" Wolfgang Amadeus Mozart Là Ai? - Yona Zeldis McDonough & Carries Robbins full prc pdf epub azw3 [Tiểu Sử] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Wolfgang Amadeus Mozart Là Ai? - Yona Zeldis McDonough & Carries Robbins full prc pdf epub azw3 [Tiểu Sử] Ebooks Nhóm Zalo Wolfgang-Amadeus-Mozart-01 Mục lục 1. Wolfgang Amadeus Mozart là ai? 2. Chương 1: Tuổi nhỏ, tài cao 3. Chương 2: Trải nghiệm thế giới 4. Chương 3: Cậu bé thần đồng trưởng thành 5. Chương 4: Tự lập 6. Chương 5: Người đàn ông của gia đình 7. Chương 6: Cái kết không đúng lúc 8. Những dấu mốc trong cuộc đời mozart 9. Những dấu mốc lịch sử thế giới Wolfgang Amadeus Mozart là ai? Hơn 200 năm trước, có một cậu bé học chơi nhạc cụ từ khi mới lên ba. Đó là đàn clavier, một loại nhạc cụ dây cổ điển có cả bàn phím. Trước lúc lên năm, cậu bé đã soạn ra những giai điệu tuyệt vời – tất cả đều do cậu tự sáng tác. Đến tám tuổi, cậu học chơi thêm violin và organ. Vậy là cậu có thể chơi được ba loại nhạc cụ. Cha cậu cũng là một nhạc sĩ. Ông muốn mọi người chú ý đến cậu con trai tài năng. Nhưng một số người thấy thật khó tin rằng một đứa trẻ lại tài năng đến thế. Họ nghĩ người cha đã viết nhạc cho cậu. Hoặc cậu thật ra không phải một đứa trẻ, mà là một người lớn có dáng vóc nhỏ bé. Hẳn phải có trò ma mãnh ở đây. Một người đàn ông vừa là luật sư vừa là nhạc sĩ đã quyết định phải tìm ra sự thật. Ông đã thử thách đứa trẻ hàng giờ. Ông đề nghị cậu chơi một bản nhạc thật khó. Cậu bé chơi dễ dàng và rất hay. Rồi ông lại yêu cầu cậu soạn một bản nhạc mới cho ông, ngay tại đó. Một lần nữa, cậu bé đã thực hiện hoàn hảo. Sau đó, một chú mèo bước vào phòng. Ngay lập tức, cậu bé ngừng chơi nhạc, đứng bật dậy đuổi theo nó. Người đàn ông chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Cậu bé quả thật chỉ là một đứa trẻ, ngoại trừ việc đứa trẻ ấy có thể chơi và viết nhạc. Vì vậy, cậu bé là một thiên tài. Cậu bé ấy là ai? Tên cậu là Wolfgang Amadeus Mozart và sau đây là câu chuyện về cậu. Chương 1Tuổi nhỏ, tài cao Cha của cậu bé, ông Leopold Mozart cực kỳ nghiêm khắc. Ông là nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ vĩ cầm ở Salzburg, nước Áo. Sau mỗi ngày làm việc, ông trở về nhà và dạy nhạc cho các con. Chúng chơi đi chơi lại những gì cha dạy. Chúng dành hàng giờ mỗi ngày để tập luyện. Cả hai đứa trẻ đều trở thành những nhạc sĩ tài hoa. Đặc biệt là cậu con trai Wolfgang, thậm chí còn tài năng hơn cả chị gái. Wolfgang sinh ngày 27 tháng 1 năm 1756 tại Salzburg, Áo. (Trên bản đồ, vị trí Salzburg được thể hiện bằng ngôi sao nhỏ trong ranh giới quốc gia quân chủ Áo.) Trước cậu đã có sáu anh chị chào đời, nên cậu là thành viên nhỏ nhất của gia đình. Nhưng chỉ có Wolfgang và chị gái cả của cậu là Maria Anna sống qua được sinh nhật đầu tiên. Thời kỳ đó, khi trẻ nhỏ bị ốm, chưa có thuốc men điều trị như ngày nay. Bởi vậy, thật đáng buồn, thường là chúng không qua khỏi. Vì cái tên Wolfgang thật dài, nên gia đình gọi cậu là Wolferl, hay thỉnh thoảng là Wolfie. Maria Anna được gọi là Nannerl. Còn Bumperl là tên chú chó của gia đình. Khi Nannerl bảy tuổi, cha Leopold bắt đầu dạy cô bé cách chơi đàn. Cậu bé Wolfie lúc đó mới ba tuổi, đã không thể rời các bài học đó. Cậu ngồi trên sàn nhà, chăm chú lắng nghe chị chơi đàn. Nhưng Wolfie không cảm thấy thỏa mãn. Cậu còn muốn nhiều hơn thế, cậu muốn được chơi nhạc. Sau khi Nannerl kết thúc buổi học, cậu bé đến bên chiếc đàn. Do còn quá nhỏ nên cậu phải kiễng chân mới chạm đến các phím. Cậu bé chơi thử một nốt rồi lại một nốt khác. Cậu thích những âm thanh phát ra từ chiếc đàn. Chúng khiến cậu mỉm cười. Nhưng khi chơi hai nốt nhạc mà cậu không thích, chúng làm cậu cảm thấy đau cả tai. Cậu bé buồn bã đến phát khóc. Ngay từ khi mới chỉ là một đứa trẻ nhỏ xíu, Wolfie đã biết những nốt nhạc nào hài hòa với nhau và nốt nhạc nào thì không. Cha Leopold cũng bắt đầu dạy đàn cho Wolfie. Wolfie sớm chơi được tất cả các giai điệu trong sổ ghi chép nhạc của Nannerl. 1 Ngay khi nghe được một giai điệu, Wolfie có thể chơi lại đúng giai điệu đó. Cha Leopold khó có thể tin nổi điều đó. Ông ghi lại việc cậu con trai nhỏ đã học nhạc nhanh chóng và dễ dàng như thế nào. Khi Wolfie khoảng bốn tuổi, lần nọ, cha Leopold nhìn thấy tờ “âm nhạc” mà cậu bé đang tập. Đầu tiên người cha cười, cho rằng nó vô nghĩa. Nhưng khi nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đó là một bản sáng tác nhạc. Và còn là bản nhạc khá phức tạp. Nhiều nốt nhạc đã bị tẩy xóa và viết đè lên. Ông không cười nữa và hỏi Wolfie về bản nhạc. Wolfie đồng ý rằng nó khá phức tạp. Cậu bé nói: “… cha phải chơi cho đến khi cha thấy nó ổn…” và cậu chỉ cho ông cách chơi bản nhạc đó. Lên năm tuổi, Wolfie sáng tác thêm hai đoạn nhạc cho đàn clavier, nghĩa là cậu bé lắng nghe những giai điệu trong đầu và chơi chúng ra. Ngạc nhiên quá đỗi, cha Leopold đã viết lại chúng vào sổ ghi chép. Chẳng mấy chốc Wolfie biết đọc nhạc. Cha Leopold nhận thấy con trai có tài năng hiếm thấy. Ông đưa cho cậu những tờ giấy kẻ nhạc đặc biệt. Nhờ vậy, Wolfie có thể viết ra giai điệu cậu nghe thấy trong đầu. Wolfie viết nhạc thậm chí trước cả khi học viết chữ. Nhiều năm sau, khi Wolfie đã lớn, cha Leopold viết một lá thư mô tả lại tuổi thơ của cậu: “Khi còn là một cậu bé, con đã luôn nghiêm túc hơn một đứa trẻ, khi con ngồi trước phím đàn hay lúc đang chăm chú với âm nhạc, không ai dám đùa giỡn… nhìn con rất trang nghiêm.” Sáng tác nhạc là điều cực kỳ thú vị với cậu bé Wolfie. Cậu nghĩ về nó và chơi nó suốt cả ngày. Âm nhạc luôn là một phần trong các trò chơi mà cậu nghĩ ra. Một người bạn của cha là nhạc sĩ Johann Schachtner đến sống cùng gia đình cậu một thời gian. Ông viết: “Khi chúng tôi, tức cậu bé và tôi, mang đồ chơi của cậu từ phòng này sang phòng khác, người nào còn rảnh tay thì sẽ phải vừa đi vừa hát hoặc kéo một khúc nhạc diễu hành bằng violin.” Viết nhạc giúp Wolfie thể hiện mọi cảm xúc của cậu. Khi vui, cậu sẽ tạo ra tiết tấu nhanh, gọi là allegro. Khi thấy buồn, cậu sẽ tạo ra tiết tấu chậm rãi, gọi là andante. Đây là những từ tiếng Ý được các nhà soạn nhạc và các nhạc sĩ sử dụng để mô tả cách chơi âm nhạc. Một đoạn nhạc cần chơi thật chậm được gọi là adagio. Nếu nó cần được chơi nhanh, người ta gọi đó là presto. Các giai điệu êm ái, được chơi nhẹ nhàng, gọi là piano haypianissimo. Giai điệu mạnh mẽ thì được gọi là forte hay fortissimo. Như nhiều đứa trẻ ở thế kỷ 18, Wolfie và Nannerl không đi học. Chúng ở trong ngôi nhà nhỏ cả ngày với cha Leopold là người thầy duy nhất – dạy âm nhạc và hết thảy mọi thứ khác. Với sự giúp đỡ của cha, Wolfie và Nannerl được học đọc, viết, số học, lịch sử và địa lý. Sau này, khi Wolfie bắt đầu đi ngao du, cậu học thêm cả ngoại ngữ như tiếng Ý, tiếng Pháp. (Wolfie và Nannerl lớn lên đều nói tiếng Đức như những người Áo khác.) Cậu cũng được học cả tiếng La-tinh cổ. Người cha luôn nghiêm khắc với các bài học cũng như đối với mọi vấn đề. Nhưng mẹ của Wolfie là bà Anna Maria, thì không nghiêm khắc như vậy. Ông thân sinh của bà là một ca sĩ giọng nam trầm, vì vậy bà có kiến thức về âm nhạc. Mặc dù đôi khi cố gắng bảo vệ Wolfie và Nannerl khỏi cơn giận dữ của cha, nhưng bà không bao giờ công khai chống lại ông. Bà hầu như đồng ý với những gì ông Leopold muốn. Ngày nọ, Leopold mời vài nhạc sĩ đến nhà. Họ sẽ tập chơi bản nhạc Leopold viết cho đàn harpsichord và hai cây đàn violin. Wolfie lúc này chưa đến bảy tuổi, bước vào phòng và cầm một cây violin nhỏ chỉ bằng một nửa đàn bình thường. Cha Leopold đã mua cây đàn đó cho cậu bé. Nhưng ông chưa dạy cậu cách chơi đàn. Wolfie muốn được chơi đàn cùng cha và các bạn của ông, nhưng cha đã nói không. Wolfie phải chờ cho đến khi cậu học được cách chơi. Wolfie òa khóc. Người bạn nhạc sĩ của cha, Johann Schachtner, thấy thương cậu bé nên đã mời Wolfie đến chơi đàn cạnh mình. Ông nói với Leopold rằng nếu Wolfie chơi nhẹ nhàng thì sẽ không ai nghe thấy cậu chơi hết. Bằng cách đó, Wolfie sẽ không làm gián đoạn buổi luyện tập. Leopold đồng ý, nhưng với điều kiện Wolfie hứa sẽ chơi thật khẽ. Các nhạc sĩ bắt đầu đàn. Ông Schachtner ngừng chơi chỉ sau vài phút. Nhưng Wolfie vẫn tiếp tục. Mọi người đều kinh ngạc, Wolfie đã tự học cách chơi violin. Cậu cũng tự dạy mình chơi đàn organ. Wolfie rất yêu cha và điều cậu mong muốn nhất là làm vui lòng cha. “Cha chỉ xếp sau Chúa thôi.” Cậu bé nói. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, cậu lại sáng tác một giai điệu khác nhau để hát to cho cha Leopold nghe. Cha phải hát phần thứ hai của giai điệu. Sau khi hát xong, Wolfie sẽ hôn cha và đi ngủ. Mặc dù không có năng khiếu bẩm sinh như em trai, nhưng Nannerl cũng là một nhạc sĩ tài năng. Cô bé chơi đàn harpsichord. Được Wolfie khuyến khích, cô cũng sáng tác nhạc. Tin tức về tài năng của Wolfie và Nannerl sớm bay tới Vienna. Vienna là thủ đô của nước Áo và là một thành phố lớn. Một ngày, có vị sứ giả cưỡi chú ngựa trắng tuyệt đẹp đến nhà Mozart ở Salzburg. Wolfie và Nannerl được yêu cầu đến Vienna. Ở đó họ sẽ chơi đàn trước nữ hoàng Maria Theresa. Cả gia đình chuẩn bị mất gần một tuần. Cuối cùng, họ lên xe ngựa để tới Vienna. Họ mang theo rất nhiều thứ. Cùng với quần áo, họ còn đóng gói theo một cây đàn clavier, hai cây violin và nhiều hòm đựng nhạc cụ. Nhưng họ không mang theo chú chó Bumperl. Chú ta phải ở lại nhà. Chuyến đi mất cả tuần lễ. Chiếc xe ngựa di chuyển chậm rãi qua những con đường gập ghềnh, lầy lội. Khi trời tối, gia đình Mozart dừng nghỉ qua đêm tại các nhà trọ trên đường đi. Cuối cùng, họ cũng đến được Vienna. Vienna quả là một thành phố diệu kỳ, đầy những cung điện và lâu đài. Đại học Vienna nằm ở chính nơi này. Ở đây còn có nhiều khu vườn xinh đẹp và nhà thờ lớn. Các nhạc sĩ chơi nhạc trong các phòng hòa nhạc. Vienna nổi tiếng là trung tâm âm nhạc và nghệ thuật. Khi Wolfie được giới thiệu với nữ hoàng lần đầu tiên, cậu bé chạy ngay đến và trèo lên lòng bà. Rồi cậu tặng bà cái ôm thật chặt cùng rất nhiều nụ hôn. Nữ hoàng cũng là một người mẹ, bà đã bị cậu bé mê hoặc. Sau khi xem Wolfie và Nannerl biểu diễn, bà đã ấn tượng sâu sắc với lối chơi của hai chị em. Trong cung điện, mọi người đều diện những bộ cánh lộng lẫy nhất. Vì vậy, hoàng hậu đưa cho Wolfie và Nannerl mỗi người một bộ trang phục đặc biệt. Bộ đồ mới của Wolfie có màu hoa tử đinh hương và được trang trí đường viền rộng màu vàng. Wolfie rất thích bộ quần áo lạ mắt này và cậu tự hào khi được mặc chúng. Kỳ thực cả cuộc đời, cậu sẽ được mặc những bộ trang phục đẹp và đắt tiền. Trong chuyến viếng thăm đó, Wolfie vấp ngã. Cậu được con gái của nữ hoàng là công chúa Marie Antoinette đỡ đứng lên. Wolfie cảm thấy thích cô công chúa xinh đẹp mới bảy tuổi này. Ngay lập tức, cậu cầu hôn cô bé. Mọi người đều bật cười. Wolfie không biết rằng công chúa nhỏ đã đính hôn với hoàng tử Pháp. Đến một ngày, cô sẽ là hoàng hậu của nước Pháp. Khi Mozart trở về nhà, cha mẹ cậu đã suy nghĩ rất nhiều về những việc sẽ phải làm. Họ nhận ra Wolfie và Nannerl là những đứa trẻ rất khác thường. Thành phố Salzburg không đủ lớn hoặc đủ quan trọng cho tài năng của chúng. Leopold muốn cả thế giới nhìn thấy – và lắng nghe – những đứa trẻ đặc biệt của ông. Leopold quyết định đưa các con đi lưu diễn. Họ sẽ biểu diễn trước những nhân vật quan trọng trên khắp châu Âu. Leopold biết rằng việc này sẽ được trả công hậu hĩnh. Tiền rất quan trọng đối với cha Leopold. Ông luôn lo lắng về tiền bạc. Một chuyến lưu diễn dài ngày sẽ giúp các con ông nổi tiếng – và cha mẹ chúng thì giàu có. 2 Chương 2Trải nghiệm thế giới Năm 1763, khi Wolfie bảy tuổi, gia đình Mozart rời Salzburg. Khởi hành trên một chiếc thuyền buồm lớn, họ lướt xuôi dòng Danube. Họ đến thành phố Stuttgart, Mannheim, Mainz và Frankfurt của Đức. Họ đi xe ngựa ghé thăm các thành phố châu Âu khác như Brussels, Paris. Cuộc hành trình dài thật lạ lẫm, đặc biệt là với trẻ em. Do đường sá xấu nên để đến được các địa điểm ấy, họ thường mất rất nhiều thời gian. Việc đi lại cũng khá nguy hiểm. Kẻ cướp luôn chờ chực trên đường, tìm đối tượng để tấn công và cướp bóc. Tuy nhiên, gia đình Mozart bất chấp nguy hiểm. Ở tất cả những nơi họ đến thăm, Wolfie và Nannerl đều chơi đàn trước các bá tước, công nương, hoàng tử và công chúa. Ai cũng muốn nghe hai đứa trẻ chơi đàn. Người lớn kinh ngạc trước hai đứa trẻ nhỏ xíu nhưng chơi đàn cực hay. Sau này, Nannerl đã kể trong một lá thư rằng các huân tước và quý bà vỗ về cánh tay của chúng và hôn chúng cứ như nựng cún con! Trong chuyến lưu diễn, Wolfie thường xuyên bị ốm. Gần như ngày nào, cậu cũng biểu diễn vào đầu giờ chiều và buổi tối. Đôi khi cậu bé có tới ba buổi hòa nhạc một ngày. Cậu sáng tác nhạc vào buổi sáng và ban đêm. Có nhiều hôm, cậu thức tới sáng. Cha mẹ thấy Wolfie làm việc quá vất vả, họ hy vọng dành chút thời gian chữa bệnh cho cậu. Wolfie thực sự đã làm việc quá sức. Nhưng có lẽ cậu bé bị bệnh thận, đó có thể là lý do khiến cậu còi cọc. Cậu luôn nhỏ hơn so với tuổi của mình. Nhờ chuyến lưu diễn, những đứa trẻ nhà Mozart ngày càng trở nên nổi tiếng. Wolfie yêu thích những lời khen ngợi và sự chú ý. Cậu thích được người ta nói về tài năng của mình. Cậu cũng thích được ôm hôn, kể cả bởi người lạ. Khi gia đình đến một thành phố mới, Wolfie và Nannerl sẽ biểu diễn trước những nhân vật quan trọng nhất trong cung điện địa phương. Sau đó, những người giàu có khác sẽ thuê họ chơi ở các bữa tiệc. Họ thanh toán có khi bằng tiền, có khi bằng quà tặng. Nhưng đôi khi các quý tộc giàu có chỉ trả một khoản tiền nhỏ. Leopold phàn nàn rằng những người đó cứ làm như sự hiện diện của họ đã là quá đủ. Một nghệ sĩ tên là Lorenzoni được chọn để vẽ chân dung hai chị em vào năm 1763. Wolfie và Nannerl mặc bộ đồ đẹp đẽ mà nữ hoàng ban tặng. Vì phải đứng yên trong nhiều giờ để làm mẫu vẽ nên bọn trẻ rất chán nản và bồn chồn. Lorenzoni đã phải thuê một nhóm gồm ba nhạc sĩ để giải trí cho chúng. Cách này giúp thời gian trôi nhanh hơn. Các bức chân dung hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Mozart ở Salzburg. Gia đình Mozart tiếp tục chuyến đi. Điểm dừng chân tiếp theo của họ là nước Anh. Để đến London, họ phải băng qua eo biển Manche. Không giống như dòng Danube yên ả, eo biển này tối tăm, ẩm ướt và đầy biến động. Wolfie và Nannerl bị say sóng do chuyển động dập dềnh của chiếc thuyền theo sóng. Vì thế chúng đã rất vui khi đến được nước Anh. Trong quá trình lưu diễn, Wolfie không chỉ biểu diễn và sáng tác. Cậu bé còn có cơ hội gặp gỡ các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc nổi tiếng thời đó. Ở London, cậu gặp Johann Christian Bach, con trai của Johann Sebastian Bach. Cậu thích được thảo luận âm nhạc với những người này. Khi nói về âm nhạc, cậu không hề giống một đứa trẻ mà như một người đàn ông trưởng thành. 3 Trong thời gian gia đình ở London, ông Leopold ngã bệnh. Ông cần được nghỉ ngơi, vì vậy nhà họ rời London, đến Chelsea, một ngôi làng gần sông Thames. Trong bảy tuần, Wolfie và Nannerl không thể tập nhạc vì tiếng ồn sẽ làm phiền cha. Cậu bé Wolfie chín tuổi cần việc gì đó để làm, vì thế cậu sáng tác bản giao hưởng đầu tiên, Symphony in E-flat (Bản giao hưởng cung Mi giáng) và vẫn được biểu diễn đến ngày nay. Sau này Nannerl viết: “Tôi phải chép nó ra khi ngồi cạnh Wolfie. Cậu ấy nói với tôi: ‘Nhắc em làm việc gì đáng giá với cây kèn co nhé!’” Chuyện một đứa trẻ viết được bản giao hưởng quả thực đặc biệt. Bản giao hưởng là bản nhạc cổ điển được viết cho cả dàn nhạc. Ở thời đó, mỗi dàn nhạc phải được tạo thành từ ít nhất tám nhạc cụ khác nhau. Một bản giao hưởng thường kéo dài khoảng 30 phút và có ba hoặc bốn phần (hay chương). Có chương mang tiết tấu chậm và có chương lại nhanh. Thông thường, bản giao hưởng bắt đầu với một chương tiết tấu nhanh, tiếp theo là một chương chậm. Sau đó đến một chương nhẹ hơn và nhanh hơn. Nếu có chương bốn, nó thậm chí còn nhanh hơn nữa. Các chương không hề giống nhau, nhưng liên kết với nhau để cùng tạo nên một tổng thể hài hòa. Ông Leopold khỏi ốm, nhưng trên đường về Salzburg, lại đến lượt Wolfie mắc bệnh đậu mùa. Rồi đến lượt Nannerl cũng ngã bệnh theo. Bệnh đậu mùa rất dễ lây, nó giống thủy đậu nhưng nặng hơn nhiều. Nhiều người đã chết vì căn bệnh này. Wolfie và chị gái nằm trong một căn phòng tối, cha mẹ lo âu nhìn bọn trẻ. Bác sĩ đến rồi lại đi. Mỗi ngày dài trôi qua với bao nhiêu lo lắng. Những đứa trẻ liệu có khá hơn? May mắn thay, cả hai chị em đều khỏe lại. Cậu bé Mozart kỳ diệu đã có thể trở về nhà vào năm 1766. Mặc dù mới mười tuổi, nhưng Mozart lúc này đã là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm. Cậu đã được diện kiến hoàng gia và giành được trái tim họ bằng lối chơi và âm nhạc tuyệt vời của riêng mình. Điều gì sẽ xảy đến tiếp theo? 45 Chương 3Cậu bé thần đồng trưởng thành Chín tháng sau khi gia đình Mozart trở về Salzburg, ông Leopold và Wolfie rời đi một lần nữa, trở lại Vienna. Wolfie đang dần lớn lên. Cha nhận thấy cậu và Nannerl không thể tiếp tục kiếm sống trong vai những thần đồng. Nannerl là một nhạc công giỏi, nhưng cô bé sẽ không bao giờ là một nghệ sĩ vĩ đại. Và tài năng của Wolfie thật đáng kinh ngạc khi còn thơ bé, nhưng đến lúc trưởng thành, âm nhạc của cậu có thể sẽ không còn tuyệt vời như vậy nữa. Khi đó chuyện gì sẽ xảy ra? Người cha quyết định không cho Nannerl sẽ lưu diễn nữa. Thay vào đó, cô gái sẽ phải tìm một người chồng để nương tựa. (Cuối cùng, Nannerl đã kết hôn và có ba người con. Mặc dù không còn biểu diễn nhưng cô vẫn tiếp tục dạy nhạc suốt quãng đời còn lại.) Còn với Wolfie, cậu cần tìm công việc làm nhạc trưởng tại cung điện hoàng gia. Ở thời của Wolfie, cách duy nhất để nghe nhạc là nghe biểu diễn trực tiếp. Không có đĩa CD, băng, hoặc các bản thu âm. Hoàng gia sẽ thuê các nhạc sĩ như Mozart chuyên viết và chơi thứ nhạc dành riêng cho họ. Bằng cách đó, họ sẽ luôn có âm nhạc tuyệt đẹp quanh mình. Về phần các nhạc sĩ, họ kiếm sống bằng cách viết và biểu diễn âm nhạc. Leopold cũng nghĩ rằng đã đến lúc Wolfie ra mắt với tư cách là một nhà soạn nhạc opera. Một vở opera là một câu chuyện được kể hoàn toàn bằng các bài hát và biểu diễn trên sân khấu. Trong một vở opera cũng thường có múa ba-lê. Các vở opera rất phổ biến trước khi có phim hoặc truyền hình, vì chúng kể những câu chuyện thú vị, ấn tượng bằng âm nhạc và khiêu vũ. Nhiều diễn viên được tham gia: các ca sĩ hát những bài hát và diễn nội dung, các nhạc sĩ chơi nhạc, vũ công múa ba-lê. Người biểu diễn mặc trang phục lộng lẫy, sân khấu được sơn đẹp mắt và bài trí cầu kỳ. Các vở opera được biểu diễn ở các nhà hát opera với kiến trúc xây dựng đặc biệt tại các thành phố lớn như Milan, Paris hoặc Vienna. Các nhà hát opera đều là những nơi rộng rãi, có ghế bọc nhung và đèn chùm lạ mắt. Nhìn chung, mỗi vở opera là một sự kiện xa hoa dành cho giới nhà giàu thưởng thức, là những người có khả năng chi trả những tấm vé đắt tiền. Biểu diễn một vở opera có thể mất tới hơn hai giờ, nó thường chia thành các hồi có tính liên kết chặt chẽ với nhau. Wolfie viết vở opera đầu tiên trước sinh nhật lần thứ mười ba. Mặc dù sau này cậu đã sáng tác một số vở opera tuyệt vời, nhưng nỗ lực đầu tiên của cậu lại không thành công. Các ca sĩ rất tức giận khi phải nhận lệnh từ một cậu bé. Họ phàn nàn về âm nhạc và về cả Wolfie. Vở opera đó đã bị hủy trước cả khi công diễn. Wolfie không nhận được thù lao như đã hứa. Leopold rất tức giận và nghĩ rằng các nhà soạn nhạc đố kỵ là người phải chịu trách nhiệm. Ông viết: “Tôi có thể nói ngắn gọn rằng toàn bộ giới âm nhạc tồi tệ ấy đang cố nổi loạn để ngăn thế giới chứng kiến tài năng của một đứa trẻ. Tôi không thể cố sức để đưa vở opera ra trình diễn khi biết đang có một âm mưu hủy hoại nó...” Nhưng Leopold đã không để điều này làm hỏng kế hoạch dành cho Wolfie. Từ năm 1769 đến năm 1773, Wolfie và cha đã thực hiện ba chuyến đi đến Ý, để mẹ và Nannerl ở lại. Wolfie yêu nước Ý, với khí hậu ấm áp và ánh sáng rực rỡ. Cậu đặc biệt yêu Venice, nơi người ta đi du lịch trên những con thuyền duyên dáng gọi là thuyền gondola đáy bằng, băng qua các con phố đầy nước là những con kênh. Những chuyến đi này là một phần quan trọng trong nền tảng âm nhạc của Wolfie. Ở nước Ý, cậu bé Wolfie nghe thấy một loại nhạc khác. Nó nhẹ nhàng hơn và ít trang nghiêm hơn thứ âm nhạc mà cậu từng nghe và chơi. Điều này khiến cậu rất đỗi vui mừng. Cậu luôn thích học các thể loại nhạc mới. Cậu tiếp tục sáng tác, với tốc độ rất nhanh. Wolfie nhớ mẹ và Nannerl, nhiều như tình yêu của cậu với những thứ mới mẻ quanh mình. Những bức thư lấp đầy các khoảng trống ấy. Cậu đã gửi về nhà cho họ, rằng: “Con hôn tay mẹ ngàn lần” và “Em ôm hôn chị gái thân yêu nhất của em với tất cả trái tim mình”. Wolfie và cha đã đến Rome trong Tuần Thánh, tức bảy ngày trước lễ Phục Sinh. Wolfie biết rằng bản nhạcMiserere (Lạy Chúa thương con) nổi tiếng sẽ được dàn hợp xướng của Đức Giáo Hoàng trình diễn tại Nhà thờ St. Peter. Đó là nhà thờ Công giáo lớn nhất và quan trọng nhất. Bản Miserere do nhà soạn nhạc Allegri sáng tác là một bản nhạc rất đặc biệt và thiêng liêng. Trước đó, bản nhạc chưa bao giờ được in ra. Không ai bên ngoài dàn hợp xướng của Đức Giáo Hoàng từng thấy nó. Không dàn hợp xướng nào khác được phép hát nó. Buổi biểu diễn bắt đầu. Khi Wolfie nghe thấy tiếng nhạc thần thánh vang vọng khắp nhà thờ lớn, cậu đã quỳ xuống. Cậu chưa bao giờ được nghe thứ âm thanh nào giống thế. Ngay cả khi buổi biểu diễn đã kết thúc, cậu vẫn quỳ gối, như thể bị thôi miên. Cuối cùng khi người cha dẫn cậu rời đi, cậu vẫn lẩm nhẩm theo điệu nhạc. Wolfie muốn mãi nhớ về nó. Đêm đó, Wolfie không tài nào ngủ được. Cậu vẫn nghe thấy bản nhạc ấy vang lên trong đầu. Cậu đứng dậy, lặng lẽ tìm kiếm cây bút và giấy chép nhạc. Rồi cậu ngồi xuống và bắt đầu viết lại những nốt nhạc cậu đã nghe. Tất cả đều hiện rõ trong tâm trí cậu. Từng nốt, từng nốt, bản Miserere vĩ đại đã được ghi ra trên mặt giấy. Đây là lần đầu tiên điều này được thực hiện bên ngoài phòng hợp xướng của Đức Giáo Hoàng. Trong suốt cuộc đời Wolfie, rồi mọi người đều phải ngạc nhiên trước khả năng nghe và ghi nhớ âm nhạc ngay lập tức của cậu. Từ năm 1766, tức năm cậu trở về từ chuyến lưu diễn lớn đầu tiên của mình, đến năm 1773, Wolfie đã viết hơn 20 bản giao hưởng, một số tứ tấu đàn dây, ba vở opera ngắn, cũng như các bài hát hòa nhạc và âm nhạc nhà thờ. Lúc đó cậu mới 17 tuổi. Hầu hết các nhạc sĩ chỉ mới bắt đầu sự nghiệp ở độ tuổi này. Nhưng điều đó lại không đúng với Wolfgang. Mặc dù trông chỉ lớn hơn một cậu nhóc, nhưng chàng trai trẻ đã viết đủ âm nhạc cho cả một đời. Tuy âm nhạc là “niềm vui và niềm đam mê lớn nhất”, nhưng Wolfie vẫn dành thời gian để làm những việc khác. Anh thích chơi bài và bida cũng như viết thư cho gia đình. Anh đặc biệt thích viết các bức thư hài hước và ngớ ngẩn để giải trí và chọc cười “độc giả” của mình. Chúng chứa đầy các trò chơi chữ, truyện cười và những lời nhắn nhủ đã được mã hóa. Gửi một người em họ, anh viết: “Bây giờ, anh lấy làm vinh dự được hỏi rằng dạo này em thế nào và em sống ra sao. Em tiêu hóa tốt và quá tải chứ, có khi nào? Liệu có thể tha thứ cho anh, em nghĩ sao? Em viết bằng bút chì hay bằng loại mực nào?” Rõ ràng, anh thấy vui khi tạo ra vần điệu cho các từ ngữ trong thư. Anh gọi Nannerl là “mặt ngựa” trong bức thư gửi cho cô. Anh quả thực rất khôi hài, đầy tinh thần lạc quan và ảnh hưởng tích cực với gia đình và bạn bè. 6 Khi Wolfie 21 tuổi, anh phải lòng Aloysia Weber, một cô gái sống ở Mannheim, Đức. Aloysia là con gái của một nhạc sĩ và cô cũng là nhạc sĩ. Wolfie muốn kết hôn với cô, nhưng cha anh không đồng ý. Cha Leopold bảo Wolfie đến Paris, để “trở nên nổi tiếng và kiếm tiền”. Mối quan tâm của cha Leopold về tiền bạc và tương lai gia đình ngày càng lớn theo năm tháng. Ông quả quyết Wolfgang phải hỗ trợ gia đình. Ngày nọ, ông Leopold hay tin Wolfie đã ngừng dạy một số sinh viên có trả tiền học phí vì họ không đi học. Thay vào đó, anh chọn dạy miễn phí cho những người khác. Với ông Leopold, điều đó quả thực không lấy gì làm tốt đẹp. Không một chút nào. Ông đã mắng con trai mình trong một lá thư đầy giận dữ, rằng: “… và cha đoán con thà bỏ rơi người cha già nghèo đói đang cần con! Tuy lương cao nhưng có lẽ đó là sự gắng gượng quá lớn đối với con – một người đàn ông trẻ tuổi, và dường như không nghi ngờ gì nữa, rằng người cha già 58 tuổi của con nên chạy ngược chạy xuôi để kiếm được một khoản tiền khốn khổ đủ đảm bảo sinh hoạt tối thiểu cho bản thân và con gái… để con, trong lúc đó, có thể mua vui cho mình bằng cách dạy nhạc không công cho một cô gái!” Đáp ứng yêu cầu của cha, Wolfie rời Mannheim và Aloysia để đến Paris cùng mẹ, nhưng anh vẫn tiếp tục viết thư cho Aloysia. Tuy nhiên quãng thời gian ở Paris lại đáng thất vọng. Wolfie được sắp xếp để gặp nữ công tước xứ Chabot. Anh hy vọng bà sẽ trở thành người bảo trợ cho mình. Anh sẽ viết những bản nhạc thật đẹp cho bà, và bù lại, bà sẽ giúp anh có được một cuộc sống ổn định. Nhưng khi đến dinh thự, nữ công tước đã bắt anh phải đợi trong một căn phòng lạnh lẽo. Cuối cùng, bà yêu cầu anh tham gia cùng những vị khách của bà, những người đang bận rộn vẽ vời. Không ai có vẻ muốn ngừng vẽ trong khi anh chơi clavier, vì vậy Wolfie đã viết làm thế nào để sáng tác nhạc cho “… ghế sofa, bàn và tường”. Ngoài ra, Paris quá đắt đỏ. Để kiếm tiền, Wolfie bắt đầu dạy đàn clavier. Nhưng anh không thích công việc này vì nó đồng nghĩa với việc sẽ có ít thời gian hơn để viết nhạc của riêng mình. Sáng tác nhạc là điều mà anh phải làm, nó cần thiết như ăn uống hay hít thở vậy. Trong thời gian ở Paris, anh cũng đã soạn được một bản giao hưởng. Bản giao hưởng khiến anh hài lòng. Đêm trước buổi ra mắt, anh đã lắng nghe các nghệ sĩ luyện tập. Họ chơi nhạc mới khủng khiếp làm sao, họ cần một buổi diễn tập khác. Nhưng không còn thời gian. Wolfie lo lắng khán giả sẽ không thích bản giao hưởng đễn nỗi anh còn định bỏ qua buổi hòa nhạc. Anh đi ngủ “trong khi trí óc đầy bất mãn và giận dữ”. Tuy nhiên ngày hôm sau, Wolfgang đã đổi ý và đến buổi hòa nhạc. Thật đáng kinh ngạc, khán giả rất yêu thích những gì họ được nghe. Họ vỗ tay và cổ vũ. Cuối cùng, buổi hòa nhạc tại Paris hóa ra lại thành công vang dội. Tuy nhiên, rắc rối đã xảy ra ngay sau đó. Mẹ Wolfie bị ốm. Bà bị đau tai và đau họng. Khí hậu lạnh giá ở Paris khiến tình trạng của bà thêm xấu. Trong những lá thư gửi cho Leopold, bà luôn phàn nàn về việc bị lạnh, ngay cả khi đã đốt lửa trong phòng. Vào tháng 7 năm 1778, Anna Maria Mozart qua đời. Wolfgang đau buồn và bàng hoàng. Người mẹ yêu quý đã ra đi, anh biết phải nói với cha mình thế nào đây? Chắc chắn cha Leopold sẽ đổ lỗi cho anh. Anh đã viết thư cho một linh mục ở Salzburg, người vốn là bạn của gia đình: “Hãy thương tiếc cùng tôi, hỡi bạn của tôi! – Đây là ngày đau buồn nhất đời tôi… Tôi phải nói với ngài rằng mẹ tôi, người mẹ thân yêu của tôi không còn nữa!... Tôi cầu xin ngài hãy giúp tôi một việc, hãy chuẩn bị cho người cha tội nghiệp của tôi được nhẹ nhàng đón nhận tin buồn này!” Khi cha Leopold hay tin về cái chết của vợ mình ở một đất nước xa xôi, ông trút hết mọi lỗi lầm cho con trai. Ông nói rằng Wolfie không chỉ ép mẹ đi cùng mình đến Paris mà còn bỏ rơi bà khi họ ở đó. Wolfgang tự xoa dịu nỗi đau buồn bằng cách viết nhạc – thường với nhịp độ rất mãnh liệt. Đó là cách để anh đối phó với nỗi đau mất mẹ. Năm 1779, cha của Wolfgang lệnh cho anh phải về nhà. Cha Leopold cuối cùng cũng tìm được việc làm cho Wolfgang ở Salzburg. Anh rất vui khi được rời Paris và bỏ lại những ký ức buồn nơi đây. Wolfie trở về nhà, chậm rãi và đơn độc. Chương 4Tự lập Trở lại Salzburg, Wolfie trở thành nghệ sĩ đại phong cầm và nhạc trưởng trong các buổi hòa nhạc. Anh viết nhạc, với tốc độ nhanh như thường lệ. Nhưng anh thực sự cảm thấy tẻ nhạt. Sau đó, vào năm 1780, anh được yêu cầu sáng tác một vở opera Ý cho cung điện ở Munich, Đức. Công việc này thật thú vị! Mozart yêu opera và háo hức được viết một vở. Và hơn cả, anh lại được rời Salzburg, nơi anh ngày càng không cảm thấy vui vẻ. Mẹ anh đã qua đời. Anh và chị gái Nannerl, hiện là giáo viên dạy piano, không còn quá thân thiết nữa. Wolfgang khao khát được ra đi. Vở opera của Mozart có tên là Idomeneo, Vua xứ Crete. Giống như nhiều vở opera khác, câu chuyện có cốt truyện rất phức tạp, dựa trên một truyền thuyết cũ. Idomeneo kể về một vị vua Hy Lạp cổ đại. Sau khi chiến thắng trong cuộc chiến kéo dài chống lại người Trojan, vua Idomeneo lên đường trở về nhà. Trước khi hạm đội của nhà vua cập bờ, các con tàu bị phá hủy trong một cơn bão khủng khiếp. Vì vậy, Idomeneo đã làm giao kèo với thần biển Neptune: để giữ được tính mạng, ông sẽ hy sinh người đầu tiên ông gặp khi về đến đất liền. Người đó hóa ra lại chính là con trai Idamante của ông. Quá kinh hoàng, Idomeneo đã phá vỡ lời hứa với thần Neptune và bảo con trai mình chạy trốn. Điều đó khiến thần Neptune giận dữ đến mức tạo ra một con quái vật biển khủng khiếp. Thay vì bỏ chạy, con trai nhà vua quyết định chiến đấu với con quái vật đó cho dù cậu biết điều đó đồng nghĩa với cái chết. Kỳ diệu thay, cậu đã chiến thắng và thần Neptune cũng không còn tức giận nữa. Với sự chúc phúc của vua cha và thần biển, hoàng tử trở thành vị vua mới của xứ Crete và kết hôn với một công chúa xinh đẹp. Idomeneo, Vua xứ Crete là một thành công lớn. Cha Leopold và Nannerl đã đi từ Salzburg tới tham dự buổi ra mắt. Wolfgang rất vui khi tác phẩm của anh được đón nhận nồng nhiệt. Có lẽ giờ đây anh sẽ có được một công việc ổn định ở Munich. Anh kỳ vọng điều đó biết bao! Cha Leopold và Nannerl có thể đi cùng. Họ sẽ lại sống cùng nhau. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Ngay sau đó, Mozart được Tổng giám mục Colloredo, người chủ cũ tại Salzburg, gọi đến Vienna. Mối quan hệ giữa Tổng giám mục và chàng nhạc sĩ nổi dông bão. Ngài Tổng giám mục không đánh giá cao Mozart, ông ta thô lỗ và sỉ nhục anh. Ông ta gọi Mozart là “kẻ bất lương”, “tên vô lại”, “thằng nhãi ranh” và “kẻ lêu lổng nhếch nhác”. Ông ta thậm chí còn tống cổ Mozart ra khỏi nhà mình. Mozart rất tức giận và cảm thấy nhục nhã. Thế là quá đủ. Anh quyết định tự hoạt động. Chuyện này khá táo bạo và nguy hiểm đối với một nhạc sĩ. Không có người bảo trợ giàu có, Mozart sẽ không có thu nhập ổn định. Anh sẽ phải kiếm sống bằng cách sáng tác và biểu diễn hòa nhạc. Nếu không kiếm được đủ tiền thì sao? Anh sẽ phải xoay xở như thế nào? Những câu hỏi tương tự cũng quanh quẩn tâm trí Leopold khi ông nghe về những gì con trai mình đã làm. Làm sao thằng bé dám bỏ một vị trí quan trọng như vậy! Thật vô trách nhiệm! Cha Leopold rất tức giận. Nhưng Mozart không hề suy suyển. “Đối với con, danh dự là quan trọng nhất, và con biết với cha cũng vậy.” Anh viết cho cha mình. Anh hy vọng ông sẽ hiểu. Nhưng cha Leopold vẫn giận dữ với cậu con trai và ông tiếp tục gửi cho anh những lá thư nghiêm khắc từ Salzburg. Chẳng mấy chốc, cha Leopold lại có lý do khác để giận dữ với Wolfie: Mozart lại yêu. Aloysia Weber, mối tình đầu của anh giờ không còn quan tâm tới anh nữa. Nhưng Constanze, em gái của cô, lại rất có cảm tình với nhà soạn nhạc tài năng. Constanze là một ca sĩ và cô đánh giá cao tài năng của Mozart. Nhưng ông Leopold không quan tâm đến tất cả những điều đó. Trong những bức thư tranh cãi kịch liệt qua lại giữa hai cha con, cha Leopold nói với Wolfgang rằng anh không thể có đủ tiền kết hôn. Ông nói xấu về Constanze và gia đình cô. Ông buộc tội gia đình Weber đã cố gắng bẫy Mozart đi đến hôn nhân. Mozart vẫn mong chờ sự chấp thuận từ cha mình, muốn được cha Leopold chúc phúc. Wolfgang gửi cho cha nhiều quà tặng – một hộp thuốc lá, dây đeo đồng hồ, cả cây thánh giá nhỏ trang trí “một trái tim bé nhỏ bị một mũi tên đâm xuyên”. Dành cho Nannerl là vài chiếc mũ do Constanze làm “theo mốt mới nhất của người Vienna”. “Chắc chắn cha không thể bực tức với con chỉ vì con muốn kết hôn chứ?” Anh viết về nhà. “Con cầu xin cha với tất cả những gì yêu quý mà cha nắm giữ trên đời, mong cha chấp thuận cuộc hôn nhân của con với Constanze yêu dấu… Trái tim con bồn chồn và tâm trí con bối rối, trong tình trạng này, làm sao con có thể suy nghĩ và làm việc cho tốt?” Ông Leopold có đồng ý cuộc hôn nhân không? Không. Ông vẫn lạnh lùng và không chấp nhận. Nhưng lần này, Mozart đã đi ngược lại mong muốn của cha mình. Lúc này anh đang ở độ tuổi hai mươi và anh cảm thấy cô đơn. Anh yêu Constanze và muốn cưới cô. Năm 1782, họ kết hôn và sinh sống ở Vienna. Mozart từ biệt Salzburg một lần và mãi mãi. Chương 5Người đàn ông của gia đình Cuộc hôn nhân của Mozart và Constanze nói chung khá hạnh phúc. Họ thường phải vật lộn để kiếm sống. Người ta còn truyền lại nhiều giai thoại về cách sưởi ấm của vợ chồng Mozart như cùng nhảy múa trong ngôi nhà lạnh giá hay lấy đồ nội thất bằng gỗ ra làm củi. Khi Mozart hết tiền và không thể thanh toán hóa đơn, anh sẽ dạy học, biểu diễn cho các buổi hòa nhạc và sáng tác âm nhạc với tốc độ điên cuồng. Anh cần kiếm nhiều tiền hơn để theo kịp cuộc sống hoang phí của mình. Thông thường, anh sẽ hỏi vay bạn bè. Ngay cả trong những lúc khó khăn, Constanze và Mozart vẫn yêu nhau và rất hạnh phúc khi được ở bên nhau. Mozart miêu tả vợ mình là một phụ nữ có tri thức và có trái tim nhân hậu nhất thế giới. Khi xa nhau, anh viết thư cho cô liên tục, nói rằng anh nhớ cô biết bao. Có những khoảng thời gian họ có rất nhiều tiền, nhưng tốc độ tiêu tiền của Mozart cũng nhanh như kiếm tiền vậy. Anh mua quần áo lạ mắt và tổ chức các bữa tiệc lớn với âm nhạc, khiêu vũ và rất nhiều đồ ăn. Anh thậm chí còn có thầy dạy riêng, điều này tiêu tốn rất nhiều tiền. Constanze và Wolfgang có sáu người con, nhưng chỉ có hai con trai là Karl Thomas và Franz Xaver sống qua được một tuổi. Mozart dạy con trai lớn Karl Thomas chơi clavier và hát. Cả gia đình thường hát và chơi nhạc cùng nhau. Đôi khi, chú chim sáo của gia đình cũng tham gia vào các bài hát. Một ngày, Mozart chào đón chuyến viếng thăm của Franz Joseph Haydn. Haydn lớn hơn Mozart 24 tuổi. Người ta cho rằng ông ấy là nhà soạn nhạc đương thời vĩ đại nhất. Sau khi nghe nhạc của Mozart, Haydn đã nói với Leopold: “Con trai ngài là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất mà tôi biết.” Mozart và Haydn trở thành bạn thân. Mozart thậm chí còn sáng tác nhiều bản nhạc dành riêng cho “người bạn Haydn thân yêu”. Một số là concerto dành cho piano, tức những bản nhạc được viết cho một dàn nhạc với những điểm nhấn dành riêng cho piano. Và tám bản dành cho tứ tấu đàn dây gồm hai violin, một viola và một bass. Mặc dù nhận được nhiều lời khen ngợi, Mozart không bao giờ tự kiêu. Anh đánh giá cao âm nhạc của riêng mình nhưng cũng đánh giá cao âm nhạc của người khác. Anh biết rằng những nhà soạn nhạc khác có nhiều điều cho anh học tập. Sau khi nghe nhạc của Johann Sebastian Bach, anh đã kêu lên: “Đây chính là thứ để người ta phải học hỏi!” Năm 1787, Mozart trở thành nhà soạn nhạc cho Hoàng đế Joseph II. Đây là một công việc rất quan trọng – vị trí quan trọng nhất mà Mozart từng nắm giữ. Anh sáng tác nhạc và biểu diễn. Hoàng đế trả lương cho anh. Cuối cùng Mozart cũng đã có được thu nhập ổn định. Một số tác phẩm vĩ đại nhất của anh ra đời vào quãng thời gian này. Năm 1786, Mozart viết The Marriage of Figaro (Đám cưới của Figaro), một vở opera vui nhộn trên nền nhạc tuyệt vời. Nó kể câu chuyện của Figaro và Susanna, cả hai đều là đầy tớ của vợ chồng bá tước. Figaro và Susanna đang lên kế hoạch kết hôn. Cùng lúc đó, nữ bá tước đang buồn rầu vì bị chồng phớt lờ. Susanna và Figaro đã lên kế hoạch kỹ càng để bá tước phải chú ý đến vợ mình. Cốt truyện liên quan đến ngụy trang và mạo danh, nhưng tất cả đều kết thúc vui vẻ. Vở Đám cưới của Figaro được trình diễn tại Nhà hát lớn ở Vienna và thành công rực rỡ. Đoàn hát đã đi đến Praha, thời ấy là một phần của Bohemia và bây giờ là Cộng hòa Séc. Ở đó, vở opera thậm chí còn thành công hơn. Khắp nơi trên đất Praha, người ta ngân nga âm nhạc từ vở opera của Mozart hoặc nhảy múa theo một trong những giai điệu sống động của nó. Mozart rất vui mừng trước phản ứng của người dân Praha với vở opera và muốn cảm ơn họ. Vì vậy, anh đã viết một bản giao hưởng đặc biệt dành tặng họ — Bản giao hưởng Praha — để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Nhưng quan trọng hơn, anh đã được yêu cầu viết một vở opera khác. Vờ Don Giovanni được hoàn thành vào năm 1787, nó không phải là một vở hài kịch. Nó kể một câu chuyện đen tối hơn về cuộc đời và cái chết của một quý tộc độc ác tên là Giovanni. Vở opera này cũng là một thành công lớn và đã mang đến cho Mozart thêm nhiều lời khen ngợi và danh tiếng. Năm 1790, anh viết vở opera nổi tiếng Così fan Tutte, có nghĩa là “Đàn bà đều thế”. Mozart soạn nhạc còn nhà thơ người Ý Lorenzo Da Ponte viết libretto – hay phần lời – cho vở opera. Così fan Tutte cũng lại là một vở opera hài hước, kể về một cặp sĩ quan, Ferrando và Guglielmo, cùng người yêu của họ là Dorabella và Fiordiligi. Hai chàng trai trẻ muốn thử thách tình yêu của hai người con gái nên đã bày ra đủ chiêu trò. Nhưng rồi tất cả đều kết thúc tốt đẹp. Bản opera vĩ đại cuối cùng của Mozart, The Magic Flute (Cây sáo thần) được viết năm 1791, phần lời do Emanuel Schikaneder đảm nhiệm. Như chính tiêu đề, Cây sáo thần tựa một câu chuyện cổ tích: có nữ hoàng Bóng Đêm gian ác, con gái xinh đẹp của bà ta, một hoàng tử đẹp trai yêu nàng, lũ động vật hoang dã, một bộ chuông và một cây sáo vàng. Hoàng tử phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, nhưng chàng đã chiến thắng và được nắm tay công chúa trong kết thúc hạnh phúc. Một lần nữa, âm nhạc tuyệt vời của Mozart khiến tất cả những ai lắng nghe nó phải say mê. Nhiều người cho rằng những vở opera này là những tác phẩm hay nhất của Mozart và những năm ở Vienna là quãng thời gian anh sáng tác hiệu quả nhất trong suốt cuộc đời. Đó cũng có thể là những năm tháng hạnh phúc nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Mozart. Chương 6Cái kết không đúng lúc Mặc dù rất nổi tiếng với các vở opera, Mozart vẫn phải vật lộn để kiếm sống. Các thành viên trong cung điện và giới quý tộc luôn tìm kiếm những điều mới mẻ. Họ bắt đầu giảm hứng thú với các tác phẩm của Mozart. Danh tiếng của anh bị ảnh hưởng. Anh lại phải mượn tiền bạn bè. Ông Leopold đã qua đời vào năm 1787, Mozart luôn ủ ê suy nghĩ về những cuộc cãi vã giữa họ khi cha anh còn sống. Sức khỏe của Mozart không tốt, thường ốm đau liên miên. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những rắc rối trong cuộc sống, Mozart vẫn không ngừng viết ra những bản nhạc tuyệt vời. Anh sáng tác ba bản giao hưởng cuối cùng trong khoảng ba tháng. Không may, anh đã không bao giờ có cơ hội được nghe chúng. Thật ngạc nhiên khi biết rằng Mozart có thể nghe thấy trong đầu tất cả các phần âm thanh từ những nhạc cụ khác nhau: bộ dây, bộ hơi và bộ đồng. Mozart đã chuẩn xác đến mức âm nhạc được trình diễn ngày nay chính xác như chúng đã được viết ra. Không cần sự điều chỉnh nào, bởi vì Mozart không cần phải làm vậy. Vào tháng 7 năm 1791, một điều rất lạ đã xảy ra. Khi Mozart đang ở nhà một mình, một người lạ mặc trang phục màu đen, đội một chiếc mũ trùm đen đến trước cửa. Người lạ mang theo một lá thư không ký tên. Bức thư yêu cầu Mozart viết một bản nhạc cầu siêu. Nhạc cầu siêu là bản nhạc được sáng tác để tôn vinh người đã chết. Bức thư hứa với Mozart mức thù lao rất cao cho công việc này. Ai muốn bản nhạc được viết? Và nó viết cho ai? Mozart không hề biết. Trong vài tháng tiếp theo, Mozart tập trung vào bản nhạc cầu siêu. Anh luôn nghĩ về nó. Sức khỏe của anh ngày một xấu đi. Đôi khi, Mozart cảm thấy như anh đang viết bản nhạc cầu siêu cho đám tang của chính mình. Chẳng bao lâu, anh đã không thể ra khỏi giường. Việc hít thở cũng trở nên khó khăn. Ngày 4 tháng 12 năm 1791, Mozart gọi bạn bè đến bên giường. Họ cùng hát những phần khác nhau của bản nhạc cầu siêu. Đến ngày 5 tháng 12, Wolfgang Amadeus Mozart qua đời. Anh chỉ mới 35 tuổi. Bản nhạc cầu siêu vẫn chưa hoàn thành, mặc dù các phần đã viết xong được coi là bản nhạc đẹp đẽ nhất mà anh từng viết. Người vợ Constanze của anh vô cùng đau buồn khi chồng qua đời và cô cũng rất lo lắng. Điều gì sẽ xảy ra với cô và các con? Một người bạn đã tổ chức một tang lễ nhỏ cho Mozart và chôn cất anh tại Nghĩa trang St. Marx, cách trung tâm thành phố Vienna khoảng 5 km. Không có bia đá hoặc bức tượng nào để đánh dấu vị trí nơi chôn cất nhà soạn nhạc vĩ đại. Sau khi Mozart qua đời, Constanze tái hôn – người đàn ông đó trở thành cha dượng yêu thương của Karl Thomas và Franz Xaver. Mặc dù Mozart không còn, nhưng âm nhạc của anh đã không bị lãng quên. Cuối cùng thì, đó là điều quan trọng nhất đối với Mozart. Năm 1842, một bức tượng Mozart được dựng tại quê hương Salzburg. Năm 1856, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Mozart, người ta đã tổ chức nhiều lễ kỷ niệm lớn ở Salzburg và Vienna. Karl Thomas, khi đó vẫn còn sống, đã có mặt trong lễ hội vinh danh cha mình. Wolfgang Amadeus Mozart đã viết hơn 600 tác phẩm. Đây là một con số đáng kinh ngạc đối với bất kỳ nhà soạn nhạc nào.Nhất là khi chúng ta nghĩ về việc Mozart đã mất khi còn rất trẻ. Trong số các tác phẩm này, có: • 41 bản giao hưởng • 27 bản concerto dành cho piano • 5 bản concerto dành cho violin • 27 bản hòa nhạc aria • 23 bản tứ tấu đàn dây • 18 bản Thánh lễ • 22 vở opera Hơn 200 năm sau ngày ông mất, mọi người vẫn tiếp tục chơi, lắng nghe và trân quý âm nhạc của Mozart. Vào năm 2002, trong lễ kỷ niệm một năm vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, các dàn hợp xướng trên khắp thế giới đã tấu lên bản nhạc cầu siêu của Mozart trong khoảng 24 giờ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng. Mặc dù Mozart chỉ sống một quãng đời ngắn ngủi, nhưng âm nhạc của ông tồn tại mãi mãi, mang lại niềm vui cho người nghe cũng như các nhạc sĩ trên khắp thế giới. Những dấu mốc trong cuộc đời mozart 1751 - Nannerl, chị của Wolfie, chào đời 1756 - Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27 tháng 1, tại Salzburg, Áo 1759 - Wolfie học chơi Clavier lúc ba tuổi 1760 - Wolfie sáng tác những giai điệu đầu tiên 1762 - Wolfie tự học chơi violin, Wolfie và Nannerl được mời đến chơi nhạc cho nữ hoàng Maria Theresa ở Vienna 1763 - Wolfie và Nannerl trình diễn tại Đức, Bỉ, Pháp và Anh; họa sĩ Lorenzoni vẽ chân dung hai chị em 1765 - Wolfie sáng tác bản nhạc giao hưởng đầu tiên, Symphony in E-flat (Bản giao hưởng cung Mi giáng) trong khi đang ở Anh 1768 - Wolfie viết vở opera đầu tiên 1770 - Mozart nghe bản Miserere của Allegri ở Nhà thờ lớn St. Peter và chép bản nhạc ra từ trí nhớ 1777 - Mozart phải lòng Aloysia Weber 1778 - Mozart viết Bản giao hưởng Paris; mẹ của Mozart là bà Maria Anna qua đời 1780 - Mozart được ủy quyền viết vở opera Idomeneo, King of Crete (Idomeneo, Vua xứ Crete) 1782 - Mozart cưới Constanze Weber 1784 - Con trai của Mozart, Karl Thomas ra đời 1786 - The Marriage of Figaro (Đám cưới Figaro) được biểu diễn tại Nhà hát lớn Vienna 1787 - Mozart sáng tác Don Giovanni; cha Leopold qua đời 1791 - Con trai của Mozart, Franz Xaver ra đời; Mozart viết The Magic Flute (Cây sáo thần), người lạ mặt bí ẩn mang đến một bức thư cho Mozart đặt viết một bản nhạc cầu siêu; Mozart qua đời ngày 5 tháng 12. Những dấu mốc lịch sử thế giới 1754 - Chiến tranh Pháp và Ấn Độ bắt đầu 1755 - Trận động đất Lisbon (Bồ Đào Nha) làm chết 30.000 người 1762 - Bánh sandwich hiện đại được Bá tước Sandwich đệ tứ làm ra 1764 - John Hargreaves phát minh ra cần trục quay, giúp dệt sợi thô thành sợi chỉ nhanh hơn bao giờ hết 1767 - Người vẽ địa đồ John Spilsbury tạo ra trò chơi ghép hình đầu tiên 1769 - James Watts sáng chế động cơ hơi nước 1770 - Marie Antoinette cưới Louis XVI của Pháp 1771 - Ấn bản đầu tiên của Encyclopedia Britannica được xuất bản 1773 - Điệu van trở thành điệu nhảy thời thượng ở Vienna 1775 - Cách mạng Mỹ bắt đầu; Daniel Boone bắt đầu dọn đường Wilderness vào Kentucky 1778 - James Cook khám phá ra Hawaii 1781 - Nhà thiên văn học Frederick William Herschel phát hiện ra hành tinh Uranus (Sao Thiên Vương) 1783 - Chuyến bay khinh khí cầu thành công đầu tiên được ghi lại ở Paris 1784 - Benjamin Franklin phát minh ra kính hai tròng 1788 - Pennsylvania Quakers giải phóng nô lệ 1789 - Cuộc Cách mạng Pháp bắt đầu, George Washington được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ """