" Vụ Án Mạng Thứ Sáu - Phạm Cao Củng full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vụ Án Mạng Thứ Sáu - Phạm Cao Củng full mobi pdf epub azw3 [Trinh Thám] Ebooks Nhóm Zalo P H Ạ M C A O C Ủ N G VỤ ÁN MẠNG THỨ SÁU CHƯƠNG 1 MIẾNG THỊT CHÓ ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI KỲ PHÁT Qua con đường Sông Máng ngoằn ngoèo khúc khuỷu, tới gốc đa cụt, rẽ theo con đường điện thoại lối hai trăm thước thì đến đầu làng Văn Bối. Người ta có cảm tưởng như vừa bước vào một ngôi đền rộng lớn, vì ở đây, cổng làng dựng theo kiểu tam quan, và từ đó trở đi, đường lát toàn bằng đá phiến màu xanh biếc, bên lề lại có hàng thông, tiếng reo theo gió vi vu... Ngay cổng làng có hai dãy hàng quán: mấy lều bán nước, một hiệu thợ giày, một nhà chữa xe đạp, còn thì toàn hàng thịt chó. Ở đây, hình như có mấy tay chuyên môn làm thịt chó đã nổi tiếng từ xưa ở Hà Nội, vẫn thường được triệu đến khi các nhà quyền quý muốn thiết khách phương xa một bữa tiệc thịt chó cầu kỳ. Tới đây, chàng thiếu niên chợt dừng bước, ngơ ngác nhìn quanh, vì như thoáng nghe tiếng gọi: - Ông Kỳ! Ông Kỳ! Không thấy ai là người quen thuộc, chàng lại toan cất bước, ngờ rằng cặp tai mình bị huyễn hoặc theo dư âm của tư tưởng vừa thoáng qua. Nhưng không, quả có tiếng người gọi: - Ông Kỳ! Tiếp đó là tiếng người vừa hỏi, vừa cười ha hả: - Ông Kỳ Phát, ông đã chóng quên anh em thế? Kỳ Phát nhận ra người gọi mình là một người vào trạc tứ tuần, nhỏ bé, vận một bộ com-lê màu rêu rộng thùng thình, dáng chừng mua lại của một hàng quần áo cũ nào đó, đầu đội một chiếc mũ cát két bằng da báo. Người ấy rướn cổ nhòm ra, trước một cửa hàng thịt chó, những toan chạy theo ra hẳn nếu Kỳ Phát không dừng bước. Sự thực, tuy ngờ ngợ quen quen, Kỳ Phát cũng chưa nhận ra là ai cả. - Ông Kỳ, thì ông hãy vào đây đã nào, ông hàng đây không lấy tiền chỗ ngồi của ông đâu mà sợ. Ông hàng thịt chó cũng đon đả tiếp: - Nhà cháu vừa pha ấm nước ngon lắm! Người đội mũ cát-két vênh mặt lên bảo ông chủ hàng: - Uống nước là thế nào? Hôm nay thì ông Kỳ phải ở lại đây xơi rượu đã! Và thấy Kỳ Phát có vẻ lúng túng, chưa biết trả lời ra sao thì người ấy lại phá lên cười: - Lòng người chóng thay đổi thực, ông quên tôi chứ tôi quên ông thế nào được? Vậy ông không phải họ Kỳ tên Phát, là chàng trinh thám muôn đời vẫn còn trẻ mãi trong lòng người ư? Ông quên thiên hạ, đã bao năm nay kín tiếng bặt hơi, nhưng thiên hạ quên ông sao được, người ta vẫn nhớ ông mãi, nhớ ông là người anh hùng trong bao vụ án rắc rối ly kỳ như vụ “Nhà sư thọt”, “Ba viên ngọc bích”... Người ấy nói nhiều quá, làm cho Kỳ Phát ngượng và không còn cách nào hơn là bước vào hàng: - Tôi gần đây không được khỏe lắm nên trí nhớ kém đi nhiều... Người ấy vỗ vào vai chàng, gật gù đỡ lời: - Nào tôi có dám trách gì ông đâu! Năm, sáu năm rồi còn gì nữa! Nhưng để tôi nói ông nghe... Thế này thì ông sẽ nhớ ra ngay tức khắc: tôi chính là bác Ba “thợ cạo” vẫn ngồi làm ở cửa nhà ông... gì này này, bạn ông ấy mà... Kỳ Phát reo lên mừng rỡ: - Bác Ba Hùy! Người đội mũ cát-két cũng reo lên nhắc lại: - Ba Hùy, đúng rồi, chắc ông không bao giờ lại ngờ “tha hương ngộ cố nhân” đấy nhỉ? Kỳ Phát không ngờ, vì chàng không bao giờ tưởng tới lại có thể gặp ở chỗ hẻo lánh này người thợ cạo mà chàng vẫn gọi đùa là Ba Hùy, người mà bạn chàng, hoặc chàng, mỗi khi đi vắng lại khóa cửa dặn: - Này, bác Ba Hùy, hễ có ai gọi hỏi gì thì bác nói giùm rằng chúng tôi đi hai hôm nữa mới về nhé! Bác Ba Hùy, vì hàng ngày vẫn bắc chiếc ghế vải ngồi cắt tóc cho khách ngay ngoài cửa nhà này, nên đã thành một “nhân viên thường trực” không lương cho hai chàng thanh niên ưa hoạt động. Kỳ Phát ngắm nghía Ba Hùy lại một lần nữa, rồi cười bảo: - Trông bác sang thế này, khác hẳn trước, thì tôi nhận ra sao được! Ba Hùy vỗ vào túi áo rồi đặt chiếc mũ cát-két xuống, trả lời: - Nghĩa là cũng “hình thức” cả thôi, ông ạ. Được cái tản cư thế này com-lê com liếc hay quần nâu áo vải, ăn vận thế nào cũng được, láo nháo chẳng ai để ý đến ai cả. Quay lại ngắm nghía Kỳ Phát, giây lâu, Ba Hùy tiếp: - Trông ông thì vẫn thế, chẳng thay đổi chút nào cả. Vẫn cặp mắt sáng nhanh, vẫn cái cười nửa miệng, còn cách ăn vận đối với ông thì chẳng kể được, ngay thời bình cũng vậy, ông luôn luôn thay hình đổi dạng đố ai nhận ra được nữa là... Ngừng lại một phút để suy nghĩ bác lại tiếp: - Đã hai lần tôi gặp ông đi qua đây, song không dám gọi vì thấy ông đi vội, và lại tôi cũng ngại sợ ông bận việc gì. Kỳ Phát mỉm cười, lắc đầu bảo: - Tôi có bận gì đâu, ít lâu nay chẳng làm gì, chỉ nằm một chỗ xem sách nên sinh ra lười, không giống như ngày xưa luôn luôn ưa hoạt động... Ba Hùy nhìn Kỳ Phát chăm chú giây lát, bỗng thở dài nói: - Nếu thế thì tiếc lắm nhỉ, tôi cứ tưởng rằng óc trinh thám của ông vẫn còn ưa tìm tòi hoạt động nên muốn hiến ông một vụ... Bỗng Ba Hùy dừng bặt, bước sấn lại bên Kỳ Phát, nắm chặt lấy hai vai chàng, nhìn sát lại gần thật kỹ, rồi ha hả cười lớn: - Có thể chứ, Kỳ Phát bao giờ cũng là Kỳ Phát của thời xưa. Tôi thấy mắt ông sáng quắc hẳn lên khi thoáng nghe có chuyện ly kỳ bí mật, tôi biết chắc rằng ngọn lửa thiêng trong lòng chàng thanh niên trinh thám số một của nước Việt Nam vẫn cháy bất diệt suốt ngàn đời... Kỳ Phát mỉm cười, kéo Ba Hùy ngồi xuống rồi bảo: - Điều này tôi nhận xét thì chắc không sai được, đó là ông Ba Hùy của tôi dạo này nói nhiều lắm, thao thao bất tuyệt, tôi không tài nào theo kịp được. Quay lại phía ông hàng thịt chó, Kỳ Phát vui vẻ tiếp: - Mà rượu của ông hàng chắc hẳn phải ngon lắm, nên ông bạn tôi đây càng uống càng ngọt giọng nói nhiều... Ba Hùy gật gù cười khi, ngắt lời Kỳ Phát: - Chết chửa, mải chuyện lôi thôi quên ngay mất điều cốt tử. Rượu hàng đây là của lò ngon nhất Đồng Văn, uống ngọt giọng mà say phải biết. Ông hàng cho thêm đũa chén ra đây, ông Kỳ phải uống với tôi một bữa thực là say túy lúy! Kỳ Phát lắc đầu từ chối: - Thôi, ông để cho khi khác. Ông cũng chẳng còn lạ gì, tôi có uống được rượu đâu, góc chén hạt mít thì đã gọi là say túy lúy, mặt bấy giờ sẽ hệt như Quan Công hiển thánh... Ba Hùy vẫn không lưu ý đến lời Kỳ Phát, vẫn ung dung lấy giấy bản lau đũa chén cho chàng rồi rót rượu: - Điều ấy không can hệ gì mấy, ông Kỳ ạ! Tôi chỉ muốn biết: ông thích tôi kể cho ông nghe vụ án ly kỳ hiện đương làm cho nhà chuyên trách vùng này rối như tơ vò không? Kỳ Phát gật đầu: - Điều ấy thì đã hẳn rồi, ông còn hỏi tôi thì khí thừa một chút! Ba Hùy gật gù đắc ý: - Vậy thì ông Kỳ ạ, ông không nên từ chối gì hết, hãy uống rượu và nhắm món rựa mận đi đã, ông sẽ thấy rằng ông hàng đây quả đã xứng danh là vô địch trong khoa nấu nướng thịt cầy... Kỳ Phát lắc đầu: - Ngồi chơi với ông thôi, chứ uống rượu thì chịu, tôi có uống được đâu... Ba Hùy ngắt lời: - Không nói lôi thôi gì hết, tôi chỉ biết có một điều kiện: ông có thích nghe chuyện thì đánh chén thịt chó với tôi, bằng không thì tôi nhất định nửa lời cũng không nói nữa... Kỳ Phát biết rằng Ba Hùy đã nắm được nhược điểm của mình, đành đấu dịu: - Vâng, thì tôi xin uống rượu thôi, chứ còn thịt chó thì chịu... - Sao lại chịu? “Sống ở trên đời chén miếng dồi chó” mà lại! - Không, tôi không biết ăn thịt chó thực! - Lại không biết! Cái gì mà đầu tiên người ta chẳng không biết, vậy rồi mà cũng biết tất. Ông Kỳ Phát ạ, ông không nên thoái thác, ông xơi một hớp rượu, rồi nhắm một miếng chả chó xem nó có “thú lý tình” không? - Tôi không biết ăn thực! - Tôi đã bảo không sao mà lại, rồi biết tất. Vả lại, ông chớ có quên, tôi chỉ có một điều kiện, ông phải đánh chén thịt chó với tôi, nếu không... Ngừng lại một phút, Ba Hùy nheo cặp mắt tinh nghịch nhìn Kỳ Phát: - Mà vụ án ly kỳ đặc biệt ông ạ, một án mạng, hai ba án mạng, rồi không chừng năm sáu án mạng nữa tiếp theo... Kỳ Phát gợi chuyện: - Ông nói đúng đấy, đã có hai ba thì sẽ tiếp theo năm sáu là thường, nhưng phải biết rõ người bị giết đầu tiên đã. Ông có thấy gì đáng để ý... Ba Hùy cười ha hả, gắp một miếng chả chó đặt vào bát Kỳ Phát rồi tủm tỉm cười: - Tôi tuy vô phép ông mà uống trước mất non một cút rượu rồi, nhưng tôi vẫn chưa đến nỗi say đâu, ông ạ, và không say, lẽ tất nhiên tôi không dại gì mà ông chưa đánh chén với tôi, tôi đã khờ khạo đi nói chuyện cho ông nghe về vụ án, dù là một đoạn mở đầu! Nào, xin rước ông, ta hãy đưa cay đi đã, rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau. Kỳ Phát biết Ba Hùy đã nhất định đưa mình vào con đường cụt, khó thoát lối nào được nữa. Chàng gắp miếng chả chó lên rồi lại ngần ngại đặt xuống bát. Ba Hùy khuyến khích: - Ông cứ xơi thử mà xem, ngọt hơn thịt bò mà đậm hơn thịt gà, ông ạ, ăn một miếng thịt chó làm đúng cách thì dư vị còn ngon đến ba ngày sau không ít... Người ta vẫn nói, sức mạnh của tuyên truyền lợi hại thực, có nói thành không, không thành có là thường. Kể ra thì Ba Hùy tuyên truyền cho cái sự ngon lành của món ăn hoàn toàn Việt Nam ấy cũng đã mạnh, nhưng Kỳ Phát lúc nhắm miếng thịt chó đầu tiên trong đời vẫn thấy rùng mình ghê rợn, và chàng vội vàng tợp ngay một hớp rượu đưa cay... Ba Hùy ha hả cười lớn: - Khá lắm, có thể chứ, biết mùi rồi, chỉ sợ từ nay ông lại chẳng ngày nào cũng lại đây đánh chén thịt chó tì tì! CHƯƠNG 2 MỘT ÔNG GIÀ GIÀU TÌNH CẢM Đã lâu lắm, vùng này mới lại có xảy ra một vụ án mạng. Trước đây đã có nhiều người thường nói: nhờ trời, tuy gặp thời loạn lạc mà cũng không đến nỗi đói kém, cướp của giết người. Nhưng bây giờ người ta đã bắt đầu lo lắng. Vì một buổi sớm, ngay chỗ xế lò gạch bên đường máng nước chỗ rẽ ra Văn Bối, bọn người đi chợ đã thấy có một thây người chết cứng tự bao giờ, nằm úp sấp mặt bèn lề cỏ. Người thiệt mạng là một ông già, có lẽ đến sáu mươi tuổi, người ta vẫn thường gọi là cụ Khóa Hợp làng Tựu. Cụ Khóa Hợp đã góa vợ, được ba người con đều đã trưởng thành và đã cùng “xuất gia, xuất tảo”, nhưng cụ Khóa vẫn ở một mình không ở cùng với con nào cà. Các con đều bảo cụ già trái tính, con cái khó chiều được cụ vừa lòng. Cụ Khóa ở riêng tại nhà thờ họ, sống một cách an nhàn bằng nghề lang thuốc. Cụ Khóa được cái mát tay, chữa khỏi được nhiều bệnh khó khăn hiểm nghèo nên nhiều người ở vùng xa cũng đến mời cụ đi bốc thuốc. Hai hôm trước khi xảy ra vụ án mạng, người ta thấy cụ Khóa có người mời đi bốc thuốc tận chợ Đại, nói là bà mẹ bị chứng đau bụng kinh niên. Từ làng Tựu đến chợ Đại cách nhau trên mười cây số. Cụ Khóa cẩn thận mang theo một khăn gói gồm có mươi vị thuốc men khan hiếm mà cụ biết chắc rằng hàng thuốc Bắc ở các chợ quê nhà thường không có, hay có thì cũng là thuốc giả. Trước khi đi, cụ còn gọi với sang vườn anh xã Vượng hàng xóm mà dặn trông nom giúp hộ nhà cửa, vì rất có thể cụ đi vắng vài ba hôm mới về. Hai hôm sau cụ Khóa Hợp trở về, nhưng không về được tới làng Tựu mà chỉ tới bên đường máng nước cạnh lò gạch đường rẽ vào Văn Bối. Thoạt tiên những người đi chợ sớm qua đây thấy có ông cụ già nằm sấp, tưởng rằng ông cụ trượt chân ngã đau quá mà ngất đi chăng. Đường máng nước hôm ấy trơn như mỡ vì mưa cả đêm rả rích, đến ngay trai tráng đi không bấm chân cho vững cũng bị ngã sóng soài, huống chi là ông già lọm khọm. Họ chép miệng bảo nhau: - Khốn nạn, cụ già con cái đâu cả mà không bảo chúng nó dắt đi, mò mẫm thế này, tuổi già ngã là oan gia đấy! Nhưng họ đã lo xa khí quá, bởi ông già ấy, cụ Khóa Hợp, đã chết tự bao giờ! Nhưng không phải bị thiệt mạng vì ngã, cụ bị người ta giết một cách rất là tàn ác, hung phạm đã giết cụ bằng một sợi dây thừng rất nhỏ, nhưng rất chắc. Các nhà chức trách đã mở cuộc điều tra, nhưng phải băn khoăn hết sức về vụ án mạng này. Quãng ấy tuy là đồng không mông quạnh, nhưng từ xưa vẫn yên ổn, không có bóng dáng một tay chơi nào. Vả lại, điều mà không ai ức đoán được là cụ Khóa bị giết vì tiền, bởi lẽ khám trong người cụ vẫn còn nguyên vẹn số tiền sáu trăm đồng, giấy còn mới nguyên nếp. Cả trên ngón tay cụ nữa, vẫn còn cả chiếc nhẫn tam cấp hai đồng cân vàng diệp. Cuộc điều tra lại hướng về phía khác, có kẻ nói cụ Khóa bị giết vì thù. Nhưng ai thù cụ Khóa, một người già cả lại sinh sống bằng nghề cứu nhân độ thế, thường chỉ làm phúc cho thiên hạ mà thôi? Cụ Khóa lại vẫn được tiếng là nhân đức, nhiều con bệnh nghèo hèn được cụ đến thăm bệnh chỉ cho thuốc mà không hề lấy một xu, bởi vậy nên những ngày giỗ Chạp Tết nhất, số người hàm ân đến biếu xén cụ con gà hay thúng gạo rất đông. Được cái, hễ biết là nhà nghèo thì cụ kiếm cách từ chối hay chỉ nhận chút ít gọi là thôi, “nơi thì bóc áo, nơi thì nấu cháo cho ăn” là thế. Sống nghề Hoa Đà Biển Thước được như cụ Khóa Hợp thực là hiếm có vậy! Cuộc điều tra vẫn tiến hành, rồi chợt bỗng thấy đôi chút tia sáng, có lẽ cụ Khóa Hợp bị chết vì tình! Trời, một ông già thân kề miệng lỗ mà lại có thể bị chết vì tình như thế được chăng? Nhưng kinh nghiệm trong nghề nghiệp đã bắt các thám tử phải đợi sẵn trước mọi sự bất ngờ. Cuộc điều tra cho biết, cụ Khóa tuy già nhưng lại rất nhiều tình cảm. Cụ góa vợ đã lâu nhưng cụ chỉ thích ở có một mình, dù con cái đã phương trưởng. Cuộc dò hỏi anh xã Vượng, người hàng xóm, đã cho biết thỉnh thoảng cụ vẫn có những người đàn bà đến thăm cụ ở lại lâu hàng nửa buổi, nói rằng còn chờ cụ Khóa chế một vài vị thuốc cầu kỳ, nhưng rồi lúc ra về cũng không thấy mang theo thuốc men gì hết. Những ngày bận “chế thuốc” như vậy, xã Vượng để ý thấy cụ Khóa từ chối không đi thăm bệnh cho ai, trừ những trường hợp đặc biệt cấp bách lắm. Và ngồi ở sâu bên này đan rổ rá, xã Vượng vẫn thoáng nghe thấy ở nhà hàng xóm có tiếng bỡn cợt cười đùa... Nhưng mấy người đàn bà ấy là ai, xã Vượng không phải là người tò mò lắm, nên không thể trả lời được rõ ràng giúp ích được thành manh mối cho các nhà chức trách. Vả lại, khách khứa đến lấy thuốc men ở nhà cụ Khóa thì nhiều, xã Vượng cũng còn bận nhiều công việc khác nữa, nên cũng không có thì giờ mà ghé mắt mãi sang nhà hàng xóm. Như vậy thì giả thuyết cụ Khóa Hợp bị giết vì tình cũng không phải là đích hẳn, thành ra cũng không đưa các nhà chuyên trách đi đến đâu cả. Rồi lâu lâu vụ án ấy cũng mờ dần đi trong khối óc của mọi người, vì giữa lúc tình thế rối ren này, ai cũng còn bận nghĩ đến công việc khác! * Ba Hùy thuật lại câu chuyện đến đây, tợp mạnh một ngụm rượu rồi khề khà nói tiếp: - Người ta không nghĩ đến nữa, nhưng còn Ba Hùy này, Ba Hùy vẫn nghĩ đến mãi, mà nghĩ đến là phải, bởi lẽ cái gì còn có thể tha thứ được, nhưng “nó” dám khinh cả Ba Hùy, cả Kỳ Phát nữa thì không thể được... Kỳ Phát ngắt lời hỏi: - Nhưng “nó” là ai mới được chứ? Ba Hùy nhìn quanh tứ phía, giây lát mới nói: - “Nó” là tất cả, là ông, là tôi, là chính ông hàng thịt chó này không biết chừng... thế mới ức chứ! Có điều “nó” khinh chúng mình thì không thể tha thứ được! Kỳ Phát nhìn cặp mắt đỏ ngầu của Ba Hùy thì biết ông đã say rượu lắm, mà ông nào đã say thì cũng bướng bỉnh như tất cả đệ tử của Lưu Linh khi hơi men đã thấm, nên không muốn hỏi gì thêm, chỉ nói: - “Nó” là ai? Chúng mình không biết, lẽ tất nhiên “nó” cũng chẳng biết chúng mình là ai, thế thì “nó” khinh làm sao được! Ba Hùy quắc cặp mắt đỏ ngầu vì rượu nhìn Kỳ Phát: - Thế mà “nó” cứ khinh mới tức chứ, đây, để rồi tôi đọc ông nghe. Vừa nói Ba Hùy vừa móc túi lấy ra một cuốn sổ nhỏ, lật tìm một trang giấy viết bằng bút chì, đọc: KÍNH CÁO ĐỒNG BÀO! Chúng ta không nên để tủi cho vong hồn người đã chết, hỡi những ngài có nhiệm vụ mở cuộc điều tra! Hỡi những ông bà hay bàn ra tán vào, biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Cụ Khóa Hợp bị chết là tại số cụ đến ngày phải chết như vậy, đừng có đổ oan cho cụ bị giết vì tình, chứng cớ là còn nhiều cụ khác sẽ bị chết như thế nữa khi nào đã đến số phải chết vậy. Gập cuốn sổ tay, Ba Hùy quay lại hỏi Kỳ Phát: - Đó, ông đã thấy chưa, rõ ràng là “nó” khinh chúng mình, riêng đối với Ba Hùy này thì còn tạm được, chứ đối với Kỳ Phát, “nó” chắc đã lú lấp mà quên rằng trên đời này còn có Kỳ Phát nữa hay sao? Chàng trinh thám trẻ tuổi lộ vẻ buồn rầu, đăm đăm như tâm hồn còn để tận phương nào. Giây lâu, chàng mới thở dài bảo: - Đã năm, sáu năm nay rồi còn gì nữa. Kỳ Phát như đã biệt tăm biệt tích... Không để cho những ý tưởng u buồn xâm chiếm tâm hồn con người sinh ra để tranh đấu và hoạt động, Ba Hùy đập mạnh tay xuống bàn mà nói lớn: - Nhưng không, ông Kỳ Phát ạ, những ai đã nghĩ thế là lầm, kể cả “nó” nữa, mà “nó” đã dám trêu vào tay Kỳ Phát thì “nó” phải chết! Ngừng lại một chút, nhìn thẳng vào mặt Kỳ Phát, Ba Hùy lại tiếp: - Câu này thì ông phải nói cho thực nhé, thế nào, ông nghĩ thế nào? Liệu tôi có thể làm nghề trinh thám được hay không? Kỳ Phát gật: - Nghề trinh thám có phải một nghề “độc quyền” của riêng ai đâu. Điều cốt yếu là phải có một ngọn lửa ham thích yêu nghề luôn luôn cháy sáng trong tâm trí. Riêng về phần ông thì tôi thấy ông có “khiếu” về trinh thám lắm, vì ông đã biết nhận xét... Ba Hùy xua tay gạt đi: - Ông nói in ít thôi thì tôi còn tin là thực, và có thể tin lời ông nói thì tôi mới dám hăng hái theo đuổi mấy vụ án này... Kỳ Phát giật mình: - Ông nói mấy vụ án, vậy còn vụ án nào nữa? Ba Hùy có vẻ suy nghĩ lắm, giây lâu mới nói: - Cái bản kính cáo đồng bào này tôi chép lại, vừa đọc cho ông nghe xong là cái bản “nó” dán ngay ở lò gạch, chỗ cụ Khóa Hợp bị giết. Có lẽ “nó” cũng bực mình vì những dư luận sai lầm về cụ Khóa nên “nó” mới cải chính như vậy. Ông có để ý lời báo trước đấy không? “Nó” nói rồi còn có nhiều cụ khác bị chết như cụ Khóa Hợp nữa khi nào các cụ đến số vậy! Thế tất nhiên không phải chỉ có một vụ án mạng... Kỳ Phát hết sức chú ý đến lời nói của Ba Hùy. Chàng gật gù nói: - Ồng đoán rất đúng. “Nó” đã có gan giết người, “nó” đã mạnh bạo cải chính niêm yết báo trước những vụ án mạng xảy ra thì “nó” có thể làm đúng như lời hứa... Hệt như một tiếng vang, Ba Hùy nhắc lại: - “Nó” đã làm đúng lời hứa... Kỳ Phát nóng nảy hỏi: - Vụ án mạng thứ hai cũng xảy ra ở vùng này? Ba Hùy gật đầu: - Vùng này, nhưng cách nhau hơn mười cây số mà cũng một ông già bị giết, cụ Cửu Lan ở làng Hồ, năm mươi nhăm tuổi. - Cũng một sợi dây thừng thắt cổ? - Giống hệt như vụ trước, cũng bị giết bằng dây thừng... - Cụ Cửu Lan cũng không bị mất tiền nong vàng bạc gì cả? Ba Hùy lắc đầu: - Điều đó thì không lấy gì làm chắc lắm, vì theo như tôi biết thì khám trong người cụ, người ta không thấy tiền nong vàng bạc gì hết, có thể là hung thủ đã lục lấy hết mà cũng có thể là khi bị hạ sát thì cụ Cửu không có tiền ở trong người. Tôi nói thế là vì cụ Cửu bị giết cách nhà cụ không xa, chỉ non trăm thước... Kỳ Phát hỏi: - Dư luận thì thế nào? Ba Hùy lắc đầu chép miệng: - Dư luận thì hoang mang chết đi được, người nói thế này, kẻ lại bàn thế khác, chẳng căn cứ vào đâu hết. Được cái họ cũng không xôn xao lắm, vì không mấy ai nghĩ rằng hai vụ án mạng này lại có liên quan đến nhau... - Nhưng nhà chức trách thì phải để ý đến điều đó? - Cũng chưa chắc, vì lẽ rất dễ hiểu là hai vụ án mạng dù không xa nhau là mấy, nhưng lại thuộc về hai tỉnh giáp giới và do hai ty Công an mở cuộc điều tra, không có liên hệ trực tiếp với nhau. - Nhưng ông có biết cuộc điều tra về vụ án mạng cụ Cửu Lan ra sao không? - Tôi nghe đâu trước nhà chức trách có bắt người hàng xóm nhà cụ Cửu, vì trước vẫn có hiềm thù kiện tụng nhau đã mấy đời, sau không có gì là chứng có đủ rằng buộc tội cho họ nên ba bốn hôm sau lại thả ra. Tiếp đến, chính con trai thứ ba của cụ Cửu cũng bị bắt, vì nhà chức trách ngờ người này giết bố để tranh cướp gia tài. - Ông vừa nói người con thứ ba, sao lại dính líu đến gia tài? Gật gù một lát, Ba Hùy trả lời: - Vì người con cả chết sớm, người con thứ hai thì chơi bời nghiện ngập nên mất tín nhiệm của cụ Cửu. E rằng cơ nghiệp sẽ về tay người khác mất nếu đem giao gia tài vào tay ông con “phá gia chi tử” này, cụ Cửu bèn làm chúc thư để giao cho người con thứ ba. Không hiểu vì lẽ gì, ít lâu nay người con thứ hai lại thay tâm đổi tính, bỏ hút sách chơi bời, chăm lo làm lụng nhà cửa ruộng vườn, thêm được cả người vợ đảm đang buôn bán, nên cụ Cửu lại nghĩ lại, có ý muốn đổi chúc thư... - Để cho bố không thể thay chúc thư được nên ông Ba mới không ngần ngại mà thẳng tay giết bố. Kể ra dư luận như thế thì cũng có lý đấy, nhưng tôi không thể tin rằng nước ta lại có ông con quý tử như vậy, dù thế nào cũng không đến nỗi bất hiếu như thế. Ba Hùy cũng tiếp: - Hơn nữa, theo cuộc điều tra riêng của tôi thì ông con thứ ba của cụ Cửu lại là một người hiền lành, đạo đức, không bao giờ tỏ ra là tàn ác bất lương. Khi ông Ba bị bắt đi thì dư luận nhao nhao nổi lên phản đối, nhà chức trách bỗng dưng lại mang tiếng vô lý bắt người một cách bất công, gieo tiếng oan cho chính gia đình đương tang tóc thương đau. Kết cuộc để dẹp yên dư luận, và lại cũng không tìm ra chứng cớ nào cụ thể, nhà chức trách đành phải tha kẻ tình nghi, để rồi lại nghe “nó” có dịp giễu cợt và thách thức... Kỳ Phát sửng sốt hôi lại: - Nghĩa là sau vụ án thứ hai này cũng có một bản kính cáo đồng bào nữa? Ba Hùy gật đầu: - Đúng vậy, rất tiếc là lần này tôi không chép lại được để đọc cho ông nghe, nhưng theo như người ta thuật lại thì sau khi xảy ra vụ án mạng này mười ngày, hai người bị tình nghi được tha rồi thì lại có một bản “kính cáo đồng bào”, đại ý nói: cụ Cửu Lan chết là cũng tại số, khuyên nhà chuyên trách không nên bắt oan người này người khác vô ích mà chỉ gây nên những dư luận không tốt mà thôi, đoạn cuối cùng có nói sẽ lại có những cụ già nữa tới số cũng bị giết như thế! Kỳ Phát cười hỏi Ba Hùy: - Riêng ông có tin là số mệnh? Ba Hùy cương quyết lắc đầu: - Tôi chỉ tin có một điều: phải có “nó”, tức là kẻ đã gây ra hai vụ án mạng này. “Nó” là kẻ giết hai ông cụ già vì một mục đích tôi không được rõ lắm, nhưng không hiểu sao linh tính cứ xui khiến tôi tưởng tượng hay sao mà tôi cứ yên chí rằng, “nó” không phải ai xa lạ mà chỉ lẩn khuất quanh quẩn đâu đây... Kỳ Phát cố làm ra vẻ nghiêm nghị và quan trọng. Chàng ngắm nghía Ba Hùy suốt từ đầu đến chân hai ba bận, giây lâu mới gật gật bảo: - Được lắm, được lắm, tướng của ông quả thực là tướng của thám tử, xoàng ra thì cũng vào hạng Đoan Hùng đoan hiếc, Lê Phong lê phiếc... Ba Hùy cười ha hả: - Thôi thôi, ông nói thế là đủ rồi. Không đùa nữa đâu, bây giờ tôi xin thú thực, tôi lưu ý đến mấy vụ án mạng này cũng là có cớ: chính gia đình nhà cụ Cửu Lan có lời tuyên bố treo giải thưởng mười vạn đồng cho ai tìm thấy hung phạm để rửa hận cho người chết. Biết đâu thánh cho ăn lộc, tôi lại chẳng là người được nhận cái phần thưởng ấy hay sao? - Điều ấy thì chắc hẳn không còn phải giả dụ biết đâu nữa! Tôi đoán chắc bữa thịt chó này là ông muốn khao tôi trước chứ gì? Ba Hùy vội vã lắc đầu: - Rượu vào thì vui miệng nói chơi, chứ tập sự vào nghề này, tôi gặp ông thì mừng hơn được vàng. Tôi tin chắc ở ông sẽ chỉ dẫn cho tôi những điều tôi ngờ nghệch, vốn biết tính ông dễ dãi nên tôi chắc ông cũng chẳng nỡ chối từ, cũng như ông đã chịu nếm với tôi bữa thịt chó đầu tiên hôm nay... Kỳ Phát ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: - Giúp ông thì là lẽ cố nhiên rồi, nhưng tôi chỉ e không ích lợi gì nhiều lắm. Trong hai vụ án mạng ông vừa kể cho tôi nghe đó thì ý kiến ông cũng hợp như ý tôi, riêng tiếc một điều chúng ta chưa được một dấu vết gì để hướng cuộc điều tra cho chóng đi đến kết quả, hay là hôm nào rỗi rãi tôi với ông thử xuống chơi nhà cụ Khóa Hợp, nhà cụ Cửu Lan, may ra nói dăm ba câu chuyện với gia đình sự chủ, ta có được đôi chút tia sáng nào chăng? Ý ông nghĩ sao? Ba Hùy gật đầu: - Ông nói đúng lắm, cụ Khóa Hợp thì ở gần đây, ta sẽ lại sau, còn nhà cụ Cửu Lan thì chính hôm nay tôi định lại, ông Hai con cụ Cửu đối với tôi cũng vốn quen biết. Hôm nay tôi thấy nói gia chủ có làm chay giải kết, và nghe đâu lại có một ông thầy phù thủy cao tay lắm, dám cam đoan đánh đồng thiếp gọi tên tuổi được kẻ đã giết người. CHƯƠNG 3 MỘT THẦY PHÙ THỦY KHÔNG LẤY GÌ LÀM CAO TAY LẮM Có lẽ từ sáng đến giờ sư già đã tụng được đến mấy khóa kinh rồi. Họ hàng con cháu nhà ông Cửu thì đông, nên ngày lập đàn giải kết, người ta phải dựng thêm ra ngoài sân một cái rạp để che mưa nắng. Bốn bộ phản được kê liền nhau. Trên mỗi bộ, một khay ấm chén, một chiếc điếu hút thuốc lào và một cơi trầu lúc nào cũng đầy ăm ắp. Khách khứa ra vào tấp nập, những bà già thì vào trong nhà lễ Phật, các cô con gái thì xúm vào trong bếp để thổi xôi nấu chè, sửa soạn bữa cơm chay buổi tối. Chỉ có các ông thì hầu như quên hẳn ý nghĩa chính của buổi làm chay này. Các ông nhắc lại qua loa một vài kỷ niệm của người đã khuất, rồi uống nước hút thuốc và mang những việc riêng ra bàn cãi. Các ông coi như sự có mặt của mình ở đây cũng giống như những cuộc ngồi chơi mát ở hàng nước ngoài cửa đình hay trong một ngày hội đầu năm không hơn không kém. Trong khi ấy, sư già vẫn tụng niệm. Tiếng mõ có lúc lại gõ dồn, làm cho mấy cụ già thông thạo lắng tai nghe rồi lẩm bẩm: - A, còn có hai khóa nữa thì lễ tất. Ngoài những họ hàng thân thích của cụ Cửu Lan, bạn bè cụ đến thăm cũng đông. Phần nhiều là những người ở xa, trong dịp cụ ra đồng hơi hấp tấp vội vàng, người ta không kịp đến để làm tròn nhiệm vụ cho đúng câu “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đến với một mục đích khác, có lẽ chỉ có Ba Hùy và Kỳ Phát. Hai người đến hơi muộn, khi sư già đã sắp xong khóa lễ, nên không kịp thụ lộc buổi trưa. Khách khứa đã về gần vãn, nhưng gia chủ nhất định giữ bọn Kỳ Phát ở lại chơi, dùng bữa cơm chay buổi chiều và không có công việc gì bận rộn thì ở lại đêm xem đánh đồng thiếp! Ông Hai chép miệng và nói nho nhỏ, như để phân bua chủ nghĩa duy vật của mình: - Tôi thì chẳng tin gì hết, nhưng cũng làm để chiều ý chú Ba. Cứ nghe mồm ông Đồng Hét nói thì ghê gớm lắm, ông cam đoan rằng nếu phụ được ông cụ lên thì chắc chắn hung phạm là ai sẽ biết rõ được tên tuổi. Một lát, ông lại tiếp: - Vả lại, tốn kém về nhiều, chứ thêm một đàn tràng kiền cúng của ông Đồng Hét cũng chả đáng bao nhiêu, mà hà tiện thì họ hàng lại nói ra nói vào là không hết lòng hết dạ... Ba Hùy gật đầu: - Ông nghĩ như vậy thực chí phải. Dù thế nào mình cũng phải giữ cho hết nhẽ... Ông con thứ ba của cụ Cửu thì có vẻ tin tưởng. Ông săn sóc lễ phẩm một cách rất cẩn thận, luôn luôn lại hỏi ông Đồng Hét: - Ông xem liệu còn thiếu thứ gì thì cứ bảo mua cho đủ, kẻo rồi lễ bạc khó cầu, nhỡ mà phụ đồng không lên thì uổng cả! Rồi ông lại lo lắng hỏi lại: - Thế nào, ông Đồng, liệu có kết quả gì không? Ông Đồng Hét đương đọc dở lá sớ mà ông nắn nót viết từ buổi trưa, ngừng lại nhìn ông Ba qua cặp kính trắng: - Lạy thánh mớ bái, tôi cũng mong có kết quả lắm, nhưng chỉ e tín chủ lòng không thành thì đồng không lên, tôi có tài giỏi cũng không làm sao được! Điều ông Đồng Hét lo lắng ấy thực sự cũng không phải xa xôi quá, vì trong buổi phụ đồng ấy, từ thầy phù thủy đến gia chủ, đều đã phải khó nhọc biết bao nhiêu! Ông Đồng Hét bắt đầu nổi trống từ khoảng sáu giờ chiều. Ông còn làm lễ thổ thần, lễ tiền chủ rồi cúng chúng sinh, mãi mãi, ông mới bắt đầu xin âm dương rồi chọn người ngồi đồng cụ Cừu. Kỳ thủy, ông còn khó tính, chọn lọc con đồng phải là người trong họ hàng, mà lại phải là người biết Hán học ít nhiều, lấy cớ rằng vì người đã khuất là một vị khoa cử xuất thân, con đồng không thể lấy người vô học! Nhưng hết người này đến người khác, ông Đồng Hét đã tha hồ hò hét mãi, hết sai quan lại sai tướng, vậy mà đồng vẫn không lên. Trong bọn người đứng xem, đã có kẻ thì thào: - Đúng rồi, thôi đích là gia chủ tâm không thành, hoặc là lễ chưa được hậu. Họ đều đã đoán sai cả. Cuối cùng, ông Đồng Hét mới khám phá ra cái cớ mà suýt nữa ông bị mang tiếng là chẳng cao tay cho lắm. Nguyên vì trước khi con đồng vào ngồi và trùm lên đầu chiếc khăn đỏ, ông Đồng Hét đều có dặn: - Điều này phải nhớ chôn sâu vào trong ruột nhé: lúc ngồi thì phải tâm tâm, niệm niệm vào việc, mà trong khi trùm khăn, nghe tôi phụ đồng bất cứ là nghe thấy gì cũng phải nhắm nguyên mắt, không được mở choàng ra mới được. Tuy ông dặn thế, nhưng ông Đồng Hét lại thét to quá, nên mỗi khi ông rung mạnh hồi trống, ra hiệu cho tên học trò gõ thanh la nhẹ bớt tay đi để cho ông thét, ra lệnh cho thần binh thần tướng phải, “Mau! Mau! Cấp cấp như luật linh!”, thì không một ai là có đủ can đảm, bình tĩnh không giật mình và mở choàng mắt ra. Thôi, thế là lại công toi, đồng chưa giáng đã thăng, và dù ông Đồng có cố gắng đọc mấy lượt thần chú nữa và bắt quyết không ngừng tay, con đồng vẫn cứ tỉnh như sáo sậu! Tức tối quá, ông Đồng Hét đã định cho triệt lễ để đến đêm sau sẽ lại phụ, thì ông Ba Hùy lúc này ở đâu đã đến bên cạnh ông Đồng, nho nhỏ bảo: - Này, ông Đồng ạ, hay là ông để tôi thử ngồi một lúc xem sao? Ông Đồng Hét quay nhìn ông Ba Hùy bằng một con mắt hoài nghi: - Thôi, có lẽ hôm nay hãy cứ đánh triệt lễ đi xem sao đã, chứ cứ phụ mãi mà không có lấy được một ai chịu nghe lời tôi căn dặn thì dù có chiêng trống đến suốt sáng cũng chỉ ốm xác mà thôi. Ông Ba Hùy lắc đầu: - Có phải tại mấy người kia, chốc lại cứ mở choàng mắt ra, không chịu nhắm y nguyên nên đồng không lên chứ gì? Ông Đồng Hét gật đầu: - Đúng thế, và tôi chỉ sợ ông cũng không hơn gì họ mà thôi! Ông Ba Hùy quay về phía Kỳ Phát như để phân bua: - Có ông đây biết, tôi nhờ giời được cái cũng khá cứng bóng vía! Kỳ Phát nói tức khí thêm một câu để cho ông Đồng quyết định hẳn: - Tôi chỉ sợ ông Ba đây cứng bóng vía quá, đến nỗi dù ông có cao tay đến đâu cũng không phụ lên được. Còn điều ông Ba có đủ can đảm, dù có thấy ngay quỷ sứ hiện hình ở bên cạnh, ông ấy cũng vẫn có thể cứ bình tĩnh như thường! Bị nói tức, ông Đồng Hét vốn là người hiếu thắng, nhất quyết không chịu. - Được rồi, đã thế thì dù hôm nay tôi có phải kiền cúng, chiêng trống suốt đêm tôi cũng nhất định phụ đồng cho đến sáng! Một lát sau, Ba Hùy đã khăn áo chỉnh tề, ngồi vào trước ban thờ, trùm mảnh vải đỏ lên đầu. Ông Đồng Hét đã bắt đầu đọc nhiều bài phụ và hét nhiều câu sai quan tướng âm binh... Ba Hùy giữ đúng lời hứa, tha hồ cho ông Đồng hò hét dữ dội đến đâu cũng vẫn bình thản nhắm nghiền cặp mắt. Chẳng biết có phải Ba Hùy là người không nhất tâm thành kính, mà mặc dầu ông Đồng đã hết sức cố gắng, con đồng vẫn chẳng thấy đảo một chút nào! Không ngần ngại, ông Đồng Hét vớ lấy chai rượu cúng để ở góc ban thờ. Trong mọi thứ lễ vật, ông Đồng bao giờ cũng để ý đến chai rượu này trước hết. Ông cẩn thận đến nỗi gia chủ mua rượu về, bao giờ ông cũng nếm trước xem rượu có thực ngon. Theo lời ông thì những âm binh của ông lại thảy đều rất khó tính, cúng rượu không ngon là không thể nào yên được với các ngài. Ông Đồng để ý đến rượu cẩn thận như vậy cũng là có lý, vì trong buổi phụ đồng, người ta thường thấy ông Đồng chuốc nhiều tuần rượu, đến tuần nào thì ông cũng tự “hưởng lộc” luôn ngay. Chính bởi vậy cho nên buổi phụ đồng càng kéo dài bao nhiêu thì ông Đồng lại càng hét to lên bấy nhiêu, vì số rượu uống vào cũng mỗi lúc một thêm nhiều. Trái với mọi khi, lần này mấy tuần rượu ông Đồng đều không thụ lộc một mình, mà lần nào ông cũng chia ra cho con đồng cùng hưởng với ông nữa. Ông Đồng Hét quả có sáng kiến rất hay: sau mấy chén rượu lộc, ông Ba Hùy không cứng đờ như tượng gỗ nữa. Ông Ba Hùy bắt đầu đảo... đảo... Chú bé học trò ông Đồng thấy thế lại càng gióng chiêng gõ trống thêm to, yên chí rằng ông Đồng cũng theo đà mà hét càng thêm lớn tiếng. Nhưng chú bé đã nhầm. Khác hẳn với mọi lần, đã qua ba tuần rượu rồi mà ông Đồng Hét lại mỗi lúc một thêm nhỏ bớt. Trong khi ấy, ông Ba Hùy cũng thấy đảo chầm chậm bớt đi, để rồi cuối cùng thì ngã vật xuống chiếu, không cựa quậy gì nữa. Mọi người đứng xung quanh đều lộ vẻ vui mừng vì tưởng rằng như vậy cuộc phụ đồng đã có kết quả. Riêng có chú bé học trò ông Đồng là biết có sự lạ đã xảy ra: chú biết con đồng không bao giờ lại nằm co và giật giật chân tay như vậy... Chú lo lắng lẩm bẩm: - Chết chửa, hay là đồng bị “khê”? Khê đồng! Trong bọn người đứng xem cũng đã có một vài người xì xào lo lắng. Khê đồng! Nhưng tại sao mà chính ông Đồng Hét lại không hề tỏ vẻ gì là sợ sệt cả, trái lại, ông phù phép không thấy có vẻ gì là hăng hái nữa. Không những vậy, ông lại như người ngái ngủ, trước còn đứng hô thần hô tướng, sau thì ngồi xuống mà bắt quyết, và cuối cùng thì... nằm xuống ngủ còng queo! Từ gia chủ cho đến những người xem thảy đều hoảng hốt sợ hãi. Con đồng bị khê đã đành, nhưng còn ông Đồng chẳng lẽ cũng lại bị thánh vật hay là quỷ ám. Nhưng dù sao thì cũng phải tìm cách cứu chữa cho cả hai người. Họ hỏi chú bé đánh chiêng trống, nhưng khốn nạn, cao tay phù pháp như sư phụ chú còn nằm chết ngất ở kia, thì mới võ vẽ học hành như chú còn làm trò gì được! Đúng lúc mọi người còn đương hoảng hốt, chưa biết hành động cách nào thì một người đã rẽ đám đông vào trong. Gia chủ đã nhận ra đó là Kỳ Phát, người khách đi cùng ông Ba Hùy, đến chơi từ lúc sớm. Hình như Kỳ Phát từ khoảng tám, chín giờ tối đã bỏ đi chơi đâu và lúc ấy mới chợt vừa về. Chàng thấy mọi người tỏ ý bối rối, chỉ bàn tán xôn xao mà chẳng biết xoay xở cách nào thì vội rẽ đám đông bước vào. Chàng cúi xuống, trước hết nghe ngực Ba Hùy, sau vạch miệng ra ngửi. Chàng cũng xem xét kỹ ông Đồng Hét và vành con ngươi ra xem đồng tử. Cuối cùng, Kỳ Phát lấy chai rượu cúng xuống, rót chỗ còn lại ra chén rồi nếm thử một chút. Chàng nhăn mặt lại và đứng dậy bảo mọi người rằng: - Hai người này không làm sao đâu, cứ lấy khăn mặt, dấp nước lã rồi đắp lên trán cho họ, và sau đó để nguyên vài tiếng đồng hồ là họ sẽ tỉnh lại như thường! Buổi đánh đồng thiếp đêm ấy thế là kết liễu bằng việc cả ông Đồng lẫn con đồng đều nằm thiếp đi như chết vậy! Khi mọi người đến xem đều đã về hết, hai anh em ông Ba, con cụ Cửu mới lo lắng mà hỏi Kỳ Phát rằng: - Ông xem thế nào, có chắc chắn là ông Đồng Hét và Ba Hùy không làm sao không? Kỳ Phát gật đầu: - Điều ấy ông cứ tin chắc ở tôi. Nhiều lắm là họ bị mệt mất vài ngày, ăn cháo đỗ xanh vài bữa thì tỉnh hẳn. Ông Hai thở dài chép miệng: - Tôi chỉ lo nhà đương vận áo xám[*], mà hai ông ấy lại bị thần thánh hay ma quỷ vật chết thì thực là rầy rà to... [*] Nhà đang có tang Kỳ Phát cười: - Ông cứ yên tâm, không ngại chi cả. Kể ra thì tôi chỉ nghĩ mà thương hại ông Ba Hùy, tự nhiên ở đâu đến giơ đầu chịu báng, chứ ông Đồng Hét thì tôi cho là đáng lắm. Ai bảo ông là một thầy phù thủy chẳng cao tay một tí nào lại cứ muốn trêu vào những con ma vô cùng... ma quái! * Kỳ Phát đoán cũng không sai mấy. Khoảng năm giờ sáng hôm sau, Kỳ Phát thấy Ba Hùy cựa mình rồi ngồi dậy. Chàng hỏi: - Thế nào, ông Ba tỉnh hẳn rồi chứ? Nghe giọng nói giễu cợt của Kỳ Phát, Ba Hùy càu nhàu bảo: - Tỉnh rồi, mà ông nên nhớ tôi tỉnh đã lâu, nhưng muốn nằm nguyên để suy nghĩ. Kỳ Phát cố nhịn cười: - À, ra thế kia đấy, vậy mà tôi không biết. Nhưng bây giờ ông định thế nào, có lẽ chúng ta ở lại đây hôm nay nữa, để tối đến ông lại ngồi đồng thiếp? Ba Hùy không nói nữa, đi rửa mặt rồi lùi lũi ra về, chẳng buồn đợi gia chủ dậy mà gửi một lời chào... Kỳ Phát lẳng lặng theo sau, bỗng chốc phá lên cười: - À, tôi nghĩ ra rồi, ông Ba Hùy ạ! Ba Hùy hấp tấp hỏi: - Ông cũng đã thấy rõ cái cớ làm sao tôi bị mê đi? Kỳ Phát nghiêm giọng, gật đầu: - Ông tưởng tôi ngu ngốc đến thế nào mà lại không hiểu biết điều tầm thường ấy? Ba Hùy gật đầu: - Từ lúc tôi tỉnh dậy, đợi cho trí minh mẫn trở lại, tôi cũng hiểu ra sự thực ngay, chỉ tức rằng không tìm được chứng cớ cụ thể để bắt thủ phạm... Kỳ Phát hỏi lại: - Thủ phạm nào, thủ phạm đã giết cụ Cửu hay là thủ phạm đã làm ông ngã quay đêm qua? Không lưỡng lự, Ba Hùy đáp: - Thủ phạm hai vụ ấy, chỉ là một người! Kỳ Phát lắc đầu: - Tôi không đồng ý ấy. Vì thủ phạm làm cho ông ngã quay đêm qua chỉ là chú cầy béo ở làng Văn Bối. Ai bảo ông đã đánh thịt chó vào uế tạp rồi lại còn ngồi đồng để cho thánh vật! Biết Kỳ Phát trêu mình, Ba Hùy tức tối lui lủi bước mau, không nói thêm câu nào nữa. CHƯƠNG 4 BA HÙY TỰ NHẬN THẤY MÌNH THỪA THÔNG MINH NHƯNG THIẾU... CAN ĐẢM Ba Hùy nhất định không tha “nó”. “Nó” đây vẫn là thủ phạm đã giết cụ Khóa Hợp, cụ Cửu Lan, và không chừng còn giết nhiều người nữa. Mà biết đâu, trong số những người sẽ mắc vào tay “nó”, lại chẳng có Ba Hùy? Chính ông đã bảo Kỳ Phát: - Ông Kỳ ạ, “nó” cũng ghê gớm lắm đấy, chẳng tầm thường đâu. Ông cứ xem ngay như đêm hôm trước thì đủ biết! Kỳ Phát gật đầu: - Phải, nhưng hẳn ông cũng đồng ý với tôi rằng: “nó” mà chủ quan coi thường ông thì “nó” sẽ bị hạ một cách dễ dàng! Ba Hùy quả quyết: - Ông nói đúng, rồi ông xem, “nó” sẽ biết tay tôi. Được cái nhờ giời, tôi cũng có đôi chút thông minh, hay là linh tính cũng chẳng biết nữa, nên tôi ngờ ngay rằng thế nào “nó” cũng còn phải lẩn quất ở nhà cụ Cửu Lan trong đêm hôm phụ đồng thiếp. Kỳ Phát gật đầu: - Vì “nó” cũng giống như trăm nghìn kẻ sát nhân khác, luôn luôn theo dõi những vụ án mạng của mình. Cái tin con cụ Cửu định đánh đồng thiếp để tìm ra thủ phạm, “nó” chú ý lắm và nhất quyết có mặt ở trong đám đông để xem xét tình hình. Ba Hùy tiếp: - Chắc là “nó” cũng đã thường biết ông Đồng Hét hay dùng rượu để phụ đồng, nên nhất quyết cho thuốc mê vào rượu để cho ông Đồng Hét hết nói khoác lác. Kỳ Phát mỉm cười: - “Nó” cũng được một điều này, có thể gọi là khá: “nó” hãy còn nhân từ không muốn hại đến sinh mạng ông Đồng Hét và ông, nên trong rượu chỉ pha có một ít thuốc mê, chứ nếu thêm chút nữa thì hai ông khó lòng mà toàn tính mạng được! Ba Hùy có vẻ suy nghĩ giây lát, rồi mới nói: - Kể ra thì việc tôi bị một trận thuốc mê, rạo rực nôn nao tưởng có thể chết được, tôi cũng không lấy gì làm oán hận, là vì do đó, tôi đã biết rõ được hai điều: một là thủ phạm chỉ quanh quẩn gần đây thôi và cũng quen biết nhà cụ Cửu Lan, hai là hung phạm cũng chưa đến nỗi mất hết lương tâm, hắn giết người không giống như bọn điên cuồng khát máu, mà giết là vì có cớ... Ngừng lại một lát, Ba Hùy lại tiếp: - Nhưng mặc dầu, việc của “nó”, “nó” làm, mà việc của tôi thì nhất quyết phải tìm được “nó”. Kỳ Phát tỏ dấu hoan nghênh: - Tôi cũng cầu chúc ông được như vậy. Và khi ông đã lĩnh số tiền mười vạn đồng, tôi chắc rằng ông sẽ không quên tôi, mà cho tôi một bữa... thịt chó nữa! * Kỳ Phát đoán biết đã mấy ngày hôm nay, Ba Hùy đương nung nấu một ý nghĩ gì đó, và có lẽ vì giận Kỳ Phát hay chế giễu mình, Ba Hùy không cho Kỳ Phát biết dự định của mình nữa. Kỳ Phát đoán không sai. Buổi chiều hôm ấy, Ba Hùy lẳng lặng ra đi. Nhà trinh thám tập sự của chúng ta cẩn thận lắm, mang theo một bọc quần áo và một cuộn dây thừng - bọc quần áo để phòng một cuộc cải trang theo dõi người bí mật, còn cuộn dây thừng thì ý hẳn để trói bắt thủ phạm. Trời hơi lất phất mưa, nên tuy lúc đó mới hơn bảy giờ mà trên đoạn đường lầy lội băng qua cánh đồng làng Lưu Xá đã vắng tanh không một bóng người. Tới một chiếc lều vắng ở gốc cây gạo gần giếng nước, Ba Hùy rẽ vào và ngồi thu lu trong một xó. Chiếc lều xiêu vẹo, chỉ có người ngồi bán hàng quà bánh hôm có phiên chợ, còn ngày thường thì bỏ không, nhất là trong đêm tối thì lại càng không có ai dám chậm bước ở quãng ấy, vì thường có lời đồn gốc gạo này có ẩn náu một con ma to lắm. Trời mưa mỗi lúc một thêm to. Ba Hùy ngồi nấp trong lều vắng, thấy bóng đen dày đặc cạnh mình, chợt nhớ đến những câu chuyện truyền tụng về ma quái, cũng bỗng thấy hơi rờn rợn... Chốc chốc, Ba Hùy lại rướn cổ ra ngoài, nhìn về phía xa, nhưng không thấy ai thì lại tỏ ra ý thất vọng. Ba Hùy lẩm bẩm: - Không có lẽ ta lại đoán nhầm! Bỗng một bóng người từ phía xa đi tới. Nhà trinh thám tập sự thấy trái tim mình cũng đập mạnh quá chừng, cố nén thở khi bóng đen ấy đi qua trước lều. Ba Hùy thở dài thất vọng khi thấy đó chỉ là một người đi đánh lươn chứ không phải là người mà mình đón đợi. Thời gian qua... Có lẽ lúc ấy đã đến non mười giờ rồi chứ không còn sớm sủa gì nữa. Ba Hùy ngồi yên mãi một chỗ đã thấy toàn thân tê mỏi, song vẫn không dám ngả lưng một chút vì chỉ sợ mệt quá mà ngủ thiếp đi chăng? Ba Hùy mân mê cuộn dây thừng, cố tưởng tượng đến giờ phút oai hùng, trói tay hung phạm với đủ chứng cứ, giao qua cho nhà chức trách rồi trở về cười nhạt, bảo Kỳ Phát rằng, “Thế nào, ông Kỳ, ông đã thấy chứ, tôi đã bảo thế nào ‘nó’ cũng phải ‘bị’ với tôi kia mà.” Nhưng Ba Hùy bỗng giật bắn người lên, vì trong lúc còn đương mải nghĩ vẩn vơ thì có một bóng người đi ngang qua lều, đi một cách nhẹ nhàng như một bóng ma. Trong thoáng chốc, Ba Hùy đã nhận ra đó chính là người mà ông đương ngóng đợi. Người ấy tay chống một chiếc ba-toong to tướng, đầu dưới có cắm một chiếc đinh sắt vừa dài vừa nhọn. Người ấy đi như đã có chủ định nên không nhìn ngang nhìn ngửa mà lại hình như có ý vội vàng. Ba Hùy cố nén thở, và như cố hết sức co rụt người lại cho thân hình mình nhỏ hơn nữa, để cho người kia dù có tình cờ tạt vào trong lều qua bóng tối dày đặc cũng không thể thấy mình được. Chầm chậm, Ba Hùy đứng lên. Ông vươn vai, kiễng cho đỡ mỏi, rồi se sẽ rướn cố ra khỏi lều nhìn theo người kia, lúc này đã tiến lên được vài chục bước, nhòa dần vào trong bóng tối, gần như không trông thấy rõ nữa. Cẩn thận, Ba Hùy nhìn quanh một lượt xem thấy có gì lạ, rồi mới nhanh nhẹn bước ra khỏi lều. Ông nhón bước theo người kia, giống hệt như một người đi săn theo dấu một con mồi. Nếu cái mà ông Ba Hùy vẫn gọi là “linh tính” ấy không lừa gạt ông lần này, thì con người bí mật đương đi phía trước ấy, chính là “nó” vậy. Ông Ba sờ vội đến con dao găm nhọn hoắt mà đêm nay ông đã cẩn thận mang theo, vì “nó” đã có gan giết hai mạng người, mà lại còn báo trước sẽ giết thêm nhiều nữa, thì có ngần ngại gì mà “nó” chẳng giết ông? “Nó” lúc này, có lẽ vì rảo bước nhanh hơn, đã bỏ cách Ba Hùy một quãng xa hơn lúc nãy, mà lại sắp đến một ngã ba... Ông Ba hoảng hốt quá, chỉ sợ trong đêm tối đen như mực này, ông không thấy rõ “nó” nữa, thì “nó” rẽ tạt qua lối nào, ông còn biết phương hướng làm sao mà theo dõi nữa. Hoảng hốt, ông Ba đành chạy rảo lên, và trong lúc vội vàng, ông đã bị trượt chân suýt ngã! Trong lúc thảng thốt thì ông đã kêu “Ối!” một tiếng, không to lắm nhưng cũng vang dội trong cái bầu không khí dày đặc của đêm vắng. Một bàn chân của ông bị sái, đau lắm, nhưng ông không chú ý, vì ông chỉ sợ “nó” nghe tiếng. May mắn làm sao, “nó” vẫn tiến bước như thường, có điều lại tiến nhanh hơn trước. Ông Ba Hùy cố gắng bước theo, trong lòng chẳng khỏi hối hận ma xui quỷ khiến làm sao mà lại không rủ Kỳ Phát cùng đi trong đêm nay. Liều lĩnh đi một mình như ông Ba Hùy thực là dại, vì ông đã biết trước có những sự gì xảy ra đâu? Đau chân như ông trong lúc này thì liệu có thể theo kịp được “nó” hay không? Một thân một mình như ông liệu có chống cự lại được với “nó”, nếu không may “nó” để ý biết có người theo dõi? Ông Ba Hùy tưởng tượng ngay đến một lưỡi dao nhọn vung lên, hay là một tia lửa của phát súng... Trời ơi, lại còn sợi dây thừng nhỏ chắc nữa! Càng nghĩ, ông Ba Hùy càng thấy rợn tóc gáy, tưởng chừng bàn tay sát nhân kia đã giơ lên, chẹn lấy cuống họng ông, rồi ghì chặt một vòng sợi dây oan nghiệt. Hai đầu gối ông thấy mềm nhũn hẳn ra, óc ông choáng váng, mắt ông hoa lên, và ông như bị chôn chặt chân xuống đất, không thể nào bước được nữa. Hạt mưa lúc này chỉ còn hơi lất phất, nhưng bóng tối như thêm dày, thêm đặc hơn nhiều. Ba Hùy đứng chơ vơ như kẻ mất hồn không biết trong bao nhiêu lâu nữa, chỉ biết khi ông choàng nhớ tới sự thực thì chính là lúc chợt có một tiếng thét lớn ở cách chỗ ông đứng có lẽ không xa là mấy! Tiếng thét ấy mới rùng rợn, ghê gớm làm sao! Tiếng thét trong đêm khuya, giữa lúc tinh thần đương hoảng hốt, lại còn làm cho ông Ba khiếp đảm. Hai chân ông nhũn hẳn ra. Ông không thể đứng vững được nữa và lảo đảo ngồi phệt xuống đất. Không rõ có tiếng kêu gọi nào nữa không, vì tai ông đã ù lên từ lúc nãy, và mắt ông lúc đó hoa lên, chắc có ai chạy qua ông cũng không có thể trông được rõ. Có lẽ đến hơn một tiếng đồng hồ qua. Ông Ba Hùy đứng dậy, không còn có một ý tưởng gì rõ rệt về không gian hoặc thời gian nữa. Rồi không biết nghĩ ngợi ra sao, ông lủi thủi ra về, len lén như một tên kẻ cắp! Buổi chiều hôm sau, Kỳ Phát gặp ông Ba Hùy, có phần lại còn tiều tụy hơn đêm hôm nào ông bị đánh thuốc mê trong khi ngồi đồng thiếp. Trông thấy Kỳ Phát, ông Ba như người được của, nắm chặt lấy tay chàng mà bảo: - Tôi cứ tưởng ông giận mà bỏ tôi đi mất, thì thực một mình tôi không còn biết xoay xở ra làm sao nữa. Kỳ Phát điềm nhiên như không, lắc đầu bảo: - Tôi có việc gì mà giận ông kia chứ? Ba Hùy thở dài: - Ông không nên để bụng như vậy. Tôi biết lỗi của tôi rồi... Nhưng ông cũng nên xét cho rằng, dù ai đi nữa thì cũng có đôi chút lòng tự ái, vả lại ông cũng ác lắm kia. Ai lại cứ chế giễu tôi, làm cho tôi xấu hổ đâm khùng. Kỳ Phát cười: - Đó là lỗi tại ông, sao khó chịu ông không nói ngay thì tôi đã hiểu, chẳng những thôi mà còn xin lỗi ông ngay nữa. Ba Hùy gật đầu: - Nếu thế thì đã không nên chuyện, đằng này tôi lại tự phụ, nhất định sẽ làm cho ông phải biết tay và từ rày chừa chế giễu. Bởi nghĩ lầm lẫn thế nên tôi mới bị khốn khổ như bây giờ... Kỳ Phát nhìn Ba Hùy, thương hại: - Ông hay nói quá, tôi tưởng đã làm gì xảy ra việc đáng quan tâm đến như thế? Ba Hùy vỗ mạnh vào ngực mình mà nói: - Chính vì tôi mà đã chết một mạng người, thủ phạm chính lại là cái tự phụ ngu ngốc của tôi... Kỳ Phát cố tìm lời khuyên giải: - Tôi bảo ông hay “phóng đại” mới thực là đúng. Ông cứ tự nhận là ngu ngốc, chứ như chỗ tôi xét đoán thì cách luận lý của ông về mấy vụ án mạng vừa rồi, ông đã tỏ ra rằng chẳng kém thông minh... Ba Hùy gật đầu: - Ừ, dù ông có cho tôi là thông minh chăng nữa, thì tôi cũng chưa làm được nên trò trống gì trong nghề trinh sát, vì tôi còn nhút nhát quá. Nếu đêm hôm trước tôi rủ ông đi cùng thì may ra nếu không bắt được quả tang hung phạm thì cũng có thể cứu được một mạng người. Vừa nói tới đây thì ông Ba chợt im bặt. Từ một ngõ ngang đi ra, một người vào trạc năm mươi, ăn vận áo the, khăn lượt, thấy ông Ba Hùy thì niềm nở hỏi: - Ông Ba đi đâu đấy? Có đi đánh chén thì cho tớ “đụng” với nào... Ba Hùy ngượng nghịu đáp: - Cụ đi chơi về đấy ư? Nào có chén chiếc gì đâu, độ này buồn lắm cụ ạ! Người kia ha hả cười lớn: - Thì ai mà không buồn, mỗi người mỗi cảnh, nhưng cứ chén đẫy vào là hết, ông ạ! “Tài tứ sầu bi nhập tửu bối”, ông cứ nghe tôi là thấy đời không có gì đáng buồn và đáng sợ! Rồi người ấy lại ha hả cười lớn, đi ngược về xóm Đông, trong lúc mặt Ba Hùy biến sắc nhiều lần, chẳng hiểu là giận, buồn hay là sợ hãi... CHƯƠNG 5 MỘT BÀI VÈ ĐẪM MÁU Kỳ Phát chầm chậm đến bên cạnh Ba Hùy, nhè nhẹ để một bàn tay lên vai ông, rồi bảo: - Ông không nên quên, thất bại là mẹ thành công! Ba Hùy giật mình, ngẩng nhìn Kỳ Phát rồi lúng túng hỏi: - Vậy ra ông cũng... Kỳ Phát lắc đầu: - Không, tôi chưa dám kết luận gì cả, vì tôi còn thiếu mất mấy cái “mắt xích” nữa thì mới đủ nổi liền “quãng dây” suy luận của tôi... Tôi chỉ muốn nhắc lại để ông biết đức tính cần thiết nhất của một thám tử, đó là lòng kiên nhẫn... Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lại tiếp luôn: - Trước đây, đã có lần ông hỏi liệu ông có thể làm thám tử được không. Tôi trả lời là có, ông chưa tin hẳn, vì có lẽ cũng biết tôi trả lời thế cho tắc trách mà thôi. Nhưng bây giờ thì tôi có thể đoan chắc chắn với ông rằng, nếu ông cứ cố kiên nhẫn thêm chút nữa thì thế nào ông cũng thành một thám tử có tài. Một vài việc đã làm cho tôi thấy rõ ràng: ở ông, đã có nhiều điểm tốt rất quan hệ cho nghề thám tử... Ba Hùy thở dài, buồn rầu: - Tôi rất cảm ơn ông đã hết lòng khuyến khích, nhưng việc xảy ra trong đêm trước đấy làm cho tôi chán nản quá chừng... Rồi Ba Hùy cặn kẽ kể lại cho Kỳ Phát nghe những việc rùng rợn đã xảy ra bằng một giọng đều đều buồn bã, chẳng khác gì một kẻ xưng tội để cho lương tâm đỡ một phần nào hối hận... Và kết luận, Ba Hùy tiếp: - Tôi càng nghĩ càng tức giận cho tôi, chỉ vì chút lòng tự ái tầm thường, không rủ ông đi cùng nên đã để xảy ra án mạng. Tôi đoán chắc phải là một vụ án mạng, nhưng thực sự, tôi đứng trước việc xảy ra đã sợ hãi quá chừng mà không dám tìm đến tận nơi hỏi han cho biết rõ nữa! Kỳ Phát gật đầu: - Tôi đã thay ông mà đi mở cuộc điều tra ấy... Ba Hùy giật mình: - Vậy ra ông cũng biết có vụ án mạng đã xảy ra ở đây? Kỳ Phát gật gù: - Có lẽ tôi biết sau ông một chút... nghĩa là mãi đến sáng hôm sau, tôi mới tìm ông thầy tướng Hòa Tranh, nhưng ông ấy chỉ còn là một xác chết dưới chiếc chiếu phủ bên đường... Ba Hùy hỏi lại: - Ông Hòa Tranh cũng bị thắt cổ chết? Kỳ Phát gật đầu: - Cũng vẫn một sợi dây thừng, nhỏ và chắc, siết chặt và gọn gàng, đẹp đẽ như tác phẩm của một nghệ sĩ vậy... Ba Hùy suy nghĩ giây lát rồi hỏi lại: - Ông có thấy trong số ba người bị giết, cụ Khóa Hợp, cụ Cửu Lan và ông thầy tướng Hòa Tranh, có những điểm gì liên quan tới nhau không? Kỳ Phát cả cười: - Đó là điều ông phải nhận xét lấy thì cái óc suy luận của ông mới có thể tiến triển thêm lên được. Bây giờ tôi chỉ “tường trình” để ông biết kết quả cuộc điều tra của tôi về lý lịch người bị giết mới rồi, sau đó sẽ tùy ông kết luận... Ông thầy tướng Hòa Tranh, tên thực là Nguyễn Văn Lịch, năm mươi sáu tuổi, là một nhà Nho học đã lận đận trường ốc nhiều năm, kết quả lúc trẻ chỉ được cái danh thầy khóa, mà tới già chỉ được cái hiệu cụ đồ, còn mộng cử tú, võng anh đi trước, võng nàng theo sau thì tan hẳn. Nhưng trong thời Nho học tàn, Tây học phồn thịnh, nghề gõ đầu bọn trẻ “ngậm lông thỏ” không thể đủ nuôi sống người, nên ông Đồ Lịch đành xoay sang nghề bốc phệ làm kế sinh nhai. Ông xem tướng theo phép Ma Y Thị, lấy số Tử Vi, Hà Lạc được cái cũng khá tinh, nên nhờ giời, thánh cho ăn lộc, chẳng bao lâu mà cảnh túng thiếu mất hẳn, thay thế vào cảnh dư dật, ngày thêm sung túc. Và cũng cùng một lúc, người ta không còn gọi ông là ông Đồ Lịch nữa, mà ai cũng quen miệng gọi cái tên mới là ông thầy tướng Hòa Tranh, theo tên làng ông ở. Ngoài nghề xem tướng số, đôi khi, thầy Hòa Tranh lại còn kiêm cả nghề kiền cúng, bùa sớ, lễ bái nữa. Đó cũng là dễ hiểu, vì khi thầy số đoán về vận hạn cát hung, thường được những khách hàng yêu cầu chỉ cho phương pháp tạ mộ, cúng sao giải hạn... Nghề kiền cúng này nuôi sống thêm thầy Hòa Tranh, nhưng cũng đưa thầy về cõi chết. Cổ nhân có nói, “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, thực là đúng vậy. Đêm thầy Hòa Tranh bị giết chết một cách bí ẩn mới đây chính là đêm thầy đi lập đàn lễ giải hạn cho một nhà ở làng bên, nhưng cách làng Hòa Tranh chỉ có một cánh đồng mạ. Vì là đêm lễ tất nên gia chủ có khẩn khoản mời thầy Hòa Tranh ở lại uống một bữa rượu thụ lộc linh đình. Lúc cơm rượu xong xuôi, thầy Hòa Tranh đã có vẻ chếnh choáng hơi men, gia chủ muốn lưu giữ lại ngủ chơi, nhưng thầy nhất định chối từ, “Không, ông bà cứ để tôi về, không ngại gì hết... Đi đêm tối thì chỉ sợ có ma quái, nhưng người như tôi thì ma chê, quỷ hờn rồi, vả lại cũng chỉ phải qua có một cánh đồng mạ là đã tới nhà, không xa lắm...” Nhưng thầy có ngờ đâu rằng trong bóng tối đen như mực ở giữa cánh đồng ấy có một bàn tay sát nhân khát máu đã chờ thầy từ lúc nào, và chỉ đợi thầy lảo đảo tới quãng vắng vẻ ấy là quàng vào cổ thầy một sợi dây, rồi siết chặt... Ba Hùy ngắt lời Kỳ Phát: - Cuộc điều tra của nhà chức trách tới đâu, và dư luận dân chúng cùng lân bang ra sao, ông cho tôi biết nốt. Kỳ Phát lắc đầu, trả lời: - Hết thảy đều không đi đến đâu! Dư luận rất hoang mang, mỗi người một phách. Kẻ thì cho là thầy Hòa Tranh đi ngang cánh đồng, gặp một bọn đi ăn cướp ở làng bên thất trận trở về, cho là chạm vía, nên giết thầy đi cho hả giận. Người lại nói thầy bị ma rủi, cánh đồng ấy từ xưa vẫn truyền tụng có một ông đống[*] thiêng lắm, thường hay hiện lên trêu chọc những người qua lại đêm khuya. Các nhà chuyên trách thì thực tế hơn, thấy trong túi áo kẻ bị chết không mất mát một đồng nào thì đoán ngay vụ án mạng này xảy ra nguyên cớ là do sự thù hằn. Rồi cuộc điều tra tiến hành về phía ấy, và có lần các nhà chức trách đã tưởng chừng tìm thấy hung phạm: thầy Hòa Tranh hiện đương bị một kẻ thù ghê gớm, đó là nhà Binh Nhưỡng, một người trước đây đã nhờ thầy Hòa Tranh “đứng đầu” bùa bèn cho khi bà mẹ Binh Nhưỡng chết. Sau đó, hình như Binh Nhưỡng không tạ ơn được thầy Hòa Tranh hẳn hoi xứng đáng, nên khi hai đứa con trai của Binh Nhưỡng liên tiếp nhau lăn đùng ra chết vì bệnh lỵ thì Binh Nhưỡng nhất định đổ tội cho thầy Hòa Tranh đã thất trực rồi phản mình cho thần trùng nó báo hại. Nhiều lần rượu say, Binh Nhưỡng đã thốt ra mồm, “Thằng Đồ Lịch, rồi mày sẽ biết tay ông!”. Không ngần ngại, nhà chuyên trách cho giấy đòi Binh Nhưỡng đến hỏi, bắt khai rành mạch về những công việc hắn đã làm trong đêm xảy ra vụ án mạng. Binh Nhưỡng có vẻ lúng túng lắm, trước hắn khai ngủ ở nhà, nhưng sau nhà chuyên trách có đủ chứng cớ là đêm ấy hắn đi vắng: một người hàng xóm nổi cơn đau bụng kinh niên dữ dội, đứa con sang định gọi Binh Nhưỡng xin một ít dầu xoa cho bố, nhưng không thấy Binh Nhưỡng có nhà. Nhà chuyên trách thấy thế mừng rỡ quá, yên chí phen này nắm được gáy thủ phạm rồi, thì cuối cùng bị vặn hỏi mãi, Binh Nhưỡng đành thú thực, đêm ấy lên làng trên đánh chén, sau rồi họp bàn tổ tôm, tuần phiên vào bắt, Binh Nhưỡng còn bướng bỉnh cãi lại, nên bị giam ở điếm suốt đêm. Những con bạc đêm hôm ấy cùng bọn tuần canh đều chứng thực lời Binh Nhường, nên cái hy vọng bắt được hung phạm đã giết thầy Hòa Tranh không còn nữa ở mấy nhân viên điều tra quá sớm lạc quan kia. [*] Mộ của người chết đường chết chợ, được chôn bên vệ đường. Ba Hùy hỏi: - Rồi cuộc điều tra đi đến đâu nữa? Kỳ Phát mỉm cười, trả lời: - Lại cũng đi đến con đường cụt như hai vụ án mạng trước! Vì thủ phạm cũng giết người một cách gọn gàng khéo léo quá! Ta có thể nói ngay rằng đó là một “nghệ sĩ” trong cái nghệ thuật ghê gớm này! Ngừng lại một lát, Kỳ Phát lại móc trong túi ra một tờ giấy bản, trên có viết chữ Quốc ngữ nhưng lại thảo bằng mực nho, đưa cho Ba Hùy mà nói rằng: - Tôi nói “nghệ sĩ” cũng không lấy gì làm quá đáng cho lắm, vì ông đọc đây sẽ thấy, đó là một bài thơ - hay nói là một bài vè thì đúng hơn - rùng rợn và đẫm máu! Ba Hùy cầm lấy, đọc: Thuở giời đất nổi cơn gió bụi, Cảnh đồ già, nhiều nỗi truân chuyên. Xanh kia thăm thẳm từng trên, Vì đâu gây dựng cho nên nỗi này! Thân già yếu ngày ngày vất vả, Cảnh sống thừa khó tả nên lời. Nhục nhằn muốn chết đi thôi, Cho qua một kiếp, nhưng trời không cho! Thấy những kẻ muốn nhờ tế độ, Động lòng thương, ta hóa kiếp cho. Xuống Âm, nhân một chuyến đò, Cụ già đến cõi, hẹn hò cùng đi! Khuyên những kẻ thị phi ngờ vực, Nào thù hằn, nào cướp, nào ma! Thay trời, ấy chính là Ta, Hết lòng giúp bọn ông già đáng thương. Qua được cảnh đoạn trường cơ khổ, Rồi đây còn nhiều cụ nhờ Ta. Ra tay hóa giúp kiếp già, Thong dong về với ông bà, tổ tiên. Đọc xong bài vè song thất lục bát, Ba Hùy đập tay xuống bàn, hằn học: - À, ra “nó” xưng là Ta, Ta thay trời, Ta hóa kiếp, Ta ghê gớm thực! Thế nào, ông Kỳ Phát, tôi chịu “nó”, đến ông cũng đành chịu “nó” à? Kỳ Phát cười: - Ông lại định dùng kế Khổng Minh khích Chu Du đó chăng? Không công hiệu gì đâu, ông Ba ạ, nhưng bây giờ, tôi muốn hỏi, ông có muốn đi tìm “nó” đêm nay không? Ba Hùy đứng phắt dậy, hăng hái: - Đi lắm chứ, đi cho đến tận chân giời góc biển để tìm cho bằng được “nó”, chứ tôi không chịu! Kỳ Phát mỉm cười: - Trong nghề trinh sát của ông, tôi lại ghi thêm được hai điểm: hăng hái và tự tin. Tôi chắc chắn rằng thế nào rồi đây ông cũng được lĩnh thưởng số tiền mười vạn! Ba Hùy gạt đi: - Ông không nên nhắc đến tiền thưởng nữa, bây giờ tôi thấy rõ ràng lắm rồi: tôi cần phải tìm bắt “nó”, chỉ là vì không chịu “nó”, chứ không phải là vì tham tiền thưởng. Tiền nong đối với tôi không còn thành vấn đề nữa. Và Ba Hùy lại giục luôn: - Ông bảo đi tìm “nó”, vậy thì chúng ta cùng đi, tôi xin theo ông ngay bây giờ! Kỳ Phát lắc đầu: - Không, ông không cùng đi với tôi, mà chúng ta sẽ đi mỗi người một phía. Để rồi tôi chia việc cho ông... CHƯƠNG 6 ÔNG BA HÙY CỐ GẮNG THÊM ĐƯỢC MỘT CHÚT CAN ĐẢM NHƯNG CŨNG CHƯA ĐI ĐẾN ĐÂU CẢ Nếu can đảm là một thứ có thể nắm được, thì đêm hôm nay, ông Ba Hùy đã giữ nó thực chặt bằng cả hai tay! Khốn thay, can đảm lại chỉ là một thứ vô hình, nên ông đành chỉ tự nhủ thầm: - Phải can đảm! Phải can đảm mới được! Không can đảm thì từ đây đừng có học đòi trinh thám nữa! Ông luôn nhắc lại câu ấy, chẳng khác gì một người theo phương pháp tự kỷ ám thị để dẫn dụ mình. Ông lẩm bẩm như vậy, khi ông theo đúng mệnh lệnh của Kỳ Phát ngồi thu mình trên một cành đa, mắt luôn luôn nhìn xuống quãng đường rẽ bên điếm gạch. Ông nhớ lại lời Kỳ Phát căn dặn: - Ông chờ đến sẩm tối, rồi nhân lúc vắng người trèo lên cành đa nấp rình. Ông thử xem có gì lạ, và nhất là xem nhà cụ Bá Hoan có ai lai vãng gì không. Ông đừng đi đâu cả, và đợi hết canh ba hãy trở về nhà. Tôi có việc phải đi đằng này, sẽ về tìm ông sau... Ba Hùy vâng lời và sửa soạn một bộ quần áo đen, đúng như các nhà hiệp khách bên Tàu đi đêm là phải mặc áo “dạ hành”, lại giắt theo một con dao găm nhọn hoắt - có lẽ là để thay vào lưỡi “đoản kiếm”, nhưng Kỳ Phát thấy thế đã vội vàng gạt đi mà cười bảo rằng: - Bất tất ông phải nai nịt và mang theo gươm giáo như vậy làm gì vô ích. Việc của ông dễ lắm, chỉ cần đôi tai, cặp mắt cho tinh là đủ rồi, có cần phải đánh chém ai đâu mà ngại. Nhưng đợi cho Kỳ Phát đi rồi, ông Ba Hùy lại cũng cứ vận bộ quần áo “dạ hành” và đeo “đoản kiếm” như thường. Ông không theo lời Kỳ Phát là vì ông nghĩ, “Cẩn thận vẫn hơn, mình tài cán đã chẳng bằng ai, ‘bạo hổ bằng hà’ không khéo lại ‘tử nhi vô hối’.” Ông nhìn cẩn thận trước sau không có một bóng người rồi mới trèo lên cây đa cụt. “Địa điểm” này, Kỳ Phát chọn rất khéo, vì ngồi thu mình ở trên chạc đa, ông Ba Hùy có thể nhìn ra tứ phía một cách rất dễ dàng, và thứ nhất là nhìn xiên vào ngõ nhà ông Bá Hoan rõ ràng mồn một! Ông Bá Hoan, chính là người áo the khăn lượt, trạc ngoại năm mươi, sau cái hôm ông Ba Hùy đi theo một bóng người bí mật uất hận trở về, đã nói một câu triết lý đầy mỉa mai giễu cợt, “Thì ai mà không buồn, mỗi người mỗi cảnh, nhưng cứ chén đẫy vào là hết, ông ạ! ‘Tài tử sầu bi nhập tửu bôi’, ông cứ nghe tôi là thấy đời không có gì đáng buồn và đáng sợ!” Sự thực thì không hiểu vì cớ sao, ít lâu nay, Ba Hùy mỗi khi gặp ông Bá Hoan, thấy ông để cặp mắt chăm chú soi mói vào mình, thì Ba Hùy bỗng như rờn rợn tóc gáy! Điều đó, kể ra thì cũng không đáng lấy làm lạ mấy, vì nội trong làng, chẳng phải riêng mình Ba Hùy e sợ con người “có oai” ấy. Mà nào ông Bá có hề cư xử một điều gì tàn ác với ai đâu? Ông còn sẵn sàng giúp đỡ mọi người là đằng khác! Ông Bá vốn là con nhà Nho học, văn hay chữ tốt có tiếng trong vùng, nhưng có lẽ vì số phận thế nào mà đã đi thi nhiều lần không đậu. Mặc dầu ai cũng phải chịu ông là người rất tài hoa, vẽ giỏi, đàn hay, nhất là giọng ông ngâm thơ sang sảng tiếng đồng, thì dù người không hiểu được văn chương nghe cũng phải lấy làm thú vị! Ông Bá là con thứ hai của cụ Mền. Cụ cũng là một người hay chữ nổi tiếng, nhưng không hiểu vì sao thi ba lần cũng đậu tú tài mà không sao đô được cử nhân. Nhiều người thấy thế cho là ngôi đất tam đại nhà này đã hết lộc, vì rằng ông và cha cụ Mền đều đỗ đạt làm quan to cả. Có người độc miệng lại nói, đáng lẽ ngôi đất ấy còn phát nữa, nhưng vì mấy người ra làm quan có làm một vài việc gì đó thất đức nên mới xui khiến ra như vậy. Rồi họ đan cử ra việc người anh ông Bá Hoan, con cả cụ Mền, bị mang tật suốt đời làm một bằng cớ chứng thực. Ông này thường vẫn gọi là ông Xứ Trực - vì ông đã từng thi đậu đầu xứ, văn chương xuất sắc vô cùng, lại có tài mẫn tiệp hơn ai hết, tưởng chừng như khi vào điện thì chắc chắn sẽ chiếm được khôi nguyên. Không ngờ, vừa thi Hội xong thì ông trúng một cơn gió độc, cấm khẩu rồi ngất đi. Mọi người hết sức cứu chữa, ông Xứ Trực mới thoát chết, nhưng tiếc thay, từ đó ông bị bán thân bất toại, đành ngồi xó một nơi chứ không còn bước chân đi ra được đến ngoài cửa nữa. Trong người mang cố tật, ông Xứ Trực nguyên có tính nóng nảy lại càng thêm hung tợn. Hầu hạ hơi trái ý ông một chút là ông gắt mắng, la hét rầm rĩ lên như một con thú dữ. Ông Bá Hoan để riêng một căn phòng cho anh ở, và cũng vì tính ông Xứ hung dữ khó khăn nên ông không dám để bọn người nhà ra vào hầu hạ, mà riêng chỉ có hai vợ chồng ông giữ việc chăm nom săn sóc mà thôi. Cẩn thận như thế mà đã xong đâu. Có lần ông Bá Hoan không hiểu vì làm thất ý ông Xứ Trực điều gì mà ông Xứ bỗng gầm thét vang động cả nhà, làm cho ai nấy đều xanh mặt. Cuối cùng, để cho anh được nguôi cơn giận, ông Bá Hoan một mình vào trong buồng, tiếp đó là tiếng thét mắng của ông Xứ, rồi đến tiếng roi song vun vút... Một lúc lâu sau, mọi người mới thấy ông Bá Hoan từ trong buồng anh bước ra ngoài, vui vẻ giục người nhà làm mâm cỗ cúng, theo lời ông nói - để tạ tội với tiền nhân! Theo như người nhà nói lại, thì hình như hôm ấy, ông Bá Hoan - mặc dầu cái tuổi “nên cụ” của mình, đã nằm xuống cho ông Xứ Trực đánh để trị tội, giống hệt thời xưa, khi ông Bá mới lên bảy lên tám tuổi đầu, và có thể mới làm nguôi được lòng ông Xứ! Cũng chỉ vì ông Xứ khắc nghiệt như vậy, và thứ nhất là chính ông Bá Hoan cũng do tấm lòng hiếu đễ mà chịu phục tùng người anh trái tính, mà dân làng bỗng nhiên sinh ra kính sợ ông Bá Hoan, chẳng khác gì họ đã kiêng dè ông Xứ. Gia đình ông Bá từ đó luôn xảy ra những trận phong ba dữ dội, mặc dầu người ta vẫn chỉ thấy ông Bá Hoan nhẫn nhục chịu đựng, không cho một ai vào trong phòng riêng ấy nữa. Mỗi khi ông Xứ Trực muốn sai bảo gì mà ông Bá Hoan còn bận dở ở nhà ngoài, thì ông Xứ lại với tay mà kéo sợi dây chuông kêu leng keng ở ngoài góc sân phơi thóc. Nghĩ tới ông Bá Hoan và sực tưởng tượng đến cái tính điên khùng ghê gớm của ông Xứ Trực, ông Ba Hùy chẳng khỏi thấy rờn rợn thế nào. Trông cảnh gia đình lạ lùng ấy, ông Ba Hùy đã nhờ linh tính báo cho biết trước, thế nào cũng phải xảy ra một sự lạ lùng gì! Gió càng về khuya càng thêm thổi mạnh. Ông Ba Hùy chợt rùng mình, nghĩ đến cái cảnh ấm áp ở trong nhà, thỉnh thoảng hút điếu thuốc lào vặt, uống một ngụm nước chè tàu đầu xuân thì thú vị biết chừng nào! Cho hay - nói một cách văn chương như các ngài văn sĩ - nghề thám tử cũng có đủ cái vinh, cái nhục chẳng kém gì ai. Một lát sau, ông Ba Hùy lại thấy hơi buồn ngủ, có lẽ một phần vì ngồi trên chạc đa, ông rất khó trở mình, xoay hướng, nên đã bị mỏi mệt. Bỗng có tiếng động ở phía dưới đường và tiếng nhiều người nói từ đằng xa đưa lại. Ba Hùy luống cuống, vì nhớ lại không thấy Kỳ Phát dặn nếu có nhiều người tới, và thứ nhất là nếu họ làm hung, thì phải xử trí, đối phó thế nào. Nhưng Ba Hùy bỗng mừng rỡ quá, vì bọn người ấy chỉ là những người ở bến đò Nhật Tựu lên, có lẽ định vào chợ Đại sớm cho kịp họp phiên mai. Ba Hùy càng ngẫm nghĩ càng buồn cười. Ngồi canh gác không thấy ai đến cũng buồn, mà khi thấy người đến thì lại lo âu cuống quýt. Ba Hùy lẩm bẩm: - Kỳ Phát có lẽ ước đoán sai rồi, công mình canh gác đêm nay ở đây, chỉ là công cốc! Ba Hùy lắng nghe tiếng trống canh điểm ở đằng xa, rồi lại tự nhủ: - Thôi thì ta cứ theo đúng lời dặn, bất quá cũng chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ. Nhưng bỗng Ba Hùy giật mình. Rõ ràng có một bóng đen đương lởn vởn ở ngay dưới gốc đa. Thực là một sự lạ lùng, vì bóng đen ấy, không biết tự phương nào lại, mà lại từ lúc nào, Ba Hùy cũng không rõ nữa. Càng nghĩ, Ba Hùy càng thấy sợ hãi, vì nếu bóng đen kia lại lảng vảng ở đó đã lâu, trông thấy rõ Ba Hùy ở trên cây thì thực là một sự vô cùng nguy hiểm! Nếu con người ghê gớm ấy lại có sẵn một khẩu súng, hắn sẽ có thừa thời giờ để ngắm nghía Ba Hùy kỹ càng trước khi bấm cò. Một phát súng nổ, Ba Hùy sẽ từ trên cành cây lăn xuống như một con vượn trúng đạn... Ba Hùy chỉ đỡ một phần lo sợ khi thấy bóng đen ấy hình như không lưu ý gì đến Ba Hùy, mà chỉ loanh quanh lảng vảng ở trước cổng nhà ông Bá Hoan mà thôi. Bóng đen có lẽ đợi chờ ai, hay là chỉ có ý rình mò... Nhưng bỗng trong nhà ông Bá có tiếng chuông rung hai ba lượt. Ba Hùy nghĩ thầm, “Chắc là ông Xứ Trực, đêm khuya gọi ông Bá Hoan lấy nước uống gì đây...” Bóng đen khi chợt thấy tiếng chuông thì ngồi thụp xuống chỗ áp dậu. Hắn ngồi yên, lẩn hẳn mình trong bóng tối, nếu Ba Hùy không theo dõi từ trước thì có lẽ đã nhầm tưởng đó chỉ là một gốc cây mục mà thôi. Tiếp đó lại có một hồi chuông rung nữa, rồi bầu không khí lại chìm đắm vào cành tịch mịch của đêm trường. Bóng đen đã lững thững đứng dậy, rồi tiến về phía Nhật Tựu. Ba Hùy luống cuống quá, và cuối cùng thì không ngần ngại gì mà tụt từ trên cành đu xuống đất để rón rén đi theo. Không phải rằng Ba Hùy đã quên mất lời Kỳ Phát dặn, “Ông đừng đi đâu cả, ngồi đợi đến hết canh ba thì về nhà...”, nhưng Ba Hùy nghĩ rằng, “Cũng chẳng còn bao lâu nữa thì hết canh ba, nếu ta cứ ngồi nguyên trên cây, người bí mật đi mất thì kết quả cuộc canh gác đêm nay sẽ không ích gì cả.” Rồi Ba Hùy lẩm bẩm: - Phải tùy cơ ứng biến chứ! Trong nghề trinh sát mà cứ cố chấp thì nhiều khi hỏng việc. Ông Ba Hùy kết luận như vậy một cách rất nghiêm trang, với chất giọng của một kẻ đã có thừa kinh nghiệm trong nghề thám từ... Bóng đen đi phía trước không có gì là nhanh nhẹn lắm. Cứ trông dáng đi chốc chốc lại dừng ấy, Ba Hùy ngờ rằng con người bí mật hoặc vừa đi vừa có ý đợi ai, hoặc còn dò tìm một dấu vết gì ở dọc đường. Một lát sau, bóng đen rẽ ngoặt vào con đường làng nhỏ hẹp. Ba Hùy không dám dõi theo từ xa nữa, vì sợ con đường luôn luôn ngoặt nghẹo, nếu bỏ quãng xa thì rất dễ bị mất tích. Bỗng bóng đen đứng dừng lại cạnh một điếm gạch. Ba Hùy thấy trái tim mình đập dồn dập, giống hệt một kẻ đi săn sắp được giơ súng nhắm bắn một con mồi. Ba Hùy lần này có thừa can đảm! Với con dao nhọn lăm lăm sẵn trong tay, Ba Hùy nhất quyết phen này không chịu nhút nhát bỏ lỡ dịp như lần trước nữa! Nhưng Ba Hùy để ý thấy bóng đen lom khom như muốn lấy đà, và vụt một cái, con người bí mật ấy bỗng băng mình về phía trước nhanh như một mũi tên vừa rời khỏi dây cung. Không kịp nghĩ ngợi một hai gì hết, Ba Hùy cũng cắm đầu chạy băng theo, cũng chẳng hiểu đuổi theo như vậy để làm gì. Có lẽ lúc này, Ba Hùy chỉ có một mục đích: bám thực sát người bí mật để cho được mắt thấy những hành động lạ kỳ... Ba Hùy vụt chạy như vậy có lẽ chỉ được chừng hai chục bước, rồi bỗng như vướng phải một vật gì ngang dưới đầu gối làm cho lảo đảo suýt ngã. Trong một giây, Ba Hùy nhận ra ngay, mình trong lúc bất ngờ đã bị một người nào nấp sẵn ở đó ôm ngang chân vật xuống. Không ngần ngại, sẵn có con dao nhọn trong tay, Ba Hùy xỉa luôn ngược lại phía sau một nhát rất mạnh, tưởng chừng có thể xiên suốt bụng ra tới sau lưng... Nhưng địch nhân lại nhanh nhẹn hơn, gạt được ngay lưỡi dao của Ba Hùy sang bên, rồi lại túm luôn lấy cổ tay Ba Hùy vặn chéo, làm cho nhà thám tử tập sự của chúng ta bị đau đớn quá, bỏ rơi lưỡi dao, kêu, “Ối”... Nhất quyết bán đắt tính mệnh của mình, dù có phải hy sinh, nên Ba Hùy còn lại một tay cũng còn toan ôm ghì lấy cổ địch nhân rồi ghé răng cắn! Miệng Ba Hùy quát: - Ta quyết sống chết với mày! Nhưng Ba Hùy đã bị một bàn tay sắt đẩy mặt mình ra, tiếp đó là tiếng mắng: - Ơ hay! Ông Ba định giở cái món võ “khẩu quyền” ra đấy à? Ba Hùy nhận ra đúng tiếng Kỳ Phát thì hoảng hốt nhìn lại, lúng túng hỏi: - Kìa, ông Kỳ Phát, sao ông lại ở đây? Kỳ Phát ngắm nghía bộ quần áo “dạ hành” của Ba Hùy, lại liếc nhìn con dao găm vứt dưới mặt đất, rồi chép miệng lẩm bẩm: - Câu ấy đáng lý phải để tôi hỏi ông mới đúng. Ông đến đây làm gì? Ba Hùy cúi mặt, đáp nho nhỏ: - Tôi... tôi đuổi theo “nó”. Rồi Ba Hùy kể lại đầu đuôi câu chuyện từ lúc ngồi rình trên chạc cây, tới lúc thấy bóng đen bí mật lảng vảng trước nhà ông Bá Hoan, tiếp việc đuổi theo “nó” tới tận đây. Kỳ Phát chép miệng, thở dài: - Thôi, thế là ông bị “nó” cho vào tròng rồi. Kể ra thế thì “nó” cũng gớm thực, trong khi chúng ta rình "nó", thì "nó" cũng dõi mình, và kết cuộc thì tương kế tựu kế, "nó" gạt ông đuổi theo tới đây, để rồi suýt nữa đâm tôi lòi mạng mỡ! Ba Hùy xoa xoa khuỷu tay: - Tôi cũng bị ông bẻ trái tay, chỉ một li nữa thì sái mất khớp xương, hết chữa! Kỳ Phát gật đầu: - Như ông thì còn chết mới đúng! Ông không thấy đó à, trong cuộc săn bắn, khi người ta đã bàn nhau, chia mỗi người đứng nấp ở một góc rừng, mà lại còn dại dột bỏ chỗ đi loăng quăng, bạn săn thấy động tưởng là muông thú cứ bắn bừa thì chết cũng không ai thương cả! Tôi dặn ông chỉ có mỗi một việc là ngồi trên chạc cây rồi chăm chú đem hết tai mắt ra mà nghe, mà nhìn, vậy mà ông có theo đúng được đâu! Tôi hãy ví dụ, kẻ gian nhân dịp này lẻn vào nhà ông Bá Hoan, giết Ông Bá hay ông Xứ đi thì ông nghĩ sao? Ba Hùy luống cuống bảo: - Chết thực, tôi không nghĩ ra đấy, hay là bây giờ chúng ta cùng chạy về xem sao? Kỳ Phát mỉm cười: - Lẽ tất nhiên là chúng ta trở về bây giờ, nhưng không phải chạy, vì đằng nào thì cũng đến chỉ nằm nghỉ, chờ sáng! Ông không lo, ông Bá Hoan và ông Xứ Trực chưa việc gì nguy hiểm đến tính mệnh đâu. Ba Hùy ngạc nhiên, hỏi lại: - Tại sao ông biết? Kỳ Phát gật đầu, nghiêm trang đáp: - Tại vì mấy cụ già này chưa... tới số, chứ còn lại làm sao nữa! CHƯƠNG 7 Ở ĐỜI, CÁI GÌ NHIỀU QUÁ CŨNG HÓA NHÀM Thực vậy, ở đời, cái gì nhiều quá cũng hóa nhàm, kể cả những vụ án mạng cũng thế. Sau cái đêm Ba Hùy và Kỳ Phát bị "chạm trán" một cách bất đắc dĩ, thì chàng trinh thám trẻ tuổi của chúng ta nằm lì một chỗ không thấy đi đâu nữa. Ba Hùy thì sốt ruột lắm, luôn luôn giục hỏi Kỳ Phát xem cuộc điều tra đã tiến hành đến đâu, nhưng chỉ thấy chàng trả lời: - Đi tới cái chỗ mà chúng ta phải chờ đợi. Trong lúc nhàn rỗi ấy, tôi cần phải giảng cho ông nghe thêm một ít bài học về nghề trinh sát... Ba Hùy ngắt lời: - Tôi rút kinh nghiệm nhiều lắm rồi! Kỳ Phát lắc đầu: - Chưa đủ! Ba Hùy cãi lại: - Tôi đã hiểu, chẳng hạn như: trong nghề săn người này, kiên nhẫn không thôi chưa đủ, còn cần phải có can đảm... Kỳ Phát tiếp lời luôn: - Mà có thêm chút ít can đảm nữa cũng vẫn chưa đủ. Cần nhất vẫn là có thông minh! Ngừng lại giây lát, Kỳ Phát tiếp: - Mà bây giờ muốn tỏ ra thông minh thì cần nhất là ông không nên nói gì cả, hãy cứ đợi. Ba Hùy liếc nhìn thấy tờ báo để ở đầu giường Kỳ Phát thì lại nói: - Ông đã đọc báo sáng nay, vậy tôi không cần phải báo cho ông biết rằng "nó" bây giờ không hoạt động ở đây nữa, mà lại hoạt động mãi tận Ninh Bình. Kỳ Phát gật đầu: - Có lẽ ý ông muốn nói tới vụ án mạng tại Gián Khuất? Ba Hùy gật đầu: - Phải, vụ án mạng cụ đồ Gia Viễn, cũng vẫn một lối giết gọn gàng bằng sợi dây thừng và không để lại một vết tích? Ngừng lại một phút, Ba Hùy tiếp ngay: - Trong khi "nó" không ngừng hoạt động, vẫn cứ giết người không nghỉ mà chúng ta lại chịu ngồi bó gối ở đây thì không tiện. Ông nghĩ thế nào, chứ tôi cứ mỗi khi thấy xảy ra thêm một vụ án mạng thì máu tôi lại cứ sôi lên sùng sục! Kỳ Phát gật đầu: - Thì ai thấy có người bị giết lại vui vẻ được, khốn nhưng trong thời tao loạn này, cuộc điều tra chẳng phải có thể dễ dàng được như thường ngày. Hơn nữa, ông nên nhớ, chúng ta dù sao cũng chỉ là những người thường dân theo nghề trinh sát một cách hoàn toàn "tài tử" mà thôi. Nghĩa là ta không có thể như nhà chức trách, muốn bắt người tình nghi hoặc gọi hỏi chứng hay khám nhà một cách rất dễ dàng. Chúng ta chỉ có thể bắt thủ phạm khi nào đã có chứng cớ hoàn toàn xác thực. Hơn nữa, các vụ án mạng mỗi lúc lại ở một khu vực xa nhau, thời này, mỗi lần chúng ta đi bộ mà lần mò xuống được tận nơi mà dò hỏi thì đã chậm mất mấy ngày rồi. Ấy là chưa kể như tin vụ án mạng cụ đồ Gia Viễn, có tin đăng lên báo thì cũng mất hai hôm rồi, ấy là nhanh chóng nhất... Ba Hùy có vẻ thất vọng lắm, ngồi phịch xuống ghế rồi hỏi lại: - Thế bây giờ ông đành chịu đợi cho đến khi nào "nó" đến quàng sợi dây thừng vào cổ ông hay cổ tôi mới lại bắt đầu hành động hay sao? Kỳ Phát thấy Ba Hùy có vẻ nổi xưng, bỗng bật cười, vỗ vai con người quá nóng nảy mà nói rằng: - Ông hãy cứ yên trí! Tôi đợi, chứ có nói rằng bỏ cuộc đâu? "Nó" còn, thì chúng ta cũng hãy còn đây! Vì những trở ngại do tình thế mà tôi vừa tạm kể cho ông biết mới đây, thì tốt hơn hết chúng ta hãy chờ... Ba Hùy hỏi thẳng: - Nhưng ông chờ cái gì mới được chứ? Hay là ông nhất định kiên nhẫn chờ đến khi "nó" đến trước mặt ông, vỗ ngực mà nói rằng, "Thưa ông Kỳ Phát, nhà thám tử đại danh của nước Việt Nam độc lập, chính tôi là thủ phạm đã giết bốn ông già, vậy xin ông làm ơn hãy bắt tôi, giao cho các nhà chuyên trách, để bảo toàn cái danh tiếng lừng lẫy một thời của ông?" Kỳ Phát mỉm cười: - Ông vẫn còn nóng nảy như vậy thì vẫn chưa làm nên công chuyện gì hết. Ông có cố gắng mỉa mai hay khiêu khích tôi thì cũng bằng vô ích mà thôi. Ba Hùy không thể chịu được nữa, vùng tiến đến trước mặt Kỳ Phát rồi hỏi: - Thì ít nhất, ông cũng phải cho tôi biết ông muốn chờ cái gì kia chứ? Tôi van ông, ông hãy nói cho tôi biết một chút thôi, chứ không thì tôi sốt ruột dễ đến điên lên mất! Kỳ Phát kéo Ba Hùy ngồi xuống: - Xin ông hãy yên lòng, những cái gì mà lực tôi làm được thì tôi đã làm rồi. Tôi chỉ còn chờ một vài chứng cớ có thể gọi là cụ thể... Ba Hùy ngắt lời: - Nhưng nếu trong khi chờ đợi mà các vụ án mạng vẫn cứ tiếp diễn theo một tốc độ rất đều, đúng như lời trong bài vè của “nó" thì ông tính sao? Kỳ Phát lắc đầu: - Tôi đã nói với ông rằng sức tôi hiện thời chỉ có thể làm được đến thế là cùng. Ông không nên quên rằng bản tính của tôi không ưa cái lối như nhiều ông thám tử Âu hóa khác, nghĩa là lúc nào cũng lăng xăng nhảy nhót như con choi choi, miễn là tỏ ra được mình là một... thanh niên hoạt động! Không, ông Ba Hùy ạ, ở nước Việt Nam hậu tiến của chúng ta, cho ngay đến những vụ án mạng ghê gớm và ly kỳ đến bực nào, nó cũng vẫn chỉ âm thầm lặng lẽ mà thôi. Ông hãy thử xem ngay trong bốn vụ án mạng mới đây, có phải là thủ phạm vẫn ung dung mà giết người, giống hệt như một nhà Nho ngồi trước đĩa lạc rang và cốc Mai Quế Lộ, nhấm nháp rung đùi mà nghĩ từng vần thơ, mà mỗi vần thơ lại là một vụ án mạng! Ngừng lại một lát, Kỳ Phát mới tiếp: - Đuổi theo một người đi bộ, tôi hỏi liệu ông có thể đi bằng một chiếc xe hơi tối tân được không? Ông sẽ đi nhanh quá, vượt qua họ lúc nào còn không biết, thì hãy còn dò hỏi biết sao được những hành động âm thầm của họ? Bởi vậy cho nên tôi cũng phải chờ đợi, chứ vội vàng lắm có được ích gì đâu? Ba Hùy không dám hỏi gì thêm nữa, chỉ ngồi phịch xuống ghế, thở dài: - Nhưng nhiều người bị giết quá, biết làm thế nào bây giờ? Kỳ Phát nhìn Ba Hùy, lộ vẻ thương hại, rồi cười mà an ủi ông rằng: - Tôi cũng như ông, đều không muốn thế nhưng trong sự ước đoán của tôi, cần phải biết thêm một vài điều nữa mới có thế kết luận được. Tôi còn cần phải đợi thêm vài vụ án mạng nữa đã. Ba Hùy giơ tay lên giời, kêu: - Lại những mấy vụ nữa! Kỳ Phát gật đầu: - Có lẽ chỉ một vụ nữa thôi, không chừng... Đó cũng vẫn là điều bất đắc dĩ, kẻ giết người là ai, kẻ sắp bị giết là ai, ta cũng chưa có cách biết nốt, vậy làm thế nào mà ngăn cản được vụ án mạng sắp tới... Vỗ vai Ba Hùy, Kỳ Phát lại tiếp luôn: - Để cho ông đỡ sốt ruột, có lẽ tôi giao cho ông một việc này thì tiện hơn: hôm nọ, hình như tôi thấy ông có quen biết mấy ông làm trong phòng thông tin, vậy ông nên nhờ họ lưu tâm hễ thấy có xảy ra một vụ án mạng nào nữa thì lập tức báo cho ông biết ngay. Nếu tôi đoán không lầm thì vụ án thứ năm này cũng sẽ vẫn là một ông già bị giết, có lẽ cũng chỉ quanh quẩn trong vùng Phủ Lý - Ninh Bình mà thôi. Ba Hùy hỏi lại: - Ông có thể hứa trước với tôi rằng, hễ xảy ra một vụ án mạng nữa thì lập tức ông với tôi, chúng ta lại đi hoạt động luôn, chứ không chịu ngồi bó gối thế này nữa chứ? Kỳ Phát mỉm cười: - Cái đó thì đã cố nhiên rồi, chúng ta sẽ hoạt động. Mà không chừng sẽ tóm ngay được thủ phạm một cách dễ dàng. Ba Hùy mặc quần áo, rồi hỏi Kỳ Phát: - Bây giờ thì ông ở nhà nằm ngủ? Kỳ Phát lắc đầu: - Tôi bây giờ không khéo mà đã bị lây cái bệnh sốt ruột của ông rồi. Tôi định sẽ theo lối cổ nhân, giở những áng văn hay tuyệt tác thời xưa ra ngâm nga lại, để cho tâm thần được thư thái một phần nào. Ba Hùy biết hỏi thêm Kỳ Phát nữa cũng không ích gì, bèn lặng lẽ bước ra cửa, vẳng nghe trong phòng rõ ràng Kỳ Phát đương ngâm nga cao giọng bài phú Hoàng Hạc Lâu! * Cách hai hôm sau mới thấy Ba Hùy hộc tốc trở về. Ông thất vọng biết chừng nào khi thấy Kỳ Phát đương lúi húi bồi mấy bức thơ phú cổ, viết theo đủ bốn kiểu chân, thảo, triện, lệ. Ba Hùy dậm chân mà nói: - Chết thực thôi, tôi cứ tưởng rằng ông ở nhà ít nhất cũng phải chạy đi đó đi đây, mặc dầu chưa có mục đích gì rõ rệt thì cũng cố gắng họa may xem có lượm lặt được chút tia sáng nào không chớ? Kỳ Phát ngắt lời: - Nghe lời ông nói, tôi lại chợt nhớ đến những người không biết nghề lượm tin nhà báo, cứ tưởng rằng các phóng viên ấy hàng ngày ngồi trên xe đạp, diễu khắp phố phường để lượm tin tức, giống hệt như bọn trẻ con đi lượm củi mục vậy! Không, ông Ba Hùy ạ, những phóng viên ấy hàng ngày đều có những sở cứ nhất định và cứ việc đến đấy là đã có những tin tức tập trung lại sẵn sàng. Nghề trinh sát cũng vậy, trước khi đi tìm tòi vết tích của thủ phạm, bao giờ trong óc cũng đã phải có sẵn sàng một chương trình làm việc: đi đâu, tìm gì, và làm sao? Ba Hùy, trước những lời lý luận chuyên môn khó hiểu ấy, chỉ nhún vai và bĩu miệng: - Ngay bây giờ thì tôi có thể áp dụng luôn vào trường hợp của ông mà trả lời ba câu hỏi ấy, nghĩa là: Kỳ Phát không đi đâu hết, Kỳ Phát không tìm gì hết, mà Kỳ Phát đương ngồi bồi tranh chẳng khác gì một người an nhàn nhất trong thiên hạ! Kỳ Phát gật gù: - Ông nói cũng đúng đấy, nhưng miễn là trong khi "an nhàn" như ông vừa nói đó, tôi vẫn "hoạt động" để tìm ra thủ phạm thì thôi chứ gì! Không để cho ông Ba Hùy cãi lại, Kỳ Phát hỏi tiếp ngay: - Bây giờ, trước hết ông hãy cho tôi biết ông đã lượm được tin tức mấy vụ án mạng rồi nào? Ông nên nhớ rằng, đối với tôi trong lúc này thì càng nhiều vụ càng hay đấy ông nhé! Ba Hùy ngồi phịch xuống ghế rồi lắc đầu: - Nói với ông nhiều lúc tức anh ách, cứ như là đấm vào bị bông thôi! Có lẽ ông còn muốn tất cả nhân loại bị giết hay sao? Tôi chỉ mới biết thêm được vụ giết sư cụ chùa Uy Đức là vội vã chạy về đây ngay! Kỳ Phát gật đầu: - Tôi nhớ mang máng xã Uy Đức hình như thuộc phủ Gia Viễn thì phải? Ba Hùy trả lời: - Phải, cũng thuộc khu Đế Viến, Ninh Bình cả. Theo tin báo về thì sư cụ Uy Đức bị giết sau một đàn chay cúng cho một nhà giàu có nhất làng. Kỳ Phát hỏi: - Cũng một sợi dây thừng gọn gàng siết ngang cuống họng? Ba Hùy gật đầu: - Có một sợi dây thắt cổ, nhưng lại có thêm hai nhát dao đâm chí tử nữa! Theo bản thông tin ấy thì hình như sư cụ còn mất một số vàng lớn! Kỳ Phát có vẻ suy nghĩ nhiều lắm, chốc lát mới giở cuốn lịch con trong túi ra, vừa giở vừa hỏi: - Tháng này thiếu hay đủ, ông Ba nhỉ? Ba Hùy hỏi lại: - Ông hỏi ngày ta à? Kỳ Phát gắt: - Ngày ta thì mới có tháng thiếu chứ. Hỏi ông xong tôi cũng vừa giở lịch đến nơi... à, tháng này đủ. Chúng ta ngay bây giờ đi đò xuống Gián Khuất, may ra nửa đêm thì tới. Rồi chúng ta đi ngay cả đêm, qua chợ Me, rồi về Viến... Ba Hùy có vẻ mừng rỡ lắm: - Được rồi, để tôi sửa soạn đi ngay bây giờ. Chúng ta sẽ đi chuyến đò trước nhất. Ông Kỳ Phát ạ, tôi thú lắm, vì thấy ông lại hoạt động. Kỳ Phát hỏi: - Xem chừng ông sung sướng mà được đi Gia Viễn chuyến này? Ba Hùy gật đầu: - Lẽ tất nhiên rồi. Mỗi một vụ án mạng mới xảy ra thì tôi lại càng như điên cuồng tức tối. Nay được đi bắt "nó" thì sung sướng biết chừng nào! Kỳ Phát vội giơ tay cản lại: - Ông không nên mừng sớm quá. Trước hết, chúng ta đi chuyến này chỉ là để mở một cuộc điều tra hẳn hoi, xem vụ này có thực liên can tới vụ trước không, chứ đâu có phải để hy vọng tóm ngay được cổ thủ phạm. Điều thứ hai là, chuyến đi này lúc vội vàng, vì kỳ hạn phải về đã nhất định. Có lẽ chúng ta phải đi một cách cố gắng lắm! Ba Hùy gật đầu, quả quyết: - Không sao hết! Ông cứ yên trí, tôi đã bảo rằng dù là chân trời góc biển, tôi cũng vẫn có thể lùng bắt được thủ phạm kia mà! CHƯƠNG 8 MỘT CUỘC ĐUỔI BẮT THỦ PHẠM GAY GO Ba Hùy thấy thời gian sao đi chậm thế! Ông gắt inh lên khi đã xuống đò, mà con thuyền hãy còn lững lờ đợi khách cho đông rồi mới nhổ sào. Ông luôn miệng giục: - Thế nào, nhà lái? Ông có định đi hay không thì bảo? Ông lái thuyền, quen tính kiên nhẫn như bọn người chuyên sống trên mặt nước bềnh bồng, chậm rãi trả lời: - Ông tính, hai ba ngày ở đây để đợi số thứ tự mà đi, lại không muốn đi, thì có lẽ dễ chỉ muốn nhịn đói? Ba Hùy ngắt lời: - Nhưng nào tôi có thấy ông động dạng một chút nào tỏ ra dấu hiệu là đã đi đâu? Ông lái cười: - Ông tính, hễ đến giờ đi thì là đi "tủ suýt" thôi, chứ còn cần gì phải "động dạng" làm gì cho nó lôi thôi kia chứ! Ông khách chắc có việc vội đi, nhưng xin ông cứ yên chí, đi sông nước, con nhà thuyền chúng tôi cần nhất là gió và nước! Ông thử nghĩ mà xem, bây giờ nhổ sào sớm, chiều nước xuôi chưa có, gió cũng không, cứ ưỡn ngực ra để chèo, mỏi tay mà cũng không tiến hơn được bao nhiêu. Trái lại, ta cứ yên chí ở đây, nghỉ ngơi, hút thuốc, uống nước cho đàng hoàng, rồi tới khi có nước, có gió, mình giương buồm, chạy thẳng một lèo, lại hứng chí chèo thêm dăm ba mái nữa thì có gọi là "nhanh hơn ô tô". Nói xong, ông lái nằm khểnh xuống khoang thuyền, dậm chân mà hát mấy câu sa mạc! Ba Hùy không làm sao được, đành thở dài, liếc nhìn Kỳ Phát rồi chép miệng: - Ông lái với ông Kỳ thực là những người Việt Nam thuần túy! Tôi cứ sống thế này trong ít lâu nữa thì cứ gọi là phát điên lên mất! Kỳ Phát lắc đầu: - Tôi đã nói với ông nhiều lần lắm rồi mà ông cứ nhất định không chịu hiểu! Ông không rõ, chú tôi, vội một cách vô ích thì tôi vẫn cho là chẳng nên vội làm gì. Ba Hùy không cáu kỉnh với ông lái đò được, đành cáu kỉnh với Kỳ Phát vậy: - Ông muốn ngụy biện thì ngụy biện, còn tôi thì vẫn nhất quyết rằng trong lúc này, ông còn rung đùi, ngâm thơ và bồi những bức cổ thi, cổ họa được, thì cũng vẫn không hợp thời một chút nào! Kỳ Phát cười, ghé nằm xuống sạp thuyền: - Tôi nhân lúc nằm đợi ở đây, kể cho ông nghe cái duyên cớ bồi những bức cổ thi ấy. Nguyên là vì từ lúc ông đi rồi, tôi buồn quá, nằm ngâm nga chơi, chợt thấy có tiếng người hỏi, "Ông Ba Hùy đây à? Sao hôm nay lại đột hứng mà cao ngâm cả Hoàng Hạc Lâu phú thế kia?" Vừa nói câu này, người ở ngoài đường vừa vén bức mành cửa sổ, ngó cổ nhìn vào, khi nhận ra tôi thì lại xin lỗi, "Ông tha lỗi, tôi chợt đi qua, lại cứ ngỡ là ông Ba Hùy!" Nhưng tôi cũng đã nhận ra người ngó cổ nhìn vào đó, chính là ông Bá Hoan. Ba Hùy giật mình, hỏi lại: - Ông Bá Hoan! Nhưng ông Bá sang bên nhà chúng mình làm gì nhỉ? Kỳ Phát mỉm cười, kể tiếp: - Ông ấy không định vào, nhưng vì sau tôi mời, ông Bá mới vào. Chúng tôi bình phẩm về thơ văn cổ, hết Đỗ Phủ đến Lý Bạch, xem chừng tương đắc lắm... Ba Hùy ngắt lời hỏi: - Ông Bá có hỏi gì về lai lịch của ông không? Kỳ Phát gật đầu: - Có, ông ấy hỏi thăm, tôi kể lại, trước ở Hà Nội có mở cửa hàng sách, sau vì tản cư nên mất hết. Vì nghề buôn sách, tôi sinh thói quen ưa đọc sách và thích văn chương. Ba Hùy mỉm cười bảo: - Ông nói trá đi như thế mà sự thực cũng có lý đấy. Ngay như tôi, nghề chính là "tông đơ, dao kéo", vậy mà chỉ có ngồi làm ở trước cửa nhà ông Cao, có ông lại chơi luôn và hay tò mò điều tra các vụ án lớn, tôi thỉnh thoảng được nghe ông Cao kể lại chuyện, và tự nhiên cũng thấy say mê và mong muốn trở thành thám tử... Kỳ Phát vỗ vai Ba Hùy, nói đùa: - Thì bây giờ mộng lớn của ông đã thành, ông rõ ràng là một thám tử có tài... Ba Hùy cau mặt: - Ông lại giễu cợt, thám từ có tài như tôi mà mấy vụ án mạng xảy ra liên tiếp vẫn chưa điều tra ra đâu vào đâu cả, thì cũng không có gì là đáng tự hào! Kỳ Phát mỉm cười: - Trong nước ta, người này hay người khác tự nhận là thám tử, thảy đều là vì lòng tự ái quá mà không biết đánh giá cho đúng tài nghề của mình. Chính tôi, thực từ xưa đến nay cũng có dám tự hào như ai làm thám tử đâu? Nhưng hãy để tôi kể nốt ông nghe đã. Ông Bá Hoan nói chuyện văn chương với tôi trong giây lát đã tỏ ra rất là tương đắc, cuối cùng, nhân thấy tôi nói có ý ước mong được người chữ tốt viết cho mấy bài cổ thi theo bốn lối chữ chân, thảo, triện, lệ để treo chơi, thì ông Bá nói ngay, "Chữ tôi viết thì không được đẹp cho lắm, nhưng nếu ông thích thì hôm nào gặp dịp ông anh tôi vui vẻ, tôi sẽ nói xin viết tặng ông. Tuy lâu không hay cầm đến bút, nhưng ông Xứ gân tay vẫn còn già dặn, thời nay rất hiếm có." Tôi trả lời, "Nếu được ông Xứ viết cho thì quý hóa biết chừng nào! Vậy để lát nữa tôi sang hầu chuyện ông Xứ, và..." Không để tôi nói hết câu, ông Bá gạt ngay đi mà bảo rằng, "Không được, ông xa lạ mới tản cư đến đây nên không biết, chứ không anh tôi trái tính trái nết lắm, thường hay gắt gỏng, cáu kỉnh một cách bất thường, nhất là đối với những người lạ. Bởi vậy cho nên tôi phải nhằm lúc sau bữa cơm, uống chén rượu nhỏ có ngâm thuốc xong, ông anh tôi vui vẻ, ôn tồn... Ông hãy mài mực kiếm giấy sẵn đi, rồi khoảng mười giờ, ông sẽ sang, rồi tôi mang giấy bút vào cho ông anh tôi viết, khoảng nửa giờ là xong, chóng lắm. Ông ngồi chơi chờ mà lấy." Ba Hùy hỏi: - Thế bốn bức cổ thi ấy, chính là chữ ông Xứ Trực? Kỳ Phát gật đầu: - Có phải là chữ một người khoa mục nổi danh ấy, tôi mới quý mà bồi treo, chứ kẻ tầm thường khác viết thì tôi đã chẳng màng tới. Kỳ Phát vừa kể tới đây thì lái đò lên tiếng gọi các khách trên bờ hãy xuống cả để nhổ sào, rồi từ lúc thuyền chạy, Kỳ Phát bắt đầu nằm ngủ, Ba Hùy đã lay gọi mấy lần toan hỏi chuyện, nhưng Kỳ Phát nhất định nằm nguyên, không động cựa. * Đúng như lời ông lái nói trước, thuyền tới bến Khuất vừa lúc nửa đêm. Cũng như nhiều hành khách khác, Kỳ Phát và Ba Hùy đều nhân lúc đêm sáng trời đi luôn tới Gián, rồi rẽ vào chợ Me. Khi tới Viến thì trời vừa sáng rõ. Kỳ Phát kiếm một hàng cơm vào nghỉ và dặn nhà hàng sửa soạn cho ăn một bữa cơm sáng vào lúc mười giờ. Có chỗ nghỉ ngơi, Kỳ Phát lại nằm ngủ, mặc kệ cho Ba Hùy sốt ruột lăng xăng chạy quanh hết chỗ này chỗ khác. Tới lúc, Ba Hùy trở về, đập vai Kỳ Phát, gọi bảo: - Muộn lắm rồi, ông dậy đi thôi chứ? Kỳ Phát choàng mở mắt, hỏi: - Đã có kết quả gì chưa, ông Ba? Ba Hùy thở dài: - Tôi sốt ruột thì cũng loăng quăng, hỏi dò thăm dư luận, chưa có kết quả xác thực gì. Kỳ Phát lắc đầu: - Không, tôi hỏi ông là muốn hỏi bữa cơm tôi dặn nhà hàng làm đã có kết quả gì chưa, vì tôi đã thấy kiến bò bụng rồi, ông ạ. Ba Hùy biết Kỳ Phát vẫn chưa tha, còn giễu mình nên quay ngoắt trở ra, vừa lúc bà chủ hàng cơm dọn xong mâm chạy vào mời hai người ra dùng bữa. Kỳ Phát ăn có vẻ ngon lành lắm. Chàng gật gù bảo Ba Hùy: - Các cụ dạy đúng thực, ông Ba ạ. "Thực vi tiên", trong công việc, cái ăn bao giờ cũng phải cho đi đầu, thì mới thực là "hợp lý hóa". Ba Hùy không nói năng gì, chểnh mảng ăn vài lưng cơm rồi đứng dậy, uống nước, chờ cho Kỳ Phát khề khà ăn xong, rồi mới hỏi: - Có lẽ bây giờ ăn uống no nê rồi, ông lại nghĩ đến... nghỉ trưa chứ? Kỳ Phát bật cười: - Đấy, ông lại nóng nảy rồi. Không, ông Ba ạ, ăn rồi thì phải làm chứ? Chỉ sợ rằng, đến lúc làm thì ông lại luống cuống sợ hãi, lùi bước trước sự nguy hiểm thôi. Ông Cao hẳn đã từng nói cho ông biết, ở Kỳ Phát có hai người: Kỳ Phát lúc tĩnh và Kỳ Phát lúc động. Kỳ Phát lúc tĩnh vừa mới qua xong, bây giờ tới Kỳ Phát lúc động, vậy ông hãy bắt đầu sửa soạn hoạt động đi! Ba Hùy xoa tay, sung sướng: - Ông cứ yên chí, ở Ba Hùy thì chỉ có một người là Ba Hùy lúc động, và... rất động là đằng khác! Thế là một lát sau, Kỳ Phát cùng Ba Hùy thẳng đường đến chùa Uy Đức. Đây là một ngôi cổ tự rộng rãi khang trang, đủ biết số tiền thu hoạch được về hương đèn hàng năm không phải là nhỏ vậy. Kỳ Phát và Ba Hùy vào tới nhà hậu, gặp được ngay sư ông đương ngồi tham thiền nhập định. Chú tiểu thấy có khách lạ vội vào bạch. Sư ông vui vẻ đứng dậy tiếp khách, mời ngồi, pha trà uống rồi hỏi tới chùa vãn cảnh hay có việc gì. Kỳ Phát cung kính cho sư ông hay mình chính là một nhà báo, nghe tin thấy nhà chùa có xảy ra sự chẳng lành nên lại hỏi thăm tin tức. Sư ông nghe nói, tỏ ý vồn vã vô cùng, lập tức dẫn Kỳ Phát và Ba Hùy ra vườn sau, rồi nói rằng: - Nhà chùa được các ngài tới thăm, rất lấy làm hân hạnh, riêng mong rằng việc này đăng rõ ràng lên báo chương, may ra mà có ai mách tìm được hung phạm thì thực là một sự đáng mừng. Chắp tay trước ngực rồi ngẩng lên như cầu Phật tổ chứng minh cho câu mình nói, sư ông tiếp: - Vẫn hay rằng hung phạm đã phạm đến điều răn cấm lớn nhất là việc sát nhân, nhưng nếu nay bần tăng lại cầu xin cho hung thủ bị trừng phạt thì cũng lại phạm vào điều Phật dạy chẳng nên. Nhưng bần tăng cầu mong cho kẻ sát nhân bị sa lưới pháp luật chỉ là vì kẻ ấy còn ở ngoài vòng thì tất nhiên sẽ còn có thể giết hại được nhiều nữa, vì lòng tham tiền của... Kỳ Phát ngắt lời: - Chúng tôi nghe nói, hình như sư cụ bị sát hại đây có dắt trong người một số vàng? Sư ông gật đầu: - Người ta nói đúng, chúng tôi vốn biết sư cụ chúng tôi có giữ ở trong người một số vàng chừng non năm lạng, toàn là bằng vàng lá Kim Thành. Thấy Ba Hùy lộ vẻ ngạc nhiên, sư ông tiếp luôn: - Sở dĩ nhà chùa phải giữ vàng trong mình, vì tuy là một cấm kỵ của những kẻ đã quy y, khốn nhưng hai ông còn lạ gì trong thời tao loạn này, sự tàn phá, hỏa hoạn trong chiến tranh gây nên rất là bất thường, số tiền kia là của thập phương cúng để dành tích lại, hy vọng rằng sẽ có đủ để trùng tu lại tam quan và phương trượng... Ngừng lại một lát, sư ông lại thở dài mà tiếp: - Không ngờ rằng "hoàng kim hắc thế tâm", kẻ gian biết rõ được điều này nên đã đang tâm hạ sát sư cụ chúng tôi, một kẻ chân tu suốt đời chịu khổ hạnh làm tôi con nhà Phật... Ba Hùy hỏi: - Sư ông vừa nói, có kẻ biết rằng sư cụ có giữ vàng, vậy chẳng lẽ việc có vàng để trong người sư cụ lại không giữ kín đáo mà lộ ra cho mọi người cùng biết? Sư ông đáp: - Điều ấy sư cụ tôi cũng không lưu tâm cho lắm, có lẽ người nghĩ ai ai cũng chân phương như mình. Hơn nữa, số vàng ấy lại là của chung của nhà chùa. Sau đó, sư ông dẫn Kỳ Phát và Ba Hùy ra chỗ góc vườn sau, nơi có xây các ngôi tháp, mộ của các vị sư đã viên tịch từ trước, chỉ vào một đám đất đã giẫy sạch cỏ mà nói rằng: - Sư cụ chúng tôi bị hại chính ở chỗ này, sau khi đàn chay vừa lễ tất. Hung phạm đã dùng dây thừng thắt cổ sư cụ tôi, sau có lẽ vì thấy chưa chết nên đâm thêm ba, bốn nhát dao, máu chảy thành vũng trên mặt đất. Chúng tôi đã phải cho giẫy đám cỏ đi. Kỳ Phát hỏi lại: - Lễ tất, hắn cũng đã phải khuya lắm, vậy lúc ấy sư cụ còn ra ngoài vườn sau này làm gì? Trong chùa có ai nghe thấy tiếng sư cụ lúc bị nạn kêu gọi gì không? Sư ông lắc đầu: - Không, đó mới là điều lạ, và bần tăng cũng không hiểu vì đâu mà kẻ gian lại biết được chỗ sư cụ chúng tôi giấu vàng, bởi người đã cẩn thận khâu một túi con rất kín đáo mãi tận trên ngực. Kỳ Phát cảm ơn sư ông, rồi xin phép cùng Ba Hùy đi xem xét khắp chỗ trong chùa, cuối cùng mới hỏi Ba Hùy rằng: - Ông đã có ý kiến gì chưa? Ba Hùy gật đầu: - Tôi nhận thấy một điều: ngoài chỗ cỏ giẫy trong vườn, không hề thấy chỗ nào cỏ bị giầy xéo nhiều khác thường, do đó tôi đoán sư cụ bị giết ngay tại chỗ ấy, chứ không phải bị giết từ nơi khác đưa đến. Điều thứ hai, hung phạm biết được đích xác chỗ giấu vàng mà tìm lấy ngay, tất nhiên phải là một người quen thuộc ở trong chùa. Kỳ Phát vỗ vai Ba Hùy, bảo: - Ông khá lắm! Những nhận xét ấy rất đúng. Theo cách loại trừ, chúng ta có thể tìm ra được kẻ đâm sư cụ một cách không khó khăn gì. Nhưng hết thảy mọi phương pháp ấy đều chậm chạp cả, chúng ta còn cần phải về gấp. Ba Hùy hỏi lại: - Nếu đã bắt được "nó" rồi thì là xong việc, chúng ta còn cần gì phải vội đi đâu nữa... Hay là theo ý ông, không phải là "nó" đã nhúng tay vào vụ này? Kỳ Phát lắc đầu: - Có tài siết một sợi dây thừng gọn gàng như thế, không phải "nó" thì còn ai vào đây nữa. Nhưng chúng ta vội lắm, không có thời giờ mà cắt nghĩa lâu dài trong lúc này. Vậy bây giờ, ông hãy nhớ kỹ, theo đúng lời tôi dặn: ông sẽ nấp ở phía cửa sau chùa này, rồi hễ thấy có người đàn ông lực lưỡng và đi khập khiễng thì phải cố bắt cho bằng được. Kẻ đâm sư cụ đó, tôi đã biết rõ, nhưng nếu đợi tìm ra chứng cớ thì lâu, tôi muốn dùng một cách "bá đạo" lừa cho hắn tự thú tội để giản tiện cho công việc chúng mình. Ông nên coi chừng kẻo mà "chó cùng rứt giậu", hắn có thể làm hung... Nhưng thế nào tôi cũng ra cứu tiếp ông luôn. Dặn dò đâu đấy xong xuôi, một mình Kỳ Phát trở vào trong phương trượng, thấy mấy chú tiểu đương sửa soạn cơm nước thì bảo ngay rằng: - Ấy chết, quên, tôi chưa thưa với sư ông rằng, chỉ có một mình tôi ở lại dùng bữa cơm này thôi, nếu đã làm cơm cả hai người thì lại thừa một suất. Chú tiểu vội hỏi: - Vậy còn một ông nữa lại đi đâu? Kỳ Phát thản nhiên đáp: - Ông bạn tôi hiện phải về đồn Me để xin công an đến bắt thủ phạm đã sát hại sư cụ. Ông ấy chính là nhân viên điều tra đấy, hình như đã tìm ra thủ phạm và chỉ còn cần gọi người đến bắt đi thôi... Kỳ Phát đoán biết tuyên truyền như vậy, chẳng mấy chốc mà cái tin sắp có người về chùa xích tay hung phạm sẽ lan nhanh như thuốc pháo, và đúng như Kỳ Phát ước đoán, hung phạm hoảng sợ lập tức mắt trước mắt sau tìm phương kế đào tẩu ngay. Chính vì thế cho nên, sau đó, Kỳ Phát lập tức vào nhà hậu, thưa chuyện cùng sư ông rồi bảo gõ chuông, triệu tập hết thảy những người làm ở trong chùa lại. Một lát sau, chừng hơn hai chục người, kể cả các sư bác, các chú tiểu, và những người làm vườn và canh điền, đều đã tề tựu trước sân chùa. Kỳ Phát hỏi sư ông: - Xin người kiểm điểm xem có thiếu ai không? Sư ông liếc nhìn qua một lượt, rồi hỏi một sư bác: - Anh Hai Minh đâu nhỉ, hay là anh ấy ra đồng chưa về? Sư bác cũng nhìn quanh rồi thưa: - Không biết hắn còn bận dở việc gì? Lúc nãy, đã thấy hắn về rửa chân tay... Kỳ Phát hỏi: - Hai Minh có phải người lực lưỡng, rất khỏe mạnh và đi khập khiễng? Sư ông ngạc nhiên hỏi: - Tại sao ông lại biết? Kỳ Phát không trả lời, chỉ dặn: - Mọi người hãy đợi trong chốc lát, tôi sẽ về cùng với hắn bây giờ. Vừa nói, Kỳ Phát vừa quay ngoắt ra phía cổng sau. Phía cổng sau, ông Ba Hùy đương một phen khổ sở với hung phạm. Theo đúng lời Kỳ Phát dặn, Ba Hùy lén nấp bên một bụi găng, và khi thấy hồi chuông trong chùa bắt đầu gióng lên, thì từ phía sau nhà oản, có một người lực lưỡng, vai đeo bị, tay chống gậy chạy ra cổng, có vẻ hoảng hốt lắm. Người ấy đi khập khiễng một chân! Không nghi ngờ gì nữa, Ba Hùy xông ra, quát: - Đứng lại! Người kia ngơ ngác nhìn, rồi lại cắm đầu chạy, làm cho Ba Hùy không dám chậm trễ, lập tức vụt đuổi theo. Vì người kia có tật ở chân nên chạy không được nhanh cho lắm, nhưng Ba Hùy lại phải cái không thuộc đường lối, nên khi người kia rẽ vào các ngõ hẻm thì Ba Hùy luống cuống, lại phải dừng lại mấy giây. Nhưng rồi Ba Hùy cũng vượt lên kịp và với tay, nắm được vai áo người kia. Song chỉ một cái huých tay, người lực lưỡng đã làm cho Ba Hùy ngã chúi, đâm đầu vào một gốc cây, sưng bươu chân. Cuộc rượt đuổi mỗi lúc càng thêm gay go, nhưng giữa hai người thì Ba Hùy tuy chạy lâu có mệt, nhưng tinh thần rất phấn khởi. Có lẽ ông biết danh dự thám tử của ông vô cùng quan hệ trong giờ phút này! Người lực lưỡng chạy trước bỗng như trượt chân ngã. Ba Hùy mừng rỡ quá, hấp tấp vượt lên tóm bắt, song vừa tới kịp thì không ngờ người kia nhân lúc bất ý vụt đứng dậy và đẩy sấp Ba Hùy ngã xuống ao rau muống cạnh vệ đường. Nhưng Ba Hùy cũng với kịp địch nhân, tuy bị ngã nhưng vẫn kéo hắn được xuống theo. Thế là trong phút chốc, dưới ao đầy bùn lầy, hai người vật lộn rất là kịch liệt, có lẽ không kém gì những keo vật tranh "giải cốn" quyết định nhà vô địch tại các đình làng! Lúc này, Kỳ Phát vừa theo tới kịp, cùng bọn sư ông, sư bác trong chùa. Kỳ Phát vội gọi lớn: - Hai Minh, thôi, anh chịu hàng đi, cố chống cự cũng không thoát được đâu, mà chỉ thêm nặng tội! Biết thế cùng, Hai Minh đành chịu lóp ngóp lên bờ cùng với nhà thám tử Ba Hùy, toàn thân đầy bùn như một người vừa đi tát ao và hôi mùi cá! Bị dẫn về tới chùa, Hai Minh đành thú hết tội lỗi: đêm hôm lễ tất đàn chay, hắn có bổn phận pha nước rửa mặt cho sư cụ, nhưng pha xong nước rồi vẫn không thấy sư cụ vào nên hắn đi tìm. Khi ra tới vườn, Hai Minh thoáng trông thấy sư cụ bị một bóng đen vật ngã, không kịp kêu lên một tiếng. Hắn vội chạy đến nơi thì thấy sư cụ đã ngất đi, có một sợi dây thừng siết chặt ngang cuống họng. Hai Minh sờ ngực sư cụ xem còn hơi thở hay không, nhưng chợt thấy cồm cộm ở túi trên ngực. Hắn sực nhớ, biết trong túi đó sư cụ có để mấy lạng vàng, nên nhân có con dao găm giắt ngang lưng, theo đúng khẩu hiệu của địa phương, "mỗi người đều mang theo vũ khí", hắn đâm cho sư cụ thêm mấy nhát rồi móc lấy vàng. Hẳn đã toan vác thi thể sư cụ lẳng xuống giếng chùa, nhưng mới đi được có mấy bước, hắn thấy trong chùa như có nhiều người cũng đương nhốn nháo đi tìm sư cụ, nên hắn vội vã vất bỏ đó, đi rửa chân tay cho sạch máu rồi cũng hợp vào bọn đi tìm cho không ai nghi ngờ gì mình. Sau khi đã giao hung phạm cho các nhà chức trách địa phương, Kỳ Phát kéo tay Ba Hùy mà bảo: - Công việc của chúng ta ở đây đã kết thúc. Bây giờ cần phải trở về ngay để có thể may ra kịp thời ngăn được hai vụ án mạng khỏi xảy ra. Ba Hùy không dám chậm trễ, và cũng đồng ý với Kỳ Phát là phải đi bộ mà về Hà Nam, chứ không thể đi thuyền để mà nhỡ việc. Dọc đường, Ba Hùy hỏi: - Tuy tôi đoán biết hung phạm giết sư cụ chùa Uy Đức phải là người quen thuộc, nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao mà ông lại có thể biết ngay hắn là người lực lưỡng và lại đi khập khiễng? Kỳ Phát mỉm cười: - Điều đó dễ hiểu lắm, nếu ông quen với mọi phương pháp dò tìm dấu vết trong các vụ điều tra. Tôi để ý thấy, từ chỗ sư cụ bị giết, có những vết chân hằn sâu xuống mặt đất một quãng, sau đó thì nông hơn. Đó là dấu vết cho ta biết hung phạm đã vác thi thể người chết một quãng rồi mới lại bỏ xuống. Xem kỹ hai vết chân thì ta thấy một vết nặng, một vết nhẹ, tỏ rõ đó là một người đi khập khiễng lệch mình. Ba Hùy nhắc lại: - Nhưng do điều nhận xét gì mà ông biết hung phạm là người lực lưỡng, to lớn? Kỳ Phát gật đầu: - Không có gì là khó khăn cả. Vậy ông không để ý nhìn bức hình chụp sư cụ chùa Uy Đức bày trên bàn thờ đó ư? Bức hình ấy cho chúng ta biết sư cụ rất to béo, phải cân được non bảy mươi cân, mà vác được một người to béo chừng ấy, tất phải là một người lực lưỡng... Dứt lời, Kỳ Phát giục: - Thôi bây giờ thì ông không nên hỏi han lôi thôi thêm gì nữa. Chúng ta cần phải về cho kịp, vì thời hạn đến nơi rồi. Chúng ta về có kịp thì mới ngăn cản được hai ông già "tới số" khỏi về chầu tiên tổ! """