"Vì Nghĩa, Vì Tình - Hồ Biểu Chánh full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Vì Nghĩa, Vì Tình - Hồ Biểu Chánh full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Mục lục Chương 1: Con Thơ Lìa Mẹ Chương 2: Thật Chuyện Đau Lòng Chương 3: Phế Nhà Chuộc Tội Chương 4: Chồng Vợ Gặp Nhau Chương 5: Kẻ Tìm Con, Người Thấy Con Chương 6: Kẻ Lập Mưu, Người Làm Nghĩa Chương 7: Trong Bụi Giựt Mình Chương 8: Tình Con Nít Chương 9: Thói Tiểu Nhơn Chương 10: Trở Về Chốn Cũ Chương 11: Khinh Bỉ Thói Đời Chương 12: Tạo Hóa Trớ Trêu Chương 13: Phong Trần Dạn Mặt Chương 14: May Gặp Việc May Chương 15: Kẻ Cố Ý Mua Con Chương 16: Người Tình Cờ Gặp Con Chương 17: Bắt Mối Phăng Lần Chương 18: Một Nhà Sum Hiệp Chương 19 (Chương Kết) - Dễ Có Mấy Ai VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 1: Con Thơ Lìa Mẹ Gần hết nửa canh năm, hướng đông sao mai đã ló mọc. Bầu trời rực sáng, nên chỗ đen đen, chỗ đỏ đỏ; mặt cỏ gội sương nên khoảnh ướt ướt, khoảnh khô khô. Có một người đàn ông, tuổi trên bốn mươi, ở phía dưới trường đua ngựa cũ Sài Gòn, theo đường quản hạt lầm lũi đi riết lên xóm Chí Hoà, hai tay có ôm một đứa con nít chừng năm, sáu tuổi. Mấy nhà ở dọc theo hai bên lộ còn ngủ, nên cảnh vật im lìm, duy có một cỗ xe bò chở rau, cải, khoai, đậu ở trên miệt Bà Quẹo thủng thẳng đi xuống, cặp bò na nần, lồng đèn leo heo, bánh xe kêu lét két. Khi người với xe bò gần gặp nhau thì đứa con nít vùng khóc lên. Người bồng nó, nạt nhỏ nhỏ rằng: - Nín đi nà, khốc giống gì. -- rồi bét vô lề đường mà đi; người đánh xe mắc ngủ gục nên không nghe thấy chi hết. Người bồng đứa nhỏ đi đến xóm Chí Hoà rồi quẹo vô một cái bờ nhỏ bên phía tay trái. Bờ quanh co mà lại tối mò, dưới chơn ngọn cỏ đưa ngọn lúp xúp, trên đầu cây giao nhành bít chịt, cảnh coi hiểm lắm, nếu ai không quen thuộc thì trong lúc ban đêm như vầy ắt nhát bước chơn vào. Người nầy tuôn ngọn cỏ mà đi xăng xái cũng như ngoài đường trống, chẳng có chút chi bợ ngợ. Đi được chừng vài trăm bước thì tới một cái nhà tranh nhỏ và thấy cửa vách xịch xạc, người ấy giở cửa chun vào kêu rằng: - Mầy a, mầy a, dậy đốt đèn coi nào. Bước vô nhà rồi, người ấy mò lại bộ ván, để đứa nhỏ ngồi xuống và kêu nữa rằng: - Mầy a, dậy đốt đèn lên. Ở phía trong có một người đàn bà lục tục mò hộp quẹt đốt đèn rồi bưng ra. Chị ta dòm thấy có một đứa con nít ngồi khóc trên ván thì chưng hửng, nên ngó người đàn ông mà hỏi rằng: - Con của ai ở đâu vậy? - Của họ mới cho tao. - Họ cho mà mình lãnh về làm gì? - Lãnh về nuôi, chớ lãnh làm gì. - Úy! Mẹ ơi, ai mà nuôi con nít cho đặng? Đứa nhỏ ngó người đàn bà và ngó dớn dác trong nhà rồi khóc mà kêu má nữa. Người đàn ông chúm chím cười rồi nói với người đàn bà rằng: - Bồng đi từ dưới Sài Gòn về trên nầy mỏi tay quá. Mầy bồng nó một chút coi; bồng dỗ nó rồi tao nói chuyện cho mà nghe. Người đàn bà để chong đèn trên ván rồi xớt bồng đứa nhỏ. Đứa nhỏ càng khóc lớn và kêu má nhặt hơn nữa. Người đàn bà nhìn nó và nói rằng: - Con trai mà. Nín đi, khóc giống gì. Người đàn bà lại day qua hỏi người đàn ông rằng: - Đêm nay đi làm miệt nào đâu mà không có chi hết, lại ẵm con nít về như vầy nè? - Ậy! Con nầy nóng quá! Sao mầy biết tao không có chi hết? No lắm chớ. Người đàn ông thò tay và dây nịt móc ra ba tấm giấy "xăng", rồi bước lại gần đèn phành ra mà đếm. Người đàn bà chụp lấy mà coi và hỏi rằng: - Giấy bạc mấy đồng đây? - Con nầy ngu quá! Giấy trăm mà nó không biết chớ. - Giấy trăm hay sao. Mẹ ơi, té ra ba tấm đấy là ba trăm. Mình làm nhà ở đâu vậy? - Không phải tao làm, họ cho tao mà. - Ai dại gì mà cho mình nhiều như vậy? Đâu mình nói thiệt cho tôi nghe một chút mà. Người đàn ông mới leo lên ván mà ngồi, thò tay bưng chong đèn để xích tới. Người đàn bà muốn nghe câu chuyện mà bị đứa nhỏ bồng trên tay nó khóc hoài, làm cực lòng quá, chị ta giận mới đem nó để nằm trên cái võng rồi trở lại hỏi người đàn ông nữa rằng: - Chuyện sao đâu mình nói cho tôi nghe một chút. Còn thằng nhỏ đó ở đâu vậy? - Chuyện kỳ lắm. Đêm nay tao đi, tao tưởng bị rồi, té ra khỏi hại mà lại may quá. Hồi 12 giờ khuya, tao ghé rình cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều. Tao biết nhà ấy là người Việt nên tao không sợ. Tao đứng ngoài cửa sổ mà rình hơn một giờ đồng hồ, trong nhà tối mò mà lại vắng teo. Tao chắc họ ngủ mê tao mới cạy cửa sổ. Không dè cửa sổ đó ngay bộ ván, lại có một người nằm đó nữa chớ! Tao nhát nhát, sợ chung vô động ván họ hay. Tao muốn bỏ mà đi làm chỗ khác, ngặt cửa đã phá rồi, bỏ thì uổng lắm, mà trời lại gần sáng, đi làm chỗ nào nữa cho được. Tao đứng rình hoài, đến gần ba giờ tao mới lén chun vô. Tao bò trên ván nhẹ nhẹ, không dè người nằm đó họ hay nên họ cũng rình tao. Tao vừa muốn bước chân xuống đất thì người ấy vùng ngồi dậy, nhảy đạp tao một cái té nằm sấp ngay chừ, rồi nó chận cổ đè trên lưng tao mà bắt tao. - Úy mẹ ôi! sao mình không đánh mà giải vây? - Giải khỉ họ! Tao bị đạp một cái té sấp tức quá, cựa quậy không nổi, còn con dao tao cầm trong tay thì nó văng xa lắc, còn giống gì đâu mà cự. Hồi đó tao tưởng cái mạng tao đã hết rồi, tao chắc phải vô khám, nên tao nằm chịu phép. Thằng bắt tao đó nắm cổ kéo tao dậy rồi dắt tao đi lại chỗ đèn khí mà vặn đèn lên. Tao thấy con dao của tao văng nằm dựa trên ghế, tao muốn nhảy lại giựt chém giải vây, ngặt vì cái ngực tao tức quá, tao liệu thế chống cự không nổi, tao mới ngồi dựa vách tường mà năn nỉ. Thằng thầy bắt tao đó nó còn trai má nó mạnh thiệt. Nó để tao ngồi đó, nó bước lui, lượm con dao rồi nó cầm trong tay mà hăm tao. Tao cùng thế, tao mới năn nỉ xin nó tha; tao nói mầy đẻ, mà lại đau nặng, không có tiền chạy thuốc, nên tao mới làm bậy, chớ không phải tao quen cái nghề ăn trộm. Thằng thầy đó nó tính giống gì không biết, mà nó nín thinh, một hồi nó biểu tao phải lãnh mà nuôi dùm một đứa con nít thì nó mới chịu thả tao. Tao than nghèo, không có đủ cơm mà ăn, có dư đâu mà dám lãnh nuôi con nuôi. Tao mại hơi với nó vậy mà, biết hôn, miễn nó thả tao rồi thì thôi, thứ con nít mình muốn nuôi thì nuôi, nếu không muốn nuôi thì mình bán cho người khác nuôi chớ có khó gì. Tao mại hơi với nó như vậy mà nó ngu quá, nó lại nói như tao chịu lãnh đứa nhỏ thì nó cho tao tiền bạc mà nuôi. Sướng quá! Tao chịu liền. Nó mới đi bồng thằng nhỏ nó đưa cho tao với mấy trăm đồng bạc. - Sao mình không làm dầy làm mỏng đặng xin tiền thêm? - Thôi chớ! Ăn trộm người ta bắt được rồi người ta thả, người ta cho một đứa con trai với ba trăm đồng bạc nữa, còn kèo nài cái gì? - Mà thằng nhỏ nầy là con của người đó hay là con của ai? -Tao có biết đâu. Tao được bạc tao mừng quýnh, nên bồng thằng nhỏ dông mịt, không kịp hỏi chi hết. - Chắc là con người đó, vì nó xấu háy nên họ cho mình chớ gì. - Mầy nói bậy. Con xấu háy, người ta có cho thì cho hồi mới đẻ, chớ nuôi đã bây lớn đó còn cho nỗi gì. Mà người ta có cho thì người ta làm bộ viết tờ cho người nào bà con quen biết đặng chừng lớn người ta bắt về, chớ sao lại cho tao, mà còn dặn phải đem đi mất đừng héo lánh tới xóm đó nữa. - Hay là thằng cha đó nó oán người nào ở trong nhà, nên muốn hại con người ta chơi cho bỏ ghét. - Mầy nói cái đó có lẽ phải. Chắc là tại vậy đó. À, tao quên nữa chớ. Thằng thầy đó nó dặn tao nuôi thằng nhỏ nầy phải dạy nó ăn trộm, ăn cướp, phải tập nó làm du côn. Tại sao nó dặn kỳ cục như vậy không biết. - Dạy cái đó không khó gì mà. - Rượu tao uống hồi chiều còn chút nào hay không mậy? - Cái ve để trên bàn thờ kia kìa, lại đó mà coi còn chút nào hay là hết, chớ ai uống đâu mà biết. Người đàn ông mon men đi lại bàn thờ lấy chai rượu đưa lên coi rồi rót ra chén chung mà uống. Người đàn bà xếp ba tấm giấy bạc kỹ lưỡng rồi bỏ vô túi áo nhỏ. Thằng nhỏ nằm trên võng cứ khóc hoài. Người đàn bà bước lại bồng nó đem để trên ván, rồi nhìn coi thì thấy nó mặc quần áo luôn, một cái may bằng lụa trắng có sọc xanh, cổ có viền ren. Mặt mày tay chơn nó trắng nõn, tóc nó hớt bôm bê nên trước trán vắn mà hai bên vớt sau ót lại dài. Người đàn ông uống hai ba chung rượu rồi trở lại ván vỗ đầu thằng nhỏ mà nói rằng: - Đừng có khóc nữa. Nín đi, rồi sáng tao mua bánh bao cho ăn. Thằng nhỏ sợ nên mắt ngó dớn dác ngoài cửa rồi khóc thút thít mà kêu rằng: - Má ơi, má!. Người đàn bà cười mà nói rằng: - Má đâu có mà kêu. Mầy ở đây với tao, không được về má mầy nữa đâu. Má mầy là tao đây, còn người nầy là tía mầy biết hôn. Từ hồi đó đến giờ tao mượn người ta nuôi mầy, bây giờ tao bắt về. Rày sắp lên ở với tía má đây. Thằng nhỏ khóc ré lên. Người đàn bà dỗ nó hết sức mà nó không chịu nín. Người đàn ông trợn mắt nộ nó, nó sợ nên thôi khóc, mà nó còn thút thít hoài. Người đàn bà dỗ hỏi nó tên gì, thì nó nói tên Hội, mà vì nó nói nhỏ quá, lại và khóc và nói, hai người nghe không rõ, nên tưởng nó tên Hồi. Người đàn bà bồng nó lại võng nằm mà dỗ nó ngủ. Gà trong xóm gáy vang rân; thầy chùa ở đằng chùa Phật thức dậy công phu, dộng chuông boong boong. Người đàn ông nằm ngay trên ván một lát rồi ngủ khò, mà đứa nhỏ đưa trên võng một hồi cũng ngủ. Thằng nhỏ nầy tên nó là Chánh Hội, cha nó là Lý Chánh Tâm, còn mẹ nó là Thái Cẩm Vân. Khi mẹ nó sanh nó ra được ít tháng thì cha nó đi Tây mà học, để mẹ con nó ở nhà với bà nội nó. Cha đi học năm năm, lấy được bằng cấp tú tài rồi trở về xứ, vừa bước vô thì gặp cô nó là Lý Tố Nga, vì việc chồng con bối rối nên tự vận mà chết. Cha nó chôn cất cô nó rồi, kế gặp nhiều cái bằng cớ đủ tin cho mẹ nó lấy trai, lấy một người ở tỉnh Cần Thơ, mà lại tưởng mẹ nó lấy người ấy mà sanh ra nó đó nữa. Trong lúc tức giận sầu não, cha nó đánh mẹ nó, rồi muốn trả thù sâu hiểm, nên thừa dịp bắt gặp đặng ăn trộm trong nhà, mới bồng nó mà giao cho ăn trộm, cho ăn trộm tiền bạc, mướn ăn trộm đem giấu nó cho biệt tích và tập luyện tánh nết nó thế nào đặng chừng khôn lớn nó trở nên một đứa du côn trộm cướp, làm như vậy là có ý muốn phạt mẹ nó sầu não lìa con, và phạt nó là cái dấu tích dâm bôn, là cái duyên cớ làm cho cha nó đớn đau, xấu hổ. Tại như vậy đó, nên nó lọt vào chốn nầy đây. Còn người đàn ông với người đàn bà nầy là hai vợ chồng -- chồng tên là Tư Cu, vợ tên là Tư Tiền. Vợ chồng thuở nay không có con, có hai chục sào đất với một cái nhà tranh ở cuối xóm Chí Hòa. Tư Cu không làm ruộng, không làm rẫy, thường nói với người trong xóm rằng để đi làm mướn ăn khoẻ hơn, nhưng mà ít thấy làm việc gì cho ai trong làng, duy ban ngày thì be be đi xuống miệt Sài Gòn dọ đường rồi ban đêm rình mò coi nhà nào ngủ mê thì đào hầm, khoét vách mà ăn trộm đồ. Còn Tư Tiền hồi trước thì hay đi rảo trong xóm góp mua những rau, hành, bầu, mướp, rồi gánh xuống chợ Bến Thành mà bán, có bữa lời năm, bảy cắc hoặc một đồng thì mua cá, mua thịt, gạo đem về mà ăn. Mà gần một năm nay chị ta than với chồng rằng đi mua bán đường xa gánh gồng mệt nhọc nên chị ta không muốn làm nghề ấy nữa, bữa nào siêng thì chị ta đi, còn bữa nào làm biếng thì ở nhà. Mấy bữa rày trong nhà gần hết tiền, mà nhằm lúc vợ không siêng, nên chồng mới thả xuống Sài Gòn mà ăn trộm đó. Trời đã sáng thiệt mặt rồi. Tư Tiền mới lén thằng Hồi mà leo xuống võng, rồi đi chống cửa quét nhà. Chị ta thấy chồng còn ngủ mê, nên bước vô trong bếp móc túi lấy ba tấm giấy bạc ra mà coi. Chị ta cầm coi từ tấm, coi bên nầy rồi coi bên kia, coi đã thèm rồi mới xếp tử tế mà bỏ vô túi lại và miệng chúm chím cười. Mặt trời mọc chói ngay vô bộ ván chỗ Tư Cu nằm mà anh ta bị thức sáng đêm nên ngủ mê không hay chi hết. Thằng Hồi thức dậy, dòm thấy trong nhà lạ hoắc, nên nó khóc. Tư Tiền bước ra đỡ nó xuống võng rồi nắm tay dắt nó vô trong. Nó trì lại và dậm chơn nói rằng: - Má tao đâu. Dắt tao về má tao. Tư Tiền kéo xểnh nó đi và nói rằng: - Nín đi, chớ mầy khóc tao đánh chết. Tao nói má mầy là tao đây, còn đòi má nào nữa. Mấy người ở gần nghe tiếng con nít khóc trong nhà Tư Cu thì thấy làm lạ, nên bước lại hỏi thăm. Tư Tiền nói rằng: - Thằng nhỏ nầy là con của chị hai ở dưới cầu Ông Lãnh. Chỉ mất rồi, ảnh mắc đi làm không ai giữ nó, nên hồi khuya ảnh đem lên ảnh gởi cho vợ chồng tôi nuôi dùm. Người lối xóm ai nghe như vậy cũng tưởng sự thiệt, nên khen thằng nhỏ ngộ nghĩnh rồi về, không nghi việc chi hết. Tư Tiền để thằng Hồi đứng dựa cửa sau rồi đi lấy gạo nấu cơm. Chừng cơm nấu chín rồi, Tư Cu mới thức dậy. Tư Cu ngồi sật sừ, chưa kịp rửa mặt mà đã kêu vợ biểu xách xe lại quán mua vài cắc rượu về uống chơi. Tư Tiền đi mua rượu mà lại dắt thằng Hồi đi theo, trong ý muốn làm cho thiên hạ ngó thấy thằng nhỏ, rồi cắt nghĩa phứt cho họ hiểu đặng họ khỏi dị nghị. Rượu mua về rồi, cơm dọn lên ván, vợ chồng Tư Cu đỡ thằng Hồi lên ngồi một bên. Trong mâm chỉ có hai món đồ ăn, một là dĩa khô cá lép với một dĩa cá sặc kho, con nào cũng không lớn hơn ngón tay cái. Tư Cu ăn khô mà uống rượu. Tư Tiền gắp một con cá sặt nhỏ bỏ trong chén của thằng Hồi mà biểu nó ăn. Thằng Hồi tuy không khóc nữa, song nó buồn lắm, không chịu cầm đũa, mà hễ thúc nó ăn thì nó lắc đầu nhăn mặt. Tư Tiền ép nó ăn không được thì nổi giận, trở đũa giá trên đầu muốn đánh nó. Tư Cu bưng chung rượu uống nghe một cái ót, rồi nói rằng: - Thây kệ nó, để nó có sức nó nhịn đói. Trưa chiều đói thét rồi phải ăn. Đánh khảo làm gì. Tư Cu uống ít chung rượu, mặt coi phừng phừng, bèn nói với vợ rằng: - Tao nhớ cái chuyện đêm hồi hôm tao tức cười hoài. Tao làm hơn mười năm nay, không biết mấy đám mà kể cho hết, mà tao chưa gặp đám nào kỳ cục như vậy. Bị bắt mà khỏi ở tù, lại được thưởng nữa chớ. Mầy coi tao giỏi hôn?. - Giỏi giống gì! Cái đó là may chớ. - Bữa nay nhằm ngày mấy há? - Mùng năm. - Nếu vậy thì hồi hôm tao đi nhằm mùng bốn. Phải mà, mùng bốn tốt ngày; nên tao mới gặp may như vậy. Nè mầy, không biết mấy bữa tối trời tao đi làm ăn, mầy ở nhà có lo không vậy mậy? - Sao lại không lo. - Lo giống gì? Mầy sợ tao bị bắt hay sao? - Bị bắt ở tù năm mười tháng cũng còn khá, tôi sợ rủi ro khác nữa mới là khổ. - Có sao đâu mà sợ. Tư Cu rót một chung rượu nữa mà uống. Anh ta ngồi chống tay trên bắp vế, ngó ra ngoài sân một hồi rồi day vô nói với vợ rằng: - Mầy sợ cũng phải. Tuy hồi đó đến giờ tao làm ăn chưa gặp rủi ro lần nào, mà bây giờ trộng tuổi rồi, tao nghĩ lại thiệt tao cũng ghê quá. Bây giờ có vốn liếng chút đỉnh, tao muốn bỏ nghề cũ, để đi kiếm nghề khác làm ăn. - Kiếm nghề gì? - Thiếu gì. Xuống Sài Gòn làm Ba Son, sở mộ, hay là qua hãng Nhà Rồng làm cu-li cũng được. Tao thấy tụi nó làm lãnh tiền tuần cũng được bốn năm trăm đồng. - Ở trên nầy xa quá, mình xin làm sở, hơi nào mà đi. - Ta xuống Sài Gòn kiếm phố mướn ở chớ. - Rồi nhà đây làm sao? - Ối! Thứ đồ bỏ, đạp mà đi chớ cần gì. - Nhà như vầy mà kêu là đồ bỏ! Hồi cất không tốn hao đôi ba chục hay sao? - Thôi, để kêu thằng Lành về cho nó ở đậu, nó coi nhà đất cho mình. - Tính như vậy cũng được. Nếu dọn đồ xuống ở dưới Bến Thành mình xin sở mình làm ăn thì tôi bán cá, hoặc bán rau, bán hành với họ chơi. - Ờ, phải đa. Hai vợ chồng đi làm hết có lẽ nào không đủ ăn. - Mình để mấy trăm đồng bạc đây cho tôi làm vốn, tôi buôn bán ít năm thành ra bạc ngàn cho mình coi. - Mầy làm lộn xộn đây tiêu hết chớ. - Cái gì mà tiêu? Mình sợ tôi làm tiêu, thôi mình để tôi sắm vài đôi vàng đặng để dành nghe hôn? - Thứ đàn bà hễ có tiền thì lo mua vàng! Mầy thương thợ bạc lắm hay sao, mà mầy nuôi nó? - Khéo nói bậy hôn! Sắm vàng như tiền mình để dành, mất đi đâu mà sợ. - Mầy làm sao đó thì làm, hễ tiêu mấy trăm đồng bạc đó tao giết mầy đa. - Để tôi làm cho mà coi. Trưa bữa đó, Tư Cu đi rảo dưới Sài Gòn kiếm mướn một căn phố cũ trong đường hẻm ở gần đình Tân An, miệt trên Đất Hộ, rồi trở về cho vợ hay. Anh ta kêu thằng Lành là đứa làm mướn thuở nay không có nhà cửa, bạ đâu ở đó, mà cho nó về ở đậu coi nhà, để cho nó mượn một cái chõng, còn đồ đạc bao nhiêu thì mướn xe bò chở xuống Đất Hộ dọn vô phố mà ở. Dọn nhà cửa xong, Tư Cu xin làm trong sở Ba Son còn vợ thì tính buôn bán lăng xăng, mà chưa thấy mua vật chi bán vật chi, chỉ đặt làm hai đôi vàng chạm đeo đỏ tay đó mà thôi. Thằng Hồi không khóc, không nhịn đói nữa, nhưng mà từ ngày Tư Cu dọn phố về ở miệt Đất Hộ, thì thường thấy nó ngồi chồm hổm dựa xó cửa, mặt mày buồn xo, tay chơn tèm lem, không nói tới ai ở trong nhà, mà cũng không chơi với sắp con nít trong đường hẽm, bộ tịch như cây chuối con thuở nay sởn sơ đứng dựa bên mình mẹ, bây giờ đem trồng riêng một mình nên tàu xụ, đọt còi, bẹ tả tơi, gốc khô héo. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 2: Thật Chuyện Đau Lòng Ông Lữ Trọng Quí ở Cần Thơ, lúc còn nhỏ có đi du học bên Tây hơn mười năm, lấy đặng bằng cấp Bác vật rồi trở về xứ. Cha mẹ khuất hết, để lại cho chàng một cái gia tài rất lớn, mỗi năm thâu huê lợi hơn năm chục ngàn giạ lúa, mà chàng không có anh em, nên một mình hưởng trọn sự nghiệp ấy. Khi ở bên Tây về thì chàng cưới một người vợ, tưởng trăm năm kết tóc, một phút không rời, nào dè tơ hồng se hở, gãy gánh giữa đường, vợ chồng ở với nhau không đầy một năm, người vợ thọ bịnh mà chết. Từ ấy đến nay chàng ở một mình, không cưới vợ khác, mà cũng không ham chơi, cứ lo quản xuất tá điền và lo xem xét chành lúa. Nhà của Bác vật Quí ở dựa bên đường đi Bình Thuỷ, cách Châu Thành Cần Thơ một ngàn rưỡi thước, còn chành lúa của chàng thì cất dựa mé sông đi Cái Răng. Mấy bữa rày có người cậu của chàng là ông Hội đồng Quyền ở Trà Bang ra ở đậu tại nhà chàng mà uống thuốc với ông thầy thuốc Tây Cần Thơ. Ông Hội đồng Quyền tuổi chưa được sáu mươi, mà ông yếu lắm, hay có bịnh nên uống thuốc hoài. Lần nầy ông ra ở nhà cháu mà uống thuốc, ông lại có dắt theo một đứa con gái thứ năm, tên Đào, đặng coi miếng ăn miếng uống cho ông. Cô năm Đào, năm nay cô được 23 tuổi. Cô có chồng mà chồng cô đã chết rồi, cô có một đứa con gái 5 tuổi, đặt tên con Lý. Từ ngày chồng cô bất hạnh, cô buồn nên xin với cha mẹ bên chồng đem con về ở với ông Hội đồng Quyền. Cô đi theo nuôi cha đây cô dắt con Lý theo với cô nữa. Một buổi chiều, cơm dọn lên bàn rồi, Trọng Quí, bèn mời cậu với em đi ăn. Ông Hội đồng Quyền với Trọng Quí ngồi một bên, còn cô Năm Đào với con Lý ngồi một bên. Cô Năm Đào đương sớt cá thịt để gần cho cha ăn, thình lình thằng Phục là đứa ở coi quét nhà lau ghế, nó đem vô một miếng giấy màu xanh mà trao cho Trọng Quí và nói rằng: - Thưa ông, có dây thép họ đem lại cho ông đây. Trọng Quí buông đũa, mở tờ dây thép ra coi, rồi day lại nói với thằng Phục rằng: - Mầy phải nhớ sớm mơi mai mầy quét dọn cái phòng khách phía đàng trước cho sạch đã nghe hôn. Phải trải nệm giăng mùng cho tử tế, mai tao có khách. Sáng ngủ dậy thì làm liền, đừng có quên đa. Cô Năm Đào ngó Trọng Quí và hỏi rằng: - Khách nào đó, anh Hai? - Cậu Tú tài Tâm ở Trà Vinh. - Khách tính ở chơi lâu lắm hay sao mà anh biểu dọn phòng. - Ừ, cậu đánh dây thép nói qua ở đặng dưỡng bịnh. Cô Năm Đào cười và nói rằng: - Nhà anh đây thành nhà thương rồi, ai có bịnh cũng tới đây hết thảy. Trọng Quí chau mày nín thinh, không để ý đến lời nói chơi đó, mà coi sắc mặt lại có vẻ buồn. Ông Hội đồng mới xen vô nói rằng: - Ông thầy thuốc Cần Thơ giỏi lắm, nên ai cũng uống thuốc của ổng. Chắc là cậu Tú tài nào bên Trà Vinh đó, cậu nghe danh ổng, nên cậu qua đây chớ gì. Trọng Quí lắc đầu nói rằng: - Thưa cậu, không phải. Câu Tú tài Tâm là anh em bạn của con. Cậu có bịnh thiệt, song bịnh của cậu là tâm bịnh, chớ không phải bịnh như bịnh của người khác, bởi vậy dầu thầy hay thế nào cũng khó mà giải bịnh của cậu cho được. Cậu qua đây là ở chơi với con ít ngày cho thoả trí, chớ không phải uống thuốc đâu. - Con nói tâm bịnh là bịnh làm sao? - Thưa cậu, chuyện nầy dài lắm, lại cũng chẳng vui gì mà thuật cho cậu nghe. Con xin nói tắt rằng tại con đây nên Tú tài Tâm mới sanh bịnh đó. - Con nói cái gì nghe kỳ dữ vậy? Trọng Quí cúi mặt xuống bàn, coi bộ không muốn nói. Ý cô Năm Đào lại muốn nghe, nên cô tiếp với cha nói rằng: - Chuyện sao đâu anh nói nghe chơi mà. - Chuyện riêng của qua ... - Chà chà! Anh nầy cũng có chuyện riêng nữa chớ! Thế khi anh có làm điều chi quấy lắm, bây giờ anh mắc cỡ, nên anh không muốn nói phải hôn? Trọng Quí ngước mặt ngó ngay cô Năm Đào và đáp rằng: - Từ nhỏ chí lớn, qua chẳng hề có làm việc quấy; mà dầu qua có làm đi nữa ấy là ý qua quyết làm như vậy, nên qua chẳng hề biết mắc cỡ đâu. - Nếu vậy thì sao anh không nói. - Qua không muốn nói, là vì việc nầy tuy là việc của qua mà nó có can phạm đến danh giá của người khác, nên qua không nỡ nói chớ. - Mình nói chuyện trong nhà nghe với nhau ai hay hay sao mà anh ngại. Anh nói cho em với thầy em nghe, mà anh sợ em đi bán dê bán díu hay sao? Trọng Quí ngồi châu mày dụ dự một hồi rồi nói rằng: - Em muốn nghe, thôi để qua nói cho em nghe. Em cũng biết ngày chị Hai em mất rồi, trong nhà qua thiếu người coi sóc, qua lấy làm bối rối lắm. Qua tính kiếm chỗ khác đặng chấp nối, cậu có chỉ cho hai người, mà qua coi chưa vừa con mắt. Một bữa nọ qua đi Chợ Lớn bán lúa. Đến chiều tối qua lấy bạc rồi qua mướn một cái xe hơi xuống Mỹ Tho thăm một người anh em bạn và ở đó ngủ sáng bữa sau đi tàu mà về nhà. Đi dọc đàng xe hơi nổ bánh đụng vào cột dây thép, làm cho qua mang bịnh. Cô Năm Đào chau mày nói rằng: - Em nhớ rồi, lúc đó nhằm lúc đám cưới của em. Anh bị bịnh nằm nhà thương trên Chợ Lớn nên đi đám cưới không đặng phải hôn? - Phải đa. - Chuyện anh té xe hơi có ăn thua gì với chuyện cậu Tú tài nầy đâu mà anh nói? - Ậy! ăn thua lắm. Em đừng nóng, để thủng thẳng rồi qua nói tới. Xe hơi đụng, qua bị nặng nhẹ không rõ, mà trên đầu máu chảy lung lắm. Qua ôm đầu ngồi dựa lề đường mà rên. Cách chẳng bao lâu có một cái xe hơi ở dưới Mỹ Tho chạy lên, thấy xe qua bị đụng thì ngừng lại. Cô ngồi trên xe thiệt tử tế, cô làm ơn chở qua trở lại Chợ Lớn, đem qua vô bót cho qua gởi tiền bạc rồi mới đi nằm nhà thương. Thiệt lúc ấy qua cám ơn cô lắm, song qua chưa biết cô là ai mà qua cũng không có ý gì với cô hết. Chừng qua mạnh rồi, qua ra nhà cô ở Sài Gòn mà tạ ơn cô. Qua ngồi nói chuyện với cô hơn một giờ đồng hồ, qua mới biết cô là con gái của một ông Tổng, ở Trà Vinh, đã qua đời rồi, cô có chồng làm thông ngôn toà án Mỹ Tho mà cô không theo chồng, cô mua nhà ở trên Sài Gòn với mẹ và em trai. Cậu Tú tài Tâm, sáng mai qua đây, là em của cô nầy. - Dữ hôn! Anh nói lòng dòng bây giờ mới ra mối. Mà chuyện như vậy thì có cái gì đâu, sao hồi nãy anh nói cậu Tú tài bị tâm bịnh, còn hễ anh nói ra thì phạm đến danh giá của người ta? - Chậm một chút... Cô ấy tên là Tố Nga. Sắc thiệt là đẹp mà lời ăn tiếng nói của cô cũng thiệt là đứng đắn. Qua đến thăm cô rồi qua mới biết cô có chồng, mà chẳng hiểu vì cớ nào qua về nhà nằm đêm cứ tư tưởng cô hoài. Qua không dám muốn cô mà không được thấy mặt cô thì qua lấy làm khó chịu lắm, bởi vậy qua nhứt định lên Mỹ Tho làm quen với chồng của cô là thầy thông Xuân, đặng kết làm anh em tới lui chơi cho thoả tình vậy thôi, chớ qua không dám tính việc quấy mà phạm danh tiết đàn bà có chồng. Chẳng dè qua đến Mỹ Tho, qua hỏi thăm thì thầy thông Xuân khốn nạn lắm, thầy đĩ thoả bài bạc mà lại hất hủi thân vợ, cứ đánh chưởi vợ mà hỏi tiền; cô Tố Nga chịu đã hết sức rồi nên cô mới bỏ thầy mà về ở với mẹ đó. Qua quen tánh ngang tàng, qua thấy một đoá hoa thơm tho tươi tốt mà người ta không biết trọng, lại chà xát dày vò như vậy, thì qua nổi giận, nên qua viết thơ xin cô Tố Nga để chồng rồi qua cưới cô... Cô Năm Đào lắc đầu cười và nói rằng: - Anh thiệt quá quắc lắm...! Trọng Quí trợn mắt hỏi rằng: - Quá quắc cái gì? - Anh không sợ hay sao? - Sao mà sợ? - Người ta có chồng mà anh viết thơ nói bậy nói bạ như vậy người ta mắng anh chớ. Lại hễ cái thơ lọt vào tay người chồng thì họ đánh anh hoặc họ kiện anh mang xấu nữa. - Ồ! Qua có lo đâu em! Dầu tới đâu qua cũng lấy lẽ ngay qua nói; không phải qua giựt vợ của ai, qua quyết cứu vớt một gái thuyền quyên ra khỏi tay đứa bất lương chớ. Qua tính làm ơn, chớ phải qua hại ai hay sao mà sợ họ mắng. - Ờ, mà anh viết thơ rồi cô ấy trả lời làm sao? Cô không trả lời liền. Cô suy nghĩ đến mấy tuần lễ rồi cô mới viết thơ mời qua lên cho cô nói chuyện. Qua lên liền. Cô tỏ hết gia đạo của cô cho qua nghe. Qua khuyên cô phải xin để chồng lập tức đặng qua cưới cô... - Cô chịu hôn? - Chịu... - Đàn bà gì kỳ cục quá vậy mà anh khen là đứng đắn? - Em không hiểu tâm sự của cô Tố Nga nên em chê cũng phải. Tội nghiệp cô lắm, em ơi!... Trọng Quí nói tới đây thì chàng rưng rưng nước mắt, lại nghe tiếng chê của cô Năm Đào thì chàng đau đớn trong lòng nên chàng đứng dậy đi rửa tay rửa miệng. Ông Hội đồng với cô Năm Đào ăn cơm cũng rồi, nên cũng đứng dậy đi uống nước. Trời đã tối rồi, nên mấy đứa ở lo đốt đèn. Ông Hội đồng leo lên ván nằm làm thuốc phiện mà hút. Trọng Quí đứng trước cửa, xỉa răng mà ngó mông ra sân kiểng. Cô Năm Đào muốn nghe cho hết chuyện, nên cô rửa tay rửa mặt cho con Lý rồi cô dắt nó ra ngồi ngoài ghế trước. Trọng Quí cứ đứng ra ngoài sân hoài. Cô Năm Đào đợi lâu quá, nên cô bước ra mời chàng vô nói tiếp chuyện cho cô nghe. Trọng Quí kéo nghế mà ngồi, đốt một điếu thuốc mà hút nói rằng: - Em đừng có chê cô Tố Nga mà tội nghiệp cho cô. Cô có chồng mà cô tư tình với qua, ấy là tại vận hội nó khiến cô phải như vậy, chớ cô không phải là gái hư đâu. Cô là gái biết giữ danh tiết lắm, vì cô uất về nỗi chồng, mà rồi cô nặng tình với qua nữa, nên cô phải mang tiếng không tốt, cô phải đau cực trí trót năm năm trường rồi mới tuyệt mạng. Qua nhắc tới cô thì qua buồn lắm. Cô tư tình với qua có mấy bữa, rồi cô nghĩ lại thân phận cô thì cô ăn năn, nên cô viết thơ mà tuyệt qua. Cô nghĩ gái có chồng mà lấy trai thì nhơ nhuốc không có gì bằng; mà đã gần trai rồi, bây giờ còn gần chồng nữa thì cái quấy càng nhiều hơn bội phần. Cô nhứt định dứt tình qua, mà cũng dứt nghĩa vợ chồng nữa. Cô vào đơn xin phá hôn thú, toà chưa xử thì cô có nghén, bụng thè lè. Cô Năm Đào chưng hửng nên hỏi rằng: - Có chửa mà con của ai? - Con của qua. - Úy! chuyện rối dữ! - Rối lắm. Toà bác đơn cô. Mà thầy thông Xuân tuy biết vợ có chửa, không phải con của thẩy, nhưng mà vì thẩy vì cái gia tài nên thẩy vui lòng nhận đứa nhỏ trong bụng đó là con của thẩy. Cô Tố Nga buồn rầu lắm. Con thiệt là con của qua, mà đẻ nó ra rồi phải khai tên thầy thông Xuân là cha nó! - Khai như vậy làm sao được? - Không khai thì toà phạt, vì vợ chồng có hôn thú; mà chồng cô nó lại nhận là con của nó nữa. - Đẻ con trai hay là con gái? - Con trai. Lúc đẻ thằng nhỏ ra thì vợ của cậu Tú tài Tâm là cô Cẩm Vân củng đẻ một đứa con trai nữa. Hai đứa nhỏ sanh ra trước sau có ít giờ đồng hồ. Cách ít tháng cậu Tú tài Tâm đi Tây mà học, để vợ con ở nhà với mẹ và chị. Cậu ra đi cậu không hay việc chi hết, cậu tưởng con của cô Tố Nga là con của thầy thông Xuân, bởi vì cái rối của cô Tố Nga ở trong nhà cô nói cho một mình cô Cẩm Vân biết mà thôi, cô căn dặn cô Cẩm Vân đừng có cho cậu Tâm biết. Trót mấy năm trường cô Tố Nga khổ cực trí không biết chừng nào, cô xin để chồng không được, nên cô ăn năn nỗi danh tiết, nên cô cấm tuyệt không cho phép qua gặp mặt. Đến năm sau cái khổ cực của cô càng lớn hơn nữa, bởi vì thầy thông Xuân làm chuyện bậy bạ sao đó nên mất chức, rồi thẩy lên ở đại trong nhà, thẩy nựng nịu thằng nhỏ, thẩy mơn trớn với Tố Nga như không có việc chi hết vậy. - Đàn ông gì mà hư nhớt quá, vợ như vậy mà còn đeo đuổi theo làm chi. - Thẩy biết chi là danh tiếng, thẩy kể chi là vợ con. Thẩy vì gia tài, nên thẩy mới làm như vậy chớ! Thẩy ở ít ngày rồi thẩy xin hai muôn đồng bạc. Bà già không cho. Thẩy giận thẩy làm ngặt, nên thẩy bắt vợ con phải đi theo ra Hà Nội. Tội nghiệp cho cô Tố Nga, chồng như vậy đi theo sao được, lại đi rồi bỏ mẹ già ai nuôi. Mà nếu không đi thì nó phanh phui chuyện xấu của cô ra, nó làm nhơ nhuốc thân cô, lại cũng nhơ nhuốc tông môn của cô nữa. Cô vì danh tiếng nên cô phải liều thân cô mà đi theo chồng! - Cô Tố Nga đi theo chồng thì bậy lắm. Mình mắc thằng chồng ham tiền, mà mình giàu có, thôi mình thí một vài muôn đồng bạc cho nó đặng thuận tình với nhau rồi xin để phứt đi. Để lòng dòng làm chi đến mấy năm rồi bây giờ sợ nó nói xấu nên phải lìa mẹ mà theo nó nữa. - Vì cô sợ xấu hổ, nên mới sanh chuyện như vậy đó. Còn vài ngày nữa xuống tàu mà đi, cô viết thơ nói hết chuyện cho qua nghe. Qua giận quá, qua trả lời liền cho cô biết rằng qua nhứt định không cho cô đi, hễ xuống tàu thì qua đón cô bắt lại. - Vợ của người ta, anh bắt sao được? - Thây kệ, qua tính qua làm ngang như vậy, ai giỏi thì chống cự với qua. Chuyện vỡ lỡ ra, đến trước mặt toà qua nói thiệt hết, qua mướn Trạng sư cãi giúp, bất quá tòa nói cô Tố Nga lấy trai, Toà phạt vạ rồi cho phép hủy hôn thú chớ hại gì. - Anh tính ngang quá! Thuở nay em chưa thấy ai kỳ cục như vậy. - Em không rõ, chớ cái tình của qua nặng lắm, lại thằng con của qua đó, qua nỡ bỏ nó sao. Qua nhứt định như vậy là phải lắm, ngặt vì cô Tố Nga cô cứ sợ mất danh tiếng hoài, nên cô cậy em dâu là Cẩm Vân xuống đây năn nỉ với qua, xin qua đừng có cản trở, để cho cô đi theo chồng đặng vùi lấp phận bạc của cô, và cứu chữa danh giá cho tông môn cô nữa. Qua nghĩ mấy năm nay cô cứ lo danh tiếng hoài, tức nhiên cô không có tình với qua, vì người đa tình thì không còn kể chi là danh tiếng; bởi vậy qua phiền cô, qua mới chịu để cô đi. Nhưng mà qua có nói nhắn với cô Cẩm Vân rằng dầu cô Tố Nga không thương qua, chớ qua cũng không thể không thương cô được. Qua ở một mình mà chờ cô hoài, coi chừng nào cô mới biết thương qua. Hễ cô biết thương qua thì dầu hết nhà hết ruộng, đứt cổ đứt đầu, qua cũng bắt cho được cô qua mới nghe. Còn như cô cứ không thương qua hoài, thì qua đợi chừng nào chồng cô nó hành hạ dày bừa tấm thân cô cho tới cô chết, rồi qua mới chịu cưới vợ. Cẩm Vân sợ thầy Xuân bắt được thơ qua càng khó cho Tố Nga nên khuyên qua có gởi thơ thì gởi tên cô rồi cô trao dùm lại, chớ đừng có gởi cho Tố Nga. Qua nghe lời, nên Cẩm Vân về rồi tối lại qua viết thơ cho Tố Nga mà đề tên Cẩm Vân. Chẳng hiểu Cẩm Vân về nói thế nào mà Tố Nga chưa được thơ qua thì cô đã uống thuốc độc mà chết!... - Úy! Cô tự vận hay sao? Trọng Quí gật đầu mà nước mắt tuôn ròng ròng. Cô Năm Đào day qua vuốt tóc con Lý, cô nghe nói tới đó cô cảm quá, nên cô không dám ngó Trọng Quí. Cách một hồi cô mới rằng: - Chắc là cô có tình với anh lắm mà anh không hiểu anh trở phiền cô, nên cô tức cô chết chớ gì? - Qua không rõ, nhưng mà qua cũng nghĩ như em vậy đó. - Anh làm như vậy thì anh mang cái tội lớn lắm! - Cái tội đó đã lớn mà anh còn mang cái tội nầy càng lớn hơn nữa. Cô Tố Nga chết chừng ít giờ đồng hồ kế cậu Tú tài Tâm bên Tây về tới. Vợ của cậu, là Cẩm Vân, sợ xấu hổ cho vong hồn của chị chồng, nên cô giấu biệt không nói rõ cho chồng hiểu, lại nói dối rằng tại thầy thông Xuân bắt Tố Nga đi Hà Nội nên nàng giận nàng tự vận. Cậu Tú tài Tâm mướn xe hơi tuốt về Trà Vinh rước mẹ, đi dọc đường cậu hay vợ đi Cần Thơ, mà chừng cậu lên hỏi thì Cẩm Vân chối. Cậu sanh nghi trong lòng kế tối lại cậu tiếp thơ của qua gởi lên mà ngoài bao đề Cẩm Vân. Cậu càng nghi hơn nữa, nên cậu đoạt thơ mà cất. Chừng tống táng Tố Nga xong rồi, cậu xé thơ ra coi. Trong thơ qua tỏ tình mà qua cũng nói việc thằng con nữa. Cậu Tú tài Tâm không dè, cậu tưởng vợ cậu lấy trai, cậu tưởng thằng con của cậu là con dâm bôn, cậu giận quá nên đánh vợ cậu chết giấc. Trong đêm ấy có ăn trộm vô nhà, cậu bắt được cậu bồng thằng con của cậu mà cho phứt ăn trộm đem đi mất. Cậu hành phạt vợ xong rồi, cậu dắt mẹ về Trà Vinh. Bà già buồn nỗi con gái chết rồi buồn nỗi con dâu hư nữa nên bà nhuốm bịnh mà chết luôn! - Cha chả! Hại dữ hôn! - Hại lớn lắm! Cậu Tú tài Tâm qua đây tìm đến nhà mà trả thù. Qua đọc hết công chuyện cho cậu nghe, qua đưa thơ của Tố Nga cho cậu coi, cậu biết cậu nghi lầm, nên cậu té ngửa!... - Anh báo hại người ta quá! Bây giờ cậu Tú tài đã đem vợ con về hay chưa? - Cẩm Vân chịu tiếng oan, mà lại bị mất con nữa, nên cô mất trí khôn, bây giờ đem cô lên Chùa Hang trên núi Bà Đen cho cô nghe kinh đặng cô giải trí. Còn thằng nhỏ thì ăn trộm bồng đi mất, có biết nó ở đâu mà kiếm. Hôm trước qua với cậu Tú tài Tâm tìm lên chùa Hang mà thăm Cẩm Vân, cậu Tú tài thấy vợ cạo trọc đầu, nghe vợ nói điên cuồng thì cậu ăn năn quá té xỉu chết giấc. Qua đem cậu xuống nằm nhà thương Tây Ninh, tưởng cậu đã chết rồi, nay nhờ thầy thuốc săn sóc nên cậu tỉnh lại. Qua để cậu ở nhà thương gần một tháng rồi qua đưa cậu về Trà Vinh. Bữa nay tưởng đâu là cậu mạnh thiệt rồi nên cậu mới đánh dây thép cho qua đó. - Còn thằng con của cô Tố Nga bây giờ nó ở đâu? - Thầy thông Xuân bắt nó, bây giờ thầy đương kiện cậu Tú tài Tâm mà xin chia gia tài. - Sao không bắt nó về mà nuôi? - Thầy Xuân dễ cho đâu mà bắt. - Con gì của thẩy hay sao mà thẩy giành? Tội nghiệp vợ con của cậu Tú tài Tâm quá! Em không biết mà em nghe nói cũng thương. Cậu Tú tài bây giờ rầu lung hôn? - Không rầu sao được. - Lỗi tại anh hết thảy, vậy anh phải kiếm thằng nhỏ cho được, và phải làm sao cho cô Cẩm Vân hết điên, bằng không thì anh mang cái quả báo lớn lắm. Trọng Quí chống tay lên trán mà khóc. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 3: Phế Nhà Chuộc Tội Qua ngày sau, lối ba giờ chiều, Lữ Trọng Quí ngồi tại bàn viết thơ cho hai ba người đặng hỏi coi như muốn mua chành lúa thì chàng bán. Ông Hội đồng Quyền nằm trên ván phía trong, lim dim dựa bên mâm hút. Cô Năm Đào xẩn bẩn sau bếp coi cho bầy trẻ nấu ăn, còn con Lý thì nó lục đục ngoài hiên, lấy những trái mận sắp hàng ngang hàng dọc trên gạch. Có một cái xe kéo quẹo vô ngõ chạy vòng theo bồn bông trong sân. Trọng Quí ngó ra, thấy Lý Chánh Tâm thì lật đật buông viết chạy lại cửa mà tiếp khách. Trọng Quí nắm tay Chánh Tâm dắt vô nhà hỏi rằng: - Bữa nay trong mình cậu thiệt mạnh hay chưa? - Mới khá khá chớ chưa thiệt mạnh. - Nếu cậu không qua thì chắc vài bữa tôi cũng đi qua bển thăm cậu. - Tôi buồn quá, ở nhà chịu không được nên tôi ráng mà đi cho giải khuây. - Cậu ngồi đây. Người kéo xe xách hoa ly đem vô. Chánh Tâm móc túi lấy bạc cắc mà trả. Trọng Quí kêu thằng Phục biểu vác hoa-ly vô để trong phòng khách rồi đi chế nước trà đem uống. Hai người lăng xăng làm cho ông Hội đồng giựt mình lồm cồm ngồi dậy. Cô Năm Đào hôm qua nghe thuật chuyện Chánh Tâm nghi lầm mà làm cho vợ điên con mất thì cô có ý trông Chánh Tâm qua đặng coi như thế nào, bởi vậy cô thấy lộn xộn phía đàng trước, cô lật đật chạy ra. Trọng Quí tiến dẫn cậu với em cho Chánh Tâm. Chánh Tâm cúi đầu chào ông Hội đồng rồi chào cô Năm Đào. Chàng ngó hai người, nhưng mà chàng đến đây chớ trí ở theo vợ con, bởi vậy chàng ngó mà không thấy chi hết. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi tại bộ sa lông giữa mà uống nước. Cô Năm Đào lại bộ ván ngang đó ngồi mà ăn trầu, chỗ cô ngồi thì ngay mặt Chánh Tâm, nhưng mà Chánh Tâm ngồi cứ ngó xuống dưới gạch hoài, chẳng ngó cô một lần nào. Cô nhìn xem hình dáng Chánh Tâm, thì thấy người không cao lớn cho lắm, song vai rộng, tay cứng, bộ tướng mạnh dạn mà lại buồn rầu nên gò má thỏn, nước da mét, con mắt sâu hóm, con ngươi không thần, miệng biếng nói, tay biếng động. Chánh Tâm ngồi trơ trơ dường như ngồi ngoài đồng một mình vậy. Trọng Quí thấy chàng bất thần thất chí thì ứa nước mắt, song gượng gạo làm khuây mà hỏi rằng: - Hổm nay cậu có được thơ của cô ba hay không? - Cô Ba nào? - Cô Ba Hài là dì của mợ Ba. - Không có. - Hôm ở Tây Ninh tôi đưa cậu về, tôi căn dặn cô hết sức, tôi xin cô dầu mợ Ba có bớt hay không cũng phải viết thơ cho tôi hoặc cho cậu hay. Mà sao hổm nay hơn mười bữa rồi, tôi không được thơ mà cậu cũng không được nữa kìa, kỳ cục dữ! Hôm mình sửa soạn về, tôi lên chùa tôi thăm thì coi mợ Ba khá lắm, mợ biết tôi, mợ nói chuyện mợ khóc. Có lẽ bữa nay khá hơn nữa chớ, sao không có thơ? - Hôm qua tôi sai bầy trẻ đi đánh dây thép cho anh, tôi có viết thơ cho dì Ba. Tôi có nói tôi đi qua bên anh, nên tôi xin dì trả lời thẳng qua bên nầy cho tôi biết coi bịnh vợ tôi ra thế nào. Tôi muốn đi lên trển quá, ngặt vì hễ tôi thấy mặt vợ tôi thì trong lòng đau đớn chịu không nổi nên tôi không dám đi. - Cậu còn yếu lắm, phải dưỡng tinh thần ít ngày cho khoẻ khoắn rồi sẽ đi. - Còn cái nỗi kiếm thằng con tôi nữa! Biết nó ở đâu mà kiếm bây giờ! - Chuyện đó hổm nay tôi cũng lo hết sức. Tôi tính như vầy để tôi nói cho cậu nghe thử coi có được hay không? Bây giờ mình viết một bài thuật sơ chuyện cậu bắt đặng ăn trộm và cậu cho nó một đứa nhỏ. Mình mướn vài tờ nhựt báo rao cho thiên hạ biết và hứa hễ ai đem đứa nhỏ ấy mà trả, hoặc chỉ cho mình đến mà bắt thì mình thưởng hai ngàn đồng bạc. Làm như vậy thì hoặc may mới ra mối, chớ đi kiếm bây giờ biết nó ở đâu mà đi? Chánh Tâm ngồi lặng thinh, không nói được, mà cũng không nói không. Ông Hội đồng bước ra nói rằng: - Cháu bày cái chước đó hay lắm đa. Mình hứa thưởng nhiều, họ ham tiền họ mới đem họ trả. Quân ăn trộm có cần gì nuôi con nuôi. Nó đem trả lại mà lãnh hai ngàn đồng bạc không sướng hay sao?. Trọng Quí ngó Chánh Tâm, có ý trông coi chàng nhứt định lẽ nào, té ra Chánh tâm cũng ngồi trơ trơ, không nói chi hết. Cô Năm Đào bèn nói rằng: - Chước của anh hai bày đó thì hay thiệt mà có chỗ chẳng tiện. Anh rao trong nhựt trình mà anh đem tên họ cậu Tú tài vô anh nói cậu bắt đặng ăn trộm rồi bồng con của cậu mà cho lỡ nó bây giờ chuộc lại. Chuyện nghe kỳ quá người ta không rõ căn do, người ta dị nghị rồi mất danh tiếng cậu Tú tài chớ. Trọng Quí gật đầu nói rằng: - Em nói phải lắm. Qua sơ ý chỗ đó. Thôi để qua rao nhựt trình qua thuật chuyện như vậy, qua nói rõ nhà ở đường nào, số mấy, song qua không nói tên ai. Sau chót qua biểu ai trả hoặc chỉ thằng nhỏ thì do nơi qua, rồi qua ký tên qua thì cậu Tú tài khỏi mang tiếng chi hết. Cô Năm Đào cười và nói rằng: - Làm như vậy mới được. Chuyện nầy tại anh gây ra thì anh gánh vác hết thảy mới phải. Trọng Quí ngó Chánh Tâm mà hỏi rằng: - Tôi làm như vậy cậu chịu hôn? Chánh Tâm chau mày đáp rằng: - Thân phận tôi bây giờ mà còn lo giữ danh tiếng làm gì. Tôi không còn trí hoá chi hết. Vậy anh tính làm sao thì tính dùm cho tôi, miễn là cha con vợ chồng tôi được sum hiệp lại như xưa thì tôi cám ơn anh lắm. Chánh Tâm nói mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Cô Năm đào cảm quá chịu không được nên cô bỏ đi vô nhà trong. Trọng Quí khuyên Chánh Tâm vô phòng thay đồ mát nghỉ một chút rồi ăn cơm. Đúng năm giờ cơm dọn xong rồi chủ khách mới đi ăn. Trọng Quí với Chánh Tâm ngồi một bên, còn ông Hội đồng, cô Năm Đào và con Lý ngồi một bên. Chánh Tâm ngồi ngay cô Năm Đào. Cô là con gái một con, lại mới 23 tuổi mà goá chồng, cô đang hồi xuân xanh như hoa vừa nở, như trăng đương tròn, da trắng môi son, má miếng bầu, mày vòng nguyệt, tay gắp đồ ăn coi dịu nhĩu, tiếng nói chuyện trong ngân, mà Chánh Tâm ngắm cô cũng như một khúc cây khô, chàng ngồi cứ chống đũa xuống bàn, có khi cô nói thì chàng ngó cô, mà ngó thì ngó chớ không thấy cái vẽ hữu duyên, hữu đức của cô chút nào hết. Ăn cơm rồi mà trời còn sớm, Trọng Quí biểu đem xe ra rồi mời Chánh Tâm đi dạo Châu Thành Cần Thơ hoặc đi vô Cái Răng chơi. Chánh Tâm lắc đầu không chịu đi. Trọng Quí bèn hỏi cô Năm Đào như muốn đi chơi thì lấy xe mà đi. Cô Năm Đào cũng không chịu đi, túng thế Trọng Quí phải biểu đem xe vô cất. Mặt trời chen lặn, ánh sáng dọi mấy cụm mây hướng Tây đỏ lòm. Chánh Tâm chấp tay sau đít, thơ thẩn đi ra ngoài sân. Bông móng tay, bông chuối nước, bông bụp tụi, bông mồng gà đua nở khoe màu sắc, chậu bạch mai, chậu kim quít, chậu nào nhánh sửa coi cũng hay. Mà Chánh Tâm đi gần bông không ngó, đi gần kiểng không xem, trong trí chàng chứa đầy những bi thảm về nỗi vợ con, bởi vậy chàng chẳng còn biết chi là vui, chẳng còn biết chi là đẹp! Tối lại chàng cứ ngồi ngó đèn. Trọng Quí có hỏi thì chàng mới nói, bằng không thì chàng cứ nín thinh hoài. Đồng hồ mới gõ 8 giờ thì chàng xin phép vào phòng mà nghỉ. Trọng Quí thấy cử chỉ của Chánh Tâm như vậy thì chàng đau đớn trong lòng, nên nằm trằn trọc hoài, ngủ không được. Chàng thầm trách chàng; tại chàng tưởng lầm mới phiền trách Tố Nga khiến nàng tự vận, không còn chứng đối được, nên vợ chồng tan rã, cha con phân ly. Cái tội của chàng lớn lắm; vậy chàng phải lo mà cứu vợ tìm con cho Chánh Tâm trước rồi chàng sẽ tính việc thằng con của chàng sau. Chàng nằm cứ buồn lo tính hoài, cho đến 3 giờ khuya, mòn mỏi nên chàng mới nghỉ được. Tảng sáng, Chánh Tâm thức dậy, mà Trọng Quí còn ngủ. Chánh Tâm rửa mặt rồi ra đứng dựa cửa ngó mông. Con Lý ở phía sau chạy ra, nó thấy Chánh Tâm đứng đó nó tưởng là cậu Bác vật của nó, nên nó a lại nó ôm bắp vế. Chánh Tâm ngó xuống và vói tay rờ đầu nó. Nó, ngó lên thấy Chánh Tâm chớ không phải Trọng Quí thì nó mắc cỡ, nên buông ra mà đi. Chánh Tâm ngó thấy con nhỏ trắng trẻo, ngộ nghĩnh, bèn ngoắc lại mà hỏi rằng: - Em là con của ai? - Con của má tôi. - Má em là ai? - Má tôi ở đằng sau kia. Má tôi ăn cơm hồi chiều hôm qua đó. - Còn ba em đâu? - Ba tôi chết rồi. - Ủa! Ba em chết hay sao? - Chết. - Em mấy tuổi? - Tôi 5 tuổi. - Một tuổi với Chánh Hội. Con Lý không hiểu nghĩa câu nói chót của Chánh Tâm nên nó ngó chàng trân trân, rồi đi vô trong. Cách chẳng bao lâu nó ôm ra một hộp đồ chơi rồi xề giữa cửa sắp ra mà chơi. Chánh Tâm đứng ngó nó. Chàng nghĩ thầm rằng, -- con mồ côi cha mà cũng được sung sướng, con của mình bây giờ ở với quân trộm cướp, chơi chắc là ở trần ở truồng, ngủ chắc là không mền không mùng, ăn chắc là bữa no bữa đói. Phải chi hồi bên Tây mình chết phứt thì con mình nó có bị hoạn nạn như vậy đâu! Vợ mình nó sung sướng chớ có đâu đến điên cuồng! Chánh Tâm nghĩ như vậy rồi khóc. Con Lý lấy làm kỳ, nên lật đật chạy vô trong nhà mét với má nó. Cô Năm Đào nghe nói Chánh Tâm ngó con mình mà khóc thì cô hiểu chàng nhớ con, bởi vậy cô không ra, mà cô cũng không cho con Lý ra ngoài nữa. Chánh Tâm ở tại nhà Trọng Quí năm ngày, bữa nào cũng như bữa nấy, chàng buồn bực thơ thẩn hoài. Chàng muốn đi thăm vợ mà sợ thấy mặt vợ chàng chịu không được; chàng muốn đi tìm con mà không biết con ở đâu mà tìm! Một buổi sớm mơi, Trọng Quí đương ngồi đọc nhựt trình còn Chánh Tâm thì nằm trên ghế xích đu lặng thinh. Có người đem nhựt trình với thơ lại. Trọng Quí lục thơ, thấy có một phong thơ gởi tại Chợ Lớn để tên Chánh Tâm thì nói rằng: “Thơ Chợ lớn gởi cho cậu đây, chắc là thơ của cô Ba. Đâu cậu coi thử coi”. Chánh Tâm mở thơ ra thiệt quả là thơ của cô Ba Hài, là dì của Cẩm Vân, nói như vầy: - Dì mới được thơ của cháu; nên dì mướn người ta viết thơ nầy mà trả lời cho cháu rõ. Lúc cháu nằm dưỡng bịnh tại nhà thương Tây Ninh, dì xuống thăm cháu mấy lần, thì dì đã có nói cho cháu hay rằng con Cẩm Vân khá khá, nó tỉnh chút đỉnh. Bữa cháu sửa soạn về, cậu Bác vật Quí lên chùa thăm nó thì nó biết cậu, nên nó nói chuyện với cậu mà khóc. Tuy vậy mà bữa ấy nó nói còn hơi lãng chút đỉnh. Nhờ Bà phò hộ, nên cháu về rồi thì mỗi ngày nó tỉnh thêm được một chút. Nó theo đòi về hoài, nó biểu dì đem nó về đặng nó kiếm con nó. Dì thấy nó tỉnh, nó biết hỏi con nó; và hễ dì nói tới tên cháu thì nó biết giận, bởi vậy bữa hôm kia dì mướn xe hơi đem về. Nó bước vô nhà coi bộ nó mừng, mà hễ nó nhớ tới con nó thì nó khóc, có khi nó khóc tới một hai giờ đồng hồ. Dì nghe nói ở Sài Gòn có một ông thầy thuốc giỏi về bịnh cuồng trí. Hôm qua dì có mướn người ta rước vô coi mạch nó. Ông thầy thuốc nói nếu nó được thong thả trí, đừng có buồn, đừng có giận, thì nó mạnh được. Ông căn dặn phải gìn giữ đừng có làm cho nó buồn, đừng có chọc nó giận. Vậy dì viết thơ nầy cho cháu biết cháu đừng có lên trên nầy, bởi vì hễ ai nói tên cháu thì nó giận lắm, nếu cháu lên, nó thấy mặt nó nổi giận, rồi sợ e không xong. Cháu báo hại vợ cháu đến nước nầy, dì nghĩ dì phiền lắm. Đã biết hồi cháu đi hỏi mà cưới, tại nó ưng, chớ dì không muốn gả, nhưng mà nó mồ côi, lại còn trẻ tuổi, dì thế cho mẹ nó, mà dì không cản trở, thì dì cũng có lỗi chớ chẳng không. Thôi việc dĩ lỡ ra rồi, thì dì cũng phải ráng mà nuôi nó. Cháu đừng có lân la đến nữa mà hại nó. Nếu cháu đến, mà có bề nào thì dì không thế dung cháu được... BA HÀI. Chánh Tâm đọc thơ mà nước mắt tuôn dầm dề. Chàng đọc rồi chàng trao thơ cho Quí. Quí thấy thơ nói như vậy thì chàng buồn, chớ không biết liệu lẽ nào. Chàng ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói với Chánh Tâm rằng: - Ông thầy thuốc nói đó thì phải lắm. Chứng bịnh của mợ Ba phải cữ sự buồn với sự giận. Cái giận có lẽ cử được. Còn cái buồn biết làm sao mà cữ bây giờ? Phải tìm cho được thằng cháu mà trả cho mợ, mẹ con gặp nhau thì mợ mới hết buồn. Thôi, để tôi đi tìm thằng cháu cho. Chánh Tâm ngồi ngó trân trân ngoài sân, chừng nghe Trọng Quí nói dứt rồi chàng đứng dậy mà nói rằng: - Tôi phải đi thăm vợ tôi mới được.Thây kệ! Tới đâu hay đó. Nếu nó thấy mặt tôi, nó có bề nào thì tôi tự vận tôi chết phứt cho rảnh, chớ sống như vầy, còn sống làm gì. Trọng Quí ngó chàng và đáp rằng: ẳ - Cậu phải dằn lòng, để thủng thẳng mà tính, chớ cậu nóng không nên. - Dằn lòng sao được! Vợ tôi như vậy, con tôi mất rồi, biểu tôi ngồi làm sao mà ngồi cho yên? - Điều cần nhứt là phải lo cho mợ Ba vững trí lại đã, rồi thủng thẳng sẽ kiếm thằng cháu mà giải sầu não cho mợ Ba. Nếu mợ Ba vừa mới tĩnh, mà cậu lên cậu chọc giận thì làm sao người ta trị bịnh cho được. Cậu phải xét lại. - Tôi xét rồi. Tôi phải đi thăm vợ tôi. Tôi đi liền bữa nay đây. - Không có được. Cậu phải nghe lời tôi. Để tôi lo cho. Hổm nay tôi còn ở nhà đây là vì việc nhà tôi lộn xộn lắm, tôi phải lo sắp đặt cho yên rồi tôi có lo đi làm việc cho cậu. Chành lúa tôi đã làm giấy bán đứt rồi, còn ruộng đất của tôi thì tôi cũng đã cho người hóa xong hết. Vậy kể từ bữa nay tôi rảnh rang không còn làm việc gì nữa. Cậu ở tại nhà tôi đây mà dưỡng bịnh. Cậu đưa cái hình chụp thằng cháu cho tôi. Sáng mai tôi đi cho, tôi lên thăm mợ Ba, tôi đi tìm cháu, tôi đi thế cho cậu thì tiện hơn. - Không được. Anh đi mà tôi nằm nhà đây sao yên.Tôi phải đi! - Cậu đi sao được. Cậu không nên cho mợ Ba thấy mặt. - Dầu tôi không được thăm vợ tôi, thì cũng để cho tôi đi kiếm con tôi chớ! - À, nếu cậu hứa cậu không đến nhà mà thăm mợ Ba thì tôi dắt cậu đi với tôi. Mà cậu còn yếu quá, tôi sợ cậu đi, cậu sanh bịnh lại thì còn khổ hơn nữa. - Tôi mạnh rồi. Anh đừng lo cho tôi nữa. Anh để tôi đi một mình, chớ anh đi với tôi rồi anh bỏ nhà cửa ai coi. - Việc của tôi thì đã tính xong rồi hết. Tôi đã cậy con em tôi là con Năm Đào, nó coi nhà dùm cho tôi. Nó hứa rằng chừng cậu tôi thôi uống thuốc, cậu tôi về Trà Bang thì nó cũng ở lại đây mà giữ gìn cho tôi. Nói cùng mà nghe, dầu tôi lo việc cho cậu mà có hư nhà hại cửa đi nữa, tôi cũng cam chịu, bởi vì tại tôi làm cậu mang hại thì tôi phải lo chớ. - Thôi, như anh muốn đi thì phải sửa soạn đi, chớ tôi đi liền bây giờ, tôi không thể ở đây nữa được. - Tự ý cậu. Cậu muốn đi liền thì đi. Hai người đi sửa soạn hành lý. Cô Năm Đào ở trong lóng nghe hai người bàn tính với nhau như vậy thì lật đật hối trẻ dọn cơm. Ăn cơm rồi, Trọng Quí biểu sớp-phơ đem xe hơi ra. Chàng bước vô trong nhà dặn cô Năm Đào coi nhà, rồi mới từ giã cô mà lên xe đi Sài Gòn với Chánh Tâm. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 4: Chồng Vợ Gặp Nhau Căn phố lầu, số 28, đường Cây Mai, ở Chợ Lớn, là căn nhà của Thái Cẩm Vân ở với dì cô là cô Ba Hài. Khi chủ nhà chưa lấy chồng thì dọn dẹp vén khéo, có vẻ thanh nhã bao nhiêu, bây giờ dòm vô thấy đồ đạc lộn xộn, coi cũng có vẻ ưu sầu bấy nhiêu. Hai chậu cau vàng để trước hiên không ai tưới nước nên khô lá, héo đọt. Tấm sáo treo ở trước cửa đã đứt dây mà không ai sửa, nên xề xệ một bên. Bộ ghế xa lông cái thì day vô, cái thì day ra không đối diện, không ngay hàng. Bộ tranh treo trên bàn viết tấm thì bụi bặm đóng dầy, tấm thì bể kiếng lòi giấy. Cô Ba Hài nằm trên bộ ván để phía trong, cô gác tay qua trán, mặt coi buồn xo. Thái Cẩm Vân ngồi bên đó, đầu trọc lóc, mình ốm teo, nàng cúi mặt xuống, tay bóp hai bàn chơn, rồi nàng chau mày, cặp mắt coi sâu hóm, mà trên trán lại đùn da mấy lằn. Một người khách Triều Châu trạc chừng tuổi 45 tuổi, mình mặc áo trắng quần đen, chơn đi giầy Tàu đen, đầu đội nón nỉ đen, ở ngoài bước vô không lột nón, mà lại ngồi xề trên ghế rồi ngó Cẩm Vân và hỏi rằng: - Con Vân à, bữa nay lứ [1] mạnh hôn? Cẩm Vân ngước mặt lên ngó rồi gật đầu chớ không trả lời. Cô Ba Hài ngồi dậy nói rằng: - Bữa nay nó khá khá hơn bữa hổm. Người khách Triều Châu nầy tên là Thái Tuế, anh em một họ với ông Bang Siêu là cha của Cẩm Vân, bán tiệm vải ở đường mé sông gần cầu Chà Và. Thái Tuế móc trong túi lấy ra một gói thuốc, đốt một điếu mà hút rồi nói rằng: - Làm bậy làm bạ lấy chồng Y Nam [2] làm cái gì. Hồi đó phải nghe lời hóa [3] thì đâu có vậy. Cô Ba Hài nói rằng: - Cháu nó đương buồn, chú nhắc việc xưa làm chi, chú Tuế. - Buồn cái gì? Thây kệ, bỏ đi. - Bỏ giống gì? Hổm nay tỉnh trí rồi, nó nhớ con nó, nên nó buồn quá. - Cũng tại lứ, nên nó mới vậy đó. - Tại tôi làm sao? - Cha mẹ nó chết hết. Lứ là dì của nó, lứ nuôi nó. Nó là con các chú, để gả cho Y Nam, nên mới vậy đó. - Chú nói kỳ cục quá! Người ta đến nói nó, tại nó ưng người ta nên tôi phải gả, chớ tôi cản sao được. Tại nó chớ phải tại tôi hay sao, nên bây giờ chú đổ thừa cho tôi. - Tại cái gì, lứ không gả, nó ưng sao được. Hồi đó mấy chỗ đi nói, họ tử tế quá, con ông Bang, con Chúa tàu xứng đáng không biết chừng nào, lứ không gả, để gả cho Y Nam. - Tại nó không ưng các chú, làm sao tôi gả cho được? - Bây giờ lứ biểu nó bỏ chồng đó đi. Lo uống thuốc cho mạnh rồi hóa kiếm chồng các chú cho nó. Nó còn tiền uống thuốc hôn? - Sao lại không còn. Mấy năm nay nó có chồng, tôi góp tiền phố cho nó một tháng hơn hai trăm, bây giờ còn dư bốn năm ngàn đồng bạc chớ sao hổng còn. - Tưởng hết tiền hóa đưa cho, như còn thì thôi. Thái Tuế đứng dậy đi về, không thèm từ giã ai hết. Chừng ra tới cửa chú ta day lại nói vói rằng: - Mua sâm tốt mà uống, đừng có hà tiện. Nói câu đó rồi bước lên xe kéo mà đi. Cô Ba Hài ngó lại cháu thì thấy nó đương lấy vạt áo mà lau nước mắt. Cô động lòng chịu không được, nên bỏ đi ra nhà sau. Cẩm Vân kéo gối nằm chèo queo, day mặt vô vách. Cách chẳng bao lâu, có một cái xe hơi chạy rề rề ngang cửa, rồi ngừng cách chừng hai căn phố. Trọng Quí bước xuống xe và nói với Chánh Tâm rằng: - Cậu phải nghe lời tôi. Cậu ngồi đây để tôi vô thăm coi, như mợ Ba hết giận cậu thì tôi kêu cậu vô, đừng có vô bất tử đa, chứng bịnh của mợ Ba khó lắm, không nên làm cho mợ giận. Chánh Tâm gật đầu. Trọng Quí mới đi trở lại cửa của Cẩm Vân rồi giở bức sáo mà bước vô. Cẩm Vân nghe tiếng giầy, liền day mặt lại dòm. Nàng thấy Trọng Quí thì lồm cồm ngồi dậy rồi cúi đầu chào. Cô Ba Hài ở dưới nhà sau bước ra, ngó thấy Trọng Quí, cô cũng chào rằng: - Cậu mới lên. Cậu ở Cần Thơ lên hay là ở đâu? Mời cậu ngồi. Trọng Quí ôm nón, ngồi trên cái ghế của Thái Tuế ngồi hồi nãy, mắt ngó Cẩm Vân, mà miệng thì trả lời với cô Ba Hài rằng: - Thưa, tôi ở Cần Thơ mới lên tới đây. Tôi thấy thơ nói mợ Ba khá, cô rước về nhà rồi, nên tôi lên thăm. - Ờ, bữa nay nó khá nhiều, nó tỉnh trí lại rồi, nên nó biết hết. - Anh em tôi được thơ thì mừng, mà mừng chớ cũng còn lo lắm. Trọng Quí lại hỏi Cẩm Vân rằng: - Bữa nay mợ ăn cơm biết ngon hay không?. Cẩm Vân chau mày rồi chậm rãi đáp rằng: - Tôi ăn mỗi bữa được một chén. Ráng mà ăn, chớ ngon sao được. - Mợ lo dưỡng bịnh, đừng có buồn chi hết. Tại cái tuổi của mợ nó khiến năm nay phải có chuyện, mợ phải ráng mà chịu, buồn làm chi. - Không buồn sao được? Tôi thương chồng tôi lắm, tôi lo cho bên chồng tôi hết sức, tôi sợ xấu hổ tông môn bên chồng tôi, mà chồng tôi không biết nghĩ, nó trở lại nhục mạ tôi, nó đánh đập tôi gần chết, rồi nó giết con tôi nữa, tôi không buồn sao cho được. - Việc đó lỗi tại tôi hết thảy. Xin mợ đừng có trách cậu Ba mà tội nghiệp. Vì cậu thương mợ quá, cậu thấy bức thơ của tôi, cậu tưởng lầm, cậu giận cùn trí, nên mới làm như vậy. Chừng tôi đọc rõ công chuyện cho cậu nghe, tôi đưa thơ của cô Hai cho cậu coi thì cậu chết giấc! Tôi dắt cậu tuốt lên Điện mà kiếm mợ, cậu thấy mợ cậu chết giấc nữa! Hổm nay cậu đau lung quá, bữa nay mới khá khá một chút. Xin mợ đừng có phiền cậu. Lỗi nầy gốc tại nơi tôi; tại tôi nên cô Hai mới chết, tại tôi nên gia đạo của mợ mới rối, mà cũng tại nơi tôi nên bà già mới chết! - Bà già nào? - Má của cô Hai. - Úy! Má tôi chết rồi hay sao? Chết hồi nào? - Chuyện lộn xộn xảy ra làm cho bà già buồn rầu nhuốm bịnh không đầy một tháng thì chết. Cẩm Vân ngồi khóc, Trọng Quí thấy nàng tỉnh táo, nói chuyện có thứ lớp, lại nghe mẹ chồng chết biết động lòng, thì chàng mừng thầm, nên chàng nói tiếp rằng: - Mợ đừng giận chồng mà cũng đừng buồn con nữa. Tôi hứa với mợ có lâu lắm là hai tuần lễ tôi sẽ đem Chánh Hội mà trả cho mợ. Cẩm Vân nghe nói tới tên con thì lắc đầu đáp rằng: - Chồng tôi đã giết con tôi rồi, còn đâu mà trả. - Không có giết đâu. Lúc cậu giận cậu bồng con cho người ta chớ. Rủi bây giờ không biết nhà người ấy ở đâu, nên phải kiếm ít bữa. Thế nào tôi kiếm Chánh Hội cũng được, xin mợ đừng có buồn. Cẩm Vân cúi mặt xuống, nước mắt tuôn có giọt. Nàng lặng thinh một hồi rồi mới nói rằng : - Tôi thương chồng tôi quá, mà chồng tôi nó không nghĩ; nó đã không thương tôi thì thôi, nó lại còn hại con tôi nữa. Nó biết hễ tôi lìa con tôi thì tôi phải chết nên nó làm như vậy đặng giết tôi mà khỏi gươm dao. Tôi nghĩ lại tôi dại lắm. Chồng không có tình, không có nghĩa chút nào hết, mà tôi thương nó làm chi không biết. Nó đi học năm năm ở bên Tây, tôi ở nhà cứ lục đục lo nuôi con, không thèm mặc áo tốt, không chịu ra khỏi cửa. Tôi thương nhớ nó, tôi trông đợi nó đêm ngày, tôi thường vái van Trời Phật phò hộ nó ở xứ người mạnh giỏi, học thi cho đậu đặng vinh hiển cho tổ tông. Tôi lo cho chồng, mà tôi cũng lo giữ gìn danh giá cho nhà chồng nữa. Tuy tôi là con chệt khách mặc dầu, song tôi ở với chồng như vậy, chớ biết sao nữa. Mà chồng tôi không thương tôi... Nó về tôi mừng, tưởng là vợ chồng sum hiệp, hết buồn rầu nữa, té ra nó về đặng nó hại tôi. Cẩm Vân nói tới đó rồi nàng khóc lớn lên nghe rất bi thảm. Trọng Quí nghe những lời than thở, thấy cái cảnh buồn rầu thì chàng dứt ruột nát gan. Chàng muốn kiếm lời khuyên giải, mà rồi chàng nghĩ nên để cho Cẩm Vân khóc đặng thoả lòng ức uất của nàng, bởi vậy chàng ứa nước mắt mà lặng thinh, không nói chi hết. Cẩm Vân khóc hơn một phút đồng hồ rồi nàng nín và bước xuống đất đi rửa mặt. Trọng Quí ngồi liếc mắt rình coi ý nàng thế nào. Cẩm Vân đứng lau mặt mà nàng hỏi Trọng Quí rằng: - Hồi nãy tôi nghe ông Bác vật nói chồng tôi đau, vậy mà đau sao đó? - Cậu Ba đau là tại cậu buồn rầu, cậu ăn năn việc cậu hốp tốp làm vợ cuồng, con mất, nên cậu đau, chớ cậu không có bịnh chi khác. - Ăn uống ra vô được hay không vậy? - Được. Bữa nay khá nhiều. Hổm nay cậu đòi đi thăm mợ dữ lắm, mà tôi cản tôi không cho đi, bởi vì cậu còn yếu, tôi sợ cậu thấy mặt mợ rồi cậu đau lòng, cậu té xỉu chết giấc như hôm ở trên chùa Hang nữa thì mang khốn. Cẩm Vân bước lại góc ván mà ngồi. Nàng chảy nước mắt ra nữa và nói rằng: - Có phải tại tôi làm đó đâu. Trọng Quí thấy tình cảnh như vậy thì hiểu Cẩm Vân đã hết giận mà lại còn thương chồng. Chàng tính nên nhơn lúc nầy mà cho vợ chồng giáp mặt nhau; bởi vậy chàng bước ra cửa rồi tằng hắng, có ý muốn kêu Chánh Tâm. Chánh Tâm ngồi trên xe hơi mà chờ, mắt ngó chỗ cửa Cẩm Vân lom lom. Chừng chàng thấy Trọng Quí đưa tay mà ngoắc thì chàng lật đật leo xuống mà đi lại. Trọng Quí trở vô nhà ngồi vừa rồi thì kế Chánh Tâm bước vô. Cẩm Vân thấy chồng thì nàng ngó trân trân. Chánh Tâm không chào cô Ba Hài, không nói với vợ một tiếng chi hết, chàng ngồi sụp trên ghế, rồi hai tay ôm mặt mà khóc. Cô Ba Hài với Trọng Quí ngó nhau rồi ngó Cẩm Vân, có ý để coi nàng giận hay thương. Cẩm Vân chau mày nhìn chồng rồi cười gằn mà nói rằng: - Khéo làm bộ; muốn giết người ta mà giết không chết, rồi bây giờ tới khóc dàm nữa chớ! Chánh Tâm cứ ngồi ôm mặt khóc rắm rức. Chàng khóc một hồi lâu rồi đứng dậy, nước mắt nước mũi chàm ngoàm, chàng ngó vợ mà nói rất thảm thiết rằng: - Tôi xin mình tha lỗi cho tôi. Cẩm Vân ngồi trơ trơ không nói chi hết. Chánh Tâm khóc và nói tiếp rằng: - Cũng vì tôi thương mình quá, tôi được cái thơ tôi nóng giận, không kịp suy đi xét lại, nên mới ra cớ nỗi như vậy đó. Xin mình nghĩ lại mà thương giùm cái phận tôi. Cẩm Vân day mặt chỗ khác mà đáp rằng: - Tôi thương thầy nữa chắc là không được. Tôi nói với thầy bây giờ không còn vợ chồng gì nữa. Thầy đừng có kêu tôi bằng “mình”. - Mình nói như vậy chắc là tôi phải chết. Như mình hết thương tôi, thì mình cũng nghĩ chút con của mình chớ... - Thầy con nhắc tới con nữa chớ à? Vì tôi thương con tôi lắm nên tôi mới hết thương thầy. Vì tôi nhớ con tôi, nên tôi mới oán thầy chớ, thầy biết hôn? - Tôi biết. Bởi tôi biết vì mình đau đớn nỗi con, nên mình mới không hết giận tôi. Vậy tôi xin mình bớt giận tôi, đặng tôi tĩnh trí mà kiếm con, chớ nếu mình giận tôi hoài tội nghiệp cho nó lắm! - Thầy phải đem con mà trả cho tôi, tôi mới bớt giận thầy được. Thầy phải đi ra khỏi nhà tôi cho mau. Đi kiếm mà trả con cho tôi rồi tôi sẽ hài cái tội của thầy cho thầy nghe. - Việc kiếm con để mai chiều rồi tôi sẽ khởi công đi kiếm. Tôi hứa với mình dẫu phải lên trời xuống đất mà kiếm thì tôi cũng không từ. Bây giờ tôi xin mình tỏ ý hết giận tôi cho tôi biết đặng tôi thỏa trí mà lo kiếm nó. Trọng Quí tính cho vợ chồng Chánh Tâm gặp nhau mà chàng lo sợ hết sức, một là sợ Cẩm Vân thấy chồng rồi nàng phát giận mà cuồng trí lại, hai là sợ Chánh Tâm thấy vợ rồi chàng đau lòng mà té xỉu nữa. Té ra hai đàng gặp nhau, vợ tuy giận, chồng tuy buồn, song cũng không đến nỗi hại, bởi vậy chàng mừng, chàng muốn để cho vợ chồng phân trần phải quấy với nhau, nên chàng bước ra lề đường mà đứng. Cô Ba Hài cũng muốn cho hai trẻ nói chuyện nên cô cũng bước ra ngoài cửa ngó Trọng Quí mà cười. Hai người ở ngoài tuy mừng, song không dám nói chuyện, để lóng tai nghe thử coi vợ chồng Chánh Tâm nói với nhau làm sao. Cẩm Vân lặng thinh một hồi lâu rồi đáp với chồng rằng: - Tôi không thể nào mà hết giận hết oán thầy được. - Tôi làm bậy, tôi biết lỗi rồi, nên tôi năn nỉ với mình, sao mình còn giận tôi? - Chớ chi thầy nghi tôi lấy trai, thì thầy nói ra cho tôi biết đặng tôi cắt nghĩa cho thầy nghe. Sao thầy không hỏi đi hỏi lại, cứ áp giết vợ giết con, bây giờ thầy ăn năn nỗi gì? - Mình cũng biết, hễ đến chừng ghen thì còn biết chi là khôn dại. - Hồi thầy đánh chửi tôi thì tôi có nói thơ đó của chị Hai, thầy không chịu tin, thầy cứ nói tôi lấy trai, thầy quyết đánh tôi cho chết rồi hại luôn tới con tôi. Thầy bất nhơn độc ác lắm! Thôi thầy đi đi đừng có nói nữa tôi giận thì hại lắm. Thầy đi kiếm con tôi lại đây cho tôi. - Tôi sẽ đi kiếm. Mình yên tâm. Tôi xin mình một điều nầy là đừng có giận tôi nữa, cứ lo uống thuốc cho mạnh. - Không giận sao được. Tôi giận thầy đây tôi sợ đến ngày chết tôi cũng đem xuống mồ nữa à, nói cho thầy biết. Thầy độc ác lắm! Tôi là con đàn bà biết trọng danh tiết mà thầy nói xấu cho tôi, tôi cứu danh giá tông môn thầy, thầy không trả ơn mà còn trở lại nói nhục tôi. Mà thôi, tại tôi muốn cứu chị Hai nên tôi phải chịu tiếng oan, tôi không dám trách ai hết. Thầy có nghi tôi thất tiết với thầy thì thầy mắng rồi đuổi tôi đi, làm bao nhiêu đó cũng đủ xấu tôi rồi. Nếu thiệt tôi là gái hư, có chồng rồi lấy trai, thì tôi phải tự xét, tôi phải chết như chị Hai đó vậy, cần chi mà phải đánh đập tôi cho đến chết giấc, rồi lại còn hại con tôi nữa. Thiệt thầy độc ác lắm. Tôi không muốn thấy mặt thầy nữa. Thầy đi đi, ra khỏi nhà tôi cho mau. Cẩm Vân nói tới đó rồi nàng đứng dậy đi riết lên thang lầu. Chánh Tâm ngước mặt ngó theo, thấy vợ mình mình mẩy ốm teo, đầu tóc trọc lóc, bộ đi lỏng khỏng, mặt mày mét xanh, thì chàng đau đớn trong lòng quá, nên té ngồi trên ghế mà khóc nữa. Cẩm Vân lên được nửa thang lầu rồi nàng đứng lại mà nói vói rằng: - Thầy phải kiếm cho được con của tôi mà trả lại cho tôi. Nếu thầy để tôi thương nhớ con tôi rồi tôi buồn rầu tôi chết thì thầy mang cái quả báo lớn lắm, nói cho thầy biết. Trọng Quí với cô Ba Hài bước vô thấy Cẩm Vân đi lên lầu, còn Chánh Tâm ngồi khóc thì biết Cẩm Vân chưa hết giận, nên ngó nhau rồi lắc đầu. Chánh Tâm khóc và nói với cô Ba Hài rằng: - Vợ cháu nó còn giận cháu hoài biết làm sao bây giờ. Cô Ba Hài lại ván đứng têm trầu mà ăn và nói rằng: - Tại mầy làm ác quá, nên nó giận cũng đáng. Dì biết làm sao? - Xin dì thương cháu. Dì nuôi dùm vợ cháu ít ngày, đặng cháu đi tìm con của cháu. Dì ráng an ủi vợ cháu cho nó bớt buồn. Dì nói cho nó biết rằng cái thân cháu còn sống đây là cháu vì mẹ con nó, chớ cháu không phải vì việc chi hết đâu. Thiệt nếu chết còn sướng hơn là sống như vầy lắm. Mà cháu sợ cháu chết quá; nếu cháu chết thì làm sao kiếm được thằng nhỏ cho được, mà hễ kiếm thằng nhỏ không được thì vợ cháu buồn rầu chắc nó cũng chết! - Dì hiểu hết. Cháu chẳng cần nói nữa. Bây giờ cháu kiếm Chánh Hội đem về đây cho nó gặp con nó thì nó vui hết giận con, chớ không có chi nữa. - Cháu phải kiếm liền bây giờ. Chánh Tâm vùng đứng dậy từ cô Ba Hài mà ra cửa. Trọng Quí lấy nón rồi cũng từ mà đi theo. Cô Ba Hài kêu Trọng Quí lại và nói nhỏ rằng: - Tôi coi thằng đó nó cũng bịnh lắm, vậy cậu làm ơn dìu dắt nó. Còn vợ nó thì để tôi coi sóc cho. Trọng Quí gật đầu lia lịa rồi leo lên xe hơi với Chánh Tâm và biểu sớp phơ chạy ra Sài Gòn. Chú Thích : [1] anh, chị, em, cháu …đọc theo giọng Triều Châu. [2] Việt Nam: đọc theo giọng Triều Châu. [3] ta, tao, tôi… đọc theo giọng Triều Châu VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 5: Kẻ Tìm Con, Người Thấy Con Lý Chánh Tâm có một cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều ngoài Sài Gòn, số nhà 112. Hồi Chánh Tâm còn học tại trường Chasseluop – Laubat thì mẹ là bà Tổng Hiền mua cái nhà ấy mà ở với con gái thứ hai là Tố Nga. Mấy năm Chánh Tâm ghen lầm đuổi vợ hủy con thì bà Tổng Hiền buồn rầu con, mới dắt nhau trở về làng cũ dưới Láng Thê thuộc trong tỉnh Trà Vinh mà ở. Bà Tổng Hiền rầu phận con gái, lại rầu nỗi con dâu nên bà nhuốm bịnh mà tỵ trần. Lê Phùng Xuân là chồng của Tố Nga, tuy biết thằng Phùng Sanh là con của vợ đẻ, không phải là con của mình, nhưng vì chàng nhơn vợ chồng có hôn thú, hồi đẻ khai sanh mình là cha nên chàng nhận thằng nhỏ, rồi chừng bà Tổng Hiền chết, chàng thôi thúc Chánh Tâm phải quân phân gia tài. Chánh Tâm đương buồn rầu việc nhà, chàng không chịu nói tới tiền bạc. Phùng Xuân phát đơn mà kiện. Tòa giao cho quan Lục sự Trà Vinh làm thủ bộ mà gìn giữ gia tài của bà Tổng Hiền, coi thâu góp huê lợi đợi mãn tang rồi sẽ chia gia tài cho Chánh Tâm một phần và cho con của Tố Nga là Phùng Sanh một phần. Phùng Xuân kẻ vạch nên quan Lục sự mới cho mướn ruộng đất rồi cho mướn luôn cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều đó nữa. Tại như vậy nên Chánh Tâm bây giờ lên tới Sài Gòn không chỗ ở phải đi với Trọng Quí ra khách sạn Bá Huê Lầu mà ngụ đỡ. Hành lý dọn lên phòng rồi, thì Chánh Tâm nằm ngay trên giường mà khóc, Trọng Quí không kịp thay đồ, chàng lấy viết mực mà viết một bài đặng mướn nhựt trình rao. Chàng viết rồi mới đọc lại cho Chánh Tâm nghe như vầy: “Đêm mùng bốn rạng ngày mùng năm tháng 6 âm lịch, có một tên ăn trộm vào một cái nhà lầu ở đường Thuận Kiều, thuộc châu thành Chợ Lớn. Người chủ nhà bị xông thuốc mê cuồng trí, nên bắt được ăn trộm rồi mà lại bồng một đứa con trai năm tuổi mà giao cho nó và cho thêm nó ba trăm đồng bạc nữa. Bây giờ người chủ nhà không biết con ở đâu mà tìm nên để lời rao nầy nếu ai đem đứa nhỏ ấy cho chuộc, hoặc chỉ dùm chỗ ở thì chủ nhà sẽ thưởng hai ngàn đồng bạc. Ai muốn cho chuộc đứa nhỏ, hoặc đem tin dùm cho biết ở đâu, thì cứ tin cho người nầy. M. LỮ TRỌNG QUÍ Bác vật ở Cần Thơ.” Trọng Quí đọc rồi bèn hỏi rằng: - Đặt lời rao như vậy được hôn? - Được . - Vậy thì cậu nằm đây mà nghỉ để tôi đi mướn nhựt trình rao liền. Tôi mướn hai tờ nhựt trình Việt ngữ với một tờ nhựt trình chữ Pháp rao luôn luôn hoài, cho đến chừng nào mình tìm được Chánh Hội mới thôi. - Anh liệu thế nào xong thì anh cứ làm dùm cho tôi, chớ tôi cùn trí rồi, tôi không tính việc chi được hết! Trọng Quí đi gần hai giờ đồng hồ rồi mới trở về khách sạn. Chàng bước vô phòng thấy Chánh Tâm nằm chèo queo trên giường, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim, chàng mới khuyên Chánh Tâm đi ăn cơm rồi nghỉ cho khỏe khoắn, đợi sáng ngày sau sẽ dắt nhau đi tìm Chánh Hội. Sáng bữa sau, hai anh em điểm tâm rồi mới dắt nhau ra đi. Chánh Tâm vừa bước ra khỏi cửa phòng thì gặp Lê Phùng Xuân đi với Phùng Sanh. Chánh Tâm với Phùng Xuân thấy nhau thì chưng hửng, nên đứng khựng lại mà ngó nhau. Phùng Xuân tay thì nắm thằng con, miệng thì chúm chím cười và hỏi rằng: - Cậu lên bao giờ đó, cậu Ba? - Mới lên. - Cậu lên chơi hay có việc gì? - Lên chơi. - Cậu ở nhà ngủ nầy hay sao? - Ừ - Chừng nào cậu về? - Chưa thể chắc được. - Hổm nay tôi tính đi xuống dưới đặng nói chuyện với cậu... Chánh Tâm ngó lơ chỗ khác, ý không muốn nói chuyện nữa. Lúc ấy Trọng Quí khóa cửa phòng rồi. Chàng bước ra sau lưng Chánh Tâm, mà liếc mắt ngó Phùng Xuân và ngó Phùng Sanh. Phùng Xuân đợi Chánh Tâm hỏi đặng có tỏ ý mình muốn xuống Láng Thê nói chuyện gì, té ra Chánh Tâm làm lơ, không thèm hỏi, túng thế chàng mới cúi mặt xuống đất, lấy mũi giầy hất tàn thuốc và nói chậm rãi rằng: - Hổm nay tôi tính xuống dưới mà nói chuyện nhà với cậu. Bà già mất rồi, mình có hai anh em kiện thưa với nhau hoài, coi cũng kỳ. Tôi muốn xin cậu thuận với nhau mà chia cho tôi chút ít đặng tôi nuôi con tôi. Nhưng cậu nói còn trong tang không nên chia gia tài, thôi thì mình thuận với nhau đặng nói với quan Lục sự chia lại lúa ruộng mùa tới đây mà xài đỡ. Tôi nghèo quá cậu Ba! Tôi kiếm chỗ làm chưa đặng, mấy tháng nay tôi ở đậu nhà anh em thiệt là bất tiện quá. Không có một đồng tiền đặng may quần áo cho thằng nhỏ bận. Xin cậu thương dùm tôi. Trọng Quí nghe nói thì hiểu người nầy là Phùng Xuân chồng của Tố Nga, còn thằng nhỏ dắt theo đó là Phùng Sanh, con của mình. Chàng ngó Phùng Sanh trân trân, mà trong bụng chàng bồi hồi vô cùng. Chánh Tâm đương rầu nỗi vợ con, mà gốc cái rầu ấy là tại Phùng Xuân gây ra chuyện, bởi vậy gặp Phùng Xuân thì chàng đã không vui, mà chừng nghe Phùng Xuân nói chuyện chia gia tài nữa, thì chàng phát giận, nên nói xẵng rằng: - Anh cứ nói chuyện cực lòng cho tôi hoài. Tôi không có ngày giờ mà tính việc chi hết, Anh kiện rồi thì cứ để Tòa xử, tôi không muốn nghe chuyện đó nữa. Tôi giao cho thầy kiện lo, tôi không biết việc gì hết. Chánh Tâm nói dứt lời, liền kéo tay Trọng Quí mà biểu đi. Phùng Xuân dắt thằng nhỏ bước theo và nói rằng: - Cậu Ba, cậu có bạc cho tôi mượn đỡ vài chục đặng tôi mua bánh trái cho thằng nhỏ ăn. Chánh Tâm làm lơ đi luôn. Trọng Quí tuy đi theo Chánh Tâm song cứ ngoái đầu lại mà ngó Phùng Sanh hoài. Chừng nghe Phùng Xuân than thở mượn bạc, thì chàng đứng lại mở bóp phơi lấy ra một tấm giấy hai chục rồi cúi xuống đưa tới tay Phùng Sanh mà nói rằng: - Đây nè, cậu Ba cho cháu hai chục đồng bạc để dành mua bánh mà ăn. Phùng Sanh lấy bạc mà mắt ngó Trọng Quí và miệng chúm chím cười. Phùng Xuân cũng cười và nói với thằng nhỏ rằng: - Cám ơn thầy đi con. Thằng nhỏ thỏ thẻ nói: - Cám ơn. Trọng Quí mủi lòng quá nên cúi xuống ôm mặt thằng nhỏ mà hun mà vì chàng chảy nước mắt nên chừng buông nó ra thì gò má nó ướt rượt. Trọng Quí lại hỏi Phùng Xuân rằng: - Nhà thầy ở chỗ nào? - Tôi ở đậu với anh em, nay ở chỗ nầy, mai ở chỗ khác, không chắc ở chỗ nào? - Cậu Ba giận thầy lắm, thầy nói không được đâu. Không hại gì, tôi là anh em thiết của cậu, vậy thầy muốn việc gì thì xuống nhà bàn tính với tôi đây. Tôi sẽ liệu cho, không sao đâu. - Thầy ở đâu? - Tôi ở Cần Thơ. Trọng Quí lấy một tấm danh thiếp mà đưa cho Phùng Xuân, vói tay vỗ mặt Phùng Sanh một cái, rồi mới đi riết theo Chánh Tâm. Chánh Tâm vì giận nên quên hết phải quấy, không thèm ngó ngàng đến cháu của mình, mà cũng vì giận bỏ đi trước, không hay Trọng Quí cho Phùng Sanh tiền, không nghe Trọng Quí nói chuyện với Phùng Xuân. Chừng Trọng Quí đi theo kịp rồi, Chánh Tâm mới nói một cách buồn thảm rằng: - Con của chị hai tôi đó. Trọng Quí cúi mặt lặng thinh mà đi, day lại ngó chừng cha con Phùng Xuân hai ba lần thở ra mà nói rằng: - Thấy Phùng Xuân đê tiện quá! Tôi thấy con của tôi nó theo người như vậy thiệt tôi đau lòng không biết chừng nào. Tôi phải làm sao mà bắt nó về tôi nuôi, chớ để nó như vậy chắc nó phải hư. Hai người thủng thẳng đi bộ vô chợ Bến Thành, mặt buồn xo, không nói chuyện, mà thấy bên nào cũng ngó hết thảy. Trời cao lồng lộng, biển rộng mênh mông, chim thả bay rồi biết đâu mà tìm, cá thả lội rồi biết đâu mà bắt. Trọng Quí với Chánh Tâm đi khắp các nẻo đường ở Sài Gòn, khi đi chung với nhau, khi thì đi riêng, mỗi người một ngả, ban ngày thì đi, ban đêm thì lấy hình của Chánh Hội mà nhìn, nhưng mà Sài Gòn là chốn đô thị biết thằng ăn trộm hôm nọ nó ở đâu mà hỏi thăm, có gặp Chánh Hội ở đâu mà nhìn mặt. Nhựt trình ấn hành lời rao được mấy ngày rồi. Trọng Quí sực nhớ lật đật viết thơ về Cần Thơ cho cô Năm Đào mà dặn, hễ có ai đến hỏi thăm về việc cho chuộc Chánh Hội thì phải cầm người ấy ở lại nhà rồi đánh dây thép cho chàng về. Đi tìm hết sức, mà đợi tin nhà cũng mỏn hơi. Từ lúc gặp Phùng Sanh rồi thì Trọng Quí có ý trông Phùng Xuân lại thăm Chánh Tâm nữa đặng chàng cố lập mưu mà mua phứt Phùng Sanh cho khỏi đau lòng. Mà chàng trông hoài không thấy Phùng Xuân trở lại. Chàng muốn đi kiếm Phùng Xuân mà ngặt vì Chánh Tâm tìm con không được nên không được gần vợ, bởi vậy Chánh Tâm buồn rầu, biếng ăn, mất ngủ, hình dạng ngày một thêm ốm, tinh thần ngày một thêm suy, chàng không nỡ dẹp việc của Chánh Tâm mà lo việc của mình, nên chàng dằn lòng mà chịu, quyết làm cho Chánh Tâm gặp con gần vợ được rồi, chàng sẽ lo bắt Phùng Sanh. Có bữa Trọng Quí thấy Chánh Tâm buồn quá thì chàng lo, nên tuốt vô Chợ Lớn mà thăm Cẩm Vân. Chàng thuật cho Cẩm Vân nghe công phu của Chánh Tâm tìm kiếm Chánh Hội và chàng cũng tỏ cho Cẩm Vân nghe biết sự buồn rầu của Chánh Tâm ra thế nào, rồi năn nỉ xin Cẩm Vân tha lỗi cho chồng, đặng chồng vợ sum hiệp một nhà, dường ấy mới bớt buồn mà kiếm con được. Cẩm Vân nghe chồng cực khổ, nghe chồng buồn rầu sanh bịnh, thì nàng mủi lòng nên nàng khóc, mà hễ nói tới chuyện vợ chuyện chồng hòa hiệp thì nàng lắc đầu nói rằng: - Không được. Nếu chồng tôi nó không tìm được con mà trả cho tôi, thì thế nào tôi quên cái ác của nó mà gần nó được. Trọng Quí nói đôi ba lần, mà lần nào cũng bị Cẩm Vân kháng cự hoài, bởi vậy chàng lấy làm bối rối hết sức, không biết chước gì mà giải nguy cho Chánh Tâm. Chánh Tâm thẩn thơ đất Sài Gòn hơn hai tháng, đi khắp mấy nẻo đường trong châu thành rồi, còn đi leo qua cho tới Thị Nghè, Phú Nhuận, Khánh Hội, Trường Đua, ngày nào chàng cũng đi, chỗ nào chàng cũng tới, mà cũng không nghe tin tức, không thấy tâm dạng của Chánh Hội chút nào hết. Lật đật gần tới ngày làm bá nhựt cho mẹ, nên Chánh Tâm phải tính trở về Láng Thê, chàng mới đi với Trọng Quí vô nhà Cẩm Vân, trước thăm, sau năn nỉ nàng tha lỗi nữa. Cẩm Vân thiệt hết bịnh rồi, nhưng vì nàng quá buồn rầu nỗi chồng con, nên hình dạng, tánh tình, cho tới lời ăn tiếng nói, mỗi mỗi đều đổi khác xưa xa lắm. Nàng thấy mặt Chánh Tâm thì nàng buồn bực quạu quọ, không muốn nghe lời chàng nói, không muốn nói chuyện với chàng. Chánh Tâm khóc gần cạn nước mắt mà nàng cũng không động lòng. Chừng nàng nghe Chánh Tâm xin nàng đừng giận nữa, để hòa hiệp với nhau mà lo tìm con, thì nàng trợn mắt đáp rằng: - Thầy còn nói việc vợ chồng với tôi nữa sao? Thầy mắng tôi là đồ đĩ, thì tôi còn mặt mũi nào mà ăn một mâm, nằm một mùng với thầy nữa được. Vậy chớ thầy không hiểu tôi cạo đầu đây là tôi nhứt định dứt tình chồng vợ với thầy rồi sao? Tôi xin thầy đừng mơ ước việc chi nữa. Thầy hãy tìm con mà trả cho tôi. Tôi gặp được con rồi thì tôi tha lỗi cho thầy, mà tha lỗi thì không giận hờn mà thôi, chớ thương thầy như xưa chắc là không được!. Chánh Tâm nghe vợ nói hẳn hòi rành rẽ như vậy thì chàng rủn chí thất kinh, ngồi lắc đầu nghẹn họng nói không được nữa. Cô Ba Hài với Trọng Quí thấy tình cảnh như vậy thì cảm động, nên hai người đều rưng rưng nước mắt. Chánh Tâm khóc một hồi nữa rồi nói rằng: - Mẹ tôi với chị tôi đều chết hết. Còn con tôi mất tìm không đặng; vợ tôi nó cũng hết thương tôi. Thân tôi còn sống nữa mà làm gì!. Trọng Quí nghe mấy lời than ấy thì đau đớn quá, chịu không được, bởi vậy chàng bỏ đi ra cửa mà đứng. Chẳng hiểu Cẩm Vân vì động lòng thương hay là vì ý nào khác, mà nàng chau mày rồi đứng dậy đi lên lầu, và đi và nói rằng: - Thầy phải đi kiếm cho được con mà trả cho tôi; nếu kiếm chưa được thì đừng có léo hánh tới đây nữa, vì thầy tới thầy chọc cho tôi thêm giận chớ không có ích gì. Cô Ba Hài thấy Chánh Tâm ngồi khóc hoài, cô mới kiếm lời an ủi, cô xin Chánh Tâm phải bớt buồn, để trí thong thả mà lo tìm con, còn việc Cẩm Vân thì để cô khuyên giải dùm cho; một ngày cô nói vô một tiếng, có lẽ năm mười tháng hoặc một năm Cẩm Vân nguôi ngoai rồi nàng sẽ thương chàng lại. Trọng Quí sợ Chánh Tâm sầu não quá rồi sanh bịnh nên chàng cũng theo an ủi. Chàng nói rằng: - Mợ ba còn đương giận nên mợ ba nói gắt gao như vậy, chớ hễ mình kiếm được Chánh Hội mình trả cho mợ, mợ ấy thấy con mợ mừng rồi mợ hết giận chớ gì mà lo. Xin cậu đừng có buồn. Tôi hứa tôi kiếm cho cậu thì tôi sẽ kiếm được. Tôi còn một phương nữa hay lắm. Để đợi ít ngày nữa coi nhựt trình rao mà thiệt không ra manh mối, thì tôi làm cách khác phải được. Cậu đừng lo, cậu về nhà nằm nghỉ cho khỏe trí, để tôi lãnh tôi làm cho. Chánh Tâm ngồi khóc hơn một giờ đồng hồ rồi mới gởi gắm vợ cho cô Ba Hài và từ giã lên xe về Láng Thê với Trọng Quí. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 6: Kẻ Lập Mưu, Người Làm Nghĩa Trọng Quí đưa Chánh Tâm về Láng Thê. Chàng thấy Chánh Tâm sầu não đến nỗi thất chí, không lo việc chi được hết, chàng không đành lìa Chánh Tâm mà về Cần Thơ; bởi vậy chàng ở lại đó mà lo dùm đám cúng tuần bá nhựt cho bà Tổng Hiền. Đến bữa vào đám, Phùng Xuân dắt Phùng Sanh xuống, Trọng Quí thấy Phùng Sanh thì mừng, còn Chánh Tâm thấy Phùng Xuân thì giận; mà Trọng Quí mừng, Phùng Sanh không dè, còn Chánh Tâm giận, Phùng Xuân không kể. Phùng Sanh mặc một bộ đồ mạch lô chật bó trong mình mà lại gi-mô gỉ quẹt, chân mang một đôi giầy bố trắng không đánh phấn, đầu đội một cái nón nỉ đen, đứt dây băng. Còn Phùng Xuân thì áo quần, giầy nón, đều sạch sẽ, song nếu coi kỹ thì đồ cũ lắm. Phùng Xuân thấy ý Chánh Tâm lợt lạt không muốn nói chuyện với mình thì theo làm quen với Trọng Quí. Trọng Quí có ý riêng nên sẵn lòng nói chuyện với Phùng Xuân lắm, nhứt là muốn thân cận lần với con. Tối lại, Phùng Xuân thấy Trọng Quí đi qua đi lại một mình ngoài trước sân, chàng bèn tuốt ra rồi đi theo mà hỏi rằng: - Ông Bác vật, ông gần với cậu Ba nó lắm, vậy mà xưa rày ông có nghe cậu Ba nó tính chuyện chia ruộng đất gì hay không? - Thầy muốn chia lắm hay sao? - Tôi không gấp gì chia, mất đi đâu mà sợ. Bà già mới nhắm mắt, làm gấp quá coi cũng kỳ. Ngặt vì tôi túng lắm, không có tiền nuôi con, nên tôi muốn cho cậu Ba nó chia lần lúa ruộng mùa nầy đặng tôi có chút đỉnh nuôi cháu vậy mà. Để cho Lục sự họ giữ hoài thì mình bị thêm tiền tổn phí chớ có ích gì phải hôn ông? Đâu ông làm ơn ông nói dùm với cậu Ba nó thử coi, chớ cậu giận tôi, nên tôi không muốn nói. - Việc nhà thì hai anh em tính với nhau, chớ tôi có quyền gì mà tôi nói vô. - Ông làm ơn cho tôi, ông nói dùm vậy mà. - À, thầy cậy tôi nói dùm cho thầy? Như vậy thầy cậy thì tôi nói. Hễ tôi nói thì chắc được. - Phải. Tôi biết ông nói được, nên tôi mới cậy ông chớ. - Nói chơi với ông vậy mà, biết hôn? Tôi có ăn thua vào đâu mà tôi nói; lại cậu Ba tánh ý khó lắm, ai mà nói cho được. Phùng Xuân chau mày suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: - Đâu ông nói đại thử coi mà, được hay không được rồi tôi sẽ liệu. - Thì thầy nói lấy, chuyện của thầy, có ăn thua gì với tôi mà biểu tôi nói. - Tôi kiện rồi, bây giờ tôi khởi kiện ra mà nói, thiệt khó nói quá. - À ạ!, Ai biểu thầy kiện! - Tại túng tiền quá nên tôi mới làm bậy như vậy chớ. - Túng lắm hay sao? - Ông nghĩ đó mà coi; kiếm công việc không được, ở không ăn hoài, làm sao mà khỏi túng. - Hôm trước tôi nghe thầy than, tôi có dò ý cậu Ba. Cậu nói với tôi rằng như thầy muốn chia huê lợi mùa nầy thì cậu chia cho, song thầy phải giao thằng bé cho cậu nuôi thì cậu mới chịu. Cậu buộc như vậy đó, thầy chịu hôn? Nếu chịu thì phải làm giấy tờ cho hẳn hoi mà giao thằng nhỏ. - Giao thế nào? Giao đứt hay là giao cho nuôi bao lâu? - Giao đứt chớ sao. Phùng Xuân đứng suy nghĩ một hồi lâu rồi lắc đầu nói rằng: - Không được. Tôi không thể làm tờ giao con tôi như vậy được! - Sao vậy? - Tôi hiểu rồi. Ý cậu Ba muốn gạt tôi. Hễ tôi làm tờ giấy giao con thì cậu Ba nó nắm tờ giấy ấy rồi hội thân tộc cử người thủ hộ cho thằng nhỏ, tôi còn quyền gì đâu mà hưởng gia tài được. Mưu cậu Ba nó sâu quá, tôi không dại gì đâu. Trọng Quí là người bổn tánh chơn chánh, chàng dùng mưu là mưu bắt Phùng Sanh, chớ không phải mưu đoạt phần gia tài của Phùng Sanh, bởi vậy chàng nghe Phùng Xuân giải luật pháp thì chàng chưng hửng, đứng ngó Phùng Xuân trân trân rồi lắc đầu đáp rằng: - Không phải vậy đâu. Thầy tưởng lầm. Ai gạt thầy làm chi. Nếu thầy có nghi thì tôi bảo lãnh cho, hễ cậu Ba có làm như vậy thì tôi thường số huê lợi cho thầy. Cậu Ba mất con cậu ấy buồn, nên cậu muốn nuôi cháu đặng hủ hỉ với cậu, chớ phải cậu có ý gì sâu hiểm hay sao? - Không được, khó lắm. Tôi không dám chịu đâu. - Không chịu thì thôi!. Trọng Quí bỏ đi vô nhà. Phùng Xuân cũng đi vô, rồi kiếm Phùng Sanh dắt lại bộ ván phía chái trên mà ngủ. Trọng Quí nói chuyện với khách một hồi rồi cũng đi lại bộ ván ngủ chung với cha con Phùng Sanh. Qua ngày sau, Trọng Quí làm quen với Phùng Sanh rồi theo giỡn với nó hoài. Thằng nhỏ gương mặt giống hịch Tố Nga, mà bộ tướng châm hẩm, đi đứng chẳng khác nào Trọng Quí. Chánh Tâm tuy buồn, mà hễ thấy Trọng Quí bồng Phùng Sanh mà nựng nịu thì chàng chúm chím cười. Trọn một ngày ấy Trọng Quí cứ theo hỏi Phùng Xuân như có chịu làm tờ giấy giao con thì chàng nói dùm với Chánh Tâm chia huê lợi cho. Phùng Xuân cứ lắc đầu nói rằng: - Thà tôi chịu nhịn đói, chớ tôi lìa con tôi không được. Trọng Quí muốn bắt con liền mà thấy kế không thành thì chàng lấy làm buồn. Vì chàng thương con quá nên không dè dặt, tối lại chàng nói lại với Phùng Xuân rằng nếu chịu để Phùng Sanh cho chàng nuôi chơi, thì muốn bao nhiêu tiền chàng cũng cho hết thảy. Lời nói ấy theo người thường thì không quan hệ gì, mà vì Phùng Xuân đã hiểu Phùng Sanh là con của ai chớ không phải con của mình, bởi vậy chàng nghe mấy lời của Trọng Quí rồi châu mày day mặt chỗ khác mà nói rằng: - Được ở đâu! Thử ông cho bạc triệu coi tôi chịu giao nó cho hay không mà. Để tôi nuôi chơi mới ngộ chớ. Từ đây Phùng Xuân tránh hoài, không muốn nói chuyện với Trọng Quí nữa, mà hễ thấy Phùng Sanh đến gần Trọng Quí thì chàng lại kêu mà rầy. Đám làm tuần vừa xong thì chàng dắt Phùng Sanh về liền. Khách đã tan hết, chiều lại Chánh Tâm rủ Trọng Quí đi ra ngoài ruộng hứng mát chơi. Hai anh em thơ thẩn đi trên bờ ruộng qua Ất Ếch. Tiết tháng mười, lúa nở xanh đồng, xa xa thấy có vài đám lúa sớm gần chín nên xen màu đỏ đỏ. Chánh Tâm đi được một khúc rồi đứng lại mà hứng phong cảnh. Đồng ruộng mênh mông, trời cao xanh lét, gió hiu hiu mát mặt, nhái chóc chóc rân tai. Chánh Tâm ngắm cảnh một hồi rồi chảy nước mắt mà nói với Trọng Quí rằng: - Năm tôi mới cưới vợ tôi dắt vợ tôi xuống dưới nầy chơi. Chiều mát vợ chồng tôi dắt nhau ra đứng hứng gió lối nầy, tình lai láng, nghĩa mặn nồng, vợ chồng tôi vui vẻ không biết chừng nào. Bây giờ tôi ra đứng đây tôi thương vợ tôi quá. Tôi phải chết, chớ sống làm sao cho được. Trọng Quí thấy bạn buồn thảm dường ấy thì chàng lấy làm đau đớn trong lòng, song chàng gắng gượng mà nói rằng: - Cậu làm trai mà quá yếu trí quá! Người ở đời ai lại khỏi họan nạn. Hễ gặp nguy biến thì phải vững lòng bền chí mà giải nguy chớ. Cậu buồn rầu cái gì? Vợ còn, con cũng còn. Hễ kiếm được con thì sum hiệp hết thảy! Tôi hứa với cậu, tôi sẽ kiếm con cho cậu. Cậu phải tin tôi, đừng có buồn chi hết. Nếu cậu buồn, cậu mang bịnh, cậu chết đi, thì càng khổ cho vợ con cậu lắm. Chánh Tâm ngó Trọng Quí và lắc đầu nói rằng: - Kiếm đã hết sức rồi, còn biết đâu nữa mà kiếm. Hai người dắt nhau thủng thẳng trở về, Trọng Quí kiếm lời khuyên giải hết sức, mà coi bộ Chánh Tâm cũng không nguôi. Trọng Quí nghĩ Chánh Tâm ở đây thấy cảnh cũ nhớ tình xưa, không thể không buồn được, nên chàng mời Chánh Tâm qua nhà chàng mà ở. Chánh Tâm cũng muốn tránh đi cái cảnh buồn nầy, nên chàng giao nhà cửa cho vợ chồng Hương bộ Huỷnh, là em chú bác của bà Tổng, coi sóc dùm, rồi chàng bỏ hết quần áo vô rương và lấy tiền bạc mà đi với Trọng Quí qua Cần Thơ. Ông hội đồng Quyền uống thuốc hơn một tháng, ông hết bịnh rồi, ăn biết ngon, ngủ biết khỏe, nên ông đã về Trà Bang. Cô Năm Đào, vì lời của anh cậy mượn, nên mẹ con cô còn ở lại Cần Thơ mà coi nhà dùm cho Trọng Quí. Cô Năm Đào nghe xe hơi chạy vô cửa, cô lật đật dắt con bước ra coi xe ai. Cô thấy Trọng Quí với Chánh Tâm đương lụi hụi xuống xe thì cô hỏi rằng: - Kiếm được hôn anh hai?. Trọng Quí lắc đầu buồn xo, rồi lại hỏi rằng: - Ở nhà mấy tháng nay có ai tới nói chuyện cậu Tú hay không?. Cô Năm Đào đáp rằng: - Hông có. Nếu có thì em đã đánh dây thép cho anh hay rồi. Trọng Quí với Chánh Tâm vô nhà. Cô Năm Đào liếc mắt dòm coi thì thấy Chánh Tâm hình dạng ốm hơn, mặt mày buồn hơn hồi cô mới gặp hôm lần trước. Chánh Tâm ở đây mà chàng nhớ vợ thương con, ăn ngủ không yên được, nằm ngồi không yên. Chàng đã không muốn nói chuyện mà chàng tránh không muốn ngồi gần Trọng Quí hoặc cô Năm Đào. Trưa nắng thì chàng chui rúc vào phòng khách nằm lim dim; trời mát hoặc đêm thì chàng thơ thẩn một mình ngoài sân, có đêm trong nhà ngủ hết rồi chàng lén mở cửa ra ngồi trước thềm mà khóc thầm cho đến trời rựng sáng mới chịu vào phòng. Trọng Quí ở trong nhà, tuy bô lô ba la coi bộ vui vẻ như thường, nhưng mà chàng thấy Chánh Tâm ảo não thì chàng nát gan đứt ruột. Một buổi chiều, Chánh Tâm ăn cơm rồi sắp bước ra sân thì Trọng Quí kêu hỏi rằng: - Cậu Ba, cậu muốn kiếm cháu nữa không?. Chánh Tâm đứng lại, cúi mặt ngó sửng dưới đất rồi đáp nhỏ nhỏ rằng: - Biết nó ở đâu mà kiếm. Chàng nói giọng nghe hết thần, bộ coi rủn chí. Trọng Quí mới nói rằng: - Thôi cậu ở đây, để sáng mai tôi đi. Tôi lên thăm mợ Ba coi bữa nay mợ đã thiệt mạnh hay chưa. Tôi còn một thế nầy nữa, nếu không được thì tôi mới chịu phép. Bây giờ tôi tính như thế nầy đây, để tôi nói cho cậu nghe thử một chút. Tôi đem cái hình của Chánh Hội mà đưa cho sở mật thám và cậy sở mật thám cho lính đi tìm dùm. Tôi hứa hễ tìm được Chánh Hội đem giao cho tôi thì tôi thưởng ba ngàn đồng. Mình thưởng cho nhiều như vậy thì người ta mới hết lòng lo kiếm cho mình. Cậu nghĩ thử coi được hôn? Nếu sở mật thám mà kiếm không được nữa thì thôi chớ biết sao. Chánh Tâm lặng thinh một hồi lâu rồi đáp rằng: - Tôi sợ sở mật thám kiếm cũng không ra. - Ậy! Để họ giúp với mình họ kiếm, có hại gì đâu mà sợ. - Kiếm nữa cũng vô ích. - Cậu ở nhà đây, Để sáng mai tôi đi. Tôi đi ít hôm tôi về. Sáng bữa sau Trọng Quí để Chánh Tâm ở nhà với mẹ con cô Năm Đào và chàng lấy xe hơi mà đi Sài Gòn một mình. Chánh Tâm ở nhà không có Trọng Quí, chàng càng buồn bực hơn nữa, hễ không nằm dàu dàu, đi thì thẩn thơ, không nói với ai, mà cũng không ai nói tới hết. Cô Năm Đào là người đàn bà hay động lòng, cô thấy chàng u sầu quá như vậy thì cô thương xót, nên mấy bữa cơm cô không e lệ chi hết, cô cứ ngồi ăn chung với chàng và cô kiếm chuyện mà nói đặng cho khuây lãng. Đàn ông con trai được ngồi ăn chung một bàn với người đàn bà, con gái, một trương một lứa với mình, dung nhan tuấn tú, văn nói khôn ngoan, theo thế thường dầu buồn cho mấy cũng hóa vui, dầu rầu cho mấy cũng phải cười. Chánh Tâm cũng là đàn ông con trai, nhưng vì cái hình của vợ, cái dạng của con, cứ phất phơ, thấp thoáng trước mắt chàng hoài, làm cho chàng không thấy người nào khác nữa được, bởi vậy chàng thấy cô Năm Đào coi bộ chàng nhọc lòng, chàng nghe cô nói chuyện coi bộ chàng cực trí lắm. Trọng Quí đi có ba bữa thì chàng trở về. Khi chàng bước vô cửa, chàng thấy Chánh Tâm thì chàng cười và nói rằng: - Mợ Ba bữa nay mạnh như thường; mợ còn giận chút đỉnh, mà không hại chi, hễ kiếm được thằng nhỏ cho mợ thì mợ hết giận chớ gì. Việc thằng nhỏ, thì tôi đã đưa hình cho sở mật thám rồi, mấy thầy đội họ nghe nói thưởng ba ngàn đồng thì họ ham lắm. Họ nói với tôi rằng, thế nào họ cũng kiếm được; họ chắc kiếm được lắm, vậy cậu đừng có buồn, để thủng thẳng họ kiếm họ dắt xuống đây cho cậu. Chánh Tâm nghe nói con sẽ tìm được, vợ sẽ hết giận, tuy chàng không vui cười, song mặt chàng có vẻ mừng rỡ chút ít. Mà cái vẻ mừng rỡ ấy chẳng đặng lâu; bởi vì cách một lát thì hóa ra cái vẻ bi thảm như cũ. Trọng Quí làm ra dáng vui vẻ lắm mà Chánh Tâm cũng không bớt buồn rầu. Đêm ấy, lối một giờ khuya, trong nhà vắng vẻ, ngoài sân im lìm, không rõ Chánh Tâm ngủ hay thức mà trong phòng của chàng cũng lặng trang. Trọng Quí nhẹ nhẹ mở cửa ra bước xuống nhà tiệc để cái đèn lu lu trên bàn, rồi leo lên võng nằm đưa tòn ten. Chàng gác tay qua trán, chau mày ủ mặt, đốt hút luôn một giọt cho tới ba điếu thuốc rồi mà còn lấy một điếu thứ tư mồi nữa. Cô Năm Đào ở trên nhà trên thình lình bước xuống lại vặn cái đèn lên cho tỏ; rồi kéo ghế mà ngồi, vì đầu hôm cho đến chừng ấy, cô nằm trong phòng mà cô không ngủ, nên mặt mày tỉnh táo như lúc ban ngày. Cô liếc thấy Trọng Quí lấy khăn mu soa lau nước mắt thì cô hỏi rằng: - Anh đi Sài Gòn về, anh nói chắc sẽ kiếm Chánh Hội được và vợ cậu Tú đã bớt giận, mà sao em coi hễ có mặt cậu Tú thì anh vui, còn vắng cậu thì anh buồn vậy anh Hai? Trọng Quí thở ra, rồi đứng dậy đi lại kéo một cái ghế ngồi ngang mặt cô Năm Đào, hai cánh chõ chống trên bàn, hai bàn tay đỡ cái trán, và chàng lắc đầu đáp rằng: - Qua thấy cậu Tú buồn quá, nên qua phải nói dối, chớ sở mật thám cũng không chắc kiếm được Chánh Hội được, mà mợ Tú cũng không bớt giận chút nào. Cô Năm Đào nín thinh, mắt ngó ngay ngọn đèn một hồi lâu rồi cô mới hỏi nữa rằng: - Mà sở mật thám họ chịu lãnh kiếm hay không? - Sao lại không chịu! Phận sự họ phải kiếm, mà nhứt là qua có hứa thưởng ba ngàn đồng bạc nên họ sẵn lòng lắm chớ. - Như vậy thì sao anh lại chắc kiếm không được? - Họ nói nghe phải lắm; kiếm thì họ kiếm mà họ không chắc kiếm được, là vì người lớn có giấy, có ở, hay đi chỗ nầy chỗ kia nên có thể gặp được, còn Chánh Hội nó là con nít, dầu lính có hình nó đi nữa, mà nó cứ lục thục trong nhà hoặc không đi đâu hết, lính có thấy nó đâu mà nhìn. Đã vậy, mà diện mạo con nít thường hay đổi dời, sợ gặp mặt nó cũng không biết nó được. - Việc như vậy thà là anh nói thiệt với cậu Tú, chớ anh nói dối, để cho cậu có lòng trông đợi, rồi ít ngày đây cậu không thấy chi hết, cậu càng thêm buồn chớ ích gì. - Em không rõ, chớ qua khổ lắm em ơi! Tại qua làm mà cậu Tú phải lìa vợ mất con, bởi vậy, bây giờ hễ qua thấy cậu buồn thảm thì qua đau đớn trong lòng quá. Qua phải nói dối cho cậu mừng được ngày nào hay ngày ấy, chớ biết sao bây giờ. - Anh làm như vậy thì phải. Mà anh dối đỡ rồi anh cũng tính phương nào mà cứu cậu Tú chớ anh dối hoài sao được. Mấy bữa rày cậu Tú ở nhà, em thấy cậu buồn rầu sâu sắc hơn người ta làm thì em có bụng lo sợ không xong đa. Buồn sao mà buồn quá chừng quá đỗi, buồn như vậy thì sống làm sao được. - Qua lo lắm chớ. Qua chắc hễ cậu Tú buồn rầu cậu chết thì qua ăn năn qua cũng không sống được. Trọng Quí nói tới đó thì chàng khóc mùi. Cô Năm Đào thấy anh như vậy thì cô động lòng nên cô ngồi lặng thinh, mà cô cũng ứa nước mắt. Cô để cho Trọng Quí bớt khóc rồi cô mới nói rằng: - Việc của cậu Tú đây em hiểu hết, hễ kiếm được thằng con của cậu, đem giao cho vợ cậu thì vợ cậu hết giận, rồi vợ chồng cha con sum hiệp, tự nhiên hết buồn rầu. Bây giờ anh lo kiếm thằng con của cậu thì phải rồi, mà anh cũng phải làm thế nào cho cậu khuây lãng mà chờ, chớ nếu để cậu buồn quá chết rồi làm sao? - Qua cũng biết như vậy, ngặt vì cậu thương vợ thương con quá làm sao cậu khuây lãng được. Qua đã lấy lý mà khuyên giải thì không ăn chịu chi hết. - Vậy anh phải ráng mà năn nỉ với mợ Tú đặng mợ đừng giận cậu nữa, về ở với cậu hoặc may cậu bớt buồn chăng. - Qua nói đã hết sức rồi mà không được. Hổm nay qua ở trên ấy, qua năn nỉ thiếu điều lạy mợ ấy mà mợ cũng không chịu. Mợ cứ phiền cậu hoài, mợ nhứt định không chịu cho cậu thấy mặt nữa, dầu có kiếm được con mà trả cho mợ thì mợ cũng dứt cang thường. Mợ nói hẳn hòi lắm chớ không phải nói chơi. - Nếu vậy thì làm sao? - Biết làm sao bây giờ! Hai người ngó nhau mà mặt có sắc lo hết thảy. Trọng Quí ngó cô Năm Đào một hồi lâu, rồi bộ chàng như kiếm được một cái chước gì hay lắm vậy, nên chàng gãi đầu, chúm chím miệng cười, rồi lại gãi đầu nữa, du dự bàng hoàng rồi mới nói rằng: - Qua có thế làm cho cậu Tú bớt buồn rầu, cho qua tìm Chánh Hội được. - Anh làm sao? - Cái kế nầy của qua hay lắm, mà phải có em giúp thì mới thành. Không biết em chịu giúp hôn? - Việc của anh cũng như việc của em. Đã vậy mà em thấy cậu Tú thất chí, em cũng tội nghiệp cho cái thân cậu lắm. Nếu em có thể làm cho anh hết ăn năn và làm cho cậu Tú hết buồn rầu được, thì em vui lòng mà làm lắm, chớ sao lại không chịu. - Em mà có bụng tốt vậy, em giúp dùm với qua đặng cứu cậu Tú thì qua mang ơn em lắm không biết chừng nào cho hết. - Em giúp làm sao? Đâu anh nói cho em nghe thử coi? Trọng Quí vừa muốn mở miệng trả lời nhưng rồi chàng du dự không chịu nói. Chàng liếc mắt ngó cô Năm Đào thấy cô đương ngồi mà chờ chàng trả lời, chàng mới chau mày mà nói rằng: - Cái kế của qua nghe kỳ một chút...Ôi! Mà nghĩ cũng không kỳ gì, em đã có một đời chồng rồi, lại em làm nghĩa không lẽ ai dám cười chê gì đó mà sợ. Qua tính như vầy -- Cậu Tú tâm đau bịnh tình, bây giờ mình phải dùng thuốc tình mà điều trị cho cậu mới được. Qua xin em đừng có về Trà Bang, em ở đây rồi mỗi bữa em nói chuyện nói vãn với cậu Tú, em tỏ ý dan díu cậu, em làm sao cho cậu thương em. Hễ cậu thương em rồi thì tự nhiên cậu quên buồn rầu nỗi vợ con; cậu có chỗ vui mà sống thì qua mới rảnh trí mà tìm con khuyên vợ cho cậu được. Trọng Quí chưa nói dứt lời mà cô Năm Đào đã biến sắc, cô chận chàng mà nói rằng: - Úy! Anh tính cái gì kỳ cục quá vậy nà! Ai mà làm được. - Qua đã nói với em cái kế của qua thì kỳ thiệt mà nếu không làm như vậy thì làm sao cho cậu khuây lãng nỗi vợ con cho được. - Phải. Anh tính như vậy thì hay lắm. Mà anh lựa con nhà nghèo đứa nào lanh lợi sạch sẽ anh mướn nó làm cho chớ em làm không được đâu. - Biết mướn ai bây giờ? Người không xứng đáng thì có nết có hạnh gì đâu mà làm cho cậu mê mẩn được? Còn xứng đáng tử tế làm sao anh dám cậy người ta. Em là người trong thân mà em còn không chịu giúp qua thay, huống chi là người dưng. Thôi, em không chịu thì thôi, qua đâu dám ép. Cô Năm Đào ngồi bàng hoàng suy nghĩ một hồi lâu rồi cô nói rằng: - Anh nghĩ lại đó mà coi, không phải em không muốn giúp anh, ngặt gì cái chuyện đó quá khó...phận em là gái, mà em đi lẳng lơ trêu bẹo người ta thì coi sao cho được - Em sợ thiên hạ chê cười phải không? - Chớ sao!. - Chuyện trong nhà ai biết được mà cười. - Dẫu không ai biết đi nữa thì em cũng hổ thầm với danh giá của em chớ. - Qua cậy em làm việc nầy là cứu cái mạng cậu Tú. Em muốn làm đại nghĩa thì chẳng nên cố chấp tiểu tiết. Qua biết bụng của em thể nào, chớ theo qua, hễ qua gặp cái đại nghĩa thì qua làm liền, qua không dụ dự chút nào hết, dầu mà nát thân qua đi nữa qua cũng vui, chẳng luận là mang tiếng, mang tâm chút đỉnh. Em sợ thiên hạ chê cười. Qua tưởng hễ em cứu được cái mạng của cậu Tú Tâm, thì em vui thầm trong lòng mãn đời, em không có ăn năn chút nào đâu mà em ngại. Vì em có một đời chồng rồi, qua chắc em biết việc nào em phải làm, việc nào quấy em ngăn ngừa; nên qua mới dám cậy em. Em gây giùm cái mối ái tình cho cậu Tú có chỗ vui mà khỏi chết vậy thôi, chớ có làm điều chi quấy mà em hổ thẹn. Thiệt đàn bà con gái lãnh cái vai tuồng như vậy coi cũng kỳ thật. Mà em làm đấy là cứu một mạng người, lại giúp cho qua chuộc tội nữa, cái nghĩa của em lớn quá, em dụ dự làm sao? Cô Năm Đào suy nghĩ một hồi lâu nữa rồi cô đáp rằng: - Mấy lời anh nói em hiểu rồi. Theo phận em thì em không ngại cho mấy, song em không biết thầy với má em có vui mà cho em làm như vậy hay không? - Việc đó em đừng lo; để qua lãnh qua nói với cậu mợ cho. Cậu đã hiểu rõ đầu đuôi việc của cậu Tú Tâm rồi nên qua chắc hễ qua cắt nghĩa thì cậu chịu liền. - Anh liệu sao đó thì anh liệu lấy. Trọng Quí thấy ý của cô Năm Đào đã chịu rồi, bởi vậy sáng bữa sau chàng đi qua Trà Bang nói với vợ chồng ông Hội đồng Quyền sao đó không biết mà đến chiều chàng về, chàng nói với cô Năm Đào rằng: - Qua nói rồi. Cậu mợ đều vui lòng để em bên nầy mà giúp với qua đặng cứu cậu Tú. Vậy thì em hãy ráng hết lòng làm ơn dùm cho qua nghe. Cô Năm Đào gật đầu mà coi bộ cô thẹn thùa lắm. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 7: Trong Bụi Giựt Mình Cô Năm Đào là một người đàn bà tánh tình bải buôi, vui vẻ, hay nói, hay cười, chớ ít hay buồn, ít hay lo. Từ nhỏ chí lớn cô ưu sầu một lúc thì thôi, là lúc chồng cô đau rồi chết. Mà sự ưu sầu ấy bất quá làm cho cô khóc than thương tiếc chồng trong ít ngày rồi thôi, chớ không đến nỗi làm cho thất chí ngã lòng, phế hết thế sự; bởi vì tại cái tánh của cô ít chịu buồn ít chịu lo, mà cũng tại cô nghĩ rằng ai ở đời cũng có số mạng. Trời khiến mạng chồng cô tới chừng đó phải chết, lại khiến mạng cô tới chừng ấy phải góa chồng, vậy thì cô rầu lo làm chi. Cha mẹ của cô tuy không phải là nhà cự phú, song có vài ngàn công đất tốt, há không đủ sức châu cấp cho cô no ấm trọn đời hay sao? Chồng của cô tuy chết rồi, song có để lại một chút con gái cho cô yêu ấp há không đủ cho cô mặn tình mẫu tử mà khuây lãng nỗi cang thường hay sao? Thiệt từ ngày chồng cô chết cho tới bây giờ, cô chẳng hề lập tâm quyết thủ tiết thờ chồng, mà cô chẳng hề chủ ý muốn chấp nối nơi khác. Không, cô cũng như nhiều người nhỏ tuổi mà góa chồng kia vậy, cô không tính chi hết, cô trở về ở với cha mẹ, hằng ngày cô phụ với mẹ mà xem xét các việc trong nhà, cô lo tắm rửa săn sóc con Lý, miếng ăn miếng uống cho cha, dòm tánh ý của cô thì hình như cô phú cho ông Trời liệu định phần số cho cô, chớ cô không thèm tưởng tới tiến trình tương lai của cô chút nào hết. Đến ngày cô giáp mặt với Chánh Tâm thì cái lòng của cô đã hết vương vấn mối tình xưa mà cũng chưa cưu mang mối tình nào khác. Tình của cô còn ơ hờ, lòng của cô đương thơ thới, chẳng khác nào như con gái mới lớn lên. Cô mới nghe thuật chuyện nhà của Chánh Tâm thì tội nghiệp cho người mạng bạc, vì có một chút ghen lầm mà nhà cửa tan hoang, vợ con rời rã. Đến chừng cô thấy Chánh Tâm rõ ràng; trong lòng đau đớn từ hồi, ngoài mặt buồn thảm không ngớt, thì cô lấy làm cảm động thương người trẻ tuổi, học đã thành danh, nhà lại sẵn tiền, mà phải mang một cái họa lớn rồi học thức rộng không được dùng, tiền bạc nhiều cũng vô ích. Cô đã tội nghiệp mà cô còn lại lo sợ nữa, cô sợ Chánh Tâm buồn rầu quá rồi mang bịnh mà chết. Cô tội nghiệp cho thân phận Chánh Tâm bao nhiêu thì cô thầm trách anh cô là Trọng Quí bấy nhiêu; bởi vì theo ý cô thì gia đình Chánh Tâm rời rã đó, là tại Trong Quí không làm cho Chánh Tâm hội hiệp với vợ con, nếu nay để cho chàng buồn rầu mà chết thì Trọng Quí mắc một cái quả báo lớn lắm. Đối với Chánh Tâm thì thiệt cô Năm Đào có cái cảm tình, nhưng mà cô cảm tình là vì cô thương xót người mắc nạn mà thôi chớ không hề có ý riêng với chàng chút nào hết. Vì cô muốn cứu dùm cái sanh mạng của Chánh Tâm, mà cũng vì cô muốn cho anh cô là Trọng Quí khỏi quả báo, nên cô mới vưng lãnh cái vai tuồng giải buồn cho người áo não vì tình, song cô vưng lãnh rồi thì cô lấy làm ái ngại, không biết liệu thế nào làm cho tròn phận sự mà khỏi nhục cho cái danh tiết của cô. Trọng Quí muốn cho em thong thả mà an ủi Chánh Tâm, nên chàng để Chánh Tâm ở nhà với cô Năm Đào, chàng tốc lên Sài Gòn mà thôi thúc sở mật thám ân cần tìm giúp Chánh Hội. Cô Năm Đào ở nhà một mình với Chánh Tâm cô lo cơm nước cho Chánh Tâm, đến bữa ăn thì ngồi chung với nhau một bàn, muốn nói chuyện thì không thiếu chi dịp tốt, nhưng mà bữa đầu cô bợ ngợ, hễ thấy mặt Chánh Tâm thì cô có sắc thẹn thùng, bởi vậy cô đã không nói chuyện chi hết, mà coi ý lại lợt nhạt hơn trước nữa. Mấy bữa có Trọng Quí ở nhà cũng vậy, mà bữa nay Trọng Quí đi khỏi cũng vậy, Chánh Tâm cứ buồn bực sầu thảm hoài, trưa nắng thì chàng nằm thiêm thiếp, tay gác qua trán, mắt nhắm lim dim, trời mát thì chàng đi thẩn thơ, ngó kiểng chau mày, nhìn hoa rơi lụy. Trọn một ngày ấy, cô Năm Đào cứ lục đục ở nhà sau hoài, vì cô sợ thấy mặt Chánh Tâm, nên cô không dám lao ra phía trước. Tối lại cô ngủ không được, cô nằm suy tới tính lui, làm thân đàn bà con gái nếu tỏ với đàn ông con trai một lời không đoan chánh, thì thẹn thùa xấu hổ không có chi bằng, mà nếu mình vì danh tiết, không đành khêu tình, đặng mà cứu cái sanh mạng của người ta thì té ra mình trọng cái chữ "trinh" hơn là chữ "nhơn", làm người dường ấy chưa phải là người đúng đắn. Cô cân phân từ chút, cô xét nét từ hồi, nếu cô giữ vẹn tiết trinh thì Chánh Tâm phải chết, rồi Trọng Quí phải mang cái quả báo. Cô là người có lòng nhơn từ, cô không nỡ vì phận cô mà cô để cho kẻ khác bị hại, thà là cô mang tiếng thất tiết mà cô cứu được người ta, chớ cô cố chấp danh tiết thì cái lỗi bất nhơn nó còn nặng hơn cái lỗi thất tiết nhiều lắm. Mà sao lại gọi rằng thất tiết? Phận gái phải gìn giữ nết na, mình liếc mắt trêu hoa, mình tỏ lời ghẹo nguyệt, mình làm giả dối dặng cho khách buồn rầu động tình mà quên nỗi vợ con vậy thôi, chớ mình dại gì mà để rơm gần cho lửa bắt, thọc tay vào cho chàm dính, mà sợ xủ tiết ô danh. Cô Năm Đào nghĩ như vậy thì cô không do dự nữa, cô quyết định không dùng ái tình mà cứu Chánh Tâm. Trời đã khuya, đồng hồ gõ ba giờ mà cô cũng chưa ngủ. Cô đương nằm trằn trọc, thình lình nghe phía trước có tiếng lộp cộp, dường như ai mở cửa. Cô lóng nghe nữa thì trước sau đều im lìm. Cô ngồi dậy bước ra khỏi cửa phòng dòm đằng trước thì thấy trên bàn giữa có chong một cái đèn lu lu, lại giàn cửa bên tay trái có một cánh mở hé hé. Có nghĩa Chánh Tâm đi ra ngoài sân, song cô không bước ra mà coi, cô lại vô trong mà rửa mặt rồi cô mới ra bộ ván bên tay mặt, ở phía trước, ngồi têm trầu mà ăn. Trong nhà vắng teo, ngoài sân lặng lẽ, duy chỉ có cái đồng hồ treo trên vách tường đi tiếng lắc cắc, với gió thổi lao rao, sau vườn có cây khua lào xào mà thôi. Cô Năm Đào miệng nhai trầu mà mắt ngó ngay ngọn đèn leo lét trên bàn. Một lát cô ngó ra cửa một cái, có ý trông coi Chánh Tâm có trở vô hay không. Cô đợi gần nửa giờ mà không thấy chi hết, cô mới bước ra chỗ cánh cửa đó mà dòm. Vừng trăng khuya tỏ rạng, dọi bông hoa cây cỏ ngoài sân sáng rỡ như ban ngày. Cô Năm Đào thấy Chánh Tâm đương ngồi tại cái thềm giữa, đít để tại nấc trên hết, hai chơn để tại nấc kế đó, hai cùi chõ thì chống hai bên đầu gối, hai bàn tay thì bợ cái cằm, thức hay là ngủ không biết, mà không thấy cục cựa. Cô đứng ngó một hồi đánh tiếng hỏi rằng: - Cậu ngồi đó phải hôn cậu Tú? Chánh Tâm day lại đáp nhỏ nhỏ rằng: - Phải - rồi chàng cũng chống càm mà ngồi như cũ. Cô Năm Đào bước lại gần, miệng chúm chím cười và hỏi rất dịu dàng rằng: - Trời đã khuya, lại thêm gió bấc lạnh quá, sao cậu không nghỉ, cậu ra ngồi làm chi đó? - Tôi ngủ sao cho được! - Như cậu muốn ngồi chơi thì nhắc ghế ra mà ngồi chớ sao ngồi dưới đất dưới cát như vậy? Để em nhắc ghế cho cậu ngồi. Cô Năm Đào và nói câu sau và lật đật trở vô nhà. Chánh Tâm ngó theo và đưa tay mà biểu: - Đừng, cô Năm, nhắc ghế làm chi? Đừng có nhắc, để tôi ngồi đây. Chàng nói vừa dứt lời thì cô Năm Đào đã nhắc ghế đem ra tới. Chàng thấy vậy thì lật đật đứng dậy và nói rằng: - Tôi đã biểu đừng nhắc ghế, mà cô còn nhắc làm chi. Cô Năm Đào để cái ghế dựa bên chàng và nói rằng: - Cậu ngồi đi mà. Cậu ngồi đó mà chơi, chừng nào cậu vô cậu bỏ đó rồi sáng bầy trẻ nó nhắc vô. Chánh Tâm nói: - Cám ơn. Song chàng không chịu ngồi, chàng đứng dựa mình bên cột gạch trên thềm, chau mày cúi mặt, coi bộ chàng không vừa lòng về sự cô Năm Đào ra làm rộn chàng đó vậy. Cô Năm Đào thấy bộ thì hiểu ý, nhưng mà cô đã quyết định rồi, nên cô không ái ngại chi hết, cô bước tới đứng ngang mặt với chàng. Vì trăng đã xế bóng, ánh sáng dọi vô tới hiên, nên lúc ban đêm lại không có đèn mà hai người đều thấy mặt nhau tỏ rõ. Cái sắc buồn thảm của chàng nó làm cô động lòng, nên cô không bợ ngợ chi hết, cô ngó ngay chàng mà nói rằng: - Việc nhà bối rối để thủng thẳng tính mà gỡ, cậu buồn làm chi. Cậu buồn quá rồi đây cậu mang bịnh càng khổ nữa. Chánh Tâm thở ra, nhểu một giọt nước mắt xuống vạt áo và nhăn mặt đáp rằng: - Tôi không buồn sao cho được. Tôi cũng biết nếu tôi buồn quá thì sợ e tôi phải chết. Nếu tôi chết rồi vợ con tôi làm sao? Tôi muốn làm vui đặng mà sống lắm, ngặt vì vui không được biết làm sao bây giờ? - Việc vợ con của cậu thì cậu nhờ anh Hai của em lo cho. Cậu đừng thèm nhớ tới làm chi. Cậu cứ ăn rồi ngủ hoặc đi chơi chỗ nầy chỗ kia như người ta vậy... - Vì cô không rõ việc của tôi, nên cô khuyên tôi như vậy, chớ nếu như cô mắc cái họa như tôi đây thử coi cô ăn, cô ngủ, cô đi chơi được hay không mà. - Việc nhà của cậu, nhờ có anh Hai em nói lại, nên em hiểu rõ rồi hết. - Cô hiểu là hiểu việc xảy ra như vậy đó thôi, chớ cô làm sao mà hiểu cái tình của tôi đối với vợ con tôi được. - Em biết cậu thương yêu vợ con của cậu lắm. Mà việc đã lỡ ra rồi, thì thủng thẳng lo tính, chớ cậu sầu não rồi cậu giải cái họa được hay sao. Phận em đây hồi trước em cũng thương chồng em lắm vậy, khi chồng em mất em cũng buồn thảm dữ quá, mà buồn ít ngày rồi thôi, chớ không lẽ em chết theo chồng. - Chồng cô chết là tại mạng số Trời định, còn vợ tôi lìa, con tôi mất đây là tại tôi làm. Nếu mà ngày trước tại cô làm cho chồng cô chết, thử coi cô có buồn như tôi bây giờ hay không. Mấy lời nói hữu lý nầy làm cho cô Năm Đào hết cãi nữa được; bởi vậy cô ngó ra sân rồi hỏi lảng rằng: - Trời khuya trăng tỏ quá, cậu há? Em ưa trăng lắm nên hễ sáng trăng thì em vui vẻ trong lòng không biết chừng nào. Cậu ưa trời sáng trăng hôn? Chánh Tâm lắc đầu đáp rằng: - Thân tôi còn biết sự gì là vui nữa đâu, cô Năm. Cô Năm Đào nghe mấy lời thất chí ấy thì cô đau đớn tội nghiệp cho thân của chàng nên cô quên dè dặt, cô vùng nói rằng: - Em thấy cậu não nề em thương quá; nếu em biết cách làm cho cậu bớt buồn được thì em làm liền, chẳng hề dụ dự bao giờ. Cô nói dứt lời rồi cô thẹn thầm, nên cô cúi mặt xuống đất. Chánh Tâm ngước mặt ngó ngay cô, rồi chàng lắc đầu rơi lụy đáp rằng: - Mấy lời cô nói đó, thiệt tôi cảm ơn cô lắm. Cô là người bàng quan, mà cô thấy tôi sầu não, cô còn động lòng, cô biết tội nghiệp dùm cho thân tôi; chẳng hiểu vì cớ nào mà vợ tôi nó lại không xét dùm cho tôi, nó cứ phiền tôi hoài vậy không biết. Cô muốn cho tôi bớt buồn, làm sao mà bớt buồn được, cô Năm? Tôi phải kiếm cho được con tôi, rồi vợ chồng cha con sum hiệp một nhà thì tôi mới bớt buồn. Nếu tôi kiếm con tôi không được thì tôi phải chết mới xong. Cô Năm Đào liếc thấy Chánh Tâm nói tới đó mà nước mắt chảy ròng ròng. Tuy cô cảm xúc hết sức, song cô cười gượng và đáp rằng: - Cậu đừng có nói như vậy không nên. Việc gì mà phải chết? Cậu còn trai tráng, mà sao cậu yếu trí quá vậy? Cậu mới gặp cái nạn nhỏ nhỏ mà cậu đòi chết, thoảng như có một cái họa lớn hơn nữa thì làm sao mà đảm đương cho nỗi. - Cái nạn của tôi như vầy mà cô gọi rằng nạn nhỏ, vậy chớ còn nạn nào mới là lớn? Chẳng dấu cô làm chi, mấy tháng nay tôi muốn chết phứt cho rồi, ngặt vì vợ tôi tuy hờn, con tôi tuy mất, song tôi còn mảy may hy vọng hòa hiệp được nên tôi chưa đành chết đó mà thôi. Nếu một ngày kia, tôi chắc con tôi mất thiệt, vợ tôi dứt tình, thì tôi chết liền, tôi không thèm sống thêm một giây phút nào nữa hết. - Cháu không mất đâu mà lo. Anh Hai của em ảnh hứa chắc ảnh sẽ kiếm được, thì có lâu lắm là năm bảy tháng hoặc một năm ảnh tìm cũng ra mối. Còn việc cô Tú cổ giận cậu thì cậu cũng chẳng nên sợ. Cô thương nhớ con nên cô phiền, cô không cho cậu thấy mặt, nếu kiếm được con cho cô rồi cô hết giận chớ gì. Xin cậu yên tâm, cậu đừng có buồn chi hết, để anh Hai của em ảnh lo cho. - Tôi cám ơn anh Hai quá, việc của tôi mà mấy tháng nay ảnh cực khổ không biết chừng nào. Thiệt nếu không có ảnh thì tôi chết hoặc tôi điên. - Tuy là việc của cậu, song tại ảnh gây rối như vậy, nên ảnh phải lo chớ. - Tôi làm cực cho ảnh mà tôi còn làm cực cho cô nữa. Tại tôi nên bây giờ cô phải ở đây đặng coi nhà coi cửa, lo cơm lo nước cho tôi. - Xin cậu đừng ái ngại chi hết. Thiệt vì cậu nên em mới ở đây; mà em ở đây em vui lắm, chớ em không có buồn đâu mà cậu lo. Chánh Tâm nghe mấy lời hữu tình thì chàng ngó cô Năm Đào mà cười. Cô thấy chàng cười thì cô mừng hết sức, nên cô chúm chím cười lại và nói rằng: - Đứng ngoài nầy lạnh quá. Em mời cậu vô nhà, đặng em nấu nước trà nóng mà uống rồi nói chuyện chơi. Miệng cô mời đã có duyên, mà mắt cô liếc lại có tình nữa, bởi vậy Chánh Tâm không thể từ chối được, nên ríu ríu đi theo cô Năm Đào vô nhà. Cô Năm Đào vặn đèn lên rồi cô lăng xăng lít xít, cô lấy cái đèn nấu nước đem ra để trên bàn, cô mượn Chánh Tâm mở nắp đèn và quẹt hộp quẹt mà đốt dùm, còn cô lấy bầu đi múc nước mà đổ vô ấm. Hai người xẩn bẩn chung quanh cái bàn. Chánh Tâm dòm coi lửa cháy đều hay không, còn cô Năm Đào thì sửa soạn bình chén. Chừng nước gần sôi, cô mới hỏi chàng rằng: - Cậu muốn uống cà phê hay uống trà? Có cà phê sẵn kia, như cậu muốn thì em lược cho cậu uống. Chánh Tâm gật đầu chịu uống cà phê. Cô Năm Đào bèn lấy cà phê và bình ly đem ra. Nước sôi rồi cô đứng lược cà phê. Chánh Tâm ngồi một bên đó chàng liếc coi tay của cô cầm bình mà rót cà phê vào ly, bàn tay trắng, ngón nhỏ rứt, phao đỏ lòm, cườm tròn trịa. Chàng thấy tay rồi chàng dòm lên mặt, cô Năm Đào chẳng phải gái tuyệt sắc đến nỗi nghiêng nước nghiêng thành, nhưng mà hình dung cô yểu điệu, gương mặt cô mặn mòi, cô có cái vẻ thiên nhiên lạ lùng, càng ngó lâu chừng nào càng thấy cô có duyên chừng nấy. Chánh Tâm ngồi lặng thinh mà ngó cô hoài. Cô liếc thấy chàng ngó, song cô giả không dè, cô cứ đứng tự nhiên mà làm cà phê. Chừng làm xong hai ly rồi, cô bưng một ly đem để ngay trước mặt chàng, còn một ly cô bưng lại để ngang đó rồi cô kéo ghế mà ngồi. Hai người ngồi uống cà phê, cô Năm Đào hớn hở, nói nói cười cười, cô thuật chuyện nầy, cô hỏi chuyện nọ không ngớt, làm cho Chánh Tâm phải quên nỗi sầu riêng mà lóng tai nghe cô nói hoặc trả lời câu cô hỏi. Uống cà phê xong rồi tới nước trà. Cô Năm Đào bỏ trà vô bình rồi mượn Chánh Tâm chế dùm nước đặng cô đi dẹp bình cà phê. Chừng cô trở lại, cô muốn tắt cái đèn nấu nước, nên cô lấy nắp mà đậy. Ngọn đèn táp tay cô nóng, nên cô bóp tay hít hà, mà lại ngó Chánh Tâm mà cười. Chánh Tâm tưởng cháy tay cô, nên lật đật bước lại gần mà hỏi. Cô đưa bàn tay gần đèn, cô bóp mấy ngón tay bị lửa táp đó rồi cô cười và nói rằng: - Không sao, nóng một chút chớ không phải phỏng. Mà em nấu nước cho cậu uống, dầu có phỏng tay đi nữa, em cũng vui lắm! Hai người ngó nhau mà cười. Thằng Phục là đứa ở của Trọng Quí, ở phía sau đi ra mở cửa, chừng ấy Chánh Tâm với cô Năm Đào mới hay trời đã sáng bét rồi. Bữa sau cô Năm Đào cứ ở nhà trước mà nói chuyện với Chánh Tâm. Hễ cô bước ra sau mà coi cho trẻ nấu ăn, chừng cô trở ra thấy Chánh Tâm rút vô phòng mà nằm thì cô xúi con Lý vô khuấy phá, làm cho chàng nằm không được, phải ra mà giỡn chơi với nó, hoặc nói chuyện với mẹ nó. Đến chiều, lúc ăn cơm rồi, cô Năm Đào thấy Chánh Tâm nghểu nghến trước sân, cô bèn hối thằng Phục nhắc ghế xích đu đem ra để cho chàng nằm hứng mát. Cô xách một cái ghế mây đem ra để gần đó mà ngồi nói chuyện chơi với chàng. Con Lý cà rà theo mấy bồn bông, rình bắt cào cào, hễ nó bắt được con nào thì nó đem lại khoe với Chánh Tâm và cậy bỏ dùm vô hộp cho nó. Chánh Tâm ôm con nhỏ trum trủm trong lòng, chàng vuốt ve tóc tai, chàng nhìn xem mặt mày, coi bộ chàng muốn hun con nhỏ, mà vì có mẹ nó đó, chàng ái ngại nên không dám hun hít. Cô Năm Đào thấy Chánh Tâm bớt buồn mà lại có ý quyến luyến mẹ con cô, thì cô mừng thầm, song cái mừng ấy lại có lộn cái lo chút đỉnh. Tuy vậy mà mừng hay là lo cô cũng không để Chánh Tâm biết, cô cứ chăm chỉ tính giải cái sầu của chàng. Qua ngày sau, cô muốn thử chàng, nên cô rúc ở nhà sau, không léo ra phía trước. Chánh Tâm lần đi vô trong, tuy chàng giả như coi đồ đạc chơi, song cô thấy rõ ý chàng muốn kiếm cô nên cô chắc mưu kế của Trọng Quí thành được. Chiều bữa ấy, cô Năm Đào thấy Chánh Tâm cà rà trong nhà chớ không ra ngoài sân nữa. Cô muốn làm cắc cớ, nên cô không nói chuyện với chàng, cô lại bỏ đi ra sân mà chơi. Cô thơ thẩn mới được một lát thì thấy chàng lót tót ra theo, coi bộ chàng tươi tắn, chớ không phải ủ dột như hôm trước nữa. Hai người dạo chơi phía trước rồi lần vô phía sau vườn. Lúc ấy trời đã chạng vạng tối rồi. Cô Năm Đào thấy có một bụi sa-bô-chê nhành lá sum sê, nhánh nào cũng như nhánh nấy, trái đơm bèo, lại oằn là đà sát đất. Cô chun vô bụi vạch kiếm trái già mà hái. Chàng cũng chun theo phụ hái với cô. Hai người kề vai đứng khít một bên nhau. Bụi đã rậm rạp, trời lại lờ mờ. Chàng hái được một trái lớn bèn đưa mà khoe với cô. Hai người nhìn nhau, miệng chúm chím cười. Cô thẹn thùa nên cúi mặt xuống rồi bước dang ra một bước. Chàng ngó theo cô trân trân. Chẳng hiểu ý gì mà chàng ngó nàng rồi chàng rùng mình ủ mặt và bươn bả bước ra ngoài trống. Cô xem cái bộ của chàng thì hình như chàng giựt mình về sự đứng chung với cô trong chốn lờ mờ vắng vẻ đó vậy. Cách vài ngày sau, Trọng Quí đi Sài Gòn về. Bộ chàng cũng phấn chấn như lần trước. Chàng nói sở mật thám chắc sẽ tìm ra Chánh Hội được, còn Cẩm Vân thì đã mạnh như thường và cũng đã bớt giận chút đỉnh. Trọng Quí mới về mà chàng dòm thấy Chánh Tâm bớt sầu não lại có ý quyến luyến với cô Năm Đào thì chàng mừng thầm. Chàng không dám hỏi cô Năm Đào làm sao được như vậy, song tối lại chàng lén nói với cô rằng: - Em hết lòng giúp qua, nghé. Việc em làm đây là đại nhơn, đại nghĩa, xin em đừng ái ngại chi hết. Cô Năm Đào lặng thinh, cúi mặt xuống đất một hồi rồi thở ra mà đáp rằng: - Khó quá! Anh phải ráng kiếm Chánh Hội cho mau, nghe hôn. VÌ NGHĨA, VÌ TÌNH Hồ Biểu Chánh dtv-ebook.com Chương 8: Tình Con Nít Chánh Tâm với Trọng Quí tìm kiếm Chánh Hội thiệt là dày công. Ở chốn Sài Gòn, đường sá tuy nhiều, song Chánh Tâm lên đó hơn một tháng, chàng đã đi giáp hết, nhứt là mấy con đường nhỏ chạy trong mấy chỗ bần hàn, chàng đi qua đi lại tới năm ba lần. Đã vậy mà lại thêm Trọng Quí là người thông thạo, chàng giúp tận tâm, chàng rao trong nhựt báo ngót ba tháng, rồi chàng cậy sở mật thám tìm giúp nữa. Đã tốn nhiều công, lại tốn nhiều của, vậy vì cớ nào Tư Cu không chịu ló ra lãnh thưởng, mà Chánh Hội cũng không cho ai gặp mặt Số là vợ chồng Tư Cu dời nhà về ở miệt Đất Hộ, nghĩa là trong châu thành Sài Gòn, mà chúng nó ở cái chỗ u hiểm quá. Chánh Tâm không dè mà đến đó. Cái đường lớn ở trước mặt chợ Đất Hộ chạy vô vườn Bách Thú kêu là đường Rousseau. Gần đình Tân An bên phía tay mặt có một dãy phố mười căn. Bên hông căn chót có một cái đường hẻm bề ngang chừng một thước. Đi mút cái đường hẻm ấy rồi mới thấy hai dãy phố ngói vách cây, đâu mặt với nhau mỗi dãy sáu căn. Phố cũ mà lại thấp, bị dãy mười căn ngoài đường Rousseau án bít, nên người đi đường ấy không thấy hai dãy phố cũ phía sau được. Trong hai dãy phố ấy, Tư Cu ở dãy bên phía tay trái, căn thứ ba. Chánh Hội còn nhỏ, nên chơi lẩn quẩn trong ấy, không ló ra đường lớn thì làm sao Chánh Tâm ngó thấy được. Còn Tư Cu không biết chữ, lại chơi bời với những người bậu bạn chẳng hề có đọc nhựt báo; thế thì làm sao mà hay lời rao của Trọng Quí hứa thưởng tiền. Vì vậy nên Chánh Tâm tìm con không được mà Tư Cu cũng không kiếm Trọng Quí, chớ không phải vợ chồng Tư Cu có ý dấu Chánh Hội mà nuôi, hay là sợ việc chi nên không dám đem nó ra mà lãnh thưởng. Muốn biết Chánh Hội gần gũi với hạng người gì thì phải bước chơn vào chốn nó ở mới thấy rõ được. Trước kia đã nói dãy phố cũ chỗ vợ chồng Tư Cu mướn mà ở đó có sáu căn. Căn đầu thì chú chệt Phôi bán mì thánh ở. Căn thứ nhì thuộc về vợ chồng Sáu Nhỏ là người nấu ăn trong thành săn đá. Căn thứ ba là Tư Cu, còn một căn nữa thì bỏ trống, không ai mướn. Vợ chồng Tư Cu dọn về ở đây, lúc ban đầu chưa quen ai hết. Cách ít ngày, vợ của cặp rằng Hơn, là Thị Đen, thấy Tư Tiền là vợ của Tư Cu, có đeo hai đôi vàng đỏ chói, thì lết qua làm quen, hỏi thăm mấy tuổi, gốc gác ở đâu, đẻ được mấy lần, chồng làm sở nào, ăn lương nhiều hay ít. Hai người đàn bà ngồi nói chuyện với nhau mới có một lát mà rồi thân thiết với nhau chẳng khác nào như đã quen biết nhau năm mười năm rồi vậy. Thị Đen thì biết Tư Tiền gốc ở Chí Hòa, vợ chồng không con, mới xí được thằng Hồi nên nuôi làm con. Lại biết trong nhà vốn liếng có vài ba trăm, Tư Cu làm thợ trong Ba Son, tiền công mỗi ngày là năm cắc, còn Tư Tiền thì tính mỗi bữa xuống vựa cá của thầy Bảy, dưới cầu Ông Lãnh, mua cá đem về chợ Đất Hộ mà bán. Còn Tư Tiền thì biết vợ chồng cặp rằng Hơn chấp nối chớ không phải một kèo một cột; cặp rằng Hơn có một đời vợ trước sanh được hai đứa con, đứa lớn là con gái, tên Châu, 9 tuổi. Vợ chết rồi, cặp rằng Hơn mới đụng Thị Đen, sanh thêm một đứa con gái nữa, đặt tên con Lựu, mới được 3 tuổi. Cặp rằng Hơn làm nhà đèn, ăn lương mỗi tháng tới 45 đồng, mà vì Thị Đen thua bài cào hoài, nên tháng nào cũng hụt hạt thiếu thốn. Tư Tiền được quen với Thị Đen rồi mới gởi thằng Hồi mà đi mua bán cá. """