" Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú - Maurice Leblanc full mobi pdf epub azw3 [Phiêu Lưu] Ebooks Nhóm Zalo ARSÈNE LUPIN Siêu Trộm Hào Hoa Vụ Chơi Khăm Ngài Triệu Phú Tác giả Maurice Leblanc Francis de Croisset Edgar Jepson Người dịch Đinh Minh Hương Phát hành Đinh Tị Books Nhà xuất bản Văn học Ngày xuất bản 3/2020 ebook©vctvegroup I. Con gái ngài triệu phú N hững luồng ánh nắng tháng Chín tràn ngập đại sảnh lâu đài Công tước xứ Charmerace, thứ ánh nắng dịu dàng làm sáng ngời những món chiến lợi phẩm hội tụ về đây từ bao nhiêu thời kỳ và bao nhiêu xứ sở, được bài trí hỗn độn với gu thẩm mỹ gớm ghiếc thông thường là căn bệnh cố hữu của những kẻ có tiêu chuẩn giá trị duy nhất là tiền. Ánh nắng óng vàng sưởi ấm những bức tường ốp ván và những đồ đạc cũ kĩ, khiến chúng hắt sáng mờ mờ. Nó trả lại cho nước sơn son thếp vàng đang phai của những chiếc tràng kỷ và những chiếc ghế dựa thời Đế chế thứ Nhất⦾ một chút gì rực rỡ xa xưa. Nó chiếu vào cả một dãy dài các bức tranh treo trên tường, chân dung những thành viên dòng họ Charmerace đã khuất bóng, những gương mặt đàn ông hoặc lạnh lùng hoặc vui vẻ, những chiến binh, những chính khách, những công tử phong nhã hào hoa, những gương mặt phụ nữ với vẻ đẹp hoặc độc đoán hoặc hiền hòa. Nó làm các bộ áo giáp sắt bật ra những tia lấp lóe và làm các bộ áo giáp đồng hắt sáng mờ mờ. Màu sắc của những món đồ sứ quý hiếm, của những chiếc tủ ngăn kéo phong cách phương Đông hoặc Phục Hưng được chạm khảm lộng lẫy lẫn với màu sắc của các bức tranh, các tấm thảm lớn và các tấm thảm nhỏ Ba Tư đặt rải rác khắp mặt sàn bóng loáng, đem đến cho sảnh đường sự phong phú, rực rỡ sắc màu. Giữa tất cả những thứ đẹp đẽ và giá trị mà ánh nắng ấm áp làm cho vẻ đẹp bộc lộ rõ ràng hơn ấy, gương mặt một cô gái trẻ ngồi viết bên bàn, trước khung cửa sổ trải dài, mở ra bãi cỏ rộng mênh mông tuổi đời đã bao nhiêu thế kỷ nay, là thứ đẹp đẽ và giá trị nhất. Đó là một vẻ đẹp thanh khiết, gần như mong manh. Làn da trong suốt, láng mịn tựa lớp men sứ cổ, đôi gò má trắng muốt, chỉ hơi phơn phớt hồng. Chiếc mũi thẳng tắp, thanh tú, cái cằm tròn trĩnh tuyệt diệu. Một người yêu cái đẹp sẽ bối rối, không biết nên chiêm ngưỡng cặp mắt xanh trong, thật đáng yêu và dễ khiến trái tim tan chảy, hay nên chiêm ngưỡng cái miệng nhạy cảm, với đôi môi đầy đặn, mọc mời những nụ hôn. Tuy nhiên, anh ta chắc chắn sẽ thấy nhói lòng bởi vẻ buồn bã khôn nguôi trên gương mặt xinh đẹp ấy, cái vẻ u uẩn bâng khuâng của người Slav bị một nỗi bất hạnh, đau khổ riêng tư nhuốm đậm thêm. Mái tóc vàng mềm mại ôm lấy gương mặt cô gái trẻ. Nắng đậu xuống khiến những món tóc óng ánh. Những lọn tóc quăn nho nhỏ, không tuân theo chiếc lược, lòa xòa trước vầng trán trắng muốt, phủ lớp lông tơ óng ánh vàng. Cô gái đang viết địa chỉ lên các phong bì, bên tay trái cô là một danh sách dài dằng dặc những cái tên. Cứ viết xong địa chỉ lên chiếc phong bì nào, cô lại nhét nhanh vào đó một tấm thiệp mời đám cưới. Mỗi tấm thiếp in hàng chữ: Ngài Gournal-Martin hân hạnh thông báo với quý vị đám cưới của con gái ngài, tiểu thư Germaine và Công tước xứ Charmerace. Cô gái viết đều đều, hết phong bì này tới phong bì khác, chồng phong bì mỗi lúc một dày lên trước mặt cô, sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Nhưng thỉnh thoảng, khi mấy người con gái đang chơi tennis ngoài bãi cỏ – mặt mũi ửng đỏ, tươi cười – cao giọng hơn bình thường đọc điểm số, khiến cô mất tập trung vào công việc, ánh mắt cô lại lang thang nhìn ra qua cửa sổ, rầu rầu dừng ở mấy người con gái kia, và khi ánh mắt cô trở về với nhiệm vụ của mình, cô bâng khuâng thở dài, khẽ khàng đến nỗi cô hầu như chẳng biết là mình vừa thở dài nữa. Rồi một giọng gọi to vang lên từ bãi cỏ: “Sonia! Sonia!” “Vâng, thưa chị Germaine.” Cô gái đang viết trả lời. “Trà! Em gọi trà, nhé!” Cô gái hét lên, giọng nóng nảy, khá gay gắt đối với tai người nghe. “Vâng, thưa chị Germaine.” Sonia đáp, viết nốt địa chỉ đang viết dở, rồi đặt chiếc phong bì lên chồng phong bì đã sẵn sàng để được đưa tới bưu điện. Cô đi ngang qua căn phòng, tới trước chiếc lò sưởi lớn lâu đời, rung chuông. Cô đứng bên lò sưởi một lúc, cắm lại bông hồng bị rơi từ lọ hoa xuống bệ lò sưởi, tư thế của cô với hai cánh tay vươn lên cắm lại lọ hoa bộc lộ nét duyên dáng của cái cơ thể mảnh dẻ. Cô vừa buông tay xuống thì người hầu bước vào. “Ông làm ơn đem trà ra nhé, Alfred.” Sonia nói bằng giọng trong ngần, thánh thót như chuông, món quà quý giá nhất tạo hóa ban cho chỉ một vài nữ diễn viên xuất sắc nhất. “Cho mấy người, thưa cô?” Alfred hỏi. “Cho bốn người, trừ phi ông chủ của ông đã về.” “Ồ, chưa. Ông ấy chưa về, cô ạ. Ông ấy đi Rennes ăn trưa bằng xe hơi, mà Rennes thì cách đây nhiều dặm đường. Phải một tiếng đồng hồ nữa ông ấy mới về được.” “Còn Công tước, ngài ấy cưỡi ngựa dạo chơi chưa về, phải không?” “Vâng, cô ạ.” Alfred đáp rồi quay đi. “Hẵng khoan.” Sonia nói. “Tất cả gia nhận đã gói ghém xong hành lý để đi Paris rồi chứ? Ông biết đấy, mọi người sẽ phải khởi hành sớm. Tất cả đám hầu gái đã sẵn sàng chưa?” “À, đám đàn ông con trai đã sẵn sàng rồi, tôi biết, cô ạ. Nhưng còn đám đàn bà con gái, tôi không biết, cô ơi. Bọn họ cứ lăng xa lăng xăng suốt ngày, có điều bọn họ bao giờ cũng mất nhiều thời gian hơn bọn tôi.” “Ông bảo bọn họ khẩn trương lên, và làm ơn chuẩn bị trà nhanh nhất có thể nhé.” Sonia nói. Alfred rời khỏi căn phòng. Sonia quay lại bàn viết. Cô không cầm bút mà cầm lên một tấm thiệp mời đám cưới. Đôi môi cô chầm chậm mấp máy đọc, vẻ trầm tư, muộn phiền. Cái giọng nóng nảy, hống hách khi nãy cắt ngang sự trầm ngâm của Sonia. “Em đang làm gì thế, Sonia? Em không tiếp tục viết đi à?” Germaine Gournay-Martin cao giọng bực bội, bước qua khung cửa sổ mở sát xuống đến sàn để vào sảnh. Cô gái thừa kế hàng triệu franc nhà Gournay-Martin cầm chiếc vợt tennis trong tay, đôi má vốn hồng hào càng hồng hào hơn vì vừa chơi thể thao. Đó là một cô gái xinh đẹp theo kiểu đỏ đắn, dễ thu hút sự chú ý, có phần lồ lộ, rất đối lập với vẻ đẹp thanh khiết của Sonia. Môi cô ta hơi mỏng quá, mắt không sâu chút nào, hai điều này kết hợp lại đem đến cho cô ta một vẻ khá khắc nghiệt, hoàn toàn tương phản với gương mặt dễ thương, hiền hậu của Sonia. Hai cô bạn vừa chơi tennis với Germaine theo cô ta vào sảnh: Jeanne Gautier – vóc người cao ráo, làn da tối màu, vàng vọt, có vẻ gì như hiểm độc và Marie Bullier – thấp, tròn, tầm thường và ủy mị. Bọn họ đi tới trước bàn Sonia đang ngồi viết. Marie chỉ chồng phong bì, hỏi: “Tất cả đây đều là thiếp mời đám cưới à?” “Ừ. Mà mới tới được vần V.” Germaine nói, cau mày với Sonia. “Công nương de Vernan… Công tước phu nhân de Vauvineuse… Hầu tước… Hầu tước phu nhân? Cậu mời cả quận Faubourg Saint-Germain ấy nhỉ!” Marie nói, xáo trộn chồng phong bì vẻ ghen tị. “Cậu hầu như sẽ chẳng biết ai vào với ai ở đám cưới của cậu.” Jeanne khúc khích cười đầy ác ý. “Xin lỗi các cậu.” Germaine nói vẻ khoe khoang. “Hôm trước, phu nhân de Relzières – chị họ chồng sắp cưới của tớ – đã tổ chức một buổi tiếp khách tại gia để tỏ lòng yêu quý tớ đấy. Ở buổi tiếp khách, bà ấy đã giới thiệu tớ với cả nửa Paris, cái thành phố Paris mà tớ chắc chắn sẽ quen thuộc, cái thành phố Paris mà các cậu sẽ thấy trong phòng khách của tớ.” “Nhưng bọn tớ sẽ chẳng còn xứng đáng làm bạn cậu khi cậu trở thành Công tước phu nhân Charmerace.” Jeanne nói. “Tại sao?” Germaine hỏi, rồi vội vã nói thêm: “Việc quan trọng nhất này, Sonia, đừng quên Veauléglise, 33 phố Đại Học… 33 phố Đại Học.” “Veauléglise, 33 phố Đại Học.” Sonia nói, lấy một chiếc phong bì mới và bắt đầu điền địa chỉ. “Khoan, khoan. Đừng đóng phong bì vội. Tôi đang phân vân không biết Veauléglise phải được đánh một dấu thập, hai dấu thập hay ba dấu thập.” Germaine nói với vẻ cực kỳ quan trọng. “Thế nghĩa là thế nào?” Marie và Jeanne đồng thanh kêu lên. “Một dấu thập có nghĩa là mời tới lễ nhà thờ, hai dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới và ăn sáng, ba dấu thập có nghĩa là mời tới đám cưới, ăn sáng và lễ ký giấy giá thú. Các cậu nghĩ nên dành cho Công tước phu nhân Veauléglise mấy dấu thập? “Đừng hỏi tớ. Tớ chưa có hân hạnh quen biết bà phu nhân cao quý đó.” Jeanne kêu lên. “Tớ cũng vậy.” Marie nói. “Tớ cũng vậy mà.” Germaine nói theo. “Nhưng tớ có ở đây danh sách khách khứa của Công tước phu nhân Charmerace đã quá cố, mẹ Jacques. Hai bà phu nhân này ngày trước hết sức thân thiết với nhau. Ngoài ra, Công tước phu nhân Veauléglise mặc dù đã sức tàn lực kiệt nhưng vẫn rất được ngưỡng mộ vì lòng sùng đạo. Bà ấy đi dự lễ sớm ở nhà thờ mỗi tuần ba lần.” “Thế thì đánh ba dấu thập.” Jeanne nói. “Tớ thấy không nên.” Marie nói nhanh. “Ở vị trí của cậu, bạn yêu quý, tớ sẽ không liều lĩnh để xảy ra sơ suất. Tớ sẽ hỏi ý kiến chồng sắp cưới của tớ. Anh ta hiểu biết cái xã hội này mà.” “Trời đất, chồng sắp cưới của tớ! Anh ta cóc quan tâm đến những chuyện kiểu này đâu. Bảy năm qua, anh ta đã thay đổi nhiều. Chứ bảy năm trước, anh ta coi mọi việc trên đời đều chẳng có gì hệ trọng. Anh ta đã lên đường đi thám hiểm Nam Cực chỉ để gây ấn tượng với mọi người. Ôi, ngày xưa, anh ta đích thực là một bậc công tước.” “Còn ngày nay?” Jeanne hỏi. “Ôi, ngày nay, anh ta là một kẻ kề rà kề rề, rất đỗi bình thường. Những chuyện thù tiếp khiến anh ta khó chịu. Anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.” Germaine trả lời. “Ngài ấy hết sức vui vẻ mà.” Sonia bất ngờ phản đối. Germaine bĩu môi nói với Sonia: “Ồ, anh ta cũng vui vẻ ra phết đấy, mỗi khi anh ta bỡn cợt mọi người. Nhưng những lúc khác thì anh ta nghiêm trang y như ông quan tòa vậy.” “Cha cậu ắt hẳn hài lòng với sự thay đổi này.” Jeanne nhận xét. “Đương nhiên cha tớ thấy hài lòng rồi. Hôm nay cha tớ đang ăn trưa với ông Bộ trưởng, chủ đề bàn bạc duy nhất là tặng thưởng huân chương cho Jacques đấy.” “Chà, được huân chương Bắc Đẩu bội tinh thì tuyệt.” Marie nói. “Bạn yêu quý! Huân chương Bắc Đẩu bội tinh đối với những người thuộc tầng lớp trung lưu thì tuyệt, nhưng đối với một bậc công tước thì không phù hợp đâu!” Germaine kêu lên. Alfred mang khay trà vào, đặt lên chiếc bàn nhỏ gần chiếc bàn Sonia đang ngồi viết. Germaine cảm thấy mình quan trọng tới mức không thể ngồi yên, cứ đi đi lại lại xung quanh phòng. Bỗng nhiên, cô ta dừng phắt lại, chỉ một bức tượng bằng bạc đặt trên chiếc đàn piano, hỏi: “Cái gì thế này? Tại sao bức tượng này lại ở đây?” “Sao vậy nhỉ? Khi chúng ta vào đây, nó ở trên chiếc tủ ngăn kéo, chỗ thường lệ của nó mà.” Sonia nói, có phần kinh ngạc. “Ông đã vào sảnh lúc chúng tôi chơi ngoài vườn à, Alfred?” Germaine hỏi ông già gia nhân. “Không ạ, thưa cô.” Alfred đáp. “Nhưng ắt hẳn một kẻ nào đó đã vào đây.” Germaine khăng khăng. “Tôi không nghe thấy có ai vào. Còn lúc nãy thì tôi ở dưới bếp ạ.” Alfred nói. “Chuyện này hết sức kỳ quặc.” Germaine nhận xét. “Kỳ quặc thật đấy!” Sonia nói. “Tượng không có chân mà tự di chuyển chỗ này chỗ kia được.” Tất cả mọi người nhìn chằm chằm vào bức tượng, như thể họ chờ cho bức tượng lại ngay tức khắc di chuyển, trước mắt họ. Rồi Alfred đặt nó trở về vị trí cũ trên một chiếc tủ ngăn kéo, đoạn rời khỏi căn phòng. Sonia rót trà, mấy cô con gái vừa uống trà vừa dông dài bàn luận về đám cưới sắp sửa diễn ra, về việc sẽ mặc váy áo ra sao, về những món quà Germaine đã nhận được. Chuyện này nhắc nhở cô ta hỏi Sonia xem có ai từ ngôi nhà của cha cô ta ở Paris gọi điện đến chưa, Sonia trả lời là chưa có ai gọi cả. “Thật bực mình quá!” Germaine nói. “Thế tức là hôm nay chưa có ai gửi quà cho tớ.” Cô ta vừa bĩu môi vừa nhún vai với dáng vẻ của đứa bé vốn vẫn được cưng chiều, chẳng phù hợp với một thiếu nữ hai mươi ba tuổi đã hoàn toàn trưởng thành. “Hôm nay là Chủ nhật. Các cửa hiệu không giao đồ vào Chủ nhật ạ.” Sonia nhẹ nhàng nói. Nhưng Germaine vẫn bĩu môi chẳng khác nào đứa bé hư. “Chàng Công tước hay ho của cậu không đến uống trà với bọn mình à?” Jeanne hơi sốt ruột hỏi. “Ồ, phải rồi. Tớ đang đợi anh ta tới lúc bốn rưỡi. Anh ta phải cưỡi ngựa dạo chơi với hai anh em nhà du Buit. Họ cũng sẽ đến uống trà đấy.” Germaine nói. “Cưỡi ngựa dạo chơi với anh em nhà du Buit? Nhưng bao giờ vậy?” Marie hấp tấp kêu lên. “Chiều nay.” “Anh ta làm sao đi cùng bọn họ được.” Marie nói. “Sau bữa trưa, anh trai tớ tới nhà du Buit để gặp André và Georges. Bọn họ đã lái xe đi từ sáng hôm nay, và đến đêm khuya mới trở về.” “Ồ, nhưng… nhưng tại sao Công tước lại nói với tớ như vậy?” Germaine bối rối cau mày. “Nếu tớ là cậu, tớ sẽ điều tra cho ra nhẽ việc này. Các công tước… Chà, chúng ta biết các công tước thế nào mà, tóm lại là nên để mắt trông chừng anh ta.” Jeanne nói với vẻ hiểm độc. Mặt Germaine lập tức bừng đỏ, ánh mắt lóe lên. “Cảm ơn cậu. Tớ hoàn toàn tin tưởng Jacques. Tớ tuyệt đối chắc chắn về anh ta.” Germaine tức tối nói. “Ôi, chà… Nếu cậu chắc chắn thì chẳng có vấn đề gì nữa.” Jeanne đáp lời. May thay, tiếng chuông điện thoại chuyển hướng cuộc chuyện trò. Germaine chạy ào tới chỗ điện thoại, áp chặt ống nghe vào tai, kêu lên: “Xin chào, anh đấy hả, Pierre?… Ồ, là Victoire à?… A, một số món quà đã đến, phải không?… Ồ, ồ, là những thứ gì? Hả? Một con dao rọc giấy, lại một con dao rọc giấy à?… Lại một bình mực kiểu thời Louis XVI à?… Ôi, phiền thế! Ai gửi? Ôi, Bá tước phu nhân Rudolph và Nam tước de Valéry à?” Giọng Germaine cất cao, run lên vì hãnh diện. Rồi cô ta ngoảnh mặt lại phía các bạn, ống nghe vẫn áp chặt ở tai, kêu lên: “Ôi, các cậu, cả một chuỗi vòng cổ ngọc trai nữa! Một chuỗi vòng cổ lớn! Những viên ngọc trai lớn!” “Thích thế!” Marie nói. “Ai gửi?” Germaine quay lại với chiếc điện thoại, hỏi. “Ồ, một người bạn của ba.” Cô ta nói thêm bằng giọng thất vọng: “Chả sao, suy cho cùng thì đây vẫn là một chuỗi vòng cổ ngọc trai. Bà phải bảo đảm khóa các cửa cẩn thận, nhớ chưa, Victoire? Và cho chuỗi vòng vào một ngăn tủ buffet kín đáo rồi khóa lại… Vâng, cảm ơn rất nhiều, Victoire. Ngày mai tôi sẽ gặp bà.” Germaine gác ống nghe, cau mày rời khỏi chỗ chiếc điện thoại. “Thật phi lý!” Cô ta hờn dỗi nói. “Bạn bè của ba và anh em họ hàng tặng tớ những món quà tuyệt diệu, còn các ông các bà trâm anh thế phiệt lại tặng tớ những con dao rọc giấy. Tất cả là lỗi tại Jacques. Anh ta chẳng quan hoài gì đến những chuyện kiểu này. Quận Faubourg Saint-Germain hầu như chưa biết bọn tớ đã đính hôn đâu.” “Anh ta tất nhiên không chạy khắp nơi thông báo với tất cả mọi người.” Jeanne mỉm cười bình luận. “Cậu hẳn đang đùa, tuy nhiên cậu nói đúng. Đó chính xác là điều chị họ anh ta – phu nhân de Relzières – bảo với tớ tại buổi tiếp khách bà ấy tổ chức để tỏ lòng yêu quý tớ hôm trước, phải không, Sonia?” Germaine bước về phía cửa sổ và quay lưng lại với mọi người, nhìn đăm đăm ra bên ngoài. “Nàng này mở miệng ra là buổi tiếp khách, buổi tiếp khách.” Jeanne và Marie hạ giọng thì thào. Tiếp đó là một sự im lặng đầy lúng túng. Rồi Marie phá vỡ sự im lặng này. “Nói tới phu nhân de Relzières, các cậu có biết bà ấy đang sốt ruột như ngồi trên đống lửa không? Hôm nay con trai bà ấy có cuộc đấu kiếm.” Marie nói. “Với ai ạ?” Sonia hỏi. “Chẳng ai biết là ai. Bà ấy nhận được một lá thư từ những người làm chứng.” Marie cung cấp thông tin. “Tớ khá yên tâm về công tử Relzières. Tay kiếm của anh ta thuộc loại cự phách. Chẳng ai thắng được anh ta đâu.” Sonia có vẻ không yên tâm như vậy. Trán cô xuất hiện những nếp nhăn nhỏ đầy bối rối, y như thể cô đang giải một bài toán nào đấy, và có một vẻ rất giống nỗi khiếp sợ trong ánh mắt hiền hậu của cô. “Chẳng phải Relzières từng là bạn thân thiết với chồng sắp cưới của cậu hay sao?” Jeanne hỏi. “Bạn thân thiết à? Tớ cho là thế” Germaine đáp lời. “Gia đình tớ biết Jacques là qua Relzières mà.” “Ở đâu?” Marie hỏi. “Ở đây, ngay tại lâu đài này.” Germaine nói. “Trong chính ngôi nhà của anh ta thật ư?” Marie hỏi, có chút ngạc nhiên. “Ừ, đúng là ở đây đấy. Cuộc đời kỳ khôi không chứ?” Germaine nói. “Nếu Jacques không bỗng dưng thấy mình rơi vào hoàn cảnh túng thiếu sau khi cha anh ta qua đời được vài tháng và bắt buộc phải bán tòa lâu đài này để dồn tiền cho chuyến thám hiểm Nam Cực, nếu lúc ấy ba tớ và tớ không muốn một tòa lâu đài có tính lịch sử, và cuối cùng, nếu ba tớ không bị chứng thấp khớp thì một tháng nữa, tớ sẽ chẳng mang danh Công tước phu nhân Charmerace đâu.” “Thế quái nào mà chứng thấp khớp của cha cậu lại liên quan tới việc cậu trở thành Công tước phu nhân Charmerace vậy?” Jeanne kêu lên. “Lý do quan trọng bậc nhất đấy.” Germaine nói. “Ba tớ sợ rằng tòa lâu đài này bị ẩm thấp. Để chứng minh cho ba tớ thấy rằng ba tớ không phải sợ gì cả, Jacques, _en grand seigneur⦾,_ đã dành cho ba tớ sự tiếp đãi thịnh tình, ngay tại đây, tại tòa lâu đài của dòng họ Charmerace, trong những ba tuần lễ.” “Đích thực là một bậc công tước.” Marie nhận xét. “Nhưng ngài ấy vốn luôn như vậy.” Sonia nói. “Ồ, về khía cạnh đó thì anh ta không có vấn đề gì, anh ta chỉ hầu như chẳng quan tâm đến chuyện giao du thôi.” Germaine nói. “Ôi, bởi một phép thần diệu, ba tớ khỏi được chứng thấp khớp khi ở đây. Jacques đem lòng yêu tớ, ba tớ quyết định mua tòa lâu đài này, và tớ yêu cầu Jacques phải hỏi cưới tớ.” “Cậu đã yêu cầu? Nhưng lúc ấy cậu mới mười sáu tuổi mà.” Marie hỏi, có chút ngạc nhiên. “Ừ, nhưng ngay cả khi mới mười sáu tuổi, một thiếu nữ cũng phải biết được rằng một công tước là một công tước. Nên tớ đã yêu cầu anh ta như vậy.” Germaine nói. “Thế rồi, vì lúc ấy Jacques đang chuẩn bị lên đường đi thám hiểm Nam Cực, và ba tớ thì nghĩ tớ còn quá trẻ để lấy chồng, tớ hứa sẽ chờ đợi Jacques trở về.” “Ôi, chuyện này thật quá lãng mạn!” Marie kêu lên. “Lãng mạn à? Ồ, phải.” Germaine nói, rồi cô ta bĩu môi. “Nhưng giữa bọn mình với nhau, thú thật, nếu tớ mà biết trước anh ta sẽ ở Nam Cực chừng ấy thời gian thì…” “Đúng đấy!” Marie chen ngang. “Rong ruổi đi ba năm và thời gian xa cách là bảy năm… ở cái chốn tận cùng của thế giới ấy.” “Tất tật tuổi thanh xuân tươi đẹp của Germaine.” Jeanne nói với nụ cười đầy ác ý. “Cảm ơn!” Germaine cay đắng đáp lời. “Chà, cậu đang hai mươi ba tuổi, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất đấy.” Jeanne nói. “Không hẳn là hai mươi ba.” Germaine hấp tấp đáp. “Hãy xem cái số đen đủi của tớ. Chàng Công tước đổ bệnh và phải chạy chữa ở Montevideo. Ngay sau khi bình phục, vì là một kẻ ương bướng nhất đời, anh ta kiên quyết tiếp tục lên đường thực hiện chuyến thám hiểm. Anh ta ra đi và suốt một thời gian dài không một lời nhắn nhủ, không một tin tức… không một tin tức dưới bất kỳ hình thức nào. Các cậu biết đấy, trong vòng sáu tháng, gia đình tớ đinh ninh rằng anh ta đã chết.” “Chết? Chao ơi, lúc đó chị ắt hẳn đau lòng lắm!” Sonia nói. “Ồ, đừng nói tới việc ấy! Trong vòng sáu tháng, tôi chẳng dám diện bộ váy áo sáng màu nào.” Germaine ngoảnh sang Sonia. “Cô nàng hẳn phải vô cùng quan tâm tới anh chàng.” Jeanne thì thào với Marie. “May mắn làm sao, một ngày đẹp trời, những bức thư lại được gửi về. Ba tháng trước, có một bức điện thông báo cho gia đình tớ là anh ta sắp sửa trở về, và cuối cùng thì ngài Công tước trở về thật.” Germaine nói với vẻ rất kịch. “Chàng Công tước trở về.” Jeanne kêu lên, bắt chước Germaine. “Không hề gì. Xin hãy tưởng tượng việc chờ đợi vị hôn phu của mình gần bảy năm trời. Đấy là sự kiên trung.” Sonia nói. “Ồ, cô thật là đa cảm, cô Krichnoff.” Jeanne nói, giọng giễu cợt. “Cái đó do ảnh hưởng của tòa lâu đài này.” “Cậu nói thế nghĩa là thế nào?” Germaine hỏi. “Ồ, sở hữu tòa lâu đài của dòng họ Charmerace và vẫn mang danh tiểu thư Gournay-Martin… Như thế thật chẳng đáng. Người ta dứt khoát phải trở thành một công tước phu nhân.” Jeanne đáp lời. “Đúng, đúng, và bất chấp sự kiên trung đáng thán phục suốt bảy năm trời này, Germaine suýt chút nữa đã đính hôn với một người đàn ông khác.” Marie mỉm cười nói. “Và anh ta chỉ là nam tước thôi.” Jeanne cười thành tiếng. “Gì ạ? Đúng thế sao?” Sonia hỏi. “Cô không biết à, cô Krichnoff? Cô ấy suýt nữa đã đính hôn với cháu họ của Công tước, Nam tước de Relzières. Như thế thì làm sao cao quý bằng.” “Ồ, cười cợt tớ cũng được thôi, nhưng vì là cháu họ, đồng thời là người thừa kế của Công tước, Relzières sẽ được thừa kế tước hiệu, nếu lấy anh ta, tớ vẫn sẽ trở thành công tước phu nhân.” Germaine nói với vẻ đắc thắng. “Hiển nhiên đó là vấn đề duy nhất quan trọng.” Jeanne bình luận. “Ôi, bạn yêu quý, tớ phải đi đây. Gia đình tớ hứa ghé thăm Bá tước phu nhân de Grosjean. Các cậu biết Bá tước phu nhân de Grosjean chứ?” Jeanne nói với vẻ tự hào hờ hững, đứng dậy để đi. “Chỉ nghe tên thôi. Ba tớ quen chồng bà ta ở Sở Giao dịch Chứng khoán khi ông ta vẫn đơn giản là ông Grosjean. Về phần ba tớ, ông thích giữ nguyên tên của mình.” Germaine nói với niềm hãnh diện kín đáo. “Giữ nguyên ư? Đó là một cách nhìn nhận vấn đề. Ôi, thôi, tớ sẽ gặp cậu ở Paris nhé! Cậu vẫn định khởi hành vào ngày mai à?” Jeanne hỏi. “Ừ, sáng ngày mai.” Germaine trả lời. Jeanne và Marie vừa mặc áo khoác ngoài vừa tiếp tục huyên thuyên và hôn tạm biệt nhau, rồi rời khỏi căn phòng. Sau khi đóng cửa lại, Germaine quay sang Sonia, nói: “Tôi thật ghét hai cái đứa này! Bọn chúng đúng là hợm hĩnh kinh khủng.” “Ồ, bọn họ cũng thân thiện mà.” Sonia nhận xét. “Thân thiện á? Ôi, đồ ngốc nghếch, bọn chúng chẳng qua đang ghen tị nổ mắt với tôi thôi… Ghen tị đến nổ mắt đấy!” Germaine nói thêm đầy tự tin, ngắm nghía mình trong tấm gương kiểu Venice với vẻ tự mãn của đứa bé vốn vẫn được cưng chiều. II. Cuộc viếng thăm của cha con nhà Charolais S onia quay lại bàn viết, tiếp tục bỏ những tấm thiếp mời đám cưới vào phong bì và điền địa chỉ. Germaine bồn chồn đi đi lại lại xung quanh phòng, nâng lên đặt xuống, di chuyển vị trí các món đồ trang trí nhỏ bày trên những chiếc tủ ngăn kéo, chốc chốc lại quấy rầy công việc của Sonia bằng cách hỏi xem cô thấy lối sắp xếp như thế này hay thế kia đẹp hơn, buông mình xuống chiếc ghế dựa đọc tạp chí, rồi đôi ba phút sau lại đứng phắt dậy sửa sang cho ngay ngắn bức tranh treo trên tường, đồng thời luôn mồm đặt các câu hỏi vẩn vơ không đáng trả lời. Một trăm người thì chín mươi chín người sẽ nhẹ là bực bội, nặng là phát điên với cái kiểu sốt ruột bồn chồn của Germaine, nhưng Sonia chịu đựng nó một cách cực kỳ kiên nhẫn. Năm lần bảy lượt Germaine hỏi Sonia là liệu cô ta nên diện bộ áo dài màu hồng hay màu tím hồng ở bữa tối tới đây do phu nhân de Relzières tổ chức. Năm lần bảy lượt Sonia trả lời với giọng hoàn toàn không có chút gì thay đổi: “Em nghĩ chị mặc màu hồng trông xinh hơn.” Trong lúc ấy, chồng phong bì đã điền địa chỉ cứ tiếp tục cao dần lên. Cánh cửa phòng nhanh chóng mở ra, Alfred xuất hiện trên ngưỡng cửa. “Có hai ông đợi gặp cô, thưa cô.” Ông ta nói. “A, hai anh em nhà du Buit.” Germaine kêu lên. “Họ không xưng danh, thưa cô.” “Một người thanh niên và một người ít tuổi hơn à?” Germaine hỏi. “Vâng, thưa cô.” “Tôi nghĩ là họ đấy. Dẫn họ vào đi!” “Vâng, thưa cô. Và cô có yêu cầu gì để tôi truyền đạt lại với Victoire khi chúng tôi tới Paris không ạ?” Alfred hỏi. “Không. Mọi người sắp lên đường hả?” “Vâng, thưa cô. Tất cả chúng tôi sẽ đi chuyến tàu bảy giờ. Từ đây tới Paris cũng xa, phải chín giờ chúng tôi mới tới nơi được. Như thế thì vừa đủ thời gian cho chúng tôi sắp xếp nhà cửa, sẵn sàng mọi thứ để đón cô vào buổi tối.” Alfred nói. “Tất cả đã được gói ghém rồi chứ?” “Vâng, thưa cô, tất cả. Xe ngựa đã đưa những món hành lý nặng ra ga. Cô chỉ phải mang theo những cái túi của cô thôi ạ.” “Được rồi. Dẫn ông du Buit và em trai ông ấy vào.” Germaine nói. Cô ta đi đến ngồi xuống chiếc ghế dựa kê gần cửa sổ, tư thế vẻ như cố ý – và hiển nhiên là cố ý – tỏ ra yêu kiều. Cô ta nghiêng đầu tạo một góc trông duyên dáng, ngả vào lưng chiếc ghế da đen cao thành, mắt mở to hướng về phía cửa sổ. “Ô, cái quái gì đây?” Germaine vừa chỉ tay vừa kêu lên. “Cái gì là cái gì ạ?” Sonia nói, không rời mắt khỏi chiếc phong bì đang điền địa chỉ. “Cái cửa sổ. Nhìn này! Một tấm kính bị tháo ra. Trông y như bị cắt ra vậy.” “Đúng là nó bị cắt đấy… Đúng tầm then cài.” Sonia nói. Và hai cô gái nhìn chằm chằm ô kính bị mất. “Lúc trước em không để ý à?” Germaine hỏi. “Không, tấm kính vỡ hẳn đã rơi ra bên ngoài.” Sonia nói. Tiếng mở cửa phòng khiến hai cô gái tạm thời thôi chú ý tới ô cửa sổ. Hai người đàn ông tiến đến phía họ. Một trạc năm mươi tuổi, thấp, tròn, phục phịch, mặt đỏ, đầu hói, cặp mắt xám sáng lấp lánh dường như liên tục tránh ánh mắt của bất kỳ ai. Đằng sau ông ta là một thanh niên cao dong dỏng, nước da ngăm ngăm, nghiêm nghị. Bất chấp tất cả các nét khác biệt, rõ ràng họ là hai cha con: Hai mắt họ rất sát nhau. Ngoài màu mắt đen, người con trai có vẻ thừa kế từ mẹ mình cả cái mũi gầy và khoằm. Đoạn gốc mũi của người cha cũng gầy nhưng chóp mũi phình to như quả cà chua đỏ ửng, nói lên một cách hùng hồn mối quan hệ xa lắc xa lơ giữa ông ta với giới ưu tú của xã hội. Germaine đứng dậy, nhìn họ vẻ ngạc nhiên và phân vân. Họ không phải là anh em nhà du Buit, bạn cô ta. Người đàn ông lớn tuổi tiến về phía trước với nụ cười thân thiện, cúi chào và nói bằng giọng như nghẹt mũi: “Tôi là Charolais, thưa hai tiểu thư, ông Charolais, người ủ rượu bia đã về hưu, hiệp sĩ được tặng huân chương Bắc Đẩu bội tinh, địa chủ ở Rennes. Xin phép giới thiệu con trai tôi.” Người con trai lúng túng cúi chào. “Chúng tôi từ Rennes tới vào sáng hôm nay, và đã kịp dùng bữa trưa ở trang trại nhà Kerlor.” “Em gọi trà cho họ nhé?” Sonia thì thào hỏi. “Ôi, không.” Germaine khe khẽ rít lên, rồi cô ta cao giọng nói với ông Charolais: “Ông đến có việc gì?” “Chúng tôi muốn gặp cha cô.” Ông Charolais nói, nụ cười rất đỗi thân thiện, còn ánh mắt thì lướt ngang lướt dọc trên gương mặt Germaine, lảng tránh mỗi khi chạm ánh mắt cô ta. “Người hầu bảo ngài Gournay-Martin đi vắng, tuy nhiên con gái ngài thì có nhà. Chúng tôi không thể nào, hoàn toàn không thể nào, từ chối chính mình niềm hân hạnh được gặp cô.” Nói xong, ông ta ngồi xuống, và con trai ông ta ngồi xuống theo. Sonia và Germaine bối rối nhìn nhau trong tâm trạng sửng sốt. “Ba, tòa lâu đài này mới đẹp làm sao!” Chàng thanh niên nói. “Phải đấy, con trai, đúng là một tòa lâu đài đẹp hết sức.” Ông Charolais nhìn khắp sánh với ánh mắt tán thưởng nhưng đầy tham lam. Không ai nói gì một lúc. “Đúng là một tòa lâu đài đẹp hết sức, thưa hai tiểu thư.” Ông Charolais lên tiếng. “Vâng, nhưng xin lỗi ông, ông đến có việc gì?” Germaine hỏi. Ông Charolais vắt chân chữ ngũ, dựa người vào lưng ghế, hai ngón tay cái móc vào ống tay áo gi lê, nói: “Chà, chúng tôi đọc được mẩu quảng cáo đăng trên tờ Quảng cáo Rennes rằng ngài Gournay-Martin muốn bán lại một chiếc xe hơi, mà con trai tôi thì cứ suốt ngày bảo tôi ‘Ba, con muốn một chiếc xe hơi leo đồi được.’ Ý nó là một chiếc xe hơi sáu mươi mã lực.” “Chúng tôi có một chiếc xe hơi sáu mươi mã lực, nhưng không bán. Thậm chí hôm nay ba tôi còn đang lái nó.” Germaine nói. “Có lẽ là chiếc chúng tôi thấy ở khu chuồng ngựa.” Ông Charolais thăm dò. “Không phải, chiếc ở chuồng ngựa chỉ chừng ba mươi đến bốn mươi mã lực. Nó là của tôi. Nhưng nếu con trai ông thực sự yêu thích một chiếc xe có thể leo đồi được như ông nói, thì chúng tôi có một chiếc một trăm mã lực muốn bán đi đây. Đợi chút, bức ảnh chụp nó đâu, Sonia? Nó phải ở đâu đó xung quanh đây.” Hai cô gái đứng dậy, đi đến chỗ chiếc bàn kê sát bức tường đối diện cửa sổ, bắt đầu lục lọi đống giấy tờ bày đầy trên bàn, tìm kiếm. Khi họ vừa mới quay lưng lại, bàn tay anh chàng Charolais đã phóng ra, nhanh như lưỡi con thằn lằn đớp ruồi, thó lấy bức tượng bằng bạc đặt trên nóc tủ ngăn kéo kê bên cạnh anh ta, đút ngay vào túi áo khoác. Charolais đang quan sát hai cô gái, dường như chẳng để mắt tới gì khác, nhưng bỗng nhiên, không động đậy một thớ cơ trên mặt, vẫn nụ cười vui vẻ thường trực, ông ta giận dữ rít lên: “Bỏ ra, đồ ngu si! Trả nó lại chỗ cũ!” Gã thanh niên quắc mắt ngờ vực. “Mẹ kiếp! Trả nó lại chỗ cũ!” Charolais rít lên. Cánh tay gã thanh niên lại phóng ra nhanh y hệt lúc nãy, và bức tượng lại đứng đúng vị trí của nó. Charolais thở phào nhẹ nhõm một cách khẽ khàng nhất khi Germaine quay lại và bước tới với bức ảnh trong tay. Cô ta đưa bức ảnh cho lão. “A, đây rồi!” Charolais nói, đeo chiếc kính kẹp mũi viền vàng lên. “Chiếc xe hơi một trăm mã lực. Ôi chà, ôi chà, thứ đáng bàn bạc đây. Giá ít nhất bao nhiêu nhỉ? _“Tôi_ không liên quan gì tới những chuyện kiểu này đâu.” Germaine kêu lên. “Ông phải gặp ba tôi. Ba tôi sắp sửa từ Rennes về rồi. Ông có thể giải quyết vấn đề với ba tôi lúc đó.” Charolais đứng dậy. “Rất tốt. Vậy giờ chúng tôi đi đây, và chúng tôi sẽ sớm trở lại. Xin lỗi vì đã tự tiện đến, thưa hai tiểu thư… làm các cô mất thời gian như thế này.” “Không có gì, không có gì.” Germaine lẩm bẩm đáp lời một cách lịch sự. “Tạm biệt, tạm biệt.” Charolais nói. Lão cùng con trai đi ra cửa, cúi chào. “Những kẻ mới gớm ghiếc làm sao!” Germaine vừa nhận xét vừa đi về phía cửa sổ trong lúc cánh cửa phòng khép lại sau hai vị khách. “Tuy nhiên, nếu bọn họ mua chiếc xe một trăm mã lực đó, ba sẽ cực kỳ hài lòng. Việc mất ô kính kia thật lạ lùng. Tôi không biết nó xảy ra như thế nào. Việc Jacques chưa trở về cũng thật lạ lùng. Anh ta bảo anh ta sẽ có mặt trong khoảng bốn rưỡi tới năm giờ.” “Và anh em nhà du Buit cũng chưa thấy đến.” Sonia nói. “Nhưng bây giờ còn chưa tới năm giờ.” “Ừ, thế đấy. Anh em nhà du Buit cũng chưa thấy đến. Em đang lãng phí thời gian cho cái quái gì vậy?” Germaine cao giọng, gay gắt nói thêm: “Trong lúc chờ đợi, hãy viết địa chỉ lên phong bì cho xong đi.” “Sắp xong rồi mà chị.” Sonia nói. “Sắp xong đâu phải là xong. Em viết tiếp đi, được không?” Germaine cấm cảu. Sonia quay lại bàn, chỉ có hai gò má phơn phớt hồng là ửng hơn lên một chút, biểu thị xúc cảm của cô trước sự khiếm nhã của Germaine. Sau ba năm được thuê bầu bạn với Germaine Gournay-Martin, cô đã quá quen với cách cư xử kiểu triệu phú lắm tiền nhiều của, nó hầu như chẳng còn có thể khiến cô chạnh lòng. Germaine buông mình xuống chiếc ghế dựa, được hai mươi giây lại đứng phắt dậy. “Năm giờ kém mười rồi!” Cô ta kêu lên. “Jacques trễ hẹn. Lần đầu tiên tôi thấy anh ta trễ hẹn.” Germaine đi tới trước khung cửa sổ, nhìn ngang qua bãi cỏ và rừng cây trải mênh mông phía dưới tòa lâu đài được xây trên tận cùng đỉnh vách núi. Con đường, thẳng tắp một cách đáng khó chịu y như biết bao con đường của nước Pháp, có thể nhìn được trong vòng ba dặm. Con đường đó hoàn toàn vắng bóng người. “Em có chú ý thấy, phải không?” Germaine nói. “Nào, với cái kiểu suy nghĩ của Jacques… anh ta là… anh ta là người hết sức lãnh đạm. Tuy nhiên, hôm thứ Năm, khi chúng tôi ở nhà Relzières, tôi bắt gặp anh ta cãi nhau với Paul de Relzières.” “Cãi nhau ư?” Sonia ngay tức khắc hỏi lại, nỗi băn khoăn lo lắng đột ngột xuất hiện trong điệu bộ, giọng nói và ánh mắt. “Phải, cãi nhau. Và hai người chào tạm biệt nhau theo cái cách lạ lùng nhất.” “Nhưng chắc chắn họ có bắt tay nhau chứ?” Sonia hỏi. “Không hề. Họ cúi chào nhau nhưng lưng cứ ngay đuồn đuỗn.” “Sao… Thế thì… Thế thì…” Sonia bắt đầu có dáng điệu hốt hoảng, giọng nói của cô mắc lại ở cổ họng. “Thế thì cái gì?” Germaine hỏi, hơi giật mình trước nét mặt hốt hoảng của Sonia. “Cuộc đấu kiếm! Cuộc đấu kiếm của công tử de Relzières!” Sonia kêu lên. “Cái gì? Em không nghĩ là với Jacques đấy chứ?” “Em không biết… nhưng cuộc cãi nhau này… thái độ của Công tước sáng hôm nay… việc anh em nhà du Buit lái xe đi đâu đó…” Sonia nói. “Đương nhiên rồi… Đương nhiên rồi! Hoàn toàn có khả năng… Thực tế, chắc chắn là như thế rồi!” Germaine kêu lên. “Khủng khiếp quá!” Sonia hổn hển nói. “Suy nghĩ mà xem… Hãy suy nghĩ mà xem! Giả sử có chuyện gì đã xảy ra với ngài ấy. Giả sử Công tước…” “Công tước đấu kiếm vì tôi!” Germaine tự hào kêu lên, nhảy một bước chân sáo trước niềm hân hoan chiến thắng. Sonia nhìn chằm chằm qua cô ta mà không trông thấy cô ta. Gương mặt cô trắng bệch ra như xác chết. Nỗi hãi hùng khiến làn da cô ớn lạnh, chẳng còn láng mịn. Hơi thở được đưa gấp gáp qua đôi môi mở he hé. Cặp mắt giương to có vẻ như đang thấy hiển hiện một bức tranh kinh khiếp. Germaine nhảy xoay tròn trên đầu ngón chân xung quanh sánh với niềm hân hoan chiến thắng cao độ. Trong các giấc mơ trưởng giả điên rồ nhất, cô ta cũng chưa bao giờ dám mơ đến việc chàng Công tước đấu kiếm vì mình. Cô ta khúc khích cười mãi, có lúc cô ta còn cười phá lên và vỗ tay. “Ngài ấy đang đấu với một tay kiếm cừ khôi nhất, một tay kiếm bất khả chiến bại, chính chị bảo như thế.” Sonia lẩm bẩm, giọng đầy đau đớn. Cô áp chặt hai bàn tay lên mắt, như thể để đóng sập lại một cảnh tượng kinh hoàng. Germaine không nghe thấy Sonia nói gì, cô ta đang chằm chằm nhìn mình trong gương, vênh mặt ngạo nghễ với chính hình ảnh của mình. Sonia lảo đảo đi đến trước cửa sổ, nhìn đăm đăm xuống con đường, nơi sẽ dâng lên cơn thủy triều của niềm sung sướng hoặc nỗi thống khổ chẳng tài nào chữa lành. Cô cứ đưa qua đưa lại bàn tay trên mu mắt, như thể để nhìn cho rõ ràng hơn. Bỗng cô giật nẩy mình, cúi về phía trước, người cứng đờ ra, tập trung hết tinh thần và sức lực để quan sát. Rồi cô kêu lên: “Chị Germaine! Nhìn kìa! Nhìn kìa!” “Gì thế?” Germaine hỏi, tiến đến bên cạnh Sonia. “Một kỵ sĩ! Nhìn kìa! Kia kìa!” Sonia nói, khua khua bàn tay về phía con đường. “Đúng rồi, chẳng phải anh ta đang phi nước đại sao?” “Là ngài ấy! Là Công tước đấy!” Sonia kêu lên. “Em nghĩ thế à?” Germaine hỏi vẻ nghi ngờ. “Em chắc chắn… chắc chắn mà!” “Ồ, anh ta đến đây vừa kịp lúc uống trà.” Germaine nói với giọng cực kỳ hài lòng. “Anh ta biết rằng tôi vốn ghét phải chờ đợi. Anh ta đã bảo ‘Tôi sẽ trở về muộn nhất là năm giờ.’ Và anh ta đã đúng hẹn.” “Không thể nào.” Sonia nói. “Ngài ấy phải vòng tít qua công viên. Không có lối tới thẳng đây. Chúng ta bị ngăn cách bởi dòng suối.” “Dù gì thì anh ta cũng sẽ đi thẳng đến đây.” Germaine nhận định. Quả như thế thật. Người kỵ sĩ đã rời khỏi con đường và phi nước đại ngang qua các cánh đồng cỏ, thẳng tiến đến dòng suối. Trong vòng hai mươi giây, anh ta đã đến được bờ suối đầy bất trắc, và khi anh ta ghìm cương ngựa tại đây, Sonia che mắt lại. “Xong!” Germaine nói. “Ba tôi đã trả ba trăm guinea cho con ngựa ấy đấy.” III. Phong cách Lupin T rong tình huống thay đổi cảm xúc đột ngột, và như một phản ứng tự nhiên sau nỗi sợ hãi, Sonia lặng lẽ lùi lại, ngồi xuống bên bàn trà, thở gấp gáp hổn hển, cố gắng ngăn những giọt nước mắt sung sướng nhẹ nhõm. Cô không chứng kiến cảnh Công tước phi nước đại lên trên sườn núi, nhảy xuống và trao ngựa cho người săn sóc ngựa lúc bấy giờ đang chạy về phía anh. Làn sương ẩm vẫn còn đọng trong mắt Sonia khiến hình ảnh anh trong lòa nhòa khi anh bước vào qua cửa sổ. “Phần tôi, xin cho thật nhiều trà, rất ít kem thôi, kèm ba viên đường.” Công tước nói với giọng âm vang hớn hở và lôi đồng hồ ra xem. “Năm giờ kém năm phút… Được!” Rồi anh cúi xuống, cầm bàn tay Germaine, hôn lên đó vẻ tận tụy nịnh đầm. Nếu Công tước có vừa tham gia một cuộc đấu kiếm thật thì thái độ của anh cũng không hề để lộ gì cả. Thái độ, giọng nói của anh đều hoàn toàn thoải mái, trễ nải. Mọi suy nghĩ của anh lúc bấy giờ chỉ chăm chăm vào tách trà và việc đã đúng hẹn. Công tước kéo chiếc ghế gần bàn trà cho Germaine, sau đó anh cũng ngồi xuống. Sonia trao cho anh tách trà, bàn tay cô run rẩy tới mức khiến chiếc thìa kêu lanh canh trên đĩa lót tách. “Anh vừa tham gia một cuộc đấu kiếm ư?” Germaine hỏi. “Cái gì? Em đã nghe nói rồi à?” Công tước có chút ngạc nhiên hỏi lại. “Em đã nghe nói.” Germaine đáp. “Tại sao anh tham gia cuộc đấu kiếm vậy?” “Thưa ngài, ngài không bị thương chứ ạ?” Sonia lo lắng hỏi. “Không một vết xước.” Công tước mỉm cười đáp. “Em làm ơn tiếp tục điền địa chỉ cho đống thiếp mời đám cưới nhé, Sonia.” Germaine gay gắt nói, và Sonia quay lại bàn viết. Ngoảnh sang Công tước, Germaine hỏi: “Anh đấu kiếm vì em ư?” “Em có hài lòng nếu biết tôi chiến đấu vì em không?” Một ánh chế giễu thoáng xuất hiện trong mắt Công tước, thoáng qua đến nỗi Germaine với bản tính đầy tự mãn không chú ý thấy được. “Vâng. Nhưng có phải thật thế đâu. Anh đã đấu kiếm vì một người phụ nữ nào đấy thôi.” Germaine hờn dỗi nói. “Nếu tôi đã đấu kiếm vì một người phụ nữ, người ấy chỉ có thể là em.” Công tước khẳng định. “Vâng, đúng thế. Đương nhiên rồi. Khó có thể lại là Sonia hay con bé hầu gái của em.” Germaine nói. “Nhưng nguyên nhân cuộc đấu kiếm là gì vậy?” “Ồ, nguyên nhân hết sức trẻ con.” Công tước trả lời. “Lúc đó tôi đang sẵn cơn nóng nảy, và de Relzières nói một chuyện chọc tức tôi.” “Vậy nguyên nhân không phải là em, mà nếu nguyên nhân không phải là em thì không đáng để xảy ra cuộc đấu kiếm.” Giọng Germaine tràn trề thất vọng. Ánh chế giễu rõ ràng hơn một chút trong mắt Công tước. “Phải. Nhưng giả dụ tôi chết, tất cả mọi người sẽ bảo ‘Công tước Charmerace đã chết trong một cuộc đấu kiếm vì tiểu thư Gournay-Martin.’ Như thế thực sự nghe cao quý lắm lắm.” Giọng Công tước bắt đầu có chút giễu cợt. “Nào, đừng khiến em lại phải bực bội.” Germaine dằn dỗi nói. “Tôi không bao giờ dám mơ tưởng điều ấy cô gái yêu quý của tôi.” Công tước mỉm cười. “Còn de Relzières? Anh ta có bị thương không?” Germaine hỏi. “De Relzières yêu quý tội nghiệp. Sáu tháng nữa cậu ta mới bước chân ra khỏi giường được.” Công tước trả lời, khẽ cười hoan hỉ. “Trời đất!” Germaine kêu lên. “Như thế sẽ rất tốt cho de Relzières. Cậu ta bị lưỡi kiếm chạm vào ruột non, và với vết thương ở ruột non thì không có gì tốt bằng nằm nghỉ ngơi đâu.” Công tước nói. Sonia xử lý những tấm thiệp mời đám cưới không nhanh lắm. Germaine ngồi quay lưng lại phía cô, và qua vai cô ta, cô có thể quan sát gương mặt Công tước – một gương mặt sinh động lạ lùng, đổi thay theo từng tâm trạng. Ánh mắt anh thi thoảng bắt gặp ánh mắt cô, những lúc đó mắt cô cụp xuống. Nhưng ngay sau khi ánh mắt anh đưa đi chỗ khác, cô lại quan sát anh, vẻ gần như khao khát, như thể cô không tài nào nhìn cho đủ được gương mặt anh – gương mặt với sức mạnh của ý chí và sự quả quyết phảng phất nét hoài nghi châm biếm, trở nên hiền hòa bởi vẻ cao quý của tầng lớp mà anh sinh ra. Công tước uống hết tách trà rồi lấy từ túi áo khoác ra chiếc hộp da dê thuộc, nói với Germaine: “Phải tới ba ngày rồi tôi chưa tặng em cái gì.” Anh mở chiếc hộp, khoe sợi dây chuyền mặt ngọc trai, rồi trao chiếc hộp cho cô ta. “Ôi, thật tuyệt!” Germaine nhận món quà, kêu lên. Cô ta lấy món quà ra khỏi hộp, thích thú khen đẹp. Cô ta giơ cho Sonia xem rồi đến đứng trước gương ngắm nghía. Thật lòng mà nói, nó không tôn cô ta lên mấy. Những hạt ngọc trai chẳng làm đẹp hơn làn da nâu thô ráp của cô ta, mà làn da của cô ta cũng chẳng làm những hạt ngọc trai đẹp hơn. Sonia nhận thấy điều này, cả Công tước nữa. Anh nhìn cần cổ trắng ngần của cô. Cô bắt gặp ánh mắt anh, mặt đỏ bừng. Cô biết cả hai đang chung suy nghĩ là nếu sợi dây chuyền được đeo ở cổ cô thì nó sẽ đẹp hơn gấp trăm ngàn lần. Germaine thôi ngắm nghía mình trong gương, cô ta thậm chí không đủ khả năng để ngờ rằng sợi dây chuyền nhiều tiền đến thế mà lại không hề hợp với cô ta tẹo nào. Công tước uể oải nói: “Trời đất! Tất cả chỗ kia là thiếp mời đám cưới à?” “Đó là mới tới vần V thôi.” Germaine đáp với vẻ kiêu ngạo. “Và có đến những hai mươi lăm chữ cái trong bảng chữ cái! Em hẳn phải mời cả thế giới ấy nhỉ. Em sẽ phải cơi nới nhà thờ Madeleine. Nó chẳng đủ chỗ cho tất tật mọi người đầu. Chẳng nhà thờ nào ở Paris đủ chỗ chứa cả.” Công tước bình luận. “Chẳng phải nó sẽ là một đám cưới lộng lẫy sao!” Germaine nói. “Sẽ có cảnh chen lấn xô đẩy. Và chắc chắn sẽ có các tai nạn.” “Nếu tôi ở vị trí của em, tôi sẽ yêu cầu chuẩn bị, sắp xếp mọi thứ cho cẩn thận.” Công tước đưa ra ý kiến. “Ôi, cứ để mọi người tự lo lắng lấy. Mọi người sẽ nhớ đến đám cưới lâu hơn nếu có bị chen lấn xô đẩy một tí.” Germaine nói. Mắt Công tước thoáng ánh ngạc nhiên khinh thường. Nhưng anh chỉ nhún vai, quay sang Sonia, đề nghị: “Cô vui lòng chơi cho tôi nghe một đoạn của Grieg⦾ chứ, tiểu thư Krichnoff? Hôm qua tôi đã nghe cô chơi. Không ai chơi được như cô cả.” “Xin lỗi, Jacques, nhưng tiểu thư Krichnoff có việc phải làm.” Germaine gay gắt nói. “Năm phút giải lao thôi, chỉ một đoạn ngăn ngắn của Grieg, tôi khẩn cầu đấy.” Công tước nói với nụ cười cuốn hút không cưỡng lại nổi. “Được rồi.” Germaine miễn cưỡng đáp. “Nhưng em có chuyện quan trọng muốn nói với anh.” “Thế à? Tôi cũng có chuyện quan trọng muốn nói. Tôi có bức ảnh mới nhất chụp em và tiểu thư Sonia…” Germaine nhún vai, cau mày. “… diện hai chiếc váy dài màu sáng đứng ngoài trời, hai cô trông tựa như hai bông hoa lớn vậy.” “Anh coi đây là chuyện quan trọng à?” Germaine kêu lên. “Nó rất quan trọng, y như mọi chuyện vặt vãnh khác.” Công tước nở nụ cười. “Nhìn này! Tấm ảnh chẳng đẹp ư?” Anh lấy tấm ảnh ra khỏi túi áo khoác, giơ về phía Germaine. “Đẹp á? Trông gớm chết đi được. Lúc đó bọn em đang làm hai bộ mặt xấu kinh hoàng.” Germaine nhìn tấm ảnh trong tay Công tước, nói. “Chà, có lẽ là các cô đang làm mặt xấu.” Công tước đứng đắn nói, nghiêm trang xem xét bức ảnh.”Nhưng không phải hai bộ mặt xấu kinh hoàng đầu, không hề. Cô sẽ là người phán xử nhé, tiểu thư Sonia. Hai gương mặt… Chà, chúng ta sẽ không nói tới gương mặt, mà nói tới đường nét. Hãy quan sát chiếc khăn quàng cổ của cô bay này.” Công tước đưa cho Sonia bức ảnh. “Jacques!” Germaine sốt ruột lên tiếng. “Ồ, phải, em có chuyện quan trọng muốn nói với tôi. Chuyện gì thế?” Công tước hỏi, điệu bộ cam chịu. Anh lấy bức ảnh từ tay Sonia, thận trọng bỏ lại vào túi áo khoác. “Victoire gọi điện từ Paris bảo rằng chúng ta được tặng một con dao rọc giấy và một bình đựng mực kiểu thời Louis XVI.” Germaine nói. “Hoan hô!” Công tước đột ngột reo lên khiến cả hai cô gái giật mình. “Và một chuỗi vòng cổ ngọc trai.” Germaine tiếp tục. “Hoan hô!” Công tước lại reo. “Anh thật trẻ con!” Germaine bực bội nói. “Em bảo chúng ta được tặng một con dao rọc giấy, anh hoan hô. Em bảo chúng ta được tặng một chuỗi vòng cổ ngọc trai, anh cũng hoan hô. Anh không có chút ý thức nhỏ nhặt nhất nào về giá trị.” “Xin lỗi. Chuỗi vòng cổ ngọc trai do một người bạn của cha em tặng, phải không?” Công tước hỏi. “Vâng, sao ạ?” Germaine hỏi lại. “Nhưng con dao rọc giấy và bình đựng mực hẳn là từ giới quý tộc sa sút ở quận Faubourg Saint-Germain?” “Vâng, thế thì…?” “Thế thì, cô gái yêu quý của tôi, em còn phàn nàn cái gì? Thế là hòa, sự cân bằng đã được lập lại. Em không thể nào có tất cả.” Công tước nói, tinh quái phá ra cười. Germaine đỏ mặt, cắn môi. Ánh mắt cô ta nảy lửa. “Anh không mảy may quan tâm đến em.” Germaine phẫn nộ. “Nhưng tôi thấy em đáng yêu vô cùng.” Công tước nói. “Anh cứ khiến em điên tiết.” Germaine hờn dỗi. “Và anh cố ý làm vậy. Em cho đó là sở thích cực kỳ không ra sao. Rốt cuộc em sẽ ghét anh đấy, em biết là em sẽ ghét anh.” “Hãy đợi tới lúc chúng ta lấy nhau vì điều đó, cô gái yêu quý của tôi.” Công tước nói, rồi lại phá ra cười với một sự vui vẻ trẻ con, vô tư, khiến màu đỏ tức tối trên má Germaine càng đậm hơn nữa. “Anh không nghiêm túc được chuyện gì à?” Cô ta kêu lên. “Tôi là người đàn ông nghiêm túc nhất châu Âu.” Công tước nói. Germaine đi tới trước cửa sổ, sưng sỉa nhìn chằm chằm ra bên ngoài. Công tước đi đi lại lại quanh sảnh, nhìn những bức tranh vẽ ông bà cụ kỵ mình – những nhân vật có phần kỳ cục – với vẻ thưởng thức hóm hỉnh. Trong lúc điền địa chỉ lên phong bì, Sonia không ngừng đưa mắt nhìn anh. Có lần, anh bắt gặp ánh mắt cô và nở nụ cười. Tấm lưng Germaine thể hiện hùng hồn nỗi bất bình của cô ta. Công tước dừng bước trước một tấm thảm thêu cũ kĩ chen giữa dãy tranh. “Tôi không bao giờ hiểu được tại sao em để cho tất cả những ông bà cụ kỵ này của tôi nhìn chòng chọc xuống từ các bức tường, mà lại bỏ đi tấm chân dung tuyệt vời của bản thân tôi.” Công tước nói với vẻ hờ hững. Germaine đột ngột quay khỏi cửa sổ, Sonia đang điền dở một địa chỉ cũng ngừng tay, và cả hai cô gái cùng kinh ngạc nhìn anh chằm chằm. “Chắc chắn tấm chân dung của tôi từng treo ở chỗ hiện tại treo tấm thảm thêu. Em đã xử lý nó thế nào?” Công tước hỏi. “Anh lại đang cười cợt em đấy.” Germaine nói. “Chắc chắn ngài biết chuyện gì đã xảy ra.” Sonia xen vào. “Ba năm trước, em và ba em đã viết thư tường thuật mọi chi tiết và đã gửi cho anh tất cả các tờ báo. Anh không nhận được à?” Germaine hỏi. “Không một chi tiết nào, không một tờ báo nào cả. Ba năm trước tôi đang lạc ở Nam Cực.” Công tước trả lời. “Nhưng chuyện kịch tính lắm, Jacques yêu quý của em. Lúc đó cả Paris phải bàn tán xôn xao.” Germaine nói. “Bức chân dung của anh đã bị trộm mất đấy.” “Trộm? Kẻ nào dám lấy trộm nó?” Công tước hỏi. Germaine vội vã bước ngang qua sảnh, tới trước tấm thảm thêu. “Em sẽ cho anh xem.” Cô ta nói. Cô ta kéo tấm thảm thêu sang một bên, trên tấm ván ốp tường từng treo bức chân dung của Công tước, anh trông thấy các chữ viết bằng phấn: ARSÈNE LUPIN. “Anh nghĩ gì về chữ ký kia?” Germaine hỏi. “Arsène Lupin?” Giọng Công tước có chút bối rối. “Anh ta đã để lại chữ ký. Có vẻ như anh ta luôn luôn làm vậy.” Sonia giải thích. “Nhưng anh ta là ai?” Công tước hỏi. “Arsène Lupin? Chắc chắn anh biết Arsène Lupin là ai chứ?” Germaine sốt ruột. “Tôi không có chút ý niệm nào cả.” Công tước nói. “Ôi, thôi nào! Chả ai lại chỉ biết có Nam Cực như thế!” Germaine kêu lên. “Anh không biết Arsène Lupin ư? Tên trộm lạ lùng nhất, táo bạo nhất, thân thiện nhất nước Pháp. Trong vòng mười năm qua, anh ta đã tránh xa được bàn tay của cảnh sát. Anh ta đã khiến Ganimard, Herlock Sholmès – viên thám tử vĩ đại của Anh quốc, thất bại, thậm chí cả Guerchard, người mà ai ai cũng bảo là viên thám tử vĩ đại nhất nước Pháp kể từ thời Vidocq. Anh ta thực sự là tay ăn trộm tầm cỡ quốc gia. Anh quả thật muốn nói anh không biết anh ta ư?” “Thậm chí không đủ quen biết để mời anh ta đi ăn trưa ngoài nhà hàng.” Công tước đáp với vẻ đùa cợt. “Anh ta như thế nào?” “Như thế nào à? Không ai biết chút gì cả. Anh ta hóa trang theo hàng ngàn cách khác nhau. Anh ta đã đến dùng bữa tối tổ chức tại Đại sứ quán Anh hai lần.” “Nhưng nếu không ai biết anh ta, làm sao mọi người biết anh ta đã đến đó?” Công tước hỏi với vẻ bối rối. “Bởi buổi tối thứ hai, lúc mười giờ, họ nhận ra một trong số các khách mời đã biến mất, mang theo toàn bộ đồ trang sức của Đại sứ phu nhân.” “Toàn bộ?” Công tước hỏi. “Vâng, và Lupin để lại tấm danh thiếp viết nguệch ngoạc dòng chữ: Đây không phải một vụ trộm. Chính các ngài đã lấy mất bộ sưu tập Wallace của chúng tôi.” “Nhưng đó chỉ là trò chơi khăm thôi, phải không?” Công tước hỏi. “Không, thưa ngài, anh ta còn làm hay hơn thế. Ngài nhớ vụ Ngân hàng Darray, cái ngân hàng tiết kiệm dành cho người nghèo chứ?” Sonia nói, gương mặt dịu dàng ửng lên vì sự hăng hái bất chợt. “Xem nào.” Công tước nói. “Có phải vụ nhà tài phiệt đã nhân đôi tài sản của mình bằng việc chà đạp lên vô số những con người nghèo túng khốn khổ và khiến hai ngàn người phá sản không?” “Vâng, đúng đấy ạ.” Sonia nói. “Lupin đã khoắng sạch sành sanh ngôi nhà của Darray, lấy toàn bộ các thứ lão cất giấu trong két sắt. Anh ta chẳng bớt lại cho lão một xu. Và rồi, sau khi lấy tài sản của Darray, anh ta đem chia cho tất cả những người nghèo bị Darray đẩy vào chỗ phá sản.” “Nhưng như thế thì cô đang không nói tới một kẻ ăn trộm, cô đang nói tới một nhà bác ái.” Công tước bình luận. “Một kiểu bác ái hay ho thật!” Germaine dằn dỗi cắt ngang. “Vụ anh ta trộm của ba là lòng bác ái bao la lắm, đúng không?” “Chà.” Công tước nói với vẻ nghĩ ngợi sâu xa. “Nếu em đề cập tới vụ việc đó, thì nó không xứng đáng với vị anh hùng dân tộc này. Bức chân dung của tôi, nếu em không kể tới nét đẹp và sức hấp dẫn của chính gương mặt, thì nó không mấy giá trị.” “Nếu anh cho rằng anh ta thỏa mãn với bức chân dung của anh thì anh hết sức sai lầm. Toàn bộ bộ sưu tập của ba em đã bị trộm.” Germaine nói. “Bộ sưu tập của cha em ư?” Công tước hỏi. “Nhưng nó vốn vẫn được canh gác sát sao hơn cả Ngân hàng Pháp quốc. Cha em bảo vệ nó còn cẩn thận hơn bảo vệ con ngươi của mắt mình mà.” “Chính xác như thế, ba đã quá cẩn thận. Đó là nguyên nhân khiến Lupin thành công.” “Câu chuyện này hết sức thú vị.” Công tước nói. Anh ngồi xuống chiếc sofa kê phía trước chỗ từng treo bức chân dung mình để đi sâu hơn vào chi tiết của vụ việc một cách hoàn toàn thư thái. “Tôi cho rằng anh ta có đồng lõa ngay trong nhà.” “Vâng, một kẻ đồng lõa.” Germaine công nhận. “Là ai?” Công tước hỏi. “Là ba!” Germaine trả lời. “Ôi, thôi nào! Em muốn nói cái quái gì vậy?” Công tước hỏi. “Em đang trở nên khá khó hiểu, cô gái yêu quý của tôi ơi.” “Ồ, em sẽ giải thích rõ ràng hơn cho anh. Một buổi sáng, ba em nhận được một lá thư… Nhưng khoan đã, Sonia, hãy lấy lá thư của Lupin ở chiếc tủ ngăn kéo kia cho tôi.” Sonia đứng dậy khỏi bàn viết, đi đến chỗ một chiếc tủ ngăn kéo – một ví dụ tuyệt vời cho sản phẩm của Chippendale, thợ đóng tủ ngăn kéo xuất sắc người Anh. Nó được kê phía bên kia sảnh, giữa một chiếc tủ ngăn kéo phương Đông và một chiếc tủ ngăn kéo của Ý thế kỷ XVI, trông y như nó đang đứng trong một cửa hiệu đồ cổ chật ních những món hiếm có khó tìm, tạo ra ấn tượng rằng ba chiếc tủ ngăn kéo, bởi thiếu tính tương đồng, lấy lẫn của nhau nét quyến rũ nào đấy. Sonia nhấc nắp tủ, rút chiếc cặp hồ sơ ra khỏi một ngăn kéo, lật lật các giấy tờ và trao lá thư cho Công tước. “Đây là chiếc phong bì ấy.” Cô nói. “Nó ghi gửi ngài Gournay-Martin, nhà sưu tầm, lâu đài Charmerace, Ille-et-Vilaine.” Công tước mở phong bì, rút ra một bức thư. “Một kiểu chữ viết tay kỳ cục.” Anh nhận xét. “Anh đọc đi… đọc cho kĩ vào.” Germaine nói. Đó là một kiểu chữ viết tay lạ lùng. Các chữ cái kích thước nhỏ nhưng đường nét chuẩn chỉ. Nó có vẻ là chữ của một người biết chính xác mình muốn gì và thích nói ra điều mình muốn với sự chính xác tuyệt đối. Bức thư viết: Ngài kính mến, Xin lỗi đã đường đột viết thư cho ngài trước khi ngài và tôi được làm quen với nhau, nhưng tôi mạo muội nghĩ rằng dù gì thì ngài cũng nghe tên tôi rồi. Trong phòng khách bên cạnh sảnh lâu đài của ngài có treo một bức tranh tuyệt hảo của Gainsborough mà tôi vốn vẫn dành cho nó niềm thích thú vô bờ. Trong phòng khách đó, tôi còn hâm mộ cả tranh của Goya, cũng như tranh của Van Dyck. Trong phòng khách phía bên trong, tôi để ý tới cặp tủ ngăn kéo thời Phục Hưng – một cặp tủ tuyệt diệu, tấm thảm thêu xứ Flandre, bức tranh của Fragonard, chiếc đồng hồ treo tường có chữ ký của Boulle, và nhiều đồ vật khác không quý hóa bằng. Nhưng trên tất thảy, tôi khao khát chiếc vương miện mà ngài mua tại cuộc phát mãi tài sản của Hầu tước phu nhân de Ferronaye, chiếc vương miện từng được Công nương de Lamballe bất hạnh đội. Tôi vô cùng quan tâm tới chiếc vương miện này: Thứ nhất, vì các ký ức vừa bi thảm vừa đầy quyến rũ trong tâm tưởng một nhà thơ yêu say đắm lịch sử, và thứ hai – dẫu hầu như chẳng đáng khi đề cập tới những vật kiểu này – là giá trị nội tại của nó. Tôi thực sự cho rằng số ngọc được đính trên chiếc vương miện có giá trị ít nhất nửa triệu franc. Ngài thân mến, tôi trân trọng yêu cầu ngài cho đóng gói hết sức cẩn thận những đồ vật kia, gửi đến nhà ga Batignolles cho tôi, với cước phí vận chuyển trả sẵn. Trong trường hợp việc này không được thực hiện, tôi sẽ đích thân đến lấy chúng đi vào đêm thứ Năm, mùng Bảy tháng Tám. Xin lỗi ngài vì sự phiền hà nho nhỏ tôi gây ra cho ngài, và xin đừng nghi ngờ lời tôi. Kính thư, ARSÈNE LUPIN Tái bút: Tôi sực nghĩ các bức tranh được treo trong khung không lắp kính. Cần khắc phục thiếu sót này trước khi ngài gửi chúng cho tôi, và tôi chắc chắn rằng ngài sẽ chịu đựng thêm sự phiền hà này một cách vui vẻ. Đương nhiên, tôi biết, một số người am hiểu vốn vẫn tuyên bố rằng chất lượng các bức tranh sẽ bị giảm phần nào khi chiêm ngưỡng qua khung kính. Nhưng khung kính giúp bảo quản tranh, và chúng ta nên luôn luôn sẵn lòng hy sinh phần nào niềm thích thú của chính chúng ta vì lợi ích của hậu thế. Nước Pháp đòi hỏi ở chúng ta điều này. A.L. Công tước cười thành tiếng, nói: “Bức thư này thực sự quá khôi hài. Cha em hẳn phải bật cười.” “Cười á?” Germaine hỏi. “Đáng lẽ anh phải chứng kiến nét mặt ba em lúc đó. Em cam đoan ba đã nhìn nhận việc này một cách khá nghiêm túc.” “Nhưng tôi hy vọng không đến mức gửi những đồ vật kia đi Batignolles.” Công tước nói. “Không, nhưng cũng đến mức phát điên lên.” Germaine đáp. “Và vì cảnh sát vốn luôn thua Lupin, ba đã nảy ra ý tưởng thông minh là thử xem quân đội có thể thực hiện biện pháp gì. Viên sĩ quan chỉ huy ở Rennes là bạn thân thiết của ba, và ba tìm đến ông ta, nói với ông ta về lá thư Lupin gửi cũng như điều ba lo sợ. Viên Đại tá quân đội cười giễu ba, tuy nhiên ông ta vẫn điều một hạ sĩ và sáu lính tới gác bộ sưu tầm của ba vào đêm mùng Bảy. Họ được bố trí đi chuyến tàu hỏa cuối cùng để không đánh động những kẻ đột nhập. Và thế là họ tới, bảy quân nhân được chọn lọc kĩ càng, các quân nhân từng chiến đấu ở xứ An Nam Bắc Kỳ⦾. Nhà em cho họ ăn bữa nhẹ buổi tối. Viên hạ sĩ cắt đặt vị trí gác tại sảnh và tại hai phòng khách có các bức tranh và các đồ vật kia. Mười một giờ, cả nhà vào giường đi ngủ sau khi hứa với viên hạ sĩ rằng nếu xảy ra bất kỳ cuộc đụng độ nào với những kẻ đột nhập thì ai cũng sẽ phải ở nguyên trong phòng mình. Em thề là em cảm thấy căng thẳng khủng khiếp. Bao nhiêu lâu mà em chẳng thể ngủ được. Rồi, khi em ngủ được, em ngủ luôn đến sáng. Đêm ấy trôi qua hoàn toàn yên tĩnh. Không có gì khác thường xảy ra. Không có một âm thanh dù khẽ khàng nhất. Em đánh thức Sonia và ba dậy. Chúng em hấp tấp mặc quần áo, ba chân bốn cẳng chạy xuống phòng khách.” Germaine ngừng lời đầy kịch tính. “Thế rồi?” Công tước hỏi. “Thế rồi, xong.” “Cái gì xong?” Công tước lại hỏi. “Tất cả mọi thứ.” Germaine trả lời. “Các bức tranh, các tấm thảm thêu, tủ ngăn kéo, chiếc đồng hồ treo tường, tất cả đã biến mất.” “Cả chiếc vương miện?” Công tước hỏi. “Ồ, không. Chiếc vương miện được giữ ở Ngân hàng Pháp quốc. Chắc chắn Lupin đã đánh cắp bức chân dung vẽ anh để đền bù cho việc hụt mất nó. Dù sao trong thư anh ta cũng không bảo anh ta sẽ lấy bức chân dung.” “Nhưng, nào! Vụ việc này quá lạ lùng, không thể tin được. Phải chăng anh ta đã thôi miên viên hạ sĩ và đám lính? Hay anh ta đã thủ tiêu tất cả bọn họ?” Công tước hỏi. “Viên hạ sĩ ư? Chẳng có viên hạ sĩ nào cả, chẳng có lính tráng nào cả. Viên hạ sĩ chính là Lupin và đám lính chính là thành viên trong băng đảng của anh ta.” Germaine trả lời. “Tôi không hiểu.” Công tước nói. “Ông Đại tá đã hứa với cha em sẽ cử một hạ sĩ và sáu lính đến. Vậy bọn họ không đến à?” “Bọn họ quả đã có mặt tại ga.” Germaine kể. “Nhưng anh biết cái quán trọ nhỏ nằm giữa quãng đường từ ga tới lâu đài chứ? Họ dừng chân uống rượu tại đó, và mười một giờ trưa hôm sau, một người dân làng đã phát hiện ra cả bảy người bọn họ cùng gã hầu dẫn đường tới lâu đài đang ngủ không vẫy tai trong khu rừng cách quán trọ nửa dặm. Đương nhiên, ông chủ quán trọ chẳng giải thích được rượu bọn họ uống bị chuốc thuốc mê lúc nào. Ông ta chỉ có thể kể cho nhà em biết việc một người lái xe hơi dừng lại tại quán trọ, gọi bữa nhẹ buổi tối và mời đám lính sang bàn mình, khẩn khoản xin thết rượu. Chưa rời khỏi quán thì bọn họ xem chừng cũng đã quá chén, và người lái xe hơi tiếp tục nài nỉ được lái xe đưa bọn họ tới lâu đài. Khi thuốc mê phát huy tác dụng, anh ta chỉ việc khiêng từng người xuống, vứt bọn họ nằm ngủ trên nền rừng cho tới lúc dã rượu và thuốc.” “Dù gì thì Lupin cũng có vẻ đã lên kế hoạch tỉ mỉ, kĩ càng.” Công tước nói. “Em cho là vậy.” Germaine đồng tình. “Guerchard được cử từ Paris tới, nhưng ông ta không thể tìm ra một mảy may manh mối nào. Không phải do không nỗ lực, vì ông ta vốn vẫn căm ghét Lupin. Đó là cuộc chiến trường kỳ giữa họ, và cho đến lúc này thì Lupin trăm trận trăm thắng.” “Anh ta ắt phải tài ba hơn người.” Công tước nói. “Đúng thế.” Germaine đáp lời. “Và anh biết không, em sẽ chẳng chút ngạc nhiên nếu bây giờ anh ta đang quanh quẩn đâu đây.” “Em muốn nói cái quái gì vậy?” Công tước hỏi. “Em không đùa đâu.” Germaine nói. “Có những sự việc kỳ quặc đang xảy ra. Kẻ nào đó đã thay đổi vị trí các đồ vật. Bức tượng bằng bạc… nó vốn vẫn ở trên chiếc tủ ngăn kéo, nhưng chúng em phát hiện ra nó chạy sang chỗ chiếc đàn piano. Tuy nhiên, không ai động đến nó cả. Và hãy xem khung cửa sổ này. Kẻ nào đó đã đập vỡ mất một ô kính đúng tầm then cài.” “Quỷ tha ma bắt!” Công tước thốt lên. IV. Công tước ra tay C ông tước đứng lên, đi đến chỗ cửa sổ, nhìn ô kính vỡ. Anh bước ra sân hiên, xem xét bề mặt phủ cỏ, sau đó trở vào. “Tình hình có vẻ nghiêm trọng.” Công tước nói. “Ô kính không hề bị vỡ. Nếu nó bị vỡ, sẽ có các mảnh thủy tinh vương trên cỏ. Thực tế, nó đã bị cắt mất. Chúng ta phải cảnh báo cho cha em lưu tâm đến các tài sản quý giá của mình.” “Em đã bảo anh mà.” Germaine nói. “Em đã bảo Arsène Lupin đang quanh quẩn đâu đây.” “Arsène Lupin rất tài ba.” Công tước mỉm cười, nói. “Nhưng không có lý do gì để nghĩ anh ta là kẻ đào tường khoét ngạch duy nhất ở nước Pháp, thậm chí là ở vùng Ille-et-Vilaine này.” “Em chắc chắn anh ta đang quanh quẩn đâu đây. Em cảm thấy thế.” Germaine bướng bỉnh nói. Công tước nhún vai, mỉm cười nói: “Tôi còn lâu mới cãi được em. Linh cảm của phụ nữ luôn luôn là… chà, nó luôn luôn là linh cảm của phụ nữ.” Công tước quay lại sảnh, đúng lúc này cánh cửa mở ra, một người đàn ông tóc tai bù xù vận quần áo kiểu nhân viên gác rừng xuất hiện trên ngưỡng cửa. “Cô có khách tới thăm, tiểu thư Germaine.” Ông ta nói với giọng trầm sâu. “Cái gì? Ông ra mở cửa à, Firmin?” Germaine hỏi. “Vâng, tiểu thư Germaine, chỉ còn mỗi tôi để làm việc ấy. Tất cả gia nhân đã khởi hành ra ga hết rồi. Đêm nay và sáng mai, bà nhà tôi với tôi sẽ phục vụ mọi người ở đây. Tôi đưa các ông kia vào chứ cô?” “Bọn họ là ai?” Germaine hỏi. “Hai ông ấy nói là đã có hẹn.” “Tên bọn họ là gì?” Germaine tiếp tục hỏi. “Hai ông khách. Tôi chẳng biết tên của họ. Tôi chẳng bao giờ nhớ được các cái tên.” “Đó là lợi thế đối với bất cứ người nào làm nhiệm vụ mở cửa.” Công tước vừa mỉm cười vừa bảo ông già Firmin lừ đừ chậm chạp. “Ôi, không thể lại là cha con lão Charolais được. Chưa đến lúc để bọn họ quay lại. Em đã bảo bọn họ ba chưa về mà.” “Không, không thể là họ.” Firmin quả quyết đáp. “Thôi được, dẫn bọn họ vào.” Germaine nói. Firmin quay ra, để cánh cửa mở sau lưng mình, và mọi người nghe thấy tiếng đôi giày cao cổ đế đóng đinh của ông ta kêu lộp cộp trên sàn đá ở sảnh ngoài. “Charolais à?” Công tước hỏi bâng quơ. “Tôi không biết cái họ này. Ai vậy?” “Vừa lúc nãy Alfred thông báo có hai ông khách. Em tưởng là Georges và André du Buit, vì anh em họ hứa đến uống trà. Em bảo Alfred đưa họ vào, và ngạc nhiên thấy xuất hiện hai gã tỉnh lẻ rõ đáng ghét. Em chưa bao giờ… Ôi!” Germaine đột ngột im bặt, vì kìa, đang bước vào phòng là cha con nhà Charolais. Charolais ôm chặt chiếc mũ đi xe hơi trước ngực, cúi thấp người chào. “Tiểu thư, tôi lại xin hân hạnh chào cô.” Con trai lão cũng cúi chào, để lộ sau lưng mình một gã thanh niên nữa. “Con trai thứ hai của tôi. Nó là chủ cửa hiệu dược phẩm.” Charolais nói, vung bàn tay to tướng ửng đỏ về phía gã thanh niên. Gã thanh niên được tạo hóa ban cho cặp mắt rất đặc trưng của gia đình, hai con mắt nằm gần nhau. Gã bước vào sảnh, cúi chào hai cô gái. Công tước khẽ nhướng mày. “Tôi rất xin lỗi quý vị.” Germaine nói. “Nhưng ba tôi chưa về.” “Dạ, không cần phải xin lỗi, không cần một tí ti nào cả.” Charolais nói, rồi lão và hai gã con trai tự tiện ngồi xuống ba chiếc ghế dựa. Germaine thoáng choáng váng trước sự trơ tráo của bọn họ, không thốt được lời nào. Rồi cô ta vội vàng bảo: “Rất có thể phải một tiếng đồng hồ nữa ba tôi mới trở về. Tôi không muốn cha con ông lãng phí thời gian.” “Ồ, không vấn đề gì.” Charolais nói với điệu bộ khoan dung, rồi lão quay sang Công tước, nói thêm: “Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, nếu ngài là thành viên trong gia đình, thưa ngài, chúng ta có thể thảo luận về mức giá thấp nhất các ngài đưa ra cho chiếc xe.” “Xin lỗi.” Công tước nói. “Nhưng tôi không liên quan gì tới vấn đề này.” Trước khi Charolais kịp trả lời, cánh cửa mở ra, và cái giọng trầm sâu của Firmin cất lên: “Thưa cậu, xin mời cậu vào.” Gã thanh niên thứ ba bước vào sảnh. “Cái gì, mày à, Bernard?” Charolais nói. “Tao đã bảo mày đợi ở cổng công viên mà.” “Nhưng con cũng muốn xem chiếc xe.” Bernard nói. “Con trai thứ ba của tôi. Nó được sinh ra để trở thành luật sư.” Charolais nói với điệu bộ hết sức tự hào của một ông bố. “Ông có bao nhiêu người con vậy?” Germaine yếu ớt hỏi. Trước khi Charolais kịp trả lời, Firmin một lần nữa xuất hiện trên ngưỡng cửa. “Thưa cô, ông chủ vừa về.” Ông ta nói. “Ơn Chúa!” Germaine thốt lên và quay sang Charolais, nói: “Này ông, nếu ông đi với tôi, tôi sẽ dẫn ông sang chỗ ba tôi, và ông có thể thảo luận về giá của chiếc xe ngay lập tức.” Cô ta vừa tuyên bố vừa tiến ra cửa. Cha con nhà Charolais đứng dậy, nhường đường cho cô ta đi trước. Charolais cha và hai gã con trai lớn hấp tấp theo cô ta rời khỏi căn phòng. Nhưng Bernard lần chần đằng sau, có vẻ muốn ngắm nghía các món trang trí được bày trên máy chiếc tủ ngăn kéo. Nhanh không thể tưởng, gã nẫng luôn hai thứ ở gần nhất rồi định bám theo hai gã anh trai. Công tước nhảy ba bước ngang qua sảnh, thộp được cánh tay gã thanh niên ở ngay ngưỡng cửa, kéo giật gã quay vào sảnh, đóng cánh cửa lại. “Không, không được, anh bạn trẻ của tôi.” Công tước gay gắt nói. “Không được gì?” Bernard hỏi, cố gắng thoát khỏi bàn tay tóm chặt của Công tước. “Cậu đã lấy chiếc hộp đựng thuốc lá.” Công tước nói. “Không, không, tôi không… chẳng có gì như thế cả!” Bernard lắp bắp. Công tước ghì chặt cổ tay trái của gã thanh niên, sục tay vào chiếc mũ đi xe hơi gã đang ôm, rút ra một chiếc hộp đựng thuốc lá bằng bạc, giơ trước mắt gã. Môi Bernard tái nhợt. Đôi tròng mắt hốt hoảng như muốn bắn ra khỏi hốc mắt. “Đó… đó… là nh-nh-nh-nhầm lẫn.” Gã lắp bắp. Công tước chuyển sang tóm cổ áo Bernard, thọc tay vào túi ngực chiếc áo khoác của gã. Bất lực bởi bàn tay tóm chặt và vô cùng choáng váng trước động tác mau lẹ của anh, gã chẳng phản kháng gì được. Công tước rút ra chiếc hộp da dê thuộc, nói: “Đây cũng là nhầm lẫn sao?” “Trời đất! Sợi dây chuyền!” Sonia kêu lên. Cô đang quan sát sự việc xảy ra với cái miệng há hốc và cặp mắt kinh ngạc. Bernard quỳ sụp xuống, hai bàn tay siết lấy nhau. “Hãy tha tội cho tôi!” Gã kêu lên bằng giọng nghẹn ngào. “Hãy tha tội cho tôi! Xin đừng nói với bất kỳ ai. Vì Chúa, xin đừng nói với bất kỳ ai.” Và nước mắt gã tuôn như mưa. “Đồ ranh con khốn kiếp!” Công tước nói khẽ khàng. “Tôi sẽ không bao giờ lặp lại việc này, không bao giờ! Ôi, hãy rủ lòng thương tôi! Nếu như ba tôi biết! Ôi, hãy cho tôi đi đi!” Bernard kêu lên. Công tước lưỡng lự, nhìn xuống gã thanh niên, cau mày và giật giật ria mép. Rồi, vốn vẫn hay xem nhẹ mọi chuyện, anh đi đến quyết định một cách chóng vánh không ngờ. “Được.” Công tước chậm rãi nói. “Chỉ duy nhất một lần này thôi… Hãy cút đi!” Và anh lôi Bernard dậy, gần như ném gã ra sảnh ngoài. “Cảm ơn! Ôi, cảm ơn!” Bernard nói. Công tước đóng cánh cửa lại, nhìn Sonia, thở gấp gáp. “Sao? Cô đã bao giờ chứng kiến việc gì như thế chưa? Thằng ranh con còn tiến xa. Thật là láo xược! Ngay trước mắt chúng ta! Và sợi dây chuyền nữa, nếu mất nó thì quả là đáng tiếc. Trời đất, lẽ ra tôi phải nộp hắn cho cảnh sát.” “Không, không!” Sonia kêu lên. “Ngài hoàn toàn đúng khi tha cho hắn… hoàn toàn đúng.” Công tước đặt sợi dây chuyền ở mép nóc tủ ngăn kéo, đi dọc theo sảnh đến chỗ Sonia. “Sao thế?” Anh hỏi dịu dàng. “Cô tái nhợt đi thế này.” “Chuyện xảy ra khiến em bối rối quá… Cái cậu con trai khốn khổ ấy.” Sonia nói, nước mắt lưng tròng. “Cô thương hại thằng khốn kiếp ấy à?” Công tước hỏi. “Vâng, khủng khiếp quá! Ánh mắt cậu ta mới hãi hùng, mới trẻ con làm sao. Và bị bắt như thế… bắt tại trận… đang ăn trộm. Ôi, thật khủng khiếp!” “Nào, nào, cô mới nhạy cảm làm sao!” Công tước nói, giọng dịu dàng, gần như âu yếm. Ánh mắt anh bừng lên vẻ trìu mến, cảm phục khi dừng lại trên gương mặt duyên dáng, đang mang những nét băn khoăn, lo lắng của Sonia. “Vâng, như thế thật ngốc nghếch!” Sonia nói. “Nhưng ngài để ý ánh mắt cậu ta chứ… vẻ hoảng loạn trong đó? Ngài đã thương hại cậu ta, phải không? Vì tận đáy lòng mình, ngài vốn vẫn nhân hậu.” “Tại sao lại là tận đáy lòng?” Công tước hỏi. “Ồ, em nói là tận đáy lòng vì bề ngoài ngài có vẻ hay châm biếm, và thoạt nhìn ngài rất lạnh lùng. Nhưng thông thường đó chỉ là cái mặt nạ của những người đã phải trải qua nỗi đau khổ ghê gớm nhất… Chính họ là những người bao dung nhất.” Sonia nói chầm chậm, do dự lựa chọn từ ngữ. “Phải, tôi cho là thế.” Công tước trầm tư nói. “Vì khi đã phải trải qua đau khổ, người ta sẽ thấu hiểu… Vâng, người ta sẽ thấu hiểu.” Sonia nói. Hai người thoáng im lặng. Ánh mắt Công tước vẫn dừng lại trên gương mặt cô, vẻ cảm phục xen lẫn tình thương mến. “Ở đây cô không vui vẻ lắm, đúng không?” Anh hỏi dịu dàng. “Em ư? Tại sao?” Sonia vội vã hỏi lại. “Nụ cười của cô buồn rầu và ánh mắt của cô rụt rè lắm.” Công tước chậm rãi nói. “Cô giống hệt một đứa bé mà người ta mong muốn được chở che. Cô hoàn toàn đơn độc trên cõi đời này à?” Giọng nói và ánh mắt Công tước đây nỗi xót thương, gò má Sonia thoáng ửng hồng. “Vâng, em chỉ có một mình.” Cô nói. “Thể cô không có bà con… hay bạn bè gì ư?” Công tước hỏi. “Không ạ.” Sonia trả lời. “Tôi không muốn nói ở Pháp, mà ở đất nước của cô ấy… Chắc chắn cô phải có người nào thân thuộc ở Nga chứ?” “Không, không ai cả. Ngài biết đấy, cha em là nhà cách mạng. Ông mất ở Siberia khi em vừa chào đời. Và mẹ em cũng mất rồi… ở Paris. Bà mất lúc em hai tuổi.” “Một thân một mình như thế hẳn phải rất khó khăn.” Công tước nói. “Không đâu.” Sonia đáp với nụ cười yếu ớt. “Em không thấy phiền lòng vì không có ai thân thuộc. Em đã quen như thế từ thuở bé… từ thuở rất bé. Việc khó khăn là… nhưng ngài sẽ cười em…” “Có trời chứng giám tôi sẽ không cười!” Công tước đáp với vẻ nghiêm trang. “Ôi, việc khó khăn là, không bao giờ được nhận một lá thư… một chiếc phong bì mà ta sẽ mở ra… từ ai đó mong nhớ ta…” Sonia ngừng lời rồi nói với vẻ nghiêm trang: “Nhưng em tự nhủ rằng chuyện đó là chuyện vô nghĩa. Em có các triết lý sống nhất định.” Sonia mỉm cười với Công tước, nụ cười trẻ thơ đáng yêu. Công tước cũng mỉm cười. “Các triết lý sống nhất định.” Giọng anh thật dịu dàng. “Cô nói nghe như triết gia!” Họ đang đứng nhìn nhau với ánh mắt nghiêm trang, gần như là ánh mắt dò tìm tâm hồn nhau, thì cánh cửa phòng khách bật mở toang, và cái giọng chao chát của Germaine đập vào tai họ. “Em đang trở nên quá đáng không thể chịu được, Sonia!” Cô ta kêu lên. “Hoàn toàn vô ích khi dặn em bất cứ việc gì. Tôi đã dặn em phải chú ý tự tay đóng gói hộp đựng đồ viết lách bọc da cho vào túi cho tôi. Vậy mà tình cờ mở một ngăn kéo, tôi thấy cái gì? Tôi thấy hộp đựng đồ viết lách bọc da của tôi vẫn còn chình ình ở đấy.” “Em xin lỗi.” Sonia nói. “Em định…” “Ồ, chẳng cần bận tâm đến nó nữa. Tôi sẽ tự giải quyết. Nhưng trời đất, có lẽ em sẽ được mời tới đám cưới của chúng tôi, mà xem em mới dễ dãi với mọi chuyện làm sao chứ. Em là hiện thân của sự lơ đễnh, cẩu thả.” “Nào, Germaine… chỉ là sơ suất thôi.” Công tước nói với giọng vỗ về. “Này, Jacques, xin lỗi anh, anh có cái thói quen không hay ho là cứ can thiệp vào việc nọ việc kia trong nhà. Vừa mới mấy hôm trước anh đã xử sự như thế. Em chẳng còn sai bảo nổi kẻ hầu người hạ…” “Germaine!” Công tước nói, đột ngột tỏ ra bất bình. Germaine quay sang Sonia, chỉ một tập phong bì và mấy bức thư mà Bernard Charolais hẩy rơi khỏi bàn. “Nhặt những chiếc phong bì và mấy bức thư kia lên, mang tất cả sang phòng của tôi. Nhanh nhẹn vào!” Germaine lại lao vụt ra ngoài, sập mạnh cánh cửa đằng sau lưng. Sonia xem chừng hoàn toàn thản nhiên trước cơn giận dữ: Má cô không một chút đỏ của tủi hổ, môi cô không một thoáng rung. Cô cúi nhặt các giấy tờ rơi dưới đất. “Không, không, để tôi, tôi khẩn khoản xin cô đấy.” Công tước nói giọng khổ sở. Anh khuỵu một gối xuống, bắt đầu gom các giấy tờ lại. Anh đặt chúng lên trên bàn, nói: “Cô đừng để tâm tới lời lẽ của Germaine. Cô ấy… cô ấy… cô ấy có bản chất tốt. Chỉ là cung cách cô ấy như vậy. Cô ấy vốn luôn sung sướng, muốn gì được nấy. Cô ấy đã bị làm hư, cô có biết không? Những người kiểu đó không bao giờ quan tâm đến bất kỳ ai. Cô không được đau lòng vì cơn giận dữ của cô ấy.” “Ôi, em không để ý đâu. Em không để ý thật mà.” Sonia cam đoan. “Tôi mừng khi nghe cô nói thế. Chuyện chẳng đáng bận tâm.” Công tước nhét những chiếc phong bì và những tấm thiếp mời chưa ghi gì vào một cái bao, rồi đưa cho Sonia. “Đây!” Anh vừa mỉm cười vừa nói. “Sẽ không nặng quá đâu.” “Vâng, em cảm ơn.” Sonia nhận lấy các thứ. “Hay tôi mang hộ cô sang phòng bên kia?” Công tước hỏi. “Thôi ạ, cảm ơn ngài.” Sonia nói. Với một động tác rất nhanh, vô tư lự, gần như bốc đồng, Công tước nắm bàn tay cô, cúi xuống hôn lên đó. Một màu hồng rực tỏa trên gương mặt cô, lan lên đến tận chân tóc và xuống đến tận cổ. Cô đứng trân trân một lát, bàn tay áp lấy trái tim mình. Sau đó, cô vội vã, loạng choạng đi ra cửa, đẩy cánh cửa mở ra, dừng bước, quay đầu nhìn lại anh, rồi lặng lẽ biến mất. V. Bức thư của Lupin C ông tước đứng đấy một lúc, đăm đăm nhìn khung cửa Sonia vừa đi qua vẻ nghĩ ngợi, đôi môi thoáng hiện nụ cười mơ hồ. Anh đi ngang qua sảnh, đến chỗ chiếc tủ ngăn kéo Chippendale, lấy điếu thuốc lá ra khỏi chiếc hộp nằm ở mép nóc tủ, bên cạnh chiếc hộp da dê thuộc đựng sợi dây chuyền, châm lửa, rồi thong thả bước ra sân hiên. Anh chậm rãi đi ngang qua sân hiên, dừng lại một lát ở rìa bãi cỏ, ánh mắt tư lự nhìn suốt vùng đồng quê trải dài nhưng không hề để ý tới vẻ đẹp của nó. Rồi anh quẹo sang tay phải, đi hết một dãy bậc thang xuống bãi cỏ thấp hơn, đi ngang qua bãi cỏ, theo lối mòn nhỏ đi vào giữa khu vực có các bụi tuyết tùng cao um tùm. Ở chính giữa khu vực này, anh bước tới một trong những chiếc ghế dài làm bằng đá cũ kĩ, mờ rêu và đã dãi dầu mưa nắng, vốn vẫn tô điểm cho các khu vườn của bao nhiêu lâu đài nước Pháp. Chiếc ghế hướng vào cái bể cẩm thạch, từ trong bể vươn lên một vòi phun đang phun nước xuống rào rào. Bên phải của bể là bức tượng thần Tình yêu vui vẻ nhảy nhót trên chiếc cột cao. Công tước ngồi xuống chiếc ghế dài, tĩnh tại, sự tĩnh tại hiếm hoi chỉ xuất hiện khi thần kinh người ta ở trạng thái hài hòa hoàn toàn, lông mày anh cau lại vì chìm đắm vào suy nghĩ. Thỉnh thoảng, cái cau mày ấy biến mất, các nét nghiêm trang dãn ra thành nụ cười mơ hồ, nụ cười nhớ tới chuyện gì đó thú vị. Có một lúc, anh đứng dậy, dạo vòng quanh bể nước, trán nhăn lại. Rồi anh quay về chỗ chiếc ghế dài, ngồi xuống. Bóng tối nhá nhem đầu tháng Chín buông xuống khi anh rốt cuộc cũng đứng dậy, nhanh nhẹn bước qua các bụi tuyết tùng với vẻ của một người mà cuối cùng dù là hay hay dở, đã đi đến quyết định. Lên tới sân hiên bên trên, ánh mắt Công tước hướng về phía một nhóm người đứng túm tụm ở góc sân đằng kia, gần cổng lâu đài, và anh ung dung thong thả bước tới. Đứng giữa nhóm người là ông Gournay-Martin béo trục béo tròn, toàn mỡ với thịt, chả có tí cơ bắp nào. Mặt ông ta đỏ gần bằng mặt lão Charolais, và bộ râu quai nón bạc phơ nằm trên hai cái má béo phì khiến màu đỏ đó nhìn như thể đậm hơn rất nhiều. Khi bước tới, Công tước thình lình có một cảm giác khá kỳ cục: Gournay-Martin có cặp mắt của Charolais, hai con mắt nằm gần nhau, nếu ai không biết bọn họ là những người xa lạ thì hẳn đều nghĩ bọn họ là những người thuộc một gia đình. Nhà triệu phú đang vung vẩy hai bàn tay, hét lên với cái thái độ của kẻ đã được trau dồi nghệ thuật bắt nạt bất cứ kẻ nào làm ăn cùng mình. Khi tiến đến gần, Công tước nghe được ông ta nói: “Không, đó đã là mức giá thấp nhất mà ta chấp nhận được. Mua thì mua, không mua thì thôi. Ông có thể bảo ‘Vâng ạ’ mà ông cũng có thể bảo ‘Xin chào,’ ta cóc quan tâm.” “Giá đó cao quá ạ!” Charolais nói, giọng đượm vẻ thê lương. “Cao quá ư!” Gournay-Martin gầm lên. “Ta muốn xem có kẻ nào khác bán chiếc xe một trăm mã lực với giá tám trăm bảng không. Chà, ông bạn tử tế, có ta đang bán cho ông đấy!” “Không, không.” Charolais phản đối yếu ớt. “Ta nói cho ông biết, có ta đang bán cho ông đấy.” Gournay-Martin gầm lên. “Ta bán cho ông chiếc xe tuyệt diệu mà ta mua mất một ngàn ba trăm bảng với giá tám trăm bảng thôi! Thật chướng với cái cách ông mặc cả!” “Không, không.” Charolais lại phản đối. Ông ta có vẻ sợ hết hồn trước lời lẽ dữ dội của người đàn ông to béo. “Ông cứ đợi rồi xem.” Gournay-Martin nói. “Tám trăm thì quá đắt.” Charolais đáp. “Nào, nào! Ông quá là ma mãnh, bản chất ông như thế đó. Nhưng đừng nói một lời nào nữa trước khi ông thử chiếc xe.” Gournay-Martin quay sang người tài xế riêng lúc ấy đang đứng bên cạnh quan sát cuộc chiến đấu kịch liệt với điệu cười ngoác tán thưởng. “Nào, Jean, đưa các ông đây tới ga-ra, rồi lái xe đưa họ tới ga tàu hỏa. Cho họ thấy chiếc xe như thế nào. Họ yêu cầu gì thì làm nấy, tất tật nhé!” Gournay-Martin nháy mắt với Jean, sau đó lại quay sang Charolais, nói: “Ông biết đấy, Charolais, làm ăn với người như ông thật hay. Ông rất sắc sảo, bản chất ông như thế đó, rất sắc sảo. Ông đi đi, đi thử chiếc xe đi! Xin chào, xin chào.” Bốn người nhà Charolais lẩm bẩm chào tạm biệt, gần như thì thầm. Bọn họ đi theo Jean, dáng dấp có vẻ gì đó của những con chó vừa bị vụt vài roi. Khi bọn họ đã rẽ ở góc sân, nhà triệu phú quay sang Công tước, cười khùng khục, nói: “Chắc chắn hắn sẽ mua chiếc xe!” “Tôi không hề ngạc nhiên trước bất cứ thắng lợi nào trong các vụ kinh doanh của ngài.” Công tước nhẹ nhàng nói, thoáng nụ cười châm biếm, mỉa mai. Đôi mắt híp của Gournay-Martin long lanh, lấp lánh, những nụ cười xòe ra trên bộ mặt căng bóng như những gợn sóng miễn cưỡng lan trên ao nước tù đọng. Da mặt ông ta xem chừng căng quá không còn cười được. “Chiếc xe đi bốn năm nay rồi.” Gournay-Martin hân hoan nói. “Hắn sẽ trả cho ta tám trăm bảng, mà chiếc xe thì chẳng đáng giá một tẩu thuốc lá nữa. Tám trăm bảng, bằng đúng giá một bức tranh nhỏ của Watteau lâu nay ta đã để mắt tới… Một vụ đầu tư thượng thặng.” Họ tản bộ dọc theo bãi cỏ và vào sảnh qua một khung cửa sổ mở sát xuống đến sàn. Firmin đã thắp hai ngọn đèn. Tuy nhiên, chúng chỉ tạo ra được một vùng sáng nhỏ giữa cả khu vực đại sảnh tràn ngập bóng tối lờ mờ. Nhà triệu phú hết sức gượng nhẹ ngồi xuống một chiếc ghế dựa kiểu Đế chế, như thể ông ta sợ rằng, vì lý do tuyệt vời nào đó, chiếc ghế sẽ sập dưới sức nặng của ông ta. “Chà, Công tước quý mến của tôi.” Gournay-Martin nói. “Anh không hỏi tôi kết quả của bữa trưa xã giao hay lời phát biểu của ngài Bộ trưởng nhỉ?” “Có tin tức gì ạ?” Công tước hỏi bâng quơ. “Ừ. Ngày mai sẽ tiến hành việc ký sắc lệnh. Anh có thể coi như mình đã được gắn huân chương. Tôi hy vọng anh cảm thấy hạnh phúc.” Nhà triệu phú xoa xoa hai bàn tay múp míp vào nhau với vẻ cực kỳ hài lòng. “Ồ, sung sướng quá, sung sướng quá!” Công tước nói, giọng hoàn toàn dửng dưng. “Phần tôi, tôi rất hài lòng, rất hài lòng. Tôi đã tha thiết muốn anh được tặng huân chương. Sau đó, và sau một, hai chuyến đi nước ngoài, rồi đến việc anh cho xuất bản những bức thư của ông nội anh với lời giới thiệu thật hấp dẫn vào, lúc ấy anh có thể bắt đầu tính toán tới Viện Hàn lâm.” “Viện Hàn lâm!” Công tước sửng sốt thốt lên, mặc dù bình thường anh vốn vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. “Nhưng tôi đâu có danh hiệu gì để trở thành viện sĩ.” “Sao, không có danh hiệu gì à?” Nhà triệu phú nghiêm nghị hỏi, đôi mắt híp giương to. “Anh là công tước mà.” “Điều đó thì chẳng có gì phải nghi ngờ.” Công tước đáp lời, quan sát Gournay-Martin với vẻ tò mò thán phục. “Tôi có ý muốn gả con gái tôi cho một người lao động, một người lao động, Công tước quý mến của tôi.” Nhà triệu phú đập bàn tay trái đã to vào bàn tay phải còn to hơn. “Tôi không định kiến… không, không hề. Tôi ao ước có con rể là một công tước được đeo huân chương Bắc Đẩu bội tinh và được phong làm viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp, bởi các cái đó là phẩm chất cá nhân. Tôi vốn không thuộc loại hợm hĩnh, trưởng giả.” Công tước không kìm được, bật ra tiếng cười khe khẽ. “Anh đang cười gì?” Nhà triệu phú hỏi, bộ mặt rạng rỡ đột ngột tối sầm giận dữ. “Không có gì, không có gì.” Công tước nhẹ nhàng đáp. “Chỉ là ngài có quá nhiều điều ngạc nhiên.” “Tôi khiến anh sửng sốt, đúng không? Tôi cho rằng thế. Quả là tôi có rất nhiều điều ngạc nhiên. Đó là nhờ kiến thức của tôi. Tôi hiểu sâu biết rộng. Tôi thông thạo về kinh doanh, tôi say mê nghệ thuật, tranh ảnh, những món hời, những món trang trí lặt vặt, các loại thảm thêu tinh xảo. Chúng là những khoản đầu tư thượng thặng. Phải, đương nhiên tôi say mê những vật đẹp đẽ. Tôi không muốn khoe khoang, nhưng tôi có sự hiểu biết. Tôi có gu thẩm mỹ, và tôi còn có cái gì đó hơn cả gu thẩm mỹ nữa cơ. Tôi có sự tinh tường, sự tinh tường của kẻ làm ăn buôn bán.” “Vâng, những bộ sưu tập của ngài, đặc biệt bộ sưu tập của ngài ở Paris, đã chứng minh điều đó.” Công tước nói, nén một cái ngáp dài. “Tuy nhiên anh chưa trông thấy vật đẹp đẽ nhất tôi sở hữu: chiếc vương miện của Công nương de Lamballe. Nó trị giá nửa triệu franc đấy.” “Tôi đã nghe nói tới.” Công tước đáp lời, có phần mệt mỏi. “Tôi chẳng băn khoăn tại sao Arsène Lupin ghen tị với ngài.” Nhà triệu phú giật nẩy mình khiến chiếc ghế dựa kiểu Đế chế kêu két một tiếng. “Đừng nhắc tới kẻ khốn kiếp đó.” Ông ta gầm lên. “Đừng nhắc tới tên hắn trước mặt tôi.” “Germaine đã cho tôi xem bức thư của anh ta. Nó thật khôi hài.” “Bức thư của hắn! Bức thư đê tiện! Tôi suýt thì tăng xông với nó.” Nhà triệu phú gầm lên. “Lúc ấy, tôi đang đứng trong chính cái sảnh tôi và anh đang đứng đây, thanh thản chuyện phiếm, bất chợt Firmin bước vào, trao cho tôi một bức thư.” Cánh cửa mở ra ngắt lời Gournay-Martin. Firmin lộp cộp bước vào, nói bằng cái giọng trầm sâu của mình: “Có bức thư cho ông đây, thưa ông chủ.” “Cảm ơn.” Nhà triệu phú nhận lấy bức thư, và ông ta vừa đeo mục kỉnh lên mắt vừa tiếp nối câu chuyện: “Phải, Firmin trao cho tôi một bức thư mà chữ viết…” Ông ta giơ chiếc phong bì đang cầm trước mắt lên, rống to: “Trời đất!” “Có chuyện gì vậy?” Công tước đang ngồi trên chiếc ghế dựa giật nẩy mình trước tiếng kêu sửng sốt, đột ngột ấy. “Cái chữ viết! Cái chữ viết! CÙNG MỘT KIỂU CHỮ VIẾT!” Nhà triệu phú hổn hển. Và ông ta ngả vật vào lưng chiếc ghế dựa. Một tiếng rầm. Công tước thấy hai cánh tay khổng lồ, hai bắp chân khổng lồ huơ huơ trên không khi cái lưng ghế gãy rời. Một tiếng rầm nữa. Chiếc ghế sập xuống. Cả tấm thân vĩ đại đập xuống sàn. Công tước không kìm được, bật ra tràng cười. Anh tóm lấy một cánh tay đang chới với, kéo giật một phát cho cả khối thịt và mỡ khổng lồ đứng dậy ngon ơ, điều đó cho thấy xem ra anh có các cơ bắp cứng như thép. “Nào.” Công tước nói, vẫn chưa dứt tiếng cười. “Chuyện thật vô lý! Ngài nói cùng một kiểu chữ viết nghĩa là sao? Không thể thế được!” “Cùng một kiểu chữ viết mà. Có lẽ nào tôi nhầm lẫn về điều đó?” Nhà triệu phú lắp bắp. Ông ta xé toang phong bì với điệu bộ cuồng dại. Ông ta lướt mắt qua bức thư, cặp mắt mỗi lúc một mở to… to tới mức gần bằng mắt người bình thường. “Nghe đây!” Gournay-Martin nói. “Nghe đây!” Ngài kính mến, Bộ sưu tập tranh mà tôi hân hạnh bắt đầu gây dựng từ cách đây ba năm với một số bức vốn là của ngài, xét về các họa sĩ bậc thầy, mới có một bức của Velázquez, một bức của Rembrandt, và ba bức chẳng đáng giá mấy của Rubens. Ngài thì có hơn như thế rất nhiều. Thật tiếc nếu những kiệt tác đó lại nằm trong tay ngài, nên tôi dự định đoạt lấy chúng. Vào sáng ngày mai, tôi sẽ thực hiện việc này một cách đầy trân trọng tại ngôi nhà ở Paris của ngài. Kính thư, ARSÈNE LUPIN “Anh ta đang đánh lừa thôi.” Công tước nói. “Khoan! Khoan!” Nhà triệu phú hổn hển. “Có phần tái bút. Nghe đây!” TB: Ngài phải hiểu rằng vì ngài đã giữ chiếc vương miện của Công nương de Lamballa suốt ba năm rồi, tôi sẽ nhân luôn dịp này bắt buộc ngài trao trả món trang sức đó cho tôi. A.L. “Tên trộm đạo! Tên côn đồ! Ta không thở được!” Nhà triệu phú hổn hển, tóm chặt cổ áo mình. Bộ mặt tím bầm lại, bước chân lảo đảo không vững và tấm thân rơi phịch xuống chiếc sofa – may thay khỏe hơn chiếc ghế dựa – cho thấy ông ta nói sự thực. “Firmin! Firmin!” Công tước hét. “Đem ly nước lại đây! Nhanh lên! Ông chủ của ông khó ở.” Công tước vội vã đến bên nhà triệu phú lúc ấy đang hổn hển nói: “Gọi điện! Gọi điện cho Cảnh sát Quận! Nhanh lên!” Công tước nới lỏng cổ áo của Gournay-Martin bằng những ngón tay khéo léo, giật chiếc quạt Van Loo khỏi bao treo trên tường, quạt lấy quạt để cho nhà triệu phú. Firmin lộp cộp bước vào, cầm trên tay ly nước. Cánh cửa phòng khách mở ra. Germaine và Sonia, hoảng hốt trước tiếng hét của Công tước, lao vào. “Nhanh lên! Muối hít của các cô!” Công tước nói. Sonia chạy ào sang bên kia sảnh, mở một ngăn của chiếc tủ ngăn kéo kiểu phương Đông, rồi lại chạy ào về chỗ nhà triệu phú, trong tay là lọ muối hít to tướng. Công tước đón lấy, gí vào mũi nhà triệu phú. Nhà triệu phú hắt hơi ba phát ác liệt. Công tước giật ly nước từ tay Firmin, hắt vào bộ mặt tím tái của chủ nhà. Ông ta hổn hển, thở phì phì ra. Germaine đứng đó, bất lực nhìn chằm chằm ông bố đang hổn hà hổn hển. “Sao thế?” Cô ta hỏi. “Là vì bức thư này.” Công tước nói. “Một bức thư của Lupin.” “Em đã bảo anh… Em đã bảo Lupin đang quanh quẩn vùng này mà.” Germaine kêu lên đầy đắc thắng. “Firmin… Firmin đâu?” Nhà triệu phú hỏi trong lúc lê thân mình đứng lên. Giọng ông ta xem chừng đã hồi lại nhiều phần. “Ồ, ông đây rồi!” Gournay-Martin nhảy lên túm chặt hai vai người gác rừng, lắc lấy lắc để. “Bức thư này! Nó ở đâu chui ra? Kẻ nào đã đem nó tới?” Gournay- Martin gào to. “Nó ở trong hộp thư… trong hộp thư trước cửa lều gác phía cuối công viên. Bà nhà tôi phát hiện ra nó ạ.” Firmin vừa trả lời vừa vặn vẹo người nhằm thoát khỏi bàn tay của nhà triệu phú. “Giống hệt ba năm trước.” Nhà triệu phú gầm lên với vẻ tuyệt vọng. “Vẫn là cái kiểu táo tợn ấy. Ôi, tai họa mới ghê gớm làm sao! Tai họa mới ghê gớm làm sao!” Gournay-Martin cứ như thể chuẩn bị rứt đứt tóc mình, rồi, sực nhớ tới số lượng tóc ít ỏi, liền kiềm chế lại. “Thôi, nào, hoảng loạn lên chả ích gì.” Công tước nói với vẻ quả quyết kín đáo. “Nếu bức thư này không phải trò chơi khăm…” “Trò chơi khăm ư?” Nhà triệu phú gào to. “Ba năm trước nó có phải trò chơi khăm không?” “Được rồi.” Công tước nói. “Nhưng nếu vụ trộm đang đe dọa ngài này là thật, nó cũng đơn giản là trò trẻ con thôi.” “Sao hả?” Nhà triệu phú hỏi. “Hãy nhìn ngày tháng ghi ở bức thư, Chủ nhật, mùng Ba tháng Chín. Bức thư được viết hôm nay.” “Phải. Sao, thế thì sao?” Nhà triệu phú hỏi. “Hãy đọc bức thư: Vào sáng ngày mai, tôi sẽ thực hiện việc này một cách đầy trân trọng tại ngôi nhà ở Paris của ngài. Vào sáng ngày mai.” “Phải, phải, sáng ngày mai, thế thì sao?” Nhà triệu phú hỏi. “Sẽ là một trong hai khả năng. Nếu nó là trò chơi khăm, chúng ta không cần bận tâm tới nó. Nếu lời đe dọa là thật, chúng ta có đủ thời gian để ngăn chặn vụ việc.” “Tất nhiên chúng ta có đủ thời gian. Tôi vừa nghĩ ngợi cái gì không biết?” Nhà triệu phú nói. Nỗi thống khổ biến mất khỏi bộ mặt ông ta. “Đôi khi sở thích cảnh báo trước cho mọi người sẽ khiến Lupin thân mến của chúng ta gặp phải trái đắng.” Công tước nói. “Nào! Để tôi gọi điện thoại cái nào.” Nhà triệu phú hét lên. “Nhưng không gọi điện được đâu ạ.” Sonia vội vã nói. “Không được ư? Tại sao?” Nhà triệu phú gầm lên, ì ạch băng ngang qua căn phòng đến chỗ để điện thoại. “Hãy nhìn đồng hồ mà xem.” Sonia nói. “Muộn như thế này thì đường dây chẳng còn hoạt động đâu ạ. Hôm nay là Chủ nhật mà.” Nhà triệu phú đứng sững lại. “Đúng vậy. Thật kinh khủng quá!” Gournay-Martin rên rỉ. “Nhưng không vấn đề gì. Ba lúc nào cũng đánh điện được mà.” Germaine nói. “Không đánh điện được đâu. Không thể.” Sonia đáp lời. “Không gửi điện tín đi được. Hôm nay là Chủ nhật. Các văn phòng điện báo đóng cửa lúc mười hai giờ.” “Ôi, một Chính phủ mới vớ vẩn làm sao!” Nhà triệu phú gầm lên. Ông ta gượng nhẹ ngồi xuống chiếc ghế dựa đặt cạnh điện thoại, lau những giọt mồ hôi khổ sở ướt đẫm trên trán. Mọi người nhìn ông ta rồi nhìn nhau, vắt óc nghĩ một cách khác để liên lạc với cảnh sát Paris. “Chết tiệt!” Công tước thốt lên. “Ắt phải có cách nào đó để giải quyết khó khăn.” “Cách gì?” Nhà triệu phú hỏi. Công tước không trả lời. Anh xỏ tay vào túi quần, sốt ruột đi tới đi lui quanh sảnh. Germaine ngồi xuống chiếc ghế dựa. Sonia chống tay lên lưng chiếc sofa, vươn người ra phía trước, chăm chú nhìn Công tước. Firmin đứng bên cạnh cửa, ông ta đã lui đến chỗ đó để tránh tầm tay của chủ ông ta đang cơn kích động, bộ mặt lù đù hiện vẻ bối rối. Tất cả đều dõi ánh mắt vào Công tước, như thể chờ đợi một nhà tiên tri đưa ra lời sấm truyền. Nhà triệu phú liên tục lau những giọt mồ hôi khổ sở ướt đẫm trên trán. Càng nghĩ tới sự mất mát sắp sửa xảy ra, mồ hôi ông ta càng tuôn đầm đìa. Irma, con bé hầu gái của Germaine, đến bên khung cửa thông sang sảnh ngoài mà Firmin để mở theo thói quen, ngạc nhiên nhìn vào mấy người đang chẳng ai nói với ai câu nào. “Tôi nghĩ ra rồi!” Cuối cùng, Công tước reo lên. “Có cách này đây.” “Cách gì?” Nhà triệu phú đứng lên, bước mấy bước ra giữa sảnh. “Bây giờ là mấy giờ?” Công tước hỏi, rút chiếc đồng hồ ra xem. Nhà triệu phú rút đồng hồ. Germaine rút đồng hồ. Firmin – sau một hồi loay hoay – rút từ túi quần hay túi áo nào đó ra một vật chẳng khác gì một củ cải bằng bạc. Giữa Germaine và nhà triệu phú xảy ra chút tranh luận về việc đồng hồ của ai đúng. Firmin – với chiếc đồng hồ có vẻ chẳng cùng giờ với ai trong số hai người – cất cái giọng trầm át cả giọng cha lẫn giọng con. Công tước đi đến kết luận lúc bấy giờ hẳn phải là bảy giờ vài phút gì đó. “Bây giờ là bảy giờ hoặc bảy giờ vài phút gì đó.” Anh nói rất rành mạch. “Ờ, tôi sẽ lấy xe hơi và khẩn trương đi Paris. Nếu không có trục trặc gì, tôi sẽ tới nơi khoảng hai đến ba giờ sáng, vừa kịp để thông báo cho cảnh sát tóm cổ bọn trộm đúng lúc bọn chúng đang ra tay hành động. Tôi cần thu xếp mấy thứ.” Nói rồi, Công tước vội vã rời khỏi sảnh. “Tuyệt vời! Tuyệt vời!” Nhà triệu phú nói. “Chàng trai của con thật tháo vát, Germaine. Tiếc rằng anh ta là một công tước. Anh ta đáng lẽ sẽ thành công rực rỡ trong lĩnh vực xây cất. Nhưng ba cũng sẽ đi Paris, và con sẽ đi với ba. Để cứu lấy đời ba, ba chẳng thể cứ chờ đợi suông ở đây. Ba cũng chẳng thể để con ở đây được. Tên vô lại này có thể đồng thời tấn công lâu đài… nhưng ở đây không có nhiều thứ thực sự quý giá đối với ba. Bức tượng tự động chuyển chỗ, ô kính cửa sổ bị cắt ra. Ba chẳng thể để hai đứa con gái bọn con ở lại với những kẻ trộm đạo. Suy cho cùng, có chiếc xe hơi sáu mươi mã lực và chiếc xe hơi ba mươi mã lực đó, tất cả chúng ta thoải mái mà ngồi.” “Ôi, nhưng thế vớ vẩn quá ba à, chúng ta sẽ tới nơi trước đám kẻ hầu người hạ.” Germaine dằn dỗi nói. “Ba hãy nghĩ xem, tới một ngôi nhà trống trải giữa lúc đêm hôm khuya khoắt…” “Vớ vẩn ư! Nhanh lên, đi chuẩn bị đi! Gói ghém các thứ vào túi của con đi. Chùm chìa khóa của ta đâu? Sonia, chùm chìa khóa của ta đâu, chùm chìa khóa của ngôi nhà ở Paris ấy?” “Nó ở trong chiếc tủ ngăn kéo ạ.” Sonia trả lời. “Ờ, hãy nhớ ta không đi mà không có chùm chìa khóa đó đâu nhé. Bây giờ thì nhanh lên! Firmin, đi nói với Jean là bọn ta sẽ dùng cả hai chiếc xe. Ta lái một chiếc, Công tước lái một chiếc. Jean phải ở lại tiếp ứng ông canh gác lâu đài.” Nói đoạn, Gournay-Martin hối hả rời khỏi sảnh, đẩy hai cô gái ra theo mình. VI. Lại cha con nhà Charolais C ánh cửa gần như chưa kịp khép lại sau lưng nhà triệu phú thì cái đầu của Charolais đã xuất hiện một trong số các cửa sổ mở ra sân hiên. Lão ngó nghiêng xung quanh khu vực sảnh không bóng người, khẽ huýt một tiếng sáo, bước vào. Trong vòng mười giây đồng hồ, ba đứa con trai lão cũng bước vào qua khung cửa sổ đó, theo chân chúng là Jean, tài xế riêng của nhà triệu phú. “Jean, mày chốt ở cửa thông sang sảnh ngoài.” Charolais hạ giọng nói. “Bernard, mày chốt ở cửa thông sang phòng khách. Pierre và Louis, hai đứa cùng tao lục soát các ngăn kéo. Cả nhà này sắp sửa đi Paris, và nếu không mau mau lên thì không lấy được những chiếc xe đâu.” “Đó là vì cái thói ngớ ngẩn thích cảnh báo mọi người trước khi ra tay hành động.” Jean vừa làu bàu vừa vội vã tới chốt ở cửa thông sang sảnh ngoài. “Nếu không gửi đi bức thư trời đánh thành vật ấy thì việc khoắng sạch ngôi nhà ở Paris sẽ rất đơn giản. Như thế chắc chắn chúng sẽ bị một cú choáng váng.” “Bức thư đó có thể gây tai hại gì, đồ ngu?” Charolais nói. “Hôm nay là Chủ nhật. Bọn ta muốn chúng bị một cú choáng váng vào ngày mai, để đoạt được chiếc vương miện. Ôi, để đoạt được chiếc vương miện! Nó ắt hắn nằm trong ngôi nhà ở Paris. Tao đã lục soát kĩ lưỡng tòa lâu đài này hàng tiếng đồng hồ rồi.” Jean hơi hé cánh cửa mở sang sảnh ngoài, dán mắt vào đó. Bernard cũng làm như thế với cánh cửa mở sang phòng khách. Charolais, Pierre và Louis mở các ngăn kéo, lục lọi rồi đóng lại một cách hết sức nhanh chóng, khẽ khàng. “Cái tủ ngăn kéo! Cái tủ ngăn kéo đó là cái nào? Chỗ này nhan nhản tủ ngăn kéo!” Charolais làu bàu. “Tao phải lấy cho kỳ được chùm chìa khóa.” “Cái tủ trông đơn giản có dãy tay nắm bằng đồng ở giữa, kê phía bên tay trái… đó chính là một cái tủ ngăn kéo.” Bernard nhẹ nhàng nói. “Sao mày chẳng bảo từ lúc nãy?” Charolais làu bàu. Lão lao đến đấy, thử mở. Cái tủ đã bị khóa. “Đương nhiên rồi, nó đã bị khóa! Thật nhọ! Đến đây mở nó ra, Pierre. Nhanh nhanh lên!” Đứa con trai mà lúc trước Charolais bảo là kỹ sư vội vã đi đến chỗ chiếc tủ ngăn kéo, vừa đi vừa sửa soạn một dụng cụ cạy cửa nhỏ. Gã nhét đầu dụng cụ này vào khe ở nóc cửa tủ. Có tiếng răng rắc, ổ khóa cũ kĩ rời ra. Mở cửa tủ, gã và Charolais lần lượt kiểm tra các ngăn kéo. “Nhanh! Lão béo ngu xuẩn đến đấy!” Jean thì thầm bằng giọng rin rít, khàn khàn. Gã di chuyển xuống phía cuối sảnh, thổi tắt một ngọn đèn khi đi qua. Trong ngăn kéo thứ bảy có một chùm chìa khóa. Charolais vồ lấy, nhìn sơ qua rồi lôi chùm chìa khóa trong túi áo mình ra, bỏ vào ngăn kéo, đóng lại ngăn kéo, đóng lại cửa tủ, cuống cuồng chạy đến chỗ cửa sổ. Jean và đám con trai lão đã ở ngoài sân hiên. Charolais vẫn còn cách cửa sổ độ một mét thì cánh cửa thông sang sảnh ngoài bật mở và Gournay-Martin bước vào. Ông ta thoáng thấy cái lưng biến mất qua cửa sổ, rộng lên: “Ôi! Có người! Có kẻ trộm! Firmin! Firmin!” Gournay-Martin mò mẫm chạy dọc theo sảnh, vấp phải chiếc ghế dựa bị gãy, ngã sõng soài, cái thân thể đồ sộ không còn thở nổi nữa. Ông ta nằm sấp trên nền nhà mất mấy phút, tấm lưng to y như cánh phản vặn vẹo dữ dội – một cảnh tượng thật lâm ly – hết sức khó nhọc mới thở lại được. Rồi ông ta ngồi dậy, khóc òa lên không cần ý tứ gì cả. Ông ta cứ thổn thức, nức nở, hệt một đứa trẻ bị đau, trong ba, bốn phút. Sau khi đã hồi phục được cái giọng đầy nội lực của mình, ông ta điên tiết gào lên: “Firmin! Firmin! Charmerace! Charmerace!” Gournay-Martin chật vật đứng dậy, nhìn chòng chọc vào khung cửa sổ để mở. Ông ta lại lập tức gào lên:“Firmin! Firmin! Charmeace! Charmerace!” Gournay-Martin cứ nhìn khung cửa sổ với ánh mắt khiếp sợ, y như ông ta nghĩ sẽ có kẻ nào đó bước vào, cứa cho mình một nhát ngang qua cổ. “Firmin! Firmin! Charmerace! Charmerace!” Gournay-Martin tiếp tục gào lên. Công tước khẽ khàng bước vào sảnh, người mặc áo khoác dày để đi xe hơi, đầu đội mũ đi xe hơi, tay xách chiếc túi vải bạt đựng đồ. “Tôi nghe như tiếng ông gọi phải không?” Anh hỏi. “Gọi ư?” Nhà triệu phú nói. “Tôi đã hét lên thì có. Quân trộm đạo đến đây rồi. Tôi vừa thoáng thấy một đứa.” Công tước nhướng mày. “Thần kinh căng thẳng thôi.” Anh nhẹ nhàng nói. “Thần kinh căng thẳng thôi.” “Thần kinh căng thẳng cái con khỉ!” Nhà triệu phú tức tối nói. “Tôi khẳng định với anh tôi trông thấy nó rõ ràng y như tôi trông thấy anh vậy.” “Chà, ngài không tài nào trông thấy tôi đâu, khi mà ngài thắp cho cả cái sảnh rộng đến mẫu rưỡi này độc một ngọn đèn.” Công tước nói, giọng vẫn hoàn toàn ngờ vực. “Đó là tại cái lão Firmin ngu xuẩn! Lão lẽ ra đã phải thắp sáu ngọn đèn mới đúng. Firmin! Firmin!” Nhà triệu phú rống lên. Họ lắng nghe, chờ đợi tiếng giày cao cổ đóng đinh kêu lộp cộp của người gác rừng, tuy nhiên không nghe thấy gì cả. Rõ ràng Firmin vẫn đang đi truyền đạt mệnh lệnh về xe cộ của chủ cho Jean. “Chà, dù gì thì chúng ta cũng nên đóng các cửa sổ lại.” Công tước nói, bắt đầu đi đóng các cửa sổ. “Nếu ngài tin tưởng rằng Firmin được việc, hãy cắt ông ta canh gác sảnh này đêm hôm nay với súng. Tặng một viên kẹo chì be bé vào cẳng chân lũ lưu manh đó chẳng gây tai hại gì đâu. Ông ta chỉ cần nhắm bắn một đứa, những đứa kia sẽ chạy trối chết. Có điều tôi không muốn để ngài và Germaine ở lại ngôi nhà thênh thang này với mỗi một mình Firmin bảo vệ.” “Bản thân tôi cũng không muốn thế, và tôi sẽ không liều.” Nhà triệu phú làu bàu. “Chúng tôi sẽ lái xe đi Paris cùng anh, để Jean ở lại giúp đỡ Firmin chiến đấu với lũ trộm. Firmin được đấy, ông ta là cựu chiến binh, từng tham gia chiến đấu năm 70⦾. Nói vậy không có nghĩa là tôi tin tưởng gì nhiều ở đám quân nhân trong việc đề phòng tay Lupin đáng nguyền rủa, sau cái cách hắn xử lý viên hạ sĩ và người của anh ta ba năm trước.” “Tôi mừng vì cha con ngài đi Paris.” Công tước nói. “Tôi sẽ chẳng phải băn khoăn lo lắng nữa. Tôi nên lái chiếc limousine, còn ngài lái chiếc bán mui trần.” “Không được.” Nhà triệu phú nói. “Germaine không lên chiếc limousine đâu. Anh biết đấy, nó ghét chiếc xe ấy.” “Dù gì thì tôi cũng nên chạy hết tốc lực đến Paris và để ngài với Germaine chạy từ từ theo sau. Tôi đến Paris càng sớm sẽ càng tốt cho bộ sưu tập của ngài. Tôi sẽ chở tiểu thư Krichnoff, và cả Irma, nếu ngài muốn, tuy xe càng chở nhẹ tôi càng sớm tới nơi.” “Không, tôi sẽ chở Irma và Germaine.” Nhà triệu phú nói. “Germaine sẽ thích Irma đi cùng nó hơn, phòng trường hợp anh gặp sự cố. Nó không muốn lúc đến Paris lại phải tìm kiếm đứa hầu gái mới.” Cánh cửa thông sang phòng khách mở ra, Germaine bước vào, Sonia và Irma theo sau. Ba cô mặc áo choàng đi xe hơi có mũ, đeo mạng. Sonia và Irma xách túi đựng đồ. “Con nghĩ thật cực kỳ mệt mỏi khi ba lôi chúng con đi Paris giữa đêm hôm khuya khoắt thế này.” Germaine dằn dỗi. “Con nghĩ thế à?” Nhà triệu phú nói. “Ờ, vậy thì con sẽ thấy thú vị nếu biết ba vừa bắt gặp một tên trộm ngay trong chính căn phòng này. Ba đã khiến nó sợ hãi, phải chạy thoát thân qua cửa sổ ra ngoài sân hiên.” “Da nó màu hồng hơi xanh xanh, và có chút vàng.” Công tước dịu dàng nói. “Màu hồng hơi xanh xanh? Ôi, xin đừng bông lơn nữa, Jacques! Đây là lúc để xử sự ngu ngốc sao?” Germaine kêu lên, giọng hết sức tức tối. “Vì ánh sáng lờ mờ nên cha em trông thấy hắn có các màu sắc đó. Tôi nghĩ dưới ánh sáng bình thường, hắn sẽ có màu xanh xám.” Công tước tiếp tục nói một cách ngọt ngào. “Công tước thân mến của tôi, anh phải thôi cái thói thích bỡn cợt ngốc nghếch ấy đi, nếu anh mong muốn được làm thành viên của Viện Hàn lâm Pháp.” Nhà triệu phú nói có phần gay gắt. “Tôi khẳng định với anh tôi đã trông thấy một tên.” “Vâng, vâng. Tôi chân thành thừa nhận điều đó. Tôi chỉ đang đề cập tới màu da của hắn.” Công tước nói với nụ cười châm biếm. “Ôi, thôi, anh ngừng những câu đùa ngu ngốc lại đi! Tất cả mọi người ngán chúng đến tận cổ rồi!” Germaine nói, vẻ điên tiết kín đáo, thông thường là nét đặc trưng cho ông bố cô ta. “Cái gì cũng cần đúng lúc.” Nhà triệu phú nói với vẻ nghiêm trang. “Và tôi phải bảo rằng trong lúc số mệnh chiếc vương miện và bộ sưu tập của tôi chưa biết thế nào, tôi thấy xem ra chẳng thích hợp để bỡn cợt vô ích.” “Tôi sẵn sàng chịu mắng mỏ.” Công tước nói, mỉm cười với Sonia. “Chùm chìa khóa của ta, Sonia… Chùm chìa khóa cho ngôi nhà ở Paris.” Nhà triệu phú yêu cầu. Sonia lấy chùm chìa khóa của cô ra khỏi túi áo và đi đến chỗ chiếc tủ ngăn kéo. Cô cắm một chìa vào ổ khóa, cố gắng xoay. Ổ khóa không xoay, cô cúi xuống nhìn nó. “Tại sao… tại sao, ai đó đã động đến ổ khóa! Ổ khóa đã bị nạy rồi!” Sonia kêu lên. “Tôi đã bảo anh là tôi bắt gặp một thằng mà.” Nhà triệu phú đắc thắng. “Nó muốn lấy chùm chìa khóa đấy.” Sonia mở cửa tủ, hấp tấp lôi ngăn kéo cất chìa khóa ra. “Chìa khóa vẫn còn!” Cô kêu lên, lấy chùm chìa khóa ra khỏi ngăn kéo, giữ cho mọi người nhìn. “Vậy là tôi đã xuất hiện kịp thời.” Nhà triệu phú nói. “Tôi đã làm nó hoảng hồn đúng lúc nó đang định ăn cắp chùm chìa khóa.” “Tôi xin lui! Tôi xin lui!” Công tước tuyên bố. “Hiển nhiên ông đã bắt gặp một thằng kẻ trộm. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng da nó màu hồng hơi xanh xanh. Thường thì bọn chúng có nước da như thế. Tuy nhiên, cô Sonia, cô nên đưa cho tôi chùm chìa khóa, vì tôi sẽ có mặt tại Paris trước. Trông tôi sẽ khá ngớ ngẩn nếu đến đó tôi lại phải đào tường khoét ngạch vào nhà để bắt lũ kẻ trộm.” Sonia đưa chùm chìa khóa cho Công tước. Anh khéo léo nắm cả bàn tay nhỏ bé của cô lẫn chùm chìa khóa trong bàn tay mình, siết lấy. Ánh sáng quá yếu nên những người xung quanh không trông thấy gương mặt cô đỏ bừng lên. Cô quay lại đứng bên cạnh chiếc tủ ngăn kéo. “Nào, ba, ba định lái xe đi Paris trong chiếc áo khoác mỏng và chiếc gi lê lanh này ư? Nếu chúng ta dứt khoát sẽ đi thì chúng ta nên đi thôi. Ba toàn để mọi người chờ đợi đến nửa tiếng đồng hồ bất cứ khi nào chúng ta sắp sửa đi đâu.” Germaine nói vẻ kiên quyết. Nhà triệu phú vội vã ra khỏi phòng. Germaine sốt ruột ngồi phịch xuống chiếc ghế dựa. Irma đứng ở cửa thông sang phòng khách, chờ đợi. Sonia ngồi xuống bên cạnh chiếc tủ ngăn kéo. Bất thình lình có tiếng mưa lộp độp đập vào cửa sổ. “Mưa! Ông trời chỉ muốn thế thôi! Tình cảnh sẽ vô cùng đáng khó chịu!” Germaine kêu lên. “Ồ, nào, em phải chấp nhận và cố gắng khắc phục hoàn cảnh. Dù gì thì em cũng có váy áo đầy đủ, còn đêm mưa nhưng vẫn ấm áp.” Công tước nói. “Tuy nhiên, sao lúc trước tôi không ước Lupin chỉ ra tay hành động vào ngày đẹp trời nhỉ?” Anh ngừng lời, rồi vui vẻ nói thêm: “Suy cho cùng, nhờ mưa, bụi bặm đất cát sẽ không bốc mù lên.” Họ ngồi đấy ba, bốn phút trong sự yên lặng ngán ngẩm, lắng nghe tiếng mưa lộp độp đập vào các ô kính cửa sổ. Công tước lấy hộp thuốc lá từ túi áo ra, châm lửa một điếu. Bất chợt, điệu bộ chán chường của anh biến mất, gương mặt anh sáng lên, và anh hân hoan nói: “Đương nhiên rồi, tại sao lúc trước tôi không nghĩ tới chứ? Tại sao chúng ta lại khởi hành từ một chốn tối tăm, ảm đạm như thế này? Chúng ta hãy để đèn đóm sáng rực rỡ lên cho xứng đáng với tòa lâu đài.” Nói đoạn, Công tước bắt đầu đi thắp tất cả các đèn trong sảnh. Đèn đặt trên giá, đèn đặt trên bàn, đèn treo trên con sơn, đèn buông xuống từ trần – những chiếc đèn kiểu cổ với bình dầu mới, những chiếc đèn mới với cái gọi là phong cách khắc khổ, đèn bằng đồng, đèn bằng bạc, đèn bằng sứ. Công tước thắp hết chiếc đèn này tới chiếc đèn khác, không sốt ruột, không bỏ qua chiếc nào, với một sự kiên nhẫn lạnh lùng. Germaine chốc chốc lại bật thốt một câu cảm thán. Đó là vì cô ta không hiểu được tại sao anh có thể ngốc nghếch như vậy. Công tước tuyệt nhiên không chú ý gì đến cô ta. Gương mặt anh sáng bừng niềm vui thơ trẻ, anh lần lượt thắp hết tất cả các đèn. Sonia quan sát anh, mỉm cười thích thú trước sự hăng hái ngây thơ ở anh. Ngay cả bộ mặt dửng dưng với cặp mắt tròn to như mắt bê của Irma cũng nở nụ cười toe toét, mà cô gái vội vàng dùng bàn tay lễ phép che đi. Công tước vừa thắp tới chiếc đèn thứ hai mươi hai thì nhà triệu phú lao vào. “Cái gì thế này? Cái gì thế này?” Nhà triệu phú kêu lên, đứng sững lại, hấp háy mắt. “Lại một trò ngốc nghếch của Jacques thôi!” Germaine kêu lên, giọng như thể chẳng còn điên tiết hơn được nữa. “Nhưng… Công tước thân mến của tôi! Công tước thân mến của tôi! Dầu thắp đèn! Dầu thắp đèn!” Nhà triệu phú kêu lên, giọng cay đắng khổ sở. “Phải chăng anh tưởng mục đích đời tôi là làm túi tiền hàng triệu đô la của Rockefeller phồng thêm nữa? Chúng tôi chưa bao giờ thắp quá sáu ngọn đèn trừ phi mở tiệc chiêu đãi.” “Theo tôi trông mới phấn chấn làm sao.” Công tước nói, ngắm nghía quang cảnh đích thân mình tạo ra với nụ cười ngời ngời vẻ hài lòng. “Nhưng những chiếc xe đâu? Jean xem chừng gặp vấn đề gì trong việc đưa xe sang đây. Chứ anh ta nghĩ chúng ta sẽ đội mưa sang ga-ra chắc? Chúng ta nên giục anh ta nhanh nhanh lên. Nào, ngài có chất giọng khỏe khoắn vang xa lắm mà.” Công tước túm cánh tay nhà triệu phú, dẫn ông ta đi vội vã qua sảnh ngoài, mở cánh cửa đồ sộ của tòa lâu đài, bảo: “Bây giờ, ngài hãy hét lên!” Nhà triệu phú vừa nhìn anh vừa nhún vai. “Khi anh muốn gì, anh chẳng bao giờ cần vòng vo tam quốc.” “Tại sao tôi lại phải vòng vo?” Công tước nói đơn giản. “Hét lên nào, ngài kính mến của tôi… Hét lên nào!” Nhà triệu phú cao giọng rống lên: “Jean! Jean! Firmin! Firmin!” Tịnh không có tiếng trả lời. """