" Về Từ Cõi Chết - Elie Wiesl full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] 🔙 Quay lại trang tải sách pdf ebook Về Từ Cõi Chết - Elie Wiesl full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết] Ebooks Nhóm Zalo Thông tin sách: Tiểu thuyết: VỀ TỪ CÕI CHẾT Tác giả: ELIE WIESEL Dịch giả: Nguyễn Ước Nhà xuất bản: Văn học Số trang: 540 Trang Kích thước: 13 x 19cm Trọng lượng: 410g Hình thức bìa: Mềm Ngày xuất bản: 12-2003 Giá: 50,000 VNĐ Tiểu Thuyết Tự Truyện của Elie Wiesel (Giải Nobel Hoà bình 1986) haian14_5@convert*prc MỤC LỤC: Về Từ Cõi Chết: Đêm Về Từ Cõi Chết 2: Rạng Sáng Về Từ Cõi Chết 3: Tai Nạn Lời giới thiệu của người dịch Về từ cõi chết là nhan đề tiếng Việt của một bộ ba tiểu thuyết tự truyện của Elie Wiesl. ELIE WIESEL là nhà văn gốc Do thái. Ông sinh năm 1928 tại Roumania, gần biên giới Hungary. Năm 1944, cậu bé mười sáu tuổi Wiesel với toàn gia đình bị gom vào trại tập trung của Đức Quốc Xã. Tại Trại Auschwitz, cậu chứng kiến mẹ và cô em út bị đưa vào lò thiêu. Sau đó, tại Trại Buchenwald, cậu lại thấy tận mắt cha bị đánh tới chết. Nỗi tuyệt vọng sâu xa mà Wiesel trải qua từ thời niên thiếu đã khắc sâu những vết sẹo mãn tính trong tâm trí ông. Sau chiến tranh, ông dời đến Paris, theo học Triết tại Đại học Sorbonne và vào quốc tịch Pháp, làm ký giả cho một tờ báo Do thái ở Israel. Kế đó, ông qua Mỹ, làm giáo sư ở City College, N.Y.(1972), rồi Boston College (1976)... NIGHT (Đêm) là tác phẩm đầu tay của ông, tự truyện, xuất bản ở Paris năm 1958; bản tiếng Anh do Stella Rodway dịch xuất bản năm 1960. Từ đó đến nay đã được tái bản trên hai mươi lăm lần. Tác phẩm đã được Alfred Kazin đánh giá là, “Không ai để lại đằng sau mình một bản tường trình quá đổi thương tâm như thế.” Và Daniel Stern, người phụ trách mục điểm sách của tạp chí The New York Times đã nhận xét về ông, “Kể từ Albert Camus tới nay, chưa có người phát ngôn nào về con người hùng biện đến thế,” Nếu Nhật ký Anne Frank cho thấy những đau đớn, mơ ước và cùng quẩn của con người khi bị săn đuổi đưa vào các trại tập trung, thì Đêm cho thấy những gì xảy ra bên trong trại tập trung và đời sống của những người sống tại cõi địa ngục trần gian đó. Họ là những con thú kiệt sức, chờ giờ lên giàn tế cho ác thần mà chủ tế là những tên đồ tể thời đại mới. Đêm là cuốn thứ nhất của bộ ba tác phẩm này, hai cuốn tiếp là Dawn (Rạng Sáng, 1960) và Accident (Tai Nạn, 1960). Từ con người sống để chờ giờ vào lò thiêu trong Đêm, Wiesel hoá thân làm kẻ săn lùng và hủy diệt mạng sống người khác với vai trò kẻ khủng bố của phong trào phục quốc Do thái trong Rạng Sáng; và sau đó, trong Tai Nạn, ông mang tâm cảnh của một người trí thức bơ vơ, không tình yêu chẳng niềm tin, với nỗi ám ảnh dằng dặc về cái chết của Thượng đế và ước muốn tự hủy của con người. Mỗi dòng chữ trong Về từ cõi Chết đều chất ngất dấu hỏi làm sao quên được quá khứ thống khổ và nhục nhã để sống đời đáng sống, để có tình yêu và tình người. Đây là cuộc hành trình của tuổi trẻ sống sót từ địa ngục trần gian để sau đó thấy mình quằn quại giữa sống và chết. Tuổi xuân tuẩn nạn ấy vừa sáng suốt vừa mê sảng trong một thế giới phi đạo lý, chẳng tình người, không còn đấng thượng đế được quan niệm như một người cha chí công và nhân từ, không còn hiện tại như một điểm xuất phát tươi mát cho tương lai, không còn đời sống vì cõi người đã nặng mùi chết chóc. Tuổi trẻ đặc biệt của thế kỷ hai mươi bị lừa dối vì những chiêu bài mệnh danh là lý tưởng và bị vắt kiệt trong hận thù. WIESEL LÀ TÁC GIẢ CỦA TRÊN BỐN MƯƠI TÁC PHẨM, NHƯ: The Town Beyond the Wall - Thị Trấn Bên Kia Tường, 1964; Le Chant des Morts - Bài Ca Của Những Kẻ Chết, 1964; Le Mendiant de Jérusalem - Người Hành Khất Thành Giêrusalem, 1968; Les Portes de la Forêt - Cửa Rừng, 1968; Souls on Fire - Những Linh Hồn Bừng Lửa, 1972; Le Testament dõun Poète Juif Assassiné - Bản Tự Kiểm Của Một Nhà Thơ Do Thái Bị Ám Sát, 1980 v.v... Năm 1986, ông được trao giải Nobel Hoà Bình, như một ngôn sứ của thời đại. Bản Tuyên dương của Ủy ban Hòa bình ghi: “Sự dấn thân của Wiesel phát xuất từ những khổ đau của dân tộc Do thái, đã mở rộng ra để ôm vào lòng tất cả các dân tộc và chủng tộc bị áp bức.” Về phần Wiesel, trong ngày nhận giải, ông đã tóm tắt sứ mạng của mình: “Tôi đã quyết định cống hiến đời mình để kể chuyện vì tôi cảm thấy rằng được sống sót là mắc nợ người đã chết một điều gì đó. Đó là nỗi ám ảnh phải nhớ đến họ, và ai không nhớ đến người đã chết là thêm lần nữa phản bội họ.” Lời nói đầu của Elie Wiesel Bộ sách này là ba bản tường thuật được viết một cách riêng rẽ trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến năm 1960. Bản tường thuật thứ nhất là lời chứng, hai bản còn lại được dùng như lời luận giải. Tuy thế, cả ba đều được viết với ngôi thứ nhất. Trong Đêm, thì “Tôi” là kẻ phát biểu; trong Rạng Sáng và Tai Nạn thì “Tôi” là kẻ lắng nghe và tra vấn. Các câu chuyện này vẫn còn hết sức thiết thân với tôi. Không chỉ câu chuyện đầu mà vì những lý do hiển nhiên, mãi mãi sống động thẳm sâu trong tất cả những gì tôi đã và đang viết và trong tất cả những gì tôi sắp viết. Hai câu chuyện còn lại cũng vậy. Ngày nay, các chủ đề của Rạng Sáng và Tai Nạn dường như mang tính cách thời sự hiện thực còn hơn thời chúng được xuất bản. Tôi phát biểu về sự lôi cuốn xã hội vào bạo động ở mặt này và vào sự cám dỗ tự sát ở mặt kia. Nếu không ở trong khung cảnh của Biến cố ấy, thì làm sao chúng ta giải thích được sự hận thù đang cháy bỏng dưới quá nhiều mái gia đình? Và làm sao chúng ta hiểu được sự tuyệt vọng đang thúc đẩy những người tuổi trẻ tự sát. Mọi con đường đều dẫn chúng ta trở lại nơi ấy. Bất chấp tất cả những gì tương tự, Auschwitz tự nó lập thành một điểm chỉ dẫn. Vì Auschwitz tiêu biểu cho cực điểm của bạo lực, hận thù và chết chóc, nên bổn phận của chúng ta là chiến đấu chống bạo lực, hận thù và chết chóc: đó là chủ đề của Rạng Sáng. Vì Auschwitz tước đoạt của chúng ta hi vọng và tình yêu tới độ làm chúng ta mất khát vọng sống, nên chúng ta phải khẳng định hi vọng và tình yêu, nhân danh chính cuộc sống, cái sẽ mang chúng ta đi trọn từ đầu tới cuối: đó là lời kêu gọi vang vọng trong Tai Nạn. Nếu hôm nay phải viết lại cả ba câu chuyện này, tôi sẽ không thay đổi một chữ. Về Từ Cõi Chết: Đêm Lời tựa của Francois Mauriac: Các ký giả nước ngoài thường đến thăm tôi. Tôi sợ những cuộc gặp gỡ ấy vì tôi bị dằng co giữa niềm ao ước thố lộ tất cả những gì trong lòng mình và nỗi kinh hãi là đặt vũ khí vào tay người phỏng vấn khi mình không hiểu chút nào thái độ của người đó đối với nước Pháp. Tôi luôn luôn thận trọng trong những cuộc gặp gỡ thuộc loại ấy. Sáng đó, người ký giả Do thái trẻ tuổi này đến phỏng vấn tôi cho một tờ báo xuất bản ở Tel Aviv, đã tức khắc chinh phục được thiện cảm của tôi. Cuộc đàm đạo của chúng tôi nhanh chóng trở thành trò chuyện tâm tình. Nó đưa dẫn tôi trở lại những hồi tưởng Thời Bị Chiếm Đóng. Không phải chỉ những biến cố dính líu trực tiếp tới chúng ta mới làm cho chúng ta có nhiều xúc động sâu xa. Tôi tâm sự với người khách trẻ tuổi của mình rằng trong những năm ảm đạm ấy, không có gì tôi thấy mà để lại vết hằn sâu đậm trong lòng tôi cho bằng những toa tàu chất đầy ứ trẻ em Do thái đậu ở sân ga Austerlitz, tuy tôi chưa từng tận mắt chứng kiến! Khi vợ tôi mô tả cho tôi nghe về chúng, giọng bà vẫn ngập tràn kinh hãi. Vào thời ấy, chúng tôi chẳng hiểu chút gì về những phương cách hủy diệt của Đức Quốc Xã. Và ai mà có thể tưởng tượng ra nổi những phương cách đó! Cho đến lúc ấy, cách mà những con cừu non ấy bị giựt khỏi mẹ chúng cũng đã vượt quá những điều chúng tôi có thể nghĩ tưởng. Tôi tin rằng vào ngày ấy, lần đầu tiên tôi chạm đến bí ẩn của tội ác mà sự phát hiện ra nó đã đánh dấu việc kết thúc một kỷ nguyên và mở đầu một kỷ nguyên khác. Giấc mơ người phương Tây cưu mang suốt thế kỷ mười tám, buổi bình minh người ấy tưởng đã thấy vào năm 1789 và kéo dài đến tháng Tám 1914, giấc mơ ấy bền vững thêm nhờ những tiến bộ của trí tuệ và khám phá của khoa học - với tôi, giấc mơ ấy cuối cùng vỡ vụn trước những toa tàu đầy ứ trẻ con đó. Tuy thế tôi vẫn còn xa vạn đặm mới với tới được ý nghĩ rằng những đứa trẻ đó là nhiên liệu cho phòng hơi ngạt và lò thiêu xác. Lúc ấy, tôi bày tỏ điều đó với người ký giả trẻ tuổi này. Và khi tôi nói trong tiếng thở dài, “Tôi thường nghĩ tới những đứa bé đó biết ngần nào!” thì anh đáp lại rằng “Tôi là một đứa trong chúng nó.” Anh đã là một trong những đứa trẻ đó. Anh đã nhìn mẹ mình, đứa em gái út yêu dấu của mình, và cả nhà, trừ cha anh, biến mất trong chiếc lò nướng được chụm bằng những tạo vật sống. Về phần người cha thì ngày này sang ngày khác, đứa trẻ đó bị buộc phải làm khán giả chứng kiến nỗi thống khổ, quằn quại và cái chết tuẫn nạn của cha mình. Và chết mà lại chết như thế đó! Những tình cảnh của cái chết đó được đề cập tới trong cuốn sách này; và tôi muốn để dành sự khám phá về chúng và về phép lạ khiến bản thân cậu bé đã thoát ra được cho người đọc mà sẽ lên tới con số đông đảo như khối lượng độc giả của cuốn Nhật Ký Của Anne Frank. Bản ghi nhận riêng tư này ra đời sau nhiều bản khác cùng loại mà sự mô tả của chúng làm tổn thương tính tự mãn của chúng ta, những người cứ tưởng mình đã hiểu tường tận những gì có thể hiểu, tuy nhiên, tôi xác nhận đây là một tường trình khác biệt, cá biệt, dị thường. Số phận của người Do thái tại một thành phố nhỏ vùng Transylvania có tên là Sighet, mù lòa khi đối mặt với định mệnh trong lúc họ vẫn còn đủ thì giờ cao bay xa chạy; họ đã tự mình thụ động đầu hàng một cách ngoài sức tưởng tượng, tai lơ mắt điếc trước lời cảnh cáo van nài của một nhân chứng mà chính bản thân người ấy đã trốn thoát khỏi cuộc tàn sát, người ấy mang về cho họ tin tức anh thấy tận mắt, nhưng họ không chịu tin anh, đối xử với anh như với một người điên - những trạng huống đó, đối với tôi, hình như tự chúng đã đủ cảm hứng cho một cuốn sách mà chẳng cuốn sách nào khác có thể sánh bằng. Tuy thế, tận cùng chốn sâu thẳm của lòng tôi đã bị cuốn hút bởi một khía cạnh khác của cuốn sách dị thường này. Cậu bé, người kể cho chúng ta nghe chuyện của cậu ở đây, là kẻ được Thượng đế chọn lựa. Từ thuở lần đầu giác ngộ ý thức, cậu chỉ sống cho Thượng đế và lớn lên trong sách Talmud, khao khát được khởi sự làm quen với các bí pháp nhằm cắt nghĩa Kinh thánh Do thái giáo, tận hiến bản thân cho Thượng đế. Chúng ta có bao giờ nghĩ tới hậu quả của sự khủng khiếp ấy, dù ít có tính cách hiển nhiên, ít có tính cách kích động hơn những sự phạm thượng khác, tuy thế nó lại là sự tệ hại nhất cho chúng ta, những kẻ có đức tin: cái chết của Thượng đế trong lòng một đứa bé khi nó đột nhiên khám phá ra tính chất tuyệt đối của cái ác. Chúng ta thử tưởng tượng điều gì xảy ra trong lòng cậu bé ấy khi mắt cậu nhìn những cuộn khói đen tỏa ra trên bầu trời, từ những lò thiêu mà đứa em gái nhỏ và mẹ mình sắp bị ném vào cùng với hàng ngàn người khác: “Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm đó, đêm đầu tiên ở trại, đêm xoay chuyển đời tôi thành một đêm trường, bảy lần bị nguyền rủa và bảy lần bị đóng dấu. Sẽ không bao giờ tôi quên được làn khói đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được khuôn mặt nhỏ nhắn của những đứa trẻ, mà da thịt chúng biến thành các luồng khói cuồn cuộn dưới bầu trời xanh thẳm lặng câm. Sẽ không bao giờ tôi quên được những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi Đức tin của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được sự yên lặng hoài cảm đó đã tước đoạt đến tận cùng thiên thu nỗi khát khao được sống của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được những khoảnh khắc lúc đó Thượng đế của tôi, linh hồn của tôi bị giết chết và biến những giấc mơ của tôi thành tro than. Sẽ không bao giờ tôi quên được những điều đó cho dù tôi có bị kết án sống lâu như chính Bản thân Thượng đế. Không bao giờ.” Và lúc đó tôi hiểu ra cái đầu tiên kéo tôi tới với người Do thái trẻ tuổi này: ánh mắt đó, như của một La-da-rô chỗi dậy từ cõi chết, anh vẫn là người tù mà lòng còn giam giữ mãnh liệt hình ảnh những nơi anh đã lang thang, vấp ngã giữa những xác người bị ruồng bỏ. Đối với anh, tiếng kêu trầm thống của Nietzsche biểu lộ một thực tại gần như có tính cách vật lý: Thượng đế đã chết, đấng Thượng đế của tình thương, dịu dàng, ủi an, đấng Thượng đế của Áp-ra-ham, I-sa- ac, của Gia-cóp, đang biến mất vĩnh viễn, hơn nữa, dưới mắt nhìn đăm đăm của cậu bé này, trong làn khói của sự tàn sát con người hàng loạt chỉ vì lý do Chủng tộc, tiêu biểu cho sự phàm ăn nhất của tất cả các ngẫu tượng. Và biết bao người Do thái ngoan đạo trải qua cái chết như thế! Vào ngày đó, khủng khiếp ngay trong những ngày ghê rợn đó, khi nhìn một đứa bé khác mang nét mặt của một thiên thần u sầu, bị treo cổ (đúng!), thì lúc đó, một cậu bé khác, người kể cho chúng ta nghe chuyện này, đã nghe ai đó sau lưng mình kêu lên: “Lúc này Thượng đế ở đâu?Và tôi nghe bên trong tôi có tiếng trả lời: Ở đâu ư? Ngài ở đây - Ngài đang bị treo cổ ở đây, trên giá treo cổ này....” Vào ngày cuối một năm theo lịch Do thái, cậu bé này có mặt tại buổi lễ trọng thể Rosh Hashanah. Cậu nghe hàng ngàn người đang bị đày ải này cất lên cùng một giọng: “Vinh danh Thượng đế, Đấng Hằng sống.” Trước đó không lâu, cậu cũng đã nằm sấp mặt xuống đất với lòng tôn sùng như thế, với nỗi kính sợ như thế, với tâm hồn yêu thương như thế! Nhưng hôm nay, cậu không quì nữa. Con người thụ tạo, bị thương tổn và bị lăng nhục vượt quá sức chịu đựng của tâm tư và tinh thần, đã chỉ rõ ra rằng kẻ được bái lạy kia là một kẻ vừa câm vừa điếc: “Hôm nay tôi không còn nài xin. Tôi không còn khả năng than khóc. Trái lại, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ. Tôi là người lên án, Thượng đế là kẻ bị kết án. Mắt tôi mở ra và tôi cô độc - cô độc kinh khủng trong một thế giới không Thượng đế và không con người. Không tình yêu không ân sủng. Tôi thôi không còn là gì ngoài tro than, tuy thế tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn năng, kẻ mà đời tôi đã bị ràng buộc vào trong một thời gian quá dài. Tôi đứng giữa cộng đoàn đang cầu nguyện, quan sát nó như thể mình là người lạ.” Và tôi, kẻ tin rằng Thượng đế là tình yêu, tôi có thể có câu trả lời nào để trao cho người chất vấn trẻ tuổi này, kẻ mà đôi mắt đầy bóng tối vẫn giữ mãi ánh phản chiếu nỗi u sầu thiên thần đã xuất hiện trên nét mặt đứa bé bị treo cổ ngày nọ? Tôi đã nói gì với anh? Có phải tôi đã nói tới một người Do thái khác, anh em của anh, kẻ có lẽ giống như anh - Người Bị Đóng Đinh, Thánh Giá của người đó đã và đang chinh phục thế giới? Có phải tôi đã khẳng định rằng vật chướng ngại làm đức tin của anh vấp ngã cũng chính là hòn đá tảng của tôi, và rằng, trong sự phù hợp giữa Thánh Giá với những khổ đau con người, theo ý tôi, là chìa khoá mở vào sự mầu nhiệm không thể dò thấu được mà trên đó đã tàn lụi đức tin từ thời thơ ấu của anh? Tuy thế, Sion đã thêm lần nữa chỗi dậy từ những lò thiêu và những nhà để hài cốt. Quốc gia Do thái sống lại từ giữa hàng ngàn kẻ chết. Quốc gia này hiện hữu qua họ và sẽ trường tồn. Chúng ta không biết cái giá của từng giọt máu riêng rẽ, tường giọt nước mắt riêng rẽ. Tất cả đều là ân sủng. Nếu Thượng đế là đấng Vĩnh cửu thì lời cuối cùng dành cho mỗi người chúng ta đều thuộc vào Ngài. Đấy là điều tôi nên nói với đứa con của dân tộc Do thái này. Nhưng tôi chỉ có thể ôm anh trong vòng tay, nghẹn ngào. 1. Người ta gọi anh là Moché, Người giúp việc thánh, như thể trong đời mình anh chưa từng có một cái họ. Anh là người làm hết mọi việc ở hội đường Do thái giáo. Người Do thái ở Sighet - một thành phố nhỏ vùng Transylvania nơi tôi sống qua thời thơ ấu - rất quí mến anh. Anh nghèo khó, sống khiêm tốn. Nói chung, những người sống chung thành phố với tôi tuy giúp đỡ người nghèo nhưng không yêu thương cách riêng người nào. Moché Người giúp việc thánh là một biệt lệ. Chưa ai bị rắc rối vì anh. Chưa ai cảm thấy lúng túng vì sự có mặt của anh. Anh là bậc thầy trong nghệ thuật làm cho mình thành tầm thường, để cho hình như chẳng ai trông thấy mình. Hình dáng bên ngoài anh cục mịch như người nhà quê. Dáng e lệ rụt rè giống đứa bé lạc loài của anh làm người ta mỉm cười. Tôi yêu đôi mắt to đầy mơ mộng của anh, những tia nhìn đăm đăm mất hút vào cõi xa xăm nào đó. Anh ít nói nhưng thường ca, đúng hơn, anh hát thánh vịnh. Bạn có thể đã từng nghe những chương đoạn như thế kể về nỗi sầu khổ của đấng chí tôn, theo sách Lưu Đày Theo Thánh Ý và căn cứ theo huyền nghĩa của Kinh thánh, là đấng đang được trông đợi giáng lâm thế gian để giải thoát loài người. Tôi quen anh khoảng cuối năm 1941. Lúc đó tôi mười hai tuổi. Tôi có đức tin sâu đậm. Suốt ngày tôi học sách Talmud và đêm đến tôi chạy tới hội đường khóc than cho sự sụp đổ của Đền Thánh. Ngày nọ tôi yêu cầu cha tôi tìm cho tôi một vị thầy hướng dẫn tôi trong việc học bí pháp và huyền nghĩa để giải thích Kinh thánh. “Con chưa tới tuổi học cái đó. Ngài Maimonides thuở xưa đã nói rằng chỉ khi nào tới tuổi ba mươi người ta mới có quyền mạo hiểm đi vào thế giới đầy hiểm nghèo của huyền học. Trước tiên, con phải học những chủ đề nền tảng hợp với trình độ am hiểu của con.” Cha tôi là người có công phu hàm dưỡng, đúng hơn, ông là người không đa cảm ủy mị. Ông không bao giờ biểu lộ cảm xúc, kể cả lúc ở nhà mình. Ông quan tâm tới người khác hơn gia đình mình. Cộng đồng Do thái ở Sighet dành cho ông sự kính trọng sâu xa. Họ thường hỏi ý ông về những vấn đề của cộng đồng và cả những việc riêng. Lũ chị em chúng tôi gồm bốn người: Hilda, lớn nhất; rồi Béa; tôi thứ ba và là con trai duy nhất; đứa nhỏ nhất của gia đình là Tzipora. Song thân tôi có một cửa tiệm. Hilda và Béa phụ giúp hai ông bà. Phần tôi thì cha mẹ tôi nói chỗ của tôi là ở trường học. “Tại Sighet không có nhà huyền học nào cả,” cha tôi lặp lại. Ông muốn lái ý tưởng đó ra khỏi tâm trí tôi. Nhưng vô ích. Tôi đã tự mình tìm ra thầy, Moché Người giúp việc thánh. Một buổi hoàng hôn ngày nọ, anh để ý đến tôi trong khi tôi đang cầu nguyện. “Tại sao cậu khóc than khi cầu nguyện?” anh hỏi như thể đã quen tôi từ lâu. “Tôi chẳng hiểu tại sao,” tôi trả lời, thấy mình bị quấy nhiễu quá đáng. Câu hỏi ấy chưa bao giờ có trong tâm trí tôi. Tôi khóc than vì - vì có cái gì đó trong lòng tôi làm tôi cảm thấy cần tới nước mắt. Đó là tất cả những gì tôi có thể hiểu. Lát sau, anh hỏi tôi, “Tại sao cậu cầu nguyện?” Tại sao tôi cầu nguyện? Câu hỏi nghe thật lạ. Tại sao tôi sống? Tại sao tôi thở? “Tôi cũng chẳng biết tại sao,” tôi nói, cảm thấy phiền hà và lấn cấn khó chịu hơn. “Tôi cũng không hiểu tại sao?” Sau ngày đó tôi thường gặp anh. Anh giải thích cho tôi, nhấn mạnh là mỗi câu hỏi làm chủ một khối lượng ý tưởng mà không câu trả lời nào chứa hết khối lượng đó. “Con người tự nó vươn tới Thượng đế bằng những câu hỏi người ấy đặt ra cho Ngài,” anh thích lặp đi lặp lại ý tưởng ấy. “Đó là cuộc đối thoại chân chính. Con người chất vấn Thượng đế và Thượng đế trả lời. Có điều chúng ta không hiểu các giải đáp của Ngài. Chúng ta không thể hiểu chúng. Vì chúng xuất phát từ những chốn sâu thẳm của linh hồn và chúng ở lại đó cho đến chết. Eliezer ạ, cậu chỉ tìm ra câu trả lời thật sự trong lòng cậu mà thôi.” “Và tại sao anh cầu nguyện, Moché?” tôi hỏi anh. “Tôi cầu nguyện với Đấng Thượng đế trong lòng tôi rằng xin Ngài ban cho tôi sức mạnh để hỏi Ngài những câu hỏi xác đáng.” Chúng tôi trò chuyện như thế gần như đều đặn mỗi buổi chiều. Sau khi các tín đồ khác đã rời hội đường, chúng tôi thường ở lại, ngồi trong bóng tối nơi còn lung linh ánh sáng của các ngọn nến đã cháy được một nửa. Một buổi chiều, tôi kể anh nghe là tôi quá đổi bất hạnh vì không tìm được người thầy nào ở Sighet để hướng dẫn mình học sách Zohar, sách về những bí pháp và huyền nghĩa trong phần huyền học của Do thái giáo. Anh mỉm cười độ lượng. Sau một hồi im lặng, anh nói: “Có tới ngàn lẽ một cửa dẫn vào vườn cây trái chân lý đầy bí nhiệm. Mỗi người đều có cửa riêng của mình. Chúng ta không được phạm sai lầm bởi muốn vào vườn cây trái ấy bằng cửa của người khác thay vì cửa của riêng mình. Việc vào vườn chân lý bí nhiệm cực kỳ nguy hiểm cho kẻ muốn vào và cũng nguy hiểm không kém cho người đã ở trong đó.” Và Moché Người giúp việc thánh, kẻ nghèo khó đi chân trần của Sighet, nói cho tôi nghe hết giờ này sang giờ khác về mạc khải và những bí nhiệm của huyền học. Việc học vỡ lòng của tôi bắt đầu với anh. Chúng tôi cùng đọc một trang sách Zohar hơn chục lần. Không phải để thuộc lòng mà là để rút từ trong đó ra những lời tiên đoán cốt tủy. Qua những buổi chiều như thế trong tôi càng ngày càng vững tin rằng Moché Người giúp việc thánh sẽ kéo tôi đi cùng anh nhập vào vĩnh cửu, ở thời điểm mà câu hỏi và câu trả lời trở thành một. Đến một ngày kia, người ta trục xuất những người Do thái nước ngoài ra khỏi Sighet. Và Moché Người giúp việc thánh vốn là người trước đây sinh sống ở ngoài Hungary. Bị cảnh sát Hungary nhét đầy các toa tàu, họ rơi nước mắt chua xót. Đứng trên sân ga chúng tôi cũng khóc. Con tàu biến mất cuối chân trời, chỉ để lại đằng sau một luồng khói dày đặc, nhớp nháp. Tôi nghe sau lưng mình có tiếng thở dài của một người Do thái: “Chúng ta mong ước được gì hơn,” ông ta nói. “Chiến tranh mà...” Chẳng bao lâu người ta quên những người bị trục xuất. Ít ngày sau khi họ ra đi, người ta nói là họ tới Galicia, hiện làm việc và sống thoải mái với đất đai ở đó. Vài ngày trôi qua. Vài tuần. Vài tháng. Cuộc sống trở lại bình thường. Một luồng gió yên tĩnh và an lòng thổi qua các ngôi nhà của chúng tôi. Người buôn kẻ bán làm ăn xuôi thuận, lũ học trò vùi đầu trong sách vở và bọn trẻ con nô đùa trên đường phố. Vào ngày nọ, vừa bước vào hội đường tôi lại thấy ngồi trên băng ghế gần cửa ra vào là Moché Người giúp việc thánh. Anh kể chuyện của mình và chuyện đó xảy ra chung cho mọi người cùng đi. Chuyến tàu đầy ứ người bị trục xuất chạy ngang biên giới Hungary, và trên vùng đất Ba lan họ bị giao cho Gestapo tiếp quản. Tàu dừng lại đó. Người Do thái phải xuống tàu, leo lên xe tải. Xe chạy vào rừng. Người Do thái bị buộc xuống xe. Họ phải đào những huyệt lớn. Và khi họ làm xong việc của mình thì tới lượt lũ Gestapo làm công tác của chúng, từ từ, chúng giết các tù nhân. Mỗi người phải đi đến mép huyệt của mình, vươn cổ ra. Trẻ sơ sinh bị ném lên trời, làm bia cho xạ thủ súng máy. Chuyện này xảy ra trong rừng Galicia, gần Kolomayé. Làm sao Moché Người giúp lễ trốn thoát được? Đó là một phép lạ. Anh bị thương nơi chân và người ta khiêng anh đi vì tưởng anh đã chết. Suốt ngày dài suốt đêm dài, anh đi từ nhà người Do thái này sang nhà người Do thái khác, kể chuyện Malka, cô gái trẻ hấp hối ba ngày mới chết, và Tobias, người thợ may van lạy xin được giết chết trước mặt các con trai của mình... Moché đã thay đổi. Anh không còn ca chẳng còn hát. Anh không còn nói với tôi về Thượng đế và huyền học bí pháp, mà chỉ nói tới những gì anh đã thấy tận mắt. Người ta không những không chịu tin câu chuyện của anh mà còn không muốn nghe anh nói nữa. “Hắn chỉ ra sức làm cho chúng ta thương xót hắn. Hắn tưởng tượng quá mức,” họ nói. Hoặc lại còn: “Gã khốn khổ. Hắn ta mất trí rồi.” Về phần Moché, anh khóc nức nở. “Hỡi người Do thái, xin hãy nghe tôi. Tôi chỉ xin các người chừng ấy thôi. Tôi không xin tiền bạc hay lòng thương hại. Chỉ xin các người lắng nghe tôi thôi,” anh la lên giữa những người cầu nguyện vào lúc chiều xuống, và còn la lên giữa những người cầu nguyện vào buổi tối. Bản thân tôi cũng không tin anh. Tôi thường ngồi bên anh buổi tối sau giờ kinh nguyện, lắng nghe các câu chuyện của anh và rán sức hiểu cho ra cơn sầu khổ của anh. Tôi chỉ cảm thấy thương xót anh. “Họ đối xử tôi như với một người cuồng dại,” anh thì thầm, và từ mắt anh, nước mắt rơi lả chả như những giọt sáp ong. Có lần, tôi hỏi anh: “Tại sao anh quá đổi khắc khoải về việc người ta nên tin những gì anh nói. Nếu tôi ở vào vị trí của anh, tôi chẳng màng chuyện họ tin hay không...” “Cậu không hiểu,” anh nói trong tuyệt vọng. “Cậu không thể nào hiểu nổi. Tôi đã được cứu thoát một cách đầy phép lạ. Tôi đã tìm cách trở về đây. Bởi đâu mà tôi có sức mạnh đó? Tôi muốn quay lại Sighet để kể cho các người nghe câu chuyện tử thần của tôi. Để các người có thể chuẩn bị khi còn kịp thời. Để sống ư? Đời tôi không còn ràng buộc vào cái gì quan trọng nữa. Tôi một thân một mình. Không, tôi muốn trở lại đây, tôi muốn báo động cho mọi người. Rồi cậu coi tới đây nó sẽ như thế nào, chẳng ai chịu nghe tôi cả...” Chuyện đó xảy ra vào gần cuối năm 1942. Sau đó, cuộc sống trở lại bình thường. Đài phát thanh BBC Luân đôn mà tối nào chúng tôi cũng nghe, loan các tin tức phấn khởi: cuộc oanh tạc diễn ra hằng ngày ở Đức; Stalingrad; chuẩn bị mặt trật thứ hai. Và chúng tôi, người Do thái ở Sighet, đang chờ đợi những ngày tươi đẹp hơn chưa thể xảy tới ngay lúc này được. Tôi tiếp tục vùi đầu vào việc học. Ban ngày học sách Talmud, tối đến huyền học bí pháp. Cha tôi bị tràn ngập bởi việc làm ăn và công chuyện của cộng đồng. Ông nội tôi đến ăn mừng ngày Năm Mới với chúng tôi để ông có thể tham gia phục vụ vị thầy cả danh tiếng ở Borsche. Mẹ tôi bắt đầu nghĩ rằng đây là thời gian thuận tiện nhất để tìm một chàng trai thích hợp cho Hilda. Như thế, mùa xuân 1943 trôi qua. Mùa xuân năm 1944. Có tin lành từ chiến trường Nga. Lúc này chẳng còn nghi ngờ gì nữa, sự bại trận của Đức chỉ là vấn đề thời gian - có thể tính từng tháng từng tuần. Cây cối đã đâm chồi nãy lộc. Năm nay cũng như mọi năm, với mùa xuân, các cuộc hứa hôn, đám cưới và sinh nở. Người ta nói: “Quân Nga đã tiến những bước vạn dặm... Hitler dù có muốn đi nữa, hắn cũng không thể nào làm hại chúng ta được.” Vâng, chúng tôi nghi ngờ cả việc hắn muốn diệt chủng chúng tôi. Tại sao hắn muốn quét sạch cả một dân tộc? Liệu hắn có tiêu diệt hết được tất cả tổng số dân Do thái sống rải rác khắp thế giới không? Có quá nhiều triệu dân mà! Hắn có thể sử dụng phương pháp nào? Và làm chuyện như thế giữa thế kỷ hai mươi này mà được sao! Bên cạnh đó, người ta để ý đến mọi thứ - đến chiến lược, đến ngoại giao, đến chính trị, đến phong trào lập quốc Do thái - ngoại trừ đến số phận của chính mình. Cả Moché Người giúp việc thánh cũng im lặng. Anh chẳng buồn nói năng. Anh lang thang trong hội đường, trên đường phố, mắt cụp lại, lưng oằn xuống, tránh ánh mắt mọi người. Thời buổi đó chúng tôi còn có thể kiếm được giấy phép di dân về Palestine, tôi yêu cầu cha tôi bán hết mọi sự, giải quyết việc làm ăn và ra đi. Ông trả lời, “Con ơi, cha già quá rồi. Cha quá già để mà bắt đầu một cuộc đời mới. Cha quá già để thêm lần nữa xuất phát từ cái vạch đầu tiên nơi một xứ sở quá xa xôi...” Đài phát thanh Budapest loan báo đảng Phát xít nắm chính quyền. Horthy bị buộc phải yêu cầu một trong các lãnh tụ của đảng Nyilas thành lập chính phủ mới. Sự việc đó không đủ làm chúng tôi bận lòng. Dĩ nhiên chúng tôi có nghe về phe đảng Phát xít, nhưng đối với chúng tôi, bọn họ vẫn chỉ là cái gì đó trừu tượng. Chỉ là một đổi thay về hành chính. Ngày kế có thêm tin tức đầy ưu tư: với sự chấp thuận của chính phủ, lính Đức đã vào Hungary. Khắp nơi dấy lên lo lắng. Berkovitz, một người bạn của chúng tôi từ thủ đô về, kể với chúng tôi: “Người Do thái ở Budapest sống trong bầu khí sợ hãi và khủng bố. Hằng ngày, có nhiều vụ chống người Do thái và người A rập trên đường phố, trên xe lửa. Tình hình hiện nay rất nghiêm trọng.” Tin tức ấy lan truyền lẹ làng ở Sighet, nhanh chóng tới trên đầu môi mọi người. Nhưng không lâu. Rồi người ta lạc quan trở lại. “Bọn Đức không chuyển quân xa hơn chỗ đó đâu. Chúng ở lại Budapest. Có nhiều lý do chiến lược và chính trị...” Chỉ nội ba ngày sau, quân xa Đức xuất hiện trên đường phố của chúng tôi. Khổ rồi. Lính Đức đó - mũ sắt và huy hiệu đầu lâu. Tuy vậy đầu tiên chúng tôi có cảm tưởng rất an lòng về lính Đức. Các sĩ quan tới ở trong nhà thường dân, kể cả nhà người Do thái. Thái độ của chúng đối với chủ nhà tuy có xa cách nhưng rất lịch sự. Chúng chẳng bao giờ đòi hỏi những điều không thể thực hiện, không đưa ra ý kiến nào làm mất lòng, nhiều khi còn cười với bà chủ nhà nữa. Một viên sĩ quan Đức ở trong ngôi nhà trước mặt nhà chúng tôi. Anh ta có một phòng trong gia đình Kahn. Họ nói anh ta là người duyên dáng - trầm lặng, dễ thương, lịch sự và dễ xúc động. Ba ngày sau khi tới ở, anh ta đưa tặng bà Kahn một hộp sô-cô-la. Những kẻ lạc quan lấy làm hoan hỉ. “Tốt, vậy đó, các người thấy chưa! Chúng tôi đã kể các người nghe chuyện gì? Các người đâu có tin chúng tôi. Lính Đức của các người đây này! Các người nghĩ sao về họ? Tính hung ác nổi tiếng của họ đâu nào?” Lính Đức đã ở trong thành phố, những tên Phát xít đã nắm chính quyền, lời phán quyết đã được tuyên bố, thế mà người Do thái tại Sighet vẫn tiếp tục mỉm cười. Tuần lễ Vượt Qua. Thời tiết tuyệt diệu. Mẹ tôi tất bật trong bếp. Không còn hội đường nào mở cửa. Chúng tôi quây quần trong nhà riêng để khỏi khiêu khích bọn Đức. Thực tế ngôi nhà của Thầy cả trở thành nguyện đường. Chúng tôi uống, chúng tôi ăn, chúng tôi hát. Thánh kinh ra lệnh cho chúng tôi hân hoan suốt bảy ngày hội hè, để được hạnh phúc. Nhưng bụng chúng tôi không yên. Trong mấy ngày đó, trái tim chúng tôi đập nhanh hơn. Chúng tôi mong hội hè chấm dứt để mình không đóng tuồng hài kịch này lâu hơn. Vào ngày thứ bảy của Tuần lễ Vượt Qua, màn kéo lên. Bọn Đức bắt các thủ lãnh của cộng đồng Do thái. Từ lúc đó mọi việc xảy ra rất nhanh. Cuộc đua với thần chết bắt đầu. Bước đầu tiên: trong vòng ba ngày, cấm người Do thái không được ra khỏi nhà - ai vi phạm sẽ bị xử tử. Moché Người giúp việc thánh chạy tới nhà chúng tôi: “Tôi đã cảnh giác các người rồi mà,” anh gào lên với cha tôi. Và không chờ trả lời, anh biến đi. Cùng ngày, cảnh sát Hungary ập vô nhà người Do thái trên phố. Cấm người Do thái giữ trong nhà vàng, nữ trang hoặc bất cứ đồ gì có giá trị. Phải nộp cho nhà chức trách mọi thứ đó - ai vi phạm sẽ bị xử tử. Cha tôi xuống hầm nhà, chôn những gì chúng tôi dành dụm được. Trong nhà, mẹ tôi tiếp tục bận rộn với những công việc thường lệ. Lâu lâu bà dừng tay, im lặng nhìn chúng tôi. Hết ba ngày, có sắc lệnh mới: người Do thái phải mang ngôi sao màu vàng. Vài người vị vọng trong cộng đồng đến gặp cha tôi - là kẻ thường có quan hệ đáng kể với cảnh sát Hungary - để hỏi ý kiến ông về tình hình. Cha tôi không đánh giá tình hình là quyết liệt - có lẽ ông không muốn làm người khác nãn lòng hoặc xát muối vô vết thương của họ: “Ngôi sao vàng? Ờ, thì đã sao? Các người chẳng chết vì cái đó đâu...” (Khốn khổ cho Cha! Rồi có phải cha chết vì cái đó không?) Nhưng nhà cầm quyền đã ban hành những sắc lệnh mới. Cấm chúng tôi vào tiệm ăn hay quán cà phê, đi du lịch bằng xe lửa, tới hội đường, ra phố sau sáu giờ chiều. Rồi thì tới ghetto, biệt khu Do thái. Người ta thành lập tại Sighet hai biệt khu. Một cái lớn ở trung tâm thành phố, chiếm bốn đường phố; cái kia nhỏ hơn chạy dài hai bên những con phố nhỏ trong khu vực quanh rìa thành phố. Đường phố Sergent của chúng tôi nằm trong biệt khu thứ nhất. Nhờ vậy chúng tôi được ở lại trong nhà mình. Nhưng vì nhà nằm ngay góc đường nên các cửa sổ mặt ngoài ngó ra đường phố đều bị niêm kín. Chúng tôi nhường vài phòng cho những người bà con bị lôi ra khỏi nhà của họ. Từng chút một, đời sống trở lại bình thường. Hàng rào kẽm gai không làm chúng tôi thật sự sợ hãi. Thậm chí chúng tôi nghĩ mình còn may mắn; chúng tôi hoàn toàn độc lập: một nước cộng hoà Do thái nhỏ... Chúng tôi bổ nhiệm Hội đồng Do thái, cảnh sát Do thái, văn phòng trợ cấp xã hội, ủy ban lao động, bộ phận vệ sinh -- toàn bộ guồng máy của một chính quyền. Ai cũng ngạc nhiên về chuyện đó. Trước mắt chúng tôi không còn những bộ mặt thù nghịch, những cái nhìn nặng trĩu căm ghét. Nỗi sợ hãi và đau khổ của chúng tôi đã chấm dứt. Chúng tôi sống giữa người anh em Do thái với nhau... Dĩ nhiên cũng có những lúc không vừa ý. Hằng ngày bọn Đức đến chở đàn ông đi đốt than dùng cho xe lửa quân sự. Loại việc này không có nhiều người tình nguyện làm. Nhưng ngoài chuyện đó ra, không khí thật bình yên và an lòng. Ý kiến chung là chúng tôi sẽ được ở trong biệt khu cho tới khi chiến tranh chấm dứt, cho tới khi Hồng Quân đến. Rồi mọi sự sẽ lại như ngày trước. Không có người Đức hoặc người Do thái nào cai trị biệt khu - chỉ có ảo giác chế ngự chúng tôi. Vào ngày chủ nhật trước lễ Ngũ Tuần, trong nắng xuân người ta thảnh thơi vô tư lự, tản bộ dạo mát đầy đường phố. Họ sung sướng chuyện vãn. Trẻ con bày đồ chơi trên vĩa hè. Tôi ngồi trong vườn Exra Malik cùng với vài bạn học tìm hiểu một luận đề trong sách Talmud. Đêm xuống. Có hai mươi người tụ tập ở sân sau nhà tôi. Cha tôi cùng họ nói chuyện vặt và trình bày tỉ mỉ nhận xét riêng của ông về tình hình. Ông vốn là người khéo chuyện. Thình lình cổng mở và Stern -- một người trước kia là thương gia nay làm cảnh sát - đi vào, túm một bên người cha tôi. Dù trời nhá nhem tôi vẫn thấy cha tôi tái người. “Việc gì vậy?” tất cả chúng tôi hỏi ông. “Tôi không biết. Người ta mời tôi dự cuộc họp bất thường của hội đồng. Chắc xảy ra chuyện gì đó.” Câu chuyện vui vẻ ông đang kể cho chúng tôi nghe tới đây bị ngưng lại nửa chừng, và sẽ không bao giờ kết thúc. “Tôi tới họp liền,” ông nói tiếp, “nếu được, tôi về ngay. Tôi sẽ kể hết với các người. Chờ tôi nghe.” Chúng tôi chuẩn bị chờ đợi suốt mấy giờ. Sân sau thành giống như hành lang bên ngoài một phòng hành quân. Chúng tôi chỉ chờ cổng mở cánh -- như thể chờ thấy các tầng trời tự mở ra. Những người láng giềng khác nghe lời đồn đãi tìm tới nhập bọn. Người ta nhìn đồng hồ mình. Thời gian trôi qua rất chậm. Một cuộc họp lâu lắc như thế này có ý nghĩa gì đây? “Tôi linh cảm điềm dữ,” mẹ tôi nói. “Chiều nay tôi để ý thấy có nhiều mặt lạ trong biệt khu -- tôi tin đó là hai viên chức Đức, người của Gestapo. Từ khi chúng ta bị gom vào khu này, chưa có tên viên chức nào ló mặt ra...” Gần nửa đêm. Chẳng ai buồn đi ngủ. Vài người vội vã tạt ngang nhà mình coi mọi sự có yên ổn không. Một số người về nhà, nhưng yêu cầu là hễ cha tôi về thì báo ngay cho họ biết. Cuối cùng cửa mở, ông xuất hiện. Người xanh mét. Thêm lần nữa ông bị bu quanh. “Xảy ra chuyện gì vậy? Kể chúng tôi nghe chuyện gì xảy ra! Nói đi nào!” Vào lúc đó chúng tôi thèm nghe một lời gây tin tưởng, một câu nói rằng chẳng có gì mà sợ cả, rằng cuộc họp rất như cũ, rất như thường lệ, rằng chỉ họp về vấn đề trợ cấp xã hội, về sửa soạn làm vệ sinh! Nhưng chỉ thoáng nhìn vẻ mặt hốc hác của cha tôi cũng đủ hiểu. “Tôi có tin khủng khiếp,” rốt cuộc ông cũng phải nói. “Trục xuất.” Khu biệt cư bị dẹp bỏ hoàn toàn. Bắt đầu ngày mai chúng tôi phải rời đi tuần tự theo tên đường phố có nhà mình. Chúng tôi muốn biết mọi sự, tất cả các chi tiết. Tin đó làm choáng váng mọi người, tuy thế chúng tôi muốn biết tới tận cùng cho dù có cay đắng mấy đi nữa. “Chúng ta bị mang đi đâu?” Cái đó bí mật. Bí mật đối với tất cả, ngoại trừ một người: Chủ tịch Hội đồng Do thái. Nhưng ông không nói; ông không thể nói. Gestapo dọa sẽ bắn ông nếu ông nói. “Có lời đồn,” cha tôi nói lạc giọng, “rằng chúng ta sẽ tới đâu đó ở Hungary, làm việc trong các lò gạch. Chắc là vì chỗ này gần mặt trận quá...” Và, sau khi im lặng một chút, ông thêm: “Mỗi người chỉ được phép đem theo vật dụng cá nhân. Một ba lô, ít đồ ăn, vài bộ quần áo. Ngoài ra không thêm gì khác.” Lại im lặng nặng nề. “Đi đánh thức hàng xóm dậy,” cha tôi nói. “Để họ có thể chuẩn bị kịp thời.” Bóng tối lâu nay ở bên tôi đột nhiên vươn dậy như từ một giấc ngủ dài. Chúng thinh lặng vụt chạy tràn lan mọi hướng. Trong chốc lát chúng tôi trơ trọi. Rồi thình lình, Batia Reich, người bà con sống chung nhà với chúng tôi, bước vô phòng: “Có ai đó ở ngoài biệt khu đang gõ phía cửa sổ bị niêm!” Mãi tới sau chiến tranh chúng tôi mới biết người gõ cửa sổ đó là ai. Đó là viên thanh tra cảnh sát dân Hungary, bạn của cha tôi. Trước khi chúng tôi vào biệt khu, ông đã nói với chúng tôi: “Đừng lo. Nếu có gì nguy hiểm tôi sẽ báo trước cho các người.” Nếu tối đó ông nói chuyện được với chúng tôi thì có thể chúng tôi đã cao bay xa chạy... Lập tức chúng tôi cố cạy cửa sổ nhưng đã trễ. Bên ngoài không có ai. Khắp biệt khu thức giấc. Từng cửa sổ rồi từng cửa sổ, ánh sáng bùng lên hết mọi cửa sổ. Tôi đi vào nhà một người bạn của cha tôi. Tôi đánh thức người gia trưởng, một ông cụ râu xám, mắt mơ mộng. Cụ thường suốt đêm gò lưng nghiên cứu. “Dậy cụ ơi, dậy! Cụ phải sửa sọan cho một chuyến đi dài! Cụ sắp bị trục xuất khỏi đây sáng mai với cả nhà và tất cả mọi người Do thái. Đi đâu? Cụ ơi, đừng hỏi cháu. Đừng hỏi cháu câu nào hết. Chỉ có Thượng đế mới trả lời cụ được. Vì Trời, dậy đi cụ ơi.” Lời tôi nói ra không được cụ hiểu lấy một tiếng. Có lẽ cụ nghĩ là tôi mất trí. “Chuyện gì vậy? Chuẩn bị chuyến đi à? Chuyến đi nào? Tại sao? Xảy ra chuyện gì? Cháu có khùng không đó?” Vẫn còn ngái ngủ cụ nhìn tôi với đôi mắt vừa kinh dị vừa ngờ vực, như thể cụ mong tôi bật ra cười rồi sau cùng nói, “Vô giường lại đi cụ. Đi ngủ lại đi cụ. Mơ cho đẹp đi cụ. Chẳng có gì xảy ra hết. Cháu giỡn chơi thôi mà.“ Cổ họng tôi khô, lời nói mắc nghẹn trong đó, làm môi tôi tê dại. Tôi không nói thêm được nữa. Rồi cụ hiểu ra. Cụ ra khỏi giường, với cử chỉ máy móc, cụ bắt đầu mặc quần áo. Bước tới giường vợ mình đang ngủ, rất dịu dàng cụ khẻ chạm tay lên mi mắt cụ bà, bà mở mắt, và tôi thấy hình như trên môi bà có nụ cười. Kế đó cụ đến giường các con, lẹ làng đánh thức chúng dậy, kéo chúng ra khỏi những giấc mơ. Tôi vọt đi. Thời gian vụt qua rất nhanh. Bốn giờ sáng rồi. Cha tôi chạy hết chỗ này qua chỗ kia, mệt lã, an ủi các bạn, chạy tới Hội đồng Do thái coi thử lúc này có hủy bỏ chỉ thị đó không. Tới phút giây sau cùng, trong lòng chúng tôi vẫn le lói hy vọng. Phụ nữ luộc trứng, xào thịt, nướng bánh và sửa soạn ba lô. Trẻ con lang thang chỗ này chỗ nọ, vít đầu nhau, chúng chẳng biết mình nên làm gì, đi đâu, làm sao cho khỏi vướng chân người lớn. Sân sau nhà tôi như thành nơi họp chợ. Đồ quí của mỗi nhà, thảm quí, chân đèn bạc, sách nguyện, Thánh kinh, các đồ thờ phượng vất bừa bãi trên mặt đất đầy bụi dưới bầu trời xanh tuyệt vời; những đồ vật đáng thương ngó như thể chúng chẳng bao giờ còn thuộc về ai nữa. Khoảng tám giờ sáng, sự mệt mỏi như chì bị nấu chảy tụ lại trong mạch máu, chân tay, đầu óc. Tôi đang giữa giờ cầu nguyện thường lệ của mình thì thình lình có nhiều tiếng la trên đường phố. Tôi đứng bật dậy làm toác hộp đựng sách kinh, chạy tới cửa sổ. Cảnh sát Hungary đang tràn vào biệt khu, la lớn ở đường phố bên cạnh: “Tất cả người Do thái ra ngoài! Lẹ lên!” Vài người cảnh sát Do thái vào trong nhà dân, nói lạc giọng: “Đã đến giờ rồi... chúng ta bỏ hết những thứ này lại...” Cảnh sát Hungary vung tứ tung dùi cui và khiên, hết qua phải lại về trái, không cần lý do, đánh rạp người già, phụ nữ, trẻ con và những ai có vẻ tàn phế. Từng nhà rồi từng nhà trống trơn, đường phố đầy người ta và bọc gói. Chừng mười giờ, tất cả những kẻ bị kết án đều đã ra ngoài. Cảnh sát điểm danh, một lần, hai lần, hai mươi lần. Sức nóng tăng cao. Mồ hôi tuôn như suối khắp mặt khắp người. Trẻ con đòi nước. Nước? Có rất nhiều, sát tầm tay, trong nhà, trong sân, nhưng cấm ra khỏi hàng. “Nước! Mẹ ơi! Nước!” Chỉ có cảnh sát của biệt khu là có thể lén đổ nước vô một ít chiếc bình. Các chị em tôi và tôi bị sắp xếp đi chuyến sau chót nên chúng tôi còn được để cho đi lòng vòng, chúng tôi hết lòng tiếp sức họ. Rồi sau cùng, khoảng một giờ trưa, có lệnh lên đường. Thật vui mừng - vâng, vui mừng. Có thể người ta cho rằng Thượng đế không bày được trò thống khổ nào trong hỏa ngục tệ hơn là nổi khổ ngồi đây bên đóng bọc gói, ngay chính giữa đường, dưới ánh mặt trời thiêu đốt: thế nên không gì thích hơn là được lên đường. Họ bắt đầu chuyến đi không chút ngoái nhìn đường phố, bỏ lại những người khuất núi, nhà trống trơn, vườn tược, mộ bia... Trên lưng mỗi người là ba lô. Trong mắt mỗi người là cơn đau đã chìm sâu trong nước mắt. Chầm chậm. Nặng nề. Đám diễu hành tìm đường ra cổng biệt khu. Và tôi đứng đó, bên vệ đường, không cục cựa nổi thân mình. Đây rồi vị Thầy cả, lưng còng xuống, mặt cạo nhẵn nhụi, ba lô trên lưng. Sự có mặt của ông giữa đám người bị trục xuất này làm tăng thêm vẻ không thực của quang cảnh. Nó như một trang bị xé ra từ cuốn truyện nào đó, từ cuốn tiểu thuyết dã sử nào đó về việc bị cầm giữ ở thành Babylon hoặc trước một Toà án Dị giáo Tây ban nha. Từng người, từng người đi qua trước mặt tôi, thầy giáo, bạn hữu, tất cả những ai đã làm tôi sợ hãi, tất cả những kẻ tôi đã cười nhạo, tất cả những người đã sống với tôi trong nhiều năm. Họ đi qua, té xuống, đứng lên, kéo lê hành lý, kéo lê cuộc đời, rời bỏ nhà mình và những năm tháng ấu thơ, co rúm lại như những con chó bị đòn vọt. Họ đi qua mà chẳng nhìn về phía tôi. Chắc họ ganh tị với tôi. Đoàn diễu hành biến mất nơi khúc quanh đường phố. Chỉ ít bước nữa thôi họ sẽ vượt qua vòng rào biệt khu. Đường phố như thể chốn chợ búa thình lình bị bỏ hoang. Ở đây có thể tìm thấy mọi thứ: va li, xách, cặp táp, dao, dĩa, sổ trương mục ngân hàng, giấy tờ, các bức chân dung bạc màu. Tất cả những vật mà họ những tưởng sẽ đem được theo bên mình thì đến phút cuối phải bỏ lại. Người ta đã đánh mất tất cả các giá trị. Mọi nơi phòng ốc bỏ ngỏ. Cửa lớn cửa sổ mở ra như há miệng ngó vào hư không. Mọi vật đều tự do, ai muốn lấy gì thì lấy, chẳng thuộc về ai cả. Đã có cái rất giản dị cho con người tự giúp mình. Một huyệt mộ mở sẵn. Mặt trời mùa hè nóng. Suốt hôm đó chúng tôi chẳng ăn gì. Nhưng chúng tôi không đói. Chúng tôi kiệt sức. Cha tôi đi theo những người bị trục xuất tới tận lối ra vào của biệt khu. Trước tiên họ phải đi qua hội đường to lớn nơi đó họ bị lục soát tận xương, xem có mang theo mình bất cứ vàng bạc hay các vật gì có giá trị không. Tại đó, bùng lên cơn điên tiết và những cú dùi cui đánh xối xả. “Khi nào tới lượt chúng ta?” tôi hỏi cha tôi. “Ngày kia. Ít ra là như vậy, trừ phi sự việc có thay đổi gì khác. Một phép lạ, có thể...” Người ta bị mang đi đâu? Đã có ai biết chưa? Không, bí mật được giữ kín bưng. Đêm xuống. Tối đó chúng tôi đi ngủ sớm. Cha tôi nói: “Ngủ ngon, các con. Không kéo dài tới ngày kia, Thứ Ba đâu.” Thứ Hai trôi qua như đám mây nhỏ ngày hè, như giấc mộng trong giờ tảng sáng. Bận rộn với việc sắp xếp ba lô, với việc nướng bánh mì và bánh ngọt, chúng tôi chẳng còn nghĩ tới gì cả. Lời phán quyết thì đã công bố. Tối đó, mẹ tôi chuẩn bị giường cho chúng tôi rất sớm, bà nói: để giữ gìn sức khoẻ. Đây là đêm cuối cùng chúng tôi ở nhà mình. Tôi thức dậy khi trời rạng sáng. Tôi muốn có thời giờ cầu nguyện trước khi chúng tôi bị trục xuất. Cha tôi còn dậy sớm hơn cả tôi để đi thăm dò tin tức. Ông về khoảng tám giờ. Tin mừng: hôm nay chúng ta không phải rời thành phố. Chỉ bị dọn vào biệt khu nhỏ. Ở đó để chờ chuyến chuyên chở chót. Chúng tôi sẽ là những kẻ ra đi sau cùng. Lúc chín giờ, khắp nơi tái diễn hoạt cảnh hôm Chúa Nhật. Cảnh sát vung dùi cui la lớn: “Tất cả Do thái ra ngoài!” Chúng tôi đã sẵn sàng. Tôi bước ra trước hết. Tôi không muốn nhìn nét mặt của cha mẹ mình. Tôi không muốn trào nước mắt. Chúng tôi ngồi giữa đường như những người đã ngồi hôm kia. Vẫn cơn nóng thiêu đốt ấy. Vẫn cơn khát ấy. Nhưng chẳng còn ai ở lại để mang nước tới cho chúng tôi. Tôi nhìn ngôi nhà mình đã sống, đã trải qua rất nhiều năm trong cuộc tìm kiếm Thượng đế trong chay tịnh nhằm thúc cho mau tới ngày giáng lâm của Đấng Cứu thế, trong mường tượng những gì cuộc đời mình sẽ trở thành giống như thế. Dù thấy có phần khổ não trong trí óc trống rỗng của mình. “Đứng lên! Đếm người!” Đứng. Đếm. Ngồi xuống. Lại đứng lên. Lại ngồi bệt xuống. Vô tận. Chúng tôi nóng ruột chờ cho xong chuyện. Bọn họ đợi cái gì đây? Cuối cùng lệnh truyền: “Đằng trước bước!” Cha tôi khóc. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy ông khóc. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra là ông có thể khóc. Phần mẹ tôi, bà bước đi khuôn mặt lộ nét bất động, không một lời, chìm sâu trong ý nghĩ. Tôi nhìn đứa em gái út Tzipora nhỏ của tôi, tóc chải gọn gàng, áo khoác đỏ vắt tay, em tôi thơ dại mới lên bảy. Ba lô trên lưng đè quá nặng lên người nó. Nó cắn chặt răng. Nó biết lúc này có than thở cũng vô ích. Cảnh sát đang vung dùi cui. “Lẹ lên!” Tôi hết hơi. Chuyến đi chỉ mới bắt đầu mà tôi đã cảm thấy đuối sức... “Lẹ lên! Lẹ lên! Vác xác lên chớ, đồ con lợn!” viên cảnh sát Hungary gào lên. Từ lúc đó tôi bắt đầu hận họ, và cho tới hôm nay, dây liên kết duy nhất giữa họ và tôi là mối hận thù ấy. Họ là những kẻ đầu tiên đàn áp chúng tôi. Họ là bộ mặt đầu tiên trong những bộ mặt của địa ngục và thần chết. Chúng tôi được lệnh chạy. Chúng tôi phải rút ngắn nửa khoảng thời gian. Ai nghĩ ra là chúng tôi rất sung sức? Bên trong cửa sổ, đằng sau cửa chớp, đồng bào Hungary nhìn chúng tôi chạy qua. Cuối cùng tới điểm đến. Ném túi xách xuống đất, chúng tôi ngã lăn ra. “Lạy Chúa, Chúa Tể Càn khôn, xin thương xót chúng con trong hồng ân Ngài...” Biệt khu nhỏ. Ba hôm trước người ta còn sống ở đây - chủ nhân những gì mà lúc này chúng tôi dùng. Họ đã bị trục xuất. Chúng tôi đã quên hẳn họ. Ngỗn ngang hỗn độn còn hơn cả biệt khu lớn. Chắc là người ta đã bị trục xuất bất ngờ. Tôi vào các phòng gia đình chú tôi đã ở. Trên bàn còn nửa liễn xúp. Có chiếc bánh ngọt đang chờ đút lò. Sách vung vãi khắp sàn nhà. Hẳn chú tôi đã mơ mang chúng theo mình? Chúng tôi có chỗ ở. (Thật sung sướng!) Tôi đi kiếm ít củi; chị và em gái tôi nhóm bếp. Mặc dù đang mệt lã người, mẹ tôi vẫn bắt đầu chuẩn bị bữa ăn. “Chúng ta phải sống sót, chúng ta phải sống sót,” bà nhắc đi nhắc lại không ngừng. Tinh thần mọi người không tới nổi tệ lắm; chúng tôi bắt đầu làm quen với hoàn cảnh mới. Thậm chí trên đường phố chúng tôi còn chuyện vãn hết sức lạc quan. Chính quyền Quốc xã sẽ không còn đủ thời gian trục xuất chúng tôi, người ta nói rằng...trục xuất chừng ấy người là quan ngại lắm rồi, tệ lắm rồi, không thể trục xuất thêm nữa. Ngoài ra, chính quyền có thể để cho chúng tôi sống nốt cuộc đời nhỏ nhoi bạc phước của mình tại đây cho tới khi hết chiến tranh. Biệt khu không bị canh gác. Mọi người được ra vào tùy ý. Martha, bà lão giúp việc trước đây đến thăm chúng tôi. Bà khóc rấm rứt, van nài chúng tôi tới ở tại làng bà, nơi bà có thể lo cho chúng tôi một chỗ ẩn núp an toàn. Cha tôi không muốn nghe chuyện đó. Ông nói với tôi và chị tôi, “Các con muốn thì cứ đi. Cha ở lại đây với mẹ và con út...” Đương nhiên chúng tôi không chịu rời nhau. Đêm. Chẳng ai nguyện cầu cho đêm qua nhanh. Sao trời là những tia lửa đau đáu nhìn chúng tôi. Liệu có ngày nào những tia lửa ấy tắt lịm, bầu trời sẽ chẳng còn lại gì ngoài những ngôi sao chết, những con mắt chết. Không có gì làm ngoài việc lên giường, vào nằm trong giường của những người vừa vắng mặt, để nghỉ ngơi, để gom lại sức lực của mình. Rạng sáng, chẳng còn sót lại chút lo phiền nào. Chúng tôi thấy mình như trong ngày nghỉ lễ. Người ta nói: “Ai mà biết được? Có thể người ta trục xuất chúng ta là để giữ cho chúng ta an toàn. Mặt trận không xa đây lắm; chỉ ít lâu nữa là chúng ta sẽ nghe tiếng súng. Tới lúc đó thì sớm muộn gì thường dân cũng phải sơ tán...” “Có lẽ họ sợ chúng ta có thể giúp quân du kích...” “Theo tôi thì toàn bộ việc trục xuất này chỉ là trò hề. Vậy đó, đừng cười. Tụi Quốc xã muốn lấy trộm châu báu của chúng ta. Họ biết chúng ta chôn dấu khắp nơi và họ phải lùng sục nó: thật tiện lợi cho họ khi các chủ nhân đi nghỉ lễ...” Nghỉ lễ! Những lời lạc quan chẳng ai tin đó giúp chúng tôi qua được thời giờ. Một ít ngày sống ở đây trôi qua khá thú vị, êm đềm. Không còn có vấn đề nào về tài sản, về phân biệt xã hội, và điều quan trọng là hết thảy mọi người đều bị kết án chung một số phận - ra sao thì vẫn chưa biết được. Thứ Bảy, ngày nghỉ ngơi, ngày được chọn để trục xuất chúng tôi. Đêm qua, chúng tôi ăn bữa Thứ Sáu truyền thống. Chúng tôi theo tục lệ đọc lời kinh nguyện trên bánh và rượu, im lặng ngồi ăn. Chúng tôi cảm thấy đây là lần chót cả nhà được ngồi bên nhau quanh bàn ăn. Suốt đêm tôi trằn trọc với những ý nghĩ và nhung nhớ đầy ắp tâm trí, không ngủ được. Sáng tinh sương, chúng tôi đã ở trên đường phố, sẵn sàng ra đi. Lần này không có cảnh sát Hungary. Hội đồng Do thái được đồng ý cho tự đứng ra lo liệu việc tổ chức người của mình. Đoàn xe chở chúng tôi đi thẳng tới hội đường chính. Thành phố như hoang mạc. Tuy vậy, đằng sau các cửa chớp có lẽ có những người bạn Hungary của chúng tôi đang chờ lúc có thể vào hôi của trong nhà chúng tôi. Hội đường như một nhà ga lớn: đồ đạc tan nát. Bàn thờ sụp, rèm trướng bị xé giật, tường trống trơn. Nhiều người nghẹn thở. Chúng tôi trải qua hai mươi bốn giờ kinh hoàng ở đó. Nam tầng dưới, nữ tầng trên. Hôm nay Thứ Bảy; như thể chúng tôi đến đây để dự một cuộc hành lễ. Vì mọi người không được phép ra ngoài nên ai cũng tìm một góc riêng để nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, chúng tôi đi bộ tới nhà ga nơi đoàn tàu với các toa dùng để chở súc vật đang chờ. Cảnh sát Hungary dồn chúng tôi lên - tám mươi người một toa. Để lại cho chúng tôi một ít bánh và vài gàu nước. Người ta kiểm tra các thanh cửa sổ xem chúng đã vít chặt chưa. Rồi niêm toa lại. Mỗi toa đặt một người phụ trách. Nếu có ai trốn thoát, người phụ trách sẽ bị bắn. Hai viên chức Gestapo đi đi lại lại trên sân ga, mỉm cười: mọi sự đúng y như sắp đặt, mọi sự diễn ra tốt đẹp. Còi tàu xé không khí. Bánh bắt đầu nghiến. Chúng tôi đang ở trên con đường của mình. 2. Chẳng tìm đâu ra chỗ nằm, chúng tôi chỉ có thể quyết định thay phiên nhau ngồi. Không khí ít ỏi quá. Kẻ may mắn là người tình cờ được đứng gần cửa sổ, có thể nhìn vùng quê xanh mơn mởn đang lướt qua. Sau hai ngày đường, cái khát bắt đầu hành hạ. Rồi cái nóng tới độ hết chịu đựng nổi. Thoát khỏi mọi câu thúc xã hội, thanh niên thiếu nữ buông mình thả cửa cho bản năng, lợi dụng bóng tối tha hồ làm tình ngay giữa chúng tôi, chẳng cần để ý tới ai, như thể trên đời chỉ có mỗi mình họ. Những người còn lại giả bộ như chẳng có gì xảy ra. Chúng tôi còn một ít lương thực. Nhưng không dám ăn cho thỏa cơn đói. Dè sẻn là qui tắc của chúng tôi. Dè sẻn cho ngày mai. Ngày mai có thể tệ hơn nữa. Tàu dừng ở Kachau, một thị trấn nhỏ ở biên giới Tiệp khắc. Lúc đó, chúng tôi biết ra là mình sẽ không được ở lại Hungary. Chúng tôi sáng mắt rồi, nhưng đã quá trễ. Cửa toa được đẩy qua một bên. Một viên chức Đức bước tới gần, có một người Hungary đi theo thông dịch, tự giới thiệu: “Từ bây giờ, các ngươi thuộc thẩm quyền của quân đội Đức. Ai trong các ngươi còn giữ của riêng, bạc, vàng, đồng hồ thì phải đưa ra ngay. Hể ai sau này bị khám phá còn giữ những của đó sẽ bị bắn tại chỗ. Còn nữa, ai thấy mình bệnh thì có thể tới toa y tế. Hết.” Viên tùy tùng người Hungary tay cầm thúng đi vào giữa chúng tôi thu gom các tài sản chót từ những ai không còn muốn nếm vị khủng bố cay đắng. “Trong toa có tám mươi người các ngươi,” tên viên chức Đức nói thêm. “Hễ mất một người thì hết thảy các ngươi đều bị bắn, như chó...” Cả hai biến mất. Cửa kéo kín lại. Chúng tôi kẹt trong bẫy, lên tận cổ. Cửa bị đóng đinh; đường về bị cắt cụt. Thế giới là một toa tàu súc vật niêm kín mít. Trong chúng tôi có một phụ nữ tên là Schachter. Bà chừng năm mươi; cùng đi có đứa con trai mười tuổi thu mình trong xó. Chồng và hai con trai lớn của bà bị trục xuất trong chuyến chở đầu tiên vì lộn danh sách. Cuộc chia ly ấy quất sụm bà hoàn toàn. Tôi rất quen bà. Bà là một phụ nữ trầm lặng với ánh mắt căng thẳng, nồng ấm, thường đến nhà tôi. Chồng bà là người đạo hạnh, nghiên cứu suốt đêm suốt ngày và một mình bà làm việc nuôi cả nhà. Lúc này bà Schachter đã mất trí. Ngày đầu chuyến đi, bà khởi sự rên rĩ, hỏi miết tại sao gia đình bà bị tan tác. Thời gian càng trôi qua, bà càng kêu khóc cuồng loạn. Vào đêm thứ ba, chúng tôi đang ngủ, một số ngồi dựa lưng nhau và một số đứng, thì thình lình có tiếng thét xé tan màn yên lặng: “Lửa! Tôi thấy lửa! Tôi thấy lửa!” Phút giây đó thật kinh hoàng. Ai thét đó? Là bà Schachter. Đứng chính giữa sàn toa, trong ánh sáng mờ mờ hắt từ cửa sổ vào, bà như cây bắp khô tả tơi trong ruộng ngô. Bà đưa tay chỉ ra cửa sổ, thét thất thanh: “Nhìn kìa! Nhìn nó kìa! Lửa! Lửa ngọn kinh hoàng! Sướng thiệt là sướng! Ôi, ngọn lửa ấy !” Vài người dồn tới song cửa. Không có gì, chỉ bóng tối. Cú sốc kinh hoàng ấy bám theo chúng tôi rất lâu. Chúng tôi vẫn còn run lẩy bẩy với nó. Trong từng tiếng bánh tàu nghiến đường rầy, chúng tôi cảm thấy vực sâu đang mở ra dưới châu thân mình. Không nén nổi cơn thống khổ, chúng tôi trấn an nhau: “Bà ấy khùng, một linh hồn khốn khổ...” Có người đắp miếng vải ướt lên trán bà để làm bà dịu lại, nhưng bà vẫn tiếp tục thét lên: “Lửa! Lửa!” Đứa con trai nhỏ của bà khóc, níu áo mẹ, cố nắm bàn tay mẹ. “Mẹ ơi! Không việc gì đâu! Không có gì cả...Ngồi xuống mẹ ơi...” Cảnh đó làm tôi rúng động còn hơn tiếng thét thất thanh của người mẹ. Có mấy phụ nữ ra sức trấn an bà. “Chị sẽ tìm thấy chồng mà, luôn cả các con... trong vài ngày nữa thôi mà...” Bà tiếp tục thét lên, thở chẳng ra hơi, giọng bà tan tác, thổn thức. “Này người Do thái, nghe tôi đi! Tôi thấy lửa! Lửa ngọn thiệt lớn! Nó là một lò lửa!” Bà như thể bị ám bởi một ác thần, kẻ đang nói thành lời từ chốn thẳm sâu trong con người bà. Chúng tôi rán sức để tự cắt nghĩa cho ra điều ấy, để trấn an mình và để lấy lại hơi thở của mình hơn là để an ủi bà. “Chắc là bà ấy khát lắm, tội nghiệp! Vì vậy bà nói hoài nói mãi tới ngọn lửa thiêu đốt mình.” Nhưng vô ích. Nỗi kinh hãi dần dần bùng lên bốn phía toa tàu. Thần kinh chúng tôi đã tới hồi suy sụp. Da thịt chúng tôi sởn gai ốc. Như thể cơn điên ấy chiếm hữu hết thảy chúng tôi. Chúng tôi đứng không vững nữa. Vài thanh niên đè bà ngồi xuống, trói bà lại, lấy giẻ bịt miệng bà. Lại im lặng. Đứa bé ngồi bên mẹ, khóc. Tôi bắt đầu thở bình thường trở lại. Chúng tôi đã có thể nghe tiếng bánh xe rung thành nhịp đều đều của con tàu băng mình trong đêm tối. Chúng tôi đã có thể bắt đầu ngủ gà ngủ gật, nghỉ ngơi, mộng mị... Qua được một hai giờ như thế. Rồi tiếng thét thất thanh khác làm chúng tôi lại nghẹt thở. Người đàn bà ấy đã cắn đứt được giẻ bịt miệng, thét lớn hơn bao giờ hết: “Này, ngó lửa kìa! Lửa ngọn, lửa ngọn khắp nơi!” Thêm lần nữa, các thanh niên lại trói và bịt miệng bà. Họ đập bà. Người ta còn khuyến khích họ đập thêm nữa. “Làm câm mồm bà đi! Đồ điên! Đâu phải chỉ có mình bà ở đây. Câm mõm bà lại...” Họ thụi nhiều lần vô đầu bà - những cú đấm có thể giết bà chết. Đứa con trai nhỏ đeo lấy mẹ, không khóc, không nói một tiếng. Lúc này nó còn không cả thút thít. Đêm vô tận. Gần sáng, bà Schachter dịu lại. Thu mình trong một góc toa, mắt nhìn hoang dại của bà ánh lên vẻ trống rỗng, bà không còn thấy chúng tôi nữa. Suốt ngày bà trong trạng thái ấy, câm nín, xa vắng, cô độc giữa chúng tôi. Đêm xuống, bà bắt đầu la hét: “Này, lửa khắp nơi kia kìa!” Bà chỉ vào một điểm trên không trung, lúc nào cũng vẫn điểm đó. Họ đánh bà riết rồi cũng thấm mệt. Nóng, khát, mùi hôi chết người, nghẹt thở thiếu không khí - tất cả những thứ ấy cũng không bằng tiếng thét thất thanh đó, tiếng thét xé tan tành chúng tôi thành từng mảnh nhỏ. Thêm ít ngày nữa thì hết thảy chúng tôi cũng bắt đầu la hét. Rồi chúng tôi tới một ga. Những người đứng kế cửa sổ đọc cho chúng tôi tên nhà ga: “Auschwitz.” Chưa ai từng nghe tên ấy. Tàu không chạy tiếp. Trưa trôi qua chầm chậm. Rồi cửa toa được kéo qua một bên. Hai người được phép xuống tàu đi lấy nước. Khi trở về, họ nói với chúng tôi là nhờ đổi một chiếc đồng hồ vàng, họ phát hiện ra ga này là trạm chót. Tại đây chúng tôi sẽ được xuống khỏi tàu. Có một trại lao động. Điều kiện sống tốt. Gia đình được ở chung với nhau. Chỉ thanh niên làm việc ở nhà máy. Người già và người tàn phế làm việc đồng áng. Phong vũ biểu tin tưởng vút lên cao. Mọi nỗi kinh hoàng của những đêm vừa qua lúc này bỗng nhiên được giải toả. Chúng tôi dâng lời cảm tạ Thượng đế. Bà Schachter ở trong xó, tiều tụy, câm nín, tách biệt mình với nỗi tin tưởng chung. Đứa con trai nhỏ vỗ vỗ tay mẹ. Hoàng hôn xuống, bóng tối tụ vào toa tàu. Chúng tôi bắt đầu ăn phần lương thực chót của mình. Lúc mười giờ tối, mọi người tìm chỗ thuận tiện để ngủ một chút, và chẳng bao lâu trong khi hết thảy chúng tôi đang thiêm thiếp thì thình lình: “Lửa! Lò lửa! Nhìn kìa, lửa đó...” Giật mình thức giấc, chúng tôi lại nhào tới cửa sổ. Thêm lần nữa chúng tôi tin bà, dù chỉ chốc lát. Nhưng bên ngoài chẳng có gì ngoại trừ bóng đêm tối tăm. Lòng đầy hổ thẹn, chúng tôi về chỗ, day dứt vì sợ hãi, giận luôn cả mình. Khi bà tiếp tục la hét người ta lại bắt đầu đập bà, và thật hết sức khó khăn mới làm cho bà ngậm miệng. Người phụ trách toa tàu của chúng tôi gọi viên chức Đức đang đi đi lại lại trên sân ga, hỏi anh ta là có thể mang bà Schachter tới toa y tế không. “Nhẫn nại chút chứ,” tên Đức ấy trả lời. “Sẽ đưa bà ta đi ngay thôi.” Khoảng mười một giờ, tàu bắt đầu động đậy. Chúng tôi ép sát vào cửa sổ. Tàu di chuyển chầm chậm. Qua cửa sổ chúng tôi thấy có dây kẽm gai; chúng tôi nhận ra là một trại. Chúng tôi quên bẳng sự hiện hữu của bà Schachter. Đột nhiên, lại nghe tiếng thét kinh hoàng: “Người Do thái, nhìn kìa! Nhìn qua cửa sổ kìa! Lửa! Nhìn kìa!” Và khi tàu dừng, lần này chúng tôi thấy lửa tuôn từ một ống khói cao lên bầu trời xám xịt. Bà Schachter im bặt. Bà lại thành người câm nín, cách biệt, xa vắng và về lại góc của mình. Trong bóng đêm chúng tôi nhìn các ngọn lửa. Có mùi tởm lợm lơ lửng trong không khí. Thình lình, cửa mở. Vài người trông kỳ quặc, mặc áo sọc và quần đen nhảy lên toa. Họ cầm đèn pin và dùi cui, bắt đầu vung đập tứ tung, la lên: “Tất cả ra ngoài! Tất cả ra ngoài! Lẹ lên!” Chúng tôi nhảy xuống. Tôi đưa mắt nhìn vội về phía bà Schachter. Đứa con trai nhỏ đang nắm tay mẹ nó. Lửa trước mặt chúng tôi. Trong không khí ngửi ra mùi thịt cháy. Lúc đó chừng nửa đêm. Chúng tôi tới nơi rồi - trại Birkenau, trung tâm tiếp nhận của Auschwitz. 3. Lúc này, những vật dụng thiết thân mang theo mình bị bỏ lại trên tàu, và cùng với chúng, thứ sau cùng là những ảo giác của chúng tôi. Cách mỗi hai thước có một lính SS cầm súng tiểu liên chỉa thẳng vô chúng tôi. Tay trong tay, chúng tôi đi theo đám đông. Một viên hạ sĩ quan SS tay cầm dùi cui đến gặp người cầm đầu chúng tôi. Hắn ra lệnh: “Nam bên trái! Nữ bên phải!” Sáu tiếng ấy thốt ra bình thản, dửng dưng, không chút xúc cảm. Sáu tiếng đơn giản, cụt ngũn. Tuy vậy, đó là lúc tôi chia lìa mẹ mình. Tôi không có thời giờ suy nghĩ nhưng cảm thấy bàn tay cha tôi bóp tay tôi: chúng tôi cô độc. Trong một phần tích tắc, tôi thoáng thấy mẹ và em gái tôi đi sang phía bên phải. Tzipora nắm tay Mẹ. Tôi thấy cả hai biến mất chốn xa xa; mẹ tôi vỗ vỗ mái tóc đẹp của em tôi, chừng như để che chở nó. Và tôi biết rằng tại nơi đây, vào khoảnh khắc này, tôi vĩnh viễn chia tay mẹ tôi và Tzipora. Tôi tiếp tục bước. Cha tôi nắm tay tôi. Đằng sau tôi, một ông lão gục xuống đất. Bên ông có một tên tính SS đang cắm súng lục vô lại bao súng. Tay tôi níu cánh tay cha tôi. Ý nghĩ duy nhất của tôi - chớ để mất ông. Đừng để bị bỏ lại một mình. Các viên chức SS ra lệnh: “Xếp hàng năm!” Rối loạn. Bằng mọi giá cha con tôi phải ở bên nhau. “Này nhỏ, mày mấy tuổi?” Một trong các người tù hỏi tôi. Tôi không thấy mặt nhưng nghe giọng người ấy căng thẳng và mệt mỏi. “Cháu sắp mười lăm.” “Không. Mười tám.” “Không đúng,” tôi nói. “Mười lăm.” “Đồ điên. Nghe tao đi.” Rồi ông hỏi tuổi cha tôi, cha tôi nói: “Năm mươi.” Người ấy nổi khùng hơn trước nữa. “Không. Đừng năm mươi. Bốn mươi. Các người hiểu không? Mười tám và bốn mươi.” Ông ta biến mất trong bóng đêm. Người đàn ông thứ hai tới, làu bàu nguyền rủa chúng tôi. “Tụi bây tới đây làm gì, tụi bây đồ chó đẻ, tụi bây tới làm chi đây?” Có ai đó bạo gan trả lời hắn ta: “Mày nghĩ cái gì vậy? Mày tưởng tụi tao tới đây cho sướng cái thân à? Mày cho là tụi tao xin xỏ để tới đây hả?” Thiếu chút nữa là tên ấy giết kẻ vừa nói. “Đóng cha cái mõm mày lại, đồ con lợn bẩn thỉu, bằng không tao bóp mày chết tươi tại chỗ! Thà chúng mày tự treo cổ ở nhà còn hơn tới chỗ này. Mày biết cái gì chờ mày ở Auschwitz không? Mày có từng nghe nói tới nó chưa? Trong năm 1944 đó?” Không, chúng tôi chưa từng nghe. Chưa ai nói cho chúng tôi nghe. Giọng hắn càng lúc càng tàn bạo: “Tụi bây có thấy ống khói đằng kia không? Tụi bây có thấy mấy ngọn lửa đằng kia không? (Vâng, chúng tôi có thấy các ngọn lửa.) Đằng kia kìa - tụi bây sắp bị đem vô chỗ đó. Mồ mã tụi bây đó, đằng kia kìa. Tụi bây chưa nhận ra à? Tụi bây sắp bị thiêu. Rán xèo xèo. Ra tro hết.” Hắn càng nói càng điên tiết loạn cuồng. Chúng tôi đứng không cục cựa, chết điếng. Chắc chắn đó chỉ là ác mộng thôi! Một ác mộng ngoài sức tưởng tượng? Tôi nghe có lời thì thầm quanh mình. “Chúng ta phải làm một cái gì chớ. Không thể để mình bị giết. Không thể để giống con vật cho tên đồ tể. Chúng ta phải nổi loạn đi chớ.” Trong chúng tôi có một số thanh niên khoẻ mạnh, mang theo dao. Người ta đang ra sức xúi giục người khác nhào vô phía lính gác có vũ trang. Một thanh niên la lên: “Hãy để thế giới biết sự hiện hữu của Auschwitz. Hãy để mọi người nghe tới nó một khi chúng ta có thể trốn thoát...” Những người lớn tuổi hơn năn nỉ con cái mình chớ làm điều gì rồ dại. “Các con đừng bao giờ mất đức tin cho dù gươm kề cổ. Đó là lời các đấng khôn ngoan đã dạy chúng ta...” Cơn gió nổi loạn tàn. Chúng tôi tiếp tục cuộc diễu hành của mình tới quảng trường. Đứng giữa quảng trường là Tiến sĩ Mengele quí tộc lừng danh thiên hạ (một quan chức SS điển hình: nét mặt tàn nhẫn nhưng không phải là không trí tuệ, đeo kính một mắt); gậy chỉ huy trong tay, hắn đứng giữa các viên chức khác. Cây gậy của hắn liên tục chuyển động, khi qua phải, khi về trái. Tôi ở trước mặt hắn: “Con bao nhiêu tuổi?” hắn hỏi, cố làm ra vẻ giọng một người cha. “Mười tám.” Tiếng tôi run run. “Sức khoẻ con tốt không?” “Tốt.” “Con làm nghề gì?” Tôi có nên nói mình là học sinh không? “Làm nông,” tôi nghe giọng mình nói. Cuộc trò chuyện không dài hơn vài giây nhưng đối với tôi dường như vô tận. Gậy đưa về bên trái. Tôi rướn người lên nửa bước. Tôi muốn trước hết thấy họ đưa cha tôi về bên nào. Nếu ông qua phía bên phải, tôi sẽ đi theo ông. Gậy lại cũng chỉ ông về bên trái. Tim tôi thấy nhẹ nhỏm. Chúng tôi chưa biết phải trái bên nào tốt hơn; bên nào dẫn tới nhà tù và bên nào đưa vô lò thiêu. Nhưng tạm thời tôi sung sướng; được ở gần cha. Đám diễu hành của chúng tôi chầm chậm tiến về đằng trước. Một tù nhân tới với chúng tôi: “Vừa bụng chớ?” “Vâng,” ai đó trả lời. “Ôi những tên khốn khổ, các ngươi sắp vô lò thiêu.” Người ấy có vẻ đang nói thật. Cách chúng tôi không xa, từ đường mương đang bốc lên lửa ngọn, các ngọn lửa to tướng. Người ta đang thiêu cái gì đó. Có chiếc xe tải đổ lại nhà trạm và nhả xuống cái nó chở: trẻ con. Trẻ con! Vâng, tôi thấy, tận mắt mình thấy... những đứa trẻ ấy trong lửa. (Thật ngạc nhiên là sau đó tôi lại có thể ngủ được? Giấc ngủ đã không bỏ con mắt mình mà đi). Như thế, đó là nơi chúng tôi đang đi tới. Xa hơn chút có một đường mương khác và rộng hơn dành cho người lớn. Tôi véo mặt mình. Tôi còn sống không? Tôi có tỉnh ngủ không? Chẳng thể nào tin nổi. Làm sao họ có thể thiêu người ta, thiêu trẻ con, mà thế giới lại có thể chẳng lên tiếng gì cả? Không, việc này không có chút nào thật cả. Chỉ là ác mộng... Chẳng bao lâu tôi giật mình tỉnh lại, tim đập mạnh, thấy mình ở trong phòng ngủ thời thơ ấu, giữa các cuốn sách của mình. Tiếng cha tôi lôi tôi ra khỏi ý nghĩ: “Thiệt là tủi... tủi là con đã không thể đi với mẹ con... Cha thấy nhiều cậu bé cùng tuổi con đi với mẹ chúng...” Giọng ông buồn kinh khủng. Tôi nhận ra là ông không muốn thấy điều người ta sắp đối xử với tôi. Ông không muốn thấy đứa con trai độc nhất của mình bị thiêu chết. Trán tôi đẫm mồ hôi lạnh. Nhưng tôi nói với ông là tôi không tin rằng người ta có thể thiêu những đứa trẻ lứa tuổi tôi, rằng loài người sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho việc đó... “Loài người? Loài người chẳng quan tâm tới chúng ta đâu. Ngày nay, người ta để cho xảy ra mọi sự. Bất cứ cái gì cũng đều có thể, kể cả các lò thiêu này...” Tiếng ông nghẹn lại. “Cha ơi,” tôi nói, “nếu thế thì con chẳng muốn ở đây chờ. Con sẽ chạy tới hàng rào kẽm gai có gài điện kia. Thà làm vậy còn tốt hơn đau đớn chầm chậm trong lò thiêu.” Ông không trả lời. Ông đang ứa nước mắt. Người ông run rẩy co giật. Có ai đó bắt đầu đọc kinh Kaddish, lời cầu hồn cho kẻ chết. Tôi không biết trước đây trong lịch sử lâu dài của người Do thái có bao giờ xảy ra việc người ta tự mình đọc lời kinh cầu hồn kẻ chết cho chính mình chưa. “Yityadal veyikadach shmé raba... Nguyện Danh Ngài đầy ơn phước và đáng tán tụng...” cha tôi thì thầm. Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy lòng mình bùng lên nổi loạn. Tại sao tôi phải cầu khẩn danh Ngài? Đấng Hằng cửu, Chúa tể Càn khôn, Đấng Toàn năng và Đáng Kinh sợ đang im lặng. Tôi cảm tạ Ngài vì cái gì đây? Chúng tôi tiếp tục đám rước của chính mình. Từ từ chúng tôi tới gần đường mương hơn, từ nơi đó bốc lên hơi nóng thiêu đốt. Vẫn phải đi thêm hai mươi bước nữa. Nếu tôi muốn cái chết xảy tới cho bản thân thì đúng là lúc này đây. Lúc này, hàng người chúng tôi chỉ còn cách đường mương mười lăm bước. Tôi cắn môi để cha tôi không nghe tiếng răng tôi đánh lập cập vào nhau. Còn mười bước. Tám. Bảy. Chúng tôi chầm chậm bước tiếp, như thể đang bước theo chiếc xe tang ma của chính mình. Bốn bước nữa. Ba bước. Lúc này nó đó, ngay trước mặt chúng tôi, nhà trạm và các ngọn lửa của nó. Tôi tập trung hết sức hơi còn lại của mình để có thể tách mình ra khỏi hàng, gieo mình vào hàng rào kẽm gai. Trong tận cùng con tim, tôi chào vĩnh biệt cha tôi; và cả chính tôi, những lời tự chúng hình thành và thoát ra thành tiếng thì thầm trên môi tôi: Yityadal veyikadach shmé raba... Nguyện Danh Ngài đầy ơn phước và đáng tán tụng... Tim tôi vỡ tung. Phút giây đã tới. Tôi sắp mặt đối mặt với Thần chết. Không. Cách nhà trạm hai bước, chúng tôi được lệnh quay sang phải, đi tới một ba-rắc. Tôi bóp tay cha tôi. Ông nói: “Con có nhớ bà Schachter, trên chuyến tàu?” Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm đó, đêm đầu tiên ở trại, đêm xoay chuyển đời tôi thành một đêm trường, bảy lần bị nguyền rủa và bảy lần bị đóng dấu. Sẽ không bao giờ tôi quên được làn khói đó. Sẽ không bao giờ tôi quên được khuôn mặt nhỏ nhắn của những đứa trẻ, mà da thịt chúng biến thành các luồng khói cuồn cuộn dưới bầu trời xanh thẳm lặng câm. Sẽ không bao giờ tôi quên được những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi Đức tin của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được sự yên lặng hoài cảm đó đã tước đoạt đến tận cùng thiên thu nỗi khát khao được sống của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên được những khoảnh khắc lúc đó Thượng đế của tôi, linh hồn của tôi bị giết chết và biến những giấc mơ của tôi thành tro than. Sẽ không bao giờ tôi quên được những điều đó cho dù tôi có bị kết án sống lâu như chính Bản thân Thượng đế. Không bao giờ. Ba-rắc chúng tôi được lệnh đi vào có chiều dọc rất dài. Trên mái có các cửa sổ màu xanh nhạt. Phòng chờ của Hoả ngục chắc giống thế này. Để quá nhiều người lên cơn điên, quá nhiều người than khóc, quá nhiều tàn bạo đầy thú tính. Hàng chục tù nhân tiếp đón chúng tôi, tay cầm dùi cui, vung lên đập túi bụi vào bất cứ chỗ nào, bất cứ người nào, bất cứ lý do gì. Lệnh: “Cởi áo quần! Lẹ lên! Chỉ được cầm dây nịt và giày trên tay...” Chúng tôi phải liệng quần áo mình vào một đầu ba-rắc. Ở đó đã sẵn một đống. Áo vét mới lẫn cũ, áo khoác rách, giẻ. Đối với chúng tôi, việc thật sự bình đẳng là: trần truồng. Run lẩy bẩy trong gió buốt giá. Vài viên chức SS đi quanh ba-rắc, tìm coi ai khoẻ mạnh. Nếu chúng ưa sức vóc thì có lẽ mình cứ thử tự nhận là người khoẻ mạnh xem sao. Cha tôi nghĩ ngược lại. Tốt nhất là đừng để mình bị chú ý. Lúc đó số phận của mình sẽ giống như số phận của những người khác. (Về sau, chúng tôi thấy là ông có lý. Những người được chọn ra hôm đó bị đưa vào danh sách Sonder-Kommando, toán lao động ở lò thiêu. Bela Katz - con của một thương gia lớn chung thành phố với chúng tôi - tới Birkenau trong chuyến chuyên chở đầu, trước chúng tôi một tuần. Nghe chúng tôi tới, anh cố chuyển lời nhắn chúng tôi rằng, vì được chọn theo sức vóc của mình, anh đã chính tay mình đưa thân xác cha mình vô lò thiêu.) Các cú dùi cui tiếp tục giộng tới tấp như mưa. “Đi hớt tóc.” Tay cầm dây nịt và giày, tôi lê mình tới thợ hớt tóc. Họ hớt trọc đầu tôi bằng tông-đơ và cạo sạch sành sanh lông tóc toàn thân chúng tôi. Lúc nào trong óc tôi cũng chỉ lùng bùng một ý nghĩ - đừng để bị tách ra khỏi cha mình. Thoát bàn tay thợ hớt tóc, chúng tôi bắt đầu lang thang vào đám đông, gặp bạn bè và làm quen nhau. Những cuộc gặp gỡ này làm chúng tôi hoan hỉ tràn trề - vâng, hoan hỉ - “Tạ ơn Thượng đế! Ngài vẫn sống!” Nhưng những người khác đang khóc lóc. Họ dùng hết hơi sức còn lại mà than khóc. Tại sao lại để cho mình bị mang tới đây? Tại sao không thể chết trên giường của mình? Tiếng nức nở làm uất nghẹn giọng nói của họ. Đột nhiên có người vòng tay ôm cổ tôi: Yechiel, em trai của thầy cả ở Sighet. Anh khóc tấm tức. Tôi nghĩ là anh thổn thức với niềm vui còn được sống. “Yechiel, đừng khóc,” tôi nói. “Đừng phí nước mắt...” “Không khóc ư? Chúng ta đang trên ngưỡng cửa sự chết. Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ bước qua... Cậu không hiểu à? Làm sao mà tôi không khóc được?” Qua các cửa sổ màu xanh nhạt, tôi có thể thấy bóng đêm dần dần nhạt nhòa. Tôi không còn cảm thấy sợ. Và rồi tôi mất tự chủ vì sự yếu đuối hoang sơ của mình. Những người vắng mặt chẳng còn chạm tới tôi dù chỉ ở bề mặt của ký ức. Chúng tôi vẫn nói tới họ - “Ai biết được nay họ ra thế nào?” Có điều chúng tôi ít quan tâm tới số phận của họ. Chúng tôi chẳng còn suy nghĩ được chút nào về bất cứ điều gì. Giác quan của chúng tôi cùn lụt; mọi sự mờ mịt như trong sương mù. Không còn nắm bắt được điều gì cả. Những bản năng như tự bảo toàn, tự vệ, kiêu hãnh, tất cả đều đã bỏ chúng tôi mà đi. Trong phút giây sáng suốt sau cùng này, đối với tôi dường như chúng tôi là những linh hồn bị nguyền rủa, đang lang thang nơi lưng chừng dương thế, những linh hồn bị kết án phiêu linh qua không gian cho tới lúc tận cùng của mọi thời đại, những linh hồn tìm kiếm sự cứu vớt của chính mình, tìm kiếm sự lãng quên - nhưng chẳng chút mảy may hy vọng nào tìm thấy được. Khoảng năm giờ sáng, chúng tôi bị xua ra ngoài ba-rắc. Các Kapo lại đập chúng tôi nhưng tôi không còn cảm thấy đau với các cú đánh của họ. Gió buốt lạnh vây bọc chúng tôi. Chúng tôi trần truồng, dây nịt và giày trong tay. Lệnh truyền “Chạy!” Và chúng tôi chạy. Sau vài phút chạy, tới một ba-rắc mới. Ở lối vào có một bể xăng. Tẩy uế. Mọi người nhúng mình vô đó. Rồi tắm nước nóng. Tắm cho lẹ. Khi ra khỏi nước, chúng tôi bị xua ra ngoài. Lại chạy. Một ba-rắc khác, nhà kho. Những chiếc bàn rất dài. Hàng núi quần áo tù. Tiếp tục chạy, khi chạy ngang mỗi bàn, chúng tôi được liệng cho quần, áo khoác, sơ mi và vớ. Trong khoảnh khắc, chúng tôi chẳng giống con giáp nào. Nếu hoàn cảnh không thê thảm có lẽ chúng tôi đã rống lên cười. Không vừa vặn chút nào! Meir Katz, một người to con, có chiếc quần con nít; và Stern, nhỏ thó gầy ốm, lại có chiếc áo khoác trùm được cả người. Chúng tôi lập tức bắt đầu đổi quần áo cho nhau. Tôi liếc mắt nhìn cha mình. Ông thay đổi biết bao! Mắt ông mờ dần. Tôi muốn nói với ông mà chẳng biết nói gì. Đêm tàn. Sao mai đang lung linh trên bầu trời. Tôi cũng đã thành một người hoàn toàn khác. Cậu bé học sách Talmud, đứa trẻ tôi ngày trước đã bị đốt cháy trong lửa. Cái còn lại là một hình dáng giống tôi. Một ngọn lửa tối tăm đã nhập vào linh hồn tôi và thiêu rụi linh hồn tôi. Chỉ trong vài giờ đã xảy ra quá nhiều chuyện khiến tôi hoàn toàn mất cảm giác thời gian. Lúc nào chúng tôi rời nhà mình? Vào biệt khu? Và chuyến tàu? Có phải chỉ mới một tuần? Một đêm- chỉ vỏn vẹn một đêm thôi ? Chúng tôi đã đứng như thế bao lâu trong gió buốt giá? Hay một giờ? Chỉ một giờ thôi? Sáu mươi phút? Chắc chắn đây chỉ là một giấc mơ. Cách chúng tôi không xa có một số tù nhân đang làm việc. Vài người đào hố, vài người khác chở cát. Không ai trong họ để mắt tới chúng tôi. Chúng tôi là cây héo khô trong tâm điểm của sa mạc. Đằng sau tôi, có ai đó đang chuyện trò. Tôi không chút nào thèm muốn nghe họ đang nói gì, thèm biết ai đang trò chuyện hoặc đang bàn tán gì. Không ai dám lớn tiếng dù gần chúng tôi chẳng có lính canh nào. Người ta thì thầm. Có lẽ vì làn khói dày dặc kia đang làm ô nhiễm không khí và túm lấy cuống họng người ta... Chúng tôi được lệnh tới một ba-rắc mới, trong “trại người gyp sy”. Dãy số năm. “Và bây giờ, tụi bây ở lại đó!” Nhà không nền. Chỉ có mái và bốn bức vách. Chân chúng tôi ngập trong bùn. Chờ bắt đầu một giai đoạn khác. Tôi lịm thiếp, ngủ đứng. Tôi mơ thấy chiếc giường, thấy được mẹ tôi vuốt ve. Và tôi tỉnh giấc: tôi đang đứng, chân lún trong bùn. Một số người gục xuống, nằm tại chỗ. Vài người khác la lên: “Các ngươi có khùng không? Người ta đã bảo phải đứng mà. Bộ muốn đem rắc rối tới cho hết thảy chúng ta à?” Như thể mọi rắc rối trên thế gian chưa tuôn xuống đầu chúng tôi! Dần dà, hết thảy chúng tôi cùng ngồi bệt xuống trong bùn. Nhưng hễ mỗi lần có tên Kapo nào vào tìm xem có ai mang giày mới không là chúng tôi phải liên tiếp nhau nhảy đựng lên. Nếu ai có, phải cho hắn. Kháng cự vô ích: những cú đánh sẽ tuôn xuống như mưa, và kết cục sau cùng là thế nào cũng mất đôi giày của mình. Chính tôi cũng đang mang đôi giày mới. Nó bị phủ một lớp bùn dày nên không ai để ý. Bằng lời cầu nguyện ứng khẩu, tôi cảm tạ Thượng đế đã tạo ra bùn trong vũ trụ bao la và kỳ diệu của Ngài. Thình lình, thinh lặng trở thành ngột ngạt. Một viên chức SS đi vào, cùng với hắn là mùi của Thần chết. Mắt chúng tôi dán chặt vào môi mép trần tục của hắn. Đứng giữa ba-rắc hắn lên giọng dạy dỗ chúng tôi: “Tụi bây đang ở trong trại tập trung, tại Auschwitz...” Ngừng một chút. Hắn quan sát tác động câu nói hắn vừa phun ra. Bộ mặt hắn ở mãi trong trí nhớ tôi cho tới hôm nay. Một con người cao, chừng ba mươi tuổi, với sự độc dữ ghi hằn trên lông mày và trong tròng mắt hắn. Hắn nhìn bao quát chúng tôi như thể ngó lũ chó ghẽ đang cố níu lấy sự sống của mình. “Nhớ như thế,” hắn tiếp tục. “Vĩnh viễn nhớ như thế. Khắc vô tâm trí tụi bây như thế. Tụi bây đang ở Auschwitz. Và Auschwitz không phải là viện điều dưỡng. Đây là trại tập trung. Tại đây, tụi bây phải lao động. Nếu không, tụi bây phải đi thẳng vô lò lửa. Tới lò thiêu. Lao động hoặc lò thiêu - do tay tụi bây chọn lấy.” Trong đêm đó, chúng tôi đã sống qua quá nhiều, chúng tôi tưởng không gì còn có thể làm mình sợ nữa. Nhưng những lời bặm trợn đó làm chúng tôi run lẩy bẩy. Tiếng “lò lửa” ở đây không là một tiếng mang ý nghĩa trống rỗng: nó bồng bềnh trong không khí, trộn lẫn với khói. Tại đây, có lẽ nó là tiếng độc nhất mang bất cứ ý nghĩa nào. Hắn rời ba-rắc. Những tên Kapo xuất hiện, gào lên: “Tất cả thợ lành nghề - thợ ổ khoá, thợ điện, thợ đồng hồ - bước tới một bước!” Những người còn lại trong chúng tôi được lệnh tới một ba-rắc khác, lần này là một nhà nền đá. Chúng tôi được phép ngồi. Phụ trách chúng tôi là một người gyp-sy bị trục xuất. Thình lình cha tôi thấy đau bụng. Ông đứng lên, đi tới người gyp-sy, lễ phép hỏi bằng tiếng Đức: “Xin lỗi, xin ông vui lòng chỉ cho nhà cầu ở đâu?” Người gyp-sy chầm chậm nhìn ông, từ trên xuống dưới, từ đầu tới chân. Tựa như anh ta muốn tự thuyết phục mình rằng người đàn ông này thiệt sự là một tạo vật bằng xương bằng thịt, một con người đang sống với một thân thể và một cái bụng. Rồi, như thể thình lình bị đánh thức khỏi giấc ngủ nặng nề, hắn giáng cho cha tôi một bạt tai mạnh tới độ ông ngã lăn ra đất, bò hai chân hai tay về lại chỗ của mình. Tôi không nhúc nhích. Chuyện gì xảy tới cho tôi vậy? Cha tôi vừa bị đập, ngay trước mắt tôi, và tôi không động đậy mi mắt. Tôi ngồi yên nhìn và không nói tiếng nào. Nếu là hôm qua, chắc tôi đã cào nát da thịt tên hung đồ ấy. Thế có phải tôi đã đổi thay quá nhiều? Quá nhanh? Lúc này, hối hận bắt đầu gặm nhấm tôi. Tôi chỉ nghĩ tới một điều: Mình sẽ không bao giờ tha thứ cho mình chuyện đó. Cha tôi hẳn đoán ra cảm giác của tôi. Ông thì thầm vào tai tôi, “Cha không sao cả.” Má ông còn hằn đỏ dấu bàn tay của gã ấy. “Tất cả ra ngoài.” Mười người gyp-sy đến nhập đoàn giám thị chúng tôi. Roi da và dùi cui quật túi bụi chung quanh tôi. Người tôi không biết là chân mình đang chạy. Tôi cố núp sau những người khác, tránh các cú đập. Trời nắng mùa xuân. “Xếp hàng năm .” Các tù nhân tôi để ý hồi sáng, đang làm việc ở bên cạnh. Gần họ không có lính gác, chỉ có bóng của ống khói... Sửng sờ vì nắng chói chang và đang mơ màng, tôi cảm thấy có người giật tay áo mình. Cha tôi. “Lẹ lên, con.” Chúng tôi tiếp tục bước. Các cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Chúng tôi đi giữa các hàng rào kẽm gai có điện. Cách mỗi bước có một tấm bảng vẽ hình đầu lâu nhìn thẳng mặt chúng tôi. Lời ghi: “Coi chừng. Nguy hiểm tính mạng.” Khôi hài: có phải đây là nơi duy nhất chúng tôi không ở trong hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng? Các gyp-sy dừng lại gần một ba-rắc khác. SS thay thế họ, bọc quanh chúng tôi. Súng lục, súng liên thanh, quân khuyển. Cuộc diễu hành kéo dài nửa giờ. Nhìn quanh, tôi để ý thấy dây kẽm gai ở đằng sau mình. Chúng tôi đã rời trại. Đó là một ngày tháng Tư đẹp trời. Trong không khí có hương mùa xuân. Mặt trời đang ở hướng tây. Chúng tôi chỉ đi được ít lâu thì thấy hàng rào kẽm gai của một trại khác. Trên cửa sắt của trại ấy khắc hàng chữ: “Lao Động Là Tự Do” Auschwitz. Ấn tượng đầu tiên: nơi này khá hơn Birkenau. Thay vì ba-rắc gỗ thì có các dãy nhà hai tầng kiên cố. Có các vườn nhỏ. Chúng tôi được dẫn tới một dãy trong khu tù nhân. Ngồi trệt ở lối vào, chúng tôi bắt đầu buổi chờ đợi khác. Thỉnh thoảng từng lượt người được lệnh đi vào. Vào phòng tắm, một hình thức bắt buộc ở lối vào tất cả các trại. Dù chỉ chuyển từ trại này qua trại khác nhiều lần trong một ngày, hễ cứ mỗi lần chuyển trại là một lần tắm. Sau khi ra khỏi nước nóng, chúng tôi lại run lẩy bẩy trong trời đêm lạnh buốt. Quần áo bị bỏ lại trong một dãy khác và chúng tôi được hứa cho quần áo khác. Tới nửa đêm, chúng tôi được lệnh chạy. “Chạy lẹ nữa lên,” lính gác gào lớn. “Tụi bây chạy càng nhanh càng được vô giường sớm.” Sau vài phút cùng nhau chạy như điên, chúng tôi tới trước một dãy khác. Người tù phụ trách đang chờ. Anh ta là một thanh niên Ba lan, cười chào chúng tôi. Anh bắt đầu nói với chúng tôi, dù mệt lã người chúng tôi vẫn nhẫn nại lắng nghe: “Các bạn cùng tâm chí, các bạn đang ở trại tập trung Auschwitz. Trước mặt là một con đường dài đau khổ. Nhưng đừng mất can đảm. Các bạn đã thoát được sự nguy hiểm trầm trọng nhất: là tuyển lựa. Vậy lúc này hãy tập trung sức mạnh và chớ đánh mất nhiệt tâm của mình. Hết thảy chúng ta sẽ thấy ngày giải phóng. Hãy có niềm tin vào cuộc sống. Trên tất cả những thứ khác, hãy có niềm tin. Hãy quét sạch tuyệt vọng, hãy xua đuổi tử thần ra khỏi bản thân mình. Không phải mãi mãi là địa ngục đâu. Và lúc này, tôi có lời năn nỉ các bạn - hoặc đúng hơn, một chút lời khuyên: hãy sống đồng lòng với nhau. Chúng ta hết thảy đều là anh em, và chúng ta đều chịu chung số phận. Chung một luồng khói đang lềnh bềnh trên đầu tất cả chúng ta kia. Hãy giúp đỡ nhau. Đó là cách duy nhất để sống sót. Tôi đã nói đủ. Các bạn mệt rồi. Nghe đây. Các bạn ở trong Dãy 17. Tôi chịu trách nhiệm giữ trật tự ở đây. Ai có điều gì khiếu nại về người khác thì có thể tới gặp tôi. Thế thôi. Các bạn có thể đi ngủ. Hai người một sạp giường tầng. Chúc các bạn ngủ ngon.” Những lời nói đầu tiên mang tính người. Vừa mới leo lên sạp là chúng tôi ngủ như chết. Sáng hôm sau, những tù nhân “lão làng” đối xử với chúng tôi không chút gì tàn bạo. Chúng tôi được tới chỗ rửa người. Chúng tôi được cho quần áo mới. Chúng tôi được có cà phê đen. Chừng mười giờ, chúng tôi ra khỏi dãy để người ta vào làm vệ sinh. Tinh thần rất phấn chấn, chúng tôi cảm thấy cái lợi lộc của giấc ngủ đêm qua. Bạn bè gặp nhau, chuyện trò đôi câu. Chúng tôi nói tới mọi việc trừ việc nhắc tới những người đã biến mất. Ý kiến chung là chiến tranh sắp chấm dứt. Khoảng trưa người ta mang tới cho chúng tôi xúp: mỗi người một dĩa xúp khá đầy. Tôi không chịu chạm vào nó dù đang bị cơn đói hành hạ. Tôi vẫn là chú bé ưa làm nũng như trước đây. Cha tôi ăn suất xúp của tôi. Chúng tôi ngủ trưa dưới bóng mát của các dãy nhà. Tên viên chức SS trong ba-rắc bùn đêm trước chắc là nói dối. Auschwitz thực tế là một nhà nghỉ ngơi... Buổi chiều chúng tôi được lệnh xếp hàng. Ba tù nhân mang tới một cái bàn và vài dụng cụ y khoa. Từng người một, chúng tôi xăn tay áo trái, đi ngang chiếc bàn ấy. Ba tù nhân “lão làng” tay cầm kim, xâm số lên cánh tay trái chúng tôi. Tôi thành A-7713. Từ lúc đó, tôi không có tên gọi nào khác nữa. Xế chiều, điểm diện. Các toán lao động trở về. Gần cửa, ban nhạc chơi các bản quân hành. Mười ngàn tù nhân đứng thành hàng trong khi các viên chức SS kiểm tra số tù. Sau điểm diện, tù nhân tản ra mọi dãy nhà tìm bạn bè, thân nhân và láng giềng đã tới đây trong những chuyến chuyên chở trước. Ngày qua ngày. Sáng, cà phê đen. Trưa, xúp. (Tới ngày thứ ba, tôi nuốt ngấu nghiến bất cứ thứ xúp nào.) Sáu giờ chiều, điểm diện. Rồi bánh mì và thứ gì đó. Chín giờ, đi ngủ. Chúng tôi đã ở tám ngày tại Auschwitz. Trong một lần điểm diện chúng tôi đang không trông mong gì hơn ngoài tiếng chuông báo xong điểm diện. Bỗng nhiên tôi nghe ai đó đang đi qua các hàng, hỏi: “Ai là Wiesel ở Sighet?” Kẻ đang tìm chúng tôi là một người nhỏ thó đeo kính, bộ mặt nhăn nheo khô choắt. Cha tôi trả lời người ấy: “Tôi Wiesel ở Sighet đây.” Người nhỏ thó ấy nhìn ông một lúc lâu, mắt nheo lại. “Chú không nhận ra cháu - chú không nhận ra cháu. Cháu bà con với chú. Chú quên cháu rồi à? Stein đây! Stein ở Antwerp. Chồng của Reizel. Vợ của chú là cô của Riezel. Cô ấy thường viết thư cho chúng cháu... viết nhiều thư lắm!” Cha tôi không nhận ra người ấy. Chắc là không biết được người ấy vì cha tôi lúc nào cũng bù đầu với công chuyện của cộng đồng Do thái và không nắm rõ lắm chuyện gia đình. Trí óc ông không ở chỗ này thì cũng ở chỗ nọ, chìm lỉm trong các ý nghĩ. (Có lần, một người chị họ đến thăm chúng tôi tại Sighet. Chị ở với chúng tôi và ăn chung suốt hai tuần, sau đó cha tôi mới bắt đầu để ý tới sự có mặt của chị.) Không, ông không thể nào nhớ ra Stein. Về phần tôi, tôi nhận ra anh ấy ngay. Tôi khá thân với Reizel vợ anh ấy trước khi chị dọn đi Belgium. Anh ấy nói, “Cháu bị trục xuất năm 1942. Cháu nghe có chuyến chở người từ xứ chú đến nên tới tìm chú. Cháu nghĩ có lẽ chú có tin tức Reizel và lũ con trai nhỏ của cháu. Mẹ con chúng bị rớt lại đằng sau ở Antwerp...” Tôi không biết chút gì về họ. Từ năm 1940, mẹ tôi không còn nhận được lá thư nào của họ. Nhưng tôi nói dối: “Vâng, mẹ em có nhận được tin của gia đình anh. Riezel mạnh khoẻ lắm. Các cháu cũng mạnh...” Anh khóc vui mừng. Anh muốn ở lại lâu hơn, nghe thêm chi tiết, hớp say sưa tin vui ấy, nhưng một tên SS đã tới, anh phải đi, và nói lớn với chúng tôi là mai anh trở lại. Tiếng chuông báo hiệu giải tán. Chúng tôi đi nhận bữa ăn chiều gồm bánh mì và bơ loảng. Tôi đói kinh khủng, nuốt hết tại chỗ suất ăn của mình. Cha tôi nói, “Con đừng ăn hết cả suất một lần. Biết đâu chừng ngày mai đổi khác...” Thấy lời khuyên mình nói ra đã quá trễ và suất ăn của tôi chẳng còn lại gì, ông không chịu bắt đầu suất ăn của ông. “Phần cha, cha không thấy đói,” ông nói. Chúng tôi ở Auschwitz đã ba tuần. Không có việc gì làm. Buổi chiều và buổi tối chúng tôi tha hồ ngủ. Chỉ có mỗi một điều lo lắng là tránh đừng để mình bị đưa đi nơi khác, ở lại đây càng lâu càng tốt. Điều ấy không khó; chỉ có việc đơn giản là đừng bao giờ để bị gán cho là thợ lành nghề. Người lao động không tay nghề được giữ lại tới cùng. Vào lúc bắt đầu tuần thứ ba thì tù nhân phụ trách dãy của chúng tôi bị cách chức, bị coi là quá nhân đạo. Trưởng dãy mới của chúng tôi là một tên man rợ và những người phụ tá của hắn là những quái vật thật sự. Qua rồi những ngày tốt lành. Chúng tôi tự hỏi biết đâu tốt hơn là để cho mình được chọn lựa trong chuyến chuyên chở sắp tới. Stein, người bà con chúng tôi ở Antwerp, tiếp tục tới thăm chúng tôi, thỉnh thoảng anh mang tới nửa suất bánh mì. “Đây, cái này cho em, Eliezer.” Hễ anh đến là nước mắt anh chảy ràn rụa đầy má, đông lại và đóng băng trên mặt. Anh thường nói với cha tôi: “Xin chú hãy chăm sóc con trai của chú. Em nó quá yếu, khô người. Chú hãy chăm sóc nó kỹ lưỡng, đừng để nó bị tuyển lựa. Hãy ăn! Ăn gì và ăn lúc nào không thành vấn đề. Ăn bất cứ thứ gì ăn được. Người yếu không thể quanh quẩn ở đây lâu...” Chính người anh cũng quá gầy, quá khô cằn, quá yếu... “Điều duy nhất giữ cho cháu còn sống,” anh thường nói, “là Riezel và các con của cháu vẫn còn sống. Nếu không vì mẹ con chúng, cháu không thể kéo dài được...” Một tối, anh tới phía chúng tôi, mặt rạng rỡ: “Có chuyến vận chuyển mới tới từ Antwerp. Cháu sắp gặp họ ngày mai! Chắc chắn người ta có tin tức.” Anh đi ra. Chúng tôi không gặp lại anh nữa. Anh đã có tin tức. Tin tức thật. Buổi tối, nằm trên giường, chúng tôi rán hát vài bài ca Do thái giáo; và Akiba Drumer làm tan nát tâm hồn chúng tôi bằng giọng ca sâu lắng và trang trọng của anh. Vài người nói tới Thượng đế, tới những cách thế bí nhiệm của Ngài, về tội lỗi của dân tộc Do thái và về cuộc giải thoát của họ trong tương lai. Nhưng tôi đã thôi cầu nguyện. Làm sao tôi thiện cảm được với Gióp! Tôi không phủ nhận sự hiện hữu của Thượng đế nhưng tôi nghi ngờ công lý tuyệt đối của Ngài. Akiba Drumer nói: “Thượng đế thử thách chúng ta. Ngài muốn xem liệu chúng ta có chế ngự được các bản năng căn bản và giết được quỉ Satan ở bên trong con người chúng ta không. Chúng ta không được quyền thất vọng. Và nếu Ngài trừng phạt chúng ta không chút xót thương thì đó cũng là dấu chỉ rằng Ngài rất yêu thương hết thảy chúng ta.” Hersch Genud, thông thạo về huyền nghĩa, nói tới tận thế và sự giáng lâm của Đấng Cứu thế. Chỉ một lần tình cờ trong các cuộc trò chuyện đó, trong tôi bất chợt xuất hiện ý nghĩ: “Lúc này mẹ mình ở đâu? Và Tzipora...” “Mẹ con là một phụ nữ còn trẻ,” cha tôi nói vào dịp đó. “Chắc chắn bà ấy đang ở một trại lao động nào đó. Và lúc này Tzipora là thiếu nữ đã lớn bộn, phải không? Chắc chắn nó cũng đang ở một trại lao động nào đó.” Chúng tôi muốn tin như thế biết chừng nào. Chúng tôi giả bộ, vì nếu tin vào cái khác thì để làm gì chớ? Tất cả các thợ lành nghề đều đã bị đưa tới các trại khác. Chỉ còn lại khoảng một trăm chúng tôi, những người lao động không tay nghề. “Hôm nay tới lượt các ngươi,” người thư ký dãy nói. “Các ngươi sẽ đi trong chuyến vận chuyển sắp tới.” Lúc mười giờ, chúng tôi được phát suất bánh mì hằng ngày. Chừng mười tên SS vây quanh chúng tôi. Tấm biển trên cửa: “Lao Động Là Tự Do“. Đếm người. Và rồi, chúng tôi bị xua ra ngoài. Ở đồng quê giữa con đường chan hòa nắng. Trên bầu trời có vài đám mây bạc nhỏ. Chúng tôi đi chầm chậm. Lính gác không vội vàng. Chúng tôi vui vì việc đó. Khi chúng tôi đi ngang các làng mạc, người Đức nhìn chúng tôi không chút ngạc nhiên. Có lẽ họ đã quá quen những cuộc diễu hành như thế này. Trên đường, chúng tôi gặp vài thiếu nữ Đức. Lính gác trêu ghẹo các cô. Các cô thích thú, cười khúc khích. Để cho lính hôn hít, sờ soạng và phá lên cười. Đôi bên đều cười, đùa giỡn, lớn tiếng tán tỉnh nhau suốt con đường dài. Trong thời gian này, ít ra là chúng tôi không phải chịu tiếng chưởi rủa và những cú nện bằng báng súng tiểu liên. Sau bốn giờ đi, chúng tôi tới một trại mới: Buna. Cổng sắt đóng lại đằng sau chúng tôi. 4. Trại như thể vừa trải qua một nạn dịch: vắng tênh và chết chóc. Chỉ vài người tù mang áo gió ngang thắt lưng đi quanh quẩn giữa các ba-rắc. Dĩ nhiên, trước hết chúng tôi phải đi tắm. Ở đó, viên chỉ huy trại đến thăm ngó chúng tôi. Hắn tráng kiện, vạm vỡ, vai rộng: cổ như cổ bò, môi dày, tóc xoăn. Hắn có vẻ thân thiện. Thỉnh thoảng trong mắt xanh xám của hắn loé lên một nụ cười chúm chím. Trong đoàn mới chuyển tới của chúng tôi có vài trẻ em mười và mười hai tuổi. Sau khi được phát áo quần mới, chúng tôi bị đưa vào hai chiếc lều. Chờ lập xong danh sách các đơn vị lao động chúng tôi mới có thể chuyển vào các ba-rắc. Tối đó, các đơn vị lao động từ bãi lao động trở về. Điểm diện. Chúng tôi khởi sự tìm mặt người quen, kiếm tin tức, hỏi các tù nhân lão làng đơn vị lao động nào tốt nhất, ba-rắc nào nên cố tìm cách vào ở. Các tù nhân đều chung ý kiến, nói, “Buna là trại rất tốt. Các người có thể chịu đựng nổi nó. Điều quan trọng là chớ để bị đưa vào đơn vị xây cất...” Làm như thể việc chọn lựa nằm trong bàn tay mình! Trưởng lều của chúng tôi là một người Đức. Một bộ mặt sát thủ, môi nung núc, bàn tay như chân chó sói. Hắn mập tới độ gần như không đi đứng nổi. Giống viên chỉ huy trại, hắn thương trẻ em. Khi chúng tôi vừa vô tới, hắn mang đến cho trẻ em bánh mì, xúp và bơ loảng. (Thật ra đó không phải là lòng từ bi vô vị lợi: về sau tôi nghe nói ở đây những tên đồng tính luyến ái đổi chác nhau rất có giá các trẻ em.) Một trong các phụ tá của hắn - một cậu bé mặt lúc nào cũng cau có, mắt du côn - đến gặp tôi: “Mày có muốn ở đơn vị tốt không?” “Muốn chớ. Nhưng với điều kiện: tôi được ở chung một chỗ với cha tôi.” “Được,” hắn nói. “Tao lo liệu được việc đó. Với một đền đáp nhỏ: đôi giày của mày. Tao sẽ cho mày mấy đôi khác.” Tôi không chịu cho nó đôi giày của mình. Chúng là tất cả những gì tôi còn lại. “Tao sẽ cho mày suất phụ trội bánh mì và bơ.” Nó rất mê đôi giày của tôi; nhưng tôi không cho nó đôi giày. (Về sau họ tước lấy đôi giày của tôi. Nhưng lần đó tôi không đổi chác được gì cả.) Khám bệnh ngoài trời vào những giờ tảng sáng, trước ba bác sĩ cùng ngồi trên một băng ghế. Người đầu tiên rõ ràng là chẳng khám chút nào. Ông chỉ thoải mái hỏi: “Mày sức khoẻ tốt chứ?” Ai dám nói ngược lại? Trái lại, nha sĩ dường như rất có lương tâm: hắn ra lệnh chúng tôi hoác rộng miệng ra. Thật ra hắn không tìm răng sâu mà tìm răng vàng. Ai miệng có răng vàng đều được ghi số tù vào một danh sách phụ. Tôi có một chiếc răng bịt vàng. Ba ngày đầu qua nhanh. Vào ngày thứ tư, mới rạng sáng, chúng tôi đang đứng trước lều thì có các tên Kapo xuất hiện. Rồi mỗi tên bắt đầu lựa người thích hợp với hắn. “Mày...mày...mày và mày...” chúng chỉ tay, như thể lựa súc vật hoặc hàng hoá. Chúng tôi đi theo tên Kapo của mình, một thanh niên. Hắn ra lệnh chúng tôi đứng lại ngay lối vào của ba-rắc đầu tiên gần cổng trại. Dãy nhà đó của ban nhạc. “Vào đi,” hắn ra lệnh. Chúng tôi ngạc nhiên. Mình có dính líu gì tới âm nhạc đâu. Ban nhạc đang chơi bản quân hành, lúc nào cũng chỉ một bản đó. Hàng tá đơn vị đi ra các bãi lao động, đều bước. Lũ Kapo hô nhịp: “Một, hai, một, hai.” Vài tên SS tay cầm viết và giấy, đếm người khi tù đi ra. Ban nhạc tiếp tục chơi, cũng vẫn bản quân hành ấy, cho tới khi đơn vị chót đi qua. Lúc đó, chiếc gậy nhạc trưởng thả lịm xuống. Ban nhạc ngưng hẳn và lũ Kapo gào lên: “Xếp hàng năm!” Chúng tôi ra khỏi trại không có tiếng nhạc, nhưng đều bước: nhạc quân hành còn dội trong tai mình. “Một, hai! Một, hai!” Chúng tôi bắt đầu chuyện vản với các nhạc sĩ bên mình. Chung với các nhạc sĩ, chúng tôi làm thành hàng năm. Gần như họ đều là người gốc Do thái: Juliek, dân xứ Ba lan đeo kính với nụ cười chán đời trên bộ mặt xanh xao; Louis, một tay vĩ cầm xuất sắc đến từ Hà lan - ông phàn nàn là họ không để cho ông chơi nhạc Beethoven: người Do thái không được phép chơi nhạc Đức; Hans, một thanh niên Berlin linh hoạt. Viên cai là người Ba lan, Franek, cựu sinh viên đến từ Warsaw. Juliek giải thích cho tôi: “Chúng ta lao động trong nhà kho vật liệu điện, cách đây không xa. Công việc không tới nổi khó khăn nguy hiểm. Nhưng Idek, tên Kapo, thỉnh thoảng nổi cơn điên, lúc ấy tốt nhất là tránh mặt nó...” “Mày hên lắm nhỏ ạ,” Hans cười. “Mày được ở đơn vị tốt...” Mười phút sau, chúng tôi đã ở trước nhà kho. Một nhân viên người Đức, công chức, ngài Meister, tới gặp chúng tôi. Hắn chăm bẳm ngó chúng tôi như một khách mua hàng vừa được người ta giao cho một đống giẽ cũ. Các bạn lao động chung với tôi có lý; công việc không mấy khó khăn. Ngồi bệt xuống đất, chúng tôi phải đếm các chóa đèn, bóng đèn và các linh kiện điện nhỏ. Tên Kapo dài dòng cắt nghĩa cho chúng tôi tầm quan trọng vô cùng của công việc chúng tôi, cảnh cáo rằng ai lao động tơ lơ mơ sẽ bị hắn thanh toán. Các bạn lao động chung trấn an tôi: “Không việc gì phải sợ. Hắn phải nói thế là vì ngài Meister thôi.” Có một số thường dân Ba lan ở đây, và một ít phụ nữ Pháp thường đưa mắt thiện cảm nhìn các nhạc sĩ. Franek, người cai, cho tôi ngồi trong một góc. “Đừng tự giết mình; chẳng có gì gấp. Coi chừng chớ để tụi SS để ý.” “Em xin anh... Em muốn ở bên cha em.” “Được. Cha em làm việc ở đây, sát bên em.” Chúng tôi hên thật. Có hai cậu trai vào nhóm chúng tôi: Yosi và Tibi, hai anh em ruột. Cả hai người Do thái Tiệp khắc, cha mẹ bị tàn sát tại Birkenau. Hai anh em sống cho nhau, cả thân xác lẫn linh hồn. Chúng và tôi chẳng bao lâu thành bạn. Từng thuộc về tổ chức thanh niên phục quốc Do thái, chúng biết vô số bài hát tiếng Do thái cổ. Vì thế chúng tôi thường ậm ừ ngâm nga trong cổ họng những giai điệu khua động mặt nước tĩnh lặng của dòng sông Giordan và chốn thiêng liêng tráng lệ Gierusalem. Và chúng tôi thường nói về Palestine. Cha mẹ chúng, cũng giống như cha mẹ tôi, đã thiếu can đảm thanh toán công việc làm ăn và di cư lúc còn kịp thời. Chúng tôi cùng quyết định rằng, nếu giữ được mạng mình cho tới lúc giải phóng, chúng tôi sẽ không ở châu Âu thêm một ngày nào nữa. Chúng tôi sẽ lên chuyến tàu đầu tiên đi Haifa về đất Do thái. Vẫn lạc loài trong các giấc mơ huyền học của mình, Akiba Drumer phát hiện một câu trong Kinh Thánh, diễn giải theo khoa số lượng học, khiến ông tiên đoán ngày giải phóng sẽ xảy đến nội trong vài tuần lễ tới. Chúng tôi đã rời lều vào ở ba-rắc của các nhạc sĩ. Mỗi người được phát một cái mền, một cái thau và một cục xà phòng. Trưởng ba-rắc là một người Đức gốc Do thái. Thật tốt khi ở dưới quyền một người Do thái. Anh ấy gọi là Alphonse. Một thanh niên mặt già trước tuổi một cách lạ lùng, anh hoàn toàn hiến thân cho công việc của ba-rắc “của mình”. Hể lúc nào có thể được là anh lo liệu nồi xúp cho những người trẻ, người yếu, tất cả những ai mơ màng một dĩa xúp đầy hơn là ngày giải phóng. Ngày nọ, khi vừa từ nhà kho về, tôi bị viên thư ký ba-rắc gọi: “A-7713?” “Có mặt.” “Sau khi ăn, mày tới nha sĩ.” “Nhưng em không đau răng.” “Sau khi ăn. Không được quên.” Tôi tới dãy nhà bệnh viện. Khoảng hai mươi người tù đang nối đuôi nhau chờ trước cửa. Chẳng mất nhiều thì giờ mới biết lý do chúng tôi bị triệu tới: để nhổ răng vàng của mình. Nha sĩ, một người Do thái đến từ Tiệp khắc, có bộ mặt như chiếc mặt nạ chết. Khi hắn há miệng, người ta có thể thấy các răng sâu, vàng khè, ngó thiệt hãi hùng. Tôi ngồi vô ghế, khúm núm hỏi hắn: “Xin vui lòng nói cho cháu biết, ông sắp làm gì vậy?” “Đơn giản thôi, nhổ cái răng bịt vàng của mày,” hắn trả lời, hững hờ. Tôi có ý nghĩ là giả bộ bệnh. “Thưa nha sĩ, ông chờ vài ngày có được không? Cháu cảm thấy trong người không khoẻ. Cháu bị sốt...” Hắn nhíu mày, suy nghĩ một chút, và bắt mạch tôi. “Được con ạ. Hễ mày cảm thấy khá hơn thì trở lại gặp ta. Nhưng đừng chờ tới khi ta gọi.” Tuần sau tôi đến gặp hắn. Cũng lời bào chữa đó: Cháu vẫn cảm thấy không khá hơn. Hắn dường như chẳng ngạc nhiên tí nào, tôi cũng chẳng biết hắn tin hay không. Có lẽ hắn vui khi thấy tôi tự mình trở lại như đã hứa. Hắn hoản cho tôi thêm lần nữa. Ít ngày sau chuyến trở lại của tôi, phòng nhổ răng bị đóng cửa và hắn bị ném vô tù. Hắn sắp bị treo cổ. Người ta cho là hắn đã thực hiện việc đổi chác răng vàng của tù nhân để kiếm lợi riêng. Tôi không cảm thấy thương xót hắn. Tôi cũng không thích thú về việc xảy ra đó. Tôi giữ được chiếc răng bịt vàng của mình. Ngày nào đó nó có thể hữu ích cho tôi để mua cái gì đó - bánh mì hay sự sống. Lúc này, ngoài dĩa xúp hằng ngày và vụn bánh mì cũ, tôi ít quan tâm tới cái gì khác. Bánh mì, xúp - những thứ đó là toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi là một thân xác. Có lẽ còn ít hơn thế nữa: một bao tử đói. Chỉ riêng có bao tử là nhận biết sự trôi qua của thời gian. Tại nhà kho, tôi thường lao động bên cạnh một thiếu nữ Pháp. Chúng tôi không chuyện vãn với nhau vì chị không biết tiếng Đức và tôi chẳng hiểu tiếng Pháp. Với tôi, chị hoàn toàn là một phụ nữ Do thái, dù chị được chuyển tới đây như một người Aryan. Chị là kẻ bị trục xuất và bị cưỡng bách lao động. Ngày nọ, trong khi Idek nổi cơn điên, tôi lại ở ngay trên lối đi của hắn. Như con thú hoang, hắn nhảy xổ vô người tôi, tay đấm chân đạp vô ngực tôi vô đầu tôi, ném tôi xuống đất, rồi xách tôi lên, các cú đấm của hắn càng lúc càng ác liệt, cho tới khi khắp người tôi đầy máu. Khi đó, tôi cắn môi ngăn không để mình thét lên đau đớn. Chắc hắn coi sự im lặng của tôi là khinh bỉ nên hắn tiếp tục dộng tôi mạnh hơn. Thình lình hắn hạ hỏa. Làm như không có gì xảy ra, hắn trả tôi về lại chỗ lao động. Như thể chúng tôi vừa cùng chơi một trò chơi ai cũng có phần phải đóng của người đó. Tôi lết người vô góc xó của mình. Đau nhức khắp mình mẩy. Tôi cảm thấy có một bàn tay êm mát đang lau chiếc trán bê bết máu của tôi. Chính người thiếu nữ Pháp ấy. Chị cười với tôi, nụ cười thê lương, và ấn vào tay tôi một mẩu bánh mì. Chị nhìn vào mắt tôi. Tôi cảm thấy chị muốn nói điều gì đó nhưng nghẹn lại vì sợ. Trong một lúc lâu, chị giữ yên như thế, rồi nét mặt chị sáng dần lên, chị nói với tôi bằng một thứ tiếng Đức gần như hoàn hảo: “Cắn môi lại, cậu em... Đừng khóc. Hãy giữ cơn giận và hận thù của cậu cho một ngày kia, cho về sau. Ngày ấy sẽ tới, nhưng không phải bây giờ... Hãy chờ. Nghiến răng lại mà chờ...” Nhiều năm sau, tại Paris, tôi đang ngồi đọc báo trong một chuyến xe điện ngầm. Trước mặt tôi là một phụ nữ tuyệt đẹp, tóc đen và mắt mơ huyền. Tôi đã thấy đâu đó trước đây đôi mắt này. Chính là chị. “Chị không nhận ra em à?” “Tôi không quen ông.” “Năm 1944, chị ở Đức, tại Buna, phải không?” “Vâng...” “Chị thường lao động trong nhà kho đồ điện...” “Vâng,” chị nói, có điều gì bối rối. Và rồi, sau một khoảnh khắc im lặng: “Chờ chút...Tôi nhớ ra rồi...” “Idek, tên Kapo... thằng bé Do thái...những lời tử tế của chị...” Chúng tôi rời xe điện ngầm và cùng ngồi trên sân thượng một tiệm cà phê. Chúng tôi trải qua hết buổi tối đó hoài niệm. Trước lúc chia tay, tôi hỏi chị: “Em hỏi chị một câu được không?” “Tôi biết đó là câu gì rồi - hỏi đi.” “Cái gì?” “Rằng, tôi có phải là người Do thái không...? Đúng, tôi là người Do thái. Xuất thân từ một gia đình ngoan đạo. Thời chiếm đóng tôi dùng giấy tờ giả, mạo nhận mình là người Aryan. Vì thế tôi bị ghi tên vào đoàn lao động cưỡng bách và bị trục xuất về Đức, tôi trốn khỏi trại tập trung. Tại nhà kho, không ai biết tôi nói được tiếng Đức, biết thì chỉ sinh ra nghi ngờ. Nói vài lời ấy với cậu là liều mạng: có điều tôi biết cậu sẽ không để lộ tôi ra.” Một lần khác, chúng tôi chất máy Diesel lên xe lửa, có lính Đức giám thị. Thần kinh Idek đang hồi nổi quạu. Hắn khó khăn ghê gớm mới có thể tự chế. Thình lình, cơn điên của hắn vỡ bùng. Nạn nhân là cha tôi. “Mày lão già lười biếng đồ khốn nạn!” Idek bắt đầu gào lên. “Mày gọi thế này là lao động hả?” Và hắn bắt đầu nện ông bằng cây sắt. Ban đầu, cha tôi chúi người dưới các cú đập, rồi ông gãy gập thành hai, như cây khô bị sét đánh, gục xuống. Tôi chăm chú nhìn từ đầu tới cuối hoạt cảnh ấy, không chút nhúc nhích. Tôi giữ bình tĩnh. Thực tế tôi đang nghĩ cách làm sao kéo cha tôi ra mà mình không bị đánh lây. Điều tệ hơn nữa là, bất cứ căm giận nào mà tôi cảm thấy lúc đó đều qui hướng, không phải tới tên Kapo ấy, mà là tới cha tôi. Tôi giận ông đã không biết cách tránh né cơn bùng nổ của Idek. Cuộc sống trại tập trung đã biến tôi thành ra như thế đó. Franek, người cai, ngày nọ để ý chiếc răng bịt vàng của tôi. “Nhỏ, cho tao cái răng bịt vàng của mày.” Tôi nói với anh là không thể được, không có nó tôi không ăn được. “Mày có gì nhiều nhặn để ăn đâu mà kể?” Tôi tìm ra câu trả lời khác; chiếc răng bịt vàng này đã được lên danh sách sau lần kiểm tra sức khoẻ. Việc này có thể gây rắc rối cho cả anh lẫn tôi. “Nếu không cho tao cái răng bịt vàng của mày, mày sẽ trả giá nhiều hơn nữa.” Người thanh niên thông minh, thiện cảm ấy bỗng chốc không còn là con người trước đây. Mắt anh loé lên tia lập loè thèm khát. Tôi nói với anh là tôi phải hỏi ý kiến cha tôi. “Nhỏ, hỏi cha mày đi. Nhưng tao muốn mày phải trả lời ngay ngày mai.” Khi tôi kể việc đó với cha tôi, ông tái mặt, im lặng một lúc lâu rồi nói: “Không, con, con đừng làm chuyện đó.” “Anh ta sẽ đè mình ra mà lấy.” “Hắn không dám đâu.” Nhưng hỡi ơi, Franek biết chỗ nào làm tôi xúc động; anh ta biết nhược điểm của tôi. Cha tôi chưa bao giờ đi lính và ông không bao giờ đi đều bước được. Tại đây, hể mỗi lần theo đội hình di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác thì chúng tôi phải nghiêm chỉnh bước theo nhịp quân hành. Đó là cơ hội cho Franek hành hạ cha tôi, và đánh đập dã man ông hằng ngày: Một, hai: đấm. Một hai: tát. Tôi quyết định hướng dẫn cha tôi tập, dạy ông bước đổi chân, giữ đúng nhịp. Chúng tôi bắt đầu thực tập trước ba-rắc của mình. Tôi hô lệnh: “Một, hai!” và cha tôi thực hành. Vài tù nhân khởi sự cười nhạo chúng tôi: “Coi kìa, tên sĩ quan nhóc tì dạy lão già bước..., Ê đại tướng, lão già trả công mày mấy suất bánh mì thế?” Nhưng cha tôi không tiến bộ được bao nhiêu, và các cú đấm tiếp tục rơi xuống người ông như mưa. “Lão già lười biếng khốn nạn, mày vẫn không bước đúng nhịp được à?” Suốt hai tuần lặp đi lặp lại hoạt cảnh ấy. Chúng tôi hết chịu đựng nổi. Phải cho thôi. Khi ngày ấy đến, Franek rú lên cười hoang dại: “Tao biết mà; tao hoàn toàn biết chắc tao sẽ thắng. Thà trễ còn hơn không. Nhưng vì mày làm tao chờ nên mày phải chi ra một suất bánh mì. Một suất bánh mì cho bạn tao, một nha sĩ trứ danh đến từ Warsaw để nó có thể nhổ chiếc răng bịt vàng của mày.” “Cái gì? Suất bánh mì của tôi để anh lấy răng bịt vàng của tôi ?” Franek nhe răng cười: “Thế mày muốn gì? Muốn tao đấm cho văng răng mày ra à?” Ngay tối đó, trong cầu tiêu, người nha sĩ từ Warsaw nhổ chiếc răng bịt vàng của tôi ra, với đồ nghề là một cái muổng gỉ sét. Franek dần dà thân thiện hơn. Thỉnh thoảng anh ta còn cho tôi thêm xúp. Nhưng việc đó không lâu. Hai tuần sau, tất cả những người Ba lan bị chuyển qua trại khác. Tôi mất chiếc răng bịt vàng của mình mà không được gì cả. Vài ngày trước khi người Ba lan rời đi, tôi có một kinh nghiệm mới. Sáng đó Chúa nhật. Hàng tuần, vào ngày đó, đơn vị chúng tôi không phải đi lao động. Nhưng lần này Idek không muốn nghe tới việc chúng tôi ở lại trại. Chúng tôi phải ra nhà kho. Nhiệt tình lao động đột xuất này làm chúng tôi choáng váng. Tại nhà kho, giao chúng tôi cho Franek, Idek nói, “Cứ lao động theo ý mày. Nhưng phải kiếm việc gì đó mà làm. Không làm thì biết tay tao...” Và hắn biến mất. Chúng tôi chẳng biết làm gì. Mỏi người vì ngồi chồm hổm, chúng tôi thay phiên nhau đi quanh nhà kho, tìm vài mẩu bánh mì mà nhân viên dân sự nào đó có thể vứt lại. Khi tới phía sau nhà kho, tôi nghe có tiếng động phát ra từ phòng nhỏ ở cửa kế bên. Tôi đi lên, thấy Idek đang với một cô gái Ba lan ở trần, nằm trên nệm. Lúc ấy tôi hiểu ra lý do Idek không chịu để chúng tôi lại trong trại. Đưa cả trăm người ra đây cho hắn có dịp nằm với một cô gái! Việc đó làm tôi tức cười tới độ bật ra thành tiếng. Idek nhảy đựng, dòm quanh và thấy tôi, trong khi đó cô gái cố che ngực mình. Tôi muốn vùng chạy nhưng cả hai bàn chân dính chặt mặt đất như bị keo dán. Idek túm cổ tôi. Hắn thấp giọng nói, “Nhóc, mày chờ coi...Mày thấy liền là mày phải trả giá như thế nào việc mày bỏ đi không lao động... Mày trả giá liền việc đó mà... Bây giờ, về chỗ ngay.” Nửa giờ trước giờ thường lệ chấm dứt lao động, tên Kapo ấy tập họp toàn đơn vị. Điểm diện. Chẳng ai hiểu việc gì xảy ra. Điểm diện vào giờ này trong ngày? Tại đây? Nhưng tôi hiểu. Tên Kapo diễn thuyết gọn lỏn: “Một tù nhân bình thường thì không có quyền xía vô công chuyện của người khác. Có người trong tụi bây hình như không biết như thế. Vì vậy, tao buộc lòng phải làm cho nó hiểu rõ điều đó, một lần để đời.” Tôi cảm thấy mồ hôi chạy dọc sống lưng. “A-7713!” Tôi bước ra. “Một cái thùng!” hắn ra lệnh. Người ta mang ra cho hắn một cái thùng. “Nằm lên trên thùng! Nằm sấp xuống!” Tôi tuân lệnh. Rồi tôi không còn biết gì nữa ngoài những cú roi quật xuống. “Một...hai...,” hắn đếm. Giữa mỗi cú quất, hắn lấy hơi. Chỉ những cú đầu làm tôi đau thật sự. Tôi nghe ra tiếng hắn đếm: “Mười...mười một...” Giọng hắn tỉnh bơ, chạm người tôi như va vào một bức vách dày. Hai mươi ba...” Hai roi nữa, tôi nghĩ, nửa mê nửa tỉnh. Tên Kapo chờ. “Hai mươi bốn... hai mươi lăm!” Xong. Nhưng tôi chẳng còn biết gì vì đã ngất xỉu. Tôi cảm thấy mình tỉnh lại khi có gàu nước lạnh dội lên người. Tôi vẫn còn nằm trên thùng. Tôi chỉ lờ mờ nhận ra đất ướt chung quanh mình. Rồi tôi nghe ai đó hét lên. Chắc là tên Kapo. Tôi bắt đầu phân biệt được những tiếng hắn đang la. “Đứng lên.” Hẳn là tôi có nhúc nhích rướn người mình lên vì tôi cảm thấy thân xác mình rớt trở lại mặt thùng. Tôi thèm đứng lên biết mấy! “Đứng lên!” hắn gào to hơn. Giá như ít ra tôi có thể trả lời hắn; giá như tôi có thể bảo hắn là tôi không cục cựa nổi. Nhưng tôi chẳng thể nào làm cho môi mình mở ra được. Theo lệnh của Idek, hai người tù xách tôi lên, lôi tới trước mặt hắn, “Nhìn thẳng vô mắt tao!” Tôi ngó hắn mà không thấy hắn. Tôi đang nghĩ tới cha tôi. Chắc ông còn đau khổ gấp mấy tôi nữa. “Nghe tao đây, đồ khốn kiếp!” Idek nói, lạnh lùng. “Đó là vì mày tọc mạch. Mày sẽ bị gấp năm lần thế này nữa nếu mày dám hé cho ai nghe mày thấy cái gì! Hiểu chưa?” Tôi gật gật đầu, một lần, mười lần, tôi gật đầu không ngừng, như thể đầu tôi đã quyết định nói vâng không bao giờ ngừng. Vào một ngày Chúa nhật, một nửa chúng tôi - gồm có cha tôi - đi lao động; nửa còn lại - gồm có tôi - ở lại ba-rắc, lợi dụng cơ hội nằm rán trên sạp giường buổi sáng. Lúc khoảng mười giờ, tiếng còi hụ phòng không rú lên vang rền. Báo động. Các trưởng ba-rắc chạy vào gom chúng tôi lại bên trong, cùng lúc đó SS núp trong các hầm trú ẩn. Vì khi có báo động thì tương đối dễ trốn trại - lính gác rời chòi canh, cúp điện hàng rào kẽm gai - nên SS hạ lệnh giết bất cứ người nào bị bắt gặp bên ngoài ba-rắc. Trong ít phút, trại như thể một con tàu bị bỏ rơi. Không một linh hồn sống động nào trên các lối đi. Sát bên nhà bếp, hai nồi xúp nóng đang bốc khói bị bỏ lại, còn lưng chừng nồi. Hai nồi xúp, nằm ngay giữa lối đi, không ai canh chừng chúng! Một đại tiệc của bậc vua chúa đang bị bỏ rơi, cám dỗ cực kỳ! Hàng trăm con mắt nhìn hai cái nồi, long lanh thèm khát. Hai con cừu, với một trăm con sói đang nằm chờ chúng. Hai con cừu không người canh giữ - một món quà. Nhưng ai dám. Sợ hãi mạnh hơn cái đói. Thình lình, chúng tôi thấy cửa Ba-rắc 37 hé ra. Một người xuất hiện, bò loằng ngoằng như con giun về hướng hai cái nồi. Hàng trăm con mắt dõi theo cử động của anh ta. Hàng trăm con người đang bò với anh ta, lê đầu gối mình theo đầu gối của anh ta trên sỏi. Mọi con tim đều run rẩy, nhưng trên tất cả, là ghét. Anh ta đã có gan! Anh ta tới nồi thứ nhất. Các quả tim chạy đua: anh ta đã thành công. Cơn ganh tị thiêu chúng tôi cháy rụi, đốt chúng tôi bùng lên như rơm. Khoảnh khắc ấy, chúng tôi không nghĩ tới việc ngưỡng mộ anh ta. Vị anh hùng khốn khổ, liều mình tử tiết vì một suất xúp. Bằng ý nghĩ của mình, chúng tôi đang mưu sát anh ta. Duỗi người bên một cái nồi, anh ta lúc này cố rướn người lên mép nồi. Không biết vì yếu sức hay sợ hãi, anh ta trụ lại đó, rõ ràng là đang rán gom hết tàn lực sau chót của mình. Cuối cùng, anh ta thành công, nhấc được người mình lên tới mép nồi. Phút giây ấy, anh ta có vẻ như thấy chính mình, tìm kiếm bóng mình phản chiếu lờ mờ trong nồi xúp. Rồi, không biết vì lý do gì, anh ta hét lên một tiếng khủng khiếp, kêu ục ục nghe như thể trước đây tôi chưa từng nghe, và anh ta há miệng ra, đút đầu mình vô nồi chất lỏng đang bốc khói. Chúng tôi nhảy nhổm nổ bùng cơn thịnh nộ. Rớt trở lại mặt đất, mặt anh ta lem luốc đầy xúp, anh ta quằn quại trong vài giây ở chân nồi, rồi chẳng nhúc nhích cục cựa gì nữa. Kế đó chúng tôi bắt đầu nghe tiếng máy bay. Gần như lập tức, các ba-rắc bắt đầu rung rinh. “Họ đang bỏ bom Buna!” ai đó la lên. Tôi nghĩ đến cha tôi. Dù sao tôi cũng thấy sung sướng. Nhìn toàn bộ các công trình nổ tung trong lửa - thật là đã hận! Chúng tôi đã nghe nhiều lời bàn tán về sự thất thủ của lính Đức trên nhiều mặt trận khác nhau nhưng chẳng biết tin tưởng được bao nhiêu. Chuyện đó, hôm nay, quả là có thật! Chúng tôi không sợ. Và tuy vậy, nếu một trái bom rớt trúng các ba-rắc thì chỉ mình nó thôi cũng đủ lấy mạng tại chỗ hàng trăm nạn nhân. Nhưng chúng tôi không còn sợ chết; bất cứ giá nào cũng không sợ chết kiểu đó. Từng trái bom nổ làm lòng chúng tôi tràn ngập hân hoan và cho chúng tôi niềm tin vào cuộc sống. Còi hụ kéo suốt hơn một giờ. Giá như nó có thể kéo dài chục lần mười giờ!... Rồi lại rơi vào im lặng. Âm thanh sau cùng của chiếc máy bay Mỹ mất tiêu trong gió, và chúng tôi lần nữa lại thấy mình ở trong lò thiêu. Một luồng khói đen khổng lồ bốc lên đằng chân trời. Tiếng còi hụ vang rền lần nữa. Chấm dứt báo động. Tất cả ra khỏi ba-rắc. Chúng tôi hít lửa đầy phổi - và không khí ám khói, mắt chúng tôi long lanh hy vọng. Một trái bom rơi xuống chính giữa trại, gần nơi tập họp, nhưng tịt ngòi, Chúng tôi phải khiêng nó ra ngoài trại. Viên chỉ huy trại, đi kèm theo có người phụ tá, đánh một vòng xem xét dọc các lối đi. Cuộc oanh tạc để lại trên mặt hắn những dấu vết kinh hoàng. Ngay chính giữa trại nằm thân thể kẻ tử tiết với khuôn mặt lấm lem xúp, nạn nhân độc nhất. Hai cái nồi được đưa vào lại nhà bếp. Lính SS về lại chòi canh, đằng sau các khẩu súng máy của chúng. Tiết mục chuyển tiếp đã xong. Một giờ sau, chúng tôi thấy các đơn vị trở về, đều bước, như thường lệ. Tôi mừng thấy cha tôi hiện ra trong tầm mắt. “Có mấy toà nhà bị san bằng,” ông nói, “nhưng nhà kho chẳng hề hấn gì.” Buổi chiều chúng tôi vui vẻ đi dọn dẹp tro tàn. Một tuần sau, trên đường đi lao động về, chúng tôi để ý thấy chính giữa trại, ngay nơi tập họp, có một giá treo cổ màu đen. Chúng tôi được bảo cho biết là sẽ không phát xúp cho tới khi điểm diện xong toàn trại. Lần này lâu hơn thường lệ. Lệnh truyền ra, giọng sắc lạnh hơn mọi ngày, và ở ngoài trời, tiếng người ta hoá ra nhỏ lạ lùng. “Lột mũ ra!” viên chỉ huy trại bất thần gào lên. Mười ngàn cái mũ đồng loạt cất khỏi đầu. “Đội mũ vào!” Mười ngàn cái mũ quay về trên sọ của chúng, lẹ như chớp. Cổng trại mở. Một đơn vị SS xuất hiện, vây chúng tôi: cách mỗi ba bước có một tên SS. Trên các tháp canh, súng máy chỉa vào nơi tập họp. Hai tên SS đi về phía xà lim. Rồi chúng ra lại, kẹp giữa chúng người bị kết án. Anh ta là một thanh niên đến từ Warsaw. Anh đã trải ba năm sống trại tập trung. Anh mạnh khoẻ, vạm vỡ, so với tôi, anh là người khổng lồ. Sau lưng anh là giá treo cổ, mặt anh hướng về kẻ xét xử mình, viên chỉ huy trại; mặt anh tái xanh, nhưng có vẻ xúc động hơn là sợ hãi. Hai tay bị cùm của anh không run rẩy. Mắt anh lạnh lùng nhìn hàng trăm lính gác, hàng ngàn tù nhân chung quanh. Viên chỉ huy trại bắt đầu đọc bản án, gằn mạnh từng tiếng: “Nhân danh Himmler...tù nhân số...trong lúc báo động đã ăn cắp... Theo luật...điều khoản...tù nhân số...bị kết án tử hình. Mong rằng việc này cảnh cáo và làm gương cho hết thảy các tù nhân.” Không ai nhúc nhích. Tôi nghe tim mình đập dồn dập. Hàng trăm người chết mỗi ngày ở Auschwitz và ở Birkenau trong các lò thiêu không còn khiến tôi bị rúng động nữa. Nhưng người này, kẻ đang dựa lưng vào giá treo cổ chính mình - anh ta làm tôi choáng váng. “Mày có nghĩ là nghi thức sẽ kết thúc liền không? Tao đói bụng...” Juliek thầm thì. Viên chỉ huy trại ra hiệu, tên Lagerkapo bước tới phía người bị kết án. Hai tù nhân giúp hắn làm công tác hành quyết này - vì hai dĩa xúp. Tên Kapo muốn bịt mắt nạn nhân nhưng anh từ chối. Sau một lúc lâu chờ đợi, người xử giảo quàng sợi thừng quanh cổ anh ta. Hắn vừa vẫy tay, phụ tá của hắn liền rút chiếc ghế khỏi chân người tù, lúc ấy, người tù thét lớn, bằng giọng trầm tĩnh, dũng mãnh: “Tự do muôn năm! Tai hoạ giáng xuống nước Đức! Tai hoạ...! Tai...” Những tên hành quyết đã làm tròn công tác. Lệnh chẻ không khí như một nhát gươm. “Lột mũ ra!” Mười ngàn tù nhân ngã mũ kính chào vĩnh biệt. “Đội mũ vào.” Rồi toàn trại, dãy này kế tiếp dãy kia, phải theo đội hình đi ngang người bị treo cổ, nhìn vào đôi mắt đục lờ, chiếc lưỡi thè ra. Lũ Kapo và các trưởng ba-rắc buộc mọi người phải nhìn cho thật kỷ bộ mặt người đó. Sau cuộc diễu hành, chúng tôi được phép quay về ba-rắc của mình để ăn. Tôi nhớ lại là tôi cảm thấy xúp tối đó thật tuyệt vời... Tôi còn chứng kiến những cuộc treo cổ khác. Tôi không bao giờ thấy có nạn nhân nào than khóc. Trong một thời gian dài, những thể xác khô kiệt ấy đã quên mùi vị cay đắng của nước mắt. Trừ một lần. Oberkapo của đơn vị dây cáp năm mươi hai là một người Hà lan, khổng lồ, cao gần hai thước. Dưới quyền anh có bảy trăm tù nhân lao động, và ai cũng thương anh như anh em. Tay anh chưa hề đấm người tù nào và miệng anh chưa hề thóa mạ ai. Dưới quyền anh ta có một cậu bé, một tiểu đồng, như người ta thường gọi - cậu bé ấy có bộ mặt thanh tú và tuyệt đẹp, đẹp chưa từng có trong trại này. (Tại Buna, lũ tiểu đồng bị khinh miệt, chúng thường tàn nhẫn hơn cả người lớn. Tôi từng thấy một thằng bé mười ba tuổi đánh cha nó vì người cha không làm giường đúng theo ý nó. Ông lão khóc thổn thức trong lúc thằng bé la lớn: “Nếu ông không nín ngay, tôi sẽ không đem bánh mì về cho ông nữa. Ông hiểu chưa?õ Nhưng cậu cần vụ nhỏ bé của anh Hà lan này ai cũng thương. Cậu bé có nét mặt của một thiên thần u sầu.) Ngày nọ, nhà máy điện ở Buna nổ tung. Gestapo được triệu đến tại chỗ, nghi ngờ có phá hoại. Chúng dò theo dấu vết. Cuối cùng, dấu vết dẫn tới người Oberkapo Hà lan ấy. Tại đó, sau khi lùng kiếm, chúng tìm thấy một kho vũ khí quan trọng. Người Oberkapo bị bắt ngay. Liên tiếp mấy tuần lễ, chúng tra tấn anh nhưng vô ích. Anh không hé ra tên ai. Anh bị chuyển sang trại Auschwitz. Chúng tôi không bao giờ nghe tin anh nữa. Nhưng cậu cần vụ nhỏ bé của anh bị bỏ lại trong tù. Cũng bị tra tấn và cậu cũng không khai. Sau đó, SS kết án tử hình cậu cùng hai tù nhân khác bị phát hiện có vũ khí. Vào một ngày khi đi lao động về, chúng tôi thấy ba giá treo cổ lù lù ở nơi tập họp, ba con quạ đen. Điểm diện. SS bọc quanh chúng tôi, súng máy chỉa vào: nghi thức truyền thống. Ba nạn nhân đeo xiềng - và một trong ba người là cậu cần vụ nhỏ bé, thiên thần u sầu. SS dường như lo lắng và bối rối hơn thường lệ. Treo cổ một cậu bé trước hàng ngàn khán giả không phải là việc nhẹ nhàng. Viên chỉ huy trại đọc bản án. Mọi con mắt dồn về cậu bé. Cậu xanh xao tái nhợt, gần như trầm lặng, cắn môi. Những chiếc giá treo cổ phủ bóng lên người cậu. Lần này tên Lagerkapo không chịu làm người hành quyết. Ba tên SS thế chỗ hắn. Ba nạn nhân cùng leo lên ghế một lượt. Ba chiếc cổ cùng một lượt đút vô thòng lọng. “Tự do muôn năm!” Hai người lớn hô vang. Nhưng cậu bé thì im lặng. “Thượng đế đâu rồi? Ngài ở đâu?” ai đó sau lưng tôi thắc mắc. Viên chỉ huy ra hiệu, ba chiếc ghế bị rút đi. Khắp trại hoàn toàn yên lặng. Mặt trời đang lặn cuối chân trời. “Lột mũ ra!” viên chỉ huy trại gào lên. Giọng hắn khàn đục. Chúng tôi đang thổn thức. “Đội mũ vào!” Rồi chúng tôi bắt đầu theo đội hình đi ngang qua. Hai người lớn thì đã chết. Lưỡi thè ra, sưng phồng, xanh lè. Nhưng sợi dây thứ ba còn động đậy: vì thân mình quá nhẹ, cậu bé vẫn còn sống. Trong hơn nửa giờ, cậu ở đó, vật lộn giữa cái sống và cái chết, chầm chậm, hấp hối, đau đớn, dưới mắt chúng tôi. Và chúng tôi phải nhìn cho kỷ nét mặt đó. Cậu vẫn còn sống khi tôi đi ngang trước mặt cậu. Lưỡi cậu vẫn đỏ, mắt cậu chưa đờ đẩn. Đằng sau tôi, tôi nghe cũng vẫn giọng người ấy hỏi: “Lúc này Thượng đế ở đâu?” Và tôi nghe bên trong tôi có tiếng trả lời: Ở “Ở đâu ư? Ngài ở đây - Ngài đang bị treo cổ ở đây, trên giá treo cổ này...” Đêm đó xúp có mùi xác chết. 5. Mùa hè đang hết. Năm Do thái gần qua. Trong lễ Rosh Hashanah, ngày cuối của cái năm đáng nguyền rủa này, toàn trại sôi nổi với tâm hồn tràn đầy căng thẳng của chúng tôi. Dù sao đi nữa, ngày ấy vẫn không giống bất cứ ngày nào khác. Ngày cuối năm. Tiếng “cuối” ngân vang lạ lùng. Nếu đây thật sự là ngày cuối thì sao? Bữa ăn tối đó người ta cho chúng tôi nhiều xúp nhưng chẳng ai chạm tay vào dĩa. Chúng tôi muốn chờ cho tới khi cầu nguyện xong. Tại nơi tập họp, bốn phía là hàng rào kẽm gai có truyền điện, hàng ngàn người Do thái im lặng tụ tập, nét mặt xúc động. Đêm xuống. Từ các ba-rắc, tù nhân nối tiếp nhau lũ lượt kéo tới, người ta bỗng dưng làm chủ được cả thời gian lẫn không gian, và trịnh trọng đưa chúng vào lời ước nguyện của mình. “Hỡi Thượng đế, Ngài là cái gì?” tôi suy nghĩ một cách giận dữ, “so với đám đông khốn khổ này, những kẻ đang bày tỏ với Ngài đức tin của họ, cơn thịnh nộ của họ, sự nổi loạn của họ? Hỡi Chúa Tể Càn khôn, sự tối thượng của Ngài có nghĩa lý gì trước toàn bộ yếu đuối, phân hủy và thối rữa này? Tại sao Ngài tiếp tục gây khủng hoảng cho những tâm trí thương tật của họ, cho những hình hài què quặt của họ?” Mười ngàn người tới dự lễ phụng vụ trọng thể, các trưởng ba rắc, các Kapo, những chức việc của Thần chết. “Nguyện xin Đấng Hằng cửu...” Tiếng vị chủ tế chỉ vừa đủ nghe. Ban đầu tôi tưởng tiếng gió. “Nguyện Danh Ngài Đấng Muôn Đời!” Hàng ngàn tiếng nói lặp lại lời kinh ấy, hàng ngàn người sấp mặt rạp mình xuống đất như cỏ cây trước bão tố. “Nguyện Danh Ngài Đấng Muôn Đời!” Tại sao? Tại sao tôi nên cầu khẩn danh Ngài! Tôi nổi loạn trong từng đường gân sớ thịt. Vì Ngài đã có hàng ngàn trẻ em bị thiêu trong các nhà trạm của Ngài ư? Vì Ngài giữ cho sáu lò thiêu hoạt động suốt ngày suốt đêm, luôn cả Chúa nhật và các ngày lễ? Vì bằng sức mạnh của mình, Ngài đã tạo ra Auschwitz, Birkenau, Buna và rất nhiều nhà máy tử thần khác? Làm sao tôi có thể nói với Ngài: “Nguyện xin Ngài, Đấng Muôn đời, Chúa Tể Càn khôn, Đấng đã chọn chúng tôi giữa các chủng tộc, để chúng tôi bị hành hạ suốt ngày suốt đêm, để chúng tôi thấy cha mình, mẹ mình, anh chị em mình chấm hết cuộc đời trong các lò thiêu? Tán tụng Danh Cực Thánh của Ngài, Đấng đã chọn chúng tôi để chúng tôi bị tàn sát trên đàn tế lễ Ngài?” Tôi nghe giọng vị chủ tế cất cao đầy uy lực đồng thời cũng không kém phần tức tưởi, giữa những giọt nước mắt, những tiếng thổn thức và những hơi thở dài của toàn thể cộng đoàn: “Tất cả quả đất và vũ trụ là của Thượng đế!” Ông ngưng giọng từng chặp, như thể chẳng còn chút hơi sức nào để tìm cho ra ý nghĩa nằm bên trong những lời đó. Giai điệu nghẹn lại trong cổ họng ông. Và tôi, bí nhiệm về cái tôi đang là, tôi nghĩ: “Vâng, con người quá đổi mạnh mẽ và lớn lao hơn Thượng đế. Khi bị A-đam và E-va đánh lừa, Ngài đuổi họ ra khỏi Địa đàng. Khi thế hệ No-e làm mất lòng Ngài, Ngài giáng xuống Cơn Hồng thủy. Khi thành Sô-đôm không còn vừa mắt yêu mến của Ngài, Ngài khiến bầu trời mưa xuống lửa và diêm sinh. Những người này đây, những người đang bị Ngài phản bội, những người Ngài để cho bị tra tấn, tàn sát, chết ngạt, chết thiêu, họ đã và đang làm gì? Họ cầu nguyện trước Ngài! Họ tán tụng danh Ngài!” “Mọi tạo vật đều làm chứng sự Vĩ đại của Thượng đế!” Đã một thời Ngày Đầu Năm từng chế ngự tôi. Tôi đã có thời từng biết rằng tội lỗi mình làm Đấng Hằng cửu sầu khổ; tôi đã từng kêu van Ngài tha thứ. Tôi đã từng tin tưởng sâu xa rằng công cuộc cứu độ thế gian treo lơ lửng trên hành vi đơn độc của tôi, trên lời nguyện cầu đơn độc của tôi. Hôm nay tôi không còn nài xin. Tôi không còn khả năng than khóc. Trái lại, tôi cảm thấy mình mạnh mẽ. Tôi là người lên án, Thượng đế là kẻ bị kết án. Mắt tôi mở ra và tôi cô đơn - cô đơn kinh khủng trong một thế giới không Thượng đế và không con người. Không tình yêu không ân sủng. Tôi thôi không còn là gì ngoài tro than, tuy thế tôi cảm thấy mình mạnh mẽ hơn Đấng Toàn năng, kẻ mà đời tôi đã bị ràng buộc vào trong một thời gian quá dài. Tôi đứng giữa cộng đoàn đang cầu nguyện, quan sát nó như thể mình là người lạ. Buổi phụng vụ chấm dứt với kinh cầu hồn Kaddish. Mọi người đọc kinh Kaddish cho cha mẹ mình, cho con cái mình, cho anh chị em mình, và cho chính bản thân mình. Trong một lúc lâu, chúng tôi đứng lại ở nơi tập họp. Không người nào dám lết mình ra khỏi ảo vọng này. Lúc đó, đã tới giờ đi ngủ, các tù nhân chầm chậm men theo lối đi về ba-rắc mình. Tôi nghe người ta chúc nhau Năm Mới Hạnh Phúc! Tôi chạy một mạch tìm cha tôi. Đồng thời, tôi sợ nói lời chúc ông Năm Mới Hạnh Phúc trong khi tôi chẳng còn tin tưởng vào lời ấy. Ông đang đứng bên bức tường, lưng còng xuống, vai lệch hẳn như thể dưới một gánh nặng. Tôi đi tới bên ông, cầm tay ông lên mà hôn. Một giọt nước mắt rơi xuống bàn tay ông. Nước mắt này của ai? Của tôi? Của ông? Tôi không nói gì. Ông cũng không nói gì. Chưa bao giờ chúng tôi hiểu nhau tận tường như thế. Tiếng chuông reo khiến chúng tôi giật mình về với thực tại. Chúng tôi phải đi ngủ. Từ chốn xa xăm chúng tôi trở về. Tôi ngước mắt nhìn lên khuôn mặt cha tôi đang ngó xuống tôi, cố tìm thấy một nụ cười hay điều gì giông giống như thế trên nét mặt khô cằn tuổi tác đó. Không gợn chút cảm xúc nào. Nãn thật. Ngày Yom Kipur. Ngày Đền Tội. Chúng tôi nên ăn chay không? Vấn đề ấy gây tranh luận sôi nổi. Ăn chay có nghĩa là chết chắc hơn, chết lẹ hơn. Ở đây chúng tôi đang hoàn toàn ăn chay quanh năm. Suốt năm là ngày Yom Kipur. Những người khác nói rằng nên ăn chay tàm tạm thôi vì ăn chay rốt ráo thì rất nguy hiểm. Chúng ta nên biểu lộ với Thượng đế rằng ngay cả ở đây, trong địa ngục có hàng rào vây quanh này, chúng ta vẫn có khả năng hát lời tán tụng Ngài. Tôi không ăn chay, chủ yếu là làm vui lòng cha tôi vì ông cấm tôi ăn chay. Thêm nữa, chẳng còn lý do nào để tôi ăn chay. Tôi không còn chấp nhận sự im lặng của Thượng đế. Khi húp chén xúp của mình, tôi thấy trong cử chỉ đó hành động nổi loạn và chống đối Ngài. Và tôi gặm vụn bánh mì của mình. Tận đáy sâu tâm hồn mình, tôi cảm thấy vô cùng trống rỗng. SS tặng một món quà hay ho cho chúng tôi dịp đầu năm mới. Chúng tôi vừa lao động trở về. Mới bước vào cổng trại, chúng tôi đã cảm giác trong không khí có điều gì khác lạ. Điểm diện như thường lệ. Xúp tối đó được phát rất nhanh và nuốt lập tức, một cách khổ sở. Tôi không còn được ở chung ba-rắc với cha tôi. Tôi bị chuyển qua đơn vị khác, đơn vị xây cất, ở đó lao động mười hai giờ mỗi ngày, phải kéo lê các khối đá nặng nề. Trưởng ba-rắc mới của tôi là một người Do thái Đức, vóc người nhỏ thó, đôi mắt xoi mói. Tối đó anh nói sau bữa xúp chiều không ai được ra ngoài. Rồi chẳng bao lâu, lan truyền một tiếng khủng khiếp: tuyển lựa. Chúng tôi hiểu rõ tiếng đó có ý nghĩa gì. Một quan chức SS sẽ xem xét chúng tôi. Hễ lúc nào hắn thấy có ai quá yếu - kẻ bị loại trừ, như chúng tôi gọi họ, hắn ghi số của người ấy: thích hợp cho lò thiêu. Sau bữa xúp, chúng tôi tụ tập quanh các sạp giường. Những tù nhân lão làng nói: “Các người hên vì bị đưa vào đây rất trễ. Ngày nay, trại này là địa đàng so với hai năm trước. Thuở ấy Buna là địa ngục thật sự. Không nước, không mền, ít xúp và bánh mì. Ban đêm chúng tôi ngủ gần như trần truồng và trời dưới không độ. Ngày nào cũng lượm hàng trăm xác chết. Lao động nặng nhọc. Ngày nay trại này là một địa đàng nhỏ. Thuở đó, lũ Kapo được lệnh mỗi ngày giết một số lượng tù nhân nhất định. Và tuần nào cũng có tuyển lựa. Tuyển lựa không chút xót thương... Vâng, các người hên lắm.” “Ngưng lại! Im đi!” tôi năn nỉ. “Để chuyện các bác lại tới ngày mai hay ngày khác hãy kể.” Họ phá lên cười. Không phải tự nhiên mà họ lên lão làng. “Mày sợ à? Tụi tao cũng từng sợ như vậy. Và thuở đó có nhiều thứ cho mình sợ.” Những người lớn tuổi ở yên trong xó của mình, ngớ ngẩn, bất động, bị săn đuổi. Vài người đang đọc kinh. Được hoản lại thêm một giờ. Trong một giờ nữa, chúng tôi sẽ biết phán quyết: chết hoặc tạm ngưng án tử hình. Và cha tôi? Tôi chợt nhớ tới ông. Làm sao ông vượt qua được cuộc tuyển lựa? Ông đã có tuổi... Trưởng ba-rắc của chúng tôi từ năm 1933 tới nay chưa từng ở ngoài các trại tập trung. Anh đã qua tất cả các lò sát sinh, tất cả các nhà máy tử thần. Khoảng chín giờ, anh đứng lên, giữ vị trí mình ở giữa chúng tôi: “Im lặng!” Im lặng lập tức. “Nghe kỹ điều tôi nói đây,” (lần đầu tiên tôi thấy giọng anh run run). “Chhút nữa thôi sẽ bắt đầu cuộc tuyển lựa. Các người phải cởi hết quần áo. Lúc đó từng người một tới trước các bác sĩ SS. Tôi hy vọng hết thảy các người đều qua trót lọt. Nhưng ai cũng phải nắm lấy cơ hội của mình. Trước khi vào phòng kế bên, các người phải cử động sao đó cho hồng người lên một tí. Đừng đi chậm. Chạy! Chạy như ma đuổi! Chớ ngó tên SS, cứ chạy một mạch tới phía trước mình!” Anh bỗng ngưng lại một chút, rồi thêm: “Và điều cốt yếu là: không sợ!” Đây là chút lời khuyên mà chúng tôi rất muốn mình theo cho bằng được. Tôi cởi quần áo, để quần áo mình trên chỗ nằm. Tối nay chẳng còn lo có ai ăn cắp. Tibi và Yossi, bị chuyển đơn vị cùng lượt với tôi, tới chỗ tôi đứng, nói: “Mình ở sát nhau nghe. Mình sẽ mạnh bạo hơn.” Yossi lầm bầm điều gì đó trong kẽ răng. Nó hẳn đang cầu nguyện. Tôi chưa bao giờ thấy Yossi là người có đức tin. Thậm chí lúc nào tôi cũng nghĩ ngược lại. Tibi im lặng, xanh lè. Tất cả tù nhân trong ba-rắc đứng trần truồng dọc dãy sạp nằm. Đây chắc là cách người ta đứng trong ngày phán xét tận thế. “Họ đang tới!” Có ba viên chức SS đứng bao quanh Tiến sĩ Mengele quí tộc, kẻ tiếp nhận chúng tôi tại Birkenau. Trưởng ba-rắc cố vén môi cười, hỏi chúng tôi: “Sẵn sàng chưa?” Vâng, chúng tôi đã sẵn sàng. Các bác sĩ SS cũng thế. Tiến sĩ Mengele cầm trên tay một danh sách: các con số của chúng tôi. Hắn ra hiệu cho trưởng ba-rắc: “Chúng ta bắt đầu được rồi!” Làm như đây là một trò chơi! Đầu tiên đi ngang là các “chức sắc” của ba-rắc: Stubenaelteste, các Kapo, các người cai, đương nhiên là tất cả đều tình trạng sức khoẻ dồi dào! Rồi tới lượt tù nhân thường chúng tôi. Tiến sĩ Mengele để ý họ từ đầu tới chân. Thỉnh thoảng hắn ghi xuống một con số. Ý nghĩ duy nhất choán hết tâm trí tôi là: đừng để con số mình bị ghi; đừng cho hắn thấy cánh tay trái xâm số của mình. Chỉ còn Tibi và Yossi đứng đằng trước tôi. Hai anh em qua rồi. Tôi kịp để ý là Mengele không ghi số của chúng. Ai đó thúc tôi. Tới lượt tôi. Tôi cắm đầu chạy. Đầu tôi nổ lùng bùng: mày gầy quá, mầy yếu quá, mày thích hợp với lò thiêu... Cuộc chạy đua dường như vô tận. Tôi nghĩ mình đang chạy suốt nhiều năm trường... Mầy gầy quá, mày yếu quá... Cuối cùng tôi tới đích, hết hơi. Khi lấy lại được hơi thở, tôi hỏi Yossi và Tibi: “Tao có bị ghi số không?” “Không,” Yossi nói. Nó thêm, cười chúm chím: “Dù có muốn thì hắn cũng chẳng kịp ghi số của mày, mày vọt lẹ quá...” Tôi bắt đầu cười. Tôi mừng. Lúc đó, việc của người khác thì quan trọng gì tới tôi chớ! Tôi không bị ghi số! Những người bị ghi số đứng qua một bên, bị toàn thể thế gian bỏ rơi. Vài người thầm lặng khóc. Các sĩ quan SS bỏ đi. Trưởng ba rắc xuất hiện, nét mặt anh phản chiếu sự mệt mỏi của mọi người. “Mọi sự kết thúc ổn thoả. Đừng lo. Không người nào bị gì cả. Không ai cả.” Anh lại rán mỉm cười. Có một người Do thái khốn khổ, hốc hác, khô đét, đau đáu hỏi anh với giọng run rẩy: “Nhưng...nhưng, thưa trưởng ba-rắc, họ ghi số tôi!” Trưởng ba-rắc không kềm được cơn giận đang bùng lên của mình. Cái gì! Có người không tin anh à! “Thế thì đã sao nào! Thế có nghĩa tao đang nói dối à! Tao nói cho tụi bây biết, một lần rồi thôi, không chuyện gì xảy tới cho tụi bây cả! Cho bất cứ ai cả! Tụi bây tuyệt vọng lút đầu lút cổ, đồ điên!” Chuông reng, dấu hiệu rằng khắp trại đã hoàn tất cuộc tuyển lựa. Với hết sức lực, tôi co giò chạy tới Ba-rắc 36. Trên đường, tôi gặp cha tôi. Ông chụp lấy tôi: “Sao? Con qua được chứ?” “Được. Còn cha?” “Cha cũng vậy.” Lúc này chúng tôi thở trở lại, khoẻ khoắn biết mấy! Cha tôi đem theo cho tôi một món quà - nửa suất bánh mì có được nhờ miếng cao su ông tìm thấy trong nhà kho, đổi đủ đóng đế một đôi giày. Chuông reng. Chúng tôi lại phải chia tay nhau, đi ngủ. Mọi sự qui định theo tiếng chuông. Chuông báo lệnh cho tôi và tôi tự động tuân lệnh. Tôi thù nó. Hễ lúc nào nằm mơ thấy một thế giới khá hơn thì tôi tưởng tượng ra thế giới đó không có cái chuông nào. Vài ngày trôi qua. Chúng tôi không còn nghĩ tới cuộc tuyển lựa. Đi lao động như thường lệ, chất các tảng đá nặng lên các toa chạy theo đường ray. Suất ăn bắt đầu sơ sài hơn: đó là thay đổi duy nhất. Như mọi ngày, chúng tôi chỗi dậy khi trời chưa rạng sáng. Chúng tôi nhận cà phê đen, suất bánh mì. Chúng tôi sắp lên đường ra bãi lao động như thường lệ. Trưởng ba-rắc chạy tới. “Im lặng một chút. Tôi có danh sách đây. Tôi đọc cho các người nghe. Ai có số tôi gọi sẽ không đi lao động sáng nay, ở lại trại.” Và, với giọng yếu ớt, anh đọc lên chừng mười số. Chúng tôi đã hiểu. Những số đó được chọn trong cuộc tuyển lựa. Tiến sĩ Mengele không quên chút nào. Trưởng ba-rắc về phòng mình. Mười tù nhân vây anh lại, níu áo: “Cứu chúng tôi với! Anh đã hứa mà...! Chúng tôi muốn đi bãi lao động. Chúng tôi đủ sức lao động mà. Chúng tôi là người lao động tốt. Chúng tôi có thể... chúng tôi sẽ...” Trưởng ba-rắc cố trấn an họ, đảm bảo với họ về số phận của họ, cắt nghĩa cho họ là ở lại ba-rắc thì đã sao, không phải có ý nghĩa là thê thảm. “Nói cho cùng tôi đây ngày nào cũng ở lại ba-rắc mà,” anh thêm. Dù nói gì đi nữa thì đó cũng chỉ là lời biện giải yếu ớt. Anh nhận ra điều đó, không nói thêm tiếng nào, bỏ đi vô phòng khóa cửa lại. Chuông vừa reng. “Sắp hàng!” Lúc này, lao động chắc là không nặng nhọc chút nào. Cốt yếu là được ở xa, xa hết sức xa khỏi ba-rắc, khỏi nơi chết chóc, khỏi trung tâm của địa ngục. Tôi thấy cha tôi chạy về phía tôi. Khắp người tôi đột nhiên run lẩy bẩy. “Chuyện gì vậy cha?” Thở chẳng ra hơi, ông nói hầu như không mở miệng nổi: “Cha, cũng vậy...cha, cũng vậy! Họ bảo cha ở lại trại.” Họ đã ghi số ông mà ông không nhìn thấy. “Rồi sẽ ra sao đây cha?” tôi đau đớn hỏi. Nhưng chính ông là người trấn an tôi. “Chưa có gì chắc chắn. Vẫn còn cơ hội thoát. Hôm nay tuyển lựa nữa... tuyển lựa có tính cách quyết định.” Tôi im lặng. Ông cảm thấy thời giờ của mình ngắn ngủi. Ông nói nhanh. Chắc hẳn ông muốn nói rất nhiều điều. Lời ông càng lúc càng hoang mang. Ông hiểu trong chốc lát thôi tôi phải đi. Ông sẽ phải ở lại cô độc, quá đổi cô độc. “Coi, con cầm con dao này,” ông bảo tôi. “Cha chẳng cần nó nữa. Nó có thể ích lợi cho con. Với lại, con cầm cái muỗng này. Đừng bán chúng. Lẹ lên! Tiếp tục nghe. Con cầm lấy những thứ cha cho con đây!” Của thừa kế. “Cha, đừng nói như thế.” (Tôi cảm thấy mình sắp oà khóc.) “Con không muốn cha nói như vậy. Cha cứ giữ muỗng và dao. Cha cũng cần chúng như con vậy. Cha con mình sẽ lại gặp nhau tối nay sau lao động mà.” Ông nhìn tôi bằng đôi mắt mỏi mệt, đầy ắp tuyệt vọng. Ông tiếp tục: “Cha xin con việc này... Con cầm lấy chúng. Hãy làm điều cha yêu cầu này. Chúng ta không có thì giờ... Hãy làm theo lời cha của con yêu cầu.” Tên Kapo của tôi đã gào lên, chúng tôi phải đi. Đơn vị lên đường ra phía cổng trại. Một, hai! Tôi cắn môi. Cha tôi ở lại, đứng bên một ba-rắc, lưng dựa vào vách. Lúc ấy ông lại bắt đầu chạy, bắt cho kịp chúng tôi. Có lẽ ông quên điều gì đó mà ông muốn nói với tôi... Nhưng chúng tôi đang bước quá nhanh... Một, hai! Chúng tôi tới cổng rồi. Họ đếm chúng tôi, theo tiếng nhạc quân hành inh ỏi. Chúng tôi đã ra ngoài. Suốt ngày đó tôi lang thang thơ thẩn như mộng du. Thỉnh thoảng Tibi và Yossi ném cho tôi một lời đầy tình anh em. Tên Kapo cũng thế, ra sức trấn an tôi. Hôm nay, hắn giao tôi công tác dễ làm hơn. Tôi thấy tim mình đau nhức. Người ta đối xử tôi tốt lành biết mấy! Như trẻ mồ côi! Tôi nghĩ: cho đến tận lúc này, cha tôi vẫn còn phù hộ tôi. Chính tôi cũng chẳng biết mình muốn gì - muốn hôm nay trôi qua thật lẹ hay không. Tôi sợ đêm nay tôi thấy mình cô độc. Thật tốt lành biết mấy nếu được chết ngay lúc này! Cuối cùng đã tới lúc bắt đầu chuyến về trại. Tôi thèm nghe lệnh chạy biết mấy! Nhạc quân hành. Chiếc cổng. Trại. Tôi chạy tới ba-rắc 36. Trần gian chốn này vẫn có phép lạ sao? Ông còn sống. Ông đã thoát cuộc tuyển lựa thứ hai. Ông đã chứng tỏ được mình vẫn còn dùng được... Tôi đưa lại ông dao và muỗng. Akiba Drumer đã bỏ chúng tôi mà đi, làm nạn nhân của cuộc tuyển lựa. Mới đây, ông đi lang thang giữa chúng tôi, mắt đờ đẩn, kể cho chúng tôi về sự suy nhược của ông: “Tôi không tiếp tục nổi...Xong hết rồi...” Không nâng được tinh thần ông lên. Ông không chịu nghe những gì chúng tôi nói với ông. Ông chỉ lặp đi lặp lại rằng với ông tất cả xong hết rồi, rằng ông không còn có thể theo đuổi cuộc chiến đấu, rằng ông chẳng còn chút hơi sức lẫn đức tin nào. Thình lình, đôi mắt ông lạc thần, không còn gì nữa ngoài hai vết thương há miệng, hai hốc mắt kinh hãi. Trong những ngày tuyển lựa ấy, ông không phải là người duy nhất mất đức tin. Tôi quen một thầy cả đến từ một thành phố nhỏ ở Ba lan, một ông lão lưng còng, môi lúc nào cũng run run. Ông cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, trong ba-rắc, ở bãi lao động, khi xếp hàng. Ông có thể đọc thuộc lòng từ đầu đến cuối hàng hàng trang sách Talmud, tranh luận với chính mình, đặt câu hỏi cho mình. Và ngày nọ, ông nói với tôi: “Chấm hết rồi. Thượng đế chẳng còn ở với chúng ta nữa.” Và như thể hối hận vì những lời quá đổi phạm thượng, quá đổi lạnh lùng đó, ông nói thêm với giọng yếu ớt: “Ta biết. Con người không có quyền nói những điều như thế. Ta biết. Loài người quá nhỏ nhoi, quá hèn mọn và không đáng kể gì trong cuộc mưu tìm am hiểu những cách thức bí nhiệm của Thượng đế. Nhưng ta làm được gì? Ta không phải là một hiền giả, kẻ được chọn, cũng không là một vị thánh. Ta chỉ là một tạo phẩm bình thường bằng xương bằng thịt. Ta cũng có mắt và ta có thể thấy những gì người ta đang làm ở đây. Đấng Ân sủng thiêng liêng đâu rồi? Thượng đế đâu rồi? Làm sao ta có thể tin, làm sao ai khác có thể tin vào Thượng đế đầy ân sủng?” Akiba Drumer khốn khổ, nếu ông có thể tiếp tục tin vào Thượng đế, nếu ông có thể thấy được bằng chứng của Thượng đế tại đồi khổ nạn Núi Sọ này, thì ông đã không bị cuộc tuyển lựa túm lấy. Nhưng ngay khi ông cảm thấy trong đức tin của mình có những nứt rạn đầu tiên thành vết thì đó là lúc ông đã đánh mất lý do chiến đấu và ông bắt đầu tử nạn. Trước khi xảy ra cuộc tuyển lựa là ông đã tự kết án mình rồi, vươn cổ mình ra cho tên đao phủ. Tất cả những gì lúc ấy ông yêu cầu chúng tôi là: “Trong vòng ba ngày nữa tôi sẽ chẳng còn ở đây... Xin đọc kinh cầu hồn Kaddish cho tôi...” Chúng tôi hứa với ông. Suốt thời gian ba ngày ấy, hễ thấy khói bốc lên từ ống khói là chúng tôi sẽ nghĩ tới ông. Chúng tôi sẽ tụ tập đủ mười người để cử hành một lễ đặc biệt. Tất cả bạn hữu của ông sẽ cùng nhau đọc kinh Kaddish cho ông. Kế đó, ông đi thẳng về phía bệnh xá, bước chân vững chải hơn, chẳng ngoái nhìn lui. Xe cứu thương đang chờ chở ông tới Birkenau. Những ngày đó thật kinh hoàng. Chúng tôi nhận được các cú đánh nhiều hơn đồ ăn; chúng tôi bị lao động nghiền nát. Và ba ngày sau khi ông đi, chúng tôi quên đọc kinh Kaddish. Đông đến. Ngày ngắn. Đêm trở lạnh gần như không chịu nổi. Trong những giờ sáng tinh sương, gió buốt quất chúng tôi như roi. Chúng tôi được phát quần áo mùa đông - những chiếc sơ-mi mong manh, dày hơn. Việc ấy cho những người lão làng thêm tư liệu đùa cợt. “Lúc này các người mới thiệt sự nếm mùi trại!” Chúng tôi đi lao động như thường lệ, cơ thể đông đặc. Các khối đá lạnh lẻo tới độ có vẻ nếu chạm tới thì tay chúng tôi bị dán chặt vào chúng. Nhưng dù gì rồi cũng quen dần. Ngày lễ Giáng sinh và đầu năm Dương lịch, không lao động. Chúng tôi được cho xúp nhiều hơn, tuy loảng hơn. Khoảng giữa Tháng Giêng, bàn chân phải của tôi bắt đầu sưng húp vì lạnh. Tôi không đặt bàn chân đó xuống đất được. Tôi đi khám. Bác sĩ, một bác sĩ cao quí người Do thái, tù nhân như chúng tôi, hoàn toàn dứt khoát: tôi phải mổ. Nếu còn chờ thì các ngón chân - và có thể cả cái chân - sẽ bị cưa. Việc ấy là cái rơm rác sau cùng! Nhưng tôi không chọn lựa được. Bác sĩ đã quyết định mổ, và không có chuyện nói tới nói lui gì cả. Tôi còn mừng rằng chính ông ấy là người đưa quyết định. Người ta đặt tôi vô giường có khăn trải giường trắng. Tôi đã quên là người ta nằm ngủ có khăn trải giường. Bệnh xá không tệ chút nào. Chúng tôi được phát bánh mì ngon và nhiều xúp hơn. Không còn tiếng chuông reng. Không còn điểm diện. Không còn lao động. Thỉnh thoảng tôi có thể gởi cho cha tôi một miếng bánh mì. Nằm gần tôi là một người Do thái Hungary, bị ngã quị vì kiết lỵ - da bọc xương, đôi mắt lạc thần. Tôi chỉ có thể nghe giọng nói của ông; đó là dấu hiệu duy nhất ông còn sống. Không biết ông lấy đâu ra hơi sức mà nói? “Thằng nhóc, mày chớ vội mừng. Ở đây cũng có tuyển lựa. Thường xuyên hơn ở ngoài. Nước Đức không cần những tên Do thái đau ốm. Nước Đức không cần tôi. Đến lần vận chuyển sắp tới, mày sẽ có láng giềng mới. Vậy hãy nghe lời ta, và nhớ lời ta khuyên: ra khỏi bệnh viện trước khi có cuộc tuyển lựa sắp tới!” Những lời đó như phát ra từ lòng đất, từ một dáng người không mặt, làm tôi chới với hãi hùng. Thật đúng là bệnh xá quá nhỏ và rằng nếu trong vài ngày tới nhiều người bệnh vào thì phải tìm ra chỗ cho họ. Nhưng có thể ông láng giềng không mặt của tôi sợ mình sẽ ở trong số nạn nhân đầu tiên nên đơn giản là chỉ muốn tống cổ tôi đi, cho giường tôi trống chỗ để ông có cơ hội sống sót. Có thể ông ta chỉ dọa thôi. Tuy vậy, nếu ông nói đúng sự thật thì sao? Tôi quyết định chờ các biến cố. Bác sĩ tới nói với tôi mai là ngày mổ. “Đừng sợ,” ông thêm. “Mọi sự sẽ êm xuôi.” Lúc mười giờ sáng, người ta đem tôi vô phòng giải phẫu. Bác sĩ “của tôi” đã ở đó. Điều ấy làm tôi an tâm. Tôi cảm thấy hễ khi nào còn có ông ở đó thì chẳng có gì trầm trọng xảy ra. Trong mỗi lời ông nói đều có niềm an ủi và trong mỗi ánh mắt ông nhìn đều chuyển cho tôi lời nhắn nhủ chứa chan hy vọng. “Con của ta, nó làm con đau lắm đấy,” ông nói, “nhưng rồi sẽ qua thôi. Cắn răng con lại.” """