ra nắm lấy toàn bộ những nỗ lực và các dự định hợp pháp về mặt xã hội, như là tôi tớ của nó. Sự dồi dào của hàng hóa tức là của quan hệ buôn bán, chỉ có thể là sự sống còn được tăng thêm.
41
Sự thống trị của hàng hóa trước hết được thực hiện một cách bí ẩn trên nền kinh tế; bản thân nền kinh tế, như là cơ sở vật chất của đời sống xã hội, vẫn không được thấy và được hiểu, cũng như ta không nhất thiết biết rõ cái mà ta quen thuộc. Trong một xã hội mà hàng hóa cụ thể vẫn còn hiếm hay vẫn còn chiếm một tỉ lệ thấp, chính sự thống trị hiển nhiên của đồng tiền dường như đóng vai trò phái viên có đủ mọi quyền lực, phát ngôn nhân danh một uy quyền mà không ai biết được là gì. Với cuộc cách mạng công nghiệp, với sự phân công lao động dựa trên sự chế biến bằng công nghiệp và với sự sản xuất ồ ạt cho thị trường thế giới, hàng hóa hiện ra như là một sức mạnh thực sự chiếm lĩnh đời sống xã hội. Chính khi đó ngành kinh tế chính trị học (economic politique) được lập ra như là khoa học chủ đạo và như là khoa học của sự thống trị.
42
Diễn cảnh là thời điểm mà hàng hóa đạt đến sự chiếm lấy hoàn toàn đời sống xã hội. Không những ta thấy rõ quan hệ với hàng hóa mà còn chỉ thấy có nó thôi: thế giới mà ta thấy là thế giới của nó.
Nền sản xuất kinh tế hiện đại mở rộng và tăng cường sự chuyên chính của nó. Ở những nơi ít được công nghiệp hóa nhất, nó cũng đã ngự trị thông qua vài thứ hàng hoá-nổi tiếng (marchandises vedettes) và thông qua sự thống trị đế quốc chủ nghĩa của các vùng dẫn đầu trong việc phát triển năng suất. Trong các vùng tiên tiến này, không gian xã hội bị xâm chiếm bởi các tầng địa chất liên tục chồng lên nhau do hàng hóa tạo ra. Trong cuộc “cách mạng công nghiệp thứ hai”81, đối với quần chúng, việc tiêu dùng bị tha hóa trở thành một nhiệm vụ bổ sung cho sự sản xuất bị tha hóa. Chính tất cả lao động được bán đi của một xã hội hoàn toàn trở thành hàng hóa toàn bộ mà chu trình phải được tiếp tục. Để làm điều đó, hàng hóa toàn bộ này phải rời rạc quay về với cá nhân rời rạc, hoàn toàn bị tách biệt khỏi các lực lượng sản xuất hoạt động như là một tổng thể. Do đó, chính ở đây mà khoa học được chuyên môn hóa bởi sự thống trị, đến lượt nó, phải tự chuyên môn hóa nó bị chia năm xẻ bảy thành các môn xã hội học, tâm lý kỹ thuật, điều khiển học, tín hiệu học v.v., theo dõi sự tự điều tiết của tất cả các cấp độ của tiến trình.
43
Trong khi trong pha đầu tiên của sự tích lũy tư bản chủ nghĩa “kinh tế chính trị học chỉ thấy người vô sản như là người thợ" phải nhận đồng lương tối thiểu cần thiết cho việc duy trì sức lao động của anh ta, nó không bao giờ xét đến người thợ “trong thời gian giải trí nghỉ ngơi (loisirs), trong nhân tính của anh ta”, lập trường này - mà các ý tưởng của giai cấp thống trị phản ánh) - bị đảo lộn ngay khi
mức độ dồi dào đạt đến trong việc sản xuất hàng hóa đòi hỏi phải có thêm sự hợp tác của người thợ. Người thợ này bỗng dưng hoàn toàn thoát khỏi sự 'khinh khi mà mọi phương thức tổ chức và giám thị sản xuất khiến anh ta thấy rõ; mỗi ngày, ngoài thời gian sản xuất và dưới sự giả trang thành người tiêu dùng, anh ta có vẻ được đối xử như là người lớn, với sự lễ độ vồn vã. Khi đó, chủ nghĩa nhân bản của hàng hóa quan tâm đến “thời gian giải trí nghỉ ngơi và nhân tính” của người lao động, đơn thuần chỉ vì kinh tế chính trị học bây giờ có thể và phải chi phối các lĩnh vực này như là kinh tế chính trị học. Như vậy “việc chối bỏ trọn vẹn con người” đã đảm nhận toàn bộ cuộc sống của con người.
44
Diễn cảnh là một cuộc chiến tranh nha phiến liên tục nhằm mục đích bắt người ta phải chấp nhận việc đồng nhất hóa của cải với hàng hóa và bắt phải chấp nhận việc đồng nhất hóa sự thỏa mãn với sự sống còn tăng lên theo các quy luật của chính nó. Nhưng nếu sự sống còn có thể kham được82 là cái gì phải luôn tăng lên, chính là vì nó không ngừng chứa đựng sự thiếu thốn. Nếu không có gì hết ở bên kia sự sống còn được tăng thêm (survie augmentée), nếu không có một nơi nào để nó có thể ngừng tăng trưởng, chính là vì bản thân nó không ở bên kia sự thiếu thốn, mà vì nó là sự thiếu thốn trở thành phồn vinh hơn.
45
Với sự tự động hóa vừa là khu vực tiên tiến nhất của công nghiệp hiện đại và vừa là mô hình mà ở đó thực tiễn của nền công nghiệp này được tóm gọn lại một cách hoàn hảo nhất, thế giới hàng hóa phải khắc phục mâu thuẫn sau đây: toàn bộ công cụ kỹ thuật, khách quan loại bỏ lao động, phải cùng lúc bảo tồn lao động như là hàng hóa và như là nơi sinh ra duy nhất của hàng hóa. Để cho sự tự động hóa hay bất cứ hình thức ít cực đoan nào khác của sự tăng thêm năng suất lao động, không thực sự làm giảm đi thời gian lao động xã hội cần thiết ở quy mô toàn xã hội, cần phải tạo ra những việc làm mới. Khu vực thứ ba, tức là các dịch vụ, là một chuỗi dài vô tận những tuyến đường của đạo quân phụ trách công việc phân phối và quảng cáo hàng hóa thường dùng; chính vì sự giả tạo của các nhu cầu về những thứ hàng hóa như thế mà việc huy động các lực lượng bổ sung trùng hợp với sự cần thiết phải tổ chức theo kiểu ấy công đoạn sau sản xuất.
46
Giá trị trao đổi chỉ có thể hình thành với tư cách là tác nhân của gíá trị sử dụng, nhưng sự thắng lợi của nó nhờ các vũ khí của chính nó đã tạo ra các điều kiện của sự thống trị độc lập của nó. Huy động mọi sự sử dụng của con người và nắm lấy độc quyền thỏa mãn nó, giá trị trao đổi rốt cuộc điều khiển sự sử dụng. Tiến trình trao đổi đồng nhất hóa với mọi sự sử dụng có thể có, và mặc tình thao túng nó. Giá trị trao đổi là tên tướng đánh thuê cho giá trị sử dụng và tên tướng này rốt cuộc lại tiến hành chiến tranh vì lợi ích của chính nó.
47
Xu hướng chung của kinh tế tư bản chủ nghĩa là sự xuống giá theo xu thế của giá trị sử dụng; nó phát triển một dạng thiếu thốn mới ở bên trong của sự sống còn được tăng thêm; sự thiếu thốn mới này cũng không được giải phóng nhiều hơn khỏi sự khan hiếm cũ bởi vì nó đòi hỏi đại đa số người dân, như là những người lao động làm công, phải tham gia vào việc mãi mãi tiếp tục nỗ lực của nó; và bởi vì mọi người đều biết rằng họ phải phục tùng đòi hỏi đó hay phải chịu chết. Việc sử dụng dưới dạng nghèo nàn nhất của nó (ăn, ở) chỉ còn tồn tại trong tình trạng bị giam cầm trong sự giàu sang ảo tưởng của sự sống còn được tăng thêm, sự kiện này là một sự bắt chẹt (chantage), chính nó là cơ sở thực sự của sự chấp nhận ảo tưởng nói chung trong sự tiêu dùng hàng hóa hiện đại; người tiêu dùng hiện thực trở thành người tiêu dùng các ảo tưởng. Hàng hóa là cái ảo tưởng thực sự có thực này, và diễn cảnh là sự thể hiện chung của nó.
48
Giá trị sử dụng, mặc nhiên bị xem là nằm trong giá trị trao đổi, bây giờ phải được minh nhiên (explicitement) công bố, trong thực tại đảo ngược của diễn cảnh, chính bởi vì hiện thực của nó bị kinh tế hàng hóa siêu-phát triển (surdéveloppé) làm I hao mòn; và bởi vì một sự biện minh giả (pseudo¬justification) trở nên cần thiết cho một đời sống giả.
49
Diễn cảnh là mặt kia của tiền bạc: nó là cái tương đương tổng quát trừu tượng của tất cả các hàng hóa. Nhưng nếu tiền bạc đã chi phối xã hội với tư cách là biểu trưng (representation) của sự tương đương cơ bản, tức là của tính có thể trao đổi được của nhiều thứ của cải mà ta không thể so sánh sự sử dụng83, diễn cảnh là cái bổ sung hiện đại và phát triển của tiền bạc, nơi mà toàn bộ thế giới hàng hóa hiện ra thành một khối, như là một sự tương đương tồng quát cho cái mà toàn bộ xã hội có thể là và có thể làm. Diễn cảnh là tiền bạc mà ta chỉ nhìn, vì trong diễn cảnh toàn bộ sự sử dụng đã được trao đổi với toàn bộ sự biểu trưng trừu tượng. Diễn cảnh không chỉ làm đầy tớ cho sự sử dụng giả (pseudo-usage); trong chính bản thân nó, nó đã là sự sử dụng giả cuộc sống.
50
Kết quả tập trung của lao động xã hội, vào lúc kinh tế dồi dào, trở thành rõ ràng và bắt mọi thực tại phải phục tùng cái bề ngoài giờ đây là sản phẩm của lao động xã hội. Tư bản không phải là trung tâm vô hình điều khiển phương thức sản xuất nữa: sự tích lũy vốn trải rộng nó ra cho đến ngoại vi dưới dạng các đồ vật cụ thể. Toàn bộ bề rộng của xã hội là chân dung của tư bản.
51
Thắng lợi của nền kinh tế độc lập đồng thời cũng là sự thất bại của nó. Các sức mạnh mà nó đã kích động, hủy bỏ tính tất yếu của kinh tế vốn là cơ sở bất di bất dịch của các xã hội xưa. Khi nó thay thế tính tất yếu kinh tế bằng tính tất yếu của sự phát triển vô cùng tận kinh tế, thì nó chỉ có thể thay thế sự thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người (được nhận ra một cách qua loa) bằng việc liên tục tạo ra các nhu cầu giả được hợp lại thành một nhu cầu giả duy nhất về sự duy trì sự ngự trị của nền kinh tế độc lập. Nhưng nền kinh tế độc lập vĩnh viễn tách biệt khỏi nhu cầu sâu xa chính trong chừng mực nó thoát ra từ cái vô thức xã hội vốn lệ thuộc vào nó mà không biết. “Mọi cái có ý thức đều hao mòn đi. Cái gì là vô thức vẫn bất di bất dịch. Nhưng một khi được giải phóng, phải chăng cái vô thức, đến lượt nó, lại không đổ nát?” (Freud).
52
Vào lúc xã hội phát hiện rằng nó lệ thuộc vào kinh tế, thực ra kinh tế lại lệ thuộc vào xã hội. Sức mạnh ngầm này đã lớn lên đến mức hiện ra với tất cả uy quyền của nó, cũng mất đi sức mạnh của nó. Ở đâu có cái ấy84 (le ca) kinh tế, thì cái tôi (le Je) phải đến đó. Chủ thể chỉ có thể xuất phát từ xã hội, tức là từ sự đấu tranh ở bên trong bản thân xã hội. Sự tồn tại có thể có được của chủ thể lệ thuộc vào các kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp được biểu lộ ra như là sản phẩm và như là người sản xuất ra nền tảng kinh tế của lịch sử.
53
Ý thức về sự ham muốn và sự ham muốn của ý thức đều là dự định này dưới hình thức phủ định của nó, nó muốn xóa bỏ các giai cấp, tức là muốn những người lao động trực tiếp chiếm hữu tất cả các thời điểm hoạt động của họ. Cái ngược lại với dự định đó là xã hội diễn cảnh, nơi hàng hóa tự chiêm ngưỡng chính bản thân trong một thế giới mà nó đã tạo ra.
CHƯƠNG III
THỐNG NHẤT VÀ CHIA RẼ TRONG HIỆN
TƯỢNG BỀ NGOÀI
“Một cuộc bút chiến sôi nổi mới đang diễn ra trong nước, trên mặt trận triết học, về các khái niệm “một chia ra thành hai” và “hai hợp nhất thành một”. Tranh luận này là một cuộc tranh đấu giữa những người ủng hộ và những người chống lại biện chứng duy vật, một cuộc tranh đấu giữa hai quan niệm về thế giới: quan niêm vô sản và quan niệm tư sản. Những người cho rằng “một chia ra thành hai” là quy luật cơ bản của sự vật thì đứng về phía chủ trương biện chứng duy vật; những người cho rằng quy luật cơ bản của sự vật là “hai hợp nhất thành một” thì chống lại biện chứng duy vật. Hai phe đã vạch ra một giới tuyến giữa họ và các luận cứ của họ là hoàn toàn đối lập. Cuộc bút chiến này phản ánh trên bình diện tư tưởng hệ cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra ở Trung Quốc và trên thế giới”.
Tạp chí Hồng Kỳ ở Bắc Kinh, ngày 21 9.1964
54
Diễn cảnh, cũng như xã hội hiện đại, vừa thống nhất vừa chia rẽ. Cũng như xã hội hiện đại, nó xây dựng sự thống nhất của nó trên sự xâu xé. Nhưng khi xuất hiện trong diễn cảnh, sự mâu thuẫn, đến lượt nó, lại bị một sự đảo ngược ý nghĩa của nó phản bác; đến mức sự chia rẽ được trưng ra thì có tính thống nhất, trong khi sự thống nhất được trưng ra thì lại có tính chia rẽ.
55
Các quyền lực đấu tranh với nhau đều nhằm mục đích quản lý cùng một hệ thống xã hội-kinh tế; cuộc đấu tranh đó được triển khai như là sự mâu thuẫn chính thức, nhưng thực ra các quyền lực đều thống nhất thực sự với nhau, ở quy mô thế giới cũng như ở bên trong mỗi quốc gia.
56
Những cuộc đấu tranh giả tạo có tính diễn cảnh giữa các hình thức cạnh tranh với nhau của quyền lực tách biệt, đồng thời cũng là có thực, vì chúng thể hiện sự phát triển không đều và xung đột của hệ thống cũng như thể hiện những quyền lợi tương đối mâu thuẫn với nhau giữa các giai cấp hay giữa các thành phần bên trong các giai cấp vốn thừa nhận hệ thống, và xác định sự tham gia của chính
chúng vào quyền lực của hệ thống, cũng như sự phát triển của nền kinh tế tiên tiến nhất là sự đối chọi giữa vài ưu tiên với các ưu tiên khác, sự quản lý toàn trị nền kinh tế do bộ máy quan liêu nhà nước đảm nhận, và hoàn cảnh của các nước bị đặt trong tình trạng thuộc địa hay bán thuộc địa, được những đặc thù đáng kể xác định trong các dạng thức (modalité) của sự sản xuất và của quyền lực. Những sự đối lập khác nhau này có thể được thể hiện, trong diễn cảnh, theo các tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, như là những hình thái xã hội hoàn toàn khác nhau. Nhưng tùy theo hiện thực thực sự85 của chúng như là những khu vực đặc thù, sự xác thực của tính đặc thù của chúng nằm trong hệ thống phổ biến bao gồm chúng: trong một vận động duy nhất đã biến cả hành tinh thành lãnh trường (champ) của nó, vận động đó tức là chủ nghĩa tư bản.
57
Xã hội mang diễn cảnh không chỉ thống trị những vùng kém phát triển nhờ bá quyền kinh tế của nó. Nó thống trị chúng với tư cách là xã hội diễn cảnh. Ngay cả ở những nơi chưa có cơ sở vật chất, xã hội hiện đại cũng đã xâm chiếm bề mặt xã hội của mỗi lục địa bằng cách dùng diễn cảnh. Nó xác định chương trình của một giai cấp lãnh đạo và chủ trì cho việc lập ra giai cấp đó. Cũng như nó đưa ra những của cải giả (pseudo-bien) để người ta thèm muốn, nó cũng cung cấp cho những nhà cách mạng địa phương các mô hình giả về cách mạng. Diễn cảnh của riêng quyền lực quan liêu đang nắm vài nước công nghiệp, rõ ràng là bộ phận của diễn cảnh toàn bộ như là sự phủ định giả (pseudo-négation) tổng quát và như là sự chống đỡ
cho diễn cảnh toàn bộ đó. Nếu, được nhìn thông qua các thể hiện địa phương của nó, diễn cảnh rõ ràng cho thấy những sự chuyên môn hóa có tính toàn trị của lời nói và của sự quản trị xã hộì, thì ở cấp độ vận hành tổng thể của hệ thống, sự chuyên môn hóa toàn trị đó rốt cuộc tan biến thành một sự phân công các nhiệm vụ diễn cảnh trên toàn thế giới.
58
Sự phân công các nhiệm vụ diễn cảnh bảo tồn tính khái quát của trật tự hiện tồn và chính yếu bảo tồn cực chủ đạo của sự phát triển trật tự đó. Diễn cảnh bám rễ trong lĩnh vực kinh tế trở thành dồi dào, và chính từ đó phát xuất những thành quả rốt cuộc có khuynh hướng chi phối thị trường diễn cảnh, bất chấp những rào cản bảo hộ có tính tư tưởng hệ-cảnh sát (idéologico-policier) của bất cứ diễn cảnh địa phương nào có tham vọng tự cấp tự túc.
59
Dưới các trò vui hấp dẫn của diễn cảnh, sự tầm thường hóa không những chi phối xã hội hiện đại trên cả thế giới, mà còn chi phối nó cả ở những nơi mà việc tiêu dùng ngày càng phát triển các hàng hóa có vẻ làm tăng gấp bội những vai trò và các đồ vật mà người ta có thể chọn lựa. Những tàn dư của tôn giáo và của gia đình - gia đình vẫn là hình thức chính của sự thừa kế quyền lực giai cấp và vì vậy của sự đàn áp về đạo đức mà tôn giáo và gia đình đảm nhận, có thể kết hợp với việc khẳng định rườm rà về việc hưởng thụ
cuộc đời này, cuộc đời này đúng là chỉ được sản xuất ra với tư cách là sự hưởng thụ giả (pseudo-jouissance) vốn chứa trong nó sự đàn áp. Sự nổi loạn thuần túy diễn cảnh cũng có thể kết hợp với sự ngây ngô chấp nhận cái đang tồn tại, vì chúng giống hệt nhau: điều đó đơn thuần cho thấy rằng bản thân sự không thỏa mãn đã trở thành một món hàng ngay khi sự dồi dào về kinh tế tỏ ra có khả năng mở rộng sự sản xuất của nó ra đến cả việc xử lý một nguyên liệu như thế.
60
Diễn viên ngôi sao (vedette) thể hiện con người sống động thông qua diễn cảnh; khi tập trung nơi mình hình ảnh của một vai nào đó, diễn viên ngôi sao thể hiện điều tầm thường vừa nói. Thân phận ngôi sao là sự chuyên môn hóa cái có vẻ như được trải nghiệm (le vécu apparent), đối tượng của sự đồng nhất hóa với cuộc sống bề ngoài và không có chiều sâu; cuộc sống đó phải bù cho sự chia nhỏ các chuyên môn hóa thực sự được trải nghiệm trong sản xuất. Sở dĩ các ngôi sao tồn tại là để thể hiện nhiều loại phong cách sống và phong cách hiểu xã hội, nhờ được tự do hoạt động một cách toàn bộ. Họ là hiện thân của kết quả không thể đạt tới được của lao động xã hội, bằng cách nhại những phụ phẩm (sous-produit) của sự lao động đó; các phụ phẩm này được chuyển, như bằng ma thuật, lên bên trên lao động xã hội như là mục đích của nó: quyền lực và nghỉ dưỡng (vacances), quyết định và tiêu dùng, những điều đó đều nằm ở điểm bắt đầu và điểm kết thúc của một tiến trình không được bàn cãi. Ở nơi kia, đó là quyền lực chính phủ tự nhân cách hóa thành
ngôi sao giả (pseudo-vedette); ở nơi này đó là ngôi sao của sự tiêu dùng bắt mọi người phải ủng hộ mình với tư cách là quyền lực giả (pseudo- pouvoir) trên cái được trải nghiệm (le vécu). Nhưng, các sinh hoạt này của các ngôi sao không thực sự có tính toàn bộ và cũng không đa dạng.
61
Tác nhân của diễn cảnh được dàn dựng như là ngôi sao là cái trái ngược với cá nhân, là kẻ thù của cá nhân ở chính nó cũng như nơi các người khác. Xuất hiện trong diễn cảnh như là kiểu mẫu để đồng nhất hóa tác nhân từ bỏ mọi tính chất độc lập để đồng nhất hóa chính nó với quy luật chung của việc tuân theo dòng chảy của sự vật. Dù thể hiện ra bên ngoài các loại hình khác nhau về nhân cách, ngôi sao (étoile86) của sự tiêu dùng cho thấy mỗi loại hình đó đều đạt đến toàn bộ sự tiêu dùng, và đều tìm thấy như nhau ở đó hạnh phúc của mình. Ngôi sao của sự quyết định phải chiếm hữu toàn bộ khối dự trữ của tất cả những gì được chấp nhận như là các phẩm chất của con người. Như vậy những sự bất đồng chính thức giữa hai loại ngôi sao đó bị sự giống nhau chính thức hủy đi; và sự giống nhau đó là sự giả định trước về sự xuất sắcncủa họ về mọi thứ. Chính vì thế mà Khrushchev đã bỗng dưng trở thành tướng lĩnh để lấy quyết định về trận Koursk87, không phải trên thực địa, mà ở lễ kỷ niệm lần thứ hai mươi của trận này, khi ông ta đứng đầu nhà nước. Kennedy, dù đã bị ám sát chết, vẫn còn là diễn giả tài ba đến mức đã đọc bài điếu văn ca ngợi mình trước mộ của chính mình, vì khi đó Theodore Sorensen88 vẫn tiếp tục viết cho người kế vị
Kennedy [tức Tổng thống Lyndon B. Johnson - ND] những bài diễn văn có cùng văn phong [với các bài diễn văn của Kennedy cũng do Sorensen viết - ND]: văn phong này đã đóng vai trò rất quan trọng vì đã làm cho người ta nhận ra cá tính của người quá cố. Mọi người đều biết rõ rằng những người đáng khâm phục, vốn là hiện thân của hệ thống, thực ra đều không phải là những người phi thường như họ tỏ ra; họ đã trở thành vĩ nhân nhờ che giấu được hoàn toàn đời sống riêng tư thực sự của họ, và ai cũng biết điều đó.
62
Sự chọn lựa giả trong sự dồi dào về diễn cảnh nằm trong sự đặt kề nhau những diễn cảnh cạnh tranh với nhau và bổ sung cho nhau cũng như trong việc đặt kề nhau những vai (chủ yếu được các đồ vật biểu thị và thể hiện) vừa riêng biệt vừa chồng chéo lên nhau; sự chọn lựa giả đó phát triển thành cuộc đấu tranh giữa những phẩm chất không có thực được dành cho việc kích thích mọi người say mê tán thành sự tầm thường về lượng. Do đó lại sinh ra những đối lập giả cổ sơ, những chủ nghĩa địa phương hay chủ nghĩa chủng tộc đảm nhận việc diệu biến (transfigurer) sự dung tục của các vị trí thứ bậc trong sự tiêu dùng thành sự ưu việt bản thể học kỳ lạ. Do đó lại hình thành cái chuỗi dài lê thê của những cuộc chạm trán không đáng kể nhưng huy động được một sự hứng thú gần giống như đối với các trò chơi, từ thi đấu cho đến các cuộc bầu cử. Ở đâu đã có sự tiêu dùng dồi dào, thì ở đó sự đối lập chính yếu về diễn cảnh giữa giới trẻ và những người trưởng thành đóng vai trò dối trá hàng đầu: bởi vì bất cứ ở đâu cũng không có người trưởng thành, tức là
người làm chủ được đời mình, và bởi vì tuổi trẻ, tức là ý muốn thay đổi cái gì đang tồn tại, hoàn toàn không phải là đặc tính của những người hiện nay còn trẻ, mà là đặc tính của hệ thống kinh tế, tức là của sự năng động của chủ nghĩa tư bản. Đó chính là những sự vật đang ngự trị và đang còn trẻ; chính chúng xua đuổi nhau và thay thế cho nhau.
63
Chính tính thống nhất của sự bần cùng nấp dưới những sự đối lập về diễn cảnh. Nếu những hình thức khác nhau của cùng một sự tha hóa đánh nhau dưới các mặt nạ của sự chọn lựa toàn bộ, chính là vì chúng đều được xây dựng trên các mâu thuẫn xác thực bị dồn nén. Tùy theo những bó buộc của giai đoạn đặc thù của sự bần cùng mà diễn cảnh vừa phủ nhận vừa duy trì, nó tồn tại dưới một hình thức tập trung (concentre) hay dưới một hình thức khuếch tán (diffus). Trong cả hai trường hợp, nó chỉ là một hình ảnh của sự hợp nhất thích hợp giữa sự đau buồn và sự kinh hoàng, ở vào trung tâm yên tĩnh của sự khốn khổ.
64
Cái diễn cảnh tập trung chủ yếu thuộc vào chủ nghĩa tư bản quan liêu, dù rằng nó có thể đã được du nhập vào như là kỹ thuật của quyền lực nhà nước trên những nền kinh tế hỗn hợp lạc hậu hơn, hay trong vài thời điểm khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tiên tiến. Bản thân tài sản quan liêu quả thực được tập trung, vì kẻ quan
liêu cá thể có quan hệ với sự chiếm hữu nền kinh tế toàn bộ qua sự trung gian của cộng đồng quan liêu, chỉ với tư cách là thành viên của cộng đồng đó. Hơn nữa việc sản xuất hàng hóa ít phát triển, cũng hiện ra dưới hình thức tập trung: hàng hóa mà giới quan liêu nắm, chính là lao động xã hội toàn bộ, và cái mà họ bán lại cho xã hội, chính là toàn bộ sự sống còn của xã hội. Sự chuyên chính của nền kinh tế quan liêu không để cho quần chúng bị bóc lột một sự tự do chọn lựa đáng kể nào, bởi vì chính nó đã phải tự mình chọn lựa tất cả, và bởi vì mọi chọn lựa bên ngoài nào khác, dù là liên quan đến ẩm thực hay âm nhạc, đều đã là sự chọn lựa hủy diệt hoàn toàn quyền lực chuyên chính. Nó luôn kéo theo một bạo lực thường xuyên. Hình ảnh bị cưỡng đặt của điều tốt, trong diễn cảnh của nó, thể hiện toàn bộ những gì chính thức tồn tại, và thông thường tập trung vào một người vốn bảo đảm cho sự cố kết toàn trị. Mỗi người phải tự đồng nhất hóa như bằng ma thuật với nhân vật vô cùng nổi tiếng đó, hay biến mất đi. Bởi vì đó là nhân vật hoàn toàn làm chủ được vận mệnh của mình89, và của hình ảnh anh hùng được hiểu theo một nghĩa phù hợp với sự bóc lột tuyệt đối thực ra là sự tích lũy ban đầu do sự khủng bố làm tăng tốc. Nếu mỗi người Trung Ouốc phải học Mao, và do đó giống hệt Mao, chính là vì anh ta hoàn toàn không thể là cái gì khác, ở đâu cái diễn cảnh tập trung thống trị, thì ở đó cảnh sát cũng thống trị.
65
Cái diễn cảnh khuếch tán đi cùng với sự dồi dào hàng hóa với sự phát triển không bị chủ nghĩa tư bản hiện đại làm cho rối loạn, ở đây
mỗi món hàng lấy riêng ra được biện minh nhân danh tầm quan trọng của sự sản xuất toàn bộ các đồ vật mà diễn cảnh là một danh mục những lời ca ngợi. Những khẳng định không tài nào dung hòa được đẩy nhau xuất hiện trên sân khấu diễn cảnh thống nhất của nền kinh tế dồi dào; cũng như những món hàng- ngôi sao khác nhau đồng thời bảo vệ các dự án sắp xếp xã hội mâu thuẫn lẫn nhau; trong các dự án đó có cái thì muốn có một sự giao thông hoàn hảo cho xe ô tô dù điều đó phá hủy các đô thị cổ, trong khi các đô thị đều cần các khu phố bảo tàng, vốn đã có vấn đề, sự thỏa mãn mà ai cũng biết là thuộc vào sự tiêu dùng toàn bộ (consommation de l’ensemble), tức khắc bị làm biến chất bởi vì người tiêu dung thực sự chỉ có thể trực tiếp chạm đến một loạt liên tiếp những mảnh hạnh phúc hàng hóa những mảnh rõ ràng không có cái chất lượng được gán cho tổng thể.
66
Mỗi món hàng được xác định rõ đều tranh đấu cho bản thân mình, đều không thể thừa nhận các món hàng khác, đều có tham vọng bắt mọi người phải công nhận ở khắp nơi như thể nó là món hàng duy nhất. Thế thì diễn cảnh là bản anh hùng ca về sự chạm trán đó, mà sự sụp đổ của bất cứ thành Ilion90 nào cũng không thể kết thúc. Diễn cảnh không ca ngợi những con người và vũ khí của họ, mà ca ngợi các hàng hóa và các đam mê mà chúng tạo ra. Chính trong cuộc tranh đấu mù quáng đó mà mỗi món hàng, khi chạy theo đam mê mà nó tạo ra, quả thực thực hiện trong vô thức cái gì đọ cao quý hơn: đó là sự trở thành-thế giới (le devenir-monde)
của hàng hóa cũng chính là sự trở thành-hàng hóa (le devenir marchandise) của thế giới. Như vậy, nhờ một mưu mẹo của lý năng thương mại (raison marchande), cái đặc thù của hàng hóa hao mòn đi khi chiến đấu, trong khi hình thức-hàng hóa đi đến sự tự thực hiện tuyệt đối chính nó.
67
Sự thỏa mãn mà hàng hóa dồi dào không thể tạo ra được nữa trong sự sử dụng, rốt cuộc được tìm kiếm trong sự thừa nhận giá trị của nó như là hàng hóa: đó là sự sử dụng hàng hóa độc lập với những thứ khác; và đối với người tiêu dùng đó là tình cảm dào dạt có tính tôn giáo đối với sự tự do tối cao của hàng hóa. Nhờ được mọi phương tiện thông tin ủng hộ và đẩy mạnh thêm lên, những đợt sóng của sự hào hứng đối với một sản phẩm nào đó lan ra với tốc độ rất nhanh. Một kiểu áo quần đột hiện (surgir) từ một bộ phim; một tạp chí tung ra những câu lạc bộ và các câu lạc bộ này lại tung ra nhiều dòng sản phẩm khác nhau, vật dụng lạ mắt (gadget) biểu hiện điều này: trong khi số lớn hàng hóa trượt (glisser) dần đến sự lệch lạc, thì chính cái lệch lạc trở thành một món hàng đặc biệt, chẳng hạn trong các cái vòng đeo chìa khóa dùng để quảng cáo, không bán nữa, mà được tặng kèm theo những đồ vật có giá trị được bán hay được sản xuất ra chỉ để trao đổi, ta có thể nhận ra biểu hiện của một sự phục tùng có tính thần bí đối với tính siêu việt của hàng hóa. Khi sưu tập các vòng đeo chìa khóa mới được chế tạo nhằm phục vụ những người sưu tập, người ta tích lũy các sự xá tội91 (indulgence) của hàng hóa, một dấu hiệu vinh quang của sự hiện
diện thực sự của hàng hóa nơi những tín đồ của nó. Người bị vật hóa (réifié) phô trương bằng chứng về sự mật thiết của anh ta với hàng hóa. Như trong những trận lên cơn của những người mắc bệnh co giật (convulsionnaires92) hay của những người chịu phép lạ trong bái vật giáo cổ xưa, sự tôn sùng hàng hóa cũng đạt đến những giây lát hưng phấn đầy nhiệt tình. Lối ứng xử duy nhất còn được thể hiện ở đây là lối ứng xử cơ bản của sự phục tùng.
68
Đành rằng nhu cầu giả cưỡng đặt trong sự tiêu dùng hiện đại không thể được dùng để chống lại với bất cứ nhu cầu hay thèm muốn đích thực nào mà không bị xã hội và lịch sử xã hội của chính nó tạo ra. Nhưng hàng hóa dồi dào lại tồn tại như là sự cắt đứt tuyệt đối một sự phát triển hữu cơ các nhu cầu xã hội. Sự tích lũy máy móc hàng hóa giải phóng một cái giả tạo vô giới hạn mà trước nó, sự thèm muốn sống động trở thành bất lực. Sức mạnh tích lũy của cái giả tạo độc lập kéo theo ở khắp nơi sự làm giả đời sống xã hội.
69
Trong hình ảnh thống nhất tốt đẹp xã hội bằng tiêu dùng, sự chia rẽ thực sự chỉ bị tạm ngừng cho đến khi lại xảy ra sự mất ảo tưởng về cái có thể tiêu dùng. Mỗi sản phẩm đặc thù phải biểu hiện hy vọng có được một con đường tắt rất ngắn để cuối cùng đến được miền đất hứa của sự tiêu dùng toàn bộ; đến lượt nó được giới thiệu một cách trịnh trọng như là một đồ vật vô cùng độc đáo. Nhưng
cũng như trong trường hợp của sự phổ biến chớp nhoáng các mốt tên riêng (prénom) có vẻ quý tộc - khiến cho hầu như tất cả những người cùng tuổi đều có cùng tên đồ vật mà người ta chờ đợi sẽ đem lại một quyền lực đặc biệt được đề nghị cho quần chúng sùng bái chỉ bởi vì nó đã được làm ra rất nhiều để được ồ ạt tiêu dùng, sản phẩm tầm thường này có được uy tín chỉ là vì nó đã được đặt trong một chốc lát vào trung tâm của đời sống xã hội, như là huyền nhiệm mặc khải của tính hướng đến mục đích (finalite) của sự sản xuất. Đồ vật, vốn nổi tiếng trong diễn cảnh, trở nên dung tục ngay khi mọi người tiêu dùng đều mua nó. Nó để lộ ra quá trễ bản chất nghèo nàn mà nó vốn thừa kế từ sự nghèo nàn của việc sản xuất ra nó. Nhưng đã có một đồ vật khác biện minh cho hệ thống và thể hiện yêu cầu được thừa nhận.
70
Sự bịp bợm của sự thỏa mãn phải tự tố cáo chính mình khi tự thay thế, khi tuân theo sự thay đổi sản phẩm và sự thay đổi các điều kiện chung của nền sản xuất, cái đã khẳng định với sự trơ trẽn khả nhất sự tuyệt vời của chính nó, tuy nhiên lại thay đổi, trong diễn cảnh khuếch tán và cả trong diễn cảnh tập trung, và chính hệ thống vẫn phải tiếp tục một mình: Stalin cũng như món hàng không hợp thời trang bị chính những kẻ vốn đã cưỡng đặt ông ta và món hàng tố cáo. Mỗi sự láo khoét mới của việc quảng cáo cũng là sự thú nhận láo khoét trước. Mỗi sự sụp đổ của một khuôn mặt quyền lực toàn trị làm lộ ra cộng đồng hão huyền đã nhất trí ủng hộ nó trong
quá khứ, và thực ra chỉ là một khối kết tụ của những nỗi cô đơn không ảo tưởng.
71
Cái mà diễn cảnh cho là bất diệt, được xây dựng trên sự thay đổi, và phải thay đổi cùng với cơ sở của nó. Diễn cảnh là hoàn toàn giáo điều và đồng thời không thể thực sự đạt đến một giáo điều vững chắc nào cả. Không có cái gì dừng lại vì diễn cảnh; đó là trạng thái tự nhiên đối với nó, tuy nhiên lại trái ngược nhất đối với xu hướng (inclination) của nó.
72
Sự thống nhất hư ảo mà diễn cảnh tuyên bố, là cái mặt nạ của sự phân chia giai cấp mà sự thống nhất thực sự của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên đó. Cái vốn bắt buộc các nhà sản xuất phải tham gia vào việc tạo dựng thế giới, cũng là cái tách họ ra khỏi thế giới, cái vốn tạo ra quan hệ giữa những người thoát được ra khỏi các hạn chế địa phương và quốc gia cũng là cái khiến họ xa cách nhau. Cái bắt buộc phải đào sâu thêm cái thuần lý cũng chính là cái nuôi dưỡng cái phi lý của sự lợi dụng thứ bậc và của sự đàn áp. Điều vốn tạo ra quyền lực trừu tượng của xã hội, cũng tạo ra sự phi tự do (non-liberté) cụ thể của nó.
CHƯƠNG IV
GIAI CẤP VÔ SẢN NHƯ
LÀ CHỦ THỂ VÀ NHƯ
LÀ BIỂU TRƯNG
“Quyền bình đẳng của mọi người về tài sản và về sự thụ hưởng mọi lạc thú của thế giới này, sự phá hủy mọi uy quyền, sự phủ nhận mọi kiềm chế đạo đức, đó là, nếu ta đi sâu vào bản chất của mọi sự, lý do tồn tại của cuộc nổi dậy ngày 18 tháng 393 và hiến chương của hiệp hội đáng sợ này đã cung cấp cho cuộc nổi dậy đó một đội quân”.
Điều tra của Quốc hội về cuộc nổi dậy ngày 18.3
73
Hủy bỏ những điều kiện hiện tồn tại, phong trào hiện thực cai trị xã hội từ khi giai cấp tư sản thắng lợi trong lĩnh vực kinh tế, và càng rõ ràng hơn nữa từ khi thắng lợi đó được thể hiện trong lĩnh vực
chính trị. Sự phát triển các lực lượng sản xuất đã làm nổ tung các quan hệ sản xuất cũ, và mọi trật tự ngưng trệ sụp đổ thành cát bụi. Tất cả những gì là tuyệt đối đều trở thành có tính lịch sử.
74
Chính khi bị lao vào trong lịch sử, chính khi phải tham gia lao động và các cuộc đấu tranh tạo nên lịch sử, mà con người thấy mình bị buộc phải xem xét các quan hệ của mình một cách chán chường. Lịch sử đó không có đối tượng hoàn toàn khác với những gì mà nó thực hiện trên chính nó, mặc dù cách nhìn siêu hình vô thức cuối cùng về thời đại lịch sử có thể xem sự tiến triển sản xuất mà xuyên qua đó lịch sử tự triển khai như chính là đối tượng của lịch sử. Chủ thể của lịch sử chỉ có thể là con người tự sản xuất ra chính mình, trở thành người làm chủ và chiếm hữu thế giới của mình cũng như lịch sử, và tồn tại như là ý thức về hoạt động của mình.
75
Những cuộc đấu tranh giai cấp của thời đại cách mạng kéo dài phát triển như cùng một trào lưu. Thời đại đó được mở đầu bởi sự vươn lên của giai cấp tư sản và bởi tư tưởng về lịch sử, tức là tư tưởng biện chứng; tư tưởng đó không dừng lại nữa trong sự tìm kiếm ý nghĩa của cái hiện tồn (l’étant), mà vươn đến nhận thức về sự tan rã của tất cả những gì đang tồn tại; và trong sự vận động nó làm tiêu tan mọi sự tách biệt.
76
Hegel không phải giải thích thế giới nữa, mà phải giải thích sự biến đổi thế giới. Khi chỉ giải thích sự biến đổi, Hegel chỉ là sự kết thúc triết học của triết học. Ông muốn hiểu một thế giới tự làm ra chính nó. Tư tưởng lịch sử đó còn chỉ là ý thức luôn luôn tới quá trễ, và trình bày sự biện minh sau lễ hội (post festum94). Như vậy, nó chỉ vượt được sự tách biệt trong tư tưởng. Hegel cho rằng ý nghĩa của mọi thực tại đều gắn liền vào sự kết thúc của nó về mặt lịch sử, nhưng đồng thời bản thân ý nghĩa đó cũng tự thể hiện thành sự kết thúc của lịch sử; nghịch lý đó đơn thuần phát xuất từ việc nhà tư tưởng của các cuộc cách mạng tư sản vào hai thế kỷ 17 và 18 chỉ tìm trong triết học của mình sự hòa giải với kết quả của chúng. “Ngay cả như là triết học của cách mạng tư sản, nó [tư tưởng của Hegel - ND] không thể hiện tất cả tiến trình của cuộc cách mạng đó, mà chỉ thể hiện kết luận cuối cùng của nó. Như vậy, nó là một triết học không phải về cách mạng, mà là về sự trung hưng” (Karl Korsch, Luận điểm về Hegel và cách mạng95). Hegel đã làm, cho lần cuối cùng, công việc của triết gia, tức “biểu dương cái đang tồn tại”; nhưng ngay cái đối với ông ta là đang tồn tại, chỉ có thể là toàn bộ vận động lịch sử. Do vị trí bên ngoài của tư tưởng được duy trì trên thực tế, nó chỉ có thể bị che đậy bởi sự đồng nhất hóa chính nó với một dự án có trước của Tinh thần, nhân vật tuyệt đối đã làm ra cái mà nó muốn và đã muốn cái mà nó làm ra, và sự hoàn thành của cái này trùng hợp với hiện tại. Như vậy, triết học - chết đi trong tư tưởng về lịch sử - không thể biểu dương thế giới của nó nữa trừ phi
bằng cách từ bỏ thế giới đó, bởi vì để lên tiếng, trước hết nó phải giả định rằng lịch sử toàn bộ này – mà nó đã đưa mọi thứ vào trong đó - đã chấm dứt; và đã kết thúc khóa họp của tòa án duy nhất, nơi phán quyết về chân lý có thể được tuyên bố.
77
Khi giai cấp vô sản chứng tỏ bằng hành động của chính nó rằng tư tưởng đó về lịch sử đã không bị quên đi, sự phủ định kết luận cũng chính là sự xác nhận phương pháp.
78
Tư tưởng về lịch sử chỉ có thể được cứu khi nó trở thành tư tưởng thực tiễn; và thực tiễn của giai cấp vô sản như là giai cấp cách mạng không thể kém hơn ý thức lịch sử hoạt động trên toàn bộ thế giới của nó. Mọi trào lưu lý thuyết của phong trào công nhân cách mạng đều phát xuất từ một cuộc chạm trán phê phán với tư tưởng của Hegel, nơi Marx cũng như nơi Stirner96 và Bakunin97.
79
Bản thân tính không thể tách biệt nhau giữa lý thuyết của Marx và phương pháp của Hegel lại không thể tách biệt với tính chất cách mạng của lý thuyết Marx, tức là khỏi sự xác thực của lý thuyết này. Chính vì thế mà quan hệ giữa Hegel và Marx thường bị bỏ qua hay bị hiểu sai, hay còn bị tố cáo như là nhược điểm của cái đã dối trá biến thành một thứ chủ nghĩa Marx. Trong cuốn Chủ nghĩa xã hội lý
thuyết và chủ nghĩa xã hội dân chủ, Bernstein98 đã trình bày rất rõ mối liên hệ này giữa phương pháp biện chứng và việc lấy lập trường lịch sử, khi ông ta lấy làm tiếc về các tiên đoán thiếu khoa học của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản viết năm 1847 khi cho rằng cách mạng vô sản sắp bùng nổ ở Đức: “Sự tự kỷ ám thị (auto-suggestion) này về lịch sử, sai lầm đến mức bất cứ một người nào có tầm nhìn xa về chính trị đều không phạm phải, sẽ không thể nào hiểu được nơi một Marx vào thời đó đã nghiên cứu nghiêm túc về kinh tế, nếu ta không thấy trong sự tự ám thị đó sản phẩm của một tàn dư của biện chứng phản đề (dialectiaue antithétique) của Hegel mà Marx, cũng chẳng hơn gì Engels, đã không bao giờ tống khứ đi được, vào những thời kỳ rất sổi động đó, Marx lại càng khó tránh khỏi sai lầm nói trên.”
80
Sự đảo ngược mà Marx thực hiện nhằm “cứu lấy thông qua sự chuyển dịch” tư tưởng của các cuộc cách mạng-tư sản, không bao gồm một cách tầm thường việc thay thế, bằng sự phát triển duy vật các lực lượng sản xuất, cuộc hành trình của Tinh thần theo quan niệm Hegel đi gặp chính nó trong thời gian, sự khách thể hóa của nó hoàn toàn đồng nhất với sự tha hóa của nó, và các vết thương lịch sử không để lại sẹo. Trở thành hiện thực, lịch sử không có điểm kết thúc. Marx đã làm sụp đổ lập trường tách biệt của Hegel trước cái gì xảy đến; và Marx cũng đã làm sụp đổ sự trầm tư của một tác nhân tối cao ở bên ngoài, dù tác nhân đó là ai. Lý thuyết không phải chỉ biết cái nó làm. Trái lại chính sự trầm tư về sự vận hành của kinh tế,
trong tư tưởng chi phối xã hội hiện nay, mới là di sản không bị đảo ngược của bộ phận phi-biện chứng trong toan tính của Hegel muốn tìm một hệ thống vòng tròn: đó là một sự tán thành đã mất đi kích thước của ý niệm, và không cần đến một thứ chủ nghĩa Hegel nữa để tự biện minh, bởi vì sự vận hành cần ca ngợi chỉ là một khu vực không có tư tưởng của thế giới, mà sự phát triển máy móc thực sự chi phối tất cả. Dự án của Marx là dự án của một thứ lịch sử có ý thức. Cái định lượng chợt hiện ra trong sự phát triển mù quáng của các lực lượng sản xuất đơn thuần kinh tế, phải tự biến thành sự chiếm hữu định tính về lịch sử. Sự phê phán môn kinh tế chính trị học là hành động đầu tiên của sự chấm dứt của tiền sử: “Trong số tất cả các công cụ sản xuất, khả năng sản xuất lớn nhất, chính là giai cấp cách mạng”.
81
Cái gắn liền lý thuyết của Marx với tư tưởng khoa học, chính là sự thấu hiểu thuần lý các lực lượng thực sự hoạt động trong xã hội. Nhưng lý thuyết của Marx cơ bản là một thế giới bên kia (au- delà) của tư tưởng khoa học, nơi tư tưởng này chỉ được duy trì khi nó bị vượt: nó nhằm thấu hiểu về cuộc đấu tranh, chứ không phải về quy luật. Hệ tư tưởng Đức99 viết: “Chúng ta chỉ biết có một khoa học duy nhất thôi: đó là khoa học lịch sử.”
82
Thời đại tư sản, vốn muốn tạo ra nền móng khoa học cho môn sử học, nhưng lại quên đi sự kiện là khoa học có sẵn này đáng ra chính nó đã phải được xây dựng về mặt lịch sử cùng với kinh tế. Ngược lại, sử học chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào nhận thức kinh tế trong chừng mực sử học đó vẫn là lịch sử kinh tế. Tác động của lịch sử trong chính kinh tế - tiến trình toàn bộ làm thay đổi các dữ kiện khoa học cơ bản của chính nó - đã có thể bị quan điểm quan sát khoa học cọi thường đến mức nào, đó chính là điều mà những người theo chủ nghĩa xã hội cho ta thấy qua các tính toán phù phiếm vì họ vốn tưởng đã thiết lập được tính định kỳ chính xác của các cuộc khủng hoảng; và từ khi sự can thiệp thường xuyên của nhà nước thành công trong việc làm giảm tác động của các khuynh hướng đưa tới khủng hoảng, lối suy luận cùng loại tìm thấy trong sự cân bằng này một sự hài hòa kinh tế vĩnh viễn. Bản thân dự án chế ngự kinh tế, tức là dự án chiếm hữu lịch sử, không thể có tính khoa học, ngay cả khi nó thấu triệt được - và kéo về phía nó - môn khoa học về xã hội. Chừng nào phong trào này còn tưởng có thể chi phối được lịch sử hiện nay nhờ một nhận thức khoa học, quan điểm cách mạng vẫn có tính tư sản.
83
Các trào lưu không tưởng của chủ nghĩa xã hội, mặc dù bản thân được xây dựng về mặt lịch sử trên sự phê phán cách tổ chức xã hội hiện tồn tại, có thể được xem đúng là không tưởng trong chừng mực chúng chối bỏ lịch sử - tức là chối bỏ cuộc đấu tranh hiện thực đang diễn ra, cũng như chối bỏ sự chuyển động của thời đại qua phía bên
kia của sự hoàn hảo bất biến của hình ảnh mà chúng có về xã hội hạnh phúc -, chứ không phải vì chúng chối bỏ khoa học. Các nhà tư tưởng theo thuyết không tưởng trái lại luôn bị chế ngự hoàn toàn bởi tư tưởng khoa học, như là nó đã được chấp nhận trong các thế kỷ trước. Họ tìm cách hoàn thiện hệ thống thuần lý tổng quát đó: họ không hề tự xem như là những nhà tiên tri hoàn toàn mất hết khả năng, bởi vì họ tin ở quyền lực xã hội của chứng minh khoa học và, trong trường hợp của chủ nghĩa Saint-Simon100, tin cả vào sự lên cầm quyền nhờ khoa học. Sombart101 nói: “Làm sao họ có thể muốn giật lấy thông qua các cuộc tranh đấu cái phải được chứng minh?”. Tuy nhiên, quan niệm khoa học của những người không tưởng không mở rộng đến nhận thức cho rằng những nhóm xã hội có nhiều lợi lộc trong một tình trạng hiện tồn tại, có lực lượng để duy trì tình trạng đó, cũng như có các hình thái ý thức lệch lạc tương ứng với các lập trường như thế. Như vậy, quan niệm khoa học của họ hoàn toàn chưa đạt đến thực tại lịch sử của sự phát triển của chính khoa học; sự phát triển đó phần lớn bị yêu cầu xã hội phát xuất từ những nhân tố như thế định hướng, nó tuyển chọn không những cái có thể được chấp nhận, mà cả những cái gì có thể được tìm kiếm. Những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, bị phương thức trình bày chân lý khoa học gò bó, quan niệm sự thật này theo hình ảnh trừu tượng thuần túy của nó, như là nó đã xuất hiện trong một giai đoan rất xa trước đó của xã hội. Như Sorel102 đã nhận xét, chính dựa trên mô hình của thiên văn học mà những nhà không tưởng nghĩ rằng họ phát hiện và chứng minh được các quy luật của xã hội. sự hài hòa mà họ nhắm tới - chống đối lịch sử - phát xuất từ việc họ muốn áp dụng vào xã hội môn khoa học ít lệ
thuộc nhất vào lịch sử. Họ muốn sự hài hòa này được công nhận dù rằng nó cũng ngây thơ về thực nghiệm như học thuyết Newton, và tương lai tươi sáng103 mà họ luôn coi là định đề “đóng trong khoa học xã hội của họ một vai trò tương tự như sức ì trong cơ học thuần lý” (Tư liệu cho một lý thuyết về giai cấp vô sản104).
84
Khía cạnh khoa học-quyết định luận (côté deterministe scientifique) trong tư tưởng của Marx đúng là lỗ hổng qua đó tiến trình “hệ tư tưởng hóa” (processus d’ “idéologisation”) đã thâm nhập, ngay khi Marx còn sống, và nhất là trong di sản lý thuyết mà ông để lại cho phong trào công nhân, sự xuất hiện của chủ thể lịch sử còn bị đẩy lùi lại về sau, và chính khoa học lịch sử tiêu biểu nhất, tức là môn kinh tế, ngày càng có khuynh hướng bảo đảm sự cần thiết của sự phủ định trong tương lai ngay chính chủ thể lịch sử. Nhưng bằng cách đó, thực tiễn cách mạng - vốn là tác nhân thực sự duy nhất của sự phủ định này - bị đẩy lùi khỏi phạm vi của cách nhìn lý thuyết. Như thế, điều quan trọng là kiên nhẫn nghiên cứu sự phát triển kinh tế, và nhất là chấp nhận, với sự thản nhiên kiểu Hegel, sự đau khổ do sự phát triển này gây ra; điều đó, trong kết quả của nó, vẫn là sự đau khổ đó là “nghĩa địa của các ý định tốt lành”. Người ta phát hiện ra rằng hiện nay, theo khoa học về các cuộc cách mạng, ý thức luôn đến quá sớm, và cần được giảng dạy. Engels đã nói như sau vào năm 1895: “Lịch sử đã cho rằng chúng ta và tất cả những ai nghĩ như chúng ta là sai lầm. Nó đã chứng tỏ rõ ràng rằng khi đó tình trạng phát triển kinh tế ở châu Âu lục địa là còn lâu mới chín muồi...”
"""