"Việt Lý Tố Nguyên - Kim Định full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Việt Lý Tố Nguyên - Kim Định full prc pdf epub azw3 [Biên Khảo] Ebooks Nhóm Zalo a Mục lục 1. Lời nói đầu 2. Những chữ viết tắt 3. PHẦN MỘT - NGUỒN VÀ GỐC 4. I. Lãnh vực và đường hướng nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Việt Nam 5. II. Theo chân khảo cổ 6. III. Tìm về nguồn gốc Việt hoa theo sử truyền 7. IV. Ba đợt văn minh 8. V. Phần đóng góp của viêm tộc vào việc hình thành kinh điển 9. VI. Địa vị và sứ mạng của tiếng dân trong văn hóa Việt Nho 10. VII. Kết phần một Việt Nho 11. PHẦN HAI - NGƯỜI VÀ VIỆC 12. VIII. Khi văn minh cồng gặp văn minh lệnh 13. IX. Nước non chung một lời thề 14. X. Vấn đề chiêu mục 15. XI. Làng hay nước 16. XII. Nước hay nhà? 17. XIII. Tự Hà Vu tới Hà Lạc 18. XIV. Kết phần hai Âu Cơ Túy 19. PHẦN BA - KẾ VÀ TIẾP 20. XV. Vai trò kẻ sĩ 21. XVI. Khổng Tử với Việt Nho 22. XVII. Trước ngã ba đường 23. XVIII. Lễ Vấn Danh cô gái Việt 24. XIX. Trao về Cửu Long Giang 25. XX. Kết phần ba chiến sĩ vô danh 26. XXI. Tự tinh thần quật khởi đến quật khởi tinh thần 27. Bạt Lời nói đầu T rong giới trí thức miền Nam trước năm 1975, Giáo sư Kim Định (1915 – 1997) – nhà triết học, nghiên cứu triết học, nhà văn hóa là một diện mạo, một bản lĩnh độc đáo. Ông họ Lương, sinh ra ở làng Trung Thành, địa phận Bùi Chu thuộc Nam Định. Từ năm 1937 – 1939, ông dạy tiếng La tinh tại Tiểu chủng viện Ninh Cường. Từ năm 1939 – 1943, ông học triết học và thần học tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1943 được phong Linh mục, từ đó đến năm 1947, ông dạy triết học phương Tây cũng tại Đại chủng viện Quần Phương. Năm 1947, ông được cử du học ở Pháp, vào học tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris), và Học viện cao học Trung Hoa học (Institut des Hautes Etudes Chinoises), Paris. Sau khi tốt nghiệp, năm 1958, ông trở về miền Nam Việt Nam, dạy triết học tại nhiều trường đại học. Do nhu cầu giảng dạy môn triết học Đông phương, GS. Kim Định đã biên soạn một loạt giáo trình giảng dạy cho sinh viên. Các giáo trình này, về sau, ông nâng cao và hệ thống hóa, gắn kết chặt chẽ nhằm chứng minh, xây dựng nền tảng cho triết học Việt Nam mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho. Với sự chú tâm xuyên suốt, GS. Kim Định đặt vấn đề mà trước đó chưa mấy ai nghiên cứu đến tận cùng. Đó là, “Ông khởi xướng học thuyết An Vi hay Việt Nho tức là xem xét Nho giáo một cách siêu việt, ở tận đầu nguồn của nó. Đây cũng là vấn đề được đặt ra theo hướng phương pháp luận, nhằm phản bác lại cái nhìn “duy sử” cũng như cách đo đếm khoa học một cách cơ giới, khi muốn quay trở về đúng nguồn cội nền văn hóa Lạc Việt của người Việt Nam” (Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế Giới – 2003, tr. 756). Có thể kể đến các tác phẩm chính của GS. Kim Định đã công bố như: Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây, Triết lý giáo dục, Cửa Khổng, Nhân bản, Chữ Thời, Tâm tư, Việt lý tố nguyên, Dịch kinh linh thể, Triết lý cái đình, Lạc Thư minh triết, Vấn đề quốc học, Tinh hoa ngũ điển, Cơ cấu Việt Nho, Vấn đề nguồn gốc văn hóa… Không phải ngẫu nhiên, mở đầu cho “học thuyết An Vi”, Kim Định bắt đầu bằng Cửa Khổng. Ông quan niệm: “Những người muốn xây dựng cho dân nước một nền văn hóa ăn nhịp với chiều tiềm thức của dân tộc không thể không kể đến Nho giáo” (Cửa Khổng, NXB Ca Dao – 1974, tr. 59). Kim Định không trình bày học thuyết Nho giáo như nhiều người đã làm, ông vận dụng phương pháp luận hiện đại, so sánh đối chứng Khổng giáo với các học thuyết khác trong Bách gia chư tử, triết học phương Tây cùng thời... Theo ông, “Tìm ra Nho giáo sơ khai tức cũng là Nho giáo chân chính. Nho giáo có đã lâu đời, tục truyền là từ Phục Hy, Thần Nông, còn Khổng Tử chỉ là đại diện cuối cùng” (Cửa Khổng, NXB Ca Dao – 1974). Khi xác lập lại hệ giá trị Nho giáo nguyên thủy, phương pháp luận của Kim Định là cần phải khởi nguồn từ “tố nguyên” (đi ngược trở lên) để nắm bắt cho được sự “tinh ròng” của sự vật/sự việc. Vậy, lúc quay về tìm hiểu cội nguồn văn hóa, tiếp cận bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc Lạc Việt thì sao? “Theo Kim Định, chỉ có cách nhìn “huyền sử” mới là phương pháp thỏa đáng nhất, qua đó những nhân vật, hình tượng, và những sự tích mà truyền thuyết xưa ghi lại trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái – cũng giống như những chứng tích khảo cổ học và chứng tích trên trống đồng – sẽ không còn là những con người lịch sử có thật hay những sự việc cụ thể đã thật sự diễn ra trong một thời đoạn lịch sử chính xác nào đấy như sử gia từng nghĩ, mà chính là những biểu tượng quy nạp vào đó công cuộc tiến hóa hàng nghìn, hàng chục nghìn năm lịch sử của cha ông. Có nhìn như thế mới thấy được mối liên quan mật thiết giữa chuỗi truyền thuyết về người Việt cổ xưa (Hồng Bàng, Hùng Vương...) với chuỗi truyền thuyết mà Trung Hoa đã tự nhận là gốc tích riêng của tổ tiên họ (Tam hoàng Ngũ đế...). Và vấn đề phải đặt lại là chính tổ tiên người Việt là người Viêm Việt xưa kia đã từng ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, đã chiếm lĩnh hết 18 tỉnh của Trung Quốc ngày nay, và đã làm nên văn hóa Việt Nho, một nền văn hóa tinh thuần, lấy nhu thuận làm cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp, mà sau này Hoa tộc, một giống người du mục từ Bắc tràn xuống, với tinh thần thượng võ, đã đẩy lui Viêm Việt xuống mãi phía Nam, phân hóa thành nhiều chủng: Anhđônêziêng (Indonésiens), Môn-Khme (Mon-Khmer), Âu Việt, Miêu Việt, Lạc Việt, nhưng đồng thời do trình độ văn minh thấp hơn, cũng lại bị văn minh Viêm Việt đồng hóa để đi đến hòa đồng Việt Nho của Viêm Việt thành Hán Nho của Trung Hoa” (Từ điển Văn học (Bộ mới), NXB Thế Giới – 2003, tr. 756). Lâu nay, trong học thuật tồn tại nhiều vấn đề đã có không ít ý kiến dị biệt, chẳng hạn, người Việt có nền quốc học hoặc triết lý hay không? Trong Vấn đề quốc học, Triết lý cái đình…, GS. Kim Định khẳng định tưởng rằng “nước đôi” là vừa “có” lại vừa “không”. Thế nào là có? Thế nào là không? Chẳng hạn, về vấn đề triết học, ông lập luận: “Điểm nhất là Hùng Vương không truyền ngôi cho con trưởng nam nhưng cho con nào tài ba hơn cả. Đây là giai đoạn chiết trung giữa truyền hiền của Việt Nho nguyên thủy và truyền tử của Hán Nho. Hùng Vương tham bám giữ Hán Nho là truyền tử, nhưng không truyền cho trưởng nam, mà truyền cho con nào hiền tài đó là chú ý đến truyền hiền của Viêm Việt. Điểm thứ hai mới thực là đặc tính của Lạc Việt là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Và cái thường thường hơn nhất là cơm bánh mọi người phải dùng hàng ngày, vậy mà Lang Liêu con thứ 18 của Hùng Vương lại dùng để diễn đạt được cả đạo trời, đạo đất, đạo người” v.v... Những lập luận, những cách nhìn mới mẻ này cũng là một trong những yếu tố hấp dẫn, có tính phát hiện. Nhiều vấn đề mà GS. Kim Định đặt ra từ thập niên 1960, đến nay vẫn còn có ý nghĩa thời sự. Và theo chúng tôi được biết, hiện nay đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi tìm về cội nguồn văn hóa Việt Nam đã đi theo hướng gợi mở táo bạo này. Do đó, không phải ngẫu nhiên, các công trình nghiên cứu của ông đã từng tạo ra sự tranh luận sôi nổi. Mà có như thế, nhiều vấn đề thuộc về quốc học, triết học, văn hóa… của nước nhà lại tiếp tục tìm tòi, chứng minh để có câu trả lời cuối cùng. Trong xu thế Đổi mới với chủ trương: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, NXB Hội Nhà văn đã chọn lọc, tái bản các tập sách của nhà triết học, nhà văn hóa Kim Định nhằm phục vụ nhu cầu của bạn đọc, không ngoài mục đích “Ôn cố tri tân”. Tinh thần này, chắc chắn bạn đọc đồng theo suy nghĩ của triết gia Nietzsche (1844 – 1900) đã viết trong Zarathoustra đã nói như thế mà Kim Định nhiều lần nhắc lại với sự tán thành: “Học cổ không phải để lặp lại những dữ kiện lịch sử lấy ra ở một thế giới đã chết, nhưng là làm nẩy ra những biểu tượng có khả năng hiện thực được lý tưởng ngày nay của chúng ta. Học cổ là cốt để kích thích lý trí tiến lên đều đặn mong suy diễn ra một viễn cảnh cho tương lai do một sức tạo dựng linh hoạt tự do”. Một lần nữa, chúng tôi xin nhấn mạnh loạt sách của Kim Định được tái bản theo tinh thần học thuật mà Từ điển Văn học (Bộ mới) của nhóm chủ biên GS. Đỗ Đức Hiểu, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Phùng Văn Tửu, PGS – TS. Trần Hữu Tá đã ghi nhận: “Nhìn chung không thể không thừa nhận đây là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là “ẩn số”, cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam” (tr. 756). Trong quá trình thực hiện, về công tác tái bản, nhằm hạn chế “tam sao thất bổn”, NXB Hội Nhà văn chỉ chọn bản in đã công bố khi nhà văn hóa Kim Định còn sống. Và chúng tôi nghiêm túc thực hiện đầy đủ về bản quyền theo luật định hiện hành sau khi có thông tin về thừa kế bản quyền. Để bộ sách này ngày càng hoàn thiện hơn, phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, chúng tôi xin trân trọng ghi nhận mọi ý kiến đóng góp xây dựng. À NXB HỘI NHÀ VĂN Những chữ viết tắt Q uyển này thuộc loại triết lý lịch sử hay là triết lý bằng lịch sử (không phải sử triết) nên cũng cần một số tài liệu lịch sử. Nhưng nếu phải biên ra tất cả xuất xứ thì sách sẽ dài quá. Vì thế chúng tôi đã chọn mấy sách Âu Mỹ có hệ thống ghi chú tài liệu một cách rất khoa học. Ai cần kiểm điểm hay học hỏi thêm nên tìm đọc mấy sách đó. Có khi trong sách này chỉ ghi ba chữ mà trong các sách kia dài ba trang chi chít rất cần cho nhà khảo cổ hay văn học, nhưng đối với triết phải được lướt nhẹ trên tiểu tiết để chú trọng đến những mối tương quan lớn khác. CIV. = La civilisation chinoise. Par Marcel Granet édition Albin Michel. 1948. DANSES. = Danses et légendes de la Chine antique. M. Granet. P.U.F. 1959. P.C. = La pensée chinoise = Granet: la Renaissance du livre Paris 1934. SOCIO. = Etudes sociologiques sur la Chine. Granet P.U.F. 1953. RELIGION = La Religion des Chinois. Granet. P.U.F. 1951. CREEL = La Naissance de la Chine par Herrlee Glessner Creel. Payot. Paris 1937. MASPÉRO = La Chine antique par Henri Maspéro: Imprimerie nationale 1955. NEEDH. I = Science and Civilisation in China en 7 Vol. Joseph Needham I.II.III. etc… Cambride University-Press, 1954. VĂN HIẾN = Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm. Bản dịch của Marquis d’Hervey de Saint-Denis, quyển Méridéonaux. 1883. v.v… LĨNH NAM = Lĩnh Nam trích quái của Trần Thế Pháp. Bản dịch của Lê Hữu Mục, Khai Trí, 1960. Tựa Cái gì định tính văn minh? Platon cho là có văn minh mỗi khi người ta dùng huấn dụ thay cho bạo hành, lấy văn chuyển hóa tâm hồn thế cho việc dùng vũ lực cưỡng ép. Với câu “khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo”, Khổng cũng nói lên ý đó: “Khoan nhu dĩ giáo” là dùng huấn dụ để giáo hóa, còn “bất báo vô đạo” là từ bỏ bạo lực: Không dùng bạo lực để trả lại bạo lực, nhưng dùng khoan nhu để giáo huấn. Như vậy hai vị thượng trí vào bậc nhất của nhân loại đã gặp nhau trong việc đem lại cho sự quy định văn minh một tiêu chuẩn và các triết gia về sau đều mặc nhiên phán quyết theo tiêu chuẩn đó. Bởi vậy chúng ta có thể coi đó như một tiêu chuẩn tối hậu với tầm phổ biến, có thể dùng để đo lường mức độ cao thấp của một nền văn minh. Và khi phê bình một phong tục, một hành vi nào là văn minh hay không thì chúng ta đã có một tiêu chuẩn. Nhờ đó lời phê phán của chúng ta bớt được phần chủ quan. Dựa vào tiêu chuẩn trên ta có bảo đảm để nói: Mỗi khi con người bớt dùng bạo lực đi bao nhiêu thì cũng là bước cao lên đài văn minh bấy nhiêu và một nước xưng là văn minh phải đặt cơ sở trên văn hóa chứ không trên võ lực. Việt Nam đã tự xưng là “Văn hiến chi bang”, ta hỏi rằng danh hiệu đó có thích hợp với thực tại nước nhà chăng, hay chỉ là một lối gọi khoa trương, hoặc cùng giả là một dự phóng nhưng chưa được hiện hành. Hoặc nữa có thể hiện hành nhưng chỉ lưng chừng. Nhưng lưng chừng tới đâu? Có thể đem ra câu trả lời xác thiết chăng? Đó là những dấu hỏi mà sách này thử tìm câu đáp xuyên qua những thể chế, phong tục, huyền sử cổ đại nhất của nước nhà, tức là những văn kiện, sử liệu, truyện tích mà tới nay chưa mấy ai khai quật. Và nhờ đó mà chúng tôi nghĩ đã khám phá ra Việt Nho của Tiên tổ. Việt Nho là gì thì sẽ được trình bày liên tiếp trong các quyển sau. Quyển này mới là khai mạc, nó sẽ được tiếp liền bởi quyển Dịch kinh linh thể. Xin đọc cả hai sẽ thấy đại cương thế nào là Việt Nho. Đây là công trình của một cuộc khảo cổ khác thường không dừng lại ở khảo cổ, ở bác học nhưng phóng tầm mắt ra bên ngoài, bên trên, bên dưới khảo cổ, lịch sử, bác học để cốt tìm ra những nét căn bản chạy ngầm xuyên qua lịch sử nước nhà, những tính chất có ngay tự đầu và sẽ còn lại mãi mãi với dân tộc, nên gọi là Tố theo nghĩa “bản lai cố hữu”. Độc giả sẽ nhận ra lối khảo cổ như trên chiếu rất nhiều tia sáng kỳ lạ vào con đường chúng ta phải đi để đến đợt văn minh chân thực. Như thế sự quay về học lại nguồn gốc nước nhà dưới mọi khía cạnh văn minh, văn hóa, định chế, sử địa, văn chương… không còn là một việc khảo cổ suông trong thư viện nữa, nhưng chính là giúp vào việc kiến quốc, tìm ra và củng cố tinh thần dân tộc, đặt nền tảng vững chắc nhất cho nền quốc học mai ngày vậy. PHẦN MỘTNGUỒN VÀ GỐC ILãnh vực và đường hướng nghiên cứu nguồn gốc văn hóa Việt Nam C ác chủ trương về nguồn gốc Việt Nam có thể chia ra làm hai loại, một là cổ truyền hai là tân học. Cổ truyền mở đầu sử bằng họ Hồng Bàng, Lạc Long Quân với 18 đời Hùng Vương và các chuyện đi kèm như chép trong sách Lĩnh Nam trích quái… Những câu chuyện đó đã từ lâu trở nên bất hủ trong tâm trí tiền nhân ta, khiến cho con cháu vẫn sống an vui với niềm tin kiêu hãnh mình là con cháu tiên rồng. Thế rồi một buổi sáng kia vào cuối thế kỷ 19, người Pháp lập ra “trường Viễn Đông Bác Cổ” để nghiên cứu về môn tiền sử Việt Nam theo phương pháp khoa học nghĩa là đào xuống lòng đất để tìm ra di tích cụ thể và sau đây là kết quả. Theo những tìm tòi nghiên cứu đăng tải qua nhiều chục năm trong tờ BEFEO (tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản từ năm 1901) thì đại để có thể xếp những đợt văn minh đã trải qua trên đất Việt Nam như sau: 1) Văn minh Cổ thạch ở Hòa Bình: gồm những đồ đá có đục lỗ (một điểm chưa hề thấy nơi khác) thuộc giống người Mê-la-nê cùng giống người Mã Lai sống vào lối 12.000 – 10.000 TCN. Đây là thời đang chuyển mình từ Cựu thạch (đồ đá rất thô) sang Tân thạch (đồ đá mài)… do bà Madeleine Colani tìm được. 2) Văn minh Tân thạch ở Bắc Sơn: với đồ đá có đường mương tìm được ở giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên do ông Henri Mansuy. Đây là văn minh của giống người Anh-đô-nê xem ra từ Ấn Độ đến, ngôn ngữ thuộc nhóm Mon-Khmer. Sau đó còn một giai đoạn tiến bộ hơn nữa vì đồ đá đã có tay cầm (hache à tenon) khiến người ta nghĩ rằng đây có thể là giai đoạn trung gian giữa thạch khí và kim khí sẽ tìm được ở Đông Sơn. 3) Văn minh kim khí ở Đông Sơn: tìm thấy ở tỉnh Thanh Hóa gần cầu Hàm Rồng. Đây là một bước tiến vượt bực từ thạch khí sang thời đồng đen, mà nổi nhất là những trống đồng chạm trổ rất mỹ thuật, xem ra cũng thuộc giống người Anh-đô-nê, nhưng có kèm nhiều tang vật của Tàu như tiền đời Vương Mãng, gương soi mặt đời Hán, v.v… Ngoài ra còn tìm được cả di tích của người da đen, Úc châu, giống Mông Cổ, nhưng tuyệt nhiên không gặp được khúc xương nào của rồng hay cái trứng nào của tiên dù chỉ là “bọc trong su si da cóc”! Thế là tan giấc mộng đẹp ngàn năm của “con rồng cháu tiên” mà người Việt đã ấp ủ qua nhiều thế hệ. Từ đó người trong nước đâm ra hoang mang về nguồn gốc dân tộc của mình rồi cũng như trong mọi vấn đề khác đã chia ra hai phe là Kim và Cổ. Phe cổ thì nuối tiếc những niềm tin cố cựu, nên đứng lên bảo vệ, nhưng lý luận nặng về tình cảm mà nhẹ về khoa học, nên không đủ sức cầm chân phái tân học có thừa lý chứng khoa học, để lao đi tìm nguồn theo hướng mới. Phần đông họ theo chân Olov Janse đi tìm nguồn nơi các dân Anh-đô-nê, Mê-la-nê… Một số khác tìm nguồn về phương Bắc nhưng rút gọn lại cho rằng gốc tích người Việt từ Trung Hoa di cư sang đây trong thời Bắc thuộc nghĩa là tựu trung cũng giống như phái cổ nhưng cắt bớt đi vài ngàn năm đầu bị cho là quái đản. Đó là đại khái tình trạng về việc tìm nguồn của nước ta. Hôm nay đến lượt chúng ta lại cất bước lên đường tìm về nguồn gốc dân tộc chúng ta sẽ theo ai? Thưa không theo ai hết vì chẳng có ai đáng theo cùng đường. Phái cổ thì quá cổ, cứ tình cảm mãi đứng sao nổi giữa thời khoa học; còn phái mới lại quá đập phá chẳng tin chi hết, như vậy đã chắc gì nói lên được sự thực phức tạp, vì thế tôi gọi họ là duy sử (historicisme). Duy sử là một hình thái áp dụng duy nghiệm hay óc tôn thờ khoa học vào lĩnh vực sử. Duy sử như vậy khởi đầu là một phản ứng mãnh liệt chống lại những sử lưu truyền phần nhiều vu vơ thiếu tính chất khoa học. Họ chủ trương cần phải đặt lịch sử trên nền móng vững chắc có bảo đảm. Chúng ta phải nói ngay rằng đó là một chủ trương rất chính đáng, tuy nhiên vì là mới mẻ nên có những quá trớn. Điều quá trớn đầu tiên là họ đã áp dụng khoa học vào những chỗ không thể áp dụng hay chỉ nên áp dụng một cách có chừng mực. Thí dụ những trang đầu lịch sử, người ta quen gọi là tiền sử, ngoại sử, ở đâu cũng thường chứa rất nhiều thần thoại. Những trang sử ấy xét theo trí óc người khoa học duy lý thì nó chướng tai gai mắt, nên thế kỷ trước hết mọi lịch sử đều bị họ cắt đầu, cả đến lịch sử các tôn giáo lớn cũng không thoát. Sử đức Jésus bị chối tuột, sử Phật tổ được giải nghĩa như thần thoại mặt trời… Vì thế duy sử đã gây nên nhiều công phẫn với cả một phản ứng quật ngược trở lại. Người khai hỏa đầu tiên có lẽ chính là Nietzsche: Ông gọi thần thoại là những chòm sao làm nên vòm trời của văn hóa, của mỹ thuật nhất là thi ca, điêu khắc, hội họa, đến nỗi nếu phế bỏ thần thoại thì hầu hết mọi nền văn hóa và mỹ thuật sụp đổ. Chỉ việc giở lại những trang đầu lịch sử các dân tộc đều thấy có thần thoại hết, đến nỗi ta có thể ví những trang đầu lịch sử như tuổi thơ ấu của một dân tộc. Một người khi còn thơ ấu thích thơ mộng, thì mỗi dân nước cũng có giai đoạn khai sinh nằm chìm vào cõi âm u đầy mộng tưởng, dự phóng… và thường được truyền lại về sau như có thực, mà quả nhiên có thực không cách này thì cách khác, vì sự thực có nhiều khía cạnh: Khía cạnh khách quan chưa biết lớn hay nhỏ nhưng khía cạnh tâm lý tình cảm, mỹ thuật, thì có thực và rất lớn lao, đến nỗi không thể và không nên đem ánh sáng “khoa học” thực nghiệm vào để đánh giá. Làm thế là kéo sụp đổ cả một vũ trụ tâm linh, tình cảm, mỹ thuật. Hiện nay những điều nhận xét trên đây có thể tìm thấy nhan nhản trong rất nhiều địa hạt: triết học (xem Mythe et métaphysique của Gusdorf), nhân chủng học (Levi Strauss), xã hội học (Gurvitch)… nhất là phân tâm (Freud và nhất là Jung), v.v… Tất cả đều khám phá trở lại giá trị của thần thoại đến nỗi có thể nói bầu khí văn hóa thế kỷ trước là Logos (duy lý) thì thế kỷ này là Muthos mà ta có thể dịch là Vô ngôn. Như thế là chúng ta đang tiến từ giai đoạn Hữu ngôn (Logos) của thế kỷ trước để đi sang Vô ngôn ở thế kỷ này với hậu quả là những “khám phá” của Frazer, Durkheim, và Levy Bruhl về “tư tưởng tiền niệm của những sắc dân man rợ” đến nay bị coi là những sai lầm vì đã không hiểu nổi ngôn ngữ của thần thoại. Sở dĩ gọi là Vô ngôn vì chữ thần thoại cùng gốc với chữ câm (Muthos = mutus), nhưng không là câm vì tật nguyền nhưng vì óc tế vi trước những cái âm u sâu thẳm của con người không thể nói ra nên phải dùng lối “nói mà không nói” của những thần thoại truyền kỳ: Nó không nói cho lý trí, là lối nói thẳng = nói sao hiểu thế, nhưng nó nói đây mà phải hiểu kia, phải vượt ra ngoài lời nói để tìm giữa những dòng chữ, những khe lời cái nghĩa tàng ẩn của nó. Như vậy thần thoại là một lối nói bắt người nghe phải vận dụng nhiều cơ năng: Không những lý trí mà cả tâm tình, nên gọi được là nói với tâm hồn và chính vì vậy nên còn sống đến tận ngày nay vì in sâu vào lòng hơn cả những lời nói thẳng. Thời duy lý không hiểu được điều đó nên chỉ đập phá bôi nhọ mà không tìm hiểu, nói khác, óc duy sử còn mang nặng tính chất tiêu cực nên đang bị vượt qua. Đó là nói về bên Tây Âu. Bên các nước chậm tiến thì các ông duy sử vẫn còn đang say sưa với “khoa học” nên vẫn còn đập phá mạnh, gây nên cái mà học giả Tây phương kêu là “lòng nhiệt huyết của đám tân tòng” (le zèle des néophytes) ở tại muốn “khoa học” hơn các nhà sáng lập ra khoa học, thí dụ sách Hàn Phi Tử mà Hồ Thích cho là tạo hết chỉ giữ lại có 7 chương! Một tay duy sử như Maspéro mà còn phải cho đó là quá đáng (Maspéro 431, 441). Về Kinh Thư rất nhiều học giả bên Viễn Đông (Naito, Hồ Thích, v.v…) cho là bịa hầu hết, nhưng các học giả như các ông Creel hay Needham sau khi đã đọc rất kỹ các lời khắc ở các đồ đồng nhà Thương (thế kỷ 17 – 12) lại cho là đáng tin cậy đến quá một nửa… (Creel. 241, 253). Sở dĩ có hai sự khác biệt giữa duy sử Đông Tây như vậy là vì óc duy sử có bên Tây trước nên đã ngấu đủ, còn bên Đông phương mới có sau chưa kịp vượt qua giai đoạn mà tâm lý kêu là “dùng lúc không cần” (Usage gratuit). Người mới mua được cái xe lần đầu bao giờ cũng đi nhiều hơn là việc đòi hỏi. Các ông duy sử Đông phương cũng vừa mới tậu được ít kiến thức khoa học nên bạ chỗ nào cũng áp vào khiến cho những học gia già tay thương hại cho họ là đập phá vì không biết phân biệt phạm vi văn hóa với sử học và sử học với khảo cổ (Danses 27). Khảo cổ vì hoàn toàn câm nín hẹp hơn sử, sử hẹp hơn văn hóa, còn vì văn hóa bao hàm cả óc tưởng tượng. Đại để đó là chỗ quá trớn chung của duy sử. Bây giờ chúng ta cần phải nói đến một lỗi lầm riêng của duy sử Đông phương đó là đem phạm trù Tây phương áp dụng y nguyên cho thực thể Đông phương: Thí dụ các ông duy sử ta khinh bỉ những trang huyền sử nước nhà như Hồng Bàng, Âu Cơ, Hùng Vương, v.v… vì những sách chép mấy chuyện đó mới xuất hiện từ lối thế kỷ 11, 15 trở lại đây chứ trước kia không hề có. Luận lý như thế là tỏ ra chưa thấy sự dị biệt giữa Đông và Tây. Bên Tây có thể nói tác giả sách chỉ là một cá nhân còn bên Đông phương thì tác giả sách thường là dân gian, nhiều đời dân gian như trường hợp các sách Kinh điển như Kinh Thi, Kinh Dịch và cổ điển như Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Du Ký… (sẽ bàn kỹ ở chương VI), ở đây xin chỉ lấy Tây Du Ký làm thí dụ. Sách này mới do Ngô Thừa Ân viết từ thế kỷ 16, nhưng không vì thế mà có quyền bảo là những truyện trong sách đó mới được đặt ra từ thế kỷ 16, trái lại nó đã bắt đầu được “sáng tạo” dọc dài qua 10 thế kỷ trước, nghĩa là từ lúc có việc Huyền Trang đi thỉnh kinh. Trong vòng 10 thế kỷ đó đã có không biết bao nhiêu là “tác giả” kể đi kể lại, mỗi lần gia giảm thêm vào một ít đến nỗi làm cho truyện Tây Du khó lòng còn chứa được một phần mười sự thực… Vì thế không nên lấy thời Ngô Thừa Ân làm mốc giới để chối những “tác giả” đi trước ông, vì ông chỉ là tác giả cuối cùng, có công lớn hơn các “tác giả” đi trước. Trường hợp Lý Tế Xuyên tác giả Việt điện u linh hay Trần Thế Pháp viết Lĩnh Nam trích quái cũng phải được quan niệm như thế. Không nên nói họ là “tác giả” theo nghĩa một mình họ đã tạo ra. Họ có “sáng tác” thêm, nhưng phần thêm này không sao át nổi phần đóng góp của rất nhiều người vô danh trong các thế hệ trước. Điểm thứ hai là không nên vì thế mà bảo các thế hệ trước đã bịa ra hoàn toàn không có một chút sự thực nào ở khởi đoan. Nhất định có nhưng trải qua nhiều đời nên không còn dễ nhận ra được. Hãy nghĩ đến quãng thời gian giả thiết tự Hồng Bàng đến Trần Thế Pháp cũng có tới 40 thế kỷ, thì cái sức “xuyên tạc” còn nặng biết bao. Mới có chừng mười thế kỷ mà Huyền Trang bị Tôn Ngộ Không, một nhân vật không tưởng choán vai chính huống chi là hơn 40 thế kỷ, thì hỏi còn được mấy tí sự thật khách quan. Nhưng dù ít tới đâu cũng có thể nhận ra mấy nét đại cương đại khái như sau: Trước hết là cách đây lối dăm mười ngàn năm có một nhóm dân từ phía Tây Bắc tiến dần xuống phía Đông Nam và lan tỏa khắp nước Tàu. Trong đoàn người mênh mông đó, có từng người chỗ này, từng gia tộc chỗ kia ở những thời khác nhau, vì những lý do rất phức tạp (loạn lạc đói kém) tiến mãi xuống đến miền Cổ Việt và trải qua một thời gian dài từng nhiều ngàn năm (không thể quy định) đã lập ra một nước mà ngày nay ta gọi là Việt Nam. Bước thứ hai trong cuộc Nam tiến trường kỳ đó, mỗi người đến nước Cổ Việt mang theo một ít chuyện tùy theo nơi xuất xứ, những chuyện cổ đó được kể đi nói lại thêm bớt qua nhiều đời để cuối cùng thành ra câu chuyện “đầu Ngô mình Sở” bị người duy sử khước từ nhưng huyền sử lại chấp nhận chính vì tính chất “đầu Ngô mình Sở”, vì cho rằng có thế mới hợp cho tình trạng Việt Nam một dân tộc mang nặng trong mình tính chất đầu Ngô mình Sở, nghĩa là một đoàn người rất hỗn chủng do người bản thổ Mê-la-nê, Anh-đô nê cũng như do nhiều lớp người di cư từ phương Bắc tràn xuống. Họ đã đi qua nhiều miền trong đó Chiết Giang có, Lạc Ấp có, và nhất là miền Kinh Sở, v.v… Họ di cư dần dần theo đường Nam tiến, để cuối cùng thì dừng chân lại nơi nước Việt Nam. Trong thời kỳ hình thành của nước này mỗi nhóm “đóng góp” một ít chuyện, không ai có thể nói rõ mỗi nơi đã đóng góp bao nhiêu, nhưng cũng không ai có quyền chối cãi rằng đã có thể xảy ra như thế, đúng hơn không thể xảy ra khác. Hai điểm trên đều là những sự kiện hiển nhiên đến nỗi chẳng ai nghĩ đến chối cãi và có nói lên cũng không đóng góp thêm chi vào việc tìm nguồn gốc dân tộc. Nhưng sở dĩ phải nói lên vì chúng đã là đầu mối khai sinh ra các chuyện được thâu nhặt lại trong Việt điện u linh hay Lĩnh Nam trích quái. Đó toàn là những chuyện đầu Ngô mình Sở nhưng lại nói lên một sự thực thuần nhất như một thực thể sống động, đó là thực thể văn hóa. Và vì thế có thể xác định được nội dung bằng dựa trên căn cứ vững chắc hơn như thể chế, phong tục, xã hội học, kinh điển, v.v… để làm nền móng cho việc quy định nội dung những câu chuyện thần tiên kia. Giá trị sự thử xác định cao hay thấp tùy thuộc vào việc sử dụng các nền móng nọ. Vậy không nên nói là thiếu nền móng mà chỉ nên nói là việc khai thác những nền móng đó rất tế vi uyển chuyển. Vì huyền thoại là tiếng nói của tiềm thức cộng thông khác với lịch sử là phạm vi của lý trí. Nhưng vì trong thực tế không thể phân biệt hẳn hai phạm vi nên hay có sự lẫn lộn nơi các “tác giả” kể cả tác giả có viết sách thực sự, nên đầy dẫy những lẫn lộn “ông nói gà bà nói vịt”. Bà là tiềm thức nói về thực tại bao la như văn hóa, còn ông lý trí lại đi nói về thực tại rõ rệt như chính trị. Vì thế cần thiết lập một môn mới để khai thác các nền móng kia mà môn đó tôi muốn thử khai mạc ở đây và xin đặt tên là Huyền sử. Huyền sử Chữ huyền nói lên tính chất u linh (Việt điện u linh cũng như Lĩnh Nam trích quái), còn sử đi với huyền là một thứ sử rất mung lung với những niên kỷ co dãn như cao su kiểu 18 đời Hùng Vương, với những bờ cõi chập chờn trồi sụt và rộng mênh mông của các nước Xích Quỷ, Văn Lang. Vì lơ mơ nên duy sử cho là mơ hồ quái đản đáng thải bỏ, ngược lại nếu là thi sĩ thì lại chấp nhận trọn vẹn kiểu nghĩa đen. Hai tâm hồn đó không ở với nhau được. Nhưng cả hai đều đáng quý, vì cả hai đều có những đóng góp rất giá trị cho sự tiến hóa của con người. Vì thế huyền sử muốn mở ra một đường hướng dàn hòa hai phe tân cựu, nó muốn duy trì hồn thơ mộng của các cụ xưa, đồng thời áp dụng đúng mức phương pháp khoa học của thời nay: Nó muốn là một nhà khoa học ưa thích hồn thơ, hay muốn mơ mộng nhưng lại theo lối khoa học. Để được như thế nó tính đi lối toàn thể nghĩa là dùng tất cả khảo cổ, lịch sử, văn hóa, văn chương, truyền kỳ, thần thoại, và nhất là lối nhìn toàn cảnh: đặt nặng trên những điểm tựa có bảo đảm để tìm đọc ra những gì ẩn hiện mung lung, và cuối cùng dẫn đến một thứ triết sử, hay là văn hóa sử không là văn học cũng không là văn minh. Đấy là một lối mới tuy hiện nay bên Âu Mỹ cũng đã có trào lưu “phục hưng” thần thoại nhưng mới bằng cách đi tìm ý nghĩa của nó. Đó mới là sự nghiên cứu về, tức một trí thức suông; còn huyền sử thì muốn là một sự đi về với cả tâm hồn để sống lại những đức tính tiềm ẩn trong đó để được cảm hóa theo (nên gọi là văn hóa theo nghĩa uyên nguyên). Sở dĩ huyền sử dám tham vọng to hơn là vì có một đặc điểm của nền văn hóa Viễn Đông cần được bàn rộng ở đây. Viễn Đông khác Tây phương xưa về văn hóa: đang khi ở Tây phương người ta chú trọng nhiều đến chính trị về nhân chủng địa dư[1]... nghĩa là những gì khách quan có thể tìm ra được di tích, thì bên Viễn Đông lại chú trọng nhiều nhất đến văn hóa, một cái gì mung lung cần nhiều đến thần thoại, truyền kỳ… Lịch sử Trung Hoa cổ đại là lịch sử của một nền văn hóa hơn là lịch sử của một nước, một quốc gia (như sẽ bàn rộng sau trong sách này). Căn do sâu xa của sự kiện này đã được chúng tôi bàn phớt qua trong Cửa Khổng (chương ba) về quá trình tiến hóa của tâm thức con người xuyên qua ba nấc: bái vật, ý hệ và tâm linh. Trong Nhân bản gọi là thiên khởi, địa khởi, nhân khởi, và Tâm linh trong quyển Căn bản kêu là Văn tổ. Phải dùng nhiều bộ thành ngữ khác nhau như vậy mới biểu thị được những nét tế vi của một thực thể cực kỳ phong phú. Nhưng dù có dùng nhiều danh từ khác nhau đến đâu thì tất cả đều nói lên sự êm đềm của cuộc cách mạng được thực hiện do Nho giáo, vì êm đềm nên thành công (xem bài III cuốn Tâm tư về luật “mạnh chống mạnh chấp”). Sự thành công đó là tự bái vật đi lên đến Văn tổ, đang khi bên trời Tây, Socrate đả phá thần thoại quá rầm rộ nên cuối cùng đọng lại ở đợt ý hệ, mà ý hệ là hậu quả của óc duy lý, đã duy là thiếu tính chất mãnh liệt của toàn diện, vì thế văn hóa Tây Âu không thấm nhuần đời sống sâu rộng như văn hóa Á châu. Một trong những hệ quả đó là tác giả Tây Âu hầu hết là cá nhân dùng nhiều lý trí, còn bên Viễn Đông là công thể (communauté) là dân gian, vì dân gian thường là phát ngôn viên của tiềm thức cộng thông. Nói cộng thông vì nó là tiếng nói của những ước vọng, nhu cầu sâu thẳm thuộc nhân tính mọi người, đến nỗi người ta không cần ý thức cũng cảm được lơ mơ. Bởi vậy tiếng nói của nó khá trung thực để biểu lộ những sự thực bao la vượt lý trí cá nhân vì thế được gọi là nền “Minh triết các quốc gia” (la Sagesse des nations) hay ngày nay có khi tâm phân kêu là nền “Minh triết tự phát”, “Minh triết vô thức” (inconscient Wisdom) để chỉ tính chất đột khởi, hồn nhiên chưa bị ý hệ xuyên tạc, ngụy tạo như nơi cá nhân ý thức. Tuy nhiên cách biểu lộ của nó rõ rệt ít mà lơ mơ nhiều. Bởi vì ở đây tiềm thức phải giải quyết một khó khăn như sau: Đối tượng của tiềm thức là không thể nói, bởi vì nói là chẻ nhỏ ra để xác định: mỗi danh từ chỉ trỏ có một việc, đã chỉ bút thì thôi mực… Vậy nên nói ra thì là rút nhỏ đối tượng để xác định, mà đối tượng đã xác định thì hết là “cộng thông” tức không còn chung cho nhiều nơi và nhiều đời. Và đây là cách giải quyết của tiềm thức: Nó dùng ngay những chữ đã có xác định, những dữ kiện riêng biệt thuộc từng nơi rồi róc hầu hết ý nghĩa riêng tư đi để chúng trở thành biểu tượng hoặc là linh tượng đặng chỉ đối tượng lớn hơn. Để biểu thị sự di chuyển ý nghĩa đó khỏi dữ kiện cũ thì những danh nhân, địa vực được dùng làm biểu tượng thường bị gắn thêm vào những cái phi lý hay đúng hơn là ngoại lý, như người đẻ trăm trứng, hay sống nhiều trăm năm, ở nhiều nơi… Hùng Vương có ông sống ba bốn trăm năm thí dụ… Vậy khi ta thấy những dấu đó thì biết nhân vật đã đi vào huyền sử, nghĩa là phần sử còn lại rất ít để nó có thể trở thành huyền bí đa dạng. Một nhân vật có thể đóng những vai trò trái ngược, thí dụ Si Vưu trong lịch sử là một tù trưởng của Viêm tộc, có thể đồng thời là bạo chúa độc ác, nhưng đối với Hoàng Đế xâm lăng thì lại được coi như anh hùng đã tranh đấu cho nền độc lập của dân tộc …Thế là dần dần Si Vưu trở nên một linh tượng sống từng nhiều trăm năm và được gán cho những đặc tính của dân tộc, thí dụ có cánh (vật biểu chim), thích múa… Hùng Vương nước Sở cũng vậy, ban đầu được chọn vì một số ưu điểm nào đó thí dụ vì những người làm thành nước Việt Nam phần đông nhất đã đi qua miền Kinh Sở. Sách Thế Bản chép: Người Việt thuộc họ Mỵ với người nước Sở cùng một tổ, ta có thể nói là cùng một gốc văn hóa nông nghiệp và rất có thể chữ Mỵ chỉ là chữ Mễ đọc trại đi, hoặc vì Kinh Sở là một nước đại diện hơn cả cho Viêm tộc trong việc đối địch với Bắc phương một cách trường kỳ… Hoặc vì lý do nào khác nữa không biết mà vua nước Sở được tiềm thức cộng thông chọn làm anh hùng của cốt truyện: nhưng một khi được chọn thì vai trò lịch sử của vua Kinh Sở bị xóa nhòa để trở thành dòng vua nước Văn Lang trải dài ra gần 3 ngàn năm. Tính chất huyền thoại hiện rõ ra trong thời gian dài dằng dặc như vậy mà chỉ có 18 đời. Đó là đại khái tính chất u linh của tiếng nói tiềm thức: dùng một sử kiện riêng tư nào đó để chỉ một sự việc khác to lớn hơn. Sự kiện riêng đó ta có thể gọi là sử, còn thực thể lớn lao kia là một cái chi khác thuộc tôn giáo, chính trị, luân lý, văn hóa… ta gọi là huyền. Huyền là bao la, là lơ mơ không rõ ràng. Nét huyền này nổi bật ở nền văn hóa Việt Nam vì nơi đây thì văn hóa là cốt, điều đó được chỉ thị bằng tên Văn Lang với bờ cõi mênh mang từ hồ Động Đình đến Chiêm Thành… Vậy Văn Lang không là một thực thể chính trị cho bằng là một truyền thống văn hóa chung khởi đầu cách đây lối “ngũ thiên niên sử”, trong đó có hai khuynh hướng chống chọi nhau: một bên là pháp trị dùng đàn áp, vũ lực; một bên là mối nhơn trị dùng văn để cảm hóa. Phần đông những người từ phương Bắc di cư xuống Việt Nam yêu chuộng khuynh hướng thứ hai... nên coi đó như di sản của nước mình. Và mặc dầu hiện nay về chính trị, Viêm tộc chỉ còn giữ được có mảnh đất bé nhỏ làm chỗ dung thân cuối cùng nhưng trước kia bờ cõi họ lớn lao cũng như chiến sĩ họ đã ở khắp nơi trên nước Tàu. Vì thế Văn Lang phải rộng vì nó không là một quốc gia nặng về nghĩa chủng tộc chính trị, kinh tế nhưng là một thực thể văn hóa, một Văn Lang, nghĩa là một thứ Bang căn cứ trên Văn, trên hiến, nên không nhất thiết ở hẳn đâu, ngược lại rất dễ vượt biên cương cũng như niên kỷ. Bởi thế cần phải nghiên cứu nó trong quá trình diễn tiến (génétique) chứ không trong trạng thái tĩnh chỉ như học về một quốc gia chính trị đã hoàn thành với bờ cõi đã xác định. Cho nên khi nói đến bờ cõi nước Văn Lang thì không nên đóng gông lý trí vào Bắc Việt, nhưng phải để nó vươn lên đến Động Đình Hồ là còn ít, phải lên nữa cho tới sông Lạc, sông Hà nơi “phát xuất” ra Lạc Thư là cái cơ sở uyên nguyên của liên bang Bách Việt. Hiểu như thế thì Văn Lang sẽ trở thành một khẩu hiệu, một lá cờ cho một lý tưởng mà Việt Nam nhiều lần đã cầm lấy và phất lên như sẽ bàn kỹ về sau. Chính vì những lý do đó mà những truyện thần kỳ của các đời Hồng Bàng, Âu Cơ được huyền sử coi như “tờ bằng khoán” truy nhận tác quyền của dân tộc Việt Nam trên cái di sản thiêng liêng của nền văn hóa Viễn Đông. Bảo rằng những truyện đó là bịa không thể sống nên vô ích trong việc di dưỡng tinh thần là nói sai. Nếu nó không có sức sống vậy tại sao chúng đã sống trải qua rất nhiều thế kỷ để trở thành bất hủ trong tâm hồn người Việt. Bảo rằng không di dưỡng tính tình cũng sai, phải nói rằng nó không di dưỡng lý trí thì có, hay nói xác thực hơn là nó không di dưỡng lý trí của những người duy lý mà thôi, chứ nó vẫn di dưỡng tâm hồn biết bao người có óc thơ mộng như phần lớn người Việt Nam chúng ta, và đã được nhiều tác giả xưa ghi nhận là dân chúng say sưa với những câu chuyện đó. Vì thế bảo rằng những truyện đó vô ích cũng là câu nói vô bằng. Ngược lại người ta có thể ghi nhận điều này là tự ngày vua Tự Đức (tiền hô các duy sử) cho những truyện kia là “trâu ma thần rắn” thì cũng từ ngày đó bắt đầu cuộc tan rã tinh thần của dân tộc. Đó có thể là một sự trùng hợp tình cờ, mà cũng có thể là một căn cớ hay ít ra là một dấu báo hiệu, bởi vì theo huyền sử thì tiếng nói của lý trí thuộc cá nhân có tính cách khúc chiết rõ rệt rất tốt để phân tích, cần dùng nó mới đi vào khoa học được, nhưng khi áp dụng vào xã hội loài người nhiều quá sẽ gây chia ly như đã có bằng chứng ở các nơi duy lý bên Âu Mỹ. Ngược lại, tiếng nói tiềm thức có sức tô đậm tinh thần công thể, óc đoàn kết nhưng dùng quá đáng sẽ tiêu hao cá nhân, vì bị nhận chìm vào đoàn lũ. Để tránh tai họa, tiên hiền đã đưa ra lối tâm linh và ở đây ta gọi là huyền sử mà tính chất của nó là phải uyển chuyển tùy thời. Vậy đối với nước ta hiện nay thì trào lưu văn hóa cá nhân Tây Âu đang làm tan rã tinh thần dân tộc đến cùng tột. Vì thế chúng ta lại phải tìm trả lại cho dân tộc một thế quân bình mới bằng lay tỉnh tinh thần đoàn kết quốc gia, và cho được thế thì cần đến ngôn ngữ của tiềm thức cộng thông và lúc ấy chúng ta phải coi những trang huyền sử như di sản thiêng liêng, cũng như chúng ta nên ghi ân sâu xa tiền nhân đã để lại cho chúng ta những trang huyền sử rất thanh tao trong sạch (khi so với thần thoại nhiều nơi khác) và thơ mộng một cách vĩ đại. Rất có thể những trang thơ mộng đó đã sửa soạn cho tiền nhân viết nên những trang sử oai hùng về sau bằng cách tăng trưởng ý thức về Việt Nam như một thực thể chính trị riêng biệt với nước Tàu. Dầu sao thì đó cũng là những chòm sao xinh đẹp đầu tiên đã hiện ra với tiên tổ và không có lý do nào lại mất quyền lấp lánh trên vòm trời văn hóa chúng ta. Đấy là những lý do khiến chúng ta hôm nay phải mở rộng một đường hướng mới để làm một cuộc hành hương tìm về với hồn tiên tổ, kể cả những vị xa xăm nhất chỉ còn phảng phất trong thinh không, nhưng giọt máu loãng còn hơn bát nước lã. Nói kiểu khác để mà tóm lại thì nếu các cụ xưa chỉ sống Nho giáo, mà ta gọi là duy linh sử quan, còn đám tân học nay lại chỉ căn cứ trên một số sử kiện khách quan quá hẹp hòi và ta sẽ gọi là duy vật sử quan, thì chúng ta sẽ theo lối tâm linh sử quan đặt nặng trên mối liên hệ văn hóa (parenté de culture) hơn là liên hệ chính trị hay nhân chủng (parenté ethnique) hay chủng tộc tức là lối làm việc lướt nhẹ trên tang chứng khảo cổ, mà lại đặt nặng trên thần thoại được soi qua ánh sáng khoa học hầu chắt lọc nội dung của nền văn hóa chúng ta trong những bước chập chững sơ thủy. Những huyền thoại cũng như truyền thuyết là cái gì rất mung lung nên cần chúng ta nắm vững mấy điểm then chốt, chẳng hạn các định chế của Việt Hoa cũng như việc người Việt di cư xuống phương Nam xuyên qua bao ngàn năm lịch sử… làm như cái toàn thể, cái sợi dây chỉ đạo mà chúng ta không được rời xa trong khi đi vào rừng cổ học. Như thế là con đường chúng ta tiến đi theo hướng huyền sử. Huyền sử là những trang đầu của lịch sử, nó thuộc những cái sơ nguyên nên rất giàu khả năng định hướng quyết liệt vào cả một dòng sử mệnh của mỗi dân mỗi nước. Lối học huyền sử khác với lịch sử. Lịch sử phải có niên kỷ vì ghi lại những biến cố đã xảy ra trong một thời, một nơi nhất định. Ngược lại, đối với huyền sử thì niên kỷ ít quan trọng vì nó bàn đến những chuyện trường tồn: Những chân lý vượt mốc giới của Thời Không: Cái thật cho hôm qua vẫn thật cho ngày mai, không nên lấy niên kỷ ra mà hạn chế (le fond institutionnel est intemporel P.C. 20). Bởi vì các nhân vật của huyền sử không còn là nhân vật lịch sử, thân thế và sự nghiệp lịch sử của họ nếu thật có thì cũng đã được bào mỏng tanh để vượt khỏi bờ cõi của không gian để đi mạnh vào văn hóa. Những trang huyền sử chung của Viễn Đông Vì Việt Nam với Trung Hoa cổ đại cùng một nền văn hóa ít ra đại đồng tiểu dị nên huyền sử của Trung Hoa có liên hệ mật thiết với huyền sử của Bách Việt trong đó có tiên tổ chúng ta. Do đó Trung Hoa cổ đại đối với ta phải có hai khía cạnh là văn hóa và chính trị. Thường tình người ta chỉ xem vào nước Tàu như một thực thể chính trị mà quên đi mất khía cạnh văn hóa chung trong quá trình hình thành tạo dựng. Đó là điều thiếu sót cần được bổ khuyết. Muốn lên tận đoạn đó, chúng ta phải vượt qua giai đoạn Tần Hán để đi từ Khổng Tử trở lên đến quãng khuyết sử mịt mờ, lúc mà những tiền nhân ta còn sống dưới quyền hướng dẫn của họ Hồng Bàng trong miền Hoa Hạ tức từ bờ sông Lạc, sông Hà và vùng Hồ Quảng, trong những miền đất của Kinh Sở, Mán, châu Dương, Động Đình Hồ, An Huy (Sông Hoài), Chiết Giang, Giang Tô, Bành Lãi. Đấy là lĩnh vực mà tiên tổ ta đã có những mối liên hệ về chính trị kinh tế, văn hóa với các dân chung quanh: và do đó đã lập thành cái nhân của dân tộc chúng ta. Có thể quả quyết rằng cái gì đã xảy đến cho những dân Man, Miêu, Thái, Ngô, Di, Dịch, Sở và nhất là Sở, thì cũng đã âm vang đến tiền nhân ta. Bởi vậy cần phải coi Dương Tử Giang như xương sống, các châu Kinh, Dương, Hoài, các nước Ngô, Việt, Sở các hồ Động Đình, Bành Lãi, Thái Hồ như liên bang cùng chung vận hệ lịch sử... Đấy là những vùng âm u, theo nghĩa không còn bờ cõi cố định với những sử liệu xác thiết, nhưng bó buộc chúng ta phải lặn lội tìm tòi nếu ta muốn tìm xa về cội nguồn của nước nhà, vì đây là một thời mang nặng những nguyên tố cấu tạo nên tâm thức của dân tộc nên ta coi việc nghiên cứu này như một cuộc hành hương tìm về với những trang huyền sử rất nắm sai bài học và lúc ấy chúng ta sẽ thấy về mặt văn hóa thì huyền sử nước Tàu không còn là của riêng nước Tàu nhưng trở thành di sản chung cho cả khối văn hóa của Liên bang Bách Việt, nơi mỗi nước Viễn Đông phải tìm về và đưa ra một dịch bản soi sáng cho từng ngành văn hóa riêng của mình, sao cho duy trì được cả gốc chung cũng như cả ngành riêng. Bí quyết của sự thống nhất và đồng thời lại phong phú nằm ở đó. Huyền sử Trung Hoa cổ đại gồm ba giai đoạn là Tam Hoàng, Ngũ Đế và Tam Đại. 1) Tam Hoàng là: Toại Nhân Phục Hy, Nữ Oa Thần Nông 2) Ngũ Đế là: Hoàng đế Chuyên Húc Đế cốc Nghiêu Thuấn 3) Tam Đại: gồm ba nhà Hạ (Vũ) 2205 TCN Nhà Thương (Thành Thang) 1766 TCN Nhà Chu (Vũ Văn, Chu Công) 1122 TCN Về thứ tự, Tam Hoàng và Ngũ Đế xếp theo Tư Mã Quang, còn Tư Mã Thiên lại cho Hoàng Đế vào Tam Hoàng. Những dị biệt này biểu lộ lối nhìn khác nhau sẽ bàn ở sau. Có nên dùng tự dạng? Trong việc khai thác Kinh điển, đôi khi chúng tôi có dùng lối chiết tự tuy biết đó là một lối đầy nguy cơ, nhưng dẫu vậy cũng không hẳn thiếu nền tảng. Học giả Needham (I. 32) tính ra trong số 49.000 chữ ghi lại trong Tự điển Khang Hy thì có chừng hơn 2.000 chữ là thuộc biểu tượng với tượng hình, ngoại giả đều theo lối hội ý, chuyển chú, giả tá, hình thanh, v.v… vì thế dùng chiết tự rất dễ bị lạm dụng và đưa đến những kết luận chủ quan. Nhưng nếu bỏ hẳn thì là bỏ mất một việc có nền tảng đích thực, tuy nhỏ hẹp. Muốn tránh lạm dụng, chúng tôi nghĩ phải y cứ vào thể chế: Khi hợp với một thể chế thì lúc ấy tự dạng có thể trở nên một lý lẽ để kiện chứng. Nói khác, tự dạng không được dùng để chứng minh một mình nó đã đủ, nhưng thiết yếu phải đi với thể chế, hễ được như vậy thì tự dạng có thể trở thành một lối kiện chứng đầy tính chất trang sức một cách rất ý nhị. Tất cả những tự dạng chúng tôi đưa ra ở đây hay trong các giảng khóa khác đều phải hiểu trong giới hạn đó. Nói như vậy có nghĩa là không thiết yếu những nghĩa gán cho tự dạng được người lập ra chữ đã có ý như vậy. Điều đó ai mà biết được, vì chữ Nho là một lối văn tự biểu tượng mà bản chất biểu tượng là rất mềm dẻo theo tay thợ dùng, dở hay khéo phần lớn còn tùy tay thợ. Hòn đất có thể nặn ra ông Bụt, mà cũng có thể nặn ra thằng phỗng. Lối chiết tự cũng thế, đầy nguy hiểm, mà cũng đầy những khả năng gợi ý sáng tạo tùy cách dùng. [1] Vì đây đang trở lại nguồn nên nhiều danh từ phải dùng theo nghĩa cao cả xưa. Thí dụ “phủ đắc dĩ sách ư địa lý” (H.T.W). Vậy tôi dành chữ địa lý cho ý nghĩa cao cả này. IITheo chân khảo cổ T ìm về nguồn gốc văn minh Viễn Đông thường độc giả chỉ chú ý có trục Tây Đông mà không để ý đến trục Nam Bắc. Và đó sẽ là điều chúng tôi muốn bàn ở đây để có được cái nhìn tổng quan hơn. Xét về trục Tây Đông, các học giả chia hai phe: Một cho là các yếu tố văn minh đều do từ Tây truyền qua, trong số này người Việt Nam chúng ta đã quen thuộc với những tên tuổi như Olov Janse, Goloubev, Geldern… Chứng cớ của họ dựa trên những hình vẽ vòng tròn có chấm, hay hình xoắn ốc chữ S… đều tìm thấy ở văn minh Hallstat (Trung Âu). Thêm vào đó còn một số tên tuổi khác như Vaca, Horwitz. Lập luận chung của họ cũng như một số khác có thể tóm tắt như sau: trước hết là thời Tân thạch bên Ai Cập xuất hiện vào lối 5000-6000 năm TCN và chỉ kéo dài lối 1500 năm rồi tiếp đến thời đồ đồng xuất hiện vào lối năm 4500 TCN. Bên Chaldean Ur, đồ đồng xuất hiện vào lối năm 3500 TCN, thế mà bên Tàu, đồ đồng theo khoa khảo cổ chỉ xuất hiện vào lối nhà Thương tức 17 thế kỷ TCN nghĩa là muộn hơn bên Tây Âu suýt soát 2000 năm. Vì thế một số tác giả cho rằng kỹ nghệ đồ đồng đã từ Tây truyền bá sang Đông. Tuy nhiên vấn đề rất phức tạp như đã được ông Neddham trình bày trong quyển I trang 98, 148, 153, 162… và đưa ra kết luận tạm này là xem ra có đi có lại chứ không có một chiều, nghĩa là không nhất thiết phải kết luận tự Tây qua Đông mà lại không thể kết luận tự Đông qua Tây, thí dụ hình tròn có chấm hay vòng xoắn ốc sao lại không kết luận được từ Đông truyền sang Hallstat phát xuất từ Ordos và Tagar thuộc Mông Cổ, vì đây là những mẫu vẽ liên hệ đến đồ gốm mà quê hương là nước Tàu. Ngay đến những vật kim khí dù đồ đồng đã xuất hiện bên Cận Đông trước còn khó lòng kết luận từ Tây qua Đông bởi vì kỹ nghệ bên Tàu đã vượt xa các nơi khác vừa quá mau lẹ vừa quá nhiều, đang khi bên Tây phương chỉ đóng góp được có dăm ba món như xe có bánh, đòn trục và ròng rọc tự Mésopotamie, Babylon và Ai Cập đóng góp ổ khóa, Perse đóng góp máy xay gió, Âu châu Địa Trung Hải đóng góp dây xích cho ống bơm nước, thì Trung Hoa đóng góp nhiều kỹ thuật hơn hết, rồi truyền bá sang Âu châu cũng như các miền khác, từ thế kỷ thứ 1 đến 18. Trong quyển Science and Civilization in China (I.P. 241), ông Needham đã lên sổ các phát minh của Trung Hoa theo thứ tự A, B, C trong đó có: thuốc súng vần W kim chỉ nam vần X giấy và chữ in vần Y đồ sứ vần Z và tác giả nói nếu vần A, B, C còn dài hơn thì vẫn còn tìm ra đủ phát minh quan trọng cho các chữ đó. Vì thế ta có thể nghĩ rằng chưa chắc đồ đồng chỉ mới xuất hiện thế kỷ 17 TCN như khoa khảo cổ nói, mà rất có thể đã xuất hiện vào thời Si Vưu tức 10 thế kỷ trước nữa. Tuy nhiên vì người ta chưa chắc hẳn ai đã phát minh ra trước nên một số học giả nghĩ rằng đã có một lò phát sinh văn minh khác hẳn ở phía Đông. Về điểm này, cuộc khảo sát của Giáo sư Creel cũng như của ông Needham vì dựa trên những dữ kiện mới nhất nên đáng được chú ý hơn cả, theo đó nền văn minh Trung Hoa được khám phá qua những cuộc đào đất của các nhà khoa học có thể chia ra 4 giai đoạn. Trong 4 giai đoạn này thì 3 thuộc thời Tân thạch hay thời khuyết sử, còn giai đoạn thứ 4 thuộc nhà Thương vào lối thế kỷ 17 TCN đại để như sau. Dấu vết người thái cổ bên Tàu tìm ra được là người vượn Bắc Kinh, xuất hiện vào lối Cổ thạch thượng (paléolithique supérieur pléistocène) vào khoảng từ 500 đến 300 ngàn năm TCN, suýt soát đồng thời với người vượn Java là Pithecanthrope. Sau đó không tìm ra đợt người “Homo sapiens” thuộc Hạ cổ thạch như Cor-magnon, hay cả thời sau nữa thuộc Tân thạch thượng (Mésolithie) nhưng chỉ thấy xương người vào lối 2500 TCN và một nền văn minh để dấu lại rải rác một cách bí hiểm khắp nơi trên Mỹ châu và miền Đông Á. Người thời nay tuy còn săn bắn, nhưng phần lớn đi vào nông nghiệp: cấy mì và mạch, và về sau có cả cấy lúa. Ta hãy tóm lược 4 đợt theo khảo cổ như sau: 1) Phần khảo được rõ nhất gồm các tỉnh Cam Túc ở Tây Bắc Hà Nam và Sơn Đông phía Đông Bắc, đều mang nặng tính chất bên Đông, và chính ở đây người ta tìm được nét đặc trưng của nền văn minh này trong những đồ gốm đặc biệt là cái lịch và cái chõ. Cái lịch là một thứ đồ gốm có thể gọi là thứ nồi tam biên (ba hông), đặc biệt ở chỗ có một diện tích tiếp cận với lửa tối đa nên nấu chóng sôi. Đó là một loại nồi không gặp thấy nơi khác, nên có thể gọi giai đoạn này là Lịch hay là Tam biên. Khi đem cái táng (một cái nồi có đáy dùi nhiều lỗ) để lên trên thì ra cái siêu, tiếng Việt kêu là nồi chõ (xem hình). Đó là loại đồ nấu đặc biệt thuộc văn minh vùng này, không tìm thấy ở đâu nữa. Ta có thể từ cái nồi tam biên liên tưởng đến tam tài, Tam Miêu. Đế Minh là cháu ba đời Thần Nông. Nếu đúng thì nó thuộc Viêm tộc. 2) Tiếp sau giai đoạn lịch thì đến giai đoạn Ngưỡng Thiều gồm những đồ gốm đẹp hơn, vẽ nhiều màu, đào được ở Ngưỡng Thiều trong tỉnh Cam Túc nhưng chỉ tìm thấy những đồ gốm vẽ nơi đây, và sau đó biến mất. Xem ra loại đồ gốm này phát xuất từ miền Cận Đông, khi sang tới đây thì gặp nền văn minh khác thuộc đồ gốm lịch, nên biến dần. Ta có thể coi đây là văn minh Hoa Tộc vừa manh nha hoặc là phát xuất từ Mésopotamie, nhưng khi tiếp xúc với văn minh tam biên của Viêm tộc mạnh hơn, nên đã tiêu trầm. Nền văn minh tam biên khác hẳn với văn minh Mésopotamie và ta gọi được là văn minh Đông Á của Viêm tộc mang nhiều dấu tích chung với dân bản thổ Mỹ châu Astèque và Maya, đáng chú ý nhất là loại dao có hình chữ nhật và hình bán nguyệt. Do đó nhiều học giả kết luận là có một lò phát xuất văn minh khác với Tây Âu và đã lan tỏa khắp cõi Đông Á và Mỹ châu, cùng đã trải qua nhiều đợt tiến, đến lượt thứ ba thời xuất hiện với nồi tam biên, và khi tam biên lan tỏa về phía Tây (Cam Túc) thì bóp chết văn minh đồ gốm vẽ Ngưỡng Thiều. Tuy nhiên đó cũng chỉ là một ý kiến của Giáo sư Creel, nhiều người không theo nên coi Ngưỡng Thiều với tam biên cùng thuộc một gốc, và như vậy thì Ngưỡng Thiều cùng một ngành của văn minh tam biên, thay vì nói Ngưỡng Thiều là do Mésopotamie. 3) Sau đó đến giai đoạn Long Sơn gồm những đồ sứ đen làm bằng bánh xe, loại này xuất hiện sau thời tam biên, đi trước nhà Thương và đã có được một số nét đặc trưng không gặp trong các đợt trước. Kinh đô của họ ở Thành Tự Nhai (Hà Nam), họ tiến bộ hơn người các đợt trước, xem ra hiếu chiến hơn, và đã biết nuôi bò và ngựa, có bói mu rùa. Hầu chắc là phát xuất từ Đông Bắc, rồi truyền bá đến miền Tây. 4) Sau cùng đến văn minh nhà Thương, được phát giác do những miếng xương, hay mu rùa dùng để bói đào được ở An Dương do Hàn lâm viện Tàu thâu lượm từ năm 1929 đến 1933. Các xương này cũng như các đồ đồng tìm ra được thuộc cùng một thời kỳ, đều có khắc một lối chữ rất xưa, các chuyên viên phải làm việc cả hàng chục năm mới đọc ra được, nên có người ví với công trình đọc ra được chữ Nêm Ai Cập của ông Champollion. Việc khám phá này đã đem lại một hình ảnh mới về Trung Hoa cổ đại, vì có tài liệu chắc chắn hơn quan niệm cổ truyền, nhưng đồng thời cũng đánh đổ nhiều quan niệm của các nhà tân học nghi ngờ những thuyết xưa quá đáng. Đây là giai đoạn bắt đầu có lịch sử xưa nhất đối với Tàu. Văn minh đồ đồng này có liên hệ với đồ sứ đen chăng, hay là do Tây phương đưa tới. Đó là vấn đề chưa giải quyết được, nhưng chắc một điều là nếu có do Tây đưa vào thì cũng đã được cải tiến mau lẹ và vượt xa kỹ thuật Tây phương. Đồ đồng được đúc theo mẫu tam biên và trang trí hoàn toàn kiểu Đông Á nên có thể nói đồ sứ nhà Thương tiếp nối đồ sứ đen Long Sơn (Creel. 49), và ta có thể tạm rút ra kết luận như sau: Đây là một nền văn minh độc lập cả về nhân chủng lẫn văn hóa. Tuy có những cuộc xâm nhập và pha dòng máu, nhưng đó chỉ là chuyện ít và từng thời, cũng giống như văn hóa tuy có vay mượn nhưng về nền móng thì kể là một nền văn hóa độc lập, đã có những yếu tố riêng biệt vững chắc trước khi vay mượn. Giáo sư Creel kết luận về trục Tây Đông rằng: “Văn minh Trung Hoa đã không phải nhập cảng toàn bộ từ Tây, nó cũng không phát triển trong một phía Đông khép kín. Thực ra nguồn gốc của nó phức tạp hơn nhiều, một số yếu tố nền móng như lúa gạo xem ra phát xuất từ một gốc văn hóa khác ở về phía Nam” (p. 50). Đó cũng là điểm được các học giả khác chú trọng đến. Maspéro ghi chú hai nước Ngô, Việt chuyên trồng lúa và ưa các loại lúa Chiêm Mễ với Hòa 占 米 禾 (281 Maspéro). Điểm này có thể coi là kiện chứng cho chủ trương Viêm tộc, Việt tộc (cấy lúa nông nghiệp) đã chiếm cứ Dương Tử Giang rồi tràn lên phía Bắc như sẽ nói ở bài dưới. IIITìm về nguồn gốc Việt hoa theo sử truyền C on người xuất hiện vào lối 500.000 năm trước đây rồi lần lượt bị tiêu diệt qua bốn đợt băng tuyết, những người còn sống sót kéo nhau lên các miền núi cao nguyên sống trong hang hốc. Sang đến Tân thạch (tương đương với sung tích kỳ: holocène, lối hơn mười ngàn năm trước đây) sau khi làn băng giá thứ tư tan rã, khí hậu trở nên ấm áp, loài người lục tục dời bỏ những hang động trong dãy Thiên Sơn (Tây Bắc Tibet và Tây Tân Cương) để thiên di xuống các vùng bình nguyên. Theo Vương Đồng Linh trong quyển Trung Quốc dân tộc sử thì một nhóm sang phía Tây làm thủy tổ giống da trắng. Trong những người tiến về phía Đông làm thủy tổ giống da vàng có hai chi gọi là Bắc tam hệ và Nam tam hệ. Bắc tam hệ là ba phái đi theo Thiên Sơn Bắc lộ gồm có: 1) Phái Mãn tộc chiếm lĩnh vùng cực Đông Bắc Trung Hoa ngày nay (cũng gọi là Thông-cổ-tư: Tongouses). 2) Phái Mông Cổ chiếm lĩnh chính Bắc Trung Hoa. 3. Phái Đột Quyết (Turcs) chiếm lĩnh Tây Bắc Trung Hoa và Đông Nam Tây Bá Lợi Á, vì theo đạo Hồi nên gọi chung là Hồi tộc. Nam tam hệ gồm có ba tộc là Miêu, Hoa, Tạng. Theo Mộng Văn Thông trong quyển Cổ sử nhân vi ba phái này nguyên tên là Viêm, Hoàng, Tần. 1) Về sau Hoàng tộc tự xưng là Hoa tộc. Hoặc có thể nói ngược lại là Hoa tộc là tên chính sau mới đổi ra Hoàng tộc rồi cuối cùng lại đổi ra Hán tộc. Tuy nhiên Hán chỉ là tên của một Vương triều y như Đường, Tống, Minh, Thanh vậy. Còn chính tên là Hoa tộc. 2) Về Viêm tộc cũng gọi là Miêu tộc, và Việt tộc. 3) Tạng tộc (Tibétains) thì đi lần theo Thiên Sơn Nam lộ tới định cư ở vùng Hy Mã Lạp Sơn rồi sau lan ra vùng Thanh Hải, Tây Khương. Rất có thể Anh-đô-nê là một nhóm trong ngành này tiến vào vùng A Xam của Ấn Độ sau bị người Aryen đuổi nên thiên di qua Việt Nam và Borneo… Riêng về lịch sử của hai dân tộc Viêm Hoa liên hệ gần tới ta nhất lại rất nhiêu khê, đại để có thể như sau: Thoạt kỳ thủy, Viêm tộc theo dòng sông Dương Tử vào khai thác vùng Trường Giang thất tỉnh tức là bảy tỉnh thuộc Dương Tử Giang là Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, rồi lần lần một mặt theo bình nguyên Hoa Bắc lên khai thác vùng Hoàng Hà lục tỉnh là Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Thiểm Tây, Cam Túc. Còn phía Nam thì lan tới lưu vực thứ ba gọi là Việt Giang ngũ tỉnh gồm Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến. Cả năm tỉnh này từ lâu đều có người Viêm tộc cư ngụ. Theo Chu Cốc Thành trong quyển Trung Quốc thông sử và một số sử gia nữa thì Viêm tộc đã có mặt ở khắp nước Trung Hoa cổ đại trước khi các dòng tộc khác tràn vào, nên Viêm tộc kể là chủ đầu tiên. Khi Viêm tộc đã định cư rồi Hoa tộc tuy theo Thiên Sơn Nam lộ như Viêm tộc nhưng còn sống đời săn hái vùng Tân Cương, Thanh Hải, hồi đó còn là Phúc Địa vì cát chưa lấn được những đất phì nhiêu, để biến thành sa mạc như ta thấy ngày nay, về sau họ theo khửu sông Hoàng Hà tiến vào Bắc Trung Hoa chiếm lại đất của Viêm tộc ở vùng này, và bị Si Vưu, lãnh tụ Viêm tộc chống cự. Lãnh tụ Hoa tộc là Hiên Viên tập hợp lại các bộ lạc Hoa tộc để cùng với Viêm tộc ba lần đại chiến trong đó có trận Trác Lộc. Trong quyển Kỳ môn độn giáp toàn thư còn câu hát: “Ngày xưa Hoàng Đế đánh Si Vưu, cuộc chiến ở Trác Lộc đến nay tưởng như chưa dứt” (Tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu: Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu). Từ khi Si Vưu bị tử trận thì Hoa tộc bá chiếm 6 tỉnh lưu vực Hoàng Hà để lập quốc. Hiên Viên nhờ vậy được công kênh lên làm tông tù trưởng và xưng hiệu là Hoàng Đế. Tại sao Viêm tộc đông hơn lại chịu lùi bước trước Hoa tộc vừa tới sau vừa ít người hơn? Có thể giải nghĩa theo những lý do sau đây. – Viêm tộc ở rải rác khắp 18 tỉnh nước Tàu nên dân cư rất thưa thớt không thể chống cự đoàn người du mục kết thành một đạo quân hùng mạnh. – Viêm tộc lúc đó còn ở trong tình trạng thị tộc hay bộ lạc chưa đạt ý thức quốc gia, nên thường xung đột nhau, bởi vậy cháy nhà hàng xóm bình chân như vại. – Vì Viêm tộc đã đạt định cư nông nghiệp sớm hơn nên văn cao mà võ kém. Đó là luật chung. Con người tiến bộ nhiều ít về văn hóa là tùy theo cái nhìn rộng hay hẹp. Vậy cái nhìn của người làm ruộng phải kéo dài ra cả năm để biết tứ thời bát tiết đặng định thời gieo, thời gặt, v.v… Ngược lại người đi săn chỉ cần rình con mồi trong vòng 1, 2 ngày, vì thế cái nhìn hẹp hơn cái nhìn của nhà nông. Nhà nông phải nhìn rộng nên bước lên bậc văn hóa cao hơn. Khi đạt văn hóa cao thì tất nhiên có lễ nghĩa và mở rộng mối giao tiếp… Khác với những giai đoạn săn hái hoặc du mục nay đây mai đó không có địa chỉ nhất định, nên chưa dùng đến ước lệ, lễ tục, mà chuyên dùng võ lực. Chu Cốc Thành trong quyển Trung Quốc thông sử dẫn sách The state của Franz Oppenheimer chứng rằng: Tự cổ chí kim chiến đấu lực của những dân tộc du mục bao giờ cũng vẫn cao hơn dân tộc nông nghiệp. Hồi đó Hoa tộc còn sống đời du mục, những năm đồng khô cỏ héo, họ thường lấy sự cướp bóc làm sinh hoạt: còn Viêm tộc đã định cư có của tư hữu nên người đâm ra nhút nhát hiếu hòa. Vì một hay tất cả những lý do trên mà Hoa tộc du mục đã thắng Viêm tộc nông nghiệp, một việc sẽ còn lặp lại nhiều lần về sau trong lịch sử. Sau khi đã thắng Viêm tộc, Hiên Viên liền phỏng theo sinh hoạt của dân tộc này mà tổ chức Hoa tộc: Ông chia 6 tỉnh Hoàng Hà ra làm 9 khu vực: “phân cửu châu” y như Cửu lê của Si Vưu, chọn 4 bộ lạc hùng mạnh đồng tộc với ông gọi là “tứ nhạc” để giữ gìn bạn thân. (Theo Lữ Tư Miễn trong Trung Quốc dân tộc chí). Và do đó nhận tất cả các phát minh của Si Vưu (tức Viêm tộc) làm của mình. Chính vì thế mà sử sách chính tông thường gọi Hoàng Đế là người đã phát minh ra thiên văn, âm nhạc, quần áo, nhà cửa, giao thông, hôn lễ, y thuật, nuôi tằm, điền thổ, hôn thú, võ bị, chính trị, v.v… Tóm lại các sử gia quy công phát minh tất cả cho Hoàng Đế, và chính với Hoàng Đế, lịch sử Trung Hoa mở đầu là như vậy. Hoàng Đế truyền 7 đời tới vua Thuấn 2697 – 2205 TCN. Nhà Hạ: vua Đại Vũ truyền 17 đời tới vua Kiệt 2205 – 1783 TCN. Nhà Thương: vua Thành Thang truyền 28 đời tới vua Trụ 1783 – 1134 TCN. Nhà Chu: Văn Võ truyền 37 đời tới Đông Chu 1134 – 247 TCN. Tất cả bấy nhiêu đời có thể gọi là thuộc Hoa tộc về mặt chính trị, nhưng về văn hóa thì chính ra phần lớn thuộc Viêm tộc, nhưng chính sử đã vùi đi vì Viêm tộc một phần bị giết, hoặc bắt làm nô lệ, còn phần đông thì sống dưới quyền giám thị của Hoa tộc (tri tả hữu đại giám) ở ngay trong nội địa hoặc bị phân sáp ra khai thác các miền chung quanh và gọi là: Di (phía Đông) Địch (phía Bắc) Nhung (Phía Tây) Man (phía Nam). Cũng có thói quen gọi 4 đại diện của Di, Địch, Nhung, Man là tứ hung. Sau này Viêm tộc sẽ quật lại và sự quật khởi đó sẽ kết tinh vào câu “tứ hải giai huynh đệ” (xem hình tứ hung Need. II. 116). Còn Viêm tộc bên ngoài 6 tỉnh Hoàng Hà thì vẫn sống thản nhiên trước sự đau lòng mất nước của họ hàng trên phía Bắc. Những người này lâu lâu nhờ lúc nội bộ Hoa tộc có biến thì nổi lên để vãn hồi độc lập, như cuối đời Thiếu Hạo, mãi tới Chuyên Húc mới dẹp yên được. Cuối đời Đế Cốc họ lại vùng dậy và Đế Chí mất 9 năm không thu phục nổi phải nhờ đến vua Nghiêu mới thắng trận Đan Thủy. Khi vua Nghiêu nhường ngôi cho vua Thuấn, nhiều bộ lạc Hoa tộc không phục vì Thuấn là người Nam Man, Viêm tộc lại thừa cơ nổi lên trong số đó có ông Cổn bị kể là một trong tứ hung. Có thể ông Cổn thuộc Viêm tộc (nên gọi là Hung) hay ít ra đã bị cảm hóa theo Viêm tộc, nên sách Ngô Việt Xuân Thu (chương 6) chép, có lần ông Cổn gieo mình xuống sông hóa ra con gấu vàng (hùng) nhưng lại chỉ có ba chân nên chữ Hùng 熊 viết có ba chấm thay vì bốn chấm và trở nên thần của vực thẳm gọi là Vũ: “Nhân vi vũ uyên chi thần” 因 爲 羽 淵 之 神 (Danses 247). Viết ba chấm vì ba đi với Tam Miêu, còn vũ là lông đi với vật tổ của Tam Miêu có cánh mà không bay. Thêm một lý chứng nữa là con ông Cổn tên là Vũ quê ở Cối Kê kinh đô nước Việt Chiết Giang (Danses 610). Vì thế lần này vua Thuấn phải dùng giải pháp mạnh, đày số lớn Viêm tộc ra phía Tây huyện Đôn Hoàng, cửa ải địa đầu của Trung Hoa với Tân Cương ngày nay (thoán Tam Miêu ư tam nguy) (Trần An Nhân trong Trung quốc thượng cổ văn hóa sử). Phần bị phân tán ra từng bộ lạc nhỏ, phần bị đồng hóa, từ đấy trở đi Viêm tộc không còn là mối họa cho Hoa tộc nữa. Sau này Đông Di (Sơn Đông) bị nước Tề đồng hóa. Bắc Địch (Sơn Tây, Hà Bắc) bị các nước Tấn, Yên đồng hóa, chỉ còn lại có Tây Nhung sống trở lại đời du mục và lại trở nên hung hãn. Khi U Vương vì mê Bao Tự, bỏ vợ lớn và con trưởng nên bị Thân Hầu rước Khuyển Nhung của Tạng tộc về giết đi ở Li Sơn và đặt cháu ngoại vào ngôi con rể. Bình Vương đã bị kinh tế nông nghiệp thuần hóa nên khi thấy sắc diện hung hãn của Khuyển Nhung lúc vào cướp phá thì rất kinh sợ, nên tính việc thiên đô sang Lạc Ấp. Đường từ Cảo Kinh ra Lạc Ấp đầy những bộ lạc ăn cướp, Bình Vương lại không có binh quyền gì cả, phải nhờ Tây Nhung hộ tống. Để tạ ơn ông cho bộ lạc này những đất đai của tổ tiên khai phá xưa, đó là Quan Trung mà ông không dám ở nữa. Nhờ vậy Viêm tộc có một khoảng đất để dựng lên nước Tần, sau này sẽ tóm thâu thiên hạ. Vì tính tình đã trở nên hung hãn theo đời sống du mục, nhưng chính gốc là Viêm tộc (Danses 572). Còn Nam Man ở Trường Giang, khi vào Tứ Xuyên đã chia 2 ngành: một theo chân gia súc xuống Vân Nam, tới phía Tây Nam tỉnh này thì định cư và đi vào nông nghiệp. Vì dân ngày một đông lại thêm bị áp lực của Hoa tộc từ năm 866 thua Cao Biền, nên vào đầu thế kỷ thứ 10, noi theo triền sông Salouen và Mékong xuống thực dân miền Đông Bắc Miến Điện (dân Shan), Tây Bắc Việt Nam (miền Sơn La, Lai Châu, Hà Giang) mở ra nước Lào, nước Xiêm. Ngày xưa Hoa tộc gọi là Tây Nam Man, ngày nay ta gọi là dân tộc Thái có thể là tên lúc còn ở núi Thái Sơn, giai đoạn mở đầu của Viêm tộc. Sang đầu kỷ nguyên họ phân ra 6 bộ lạc là Lang Khung, Thi Lăng, Đằng Đạm, Việt Tích, Mông Tuấn, Mông Xá, vì ở phía Nam (huyện Sở Hùng). Mông Xá lại có tên là Nam Chiếu. Những khi Trung Hoa có biến, họ thường vào quấy phá như hồi Hán mạt, Ngũ hồ, tàn Đường v.v… Vua Đường Huyền Tông phải cắt đất để mua lòng họ. Năm Khai Nguyên thứ 26 (738) vua phong cho Bì La Cáp (Trung Hoa kêu là Mông Quy Nghĩa) làm Vân Nam Vương đóng đô ở Côn Minh, từ đấy trở đi đến năm 866, họ dọc ngang 5 tỉnh Việt Giang, nước ta cũng chịu phần cướp phá cho đến năm 866 Cao Biền mới dẹp yên. Năm 1380, quân Nguyên vào diệt Hoàng tộc bắt vua đưa về Nam Kinh xử tử. Tuy vậy thỉnh thoảng vùng Tây Nam Vân Nam lại dấy động. Lần chót cách đây mấy chục năm và thành Đại Lý hoàn toàn bị thiêu rụi. Còn những Viêm tộc ở các tỉnh lưu vực Trường Giang mà Hoa tộc kêu chung là Đông Nam Man thì khai thác vùng hồ Động Đình, Bành Lãi trên sông Dương Tử. Hoa tộc trên vùng Hoàng Hà gọi vùng này là Kinh cức tức là rừng rú, nhân đó có tên là Kinh man (sau sẽ thành nước Sở đời Xuân Thu). Trước đây lối 2897 năm, tù trưởng các bộ lạc Viêm tộc ở đây xưng là Kinh Dương Vương vì nghề nông nên thờ Thần Nông làm tiên tổ. Và có lẽ vì đó nên chữ Việt với bộ Mễ mà họ Mễ mà nay ta quen đọc là họ Mỵ như Mỵ nương, Mị châu thì cũng có thể đọc là Mế nương, Mế châu. Đây là một họ rất lớn của nước Việt cũng như nước Sở sau này, nên hai nước có những liên lạc chặt chẽ, và do đó mà vua nước Sở sau này gọi là Hùng Vương. Có lẽ Hùng Vương của Văn Lang cũng như của nước Sở đều là gợi hứng từ một gốc chung. Gốc đây có thể là Hồng Bàng hay là hùng dũng. Riêng vì nước Sở thì ở đời Chu Sở (1134), lãnh tụ của Viêm tộc là Hùng Dịch vì có công giúp khai sáng nhà Chu nên được phong chức Tử Nam, lập nên nước Sở gồm 6 tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Giang Tô, An Huy, Chiết Giang. Những dân tộc ở ba tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây vì giao thiệp với Hoa tộc nên dần dần văn hóa in rập văn hóa của Hoa tộc. Còn ba tỉnh An Huy, Giang Tô, Chiết Giang (Giang Đông) vì bế quan tỏa cảng nên giữ nguyên vẹn ngôn ngữ, phong tục tập quán xưa. Đến đời Chu Hoàn Vương (717 – 696 TCN), Hùng Thông tự lập làm Sở Võ vương nên sau đó ít lâu những dân Viêm tộc ở ba tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang cũng tách ra lập nên nước Ngô, nước Việt. Cả ba nước này (Sở, Ngô, Việt) đều một gốc của tổ tiên ta xưa, nhưng không may vì ý thức quốc gia chưa đủ mạnh nên ba nước họ hàng liên miên đánh phá nhau: Năm 508 TCN, quân Ngô vào kinh đô Sở là Dĩnh đô diệt Hoàng tộc họ Hùng. Năm 473 TCN, Việt diệt Ngô. Năm 334 TCN, Sở diệt Việt. Mỗi lần một nước bị diệt là có một nhóm di cư xuống Bắc Việt, như vào lúc Ngô phá Sở diệt họ Hùng Vương thì một chi nhánh của họ này chạy xuống Bắc Việt cùng với những nhóm Viêm tộc đến đây trước lập nên nước Văn Lang truyền 18 đời đến năm 258 TCN bị nhà Thục thôn tính. Trên đây là tóm lược một số giả thuyết đã quen (và một phần mượn trong bài Nguồn gốc dân tộc Việt Nam của ông Hoàng Xuân Nội đăng trong tạp chí Văn hóa Á Châu tháng 8-1960). Theo một vài tài liệu khác thì tiền sử nước ta đại khái có thể chia ra ba giai đoạn như sau: 1) Thời đại Thái Sơn thuộc dãy Thân Lĩnh. Đây là giai đoạn Tam Hoàng mà vua cuối cùng là của Việt tộc tên Thần Nông cũng có hiệu là Liệt Sơn cùng với Thái Sơn một nghĩa. Thần Nông dạy dân cày bừa, nên gọi là Địa Hoàng. Trước đó có Toại Nhân phát minh ra lửa nên gọi là Thiên Hoàng, rồi tới Phục Hy dạy cách chăn nuôi làm ra bát quái nên gọi là Nhân Hoàng. Còn Nữ Oa hoặc là vợ Phục Hy hay như bóng dáng Nghi Mẫu của thời Nam Nữ phân quyền. 2) Thời đại Ngũ Lĩnh: Đời Viêm Đế thứ ba vì sức bành trướng của Hoa tộc Đế Minh truyền ngôi cho con là Đế Nghi rồi đem một số bộ lạc Miêu và Thái đi xuống vùng năm hồ năm núi. Đấy là cuộc Nam tiến thứ nhất lập ra nước Xích Quỷ gồm ba hệ: – Hệ Âu Việt (Thái) ở Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam, Miến Điện. – Hệ Miêu Việt ở giữa thuộc các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây. – Hệ Lạc Việt ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Bắc Việt, Trung Việt[2]. 3) Thời đại Phong Châu: lập ra Văn Lang… Tiếp đến là Hán thuộc. Ngoài ra còn có nhiều thuyết như của ông Aurousseau (Befeo XXIII) cho rằng nguồn gốc Việt Nam do Việt Chiết Giang tản cư xuống thì cũng chỉ đúng có một phần rất nhỏ. Ta có thể nói từ tất cả các vùng nước Tàu đều có người đến định cư ở Việt Nam, xa như nước Lỗ mà còn có Sĩ Nhiếp, Triệu Đà v.v… thì nhất định trong nhiều ngàn năm trước đã có những cuộc di cư như thế. Những câu chuyện đi lại của Đế Lai, Đế Nghi, Âu Cơ v.v… hẳn là chỉ những cuộc di cư này đã có ít ra lối năm ngàn năm, vì người ta đã tìm thấy dấu tích người Mông Cổ ở thời Thạch Khí Hòa Bình và Bắc Sơn. Trong hang gọi là Tam Hang, bà Colani tìm thấy 7 cái sọ thì đã có hai sọ thuộc Anh-đô-nê lai Mông Cổ, một sọ lai ba giống Anh-đô-nê, Mông Cổ, Tam Pong, thì phải kết luận là họ đến cư ngụ đã lâu đời để có thể sống chung, thân cận như vậy. Vì thế khi huyền sử đặt họ Hồng Bàng trước Hoàng Đế 182 năm thì nước Văn Lang cũng đã bao hàm cả Bắc Việt, tuy rằng Văn Lang còn nằm trong vùng Kinh Sở, nên 18 đời Hùng Vương là thuộc nước Sở, tuy rằng đã trở thành linh tượng (tức vượt Không Thời gian). Dấu hiệu đã hiện ra rõ rệt với những con số 18: 18 là hai lần 9 mà 9 căn 3 tức là con số của Tam Miêu cũng là chỉ là Viêm tộc. Con số 18 là con số huyền niệm làm liên tưởng đến 18 ngàn năm tiến hóa của Bàn Cổ. Truyền thuyết Tây Tạng nói vũ trụ sinh ra do một cái trứng lớn, trứng lớn sinh ra 18 trứng nhỏ. Phù Đổng Thiên Vương xin vua Hùng Vương đúc cho con ngựa sắt cao 18 thước… Vì thế nếu thật nước Sở đã có 18 đời Hùng Vương thì đó là sự tình cờ gặp gỡ với số huyền niệm, hoặc rất có thể sử gia nước Sở đã đẽo gọt cho các đời vua ăn khớp với số 18. Ngoài con số 18 còn nhiều dấu khác, theo sách Việt sử lược (viết vào thế kỷ 14) thì Hùng Vương là con người khác thường có tài dùng huyền thuật nên cai trị được các bộ lạc… (hữu dị nhơn yên dĩ huyền thuật phục chư bộ lạc, tự xưng Hùng Vương, đô ư Văn Lang, hiệu Văn Lang quốc). Theo truyền thuyết này ta thấy rõ Hùng Vương đã trở thành linh tượng của huyền sử mà những chữ dị nhân chỉ hiền triết, còn huyền thuật chỉ Lạc Thư, tức là sách bao gồm nền Minh triết dạy trị nước theo Trí nhân, mà cho được như vậy phải có đức hùng dũng (trí, nhân, dũng). Còn nước được cai trị theo lối đó gọi là Văn trị, tất nhiên phải gọi là Văn Lang để đối đầu với lối trị bằng pháp hình phát xuất từ du mục. Các con số Lạc Thư cộng chiều nào cũng ra 15, nên Hùng Vương chia nước ra làm 15 bộ, vậy thì 15 bộ ở đây cũng chỉ là những tên huyền sử, người sau có đem đặt cho những miền ở Bắc Việt đi nữa thì đó cũng chỉ là một lối dùng tên xưa đặt cho địa vực mới, y như trường hợp đem các tên mạn Bắc thí dụ “Hành Sơn” ở tỉnh Hồ Nam bên tàu đặt cho dãy núi ở nước ta. Nếu người nay không tìm ra địa vực của những tên đó như Văn Lang, Việt Thường, Bình Văn… bên Trung Hoa cổ đại, thì không nên vội kết luận ngay rằng xưa đã không có đâu gọi như thế. Hoặc không có đâu gọi thế càng hay vì càng rõ tính chất huyền sử của danh hiệu. Sau này có những người không hiểu rồi làm sai lạc ý nghĩa đi thì đó là chuyện thường. Vậy những chủ trương loại Maspéro nói Hùng Vương chính là Lạc Vương viết sai… đều không lưu ý tới huyền sử. Giả có sự sai đó thì cũng chỉ là một sự sai của người xưa, điều đó không xóa bỏ nổi truyền thuyết 18 đời Hùng Vương được. Nên nhớ rằng ngay từ xưa đã có nhiều dòng lưu truyền và nhân đó cũng đã có nhiều lối giải thích, những lối giải thích nào hợp với văn hóa nông nghiệp chống văn hóa du mục là lối giải thích hợp đồng văn lịch sử Viễn Đông nhất, và đó là trường hợp những trang huyền sử của Việt Nam cũng là những trang sử của văn hóa, một nền văn hóa đã mở rộng tự Bắc tới Nam và được trình bày trong những sách mang danh hiệu huyền sử một cách công khai như Việt điện u linh hay Lĩnh Nam trích quái, thì những chữ U linh hoặc trích quái nói lên rõ tính chất huyền sử. Nói là huyền sử vì nó chỉ thị một nền văn hóa lớn lao đã có từ lâu đời và vẫn gắn liền với nước Việt Nam như một sứ mệnh. Nói khác, theo huyền sử thì nước Việt Nam được nhìn dưới hai khía cạnh, một là sử với bờ cõi nhỏ hẹp của vài ba châu ở mạn Nam nước Tàu và mới khai quốc từ Triệu Đà, nhưng ngoài ra còn một khía cạnh khác nữa là huyền sử với bờ cõi rộng bằng với nền văn hóa nông nghiệp được biểu thị bằng hai chữ Văn Lang với 18 đời Hùng Vương đã xuất hiện trước lịch sử lối 3 ngàn năm. Vậy khía cạnh này không được sử gia kể tới là chuyện dễ hiểu: Sử ký Tư Mã Thiên chỉ nói Lạc Vương mà không nói Hùng Vương vì ông là người quá lý trí (như Chavannes đã nhận xét) nên gảy bỏ các chuyện huyền thoại; vả ông là sử gia nhà Hán thì đời nào ông chịu nhận Hùng Vương của Việt Nam vì như thế là gián tiếp truy nhận lãnh thổ cũ Việt Nam nằm sâu trong nước Tàu. Đến như sách Giao Châu ngoại vực ký (thế kỷ 3 – 4) cũng chỉ có thể nói Lạc hầu mà không thể nói về Hùng Vương vì nếu nói là vượt địa vực “Giao Châu” cũng như vượt mục đích là ký (tức ký sự về một miền: monographie). Còn chuyện Thẩm Hoài Viễn (thế kỷ thứ 5) đã thay Lạc Vương bằng Hùng Vương trong quyển Nam Việt chí của ông ta thì đó là điều tỏ ra ông là người duy lý nên đã dùng chữ Hùng Vương mà giải nghĩa Lạc Vương một cách duy vật bằng mùi đất: “Đất có mùi hùng nên gọi là Hùng Vương”! Thế là cũng như các duy sử khác chọn bỏ một: chọn Hùng Vương bỏ Lạc Vương. Đó là một sai lầm trái với truyền thống có tính cách tâm linh tức giải nghĩa bằng những yếu tố theo người, người lạ thường có tài dùng huyền thuật… Như lối giải nghĩa của Việt sử lược (lối thế kỷ 14). Lối giải này thuộc dân gian vẫn được duy trì và cuối cùng được ghi lại trong sách Lĩnh Nam trích quái (thế kỷ 14 – 15), trong đó trưởng nam cai trị xưng là Hùng Vương, các em chia nhau người làm Lạc hầu, người làm Lạc tướng (Hùng trưởng vi vương, hiệu viết Hùng Vương thứ vi Lạc hầu Lạc tướng…). Trưởng nam đây phải hiểu vào thời hơn hai ngàn năm trước, còn các em là vùng Âu Lạc ở Bắc Việt thuộc đời sau đã đi hẳn vào lịch sử. Hùng Vương thuộc vòng trong = văn hóa tâm linh, Lạc hầu thuộc vòng ngoài chính trị là phạm vi sử ký. Ngô Sĩ Liên tiếp nhận cả hai khía cạnh vào quyển Đại Việt sử ký toàn thư là đi đúng với sự thực toàn diện, chỉ không may mắn ở chỗ ông muốn dùng lý lẽ để biện hộ cho những sự việc thuộc huyền sử, vì làm như vậy là ông cũng đã ghé sang duy sử tức chọn một bỏ một bằng cách giản lược huyền sử vào lịch sử. Nếu ông chỉ kể lại huyền sử và đặt ở phần ngoại kỷ được tận cùng trước Triệu Đà rồi đừng giải nghĩa chi hết, thì không ai bẻ ông được. Tuy nhiên dù ông có lầm lẫn cũng như giả sử có sự lẫn Lạc Vương ra Hùng Vương đi nữa thì đó là sự lầm lẫn của một vài sử gia, không thể vì đó mà chối tuột đi được mối liên hệ giữa Việt Nam với những dân gọi là Viêm tộc, Tam Miêu, Bách Việt xưa kia đã sống từ mạn Bắc nước Tàu và thiên di xuống phía Nam, vì đã để lại quá nhiều chứng tích trong sách vở, thể chế thói tục như sẽ bàn trong sách này. Ở đây chỉ xin nêu ra một số điểm lấy ngay từ những di tích khảo cổ tìm được ở Bắc Sơn, Đông Sơn mà các nhà tân học thường làm ngơ, hay có lẽ đúng hơn là không nhìn ra vì tôi chưa thấy một học giả nào trong nhóm tân học đã nắm vững cơ cấu nền văn hóa của Văn Lang, thì tất nhiên là không nhìn ra. Sau đây là một số điểm. Trước nhất là khu vực của trống đồng Đông Sơn rất rộng, nó gồm ít nhất là Hoa Nam, miền sông Hoài, Chiết Giang và lan sang đến Đài Loan, Nhật Bản… như vậy là nó rộng tương đương với bờ cõi nước Văn Lang. Các nhà duy sử hình như quên đi rằng những sọ người Mông Cổ đã gặp được ở cổ Việt ít ra lối hai, ba ngàn năm trước kỷ nguyên, nghĩa là suýt soát thời “khai quốc” của họ Hồng Bàng, và hầu chắc đã đóng vai trò văn hóa quyết liệt, bởi vì những yếu tố nổi nhất trong trống đồng đều có thể giải nghĩa liên hệ đến nền văn hóa Viêm tộc. Sau đây là ít thí dụ: trước hết là hình vẽ vòng tròn có chấm, hình trôn ốc kép bởi chữ S thì theo ông Bernhard Karlgren bắt nguồn từ những miền thuộc Mông Cổ như Ordos, Tagar rồi đi qua Trung Hoa để đến Đông Sơn (Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities 1942 p. 390)[3]. Thứ đến là ngôi sao ở giữa trống đồng thường được các nhà khảo cổ giải nghĩa về sự thờ mặt trời… thì điều đó rất có thể liên hệ với Viêm tộc cũng gắn liền với mặt trời như sẽ bàn sau (Xích Quỷ, Nhật Nam). Yếu tố quan trọng thứ ba là giống chim cao cẳng dài cổ quả là có liên hệ với giống chim nước được ghi lại trong hai chữ Hồng Bàng (như sẽ bàn sau trong danh hiệu Xích Quỷ), chim hay đi kèm vật tổ tiên, nên chim với tiên vẫn đi đôi. Có người muốn thay Hùng Bàng vào Hồng Bàng, điều đó không cần: Hồng Bàng sửa soạn cho Tiên Rồng, cho Hùng Vương, chữ Hùng viết với bộ chuy bao hàm hồng đều là chim Việt điểu. Thứ tư là ngôi sao tám cánh có thể là hình Lạc Thư biến thái (8 trù với vòng tròn chỉ Hoàng cực) vị chi Cửu trù. Năm là 4 con chim chung quanh có thể là ngũ hành (vòng giữa là hành thổ). Sáu là cái trống và chiêng do người đàn bà đánh nhịp làm liên tưởng tới cái cồng (thay cho trống) đi với bà khác với lệnh của ông (xem bài VIII Khi văn minh cồng gặp văn minh lệnh). Trong đó các bà gõ nhịp là giai đoạn mẫu hệ mà Lĩnh Nam trích quái nói: “Âu Cơ cùng với bộ chúng thị thiếp ở lại hành tại”. Hành tại là có ý chỉ giai đoạn các bà làm chủ, con chưa biết cha, vì chưa có phép cưới nên chồng bà Âu Cơ có thể là Đế Lai rồi sau là Lạc Long Quân. Mấy ông thanh giáo cho đó là chuyện trái phép là vì không hiểu chuyện huyền sử đó chỉ thời kỳ săn câu, đàn ông chuyên môn ở dưới biển hay trong rừng. Lĩnh Nam nói: “Đế Lai chu lưu khắp thiên hạ trông thấy kỳ hoa dị thảo (rừng) quên cả ngày về”, “Long quân ở lâu dưới thủy phủ”... Đó là giai đoạn bắt cá (của Lạc Long Quân) và săn thú rừng (của Đế Lai)… Đàn bà ở lại nhà một mình làm chủ tịch và tiếp các đàn ông đi qua. Giai đoạn này dân nào cũng trải qua trước khi bước vào nông nghiệp. Vì Viêm tộc đi vào nông nghiệp trước Hoa tộc nên có dị biệt giữa hai nền văn hóa. Điều đó được ghi lại trong sách Lĩnh Nam như sau: “Lạc Long Quân nói với Âu Cơ ta thuộc thủy tộc, nàng là giống tiên, phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở với nhau lâu được. Bây giờ phải ly biệt: Ta đem 50 trai về thủy phủ, còn 50 trai khác theo mẹ về Phong Châu (bây giờ là huyện Bạch Hạc)” v.v… Đọc trang huyền sử này ta thấy rõ hai nền văn hóa Bắc Nam, thủy Bắc hỏa Nam, vuông Bắc tròn Nam, bánh giầy để trên bánh chưng tức là lúc bà còn trên ông, cồng còn hơn lệnh vuông hoặc dài. Bạch Hạc là nhắc lại vật biểu chim, nói “bây giờ là huyện Bạch Hạc” thì đã gây mầm lẫn lộn huyền sử với lịch sử. Chữ Bạch Hạc phải hiểu như các chữ Cửu châu (Cửu lê), Nhật Nam, Bình Văn (dùng văn mà bình trị) nếu gán cho một nơi thì chỉ là đem việc lớn áp dụng cho việc nhỏ, rất nên ý tứ kẻo làm hại ý nghĩa của huyền sử tức cũng là nghèo nàn hóa di sản văn hóa của dân tộc. Đó là vài ba “sự kiện” đưa ra để nói lên rằng huyền sử cũng có nền móng của nó và gắn liền ngay với những nền móng của lịch sử, nhưng lại tỏa ra rộng hơn, nên muốn hiểu rõ hơn cần phải vận dụng nhiều tài liệu khác để đáp ứng cho những vấn đề khác, thí dụ giống người Anh-đô-nê tìm được ở Bắc Sơn có cùng một họ hàng với Tây Man thiên di xuống Thái Lan, Miến Điện hay với giống Tây Tạng… hay họ là một giống khác hẳn với Hoa, Viêm, Tạng, v.v… Để trả lời điều đó cần phải có những đóng góp của các khoa địa chất, dân tộc học, thổ tục học và ngôn ngữ học được thực hiện trong những miền Tây Khương, Thanh Hải, Vân Nam, Thái, Miến, A Xam là những dữ kiện hiện chưa có. Nhưng giả sử một ngày kia sẽ có thì đó cũng chỉ là những dữ kiện của khảo cổ không biết nói, nên kém lịch sử, cũng như lịch sử có nói nhưng không sống nên hẹp hơn văn hóa. Văn hóa mới sống thực và chính vì sống nên uyển chuyển linh động và vì thế phải nói bằng huyền thoại để có thể hợp cho nhiều thời đại xưa cũng như nay. Và vì thế khi bước vào lĩnh vực văn hóa là chúng ta bước vào lĩnh vực sống, nền tảng của nó sống hơn nền móng của lịch sử và khảo cổ, do đó cũng thích thú và di dưỡng tâm hồn rất nhiều. Còn tất cả những dữ kiện thuộc tiền sử, khảo cổ, nhân chủng học nhắc đến trên đây đều chỉ có một giá trị hoàn toàn tương đối và giả thuyết. Tuy nhiên trong mớ những giả thuyết, những dữ kiện bấp bênh ta thấy nổi lên một thực thể lớn lao là nền văn hóa chung cho các hệ tộc tuy đầy tính cách tiểu dị nhưng vẫn hàm chứa một nét đại đồng lớn lao mà có người gọi là nền văn hóa Môn, còn tôi kêu là Việt Nho. Lẽ ra phải chú ý đặc biệt điểm này, nhưng cho tới nay chỉ có các tiểu tiết được lưu tâm còn phần đại đồng lại bỏ dở. Vì thế vẫn không vượt qua được vòng giả thuyết để tiến đến miền nền móng. Đó là điều chúng tôi thử khởi công từ các chương sau trong sách này cũng như vài ba tập sau. Chú thích về ít điểm sử địa khái quát thuộc Trung Hoa cổ đại vẽ theo khung Lạc Thư. Ung Châu: Thiểm Tây và Cam Túc có Hắc thủy, Nhược thủy… Ký Châu: Sơn Tây kinh đô Đường, Ngu, Hạ Duyện Châu: Sơn Đông, nước Lỗ, Tề, Thái Sơn Lương Châu: Tứ Xuyên phía Tây Nam Thiểm Tây Dự Châu: tỉnh Hồ Quảng giữa Kinh Sơn và Hoàng Hà có sông Y, Chiền, Lạc Thanh Châu: Sơn Đông Kinh Châu: Hồ Quảng giữa núi Hành Sơn và Kinh Sơn Dương Châu: Giang Nam gồm cả Thái Hồ Từ Châu: giữa núi Đại và sông Hoài Bản đồ gồm có 6 tỉnh Hoàng Hà và 7 tỉnh Trường Giang, bên dưới còn 5 tỉnh Việt Giang nữa, vị chi là 18 tỉnh. Trong 18 tỉnh đó Viêm tộc chiếm 16 còn Hoa tộc chỉ chiếm được có Cam Túc và Thiểm Tây (lĩnh vực của Hoa nhạc) sau lan tỏa ra dần đến Ký Châu rồi Duyện Châu, đẩy lui khối người lớn lao gọi chung là Viêm Việt tiến dần xuống phía Nam. Khối người đó ta có thể quy ra theo lược đồ đại để như sau: Xem La Chine antique H. Maspéro từ trang 4-23 có rất nhiều yếu tố gặp ý kiến trên đây. Thí dụ trang 4 nhấn mạnh về sự nước Tàu sơ khai bé xíu so với khối dân phía Nam… Trang 15, tác giả cho rằng ngôn ngữ Tàu khác hẳn với các dân phía Bắc: Mãn, Hồi, Mông, nhưng có nhiều yếu tố giống với các dân mạn Nam như độc âm, hệ thống lên giọng, danh từ với động từ như nhau… (xin nhường cho các nhà ngôn ngữ học). Trang 16, sự giống với các dân miền Nam hơn hết là về văn hóa, tôn giáo nên tác giả nhấn mạnh đến mối liên hệ văn hóa giữa Hoa và Viêm. Do đó sau này khi Hoa tộc chiếm các tỉnh phía Nam thì chỉ là chiếm về đàng chính trị, còn văn hóa vẫn là một, khác nhau ở tiểu tiết. Vậy thì có thể đưa ra ba kết luận: 1) Viêm, Hoa cùng phát xuất từ một gốc văn hóa. 2) Viêm tộc mượn văn hóa của Hoa tộc. 3) Hoa tộc mượn văn hóa của Viêm tộc. Xem ra cả ba đều có một phần sự thật. Kết luận đầu tiên có một phần xa xôi. Kết luận 2 đúng về tiểu tiết vòng ngoài. Kết luận 3 mới đúng đại đồng vòng trong và chỉ có kết luận 3 mới giải nghĩa được một số khó khăn chưa được giải quyết, thí dụ phận dã nước Việt, và giúp tìm ra ý thâm sâu của vô số truyện truyền kỳ, và nhân đó thiết lập được nền quốc học có căn bản vững chắc như sẽ bàn dịp khác. Ngũ Nhạc: Hằng Hoa Tung Thái Hằng Ngũ Hành là 5 ngọn núi xếp theo cung ngũ hành: – Hoa Sơn nằm trong tỉnh Thiểm Tây thuộc Hoa tộc. – Thái Sơn trong tỉnh Sơn Đông địa vực xưa của Việt và Thái cũng gọi là Đại tông – Hằng Sơn trong phía Bắc tỉnh Sơn Tây. – Hành Sơn phía Nam tỉnh Hà Nam. – Tung Sơn hay Trung Nhạc tỉnh Hà Nam. Tam Hà là: – Hoàng Hà lưu vực miền Hà Nội. – Hoài Hà lưu vực miền Hà Đông. – Lạc Hà lưu vực miền Hà Nam. Lạc Hà đóng vai quan trọng vì nằm ở Trung Cung (Dự Châu) nên cũng như Tung Sơn, làm nên Thái thất, Văn tổ, Nghệ tổ, v.v… [2] Về ít điểm sử địa khác luật Trung Hoa cổ đại vẽ theo khung Lạc Thư. [3] Ý kiến ông B. Karlgren đi ngược hai ý kiến của ba ông Olov Janse, Geldern, Victor Goloubew cho các kiểu vòng tròn có chấm và có tiếp tuyến, kiểu xoắn hình chữ S bắt nguồn từ Âu Châu (Hellstatt) đi qua Caucase qua Mông Cổ để truyền xuống Đông Sơn. Chúng tôi cho ý kiến trên rất đuối lý vì có những dữ kiện khác như lối vườn gọi là của Trung Hoa gặp thấy bên Ba Tư. Trong vườn có một hồ nước, giữa hồ có một đảo hình thần Kim Quy mệnh danh là “Vạn Phúc Sơn” trên đó có trồng nhiều hàng thông theo các số của Lạc Thư. (Xem René Grousset-Henri Massé. L’âme de l’Iran p. 96-97) Tuy hình ma phương có số 5 ở giữa này gặp thấy cả ở Ba Tư, Hồi giáo và Trung Hoa, nên không rõ nó khởi đầu phát xuất từ xứ nào. Nhưng nếu ta theo sự đâm rễ sâu và do đó sự ngự trị của nó trên nền văn minh liên hệ thì phải nói nó phát xuất từ văn hóa Nho Việt, một nền văn hóa y cứ trọn vẹn trên Lạc Thư (như sẽ bàn trong quyển Lạc Thư minh triết). Cái vườn Trung Hoa nói trên chỉ là sự rập khuôn của cái Hàm Trì hay là “hồ Động Đình” trong hồ nước tròn có cái nhà (đình) vuông. Và không là chi khác hơn là Hà Đồ Lạc Thư hay mẹ tròn con vuông, tức là nền móng văn hóa. Còn cái vườn Trung Hoa bên Ba Tư có thể mới chỉ là một biểu tượng mới được sáp nhập, chưa đâm rễ sâu vào nền văn hóa Ba Tư được như Lạc Thư đối với nền văn hóa Nho Việt, trở thành Nguyệt lệnh, Linh đài, Linh chiểu, Bích ung. Có thể kết luận như thế về hình tròn có chấm, v.v… nhất là ý kiến của các ông Janse, Geldern, Goloubew nằm trong chủ trương mọi yếu tố văn minh đều phát xuất do Âu châu. Một ý kiến hỗ tương cho óc đế quốc thực dân, nên rất đáng nghi ngờ. IVBa đợt văn minh C ó người cho rằng các cụ xưa thêu thùa khi móc nối tổ tiên Việt vào họ Thần Nông! Đó không phải là thêu thùa mà tất nhiên phải như thế, bởi vì Bách Việt với Tam Miêu là hai ngành lớn của Viêm tộc cũng có thể nói Viêm tộc là tên đầu tiên của Bách Việt thuộc dòng dõi Thần Nông. Chữ Thần Nông đây không nên hiểu là một nhân vật nhưng là một đợt văn minh đã đi vào nghề Nông. Thần Nông lấy hiệu là 炎 帝 Viêm Đế. Chữ Viêm kép bởi hai chữ hỏa nên Thần Nông cũng là thần Lửa, vì có thể do hai lý do sau: một là để duy trì kỷ niệm phát minh ra lửa (Toại Nhân), hai nữa là dùng lửa đốt rẫy phá hoang để cấy lúa. Vì một hoặc cả hai lý do đó mà từ hậu nông nghiệp và lửa gắn liền với Viêm tộc trong rất nhiều danh hiệu như Xích quỷ (quẻ Ly), Thái Hạo, Đế Minh, Nhật Nam, v.v… Vì thế con cháu Thần Nông hay những người làm nghề nông đầu tiên gọi là Viêm tộc. Và khi sử viết rằng cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh thì chỉ có ý nói tới mối liên hệ nông nghiệp đó. Có lẽ người xưa đã muốn ghi mối liên hệ này vào dạng tự, vì chữ Việt 粤ban đầu viết với bộ Mễ 米 là gạo, còn chữ Miêu 苗 viết với bộ thảo và chữ điền nói lên rõ tính chất nông nghiệp, nên trong Kinh Thư gọi họ là “Hữu Miêu” 有 苗 nghĩa là dân có ruộng. Vì mối liên hệ văn minh nông nghiệp này nên việc gì xảy tới cho Thần Nông cho Hữu Miêu thì cũng âm vang sang Bách Việt. Bởi cả hai đều là con cháu Thần Nông cùng là Viêm tộc, tức cùng chung một nền văn hóa nông nghiệp và sự kiện lịch sử lớn lao hơn hết trong nền văn hóa này là việc chống lại nền văn minh du mục của Hoa tộc tuy đến sau nhưng lại mạnh hơn. Nhưng mạnh hơn về võ lực mà lại yếu hơn về tinh thần nên cuối cùng mỗi bên đóng góp một khía cạnh để tạo ra nền Nho giáo nguyên thủy. Vậy hỏi Viêm tộc đã đóng góp được những gì trong quãng thời gian không thể hạn định mà người sau quen chỉ thị bằng Tam Hoàng: Phục Hy hiệu Thái Hạo Thần Nông hiệu Viêm Đế Nữ Oa mẫu nghi thiên hạ của Viễn Đông (hoặc đặt Toại Nhân vào thì rút Nữ Oa ra làm vợ Phục Hy. Nữ Oa chỉ có ý nói lên tính chất Mẹ của giai đoạn này). Trước hết có Toại Nhân chỉ giai đoạn phát minh ra lửa (thiên hoàng) trong thời du mục của Viêm tộc. Rồi tới Phục Hy chỉ giai đoạn bước từ săn hái đi vào du mục và có thể là canh mục thuộc nhân hoàng, sau đến Thần Nông là giai đoạn bước hẳn vào nông nghiệp, địa hoàng. Còn Nữ Oa nói lên tính chất thị tộc “âm thịnh” của giai đoạn này. Những sự việc đó xảy ra vào quãng thời đại nào hiện nay các nhà khoa học đang cố thiết lập một hệ thống niên kỷ mới thay cho niên kỷ cũ bị coi là có nhiều sai lầm. Niên kỷ mới thường có khuynh hướng rút ngắn thời gian lại: thí dụ Phục Hy theo niên kỷ cũ là năm 4482 TCN còn nay các học giả hạ xuống năm 2852 TCN; chúng ta có thể nhận định mấy điểm như sau. Hệ thống niên kỷ mới xác định một cách khoa học thì thực ra chưa có, nên những niên kỷ đưa ra mới là giả thuyết làm việc dựa vào những niên kỷ vững chắc các thời sau mà tính ngược lên, nhưng ngược lên đến đâu thì khó mà quy định. Vì thế ta cần tùy nghi phán đoán và có thể nói như Granet rằng: “Niên kỷ” cũ vẫn có thể dùng như dữ kiện của huyền sử, có sai chạy mấy thế kỷ cũng không hại đến nền văn hóa. Vì văn hóa bao gồm cả thời kỳ khuyết sử, nhất là khuyết sử khi phải tìm lại bản gốc. Bởi vậy về phương diện huyền sử thì niên kỷ cũ có ý nghĩa hơn. Vì đây không là nhân vật lịch sử mà là những giai đoạn tiến hóa như ba chữ: thiên địa nhân đi với Tam Hoàng nói rõ điều đó. Nhịp tiến của người thái cổ rất lâu và chậm so với nhịp tiến thời nay. Nó chỉ thị những giai đoạn từ Cổ thạch sang Tân thạch, từ săn hái sang du mục (Phục Hy) để rồi tiến tới nông nghiệp (Thần Nông) đoạn tiến sang đồ đồng (Si Vưu, Hoàng Đế). Bởi đó giai đoạn trước Hoàng Đế tất phải kéo dài hàng bao ngàn năm, rút lại vắn quá chắc không hợp, vì Cổ thạch kéo dài tới 500.000 năm, còn Tân thạch cũng đã xuất hiện có cả từng chục ngàn năm. Homo sapiens gọi là Cro-Magnon xuất hiện trước đây trên ba chục ngàn năm. Homo sinanthropus lối 500.000 năm. Vì thế trong việc đi tìm nguồn nên ghi cả hai hệ thống niên kỷ: cả lưu truyền cũng như “khoa học”. Theo lưu truyền thì Phục Hy xuất hiện vào lối năm 4483 – 4369 TCN, Thần Nông từ 3320 – 3080 TCN. Huyền sử nước ta cũng đặt họ Hồng Bàng vào giai đoạn đầu này tức là năm 2879 TCN, so với Hoàng Đế năm 2697 TCN thì kể là có trước 182 năm, tức ba con giáp (3 x 60 = 180). Nội con số đó khiến chúng ta không được hiểu một cách xác thiết kiểu lịch sử, nhưng phải hiểu theo lối huyền sử, kiểu 18 đời Hùng Vương. Bởi chưng con số 3 là số tròn tiên thiên. Có lẽ vì đó mà nói Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông không hiểu con số ba này liên hệ tới đồ gốm tam biên, cũng như Tam Hoàng, tam tài đến đâu. Dầu sao thì niên kỷ Hồng Bàng 2879 TCN muốn nói lên rằng nước Việt đã được khai quốc trước đời Hoàng Đế, tức trước khi Hoa tộc tràn vào lối ba con giáp, tức là đã hiện diện ngay tự đời Tam Hoàng, và đặt nền móng cho văn hóa, rồi mãi sau Hoa tộc mới lếch thếch kéo tới. Vậy giai đoạn Tam Hoàng đã đóng góp được những gì? Câu thưa có thể tìm ở một đoạn Kinh Dịch mà các học giả quen gọi là bản tóm lịch sử lâu nhất về tiến trình văn hóa của Trung Hoa cổ đại, đó là tiết hai trong Hệ từ hạ truyện. Theo bản văn này thì Phục Hy làm được ba việc nền tảng như sau: – Thứ nhất là đặt ra bát quái, tức móng nền Kinh Dịch. – Thứ đến là phát minh ra phép “kết thằng” để làm chài lưới và cũng là đặt viên đá đầu tiên cho việc thành lập văn tự sau này. – Thứ ba là phát minh ra cày bừa. “Cổ giả Bào Hy thị chi vương thiên hạ dã: Ngưỡng tắc quan tượng ư thiên. Phủ tắc pháp ư địa Quan điểu thú chi văn Dữ địa chi nghi Cận thủ chư thân Viễn thủ chư vật U thị thủy tác bát quái, Dĩ thông thần minh chi đức Dĩ loại vạn vật chi tình Tác kết thằng nhi vi võng cổ, dĩ điều dĩ ngư, Cái thủ chư Ly Bào Hy thị một. Thần Nông thị tác Trác mộc vi tị, nhũ mộc vi lỗi Lỗi lậu chi lợi dĩ giáo thiên hạ. Cái thủ chư Ích.” “Cổ thời thị tộc Bào Hy trị thiên hạ: ngẩng lên xem tượng trời, cúi xuống xét hình đất. Quan sát từng dáng điệu của thú (đất) và chim (trời) để thích nghi vào mọi miền. Gần thì suy trực tiếp nơi mình; xa thì gián tiếp từ sự vật đặng thông với linh đức của thần minh, hầu có thể phân loại tính tình của vạn vật đặng mà điều lý. Kết nút dây để làm lưới làm giỏ đặng đi săn và đánh cá. Khi Bào Hy thị qua thì đến Thần Nông thị lên thay đẽo gỗ làm lưỡi (cày) uốn gỗ làm cày: dạy cho thiên hạ biết nguồn lợi của sự cày bừa. Tất cả đều lấy hứng từ quẻ Ích”. Sau Phục Hy và Thần Nông thì Dịch Kinh chép về Hoàng Đế và Nghiêu, Thuấn rằng: nhờ ở việc chú tâm vào đà tiến hóa biến thông nên không làm cho dân phải chán ghét. Buông xống áo quần (không xăn lên để đi lao tác) mà thiên hạ trị. Tất cả đều lấy hứng từ hai quẻ Kiền và Khôn. “Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn thông kỳ biến, sử dân bất quyện: Thùy y thường nhi thiên hạ trị, cái thủ chư Kiền Khôn”. Sau đó Hệ từ kể ra các phát minh của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn như sau: 1) Thuyền chèo 2) Phục trâu, cưỡi ngựa 3) Làm cửa nặng và đánh hiệu canh để phòng trộm đạo (trọng môn kích tích) 4) Làm chày và cối (xử cữu) 5) Cung tên (hồ thỉ) 6) Thay hang hốc bằng nhà (cung thất) 7) Lập ra quan quách để chôn táng thay lối chôn lấp bằng que củi ở ngoài đồng. 8) Lập ra chữ thay phép kết thằng. Đó là đại để đoạn văn gọi là văn minh sử. Cần chú ý mấy điểm sau: trước hết là nền tảng văn minh nông nghiệp đã được đặt móng ở thời Tam Hoàng: Thần Nông cày bừa. Phục Hy đặt ra bát quái và phép kết thằng, kết thằng để làm lưới, mà cũng là để làm văn tự, vì thế nên nói tất cả lấy hứng từ quẻ Ly. Ly là lửa chỉ văn minh. Nói lấy từ quẻ Ly cũng là nói đã đặt viên đá đầu tiên cho nền văn minh nông nghiệp, hay là lấy của Viêm tộc. Nước ta chú ý đến quẻ Ly là vì họ hàng từ đấy. Sau Phục Hy thì nói đến Hoàng Đế mà không nhắc tới Nữ Oa. Và đây là một chỗ tế nhị cần ý tứ rất nhiều. Hoàng Đế có hai biểu hiệu là Hữu Hùng (thuộc săn bắn) hai là Hiên Viên (thuộc nơi sinh). Ông vừa là tù trưởng của Hoa tộc đã vào chiếm đóng đất đai của Viêm tộc để mở đầu cho giai đoạn hai là Ngũ Đế, sau là Hoa tộc đã tôn phong Hiên Viên lên bậc Hoàng kiêm luôn chức Đế và gọi là Hoàng Đế. Xưa rầy các nhà sử không chú ý mấy tới chữ Hoàng và Đế nhưng nó có sự quan trọng giúp chúng ta chứng kiến một sự gặp gỡ giữa hai nền văn minh: Hoàng thuộc văn minh mẹ (Nữ Oa) của Viêm tộc ưa văn. Đế thuộc văn minh cha của Hoa tộc ưa võ. Và như thế thì ban đầu Hiên Viên chỉ là Đế thuộc Hoa tộc. Đế có nghĩa là chinh phục. Đây chinh phục văn minh Viêm tộc. Và vì thế khi tự xưng là Hoàng Đế thì Hiên Viên đã muốn mở đầu một nền văn minh tổng hợp cả Hoàng lẫn Đế. Trong nền văn minh mới này quyền bính chuyển từ mẹ sang cha. Một lưu truyền nói bà Nữ Oa lập ra phép hôn phối và chế ra một thứ đàn gọi là sinh (sênh). Ta có thể hiểu là thời ấy đã khởi đầu có ước định sơ sài về hôn phối và âm nhạc… một thứ văn minh đầy ắp tình người rất gần với bản năng và tiềm thức nên gọi là Nữ Oa để chỉ cái gì còn oa trữ oa tàng, chưa minh nhiên như về sau. Từ Nữ Oa sang Thần Nông rồi đến Hoàng Đế là cả một khúc quanh lịch sử: Từ giai đoạn Tân thạch chuyển sang giai đoạn đồ đồng; từ quyền mẹ chuyển sang quyền cha. Tuy nhiên sự chuyển mình này không rõ rệt dứt khoát vì hai khuynh hướng còn giằng co lâu dài và thay đổi nhau lên xuống: Nhưng nói chung thì mẹ nhường dần cho cha, tức Viêm tộc nhường bước cho Hoa tộc; vì thế nhiều sách không kể đến Nữ Oa nữa, mà chỉ kể đến Hoàng Đế liền sau Phục Hy và phong Hiên Viên lên bậc Hoàng, tức được dự phần vào văn minh của Viêm Việt, Hoàng Việt. Tác giả thiên Hệ từ cũng tham dự tinh thần tổng hợp này nên đã nói cho “ai có tai” thì hiểu rằng: Hiên Viên đã ăn tự nền văn hóa Viêm tộc mà biến đổi đời sống, đó là lấy biến thông làm đầu tức từ võ biền biến thông sang lối ngồi vô vi (Thùy y thường) mà thiên hạ trị và đó là nhờ hai quẻ Kiền Khôn tức là hai trụ cột nền văn minh dịch lý của Viêm tộc. Đấy là sáng chế quan trọng bậc nhất của Hiên Viên nó ở tại biết thâu nhận văn minh Dịch Lý của Viêm Việt để làm cách mạng xã hội, từ võ trị chuyển sang Văn trị nên nói “thần nhi hóa chi sử dân nghi chi” 神 而 化 之 使 民 宜 之. Có lẽ đó là điều Viêm tộc đã gởi vào những truyền thuyết nói rằng Hoàng Đế phải đánh Thần Nông bằng khí giới mới được lên làm vua (S.M.T. I. 13). Nhưng đối với Tam Miêu, con cháu Thần Nông thì phải dùng nhạc và vũ, nhất là những bài vũ của Si Vưu của Tam Miêu (Danses 262, 214). Có lẽ tinh thần thích nghi với văn minh Việt tộc này được gởi trong những chữ nghi (sử dân nghi chi). Vậy sáng kiến lớn nhất của Hoàng Đế là thích nghi tức là thâu hóa văn minh Viêm tộc, còn 8 sáng chế nói sau (thuyền chèo…) chỉ là tùy phụ có tính cách văn minh hơn là văn hóa, trừ có việc lập ra văn tự. Tuy nhiên ngay trong việc này cũng có thể gọi được là chỉ nối tiếp xây đắp nền văn hóa đức trị đã khởi đầu tự Phục Hy và Thần Nông, vì có lưu truyền cho rằng chữ viết khởi đầu do ngắm vết chân chim: nếu vậy thì đời Phục Hy chữ viết đã manh nha vì đã biết “quan điểu thú chi giao”. (Civ. 47, 48). Và Hoàng Đế cũng chỉ là đứng đầu trong việc hoàn thành. Còn chính người hoàn thành thì huyền sử nói là Thương Hiệt 倉 頡. Rất có thể đây là một Việt Nho vì chữ Thương có nghĩa kho lúa hay là xanh (phương Đông), còn Hiệt là chim (phương Nam) cùng nghĩa với việc ngắm vết chân chim có nghĩa là ngắm nền văn minh Việt đi với chim (Hồng Bàng). Cương vị của Kinh Dịch là cương vị văn hóa, chúng ta nên theo vì chỉ có phương diện đó là ơn ích cũng như có nền móng vững chắc hơn rất xa phương diện chủng tộc và chính trị. Tuy nhiên ở đây ta đang tìm hiểu nguồn gốc từng yếu tố văn minh nên đôi khi ta tạm đứng sang cương vị chính trị hay cả chủng tộc để làm sáng tỏ vấn đề. Trong ý hướng đó, chúng ta nhìn trở lại giai đoạn giao thời từ Thần Nông sang Hoàng Đế để tìm hiểu thêm. Kinh Dịch chỉ nói: “Thần Nông thị một, Hoàng Đế thị tác”… Câu nói quá bao quát đủ cho văn hóa nhưng chưa đủ cho chính trị và chủng tộc học. Ở trên hai bình diện này ta phải hỏi Thần Nông mệnh một vì bệnh hay vì Hoàng Đế sát hại, và tại sao Si Vưu con cháu Thần Nông lại chống đối Hoàng Đế? Lúc đó chúng ta sẽ nhận ra rằng theo Tư Mã Thiên, thì Hoàng Đế đã giết Thần Nông để đoạt chính quyền (xem S.M.T. I. 13). Một lưu truyền ghi lại trong tự điển Từ Nguyên nói họ Thần Nông đời thứ 8 là Du Võng bạo ngược bị Hoàng Đế đánh bại ở Bản Tuyền. Rồi vì đó mà Si Vưu là dòng dõi Thần Nông huy động các bộ lạc (Cửu lê) đứng lên chống Hiên Viên xâm lăng. Chính sử quen gọi Si Vưu là rợ, chúng ta nên hiểu chữ rợ theo luật “được làm vua thua làm rợ”, và như thế chúng ta sẽ tìm ra được ý nghĩa nhiều câu khác. Thí dụ việc nhiều sách quy công sáng chế mọi ngành kỹ thuật như đúc đồng… cho Hoàng Đế thì thực ra là Hoàng Đế đã ăn tự của “rợ” Si Vưu. Vì Hoàng Đế chiến thắng nên làm vua chiếm đất đai cũng như chiếm luôn công khởi sáng của kẻ bại. Tuy nhiên Hoàng Đế có công ở chỗ đã thêm vào gia sản của kẻ bại bằng cách đưa đến độ hoàn bị hơn. Thí dụ Si Vưu mới phát minh ra việc đúc đồng và làm khí giới (Maspéro 26) thì Hoàng Đế ăn tự hai việc đó và tiếp tục cho ngày thêm tinh xảo. Cả về văn hóa cũng phải hiểu theo lối đó mới rọi được ít tia sáng vào những câu nói hàm hồ thí dụ trong sách Quản Tử chương 16 rằng: “Tích giả Hoàng Đế đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” 昔 者 黄 帝 得 蚩 尤 而 明 於 天 道, câu nói hàm hồ vì chữ đắc không có nghĩa là thắng nhưng là được, và chữ “minh ư thiên đạo” có nghĩa là sáng lên về đạo trời, hay là hiểu được đạo trời, cắt nghĩa đàng nào cũng được. Tuy nhiên, theo cái nhìn trên kia thì phải hiểu rằng Hoàng Đế vì được tiếp cận với nền văn minh của Si Vưu nên đã hiểu rõ thêm được đạo trời. Bởi vì có truyền thuyết coi Si Vưu như phụ trách lịch, mà lịch thuộc thời gian nên nói Si Vưu coi về trời, Cộng Công coi về đất. Bởi thế mới nói “đắc Si Vưu nhi minh ư thiên đạo” và nếu Hoàng Đế có công nào đó thì là công đổ khuôn, tức là nhờ thắng về quân sự nên nắm quyền hành, nắm được các phương tiện để đổ khuôn cho nội dung văn hóa nông nghiệp tức là làm cho ý thức được mở thêm về giá trị của văn hóa Viêm tộc mà phần lớn còn nằm trong vùng tiềm thức. Nói khác, Viêm tộc mới là đợt sống nhiều chưa ý thứcđủ vì quá quen thuộc. Nay nhờ có Hoàng Đế thuộc văn minh du mục nhìn lại nền văn minh nông nghiệp với con mắt lạ lẫm tra xét nên nhận ra được nhiều khía cạnh mới một cách rõ hơn và do đấy phát kiến ra dạng thức để lên khuôn cái nội dung lúc trước còn lờ mờ; nhờ đó có thể nâng văn hóa Viêm tộc lên đợt ý thức cao hơn trước. Đấy là một diễn biến theo luật tổng quát. Xét về văn hóa người Aryen kém dân bản thổ Dravidien (được chứng tỏ trong di tích đào được ở Mohenjo Daro), nhưng lại hơn về sức mạnh, về văn minh, nên đã đổ khuôn cho văn hóa Dravidien. Nếu chỉ có văn minh Aryen thì tôn giáo Veda chắc đã chết lịm trong mớ dị đoan thần thoại; nhưng nhờ văn hóa Dravidien mà Veda đã đủ sức tự tôn giáo chuyển sang triết lý Vedanta nhờ những khuôn là các kinh Upanisads. Cũng thế, phải có văn minh lý trí giàu tính cách soi mói của Hoàng Đế đại diện văn minh du mục y cứ trên vũ lực thì văn minh tình cảm nhân trị của nông nghiệp mới nhô thêm lên chân trời ý thức và mặc những hình thái rõ rệt, thí dụ các thể chế mới mở rộng hơn: từ bộ lạc đi lên quốc gia. Xưa nay phần lý vì là minh bạch nên hay thắng phần tình vì quá âm u: đó là văn thắng chất. Hoàng Đế thắng Si Vưu trong hiệp đầu. Đó là giai đoạn lý thắng tình, gọi là văn minh tức có tổ chức chu đáo hơn. Nhưng vì tình mạnh hơn lý nên tình thua để rồi tẩm nhuận lại văn minh Hoa tộc. Hoàng Đế thắng Si Vưu nhưng thắng để rồi bị thua, hay đúng hơn để được tẩm nhuận bởi tinh thần Si Vưu: thắng ở chỗ làm chủ tình hình, ở chỗ đổ khuôn, đưa ra dạng thức nhưng thua ở chỗ phải nhận nội dung của kẻ chiến bại. Nói trúng hơn thì không phải thắng với bại nhưng là hai chủng tộc Hoa Viêm cùng chung sức xây đắp một nền văn hóa mới, trong đó nội dung phần lớn của Viêm tộc nông nghiệp mà ta có thể gọi là giai đoạn “tại thiên thành tượng”. Tượng thì lờ mờ thấp thoáng nên cần tiến một bước nữa là “tại địa thành hình”. Hình là hiện lên hình tích rõ rệt trong những dạng thức công cộng và đó là công của Hoàng Đế, của Hoa tộc du mục, rồi cả hai dân tộc được tô tạo trong nền văn hóa tổng hợp ấy nên lâu ngày trở thành đồng hóa mà đồng hóa có nghĩa là Viêm hóa vì tuy danh xưng thì kêu là Hoa và sau này là Hán đi nữa, nhưng về nội dung thì đã thành Viêm tộc tức thấm nhuần văn hóa nông nghiệp và do lẽ đó sẽ bị những làn sóng Hoa tộc mới chính cống hiệu du mục tràn vào để mở đợt chinh phục mới khác. Sau Hoàng Đế du mục thì đến Nghiêu, Thuấn, Hạ, Thương đều nông nghiệp, chính vì thế sẽ bị nhà Chu du mục diệt. Nhà Chu được nhắc nhở tới nhiều vì hai lý do, trước hết là nhờ đã thấm nhuần được văn minh nhà Thương nông nghiệp nên mang dòng máu cả hai nền văn minh du mục lẫn nông nghiệp. Nhờ đó đã lật đổ được nhà Thương để kiến tạo nên đợt khác của văn minh mới cao hơn nhà Thương. Nhà Thương tuy đã nông nghiệp nhưng tính chất tôn giáo (yếu tố Tây Bắc) còn rất sâu đậm. Đến nhà Chu thì đã tiến dần sang lễ nghĩa quy chiếu vào con người. Nhờ đó văn hóa nhà Chu cao hơn nhà Thương. Thế rồi vì định cư lâu ngày, nhà Chu dần dần hết sinh khí đâm ra sa đọa ở thời Xuân Thu và tan rã ở thời Chiến Quốc để chấm dứt giai đoạn Tam Đại. Tam Đại gồm ba nhà Hạ, Thương, Chu là giai đoạn thứ hai mà tính chất là liên bang (chư hầu) đã ổn định: Nó khởi đầu tự Hoàng Đế, vì thịnh đạt ở thời Hạ, Thương và nhất là Chu. Vì thế nhà Chu được nhắc nhở tới nhiều như lý tưởng của một sự dồn đúc hai nền văn minh Tình Viêm tộc với Lý Hoa tộc, và cũng là như tận cùng của giai đoạn Vương phải nhường lại cho nhà Tần du mục danh dự khai mạc đợt văn hóa thứ ba là Đế. Khi Tần Thủy Hoàng tóm thâu được cả 6 nước mạn Đông mà lập thành đế quốc, thì muốn tìm một danh hiệu kiêm được cả tính chất Tam Hoàng lẫn Ngũ Đế và vì thế đã nhận danh hiệu Hoàng Đế (Civ. 41) gọi là Tần Thủy Hoàng Đế. Chữ Thủy là mở đầu nó bao hàm sự chối bỏ tước hiệu Hoàng Đế của Hiên Viên. Sự thực Hiên Viên chưa xứng là Hoàng mà mới là Đế để mở đầu Ngũ Đế. Tần Thủy Hoàng rồi cũng chỉ là Tần Đế, nhưng đấy là chuyện về sau, chứ lúc ban đầu khi lựa chọn danh hiệu là vô tình mà Tần Thủy Hoàng đã chọn một danh hiệu hay nhất nói lên ý hướng muốn chung đúc hai nền văn minh của Viêm tộc (Tam Hoàng) và Hoa tộc (Ngũ Đế). Tôi nói vô tình theo nghĩa từ tiềm thức vì như trên đã nói nước Tần dựng nên do Viêm tộc, nên thuộc văn minh Tam Hoàng, tuy nhiên vì sống trong môi trường du mục nên mang nặng tính chất du mục: thiên về uy lực và hình luật, do đó mà gọi là Đế, và Đế đã thắng Hoàng. Nếu Tần Thủy Hoàng đã lấy và theo đúng danh hiệu Hoàng Vương thì có lẽ đã không bị nhà Hán chiếm mất ngôi để sửa lại chỗ quá đáng của Tần Hoàng Đế. Tần Thủy Hoàng tuy thuộc Viêm tộc nhưng đã đồng hóa với Vương triều nên đã đế hóa trọn vẹn, vì thế lại bị Lưu Bang cũng chiêu mộ quân lính từ vùng Giang Tô, Chiết Giang (Cối Kê) khởi lên chống lại xâm lăng lập ra nhà Hán. Nhà Hán gốc từ áo vải mà lên nên nếu không thuộc dòng máu Viêm tộc thì ít ra cũng đại diện cho tiếng nói của Viêm tộc, đáng lẽ phải như thế. Nhưng cho tới đây thì không còn vấn đề chủng tộc giữa Viêm tộc và Hoa tộc nữa, mà trái lại nó đã chuyển sang địa hạt khác là giữa Vương triều và bàn dân, rồi sau là giữa thị dân và thôn dân. Bởi vì quý tộc kế tập dính liền với Hoa tộc đã bị Tần Thủy Hoàng phá vỡ bằng đưa các vương công hầu tước về sống ở các thành phố và nhất là kinh đô để coi chừng; còn công chức thì ban trải ra toàn dân nghĩa là được tuyển tùy theo công, của, tài, đức. Xét về mặt này Tần Thủy Hoàng đã có công hiện thực điều mà Viêm tộc đã cổ võ được thấy rõ nhất qua lời Khổng Tử. Nhưng Tần Thủy Hoàng đã phản bội Viêm tộc khi giữ nguyên tính chất Đế của Hoa tộc trước, khác chăng là chuyển sang cho Vương triều, cho thị dân. Vì thế vẫn là phản bội Viêm tộc xét như là dân tộc và do đó đã bị nhà Hán lật đổ. Nhà Hán lật đổ Tần Thủy Hoàng mặc nhiên nhân danh Viêm tộc lúc này đã trở thành dân tộc, nhưng rồi nhà Hán lại phản bội dân tộc bằng cách duy trì tính cách đối chọi giữa thị dân và thôn dân mà không hiện thực được lý tưởng cho toàn dân, và do đó chúng ta gọi giai đoạn mới này là Hán Nho trong đó chất Đế thắng chất Hoàng, nói khác là chất pháp trị nổi vượt hơn chất nhơn trị và từ đây đã thiết lập xong cặp đôi chính trị là pháp trị với nhân trị thay cho cặp đôi chủng tộc là Hoa tộc và Viêm tộc. Vì Tần Thủy Hoàng cũng như nhà Hán đã từ Viêm tộc nhảy sang phe Vương triều (tự nay thay hẳn cho ý thức Hoa tộc) sau này chỉ còn ý thức Viêm tộc và Hoa tộc ở các đợt chiếm cứ về sau như đợt Dương Tử rồi tới đợt Việt Giang nhưng không bao giờ trở thành chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc như bên Âu hay Ấn vì yếu tố Viêm tộc quá mạnh cả về văn hóa (đã đặt nền móng) và về nhân số. Một học giả Trung Hoa nói với ông Hoàng Văn Nội rằng người Trung Hoa nay đến quá phân nửa là Viêm tộc, còn Hồi tộc (gồm cả Mãn, Mông, Tạng) lối 30 phần trăm. Tôi cho lời đó rất trúng vì nếu căn cứ trên màu tóc đen (lê dân) mà Hoa tộc gọi Viêm tộc lúc đầu, thì nay “lê dân” đã tràn ngập hầu hết. Sở dĩ Viêm tộc đã không quật khởi giành lại quyền độc lập là vì trận tuyến đã chuyển từ chủng tộc sang địa hạt vua và dân nên mỗi lần có cuộc lật đổ một Vương triều là mỗi lần đều do Viêm tộc khởi xướng. Nhà Tần cũng như nhà Hán và sau này nhà Minh, v.v… thảy đều do Viêm tộc nhưng đã không còn vấn đề chủng tộc mà chỉ còn là vấn đề hữu đạo với vô đạo. Hữu đạo là đi với dân mà hiểu về xa xưa là đi với Viêm tộc, ngược lại là vô đạo. Cần chú trọng điểm này để tránh sự đồng hóa Nho giáo với Hoa tộc mà quên rằng Nho giáo là công đầu lớn của cả Viêm tộc tức Việt tộc nữa, mà công đầu là căn bản hơn hết. Vì không chú ý điểm này nên nhiều người đã vô ý chuyển lòng oán hận thuộc chính trị sang bình diện văn hóa hay nói đúng hơn chuyển lòng căm phẫn Vương triều sang bên Hoa tộc, mà quên rằng Hoa tộc hiện nay phần lớn thuộc dòng máu Viêm tộc. Cho nên khi lẫn lộn cương vị chính trị với văn hóa là chúng ta hờn oán chính nền văn hóa của chúng ta và anh em Viêm tộc chúng ta còn ở lại trong dải đất Trung Hoa. Tuy nhiên đó là điều ít được chú tâm vì lớp sóng Hoa tộc (hiểu là óc đế quốc) lại cứ lâu lâu được canh tân nối tiếp trong các đời sau từ Tây Bắc tràn vào như Hung Nô đời Hán, rợ Tiên Ti, rợ Chi, rợ Khương đời Tần, rợ Đột Quyết đời Tùy, rợ Khiết Đan, Hồi Hột, Sa Đà đời Đường, rồi Kim, Nguyên, Thanh… Đó là bấy nhiêu đợt sóng Bá đạo tràn vào uy hiếp nền Vương đạo của Viêm tộc. Điều đáng ngạc nhiên là nền Vương đạo đó đã không bị tiêu trầm nhưng vẫn trường tồn cho tới tận nay để đem lại cho nền văn hóa Viễn Đông một nét đặc trưng mà chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong các chương sau. Bây giờ để tóm tắt ta hãy xác định phần nào khuôn mặt của các đợt sóng văn minh tràn lên rồi để lắng xuống những lớp phù sa ảnh hưởng. Người xưa đã muốn phân biệt bằng những chữ Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Vương, Ngũ Bá, v.v… thì đó chỉ là cách nói co dãn theo huyền sử, nếu hiểu theo lịch sử thì không trúng. Thí dụ: Tam Hoàng có thể là 5 khi kể cả Toại Nhân, Hữu Sào, Nữ Oa; Ngũ Đế có thể là thất đế khi kể cả Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Chí… Tam Vương cũng không hẳn là tam mà có thể bao gồm Nghiêu, Thuấn vào giai đoạn này mới đúng và lúc ấy gọi là thời Vương đạo gồm Nghiêu, Thuấn là thời lập đức, nhà Hạ, nhà Thương là thời lập công, còn nhà Chu là thời lập ngôn ở tại việc dàn hòa hai chiều văn hóa Hoàng-trời (Tam Hoàng) với Đế-đất (Ngũ Đế) làm thành Vương đạo là thời quân bình nhất; rồi sau đó Vương đạo suy dần ở những đời sau mà khởi đầu là Ngũ Bá. Ngũ Bá cũng không hẳn là ngũ vì sau Tề, Tấn, Tống, Tần, Sở còn có Ngô rồi Việt. Vậy những đợt Tam Hoàng, Ngũ Đế, Tam Đại… chỉ nên hiểu là những đợt văn hóa mà ta có thể xác định hơn kém bằng thời gian và khu vực như sau: Giai đoạn trước hết là Viêm tộc xuất hiện đầu tiên trên toàn lãnh thổ Trung Hoa lập ra một nền văn minh mà ta có thể gọi là Hoàng Đạo, với thể chế thị tộc (mẹ làm chủ nên gọi là thị) rồi bộ lạc và một đôi nơi đã khởi sự bước vào thể chế quốc gia. Thí dụ họ Hồng Bàng lập ra nước Xích Quỷ, Văn Lang. Giai đoạn thứ hai Hoa tộc từ Tây Bắc vào chiếm 6 tỉnh mạn Bắc thuộc Hoàng Hà rồi nương theo thế liên bang của Viêm tộc mới manh nha để hoàn thành dưới hình thức chư hầu và phong kiến tức một thứ liên bang nhưng kém phần dân chủ và công thể của Viêm tộc chính tông. Bởi đó về triết lý thì giai đoạn này kêu được là Vương đạo, một thứ triết lý mà chất Viêm Việt nổi hơn chất Hoa tộc, và tôi gọi là Việt Nho. Giai đoạn ba mở rộng ảnh hưởng Hoa tộc xuống mạn Nam thuộc vùng Dương Tử Giang lập thành nước Kinh Sở. Thời này về triết không có gì đặc sắc mà chỉ là tiếp nối Vương đạo. Nhưng vì đất của Viêm tộc bị rút hẹp thì ảnh hưởng trong triết cũng suy yếu theo. Giai đoạn thứ ba có thêm đợt hai là Hoa tộc chiếm thêm ba tỉnh cửa sông Dương Tử thuộc hai nước Ngô, Việt và cuối cùng chiếm luôn cả Lưỡng Việt (Quảng Đông, Quảng Tây), cả Bắc Việt từ đấy trở thành mảnh đất trú chân cuối cùng của Viêm tộc đại diện cho toàn thể gia đình Viêm Việt. Theo đà ấy triết bước vào giai đoạn Đế đạo cũng gọi được là Bá đạo hay Hán Nho và truyền lại cho tới nay. Riêng về nước Việt Nam xét như là mảnh đất nương thân cuối cùng của tinh thần Viêm tộc đã trải qua một quá trình tranh đấu để cuối cùng giành lại được nền độc lập trên một dải đất nhỏ hầu duy trì những đại diện chính thức cho Viêm tộc cũng như cho Bách Việt, nói khác là đại diện nền văn hóa nông nghiệp khi mới manh nha cũng như cho giai đoạn Kinh điển tựu thành tức giai đoạn nòng cốt của nền văn hóa Việt Hoa. Vì thế trong chương sau chúng ta sẽ tìm xem Viêm tộc đã đóng góp những gì vào việc hình thành Kinh điển. Phụ chú Có truyền thuyết cho rằng tên hiệu Si Vưu 蚩 尤 chính trước là Trung Quang 中 光 nhưng Hiên Viên đã đổi đi bằng cách thêm chữ Sơn lên đầu và còng chân lại nên Trung hóa ra Si (ngốc) còn Quang bớt nét đi cho ra Vưu là oán hờn. Theo thuyết đó thì vua Nguyễn Huệ đã lấy hiệu là Quang Trung để nhớ lại một tị tổ xưa và lấy cờ của Si Vưu nền đỏ có miếng tròn màu vàng ở giữa. Đó cũng là một giả thuyết có thể ghi để hướng dẫn nghiên cứu. Bởi vì Si Vưu cũng là một lá cờ. Ta thấy trong huyền sử cha đẻ ra Tân Lang trong truyện Trầu cau tên là Quang Lang cũng như con trai của Lạc hầu gọi là Quang Lang. Vậy có thể vua Quang Trung cũng đã làm như thế, nhưng bằng cách tích cực hơn. Quang Trung cũng là một người tự dân mà lên, nên đại diện cho Viêm tộc. Vì thế mới có ý đòi lại một ít đất của Viêm tộc là hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây gọi là Lưỡng Quảng mà chính ra là Lưỡng Việt. Cũng như Tây Giang chính ra là Việt Giang. Tên Si Vưu là Trung Quang cũng có lý. Chúng ta biết lửa được phát minh ra thời kỳ gọi là Toại Nhân. Đấy là một bước tiến vĩ đại nên các vua sau toàn lấy danh hiệu liên hệ với lửa: Phục Hy lấy hiệu là Thái Hạo = sáng lắm. Cháu ba đời kêu là Đế Minh có nghĩa là chúa sáng. Tất cả dòng tộc kêu là Viêm tộc, chữ Viêm là hai lửa chồng lên nhau sáng lắm = Thái Hạo, và Quang Minh. Còn Trung là nói lên di sản của tổ tiên là Kinh Dịch. Kinh Dịch thành bởi âm và dương mà lý tưởng là hòa hợp âm dương tức là hai yếu tố trái ngược gọi là Trung. Chính chữ Trung trong Trung Dung phải hiểu là nguyên lý hòa giải hai yếu tố trái ngược và nhờ đấy phải rọi tia sáng Minh triết (Trung) ra tất cả chung quanh. Lá cờ có miếng tròn vàng chỉ Trung (Hoàng cực màu vàng), tia sáng ra chung quanh là màu đỏ chỉ quẻ Ly là phương Nam, là văn minh. Vậy nếu quả thật Hoa tộc đã đổi tên Trung Quang ra Si Vưu thì đó là một lối ăn cắp xe về tháo số cũ, gắn bảng số mới cho phi tang bằng cách chài chủ cũ tức làm cho Trung Quang trở nên Si Vưu để con cháu không nhìn nhận ra ông tổ nữa. Phép chài đó như sau: đặt trên đầu chữ Trung một tấm ngang rồi đè bằng trái núi còn chân thì xỏ gông. Tôn Ngộ Không cũng bị đè dưới núi Ngũ Hành kiểu này 500 năm không dậy nổi, thì con cháu Trung Quang cũng trải qua 5000 năm lịch sử không nhận ra tổ gốc của mình nữa, các cụ xưa viết: Đọc Ngu thư ghét đảng tứ hung. Coi Tống sử ghét bày ngũ quỷ. Còn tân học nay không ai nghiên cứu về Việt Nho mà chỉ còn dăm ba người chú ý tới chữ Hán. Vì thế những suy tư trên tuy mới là giả thuyết nhưng cũng cần ghi lại vì hậu quả có thực. VPhần đóng góp của viêm tộc vào việc hình thành kinh điển Nói đến Kinh điển là nói đến phần kết tinh những gì là tinh túy nhất của một nền văn hóa. Ở trên ta đã định luận phần đó một cách tổng quát, ở chương này chúng ta thêm phần chính xác bằng gọi tên một số Kinh điển cùng phác họa nội dung trong vài nét lớn và ta có thể nói rằng phần đóng góp của Viêm tộc chính là phần nòng cốt của cả lục kinh: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu. Tôi nói nòng cốt (Đại Đạo) mà không nói toàn bích vì toàn bích (gọi là Thường Đạo) chỉ hiện hình ở giai đoạn “Tam Đại”. Còn giai đoạn “Tam Hoàng” mới có cái sườn, nhưng đã là cốt cán cho nền Nhân bản tâm linh nảy nở, các đời sau chỉ làm việc quảng diễn. Những suy luận này dựa trên những câu sách đại loại: “bất do cổ huấn, vu hà kỳ huấn” (Kinh Thư, thiên Tất mệnh, câu 11) nghĩa là những lời giáo huấn đều phải theo cổ huấn. Nhưng tìm cổ huấn ở sách nào. Trong bài tựa Kinh Thư, Khổng An Quốc có trả lời rằng: “Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế chi thư vị chi tam phần, ngôn Đại Đạo dã. Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Cao Tân, Đường Ngu chi thư vị chi ngũ điển, ngôn Thường Đạo dã”: 伏 犧、神 農、黃 帝 之 書 謂 之《三 墳》, 言 大 道 也 . 少 昊、 顓 頊、 高 辛、唐虞 之 書 謂 之《五典》,言 常 道 也. Theo đó thì trước khi có Kinh Thư còn có những sách cổ hơn gọi là tam phần, ngũ điển, bát sách, cửu khâu, nhưng nay đã thất lạc, ta chỉ còn có thể chắt lọc phần nào cái Đại Đạo từ trong ngũ kinh mà thôi vì ngũ kinh tiếp nhận cổ huấn từ ngũ điển, cũng như ngũ điển đã tiếp nhận từ “tam phần” vậy. Kinh Dịch Quyển kinh được truyền tụng là đã xuất hiện đầu tiên trong nền văn học Việt Nho là Kinh Dịch. Sở dĩ có ý tưởng này vì Kinh Dịch tóm lại được trong hai chữ âm dương: “Nhất âm nhất dương chi vị Đạo”. Đạo đó là Đại Đạo và là nét đặc trưng đầu tiên, vì trên thế giới không tìm đâu ra quyển sách có thể tóm vào hai chữ mà lại đầy tính chất toàn bị như vậy. Chính khả năng cô đọng cùng cực này đem lại cho Kinh Dịch nét đặc trưng thứ hai là dễ nhất cũng như giản dị nhất, vì thế hai chữ dịch và dị cùng viết y như nhau. Tuy nhiên đây là cái dễ của Minh triết nên khi tỏa ra thì bao hàm cả trời đất, cả vũ trụ nên lại khó nhất. Nhưng đó là chuyện sẽ bàn ở nơi khác. Ở đây ta chỉ cần chú ý đến sự dễ dàng, chính vì dễ nhất nên có thể xuất hiện đầu trước hết như truyền thống đã lưu lại. Chính vì sự dễ, sự cô đọng cùng cực nên Kinh Dịch được dạy truyền khẩu lâu đời nhất; và mới chỉ được khởi viết thành sách tự đời Văn Vương, sau được hoàn bị vào quãng thế kỷ thứ 7 – 5 TCN. Nhiều học giả đời mới bị lôi cuốn bởi óc duy sử tức chỉ cho là có thực cái gì được ghi chép lại nên với họ Kinh Dịch chỉ có từ lúc được chép ra, và họ cố hạ thấp việc chép này sát vào thời mới lối thế kỷ 4 – 3 TCN. Nói như vậy là không chịu khảo sát đến các ấn tích như âm dương đã được tìm thấy lâu xưa (xem bài Ngũ hành trong Chữ Thời). Trước đây một số học giả cho là Kinh Dịch chưa có lâu lắm, vì không thấy Kinh Thi nói đến âm dương. Học giả Granet đã chứng tỏ câu nói đó là sai lầm bằng đưa ra ba trang đầy những chữ âm dương trong Kinh Thi (P.C. 17). Vì thế ta có thể coi Kinh Dịch là đã có lâu đời nhất ít ra phần nòng cốt gồm âm dương và bát quái. Về 64 quẻ thì có thể hỏi do Văn Vương làm ra như một số bác học chủ trương hay do chính Phục Hy, còn Văn Vương chỉ viết lời bàn? Vấn đề 64 quẻ không quan trọng bằng bát quái: Vì bát quái mới là cốt, còn 64 quẻ tuy nhiều hơn, nhưng lại là quảng diễn, một thứ quảng diễn đã được gợi hứng ngay từ trong 8 quẻ, cũng như 8 quẻ được gợi hứng từ tứ tượng và tứ tượng từ lưỡng nghi. Vì thế ngay ở đợt hoàn thành nghĩa là khi đã đạt 64 quẻ và có Hệ từ kèm theo như nay, thì sách cũng chỉ nói tới bát quái, bởi thực ra thì tất cả tinh hoa đã diễn đủ với bát quái rồi. Bởi vậy, giả thử chính Văn Vương đã làm ra 64 quẻ thì cũng không át nổi công đầu của Phục Hy. Huống chi ta thấy việc quy 64 quẻ cho Phục Hy có nhiều may mắn đúng sự thật hơn vì làm ra 64 quẻ chỉ là việc tiếp tục chồng lên 8 quẻ lên một lần nữa. Đó là việc đang đà tiện tay từ 2 đến 4 từ 4 đến 8, thì không có lý do gì dừng lại ở 8 mà không đi thêm bước nữa là 64. Tôi đoán rằng việc quy công cho Văn Vương nằm trong kế hoạch bóc lột Viêm tộc cũng một loại như quy công cho Hoàng Đế lập ra niên giáp 60 năm, vì cũng có dòng lưu truyền nói đó là công của Phục Hy tuy tên năm có khác, nhưng nền móng số 60 là 5 lần hai số 10 và 12 thì đã có từ Phục Hy rồi. Xem Thông giám cương mục tiền biên quyển nhị: “Phục Hy thị tác giáp lịch định tuế thời” (Legge III. 82) vì những lý do trên nên tôi cho rằng chính Phục Hy đã làm ra 64 quẻ. Hay nói một cách cụ thể thì chính dân gian tức Viêm tộc, Bách Việt đã làm ra Kinh Dịch từ hai cánh cửa là âm dương cho tới 64 quẻ với cả Hệ từ vì đầy ca dao. Và hiện nay nước Việt Nam còn mang nặng tính chất Kinh Dịch trong xương máu như Trung Hoa, có phần còn hơn là khác, thí dụ các danh hiệu Việt Nam hoàn toàn mang tính chất lưỡng diện như Bố Cái và các thể chế thói tục như truyện Trầu cau, v.v… sẽ bàn trong các chương sau. Có lẽ điều đó còn ghi lại trong việc phân chia các số biểu tượng. Viêm tộc được Kinh Dịch nhìn nhận là đã chiếm cứ hai số quan trọng nhất là 2, 3. Thuyết quái I nói: “Tham thiên lưỡng địa nhi ỷ số” 參 天 兩 地 而 倚 數 (3 trời 2 đất là số của nền Minh triết, là số nền tảng để làm ra các số khác). Như vậy hai số 3, 2 (đi với Đông và Nam) của Viêm tộc là phần nội còn hai số của Hoa tộc 4, 1 (đi với Tây và Bắc) chỉ là phần đóng khung thuộc ngoại diện. Vì thế Viêm tộc được coi Kinh Dịch là di sản thiêng liêng nhất của mình. Và cũng vì lý do đó trong số mấy sách của mặt trận văn hóa Bách Việt chúng tôi có đưa ra quyển Dịch kinh linh thể làm nền móng. Kinh Thư Sau Kinh Dịch thì đến Kinh Thư cũng gọi là Thượng Thư hay là Thượng Cổ, vì đây là quyển tản văn có tự lâu đời nhất, với nội dung hoàn toàn nông nghiệp. Trong Kinh Thư nổi nhất về phương diện triết phải kể tới thiên Hồng Phạm. Học giả Granet rất có lý gọi thiên này là bản tóm lược nền Minh triết: “La somme de la sagesse” (P.C. 166), vì nó bao hàm một sự suy tư về cơ cấu vũ trụ: “une Méditation sur la structure de l’univers”. Thế mà thiên này liên hệ mật thiết với Viêm Việt vì tính chất nông nghiệp của nó; thứ đến là có truyền thuyết cho rằng Hồng Phạm đã khải thị ra cho ông Vũ một người nếu không gốc Việt thì cũng đã Việt hóa hầu hết. Có lẽ vì thế mà truyền thuyết cho là ông lấy vợ Việt và khi chết cũng chôn ở đất Việt là Cối Kê (Danses 266). Sách Trúc thư kỷ niên quyển 3 nói: “Mẹ ông Vũ tên là Tu Kỷ. Đẻ con phía lưng, khi lớn lên hai tai ông đều có ba lỗ, chân đi như dáng chữ Kỷ nên gọi ông là Văn Mệnh. Ông có thánh đức, cao 9 thước 9 tấc, mộng thấy mình tẩy rửa trong sông, nên lấy nước mà uống liền được điềm tốt là con hồ 9 đuôi, được thần Sông hiện ra phán bảo: “Văn mệnh trị thủy. Ngôn cật, thụ Vũ Hà Đồ, ngôn trị thủy chi sự” 文命治 水. 言 訖,授 禹 河 圖,言 治 水 之 事 . Nhờ đó ông Vũ trị được nước, dấu hiệu là cây cối tốt tươi và hai thần Thanh Long và Chúc Dong hiện ra. Thanh Long chỉ vu giao, Chúc Dong chỉ thần giáng vu Sùng Sơn = Thần Thanh Long ở chỗ giao (Giao Chỉ) và thần Chúc Dong hiện xuống trên núi Sùng Sơn cũng gọi là Tung Sơn ở chính giữa tức nơi đất trời giao hội: “Vì thế ông Vũ được vua Thuấn truyền cho ngôi thiên tử, và liền nhận được Quy thư là Hồng Phạm, đóng đô ở Dương Thành”. Đây là một trang huyền sử nói về mối liên hệ giữa ông Vũ và Việt tộc rõ nhất. Ông Vũ là vua đầu tiên của nước Tàu, thế mà theo tinh thần phương Nam: “dĩ tu thân vi bản”. Tu thân cũng gọi là Tu Kỷ, nên mẹ ông có tên là Tu Kỷ và con đi có dáng chữ Kỷ; đẻ ra phía lưng là dương đối với bụng là âm, vì thế đóng đô ở Dương Thành, một miền của Dương Tử Giang, nơi lấy nước làm tiêu biểu Minh triết, nên ông Vũ uống nước liền được điềm tốt là con hồ 9 đuôi. Chín đuôi là Cửu trù của Cửu dân (Cửu lê). Vì 9 là số nhân của tam, thuộc Tam Miêu, nên tai có 3 lỗ là để nghe mệnh Trời, mệnh đất, mệnh người hòa hợp nên gọi là Văn mệnh. Vì thế sứ mệnh của ông phải đi theo lối văn, chứ không theo lối võ, mà lối văn là trị thủy theo nền Minh triết của Lạc Thư cũng gọi là Quy thư hay là Hồng Phạm. Ta biết Hồng Phạm không dạy phép trị thủy mà là trị nước. Vậy hai chữ “Trị Thủy” ở đây phải hiểu theo nghĩa nước là Quốc như tiếng Việt là một nước duy nhất dùng chữ Nước theo hai nghĩa Thủy và Quốc y như trong “Hà Đồ, ngôn trị thủy chi sự” thì chữ thủy đây phải hiểu là quốc, và khi Kinh Thư nói ông Vũ đào sâu sông (Tuấn xuyên 濬 川) thì phải hiểu Xuyên là Minh triết Đông phương toàn xuất tự nước như Hà Đồ, Lạc Thư… Chính vì ông Vũ đã biết “Tuấn xuyên” nên Kinh Thư mới tặng cho ông 4 chữ “Tuấn triết văn minh” 濬 哲 文 明 (Thuấn điển I). Vậy nhờ “Tuấn triết”, gọi khác đi là “Tuấn xuyên” hay là “trị thủy” mà cây cối tốt tươi, gây thịnh vượng cho nước, nên được điềm lành hiện ra là: “Thanh Long chi vu giao. Chúc Dong giáng vu Sùng Sơn”. Thanh Long là chòm sao Đông phương hiện ra ở phía Nam (giao). Chú ý hai chữ Giao Chỉ đã ló dạng nơi đây. Chúc Dong là thần Lửa chỉ phía Nam. Thế nghĩa là văn minh Đông Nam phát triển tức cũng là Việt đạo được thể hiện với nhà vua đầu tiên của nước Tàu. Đó là nhà Hạ do ông Đại Vũ nên khi Khổng Tử nói: “phải theo triết lý chữ thời của nhà Hạ”: “Hành Hạ chi thời” 行 夏 之 時 (L.N. XV. 10) thì cũng chính là “Hành Việt chi Đạo” vậy. Vì lý do đó mà quyển Chữ Thời mới lấy khung của Hồng Phạm để quảng diễn nền Minh triết của Việt Nho. Nhân nói đến chữ Việt xin kể chi tiết nhỏ sau đây: Trong mấy thiên đầu của Kinh Thư chữ Viết cũng đọc và viết là Việt: 曰 若 稽 古 = 粤 若 稽 古 (Viết nhược kê cổ cũng là Việt nhược kê cổ). Các nhà chú giải lâu đời nhất như Mã Dung và Khổng An Quốc cũng chỉ giải nghĩa rằng đó là câu nói giáo đầu (phát ngữ từ) nhưng không đưa ra lý do tại sao lại dùng câu đó, tại sao chữ Viết với Việt lại dùng lẫn lộn. Sau đây là giả thuyết làm việc của chúng tôi. Có lẽ câu đó do một người Việt được tuyển lựa để viết ra. Vì có truyền thuyết rằng, nước Việt Thường cống con rùa có mang trên lưng lịch sử gốc tích trời đất viết bằng lối chữ “cổ văn tự”, nhân đấy vua chọn nhân tài trong đất Việt để viết lịch sử. Vì thế mà có câu lập lờ mở đầu “Việt nhược kê cổ”. Cả Mã Dung lẫn Khổng An Quốc đều cho chữ nhược là thuận, chữ kê là khảo. Vì thế câu trên có nghĩa rằng: “Người Việt thuận theo ý vua xin kê cứu việc cổ xưa”. Nếu nói là “Viết nhược kê cổ” thì ra câu văn thiếu chủ từ. Còn khi thay vào bằng chữ Việt thì có chủ từ là người Việt, nhưng phải cái phiền là ghi công người Việt vào đầu Kinh Thư không tiện, nên cho rằng chữ Việt với Viết như nhau, rồi sau này ai có “tai” thì hiểu lấy. Trên đây chỉ là một giả thuyết đúng hay sai khó ai tìm ra lý lẽ đủ, có điều nó diễn tả được nội dung Kinh Thư đầy chất Viêm Việt, chẳng hạn: “khả ái phi quân, khả úy phi dân” (Đại Vũ mô câu 17): “Đáng yêu không ngoài vua, đáng sợ không ngoài dân”. Sách Nhật giảng giải rộng bằng câu sau: “Quân sở khả úy, khởi phi dân hồ”? (Những người đáng cho nhà vua sợ thì còn ai nữa ngoài dân?) Đúng giọng Viêm Việt đặt dân ngang với trời: “Thiên thông minh tự ngã dân thông minh”. Vì thế đường lối các triết vương nhà Ân (một nhà rất Việt) là đi theo lối sợ trời và bàn dân: “Ân tiên triết Vương địch úy thiên, hiền tiểu dân” (Tửu cáo câu 9): 殷 先 哲 王 迪 畏天 顯 小 民. Còn biết bao câu khác tương tự trong Kinh Thư. Có thể nói tất cả Kinh Thư được bao trùm trong bầu khí kính nể dân như vậy, cho nên giả thuyết nói Kinh Thư do người Việt nếu có sai chi tiết thì vẫn đúng với sự thực lớn lao. Sự thực lớn đó nằm trong phương trình: “Thiên thông minh tự ngã dân thông minh. Thiên minh úy tự ngã dân minh úy… đạt vu thượng hạ” (Cao Dao mô): “Trời thông minh là do dân ta thông minh. Trời ưng thuận hay biểu lộ uy thế là tự dân ưng thuận hay biểu lộ uy thế, trên dưới liên hệ như một tức dân với trời không hai”. Theo câu trên ta có thể nói rộng ra rằng, nếu trời cầm buộc thì dân cũng cầm buộc, nếu trời ban cho thì dân ban cho. Nên khi Kinh Thư nói: “Thiên nãi tích Vũ Hồng Phạm Cửu trù” thì có nghĩa là “dân nãi tích Vũ Hồng Phạm Cửu trù” vì tích là ban ra bằng nói, thế mà ông trời Đông phương không nói, thì chính là dân nói. Dân cũng là nhân, mà “nhân giả kỳ Thiên địa chi đức”, tượng trưng bằng con rùa vì lưng tròn bụng vuông. Vì thế thay vì nói dân ban sách thì bảo là rùa vì con rùa mang trên lưng 9 số từ 1 đến 9 tức là gồm hết lịch sử tạo thiên lập địa, nên cùng một họ với con rùa mà Việt Thường cống vua Nghiêu[4] đội trên lưng lịch sử đất trời. Đó cũng chính là Lạc Thư gồm 65 chữ “lục thập ngũ tự giai Lạc Thư bổn văn” (tiền Hán thư. Ngũ hành chi, thượng). Hoặc trên nữa là con rùa đội Lạc Thư lên cho vua Phục Hy… cũng như sau này thần Kim Quy vẽ bản đồ giúp vua An Dương Vương xây Loa Thành và giữ nước, v.v… Tất cả trong bấy nhiêu chuyện đều nói đến rùa. Vậy có nghĩa là gì? Thưa tất cả đều chỉ hiền triết vì chữ hiền 賢 viết với bộ bối 貝 mà bối chỉ các loài sò dùng vỏ làm tiền cũng có liên hệ với rùa (quy bối). Rùa là giống sống lâu cả từng ngàn năm, mà sống lâu thì trở nên linh thiêng = “quy tuế cửu tắc linh” (có ý nói người già giàu kinh nghiệm), mà linh thì tỏa ra cùng trời khắp đất. Con rùa cũng đáp ứng điều này vì lưng tròn chỉ trời, 4 chân chỉ đất, lại là giống sống dưới nước và có rất nhiều ở miền Dương Tử Giang… Vì thế nên Viêm tộc dùng rùa để chỉ hiền triết tinh hoa của dân. Và khi nói Việt thường cống con rùa… thì phải hiểu là có sự hiện diện của mộthiền triết trong phái đoàn sứ giả. Rất có thể phái đoàn đem đến một con rùa trên lưng có một số chữ xếp đặt như Lạc Thư, hay chính là Lạc Thư… Những chữ đó nói gì? Ai viết? Tại sao lại viết trên lưng rùa, mà không trên lưng con khác… thì tất cả đều đòi hỏi một trí óc vĩ đại mà người ta quen gọi là hiền triết. Việt Thường cống con rùa là có một số hiền triết Viêm Việt chịu ra giúp vua Nghiêu. Dân là nước, trị dân là trị nước. Nước cho là dân cho. Hà xuất Đồ Lạc xuất thư là dân cho ra Hà Đồ, dân cho ra Lạc Thư. Ông Vũ được trời cho Hồng Phạm là được dân hay đại biểu dân là hiền triết (như Cơ Tử) khải thị cho Hồng Phạm và nhờ đó mà ông có “tài trị nước” trở thành “Hữu Hạ” 有 夏 tức là được lòng các nước phương Nam mùa Hạ mà nổi nhất là Bách Việt. Phương Nam với mùa Hạ là một. Do đấy lập ra nhà Hạ có nghĩa là lập thành liên bang Việt Nam. Vì thế sách Trúc thư kỷ niênkể rằng: “Khi vua Vũ đi tuần xuống miền Nam ra tới giữa sông Dương Tử thì có 2 con rồng vàng đến đội thuyền. Đoàn tùy tùng kinh hãi. Vua Vũ nói rằng ta chịu mệnh trời xuất tận lực vào việc nuôi người, sinh ra là tính, chết là mệnh, việc chi phải lo ngại con rồng. Rồng liền kéo đuôi mà đi”: Hai con rồng là hai miền tả ngạn sông Dương Tử tức miền của Việt Nam thờ vật tổ dương là rồng vàng. Ban đầu rồng đội thuyền là có ý phòng hờ, nhưng khi thấy vua Vũ đi theo đúng với triết lý Hồng Phạm là lo cho dân thì thôi không tổ chức chống cự nữa, nhưng để mặc cho Đại Vũ đi vào miền Nam để trở thành “Hữu Hạ” tức là nắm được phương Nam. Kinh Lễ Sau Thư đến Lễ. Kinh Lễ vẽ lại cái lý tưởng sinh hoạt của xã hội Việt tộc xa xưa. Nếu Hồng Phạm nói số sinh 1, 2, 3, 4, 5 (lý thuyết) thì Kinh Lễ dùng số thành 6, 7, 8, 9 tức áp dụng lý thuyết vào thực tại đời sống. Cốt tủy của Kinh Lễ là thiên Nguyệt lệnh. Nguyệt lệnh phát xuất tự nhà Minh Đường nơi làm lịch, nhưng phải hiểu lịch theo nghĩa thiêng liêng ngày xưa nên là rất quan trọng. Bởi vì đối với đời sống nông nghiệp thì lịch bao hàm cả đời sống toàn triệt từ ăn làm qua việc cưới gả, lên cho tới tâm linh tu luyện (P.C. 133) nên nhà Minh Đường có trải qua nhiều hình thái như Linh đài hay Bích ung cũng gọi là Văn tổ (Danses 290, 291). Trong nhà đó coi trọng kinh nghiệm tức là coi trọng tuổi già, và xếp đặt ngôi thứ dưới trên dựa trên tiêu chuẩn tuổi tác (quy tuế cửu đắc linh). Đó là ấn tích của Viêm tộc, của dân gian vì thế có lịch Ly của Vương triều, mà cũng có lịch tình của dân gian, cuối cùng lịch tình của dân gian đã thắng vượt (Socio. 88-91). Chúng ta hãy đọc lại cốt tủy thiên Nguyệt lệnh thì sẽ nhận ra. Muốn vậy ta hãy thu gọn lại trong một bảng tóm như hình sau đây. Bảng này đã được rút gọn cho dễ hiểu, vì cần phải nắm được nó mới hiểu được nhiều điểm then chốt thuộc nguồn gốc nước ta (xem bảng Nguyệt lệnh đầy đủ ở quyển Vũ trụ nhân linh) ở đây chỉ cần ghi chú hai đế của trục Đông Nam: Đông là Thái Hạo = Phục Hy Nam là Viêm Đế = Thần Nông Còn hai đế của trục Tây Bắc là: Thiếu Hạo = Thiên Kim Chuyên Húc = Cao Dương Về trùng của trục Đông Nam là vũ = giống biết bay nên tế gà Đông là lân = giống thú hiền nên tế cừu. Do lẽ đó mà nước ta nhân cả điểu (Hồng Bàng) đi với vật tổ Tiên và thú hiền như lân (Lạc Long Quân) đi với vật tổ rồng. Trùng của trục Tây Bắc là: Tây: mao giống thú dữ: tế bằng thịt chó. Bắc: giới = giống có vảy: tế thịt heo… Chưa tìm ra lý do tại sao giới mà lại tế heo. Nhưng đây là tiêu biểu nên phải hiểu một cách co dãn. Về trung ương thì chữ Hoàng Đế nên hiểu là Hoàng hợp với Ngũ Đế, còn khi hiểu cho vua Hoàng Đế thì đó là chiếm công vi tư. Vì đây là cung của Hậu Thổ nên phải thái công, vì thế trùng phải là khỏa nghĩa là trần trùng trục không có vảy hay lông hoặc mao chi hết để biểu thị thánh nhân vô tâm. Tế bằng bò vàng là lấy về sắc vàng là sắc của Hậu Thổ. Vì mối liên hệ vật biểu nên nhiều lần tự xưng thí dụ là Khuyển Nhung một cách rất thành khẩn, nên khi nói Khuyển Nhung thì không cần phải có ý bảo Nhung là chó, mà có nghĩa y như ta là con cháu tiên rồng. Xem trong bảng trên ta sẽ dễ nhận ra nền văn hóa Viêm tộc đã chinh phục Hoa tộc đến độ nào. Vì chính Hoa tộc đã đổ khuôn văn hóa và nắm giữ quyền hành cai trị, vậy mà trong khi đổ khuôn đã không dám đoạt hết ngôi vị dành cho Viêm tộc, thí dụ thay vì để Viêm Đế và Thái Hạo ở số 2 và 3, Hoa tộc đã có thể đặt Đế Cốc, Đế Chí thay vào thì đã làm sao. Hoặc ít nữa họ đã có thể đem Chuyên Húc và Thiếu Hạo đặt vào số 2, 3 vì đó là hai ỷ số, vậy mà không, họ vẫn dành hai ỷ số cho Viêm Đế và Thiếu Hạo thì ta biết họ được cảm hóa. Viêm tộc đã chinh phục lòng họ rồi. Và như vậy họ bằng lòng với số 4 và 1 và hai vật tế “thấp” hơn là heo và chó, không sang bằng kê với dương. Phụ chú Trong các sách khi nói đến Tam Hoàng thì viết là 皇tức là Bạch Vương, còn Hoàng Đế thì lại viết là 黄. Chỗ này có thể ngờ rằng đã có một sự đánh tráo trộn: lẽ ra Hoàng Đế phải viết với bộ Bạch Vương để chỉ ông vua từ miền Tây mà đến nên thuộc hành kim sắc trắng gọi là Bạch Đế, thờ vật tổ thú (mao). Theo sách Trúc thư kỷ niên thì Hoàng Đế đã dẫn đầu bốn giống thú dữ là hổ, báo, hùng, bi tức bốn dân thờ vật tổ thú từ phía Tây, lại thờ thần Nữ Bạt thuộc Đạo Vu nghiễn cũng từ phía Tây, sắc trắng. Vì thế phải viết Hoàng là Bạch với Vương mới trúng. Còn Tam Hoàng là những ông vua sáng lập ra nền văn hóa nông nghiệp thì viết là 黄 tức là với bộ điền 田 và cộng 共 bổ đôi. Cộng điền chỉ phần ruộng ở giữa theo phép tỉnh điền của 8 gia đình phải làm chung cho nhà Vua. Nhưng vì sau mất ý thức nên một đôi sách viết khác cũng như hai chữ Hoàng dùng lẫn lộn. Giả thuyết trên được kiện chứng do việc Tần Thủy Hoàng bắt đổi chữ 辠 ra 罪. Xưa kia chữ tội viết là 辠 nhưng vì chữ này tương tự với chữ Hoàng 皇 nên bắt phải đổi ra chữ 罪 (Leg. III. 40). Cũng phải đặt trong ý tưởng này việc Hoa tộc đôi khi xưng mình là Hoàng tộc, thì cũng là sự đánh tráo nối dài của Hoàng Đế trên kia. Hoặc xưng như thế là có ý khoe mình thuộc Hoàng gia, và coi trọng dòng vua theo tư thế của Hoa tộc. Còn nếu nói theo nghĩa gốc Tam Hoàng thì Viêm tộc mới chính là Hoàng tộc. Hoàng tộc là Viêm tộc mà đại diện nay là nước Việt Nam nên xưa kia các cụ hay gọi là Hoàng Việt (xem Việt điện u linh và Lĩnh Nam trích quái) vì lý do đó chúng ta chỉ gọi là Hoa tộc mà không gọi là Hoàng tộc. Bởi vì Hoàng tộc thuộc văn minh nông nghiệp thờ Thần Nông cũng gọi là Điền Tổ (Maspéro 24) vì là nền văn minh cao hơn du mục, nên khi nhà Chu du mục vào chiếm quyền nhà Thương nông nghiệp thì đã tô tạo ra (tức lấy một hai yếu tố xa xưa mà tạo thành) một ông tổ gọi là Hậu Tắc (Creel. 215, Naissance). Và cuối cùng tôn Hậu Tắc lên bậc thần lúa tắc, bắt chước lối Thần Nông đã trở lên thần lúa mễ, để cuối cùng chiếm chỗ của Thần Nông trong việc tế xã tắc (Hoa tộc) mà không còn là xã mễ (Viêm tộc). Khi ta nói “Thần xã tắc” là vô tình ta nói lên một sự kiện lịch sử to lớn trong cuộc tranh giành không có kẻ thắng người thua: Viêm mất chỗ của Thần Nông nhưng lễ xã mễ thì được công nhận. Nhà chính trị công nhận lễ Thần Nông nhưng phải đổi xã mễ ra thần xã tắc. Viêm tộc giữ phần xã, nhường cho Hoa tộc chữ tắc (lấy trong Hậu Tắc). Đây chỉ là một giả thuyết làm việc, ghi lại để mở ra những đường hướng sưu tầm nghiên cứu và nhất là để làm thức tỉnh lại ý niệm về hai hướng văn hóa giao thoa. Kinh Thi là quyển Kinh điển của Việt tộc thì là điều có thực, nhưng vì được san định lại nhiều lần, tước bỏ đi có đến 9/10 (ba ngàn bài chỉ giữ có 300) nên bị xuyên tạc đi nhiều. Nhất là còn bị những chú sớ của Hán Nho che đậy rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên cũng còn nhận ra được phần nào vì lối che đậy vụng về, như lưu ý học giả về những điểm vụn vặt (phú, tỉ, hứng) và nhất là luân lý khiến cho người sau khó tìm ra được những ý ban đầu (P.C. 16). Thí dụ việc gán những bài trong Kinh Thi cho Văn Vương, Trang Vương, Hậu Phi, v.v… là chỗ khiến tôi nóng mặt sừng sừng mỗi khi đọc các chú sớ của lũ Hán Nho. Ngoài ra còn lối đặt tên các nước thuộc phương Bắc, lưu vực Hoàng Hà, để đối chọi với Sở từ thuộc lưu vực Dương Tử Giang miền Nam. Làm như thế có hại vì trước hết giúp cho Vương triều thoán đoạt tác quyền Kinh Thi của Viêm tộc. Đấy là việc làm của Hán Nho. Điều đó sẽ làm cho con cháu sau này không nhìn ra di sản thiêng liêng của mình ở đâu nữa, nên thải bỏ để quay ra học những sách hết sức tầm phào. Bởi thế cần chúng ta nghiên cứu Kinh Thi. Trong khi đọc với cặp mắt phê phán, chúng ta nhận ra ngay nội dung Kinh Thi phần lớn thuộc Viêm tộc, vì bầu khí cởi mở, đàn bà tương đối còn thong dong, ca múa tưng bừng… Đã vậy ta còn thấy chứng cớ cả về địa vực. Thí dụ bài đầu: Quan quan thư cưu Tại hà chi châu. Nếu đọc vội thì ta cho Hán Nho nói đúng khi bảo Kinh Thi thuộc phương Bắc, vì ở phương Bắc gọi sông là Hà (Hoàng hà, Cửu hà), còn bên Nam thì kêu là Giang (Trường giang, Hoài giang, Việt giang…). Chắc nhiều học giả đã nghĩ như thế (ấy là nếu có óc phê bình nhận xét) nhưng khi đọc kỹ liền nhận ra chữ Hà ở đây không là sông mà chỉ là gò ở giữa sông. Vậy dù có chữ Hà cũng không trở ngại việc chỉ cho miền Dương Tử Giang. Điều này còn được kiện chứng khi ta đọc xuống bài thứ 9 gọi là Hán quảng. Hán quảng chi hĩ Bất khả vịnh chi Giang chi vĩnh hĩ Bất khả phương tư. (Trên bờ sông Hán ai ơi Có cô con gái khó ai mơ màng Mênh mông sông Hán sông Giang Lặn sang chẳng được bè sang khó lòng.) Sông Hán là chi nhánh sông Dương Tử thì ai cũng biết. Như vậy rõ rệt là địa bàn của thơ châu Nam là miền Dương Tử Giang tức là miền của những châu Kinh, châu Dương, châu Hoài… của Việt Nam cổ đại. Ngoài ra còn một số tang chứng rất lớn xuất hiện ngay từ câu đầu, đó là các loài chim. Quan quan thư cưu Tại hà chi châu. Cưu là một giống chim nước quen sống ở hai vùng Dương Tử Giang và Hoài Giang gồm Cốt Cưu, Quýnh Cưu, Thư Cưu, Cung Cưu và Cưu Cư (là giống không biết làm tổ, phải đi đẻ nhờ tổ chim tước). Dương Tử là miền nhiều chim vô kể, nên chắc vì đó mà tổ tiên ta đã nhận vật biểu điểu, điểu trước nhất đi với vật tổ Tiên, và vì đó xưng là họ Hồng Bàng. Hầu chắc Hồng không cần chỉ hẳn loài chim nào, thí dụ chim nhạn thứ lớn, nhưng chỉ là chim to của miền Trường Giang, có thể vì đấy chữ Hồng kép bởi chữ Giang và Điểu 鴻. Hoặc cũng có liên hệ với hai loại chim mà Kinh Thư thiên Vũ Cống câu 10 nói: “Dương điểu du cư” tức là một thứ ngỗng rừng, cũng gọi là chim mặt trời, vì nhân theo độ cao thấp của mặt trời, mà từ Nam lên Bắc, rồi từ Bắc xuống Nam, đưa thoi theo mùa nóng lạnh. Dù sao thì vùng Dương Tử Giang rất nhiều chim. Kinh Thi đã phản chiếu lại hiện tượng đó bằng chim xuất hiện tràn ngập: Thư Cưu mở đầu rồi về sau: “Hoàng điểu vu phi. Duy thước hữu sào, duy cưu cư chi. Yến yến vu phi. Hùng trĩ vu phi, Trĩ minh cầu kỳ bẫu. Ung ung minh nhạn, Hồng tắc li chi. Thuần chi bôn bôn. Thước chi cương cương”… Và do đó chim hay đi với việc cưới xin: Lễ hỏi phải có cặp ngỗng rừng để chúng: “Ung ung minh nhạn” (Creel. 279) hoặc truyền thuyết về các bà mẹ nuốt trứng chim rồi sinh con. Tóm lại vừa có rất nhiều chim và chim lại gắn liền với việc cưới xin kiểu trực tiếp (gọi là bôn) thì hai điều đó thuộc phương Nam. Còn về thú thuộc du mục thì xuất hiện quá ít so với chim, mà con thú xuất hiện đầu tiên trong Kinh Thi lại là con lân thuộc phương Đông, hiền đến nỗi không dám giẫm lên cỏ non sợ chết sâu. Còn thú dữ (thuộc mao phương Tây) xuất hiện quá ít không đủ ghi lại được một hình ảnh du mục nào cả, thế có nghĩa là văn hóa du mục thú đã bị lép vế hẳn trước sức mạnh của văn hóa nông nghiệp chim (đi với Tiên). Về trùng cũng xuất hiện ít: một lần là con trung tư (châu chấu) lần sau là con thảo trùng (có lẽ cũng là châu chấu) để đại diện cho trùng trong Nguyệt lệnh, nhưng trùng cũng tham dự vào phong thái nông nghiệp của phương Nam, tức rất hồn nhiên trong việc yêu thương. Vậy là trong Kinh Thi chủ tịch vẫn là chim: chim đi với dân ca, quốc phong (Socio. 76). Các chim được kể đến nhiều là những con hay bay đôi, và cùng ứng đối trong tiếng hót: thí dụ câu “Quan quan thư cư” thì tiếng quan trước là của con cái (nhất âm) tiếng quan sau là của con đực (nhất dương), các câu khác cũng thế. “Ung ung minh nhạn”, “Yến yến vu phi”… nói ngay bài đầu hai chữ quan là đủ rõ: “Yểu điệu thục nữ”, bản tiếng La tinh mới dám dịch sát, là có một mình, còn “Quân tử hảo cầu” là giao cấu: Copulari. Đôi khi các cụ ta cũng dám dịch sát đáo để, thí dụ: “Diệc chi kiến chỉ/ Diệc chi cấu chỉ” mà dịch là: Bao giờ cho thấy mặt chàng Cho ta vui vẻ nở nang tấm lòng. Chữ cấu mà dịch là nở nang tấm lòng thì tuyệt, vì nó có âm vang mãi tới 9 tháng sau. Các con thảo trùng: cái nhảy là đực nhảy theo. Con trung tư: Bay đậu vui vầy Nên con cháu mầy Đông thật là đông. Tóm lại ta có thể nói Kinh Thi phản chiếu khá trung thực đời sống tình ái phương Nam của Việt tộc. Lối sống ấy còn thuộc bộ lạc với tục ngoại hôn, và có tính cách cộng đồng: nghĩa là cứ đến mùa xuân, thì tất cả trai gái làng này (mỗi làng một bộ lạc) đến hát với trai gái làng bên cạnh. Tham dự tích cực thì chỉ có các trai chưa vợ gái chưa chồng để hai bên xem mắt nhau trong lúc hát đối; sau đó họ chia nhau từng đôi, vào các lùm cây, hoặc trong bãi cỏ tặng hoa và giao hợp. Sau lần “hảo cầu” mà nếu đàng gái “nở nang tấm lòng” thì đến mùa thu sẽ cưới đàng hoàng, và từ đấy cô cậu biết đi chơi xuân; còn nếu chưa nở nang gì cả thì đến mùa xuân sang năm lại đi hội nữa. Đó chỉ là tục cưới xin lúc xưa, có mang ý nghĩa thiêng liêng là giúp trời đất trong đạo nuôi dưỡng: “tán thiên địa chi hóa dục”. Đó là ý tưởng bàng bạc (tức không ý thức minh nhiên) trong bầu khí trống quân trong các lối hát, các lối hội chùa Lim, v.v… mà ta có thể gọi chung là Hội mùa xuân = “chơi xuân”. Tuyệt không có một ý nghĩ tội tình nào pha trộn: từ khi hát đối, liếc nhìn, chọn lựa đến việc tặng hoa thược dược, hoặc trao mấy cành cây nhỏ bó lại để biểu thị sự đoàn tụ đôi bên và cuối cùng hợp thân, v.v… tất cả đều được làm một cách kính cẩn trang trọng của một cuộc tế tự có tất cả dân làng tham dự, trong không khí tưng bừng của ngày đại lễ, làm bằng ăn, uống, hát, múa trong niềm hoan lạc thiêng liêng. Nó soi sáng cho những tích trong lịch sử chẳng hạn bà Giản Địch nhân lúc đang dạo ngoài đồng nuốt trứng chim én liền có mang sinh ra tổ nhà Thương… thì ta hiểu ngay được rằng khi bà đi hội vào lúc hoa nở “Ngày xuân con én đưa thoi”, nó thoi ngay vào bụng bà nên bà có mang. Sự có mang đó không hề một ai cho là xấu mà còn mừng cho đứa con của bà sau này được tôn lên làm vua nhà Thương, v.v… Vua nhà Thương được sinh ra do bà mẹ nếu không Viết trong dòng máu thì cũng được thụ thai trong buổi lễ đầy Việt tính nên nói là nuốt trứng chim (Kinh Thi Đại Nhã bài Huyền điểu). Chim đi với Tiên, mà lại nuốt trong buổi lễ “giao mối” (người mối lái ở phía Nam) tức là trong một cuộc hát trống quân được kiểu thức hóa. Nói vắn là hoàn toàn Việt nên bà Giản Địch may mắn hơn bà Khương Nguyên sinh ra Hậu tắc là tổ nhà Chu. Nhà Chu thuộc du mục rồi sau mới được chuyển hóa theo văn minh nông nghiệp của Viêm Việt. Cho nên bài Sinh dân (Kinh ThiĐại Nhã) có thể coi là một thứ huyền sử ghi lại sự chuyển hóa tự du mục Hoa sang nông nghiệp Việt. Thoạt tiên bà Khương Nguyên đi hội mùa xuân. Kinh Thi nói là bà đạp lên lốt chân người to lớn, bụng sưng lên, nhưng khi đẻ ra thì bà sợ nên đem con bỏ ngoài đường hẻm. Đó là hậu quả của luân lý thanh giáo Bắc phương không chấp nhận lối sinh con ngoài hôn phối. Thế nhưng bò dê (hiểu là Văn hóa nông nghiệp) lại đến sưởi ấm và khi Hậu Tắc lớn thì trời ban cho tài trí biết trồng ngũ cốc (hiểu là đi vào văn hóa Viêm Việt). Trở lại với các cuộc chơi xuân, trống quân ta có thể nói đó là những buổi lễ đầy tính chất sáng tạo cả về văn nghệ lẫn sinh lý. Vì thế ai cũng cố gắng sáng tác trong cả văn nghệ lẫn sinh lý. Tuy nhiên cho tới nay các học giả hầu hết không thấy, hay hơi hé nhìn một chút nhưng không đủ can đảm và thông thái để dịch sát nghĩa nhiều bài thơ. Trong các học giả Tây Âu chỉ có Granet là hiểu đúng hơn hết (xem Fètes et Chansons, Etudes sociologiques, v.v… của ông). Sở dĩ người ta không hiểu vì thói tục trên đi ngược Bắc phong, nên Hán Nho thường có những câu kể lại một cách khinh dễ như “Quân thần đồng xuyên chi dục” của sách Phong tục thông và “Nam nữ đồng xuyên chi dục” của Hậu Hán Thư và các Vương triều của Trung Hoa xưa đã cấm hát trống quân ở phương Nam và gọi việc cấm đó là “đức hóa” của nhà vua đã chiếu tỏ tới phương Nam, thì trong thực chất chỉ là một cố gắng đàn áp văn hóa Viêm tộc. Sau này Tần Thủy Hoàng khoe mình đã trong sạch hóa phong tục phương Nam nhất là ở nước Việt, thì phải hiểu về vấn đề tình dục. (Nên đọc cả trang 488 trong quyển La pensée chinoise của Granet để thấy rõ hai tinh thần Hoa Việt). Trống quân nếu được tổ chức đúng, thì phải ở bên bờ sông dưới chân núi và nhất là ở cửa Đông và Nam (Socio. 79-80). Điều ấy nói lên mối liên hệ với nền văn hóa ĐÔNG NAM của Việt tộc. Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này là cốt để minh chứng rằng bầu khí của quốc phong phần lớn là thuộc miền Trường Giang, quê hương của muôn loài chim, của tình ái ân không đi qua mai mối, nhưng được bộc lộ một cách chân thành bằng những câu nói mộc mạc mang đặc tính chất phác nhưng trầm hùng sáng sủa và sau này trước sức lấn át của Bắc phong, tinh thần đó vẫn còn phục hồi nhiều lần như qua văn thể Sở từ của Khuất Nguyên, của Tống Ngọc hoặc qua nhạc phủ đời Hán… Đây cũng là một sự trỗi dậy của văn học dân chúng, sự hoàn hồn của Kinh Thi nó phối hiệp với văn học cung đình gồm những nhóm như Tương hòa ca từ 相 和 歌 辭.Sở dĩ nói nhạc phủ là chính Kinh Thi hoàn hồn vì tất cả có thể phối hợp với âm nhạc là nét đặc trưng của Kinh Thi, của ca dao. Ca dao là đồng diêu được ca được múa. Chính lối nhạc phủ này đã chi phối bầu khí văn hóa, đến nỗi những loại bài quân nhạc tấu lên khi ngồi trên ngựa như “Hoành súy khúc” 横 吹 曲 phát xuất từ phương Bắc do Hoa tộc đều bị gọi là ngoại lai tức tỏ ra văn chương dân gian đã nắm được chủ quyền từ lâu lắm, đến nỗi ngoại xâm không sao cướp được ngôi chính. Dân gian ở đây phải hiểu là Viêm tộc, nên bao gồm cả những người chí sĩ: một Dương Hùng người Cối Kê đã dùng bạch thoại đầu tiên, một Đào Tiềm, thi sĩ nông gia, cũng như biết bao ẩn sĩ, danh sĩ khác của Viêm tộc. Vì những lý do rất nhiều như thế, nên không thể dựa trên một số tiêu đề, thí dụ các bài quy cho các nước lưu vực Hoàng Hà, hoặc một hai danh từ như chữ hề trong bài Nam Phong ca mà Dịch Quân Tả cho là nhất định giả tạo vì chữ hề mới xuất hiện từ Chu sơ, còn trước thời Tam Đại không thấy dùng đến. Nhưng đâu là những tài liệu trước Tam Đại để mà dám kết luận một cách tuyệt đối như thế. Trái lại chúng ta có đủ lý do để nghĩ rằng, đã có một cuộc hòa đồng giữa hai nền văn hóa Viêm và Hoa mà ta có thể gọi là cuộc linh phối hoặc gọi là cuộc tráo trộn cũng được. Gọi là tráo trộn vì Hoa tộc mạnh về võ, nhưng yếu về văn, nên đến lúc phải hòa trộn văn thì đuối, vì thế có thể xảy ra những cuộc tráo trộn do chính Viêm tộc làm ra: Nó ở tại đem vào những bài ca của dân gian một ít lời để lái một bài thơ phương Nam ra vẻ của phương Bắc, hoặc để nguyên cả một bài hay một chuỗi bài như Châu Nam, Thiệu Nam mà đặt vào vùng núi Kỳ ở Thiểm Tây để cho người phương Bắc dễ chấp nhận. Ở chỗ này chúng tôi cho ý kiến của Lương Khải Siêu đáng chú ý: Ông đã căn cứ trên âm nhạc để phân chia loại thơ trong Kinh Thi và ông cho rằng phải thêm vào một loại thứ tư nữa là Nam sau Phong, Nhã, Tụng vì trong bài Chung cổ, Tiểu Nhã có câu: “dĩ nhã dĩ nam” 以 雅 以 南 theo chữ này thì Nam đứng một loại riêng đối với Nhã, nhưng sau cuộc linh phối thì Nam biến mất như một thể """