"Wayne Rooney - Quỷ Đầu Đàn Số 10 Vĩ Đại Tại Nhà Hát - Matt Allen full mobi pdf epub azw3 [Bóng Đá] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Wayne Rooney - Quỷ Đầu Đàn Số 10 Vĩ Đại Tại Nhà Hát - Matt Allen full mobi pdf epub azw3 [Bóng Đá] Ebooks Nhóm Zalo Có rất nhiều người đã giúp đỡ và làm việc cùng để biến giấc mơ Premier League của tôi trở thành hiện thực. Trên hết, cha mẹ và gia đình đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tôi đến vị trí ngày hôm nay. Tất cả các huấn luyện viên và nhà quản lý mà tôi đã làm việc cùng kể từ khi còn là một chàng trai trẻ, người đại diện Paul Stretford và các cộng sự đồng hành với ông ấy, toàn thể đồng đội cũng như bạn bè của tôi ở trong lẫn ngoài sân cỏ: cảm ơn mọi người vì đã ở đó. Nhưng qua quá trình thực hiện cuốn sách này và nghiền ngẫm về những thăng trầm của 10 năm qua, có hai người cần thiết phải nhắc riêng. Gửi đến vợ tôi, Coleen, cảm ơn vì đã ở đó để trải qua những cay đắng và ngọt bùi; em sẽ không bao giờ biết tình yêu và sự hỗ trợ của em có ý nghĩa như thế nào đối với anh. Còn Kai, con trai, là người đầu tiên bố nghĩ đến vào buổi sáng và cũng là người sau cùng nở nụ cười với bố vào cuối ngày. Tôi yêu cả hai rất nhiều, họ là nguồn cảm hứng và động lực của tôi mỗi ngày. Cảm ơn vì tất cả. Thân ái Wayne (và bố) xxx LỜI TỰA R ất nhiều người đã nhướng mày khi tôi thuyết phục Ban giám đốc Manchester United duyệt chi hàng triệu bảng, nhằm cố gắng “cuỗm” Wayne Rooney khỏi Everton. Chàng trai này chỉ mới 18 tuổi nhưng đã thể hiện một tài năng hiếm có trong hai năm đầu ở đội Một Everton. Các nhân viên thầm lặng của Everton đã làm một công việc tuyệt vời, chăm sóc cầu thủ trẻ trong học viện của họ cho đến ngày cậu ấy ra mắt đội Một, chỉ vài tuần trước sinh nhật thứ 17. Rất lâu trước khi cậu ta cúi chào các đàn anh, tất cả mọi người trong trận đấu đó đều đã nhận thức rõ rằng, Everton đã khai quật được một viên ngọc thô và không mất nhiều thời gian để đưa cậu ấy ra sân khấu lớn. Everton là câu lạc bộ của Wayne khi còn là một nam sinh, vì vậy, chúng tôi có thể tưởng tượng cậu ấy cảm nhận như thế nào khi khoác lên chiếc áo xanh hoàng gia danh tiếng, và chạy ra ngoài giữa đám đông hò hét tại Goodison Park. Không có gì ngạc nhiên khi cậu ấy bước lên đội Một với một chút xôn xao. Wayne Rooney được sinh ra để chơi bóng, và rõ ràng ngay từ đầu đã cho thấy, tương lai của cậu ấy được đảm bảo là một nhân vật chính trong các trận cầu. Chúng tôi không ảo tưởng rằng sẽ mất bất cứ thứ gì ngoại trừ một tấm séc rất lớn, nếu chúng tôi muốn lôi kéo Everton chấp thuận để Wayne thực hiện chuyến đi ngắn trên đại lộ M62. Tôi cho rằng mọi người đều có giá của họ và cuối cùng chúng tôi xoay xở để đi đến một thỏa thuận với Everton, nhằm đảm bảo các dịch vụ cho cầu thủ trẻ xuất chúng nhất thế hệ của cậu ấy. Không nghi ngờ gì, đó là một số tiền khổng lồ mà chúng tôi đã trả cho một cầu thủ vốn dĩ còn chưa đủ điều kiện đi bầu cử, nhưng chúng tôi biết mình đang làm gì. Thường thì một cầu thủ xuất hiện như thể tay đua chắc chắn đạt được đẳng cấp của cầu thủ chuyên nghiệp, và Wayne Rooney là một trong số ấy. Đó không phải là một canh bạc, đó là một khoản đầu tư vào tương lai, và chắc chắn rằng, trong những năm sau đó, chàng trai đến từ Croxteth đã trả lại gấp nhiều lần số tiền đội từng chi ra. Nếu ai đó còn hoài nghi về quyết định của chúng tôi, thì nó gần như lập tức tan biến khi cậu ấy lập hat-trick ngay trong trận ra mắt vòng bảng Champions League tại Old Trafford, với câu lạc bộ Fenerbahçe từ Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là khởi đầu cho một sự đền đáp sớm! Tôi sẽ không phiền nếu cậu ấy mất hàng tuần để ghi bàn thắng đầu tiên cho đội bóng, nhưng phải nói là tôi đã rất vui khi cậu ấy đã sút tung lưới theo phong cách cổ điển. Sự kình địch giữa Manchester và Liverpool đã lưu danh qua nhiều năm, nhưng đây là một Scouser [người vùng Liverpool], người đã ngay lập tức được kết nạp vào gia đình Mancunian. Đó chỉ là vài dòng đầu trong một câu chuyện kỳ diệu đã mở ra sự nghiệp của cậu ấy tại Manchester United. Người đã trở thành một trong những trụ cột của câu lạc bộ và thường được công nhận là cầu thủ giỏi bậc nhất kỷ nguyên Premier League lẫn Champions League. Wayne cũng đã giải quyết những vấn đề về tính kỷ luật mà bản thân gặp phải khi còn là một cầu thủ trẻ. Từng bị coi là bốc đồng và luôn có xu hướng vướng vào rắc rối với các huấn luyện viên trưởng, cậu ấy giờ đây đã là một phiên bản cách tân, người đặt ra tiêu chuẩn cho phần còn lại của đội. Cần có cá tính mạnh để vượt qua một số đặc tính cá nhân, nhưng cậu ấy đã đào sâu và loại bỏ những gì là một phần phản tác dụng trong bản ngã của mình. Sau đó có một chút lung lay từ cậu ấy vào mùa thu năm 2010, khi đã thông báo rằng muốn thu dọn và rời khỏi Old Trafford. Tôi bị sốc nhưng không một chút thất vọng và chẳng mất nhiều thời gian để giải quyết vấn đề nhỏ đó, đủ sớm để cậu ta đặt bút lên bản hợp đồng gia hạn. Tôi không định kể cuộc nói chuyện giữa chúng tôi trong các buổi thảo luận vào lúc đó, nhưng tôi đã biết ngay từ đầu rằng trái tim cậu ấy vẫn thuộc về Manchester United, và không sứt mẻ gì khi chúng tôi chỉ ra suy nghĩ sai lầm của cậu ấy. Wayne Rooney nắm lấy nó để khắc phục bản thân, tạo nên một chỗ đứng rất đặc biệt trong lịch sử Manchester United. Cậu ấy bắt đầu xô đổ các kỷ lục lâu năm ở câu lạc bộ, và với độ tuổi đó, trước khi đến thời điểm kiệt sức, không có giới hạn cho những gì Wayne có thể chạm tới được. Tôi nghĩ rằng mình đã đưa ra một hoặc hai quyết định tuyệt vời trong quãng thời gian gắn bó với bóng đá - và cả một vài thứ khiến tôi muốn quên! Nhưng không nghi ngờ gì, chữ ký của Wayne Rooney từ Everton là sáng suốt nhất trong số đó. Sir Alex Ferguson B ùm! MỞ ĐẦU Mọi thứ trở nên điên loạn, chóng vánh. Rồi cảm giác đó bắt đầu - một khoái cảm thỏa mãn không thể tin nổi mà tôi có được, khi ghi bàn ở Premier League. Giống như cảm giác mỗi khi tôi đập một quả bóng golf tuôn ra khỏi mặt gậy, và nhìn nó nhỏ giọt lên thảm màu xanh lá. Đó là một đỉnh cao - một cơn sốt quyền lực điên cuồng. Đó là một con sóng xúc cảm - nhưng nó đưa tôi đến trạng thái không giống bất kỳ thứ gì khác. Cái cảm giác ghi một bàn cho Manchester United thật kỳ vĩ, ích kỷ và gàn dở. Tôi nghĩ nếu những cảm xúc đó được đóng chai, tôi có thể là thức uống năng lượng tốt chưa từng có. Sau một quãng bồi hồi, tôi đang ở tốc độ bình thường trở lại, tôi bừng tỉnh. Mọi thứ đều rõ nét: âm thanh đó, một tiếng rống đủ lớn để đinh tai, như máy bay cất cánh; đôi chân tôi nhức mỏi, mồ hôi lăn dài trên cổ, bùn trượt trên bộ áo đấu. Mỗi lúc một ồn hơn; nó quá lớn, nó ở ngay trên đầu tôi. Ai đó đang nắm lấy áo tôi, trái tim tôi nhảy khỏi lồng ngực. Đám đông đang hát vang tên tôi: “Rooney!” “Rooney!” “Rooooo-neeee!” Không có cảm giác nào trên thế giới này tuyệt bằng. Sau đó, tôi ngước lên và nhìn bảng tỷ số. Ngày 12 tháng 2 năm 2011 United - City: 2 - 1 Ghi bàn! Rooney, phút 77 Tôi là ai và tôi đã trải qua những gì để trở lại là chính mình trong chốc lát, mê đắm, giống như một võ sĩ quyền anh đang bừng tỉnh sau khi hít tuýp muối tăng hưng phấn. Tôi là Wayne Rooney. Tôi đã chơi bóng ở Premier League kể từ năm 2002 và tôi vừa ghi bàn trong trận derby Manchester - có lẽ là trận đấu quan trọng nhất mùa giải với những người hâm mộ nửa đỏ của thành phố. Một bàn thắng đặt những người hàng xóm ồn ào của chúng tôi vào vị thế khác, nơi họ thuộc về. Pha làm bàn để nhắc nhở họ rằng United có bề thế lịch sử và thành công hơn họ lúc này. Pha làm bàn để cảnh báo phần còn lại của đất nước mà chúng tôi đang trên đường chinh phục chức vô địch Premier League. Bàn thắng đỉnh nhất sự nghiệp của tôi Khi đứng dang rộng hai tay, ngửa đầu ra sau, tôi có thể cảm thấy từ phía sau là nỗi căm ghét của những người hâm mộ City, nó giống như dòng tĩnh điện. Sự lăng mạ, tiếng gào thét và chửi rủa dội vào tôi. Họ giơ ngón tay giữa về phía tôi, mặt đỏ bừng. Tất cả họ đều bị kích động, nhưng tôi không quan tâm. Tôi biết họ ghét tôi ra sao, họ tức giận như thế nào. Tôi hiểu nguồn cơn đó từ đâu, bởi tôi vẫn nếm trải những cảm xúc tương tự bất cứ khi nào tôi thất bại. Lần này, họ bị tổn thương, còn tôi thì không. Tôi biết chẳng gì tuyệt hơn thứ này. Tôi đã ghi được hàng trăm bàn thắng trong suốt thời gian chinh chiến ở Premier League cùng United và Everton; ghi bàn tại giải quốc nội, đấu cúp, trận chung kết, giao hữu vô thưởng vô phạt, trận đấu tập. Nhưng pha lập công này đặc biệt hơn cả. Khi chạy trở lại vòng tròn trung tâm, tai vẫn còn ù và tôi tiếp tục trở lại trạng thái đó. Điều này thật nực cười, biết thế, nhưng tôi e rằng mình sẽ không bao giờ cảm thấy như thế một lần nào nữa. Tôi muốn nhớ về những gì đã xảy ra, để hồi tưởng lại khoảnh khắc ấy vì nó thật tuyệt. Chúng tôi đã phải chịu áp lực, tôi biết điều đó, tỷ số hòa 1-1, thế trận thực sự chặt chẽ. Trong những giây trước khi làm bàn, tôi cố gắng trả bóng lại cho đồng đội trên hàng công, Dimitar Berbatov - một bản đúc của Andy Garcia trong Bố già phần III; nguy hiểm như chính Andy Garcia - nhưng cú chạm của tôi quá mạnh. Tôi dùng thừa lực. Tim tôi giật nảy lên trong lồng ngực. City có thể thoát ra từ đây. May mắn thay, Paul Scholes - anh bạn mà chúng tôi gọi là bộ điều hướng vệ tinh, vì những đường chuyền gần như được điều khiển bằng máy tính của anh ấy, tiền vệ có lẽ là xuất sắc nhất từng chơi ở Premier League - đã đón lõng quả bóng và chuyền nó cho Nani, cầu thủ chạy cánh của đội đang ở rìa vòng cấm. Cậu ấy thực hiện vài nhịp chạm, dẫn bóng bằng ngón chân, lướt trên mặt cỏ như một vũ công trong chương trình “Strictly Come Dancing”, hơn là một cầu thủ bóng đá. Rồi Nani tung một đường chuyền vượt qua hàng phòng ngự của City và hướng về phía tôi, quả tạt của anh làm lệch nhịp một hậu vệ, bóng dần đi chậm lại. Tôi thấy một khoảng trống mở ra trong vòng cấm, giữa bộ đôi trung vệ hộ pháp Lescott và Vincent Kompany của City. Tôi di chuyển và sẵn sàng đón đường chuyền sắp tới. Chạy vào khoảng không vài mét, đoán xem quả bóng sẽ hạ cánh ở đâu, các giác quan của tôi đang hoạt động khắp nơi. Thật khó giải thích với những ai chưa bao giờ thi đấu hoặc cảm thấy áp lực khi phải trình diễn trước đám đông, nhưng chơi bóng ở Old Trafford giống như chạy vòng quanh trong một quả bubble. Nó thực sự bí bách, ngột ngạt. Tôi có thể ngửi thấy mùi cỏ, tôi có thể nghe thấy đám đông, nhưng tôi không thể biết bài gì đang được hát. Mọi thứ đều bị bóp nghẹt, giống như khi tôi ở dưới nước trong hồ tắm nước nóng: Tôi có thể nghe thấy tiếng la hét và té nước từ mọi người xung quanh, nhưng không có gì là rõ ràng, tôi không thể nhận ra bất kỳ giọng nào. Tôi thực sự không thể nghe thấy những gì mọi người đang thét. Trên sân cỏ cũng vậy. Tôi có thể nghe thấy một số âm thanh nhất định khi trận đấu chậm lại trong giây lát. Chẳng hạn như khi tôi thực hiện một quả phạt góc hoặc pha đá phạt và có một tiếng ùng ục lạ kỳ của 20.000 chiếc ghế lò xo bung lên ở một góc sân phía sau tôi. Như thể tôi đứng trên quả bóng, mọi người chồm dậy, vươn cổ xem. Nhưng chẳng mất bao lâu, tiếng ồn lại bị chặn. Sau đó, tôi trở lại dưới nước. Trở lại trong quả bubble. Trái bóng đang đến với tôi. Sự chệch hướng đã thay đổi quỹ đạo đường chuyền của Nani, đưa bóng đi cao hơn tôi nghĩ, điều này giúp tôi có thêm một giây để vào vị trí, lấy lại thăng bằng và định thần: Tôi đang thử điều này. Hai cẳng tôi rã rời, nhưng bằng tất cả sức lực từ phía sau gót, tôi vung chân phải lên không trung cao hơn cả vai để tung cú đá quá đầu, một màn vô-lê lộn nhào. Tôi biết đó là một cú đá được ăn cả ngã về không, thứ sẽ khiến bản thân trở nên thật ngớ ngẩn nếu chổng vó. Nhưng không! Tôi tiếp xúc chuẩn với quả bóng và nó phóng vào góc cao. Tôi cảm nhận được điều đó, nhưng không nhìn thấy nó. Khi tôi xoay người giữa không trung, dù cố gắng theo dõi đường bay từ cú đá của mình, tôi không thể nhìn thấy bóng đã bay đi đâu, nhưng tiếng rống đột ngột của sự huyên náo cho tôi biết mình đã làm bàn. Tôi lăn qua và thấy Joe Hart, thủ môn của Man City đứng chôn chân, hai tay dang rộng kiểu như không thể tin nổi; ở phía sau, quả bóng đang lập bập xoay tròn trong khung thành. Nếu chơi bóng như thể đang ở dưới nước, thì việc làm bàn giống như bay lên không trung. Tôi có thể thấy và nghe được tất cả, mọi thứ đều vô cùng rõ ràng. Những khuôn mặt trong đám đông, hàng vạn người đang hò hét và hớn hở. Những người đàn ông nhảy cẫng lên như những đứa trẻ. Trẻ em thì la hét, vẫy cờ với niềm mê thích. Mọi hình ảnh đều sắc nét. Tôi thấy màu áo bib của các nhân viên an ninh trên khán đài. Tôi có thể thấy những tấm biểu ngữ được treo trên khán đài Stretford End: “Mỗi Manc là một tín đồ ti vi”; “Một tình yêu”. Nó giống như chuyển từ màn hình trắng đen sang màu, với tiêu chuẩn độ nét cao chỉ bằng một cú nhấn vào điều khiển. Trong đám đông, mọi người đang mất trí; họ nghĩ trận này gần như đã thắng. Từ suýt để mất bóng đến bàn thắng ấn định vào góc cao: thật đáng sợ khi nhận ra ranh giới ở bóng đá đỉnh cao rất hẹp. Trong một thời gian dài, sự khác biệt giữa chiến thắng và thất bại rất mong manh. Đó là lý do tại sao đây là môn thể thao đỉnh nhất thế giới. * * * Chúng tôi kết thúc trận đấu với tỷ số 2-1. Sau đó, mọi người tập trung quanh tôi trong phòng thay đồ, họ muốn nói về bàn thắng. Nhưng tôi đã rã rời, kiệt sức; tất cả đều đã trút hết trên sân, với cú đá trên không. Phòng thay đồ đang xôn xao; Rio Ferdinand đang xuýt xoa. “Chà”, anh ấy nói. Patrice Evra, hậu vệ cánh của chúng tôi gọi đó là “tuyệt phẩm”. Sau đó, huấn luyện viên trưởng đi vào phòng thay đồ, trong chiếc áo khoác đen lớn; trông ông thật phấn khích. Ông đã hò hét, hò hét và hò hét trên các đường biên của Old Trafford trong hơn một phần tư thế kỷ; ông đã quán xuyến và truyền cảm hứng cho một số cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Premier League. Ông đã ký hợp đồng đưa tôi đến câu lạc bộ lớn nhất thế giới. Sếp của câu lạc bộ thành công nhất trong bóng đá hiện đại. Ông đi vòng quanh chúng tôi và bắt tay tất cả như cách ông vẫn làm sau mỗi trận thắng. Tôi biết đến điều này kể từ ngày ký hợp đồng với United. Thật may, tôi đã có rất nhiều cái bắt tay. Ông cho tôi biết: “Khoảnh khắc tuyệt diệu, Wayne, bàn thắng rất cừ.” Tôi gật đầu. Tôi quá mệt để đáp lời, nhưng nếu có thể, tôi sẽ không nói bất cứ điều gì. Đừng hiểu sai ý tôi, không gì tốt hơn việc huấn luyện viên trưởng nói làm rất tốt - nhưng tôi không cần. Tôi biết khi nào mình đã chơi tốt và tệ. Tôi không nghĩ nếu huấn luyện viên trưởng nói tôi đã chơi tốt, tức là tôi đã chơi tốt. Tôi hiểu trái tim mình mách bảo gì. Sau đó, ông nói rằng đó là bàn thắng đẹp nhất mà ông từng thấy tại Old Trafford. Ông đã ở câu lạc bộ này đủ lâu và chứng kiến nhiều tay săn bàn cừ khôi đến và đi trong triều đại của mình. Huấn luyện viên trưởng chịu trách nhiệm về mọi thứ và ông kiểm soát cảm xúc lẫn thể chất của các cầu thủ tại Manchester United. Trước trận đấu, ông công bố đội hình thi đấu và đôi khi tôi có cùng một cảm giác lo lắng, thứ mà tôi từng trải qua mỗi khi huấn luyện viên ở trường ghim danh sách xuất phát vào bảng thông báo. Trong suốt một trận đấu, nếu chúng tôi bị dẫn bàn nhưng chơi tốt, ông ấy hô hào chúng tôi cứ tiếp tục. Ông biết sự cân bằng đang đến. Ông thôi thúc chúng tôi chiến thắng. Rồi một lần, tôi biết đội sẽ thắng bởi hai hoặc ba bàn ở hiệp một và ông đã nổi điên khi chúng tôi ngồi xuống trong phòng thay đồ. Chúng ta đang chiến thắng. Có chuyện gì với ông ấy vậy? Rồi tôi hiểu ra. Ông không muốn chúng tôi tự mãn. Giống như hầu hết các huấn luyện viên trưởng, ông đánh giá cao bóng đá đẹp, nhưng ông còn đề cao những người chiến thắng hơn. Mong muốn chiến thắng của ông lớn hơn ở bất cứ ai mà tôi từng biết, và điều đó ảnh hưởng lên tất cả chúng tôi. Điều buồn cười là, tôi nghĩ chúng tôi khá giống nhau. Cả hai có một quyết tâm lớn để thành công và điều đó có rất nhiều liên quan đến nền tảng giáo dục của chúng tôi. Khi còn nhỏ, chúng tôi đã được bảo rằng nếu muốn làm tốt, phải đấu tranh và nỗ lực hết mình vì nó. Đó là cách tôi được nuôi dưỡng. Tôi nghĩ ông ấy cũng vậy. Và khi chúng tôi giành được thứ gì đó, chẳng hạn như danh hiệu Premier League hoặc Champions League, chúng tôi đủ ngoan cố để bám vào thành công ấy. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất cố gắng, để là những người trên đỉnh lâu nhất có thể. Mọi người bắt đầu xô đẩy nhau quanh một ti vi nhỏ ở góc phòng. Nó được đặt ở đó trong nhiều năm và các huấn luyện viên luôn bật nó để phát lại trận đấu, mỗi khi có một sự cố gây tranh cãi hoặc có thể là một tình huống thổi phạt đền không được đưa ra - và trong một vài trường hợp, huấn luyện viên trưởng cũng có thể chỉ ra với bất kỳ ai muốn nghe. Lần này, tôi muốn xem bàn thắng của mình. Mọi người cũng vậy. Một trong những huấn luyện viên cầm cái điều khiển và tua đến phút thứ 77. Tôi thấy cú chạm bóng thừa lực của mình, Scholesy chuyền cho Nani. Tôi nhìn thấy quả tạt của cậu ấy. Rồi tôi chăm chú, nó giống như một trải nghiệm kỳ lạ bên ngoài cơ thể, khi tôi tung mình lên không trung và sút mạnh bóng vào mặt lưới. Nó có vẻ không giống thật. Tôi nghĩ tất cả các cầu thủ bóng đá đi ngủ và mơ về những bàn thắng tuyệt vời: rê bóng quanh sáu người và phóng nó qua thủ môn hoặc bắn một quả vào từ khoảng cách 25 m. Ghi bàn từ một cú đá xe đạp chổng ngược là cách mà tôi luôn mường tượng. Tôi vừa ghi một bàn thắng trong mơ tại trận derby Manchester. “Chà”, Rio lắc đầu và lần thứ hai nói như thế. Tôi biết ý của anh ấy là gì. Tôi ngồi trong phòng thay đồ, mồ hôi vẫn nhễ nhại, cố gắng sống trong khoảnh khắc này càng lâu càng tốt, bởi những giây phút như thế rất hiếm. Tôi vẫn có thể nghe thấy những người hâm mộ United đang hò hát bên ngoài, như xát thêm muối vào City, và tôi tự hỏi đến khi nào mình sẽ lại có được một bàn đỉnh như thế. * * * Tôi đã chơi ở Premier League 10 năm nay. Có lẽ tôi đang ở lưng chừng sự nghiệp - thứ cảm giác kỳ lạ. Thời gian trôi qua thật nhanh. Nó làm tôi bận lòng một chút, nhưng tôi vẫn cho rằng những năm tháng đẹp nhất của bản thân đang ở phía trước, rằng còn rất nhiều điều nữa sắp tới. Có vẻ như chỉ năm phút trước, tôi đã có trận ra mắt cho Everton trước Tottenham vào tháng 8 năm 2002. Các cổ động viên của Spurs đã tập trung ở một góc khán đài của Goodison Park. Khi tôi chạy vào sân, họ bắt đầu hát về tôi: “Cậu là ai?” Bất cứ khi nào tôi chạm vào bóng: “Cậu là ai?” Họ không hát như thế với tôi nữa. Thay vào đó, họ chỉ la ó, chửi bới, lăng mạ và sỉ vả tôi. Buồn cười thật! Trong 10 năm kể từ khi ra mắt, tôi đã làm được rất nhiều điều. Từ năm 2002 đến 2004, tôi chơi cho Everton, đội bóng mà tôi cổ vũ khi còn là một cậu bé. Tôi đã trở thành cầu thủ trẻ nhất đại diện cho tuyển Anh vào năm 2003, trước khi Theo Walcott của Arsenal có được kỷ lục đó. Năm 2004, tôi ký hợp đồng với Man United với mức phí hơn 25 triệu Bảng và trở thành cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất Premier League cho câu lạc bộ. Trong cùng năm, tại giải vô địch châu Âu, các cầu thủ Anh đặt cho tôi biệt danh “Wazza”; cách gọi như đã gắn chặt. Tôi đã giành được 4 chức vô địch Premier League, 1 chức vô địch Champions League, 2 League Cup, 3 FA Community Shield và 1 FIFA Club World Cup. Tôi đã ghi hơn 200 bàn thắng cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, đồng thời bị đuổi khỏi sân 5 lần. Sẽ là lừa dối nếu tôi nói với bạn rằng tôi không yêu từng phút đó. Thôi, được rồi, có thể không phải những tấm thẻ đỏ và án treo giò, nhưng mọi thứ khác đúng là như vậy. Điều buồn cười là, tôi vẫn cảm nhận được sự phấn khích và hưng phấn như đã từng diễn ra vào đêm trước màn ra mắt giải đấu, trong màu áo Everton hồi năm 2002. Ngày trước trận đấu, dù sân nhà hay sân khách, luôn có cảm giác như đêm Giáng sinh. Khi đi ngủ, tôi sẽ thức giấc 2 hoặc 3 lần trong đêm và lăn qua lăn lại để canh đồng hồ báo thức . Chậc. Lúc này mới là 2 giờ sáng. Bồn chồn và sự mong đợi đã ở đó cho đến giây phút chúng tôi vào trận. Tuy nhiên, tôi đã phải trả giá. Về mặt thể chất, tôi đã bị hành hạ một chút trong những năm qua; bị chèn ép bởi các trung vệ khổ “Người máy biến hình”, hay cơ bắp của tôi bị dập nát do những cú ngã lên, đẩy vai, tắc bóng một mất một còn, ngày qua ngày, chúng khiến tôi bị bầm dập. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng sau một trận đấu, tôi phải vật lộn để đi được trong nửa giờ đầu tiên. Hơi nhức. Không có tình trạng này khi tôi còn là một thanh niên. Tôi nhớ đôi khi kết thúc buổi tập hoặc thi đấu với Everton và United, tôi muốn chơi thêm nữa. Có một sân nhỏ trong vườn và tôi thường chơi trong đó với bạn bè. Sau khi tập luyện với Everton, tôi thường chơi thêm ở một trung tâm giải trí địa phương, hoặc chúng tôi thường đá bóng trên đường phố ở Croxteth, thuộc Liverpool, nơi tôi lớn lên với mẹ, bố cùng các cậu em trai Graham và John. Có một nhà trẻ đối diện với nhà tôi. Thời điểm nó đóng cửa trong ngày, họ sẽ đóng một số cửa chớp để tạo ra một khung thành hữu ích. Tôi thích chơi ở đó. Sau khi ra mắt đội tuyển Anh vào năm 2003, tôi đã được chụp cảnh đang đá quả bóng vào nhà trẻ đó trong màu áo tuyển Pháp. Bóng đá đã có một tác động lớn đến cơ thể của tôi, vì tôi thi đấu dựa trên tốc độ và sức mạnh. Cường độ cao. Là một tiền đạo, tôi cần phải hoạt động chăm chỉ mọi lúc. Tôi cần phải sắc bén, đồng nghĩa là thể lực của tôi phải bền bỉ để chơi tốt. Có lẽ sẽ khác nếu tôi là một hậu vệ cánh. Tôi có thể ẩn mình một chút, thực hiện ít pha chạy vào phần sân của đối phương hơn và nhanh chóng rời khỏi đó. Là một tiền đạo của Manchester United, không có chỗ cho sự ẩn mình. Tôi phải làm việc siêng năng nhất có thể, nếu không, huấn luyện viên trưởng sẽ rút tôi khỏi sân hoặc cho tôi ngồi ngoài ở trận tiếp theo. Không có chỗ cho thất bại hay vị trí thứ hai tại câu lạc bộ này. Nếu có một mặt trái nào trong cuộc đời tôi thì đó chính là áp lực của việc sống trong mắt công chúng. Tôi chỉ muốn một ngày không ai biết đến tôi, để có thể làm những việc bình thường, đi đến các cửa hàng và không bị mọi người nhìn chằm chằm hay chụp ảnh. Thậm chí, chỉ cần có thể đi chơi đêm với bạn bè và không bị ai chỉ trỏ cũng thật tuyệt. Vào một ngày cuối tuần, trước khi các trận đấu bắt đầu, một số người bạn của tôi đến cửa hàng cá cược và đặt cược một chút. Tôi rất muốn được làm điều đó. Nhưng nhìn này, đó chỉ là những thứ nhỏ nhặt. Tôi biết ơn vì tất cả những gì bóng đá đã mang lại cho tôi. Có một chút hoang tưởng: như bất kỳ cầu thủ nào khác, tôi sợ chấn thương làm kết thúc sự nghiệp. Tôi có thể đang ở phong độ tốt nhất trong cuộc đời và rồi vào ngày nọ, một pha tắc bóng tồi có thể khép lại hành trình của tôi trong môn thể thao này. Mọi chuyện qua rồi. Nhưng tôi nghĩ đó là rủi ro mà tôi chấp nhận với tư cách là một cầu thủ ở mỗi trận đấu. Tôi biết bóng đá là một hành trình ngắn ngủi đến nỗi một ngày nào đó, ở bất kỳ lứa tuổi nào, trận đấu đều có thể đột ngột rời xa mình. Nhưng tôi muốn được quyết định thời điểm bản thân ngừng chơi bóng, chứ không phải vì một công cuộc trị liệu hay cú đáp của đối phương. Đừng hiểu lầm, nỗi sợ chấn thương hoặc thất bại chưa bao giờ tồn tại trong đầu tôi khi đang thi đấu. Tôi chưa bao giờ bị đứng hình trên sân bóng. Tôi luôn muốn thể hiện bản thân. Tôi luôn muốn thử mọi thứ. Tôi chưa bao giờ lo lắng về một trận đấu. Tôi hy vọng chúng ta không thua cuộc đấu này. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bị đánh bại? Tôi luôn tự tin rằng chúng tôi sẽ thắng trận, bất kể là tôi đang chơi cho đội nào. Tôi chưa bao giờ thiếu tin tưởng vào một trận đấu bóng đá. Tôi rất tự tin, hạnh phúc khi chơi ở bất cứ đâu trên sân. Tôi đã được đề nghị đá trung vệ khi United bị tổn thất bởi những chấn thương. Tôi thậm chí còn được đề nghị chơi hậu vệ cánh. Tôi cho rằng mình có thể ở đó và làm tốt nhiệm vụ, không vấn đề gì! Tôi nhớ Edwin van der Sar đã từng bị vỡ mũi trước Spurs và phải rời sân. Chúng tôi đã không có một thủ môn dự bị và tôi đã nghĩ về việc vào lưới nhặt bóng vì bản thân đã chơi ở đó trong vài buổi tập và tôi đã làm tốt. Trong trận đấu với Portsmouth tại FA Cup năm 2008, thủ môn Tomasz Kuszczak của chúng tôi đã bị đuổi khỏi sân và tôi muốn xuống thay, nhưng huấn luyện viên trưởng đã yêu cầu tôi phải ở lại hàng công, vì Pompey chuẩn bị thực hiện quả phạt đền. Tôi có thể nhìn ra quan điểm của ông ấy. Nếu bị lọt lưới, tôi không còn có thể ở phía trên để gỡ hòa. Khi còn là một cậu trai, tôi nghĩ rằng mình có thể chơi bóng mãi mãi. Nhưng lúc này, tôi biết sẽ không thể kéo dài, điều buồn cười là tôi không quá lo lắng về việc kết thúc sự nghiệp, ngày mà tôi phải từ bỏ tất cả. Nếu đến giai đoạn mà tôi cảm thấy mình không thể hiện tốt như đã từng, tôi sẽ nhìn lại bản thân một cách trung thực. Tôi sẽ tìm hiểu xem liệu mình còn có khả năng tạo ra sự khác biệt trong các trận cầu đỉnh cao nhất. Tôi sẽ không quanh quẩn để giành giật những trận đấu lẻ tẻ ở Premier League. Tôi sẽ chơi bóng ở nước ngoài, có thể là Mỹ. Tôi rất thích được tham gia huấn luyện nếu có cơ hội. Vấn đề là, tôi muốn được nhớ đến vì đã chơi tốt trong những đội bóng hay nhất, như United. Tôi muốn cháy hết mình trên sân Old Trafford, không phải nhạt nhòa trên ghế dự bị. Đây chưa phải thời điểm tôi tính đến việc treo giày. Còn nhiều thứ để chinh phục. Tôi muốn có thêm nhiều chức vô địch, nhiều Champions League hơn - bất kỳ giải đấu nào United đang tham gia, tôi đều muốn chiến thắng. Tôi rất thích giành các danh hiệu cho tập thể, vì có được thành tích cá nhân cũng tuyệt đấy, nhưng không bằng việc chinh phục những chiếc cúp cùng đồng đội. Và bất cứ điều gì tôi làm, tôi đều muốn nó tốt nhất có thể. Tôi không giỏi để trở thành một tay đua, bất kỳ ai đã thi đấu cùng tôi đều sẽ biết điều đó. 10 năm, với tôi đó là tất cả hoặc chẳng có gì ở Premier League. 10 Chương 1 KHAO KHÁT năm ở Premier League. Tất cả các bàn thắng và danh hiệu, chấn thương và dự định đều được thúc đẩy bởi cùng một suy nghĩ: Tôi ghét thua cuộc. Tôi ghét cay ghét đắng điều ấy. Đó là cảm giác tồi tệ nhất từ trước đến nay và thậm chí một hoặc ba bàn thắng trong trận đấu cũng không thể khiến thất bại trở nên dễ chịu. Trừ khi tôi bước ra sân rồi trở thành người chiến thắng, nếu không thì các pha lập công đều vô nghĩa. Nếu United thua, tôi không quan tâm đến việc mình đã ghi được mấy bàn. Khó chịu đến mức tôi thậm chí ghét luôn việc nghĩ về thất bại. Thứ này làm phiền tôi, nó văng vẳng trong đầu, nó không phải là lựa chọn cho tôi, nhưng khi điều đó xảy ra, tôi thua nó. Tôi tức giận, tôi điên tiết, tôi hét vào mặt đồng đội, tôi ném đồ đạc và tôi hờn dỗi. Thực tế là tôi ghét mình hành động theo cách này, nhưng tôi không thể kháng lại. Khi còn là một chàng trai, chơi các trận đấu với anh em bạn bè, tôi từng là một kẻ thua cuộc xấu tính và bây giờ tôi vẫn là một kẻ thua cuộc xấu tính, khi chơi cho United. Không quan trọng tôi đang chơi ở đâu hay đối đầu với ai, tôi vẫn như vậy mỗi khi xỏ chân vào giày. Trong một buổi đấu tập tại Carrington trước trận hạ màn của mùa giải 2009-10, tôi nhớ mình đã bị đốn ngã hai lần trong vòng cấm. Tôi nhớ điều đó bởi vì nó làm tôi bận lòng rất nhiều. Trọng tài là một trong những huấn luyện viên thể hình của chúng tôi, không đưa ra quyết định nào với tôi trong cả trận đấu và đội của tôi thua với một vài bàn. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên và những người còn lại quay về phòng thay đồ để thay quần áo, cười đùa cùng nhau, tôi lại nổi cơn thịnh nộ, đá những chiếc cone nấm tập luyện và đóng sầm những cánh cửa. Điều này cũng giống như cuộc cạnh tranh của tôi bên ngoài sân cỏ, tôi thường chơi game trên máy tính với các cầu thủ Anh khi đi làm nhiệm vụ quốc tế. Một lần, tôi thua một trận game FIFA và sau đó ném tay cầm điều khiển ngang phòng vì quá bức xúc với bản thân. Một tối khác, tôi chồm về phía trước và tắt máy khi đang chơi game vì biết mình sẽ thua. Mọi người nhìn chằm chằm vào tôi như thể tôi là một người tâm thần. “Thôi nào, Wazza, đừng như vậy mà.” Điều đó còn làm tôi khó chịu hơn, cho nên tôi đuổi mọi người ra khỏi phòng và hờn dỗi một mình. Tôi không chỉ mất bình tĩnh với đồng đội. Tôi cãi cọ với những người ở xa như Thái Lan và Nhật Bản khi chơi với họ trong một game bóng đá trực tuyến. Họ hạ tôi; tôi tranh luận với họ qua tai nghe liên kết người chơi trực tuyến. Tôi là một người đàn ông trưởng thành. Có lẽ tôi nên thả lỏng nhiều hơn một chút, nhưng tôi thấy khó có thể hạ nhiệt khi mọi thứ không như ý và ngoài ra, mọi người đều như thế trong gia đình tôi. Chúng ta chết vì cạnh tranh. Chơi cờ, đánh quần vợt trên đường phố, bất kể trò nào từng chơi khi tôi còn là một cậu trai, chúng tôi đều cạnh tranh để giành chiến thắng. Và không ai trong chúng tôi thích thua cuộc. Đôi khi tôi nghĩ đó là một điều tốt - tôi không cho rằng mình giống như một cầu thủ bóng đá, nếu tôi hạnh phúc khi giành được vị trí thứ hai. Tôi cần khát khao này để thúc đẩy khi thi đấu, giống như Eric Cantona và Roy Keane đã từng, khi họ còn ở United. Họ đã có niềm đam mê trọn vẹn. Tôi cũng vậy, nó mang lại cho tôi một lợi thế, nó thúc đẩy tôi cố gắng nhiều hơn. Hai người đó không chịu chấp nhận thất bại. Chính xác là họ đã không có thêm nhiều bạn trên sân, nhưng họ đã có được rất nhiều danh hiệu. Tôi giống như thế. Tôi e rằng nhiều cầu thủ sẽ nói họ rất thích cạnh tranh với tôi trong quá khứ và tôi muốn nghĩ mình sẽ là một nỗi phiền muộn với những người tôi đối đầu. Tôi có lẽ cũng là một nỗi phiền muộn với những đồng đội, bởi khi United thua hoặc trông giống như sắp thua sau hiệp một, tôi điên lên trong phòng thay đồ. Tôi hét lên và kêu la. Tôi sút một quả bóng trong phòng. Tôi ném đôi giày của mình xuống. Tôi mất kiểm soát với đồng đội. Tôi hét vào mặt mọi người và họ cũng hét vào mặt tôi. Tôi không hét lên, kêu la và sút bóng khắp phòng vì không thích ai đó. Tôi làm điều ấy vì tôi tôn trọng họ và tôi muốn họ chơi tốt hơn. Tôi không chịu được việc chúng tôi bị đánh bại. Tôi thét vào mặt các cầu thủ, họ cũng thét vào mặt tôi. Tôi chẳng nghĩ quá nhiều khi làm ầm lên và không mong mọi người sẽ phiền lòng khi tôi phàn nàn họ. Đó là một phần của cuộc chơi. Vâng, đôi khi nó giống như một sự nguyền rủa, tức giận và ủ rũ khi tôi thua cuộc, nhưng đó là một động lực. Thứ khiến tôi trở thành cầu thủ như chính tôi. Nỗi căm ghét thất bại trong tôi, dù là đứng thứ hai, đã bắt đầu từ Croxteth. Gia đình kiêu hãnh. Crocky là một nơi kiêu hãnh và không ai muốn bản thân hoặc gia đình họ bị xem thường trên đường phố nơi tôi sống. Gia đình tôi không khá giả, nhưng đủ sống qua ngày và các anh em tôi không được phép xem nhẹ bất cứ điều gì khi chúng tôi đang trưởng thành. Chúng tôi biết rằng nếu muốn thứ gì đó là phải cố mà đạt được và như tôi đã nói, những sự tưởng thưởng không đến dễ dàng. Tôi chắt lọc điều đó từ mẹ, bố, bà và ông. Tôi học được rằng nếu làm việc chăm chỉ, tôi sẽ kiếm được những phần thưởng. Nếu tôi cố gắng ở trường, tôi sẽ nhận được chiếc áo mới nhất của Everton - đội bóng mà cả gia đình tôi ủng hộ - hoặc một chiếc áo đấu mới nếu tôi cần. Đó là nơi manh nha ý chí để làm việc. Thứ kỷ luật này, khao khát chiến thắng này và sự thôi thúc bản thân cũng diễn ra khi tôi rời trường học. Tôi đến Trung tâm Thể thao Crocky với chú Richie, một người to béo với chiếc mũi tẹt của một võ sĩ quyền anh. Cú đấm của chú ấy cực nặng. Tôi không bao giờ đánh nhau đúng nghĩa, nhưng tôi tập đấm bốc ba lần một tuần và việc luyện tập mang lại cho tôi sức mạnh với một khả năng cạnh tranh bền bỉ hơn. Trên tất cả, nó mang lại niềm tin cho tôi. Tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều tin tưởng vào gia đình, nhưng tôi không cho là nó chỉ có ở những người nhà Rooney. Tôi nghĩ đó là chất của Liverpool. Mọi người thực sự hướng ngoại ở Crocky; mọi người nói ra suy nghĩ của họ, đó là điều tôi thích. Khi còn nhỏ, tôi học cách tự tin bên trong phòng tập đấm bốc. Nếu tôi bước vào sàn đấu với một gã trai lớn gấp đôi mình, tôi không bao giờ nghĩ, Hãy nhìn thân hình của hắn! Mình sẽ bị dập tơi tả. Nghĩ như vậy có nghĩa là tôi đã thất bại từ trong tâm. Thay vào đó, tôi nghĩ về mọi cuộc chiến. Mình sẽ giành chiến thắng, ngay cả khi chống lại những gã đô hơn. Một anh bạn ở phòng tập thể hình tên là John Donnelly1, anh ta lớn tuổi hơn và nặng hơn tôi, nhưng mỗi lần chúng tôi đấu với nhau, chú Richie lại dặn tôi kiềm chế. Chú ấy sợ John không thể xử nổi tôi. 1.John Donnelly: hiện là một võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp ở một hạng siêu ruồi. Tôi đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về việc trở thành một võ sĩ chuyên nghiệp, nhưng cuối cùng, tôi đã theo đuổi bóng đá. Khát khao chiến thắng và sự tự tin trên sân cỏ chắc chắn có cùng cội nguồn, ngay cả khi tôi chơi cho De La Salle, đội bóng của trường. Nếu có một cầu thủ cướp bóng từ tôi bằng một cú tắc, tôi sẽ luyện sức bền trong phòng tập thể hình vào tuần sau. Tôi tự hứa với bản thân rằng điều đó sẽ không xảy ra nữa. Không ai có thể đánh bại tôi trong một pha tranh bóng. Nếu tôi trông giống như mất đi khao khát, bố liền thôi thúc tôi. Khi tôi thi đấu vào một buổi chiều Chủ nhật, ông luôn đến xem. Ông khích lệ khi tôi gặp khó khăn. Đôi lúc, ông còn bị thương nhiều hơn tôi. Ông bảo tôi phải làm việc chăm chỉ hơn, cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi chơi một trận và trời lạnh cóng, tay đau nhói và chân tôi như một khối băng. Tôi chạy ra khỏi đường biên. “Đây rồi, bố, con sẽ phải rời sân. Trời quá lạnh. Con không thể cảm nhận được đôi chân của mình.” Mặt ông biến sắc và trông ông như sắp bùng lên cơn giận dữ. “Gì cơ? Con lạnh sao?” Ông không thể tin nổi. “Hãy ra khỏi đó và chạy nhiều hơn. Tiếp tục chiến đấu!” Tôi chạy quanh nhiều hơn một chút để làm ấm người. Mới 9 tuổi nhưng tôi biết cần phải làm theo lời khuyên của bố, tôi sẽ phải cứng rắn hơn nữa nếu muốn trở thành một cầu thủ bóng đá đúng nghĩa. * * * Tất cả những người hùng trong tôi đều là các chiến binh. Trên ti vi, tôi thích xem các võ sĩ quyền anh, đặc biệt là Mike Tyson, bởi tốc độ và sự hung hãn của bản thân khiến anh ta rất hưng phấn. Anh ta luôn khao khát hạ đo ván đối thủ. Khi tôi theo dõi Everton cùng bố, cầu thủ yêu thích của tôi là Duncan Ferguson, vì ông ấy là một võ sĩ giống như Iron Mike, cứng rắn, và tôi thích cách ông không bao giờ bỏ cuộc, đặc biệt nếu mọi thứ không theo ý muốn. Ông ấy luôn xông xáo. Ông cũng ghi những bàn thắng cừ khôi. Tôi có thể xem ông chơi bóng cả ngày. Tôi yêu Everton, tôi phát điên vì họ. Tôi viết thư cho câu lạc bộ và đề nghị được trở thành mascot cho một trận đấu khi tôi 10 tuổi. Vài tuần sau, một lá thư gửi đến thông báo tôi đã được chọn, tôi mừng chết đi được vì chuẩn bị đi cùng đội đến trận derby Merseyside tại Anfield. Tôi bước ra sân với đội trưởng của chúng tôi, Dave Watson, cạnh John Barnes của Liverpool và tôi không thể tin sự ồn ào của đám đông. Sau đó, tôi tiến vào vòng cấm để tung các cú sút hướng đến thủ môn của chúng tôi, Neville Southall. Tôi chỉ định chuyền bóng lại cho ông ấy một cách nhẹ nhàng, nhưng tôi cảm thấy nhàm chán nên bấm một quả bóng qua đầu ông và đi vào lưới. Tôi có thể nhận thấy ông ấy không vui, cho nên khi ông lăn bóng trở lại với tôi, tôi lại bấm bóng với ông ấy. Tôi chỉ muốn ghi bàn. Vài năm sau, tôi trở thành một cậu bé nhặt bóng ở Goodison Park. Neville lại đứng trong khung gỗ và khi tôi chạy đến để thực hiện một cú sút bóng ra ngoài sân, ông ấy bắt đầu hét vào mặt tôi. “Nhanh lên, thằng nhóc nhặt bóng!” Ông ấy hét lớn. Điều đó làm tôi sợ hãi. Sau đấy, tôi kể chuyện đó cho đám bạn ở trường. g Chiều hôm đó tại Anfield, Gary Speed ghi bàn cho chúng tôi, bàn thắng khiến tôi sướng chết đi được vì ông ấy là một trong những cầu thủ yêu thích của tôi. Tôi có thể thấy ông làm việc chăm chỉ ra sao và ông là một hình mẫu chuyên nghiệp. Có người kể với tôi rằng ông ấy cũng lớn lên như một người hâm mộ Everton, cho nên sau đó ít lâu, khi mẹ mua cho tôi một chú thỏ cưng, tôi quyết định đặt tên nó là “Speedo”. Hai ngày sau, Speedo thật đã gia nhập Newcastle và tôi ủ rũ trong nhiều hôm. Việc tập dượt và rèn luyện được đền đáp. Tôi được các tuyển trạch viên của câu lạc bộ phát hiện khi lên 9 tuổi và gia nhập Everton, điều này giống như một giấc mơ trở thành hiện thực. Sau đó tại câu lạc bộ, tôi thi đấu ở các đội lớn tuổi hơn chứ không phải ở lứa của mình, vì tôi trội hơn về mặt kỹ thuật và thể chất mạnh mẽ hơn so với những cậu bé đồng trang lứa. Thật là điên rồ. Tôi không nói với những đứa trẻ bằng tuổi khi đi tập, vì tôi không bao giờ chơi với chúng, tôi thực sự không biết chúng. Khi 14 tuổi, tôi làm việc với đội U19 Everton. Tôi, một đứa trẻ, thi đấu (gần như) với những gã đã trưởng thành và cạnh tranh, ghi bàn, chiến thắng các cú tắc. Cảm giác thật tuyệt. Mọi việc còn tiến triển hơn. 15 tuổi, tôi chơi trong đội dự bị của Everton. Ở tuổi 16, tôi góp mặt trong đội Một. Tôi biết mình có thể chơi ở đẳng cấp này vì bản thân đang nỗ lực hết mình và một vị trí ở bên cánh là phần thưởng cho tôi, giống như điều bố mẹ đã dạy. Một số huấn luyện viên hoài nghi liệu tôi có đủ sức để đấu với những cầu thủ chuyên nghiệp hay không, nhưng tôi biết mình có lợi thế vì việc tập quyền anh cùng chú Richie đã mang lại cho tôi cơ bắp. Khi chúng tôi đấu với đội dự bị của Manchester United trên sân nhà, một trong những huấn luyện viên của đội chỉ cách để chúng tôi trở nên mạnh mẽ trước Gary Neville, một trong những ngôi sao nơi đội Một của họ. Bên ngoài Old Trafford, mọi người đều ghét Gary Ne, vì anh ấy là người của United. Anh ấy luôn thể hiện điều đó trên sân. Không lâu sau khi vào trận, hai chúng tôi nhảy lên không chiến. Tôi vô tình tấn công anh ta bằng khuỷu tay và khi tôi quay lại xem có ảnh hưởng gì đến đối phương không, anh ta thậm chí không dừng lại. Lần tới, khi chúng tôi tranh bóng, anh ta trả đũa, một cú va vào tôi rất mạnh. Đó là một bài học khác khi thi đấu. Tôi không thay đổi trong 10 năm. Tôi mang tinh thần như Crocky trên sân trong suốt sự nghiệp của mình. Xắn tay áo, nghiến răng và tiến hành mọi thứ giúp tôi ghi được rất nhiều bàn thắng tại Manchester United. Giống như khi tôi thi đấu với Arsenal vào tháng 1 năm 2010. Chúng tôi đã vượt lên dẫn trước nhờ một pha phản lưới nhà từ thủ môn Manuel Almunia của họ. Arsenal là một trong những đối thủ của chúng tôi tại Premier League và đánh bại họ sẽ góp phần giúp chúng tôi giành được danh hiệu. Tôi biết nếu lại ghi bàn, chúng tôi có lẽ sẽ thắng trận này. May mắn thay, tôi đã giúp đội bóng có được bàn thắng thứ hai ở phút 37, một pha lập công đến từ việc không bỏ cuộc. Tôi đang trở lại hàng thủ, làm công việc khổ ải, bị kẹt lại sâu trong nửa phần sân nhà của United, điều mà một số tiền đạo sẽ không thực hiện. Tôi giành được bóng ở rìa vòng cấm của đội, giao nó cho Nani và chạy đi, tôi quan sát vị trí của hàng thủ Arsenal khi tiến về phía họ. Tôi nhận thấy hậu vệ cánh Gael Clichy ở bên cạnh, nhưng tôi tập trung vào Nani. Cậu ta đang thả bom xuống cánh và tôi biết một đường chuyền đang đến với mình, nếu tôi có thể xâm nhập vào đúng vị trí. Cậu ấy đưa bóng vào hướng di chuyển của tôi, tôi kiểm tra sải chân của mình và tung một cú sút vào lưới Almunia lần đầu tiên, bàn thắng đặt chiến thắng rời xa Arsenal. Ba điểm bỏ túi. Khi người hâm mộ nói về các cầu thủ với khát khao chiến thắng các trận đấu, họ luôn đề cập đến những chuyên gia tắc bóng, những tiền vệ đoạt bóng, nhưng khao khát với tôi là những điều gì đó khác biệt. Đấy là bàn thắng của tôi trước Arsenal; khi chạy nước rút trong vài giây (lặp đi lặp lại) để nhận được đường chuyền có thể bị bỏ lỡ. Khao khát là khi hoạt động rộng, khi thực hiện các pha chạy vào vòng cấm và khi quay trở lại để phòng ngự. Khao khát là khi mạo hiểm với chấn thương để ghi bàn. Khao khát là khi cố gắng hết mình và không bao giờ từ bỏ. Khi những số liệu thống kê của cầu thủ được công bố cho trận đấu với Arsenal - điều mà họ làm hằng tuần ở Premier League - huấn luyện viên thể hình của United, Tony Strudwick đến phòng thay đồ ở khu huấn luyện, với tất cả các dữ kiện và số liệu. Ông đọc to tốc độ chạy của tôi trong quá trình tham gia vào bàn thắng thứ hai cho đội. Hình như là, tôi đã chạy hết 60 mét trong một khoảng thời gian vô lý. “Nếu cậu tiếp tục chạy thêm 40 mét nữa với tốc độ đó, cậu sẽ hoàn thành 100 mét trong 9,4 giây”, ông ấy nói, nhìn vào tấm bảng lật với nụ cười trên môi. Mọi người bắt đầu tán tụng. Chỉ số đó khiến tôi nhanh hơn Usain Bolt. Đôi khi tôi đã đi quá xa. Cảm giác trống rỗng như vậy diễn ra bất cứ khi nào tôi làm bàn trong cơn bí bách. Trong suốt trận đấu trên sân khách với Fulham vào tháng 3 năm 2009, dường như không có gì đúng hướng với United và tôi đã đánh mất kiểm soát, trong phần lớn thời gian. Chúng tôi đã bị Liverpool đánh bại một tuần trước và huấn luyện viên trưởng muốn chúng tôi hồi sinh tại Craven Cottage. Thay vào đó, chúng tôi nhận bàn thua sau một quả phạt đền được tạo ra bởi Scholesy, người bị đuổi khỏi sân vì cố tình dùng tay chơi bóng trong vòng cấm. Tôi vào sân trong hiệp hai thay cho Berbatov và nhận một bài học. Tôi luôn bị phạm lỗi. Trong một phút còn lại, bóng đến với tôi và ai đó thúc mạnh vào cổ chân tôi, nhưng trọng tài quyết định theo chiều hướng khác. Tôi nổi giận. Tôi nhặt quả bóng lên, định ném nó cho Jonny Evans, nhưng tôi đã lầm và quả bóng phóng mạnh qua trọng tài. Ông ấy nghĩ tôi cố tình ném vào ông. Ồ không, chết tiệt! Thẻ vàng thứ hai, sau đó là thẻ đỏ. Trận đấu kết thúc. Tôi chỉ có thể nghĩ về một thứ. Việc này sẽ khiến chúng tôi mất chức vô địch. Hai thất bại bất chợt; bị cấm trận tiếp theo. Tôi giận tím gan. Làn sương đỏ kéo đến. Khi tôi rời khỏi sân, đám đông bắt đầu chế nhạo. Mọi thứ sôi sục trong tôi, đầu tôi giật bưng bưng. Đôi khi trong những tình cảnh thế này, tôi giận đến mức không biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Rất may, không ai ngáng đường tôi. Thứ đầu tiên tôi lướt qua trên đường đi là cột cờ phạt góc. Tôi thọi vào nó. Khi vào phòng thay đồ, tôi đấm vào tường và suýt gãy tay. Paul Scholes đã ngồi đó, nhìn chằm chằm vào tôi, chỉ quan sát, như thể việc tôi tung một cú móc phải vào bức tường bê tông là lẽ tự nhiên. Anh ấy đã có thời gian để tắm và thay đồ. Anh ấy trông bảnh bao trong bộ vest trang trọng của câu lạc bộ. “Cậu cũng vậy à?” Tôi gật đầu. Bàn tay tôi đang giết chính tôi, tôi lo lắng rằng mình có thể đã làm gãy nó. “Tốt lắm, Wayne.” Không ai trong chúng tôi nói một lời. Tôi ngồi đó trong bộ đồ thi đấu của mình, bừng khói. Sau đó, một thoáng sợ hãi hiện lên trong đầu. Ôi trời, huấn luyện viên trưởng sắp giết tôi. Tôi nghe thấy tiếng hét cuối cùng từ đám đông khi tiếng còi mãn cuộc cất lên. Chúng tôi đã thua, 2-0. Tôi nghe thấy tiếng đinh giày của các cầu thủ nhấn vào con đường bê tông dẫn đến phòng thay đồ. Cửa mở, nhưng không ai nói gì khi họ ngồi xuống. Lặng thinh. Không ai nhìn tôi. Giggsy, Jonny Evans, Rio, Edwin van der Sar, tất cả đều dán mắt vào sàn nhà. Sau đó, huấn luyện viên trưởng đi vào và phát điên. “Các cậu là một tập thể kém cỏi!” Ông ấy hét lên. “Chúng ta đã không thể hiện được!” Ông ta chỉ vào tôi, tức giận, mặt đỏ bừng, nhai kẹo cao su. “Và cậu cần kiềm chế. Thả lỏng!” Huấn luyện viên trưởng nói đúng: Tôi nên thả lỏng. Nhưng cũng như tôi, ông biết rằng nghĩ về thất bại là điều thúc đẩy tôi trong bóng đá, trong mọi chuyện, vì ông cũng trưởng thành theo cách đó. Cả hai chúng tôi đều ghét về nhì. * * * Cần thừa nhận rằng, không phải lúc nào tôi cũng hài lòng. Sau trận đấu với Fulham, tôi lo mọi người sẽ đánh giá tôi là loại người nào bởi những gì họ thấy trên sân bóng. Họ nhìn thấy tôi đấm cờ phạt góc, la hét trên ti vi và hẳn phải cho là tôi cũng như vậy trong cuộc sống hằng ngày. Họ nhìn tôi ập vào tắc bóng và có thể cho rằng tôi là một gã du côn. Đôi khi, mọi người nhìn thấy tôi đẩy Kai, con trai của tôi đi quanh siêu thị cùng Coleen, họ nhìn chằm chằm vào tôi và há hốc mồm, như thể tôi nên ở trong bộ trang phục thi đấu, ống đồng và giày, tranh cãi với những gã đang xếp xe đẩy hoặc đá vào chồng giấy vệ sinh một cách sỗ sàng. Những thứ này rẻ hơn nhiều ở dưới đường! Mặc dù không phải như vậy. Khi gặp mọi người lần đầu, tôi khá im lặng và nhút nhát. Tôi không dễ cởi mở. Tôi dứt khoát không phản ứng tệ trong cuộc trò chuyện và không nói chuyện với bạn bè, gia đình giống như cách nói với các hậu vệ và đồng đội. Tôi không bảo họ “cút đi” nếu mọi thứ không theo ý mình. Tôi không tắt máy tính nếu đang xem bạn bè của mình chơi bóng. Sự mất kiểm soát chỉ diễn ra khi tôi thi đấu. Và chỉ khi tôi thất bại. Đó không phải là điều tôi tự hào, nhưng đó là điều tôi phải sống cùng. Rõ ràng là tôi có hai luồng suy nghĩ rất khác nhau: một là thúc đẩy tôi tả xung hữu đột vào trận đấu và suy nghĩ khác là tôi sống ra sao. Cả hai không bao giờ giao nhau. Chương 2 NHÀ S au bao thắng bại trong đường hầm Old Trafford, vẫn có một điều tôi khắc ghi về lần đầu đứng ở đó với tư cách một cầu thủ của United là, đường hầm dường như trải hàng ngàn dặm. Dài và tối. Trần thấp và các cầu thủ va vào nhau khi họ bước ra sân, gần như vai kề vai vì lối đi quá hẹp và chật chội. Nhìn từ phía cuối, trên đầu các cầu thủ, quan chức và những người quay phim, qua mái vòm màu đỏ trải dài ra ngoài đường biên, tôi có thể lờ mờ thấy màu xanh của cỏ, ánh đèn pha, đám đông và một số người hâm mộ United đang trèo lên tường thành, hò hét và vẫy cờ. Đó là tháng 9 năm 2004, United gặp Fenerbahçe. Tôi sắp có trận ra mắt đội Một tại Champions League, giải đấu mà tôi luôn mơ ước được chơi. Tiếng ồn điên cuồng, sự huyên náo của 67.128 con người, như một tiếng vo ve inh ỏi. Trong lần đầu chơi cho Everton để đối đầu United, sự huyên náo đó đã khiến tôi hơi nặng nề. Cảm giác ngột ngạt, giống như một trận chung kết. Nó âm ỉ trong đầu tôi. Bây giờ nó khiến tôi phấn khích, nhưng tôi hiểu tại sao một số cầu thủ có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong đấy. Đứng trong đường hầm Old Trafford giống như ở trong một chiếc hộp. Nếu một cầu thủ bóng đá chưa từng đến đây lần nào và họ được xếp hàng bên cạnh các cầu thủ United, thì đó là một khoảnh khắc đáng sợ. Sức nặng của kỳ vọng là rất lớn. Một cầu thủ phải có khả năng xử lý nó nếu họ muốn chơi tốt trước đám đông ở đây. Huấn luyện viên trưởng hiểu hết tầm quan trọng của nơi này. Bầu không khí là một vấn đề lớn đến mức ông ấy thậm chí chú trọng đến việc tìm ra những cầu thủ đối phương từng đối đầu với chúng tôi ở đây, và những người nào chưa từng. Ông ấy chỉ cho chúng tôi trước mỗi trận đấu; ông biết ai đang sợ hãi và ông muốn chúng tôi cũng biết. Thỉnh thoảng, khi chúng tôi chuẩn bị, ông liệt kê ra những cái tên khác, những chàng cầu thủ lần đầu đến đây - những người có thể không góp mặt trong cuộc chơi của họ. Ở mùa giải sau đó, tôi nhìn thấy điều ấy trong chính mình. Tại một vài đội mới lên hạng, các cầu thủ trông thật sợ hãi khi bắt đầu bước ra sân. Những người khác nhìn như thể đang bắt đầu một ngày trọng đại cho mùa giải hoặc thậm chí là sự nghiệp của họ. Tôi có thể nói rằng họ muốn tận dụng tối đa, rằng họ muốn tận hưởng vào dịp này. Họ hướng đến gia đình trên khán đài, mỉm cười và vẫy tay như thể đó là thành tựu lớn nhất từ trước đến nay của họ. Khi bước đi chậm rãi từ đường hầm của góc sân đến vạch vôi ở giữa, họ đang nghĩ về một thứ: Địa ngục đẫm máu, đây là Old Trafford. Tin tốt cho chúng tôi: sự sao nhãng có thể ngăn họ cuỗm được một điểm. Tin xấu cho đối phương: họ đang bị dẫn 1-0 về mặt tâm lý. Lúc này, tôi sắp có lần đầu bước đi từ đường hầm trong màu áo United. Hôm nay, tâm điểm là bản hợp đồng của tôi, trận đấu ra mắt của tôi. Ở câu lạc bộ gần hai tháng, nhưng tôi đã không chơi một phút nào cho đội Một, sau khi bị gãy xương bàn chân tại Euro 2004. Điều này gây khó chịu cho mọi người vì tôi đã khiến câu lạc bộ chi rất nhiều tiền. Tuy nhiên, những người hâm mộ đã lắng nghe. Tôi thấy họ trên khán đài và họ nói rằng rất vui khi thấy tôi ở đây, nhưng trong thâm tâm tôi, điều lo lắng nhất là có thể mất một thời gian để họ chấp nhận một Scouser như tôi. Tôi có thể phải làm điều gì đó thực sự đặc biệt để chinh phục họ. Tuy nhiên, đêm nay, họ sẽ đứng về phía tôi. Trước khi tôi bước ra sân, đám đông đang hát tên tôi. “Rooney!” “Rooney!” “Roooooooo-neeeeee!” Những đợt sởn gai ốc chạy dọc sống lưng khi lần đầu tôi bước vào ánh đèn pha chói chang trong chiếc áo đỏ. Tôi đang sợ cảm giác này. Nó khiến tôi bật cười mỗi khi xem lại đoạn băng của trận đấu ấy: Tôi bước ra khỏi đường hầm với một mẩu kẹo trong miệng và khi đi ngang mặt cỏ, mắt tôi dường như không chuyển động. Tôi thậm chí không chớp mắt. Tôi nhìn thẳng về phía trước, cố gắng tập trung. Máy quay bắt cảnh tôi đang ưỡn ngực, chuẩn bị sẵn sàng, nhìn chằm chằm vào bầu trời rộng lớn phía trên khán đài trước mắt. Tôi không nhìn cụ thể vào bất cứ thứ gì, chỉ là một khoảng không phía trên bức tường người khổng lồ trải dài ra vô tận, lấp đầy màu đỏ, đen, trắng, điểm vài mảng vàng và xanh lá. Tôi muốn đắm mình vào sự huyên náo. Tôi không muốn quay lại. Tôi không muốn nhìn mọi thứ đồ sộ như thế nào. Khốn kiếp, đây là Old Trafford. * * * Mọi thứ trước đây rất yên tĩnh và trầm lặng. Tôi ngồi trong phòng thay đồ trước trận đấu và xem mọi người tự chuẩn bị cho bản thân. Tôi đã thấy cách một số cái tên lớn nhất giải đấu sẵn sàng: cầu thủ chạy cánh Ryan Giggs đang duỗi khung người gầy của anh ấy; Gary Neville đang bật nhảy tại chỗ; tiền đạo người Hà Lan Ruud van Nistelrooy và Rio Ferdinand đang chuyền hai chạm cho nhau bằng một quả bóng, những đường chuyền của họ nảy lên sàn bê tông. Nó hoàn toàn khác với bầu không khí ở Everton. Tại Goodison, không khí rất ồn ào và náo nhiệt, mọi người la lên, hét lớn, đưa ra chỉ đạo. Tôi nhận ra rằng một số đội phải thắng các trận đấu nhờ tinh thần đồng đội; họ phải chiến đấu nhiều hơn vì nhau. Thổi vào phòng thay đồ một thái độ xây dựng mạnh mẽ. Nó giúp kìm hãm tinh thần của đối thủ. Trước trận đấu với Fenerbahçe, tôi nhận thấy tất cả mọi người trong màu áo United đều chuẩn bị theo cách riêng của họ - bình tĩnh, lặng lẽ. Không ai la lên hay hét lớn. Họ biết rằng nếu chúng ta chơi tốt, chúng ta sẽ thắng trận này, không khó khăn gì. Ở đây không cần phải la lên và hét lớn. Tôi cảm thấy như đã đến nơi mình thuộc về. Tôi sớm có một đường chuyền tốt. Chà, tôi thực hiện pha giao bóng nên thực sự không thể có một đường chuyền lỗi. Cú chạm một mình đầu tiên của tôi xuất hiện sau đó vài phút và tôi cũng đã làm tốt. Tôi đang chạy trên adrenaline nguyên chất. * * * Tôi muốn tạo ấn tượng với mọi người. Tôi muốn phô cho họ thấy những gì mình có thể làm. Sau đó, vào phút thứ 17, tôi ghi bàn đầu tiên cho United. Ruud chọc khe cho tôi. Tôi đang đối mặt với thủ môn và mọi thứ đều chậm lại - cảm giác lạ kỳ nhất trong bóng đá. Có vẻ như phải mất một giờ trước khi tôi đến được vòng cấm, như thể tôi đang chạy trong lớp bùn thật dày. Não của tôi nhảy số quá mức, nhưng nó vốn như vậy trong tình huống này, như thể nó là một chiếc máy tính đang tính toán tổng số tiền cần thiết để ghi một bàn thắng. Thủ môn có lao ra không? Phải chăng một hậu vệ đang áp sát tôi? Tôi có nên chạy vòng qua thủ môn? Tôi có nên sút sớm không? Liệu trông tôi có tồi nếu thử xâu kim anh ta và lại đá quả bóng ra ngoài? Một đối một như thế này có lẽ là thứ khó nhất để thực hiện trong một trận đấu, vì có quá nhiều thời gian để xử lý tất cả thông tin, quá nhiều thời gian để suy nghĩ. Quá nhiều thời gian để phức tạp hóa những thứ nên là một công việc dễ dàng. Tôi định chỉ đặt bàn chân mình lên bóng, xem điều gì xảy ra. Tôi đá quả bóng bằng tất cả sức lực của mình và nó phóng vào lưới. Old Trafford trở nên điên rồ. Ngay lúc này, tôi nghi ngờ bất kỳ ai quan tâm đến việc tôi có phải là Scouser hay không. Về mặt tinh thần, tôi thả lỏng hơn, tôi cảm thấy mình có thể chứng tỏ bản thân một chút, thử một vài thứ. Không lâu sau, Ryan Giggs chuyền bóng cho tôi. Tôi vặn sườn, che chắn và bắn quả bóng vào góc dưới. Giờ đây, đám đông đang hát vang tên tôi một lần nữa. Giờ đây, tôi đã dám mơ mộng. Sẽ ra sao khi lập hat-trick tại Old Trafford? Tôi tìm được cảm giác đó trong hiệp hai. Có một quả phạt trực tiếp ở rìa vòng cấm của Fenerbahçe và Giggsy, với tất cả khả năng tuyệt hảo và kinh nghiệm của anh, đặt bóng xuống để thực hiện cú đá phạt, nhưng tôi muốn nó. Tôi có thừa sự tự tin và tôi thích cơ hội của mình, giống như tôi đã làm khi bước lên võ đài với một gã to lớn hơn trong phòng tập đấm bốc của chú Richie. Tôi chỉ biết mình sẽ ghi bàn - thật điên rồ, tôi gần như có thể cảm nhận được điều đó sẽ xảy ra. “Giggsy, tôi đá quả này.” Anh ấy thảy quả bóng xuống và tôi tung cú sút vào góc cao bên trái, dễ như bạn nghĩ. Bàn thắng thứ ba, một hat-trick trong trận ra mắt Old Trafford của tôi. Chúng tôi thắng 6-2 và sau đó trong phòng thay đồ, mọi người dường như rơi vào một cú sốc. Tôi không nghĩ mọi người có thể tin những gì tôi vừa làm. Tôi còn không hiểu được chính mình quanh chuyện này nữa là. Rio ngồi đó lắc đầu, nhìn như thể tôi vừa đáp xuống từ ngoài không gian. Những cầu thủ lớn tuổi hơn, tôi có thể nói Gary Nev và Giggsy, cũng đang nghĩ điều tương tự, nhưng họ kìm lại. Họ có thể đã từng thấy những thứ tuyệt vời như thế này rất nhiều lần trước đó, với các cầu thủ như Eric Cantona và David Beckham, cho nên họ giữ im lặng. Có lẽ họ chưa muốn tâng bốc tôi vào lúc này. Đối với họ, cú hat-trick của tôi là một phần trong một ngày khác tại nơi làm việc, giống như với huấn luyện viên trưởng, người đã bắt tay tôi và nói rằng tôi đã có một khởi đầu tốt cho sự nghiệp tại United. Không ai bị cuốn đi. Không có một bữa tiệc lớn để tưởng thưởng sau đó, không uống rượu hoặc xuống phố. Một số cầu thủ mà tôi biết sẽ ra ngoài với các đồng đội vì đã ghi một hat-trick trong trận ra mắt. Thay vào đó, mọi người [ở đây] về nhà. Nhưng không phải tôi, tôi thậm chí còn không có một chốn nào để đến giải khuây. Coleen và tôi đang sống ở một khách sạn trong thời gian chúng tôi tìm nhà mới, vì vậy, để kỷ niệm ngày khởi đầu sự nghiệp ở Old Trafford, chúng tôi gọi phục vụ phòng và xem các điểm nhấn của trận đấu trên truyền hình, nhưng tất cả dường như rất lạ. Tôi cảm thấy tê liệt. Tôi luôn biết rằng mình sẽ trải qua một sự thay đổi lớn trong cuộc đời khi ký hợp đồng với United, nhưng tôi không mong nó lớn đến vậy. Điều kỳ lạ nhất là, tôi không cảm thấy như mình sắp giành được thứ gì đặc biệt. Tôi không cảm thấy mình là một cầu thủ đặc biệt. Tôi chưa bao giờ cảm thấy như vậy, ngay cả khi còn là một đứa trẻ chơi cho Everton. Buổi tối, khi chúng tôi ngồi dùng bữa ở dưới phòng phục vụ, tôi cảm thấy tự tin - tự tin tôi có khả năng giúp United giành chiến thắng trong các trận đấu và giành danh hiệu, nhưng tôi có thể thấy tất cả những người khác trong phòng thay đồ cũng có khả năng làm điều đó. Ở Old Trafford, tôi không có gì đặc biệt. Tôi không phải là cầu thủ nổi bật. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể giúp United trở thành một đội bóng nổi bật. Mặc dù có khởi đầu tuyệt vời, nhưng tôi không mất nhiều thời gian để khiến Roy Keane phát cáu. Trên sân cỏ, Roy là một nhà chỉ huy. Tôi có thể thấy điều đó từ việc tập luyện với anh ấy. Anh la hét rất nhiều, anh truyền cảm hứng thông qua các ví dụ, nhưng anh ấy hiếm khi đưa ra các hướng dẫn - anh chỉ thực sự đòi hỏi, luôn yêu cầu chúng tôi phối hợp tốt hơn. Anh ta cũng có thể đòi hỏi ngay cả khi bên ngoài sân cỏ. Vào đêm trước trận đấu sân khách đầu tiên của tôi với Birmingham City (hòa 0-0), tất cả ngồi dùng bữa tối trong khách sạn của đội, một nơi sang trọng với phòng ăn chỉ dành riêng cho chúng tôi, trọn vẹn với màn hình plasma. Roy đang xem bóng bầu dục, nhưng vào thời điểm anh ấy đứng dậy để đi vệ sinh, tôi vuốt nút điều khiển và chuyển kênh khác để các ệ y chàng trai có thể xem The X Factor. Sau đó, tôi nhét điều khiển vào túi quần mình. Khi Roy quay lại và nhìn thấy khuôn mặt của Simon Cowell trên màn hình, anh ta không vui. Anh ta bắt đầu hét lên. “Ai đã chuyển kênh? Điều khiển ở đâu?” Tôi không nói một lời. Không ai lên tiếng. Mọi người bắt đầu nhìn quanh phòng, cố gắng tránh ánh mắt của anh ta. “Được, nếu không có ai xem cái này, tôi sẽ tắt nó đi.” Roy đi tới chỗ màn hình và giật phích cắm ra. Các chàng trai ngồi đó trong im lặng. Không một âm thanh nào, ngoài tiếng dao kéo trên đĩa. U ám. Sau bữa tối, tất cả chúng tôi đều rời đi sớm, nhưng vào khoảng nửa đêm, tôi nhận được tiếng gõ cửa. Đó là nhân viên bảo vệ của câu lạc bộ. Anh ta nói. “Được rồi, Wayne, Roy đã nhắn với tôi. Anh ấy muốn biết cái điều khiển ở đâu.” Tôi nhận ra đó là cách Roy cho tôi hiểu rằng anh ấy biết chính xác những gì đã xảy ra. Đó là một thông điệp. Cậu gặp rắc rối rồi đấy! Tôi giao lại cái điều khiển và tự hỏi điều gì sẽ xảy ra. Nhưng ngày hôm sau anh ta không nhắc gì về chuyện đó. * * * Trong lần đầu ký hợp đồng với United, tôi nghĩ về những dịp bản thân đã chứng kiến họ giành các chiến tích và chức vô địch trên truyền hình. Nó đã diễn ra rất nhiều. Tôi thấy các cầu thủ cũ của họ được phỏng vấn trên Sky Sports News hoặc Football Focus và bất cứ khi nào tên của họ xuất hiện trên màn hình thì luôn được gọi là “Steve Bruce: Nhà vô địch Premier League”, hoặc “Người giành cú ăn ba: Teddy Sheringham”. Tôi muốn điều đó đến với tôi. Sau đấy, trong lần đầu tôi tập luyện ở Carrington, Gary Neville cho tôi một số lời khuyên. Anh ấy nói: “Có một điều ở đội bóng này là, bất kể cậu đã đạt được những gì, bất kể cậu đã giành được bao nhiêu huy chương, cậu không bao giờ được phép nghĩ rằng cậu đã làm được.” Tôi hơi lo lắng về việc gặp lại Gary Neville. Xét cho cùng, tôi đã đánh anh ta trong trận đấu với đội dự bị. Tôi lo rằng anh ta sẽ nhớ việc đó. Điều này chẳng ích gì, ngay trước khi tôi gia nhập, một tờ báo đăng câu chuyện về việc Gary ghét Scousers. Rõ ràng anh ta đã nói với một phóng viên là: “Tôi không thể chấp nhận Liverpool, tôi không thể chấp nhận những Scousers, tôi không thể chấp nhận bất cứ thứ gì liên quan đến họ.” Tôi hơi lo lắng rằng mình và anh ta sẽ không thể hòa hợp. Tôi hỏi anh ấy có thực sự nói như vậy, anh ấy có thực sự ghét Scousers. Anh nói với tôi đó là rác rưởi - anh đang đề cập đến Liverpool của những năm 80. Anh ấy đã lớn lên khi chứng kiến họ giành hết cúp này đến cúp khác. Anh ghét đội bóng của họ; anh ấy không ám chỉ những người trong thành phố, chỉ là tại câu lạc bộ. Điều này tốt với tôi. Là một Evertonian, tôi có thể hiểu quan điểm của anh ấy. Tôi thích Gary ngay lập tức, anh ấy là một chàng trai vui tính. Chúng tôi khởi động cùng nhau bằng cách giữ bóng ở một trong những ô được đánh dấu trên sân tập. Tôi lấy bóng và tung ra một đường chuyền. Từ phía sau, tôi nghe thấy anh ấy đang khích tướng mình. “Chết tiệt, chúng ta đã trả bao nhiêu cho Wazza?” Vào bữa trưa sau trận đấu tập, anh ấy không ngừng nói, nhưng theo một cách tích cực. Đôi khi anh ấy bắt chuyện - về âm nhạc, guitar, bóng đá - dường như anh ấy không có thời gian để hít thở, đặc biệt là nếu đang nói về United. Anh ấy là cầu thủ sôi nổi nhất mà tôi từng gặp. Anh ấy cũng cứng rắn, trên và ngoài sân cỏ. Anh ấy xông vào những cú tắc bóng; trong phòng thay đồ, tôi để ý rằng huấn luyện viên trưởng có thể đến gặp Gaz nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào khác trong đội, vì anh ấy có khả năng xử lý. Anh ấy không mềm mỏng như một số cầu thủ khác. Khi bước ra thi đấu, anh ấy là linh hồn của huấn luyện viên trưởng. Anh ấy cũng mang tham vọng chiến thắng đấy, khát khao đấy. Có một trận đấu mà tôi ngồi trên ghế dự bị cùng anh ấy và Gaz thậm chí còn hành động như huấn luyện viên trưởng. Anh ấy theo dõi cách trận đấu của chúng tôi diễn ra và anh nghiên cứu chiến thuật của đối phương. Rồi với 20 phút còn lại, anh ấy gọi một cầu thủ đội trẻ ra ngoài đường biên khởi động để gây cười, trong khi huấn luyện viên trưởng không hề hay biết. Thật xấc xược! Gary và những cầu thủ như Paul Scholes, Ryan Giggs mang đến nhiều kinh nghiệm cho phòng thay đồ. Trong vài tháng đầu của tôi ở câu lạc bộ, có những lúc các đội khác không thể sống cùng chúng tôi trên lý thuyết, phòng ngự để bảo vệ sự sống của họ và gần như thoát được tử thần, ngay cả ở Old Trafford. Họ gây rắc rối cho chúng tôi và chiến đấu trong mọi cú tắc; họ “đậu xe buýt” trước khung thành mỗi khi chúng tôi giành lại quyền kiểm soát. Tôi bực bội. Tôi mất kiên nhẫn và bắt đầu tung những đường bóng dài mạo hiểm, những cú sút nóng vội trong một nỗ lực tuyệt vọng để thắng trận, nhưng Gary đã trấn an tôi. “Tiếp tục cố gắng, Wazza, tiếp tục chiến đấu. Cơ hội sẽ đến.” Có mười lần thì đến chín lần anh ấy đúng. Tôi không phải là người duy nhất nghe theo lời khuyên đó. Có một chàng trai trẻ tên là Ronaldo, người đã ký hợp đồng với giá 12,2 triệu Bảng để chuyển đến từ Sporting Lisbon vào mùa giải trước đó và mọi người bắt đầu nói về việc cậu ấy sẽ trở thành tương lai của câu lạc bộ, cùng với tôi. Không thể biết cậu ta nghĩ gì: cậu ta sở hữu một túi thủ thuật, nhưng lại gầy gò. Cậu ấy niềng răng, tóc bóng mượt và cậu ấy có đốm mụn. Ronaldo trông như một cậu trai. Thật khó tin là chúng tôi cùng độ tuổi. Tự hỏi làm cách nào cậu ấy nở nang? * * * Khi tôi ổn định ở câu lạc bộ, quy mô của United khiến tôi kinh ngạc. Tôi xem tin tức ở nhà và bất kể các cảnh quay được thực hiện ở chỗ nào, Trung Đông, đâu đó tại châu Phi, bất cứ nơi nào, luôn có một đứa trẻ mặc chiếc áo đấu cũ của United. Ban đầu, điều này làm tôi hoảng sợ, nhưng sự nổi tiếng luôn là vậy. Lần đầu tiên nghe nói có người hâm mộ đi vào cửa hàng của câu lạc bộ Everton để mua áo của tôi, cảm giác thật kỳ lạ. Tôi đã từng bối rối khi mọi người muốn xin chữ ký của tôi trên đường, lần đầu là khi tôi 14 tuổi, chơi một trận đấu cho đội trẻ của Everton. Khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, một người đàn ông lại gần và xin chữ ký của tôi. Ông ấy nói: “Tôi sẽ lưu lại vì khi cậu lớn lên, nó sẽ đáng giá rất nhiều tiền.” Nhìn thấy bản thân mình trên ti vi thậm chí còn kỳ lạ hơn. Tôi đã chơi cả hai lượt trận chung kết FA Youth Cup năm 2002 với Aston Villa và sau đó nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu, mặc dù chúng tôi đã thua. Sky đã phỏng vấn tôi cho chương trình sau trận và tôi đã xem lại khi về nhà, bởi mẹ tôi đã quay lại video đó. Tôi đã ghét thứ này khi xem lại đoạn clip: nó trông không giống tôi, nó nghe không giống tôi. Thật là kỳ lạ. Tại United, tôi nhận ra ngay rằng sự chú ý đang đổ dồn nhiều hơn và các cầu thủ được đối xử như những ngôi sao nhạc rock. Thật đáng sợ vì đội bóng có người hâm mộ ở khắp nơi và mọi người nhận ra tôi ở bất cứ đâu. Trên đường phố, những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đến gặp tôi để xin chữ ký và phần lớn thời gian tôi đều cảm thấy thoải mái với điều đó, nhưng đôi lúc nó diễn ra quá nhiều. Tôi mới 18 tuổi; đôi khi rất khó để đương đầu với sự chú ý. Mỗi lần đi mua sắm, tôi sẽ nhìn thấy hình ảnh của mình trên các mặt báo vào hôm sau; buổi tối, tôi đi ăn và mọi người chỉ trỏ, nhìn chằm chằm khi tôi đang ngồi với gia đình. Việc này giống như tôi là bức tượng sáp của Madame Tussauds hơn là một con người. Một bàn tiệc ở gần đó nói: “Wayne Rooney ở đằng kia.” Sau đó, họ bắt đầu chỉ trỏ và lén chụp ảnh bằng điện thoại. Trong các cửa hàng, tôi rất vui khi được ký lên một món đồ, tạo dáng chụp ảnh và nói chuyện với mọi người, nhưng điều đó hơi thừa khi tôi đang thưởng thức trà. Dù vậy, tôi quyết định sẽ không nói về sự nổi tiếng với bạn bè hay than vãn về điều đó với các cầu thủ ở câu lạc bộ, bởi vì đấy là điều mà rất nhiều cầu thủ khác làm. Gia nhập United đồng nghĩa với việc tôi phải đối mặt với tình huống này. Đó là một phần công việc của tôi, nhưng tôi nhận ra mình đang trưởng thành rất nhanh. Tôi đang học cách sống cuộc sống của mình dưới ánh đèn sân khấu hòa nhoáng. Một buổi chiều, ngay sau trận đấu với Fenerbahçe, tôi đến gara để đổ xăng. Khi tôi đang đổ xăng, một anh chàng đỗ xe bên cạnh và hạ cửa sổ xe xuống. “Này, Wayne, cậu tự đổ xăng cho xe của mình phải không?” Như bất kỳ ai khác thực hiện việc này. Chương 3 CARRINGTON Ở tầng trên của dãy phòng thay đồ, ngay bên cạnh căng tin, văn phòng huấn luyện viên trưởng là tâm điểm của mọi thứ tại Carrington, sân tập của United. Vào buổi ăn trưa của thứ Hai hàng tuần, nếu có ai đó lang thang vào câu lạc bộ mà không xem kết quả của các trận đấu trước đó, họ chỉ cần nhìn vào ngôn ngữ cơ thể của huấn luyện viên trưởng là sẽ biết chính xác United đã thi đấu như thế nào. Ông hồ hởi đi quanh các bàn trong bữa trưa, cách ông ấy biểu đạt với mọi người, tán gẫu, cười đùa (hoặc không tán gẫu, không cười đùa), mọi thứ đều hiện rõ trên khuôn mặt ông. Nếu trước đó chúng tôi giành chiến thắng, như với Fenerbahçe, ông ấy sẽ cười với tất cả mọi người; ông ấy sẽ nói về trận đấu vừa qua và tỏ ra rất hào hứng cho trận kế tiếp. Nếu chúng tôi đã chơi thật sự tốt, ông sẽ phát ra những câu đùa không gây cười và đố những câu ngớ ngẩn trong lúc chúng tôi ăn trưa và thay đồ. Ông nói: “Này các chàng trai, hãy kể tên những cầu thủ đã từng vô địch World Cup và đang thi đấu tại Premier League?” Ông ấy để chúng tôi đoán già đoán non. Tôi không nghĩ ông ấy thực sự biết đáp án cho phần lớn câu đố được đưa ra. Hoặc nếu thực sự biết thì ông cũng chả bao giờ tiết lộ, dù sau đó chúng tôi có nài nỉ thế nào đi nữa. Khi huấn luyện viên trưởng có tâm trạng thực sự tốt, đó là lúc những câu chuyện bắt đầu. Ông ấy sẽ không ngừng kể về sự nghiệp thi đấu của mình, những bàn thắng mà ông ghi được khi còn là tiền đạo của Dunfermline và Rangers. Ông ấy kể về lần mình từng chơi bóng với cái lưng bị gãy. Có vẻ như mọi người trong đội đều đã được nghe chuyện ấy - chấn thương đó tệ ra sao, làm thế nào mà ông ấy lại bị thương. Huấn luyện viên trưởng đã kể về “cái lưng gãy” nhiều đến mức chẳng bao lâu tôi cũng có thể nắm được đầu đuôi câu chuyện. Nhưng nó cũng không thể ngăn ông nhắc lại chuyện đó, đặc biệt là khi ông cảm thấy mình cần phải làm rõ về các chấn thương. Điều buồn cười là, dù ông có nói nhiều đến mấy về quãng thời gian thi đấu của mình, tôi vẫn chưa được xem băng hình bất kỳ bàn thắng nào ông ấy từng ghi, nên tôi cũng chẳng biết ông ấy đã từng chơi hay hoặc tệ đến mức nào. Tôi không nghĩ ông ấy chơi hay như những gì mà ông nói đâu! Trong vài tháng đầu tại câu lạc bộ, tôi nhận ra bầu không khí tại Carrington là tích cực - khi chúng tôi đang giành chiến thắng - tôi có thể đi thẳng vào phòng làm việc của huấn luyện viên trưởng bất cứ lúc nào tôi muốn, chỉ để tán gẫu. Thành thực mà nói, tôi thích đi vào đó. Nơi này là một căn phòng rộng lớn, rộng hơn một số phòng thay đồ mà tôi đã từng vào. Ở đó có một ô cửa sổ lớn hướng ra các sân tập để huấn luyện viên trưởng có thể theo dõi tất cả mọi thứ đang diễn ra. “Wayne, cánh cửa này luôn mở nếu cậu cần giãi bày điều gì đó với tôi”, ông ấy nói. Khi tôi bước vào đó lần đầu tiên, ít lâu sau trận ra mắt của mình, chúng tôi có những trao đổi về trận đấu, về những đối thủ tiếp theo và cách mà tôi có thể chơi để khai thác điểm yếu của họ. Chúng tôi nói về cuộc đua vô địch và những cầu thủ xuất sắc nhất tại giải đấu: Chelsea là một đội bóng mạnh trong mắt ông ấy, Arsenal và Liverpool cũng vậy. Ông ấy nói với tôi cách bản thân thấy đội bóng đang được định hình như thế nào, cách tôi và Ronaldo sẽ chơi cùng nhau. Chúng tôi nói chuyện về đua ngựa, ông ấy kể với tôi về bộ sưu tập rượu vang của mình – có vẻ như nhà ông có một hầm rượu rất lớn. Ông ấy không hề nhắc tới chuyện nghỉ hưu, dù bản thân đã ở cái tuổi mà đa số sẽ hài lòng với việc nghỉ ngơi, nhưng có lẽ đó là thước đo bản lĩnh của người đàn ông, với tôi là như vậy. Tôi cảm thấy mình có thể cười đùa cùng ông ấy khi chúng tôi đang chơi tốt. Thậm chí, tôi còn có thể đoán biết trước đội hình ra sân của trận đấu tới, vài ngày trước khi nó được huấn luyện viên trưởng công bố. “Ai sẽ là người đá cặp với tôi trên hàng công vậy sếp? Chỉ có mình tôi đá cắm thôi sao?” Ông ấy cười. “Ồ, vậy cậu nghĩ cậu sẽ được ra sân à? Vậy còn những ai sẽ được ra sân?” Tôi nêu ra vài cái tên. “Ừ, thì cậu cũng không sai mấy đâu.” Khi mùa giải diễn ra, tôi nhận thấy chỉ có duy nhất một lý do khiến mình không thích tới văn phòng của huấn luyện viên trưởng, đó là khi tôi bị gọi lên để gặp ông ấy. Điều đó thường đồng nghĩa với việc ông không hài lòng với những thứ tôi đang làm hoặc không làm, và nó luôn diễn ra sau buổi tập của ngày hôm ấy. Có một cái điện thoại được đặt trong phòng thay đồ. Mỗi khi nó đổ chuông, cả đội đều biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: lệnh triệu tập của huấn luyện viên trưởng. Ai đó chuẩn bị lãnh đủ rồi. “Làm ơn, hãy gọi Wayne lên văn phòng của tôi?” Khi đó là tôi, những gã khác lại phát ra những âm thanh hài hước, như thể tôi sắp gặp rắc rối lớn. Một vài người trong số đó còn lấy hơi, hít thật sâu, hoặc huýt sáo chỉ để chọc tức tôi. Như cái lần vào tháng 1 năm 2005, khi chúng tôi chuẩn bị gặp Liverpool. Ông ấy gọi điện. Tôi đi vào văn phòng và ngồi lên ghế trường kỷ, ông ấy bảo tôi đang chơi không đủ tốt. Ông nói rằng tôi đang không suy nghĩ thấu đáo khi ở trên sân. “Cậu phải tập trung nhiều hơn, Wayne”, ông ấy nói. “Tôi muốn cậu làm mọi thứ thật đơn giản. Cậu đang dạt quá nhiều ra biên và tôi muốn cậu hãy ở trong vòng cấm.” Tôi tranh cãi. Tôi nghĩ đó là một cách nhìn nhận không công bằng về lối chơi của tôi, nhưng tôi ghi nhận lời khuyên ấy và tiếp tục công việc của mình. Tại Anfield, tôi ở trong vòng cấm nhiều nhất có thể, tôi không hề dạt biên. Và rồi tôi đáp lại huấn luyện viên trưởng theo cách tuyệt vời nhất có thể: Tôi ghi bàn thắng định đoạt trận đấu. Có lẽ ngay từ đầu, điều đó đã nằm trong kế hoạch của ông ấy. Có lẽ ông ấy đã muốn khiêu khích tôi. Sau một thất bại, tâm trạng của huấn luyện viên trưởng có thể khá u ám; ông ấy sẽ không nói chuyện hay cười đùa với các cầu thủ trong vòng vài tuần. Ông vẫn phát biểu trước toàn đội trong các buổi họp, nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Nếu có ai chạm mặt ông ấy ở sân tập, ông cũng chẳng thèm hé răng. Tôi đã học được khá nhanh rằng, tốt nhất nên tránh xa ông sau một kết quả không tốt. Trong vài tháng đầu tại câu lạc bộ, mỗi lần thấy ông ấy dùng bữa trong căng tin sau một thất bại, tôi sẽ lánh xa. Tôi lấy thức ăn, cúi đầu xuống và đi nhanh nhất có thể về bàn của mình. * * * Có một ký ức mà tôi không thể quên: Lần đầu tiên tôi chính thức được giới thiệu với huấn luyện viên trưởng là khi tôi ký hợp đồng với United tại Old Trafford vào mùa hè năm 2004. Tôi đã từng nói chuyện với ông ấy một hoặc hai lần khi Everton gặp United – một câu chào xã giao trong đường hầm, nhưng tất cả chỉ có vậy. Ngày mà tôi gia nhập câu lạc bộ, tôi đã gặp ông ấy tại Carrington và tôi đã rất phấn khích. g p Ông ấy chở tôi tới Old Trafford và nói về cách tôi sẽ hòa nhập với đội bóng, cũng như cách mà ông ấy muốn tôi thi đấu. Ông kể cho tôi nghe về những người đồng đội mới của mình: tiền vệ cánh Ryan Giggs, những tuyển thủ quốc gia của đội tuyển Anh – Rio Ferdinand, Paul Scholes và Gary Neville; đối tác mới trên hàng công của tôi, Ruud van Nistelrooy – một cỗ máy ghi bàn. Tôi đã nói về những lần mình chơi bóng tại Old Trafford trong màu áo của Everton, tôi đã cảm thấy choáng ngợp như thế nào trước bầu không khí ở đó. Tôi thậm chí đã từng nói với bố mình rằng: “Con muốn một ngày nào đó sẽ chơi bóng cho họ.” Đó là một cảm giác thật khó tin. Tôi đã theo dõi ông ấy trên ti vi trong nhiều năm, cùng các cầu thủ như Eric Cantona và David Beckham, nhưng tôi không bao giờ có thể tưởng tượng điều đó sẽ xảy đến với tôi. Sau đó, khi những người ở nhà bắt đầu truyền tai nhau về ngày của tôi, một anh bạn đã gửi cho tôi tin nhắn. “TRỜI ĐẤT QUỶ THẦN ƠI!!! KHÔNG THỂ TIN NỔI, CẬU ĐƯỢC CHÍNH FERGIE LÀM TÀI XẾ RIÊNG CHỞ ĐI KHẮP NƠI.” Huấn luyện viên trưởng có vẻ như là một người rất tốt, nhưng ngay ngày hôm sau tôi đã được trải nghiệm tầm ảnh hưởng mang tính huyền thoại của ông ấy. Đó là một buổi chiều đẹp trời, tôi lái xe tới Crocky để gặp gia đình. Trên đường, tôi nhìn thấy mẹ và bố ở bãi đỗ xe của quán pub địa phương. Tôi dừng xe lại chào hỏi. Chúng tôi quyết định vào trong quán để kiếm đồ uống, tôi gọi một cốc soda không đường. Tôi chỉ ở đó khoảng 10 hay 15 phút trước khi trở về nhà, nhưng hôm sau, huấn luyện viên trưởng đã gọi tôi lên phòng làm việc của ông ấy. Lần đầu tiên tôi bị triệu tập. Ông hỏi: “Wayne, cậu đã làm gì tại quán pub ở Croxteth vào hôm qua?” Tôi không thể tin nổi chuyện này. Tôi đã không ở đó quá lâu, nhưng đủ để ai đó có thể gọi điện và chỉ điểm. Cho tới bây giờ tôi g gọ ệ y g vẫn không biết ai đã làm việc đó. Dẫu vậy, tôi rời cuộc họp ngày hôm đó và học được một điều: Huấn luyện viên trưởng có tai mắt ở khắp nơi. Chỉ trong vòng vài tuần, tôi đã biết thêm rất nhiều điều. Ông ấy sở hữu vốn kiến thức tuyệt vời về bóng đá. Khi chúng tôi gặp một đội bóng, ông ấy biết tất cả mọi thứ về đối thủ, ý tôi là tất cả. Nếu một cầu thủ có điểm yếu ở chân phải, ông ấy sẽ biết điều đó. Nếu một hậu vệ biên không giỏi tranh chấp bóng bổng, ông ấy sẽ xác định anh ta là một mục tiêu tiềm năng có thể bị khai thác trong các đợt tấn công. Ông ấy cũng biết về các điểm mạnh của từng cầu thủ ở trong đội hình đối phương. Trước mỗi trận đấu, chúng tôi đều được nhận thông tin về việc ai đảm nhiệm công việc gì và ở khu vực nào. Ông ấy cũng cảnh báo về những cầu thủ mà chúng tôi phải đề cao cảnh giác. Con mắt luôn để ý tới những tiểu tiết của ông ấy tuyệt hơn bất cứ ai mà tôi đã từng làm việc cùng, nhưng đó là một trong những lý do tại sao tôi đầu quân cho ông. Điều kiện đó và cả sự thật là ông ấy đã giành mọi danh hiệu trong bóng đá: Premier League. Cúp FA. Carling cúp. Siêu cúp Anh. Champions League. Siêu cúp các câu lạc bộ đoạt cúp bóng đá quốc gia châu Âu. Siêu cúp châu Âu. Giải vô địch thế giới cấp câu lạc bộ. Cúp bóng đá liên lục địa. Bạn không thể tranh cãi với chủ nhân của một tủ danh hiệu như thế. * * * Tôi ra sân lần đầu tiên cho United trước Boro’ vào tháng 10 và chúng tôi đã nhập cuộc khá tệ. Đến giờ tôi đã học được rằng huấn luyện viên trưởng chỉ kỳ vọng một điều duy nhất mỗi khi chúng tôi ra sân là: chiến thắng. Sau nửa giờ đồng hồ, chúng tôi bị dẫn trước một bàn và không thể giành được thế trận. Tôi đang thi đấu không tốt và ông ấy đang quát tôi từ khu vực chỉ đạo. Tôi giả vờ như không nghe thấy. Tôi không ngoảnh lại, tôi không muốn bắt gặp ánh nhìn của ông ấy. Tôi biết ông đang hét to, nhưng tôi không tài nào hiểu được ông ấy đang nói gì vì đám đông quá ồn. Tôi chắc chắn không muốn lại gần để nghe rõ những gì ông ấy nói, vì tôi biết nó sẽ rất đáng sợ. Ông ấy trông vô cùng khủng khiếp ở ngoài đường biên. Chúng tôi cuối cùng cũng hòa 1-1 trước Boro’ nhưng huấn luyện viên trưởng thì không hề bằng lòng. Đó là trận đấu mà đáng lẽ chúng tôi phải giành chiến thắng. Trong vài tháng đầu ở United, tôi đã nhanh chóng học được là chúng tôi phải tấn công cho tới khi trận đấu kết thúc, bất kể tỷ số có là thế nào đi chăng nữa. Đó là triết lý bóng đá của huấn luyện viên trưởng. Ông ấy nói với chúng tôi rằng ông muốn các cầu thủ phải giữ bóng ở trước mặt mình khi chúng tôi phòng ngự và di chuyển tốc độ khi chúng tôi tấn công. Ông ấy muốn chúng tôi dẫn dụ đối phương, khiến họ rơi vào trạng thái an toàn giả. Ông nói với chúng tôi: “Đấy là lúc họ bắt đầu chuyền bóng cho nhau, gia tăng sự tự tin. Nhưng đó chỉ là một cái bẫy.” Đấy là lúc chúng tôi phải giành lại bóng và trừng phạt họ với những đường chuyền nhanh qua khu vực giữa sân. “Đối phương sẽ không có cửa để kháng cự”, ông ấy nói. Bóng cần phải được hướng ra biên và rồi đưa vào trong vòng cấm cho tôi và Ruud. Vai trò của tôi là di chuyển ra phía sau hàng phòng ngự. Khi bóng đến chân tôi ở những vị trí sâu hơn trên sân, tôi có nhiệm vụ giữ lấy nó và kết nối với các cầu thủ khác, như Ronaldo. Khi bóng được đưa ra biên, tôi phải lập tức xâm nhập vòng cấm và nhận những quả tạt. Nếu chúng tôi chơi tốt, Carrington là một nơi hạnh phúc. Sau Fenerbahçe, huấn luyện viên trưởng cho phép chúng tôi tận hưởng buổi tập của mình. Chúng tôi xem băng hình về tất cả những gì đội đã làm tốt trong trận đấu và ông ấy bảo chúng tôi hãy tiếp tục chơi theo cách đó. Ông muốn chúng tôi duy trì đà chiến thắng. Nếu chúng tôi có thể làm được điều đó, căng tin sẽ là một nơi hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người. Chương 4 TRẢ THÙ A rsenal, ngày 24 tháng 10 năm 2004. Trận cầu ân oán. Gọi như vậy vì Arsenal và Manchester United là kỳ phùng địch thủ trong cả thập kỷ qua. Hai đội bóng tạo ra những trận cầu nảy lửa trong quá khứ với những màn xô xát. 20 con người lao vào nhau bất chấp những tấm thẻ đỏ. Trận đấu tệ nhất diễn ra ở mùa giải trước đó, khi cầu thủ đôi bên đều bị kích động. Khi ấy tôi còn khoác áo Everton và xem trận cầu qua truyền hình. Ruud và vài gã cầu thủ Arsenal gây hấn với nhau – kiểu xô xát mà khán giả nào cũng muốn xem. Mọi chuyện bắt đầu khi Diego Forlan đem về một quả phạt đền. Các cầu thủ Arsenal phàn nàn rằng Diego đã ăn vạ, và khi Ruud sút hỏng, một vài gã vây lấy, hét vào mặt, chế giễu anh ấy. Họ tức giận vì trước đó Ruud khiến đội trưởng của Arsenal, Patrick Vieira, bị đuổi khỏi sân, nhưng phản ứng của họ quả là tồi tệ, nhất là Martin Keown; gã đó hét thẳng vào Ruud, nhảy loi choi như một kẻ tâm thần vậy. Mắt gã ta mở to ra, chẳng khác nào một cái xác sống trong phim kinh dị. Giờ tới lượt tôi đối diện với sức ép của một trong những trận chiến lớn nhất Premier League. Trước trận đấu, rất nhiều người nói về bầu không khí của cuộc đọ sức này. Báo chí không ngừng nhắc về trận đấu mùa trước và tôi không thể nào xem được một cái gì khác trên vô tuyến ngoài xích mích giữa Ruud và Keown. Rõ ràng điều đó khiến Ruud khó chịu vì anh ấy không lên tiếng trong vài ngày liền. Mọi sự chú ý đều hướng vào anh ấy. Anh ấy lờ đi tất cả và không nói chuyện với bất cứ ai trong phòng thay đồ tại Carrington. Trong khoảng thời gian tiếp xúc ngắn, tôi biết Ruud luôn tập trung cao độ, nhưng tuần này thì có gì đó thâm nhập vào luồng suy nghĩ của anh. Ruud không còn là chính mình. Không ai hỏi anh ấy về trận đấu hay tinh thần, nhưng ai cũng đinh ninh rằng anh muốn chứng tỏ điều gì đó. Có người cho rằng quả phạt đền hỏng ở trận gặp Arsenal hẳn là gánh nặng đối với anh ấy trong một khoảng thời gian dài. Cả hai đội đều sẵn sàng cho cuộc đụng độ. Các cầu thủ Arsenal thậm chí còn ôm lấy nhau trước trận đấu, như thể họ chuẩn bị bước vào một cuộc chiến. Một khi tiếng còi khai cuộc cất lên, bầu không khí tại Old Trafford sẽ trở nên vô cùng nặng nề và giàu cảm xúc, vì đội nào cũng muốn hủy diệt đối phương. Hôm đó tôi tròn 19 tuổi, nhưng chẳng có món quà sinh nhật nào trên sân. Trận đấu diễn ra cân bằng. Chúng tôi được đá sân nhà và tái khởi đầu mùa giải sau những trận hòa đáng thất vọng trước Birmingham và Middlesbrough; Arsenal thì bất bại trong 49 trận liên tiếp trước đó và họ là một đội bóng tuyệt vời – Dennis Bergkamp, Ashley Cole, Thierry Henry và Patrick Vieira đều ở đỉnh cao phong độ, nhưng điểm yếu là họ biết rõ điều đó. Suốt một tuần, họ không ngừng hô hào rằng kéo dài mạch bất bại lên con số 50 ngay tại Old Trafford sẽ tuyệt vời như thế nào. Một sai lầm lớn. Họ thắp lên ngọn lửa quyết tâm cho chúng tôi. 50 trận bất bại? Đừng mơ! Đây là sân nhà của chúng tôi. Bất cứ một cầu thủ giỏi nào của United cũng sẽ có suy nghĩ ấy. Không ai được phép nghĩ chúng tôi là kẻ dễ bị đánh bại. Ngay từ phút đầu tiên, những cú phi thân tắc bóng được tung ra tới tấp. Giành lấy bóng là mục tiêu tối thượng. Sau hiệp đầu chặt chẽ, hai đội bước vào giờ nghỉ với tỷ số không bàn thắng. Bước vào hiệp hai, Ruud có cơ hội chuộc lại lỗi lầm ở quả phạt đền mùa trước, khi tôi đột phá vào vòng cấm ở phút 73. Sol Campbell xoạc chân và chạm trúng bóng, nhưng quán tính của anh ấy khiến tôi ngã nhào xuống. Tôi nghĩ tiếng còi sẽ vang lên và biết chắc chắn trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền, vì khán giả đang ăn mừng cuồng nhiệt, còn Ashley Cole và Sol Campbell thì phẫn nộ, hét lên rằng tôi đã ăn vạ, tôi không hề bị đốn ngã. Hài hước là họ đều đúng và sai. Tôi không bị phạm lỗi, nhưng cũng không ăn vạ. Hai sự thật ấy giao nhau và trọng tài phải đưa ra quyết định. May mắn là chúng tôi được hưởng phạt đền. Tất cả đều nhìn vào Ruud, người đã cầm sẵn bóng trên tay. Tôi biết mình sẽ không có cơ hội thực hiện nó, vì anh ấy khao khát cú đá 11m này và tất cả đều mong mỏi anh ấy ghi bàn, như thể đây là thời khắc trả thù. Cảm tưởng như cả Old Trafford đều đang ước quả bóng găm vào lưới, nhưng theo quan sát của tôi, Ruud dường như không chuẩn bị tốt. Tôi từng chứng kiến anh ấy tập đá phạt đền trong các buổi tập hằng ngày và anh ấy luôn đá về một hướng. Những cú sút của anh ấy đều rất căng và thủ môn thường không có cơ hội cản phá. Lần này, khi bước lên chấm phạt đền, anh chọn hướng khác và đá quả bóng hiền hơn rất nhiều. Ngay lập tức tôi biết rằng, nếu thủ môn của Arsenal, Jens Lehmann, đoán đúng hướng thì sẽ cản phá thành công, vì bóng đi không đủ nhanh. Tôi tưởng anh ấy đã đá hỏng. Cơn ác mộng của Ruud sẽ càng tồi tệ hơn. Thời gian dường như đóng băng. Nhưng rồi Lehmann đoán sai hướng. Anh ta bay về phía ngược lại, còn cú sút của Ruud đưa bóng vào lưới. Anh ấy hoàn toàn nhẹ nhõm và chạy tới chỗ các cổ động viên. Anh không nhìn về phía đồng đội, băng ghế dự bị hay huấn luyện viên trưởng, nhưng tôi có thể thấy niềm vui và sự giải tỏa trên gương mặt anh. Đó có lẽ là cảm xúc chân thực nhất mà tôi từng thấy trên gương mặt một cầu thủ sau khi ghi bàn – như thể anh ấy vừa trút bỏ gánh nặng của cả thế giới khỏi đôi vai. Tôi chạy theo ăn mừng khi anh ấy tiến tới cột cờ góc sân, quỳ xuống và quay đầu lại. Anh ấy hét lên và nắm chặt tay. Tôi lập tức liên tưởng tới hình ảnh của Stuart Pearce khi ông ấy ghi bàn cho đội tuyển Anh trong loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết với Tây Ban Nha tại Euro 96. Ông ấy phát điên. Ký ức về quả 11m hỏng ăn ở trận bán kết World Cup 90 với Tây Đức bị xóa nhòa chỉ bằng một cú đá. Giờ thì Ruud cũng vậy. Một cảm xúc chân thực. Tôi cũng muốn lao vào ăn mừng, nhưng nhìn cái cách anh ấy ngước lên bầu trời, hét vang cả Old Trafford, tôi hiểu rõ anh ấy cần khoảnh khắc này cho riêng mình. Arsenal tỏ ra hoảng loạn, và chúng tôi dẫn trước 1 bàn. Tôi hiểu rõ họ sẽ không có được trận bất bại thứ 50. Suy nghĩ ấy thúc đẩy đội bóng chiến đấu suốt 15 phút cuối cùng, gia cố bức tường phòng ngự cũng như tìm cơ hội phản công ghi bàn thắng thứ hai. Phút 90, tôi đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài của Arsenal. Tiền vệ của chúng tôi, Alan Smith, chàng trai người Yorkshire với mái tóc vàng, có bóng ở gần đường biên dọc. Tôi chạy chỗ vào vòng cấm để đón đường chuyền của anh ấy. Khi tôi vung chân, một hậu vệ Arsenal cố đá vào gót của tôi. Đó là Lauren, anh ta muốn đốn ngã tôi, nhưng không được. Tôi khao khát có bàn thắng đầu mùa của bản thân cho United tới mức cố gắng để giữ vững sự thăng bằng. Một cú đệm bóng và bàn thắng được ghi. Đơn giản là vậy. 2-0! Bàn đầu tiên tại Premier League của tôi cho United. “Chúc mừng sinh nhật, Wayne Rooney!” * * * Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên sau đó không lâu, tôi bước vào phòng thay đồ và cởi trang phục thi đấu ra. Chỉ có ít người ở đó, phần lớn vẫn còn đi trong đường hầm. Đồng phục đã cởi ra, tất kéo xuống mắt cá, tôi đang nghĩ tới việc đi tắm thì đột nhiên nghe thấy tiếng hét rất lớn. Tôi nhìn ra ngoài cửa thì thấy các đồng đội đang xô xát với phe Arsenal. Tất cả đẩy nhau, xô nhau, gây hấn với nhau. Cả đường hầm loạn lên, không thể phân biệt được ai với ai nữa. Như một vụ xô xát thỉnh thoảng vẫn diễn ra trên sân bóng. Mấy chuyện lặt vặt. Arsenal chắc chắn là không chịu đựng được. Họ không thích chuỗi trận bất bại kết thúc, đặc biệt là tại Old Trafford, và với tất cả lịch sử thù địch của hai đội. Tôi nghĩ việc Ruud ghi bàn hôm nay càng làm họ điên tiết hơn. Sau ít lâu thì mọi người cũng bình tĩnh. Các đồng đội của tôi trở về phòng thay đồ để tận hưởng chiến thắng. Nhưng huấn luyện viên trưởng bước vào. Ông ấy dường như bị sốc. Kỳ lạ là ông ấy mặc một chiếc áo khác so với cái đã mặc trong trận đấu. Một người đồng đội nói rằng: “Ai đó đã ném pizza vào huấn luyện viên trưởng.” Tôi nhìn ông ấy. Chúng tôi chiến thắng, nhưng ông ấy không đi quanh và bắt tay các cầu thủ như mọi khi. Huấn luyện viên trưởng cứ như người mất hồn vậy, hình ảnh mà tôi từng nghĩ rằng mình không bao giờ được thấy. Rồi tất cả cũng trở lại với chủ đề trận đấu vừa qua. Chúng tôi ngăn Arsenal kéo dài mạch bất bại lên 50 trận. Chúng tôi thắng 2-0, Ruud ghi bàn. Chúng tôi nhìn vào bảng xếp hạng. BẢNG XẾP HẠNG PREMIER LEAGUE, NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2004 Chúng tôi có một kết quả ấn tượng trước đội nhất bảng, thu hẹp khoảng cách với nhóm đầu và kết quả này có thể là bệ phóng cho một mùa giải thành công. Nhưng bầu không khí trong phòng thay đồ có chút lạ lùng. * * * Sau trận thắng Arsenal, chúng tôi lập tức vấp ngã với thất bại 0- 2 trước Portsmouth tại Fratton Park. Tiếp đến là chuỗi 5 tháng bất bại ở giải Ngoại hạng, trong đó có trận thắng Arsenal ở lượt về. Crystal Palace, Manchester City, Liverpool và Aston Villa đều nằm trong danh sách nạn nhân. Phải tới tận tháng 4, chúng tôi mới để thua thêm lần nữa với tỷ số 0-2 trước Norwich. Sau đó là trận đấu mà tôi đã chờ đợi cả mùa giải: Gặp Everton tại Goodison Park. Đến lúc đối diện với thứ âm thanh kinh khủng. Đó là lần đầu tiên tôi thi đấu tại Goodison Park kể từ khi cập bến Old Trafford, và tôi hiểu cổ động viên Everton chưa thể cho qua chuyện tôi khoác áo United. Nói trắng ra là họ ghét điều đó. Khi thương vụ diễn ra hồi mùa hè, những lời dọa giết được gửi đến tận nhà tôi. Tôi thậm chí còn phải thuê vệ sĩ riêng cho bố mẹ. Tôi biết điều gì sẽ xảy ra khi xe buýt của United rẽ vào con đường dẫn tới sân vận động vì tôi đã nhiều lần lái xe qua cung đường này khi còn là cầu thủ Everton. Tôi đã đi bộ qua đó không biết bao nhiêu lần, mỗi khi làm cổ động viên đi xem bóng đá cùng bố, hay làm cậu bé nhặt bóng tới sân thực hiện nhiệm vụ. Tôi nghĩ có hàng trăm người đứng chờ ở đó để “nắn gân” khi chúng tôi xuống xe. Chiếc xe của chúng tôi đổi hướng. Tôi có thể thấy kỵ binh và những chiếc xe tải bán burger. Goodison hiện ra trước mắt, cùng với đám đông đang chờ đợi chúng tôi. Chờ đợi tôi! Khủng khiếp! Có đến hàng nghìn người ở đây. Đám đông đã chờ sẵn hai bên cổng. Cả một biển người la ó khi chiếc xe buýt tiến vào bãi đỗ xe. Tất cả mọi người trên xe đều hiểu rõ đám đông muốn gây sự với tôi, nên họ bắt đầu trêu chọc tôi. Ai đó đùa rằng bạn tôi đang đứng đợi ở ngoài để nói câu xin chào, nhưng rồi một viên gạch đập vào hông xe. Rồi một viên gạch nữa. Tôi nghe tiếng cửa kính nứt vỡ. Ai đó ném một cái chai. Tôi đã đoán rằng mình sẽ bị phản đối vào chiều nay, nhưng không ai báo trước cho tôi về điều này. Cửa xe mở ra, tôi bước xuống và nhìn thấy toàn bộ cổ động viên Everton. Lần đầu tiên họ thấy tôi khoác complet của United và bắt đầu la ó, chế nhạo đến chói tai. Sự giận dữ bao trùm. Thật đáng buồn với bầu không khí ấy. Everton là đội bóng mà tôi cổ vũ thời niên thiếu và dù đang khoác áo United, tôi vẫn muốn Everton thi đấu tốt. OK, không phải hôm nay, nhưng đó là đội bóng cũ của tôi, là điểm đến mơ ước của tôi khi còn là một đứa trẻ. Những cổ động viên này có lẽ trước đây đã từng đứng chung một khán đài với tôi, giờ lại quay sang mạt sát tôi. Họ là người hâm mộ của đội bóng mà tôi hằng yêu mến. Rồi tôi bước vào sân và mọi thứ đều trở nên lạ lẫm. Vẫn là sân bóng ấy, vẫn là những gương mặt thân quen, vẫn là màu sắc thân thuộc, nhưng bầu không khí quả là khác biệt. Tôi đang ở nơi mình khôn lớn, trong sân bóng làm nên tên tuổi của bản thân, nhưng cảm thấy mình như là một người ngoài hành tinh vậy. Ngồi trong phòng thay đồ của đội khách càng khiến tôi cảm thấy xa lạ với Goodison Park. Nhưng tôi không thể để mình gục ngã. Tôi phải tỉnh táo. Tập trung. Các cổ động viên Everton ngoài kia chưa thể khiến tôi sợ hãi được, họ thậm chí còn khiến tôi khao khát chiến thắng hơn. Tôi muốn ghi bàn. Tôi muốn chứng tỏ những gì mình có thể làm được. Tôi muốn khiến họ ngậm miệng. Tôi biết nhiều cầu thủ sẽ hạnh phúc với một kết quả hòa khi đối đầu đội bóng cũ, nhưng tôi không giống họ. Hôm nay, tôi thèm khát chiến thắng. Khi bước vào đường hầm vài phút trước trận đấu, tôi nhận ra cổ động viên đội chủ nhà đã đặt rất nhiều tâm huyết vào trận đấu này. Tôi nghe những bản nhạc từ Z-Cars, bài hát truyền thống của câu lạc bộ, khi các cầu thủ tiến vào sân. Khi tôi bước ra khỏi đường hầm, tiến về phía ánh nắng và nhìn thấy khán đài Gwladys Street End, tiếng la ó đến đinh tai. Tất cả đều nhắm vào tôi, khiến tôi lập tức dựng tóc gáy. Giờ thì tôi thực sự đau lòng. Mọi ý nghĩ về việc làm cổ động viên Everton biến mất từ khoảnh khắc ấy. Hôm nay tôi phải ghi bàn. Tiếng còi khai cuộc vang lên, đúng như dự đoán, pha chạm bóng đầu tiên của tôi được đón chào với hàng ngàn tiếng la ó. Lần tiếp theo cũng vậy. Thêm lần nữa. Thêm lần nữa. Tôi giữ bình tĩnh và đội bóng đứng vững trong 45 phút đầu tiên, nhưng hiệp hai trở thành thảm họa cho tất cả chúng tôi. Everton hừng hực khí thế với cảm giác về một trận chung kết, chiến đấu trên khắp mặt sân. Duncan Ferguson, người hùng của tôi thuở thơ ấu, ghi bàn ở phút 55. Gary Nev sút bóng thẳng vào khán giả và nhận thẻ đỏ trực tiếp, rồi tới phút bù giờ và Scholesy bị đuổi khỏi sân với thẻ vàng thứ hai. Khi tôi bước ra khỏi sân cùng thất bại sau tiếng còi mãn cuộc, tiếng cười và âm thanh ăn mừng của cổ động viên Everton lớn hơn cả những tiếng la ó. Không có gì tệ hơn cảm giác ấy. * * * Có một số bàn thắng quan trọng hơn những bàn thắng khác. Ghi bàn trong trận thắng 4-1 cũng tuyệt, nhưng không đặc biệt. Ghi bàn danh dự trong thất bại 1-3 không có ý nghĩa gì. Hat trick luôn luôn phi thường. Thực hiện một siêu phẩm còn đem lại cảm giác tuyệt vời hơn thế, có lẽ vì mọi thứ chỉ diễn ra trong tích tắc, nên nó luôn gây bất ngờ. Vào tháng 4, tôi tạo nên một siêu phẩm như thế trước Newcastle trên sân nhà. Cú vô-lê từ gần 23 mét đưa bóng vượt qua Shay Given và găm thẳng vào lưới của Newcastle. Hài hước là khi tình huống diễn ra, tôi vẫn còn mải tranh cãi với trọng tài. Chúng tôi vừa giành được quả đá phạt và Alan Shearer đá bóng ra xa. Tôi cố gây áp lực để khiến anh ta nhận thẻ vàng. Tôi càng bực mình hơn vì đội nhà đang thua 0-1 sau bàn thắng của Darren Ambrose và bản thân thì bị đau chân. Huấn luyện viên trưởng muốn rút tôi ra ngoài. Khi trận đấu tiếp diễn, bóng được đưa lên phía trên. Tôi chạy theo, vẫn gào thét vào tai trọng tài, nhưng bất chợt dừng lại ngoài vòng cấm. Bóng bật ra từ cú đánh đầu của hậu vệ Newcastle và đến ngay trước mặt tôi với độ cao hoàn hảo. Tôi dồn nén mọi sự giận dữ vào cú sút này, vung chân mạnh nhất có thể và bóng phóng vào góc cao khung thành tựa hỏa tiễn. Old Trafford dường như phát điên. Chân? Chân nào ấy nhỉ? Chương 5 MẢNH GHÉP C ông việc mỗi ngày thường bắt đầu bằng việc lái xe tới Carrington, đi qua nhóm cổ động viên săn chữ ký đang chờ sẵn ở cổng với áo đấu, áp phích và băng hình mấy trận đấu cũ. Tôi lái xe vào bãi đỗ giữa một rừng BMW và Mercedes. Chiếc Audi của huấn luyện viên trưởng đã ở đây từ lâu. Ông ấy bắt đầu làm việc sớm hơn vài giờ so với mọi người và có thể ông ấy cũng là người cuối cùng ra về vào buổi tối. Dù tôi đến hay đi, chiếc xe của huấn luyện viên trưởng vẫn luôn ở đúng một chỗ. Tôi đi qua quầy lễ tân, nơi có một mô hình xịn sò của sân Old Trafford ở giữa sảnh và đi xuống một hành lang được chiếu sáng rực rỡ. Trên đường đi, tôi lướt qua những bức ảnh trên tường: Những đứa trẻ của Busby, Giggsy và Ronaldo ăn mừng bàn thắng, huấn luyện viên trưởng tỏ ra đáng sợ trong một bộ complet thời trang. Cuối hành lang là cánh cửa đi vào phòng thay đồ. Tôi có thể nghe thấy tiếng một vài người đã ở đó và đang cười đùa. Gary Neville, Darren Fletcher, Rio, West Brown. “Ổn chứ, Wazza?” Tôi chào lại và chuẩn bị trang phục thi đấu. Cả đội United gặp nhau ở đây trước mỗi buổi tập. Bạn có thể nhận biết dễ dàng vì nơi đây chẳng khác nào phòng ngủ của con nít. Rác la liệt trên mặt đất – hộp nước Ribena, tạp chí xe đạp, vỏ bọc của một đôi bọc ống đồng mới – bên cạnh những đôi giày, dép lê, khăn tắm. Trên tường có màn hình ti vi. Nó nhắc nhở các cầu thủ thời điểm cần xử lý móng chân hoặc đi mát-xa; thực đơn bữa trưa luôn ở đó. Ai đó đặt con khỉ đồ chơi trên giá treo tường. Có một kệ đỡ Ipod để chúng tôi có thể bật nhạc. Tủ của tôi nằm ở góc phòng. Trên cửa, ai đó đã táo tợn dán hình tạp chí cũ của tôi và Coleen mấy năm về trước. Đôi khi ngồi ở đây, thay đồ, tôi vẫn không tin được vào vận may của bản thân. Tôi là một cầu thủ chuyên nghiệp. Thật tuyệt khi được chơi bóng mỗi ngày và kiếm tiền từ đó. Đôi lần tôi nghe ai đó nói là ghét tập luyện, nhưng tôi thì thích điều đó. Làm sao mà không thích được chứ? Quy định rất đơn giản: Đến nơi đúng 9 giờ 30, ai đến muộn sẽ bị phạt. Vào việc rồi thì làm những gì mà huấn luyện viên trưởng nói. Chỉ có thế thôi. Chúng tôi bắt đầu quy trình hằng ngày bằng việc thay quần áo và cười đùa, rồi bắt đầu bài tập khởi động đầu tiên: hai mươi phút chạy xe đạp nhẹ nhàng. Rồi chúng tôi lấy giày và đi ra ngoài. Chúng tôi đá bóng ma trong một khu vực được đánh dấu trên sân, tám người chuyền bóng cho nhau trong khi hai người ở giữa cố gắng giành lấy bóng. Bài tập này giúp chúng tôi lấy cảm giác bóng. Sau đó, chúng tôi thực hiện những bài tập bứt tốc ngắn, nước rút giữa những bộ nón tập để làm nóng phổi và chân. Rồi tới phần tôi thích nhất: đá tập. Mỗi ngày, chúng tôi sẽ đá tập với những mục đích khác nhau. Đôi khi chúng tôi tập kiểm soát bóng, có ngày lại xây dựng chiến thuật. Hôm nay, chúng tôi tìm cách đánh bại đối thủ tiếp theo: Charlton Athletic. Khi trận đấu diễn ra, huấn luyện viên trưởng đứng ở đường biên xem chúng tôi thi đấu. Ông ấy yêu cầu tăng nhịp độ chơi bóng nếu cần. Huấn luyện viên muốn chúng tôi bơm bóng vào vòng cấm nhanh hơn. Ông ấy thay đổi vị trí của chúng tôi. Trong các trận đá tập thế này, ai cũng muốn chiến thắng, kể cả trong những trận 8 đấu 8. Những cú tắc bóng xuất hiện tới tấp. Wes Brown vào bóng với tôi hơi muộn, chân anh ấy hoàn toàn không chạm bóng mà đạp thẳng vào mắt cá chân của tôi. Tôi ngã trong vòng cấm, nhưng cả trọng tài lẫn huấn luyện viên thể lực đều làm ngơ. Đội của tôi bắt đầu phàn nàn. Tôi thì nổi đóa lên. Ít phút sau, vẫn vị trí ấy, Wes lại đốn ngã tôi. Chân giơ cao. Miếng bọc ống đồng của anh ấy lộ ra và đó là một pha phạm lỗi thô thiển, nhưng không có quả phạt đền nào. Sau đó, anh ấy chạy sang đầu sân bên kia và ghi bàn. Huấn luyện viên trưởng đứng nhìn từ đường biên. Đột ngột, ông ấy cho dừng trận đấu. “Các cậu, bình tĩnh nào! Va chạm vừa phải thôi. Tôi không muốn thấy ai bị chấn thương đâu.” Lần tiếp theo chạy vào vòng cấm, tôi nhận thấy có va chạm nhẹ và quyết định ngã xuống (chúng tôi đều làm thế trong lúc tập luyện). Đó phải là một quả phạt đền! Nhưng không có ai thổi phạt. Giờ tôi thực sự phát điên. Tôi bắt đầu mắng nhiếc trọng tài vì tôi muốn thắng trận này không khác gì khao khát đánh bại City, Chelsea hay Aston Villa ở giải Premier League. Buổi tập nào cũng có tranh cãi, nhưng đó là chuyện thường tình. Không khí chiến đấu, sự căng thẳng ấy là ý đồ của huấn luyện viên trưởng – ông ấy muốn chúng tôi tập luyện với tinh thần như trong một trận đấu thật sự. Trọng tài thổi còi. Trận đấu kết thúc. Tôi bực dọc vì đội mình thua cuộc, nhưng tôi vẫn tiếp tục tập dứt điểm, sút bóng cháy lưới trong mười phút liền. Đó là một phần của quy trình: Tôi cần sẵn sàng đón nhận mọi cơ hội có thể đến với mình vào cuối tuần này. Tôi sút vô-lê. Tôi sút từ ngoài vòng cấm. Tôi sút sau khi đón bóng bằng ngực. Tôi sút phạt đền, đá phạt trực tiếp. Rồi một trong các huấn luyện viên bảo tôi đứng quay lưng với khung thành. Ông ấy tạt bóng vào vòng cấm với một điểm rơi ngẫu nhiên rồi gọi tên tôi. Tôi quay người, phản ứng và sút bóng càng nhanh càng tốt. Bài tập ấy khiến tôi làm quen với những tình huống bóng bật ra ở vòng cấm. Tôi muốn sẵn sàng cho mọi pha bóng. Tôi không phải là người duy nhất suy nghĩ như vậy. Nhìn quanh sân tập, tôi thấy nhiều đồng đội đang tập những bài khác nhau. Rio tập đánh đầu, thủ môn Tim Howard đối phó với những quả tạt, Giggsy luyện đá phạt trực tiếp. Dù là cầu thủ United, chúng tôi vẫn luôn tìm cách cải thiện bản thân, theo cách này hay cách khác. * * * Mọi người luôn bàn luận về nghệ thuật ghi bàn và thắc mắc rằng nó đến từ bản năng hay tập luyện. Thật lòng, tôi nghĩ bàn thắng là sự kết hợp của cả hai. Một số kỹ năng có thể rèn luyện, nhưng bạn không thể dạy cho bản năng – thứ mà bạn có, hoặc là không. Tôi nghĩ mình có bản năng. Tôi luôn sở hữu nó. Hồi còn bé, tôi luôn “đánh hơi” được những đường bóng đi vào vòng cấm địa. Tôi luôn sẵn sàng. Tôi có thể tận dụng mọi cơ hội. Tôi luôn cố gắng đoán xem quả bóng sẽ bay về đâu trong giây tiếp theo để chuẩn bị sẵn sàng. Tôi tìm kiếm, dự đoán, đánh cược với từng đường bóng hay lỗi phòng ngự, đó là bản năng. Dự đoán xem mình phải chạy tới đâu (rồi ghi bàn mỗi khi đối mặt với thủ môn) là kỹ năng thiên phú mà một số cầu thủ có, một số lại không. Bản năng ấy có thể là sự khác biệt giữa một tiền đạo ghi 5 bàn mỗi mùa và tiền đạo ghi 25 bàn mỗi mùa, ở bất kỳ cấp độ nào. Mỗi khi thi đấu cho United, tôi phải phản ứng một cách khác biệt đối với những gì diễn ra xung quanh. Nếu thấy một trong những cầu thủ chạy cánh – Ronaldo hoặc Giggsy – sút bóng từ một bên của vòng cấm, bản năng mách bảo tôi chạy ra phía sau. Bóng có thể đi chệch ra xa và đó là cơ hội đệm bóng. Nếu Scholesy hay Alan Smith sút bóng, tôi sẽ chạy theo đường bóng để chờ đá bồi. Bóng có thể bật về phía tôi, có thể không. Cho dù tỷ lệ thành công chỉ là 1/20, thì cũng đủ để tôi ghi thêm hai, ba bàn mỗi mùa giải. Bạn không chỉ phán đoán đường bay của cú sút hay đường chuyền, mà còn phải “đọc” được dáng người. Trước khi bóng được chuyền từ cánh hay trung lộ, tôi sẽ nhìn tư thế của đồng đội khi anh ấy ra chân. Từ động tác ấy, tôi có thể đoán được anh ấy muốn chuyền tới đâu và chạy vào khoảng trống đó. Nếu may mắn, nếu đoán đúng thì tôi đang tiến gần tới bàn thắng. Đó là lúc tôi phải sẵn sàng cho khoảnh khắc tiếp theo: làm chủ, cử động, dứt điểm. Đó là khi lợi ích của việc tập luyện được thể hiện. Bằng cách không ngừng tập luyện các kỹ thuật, tôi phát triển trí nhớ cơ bắp. Nhờ đó mà tôi có thể phản ứng theo bản năng khi nhận một đường chuyền. Khi nhận bóng bằng ngực ở vị trí đá phạt đền, tôi không cần suy nghĩ cũng biết cách đưa quả bóng xuống, vào thế và sút, vì tôi đã rèn luyện đầu óc của mình. Tôi không phải là người duy nhất. Tất cả những cây săn bàn xuất sắc đều làm như vậy. Tôi tập tất cả: sút xa, vô-lê, vô-lê nửa nảy, đá phạt trực tiếp. Những động tác trong vòng cấm của tôi phát triển thần tốc với kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm, đồng thời tôi được các đồng đội giúp đỡ rất nhiều bằng những cú tạt chuẩn xác, như Giggsy hay Ronaldo – nhưng chỉ khi anh ấy đá quả bóng đi nhanh nhất có thể. Đừng hiểu lầm nhé, Ronnie đang trở thành một cầu thủ xuất sắc, nhưng khi chúng tôi chơi cùng nhau, tôi chẳng bao giờ hiểu được anh ấy sẽ làm gì tiếp theo. Anh ấy nhận bóng ở biên. Tôi bắt đầu chạy chỗ. Anh ấy bó vào trong. Tôi để ý thấy, chạy chỗ kiểu khác. Anh ấy giật bóng ngược lại. Tôi lại nhận thấy thay đổi, trở lại vị trí không việt vị. Anh ấy sút bóng và tôi đứng đó, điên thật. Đôi khi anh ấy hơi quá đáng như vậy. * * * Chúng tôi kết thúc buổi tập ngay sau giờ trưa. Cuối mỗi buổi tập, chúng tôi giãn cơ, thả lỏng. Vài người nhảy vào bồn nước đá, một số khác xuống hồ bơi. Bên cạnh đó là phòng gym. Nó giống như một trung tâm tập luyện thể thao kiểu cũ: có thảm, tạ, xe đạp, một tấm lưới màu xanh lá cây chia đôi phòng tập. Ryan Giggs đôi khi tới đây luyện yoga sau buổi tập. Tôi thử một, hai lần gì đó nhưng không hợp, nó quá buồn tẻ. Trong suốt 45 phút, người hướng dẫn chỉ cho tôi giãn người và giữ nguyên tư thế. Khi tôi hỏi Giggs sao lại tập môn này, đặc biệt là khi nó nhàm chán đến vậy, anh ấy bảo đó là cách tăng cường sức mạnh của cơ bắp. “Tôi nghĩ là mình có thể kéo dài sự nghiệp bằng cách tăng cường sự dẻo dai”, anh ấy nói. Có lẽ mấy năm tới tôi sẽ tập môn này nhiều hơn. Hiện tại, tôi cảm thấy mình không cần đến nó. Đôi khi tôi sẽ tập luyện trong phòng gym, nhưng chỉ khi tôi chấn thương và không thể chơi trận đá tập hoặc không thể chạy bộ. Nếu có một tuần rảnh rỗi – tức là có một trận vào thứ Bảy và trận tiếp theo cũng vào thứ Bảy, không có vòng đấu nào xen giữa tuần – cả đội sẽ cùng nhau tập tạ. Một vài cầu thủ tập theo kế hoạch lên sẵn, số khác tập theo cách riêng. Tôi chỉ thỉnh thoảng đến đó. Không có bóng thì tôi không hứng thú chút nào. Tôi chỉ muốn chơi bóng thôi. * * * Tinh thần đồng đội không giống với tình bạn. Các cầu thủ không cần phải là bạn thân mới có thể trở thành đồng đội tốt. Tôi nói chuyện với một vài đồng đội sau giờ tập, như Rio. Tôi chơi golf với họ một chút, nhưng chúng tôi không làm gì nhiều hơn thế. Họ là đồng đội của tôi, trong ngày tôi đã nhìn mặt họ quá đủ rồi. Điều này cũng giống như những nghề nghiệp khác thôi. Tôi có đồng nghiệp ở chỗ làm giống như những người khác, điều đó không có nghĩa tôi phải thân thiết với họ vào mọi lúc. Nói thế không có nghĩa là mọi chuyện không có gì thú vị. Tôi rất thích đi làm. Phòng thay đồ hoàn toàn có thể trở thành một kho giải trí. Sẽ luôn có ai đó gây rối và khiến mọi người cười phá lên, và tôi cũng hay đi phá đám một vài đồng đội, thường là với sự trợ giúp của Darren Fletcher. Fletch luôn a dua với mấy trò đùa này. Hôm nay tới lượt Quinton Fortune, tiền vệ người Nam Phi của chúng tôi bị chơi khăm. Chúng tôi dán chiếc giày mới tinh của anh ấy lên sàn của phòng thay đồ bằng kẹo siêu dính. Rio đã bày trò này cho chúng tôi hồi sáng. Anh ấy luôn đầu têu, giúp chúng tôi chơi xỏ hết người này tới người khác. Mấy trò đó thường xuyên có hiệu quả. Sau khi trêu đùa với Quinton, Rio bảo tôi rằng Wes Brown đang bực bội. “Các cậu nên đề phòng, vì cậu ta muốn trả đũa mấy trò chơi khăm của các cậu đấy”, anh ấy nhắn nhủ. Tôi tin sái cổ. “Fletch, chúng ta nên hạ Wes, trước khi anh ấy ra tay với bọn mình”, tôi gợi ý. Tôi để ý thấy hôm nay Wes cũng đến Carrington với một đôi giày hàng hiệu. Khi anh ấy tắm, Fletch và tôi dùng con dao vừa mượn được từ căng-tin để cắt nó ra, cẩn thận ghép lại và để giày vào trong tủ sao cho anh ấy không để ý đến thiệt hại trong lúc làm khô cơ thể. Anh ấy mặc quần áo và không hiểu sao cả đội đang cười lăn cười bò. Khi anh ấy cầm đôi giày lên, gót giày bung ra và cả phòng thay đồ cười phá lên. Rio cười ngặt nghẽo vì anh ấy là người khởi đầu toàn bộ sự việc. Không phải ai cũng vui vẻ với trò đùa này. Wes than thở về đôi giày rách; Quinton cố gắng kéo giày của mình ra khỏi mặt đất. Một số huấn luyện viên thể lực bắt đầu phàn nàn rằng chúng tôi không đủ chuyên nghiệp trong phòng thay đồ. Một trong những nhân viên hậu cần phàn nàn rằng chúng tôi luôn dán mắt vào điện thoại và đòi cấm thứ này. “Nhưng tôi luôn thấy ông cầm điện thoại khi ngồi trong văn phòng đấy thôi”, tôi đáp lại. “Thế có khác gì đâu?” Ông ấy đi khắp phòng, gom mấy bộ đồ tập bẩn thỉu. Ông ấy tiếp tục than phiền về đống lộn xộn, nhưng lần này thì chỉ dám lầm rầm. * * * Gary Neville, Giggsy, Scholesy, tất cả các cầu thủ United đều có quy trình giống tôi khi đi tập. Lúc ấy là 9 giờ 30. Khởi động. Tập luyện. Giãn cơ. Sau bữa trưa, công việc trong ngày hoàn tất, nhưng không phải với tất cả. Khoảng 12 rưỡi, tôi sẽ đi từ hành lang, qua phòng giặt ủi, qua phòng tiếp tân và mô hình sặc sỡ của sân Old Trafford. Tôi lái xe đi qua cổng của bãi đỗ xe, nơi còn có nhiều người săn chữ ký hơn đang chờ đợi. Trong kính chiếu hậu, tôi vẫn thấy chiếc Audi của huấn luyện viên trưởng. Chương 6 ÁP LỰC BẢNG XẾP HẠNG CHUNG CUỘC PREMIER LEAGUE, NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2005 C húng tôi không đủ xuất sắc để giành lấy danh hiệu; chúng tôi không thể ổn định đội hình để vượt mặt Arsenal và Chelsea của Jose Mourinho, đội bóng lên ngôi vô địch. Chúng tôi kém họ 18 điểm. Tôi cực kỳ thất vọng. Tôi biết câu lạc bộ mang tôi và Ronnie về cho kế hoạch dài hơi và huấn luyện viên trưởng luôn nói rằng đây là mùa giải chuyển giao, nhưng điều đó khó có thể an ủi tôi. Tôi tới đây để giành những danh hiệu. Về hạng ba chắc chắn là không đủ để thỏa mãn tham vọng của tôi. Dẫu vậy, Chelsea thi đấu với hình ảnh của một nhà vô địch trong cả mùa giải; họ có tổ chức và luôn ổn định. Họ sở hữu Didier Drogba mạnh mẽ và giàu năng lượng ở phía trên. Arjen Robben ở cánh, Damien Duff ở phía đối diện. Frank Lampard chỉ huy lối chơi từ trung lộ. Họ cũng phòng ngự chắc chắn với bộ đôi John Terry và Ricardo Carvalho. JT là một hậu vệ xuất sắc, một thủ lĩnh thực thụ. Gã Bồ Đào Nha cũng là một tay cứng cựa. Anh ta nhanh, đọc tình huống tốt; anh ta cứng rắn và tắc bóng dứt khoát. Chelsea xứng đáng với chức vô địch. Cơ hội duy nhất để chúng tôi thoát cảnh trắng tay mùa này là trận chung kết FA Cup gặp Arsenal, đội bóng đã đánh bại Exeter City, Boro’, Everton, Southampton và Newcastle ở các vòng đấu trước. Tôi hào hứng với cơ hội thi đấu trận chung kết FA Cup. Hồi còn nhỏ, tôi rất thích xem trận cầu này, dành cả ngày dài ngồi trước ti vi, phấn khích ngay từ khi hai đội rời xe buýt để đi vào sân. Tôi xem các cầu thủ trả lời phỏng vấn và bước vào sân cùng bộ complet trước khi trận đấu diễn ra. Nó giống như một ngày hội vậy. Khi tôi còn chơi bóng cùng đám bạn trong công viên, chúng tôi đều nói về việc ghi bàn tại Wembley, áp lực trong Ngày Trọng Đại và cảm giác như thế nào khi sút 11m để giúp Everton vô địch FA Cup. Giờ điều đó đang thực sự diễn ra. Ngay từ phút đầu tiên, chúng tôi áp đảo Arsenal. Rio có một bàn thắng không được công nhận vì lỗi việt vị; Lehmann liên tục cứu thua. Tôi, Roy Keane và Ronaldo đều có cơ hội ghi bàn, nhưng không ai thành công. Tôi sút trúng cột dọc, Ruud có cả tá cơ hội nhưng đều dứt điểm hỏng ăn. Bằng cách nào đó, Arsenal đưa trận đấu vào hiệp phụ. Họ may mắn khi tới giờ này vẫn chưa thua và họ hiểu rõ điều đó, nhưng tôi nghĩ may mắn mang lại cho họ thêm một chút động lực. Một ít niềm tin vào bản thân. Đôi khi tôi biết rằng trận đấu sẽ diễn ra không như ý mình và hôm nay dường như là một trong những ngày như thế. Cứ cố gắng đi Wayne. Hy vọng may mắn sẽ đảo chiều. Điều đó không bao giờ xảy ra. g g y Arsenal cầm cự đến hết hiệp phụ. Trận đấu tiến vào loạt sút luân lưu, dù chúng tôi đã áp đảo họ suốt 120 phút. Họ không thể tin nổi. Họ vẫn còn cơ hội vô địch. Tôi cũng không tin nổi. Tôi hiểu trận đấu này đáng ra phải kết thúc sớm hơn, đặc biệt là với cách chúng tôi đã chơi. Huấn luyện viên trưởng điền tên tôi vào danh sách sút luân lưu. “Cậu đá quả thứ tư, Wayne”, ông ấy chỉ đạo. Không vấn đề gì. Tôi biết rằng đá 11m chỉ là cuộc chiến tâm lý. Tôi đối đầu với thủ môn. Một chọi một. Đa phần tôi là người thắng. Tôi tập đá penalty hằng ngày trong các buổi tập. Trong phòng thay đồ trước trận đấu, tôi đã hình dung mình nên sút về hướng nào nếu đội nhà được hưởng phạt đền. Trước khi trọng tài thổi còi bắt đầu trận đấu, tôi đã định hình mình sẽ sút quả 11m ấy như thế nào. Nếu cơ hội đến tay, tôi đơn giản là sẽ bước lên và đưa bóng đến đúng góc sút đã định sẵn. Tôi không bao giờ thay đổi ý định, vì chỉ một khoảnh khắc thiếu quyết đoán hay do dự cũng có thể làm hỏng chuyện. Sút luân lưu là một khoảnh khắc cô độc. Khi đặt bóng xuống, tôi bỏ qua tất cả - cổ động viên, đối thủ, thủ môn đang vẫy tay. Tôi nghĩ: Mình cách khung thành 11m, nếu đây là tình huống bóng sống thì có lẽ mọi chuyện còn dễ hơn. Điều đó gia tăng sự tự tin trong tôi. Tôi luôn tưởng tượng cảnh mình ghi bàn. Tôi nhìn xuống dưới. Tôi chỉ có thể nghe những tiếng ồn ào – người hâm mộ đối phương huýt sáo và nhạo báng, cổ động viên của chúng tôi ước rằng bóng vào lưới – nhưng đó chỉ là những tiếng vo ve. Đám đông này không có chỗ trong tâm trí tôi. Tôi không hề quan tâm tới họ. Tất cả những gì cần làm là chạm bóng thật chuẩn xác. Tôi nhìn bóng. Tôi nhìn thẳng vào thủ môn. Tôi nhìn trọng tài. Tiếng còi vang lên, tôi chạy đà, cúi đầu xuống và tung ra cú sút tốt nhất có thể. Vào! Một vài cầu thủ thở phào vì sút 11m thành công. Họ cho rằng áp lực được đặt lên bản thân, chứ không phải thủ môn. Tôi thì khác. Tôi coi đây là một cơ hội nữa để ghi bàn và tận hưởng nó không khác gì cú đá đại bác từ ngoài vòng cấm tung nóc lưới Newcastle. Sút luân lưu cũng có đôi chút khác biệt. Sau đó là loạt sút cái chết bất ngờ. Sự căng thẳng sẽ được đẩy lên. Một sai lầm có thể khiến United bị loại, hoặc quyết định vận mệnh chung kết FA Cup như trận đấu này. Những bước đi từ vòng tròn giữa sân tới chấm 11m là quãng đường dài nhất bạn cảm nhận được trong bóng đá. Tôi hiểu điều đó có thể ảnh hưởng tới một vài cầu thủ. Không phải tôi. Tôi biết rõ khi nào đến lượt mình. Tôi sẽ đặt bóng xuống và sút như mọi khi, coi đây cũng giống những quả penalty khác. Không phải ai cũng giống ai. Ruud đá vào quả đầu tiên. Lauren gỡ hòa. Paul Scholes hỏng ăn ở cú đá thứ hai. Chúng tôi đều thấy buồn bực với những gì vừa xảy ra, nhưng tại United, chúng tôi chỉ coi những quả 11m bị bỏ lỡ là tai nạn nghề nghiệp. Pha bóng này cũng vậy. Arsenal lại ghi bàn, Freddie Ljungberg. Ronaldo sút thành công. Van Persie đưa bóng vào lưới cho Arsenal. Tôi biết nếu mình bỏ lỡ quả Thứ Tư này, cửa vô địch của đối thủ sẽ rộng mở trông thấy. Dù vậy, tôi không để tâm đến nó. Thay vào đó, tôi tập trung vào việc dứt điểm tốt nhất có thể. Khi bước vào vòng cấm, sự lo lắng dần lắng xuống. Nhìn trái bóng. Nhìn trọng tài. Nhìn thủ môn. Có tiếng còi, cúi đầu xuống… Vào! Nhưng nó không quan trọng. Sau đó, chúng tôi thua loạt luân lưu với tỷ số 4-5. Cú đá hỏng của Scholes là đủ để Arsenal giành cúp. Tôi nhận danh hiệu Cầu thủ hay nhất trận, nhưng tôi muốn đổi nó lấy huân chương của nhà vô địch vì thành tích cá nhân không có nghĩa lý gì với tôi. Tôi không tập luyện cả năm trời chỉ để về nhì hay về thứ ba tại giải vô địch quốc gia. Hồi còn bé, khi chơi bóng trong công viên cùng đám bạn, chắc chắn tôi không mơ về chuyện nhận huân chương của đội thua cuộc. Danh hiệu là mục tiêu tối thượng trong bóng đá, luôn là như vậy. * * * Một tuần sau đó, tôi gọi điện cho một người bạn ở Crocky, người từng chơi bóng với tôi trong công viên thời thơ ấu. “Còn nhớ chuyện chúng ta bàn nhau về cảm giác ghi bàn từ chấm 11m trong trận chung kết FA Cup không?”, tôi nhắc. “Đó là một cảm giác tuyệt vời. Nhưng khi ta thua loạt luân lưu, cảm giác sau đó thật tồi tệ.” Chương 7 THAY ĐỔI T rận khai màn mùa giải 2005-06 diễn ra tại quê nhà: Everton, Goodison Park. Một lần nữa họ la ó và phỉ báng tôi bằng mọi lời lẽ có thể. Nhưng tôi chẳng quan tâm. Tôi có nhiều thói quen trước trận để giữ đầu óc tỉnh táo, nhiều cầu thủ khác cũng vậy. Và trước trận đấu này, tôi cầu nguyện, điều tôi bắt đầu làm gần đây vì bố mẹ Coleen theo đạo, nên điều đó cũng quan trọng với tôi. Giờ tôi đã có đức tin. Thật hài hước, dù không ngại về việc tin tưởng vào Chúa, nhưng tôi luôn cầu nguyện kín đáo. Tôi không thể hiện cho người khác thấy vì tôi không cần phải làm thế. Tôi không muốn người khác thấy tôi cầu nguyện trước mọi trận đấu. Tôi không phải là người làm dấu thánh khi chạy vào sân; tôi không nhìn lên trời, kể cả khi bỏ lỡ một cú đệm bóng cận thành. Thay vào đó, tôi cầu nguyện trong phòng thay đồ của đội khách tại Goodison – mặc đồng phục United, dây giày buộc chặt – tôi bước vào một góc và dành ít phút cho bản thân. Tôi cầu nguyện cho sức khỏe của người thân và bạn bè. Tôi cầu rằng mình sẽ không bị chấn thương nặng hay đau đớn. Tôi không cầu xin chiến thắng hay bàn thắng, tôi cầu xin sự an toàn. Tôi còn nhiều nghi thức khác nữa. Đêm qua, tôi tới gặp nhân viên hậu cần của câu lạc bộ vì muốn biết rõ màu sắc bộ quần áo mình sẽ mặc ngày hôm sau. “Ờ, ngày mai mặc áo sân nhà đó Wayne, quần đen, tất đen. Sao cậu hỏi vậy?” Chỉ tò mò thôi. Tôi không bảo ông ấy rằng mình đang bắt đầu tưởng tượng ra màn trình diễn của bản thân trong các buổi tối trước trận đấu. Khi đi ngủ, tôi tưởng tượng những người sẽ đối đầu mình vào ngày mai, và tôi dành 20 phút để nghĩ ra những tình huống đặt bản thân vào trước khung thành. Tôi định sẵn những gì mình sẽ làm. Tôi nhận ra rằng nếu sử dụng trí tưởng tượng trước trận đấu thì bản thân sẽ sẵn sàng khi bước vào thực chiến. Tôi nghĩ nếu hậu vệ Everton, Tony Hibbert, bị hạn chế ở một bên, tôi sẽ khai thác điểm yếu này. Rồi tôi tưởng tượng ra khán đài Gwladys Street End. Tôi thấy Ronaldo đang tăng tốc bên cánh và tung ra một quả tạt hướng đến tôi. Tôi xem mình sẽ di chuyển ra sao khi bóng hướng đến chỗ mình. Chạm một hoàn hảo. Tôi sút bóng về phía khung thành, nó bay qua thủ thành của họ, Nigel Martyn. 1-0! Hai mắt bắt đầu trĩu xuống, tôi chìm dần vào giấc ngủ. Về mặt thể chất, tôi đang thả lỏng. Nhưng về mặt tâm lý, tôi giống như một tay golf đứng trước bóng: Tôi định hình hướng bóng, mường tượng kết cục hoàn hảo nhất trong đầu. Nhưng điều quan trọng là tôi phải tưởng tượng mọi thứ với đúng bộ đồng phục chúng tôi sắp mặc. Nếu sai màu, tôi sẽ sai nhịp khi trận đấu diễn ra vào ngày mai. Mọi thứ phải diễn ra cùng cái áo màu đỏ, quần đùi đen và tất đen. Trong tâm trí, tôi thấy một đường bóng dài từ tuyến dưới tới chân tôi. Tôi ở rìa vòng cấm Everton. Đội trưởng của họ, Phil Neville, lao về phía tôi. Tôi biết anh ta rất quyết liệt, xoạc bóng mạnh mẽ ở khắp mọi nơi. Anh ta lao đến, trượt trên mặt cỏ. Tôi làm như định sút bằng chân phải, hạ vai rồi gạt bóng vào trung lộ khi anh ta lao qua tôi. Tôi nã đại bác bằng chân trái, bóng vượt qua Martyn. 2-0! Hôm sau, khi thức dậy, tôi biết mình đã chuẩn bị kỹ càng. Áo đỏ, quần đen và tất đen. Bất cứ cơ hội nào xuất hiện, tôi cũng đã sẵn sàng. Hài hước là khi trận đấu diễn ra, kết quả đã được định sẵn trong tâm trí tôi, chỉ có các chi tiết hơi khác một chút. Trước trận đấu, người ta la ó ầm ĩ hơn bao giờ hết và tất cả mọi người đều nhắm vào tôi. Thế rồi Ruud mở tỷ số ở phút 43 và cả sân bóng rơi vào im lặng. Chỉ ít giây sau giờ nghỉ, hậu vệ Joseph Yobo của Everton cầm bóng ở phần sân nhà. Tôi có thể thấy anh ta định chuyền về cho Nigel Martyn. Khi anh ta bắt đầu chuyền, tôi có mặt đúng chỗ để chặn đứng nó. Tôi cắt bóng chỉ trong nháy mắt. Tôi đứng cách khung thành 11m và chỉ còn thủ môn trước mắt. Bóng đi xuôi theo đường chạy của tôi. Nigel Martyn nhận ra không có lợi thế về khoảng cách nên không lao ra. Anh ta không rời vị trí; tôi có rất nhiều khoảng trống để nhắm vào. Tôi đưa ra quyết định. Góc dưới bên trái. Bóng đi vào lưới và Goodison Park lại im bặt. Tiếng la ó vang lên mỗi lần tôi chạm bóng ở hiệp một bị chặn đứng. Thật tuyệt. """